Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Tư, 2024, 12:26:40 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn lửa chiến tranh lạnh - Tập 1  (Đọc 157027 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #50 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2009, 02:42:58 pm »

Trước khi bước vào trao đổi ý kiến, Tơruman phát hiện thấy mình quá chú ý vào việc đọc văn bản, bèn vội tìm mấy lời khách sáo. Ông nói:

- Tôi không nghĩ rằng mình được chọn làm chủ tịch phiên họp này, cho nên tôi đã không thể biểu đạt ngay tình cảm của tôi Tôi rất vui mừng được làm quen với Ngài, vị Đại Nguyên soái và với Ngài, ngài Thủ tướng. Tôi hiểu rằng, ở đây tôi thay mặt cho một con người không có gì thay thế được, đó là cố Tổng thống Rudơven. Tôi sẽ cảm thấy rất sung sướng nếu như tôi có thể, dù chỉ là một phần, không phụ lòng mong muốn của các ngài đối với Tổng thống Rudơven. Tôi nguyện sẽ tiếp tục củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa cố Tổng thống và các ngài....

Nhân danh đoàn đại biểu Anh, Sớcsin cám ơn Tơruman đã nhận chủ trì phiên họp và bày tỏ lòng thương tiếc cố Tổng thống Rudơven.

Xtalin bổ sung thêm một cách ngắn gọn, rằng những lời Sớcsin nói đã diễn đạt rất đầy đủ tình cảm của đoàn đại biểu Liên Xô.

Kết thúc lời phát biểu về chương trình hội nghị, Tơruman nói:

- Những vấn đề tôi nêu ra với các ngài đương nhiên là rất quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không bổ sung vào chương trình những vấn đề khác.

Là tay lão luyện trên bàn đàm phán, Sớcsin không có sự chuẩn bị cẩn thận như Tơruman, tay chân của ông ta cũng đã có ý kiến về thái độ tùy tiện đó. Bá tước Alêchxanđrơ Jađơcan mô tả Thủ tướng như thế này: "Từ lúc rời Luân Đôn, Thủ tướng không làm bất cứ việc gì, cũng không đọc bất cứ thứ gì. Điều này tất nhiên cũng có thể, nhưng như vậy ông sẽ không có cái để mà xoay xở. Nếu như chẳng biết gì về vấn đề đang được thảo luận thì ông đừng nên phát biểu, hoặc để cho Bộ trưởng Ngoại giao của ông phát biểu. Ông đã không làm như vậy mà cứ mỗi lần tranh luận, ông lại phát biểu những lời chẳng đâu vào đâu. Ngược lại, Tơruman là con người linh hoạt nhất, cẩn thận nhất".

Nghe xong những kiến nghị của Tơruman, Sơcsin khiến ông thấy giật mình ông đứng lên phát biểu một thôi một hồi, rồi nhấn mạnh:

- Tôi cho rằng, chúng ta bây giờ nên định ra một số kế hoạch làm việc, để xem liệu chúng ta có thể tự hoàn thành chương trình đó không, hay sẽ giao một số vấn đề cho các Ngoại trưởng thảo luận. Tôi thấy, chúng ta không cần thiết ngay một lúc định ra toàn bộ chương trình hội nghị. Chúng ta có thể chỉ giới hạn trong việc xác định chương trình làm việc từng ngày. Ví dụ, tôi muốn bổ sung thêm vấn đề Ba Lan.

Xtalin tỏ ý hoài nghi về trình tự do Sớcsin đưa ra. Ông nói:

- Tốt nhất vẫn là để cho các đoàn đại biểu của ba nước đưa ra tất cả các vấn đề mà theo họ cần đưa vào chương trình. Nga muốn đưa ra vấn đề về phân chia chiến hạm Đức, hai là vấn để bồi thường, sau đó, nên thảo luận vấn đề về những vùng lãnh thổ được uỷ trị.

Sớcsin cảnh giác hỏi lại ngay:

- Vùng lãnh thổ được uỷ trị mà Ngài nói là ở châu Âu hay trên toàn thế giới?

Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô tránh trả lời chính diện. Ông nói, ông vẫn chưa hiểu đích xác đó là chỉ những vùng lãnh thổ nào, nhưng "người Nga muốn tham gia vào việc quản lý những vùng lãnh thổ đó". Tiếp đó, Xtalin nói rõ ý kiến của mình về chương trình của hội nghị . Theo ông, nên thảo luận vấn đề khôi phục quan hệ ngoại giao với các nước phụ thuộc Đức trước đây, cả vấn đề chính quyền Tây Ban Nha; những vấn đề về Xyri và Libăng cũng có thể đem ra thảo luận. Theo quan điểm của Xtalin, thảo luận vấn đề Ba Lan cần phải giải quyết một số vấn đề nảy sinh do việc Ba Lan thành lập Chính phủ Thống nhất dân tộc và vì thế phải giải tán Chính phủ lưu vong Ba Lan ở Luân Đôn.

Những đề nghị đó đã được chấp nhận. Những người tham dự phiên họp thỏa thuận, để Ngoại trưởng ba nước định kỳ khai hội và lựa chọn một chương trình với những vấn đề cụ thể mà những người lãnh đạo ba nước cần nghiên cứu trong các phiên họp toàn thể.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #51 vào lúc: 21 Tháng Năm, 2009, 02:43:08 pm »

Khi thảo luận vấn đề chức năng của Hội nghị Ngoại trưởng, Xtalin hỏi:

- Hội nghị Ngoại trưởng này phải lo chuẩn bị cho cả Hội nghị hoà bình thế giới nữa chứ?

- Đúng thế - Tơruman trả lời. 

- Chính là Hội nghị hòa bình sẽ chấm dứt tình trạng chiến tranh - Giọng Sớcsin tỏ ra sôi nổi, hào hứng,

- Ở châu Âu, chiến tranh đã kết thúc, - Xtalin nói một cách rõ ràng hơn - Hội nghị Ngoại trưởng cần xác định và đưa ra thời hạn triệu tập Hội nghị hòa bình.

Mọi người đều biết, Tơruman không muốn triệu tập Hội nghị hoà bình chút nào. Nhưng về chuyện đó ông ta chưa có ý định lật ngửa con bài của mình, cho nên đã trả lời "Đúng thế” trước câu hỏi của Xtalin, rồi lại nhấn mạnh thêm "Hội nghị hoà bình không nên triệu tập trước khi chúng ta thực sự chuẩn bị xong”. Thế là ông ta bị lộ tẩy.

Khi thảo luận việc thành lập Hội đồng Ngoại trưởng theo đề nghị của Tơruman, Xtalin hỏi, có phải Hội đồng này sẽ thay thế cho Hội đồng Ngoại trưởng thành lập ở Ianta? Vì sao để Trung Quốc tham gia thảo luận việc giải quyết vấn đề hoà bình ở châu Âu? Theo ý Sớcsin, Hội đồng này đặt ra chỉ để xem xét, cân nhắc về điều ước hoà bình, nó không thể thay thế Hội đồng Ngoại trưởng hiện có, cũng không thể thay thế Uỷ ban tư vấn châu Âu. Nhà lãnh đạo của nước Anh này cũng không đồng ý lắm với việc mời Trung Quốc tham gia Hội đồng Ngoại trưởng.

Theo đề nghị của Tơruman, những người dự họp đồng ý: phiên họp thứ hai không phải bắt đầu từ 5 giờ chiều, mà là từ 4 giờ chiều ngày 18.

- Nếu điểm này đã không thông qua - Tơruman nói- chúng ta dành vấn đề đến 4 giờ chiều mai thảo luận tiếp.

Nhưng trước khi phiên họp kết thúc đã diễn ra một cuộc đối thoại rất thú vị. Thư ký hội nghị ghi lại như sau:

“Xtalin. Chỉ có một vấn đề. Vì sao ngài Sớcsin không để cho người Nga được cái phần chiến hạm Đức đã chia cho họ?

Sớcsin: Tôi không phản đối. Nhưng ngài đã hỏi tôi vấn đề đó, thì câu trả lời của tôi là: số chiến hạm đó hoặc là đánh đắm hoặc là chia hết.

Xtalin: Ngài chủ trương đánh đắm hay chủ trương chia hết?

Sớcsin: Mọi công cụ chiến tranh đều là thứ đáng sợ

Chiến hạm nên chia hết. Nếu ngài Sớcsin cho rằng nên đánh đắm, thì ông có thể đánh đắm phần của ông. Còn tôi, tôi không định đánh đắm phần của tôi.

Sớcsin: Trước mắt, hầu như toàn bộ chiến hạm của Đức đều nằm trong tay chúng tôi.

Xtalin: Vấn đề là ở chỗ ấy, vấn đề là ở chỗ ấy. Cho nên chúng ta mới phải giải quyết vấn đề này”.


Nhớ lại lần trước, chung quanh vụ các nước lớn phương Tây giao nộp các chiến hạm của Italia, Chính phủ Liên Xô đã được một bài học đáng buồn. Tất nhiên, bây giờ họ cho rằng phải có thái độ kiên quyết đối với vấn đề chiến hạm của Đức.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #52 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2009, 04:41:26 pm »

Bom nguyên tử khiến Tơruman trở nên "cứng rắn"

Ngày 15 tháng 7 năm 1945, cũng là ngày thứ hai sau khi Tơruman đến Pốtxđam, trên bãi sa mạc gần Alamôgođô ở bang Niu Mêhicô, một đám các nhà khoa học đang bận rộn tíu tít, ở đây sắp sửa tiến hành một cuộc thí nghiệm quan trọng, tâm trạng của những người có mặt trên hiện trường vừa phấn khởi vừa căng thẳng.

5 giờ 10 phút, kim chỉ giờ nổ bắt đầu hoạt động! những người quan sát và các nhà khoa học núp dưới các đường hào, mắt đeo kính phòng hộ. Chiếc kim nhích dần, nhích dần tới gần số 0, mọi người hồi hộp đến nghẹt thở. Người phụ trách là thiếu tướng Glốp căng thẳng tới mức như sắp sửa phát điên lên. Đêm hôm trước ông vẫn nghĩ, bom nguyên tử sẽ làm khí quyển bốc cháy, nếu bốc cháy thật thì chỉ thiêu cháy một bang Niu Mêhicô này hay thiêu cháy cả toàn thế giới. Nhà vật lý học nổi tiếng Rôbe Ốppenhaimơ cũng chịu không nổi sự căng thẳng, ông nói với một quan chức: "Trời ơi, chuyện này làm người ta khó chịu quá”. Một nhà báo được mời đến chứng kiến, ông ta cầm sẵn giấy bút, khổ nỗi tay cầm bút cứ run lên bần bật.

Giờ G tới. Trên giá đỡ thép đặt rất xa bùng lên một luồng ánh sáng cực mạnh làm chói mắt mọi người, cứ như trên bầu trời cùng một lúc mọc ra tới mấy ông mặt trời lúc giữa trưa; tiếp theo là một quả cầu lửa khổng lồ vút lên không trung, như một vầng thái dương từ phía chân trời mọc lên. Đất cát từ mặt đất bị cuốn theo, tạo nên một chiếc cột dựng đứng rồi dần dần lan ra thành hình một chiếc nấm khổng lồ, cứ thế lên cao tới một vạn thước Anh mới tắt. Trong vòng bán kính hơn 180 km đều có thể nhìn rõ luồng ánh sáng sau tiếng nổ, những cánh cửa sổ cách xa ngoài 230 dặm Anh cũng bị rung chuyển, rồi đổ vỡ nát. 

Kết quả cuộc thí nghiệm tốt hơn dự đoán. Những người có mặt ở hiện trường vui mừng khôn xiết. Người thì nhẩy cẫng lên, la thét, hoan hô; có người hình như chưa hết cơn căng thẳng, tay đặt lên ngực, miệng lầm bầm: "Chúa ơi, thành công rồi, thế là thành công rồi?". Những khu vực gần nơi thí nghiệm, xác súc vật nằm ngổn ngang, cây cỏ không còn thấy đâu cả

Sóng vô tuyến tức tốc truyền tin này tới Nhà Trắng. Lúc đó Tơruman vừa mới từ Béclin về tới nơi ở, Ximxơn đang chờ ông ở đó. Qua gương mặt rạng rỡ của Bộ trưởng lục quân, Tổng thống biết nhất định có tin vui. Quả nhiên không ngoài dự đoán, Xtimxơn đưa cho Tơruman bức điện báo. Bức điện viết:

“Ca mổ sáng nay đã tiến hành. Biên bản chẩn đoán chưa nhận được, nhưng kết quả hình như rất tốt, và hơn cả sự mong muốn. Vì đã khiến phương xa chú ý theo dõi, cần thiết phải ra thông cáo báo chí tại chỗ. Bác sĩ Glốp rất vui ngày mai ông ấy về, tôi sẽ liên lạc với anh”.

Bức điện giả danh người bệnh được phẫu thuật thành công để ngầm báo tin vụ nổ bom nguyên tử đã thắng lợi. Cái gọi là "thông cáo báo chí” cốt để che mắt mọi người, phía quân đội sẽ tung tin một kho vũ khí bị nổ. Thông cáo báo chí của Glốp nói rằng: "Sáng hôm nay, tại khu vực cấm của căn cứ không quân Alamôgođô đã xảy ra vụ nổ lớn. Một kho chứa khối lượng lớn các chất nổ cực mạnh và các chất dùng cho đạn pháo hiệu đã bén lửa gây ra vụ nổ...". Một số nhà khoa học trong ngành đoán ngay đó là vụ thí nghiệm nổ bom nguyên tử vì họ biết rằng mấy chất kể trên không bao giờ được đề chung trong một kho.

Sáng hôm sau, nhân viên trực ban của trung tâm thông tấn Mỹ ở Pốtxđam nhận được một bức điện từ Oasinhtơn gửi tới với nội dung: "Harixơn gửi Bộ trưởng lục quân. Bác sĩ mới trở về, rất vui, tin chắc rằng thằng bé sẽ mạnh khỏe như cậu anh trai béo phị của nó. Đôi mắt cu cậu sáng đến nỗi từ đây đến trang viên cũng có thể nhìn thấy; tiếng khóc thét của cu cậu tôi ở cách nông trường cũng nghe rõ”. Nhân viên trực ban chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, chẳng lẽ Bộ trưởng Xtimxơn, một ông già ngoài 70 tuổi, bây giờ mới được làm bố. Xtimxơn chuyển ngay bức điện cho Tổng thống. Nội dung muốn nói gì, hai người tất nhiên quá rõ. Bức điện báo rằng, ở ngoài 250 dặm Anh cũng có thể nhìn thấy vụ nổ, ngoài 50 dặm Anh cũng có thể nghe thấy tiếng nổ rất to.

Nhận được tin cuộc thí nghiệm bom nguyên tử thành công, Tơruman tinh thần hết sức phấn chấn, ngực ưỡn, mặt vênh mỗi khi đi lại, vẻ đắc ý như khi đánh bài vớ được bài tốt. Mắc Roi, trợ lý Bộ trưởng lục quân, sau này hình dung lại cảnh lúc bấy giờ kể rằng, sau khi Tơruman và Sớcsin biết được tin, thái độ họ dự các phiên họp sau "cứ như một thằng bé vớ được của giấu trong người”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #53 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2009, 04:42:23 pm »

Có bom nguyên tử, Tơruman đã cứng cỏi hơn nhiều trên bàn đàm phán Pốtxđam, việc Liên Xô tham chiến với Nhật cũng trở nên không có gì quan trọng cả. 1 giờ 15 phút chiều ngày 18 tháng 7, Tổng thống Tơruman ngồi xe đến biệt thự của Sớcsin, Thủ tướng Anh mời ông cùng dự cơm trưa. Tơruman mang theo cả bức điện của Oasinhtơn vừa gửi tới báo cáo kết quả vụ thử bom nguyên tử ở Niu Mêhicô. Tổng thống Tơruman để Sớcsin xem xong bức điện rồi mới đưa ra câu hỏi: nên nói gì và nói như thế nào với Xtalin. Tất nhiên ông ta không giống Xtimxơn muốn tỏ ra có thiện ý với người Nga. Điều ông cân nhắc là làm thế nào tránh được việc người Nga chỉ trích ông ta rắp tâm chơi xỏ.

Theo Tơruman, nếu báo cho đại diện Liên Xô biết chi tiết về vụ nổ bom nguyên tử thì chỉ làm cho họ càng nhanh chóng tham chiến với Nhật, mà hiện nay điều ông ta cố sức tránh chính là chuyện này. Cả hai thủ lĩnh đều cho rằng, ở Viễn Đông nếu đã không cần tới sự giúp đỡ của Liên Xô nữa thì tốt nhất là im lặng, không nói gì về chuyện này với người Nga. Nhưng làm như thế sau này có thể xảy ra hậu quả xấu. Tất nhiên hai người đã bàn đến chuyện kéo dài thời gian cũng không sao, dứt khoát chờ đến khi Oasinhtơn gửi sang tương đối đầy đủ những tài liệu về vụ thử bom nguyên tử, khi đó tính sau. Nhưng báo cho Xtalin biết như thế nào và báo cho ông ta cái gì, vẫn là vấn đề khó khăn làm thế nào để không chính yếu nhất. Nếu thông báo bằng văn bản, e có vẻ chính thức hoá và có thể dẫn tới sự chú ý quá mức về tin này. Nếu triệu tập một phiên họp đặc biệt để báo cho Xtalin biết, ông có thể càng thận trọng hơn trong việc đối phó lại uy lực của vũ khí mới và càng mau chóng hơn trong việc điều quân đội Liên Xô sang Viễn Đông. Trong khi đó, cả Tơruman và Sớcsin đều mong muốn dựa vào uy lực của bom nguyên tử để kết thúc chiến tranh trước khi Liên Xô tham chiến.

Cân nhắc mọi khả năng, hai.người rút ra kết luận: Tốt nhất là thừa lúc Xtalin đang bận suy nghĩ những việc khác, cứ làm ra vẻ ngẫu nhiên, nhân chuyện gì đó nói qua để Xtalin biết chuyện này.

Tơruman nói:

- Tôi cho rằng, tốt nhất là sau khi chúng ta họp phiên toàn thể, nói cho ông ta biết rằng chúng ta có một loại bom đặc biệt, hoàn toàn mới (không nhắc đến từ "nguyên tử”) mà theo chúng ta, nó có thể có ảnh hưởng quyết định đối với ý đồ tiếp tục chiến tranh của Nhật.

Suy nghĩ giây lát, Sớcsin trả lời:

- Tôi đồng ý.

Điều các thủ lĩnh phương Tây đặc biệt lo lắng là: Trước khi người Mỹ "giành được” thắng lợi, Nhật Bản đừng thông qua kênh ngoại giao của Liên Xô mà tuyên bố đầu hàng. Hôm trước, Xtalin có nói với Thủ tướng Anh về động tác thăm dò của người Nhật và Sớcsin đã nói lại chuyện này với Tơruman. Sớcsin giải thích:

- Điểm quan trọng của các bước thăm dò này có thể tóm tắt như sau: Nhật không thể chấp nhận "đầu hàng vô điêu kiện", nhưng sẵn sàng thỏa hiệp với những điều kiện khác.

Tơruman hỏi lại:

- Vì sao Xtalin chưa nói cho người Mỹ biết tin này?

Sớcsin đưa ra ý nhận xét của mình:

- Có thể là người đứng đầu Chính phủ Liên Xô không muốn tham chiến với Nhật - Thủ tướng Anh giọng nhấn mạnh - Nhưng, nếu Mỹ và Anh muốn buộc Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện thì phải cân nhắc một điều, đó là người Mỹ phải chịu những hy sinh to lớn về người và của, và người Anh cũng phải trả giá bằng nhiều sinh mạng tuy có kém Mỹ chút ít. Do đó, có lẽ nên suy nghĩ thêm, điều kiện đó có thể diễn đạt bằng một phương thức khác, các nước Đồng minh vẫn có thể giành được cái chủ yếu mà họ đang cố giành, đồng thời cũng tạo cơ hội cho người Nhật giữ được "danh dự quân nhân".

Tơruman chẳng cần suy nghĩ, từ chối thẳng thừng đề nghị đó. Ông ta lo ngại, nếu chẳng may trong quá trình đòi đầu hàng vô điều kiện có chuyện gì trục trặc, người Nhật xin đầu hàng thông qua việc điều đình với Mátxcơva, chẳng hoá ra khi đó thắng lợi đã tuột khỏi tay người Mỹ? Tơruman muốn người Nhật lúc này tiếp tục kháng cự một cách quyết liệt. Như vậy, một mặt, có thể kiếm cớ để sử dụng bom nguyên tử với Nhật và qua đó khoe khoang "uy lực của Hoa Kỳ” với toàn thế giới (và cũng là với Liên Xô); mặt khác, đó là phương thức tốt thất để Oasinhtơn vơ về được nhiều hơn thành quả thắng lợi. Giờ phút những trái bom nguyên tử sẽ được ném xuống các thành phố Nhật Bản càng nhích lại gần, thì chiến lược của Nhà Trắng cũng ngày càng thể hiện rõ rệt: giành thắng lợi chiến tranh trước khi Liên Xô tham chiến với Nhật. Nghe Sớcsin nói đến "danh dự quân nhân" Nhật Bản, Tơruman chẳng chút động lòng. Ông ta bảo, sau vụ đánh trộm Trân Châu Cảng, người Nhật chẳng làm gì còn có "danh dự quân nhân” nữa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #54 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2009, 04:43:57 pm »

Qua hồi ký của Sớcsin, có thể thấy cuộc nói chuyện đó đã để lại cho Sớcsin một ấn tượng không vui. Ông ta cảm thấy, trong tình hình sức mạnh của Mỹ tăng trưởng, qua tác phong "dứt khoát quyết đoán và hùng hùng hổ hổ” của tân Tổng thống Hoa Kỳ và cung cách xử lý công việc của Tơruman, thì hình như thế giới đã bước vào "kỷ nguyên của nước Mỹ”.

Sớcsin vẫn muốn vớt vát cho nước Anh. Ông ta than vãn về địa vị thua kém của Anh là do trong thời kỳ chiến tranh phải một mình tác chiến, Anh đã vì sự nghiệp chung mà tiêu tốn mất quá nửa ngân sách đầu tư ra nước ngoài. Nghe nói vậy Tơruman bảo, quả là nước Mỹ còn nợ nước Anh một khoản lớn, nhưng lại nói thêm, nếu nước Anh thua trận như nước Pháp thì có thể hiện giờ nước Mỹ cũng đang phải một mình tác chiến với Đức trên lãnh thổ của mình, cho nên, không nên chỉ nhìn nhận quan hệ Mỹ-Anh trên phương diện tiền nong.

Sau những lời động viên an ủi như vậy, Tơruman lái câu chuyện sang vấn đề một số sân bay ở Anh "mà Mỹ đã bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng”. Ông ta nói, người Mỹ không thể dễ dàng bỏ rơi chúng, cần định ra một kế hoạch công bằng để sử dụng chung những sân bay đó. Sớcsin trả lời, ông ta muốn có một kế hoạch về việc Anh và Mỹ sử dụng sân bay của nhau và "các căn cứ khác trên thế giới” rối nói tiếp: “Hiện nay lực lượng của Anh tuy ít hơn Mỹ, nhưng nó vẫn có thể "cung cấp rất nhiều thứ” trong di sản của "đế quốc thời cực thịnh”.

- Vì sao chúng ta lại không chia nhau sử dụng các thiết bị phòng ngự ở các nơi trên thế giới nhỉ? Chúng tôi có thể tăng thêm 50% tính cơ động cho hạm đội Mỹ.

Sớcsin còn công khai tỏ ý Luân Đôn cũng yêu cầu được quyền sử dụng lãnh thổ của Mỹ. 

Tơruman bắt đầu cảnh giác: Sớcsin quá nóng vội trong việc muốn có những thoả thuận. 

- Mọi kế hoạch - Tơruman giọng lạnh nhạt- đều nên phù hợp với chính sách của Liên Hợp Quốc.

Tơruman tính toán, Mỹ sẽ phải giữ vai trò chính ở Liên Hợp Quốc và trên toàn thế giới. Việc Mỹ độc quyền về bom nguyên tử sẽ giúp ông ta đạt được mục tiêu đó. Do đó, tâm tư của Tổng thống lúc này đang mải bay về bang Niu Mêhicô, nơi đã thử thành công trái bom nguyên tử đầu tiên.

Rời biệt thự của Thủ tướng Anh, Tổng thống Mỹ đi thẳng đến nơi ở của người đứng đẩu Chính phủ Liên Xô.

Tơruman quyết định đến đáp lễ chuyến thăm “Tiểu Bạch cung” của Xtalin bữa trước. Cùng đi với Tổng thống có Quốc vụ khanh Bécna. Cùng tiếp Tơruman với Xtalin có Môlôtốp. Đối bên thăm hỏi nhau xong, Xtalin nói muốn thông báo với Tổng thống một tin mới. Ông đưa cho Tơruman bản sao bức điện của Thiên hoàng Nhật Bản gửi Đại sứ Nhật ở Mátxcơva mà Chính phủ Liên Xô nhận được. Tơruman vờ làm ra vẻ đọc bức điện, kỳ thực nội dung bức điện ông đã biết qua cuộc nói chuyện với Sớcsin vừa rồi. Trong lần hội kiến trước không thấy Xtalin nhắc đến chuyện này, nên Tơruman sinh nghi hoặc: Vì sao lại báo cho ông biết vào lúc này? Có thể Xtalin muốn thăm dò xem Sớcsin đã nói với Tơruman những gì và muốn tìm hiểu liệu ông Thủ tướng Anh có khuyên Tơruman nên sửa đổi phương án đầu hàng vô điều kiện của Nhật? Theo nhận định của một số nhà sử học Mỹ, phía Liên Xô đã nắm được một số tình hình về vụ thử bom nguyên tử, việc Xtalin quyết định lúc này mới nói cho Turuman biết lời thỉnh cầu của Nhật, dụng ý là ở chỗ muốn moi từ Tơruman một bí mật khác. Nhưng, như chúng ta đã thấy, Tơruman vẫn cho rằng, tiết lộ bí mật của ông ta vào lúc này là không thích hợp.

Xtalin hỏi Tơruman:

- Có cần trả lời bức điện của người Nhật?

Tổng thống không trả lời trực tiếp:

- Tôi không tin vào sự thành thật của người Nhật.

- Có thể làm như thế này chăng - Xtalin nói - Cứ trả lời cho người Nhật bằng một thông điệp, nội dung rất chung chung và không cụ thể, đồng thời vạch rõ tính chất của những đề nghị do phía Nhật đưa ra chỉ nhằm xoa dịu tâm trạng bất mãn của người Nhật.

Tơruman im lặng, tuồng như đang suy nghĩ điều gì.

Xtalin nói tiếp:

- Có hai cách để lựa chọn: hoặc là lờ đi, không trả lời; hoặc là dứt khoát cự tuyệt.

Tơruman đáp:

- Tôi thấy cách thứ nhất là thích hợp nhất.

- Đúng - Môlôtốp tiếp lời - Đó là thái độ đúng đắn và thực tế vì chúng ta không rõ bụng dạ người Nhật hiện đang nghĩ gì

Vấn đề được quyết định như vậy. Tơruman đứng dậy cáo từ. Chỉ lát nữa, phiên họp toàn thể của hôm nay sẽ bắt đầu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #55 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2009, 04:46:07 pm »

Sự bất đồng về khái niệm "Nước Đức".

Cuộc họp vừa bắt đầu, ngài Thủ tướng thích chơi trội đã đưa ra một vấn đề không ai ngờ tới.

Sớcsin nói:

- Hiện có khoảng 180 phóng viên nước ngoài tụ tập ở Béclin, họ cứ đòi lấy tin tức của hội nghị. Lấy không được, họ nổi khùng. Việc đưa tin của các nhà báo có thể ảnh hưởng đến dư luận, chúng ta chớ nên coi thường.

- Thế là tới cả một đại đội. Ai cho họ đến đây? - Xtalin bỏi.

- Tất nhiên họ không ở đây, không phải trong khu vực này, mà là ở Béclin - Sớcsin giải thích - Đương nhiên, chúng ta chỉ có thể yên tĩnh làm việc trong trường hợp được bảo mật, điều này chúng ta phải bảo đảm. Nếu được hai vị đồng ý, với tư cách một nhà báo lâu năm, tôi có thể đi nói chuyện với họ, giải thích cho họ hiểu sự cần thiết giữ bí mật hội nghị của chúng ta. Tôi có thể nói cho họ rõ, chúng ta rất thông cảm với họ, nhưng không thể tiết lộ tình hình ở đây. Theo tôi, nên có lời động viên an ủi để họ bình tĩnh lại.

Là người rất có kinh nghiệm trong việc đối phó với giới báo chí, Tơruman tất nhiên không muốn Sớcsin được hưởng vinh dự đó để rồi hoa chân múa tay, huênh hoang trước mặt các nhà báo, nên ông ta lạnh nhạt nói:

- Mỗi đoàn đại biểu chúng ta đều có người chuyên trách về tin tức. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ chúng ta tránh khỏi sự quấy rầy của các nhà báo. Cứ để cho họ thực hiện trách nhiệm của họ. Có thể uỷ nhiệm cho họ đi gặp các nhà báo.

Sớcsin cụt hứng sau khi biết rõ đề nghị của mình bị từ chối.

Cuộc họp nhất trí thông qua đề nghị thành lập Hội đồng Ngoại trưởng do Mỹ đưa ra. Do ba bên đã đồng ý, đề nghị này không mang ra thảo luận nữa.

Khi thảo luận vấn đề quyền hạn của Uỷ ban quản chế nước Đức, Sớcsin lại nêu ra vấn đề: nên lý giải như thế nào về danh từ "nước Đức”. Ông nói:

- Tôi chú ý đến từ "nước Đức” dùng ở đây. "Nước Đức” bây giờ nên hiểu như thế nào? Có thể hiểu nó là nước Đức trước chiến tranh không?

Tơruman tiếp lời, hỏi luôn:

- Đoàn đại biểu Liên Xô lý giải thế nào vấn đề này?

Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô cảm thấy các thủ lĩnh phương Tây đang chờ đợi, bèn trả lời với giọng kiên quyết:

- Nước Đức là nước Đức sau chiến tranh. Giờ đây không tồn tại một nước Đức nào khác. Tôi hiểu vấn đề này như vậy.

Rõ ràng các đại diện phương Tây không thỏa mãn với ý kiến đó, tiếp tục đưa ra một số câu hỏi mới để gây rối rắm.

Tổng thống Mỹ hỏi: 

- Nói đến nước Đức, liệu có thể hiểu là nước đức năm 1937 khi chiến tranh chưa xảy ra?

- Là nước Đức năm 1945 hiện nay - Giọng Xtalin vẫn dứt khoát.

- Nước Đức năm 1945 đã mất tất cả. Trên thực tế, nước Đức hiện nay đã không tồn tại nữa - Tơruman bác lại.

- Như chúng ta thường nói, nước Đức hiện nay là một khái niệm địa lý, - Đại biểu Liên Xô giải thích - Trước hết chúng ta hãy tạm thời hiểu như vậy. Không thể thoát ly những hậu quả của chiến tranh để bàn một cách trừu tượng.

- Cứ thế đã, song dẫu sao cũng phải có một định nghĩa cho khái niệm "nước Đức” - Tơruman nhấn mạnh - Theo tôi, nước Đức năm 1886 hoặc năm 1937 đều không phải là nước Đức năm 1945 hiện nay.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #56 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2009, 04:47:29 pm »

Xtalin nói với giọng như kết luận:

- Nước Đức đã thay đổi do những hậu quả của chiến tranh. Chúng ta phải chấp nhận một nước Đức như vậy.

Tơruman vẫn tiếp tục giữ ý kiến của ông ta, vẫn chủ trương phải có một định nghĩa cho khái niệm "nước Đức".

Đại biểu Liên Xô muốn thăm dò cho rõ dụng ý của đối phương, bèn hỏi:

- Có phải các ngài muốn xây dựng bộ máy hành chính của Đức ở cả khu vực Xutenđáp của Tiệp Khắc? ở khu vực mà người Đức đã đuổi hết người Tiệp đi? 

Trước câu hỏi vặn lại này, Tơruman lờ đi như không biết:

- Hay là những người dự họp chúng ta, khi nói nước Đức, chúng ta vẫn lấy nước Đức, trước chiến tranh, nước Đức năm 1937 làm chuẩn vậy?

- Về hình thức có thể hiểu như vậy, về thực chất thì không như thế - Xtalins nói - Nếu ở Cônixbuốc xuất hiện bộ máy hành chính của Đức, chúng tôi sẽ đuổi cổ nó đi, nhất định sẽ đuổi đi

Tơruman vẫn không chịu lùi. Ông ta nhắc lại rằng, ở hội nghị Crưm đã thoả thuận vấn đề lãnh thổ sẽ giải quyết trong Hội nghị hòa bình, nhưng vẫn cố nói:

- Rút cục chúng ta xác định thế nào về khái niệm "nước Đức” đây?

Tổng thống Mỹ nhắc đến Hội nghị hòa bình rõ ràng là muốn chuyển hướng vấn đề. Mặc dù từ lâu ông ta đã chủ trương không nên triệu tập Hội nghị đó, nhưng với lý do này, đoàn đại biểu Mỹ có thể trì hoãn một số vấn đề mà Oasinhtơn không muốn đàm phán với Liên Xô.

Cuộc tranh cãi về khái niệm “nước Đức" còn tiếp tục thêm một thời gian khá dài nữa. Người đứng đầu Chính phủ Liên Xô đề nghị:

- Chúng ta bàn sang vấn đề xác định biên giới phía tây của Ba Lan. Vấn đề Đức đã khá rõ rồi. Tôi thật khó nói nước Đức hiện nay là gì. Đó là một quốc gia không có Chính phủ, không có biên giới ổn định, vì đường biên giới không thể do quân đội của chúng ta hoạch định. Nước Đức hiện nay không có một quân đội nào, ngay cả quân biên phòng cũng không có. Nó bị chia cắt thành mấy khu vực chiếm đóng. Các ngài thử định nghĩa xem, "nước Đức" là cái gì? Đó là một quốc gia tan nát tả tơi.

Hình ảnh nước Đức thời bấy giờ qua sự mô tả của Xtalin quả thật khiến người ta khó quên. Nó một lần nữa chứng tỏ, giấc mộng bá chủ thế giới mà Hítle điên cuồng theo đuổi đã khiến nhân dân Đức rơi xuống vực thẳm đau khổ. Và những kẻ sau khi đập tan chủ nghĩa phát xít vẫn ôm mộng "lãnh đạo thế giới” rõ ràng cũng nên ngẫm nghĩ về điều đó.

Vấn đề khái niệm "nước Đức" còn được trao đổi kỹ hơn.

Biên bản Hội nghị có ghi như sau:

“Tơruman: Hay chúng ta lấy đường biên giới của nước Đức năm 1937 làm điểm xuất phát

Xtalin: Lấy cái gì làm điểm xuất phát cũng được. Dù thế nào thì cũng phải có điểm xuất phát. Về điểm này, cũng có thể lấy năm 1937. 

Tơruman: Đó là nước Đức sau khi ký kết Hoà ước Vecxay.

Xtalin: Đúng, có thể lấy nước Đức năm 1937 làm chuẩn, nhưng đó hoàn toàn chỉ là điểm xuất phát, chỉ là một giả thiết chúng ta đặt ra để tiện cho công việc của chúng ta.

Sớcsin: Đó chỉ được coi là điểm xuất phát. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sẽ bị nó ràng buộc.

Tơruman: Chúng ta đồng ý lấy nước Đức năm 1937 làm điểm xuất phát”.


Quả đúng như những điều sau này đã chứng tỏ, lập trường ngoan cố của các nước phương Tây trong vấn đề này hoàn toàn không chỉ liên quan đến vấn đề Đức, mà còn phản ánh mục tiêu lâu dài của Mỹ và cả của Anh trên mức độ nhất định, đối với toàn bộ việc sắp xếp thế giới sau chiến tranh, mà trước tiên là vấn đề biên giới phái tây của Ba Lan. Các chính khách Oasinhtơn và Luân Đôn biết rằng, âm mưu của họ muốn sử dụng nước này làm một trong những khâu chính của "tuyến phòng dịch" chống Liên Xô rất khó có triển vọng, bèn tìm mọi cách làm suy yếu chính quyền Ba Lan thân Liên Xô, đồng thời mưu toan gây sức ép với Liên Xô. Trên thực tế, nút của vấn đề là ở chỗ tìm một chỗ đứng để mặc cả với Liên Xô về vấn đề Ba Lan. Dĩ nhiên, việc này phải tiến hành tương đối thận trọng, vì các ông trùm nước lớn phương Tây ấy cũng tự thấy rằng lực lượng hiện có của mình chưa đủ để công khai đối đầu với Mátxcơva.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #57 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2009, 04:49:36 pm »

Sau khi cuộc thảo luận về vấn đề Đức cơ bản đã nhất trí, Xtalin bèn chuyển sang phát biểu về vấn đề Ba Lan. Ông yêu cầu tất cả tài sản, lục hải quân, tầu thuyền do Chính phủ lưu vong trước đây khống chế, phải lập tức chuyển giao cho Chính phủ Ba Lan hiện nay...

Sớcsin trả lời, Chính phủ lưu vong Luân Đôn chẳng có cái gì đáng gọi là tài sản ở Anh cả. Sau đó, ông Thủ tướng phát biểu một thôi một hồi rằng trong suốt cuộc chiến tranh, quân đội Ba Lan đã sát cánh chiến đấu với quân đội Anh, rằng họ đã cùng chiến đấu chống phát xít Đức..., rằng ông hy vọng những binh sĩ Ba Lan đó được trở về với gia đình của họ, còn những ai không muốn trở về có thể ở lại Anh và trở thành công dân của nước Anh....

Xtalin nói, ông không muốn gây khó dễ cho Chính phủ Anh. Ông đề nghị giao vấn đề này cho Ngoại trưởng ba nước giải quyết rồi báo cáo lại. Rõ ràng là hai nước Anh-Liên Xô luôn luôn đối chọi nhau trong phần lớn các vấn đề về Ba Lan. Nhưng với Tơruman, vấn đề ông ta quan tâm là bảo đảm cho Ba Lan có thể thành lập một Chính phủ thân Mỹ, bởi lẽ rất nhiều người Ba Lan mang quốc tịch Mỹ có vai trò vô cùng quan trọng về mặt chính trị. Sau này, ba ông trùm đều áp dụng một kiểu giống nhau: Mỗi khi thấy không thể thoả thuận được với nhau, họ bèn đá quả bóng đó sang cho các Ngoại trưởng.

Sau đó, Sớcsin trình bày vắn tắt về chủ trương thành lập một Chính phủ thống nhất cho cả ba khu vực chiếm đóng ở Đức. Xtalin tỏ ý tán thành. Phiên họp toàn thể lần thứ hai kết thúc ở đây. So với phiên họp lần trước, phiên họp này tiến triển nhanh hơn, nhưng các vấn đề nhạy cảm đối với cả ba ông trùm, như vấn đề bồi thường, vấn đề biên giới Ba Lan, phiên họp vẫn chưa đụng chạm tới. 

Nhận lời mời của Xtalin, 8 giờ tối hôm đó, Sớcsin đến chỗ ở của người đứng đầu Chính phủ Liên Xô để cùng dự bữa cơm tối. Sớcsin ở lại đó đến mãi một giờ rưỡi sáng hôm sau. Đi cùng với Thủ tướng chỉ có phiên dịch viên Bécxơ.

Sau này, Sớcsin đã kể lại tường tận cuộc gặp hôm đó. Ông viết trong nhật ký, tâm trạng Xtalin khi đó rất tốt. Sớcsin có đem theo một hộp xì gà Miến Điện mà ông rất thích hút tặng cho Stalin. Lúc nhận quà, Xtalin nói rằng hiện nay ông hút ít hơn nhiều so với trước, đôi khi chỉ hút tẩu không theo thói quen.

Chiếc tẩu thuốc cong cong, to vừa phải này cũng giống như thuốc lá xì - gà Miến Điện của Sớcsin, đã nổi danh bốn biển, thậm chí còn mang một ý nghĩa tượng trưng nào đó.

Chuyện kể rằng, nhiều năm sau, tại một làng vùng núi xa xôi thuộc miền Bắc Miến Điện, giữa một cái chợ đẹp như tranh và lúc nào cũng tấp nập, hàng hóa la liệt cần thứ gì có thứ nấy, người ta phát hiện thấy những điếu xì-gà bày trên chiếu cói, bên cạnh là chín điếu đặt trong hộp giấy mở sắn, đã thu hút sự chú ý của khách hàng. Nhãn hàng hóa được viết bằng chữ địa phương và chữ Anh: "Xì gà Sớcsin", còn chiếc tẩu cong người bán hàng gọi là "Tẩu thuốc Xtalin". Ở các thị trấn nhỏ hẻo lánh này, người ta đã dùng một phương thức rất độc đáo để nhớ về hai con người nổi tiếng của thời đại chống phát xít, quả là chuyện đáng kinh ngạc.

Trong bữa cơm, Xtalin có vẻ như muốn tìm cách làm cho vị khách quí được vui. Biết vị Thủ tướng Anh khi đó đang bận tâm lo lắng về kết quả cuộc bầu cử Quốc hội sắp tiến hành, Xtalin bèn nói, hy vọng Sớcsin sẽ giành được thắng lợi. Hẳn Xtalin nghĩ rằng, vào giờ phút chiến thắng này, cử tri Anh chắc không chối bỏ một thủ lĩnh quân sự đã lãnh đạo đất nước đi đến thắng lợi.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #58 vào lúc: 22 Tháng Năm, 2009, 04:49:53 pm »

Nhớ lại ở Ianta, trong một cuộc họp đã có lần Sớcsin nói với giọng nửa đùa rằng, nếu ông ta làm chuyện gì đó khiến nước Anh không thích, người Anh có thể "hạ bệ" ông ngay. Xtalin cũng đáp lại với giọng nửa đùa nửa thật: "...Người chiến thắng sẽ không bị hạ bệ đâu”.

Biết rất rõ ý muốn của dân chúng Anh, Sớcsin hoàn toàn không tin vào thắng lợi của mình, nhưng dù chỉ còn một tia hy vọng, Sớcsin vẫn cố tỏ ý để Xtalin tin rằng, chính sách của ông là sẽ cố gắng để "nước Nga trở thành một cường quốc trên biển"”

- Tôi mong muốn được nhìn thấy tàu thuyền của nước Nga vùng vẫy trên các đại dương. Nước Nga bây giờ giống như một người khổng lồ, nhưng lỗ mũi của nó bị nút chặt bởi cái eo giữa biển Ban tích và Hắc Hải.

Xtalin không cắt ngang lời Sớcsin, bình thản nghe.

Được Xtalin thịnh tình cổ vũ, Sớcsin nói rõ quan điểm của mình:

- Cá nhân tôi sẽ ủng hộ ý kiến sửa đổi Công ước Môngtơrơ, tống cổ Nhật đi và cho người Nga con đường vào Địa Trung Hải. Tôi hoan nghênh người Nga xuất hiện trên đại dương, và điều tôi nói không chỉ có eo biển Đácđanen, mà bao gồm cả kênh đào Kien đang cần phải có một cách quản lý giống như kênh đào Xuyê, và thủy vực dòng hải lưu Gơntơrin ở Thái Bình Dương.

Nếu Xtalin không dội một gáo nước lạnh vào nhiệt tình của Sớcsin bằng một câu hỏi rất tỉnh táo, không biết Sớcsin còn mơ màng đến tận đâu: Nhưng lời hứa hẹn của Thủ tướng Anh cách xa tình hình thực tế tới cả ngàn cây số. Liên Xô đã bị tổn thất nặng trên biển, và muốn xây dựng hạm đội mới đòi hỏi rất nhiều tiền và thời gian. Từng là Bộ trưởng hải quân Anh, Sớcsin hiểu rất rõ điều này, cho nên mới "khảng khái" đưa ra những lời hứa hẹn trên, mặc dầu ông ta biết những điều hứa hẹn đó vào lúc này chẳng có mấy ý nghĩa thực tế. Huống hồ, các nước lớn phương Tây chẳng những không chủ trương thúc đẩy Liên Xô trở thành một cường quốc trên biển, mà còn tìm mọi cách ngăn trở, kéo dài việc giao lại cho Liên Xô một phần hạm đội thu được mà lẽ ra đã phải trao cho họ. Xtalin cho rằng thời cơ này thích hợp, bèn hỏi:

- Thế hạm đội của Đức sẽ giải quyết thế nào? Liên Xô muốn được hưởng phần của mình...

Sớcsin cứng họng không trả lời được. Ông chợt hiểu ra mình đã đi quá xa. Phải nghĩ cách thoát thân, chẳng hạn như tránh không trực tiếp trả lời, bèn nói: 

- Một số người thấy lo lắng trước ý đồ sâu xa của người Nga. Hiện nay, thủ đô các nước Đông Âu đều trong tay người Nga, và người ta đang có ấn tượng là Liên Xô chuẩn bị tiếp tục vươn sang phía tây.

Xtalin rất ngạc nhiên trước kiểu suy diễn đó:

- Sao lại thế! Liên Xô đang chủ trương rút quân ở phía tây về. Hai triệu người sẽ phục viên trong vòng bốn tháng tới. Nhà nước Xô viết đã phải chịu những tổn thất to lớn, với khả năng tối đa phải trả lại cho quê hương các binh sĩ ,để họ lo xây dựng lại ruộng vườn nhà cửa.

Thừa dịp, Sớcsin bèn lái sang chuyện khác.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #59 vào lúc: 23 Tháng Năm, 2009, 09:15:33 am »

Cuộc tranh chấp về vấn đề biên giới phía tây của Ba Lan

Ngày 21 tháng 7, tức là ngày thứ năm của Hội nghị, "Tiểu Bạch Cung” mới nhận được bản báo cáo chi tiết liên quan tới vụ thử bom nguyên tử ở bang Niu Mêhicô do tướng Glốp từ Oasinhtơn gửi sang. 3 giờ chiều, Bộ trưởng lục quân Xtimxơn vội báo với Tơruman về việc này. Tổng thống cho mời cả Quốc vụ khanh Bécna đến cùng nghe. Xtimxơn hào hứng đọc từng rành rọt câu từng chữ. Tơruman lần đầu tiên ý thức được rằng Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ giờ đây đã có trong tay thứ vũ khí mà uy lực của nó to lớn biết chừng nào. Xtimxơn ghi trong Nhật ký: 

“Tơruman và Bécna hết sức sung sướng. Tổng thống tỏ ra rất hài lòng. Ông nói, điều này đem đến cho ông một cảm giác mới lạ và lòng tràn đầy niềm tin. Ông cảm ơn tôi đã có mặt ở hội nghị và đã đem đến cho ông một tin hữu ích như vậy”.

Thành công của vụ thử bom nguyên tử và sức phá hoại ghê gớm của thứ vũ khí này đã cổ vũ mạnh mẽ Tơruman - Rôbe Môphây cũng xác nhận điều này trong hồi ký của ông ta:

“Khi Tơruman chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ năm, chúng tôi phát hiện thấy cử chỉ của ông ta có sự thay đổi. Ông trở nên tự tin hơn, hăng hái hơn, tích cực hơn trong khi tranh luận, dám có những ý kiên khác về một số lời tuyên bốcủa Xtalin. Rõ ràng là đã xảy ra chuyện gì”.

Chính ngày hôm đó, Tơruman đưa ra ý kiến phản đối việc cắt cho Ba Lan phần lãnh thổ phía đông của nước Đức. Dưới đây là một đoạn ghi trong biên bản:

“Tơruman.: Cho phép tôi có một tuyên bố về vấn đề biên giới phía tây Ba Lan. Hiệp định Ianta qui định: Lãnh thổ nước Đức do quân đội bốn nước Anh, Liên Xô, Mỹ và Pháp chiếm đóng, trong đó mỗi nước đều có vùng chiếm đóng riêng. Hội nghị đó có bàn đến vấn đề biên giới Ba Lan, nhưng nghị quyết nêu rõ, vấn đề này cuối cùng sẽ được giải quyết tại Hội nghị hòa bình. Trong phiên họp lần trước, chúng ta quyết định lấy biên giới nước Đức tháng 12 năm 1937 làm điểm xuất phát cho việc thảo luận biên giới của nước Đức tương lai.

Chúng ta đã hoạch định các khu vực chiếm đóng và giới tuyến của những khu vực đó. Chúng ta đã rút quân đội của mình về khu vực chiếm đóng của từng nước theo như qui định. Nhưng xem chừng, hiện nay còn một Chính phủ nữa được hưởng phần lãnh thổ chiếm đóng, và họ đã làm như vậy khi chưa bàn bạc với chúng ta. Giả dụ trước đây cho rằng, Ba Lan là một trong những nước được quyền có khu vực chiến đóng, thì cũng phải có sự thỏa thuận trước. Chúng tôi rất khó đồng ý với cách giải quyết vấn đề như vậy, vì chưa có sự bàn bạc gì với chúng ta về vấn đề này. Tôi rất có cảm tình với Ba Lan, và có lẽ tôi cũng sẽ hoàn toàn đồng ý với phương án của Chính phủ Liên Xô về biên giới phía tây của Ba Lan, nhưng hiện tại tôi không muốn làm như vậy, vì còn một chỗ khác sẽ làm chuyện này, đó là Hội nghị hoà bình”.


Nhưng như trên đã nói, Tơruman hoàn toàn không có ý định triệu tập Hội nghị hoà bình. Ông ta đề nghị kéo dài vấn đề Ba Lan tới hội nghị đó, có nghĩa là gác vấn đề này lại. Đồng thời, trên thực tế ông ta đang chỉ trích Liên Xô, hình như Liên Xô đã phá hoại thỏa thuận giữa ba nước, đã đơn phương đưa ra quyết định về một vấn đề mà lý ra phải giao cho Hội nghị hoà bình giải quyết. Điều này sẽ làm giảm bớt trách nhiệm của Tơruman trong việc tự ý xé bỏ hiệp định về việc triệu tập Hội nghị hoà bình. Tơruman những tưởng dựa vào bom nguyên tử, vào thực lực của Mỹ, cho rằng chỉ cần một thời gian nữa, Mỹ có thể tùy ý sửa lại bản đồ thế giới, tự ý giải quyết các vấn đề quốc tế mà không chịu bất cứ sự ràng buộc nào về nghĩa vụ do Hội nghị hoà bình đặt ra.

Phía Liên Xô lập tức có câu trả lời về tuyên bố của Tơruman.

“Xtalin: Trong nghị quyết của Hội nghị Crưm nói rõ, nguyên thủ Chính phủ ba nước đồng ý biên giới phía đông của Ba Lan lấy đường Cớcdơn làm chuẩn, điều đó chứng tỏ tại Hội nghị này, đường biên giới phía đông của Ba Lan đã được xác định. Về biên giới phía tây, trong nghị quyết của Hội nghị nói: Phần lãnh thổ phía bắc và phía tây của Ba Lan cần có sự mở rộng tương đương; và còn nêu rõ rằng, Chính phủ ba nước vào thời gian thích hợp sẽ trưng cầu ý kiến của Chính phủ thống nhất dân tộc Ba Lan mới về vấn đề phạm vi mở rộng của phần lãnh thổ này, sau đó, việc hoạch định cuối cùng về biên giới phía tây của Ba Lan chờ đến Hội nghị hoà bình giải quyết.

Tơruman: Tôi cũng hiểu như vậy. Song, chúng ta trước kia cũng như bây giờ đều không có quyền gì cho Ba Lan một khu vực chiếm đóng.

Xtalin: Chính phủ thống nhất dân tộc Ba Lan đã phát biểu ý kiến của mình về biên giới phía tây. Mọi người chúng ta đều biết ý kiến của họ,

Tơruman: Đường biên giới phía tây đó chưa thấy tuyên bố chính thức bao giờ.

Xtalin: Tôi nói đây là nói ý kiến của Chính phủ Ba Lan, ý kiến này giờ đây mọi người chúng ta đều biết. Ở đây chúng ta có thể đi tới một ý kiến thống nhất về vấn đề biên giới phía tây Ba Lan, còn việc hoạch định cuối cùng sẽ hoàn tất tại Hội nghị hoà bình.

Tơruman: Ngài Bécna hôm nay mới nhận được Tuyên bố của Chính phủ Ba Lan. Chúng tôi chưa kịp tìm hiểu kỹ nội dung”.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM