Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 01:43:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường binh nghiệp của tôi  (Đọc 64743 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #10 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 10:12:42 pm »

     Câu chuyện quanh chiếc lọ đựng kẹo bị vỡ' chưa kết thúc, nó còn phần hai - cái phần ta thường gọi là đoạn kết. Bởi vậy, tôi xin được kể tiếp câu chuyện này.

     Khi vào chiến dịch Hòa Bình, Sĩ và tôi đều đứng trong đội ngũ những người ra trận. Đây là một trận đánh lớn, cũng là lần đầu tiên chúng tôi được dự một chiến dịch có tầm quan trọng đặc biệt. ý nghĩa của chiến thắng Hòa Bình, các báo chí, sách vở và Đài tiếng nói Việt Nam đã nêu rõ, đồng thời từ trong khói lửa chúng tôi đã rút ra được những bài học quý báu và bổ ích.

     Về phần chúng tôi, những người lính chiến, được dự chiến dịch này là một phần vinh dự lớn. Lúc ấy tôi là trung đội trưởng, chỉ huy hơn 30 chiến sĩ trẻ măng, lần đầu tiên từ miền rừng núi về đồng bằng Sơn Tây. Tuy địa hình ở đây vẫn phảng phất nét trung du, nhưng cái "hồn” đồng bằng của nó làm chúng tôi choáng ngợp. Những chân ruộng như ô cờ trải bạt ngàn quanh các làng quê trù phú. Súng đạn giặc giã thế mà những cánh cò vẫn lả lơi. Mỗi buổi chiều, chúng tôi ngồi dưới lùm tre làng nhìn ra, từng đàn cò bay là là trên đồng lúa, hệt như một đám mây trắng lơ lửng trôi. Và chim sáo nhiều vô kể. Quanh ngọn Ba Vì, từng đàn sáo sà xuống đậu trên lưng bò, sừng trâu, ríu ra ríu rít.

     "Tiến về đồng bằng” không chỉ là một câu trong bài hát, mà nó còn chứng tỏ sự trưởng thành của quân đội ta cũng như trình độ tác chiến của các đơn vị chủ lực. Đơn vị tôi đánh trận phục kích và đánh vận động ở xóm Nội, quãng giữa đá Chông và núi Chẹ, tiêu diệt điểm cao 400-600 trên mỏm núi Ba Vì. Trận này, lần đầu tiên chúng tôi giáp mặt với xe tăng Pháp, quần nhau với giặc ba tiếng đồng hồ, cuối cùng đánh quỵ cả xe tăng. Giặc núng thế, giả vờ giơ tay hàng. Một tiểu đội ta tiến lên để tước súng, giặc bắn lại liền. Bên ta hy sinh mấy đồng chí. Trận này chúng tôi chịu một nỗi đau xé ruột: Cư Sĩ, trung đội phó hy sinh. Trận xóm Nội, Ba Vì, Sĩ ngã xuống giữa bom đạn chiến trường. Anh còn trẻ quá, mới khoảng 26 tuổi đời. Điều an ủi Sĩ và cho cả chúng tôi là trước chiến dịch này, Sĩ được về phép mấy ngày. Những ngày tranh thủ ấy, Kim Phương đã có tin mừng. Sau ngày anh hy sinh, một bé gái ra đời, cháu không biết mặt bố, người thân yêu nhất của cháu là bà mẹ trẻ Kim Phương, rồi đến chúng tôi: Bác Thanh và chú Nguyễn Chuông.

     Sau này mỗi lần đi qua xóm Nội, chúng tôi lại nhớ Cư Sĩ khôn nguôi. Chính chỗ này đây, chính cái xóm Nội này đây, người chồng thương yêu của Kim Phương, người đồng đội thân thương tin cậy của chúng tôi đã ngã xuống, không bao giờ trở lại. Xúc động trước cái chết của Cư Sĩ, tôi làm mấy câu vè. Tuy chữ nghĩa ít, nhưng tôi thích làm ca dao, hò vè, cũng có lúc cao hứng tôi làm thơ nữa. Tôi nghiệm ra một điều: Cái gì gây cho mình xúc động, hưng phấn thì dễ bật thành lời, thành những câu có vần, vả lại, tôi làm để ghi vào sổ tay, dán lên báo tường, nên cứ hồn nhiên mà "sáng tác", cất sao giữ lại những kỷ niệm sâu sắc trong đời mình.

     Ba mươi năm đã trôi qua, bây giờ tôi vẫn nhớ những vần thơ - vè ấy:

    Trận xóm Nội tôi còn nhớ mãi
Hôm nay người sông kể lại tình thương
Thương anh Sĩ, Huệ, Thiết, Ba
Lại cả Lưu, Lư, Ninh
Hôm nay tôi còn sống một mình
Ghi vào chỗ lòng tôi thương tiếc...

     Đánh trận đầu của chiến dịch này, đơn vị tôi đã giành được một thắng lợi vang dội, tiêu diệt một đơn vị thiện chiến của đội quân viễn chinh Pháp, phá hủy được xe tăng, bắt sống Tây râu xồm. Sau trận này, tôi được đề bạt lên đại đội phó. Nghĩ về đồng đội hy sinh, tôi càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #11 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 10:24:24 pm »

     Từ ngày tôi theo Đảng và Bác Hồ, đến tuổi 23 là đảng viên Cộng sản, là cán bộ đại đội, tôi đã có những nhận thức về quyền sống của con người, về sự bất công của xã hội cũ, về mục tiêu chiến đấu, về con đường đi tới của dân tộc Việt Nam. Là một chiến sĩ Giải phóng quân, cầm súng chiến đấu, tôi và anh em đồng đội đều tự hào mình là những chiến sĩ trung kiên của nhân dân.

     Bây giờ đánh thắng trận trên dãy Ba Vì, nghĩ lại ở làng dưới chân núi, tôi thấy lòng mình phấn khởi, tự hát thầm mấy lời. Cũng như hồi nhỏ, hát ví một cách tự nhiên, không thành đầu thành cuối, những câu có vần và không có vần.

     Thú thực với các bạn, một nốt nhạc tôi cũng không biết mà hát cũng vào loại xoàng. Trong những buổi học hát ở trung đội, tôi thường vỗ tay theo, hát với giọng khê nồng của anh nghiện thuốc lào. Thế mà tôi lại muốn làm một bài hát kỷ niệm trận đánh thắng ở Ba Vì của đơn vị.

     Tôi ngồi dậy rít một điếu thuốc, tiếng điếu cày kêu róc róc, nghe đến vui tai. Tôi gõ tay vào thành chõng nghêu ngao vài câu mở đầu, rỗi bỗng nhiên những câu sau tuôn chảy, tôi hưng phấn hát to lên:

Ba Vì ngất cao
Quanh mình quê hương ngát thơm đồng lúa
Có anh du kích gác trên nương
Nhìn về xóm vắng xa
Một chiều đông tới
Âm vang tiếng mìn bên rừng diệt thù
Xóm làng hân hoan biết bao niềm vui...

     Bài hát do một người "mù nhạc" cao hứng sáng tác, không ngờ được anh em thêm bớt câu chữ, tự nghĩ ra giai điệu trở thành bài ca "Ba Vì ngất cao. Quanh mình quê hương ngát thơm đồng lúa...". Tiếng hát cất lên khỏe như nhịp bước, mát như ngọn gió, đơn vị tôi hào hứng hát vang trong những đêm trú quân dưới chân núi cao xanh kia.

     Chiến dịch Hòa Bình kết thúc, chúng tôi lại hành quân lên Việt Bắc rồi Tây Bắc - những vùng núi non trùng điệp những vùng sông suối dọc ngang. Ở đâu cũng in dấu chân của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Chiến Thắng. Trước khi vào chiến dịch Điện Biên Phủ, trận đánh lịch sử chấn động địa cầu, tôi là một cán bộ tiểu đoàn. Khi một rừng cờ trắng của giặc dăng đầy thung lũng lòng chảo Điện Biên, tôi còn đang nằm tại trạm quân y dã chiến. Gần cuối trận đánh, tôi bị   thương nặng, tưởng đã vĩnh biệt đồng đội của mình. Nhưng tôi đã qua được "trận đánh hiểm nghèo" này, mang mấy vết thương trên mình, tôi trở về đơn vị - Sư đoàn 312 thân yêu. Còn Thanh vĩnh viễn nằm lại với mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.

     Trước năm 1954, khoảng ba, bốn năm, gia đình tôi cũng như bà mẹ nơi quán nhỏ bặt hẳn tin tức về tôi. Những người thân ở hai mái nhà thương nhớ kia tưởng chúng tôi đã hy sinh hết rồi. "Nếu còn sống thì thằng Chuông đã về thăm gia đình, chứ tại sao lại biệt tăm tích như thể”. Bà mẹ quán nhỏ nói với cô Tách vợ Thanh những lời tâm tình trên. Sau đó cô Tách tìm ra chỗ tôi đóng quân vào mùa thu năm 1955. Chị Tách lúc ấy là một bà mẹ trẻ góa bụa. Anh Thanh hy sinh trong trận đánh ở đồi Độc Lập, Điện Biên Phủ. Tổ "tam tam" của tôi thời Giải phóng quân bây giờ chỉ còn lại có một mình tôi, hai người bạn tri kỷ, tâm giao không còn nữa, thật đau lòng biết bao nhiêu. Tách đi tìm Kim Phương, hai người vợ liệt sĩ đến với nhau, an ủi động viên nhau nuôi dạy con nhỏ.  

       Thời gian Tách đi tìm tôi, tìm Cư Sĩ, trước khi gặp tôi vào năm 1955, đó là những tháng năm đau buồn, day dứt của chị. Chị đã lên thị xã Phú Thọ, đến nhiều vùng đóng quân cũ, nhưng không dò ra manh mối gì. Chị mong gặp chúng tôi để bộc lộ nỗi lòng đau xé khi chị nghe tin anh Thanh hy sinh. Chị cũng muốn nói về bà mẹ của mình mỗi tuổi mỗi già, ngày đêm mong ngóng chúng tôi về thăm.

     Bà mẹ nơi quán nhỏ ven đường không chỉ là bà mẹ Tách và Thanh mà còn là mẹ của chúng tôi, của Cư Sĩ và Kim Phương. Bà nuôi một đàn gà chờ chúng tôi về để ăn mừng ngày quân ta thắng trận Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Bà bồn chồn lo lắng, giục chị Tách đi tìm chúng tôi. Cuộc ra đi của chị Tách có thể nói là "một cuộc hành trình đầy gian khổ…" .

      Tách gặp Kim Phương ở Bến Then, hai chị em ôm nhau khóc, bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu cay đắng được thổ lộ qua câu chuyện tâm tình. Đang ở vào lứa tuổi đẹp nhất, hai chị trở thành vợ liệt sĩ, mẹ của hai cháu nhỏ. Không tìm thấy tôi, hai chị nghĩ là tôi đã chết. "Ba anh ấy lúc sống có nhau, thì khi nhắm mắt cũng có nhau”. Cuộc đời chiến sĩ cầm súng là thế, khi sống, chiến đấu hết mình, khi chết thanh thản ra đi, không kịp trối trăng một lời.

     Hai chị bàn nhau lập bàn thờ cho cả ba người, Thanh, Cư Sĩ và tôi. "Linh thiêng" làm sao, tấm ảnh chụp tổ "tam tam” năm 1947 hai chị còn giữ được. Phóng to tấm ảnh ấy, hai chị thận trọng đặt lên bàn thờ. Thắp mấy nén hương, hai chị khấn, nước mắt giàn giụa. Hai đứa bé đứng sau mẹ cũng kính cẩn vái lạy, khóc sụt sùi. Ba gian nhà lá của Kim Phương nghi ngút khói hương, không khí bỗng trầm hẳn xuống. Chiều vừa tắt nắng, lại một đêm dài đằng đẵng sắp buông phủ màn sương.

*
*     *


     Chiến trường miền Nam đang gọi, sư đoàn tôi thần tốc hành quân. Chúng tôi đánh trận Bình Dương. Tôi chỉ huy sư đoàn và các đơn vị phối thuộc chọc thẳng vào Lai Khê, thị xã Thủ Dầu Một, Phú Lợi. Đòn đánh khá mạnh, bộ binh và pháo binh hợp đồng với quân chủ lực, quân địa phương trong đội hình vào trận khiến cho sư đoàn 5 nguỵ tan tác, quy hàng. Lê Nguyên Vỹ, Chuẩn tướng, Tư lệnh sư đoàn 5 dùng súng ngắn tự sát. Sư đoàn tôi trong đội hình một đạo quân lớn nhằm hướng Sài Gòn xốc tới và chiến thắng cuối cùng ta đã giành được trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

      Đơn vị tôi lật cánh trở về miền Bắc. Thật là may mắn, sư đoàn chiến thắng của tôi lại về xây dựng doanh trại trên vùng Đất Tổ - quê hương Phú Thọ thân yêu thế mà tôi vẫn chưa có một ngày về thăm lại nơi quán nhỏ năm xưa. Đó vẫn là niềm áy náy trong tôi. Một lần tôi nhận thư của một cô gái bây giờ đã là cô giáo cấp 3, con của Cư Sĩ và Kim Phương. Lá thư tâm tình cháu viết khá dài, cháu kể về gia đình, về mẹ cháu và bước trưởng thành của cháu. Gần cuối bức thư, cháu viết: "Bác Chuông ơi, xin phép bác cho cháu gọi bác là bố, bác thông cảm cho cháu vì từ lúc lọt lòng cháu không hề biết mặt bố cháu. Từ lâu lắm rồi, cháu chỉ nhìn thấy ảnh bố cháu thôi…".

     Đọc xong lá thư, tôi bưng mặt khóc. Đời tôi hơn bốn mươi năm quân ngũ, không nhớ đã khóc bao nhiêu lần. Thanh rồi Cư Sĩ ngã xuống trong kháng chiến chống Pháp. Rất nhiều đồng đội trong sư đoàn tôi đã hy sinh trên chiến trường miền Nam. Các anh ngã xuống để cho ngày hôm nay và để cho ngày mai. Mỗi giọt nước mắt nhỏ xuống, tôi vừa thấy thương tiếc, vừa cảm nhận được sự tự hào. Lá thư của cô giáo cấp 3, con gái của chị Kim Phương làm tôi xúc động.

      Vâng, tôi sẽ là người bố đỡ đầu cho cháu, góp với cháu những ý kiến bổ ích, chân thành để cháu đi tới đích cháu hằng mong muốn.
Sau chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 một thời gian tôi thu xếp về thăm bà mẹ nơi quán nhỏ ven đường. Khi chiếc com-măng-ca lăn bánh, tôi ngồi ở ghế sau bỗng ứa nước mắt. Bà mẹ ấy nếu trời còn thương thì bây giờ cũng đã gần 90 tuổi thọ rồi. Chiếc xe lăn bánh theo những vòng cung ven đồi Phú Thọ. Trời đất thanh bình êm ả. Dòng sông Lô, nơi tôi từng đánh trận và ngâm mình, dòng nước xanh lại gợi hồn thơ trong tôi, nhưng lúc này tâm trí tôi đã dành trọn vẹn cho mái nhà một lần tôi đã đánh vỡ lọ kẹo. Đây là một kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời quân ngũ. Hôm nay tôi trở về với kỷ niệm ấy, với bà mẹ rộng lòng đáng kính, với bà mẹ không lúc nào quên tôi, quên Cư Sĩ, quên anh em. Xe dừng bánh, tôi mở vội cửa xe đi xuống. "Bà mẹ đang ngồi kia", tôi bỗng reo thầm. Một số cán bộ sư đoàn đi theo tôi đứng lặng trước hiên nhà. Chị Tách chạy từ dưới bếp lên, vội lau giọt mồ hôi, đứng nhìn tôi không nói nên lời. Cháu bé, con chị Tách líu ríu "Chào bác ạ! Chào bác ạ!". Tôi bước đến chỗ bà mẹ:

     - Mẹ? Con là Chuông đây, Nguyễn Chuông đây.

     Bà mẹ nắm lấy hai bàn tay tôi, không kịp nói một lời, bà khóc. Những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo. Tôi nhìn mẹ mái tóc bạc phơ, đôi mắt đã mờ, người gầy yếu. Mẹ ngồi đó như một cây cổ thụ tỏa bóng mát cho cả nhà, cho mọi người. Một lúc sau mẹ nhìn tôi, nhìn những người đứng xung quanh, nói thều thào:

     - Chuông đấy à? Con về thăm mẹ, mẹ mừng lắm.

     Tôi mở cặp lấy ra mấy gói kẹo, bóc phong bánh dẻo mời mẹ, rồi tôi mở mấy túi kẹo vừng mời mọi người. Chị Tách ngồi trên chiếc ghế bên lối cửa xuống dưới nhà, nhìn tôi nhìn bà mẹ khẽ cười. Rồi chị đứng dậy vui vẻ:

     - Gớm, anh Chuông nhớ dai ghê? Hôm nay anh lại mời cả nhà ăn kẹo vừng, mẹ không bắt đền đâu mà lo. . .

     Mọi người phá lên cười, số anh em đi theo tôi hôm ấy đã nghe tôi kể chuyện về "lọ kẹo" nên khi chị Tách nói, mọi người càng thông cảm.

     Gần ba mươi năm gặp lại bà mẹ, tôi nói làm sao cho đủ lời. Chỉ biết rằng, tình nghĩa quân dân, qua hình ảnh bà mẹ khiến tôi suốt đời xúc động, suốt đời ghi nhớ. Sức mạnh của quân đội ta bắt nguồn từ nhiều dòng, trong đó có một dòng suối trong suốt, mát lành là tấm lòng và bàn tay các bà mẹ. Từ chiếc lọ đựng kẹo bị vỡ, tôi nghĩ nhiều về các bà mẹ chân chất, cao cả và kính yêu, suốt đời chiến binh, mặc bộ quân phục màu lá vườn nhà, tôi đã gặp nhiều bà mẹ trên những vùng quê khác nhau, mỗi bà mẹ đều đã để lại cho tôi những ấn tượng tết đẹp, những bài học cao quý, những tấm lòng nhân hậu, những câu chuyện nhớ đời.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Mười, 2009, 10:50:28 am gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #12 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 10:39:42 pm »

LẦN ĐẦU RA TRẬN
 
     Đây là trận đánh diễn ra trên đỉnh núi Khau Co. Với tôi cũng như hầu hết anh em trong Đại đội 27 của chúng tôi, đây là trận đánh đầu tiên. Tôi và Phượng là hai chiến sĩ trẻ nhất Đại đội cho nên bỡ ngỡ và hồi hộp vô cùng. Nhưng đều thấy nó rất đỗi thiêng liêng. Bởi vì chúng tôi đã được nghe lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bây giờ chính là thời điểm thực hiện lời thề quyết đem xương máu để giữ gìn nền Độc lập của Tổ quốc. Thấm thoắt đã 56 năm.

     Lúc ấy giặc Pháp đông quân nhiều súng hiện đại hơn ta, có cả máy bay và pháo binh.

     Đầu năm 1947 chúng tập trung quân ở Phòng Tô, Than Uyên tỉnh Lai Châu để chuẩn bị tấn công đánh chiếm lại toàn bộ Tây Bắc, trên ba hướng:

     Cánh quân thứ nhất từ thị xã Lai Châu đánh xuống chiếm tỉnh Sơn La, Nghĩa Lộ, Quang Huy, tiến ra đồng bằng, đánh sang Yên Bái.

     Cánh quân thứ hai xuất phát từ Phòng Tô đánh chiếm Sa Pa, Lào Cai, Bắc Hà, Phố Lu Nghĩa Đô.

     Cánh thứ ba từ Than Uyên đánh chiếm dẫy núi Khau Co làm bàn đạp tấn công đánh chiếm Minh Lương, Văn Bàn, đánh ra Bảo Hà, đánh về Yên Bái.

     Tiểu đoàn Giang Hà chúng tôi đang ở Lào Cai được lệnh trên điều về chặn đánh giặc Pháp trên đãy núi Khau Co để hậu phương các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Yên kịp thời củng cố hậu phương chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.

     Tôi là chiến sĩ Trung đội 1 , Đại đội 27 . Đại đội trưởng tên là Ái Việt, Trung đội trưởng là Thiết Cương, các anh đều rất quý tôi. Hành quân từ Lào Cai xuống ga Bảo Hà, vượt sông Hồng vào Huyện Văn Bàn, chúng tôi đi dòng dã bốn ngày mới đến nơi tập kết ở xã Minh Lương, làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Theo kế hoạch trên phổ biến, nhiệm vụ trung đội chúng tôi phải lên chiếm giữ, chặn đánh giặc
Pháp ở hai ngọn núi Khau Co cao nhất. Chúng tôi được chuẩn bị một tuần. Xã Minh Lương lúc này còn rất là bình yên thơ mộng, có con suối chảy quanh, hai bên bờ nhà sàn san sát cái nào cũng rộng, thoáng đãng. Cả tiểu đoàn đều ngủ nghỉ trong nhà, chẳng đơn vị nào phải ngủ rừng, nằm đất Xã Minh Lương lại chia thành hai bản. Bên này suối là Minh Lương Thượng. Bên kia suối gọi là Minh Lương Hạ. Làng bản đều nằm trong một thung lũng rộng mênh mông. Xung quanh, xa xa rừng núi điệp trùng, dăng kín thành một vòng bao bọc. Đồng bào dân tộc Mông trên núi cao, lưng núi là đồng bào dân tộc Mán, dưới thung lũng là đồng bào Thái. Tất cả tạo thành một quần thể nhiều dân tộc anh em chung sống lâu đời, gắn bó, hòa thuận. Tính tình cởi mở, chân chất, cần cù, dũng cảm. Đồng bào các dân tộc rất tin Cụ Hồ, thương yêu bộ đội, coi chúng tôi như con em trong nhà. Chúng tôi cũng rất tôn trọng kính yêu nhân dân. Từ đó Minh Lương trở thành căn cứ hậu phương của Tiểu đoàn, Trung đoàn và cả mặt trận. Thanh niên nam nữ trong các làng bản nô nức vào dân quân tự vệ đi dân công. Chúng tôi rất yên tâm lên đánh giặc Pháp trên đỉnh núi Khau Co.

     Khau Co là dẫy núi cao hùng vĩ đầy sương mù gió lộng, là điểm hội tụ của nhiều núi nhỏ. Chúng tôi hành quân lặn lội leo trèo từ sáng ở xã Minh Lương đến gần tối mới lên tới đỉnh Khau Co. Trên đỉnh núi chỉ có một con đường độc đạo, người, ngựa di lại được. Nhân dân hai tỉnh Lào Cai, Yên Bái muốn qua thăm nhau đều phải leo qua con đường độc đạo này. Trên đỉnh Khau Co ngày nắng ấm, trời cao lồng lộng và thoáng rộng vô cùng, phong cảnh núi, rừng thật là tươi đẹp. Đất trời xanh vời vợi, chim hót, vượn kêu đến là vui tai, lạ mắt. Cây rất nhiều loại, hoa nhiều màu. Thế nhưng, ngày giá rét thời tiết ở đây khắc nghiệt làm sao. Đêm cũng như ngày gió tranh nhau thổi, chốc chốc lại một cơn lốc khiến cỏ dạt cây nghiêng tưởng như có thể cuốn cả con người lên trời, hoặc đẩy xuống vực. Những ngày oi ả không khí khô khốc, cây cối háo nước xào xạc, các loại muỗi, vắt, ruồi vàng đến quấy nhiễu. Chúng thi nhau cắn đốt làm ai nấy ăn ngủ không yên còn gây mụn nhọt khắp tay chân. Nhưng sợ nhất vẫn là gió Khau Co. Chả thế mà nhân dân ở đây đã có câu ví: "Ruồi vàng bọ chó. . . không bằng cái gió Khau Co" . Riêng những ngày gió nồm ở Khau Co, sương buông trắng trời, kín núi, không còn phân đất trời và giới hạn ngày đêm. Sương dầy đến nỗi chúng tôi có cảm giác mình đang đi bồng bềnh trong mây. Quần áo ẩm ướt suốt ngày. Có khi hàng tuần không nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Nhưng thế trận chúng tôi từng ngày vững chắc. Chiến hào đào sâu, công sự, ụ súng được đắp đầy, các hầm đạn, hầm ngủ, hầm cấp cứu thương binh đưa cả vào lòng đất, tránh được đạn, pháo giặc. Ai cũng yên tâm khí thế sẵn sàng, giặc Pháp đến, tin là đánh giữ được trận địa Khau Co.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #13 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 10:48:23 pm »

     Đầu tháng 2 năm 1947 trên thông báo: "Giặc Pháp tiến công lên Khau Co, chúng đang hành quân, các đơn vị phải tăng cường quan sát, bộ phận đi đầu chúng đã đến chân Khau Co. Máy bay giặc đang bắn phá hậu phương ở xã Minh Lương, các đơn vị phải hết sức sẵn sàng chiến đấu”.

     Đại đội 27 chúng tôi chưa phát hiện được địch. Tự nhiên tôi hồi hộp, trời không lạnh mà tay lắp đạn lên nòng cũng không bình thường, cứ lóng nga, lóng ngóng. Miệng nói như líu lại. Thực lòng tôi vẫn còn lo. Lần đầu tiên đánh nhau với giặc Pháp, tôi chưa hình dung được nó sẽ như thế nào. Máu đổ sống chết ra làm sao. Quan sát các anh trong trung đội thấy nhiều người bình tĩnh lắm còn bảo nhau "Chúng ta phải để giặc đến gần mới bắn". Thế rồi dần dần tôi thấy bình tĩnh trở lại và yên tâm chờ đợi.

     Mãi đến 10 giờ giặc mới nổ súng tấn công. Mọi cỡ súng xối xả trút đạn vào tất cả các điểm tựa phòng ngự của ta hơn một tiếng đồng hồ, khiến trận địa ta, cây cối đổ ngổn ngang, đất đá, hầm hào sụt lở, bụi đất tung lên mù mịt. Sau đó bộ binh giặc nhất loạt xông lên miệng la hét "A, la xô” om xòm, vừa tiến vừa bắn như vãi đạn. Chúng tôi ở thế cao, nhìn rõ từng thằng tây, bao quát được cả đội hình các mũi tiến công của chúng.

     Trung đội trưởng Thiết Cương nhắc:

     -   Để giặc đến tầm thật gần hãy nổ súng.

     Lúc này tôi bình tĩnh hơn đã nhìn thấy giặc đến giữa  tiểu đội một, thằng nào cũng cao to, đầu đội mũ ca-lô, mặt đỏ gay, mắt lơ láo.
     
     Vẫn chưa có lệnh bắn. Một toán khác đã đến sát chiến hào tiểu đội 3.

     - Nổ súng! - Không rõ lệnh từ Trung đội trưởng hay Đại đội trưởng. Chúng tôi bắn. Cả đại đội, tiểu đoàn cùng bắn. Tiếng súng ta, địch nổ liên hồi, không tên địch nào lên được trận địa của ta. Có thằng chết chỉ cách chiến hào tiểu đội tôi năm sáu bước. Thằng bị thương kêu la thảm thiết khiến đội hình nhốn nháo, thằng lùi lại, toán chạy ngang. Có tên còn nằm tại chỗ la hét “A la xô" nhưng chẳng thằng nào dám tiến lên nữa. Thì ra giặc cũng sợ ta, chúng cũng sợ chết, cũng kêu la gào khóc như trẻ con. Lúc này tôi thấy phấn chấn, khí thế nhìn hai thằng tây chết nằm úp sấp to như con bò, hai thằng bị thương vừa kêu rống lên vừa rên rỉ.

     Trận đánh cứ dằng co. Tiếng súng ta - địch thưa thớt dần. Sương chiều đã bắt đầu trùm xuống tràn mặt trận. Quân giặc phải lùi xuống chân núi Khau Co.

    Đánh thắng trận đầu, ai cũng vui. Nhưng lập tức phải chuẩn bị khẩn trương cho các trận đánh tiếp sau mà chắc chắn còn gian khó ác liệt và dai dẳng hơn trên đỉnh núi Khau Co đầy sương mù với gió hướng này.

     Quả nhiên hôm sau giặc Pháp lại tấn công. Liên tiếp mấy ngày liền, chúng hò hét tổ chức đánh lên nhưng đều bị chúng tôi chặn lại đứa chết đứa bị thương không còn đủ sức tấn công phải chuyển sang tạm thời phòng ngự đối diện trực tiếp với ta ở các ngọn núi dẫy đồi thấp Khau Co.

     Cuộc chiến đấu tiếp tục chỉ diễn ra những trận đánh rời rạc, nhỏ lẻ, để thăm dò lực lượng của nhau. Bên ta, quân số chiến đấu và đạn dược giảm dần. Cuối cùng quần áo, chăn màn cũng rách tươm, ăn uống thất thường, không đủ no, thuốc men thiếu, rất ảnh hưởng đến sức chiến đấu. Nhưng tinh thần, ý chí quyết tâm đánh giặc vẫn không nao núng. Đại đội 27 chúng tôi thỉnh thoảng còn sử dụng từng trung đội thay phiên nhau tấn công, tập kích vào trận địa quân giặc vừa có tính chất trinh sát vừa nhằm mục đích tiêu hao đẩy giặc ra xa, không cho chúng bám gần trận địa. Trong thời gian này giặc Pháp tăng thêm quân và vũ khí, đạn dược. Ta cũng vậy. Trên còn
giao cho tôi chức vụ tiểu đội phó. Thật ra tôi chỉ muốn là một chiến sĩ. Nhưng được anh em rất ủng hộ và trên tin yêu, tôi cũng vui nhận.
Trung đội được lệnh chuẩn bị chiến đấu, ai cũng phấn khởi vững vàng tin tưởng. Mấy anh ốm nặng phải về phía sau, không ai muốn rời trận địa.

     Một buổi sáng khi đỉnh núi Khau Co còn đầy sương mù, địch đã bắn sang trận địa ta khác ngày thường. Tôi cùng một số anh em ra vị trí chiến đấu quan sát. Bỗng trung đội trưởng Thiết Cương gọi:

    - Đồng chí Chuông? Địch nó bắn vậy nhưng chưa tấn công đâu. Đồng chí lại đoạn chiến hào gần tiểu đội 3.

    Tôi đang định hỏi xem anh giao nhiệm vụ gì. Anh nói tiếp ngay:

    - Hôm nay chi bộ làm lễ kết nạp Đảng cho đồng chí.

     Tôi rất hồi hộp và phấn khởi. Năm qua tôi đã được nghe cán bộ cấp trên nói chuyện về Đảng Cộng sản, đặc biệt lại được học hẳn một tháng về chính trị, nội dung chương trình học cả Điều lệ Đảng, tôn chỉ, mục đích của Đảng nên rất mong một ngày trở thành đảng viên. Lễ kết nạp đơn giản mà trang nghiêm. Chỉ trong một đoạn chiến hào vẫn có bàn tự tạo làm bằng cây vầu và nứa đan, trên bàn có bó hoa chuối rừng đỏ. Vách chiến hào treo cờ đỏ sao vàng, cờ Đảng và ảnh các lãnh tụ Mác-ănghen, Lê-nin, Sít-ta-lin, Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #14 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 08:18:20 am »

     Sáu anh em được kết nạp vào Đảng hôm nay có cả Phượng là bạn thân thiết, lại là con chiên của Chúa. Còn tôi là đệ tử của Đức Phật Thích ca đã trở thành đảng viên cộng sản. Tôi rất vui.

     Anh Thiết Cương lên đọc công nhận và căn dặn chúng tôi. Tôi thay mặt sáu anh em lên phát biểu. Đại ý tôi hứa được Đảng giao bất cứ nhiệm vụ gì dù khó khăn mấy cũng quyết tâm phấn đấu hoàn thành. Rất mong các đồng chí chi bộ giúp đỡ… Chỉ có mấy câu thế mà tôi nói cứ ấp a, ấp úng, mặt nóng ran. Lễ kết nạp xong tôi trở về vị trí chiến đấu, chưa hết hồi hộp thì đã bị Phượng đến trêu chọc:

     - Sao hôm nay mày phát biểu lúng búng như gà mắc tóc. Mọi ngày cãi nhau với tao lưu loát lắm kia mà.

     - Xúc động, mày hiểu không?

     - Hôm nay, cứ để tao phát biểu còn mạch lạc hơn mày nhiều.

     - Có lẽ đúng như vậy. Nếu để cậu phát biểu hứa hẹn còn hay hơn.

     Cuộc chiến đấu cứ dằng co không có tính chất quyết định. Mãi đến tháng tư năm 1947 địch mới mở đợt tiến công quy mô lớn hơn nhiều các lần trước. Cách đánh cũng khác trước. Ngày đầu chúng dùng máy bay bắn phá hậu phương ta đến tận Văn Bàn, Bảo Hà, Làng Cóc. Cối pháo bắn vào các trận địa ta. Mặt khác, bộ binh tiến lên không tấn công, chỉ áp sát bao vây. Ngày thứ hai các loại hỏa lực kết hợp với máy bay bắn phá, thả bom hàng tiếng đồng hồ. Sau đó, bộ binh tất cả các mũi, các hướng tiến lên đông đặc đánh vào các trận địa của ta. Vừa tiến vừa thổi kèn la hét "A la xô" ầm ĩ, om xòm.

    Chúng tôi, dựa kinh nghiệm các trận đánh trước, cứ để giặc đến gần, chọn tên đi đầu, thằng chỉ huy, đứa thổi kèn, vác súng máy mà bắn. Quả nhiên mấy thằng đi đầu ngã xuống. Tên chỉ huy cũng chết, binh lính thằng chết, thằng bị thương. Giặc lại lùi xuống nằm tại chỗ không dám tiến lên.

    Nhưng hướng tiểu đội 3 địch liều chết xông lên chiếm được đoạn hào. Trung đội trưởng Thiết Cương điều ngay một tổ của tiểu đội 1 với anh, bắn chết hai thằng. Thu được cả súng. Còn ba thằng tháo chạy ra khỏi chiến hào. Một thằng bị thương tiếp, hai thằng chạy thoát. Chúng tôi lại khôi phục được trận địa. Mệt quá nhưng ai cũng vui, phấn khởi, khí thế. Mặc dầu địch còn rất nhiều quân bâu bám xung quanh bắn cối pháo vào trận địa ta, hò hét nhưng chúng chỉ nằm tại chỗ không dám tiến lên.

     Lực lượng ta lúc này nhiều đồng chí bị thương và hy sinh, trong đó có đồng chí Thịnh - Chính trị viên Trung đội, Tiểu đội trưởng Hoàng Cái, tổ trưởng ba người Nguyễn Xuân, Hoàng Phượng bạn thân thiết của tôi đang băng bó cho các đồng chí bị thương. Mười hai giờ trưa giặc lại mở đợt tấn công tiếp theo. Chúng bắn không tiếc đạn vào trận địa chúng tôi. Đạn nổ cứ liên hồi, inh tai nhức óc, lửa khói bụi đất bốc lên dồn xuống cả trận địa ta mù mịt. Khi hỏa lực chúng chuyển làn, bộ binh giặc lại đồng loạt xung phong. Lúc này tình hình diễn ra vô cùng quyết liệt.

     Chúng tôi vừa bắn vừa ném lựu đạn. Anh em bị thương nhẹ cũng lên chiến hào bắn giặc. Địch lại bị thương, bị chết nhiều hơn hôm trước. Chúng chỉ nằm tại chỗ bắn lên.

     Tôi nhìn Trung đội trưởng Thiết Cương, lòng nao nao xúc động. Anh gầy đi nhiều. Bộ râu con kiến khá đẹp, bây giờ mọc rậm đâm ra tua tủa. Cặp mắt anh vẫn sáng trong đầy suy tư Anh bảo tôi:

    - Cậu làm cách nào tìm thêm đạn. Nhớ bảo anh em bắn tiết kiệm. Động viên anh em bị thương cố gắng tiếp tục chiến đấu.

     Lúc này bọn địch bâu bám vừa hò hét ầm ĩ hòng áp đảo ta vừa nã các cỡ súng vào điểm tựa của ta. Đến 15 giờ chúng lại tấn công xung phong. Chúng tôi cứ nhằm bắn thằng đi đầu ngã gục. Bọn giặc lại lùi. Đến lúc này chúng tôi thực sự lo lắng. Đạn gần hết cả rồi mà giặc còn bâu bám xung quanh. Bỗng anh Thiết Cương ra lệnh:

     - Bây giờ chúng ta vừa đánh vừa hát. - Anh cất tiếng hát trước "Bao chiến sĩ anh hùng”… Chúng tôi hát theo "Lạnh lùng vung gươm ra xa trường”. Lúc đầu hát còn nhỏ, rời rạc, càng về sau hát càng to, khí thế hào hùng "Quân xung phong? Nước Nam đang chờ mong tay người, hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời...".

     Giặc Pháp ngơ ngác không tiến, không bắn mà nằm nghe ta hát. Chúng tưởng ta còn mạnh, cứ nằm lỳ dằng co, thỉnh thoảng bắn lên mấy loạt súng bâng quơ. Cho đến chiều tối tiếng súng cả ta và địch im hẳn. Trung đội tôi lúc này chỉ còn 18 đồng chí trong đó có mấy đồng chí bị thương nhưng vẫn giữ được trận địa trên hai ngọn núi Khau Co cao nhất.

     Trận đánh đầu tiên mà tôi được tham gia đã diễn ra như thế. Khi ấy tôi mới là Tiểu đội phó, cái chức vụ mà sau này anh em ta thường nói vui là "nửa cán nửa quân”, thật sự tôi chưa biết chỉ huy ra sao. Nhưng mọi việc Trung đội trưởng Thiết Cương nhắc nhở tôi đều làm tròn.

     Cũng cần phải kể đến tình hình đời sống của bộ đội trong thời gian này. Thứ nhất là đồng lõa với giặc Pháp còn có lũ chấy rận hoành hành. Chúng tôi phải tìm mọi cách diệt chấy rận thì mới có thể yên ổn mà lo việc chiến đấu. Hàng vạn hàng vạn chấy rận bị tiêu diệt bằng mọi cách nên chúng tôi gọi đây là trận đánh không có tiếng súng. Thứ hai là mưa lũ. Cơn mưa kéo dài đến trung tuần tháng 7 khiến cho nước các con suối và sông Hồng dâng cao. Gió bão lại làm sụt lở đường sá, cây cối đổ ngổn ngang. Thuyền mảng cũng không qua lại được trên sông suối. Thế là việc chuyên chở gạo từ Yên Bái lên, Bảo Hà vào bị tắc nghẽn. Chúng tôi lâm vào cảnh đứt bữa, gạo để nấu cháo dần dần không còn, phải tìm các loại củ rừng, quả rừng ăn thay cơm.

     Ôi thật là trận đói nhớ đời. Các thứ rau trên rừng, rau tập tàng, rau rớn, rau đồng tiền, rồi quả sung, quả vả, hoa chuối, ổi xanh. . . con ốc, con ếch, con cá, con tép đều được sử dụng thành thứ lương thực chính hàng ngày để khỏi bị đói lả. Có hôm tôi đi tìm rau phải chống gậy vì bụng đói mắt hoa, đi không vững, ruột xót như bào cứ sôi ùng ục có lúc tưởng ngất xỉu, vẫn phải cố dò dẫm bước đi chầm chậm theo anh em.

     Thế rồi nghe nói hạt cây lai dầu ăn được anh em vào nhà dân xin lại phải nói dối là để giã với muối ăn thay muối vừng. Nào ngờ hạt lai dầu bùi và thơm đấy nhưng ăn vào một lúc sau, anh nào anh nấy sùi cả bọt mép, nôn oẹ, rên rỉ, nước mắt giàn giụa, chân tay run lập cập. Thế là lại phải nhờ dân tìm lá sắc cho uống để giải độc mới trở lại bình thường.

     Lại đến khi bão tan, nước rút, gạo từ Văn Bàn được dân công tiếp tế lên, thổi một nồi ăn chưa thỏa, lại thổi tiếp nồi thứ hai, ăn đến căng bụng và cuối cùng mười hai cậu ôm bụng nằm thở, ngực tức buồn nôn mà lại không nôn được chân tay rã rời, bụng mỗi lúc một trướng lên sờ vào là cảm thấy đau nhói, nói không ra lời, mắt cứ trợn ngược, nước mắt giàn giụa như người hấp hối chờ chết… Cho đến mãi sau này tôi vẫn không hết ngượng về cái chuyện "suýt chết no" ngày ấy.

    Cuối cùng thì lại phải nhờ đến dân tìm lá rừng sắc uống để cho nôn ra. Chúng tôi đã rút ra kết luận là cái đói đến từ từ và chết cũng từ từ nhưng đó là do hoàn cảnh tạo nên. Chứ bội thực có thể chết tươi mà chết trong sự ngượng ngùng hối hận.

     Đó là những tình huống ngoài trận đánh trong thời gian ba tháng phòng ngự trên dãy Khau Co nhưng nó cũng là những thử thách rất có ý nghĩa đối với đời lính chúng tôi.

     Điều quan trọng bậc nhất là chúng tôi đã hoàn thành vượt mức thời gian chặn giặc ở đây. Theo tôi hiểu thì cuối năm 1947, thế trận của chúng ta dã dần dần chuyển sang giai đoạn cầm cự. Từ sau trận Khau Co, Tiểu đoàn Giang Hà chúng tôi đã trưởng thành hẳn lên chuyển sang làm nhiệm vụ chiến đấu trong vòng vây cho tới năm 1950 sau khi giải phóng Lào Cai lần thứ hai thì tập trung về thành lập đơn vị lớn hành quân đánh giặc ở mọi miền có giặc.

     Sư đoàn 312 trở thành gia đình lớn của tôi qua mọi chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào, Hòa Bình, Điện Biên… Anh tiểu đội phó "nửa cán nửa quân” trong trận đánh đầu tiên ở mặt trận Khau Co đến chiến dịch Điện Biên được giao nhiệm vụ Tiểu đoàn trưởng.

     Nhưng tôi chẳng thể nào quên trận đánh đầu tiên của cuộc đời người chiến sĩ Cách mạng, không thể quên tấm lòng của bà con các dân tộc ở Minh Lương đã cho tôi hiểu thế nào là tình cảm quân dân như cá với nước. Bởi đó là lần đầu tiên tôi thực sự hiểu ý nghĩa thiêng liêng cua hai tiếng Tổ quốc và tôi đã được cầm súng bắn vào đầu giặc Pháp để bảo vệ Tổ quốc thân yêu của mình, bảo vệ quyền tự do chính đáng của người công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, bảo vệ nhân dân.

     Trận đầu tiên ấy mãi mãi tỏa sáng trong tôi.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #15 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 08:56:03 am »

ANH VỆ TÚM

     Từ mặt trận chiến đấu Khau Co, đơn vị tôi được Tỉnh đội Yên Bái điều về hậu phương để củng cố. Chúng tôi đóng quân từ Cổ Phúc, Nga Quán, Xuân Lan, Gốc Táo đến Bãi Dương. Trung đội tôi ở tập trung trong 2 xóm: Bãi Dương Bãi và Bãi Dương Đồi. Tiểu đội tôi ở tại nhà ông bà Bảng - anh Hiểu, nhà chị Mùi, anh chị Cục. Mặc dù anh em đã kín đáo che giấu những thiếu thốn, ốm đau, bệnh tật nhưng được vài hôm dân làng đều biết cả, thậm chí dân làng còn biết rất rõ từng tên, anh nào bị thương, bị ốm đau, sốt rét, ghẻ lở, chấy rận, hắc lào… Thành ra mới đến Bãi Dương được mấy ngày chúng tôi đã có ngay cái tên mới "Vệ Túm". Các em nhi đồng và các cô gái trẻ tinh nghịch là hay trêu "Vệ Túm" nhất.

     Thời gian ở với dân, chúng tôi vẫn thiếu đủ thứ, từ khăn mặt, xà phòng, thuốc đánh răng đến bộ quần áo lành. Thèm đủ thứ, từ quả chuối, bắp ngô, cái kẹo đến củ sắn luộc. Mặc dù vậy ai ai cũng phấn khởi, mừng vui được sống trong bầu không khí yêu thương của hậu phương. Dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng so với cuộc sống chiến trường vừa qua thì nay quả là đã hạnh phúc nhiều lắm.

     Ngay hôm đầu, Trung đội trưởng Thiết Cương đã nói:

    - Cấp trên cho chúng ta về đây để củng cố lực lượng, phục hồi sức khỏe, các anh em bị ghẻ lở, chấy rận, sốt rét phải tích cực tranh thủ chữa ngay.

     Để tiện cho việc điều trị, đơn vị chia thành từng nhóm nhỏ, nhóm bị thương, nhóm bị sốt rét, nhóm bệnh ngoài da. Số anh em này không phải làm những việc nặng như lấy gạo, thồ củi. Anh Thiết Cương nhắc nhở: Chữa bệnh ở nhà dân nên giữ vệ sinh, đừng để dân biết mà sợ lây bệnh. Số đồng chí thiếu quần áo thì phải cho nhau mượn, ai khéo tay thì vá cho nhau, nên tranh thủ nhờ các mẹ, các chị trong nhà khâu vá giúp.

     Trong số anh em hồi đó, tôi nhớ anh Kim bị sốt rét hành hạ, người xanh như tàu lá, mặc dù đã chống gậy mà đi đứng vẫn xiêu vẹo như chỉ chực đổ. Trước đây, anh là người được coi đẹp trai nhất trung đội, có nhiều tài vặt như thổi kèn, đánh đàn, hát hay, đá bóng giỏi, tính tình cởi mở, ăn mặc gọn gàng, có đôi mắt và cặp lông mày trông rất duyên. Người con trai Hà Nội này nói chuyện có đầu có đuôi rất hấp dẫn. Tinh thần chiến đấu cũng không kém ai. Thế nên, anh là một trong số những người bệnh được trung đội hết lòng quan tâm chăm sóc. Theo kinh nghiệm nhân dân cho biết, chừa bệnh sốt rét bằng lá na vò nát với nước lã rồi chắt ra bát đem phơi một đêm qua sương, uống đều đặn mỗi ngày một lần. Chưa đầy một tuần sau anh đã khỏi bệnh, lại vui cười, cà hát cùng anh em.

     Người thứ hai được mệnh danh là đô vật, người to, khỏe nhất đơn vị. Đó là anh Hoàn mặt to tròn, cặp lông mày xếch ngược, chiến dấu dũng cảm, xông xáo. Anh ít nói nhưng nói rất to. Khi không vừa lòng với ai chỉ cần trừng mắt là người đó phải ngại rồi. Trẻ con thì nem nép khi trông thấy anh. Nhưng tiếp xúc nhiều mới biết anh là một bệnh ngoài da nặng nhất. Gương mặt đầy đặn lúc nào cũng cau có. Hai tay gãi ghẻ, gãi chấy, rận, trông đến thương. Các cụ già bày cho cách chữa, lấy lá cời, lá sòi, lá  ổi xát mạnh vào chỗ ngứa. Thế rồi một hôm rất đỗi bất ngờ cả "phái đoàn” ghẻ lở, mụn nhọt rủ nhau ra suối tắm. Vừa mới khỏa nước một cái đã thấy hàng đàn cá mương lớn bé đua nhau kéo đến. Quả thật với chúng, hôm nay là một bữa "đại tiệc". Loại cá mương nhỏ và nhanh không biết sợ là gì cứ châu đầu vào các vết lở ghẻ mà đớp, mà hút. Anh em cứ để mặc cho các "y tế” trời cho này chăm sóc thỉnh thoảng chỉ xua tay đuổi những con quá lớn và liều lĩnh. Khi lên bờ, nhìn vào các chỗ mụn nhọt, ghẻ lở đã thấy cá ăn sạch, chỉ còn một lớp da non hồng hồng nổi lên.

     Bây giờ là lúc lấy lá cời, lá sòi hoặc lá ổi vò nhỏ xát. vào, xong ra phơi nắng, khô nước mới mặc quần áo ra về. Cứ liên tục ba bốn lần ra suối "điều trị” như thế là khỏi. Còn trị con chấy trên đầu cũng không khó, chỉ cần cạo trọc đầu như là sư là gọn và sạch. Tiêu diệt con rận thì phải tỉ mẩn hơn, bắt từng con và đem quần áo luộc lên phơi nắng là hết.

     Chung quy các bệnh sinh ra nhiều là do điều kiện chiến sĩ thiếu thuốc men và sống trong rừng núi nhiều khó khăn, thiếu vệ sinh.

     Sau thời gian điều trị theo phương châm tích cực, tranh thủ, sức khỏe lên dần, hình thể chiến sĩ đã trở nên "phong quang” khởi sắc hẳn ra.

     Một hôm, sau thời kỳ chữa bệnh tại chỗ, chúng tôi tổ chức đi thăm cảnh vật và bạn bè xung quanh. Chúng tôi ngược lên Cổ Phúc, Nga Quán, hướng đến Xuân Lan, Gốc Táo, về tận Yên Bái, vượt qua sông Hồng về nhà mẹ Tuyên chơi. Gia đình mẹ, tôi quen từ hồi còn đánh Quốc dân Đảng trước ngày giải phóng thị xã Yên Bái. Sau thời gian xa cách quá lâu, mẹ con mới gặp lại nhau mừng mừng, tủi tủi:

     - Thế tao nghe người ta đồn là bộ đội mình rách rưới, chấy rận ghẻ lở lắm phải không con?

     Tôi cười trả lời mẹ:

     - Họ đồn không đúng cả đâu mẹ ạ? Mẹ xem tóc con đây này, không hề có chấy. Còn bộ quần áo rách là bình thường.

     Nhưng khi nào cấp trên gọi hoặc những buổi đi chơi như hôm nay là chúng con ăn mặc tươm tất đấy chứ ạ!

     - Thế sao những đứa trẻ chúng nó không gọi các con là Vệ Quốc đoàn mà lại gọi là Vệ Túm? …

     - Ồ mẹ ơi! Mọi người thích trêu chúng con thì gọi thế nào chả được! Càng thêm thân thiết nhau hơn…!

    Bãi Dương là một làng nhỏ nằm dọc triền sông Hồng chuyên trồng lúa, khoai, ngô, lạc, sắn. Làng khá nghèo, đến đâu cũng thấy những ngôi nhà gió lùa từ bốn phía.

     Một hôm, anh em chúng tôi ra tập ở xóm Bãi trở về thì gặp ngay một tốp chị em chắc là đi họp về, bị họ trêu cho một trận. Có lẽ các cô thấy anh Hoàn quần áo lôi thôi, rách hở cả đùi đang lúng túng lấy tay che lại, nên một cô cất tiếng ví:

Các anh Vệ Túm ở làng
Quần anh rách thế cả làng đều thương
Chúng em là gái Bãi Dương
Muốn gửi đường vá nối liền đôi ta!
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #16 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 10:11:17 am »

      Chúng tôi đùn đẩy anh Hoàn đối đáp lại. Nhưng chợt nghĩ lại thấy thông minh nhất là im lặng chứ dại gì động đến cái tổ ong ấy. Họ gọn gàng, xinh đẹp thế kia, trong khi mình đang rách rưới thế này. Chúng tôi về đến nhà đã được Trung đội trưởng Thiết Cương thông báo ngay.

     - Các đồng chí chuẩn bị tinh thần, ngày mai chị Thận sẽ dẫn đầu đoàn phụ nữ Phú Thọ, Yên Bái và cả chị em ở Bãi Dương đến đây thăm chúng ta. Đồng chí nào có quần áo cần nhờ khâu vá thì sửa soạn đi.

     Ngày hôm sau, tất cả đơn vị tập trung ở sân nhà ông Bảng chờ đón. Tám giờ đoàn đến, khách, chủ thân tình bắt tay nhau. Mấy chị trong đoàn mời anh em thuốc lá Hoa Lư. Đồng chí Khang nảy ra yêu cầu tất cả mọi người bắt nhịp hát bài Đoàn Vệ Quốc quân một lần ra đi. Tất cả khách, chủ vừa vỗ tay vừa hát vang sôi nổi. Thấy vui, trẻ con cả xóm cũng kéo đến. Bây giờ tôi mới quan sát kỹ trong đoàn chỉ có chị Thận và hai chị ở thị xã Yên Bái là hơn tuổi, còn chỉ xấp xỉ tuổi chúng tôi. Những câu chuyện không đầu, không đuôi cứ thế nổ tràn như ngô rang. Nào là chuyện hậu phương ra sao, hũ gạo nuôi quân ủng hộ kháng chiến có "đầy" không, phong trào sản xuất như thế nào... rồi hỏi lân la từng chị về chuyện chồng con, gia đình…

     Thấy vậy, chị Thuận tươi cười công bố luôn:

     - Tất cả chúng tôi ngồi đây mới chỉ có ba người có chồng, còn đâu đều "phòng không” cả. Đồng chí nào muốn…bảo chị một tiếng!
Anh My nhanh nhảu:

      - Chị Thận cứ nói thế, chứ các chị đây trẻ, đẹp nhường này, ai đời lấy "Vệ Túm" chúng tôi. Nhưng thưa các chị. . .

       Nói xong, anh đọc thật to bài thơ "Vệ Túm" in trên tờ “Tây Tiến”.

“Các chị đừng chê Vệ Túm rách
Vệ luôn tay cành cạch gãi ghẻ ruồi
Vệ áo quần dúm dó đến lôi thôi.
Vệ chấy rận như dòi bâu đến tởm.
Vệ bụng ỏng, đít vòn trông phát gớm
Vệ đến đâu ruồi nhặng theo đến đấy
Nhưng rồi Vệ nhắn các chị mấy câu:
Đi kháng chiến Vệ Túm thành Vệ Quốc".


Thế là mọi người lại được dịp vỗ tay mà cười thỏa chí. Mấy cô gái trẻ mặt ửng hồng, e lệ. Chị Hải lên tiếng:

     - Bài thơ vui, nhưng chưa hay. Phụ nữ ở đâu chứ chị em chúng tôi ở đây biết các anh bệnh tật như thế lại càng thương. Thấy các anh áo rách, cả làng, cả huyện, cả tỉnh đều thương…

     Anh My người cao nhỏng, miệng rộng, môi cong như môi cá ngão cũng không vừa:

      - Chị nói thương yêu chung chung quá! Thế cụ thể bây giờ có dám lấy chồng Vệ Túm ngồi đây không?

     - Có chứ! - Chỉ Hải đáp ngay.

     - Thế chị lấy ai nào?

     - Tôi lấy anh!

    Chị Hải chạy ngay đến chỗ anh My:

    - Đưa ngay cho tôi bài thơ "Vệ Túm" để tôi về hậu phương nói với chị em, các ông bố, bà mẹ, giúp mọi người biết rõ hơn về cuộc sống nơi tiền tuyến của các anh.

     Mọi người lại càng hoan hô to hơn. Rút cuộc, anh chàng My phải đưa bài thơ "Vệ Túm” cho chị Hải, rồi ngượng ngùng lòng khòng đi  xuống, im như... "ngậm hột thị".

     Chị Thận yêu cầu anh mang quần áo rách ra để các chị thực hiện nhiệm vụ chính của mình. Mọi người tản thành từng nhóm ngồi dưới các gốc mít, rặng ổi, luỹ tre để khâu vá. Chị nào cũng rúc rích cười. Khi xong việc, các chị gọi chúng tôi đến nhận và hẹn vài ngày sẽ tới gặp lại.

     Chuyện đoàn phụ nữ đến thăm, vá áo cho bộ đội Bãi Dương phút chốc đã lan đi khắp nơi, già, trẻ, gái, trai gặp chúng tôi đâu cũng vui vẻ chào hỏi và tận tình giúp đỡ hơn. Một hôm, tôi đi tập về, ông Bảng gọi lại thầm thì:

     - Thằng Mùi con rể tôi kể là anh Hoàn ở trung đội đóng bên nhà nó chỉ có một bộ quần áo, mỗi lần thay,  thường phải mượn quần áo của anh em. Tôi tính thế này,  nhà tôi có hai tấm vải đang nhuộm nâu chỉ một ngày nữa là đem may được. Tôi định may cho thằng Hiển cuối năm cưới vợ, nhưng thời gian còn lâu, tôi sẽ tặng anh Hoàn…

     -  Con sợ anh ấy không dám nhận. . .

     - Thế anh tính thế nào, chả nhẽ cứ để anh ấy thế mãi sao?

     - Con cũng đang lo nhưng bí quá. Hay thế này bố nhé: Mai con đem đi may đo, bố với con cùng thống nhất là cô Hải gửi cho con, con tặng lại. Khi cậu ta nhận mặc vài ngày rồi mới nói thật gia đình ông bà bên này tặng để cậu biết mà cảm ơn. Nhưng còn bác gái… ? 

     À! Anh không phải lo. Chính bà nhà tôi đã gợi ý cho tôi đấy chứ.

     Cũng thời gian ấy, Bãi Dương có phong trào nhận bộ đội làm con nuôi. Anh Hoàn đã nhận ông bà Bảng là bố mẹ nuôi của mình. Cũng có một số anh em đã lấy vợ tại đây như anh Chí, anh Tiến. Tình cảm quân dân ngày càng thêm gắn bó sâu nặng.

     Từng ngõ xóm, từng con đường, từng nhà dân, chúng tôi đều thân quen. Không một mảnh ruộng, quả đồi nào mà chúng tôi không tập bò, tập bắn. Khoảng trời, con người Bãi Dương đã trở thành một phần tâm hồn, cuộc đời của chúng tôi ở đó.

     Suốt mấy tháng đóng quân ở Bãi Dương, chúng tôi được bà con thương yêu, đùm bọc, vững bước lên đường cho những trận đánh tiếp theo. Thấm thoắt đã 50 năm qua đi, đất nước đã thanh bình, chúng tôi đã về hưu cả, rất mong một ngày nào trở lại với Bãi Dương nhưng chưa có dịp.

     Tôi ghi lại những dòng kỷ niệm đời mình để lại cho con cháu mai sau. Trong chiến tranh, trong cuộc đời này đã có một vùng quê đầy ắp tình thương như thế đấy!

      Tôi tin lòng tôi sẽ trẻ lại khi được trở về với Bãi Dương một thời, để lại được hưởng cái phút giây người dân nơi đây bắt tay, lắc mạnh, cười vang:

      - "Chào anh Vệ Túm"
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #17 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 08:19:19 pm »

SẦM NƯA,
NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN

      Đông Xuân 1952 - 1953, trung đoàn 165 (F.312) nhận lệnh vượt biên giới Việt - Lào sang phối hợp cùng bộ đội Pa thét và nhân dân các bộ tộc Lào đánh đuổi giặc Pháp  giải phóng tỉnh Sầm Nua.

     Hồi ấy tôi là Đại đội trưởng Đại đội 501, Tiểu đoàn 115. Đồng chí Phan Thanh Nhã là Chính trị viên. Anh Hiền Tràng chỉ huy tiểu đoàn.
Cán bộ chiến sĩ đại đội tôi đã được giáo dục rất nhiều lần về nhiệm vụ quốc tế. Ai cũng hiểu giặc Pháp là kẻ thù của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Cămpuchia. Cả ba nước đều bị giặc Pháp xâm lược cai trị, đã đồng lòng đứng dậy sát cánh bên nhau đánh đuổi giặc Pháp để giành lại hòa bình, độc lập và tự do.

     Ở Hội nghị Quân chính trung đoàn, trong khi phổ biến nhiệm vụ, Trung đoàn trưởng Lê Thùy ân cần chỉ rõ:

      -   Lần này đơn vị chúng ta sang đánh giặc Pháp ở bên đất bạn Lào là chúng ta làm nhiệm vụ quốc tế cao cả, song sẽ có nhiều khó khăn. Sầm Nưa và tỉnh ở bắc nước Lào giáp giới với hai tỉnh Sơn La, Lai Châu, hoàn toàn là chiến trường rừng núi, làng bản ở xa nhau, dân chúng thưa thớt, đường sá hiểm trở. Các đồng chí phải lãnh đạo đơn vị chấp hành thật tốt các chính sách dân vận, giữ kỷ luật cho thật nghiêm, chú ý bảo vệ tài sản và tôn trọng nhân dân Lào như chúng ta chiến đấu bảo vệ nhân dân Việt Nam mình.

     Trung đoàn tôi có nhiệm vụ đánh cụm địch chiếm đóng trong thị xã Sầm Nưa. Trung đoàn trưởng Lê Thùy nói rằng nhiệm vụ cụ thể phải sang bên ấy nắm rõ tình hình về địch cũng như địa hình mới có thể giao cho các tiểu đoàn được. Sau hội nghị này, cấp phó quân sự cùng cán bộ chính trị về phổ biến và quán triệt nhiệm vụ và cho bộ đội chuẩn bị thật khẩn trương. Đồng chí sẽ cùng các tiểu đoàn  trưởng, đại đội trưởng và ba trưởng ban tham mưu chính trị hậu cần sang trước nắm tình hình, thiết kế các trận đánh rồi đón các đơn vị ở các vị trí tập kết.
*
*    *


     Chúng tôi xuất phát từ Thuận Châu vào lúc 7 giờ sáng, sương còn phủ trắng đồi nương. Đoàn cán bộ đi trinh sát được tổ chức thành ba tiểu đội. Anh Hiền Tràng phụ trách tiểu đội chúng tôi gồm các Đại đội trưởng Đại đội 505, 503, 501, Đại đội 14 hỏa lực cùng một số chiến sĩ liên lạc trinh sát. Anh rất quý bốn Đại đội trưởng chúng tôi một phần vì chúng tôi đứa nào cũng đều khỏe, trẻ, song cái chính là trong công tác và chiến đấu chúng tôi đều xốc vác, gan dạ, việc gì anh giao cho, chúng tôi cũng hoàn thành. Thêm nữa, cả bốn chúng tôi đều đã quen chiến trường rừng núi Tây Bắc lại đều biết tiếng dân tộc, rất thuận lợi khi cần phải tiếp xúc với nhân dân.

      Đến gần trưa sương mù mới tan hết thì chúng tôi đã hành quân được một quãng xa. Nhưng sương tan thì máy bay trinh sát của địch cũng bắt đầu tới nhòm ngó cứ vè vè trên đầu, vòng đi vòng lại như có vè nghi ngờ. Sau đó ít phút thì máy bay chiến đấu cũng ào tới thả bom dọc đường. Có thể chỉ thả vu vơ chứ chưa chắc chúng đã nhìn thấy gì vì chúng tôi đã nguỵ trang rất cẩn thận, lại cắt rừng đi theo con đường chưa có dấu chân người. Hành quân mang nặng, vượt núi băng đèo. Mệt thở ra cả đằng tai nhưng bù lại chúng tôi được chứng kiến thế giới của muông thú thật là kỳ lạ. Chim chóc đủ mọi màu, con đậu con bay đuổi nhau từng đàn, gọi nhau ríu ran gần như không có một phút giây nào ngừng tiếng hót, chẳng khác gì được nghe một đoàn giao hưởng khổng lồ của thế giới chim muông có giọng trầm của loài kền kền, giọng cao vút của liếu tiếu, hoạ mi, cà cưỡng.. và thủng thẳng đệm nghe thảng thốt là anh “bắt cô trói cột”…

     Kỳ thú nữa là gặp con suối chẳng biết tên là suối gì, nước trong veo nhìn thấy từng viên sỏi và đặc biệt là rất nhiều cá, chúng bơi lội thản nhiên, có đàn bơi xuôi, có đàn bơi ngược, có con lững lờ trôi, có con lao đi như một mũi tên. Lính ta rửa mặt xem cá bơi lội cũng vơi đi mệt nhọc ít nhiều.

      Xế chiều hôm đó, chúng tôi vào một bản làng gần đường hành quân để nghỉ ăn cơm. Ông trưởng bản là người có tuổi cùng với một số bà con ra xem bộ đội. Ông mời chúng tôi lên nhà nghỉ nhưng bốn đại đội trưởng chúng tôi xin phép ngồi dưới chân cầu thang.

      Lát sau bà con dân bản kéo tới rất đông. Hỏi ra biết đây là bản Sốp Phào, bà con đều là người Lào bộ tộc Thái.


      - Đây là đất nước Lào rồi ư? - Tôi hỏi một ông già.

     - Ô, Các anh vượt biên giới xa rồi đó. - ông già chậm rãi trả lời. - Từ con sông Mã các anh vừa qua đến tỉnh Sầm Nưa chẳng còn xa nữa.

      Tôi thầm nghĩ đúng là núi liền núi, rừng liền rừng, cả sông suối cũng liền nhau một dải, chẳng sao phân biệt được đâu là đất Việt đâu là đất Lào.

      Lúc này các cháu thiếu nhi và thanh niên nam nữ kéo đến quây lấy chúng tôi rất đông. Tôi chào hỏi bằng tiếng Thái khiến mọi người rất vui:

     - Noong kỳ lai pi? Tôi hỏi một bé gái xem bao nhiêu tuổi.

     - Síp pi! Cháu trả lời mười tuổi.

     Quay sang các anh thanh niên và mấy cô gái, tôi hỏi:

     - Ải ý mi nậm bâu? Các anh các chị có nước không?

     Mọi người đồng thanh nói:

     - Mi lai, mi lai. Tức là nhiều lắm.

     Lập tức hai bác quay về lấy nước ra mời:

     - Kin nậm Kin nậm?(l) “uống nước”

     Tôi uống nước, khen nước ngon và mát rồi nói lời cảm ơn.

     -   Đừng nói cảm ơn. - Bác trưởng bản ngắt lời tôi - Bộ đội Việt Nam sang đánh đuổi giặc Pháp giúp người Lào giải phóng quê hương thì bộ đội Việt Nam cũng là bộ đội của người Lào.

     Mọi người vỗ tay reo vui. Không khí trở nên thân mật đầm ấm.

     Tôi nhìn thấy mấy cô gái Lào nói vui với cậu Bế Phiên bằng tiếng Thái đại ý là Bế Phiên khen các cô gái Lào xinh đẹp không kém gì các cô gái Việt Nam. Có khi còn xinh đẹp hơn.

     - Không phải đâu!

     - Không đẹp đâu!

     Các cô gái Lào tranh nhau trả lời. Một cô xem vẻ bạo dạn hơn cả, nói tiếp:

     - Chúng em đẹp sao bằng các cô gái Việt Nam!

     - Đẹp chứ! Các cô rất đẹp! Không nói sai đâu nhá!

     Một bác có tuổi chen vào chỉ bốn cô gái đứng trên cùng, nói to:

     - Bốn cô này chưa có ai trao khăn đâu, bộ đội Việt Nam ạ?

     Tất cả đều cười rộ lên. Bốn cô gái ôm lấy nhau giấu mặt. Không khí càng hòa vui như người trong một bản làng.

     Tiểu đoàn trưởng Hiền Tràng đến thấy thế cũng góp vui, rồi xin phép dân bản cho bộ đội đi ăn cơm còn tiếp tục hành quân. Mâm cơm trải bằng lá chuối nhưng có đủ măng chua nấu cá, rau cải xào và một đĩa thịt lợn luộc. Tôi liền hỏi cậu chiến sĩ liên lạc:

     - Ở đâu thế này, anh nuôi mua hay nhân dân cho?

     - Dân bản cho đấy. ông trưởng bản mang đến.

     - Chết thật. Làm thế nào bây giờ?

     - Tiểu đội nào cũng được phân phối như thế.

     Tôi liền đến trước bà con dân bản nói lời cảm ơn và nói:

     - Kin khẩu (ăn cơm) xể, khẩu ón, mi phắc cát nhưn mun, không máy tu po (mời bà con ăn cơm với bộ đội cho vui).

     - Ồ, bộ đội Việt Nam kin khẩu à.

     Thật là xúc động. Nào ngờ trên đường hành quân xa đất nước lại gặp được những con người vừa lạ vừa quen, tính tình cởi mở chân thành chẳng khác mấy bà con trong vùng Tây Bắc nước ta mà chúng tôi đã từng được chia sẻ ngọt bùi qua nhiều năm chiến đấu và công tác.

     Cơm nước xong, chúng tôi lại tiếp tục hành quân. Bà con dân bản ra đưa tiễn rất đông.

     Từ bản Sốp Phào tới Sầm Nưa, chúng tôi phải tìm đường đi tránh các bản làng địch kiểm soát nên càng khó khăn gian nan. Đi ròng rã hai ngày mới đến được dãy núi có thể quan sát toàn cảnh thị xã Sầm Nưa. Cũng như nhiều thị trấn vùng rừng núi bên nước ta, thị xã Sầm Nưa nằm gọn trong một thung lũng xen lẫn làng bản và đồn giặc, xung quanh có các dãy núi như ôm gọn lấy cả thị xã trong lòng nó. Tiểu đoàn trưởng Hiền Tràng chỉ thị các mục tiêu tấn công. Sau đó chúng tôi phải tìm cách tiềm nhập để xác định hướng tấn công, bố trí đội hình chiến đấu. Dò dẫm mãi tới 9 giờ đêm, địch bắn pháo sáng lập lòe, chúng tôi mới xác định được các mục tiêu đồn giặc kiến trúc ra sao. Và mãi 3 giờ ngày hôm sau mới hoàn thành toàn bộ kế hoạch tác chiến để có thể quay lại đón bộ đội ở vị trí tập kết triển khai đội hình chiến đấu.
*
*      *
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #18 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 08:42:01 pm »

      Bộ đội được chuẩn bị khá tốt. Đơn vị tôi xuất kích vào chiếm lĩnh vị trí tấn công lúc 5 giờ chiều. Mặc dầu địch bắn pháo cối và cả súng con liên tục dồn dập, gây cho đơn vị nhiều khó khăn, cây đổ ngổn ngang, nhưng anh em tỏ ra rất bình tĩnh tự tin. Tôi chỉ lo bộ đội bị thương vong phải giải quyết hậu quả, chậm giờ nổ súng thì sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung. Nhưng xem ra địch chỉ bắn hú họa chứ không có chủ định vào một mục tiêu nào.

      Bỗng đến 10 giờ đêm địch ngừng bắn các loạt pháo cối. Đến 11 giờ thì cả súng máy súng con đều im bặt. Đại đội vào chiếm lĩnh vị trí chiến đấu rất an toàn. Tôi mừng thầm và rất yên tâm là đơn vị sẽ bước vào trận đánh vẫn còn hoàn toàn sung sức.

     Song chẳng hiểu sao lúc này đơn vị đã bao vây quanh đồn rồi mà quân địch bên trong đồn lại im ắng một cách khác thường. Không thấy bóng một tên địch nào qua lại, chỉ có hai ngọn đèn sáng lập loè. Đạn súng con nổ lẹt đẹt thưa thớt. Tôi trao đổi nhận xét của mình với Chính trị viên Thanh Nhã và Trung đội trưởng Tác.

     - Tôi cũng lấy làm lạ - Chính trị viên Thanh Nhã nói - Bộ đội ta đào công sự động là thế mà chúng chẳng bắn ra gì cả.

     - Hay là chúng biết ta bao vây, chúng sợ? - Trung đội trưởng Tác đoán chừng như vậy.

     Tôi thắc mắc:

     - Nhưng sao lại không nghe thấy cả tiếng chúng gọi nhau ở trong đồn?

     Chúng tôi đang trao đổi với nhau thì điện thoại tiểu đoàn gọi xuống hỏi:

     - Anh Chuông đâu? Kiểm tra xem đồn giặc còn không?

     Tôi nghĩ bụng, tiểu đoàn trưởng hỏi gì mà lạ thế, liền trả lời:

     - Đồn giặc chỗ tôi còn đèn sáng, còn súng con.

     - Kiểm tra kỹ lại xem. - Tiểu đoàn lại nhắn tiếp.

    Tôi chợt nghĩ, hay là địch rút rồi nên tiểu đoàn mới hỏi tôi như vậy. Và trong đồn ngoài hai ngọn đèn le lói và tiếng súng con nổ lẹt đẹt thì tịnh vô không thấy động tĩnh gì thêm nữa, pháo cối trong các đồn khác cũng không bắn? Tôi đang nghi ngờ phân vân trước hiện tượng lạ đó thì điện thoại tiểu đoàn lại gọi xuống. Giọng tiểu đoàn trưởng hối hả thúc giục:

     - Địch rút rồi, anh cho bộ đội vào chiếm đồn ngay!

     Quả nhiên, trong đồn chẳng có tên giặc nào. Chúng tôi vào chỉ thấy khắp chiến hào ụ súng, lô cất ngổn ngang hòm vỏ đạn, mũ giày, quần áo lính. Mấy khẩu súng hỏng nằm chỏng chơ. Hai ngọn đèn vẫn sáng lập lòe như trêu chọc. Cái tiếng nổ đì đẹt của súng con té ra là từ một hòm đạn súng trường bị chúng vùi trong đống lửa cho nổ. Chúng tôi đã bị lừa? Cả trung đoàn ta bị lừa? Trách trên rồi tôi lại tự trách mình tại sao nắm địch lỏng lẻo như thế. Thật tiếc công phí sức. Không biết chúng chạy từ bao giờ, chạy về hướng nào để mà đuổi. Cả đại đội tôi đã vào hết trong đồn, anh nói thế này, anh nói thế kia, kẻ kêu đói, người kêu mệt. Có anh bực bội nói xẵng:

     - Để cho chúng nó chạy từ lúc nào lúc nào, đánh chẳng được mệt ốm cả người.

     Sáng ra, Trung đoàn phó Biền Sơn xuống đại đội tôi. Anh nói oang oang:

      - Sao không đuổi địch còn ngồi đây làm gì?

     Vừa nhìn thấy tôi, anh giục:

     - Chuông! Tổ chức cho đại đội truy kích địch ngay! Tại sao còn ngồi đây?

     - Tôi vẫn chưa nhận được lệnh.

     - Thì bây giờ là lệnh.

     - Tôi đã giao cho một số anh em về khu tạm dừng lấy gạo và tư trang, chắc sắp đến đây rồi.

     - Không được! - Anh ngắt lời - Phải đi ngay. Gạo, tư trang, trung đoàn cho anh em đưa lên sau. Đi ngay!

     - Vâng ạ!

     Đơn vị bắt đầu truy kích địch. Tôi chấp hành mệnh lệnh mà rất lo. Một số chiến sĩ đau chân đi khập khiễng cứ ì ạch như lê bước trên đường. Có anh bước đi cà nhắc trông rất chán chường. Đi kiểu này thì bao giờ mới đuổi được kịp mà đánh đích đây. Cũng có anh phản ứng lè nhè nói ngang:   

     - Địch nó chạy từ đời tám hoánh nào bây giờ mới đuổi thì được cái gì? Mục tiêu giải phóng Sầm Nưa thì giải phóng rồi. Đói bỏ mẹ. Cán bộ chỉ làm khổ lính.

     Đó là cậu Khiển. Biết cậu ta là một chiến sĩ tốt, song không thể nào không nhắc nhở. Tôi liền quát:

     - Khiển? Mày nói gì đấy? Ai làm khổ mày? Địch nó làm khổ mày chứ có phải chúng tao đâu. Mày còn nói, tao cắt lưỡi!

     Khiển cười khì khì:

     - Em nói đùa cho vui thôi mà. Em có nói thủ trưởng đâu.

     - Cần phải nhớ giải phóng đất đai và tiêu diệt sinh lực địch là hai nhiệm vụ trong một chiến dịch. Để địch chạy mất là thắng lợi chưa trọn vẹn. Rõ chưa?

     - Em rõ rồi.

     Tốc độ truy kích địch của đơn vị tôi rất chậm. Chỉ mừng bộ phận anh em về lấy gạo và tư trang đi sau đã đuổi kịp đại đội. Nhưng vì mất ngủ, lại đói cộng thêm thời tiết nóng nắng khiến cho ai cũng thấy bã cả người không muốn bước nữa. Tôi cứ suy từ bản thân mình mà nhận ra tình hình chung như thế.

     Bởi vậy, gặp con suối cạnh đường gần rừng râm mát, tôi hạ lệnh nghỉ nấu cơm, ăn trong một tiếng phải xong. Chiến sĩ nghe lệnh hả hê ra mặt:

     - Hoan hô Đại đội trưởng?

     Anh nuôi lập tức triển khai công việc, người bắc nồi người nhóm bếp, người vo gạo rửa rau, thoăn thoắt như máy. Lính ta ào ra suối tắm cứ tồng ngồng cả ra.

     Tôi đến một quãng suối cũng định tắm thấy nhiều cá mà lại toàn cá to bằng bàn tay trở lên, liền cho chiến sĩ ném hai quả lựu đạn.

     Nghĩ bụng hôm nay đơn vị sẽ được bữa cải thiện đây.

     Lựu đạn nổ. Cá trắng xóa trên mặt suối. Anh em reo hò ào xuống vớt cá quên cả mệt mỏi. Không khí cứ như ngày hội chẳng còn thấy những nét mặt nhăn nhó lúc đang hành quân trên đường.

      Trung đoàn phó Biền Sơn ở lại sau thúc quân đã đuổi kịp đơn vị tôi.

     - Đại đội nào đấy? 501 hả! - Anh gọi to - Chuông đâu? Chuông đâu?

     - Báo cáo anh, tôi đây.

     - Đang truy kích địch sao dừng lại?

     - Thưa anh, bộ đội đói mệt. Tôi đã cho anh em nấu cơm, chỉ một tiếng là đi được.

     - Dẹp? Dẹp! - Anh ra lệnh - Đi ngay. Không cơm với cháo gì cả.

     Tôi định trình bày thêm. Anh ngắt lời, thái độ tỏ ra rất tức giận:

       -   Không ý kiến gì cả. Đi ngay. Anh cho bộ đội đi ngay.

      - Vâng ạ! - Tôi quay lại ra lệnh - Tất cả chú ý. Không nấu cơm nữa. Tiếp tục hành quân.

     Chiến sĩ nghe lệnh ngỡ ngàng nhìn tôi vẻ khó hiểu. Anh nuôi chưa chịu thu xếp quang gánh vì cá chưa mổ xong, nồi cơm thì đang sôi. Trung đoàn phó Biền Sơn hằm hằm đến bên nồi cơm đang sôi, quát rất to:

     - Dẹp hết và đi ngay lập tức.

     Gạo và nước trong nồi sôi sùng sục trào ra, khói mù, khói của lửa, khói của nước cùng lúc bốc lên xèo xèo nơi miệng nồi. Tôi thầm nghĩ tại sao không giải quyết cho bộ đội cứ hành quân còn anh nuôi cứ thổi cơm rồi đuổi theo sau?

     Chiến sĩ nhìn tôi, tôi nhìn Trung đoàn phó. Không khí như im phắc lại. Không còn thể trù trừ được nữa. Biết phải đi rồi. Anh Biền Sơn hẳn khó chịu với tôi lắm. Nhưng anh cũng rất nể tôi nên không nói quá giới hạn. Tôi cùng anh biết bao lần ra trận, đều đã hiểu nhau. Đơn vị tôi là chủ công của tiểu đoàn, trung đoàn, tôi chưa để xảy ra điều gì sai sót trong chiến đấu cũng như trong công tác. Hẳn rằng tôi chưa thấu triệt nghệ thuật quân sự được như anh trong tình huống truy kích địch bỏ đồn rút chạy như trận này. Tôi chỉ thương bộ đội đói mệt thôi.

     Đơn vị tiếp tục hành quân truy kích địch, đội hình kéo dài lê thê vì thực tế anh em đã rất mệt lại thêm đói nữa. Đang đi thấy cây gì sà ra vệ đường biết là ăn được. Cũng rứt lá bỏ vào mồm nhai lấy nhai để. Gặp cái khe là hai ba anh túm lại vục nước uống. Vì thế đội hình cứ giã dần, bộ phận đi đầu cách bộ phận đi cuối ba bơn cây số.

     Lúc này tôi thấy anh Biền Sơn lại vui vẻ đi sát từng chiến sĩ động viên:

      - Các cậu cố lên cho kịp anh em đàng trước.

     Thỉnh thoảng tôi cho bộ phận đi đầu nghỉ mươi mười lăm phút để chờ dồn đội hình. Một lần có mấy chiến sĩ đến bên tôi thì thầm:

      - Đại đội trưởng ơi! - Vừa nói anh em vừa móc túi lấy ra những con cá đã nướng vàng - Đại đội trưởng ăn đi cho đỡ đói

     - Nướng bằng cách nào mà nhanh thế?

      - Có khó gì đâu! - Một anh hóm hỉnh nói - Thủ trưởng Biền Sơn không cho nấu thế là chúng em mang theo. Qua khu rừng nứa, chúng em lấy nứa khô chẻ nhỏ như đóm ấy, nghỉ năm mười phút là nướng xong ngay. Ngồi ăn cá chấm muối với anh em mà lòng dạ bồn chồn nghĩ về trách nhiệm của mình trước số phận và cuộc đời mỗi chiến sĩ mà mình phụ trách. Cá thơm ngon thật. Ăn xong lại thấy thèm ăn, bụng càng cồn cào vì đói. Truy kích cần nhanh mà bộ đội thì thất thểu lê từng bước. 
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #19 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2009, 08:44:48 pm »

      Hôm đó đuổi địch đến 5 giờ chiều, trời bắt đầu tối rồi, vẫn chưa được bát cơm nào vào bụng mà địch thì chẳng thấy tăm hơi đâu cả. Anh em dường như đã đói lả rã rời.

      May sao vừa đi thêm một đoạn nữa thì gặp cái bản nhỏ bên đường, tôi cho bộ đội nghỉ nấu cơm ăn. Tôi tranh thủ tìm trưởng bản hỏi về tình hình địch. Ông ta cho biết chúng qua đây lúc 11 giờ trưa. Chúng xì xào với nhau là chạy về Bản Ban, Xiêng Khoảng. Ông ta còn nói "Bây giờ đơn vị ông mới đến đây thì khó mà đuổi kịp". Tôi liền dò hỏi:

     - Thế còn đường tắt nào đuổi đón đầu được không?

     - Có Nhưng đường khó đi lắm. Đi đường này, sáng mai đi cũng có thể đuổi kịp. Chỉ có khó đi thôi.

     - Ông có thể cho chúng tôi hai người dẫn đường không?

     - Được mà!

     - Tốt lắm? Vậy ông nói với bà con trong bản cho bộ đội nghỉ nhờ ở đây đêm nay.

     Ông trưởng bản vui lòng nhận lời.

     Sáng hôm sau, chúng tôi theo hai người địa phương dẫn đường. Đi mới tới ngã ba thì đã hết buổi sáng. Đường gập ghềnh cheo leo và rậm rạp quá. Nhiều đoạn phải phát cây mới đi được.

     Chúng tôi nghỉ ở ngã ba nấu cơm ăn xong lại hành quân luôn. Khoảng 5 giờ chiều, tổ đi đầu phát hiện phía trước có nhà dân, có lẽ sắp tới một bản làng nào đó. Tôi rất mừng. Như thế là có thể cho bộ đội nghỉ nấu cơm ăn và ngủ ở đây đêm nay.

     Nhưng khi đến cách bản khoảng 300 mét, tôi phát hiện thấy trong bản có những đám khói bốc lên không bình thường. Lại có từng tốp người ngồi gần đó, màu sắc áo quần không phải là trang phục của dân. Địch rồi. Tôi đoán ngay như vậy. Lúc này bỗng quên cả đói, tôi quay lại ra hiệu cho anh em phải cẩn thận, địch đang ở phía trước, rồi lập tức điều hai khẩu cối 82 và hai khẩu trung liên lên.

     - Đồng chí Tác, đưa trung đội đánh thẳng vào bọn địch ở giữa bản.

     Giao nhiệm vụ cho Trung đội trưởng Tác xong, tôi ra lệnh tiếp cho trung đội hỏa lực, cối cứ nhằm vào các đám khói mà bắn không để đạn rơi vào nhà dân trong bản. Trung liên sẵn sàng yểm hộ cho xung kích áp sát địch.

     Cối mới bắn có một loạt đầu, địch đã tháo chạy tứ tung, la hét ầm ĩ, gọi nhau í ới, thúc giục nhau: "Bay men, bay men" (tức là chạy nhanh) không hề có hành động chống trả.

     Tôi cho cối ngừng bắn. Trung đội Tác tiến vào. Chẳng còn thằng địch nào cả. Chúng bỏ lại ngổn ngang cơm, rau, thịt, tỏ ra chưa đứa nào kịp ăn uống gì. Truy lùng mãi mới bắt được 5 thằng, chúng có ý định nộp súng đầu hàng. Số còn lại chẳng biết chúng chạy đường nào.
Trời tối. Tôi cho bộ đội nghỉ ăn cơm do chính bọn địch vừa nấu xong còn nóng, có đủ món ăn.

     Trung đội Tác ăn cơm xong đi nghỉ, hai trung đội phía sau mới về tới nơi. Mới biết truy kích địch chạm địch thì phải triển khai bao vây chiến đấu ngay không thể chờ đơn vị dồn lên đầy đủ mới đánh. Khi địch hoang mang tháo chạy, mình có thể một chọi mười, chọi hai mươi vẫn thắng.

     Tôi bàn với các cán bộ trong đại đội:

     - Địch chạy tứ tung vào rừng trong đêm tối như vậy nếu chúng có thu quân lại được thì cũng chẳng chạy được xa. Theo mấy tên hàng binh chúng nó khai thì địch còn đói hơn ta. Đêm nay cho anh em nghỉ tại đây. Ngày mai chọn toàn anh khỏe đi trước; những anh đau chân, ốm yếu đi sau với bộ phận anh nuôi. Tôi tin là ngày mai đánh địch, ta sẽ tóm được nhiều tù binh hơn.

      Đã 9 giờ đêm. Đang bàn bạc thì Trung đoàn phó Biền Sơn tới. Khác với ban trưa, lúc này anh vui như tết, nói cứ ào ào:

      - Phải vắt chân lên cổ mới đuổi kịp các cậu. Đói quá rồi, có cái gì ăn không?

     - Rất nhiều thứ, xôi dẻo có, cơm gạo tẻ có, gạo Thái Lan trắng mà thơm hẳn hoi; rồi thịt bò, thịt lợn, thịt hộp đều có anh thích ăn thứ gì, tôi bảo liên lạc bưng ra.

      - Này, Chuông? Bỏ cái kiểu nói ấy đi nhé!

      - Thế anh bảo tôi phải nói cái kiểu gì?

     - Còn kiểu gì à?

     - Báo cáo? Tôi không bao giờ dám nói láo với cấp trên. Đồng chí Cầu đâu, thi hành nhiệm vụ đi.

    Cầu chiến sĩ liên lạc, hiểu ý lập tức bưng ra đủ mọi thứ thịt bò, thịt lợn, cơm tẻ, xôi nếp… Tôi gãi gãi đầu trịnh trọng nói:

     - Báo cáo Thủ trưởng, chúng tôi no cả rồi. Xin mời Thủ trưởng cứ tự nhiên.

     - Thế này là thế nào?

     - Thưa Thủ trưởng! Tất cả là do đầu bếp của bọn địch nấu nướng rồi dâng hiến cho bộ đội ta đấy ạ!

     - Thì ra thế - Trung đoàn phó Biền Sơn gật gù rồi bắt đầu cầm bát đũa và nói - Các cậu khá lắm. Đánh thế là được. Vừa ăn, anh Biền Sơn vừa hỏi thêm:

     - Bắt được bao nhiêu tù binh?

     - Có 5 tên. Nó chạy tán loạn khó lùng sục quá.

     - Cậu định thế nào?

     - Thủ trưởng yên tâm. Mai tôi sẽ xử trí. Đêm nay chúng nó có thu được quân thì cũng chưa thể đi xa. Tôi biết đánh địch ở chiến trường rừng núi mà…

      Tôi đang báo cáo với Trung đoàn phó Biền Sơn thì có điện thoại trên trung đoàn gọi xuống. Trung đoàn trưởng Lê Thùy khen, động viên bộ đội và giao nhiệm vụ cho đơn vị tôi tiếp tục truy kích địch về hướng thị trấn Sầm Tớ. Hướng Bản Ban sẽ do Tiểu đoàn 542 và 564 đảm nhiệm do anh Biền Sơn trực tiếp chỉ huy.

     Thế là tôi lại phải tìm trưởng bản để hỏi đường đi Sầm Tớ và nhờ ông chọn cho hai người dẫn đường.

     Ông trưởng bản cho biết đường đi không khó nhưng phải qua một số bản địch còn kiểm soát.

     Sáng hôm sau, chúng tôi theo hai người địa phương dẫn đường tiếp tục hành quân. Bản đầu tiên phải qua là bản của bộ tộc Lào Mông. Hình như ở đây bà con đã biết được có bộ đội Việt Nam tới nên việc đầu tiên ông trưởng bản dẫn năm lính ngụy và sáu dân vệ đến gặp chúng tôi trình diện nộp 8 khẩu súng. Dân chúng đứng nhìn ngơ ngác. Tôi nghĩ, như vậy là chiến thắng đã vang động đến các bản làng ở Thượng Lào. Tiếp theo bà con mang gạo ra và rau đến cho bộ đội.

     Tôi nói với ông trưởng bản:

     - Số súng này, khi nào bộ đội Pa thét đến, ông giao cho anh em. Còn gạo chúng tôi chỉ vay thôi. Ba ngày nữa,sẽ có người mang đến trả cho bà con.

     Ông trưởng bản nói:

     - Chúng tôi tặng bộ đội thôi mà.

     Tôi thay mặt đơn vị cảm ơn bà con dân bản và nhắc ông trưởng bản giải thích cho bà con chấp hành chính sách của Mặt trận Yêu nước Lào cho tốt, đặc biệt là đối với hàng binh, giúp họ trở về quê hương làm ăn lương thiện không cầm súng cho giặc Pháp nữa.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM