Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:52:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn lửa chiến tranh lạnh - Tập 1  (Đọc 156751 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #30 vào lúc: 19 Tháng Năm, 2009, 10:04:02 am »

Tướng Mácsan cũng ngả theo hướng nên có thái độ thận trọng. "Tôi không nắm vững tình hình chính trị của Ba Lan, nhưng xét theo góc độ quân sự, cãi lộn với người Nga là việc làm không khôn ngoan. Vì Xtalin có thể chậm trễ trong việc tham chiến với Nhật, trong khi chúng ta còn bao nhiêu công việc phải lo giải quyết”.

Bộ trưởng Hải quân thì tán thành quan điểm của Tổng thống. Ông ta nói, người Nga không quan tâm gì đến quyền lợi của các nước Đồng minh, Ba Lan không phải là một trường hợp duy nhất. Theo ông ta, "Liên Xô tự cho rằng, dù họ có lôi kéo Đông Âu vào quĩ đạo của họ, chúng ta cũng sẽ không phản đối. Do đó, lật ngửa bài bây giờ còn hơn là sau này mới lật. Khác với bên Lục quân, Hải quân và không quân chúng tôi quả quyết rằng, không cần sự giúp đỡ của Nga cũng có thể buộc Nhật Bản phải đầu hàng".

Ý kiến của Thượng tướng Hải quân Lây trung dung giữa lập trường của Bộ trưởng Lục quân và Bộ trưởng Hải quân. Hồi ở Ianta, ông này đã nhận xét, trong vấn đề Ba Lan, Liên Xô sẽ giữ vững lập trường của mình. Theo ông ta, hiệp định Ianta về Ba Lan "có thể có hai cách hiểu”, nhưng bây giờ mà quyết liệt với Nga là việc làm nguy hiểm.

Tổng kết những ý kiến của các cố vấn, Tơruman tuyên bố ông không có ý định gửi "thông điệp cuối cùng” cho Môlôtốp, mà chỉ sẽ có "thái độ cứng rắn, nhưng không khiêu khích".

Tối ngày 23, Môlôtốp được Hariman đưa tới phòng làm việc của Tổng thống ở Nhà Trắng. Chủ khách vừa yên vị thì Tơruman chẳng cần quanh co úp mở nêu ngay vấn đề Ba Lan.

Tơruman nói, ông lấy làm tiếc vì vấn đề Ba Lan không có bước tiến triển nào. Theo ông ta, Mỹ đã cố gắng hết sức, đáp ứng những yêu cầu của người Nga, nhưng "không thể thừa nhận một chính phủ Ba Lan không đại diện cho tất cả các nhân sĩ dân chủ”, ông nhắc Môlôtốp:

- Trong thư gửi Xtalin ngày 1 tháng 4, Rudơven đã nêu rõ, bất cứ chính sách nào của Mỹ, về ngoại giao hay về nội chính, đều phải được "dân chúng Mỹ tin tưởng và ủng hộ", nếu không sẽ không thể thành công. Mọi kế hoạch viện trợ kinh tế của Mỹ sau chiến tranh, nếu không được dân chúng ủng hộ, cũng sẽ rất khó được Quốc hội thông qua. Hy vọng chính phủ Liên Xô lưu ý cho điểm này. 

Trước sự doạ dẫm không một chút che giấu, Môlôtốp trả lời:    

- Cơ sở duy nhất có thể chấp nhận trong sự hợp tác là, chính phủ ba nước lớn phải bình đẳng như nhau chứ không thể cho phép có một hai nước mưu toan áp đặt ý muốn của mình lên nước thứ ba.

Tơruman không kìm nổi nữa, giọng ông ta như rít lên:

- Chính phủ Mỹ sẵn sàng thành thật thi hành các hiệp định đã được thỏa thuần ở Ianta, chỉ yêu cầu Liên Xô cũng thực hiện như vậy. Tôi muốn thân thiện với Liên Xô, nhưng hy vọng phía Mátxcơva phải hiểu rõ rằng, sự thân thiện đó chỉ có thể có được trên cơ sở cùng tuân thủ hiệp định, chứ không phải trên cơ sở kiểu "đường một chiều”.

Môlôtốp giật mình sửng sốt, vì trên trường ngoại giao người ta rất hiếm thấy thứ khẩu khí đó. Ông giận dữ phản đối:

- Xưa nay chưa có ai nói như vậy với tôi.

- Việc thi hành quyết nghị của Ianta về Ba Lan - Tơruman vẫn giọng kiên quyết - chưa có ai nói với ông như vậy sao?

Môlôtốp giọng như tuyên bố

- Chính phủ Liên Xô trước đây luôn luôn thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ của mình, bây giờ cũng vậy. Không thể vì người khác thay đổi lập trường mà cho rằng chính phủ Liên Xô vi phạm hiệp định.

Về cuộc hội đàm này, Hariman sau này đã tổng kết:

“Việc Tổng thống tấn công dồn dập vào Môlôtốp vậy, thẳng thắn mà nói, tôi cũng hơi sửng sốt. Nhưng tôi nghĩ đó lại là sự thật vì từ trước đến giờ chưa có ai, ít nhất là một người nước ngoài, dám trực diện nói thẳng với Môlôtốp như vậy... Tôi cảm thấy tiếc cho Tơruman đã hành động một cách cứng nhắc. Cách làm của ông ta đã tạo cho Môlôtốp cái cớ để nói với Xtalin rằng, chính sách của Rudơven đang bị quẳng đi. Tôi buồn cho Tơruman đã để lỡ một cơ hội tốt. Tôi thấy đó là một sai lầm, cho dù đó là một sai lầm không có tính chất quyết định.”

Sau trận giao phong ở Nhà Trắng, Môlôtốp lên đường đi Xan Phranxixcô nằm trên bờ biển phía tây nước Mỹ để tham dự Hội nghị Liên Hợp Quốc. Nhưng ông chỉ lưu lại đó vài ngày, rồi nhanh chóng trở về Mátxcơva.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #31 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2009, 11:49:57 am »

Nước Đức phát xít bị tiêu diệt

Ngày tận số đang đến gần, Béclin vẫn trông chờ một sự kỳ diệu sẽ xảy ra. Đột ngột sinh chứng bệnh tâm thần, Hítle càng ngày càng thiếu kiên nhẫn. Để làm cho tên trùm phát xít này bình tĩnh lại, suốt tháng Tư, tối nào cũng vậy, Gơben lại đọc cho Hítle nghe chương "Lịch sử Đại đế Phrêđêrích”. Chương này kể về cuộc chiến tranh Bảy năm và bước đường cùng của vua Phrêđêrích. Nhà vua thậm chí đã tuyên bố, nếu trước ngày 15 mà số phận của ông không có gì sáng sủa hơn, ông sẽ uống thuốc độc tử tử. Ngày 12 tháng 2, Nữ hoàng Nga Êcatênna II qua đời. Paven I lên kế ngôi vốn là bạn và cũng là kẻ sùng bái Phrêđêrích. "Đối với hoàng cung Branđenbuốc, sự kỳ diệu đã xuất hiện”. Gơben cố tình đọc thật rành rọt câu này. Chẳng hiểu sao khi đó Hítle nằm mộng thấy sao chiếu mệnh báo trung tuần tháng 4 nước Đức gặp vận may.

Ngày 13 tháng 4, Gơben nhận được tin Rudơven qua đời, bèn điện ngay cho Hítle đang nấp dưới hầm ngầm biết.

- Thủ lĩnh của tôi - Gơben hét toáng lên - Tôi xin chúc mừng Ngài, Rudơven chết rồi. Sao chiếu mệnh đã báo rõ, nửa cuối tháng 4 là bước ngoặt của chúng ta? Hôm nay là thứ sáu, ngày 13 tháng 4, đó là một ngày kỳ diệu .

Nhưng điều kỳ diệu mà họ trông ngóng lại không xảy ra. Luôn luôn bám theo họ là tiếng súng đại bác công phá Béclin rung trời chuyển đất.

Ngay hôm sau ngày Môlôtốp và Tơruman hội đàm, ngày 24 tháng 4 năm 1945, tập đoàn quân số 8 của Đệ nhất phương diện quân Bêlarút và Tập đoàn quân số 3 của Đệ nhất phương diện quân Ucraina đã hội quân ở đông nam Béclin, hoàn thành nhiệm vụ hợp vây một tập đoàn quân Đức, chia cắt tập đoàn quân này với tập đoàn quân Béclin. Ngày 25 tháng 4, Tập đoàn quân xe tăng số 4 của Đệ nhất phương diện quân Ucraina và tập đoàn quân số 47 của Đệ nhất phương diện quân Bêlarút cũng hội quân ở tây Pốtxđam, hoàn thành nhiệm vụ hợp vây Tập đoàn quân Béclin. Cùng ngày, Tập đoàn quân cận vệ số 5 trực thuộc Đệ nhất phương diện quân Ucraina tiến được vào khu vực cao điểm, hội sư với cánh quân trực thuộc Tập đoàn quân số 1 của Mỹ ở mặt trận phía Tây.

Khi Hồng quân Liên Xô tiến gần đến Béclin, Hítle cuống cuồng cả lên. Ngày 19 tháng 4, Hítle lệnh cho Tập đoàn quân "VESVA” phụ trách bảo vệ Béclin. Ba hôm sau, Hítle tiếp quản quyền chỉ huy phòng vệ Béclin. Được hai hôm, Hítle lại muốn giao cho người khác. 20 tháng 4 là sinh nhật của Hítle. Hôm đó Hítle đã có ý định rời khỏi Béclin, vì trước đó mười hôm, người của Bộ chỉ huy đã đi Bavie lập Tổng hành dinh. Nhưng việc này Hítle vẫn do dự chưa quyết. Trong tình thế nước ngập đến cổ, Hítle vẫn ảo tưởng có thể tiếp tục kéo dài chiến tranh, do đó cuối cùng quyết định ở lại Béclin và ra lệnh đưa tin này trên đài để động viên sĩ khí. Song, mọi hành động của Hítle đều không thể cứu vãn nước Đức thoát khỏi số phận diệt vong.

Béclin đã trở thành một thành phố bị cô lập, ngút trời khói lửa, rền vang tiếng đại bác. Quyết định ở lại Béclin chiến đấu đến cùng, Hítle trong tay không có quân dự bị, cũng không có quân tiếp viện. Các chiến sĩ Hồng quân được uy lực của pháo bầy và xe tăng yểm trợ, được chiến thắng cổ vũ, được khích lệ bởi nhiệt huyết phục thù cho Tổ quốc, vẫn tiếp tục anh dũng tiến lên. Suốt gần bốn năm nay, họ chỉ chờ mong giờ phút lịch sử này. Giờ đây, cái giờ phút tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa phát xít đã tới. Tâm trạng xúc động của người lính Xô viết thật khó diễn đạt nổi bằng lời. Dưới đây là một đoạn hồi ức của Nicôlai Vaxiliép, thượng sĩ đoàn 832 pháo binh:

“Chiều tối, xe pháo binh của chúng tôi lên tới cao điểm, dưới mắt chúng tôi là một thành phố khổng lồ. Cảm giác hân hoan vui mừng tràn ngập trong mỗi người chúng tôi: Đây là phòng tuyến cuối cùng của quân thù, giờ phút tính nợ với chúng đã tới! .. Một chiếc xe ô tô chạy đến trước mắt chúng tôi mà chúng tôi cũng không biết. Tướng Bécgiơlin, tư lệnh của chúng tôi từ trên xe bước xuống. Ông thăm hỏi chúng tôi rồi ra lệnh cho sĩ quan chỉ huy: "Hãy nổ súng vào những tên phát xít trong thành phố Béclin! Sĩ quan chỉ huy Usencốp viết lên những quả đạn và nòng pháo của đại đội chúng tôi dòng chữ. “Vì Xtalingrát, vì Cápcát, vì Ucraina, vì những trẻ mồ côi và những người quả phụ, vì nước mắt của những người mẹ, hãy trả thù!”

Trong trận công phá Béclin, Hồng quân Liên Xô đã bắn khoảng 180 vạn quả đạn đại bác. Riêng hệ thống phòng thủ của quân địch đã phải dùng tới hơn 3,6 vạn tấn đạn. Để phá huỷ các công sự và các công trình kiến trúc bằng đá kiên cố, quân đội Liên Xô đã phải sử dụng những khẩu đại bác có đường kính lớn mà mỗi quả đạn nặng tới nửa tấn. Mặc dù có đầy đủ những vũ khí hạng nặng như vậy, các chiến sĩ Hồng quân nhiều khi vẫn phải dùng thuốc nổ để phá các bức tường ngăn, mở hướng tiến công.

Ngày 29 tháng 4, quân Đức trong thành phố bị chia cắt thành ba bộ phận cô lập nhau. Theo lệnh của Hítle, quân Đức đã tháo nước vào đường xe điện ngầm Béclin, dìm chết hàng ngàn hàng vạn phụ nữ, trẻ em và binh lính Đức bị thương nấp dưới đường hầm. Cùng ngày hôm đó, đơn vị bộ binh số 79 thuộc Tập đoàn quân đột kích số 3 Đệ nhất phương diện quân Bêlarút mở màn cuộc chiến đấu đánh chiếm toà nhà Quốc hội. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt giành giật nhau từng căn nhà, từng góc phố. Đúng 21 giờ 50 phút ngày 30 tháng 4, lá cờ chiến thắng đã được kéo lên trên nóc nhà chính của tòa nhà Quốc hội. Tư lệnh Tập đoàn quân đột kích số 3, tướng Kudơnhetsốp, đích thân theo dõi trận chiến đấu lịch sử này. Qua điện thoại, ông báo cáo với Nguyên soái Giucốp, tư lệnh phương diện quân:

- Đồng chí Nguyên soái! Cờ đỏ đã được kéo lên trên nóc đại sảnh Quốc hội. Hura!

- Kudơnhetsốp thân yêu! Chân thành chúc mừng thắng lợi vẻ vang của đồng chí và các binh sĩ của đồng chí. Nhân dân Liên Xô sẽ mãi mãi không bao giờ quên chiến công lịch sử này.

Trong mệnh lệnh số 6 phát đi ngày 30 tháng 4 năm 1945, Hội đồng quân sự Đệ nhất phương tiện quân Bêlarút nói: "Giờ phút chiến thắng hoàn toàn kẻ thù đang tới gần. Ngọn cờ của Liên Xô chúng ta đã tung bay trên nóc nhà Quốc hội giữa trung tâm thành phố Beclin. Hỡi toàn thể cán bộ và chiến sĩ Đệ nhất phương diện quân Bêlarút! Hãy tiến lên! Chúng ta, bằng trận đánh thần tốc và mãnh liệt này, sẽ tiêu diệt con dã thú phát xít tận sào huyệt của chúng, để giờ phút chiến thắng hoàn toàn, triệt để nước Đức phát-xít càng mau đến”.

Cuộc chiến tranh châu Âu sắp sửa kết thúc. Đến ngày 2 tháng 5, quân Đức đã đình chỉ hoàn toàn mọi sự kháng cự, viên tư lệnh bảo vệ Béclin- tướng Wâytơlinh, dẫn tàn quân ra đầu hàng. Trong diễn văn kỷ niệm ngày 1 tháng 5, Xtalin tuyên bố: Trong trận chiến đấu cuối cùng này, Liên Xô đã tiêu diệt hơn một triệu quân Đức, bắt sống 80 vạn tên. Hồng quân đã thu được và tiêu huỷ tổng cộng 6000 máy bay địch, 12.000 xe tăng và pháo tự hành, 23.000 đại bác dã chiến và rất nhiều trang bị vũ khí. Trong chiến dịch công phá Béclin, Hồng quân Liên Xô cũng phải trả giá bằng sự hy sinh lớn lao, các chiến sĩ đã anh dũng ngoan cường, xem thường cái chết, và đã giành được thắng lợi cuối cùng trong cuộc chiến tranh chống phát-xít ở châu Âu.

Khi Hồng quân Liên Xô bao vây tấn công Beclin, Hítle sống những ngày cuối đời của hắn giữa thành phố cô độc này. Hắn như con thú dữ bị thương, lồng lộn và rên rỉ trong cơn hoảng loạn của chứng bệnh tâm thần, lúc thì hoang tưởng đã xoay chuyển được chiến cuộc, lúc thì cảm thấy tiền đồ tuyệt vọng. Trong nỗi dằn vặt, Hítle viết di chúc lại, chỉ định người kế tục, đã làm lễ cưới, cuối cùng đã dùng súng tự sát, kết liễu nhanh cuộc đời tội ác của hắn.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #32 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2009, 11:52:35 am »

Cuộc tranh cãi về việc ký "Đầu hàng thư”

Sau khi Hítle chết, người kế tục của ông ta là Nguyên soái Đônít một lần nữa lại giở trò ly gián.

Ông ta nhiều lần cử người liên hệ với Aixenhao, Tư lệnh quân đội Mỹ: Đừng để cho binh sĩ Đức rơi vào tay Bônsêvích. Ngày 6 tháng 6, ông ta yêu cầu tướng Anphrết Jốt gặp bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở Rem truyền đạt một đề nghị mới và gửi cho Jốt một chỉ thị bằng văn bản: 

"Một lần nữa giải thích với người Mỹ những lý do khiến chúng ta muốn có sự đầu hàng riêng. Nếu ở chỗ Aixenhao ông không thu được kết quả nhiều hơn so với Phrâyđơbua, thì sẽ đồng ý đầu hàng đồng thời trên toàn tuyến, việc đầu hàng sẽ tiến hành qua hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, đình chỉ mọi hành động đối địch, nhưng phải cho quân đội Đức được quyền tự do di chuyển. Giai đoạn thứ hai không kèm theo lý do gì nữa. Phải cố gắng làm cho khoảng cách thời gian giữa hai giai đoạn dài một chút. Nếu xét có thể làm được, đề nghị thuyết phục Aixenhao chấp nhận trong những tình hình nào đó, đồng ý cho binh sĩ Đức đầu hàng riêng với người Mỹ. Nếu kết quả của ông trên phương diện này càng lớn thì số binh sĩ và nạn nhân Đức được cứu ở mặt trận phía Tây càng nhiều”.

17 giờ 30 ngày 6 tháng 5, Jốt và phó quan của ông ta, có hai sĩ quan cao cấp Anh đi kèm, đã tới Bộ tư lệnh quân Đồng minh, Jốt cố sức thuyết phục quân Đồng minh rằng, họ muốn đầu hàng phương Tây chứ không muốn đầu hàng Liên Xô, và còn nói khích: "Các ngài chẳng bao lâu nữa sẽ giao chiến với người Nga. Cần cân nhắc cẩn thận, không nên để rơi vào tay họ bất cứ thứ gì!"

Ngày 7 tháng 5, từ Kremli, Xtalin điện cho Giucốp: "Hôm nay người Đức đã ký đầu hàng vô điều kiện ở Rem. Chính nhân dân Liên Xô, chứ không phải các nước Đồng minh, đã đảm nhận gánh nặng chủ yếu của chiến tranh, do đó, đầu hàng thư phải được ký trước mặt Bộ chỉ huy tối cao của tất cả các nước trong liên minh chống phát xít, chứ không phải chỉ ký trước mặt Bộ chỉ huy tối cáo quân Đồng minh".

"Tôi không thể đồng ý với cách làm, không ký đầu hàng thư ở Béclin, chính hang ổ của quân xâm lược phát xít” - Xtalin tiếp tục nói - "Chúng tôi đã bàn với các nước Đồng minh, chỉ coi việc ký đầu hàng thư ở Rem là cuộc diễn tập nghi thức đầu hàng. Ngày mai, đại diện Bộ chỉ huy tối cao Đức và đại diện Bộ chỉ huy tối cao quân Đồng minh sẽ đến Béclin. Đại diện của Bộ chỉ huy tối cao quân đội Liên Xô do đồng chí đảm nhiệm. Đồng chí Vixinxki ngày mai sẽ đến chỗ đồng chí, ký đầu hàng thư xong, đồng chí ấy ở lại Béclin làm trợ lý chính trị cho đồng chí.”

Sáng sớm ngày 8 tháng 5, Vixinxky bay từ Mátxcơva sang Béclin. Ông mang theo toàn bộ văn kiện cần thiết để xử lý việc nước Đức đầu hàng, cả bản danh sách các đại diện của Bộ chỉ huy tối cao quân Đồng minh. Từ sáng, các ký giả, những người đưa tin và các phóng viên nhiếp ảnh của những tờ báo lớn trên thế giới bắt đầu tới Béclin để ghi lại giờ phút lịch sử, mà sự diệt vong của nước Đức phát xít được khẳng định về mặt luật pháp, ghi lại giờ phút lịch sử mà nước Đức Hítle phải thừa nhận mọi kế hoạch phát xít của chúng, mọi mục tiêu hận thù nhân loại của chúng đã bị thất bại nhục nhã.

Trưa hôm đó, đại diện của Bộ chỉ huy tối cao quân Đồng minh tới Béclin, gồm Thượng tướng không quân Anh Tơcđơ và Tư lệnh không quân Pháp Tatxinhi. Đại diện cho nước Đức đầu hàng, ngoài Thống chế Kâyten còn có một Thượng tướng hải quân và một Thượng tướng không quân. Họ bay tới Béclin dưới sự giám sát và hộ vệ của sĩ quan Anh. Đônít uỷ quyền cho họ đến ký vào thư đầu hàng vô điều kiện.
Cáchônxte nằm về phía đông Béclin. Ở đây, trong một tòa nhà hai tầng vốn là nhà ăn nhưng được dùng làm Trường Công trình quân sự Đức, người ta đã chuẩn bị một gian phòng lớn, lễ ký đầu hàng thư sẽ diễn ra ở đây.

Sau khi nghỉ ngơi, các đại diện của Bộ chỉ huy quân Đồng minh tới Bộ tư lệnh của Giucốp để thảo luận một số vấn đề có liên quan đến việc đầu hàng của Hítle. Trong khi đó, Kâyten cùng đồng bọn ở lỳ trong một căn phòng. Theo lời kể của các sĩ quan Liên Xô; Kâyten và các thành viên trong đoàn đại biểu Đức tỏ ra hết sức sợ sệt. Kây ten nói với người ngồi bên:

- Khi đi dọc theo những đường phố Béclin, tôi hết sức kinh hoàng trước cảnh Béclin bị tàn phá.

Một quan chức Liên Xô trả lời hắn:

- Ông Thống chế, khi theo lệnh của ông người ta đã tiêu diệt hàng ngàn hàng vạn những thành phố và xóm làng của Liên Xô, khi hàng triệu người dân Liên Xô, trong đó có biết bao nhiêu trẻ em, bị vùi chết trong đống đổ nát của những thành phố và làng mạc đó, ông đã bao giờ cảm thấy kinh hoàng chưa?
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #33 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2009, 11:54:00 am »

Kâyten mặt trắng bệch, hắn nhún vai, ngồi câm như hến. Đúng 24 giờ, các đại diện của quân Đồng minh bước vào phòng lớn. Vào những giây phút đầu tiên ngày 9 tháng 5 năm 1945, Nguyên soái Giucốp đứng lên thay mặt cho Bộ chỉ huy tối cao quân Đức tuyên bố lễ thụ hàng. Ông nói: .

- Chúng tôi, đại điện của Bộ chỉ huy tối cao quân đội Liên xô và Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đồng minh, được sự uỷ nhiệm của Chính phủ các nước Đồng minh chống Hítle, đến tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của nước Đức. Mời đại diện của Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức vào.

Tất cả những người có mặt đều ngoảnh đầu chăm chú nhìn ra phía cửa chính, nơi giờ đây sắp sửa lộ diện những kẻ từng huênh hoang với thế giới rằng, chúng có thể nghiền nát nước Pháp, nước Anh với tốc độ chớp nhoáng, có thể tiêu diệt Liên Xô trong vòng sáu tuần đến một tháng rưỡi, rồi tiến đến chinh phục toàn thế giới. Người đầu tiên bước vào cửa là Thống chế Kâyten, trợ thủ chính của Hítle. Ông ta ước chầm chậm, cố gắng giữ bình tĩnh. Ông ta giơ tay phải đang cầm chiếc gậy Thống chế lên chào các đại biểu của Bộ chỉ huy tối cao quân đội Liên Xô và quân đội Đồng minh. Theo sau ông ta là viên Thượng tướng không quân người thấp lùn, cặp mắt đầy vẻ hung hãn nhưng lại bất lực. Cùng vào với ông ta còn có Thượng tướng hải quân Phrâyđơbua, vẻ như già trước tuổi. Mấy người Đức được bố trí ngồi gần phía cửa, quanh một chiếc bàn đơn độc kê sẵn cho họ: Kâyten thong thả ngồi xuống ghế, rồi ngẩng đầu chăm chú nhìn các đại biểu của Bộ chỉ huy quân đội Đồng minh đang ngồi sau bàn Chủ tịch đoàn. Ngồi sát Kâyten là hai vị Thượng tướng hải quân và không quân Đức. Các sĩ quan tuỳ tòng đứng phía sau ghế của họ.

Giucốp hỏi đoàn đại biểu Đức:

- Các anh trong tay đã có đơn xin đầu hàng vô điều kiện chưa? Các anh đã nghiên cứu nó chưa, và có được toàn quyền ký vào không?

- Dạ, chúng tôi đã nghiên cứu và sẵn sàng ký - Thống chế Kâyten trả lời với giọng khàn khàn, tay đưa nộp tờ Giấy chứng nhận của Thống chế hải quân Đônít uỷ quyền cho họ ký vào văn kiện đầu hàng vô điều kiện. Lúc này, Kâyten hoàn toàn không giống Thống chế Kâyten kiêu căng hách dịch, vênh váo không coi ai ra gì khi ông ta tiếp nhận sự đầu hàng của nước Pháp bại trận. Trông ông ta hết sức thảm hại, mặc dầu ông ta vẫn cố gắng giữ "tư thế tướng quân”

Giucốp nói như ra lệnh:

- Đề nghị đoàn đại biểu Đức bước tới bàn ký văn kiện xin đầu hàng vô điều kiện.

Kâyten nhìn quanh gian phòng một lượt với ánh mắt không chút thiện cảm, rồi đứng dậy, mắt cụp xuống, từ từ cầm chiếc "gậy Thống chế” để trên bàn, chầm chậm bước tới phía trước bàn. Cặp kính của ông ta rớt xuống, lủng lẳng treo ở dây kính. Bộ mặt sần sùi đầy vết tàn nhang. Hai vị Thượng tướng cùng những người tuỳ tòng cũng theo ông ta đi tới trước bàn. Kâyten đeo kính lên, ngồi xuống ghế, đưa bàn tay run rẩy ký vào năm bản "Đầu hàng thư”. Cả hai vị Thượng tướng cũng ký tên mình vào. "Đầu hàng thư” viết:

“Chúng tôi, những người ký tên, thay mặt Bộ chỉ huy tối cao nước Đức, đồng ý cho toàn bộ lục, hải, không quân của nước Đức và tất cả binh lính sĩ quan hiện vẫn còn dưới sự khống chế của nước Đức, đầu hàng vô điều kiện Bộ chỉ huy tối cao Hồng quân và Bộ chỉ huy tối cao quân viễn chinh các nước Đồng minh”.

Ký xong, Kâyten đứng dậy, đeo chiếc găng tay phải vào, lúc này ông ta lại muốn tỏ rõ từ thế quân nhân của ông ta, cằm ngẩng cao, giơ chiếc "gậy Thống chế” lên làm động tác chào, rồi rảo bước ra khỏi phòng.

Cũng vào lúc này, ở Phlenxbua Thống chế Đônít- người kế nhiệm Hitle- đang ngồi sau bàn làm việc, ông ta đã viết xong bức thư cáo biệt gửi toàn thể sĩ quan binh lính Đức:

“Các bạn sĩ quan, binh lính. Trong lịch sử của chúng ta, chúng ta đã lùi lại cả 1000 năm. Mảnh đất từ 1000 năm nay thuộc về nước Đức, nay rơi vào tay người Nga. Đường lối chính trị mà chúng ta sẽ theo đuổi hết sức đơn giản. Chúng ta phải cùng tiến với các cường quốc phương Tây, cùng cộng sự với họ trên những vùng đất bị chiếm đóng, vì chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể trong tương lai giành lại Tổ quốc của chúng ta từ tay người Nga...

Dù hiện nay, về quân sự chúng ta đã hoàn toàn bị tan rã, nhưng nhân dân của chúng ta giờ đây không phải là nhân dân của nước Đức năm 1918. Nó không bị huỷ diệt. Hoặc là chúng ta gây dựng một chủ nghĩa Quốc xã dưới một hình thức mới, hoặc là chúng ta phải phục tùng một phương thức sống do kẻ thù áp đặt cho chúng ta. Chúng ta có thể tin tưởng chắc chắn rằng, kế thừa được sự đoàn kết nhất trí của chủ nghĩa Quốc xã sẽ quyết định sự tiếp tục tồn tại lâu dài của truyền thống.

Tiền đồ của mỗi người chúng ta đều chưa thể dự liệu trước được. Song điều này không quan trọng. Điều quan trọng là phải giữ cho được tình đoàn kết giữa chúng ta. Tình đoàn kết đó đã được chúng ta xây đắp khi đất nước của chúng ta sống trong bom rơi đạn nổ. Chỉ có bằng sự đoàn kết đó, chúng ta mới có thể vượt qua được những năm tháng khó khăn trong tương lai, và cũng chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể vững tin rằng nhân dân Đức vĩnh viễn không thể mất..”.


Qua những dòng chữ đó có thể thấy, bọn phát xít không cam chịu thua cuộc, vẫn đang âm mưu trỗi dậy. Có điều, đứng trước nhân dân toàn thế giới đã tỉnh ngộ, âm mưu của chúng không dễ dàng thực hiện được, và vĩnh viễn không thể thực hiện được.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #34 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2009, 11:55:19 am »

0 giờ 50 phút ngày 9 tháng 5 năm 1945, lễ thụ hàng tuyên bố kết thúc. Giucốp nhân danh Bộ chỉ huy tối cao Liên Xô bày tỏ lời chúc mừng chân thành tới những người có mặt trước một thắng lợi mong đợi từ lâu nay. Cả phòng họp lớn dậy lên tiếng hoan hô, mọi người chúc tụng nhau, bắt tay nhau, những giọt nước mắt sung sướng tràn ra trong khoé mắt của nhiều người.

- Các bạn thân mến - Giucốp nói với các chiến hữu của ông - Vinh dự lớn lao này lại rơi vào tôi và các bạn. Nhân dân, Đảng và Chính phủ tín nhiệm chúng ta, muốn chúng ta chỉ huy quân đội Liên Xô anh dũng công phá Béclin trong trận giao chiến cuối cùng này. Quân đội Liên Xô, trong đó bao gồm cả các đồng chí - những người đã chỉ huy bộ đội trong trận chiến đấu giành giật Béclin đã thực hiện vẻ vang sự tín nhiệm đó. Điều đáng tiếc là có rất nhiều người đã không còn ở lại với chúng ta. Nếu còn, chắc các đồng chí đó sẽ sung sướng biết bao nhiêu trước thắng lợi mà từ lâu chúng ta hằng mong đợi? Chính vì thắng lợi này, các đồng chí đó đã hiến dâng sinh mệnh của mình không một chút băn khoăn do dự.

Nghĩ đến người thân và các bạn chiến đấu không sống được cho đến ngày vui này, những con người quen nhìn thẳng vào cái chết chẳng chút hãi hùng đó, dù đã cố gắng tự kiềm chế vẫn không ngăn nổi những giọt nước mắt nóng hổi cứ chảy hoài.

Sáng sớm ngày 9 tháng 5 năm 1945, đó là những giờ phút thật thiêng liêng. Sau bao nhiêu phấn đấu gian khổ, sau bao nhiêu hy sinh lớn lao, cuộc chiến tranh châu Âu cuối cùng đã kết thúc. Kể từ ngày 1 tháng 9 năm 1939, lần đầu tiên trên toàn đại lục châu Âu xuất hiện một sự yên bình khiến người ta cảm thấy hơi khác thường, nhưng lại được hoan nghênh. Suốt 5 năm 8 tháng 7 ngày, trên 100 chiến trường, trong 1000 thành phố bị bom đạn, có hàng triệu đàn ông đàn bà bị tàn sát; số người còn nhiều hơn con số đó đã bị bọn sát nhân Giétxtapô giết hại trong những phòng hơi ngạt của bọn phát xít hay bị chúng chôn sống trong những hầm ở Liên Xô và Ba Lan - Tất cả đều là hậu quả gây ra bởi dã tâm chinh phục của Hítle. Tuyệt đại đa số những thành phố cổ kính của châu Âu bị phá hoại. Sau những ngày trời nóng, từ trong những đống gạch đổ nát, xác người chết không được chôn cất bốc lên mùi hôi thối nồng nặc.

Trên đường phố nước Đức, không còn nghe thấy tiếng chân bước rầm rập của những tên đội viên xung kích SS, không còn nghe thấy tiếng huyên náo của lũ người mặc áo sơ- mi nâu tụ tập thành từng đám, không còn nghe thấy tiếng the thé của "Quốc trưởng" qua loa phóng thanh. Sau 12 năm 4 tháng lẻ 8 ngày, cái "đế quốc ngàn thu” này đã kết liễu cuộc đời. Trừ một nhóm người Đức ra, đối với tất cả mọi người, đó là một thời kỳ đen tối, và thời kỳ đen tối đó cũng đã kết thúc trong cảnh chiều tà thê lương ảm đảm. Cái "Đế quốc ngàn thu” đó, như những gì chúng ta thấy, đã đưa dân tộc này - một dân tộc vĩ đại, một dân tộc đầy tài năng trí tuệ nhưng lại rất dễ bị chia rẽ - lên đến tột đỉnh của quyền lực và của tài năng chinh phục, vậy mà giờ đây nó đã đổ vỡ tan tành, nó đã thất bại một cách đột ngột, một cách triệt để, và đó cũng là điều hiếm thấy trong lịch sử.

Theo sự thỏa thuận trước, tin tức về việc nước Đức đầu hàng, ba nước Mỹ-Anh-Liên Xô sẽ đồng thời công bố cho dân chúng biết vào lúc 9 giờ sáng hôm đó. Ở Oasinhtơn, mới 8 giờ 35 phút, các phóng viên đã lặng lẽ tụ tập ở Nhà Trắng. Tổng thống Tơruman, phu nhân cùng cô con gái, và cả một lô các quan chức cao cấp phụ trách quân sự, hành chính cũng đang chờ đợi.

- Thôi được - Tổng thống nói - Điều kiện của cuộc họp báo do tôi tổ chức này là, những tin tức tới công bố chỉ được công bố cho dân chúng biết vào 9 giờ sáng hôm nay.

Tiếp đó, ông tuyên đọc bản tuyên bố ngắn gọn như sau: "Đây là giờ phút trang nghiêm và vinh quang. Tướng Aixenhao báo cho tôi biết, quân đội Đức đã đầu hàng Liên Hợp Quốc. Lá cờ tự do đang tung bay trên toàn châu Âu”. Ngừng một lát, ông ta nói tiếp, Đức đầu hàng mới chỉ là thắng lợi một nửa, nước Mỹ còn phải tiếp tục tác chiến với Nhật cho tới khi Nhật Bản cũng phải đầu hàng vô điều kiện và để kết thúc chiến tranh, ông kêu gọi dân chúng Mỹ "làm việc làm việc nữa, làm việc mãi". Kế đó, Tổng thống Mỹ dùng những lời lẽ giản dị giải thích cho dân chúng Nhật Bản ý nghĩa của việc đầu hàng vô điều kiện:

“Điều đó có nghĩa là chiến tranh kết thúc.

Điều đó có nghĩa là sự chấm dứt quyền lực của những thủ lĩnh quân sự đã đẩy Nhật Bản đến bên bờ của sự diệt vong.

Đối với những binh sĩ lục quân, hải quân muốn trở về với gia đình, ruộng vườn và công tác việc của mình, điều đó có nghĩa là cơm ăn áo mặc.

Điều đó cũng có nghĩa là tránh được những nỗi thống khổ và tan tác hiện nay mà nhân dân Nhật Bản đang phải chịu đụng vì mục đích chiến đấu cho một thắng lợi không thể nào giành được.

Đầu hàng vô điều kiện không có nghĩa là tiêu diệt hay nô dịch nhân dân Nhật Bản.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #35 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2009, 11:56:55 am »

Tơruman gạt bài diễn văn viết sẵn sang một bên, nói vo:

- Các bạn đã biết, chính tại đây, các bậc tiền nhiệm của chúng ta luôn luôn nhấn mạnh rằng, điều chúng ta mong muốn là một nền hòa bình chính nghĩa và công bằng. Ở Xan Phranxixcô, điều chúng ta cố gắng đạt được, và chúng ta sẽ đạt được, đó cũng chính là một nền hòa bình chính nghĩa và công bằng. Và chúng ta hiện nay không thể không nhìn thẳng vào một số vấn đề đang khiến mọi người phải lo ngại...

- Giọng ông ta như tuyên bố - Ngày 13 tháng 5 sẽ là ngày lễ cầu xin, điều đó cũng rất phù hợp, vì ngày đó cũng là ngày lễ Mẹ,

Đúng 9 giờ, từ phòng phát thanh ở Nhà Trắng, Tơruman nói chuyện với cả nước Mỹ: "Đây là giờ phút trang nghiêm và vẻ vang... Nếu Phrăngklin. D.Rudơven sống lâu thêm nữa để được nhìn thấy ngày hôm nay thì thật tốt biết bao".

Cùng vào giờ này, ở nhà số 10 phố Đaoning, Sớcsin cũng đang nói chuyện với nhân dân Anh. Ông hồi tưởng lại tình hình năm năm qua, rồi với giọng rầu rĩ, ông nói rằng tuy đã đến tận cùng của đau thương và thống khổ, nhưng trước mắt còn bao nhiêu công việc đang chờ đợi:

Trên đại lục châu Âu, chúng ta vẫn phải bảo đảm sao cho những mục đích đơn giản mà cao thượng đã khiến chúng ta lao vào chiến tranh sẽ không bị lãng quên hay bị quẳng đi trong những năm tháng sau chiến tranh. "Tự do”, "Dân chủ” và "Giải phóng”, những từ đó không thể mất đi ý nghĩa đích thực của chúng. - Sớcsin tiếp tục nói “Nếu luật pháp và chính nghĩa không được thực thi, nếu một chính phủ cường quyền hoặc phát xít lại thay thế bọn xâm lược Đức, thì việc trừng trị những tội ác của bọn Hítle hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì. Đối với bản thân chúng ta mà nói, chúng ta không tìm kiếm bất cứ thứ gì. Nhưng chúng ta cần được bảo đảm rằng, sự nghiệp mà vì nó chúng ta chiến đấu phải được mãi mãi tồn tại trong hiện thực và trong các văn kiện, để cho nền hoà bình có ý nghĩa. Đặc biệt, chúng ta phải cố gắng làm cho Liên Hợp Quốc, một tổ chức quốc tế đang được thành lập ở Xan Phranxixcô, không được đi chệch tên gọi của nó, không được trở thành tổ chức chỉ bệnh vực các nước mạnh, giễu cợt các nước yếu. Trước thắng lợi huy hoàng này, người chiến thắng cần thể hiện sự thành thật của họ, cần có những hành động cao thượng để khỏi hổ thẹn với những lực lượng to lớn mà họ đã động viên.
Sau bữa tiệc trưa ở cung điện Bớckingham, khi Thủ tướng Anh xuất hiện trên bao lơn, những tràng vỗ tay nồng nhiệt vang lên làm át cả tiếng nói của ông. Sớcsin phải la to: "Đây là thắng lợi của các bạn, đây là thắng lợi của tự do cho mỗi quốc gia, trong suốt chiều dài lịch sử của chúng ta, chúng ta chưa bao giờ có một ngày tươi đẹp nhường này"

Một sự thật không ai có thể chối cãi, đó là Liên Xô đã gánh vác trọng trách chính trong cuộc chiến đấu chống các lực lượng vũ trang phát xít. Đó là một cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, máu đổ nhiều nhất và gian khổ nhất trong mọi cuộc chiến tranh đã diễn ra trong lịch sử Liên Xô. Suốt thời kỳ chiến tranh, hơn 20 triệu người Liên Xô đã chết. Trong các nước Đồng minh chống phát xít, không có một nước nào, không có dân chúng của một nước nào, lại phải chịu hy sinh nặng nề như vậy, cũng như đã cống hiến một lực lượng lớn như vậy, để đánh bại một. kẻ thù đang đe doạ toàn nhân loại.

Bởi vậy, khi lễ tiếp nhận đầu hàng vừa kết thúc, ngay hôm đó Xtalin đã công bố "Thư gửi nhân dân". Ông nói:

“Ngày vĩ đại chiến thắng nước Đức đã đến. Nước Đức phát xít phải quì gối trước Hồng quân và quân đội các nước Đồng minh của chúng ta, thừa nhận mình đã chiến bại và tuyên bố đầu hàng vô điều kiện...

Sự hy sinh lớn lao mà chúng ta đã chấp nhận vì tự do và độc lập của Tổ quốc, muôn vàn nỗi gian khổ mà nhân dân ta phải chịu đựng trong chiến tranh, sự lao động khẩn trương và căng thẳng ở hậu phương và tiền tuyên vì Tổ quốc, tất cả đều không uổng công vô ích, mà đã đem lại kết quả là chiến thắng hoàn toàn kẻ thù. Cuộc đấu tranh trường kỳ của các dân tộc Xlavơ vì sự sinh tồn và nền độc lập của mình, cuối cùng đã kết thúc bằng chiến thắng bọn xâm lược Đức và chính sách tàn bạo của nước Đức.

Vì thế mà lá cờ vĩ đại của tự do cho nhân dân các nước, của hoà bình giữa nhân dân các nước được tung bay trên bầu trời châu Âu.

Ba năm trước, Hítle công khai tuyên bố chia cắt Liên Xô, coi việc chia cắt Capcadơ, Ucraina, Bêlarút, vùng bờ biển Ban Tích và nhiều vùng khác ra khỏi Liên Xô là nhiệm vụ của y. Y còn nói thẳng ra rằng: "Chúng ta nhất định sẽ tiêu diệt nước Nga, để nó vĩnh viễn không ngóc đầu lên được! Đó là chuyện của ba năm về trước. Song, cuồng vọng của Hítle quyết không thể thực hiện được, diễn biến của cuộc chiến tranh đã đập nát tan tành cuồng vọng đó của y. Trên thực tế, kết quả lại hoàn toàn trái ngược với những lời huênh hoang khoác lác của bọn Hítle. Nước Đức đã bị đánh bại hoàn toàn.”


Đêm buông xuống, cả Mátxcơva say sưa chìm trong niềm hân hoan của ngày chiến thắng. Trong Sứ quán Mỹ ở Liên Xô lúc bấy giờ đặt tại một tòa nhà sát khách sạn "Dân tộc" gần quảng trường Mônegiư, viên Tham tán Sứ quán Mỹ Gioócgiơ Kâynan nấp sau tấm rèm cửa sổ, quan sát dòng người tự phát diễu hành trong không khí tưng bừng. Những người đứng xem cùng với Kâynan sau này nhớ lại, lúc đó Kâynan nói với họ: "Người ta đang hoan hô. Người ta đang nhảy múa... Họ tưởng chiến tranh đã chấm dứt. Mà chiến tranh lại chỉ mới bắt đầu”.

Kâynan muốn ám chỉ về một kế hoạch chống Liên Xô của Mỹ và Anh đã được thảo luận chi tiết ở Oasinhtơn mà chính ông ta là người góp phần tích cực trong việc đưa ra những căn cứ lý luận cho đường lối đó. Mặc dầu ngay khi hội nghị Ianta họp, ông ta đã đưa ra một kiến nghị giống như vậy, song không được Tổng thống Rudơven chấp nhận, nhưng bây giờ người chấp chính là Tổng thống Tơruman, tình thế đã thay đổi rồi. Hồi tháng 4 khi Môlôtốp ghé lại Oasinhtơn, cuộc bàn bạc giữa Tơruman với những cố vấn thân cận nhất của ông ta chứng tỏ vị Tổng thống mới rắp tâm thay đổi chính sách sang phía đối kháng.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #36 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2009, 11:58:00 am »

Hốpkin sáu lần gặp Xtalin

Tiếp sau thái độ thô bạo không thể tha thứ được trong cuộc hội đàm với Môlôtốp, vị tân Tổng thống Hoa Kỳ lại thêm một hành động đối địch nữa với người bạn Đồng minh Liên Xô ấy là vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, Tơruman ký lệnh cắt giảm việc cung cấp vật tư cho Liên Xô đã được thỏa thuận trước đây. Tơruman không trao đổi trước với Liên Xô, mà còn dùng kiểu khiêu khích vô lối. Ngay hôm sau khi ký lệnh trên, ông ta lại ký tiếp lệnh đình chỉ việc xếp lên tàu các vật tư cung cấp cho Liên Xô tại cảng biển của Mỹ, chỉ thị cho các tàu thuyền đang trên đường đi sang Liên Xô quay trở về. Rất nhiều nhà hoạt động Mỹ, trong đó có cả Hariman, đều không tán thành hành động thô bạo đó của Tơruman. Đây rõ ràng là một âm mưu dùng áp lực kinh tế để đòi những nhượng bộ về chính trị. Họ cố gắng khuyến cáo Tổng thống thu hồi lại lệnh, mấy hôm sau Tơruman mới chịu làm theo.

Đường lối "cứng rắn" của Tơruman, Mátxcơva đương nhiên sẽ ghi vào hồ sơ của mình. Quan hệ Xô-Mỹ bị tổn thất lớn, điều này chẳng những khiến các tầng lớp dân chúng Mỹ quan ngại, mà còn dẫn đến sự chia rẽ ý kiến trong các thành viên chính phủ Mỹ.

Tơruman mới lên kế nhiệm, phần lớn các thành viên trong chính phủ đều là những người từng cộng sự với Rudơven, nên trong các cuộc tranh luận chung quanh vấn đề đường lối đối với Liên Xô sắp tới, những ý kiến tán thành tiếp tục thi hành chính sách hợp tác với Liên Xô luôn chiếm đa số.

Sau phiên họp đầu tiên của Liên Hợp Quốc, Hariman họp báo ở Xan Phranxixcô giới thiệu tình hình với các phóng viên. Khi ông ta nói đến chủ trương thi hành đường lối "cứng rắn” với Liên Xô, các phóng viên tỏ ra bực tức, nhiều người bỏ ra về để phản đối. 

Trước tình thế đó, Tơruman và những người ủng hộ ông ta không thể không thực hiện sách lược "vu hồi". Một mặt Nhà Trắng cố gắng tự kiềm chế, quyết định công khai tỏ quyết tâm tiếp tục phương châm hợp tác với Liên Xô, nhưng đồng thời dự định sẽ đưa ra một số điều kiện mà chắc chắn Mátxcơva khó bề tiếp thu. Một mặt, đổ lỗi cho Liên Xô về những sai lầm khiến họ không thể tiếp tục thực hiện đường lối của Rudơven, đồng thời lợi dụng báo chí liên tục kích động dư luận xã hội, gây tâm lý thù ghét Liên Xô.

Ít lâu sau hội nghị Liên Hợp Quốc Xan Phranxixcô, Hariman tìm đến một biệt thự xinh xắn ở Gioócgiơtơn, đề nghị chủ nhân ngôi biệt thự là Hary Hốpkin đi Mátxcơva. Hốpkin nhận lời ngay, không một chút do dự.

Hốpkin là bạn thân và là người tâm phúc của Rudơven, nhưng đã nhiều năm nay ông mang bệnh. Sau khi Tổng thống Rudơven qua đời, tình trạng sức khỏe của ông ngày càng tồi tệ, ông chỉ loanh quanh ở nhà, rất ít khi ra ngoài, hầu như không tiếp xúc với ai, phần lớn thời gian nằm trên giường dưỡng bệnh. Song, là một người chân thành ủng hộ việc hợp tác Mỹ-Xô, ông không nỡ nhìn thấy quan hệ hai nước ngày càng rạn nứt, ông thực sự mong muốn tình hình có sự thay đổi.

Đương nhiên, Nhà Trắng cũng đã cân nhắc kỹ trong việc chọn người thực hiện sứ mệnh quan trọng này và nhận thấy ngay những ưu thế của Hốpkin: ông từng là trợ thủ thân cận nhất của Rudơven, từng đại diện cho Rudơven và là người tham gia vạch kế hoạch hợp tác với Liên Xô sau chiến tranh; ông có thể thành thật trao đổi về tầm quan trọng và tính tất yếu của việc cần tiếp tục theo đuổi đường lối của Tổng thống Rudơven. Ông được chính phủ Liên Xô và cá nhân Xtalin tín nhiệm. Mátxcơva đặc biệt nhớ rõ, vào những ngày gian nan trong tháng 7 năm 1941, chính Hốpkin được Rudơven giao nhiệm vụ sang thủ đô Liên Xô điều tra khả năng tác chiến của Liên Xô và sau khi tìm hiểu tình hình, Hốpkin khẳng định: Hítle không thể thực hiện được âm mưu. Hốpkin còn là người nhiệt liệt ủng hộ phương châm phát triển quan hệ hợp tác bình đẳng giữa các nước, trước hết là giữa Mỹ và Liên Xô sau khi chiến tranh kết thúc. Ngoài ra, vì phải nằm một chỗ để dưỡng bệnh, Hốpkin có lý do để được coi là người không biết gì về những chuyện đã diễn ra sau bức màn Oasinhtơn.

Gắng gượng với tấm thân bệnh tật, Hốpkin vui vẻ bước vào cuộc hành trình. Trước khi Hốpkin lên đường, Tơruman có gặp và trực tiếp trao cho ông quyền tùy cơ hành động.

Tối ngày 25 tháng 5 năm 1945, vị đặc sứ của Hoa Kỳ tới Liên Xô. 8 giờ tối hôm sau, tại điện Kremli, Hốpkin và Hariman được người đứng đầu Nhà nước Liên Xô tiếp kiến lần đầu. Xtalin tiếp đãi Hốpkin như đón mừng một người bạn cũ ông chăm chú lắng nghe Hốpkin kể chuyện Rudơven những ngày trước lúc lâm chung. 
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #37 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2009, 11:59:03 am »

Sau đó, Hốpkin bắt đầu nói đến niềm tin tưởng của vị cố Tổng thống: Theo kinh nghiệm đoàn kết giữa Mỹ và Nga trong những năm chiến tranh, sự hợp tác của họ trong thời kỳ hoà bình là rất có khả năng. Hốpkin còn kể rằng, Rudơven rất kính trọng Nguyên soái Xtalin. Ông hồi tưởng lại chuyến công tác của mình sang Mátxcơva mùa hè năm 1941 và chuyện Tổng thống Rudơven đã nhanh chóng quyết định giúp đỡ Liên Xô và được biết có một số người nhận định rằng Hítle chỉ trong vài tuần lễ có thể đánh bại được Liễn Xô. Hốpkin tiếp tục nói: bây giờ thì người Nga đã cùng với người Mỹ đập tan phát xít đế quốc Hítle rồi!

Xtalin ngồi nghe những lời kể của Hốpkin với vẻ tán thưởng.    

Hốpkin như cảm thấy mình đã nói không ít những lời khách sáo cũng như đã nói rất nhiều những lời tốt đẹp rồi, bèn lái câu chuyện sang tình hình trước mắt. Ông nói, trong vòng tháng rưỡi đến hai tháng gần đây đã xuất hiện một số chiều hướng mới, khiến tất cả những người Mỹ tin tưởng vào chính sách của Rudơven cảm thấy rất lo ngại. Vì thế ông ta - Hốpkin, một con bệnh - nhận sự uỷ thác của Tơruman đã bay từ giường bệnh sang Mátxcơva.

- Lý do Tơruman cử tôi tới Mátxcơva là vì có nhiều người Mỹ thấy rất lo lắng trước chiều hướng phát triển không tốt đẹp trong quan hệ với Liên Xô. Tôi cảm thấy rất khó nói cụ thể nguyên nhân đích thực của sự thay đổi này, nhưng tai hại là ở chỗ Tơruman thấy khó tiếp tục chính sách hợp tác với Liên Xô của Ru-dơ ven - Hốpkin giải thích - Đây không phải là quan điểm của cá nhân Tổng thống, mà theo lời ông ta, dư luận xã hội cũng tán thành quan điểm này, nguyên nhân là "Do chưa giải quyết được vấn đề Ba Lan". Vấn đề Ba Lan nếu không nhanh chóng giải quyết, tình hình có thể còn xấu hơn nữa.

Xtalin nói ngay:

- Trách nhiệm trong việc gây khó dễ này là do người của Đảng Bảo thủ Anh. Liên Xô chỉ cần một nước Ba Lan thân thiện, nhưng người Anh lại muốn khôi phục "tuyến phòng dịch" trước chiến tranh.

- Chính phủ Mỹ cũng như nhân dân Mỹ hoàn toàn không có ý đồ đó. Hốpkin đáp.

Xtalin nhắc lại:

- Tôi chỉ nói nước Anh. Các lãnh tụ đảng Bảo thủ của họ không muốn nhìn thấy một Ba Lan thân thiện với Liên Xô.

Hốpkin cam đoan với Xtalin rằng, nước Anh chẳng những không phản đối, mà còn mong muốn nhìn thấy chung quanh nước Nga đều là những nước láng giềng thân thiện.

- Nếu quả như vậy, chúng ta sẽ dễ dàng thỏa thuận với nhau- Xtalin nói. .

Từ ngày 26 tháng 5 đến ngày 6 tháng 6, Xtalin và Hốpkin đã có sáu lần hội đàm với nhau ở điện Kremli, trong đó phần lớn thời gian dùng thảo luận vấn đề Ba Lan. Nói chung, các buổi hội đàm diễn ra tốt đẹp, cả hai bên đều công khai nói rõ quan điểm của mình.

Đối với các nước phương Tây, phía Liên Xô cũng đã đưa ra những yêu cầu nghiêm chỉnh.

Trong cuộc hội đàm lần thứ hai, ngày 27 tháng 5, Xtalin nêu vấn đề quyền đại biểu của Áchentina tại Hội nghị Xan Phranxixcô:

- Ở Ianta, nguyên thủ ba nước đã thỏa thuận, chỉ những nước nào tuyên chiến với Đức trước ngày 1 tháng 3 mới có tư cách được mời đi Xan Phranxixcô. Nhưng Áchentina mãi đến 27 tháng 3 mới tuyên chiến với Đức mà vẫn trở thành nước có đại biểu dự hội nghị. Thử hỏi, một quyết định của nước lớn mà có thể dễ dàng vứt bỏ đi như thế, vậy những hiệp định giữa các nước lớn còn có giá trị gì?

- Căn cứ hiệp định thỏa thuận ở Ianta - Hốpkin giải thích ở Xan Phranxixcô, ngài Quốc vụ khanh của chúng tôi đã đề nghị các đoàn đại biểu châu Mỹ la tinh ủng hộ việc chấp nhận Ucraina và Bêlarút gia nhập Liên Hợp Quốc. Họ đồng ý và đã giữ lời hứa của mình. Song các Đại sứ của Mỹ latinh muốn lấy việc Mỹ ủng hộ Áchentina làm điều kiện cho việc họ bỏ phiếu tán thành kết nạp hai nước Cộng hòa Xô-viết đó. Quốc vụ khanh chúng tôi đã thuyết phục họ, vấn đề Áchentina nên để chậm lại một chút, nhưng không được chấp thuận. Kết quả là không còn đường nào khác ngoài con đường đứng về phía người Mỹ la-tinh và cùng bỏ phiếu với họ.

- Có nói thế nào thì ván cũng đã đóng thuyền, Achentina, đó là câu chuyện của quá khứ!- Xtalin nói.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #38 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2009, 12:00:45 pm »

Sau đó, Xtalin đề cập đến vấn đề thành phần của Uỷ ban bồi thường. Ở Ianta đã thỏa thuận thành lập một Uỷ ban ba nước. Nhưng đến giờ, Mỹ lại kiên quyết chủ trương Pháp phải trở thành nước thành viên thứ tư.

Pháp liên tiếp thất bại về quân sự - Xtalin nói - Nếu Pháp được trở thành nước thành viên thứ tư của Uỷ ban này, vậy thì các nước Ba Lan, Nam Tư chiến đấu kiên cường hơn, chịu nhiều đau khổ hơn dưới nanh vuốt của Đức, vì sao lại không thể?

Hốpkin trả lời:

- Việc đồng ý để nước Pháp tham gia là một bước đi hợp với lô gích, vì Pháp sẽ là một trong "tứ cường” chiếm đóng nước Đức. Nhưng theo tôi, nếu Nga phản đối thì Mỹ chắc sẽ không một mực đòi cho Pháp tham gia.

Xtalin còn tỏ ý lo ngại về hành động của Mỹ tạm thời đình chỉ cung cấp vật tư cho Liên Xô theo thỏa thuận trước đây. Ông nói:

- Cách làm kiểu đó rất không thỏa đáng và dã man. Đưa ra quyết định này, nếu vì muốn gây sức ép với nước Nga thì đó là một sai lầm cơ bản. Mặc dầu Tơruman đã thu hồi lệnh đó nhưng nó buộc chính phủ Liên Xô phải hết sức quan tâm. Tôi cần thẳng thắn nói với ngài Hốpkin rằng: nếu đối xử thực lòng với người Nga trên cơ sở thân thiện, nhiều công việc chúng ta có thể dễ dàng giải quyết, nhưng mọi hành động trả đũa dưới bất cứ hình thức nào đều chỉ có thể mang lại những kết quả hoàn toàn trái ngược.

Hốpkin vin cớ "một sự hiểu lầm có tính chất kỹ thuật" để biện hộ cho chính phủ Mỹ. Theo ông ta, "sự hiểu lầm có tính chất kỹ thuật" này là do một bộ ngành của chính phủ quyết định.

Xtaiin nói với giọng hòa giải:

- Chiến sự ở châu Âu kết thúc, rõ ràng đòi hỏi nước Mỹ phải cân nhắc lại phương án cho vay trước đây. Nếu xét toàn bộ quá trình thì nước Mỹ đã thực hiện lời hứa của mình. Tôi hoàn toàn có thể hiểu được tình hình hiện nay, nước Mỹ có quyền giảm bớt khoản vật tư cho vay sang Liên Xô, vì sự hứa hẹn của Mỹ trên phương diện này hoàn toàn là tự nguyện. Nhưng vấn đề là ở chỗ phương thức, phương pháp làm chuyện đó. Có người lại muốn đình chỉ một cách bất ngờ, ngạo mạn và vô lễ một hiệp định đã được chính phủ hai nước ký kết. Giả như trước đó báo cho Chính phủ Liên Xô biết, hẳn chúng tôi sẽ không có cảm giác như vừa nói.

Đáp lại Hốpkin tỏ ý rất lo lắng, vì qua những tuyên bố của Xtalin, có thể Nga đang nghĩ rằng Mỹ định lợi dụng việc cho vay để làm thủ đoạn bày tỏ sự bất mãn đối với Liên Xô. Ông ta đề nghị với Xtalin hãy tin tưởng, dù chuyện đó có để lại ấn tượng xấu như thế nào dưới con mắt của Chính phủ Liên Xô thì Chính phủ Liên Xô cũng không nên coi nó như một âm mưu hoặc ý định của Chính phủ Mỹ dùng để gây áp

Tiếp đó, Xtalin nêu vấn đề chiến hạm và tàu buôn của Đức nói rõ các nước Đồng minh phương Tây phải giao cho Liên Xô một phần ba số lượng (tính theo tấn) mà họ đã thu được ông cảnh cáo:

- Nếu Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cự tuyệt nguyện vọng đó của Liên Xô, đó sẽ là một chuyện đáng buồn.

Hốpkin trả lời, Mỹ không phản đối việc giao nộp những tàu bè bắt được của Đức, nhưng theo ông ta, vấn đề này có thể sẽ được giải quyết dứt khoát trong một hội nghị sắp diễn ra giữa Tơruman, Xtalin và Sớcsin.

Giống như trước đây, vấn đề Ba Lan vẫn là vấn đề gay gắt nhất. Trong một lần hội đàm sau này, Xtalin chủ động nêu vấn đề Xtalin tỏ ý, ông không thể hiểu nổi lập trường của Mỹ. Ở hội nghị Ianta, Rudơven và Sớcsin đều đồng ý Chính phủ Ba Lan phải được thành lập trên cơ sở chính quyền hiện nay.

Khi Hốpkin vin vào cớ dư luận xã hội Mỹ, Xtalin đột nhiên xẵng giọng:

- Tôi đề nghị không nên dùng "dư luận xã hội" làm chiêu bài. Điều tôi đang nói là cảm giác của Chính phủ Liên Xô. Cảm giác đó mách bảo chúng tôi: Chiến tranh vừa kết thúc, người Mỹ đã hành động như không cần Liên Xô nữa.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #39 vào lúc: 20 Tháng Năm, 2009, 12:00:58 pm »

Cho tới cuộc hội đàm cuối cùng ngày 6 tháng 6, cuộc tranh luận các vấn đề liên quan tới Ba Lan mới chấm dứt. Hốpkin luôn luôn nhấn mạnh, vấn đề Ba Lan sở dĩ quan trọng, trước hết vì nó là "một tín hiệu chứng tỏ Mỹ và Liên Xô có thể bắt tay được với nhau”. Ông ta phủ nhận giả thiết cho rằng Mỹ đang tìm kiếm "lợi ích đặc biệt” ở nước này, rằng Mỹ đang tiếp tục gây áp lực với Chính phủ Liên Xô.

Tối ngày 1 tháng 6, tại điện Kremli, Xtalin mở tiệc chiêu đãi những người khách Mỹ. Trong buổi tiệc, Hốpkin phát biểu: "Ngài nên tin tôi nếu tôi nói rằng mọi quan hệ của chúng ta đều đang bị đe doạ bởi sự bế tắc trong vấn đề Ba Lan..."

Song dù thế nào phía Liên Xô cũng không thể nhượng bộ trước những yêu cầu của Oasinhtơn, nếu không, điều đó trên thực tế có nghĩa là làm sống lại chính thể phản động Ba Lan thù địch với Liên Xô. Người ta rất dễ dàng nhận ra hậu quả nghiêm trọng của sự nhượng bộ đối với nền hoà bình của Châu Âu, đối với sự an toàn của Liên Xô và đối với lợi ích dân tộc của chính nhân dân Ba Lan. Đồng thời với việc kiên trì lập trường đó, phía Liên Xô luôn luôn nhấn mạnh nguyện vọng muốn tăng cường hơn nữa việc hợp tác với Mỹ. Điều này thậm chí còn thể hiện trong quan hệ cá nhân.

Cũng vào tối ngày 1 tháng 6 đó, sau khi chiêu đãi khách, Xtalin mời mọi người cùng xem một bộ phim thời sự ngắn. Hariman hết lời khen con tuấn mã của tướng Antônốp cưỡi khi đi chào bộ đội trong buổi lễ duyệt binh ngày 1-5. Phát hiện ra Hariman cũng là một tay chơi ngựa lão luyện, Xtalin nói sẽ tặng ông Đại sứ một cặp ngựa Nga. Lúc đầu Hariman tưởng đó là câu nói đùa, nhưng hai ngày sau, một sĩ quan kỵ binh tới tòa Đại sứ và gửi Đại sứ một cuốn sách thuyết minh, bìa màu đỏ làm bằng loại da dê được chế tác rất công phu, bên trong có ảnh và bảng giới thiệu dòng máu của hai con ngựa quí. Đến lượt Hariman và cô con gái Catêrin sống cùng với ông ở Matxcơva hai tháng: nuôi ngựa ở đâu bây giờ? Song, như Catêrin nhớ lại, mọi việc được thu xếp rất ổn thoả: Hai con ngựa tặng được gửi nuôi trong chuồng ngựa của Trường huấn luyện kỵ binh Mátxcơva; Hariman và cô con gái của ông bất cứ lúc nào cũng có thể đến lấy ngựa đi dạo chơi hóng mát. Khi Hariman hết nhiệm kỳ rời Mátxcơva. hai con ngựa được đưa xuống tàu chở sang Mỹ nuôi trong trang trại của Hariman ở ngoại ô Niu Oóc.

Đêm 6 tháng 6, Hốpkin đến chào từ biệt Xtalin và các nhà lãnh đạo Liên Xô, sáng sớm ngày 7 rời Mátxcơva bay sang Béclin. Ở Béclin, Hốpkin là khách của Nguyên soái Giucốp. Giucốp đã bố trí để Hốpkin đi xem cảnh thành phố bị tàn phá! sau đó mời ông cùng ăn cơm trưa. Trong bữa cơm, họ trao đổi với nhau về cuộc họp của "ba ông trùm" sắp sửa diễn ra.

Nhìn chung, chuyến sang thăm Mátxcơva của Hốpkin hoàn toàn có thể trở thành điểm khởi đầu cho việc khôi phục lại quan hệ thân thiện giữa hai nước Xô-Mỹ. Phía Liên Xô nhiều lần nhấn mạnh điểm này. Bản thân Hốpkin qua những lần hội đàm ở điện Kremli đã rút ra kết luận: Việc phát triển hơn nữa mối quan hệ Xô-Mỹ là điều hoàn toàn có khả năng, mặc dầu có thể còn gặp nhiều phiền phức. Hốpkin nghĩ rằng, mặc dầu có nhiều khó khăn, Mỹ và Liên Xô vẫn cần thiết tìm ra một lối thoát cho cả hai bên, song dẫu sao ông ta cũng không thể dự đoán nổi một cuộc "chiến tranh lạnh" sắp xảy ra trong một kỷ nguyên mới cho sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước Mỹ - Liên Xô.

Ngay hôm sau khi về đến Mỹ, Hốpkin đã dùng cơm sáng với Tổng thống Tơruman. Ông trình bày tường tận về các cuộc hội đàm của mình ở Mátxcơva, cố gắng nói hết với Tổng thống những hiểu biết của mình về cá nhân Xtalin và cách thức đàm thoại của Xtalin. Theo Hốpkin, những điều đó có thể giúp ích Tơruman trong Hội nghị Pôtxđam sắp được triệu tập và trong việc tiếp xúc với lãnh tụ Liên Xô sau này.

Giới báo chí dự đoán, sau thành công này Hốpkin chắc sẽ giành được ngôi vị cao trong bộ máy hành chính mới, thậm chí có thể trở thành cố vấn riêng của Tơruman như thời Rudơven còn sống. Nhưng tình thế biến chuyển quá nhanh. Chỉ hai tháng sau cái chết của Rudơven, trong bộ máy hành chính mới xuất hiện những nhân vật mới hoàn toàn khác. Họ không cần tới công sức của Hốpkin. Hốpkin đã hoàn thành nhiệm vụ của mình: đi sứ sang Mátxcơva, cố gắng tạo ra được ấn tượng, hình như Oasinhtơn sẵn sàng thực hiện đường lối của Rudơven như trước đây. Điều này giúp cho ông chủ mới của Nhà Trắng tránh được sức ép quá đáng của dư luận Mỹ và thế giới tán thành tiếp tục hợp tác với Liên Xô, để ông có thể rảnh rang thực hiện đường lối "cứng rắn" với Liên Xô. Tơruman có mời Hốpkin tham dự Hội nghị Pốtxđam, nhưng ông từ chối. Sau khi Tơruman đưa Jêm Bécna lên thế chân ông Quốc vụ khanh cũ, Hốpkin hiểu ra rằng, tốt nhất là ông nên hoàn toàn rút khỏi chính trường.

Hơn nửa năm sau, ngày 29 tháng 1 năm 1946, Hary Hốpkin mất tại bệnh viện. Ông đã sống tại đây trong những tháng cuối cùng của cuộc đời.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM