Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:56:14 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường binh nghiệp của tôi  (Đọc 64768 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #30 vào lúc: 09 Tháng Mười, 2009, 10:43:12 pm »

      Quả đúng như vậy, năm ngày sau, ngày 7-5-1954, quân ta giải phóng Điện Biên. Đó là ngày đối với anh em tù chúng tôi có thể gọi là ngày tái sinh. Tôi cũng không ngờ Điện Biên giải phóng sớm thế. Lúc 7 giờ tất cả anh em chúng tôi đều lên hết mặt hào không còn biết sợ là gì, ai nấy vô cùng xúc động được nhìn gần như toàn cảnh chiến đấu giữa ta và địch, nhìn thấy quân ta đến sát sông Nậm Rốm gần cầu Mường Thanh, chân đồi A1, nhìn xe tăng bộ binh địch hình như muốn tiến lên đánh chiếm lại, nhưng bên cạnh sao lại có toán lính bộ binh mang cờ trắng chạy về phía ta. Lính gác chúng tôi lúc đó là hai người Angiêri và Ma rốc chạy vào nói với chúng tôi vẻ như vừa sợ hãi lại vừa muốn reo lên:

     - Quân Pháp thua rồi. Chúng tôi xin theo các anh.

     Người lính Ma rốc nói:

     - Sĩ quan các đồn chạy về chỉ huy sở của tưởng Đờ Cát họp bàn việc đầu hàng.

     Ba hôm sau tôi mệt quá không ăn uống gì được nhưng vẫn phải cấp tốc triệu tập cuộc họp với anh Trụ và ban lãnh đạo, tôi nêu vấn đề là cần phải kiểm tra lại phương án đã bàn lần trước, cử cán bộ phụ trách cụ thể từng bộ phận và triển khai kế hoạch ngay. Khoảng 9 giờ, nhiều tốp lính địch ở khắp các hướng mang theo cờ trắng đi về phía ta. Khoảng 10 giờ bộ đội ta đến gần trại tù. Điện Biên lúc này như ong vỡ tổ. Quân địch và cả phu phen lũ lượt từng đàn mang theo cờ trắng đi xen lẫn cá vào bộ đội ta. Hai tiều đội làm nhiệm vụ khiêng anh em ốm và bị thương nặng cùng đi chung một đường. Chỉ có điều bây giờ chúng tôi không còn là tù binh, ngược lại, bọn giặc Pháp hôm nào vẫn vênh váo cười khinh khi trước anh em chúng tôi thì bây giờ chúng là tù binh. Đi chung một đoạn đường, anh em ta cười nói hoan hỉ còn bọn chúng thì thui thủi, mặt cúi gầm, mắt lấm lét. Tôi cũng muốn reo lên để hòa cùng niềm vui chung với đoàn quân thắng trận Điện Biên, nhưng mệt quá.

    Hôm đó tôi được cáng ngay về trạm quân y và cũng từ đó đến nay tôi không hề biết một chút gì về anh em bạn tù của tôi ở Điện Biên ai còn ai mất, ai gặp phải những bước thăng trầm gì trong cuộc đời.

     Là một cán bộ chỉ huy tiểu đoàn được tham gia chiến dịch Điện Biên năm đó, đã chứng kiến biết bao tấm gương chiến đấu dũng cảm kiên cường của bộ đội ta. Song lại cũng chứng kiến hơn một trăm anh em sau khi bị thương đã bị bắt làm tù binh, lâm phải cảnh ngộ đắng cay mà vẫn kiên trung với Đảng, với quân đội, với nhân dân, không một ai chịu khuất phục trước kẻ thù, liệu cấp trên có nghĩ rằng đó cũng là sự đóng góp vào chiến thắng Điện Biên. Riêng tôi, tôi không hổ thẹn, không có điều gì phải phiền muộn, trái lại tôi rất tự hào cho dù không được cầm súng chống giặc cho đến giây phút cuối cùng của chiến dịch, chúng tôi vẫn không lúc nào nhụt chí, đã giữ vững được phẩm chất người chiến sĩ nhân dân trong hoàn cảnh hết sức hiểm nghèo. Chỉ rất tiếc, khi niềm vui chiến thắng Điện Biên tràn ngập khắp chốn khắp nơi, ta lại nhiều việc quá, những công việc lại lớn lao gấp bội phần, cho nên không mấy ai nhắc nhở đến cái tình huống đầy bi kịch của các chiến sĩ tù Điện Biên chúng tôi. Song xin thưa bi kịch nhưng mà lạc quan. Nghịch cảnh nhưng vẫn ẩn trong vóc dáng của chiến thắng Điện Biên vĩ đại.

     Chiến thắng Điện Biên đã gần 45 năm qua rồi, không biết những người bạn tù Điện Biên của tôi hôm nay cuộc sống ra sao. Chép lại những dòng ký ức này tôi không ngoài mục đích muốn tuyên dương những người bạn tù bất khuất của tôi ở Điện Biên. Mặt khác cũng muốn, Đảng, Nhà nước biết về họ. Hơn thế nữa, năm nay tôi đã ngoài bảy mươi tuổi rồi, quỹ thời gian không còn là bao, qua những trang ký ức này, tôi muốn nhắn tìm anh em, ai còn sống hãy đến với tôi. Nhà tôi ở phòng 204, nhà A2, khu tập thể Quân đội, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngày nay, trong không khí yên bình, chúng ta sẽ có nhiều thời gian để nói với nhau về Điện Biên trong ta, những người bạn tù ngày ấy, nhiều cay đắng nhưng cũng rất anh hùng.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #31 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2009, 07:53:56 am »

NHỮNG ÂN NHÂN CỦA TÔI

      Là người lính chiến đã nhiều lần bị thương ở mặt trận, lại có lần bị thương rất nặng phải bò lết giữa sa trường đầy máu lửa, vậy mà tôi vẫn sống và trở thành người chỉ huy cấp tướng đi khắp các chiến dịch trong Nam ngoài Bắc, cả chiến trường nước bạn cho đến ngày toàn thắng, thật không đơn giản chút nào. Bây giờ về hưu, sống cùng gia đình đã được tam đại đồng đường, đôi lúc nghĩ lại chặng gian nan trong chiến tranh khi mình không còn có thể làm chủ được đôi chân đành phải "đi" trên vai đồng đội, thật không cầm được nước mắt.

      Tôi nhớ nhất cái hồi là cán bộ tiểu đoàn ở chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi bị thương gãy ba xương sườn, tay cũng bị gãy, đùi thì bị đạn xuyên qua, mê man bất tỉnh! Anh em cáng tôi về trạm quân y Trung đoàn 165, phải trèo đèo lội suối, trăm nỗi nhọc nhằn. Ở đây bác sĩ Nhân, y sĩ Quang, y tá Nhẽ đã cứu tôi tỉnh lại, đến lúc đó tôi mới tin là mình còn sống.

     Thế rồi tôi được chuyển lên quân y Sư đoàn 312. Nhìn mọi người hối hả lo toan cứu chữa cho tôi, dường như nét mặt ai cũng hệt như những người thân thiết của mình, như anh như chị, tôi vô cùng xúc động, muốn nói lên một đôi câu cảm ơn mà không sao nói lên được thành lời, vì các vết thương gây đau đớn dài ngày khiến cho tôi như đã kiệt sức.

     Điện Biên hoàn toàn giải phóng, tôi được chuyển về tuyến bệnh viện ở hậu phương điều trị cùng với nhiều thương binh khác. Thời gian này, các vết thương vẫn chưa lành hẳn, tuy còn rất đau đớn, song tôi đã tỉnh táo nhiều rồi. Bốn bác dân công người Thanh Hóa thay nhau khiêng cáng tôi suốt dọc đường. Bác Khánh người to khỏe, da hơi đen, có bộ râu rất phong độ làm cho khuôn mặt to, tròn mang vẻ oai phong cộng với dáng đi trông rất bệ vệ; giọng nói thì oang oang cứ như Quan Công hiển thánh. Vậy mà tính tình rất cởi mở, chốc chốc lại hỏi tôi: Có khát không, làm ngụm nước nhé!

      Bác Bái người to bè, chân vòng kiềng nên dáng đi có vẻ chậm chạm, giọng nói nặng hơn hơi ngọng, lại hay nói chuyện. Mọi người hay trêu vui bác về cái tật nói ngọng nhưng bác chẳng giận ai cả. Vì thế cuộc chuyển thương tuy vất vả nhưng không buồn tẻ.

      Bác Hải, người cao, dáng đi lòng khòng, có cái điếu cày kiêm gậy chống đi đường, mỗi khi nghỉ là tiếng rít thuốc lào lại long xòng xọc nghe rất vui tai. Cứ phải đã cơn nghiện rồi muốn làm gì mới làm. Có lần bác còn ghé tai khích lệ tôi: Thế nào, có làm một mồi không?

     Bác Hành phụ trách chung, người to khỏe cân đối, tính tình sôi nổi, nói năng chặt chẽ, luôn quan tâm đến mọi người, chăm lo từng vết thương, bữa ăn giấc ngủ của tôi cũng như nhiều anh em khác.

     Đoàn dân công khiêng cáng thương binh dài lê thê đi suốt ngày. Đồng chí thương binh trên cáng phía trước tôi là Đoàn Hợp, cụt một chân. Cáng phía sau là anh Oanh mù hai mắt. Cáng phía sau nữa là anh Minh Lanh. Bác Hải khiêng cáng tôi cho biết như vậy. Té ra, chúng tôi đều ở chung trong sư đoàn. Thỉnh thoảng tôi ghé mắt nhìn sang cáng các anh ấy, chỉ nghe tiếng rên khe khẽ. Rõ ràng gần nhau mà chẳng nói với nhau được lời nào. Ai cũng mệt và đau nhức bởi những vết thương tai ác.

     Đằng đẵng hai ngày liền, chúng tôi mới tới chân đèo Pha Đin. Sang ngày thứ ba bắt đầu lên dốc. Tôi hiểu lúc này là bắt đầu thử thách ghê gớm đối với các bác dân công. Nằm trên cáng, tôi cảm thấy như người có lỗi trước từng bước chân thậm thịch, nặng nhọc xiêu vẹo của các bác dân công, mồ hôi thì nhễ nhại, nhỏ giọt, nhỏ giọt … Tôi tự trách mình một cách vô cớ rằng tại sao lại bị thương, không đi được để các bác dân công phải vất vả thế này, thương quá mà chẳng làm sao được. Nhớ lúc vào chiến dịch Điện Biên tôi cũng đã vượt đèo Pha Đin chỉ mang có khẩu súng ngắn thôi vậy mà khi lên dốc vẫn như đứt hơi, chân chồn, gối mỏi, không còn muốn bước nữa. Các bác dân công lúc này lên dốc một đầu cáng thương trên vai cùng các trang bị cá nhân nữa thì cực nhọc biết chừng nào.

     Cuối cùng thì các bác cũng đưa tôi đến được chỗ có ô tô chuyển tiếp ngay trên đỉnh Pha Đin. Nằm gọn trong lòng ô tô cùng với khá đông anh em thương binh, tôi thấy như còn lưu luyến một điều gì rất khó diễn tả. Nhưng rồi cái không khí sôi động trên đỉnh đèo của các anh em thanh niên xung phong sửa đường cùng với bộ đội chiến thắng trở về hành quân qua, vừa reo hò, vừa trêu đùa nhau, nó đã khỏa lấp được nỗi suy tư trong tôi và tôi cũng lại ước ao có thể ngồi dậy được để hòa chung vào cái không khí vui mừng chiến thắng ấy. Tôi liền nhờ cô y tá đỡ cho ngồi dựa vào thành xe để được nhìn ra xung quanh một quang cảnh thật là hùng vĩ hiện ra trước mắt. Đỉnh đèo Pha Đin cây xanh gió lộng, mây trắng trôi bồng bềnh, ẩn hiện các dãy núi xa mờ xanh.

     Xe chuyển bánh. Chúng tôi nhìn nhau vẻ hể hả vì nghĩ rằng được ngồi ô tô tức là sẽ được nhanh chóng về nơi ổn định mà điều trị, nhưng chỉ một lát là bắt đầu biết nhau. Đường xấu, xe cứ phải gầm rú và nhảy chồm chồm như là nó muốn hành hạ những ai nằm ngồi trên mình nó. Tôi cố chịu đựng ghìm chặt người để khỏi ảnh hưởng đến vết thương. Có anh thương binh chịu không nổi kêu la như bị tra tấn. Tôi không thể ngồi vững phải nhờ cô y tá đỡ nằm xuống nhưng nằm cũng không yên, người cứ nảy lên dập xuống theo đà xe chồm qua các ổ gà, cái vết thương ngỡ sắp bung ra, đau đớn vô cùng. Tôi nhắm mắt lại cố chịu đựng nhưng nước mắt cứ trào ra. Các cô y tá, bác sĩ và các bác dân công phải thay nhau đỡ cho từng đồng chí thương binh nặng bớt bị va quệt đau đớn. Song chẳng ăn thua. Thấy tôi nhắm tịt mắt, một cô tưởng tôi ngất xỉu cứ lay gọi liên hồi. Mệt và đau đớn tôi chẳng buồn thưa. Thấy gọi mãi tôi đành mở mắt để thay câu trả lời.

     Bị thương đã khổ rồi, lại đi ô tô kiểu như thế này lại càng khổ hơn. Nhớ cái cáng trên vai các bác dân công, thật là như nằm trên mây. Dẫu sao thì xe cũng đưa chúng tôi về tới bệnh viện Nà Sản, Sơn La. ở đây tôi được chăm sóc như đối với người thân thiết trong gia đình. Về đây, các vết thương trên người tôi vẫn khiến tôi phải nằm hoặc ngồi chứ không thể đi lại. Vì thế mọi việc cần thiết như ăn uống, rửa mặt, lau người và cả việc đi đại tiểu tiện, tôi đều không tự thực hiện được. Hai cô, y tá Thắng và hộ lý Vân, ít hơn tôi hai tuổi rất xinh lại có duyên song chẳng khác nào hai người chị hiền, họ không ngại ngùng bất cứ việc gì để phục vụ tôi, hết thay quần áo lau mình, lại cõng tôi ra chỗ đại tiểu tiện. Nhiều khi thấy tôi ngượng không muốn để các cô ấy giúp liền bị các cô ấy mắng cho. Nhưng vừa cười vừa mắng:

     - Anh lạ thật! Mấy hôm trước anh mệt lử, chúng em thay áo quần, rửa mặt lau người, mọi việc làm cho anh cả, còn lạ gì cái của anh mà hôm nay lại phải ngượng. Anh thế mà phong kiến. Từ ngay mai, chúng em ra lệnh gì, yêu cầu anh phải tuân theo.

     Thú thật lúc ấy muốn cười mà không dám cười. Có cái gì ẩn chứa sự hồn nhiên bên trong mỗi câu nói như là hài hước, song lại bao hàm nét nghiêm trang, chớ có đùa. Tôi nghĩ như thế.

     Quả vậy. Đã có những lần tôi phải nằm tênh hênh như đứa trẻ, mặc cho các cô ấy lo toan mọi công việc hộ lý, vệ sinh... Nhớ năm tôi lên bảy bị trận ốm thập tử nhất sinh không đi lại được. Bố mẹ, anh chị tôi rất lo. Mẹ tôi phải bón cơm, bón cháo cho tôi. Anh chị tôi cũng phải cõng tôi đi vệ sinh, giặt áo thay quần. Hồi ấy tôi đã biết nghĩ không muốn được ăn uống vì lo bố mẹ nghèo phải đi vay, liền bị bố mắng cho.

     Những ngày này, tôi cảm thấy như đang được sống giữa không khí gia đình. Nằm điều trị ở bệnh viện tỉnh Sơn La tôi rất an tâm vì thấy các vết thương trên người dần dần ổn định, ăn khỏe, ngủ khỏe. ít ngày sau, những thương binh nặng chúng tôi lại được chuyển tiếp về Yên Bái bằng cáng thương. Phải vượt qua đèo Lũng Lô thì mới tới chỗ bến xe. Mấy hôm trước trời mưa, nên hôm nay tuy trời không nắng nhưng đường vẫn còn trơn, các bác dân công chẳng thể nào tránh cho hết các vũng nước lấp loáng trên mặt đường. Các bác đã cố gắng làm cũng chẳng sao giữ cho khỏi va quệt vào vách đá hoặc gốc cây. Mỗi lần như thế, người tôi đau điếng. Gặp chỗ đường lầy thụt, quỵ cả chân nhưng các bác vẫn quyết không để người tôi quật xuống mặt đường. Mồ hôi nhễ nhại, hẳn là nhọc lắm vậy mà bốn bác vẫn hò hét động viên đỡ đần nhau giữ cho vai cáng thăng bằng. Tôi nằm trên cáng nghĩ mà thương, vừa khâm phục các bác không thể nói lời nào cho thấu. Phải đâu người chiến sĩ dù có lập công đến bao nhiêu lại có thể công thần? Nghĩ về các bác, tôi chỉ biết tự nhủ thầm như vậy.

     Sang bên kia đèo Lũng Lô, chúng tôi được chuyển lên ô tô tiếp tục cuộc hành trình. Thật không ngờ hôm nay chúng tôi qua phà bến Âu Lâu giữa ban ngày. Tôi nhớ khi lên Tây Bắc vào chiến dịch Điện Biên, đơn vị tôi vượt sông Hồng ở bến Cổ Phúc vào ban đêm, chỉ nghe tiếng  nước sông Hồng rì rầm, lại nhớ câu hát “Hồng Hà mênh mông đưa nước trên nguồn về xuôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Hôm nay chiến thắng trở về, qua sông Hồng giữa ban ngày; ô tô đưa chúng tôi xuống phà sang sông giữa rừng người chẳng khác gì ngày hội, xe lên phà vào ngay thị xã Yên Bái. Bà con vây quanh xe mỗi lúc một đông, bỏ vào trong thùng xe những trái chanh, nải chuối và cả trứng luộc. Có các chị, các mẹ trèo hẳn lên xe để nhìn tận mặt, hỏi tên từng người, hỏi quê quán cửa nhà. Có hai bà mẹ người Yên Bái xem vết thương anh Đoàn Hợp cụt một chân, anh Oanh mù hai mắt cứ sụt sùi như gặp được chính đứa con của mình, nước mắt cứ ròng ròng chảy xuống mặt các anh ấy.Tự nhiên tôi cũng không cầm được nước mắt. Ôi tấm lòng các bà mẹ Việt Nam, lòng dân Việt Nam. Thật không bút nào tả xiết niềm cảm xúc thiêng liêng như thế…

     Đến bệnh viện tỉnh Yên Bái chúng tôi mới thực sự chia tay những người mà tôi muốn gọi là nhưng ân nhân cua mình. Vâng, đúng là ân nhân của tôi và trọn đời tôi sẽ không quên. Tôi tin rằng các con tôi, cháu tôi cũng sẽ không bao giờ quên? Hôm nay ghi lại những dòng này cũng là để bộc lộ tấm lòng của tôi với bác Khánh, bác Bái, bác Biên, bác Hải, bác Nhẽ, bác Nhân, bác Tuy, cô Thắng, cô Vân. . . những ân nhân của tôi, rằng tôi luôn nhở đến mọi người.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #32 vào lúc: 10 Tháng Mười, 2009, 09:05:43 pm »

ĐẬP TAN "CÙ KIỆT"

1

      Cuối năm 1969, Sư đoàn 312 nhận lệnh sang chiến trường Lào phối hợp cùng quân đội Pa thét Lào chiến đấu ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Thời gian này, đế quốc Mỹ đang thực hiện “Học thuyết Ních-xơn”  đối với các nước Đông Dương, chủ trương “Việt Nam hóa chiến tranh” hay còn gọi là “Chiến tranh đặc biệt tăng cường", dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương, dùng người châu Á đánh người châu Á.

     Liên tiếp trong sáu tháng, sau khi lên cầm quyền, Ních-xơn đã ra lệnh mở hai chiến dịch đánh chiếm vùng giải phóng Lào. Mở đầu là chiến dịch "Xamakhi" ngày 30-3-1969, chúng tiến công vùng giải phóng Xiêng Khoảng bằng trực thăng vận thọc sâu vào vùng giải phóng rồi đổ quân chốt các điểm cao dưới sự yểm trợ của hỏa lực và không quân Mỹ. Nhưng chúng bị đánh trả liên tục năm mươi ngày đêm và bị thiệt hại nặng, đến đầu tháng 5 - 1969, quân địch buộc phải rút lui.

     Đầu tháng 8 - 1969, đế quốc Mỹ lại tập trung quân gồm 50 tiểu đoàn lực lượng đặc biệt và quân nguy Viên Chăn cùng với 19 tiểu đoàn bộ binh và pháo binh Thái Lan, với 1.200 lính mũ nồi xanh Mỹ, mở cuộc hành quân được gọi tên là “Cù Kiệt" hòng lấn chiếm địa bàn chiến lược quan trọng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Âm mưu của Mỹ trong cuộc hành quân này còn để lập bàn đạp đánh sâu vào vùng giải phóng Lào, uy hiếp tỉnh Hủa Phần, căn cứ địa cách mạng của cả nước Lào, đồng thời còn nhằm uy hiếp cả sườn phía tây hậu phương miền Bắc Việt Nam, khống chế tuyến vận tải chiến lược Tây Trường Sơn, hỗ trợ mạnh mẽ cho âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh”, của “Học thuyết Ních-xơn" ở miền Nam Việt Nam.

     Ngày 31-7-1969, lực lượng không quân Mỹ cất cánh từ Thái Lan và pháo binh địch bắn phá cấp tập vào tuyến Bản Na và khu vực Cánh Đồng Chum. Bên cạnh năm cánh quân tiến theo đường bộ, đế quốc Mỹ còn huy động từng đàn máy bay lên thẳng đổ quân đánh chiếm các vị trí bàn đạp ở Cánh Đồng Chum, dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ bắn phá dữ dội vào những nơi có nhà ở và những khu vực chúng nghi có lực lượng cách mạng đứng chân.

     Chính trong cuộc hành quân được gọi là "Cù Kiệt"' này, đế quốc Mỹ và tay sai đã gây ra nhiều tội ác dã man tàn bạo với nhân dân tỉnh Xiêng Khoảng: Bom đạn Mỹ đã phá hủy hơn hai trăm bản làng, hàng ngàn nhà ở hàng trăm chùa chiền, trường học, bệnh viện, trạm xá, hàng ngàn dân thuộc các bộ tộc bị thương vong, hàng ngàn gia đình phải rời bản làng đi nơi khác hoặc phải sang Việt Nam lánh nạn. Trong suốt thời gian chiến dịch "Cù Kiệt", trung bình mỗi ngày Mỹ cho bốn trăm lần chiếc máy bay, kể cả máy bay chiến lược B52 đến ném bom bắn phá trên dưới ba nghìn tấn bom đạn xuống khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Bom đạn Mỹ còn phá hoại hàng vạn héc ta ruộng nương, giết hại và bắt đi hàng chục ngàn gia súc. Quân địch đi đến đâu đều xúc dân vào trại tập trung trong vùng chúng kiểm soát. Theo tài liệu viết về cuộc “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Ních-xơn ở Lào do Nhà xuất bản Neo Lào Hắc Xạt ấn hành thì trong chiến dịch Cù Kiệt, đế quốc Mỹ và tay sai đã bắt ba nghìn dân dồn vào các khu tị nạn, cướp và giết hại 44.000 con trâu, 30.000 con bò, 9.000 con ngựa, 55.000 con lợn và rất nhiều gia cầm.

     Ngày 25-10-1969, Bộ Chỉ huy Tối cao Lực lượng vũ trang Cách mạng Lào cùng với Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã quyết định mở “Chiến dịch phản công giải phóng Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, kiên quyết khôi phục lại địa bàn chiến lược vừa bị quân địch lấn chiêm ".

    Lực lượng tham gia chiến dịch gồm tám tiểu đoàn bộ binh Quân Giải phóng Lào, bốn trung đoàn bộ binh Quân Tình nguyện Việt Nam và một số đơn vị đặc công, xe tăng, vận tải Việt Nam và Lào được đặt dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Liên quân Lào - Việt. Chiến dịch phản công đã diễn ra vô cùng quyết liệt trong hơn sáu mươi ngày đêm quần nhau với địch, Liên quân Lào-việt đã đập tan Cù Kiệt giải phóng hoàn toàn khu vực Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 12 tiểu đoàn địch, loại khỏi vòng chiến đấu 6.000 tên, thu và phá hủy hàng ngàn vũ khí các loại, thu và phá hủy 70 xe quân sự, bắn rơi 42 máy bay các loại, khôi phục và mở rộng vùng giải phóng từ Bản Na đến Nậm Ngừm với hơn hai vạn dân.

     Tôi nhớ, ngày 21-2-1970, toàn bộ quân địch phải rút khỏi Cánh Đồng Chum; ngày 22-2-1970, quân địch ở Phu Cút tháo chạy; ngày 24-2-1970, lực lượng Liên quân Lào - Việt đánh chiếm Mường Xủi, tập kích mạnh vào Xalaphukhun... Trên hướng phối hợp đặc công tập kích Long Chẹng quân ta đã biết hàng trăm lính Vàng Phao, cố vấn Mỹ, sĩ quan Thái Lan...

     Tôi không có điều kiện ghi lại tất cả các mũi phản công ở các hướng của chiến dịch đã làm nên chiến thắng ra sao, chỉ xin được nêu lại các hoạt động của Trung đoàn 165 chúng tôi ở một hướng khá đặc biệt của chiến dịch mà thôi.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #33 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2009, 02:31:24 pm »

       Lại nói khi trung đoàn nhận lệnh lên đường chiến đấu, anh em chúng tôi ai cũng mừng vì đơn vị vừa trải qua một đợt huấn luyện khá căn bản, chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ với một phong thái chiến đấu đàng hoàng, chừng chắc. Ngoài việc huấn luyện hợp đồng binh chủng còn huấn luyện cách đánh trong thành phố và các vùng ven, đánh địch trong công sự vững chắc, đánh tập kích, đánh quân đổ bộ đường không, chiến đấu ở rừng núi, đồng thời huấn luyện hành quân đường dài. Về kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật xạ kích, yêu cầu từ cán bộ chỉ huy các cấp đến chiến sĩ phải sử dụng thành thạo được ba loại súng. Về mặt trang bị, toàn đơn vị ai cũng có mũ sắt và mặt nạ chống vũ khí hóa học. Về quân số, đơn vị được bổ sung tân binh của hai huyện Phú Xuyên và Thường Tín rất hoàn chỉnh, lại có cả một số tiểu đoàn quân dự bị và tự vệ Khu Gang thép Thái Nguyên đã được huấn luyện và thử thách. Khí thế đơn vị lên đường rất sôi nổi, tư tưởng thông suốt, ai cũng mong có dịp được chiến đấu và lập công.

     Sau khi nhận lệnh lên đường, Trung đoàn 165 chúng tôi chỉ được thời gian một ngày để chuẩn bị, bởi vì chúng tôi có nhiệm vụ phải hành quân đi trước đội hình sư đoàn.

     Hôm chúng tôi lên đường không có tiếng ồn ào đưa tiễn vì phải giữ bí mật. Xe phủ bạt kín mít, nên dẫu có ai đi bên đường tò mò cũng chỉ nghĩ đó là đoàn xe chở hàng quân sự ra mặt trận. Khi chạy qua các bản làng trong đêm tối, xe chỉ được bật đèn cốt mà thôi, chỗ nào gập ghềnh khó đi lắm mới bật đèn pha.

     Tới vị trí tập kết ở Con Cuông - Mường Xén, tôi và anh Trường Quân, Chính ủy Trung đoàn đi nhận lệnh, mới biết Bộ chỉ huy Mặt trận phối hợp Lào - Việt đã được thành lập. Về phía Lào có các đồng chí Sanhcapô, Siphon, Xa man, phía Việt Nam có các đồng chí Vũ Lập, Huỳnh Đắc Hương, đồng chí Nguyễn Năng - Sư đoàn trưởng 312 được chỉ định làm Phó Tư lệnh; Chính ủy Lê Chiêu làm Cục trưởng Cục Chính trị Mặt trận. Tất cả cán bộ cơ quan của sư đoàn đều sáp nhập vào ba cơ quan của Mặt trận.

     Trung đoàn 165 chúng tôi có nhiệm vụ tiến theo đường 7B vào chiến đấu trong khu vực Xiêng Khoảng phía đông nam Cánh Đồng Chum. Trung đoàn 141 đi theo đường 7A vào chiến đấu ở khu vực ngã ba Noọng Pẹt.  Trung đoàn 209 làm dự bị cho hai cánh quân của Mặt trận, trước mắt làm công tác vận chuyển. Các tiểu đoàn trực thuộc của sư đoàn đều do Mặt trận trực tiếp chỉ huy.

     Trung đoàn tôi tiếp tục hành quân bằng xe lên tới biên giới thì chuyển sang hành quân bộ có trinh sát sư đoàn và bộ đội Pa thét Lào dẫn đường.

     Nhận lệnh về, rồi dẫn quân đi, tôi cứ băn khoăn và ngỡ ngàng nghĩ về việc từ nay tất cá cán bộ cơ quan sư đoàn đều trở thành như là phái viên của Mặt trận, liệu rồi trên dưới có hiểu nhau, có quen nhau trong tác phong chỉ huy cũng như tác phong công tác? Thêm nữa, đơn vị chuyển sang chiến trường mới, lạ địa hình, lạ đối tượng tác chiến và với dân thì lạ tiếng lạ người; rồi trung đoàn tôi lại đánh ở một hướng của chiến dịch, lực lượng sư đoàn vị xé nát ra, làm sao có thể tập trung phát huy sức mạnh về cách đánh của một binh đoàn chủ lực đã qua đợt huấn luyện khá hoàn chỉnh?

     Sư đoàn trưởng Nguyễn Năng chừng như đoán được những băn khoăn suy nghĩ của tôi nên tìm cách giải thích rồi động viên bằng mấy câu cộc lốc:

     - Anh yên tâm. Chúng tôi vẫn theo dõi và chỉ đạo trung đoàn.

    Đường hành quân bộ thật là gian nan. Hầu như trên trời không mấy khi ngớt tiếng máy bay gầm rú và tiếng bom nổ rung chuyển cả núi rừng. Phía trước thì tiếng đạn pháo và súng cối ình oàng như cầm canh. Tôi hiểu rằng trung đoàn sẽ phải vượt qua vùng bom đạn ác liệt và rất có thể phải đánh địch mà đi. Tôi lại nhớ về những ngày huấn luyện, khí thế hào hùng liên hệ với lúc này nó khác quá. Trước đây những mong sẽ tổ chức những trận đánh lớn có các binh chủng hợp thành, còn bây giờ sẽ đánh ra sao một khi chính trung đoàn tôi cũng bị xé lẻ ra. Bắt đầu từ Nậm Cắn sát biên giới Việt - Lào, Tiểu đoàn 5 chúng tôi đã phải tách ra tăng cường cho cánh quân phía đường 7A. Tới Then Phun, thấy có bốn điểm chốt của giặc trên đồi bắn xuống mặt đường gây khó khăn cho cuộc hành quân của trung đoàn, tôi lệnh cho đơn vị dừng lại và báo cáo về. Mặt trận đề nghị cho triển khai phương án tác chiến mở đường tiến quân. Mặt trận trả lời không được và lệnh "Phải tổ chức tìm cách bí mật vượt qua. Luồn sâu vào đúng vị trí quy định, đánh địch ở khu trong thị xã Xiêng Khoảng, đông nam Cánh Đồng Chum, phối hợp với đại quân ở phía bắc cùng tấn công vào đánh Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng".

     Tôi liền triệu tập gấp cuộc họp các cán bộ chỉ huy đơn vị và phụ trách ba cơ quan bàn kế hoạch chấp hành mệnh lệnh của Mặt trận. Tôi nêu phương án tổ chức đơn vị hành quân thành từng khối, mỗi cán bộ trung đoàn phụ trách một khối. Tôi đi khối đầu gồm các tiểu đoàn trưởng, đại đội trưởng và thủ trưởng các cơ quan cùng với hai trung đội trinh sát, một trung đội thông tin, một trung đội phòng vệ và hai trung đội vận tải. Khối đi đầu có nhiệm vụ tìm đường và bố trí từng cung, từng chặng để đón các khối sau đồng thời nắm địch, nắm địa hình và nhanh chóng thiết kế trận đánh.  

     Chúng tôi phải hành quân vượt tuyến hoàn toàn ban đêm ven theo chân các ngọn đồi có đồn giặc rất vất vả và cũng rất nguy hiểm. Địch bắn pháo sáng liên tục đồng thời còn nã súng cối và quét cả súng máy vào những nơi xung yếu mà chúng nghi quân ta nhất định phải vượt qua. Vậy là địch quyết chặn đường hành quân của ta, ta thì nhất định phải mở đường tới địa bàn hoạt động vì thế cuộc chiến đấu tuy không mặt giáp mặt nhưng đã diễn ra vô cùng ác liệt, bom đạn cứ ầm trời đủ loại bom bi, vướng nổ, bom phá, bom chùm nhưng quân địch vẫn không ngăn được trung đoàn chúng tôi. Trong những ngày này, địch còn đổ tiếp thêm 5 tiểu đoàn phối hợp cùng pháo binh và máy bay lấn ra các bản Khuẩy, bản Keo Bon, Măng Mô sát tới biên giới Việt - Lào. Thế là đội hình trung đoàn bị cắt mất đuôi. Khi đại bộ phận tới khu vực bên trong thị xã Xiêng Khoảng thì Tiểu đoàn 6 và bộ phận vận tải vẫn còn phải chống trả ở khu vực ngoài Then Phun, trực tiếp theo lệnh chỉ huy của Mặt trận.

     Vào tới vị trí tập kết, anh em chúng tôi, người nào chân tay cũng xây xát, mặt mũi bị gai cào xước, quần áo nhiều anh rách bươm và ướt đẫm mồ hôi, có thể nói là rất mệt. May sao giữa khu rừng âm u được bù lại bởi tiếng chim hót ríu ran, con đậu con bay, rồi tiếng vượn ru con tiếng khỉ khẹc khẹc nô đùa, tiếng hươu nai gọi nhau…khiến cho chúng tôi ai nấy cũng vơi đi được nhiều nỗi nhọc nhằn. Nhất là cánh lính trẻ, lần đầu tiên tiếp xúc với núi rừng, chứng kiến cảnh kỳ thú của rừng thì dường như quên cả mệt.

     Điều quan trọng hơn cả là chúng tôi đã chiếm lĩnh được địa bàn theo đúng phương án chiến dịch để triển khai phương án tác chiến mà Bộ Tư lệnh Liên quân Lào - Việt giao cho.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #34 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2009, 02:34:12 pm »

2
     Họp cơ quan chỉ huy để thống nhất tình hình và nghe Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng trình bày về cách đánh địch xong, chúng tôi họp Đảng ủy mở rộng, bàn sâu thêm về trận đánh mở đầu. Tôi báo cáo trước Đảng ủy về ý định chọn mục tiêu cho trận đánh mở đầu và cả trận đánh tiếp theo trong đợt hoạt động quân sự này. Hội nghị bàn bạc khá kỹ và thống nhất ý định rất cao về cách sử dụng lực lượng. Chúng tôi nhận định rằng đánh địch lúc này là thời cơ rất thuận lợi cho trung đoàn. Trước hết là địch đang còn rất chủ quan, chưa biết quân ta đã vào tới đây. Thứ hai là công sự của chúng còn sơ sài. Trừ ba đồn trong thị xã công sự có phần nào kiên cố song cũng chỉ có một hàng rào dây thép gai còn thì hầu như mới chỉ là công sự dã chiến, ụ súng, hầm ngủ và cả đường hào đều nông choèn, chủ yếu gác cây che bạt và rào bằng tre nứa. Chúng tôi tạm chia thành ba khu vực tác chiến. Khu một là thị xã Xiêng Khoảng, có ba đồn, đồn Thấp, đồn Cao và đồn Sân bay. Khu hai ở đông nam thị xã có ba điểm được đặt tên là đồi Con Lợn, đồi Mâm Xôi và đồi Cháy. Khu ba phía đông bắc thị xã ba kilômét có hai điểm trên đồi Cây Xanh. Rất tiếc là chúng tôi chưa bắt được tù binh nên chưa rõ phiên hiệu các đơn vị địch đóng quân tại khu vực này thuộc lực lượng nào.

      Trong Hội nghị Quân chính trung đoàn, kế hoạch tác chiến đã được quán triệt tới từng cán bộ, ai nấy đều tin tưởng ở cách đánh mà Đảng ủy trung đoàn đã bàn bạc thống nhất. Nhìn sâu vào từng đôi mắt cán bộ đang chăm chú nhìn mình và lắng nghe những điều tôi phân tích về địch, về ta, về địa hình. . . tôi rất tin ở anh em và tín ở hiệu quả của kế hoạch tác chiến. Tôi nói tiếp và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị.

     - Thưa các đồng chí! Thay mặt Đảng ủy và chỉ huy trung đoàn, tôi quyết định giao cho Đại đội 1 (Tiểu đoàn 4) đánh Khu 2 tức là đánh ba điểm: đồi Con Lợn, đồi Mâm Xôi và đồi Cháy. Đại đội 19 đặc công đánh Khu 3, đánh cả đồn Cao và đồn Thấp. Đây là chốt điểm cao nhất khu vực này, hành quân tiếp cận xa và khó đi hơn cả. Như vậy trận mở đầu là trận đánh liên kết cả năm điểm trong cùn một đêm và cùng giờ G nổ súng. Ta dùng lực lượng tinh nhuệ đánh theo kiểu tập kích đánh nhanh, giải quyết nhanh, thu dọn chiến trường xong rút ra cách đồn địch ba trăm mét đề phòng địch ném bom, chỉ lót ổ lại trên đồi Cây Xanh một tiểu đội chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến tiếp theo.

     Tôi nhấn mạnh về lực lượng sử dụng ở mỗi điểm chỉ đánh bằng hai mũi, mỗi mũi từ 10 đến 12 người; vũ khí trang bị phải gọn nhẹ, tiểu liên, lựu đạn là chính, ngoài ra còn thêm B40, B41 nữa mà thôi. Các đại đội chủ lực 12,7 ly, ĐKZ75, cối 82 sẵn sàng cho trận đánh hôm sau.

     Sau khi Chính ủy Trần Quân tiến hành công tác chính trị tư tưởng, các cán bộ ra về đều tỏ ra phấn khởi, tin tưởng, nhưng về mặt thực hành chiến đấu, tôi vẫn chưa an tâm. Tôi bàn với Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng là cần phải gặp mười mũi trưởng để hỏi và trực tiếp nghe xem anh em còn gì băn khoăn và ta cần nói thêm gì với anh em cho rõ các ý định chiến thuật để mỗi người yên tâm tin tưởng hơn trước khi bước vào trận đánh.

      Cuộc họp với mũi trưởng thật thú vị. Không phải chỉ có chúng tôi củng cố lòng tin cho anh em, mà ngược lại chính anh em đã khiến chứng tôi càng tin chắc hơn vào thắng lợi của trận đánh. Đồng chí Mạc, Đại đội phó Đại đội 19, mũi trưởng mũi tập kích cao điểm đồi Cây Xanh nói:

      - Trận đánh này ta chuẩn bị rất kỹ, đã bàn đi bàn lại nhiều lần, kỹ hơn cả thời kỳ huấn luyện diễn tập ở bên nước. Bởi lẽ thực tế chiến đấu ở đây đâu có giống như diễn tập. Đặc biệt là khâu nắm địch, chúng tôi đã đưa các tổ trưởng vào tận các hàng rào, tận chiến hào, không phải chỉ một lần mà mấy đêm liền như thế. Bởi vậy anh em đã biết chắc là về hỏa lực, chúng chỉ có hai khẩu ĐKZ90, hai khẩu đại liên. Công sự mang tính chất dã chiến, đêm chúng ngủ tập trung trong 5 cái hầm đào sâu lưng lửng chưa có nắp đậy, chỉ mới gác cây che bạt. Đáng chú ý là ba bãi mìn, nhưng địch rất chủ quan, ngày gác bốn vọng, đêm rút về chỉ còn để một vọng. Cho nên chúng tôi đã phải giao nhiệm vụ tấn công cho từng tổ, chỉ thị rõ ràng đường tiềm nhập và mục tiêu tiến công. Tôi rất tin đơn vị tôi sẽ đánh chiếm đồi Cây Xanh rất nhanh và gọn, có thể nhất toàn trung đoàn.

     Tôi vừa nghe vừa ngắm nhìn cái dáng người khỏe chắc của Mạc, giọng nói nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát mà thấy rất tin ở khả năng chỉ huy của cậu ấy chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp theo, tôi quay sang hỏi Bường, mũi trưởng chỉ huy đánh đồi Con Lợn. Bường hơi thấp nhưng to khỏe, lông mày xếch, ngỡ là dữ tợn té ra lại rất vui tính. Đôi mắt tròn, vành tai rộng biểu hiện sự linh lợi nhạy cảm. Bường nói:

     - Thưa Thủ trưởng? Chẳng còn ai thắc mắc gì nữa đâu anh em chỉ muốn hỏi tại sao trên giao cho đại đội đánh cái cao điểm mà lại gọi là đồi Con Lợn.
 
     Mọi người cười rất to, hết nhìn Bường lại nhìn sang tôi.

     - Đơn giản là vì ngọn đồi ấy nó giống con lợn thì gọi cho dễ nhớ. - Tôi trả lời Bường.

     - Không phải đâu - Một cậu nói chen vào - Thủ trưởng muốn Đại đội 1 đánh cái cao điểm ấy phải thật mạnh thật nhanh như chọc tiết lợn cho nó không kịp kêu, không kịp ngáp nên mới gọi là đồi Con Lợn đấy.

     Tất cả cười rầm rầm. Tôi rất vui nói:

     - Thôi cũng được. Tôi và toàn thể anh em trong đơn vị rất mong Đại đội 1 đánh đồi Con Lợn như giết một con lợn, đánh nhanh, đánh mạnh và diệt gọn.

     Mạc đứng lên vung tay nói:

     - Đại đội 1 xin hứa với Thủ trưởng là sẽ cắm cờ chiến thắng lên đồi Con Lợn trước Đại đội 19 đặc công trên đồi Cây Xanh.

     Mọi người vỗ tay rầm rầm.

     Chỉ huy đánh lên đồi Mâm Xôi là một chàng trai có duyên, đôi mắt sáng, khuôn mặt tròn, lông mày thanh tú rất hợp với dáng vẻ của một thi sĩ. Mà đúng là cậu hay viết nhật ký và làm thơ. Nhưng tác phong lại nhanh nhẹn, nói năng khúc chiết hoạt bát và tinh thần chiến đấu thì phải nói là rất trùng hợp với cái tên mà bố mẹ đã đặt cho: Dũng. Tôi nhìn Dũng nhẹ nhàng hỏi:

     - Đánh đồi Mâm Xôi, đơn vị đồng chí còn băn khoăn gì không?

     - Thưa Thủ trưởng, hôm đi trinh sát lần cuối, em đã nắm tình hình địch khá chắc. Em đã đến tận công sự của chúng. Hôm ấy mà cấp trên cho em đánh, em đoán chắc là cũng giải quyết được rồi. Huống chi bây giờ, quân số chiến đấu đầy đủ. Đánh cái đồn có độ hai lăm ba mươi tên, công sự sơ sài có mỗi hàng rào, lại mới rào có ba mặt, hỏa lực có mỗi khẩu ĐKZ90 và một ụ trung liên mà trên cho đơn vị bốn khẩu B41 thì chúng nó chịu sao nổi. Các thủ trưởng yên tâm. Đơn vị em sẽ đánh chiếm đồi Mâm Xôi nhanh hơn tất cả đồi Cây Xanh và đồi Con Lợn.

     - Đồng chí Dũng! - Tôi vẫy tay cho Dũng ngồi xuống - Thay mặt chỉ huy trung đoàn tôi chấp nhận quyết tâm của đơn vị đồng chí. Tôi nhắc thêm là hôm qua địch cho máy bay lên thẳng hạ cánh xuống đồi Mâm Xôi. Theo trinh sát báo cáo thì chúng đã chở đến đây 20 bao gạo. Trung đoàn yêu cầu đơn vị đồng chí không chỉ diệt gọn bắt tù binh, thu vũ khí mà còn phải thu cho hết số lương thực tích trữ của chúng thì mới đầy đủ ý nghĩa đánh đồi Mâm Xôi.

     - Thủ trưởng yên tâm. Chúng em làm được.

     Hỏi đến Trung đội trưởng Sơn, mũi trưởng đánh đồi Cháy, Sơn cười, môi cong, chậm chạp đứng lên, dáng to bè, giọng nói nhỏ nhẹ:

      - Chúng tôi sẽ thiêu cháy chúng như cái đồi Cháy. Thủ trưởng hãy tin là như vậy. Xin hết.

     Sơn nói ngắn gọn như vậy thôi nhưng tôi hiểu cậu ấy đã nắm chắc tình hình và có quyết tâm cao. Tôi nói với tất cả anh em:

    - Thế là trận mở đầu, trung đoàn ta đánh đồng loạt 5 điểm trong một đêm. Tôi rất mong mỗi đồng chí trở thành một ngọn lửa thiêu cháy đồn thù. Các đồng chí về chuẩn bị thêm cho thật kỹ. Tôi mong rằng trận mở đầu này, đơn vị nào cũng đánh giỏi và chiến thắng.
Phải nói rằng đến lúc này tôi mới thấy nhẹ nhõm trong lòng. Hơn một tháng qua trên Bộ Chỉ huy cứ thúc đánh liên tục đến phát sốt ruột. Thực ra là còn bao nhiêu khó khăn từ việc thu quân đến tổ chức trinh sát rồi bàn bạc chọn cách đánh trong hoàn cảnh đơn vị lại nằm sâu giữa vùng có nhiều đồn bốt giặc, phải làm sao cho bảo đảm đánh thắng mà giữ được lực lượng đánh được lâu dài. Sư đoàn trưởng Năng bây giờ lên Phó Tư lệnh Mặt trận, một người có kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu và đã hiểu được phần nào khó khăn của trung đoàn mà cũng đánh điện thúc hối lời lẽ tỏ ra bực tức, cứ hỏi "Tại sao không đánh? Có biết các hướng đã nổ súng rồi không?".

     Những lúc nhận điện như thế, tôi cứ như có lửa đốt trong đầu, vừa bực vừa lo. Tôi đoán rằng các cụ ngồi trên ấy chẳng thông cảm gì cho cái anh ở dưới, phải chăm lo trăm thứ việc mà bom đạn địch thì rầm rầm cả ngày, chung quanh là địch, mất hoàn toàn đường dây với phía sau, gạo mang theo đã cạn, phải bắt đầu ăn rút tiêu chuẩn xuống, phải nghĩ cách sao vừa đánh địch vừa kiếm lương thực lo nuôi sống gần nghìn con người để hoàn thành nhiệm vụ của cả giai đoạn diễn biến của chiến dịch cho đến khi kết thúc.

      Sau này thì mới hiểu, không phải trên Bộ Chỉ huy Mặt trận không lo lắng cho chúng tôi. Sau khi chiếm Then Phun, địch đổ thêm quân ra sát vùng biên giới Lào-Việt, ngăn chặn mọi con đường vào Xiêng Khoảng, Tiểu đoàn 6 chiến dấu trong hoàn cảnh rất ác hệt tìm cách mở đường tiếp tế đạn gạo cho trung đoàn nhưng không nhích lên được Trung đoàn 209, lực lượng dự bị của Mặt trận đang tải gạo cho trung đoàn phải quay ra đánh trả địch nhằm bảo vệ hành lang mà cũng chưa giải quyết được gì. Có lẽ vì thế mà Bộ Chỉ huy Mặt trận thúc chúng tôi phải nổ súng. Đúng, tiếng súng từ trong lòng địch buộc địch phải co lại tạo thuận lợi cho toàn mặt trận…

     Vì thế, sau khi tôi đánh điện lên báo cáo ngày mai trung đoàn sẽ nổ súng đánh 5 điểm trong một đêm, các anh trên Mặt trận đánh điện xuống tỏ ra rất mừng, nhưng anh Năng lại vặn hỏi:

     - Có đúng là một đêm đánh 5 điểm không? Đánh kiểu gì, có đủ sức không?

     Chẳng được câu động viên lại còn hỏi vặn, thật bực mình. Nghĩ vậy, sau tôi lại tự nhủ: Bực mình với trên là không được. Các đồng chí ở xa làm sao có thể hiểu rõ những tình huống cụ thể mà mình đối phó. Tôi liền gửi điện lên báo cáo là đánh theo kiểu đặc công và bảo đảm với trên tôi sẽ đánh thắng.

    Có lẽ cũng không cần phải kể lại diễn biến của trận đánh ra sao bởi lẽ tất cả kế hoạch tác chiến đã được thực hiện theo đúng ý định của người chỉ huy. Điều lo nhất đối với chúng tôi là để mất yếu tố bất ngờ thì đã không diễn ra. Sướng nhất là đêm hôm đó ở Sở chỉ huy được nghe các mũi trưởng dồn dập báo cáo về đến nỗi sĩ quan tác chiến ghi không kịp kể từ sau lúc 21 giờ 30, giờ nổ súng. Hết "đã làm chủ đồi Con Lợn, thu mười các bin, bắt sống hai tên… " lại đến "đang truy lùng địch trên đồi Cháy, thu ba các bin, một máy thông tin vô tuyến. . .", "đã chiếm đồi Mâm Xôi, thu một đài, một các bin, hai bì gạo, hai súng trường Mỹ...", "đã làm chủ đồi Cây Xanh, thu bốn súng trường, hai các bin. . ." . Có thể nói, tôi sướng run lên. Đến 22 giờ là tất cả các mũi đều làm chủ các mục tiêu đánh chiếm của mình mà quân ta chỉ bị thương có một đồng chỉ Nguyễn Như Kim khi đánh chiếm đồi Cây Xanh. Tôi ra lệnh cho các mũi giữ đúng chính sách tù hàng binh, hỏi cung xong thì thả ngay tại trận, không đưa về chỗ đóng quân. Qua lời khai của bọn tù binh thì phiên hiệu của đơn  vị bị đánh là BV24, ACI.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Mười, 2009, 02:43:59 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #35 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2009, 02:35:38 pm »

       Sau khi bàn bạc về việc khen thưởng đơn vị và cá nhân xuất sắc, chúng tôi tính toán và thực hiện ngay các biện pháp đề phòng địch phản ứng và triển khai kế hoạch chiến đấu tiếp theo. Chúng tôi thống nhất ý kiến là chỉ để lại trên đồi Cây Xanh và đồi Con Lợn mỗi nơi một tiểu đội, thiết kế công sự vững chắc chống được bom và phải giữ bí mật, chỉ nổ súng khi địch dùng trực thăng đổ quân xuống chiếm chốt, kết hợp với các mũi tiến công từ dưới lên. Còn toàn bộ lực lượng rút xuống ba trăm mét cũng phải có công sự đề phòng địch thả bom. Hỏa lực pháo cối phải ở tư thế sẵn sàng chờ lệnh. Đại đội trinh sát cho ngay một trung đội đi nắm địch trong thị xã. Các Đại đội 2 và 3 chuẩn bị sẵn sàng, nếu địch không phản ứng lớn, sẽ đánh ngay vào đồn Cao, đồn Thấp trong thị xã. Triển khai kế hoạch xong, tôi mới viết điện báo cáo lên Mặt trận về kết quả chiến đấu diệt 5 điểm, bắt tù binh, thu vũ khí, làm chủ trận địa và các kế hoạch tác chiến tiếp theo sẽ đánh vào sân bay và thị xã Xiêng Khoảng. 

      Có một chuyện nực cười như thế này. Chẳng hiểu điện đài dịch thế nào mà báo cáo là “thu được hai súng trường Mỹ" lại dịch ra thành "bắt được hai thằng Mỹ"! Sau này tôi mới biết là Mặt trận đã báo cáo về Bộ tin vui đó, lại xin cho phóng viên báo Quân đội vào để hỏi cung và viết bài. Đúng là hồi đó các phóng viên Tô ân, Tư Dương, Lê Thu đã được phái vào.

     Lại nói về trận đánh tiếp theo ngày hôm sau đánh địch phản kích diễn ra đúng như dự đoán của chúng tôi. Địch cho máy bay trinh sát bay lượn nhiều vòng rồi ném bom chung quanh các ngọn đồi, cuối cùng cho máy bay lên thẳng đổ quân tổ chức tấn công lên đồi Con Lợn và đồi Cây Xanh. Cuộc chiến đấu diễn ra khá quyết liệt, địch bị đánh từ hai phía trên chốt đánh xuống, dưới vận động tấn công lên, kết quả đến 3 giờ chiều chúng phải tháo chạy hết về thị xã. Có thể nói, với trận đánh này, chúng tôi đã vận dụng có hiệu quả hình thức chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt trên địa hình rừng núi. Chúng tôi lại thu thêm được súng và bắt được một tên tù binh thuộc tiểu đoàn BV26 vừa đổ bộ xuống.

     Cũng trong ngày này, trinh sát của ta từ trên các đồi cao quanh thị xã Xiêng Khoảng đã nắm được các cụm quân địch đóng trong thị xã và khu sân bay có sự chuyển quân ra sao. Các mũi trưởng được phân công đánh các mục tiêu đã nắm chắc đường tiếp đạn, cũng như từng ụ súng, hầm hào, từng vọng gác, nơi có mìn, điều biết cả. Chính vì thế mà khi triển khai kế hoạch tác chiến, các mũi tiềm nhập đã tiến đến sát hàng rào, ĐKZ75, B41 đã bố trí trận địa xong mà địch vẫn chưa biết. Đến 11 giờ đêm thì hai đồi Thấp và Cao khu vực sân bay dường như đã nằm trong cái thòng lọng đợi giờ "khai tử". Quả là như vậy, chưa đầy hai mươi phút chiến đấu kể từ sau lệnh phát hỏa, chúng tôi đã chiếm được cả hai đồn, thu được vũ khí và hơn một tấn gạo, bắt được một tên tù binh. Đánh xong, tất cả lại rút về khu vực tập kết của chúng cho quân mò lên khu đồi Cao như có ý chiếm lại thì toàn bộ lực lượng địch trong thỉ xã lại bí mật rút hết lên  chiếm đóng hai dãy đồi Choong Voong. Cuối cùng, bọn địch trên đồi Cao cũng kéo hết lên đồi Choong Voong. Trinh sát vào trong thị xã Xiêng Khoảng báo cáo về: Trong thị xã không còn địch.

     Chúng tôi nhận định: Bọn địch sợ bị tiêu diệt nên phải kéo lên Choong Voong lấy nơi hiểm trở làm chỗ phòng thân. Như vậy, về tinh thần chúng đang rất hoang mang. Bởi lẽ đây chính là các đơn vị BV24, BV26, ACI đã bị ta đánh thiệt hại nặng. Tổ chức tấn công ngay, tuy
đường tiến quân đánh Choong Voong có nhiều khó khăn nhưng chắc chắn sẽ giành thắng lợi vì địch chưa chuẩn bị xong công sự. Nếu để chậm sẽ mất thời cơ.

     Sau khi thống nhất kế hoạch sử dụng lực lượng đánh ba điểm bằng xung kích còn ba điểm dùng hỏa lực chế áp, chúng tôi phân công nhau, anh Quân tổ chức điều bộ đội, tôi và anh Đỗ Phú Vàng ra khu đồn Cao tiếp tục theo dõi tình hình địch và đón bộ đội lên. 17 giờ, khi bộ đội đã tới khu đồi Thấp thị xã, chúng tôi họp cán bộ phổ biến kế hoạch tác chiến trong 30 phút. Sau đó cán bộ về phổ biến cho anh em, thời gian một tiếng, 20 giờ tiến quân. Đó cũng là lúc trăng bắt đầu mọc.

     Nói cho đúng, đây là kế hoạch tắc chiến đánh truy kích địch trong thế chiến thắng. Đã truy kích thì phải khẩn trương đánh cho địch không kịp thở.

     Đúng là chúng chưa kịp thở đã bị tấn công nên sau khi pháo cối ta bắn dồn dập, chúng chỉ kịp phản ứng yếu ớt ở hai hướng nghi ngờ có xung kích ta tiếp cận rồi đánh bài chuồn. Khi quân ta xung phong tiến lên chiếm trận địa địch thì chúng cũng tháo chạy tung tóe vào rừng bỏ lại cả súng và điện đài. Gạo và tép khô càng không thể mang theo. Chúng ta hoàn toàn làm chủ Choong Voong.

     Thu dọn chiến trường xong, toàn trung đoàn rút về thị xã khi trăng đã lên cao. Ánh trăng tỏa sáng soi cho chiến sĩ bước nhanh hơn trong mềm vui chiến thắng.

     Tôi bỗng nhớ đến những hôm bị cấp trên thúc giục phải đánh nhưng chưa sao đánh được. Nghĩ lại mà phát ngượng. Đến tuần này, trung đoàn đánh thắng liên tục và giải phóng thị xã Xiêng Khoảng mới thấy thanh thản trong lòng. Câu thơ bật ra từ cảm xúc trước chiến thắng không thể không viết:

Một tháng lận đận ăn ở trong rừng
Chim chưa ca, địch chưa đánh, dân chưa mừng, trên không vui.
Hai tháng vẫn ăn ở trong rừng
Chim đã ca, địch đã chết, trên đã mừng, dân đã vui
Đồn thù ta chiếm được rồi...
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #36 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2009, 02:39:50 pm »

3

      Đánh thắng giặc, trung đoàn vui hẳn lên. Nhưng vấn đề lương thực, thực phẩm lại trở nên gay go. Cấp trên rồi đơn vị bạn đánh điện xuống khen động viên, đọc điện thì mừng, khi nghĩ đến việc đạn, gạo cho những trận đánh tiếp theo thì lo vô cùng. Nuôi hơn nghìn con người trong rừng sâu mà đường tiếp tế từ phía sau vẫn bị ngăn chặn, có phải đơn giản đâu. Thu được của địch mấy tấn gạo thì giỏi lắm ăn được vài ngày. Đạn không còn đủ cho một trận đánh. Mấy đại đội hỏa lực đều đã hết gạo, anh em đi lùng sục tìm được bí ngô về nấu cháo ăn, đến khi đại tiện phân cứ đỏ lòm. Nghĩ mà thương. Giá như có dân thì chắc chắn chúng tôi sẽ được dân đùm bọc, che chở. Khốn nỗi, bọn địch mở chiến dịch Cù Kiệt vô cùng hiểm độc đã bốc hết mọi người già trẻ lớn bé đưa về Viêng Chăn và Lưăng Prabăng lập trại tập trung. Trâu bò trở thành trâu bò hoang. Nhưng chúng tôi cũng chỉ dám đụng đến những con bị thương do bom đạn gây nên. Lúa ngoài nương bãi bắt đầu chín không có người thu hoạch. Chúng tôi phải xin phép chính quyền địa phương cắt một ít chống đói. Đành phải như vậy. Thế là cái mũ sắt trở thành cối giã. Tiếng chày giã gạo vang khắp mọi nẻo rừng, nghe thì vui, thế mà trong lòng chưa yên.

      Chuyện lương ăn đang là vấn đề khiến chúng tôi phải đau đầu thì bỗng đâu, cái dịch sốt rét lại ập tới. Sốt rét lan truyền từ người này sang người khác, từ đại đội này sang đại đội khác, rất nhanh. Có đại đội hai ba chục đồng chí. Cán bộ đang họp cũng lên cơn sất. Chính ủy Trần Quân, Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng phải về hầm nằm trùm khăn kín mít. Các cơ quan tác chiến, chính trị, hậu cần… không đơn vị nào thoát. Tôi đến đơn vị nào cũng thấy anh em nằm rên. May sao tôi lại không việc gì để còn có người xoay xở định liệu.

     Tôi liền đánh điện khẩn lên Bộ Chỉ huy Mặt trận báo cáo tình hình. Trong tâm trạng vừa lo vừa xúc động, tôi đọc cho anh em viết điện, đại ý là như thế này:

   Kính gửi Bộ Chỉ huy Mặt trận.
Tôi xin thay mặt Đảng ủy và chỉ huy Trung đoàn 165 báo cáo khẩn cấp. Đơn vị đang bị sốt rét mà chưa biết sốt gì. Diễn biên rất nhanh. Mới có một ngày, chỉ riêng Đại đội 1 Tiểu đoàn 4, đã có bảy chục đồng chí. Bệnh còn đang diễn biến phát triển. Đồng chí Quân, đồng chí Vàng cũng bị sốt rất nặng. Tôi nghi là anh em bị nhiễm chất độc hóa học khi đánh lên dãy núi Choong Vuong. Tôi đề nghị Bộ Chỉ huy Mặt trận cho hướng giải quyết.

      Tuy đã viết điện báo cáo lên Mặt trận nhưng vẫn chưa yên tâm, tôi lại gửi riêng cho đồng chí Sư đoàn trưởng Nguyễn Năng, đồng chí Chính ủy Lê Chiêu cùng đồng chí Nguyễn Xuyến, Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn khi đó đang làm phái viên chính trị của Mặt trận, mỗi người một bức, nội dung đại ý tôi viết rằng:

       Nhận được tin chiến thắng của trung đoàn chắc các anh rất vui, nhưng nội dung báo cáo dưới đây sẽ khiến các anh phải lo lắng nhiều. Thực trạng Trung đoàn 165 lúc này đang khó khăn trăm bề, dường như bế tắc. Gạo đã hết từ lâu. Đánh chiếm đồn thu được một số song cũng chỉ đỡ được ít ngày. Đến nay toàn trung đoàn đã phải ăn cháo. Vài ngày nữa thì không còn đủ gạo nấu cháo nữa kia. Dựa vào đâu, tôi rất lúng túng. Tuy vậy, việc ăn uống vẫn còn có hướng khắc phục vượt lên được. Cái đáng lo, đáng sợ hơn là trung đoàn đang bị sốt rét nằm la liệt, mất quá nửa quân số trung đoàn, Đại đội 19, Đại đội 1 bị tới năm sáu chục đồng chí. Bệnh lây lan rất nhanh và đang còn phát triển. Chỉ huy trung đoàn chỉ còn tôi là chưa bị sốt. Tôi đã báo cáo lên Bộ Tư lệnh Mặt trận. Mong các anh bàn bạc và cho ý kiên giải quyết ngay.

      Chiều hôm đó, tôi nhận được điện của Mặt trận gửi xuống động viên trung đoàn cố gắng chăm sóc anh em. Trong điện có câu “Đoàn nhân dân đến trung đoàn. Chuẩn bị đón". Đọc điện thấy vui nhưng rất thắc mắc:

      Địch đóng tứ bề, phái đoàn nhân dân nào mà lọt vào đây được? Hay là bà con ẩn náu trong hang đá, hẻm núi nào, chứ ở các bản quanh thị xã và cả trong thị xã Xiêng Khoảng có còn người dân nào nữa đâu. Địch bốc hết dân đi rồi. Nghĩ thật bực mình. Trên chẳng có phương  hướng giải quyết gì lại đưa một phái đoàn nhân dân vào trong lúc tình hình đang quẫn bách thế này thì đón tiếp thế nào?

     Nghĩ đi thì thế, nhưng nghĩ lại, lại thấy phái đoàn nhân dân vào úy lạo lúc này cũng khiến cho không khí trung đoàn vui lên. Như thế cũng tốt. Tôi liền nhắc anh em, cậu nào khỏe chuẩn bị trang trí cái lán đón tiếp. Hậu cần chuẩn bị bữa ăn, sử dụng chỗ gạo nếp, tép khô mới lấy được của địch, kiếm thêm ít rau, hoa chuối, măng. Lại chủ trương chỉ đưa phái đoàn đến thăm đại đội trinh sát thôi vì đây là đơn vỉ còn nhiều người khỏe, mới sốt có bốn anh em. Yêu cầu tác phong đón tiếp vẫn phải bảo đảm tính chính quy, trân trọng, tình cảm. Phải thông báo ngay cho toàn đơn vị biết và nhắc anh em là mặc dù ốm nhưng nơi ăn ở phải vệ sinh, trật tự, sẵn sàng chiến đấu. Công tác nắm địch phải thường xuyên đề phòng địch đánh vào căn cứ, không được trễ nải.

      Dịch sốt vẫn tăng. Tôi cùng đồng chí Lạc, Chủ nhiệm Chính trị xuống  đại đội 1. Người đầu tiên gặp là đồng chí Thìn quàng chăn đứng gác. Tôi không thể ngờ anh thanh niên tuổi mười tám đôi mươi, nước da trắng trẻo, mặt tròn xoe, môi lúc nào cũng đỏ như son, vậy mà giờ đây đứng co ro, da xám ngoét, môi thâm xịt, răng va vào nhau lập cập. Tôi vội hỏi:

     - Đồng chí mới sốt à?

    - Vâng ạ!

    - Sao không báo cáo để cử người thay?

    - Cũng muốn thế, nhưng không còn đủ người khỏe.

    - Đồng chí chịu khó hoàn thành nhiệm vụ. Rồi sẽ hết sốt thôi.

    Nói như vậy nhưng lòng tôi không yên chút nào. Vào đơn vị thấy Đại đội trưởng Do đang nằm rên, trùm chăn kín đầu. Lại nghĩ về kế hoạch tác chiến sắp tới sẽ đánh đồn Cô Xi - Nam Cô phía nam Cánh Đồng Chum sẽ ra sao nếu tình hình trung đoàn vẫn chưa giải quyết được cái dịch sốt rét kỳ lạ này.

     Trở về trung đoàn bộ, tôi chưa kịp hỏi xem công việc chuẩn bị đón phái đoàn nhân dân tới đâu rồi thì đồng chí liên lạc đến báo cáo có đoàn cán bộ trên Mặt trận xuống, do bác sĩ Dần làm trưởng đoàn, cần gặp tôi.

    Gặp nhau, bác sĩ Dần hỏi ngay:

    - Bốn hôm trước trên Mặt trận đã điện xuống, trung đoàn có nhận được không?

    Tôi ngớ người chưa hiểu ra sao thì bác sĩ Dần lại nới tiếp:

    - Đáng lẽ chúng tôi đến đúng hẹn. Nhưng vì đoàn đi có hai bác sĩ, hai liên lạc, một đồng chí lại bị thương khi vượt qua khu vực có quân địch ngăn chặn, dắt díu nhau hôm nay mới tới. Đồng chí bị thương vẫn phải nằm cách đây một quãng xa.

    Qua trò chuyện với bác sĩ Dần, tôi chợt nghĩ hay là điện hôm nọ nói phái đoàn nhân dân chính là đoàn của bác sĩ Dần này. Quả nhiên cho truy xét lại bản mật điện mới hay anh chiến sĩ cơ yếu dịch nhầm "phái đoàn ông Dần” thành ra "phái đoàn nhân dân". Tôi cứ ôm bụng cười không sao nhịn được. Bác sĩ Dần thấy tôi cười, ngạc nhiên hỏi:

     - Đồng chí có điều gì vui mà cười thế?

     - Có gì đâu. Hôm nay đón đồng chí, tôi mừng quá. Tôi quý hơn vàng. Anh em sốt rét hàng loạt như thế, đón được bác sĩ trên Mặt trận xuống cứu nguy thì còn gì vui hơn.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #37 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2009, 02:42:31 pm »

      Tôi phải nói tránh sang như thế, nhưng cũng là rất thật lòng về niềm vui có được bác sĩ giàu kinh nghiệm giúp mình khắc phục khó khăn mà mấy hôm nay chẳng nghĩ ra được phương thuốc gì ngoài mấy thứ đã từng làm trước đây.

     Đồng chí Dần chậm rãi nói:

     - Anh yên tâm. Trên đường vào đây, tôi đã qua Đại đội 1, Tiểu đoàn phòng vệ của trung đoàn, đã xem và cho thuốc. Không sao đâu. Sẽ khỏi và khỏe lên ngay thôi. Đây chính là bệnh dịch "sốt mò". Anh cho gọi Chủ nhiệm Quân y lên, chúng tôi sẽ bàn kế hoạch điều trị luôn.

     Nhìn bác sĩ Dần nước da ngăm ngăm, đôi mắt sáng, giọng nói đầy tự tin, tôi rất có cảm tình. Phải nói đây là một bác sĩ dũng cảm, có trách nhiệm cao và cũng dày dạn kinh nghiệm nữa.

     Sau hai tuần, công việc điều trị của bác sĩ Dần đã đem lại kết quả không ngờ. Toàn trung đoàn chỉ còn vài đồng chí do cơ thể quá suy nhược chưa bình phục hẳn mà thôi. Bác sĩ Dần tiếp tục ở lại với trung đoàn cho đến khi chúng tôi xuất phát đánh đồn Cô Xi - Nam Cô thắng lợi, tiến vào phía nam Cánh Đồng Chum. Tôi nghĩ, chiến công của trung đoàn gắn liền với thành tích của bác sĩ Dần, chúng tôi không bao giờ quên.

      Lại nói về diễn biến tiếp theo của chiến dịch. Thời gian này đại quân ta, các Sư đoàn 316, 866, ở các hướng đánh rất mạnh, có cả xe tăng và pháo tầm xa. Trinh sát trung đoàn tôi đã lọt vào khu đồi Bản Tôn, trung tâm sân bay Bản Áng. Đặc biệt ở phía Phu Cút và đồi Koong Le, bộ đội Pa thét Lào chiến đấu rất dũng cảm, bắt được tù binh, thu vũ khí.

     Tuy nhiên, quân địch hoạt động phi pháo vẫn rất mạnh, hết ném bom Xa Nọi, Then Phun, lại bay vào phía trong Cánh Đồng Chum bắn phá. Chúng còn đổ quân xuống khu trung gian Thẩm Lửng trên dãy núi cao 1.800 - 2.000 mét. Tôi tưởng địch tăng quân có ý đồ chiếm lại Cô Xi - Nam Cô và thị xã Xiêng Khoảng. Nhưng đến tối, tôi nhận điện khẩn của Mặt trận báo Then Phun địch đang rút chạy. Tiếp đến nhận điện của Tiểu đoàn 6 báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu ở Then Phun, đang hành quân về tập trung với trung đoàn. Tôi mừng quá. Và như thế là đường tiếp tế từ phía sau với trung đoàn được nối liền, cả phía cánh bắc ngã ba Noọng Pẹt với Đoàn 866 và Sư đoàn 316.

     Điện Bộ Tư lệnh Mặt trận nhắc chúng tôi nắm chắc tình hình địch ở khu đông nam Cánh Đồng Chum, khu đồi Bản Tôn, sân bay Bản Áng và chuẩn bị nhận nhiệm vụ chiến đấu.

     Vui nhất là trung đoàn bắt đầu nhận được mọi thứ tiếp tế từ phía sau. Không chỉ gạo muối đầy đủ mà còn có cả thịt hộp, đường sữa, bột trứng, lương khô, chè, rượu, thuốc lá..., nhiều lắm. Tôi cảm thấy hình như Trung đoàn 165 chúng tôi được Mặt trận ưu tiên. Riêng chỉ huy trung đoàn được Bộ Tư lệnh gửi cho, ngoài đường sữa, thuốc lá, còn có cả một thùng kẹo và hai cân xúc xích.

     Cảm động hơn cả là đồng chí Sư đoàn trưởng Nguyễn Năng, Sư đoàn phó Lã Thái Hòa và đồng chí Xuyên, Chủ nhiệm Chính trị sư đoàn đã tới sư đoàn thăm hỏi động viên bộ đội và giao nhiệm vụ. Tiếp đến cả anh Vũ Lập, anh Hữu An cũng đến. Hang Bản Thẩm, chỉ huy sở trung đoàn vui nhộn nhịp hẳn lên. Ai cũng mừng cho chúng tôi trụ vững trong khó khăn và đã đánh thắng, đã không ngừng tìm tòi cách đánh hiệu quả nhất. Trước khi giao nhiệm vụ cho trung đoàn, các anh đã nới rõ thế trận của chiến dịch đang tiếp diễn. Các Trung đoàn 141, 209 cùng Sư đoàn 316 có xe tăng phối hợp sẽ đánh từ Noọng Pẹt chọc thẳng vào trung tâm sân bay Bảng Áng...

     Sau khi trình bày nhiệm vụ của Đoàn 866, bộ đội Pa thét  Lào, anh Vũ Lập giao cho trung đoàn tôi tấn công khu đồi Thấp, khu đồi Bản Tôn và sân bay Bản Áng để phối hợp với các cánh quân của Mặt trận. Anh Vũ Lập hỏi tôi:

     - Trung đoàn được chuẩn bị hai ngày phải nổ súng, có đảm bảo không.

    - Báo cáo, với sức mạnh của trung đoàn hiện nay có cấp trên trực tiếp chỉ đạo, lại có hiều lực lượng, nhiều đơn vị phối hợp, nhất là xe tăng và pháo binh, chúng tôi bảo đảm sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

    Quả vậy, sức mạnh của trung đoàn như được nhân lên, chúng tôi đã đánh như quét địch ra khỏi Cánh Đồng Chum. Cù Kiệt bị đập tan từng mảng. Ở Bản Tôn, địch bỏchạy trước tiếng thét xung phong của các chiến sĩ Tiểu đoàn 4 nhưng vẫn bị bắt sống hơn hai mươi tên. Địch ở Bản Áng mới nghe tiếng gầm của xe tăng đã tháo chạy…
*
*     *

       Sự kiện lịch sử của trung đoàn tôi với những kỷ niệm ở Xiêng Khoảng, Cánh Đồng Chum năm 1969 thật khó mà ghi chép cho đủ. Chỉ có điều, ý nghĩa của chiến dịch đập tan Cù Kiệt, trung đoàn tôi lọt vào vòng trong, lực lượng bị cắt lại hai tiểu đoàn đồng thời lại gặp biết bao tình huống khắc nghiệt mà chúng tôi vẫn vượt qua và đánh ruỗng Cù Kiệt tự trong tung thâm của nó, thì đây cũng là một bài học kinh nghiệm quý báu, một phương án chiến dịch tuyệt hảo mà trung đoàn tôi đã góp phần thực hiện một cách trọn vẹn.

     Và cũng thật vinh dự tự hào cho Trung đoàn 165 lần đầu tiên tham gia một chiến dịch lớn trên đất bạn, giúp bạn giành lại hòa bình, tự do cho đất nước, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ góp phần bồi đắp thêm tình đoàn kết như chân với tay giữa đội quân cách mạng và hai dân tộc Việt  - Lào. Kỷ niệm này sẽ không bao giờ phai nhòa trong tâm trí chúng tôi.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #38 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2009, 02:50:57 pm »

BẢN NA
TRƯỚC GIỜ NỔ SÚNG


      Năm 1970, tôi nhớ là vào hạ tuần tháng 8, tôi và anh Quân, Chính ủy Trung đoàn được gọi lên Bộ Tư lệnh Mặt trận Lào - Việt họp nghe kế hoạch phổ biến triển khai chiến dịch tấn công Long Chẹng - Bản Na. Chúng tôi lên đã thấy có mặt các cán bộ Sư đoàn 316, quân tình nguyện 866, bộ đội Pa thét Lào, tiếp đến là cán bộ chỉ huy bộ đội đặc công lần lượt tới.

     Cũng xin nói ngay là năm 1969, sau khi ta mở chiến dịch phản công đạp tan Cù Kiệt giải phóng Xiêng Khoảng Cánh Đồng Chum, ta rút quân về nước thì quân địch lại tràn ra chiếm đóng khắp nơi. Năm 1970 này, chúng ta lại nhận lệnh sang giúp bạn đánh đuổi quân địch giành lại vùng đất đã giải phóng.

      Lần này Sư đoàn 316, quân tình nguyện 866 cùng các đơn vị đặc công có nhiệm vụ đánh vào Long Chẹng. Đây là thủ phủ của tướng phỉ Vàng Phao do Mỹ chỉ huy xây dựng, được bảo vệ rất nghiêm mật, công sự dựa vào các hang đá rất vững chắc và cũng rất hiểm hóc. Bộ chỉ huy Mặt trận coi đây là hướng chủ yếu của chiến dịch. Bộ đội Pa thét Lào có nhiệm vụ đánh địch trên dọc đường 13. Đây là hướng đánh phối hợp. Trung đoàn 165 chúng tôi được tăng cường tiểu đoàn ĐKB 120 ly hỗn hợp cùng tiểu đoàn 12,7 ly có nhiệm vụ tấn công tập đoàn cứ điểm Bản Na. Đây là hưởng thứ yếu của chiến dịch. Đi cùng trung đoàn có tiểu đoàn dân công huyện Yên Thành, Nghệ An làm nhiệm vụ vận chuyển đạn, gạo và thương binh.

      Bản Na ở về phía đông Long Chẹng cách hơn mười kilômét, là tập đoàn cụm cứ điểm bảo vệ vòng ngoài cho Long Chẹng.

      Nhận lệnh về, chúng tôi họp cán bộ ba cơ quan và cán bộ tiểu đoàn giao nhiệm vụ đồng thời tổ chức ngay bộ phận cán bộ chủ trì từ đại đội trở lên đi nắm địch và địa hình, bố trí các cung chặng tiến quân, thiết kế các trận đánh. Tôi chỉ huy bộ phận đi trước. Anh Quân cùng cán bộ cấp phó tổ chức hành quân theo sau.
 
     Núi rừng Lào ở khu vực này rất hiểm trở. Anh em chúng tôi lại chưa ai thuộc địa hình, dân cũng không có mà hỏi, đành dựa theo địa bàn đối chiếu với bản đồ để xác định hướng đi. Phải mất hơn một tuần trèo đèo lội suối vô cùng gian nan vất vả, chúng tôi mới tôi được khu Bản Na.

      Sau ba ngày điều tra nghiên cứu, chúng tôi đã nắm khá kỹ các tập đoàn cứ điểm hình thù nó ra sao. Bản Na nằm trong một thung lũng nhỏ, có đồi có ruộng nhưng bao quanh là những dãy núi cao tạo thành vòng tròn gần như khép kín. Cách Bản Na ba mươi kilômét, dãy đồi cao phía tây bắc có một cụm bốn cứ điểm. Phía đông nam cũng trên đồi cao cách bốn kilômét có bốn cứ điểm. Khu trung tâm Bản Na có nhiều cụm, rõ nhất là cụm pháo 105 và 106,7 ly, cụm kho, sân bay trực thăng, cụm bốn cứ điểm ở mỏm đồi thấp. Chúng tôi chỉ thị mục tiêu cho từng tiểu đoàn yêu cầu các cán bộ phải đến gần nắm thật chắc tình hình và dự kiến cách đánh. Để dễ cho việc chỉ huy, chúng tôi thống nhất gọi khu trung tâm Bản Na là khu một gồm chỉ huy sở trung tâm với tiểu đoàn Thái Lan và tiểu đoàn pháo 105 + 106,7 hỗn hợp Thái, một tiểu đoàn BS22 có khu kho, sân bay trực thăng. Công sự ở đây khá kiên cố. Tiểu đoàn 6 và Đại đội 19 đặc công có nhiệm vụ đánh chiếm khu một. Dãy đồi cao phía tây bắc Bản Na là khu hai, có bốn cứ điểm đặt tên là các điểm 3, 5, 9, 1 1 giao cho Tiểu đoàn 4. ở đây có một đại đội tăng cường của tiểu đoàn BI11 Thái Lan và tiểu đoàn BV chốt giữ khu ba là dãy đồi cao phía nam đo tiểu đoàn SDU phái hữu chốt giữ cũng có bốn điểm, giao cho Tiểu đoàn 5…

      Mọi công việc chuẩn bị chiến đấu đã khá kỹ, chỉ còn bốn ngày nữa là nổ súng thì đột nhiên trung đoàn nhận lệnh của Mặt trận phải điều hai Tiểu đoàn 5 và 6 về hướng chủ yếu, làm lực lượng dự bị cho đơn vị tấn công Long Chẹng, trong khi đó trung đoàn vẫn phải đảm bảo nổ súng đúng ngày.

      Nhận điện mà băn khoăn không sao kể xiết. Thế là toàn bộ kế hoạch chiến đấu của trung đoàn bị đảo lộn.  Thời gian gấp quá, làm thế nào điều chỉnh kế hoạch tổ chức trận đánh cho kịp ngày nổ súng. Tôi liền triệu tập các cán bộ chủ trì từ đại đội trở lên, cùng ba cơ quan bàn kế hoạch nổ súng, điều chỉnh kế hoạch tác chiến cho phù hợp với lực lượng trung đoàn, giống như năm 1969, đánh vào Xiêng Khoảng cũng chỉ còn có Tiểu đoàn 4 và các đại đội trực thuộc. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là chọn mục tiêu và cách đánh.

      Tôi thay mặt chỉ huy trung đoàn trình bày trước hội nghị:

      - Thưa các đồng chí! Chúng ta đang đứng trước một thử thách. Nhưng chúng ta không sợ. Cái chính là căn cứ vào tình hình địch và lực lượng ta còn lại thì ta cần tìm ra phương án tác chiến nào để có thể bảo đảm thắng lợi? Tôi thấy là ta phải thay đổi từ cách đánh nhanh sang cách đánh dài ngày, từ tấn công cả tập đoàn cứ điểm cùng trong một thời gian sang kế hoạch đánh từng cử điểm, từng khu vực. Cụ thể là ta sẽ đánh theo chiến thuật bao vây tấn công, tập trung dứt điểm từng khu vực tiến lên tiêu diệt toàn tập đoàn cứ điểm của giặc ở Bản Na. Mục tiêu tấn công đầu tiên là cụm cứ điểm Tây Bắc gồm bốn cứ điểm 3, 5, 9, 11. Trung đoàn quyết định giao cho Tiểu đoàn 4 và Đại đội 19 đặc công đảm nhiệm. Cứ điểm 3 quân đội Thái Lan là mục tiêu đột phá đầu tiên. Hỏa lực dùng đánh điểm 3 này gồm đại đội 120 ly, hai khẩu ĐKZ75, tám khẩu B41 và đại đội 12,7 ly. Lực lượng vây lấn đột kích, ta chỉ dùng một đại đội của Tiểu đoàn 4 cùng với Đại đội 19 đặc công. Nhưng quan trọng là ta phải cùng với một đại đội bộ binh kết hợp có lực lượng hỏa lực tiến hành vây, lấn, tấn phá trước. Yêu cầu đối với bộ phận vây, lấn, tấn, phá này là phải vây cho chặt, lấn đến tận hàng rào, đến sát chiến hào địch, cùng với hỏa lực không cho máy bay lên thẳng hạ cánh, không cho thằng dưới lên, thằng trên máy bay xuống, cả thằng trong đồn cũng không ra được, thằng ngoài đồn không vào được. Phải làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên, thằng sống nằm lẫn với thằng chết. Trong khi đó lực lượng công binh với trung đội bộ binh vây lấn phá rào tiến hành mở cho được bốn cửa vào đồn giặc, hỏa lực bắn phá phải diệt các hỏa điểm và sinh lực địch ở hướng cửa mở. Khi bộ phận vây lấn, đánh phá đạt được như thế, ta mới tung lực lượng xung kích xông vào gồm Đại đội 1 và Đại đội 19 đặc công được tổ chức thành bốn đội tấn công tiêu diệt cứ điểm 3. Đánh xong điểm 3, ta tập trung đánh điểm 5, điểm 9 rồi 11. Các đại đội pháo ĐKB 120 ly tập trung bắn khu 1, trung tâm Bản Na, chủ yếu là chế áp pháo vào chỉ huy sở tiểu đoàn Thái Lan BI 11. Đối với khu 3, ta chỉ dùng đại đội 12,7 ly, đại đội cối 82 cùng một tiểu đội trinh sát bắn kiềm chế và bao vây lỏng lẻo. Cụm cứ điểm Tây Bắc bị diệt, nhất định sẽ làm rung chuyển cả khu trung tâm và khu đông nam này…
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #39 vào lúc: 11 Tháng Mười, 2009, 02:54:15 pm »

      Các cán bộ dự họp đều nhất trí với phương án tác chiến trên, cho rằng đó là cách đánh chắc tay gặp tình huống phức tạp có thể khắc phục được. Ai nấy phấn khởi về phổ biến cho đơn vị và làm tiếp các công tác chuẩn bị. Chỉ còn một ngày nữa thì nổ súng. Khí thế đơn vị bước vào tận đánh thật đáng mừng, ai cũng phấn khởi, tin là sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy tôi vẫn lo. Lực lượng mình quá mỏng. Trước một tập đoàn cứ điểm như vậy, cả khi trung đoàn có về đủ tập trung toàn lực tấn công cũng vẫn phải thận trọng chọn điểm đột phá chủ yếu nào đặng có thể dứt điểm làm cho toàn bộ quân địch phải choáng váng, huống chi lúc này, trung đoàn lại bị điều đi mất hai tiểu đoàn. Tham mưu trưởng Đỗ Phú Vàng cũng chung một ý nghĩ như tôi. Chúng tôi bàn nhau về kế hoạch vây, lấn, tấn, phá cho chắc, bảo đảm dứt điểm trận đột phá đầu tiên diệt điểm 3 thật gọn tạo đà cho các trận tiếp theo. Hai anh em đang bàn bạc, dường như còn nhiều điểm phải bổ sung cho công tác chuẩn bị thì có điện của Mặt trận thông báo là đoàn cán bộ của Mặt trận do Phó Tư lệnh Nam Hà dẫn đầu xuống làm việc, trung đoàn cho người đi đón. Thật là tin vui đến với chúng tôi. Đang lúc có nhiều điểm chưa thật yên tâm, lại được anh Nam Hà gỡ cho thì thật còn gì bằng. Cán bộ trong cơ quan trung đoàn bộ biết tin, ai cũng mừng.

     Thật ra, mọi người, kể cả tôi, chỉ mới nghe tên biết mặt chứ chưa làm việc trực tiếp với anh Nam Hà bao giờ. Qua đôi lần gặp ở hội nghị hoặc trên đường, chào hỏi nhau tôi chỉ biết sơ sơ bề ngoài, anh có vẻ xởi lởi dễ gần, người nhỏ thấp, dáng cân đối, động tác nhanh nhẹn. Thế thôi. Lần này được trực tiếp làm việc với anh ở ngay mặt trận ác liệt đầy gian khổ này, chắc chắn rằng, với kinh nghiệm của người chỉ huy lâu năm đã từng trải qua nhiều chiến dịch, anh sẽ giúp trung đoàn, giúp bản thân tôi rất nhiều.

      Tôi còn đang mải suy nghĩ như thế thì anh Nam Hà cùng ba đồng chí cán bộ tác chiến, quân huấn của Mặt trận đến ngay trước mặt. Vui quá. Lại có cả anh Lã Thái Hòa, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 312 chúng tôi cùng đi. Thời gian này, anh làm phái viên của Mặt trận.

      Tôi đứng lên hoan hỉ bắt tay các anh. Không khí chào hỏi tiếp đón diễn ra rất thân tình cởi mở.

     Anh Nam Hà hỏi tôi ngay:

     - Trung đoàn đã điều hai tiểu đoàn đi rồi chứ? Kế hoạch tác chiến thế nào, ổn chưa?

     - Thưa anh, hai Tiểu đoàn 5 và 6 đã đến đúng vị trí theo lệnh trên. Kế hoạch tác chiến đã triển khai xong. Nói chung là ổn.

     - Thế thì tốt quá.

     Các cán bộ trung đoàn và ba cơ quan kéo đến chào phái đoàn khiến cho không khí thêm sôi nổi, bộc lộ tình cảm thân thiết, tin cậy. Tôi đến sát bên anh Lã Thái Hòa hỏi chuyện vui:

     - Thế nào anh, trên đường từ Mặt trận xuống đây, Thủ trưởng và phái đoàn bị mấy trận bom rồi?

     - Ba trận. Nhưng chẳng làm sao cả. Hơn nữa, đi càng khỏe và nhanh hơn.

     Anh Nam Hà nói chen vào:

     - Cậu Thái Hòa to khỏe có mã tướng đẹp nhất đoàn cho nên bom nó nể. Lúc đến cửa rừng bị một trận, còn nhìn thấy cậu ấy, đến trận thứ hai ở đỉnh đèo Quế, trận nữa là đèo Mây, tất cả phải vượt nhanh, chúng mình vượt lên rồi, nhìn về phía sau chỉ thấy khói bom mù mịt. Lo quá  Thái Hòa đâu rồi? Một lát sau thấy cậu ta hiện ra qua khói bom, đang ì ạch bám theo, mãi mới theo kịp chúng mình.

     Mọi người cười vui, chẳng nghĩ là đang giữa chiến trường và đang ở thời điểm trước giờ nổ súng.

     Tôi hỏi khẽ anh Lã Thái Hòa:

     - Anh vẫn nhận được thư của chị ấy chứ? Thế nào, lần về nước gặp chị ấy có kết quả gì chưa? Hay là vẫn cờ trắng?

     Hai chúng tôi cùng cười. Anh em chung quanh, chẳng hiểu có biết chúng tôi nói gì không, cũng cười theo.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM