Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:24:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồi ức của một binh nhì  (Đọc 23029 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #10 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2010, 12:57:36 am »

Chuyện cũng lâu lắm rồi, mỗi một mình chị biết. Hồi ấy, chồng chị đi mới được hai năm. Phong trào hợp tấc hóa đang lên mạnh. Mỗi sáng, khi các thuyền đánh cá, câu mực trở về cửa lạch, chị cùng mấy bạn gái trong "hợp tác xã mua bán" về cân cá, mực, mang lên nhập cho huyện. Những lúc ấy, chị mơ hồ thấy nóng nơi vành tai. CÓ khi ở vùng lưng, vùng ngực: Có một đôi mắt âm thầm, buồn bã bám riết theo chị. Ông ta là một trung niên đã ba đời độc đinh. Vợ ông lại sòn sòn đẻ bảy đứa con gái. Những năm ấy người ta rất hay bị lôi ra trước chi đoàn vì đã làm thnh trước vài câu ỡm ờ của ai đó. Có đến cả chục năm, chị loay hoay che chắn ánh mắt ấy trong khi “cỗ máy cái” của ông ta tiếp tục cho ra đời thêm ba, bốn thị mẹt, đủ một tá nhân mạng trong hộ làng chài. Chị thoáng nhớ đến cái sự này trong đêm nằm nghe gió giật liếp cửa, nghe lõm bõm tin chiến sự từ biên giới vọng về, khi cái rộn rạo trong tấm thân đàn bà của chị như lò lửa đang tắt dần. Chị bỗng thấy lo lắng. Một hai… năm sáu… mười một, mười hai tháng qua đi. Năm qua đi. Đã lâu chị không sinh hoạt đoàn thể nào. Đoàn thanh niên thì chị đã quá tuổi mà hội phụ nữ, hội bảo vệ bà mẹ trẻ em thì phải là bà mẹ, phải có trẻ em. Đăng này… Thời gian gần đây chị hay đi lấy củi trên lưng chừng Đèo Ngang. Có thể vì mùa đông đang tới gần mà cũng có thể không phải vậy. Ở lưng đèo có đền thờ bà chúa Liễu Hạnh. Hàng năm cũng không thấy lễ hội gì, nhưng hương đèn thì ngày nào cũng cháy. Dựng gánh củi dưới bậc đá, chị sửa áo xống đi vòng cửa phụ vào điện chính đốt hương lên “Tứ phủ cộng đồng” từ Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa. Đâu đấy, lại ra ngồi trên bậc đá nhìn xuống làng. Trong hương khói mông lung chị mơ màng nhớ đến hai người đàn ông. Một người xứ trong, sống với chị một kỳ nghỉ phép rồi ra đi, biến mất vào giữa đất trời bom đạn. Một người ở gần đây, nơi làng cũ, cách một thôi đường. Người ngư phủ ấy cũng đang ngày một già đi, tuyệt vọng như chị.
Một ngày, chị sửa một cái lề bạc đội lên đèo vào đền Chúa Liễu. Chị đốt hương, dâng hoa, quỳ khấn rất lâu trước Mẫu Tứ Phủ. Chị nói gì với Mẹ Sáng Tạo, không ai nghe. Chỉ có tiếng gió ngàn xào xạc như vọng tiếng hương hồn các bậc liệt tiền bối của vùng đất binh đao máu lửa trả lời chị. Chị không hiểu gì lắm về đạo Mẫu, nhưng chị tin Mẹ đã thể hiện, cai quản dải đất này hẳn rộng lòng mà chia sẻ nỗi chống chếnh trong chị, đủ quyền năng cho chị bước qua rào cản. Chị lại đốt hương khấn vái tượng Tứ Phủ Chầu Bài, Ngũ Vị Tôn Ông. Và cuối cùng chị dừng lại thì thầm rất lâu, tha thiết trước tượng Tứ Phủ Tam Hoàng, Tứ Phủ Thanh Cô thờ các cô cậu nhỏ tuổi tuổi. Rồi chị xin được âm dương, thỉnh ba nén nhang quày quả về. Tới nhà, chị lập một bàn thờ nhỏ. Dưới bát nhang thờ mẫu, chị đặt một bát nhang nhỏ hơn, lại cắt ở đâu đó trong báo ảnh hình chiếc mũ tai bèo quân giải phóng, dán lên tấm bìa, phủ vải điều đặt lên thờ. Chị về làng cũ thắp hương khấn vái ông bà cha mẹ, lí nhí chào anh cả, chị dâu rồi cắp nón ngẩng mặt đi về phía cửa lạch. Nơi ấy, có những người từ biển đang về, có những người đang sửa soạn ra biển. Chị đi tìm một đôi mắt buồn.
Những cồn cát hoang vắng vùng duyên hải miền Trung mọc đầy cây dứa dại, những cây phi lao đổ nghiêng gãy ngọn, những đám cỏ rười tươi tốt đã che chở chị. Những vùng đồi hoang với thảm cỏ sạch lác đác bụi sim, cây chổi, những cơn gió Tây Nam thổi ầm ào lang thang suốt đêm đồng lõa cùng chị.
***
Cái người nằng nặc kéo tôi về quê chị Bùi là một anh chàng dạy văn trung học cơ sở, một cộng tác viên quen thuộc của bản báo. Ngồi trên rạn đá dưới chân Đèo Ngang, Hiếu kể tôi nghe về cuộc đời người đàn bà trong phần chuyện trên đây. Quanh chỗ chúng tôi ngồi, nhấp nhô muôn hình vạn trạng những khối đá chả ra hình gì cứ như nhảy dựng lên trong mỗi đợt sóng biển. Người mới đến thì vậy nhưng ở lâu với đá, như Hiếu nói, thì lại tưởng tượng ra bao nhiêu hình hài. Nào đá ông sư ngồi thiền, đá bàn cờ, đá ngất ngư như người say rượu, đá mồ côi như trẻ con, đá vọng phu như vợ mong chồng… Té ra trong hỗn hợp đá cũng cả một thế giới với bao số phận vui buồn. Hiếu đột ngột hỏi:
- Thế cậu có định viết không?
- Có chứ, sẽ viết hẳn một bài báo.
- Trời ạ, bài báo thì nói được cái gì.
Chẳng lẽ lại tuyên dương hay phê phán một người đàn bà như chị Bùi.
- Ừ thì "triển khai" thành một bút ký mới đủ dung lượng – Tôi chống chế.
- Dung lượng! Dung lượng! ông tưởng tôi không đủ dung lượng à? Viết một bút ký thì đâu đến lượt ông. Viết bút ký! Gọi tên những nhân chứng ra, rồi kể, rồi bình, hả?
Ừ nhỉ, anh bạn dạy văn nói đúng, chừng đó làm sao nói được đời người đàn bà trải qua chiến tranh. Không phải một mà là hai, ba cuộc chiến tranh trong một đời người: chiến tranh vệ quốc, chiến tranh giải phóng, cuộc chiến biên giới với cả cuộc chiến trong quan niệm, trong nội tâm, trong huyết quản. Viết một bài báo, một bút ký về chị Bùi, còn bao nhiêu người đàn bà khác?! Phải bao nhiêu bài báo, bút ký mới đủ đây?!
Tất nhiên, tất nhiên phải viết thành truyện - Đột ngột tôi cuống lên – Nhưng chị ta đâu, tôi cần gặp chị để … ít nhất là miêu tả chân dung, hình tượng…
Chân dung thì tôi sẽ "miêu tả" giúp ông - Hiếu nói chậm rãi – khó quái gì cái chân dung. Một người phụ nữ miền biển chờ chồng bốn mươi năm thì chắc là không thể thi hoa hậu hoàn vũ, nếu không muốn nói là da dẻ sần sùi như quả mướp đắng, đen nhẻm, mặn mùi mắm biển và khô đét hệt tàu lá chuối mùa gió Lào. Còn ông ngư phủ có công tặng chị đứa con trai thì cậu chẳng cần gặp mà cũng không bao giờ gặp được nữa. Ông ta đã ở lại tít ngoài khơi trong cơn bão năm kỉa năm kia, cơn bão có cái tên ngoại văn nghe hay lắm. Nhưng không sao, chiều nay thằng cu đi học về, gặp nó, cậu tưởng tượng ra ngay thôi.
Cụ thể là thế này. Chính cái phần đằng sau là cái nút, Hiếu dành cho tôi viết trọn vẹn một câu chuyện.
Thằng con chị Bùi học liền bốn năm môn văn do Hiếu dạy, nay đã lên phổ thông trung học. Bởi vậy mà thành thân thiết. Cám cảnh mẹ góa con côi, Hiếu thường đến chơi giúp chị dựng cái giàn bầu, che lại chái bếp. Lâu dần, anh hiểu hết hoàn cảnh chị, định viết, nhưng sợ chị buồn, lại thôi. Giữa năm nay, chị bỗng cho mời hiếu đến nhà, chìa cho anh xem một bức thư. Bức thư đi quãng đường hơn 300 kilômét hết 6 tháng 9 ngày. Nguyên do là thư gửi về quê cũ lại chỉ đề mỗi cái tên, bưu tá hỏi mãi không ra, đành vứt lăn lóc ở văn phòng xã. Mãi mới có người nhớ ra, mang lên, thư của ban lãnh đạo một đơn vị thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gọi là trung tâm phục hồi chức năng tâm thần”. Đại ý thư viết: “Thương binh 1/4 tên là… về điều trị từ năm 1963. Trong suốt 39 năm thường xuyên trạng thái mất lý trí, bỗng một buổi sáng tỉnh lại nói rành mạch rằng có vợ tên là… ở tại… Chị y tá nhanh tay ghi được trước khi anh lại chìm vào giấc mê thế kỷ. Ban lãnh đạo theo địa chỉ lên đây gửi hú họa, may ra… Nếu chị có chồng tên là… hãy đến Trung tâm phục hồi… ở xã… huyện… tỉnh".
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #11 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2010, 12:58:16 am »

Chị Bùi tiếp được thư ngồi lặng một buổi rồi bắt đầu đi… vay tiền. Khổ nỗi dân ở đây nghèo, không ai có nổi vài trăm tiền mặt. Chị Bùi bèn nhắn thầy học của thằng Mạnh. Và, Hiếu đã hăng hái, không phải cho vay tiền, mà là xin phép ba ngày đưa chị đi. Suốt đời giáo học dạy văn chương, Hiếu sẽ không bao giờ quên những gì trong buổi sáng ở Trung tâm điều dưỡng ấy. Có chừng mươi người mặc pi-gia-ma đang đi lại ngất ngư, lẩn thẩn quanh sân. Ông Giám đốc chỉ vào một người nói:
- Theo hồ sơ trước đây chuyển tới thì đồng chí ấy tên là…
Chị Bùi đi như mộng du, chập chờn từng bước. Đằng kia, người đàn ông cũng đứng lại, ngơ ngác. Tất cả y, bác sỹ, điều dưỡng viên đều trong trạng thái sắp ra trận. Có tới mấy phút, cả trời đất cây lá và cả gió đều thốt nhiên lặng đi. Bốn mươi năm, nỗi chờ mong kéo gần hết một đời người. Cái hình béo bệu thất thần kia là chồng chị?! Còn cách chừng hai mét, người thương binh bỗng nhoẻn miệng cười ngây dại phô hàm răng trắng hớn và chị Bùi lập tức dừng lại ngay, lặng đi một lúc rồi khẽ lắc đầu. Toàn thể những người có mặt như nín thở, không ai bảo ai đều bước nhanh về phía hai người. Chị Bùi thảng thốt:
- E không phải, không phải chồng tôi…
- Chị nói gì vậy, không phải anh ấy à?
- Không phải, chắc chắn là không phải.
Cả Trung tâm điều dưỡng, cả Hiếu đều bàng hoàng ngơ ngác. Trớ trêu thay cho con Tạo, cho lịch sử, cho thân phận con người. Thật đáng thương, thật nghiệt ngã cho nỗi chờ mong của người đàn bà. Lỗi này thuộc về ai đây?! Người đàn ông béo phị dáng đù đù trước mặt chị Bùi vẫn cười dài dại phô hàm răng trắng đều tăm tắp. Thế là chị vẫn một mực lắc đầu. Bỗng có người kêu lên một tiếng "chết!" rồi hối hả chạy đi. Lát sau, anh ôm ra một cái cặp ba dây phủ đầy bụi vứt cái “oạch” xuống sân. Người ta lật dở từng xấp, từng trang bệnh án, hồ sơ trợ cấp. Lớp lớp giấy má chồng lên nhau như sắp mủn ra. Cuối cùng, một người cầm lên cái lý lịch quân nhân lấy tay phủi bụi trao cho chị.
- Chị xem cái anh trên bìa này, may ra.
Chị Bùi trợn tròn đôi mắt nhìn đăm đăm vào bức ảnh rồi hối hả chạy tới chụp lấy đôi bàn tay người thương binh lập cập sờ nắn. Và, rồi, trong phút chốc chị bỗng khuỵu xuống nức nở:
- Anh ơi, anh ơi, anh Doan… ơ…i! Em chờ anh mấy mươi… Em có tội với anh rô…ì, anh Do …an…
Thực ra, trong cái ngày đầu tiên gặp lại ấy chị Bùi vẫn chưa gần gũi được anh Doan được nhiều. Chị cứ bần thần ngơ ngơ ngác ngác khiến mọi người đã trộm nghĩ không khéo cú sốc mạnh làm chị cũng tâm thần luôn. Mãi tới bữa cơm do ban lãnh đạo của Trung tâm mời, chị Bùi mới vỡ nhẽ rằng, anh Doan không chỉ bị thương vào đầu. Một mảnh đạn làm anh vỡ hàm, mất hết hai nửa hàm răng, bên trái có cái răng bịt vàng. May mà còn hai bàn tay cụt một ngón.
Gần đây - Hiếu kể tiếp - Chị có vẻ quyết tâm làm một việc gì đấy. Một hôm chị tới trường, gặp thầy hiệu trưởng xin cho mình được về ở hẳn nhà chị trông coi thằng cháu. Còn chị đã ra lại ngoài ấy rồi. Chị nói sẽ ở lại nuôi anh rồi lựa chiều đưa anh về.
Rồi Hiếu đột ngột hỏi:
- Này ông, người điên có già đi không?
- Có chứ - tôi trả lời không chắc lắm - vẫn cứ già đi nhưng tốc độ thì rất chậm, vì đầu óc họ hầu như không làm việc gì cả, cứ lang thang tùy hứng.
Thảo nào, ông mà thấy hai người ngồi với nhau thì rất khó coi. Chị Bùi già như bà lão bảy mươi trong khi anh Doan cứ béo tốt phây phây dài dại. Chắc là bởi một người thì mòn mỏi chờ đợi, người kia lại cứ… vô tư…
Thực ra câu chuyện cũng đã có thể tới hồi kết. Nếu có thể dựng đề cương trình tự thì thế này: Năm 1959-1960, anh Doan là bộ đội miền Nam tập kết đẹp duyên cùng chị Bùi. Sau tuần trăng mật, anh Doan lên đường làm nhiệm vụ ở đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí vào miền Nam bằng đường mòn trên biển, bị thương, tâm thần nặng suốt từ bấy đến giờ. Chị Bùi chờ chồng 40 năm và bây giờ chị sẽ nuôi anh cho tới… răng long, đầu bạc.
Rủi thay hay may thay chị lại có một đứa con riêng. Có lẽ chính cậu học sinh lớp 12 này mới là đoạn kết của câu chuyện. Hiếu nói: - Thực ra cái nhiệm vụ chị nhờ mình sau đây mới nặng chất hiện thực nhất.
Chị Bùi sửa một cái lễ tạ đức Thánh Mẫu trên lưng chừng Đèo Ngang, cất bát hương và chiếc ảnh mũ tai bèo trên bàn thờ giữa nhà xuống, khóc nói với Hiếu: - Chừ đây chồng tui đã về rồi. Tui phận làm vợ phải nâng khăn sửa túi cho chồng, chưa đưa anh ấy về được thì cũng phải ra vô nhiều lần. Thằng Mạnh đã lớn, tui nhờ thầy.
- Chị cứ yên tâm mà đi lo cho anh, thầy trò tôi tự liệu được.
Chị Bùi im lặng một lúc mới nói vẻ quyết đoán: - Thưa thầy! Đó mới là một lẽ. Còn chuyện này nữa nhờ thầy… Thằng Mạnh chưa hề biết cha hắn là ai, nay đã lớn đi học trường huyện, không khéo gặp phải chị em ruột cùng cha khác mẹ. Thanh niên bây giờ…
Hiếu đã hiểu và ngoài cái chuyện viết lách trên đây anh còn nhờ tôi cùng đi, dẫn thằng Mạnh về nơi xóm chài có căn nhà người đàn ông quá cố, họ sẽ gặp bà mẹ đích và mười chị em gái của Mạnh để đàm đạo, xin ý kiến của gia đình về việc cuối năm thằng Mạnh làm lý lịch thi đại học sẽ khai họ và tên sao đây. Vẫn giữ họ của chị Bùi như thời mẫu hệ? Đổi sang họ của ông bố đẻ ngư dân đã qua đời hay lấy họ của người thương binh tâm thần quê một làng nào đấy ở Phương Nam xa xôi, nơi thằng Mạnh chưa một lần đặt chân đến.
Logged
Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM