Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 08:45:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hoàng Hà nhớ Hồng Hà thương  (Đọc 58157 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #60 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 08:33:22 pm »

Đêm hôm trước ngày đại lễ thành lập nước, chi đội "Ngựa thồ nôi cũi" của chúng tôi đã thắng lợi tiến vào Bắc Bình, về bên cạnh Trung ương Đảng và Mao Chủ tịch.

Cùng với tiếng pháo gầm vang của chiến tranh giải phóng, thắng lợi của ba chiến dịch lớn Liêu - Thẩm, Bình - Tân, Hoài Hải đã đẩy vương triều họ Tưởng đến chỗ diệt vong.
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc với thế dời non lấp biển vượt Trường Giang giải phóng toàn Trung Quốc.


Ngày 25 tháng Ba năm 1949, Mao Chủ tịch cùng cơ quan Trung ương về Bắc Bình và quyết định lấy Bắc Bình làm thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập.


Một ngày tháng Bảy năm đó, chúng tôi nhận được thông tri của trên, Viện Nuôi dạy trẻ thực nghiệm Hoa Bắc cũng tiến về Bắc Bình theo cơ quan Trung ương Đảng. Được tin đó, toàn thể nhân viên công tác đều vui như tết, rất nhiều người chảy nước mắt.
Những năm tháng chiến tranh khói lửa, Trường Mầm non số hai đã dẫn hơn hai trăm cháu nhỏ di chuyển ba ngàn lý (1.500 km) trong thời gian hai năm mười tháng, mỗi bước đều gặp khó khăn, gặp vô vàn nguy hiểm. Song mọi người đều tin tưởng cách mạng nhất định thắng lợi, được các thủ trưởng quân chính luôn luôn quan tâm, được quần chúng nhân dân hết sức ủng hộ, cuối cùng trước ngày khai sinh nước Trung Quốc mới đã về được bên cạnh Trung ương Đảng và Mao Chủ tịch. Suốt hành trình dài ba ngàn lý, trong những lúc gian khổ, khó khăn nhất, ngay cả khi nằm dưới làn đạn của máy bay địch, chúng tôi chưa hề rơi nước mắt. Thế nhưng lần này tất cả đều khóc hết. Đây là những giọt lệ mừng thắng lợi, những giọt nước mắt đầy hạnh phúc.


Đúng lúc ấy lại là thời điểm Quân giải phóng nhân dân tung hết lực lượng nhằm cô lập và tiêu diệt tàn quân Quốc dân đảng, giành thắng lợi hoàn toàn, nên nhiệm vụ vận chuyển của đường sắt cực kỳ khẩn trương. Tuy vậy lãnh đạo Bộ Giao thông đường sắt vẫn vô cùng quan tâm tới các cháu bé của trường, điều riêng cho hai toa, một xe ghế nằm cứng, một xe ghế ngồi cứng. Lãnh đạo viện đặt ra kỷ luật khi đi xe lửa thật nghiêm, yêu cầu là nhất định phải đưa được các cháu mạnh khỏe an toàn về đến bên Trung ương Đảng và Mao Chủ tịch.


Trước đây khá lâu, vào tháng Tám năm 1947, chúng tôi đã đưa một số cháu đầu tiên về với cha mẹ chúng. Lúc đó vùng Đông Bắc mới được giải phóng, chúng tôi nhận được thông tri của Trung ương Cục "Tấn - Ký - Lô - Dự”, yêu cầu chúng tôi đưa một số cháu là con em cán bộ được Trung ương phái lên công tác ở Đông Bắc về Kharbin (Cáp Nhĩ Tân). Trường đã chọn hai nhân viên nuôi dạy trẻ cốt cán, phụ trách dẫn và nuôi dạy các cháu, thêm nhân viên y tế và quản lý sinh hoạt hộ tống ba mươi bảy cháu đi.


Khi các cháu xuất phát, trên cả nước còn nhiều nơi chưa được giải phóng. Nhân viên công tác và các cháu phải hóa trang thành một số gia đình đi tị nạn, từ Tấn - Sát - Ký đến Sơn Đông, đi qua khá nhiều tuyến phong tỏa, đến cảng Hắc Điểu Tử, Giao Đông, rồi từ đó xuống hai chiếc thuyền buồm gắn máy hoạt động giao liên bí mật, đi trên biển, bí mật đổ bộ ở Liêu Đông. Trên biển có tàu tuần la của Quốc dân đảng lùng sục, bắn pháo sáng, đạn vạch đường sáng rực từng vùng, tình hình rất nguy hiểm. Hai chiếc thuyền buồm gắn máy phải phân tán, mò mẫm đi biển trong đêm, tìm cách lọt qua những chỗ sơ hở của tàu tuần la.


Kế hoạch của họ lúc đầu là đổ bộ vào Đại Liên, đi tàu hỏa qua tuyến Khata để đến Cáp Nhĩ Tân. Thế nhưng lúc đó đường giao thông ở khu Đông Bắc còn bị Quốc dân đảng khống chế, họ lại phải đổi sang ngồi thuyền của bưu điện ra Hoàng Hải, đi qua vịnh Triều Tiên, vịnh Nhật Bản, để đổ bộ lên cảng Thanh Tân ở Bắc Triều Tiên. Thuyền bưu điện phải đi trên biển bảy, tám ngày. Khi đi qua vịnh Đối Mã, gió to sóng lớn, người lớn và trẻ con đều nôn thốc, nôn tháo. Các thuyền bưu điện đều chạy máy than, dưới đáy chất đầy than, tàu lắc, bọn trẻ bị bụi than nhuộm cho toàn thân đen nhẻm. Các nhân viên công tác phải cố gắng khắc phục say sóng và nộn mửa, để lo việc rửa ráy thay quần áo cho các cháu. Qua sáu ngàn lý (3000 km) đi trên đất liền và trên biển cả, cuối cùng bọn trẻ đã được đưa an toàn đầy đủ đến Cáp Nhĩ Tân, trụ sở của Cục Đông Bắc thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.


Ba mươi bảy cháu bé này khi vừa trông thấy bố mẹ vô cùng thờ ơ. Nghe nói khi các nhân viên công tác rời Cáp Nhĩ Tân, tất cả bọn chúng đều khóc. Bọn trẻ không muốn rời các dì mà chúng coi như mẹ chứng. Còn cha mẹ chúng, những người cách mạng chuyên nghiệp vốn không hề nao núng trước mũi lê, họng súng quân thù, vậy mà lúc đó cũng không nén nổi những giọt nước mắt cảm động.


Trong ba mươi bảy cháu đó, có một cháu trai tên là Vương Tiểu Hoài. Ngày Quốc khánh năm 1953, cháu được làm Đại biểu Đội Thiếu niên tiền phong tặng hoa Mao Chủ tịch và được đứng cạnh Mao Chủ tịch suốt buổi lễ.


Tiếng còi tàu rúc một hồi dài, lại làm cho tôi liên tưởng đến hình tượng một người nữ anh hùng thuộc tộc Mông Cổ tư thế rất oai phong. Chị tên là U Lan, là mẹ của cháu Asơlin được gửi tới trường. U Lan và chồng chị là Khơlicanh đều là những nhà cách mạng chuyên nghiệp. Khi chị được lệnh rời Diên An để về khu Đông Bắc công tác chị đem cháu Asơlin mới một tuổi đến gửi ở Trường Nuôi dạy trẻ. Lúc đó cháu Asơlin chưa biết đi, cũng chưa biết nói. Asơlin tiếng Mông Cổ có nghĩa là "Sư tử nhỏ". U Lan ôm "Sư tử nhỏ" của chị âu yếm, nước mắt đầm đìa. U Lan là loại nữ tướng "hai tay hai súng", trên chiến trường hét ra lửa. Làm mẹ thì chị lại dịu dàng, tình cảm. Mỗi khi chiến đấu dừng, nghĩ tới con, lòng chị lại thương nhớ da diết. Đặc biệt, khi ở nhà dân, các cháu còn khóc oe oe đối với chị đều là bầy sư tử con. Nỗi nhớ con lại đau lòng thắt ruột.


Cuối năm 1948, U Lan ở trong Đoàn Đại biểu Trung Quốc đi Hunggari tham gia Hội nghị Đại biểu phụ nữ quốc tế Sau khi về nước, chị luôn nhớ tới Trường Nuôi dạy trẻ số hai ở huyện Bình Định, tỉnh Sơn Tây, chị quyết định thu xếp thời gian đi thăm "Sư tử con" của chị. Chị đến huyện Bình Định vào lúc nửa đêm. Vì sốt ruột muốn gặp con, chị chẳng kể gì đường từ huyện về trường còn hơn ba mươi lý (15 km) đường núi, cũng chẳng sợ sài lang và thổ phỉ ở vùng núi, hăm hăm hở hở đi ngay. Trời mờ sáng chị đã đứng ở cửa lớn của trường. Lúc đi thì hăm hở là vậy thế mà khi tới cổng trường chị lại không dám đẩy cửa bước vào. Chị không biết cái gì đang chờ đợi chị.


Khi Asơlin như con hươu non chạy tới lao vào vòng tay chị, người nữ anh hùng trên chiến trường đó một lần nữa lại nghẹn ngào. Chị đã hoàn toàn đắm mình vào tình mẫu tử như biển cả.


Chúng tôi đã không phụ lòng của tổ chức Đảng đã ủy thác. Tháng Mười một năm 1946, trường đưa một trăm ba mươi sáu cháu nhỏ rút khỏi Diên An. Hôm nay chúng tôi đã đưa hơn một trăm tám mươi cháu khỏe mạnh về Bắc Bình, đưa được nhiều hơn các cháu bé về bên bố mẹ các cháu: Các cháu bé đó sau này sẽ trở thành những người xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự nghiệp nuôi dạy các cháu ở tuổi mầm non này thật là một sự nghiệp vĩ đại và cao quý!


Sáng sớm ngày 25 tháng Chín đoàn tàu từ từ tiến vào ga "Đức Thắng Môn". Trên sân ga, các cháu mặc quân phục xếp thành hàng, đội ngũ chỉnh tề, các khuôn mặt nhỏ bé hớn hở ngước nhìn ánh mặt trời mới ló giống như các dũng sĩ từng trải ngước nhìn lên vinh quang thắng lợi. Nhìn các cháu trưởng thành từ chi đội "Ngựa thồ nôi cũi", cao to hơn, béo tốt hơn, lại chắc chắn nữa, tất cả chúng tôi đều không nén nổi nỗi vui mừng từ đáy lòng mình. Cuối cùng, hôm nay chúng tôi đã đưa được các cháu tiến vào Bắc Bình, về bên cạnh Trung ương Đảng và Mao Chủ tịch.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #61 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 08:35:24 pm »

Chương IX
VỊ TƯỚNG NHÂN DÂN


Hồng Thủy về Việt Nam được bổ nhiệm làm Chủ tịch ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, lãnh đạo chiến tranh chống Pháp trên tuyên đầu.

Việt Nam ở vào phía đông bán đảo Đông Dương, vị trí ấy có ý nghĩa chiến lược, trọng yếu. Chủ nghĩa đế quốc coi Việt Nam là một bàn đạp để xâm lược Trung Quốc và Đông Nam Á. Từ giữa thế kỷ 19, bọn thực dân Pháp đã coi Việt Nam là "cái chìa khóa để mở cánh cửa lớn vào Đông Nam Á”.


Năm 1858, hạm đội Pháp cùng tàu chiến Tây Ban Nha đã bắn vào cửa biển Đà Nẵng, phát động cuộc xâm lược vũ trang với Việt Nam. Năm 1884, vương triều phong kiến Việt Nam bị bức phải thừa nhận "quyền bảo hộ" của nước Pháp thực dân chủ nghĩa. Từ đó, Việt Nam hoàn toàn trở thành thuộc địa của Pháp.


Cuối năm 1924, Hồng Thủy rời Tổ quốc chính là vì không cam chịu sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc và vương triều phong kiến, đến Trung Quốc để tìm chân lý Cách mạng. Anh vẫn hy vọng một ngày nào đó có thể cống hiến cho công cuộc giải phóng đất nước.


Cuộc xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp ngay từ đầu đã gặp phải sự kháng cự mãnh liệt ngoan cường của quân dân yêu nước Việt Nam. Năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của nhân dân Việt Nam đã bước vào một thời kỳ lịch sử mới.


Chiều ngày 30 tháng Tám năm 1945, tại cửa Ngọ Môn cố cung ở Huế đã tổ chức một cuộc mít tinh hơn năm vạn người. Bảo Đại, vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, tuyên bố thoái vị. Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời do ông Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn tiếp nhận ấn vàng và bảo kiếm từ tay vua Bảo Đại triều Nguyễn và tuyên bố vĩnh viễn xóa bỏ chế độ quân chủ hàng ngàn năm.


Ngày 2 tháng Chín năm 1945, hơn mười vạn quần chúng đã tập hợp ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội để dự lễ tuyên bố độc lập của Việt Nam. Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên ngôn độc lập". Người long trọng công bố với toàn thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập tự do đã chính thức được thành lập!


Để báo đáp lại Tổ quốc, sau khi công tác ở cuộc đàm phán Trùng Khánh kết thúc, Hồng Thủy hối hả về Việt Nam ngay. Đang trên đường trở về nước, nhận được tin cách mạng Việt Nam thắng lợi, ông rất sung sướng và cố gắng về càng nhanh càng tốt, và đến đầu tháng Mười một năm 1945 thì ông về đến Hà Nội.


Xa Tổ quốc đã hơn hai mươi năm, giờ ông đã trở về trong vòng tay của nhân dân. Ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên bầu trời Hà Nội, nhìn nét mặt rạng rỡ tươi cười của đồng bào ruột thịt, ông thấy vô cùng phấn kích, bất giác thốt lên:
"Tổ quốc ơi, con đã về đây!”


Về đến quê hương, Hồng Thủy lấy tên là Nguyễn Sơn. Vì trong lịch sử Việt Nam có phong trào cách mạng nông dân nổi tiếng là phong trào Tây Sơn với vị anh hùng Nguyễn Huệ, để biểu thị lòng ngưỡng mộ của mình, ông đã đổi tên như vậy.


Về đến Hà Nội, việc đầu tiên của Hồng Thủy là đến thăm các vị lãnh đạo Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái. Hồ Chí Minh nhìn cậu thanh niên đầy khí phách hơn hai mươi năm trước công tác cạnh mình, nay là một người đàn ông trung niên tuấn kiệt, trưởng thành, Hồ Chí Minh vui sướng vỗ vai Hồng Thủy nói:

"Chú Sơn tốt lắm! Tổ quốc đang chờ chú đấy!"

Đế quốc Nhật vừa tuyên bố đầu hàng thì bọn thực dân Pháp xâm lược quay gót trở lại.

Ngày 23 tháng Chín năm 1945, tức là chỉ sau ba tuần khi Việt Nam tuyên bố độc lập, bọn xâm lược Pháp được Mỹ ủng hộ và dung túng đã thừa cơ phát động tấn công miền Nam Việt Nam, hòng khôi phục lại chế độ thống trị thực dân của chúng ở Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam Việt Nam bùng nổ.


Hồng Thủy được Trung ương Đảng Việt Nam bổ nhiệm làm Chủ tịch ủy ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam. Lúc đó ở miền Nam Trung Bộ chia làm hai chiến khu Năm và Sáu. Hồng Thủy được cử làm Tư lệnh và Chính ủy cả hai chiến khu đó (sau đó làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Chiến khu Năm) lãnh đạo trực tiếp cuộc chiến tranh chống Pháp ở miền Nam Việt Nam.


Trong hơn một năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam Việt Nam, ông luôn chú ý căn cứ vào tình hình thực tế đấu tranh ở chiến khu, vận dụng các kinh nghiệm cách mạng của Trung Quốc mà ông thu nhận được. Ông nắm chắc việc xây dựng Đảng, quân đội chính quyền, thâm nhập quần chúng để phát động "Toàn dân kháng chiến".


Khi Hồng Thủy mới về nước, Quân đội nhân dân Việt Nam vừa mới thành lập, chưa có những trận đánh lớn. Một lần quân đội muốn diệt một cứ điểm do một trung đội quân địch chiếm giữ. Cứ điểm được rào kín bằng dây thép gai và các cự mã. Hàng rào dây thép gai vừa dày, vừa nhọn, chỉ cần đạp lên là xuyên thủng cả đế giày.

Cứ điểm đó đã bị quân ta đánh mấy lần nhưng chưa thành công.

Là Tư lệnh Chiến khu Năm, ông quyết định phải đánh một trận thắng ròn rã để cổ vũ sĩ khí cho toàn quân khu. Ông cho xây dựng một cứ điểm giả để cho bộ đội tập Không có giày đinh để có thể vượt qua hàng rào kẽm gai, Hồng Thủy cho bộ đội buộc ván vào chân thay giày sắt, ông trực tiếp huấn luyện. Quân địch cho rằng cứ điểm của chúng vững vàng, rắn như thép, nên tối đến đều yên ngủ hết chỉ canh phòng ở cửa. Hồng Thủy thân tự chỉ huy trận công kiên này. Trong điều kiện địch mạnh ta yếu, ông quyết định công kích vào ban đêm.


Đêm đến, các chiến sĩ bí mật tiếp cận đồn, chuẩn bỉ giày ván để vượt rào. Dưới sự yểm hộ của hỏa lực, các chiến sĩ anh dũng vượt xông vào cứ điểm, tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đó là trận công kiên giành thắng lợi đầu tiên của quân đội nhân dân ở mặt trận miền Nam Việt Nam.


Tháng Mười hai năm 1946, bọn thực dân Pháp ỷ vào ưu thế vũ khí của chúng và được các nước Mỹ, Anh ủng hộ, lại phát động cuộc tiến công toàn diện cả nước Việt Nam. Chúng chọn phương châm "đánh nhanh thắng nhanh”, chiếm rất nhanh các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng... khống chế vùng tam giác châu thổ sông Hồng, đồng thời đổ bộ lên Đà Nẵng, chiếm Quảng Trị, Huế là các thành phố bậc trung chia cắt Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tạm thời rút khỏi Hà Nội, đi lên Việt Bắc để lãnh đạo toàn quốc kháng chiến. Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ để một bộ phận binh lực để khống chế quân Pháp ở Hà Nội và Hải Phòng, còn chủ lực rút về nông thôn và miền núi thực hiện chiến tranh du kích.


Đầu năm 1947, Hồng Thủy được điều về đảm nhiệm  chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu Bốn, một nơi có vị trí là yết hầu nối liền giữa hai miền Nam, Bắc.

Ở Khu Bốn, Hồng Thủy có hai trọng trách: giữ vững địa bàn chiến lược ở Trung Bộ, và chi viện cho toàn quốc. Khi mặt trận Thừa Thiên Huế bị vỡ, phải ngăn chặn cuộc tiến công của địch, bảo toàn lực lượng của quân đội ông đã chỉ huy đánh địch mãnh liệt, hơn nữa vừa chiến đấu, vừa xây dựng phát triển lực lượng vũ trang. Ông tổ chức lực lượng đánh cứ điểm số mười tám của địch, đồng thời xây dựng Trung đoàn 18 của Quảng Ngãi, sau đó xây dựng Trung đoàn 95 của Quảng Trị, sau chiến thắng Thanh Hương xây dựng Trung đoàn 101 của Thừa Thiên, từ đó thành lập Sư đoàn 325 anh hùng, rồi Sư đoàn 304 nổi danh, lực lượng quân sự địa phương cùng với chủ lực cũng lớn mạnh hẳn lên, các đội tự vệ cũng rất phát triển. Hồng Thủy đã phát huy đầy đủ tác dụng các lực lượng vũ trang như quân chủ lực, các đội du kích, dân quân, tổ chức hiệp đồng tác chiến đánh địch, tiếng tăm vang dội.


Một lần, bộ đội do ông chỉ huy đã tổ chức đánh địch ở đèo Hải Vân trên đoạn quốc lộ một dọc ven biển, một trận mãnh liệt diệt trên một trăm tên.

Một lần khác trên quốc lộ 9 (đường núi sang Lào), bộ đội dưới quyền ông đã đánh địa lôi, diệt hai tăng địch và một trung đội.

Hồng Thủy, không chỉ giỏi về đánh trận và làm công tác chính trị, tư tưởng mà còn biết dựa hẳn vào quần chúng để chỉnh đốn chi bộ Đảng cơ sở và dân quân, củng cố cơ sở Chính quyền, đồng thời tổ chức quần chúng phát triển sản xuất, tranh thủ tự cấp, tự túc được về kinh tế, công tác ở Liên khu Bốn đã có một cục diện mới.


Dưới sự lãnh đạo của Hồng Thủy, Liên khu Bốn đã được xây dựng thành một căn cứ địa vững chắc khiến quân Pháp nghe thấy đã kinh hoàng, không dám tiến đến xâm phạm.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #62 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 08:36:23 pm »

Trong rừng sâu, Hồng Thủy đã sáng lập nên một trường quân sự Chính quy ở Việt Nam.

Ở Chiến khu Năm và Sáu, Hồng Thủy đảm nhiệm toàn diện các mặt công tác kháng chiến, có thể nói gánh nặng trên vai quá lớn, ngày đêm lo nghĩ. Làm sao nâng cao dược thực lực của bộ đội từ yếu thành mạnh, đánh bại quân xâm lược Pháp trang bị hiện đại? Đây là vấn đề ông suy nghĩ nhiều nhất.


Trong đấu tranh thực tế, ông thấy việc bồi dưỡng số lớn cán bộ là rất bức thiết, có tính chất trọng yếu trong việc đề cao chất lượng tổng hợp cho họ. Ông thường nghĩ lại những ngày ở Trung Quốc. Trong hai mươi năm đấu tranh vũ trang, dù điều kiện gian khổ, đấu tranh tàn khốc đến đâu thì Mao Chủ tịch vẫn đặt việc lập các trường quân chính là một việc trọng yếu. Các trường quân chính đó đã là nguồn bồi dưỡng lực lượng mới, bồi dưỡng được một số lớn người chỉ huy quân sự tài năng và người lãnh đạo công tác chính trị giỏi. Những hình ảnh học tập, sinh hoạt, chiến đấu ở Trường Quân sự Hoàng Phố, Trường Quân chính Trung ương ở Thụy Kim, Giang Tây, Trường Đại học Kháng Nhật Diên An, Phân hiệu hai Đại học Kháng Nhật, Hà Bắc, cứ lần lượt hiện ra trong đầu ông, đã kích thích ông phải lập ra cho được một trường quân sự chính quy ngay trên đất nước mình.


Để nâng cao chất lượng hiểu biết về quân sự chính trì và hiệu năng chiến đấu của cán bộ quân chính, việc đầu tiên Hồng Thủy phải làm là thu hút nhân tài, đã dám thi hành một chính sách chiêu mộ nhân tài cởi mở, rộng rãi, thậm chí còn dùng cả bốn sĩ quan Nhật, sau khi Nhật đầu hàng, đồng tình với Việt Nam và dùng họ làm sĩ quan huấn luyện trong bộ đội dưới quyền ông. Trong rừng sâu tỉnh Quảng Ngãi thuộc Quân khu Năm, ông đã lập nên "Trường Võ bị lục quân Quảng Ngãi", một trường quân sự chính quy đầu tiên của Việt Nam và tự mình đảm nhiệm luôn chức hiệu trưởng.


Khóa một của Trường Võ bị lục quân Quảng Ngãi khai giảng ngày tháng Sáu năm 1946 và kết thúc vào 30 tháng Mười hai cùng năm, đã bồi dưỡng được hơn bốn trăm cán bộ quân đội. Trong số đó có nhiều người sau này thành những người lãnh đạo chủ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí Đoàn Khuê, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trước đây ông đã từng làm Tổng đội trưởng Tổng đội học sinh của trường.


Tại Trường Lục quân Quảng Ngãi, vì hiệu trưởng văn võ đều giỏi; biết diễn giảng, có tài hùng biện, nói rất hay nên học viên vừa kính trọng vừa khâm phục. Mỗi tuần ông nói chuyện với học viên hai lần. Ông không hề có gì chuẩn bị, không mang theo bài giảng, lên bục là giảng. Ông vừa hút thuốc, vừa giảng, có thể nói một mạch từ sáng tới trưa. Có lúc thời gian giảng đã dài, lo học viên mệt mỏi, không tập trung tinh lực, ông cao giọng hỏi:

"Các đồng chí đã mệt chưa?"

Tất cả đều đồng thanh đáp: "Chưa mệt."

Một lúc sau, ông lại hỏi: "Các đồng chí còn muốn nghe nữa không?"

Mọi người lại nhất tề hô to: "Muốn ạ!"

Không khí hội trường lập tức sôi nôi hẳn lên.

Hồng Thủy thường xuống với học viên, giới thiệu với họ về cách mạng Trung Quốc, giảng giải các tác phẩm "Bàn về đánh lâu dài", "Luận về mâu thuẫn", "Luận về thực tiễn" của Mao Trạch Đông, giảng chính trị, giảng quân sự, giảng lịch sử, giảng văn nghệ, giảng công tác dân quân, giảng công tác chính quyền địa phương, giảng tình hình trong và ngoài nước... Ông cảm thấy cần gì là giảng nấy, học viên yêu cầu ông giảng gì ông giảng nấy. Có lúc liên tục mười mấy ngày, sáng nào ông cũng giảng suất buổi sáng, không mang tài liệu hoặc bài giảng. Ông giảng có lý, có lẽ, không trùng lặp, không sai sót, không phải bổ sung hoặc cải chính. Các học viên nói:

"Hiệu trưởng Nguyễn Sơn có tri thức vô cùng phong phú, có vẻ như là không có vấn đề gì ông không biết, hơn nữa mỗi một vấn đề ông đều có kiến giải độc đáo, phân tích sâu sắc và lý luận hệ thống. ông nói rất sinh động, công nhân, nông dân, trí thức đều thích nghe, thật là hấp dẫn tất cả mọi người".


Trong huấn luyện, Hồng Thủy yêu cầu học viên rất nghiêm khắc. Sáng nào học viên cũng phải tập chạy, mỗi lần chạy bốn đến năm cây số. Hồng Thủy chạy trước đầu hàng quân, học viên chạy theo, ai không chạy không xong. Qua sông, suối nhỏ hoặc hố nước, ông cũng không dừng, cố ý dẫn học viên chạy luôn xuống nước. Về đến chỗ trú quân ông lại dẫn mọi người ra sông tắm, trời lạnh một chút cũng tắm. Khi luyện tập hành quân, ông lệnh cho mọi người phải đeo nặng, vũ khí, lương thực, túi nước hoặc ống nước bằng tre đổ đầy. Tiến hành hành quân cấp tốc đường dài, không ai được rơi rớt, lấy yêu cầu khó khăn, nghiêm cách, thực tiễn của chiến đấu để rèn luyện học viên. Rất nhiều học viên khi mới vào bộ đội người rất yếu, qua huấn luyện như vậy, dần dần khỏe mạnh, cường tráng hẳn lên, sức chịu đựng khá lên, thành cốt cán trong cuộc trường kỳ kháng chiến.


Hồng Thủy phê bình rất thẳng và nghiêm. Mới đầu các học viên đều rất sợ ông. Sau này khi tiếp xúc nhiều, lại phát hiện thấy ông bình dị, dễ gần. Ông cùng học viên nói nói cười cười, cùng ngắm trời, cùng uống rượu, cùng chơi đùa, hoàn toàn như mọi người bình thường. Thế là học viên dần hết sợ ông và không bị gò bó, ngoài giờ học họ thường thân mật gọi "Anh cả Nguyễn Sơn".
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #63 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 08:37:15 pm »

Mỗi khi đi tập về, học viên phải xếp hàng đi đều và hát. Mỗi đại đội chia làm ba khối luân phiên hát một bài. Mỗi lần có dịp đi qua thị xã Quảng Ngãi (tỉnh lỵ tỉnh Quảng Ngãi), tiếng ca càng được cất vang lên. Dân hai bên đường phố nghe thấy tiếng hát của họ đều đổ xô ra xem, vỗ tay cổ vũ. Trước mặt đồng bào xuất hiện một đội ngũ: người cao lớn, ăn mặc ka ki đồng phục, đi giàn đồng nhất ca vang khúc quân hành. Tình cảm và ý chí của quần chúng vì vậy cũng được nâng cao.


Hồng Thủy cũng đã lưu dùng bốn sĩ quan Nhật để làm giáo viên Trường Lục quân Quảng Ngãi, còn trọng dụng nữa. ông yêu cầu các giáo viên huấn luyện quân sự chính quy cho học viên. Trong đó có một người Nhật tên là Nakahara Mitsunobu sau này gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, còn được về công tác ở Bộ Tổng tham mưu. Một người nữa tên Việt Nam là Nguyễn Minh Ngọc. Sau này khi về Nhật Bản, ông từng đảm nhận Hội trưởng Hội hữu nghị Nhật - Việt.


Ông Nakahara Mitsunobu trong bài Nhớ tướng Nguyễn Sơn có một đoạn viết rất cảm động:

"Năm cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai đầy biến động khôn lường đã đi qua nhanh chóng, thoáng một cái đã tới năm 1946. Trên đất nước Việt Nam, từ thành thị đến nông thôn, đến đâu cũng thấy cờ đỏ sao vàng tung bay, khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm" vang lên như tiếng sấm rền dậy đất. Vào thời điểm đó sinh hoạt của chúng tôi rất dễ chịu, vì chúng tôi rất sớm có thể về nước. Chúng tôi cũng rất lo, không biết đến bao giờ những người đến tiếp nhận chúng tôi mới tới Việt Nam.


"Tháng một ở Huế trời se lạnh, dễ chịu, tĩnh mịch. Thỉnh thoảng lại có mấy đứa trẻ mang theo đồ nghề vào trong trại cắt tóc cho lính. Dân chúng ra vào chỗ đóng quân của chúng tôi so với trước thoáng hơn, dễ dàng hơn.


"Một hôm, một chiến sĩ cảnh vệ dẫn một người đàn ông vào khoảng bốn mươi tuổi đến để gặp chúng tôi. Sau khi vào phòng ông mỉm cười và giơ tay bắt tay Tham mưu trưởng Egawa và tôi, cứ như chúng tôi là bạn lâu ngày của ông. ông ta ngăm ngăm đen, gò má hơi cao, ánh mắt tỏ ra cảm tình dễ mến. Tôi lập tức cảm thấy ông ta là một người không bình thường, hơn nữa lại là một người có cuộc sống từng trải, gian nan và trắc trở. Chúng tôi dùng tiếng Trung xen với tiếng Việt lơ lớ để trao đổi nói chuyện với nhau.


"Ông ta nói: Tôi là Nguyễn Sơn. Tôi thường nghe người ta nói về các ông. Tôi đã từng công tác ở Trung Quốc. Sau khi về nước, tôi được chính phủ bổ nhiệm làm Tư lệnh Trung Bộ và Chiến khu Nam Bộ, hiện nay tôi đang trên đường để tiếp nhận nhiệm vụ mới.


"Câu chuyện của chúng tôi chuyển sang nói về hình thế chiến trường trong nước Việt Nam. Gặp chỗ có những từ khó hiểu, chúng tôi liền viết bằng chữ, dùng lối bút đàm. Ông ta viết: "Trong cuộc chiến tranh này, chúng tôi nhất định giành thắng lợi, nhân dân việt Nam nhất định được giải phóng và độc lập".


"Khẩu khí của vị Tư lệnh này gây cho tôi một ấn tượng rất khó quên. Chúng tôi trao đổi nói chuyện với nhau khoảng một tiếng đồng hồ, ông ta đứng dậy nói: Thôi, tôi xin cáo từ, vì còn chút việc bận. Anh có thể cùng tôi đi vào miền Nam không?


"Lời đề nghị này hết sức đột ngột. Với lối nói của ông giống như chỉ là mời tôi đi uống cà phê vậy. Lúc đó, tôi không nghĩ tới: đây là tướng Nguyễn Sơn, một con người mà sau này có cống hiến rất lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.


"Tháng Hai năm 1946, chúng tôi rời Đà Nẵng theo quốc lộ 1 đi về phía nam, mất hai ngày mới đến Quy Nhơn, Bình Định. Từ Quy Nhơn chúng tôi đến Ba Lai, một thị trấn cổ, lại đi tiếp mấy cây số đến trấn Phong Phú. Ở đây có một bộ phận đại diện của ủy ban Kháng chiến Nam Trung Bộ (Chiến khu Năm). Lúc đó mọi người gọi tướng Nguyễn Sơn là Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Nam Trung Bộ, hoặc Tư lệnh Chiến khu Năm. Vì tôi lại được gặp tướng Nguyễn Sơn lần nữa nên tôi đặc biệt vui mừng.


"Một lần, tôi nói với tướng Nguyễn Sơn, Quân đội nhân dân Việt Nam vừa mới thành lập, biên chế còn lộn xộn, sẽ hạn chế sức chiến đấu. Chúng tôi còn bàn về năng lực tác chiến của cán bộ chỉ huy quân đội và vấn đề thiếu vũ khí trang bị. Sau này khi tôi hỏi tướng Nguyễn Sơn, cần phải làm thế nào để có trang bị vũ khí, ông mỉm cười có vẻ như chẳng sợ cái gì hết, trả lời tôi: Vũ khí là phải lấy từ tay địch mà có. Quân đội chúng tôi một mặt chiến đấu, một mặt phải tự trang bị vũ khí. Quân đội chúng tôi đấu tranh để giải phóng nhân dân nên nhất thiết là phải làm như vậy!


"Những lời của tướng Nguyễn Sơn sau này đã được hàng loạt các sự kiện chứng minh là đúng đắn".

Sau này Hồng Thủy được điều rời khỏi Khu Bốn, lên Khu giải phóng Việt Bắc làm Hiệu trưởng Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, trường quân sự duy nhất lúc đó của Quân đội nhân dân Việt Nam. Rất nhiều học viên của trường sau này đã trở thành các tướng lĩnh cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #64 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 08:38:43 pm »

Hồng Thủy mới ba mươi chín tuổi đã được Quân đội nhân dân Việt Nam phong quân hàm thiếu tướng. Chủ tịch Hồ Chỉ Minh tặng ông một bài thơ mười hai chữ. Nhân dân Việt Nam gọi người anh hùng huyền thoại là "Vị tướng nhân dân”.

Mùa thu năm 1947, quân Pháp đã chiếm lĩnh các thành thị lớn và vừa, các đường giao thông huyết mạch Việt Nam, hình thành thế bao vây căn cứ địa Việt Bắc. Ngày 7 tháng Mười năm đó, chúng mở cuộc tấn công thu đông 1947, chia ba cánh quân tiến đánh vào căn cứ Việt Bắc, ý đồ tiêu diệt quân chủ lực, đập tan cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quân đội nhân dân Việt Nam đã dùng chiến thuật nhử địch vào sâu, chia cắt để bao vây tiêu diệt, chuẩn bị sẵn mồ chôn chúng, kiên quyết đánh trả quân xâm lược, tiêu diệt sáu nghìn tên, giành thắng lợi trong chiến dịch Thu Đông 1947 ở Việt Bắc.


Chiến khu Bốn do Hồng Thủy chỉ huy đã phối hợp tác chiến chặt chẽ với Việt Bắc góp phần đánh bại kế hoạch muốn đánh nhanh, thắng nhanh của địch.

Để làm tăng thêm uy thế cho quốc gia và quân đội, tháng 1 năm 1948, Hồ Chủ tịch ban bố sắc lệnh phong quân hàm cho một số đồng chí lãnh đạo quân đội.

Được phong Đại tướng có đồng chí Võ Nguyên Giáp.

Được phong Trung tướng có đồng chí Nguyễn Bình.

Được phong Thiếu tướng gồm có đồng chí Nguyễn Sơn, và tám đồng chí nữa.

Hồng Thủy vừa qua ngày sinh thứ ba mươi chín, đang là Tư lệnh kiêm Chính ủy Chiến khu Bốn, đang phải kiên trì kháng chiến trong hậu phương địch. ông có một số ý khác trong việc phong quân hàm lần này, mong đem quân hàm thiếu tướng chuyển phong cho đồng chí khác nhưng vì ở xa trong địch hậu, không thể trực tiếp nói với Hồ Chủ tịch lúc đó đang ở căn cứ địa Việt Bắc. Vì thế, ông hến gửi một bức "công văn hỏa tốc" lên Hồ Chủ tịch.


Khi Hồ Chủ tịch nhận được "công văn hỏa tốc" do nhân viên bảo mật đưa tới là lúc Người đang tiếp ông Hoàng Đạo Thúy, người lãnh đạo Trường Thiếu sinh quân, trong một cánh rừng già. Sau khi nhìn qua "công văn hỏa tốc", Người mỉm cười, gật gật đầu:

"Tôi biết rồi".

Sau đó một lúc, Người bảo nhân viên văn thư đưa cho Người một cây bút và một tấm danh thiếp. Suy nghĩ một lúc, Người dùng chữ Hán, viết một bài thơ mười hai chữ để tặng:

Thiếp thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tướng Nguyễn Sơn năm 1948

Tặng Sơn đệ
Đảm dục đại
Tấm dục tế
Trí dục viên
Hành dục phương

HỒ CHÍ MINH

Tạm dịch:

Tặng chú Sơn
Dũng cảm phải lớn
Tấm lòng phải tế nhị
Suy nghĩ phải trọn vẹn
Hành động phải chín chắn

HỒ CHÍ MINH


Người lệnh cho nhân viên công tác lập tức gửi vào Chiến khu Bốn trao cho Hồng Thủy.
Ít ngày sau, Hồng Thủy đọc tấm danh thiếp do giao thông viên mang tới, hiểu Hồ Chí Minh đã trích dẫn bài thơ thời Đường, Tùy của một nhà y học trứ danh Trung Quốc, Khổng Tư Mạc, gửi tặng bạn ông Lưu Chiếu Lâm, nguyên văn là:

Đảm dục đại nhi tâm dục tiểu
Trí dục viên nhi hành dục phương
Niêm niệm hữu như lâm đế nhật
Tâm tâm thường tụ quá kiều thời.



Hồ Chí Minh bỏ hai câu sau lấy hai câu đầu cắt thành bốn câu, lại đem ý "tâm dục tiểu” đổi thành "tâm dục tế”, ý nói rằng: Hồng Thủy "đảm đại, tâm tể" (gan dạ, tấm lòng tốt), khi suy nghĩ vấn đề nên chu đáo, trọn vẹn, hành động phải nhìn toàn đại cục. Đó là lời giảng giải cực kỳ sâu xa, lại cũng rất hy vọng ở Hồng Thủy có thể phát huy cao độ tinh thần theo hướng đó; vừa là biểu dương, vừa là dặn dò.


Hồng Thủy đương nhiên hiểu rất rõ dụng ý của Hồ Chủ tịch, lập tức cảm thấy tinh thần thoải mái, sẵn sàng tiếp nhận sự xếp đặt của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng, tích cực bàn với đại biểu Trung ương là Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch tổ chức lễ tiếp nhận quân hàm với nghi thức long trọng tại nơi Khu bộ Khu Bốn đóng quân và làm tại sân vận động huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.


Trong buổi lễ trang nghiêm tất cả mọi người ngước nhìn lên cờ đỏ sao vàng hát vang lời bài quốc ca hùng tráng:

Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...

Nhân dân quanh vùng hàng chục cây số chen vai sát cánh về để dự buổi lễ long trọng này, nó không những đã đề cao được uy thế của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn cổ vũ cho sĩ khí chiến đấu của quân dân Khu Bốn.


Uy tín của Hồng Thủy trong cán bộ và nhân dân Việt Nam rất cao. Nhân dân Việt Nam gọi ông là "Vị tướng nhân dân”.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #65 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 08:39:36 pm »

Hồng Thủy là con người ham học tập, ham nghiên cửu các vấn đề. Nhân dân Việt Nam coi ông là nhà lý luận quân sự cách mạng.

Hồng Thủy là một người rất ham học tập, ham tổng kết, luôn dùng tư duy độc lập để suy nghĩ về mọi vấn đề. Ông đã tham gia hai mươi năm đấu tranh vũ trang tại Trung Quốc, từ khi Quân dội nhân dân Trung Quốc - mới thành lập cho đến thắng lợi của tám năm kháng chiến chống Nhật, Hồng Thủy đã học tập tích lũy được kinh nghiệm phong phú trong đấu tranh cách mạng. Làm thế nào để đem những điều đã học được ở Trung Quốc vận dụng vào cuộc đấu tranh chống Pháp của Việt Nam?


Hồng Thủy không máy móc, mù quáng theo các sách vở lý luận của cách mạng Trung Quốc mà căn cứ theo tình hình cụ thể của nước nhà, căn cứ vào đặc điểm của từng chiến dịch để chỉ huy chiến đấu thật linh hoạt. ở miền Nam và miền Trung Việt Nam, ông đã lãnh đạo đấu tranh kháng Pháp năm năm. Nhân dân Việt Nam nói: Tướng Nguyễn Sơn là người đã có cống hiến rất lớn trong chiến tranh kháng Pháp.


Giáo sư Phạm Xanh, Trường Đại học Khoa học xã hội Việt Nam, có một bài viết nhan đề Tướng Nguyễn Sơn, nhà lý luận quân sự cách mạng, trong bài có đoạn viết:

"Gần đây, tôi mới nhìn thấy một bức ảnh chụp nửa người của tướng Nguyễn Sơn. Cầm bức ảnh trong tay, tôi chợt nghĩ, đây thật là một con người rất có tính cách, giống như nhận định về ông của các bạn bè, chiến hữu và cả học trò ông. Tôi liên tưởng đến nhân vật "Trapaép" của nước Nga.


"Mọi người nói với tôi, ông đã viết rất nhiều sách. Nhưng tôi mới chỉ tìm thấy ba cuốn "Chiến thuật", "Dân quân, một lực lượng chiến lược", "Chủ nghĩa Lênin". Trong ba cuốn đó thì hai cuốn đầu có liên hệ tới vấn đề tôi định giới thiệu: Tướng Nguyễn Sơn, nhà lý luận quân sự cách mạng.


"Cuốn Chiến thuật trong tay tôi là một cuốn in dầu bằng thủ công gồm hai mươi hai trang do Phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu Chiến khu Năm phát hành. Cuốn sách này có thể do Bộ Tư lệnh Chiến khu Bốn xuất bản lần thứ nhất, cùng thời xuất bản cuốn thứ hai vì rằng trang cuối có thể nhìn thấy hai dòng chữ đóng khung hình vuông:

- Lần thứ nhất in 900 cuốn.
- In xong: 20/2/1949

"Cuốn sách này được in trên giấy bồi, nay đã vàng khè, chữ in đã mờ không rõ, cho nên đọc rất vất vả. Theo ý tôi, cuốn sách này là một phần nằm trong bộ sách mà tướng Nguyễn Sơn viết về chiến lược, chiến thuật, chiến dịch, chiến đấu. Vì ở cuối cuốn sách này có một câu viết: "Hết phần I". Có thể là lúc đó ở Khu Năm, điều kiện về giấy má, mực in thiếu thốn, các đồng chí ở đó chỉ in lại một phần tập sách đã được Khu Bốn xuất bản năm 1949.


"Cuốn sách Chiến thuật có hai chương. Chương một là "Bàn về chiến thuật", chương hai là "Nguyên tắc và cơ sở của chiến thuật".

"Trong chương một, ông dùng ba trang đầu để nói về tính tất yếu phải học tập, tu dưỡng về chiến thuật: "Trong việc chỉ đạo quân đội và nhân dân tiến hành thực hành chiến tranh, khâu trung tâm là phải bồi dưỡng người chỉ huy, nâng cao trình độ chiến thuật”. Mấy trang sau đó ông nói rõ “Thế nào là chiến thuật”. Theo cách nhìn của ông, chiến thuật là phương pháp chiến đấu, là phương pháp đánh địch và tiêu diệt quân địch khi trực tiếp giao chiến với kẻ địch trên chiến trường; chiến thuật là hình thức tác chiến của đơn vị cấp sư đoàn, trung đoàn; chiến thuật còn là khi hai bên giao chiến biết tùy tình huống địch, địa hình, nhiệm vụ của mình, mục dịch trực tiếp của cuộc chiến để quyết định bố trí bộ đội, quy tắc tiến lui, phối hợp binh chủng v.v...


"Căn cứ vào định nghĩa trên, trung tâm nghiên cứu chiến thuật là các chỉ huy trung cấp. Theo quan điểm của Nguyễn Sơn mà xét, tất cả mọi người trong quân đội từ chiến sĩ chỉ huy sơ cấp đến chỉ huy cao cấp đều phải hiểu về chiến thuật. Như vậy, từ ra lệnh chiến đấu đến việc chấp hành mệnh lệnh mới có thể phối hợp được.


"Trong tiến hành chiến đấu, có thể chia ba tầng thứ? chiến lược, chiến thuật, chiến đấu. Ba tầng đó tương đối ứng với ba lớp đẳng cấp của người chỉ huy: cấp tướng (chiến lược), cấp tá (chiến thuật), cấp úy chiến đấu), vì vậy thậm chí tổ chức quân đội cũng phải chia làm ba tầng thứ tương ứng.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #66 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2010, 08:40:23 pm »

"Trong chương thứ hai, Nguyễn Sơn đề xuất và giải thích nguyên tắc chiến thuật và bốn nguyên tắc cơ bản của vô số loại hình chiến đấu. Đó là: tích cực tiến công, giữ gìn thanh thế, áp đảo quân địch, tập trung lực lượng đánh vào chỗ yếu của địch và cơ động linh hoạt trong vận động chiến thuật.


"Về nguyên tắc cơ bản thứ nhất, Nguyễn Sơn thấy rằng đó là do điều kiện chính trị, kinh tế xã hội quyết định. Trong một số nước thuộc địa và nửa thuộc địa, nhân dân thực hành chiến lược chiến tranh giải phóng dân tộc, thường thường lúc đầu lâm vào cục diện bị động, chống đỡ. Vì thế chúng ta phải dùng tinh thần tích cực tiến công chiến thuật, để tạo cho cục diện bị động về chiến lược dần dần chuyển thành chủ động tiến công phản công) về chiến lược, như vậy mới có thể bảo đảm thắng lợi triệt để.


"Trong buổi đầu chiến tranh chống Pháp, do thiếu vũ khí, thiếu huấn luyện, thiếu kinh nghiệm và tinh thần tích cực tiến công địch, vì thế mới sản sinh một loại chiến thuật đặc thù: Chiến thuật du kích. Loại chiến thuật này cùng tồn tại với các loại chiến thuật chính quy, nâng cao sức chiến đấu của nó.


"Căn cứ vào quan điểm của Nguyễn Sơn, trong chiến tranh, tích cực tiến công không có nghĩa mù quáng, đánh ẩu Muốn tích cực tấn công có nghĩa là phải chú ý việc trinh sát, nắm vững tình hình địch, chủ động tìm ra những chỗ yếu của địch. Tích cực tiến công còn có ý là phải lợi dụng mọi điều kiện có lợi cho ta, tìm địch mà đánh, giành lợi, tránh hại. Nó còn có ý nghĩa là trong chiến đấu thì dù tiến công hay phòng thủ đều phải giữ thạch động.


"Nguyên tắc cơ sở thứ hai là giữ vững thanh thế, áp đảo quân địch, là tư tưởng hàng đầu, chỉ xuất kích khi có thể giành thắng lợi (đánh chắc thắng), như vậy mới có khả năng giữ gìn lực lượng của ta lâu dài. Mục đích chủ yếu của bộ đội chủ lực của ta là tiêu diệt địch, các mục đích khác cần lợi dụng lực lượng của nhân dân để thực hiện. Bất cứ vào lúc nào cũng không thể đem bộ đội chủ lực phân tán về các nơi, nếu không khi cần thiết không thể tập trung lực lượng tiêu diệt địch. Khi đã quyết tâm tiêu diệt địch thì phải tập trung lực lượng người và vũ khí) làm cho quân ta đông hơn địch gấp bội, nhưng không được chủ quan, khinh địch và hao phí lực lượng mình.


"Thế nhưng tập trung lực lượng đánh như thế nào chứ? Tướng Nguyễn Sơn dẫn chúng ta tới nguyên tắc cơ sở thứ ba - tập trung lực lượng đánh vào chỗ yếu của địch.

"Ông cho rằng, chọn đánh vào chỗ yếu của địch là một vấn đề cực kỳ trọng yếu trong chiến thuật. Ông nêu ra một loạt những điểm yếu có thể có của địch làm ví dụ để mọi người có thể căn cứ vào đấy tự mình chọn chiến thuật của mình. Ông còn cho rằng điểm yếu của địch không những chỉ là những điểm yếu vốn có của địch ta phát hiện ra mà còn có điểm yếu địch do ta tạo nên cho chúng. Ví dụ, ta dùng chiến tranh du kích buộc địch phải phân tán lực lượng, làm cho chúng mệt mỏi, rêu rã, sau đó mới đánh chúng bằng những đòn quyết định.


"Một nguyên tắc cuối cùng là vận dụng chiến thuật phải cơ động linh hoạt. Tướng Nguyễn Sơn nhận định rằng: cơ động linh hoạt là chiến thuật dùng binh nhanh, khéo léo để điều động bộ đội và phối khí hỏa lực, khiến cho có thể phối hợp mật thiết đáng tin cậy, đạt được hiệu quả tác chiến tốt nhất. Khi sử dụng nguyên tắc chiến thuật này, bộ binh là binh chủng chủ yếu, nhưng cần phải phối hợp chặt chẽ với các binh chủng khác. Cần điều động bộ đội thật nhanh chóng, quân đội phải rèn luyện phương pháp hành quân, có sức bền chịu đựng và có tổ chức trong hành quân, khiến cho hành quân được nhanh chóng, kín đáo và thục luyện. Đó là nói về điều động bộ đội trước chiến đấu. Còn về điều động bộ đội trong chiến đấu, Nguyễn Sơn yêu cầu hỏa lực tập trung để chuẩn bị xung phong. Vì hỏa lực trợ chiến chỉ có tác dụng trong một phạm vi hẹp cho nên Nguyễn Sơn cho rằng phương pháp dùng binh phải chú ý tới động tác xung phong của bộ đội, đó là đâm lê, ném lựu đạn v.v…


"Vì thế, ông yêu cầu binh sĩ phải tập các động tác xung phong thật thành thục".
Trong bài trên, giáo sư Phạm Xanh còn nói đến một cuốn khác của Hồng Thủy Dân quân, một lực lượng chiến lược. Ông đã phê bình và phân tích sâu sắc tư tưởng chiến lược quân sự của Hồng Thủy.


Đọc xong bài viết này lòng tôi vô cùng cảm khái. Hồng Thủy không phải là một nhà lý luận quân sự bẩm sinh. Kinh nghiệm của ông được rút ra, tổng kết lại là từ những trận chiến ác liệt, từ những bài học xương máu. Tôi nhớ mãi trận đánh ở núi Ngao Ngư, bộ đội do Hồng Thủy chỉ huy bị một số thương vong. Đối với các đồng chí hy sinh, bị thương, ông vô cùng đau xót. Sở dĩ tôi khâm phục Hồng Thủy là bởi vì ông rất ham học, rất chịu khó tổng kết, biết rút những bài học từ thất bại.


Trong bảy năm tôi và Hồng Thủy sống chung, không kể ở Ngũ Đài, Sơn Tây, ở Phân hiệu hai Đại học Kháng Nhật, hoặc ở Diên An, đêm đã rất khuya, dưới ánh đèn dầu yếu ớt, vẫn thấy ông ngồi xếp chân bằng tròn trên giường lò hoặc cúi mình trên bàn nghiên cứu các sách lý luận của cách mạng Trung Quốc và các trước tác về quân sự của Mao Chủ tịch. Bất kể ngày hè oi bức hay mùa đông rét buốt, không quản công tác bận đến đâu, chiến đấu khẩn trương đến đâu, ông không bao giờ để gián đoạn học tập.


Nếu như nói rằng trong kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam, nghệ thuật chỉ huy quân sự của ông đã có tiếng vang, thì đó cũng là có cơ sở từ hơn hai mươi năm ông tham gia cách mạng Trung Quốc và tích lũy được, đó cũng chính là sự rèn luyện từ máu lửa mà có được.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #67 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 08:36:27 pm »

Chương X
DỨT TÌNH Ở TRUNG NAM HẢI


Để tăng cường quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, hai quân đội Trung - Việt, Hồng Thủy đến Trung Quốc lần thứ ba.

Chúng tôi gần nhau trong gang tấc mà cảm thấy như cách hẳn phương trời.

Vào lúc nhân dân Trung Quốc đón mừng ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đầy tin tưởng bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì cuộc chiến tranh chống Pháp của nhân dân Việt Nam cũng có bước ngoặt, tình hình cũng rất nhiều khó khăn.


Tháng 1 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật đến thăm Trung Quốc, đề ra yêu cầu với Trung ương Đảng Trung Quốc giúp Việt Nam đánh Pháp không quản là nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập, đang xây dựng lại trên đống tro tàn, lại đang phải đứng trước nhiệm vụ vô cùng lớn là "Kháng Mỹ viện Triều”, song các nhà lãnh đạo Trung ương Đảng Trung Quốc Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân Lai đều quyết định đem nỗ lực lớn nhất để cung cấp viện trợ toàn diện các nhu cầu cho chiến tranh chống Pháp của Việt Nam. Đồng thời cử ngay La Quý Ba làm đại biểu liên lạc của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (sau được cử làm Đoàn trưởng Đoàn cố vấn chính trị) và cử Vi Quốc Thanh làm Đoàn Trưởng Đoàn cố vấn quân sự đến Việt Nam công tác, ngoài ra còn phái Trần Canh làm Đại biểu Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trong quá trình tổ chức và chỉ huy chiến dịch biên giới. Chiến dịch biên giới đại thắng đã làm cho căn cứ địa Việt Bắc được củng cố, mở rộng, đã nối liền Việt Nam với Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa thành một dải. Hình thế chiến tranh chống Pháp đã có một bước chuyển biến lớn.


Hồ Chí Minh khi tiếp La Quý Ba có đề xuất muốn cử Hồng Thủy tới Trung Quốc để tăng cường liên lạc giữa hai Đảng, hai nước, hai quân đội để hai bên có thể giải quyết mọi tình huống tốt hơn, hiệp đồng điều chỉnh các công việc liên quan đến việc viện trợ Việt Nam chống Pháp. La Quý Ba lập tức báo cáo về Trung ương. Đảng Cộng sản Trung Quốc và đã nhanh chóng được trả lời đồng ý để Hồng Thủy về Trung Quốc.
Đầu tháng Chín, La Quý Ba tự thân đi tiễn Hồng Thủy tận biên giới hai nước. Hồng Thủy lại đến Trung Quốc lần thứ ba.


Trung tuần tháng Chín, Hồng Thủy đến Bắc Kinh. Mao Chủ tích, Chu Tổng tư lệnh bố trì ông ở tại Trung Nam Hải. Như vậy, ông thường gặp mặt những người lãnh đạo Trung Quốc, có thể trao đổi mọi điều. Sau đó ông được xếp về công tác ở Bộ Mặt trận Thống nhất Trung ương, là người phụ trách Tổ Việt Nam thuộc Cục 2.


Năm 1948, tôi đã được nghe lời đồn, Hồng Thủy đã lấy vợ ở Việt Nam, nhưng tôi không tin vì Hồng Thủy khi rời Diên An đã chủ động, chân thành nói với tôi khi về Việt Nam sẽ không kết hôn nữa. Ông còn nói đợi đến ngày Tổ quốc giải phóng ông sẽ trở về đoàn tụ với mẹ con tôi.


Sau khi Viện Thực nghiệm nuôi dạy trẻ vào Bắc Bình, địa chỉ Viện ở phía Tây Cổ Lầu, số 1 đường Quả Tử Thị (nay là chỗ của đại diện khu tự trị Tây Tạng tại Bắc Kinh), được Bộ Giáo dục phê chuẩn, Viện đổi tên là "Viện Mẫu giáo 1/6 Bắc Kinh”. Tiểu Phong và Tiểu Việt sau khi về thành cũng ở trong “Viện Mẫu giáo 1/6!”.


Viện Mẫu giáo vừa chuyển vào thời bình, rất nhiều việc phải làm: sửa chữa nhà cửa, bố trí thêm đồ đạc theo nhu cầu của các cháu, bố trí kế hoạch dạy và học, cung cấp lương thực, may quần áo mới, sưởi ấm mùa đông... hàng loạt vấn đề đều được đặt ra. Nước Trung Hoa mới thành lập, các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ, các tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh... đều ào ạt về Bắc Kinh, các cháu còn ở tuổi mẫu giáo cũng theo cha mẹ về. Các cháu mẫu giáo ở trường đã tăng lên rất nhanh, gấp mấy lần khi mới về. Gánh nặng công việc đè lên vai có lẽ còn hơn nhiều so với thời chiến. Tôi bận suốt ngày, hai cháu chỉ được mẹ đón về chiều thứ bảy, ngủ nhà một đêm, chiều chủ nhật lại phải vào trường.


Một hôm, vào hạ tuần tháng Chín năm 1950, có một đồng chí nam không quen đến tìm tôi tại Viện Mẫu giáo 1/6, giới thiệu với tôi rất khách khí:

"Thưa đồng chí Trần Kiếm Qua, tôi công tác ở Cục 2, Bộ Mặt trận Thống nhất, Tổ Việt Nam, tên là..."

Nghe đến hai chữ Việt Nam trong lòng tôi đã hồi hộp. Tôi mời đồng chí đó ngồi ghế đối diện ở bàn làm việc của tôi, mời uống nước.

Tôi không dám nói, cũng không dám hỏi, chỉ im lặng nhìn anh ta xem thái độ và ánh mắt của anh để dò xem tình thể ra sao. Thời gian trôi qua chỉ khoảng mười mấy giây mà tôi cảm thấy rất lâu. Đồng chí đó liếc nhìn quanh phòng làm việc của tôi một lát. Tôi đoán ra có lẽ anh ta lựa lời để nói. Anh càng không nói, lòng tôi càng rối bời.

"Đồng chí Hồng Thủy đã tới Trung Quốc rồi". Cuối cùng anh ta cũng mở miệng.

Tôi lúng túng nói: "Thế à?"

Anh nói nhỏ hẳn đi: "Đồng chí Hồng Thủy đã kết hôn ở Việt Nam".

Anh dừng lại một chút quan sát phản ứng của tôi để chờ nói tiếp.

Trong nháy mắt, tôi thấy trời đất như quay cuồng, đầu như bị búa tạ giáng trúng, lại như có hai bàn tay lạnh giá đang bóp chặt tim tôi, người tôi như chết cứng. Tôi còn có thể nói gì được?

“Sau khi đồng chí Hồng Thủy tới Bắc Kinh mới được biết chị và hai cháu vẫn còn sống. Anh vừa vui mừng, vừa kinh ngạc, muốn đến gặp chí và các cháu ngay. Thế nhưng hoàn cảnh hiện nay của anh thật khó xử. Cũng may là vợ con của anh tạm thời vẫn chưa tới Trung Quốc. Anh nói muốn chờ ý kiến của chị rồi mới quyết định”.

Người đến nói có vẻ thành thật, song cũng rất lúng túng khi giải thích.

Tôi quay cuồng cả người, sau đó nói gì tôi cũng không còn nhớ nữa.

Khi ra về, anh ta còn nói với tôi vài câu an ủi, khuyên tôi nên giữ gìn sức khỏe, còn nói một ngày gần đây đồng chí Hồng Thủy sẽ đến Viện Mẫu giáo thăm tôi.

Đồng chí ở Bộ Mặt trận Thống nhất về rồi, tôi ngồi một mình trong phòng làm việc muốn khóc không được, muốn kêu không xong. Lời đồn là đúng, lại còn có sự thêm thắt. Ở bên đó Hồng Thủy đã được tin tôi và hai con bị máy bay bắn chết rồi. Tôi không còn làm sao mà hiểu nổi, đầu óc cứ rồi bời. Nhìn sao sa, nhìn trăng sáng đều chỉ có ước mong Hồng Thủy trở về. Làm sao lại có kết cục này? Tôi không thể tha thứ cho Hồng Thủy về việc làm khinh suất này được!


Đêm hôm đó, tôi trăn trở mãi không sao ngủ được, cứ dằn vặt mãi không biết nên đối xử ra sao trước việc này: oán hận ông, cãi vã xỉ vả ông, đây không phải là thái độ tôi nên làm trong hoàn cảnh chiến tranh, sống chết không thể lường, huống hồ Hồng Thủy lại là một đồng chí ngoại quốc; bình tâm tĩnh trí để cùng nhau nối lại quan hệ vợ chồng chăng? Thế còn người vợ Việt Nam của ông thì làm thế nào? Nếu chia tay cùng Hồng Thủy, tương lai đối với cháu Phong, cháu Việt, tôi sẽ phải xử sự ra sao? Quyết tâm để giải quyết vấn đề này sao khó thế!


Tối hôm sau, một chiếc xe đen lái qua cổng Viện, đỗ ở khoảng trống trước bức tường treo ảnh. Người của Bộ Mặt trận Thống nhất hôm qua đến gặp tôi, dẫn Hồng Thủy đến Viện. Trương Sì Xương và Diêu Thục Bình đang nhiệt tình tiếp đón họ ở gian phòng khách nhỏ.


Đằng đẵng năm năm không gặp nhau, tôi có biết bao điều muốn kể lể với Hồng Thủy, thế nhưng nay tôi biết nói gì? Tôi ngồi trong một góc ở phòng khách, không nói năng gì, chỉ nhìn qua Hồng Thủy. Ông vẫn mạnh khỏe, tinh thần vẫn vậy, không có gì khác mấy so với khi rời Diên An. Một đôi vợ chồng thương yêu, sau năm năm chia tay, trong thời chinh chiến, vào chết ra sống, hôm nay gặp lại được nhau đâu có dễ dàng. Chúng tôi gần nhau trong gang tấc mà sao lại cảm thấy xa vời vợi, nhìn không thấy, sờ không được, phảng phất như cách hẳn một phương trời.


Hồng Thủy và Trương Sì Xương, Diêu Thục Bình nói chuyện với nhau về tình hình Viện Mẫu giáo và tình hình Việt Nam. Khi họ kể đến chuyện đội quân các bà mẹ của Bộ phận ba Trường Đảng và Trường Mầm non số hai sau khi rút khỏi Diên An đã qua cả một lịch trình gian nan, trông mặt Hồng Thủy có vẻ buồn bứt rứt. Tôi ngồi im tựa lưng vào ghế không nói nửa lời, như ngồi trước một người không quen biết, nếu một khi nói ra là không thể nào còn khống chế được tình cảm của mình. Tôi cố nén nỗi bi thương không để cho nước mắt trào ra.


Hồng Thủy không biết vì hối hận hay là sợ va phải đinh, ông không ngừng hút thuốc, không trực tiếp nói với tôi một lời. Hồng Thủy biết tính tôi rất quật cường, đã nói là thẳng, nếu tôi nói ra những lời không phải, ông không có cách gì ngăn được. Buổi gặp nhau đầu tiên sau năm năm xa cách đã kết thúc trong im lặng như vậy.


Thực ra tôi không phải không có lý trí, không phải làm những điều làm cho anh mất mặt. Tôi hết sức nén nỗi giày vò, không làm gì phỉ báng anh, đặc biệt khi trước mặt người ngoài. Vả lại bây giờ trách móc anh, phỉ báng anh, thậm chí chửi mắng anh phỏng có tác dụng gì? Cuộc sống của một con người, tất nhiên có điều bất hạnh, song phải dùng ý chí ngoan cường để đối mặt với nó. Không thể oán trời, trách người, tiêu cực bi quan, càng không thể làm tổn thương cá nhân anh. Lạnh lùng, bình tĩnh xử lý điều bất hạnh đột phát đó là điều lựa chọn duy nhất của tôi.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #68 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 08:37:49 pm »

Ở Trung Nam Hải, tôi đã đau đớn khóc nức nở. Vì vợ con Việt Nam của anh, tôi đã cự tuyệt Hồng Thuỷ.


Hai ngày sau vừa đúng vào dịp trung thu. Sau ba năm phiêu bạt trên đường dài, trú quân nơi chiến địa, đây là lần đầu tiên Viện Nuôi dạy trẻ được ăn một cái tết Trung thu trong hoàn cảnh hòa bình. Nhà bếp đã làm cho các cháu những chiếc bánh trung thu thơm phức, lại chuẩn bị hoa quả. Các bạn nhỏ còn tập luyện tiết mục văn nghệ để biểu diễn vào lúc chờ ngắm trăng.


Chiều hôm đó, chiếc xe hòm đen lại đến Viện Mẫu giáo 1/6. Hồng Thủy muốn đón tôi và các cháu đến nơi anh ở, nhà số 2 cửa Tây, Trung Nam Hải, cả nhà có mặt trong cuộc họp đoàn viên.


Một gia đình đã phân ly năm năm đâu có dễ đoàn tụ, trong con mắt người ngoài thật là một việc đáng vui, đáng mừng. Đặc biệt là Tiểu Việt, khi sinh ra đã không được nhìn thấy mặt cha đẻ của mình. Khi Hồng Thủy rời Diên An, Tiểu Phong mới chỉ có một tuổi rưỡi. Trong ký ức của các cháu chưa hề có ấn tượng về cha. Khi Hồng Thủy đến Viện lần đầu, các cháu đã đi ngủ. Hôm nay là lần đầu tiên cả nhà đoàn tụ.


Tiểu Phong vốn hoạt bát, sáng dạ. Khi được biết cha đón mình liền chạy lao vào vòng tay bố, sau đó ôm lấy cổ Hồng Thủy kêu "Ba ơi, ba ơi!" liên tục. Hồng Thủy nâng bổng Tiểu Phong lên cao, vô cùng phấn khởi nói:

"Tiểu Phong lớn như thế này rồi. Ba sắp không bế được con nữa".

Anh ôm Tiểu Phong vào lòng thơm mãi lên khuôn mặt bụ bẫm, nhỏ bé của cậu con trai. Anh đặt Tiểu Phong xuống, lại bế Tiểu Việt. Tiểu Việt đứng ngây người nhìn bố, không hiểu là lạ hay sợ. Cháu chạy lại ôm lấy đùi tôi chỉ để thòi ra hai cái chân nhỏ bé, gọi mẹ.


Tôi bế Tiểu Việt lên, nhẹ nhàng nói với cháu: "Con ngoan của mẹ, có phải con vẫn bảo lớn lên sẽ đi tìm ba? Hôm nay ba về thăm con đấy!".

Tiểu Việt liếc nhìn trộm Hồng Thủy một cái rồi chợt nhoẻn miệng cười. Anh đón cháu Việt từ tay tôi, áp khuôn mặt xinh xắn của con vào bộ mặt gầy, dày dạn phong sương của đời chinh chiến. Mắt anh nhòa lệ, rất lâu không nói được gì. Cho đến khi đặt Tiểu Việt xuống anh mới rầu rầu nói với tôi:

"Kiếm Qua, mấy năm qua em vất vả quá!"

Tôi nhìn thẳng vào Hồng Thủy song chỉ ừ hữ cho qua, không tỏ vẻ gì cả. Hồng Thủy dắt tay hai con ra ô tô, tất cả chúng tôi đều đến chỗ ở của Hồng Thủy để đón tết Trung thu. Tôi và Hồng Thủy đều ngả người vào đệm lưng xe, anh bế Tiểu Phong, tôi bế Tiểu Việt. Người lái xe nhấn ga, xe vọt ra phố lớn.


Tiểu Phong làm quen với bố rất nhanh, suốt dọc đường cha con không dứt chuyện.
Xe xuyên qua phố lớn ở Tây Cổ Lầu rồi rẽ phải. Cháu Phong vừa phát hiện được điều gì vội nói ngay với bố:

"Ba ơi, ba ơi, ba xem Cảnh Sơn kìa! Các bạn trong lớp của con đã đi thăm công viên Cảnh Sơn rồi nhé, con còn leo lên đỉnh cao nhất nữa kia".

Tiểu Việt ngắm xe cộ chạy đi chạy lại qua cửa, liên tục chỉ cho tôi xem:

"Mẹ ơi, mẹ xem kìa, xe ngựa lớn đấy!"

"Mẹ ơi, cái xe buýt mũi to kìa!"

Hồng Thủy theo tay trỏ của Tiểu Việt, ngắm ra ngoài.

Xe vượt qua Đoàn thành, Tiểu Phong lại phấn khởi khoe với bố.

"Ba ơi! Ba xem kìa? Đây là công viên Bắc Hải. Cô giáo đã dẫn chúng con đến đây đi chơi thuyền to đấy!".

Trên đường đi, đối với mỗi điều các con hỏi và nói anh đều hết sức vui thích, luôn miệng trả lời các con. Xe rẽ về phố Phủ Hữu, tiến vào cửa Tây, Trung Nam Hải.

Xem ra anh đã có chuẩn bị trước, trên chiếc bàn nước dài của phòng khách đã bày đủ các quà trung thu: bánh trung thu, lê, nho và một số kẹo ngon.

Hồng Thủy ngồi trên ghế xô-pha, tay ôm mỗi cháu ngồi một bên lòng. Các cháu vừa ăn bánh trung thu, vừa nghe bố kể truyền thuyết về "Thỏ ngọc“, hỏi bố liên tục.

Tôi vẫn ngồi lặng im, lơ đãng ngắm nhìn lầu các, đái, đỉnh, sắc núi Hồ Quang trong Trung Nam Hải và cũng không có hứng thú gì để nói chuyện với Hồng Thủy. Nhìn cha con vui sướng khi lần đầu tiên được đoàn tụ, được hưởng tình cha con, giữa tình cảm và lý trí của tôi lại xung đột kịch liệt. Tôi làm sao có thể nhẫn tâm chia rẽ cha con họ được chứ?


Cơm tối xong, Hồng Thủy bảo người dọn giường, phòng. Đã đến lúc phải có quyết định dứt khoát rồi. Tôi ngồi cũng không yên, một mình chạy ra ngoài vườn khóc nức nở vì nỗi đau riêng.


Ngồi trên một chiếc ghế dài bên bờ hồ trong Trung Nam Hải, nhìn ánh trăng soi bóng nước, lòng tôi như tơ vò trăm mói. Hôm nay là tết Trung thu, lại là lần đầu cả nhà tôi đoàn tụ, tôi ngồi riêng một chỗ khóc tức tưởi, vì hoàn cảnh trước mắt phải tha thứ cho Hồng Thủy. Hồng Thủy với tôi tình sâu, nghĩa nặng, đối với con rất mực yêu thương. Thực lòng ra tôi không oán hận gì anh. Nếu như anh chủ động nêu vấn đề ly hôn ra với tôi, tôi có thể dễ chấp nhận. Thế nhưng anh cứ một mực chờ ý kiến của tôi rồi mới quyết định. Thế chẳng phải là làm cho tôi đứt ruột, đứt gan sao?


Làm thế nào bây giờ? Vẫn vợ chồng với nhau như trước kia sao? Điều đó không thể được rồi. Anh đã có gia đình mới. Quan hệ giữa chúng tôi đã có vết rạn nứt không sao hàn gắn nổi.


Tôi lại đặt địa vị tôi vào một người phụ nữ khác để suy nghĩ. Người vợ Việt Nam của anh cũng đã có một đứa con, lại đang có mang, giống hệt tôi khi chia tay với Hồng Thủy. Cô ta trẻ hơn tôi nhiều, rèn luyện trong cách mạng cũng còn ít, có thể chịu nỗi đau như thế này không? Lúc đó có thể cô ta sẽ kêu la với Hồng Thủy để bắt không được bỏ mẹ con cô. Cô ta thật ra cũng không tội tình gì!


Tôi đau khổ cùng cực. Nhắc đi, nhắc lại, suy đi tính lại không biết giải quyết ra sao. Bao nỗi đau trong lòng biết tỏ cùng ai? Chỉ một làn gió nhẹ thoảng qua mặt là tôi đã rưng rưng nước mắt, chỉ một cành liễu mềm mại cũng làm quặn trong lòng tôi nỗi đau.


Tôi không biết ngồi đã bao lâu, khóc bao nhiêu, suy nghĩ những gì... Cuối cùng bình tâm trở lại, tôi quyết định tự mình sẽ hy sinh để cho gia đình Hồng Thủy được toàn vẹn.

Tôi quay về phòng, chuẩn bị dẫn hai con về Viện Mẫu giáo Hồng Thủy và các con quyến luyến không nỡ rời nhau.

Khi xe sắp nổ máy, anh vịn cửa nói:

"Đưa các con về xong, em quay lại nhé!"

Tôi quả đoán lắc, lắc đầu, thay câu trả lời.
Logged
hoanghahongha
Thành viên
*
Bài viết: 109


« Trả lời #69 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 08:40:04 pm »

Hồng Thủy nói: Tôi đã không phụ lòng sáu trăm triệu nhân dân Trung Quốc nhưng đã phụ lòng một người phụ nữ Trung Quốc.

Ngày 1 tháng Mười năm 1950 là ngày kỷ niệm lần thứ nhất thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và cũng là ngày mà tôi và Hồng Thủy Ước định lấy làm ngày sinh chung.


Ngày hôm đó, tại Quảng trường Thiên An Môn đã long trọng, nhiệt liệt tổ chức lễ diễu hành ngày Quốc khánh và bắn pháo hoa ban đêm. Hồng Thủy là đại biểu quan khách đã cùng nhân dân thủ đô và hàng trăm triệu nhân dân Trung Quốc vui mừng đón ngày lễ lớn. Đội ngũ diễu hành hùng dũng, hồ hởi diễu qua trước lễ đài Thiên An Môn, mỗi người dân Trung Quốc với tư thế làm chủ đất nước mừng vui phơi phới. Người người cầm hoa tươi, vẫy cao cờ đỏ, sản xuất công nghiệp báo công, tin vui nông nghiệp được mùa, các cháu thiếu niên nhi đồng lanh lợi, hoạt bát, đấng yêu, cười tươi như hoa...


Lễ hội pháo hoa đêm càng làm cho nhiều niềm vui ngày quốc lễ lên tới cao trào. Từng loạt pháo hoa đủ loại sắc màu tung bay lên trời đêm, trên quảng trường mọi người vui sướng ca hát, nhảy múa, các loại pháo sáng cực mạnh quyện lẫn các lễ hoa tung bay, toàn thể Quảng trường Thiên An Môn như một biển người hoan lạc.


Những quang cảnh làm nức lòng người đó khiến Hồng Thủy rất vui. Tuy nhiên trong lòng anh vẫn còn nặng nề, anh vẫn luôn nhớ tới tôi và hai con.

Sáng sớm hôm sau, anh lại đến Viện Mẫu giáo 1/6. Người cảnh vệ Việt Nam của anh tên là Cự dẫn các cháu Phong và Việt đến sân khấu của trường xem biểu diễn. ở đó có nhiều trò chơi, trồng người trên giá, leo cột mỡ, lướt thuyền ván... Từ xa, tiếng con trẻ reo hò, cười vui vọng lại.


Hồng Thủy ngồi trong phòng nhỏ của tôi ở, Hồng Thủy kể lại cho tôi nghe những nỗi đau trong những năm qua, nói rõ nguyên nhân tại sao anh lại kết hôn lần nữa.

Sau khi về tới Việt Nam, anh lập tức được cử tới miền Nam Việt Nam chỉ huy chiến tranh chống Pháp. Trong khói lửa chiến tranh, anh túi bụi công việc suốt ngày đêm. Mỗi khi chiến đấu tạm dừng anh đều nhớ tới tôi và hai con. Lúc đó anh thường lấy ảnh của hai chúng tôi chụp trong ngày cưới và ảnh nhỏ, anh bế tiểu Phong, ra ngắm nghía. Anh rất muốn viết thư cho tôi song lúc đó các đường giao thông chủ yếu của Việt Nam đều bị quân Pháp khống chế. Trong nước Việt Nam lúc ấy cũng chẳng có giao lưu bình thường huống hồ lại gửi thư sang Trung Quốc.


Cuối năm 1946, anh đã nhờ Lý Ban chuyển cho tôi một bức thư, song lại nhận được tin trở lại là tôi và hai con khi rút khỏi Diên An, trên đường đã bị máy bay Quốc dân đảng bắn chết. Được tin đó anh đau lòng lắm, song đúng lúc toàn quốc kháng chiến, Tổ quốc yêu cầu, anh lại phải ra đi chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam.


Đầu năm 1947, khi về Chiến khu Bốn công tác thì có một cán bộ cách mạng là Huỳnh Thị Đổi bước vào cuộc sống của anh và sinh được một con gái. Thế nhưng trải qua cách mạng trường kỳ và cuộc sống trong chiến đấu rất gian khổ, hiểm nguy nên tư tưởng của chị thay đổi. Sau khi vừa sinh con, chị ta đã bỏ Hồng Thủy và cả con mà đi mất.


Để Hồng Thủy có hoàn cảnh sinh hoạt tương đối ổn định, tổ chức đứng ra giới thiệu cho anh một cô kế toán còn trẻ công tác trong quân đội, tên là Lê Hằng Huân. Trước đó hai người căn bản chưa quen biết, có thể nói là còn chưa biết mặt...


Thái độ của Hồng Thủy rất thành khẩn như một cậu học trò nhỏ phạm sai lầm đang giải thích trước cô giáo về quá trình mắc sai lầm. Thế nhưng về cơ bản lúc đó tôi không nghe lọt tai những điều khổ ải của anh, chỉ cố chặn nỗi đau trong nội tâm với nỗi uẩn khuất của mình, thái độ bình thường và nói với anh:

"Không cần phải giải thích nữa, chỉ đáng oán trách mình thôi. Lúc đầu định lấy anh, gia đình tôi đều phản đối các đồng chí cũng khuyên tôi không nên lấy người ngoại quốc, chỉ trách tôi, ai nói cũng không nghe nên mới đến nông nỗi này”.


Nghe tôi nói vậy, Hồng Thủy không nói một lời, anh đau khổ tự trách mình. Sau đó, Hồng Thủy có nói với một đồng chí khác:

"Suốt cả đời tôi chưa hề phụ lòng sáu trăm triệu nhân dân Trung Quốc, nhưng lại đã phụ lòng một phụ nữ Trung Hoa".

Tôi và Hồng Thủy không làm bất cứ thủ tục gì và cứ thế chia tay.

Sau đó, anh vẫn luôn luôn đến Viện thăm các con. Hai chúng tôi vẫn không nói với nhau một lời.

Một lần, Hồng Thủy đắc ý mặc một bộ quân phục mới tinh, anh nói muốn chụp ảnh với Tiểu Phong và Tiểu Việt Tôi dẫn hai con cùng Hồng Thủy đến một hiệu chụp ảnh gần đó. Theo sự chỉ dẫn của người thợ ảnh, anh để Tiểu Việt ngồi trên lòng mình, tay phải quàng Tiểu Phong. Các cháu được ngồi trong lòng bố cười rất tươi, chúng đã cùng cha lưu lại một kỷ niệm lâu dài. Đó là tấm ảnh duy nhất của ba cha con. Tôi đứng nhìn, không nói một lời. Tôi rất hiểu Hồng Thủy, trong nụ cười mỉm của con người vốn vui vẻ xởi lởi ấy bao hàm một nỗi buồn đau khó nói.


Hồng Thủy đã thay đổi hẳn. Anh vốn là người hiếu động, hay nói, nay đã thành một người bình tĩnh, trầm mặc, ít nói, ít cười.

Có một lần, Hồng Thủy lại đến Viện, đồng thời có mấy vị khách đến gặp tôi. Tôi bận tiếp khách nên không chào anh. Khi Hồng Thủy về, tôi còn nói thẳng với anh:

"Từ nay, anh đừng đến thăm tôi nữa, đừng tự làm khổ mình".

Ít lâu sau, Hồng Thủy viết cho tôi một phong thư, trách tôi không hiểu anh. "... Sau khi về, đứng xem đánh bóng rổ, anh đã bị ngất ngay ở sân bóng..."

Có người nói, trái tim tôi khô cứng, tôi có cách nào làm khác được? Trong lòng tôi rất hiểu, về tình cảm không thể nào không vương vấn, song trái lại mọi người đều khó vượt qua. Khóc khóc, mếu mếu, buồn buồn, tủi tủi không phải là tính cách của tôi.
Tiểu Phong và Tiểu Việt dần dần hiểu chuyện, nụ cười ấm áp của cha cứ từng chút từng chút một in sâu trí nhớ trẻ thơ. Đặc biệt những nụ hôn yêu quý của cha đã sưởi ấm lòng các cháu. Mỗi chiều thứ bảy khi bước vào nhà, Tiểu Phong đã hỏi luôn:

"Mẹ ơi, ngày mai là chủ nhật, ba có đón chúng mình đến Trung Nam Hải chơi không?"
Trước lời hỏi của con, trái tim tôi như rỉ máu, mắt rưng rưng lệ. Tôi cố gắng mỉm cười, đau đớn trả lời Tiểu Phong:

"Con ngoan của mẹ, ba còn phải đi kháng Mỹ viện Triều, không ở Bắc Kinh. Khi nào ba về nhất định lại dẫn con đến Trung Nam Hải".

Các con tôi tin là thật.

Tôi không dám nói thẳng sự thật với các con vì sợ chúng bị thương tổn do việc tôi và Hồng Thủy phải chia tay. Đồng thời, tôi cũng báo cho anh:

"Tôi không muốn đem việc của chúng ta nói cho các con. Tôi chỉ nói là anh đã đi tham gia kháng Mỹ viện Triều. Từ nay, anh không nên đến trường gặp các con nữa, nếu không tôi sẽ không biết đối xử với chúng ra sao."

Mặc dù rất yêu các con mình song anh vẫn kiên trì giữ đúng như lời tôi dặn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM