Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:17:47 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn lửa chiến tranh lạnh - Tập 1  (Đọc 156956 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #170 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2009, 07:23:29 pm »

Chu Ân Lai hai lần đi Mátxcơva

Hội nghị Giơnevơ là Hội nghị quốc tế quan trọng đầu tiên có đại diện của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tham gia. Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc rất coi trọng việc này, nhiều lần họp nghiên cứu những nguyên tắc, phương châm có liên quan. Là Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng, Chu Ân Lai tuy công việc rất bận rộn, nhưng từ khi có quyết định mời Trung Quốc tham gia Hội nghị Giơnevơ ông đã bắt tay vào các công việc chuẩn bị.

Trong cuốn Sống bên những nhân vật lịch sử vĩ đại, Sư Triết hồi tưởng lại:

“Trong thời gian này, Trần Hạo - thư ký Ngoại giao của Thủ tướng ban đêm thường gọi điện bảo tôi đến. Tôi tới phòng Tây Hoa theo cửa lớn, bàn xong công việc thường đã quá nửa đêm, Trần Hạo tiễn tôi về theo đường hẻm sau nhà phía tây, vừa đi vừa giải thích: Mọi người ngủ cả rồi, cửa lớn đóng thành phải đi đường hẻm vậy. Năm đó Trần Hạo còn rất trẻ, một đồng chí nữ làm việc tích cực có trách nhiệm, tỉ mỉ chu đáo, để lại trong tôi một ấn tượng rất sâu sắc”.

Sau khi mọi việc sắp xếp xong xuôi, Chu Ân Lai cùng một số đồng chí đi Mátxcơva trước để bàn bạc với phía Liên Xô những công việc có liên quan.

Trước khi lên đường, Lý Khắc Nông và Sư Triết hẹn nhau đến Tây Hoa thăm Đặng Dĩnh Siêu. Bà chúc Đoàn đại biểu đi đường bình an, thuận buồm xuôi gió tới Giơnevơ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau đó, với sự quan tâm rất mực của mình, bà kể với hai ông thói quen sinh hoạt, công tác và tình hình sức khoẻ gần đây của Chu Ân Lai. Bà nói, Chu Ân Lai thường bị đổ máu cam, dặn hai ông chăm lo và quan tâm Chu Ân Lai nhiều hơn.

Mục đích chính của Chu Ân Lai trong chuyến đi thăm Liên Xô này là bàn bạc và phối hợp phương châm, chính sách của hai bên Trung-Xô trong Hội nghị quốc tế Giơnevơ; phân tích, đánh giá tình hình tiến triển của Hội nghị và kết quả có thể đạt được.

Qua hội đàm, hai bên đã thống nhất với nhau về quan điểm, giao cho các đồng chí Liên Xô dự thảo phương án cụ thể. Công việc xong xuôi, Chu Ân Lai quyết định về nước báo cáo với Trung ương, sau đó sẽ quay trở lại Mátxcơva.

Vào một buổi tối trước khi lên đường, Khơrútxốp thết tiệc các vị khách Trung Quốc. Hôm sau Chu Ân Lai về nước.

Chu Ân Lai về nước mục đích chính là báo cáo với Trung ương tình hình hội đàm; xác định những vấn đề về lập trường, thái độ, yêu cầu của Trung Quốc trong Hội nghị quốc tế Giơnevơ sắp tới; phương châm, đường lối, sách lược, các phương án đàm phán trong hội đàm; sự hợp tác, phối hợp giữa các đại biểu 4 bên Trung, Xô, Triều, Việt, nhằm đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ, phối hợp hành động đưa Hội nghị đi đến thành công.

Sau khi báo cáo xong, Chu Ân Lai còn gặp riêng Mao Trạch Đông.

- Đồng chí Ân Lai này, nhiệm vụ dẫn đoàn xuất chinh lần này không nhẹ nhàng đâu! - Mao Trạch Đông chuyển đề tài câu chuyện.

- Thưa Chủ tịch! Tôi muốn nghe Chủ tịch còn có chỉ thị gì nữa không? - Chu Ân Lai nhìn Mao Trạch Đông.

- Tôi vẫn giữ thái độ như ở cuộc họp Bộ Chính trị là tranh thủ giành được cả hai kết quả, chí ít cũng phải được một, song dè chừng Đalét chẳng nể mặt Chu Ân Lai đâu, để đồng chí về tay không đấy.

Nghe mấy câu hài hước của Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai cười hiểu ý. Ông cảm nhận được trách nhiệm nặng nề của chuyến đi Giơnevơ này.

Ngày 21 tháng 4, Chu Ân Lai dẫn đầu đoàn đại biểu tới Mátxcơva. Khi đó ông tinh thần phấn chấn hăng hái, cười nói vui vẻ dí dỏm. Ông nói với Sư Triết và các đồng chí trong đoàn vẫn ở lại Mátxcơva rằng ông đã báo cáo với Chủ tịch rồi. Đoàn đại biểu Trung Quốc dành hai ngày để điều chỉnh phương châm, sách lược, thái độ tham dự Hội nghị, ngoài ra còn nghiên cứu bàn bạc về các văn bản cần chỉnh lí.

Lúc này, Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng cũng đã có mặt ở Mátxcơva. Chu Ân Lai và Khơrútxốp, Môlôtốp, Hồ Chí Minh (bí danh là đồng chí Đinh) cùng nghiên cứu trao đổi về vấn đề Đông Dương.

Lợi dụng hai ngày lưu lại Mátxcơva, hai bên Trung-Xô tổ chức nhiều hình thức tọa đàm, mời một số quan chức của Bộ Ngoại giao Liên Xô trong đó có cả Grômưcô đến chung cư số 8 để giải đáp những vấn đề do đoàn đại biểu Trung Quốc nêu ra, giới thiệu kinh nghiệm đấu tranh và những việc cần chú ý trong các Hội nghị quốc tế v.v...

Trong toạ đàm, đoàn đại biểu Trung Quốc đưa ra rất nhiều câu hỏi, cán bộ Ngoại giao Liên Xô giải đáp cũng rất cặn kẽ tỉ mỉ. Để lại cho các đại biểu Trung Quốc ấn tượng sâu sắc là những kinh nghiệm bảo mật ra sao, làm thế nào đề phòng bị nghe trộm, lấy trộm, mua chuộc, mắc bẫy, để lộ tin tức bị lừa v. v....

Grômưcô nói, đối thủ của chúng ta rất xảo quyệt, chúng dùng đủ mọi mánh khoé dò xét ý đồ và chiều hướng hành động của chúng ta . Chúng hiểu hơn cả chúng ta cái lí "biết mình biết người trăm trận trăm thắng”, hơn nữa còn dùng mọi thủ đoạn đặt chúng ta vào vòng tay điều khiển của chúng. Kĩ thuật hiện đại đã phát triển đến giai đoạn mà các kiểu nghe trộm, lấy trộm đã trở thành những công việc nhẹ nhàng, dễ dàng như không. Do đó, chúng ta phải hành động thận trọng, chú ý bảo mật, đặc biệt luôn luôn phải chú ý những nơi như khách sạn, chung cư, salông, biệt thự rất khó đề phòng hoặc phát hiện máy nghe trộm hoặc những thiết bị ăn cắp bí mật mà chúng đã cài đặt từ trước.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #171 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2009, 07:24:23 pm »

Vị khách không mời mà đến trong khoang máy bay

Hội nghị Giơnevơ là Hội nghị quốc tế lớn mà Trung Quốclần đầu tiên tham gia. Để "luyện quân", Trung Quốc có ý cử thêm một số người, tổng cộng cả đoàn tới hơn 200 cán bộ nhân viên, là đoàn lớn thứ hai sau đoàn Liên Xô (gần 300 người). Chu Ân Lai là đại diện cao nhất của đoàn đại biểu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường, Lý Khắc Nông là uỷ viên; Vương Bính Nam là Trưởng ban thư kí; Lôi Nhiệm Dân, Sư Triết, Kiều Quán Hoa, Trần Gia Khang, Kha Bách Niên, Hoạn Hương, Hoàng Hoa, Cung Bành, Ngô Lãnh Tây, Vương Trác Như, Lôi Anh Phu là cố vấn, Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường không dự hết cả Hội nghị. Lý Khắc Nông chủ yếu phụ trách công việc nội bộ của đoàn như thư kí, cơ yếu, cảnh vệ, phiên dịch, hậu cần. Mọi công việc chủ yếu do Chu Ân Lai phụ trách, chủ trì.

Sáng ngày 24 tháng 4, Đoàn đại biểu Trung Quốc rời Mátxcơva đi Giơnevơ. Máy bay dừng lại Đông Beclin một thời gian ngắn. Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Đức Grốttơvôn ra sân bay đón tiếp đoàn. Khi đoàn đại biểu ăn cơm ở tòa đại lầu trung tâm sân bay, có người báo chuyên cơ của Môlôtốp sắp tới đề nghị mọi người khẩn trương. khoảng hơn 10 phút trước khi Môlôtốp tới Đông Béclin các đại biểu Trung Quốc đã lên máy bay tiếp tục cuộc hành trình.

Sau khi lên máy bay, đoàn đại biểu Trung Quốc mới phát hiện một người trẻ tuổi mặc quân phục- vị khách không mời mà đến. Qua tìm hiểu được biết anh ta là lính Mỹ đến làm nhiệm vụ. Nguyên là hai bên đông-tây có một hiệp định quy định máy bay Liên Xô cất cánh từ Đông Béclin khi bay qua vùng trời Tây Béclin và Tây Đức đều phải gửi công hàm cho quân Mỹ đóng ở Tây Đức, họ sẽ cử một quan sát viên đi theo máy bay. Vị khách không mời mà đến này đang làm nhiệm vụ đó. Anh ta ngó bộ chỉ hơn 20 tuổi, mặc đồ hồng, mặt non choẹt, lúc nào cũng cười cười, nhìn một cách lạ lẫm các vị khách trong khoang máy bay. Đoàn đại biểu Trung Quốc cười nói vui vẻ, thân mật. Không khí đó khiến anh ta vui lây, bất giác cười một mình. Rất có thể đây là lần đầu tiên anh ta gặp người phương Đông, nên mỗi lời nói cử chỉ của bất cứ ai trong khoang máy bay cũng làm cho anh ta cảm thấy kì lạ, ngạc nhiên.

Chiều ngày 24, đoàn đại biểu Trung Quốc tới sân bay Giơnevơ. Vừa xuống máy bay, phóng viên nhiếp ảnh các nước đã xô tới chụp lia lịa như điên như dại. Tại sân bay, Chu Ân Lai đưa ra một tuyên bố ngắn gọn. Tuyên bố nói, Hội nghị Giơnevơ "sẽ thảo luận việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên và vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hai vấn đề bức xúc này của châu Á nếu được giải quyết sẽ có lợi cho việc bảo đảm hòa bình ở châu Á, tiến thêm một bước làm dịu tình hình quốc tế căng thẳng”; Đoàn đại biểu nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa với tất cả sự chân thành đến tham gia Hội nghị. Chúng tôi tin tưởng rằng, sự cố gắng chung và nguyện vọng chung củng cố hòa bình của các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ tạo khả năng giải quyết hai vấn đề bức xúc nói trên của châu Á”.

Sau đó, đoàn đại biểu lên xe về nơi ăn nghỉ tại một biệt thự ở ngoại ô thành phố. 

Tới nơi ở được một lát, Chu Ân Lai cùng với một số cán bộ ra sân bay đón Môlôtốp. Không khí ở sân bay lúc này càng nhộn nhịp hơn vì nhiều đoàn đại biểu cũng đến đón tiếp. Môlôtốp vừa xuống máy bay đã bắt tay ôm hôn Chu Ân Lai.

Nói chuyện với các phóng viên tại sân bay, Môlôtốp nói: "Không thể không chỉ ra một sự thực quan trọng, đó là: Mấy năm gần đây, đây là lần đầu tiên tất cả các nước lớn Pháp, Anh, Mỹ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên Xô cùng tham gia một Hội nghị quốc tế. Tại Hội nghị này, đoàn đại biểu Liên Xô sẽ làm hết sức mình thúc đẩy thành công việc dùng phương thức hòa bình để xây dựng một nước Triều Tiên thống nhất, độc lập dân chủ, phù hợp với lợi ích củng cố hòa bình ở Viễn Đông và thế giới. Đồng thời, đoàn đại biểu Liên Xô cho rằng, mau chóng lập lại hòa bình ở Đông Dương, bảo đảm tự do và quyền lợi dân tộc của nhân dân Đông Dương là nhiệm vụ quan trọng nhất của Hội nghị Giơnevơ”.

Nói chuyện xong, Môlôtốp và Chu Ân Lai sánh vai nhau vừa đi vừa chuyện trò rất thân mật. Lúc đó, phóng viên, các nhà nhiếp ảnh nước ngoài phục khắp mọi chỗ: xung quanh lan can đường vào sân bay, góc tường, bên cửa sổ... la hét ầm ĩ đề nghị mọi người đừng chắn mất ống kính của hò. Môlôtốp nói với Chu Ân Lai:

- Chúng ta đi chầm chậm một chút, đứng lại chuyện trò dăm ba câu cho họ chụp vài kiểu ảnh.

Thế là Chu Ân Lai và Môlôtốp lúc đi lúc dừng, vừa nói vừa cười sánh vai nhau bước vào phòng đợi. Sau sự việc này, phóng viên nước ngoài đưa tin, đại biểu Ngoại giao hai nước Trung-Xô ở sân bay Giơnevơ đã có một cử chỉ chưa từng thấy trong lịch sử Ngoại giao đương đại, một mẫu mực về tình hữu nghị anh em chân chính.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #172 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2009, 07:25:17 pm »

Chính sách đe doạ của Mỹ thất bại

Ngày 26 tháng 4 Hội nghị Giơnevơ khai mạc ở khách sạn lớn Liên minh quốc tế. Ngoại trưởng Liên Xô Môlôtốp và Ngoại trưởng Anh Êđen luân phiên làm Chủ tịch Hội nghị. Chủ tịch của mỗi phiên họp được chọn hai trợ thủ cùng ngồi ở bàn chủ tịch. Khi Môlôtốp làm Chủ tịch, ông tuyên bố Grômưcô và Sư Triết làm trợ thủ của ông. Đại biểu Mỹ vừa thấy người Trung Quốc bước tới bàn Chủ tịch đã hoảng hốt tái mặt.

Có 19 nước tham gia Hội nghị: Trung Quốc, Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Đại Hàn Dân quốc, Ôxtrâylia, Bỉ, Canađa, Côlômbia, Êtiôpi, Hi Lạp, Lucxămbua, Hà Lan, Niu Dilơn, Philippin, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ; trong đó có 14 nước tham gia "Quân Liên Hợp Quốc” xâm lược Triều Tiên do Mỹ cầm đầu, cộng thêm Đại Hàn Dân quốc, đều là bại tướng trong cuộc chiến tranh của Quân đội Nhân dân Triều-Trung. Thái độ của họ đối với Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên ra sao không cần nói cũng biết. Trong các nước thành viên Hội nghị chỉ có vài nước công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đoàn đại biểu Trung Quốc tất nhiên bị hạn chế và gặp một số khó khăn trong hoạt động. Nhưng Chu Ân Lai, một nhà hoạt động Ngoại giao lỗi lạc, trong hoàn cảnh như vậy vẫn không hề cảm thấy cấn cái, cũng không bị ràng buộc bởi những lề thói của giới Ngoại giao thời xưa. Với trí tuệ cực kì nhanh nhạy, con mắt sắc sảo, tấm lòng cởi mở, biện pháp linh hoạt và khí phách của nhà Ngoại giao, nhà chính trị vô sản, ông đã khéo léo xoay chuyển tình thế không những làm cho đại biểu Trung Quốc không bị cô lập, mà còn giúp đoàn đại biểu của một số nước gỡ được thế khó xử, thêm được không ít bạn bè mới, khơi thông mối quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều nước.

Về Hội nghị Giơnevơ, Sư Triết (khi đó là "cố vấn chính trị” nhưng thực tế làm nhiệm vụ phiên dịch tiếng Nga;) trước khi về hưu là Cục trưởng Cục dịch thuật các trước tác của Mác, Ăng ghen, Lênin, Xtalin, kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Ngoại văn, sau này đã nhớ lại mấy sự việc mà ông suốt đời không quên.

Hội nghị trước tiên thảo luận vấn đề Triều Tiên. Để xúc tiến hòa bình. thống nhất Triều Tiên, rút tất cả quân đội nước ngoài ra khỏi Triều Tiên, tổ chức bầu cử tự do ở Triều Tiên, ba đoàn đại biểu Triều-Trung-Xô trong Hội nghị đã đấu tranh kiên cường, gian khổ với đối phương do Mỹ cầm đầu, và đã đưa ra một loạt phương án hòa giải.

Nhưng Mỹ căn bản không đếm xỉa đến lợi ích của nhân dân Triều Tiên, từ chối không rút quân ra khỏi Triều Tiên, đòi tổ chức tổng tuyển cử dựa theo hiến pháp của Lý Thừa Vãn và do Liên Hợp Quốc giám sát. Họ quên mất rằng Mỹ đã lấy danh nghĩa Liên Hợp Quốc tham gia cuộc chiến tranh xâm lược Triều Tiên. Liên Hợp Quốc đã để mất vị trí giải quyết công bằng vấn đề Triều Tiên. Mỹ, Hàn ngoan cố giữ lập trường không giải quyết các vấn đề đó.

Người Mỹ ỷ thế là "đế quốc đô-la" hoành hành ngang ngược trên hội trường. Khi họp họ chẳng thèm chú ý gì đến phép lịch sự gác cả hai chân lên bàn. Có lần, Biện Vinh Thái, đại biểu của Lý Thừa Vãn, vì muốn ít nhiều giải quyết một số vấn đề nên đã phát biểu câu gì đó không hợp với ý của Mỹ. Đại biểu Mỹ lập tức nhảy dựng lên mắng nhiếc ông ta ngay trước mặt mọi người, y như mắng nhiếc con mình ở nhà vậy. Biện Vinh Thái rất bẽ mặt, lúng túng, không còn biết xử sự ra sao. Quả là dùng cường quyền thì không còn công lí.

Quốc vụ khanh Mỹ Đalét là phần tử chống cộng ngoan cố. Các nước tư bản cơ bản đều làm theo ánh mắt của người Mỹ.

Phòng nghỉ trong hội trường bày cà phê, bánh ngọt, hoa quả. Lúc giải lao, mọi người vừa ăn vừa chuyện trò, đi lại tuỳ thích. Đây cũng là dịp tốt để đại biểu các nước trao đổi tiếp xúc với nhau. Một lần đại biểu Canađa nói nhỏ với đại biểu Trung Quốc, nghe Chu Ân Lai phát biểu ông ta thấy rất hợp tình hợp lí. Đại biểu Trung Quốc tin ông ta nói thực, liền nói lại với Chu Ân Lai. Chu Ân Lai nghe xong rất vui, cho rằng ông ta cũng nói được mấy câu có vẻ công bằng. Ai ngờ sau đó khi đại biểu Canađa lên phát biểu, lại hết lời tán tụng đề án của Đalét, lặp lại y hệt luận điệu của Mỹ, công kích vu cáo Trung Quốc, lên án Trung Quốc đã gây ra chiến tranh Triều Tiên, là kẻ xâm lược v.v. Tan họp, gặp đại biểu Trung Quốc, ông ta lại chủ động bắt tay và xin lượng thứ cho. Ông ta nói rằng ông ta phải nghe lời Mỹ, nói theo ý đồ của Mỹ, không thể vượt quá giới hạn đó được.

Qua đó, đại biểu Trung Quốc mới biết họ chẳng qua là những hình nộm không có linh hồn, và cũng qua đó phát hiện nội bộ họ cũng chẳng phải là một khối thép. Đoàn đại biểu Trung Quốc sau đó đã điều chỉnh thái độ đối với họ, áp dụng sách lược lợi dụng mâu thuẫn để phân hóa làm tan rã họ, tranh thủ số đông trong họ.

Ba nước Trung-Triều-Xô hợp sức đấu tranh đã làm cho chính sách đe doạ của Mỹ thất bại. Ngày 30 tháng 5, Đalét rời Giơnevơ về nước, để lại Phó quốc vụ khanh Smít tham dự Hội nghị.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #173 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2009, 07:26:25 pm »

Smít kéo tay áo Chu Ân Lai

Smít ít nhiều có chút tác phong dân chủ hơn, nhưng ông ta cũng không dám phá bỏ qui định của Đalét không cho phép bắt tay Chu Ân Lai. Lúc giải lao, Chu Ân Lai chuyện trò với Môlôtốp, Sư Triết phiên dịch cho họ. Smít một tay bưng cốc cà phê, tay kia để không, lượn đi lượn lại bên cạnh ba người. Chưa được một lát, Smít chen vào bắt tay Môlôtốp sau đó lấy tay kéo tay áo Chu Ân Lai. Ông ta làm như vậy vừa không phá bỏ qui định của Đalét, vừa chào hỏi được Chu Ân Lai.

Chu Ân Lai không bao giờ chủ động bắt tay Smít. Đại biểu Trung Quốc từ lâu đã biết phép tắc và qui định của họ, nên ung dung ứng phó với mọi trường hợp xảy ra.

Tại phiên họp toàn thể ngày 15 tháng 6 cuộc đấu tranh diễn ra rất quyết liệt, một trường hợp đầy kịch tính đã xảy ra. Hội nghị thảo luận về vấn đề Triều Tiên đã đến ngày thứ 51 . Hôm nay Êđen điều khiển phiên họp.

Trước tiên, Ngoại trưởng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Nam Nhật đưa ra kiến nghị mới gồm 6 điểm.

Chu Ân Lai phát biểu ý kiến tán thành. Ông nói: "Cuộc thảo luận của chúng ta về việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên đã có khá nhiều ý kiến nhất trí và gần nhất trí. Chúng ta cần khẳng định những ý kiến đã nhất trí và có thể nhất trí, sau đó tiếp tục thảo luận những ý kiến còn bất đồng, để có thể đi đến hiệp nghị toàn bộ về các vấn đề”. "Nhìn vào tình hình Hội nghị hiện nay, dẫu rằng chúng ta chưa thể đạt được một hiệp nghị về vấn đề hòa bình thống nhất Triều Tiên, song chúng ta cũng cần cố gắng đi tới những thỏa thuận về vấn đề củng cố hòa bình ở Triều Tiên. Điều vô cùng quan trọng là phải vì lợi ích của nhân dân Triều Tiên, vì củng cố hòa bình ở Viễn Đông và thế giới”.

Trong khi phát biểu, Chu Ân Lai vạch trần âm mưu của Mỹ tìm cách phá hoại thành công của Hội nghị Giơnevơ, kêu gọi "chúng ta không có lí do gì để không thể đạt được một hiệp nghị thoả đáng trên cơ sở kiến nghị 6 điểm của Ngoại trưởng Nam Nhật. Vì thế, đoàn đại biểu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đề nghị tại Hội nghị này sẽ triệu tập một Hội nghị hẹp gồm 7 nước Trung Quốc, Liên Xô, Anh, Mỹ, Pháp, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Đại Hàn Dân quốc tham gia để thảo luận các biện pháp có liên quan nhằm củng cố hòa bình ở Triều Tiên”.

Tiếp đó, Môlôtơp phát biểu, đề nghị 19 nước dự Hội nghị ra một tuyên bố chung về việc không đe doạ hòa bình ở Triều Tiên.

Ba ý kiến trên chỉ chốc lát đã đảo lộn cả thế trận của Mỹ. Êđen tuyên bố nghỉ họp. 15 nước trong đó có Mỹ và Nam Triều Tiên cùng nhau họp bàn khẩn cấp. Hội nghị họp lại, Smít phát biểu trước tiên, ông ta phủ quyết đề nghị của Liên Xô. Thái Lan lên tuyên đọc "Tuyên bố chung của 16 nước” định ép Hội nghị kết thúc cuộc thảo luận vấn đề Triều Tiên.

Chu Ân Lai lại phát biểu. Ông tỏ ý lấy làm tiếc: Ngay cả một đề nghị bày tỏ nguyện vọng chung như vậy cũng bị đại biểu Mỹ kiên quyết cự tuyệt một cách vô lí. Hội nghị họp đã khá lâu, chúng ta không thể chỉ vì thiếu một chút cố gắng mà thành công dã tràng. Ông đề nghị "Các nước dự Hội nghị Giơnevơ tiếp tục những nỗ lực để có thể đi đến một hiệp nghị giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên trên cơ sở thành lập một nước Triều Tiên thống nhất, độc lập và dân chủ”. Theo Chu Ân Lai, "Nếu một đề nghị như vậy cũng bị Liên Hợp Quốc và các nước hữu quan cự tuyệt, thì tinh thần không chấp nhận hiệp thương hòa giải này sẽ để lại một ảnh hưởng cực kì xấu cho các Hội nghị quốc tế”.

Ngoại trưởng Bỉ Spác, một nhà Ngoại giao kì cựu xúc động trước thiện chí của Chu Ân Lai đứng dậy hưởng ứng:

- Ý kiến của Thủ tướng Chu Ân Lai có phần hợp lí, có thể nghiên cứu. Kiến nghị của Ngoại trưởng Chu Ân Lai và tinh thần của Tuyên ngôn 16 nước không mâu thuẫn nhau. Tôi mong rằng sau đây sẽ khôi phục lại cuộc thảo luận vấn đề Triều Tiên.

Nắm thời cơ đó, Chu Ân Lai phát biểu lần thứ ba:

- Nếu Tuyên ngôn 16 nước và kiến nghị cuối cùng của đoàn đại biểu Trung Quốc có chung một nguyện vọng, vậy thì, Tuyên ngôn 16 nước chỉ là tuyên ngôn của một phía mà Hội nghị Giơnevơ lai có 19 nước tham gia. Chúng ta vì sao không dùng hình thức một hiệp nghị chung để bày tỏ nguyện vọng chung đó. Lẽ nào chúng ta đến dự Hội nghị này mà ngay một chút tinh thần hòa giải đó cũng không có? Nếu đúng như vậy, tôi không thể không nói rằng đó là điều rất đáng tiếc!

Spác tiếp lời: 

- Bản thân tôi tán thành mọi người chấp nhận đề nghị đó của Đoàn đại biểu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Smít vừa tức vừa cuống, trừng mắt nhìn Spác. Nhưng Bỉ không phải là Nam Triều Tiên, Smít không dám nổi cáu, chỉ vội sai người đưa cho Spác một mẩu giấy.

Lúc đó, Chủ tịch Êđen nói:

- Đại biểu Bỉ cho rằng đề nghị của Trung Quốc nói lên được tinh thần công việc của Hội nghị chúng ta. Nếu mọi người đồng ý liệu có thể coi đề nghị đó đã được Hội nghị chấp nhận?

Hội trường im lặng một lát, không có ai tỏ ý phản đối.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #174 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2009, 07:27:02 pm »

Người Mỹ tức điên lên

Thấy vậy, Smít hốt hoảng đứng lên:

- Trước khi thỉnh thị Chính phủ tôi, tôi không muốn phát biểu ý kiến, cũng không sẵn sàng tham gia biểu quyết nghị quyết mà vừa nãy có người đề nghị thông qua.

Chu Ân Lai phát biểu lần thứ tư với giọng nói chậm rãi và trầm tĩnh:

- Tôi rất hài lòng về tinh thần hòa giải của Ngoại trưởng Bỉ. Thái độ của Chủ tịch Hội nghị rất cần được khẳng định. Song, tôi cũng phải nói rằng đại biểu Mỹ đã có thái độ phản đối và gây trở ngại, điều này khiến mọi người chúng ta càng hiểu rõ đại biểu Mỹ đã cản trở Hội nghị Giơnevơ ra sao, và đã gây khó khăn cho việc chấp nhận một đề nghị cho dù ở mức thấp nhất và có tính hòa giải nhất ra sao.

Hội trường im lặng, một im lặng đến hồi hộp. Chu Ân Lai dừng lại một chút rồi nói tiếp:

- Tôi yêu cầu ghi lời phát biểu vừa rồi của tôi vào biên bản Hội nghị.

Yêu cầu đó lập tức được Chủ tịch Hội nghị đồng ý. Những lời phát biểu sắc sảo đầy trí tuệ, thấu tình đạt lí của Chu Ân Lai đã phơi trần lập trường ngoan cố hiếu chiến của Chính phủ Mỹ.

Trận khẩu chiến thật là tuyệt vời.

Về sau, Smít có nói riêng: Sau Hội nghị ông ta sẽ từ chức. Ông ta không muốn làm công việc của Phó quốc vụ khanh này nữa, đã không thể làm theo ý mình, cũng không thể làm theo sự thật.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #175 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2009, 06:38:04 pm »

III. MỞ MÀN CHIẾN DỊCH GIẢI PHÓNG ĐẢO ĐẠI TRẦN

Quân đội Trung Quốc quyết định trước tiên tấn công đảo Nhất Giang Sơn

Để hạ khí thế hung hăng của Mỹ ở Giơnevơ, từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 5 năm 1954, các đơn vị tác chiến Quân Giải phóng Trung Quốc vượt biển lần lượt đánh chiếm các đảo Đông Cơ Sơn, Đầu Môn, đảo Cao, Long Môn, Tước Nhi Đại trong quần đảo Đại Trần, mở màn chiến dịch giải phóng đảo Đại Trần.

Tham mưu trưởng quân khu Hoa Đông Trương Ái Bình cho rằng, bước sau phải đánh chiếm đảo Nhất Giang Sơn.

Đảo Nhất Giang Sơn nằm trong biển Đông ngoài vịnh Đài Châu tỉnh Chiết Giang gồm 2 đảo nhỏ là Bắc Giang và Nam Giang nằm cách nhau 110m-250m với tổng diện tích 1,7 km2. Phía tây bắc đảo này cách thị trấn Hải Môn (nay là thành phố Thục Giang), huyện Hoàng Nhan miền Đông Chiết Giang hơn 30 km, phía đông nam cách đảo Đại Trần 16,6 km, phía bắc cách Đầu Môn Sơn 9 km, là trận địa tiền tiêu của đảo Thượng Đại Trần và Hạ Đại Trần. 

Sau khi đại lục Trung Quốc được giải phóng, tàn quân Quốc dân Đảng tháo chạy lung tung, một bộ phận rút ra chiếm các đảo biển gần phía đông Chiết Giang, tạo nên thế đối mặt với Quân Giải phóng Trung Quốc ở đại lục. Tuy binh lực có hạn nhưng giặc Tưởng rắp tâm dùng các đảo Đại Trần, Phi Sơn, Nhất Giang Sơn làm chỗ dựa, che chắn Đài Loan, tiến tới thực hiện giấc mộng vàng phản công chiếm lại đại lục.

Vì đảo Nhất Giang Sơn có vị trí địa lí quan trọng và địa hình hiểm trở nên nhà cầm quyền Đài Loan lại càng quan tâm đến nó hơn. Bộ trưởng quốc phòng Quốc dân Đảng Du Đại Duy nói: "Đảo Nhất Giang Sơn là cửa ngõ của đảo Đại Trần, Đại Trần là bình phong của Đài Loan, Nhất Giang Sơn không giữ được thì Đại Trần khó giữ; Đại Trần thất thủ thì Đài Loan lâm nguy!" Du còn cùng các cố vấn quân sự Mỹ bố trí việc phòng thủ ở đảo Nhất Giang Sơn, cử hơn 10.000 quân giữ đảo, trên đảo xây dựng công sự phòng ngự kiên cố, hoả lực khá mạnh.

Tưởng Giới Thạch đặc biệt quan tâm đến việc bố phòng ở Nhất Giang Sơn, nêu ra khẩu hiệu "Muốn bảo vệ Đài Loan tất phải củng cố Đại Trần trước; muốn giữ được Đại Trần tất phải giữ vững Nhất Giang Sơn”. Để giữ được cánh cửa lớn đó, Tống Mỹ Linh đã từng thay mặt Tưởng Giới Thạch đến tận đảo "Uý lạo” sĩ quan binh lính. Tưởng Kinh Quốc cũng do Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan tháp tùng đến thị sát đảo này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #176 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2009, 06:38:48 pm »

Khẩu hiệu "Giải phóng Đài Loan” vàng dậy đất Thần Châu
(Thần Châu: Chỉ Trung Quốc)

Sau Hội nghị Giơnevơ, Đảng Cộng sản Trung Quốc qua các kênh thông tin, bày tỏ với toàn thế giới quyết tâm giải phóng Đài Loan. Lực lượng hải quân, không quân Trung Quốc chuyển dần về ven biển đông nam, bộ đội dã chiến tinh nhuệ cũng lần lượt được điều về khu vực này.

Xã luận Nhất định phải giải phóng Đài Loan của Nhân dân nhật báo ngày 23 tháng 7 năm 1954 vạch rõ, bè lũ Tưởng Giới Thạch được đế quốc Mỹ ủng hộ đang ngắc ngoải ở Đài Loan, luôn luôn gây hấn với đại lục, phá loại việc đi lại tự do trên vùng biển quốc tế. Nhân dân Trung Quốc một lần nữa tuyên bố với toàn thế giới quyết tâm giải phóng Đài Loan, quyết không cho phép tồn tại những vụ việc xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc.

Xã luận Nhiệm vụ vẻ vang của quân Giải phóng nhân dân của Nhân dân nhật báo ngày 24 tháng 7 năm 1954 khẳng định. Nhiệm vụ của quân Giải phóng nhân dân là bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đề phòng đế quốc xâm lược, tiêu diệt tàn dư của Tưởng Giới Thạch, giải phóng Đài Loan.

Ngày 1 tháng 8, trong bài nói tại cuộc mít tinh kỉ niệm ngày thành lập quân đội Trung Quốc (1-8) Chu Đức nêu rõ: Không được quên rằng Đài Loan còn chưa được giải phóng. Khi chưa tiêu diệt được hết bẻ lũ Tưởng Giới Thạch, chưa giải phóng được Đài Loan, thì sự nghiệp giải phóng của nhân dân Trung Quốc chưa hoàn thành. Đài Loan một ngày chưa được giải phóng, nhân dân cả nước, toàn thể Quân Giải phóng còn chưa rửa sạch được mối nhục của mình.

Ngày 23 tháng 8, Hội nghị chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc và các đoàn thể nhân dân, các đảng phái dân chủ ra Tuyên ngôn chung giải phóng Đài Loan, chỉ rõ Đài Loan là lãnh thổ Trung Quốc, giải phóng Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc, không cho phép nước ngoài can thiệp và kêu gọi nhân dân cả nước dốc sức hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang đó. Bao nhiêu bài hát, bao nhiều lời ca được sáng tác ra để tạo nên khúc ca hùng tráng Chúng ta nhất định giải phóng Đài Loan vang động khắp đất nước Thần Châu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #177 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2009, 06:39:35 pm »

Chuẩn bị kĩ trước trận đánh

Ngày 2 tháng 8 năm 1954, Phó chủ tịch Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng Bành Đức Hoài chủ trì triệu tập Hội nghị tác chiến giải phóng các đảo ven biển Chiết Giang, Phúc Kiến. Tham gia Hội nghị có Tổng Tham mưu trưởng Túc Dụ, Bộ trưởng Tác chiến Trương Chấn, Bộ trưởng đường sắt Lữ Chính Tháo, Bộ trưởng Thông tin Vương Tranh, Phó tư lệnh hải quân Phương Cường, Phó tư Lệnh không quân, Vương Bỉnh Chương, Phó tư lệnh Quân khu Thẩm Dương Đặng Hoa và Tham mưu trưởng Quân khu Hoa Đông Trương Ái Bình.

Trương Ái Bình báo cáo với Hội nghị phương án tác chiến của chiến dịch giải phóng đảo Đại Trần với dự kiến trước tiên đánh chiếm đảo Nhất Giang Sơn, sau đó dốc toàn lực đánh đảo Đại Trần. Bành Đức Hoài tán thành phương án đó, dặn phải chuẩn bị đầy đủ, đánh trận đầu, thận trọng tất sẽ đánh thắng...

Ngày 24 tháng 8, Bành Đức Hoài lại nghe quân khu Hoa Đông báo cáo Phương án đổ bộ tấn công đảo Nhất Giang Sơn. Nghe xong, ông chỉ thị rất cụ thể rất chi tiết về vấn đề tác chiến. Ông nói: "Hôm ném bom đảo Đại Trần phải tìm mọi cách điều tra rõ cảng Đại Trần và tầu chiến Mỹ đậu tại đó. Nếu có tầu chiến Mỹ, chúng ta tạm thời chưa đánh, đợi sau khi chúng đi sẽ đánh, như vậy bớt được rất nhiều phiền phức. Nguyên tắc của chúng ta là không gây chuyện nhưng cũng quyết không tỏ ra mềm yếu…"

Theo chỉ thị của Quân uỷ Trung ương và Bành Đức Hoài, Quân khu Hoa Đông đã dày công chuẩn bị tỉ mỉ và chu đáo cho trận đổ bộ lên đảo Nhất Giang Sơn. Bộ chỉ huy mặt trận miền đông Chiết Giang được thành lập đóng tại Ninh Ba, do Tham mưu trưởng Quân khu Hoa Đông Trương Ái Bình làm tư lệnh kiêm Chính ủy; các phó tư lệnh gồm quyền tư lệnh Quân khu Chiết Giang Lâm Duy Tiên, Tư lệnh không quân quân khu Hoa Đông Nhiếp Phượng Trí, Phó tư lệnh hải quân Bành Đức Thanh và Tham mưu trưởng Mã Quán Tam của Quân khu Hoa Đông; Phó Tham mưu trưởng Quân khu Hoa Đông Vương Đức làm Tham mưu trưởng. Dưới bộ chỉ huy mặt trận thành lập 3 sở chỉ huy quân chủng: Sở chỉ huy không quân do Nhiếp Phượng Trí làm Tư lệnh; Sở chỉ huy hải quân do Bành Đức Thanh chỉ huy, Mã Quán Tam làm Phó chỉ huy; Sở chỉ huy đổ bộ do Phó quân trưởng quân đoàn 20 lục quân Hoàng Triều Thiên làm Tư lệnh, Chính uỷ căn cứ Chu Sơn của hải quân Lý Chí Minh làm chính uỷ.

Lực lượng tham gia trận đánh này gồm 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn của sư đoàn 60 quân đoàn 20 bộ binh; 1 trung đoàn pháo mặt đất, 1 trung đoàn pháo cao xạ, 2 tiểu đoàn hoả tiễn, 1 đơn vị súng phun lửa và 1 đơn vị công binh, đại đội lính hàng không hải quân, hạm đội 6 hải quân, 1 đơn vị tầu phóng ngư lôi, 1 đơn vị tầu vận tải đổ bộ và một bộ phận pháo binh bờ biển, 15 đại đội lính dù và một trung đội máy bay bay đêm.

Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng. Sau khi thành lập xong Bộ chỉ huy mặt trận, Trương Ái Bình yêu cầu điều tra rõ hơn nữa tình hình địch. Các đơn vị tham chiến lập tức triển khai những phương án cụ thể từ trên không, trên biển và mặt đất tiến hành trinh sát đảo Nhất Giang Sơn.

Tháng 9, Bộ chỉ huy mặt trận họp Hội nghị tác chiến. Trương Ái Bình tuyên bố kế hoạch tác chiến:

- Chiến dịch chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất, giành quyền khống chế trên không trên biển yểm hộ cho bộ đội tham chiến luyện tập tác chiến; đồng thời cô lập, bao vây, phong toả quân Quốc dân Đảng trên đảo Đại Trần. Giai đoạn hai là giai đoạn vượt biển đổ bộ đánh chiếm đảo. Dùng 4 tiểu đoàn bộ binh bí mật tiến vào khu vực biển xuất phát, sau đó với sự chi viện của hải quân, không quân, pháo binh cùng một lúc đổ bộ đột kích hai đảo nhỏ nam, bắc, hướng đột kích chính là phía tây và phía tây bắc đảo Bắc Giang, hướng công kích phụ là phía đông đảo Bắc Giang và phía tây đảo Nam Giang. Cuộc đổ bộ tiến hành vào ban ngày lúc triều cường.

Công tác chuẩn bị trước trận đánh diễn ra rất khẩn trương, song được tiến hành có bài bản đâu vào đây, chỉ còn đợi thời cơ chín muồi.

Trong khúc nhạc dạo đầu của trận đánh lớn, máy bay, tầu chiến hai bên quần nhau trên không, trên biển, bên nào cũng cố nắm quyền khống chế bầu trời và mặt biển.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #178 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2009, 06:41:18 pm »

Mỹ - Tưởng gấp rút chuẩn bị kí kết hiệp ước

Trong lúc Quân Giải phóng Trung Quốc gấp rút chuẩn bị chiến đấu, thì Hiệp ước phòng chung thủ chung giữa Mỹ và Đài Loan cũng được ráo riết tiến hành.

Tháng 5 năm 1954, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Uynsơn cùng với Thứ trưởng Bộ Hải quân Mỹ tới thăm Đài Loan. Họ thay mặt Chính phủ Mỹ sang trao đổi ý kiến với Tưởng Giới Thạch về việc hai bên ký kết hiệp định phòng thủ chung

Uynsơn nói:

- Về đề nghị ký kết hiệp ước do quý ngài nêu ra, Chính phủ Mỹ cho rằng rất cần thiết. Chúng tôi đi lần này mục đích chính là muốn trao đổi với quý ngài việc đó.

- Tốt. Tốt - Tưởng Giới Thạch mỉm cười gật đầu - Chúng tôi muốn lập lại quan hệ Đồng minh cũ trong thời kháng chiến, muốn rằng việc đối phó với sự xâm lược của quốc tế cộng sản ở Tây Thái Bình Dương trở thành trách nhiệm phòng thủ chung giữa hai nước Trung-Mỹ. Sau khi Trung Hoa Dân quốc chúng tôi tham gia hệ thống an ninh này chẳng những có thể lấp chỗ trống trong tuyến phòng thủ Thái Bình Dương, mà còn củng cố vững chắc căn cứ hậu phương, hơn nữa khiến cho sự nghiệp phục quốc chống Cộng sau này của chúng tôi đứng vững ở đây, thật là một công đôi việc, bỏ ít công sức mà thu lợi lớn.

- Chính phủ nước tôi cũng cho rằng, việc ký Hiệp ước phòng thủ chung có lợi cho cả hai bên - Uynsơn tỏ vẻ tán thành.

Tưởng Giới Thạch gật gù:

- Nước Mỹ nên thi hành ở Đông Á một chính sách thoát li hẳn ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân cũ, nếu không sẽ không tránh khỏi thất bại.

Diệp Công Siêu nói:

- Trung - Mỹ kí hiệp ước là điều kiện tiên quyết đảm bảo an ninh tập thể cho 4 nước châu Á có quan hệ trực tiếp với nhau là Nhật Bản, Hàn Quốc, Philíppin và Trung Hoa Dân quốc

Uuynsơn gật đầu:

- Căn cứ vào hiện trạng trước mắt của Đài Loan, chúng tôi kiến nghị với ngài Tổng thống liệu có thể rút khỏi các đảo Đại Trần, Mã Tổ, Kim Môn để tập trung binh lực phòng thủ Đài Loan, Bành Hồ được không. Chính phủ chúng tôi cho rằng, nếu hai bên kí hiệp ước thì hiệp ước đó cũng chỉ áp dụng được cho khu vực Đài Loan, Bành Hồ, không thể bao gồm tất cả các khu vực khác.

Nụ cười trên mặt Tưởng Giới Thạch vụt tắt. Đoàn cố vấn Mỹ ở Đài Loan cũng đã đưa ra kiến nghị đó và bị ông ta cự tuyệt thẳng thừng, nay họ lại nêu ra khiến ông ta trong lòng rất không vui.

- Những đảo này là trận địa tiền tiêu chống Cộng phục quốc của chúng tôi, không tuỳ tiện bỏ đi được. Đặc biệt là Kim Môn, Mã Tổ chẳng những là cứ điểm tiền tiêu mà còn là bức bình phong bảo vệ Đài Loan Bành Hồ. Đối với những đảo này, không có chuyện rút lui mà là vấn đề phòng thủ thế nào thôi. - Tưởng Giới Thạch ngừng lại một chút rồi nói tiếp - Tôi vừa ra lệnh phái quân tăng viện cho Đại Trần, Kim Môn.

- Chúng tôi hiểu - Thứ trưởng hải quân Mỹ nói chen vào - Nhưng tôi thấy cần lưu ý ngài Tổng thống, hiện nay khu vực mà lực lượng hải quân không quân Hoa Kỳ ở Viễn Đông phải tuần tra bảo vệ rất rộng, chỉ có thể kham nổi vùng Đài Loan, Bành Hồ, nếu mở rộng phạm vi ra tất cả các đảo của quí quốc, trừ phi Hoa Kỳ phái thêm lực lượng hải quân không quân sang Viễn Đông mà đó là điều không hiện thực.

Diệp Công Siêu nói:

- Đã là hiệp ước giữa hai nước thì không nên loại một bộ phận lãnh thổ của một bên ra ngoài hiệp ước.

Tưởng Giới Thạch cũng tỏ ra cứng rắn, không chịu chấp nhận.

Uynsơn đành chỉ biết nhún vai, nhưng sau đó đã cảnh cáo phía Đài Loan, nếu chưa được Mỹ đồng ý thì không được có bất kỳ hành động quân sự lớn nào chống đại lục.

- Chống Cộng phục quốc là mục tiêu của chúng tôi - Tưởng Giới Thạch giọng dứt khoát - Hành động quân sự như thế nào với đại lục là vấn đề nội bộ của Trung Quốc chúng tôi, không nên đưa vào trong điều khoản của hiệp ước phòng thủ.

Uynsơn và Tưởng Giới Thạch đã hội đàm với nhau 3 lần, thời gian cũng khá lâu, nhưng vẫn không nhất trí được trong vấn đề này.

Mỹ khăng khăng giữ ý kiến "Nếu chưa được Mỹ đồng ý, phía Đài Loan không được có bất kì hành động quân sự lớn nào”, nên cuối cùng Tưởng Giới Thạch quyết định nhân nhượng để mau chóng kí được hiệp ước.

Ngày 28 tháng 6, Diệp Công Siêu báo cho Đại sứ Mỹ ở Đài Loan: "Nếu kí được Hiệp ước phòng thủ chung, Tổng thống Tưởng Giới Thạch đồng ý hỏi ý kiến Mỹ trước nếu được Mỹ đồng ý mới tiến hành những hoạt động quân sự lớn”.

Ngày 24 tháng 8, Quốc vụ khanh Mỹ Đalét tuyên bố trong buổi họp báo Mỹ đã quyết định giúp Đài Loan phòng thủ Đài Loan và các đảo ngoại vi, Mỹ đang xem xét để kí kết hiệp ước phòng thủ hai bên với Đài Loan, xây dựng hệ thống an ninh Đông Bắc Á.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #179 vào lúc: 05 Tháng Sáu, 2009, 06:41:58 pm »

Kháng nghị của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Để chống lại chính sách xâm lược của Chính phủ Mỹ và ngăn chặn các cuộc xâm phạm ven biển đông nam của quân Quốc dân Đảng, Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lệnh cho bộ đội mặt trận Phúc Kiến: Trong thời gian Mỹ - Tưởng âm mưu kí kết hiệp ước, giáng cho quân Quốc dân Đảng ở Kim Môn những đòn trừng phạt, hãy dùng bom đạn tỏ rõ thái độ và lập trường của chúng ta.

1 giờ 50 chiều ngày 3 tháng 9, quân .đội Trung Quốc ở mặt trận Phúc Kiến pháo kích dữ dội vào Kim Môn, Mã Tổ, trong phút chốc, Kim Môn, Mã Tổ chìm trong khói lửa mù mịt.

Đại bác của quân đội Trung Quốc đã phá hủy 7 trận địa pháo của Quốc dân Đảng, bắn chìm 1 pháo hạm, 1 tầu kéo, bắn bị thương 3 tầu săn tầu ngầm, phá hủy một cảng nổi. Trận pháo kích làm bất ngờ Tưởng Giới Thạch, ông ta không mò ra ý đồ thực sự của đại lục, đó là khúc dạo đầu chuẩn bị giải phóng Đài Loan hay chỉ nhằm ngăn chặn Mỹ - Tưởng kí kết hiệp ước.

7 giờ tối cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Anđécson đặt bản báo cáo quân cộng sản pháo kích Kim Môn lên bàn làm việc của Aixenhao. Aixenhao giật mình, vấn đề Đài Loan rốt cuộc đã xảy ra.

Đảo Kim Môn bé nhỏ bỗng chốc trở thành điểm nóng được quốc tế chú ý theo dõi. Giới chính trị bàn tán xôn xao. Các quan chức như Đại sứ Mỹ ở Đài Loan ngả về phía giúp Tưởng Giới Thạch bảo vệ các đảo này nhưng chủ trương tốt nhất là giữ thái độ im lặng để cộng sản không mò ra được ý đồ của Mỹ

Đại đa số người ở phía quân đội tiêu biểu là chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Rítven thì chủ trương, phải có lập trường cứng rắn, cho hải quân đến bảo vệ những đảo này và đưa không quân đi ném bom đại lục. 

Tham mưu trưởng lục quân Rítway phản đối Mỹ dính dáng vào chuyện đó. Theo ông ta "xét về mặt phòng thủ Đài Loan, những đảo đó không quan trọng về mặt quân sự. Nhưng nếu không có Mỹ chi viện, quân Quốc dân Đảng không giữ nổi những đảo đó, có nghĩa là Mỹ lại phải nhúng tay"

Bộ trưởng Quốc phòng Uynsơn cũng cho rằng, muốn giữ được những đảo đó phải đánh những mục tiêu quân sự ở đại lục, như vậy Mỹ sẽ bị cuốn vào cuộc nội chiến của Trung Quốc, Mỹ sẽ không giải thích nổi với các Đồng minh phương Tây tại sao chỉ vì vài hòn đảo nhỏ mà đánh nhau với Trung Quốc. 
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM