Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:44:15 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường binh nghiệp của tôi  (Đọc 64732 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #40 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2009, 02:57:48 pm »

      Sau khi ăn cơm, nghỉ ngơi khoảng ba mươi phút, chúng tôi họp với phái đoàn của Mặt trận. Phía trung đoàn chỉ có tôi, anh Trường Quân, anh Đỗ Phú Vàng, anh Trần Lạc và các cán bộ tác chiến. Tôi báo cáo phương án tác chiến rất hy vọng sẽ được phái đoàn của Mặt trận đánh giá là sát hợp với thực tế tình hình. Nhưng tôi quan sát thấy anh Nam Hà vừa nghe vừa xem bản đồ, sắc mặt tỏ ra không bình thường. Không để tôi báo cáo hết, anh ngắt lời hỏi ngay:

     - Như vậy là trung đoàn không đánh tập trung vào chỉ huy sở Bản Na, mà lại đánh vào khu hai?

     - Thưa anh đúng. - Tôi bình thản trả lời - Trung đoàn chỉ đủ sức đánh vào khu hai. Còn khu trung tâm, ta dùng pháo bắn phá. Với khu ba phía đông nam, ta kiềm chế. Bởi vì...

     Tôi càng giải thích, anh càng tỏ ra bực bội, lại nói cắt ngang:

     - Cách đánh của trung đoàn như thế là không đúng tinh thần và ý định của Mặt trận. Phải tập trung lực lượng đánh vào khu một, trung tâm Bản Na. Tại sao trung đoàn lại dồn lực lượng vào khu hai?

     Các cán bộ trung đoàn báo cáo bổ sung tình hình địch và khả năng trung đoàn chỉ đủ đánh khu hai, hy vọng anh sẽ nghe ra. Nhưng không, anh vẫn kiên quyết nhắc lại và giải thích là phải tập trung lực lượng đánh vào khu một mới khiến cho quân địch choáng váng. Thú thật, nghe anh Nam Hà giải thích, tôi vừa lo nhiệm vụ lại vừa tức, không biết nên thực hiện thế nào trước cái lệnh "nướng quân" này. Anh nói tiếp, giọng hằn học:

     - Các anh nên tính toán cho thận trọng. Tôi nói đây là tôi đem lệnh của Mặt trận xuống. Trung đoàn các anh bàn với nhau khắc phục khó khăn chấp hành lệnh. Vấn đề là phải nhìn chung thế và lực toàn chiến dịch. Phối hợp với hướng chính là Long Chẹng, ta đánh vào sào huyệt của bọn phỉ Vàng Phao thì ở hướng phụ này phải đánh thẳng vào nơi hiểm yếu của địch, có nghĩa là phải đánh vào trung đoàn cứ điểm bảo vệ vòng ngoài cho Long Chẹng. Vòng ngoài rung động thì Long Chẹng cũng rung động theo.

    Cán bộ trung đoàn tôi rất đỗi bàng hoàng lo lắng vì bộ đội đã vào vị trí tập kết, thời gian quá gấp để có thể tổ chức thực hiện cái mệnh lệnh khắc nghiệt này. Tất cả ngồi yên nhìn nhau chờ đợi mà chẳng biết là chờ đợi cái gì. Tôi thầm nghĩ, với lực lượng trung đoàn hiện nay mà chọn đánh vào nơi hiểm yếu, kết cục bị "phơi áo" ra ở đấy thì liệu có thể làm rung động được cái gì. Khu hai là điểm yếu so với khu một nhưng không phải là không hiểm yếu bởi diệt được khu hai là lập tức uy hiếp khu một. Với phương án đã tính toán, tấn công khu hai là chắc thắng. Cứ thực hiện phương án của trung đoàn thôi. Đã trình bày như thế mà trên chẳng nghe thì mặc trên…

    Tôi vừa nghĩ đến đây thì anh Nam Hà lại hỏi luôn:

    - Thế nào, anh Chuông?

    Lúc này, đúng là tôi không còn bình tĩnh được nữa, đã nói trắng ra không còn úp mở gì về cái mệnh lệnh mà tôi gọi là "mệnh lệnh nướng quân".

    - Lệnh trên như thế thì tôi không thể làm được.

    - Như thế là thế nào?

    - Là "mệnh lệnh nướng quân".

    Cuộc họp. trở nên gay cấn. Trên bực. Dưới tức. Anh Nam Hà hỏi tiếp:

    - Anh không chấp hành phải không?

    - Tôi không chấp hành được cách chỉ huy như thế.

    Anh Quân, Chính ủy trung đoàn giơ tay vẻ như ngăn lại, nói xen vào.

    - Đề nghị Thủ trưởng. . . Anh Chuông nên bình tĩnh, anh nóng quá đấy!

    - Anh bảo tôi nóng à? Đấy, anh ra mà chỉ huy.

    Hội nghị phải tạm dừng. Mọi người tản ra. Từng tốp cán bộ cơ quan trên với cơ quan dưới, anh Nam Hà, anh Quân, anh Lạc chụm đầu rì rầm bàn tán. Chỉ có tôi ngồi một mình rít thuốc, cơn tức vẫn chẹt lấy cổ.

    Lát sau, anh Lã Thái Hòa đến ngồi bên tôi một lúc rồi mới nói:

    - Chuông ơi! Như vậy là tình hình phức tạp rồi. Nếu anh cứ khăng khăng như thế tức là anh chống lại lệnh đấy?

    Nghe thế, tôi càng bực sôi lên, hỏi lại:

     - Anh là chỉ huy cấp trên có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo chỉ huy, anh nghĩ xem, tình hình địch, ta như vậy thì có thể chấp hành được cái lệnh đó không? Tôi đâu phải là người muốn chống lệnh. Năm ngoái, trung đoàn còn phải luồn qua mấy tuyến ngăn chặn của địch vào chiến đấu trong vòng vây đồn bốt giặc, trên không cho một người trinh sát dẫn đường, gạo không được tiếp tế, đạn phải dè xẻn từng viên, vậy mà chúng tôi vẫn chấp hành đầy đủ các nhiệm vụ trên giao, thương vong lại rất ít. Trong khi đó, Trung đoàn 141 đánh đồi Mã Thượng không dứt điểm lại thương vong nhiều, trung đoàn trưởng bị mất chức. Trận Keo Bom, Bum Lọng, Trung đoàn 209 đánh cũng không thắng, trung đoàn trưởng phải ra đi. Đến trận này, sẽ là ai đây? Chắc là tôi thôi, nếu như tôi cứ mạo hiểm chấp hành mệnh lệnh đánh vào khu trung tâm Bản Na, tức là đánh vào chỗ cứng nhất, mạnh nhất của tập đoàn cứ điểm này, trong khi lực lượng của trung đoàn đã bị điều đi mất hai phần ba. Tôi nói thực với anh, tôi không thể đánh cách nào khác, đề nghị cấp trên cho chúng tôi đánh theo phương án trung đoàn đã triển khai.

     Anh Hòa kiên nhẫn nghe tôi nói đến đây, khẽ thở dài, thủng thẳng đáp:

     - Anh đã quyết tâm như thế thì tôi chẳng còn gì để nói với anh được cả. Tôi chịu anh thôi.

     Nói xong, anh ngồi thừ ra, vẻ mặt buồn u ẩn khiến tôi lại thấy thương nên phải dìu dặt nói thêm để anh hiểu:

     - Tôi nói là có lý của tôi, không phải tôi nói bừa. Anh xem, ban đầu kế hoạch tác chiến là lực lượng toàn trung đoàn tấn công thì lẽ tất nhiên có bộ phận chủ yếu tấn công cả trung tâm Bản Na. Bây giờ trên điều mất của chúng tôi hai tiêu đoàn thì kế hoạch phải thay đổi cho phù hợp thôi chứ sao ra lẽ được. Tôi đã sẵn sàng rồi, anh yên tâm. Dù trận này có thắng tôi cũng chẳng sao. Điều khiến tôi phải nghĩ nhiều đó là máu xương chiến sĩ. Mà giả sử trung đoàn gặp khó khăn chắc là tôi sẽ mất chức hoặc ra tòa án binh hoặc về nhà làm ruộng, nuôi gà, đánh cá. Nếu ông còn nhớ tình bạn đến chơi, chắc rằng tôi sẽ có các thứ cây nhà lá vườn đãi ông thôi.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #41 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2009, 03:54:48 pm »

      Nửa tiếng sau trở lại cuộc họp tiếp tục bàn, không khí xem chừng có dịu lắng đi một chút xong tôi nghĩ chỉ là bề ngoài chứ thực ra trong tâm trạng mỗi người vẫn đang âm ỉ những cơn sóng ngầm. Chính tôi cũng đang nén lại để khỏi nổi nóng mặc dầu tiếp tục báo cáo, tôi vẫn thưa gửi một cách rất trân trọng.

      - Thưa Thủ trưởng Nam Hà? Thưa các anh? Ban nãy nghe lệnh, thấy thời gian gấp mà bí quá, tôi không biết làm thế nào mà thực hiện được nhiệm vụ nên chưa thật bình tĩnh đã có thái độ chưa đúng. Bây giờ chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thì nổ súng, bộ đội đã vào vị trí cả rồi, tôi xin lỗi và đề nghị Thủ trưởng Nam Hà và các anh trên cơ quan Mặt trận.cứ báo cáo lên trên, chúng tôi chịu trách nhiệm và đảm bảo sẽ đánh thắng, sẽ chiếm lại Bản Na.

      Tôi đề nghị các anh đến sở chỉ huy chính của chúng tôi. Tôi, anh Nam Hà ở chung. Cơ quan trung đoàn ở một bên, cơ quan Mặt trận ở một bên cách nhau sáu bước.

      Anh Nam Hà xen bản đồ, tỏ vẻ điềm tĩnh nói:

      -  Thôi, thời gian gấp thế thì phải làm thế vậy - Và đột nhiên anh hỏi tôi - Vị trí trung đoàn ở chỗ nào?

      Tôi chỉ vào tấm bản đồ anh đang xem:

     - Thưa anh, ở đây ạ!

     - Sao? Vị trí chỉ huy phải tiện quan sát và nắm quân chứ? Anh cho chuyển lên chỗ này đi.

     Tôi thấy lạ quá. Anh là cán bộ chỉ huy giỏi công tác tham mưu, bảo phải tiến lên lại chỉ vào bình độ lùi về sau gần dốc Quế. Tôi biết anh chỉ sai. Địa hình ở Tây Bắc Lào, nhất là khu vực Sảm Thông Long Chẹng rất phức tạp mà bản đồ thời ấy lại thường không chính xác, tôi cũng đã có những lần xác định sai trên bản đồ, huống chi anh, mới nhìn qua đã chỉ luôn, làm gì không sai. Biết thế, nhưng tôi lại trả lời một cách kín đáo, ý nhị:

      - Vị trí sở chỉ huy hiện nay là gần nhất rồi đấy ạ!

      Các anh cán bộ tham mưu cấp trên xúm lại quanh tấm bản đồ cùng trao đổi ý kiến qua lại, cuối cùng xác định đúng như lời tôi nói. Anh Nam Hà cười:

      - Thôi, thế cũng được.

     Hôm đó, ăn cơm xong, tôi đi kiểm tra sở chỉ huy trung đoàn, đến ban tác chiến thấy các anh phái viên tham mưu của Mặt trận và bộ phận thông tin vẫn chưa về vị trí của mình, tôi nói ngay:

     - Các anh về bên kia suối đi, về vị trí của Mặt trận. Tôi và anh Nam Hà đã thống nhất như thế.

     Tôi nhắc Tham mưu trưởng, Trưởng ban tác chiến phải chấn chỉnh lại sở chỉ huy và giúp bên cơ quan Mặt trận tổ chức vị ta chỉ huy, cho người đào công sự đồng thời cho các đồng chí ấy mượn một số cuốc xẻng. Nhắc xong, tôi sang bên chính trị, hậu cần kiểm tra tình hình mọi mặt, rất mừng khi nghe dân công huyện Yên Thành, Nghệ An đã chuyển đủ đạn, gạo đến trận địa, có nhiều tấm gương dũng cảm.

      Một lúc lâu sau trở về sở chỉ huy lại thấy các phái viên của Mặt trận vẫn còn ở đó, cười nói ồn ã, tôi chợt nghe thấy tiếng ai đã nói "ăn cơm rau muống không bằng tình huống ông Chuông", rồi lại cười khúc khích, chẳng hiểu có ngụ ý gì. Tôi bước vào. Đang bực mình, tôi nói không còn biết giữ miệng:

      - Cười gì mà cười lắm thế? Sao các anh trên cơ quan Mặt trận không về vị trí, còn ngồi lẫn lộn với trung đoàn để ngửi rắm nhau à?

     Thật ra, tôi rất tôn trọng và quý các anh. Vì sự thật là các anh đã giúp đỡ chúng tôi được nhiều việc trong những năm ở bên chiến trường nước bạn. Nhưng lần này, do tức với trên, giận cá chém thớt, tôi đã thốt ra câu nói sai trái ấy. Bây giờ nghĩ lại càng thấy là sai cho nên qua dòng ghi chép này, tôi muốn được xin lỗi các anh.

     ...Lại nói khi về sở chỉ huy gặp anh Nam Hà, anh hỏi ngay:

     - Đơn vị vào chiếm lĩnh đến đâu rồi?

     - Báo cáo, tất cả các hướng, bộ đội đã vào vị trí an toàn.

     Anh Nam Hà không nói gì. Lúc này đã 20 giờ, trăng đang lên tỏa ánh sáng lấp lánh qua các vòm lá rừng. Tôi mừng thầm. Thế là bộ đội có thể chuẩn bị chiến đấu được thuận lợi hơn.

     Pháo địch vẫn ình oàng cầm canh. Máy bay vẫn thả bom tọa độ khi xa khi gần. Đèn dù pháo sáng, dường như không có lúc nào thiếu vắng trên trời, dập dờn bay theo chiều gió, nhạt nhòa trong ánh trăng.

    Chuông điện thoại reo lên. Anh em báo cáo đã vây gọn khu hai. Đài quan sát báo cáo tình hình địch không có gì thay đổi, các đơn vị đã vào vị trí, chờ lệnh nổ súng. Như vậy là quân ta đã đến rất gần mà địch vẫn chưa biết.

     Chỉ còn mười phút nữa thì đến giờ nổ súng. Nghe báo cáo, tôi rất mừng mà vẫn không khỏi hồi hộp. Tình huống của trận đánh này là một thử thách vô cùng quyết hệt đối với tôi; nó buộc tôi phải thận trọng hơn bất cứ lần chỉ huy trận đánh nào trước đây. Nghĩa là tôi phải bảo đảm chỉ có thắng, không thể thua. Trách nhiệm và danh dự ngầm bảo tôi như vậy.

     Mười phút qua nhanh. Anh Nam Hà nhắc tôi:

     - Đến giờ rồi, phát lệnh nổ súng đi.

     Trận đánh diễn ra không kém phần ác liệt. Tiếng pháo cối to nhỏ, rồi tiếng trung liên, đại liên nổ rung chuyển cả núi rừng, đạn lửa đan chéo ngang trời, chớp lửa nhoàng nhoàng xé toang màn đêm sáng cả một vùng rừng.

     Các đài quan sát báo cáo pháo ta bắn áp chế khu trung tâm đúng chỉ huy sở và trận địa pháo địch. Bộ đội đánh khu hai đã đến sát hàng rào, đang đào công sự. Pháo ĐKZ và cối bắn rất trúng đã đánh sập ba ụ súng, dập tắt hỏa điểm lợi hại trên hướng đánh vào điểm ba của khu hai. Địch phản ứng yếu ớt.

    Nghe báo cáo tình hình, tôi rất mừng. Anh Nam Hà cũng tỏ thái độ hòa vui cùng chúng tôi. Anh nói:

      - Bộ đội đánh thế là được đấy.

    Đúng lúc đó có điện của Mặt trận gọi anh Nam Hà về. Tôi bịn rịn tiễn chào anh. Đến lúc này, hình như chúng tôi đã thông cảm với nhau hơn. Anh bắt tay tôi và xúc động nói:

     - Cậu chỉ huy, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

     - Vâng! Anh đi đường thận trọng.

     Nghe tiếng bom nổ mạnh và liên tục từ Dốc Quế từ phía Bộ chỉ huy Mặt trận, tôi cũng thấy lo lo. Anh Nam Hà động viên tôi:

    - Cậu yên tâm.

     Lại nói về trận đánh tiếp tục diễn biến hết đêm hôm đó cho đến buổi sáng hôm sau, quân ta đã phá thêm hai hàng rào, sáu ụ súng lô cốt, làm sập nhiều đoạn hào ở điểm 5, điểm 9 phá được một hàng rào, ba ụ súng; điểm 11 chưa thấy báo cáo kết quả. Khu một trung tâm chỉ huy sở của địch bị trúng đạn pháo nặng nề, cụm kho bị cháy, trận địa pháo bị nặng nên địch bắn ra rất thưa thớt, không thấy .chúng đi lại nhiều như hôm trước. Địch ở khu ba nằm im...

     Tham mưu nhận định: Bộ đội ta đánh tốt, cứ đà này, có thể chuẩn bị ngay cho Đại đội 1 và Đại đội 19 đặc công tối nay tập trung đánh dứt điểm 3. Tôi nhất trí với nhận định trên và ra lệnh cho tham mưu chỉ đạo ngay những công việc cần làm, nhất là tổ chức kiểm tra các đội đột kích về cách xung phong đánh địch trong chiến hào; hầm ngầm. Thời gian chờ trăng lên mới tấn công tức là hai mươi mốt giờ thì nổ súng. Kế hoạch là pháo bắn chế áp ba phút nữa là chuyển làn sang điểm 5, điểm 9, bộ đội phải xung phong đánh điểm 3 ngay, không được trù trừ, phải cướp lấy thời gian lên chiếm chiến hào trước địch để áp sát tấn công diệt hỏa điểm hầm ngầm. Lúc này súng 12,7 ly bắn đạn lửa lên trời, bộ đội cần biết rõ để từng bộ phận tìm nhiệm vụ vây lấn phải vây chặt, lấn sát hơn nữa, không cho trực thăng hạ cánh đổ quân xuống hoặc bốc quân lên. Bám thật gần địch để đánh địch thì không lo máy bay của chúng bắn vào trận địa của mình.

     Đang hào hứng với kế hoạch tấn công dứt điểm vị trí trong đêm nay thì có tin Thủ trưởng Linh, Thường vụ Đảng ủy, phó Chính ủy Mặt trận cùng một số phái viên và cán bộ kiểm sát xuống trung đoàn làm việc. Sau cuộc đón tiếp nửa vui nửa ngỡ ngàng, anh Linh bảo tôi:

     - Anh cứ chỉ huy, tôi làm việc với anh Quân, anh Lạc.

     Tôi thầm nghĩ, chắc là việc của mình đây. Nhưng chẳng có gì mà sợ. Quá lắm là đi tù, không thì mất chức, về làm anh dân thường là cùng. Chỉ nghĩ mà buồn và tức nữa. Khi mình suy tính đến những điều tết nhất, thuận lợi nhất cho trung đoàn và cho trận đánh nhất định phải chiến thắng thì các ông ấy lại cho là chống lệnh. Phải cố gắng lắm tôi mới không bị phân tán tư tưởng để tập trung suy nghĩ vào việc chỉ huy trận đánh Bản Na này mà tôi hiểu, nó phải chứng minh được với cấp trên là tôi đúng.

     Làm việc với anh Quân, anh Lạc xong, anh Linh nghe tôi báo cáo về tình hình chiến đấu của bộ đội, đến hai giờ chiều, anh về trên Mặt trận và không hỏi han thêm.

     Nhưng chẳng hiểu sao, trong sở chỉ huy trung đoàn lại xôn xao lên nhiều chuyện xung quanh số phận của tôi. Tôi hỏi anh Quân, anh Lạc và Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng đang ngồi bàn bạc gì đó để biết xem anh Linh chỉ thị những gì cho trung đoàn, anh Quân chậm rãi nói:

     - Thì vẫn chỉ là vấn đề công tác chính trị tư tưởng và tổ chức.

     - Nhưng anh ấy bàn cụ thể là việc gì? - Tôi hỏi anh Quân - Sao tôi nghe thấy anh đề nghị với anh Linh là cứ để tôi chỉ huy xong trận này đã. Như thế nghĩa là thế nào?

     - Có chuyện đó, nhưng chẳng sao anh ạ.

     Chủ nhiệm Chính trị Lạc tiếp lời:

     - Có chuyện về Thủ trưởng, cũng hơi găng đấy. Chúng tôi bàn nhiều mặt, sẽ báo cáo Thủ trưởng sau. Mà đâu chỉ có việc Thủ trưởng.

     - Thì tôi cũng hỏi các anh để hiểu thêm sự đời. Chứ làm anh cán bộ quân sự là phải chịu những thử thách như thế. Tôi ở Trung đoàn 165 từ trước khi thành lập sư đoàn và ở Sư đoàn 312 từ ngày thành lập đến nay: Tôi nhận thấy các lớp đội ngù cán bộ trưởng thành trong sư đoàn đã đánh nhiều trận, đánh giỏi nữa là khác, hầu như ai cũng phải trải qua một hai lần đau xót, cay đắng vì thua trận. Chỉ có điều, qua những lần thua đó lại giúp nhau rút kinh nghiệm đúc kết thành bài học bồi dưỡng cho nhau, kết quả là trưởng thành và đoàn kết hơn. Tất cả như quy luật để có Sư đoàn 312 vững mạnh như ngày nay. Ngay Thủ trưởng Lê Trọng Tấn, Sư đoàn trưởng 312 đầu tiên tài giỏi là thế mà trận đầu tiên tập trung cả sư đoàn đánh Nghĩa Lộ năm 1951 cũng có thể gọi là thua đấy. Song chính anh ấy đã nhận ra bài học quý báu cho những trận sau, trận nào cũng thắng…

      Tôi nói như muốn tâm sự với mọi người về tất cả những gì đã nghĩ và đã làm, cuối cùng tôi không quên nhắc lại một cách rành rõ rằng, khi trung đoàn không đánh theo phương án của trên thì không phải chúng ta coi thường và không nên nghĩ rằng như thế là chống lệnh.

     - Không! - Tôi nói tiếp - Chúng ta không chống lệnh. Chính là chúng ta dám chịu trách nhiệm trước cấp trên, khắc phục mọi tình huống bảo đảm đánh thắng trận này. Đang tiếc là trên chưa hiểu đầy đủ cái yếu và cái mạnh của chúng ta. Chứ còn việc bàn bạc chọn phương án tối ưu nào trong chiến tranh để đảm bảo đánh nhất định thắng là chuyện bình thường vẫn diễn ra. Với trận Bản Na này, bây giờ không còn là lúc bàn cãi về phương án này hay phương án kia mà các đồng chí hãy yên tâm đi, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và tôi tin rằng các cán bộ chiến sĩ trung đoàn ta sẽ có đáp số trả lời đó là nhất định thắng…

      Trận đánh mỗi lúc thêm quyết liệt. Đến ba giờ chiều, quân địch phản ứng mạnh lên. Pháo đấu pháo. Súng bộ binh chọi súng bộ binh. Súng 12,7 ly ngăn chặn bọn máy bay thả dù hàng. Địch cho máy bay B52 rải bom xung quanh Bản Na. Đạn bay, bom nổ, đất trời Bản Na mù mịt khói lửa ngỡ như khó có thể còn sự sống ở đây.

     Chúng tôi thay nhau quan sát, vừa lo cho chiến sĩ ở phía trước, vừa nghĩ về trận tấn công dứt điểm đêm nay. Sau mỗi đợt địch dội bom, chúng tôi lại gọi điện thoại lên phía trước để nắm tình hình. Nghe anh em báo cáo vẫn an toàn, lòng mừng khôn xiết. Đến mười bảy giờ, cơ quan tác chiến tổng hợp báo cáo tình hình, chúng tôi nghe ai cũng vui vì biết tin các đơn vị đều vẫn an toàn mà ở cao điểm 3 ta đã phá thêm bốn ụ súng và các hàng rào đã mở xong, địch không dám lên chiến hào, bọn thả dù đều thả ra ngoài trận địa ta, có dù toàn gà đã mổ sẵn, có dù bánh mì, có dù bắp cải, hành tây… Chỉ có hai dù lọt vào bên trong hàng rào nhưng không có tên địch nào dám ra gỡ. Tôi nói với anh em tác chiến:

     - Đánh thế là tốt. Cho tôi gặp Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 với hai cán bộ Đại đội trưởng Đại đội 1 và Đại đội 19 đặc công.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #42 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2009, 04:03:17 pm »

      Nghe anh em báo cáo đã đưa các mũi trưởng lên quan sát cửa mở, giao nhiệm vụ và chỉ thị mục tiêu rồi, tôi mừng lắm, liền hỏi:

     - Thế đêm nay bảo đảm đánh tốt chứ?

     - Bảo đảm đêm nay dứt điểm ạ?

     - Còn băn khoăn gì nữa không?

     - Chúng tôi rất yên tâm, bảo đảm chắc thắng ạ.

     - Bây giờ lấy lại đồng hồ cho thống nhất đi nhé. Cuối cùng tôi nhắc lại, nhớ nhé: Trăng lên, đúng mười một giờ nổ súng, nhưng hai mươi giờ bộ đội phải có mặt ở vị trí tấn công xung phong.

     - Báo cáo, tất cả chúng tôi nghe rõ.

     - Bây giờ thời gian còn, cần kiểm tra nhiệm vụ chiến sĩ. Còn chuyện các dù tiếp tế của địch, ta lấy được, cứ cho anh em sử dụng.

     Nói chuyện với các cán bộ ở phía trước xong, tôi thấy rất yên tâm, liền bàn bạc thêm với tác chiến chắc đài quan sát chú ý bám sát tình hình địch, nhắc nhở đơn vị pháo binh về kế hoạch hợp đồng…

     Không khí sở chỉ huy nhộn nhịp hẳn lên. Trời tối dần. Sương buông nhè nhẹ. Bản Na mờ dần trong sương, thỉnh thoảng lóe lên ánh lửa hoặc tia chớp từ quả lựu đạn nào đó địch bắn ra từ trong đồn.

     Mười chín giờ, các hướng bộ đội đã xuất kích. Hai mươi giờ, tác chiến nhận báo cáo các đài quan sát gần xa, các đơn vị pháo binh, hai Đại đội 1 bộ binh và Đại đội 19 đặc công đã sẵn sàng chờ lệnh tấn công dứt điểm.

     Tôi vô cùng hồi hộp nghĩ về công tác chuẩn bị và ý thức chấp hành mệnh lệnh chiến đấu của các cán bộ trong trung đoàn, càng thấy phấn khởi và tin yêu anh em nhiều hơn. Chỉ còn ba phút nữa là đến giờ tôi sẽ ra lệnh cho anh em xông lên đánh địch, nghĩa là xông lên lao vào nơi đầy khó khăn hiểm nguy để chứng minh lòng trung thành vô hạn với Đảng, với quân đội, thực hiện tình bạn chiến đấu cao cả đối với Quân đội Cách mạng và nhân dân các bộ tộc Lào. Tôi cũng không thể giấu được lòng mình rằng, chỉ ba phút nữa, trận đánh diễn ra, tất cả sẽ giải tỏa cho mọi nỗi hiềm nghi và khẳng định cái đúng cái sai mà tôi sẽ là người phải gánh chịu hoặc thế này hoặc thế khác. Tôi tin tưởng vào sự tính toán của mình và khả năng của đơn vị song cũng hồi hộp, hồi hộp hơn bất cứ trận đánh nào trước đó trong đời người chỉ huy của tôi…

     Đang suy nghĩ thì Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng đến nhắc, đã tới giờ nổ súng. Tôi nhìn đồng hồ rồi lập tức ra lệnh. Tiếng các cán bộ tác chiến, thông tin tiếp lệnh truyền đi sôi động, chỉ sau chớp mắt đã nghe tiếng nổ của các loại pháo cối dội lên rung chuyển khắp núi rừng. Tôi theo dõi hết ba phút pháo cấp tập xuống điểm 3 liền ra lệnh cho chuyển làn sang điểm 5, điểm 9, súng 12,7 ly bắn đạn
lửa soi đường và uy hiếp địch cho bộ đội xung phong diệt điểm 3.

     Đã sáu phút. Tôi không nghe tiếng nổ trong điểm 3, cả súng địch và súng ta đều im ắng, mà hai Đại đội 1 và Đại đội 19 đặc công cũng chưa báo cáo về. Tôi thực sự hồi hộp và lo lắng. Điều gì đang xảy ra cho bộ đội ta khi xung phong diệt điểm 3. Lát sau đài quan sát báo cáo đã nghe tiếng AK nổ trong điểm 8. Đến lúc này tôi cũng bắt đầu nghe được tiếng nổ ùng oàng trong đồn địch và từng loạt AK. Tôi đoán rằng anh em đã chiếm được các chiến hào.

     Mười phút sau, anh em mowsi báo cáo về là đã chiến được đồn giặc, song mới chỉ chiếm trên mặt đất, chưa diệt được hầm ngầm. Tôi nghe như trút được gánh nặng. Nhiều đồng chí reo lên. Sở chỉ huy rộn rã tiếng nói tiếng cười. Tôi để mặc cho anh em được thỏa thích bởi vì tôi cũng đang vui không kém, cũng muốn reo lên như tất cả mọi người.

     Sau một giờ chiến đấu vẫn nghe báo cáo về là địch dưới hầm ngầm không chịu đầu hàng, gọi mãi mà không một tên nào lên hết. Tôi lệnh cho đơn vị dùng lựu đạn, thủ pháo và B41 đánh mạnh hơn nữa.

     Thật ra có còn đứa nào sống sót trong hầm ngầm nữa đâu. Mấy tầng hầm ngầm, quân địch rúc vào trong đó hy vọng sẽ được che chở. Ta đánh được tầng trên, tưởng xong té ra còn tầng dưới nữa. Quân địch quá tin vào cái vỏ xi măng cốt thép nằm ngầm dưới đất, nào ngờ nó lại trở thành nắp quan tài khổng lồ vùi sâu cả một xô một xốc cái kiếp đánh thuê cho đế quốc Mỹ.

     Tôi gọi điện khen hai Đại đội 1 và Đại đội 19 đặc công đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và ra lệnh rút về vị trí đã định, giao lại nhiệm vụ chốt giữ cho bộ phận vây lấn. Đội vận tải sẽ lên thu dọn chiến lợi phẩm. Kế hoạch tiến công dứt điểm 5 và điểm 9 được chuẩn bị ngay. Hai Đại đội 2 và 3 của Tiểu đoàn 4 nhận lệnh sẵn sàng. Sở chỉ huy được chuyển vào sát trung tâm Bản Na.

     Hôm sau, quân địch phản ứng vô cùng quyết liệt bằng máy bay và pháo binh. Chúng tôi vẫn vây chặt điểm 5 và điểm 9. Đến đêm, sau khi quân ta diệt xong điểm 5 và điểm 9, tôi nghe trinh sát báo cáo, địch ở điểm 11 tháo chạy. Tôi ra lệnh cho các đơn vị áp sát khu một trung tâm Bản Na và khu hai.

     Đúng lúc này tôi được điện báo là Tiểu đoàn 5 và Tiểu đoàn 6 sẽ trở về đội hình chiến đấu của trung đoàn. Mừng quá, tôi lệnh ngay cho Tiểu đoàn 6 về vị trí tập kết cũ chuẩn bị tấn công vào trung tâm Bản Na, Tiểu đoàn 5 về đánh khu 3.

     Suốt ngày hôm đó, địch phản ứng rất điên cuồng, chúng dùng cả máy bay chiến lược B52 rải thảm. Thật ra, dùng máy bay chiến lược vào nhiệm vụ của chiến dịch là thất sách rồi và đó là sự lúng túng trong cách đối phó. Dẫu sao, chúng cũng gây khó khăn cho việc điều chỉnh đội hình của trung đoàn. Té ra tất cả đều nằm trong kế hoạch tháo lui. Khi chúng cho trực thăng keso đến trung tâm Bản Na, tôi ngỡ là chúng đổ quân ứng cứu sở chỉ huy, nào ngờ chúng bốc quân tháo chạy. Khi các tiểu đoàn quân phái hữu ở khu một chạy, tôi mới biết giặc rút khỏi Bản Na, liền ra lệnh cho các đơn vị truy kích. Nhưng đã chậm, chúng tôi chỉ diệt được một số. Bắt sống ba mươi tên.
Mười chín giờ quân ta hoàn toàn giải phóng làm chủ tập đoàn cứ điểm Bản Na, kho tàng vũ khí thu được rất nhiều.

     Đến lúc này, tôi mới được thực sự yên tâm. Tôi giục tác chiến báo cáo ngay về Mặt trận là trung đoàn đã giải phóng Bản Na.
Bất ngờ lại nhận tin hướng chủ yếu, quân ta chưa giải phóng được Long Chẹng đang rút ra, tôi phải lập tức bố trí lực lượng chốt giữ Bản Na để phòng địch phản kích chiếm lại.

     Vậy là tình huống đã xoay chuyển đúng như sự nhìn nhận đánh giá của tôi. Trung đoàn được các anh Nam Hà, Lê Linh, Lã Thái Hòa khen rất nhiều. Tôi cũng được các anh Mặt trận khen và không có bị phê bình kỷ luật gì cả. Nhớ cái lúc anh Lê Linh cùng cán bộ kiểm sát xuống cũng chờn chợn. Sau này nghe các anh kể lại mới biết cái tình huống đến với tôi có thể phải ra tòa án binh vì hành vi "chống lệnh" là có thật. May sao trung đoàn đã giải phóng Bản Na. Thiết nghĩ đây cũng là một bài học về phương pháp chỉ huy. Khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới, điều quan trọng bậc nhất là phải nhấn mạnh mục đích của trận đánh. Cần thực hành trận đánh ra sao, việc đó tùy thuộc vào tình hình mà người chỉ huy cấp dưới nắm được để quyết định lựa chọn phương án tác chiến thích hợp. Và cấp dưới phải đảm bảo chịu trách nhiệm với trên trước mọi diễn biến để làm nên chiến thắng.

     Bản Na trước giờ nổ súng có chuyện như vậy cũng chẳng có gì là lạ. Điều quan trọng là sau chiến thắng Bản Na, chúng tôi đã thông cảm và thân thương nhau hơn, mỗi người tự tìm thấy cho mình một cách ứng xử đúng đắn nhất trong mối quan hệ chỉ huy nhằm đạt cái đích cuối cùng là chiến thắng quân thù. 
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #43 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2009, 05:15:39 pm »

VỀ THĂM QUÊ

     Chiếc xe con đít vuông chở tôi xóc tung lên, lao thẳng tới bến phà. Xe dừng, tôi mở cửa bước vội xuống đất nhìn ra bốn phía chung quanh. Bến phà vừa bị ném bom, mặt đất sau cơn rung giật còn lảng vảng những làn khói xám. Bờ sông, đôi chỗ sâu hoắm hình miệng phễu, đất quanh hố bom sạm lại, đám cỏ dại nhàu nát, không khí còn khét mùi thuốc nổ. Đồng chí lái xe đi cạnh tôi xuýt xoa:

     - Giá Trung đoàn trưởng không bảo em dừng xe uống nước, cứ đi liền một mạch đến đây, hẳn thế nào cũng bị dính trận bom vừa rồi. Kể cũng may, em bảo em không khát. Thủ trưởng cứ bảo em dừng lại làm "hụm" trà cho đỡ buồn ngủ. Đi với Thủ trưởng bom đạn chặn đầu, khóa đuôi cũng nhiều, nhưng chưa bị trận nào sây sát, may thế.

     Cậu lái xe của tôi vốn là người nhanh nhảu mồm mép, gặp chuyện gỉ cũng bình luận, pha trò. Thấy tôi không trả lời, cậu ta biết mình nói không đúng lúc, vội quay lại:

    - Trung đoàn trưởng ơi! Trong lúc đợi phà em chợp mắt một lúc nhé.

     - Cứ ngủ đi, phà sang mình gọi.

    Tôi đi dọc bến phà, hỏi một người đứng tuổi:

    - Bác ơi! Trận bom vừa rồi có ai việc gì không?

    - Cao xạ mình bắn mạnh, bom bỏ trật hết, chết cá dưới sông, lở đất trên bờ, số người bị thương có ba thôi, toàn "ca" nhẹ cả.

    Đoàn xe nối nhau chuẩn bị qua phà, những đám lá ngụy trang cài trên thành xe vừa bị giật xuống, hoặc trơ ra đôi cành xơ xác. Một chiếc xe tải bị vỡ kính ca-bin, mình dính đầy đất nằm sát vệ đường, chung quanh xe có mấy anh lái, người cầm dây cáp lòng thòng, người cầm cờ- lê đi đi, lại lại Một "vị" lấy cái mũ cối cũ úp chụp xuống đất làm gối, ngả đầu hút thuốc thảnh thơi như chẳng có chuyện gì.
Khách đợi phà lúc đầu còn vây quanh chiếc xe hỏng, sau họ tản ra bên những hàng cây không lá và những hố cá nhân, dải đường hào chưa xanh màu cỏ. Có người xếp lại những nải chuối, trái dứa lên sọt, có người buộc lại bao bì lèn chặt sắn khô, mấy cô gái lấy gương soi lại đường ngôi hoặc nghiêng nón che nắng.

    Chuyến phà thứ nhất đã khẩn trương rời bến, chiếc xe con của tôi phải nhường đường cho chiếc xe hồng thập tự Tôi ngó vào buồng lái, cậu lái xe nằm ngoẹo đầu ngáy như máy nổ, chiếc khăn mặt khô cong choàng qua cổ, bàn tay trái đặt nhẹ vào vòng lái đỏ bụi. Đi mấy trăm cây số từ Nghệ An ra, đi suốt từ chín giờ đêm hôm qua đến giờ, xe chết máy chui vào gầm xe chữa máy, xe hỏng lốp phải vào binh trạm mượn lốp, trách chi cậu ta chả mệt. Ngay từ lúc đầu cậu lái xe đã báo cáo: “Em lái rất lành nghề, chỉ khổ nỗi là hay nói chuyện huyên thuyên, không nói là buồn ngủ, Thủ trưởng ạ. Mấy đứa bạn thường ví em với cái đài "ô ri-ông-tông" sáu pin đấy. Em bảo, ví von gì thì ví chứ đừng ví em với con vẹt, sao mà em ghét cái giống vẹt thế không biết. . . . Cậu ta “báo cáo" về mình một hồi, sau đó lại nói về tôi vanh vách: "Thủ trưởng quê ở làng Thượng Nung phải không? ông bố em cùng ở đơn vị với Thủ trưởng hồi đánh Pháp đấy, hồi đó Thủ trưởng làm Tiểu đoàn trưởng, còn bố em mới làm cán bộ tiểu đội. Hòa bình, bố em về hưu non, còn Thủ trưởng làm cán bộ trung đoàn. Ông bố em bảo Thủ trưởng nói tiếng dân tộc thạo lắm. Tiếng dân tộc và tiếng Lào chắc cùng na ná như nhau, Thủ trưởng nhỉ?". Suốt đoạn đường dài cậu ta vừa nói, vừa lái, câu chuyện ít khi dừng và xe cứ lao vun vút. Biết cậu ta không nói chuyện thì hay buồn ngủ, nên tôi phải chiều lòng, cho đến lúc tôi gà gật, trả lời nhát gừng cậu ta mới chịu buông tha. Lúc này, nhìn cậu ta ngủ, tôi nghĩ về những đoạn đường xóc và nỗi vất vả của người "lính xế" dọc đường. Đời lái xe như con chim nay dừng, mai đậu, trú đâu là nhà, nghỉ đâu là giương, ngủ trên buồng lái, ngủ dưới gầm xe, không cần chăn bông, gối đệm. Xe chạy đường trường, anh "lính xế" nào lỗ mũi cũng đầy bụi, quần áo cũng khen khét mùi xăng.

    Tôi không ngờ gia đình cậu lái xe vui tính kia chỉ cách nhà tôi khoảng chừng ba, bốn cây số. Nghe cậu ta kể về ông bố của mình, tôi chợt nhớ lại người bạn chiến đấu với tôi thuở trước . Tưởng ai xa lạ, thì ra bố cậu lái xe chính là chàng Hùng gầy cùng tôi đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Hồi nào còn cậu cậu tớ tớ, thế mà nay đã thành bạn "già", chóng thật.

    Cậu lái xe vẫn ngủ, phà còn đang xếp xe ở bờ bên kia. Bao giờ cũng thế, trong lúc đợi phà, tôi thường trèo lên gò đất cao ở bờ sông Đà nhìn về làng Thượng Nung. Con sông Đà lúc này thành khoảng cách giữa tôi với làng quê. Do sự nôn nóng muốn về quê, chuyến phà dù nhanh đến mấy tôi cũng cảm thấy chậm. Nhưng, những lần đợi phà đã gây cho tôi sự xúc động lạ lùng khi được đứng từ xa ngắm về quê hương.

    Chiều tháng sáu, trời trong suốt khiến tôi nhìn được xa hơn. Tôi khum tay che nắng, mắt đăm đăm nhìn về vệt tre xanh thẳm. Không nhìn thấy gì rõ rệt, nhưng tôi tưởng tượng ra tất cả. Mái nhà tôi cùng bao nhiêu mái nhà khác yên ả dưới vòm tre thân yêu. Những cái tên đồng Nung, đồng Bằng, đình Thuế, dốc Mái chợt hiện ra thành hình, thành khối. Mỗi lần đứng trên gò đất cao nhìn về làng đều cho tôi nỗi xúc động khác nhau. Có lúc, tôi hình dung ra mái nhà, cây đa, con đường vào làng. Có lúc, tôi nhớ tên người, tên đất. Chỉ cần qua phà, ô-tô đi một quãng đường ngắn, là tôi sẽ về đến làng. Tất cả những gì tôi đang mường tượng sẽ hiện ra rất rõ trước mắt tôi.

     Chợt một giọng nói lanh lảnh cắt ngang ý nghĩ của tôi:

     - Bác Chuông! Bác được về phép có lâu không?

    Một cô bé khoảng ngoài hai mươi tuổi, tay cầm nón che nắng đi lại phía tôi. Tôi chưa trả lời ngay, hỏi lại:

    - Cháu ở đâu mà trông quen quá, sao biết bác?

    - Bác không nhận ra cháu à? Cháu tên là Hoa, bạn với chị Bình con bác đấy mà. Mấy năm trước bác về phép cháu có sang chơi. Cháu tới nhà bác lúc tối, nhìn trộm bác rồi cháu vào buồng nói với chị Bình. Hồi ấy cháu còn bé xíu, giờ cháu lớn rồi, bác không nhận ra cháu là phải.

    - Thế mà cháu nhận ra bác, cháu nhớ giỏi thật.

    Cô gái cười rúc rích:

    - Chúng cháu mỗi tuổi mỗi khác, còn bác thì dạo về phép lần trước cũng thế, bây giờ cũng thế. Cháu nghe phong phanh bác đi chiến đấu ở chiến trường C phải không. Đi Lào, người nào cũng bị sốt rét bác nhỉ?

    Cô gái nói câu "chiến trường C” một cách tự nhiên làm tôi bật cười.

    - Cháu lại biết cả bác đi chiến trường C nữa à. Thế thì cải Bình phải gọi cháu bằng chị mới đúng, chính nó vẫn biên thư hỏi bác: Bố ở chiến trường nào, bác bí mật không nói, sao cháu biết?

    Cô gái được dịp càng bẻo lẻo:

    - Bác nói thế chứ, người làng mình đi B đi C có giấu cũng không được. Chúng cháu chỉ đoán mò mà đúng như đinh đóng cột. Qua thư từ gửi về lâu hay chóng cũng đủ biết rồi. Cháu còn biết ở Lào có sáu tháng mưa, sáu tháng nắng, mùa mưa thì vô hồi măng rừng, rau sâm nữa cơ…

    - Thôi bác đoán không lầm, đúng người yêu của cháu để lộ bí mật mất rồi.

    Nét mặt cô gái chợt đỏ ửng lên vì e thẹn:

    - Bác nói oan cho cháu, anh ấy mới chỉ là bạn thôi. À, đơn vị bác có người nào cùng làng tên là Minh không? Anh Minh con bác Mỵ ấy mà!

    Nghe cô gái nói đến "anh Minh con bác Mỵ”  tôi chợt lặng người vì xót xa. Trong chiến tranh, có nhiều chuyện đến không thể ngờ được. Minh, người chiến sĩ trinh sát đã hy sinh, còn cô gái thì chưa hay biết, cô vẫn kể về "anh ấy" bằng giọng nói hồn nhiên của lứa tuổi hai mươi biết yêu thương chờ đợi.
- Rừng Lào mênh mông, người làng ta gặp nhau hẳn khó lắm. Mà bác có gặp bác cũng chẳng biết anh ấy đâu, đến về làng bác còn lạ cả chúng cháu nữa huống hồ ở mặt trận người đông như nước.
Cô gái vừa nói bẻo lẻo vừa cười rúc rích:
- Mấy tháng nay anh ấy không gửi thư về, người đâu mà gan cóc tía. Còn cháu, tháng nào cũng gửi cho anh ấy một lá thư theo quy ước. Thư từ đây đi Lào lâu lắm, bác nhỉ?
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #44 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2009, 07:37:44 pm »

       Con phà ở bờ bên kia phải đi vòng doi cát nổi giữa sông mới sang được bên này. Nó lao ngược lên lớp sóng bạc đầu băng qua vùng nước xoáy, tiếng máy nổ rền vang hối hả. Tôi nhìn con phà sắp cập bờ nói rất nhanh:

     - Thôi phà cập bến rồi. Bác phải xuống bến trước đây. Cháu có về cùng xe với bác không?

     Không để ý đến nét mặt tôi, cô gái nghiêng nón, ánh nắng chảy tràn trên màu áo xanh lam:

     - Giá được đi nhờ xe bác thì tiện quá. Nhưng cháu phải ở bên này đến mai để tổ chức đám cưới cho bạn cháu. Chồng nó mới ở chiến trường ra bác ạ. Thôi chào bác, ngày mai về sớm cháu đến thăm bác, bác nhớ kể cho cháu nghe chuyện chiến trường Lào, bác nhé?

     Cô gái đi rồi, trước mắt tôi hiện ra hình ảnh Minh, người chiến sĩ trinh sát trung đoàn. Cách đây hai tháng, tôi theo đồng chí liên lạc cắt rừng xuống kiểm tra đơn vị vận tải. Chợt từ trong đám cây lúp xúp, một chiến sĩ tay xách một xâu măng rừng, lưng đeo một ba-lô hoa chuối đi lại phía tôi:

      - Thủ trưởng cho em xin tí lửa ạ.

     Tôi dừng lại móc bật lửa đưa cho người chiến sĩ:

     - Hút thuốc hả? Sang quá nhỉ, cho mình xin điếu nào?

     - Em chỉ có thuốc lào thôi. Thủ trưởng... hút được không ạ.

     - Hút được hết. Thôi, không phải cuộn lá nữa, mình có sẵn điếu đây rồi.

     Người chiến sĩ nhìn chiếc gậy Trường Sơn có lắp sẵn nõ điếu của. tôi tủm tỉm cười. Đợi tôi hút xong thuốc, người chiến sĩ hỏi:

     - Thủ trưởng có phải là người làng Thượng Nung không ạ? Em ở cùng xã với Thủ trưởng đấy, em tên là Minh, lính trinh sát Đại đội 20, bố em tên là Mỵ...

     - Chà, con ông Mỵ đã lớn thế này rồi cơ à. Minh biết người làng ta ở trung đoàn này nhiều, nhưng chưa gặp hết được. Cậu giống tính ông bố, hút thuốc lào từ bé.

     - Em định lên thăm Thủ trưởng mấy lần, nhưng vào chỗ chỉ huy ngại lắm. Lần này thấy Thủ trưởng, em giả vờ xin lửa hút thuốc để hỏi thăm tình hình quê hương, chứ em có nghiện ngập lắm đâu.

     Từ đó, biết tôi bận nhiều việc, thỉnh thoảng Minh mới đến thăm tôi một lát rồi lại vội vã đi ngay. Có lần, trước khi ra về, Minh rụt rè hỏi tôi:

     - Thủ trưởng ơi! Đêm nay tiểu đội trinh sát chúng em đi vào đồn nắm tình hình địch. Mấy đứa trong tiểu đội bảo em: Mày là người cùng làng với ông Chuông, thử tán tỉnh xem có được ít thuốc lào mang về không. Chỉ cần mỗi đứa một điếu, trời rét thế này, đi trinh sát về, rít một hơi thì thoải mái. Em hứa với chúng nó…

     Tôi vỗ vào vai Minh cười vui vẻ:

     - Lính trinh sát các cậu hào phóng lắm. Hôm nọ đánh đồn, bao nhiêu thuốc chiến lợi phẩm thơm nức mùi, các cậu đem biếu cơ quan và thủ trưởng. Hôm nay lại ngửa tay xin từng điếu thuốc lào, thú vị thật. Để mình lục túi xem nhá.

     Cũng may, ba - lô của tôi còn độc nửa gói thuốc lào và một bao thuốc lá sư đoàn gửi tặng. Tôi gửi lại nửa gói thuốc lào và đưa gói thuốc lá cho Minh:

     - Cậu bảo anh em đừng "phá" vội nhé. Đi trinh sát về hãy hút mừng hoàn thành nhiệm vụ.

     Minh cầm bao thuốc trong tay sung sướng như trẻ con được quà:

       - Em xin thuốc lào lại được thuốc lá. Thủ trưởng ưu tiên lính trinh sát quá chừng. Em sẽ nói với Tiểu đội trưởng, khi nào làm xong nhiệm vụ mới được hút thuốc. Riêng em, xin hứa với Thủ trưởng mãi mãi xứng đáng là con đẻ của làng Thượng Nung. Báo cáo, em về ạ!

     Minh khoác vội khẩu AK báng gập trước ngực, chào tôi rồi nhảy phắt qua dòng suối hẹp. Tôi nhìn theo bóng cậu ta mất hút trong rừng mà nghĩ về thằng Sơn, con trai tôi, phải rồi, nó chỉ kém Minh chừng ba, bốn tuổi…

      Vài ngày sau, Tiểu đội trưởng trinh sát gặp tôi nói như khóc:

     - Báo cáo Thủ trưởng! Cậu Minh người làng với Thủ trưởng hy sinh rồi. Bao thuốc của Thủ trưởng cho tiểu đội trinh sát chúng tôi, Minh đáng được hút nhiều hơn, nhưng nó chẳng bao giờ được hút nữa.

     Ngừng một lát, Tiểu đội trưởng trinh sát kể tiếp:

      - Đêm qua, tổ trinh sát của Minh vượt qua trạm gác và bốn hàng rào vào đồn. Sau khi đo được độ dày công sự, đánh dấu được mục tiêu nổi, mục tiêu chìm, quan sát được kho đạn dược, nắm được quân số địch thì đồng chí Thìn và Minh đều bị thương vì lựu đạn mỏ vịt của địch. Minh bị thương nhẹ hơn nên dìu Thìn qua chướng ngại vật, đến hàng rào cuối cùng thì Minh hy sinh. Chúng tôi cõng Minh về đơn vị lấy nước nóng rửa vết máu, bụi đất nơi vết thương, vuốt mắt cho Minh lần cuối cùng. Đôi vai trần của Minh sây sát vết cỏ tranh và chen dày gai cây xấu hổ…

     Ai ngờ, từ hôm đưa cho Minh bao thuốc lá, Minh không còn trở lại gặp tôi nữa. Ở chiến trường, tôi đã chứng đến nhiều sự hy sinh khác nhau. Là người chỉ huy một trung đoàn, tôi phải luôn luôn nén xúc động trong nhiều trường hợp mất mát. Tôi biết ở cương vị mình cái vui, cái buồn đều dễ lây sang người khác. Anh em nhận xét tôi tính tình thay đổi bất thường, đang nóng chợt lạnh, đang vui vẻ chợt nghiêm trang, đang lúc gay cấn nhưng vẫn bình thẫn. Kể ra, nhận xét trên có phần đúng, tôi thay đổi tính tình luôn cũng là do công việc. Việc cần động viên, việc cần mệnh lệnh, có việc cần vui cho mọi người vui, có việc cần gay gắt cho mọi người bớt chủ quan. Mấy năm ở cương vị chỉ huy, công việc đã tạo cho tôi cá tính ấy một cách tự nhiên, không hề gò ép.

     Trước mặt cậu tiểu đội trưởng trinh sát vừa nói vừa khóc, tôi vẫn tỏ vẻ bình thản, nhưng thật ra trong lòng tôi đau nhói như bị vết cứa. Tôi nói giọng khô khan:

      - Thôi, mình rõ chuyện rồi. Trong các trận đánh tránh sao khỏi hy sinh, lúc này phải dồn sức cho thắng lợi, khơi sâu nỗi buồn không có ích gì đâu…

      Thấm thoắt mùa khô trôi qua, đơn vị kết thúc một chiến dịch. Sang mùa mưa, sư đoàn tạm rút về củng cố, chuẩn bị cho chiến dịch tới, tôi được về tranh thủ vài, ba ngày. Gặp cô gái tôi lại nhớ tới Minh, nhớ tới một thế hệ trẻ mặc màu xanh áo lính đi chiến trường. Quê tôi như trăm nghìn vùng quê khác được nối với chiến trường bằng tình cảm nhớ thương, chờ đợi. Tôi hiểu ra một điều hết sức đơn giản: Sự hy sinh ở chiến trường gắn bó với sự đóng góp của hậu phương, cũng như cái chết của Minh có quan hệ đến cuộc đời cô gái...

      Phà đã cập bến. Tôi đến chiếc xe con đập nhẹ vào vai cậu lái. Đang ngủ say, thấy có người đánh thức, cậu ta nhổm người, mắt còn nhắm tít đã nói:

      - Thủ trưởng ơi? Phà đã sang rồi ạ.

      Đưa bàn tay dụi mắt, cậu lái xe nói tiếp:

     - Em ngủ có được một tiếng đồng hồ không Thủ trưởng? Trời ơi, xương cốt em đang đau như dần, ngủ một giấc thấy dãn hẳn ra, ngủ đường ngủ chợ ngon thật.

      Chưa nói dứt câu, cậu lái đã lách chiếc xe con vượt qua mấy chiếc xe lớn lao tới đầu hàng.

     Một người trạc gần bốn mươi tuổi mặc áo cộc tay, đội mũ rộng vành, mồm ngậm còi thổi vài tiếng toe toe rồi vẫy vẫy, chỉ trỏ ra hiệu cho từng xe xuống phà. Xe xuống vừa hết, đoàn người ùa theo, con phà chật ních người. Tiếng máy dội lên mạnh hơn, tiếng xích sắt loảng xoảng. Con phà rời bến, nước sông Đà cuộn lên những đợt đỏ ngầu.

      Phà đã sang bờ. Khách vừa lên hết, chiếc xe con đít vuông đã bám theo chiếc xe tải đi trước, cậu lái thò đầu ra ngoài rồi rồ ga, bóp còi "pin, pin” làm mấy cô gái đi bộ cười ré lên.

     Thấy tôi đứng đợi, cậu lái xe mở cửa đánh roạt. Tôi vừa ngồi xuống ghế, chiếc xe đã vọt đi, cậu lái bắt đầu “mở máy":

     - Thủ trưởng? Đi đường dài đợi tàu, đợi phà, đợi xe đều sốt ruột cả. Nhưng đợi phà ở bến Trung Hà này em thấy lâu nhất, giá như nhà mình ở bên kia sông làm gì đến nỗi chờ đợi thế này. ấy là em chưa có con nhỏ, chứ Thủ trưởng thì nhiều cái nhớ ập đến lắm. Giá thử bây giờ, xe chết. Thủ trưởng có đi bộ về không?

     - Mình sẽ ở đây, nếu xe bị liệt hẳn, thì cả hai thầy trò ta nằm lại dọc đường. Mình đã bảo, vợ chồng mình trước sau như một mà. Phải đâu như tuổi xuân phơi phới của cậu.

      Biết tôi tán vui, cậu lái xe cười:

     - Em thấy Thủ trưởng đặt tên con lạ thật, tên người gắn với tên đất nghe dẻo như kẹo mạch nha ấy. Này nhé: Cô Bình sinh năm hòa bình, thằng Sơn là dạo Thủ trưởng ở Sơn Tây về tranh thủ, cái Nguyên là hồi Thủ trưởng đóng quân ở Thái Nguyên. Còn đứa thứ tư thì sao lại tên là Thêm, Thủ trưởng?

     Cậu điều tra mình cặn kẽ quá thế. Đứa thứ tư tại vợ chồng mình bị nhỡ kế hoạch nên đặt tên là Thêm chứ sao nữa.

     Cậu lái xe càng được dịp:

     - Thế sau cái Thêm Thủ trưởng định đặt tên con là út hay ít?

     - Thêm có nghĩa là thôi đấy. Cậu không thấy đầu mình đã chớm bạc rồi sao? ở đơn vị mình được gọi bằng đồng chí, bằng anh, về nhà người gọi bằng bác, kẻ gọi bằng ông, thế mới hay chứ!

     Trong óc tôi, bỗng lướt qua hình ảnh những lần về phép. Chín năm kháng chiến, tuổi trẻ chúng tôi thường sống ở rừng sâu, mặt trận. Mười sáu tuổi ra đi, quê hương đối với tôi hồi đó chỉ gợi về một quãng đời niên thiếu chăn trâu hoặc những buổi chiều ra đồng thả lưới. Mỗi tên làng, tên đất được đánh thức qua câu chuyện nhớ nhà hoặc vài ba lá thư viết vội. Khi tôi bị thương ở Điện Biên Phủ, vùng quê nhỏ bé, xa xăm chợt tái hiện trong tôi rõ nét nhất. Tôi bỗng nhớ rạch ròi từ cánh đồng Nung xanh lúa, cái giếng Giữa ngọt ngào, đến cây khế chua ở góc vườn mỗi mùa ra quả. Dường như lúc tôi nghĩ đến quê hương, thì tình cảm xốn xang, mãnh liệt lắm. Tôi khao khát vài ngày nghỉ phép thăm nhà.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #45 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2009, 07:43:46 pm »

      Một buổi sớm, ở viện ra, hay nói đúng hơn, tôi cố tình xin ra viện, tôi hỏi thăm ra bến xe Kim Mã để lấy vé về Trung Hà. Sau mấy tháng nằm viện, tôi tập đi nhiều lần, nhưng đầu gối bên phải bị đạn nên cử động chưa đều. Lưng đeo ba-lô, tôi kiên nhẫn bước trên hè phố Hà Nội. Đến bến xe Kim Mã, xe đi Trung Hà đã chật ních người. Thấy tôi tập tễnh đeo ba-lô, người lái xe vui vẻ xếp cho tôi một chỗ ngồi. Chiếc xe phóng qua Nhổn, qua Phùng, qua thị xã Sơn Tây. Tôi ngồi trong xe, dán mắt nhìn những cột số, quán nước, mái rạ, mái ngói, hàng cây hai bên đường. Người lái phụ thỉnh thoảng nhắc tôi đừng thò đầu ra ngoài kẻo xảy ra tai nạn.

      Bến phà Trung Hà hồi đó là bến đò, dòng sông Đà chưa nổi lên những doi cát ở giữa. Hai triền sông xanh rì ngô, chuối nối. liền với chòm xóm xơ xác, cạnh đó, lô nhô vài chiếc lô-cốt màu xám xịt. Lối xuống bến đò, người ta chăng dây thép gai ngăn cách con đường với vạt đất bậc thang vừa trồng khoai, tra hạt. Vài quán hàng đặt dưới vòm tre, khách qua đường vừa trú nắng vừa uống nước.

     Chín năm đi xa, lúc đợi đò về quê lòng tôi không khác gì lửa đốt. Tôi đi đi, lại lại.quan sát khắp lượt bến phà rồi ngóng về phía làng. Ngồi xuống, đứng lên đều bồn chồn, ngóng về làng mỏi mắt, lại dõi nhìn những mái chèo đang khỏa nước. Tôi nóng lòng chờ đợi, con đò vẫn chậm chạp một cách vô tư. Chân chưa bước về tới quê, tôi đã mường tượng ra cảnh sum họp gia đình. Hồi đó, tôi mới hai mươi sáu tuổi, bằng tuổi cậu lái xe, nhưng nét mặt tôi có phần già trước tuổi.

     Thấy tôi im lặng, cậu lái xe gợi chuyện:

     - Thủ trưởng nghĩ gì mà mủm mỉm cười thầm vậy? Em đoán Thủ trưởng đang nghĩ về cái cảnh bà con hàng xóm đến chơi, tối nay nhà Thủ trưởng hẳn vui hơn tết.

     - Mình đang nghĩ lại lần về phép đầu tiên. Hồi đó, vợ chồng mình được cô con gái đặt tên là Bình đấy. Cậu biết không, mình đi năm mười sáu tuổi mà đến năm hai mươi sáu tuổi mới về quê được một lần. . .

     - Ồ, Thủ trưởng lấy vợ từ năm còn nhỏ tuổi à? Em ngỡ đến hòa bình Thủ trưởng mới lập gia đình riêng?

     - Năm mười sáu tuổi không phải mình lấy vợ mà do gia đình lấy vợ cho mình. Cậu bảo mười sáu tuổi đã biết gì yêu đương đâu. Tuổi trẻ bọn mình bị chế độ phong kiến ràng buộc, tuổi trẻ các cậu được tự do lựa chọn mọi đường. Đi biệt mười năm mới về, mình rất cảm động, vì bà ấy vẫn chung thủy chờ mình, vẫn chịu thương chịu khó làm ăn, vẫn thay mình chăm sóc mẹ già chu đáo. Vì sao không một lời hẹn hò, cam kết gì mà bà ấy vẫn chờ đợi, chính mình cũng chưa hiểu hết được. Mãi về sau bà ấy mới nói rõ lý do: Chờ anh vì tin anh là bộ đội…

    Từ một người hay nói thành người thích nghe, cậu lái xe nhận xét:

     - Tình yêu của Thủ trưởng đặc biệt thật?

     - Khi mình đeo ba-lô về nhà, bà cụ cứ nhìn mình rồi lấy vạt áo chấm nước mắt. Vợ mình mặt tái đi không nói được câu gì. Bà cụ mình khen vợ mình đủ điều, nào là cô ấy chăm sóc tôi chẳng khác gì mẹ đẻ, nào là mẹ chồng và con dâu ở với nhau chừng ấy năm mà chẳng có điều ra tiếng vào. Bà cụ vừa yêu con dâu vừa lo mình ruồng bỏ vợ.

     - Rồi sao nữa? Thủ trưởng kể tiếp đi!

     - Cậu thấy có buồn cười không. Lúc đó, mình hỏi vợ mình một câu ngớ ngẩn: Cô có lấy tôi không? Bà ấy nhìn thẳng vào mình, giận dỗi: Tôi không lấy anh thì tôi ở cái nhà này làm con ở cho gia đình anh từng ấy năm trời à? Câu nói ấy làm mình day dứt, càng nghĩ mình càng thương vợ. Xét cho cùng, mình đi chiến đấu để góp phần giải phóng cho nhân dân thoát khỏi ách nô lệ, để mang lại cơm no áo ấm, hạnh phúc cho mọi người. Mình khổ nhiều, mình không muốn cho ai khổ nữa.

     Biết cậu lái xe vẫn chăm chú nghe, tôi bật lửa châm thuốc rồi nói tiếp:

     - Có vợ từ hồi trốn nhà đi Giải phóng quân đến năm lên chức Tiểu đoàn trưởng mình mới "sum họp” với "nhà" mình, thế là vừa đúng mười năm. Đêm về phép thành đêm tân hôn, vợ mình quay mặt vào tường khóc thút thít. Bà ấy thương mình xa nhà lâu, cơ thể mình bị thương, dáng đi còn tập tễnh. Mình nghĩ đến sự đằng đẵng đợi chờ với cả một tấm lòng trong trắng, nên mình càng thương yêu bà ấy rất mực.

     - Ai lại cưới xin mười năm rồi mới có đêm tân hôn? Em nghĩ hạnh phúc của Thủ trưởng có thể tạm thời chia làm ba giai đoạn: Đoạn đầu, do xã hội phong kiến ràng buộc, cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy, lấy nhau mà chưa hiểu nhau. Đoạn hai, do chiến tranh hai người chưa hiểu nhau đã phải xa nhau, người đi thương người ở lại, người ở lại đợi chờ người đi, vì một lẽ tin người đi là bộ đội. Đoạn ba, hòa bình hai người gặp nhau, hiểu nhau, yêu thương nhau là lúc đó hạnh phúc mới thật sự chín muồi...

     - Cậu bình luận thế, mình xin chịu. Hạnh phúc của vợ chồng mình không có giai đoạn tuổi trẻ, giai đoạn sau thì không còn mơ mộng, chỉ lo toan những điều thiết thực về con cái, cửa nhà.

     - Bọn chúng em bây giờ tìm hiểu đến nơi đến chốn. Hò hẹn, hờn dỗi, thương nhớ đủ điều. Cái hồi em tìm hiểu nhà em cũng vậy. Trăng sáng thì dẫn nhau đi chơi, ngồi bên nhau cứ nhấm nhẳn úp mở mãi. Đến khi cưới thì dẫn nhau đi đăng ký, rồi lên tận tỉnh chọn vải, mua thiếp mời.

     Tính em thế nào xong thôi, còn cô ấy thì sợ chúng bạn họ cười Tìm hiểu kỹ thế nhưng có lúc vẫn va chạm nhau, còn Thủ trưởng bị phong tục cũ ràng buộc mà vẫn đầm ấm, thế là thế nào?

     - Nếu được tìm hiểu đầy đủ như bây giờ thì sung sướng quá rồi. Nhưng cậu nhớ cho, đấy mới là bước đầu. Khi sang bước hai, bước ba sẽ phức tạp hơn, hai người đang mơ mộng phải trở lại với thực tế. Cậu không lo toan, cùng nhau xây đắp hạnh phúc thì "khổ" đấy, về nhà mà lăn quay ra ngủ theo kiểu lái xe, đi chơi với vợ quần áo đầy mùi dầu mỡ, vợ cậu chịu sao được?

     - Thủ trưởng bảo đi rong ruổi như em thì lo liệu được việc gì?

     - Không lo được gì, nhưng phải hiểu và thông cảm hết nỗi lòng của vợ. Cậu tính, hồi mình ở Thái Nguyên mà ban đêm dám đi hơn một trăm cây số xe đạp về nhà đấy, có lần xe bị đứt xích, không có hiệu chữa, nửa đêm phải dắt về nhà, vợ mình nhắc mãi. Đi xa thì viết thư động viên, bàn bạc công việc với vợ, làm sao cho bà ấy hiểu được mình, có thế mới dẫn đến sự thông cảm chứ...

     - Lấy chồng bộ đội phải gánh vác mọi bề. Em mới có mấy năm xa nhà còn đỡ, chứ Thủ trưởng đi miết, việc nhà cửa, ăn học của mấy em đều dồn vào vai bác gái, gay go thật.

     - Ở làng ta, phần lớn các bà đều có chồng con đi bộ đội. Bộ đội già, bộ đội trẻ nối nhau lo việc nước. Ngẫm cho cùng, khó khăn đâu phải chỉ riêng nhà mình…

     Chiếc xe vẫn chạy tới mấy cây gạo ven đường. Bây giờ  đang tháng sáu, mấy cây gạo hôm nào còn bập bùng hoa đỏ, hôm nay chỉ còn lại vòm lá xanh um. Từ vòm lá, một đàn chim sẻ, thấy động, bay vù xuống cánh đồng vàng sậm. Đàn chim trú ngụ ở vòm cây để rồi lại bay đi nhặt thóc ngày mùa. Quanh gốc gạo, dăm cháu nhỏ chăn trâu đang chơi vui vẻ. Đứa cầm khẩu súng bằng bẹ chuối bắn tằng tằng, đứa cầm chiếc máy bay gấp bằng giấy "phóng” lên trời một cách thích thú. Trò chơi của chúng bây giờ khác xa với trò chơi tuổi nhỏ của tôi. Nhưng chắc hẳn chúng không thể nghĩ ra trò chơi này nếu không có máy bay và khẩu súng chúng đã từng nhìn thấy trong nhiều năm qua. Tôi thò đầu ra ngoài vẫy chúng.

    - Chào các cháu!

     Những tiếng nói lao xao đáp lại:

     - Chào chú bộ đội già!

     - Chào chú bộ đội trẻ!

     Một đứa mượn lời bài hát chào vang lên:

     - Hoan hô chú bộ đội bắn Mỹ tài ghê, tàu bay Mỹ đến đây chú bắn cho tan tành...

     Một đứa khác nghiêng đầu làm chiếc mũ rơm rơi xuống đất:

     - Xe chú bộ đội vào làng ta, các cậu ơi?

     Chúng chạy theo xe nói cười ríu rít. Các cháu không nhận ra tôi, nhưng tôi biết các cháu là người cùng làng. Quãng đời tuổi thơ của tôi ngỡ như bị lãng quên qua thời gian, tự nhiên bùng sống lại. Hồi tuổi thơ tôi bằng các cháu, tôi cũng thả trâu ở ven đê, tụ tập bạn bè đánh ô, đánh đáo. Có ngày mải chơi để trâu ăn lúa bị mẹ mắng. Có ngày bắt được giỏ cua, xâu cá mang về bụng mừng khấp khởi. Chiều chiều, ngồi vắt vẻo trên lưng trâu hát những bài hát dành cho lũ trẻ mục đồng. Có chiều bị đói và mệt, tôi nằm ngủ thiếp trên lưng trâu cho đến khi nó cọ vào gốc tre trước ngõ tôi mới tỉnh giấc. Có lần chúng tôi nghịch ngợm, đứng hẳn lên lưng trâu, một tay cầm dây thừng, một tay cầm roi quất cho trâu lồng, trâu chạy. Gần bốn chục năm qua, từ một đứa trẻ chăn trâu, tôi đã thành "chú bộ đội già". Đoạn đường trở về làng hôm nay, có biết bao nhiêu đổi thay trong khoảng thời gian tôi xa cách. Tuổi thơ tôi và tuổi thơ của các cháu dẫu khác nhau, nhưng đều đi qua con đường làng nhiều cỏ non và bóng mát hàng tre, cây gạo. Rồi từ con đường làng, các cháu sẽ khôn lớn, đi xa, nhưng chắc hẳn ngày trở về, chẳng mấy ai quên được quãng đời thơ bé.

     Cánh đồng Nung thoắt hiện ra trước mặt. Từng tốp đàn ông đang ngồi trên thuyền nan . đánh cá, ánh nắng buổi chiều trải vàng trên làn nước lăn tăn. Họ ngồi thoải mái, tay đẩy sào, tay gõ vào cạnh thuyền nan kêu lạch cạch, có người gõ vào thùng sắt tây kêu phèng phèng. Vốn là người ham đánh cá từ thuở nhỏ, những nhịp điệu lạch cạch, phèng phèng gieo vào tôi rất nhanh, những động tác mắc lưới, đẩy thuyền quen thuộc in vào tôi rất đậm. Nhìn những người bạn đánh cá không cùng tuổi với mình tôi nhớ về cái thuở vác lưới ra đồng đánh cá. Chỉ có khác, họ đánh cá cho cả làng ăn, còn tôi đánh cá không nuôi sống nổi gia đình. Cái gò đất ông bố tôi vẫn ngồi hút thuốc lào chờ cá vật đẻ, tôi vẫn ngồi quàng tấm lưới che gió rét, bị mưa lũ xói mòn, vùi lấp, nhưng mưa lũ không lấp được quãng đời niên thiếu của tôi. Quãng đời ấy, tôi đã sống với quê hương nhiều nhất…
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #46 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2009, 07:53:29 pm »

      Đoàn xã viên đi gặt về đông như trảy hội. Người mang liềm hái, người đẩy xe bò, xe cút kít. Xe nào cũng chất đầy lúa. Trai làng ra trận hoặc đi công tác xa, số xã viên gánh vác việc đồng áng phần lớn là những người đàn ông, đàn bà đứng tuổi và các cô gái. Thấy xe tôi đến gần, họ dạt ra bên đường, vài chiếc xe bò, xe cút kít dừng hẳn lại nhường lối, họ nhìn tôi với nhiều ánh mắt khác nhau. Một số người nhận ra tôi, một số người vẫn nghĩ tôi là khách lạ đến làng. Tôi xuống xe chào trước:

      - Chào các ông, các bác, các chị, các cô…

     Tôi chưa nói dứt câu đã có nhiều giọng nói đáp lại, tiếng ông, tiếng anh, tiếng bác lẫn lộn:

     - Ông Chuông, ông còn nhớ tôi không? Bạn đánh cá với nhau từ hồi để chỏm đây mà…

     - Bác biết em con nhà ai không?

     - Ông chú còn nhớ cháu không?

     - Sao dịp này đi biệt tăm biệt tích thế?

      - Không kịp trả lời ai và không biết trả lời ai trước, tôi đành nói gọn:

     - Có chứ? Nhớ lắm chứ!

     - Ông nói xã giao vậy thôi, ông đi lâu thế, ông còn nhớ ai?

     - Tôi nhớ cả làng! Tôi nhớ cả làng, chứ quên làm sao được.

     Một người đàn bà tuổi ngoài năm mươi, đầu chít khăn mỏ quạ, lấy tay chỉ vào ngực mình:

     - Tôi hỏi ông, tên tôi là gì nào?

     - Bà Hà thì còn lẫn vào đâu được nữa. Tôi nhớ bà năm còn con gái, những đêm sáng trăng vẫn thường ra đình hát xẩm. Giọng bà hát thì hay nhưng chanh chua đáo để. Có lần bà hát câu: "Chồng em như cái cổ đèn, treo đâu sáng đấy biết ghen là gì". Ông Tưởng nghe thấy cho bà một trận đòn, có đúng không nào? - Tôi hạ giọng - ông bà và các cháu khỏe chứ, bà Hà?

     Bà con xã viên cười rộ lên:

     - Bà Hà bị thua ông Chuông rồi, đối đáp có tiếng mà hôm nay không nói vào đâu được.

     - Cái ông này cũng vào loại nhớ dai thật. Ông Chuông mà đi làm hợp tác thì tán phải biết.

     Bà Hà chỉ tay vào người đàn ông quần xắn móng lợn, đang ngồi trên càng xe cút kít hỏi tiếp:

     - Thế ông này là ai?

     - Ông Hải còm bạn thuở nhỏ với tôi đấy. Tôi nhớ hồi thanh niên, ông ấy cũng hay đi hát xẩm. Hồi ấy bà chê ông Hải bé, đứng đến nách bà, chỉ đáng tuổi em. Ông Hải tức, ví luôn: "Anh bé nhưng cái ruột anh không sầu. Con ong nó chọc quả bầu cũng teo". Câu ca càng ngẫm càng hay ông Hải nhỉ?

     Cuộc gặp gỡ dọc đường trở nên vui nhộn, thoải mái. Tôi mời mọi người hút thuốc, mấy bà lấy trầu ra ăn. Ông Hải cười hà hà rót nước ở chiếc tích mang theo mời tôi và cậu lái xe uống. Bà Hà lại chỉ tay vào người đàn bà đội chiếc nón mê cũ:

     - Còn bà này liệu ông có nhận ra không?

     Tôi nói ngay:

     - Xin lỗi các ông, các bác, bà này là cô bé Dụm, bạn chăn bò hàng ngày với tôi, tôi quên sao được?

     Tiếng cười lại vang lên:

     - Bà Dụm, chứ cái ông này!

     - Tôi đã có con đi bộ đội, có cháu gọi bà rồi đấy ông Chuông ạ! Hồi ở Điện Biên tưởng ông chết, về làng ông nhớ dai thế?

     - Thôi về đi kẻo "bà già" mong. Đến tối pha trà đặc chúng tôi đến chơi, đừng đi ngủ sớm nhớ!

    - Nhớ phải giữ gìn sức khỏe còn đi chiến đấu đấy!

     Khi tôi lên xe, tiếng cười, tiếng nói còn vọng theo như muốn giữ xe tôi lại. Xe chạy vòng qua con đường đồi đất đỏ, rẽ xuống lối ngõ nhà tôi. Lúc này, lòng tôi rộn lên vì hồi hộp. Chỉ còn mấy phút nữa thôi, tôi sẽ gặp lại gia đình, gặp lại những gì máu thịt, thân yêu trong mấy năm xa cách.

    Tôi bảo cậu lái xe:

     - Vào nhà mình cơm nước đã, rồi cậu tranh thủ về thăm gia đình, động viên ông bà và cô ấy. Này, đúng như hợp đồng đấy nhé, hai ngày nữa ta phải lên đường, cậu phải đúng hẹn nhé!

     Cậu lái xe hăng hái khoác ba-lô giúp tôi đi vào lối ngõ:

     - Em vào thăm gia đình Thủ trưởng một lát thôi. Thủ trưởng cho về là em mừng lắm rồi. Bây giờ có yến tiệc em cũng không còn bụng dạ nào ngồi ăn được đâu. Đúng hẹn, em sẽ đến đón Thủ trưởng.
*
*    *


      Từ lúc tôi về nhà, vợ tôi bận rộn luôn tay. Mọi công việc gánh nước, vo gạo, nhóm bếp, mổ gà. . . dồn đến một lúc thật tất bật, chẳng khác gì ngày giỗ tết. Bà mẹ tôi cầm dao bổ cau têm trầu, cái Nguyên lau bàn ghế, mượn điếu cầy, đổ dầu vào đèn. Ngoài vợ tôi lo bếp núc, tất cả đều chuẩn bị cho việc tiếp đón bà con đến chơi.

     Cái Thêm đang chơi với mấy đứa trẻ hàng xóm, thấy tôi về, nó đứng nép vào cửa buồng nhìn trộm. Mẹ tôi vừa bổ cau vừa giục:

     - Thêm! Chào bố đi chứ. Cái con bé này hay thật, bố đi vắng ngày nào nó cũng nhắc, lúc bố về cứ khép nép như gặp người lạ. Mồm miệng mày để đâu hử?

     Nó nhìn tôi bằng con mắt rụt rè, tôi lấy gói kẹo ở túi ba-lô ra:

     - Thêm ơi, lại đây bố cho kẹo. Các cháu ơi, lại đây bác cho kẹo.

     Cái Thêm nghe tiếng tôi gọi còn ngập ngừng, mấy đứa trẻ hàng xóm đã xúm lại:

     - Chúng cháu chào bác ạ?

     - Bác cho chúng cháu kẹo ạ?

     - Ê, chị Thêm không chào bố, không được ăn kẹo!

     Cái Thêm vẫn đứng nép vào cửa buồng nhìn bọn trẻ được chia kẹo. Trẻ con đứa nào lại không thích kẹo ngọt, nhưng vì sao con tôi lại không nhận phần kẹo của mình? Tôi là bố, nhưng tôi có được chăm sóc, ở gần nó đâu. Nó nhắc bố hàng ngày theo lời nói của bà, của mẹ như một thói quen, nhưng giờ đây nó ngỡ ngàng khi gặp bố. Tôi đi về phía cửa buồng:

     - Thêm lại đây bố cho kẹo nào!

     Nó chìa tay ra nhận kẹo, tôi đặt cả gói giấy bóng xanh đỏ lên bàn tay nhỏ xíu rồi ôm nó vào lòng. Một lát sau, nó toài khỏi người tôi chạy về phía bọn trẻ. Vòng tay tôi trống trếnh như mất một vật gì…

     Mấy con gà không ai cho ăn vẫn quẩn quanh ở sân chưa chịu lên chuồng. Ngoài ngõ có vài tiếng gọi vọng vào:

     - Bác ơi? Đi nhận thóc chia kẻo ông thư ký đội đang gắt om lên kia kìa. Cháu đã gánh về mà bác chưa đi nhận…

     - Bác đi nhận luôn cả phần rơm nữa nhé!

     Vợ tôi bảo cái Nguyên xuống trông bếp, đoạn quẩy quang thúng ra ngõ. Mấy thúng thóc còn để tạm ở đầu hè, gánh rơm còn chất đống góc sân, vợ tôi đã vào bếp sắp mâm, bày bát. Bữa cơm làm vội mà sang: đĩa cá kho, đĩa cà bên cạnh bát canh rau ngót, đĩa thịt gà đầy đặn được rắc lá chanh thái nhỏ bên cạnh bát miến xào lòng. Biết tôi đau dạ dày, vợ tôi còn thổi thêm một niêu cơm nếp. Tôi nhìn chai rượu của chú Nhân mang sang, thầm nghĩ: Mình có phải tay nghiện rượu đâu, đau dạ dày uống hẳn không nên, nhưng thôi, hôm nay, xin trong một chén nhỏ để mừng ngày gặp lại gia đình. Giá cái Bình, thằng Sơn đợt này cũng được về phép thì vui biết bao. Chúng nó càng lớn khôn càng ít gặp, Bình vẫn công tác ở bệnh viện, Sơn thì chuyển vào B rồi. Nhìn mâm cơm có thức ăn ngon, tự nhiên tôi nhớ về con cái đang ở xa.

     Tôi uống xong chén rượu nhỏ, đang ăn dở bát cơm, chợt nghe ngoài sân thậm thịch bước chân người. Có tiếng đằng hắng:

     - Chào cả nhà. Nghe tin ông Chuông về, chúng tôi đến hỏi thăm tình hình chiến trường đây.

     Một giọng nói khác chậm rãi:

     - Gia đình đang mời cơm, xin cứ việc tự nhiên, chuyện trò nói sau, chúng tôi trải chiếu ngồi ngoài sân đón gió một chút. Đêm nay sao mà nồng nực thế, chắc lại sắp mưa rào cũng nên.

     Tôi đứng dậy mời khách:

     - Mời các ông, các bác vào nhà xơi nước. Gặp người làng là tôi muốn bỏ bát, bỏ đũa nói chuyện rồi.

     - Trời đánh còn tránh miếng ăn. Bà con đến chơi mà bác cứ làm như khách tỉnh, khách huyện thế.

      Tôi vặn to ngọn đèn ba dây, lấy ấm pha nước. Vợ tôi tìm vội mấy cái quạt, rồi dựa cái điếu cày vào chân bàn. Bà mẹ tôi tay cầm dao bổ cau, tay cầm cơi trầu đi lại phía mấy bà già. Cái Nguyên biết ý, lễ mễ bưng vội mâm cơm còn đầy thức ăn xuống bếp.

     Dưới ánh sáng của ngọn đèn ba dây, tôi đưa mắt nhìn khắp lượt những người cùng làng. Đi xa mấy năm, nay mới có dịp về thăm quê, tôi nhìn nét mặt ai cũng thân quen, gần gũi. Họ đều có con em đi bộ đội, họ gánh chịu phần gian khổ, hy sinh trong hai cuộc kháng chiến.

      Nhưng buổi sum họp đầm ấm, ngắn ngủi này, đã bù đắp một phần cho tôi suốt thời gian dài xa cách.

    Tôi mời bà con uống nước, hút thuốc, ăn trầu. Tiếng cười, tiếng nói vang lên không ngớt. Ông đồ nho cao tuổi nhất trong đám khách uống xong chén trà, mới thong thả nói:

      - Tôi nghĩ làng Thượng Nung mình phải đổi thành Thượng Võ mới đúng. Bác tính, từ hồi đánh Pháp đến giờ, xã mình đóng góp cho quân đội đến hàng trăm người chứ ít à. Lớp trước thì các bác ra đi, lớp sau thì từ mười tám đến đôi mươi cứ mỗi năm vài lần, kể sao hết được. Các cụ xưa vẫn nói "trai thời loạn, gái thời bình" đúng thật…

     - Thưa cụ, không riêng gì làng ta, làng nào cũng nhiều người đi bộ đội, đất làng nào cũng thành đất võ. Có thế mặt trận mới dư người đánh giặc chứ!

     - Tôi tuổi già sức yếu chẳng được đi đông, đi tây như các bác. Hồi nhỏ đến giờ, tôi chỉ có độc nghề làm ruộng, quanh quẩn với công việc cuốc cày, cấy hái. Thằng con tôi khác hẳn tôi, nó vào bộ đội đi cả Tây Bắc, Thượng Lào. Khi đi chưa vợ, hòa bình tôi nhờ người làm mối cho nó một đám, nó cứ chối đây đẩy. Thì ra, anh chàng đã để ý một cô tít trên Bắc Cạn. Bây giờ, thì con cái đề huề rồi, thỉnh thoảng hai vợ chồng vẫn về thăm làng, thăm nhà. Biết tôi già yếu, nó mua mật ong, cao hổ cốt làm quà. . . Chà, hồi nhỏ tôi cứ lo nó còi cọc, ăn không nên đọi, nói không nên lời. Các cụ ngày xưa vẫn bảo: "Con hơn cha là nhà có phúc", càng ngẫm càng thấy hay.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #47 vào lúc: 14 Tháng Mười, 2009, 09:03:50 pm »

     Hai chiếc giường kê giáp tường trở thành chỗ ngồi ấm cúng của các ông, các bà. Người có tuổi thích ngồi giường, ăn trầu, hút thuốc và trò chuyện tri kỷ. Mấy chiếc ghế dài dành cho cánh con gái, họ đến chơi chóng hơn, có cô vừa uống xong chén nước đã xin phép đi họp, có cô ra sân chơi với cái Nguyên, cái Thêm. Dường như họ không chịu ngồi lâu, tuổi trẻ ưa hoạt động hơn là tĩnh tại, bằng lặng.  Vả lại, trước những người đứng tuổi, các cô gái cảm thấy mình cần ít nói hơn, chỉ thỉnh thoảng nghe các cô cười rúc rích.

     Những người ngồi trên hai giương tôi đều biết mặt, nhớ tên. Còn mấy cô gái ngồi ở ghế tôi chỉ đoán chừng con bà ấy, ông nọ. Nhiều cô năm nào còn nhảy dây, bây giờ đã đến tuổi trưởng thành. Tôi chỉ tay vào một cô mặc áo trắng:

     - Cháu có phải con nhà ông Lung không?

     - Vâng! Nhưng bác đi lâu thế, sao bác đoán đúng?

     - Bác nói áng chừng thôi. Nhưng mà, giỏ nhà ai quai nhà nấy, lẫn thế nào được.

     Tôi hỏi cô gái đang đưa nước mời tôi:

    - Còn cháu cùng học một lớp với anh Sơn con bác, đúng không nào?

     - Bác nói nhầm rồi, cháu học dưới anh Sơn những hai lớp cơ Bây giờ cháu làm xã viên nông nghiệp cùng đội sản xuất với bác gái đấy.

     Có tiếng nói trêu:

     - Nó không cùng học với anh Sơn, nhưng bác có hỏi hòm thư của anh Sơn thì nó bảo… này, con bé được người, được nết, làng xóm ai cũng khen bác ạ!

    Tôi cầm phích nước lại giường có cụ đồ nho:

    - Người ta bảo "trà tam, tửu tứ, du hành nhị", uống trà ba người, uống rượu bốn người, đi chơi hai người. Tôi bị đau dạ dày nên phải kiêng rượu, đi chơi ở tuổi năm mươi mà cặp kè đôi lứa xem ra cũng chẳng lý thú gì. Còn uống trà những buổi về thăm nhà càng đông càng vui, cụ ạ!

    - Bác nói chí phải. Uống trà mà không có người bạn để nói chuyện cổ, chuyện kim, buồn chết. Nhưng được cái nhà tôi có cái đài của thằng cháu gửi về, chiều chiều tôi vừa uống trà vừa nghe đài nói tin chiến thắng, nhớ đến con cháu mình đánh giặc ở xa mà tự hào.

    - Mời cụ và các ông, các bác uống nước đi. Vụ này làng mình gặt hái ra sao, ông đội trưởng?

    Ông đội trưởng vân vê mồi thuốc:

    - Bác tính, từ lúc cắm cây mạ xuống đồng đến lúc lúa uốn câu, bao nhiêu là cái lo. Cánh trai làng choai choai lớn lên cung cấp cho mặt trận gần hết, việc cày bừa, cấy hái toàn bà con tôi gánh vác. Mấy vụ trước làm ăn còn chệch choạc, hợp tác xã thiếu lao động, con gái cày bừa thì chưa quen. Vụ này trở đi, đâu vào đấy cả rồi. Lúa năm nay khá tốt sang năm còn tốt hơn, bác ạ!

    Ông Thứ từ nãy chỉ im lặng nghe chuyện, chợt cất tiếng:

    - Ở nhà vất vả, nhưng so với người đi thấm tháp gì. Tôi chưa ra trận, chưa biết nơi bom đạn nó như thế nào, nhưng qua sự gánh vách của làng xóm tôi đủ rõ. Đấy, bác cứ điểm mặt gia đình quanh đây mà xem. Hồi đánh Pháp, anh Cường con bà Quý hy sinh ở Tu Vũ, anh Ngà con bà Hành ngã xuống ở Điện Biên Phủ. Cả anh Khang, anh Phẩm cùng trốn nhà ra đi một ngày với bác không về…

    Ông đội trưởng tiếp lời:

    - Sang giai đoạn đánh Mỹ: ông Tham có con hy sinh, gia đình bà Lưỡng mới nhận được giấy báo tử…

    Cụ đồ nho trầm ngâm:

    - Anh Lung phía sau nhà bác cũng hy sinh rồi. Nghe đâu, anh ấy làm kỹ sư tên lửa cơ đấy. Hôm qua, ông xã đội đến chơi, tôi mới biết xã mình hơn chín mươi phần trăm có bằng gia đình vẻ vang". Phải, hai làng không đi đánh giặc thì làm sao yên dân, yên nước được.

     Từ giường bên kia, bà Lưỡng nói sang:

    - Ông Chuông ơi? Mời ông lại đây tôi muốn nói với ông câu chuyện.

    Tôi tới gần người đàn bà đội khăn trắng để tang con, giọng bà Lưỡng sụt sùi:

    - Con tôi ở đơn vị ông chỉ huy. Nó cùng đi với ông, ông về, nó đâu? Con tôi chết, thế nào xác nó còn nguyên vẹn không, ông nói thật với tôi đi. Tôi thương con, tôi khóc. . .

    Tôi chưa kịp trả lời bà Lưỡng thì chị Hiền tay bế con ngủ say, tay cầm quạt bước vào:

    - Em mới nghe được tin nhà em hy sinh ở chiến trường Lào. Bà con làng xóm thường tìm cách an ủi em: có gia đình nhận giấy báo hôm trước, thì hôm sau khoác ba- lô về, tin đồn chắc gì đã đúng. Nhưng không hiểu sao, em cứ nghĩ vẩn vơ, là nhà em không bao giờ về nữa...

     Chiếc quạt trên tay chị Hiền rơi xuống đất, mấy bài ngồi xích lại nhường chỗ cho chị Hiền, song chị vẫn ôm con đứng sững:

     - Bác tính, từ đận lấy nhau đến giờ, số thư anh ấy gửi cho em nhiều hơn số ngày nghỉ phép. Tiền lương anh ấy gửi, em bàn với ông cụ góp lại sửa sang nhà cửa. Ai ngờ nhà cửa sửa sang xong, không thấy anh ấy về. Bác chỉ huy đơn vị anh Hiền, em mong bác nói thật với em, anh ấy hy sinh ở nơi nào?

     Tôi từng chứng kiến tận mắt những cảnh đồng chí mình hy sinh. ở cương vị người chỉ huy, tôi không bao giờ tỏ ra mềm yếu trước chiến sĩ của mình. Nhưng đứng trước người đàn bà sáu mươi tuổi và chị Hiền đang hỏi về con, về chồng, tôi thấy chưa thể một lúc giải thích cho trọn vẹn được. Câu nói từ lòng thương con của người mẹ, thương chồng của người vợ phát ra như luồng gió xoáy. Tôi rất thông cảm nỗi lòng của bà con, nhưng cần lựa lời an ủi dần dần.

     Gian nhà đang ồn ào, vui vẻ chợt lắng xuống. Nhiều con mắt dồn về phía bà Lưỡng đội khăn trắng và chị Hiền bế con .

     - Tôi mang trong bụng, tôi bồng trên tay, tôi nuôi con khôn lớn từng ấy năm trời, nó chết vì dân, vì nước cũng là báo hiếu cho cha mẹ. Nhưng tôi thương nó, tôi khóc...

     Một người ngồi xích lại bà Lưỡng:

    - Giọt máu của bà đã góp cho làng nước. Cầu trời cầu phật phù hộ cho anh ấy được mồ yên mả đẹp.

     Chị Hiền nhìn mọi người:

    - Có lần cháu nghĩ, nếu anh ấy hy sinh, cháu chẳng muốn sống làm gì. Nhưng con còn dại, còn bố mẹ già để đấy ai lo. Nhiều người cảnh ngộ như cháu họ đều chịu đựng được, vượt qua được, lẽ nào cháu thương chồng, yêu con không bằng họ?

    Tôi cúi xuống nhặt cái quạt, quạt cho cháu bé, nói với chị Hiền:

     - Đã hơn mười giờ, cháu nó ngã rồi, chị bế cháu về, kẻo cháu thức giấc. Ngày mai tôi sang thăm và nói chuyện cùng gia đình…

    Hai hôm sau, cậu lái xe có mặt ở nhà tôi từ sáng sớm như đã hẹn. Bà con làng xóm đi theo mang cả quang gánh, liềm hái ghé vào đưa tiễn. Cuộc chia tay ồn ào như cuộc họp đội sản xuất. Bà Hà, bà Dụm úp chiếc nón vào đầu xe, ông đội trưởng cắm chiếc đòn càn xuống đất. Người đứng ở ngoài sân, kẻ vào trong nhà, cười nói chúc tụng:

     - Bác đi khỏe mạnh, nhớ viết thư về làng. Bác gái bảo bác lười viết thư lắm.

     - Đợt này ông về ít ngày thôi, đợt sau ông phải nói chuyện tình hình chiến trường cho bà con trung tổ nghe đấy?

     - Chẳng ai như ông, đẻ bốn đứa con chăng phải ẵm đứa nào. Con lon ton bố mới về, sướng thật.

     - Đợt sau ông về cố tu sửa lại nhà của kẻo bão gió thất thường. Bà con hàng xóm chúng tôi xin giúp đỡ cả hai tay, ông Chuông ạ!

     - Tôi nghe thằng cháu tôi viết thư nói: nó làm lính vệ binh ở trung đoàn ông. ông làm ơn chuyển tới cháu gói chè. . .

     - Thôi, bà con chúng tôi chào ông, chúng tôi đi gặt kẻo muộn nhé. Ông nói với anh em trong đơn vị đánh mạnh vào. . .

     Khi đoàn người đã ra ngõ, chị Hiền mới quang gánh lật đật chạy theo, bà Lưỡng úp chiếc nón bạc màu lên mái đầu hoa râm:

     - Ông vào trong đó ông đánh dấu mộ cháu và thắp hương giùm tôi. Tôi thương nó, tôi chịu đựng được…

    Tôi khoác ba-lô có mấy thẻ hương cắm ở túi cóc xếp lên xe. Trên ghế ngồi, vợ tôi đặt sẵn mấy quả mít làm quà cho anh em đơn vị. Cậu lái xe nổ máy, chiếc xe từ từ đi ngược lên quả đồi đầy bóng nhãn, bóng tre.

     Mặt trời đỏ rực nhô lên báo hiệu cho sự oi nồng của một ngày mùa hạ. Con đường làng, nườm nượp đoàn người đi gặt vẫy theo xe tôi. Tôi vẫy tay chào họ và ngoái nhìn màu áo nâu, áo xanh, nón trắng một lần nữa. Khi xe tôi tới cây gạo ngoài đê, đoàn xã viên cũng tỏa ra cánh đồng làng Nung vàng lúa.

    Tôi nghĩ tới ngày mai trở lại chiến trường Lào, tôi sẽ kể cho đồng đội của mình nghe những câu chuyện về làng tôi - những câu chuyện tưởng như rất riêng mà ở bất cứ miền quê nào cũng có.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Mười, 2009, 09:11:16 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #48 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2009, 09:05:19 pm »

NẰM TRONG CHUM
GIỮA CÁNH ĐỒNG CHUM


      Cuối năm 1970, đế quốc Mỹ yểm trợ cho các đơn vị quân chư hầu đánh chiếm toàn bộ vùng Xiêng Khoảng - Cánh Đồng Chum. Đồng chí Vũ Lập, Tư lệnh Mặt trận giao cho tôi phải trực tiếp trinh sát, nắm địa hình, chuẩn bị cho trận tổng tiến công giải phóng Cánh Đồng Chum, sau sáu ngày phải có báo cáo về Mặt trận.

      Tôi rất phấn khởi song cũng băn khoăn. Là Trung đoàn trưởng một trung đoàn bộ bính, tôi rất hiểu những giá trị của công tác điều tra trinh sát. Biết địch, biết mình, trăm trận trăm thắng mà. Băn khoăn là ở chỗ lần này nhiệm vụ được trao là phải vào tận bên trong vùng địch chiếm đóng để nắm địch cho tường tận, nghĩa là phải vượt qua các tuyến đồn bốt như bát úp của giặc, tuyến ngoài rồi tuyến trong, đến tận trung tâm chỉ huy của chúng gần sân bay Bản Áng. Lực lượng tổ chức đi cũng chỉ đến mươi, mười hai người là cùng. Quan trọng là phải tinh gọn, dũng cảm và có kinh nghiệm. Tôi liền cùng với Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng bàn bạc chọn lựa anh em sao cho phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ trinh sát chỉ huy lần này. Chúng tôi dự định chọn ở bộ phận tác chiến đồng chí Nhiều, thông tin đồng chí Diên, trinh sát đồng chí Long, liên lạc đồng chí Khương; ngoài ra còn có Tiểu đoàn trưởng Tích, Đại đội trưởng đặc công, đồng chí Măng. . . Trang bị toàn tiểu liên AK và lựu đạn. Mỗi người mang theo võng, màn, tăng, một cuộn băng, một cân lương khô và một bi đông nước. Cán bộ chúng tôi tất nhiên còn phải mang thêm đèn pin, ống nhòm và một bộ bản đồ.

      Cuối cùng tôi giao luôn cho Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng triệu tập anh em để cùng bàn bạc, thống nhất các quy định và nhiệm vụ. Sáng hôm sau, tất cả đều tề tựu đủ mọi thành phần đã quy định. Nói chung, chúng tôi đã có nhiều năm chiến đấu đã rất hiểu nhau và tin tưởng ở nhau nên mỗi khi được tập trung đi làm nhiệm vụ dù là khó khăn như thế nào cũng rất vui, nói năng đôi khi văng mạng mày tao thoải mái.

     Vào cuộc họp, tôi lấy bản đồ ra chỉ dẫn, không quên nói rõ những khó khăn của chuyến đi phải vượt qua tuyến ngoài theo sườn núi, một bên là cụm đồn quân Thái Lan, bên phải là cụm đồn quân Mẹo, rồi mới vào tuyến trong tận sân bay Bản Áng. Tôi nói:

     - Yêu cầu đặt ra đối với mọi người không chỉ là dũng cảm mà quan trọng là kỹ thuật và kỷ luật bí mật phải rất cao mới hoàn thành được nhiệm vụ. Các đồng chí có ý kiến gì không?

    Tiểu đoàn trưởng Tích đứng lên dõng dạc nói:

     - Các loại đồn, các loại giặc trên chiến trường này, trung đoàn ta đã đụng độ nhiều trận rồi, không còn lạ gì chúng nữa. Cả địa hình cao thấp, rộng hẹp ra sao, cán bộ trung đoàn đi dọc, đi ngang đều đã rõ. Đặc điểm là đồi cỏ và đồng ruộng mênh mông không cây cối, ta phải tính thời gian khi đi, khi về thật kỹ, làm sao vào nắm địch chỉ trong đêm và phải rút ra khỏi Cánh Đồng Chum trước khi trời sáng.

     Đại đội trưởng Năng tiếp lời:

     - Tôi đồng ý như anh Tích. Nhìn đồn giặc trên bản đồ thấy ken dày như vậy, nhưng thực tế tổ trinh sát đặc công chúng tôi đã vào đến các mục tiêu đó rồi và theo dõi thấy về đêm địch không có đứa nào ra khỏi đồn nên ta tha hồ đi nhanh. Chỉ khi nào đi sát đồn địch mới dùng động tác kỹ thuật. Chớ có ho, đừng có gọi, phải bám lấy nhau mà đi. Để chờ đợi nhau là không kịp ra trong đêm.

     Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng tỏ ra rất thận trọng:

     - Về thời gian đi và về, dẫu sao ta cũng phải lường tính trước các tình huống giữa đường gặp địch, phải chờ đợi hoặc bất đắc dĩ phải chiến đấu, không ra kịp thì xử lý thế nào?

     - Tôi có ý kiến - Đồng chí Xế trinh sát hăng hái phát biểu - Tôi đã ở trong Cánh Đồng Chum mênh mông nhưng cũng khá nhiều đồn bốt. Ban ngày bọn lính đi lung tung. Giả thiết phải chiến đấu ta cứ AK mà nổ, vừa đánh vừa rút chạy về phía ta. Các thủ trưởng biết cả rồi. Đã nhiều trận địch có bao giờ dám đánh gần, vây bắt ta đâu. Địch biết ta là quân Hà Nội nên đụng phải chỉ có mà chạy.

     Càng bàn bạc anh em càng củng cố lòng tin cho nhau. Tôi rất xúc động trước sự trưởng thành, dày dạn và quyết tâm của mọi người.
Bảy giờ chiều ngày hôm sau, chúng tôi bắt đầu xuất phát khi sương mù đã phủ kín núi đồi. Đến tám giờ thì vượt qua đường 7B vào phía đông nam Cánh Đồng Chum. Lúc này thì đồn giặc ở hướng nào cũng khó mà nhận ra nếu như chúng không thắp đèn hoặc thả đèn dù pháo sáng.

    Cánh Đồng Chum về đêm thật là đẹp và hùng vĩ. Chẳng những thế còn rất xốn xang khi tiếng côn trùng nhiều vô kể cứ như chúng đang hòa nhạc quanh mình. Chẳng bao lâu chúng tôi đã đi vào giữa khu vực có trận địa pháo.

    Trong ánh đèn mù sương chúng tôi nhìn thấp thoáng từng nòng pháo nhô lên im phắc hướng về phía ta, hai tên lính gác đi đi lại lại, chập chờn như hai bóng ma. Chúng tôi dừng lại xác định mục tiêu. Từ đây đến trung tâm chỉ huy của địch ở sân bay Bản áng không còn xa. Chúng tôi đi tiếp vượt qua sân bay khi nhìn rõ khu thông tin, khu sĩ quan Mỹ, ngụy, đồng thời cũng nhận ra cách bố trí hầm hào, ụ súng, lô cốt, đường ra vào của chúng, lính gác ở những hướng nào. . . Tôi đang chỉ mục tiêu phân công từng tổ tiếp cận đến sát hàng rào xác định cho được các yếu tố quan trọng phục vụ cho kế hoạch thiết lập phương án tác chiến thì một đám lính đi tuần thất thểu qua, chúng dừng lại chỉ trỏ rồi thì thầm với nhau những gì không rõ. Chúng tôi đếm được mười hai tên cả thảy. Lúc này, ai nấy nín thở nằm ép người trong cỏ. Đêm tối đã che chở chúng tôi, nhưng tình huống này đã khiến cho chúng tôi phải mất quá nửa giờ chỉ có nằm im phắc chờ đợi trong thắc thỏm hồi hộp. Cuối cùng, mọi diễn biến cũng lặng lẽ trôi qua. Nhưng sau khi điều tra xong quay ra vượt được khu vực sân bay Bản Áng thì đã hai giờ sáng.

     Vượt tiếp qua hai đồn giặc nữa mới ra khỏi tuyến trong, xem đồng hồ thấy đã hơn ba giờ sáng rồi. Chúng tôi đi sát  vào nhau không ai nói ra nhưng đều tự hiểu chẳng thể nào vượt qua Cánh Đồng Chum trước khi trời sáng. Tôi thực sự lo lắng chưa biết xử trí thế nào đây. Cái đầu muốn giục đi nhanh mà cảm thấy bước chân như rất chậm. Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng đi gần bên tôi khẽ nói:

    - Anh định thế nào bây giờ?

    Tôi trả lời cộc lốc:

    - Còn thế nào nữa, ở lại tìm địa hình ẩn nấp.

    - Nếu địch phát hiện ra?

    - Thì đánh, vừa đánh vừa chạy trở ra hướng mình.

     Đang đi, chợt anh Phú Vàng nắm tay tôi dừng lại rồi  chỉ về phía trước. Hình như có đàn trâu. Tôi nhìn đúng đàn trâu, con đang gặm cỏ, con nằm. Lạ nhỉ! Bom đạn liên  miên mà sao còn lắm trâu thế này? Nhìn mãi thấy chúng  chẳng động đậy gì. Đến gần chúng tôi mới hay là toàn là  chum, cái đứng, cái nghiêng. Hai chúng tôi quyết định cho anh em vào giữa khu chum và sẽ bí mật ở lại đây, mỗi cái chum sẽ là nơi ẩn nấp cho một hoặc hai người. Công việc ngụy trang phải thích hợp với thực tế địa hình, địa vật và phải xong trước năm giờ sáng.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #49 vào lúc: 21 Tháng Mười, 2009, 04:24:57 pm »

      Tôi đang trao đổi với đồng chí Phú Vàng thì đồng chí Dưỡng trinh sát đến báo cáo:

      - Khu Chum này em nhớ ra rồi, em và Đại đội phó Lệnh được Thủ trưởng giao đi nắm địch ở hai cụm đồi kia, em đã đến đây. Khu đồn trước mặt bên phải ta là quân Thái Lan cách đây khoảng 600 mét. Cụm đồn bên trái là quân Mẹo cách đây 700 mét. Chúng em đã theo dõi thấy quân Thái ít khi ra khỏi đồn lùng sục. Máy bay trực thăng phải đi tiếp tế hàng ngày. Còn đồn quân Mẹo thì đêm nằm im, ngày đi lùng sục tứ tung quanh đồn. Có toán độ hơn mười tên đi xa hơn vừa đi vừa bắn, vừa la hét. Chúng thường đi trong phạm vi con đường kia và con đường ven theo con suối cạn độ hơn một cây số thì trở về. Chúng cũng hay dừng chân bắn về phía khu Chum ta đang đứng đây một vài băng tiểu liên rồi ngồi nghỉ một lúc mới quay về đồn. Cũng có ngày động rạng thế nào đấy, không thấy thằng nào ra khỏi đồn. Thủ trưởng quyết định ta ở đây, em thấy được. Cốt yếu là ta giữ được bí mật. Trường hợp lộ thì đánh, ta vừa đánh vừa chạy vào chân sườn đồi quân Thái là an toàn. Em đã đi vòng quanh, không có mìn đâu. Lại có nhiều cây cối lúp xúp các bụi rậm. Chỉ đề phòng lính trên đồn bắn cối thì ta chạy vòng vèo, chia ra từng tổ mà chạy, qua khu đồn hơn một cây số là gặp tổ đài trinh sát Đại đội phó Lệnh rồi.

     Nghe Dưỡng nói, tôi thấy an tâm liền mời cậu ấy điếu thuốc lá:

     - Này, vào trong chum châm lửa đừng để phát ra ánh sáng, rồi trở về vị trí.

    - Em được Thủ trưởng Vàng phân công đi cùng Thủ trưởng.

     - Thế thì cậu sang chum bên cạnh ngồi chung với đồng chí Khuông liên lạc.

     Hơn năm giờ sáng, sương còn dày nên không nhìn rõ đồn giặc. Nhưng đến bảy giờ thì toàn bộ khung cảnh như được bày ra trước mắt, đồn giặc bên phải, bên trái, binh lính qua lại trong đồn, nhìn rõ lắm và cũng chẳng xa là bao. Vậy mà chúng tôi lại ở ngay giữa khu chum đột xuất này, địa hình thấp hơn khu vực địch đóng đồn. Mặc dầu anh em đã rất cẩn thận trong công việc nguỵ trang, song tôi vẫn thấy chưa thực sự yên lòng, chỉ sợ địch phát hiện.

     Tôi ngồi lặng chờ đợi nghe ngóng, tưởng tượng đến các tình huống chẳng may địch mò ra, lại xúc tới tận đây thì không biết diễn biến sẽ ra sao. Nghĩ mà gai cả người.

     Khoảng hơn tám giờ, từ các đồn ngụy Lào, bọn lính bắt đầu mò ra, có toán đi quanh đồn, nhiều tốp đến sân bay, mang vác những thùng hàng về đồn, vẻ tấp nập. Có toán đi theo con đường cuối cạn. Lại có toán tới mười bốn tên đi về phía chúng tôi. Chúng đi rất chậm, thỉnh thoảng bắn vài băng tiểu liên rồi hò hét gì đó loạn xạ. Máy bay trinh sát cứ vè vè trên đầu. Chúng tôi chăm chú theo dõi. Căng thẳng vô cùng, hồi hộp vô cùng. Máy bay lên thẳng đổ xuống đồn quân Thái Lan. Lại có cả máy bay phóng pháo gầm rú trên cao. Chúng phát hiện ra các dấu hiệu gì nghi ngờ rồi chăng? Toán mười bốn tên đến khu Chum chúng đứng ngoài bắn mấy loạt tiểu liên vào những cái chum gần nhất.

     Anh em lúc này, đạn đều đã lên nòng. Theo kế hoạch đã vạch ra thì nếu thằng địch nào mò tới chỗ đồng chí nào thì đồng chí đó phải nổ súng diệt ngay. Và đấy là hiệu lệnh chiến đấu cho cả đội. Địch chỉ có mười bốn tên, với kỹ thuật xạ kích của anh em ta, chắc chắn sẽ không một tên nào thoát chết.

     Nhưng chúng chỉ dừng ở đó ít phút rồi quay trở về đồn. Tôi thở phào, trận đánh bất đắc dĩ đã không xảy ra. Theo dõi hành động địch từ trong các đồn càng nắm rõ hơn tình hình quân địch để đánh dấu lại trên bản đồ, tôi ngẫm ra trong cái động lại có cái tĩnh. Mới hay nghệ thuật quân sự biến chỉnh vi linh, biến linh vi chỉnh là như thế. Gần mười một giờ, bọn lính đã mò ra khỏi đồn, toán xa, toán gần đều kéo về hết.

     Trải qua mấy giờ căng thẳng, đến lúc này tôi có thể ung dung bóc lương khô ra ăn, và chẳng hiểu sao bây giờ mới nhận ra cái nóng như rang quanh người và khát nước vô cùng. Mà chỉ có bi đông nước của tôi và Khuông là còn một ít. Có anh uống hết ngay từ ban sáng rồi. Thế là phải chia nhau từng ngụm.

     Để xua tan cái nóng bức oi ả và những cơn khát, chúng tôi chỉ còn biết đem các chuyện ra kể cho nhau nghe, từ chuyện quân địch đến chuyện huấn luyện ở bên nước nhà. Tôi không quên nhắc đến cái lần vào năm 1968, trung đoàn tập đánh địch trong thành phố được Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến thăm. Trung đoàn nguy trang rất khéo, tất cả đã ở xung quanh mà Đại tướng vẫn chưa nhận ra. Sau tiếng hò, mọi người bật dậy trong đội hình nghiêm chỉnh, gây bất ngờ, được Đại tướng khen và dặn dò. Rồi đến chuyện gia đình vợ con, quê hương làng xóm. . . Vậy mà chả sao quên được cái nóng, chỉ cầu mong cho trời chóng tối. Cuối cùng thì hỏi nhau về lịch sử của những cái chum, có ngờ đâu hôm nay nhờ nó mà mình được che chở để đánh giặc. Đồng chí Măng đã được một đồng chí Pa thét Lào kể cho nghe thì mới biết ngày xửa ngày xưa người Lào đục đá ra làm những cái chum để đựng thóc gạo, ngô dự trữ trong gia đình đồng thời cả đội quân của các bộ tộc Lào đi đánh giặc, dọc đường đi qua đâu cũng có sẵn gạo trong các chum đá. Lại có chum đựng rượu khao quân. Ngày nay, qua các dãy núi, các nẻo rừng đều thấy có chum đá rải rác, chứ không phải chỉ có ở Cánh Đồng Chum. Mới biết người Lào từ xưa đã khéo tay, tài giỏi. Các cụ đâu có ngờ chúng ta hôm nay giúp bạn Lào đánh giặc Mỹ xâm lược cũng phải dựa vào những cái chum đá này.

     Thời gian san mà trôi đi chậm chạp vô cùng. Chuyện trò mãi mà xem đồng hồ mới hai giờ chiều. Nhìn lên đồn giặc lại thấy một số lính mò ra. Có tốp lính đi về phía chúng tôi. Thế là phải chuẩn bị sẵn sàng đối phó và nhắc nhau không được bắn liên thanh, chỉ bắn điểm xạ, phân công nhau mỗi đồng chí hạ một thằng, địch ở các đồn có nghe tiếng súng cũng không thể biết chuyện gì đã xảy ra với chúng.
Bọn địch chỉ còn cách ba trăm mét. Lúc này tôi nhận thấy anh em mình tỏ ra rất bình tĩnh. Hình như họ sẵn sàng đón nhận và thử chơi với cái tình huống này nếu như nó xảy ra.  Nhưng đi quá ba trăm mét, chúng lại rẽ sang con đường suối cạn ngồi túm tụm vào nhau bên đám lau sậy rất lâu, chẳng biết chúng làm gì. Khoảng hơn bốn giờ chiều mới thấy chúng uể oải đứng lên rồi quay về đồn. Vậy là có thể yên tâm.

     Nắng chiều nhạt dần. Khoảng sáu giờ thì Cánh Đồng Chum tắt nắng. Đồn giặc từ từ chìm trong bóng tối. Chúng tôi ra khỏi chum để được hưởng cái gió mát và không khí thoáng đãng sau một ngày bức bối. Ba đồng chí được củ đi tìm nơi có nước lấy về ăn lương khô.
Khi các đồn giặc lên đèn thì chúng tôi cũng lên đường về. Máy bay giặc lại đến thả đèn dù. Lác đác có đồn bắn pháo sáng. Thế là chốc chốc chúng tôi lại được quân địch soi đường cho mà đi. Chỉ còn vượt hai đồn giặc ở tuyến ngoài nữa là về đến phạm vi an toàn. Tới lúc này chúng tôi chẳng phải vội vã gì cứ đàng hoàng vừa đi vừa chỉ cho nhau rõ các hướng mục tiêu, đường đi lối lại cũng là để nhớ về một kỷ niệm nằm trong chum giữa Cánh Đồng Chum suốt ngày chang chang nắng lửa, bốn bề là đồn bốt địch, ta biết chúng mà chúng chẳng biết ta.

    Điều quan trọng nhất là chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và an toàn trở về. Mọi người mừng rỡ đón chúng tôi, anh Quân lại còn hoan hô nữa, cứ như đem tin thắng trận trở về. Mà thắng rõ ràng, có phải chuyện chơi đâu! Vấn đề là nỗi lo lắng của mọi người khi chúng tôi đã phải ở lại Cánh Đồng Chum quá một ngày theo kế hoạch, vậy mà bây giờ trở về không thiếu một ai, chăng sứt mẻ gì.

     Đang có ý định cùng đồng chí Phú Vàng chuẩn bị thống nhất tình hình chuyến đi trinh sát chỉ huy để lên Mặt trận báo cáo thì tôi nhận được lệnh của Mặt trận báo ngày mai Tư lệnh Mặt trận cùng cán bộ của các cơ quan sẽ xuống trực tiếp nghe tôi báo cáo. Ôi, thế thì còn gì bằng, tôi thầm reo lên và nghĩ chuyến trinh sát chỉ huy vừa qua quan trọng đến như thế nào với các đồng chí ấy.

     Không ngờ các anh trên Mặt trận xuống đông thế, cả anh Năng, anh Hữu An, anh Vũ Lập. Khu sở chỉ huy Bản Thẩm cứ náo nức hẳn lên…

     Bản báo cáo của tôi được các anh chăm chú nghe rồi hỏi thêm. Tôi trả lời không bỏ sót điều gì. Các anh khen đội trinh sát trung đoàn hoàn thành nhiệm vụ rất tốt.

     Không còn nghi ngờ gì nữa kết quả của chuyến trinh sát chỉ huy mà chúng tôi đã mang về cho Bộ chỉ huy Mặt trận. Buổi chiều, anh Vũ Lập trực tiếp giao nhiệm vụ cho các trung đoàn và nhấn mạnh hướng tấn công của Trung đoàn 165 chúng tôi sau khi đã nhận định tình hình địch, ta và phân tích rõ ý nghĩa của chiến dịch giúp bạn tổng tấn công giải phóng Cánh Đồng Chum.

     Ngày nay, hẳn nhiều sĩ quan, tướng lĩnh đã biết chiến dịch giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng cuối năm 1970 diễn biến ra sao. Nhưng chắc ít đồng chí biết rõ về mười hai cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 165 chúng tôi vào điều tra địch phục vụ cho công tác chỉ huy chiến dịch đã phải nằm trong chum đá giữa bốn bề là đồn bốt địch và dưới nắng lửa miền Tây chang chang suốt một ngày trời như thế nào. Với chúng tôi, đây là một kỷ niệm không thể nào quên được.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM