Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:27:40 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường binh nghiệp của tôi  (Đọc 64599 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #60 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2009, 12:27:32 pm »

     Toàn sư đoàn hành quân bằng cơ giới đến Cự Nẫm thì phải dừng lại chuyển sang đi bộ. Lúc này anh Thái, Tư lệnh và anh Sóng, Tham mưu phó phải đi trước vào Bãi Hà nhận vị trí tập kết. Bộ Tư lệnh sư đoàn chỉ còn anh Xuyên, Phó Chính ủy, anh Quân, Chủ nhiệm Chính trị, anh Văn Lang, Chủ nhiệm Hậu cần và tôi. 

     Đang hành quân cơ giới, chuyển sang đi bộ, những  khó khăn mới lại đẻ ra. Một mặt, cơ quan tham mưu phải cử gấp bộ phận đi tìm đường, đặt cung chặng, nghiên cứu quy luật đánh phá của địch, mặt khác, phải cử người xuống các đơn vị tổ chức lại thành từng khối, giải quyết tư tưởng cho bộ đội. Không những các chiến sĩ phải hành quân bộ mà còn phải cõng trên lưng tới nửa tạ trang bị, súng đạn...

     Trong lúc mọi khó khăn đang chồng chất thì lại một khó khăn nữa đẻ ra: Tất cả các đơn vị đều báo cáo hết gạo. Trung đoàn 209 đã có đại đội phải ăn cháo. Sư đoàn gần một vạn con người đang nằm trong vùng trọng điểm địch đánh phá lại chịu đựng cái đói ập đến. Chúng tôi đã cử  người đi liên hệ với các binh trạm, nhưng các đồng chí đều trả lời: "Địch đánh phá ác liệt quá, gạo chưa chở vào kịp".

     Giữa lúc mặt trận đang từng ngày, từng giờ giục giã, mà chúng tôi cứ phải giậm chân tại chỗ vì hết gạo, thật tai hại vô cùng. Lòng dạ chúng tôi như lửa đốt, anh Quân chốc chốc lại sang hỏi:

     - Đã có cách nào mới để có gạo chưa anh?

     - Gay lắm anh ạ. Có lẽ phải lệnh cho cơ quan ăn cháo đi. Đã đến lúc hết gạo rồi, mà ở cái đất bom cày, đạn xới này chắc chẳng đào đâu ra củ mài, củ mỡ mà ăn.

     Chúng tôi còn đang xoay như chong chóng để giải quyết vấn đề gạo thì lại có đoàn cán bộ "khung" đến bàn giao cho sư đoàn trên hai nghìn tân binh. Khi mới nghe được nhận tân binh, anh Xuyên đã rỉ tai tôi:

     - Ta phải tranh thủ nhận ngay đi, tôi hy vọng anh em đem được nhiều gạo đấy.

     Đến khi bàn về kế hoạch giao, nhận quân, đồng chí đoàn trưởng đơn vị tân binh mới thiết tha đề nghị:

     - Chúng tôi định giao quân cho các anh từ ngoài Nam Đàn, nhưng các anh đi nhanh quá, chúng tôi phải đuổi vào tận đây mới gặp. Chúng tôi đi mất một tuần ngoài kế hoạch lương thực mang theo. Bây giờ, mong các anh nhận cho chúng tôi sớm ngày nào hay ngày ấy.

     Tôi và anh Xuyên nhìn nhau thất vọng, đồng chí trợ lý tác chiến đề nghị:

    - Trong khi mình đang thiếu gạo chưa có cách khắc phục mà lại nhận tân binh thì gay quá. Các đồng chí tân binh mới chân ướt, chân ráo về đơn vị mà phải ăn cháo, e rằng về mặt tư tưởng của anh em sẽ nảy sinh vấn đề. . .

     - Đơn vị có khó khăn thì phải giải thích cho các đồng chí ấy hiểu. Đã đi tới cửa ngõ chiến trường mà không chịu nhận tân binh để kịp thời biên chế thì đợi đến bao giờ. Vả lại, ở đơn vị tân binh cũng hết gạo rồi.

      Sau khi bàn đi tính lại, sư đoàn quyết định nhận số tân binh trên hai nghìn người. Riêng vấn đề gạo, tôi đề nghị cử người lên tỉnh vay.

     Nghe tôi nói vậy, có đồng chí bảo:

     - Địch đang đánh phá ác liệt, sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhân dân ăn cháo không đủ, lấy đâu ra gạo cho vay...

     - Các anh cứ để tôi đi liên hệ xem sao. Chẳng được nhiều thì được ít. Cứ phải đến tận nơi xem tình hình như thế nào đã chứ?

     Nghe tôi nói cũng có lý, các anh đều đồng ý. 

     Ngày hôm sau, tôi cùng anh Văn Lang, Chủ nhiệm Hậu cần, được cử về tỉnh vay gạo. Trên đường đi, chúng tôi cứ bàn đi tính lại cách trình bày thế nào để các đồng chí lãnh đạo tỉnh cho vay.

    - Anh phải đưa bức điện của Bộ gợi ý vay gạo ra. Phải có cái thế của trên may ra các đồng chí ấy mới giải quyết.

      -Không, không được? Làm như thế khéo lại thất cách. Anh không thấy người dân ở tuyến lửa này rất thương bộ đội hay sao? Phải nói có tình, có lý, phải nêu hết khó khăn trong hoàn cảnh sư đoàn đi chiến đấu gấp để các đồng chí ấy hiểu mình . . .

     Khi đến ủy ban hành chính tỉnh, chúng tôi được gặp đồng chí Phó Chủ tịch. Anh rót nước mời chúng tôi uống rồi hỏi luôn:

     - Các anh có việc gì cần giải quyết không? Đang thời chiến chúng tôi bận nhiều việc lắm, mong các anh thông cảm.

     Được đồng chí Phó Chủ tịch nói vậy, tôi đành nói thẳng vào vấn đề:
   
     - Báo cáo anh: chúng tôi phải đến đây lúc này cũng là việc bất đắc dĩ. Sư đoàn chúng tôi được lệnh hành quân gấp vào Quảng Trị nhưng đi tới đây thì hết gạo...

     - Các anh cứ yên tâm, nhân dân Quảng Bình có chết đói thì bộ đội mới phải đói. Chúng tôi sẽ báo cho nhân dân địa phương nơi các anh đóng quân xay giã thóc dự trữ cho các anh vay tám mươi tấn.

     Tôi và anh Văn Lang ra về, mừng như mở cờ trong bụng. Mới ra khỏi cơ quan tỉnh, anh Văn Lang đã nói:

     - Tôi thật không ngờ sự việc lại được giải quyết chóng vánh đến như vậy. Thật đúng là "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Đến bây giờ tôi càng thấm thía thêm ý nghĩa câu nói ấy.

     Về tới sư đoàn, thì sau một ngày chúng tôi đã thấy khắp nơi dân tấp nập xay lúa, giã gạo đem đến cho bộ đội. Thế là khó khăn về mặt lương thực đã được giải quyết. Tất cả các đơn vị trong sư đoàn đều nhận tân binh xong. Toàn sư đoàn tiếp tục hành quân.

    Từ đầu tháng 10 ở Quảng Trị đã bước vào mùa mưa. Những trận mưa tầm tã suốt ngày đêm kéo dài  hàng tháng trời làm cho miền đồng bằng ven biển ngập nước trắng băng. Đứng trên những vùng đồi cao nhìn về ven biển chỉ thấy nước mênh mông ôm lấy những xóm làng xanh như một tàu lá sen rách nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Những bến ngầm trước đây nửa tháng, xe cơ giới vẫn qua lại, giờ đây đã bị vùi sâu xuống đáy nước. Những còn đường đất phẳng phiu, giờ in hình hai vệt bánh xe như hai dãy chiến hào chạy dọc theo đường. Khắp mặt đường bùn nhầy nhụa, nhão nhoẹt như ruộng cày. Hai bên đường lỗ chỗ những hố bom, hố pháo, đựng đầy nước đục ngầu.    Những đơn vị đào hầm trú quân ở vùng ruộng thấp đã phải bỏ vị trí chuyển lên đồi.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #61 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2009, 12:29:34 pm »

     Lợi dụng những khó khăn của ta trong mùa mưa, địch tập trung sức lực chiếm lấy thị xã Quảng Trị. Sau khi chiếm được thị xã, Thiệu càng huênh hoang hô hào rùm beng là chiếm lại Đông Hà, chiếm lại đầu cầu Hiền Lương, lấy lại toàn bộ đất đai đã rơi vào tay "Cộng sản". 

     Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh mặt trận Trị - Thiên quyết định đưa toàn bộ Sư đoàn 312 vào tập trung chiến đấu. Anh Thái, Tư lệnh sư đoàn và tôi cùng lên mặt trận nhận lệnh. Buổi họp nhận lệnh hôm đó, chúng tôi được gặp đồng chí Song, đồng chí Cao và đồng chí Trọng. Đồng chí Song phân tích cho chúng tôi nghe khá tỉ mỉ về tình hình địch, ta, những triển vọng ở hội nghị Pa-ri và những chủ trương hiện nay của Trung ương Đảng. Sau đó, đồng chí giao nhiệm vụ cho chúng tôi: Sư đoàn 312 có nhiệm vụ vào thay thế Sư đoàn 308, 304, ngăn chặn và tiêu diệt quân địch, chốt vững kết hợp với tiến công, phản kích giữ bằng được động ông Do, Chùa Nga, điểm cao 132, Tích Tường, Như Lệ. Bằng giá nào cũng phải bám trụ được ở Nam sông Thạch Hãn, bảo vệ được con đường 15N. Không cho địch thực hiện ý đồ đẩy ta sang phía Bắc sông. Hiện nay, bọn địch đang điên cuồng tập trung phi pháo đánh phá và dùng bộ binh, xe tăng lấn từng tấc đất. Cần động viên, giáo dục bộ đội giữ vững quyết tâm, đồng thời phải vận dụng những hình thức tác nhiên linh hoạt thì mới hoàn thành được nhiệm vụ.

     Vừa nhận lệnh xong, anh Thái đã giục mấy đồng chí cán bộ, chiến sĩ cùng đi:
   
     - Các đồng chí thu dọn trang bị mau lên để còn lên đường vào với đơn vị chứ?

     - Bây giờ trời nắng, đường đi lại trống trải, máy bay L.19 nó soi mói như cú vọ, không đi được đâu, thủ trưởng ạ.

     Mỗi đồng chí chặt một cành cây vác theo làm ngụy trang, đi cách nhau xa xa ra, khi nào có máy bay thì dừng lại Tình hình này nếu ta không vào kịp để chỉ đạo đơn vị tác chiến thì chẳng mấy ngày nữa địch có thể tràn ra tận Đông Hà. Bây giờ có phải vượt qua bom nổ chậm cũng phải lao vào.

     Thế là chúng tôi lên đường. Khi đến bờ sông Thạch Hãn, nhìn dòng nước lũ chảy băng băng, tôi đề nghị với anh Thái:

     - Có lẽ anh nên để tôi và các đồng chí cơ quan đi trước, còn anh đợi các đồng chí công binh đưa thuyền cao su chở sang.

     - Bơi, bơi tất cả. Cởi quần áo ra, còn chờ thuyền với phà gì nữa?

     Anh vừa nói, vừa hạ ba-lô rồi cởi cả quần áo ra. Mấy cậu vệ binh cứ tò mò nhìn trộm thủ trưởng rồi lại cắn môi nhịn cười. Anh bám vào một cành cây, lội xuống nước, nhưng dòng nước chảy mạnh quá đã xô anh ngã giụi xuống. Tôi chỉ nghe "ối" một tiếng đã thấy anh và cành cây trôi đi hàng chục mét rồi. Mấy cậu vệ binh vội nhảy ào xuống bơi đuổi theo anh. Tôi đứng trên bờ nhìn anh không hề chớp mắt, miệng giục cuống quýt:

     - Mau lên, các cậu bơi mau lên nào!

     Dòng nước lúc này càng như một con thú dữ, nó vừa quăng quật vừa gầm réo như một chảo nước khổng lồ đang sôi. Khoảng cách giữa anh Thái và mấy cậu vệ binh chỉ chưa đầy chục mét mà sao khó bắt kịp nhau đến thế. Có lúc, tôi đã thấy anh bị sóng xô chìm nghỉm làm tim tôi như thắt lại, nhưng rồi lại thấy anh ngoi lên được, vùng vẫy trong đám củi mục. Mãi đến khi bị dòng nước cuốn đi tới hai trăm mét, tôi mới thấy anh bám được vào mấy cây lau ở bờ bên kia sông. Lúc này tôi mới thật sự hoàn hồn.

     Vừa đến sở chỉ huy sư đoàn, tôi lại tức tốc đến Sư đoàn 308 gặp anh Hữu An lúc này là Tư lệnh trưởng sư đoàn. Hồi năm 1971, anh Hữu An làm Tư lệnh phó mặt trận Miền Tây, tôi lại được trao đổi với anh nhiều lần trong công tác. Hôm nay gặp lại anh, tôi rất mừng. Anh nói chuyện với tôi thân mật như một cán bộ cùng trong sư đoàn. Trông anh độ này gầy và xanh đi nhiều so với hồi ở chiến trường Miền Tây.

     Sau khi bàn giao các điểm chốt trên bản đồ, anh Hữu An lấy từ trong chiếc cặp da đưa cho tôi một tập tài liệu:

     - Đây là tài liệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa gửi cho tôi. Nội dung: Đại tướng hướng dẫn khá tỉ mỉ về cách tổ chức trận địa phòng ngự. Anh cầm lấy mà nghiên cứu.

     Tôi cầm tập tài liệu dày 15 trang đọc đi đọc lại và thấy rằng, trong tình hình này, đúng là nếu ta rút ra phòng ngự thì chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế hơn tiến công. Nhưng vì chưa có lệnh của mặt trận, nên chưa có đơn vị nào chuyển sang phòng ngư một cách dứt khoát.

     Tôi đọc xong bức điện, anh Hữu An bảo:

    - Các cậu ở lại ăn với mình bữa cơm rồi hãy về!

     Khi ngồi xuống mâm cơm, tôi chỉ thấy vẻn vẹn có một bát canh rau tàu bay và một bát ruốc. Hơi cơm bay lên sặc mùi gạo mốc. Tôi nói vui:
   
     - Tưởng Thủ trưởng đãi em món gì, hóa ra có thế này thôi ư?

     - Thế này là sang lắm rồi đấy. Độ này vừa có mưa, rau tàu bay nó mới nhú lên được vài ngọn, chứ trước đây đến cỏ cũng chẳng có mà nguy trang hầm. Ở chiến trường Miền Tây còn có rừng núi che chở, chứ ở đây toàn đồi trọc, tìm cây củi đun có lúc cũng khó khăn. Hầm hào nước ngập cả rồi. Biết bộ đội mình phải chuyển lên đồi, nên bọn địch nó cứ nhằm vào những quả đồi mà ném bom, bắn pháo tới.
Nó đánh gấp hàng trăm lần chiến trường Miền Tây ấy, rồi nó lại giở đủ mọi thủ đoạn như tung biệt kích, thăm dò, phục kích, tập kích, lấn dũi... Các cậu vào kỳ này đang lúc mặt trận gặp khó khăn. Thời tiết cứ mưa bão liên miên, gạo, đạn trên đưa vào không kịp. Xe tăng, pháo lớn ở đây cũng chỉ còn mười viên đạn, khi nào cần thiết lắm mới được bắn. Gạo nếu tải được nhiều thì ăn cơm, khi không tải được thì ăn cháo. Thực phẩm phải "tự túc" bằng cách hái rau môn thục, rau tàu bay, bắt cua suối... hoạ hoằn mới được cấp ít thịt hộp. Các cậu ở ngoài đó có mang được gì vào thì cho cánh này một ít. Cậu trông quần áo mình bẩn như thế này mà cũng chẳng có xà phòng giặt đâu.

     Thật ra, tôi cũng không thể ngờ rằng mọi việc ở đây lại khó khăn, gian khổ đến như vậy. Cũng may, tôi còn để trong ba-lô được mấy lạng tép khô, mấy củ tỏi và một bánh xà phòng. Tôi đem cả ba thứ chia đều cho anh Hữu An một nửa. Được mấy củ tỏi tôi cho, anh Hữu An cười đắc ý:

     - Quý hóa quá? Toàn cán bộ cấp "sư" mà đem biếu nhau mấy củ tỏi còn gì quý bằng. Giá nó là vật để được thì tôi phải giữ làm kỷ niệm.
   
*
*  *
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #62 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2009, 12:32:03 pm »

     Trước khi có lệnh toàn sư đoàn trở về tập trung chiến đấu thì Trung đoàn 209 vẫn đang làm nhiệm vụ tiến công địch ở khu vực Tích Tường, Như Lệ; Trung đoàn 141 thì đang căng ra, dàn thành hàng ngang vừa đánh, vừa giữ từ điểm cao 105, 24. Đồi Cháy, Đồi Đá đến chân động ông Do, dài tới tám kilômét. Chỉ riêng có Trung đoàn 165 vừa được rút ra bờ bắc sông Thạch Hãn củng cố, bây giờ lại quay vào.

     Theo nhiệm vụ trên giao thì cả sư đoàn phải đảm nhiệm giữ toàn bộ khu vực Trung đoàn 209 và Trung đoàn 141 đang giữ. Đồng thời phải nhận thêm một số chốt khác do Trung đoàn 308 bàn giao lại. Nhưng cũng trong thời gian này, sau khi đã chiếm được thị xã Quảng Trị, bọn địch đang dồn sức lực và bom đạn tiến công ra hai hướng: Đông bắc và Tây bắc.

     Để thực hiện mưu đồ trên, riêng hướng động Ông Do, phạm vi thì chỉ có bốn kilômét vuông chúng đã tập trung hàng nghìn tấn bom đạn đánh phá liên tục hai mươi lăm ngày. Trung bình mỗi kilômét vuông đã có tới hơn 600 hố bom đạn. Xen kẽ những trận tập kích bằng hỏa lực, chúng dùng lực lượng bộ binh, xe tăng và quân biệt động, chia thành ba mũi, tiến công chiếm bằng được động Ông Do, điểm cao 52, 15, 29. Hướng của Trung đoàn 141, tình hình càng căng thẳng và nguy ngập. Trước đây, lực lượng chốt giữ đã dàn mỏng, bây giờ bom địch lại càng đào xới dữ dội và chúng chiếm đồi 105, đồi 24, Đồi Tròn. Có thể nói, lúc này tất cả các điểm chốt của Trung đoàn 141, địch đã ở sát nách. Nếu trung đoàn cứ tập trung lực lượng bảo vệ chốt thì khó có thể đứng vững chắc, nhưng nếu rút bớt số quân để đánh địch thì lực lượng chốt lại yếu quá.
   
     Căn cứ vào nhiệm vụ trên giao và tình hình cụ thể của đơn vị, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh sư đoàn quyết định mở một đợt phản kích nhằm mục đích: Bẻ gãy đợt tiến công của địch đang ồ ạt tiến quân lên hướng động Ông Do. Và khi chiếm được thì phải kiên quyết giữ cho bằng được. Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh sư đoàn giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 165 đánh động Ông Do. Trung đoàn 209 đánh chiếm lại Đồi Cháy và điểm cao 52, Trung đoàn 141 được tăng cường thêm Tiểu đoàn 4, đánh chiếm lại điểm cao 24, 105 và Đồi Tròn.

     Chúng tôi nhận định: Các trung đoàn đi phối thuộc với các đơn vị bạn đã hoàn thành nhiệm vụ, ta đã hiểu được thằng địch và làm quen với địa hình. Bây giờ, ta lại có thuận lợi là tập trung cả sư đoàn chiến đấu trên cùng một hướng và được mặt trận trực tiếp chỉ đạo thì nhất định ta sẽ hoàn thành được nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, ta cũng còn gặp nhiều khó khăn. Bộ đội chiến đấu dài ngày, quân số, vũ khí hao hụt, sức khỏe giảm sút, lại mưa bão liên miên. Quân địch chỉ tập trung bom đạn và dùng cả sư đoàn dù cộng với hàng trăm xe tăng tiến công ra hướng động ông Do, hòng đẩy ta ra phía bắc sông Thạch Hãn. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải kiên quyết bẻ gãy đợt tiến công của địch và phải đứng vững bên bờ nam sông này. Khi tác chiến, xung lực của ta có hạn, nên ta phải tăng cường hỏa lực của trung đoàn, sư đoàn và của trên nữa. Hướng Trung đoàn 165 khi đánh động ông Do, trên sẽ tăng cường cho một tiểu đoàn pháo 130 ly. Còn hướng của Trung đoàn 141 và 209 cũng sẽ có một tiểu đoàn pháo 122 ly và pháo 85 ly chi viện. Riêng Trung đoàn 141 tình hình có khó khăn hơn, Bộ Tư lệnh sư đoàn cử tôi xuống trực tiếp giúp đỡ.
   
      Tôi được phân công về Trung đoàn 141, công việc đầu tiên là phổ biến toàn bộ tinh thần nghị quyết của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh sư đoàn cho các đồng chí trong ban chỉ huy trung đoàn. Sau đó, tôi và đồng chí Khê đi kiểm tra toàn bộ các trận địa chốt. Tới đâu tôi cũng thấy nổi bật một điểm là bộ đội chiến đấu rất dũng cảm nhưng lực lượng thì quá mỏng. Tất cả các loại đạn AK, B.41, B.40, đạn pháo... đều thiếu nghiêm trọng. Bọn địch thì hầu hết đã chiếm được các điểm cao. Có chỗ chúng chỉ cách ta hơn một trăm mét. Ngày đêm chúng điên cuồng bắn phá, lấn dũi rồi lại dùng thủ đoạn dụ dỗ chiến sĩ ta đầu hàng. 

      Sau khi đã điều tra, nghiên cứu, chúng tôi rút ở ba tiểu đoàn lấy trên sáu mươi đồng chí để đánh tập kích. Vì bọn địch đánh phá ác liệt quá, không thể tập hợp anh em đến một địa điểm giao nhiệm vụ được, chúng tôi chỉ còn cách giao nhiệm vụ trực tiếp cho từng tiểu đoàn. Sau đó, các đồng chí tiểu đoàn lại chia nhau xuống từng đại đội giao nhiệm vụ cho các trung đội, tiểu đội. Cuối cùng, đồng chí tiểu đội trưởng căn cứ vào nhiệm vụ và số người trong tiểu đội mình mà cử người đi chiến đấu rồi lập danh sách gửi  lên trên. Căn cứ vào danh sách của các đơn vị gửi lên, tiểu đoàn nghiên cứu, chia thành mũi, hướng, giao nhiệm vụ, chức trách cho từng người và quy định ngày giờ tập trung.

      Sau một tuần làm công tác chuẩn bị, các trung đoàn đều báo cáo về sư đoàn: Đã chuẩn bị xong, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng.

     Tư lệnh sư đoàn quyết định cho Trung đoàn 165 nổ súng đánh vào động Ông Do.

     Đội hình đi trước của các chiến sĩ xung kích đã tiến sát hàng rào bí mật, an toàn. Được lệnh xung phong, các chiến sĩ xung kích bật dậy lao thẳng vào đồn địch. Nhưng chỉ chạy được một đoạn, nhiều đồng chí đã bị hụt ngang đầu gối (vì đất đá ở đây bị bom đạn địch đào đi, xới lại tơi ra như cám), nhấc được chân này thì chân khác lún sâu xuống, quay sang phải, ngoắt sang trái cũng đều bị sụt.

     Bọn địch biết ta gặp trở ngại, chúng liền ngóc đầu dậy bắn như đổ đạn. Hàng chục chiến sĩ đã ngã xuống ngay trên đoạn đường xung phong chưa đầy một trăm mét.

     Trận đánh kéo dài tới gần sáng ta mới giành được thắng lợi hoàn toàn. Những ngày này, ở xa hàng chục cây số mọi người cũng đều nhìn thấy đỉnh núi động Ông Do đứng sừng sững, ánh lên màu đỏ của đất, đá đã thấm máu của hàng trăm chiến sĩ.

      Tiếp theo chiến thắng của Trung đoàn 165, Trung đoàn 209 cũng liên tiếp đánh chiếm lại các điểm cao 52, 29, 15.

     Những trận đánh ở đây cũng quyết liệt không kém gì ở động Ông Do, nhưng cuối cùng chiến sĩ ta đều đã giành phần thắng. Ở hướng Trung đoàn 141, tuy lực lượng còn ít, nhưng chúng tôi đã động viên bộ đội tích cực đi vận chuyển và thu nhặt đạn vương vãi, tập trung đánh chiếm lại được điểm cao 105, 24. Tiểu đoàn 4 đi phối thuộc cũng đánh chiếm được Đồi Tròn, Đồi Ba Cây.

     Thế là với sự chỉ đạo sâu sát của mặt trận, với tinh thần chiến đấu kiên cường của cán bộ, chiến sĩ, toàn sư đoàn đã thực hiện thắng lợi trận đánh phản công địch, làm tan rã tiểu đoàn 6 và tiểu đoàn 11 của sư đoàn dù ngụy, buộc chúng phải chuyển từ chiến thuật tiến công ồ ạt sang chiến thuật lấn giữ từng bước.


*
* *
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #63 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2009, 12:34:36 pm »

       Trận tập kích phản công địch của sư đoàn thắng lợi đã gây được khí thế phấn khởi cho cán bộ, chiến sĩ. Bộ Tư lệnh mật trận đã điện biểu dương toàn sư đoàn. Nhưng cũng chính lúc này những khó khăn của sư đoàn càng trở nên quyết liệt. Quân số trước đây đã ít, bây giờ càng hao hụt nghiêm trọng. Nhiều đại đội chỉ còn vài chục tay súng. Riêng Đại đội 6, Tiểu đoàn 9 chỉ còn độc nhất có một đồng chí trực tiếp chiến đấu. Một số đơn vị được bổ sung tân binh, nhưng anh em mới chưa hiểu địch, chưa thuộc địa hình, chưa quen chiến trận. Về mặt cán bộ, nhiều lúc có đại đội không còn lấy một cán bộ đại hội hoặc chỉ còn có đồng chí chính trị viên, nhưng lại là đảng viên dự bị. Nhiều tân binh như đồng chí Nguyễn Thuận, 18 tuổi mới bổ sung về đơn vị hồi tháng 6 năm 1972, nay đã giữ chức Đại đội phó.

     Trong lúc quân số thiếu, lực lượng chốt giữ bị dàn mỏng thì gạo đạn lại không chuyển vào kịp. Trời cứ mưa liên miên hết tuần này sang tuần khác, bọn địch định chiếm chốt nào thì chúng tập trung hàng nghìn quả pháo bắn cho tới khi hầm sập, đất tơi ra như bột rồi mới lấn dần lên. Các chiến sĩ ta chiến đấu vô cùng dũng cảm, nhưng vì không còn đạn nên cũng khó giữ mãi được chốt.

     Tại sở chỉ huy trung đoàn, đồng chí Khê thường xuyên cầm ống nghe điện thoại, khi thì chỉ huy các đơn vị đánh phản kích, khi thì điều lực lượng đi khiêng thương binh. Chốc chốc, anh lại sang báo cáo với tôi:

     - Từ sáng tới giờ, địch tiến công đồi 24 ba lần anh ạ...

     - Đồi 24 địch chiếm rồi. Đêm này ta tổ chức lực lượng đánh chiếm lại không, anh?

     - Quân số thương vong toàn trung đoàn hôm nay lên tới 32 đồng chí, anh ạ.
   
     Mỗi lần nghe anh Khê báo cáo, tôi lại cùng anh Dĩ, anh Phấn, anh Sơn trong ban chỉ huy trung đoàn bàn bạc, nghiên cứu để tìm cách giải quyết khó khăn cho đơn vị. Mấy ngày sau, anh Dĩ, anh Khê lại có lệnh điều về sư đoàn. Vậy là ban chỉ huy lúc này chỉ còn tôi, anh Sơn, Trung đoàn phó, anh Phấn, Phó Chính ủy và anh Mỹ, Tham mưu trưởng.

     Trước những khó khăn trên, chúng tôi quyết định đưa cả ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần trực tiếp lên giữ chốt. Thế là cả ba cơ quan đều rời vị trí lên chiếm lĩnh ba quả đồi. Tất cả các sĩ quan giữ súng ngắn đều được thay bằng súng AK và 200 viên đạn. Tất cả các tài liệu quan trọng đều gửi về tuyến sau hoặc đốt đi để đề phòng rơi vào tay địch.

     Ban Tham mưu trung đoàn vừa lên chốt, đang đào hầm thì địch đã mò đến. Chúng bắn loạt pháo đầu tiên, ta bị thương bốn và hy sinh một đồng chí. Vì có ít đạn nên các chiến sĩ phải bắn hết sức tiết kiệm. Nghe tiếng súng nổ thưa thớt, bọn địch càng lao lên như điên dại. Đồng chí Mỹ, Tham mưu trưởng chạy đi chạy lại chỉ huy các bộ phận, thế mà anh cũng bắn hết hai băng đạn.

     Sau những trận đánh dằng dai, quyết liệt, cuối cùng bọn địch đã chiếm được điểm cao 132. Thế là Trung đoàn 141 rơi vào tình trạng bị bao vây bốn mặt. Suốt một tuần tắc đường vận chuyển, thương binh không đưa ra ngoài được gạo, đạn lại không đưa được vào. Các chiến sĩ thường trực trên trận địa suốt ngày đêm, ăn lương khô, uống nước suối. Người nằm trong hầm cũng bị thương, người đi lấy nước, đi ngoài cũng bị thương. Người bị thương rồi lại bị thương lần nữa. Thậm chí, có những trường hợp anh em hy sinh, chôn cất rồi lại bị bom đạn đào lên. Hầu hết các xoong, nồi của anh nuôi đều bị thủng, bị bẹp vì pháo đạn. Một chiến sĩ nói với tôi:

     - Thủ trưởng ạ, có thể nói đây là thời kỳ người thì đòi ăn gạo, súng thì đòi ăn đạn, mà đạn thì lại đòi ăn người.

     Tôi đã chiến đấu ba bốn năm rồi, nhưng chưa có chiến dịch nào căng thẳng, ác liệt như thế này.

     Nằm trong tình trạng bị bao vây bốn mặt, trung đoàn khó có cách nào chốt giữ được nữa. Nhưng rút lui bằng cách nào và theo con đường nào nào? Đây là điều làm chúng tôi phải suy nghĩ căng thẳng suốt ngày đêm. Tình thế này chỉ cần ở lại vài ngày nữa thì bọn địch có thể tràn vào được cả chỗ của ban chỉ huy trung đoàn. Tôi chợt nhớ lại những ngày chiến đấu vô cùng ác liệt ở Điện Biên. Tôi nói với anh em: "Rồi chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn. Không phải sư đoàn, mà cả Quân ủy Trung ương cũng đang suy nghĩ để chỉ đạo chúng ta?...".

*
*  *

     Bộ Tư lệnh sư đoàn cả các cán bộ, chiến sĩ phía ngoài cũng đang lo lắng cho chúng tôi. Khi còn liên lạc được bằng đường dây điện thoại, anh Thái đã hỏi tôi:

     - Mỗi đại đội của anh còn bao nhiêu tay súng?

     - Đại đội ít nhất chỉ còn “một ngón tay”.

     - Sao? Anh nói sao cơ?

     Tôi nhắc lại:

     - Đại đội ít nhất còn “một ngón tay".

     Qua giọng nói và câu hỏi sửng sốt của anh trên máy, tôi càng hiểu anh rất lo cho tình hình giữ đất.  Nhưng vì sợ lộ bí mật nên tôi không thể nào nói được với anh hết những điều cần nói. Anh Quân, Chủ nhiệm Chính trị cũng đã mấy lần điện hỏi tôi về tình hình đơn vị và anh cứ nhắc đi nhắc lại việc Bộ Tư lệnh đã bàn tới chuyện tổ chức cho chúng tôi rút ra. Anh Thái cũng trao đổi kỹ với tôi về việc này.

     Nắm được ý trên, tôi triệu tập các anh trong ban chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn để phân tích tình hình địch, ta. Cuối cùng, chúng tôi quyết định cho trung đoàn rút ra khỏi vòng vây. Nhưng rút ra bằng cách nào? Theo con đường nào? Đây mới là vấn đề cần bàn bạc kỹ lưỡng. Trong lúc bọn địch đã bao vây quanh mình, còn hở chỗ nào chúng liên tục trút bom, câu pháo tới, cả một trung đoàn muốn rút ra khỏi vòng vây của địch đâu phải chuyện dễ dàng. Đó là chưa kể đến ba mươi thương binh phải khiêng cáng và hàng chục khẩu cối 82 ly, ĐKZ, 12,7 ly, máy móc thông tin, dụng cụ anh nuôi và các trang bị khác nữa.

      Mọi người đều thống nhất coi việc đưa thương binh ra an toàn là nhiệm vụ hàng đầu, nhưng súng đạn, máy móc và các trang bị khác kiên quyết phải đem theo. Lại có ý kiến đề nghị chôn máy móc, trang bị cốt rút người cho an toàn. Tất cả mọi người đều vây quanh tấm bản đồ đã nhàu nát, mở căng mắt để tìm ra con đường đi an toàn trong trí tưởng tượng. Cả trung đoàn đi thành một hướng để tiện chỉ huy ư? Không được? Vì như thế khi gặp địch phục kích hoặc chúng bắn pháo vào đội hình sẽ thương vong nhiều. Nhưng nếu chia thành nhiều khối, đi theo nhiều đường thì có khối phải đi vào sát nách địch, có khối phải đi vòng sau lưng chúng. Đi theo phương án này có thể an toàn hơn, nhưng đòi hỏi người chỉ huy phải táo bạo,. linh hoạt; các chiến sĩ phải tuyệt đối giữ bí mật và nhất nhất phải theo lệnh của người chỉ huy.

      Sau khi đã bàn đi tính lại, dự kiến mọi tình huống xảy ra: chúng tôi quyết định rút toàn bộ trung đoàn theo phương án hai, đồng thời phải đem theo toàn bộ trang bị, không được bỏ lại một thứ gì. Ngay đêm hôm đó, chúng tôi tức tốc cử các đội trinh sát đi điều tra các tuyến đường và tổ chức lực lượng đưa thương binh ra trước. Cả ngày hôm sau các chiến sĩ vẫn tiếp tục đánh địch và chuẩn bị súng đạn, ba-lô gọn gàng. Mọi người đều được xác định phải tuyệt đối giữ bí mật trong hành quân, không được phát ra tiếng động, không được để lạc, khi gặp tình huống bất trắc phải tuyệt đối theo lệnh của chỉ huy.

     Đúng bảy giờ tối, khi màn đêm đã bao phủ dày đặc, các tiểu đoàn đều phải lặng lẽ rời khỏi vị trí đi theo hướng đã định. Chỉ còn các tổ nghi binh ở lại, thỉnh thoảng nổ một vài phát súng như kiểu bắn tỉa để bọn địch yên trí là ta còn ở đấy.

     Thế là sau một đêm hành quân đầy nguy hiểm và căng thẳng, đến sáng, ba cánh quân của ba tiểu đoàn đã gặp nhau ở vị trí quy định. Chỉ còn khối cơ quan trung đoàn bộ, dọc đường bị B.52 ném bom phải nằm lại ở chân động Ông Do.

     Bọn địch hí hửng đả bao vây chặt một trung đoàn "Việt Cộng", sáng ra chắc chúng sẽ tưng hửng và chửi bới lẫn nhau vì không biết các ông "Việt Cộng" đã biến đi đường nào mà không hề phát ra một tiếng động.

     Qua những trận đánh bằng hình thức tiến công địch ở động Ông Do, điểm cao 135, Đồi Cháy, v.v... đến bây giờ, chẳng cần tranh cãi gì nữa, mọi ngươi cũng thấy đã đến lúc sư đoàn phải rút về phòng ngự thì mới có thể giữ được địa bàn cần bảo vệ. Nhưng phòng ngự thì phòng ngự như thế nào, đó là câu hỏi đầy khó khăn cần được giải đáp đúng.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #64 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2009, 01:41:26 pm »

      Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh sư đoàn căn cứ vào chỉ thị của Mặt trận B.5, đã tập hợp phân tích toàn bộ những ý kiến bàn luận về phương pháp phòng ngự của cán bộ, chiến sĩ rồi hạ quyết tâm: "Toàn sư đoàn phải tập trung sức lực, lập thành tuyến phòng ngự từ Tích Tường, Như Lệ đến Động Tiên. Kiên quyết không cho địch thực hiện ý đồ đẩy ta sang phía bắc sông Thạch Hãn".

     Khi giao nhiệm vụ cho các trung đoàn, anh Thái, Tư lệnh trưởng chỉ rõ: "Từ ngày thành lập sư đoàn đến nay, chúng ta cũng đã từng tổ chức các trận địa phòng ngự, nhưng mới ở mức tiểu đoàn, trung đoàn và ở trên một địa bàn hẹp. Bây giờ, ta phải tổ chức cho toàn sư đoàn lập thành một tuyến phòng ngự dài tới 25 kilômét, lại phải đương đầu với một kẻ địch gian ngoan, xảo quyệt, nhiều bom đạn. Cả một sư đoàn cùng tiến hành phòng ngự là một vấn đề mới, rất mới, đồng thời cũng là một bước phát triển về cách đánh của sư đoàn ta, của quân đội ta. Tuy ta chưa có kinh nghiệm phòng ngự trận địa của cả sư đoàn, nhưng từng đồng chí, từng đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, chúng ta đã có kinh nghiệm giữ chốt ở chiến trường Lào. Những cách tổ chức trận địa chốt và cách đánh địch ở điểm cao 1.900, 1.505, 1.616, Bản Tôn, đều là những kinh nghiệm hết sức quý báu mà bây giờ ta có thể áp dụng được Nhiệm vụ phòng ngự chủ yếu là giữ đất, nhưng muốn giữ được đất thì ta phải luôn có tinh thần chủ động tiến công địch. Đi đôi với việc thiết lập trận địa chốt thật kiên cố, có hầm vững chắc, có đường hào cơ động, còn cần có đội ngũ chốt giữ thật kiên cường. Chúng ta còn phải tổ chức các mạng lưới trinh sát, các đài quan sát bám địch từ xa, phải bố trí các trận địa hỏa lực, trận địa phục kích thật bất ngờ, hiểm hóc, phải có mạng lưới thông tin thông suốt, phải tổ chức các đội luồn sâu vào lòng địch, đánh vào vị trí xuất phát tiến công của chúng. Và cuối cùng, là phải tổ chức các đội bắn tỉa, đây là cách đánh khá lợi hại. Nó chăng những làm tiêu hao sinh lực địch mà còn làm cho chúng mất ăn, mất ngủ, nơm nớp lo sợ suốt đêm ngày. Làm được như vậy, chẳng những ta sẽ đánh thắng địch, giữ vững được tuyến phòng ngự, mà qua đó, ta còn rút ra
được những kinh nghiệm, những bài học hết sức quý báu cho sau này".

     Được sự nhất trí của Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh sư đoàn, anh Thái phân công:

     - Trung đoàn 209 vẫn tiếp tục củng cố và giữ vững khu vực Tích Tường, Như Lệ, Đồi Cháy, điểm cao 29, 15.

     - Trung đoàn 165 tiếp tục theo Trung đoàn 209 giữ từ điểm cao 15 đến 134, Đồi Đá, Đồi Xanh đến chân động Ông Do.

     - Còn Trung đoàn 141 thì chuyển về giữ khu vực Động Tiên và điểm cao 367 thay cho Sư đoàn 308.

     Sau khi giao nhiệm vụ cho các trung đoàn, Bộ Tư lệnh sư đoàn phân công anh Xuyên, Phó Chính ủy, trực tiếp sang cánh Bắc để giúp đỡ Trung đoàn 209 củng cố tổ chức và bố trí lực lượng giữ đất. Anh Thái, anh Sinh và tôi chỉ huy chung và đi sâu giúp đỡ Trung đoàn 165, Trung đoàn 141.

     Giải quyết xong các công việc trên cơ quan sư đoàn, tôi được cử xuống Trung đoàn 165 kiểm tra việc triển khai trận địa phòng ngự. Khi trèo lên đỉnh quả đồi 164, tôi mới thấy hết được khả năng và tinh thần làm việc khẩn trương của các chiến sĩ ở đây. Nếu cử ngồi ở sở chỉ huy mà nghe báo cáo và tưởng tượng thì ít ai có thể tin rằng chỉ trong vòng bốn, năm ngày, hơn ba chục chiến sĩ đã đào được 27 chiếc hầm và đào được một hệ thống đường hào vòng quanh chốt, nối từ hầm này sang hầm khác. Có chiều sâu 1,8 mét, rộng 0,8 mét và có tổng độ dài lên tới 735 mét. Có thể nói, mọi hoạt động của anh em lúc này như đi lại, ăn, nghỉ, chiến đấu... đều diễn ra trong lòng đất. Hình ảnh những ngày chiến đấu ở Điện Biên như sống lại trong tình cảm của tôi, với một niềm tin mãnh liệt.

     Tôi hỏi đồng chí Tộ, Tiểu đội trưởng:

     - Các đồng chí có cách gì mà đào nhanh vậy?

     - Báo cáo Thủ trưởng: Chúng tôi cũng chỉ có chiếc xẻng, chiếc cuốc và con dao găm thôi. Còn cách làm việc vẫn là lòng kiên trì và cách phân công hợp lý. Chúng tôi phải chia thành nhiều "ca" để đào cả ngày lẫn đêm. Đồng chí nào khỏe thì đào, đồng chí yếu thì xúc đất. Ai mệt quá thì đi canh gác, đi nấu cơm.

     Tộ vừa nói vừa giơ cánh tay lên quệt mồ hôi. Bỗng tôi nghe có tiếng ú. . . ú. . . trên không.

     - Pháo đấy, Thủ trưởng! - Tộ vừa nói vừa ẩy tay vào lưng tôi, đẩy tôi vào cửa hầm...

     Giữa lúc chúng còn đang bắn, đạn nổ làm đất đá bay tứ tung, rơi rào rào như một trận mưa đá, thế mà mấy chiến sĩ vẫn xách súng đứng thập thò ở cửa hầm, bàn tán:

     - Chúng bắn pháo dai thế này là có hiện tượng muốn mò lên đấy.

     - Mấy thằng lính nhãi nhép này, mình chỉ cần bắn vài tên là chúng cắm đầu, cắm cổ chạy tán loạn cho mà xem.

     - Đừng chủ quan, có hôm có thằng bò lên tận đỉnh đồi đấy Cậu ra quan sát xem có hiện tượng gì không?

     Một đồng chí chui ra khỏi hầm, luồn theo đường hào ra phía trước mặt chốt. Một lúc sau, đồng chí đó quay lại:
   
     - Báo cáo: Bọn chúng đang ra khỏi công sự, đứng lố nhố như những cái cọc di động ấy. Đề nghị Thủ trưởng cho chúng tôi gọi đơn vị pháo bắn phủ đầu chúng nó.

     -  Chúng lên có đông không?

     - Khoảng hai chục tên ạ!

      - Thế thì chỉ được gọi cối 82 ly bắn thôi. Khi nào chúng lên khoảng bốn, năm chục tên thì mới được gọi pháo lớn.

      Chỉ sau vài phút, chúng tôi đã nghe thấy tiếng nổ đầu nòng của một khẩu cối đặt ở quả đồi bên cạnh và tiếng đạn cối nổ chát chúa trên quả đồi bọn địch đang tập trung.

     Từ đoạn chiến hào phía trước mặt chốt, có tiếng reo khe khẽ của mấy chiến sĩ quan sát.

     - A, có thằng chết rồi! Chúng nó rúc vào hầm như cáy gặp người rồi. Chết mẹ chúng mày chưa!

     - Có thế chúng nó mới chừa cái chứng lấn dũi...

     Tôi bảo một chiến sĩ đang cầm ống nghe điện thoại:

     - Đồng chí gọi điện báo cho khẩu đội cối là sư đoàn biểu dương các đồng chí trong trận đánh vừa rồi nhé!

     Gần tối, tôi đến một trận địa các chiến sĩ quen gọi là Đồi Xanh. Khi gần tới nơi, tôi có cảm tưởng như quả đồi đất đỏ lởm chởm này là do những chiếc máy ủi khổng lồ vừa ủi. Từ quả đồi ta chốt sang quả đồi địch chiếm chỉ cách nhau có một con suối nhỏ, gọi là Khe Trai. Đồng chí Đại đội trưởng dẫn tôi đi theo đường hào ra phía trước mặt chốt.

     - Thủ trưởng ạ, vào giờ này đến bố chúng nó cũng không dám thò đầu ra khỏi công sự. Mấy ngày qua, đồng chí Mong, dũng sĩ bắn tỉa, có hôm "xơi tái" hơn hai chục thằng địch.
      
     - Thế phương án đánh địch tiến công chốt của đồng chí hiện nay ra sao rồi?
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #65 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2009, 01:46:12 pm »

     - Báo cáo: Quyết tâm của chúng tôi là kiên quyết không cho địch vượt qua cái Khe Trai này. Dãy đồi bên phải kia là Đại đội 3, dãy đồi bên trái đây là Đại đội 5. Chúng tôi đã bàn bạc kế hoạch hiệp đồng chiến đấu cả rồi. Còn kia là hai khẩu cối 82 ly, một khẩu ĐKZ và khẩu 12,7 ly thường xuyên tập kích và đánh địch từ xa khi chúng định lấn tới. Ngay trong phạm vi trận địa phòng ngự này, chúng tôi đã bố trí thành nhiều tầng, nhiều tuyến. Phía trước mặt quả đồi, từ ven suối lên đỉnh, chúng tôi đã cài 350 quả mìn vướng. Cách hàng công sự tiền duyên 20 mét, chúng tôi đặt 20 quả mìn định hướng. Những đồng chí ở hầm tiền duyên sử dụng cả B.41, B.40, AK, lựu đạn... và có nhiệm vụ điểm hỏa mìn định hướng khi cần. Ở giữa là hầm chỉ huy, có đường hào tới tất cả các hầm. Còn phía sau là hầm thương binh và đường hào đi về "hậu phương" của đại đội.

      Đồng chí Đại đội trưởng dẫn tôi đi đến từng hầm. Các chiến sĩ người đang lau súng, người gói thủ pháo, lại có đồng chí đang kê mảnh giấy lên đầu gối, hí hoáy viết. Vừa nhìn thấy tôi, đồng chí đã nói:

     - Chào Thủ trưởng ạ? Thủ trưởng có giấy cho em xin một tờ.

     - Đồng chí viết thư cho "cô em" đấy à?

     - Không ạ? Ở đây làm gì có đường giao liên mà gửi.

     Đồng chí Đại đội trưởng liền nói:

     - Báo cáo Thủ trưởng, đây là đồng chí Hòa, dũng sĩ bắn tỉa. Đồng thời cũng là “nhà thơ" của chúng tôi đấy.

     - Thế ra đồng chí làm thơ à? Đọc đi, đọc đi cho tôi nghe với. Tôi cũng thích thơ lắm.

     Thơ em làm chẳng ra sao. Em đọc Thủ trưởng nghe vậy nhé:

Suốt ngày ngồi chốt trên đồi
Địch ném bom rồi lại bắn pháo khoan
Khe Trai Suối vẫn dạo đàn
Ngân trong trời đất muôn vàn lời thơ
ở nơi giáp mặt quân thù
Tiếng con suối chảy cũng ru hồn người...

     A, đồng chí lại đưa cả địa danh Khe Trai vào trong thơ nữa. Hay lắm. Thật là mỗi tên đất nơi này tự nó đã thành thơ rồi. Ở Khe Trai, các đồng chí chiến đấu dũng cảm, đơn vị thông tin nối dây cũng tài. Tôi kể cho các đồng chí nghe một chuyện về đơn vị thông tin nhé.

     - Vâng! Thủ trưởng kể đi, chúng em rất thích nghe chuyện.

     Các chiến sĩ ngồi quanh hầm chăm chú nghe. Tôi kể vắn tắt như sau:

     "Đường dây Khe Trai qua Đồi Xanh, Đồi Khói, điểm cao 34 và nối sở chỉ huy Trung đoàn 141 về sở chỉ huy sư đoàn. Các đồng chí thông tin phải chia ra từng tổ để giữ con đường dài dằng dặc ấy. Từ sở chỉ huy sư đoàn về Trung đoàn 141 đường dây phải qua bao nhiêu vùng trọng điểm đầy bom đạn của địch. Mùa mưa, nước từ trên trời, trên đồi dồn về Khe Trai, cùng các loại pháo 155 ly, pháo 105 ly và các cỡ bom của địch thi nhau trút xuống. Con đường ở Khe Trai luôn thay hình đổi dạng, đường dây Khe Trai một ngày đứt nối không biết bao nhiêu lần. Có lần, chỉ vài câu nói của tôi báo cáo về Bộ Tư lệnh sư đoàn mà bốn đồng chí phải hy sinh…“! .

     - Bốn chiến sĩ hy sinh để đổi lấy lời báo cáo về Bộ Tư lệnh - Một chiến sĩ nhắc lại, giọng trầm xuống.

     - Đúng thế. Đó là chuyện rất thật ở sư đoàn ta Nhiều khi một mệnh lệnh, một lời nói truyền đi phải đổi bằng xương máu, bằng cuộc đời của đồng đội mình.

      - Thủ trưởng ơi! Những chuyện này mà không ghi lại thì thật tiếc. Em sẽ làm thơ để tặng các chiến sĩ tiểu đoàn thông tin anh hùng.

     - Tốt lắm, hãy cứ viết bằng tấm lòng chân thật. Viết về những anh em đang chiến đấu, viết về những người lính ra trận. Tất cả chúng tôi im lặng để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn các đồng đội đã hy sinh.

     Đồng chí Đại đội trưởng lại dẫn tôi đến căn hầm có đồng chí thương binh đang ở.. Thoạt nhìn, tôi thấy đồng chí thương binh đầu quấn băng trắng toát, ngả lưng vào thành hầm ở tư thế nửa nằm nửa ngồi. Mắt nhắm như ngủ, nhưng miệng vẫn nhai một cách uể oải, tay phải vẫn cầm thanh lương khô. Khẩu súng B.41 bóng nhoáng còn dựa vào vai.

     Trên nòng súng có dán một tờ giấy nhỏ, nổi bật lên dòng chữ "Còn một người một súng cũng tiến công".

     Đồng chí Đại đội trưởng bỗng quát khẽ:

     - Có địch?

     Đồng chí thương binh bỗng choàng dậy, chộp lấy khẩu súng định vọt ra khỏi hầm. Cả tôi và đồng chí Đại đội trưởng đều xúc động trước tấm gương sáng đó.

     - Khoan đã! Đồng chí định chạy đi đâu? Tôi giới thiệu:  Đây là Thủ trưởng trên sư đoàn đến thăm đồng chí.
   
      - Xin lỗi Thủ trưởng, mệt quá tôi ngủ thiếp đi.

     - Đồng chí có ngủ đâu. Tôi vẫn thấy đồng chí ăn lương khô đó thôi . . .

     Lúc này đồng chí thương binh mới chợt vội đưa cánh tay lên chùi bột lương khô còn bám trên má đầy những lông tơ. Lòng tôi bỗng tràn lên những cảm xúc thương mến vô hạn.

     Đồng chí Đại đội trưởng giới thiệu:

     - Đây là đồng chí Sáng, dũng sĩ bắn B.41 vừa bị thương trong trận đánh địch chiều qua. Chúng tôi định đưa Sáng về tuyến sau, đồng chí ấy lại hỏi vặn tôi: "Sao đại đội đã đề ra khẩu hiệu "Còn một người vẫn chốt” mà lại bảo tôi về. Tôi còn đủ sức chiến đấu, đại đội cứ để tôi ở trận này. Khi nào địch đến tôi sẽ bắn tan xác chúng nó ra".

     Tôi nói với đồng chí thương binh:

     - Đồng chí có tinh thần chiến đấu như vậy là rất tốt. Nhưng phải nói với y tá luôn luôn kiểm tra vết thương, đừng để nhiễm trùng nhé.

     Nghe có tiếng động, tôi nhìn vào góc hầm:

     - Con gì! Các đồng chí, có con gì thế kia?

    - Con tê tê đấy Thủ trưởng ạ. Bom đạn nó đánh ác liệt quá đến nỗi con tê tê khoét hang vào giữa lòng núi cũng phải nhào ra. Chúng tôi vừa tóm được cu cậu trong trận bom sáng nay.

     - Cái giống tê tê này nghe nói thịt ngon như thịt cầy đấy. Các cậu cố giữ mà làm thịt.

     - Thịt quá đi chứ Thủ trưởng. Chiều nay nhất định Thủ trưởng phải ở lại đây ăn với chúng em một bữa cơm nhé?

     - Các Cậu làm quái gì còn gạo mà mời tôi ăn cơm!

     - Thế thì mời Thủ trưởng ở lại ăn lương khô 702 vậy. Ăn lương khô 702 với thịt tê tê ngon tuyệt, Thủ trưởng ạ!

     Đồng chí Đại đội trưởng bảo đồng chí thương binh:

     - Cậu đưa con tê tê đây để tôi mang về cho bếp anh nuôi làm thịt nào.

     - Nhưng mà Thủ trưởng nhớ bảo anh nuôi giữ cho tôi mấy cái vẩy tê tê làm kỷ niệm nhé.

     Đồng chí Đại đội trưởng lại dẫn tôi xuống "hậu phương" của đại đội. Trên đường đi, tôi tranh thủ trao đổi:

     - Trận địa của các đồng chí như vậy là vững chắc, cách bố trí cũng chặt chẽ, tinh thần chiến đấu của bộ đội rất cao. Tình hình này các đồng chí có thể rút bớt lực lượng trực tiếp trên trận địa để anh em có điều kiện thay nhau nghỉ ngơi và làm những việc khác. Nhất là những đồng chí thương binh, anh em có tinh thần bám trụ rất tốt. Nhưng ta cũng phải luôn luôn quan tâm chăm sóc đến sức khỏe và tạo điều kiện cho các đồng chí ấy chữa vết thương cho mau lành. Những lúc địch không tiến công thì phải tổ chức cho anh em cắt tóc, tắm giặt và viết thư về nhà nữa. . .

     Chúng tôi đi theo đường hào về đến tận "hậu phương" của đại đội, lực lượng ở đây còn một đại đội đánh vận động hoặc thay chốt. Những ngày không có tình huống chiến đấu thì đào công sự, lấy củi, khiêng thương binh hoặc đi lấy gạo, đạn dự trữ.

     Tổ anh nuôi có bốn đồng chí (kể cả đồng chí y tá xuống giúp việc). Họ đang khiêng nồi cháo múc chia đều các xoảng. Khói cháo bay nghi ngút trong căn bếp đào chìm vào lòng dết. Một đồng chí rất trẻ, bưng bát cháo nóng bỏng, thả vào xuống nước lã lấy đũa quấy quấy cho mau nguội, không may bát cháo bị nước tràn vào chìm nghỉm. Đồng chí vội nhấc bát cháo lên, gạn bớt nước rồi húp soàn soạt. Đồng chí y tá mắng:

     - Cậu ăn mất vệ sinh như thế. Có đổ đi không, ăn vào thì khốn đấy.

     Đồng chí bưng bát cháo trả lời một cách bướng bỉnh:

     - Đổ đi? Của ăn không có, có của đổ đi?

     Tôi đang chăm chú theo dõi hai chiến sĩ tranh cãi thì bỗng người loạng choạng như đất sập và những tiếng nổ như xé không khí bay tới. Thoắt cái, tôi lao được vào căn hầm. Có tiếng kêu thất thanh từ đâu vọng lại:

    - Bom tọa độ đấy, không ai được ra khỏi hầm.

     Oành, oành, oành... Oành, oành, oành... Lại hai đợt tiếng nổ nữa trùm lên đội hình trú quân của đơn vị. Tiếng đất đá, tiếng cây đổ rào rào lẫn những tiếng gọi, tiếng kêu:

     - Tài ơi? Trù đây! Xây ơi?...

     Đồng chí Đại đội trưởng quay gấp máy điện thoại:

     - A-lô! A-lô!... trên chốt có ai việc gì không? Thôi, đứt dây rồi.

      Và đồng chí ấy vội chạy ra cử một tổ vác cuốc xẻng chạy ngược lên một căn hầm bị sập.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #66 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2009, 01:50:24 pm »

     Mấy đồng chí to khỏe, cầm hai tay những chiến sĩ bị thương duỗi ra, gấp lại theo động tác làm hô hấp nhân tạo. Đồng chí y tá thoăn thoắt bó cho một đồng chí gãy chân. Còn mấy đồng chí anh nuôi thì thu dọn những chiếc xoong đựng cháo bị bắn tung tóe. Bỗng có một đồng chí không biết từ đâu chạy về, thở hổn hển:

     - Các đồng chí ơi ở... Ở quả đồi bên kia có hai ngôi mộ mới chôn lại bị bom đào lên rồi.

     - Chết thật! Mộ đồng chí Hà và đồng chí Quảng đấy. Ra chôn cất lại cho các đồng chí ấy ngay.

     Vào khoảng trung tuần tháng 12 năm 1972, bọn Mỹ đột ngột huy động hàng loạt máy bay B.52 tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận, nhằm mục đích hủy diệt một số vùng dân cư, hòng gây hoang mang, rối loạn trong nhân dân, ép ta tại Hội nghị Pa-ri, giành lấy lợi thế. Tất cả chứng tôi đều nhận thức được rằng: Muốn bắt giặc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc thì ở chiến trường, chúng tôi phải đánh trả địch mạnh mẽ, chia lửa với đồng bào miền Bắc.

     Lúc này, trên toàn trận tuyến phòng ngự của sư đoàn, các đơn vị đều đã tạo được thế đứng vững chắc. Tất cả các điểm chốt của Trung đoàn 141 ở Động Tiến; của Trung đoàn 165 Ở Đồi Xanh, điểm cao 134, Đồi Đá; của Trung đoàn 209 Ở Tích Tường, Như Lệ đều đã đánh lui hàng chục đợt tiến công của địch. Trước tình hình trên, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh sư đoàn lại quyết tập trung lực. lượng cho Trung đoàn 209 mở đợt tập kích, lấy lại các điểm chốt do địch đã chiếm từ giai đoạn trước. Được sư đoàn tăng cường cho một đại đội vệ binh và 600 quả đạn pháo, Trung đoàn 209 hứa quyết tâm lấy tại các điểm cao 15 và 19.

      Đêm 21 tháng 1, Tiểu đoàn 8 lấy lại điểm cao 15. Đêm 27 và ngày 28 tháng 1, Tiểu đoàn 7 đánh chiếm điểm cao 29. Thế là toàn trung đoàn đã trở lại thế đứng ban đầu.

     Nối tiếp chiến công của Trung đoàn 209, các Trung đoàn 165, 141 các đơn vị pháo binh, trinh sát, thông tin cũng đều tổ chức các trận tập kích và đều giành được thắng lợi. Đặc biệt là các đội bắn tỉa hoạt động rất tích cực và đưa hiệu suất chiến đấu lên cao. Đột xuất, có ngày một đồng chí của Trung đoàn 209 đã diệt được 29 tên địch. Hoạt động của các đội bắn tỉa không những có giá trị làm tiêu hao sinh lực địch mà còn gây cho chúng một tâm lý hoang mang, lo sợ, không dám tự do đi lại. Từ đó, phong trào bắn tỉa lan tràn khắp sư đoàn. Không những các chiến sĩ bắn tỉa bằng súng có kính ngắm xa, mà còn bắn cả bằng súng AK, CKC, trung liên nữa. Cả những đồng chí y tá, liên lạc anh nuôi cũng lần lượt thay nhau lên trận địa bắn tỉa, nhiều đồng chí đã đạt được danh hiệu dũng sĩ.

     Giữa lúc sư đoàn chúng tôi đang đánh lui từng đợt tiến công của quân địch, thì tin quân và dân Hà Nội đánh bại cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của Mỹ liên tiếp vọng vào. Những "Thần Sấm", "Con ma", những "Pháo đài bay", "Giặc nhà trời" đều đâm đầu xuống đất cùng với những tên giặc lái. Tin vui ấy càng cổ vũ chúng tôi thêm vững vàng tay súng trên chiến trường Quảng Trị nóng bỏng, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.

     Cho tới những ngày đầu mùa xuân năm 1973, sư đoàn chúng tôi vẫn đứng trên trận tuyến phòng ngự bờ nam sông Thạch Hãn, cùng với các sư đoàn bạn lập thành một vành đai thép, kéo dài từ đông Trường Sơn đến tận cảng Cửa Việt. Hai sư đoàn dù và thủy quân lục chiến ngụy như cá mắc lưới. Tiến không được, rút cũng không xong. Chúng chỉ còn cách điên cuồng bắn phá cho tới khi Hiệp định Pa-ri được ký kết.


Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #67 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2009, 02:24:02 pm »

TRẬN CUỐI CÙNG

Dàn thế trận đánh giặc
Ở Bình Dương trong Chiến dịch Hồ Chí Minh


     Thế là đã hai mươi tám năm kể từ khi tôi còn là một chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 27 đánh trận đầu tiên, chống bọn giặc Pháp trên đỉnh Khau Co giáp giới giữa hai tỉnh Lai Châu, Lào Cai, đến nay là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, hành quân đánh trận cuối cùng, đánh cho Mỹ cút ngụy nhào giải phóng hoàn toàn đất nước.

     Khoảng cách hai mươi tám năm chiến đấu và trưởng thành ra sao, tôi đã ghi trong các tập: Đường tới chân trời,  Tim tôi thắp lửa, Dậm dài trên đất Triệu Voi. Những trang hồi ký này, tôi chỉ muốn đi sâu vào trận đánh cuối cùng, trận đánh sư đoàn tôi được tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

1 HÀNH QUÂN THẦN TỐC

     Bắt đầu vào cuối tháng 3 năm 1975, Sư đoàn 312 chúng tôi đang đóng quân ở Hà Trung, Thạch Thành, Thanh Hóa thì có lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Thời gian này tin thắng trận từ tiền tuyến lớn dội về dồn dập, hết giải phóng Buôn Mê Thuột lại đến tin quân địch đã hốt hoảng rút chạy bỏ cả Kông Tum, Plây Cu; rồi lại Trị Thiên, quân ta đã vượt qua sông Thạch Hãn giải phóng thị xã Quảng Trị và lại đang bao vây quân địch ở Huế và Đà Nẵng...

     Bộ Tư lệnh quân đoàn điện gọi tôi và anh Xuyên, Chính ủy sư đoàn lên giao nhiệm vụ chuẩn bị cho sư đoàn hành quân bằng cơ giới vào tận chiến trường miền Đông Nam Bộ. Trên quyết định tăng cường cho sư đoàn hơn trăm xe. Cuộc hành quân này phải mang theo toàn bộ trang bị vũ khí khí tài đạn dược; lương thực thực phẩm bảo đảm đến chiến trường vẫn còn đủ 10 ngày ăn. Bộc phá, đạn dược phải đánh được ba trận mới bổ sung. Thời gian sư đoàn được chuẩn bị bốn ngày. Đường hành quân từ Bắc vào đến chiến trường dài hai nghìn kilômét, phải đi qua nhiều tỉnh, địa hình, thời tiết phức tạp, cần phải tổ chức sắp xếp sao cho gọn, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo đúng thời gian hành quân.

     Hai chúng tôi nhận lệnh xong rất phấn khởi trở về ngay kịp phổ biến cho toàn sư đoàn. Những ngày qua chỉ nghe tin đơn vị bạn lập công, nay được phổ biến kế hoạch hành quân, lại hành quân cơ giới vào tận chiến trương miền Đông Nam Bộ cùng với quân dân Miền Nam đánh Mỹ ngụy, cán bộ chiến sĩ sôi nổi chuẩn bị rất tấp nập, đầy khí thế. Bộ phận đi lĩnh súng đạn, bộ phận đi lấy quân trang quân dụng nhộn nhịp gặp nhau trên đường, cười nói, chào hỏi rộn rã trong xóm ngoài làng nơi trú quân. Sư đoàn chuẩn bị hành quân ra trận, các đoàn thể, chính quyền và nhân dân đến thăm hỏi động viên hôm nào cũng như đơn vị có hội hè. Ngày nhân dân đến thăm, tối liên hoan quân dân ca hát, bộ đội hứa hẹn, nhân dân chúc mừng. Liên hoan chung rồi còn về từng nhà, bên ngọn đèn dầu hoặc bên bếp lửa hồng, cạnh nồi ngô, rổ khoai, rá sắn, đầm ấm thân tình, khi đầy ắp tiếng cười, khi dặn dò lưu luyến người ở lại với kẻ ra đi.

      Là cán bộ chỉ huy sư đoàn, xuống thăm anh em được chung hưởng không khí vui nhộn, tình cảm yêu thương của nhân dân đối với cán bộ chiến sĩ sư đoàn năm ấy, tôi rất xúc động. Ở Sư đoàn 312 từ khi thành lập, trưởng thành từ chiến sĩ đến đại tá tư lệnh sư đoàn  trưởng, rất nhiều lần ra trận, nhân dân thường ít người biết, có biết cũng chẳng rõ đi đâu và rất ít người đến tiễn đưa. Lần này, chúng tôi mới chuẩn bị ra trận, nhân dân nơi trú quân đã biết sư đoàn đi chiến đấu ở đâu và đã đến rất đông, thăm hỏi, động viên, tặng quà, biểu lộ tình cảm tin yêu rất đằm thắm. Tôi lại càng thấy rõ trách nhiệm của mình với nhân dân, với cán bộ chiến sĩ sư đoàn tôi hơn.

     Chỉ còn một ngày nữa sư đoàn hành quân. Đoàn xe ô- tô cấp trên trang bị cho sư đoàn đã xuống từng khu vực tập trung của các trung đoàn. Xe Zin rất mới xếp thành hàng ngụy trang chỉnh tề. Các chiến sĩ lái xe trang phục màu xanh lá cây mới toanh, mũ tai bèo cũng mới, vui vẻ đến chào và báo cáo tình hình với các cán bộ trung đoàn. Chiến sĩ các đơn vị phấn khởi đến chào các chiến sĩ lái xe, trao đổi với nhau cởi mở thân tình rồi hướng dẫn nhau luyện tập lên xuống xe, cách ngồi, cách xếp, cách buộc rọ lợn, bu gà sao cho chắc gọn. Tiếng bộ đội nói cười xen trong lời thăm hỏi bàn tán của người trong cuộc đến gần bãi tập xem rất đông, nhất là các cháu thiếu nhi. Có chiến sĩ ta lên xe bì bạch như ếch leo tường mãi mới lên được Mọi người vừa cười thích thú vừa reo hò: "Cố lên? Cố lên!" Tôi theo dõi hết buổi bộ đội tập lên xe, nghe tiếng nói cười của mọi người đến sướng tai, nhìn bộ đội tập thích mắt. Tôi rất hài lòng và rất yên tâm nghĩ về những ngày hành quân sắp tới, các chiến sĩ của sư đoàn không còn bỡ ngỡ nữa, sẽ thành thạo vượt qua trước mọi hoàn cảnh khó khăn.


        Ngày 2 tháng tư, cả sư đoàn hành quân. Mới hơn năm giờ sáng, trời còn đầy sương. Sương bao phủ khắp nơi từ trên nương đến dưới cánh đồng xã Hạ Long, từ cả dãy đồi khu Biển Sơn đến dãy núi huyện Thạch Thành. Chúng tôi xuống kiểm tra Trung đoàn 165 đang tập trung. Người, súng, xe đã sẵn sàng. Nhân dân các xã huyện Thạch Thành cả cơ quan đồng chí Quý, Bí thư huyện cũng đến tiễn đưa. Tôi chào đồng chí bí thư và nhân dân ra tiễn rồi mới đến chỗ trung đoàn.

     - Thế nào, đã sẵn sàng hành quân được chưa?

     - Sẵn sàng? Chỉ chờ lệnh Thủ trưởng thôi ạ?

      Tôi thấy vẫn còn một đồng chí nào đang buộc rọ lợn vào gầm xe. à, cậu Thìn. Tôi liền đến gần hỏi xem buộc đã chắc chưa.

     - Báo cáo Thủ trưởng, em đảm bảo xe có chạy nhanh hay đường có xóc ổ gà, ổ trâu, con lợn 80 cân cũng không rơi được đâu.

     Mọi người cười. Tôi khen chuẩn bị cẩn thận thế là tốt. Rồi quay sang hỏi đồng chí lái xe tên là Tâm:

    - Xe đồng chí chuẩn bị tốt chưa?

    - Thưa Thủ trưởng, con tuấn mã này là loại Zin mới, không chê vào đâu được. Xin mời Thủ trưởng kiểm tra.

    Tôi bước lên xe ngồi vào ghế, xoay tay lái, thử côn phanh, thấy là được. Nhìn trong buồng lái có treo hai lá cờ đỏ sao vàng và cờ giải phóng hai bên, Ở giữa có ảnh Bác Hồ, phía dưới có một bông hồng rất đẹp tôi hỏi Tâm thì biết là được cấp trên phát cho, xe nào cũng có.
Tôi thầm nghĩ, cán bộ chỉ huy đoàn xe này biết nhìn xa trông rộng đấy. Vì nhất định sư đoàn sẽ hành quân qua các vùng mới giải phóng, xe pháo phải thật đàng hoàng chững chạc. Tôi khen đồng chí lái xe:

     - Đồng chí chuẩn bị như thế là được.

     Trên đường trở về sư đoàn, tôi gặp rất đông bà con người đi bộ, người đi xe đạp đèo nhau, đa số là thanh niên, phụ nữ, có cả các ông bà già, các cháu thiếu niên, người xách gói, người đeo túi gạo, nải chuối, giỏ chanh, hối hả kẻo nhau đi. Tôi cho xe dừng lại hỏi:

     - Các ông bà anh chị đi đâu về mà vội thế?

     Mọi người dừng trả lời là đi thăm cháu, thăm anh ở Trung đoàn 165 Sư đoàn 312.

     Nghe nói cháu sắp đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Nhận tin là chúng tôi đi ngay.

     - Thế các ông các bà, các anh chị quê ở đâu?

     Mọi người nhanh nhảu trả lời. ông thì nói tôi ở Hà Bắc, bà thì nói ở Hải Phòng, chị thì nói ở Hà Nội, anh thì nói ở Hà Tây, Phú Thọ,v.v... Tôi thử hỏi xem bà con biết tin này từ bao giờ. Người thì nói hai hôm, người nói hôm qua, nên phải đi suốt đêm. Tôi nhìn nét mặt mọi người ai cũng vui, nhưng mệt mỏi. Tôi báo tin cho các ông bà, các anh chị biết Trung đoàn 165 đang tập trung ở chỗ nhiều người và xe kia, chỉ cách đây hơn cây số.

     - Bây giờ mới gần bảy giờ, đến còn gặp được các anh ấy. Tám giờ đơn vị mới hành quân.

     Mọi người chào tôi rất vui vẻ.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #68 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2009, 02:25:59 pm »

     Ở nơi tập trung khối sư đoàn tại xã Hạ Long, nhân dân cả xã này đủ các tầng lớp trẻ già lớn bé, các đoàn thể, đồng chí bí thư, chủ tịch xã đã đến tập trung đưa tiễn. Nhân dân các xã khác cũng đến đông hơn cả bộ đội. Các mẹ cho quà dặn dò, chúc mừng bộ đội lên đường lập công chiến thắng trở về. Các cô gái các cháu thiếu nhi xông cả vào hàng quân gặp người thân quen, thì thầm nói với nhau điều gì chẳng ai biết được, bịn rịn lưu luyến trao cho nhau những phong thư, mùi xoa, khăn mặt... Có lúc họ cười mà giàn giụa nước mắt khi bộ đội bắt đầu lên xe. Một cậu quản ca bật lên lấy giọng cho anh em hát bài "Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường..." Tiếng hát vang động khí thế hào hùng. Nhưng bà con vẫn chưa muốn rời tay với người ra trận hôm nay.

     Đúng tám giờ ngày 2 tháng tư năm 1975, tôi ra lệnh lên đường hành quân. Đoàn xe nổ máy ầm vang, rung động cả vùng đất, khoảng trời, rung động cả lòng người ra đi và nhân dân ở lại, lưu luyến, tự hào với một niềm cảm xúc đến lạ thường. Bộ đội ngồi trên xe tự tin, phấn khởi, vừa hát rất to vừa vẫy tay xuống chào đồng bào ở lại. Nhân dân vẫy tay lên hoan hô chúc mừng các anh đi vui khỏe chiến thắng. Đoàn xe từ từ rời khỏi khu tập trung, chạy ra đường 1. Tôi nhìn lại, nhân dân còn vẫy tay theo. Ra đường số 1 xe chạy tốc độ nhanh hơn. Cờ đỏ sao vàng hoặc cờ giải phóng trên đầu từng đơn vị xe bắt đầu bay, xe chạy càng nhanh cờ bay càng mạnh, càng đẹp. Chiến sĩ ta càng mát hát hò càng to, tỏ rõ khí thế hào hùng của đoàn quân ra trận. Suốt cả chặng đường dài, những bài hát được cán bộ chiến sĩ yêu thích như "Giải phóng miền Nam", “Chiến sĩ ca", “Truyền thống Sư đoàn", "Bác cùng chúng cháu hành quân" . . . cứ hát đi hát lại nhiều lần. Xe trước hát, xe sau tiếp lời ca, hơn 300 xe cùng hát. Nhân dân hai bên đường, người đang làm đồng phải dừng tay hoặc chạy lên đường, người ở xa vẫy tay, vẫy nón. Nhất là khi xe chúng tôi chạy qua các làng, các phố, thị trấn, người đứng hai bên đường chen nhau đông nghịt, đủ lứa tuổi, lớn, bé, già, trẻ, tay vẫy miệng hoan hô phấn khởi tin yêu đoàn quân ra trận. Có nơi bà con bám theo xe gửi tặng những trái dừa, nải chuối, tút thuốc lá, gói trà mộc và những bó rau . . .

     Nhất là khi đoàn xe sư đoàn đi qua Thành phố Vinh đang thời kỳ kiến thiết, ngổn ngang gạch ngói, bê tông, dân phố và nhân dân đứng chen chúc rất đông. Tới ngã ba, nhiều chiến sĩ nhắc nhau: Lối này về quê hương Bác..., lối này về nhà Bác ! . . .

     Buổi chiều ngày 3 tháng tư chúng tôi vượt qua Đèo Ngang. Một chiến sĩ cất tiếng đọc thơ của Bà Huyện Thanh Quan:

“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa..."


     Chiến sĩ ngồi cạnh lật mũ bật dậy vung tay đọc tiếp rất to, đĩnh đạc tràn đầy hứng khởi: "Bà Huyện Thanh Quan... giờ sống lại... Đứng đây ắt hẳn... cũng vang ca... Chẳng còn mang nặng... lòng chắc ẩn... Một mảnh tình riêng . . . ta với ta " . . .

      Tiếng vỗ tay tán thưởng, tiếng đòi đọc lại nổi lên rầm rầm...

       Ngày mồng 5 toàn sư đoàn tới thị xã Đông Hà, mảnh đất mà năm 1972 sư đoàn chúng tôi đã góp phần xương máu để gìn giữ. Thời gian đó suốt ngày không một bóng người lên khỏi mặt đất. Suốt đêm không có ánh đèn. Vậy mà, giờ đây đã trăm nghìn lần khác hẳn. Một rừng cờ và một biển người từ khắp các ngả đường đang hội tụ ở đây, cuồn cuộn như sóng biển. Hàng nghìn xe ô-tô đỗ sát bên đường cạnh những giàn tên lửa và những đoàn xe tăng đèn pha sáng lóa cả một vùng. Đất trời không còn tiếng súng, tiếng máy bay địch gầm rú, chỉ có tiếng hát hò, tiếng cười nói của hàng vạn, hàng vạn con người.

      Sáng 6 tháng tư, Bộ Tư lệnh sư đoàn họp đánh giá kết quả hành quân.,Chúng tôi đều thống nhất nhận định toàn sư đoàn đầy đủ gọn, an toàn, khí thế, phấn khởi chấp hành kỷ luật nghiêm. Bàn về việc thực hiện nhiệm vụ tiếp theo sẽ hành quân trên đường  Trường Sơn rất nhiều đèo dốc, Bộ Tư lệnh sư đoàn nên chuyển sang đi ô-tô to mới theo kịp đội hình và đôn đốc các đơn vị được. Các anh trong Bộ Tư lệnh: anh Xuyên, anh Hoàng Lê, anh Kiện, anh Quân đều thống nhất như thế. Chúng tôi sống với nhau lâu, hiểu nhau chẳng phải giải thích đều nhất trí cao.

     Ngay sau đó, chúng tôi triệu tập họp cơ quan chỉ huy các trung đoàn. Tôi thay mặt Bộ Tư lệnh nhận định đợt hành quân vừa qua và thông báo:

     - Sư đoàn vinh dự được hành quân trên đường Trường Sơn. Trước đây là con đường "mòn" nhưng bây giờ đã trở thành “Đại lộ Hồ Chí Minh" mà cả thế giới biết. Đã bao lớp người hành quân ra trận theo con đường của Bác. Nhưng sư đoàn ta đi lần này mới là lần đầu tiên. Trước tình hình khẩn trương, chúng ta cứ hướng theo con đường mang tên Bác mà đi, tự tìm cung chặng mà nghỉ, dù khó khăn đến mấy chúng ta cũng kiên quyết đi tới tận cùng con đường Hồ Chí Minh thực hiện bằng được Di chúc của Người: "Giải phóng hoàn toàn miền Nam".

      Mặt trời vẫn chói chang. Sư đoàn chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Đội hình xe quay hướng lên phía dãy núi Trường Sơn. Con đường số 9 rộng thênh thang, nhẵn bóng như mặt gương. Xe đi êm như ru. Những dãy núi Tà Cơn, Khe Sanh, Lao Bảo... lần lượt hiện ra trước mắt chúng tôi. Những cái tên quen thuộc ấy gắn liền với những chiến công oanh liệt mà hôm nay tận mắt nhìn thấy. Dọc hai bên đường, chi chít hố bom. Những đồn bốt, căn cứ quân sự, giờ chỉ còn ngổn ngang những dây thép gai, công sự sập, xác xe cháy. Càng đi càng thấy xác xe tăng, xe bọc thép chúng nằm trơ như những tảng đá. Đây là kết quả của cuộc hành quân Lam Sơn 719, bước đầu thất bại thảm hại của chính sách "Việt Nam hoá chiến tranh" của bè lũ Mỹ - Thiệu.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #69 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2009, 11:15:54 pm »

     Đoàn xe sư đoàn đến chân đường Trường Sơn. Tôi nhìn lên Trường Sơn hùng vĩ, núi rừng xanh thẳm điệp trùng, nhìn rõ con đường lên vòng vèo cheo leo chênh vênh, cảm thấy đường lên Trường Sơn như đường lên trời. Xe tôi đi đầu nhìn thấy đoàn xe sau chẳng khác con rồng khổng lồ đang uốn khúc vươn lên đỉnh dãy Trường Sơn. Tôi lại nhớ lời chúc của đồng chí Chủ tịch xã Hạ Long, khi tiễn sư đoàn lên đường: “Nhân dân xã chúng tôi là xã Hạ Long, xã Rồng đậu. Bây giờ Tổ quốc gọi lên đường thì rồng lại bay đi. Tôi thay mặt cho nhân dân toàn xã chúc sư đoàn của các đồng chí đi như rồng bay, đánh như rồng cuốn, cuốn sạch sành sanh mọi đón thù." Lúc này nhớ lại càng thấy vui. Đoàn xe sư đoàn vòng vèo cứ như chạy ngược đường lên trời. Cuối cùng chúng tôi cũng lên tới đỉnh Trường Sơn, thấy trời cao lồng lộng và rộng vô cùng. Tận hưởng cái gió Trường Sơn, ai cũng vui phấn khởi hát hò trò chuyện râm ran. Lần đầu tiên sư đoàn đến với Trường Sơn, được đi trên con đường Trường Sơn mang tên Bác Hồ vĩ đại, tôi rất xúc động và nhớ Bác vô cùng. Từ ngày Sư đoàn 312 thành lập đến khi Bác đi xa, sư đoàn được Bác về thăm bốn lần. Những lời động viên, khuyên bảo của Bác đều được ghi vào Sổ vàng truyền thống sư đoàn. Cán bộ chiến sĩ ai cũng ghi sâu lời Bác dạy chẳng bao giờ quên được.

       Ngày 7 tháng tư. Tôi nhận thấy đường Trường Sơn không chỉ có sư đoàn mình mà còn có rất nhiều đơn vị cùng hành quân ra trận, từ bộ đội pháo binh, tên lửa, xe tăng, pháo cao xạ, công binh bộ đội 559 đến cả các đoàn văn công, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, các đoàn cán bộ Đảng, chính quyền, các dân tộc anh em, trong Nam, ngoài Bắc, cuồn cuộn đi vào miền Nam đánh Mỹ-ngụy. Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn đầy ắp tiếng nói cười, hát hò át cả tiếng bom giặc. Thật đúng là có đi trên con đường Trường Sơn mới thấy được tầm vóc vĩ đại của dân tộc ta, mới thấy hết sự tài tình và công lao của nhân dân, của Bác, của Đảng. Con đường như một con rồng khổng lồ uốn khúc theo dọc dãy Trường Sơn, lúc lao xuống khe sâu, khi nằm chênh vênh trên các ngọn núi quanh năm mây phủ, lúc ẩn mình trong cánh rừng đại ngàn, khi lại tản ra thành hàng chục con đường rồi lại tụ vào một điểm. Dọc hai bên đường có những quả đồi bom đánh chỉ còn trơ đất đỏ với đá gan gà.

     Nhiều cánh rừng bị B.52 và thuốc độc hóa học đốt cháy trụi. Nhưng Trường Sơn vẫn uy nghi hùng vĩ. Hàng nghìn, hàng vạn quả núi cao nhọn hoắt nối tiếp nhau giăng giăng như một bức trường thành dài vô tận. Mỗi một "bãi khách" trên đường Trường Sơn là một cảnh đẹp. Có nơi là một khu rừng san sát lim, gụ, vàng tâm cao hàng chục mét, hai ba người ôm không xuể, cành lá tầng tầng lớp lớp, tưởng như ánh mặt trời không xuyên qua được. Lại có nơi thật lắm chồn nhiều sóc đua nhau nhảy nhót chuyền cành, hoa phong lan đủ loại, đủ màu, rủ xuống tỏa hương suốt cả một chặng đường dài.

     Đã cuối mùa khô mà thời tiết vẫn như lửa đốt. Chưa bao giờ chúng tôi lại gặp cảnh bụi đường khủng khiếp như trên đường Trường Sơn. Có đoạn xe chạy như chui vào ống khói khổng lồ. Xe chạy ngày, xe trước xe sau chỉ cách nhau vài mét cũng không nhìn thấy nhau, cứ phải bấm còi liên tục, phải bật cả đèn pha để khỏi húc nhau. Bộ đội mỗi người một chiếc khăn mặt, che kín mũi, kín miệng. Ngoài đôi mắt còn như toàn thân từ đầu tới chân một màu vàng khè. Lại còn số lợn mang theo nữa, mấy ngày bão bụi chúng đã bị chết một phần ba vì tắc mũi. . . Có đoạn lại như bãi sa mạc, cát là cát, xe lao đến đâu xé cát đến đấy, không khác gì xe lội nước. Chiếc xe của tôi bỗng dừng khừng lại như húc phải vật gì. Tôi rời khỏi ca bin bước xuống. Trời ơi, không ngờ lại thụt xuống tận ngang hông. Anh em phải đưa gậy ra kẻo tôi lên mới thoát "chết đuối" vì cát bụi. Suốt chặng đường cát bụi như vậy, chẳng ai còn nói chuyện nữa. Nhưng càng bụi và nóng bao nhiêu thì cái khát càng giày vò bấy nhiêu. Đi mãi suốt ngày đường không tìm thấy đâu một con suối có nước. Nhịn đói một vài ngày thì còn chịu được chứ nhịn khát một vài giờ thì khổ vô cùng. Đường lại xóc, xe chạy cứ thỉnh thoảng lại nhảy cỡn lên, chồm chồm, khiến ai cũng mệt lử. Chỉ có tai còn nghe tiếng máy của xe chạy vù vù. Ngồi trên xe, người bị xô nghiêng xô ngửa cứ phải ôm chặt vào nhau mong cho mau qua chặng đường "ói cơm" này. 17 giờ, đã xế bóng, xe tôi đi trước gặp con suối to, dòng nước trong xanh chảy lao vào những mô đá, tung bọt trắng phau. Đôi bờ cây to cây nhỏ lá mềm mại óng mượt nhô ra như nếp mái nhà xanh rì ôm lấy con suối. Có những cây gỗ còn nguyên vẹn, nhưng trụi lá nằm vắt ngang dòng suối làm thành chiếc cầu Suối đẹp quá Phải cho bộ đội dừng nghỉ ở đây để “tẩy” trần. Tôi nghĩ thế và quyết định cho xe chạy một lúc áng chừng cả sư đoàn vào hết đoạn suối hiếm có trên chặng đường hành quân bức sốt này, rồi mới phát lệnh. Chà! Lệnh vừa thoắt truyền đi đã được thực hiện mau đến thế! Cái dòng suối đã như đầy ắp tiếng cười đùa, la hét. Cán bộ chiến sĩ cũng vậy, té tát nhau chẳng khác gì đoàn trẻ nhỏ thuở nào tắm ở ao làng sau buổi chiều hè đi trâu về. Cán bộ chiến sĩ ai cũng thoải mái vui đùa và đặt cho con suối cái tên "Suối tiên trên đỉnh Trường Sơn".

     Xẩm tối, cơm nước xong, tôi đang chuẩn bị mắc võng để ngủ đêm cạnh Suối tiên thì đồng chí cơ yếu đã đến đưa cho tôi bức điện của Đồng chí Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc! Thần tốc hơn nữa! Táo bạo! Táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng giờ, từng phút. Xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam! Quyết thắng và toàn thắng!”

     Đọc xong bức điện, tôi nghĩ: Mình vừa lệnh cho bộ đội nghỉ, có đơn vị còn chưa kịp ăn cơm, nhất là bộ phận nuôi quân, có anh chưa tắm giặt, giờ lại lệnh đi ngay thì căng đây. Mà thực ra hôm nay bộ đội đi quá mệt lại được nhiều đường hơn hôm qua, tôi cũng muốn nghỉ lại đêm cho đỡ mệt. Nhưng mệnh lệnh của Đại tướng Tổng Tư lệnh đang ở trong tay tôi; mật lệnh tuy chỉ có mấy câu ngắn gọn nhưng chứa đựng biết bao điều quan trọng! Đặc biệt là thời cơ.

     Thời cơ! Thời cơ! Thời cơ có một không hai! Thời cơ toát lên trong toàn bộ bức điện? Thời cơ nổi bật lên trong mấy chữ "Thần tốc! Thần tốc hơn nữa! Táo bạo! Táo bạo hơn nữa".
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM