Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:20:50 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiếng sấm Tây Nguyên  (Đọc 56782 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 10:32:55 am »


CHIẾN DỊCH TÂY NGUYÊN
BÍ MẬT, BẤT NGỜ


Từ 1 tháng 3 năm 1975, ta triển khai thế trận chiến dịch tạo thế nghi binh để địch phán đoán quân ta sắp đánh Plây Cu, Kon Tum; khống chế giao thông, cô lập mục tiêu Buôn Ma Thuột.

2 giờ sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, ngày mở đầu đợt 2 mùa khô 1975, bộ đội đặc công nổ súng đánh sân bay Hoà Bình, hậu cứ trung đoàn 53, sân bay thị xã và kho quân sự Mai Hắc Đế mở màn cho cuộc tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Cùng lúc các loại pháo, hoả tiễn dội bão lửa vào bộ chỉ huy sư đoàn 23 ngụy và kéo dài từng loạt đến 6 giờ 30 phút sáng làm rối loạn và tê liệt cơ quan đầu não địch. Lợi dụng tiếng pháo gầm, tiếng súng nổ, các loại xe kéo pháo bắn thẳng, pháo cao xạ, xe tăng, xe thiết giáp và xe chở bộ binh của ta từ các phía ào ào tiến vào thị xã.

- Trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng diễn ra ác liệt.

Đến 10 giờ 30 phút ngày 11 tháng 3 năm 1975 về cơ bản ta đã giải quyết xong Buôn Ma Thuột, bắt sống đại tá Nguyễn Trọng Luật tiểu khu trưởng, tinh trưởng Đắc Lắc và đại tá sư đoàn phó 23 ngụy Vũ Thế Quang, chiếm bộ chỉ huy sư đoàn 23 ngụy và tiểu khu Đắc Lắc.

- Sau khi đánh chiếm Buôn Ma Thuột, bộ đội ta tổ chức diệt viện phản kích và tiếp tục khống chế, bao vây cô lập Plây Cu, Kon Tum.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt mà không thể điều quân trù bị cứu ứng, ngụy quyền Sài Còn lệnh cho quân đoàn 2 bỏ Kon Tum và Plây Cu theo đường 7 rút về hướng duyên hải. Cuộc tháo chạy rơi ngay vào thế mai phục của ta, Sư đoàn 320 của Bộ và lực lượng ũu trang Quân khu 5 đã diệt gọn đoàn quân hỗn loạn này trên đường 7 (16-3-1975 ).

Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên gồm các đồng chí:

- Trung tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh.

- Đại tá Đặng Vũ Hiệp, Chính uỷ.

- Thiếu tướng Vũ Lăng và các đại tá: Phan Hàm, Nguyễn Lang, Nguyễn Năng: Phó tư lệnh.

- Đại tá Phí Triệu Hàm: Phó chính uỷ.

Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng đại diện cho Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh tại mặt trận nhận xét:

“Trận Buôn Ma Thuột hiểm và mạnh quá, tiếp đến trận đánh diệt quân viện sư đoàn 23 ngụy ở phía đông Buôn Ma Thuột nhanh và gọn quá làm cho địch hốt hoảng, rối loạn không những ở cấp sư đoàn, ở quân khu mà chính là động đến cơ quan đầu nào của ngụy quyền Sài Gòn. Từ sai lầm về chiến thuật, chiến dịch đến sai lầm về chiến lược, Ngụy quyền Sài Gòn hốt hoảng ra lệnh rút chạy khỏi Tây Nguyên… Mà đã sai lầm về chiến lược rồi thì thất bại trong chiến tranh là điều chắc chắn…”1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng nhớ lại:

“Sau thất bại nặng nề tại Buôn Ma Thuột, địch hoang mang và ra lệnh rút chạy khỏi chiến trường Tây Nguyên. Lúc đó Bộ thống soái tối cao nhận định: chiến thắng Buôn Ma Thuột đã trở thành chiến dịch giải phóng miền Nam, phải tập trung lực lượng nhanh chóng hướng về Sài Gòn. Qua tin tình báo, biết địch tập trung quân quyết định co cụm “tử thủ” ở Đà Nẵng tôi ra lệnh cho Bộ Tư lệnh chiến trường Trị Thiên Huế chuyển từ “kế hoạch cơ bản” sang “kế hoạch thời cơ”, đánh địch rút chạy, không cho chúng tập trung về Đà Nẵng”.

Ngày 29 tháng 3 năm 1975, bộ đội tấn công và giải phóng Đà Nẵng, địch tháo chạy hỗn loạn. Tôi đề nghị Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương chuyển lệnh “tấn công” sang “tổng tấn công” và thảo bức điện của Bộ thống soái tối cao gởi đi các chiến trường, trong đó có câu “Trận Sài Gòn đã bắt đầu”… Một lệnh thần tốc mới đã được ban hành. Trước đây bản lệnh của Bộ thống soái có hai chữ “chắc thắng”. Lệnh mới không có hai chữ chắc thắng mà là: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, quyết thắng và toàn thắng”.

   
Trung tướng LÊ VĂN TƯƠNG (Lê Chân)
   (Trích từ cuốn “Con đường tôi đã chọn: Hồi ức”:
   NĂM DÂN thể hiện – QĐND. H.2004)
________________________________________
1. Đại tướng Văn Tiến Dũng - Đại thắng mùa xuân – Nxb Quân đội nhân dân – Hà Nội, 1997
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 10:35:00 am »


TIẾN CÔNG GIẢI PHÓNG BUÔN MA THUỘT1


… Ngày 15 tháng 1 năm 1975, chúng tôi được lệnh hành quân bằng cơ giới vào miền Nam chiến đấu.

Ngày 3 tháng 2 năm 1975 chúng tôi tới Đắc Đam, cái đích cuối cùng của cuộc hành quân cơ giới, thực hiện đúng yêu cầu: đi nhanh, đến gọn, đến đủ, an toàn và bí mật. Ở đây, ở mảnh đất Đắc Đam này, sư đoàn chúng tôi khẩn trương triển khai các mặt theo mệnh lệnh tác chiến để kịp thời tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Đây là chiến dịch mở màn cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Đồng thời cũng ở mảnh đất Tây Nguyên anh hùng và bất khuất, quê hương của anh hùng Núp – người Tây Nguyên đầu tiên đã bắn Pháp chảy máu, đã tin tưởng rằng các dân tộc Tây Nguyên có thể đánh được Pháp bảo vệ được buôn làng, chúng tôi đã tổ chức đón tết Ất Mão, tết đầu tiên của cán bộ chiến sĩ sư đoàn 316 chúng tôi ở miền Nam ruột thịt...

Tây Nguyên có diện tích khoảng bốn mươi nhăm ngàn ki-lô-mét vuông. Số dân trên 70 vạn người, chủ yếu là người Thượng, còn lại là một số ít người Hoa và người Kinh. Dải đất ba-dan này có ba thị xã lớn: Buôn Ma Thuột, Plây Cu và Kon Tum.

Đây là vùng cao nguyên có rừng núi hiểm trở, chạy dài trên bốn tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Quảng Đức và Lâm Đồng, phía tây nam giáp Campuchia, phía tây bắc giáp Lào, còn phía đông và phía nan là vùng đồng bằng Khu 5 với vựa lúa Quảng Ngãi, Phú Yên trù phú và miền Đông Nam Bộ kiên cường, bất khuất, là chiến trường quen thuộc của tôi năm nào đã cùng anh em trong trung đoàn 174 đánh trên điểm cao 875 của chiến dịch Đắc Tô, Tân Cảnh.

Con đường 14 chạy dọc bốn tỉnh Tây Nguyên nối liền với miền đông Nam Bộ. Những thị xã lớn ở Tây Nguyên đều nằm dọc theo đường 14. Do đó, có thể nói đường 14 là con đường huyết mạch của toàn khu vực.

Ngoài ra còn một số con đường nhỏ khác. Đường 19 nối Plây Cu với đồng bằng Khu 5. Đường 21 từ Buôn Ma Thuột đi Khánh Hoà. Đường số 7 từ Cheo Reo đi Củng Sơn. Đường 21B từ Buôn Ma Thuột đi Lạc Thiện, Gia Nghĩa...

Tây Nguyên thuộc phạm vi của lực lượng quân khu 2 ngụy Sài Gòn do tướng Phạm Văn Phú chỉ huy. Lực lượng địch ở đây lúc này có khoảng một sư đoàn, bảy liên đoàn biệt động quân (tương đương với 10 trung đoàn) cùng bốn thiết đoàn tăng, thiết giáp.

Buôn Ma Thuột. tỉnh lỵ của Đắc Lắc, thị xã lớn nhất của Tây Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá lớn nhất của toàn khu, được xây dựng trên một mảnh đất bằng phẳng, ước độ 24 ki-lô-mét vuông. Nhà cửa thưa và thấp. Chủ yếu là nhà một tầng. Phần lớn nhân dân ở đây là người Kinh và một số ít ngoại kiều. Người Thượng rất ít, họ là vợ con binh lính, nhân viên ngụy quyền. Khi Pháp rút khỏi miền Bắc nước ta, chúng kéo theo dân công giáo di cư vào thị xã này và biến họ thành một hành lang chiến lược ở rải quanh thị xã.

Tây Nguyên được Pháp và Mỹ coi là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng: “Ai làm chủ được Tây Nguyên, người đó sẽ làm chủ được cả miền Nam”. Mà thị xã Buôn Ma Thuột lại là cái chốt quan trọng vào bậc nhất của khu chiến lược này. Do đó Pháp đã dày công xây dựng Buôn Ma Thuột thành một căn cứ lớn. Khi quân Mỹ xâm lược nước ta, chúng mở rộng Buôn Ma Thuột thành một thị xã quân sự có tầm vóc chiến lược; vừa là trung tâm kinh tế chính trị vừa là đầu mối giao thông của cao nguyên.

Địch tổ chức phòng thủ Buôn Ma Thuột thành ba khu vực. Khu dân cư ở phía bắc, khu hành chính ở phía đông, khu quân sự ở phía tây và nam. Ba khu này tạo thành thế chân vạc. Trong mỗi khu lại có lực lượng chiến đấu tại chỗ và lực lượng cơ động. Nhưng lực lượng phòng thủ và cơ động chủ yếu vẫn ở khu quân sự. Ở đây có hai sân bay: Một là sân bay Hoà Bình, sát khu quân sự ở phía nam. Hai là một sân bay ở phía bắc thị xã ở mỗi sân bay thường xuyên có năm, bảy chiếc máy bay trực thăng và vận tải túc trực.

Buôn Ma Thuột lại là một căn cứ quân sự lớn, là hậu cứ của sư đoàn 23; là hậu cứ của các liên đoàn, chiến đoàn, các binh chủng thuộc quân khu 2.
____________________________________
1. Tên bài do nhóm biên soạn đặt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 10:35:31 am »


Qua các nguồn tin, chúng tôi được biết lúc này ở Buôn Ma Thuột có hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn 53, có sở chỉ huy nhẹ của sư đoàn 23; ba tiểu đoàn bảo an 294, 272 và 96 sở chỉ huy liên đoàn biệt động 296; chỉ huy cảnh sát tỉnh Đắc Lắc.

Chỉ huy các lực lượng phòng thủ Buôn Ma Thuột do chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc đảm nhiệm. Chủ yếu là lực lượng của sư đoàn 23.

Hậu cứ sư đoàn 23 có chiều rộng khoảng 1.000 mét, dài gần 2.000 mét chạy dọc theo đường 14. Khu này lại chia nhỏ ra từng khoảng. Mỗi khoảng được ngăn bằng một lớp rào đơn và do các đơn vị bộ binh hoặc binh chủng đảm nhiệm.

Khi vào trinh sát, anh em phát hiện mỗi khoảnh đều có đường ra vào riêng. Trong mỗi nhà ở có công sự làm sẵn, có chiến hào và các ụ chiến đấu. Hào giao thông có nắp xen kẽ với vật chướng ngại. Ở sở chỉ huy sư đoàn 23, ngoài các đơn vị bộ binh còn có chi đội thiết giáp bảo vệ.

Hậu cứ thiết đoàn 8, hậu cứ tiểu đoàn 1 trung đoàn 45, hậu cứ trung đoàn 32 pháo binh đều nằm trong một khu vực. Nhà cửa được xây dựng nửa chìm nửa nổi, xe và pháo đều nằm trong công sự có nắp dày từ một đến hai mét.

Khu kho Mai Hắc Đế ở phía tây sư đoàn bộ sư đoàn 23 dài khoảng 1.500 mét gồm bốn dãy nhà kho, mỗi kho rộng khoảng một trăm bốn mươi đến một trăm năm mươi mét vuông. Các góc kho có lô cốt, chòi gác, đèn chiếu sáng. Toàn khu có bảy lớp rào kẽm gai bao bọc, có đường bao quanh ở phía trong hàng rào. Các đội tuần tra đi đi lại lại suốt ngày đêm.

Cơ quan hành chính tỉnh Đắc Lắc và sở chỉ huy tiểu khu Đắc Lắc ở phía đông sư đoàn bộ sư đoàn 23, còn phía bắc là sân bay thị xã. Đó là một sân bay nhỏ, rất nhỏ. Chỉ có máy bay trực thăng và máy bay L.19 là lên xuống được. Quanh sân bay có hàng rào mái nhà, có hệ thống đèn chiếu sáng...

Ban chỉ huy sư đoàn đặc biệt chú ý đến sân bay Hoà Bình. Cạnh sân bay này là hậu cứ của trung đoàn 44, trung đoàn 45, hợp thành một khu quân sự liên hoàn gọi là khu B50. Khu B50 nằm trên một dãy đồi rất cao so với toàn cảnh thị xã Buôn Ma Thuột. Khu B50 trước kia vốn là trại lính của lực lượng đặc nhiệm Mỹ. Do đó, B50 có rất nhiều hầm hố kiên cố, có thể chống được đạn pháo 130. Công sự, nhà cửa ở B50 xây dựng thành nhiều tầng, nhiều lớp, nửa nổi nửa chìm bằng xi măng cốt thép. Chân đồi có hào chống tăng và hào giao thông chằng chịt. Số quân ở B50 ước khoảng 180 tên gồm quân chiến đấu và quân về nghỉ. Trung đoàn 53 có 3.500 quân. Đây là lực lượng mạnh nhất của thị xã Buôn Ma Thuột.

Hướng phòng ngự chính ở thị xã này là tây-bắc.

Khi sư đoàn 316 chúng tôi được lệnh chuẩn bị đánh Buôn Ma Thuột, tôi, một mặt điện gấp xuống Gia Nghĩa cho đoàn cán bộ do anh Thơi, phó sư đoàn trưởng quay lại, mặt khác khẩn trương tổ chức đoàn cán bộ gồm các cấp trưởng do anh Hải Bằng - phó sư đoàn trưởng chỉ huy đi chuẩn bị chiến trường mới.

Một buổi sớm mùa xuân, tiết trời Tây Nguyên hoàn toàn khô ráo, ấm áp chứ không mưa phùn gió bấc, ẩm ướt như ngoài Bắc, tôi được lệnh lên Bộ chỉ huy mặt trận Tây Nguyên nhận nhiệm vụ mới. Chúng tôi ra đi trong bầu không khí phấn khởi và tin tưởng vào nhiệm vụ của mình được nhận, vào thắng lợi nhất định sư đoàn 316 sẽ hoàn thành. Quân ta mới giải phóng thị xã Phước Long. Đó là nguồn cổ vũ rất lớn đối với chúng tôi. Bước chân thoăn thoắt trên những nẻo đường mòn khi leo dốc, khi lội suối mà chẳng ai thấy mệt. Anh nào anh nấy đều đoán già đoán non, đều háo hức đón nhận nhiệm vụ mới.

Mùa xuân! Trăm hoa đua nở. Cây cỏ tốt tươi. Dọc đường chúng tôi đi đến đâu cũng phảng phất hương thơm. Trên những cành cây cổ thụ, những giò hoa phong lan đai châu buông xuống như những chuỗi ngọc lung linh sắc tím. Những con gà rừng dạn hơi người lần ra tận các nẻo đường mòn nhặt gạo rơi. Thấy động, những chú gà trống nhảy tót lên cành cây, đập cánh gáy te te. Mấy đồng chí cán bộ tác chiến trẻ và cậu công vụ của tôi cứ lăm le khẩu súng AK, đòi bắn mấy con cho vào nồi cháo để “tăng thêm sức chiến đấu”. Tôi phải nhắc nhở anh em tuyệt đối giữ bí mật.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 10:36:00 am »


Khi tôi và Hà Quốc Toản đến sở chỉ huy mặt trận, Phó tổng tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền cùng đoàn cán bộ Bộ Tổng tham mưu và Bộ tư lệnh B3 đã chờ đón chúng tôi. Cán bộ hai sư đoàn bạn cũng đã có mặt. Anh Hồ Đệ, sư đoàn trưởng và anh Lã Ngọc Châu, chính uỷ sư đoàn 10, anh Kim Tuấn, sư đoàn trưởng và anh Phí Triệu Hàm, chính uỷ sư đoàn 320. Sau khi chúng tôi đã ngồi yên vị trên những chiếc ghế được ghép bằng cành cây thì anh Vũ Lăng mở tấm bản đồ tác chiến khổ lớn trải kín chiếc bàn rộng được ghép sơ sài. Anh nói rõ ý nghĩa mục đích của chiến dịch Tây Nguyên và quyết tâm giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương.

Phó Tổng tham mưu trưởng nhìn chúng tôi một cách vui vẻ, cởi mở. Anh đưa mắt nhìn hai anh Hồ Đệ, Kim Tuấn và tôi hỏi:

- Sư nào có thể xung phong đánh trận mở màn vào thị xã Buôn Ma Thuột?

Anh Kim Tuấn báo cáo sư đoàn 320 của anh còn rải quân ở khu vực Cẩm Ga, Thuần Mẫn, nếu đánh thị xã Buôn Ma Thuột thì không đủ lực lượng.

Anh Hồ Đệ cũng báo cáo rằng: sư đoàn 10 của anh còn ở mạn Đức Lập, Đắc Song.

Thế là nhiệm vụ đánh trận mở màn cho chiến dịch mùa xuân 1975 vào thị xã Buôn Ma Thuột được Phó tổng tham mưu trưởng giao cho sư đoàn 316 chúng tôi.

Tôi suy nghĩ rất nhiều về vinh dự của sư đoàn đã được Phó tổng tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền đã thay mặt Đảng, quân đội giao cho.

Đây là lần đầu tiên sư đoàn chúng tôi làm nhiệm vụ tiến công một thị xã lớn, thủ phủ một vùng chiến lược quan trọng. Nhiệm vụ tuy rất nặng nề nhưng chắc chắn không vượt quá khả năng của sư đoàn. Thời gian làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn, sư đoàn chúng tôi đã từng đánh thị trấn Nậm Thà, đánh tập trung với đội hình lớn tại mặt trận Cánh Đồng Chum. Và dĩ nhiên, sư đoàn chúng tôi đã chiến thắng giòn giã (hồi ấy tôi mới ở cương vị cán bộ trung đoàn). Lần này nhất định sư đoàn 316 chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phương án tác chiến giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột có nhiều giả thiết. Có nhiều giả thiết, lẽ đương nhiên sẽ có nhiều đáp án khác nhau. Tôi nghĩ, người chỉ huy giỏi là người biết chọn một hoặc hai phương án cho một trận đánh. Có như vậy, mới tập trung cao độ trí tuệ, sức lực của cá nhân mỗi người chỉ huy, của tập thể cho cái phương án mình đã lựa chọn để giành thắng lợi.

Tại sở chỉ huy, đồng chí Vũ Lăng, Tư lệnh mặt trận B3 giao nhiệm vụ cho sư đoàn 316 chúng tôi đánh thị xã Buôn Ma Thuột theo phương án bóc vỏ vây lấn, chắc thắng. Trước mắt là diệt một loạt các cứ điểm ngoại vi ở Chư Dia, Chư Bua, Thọ Thạnh, sân bay Hoà Bình. Sau đó đánh tiếp vào sở chỉ huy của sư đoàn 23 quân ngụy Sài Gòn và dinh tỉnh trưởng Đắc Lắc.

Với một đối tượng có phòng thủ vững chắc như thị xã Buôn Ma Thuột thì đây là một phương án đẹp, một phương án đánh ăn chắc. Chúng ta đã có cơ sở lý luận và thực tiễn để tin tưởng vào phương án này. Đó là ở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ hơn hai mươi năm trước, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã vận dụng rất tài tình phương án này và đã rất thành công. Điều đó không chỉ đem lại thắng lợi rực rỡ cho dân tộc ta buộc thực dân Pháp phải cam chịu thất bại, cuốn gói khỏi miền Bắc nước ta, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ, mà còn vang xa khắp năm châu bốn biển.

Tôi trăn trở suy nghĩ rất nhiều về phương án đánh bóc vỏ này. Vì ở Buôn Ma Thuột, địch có quân số đông, trang bị mạnh, tổ chức phòng ngự rộng có trọng điểm và vững chắc; đặc biệt khả năng phản kích của địch rất nhanh, kể cả đường không lẫn đường bộ. Nếu ta đánh bóc vỏ thì diễn biến chiến đấu tất yếu phải diễn ra trong một thời gian dài, không gian rộng từ ngoài vào trong. Qua mỗi đợt chiến đấu ta phải dừng lại củng cố sức chiến đấu, đồng thời phải đánh địch phản kích. Cứ như vậy, tương quan lực lượng ngày một không có lợi cho ta, sức tiến công của sư đoàn sẽ giảm dần và có thể phải dừng lại dẫn đến không đạt dược mục đích của chiến dịch. Các mục tiêu trọng yếu của địch sẽ được củng cố, tăng cường khả năng phòng ngự. Mặt khác, lực lượng phản kích của địch có xe tăng, không quân, pháo binh mạnh mẽ đẩy ta ra xa Buôn Ma Thuột. Như vậy sư đoàn sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tôi cứ lo khi chưa vào được thị xã, sư đoàn 316 chúng tôi đã hết quân. Dĩ nhiên Bộ phải điều tiếp thê đội dự bị là sư đoàn 10 hay sư đoàn 320 vào thay chân chúng tôi. Vậy là phải hao tổn rất nhiều sức lực, xương máu, đạn dược, trang bị mà chưa chắc đã lấy được thị xã Buôn Ma Thuột. Bởi vì một khi ta tăng quân thì địch cũng tăng viện, tăng vũ khí và bom đạn. Mức độ giằng co giữa ta và địch chắc chắn sẽ rất ác liệt.

Chúng tôi tranh cãi, bàn luận khá sôi nổi. Phần nhiều ý kiến đều muốn chọn phương án tập trung lực lượng đánh bóc vỏ, đánh đâu thắng đó, đánh dứt điểm từng chi khu tiến tới giải phóng hoàn toàn thị xã này. Nhưng đánh như thế trong điều kiện hiện nay, vào năm 1975, địch được trang bị vũ khí kỹ thuật ngập đến chân răng, ta sẽ hao tổn nhiều thời gian, sức lực, trang bị và cả xương máu nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 10:36:35 am »


Về phần mình, suốt thời gian theo đường binh nghiệp, cho tới giờ phút này, tôi thành thật thú nhận rằng tôi chưa chỉ huy một trận đánh “bóc vỏ” nào. Sở trường của tôi là dùng một lực lượng mạnh, bí mật bất ngờ đánh thọc sâu vào trung tâm đầu não địch, khiến quân địch hoang mang giãy giụa như rắn bị mất đầu hoặc với cách đánh vận động tiến công kết hợp chốt kia. Đó là những trận đánh tôi đã có may mắn được Đảng và quân đội giao cho nhiệm vụ chỉ huy đơn vị ở Mường Sinh - Tháp Xưa, ở điểm cao 875 phía tây-nam Đắc Tô, Tân Cảnh, ở Đầm Be, ở đường 13... Song cũng chính vì vậy mà cho đến giờ phút này, khi ghi lại những dòng này, tôi vẫn luôn tự hỏi, tôi có chủ quan, bảo thủ về cách đánh của mình không? Trong chỉ huy trận đánh mà chủ quan, bảo thủ, thường là cầm chắc thất bại trong tay. Chiến trường mở ra biết bao sắc thái, luôn luôn diễn biến sinh động và kỳ ảo. Nó luôn đòi hỏi người chỉ huy phải nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tiễn và vận dụng cách đánh sao cho thích hợp nhất để vẫn giành thắng lợi mà lại ít tổn thương. Do vậy trước sau tôi chỉ có một ý nghĩ, trong tác chiến người chỉ huy phải căn cứ vào nhiệm vụ được giao, vào lực lượng của mình, vào tình hình địch để luôn luôn biết khai thác triệt để những điểm yếu của địch và vận dụng cái mạnh của mình, của đơn vị mình, của địa hình, địa vật, chủ động tiến công trong mọi hoàn cảnh. Có làm được như vậy mới giành được thắng lợi về mình.

Bản tính người dân tộc thiểu số chúng tôi vốn thẳng thắn, luôn luôn trung thực với ý nghĩ của mình. Do vậy, khi tôi nói rõ những suy nghĩ của mình và trình bày cách đánh hoàn toàn khác với cách đánh bóc vỏ, chắc chắn một số đồng chí không hài lòng lắm. Nhưng tôi biết làm thế nào khác được. Phương án tác chiến bao giờ cũng quyết định thành bại của trận đánh, tính mạng của chiến sĩ. Cho nên tôi không thể nói quanh co, nói dích da dích dắc theo hình cái chữ chi, chữ giét mà nói như một đường đạn bắn thẳng.

Phương án đánh thị xã Buôn Ma Thuột của tôi như sau:

Bỏ qua ngoại vi, tập trung một lực lượng lớn, mạnh, bất ngờ đánh thẳng vào sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy Sài Gòn và dinh tỉnh trưởng Đắc Lắc, đập nát cơ quan đầu não của địch, khiến chúng như rắn bị đánh giập đầu không còn sức chỉ huy chiến đấu. Tiếp theo đánh vào đơn vị kỹ thuật như kho thông tin, sở chỉ huy trung đoàn thiết giáp, pháo binh và các đơn vị trực thuộc khác.

Rất nhiều ý kiến khác nhau về phương án đánh bóc vỏ và phương án đánh thọc sâu chia cắt... Anh em bàn luận, thảo luận, đôi khi rất quyết liệt. Tôi lắng nghe tất cả những ý kiến thuận tai và nghịch tai của anh em mà xúc động vô cùng. Dù thuận tai hay nghịch tai đều được họ nghĩ suy chín chắn, phát biểu chân thành. Tôi gọi đó là những lời nói xuất phát từ ruột từ gan của mỗi người. Về phần mình, lẽ dĩ nhiên, tôi phải bảo vệ bằng được chính kiến của mình, bảo vệ bằng được phương án tác chiến của mình. Song tại hội nghị này, cách đánh của chúng tôi không được trên chấp thuận.

Sau Tết Nguyên đán Ất Mão, đoàn cán bộ của Bộ Quốc phòng do Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng dẫn đầu vào chiến trường. Ở mặt trận Tây Nguyên, Bộ chỉ định anh Hoàng Minh Thảo làm tư lệnh, anh Vũ Lăng làm phó tư lệnh mặt trận. Phương án đánh Buôn Ma Thuột được Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ Tư lệnh B3, Cục Tác chiến và các tư lệnh binh chủng rà xét lại một lần nữa.

Ngày 25 tháng 2 năm 1975, tôi nhận lệnh của Bộ Tư lệnh B3 mời về họp. Lần đầu tiên được ngồi trên xe U-oát, anh Vũ Lăng đi công tác ghé thăm sư đoàn đã cho tôi và anh Hà Quốc Toản cùng đi. 19 giờ chúng tôi đến sở chỉ huy chiến dịch. Mọi người đã có mặt đông đủ.

Sau khi nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của trận đánh, Đại tướng Văn Tiến Dũng nói:

- Trận này, trận mở màn chiến dịch, ta phải đánh thắng, nếu sư đoàn 316 chủ công không đánh thắng thì Bộ Tư lệnh chiến dịch gồm nhiều tướng tá ngồi đây chẳng có ý nghĩa gì. Vì vậy, ý định phương án đánh của đơn vị chủ công như thế nào, đồng chí Đàm Văn Ngụy trình bày.

Mọi người chăm chú lắng nghe tôi thay mặt ban chỉ huy sư đoàn trình bày phương án đánh thọc sâu, đánh áp đảo; đập nát trung tâm đầu não của sư đoàn 23 ngụy Sài Gòn và khu tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc ngay từ những đòn tiến công đầu tiên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 10:44:25 am »


Phương án cụ thể như sau:

- Mũi thứ nhất: Chúng tôi đưa trung đoàn 149 và tiểu đoàn phòng không 12,7 ly vượt đường 14 đoạn giữa hai căn cứ Thọ Thanh và Đức Lập, xuôi về phía nam 20 kilômét. Rồi vượt sông Sêrêpốc đánh vào phía nam thị xã Buôn Ma Thuột - khu dinh tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc. Qua trinh sát, chúng tôi thấy ở phía nam này địch bố phòng rất mỏng.

- Mũi thứ hai: Đánh từ hướng tây - bắc vào là trung đoàn 148. Trung đoàn này tiêu diệt xong trung đoàn thiết giáp ngụy quân, sẽ phát triển đội hình đánh tiếp vào trung đoàn pháo binh.

- Mũi thứ ba: do trung đoàn 95 đánh từ hướng đông - bắc xuống, chiếm ngã sáu, chặn các mối đường giao thông vào thành phố. Sau đó, phối hợp với trung đoàn 148 đánh thẳng sang phía đông.

- Mũi thứ tư: đánh từ hướng tây và tây-nam, do trung đoàn 174 đảm nhiệm. Mũi này cũng vượt sông Sêrêpốc, nhưng ở đoạn gần đập thuỷ điện Hơ Rinh. Sau đó bí mật luồn qua khoảng giữa hai cứ điểm Chư Bua và Chư Dia đánh thẳng vào sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy và khu thông tin của sư đoàn này.

Tôi đề nghị pháo binh của mặt trận và sư đoàn tập trung bắn vào sở chỉ huy sư đoàn 23.

Ngoài ra, một đơn vị pháo binh và toàn bộ lực lượng phòng không của sư đoàn 316 chúng tôi cơ động vượt đường 14 xuống phía nam thị xã Buôn Ma Thuột đánh chi viện cho trung đoàn 149. Một tiểu đoàn cao xạ của chiến dịch, một tiểu đoàn cao xạ của sư đoàn 316 và tiểu đoàn 9 của trung đoàn 149 ém quân ở sân bay Hoà Bình, cách thị xã Buôn Ma Thuột 9 kilômét về phía đông-nam, dùng 12,7 ly khống chế không cho địch chi viện.

Về công tác chuẩn bị tôi đề nghị:

Phải khẩn trương và bí mật. Tuyệt đối giữ bí mật trong việc làm đường và sửa đường từ Đắc Đam đi Buôn Ma Thuột, khoảng 40 kilômét từ tây sang đông.

Công binh chuẩn bị cầu phà cho xe tăng, pháo binh vượt sông Sêrêpốc. đền cách các cứ điểm khoảng từ 7 đến 10 ki-lô-mét thì cắt cây mở đường, cưa sát gốc một nửa hoặc hai phần ba cây để khi xe tăng, pháo binh hành quân có thể hạ cây một cách dễ dàng. Tôi nghĩ, cưa như vậy vừa giữ được nguyên hiện trạng của rừng vừa làm cho lá cây vẫn tươi xanh chứ không bị héo khô.

Về phần bộ binh mỗi người chuẩn bị một cây lồ ô dài chừng 3 mét có đường kính độ một gang tay và một cuộn dây rừng. Đến bờ sông Sêrêpốc sẽ ghép lại thành mảng đưa bộ đội vượt sông.

Tiếp đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên giao nhiệm vụ cho sư đoàn 316 đánh từ 4 đến 6 ngày phải giải phóng bằng được thị xã Buôn Ma Thuột.

Sở dĩ Bộ Tư lệnh chiến dịch giao cho chúng tôi từ 4 đến 6 ngày để giải phóng Buôn Ma Thuột vì Buôn Ma Thuột là một thị xã rộng lớn, đông dân ở Tây Nguyên. Số dân ở thị xã này gấp ba số dân ở thị xã Phước Long, mà lực lượng đánh địch lại chỉ có một mình sư đoàn 316. Lực lượng địch ở đây cũng đông; một trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo binh, một trung đoàn thiết giáp và các tiểu đoàn bảo an, địa phương quân.

Tôi nghĩ mãi về cái khoảng thời gian từ 4 đến 6 ngày này. Đây là kiểu đánh trận địa chiến. Dài quá. Đánh dài ngày trong điều kiện địch có hoả lực mạnh thì chúng tôi sẽ mất hết quân. Nếu địch đưa lực lượng đến giải toả và tiếp viện thì sư đoàn 316 không có lực lượng đánh tiếp nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 10:45:09 am »


Để thống nhất trong chỉ huy lần cuối, trước khi báo cáo quyết tâm với trên, tôi mời các đồng chí Hà Quốc Toản, chính uỷ, Minh Khai, phó chính ủy, đồng chí Minh Thơi, Hải Bằng, phó sư đoàn trưởng bàn bạc kỹ phương án tác chiến và hạ quyết tâm chỉ đánh trong 2 ngày là phải giải phóng được thị xã Buôn Ma Thuột.

Riêng đánh thọc sâu cũng có hai tình huống. Do đó phải có hai phương án.

Một là, nếu chưa đến giờ G, ngày N - ngày giờ mở chiến dịch - địch đã nắm được một phần nào đó về lực lượng của ta. Nguồn tin này cũng có thể do tình hình địch phát hiện hoặc do ta sơ xuất để lộ hướng tiến quân, lộ địa điểm tập kết quân, lộ do địch phát hiện được những hàng cây bị cắt dở. Như vậy, địch sẽ tăng cường một vài trung đoàn giữ Buôn Ma Thuột. Nếu tình huống này xảy ra, sư đoàn 316 tạm dừng đánh Buôn Ma Thuột lại để sư đoàn 10 của anh Hồ Đệ đánh Đức Lập buộc địch đưa lực lượng từ Buôn Ma Thuột lên giải vây cho Đức Lập. Lúc đó sư đoàn 316 sẽ tổ chức lực lượng phục kích đánh địch trên đoạn đường giữa Thọ Thanh và Đức Lập, diệt gọn số quân giải toả Đức Lập. Tiếp đó, kéo toàn bộ lực lượng về đánh thọc sâu vào Buôn Ma Thuột.

Tình huống hai là địch vẫn chủ quan không tăng viện cho Buôn Ma Thuột, chúng tôi vẫn thực hiện theo phương án tác chiến cũ. Bên sa bàn, mọi người thảo luận sôi nổi, cũng có lúc các tướng lĩnh tranh luận với nhau rất gay gắt, quyết liệt, nhưng tựu trung lại, ai nấy đều nhất trí với cách đánh của sư đoàn chúng tôi.

Sau khi kết luận về phương án đánh Buôn Ma Thuột, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng cổ vũ thêm:

- Cách đánh của Đàm Văn Ngụy vừa trình bày gọi là cách đánh “nở hoa trong lòng địch”. Hồi còn chỉ huy sư đoàn 320, mình cũng tổ chức một mũi thật mạnh, thật tinh nhuệ đánh vào trung tâm thị xã Thái Bình khiến cho quân giặc không kịp trở tay.

Thế là toàn bộ kế hoạch phương án tác chiến của sư đoàn 316 chúng tôi đã được Bộ chỉ huy mặt trận Tây Nguyên thông qua và chấp thuận. Chúng tôi rất phấn khỏi, rất tin tưởng vào cách đánh mà ban chỉ huy sư đoàn đã lựa chọn.

Ngay đêm hôm đó, các anh Lê Ngọc Hiền, Vũ Xuân Chiêm, Phan Hàm, Doãn Tuế, Trần Nhẫn, Hoàng Niệm, Lê Xuân Kiện và nhiều cán bộ của Bộ Tổng tham mưu đã về Đắc Đam tổ chức giúp đỡ, cổ vũ cho cán bộ chiến sĩ sư đoàn 316 chúng tôi làm công tác chuẩn bị chiến đấu.

Sư đoàn được Bộ chỉ huy mặt trận rất quan tâm. Trên tăng cường cho đơn vị mạnh cả về quân số và binh khí kỹ thuật. Sư đoàn được bổ sung thêm trung đoàn đặc công 198, trung đoàn bộ binh 95B và một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 24 (sư đoàn 10). Chúng tôi tiến hành ngay mọi nhiệm vụ chuẩn bị tiến công tiêu diệt khu trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột, trọng điểm tiến công là khu phòng thủ sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy.

Hội nghị đảng ủy mở rộng được mời đến các trưởng phòng ban trong cơ quan sư đoàn và các cán bộ trung đoàn.

Ngày 5 và 6 tháng 2 năm 1975, đảng ủy sư đoàn họp quán triệt mệnh lệnh tác chiến của trên và xác định quyết tâm. Nghị quyết của sư đoàn được phổ biến đến cán bộ chiến sĩ. Nhiều cuộc họp được tiến hành đã giải quyết một cách cụ thể những băn khoăn lo lắng của từng đơn vị cả về tư tưởng và tổ chức, đồng thời củng cố thêm quyết tâm chiến đấu. Một khí thế thi đua sôi nổi dấy lên trong toàn đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ đều cố gắng làm thật tốt mọi việc chuẩn bị cho chiến đấu. Trong đợt huấn luyện ngắn nhằm bổ sung các mặt kỹ thuật, chiến thuật đánh thành phố, nhiều đồng chí cán bộ và chiến sĩ đã đạt thành tích xuất sắc.

Trong bốn hướng tiến công vào thị xã, ngoài hướng đông-bắc do trung đoàn bộ binh 95B phụ trách, cùng tám xe tăng, một tiểu đoàn cao xạ, hai khẩu lựu pháo 122 đánh theo ngã sáu vào tiếu khu Đắc Lắc, phối hợp với các mũi của trung đoàn đặc công 198 của Bộ đánh vào sân bay thị xã; còn lại ba hướng khác đều do sư đoàn 316 chúng tôi đảm nhiệm. Lực lượng lãnh đạo, chỉ huy sư đoàn quyết định như sau:

Hướng tây-bắc do trung đoàn 148 đảm nhiệm, được tăng cường bốn lựu pháo 122, tám xe tăng, ba pháo 85 nòng dài và tiểu đoàn cao xạ 232, có pháo cảu mặt trận chi viện, bước đầu đánh hậu cứ thiết giáp. Một tiểu đoàn của trung đoàn 148 làm dự bị chung cho mặt trận.

Trung đoàn 174 được tăng cường tám xe tăng T54, hai pháo 85 nòng dài, hai cối 120, được pháo binh chiến dịch và sư đoàn chi viện, từ hướng tây-nam đánh vào thị xã, bước đầu đánh chiếm Chư Duê, mở đường cho pháo mặt đất, pháo cao xạ và xe tăng vào chiếm lĩnh trận địa, chi viện cho đặc công trung đoàn 198 chiếm kho Mai Hắc Đế rồi đánh thẳng vào sở chỉ huy sư đoàn 23 theo đường 14 qua khu hậu cần. Trung đoàn tổ chức một tiểu đoàn làm dự bị cho trung đoàn và sư đoàn.

Trung đoàn 149 được tăng cường hai pháo 85 nòng dài, một cối 120, một tiểu đoàn súng máy cao xạ 12,7, có pháo mặt trận và pháo sư đoàn chi viện, tiến công từ hướng nam vào thị xã, sở chỉ huy sư đoàn 23 và tiểu khu Đắc Lắc. Một tiểu đoàn (thiếu) chi viện cho đặc công 198 đánh chiếm sân bay Hòa Bình. Trung đoàn dùng một đại đội làm dự bị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 10:45:51 am »


Trên bốn hướng tiến công của lực lượng bộ binh đánh vào thị xã, sư đoàn 316 trực tiếp chỉ huy hai hướng nam và tây-nam (trung đoàn 149 và trung đoàn 174), cùng mũi thọc sâu của tiểu đoàn 4 trung đoàn 24 sư đoàn 10. Hai hướng đông-bắc và tây-bắc do sở chỉ huy tiền phương mặt trận trực tiếp chỉ huy (trung đoàn 95B và trung đoàn 148 ).

Trung đoàn pháo binh 187 ngoài số pháo tăng cường cho các đơn vị, còn lại tập trung thành hai cụm. Mỗi cụm có từ hai đến bốn khẩu 122 và hai khẩu 85 làm nhiệm vụ chi viện cho trung đoàn 174 và trung đoàn 149.

Lúc này, một yêu cầu rất cao của chiến dịch được đặt ra là bí mật của trận đánh, bí mật của các mũi tiến công, giữ được bí mật càng tạo thế bất ngờ. Đó là nhân tố quyết định thắng lợi trận đánh. Mọi hành động của đơn vị trong thời gian chuẩn bị và chiếm lĩnh trận địa nhất cử nhất động đều phải chấp hành nghiêm ngặt những quy định: ăn, ở, đi lại v.v... Từ khu tập kết đến thị xã Buôn Ma Thuột đường rất xa. Để tiếp cận, các trung đoàn phải qua những chặng đường hành quân dài. Đơn vị ở gần nhất như trung đoàn 148 phải đi mất ba ngày đêm. Trung đoàn 149 xa nhất đi mất sáu ngày đêm. Các cỡ pháo nặng có xe kéo càng nhiều khó khăn, phải tổ chức cầu, phà để vượt sông, có đơn vị phải vượt sông hai lần mới vào đến trận địa. Trên đường có xe tăng pháo binh yểm trợ, bộ đội công binh đi trước mở đường. Mở đường tới đâu ngụy trang đến đó. Những cây to bằng bắp đùi trở lên đều bị bộ đội công binh cắt đứt hai phần ba thân cây, cắt cùng một hướng ở gần sát mặt đất, như vậy cây vẫn tươi xanh, xe tăng chạy tới đâu, húc đổ tới đó, mở đường mà đi. Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên điều đến một số đơn vị và đặc biệt là rất nhiều dân công hỏa tuyến lên phía Kon Tum - Plây Cu, rậm rịch mở đường, đào hào, chuẩn bị trận địa, thực hiện nghi binh chiến dịch.

Do vậy địch không còn nghi ngờ ta đánh thị xã Buôn Ma Thuột.

Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh mặt trận, chỉ khi nào đặc công bắt đầu nổ súng, các đơn vị cơ giới mới được vượt sông. Do đó, riêng việc tiến vào trận địa theo đúng thời gian quy định đã rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi mỗi đơn vị phải có tinh thần trách nhiệm cao, trình độ tổ chức vững vàng, chấp hành kỷ luật hết sức chặt chẽ mới bảo đảm hoàn thành được nhiệm vụ.

Sau những ngày đêm vất vả chuẩn bị, ngày 27 tháng 2 năm 1975, công việc điều tra chiến trường, xây dựng kế hoạch tác chiến, kế hoạch cơ động lực lượng, bảo đảm vật chất kỹ thuật... của sư đoàn hoàn thành về cơ bản.

Ngày 28 và 29 tháng 2 năm 1975, sư đoàn tiến hành hội nghị quân chính nhằm kiểm tra, quán triệt nhiệm vụ và tổ chức hiệp đồng lần cuối cùng, đồng thời bổ sung hoàn thiện các mặt công tác chuẩn bị.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi đánh thắng trận mở màn của chiến dịch, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã ra lệnh cho các đơn vị hiệp đồng tác chiến, khoá chặt các tuyến đường và các vị trí địch có thể chi viện cho Buôn Ma Thuột.

Sư đoàn 968 vây chặt Plây Cu.

Quân khu 5 điều lực lượng cắt đường 14 từ Lai Khê đi Gia Lai, Kon Tum.

Trung đoàn 25 cắt đường 21.

Lực lượng phòng không cũng được tăng cường để khống chế sân bay Hoà Bình và khu vực ngoại vi thị xã Buôn Ma Thuột, sẵn sàng đánh địch tăng viện đổ bộ đường không.

11 giờ ngày 5 tháng 3 năm 1975, Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo hạ lệnh cho sư đoàn 316 thực hành cơ động theo phương án. Anh nói thêm:

- Các tuyến đường, các vị trí địch có liên quan, đơn vị bạn đã khoá chặt rồi. Chúc sư đoàn ra quân đánh thắng.

Tôi lo lắng và phấn khởi. Bình tĩnh nhưng vẫn thấy nôn nao. Tỉnh táo và hồi hộp. Tất cả như xáo trộn trong tôi. Là một người lính già, một người chỉ huy đã dày dạn kinh nghiệm trong tác chiến, vậy mà trước giờ ra trận tôi vẫn cảm thấy hồi hộp lạ thường. Trái tim tôi đập rất mạnh, tôi chỉ muốn giữ mãi ống nghe bên tai mình để được nghe giọng nói ấm áp, ân tình, vừa là mệnh lệnh vừa là lời động viên khuyến khích của đồng chí Tư lệnh chiến dịch. Tôi hứa với anh:

- Sư đoàn 316 chúng tôi quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh giao phó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 10:46:32 am »


12 giờ trưa ngày 5 tháng 3 tôi ra lệnh cho trung đoàn 149 và tiểu đoàn pháo cao xạ xuất phát hành quân về phía nam. Tối ngày 5 phải vượt qua đường 14. Dạo ấy địch nghi ta mở chiến dịch trên đường 14 nên cứ 30 phút chúng lại cử một đoàn xe tuần tiễu. Để xóa sạch dấu vết, khi vượt đường 14, cũng như những lần trước, anh em lấy nilông trải thành tuyến cắt ngang mặt đường cho bộ đội đi qua. Nếu nghe tiếng xe ô tô địch thì nhanh chóng cuộn nilông lại. Cứ như thế, trung đoàn 149 lần lượt vượt qua mặt đường mà không hề để lại dấu vết.

Ngày 6 tháng 3 cả hai cánh đông-bắc và tây tây-nam cũng được lệnh xuất phát.

Đêm 8 tháng 3 sư đoàn 10 đã sử dụng 1 trung đoàn đánh vào thị trấn Đức Lập.

Cũng trong đêm 8 tháng 3, cánh quân hướng nam của chúng tôi vượt sông Sêrêpốc. Bộ đội công binh khẩn trương kiểm tra lại đường xuất phát của xe tăng và pháo binh.

Sáng ngày 9 tháng 3 bộ đội thiết giáp xuất phát. Đơn vị công binh cho đổ cây, mở đường cho xe tăng vượt sông. Gần đến vị trí đóng quân, anh em được lệnh cho máy nổ nhỏ đi. Lúc này bộ đội trinh sát cũng luồn rừng làm nhiệm vụ. Để giữ bí mật tuyệt đối, anh em được lệnh tạm giữ tất cả những người dân đi săn thú rừng và đi làm nương rẫy.

2 giờ 3 phút sáng 10 tháng 3, trung đoàn đặc công 98 nổ súng tiến công sân bay Hoà Bình và sân bay thị xã. Địch phản ứng quyết liệt, pháo bắn cấp tập vào những nơi chúng nghi ta tập trung quân. Lợi dụng tiếng pháo nổ, xe tăng, xe thiết giáp tranh thủ tăng tốc độ hành quân.

Các mũi tiến công của sư đoàn 316 hành quân cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 5-6 ki-lô-mét thì địch bắn đạn pháo sáng. Cả bầu trời mặt đất rực sáng như ban ngày. Bộ đội càng có dịp nhìn đường sá dễ hơn. Anh em bám sát nhau, các đơn vị bám sát đội hình tăng tốc độ hành quân.

Đến 2 giờ 10 phút, Bộ Tư lệnh chiến dịch hạ lệnh cho các cỡ pháo mặt đất bắn cấp tập vào những mục tiêu đã định trong thị xã như sở chỉ huy sư đoàn 23, dinh tỉnh trưởng Đắc Lắc, trận địa pháo, trung tâm thông tin của địch... Ánh điện trong thị xã tắt ngấm. Chỉ còn những ánh chớp loe loé chằng chịt như chớp giật của đạn pháo chiến dịch. Mờ sáng, các mũi tiến công đã áp sát thị xã.

Cánh quân hướng nam đã chạm trán với tiểu đoàn 6 quân ngụy vừa trong thị xã đi ra. Bộ đội ta nhanh chóng bao vây và diệt gọn. Tên tiểu đoàn trưởng bị bắt sống.

Thừa thắng, cánh quân phía nam tiến thẳng vào thị xã, áp sát sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy. Địch leo lên các khu nhà cao tầng chống trả lại ta rất quyết liệt. Mờ sáng, ở hướng tây và tây nam trung đoàn 174 đánh vào khu thông tin. Địch cũng leo lên các khu nhà cao tầng và chiếm các vị trí có lợi để chống trả. Các hướng khác quân ta cũng đồng loạt đánh vào khu trung tâm thị xã.

9 giờ ngày 10 tháng 3 ta chiếm được khu tỉnh trưởng. Đại tá tỉnh trưởng Nguyễn Trọng Luật vội vàng bỏ nhiệm sở chạy sang sở chỉ huy sư đoàn 23.

Ở hướng tây, tây - bắc, khi ta đánh vào trung đoàn thiết giáp bị địch chống trả quyết liệt. Chúng cho xe tăng ra chặn đường, chặn cửa mở của các mũi tiến công. Hoả lực địch rất mạnh, anh em không sao tiến lên được. Đến 10 giờ, xe tăng ta tiến vào thị xã. Lúc này, bộ binh hiệp đồng chặt chẽ với xe tăng, thiết giáp đánh thẳng vào khu chỉ huy trung đoàn thiết giáp quân ngụy. Xe tăng đấu với xe tăng, pháo đấu với pháo, trí lực đấu với trí lực. Xe tăng ta cấp tập tiến thẳng vào các mục tiêu địch, xe tăng ngụy bốc cháy. Địch hoảng loạn bỏ chạy. Nhiều tên lính lái tăng đã vọt khỏi xe chạy thục mạng với đám tàn quân.

12 giờ trưa, bộ đội ta làm chủ hoàn toàn khu thiết giáp. Anh em tiếp tục đánh sang khu pháo binh. Đến 13 giờ toàn bộ khu pháo binh địch cũng bị tiêu diệt.

Trong khi đó trung đoàn 95 cũng đã chiếm được ngã sáu, địch phản kích quyết liệt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 10:49:00 am »


Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống ngụy quyền Sài Gòn lệnh cho sư đoàn trưởng sư đoàn 23 Vũ Thế Quang và đại tá Nguyễn Trọng Luật tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc bằng mọi giá phải kiên quyết giữ Buôn Ma Thuột. Đến lúc này Nguyễn Văn Thiệu vẫn bán tín bán nghi. Hắn nghĩ rằng trung đoàn 25 (bộ đội tỉnh Đắc Lắc) đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột để nghi binh nhằm kéo quân từ Kon Tum, Plây Cu xuống ứng cứu, và ta thừa cơ tiến công Plây Cu, Kon Tum. Do đó, Thiệu tăng cường máy bay cho thị xã Buôn Ma Thuột. Từ ngày 10 tháng 3 đến ngày 15 tháng 3 địch điều động hàng trăm lần chiếc máy bay ném bom, bắn phá. Ngoài ra còn pháo bầy từ nhiều điểm thường xuyên bắn cấp tập vào trận địa của ta. Trong ngày 10 trận chiến diễn ra vô cùng quyết liệt. Ta mở nhiều đợt tiến công nhưng không chiếm được sở chỉ huy sư đoàn 23. Có những đơn vị đã vào sát cổng vẫn không tiến lên được, phải đào hầm nằm lại. Tôi bổ sung thêm lực lượng và trang bị cho hướng này để đêrn 10 tháng 3 đánh tiếp. Đêm đó trời tối đen như mực. Bộ đội đứng cách nhau một vài mét vẫn khó phát hiện ra nhau. Đứng ở trên một thung lũng, tôi giơ bàn tay lên trước mặt mình cũng chỉ nhìn thấy mờ mờ. Buộc lòng, tôi phải lệnh cho bộ đội nghỉ tại chỗ củng cố hầm hào và sẵn sàng chờ lệnh tiến công. Anh Trì trung đoàn trưởng trung đoàn 174, anh Đạo trung đoàn trưởng trung đoàn 149, anh Linh trung đoàn trưởng trung đoàn 148, các anh đề nghị mờ sáng sẽ đánh tiếp.

5 giờ sáng ngày 11 tháng 3, từ căn cứ sư đoàn 23 có một tiểu đoàn bộ binh có một xe tăng yểm trợ tiến ra phản kích ta. Chớp thời cơ “may mắn” ấy, bộ đội ta đã nổ súng tiến công dồn dập diệt gọn tiểu đoàn quân ngụy và những xe tăng yểm trợ. Thừa thắng anh em đánh thốc vào sở chỉ huy sư đoàn 23.

5 giờ 30 phút, pháo binh ta bắt đầu bắn phá sở chỉ huy sư đoàn địch cùng các mục tiêu kế cận. Các loại pháo đi cùng bộ binh cũng lần lượt bắn phá từng hoả điểm địch trên đường tiến quân.

6 giờ 30 phút, các mũi bộ binh cùng lúc đánh vào mục tiêu chính.

Trung đoàn 174 triển khai đội hình theo 3 mũi:

Mũi thứ nhất do tiểu đoàn 3 được tăng cường 4 xe tăng, phối hợp với tiểu đoàn 4 (trung đoàn 24 sư đoàn 10) cùng tiến công. Quá trình hành tiến chiến đấu, quân ta gặp một kho nhiên liệu lớn của địch bị đạn pháo bắn cháy dữ dội. Các đơn vị không sao vượt qua được, buộc phải vòng lên phía bắc, tìm đường tiếp cận sở chỉ huy địch. Khi đến trước khu sở chỉ huy của chúng, ta bị một loạt hàng rào dây thép gai dày đặc ngăn chặn. Các chiến sĩ phải dùng hết số bộc phá mang theo song vẫn chỉ quét được một số rào phía ngoài. Lúc này, pháo binh, máy bay địch tập trung bắn phá vào đội hình đơn vị. Để giảm bớt thương vong, ta cho xe tăng lên mở đường, phá các hàng rào còn lại. Quân ta đột nhập căn cứ địch, chiến đấu giành giật từng lô cốt, từng căn hầm trong căn cứ; có nơi phải giành đi giật lại tới năm, sáu lần. Xe tăng và bộ binh ta luôn bám sát chi viện cho nhau cùng đánh thẳng sang sở chỉ huy sư đoàn 23.

Mũi thứ hai do đại đội 11 tiểu đoàn 3 được tách ra từ đầu, đánh chiếm ấp Ba Lê 2, rồi từ đó thọc sang khu tham mưu của sở chỉ huy. Tại đây, ta đánh bật ba đợt phản kích của địch, sau đó chiếm khu Hùng Vương, bắt liên lạc với trung đoàn 149 rồi cùng đột phá vào sở chỉ huy địch.

Mũi thứ ba do tiểu đoàn 1 trung đoàn 174 được tăng cường ba xe tăng từ hướng tây-nam đột phá khu đài phát thanh quân ngụy rồi tiến sát khu tham mưu chọc vào sở chỉ huy sư đoàn địch.

Trung đoàn 149 tiến công địch bằng hai mũi: tiểu đoàn 7 đánh từ phía nam lên, chọc thẳng vào khu tham mưu địch. Tại đây, ta gặp phải sức chống trả quyết liệt của địch. Tiểu đoàn dừng lại chấn chỉnh đội hình, tiếp tục tiến công. 9 giờ 50 phút, tiểu đoàn đánh tan quân địch phản kích: khoảng 100 tên cùng 7 xe tăng. Ba xe địch bị bắn cháy. Một số địch bỏ xác tại chỗ. Bọn còn lại tháo chạy về bắc điểm cao 491, lui về co cụm hướng sân bay Hoà Bình thì gặp tiểu đoàn 9 của ta đang vây ép địch tại đây chặn đánh, bắn cháy hai xe, bắt sống 2 xe, diệt và bắt nhiều tù binh. Trên đà chiến thắng, tiểu đoàn 7 đánh chiếm khu tham mưu, diệt 269 địch, bắt sống 19 tên rồi tiến vào trung tâm sở chỉ huy sư đoàn 23 lúc 10 giờ 50 phút.

Lúc này đồng chí Bùi Văn Vui, phó tiểu đội trưởng tiểu đội 5 có trung đội 2 bảo vệ được giao nhiệm vụ mang cờ để cắm lên sở chỉ huy địch đã hy sinh khi đánh chiếm khu nhà thờ Thiên chúa giáo trong doanh trại quân ngụy. Đồng chí Trần Công Kỳ, trung đội trưởng trung đội 2 đại đội 1 liền lấy luôn một lá cờ của ta trong phòng truyền thống của địch, dùng bút bi viết tên trung đoàn lên mép cờ, sau đó giao cho 3 đồng chí trong trung đội là Nguyễn Đức Thịnh, Ngô Văn Quyền và Trần Văn Thanh cắm lên nóc sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy.

Tiểu đoàn 8 trung đoàn 149 từ tiểu khu chọc sang sở chỉ huy sư đoàn 23, phối hợp với các đơn vị trên các hướng cùng giải quyết mục tiêu then chốt của mặt trận đề ra.

Mặc dù quân địch mang hết tàn lực ra đối phó, chúng vẫn không sao tránh khỏi số phận bị tiêu diệt. Đến 10 giờ 30 phút ngày 11 tháng 3, trước sức tiến công mạnh mẽ của quân ta trên các hướng, số quân địch phòng ngự tại sở chỉ huy buộc phải bỏ chạy. Cờ của ta phấp phới tung bay trên nóc sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy. Đại tá Vũ Thế Quang cùng với số tàn quân bị các chiến sĩ đại đội 11 tiểu đoàn 3 trung đoàn 174 bắt sống trong khi đang tìm đường lẩn trốn trong một vườn rau cạnh sở chỉ huy.

Mục tiêu chính của cuộc tấn công thị xã Buôn Ma Thuột đã hoàn thành. Sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy bị tiêu diệt.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM