Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 05:20:08 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiếng sấm Tây Nguyên  (Đọc 56887 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 11:28:56 am »


THÔNG TIN TRƯỜNG SƠN CHUẨN BỊ TRẬN MỞ MÀN


Hạ tuần tháng 12-1974, toàn tuyến chiến lược 559 (Binh đoàn Quang Trung) thực hiện quyết tâm của Đảng uỷ và Bộ Tư lệnh binh đoàn, đã bước vào đợt công kích vận tải cho mùa xuân 1975.

Trên tuyến chiến lược, con đường và trục đường dây thông tin gắn bó với nhau như đôi bạn chí thân: Con đường mở lối cho đường dây thông tin phát triển, nhưng có khi con đường phát triển lại nhờ tuyến đường dây thông tin soi lối. Tuyến dây thông tin kéo dài đã phục vụ cho tác chiến bộ binh và phòng không, bảo vệ cho con đường để lực lượng vận tải đột kích.

Đoạn đường dây mà trung đoàn thông tin 596 đảm nhiệm ở Tây Trường Sơn từ phía Nam sông Kahan, Hạ Lào đã cùng con đường trục chiến lược rẽ về phía Đông để nhập vào trạm cơ vụ B-28 ở Pole-Khok. Hàng cột điểm những hoa sứ trắng trên ngọn chập chờn khi ẩn khi hiện song song với con đường đã vượt sông Sa Thầy, sông Pô Cô, đôi dây trần đã dựa vào hai cây cao đôi bờ để lao vút sang với tư thế dứt khoát về phía Nam. Đến quốc lộ 19, tuyến dây lại cùng con đường lượn theo sườn núi Chư Pông đi về tuyến sông Xêrêpốc, đường và dây thông tin không dừng lại ở sở chỉ huy trung đoàn công binh 4, một đơn vị đã gắn liền tên tuổi với binh trạm 42, với đoạn đường ngang qua động Cô Tiên, qua A Sầu, A Lưới về hướng Tây Thừa Thiên của chiến dịch tổng tiến công và nổi đậy của tết Mậu Thân mùa xuân 1968... mà lại cùng con đường đi nữa, để không dừng lại ở Bù Gia Mập địa đầu trên đất B2 mà còn kéo dài, dài nữa...

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đồng chí Trung tướng tư lệnh binh đoàn Quang Trung đã đến tận tuyến đường Nam Tây Nguyên để kiểm tra và giao nhiệm vụ cho các lực lượng binh chủng trên tuyến chiến lược Trường Sơn.

Tháng 1-1975, nhiệm vụ nặng nề và vinh quang đó đã đến. Binh đoàn nhận xây dựng nối tiếp với đường dây phía Đông của Bộ, chiều dài trên 200km, đường dây trần Pole Khok đến Xêrêpốc và ~ phải hoàn thành vào cuối tháng 2-1975. Bộ Tư lệnh thông tin sẽ dùng trung đoàn 132 tiếp tục xây dựng đường dây từ Khâm Đức theo quốc lộ 14 vào hợp điểm tại Pole Khok (cơ vụ B.18) của binh đoàn...

Nhận được lệnh trên thì thời gian còn lại rất ít. Do nhiệm vụ hết sức khẩn trương, vì thi công 200km đường cột dây trần chỉ có thời gian 1 tháng, mọi vật tư, phương tiện phải đưa từ phía sau lên. Chúng tôi quyết định báo cáo trên xin huy động 2 trung đoàn dây trần 596 và 49 của binh đoàn vừa phải giữ vững trục dây thông tin Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn dài hàng ngàn km để bảo đảm cho chiến đấu mùa khô 74-75. Chúng tôi dự kiến ngày 26-2 sẽ nối thông tin liên lạc tải ba 3 kênh từ cơ vụ B-28 vào đến cơ vụ B-30 ở Xêrêpốc, đồng thời cũng là thông toàn tuyến đường dây từ sở chỉ huy phía trước của Bộ về phía sau... Nhưng ngày 24-2 chúng tôi nhận được điện của đồng chí Phó Tư lệnh binh chủng thông tin đang ở sở chỉ huy phía trước của Bộ gửi cho tôi báo là để nối thông liên lạc toàn tuyến còn cần 20km dây cáp đường trục nữa và lực lượng để tổ chức 1 trục dây cáp từ cơ vụ B-30 kéo vào tổng trạm thông tin sở chỉ huy phía trước của Bộ. Anh Hiền, Phó chủ nhiệm thông tin binh đoàn và các đồng chí chỉ huy trung đoàn 596 đã tổ chức tốt tuyến dây này, cụ thể ngày 25-2 kéo 1 trục 20km cáp từ cơ vụ B-30 và ngày 26-2 cùng tiểu đoàn 36 kéo tiếp 1 trục 20km cáp nữa...

Đúng vào những ngày đầu tháng 3, một báo cáo ngắn gọn vang lên trong tiếng rít reo vui của tín hiệu điện thoại tải ba: “Đường dây thông tin đã hoàn thành, sẵn sàng truyền lệnh...”. Một báo cáo đã làm vui lòng mong đợi của cấp trên và nức lòng bộ đội thông tin toàn tuyến Trường Sơn đang hướng về hai trung đoàn thông tin dây trần 49 và 596.

Đây là chiến công thầm lặng nhưng đã góp phần vào trận đánh mở đầu vào thị xã Buôn Ma Thuột lúc 02 giờ sáng ngày 10-3-1975 mở màn cho một mùa xuân đại thắng.

   
HOÀNG ĐÌNH QUÝ
   (Nguyên Chủ nhiệm thông tin - BTL Trường Sơn)
   Báo “Cựu chiến binh Việt Nam” ngày 17/4/1997

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 11:29:40 am »


ĐẬP TAN Ổ KHÁNG CỰ NGOAN CỐ NHẤT
CỦA QUÂN NGỤY TẠI CĂN CỨ 53


Trưa 11-3-1975, thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng. Cuộc tiến công vào mục tiêu then chốt trong chiến dịch Tây Nguyên đã toàn thắng. Nhưng chúng tôi, những cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 66 (đoàn Đắc Tô) không thể nào quên được trận chiến đấu có thể được xem như ác liệt, quả cảm nhất của quân ta để tiêu diệt, đè bẹp ổ phản kích, phòng ngự kiên cố nhất của địch ở hậu cứ trung đoàn 53, sư đoàn 23 ngụy đóng tại sân bay Hoà Bình, cách thị xã 3-4km, đập tan âm mưu co cụm, “tử thủ”, chờ tăng viện hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột của sư đoàn 2 ngụy. Riêng với tôi, một cán bộ trưởng thành, nhiều năm gắn bó với đoàn Đắc Tô, thì trận chiến đấu tiêu diệt cứ điểm Hòa Bình thực sự đòi hỏi ý chí kiên quyết tiến công, lòng dũng cảm của bộ đội ta và là một trong những trận đánh oanh liệt, đáng nhớ nhất của trung đoàn 66, từng nổi tiếng với chiến thắng Plây Me (trung đoàn cũng mang tên Plây Me từ sau trận đó).

Cứ điểm 53 được xây dựng hết sức kiên cố, rộng chừng 1km2, xung quanh có nhiều lớp hàng rào phòng ngự và phân khu, bố trí nhiều bãi mìn, vật cản và đặc biệt có các chốt tiền tiêu rất lợi hại trong phát triển và đánh trả đối phương từ xa. Bên trong cứ điểm có các lô cốt, hầm ngầm và công sự vững chắc, có chỗ dày tới hàng mét. Địch lại có lợi thế là ở trên cao, quanh khu căn cứ hoàn toàn trống trải. Quân ngụy co cụm về đây đông tới hàng ngàn tên, tinh thần hoang mang, nhưng được thả dù tiếp viện, chi viện đến mức tối đa, lại được bọn tướng tá ngụy khích lệ, nên chúng ngoan cố, điên cuồng chống trả hòng tử thủ đến cùng. Trong các ngày 15, 16 tháng 3, xe tăng, bộ binh ta đã mở nhiều đợt tiến công vào cứ điểm nhưng không “nhổ” được căn cứ này, lại bị thiệt hại và thương vong lớn. Sáng 16-3, trung đoàn 66 được lệnh hành quân khẩn cấp gần 30km từ nơi đang tập kết về áp sát “cứ điểm”, nhanh chóng triển khai công sự để có thể chiến đấu được ngay. Chiến thắng những ngày trước làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ và tuy mệt nhoài sau những ngày chiến đấu căng thẳng, khí thế vào trận mới thật sôi nổi. Ngay chập tối 16-3, được pháo binh và cối đi cùng chi viện, hai tiểu đoàn 7 và 9 đoàn Plây Me vào trận (tôi khi đó là chính trị viên tiểu đoàn 7). Địch phát hiện dùng hoả lực mạnh đánh trả, máy bay địch liên tục ném bom. Đến 21 giờ, chúng tôi mới tiến được nửa đường, trong khi đại đội mở cửa thương vong nhiều. Đại đội trưởng Bình anh dũng hy sinh, tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó đều bị thương nặng phải dưa về tuyến sau, bộc phá mở cửa cũng gần cạn. Ở các hướng khác tình thế cũng hết sức khó khăn. Rạng sáng 17-3, đơn vị chúng tôi được đại đội 9 do đồng chí Gia làm đại đội trưởng cùng một số xe tăng vào tiếp sức. Từ hướng thứ yếu, chúng tôi nhập lại thành mũi đột kích mạnh, xe tăng phát huy hết ưu thế về hoả lực, tốc độ xe trước yểm hộ cho xe sau vượt qua hàng rào, đánh chiếm khu tiền duyên. Đại đội trưởng Gia bị thương, sau khi băng bó lại leo lên xe tăng chỉ huy bộ đội đánh bật từng ổ kháng cự, từng ụ súng, lô cốt, 11 giờ trưa, mũi đột kích của đại đội trưởng Gia đã chiếm được sở chỉ huy hậu cứ bắt tù binh để kịp thời khai thác về hệ thống phòng ngự ngầm của chúng. Địch liên tiếp ném bom xuống đội hình của ta và ném bom chặn đường rút lui của quân ngụy, bắt chúng phải “tử thủ” đến cùng. Hoả lực ĐKZ, xe tăng và cao xạ 37 ly của ta phát huy hết uy lực, đánh dũng mãnh cả mặt đất và trên không. Các chiến sĩ nuôi quân, thông tin... cũng dũng cảm không kém, dùng ngay súng thu được của địch đánh địch. Trước sức mạnh áp đảo, tiến công dũng mãnh của quân ta, địch không thể chống đỡ nổi, lực lượng chi viện cũng bị đánh tả tơi, mất liên lạc, 17giờ, ta hoàn toàn làm chủ căn cứ. Đại đội trưởng Gia cắm lá cờ “Quyết thắng” của nhân dân Kon Tum trao tặng lên nóc sở chỉ huy hậu cứ 53. Cũng lá cờ này đã từng bay phấp phới trên sở chỉ huy căn cứ Đức Lập mà trung đoàn tham gia giải phóng ít ngày trước đó.

   
Thượng tá PHẠM CHÀO
   Báo “Sự kiện và nhân chứng” tháng 3/1995
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 11:30:49 am »


NHỮNG NGÀY ĐẦU TIẾP QUẢN PLÂY CU


Plây Cu là đầu não quân sự ở Tây Nguyên với sở chỉ huy tiền phương của Quân khu 2 và Quân đoàn 2 ngụy Sài Gòn. Địch tập trung quân nơi đây khá đông, chúng bố trí lực lượng dày đặc từ Plây Cu đến Kon Tum. Khi sư đoàn 316 giải phóng Buôn Ma Thuột và sư đoàn 10 đánh tan cuộc phản kích của sư 23 ngụy, thì quân địch ở Plây Cu đã tháo chạy hoảng loạn.

Đồng chí Bùi San, phó bí thư khu uỷ 5 (bí danh là Chín Liêm) đang tham gia chỉ đạo hoạt động trong nhân dân Buôn Ma Thuột được sự phân công của đồng chí Năm Công (Võ Chí Công), bí thư Khu uỷ 5 hoả tốc dẫn đoàn cán bộ xoi đường ra tiếp quản ngay Plây Cu. Cùng đi với đồng chí Bùi San có tôi, phó ban công thương khu; đồng chí Lê, chuyên viên của Văn phòng khu uỷ; đồng chí Tuấn, chuyên viên của Ban kinh tài khu; đồng chí Rảo, tiểu đoàn phó tiểu đoàn bảo vệ khu uỷ đi trên một xe con Uoát theo đường quân sự làm gấp ra Plây Cu (tỉnh Gia Lai).

Lúc 9 giờ tối ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, từ ngoại ô thị xã, đoàn này xuất phát. Đi mãi đến tờ mờ sáng mới ra đến nhà máy chè Bàu Cạn. Thấy có bóng người thấp thoáng trong nhà máy chè, dừng xe lại, đồng chí Bùi San cho bảo vệ vào hỏi xem tình hình ra sao. Bà con nói là lính ngụy đã rút chạy xuống đồng bằng cả rồi. Mọi người lên xe đến thẳng chợ Plây Cu thấy lửa còn đang cháy, khói toả um tùm, nhiều quầy hàng bị đập phá tan tành.

Vừa nhảy xuống xe ngay trước cổng chợ, đồng chí Bùi San vội họp cấp tốc, những người cùng đi đứng quanh đồng chí hỏi: “Nên làm việc gì trước việc gì sau ngày hôm nay, trong lúc lãnh đạo tỉnh này chưa vào kịp?”. Anh em trong đoàn đề xuất: Nhiệm vụ bức xúc nhất là kéo dân bị địch cưỡng bức chạy theo chúng đang mắc kẹt tại đường số 7 xuống Phú Yên - đoạn ta diệt đoàn xe địch tháo chạy; huy động dân dập tắt lửa ở chợ những chỗ còn cháy; mặt khác, tìm cơ sở ở thị xã để liên lạc với thường vụ tỉnh uỷ Gia Lai bàn giao công việc tiếp quản thị xã để kịp về tham gia tiếp quản thành phố Đà Nẵng... Đồng chí Bùi San giao cho tôi tổ chức việc cứu dân bị kẹt vùng chiến sự trên đường 7, các việc còn lại nêu trên phân công các đồng chí cùng đi mỗi người một việc.

Chúng tôi chia nhau bung ra các ngả đường quanh thị xã phát loa gọi những người còn lánh né ở lại quanh thị xã. Bà con (kể cả anh em lính ngụy rã ngũ) nghe cách mạng đã vào tiếp quản Plây Cu ban đầu còn ngần ngại, đến khoảng 10 giờ, họ tụ tập được khoảng 35 người. Qua số người này họ phát hiện cho ta biết kho gạo, kho xăng và huy động được hàng chục xe con, xe vận tải, phá kho lấy gạo, xăng mang xuống vùng dân đang bị kẹt, phát loa gọi đồng bào ra đường, cách mạng sẽ phát gạo cho ăn, muốn về đâu thì về. Ban đầu bà con còn ngần ngại, phân vân, ta chọn trong số người kể cả lính ngụy mới rã ngũ ở tại thị xã Plây Cu lùng vào rừng hai bên đường kêu gọi. Khoảng 2 giờ chiều, họ lần lượt ra gần 100 người. Ta cho gạo ăn và tất cả đều xin về Bầu Cạn, Biển Hồ và thị xã Plây Cu. Qua số này ta vận động họ về tìm các loại phương tiện có động cơ đến thị xã lấy xăng cho xe, mang gạo đi cứu dân ngay trong buổi chiều cùng ngày. Ta tổ chức từng đoàn, cử người chỉ huy và bằng cách kêu gọi dân bị kẹt trở về. Nhờ việc quen biết nhau, nên họ mách cho nhau biết chỗ trốn lánh của dân bị kẹt, bà con sáp vào vận động, gọi loa, nên chiều hôm đó đến ngày sau đã đưa được khoảng trên 5000 dân về Bàu Cạn, Biển Hồ, thị xã Plây Cu và Kon Tum.

Chiều cùng ngày đoàn vào thị xã Plây Cu, đội công tác của thị xã đã bám sát nên đã bắt liên lạc với đoàn chúng tôi. Qua đội công tác thị xã đã liên lạc với tỉnh nên chiều ngày sau anh Ama Nhanh, Bí thư tỉnh uỷ và một số anh thường vụ, phụ trách các ngành của tỉnh vào thị xã. Anh bùi San đã giao công việc cho tỉnh. Sau đó đoàn kéo về tham gia tiếp quản Đà Nẵng.

   
TÔ ĐÌNH CƠ
   (Nguyên Phó trưởng ban công thương khu Trung Trung bộ)
   Báo “Sự kiện và nhân chứng” tháng 3/1995.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 11:32:39 am »


BỘ TỔNG THAM MƯU
VỚI CHIẾN DỊCH NAM TÂY NGUYÊN NĂM 1975


Để mở trận đột phá tiến công chiến lược giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, thực hiện kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu, trong những tháng cuối năm 1974, tại Bộ chỉ huy Mặt trận B3, ý đồ chiến lược còn nằm trong tuyệt mật, nhưng tất cả cán bộ mặt trận và binh chủng đã bắt tay vào làm công tác chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch mùa khô năm 1975. Công binh đã mở đường làm gấp vào hướng nam Tây Nguyên và ngụy trang kín đáo. Đến tháng 11 năm 1974, đoàn cán bộ Bộ tư lệnh B3 do Thiếu tướng Vũ Lăng, Tư lệnh; đồng chí Quốc Thước, Tham mưu trưởng, cùng Tư lệnh các đơn vị binh chủng từ cơ quan B3 đã xuống binh trạm Nam. Đoàn đi về hướng Đức Lập, vào Đắc Đăm triển khai trinh sát các mục tiêu và thiết lập Sở chỉ huy chiến dịch theo ý định chiến lược của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng: “Mặt trận B3 đảm nhiệm hướng chiến lược chủ yếu của toàn Miền trong chiến dịch mùa khô năm 1975”, và bổ sung nhiệm vụ: “Chuẩn bị tấn công giải phóng Gia Nghĩa và tỉnh Quảng Đức”. Tiếp theo là một chủ trương mới, thực hiện ý đồ chiến lược tuyệt mật ngày 9 tháng 1 năm 1975 của Thường trực Quân uỷ Trung ương là: “Mở chiến dịch tấn công địch ở nam Tây Nguyên” và nói rõ hơn: “Mục tiêu chủ yếu là Buôn Ma Thuột”. Để chỉ đạo trực tiếp trận đột phá tiến công chiến lược này, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cử đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng, ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng làm đại diện tại Mặt trận Tây Nguyên. Ngày 21 tháng 1 năm 1975, đoàn cán bộ trung cao cấp Bộ Tổng tham mưu trực tiếp chỉ đạo chiến dịch đã đến chiến trường B3 và làm việc với Bộ tư lệnh Mặt trận tại Sở chỉ huy ở Đắc Đăm.

Trải qua 2 tháng chuẩn bị chiến trường, đồng chí Thiếu tướng - Tư lệnh Vũ Lăng cùng cán bộ cơ quan Mặt trận B3 báo cáo với Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng về tình hình chiến trường và ý định ban đầu của chiến dịch, hướng tiến công các mục tiêu địch theo ký hiệu: C3 (Đức Lập); C4 (Gia Nghĩa); C7 (Cheo Reo - Quảng Đức); C9 (Thuần Mẫn); C10 (Buôn Đôn); và mục tiêu A (Buôn Ma Thuột). Về lực lượng địch ở Tây Nguyên lúc này có Sở chỉ huy Quân đoàn 2 - Căn cứ 23 - Sân bay Hoà Bình, các trận địa pháo, đặc biệt là pháo 175 ly, 155 ly; hàng trăm xe tăng, xe bọc thép, 7 liên đoàn biệt động quân; hệ thống chi khu, ấp hình thành liên hoàn hàng chục năm nay. Về lực lượng B3, ngoài hai sư đoàn và các trung đoàn binh chủng tại chỗ; lần này Bộ còn tăng cường phối thuộc cho 2 sư đoàn (968 và 316); lực lượng xe vận tải của Đoàn 559; các đơn vị đặc công, pháo binh của Miền đứng trên địa bàn.

Đại tướng chú ý nghe báo cáo về thủ đoạn nghi binh, đánh lạc hướng giữ bí mật ý đồ tác chiến của ta. Về lực lượng hoạt động giả trong chiến dịch nghi binh ở phía bắc Tây Nguyên của ta liên tục hoạt động như hệ thống vô tuyến điện, huy động dân công, đánh rơi bản đồ chiến lệ kế hoạch tiến công giải phóng Kon Tum... và càng gần bước vào chiến dịch thì pháo binh B3 liên tục pháo kích các mục tiêu ở phía bắc Tây Nguyên. Qua các hành động trinh sát và mở đường, điều động lực lượng của ta, dịch có phát hiện một vài dấu vết nên chúng đã cho máy bay trinh sát. Bọn cố vấn Mỹ đến địa bàn kiểm tra, tăng cường trinh sát nống ra, nhưng chúng vẫn đinh ninh và khẳng định là ta chuẩn bị mở chiến dịch tiến công hướng bắc Tây Nguyên, giải phóng tỉnh Kon Tum...

Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị và Thường trực quân uỷ Trung ương trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Mặt trận B3 theo nghị quyết của Quân uỷ Trung ương ngày 21 tháng 1 năm 1975: “Mở chiến dịch Tây Nguyên nhằm mục đích: Tiêu diệt lớn sinh lực địch, diệt nhiều trung đoàn, chiến đoàn, đánh quỵ Sư đoàn 23, giải phóng Đức Lập và Buôn Ma Thuột, mở hành lang thông suốt với B2 và ba tỉnh Liên khu 5 tạo ra cục diện mới ở chiến trường, tăng thêm khả năng cơ động của chủ lực Tây Nguyên, phối hợp có hiệu quả giải phóng toàn miền Nam”.

Về tham mưu chiến lược, cách đánh chiến dịch, đồng chí Văn Tiến Dũng khẳng định: Đây là chiến dịch binh chủng hợp thành quy mô lớn, nắm vững thời cơ bí mật bất ngờ tấn công tiêu diệt địch.

Được sự trực tiếp tổ chức chiến dịch của Bộ Tổng tham mưu, các đoàn trinh sát của Bộ tiếp tục trinh sát bổ sung cho mục tiêu A (Buôn Ma Thuột) từ ngày 8 đến 20 tháng 2 năm 1975. Tại Sở chỉ huy Đắc Đăm, cạnh đồng chí Văn Tiến Dũng, các cán bộ tham mưu tác chiến Trần Trí, Lê Minh; đồng chí Thông, Trưởng ban trinh sát, cùng các cán bộ của Bộ Tổng tham mưu xây dựng chiến lệ và đắp sa bàn mục tiêu A. Công việc được tiến hành khẩn trương, cả ngày và đêm. Đúng vào đêm giao thừa ngày 11 tháng 2 năm 1975, tức là ngày mồng 1 tết Ất Mão, trong khu rừng toả ngát hương hoa mai ở Đức Lập, Đắc Đăm, cùng với “quà đón Xuân” của đồng chí Văn Tiến Dũng và đoàn cán bộ Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh B3 là một “rừng” chiến lệ. Các dải sa bàn rực lên một vùng đô thị của Cao Nguyên trung phần là những mục tiêu của ý chí, quyết tâm, tinh thần quyết chiến quyết thắng. Tết Ất Mão ấy ở B3, ở Sở chỉ huy tuy chỉ vẻn vẹn có một con gà và mấy đĩa xôi nhưng đầy ắp tiếng cười giữa rừng khuya. Mọi người đều tin tưởng trước sự tính toán chiến lược; sắc sảo trước đòn đánh bất ngờ do được bảo mật thông tin tuyệt đối và nghi binh tải giỏi, chắc chắn nhiều đơn vị lớn, nhiều chiến đoàn địch sẽ bị tiêu diệt, thành phố Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên sẽ được giải phóng...

Và đúng như vậy, trận tác chiến đột phá bằng binh chủng hợp thành đã diễn ra nhịp nhàng, giành được thắng lợi lớn, đồng chí Văn Tiến Dũng nói, như là “Một bản Xônat”. Đồng chí Hoàng Minh Thảo nhắc lại nghệ thuật kiến trúc chiến tranh phải bằng “Tập đoàn quân”, nói lên tập trung sức mạnh áp đảo gấp nhiều lần. Lực lượng của ta vào chiến dịch lúc này có 5 sư đoàn mạnh, 2 trung đoàn pháo binh với 2.800 tấn đạn, 2 tiểu đoàn ô tô, 1 trung đoàn đặc công, 1 trung đoàn xe tăng cùng nhiều binh chủng phối hợp. Đồng chí Vũ Lăng nói: “Bí mật sẽ bất ngờ, mà bất ngờ thì sức mạnh sẽ tăng lên gấp bội và tạo ra một thời cơ mới” cũng như “một quả thôi sơn bất ngờ làm cho đối phương sẽ bị đo ván!”.

Đúng là, sự bất ngờ đã diễn ra liên tục, Bộ chỉ huy chiến dịch đã sử dụng hết nhiều tấm bản đồ vì tình huống diễn ra quá nhanh: Đêm 4 tháng 3 năm 1975 lần đầu tiên trung đoàn 95 đánh cắt đứt giao thông ngay tại cầu A Zun đường 19. Ngày 8 tháng 3, đồng loạt các mục tiêu bên ngoài Buôn Ma Thuột bị tấn công tiêu diệt như Thuần Mẫn, Cẩm Ga, Buôn Đôn, Gia Nghĩa. Căng địch ra để đánh. Mục tiêu quan trọng liên hợp phòng ngự tại Đức Lập bị Trung đoàn 66 và pháo binh tiêu diệt xong ngày 9 tháng 3 năm 1975 gồm các thiết đoàn, chi đoàn thiết giáp, pháo binh, công binh, thám báo, bảo an và các liên đoàn biệt động.

Mục tiêu trọng điểm của chiến dịch là thành phố Buôn Ma Thuột. Ở đây có Sư đoàn 23 ngụy; 3 trận địa pháo 175 ly, 155 ly; 2 thiết đoàn xe tăng, 1 sân bay, sở chỉ huy, hệ thống truyền tin, các liên đoàn biệt động 21 và 23, hệ thống công sự vững chắc.

Khi mở cuộc tấn công đột kích, ta đã tạo được thế bất ngờ: Các sư đoàn Bộ binh 316, 10; Trung đoàn xe tăng 273 đã vào vị trí tập kết; các trận địa pháo của ta đã chuẩn bị sẵn; cầu phà làm gấp vượt sông Sêrêpốc đã chuẩn bị xong mà địch không hề hay biết. Lúc 24 giờ ngày 9 tháng 3 năm 1975 một tiểu đoàn của Trung đoàn 198 đặc công do đồng chí thượng uý Nguyễn Văn Tôn chỉ huy, đã tiềm nhập chiếm lĩnh sân bay Hoà Bình bằng 2 tạ bộc phá. Vào 1 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, bộc phá đã nổ long trời. Cả thành phố Buôn Ma Thuột, lực lượng của địch đang thiếp đi, đã lại bừng tỉnh sau tiếng nổ kinh hoàng. Các trận địa pháo chiến dịch, xe tăng Trung đoàn 273 và bộ binh ta đã ào ạt vượt qua sông Sêrêpốc lần lượt tiêu diệt các mục tiêu trong trung tâm. Trưa ngày 10 tháng 3 năm 1975, thành phố Buôn Ma Thuột hoàn toàn được giải phóng. Thừa thắng xông lên, các đơn vị tiếp tục tấn công đánh mạnh vào Quân đoàn 2 ngụy bắt sống tên Chuẩn tướng Trần Văn Cẩn, Tư lệnh phó Quân đoàn.

Như Quân uỷ Trung ương đã dự đoán “tăng thêm khả năng cơ động”, lúc này mục tiêu của chiến dịch không chỉ tiến công thành phố Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên mà liên tục phát triển như vũ bão. Do Bộ tư lệnh theo dõi chỉ huy kịp thời trước sự dao động hoảng loạn của địch. Sư đoàn 320 đã nhanh chóng chặn đánh quân địch rút chạy trên đường số 7, tiêu diệt hàng trăm xe cơ động và hàng ngàn tên. Tiếp theo là 2 sư đoàn phát triển xuống đồng bằng: Sư đoàn 320 tiến công giải phóng tỉnh Khánh Hoà, Sư đoàn 10 tiến công giải phóng tỉnh Phú Yên.

Tại Sở chỉ huy chiến dịch, các đồng chí Tư lệnh nói vui là “đánh hết bản đồ”. Sư đoàn 10, Sư đoàn 320 phát triển tiến công xa quá, có lúc bị mất liên lạc. Đây là lần đầu tiên lực lượng chủ lực tại chỗ của B3 trong nhiều năm đánh Mỹ, nay được Bộ trực tiếp chỉ đạo với chiến dịch quy mô lớn chưa từng thấy.

Ngày 26 tháng 3 năm 1975, chuẩn bị nhiệm vụ tiếp theo, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Binh đoàn Tây Nguyên (tức Quân đoàn 3) để khẩn trương tiến nhanh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trước khi lên đường làm nhiệm vụ mới, đồng chí Văn Tiến Dũng phát biểu trong tổng kết chiến dịch nam Tây Nguyên: “Lực lượng vũ trang B3 và các lực lượng tham gia chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Ngày 20 tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 320, Sư đoàn 10 theo đường 20 lên hợp điểm Quân đoàn 3, tiến theo đường 14 vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh theo hướng Tây Bắc. Các cán bộ Bộ Tổng tham mưu lại tiếp tục đưa Quân đoàn 3 vào tiến công giải phóng Sài Gòn. Báo Quân giải phóng Tây Nguyên viết bài “Chim D’Rao cất cánh bay xa và tạm biệt Tây Nguyên”.

   
Đại tá HUỲNH CHÁNH
   (Trích từ cuốn “Kỷ niệm sâu sắc về công tác tham mưu chiến lược”
   T2. - QĐND., H: 2004)



Het!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM