Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:55:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn lửa chiến tranh lạnh - Tập 1  (Đọc 156950 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #240 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2009, 06:42:39 pm »

Mao Trạch Đông quay sang giọng như hỏi Khơrutsôp:

- Các đồng chí gắng sức, liệu có thể trong thời gian 10 năm vượt được Mĩ trên các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu.

Khơrutsôp nói:

- Chúng tôi cố gắng, điều đó có thể.

Mao Trạch Đông tiếp lời:

- Các đồng chí cần thời gian 10 năm để vượt nước Mĩ, chúng tôi cần 15 năm để vượt nước Anh.

Hội trường vang lên tiếng vỗ tay và tiếng hoan hô. Sau khi phân tích lực lượng so sánh, Mao Trạch Đông cất cao giọng nói hình thế thế giới hiện nay là "Gió Đông thổi bạt gió Tây". Đây là một luận điểm nổi tiếng.

- Cần phải cảnh giác với những kẻ điên cuồng gây chiến tranh, chúng có thể ném bom nguyên tử, bom khinh khí xuống bất cứ nơi nào...

Mao Trạch Đông trịnh trọng tuyên bố các nước xã hội chủ nghĩa sẽ mãi mãi không bao giờ là kẻ xâm lược. Trong tình thế xấu nhất, ông đã suy nghĩ đến cục diện có thể xuất hiện một khi bùng nổ chiến tranh. Ông nói:

- Tôi đã bàn luận vấn đề này với một vị chính khách nước ngoài (Nêru), ông ta tin rằng nếu xảy ra chiến tranh nguyên tử toàn bộ nhân loại sẽ bị tiêu diệt. Tôi nói, nếu như tan nát đến mức không thể tan nát hơn, một nửa loài người chết thì vẫn còn một nửa người sống, các nước đế quốc sẽ bị san thành bình địa, toàn thế giới sẽ thành xã hội chủ nghĩa, chỉ trong ít nhiều năm lại có 1,7 tỷ người, và chắc chắn còn có thể nhiều hơn nữa. Nhân dân Trung Quốc chúng tôi chưa hoàn thành công cuộc xây dựng, chúng tôi mong muốn hòa bình. Nhưng nếu các nước đế quốc cứ nhất định gây chiến thì chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác, chỉ còn cách trên dưới một lòng "tiếp" chúng đến cùng, đánh rồi xây dựng sau. Nếu như anh lúc nào cũng sợ chiến tranh mà rút cục chiến tranh vẫn đến thế thì anh làm thế nào?....

Cả hội trường chăm chú lắng nghe bài nói chuyện của Mao Trạch Đông.

Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân 12 nước xã hội chủ nghĩa tiến hành từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 11 năm 1957; tiếp đó, Hội nghị đại biểu 64 Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân được triệu tập từ ngày 16 đến ngày 19, cuối cùng Hội nghỉ đã thông qua "Tuyên ngôn Mátxcova" và "Tuyên ngôn hòa bình".

Ngày 20 tháng 11, tại đại sảnh Êcatêrina trong điện Kremli, Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã tổ chức long trọng đại tiệc tiễn biệt các đoàn đại biểu Đảng các nước, không khí vô cùng náo nhiệt. Mao Trạch Đông và Khơrútsốp ở ghế giữa hàng chủ khách.

Mao Trạch Đông đứng lên nâng cốc:

- Cảm ơn lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô, cảm ơn các vị đã tổ chức bữa tiệc chiêu đãi chúng tôi phong phú như thế này. Chúng ta đã tiến hành tốt hai Hội nghị, mọi người hãy đoàn kết lại, đó là đòi hỏi của lịch sử, là đòi hỏi của nhân dân các nước...

Mao Trạch Đông ngừng lại giây lát, rồi dùng thơ phú để nói về sự đoàn kết giữa những người Cộng sản:

- Trung Quốc có bài thơ cổ. "Hai bồ tát bằng đất - Một lần bị vỡ tan. Lấy nước hòa trộn lẫn. Lại làm hai bồ tát. Trong người tôi có anh. Trong người anh có tôi".

Cả phòng tiệc vang lên tiếng vỗ tay. Khơrútsốp nâng cốc rượu, vừa khen hay vừa chạm cốc với Mao Trạch Đông..
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #241 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2009, 06:45:06 pm »

III. KHƠRÚTSỐP THĂM TRUNG QUỐC LẦN THỨ HAI.

Tranh luận về "Hạm đội liên hợp"

Ngày 29 tháng 7 năm 1958, tổ trưởng tổ phiên dịch Diêm Minh Phục từ Cư Nhân Đường gọi điện thoại cho Lý Việt Nhiên:

- Anh Lý, có việc gấp, anh đến ngay chỗ tôi nhé.

Lý Việt Nhiên hỏi:

- Việc gì thế

- Có công tác quan trọng, anh đến ngay. Chủ nhiệm Dương tìm anh đấy.

Lý Việt Nhiên vội đi đến Cư Nhân Đường. Diêm Minh Phục giới thiệu sơ qua tình hình: Phía Liên Xô thông qua Đại sứ Iukin xin gặp Mao Trạch Đông để trình bày một đề nghị của nhà lãnh đạo Liên Xô muốn có một căn cứ tầu ngầm ở Trung Quốc và xây dựng một điện đài sóng dài để bảo đảm việc liên lạc với hạm đội của họ. Họ còn đề xuất lập một hạm đội liên hợp với chúng ta. Iukin đến gặp lần thứ nhất, Mao Trạch Đông nghiêm túc hỏi: "Các anh có ý gì? Vì sao lại phải làm như vậy?" Iukin giải thích không được rõ ràng, Mao Trạch Đông có chút bực tức nói: "Anh nói không được rõ ràng, xin mời Khơrútsốp sang nói cho rõ”

Iukin quay về liền đánh điện gấp báo cáo với Mátxcơva, rồi trở lại xin gặp Mao Trạch Đông lần nữa, vẫn nói cần xây dựng một hạm đội liên hợp để đối phó với Hạm đội Bảy của Mỹ. Mao Trạch Đông nghe xong rất bực, gặng hỏi phía Liên xô xem thực chất vấn đề là gì? Iukin trả lời vẫn không rõ ràng. Mao Trạch Đông nói: "Không được, việc này cần phải làm cho rành mạch, đề nghị báo cáo lại với đồng chí Khơrútsốp mời đồng chí ấy sang đây trao đổi"

Thế là Iukin gửi điện báo cho Khơrútsốp. Khơrútsốp quyết định sẽ sang Trung Quốc ngay.

Diêm Minh Phục nói với Lý Việt Nhiên:

- Iukin hai lần đến đều không nói được rõ ràng. Chủ tịch rất bực. Khơrútsốp sắp sang, Chủ nhiệm Dương để anh làm công tác phiên dịch, cho nên tìm anh đến.

Hai người đến phòng làm việc của Dương Thượng Côn, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Dương Thượng Côn giới thiệu lại quá trình trao đổi giữa Mao Trạch Đông với Iukin

Nghe giới thiệu tình hình, Lý Việt Nhiên chuẩn bị về mặt tư tưởng: Xem ra sẽ có một cuộc tranh luận lớn đây.

Cách một ngày, ngày 31 tháng 7 Khơrútsốp đã tới. Lý Việt Nhiên theo Mao Trạch Đông lên xe đến sân bay Nam Uyển. Cùng đi đón còn có Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Tại phòng chờ, không khí có vẻ trang nghiêm nhưng không vui vẻ thoải mái như lần trước. Mọi người đều rất ít nói, Mao Trạch Đông cũng không hào hứng bàn luận về triết học với Iukin như trước kia, lần này không nói chuyện gì nhiều.

Chiếc máy bay TU.104 chở Khơrútsốp từ từ hạ cánh. Những người lãnh đạo Đảng, Chính phủ Trung Quốc bước tới đón tiếp. Không có đội nghi lễ, cũng không có ôm hôn, Mao Trạch Đông chỉ bắt tay chào hỏi Khơrútsốp, vừa trò chuyện vừa bước vào phòng khách. 

Ngồi nghỉ ở phòng khách, không bàn luận vấn đề chính, Mao Trạch Đông chỉ nói chung chung về tình hình trong nước. Ông nói: Hiện nay, ở chúng tôi quả thực đã xuất hiện đại nhảy vọt, tình hình nông thôn khá tốt. Lưu Thiếu Kỳ tiếp lời:

- Hiện nay, điều chúng tôi lo không phải vì lương thực không đủ ăn mà là lương thực đã nhiều, chưa biết làm thế nào.

Khơrútsốp mỉm cười khó hiểu, nói:

- Dễ thôi. Lương thực nhiều, các đồng chí chưa biết làm thế nào thì có thể cho chúng tôi.

Trò chuyện không lâu, chủ khách lên xe từ sân bay Nam Uyển về thẳng Trung Nam Hải.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #242 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2009, 06:48:02 pm »

Mao Trạch Đông dẫn Khơrútsốp tới Di Niên Đường. Đặng Tiểu Bình và Dương Thượng Côn cùng đi theo. Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai đón tiếp Khơrútsốp xong liền quay về, không tham gia hội đàm.

Vào tới Di Niên Đường, Mao Trạch Đông liền thăm hỏi:

- Trên đường đi đồng chí vẫn khoẻ chứ?

Khơrútsốp gật đầu:

- Vẫn khoẻ, còn sức khoẻ của đồng chí thế nào?

- Tôi tự cảm thấy khá tốt.

Mao Trạch Đông mời Khơrútsốp ngồi rồi cũng ngồi xuống theo, nói:

- Iukin đã nói với tôi, các đồng chí có ý định gì đó, nhưng nói không rõ các đồng chí xuất phát từ suy nghĩ như thế nào. Cho nên tôi muốn được trực tiếp nghe ý kiến của các đồng chí. Đồng chí thân hành đến như vậy là rất tốt, chúng tôi hoan nghênh. Chúng ta cùng bàn chắc tốt hơn.

Khơrútsốp trước hết trách cứ Iukin, nói ông ta có lẽ không nghe rõ ràng ý kiến của lãnh đạo, sau đó nói về suy nghĩ của mình. Đại để là, căn cứ vào hiệp định, máy bay Liên Xô có thể đỗ xuống sân bay Trung Quốc để tiếp dầu. Bây giờ, tầu ngầm tầm xa của Liên Xô bắt đầu hoạt động, và hạm đội của Liên Xô hiện cũng đang có mặt ở Thái Bình Dương, căn cứ chủ yếu đặt ở Vlađivôstốc. Trước đây Trung Quốc có đưa ra yêu cầu đề nghị Liên Xô giao cho Trung Quốc sơ đồ thiết kế tầu ngầm và huấn luyện cho Trung Quốc kỹ thuật chế tạo tầu ngầm. Hiện nay, tình hình ở eo biển Đài Loan căng thẳng, Hạm đội Bảy của Mỹ điên cuồng hoạt động. Hạm đội Liên Xô tiến vào Thái Bình Dương là để đối phó với Hạm đội Bảy của Mỹ. Hoạt động tầm xa của tầu ngầm cần phải có một điện đài sóng dài xây dựng ở Trung Quốc v.v...

Khơrútsốp vừa khoa tay vừa nói tới mười mấy phút, thêm phiên dịch thành ra mất hơn nửa giờ. Mao Trạch Đông dáng vẻ nghiêm trang, liên tục hút thuốc lá, nhìn Khơrútsốp, lặng lẽ nghe. Khơrútsốp rõ ràng không hiểu Mao Trạch Đông đang nghĩ gì và không lường được sự phản ứng sẽ xuất hiện ở Mao Trạch Đông. Ông vẫn giải thích lan man, càng nói càng hăng, có vẻ đắc ý

Bỗng nhiên, Mao Trạch Đông giơ tay ra hiệu dừng lại, động tác nhẹ nhàng mà dứt khoát, chỉ nói gọn lỏn một câu:

- Đồng chí nói rất dài mà vẫn chưa nói vào vấn đề chính.

Khơrútsốp sững lại, lộ rõ vẻ lúng túng:

- Phải, phải, xin đồng chí đừng vội, tôi còn tiếp tục nói nốt. - Khơrútsốp gượng cười, có phần không tự nhiên - Iukin nói với tôi đồng chí rất bực. Iukin làm không được việc, ông ta không nói được rõ ràng. Chúng tôi chỉ nghĩ là muốn cùng các đồng chí thương lượng.

Mao Trạch Đông ngán ngẩm với cách nói úp úp mở mở, vòng vo của Khơrútsốp liền xẵng giọng hỏi thẳng:

- Xin đồng chí nói cho tôi biết, hạm đội liên hợp là cái gì?

- Ờ! ờ! - Khơrútsốp ngập ngừng, rõ ràng là không thể giải thích trọn vẹn trong một câu - Cái gọi là liên hợp, chính là việc cùng thương lượng, thương lượng...

Mao Trạch Đông nắm lấy điểm mấu chốt không chịu buông tha:

- Xin đồng chí nói rõ, Hạm đội liên hợp là cái gì?

- Đồng chí Mao Trạch Đông, chúng tôi xuất tiền xây dựng điện đài này cho các đồng chí. Điện đài này thuộc về ai, đối với chúng tôi không quan trọng, chẳng qua chúng tôi muốn dùng nó để duy trì liên lạc vô tuyến với tầu ngầm, mong rằng điện đài này có thể nhanh chóng xây dựng. Hạm đội của chúng tôi hiện đang hoạt động ở Thái Bình Dương, căn cứ chính của chúng tôi...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #243 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2009, 06:49:45 pm »

Mao Trạch Đông càng nghe càng tức giận, vỗ bàn đứng phắt dậy, chỉ vào Khơrútsốp nói:

- Đồng chí nói dài dòng như vậy mà chẳng mảy may đề cập đến vấn đề cốt yếu nhất. Tôi hỏi lại đồng chí, hạm đội liên hợp là cái gì.

Thấy tình hình như vậy, Lý Việt Nhiên đã cố gắng sử dụng từ ngữ lúc phiên dịch để biểu đạt một cách chuẩn xác tình cảm của Mao Trạch Đông để cho Khơrútsốp cảm thấy đầy đủ tính nghiêm túc của vấn đề.

Khơrútsốp mặt đỏ lên, xem ra trong lòng không dễ chịu mà lại không thể nói cho đầy đủ, trước sau vẫn ở trong thế bị chất vấn. Ông vẫn cố giữ giọng thản nhiên:

- Chúng tôi đến đây là để cùng các đồng chí thương lượng, thương lượng...

- Thế nào là cùng thương lượng, chúng tôi có hay không có chủ quyền? Có phải các đồng chí muốn lấy vùng đất duyên hải của chúng tôi chăng? - Mao Trạch Đông trong lúc phẫn nộ, giọng châm biếm - Thì các đồng chí cứ lấy hết đi là xong.

Phó Ngoại trưởng Liên Xô Phêđêrin cùng ngồi tham gia hội đàm là một nhà Hán học có tiếng, tinh thông tiếng Trung Quốc. Ông dùng tiếng Nga nói với Khơrútsốp:

- Mao Trạch Đông đang nóng giận

Khơrútsốp tất nhiên biết rõ Mao Trạch Đông đang "nóng như lửa" nhưng ông vẫn cố giữ bình tĩnh, nhún nhún đôi vai, đôi mắt nhỏ mà sắc chớp chớp, khí thế như tiêu tan, hai cánh tay nhỏ nhưng mập mạp, cất giọng mũi ồ ồ:

- Chúng tôi không có ý đó, xin đừng hiểu lầm. Ở nhà chúng tôi đã bàn, nay sang thương lượng với các đồng chí chính là muốn cùng nhau tăng cường sức mạnh phòng thủ...

- Ý này không đúng.

Mao Trạch Đông lại ngồi xuống. Cho tới lúc này, ông vẫn không phụ hoạ theo một câu nào của Khơrútsốp. Trong Hội nghị Mátxcơva năm 1957, Mao Trạch Đông còn chú ý lựa chọn một số vấn đề có điểm chung để bàn luận. Lần này thì không, ông cứ xoáy mãi vào điểm cốt yếu:

- Rõ ràng là đồng chí muốn lập Hạm đội liên hợp.

Khơrútsốp nhíu mày, hơi cao giọng:

- Chúng tôi đến đây cốt để cùng thương lượng với các đồng chí, chẳng ngờ lại khiến cho các đồng chí hiểu lầm lớn đến như vậy 

Khơrútsốp vẻ giận dỗi liên tục lắc đầu:

- Không thuận bàn thì cũng khó làm rồi.

Mao Trạch Đông trong lòng đã có cân nhắc. Nhớ lại trong Hội nghị Mátxcơva tám tháng trước đây, lãnh tụ Đảng Cộng sản Ba Lan Gômunka không đồng ý với cách đặt vấn đề "đứng đầu là Liên Xô”, Mao Trạch Đông đã nói với Gômunka: "Cần hay không cần người đứng đầu, đây không phải là việc riêng của chúng ta. Đế quốc có người đứng đầu, chúng ta cũng cần phải có người đứng đầu, bất chợt xảy ra chuyện gì, tất phải có một người đứng ra triệu tập chứ. Nói ngay lần họp Hội nghị này, Liên Xô không đứng ra, chúng ta biết làm thế nào?... Liên Xô lực lượng có bao nhiêu, tôi và đồng chí lực lượng có bao nhiêu?"

Thật vậy, " Liên Xô có bao nhiêu lực lượng, tôi và đồng chí lực lượng có bao nhiêu?”. Lúc này, hải quân Trung Quốc mới xây dựng chưa được mười năm, mới ở giai đoạn phòng thủ bờ biển, làm sao có thể bình đẳng với Liên Xô trong việc lập "Hạm đội liên hợp" gì đó được? Huống hồ, nếu như Liên Xô xây dựng căn cứ hải quân ở Trung Quốc thì đây lại là vấn đề lớn liên quan đến chủ quyền quốc gia.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #244 vào lúc: 12 Tháng Sáu, 2009, 06:51:07 pm »

Chẳng trách được Mao Trạch Đông mẫn cảm, chẳng trách được Mao Trạch Đông tức giận. Liên Xô cho quân đội đến đóng ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, xây dựng căn cứ, đó là chuyện khác, vì Trung Quốc không quản nổi Đông Âu; nhưng việc quan trọng của chính Trung Quốc thì mình phải làm chủ. Binh lính của bất cứ nước ngoài nào cũng không được phép đứng chân trên đất Trung Quốc, đó là lập trường rõ ràng nhất quán của Đảng Trung Quốc.

Khơrútsốp đã nhiều lần trách cứ Iukin không biết làm việc nhưng lần này đến lượt ông, có lẽ cũng cảm thấy chẳng dễ chút nào. Nghĩ một lát, Khơrútsốp kiến nghị: 

- Đồng chí Mao Trạch Đông, chúng ta có thể thỏa thuận một Hiệp nghị nào đó, để tàu ngầm của chúng tôi có một căn cứ trên đất nước các đồng chí, tiện lợi cho việc tiếp dầu, sửa chữa, nghỉ ngơi ngắn hạn, được chăng?

- Không được! - Mao Trạch Đông phẩy tay từ chối dứt khoát. - Tôi không muốn nghe lại việc này nữa.

- Đồng chí Mao Trạch Đông, các nước trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương về mặt hợp tác và cung ứng lẫn cho nhau chẳng có gì phiền toái cả, thế mà ở đây chúng ta chỉ có một việc thế này mà cũng không thoả thuận được với nhau?

Khơrútsốp có chút bực tức. Khi vui vẻ hoặc tức giận, cặp mắt của Khơrútsốp thường khép lại thành một đường thẳng, ánh mắt như ngưng đọng lại thành một tia sáng sắc bén.

Mao Trạch Đông vẫn điềm nhiên, thậm chí còn ung dung hút thuốc lá. Có lẽ vì mục đích của ông đã đạt được: Làm rõ ý nghĩ thật sự của phía Liên Xô, lại nắm đúng thời cơ tỏ rõ thái độ của mình cho họ biết, để cho họ mãi không quên được. Ông nói mạnh mẽ, dứt khoát:

- Không thể!

Khơrútsốp không còn khép mắt nữa, thái độ trở lại bình thường, đúng là người lãnh đạo của một nước lớn, ý chí vẫn kiên cường. Ông bỗng nhiên mỉm cười nói:

- Để hợp lý hợp tình, nếu như đồng chí muốn, thưa đồng chí Mao Trạch Đông, tầu ngầm của các đồng chí có thể sử dụng cảng Muốcmanskơ của chúng tôi làm căn cứ.

- Không cần! - Mao Trạch đồng cười nhạt, môi dưới giật giật, đổi giọng chậm rãi nói - Chúng tôi không nghĩ đến Muốcmanskơ của các đồng chí, không nghĩ đến việc làm nhà cửa ở đấy, và cũng không mong muốn các đồng chí làm nhà cửa ở đây.

Khơrútsốp im lặng nhìn Mao Trạch Đông hồi lâu như muốn nói: Không làm sao hiểu được ông, cũng không có cách nào nói chuyện được với ông.

Mao Trạch Đông nói với Khơrútsốp giọng như đang lên lớp giảng bài:

- Người Anh, người Nhật, và nhiều người nước ngoài nữa từng dừng chân rất lâu trên đất nước chúng tôi, đã bị chúng tôi đánh đuổi đi. Đồng chí Khơrútsốp, xin nói lại một lần nữa: Chúng tôi không muốn để bất cứ người nào dùng đất đai của chúng tôi cho mục đích riêng của họ.

Nghe tới đây, Khơrútsốp thấy không còn hy vọng gì, cặp mắt tí hí mở to, giọng như muốn làm dịu đi bầu không khí căng thẳng:

- Các đồng chí không đồng ý thì thôi, chúng tôi không đưa ra đề nghị này nữa.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #245 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2009, 03:48:47 pm »

Hình như vẫn chưa muốn kết thúc ở đây, Khơrútsốp nói tiếp với giọng nuối tiếc:

- Tại sao lại hiểu nhầm chúng tôi như vậy? Đồng chí Mao Trạch Đông, đồng chí biết đấy, Liên Xô chúng tôi đã viện trợ rất nhiều cho Trung Quốc. Năm 1954, tôi tới đây, chúng tôi đã trao trả cảng Lữ Thuận về cho Trung Quốc, bỏ các cổ phần trong công ty cổ phần hỗn hợp thành lập ở Tân Cương, những việc này đã làm sớm trước 25 năm so với Hiệp định ký kết giữa đồng chí với Xtalin, hơn nữa chúng tôi còn tăng thêm viện trợ kinh tế cho các đồng chí...

- Đấy là vấn đề khác - Mao Trạch Đông dùng giọng nói mềm mỏng tách bạch hai vấn đề viện trợ và chủ quyền, lịch nhưng kiên định nhắc lại. - Đấy là vấn đề khác.

Cuộc hội đàm ở Di Niên Đường bắt đầu ngay từ lúc vừa xuống xe, đủ thấy sự trọng thị của Mao Trạch Đông đối với chủ quyền của Trung Quốc, một vấn đề mà suốt đời ông vô cùng trân trọng.

Sau cuộc hội đàm này, một vị lãnh đạo hỏi Lý Việt Nhiên:

- Này Tiểu Lý, Chủ tịch còn nói với tôi, hỏi chú xem có sợ Khơrútsốp không?

Lý Việt Nhiên không rõ có chuyện gì. Vị lãnh đạo này nói:

- Chủ tịch hỏi, “khi tôi chỉ vào Khơrútsốp, vì sao chú ấy không chỉ"?

Lý Việt Nhiên giải thích:

- Tôi không sợ ông ta. Tôi đã theo các thủ trưởng Lưu Thiếu Kỳ , Chu Ân Lai, Bành Chân nhiều lần ra nước ngoài, cũng hiểu biết ít nhiều về Khơrútsốp. Tính khí ông ta có phần thô bạo, nếu tất cả đều giơ tay chỉ vào ông ta, xem ra cũng không hay lắm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #246 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2009, 03:52:44 pm »

Hội đàm bên bể bơi chẳng có gì vui vẻ

Ngày hôm sau, Mao Trạch Đông chờ Khơrútsốp ở bể bơi, chuẩn bị cuộc hội đàm lần thứ hai.

Lý Việt Nhiên đến trước, thấy Mao Trạch Đông đã thay quần áo bơi, khoác chiếc khăn tắm đang khởi động.

Nhân lúc đó Lý Việt Nhiên bước tới, hỏi khẽ:

- Nghe nói Chủ tịch có hỏi tôi rằng có sợ Khơrútsốp không?

Mao Trạch Đông ngừng khởi động, nhìn Lý Việt Nhiên:

- Ờ! Chú sợ hay không sợ hử?

- Tôi không sợ, tôi hiểu ông ta?

Lý Việt Nhiên giải thích với Mao Trạch Đông về tính khí thô bạo của Khơrútsốp, rất dễ dàng nổi nóng. Lý Việt Nhiên nói:

- Thưa Chủ tịch, Chủ tịch có chỉ vào mũi ông ta, vấn đề đó chẳng có gì gọi là to tát, nhưng nếu tôi cũng chỉ vào ông ta thì có thể lại trở thành vấn đề lớn đấy ạ. Khi đó Chủ tịch đã rất quyết liệt, tôi là người phiên dịch mà cũng quyết liệt thì không thoả đáng. Làm như vậy e không hay với đối phương.

- Ờ - Mao Trạch Đông tỏ vẻ như nửa ngẫm nghĩ, nửa tán đồng - Chú suy nghĩ có lý, nói cũng có lý đấy.

Được khuyến khích, Lý Việt Nhiên mạnh dạn nói những suy nghĩ của mình:

- Khi đó tôi cũng đã đứng dậy. Về vấn đề chủ quyền, không thể mơ hồ được. Nhưng mấu chốt không ở chỗ chỉ hay không chỉ vào ông ta, mà là phiên dịch cho chuẩn xác ý kiến của Chủ tịch, câu chữ phải sắc bén mới được.

Mao Trạch Đông gật gật đầu, đưa mắt nhìn hai bên eo, nói:

- Chú nghĩ rất đúng. Cái ông Khơrútsốp này, cần đập ông ta thì đập, nhưng không phải cái gì cũng đập ông ta.

Trên bể bơi lúc này, ánh mặt trời chiếu xuống mặt nước trong suốt tới đáy, phía nước nông một màu trắng xanh, chỗ nước sâu một mầu xanh thẫm, tạo cho con người một cảm giác mát mẻ. Gạch men sáng bóng lóa mắt, bên thành bể đặt những chiếc ghế mây. Trên chiếc bàn bằng tre mây có nước trà và thuốc lá, những chiếc ghế sắp xếp theo kiểu chuẩn bị cho một cuộc hội đàm.

Các vị lãnh đạo Trung ương Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình đã đến, rõ ràng là họ cũng tham gia hội đàm, số người đông hơn hôm trước nhiều. Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình đều hút thuốc lá, Chu Ân Lai ngẫu nhiên cầm lên điếu thuốc nhưng không hút. Mao Trạch Đông rất thoải mái, mặc bộ quần áo tắm, chân trần đặt trên dép lê. Ba vị kia đều ăn mặc chỉnh tề. Họ đứng bên cạnh bể bơi, hút thuốc nói chuyện phiếm.

Mao Trạch Đông nói hơi nhiều, câu nới gây ấn tượng sâu cho mọi người là: Chúng ta đều phải học duy vật luận, biện chứng pháp, ở đó có bao nhiêu điều có thể học được. Sự vật khách quan phức tạp biết bao, tất cả đều ở trong trạng thái vận động, tất cả đều đang biến đổi, không có một cái gì nhất thành bất biến.

Bắt đầu từ năm 1957, Mao Trạch Đông luôn nhấn mạnh đến phép biện chứng, đặc biệt là khi giao tiếp với người Liên Xô, ông lại càng nhấn mạnh hơn. Năm 1957, Lý Việt Nhiên theo ông đi thăm Mátxcơva, vừa lên máy bay là đã bàn luận về phép biện chứng.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #247 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2009, 03:53:07 pm »

Trong thời gian tham dự Hội nghị Mátxcơva, Mao Trạch Đông đã từ chối các hoạt động như tham quan Lêningrát, xem múa ba lê, kịch nói, kịch hát và các cuộc du lãm khác, ông chỉ đề xuất muốn được gặp các học giả có tiếng trong giới triết học Liên Xô để giao lưu, tranh luận với họ, cùng họ thảo luận về phép biện chứng cũng như làm thế nào để đưa triết học trở thành vũ khí trong tay người dân bình thường. Trong thời gian Hội nghị. Những phát biểu của Mao Trạch Đông đã được chỉnh lý thành một bản thảo về duy vật biện chứng, kiến nghị viết vào văn kiện Hội nghị.

Sau này đoạn luận văn đó đã được đưa vào "Tuyên ngôn” của Hội nghị đại biểu các Đảng của 12 nước xã hội chủ nghĩa.

Theo Mao Trạch Đông, kiên trì bàn về phép biện chứng tức là kiên trì làm cách mạng, vì mọi thứ trên thế giới đều đang vận động biến hóa phát triển; không cảm thấy hứng thú với phép biện chứng tức là muốn tìm sự an lành ẩn dật, không muốn thay đổi hiện trạng, không muốn đả phá sự cân bằng cũ có nghĩa là không muốn tiếp tục cách mạng, tiếp tục tiến lên. Mao Trạch Đông đã nói về phép biện chứng với các bạn chiến đấu của mình như vậy. 

Khơrútsốp tới. Hai bên bắt tay, thăm hỏi đôi câu. Khơrútsốp biết Mao Trạch Đông có thói quen làm việc ban đêm nên hỏi Mao Trạch Đông giấc ngủ ra sao. Mao Trạch Đông nói:

- Trong lòng có việc phải suy nghĩ, ngủ không yên giấc...

Nói rồi ngồi xuống chiếc ghế mây. Cuộc hội đàm thứ hai bắt đầu. 

Về việc xây dựng hệ thống điện đài sóng dài và Hạm đội liên hợp đã bị Mao Trạch Đông bác bỏ ngày hôm qua, hôm nay không đề cập đến nữa mà chuyển sang bàn về tình hình quốc tế. Về cách nhìn đối với tình hình quốc tế, hai bên không có sự khác biệt lớn, có thể cùng bàn tới rất nhiều vấn đề chung nên không khí có phần hòa dịu hơn hôm qua.

Tuy nhiên vẫn còn có tranh luận.

Từ tình hình quốc tế bàn tới tình hình Trung Quốc, Mao Trạch Đông lại nói về "đại nhảy vọt” của Trung Quốc.

Khơrútsốp lắc đầu nói:

- Đại nhảy vọt của các đồng chí, chúng tôi vẫn chưa hiểu. Chúng tôi cho rằng có tình huống đốt cháy giai đoạn.

Từ "đại nhảy vọt" bàn tới "công xã nhân dân”, Mao Trạch Đông nói:

- Công xã nhân dân thực hiện một "lớn” hai "công”; lớn, có nghĩa là có nhiều hợp tác xã sản xuất kết hợp lại, người đông mạnh sức; công có nghĩa là nhân tố xã hội chủ nghĩa nhiều hơn thời hợp tác xã, tàn dư của chủ nghĩa tư bản từng bước bị xóa bỏ. Đây là phong trào của quần chúng nhân dân tự phát làm, không phải chúng tôi áp đặt từ trên xuống.

Khơrútsốp vẫn lắc đầu: .

- Những chuyện này chúng tôi không biết rõ, chỉ có các đồng chí tự biết. Tóm lại, mọi thứ các đồng chí làm đều là theo kiếu Trung Quốc, các đồng chí tất biết rõ ràng hơn chúng tôi. 

Khơrútsốp không hút thuốc, còn Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ Đặng Tiểu Bình hút thuốc liên tục. Chủ yếu là Mao Trạch Đông cùng Khơrútsốp đàm luận, những người khác hầu như không nói xen vào. Nhân lúc nói về tình hình của Trung Quốc, Khơrútsốp liền lái sang quan hệ quốc tế, ông nói:

- Đối với châu Á, với Đông Nam Á, phải nói rằng các đồng chí tường tận hơn chúng tôi. Đối với châu Âu, chúng tôi tương đối biết rõ ràng hơn các đồng chí. Nếu như phân công, chúng tôi có thể suy nghĩ nhiều về các sự việc ở châu Âu, các đồng chí có thể suy nghĩ nhiều về các sự việc ở châu Á. 

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #248 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2009, 03:53:15 pm »

Mao Trạch Đông hầu như không tán đồng với Khơrútsốp về một việc gì, ông khoát tay nói:

- Không phân công như thế được. Các nước có tình hình thực tế của các nước. Có một số vụ việc các đồng chí quen thuộc hơn chúng tôi, nhưng công việc của một nước chủ yếu phải do nhân dân nước đó giải quyết, mỗi nước đều có thực tế riêng của họ, các nước khác không được can thiệp.

Mao Trạch Đông nói những lời này vẫn là kiên trì nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nước khác, nhắc nhở Khơrútsốp không nên làm cái chuyện phân chia phạm vi thế lực.

"Hội đàm" kết thúc, Mao Trạch Đông mời Khơrútsốp xuống tắm.

Khơrútsốp thay quần áo tắm. Ông không biết bơi, bèn đi đến khu nước nông, nhẩy "ùm" xuống nước, tay chân đập loạn xạ không rõ thuộc kiểu bơi nào rồi chìm nghỉm. Nhân viên công tác giúp ông leo lên thành bể, khoác thêm một phao bơi rồi mới xuống nước lần nữa.

Tài bơi lội của Mao Trạch Đông nức tiếng ở trong nước và ngoài nước. Ông xuống chỗ nước sâu, ung dung bơi theo kiểu bơi ếch, rồi nghiêng mình bơi về chỗ nước nông.

Khơrútsốp lặng lẽ nhìn Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông sải tay, hai chân đập, nước tung bọt trắng xóa, tốc độ khá nhanh, lao thẳng như một trái ngư lôi, chỉ mấy sải tay đã bơi tới giữa bể bơi.

Khơrútsốp có lẽ do tự ái đã cố tình làm ra vẻ không nhìn Mao Trạch Đông bơi, nhưng lại tò mò muốn quan sát người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa là bạn vừa là đối thủ này, nên quay đầu lại nhìn rồi lại quay đi. Khi quay nhìn lại Mao Trạch Đông đã bơi đến bên cạnh. 

- Tôi đã biết từ lâu ông là một kiện tướng bơi lội.

Khơrútsốp nằm trên chiếc phao bơi lập bập nói. Mao Trạch Đông mỉm cười đáp lễ, không nói, chuyển hướng bơi về phía nước sâu, từ kiểu bơi nghiêng đã chuyển sang bơi ngửa, bơi đến giữa bể.

Khơrútsốp bỗng nhiên mở to mắt, môi dưới trề ra, đứng ngẩn nhìn: Mao Trạch Đông đang nằm trên mặt nước.

Một lát sau, Mao Trạch Đông càng làm cho người ta ngạc nhiên hơn. Ông nhoi lên mặt nước, vươn thẳng thân hình thành một góc 70 độ so với mặt nước, tựa như người đang đứng nghiêm. Có người có thể nằm trên mặt nước nhưng chưa bao giờ nhìn thẳng ai lại "đứng" bất động trên nước như Mao Trạch Đông!

Khơrútsốp lắc đầu sững sờ giây lát rồi gật đầu thán phục.

Mao Trạch Đông vùng vẫy một lúc, hả hê bơi đến gần Khơrútsốp chuyện gẫu. Bây giờ không còn là không khí quan trường khi hai bên ngồi hội đàm mà là không khí nhẹ nhõm, thoải mái giao lưu giữa hai con người.

- Người Trung Quốc khó đồng hóa nhất - Mao Trạch Đông đưa mắt nhìn Khơrútsốp, thâm trầm nói - Trước kia có một số nước muốn đánh chiếm Trung Quốc, đã tới Trung Quốc chúng tôi. Kết quả ra sao? Những người nhiều lần đánh vào Trung Quốc, cuối cùng đều không trụ lại được.

Khơrútsốp nghe những lời nới này, nét mặt không lộ vẻ biểu cảm, ông ta đang nghĩ gì, khó mà biết được.

Ngày 31 tháng 7, Khơrútsốp đến thăm Bắc Kinh, ngày 3 tháng 8 trở về Mátxcơva. Khi đến thì bí mật, ngày ra về thì báo chí đăng thông báo về cuộc hội đàm, nghĩa là công khai chính thức rời Bắc Kinh.

Mao Trạch Đông tuy có ra sân bay đưa tiễn Khơrútsốp, nhưng không ngồi chung xe.

Khi tiễn đưa không có nghi lễ gì, Mao Trạch Đông cũng không ôm hôn Khơrútsốp. Cuộc hội đàm lần này có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển quan hệ Trung - Xô sau này
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #249 vào lúc: 13 Tháng Sáu, 2009, 03:54:23 pm »

IV. MỘT HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ ĐẶC BIỆT

Trung ương quyết định pháo kích Kim Môn

Ngày 25 tháng 11 năm 1957, sau bữa ăn trưa, Tổng thống Mỹ Aixenhao đến văn phòng Tổng thống. Ngồi vào bàn làm việc ông bắt đầu ký một số giấy tờ, văn kiện. Đột nhiên ông thấy đau đầu choáng váng. Ông muốn thoát khỏi cảm giác này bên vươn tay lấy một bì thư khác. Khi cầm lên ông thấy những con chữ trong thư hình như chạy đi hết. Người ông mềm nhũn, buông rơi cây bút, mê man ngã gục trên ghế...

Từ đó Aixenhao mang theo căn bệnh nặng nề mệt mỏi, tiếp tục làm nhiệm vụ của trùm "sen đầm quốc tế”. Điều làm ông đau đầu là thời gian này, cục diện quốc tế biến động khôn cùng, tiếng hô chống Mỹ trên toàn thế giới ngày một vang dội, phong trào đấu tranh đòi giải phóng dân tộc của nhân dân châu Phi sục sôi cuồn cuộn; vùng Trung Đông cũng đã xuất hiện hình thế mới. Chính phủ Gamil Samun ở Libăng bị lật đổ, Irắc bùng nổ cách mạng lật đổ vương triều phong kiến. Để dập tắt ngọn lửa chống Mỹ ở Trung Đông, ngày 1 5 tháng 7 năm 1958, Aixenhao đã hạ lệnh cho đơn vị lính thủy đánh bộ xâm nhập Libăng và các nước Trung Đông, lại tuyên bố đặt các đơn vị hải lục không quân ở vùng Viễn Đông vào tình trạng báo động. Theo đó Anh, Pháp rồi Liên Xô cũng có những hoạt động. Thế là cục diện Trung Đông tự nhiên căng thẳng, thành tiêu điểm của mâu thuẫn thế giới.

Ngày 16 tháng 7, Chính phủ Trung Quốc ra thông cáo, kịch liệt chỉ trích và phản đối hành vi xâm lược của Mỹ, đòi Mỹ lập tức rút quân khỏi Libăng. Sau đó, Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, các thành phố lớn, vừa và nhỏ khác đã tổ chức biểu tình thị uy phản đối Mỹ xâm lược Trung Đông. Dư luận tiến bộ trên thế giới đều sôi nổi ủng hộ cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Trung Đông.

Trong khi đó, tập đoàn Quốc dân Đảng Đài Loan lại biểu thị "hoàn toàn ủng hộ" hành động xâm lược Libăng của Mỹ, lại còn kêu gào phải "đẩy mạnh việc chuẩn bị phản công đại lục”. Nhân cơ hội này, để mở rộng hoạt động quân sự, ngày 17 tháng 7, nhà cầm quyền Quốc dân Đảng tuyên bố các đơn vị quân đội trực thuộc đặt trong "tình trạng báo động đặc biệt”. Quân đội Quốc dân Đảng ở Kim Môn, Mã Tổ và Đài Loan lần lượt tiến hành diễn tập quân sự, đồng thời tăng cường hoạt động do thám bằng không quân và chuẩn bị tập kích đại lục. Chỉ một thời gian, eo biển Đài Loan tràn lan khói súng, tình thế rất nguy hiểm.

Để đập tan sự khiêu khích của nhà đương cục Đài Loan, đánh mạnh vào uy thế của bọn xâm lược Mỹ, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Trung Đông, chiều tối ngày 18 tháng 7, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng tại Bắc Đới Hà, thảo luận việc pháo kích quy mô lớn vào đảo Kim Môn.

Mao Trạch Đông nói:

- Ủng hộ cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Irắp, không thể chỉ giới hạn trong việc ủng hộ trên danh nghĩa, mà còn cần phải ủng hộ bằng hành động thực tế. Đánh Kim Môn, tức là ủng hộ cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Libăng. Kim Môn, Mã Tổ là lãnh thổ của Trung Quốc; đánh Kim Môn, Mã Tổ, trừng phạt quân đội Quốc dân Đảng là công việc nội bộ của Trung Quốc, kẻ thù không thể kiếm cớ, còn đối với đế quốc Mỹ thì có tác dụng kiềm chế. Dùng pháo binh mặt đất thực hiện việc pháo kích là chính và phải chuẩn bị đánh hai, ba tháng; đồng thời hoặc sau đó đưa hai sư đoàn không quân xuống phía nam bố trí ở Sán Đầu, Liên Thành.

Khoảng cách giữa Hạ Môn và Tiểu Kim Môn chỉ có hơn 2000 mét, trận địa tiền duyên của Quân Giải phóng trên các đảo lớn, nhỏ cách Đại Kim Môn càng gần hơn, không đến 1000 mét. Từ năm 1949, sau khi ngừng cuộc chiến thu phục Kim Môn, mặt trận giữa Hạ Môn lục địa với các đảo Đại, Tiểu Kim Môn đã ở trong tình trạng đối địch. Tưởng Giới Thạch dùng một binh đoàn trang bị hạng nặng phòng thủ Kim Môn. Ở Hạ Môn trước khi tu sửa lại đê biển, Quân Giải phóng cũng luôn có một lực lượng lớn phòng thủ Hạ Môn. Trước khi chiến tranh Triều Tiên đình chiến, tức từ năm 1950 đến năm 1953, quân Tưởng ở Kim Môn đã không ngừng dùng hải quân tập kích các vùng duyên hải mặt trận Phúc Kiến và phong tỏa cảng Hạ Môn, cảng Mã Vĩ Phúc Châu; không quân của họ luôn luôn không kích Hạ Môn, Phúc Châu; đặc biệt những trận không kích Hạ Môn càng thường xuyên hơn. Quân Tưởng ở Kim Môn chiếm ưu thế về pháo binh nên luôn luôn pháo kích Hạ Môn. Để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trên các đảo ven biển và nghề đánh bắt cá, thay đổi cục diện quân sự giữa hai bên, Quân Giải phóng sớm đã hoạch định phương án pháo kích Kim Môn. Tình hình quốc tế ở vùng Trung Đông biến động đột ngột đã có tác dụng thúc đẩy mạnh việc thực thi phương án này.

Đề nghị của Mao Trạch Đông nhanh chóng được Bộ Chính trị thông qua.

Sau khi có nghị quyết, Chu Ân Lai hỏi:

- Thưa Chủ tịch, ta sẽ giao cho ai đảm nhiệm chỉ huy cuộc chiến đấu này.

Mao Trạch Đông nói: 

- Ý kiến của tôi là vẫn để Diệp Phi chỉ huy, chúng ta cần phải tạo cơ hội cho đồng chí ấy.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM