Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 17 Tháng Tư, 2024, 05:46:37 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hoàng Hà nhớ Hồng Hà thương  (Đọc 58139 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 08:06:17 am »

Tác giả: Trần Kiếm Qua
Người dịch: Nguyễn Đồng Thoại
Nhà xuất bản: Văn học
Năm xuất bản: 2004
Số hoá: ptlinh, hoanghahongha


THƯ GỬI NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC VÀ BẠN ĐỌC VIỆT NAM

Nhà xuất bản Văn học Việt Nam và bạn đọc Việt Nam thân mến!

Cuốn Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương này do Nhà xuất bản Thế giới đương đại Trung Quốc xuất bản vào tháng 4 năm 2000, đến nay đã được hơn một năm: Hoàng Hà là dòng sông mẹ của Trung Quốc. Hồng Hà là dòng sông mẹ của Việt Nam. Cuốn sách nói về một câu chuyện có thực, ghi lại những thực tế về cuộc chiến đấu kề vai sát cánh giữa hai Quân đội, hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam, phản ánh thực tế nhất về tình hữu nghị truyền thống của nhân dân hai nước Trung-Việt. Gia đình của chúng tôi chính là tượng trưng của tình hữu nghị đó. Hoàng Hà và Hồng Hà sẽ mãi mãi chảy xuôi tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Trung-Việt cũng sẽ mãi bền vững với thời gian. Cuốn Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương sau khi được đồng chí Nguyễn Đồng Thoại dịch ra tiếng Việt một cách tinh tế và chuẩn xác cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của Nhà xuất bản Văn học Việt Nam, cuối cùng đã ra mắt bạn đọc, cho phép tôi gửi lời chúc mừng đền các bạn. Chúc nhân dân hai nước Trung-Việt cùng nhau tiến bước, phát triển mạnh mẽ trong hình thế mới của công cuộc cải cách, đổi mới và trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa vĩ đại.

Xin gửi tới các bạn lời chào trân trọng nhất!

Kính thư!
Phu nhân tướng Nguyễn Sơn
TRẦN KIẾM QUA
Bắc Kinh, ngày 22 tháng 9 năm 2001





GIỚI THIỆU TÓM TẮT VỀ TÁC GIẢ

Trần Kiếm Qua, tên gốc là Trần Ngọc Anh, người huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, tốt nghiệp Trường Nữ học sư phạm của tỉnh Sơn Tây. Năm 1933 tham gia cách mạng. Tháng 10 năm 1937 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 1 năm 1938, tại căn cứ kháng Nhật Tấn-SáT-Ký, bà kết hôn với Hồng Thủy - tức tướng quân Nguyễn Sơn, vị tướng tài ba của cả Trung Quốc và Việt Nam.

Trong thời kỳ chiến tranh cách mạng, bà từng làm Chủ nhiệm Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Ngũ Đài, giáo viên văn hóa ở Phân hiệu 2 Trường Đại học Kháng Nhật, Trưởng khoa Khoa Giáo dục và nuôi dưỡng của Trường Mầm non số hai Diên An.

Sau khi Trung Quốc được giải phóng bà làm Viện trưởng Viện Giáo dục mầm non "1/6" Bắc Kinh, rồi làm Phó Giám đốc Sở Giáo dục Bắc Kinh. Năm 1983, bà nghỉ hưu.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #1 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 08:07:50 am »

LỜI TỰA
của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
(Nguyên bản tiếng Việt)


Tôi rất vui mừng được chị Trần Kiếm Qua, vợ anh Nguyễn Sơn nhờ viết lời tựa cho cuốn sách "Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương”. Ghi chép lại những hồi ức của chị, nó bất giác gợi cho tôi nhớ lại những ngày tháng sống và chiến đấu cùng anh Nguyễn Sơn.
Anh Nguyễn Sơn từ nhỏ đã tham gia phong trào thanh niên và được vinh hạnh học tập tại trường quân sự nổi tiếng của Trung Quốc - Trường Quân sự Hoàng Phố. Khi anh Nguyễn Sơn về nước, thì quân Pháp bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nước ta cũng bước vào thời kỳ kháng chiến lâu dài. Trong cuộc họp của thường vụ, Bác Hồ, anh Trường Chinh và tôi yêu cầu anh Nguyễn Sơn vào miền Nam, nơi chiến sự ác liệt. Khi tôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch ủy ban Quân sự toàn quốc (sau này đổi tên thành ủy ban Kháng chiến toàn quốc), anh Nguyễn Sơn được cử làm Chủ tịch ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam. Đây là một chức vụ cực kỳ quan trọng, thể hiện lòng tin của Đảng và Chính phủ đối với anh.


Anh Nguyễn Sơn là một chiến sĩ cách mạng ưu tú của Đảng, là một tướng lĩnh có công với quân đội ta. Đặc biệt anh đã từng tham gia cuộc chiến tranh cách mạng lâu dài ở Trung Quốc, là vị tướng nước ngoài duy nhất của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, cho nên khi các đồng chí láng giềng nhắc tới anh đều với một tình cảm tôn trọng và sâu nặng. Năm 1993, sang thăm Trung Quốc, được gặp vợ và các con anh Sơn, tôi rất vui và yên lòng khi thấy họ có một tinh thần lạc quan. Những đứa con bên đó cũng giống như những đứa con đang sống trong gia đình bên này, đều đã thực hiện được những điều mà thế hệ cha anh mong đợi, cần cù phấn đấu học tập và công tác.


Do vậy, có thể nói tướng Nguyễn Sơn là một tấm gương sáng, là một chiến sĩ chủ nghĩa quốc tếcủa Cách mạng Việt Nam và Cách mạng Trung Quốc.

Tướng Nguyễn Sơn là một chiến sĩ Cộng sản kiên định, là một người có khí phách và cũng là một vị tướng tài ba. Tài ba của anh Sơn không chỉ ở lĩnh vực quân sự, mà còn trong các lĩnh vực chính trị, tuyên truyền, văn nghệ. Nguyễn Sơn còn có một phong cách riêng, vô cùng độc đáo Ví dụ, khi làm chủ hôn đã yêu cầu cô dâu, chú rể làm thơ ngay tại hôn lễ, điều này chỉ có anh Nguyễn Sơn mới làm được.


Cho dù ở Trường Lục quân Quảng Ngãi, hay ở Trường Quân chính Quân khu 4, anh Sơn luôn rất coi trọng đào tạo cán bộ. Trong phong trào luyện binh, anh đã rất thành công và đưa ra một hình thức huấn luyện được áp dụng trong toàn quân và nhân dân: "Đại Hội Tập".

Anh tôn trọng bạn bè và mọi người, coi trọng bồi dưỡng đội ngủ xung quanh.

Có thể nói, trong giai đoạn Cách mạng Tháng Tám vừa mới thành công, Cách mạng Trung Quốc còn chưa giành được thắng lợi, Đảng và nhân dân ta đã phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, độc lập tự chủ, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chính quyền non trẻ trong điều kiện bị bao vây và cực kỳ khó khăn phức tạp. Dưới sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng, toàn dân đoàn kết, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, từ xây dựng dân quân đến xây dựng sư chủ lực đầu tiên. Chúng ta đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường, đã đứng vững và lớn mạnh, đặt nền móng vững chắc cho việc tiếp thu và sử dụng có hiệu quả sự viện trợ hết lòng của các nước anh em, đặc biệt là Trung Quốc sau này. Tôi phải nhắc đến một tài liệu năm 1949 do Pháp công bố, trong tài liệu đó, Pháp đã buộc phải thừa nhận "dùng lực lượng quân sự không thể thắng nổi Việt Minh".


Anh Sơn đã về nước chính vào những ngày khó khăn đó Anh đã tích cực tham gia các cuộc thảo luận về quân sự chiến tranh, đã đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc về vấn đề bồi dưỡng cán bộ, tác chiến, xây dựng bộ đội chủ lực, xây dựng lực lượng dân quân v.v... đặc biệt anh rất coi trọng vấn đề xây dựng dân quân. Trong các cuộc hội nghị, anh phát biểu rất sôi nổi và thu hút được sự chú ý của mọi người. Trong quan hệ với bạn bè, anh tôn trọng đồng chí, bạn chiến đấu, thường tâm sự với mọi người thâu đêm suốt sáng, làm mọi người có cảm giác thoải mái và quyến rũ.


Thời gian về nước của anh không dài, nhưng anh đã có những đóng góp hết mình. Mùa hè năm 1950, do phân công công tác, anh đã đến Bắc Kinh. Mặc dù xa quê hương đã lâu, bôn ba hoạt động cho cách mạng ở bên ngoài, nhưng không có giờ phút nào anh không nhớ tới Tổ quốc mình. Khi bệnh tình nguy kịch, mặc dù đã được bạn bè hết lòng cứu chữa, thậm chí gửi sổ y bạ đi hội chẩn ở Liên Xô, nhưng anh không thể qua nổi. Theo nguyện vọng của anh, Đảng đã đón anh về nước. Anh đã từ trần trong niềm thương tiếc vô hạn của người thân, bạn bè chiến hữu trên mảnh đất quê hương.


Mặc dù mất sớm, nhưng anh đã để lại hình ảnh của một người Cộng sản suốt đời cúc cung tận tụy cho sự nghiệp cách mạng nước ta và đất nước anh em hữu nghị, hình ảnh một đồng chí, một người bạn chiến đấu thân thiết và hết sức chân thành. Anh mãi mãi được ghi nhớ trong trang lịch sử cách mạng Việt Nam và khắc sâu trong trái tim mỗi chúng ta.


Hà Nội, ngày 22-12-1999
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #2 vào lúc: 01 Tháng Mười, 2009, 08:09:42 am »

LỜI DẪN


Tôi sinh ra ở Tam Tấn, nơi đã sản sinh ra nền văn minh Trung Quốc cổ đại và đã có mối tình sâu nặng với vùng đất sông Hồng, Việt Nam. Trên thế giới này, tôi đã trải qua tám mươi sáu năm dài, còn ông chỉ lưu lại trên đời bốn mươi tám mùa xuân.


Ông là người Việt Nam, sinh ra tại Hà Nội. Mới mười lăm tuổi, ông đã tự đi sang nước Pháp để tìm chân lý và đã gặp được Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo của cách mạng Việt Nam, từ đó đi theo con đường cách mạng. Tên thật của ông là Vũ Nguyên Bác, sau đổi là Nguyễn Sơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật gọi ông là "Chú Sơn”. Ông đã đích thân chỉ huy trong chiến tranh chống Pháp ở miền Nam và miền Trung Việt Nam. Do có công lao to lớn nên ngay từ năm 1948, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phong cho ông quân hàm thiếu tướng. Ở Việt Nam, ông được mọi người gọi là "Vị tướng nhân dân".

Cũng có thể coi ông là người Trung Quốc vì trong cuộc đời ngắn ngủi bốn mươi tám xuân xanh, ông đã chiến đấu trên đất nước Trung Quốc tới hai mươi bảy năm.

Năm 1924, ông rời Việt Nam tới Quảng Châu tìm gặp Hồ Chí Minh, rồi tham gia vào cuộc Đại cách mạng của Trung Quốc. Ông đã ba lần tới Trung Quốc, ba lần vượt "Núi tuyết" và “Thảo nguyên" trong Vạn lý trường chinh, ba lần bị khai trừ khỏi Đảng nhưng không quản sóng gió cuộc đời, ông vẫn vững vàng, không lay chuyển, thẳng tiến về phía trước.


Tên Trung Quốc của ông là "Hồng Thủy”. Mao Trạch Đông thân mật gọi ông là "Tiểu Hồng”, nhân dân Trung Quốc trao cho ông vinh dự cao quý là một trong những vị tướng khai quốc của nước cộng hòa, và được thưởng ba loại huân chương hạng nhất. Trong Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc ông là người nước ngoài duy nhất được phong quân hàm cấp tướng, trong quân đội trên thế giới người được hai nước cùng phong tướng như ông cũng là điều hãn hữu.


Hồng Thủy mới mười sáu tuổi đã tham gia cách mạng, từ Việt Nam sang Trung Quốc, từ Trung Quốc về Việt Nam, suốt đời là chiến đấu. Trong lần cuối trở về Tổ quốc thân yêu của mình, ông chỉ còn sống được ba tuần. Khi ông ly biệt Trung Quốc, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và nhiều nhà lãnh đạo khác, đã đến chào từ biệt. Hơn hai trăm vị khai quốc công thần đã đi tiễn ông. Khi ông tạ thế, nhân dân Việt Nam đã long trọng cử hành lễ quốc tang.


Tôi là người vợ Trung Quốc của Hồng Thủy. Trên hai bờ Hoàng Hà, chúng tôi đã cùng nhau chiến đấu. Trong khói lửa của chiến tranh kháng Nhật, chúng tôi đã kết thành bạn đời. Khói lửa chiến tranh liên miên đã vô tình chia chúng tôi thành hai ngả. Những biến cố đã chia lìa âm dương, để lại trong chúng tôi những tiếc thương, hối hận suốt cuộc đời.

Hồng Thủy đã ra đi vừa bi tráng, vừa vội vã. Trái tim của tôi vẫn như lá rơi về cội, hướng về Việt Nam.

Đã bao năm qua tiếng réo của Hoàng Hà, tiếng sóng vỗ của sông Hồng vẫn vang vọng trong trái tim tôi.

Hoàng Hà hùng dũng, sục sôi đã ghi lại trong chúng tôi biết bao nhiêu tình, Hồng Hà mãi mãi chảy xuôi, đã mang đi của tôi biết bao nhiêu nỗi nhớ.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2009, 04:49:47 pm »

PHẦN ĐẦU

Kết hôn với một người ngoại quốc, trong Bát lộ quân, ở biên khu Tấn-Sát-Ký, ở huyện Ngũ Đài lúc đó, là một chuyện chưa ai từng nghe nói. Lúc đó, trước những lời can ngăn thật lòng của nhiều người, tôi âm thầm suy nghĩ: Hồng Thủy mới mười sáu tuổi đã tới Trung Quốc tham gia cách mạng. Vì sự nghiệp giải phóng nhân dân Trung Quốc, ông đã chịu mọi gian truân, chẳng quản mọi hy sinh của bản thân.

Là một người phụ nữ cách mạng của Trung Quốc, lại là nữ trí thức, tại sao tôi lại không thể cùng một đồng chí cách mạng ngoại quốc như thế kết hôn?

Cách mạng không có biên giới quốc gia, lẽ nào tình yêu lại có quốc giới hay sao?


Chương I
MỐI TÌNH SÂU NẶNG VỚI VÙNG ĐẤT HOÀNG HÀ

Năm 1914, tôi được sinh ra trong một gia đình lớn, dòng họ Trần ở trấn Đông Dã, huyện Ngũ Đài tỉnh Sơn Tây.

Tháng 10 năm 1914, tôi được sinh ra trong một gia đình lớn, dòng họ Trần ở trấn Đông Dã, huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây.

Theo qui định trong gia phả dòng họ Trần, nếu là con gái cùng đời với tôi thì tên phải có đệm chữ Ngọc. Cha mẹ tôi đặt tên cho tôi là Ngọc Anh.

Dòng họ Trần chúng tôi đã nhiều đời cư trú trong một khu trang viện lớn, nhà cửa quay hướng bắc, ở một nơi được gọi là Ngõ nhà Trần, trên một triền đồi quay về bắc ở trấn Đông Dã.

Trên cánh cửa lớn sơn đen có mấy chục chiếc đinh lớn thếp vàng lấp lánh. Ai mới đến trấn Đông Dã, đi qua ngõ nhà Trần đều biết ngay đây không phải là một nhà giàu thông thường.


Khi còn bé, tôi đã nhiều lần đếm thử xem trên cổng có khoan đóng bao nhiêu chiếc đinh. Sau giải phóng, khi đã vào Bắc Kinh, tôi mới được biết rõ ý nghĩa của việc số đinh đóng trên cổng dòng họ. Số lượng đinh thếp vàng đóng nhiều ít là tùy theo địa vị và sự giàu có của dòng họ quyết định. Nếu ở cửa, dọc ngang có chín hàng tám mươi mốt đinh, là tượng trưng cho nhà đó thuộc hoàng tộc. Xem như vậy thì biết khi đang thịnh, dòng họ Trần trước đây cũng là dòng họ rất quý phái.


Đời cụ cố tôi ở trấn Đông Dã là một đại địa chủ có tiếng tăm. Cụ cố tôi có một em trai, hai người có tất cả tám người con trai. Trong khu trang viện có cánh cửa to sơn đen đó, anh em họ đã xây tám ngôi nhà lớn ốp gạch men xanh, ngói nâu.


Đời ông tôi, mỗi người con trai đều được ở một tòa nhà lớn như vậy. Nhà xây chữ môn, gồm một dãy phòng chính rộng rãi, quay mặt phía bắc. Hai dãy nhà ngang gồm nhiều phòng làm kho. Mỗi người lại được chia không ít ruộng ở các thôn lân cận. Thế nhưng, đa số trong tám người anh em đều đểnh đoảng, lười biếng, có người còn nghiện hút. Gia nghiệp tổ tông để lại lâm vào cảnh "miệng ăn núi lở”.

Tiếp đến đời sau, dòng họ Trần đã sa sút lụn bại.

Đến đời tôi sinh ra, phong thái của dòng họ Trần đã sa sút hẳn, chỉ còn cái vỏ. Những chiếc đinh vàng trên cửa lớn đã bị bóc hết, còn trơ lại những lỗ thủng rêu mốc. Dòng họ Trần một thời hiển hách, giàu sang đã bị khánh tận.


Thời cải cách ruộng đất, cũng có người đề xuất phải chia tài sản dòng họ Trần. Đội công tác cải cách ruộng đất điều tra qua một số người làm công cũ để nắm rõ tình hình. Họ đều nói:

"Những người của họ Trần cũ nay chẳng giống như chúng tôi sao? Chẳng còn đồ đạc gì nữa, lại còn một lũ mẹ góa con côi, còn gì nữa mà phân với chia?"

Căn cứ vào tình hình kinh thọ Trần lúc đó, khi phân định thành phần, ông nội tôi được phân định là trung nông. Thành phần giai cấp của dòng họ Trần đã thay đổi.

Rời khỏi ngõ nhà họ Trần, đi xuống dốc, rẽ thẳng về hướng tây là phố trung tâm thương nghiệp của trấn Đông Dã. Mặt đường của thị trấn được phủ một lớp "đá củ đậu”, to nhỏ khác nhau. Hai bên phố là các cửa hiệu, hàng ăn, các hàng tạp hóa đủ loại. Trước cửa nhà nào cũng bày thêm sạp hàng. Vì vậy, đường phố xây vốn đã không rộng nay lại càng trở nên chật hẹp.


Thị trấn Đông Dã, ở ven tây nam huyện Ngũ Đài, một thị trấn nhỏ, thế nhưng nó lại được coi là trung tâm thương nghiệp văn hóa của huyện Ngũ Đài, còn được gọi là "Tiểu Thái Nguyên". Ở đây có nhiều dấu tích phong phú, sâu sắc của văn hóa Hà Đông thuộc Hoàng Hà.


Tại trấn Đông Dã có một tòa miếu Văn Xương không lớn. Miếu chỉ là một tòa nhà đã cũ. Nghe nói, tiền xây miếu Văn Xương là do các hòa thượng ở núi Ngũ Đài quyên góp được. Mỗi năm vào mùa xuân, trấn lại cử hành lễ hội tại miếu. Già trẻ lớn bé ở các làng, xã lân cận đều đến miếu Văn Xương dâng hương, cúng bái. Nhân dân ở trấn Đông Dã còn rất tin "Ông địa". Nhà nhà đều có bàn thờ ở cạnh cửa, trên có bài vị thờ "Ông địa". Mọi người đều cảm nghĩ rằng "Ông địa" là người nắm họa phúc của mỗi nhà nên đều cầu xin "Ông địa" cho mưa thuận gió hòa, lúa gạo đầy sân, cả nhà yên bình.


Ở đường phố phía tây trấn Đông Dã có một sân khấu lớn. Sân khấu lớn này có tự bao giờ, không ai biết. Vùng Tam Tấn, thôn, làng nào cũng có đền miếu, đền miếu nào cũng có diễn tuồng, kịch. Dân Đông Dã ham xem tuồng kịch đã từ lâu. Mỗi năm ba mùa: xuân, hạ, thu, chính quyền các thôn đều mời các ban tuồng kịch đến biểu diễn. Chỉ cần nghe tiếng chiêng trống gióng lên, già trẻ lớn bé ở các thôn chung quanh đã rùng rùng kéo tới đứng chật trước sân khấu.


Dân Đông Dã đặc biệt thích xem "Tấn kịch". Chỉ cần mặc áo tuồng xanh đỏ, chít khăn màu, lên sân khấu, thì ở dưới đã hò reo náo nhiệt. Càng náo nhiệt hơn, khi đến những đoạn hát đối, mượt mà êm dịu, những động tác múa lông đuôi trĩ điêu luyện, điệu múa mọi người đều khoái trá.


Lúc bé tôi cũng rất thích xem tuồng kịch, đặc biệt các vở "Ngọc Đường Xuân" và "Tam nương giáo tử” (ba phụ nữ dạy con), cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2009, 04:50:24 pm »

Vùng đất Tam Tấn từ cổ đã lập thư viện, hiếu học đã thành phong trào. Trấn Đông Dã nhỏ bé cũng không phải là ngoại lệ. Năm đầu Dân quốc, ở đây đã nổi lên cao trào Tân học (Học kiểu mới), đã mở các trường nam, nữ cao đẳng tiểu học, lớp trẻ con lớn, bé hơn tôi, rất nhiều đứa được đến trường. Cô cháu dòng họ Trần chúng tôi đều tốt nghiệp cao đẳng tiểu học. Tật bó chân cho con gái cũng rất hiếm thấy. Các em gái tôi thậm chí cũng chẳng thèm xỏ lỗ tai, đeo hoa tai.


Vùng Đông Bắc Tấn có huyện Ngũ Đài dựa vào "Thái Hàng Sơn", giáp giới với huyện Phụ Bình của tỉnh Hà Bắc. Ở đây núi non lồi lõm, đất đai cằn cỗi, giao thông từ cổ đã không tiện lợi, đời sống của dân rất nghèo nàn. Mọi người sống nhờ trồng cao lương, tiểu mạch, gạo, kiều mạch và các củ làm thuốc ở trên núi (như củ mài, củ chụp).
Vì vậy ở huyện Ngũ Đài có một đoạn ca dao truyền từ lâu đời:

Sáng ninh củ chụp
Trưa ninh củ mài.
Tối ăn củ chụp nấu giả thành cơm
Mỗi củ phân đôi ăn cả ngày.


Ngũ Đài là vùng đất nghèo, nhưng lại là một vùng đất thần kỳ. Trung Quốc có năm ngọn núi lớn được gọi là "Phật giáo danh sơn" thì đứng đầu là Ngũ Đài Sơn của huyện Ngũ Đài.


Dải núi Ngũ Đài, diện tích chiếm mấy trăm dặm, do năm ngọn Vọng Hải, Cẩm Tú, Quải Nguyệt, Diệp Đấu, Thúy Nham cao lớn, hiểm yếu quây tụ lại thành.

Trên núi xây nhiều đền chùa miếu mạo, có rừng già xanh tốt, thác chảy ào ào, phong cảnh vô cùng đẹp.


Nghe nói ở Ngũ Đài Sơn có ba trăm sáu mươi tòa đền chùa, miếu mạo. Ở các thanh miếu người chủ trì gọi là Hòa thượng, ở các hoàng miếu gọi là Lạt ma. Trên Ngũ Đài Sơn có bao nhiêu Hòa thượng, bao nhiêu Lạt ma, không ai biết được. Mỗi đền, miếu đều có sự tích, mỗi miếu đền đều có bao nhiêu huyền thoại.


Diêm Tích Sơn, "ông vua con" của Sơn Tây (Thổ Hoàng đê) được sinh ra ở một làng ven sông thuộc huyện Ngũ Đài. Không hiểu tại sao một con người, kinh doanh thì thất bại, tòng quân thì không thành, dân thường chế giễu là "Lão Diêm dấm thối"lại được sang Nhật lưu học. Khi học ở Trường Quân sự chuyên tu "Trấn Vũ Đường”của Nhật Bản, Diêm làm quen được với Tôn Trung Sơn lúc đó đang lưu vong tại Nhật.


Ngày 10 tháng 10 năm 1911, khởi nghĩa Vũ Xương bùng nổ. Diêm Tích Sơn tích cực hưởng ứng, đem quân chiếm được Thái Nguyên, Phả Thự. Cuộc khởi nghĩa ở Thái Nguyên thành công, ông ta trở thành đô đốc Sơn Tây, đã được Tôn Trung Sơn khen: "Nước Cộng hòa thành lập được, đô đốc Sơn Tây đã có công đầu”. Vì vậy, ông ta độc đoán chiếm toàn bộ đại quyền quân chính ở Sơn Tây.


Năm 1921, Cách mạng Tân Hợi thất bại, ông ta lại quay sang núp bóng Viên Thế Khải, giải tán Quốc dân đảng trong toàn tỉnh, truy bắt những người thuộc đảng cách mạng.


Diêm Tích Sơn thống trị được Sơn Tây hai mươi sáu năm, qua được nhiều triều đại, ngoài việc đầu cơ về chính trị, còn luôn lợi dụng vấn đề đồng hương để củng cố thế lực cá nhân. ở Sơn Tây có một câu nói mỉa mai được truyền tùng "Chỉ cần học nói đúng giọng Ngũ Đài là đã có thể múa may được". Vì vậy ông ta đã trở thành "ông vua con" độc bá vùng Tam Tấn.


Ở thời Diêm Tích Sơn đang rùm beng đầu cơ về chính trị, ông ta đã bỏ tiền riêng sáng lập ra Trường Sư phạm Quốc dân Sơn Tây.


Trái với nguyện vọng của Diêm Tích Sơn khi thành lập, trường này đã trở thành trung tâm của phong trào cách mạng của học sinh tỉnh Sơn Tây. Từ đây đã sản sinh ra Từ Hướng Tiền, Bạc Nhất Ba, Trình Tử Hoa, những nhà quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Ở đối diện bên sông làng quê của Diêm Tích Sơn, có một làng nhỏ Vĩnh An của trấn Đông Dã đã sản sinh ra một nhân vật có tầm cỡ không kém gì Diêm Tích Sơn, đó là Từ Hướng Tiền, nguyên soái khai quốc của nước Cộng hòa.


Trong số hai mươi vị nguyên soái và đại tướng của nước Cộng hòa, những tinh anh của giới quân sự xuất chúng Trung Quốc, duy nhất chỉ có một mình Từ Hướng Tiền là người sinh ra ở miền bắc Trung Quốc, hơn nữa là người của huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây.


Ngoài những thành tích công lao vĩ đại của nguyên soái Từ Hướng Tiền ra, không thể không nói tới truyền thống sâu xa của vùng đất Hoàng Hà.


Sơn Tây, vùng đất Hoàng Hà đã sản sinh ra nền văn minh Hoa Hạ và truyền thống huy hoàng của dân tộc Trung Hoa. Hoàng Hà dài muôn dặm, phát xuất từ Côn Lôn, chảy về Đào Hoàng, ven sa mạc lớn, xuyên qua hẻm núi cao, gồm chai khúc mười tám vịnh, từ vịnh Quan Lão Ngưu thẳng về Nam, trong tiếng sóng réo Hoàng Hà đã vọng lên nền văn minh thiên cổ Hoa Hạ: Đại chiến Viêm Hoàng Trác Lộc, Nghiêu kiến Đô, Vũ trị Thủy, Thần nông tặng Bách Thảo, Hậu Tắc reo ngũ cốc, quy tụ những phú giả của thiên hạ, trải đều khắp nơi là danh sơn thắng cảnh, văn có Vương Bột, Vương Duy, Tư Mã Quang, Bạch Cư Dị, La Quán Trung, là các văn hào thời đại, võ có Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh, Quan Công, Dương Gia Tướng, là các danh tướng một thời...


Lịch sử tiếp diễn đến thế kỷ XX. Trên dải đất Hoàng Hà thần kỳ, những người con ưu tú của Trung Hoa lại viết tiếp trang sử huy hoàng của dân tộc Trung Hoa vĩ đại Sau sự biến 7-7-1937 (Lư Cầu Kiều) bùng nổ, huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành "căn cứ kháng Nhật tại hậu phương địch" đầu tiên của Trung Quốc.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2009, 09:36:29 pm »

Tóc tôi cũng không dài, song tôi quyết cắt luôn đuôi sam. Có người gọi tôi là: "Con ranh Cộng sản".

Cha tôi có bốn anh em đều ở trong ngõ nhà họ Trần. Khi các chú lập gia đình, có con cái, ngồi nhà ngói to của tổ tiên không chứa đủ, bèn tách ở riêng. Cha tôi sinh được sáu anh em chúng tôi, bốn trai, hai gái, vào lúc nhà của tổ tiên hư hại nhiều, bèn dọn cả nhà tám người xuống mấy gian nhà ngang phía nam của ông bác để ở riêng. Lúc đó giá nhà chưa cao, nếu bán nhà cũ, có thể mua một ngôi nhà riêng kha khá, song cha tôi không chịu rời đất thừa kế của dòng họ Trần.


Cha tôi là con người nổi tiếng có hiếu. Tuy có bốn anh em, song chỉ cha tôi phụng dưỡng ông bà nội tôi. Đối với các chú, thím cha tôi cũng hết sức quan tâm.

Cha tôi là một người thật thà, tử tế, đã từng dạy học ở Trường Tiểu học Đà Dương của trấn. Vì lương quá thấp không nuôi nổi gia đình, ông phải vào làm ở quân đội của Diêm Tích Sơn, làm lính của Tấn Quân. Sau đó ông được thăng làm về quân nhu. Cha tôi tuy là đồng hương với Diêm Tích Sơn, song cả đời ông e dè giữ mình, là người chinh phái, không màng đến chính trị, lại không biết nịnh nọt a dua. Vì vậy, ở lâu trong Tấn Quân, nhưng ông chẳng có cơ hội thăng tiến. Vì cha tôi đi làm việc bên ngoài, lại có nhà ở cũ, nên sinh hoạt của gia đình tôi cũng không đến nỗi túng.


Mẹ tôi là một người đàn bà Trung Quốc truyền thống, hiền dịu, thật thà. Bà hoàn toàn phục tùng chồng, không bao giờ cãi lại một câu. Từ bé mẹ tôi đã bị bó chân theo tục cũ, chân bé xíu. Suốt ngày bà chỉ ngồi trên giường khâu vá. Quần áo bốn mùa của chồng con, bà đều giặt sạch vá kỹ, sắp xếp ngăn nắp.


Bà không biết chữ, nên chẳng nói đạo lý sách vở. Khi các con làm sai, bà chỉ nhắc: "Cha con đi làm việc ở ngoài vất vả lắm, đừng làm cho cha bực mình", chưa bao giờ thấy bà nổi nóng, chửi mắng con cái.


Gia đình tôi có một bà thím vô cùng đanh đá, muốn chửi ai thì chửi, ông bà nói chẳng được. Trong nhà của cha mẹ tôi, có cái gì vừa mắt là bà lấy mang về nhà mình ngay. Giữa vùng đất hai nhà, cha tôi trồng một giàn nho, bà cũng độc chiếm luôn. Trừ con cái bà ra, không ai được động đến, nếu không bà sẽ la hét, chửi bới om sòm. Có một lần, anh hai tôi hái mấy chùm nho, bị bà trông thấy đánh cho mấy roi. Thấy để giàn nho, điếc tai hàng xóm, cha tôi bực mình, chặt bỏ.


Mẹ tôi thật thà, nhu nhược, tự nhiên thành cái đích cho bà ta rêu rao. Mẹ tôi chịu không nổi, bèn kéo tất cả anh em chúng tôi lên xe lừa kéo, lếch thếch đi lên huyện Trường Trị, khu Tấn Đông Nam, là nơi cha tôi công tác. Từ đó chúng tôi theo cha, sinh hoạt theo kiểu thị trấn ồn ào, nhộn nhịp.


Trong các anh chị em, cha tôi yêu tôi nhất. Em gái tôi còn quá bé. Suốt một thời gian dài, trừ bốn thằng con đầu trọc, chỉ có tôi là con gái. Cha tôi dạy là phải lễ phép, chăm học, không được hỗn láo với người lớn. Ở trong nhà, tôi được ưu ái nhất. Hai anh trai tôi lười học, có lần cha nổi nóng, phạt bắt quỳ. Chỉ có tôi xin, thì cha mới tha.


Không lâu sau đó, cha tôi lại bị điều động đi nơi khác công tác, mẹ con tôi lại bìu ríu kéo nhau về quê.

Các anh em trai tôi lớn lên, lần lượt lập gia đình. Nhân khẩu gia đình càng trở nên đông. Trong một gia đình truyền thống của Trung Quốc đã có nhiều chị em dâu tất sinh lục đục cãi cọ. Tôi là bà cô trong gia đình cũng bị dính lây. Mỗi lần người nào có chuyện đến kể lể với tôi tôi đều chăm chú nghe, sau mới tính dùng lời lẽ để thuyết phục, thành ra phán xử.


Sinh hoạt của tôi từ bé được tự do, thoải mái, cha mẹ tôi chẳng bao giờ can thiệp hay bắt buộc. Lâu rồi thành quen, đã tạo cho tôi tính quật cường và nhanh nhạy. Tôi muốn làm điều gì, đều do mình độc lập, tự chủ, dũng cảm tự quyết định.


Lúc bé, ở thôn tôi con gái ai cũng kết tóc thành một đuôi sam dài, gốc đuôi sam buộc một sợi dây đỏ thật dài. Trên toàn đuôi sam còn trang điểm thêm các dây nhỏ ngũ sắc. Đặc biệt khi tết đến, nhà nhà đều may quần áo mới cho con gái, có hoa hồng trước ngực, mặc quần màu xanh màu lam hay màu tím. Mỗi khi các cô đi đứng, quay mình uyển chuyển, đuôi sam sau lưng uốn éo chuyển động theo trông rất đẹp.


Riêng tôi, lúc còn bé, không hiểu sao tóc tôi lại không dài, từ bé chỉ buộc thành hai bím, vừa thô vừa cứng như hai bàn chải. Vì xung quanh tôi toàn là con trai, cũng tạo cho tôi tính cách can đảm và thoải mái, không thích mặc quần áo hoa. Mẹ tôi không có cách nào khác, mỗi lần may quần áo cho các con, tất cả đều phải dùng màu xanh lam, khi may quần áo cho tôi, thì mẹ chỉ sửa thêm có hai dải đeo yếm quần của con gái.


Ấy vậy mà, giữa đám bạn gái, tự nhiên tôi lại nổi bật nhất, rất có cá tính. Các bạn gái rất thích tôi, một là do tôi học giỏi, thường giảng giải và kèm cặp thêm bài vở cho họ, hai là tử bé tôi đã được theo cha "tung hoành nam bắc", nhìn nhận thế giới bên ngoài và hiểu biết cũng nhiều. Các bạn gái thường yêu cầu tôi kể lại và giảng giải cho về sự thế bên ngoài.


Năm 1926, cha tôi được điều về công tác tại Thái Nguyên. Cả nhà tôi lại theo ông về ở Thái Nguyên. Năm đó, tôi mười hai tuổi, đã lên lớp 5 tiểu học. Thấy mỗi ngày phải lấy lược chải tóc rất phiền phức, tôi bèn lấy kéo tự cắt đuôi sam, chỉ để tóc ngắn ngang vai. Phụ nữ cắt tóc kiểu như vậy thời đó trên đường phố Thái Nguyên là không thể coi được. Tôi đi đường thấy mọi người đi đường chỉ chỉ trỏ trỏ, bàn tán sau lưng: "Trông con bé kia kìa, giống như một con ranh con Cộng sản".

Lúc đó, tôi thực sự chưa biết Đảng Cộng sản là gì vậy và cũng vì thế từ năm ấy, tôi luôn nhớ tới ba chữ Đảng Cộng sản.

Hồi bé, tôi đã từng nghe người già kể lại, trước đây nam nữ ai ai cũng phải để tóc đuôi sam. Ông tôi, cha tôi, chú bác tôi cũng đeo lủng lẳng chiếc đuôi sam sau lưng Cách mạng Tân Hợi đã lật đổ hoàng đế. Tôn Trung Sơn đã làm Đại Tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc. Thay triều đổi đại rồi, Dân Quốc không ưng đàn ông còn để đuôi sam.


Năm đầu Dân Quốc, trấn Đông Dã vẫn tổ chức lễ hội đền chùa miếu mạo như những năm trước. Năm đó, người đến dự lễ hội để cúng, để buôn bán đông hơn nhiều, người người chen chân, chật như nêm cối. Đột nhiên hội lễ như bị bỏ bom, mọi người bỏ chạy tứ tán, người nấu lật chảo, người đang ăn lật mâm bàn, vỡ hết chén bát để bỏ chạy. Chỉ thấy những người có đuôi sam cắm đầu bỏ chạy Giữa đám đông có người la toáng lên:

"Chạy mau đi, đội cắt đuôi sam đã tới!”

"Đội cắt đuôi sam đã tới!”

Đám quan quân mặc áo đen, người người hùng hổ, tay cầm kéo, đuổi theo những người có tóc đuôi sam trong đám đông. Bắt được ai, họ dùng kéo cắt ngay cái đuôi sam đen nhánh. Đàn ông hoảng hốt chạy như chuột. Không may có người bị cắt đuôi sam thì cúi gục đầu ngồi bệt xuống đất ôm đầu khóc thút thít.

"Trời ơi! Cái đuôi sam của tôi! Mệnh của tôi thế là hết rồi!”

Người già kể lại chuyện cũ để cho vui. Riêng tôi cứ âm thầm tự hỏi:

Nam giới bỏ đuôi sam là cách mạng.

Nữ giới bỏ đuôi sam là Cộng sản.

Vậy giữa cái cách mạng và Cộng sản có quan hệ ra sao?
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2009, 09:37:52 pm »

Để hiểu rõ thế nào là Đảng Cộng sản, tôi nhờ người dẫn lên trụ sở Đảng bộ Quốc dân đảng tỉnh Sơn Tây để thăm một phạm nhân trọng yếu của Đảng Cộng sản đang bị bắt giam.

Năm 1927, Tưởng Giới Thạch phát động cuộc chính biến phản cách mạng "Ngày 21 tháng 4", một số đảng viên Đảng Cộng sản bị Quốc dân đảng bắt giam. Cuộc khủng bố trắng lan ra khắp đại lục Trung Quốc. Vì rằng Diêm Tích Sơn liên miên nhiều năm tham gia vào cuộc "Quân phiệt hỗn chiến" khiến tỉnh Sơn Tây không lúc nào ngớt khói lửa chiến tranh, dân không được một ngày yên ổn. Trong tâm trí trẻ con của tôi lúc đó đã âm ỉ ghét cái nòi giống của chính phủ phản động Quốc dân đảng.


Bạn học cùng lớp tôi lúc đó có Trương Thu Phương là quý tôi nhất. Chị thật thà, đôn hậu. Chị hơn tôi vài tuổi tình cảm của chị đối với tôi như đồi với em ruột. Mẹ của Trương Thu Phương khi ấy mới hơn ba mươi tuổi đã phải ở góa nuôi con, sinh hoạt gia đình tương đối khó khăn. Vì vậy, tuy Thu Phương còn đang học tiểu học, mẹ chị đã phải đem chị hứa gả cho người ta. Bạn trai của chị họ Ngụy, công tác tại Đảng bộ Quốc dân đảng, tỉnh Sơn Tây.

Một hôm Trương Thu Phương ghé tai tôi thì thào:

"Ngọc Anh, có phải em muốn biết Đảng Cộng sản là như thế nào không?"

Tối qua, Tỉnh Đảng bộ vừa bắt được một phạm nhân Cộng sản quan trọng, nghe nói là Vương Doanh. Anh ta bị giải ngay về nhà ngục thành Thái Nguyên. Chuyện Vương Doanh bỉ bắt là do anh chàng họ Ngụy lộ cho Thu Phương, chị nói lại cho tôi biết. Thế là tôi nảy ra ý định đến xem mặt Vương Doanh để tìm hiểu cho rõ Đảng Cộng sản là như thế nào. Tôi bàn với chị Phương tìm cách đến xem mặt Vương Doanh bằng cách nhờ anh bạn trai của chị dẫn tôi đến Tỉnh Đảng bộ Sơn Tây để cõi, chị đồng ý giúp tôi.


Một hôm, đã tối chị Trương Thu Phương tới nhà tôi, gọi tôi ra ngoài ghé tai nói nhỏ:
"Ngọc Anh, trưa mai bạn của anh Ngụy, tiểu đội trưởng Lý, là đồng hương của anh, sẽ đảm nhiệm trực ban, chị có thể dẫn em đi xem anh chàng Cộng sản đó, nhưng động tác phải nhanh đấy”.


Trưa hôm sau, tôi tính toán, mặc một chiếc áo khoác trắng, một chiếc quần tây vải đen, quàng khăn trắng, đi giầy đen, đúng mốt trang điểm của học sinh. Tôi lẳng lặng đi theo chị Phương đến cơ quan Tỉnh Đảng bộ, tỉnh Sơn Tây.


Anh chàng Ngụy dẫn tôi và chị Phương đến bên ngoài phòng giam Vương Doanh, trao chúng tôi cho anh Lý dẫn, còn ghé tai dặn dò anh Lý rồi mới đi làm công việc của mình.

Lúc đó đang giữa mùa hạ, trời nóng như thiêu như đốt trên cây, ve sầu kêu ra rả. Tôi đứng ngoài cửa nhìn qua kính, mở thật to mắt nhìn vào bên trong: một căn phòng rất rộng, không có đồ đạc gì, chỉ ở gần cửa sổ kê một chiếc giường đơn. Tôi tập trung nhìn cái người có tên Vương Doanh, "Tên tội phạm nguy hiểm", người của Đảng Cộng sản. Anh ta đang ngủ, nằm mặt quay ra cửa sổ Nhìn kỹ thấy anh còn rất trẻ, tóc dài chải hất ra phía sau, trông trầm tĩnh, bình thản, say sưa ngủ như sau khi làm việc cật lực. Tôi ngắm anh một lúc lâu, chơ tới lúc thấy có ai kéo vạt áo, mới nhận ra chị Phương đã đứng sát bên tôi từ lúc nào.

"Ngọc Anh, em dã thấy rõ người của Đảng Cộng sản như thế nào chưa?"

"Cô bé! Nói nhỏ một chút Thế nhưng đấy là tội phạm quan trọng, người của Đảng Cộng sản đấy”. Tiểu đội trưởng Lý nói nhỏ để nhắc tôi.

Tôi vẫn cứ ngắm nhìn anh ta chằm chằm, rất mong anh ta tỉnh ngủ mở mắt ra.

"Cô bé ơi, đi thôi! Ngắm thế đủ rồi!" Anh Lý thúc chúng tôi rời khỏi đây ngay.

Lần đầu tiên, tận mắt nhìn thấy một Đảng viên Cộng sản chân chính. Thần thái của anh coi cái chết bình thường đã khắc sâu vào tâm khảm tôi. Lòng kính trọng của tôi với người Cộng sản đã bắt nguồn từ đó.


Ít lâu sau, Trương Thu Phương cho biết anh Vương Doanh đã bị bọn phản động sát hại rồi. Nỗi thương tâm cứ day dứt trong tôi suốt mấy ngày liền.

Vợ anh Vương Doanh là chị Chu Chí Hàn, nhà ở cùng ngõ nhà tôi. Chị Chu Chí Hàn cũng bị chính phủ phản động bắt giam. Vì chị đang mang thai nên sau khi Vương Doanh hy sinh rồi chị được tha về. Dân trong phố và hàng xóm láng giềng đều đến thăm chị. Vì sự hiếu kỳ, tôi cũng đến và vào thẳng trong vườn nhà chị coi. Chỉ thấy ở cửa ra vào, bên cửa sổ đông nghịt người, chị Chu Chí Hàn phớt hết mọi người, lẳng lặng ngồi sửa soạn lại đồ đạc ở trên giường, bộ mặt xanh nhợt của chị không biểu lộ một chút cảm xúc nào. Nhìn thấy chị, tự nhiên tôi thấy cay cay ở mũi, và nước mắt cứ thế trào ra.


Cho mãi tới đầu những năm 80, khi đọc quyển sách đã được xuất bản Sự thực lịch sử về sự thống trị tỉnh Sơn Tấy của Diêm Tích Sơn, tôi mới hiểu chính xác một số tình huống trong việc "Vương Doanh tựu nghĩa".


Trong thời kỳ Mặt trận Thống nhất, Quốc Cộng hợp tác tại Tỉnh Đảng bộ Quốc dân đảng tỉnh Sơn Tây, có đảng viên Quốc dân đảng, lại cũng có đảng viên Cộng sản. Tỉnh Sơn Tây lúc đó có chín tỉnh ủy viên, năm người của Quốc dân đảng, bốn người của Đảng Cộng sản do Vương Doanh đứng đầu, phụ trách trưởng ban tổ chức. Tỉnh ủy viên dự bị chỉ có năm người, một mình Chu Chí Hàn là Đảng viên Cộng sản. Chị phụ trách Ban Phụ nữ.


Sau cuộc chính biến phản cách mạng ngày 21 tháng 4 năm 1927, Trung ương Quốc dân đảng phát động phong trào "Làm trong sạch đảng”, đưa tất cả thành viên Cộng sản trong Quốc dân đảng ra khỏi đảng, hơn nữa còn bắt giam và sát hại. Được chỉ thị "Làm trong sạch đảng” Diêm Tích Sơn lập ra ngay một danh sách mười người phải thực hiện ngay. Vương Doanh và Chu Chí Hàn bị liệt vào danh sách đầu bảng. Lúc đó cả hai vợ chồng họ đang đi họp ở Vũ Hán, còn các đảng viên Cộng sản khác đã rời Thái Nguyên nên không bị địch sát hại.


Ngày 15 tháng 7 năm 1927, tại Vũ Hán, Uổng Tinh Vệ phát động cuộc chính biến phản cách mạng (ngày 15 tháng 7), ba trấn của Vũ Hán bị dìm trong bể máu.

Tháng Tám năm đó, vợ chồng Vương Doanh từ Vũ Hán quay về Sơn Tây, để tránh tai mắt của mọi người, họ bí mật đì theo đường Đại Đồng, và từ vùng Tấn Bắc theo quốc lộ xuôi về Nam. Khi đi qua huyện Quách, bị người của Quốc dân đảng phát giác. Đảng bộ huyện đó báo tin cho Cục cảnh sát bắt trói họ. Đầu tiên họ bị giải về Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây trao cho "Uỷ ban Thanh đảng”, sau đó lại chuyển xuống Tòa án địa phương Thái Nguyên xét xử. Vì thế Tòa án địa phương Thái Nguyên mới lập phiên tòa đặc biệt để thẩm vấn Vương Doanh và Chu Chí Hàn.


Không tới một tháng sau, do Diêm Tích Sơn phê chuẩn, bị kết vào tội danh làm "Nhiễu loạn hậu phương”, xử Vương Doanh tử hình, thi hành án ngay trong ngày, Chu Chí Hàn bị kết án tù chung thân...


Đọc tới đoạn ký sự đó, khiến tôi nhớ lại tình cảm lúc đương thời. Khi ấy tôi đã khóc, nước mắt ròng ròng. Để xây dựng nên một nước Trung Hoa mới, có biết bao nhiêu bậc cách mạng đàn anh đã phải hy sinh tính mệnh của mình, trong đó Vương Doanh là một đại biểu ưu tú.


Sau này trong những bước thăng trầm của mình khi tham gia cách mạng, tôi luôn nhớ lại hình ảnh Vương Doanh. Có thể nói Vương Doanh đã trở thành thần tượng của tôi buổi đầu tham gia cách mạng.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2009, 09:38:47 pm »

Tháng 9 năm 1928, mười bốn tuổi, tôi thi đỗ vào Trường Sư phạm nữ Thái Nguyên, học khóa mười sáu.

Trước Cách mạng Tân Hợi, ở tỉnh Sơn Tây chưa có trường chuyên dạy cho nữ sinh. Sau Cách mạng Tân Hợi, dưới ảnh hưởng'tư tưởng dân chủ của Cách mạng tư sản, đề ra nam nữ bình đẳng, giải phóng phụ nữ, do yêu cầu xã hội, số nữ sinh muốn được tiếp thu giáo dục cấp huyện ngày một tăng. Vì thế, tại Thái Nguyên, lần lượt mở hai trường trung học chuyên cho nữ sinh, một trường, mọi người quen miệng gọi là Trường Nữ sư phạm Thái Nguyên, còn một trường gọi là Trường Nữ trung học tỉnh Thái Nguyên. Trường Nữ sư phạm Thái Nguyên được thành lập từ năm 1913, đóng ở phố quốc Sư, phía đông thành Thái Nguyên.


Chế độ học của trường này là sáu năm, sơ cấp ba năm, trung cấp ba năm. Mỗi năm chỉ có một khóa. Từ ngày lập trường đến năm tôi vào học đã là mười sáu khóa.

Đầu những năm 20, Trường Sư phạm Thái Nguyên bỏ lối dạy kiểu cũ phong kiến, nhai lại giáo điều, đã có phong cách học dân chủ nhất định, đề xướng, khích lệ, bồi dưỡng học sinh có tinh thần độc lập, sáng tạo. Học sinh có tính chủ động nhất định. Giáo sư nói chung là không phê phán và can thiệp.


Nhà trường đề xướng thể dục quốc dân, cho học sinh được đi dã ngoại, học ngoại khóa để rèn luyện thân thể. Trường còn thường tổ chức những khóa thi đấu các loại môn bóng.

Lúc bé, tôi rất khỏe, người chắc nịch, đấu bóng các loại đều thích, đặc biệt bóng chuyền. Dù rằng tôi không được cao, song động tác lại rất linh hoạt, tiếp bóng và chuyền bóng đều tốt. Tôi đã là đội viên đội bóng toàn trường.


Tại Thái Nguyên, ở ngay gần trường, có một tòa Văn Miếu, là nơi chuyên thờ phụng Khổng Tử. Ăn cơm chiều xong, mấy người bạn thân chúng tôi thường hay dạo chơi. Chúng tôi nhảy nhót, cười đùa, ca hát, có lúc còn trèo lên cây, ngồi trên chạc cành để ngắm trời. Hai ngàn năm nay, tầng lớp thống trị phong kiến nhiều triều đại của Trung Quốc đã phong Khổng Tử là thánh nhân. Chúng tôi, một lũ con gái coi trời bằng vung, chịu ảnh hưởng của phong trào Phản Phong "4/5" (Ngũ Tứ) đã bỏ cả lễ nghĩa của Khổng Mạnh, như vậy có điều "Vô pháp, vô thiên" vậy.


Khi tôi học ba năm đầu sơ cấp sư phạm, cũng là thời đại của "Quân phiệt hỗn chiến”. Đặc biệt năm 1930, khi cuộc đại chiến "Đánh đổ Tưởng” bị thất bại, Diêm Tích Sơn kéo tàn quân của Tấn Quân quay về vùng Tấn Bắc, ngoài ra còn thu thập tàn quân của các lộ quân đã liên hợp tác chiến với Diêm, rút về đóng trong địa phận Sơn Tây, gây biết bao nhiêu tổn thất và tai ương.


Thời đó, quân ngoại tỉnh kéo về đóng ở Sơn Tây có trên mười vạn người. Lương thực và nhu yếu phẩm, đồ dùng của bọn quân này đều do dân địa phương phải cống nạp. Nếu cung cấp không đủ, chúng dùng vũ lực để uy hiếp lấy đi. Chúng đi đến đâu cũng cưỡng dâm phụ nữ, cướp của cải của dân, không tội ác nào không làm. Thêm vào đó, tên quân phiệt Khổng Điện Anh còn chuyên sản xuất ra ma túy, á phiện, bán ra hàng loạt, bắt huyện trưởng sở tại phải đứng ra làm đại lý bao tiêu ép dân mua. Tên quân phiệt Lưu Như Minh còn đem thuốc này phân phối sang các huyện khác, không những chỉ gây độc hại cho dân chung quanh mà còn lan sang các huyện vùng Tấn Trung và cả tỉnh lỵ Thái Nguyên.


Để mở rộng chiến tranh, Diêm Tích Sơn còn phát hành trái phiếu của riêng mình, gọi là "Tấn phiếu”. Theo đà thế lực liên tục phát triển "Tấn phiếu” được lưu hành ra các vùng Bình, Tân, Ký, Sát, trên một dải đất mênh mông. Khi cuộc chiến "Đánh đổ Tưởng” bị thất bại, Diêm lui về giữ Sơn Tây, các loại "Tấn phiếu” cũng theo quân đội của Diêm lui về Sơn Tây, gây lạm phát. Các nhà có thế lực dùng trái phiếu để mua tích trữ đồ vật, thậm chí còn mua cả quan tài của các xưởng mộc bằng trái phiếu để tích lại.


Bộ mặt của tỉnh lỵ Thái Nguyên cực kỳ hỗn loạn, nhà giàu phá sản, hiệu buôn đóng cửa, kinh tế xã hội bị khủng hoảng, mà người bị hại nhiều nhất là quảng đại quần chúng nhân dân. Thành quả lao động cả năm của mọi người chỉ được đổi lấy "Tấn phiếu”, những tờ giấy lộn. Giá cả tăng vọt khiến cho sinh hoạt của nhân dân lâm vào cảnh khốn cùng.


Sự hủ bại của chính quyền Quốc dân đảng, và kinh tế quốc gia bị suy sụp làm cho tôi vô cùng bất mãn với sự thống trị hắc ám của Tưởng Giới Thạch và Diêm Tích Sơn.
Tinh thần bất mãn đó phản ánh vào trong trường học bằng việc tiến hành phản kháng và đòi đuổi giáo sư bảo thủ lạc hậu.


Trong trường tôi lúc đó có một giáo sư quốc văn họ Phan, trong khi toàn dân đã phổ biến "Tân văn học, viết văn bạch thoại" (theo ngôn ngữ thường dùng), ông ta vẫn khư khư ôm một đống sách cũ đã mục nát ra dạy, suốt ngày luôn dùng văn cổ "chi, hồ, giả, dã" ra giảng. Các học trò rất tức giận. Lối dạy cũ của ông với chúng tôi những thanh niên đã tiếp thu tư tưởng mới, là không thể chấp nhận được.


Thế là các học sinh tiến bộ của khóa mười sáu chúng tôi dán biểu ngữ khắp trường, bãi khóa, viết thư yêu cầu nhà trường, đã làm cho ông thầy "Lão phu tử” đó bị đuổi. Tiếp theo chúng tôi cũng làm cho cả ông hiệu trưởng Ngô Bính Nam cũng phải ra đi nốt.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2009, 09:40:24 pm »

Sự biến "18/9" đã phá vỡ sự yên tĩnh của trường tôi. Dưới sự dẫn dắt của giáo sư tiến bộ, tôi tham gia cách mạng.

Mùa thu năm 1931, khóa 16 chúng tôi chuyển từ sơ cấp lên trung cấp. Trường vừa mới khai giảng, sự biến "18/9" chấn động thế giới bùng nổ (Nhật xâm chiếm ba tỉnh đông bắc Trung Quốc, lập Mãn Châu Quốc). Do thái độ quỳ gối trước Nhật của chính phủ Quốc dân đảng Nam Kinh của Tưởng Giới Thạch qua chủ trương "Bất đề kháng”, quân Nhật đã trực tiếp xâm lược đất đai Trung Quốc, lần lượt nơi này đến nơi khác bị gót sắt của quân đế quốc chủ nghĩa Nhật giày xéo, nhân dân Trung Quốc đã dần dần thấy rõ nguy cơ bị làm nô lệ.


Học sinh toàn quốc đã nổi lên một cao trào "Kháng Nhật cứu vong”. Học sinh Thái Nguyên cũng hăng hái tiến hành bãi khóa, mít tinh, diễu hành và tổ chức các đoàn đại biểu đến chính quyền tỉnh, thị xã, phản đối chủ nghĩa "Bất đề kháng”, yêu cầu chính phủ Quốc dân đảng phải xuất binh kháng Nhật, thu lại các vùng đất bị chiếm.


Sự biến "18/9” nổ ra đã phá vỡ sinh hoạt yên tĩnh của nhà trường. Tinh thần kháng Nhật của học sinh ngày càng bồng bột, sôi nổi hẳn lên.

Ở khóa chúng tôi, có chị Lôi Hán Chiêu và Lý Thục Anh lớn hơn mọi người vài tuổi, biết nhìn xa, trông rộng, có kinh nghiệm xã hội lại có năng lực tổ chức, tự nhiên thành đại biểu của khóa mười sáu chúng tôi. Khóa chúng tôi rất nhanh chóng trở thành một trong những khóa có thái độ chính trị sôi nổi và năng động của nhà trường. Chúng tôi đồng lòng, hăng hái cùng tham gia vào phong trào "Kháng Nhật cứu vong”. Tôi tích cực tham gia dán khẩu hiệu và các phong trào chống "Nhật hóa". Chúng tôi còn tổ chức những đội tuyên truyền đến các khu phố phồn hoa nhất của tỉnh lỵ Thái Nguyên để tuyên truyền kháng Nhật với dân phố.


Phong trào kháng Nhật ở tỉnh Sơn Tây phát triển rất nhanh. Tháng 12, tại thị xã Thái Nguyên, học sinh đã lập nên "Hội Liên hiệp học sinh kháng Nhật cứu quốc tỉnh Sơn Tây” (gọi tắt là Học Liên). Lôi Hán Chiêu và Lý Thục Anh là đại biểu Trường Nữ sư phạm Thái Nguyên tham gia "Học Liên" của tỉnh và được bầu ủy viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Học Liên.


Để yêu cầu các nhà đương cục quân chính của tỉnh Sơn Tây phải xuất quân đánh Nhật, thu hồi lại đất đai bị mất, một số học sinh đã đi đến tận Nam Kinh đưa tờ thỉnh nguyện. Học sinh cả trường tôi, dưới sự lãnh đạo của hồi học sinh tự trì, toàn thể đã bãi khóa, và cùng mấy ngàn học sinh của Thái Nguyên, tay cầm cờ, đội ngũ trùng trùng tiến về nhà số 1 đường Đông Tập Hổ, là trụ sở Đảng bộ Quốc dân đảng tỉnh Sơn Tây, để tiến hành thị uy lớn, đưa yêu sách với họ. Chúng tôi yêu cầu:


Thừa nhận phong trào "Kháng Nhật cứu vong" là hợp pháp và được tự do hoạt động. Bãi bỏ pháp lệnh cấm phong trào học sinh "Kháng Nhật cứu vong”.

Cách chức Trưởng phòng Giáo dục Mao Bội Thành.

Chuyển những yêu cầu về "Kháng Nhật cứu vong” mà học sinh toàn tỉnh Sơn Tây đã đưa ra tới Trung ương Quốc dân đảng.

Sáng 18 tháng 12, khi đội ngũ của đoàn yêu cầu đến trước Tỉnh Đảng bộ, ở đó đã tổ chức phòng bị nghiêm ngặt, đối đãi học sinh với thái độ thù nghịch. ở hai bên đường cạnh cửa ra vào có các lỗ châu mai và ở trên lầu, đội kiểm soát quân sự đã súng cầm tay, đạn lên nòng như sắp đánh nhau lớn. Đoàn yêu cầu của học sinh đến đối diện với đội kiểm soát vũ trang, dàn hàng thứ tự trên quảng trường trước trụ sở. Phía sau đội ngũ chúng tôi chẳng nhìn thấy gì cả, chỉ nghe thấy phía trước ầm ầm, huyên náo. Một lúc sau có tin truyền xuống, hơn hai chục đại biểu học sinh tiến vào Tỉnh Đảng bộ đưa đơn đã bị đội kiểm soát vũ trang bao vây và đánh đập tàn nhẫn. Thế là trong đội ngũ lập tức bùng nổ cuộc biểu tình. Các học sinh một mặt vừa hô khẩu hiệu, một mặt xông thẳng vào cửa lớn. Tôi bị kẹt giữa đám đông, bị xô lên, đẩy xuống, nghiêng ngả một lúc. Bỗng nhiên tiếng súng nổ "pằng, pằng, pằng...", đội kiểm soát vũ trang đứng đông nghẹt ở hai bên đường và trên lầu đã nã súng thẳng vào đầu đoàn biểu tình.
Đội ngũ biểu tình bị tan, chúng tôi từng tốp hai, ba người lui về trường, lòng đầy căm phẫn.


Buổi chiều chúng tôi được tin bạn Mục Quang Chính ở Trường Trung học Sơn Tây bị bắn chết tại chỗ, máu chảy lênh láng. Hơn mười đại biểu học sinh, trong đó có Lý Thục Anh, bị bọn kiểm soát vũ trang đánh bị thương.


Đó chính là vụ án thảm sát 18/12 kinh động toàn tỉnh Sơn Tây do Đảng bộ Quốc dân đảng tỉnh gây ra.

Ngày hôm sau vụ thảm sát, toàn thành Thái Nguyên, công nhân bãi công, học sinh bãi khóa, thương nhân bãi thị, tất cả đều cực kỳ căm phẫn, yêu cầu phải trừng phạt hung thủ giết người.


Diêm Tích Sơn từ lâu đã bất hòa với Tỉnh Đảng bộ Quốc dân đảng. Hắn lợi dụng cơ hội này xóa luôn Tỉnh Đảng bộ Quốc dân đảng để trừ hậu họa bị kìm chế, một mặt khác hắn tổ chức xử án ở một địa phương khác trong tỉnh, thực tế là tha bổng hung thủ, để tranh thủ làm vừa lòng Tưởng Giới Thạch.


Vụ thảm sát "18/12" làm kinh động nhân dân toàn tỉnh và đã bóc trần bộ mặt xấu xa bỉ ổi của bọn phản động Quốc dân đảng trước nhân dân toàn tỉnh. Trên thực tế, bọn phản động làm vậy là ngu muội. Có thể là chính Diêm Tích Sơn đã đẩy chúng tôi, những học sinh yêu nước, nhiệt tình kháng Nhật, hướng về cách mạng, hướng về Đảng Cộng sản.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Mười Một, 2009, 09:41:09 pm »

Mùa hạ năm 1932, tại Thanh Đảo đã tiến hành giải thi đấu bóng chuyền của nữ học sinh của các tỉnh, thành thuộc Hoa Bắc. Tôi được tham gia với tư cách đội viên đội tuyển nữ bóng chuyền của Trường Nữ sư phạm Thái Nguyên

Vừa xuống ga Thanh Đảo, chúng tôi đã được đưa đến ở một trường trung học gần nơi thi đấu và bị cấm trại để huấn luyện. Cho đến khi làm lễ khai mạc, mặt mũi, hình dáng Thanh Đảo ra sao, chúng tôi không được biết.


Trong lễ khai mạc, thị trưởng Thanh Đảo Thẩm Hồng Liệt nói chuyện với chúng tôi. ông ta nói: "Thanh Đảo là nơi nằm trong phạm vi thế lực của Nhật Bản, người Nhật Bản ở đây rất đông. Các vận động viên khi ra ngoài đừng có làm điều gì nhiễu sự, vì nếu xảy ra việc gì chính phủ khó xử trí”. Nghe thị trưởng Thẩm Hồng Liệt nói xong, trong lòng tôi tức điên lên: người Trung Quốc đánh bóng trên đất đai của nước mình, lẽ nào lại bị người Nhật hạn chế. Giữa đám đông, tiếng la ó nổi lên ầm ầm.


Tham gia vào giải có các đội đại biểu của nhiều nơi ở vùng Hoa Bắc, học sinh Bắc Bình (Bắc Kinh) kể lại tình hình ở Đông Bắc và các tội ác dã man của giặc Nhật. Các vận động viên dự giải người nào cũng căm phẫn ngút trời.


Trong giải này, đội Nữ sư phạm Thái Nguyên của chúng tôi bị loại, nhưng cũng giúp cho chúng tôi được tận mắt thấy đế quốc Nhật đã cướp đất đai của nước ta.

Trước khi rời Thanh Đảo, ban tổ chức cho các vận động viên được nghỉ nửa ngày. Do đó, chúng tôi đi thăm suốt bờ biển Thanh Đảo. Tôi và các bạn trong đội thuận bước đến phố Trung Sơn, một phố phồn hoa, đi tới một cây cầu xi măng mới xây. Đập ngay vào mắt tôi là một đội hiến binh Nhật Bản đang diễu võ dương oai; một đám đàn bà con gái Nhật mặc kimônô, đi dép gỗ, mặt đầy phấn son, vừa đi trên phố vừa nói liến thoắng. Chúng tôi vào một vài hiệu buôn lớn thì toàn do người Nhật mở. Trong lòng tôi nổi lên nỗi buồn đau và phẫn uất.


Tôi cứ thế bâng khuâng vừa đi vừa ngắm cảnh tuyệt đẹp dọc bờ biển và một số ngôi nhà lợp mái đỏ lấp ló trong vườn cây, nghĩ lại thấy giận mình không đi sâu được xuống lòng biển để được đại dương ôm ấp vào lòng. Chúng tôi dừng lại bên cầu ở mũi biển, lên một cái gác nhìn ra mênh mông, hướng vào đại dương hét thật to:

"Chúng tôi là người Trung Quốc... là người Trung Quốc... người Trung Quốc".

Chúng tôi hét như vậy là muốn đem tất cả nỗi căm phẫn, buồn phiền uất ức trong lòng trao cho biển khơi. Chúng tôi cứ đứng thế trên bờ biển rất lâu, những mong được nghe hồi âm của biển.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM