Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 06 Tháng Sáu, 2024, 07:40:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Quân trung từ mệnh tập  (Đọc 84780 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #60 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2011, 05:39:55 pm »

14. THƯ GỬI QUAN TỔNG BINH, SƠN ĐẠI NHÂN VÀ CÁC VỊ(1)

Ta nghe, người phương Nam, phương Bắc cũng ví như trâu với ngựa, khi tới kỳ sinh đẻ không bao giờ đến với nhau. Trước đây vì Hồ Quí Ly không có đức, mình chết nước mất, hơn hai mươi năm họa loạn, khổ cực lắm rồi. Dân mong được bình trị hầu như người đói mong ăn, khát mong uống. Con cháu họ Trần ta nhờ ơn người trước để lại, được người trong nước yêu mến suy tốn, mới được như thế. Nay quan tổng binh mang tiết việt chuyên việc đánh dẹp. Từ ngày vâng mệnh ra đi, được phép tiện nghi làm việc. Và, đại nhân thực không phụ với kí thác long trọng của triều đình. Xem như thư đã tâu lên, thì ý của đại nhân, thực đáng ghi nhớ. Nay đem chân tình thực sự báo cho đại nhân biết. Vào tháng giêng năm nay(2), triều đình sắc cho thái tử thái phó An viễn hầu là Liễu Thăng, đô đốc họ Thôi, thượng thư họ Hoàng(3)… Ngày 20 tháng này(4), họ đến cửa ải Chi-lăng(5), quân giữ cửa ải của ta liền cùng đánh nhau. Liễu Thăng tự mình lên trước, thân đốc quân tiền phong, bị quân ta giết chết. Những quân nhân đi trước thăm dò, đều bị giết hết. Đến ngày 25, trận đánh ở núi Mã-yên(6), Bảo định bá trúng phải phi lao bị thương nặng tắt thở ngay. Quân nhu khí giới mất hết không còn gì. Ngày 28 trận đánh ở Cầm-trạm(7), Lý Khánh cũng chết nối theo. Về lương thực, xe chở lương, các vật kiện công để thưởng cho quân, bài vàng, súng lớn, súng nhỏ, giáp sắt, linh ba, cung tên các thứ, tất cả cùng bị quân ta lấy được. Ngày 29(8) lại đánh nhau, quân ta bao vây bốn mặt, bắt sống được các quan và đô đốc Thôi, thượng thư Hoàng hãy còn kia. Quân nhân mấy vạn người bị đói, rủ nhau trốn đi; có người vào rừng núi tự vẫn chết, không thể xiết kể. Ngày nay quân lính của ta, chỉ để giữ nước không lại cùng đánh nhau nữa. Tất cả các quân giỏi mạnh của ta và người có tri thức đều ở xứ khác; duy có bọn già yếu, ốm đau không dùng được, mới cho ở đấy giữ trại mà thôi. Nay nghĩ đến ơn của đại nhân ngày trước, săng sắc không quên, mới đem sự thực về quân tình của đàn trẻ báo cáo về, báo cho tướng quân biết đó thôi. Thư nói không hết lời.


(1) Sau khi tiêu diệt đạo quân tiếp viện của Liễu Thăng, Nguyễn Trái viết thư này báo cho tổng binh Vương Thông, thái giám Sơn Thọ và các tướng Minh ở thành Đông-quan biết.
(2) Năm Đinh mùi (1427).
(3) Các tướng Minh chỉ huy đạo quân tiếp viện từ Quảng-tây sang. Đô đốc họ Thôi là Thôi Tụ, Thượng thư họ Hoàng là Hoàng Phúc. Câu này chưa trọn nghĩa và thiếu những tướng quan trọng như Bảo-định bá Lương Minh giữ chức phó tổng binh, binh bộ thượng thư Lý Khánh giữ chức tham tán quân vụ. Có lẽ thiếu sót vì sao chép.
(4) Ngày 20 tháng 9 năm Đinh mùi tức ngày 10-10-1427.
(5) Ải Chi-lăng nay thuộc huyện Chi-lăng, tỉnh Lạng-sơn. Nơi đây quân ta mai phục tiêu diệt ngay từ trận đầu đội kỵ binh tiên phong của địch và giết chết Liễu Thăng bên núi Mã-yên.
(6) Ngày 23-9 (ngày 15-10-1427), Bình Ngô đại cáo, Toàn thư (q. 10, 40b) đều chép ngày 25-9, quân ta giết chết Bảo-định bá Lương Minh, nhưng không nói rõ nơi xảy ra trận đánh. Đoạn văn của Toàn thư: “Ngày 25, vua lại sai Lê Lý và Lê Văn An đem 3 vạn quân tiếp đến ải núi Mã-Yên. Bọn Sát và Nhân Chú tung các quân ra đánh, chém được Bảo-định bá Lương Minh tại trận”, dễ làm người đọc tưởng Lương Minh bị giết ở Mã-yên. Nhưng núi Mã-yên, tên nôm là núi Yên-ngựa, nằm trong phạm vi ải Chi-lăng. Thư số 15 cho biết rõ: ngày 25, Lương Minh tiến đến Cần-trạm (Kép, Hà-bắc) bị giết chết. Vậy trận đánh ngay 25 ở Cần-trạm chứ không phải ở núi Mã-yên.
(7) Ngày 28 tháng 9 là ngày 18-10-1427. Theo thư số 15 thì trận đánh ngày 28 xảy ra ở Phố Cát (gần ga Phố Tráng, Hà-bắc), chứ không phải ở Cần-trạm.
(8) Ngày 29 tháng 9 là ngày 19-10-1427. Theo Toàn thư (q. 10, 41b) thì ngày 15 tháng 10 (ngày 3 tháng 11-1427) quân ta mới mở cuộc tiến công cuối cùng tiêu diệt số quân minh còn lại ở Xương-giang và bắt sống Thội Tụ, Hoàng Phúc. Ngày 29 tháng 9, quân Minh mới từ Phố Cát tiến xống Xương-giang và bị quân ta bao vây bốn mặt. Ở đây có 2 khả năng:
- Hoặc do chép nhầm và phải chữa lại là ngày 15 tháng 10.
- Hoặc Nguyễn Trãi viết thư này vào ngày 29 tháng 9, ngay sau trận Phố Cát. Lúc đó, số quân Minh còn lại đang bị vây ở Xương-giang, chưa bị tiêu diệt, nhưng Nguyễn Trái nói như trong thư để uy hiếp tinh thần Vương Thông.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #61 vào lúc: 23 Tháng Hai, 2011, 05:44:23 pm »

15. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM LÀ LÊ LỢI
THƯ GỬI QUAN TỔNG BINH VƯƠNG ĐẠI NHÂN,
THÁI GIÁM SƠN ĐẠI NHÂN XÉT
(1)

Tôi thường nghe: thời có nước thịnh suy, quan hệ ở vận trời; việc có thành bại thực bởi tại người làm. Nay thử lấy những việc đã qua, kể ra từng việc để các đại nhân rõ, rồi sau lấy việc ngày nay bày tỏ sự thực, có nên không? Trước đây về giao ước hòa giải, không những lòng của tôi và của các đại nhân đều được yên, mà cả đến lòng quân sĩ của hai nước đều thế, ai cũng vui mừng nhảy nhót tự bảo rằng: cả Nam lẫn Bắc từ nay trở đi đều được vô sự.

Tại sao hai ông Phương và Mã cố chấp ý riêng của mình, nệ mà không thông, đến nỗi làm ngăn trở việc hòa ước của hai bên. Thế tức là người xưa có câu: “Một lời nói làm hỏng việc” há chẳng đáng tin sao? Từ đấy biến thân thiết làm thù địch, chuyển yên làm nguy. Hàng ngày chỉ nghĩ việc đánh nhau, lại làm cho kẻ không có tội bị gan óc dây đầy cỏ nội, khí tức giận xông lên tận trời. Nước lớn lỗi đạo giải hòa, vỗ yên người xa, nước nhỏ thiếu lễ kính trời thờ nước lớn. Xét ra việc làm ấy là lỗi của ai? Song việc trước đã qua, thực không thể lấy lại được. Hiện nay có An viễn hầu là Liễu thăng vâng mệnh (triều đình) đem hơn 10 vạn quân, đi đến Quảng-tây, đã hai lần sắc thư gọi về, Liễu thăng trót đã mang quân ra, chống lại mệnh lệnh mà cứ đi. Quân đi đến Lễ-giang, bị tai họa đắm thuyền, chết đuối đến hơn một vạn người. (Đó là), trời bảo cho biết đã rõ lắm rồi. Còn khi đi đường, người trốn, kẻ chết kể có đến hàng vạn người, lòng người không thuận, oại có thể thấy rõ hơn đấy. Khi đến Nam-ninh, lại có sắc chỉ đòi về, đó là bởi các quan ở trong triều tất có người biết thời thông biến, biết đem chính đạo can vua, muốn cho thánh thượng lại làm như việc dấy lại dòng giống đã tuyệt, nối lại cho nước đã bị diệt, như vua Thang, vua Vũ ngày xưa, mà không bắt chước việc làm thích khoe khoang, ưa lập công của nhà Hán, nhà Đường, Liễu thăng không nghĩ đến mức ấy, không xét thời trời, không biết việc người, chỉ lấy việc chém giết làm oai, ý muốn đánh giết không sót người nào. Đã trái lòng người lại trái mệnh vua, (Liễu thăng) tiến qnân đến cửa ải Chi-lăng, cùng với quân lính giữ cửa ải ấy của ta đánh nhau kịch liệt một trận, rốt cuộc bị quân ta giết chết. Còn lại Bảo định bá(2) lại thu họp tàn quân, ngày 25(3) tiến ra Cần-trạm(4), lại bị quân ta giết chết; Lý thượng thư(5) cũng bị chết tại trận, duy có Thôi đô đốc một mình chạy thoát, thì lại tức tối không thể thôi được, ngày 28 tiến quân đến phố Cát(6), lại bị quân ta đánh cho thua, quân nhân đều mạnh ai nấy chạy, ẩn trốn tan nát, khí giới cũng bị mất hết chỉ còn lại hơn một vạn quân(7), quân ta đến nơi bao vây bốn mặt, muốn tiến không hay, muốn lui không được. Đến nay, đã 1 tháng, 14 ngày(8), lương thực hết cả, quân nhân chết đói xác chất thành núi. Kế cùng sức hết, bèn xông vòng vây mạo hiểm ra đánh, từ giờ mão đến giờ thân, sức không thể chống được. Quân của Thôi công, lại ngay khi đó bị đánh giết gần hết, chỉ còn lại người gầy yếu ốm đau, tự mở cửa trại ra hàng. Ta tuy không giết chết, cũng là bởi Thôi công trái mệnh trời, rước lấy tai họa. Mà câu nói là: “Việc thành hay bại, thực bởi người làm ra”, há chẳng đúng lắm ư?

Ví bằng việc hòa giải đã xong, thì ngày nay tất không có cái họa Liễu Thăng, mà cái ơn của đại nhân như ơn cha mẹ khi trước, quyết không thể quên được. Nay đem chân tình thực ý, phúc báo để cùng biết. Nếu như các đại nhân lại theo đúng ước xưa, tôi mong được Sơn đại nhân sang qua sông cùng họp, tôi sẽ xin lui quân về các vùng Thành-đàm, Ái-giang, để cho đại nhân được thung dung trở về nước. Phàm trời sở dĩ cần quyền đưa ra ý kiến không ngại phiền phức, chính là lấy lòng thành của nước nhỏ thờ nước lớn, muón mưu việc lâu dài trên thuận lòng hiếu sinh của trời, dưới cứu thoát nhân dân từ trong chỗ nước sôi lửa bỏng. Nếu khong thế, xua nhân mệnh vào đám tên đạn, để quyết sống mái, thì tôi xin quyết ý mà làm, cần gì phải nói đi nói lại mãi làm gì?

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.


(1) Nhận được thư trước (thư số 14), Vương Thông biết tin viện binh đã bị diệt. Nhưng hắn còn hoài nghi, chưa trả lời và vẫn đóng cửa thành cố thủ. Nguyễn Trãi viết tiếp thư này gửi cho Vương Thông và Sơn Thọ. Theo chính sử của ta thì sau chiến thắng Chi-lăng - Xương-giang, Lê Lợi sai thông sự Đặng Hiếu Lộc giải Thôi, Tụ Hoàng Phúc cùng một số tù binh, mang theo song hổ phù, ấn bạc của Liễu Thăng và khí giới, cờ trống, số quân bắt được, đến dưới thành Đông-quan cho quân Minh tận mắt thấy rõ ràng bằng chứng của sự thất bại (Toàn thư, q. 10, 42a).
(2) Sau khi Liễu Thăng chết, phó tổng binh là Bảo-định bá Lương Minh lên nắm quyền chỉ huy.
(3) Ngày 25 tháng 9 năm Đinh mùi (ngày 15-10-1427).
(4) Cần-trạm nay là vùng Kép, huyện Lạng-giang, Hà-bắc. Ở đây còn di tích một thành lũy cổ tương truyền do quân Minh xây, nhiều địa danh và truyền thuyết gắn liền với chiến trận chống quân Minh. Trận Cần-trạm có được Nguyễn Trãi ghi nhận trong Bình Ngô đại cáo, nhưng không được chép rõ trong chính sử như Toàn thư, Cương mục.
(5) Bình Ngô đại cáo, Toàn thư (q. 10, 40b) đều chép thượng tư Lý Khánh chết ngày 28 tháng 9 (ngày 18 tháng 10-1427), tức trận Phố Cát trong thư này. Do đó câu “Lý Thượngthư cũng bị chết tại trận” đáng lẽ phải đưa xuống dưới, đặt sâu câu “ngày 28, tiến quân đến Phố Cát, lại bị quân ta đánh cho thua”.
(6) Phố Cát có lẽ là vùng Phố Tráng thuộc xã Tân Đĩnh, huyện Lạng-giang, Hà Bắc. Ngày 28 tháng 9 là ngày 18-10-1427.
(7) Thực ra sau trận Phố Cát, số quân Minh không phải chỉ hơn 1 vạn, mà còn khoảng dưới 7 vạn. Theo Toàn thư, số quân địch bị vây và diệt ở Xương-giang là: 5 vạn bị giết và 3 vạn bị bắt sống.
(8) Toàn thư (q. 10, 41b) chép rõ ngày 15 tháng 10 (3-11-1427) quân ta mở cuộc tiến công tiêu diệt toàn bộ số quân địch bị vây ở Xương-giang. Điều đó phù hợp với câu trong Bình Ngô đại cáo: “Lại hẹn giữa tháng mười diệt giặc”. Thời gian quân địch bao vây ở Xương-giang là từ sau trận Phố Cát ngày 28 tháng 9 đến 15 tháng 10 năm Đinh mùi (từ sau ngày 28-10 đến 3-11-1427) tính ra là khoảng 14 hay 15 ngày, chứ không phải 1 tháng 14 ngày. Có thể là do sao chép nhầm và nên chữa lại là 14 ngày.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #62 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2011, 07:09:58 am »

16. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM LÀ LÊ LỢI TRẢ LỜI
TỔNG BINH ĐẠI NHÂN, THÁI GIÁM SƠN, MÃ HAI ĐẠI NHÂN XÉT
(1)

Tôi nghe: lời nói không cứ thực hay dối mà tình không thể tự che giấu được, việc phải có, phải hay trái mà lẽ không thể tự mờ tối được, duy có người trí giả mới có thể phân biệt được. Còn người chấp nhất thủ thường, mà đắm đuối vào việc nghe thấy, tất nhiên có chỗ mờ tối mà vẫn không tự xét ra.

Tôi nay nhận được thư đại nhân gửi đến(2), nói về thứ bậc lớn nhỏ, tôn ti và chia ra việc trí, ngu, được, hỏng. Lời nói ấy thực là đúng lắm. Phàm xưa nay tôi sở dĩ cần quyền đưa ra, ý kiến hai ba lần gửi thư như thế, chính là đúng như lời tôn công đã nói. Nước lớn hết đạo của nước lớn, nước nhỏ hết lòng thành của nước nhỏ. Về việc mưu tính cho nhân dân trong thiên hạ, há chẳng sâu và xa ư? Địa nhân gọi là lẽ chính, đạo lớn, trừ ra ngoài hai việc ấy, há lại có đạo lý nào khác nữa ư? Lại bảo rằng: tôi không lấy lối Diễn, Nghệ mà đối đãi với đại nhân, sao câu nói ấy không có lượng rộng thế! Tôi trước đây có bắt được quan và quân các thành, bất tất nói làm gì. Hiện nay lại mới bắt được quân lính đến hơn hai vạn: các cấp thượng thư đô đốc, đô ti, chỉ huy, thiên bách hộ, hơn một trăm người, ngựa 3.000 con, đều là tôi làm sự giả dối mà bắt được chăng? Nay tôi muốn giữ lại mấy vạn người phục dịch cho tôi cũng không ích gì, mà tiều đình lại mấy vạn người ấy cũng không tổn gì. Nay tôi liệu tính số quân của các đại nhân ở trong thành, chẳng qua chỉ độ vài mươi vạn người mà thôi. Tôi tuy lại kiếm cách lừa dối để bắt được hết cũng chẳng bổ ích gi cho việc cả. Ví bằng dùng mưu kế dĩ nhiên trong một lúc mà để mối ho cho bốn biển đến mãi vô cùng, thì chi bằng khéo tính việc dài lâu để làm phúc cho nhân dân toàn thiên hạ. Cho nên sao bằng không thấy cái này mà đổi cái kia, bỏ cái ngắn mà lấy cái dài. Do đó mà bàn, thì sự thành thực hay giả dối của tôi có thể biết được.

Nay đại nhân mang tiết việt chuyên việc đánh dẹp, thì việc quân ở cõi ngoài có thể tùy tiện mà xử trí. Huống chi việc binh không thể ở xa mà ức đạc được; việc, có việc hoãn việc gấp, có thể nhất nhất đợi lệnh triều đình được ư? Nay kẻ bày kế cho đại nhân bảo chỉ có việc đánh và giữ, cuối cùng là chết, quyết không có lẽ nào không vâng mệnh mà tự bỏ về. Thế thì câu nói là: “Đại tướng ở bên ngoài, mệnh lệnh của vua có thể có việc không tuân theo cũng được”. Câu nói ấy cho là không đáng tin ư? Huống chi bảo rằng: Chết mà có ích cho nước, dù chết cũng đáng. Nếu chết mà không bổ ích gì cho nước thì chết uổng mà thôi. Biết thế nào có ích, thế nào là vô ích? Kia như Trương Tuần giữ thành Thú-dương mà có ý che chắn cho Giang, Hoài. Nếu Giang, Hoài không giữ được thì nhà Đường sẽ nguy. Cho nên cái chết của Trương Tuần là đáng chết, không như thế, chỉ bo bo giữ tiết nhỏ mọn mà chết, làm hại cả tính mệnh của nhân dân trong một thành, thì lòng của người dân giả không làm thế. Nay, bọn các ông giữ một thành tở trọi, mà tự bảo là chịu chết theo với thành, thế thì thực có bổ ích gì cho nước không? Hay là muốn đợi khi không còn viên đạn nào đều khêu ra cái họa cùng binh độc vũ chăng! Túng nhiêu giữ được thành không bị mất thì có bổ ích gì cho Nhà nước? Nếu thành ấy bị hạ, lại có người như An viễn hầu (Liễu Thang) lại đến, để cho dân nước nhỏ phải mệt mỏi tai họa, thế là lỗi của ai chứ? Đúng như câu nói: “Tham hư danh mà chịu thực họa”.

Nếu bảo rằng: một năm không đánh được thì hai năm phải đánh được, cho đến năm năm, mười năm, hết năm này đến năm khác, cũng đến đánh được. Ta sợ rằng đức hiếu sinh của thượng đế tất không nỡ lòng như thế. Nếu quả như vậy là việc làm của đời cuối sắp suy mất. Lẽ nào ngày nay đương buổi thánh minh, mà đại nhân là vị nguyên soái có văn học, há lại không biết nhân dân có tội gì, mà nỡ để cho gặp phải họa hại lâu đến mãi trăm năm mà không dứt ư? Lại nói ngay đến chuyện nhà Hán với Hung-nô, nhà Đường với Cao-ly, đại nhân há chẳng thấy Vũ-đế (nhà Hán) xuống chiếu bỏ Luân đài; Thái tông (nhà Đường) rút quân ở Tân-thị về. Hai bậc vua ấy, nếu không biết hối lỗi, thì thiên hạ chẳng suýt nữa nơm nớp lo ư? Sách Truyện (tức Luận ngữ) có câu: “Ba người cùng đi tất có người là thầy ta, mình chọn lấy điều nào thiện thì theo, điều nào ác thì đổi đi” (三人同行,必有吾師焉。擇其善者而從之,其不善者而改之 Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên: trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỹ bất thiện giả nhi cải chi). Thế thì người thiện, người ác đều là thầy ta cả. Tôi không biết đại nhân sẽ lấy vua Hán, vua Đường biết hối lỗi là bậc đáng làm thầy ư? Hay là lấy vua Hán vua Đường cùng binh độc vũ là bậc đáng làm thầy ư? Sẽ lấy vua Thang vua Vũ dấy nước đã diệt nối dòng đã tuyệt làm phép nhất định chăng? Hay là lấy nhà Hán nhà Đường thích khoe khoang, ưa lập công làm phép nhất định ư?

Nay hãy bỏ việc ấy mà bàn (thiết thực ngay): đại nhân thực cho lời nói của tôi là phải thì nên theo ước trước, xin được Sơn thái giám sang qua sông cùng hội họp. Tôi cũng sai người thân ruột thịt của tôi vào thành trực hầu, để cho lời giao ước được chắc chắn, rồi sau sẽ lui quân ở các vùng Thanh-đàm, Lũng-giang(3) để cho đại nhân được thung dung đem quân về nước. Phàm các đường sá, cầu đập, lương chứa cung cấp và sản vập địa phương đem triều cống, tờ biểu lời lẽ có lễ độ, các hạng, tôi dã dự bị sẵn. Và các ông Hoàng thượng thư, Thái đô đốc, cũng đã vì tôi dâng một bản tâu lên rồi. Đại nhân nếu có thể suy lòng mình, đặt vào lòng người, thì chúng tôi còn tội gì mà nỡ lòng phụ bạc nữa? Nếu cứ như thế, kéo dài năm tháng chỉ lấy lời nói suông cùng lừa dối nhau, muốn đợi quân khác đến cứu viện, như ngày trước đã làm, ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu khác, rồi đại quân kéo đến, lại để cho tôi phải phía bụng, phía lưng đồng thời phải đương với địch thủ, như thế thì bọn ngu phu ngu phụ cũng còn chẳng tin được, huống chi tôi là kẻ tuy không có mưu trí mà lại tin thế ư? Những việc tôi làm đều là tình ý thực thà, có trời đất quỷ thần soi rọi trên đầu, xét ở bên cạnh. Nếu làm không đúng lời nói đã có mặt trời sáng soi.

Thư này gửi đến, cúi xin trả lời cho biết.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.


(1) Vương Thông đã viết thư trả lơi cho Lê Lợi nhưng còn tỏ ra lo sợ, nghi ngại. Hắn sợ tự bỏ thành rút quân về thì mang tội với triều đình. Hắn sợ ta lừa dối, không bảo đảm cho hắn và quân Minh được rút về an toàn. Lê Lợi - Nguyễn Trãi chủ trương khép chặt vòng vây quanh thành Đông-quan và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để khi cần thiết sẽ hạ thành, nhưng mặt khác vẫn kiên trì dụ hàng Vương Thông, mở đường rút lui cho quân Minh. Trong thư này, Nguyễn Trãi dùng lý lẽ xác đáng, có lý có tình để bác bỏ mọi lo lắng của Vương Thông và đề ra việc trao đổi con tin, cử Sơn Thọ sang sông họp bàn trực tiếp.
(2) Theo Toàn thư (q. 10, 42b), tháng 11 năm Đinh mùi, Vương Thông, Sơn Thọ sai thiên hộ họ Hạ đem thư sang xin giảng hòa với Lê Lợi.
(3) Thanh-đàm nay là Thanh-oại, Hà-tây, Lũng-giang là sông Đáy, đoạn phía bắc.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #63 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2011, 07:11:43 am »

17. THƯ LẠI GỬI CHO VƯƠNG THÔNG

Tri phủ phủ Thanh-hóa là Lê Lợi thư trả lời tổng binh quan Vương đại nhân và các vị đại nhân và các vị cùng soi xét:

Bữa nọ tôi gửi thư đến, chưa được trả lời, sai thông sự đi nói mồm không có gì làm bàng. Song, việc trước đã qua, khó lấy lại được, từ nay về sau, nên biết hối cải, chớ diễn lại nữa. Đại nhân nếu nghĩ đến nhân dân một phương An-nam, như đứa trẻ chập chững không biết gì, không nỡ để cho kẻ không có tội mà bị giết chết, thì lời nói ngày trước có thể không sai.

Tôi xin lại phiền Sơn đại nhân là người già cả sang qua sông cùng họp (với chúng tôi). Tôi cũng sai một hai đầu mục hoặc người thân tín của tôi vào thành hầu tiếp. Tất phải như thế thì lòng ngờ vực của đôi bên mới tiêu tan được. (Sau đó), tôi lập tức lui quân, dẹp mở đường về (cho quân đại nhân). Phàm đại nhân có truyền bảo gì, tôi đều nghe theo hết. Nếu hoặc không thế, thì muôn nghìn câu nói, sợ cũng đều hão cả thôi. Đêm trước các lộ Thiên-trường, Nam-sách, người canh giữ ở cửa sông Tân-hà, thấy quan quân hàng ngày đánh đuổi, tên đạn bắn xuống nhiều, không nơi náu mình, bèn bàn nhau đắp con đường quai nhỏ, để làm kế náu mình(1), xin đại nhân chớ có hiềm nghi. Nghĩa lớn một khi đã nhất định, thì mọi việc khác không nên để ý lo ngại. Lòng tôi thực hay dối, lâu ngày sẽ biết rõ. Thư này gửi đến, kính xin trả lời cho biết. Thư nói không hết lời.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.


(1) Để khép chặt vòng vây thành Đông-quan, quân ta đắp một số lũy sát thành. Theo Toàn thư thì tháng 8 năm Đinh mùi, quân ta chiếm đê Vạn-xuân, đắp thành lũy phía nam thành. Tháng 11, quân ta lại đắp thêm hai lũy sát cửa nam và cửa bắc thành. Trong thư, Nguyễn Trãi nói chỉ là những “con quai nhỏ” và tìm cách giải thích để Vương Thông bớt lo ngại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #64 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2011, 07:12:48 am »

18. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM LÀ LÊ LỢI
THƯ GỬI TỔNG BINH QUAN VƯƠNG ĐẠI NHÂN,
THÁI GIÁM SƠN, MÃ HAI ĐẠI NHÂN, CÁC VỊ XÉT
(1)

Về việc tôi muốn các đại nhân rút quân về, trước sau chưa từng thay đổi, ma mà được thỏa lòng mong muốn ấy, là tự trời. Không may mà không được thỏa lòng mong muốn ấy cũng bởi tự trời. Nhưng, bảo rằng “lấy đất đem cho người, không phải là người làm tôi được tự chuyên”, thì tôi thiết nghĩ là không phải.

Từ đời xưa, đế vương trị thiên hạ chẳng qua chỉ có “chín châu” mà nước Giao-chỉ lại ở ngoài “chín châu”. Xét ra từ xưa Giao-chỉ không phải là đất của Trung-quốc rõ lắm rồi. Lại khi buổi đầu mới dẹp yên (Giao-chỉ), Thái tông hoàng đế có chiếu tìm con cháu họ Trần để cho giữ việc thờ cúng. Thế là ý của triều đình vẫn không cho đất Giao-chỉ là đất của Trung-quốc. Vả lại, lời huấn của Thái tổ Cao hoàng đế để lại, hãy còn rõ ràng, cứ theo thế mà làm, có gì mà không nên. Huống chi đất ở ngoài cõi xa không dùng gì, nếu giữ lấy thì chỉ tốn cho Trung-quốc, bỏ đi thì dân Trung-quốc lại có thể sống lại. Thế thì bỏ đi và giữ lấy, nên hay không, tuy đến muôn đời sau ta cũng có lời nói được. Ai bảo là đại nhân ngày nay ở ngoài cửa ngoại thành, rút quân về mà không có danh nghĩa.

Lại bảo rằng: không có việc nước nhỏ chống lại nước lớn, để cho bốn rợ di trông vào. Thì, như tôi nghe lại khác thế. Kể ra, nước nhỏ sợ trời, nước lớn vui trời, nước lớn nước nhỏ đều được phải đạo cả. Như Thái vương nhà Chu thờ nước Huân-dục; vua Văn đế nhà Hán hòa với Hung-nô. Hai vua ấy há chẳng đáng làm phép cho muôn đời sau ư? Vả lại, tôi nay muôn dặm vượt thuyền, trèo thang, đúc vàng làm người, dâng bản tâu tạ tội, xưng làm bầy tôi nộp cống phẩm, lại đem những quan quân đã bắt được quân hơn mấy vạn người, ngựa hơn mấy vạn con, và Hoàng thượng thư, Thái đô đốc cùng đô ti chỉ huy, thiên bách hộ hơn một vạn người, đều trở về kinh sư hết. Thế là tôi dám kháng cực với nước lớn ư?

Lời bàn của triều đình nếu biết lại lấy điều chương của Thái tổ Cao hoàng đế và tờ chiếu của Thái tông Văn hoàng đế lại đem ra mà làm, thì ai bảo không phải là để cho bốn rợ, muôn nước trông vào? Tôi nghe: đấng vương giả trị nước ngoài, coi như là không thèm trị để mà trị; chưa nghe thấy làm nhọc dân, đem quân để làm việc ở chỗ đất vô dụng mà làm cho bốn rợ, muôn nước trông vào bao giờ. Tôi không biết ý của đại nhân thế nào?

Vả lại, đất Giao-chỉ từ mấy năm nay đến giờ, trồng dâu làm ruộng đều thất nghiệp, cùng nhau đau xót kêu gào. Hoặc cón giờ bảo rằng: nếu quân nhà vua không rút về thì đánh nhau không bao giờ thôi. Vả lại, chiếu lệnh của thiên tử, biết rõ có xã tội chăng? Hay lại hỏi tội cũng chưa biết chừng. Ngày nay, quân nhà vua tiến hay dừng lại, do ở đại nhân đạt quyền thông biến mà thôi. Tôi xem trong thư giử đến đã nói, và suy xét rõ lời nói của đại nhân, chẳng qua (đại nhân muốn) bảo là nghị luận là việc làm của tôi đều không tin được. (Đại nhân) sợ rằng, ngày rút quân về, hoặc có mưu kế gì khác chăng. Cho nên dùng dằng ngờ vực mà không thể quyết được. Kin thi có câu:

“Người khác có lòng, ta lường tính xem”. Tôi sở dĩ cần quyền gửi thư, đi đi lại lại không dứt, chính là ơn của đại nhân như trời đất cha mẹ, không ngày nào quên, mà cái lẽ nước nhỏ thờ nước lớn lại không thể thiếu được. Có thế may ra sẽ không còn lo về sau nữa. Nếu không, như người trước đã bảo: “Có đất thì phong lại còn xin gì”? Như thế thì tôi quyết ý không cùng đi lại với đại nhân nữa, còn đợi gì rút quân hay không rút quân?

Cúi xin đại nhân thương đến cho, may lắm.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.


(1) Thư gửi cho tổng binh Vương Thông, thái giám Sơn Thọ và Mà Kỳ ở thành Đông-quan. Trên cơ sở những thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định đã giành được, Nguyễn Trãi tiếp tục phân tích hơn thiệt mọi lẽ, mở ra lối thoát cho quân Minh để sớm kết thúc chiến tranh. Thư gửi khoảng tháng 11 năm Đinh mùi.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #65 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2011, 07:15:04 am »

19. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM LÀ LÊ LỢI
THƯ GỬI QUAN TỔNG BINH VƯƠNG ĐẠI NHÂN
CÙNG HAI VỊ THÁI GIÁM SƠN VÀ MÃ SOI XÉT
(1)

Tôi nghe: thiên hạ được yên hay phải nguy, sinh dân bị họa hay hưởng phúc, thực do ở việc binh, mà giữ quyền lấy hay bỏ, cho hay cướp lấy, lại quan hệ ở người làm tướng. Cho nên có câu nói rằng: “Tướng là người giữ vận mệnh của quân”.

Nay đại nhân chuyên việc đánh dẹp ở ngoài cửa ngoại thành trở đi. Một địa phương Giao-chỉ, mệnh mạc của dân chúng, cùng là trong thiên hạ yên hay nguy, do ở ngày nay quân của nhà vua tiến đi hay dừng lại. Vì bằng đại nhân không nghĩ đến lợi hại riêng mình, chuyên vì thiên hạ mưu tính công việc, thì chỉ cốt ở một tấm lòng thành thực mà thôi. Nếu quả là lòng thực chăng, thì nên đem lòng thực của mình đặt vào lòng người, quả là không có lòng thực chăng, thì trăm thứ lo, vạn thứ nghĩ, phòng giữ quá cần, mà việc đưa đến tất có việc xây ra ngoài ý nghĩ của mình. Như bảo rằng người tâu việc đi ra ngoài cõi, cần phải có được thư tín chắc chắn, có bằng cứ về báo, chỉ có một việc ấy, sao cho là tin cả được. Tôi có thể lui quân và voi ngựa về Thanh-đàm; dìm thuyền xuống sông Xương-giang, nhưng nếu lồng tôi không thành, thì quân và voi ngựa đã lui cũng có thể lại tiến được, thuyền đã dìm xuống ấy cũng có thể làm lại cho nổi lên được. Huống chi trong khoảng dọc đường, đi đến đâu mà không có chỗ đáng ngờ. Như thế chỉ nhọc lòng tốn nghĩ uổng công, mà không ích gì cho việc cả.

Vả lại, Nhân Chú (hay Thụ) là con tôi, Nguyễn Trãi là mưu sĩ của tôi. Tất cả công việc phá thành đánh trận đều là công của hai người ấy. Các đại nhân há lại không biết Nhân Chú, Nguyễn Trãi(2) là con tin, thì lòng nghi ngờ của các đại nhân cũng có thể tiêu tan được chứ. Nay đại nhân chòn cho là chưa đủ tin, thì tôi không còn biết lấy kế gì câu nói gì để đại nhân cho là đáng tin được. Đại nhân nếu có lòng thương mà nghe lời tôi thì không những là may riêng cho một địa phương nước Giao-chỉ mà cũng là may chung cho cả thiên hạ nhân dân. Nếu không được đại nhân ưng thuận thì không thể làm thế nào được, tôi xin chịu tội lỗi với triều đình, chỉ có một điều là chết mà thôi.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày


(1) Trong thư này, Nguyễn Trãi đề nghị trao đổi con tin để xóa mối hoàn nghi của Vương Thông.
(2) Theo Toàn thư (q. 10, 44b thì lúc đầu Lê Lợi sai Lê Quốc Trinh và Lê Như Trì vào thành Đông-quan làm con tin. Sau đó Lê Lợi lại sai Tư Tề là con trai trưởng và Lưu Nhân Chú là một tướng lĩnh cao cấp, sang Đông-quan thay làm con tin. Vương Thông cũng cho Sơn Thọ, Mã Kỳ sang dinh Bồ-đề làm con tin. Trong cả hai trường hợp, Nguyễn Trãi không làm con tin. Về điểm này, bức thư có chỗ không phù hợp với chính sử, xin nêu ra để xác minh thêm. Có thể do sao chép sai lạc và cũng có thể là điều kiện đề ra trong thư nhưng sự thực hiện sau này có thay đổi. Một điểm nữa là trong thư nói: “Nhân Chú là con tôi (tức con Lê Lợi)”, thi không đúng và cũng không thể lừa quân Minh được.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #66 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2011, 07:17:02 am »

20. ĐẦU MỤC NƯỚC AN-NAM LÀ LÊ LỢI
(THƯ GỬI VƯƠNG THÔNG (?))
(1)

Tôi tiếp được thư, thấy lòng của đại nhân rất thành, có thể động đến trời đất, cảm được quỷ thần. Quả đúng như lời, thì không những may riêng cho nước An-nam, cũng là may chung có cả nhân dân trong thiên hạ. Chí nguyện của tôi từ đây thỏa mãn rồi, lại còn phải nói gì nữa. Xin cùng với các đại nhân giết muông sinh uống máu, đối chứng với quỷ thần, rồi sau tôi sai người thân ruột thịt và người đại đầu mục thay thế cho bản thân tôi, hoặc đại tiểu đầu mục năm ba người, đến thành đợi chỉ thị. Đại nhân thì sai Sơn đại nhân sang qua sông nói chuyện để cho lời ước được chắc chắn thêm, và xem lại công việc làm của tôi, quả là thực chăng hay dối dá chăng?

Tôi tự lui quân ở các vùng Ninh-kiều(2), Lũng-giang để đại nhân được thung dung sắp quân về nước. Khi đến Khâu-ôn, tức thì trả lại ngay các đầu mục của tôi nói trên đây trở về; tôi cũng thân cho đưa bọn Sơn đại nhân ra đến đấy. thế thì lòng ngờ vực của đôi biên đều tiêu tan mà lòng mọi người đều yên cả. Tất cả đường sá cầu đập, lương chứa cung ứng, đều đã đủ cả, không dám thiếu gì. Còn Hoàng thượng thư, Thái đô đốc, bố chánh, án sát, chỉ huy, thiên, bách hộ, quan lại ở phủ, châu, huyện; quan quân ở các xứ Tân-bình, Thuận-hóa, Diễn-châu, Nghệ-an, Tam-giang, và quân nhân, ngựa nghẽo bắt được của An viễn hầu, hết thảy đưa trả về đủ số. Chỉ có bẩm lại như thế thôi, không có nói gì khác nữa. Cúi xin đại nhân soi xét.

Tuyên-đức, năm, tháng, ngày.


(1) Vương Thông và bọn tướng Minh dù ngoan cố nhưng cuối cùng cũng phải xin giảng hòa rút quân về nước mà thực chất là chịu thất bại, đầu hàng. Thư này, Nguyễn Trãi đề ra những biện pháp cụ thể để thực hiện sự thỏa thuận như sau: trao đổi con tin, ăn thề, bảo đảm sự rút lui an toàn cho địch…
(2) Ninh Kiểu vốn là cầu qua sông Ninh tức sông Đáy, thuộc huyện Chương-mỹ, Hà-tây.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #67 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2011, 07:19:07 am »

21. BÀI VĂN HỘI THỀ(1)

Ghi rõ: năm Tuyên-đức thứ hai của nước Đại Minh là năm Đinh mùi tháng 11 ngày mồng 1 là ngày Ất dậu qua đến ngày 24 là ngày Mậu thân(2).

Tôi là đại đầu mục nước An-nam tên là Lê (Lợi) và bọn Trần Văn Hãn, Lê Nhân Chú, Lê Vấn, Trần Ngân, Trần Văn Xảo, Trần Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Trần Lý, Phạm Bôi, Trần Văn An, Bế Khắc Thiệu, Ma Luân(3), cùng với:

Quan tổng binh của Thiên triều là thái tử thái bảo Thành-sơn hầu tên là Vương Thông, và các quan tham tướng hữu đô đốc là Mã Anh, Thái giám là Sơn Thọ, Mã Kỳ, Vinh xương bá là Trần Trí, Yên bình bá là Lý An, đô đốc là Phương Chính, Chương đô ti sự Đô đốc Thiêm sự là Thuế Lự, đô đốc thiêm sự là Trần Hựu, giám sát ngự sử là Châu Kỳ Hậu, Cấp sự trung là Quách Vĩnh Thanh, bố chính là Dặc Kiêm, tả tham chính là Thanh Quảng Bình, hữu tham chính là Hồng Thừa Lương, hữu tham nghị là Lục Trinh, Án sát sứ là Dương Thời Tập, thiêm sự là Quách Hội(4);

Kính cáo Hoàng thiên (trời), Hậu thổ (Đất) cùng với Danh sơn (núi), Đại xuyên (Sông) và thần kỳ các xứ:

Chúng tôi cùng nhau phát tự lòng thành, ước hẹn thề thốt với nhau:

Từ sau khi lập lời thế này, quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông quả tự lòng thành,đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng, để đợi viên binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lí trong bản tâu, đúng lời bán trước mà làm.

Bọn Lê (Lợi) chúng tôi nếu còn chứa giữ lòng làm hại, tự làm việc lừa dối, không dẹp xa ngay quân lính ngựa voi, việc làm không đúng lời nói ngầm sai… Các việc nói trên tuy là không tự mình làm lấy, lại chuyển sang người khác có xâm phạm đến một chút nào tức thì Trời, Đất, thần minh, núi cao sông lớn, cho đến thần kỳ các xứ, tôi cùng con cháu thân của tôi, và người cả một nước tôi, giết chết hết cả, không để sót lại mống nào.

Về phía bọn quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, nếu không có lòng thực, lại tự trái lời thề (đối với việc) người phục dịch và các thuyền đã định rồi, cầu đập đường sá đã sửa rồi, mà không làm theo lời bàn, lập tức đem quân về nước, còn kéo dài năm tháng để đợi viên binh, cùng là ngày về đến triều đình lại không theo sự lí trong bản tâu, không sợ thần linh núi sông ở nước An-nam lại bàn khác đi, hoặc cho quan quân đi qua đâu cướp bóc nhân dân, thì Trời, Đất cùng là Danh sơn, Đại Xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà.

Nếu mà cả hai bên đều do lòng thành cả thì Trời Đất thần minh đều phù hộ cho đến bản thân mình mạnh khỏe, trong nhà mình vinh thịnh, cùng hưởng lộc vị, đều được bình yên.

Trời, Đất thần kì cùng soi xét cho!


(1) Viện binh bị tiêu diệt, quân Minh bị vây ở Đông-quan và các thành bị lâm vào cảnh thế cùng lực kiệt. Vương Thông dù ngoan cố, cuối cùng cũng phải “giải giáp xin hàng” (Lam-sơn thực lục), Nhưng để mở lối thoát cho kẻ thù và tôn trọng thể diện của triều Minh, Lê Lợi - Nguyễn Trãi cho Vương Thông “giảng hòa” rút quân về nước. Theo Toàn thư (q. 10, 43b-44a), ngày 22 tháng 11 năm Đinh mùi (ngày 10-12-1427), Lê Lợi cùng với Vương Thông “họp thề ở phía nam thành, hẹn đến ngày 12 tháng 12 (29-12-1427) thì đem quân về nước”. Đây là văn thề trong hội thề đó.
(2) Ngày Ất dậu mồng 1 tháng 11 năm Đinh mùi là ngày 10-11-1427. Ngày Mậu thân 24 tháng 11 là ngày 12-12-1427.
(3) Danh sách những người trong phái đoàn Lê Lợi chép văn bản này có người đổi sang họ Lê như Lê Nhân Chú (vốn họ Lưu), Lê Vấn vốn họ Phạm), do được ban “quốc tính” họ vua) như thường thấy trong nhiều tài liệu khác, nhưng có người đổi sang họ Trần như Trần Ngân (vốn họ Lê), Trần Văn Xảo (vốn họ Phạm), Trần Bị (vốn họ Bùi), Trần Lý (vốn họ Nguyễn), Trần Văn An (vốn họ Lê). Trong quan hệ bang giao với nhà Minh lúc bấy giờ, Lê Lợi lấy danh nghĩa là người phò tá Trần Cảo, lập con cháu nhà Trần lên làm vua. Đổi một số người sang họ Trần nhằm chứng tỏ với nhà Minh sự tham gia của nhiều người thuộc họ Trần hoặc ban “quốc tính” cũng theo họ Trần (Trần Cảo được lập làm vua). Thực ra trong số những người đó chỉ có Trần Nguyên Hãn (sách chép là Trần Văn Hãn, có lẽ là do chép nhầm chữ Nguyên 元 ra chứ Văn 文 là con cháu vua Trần. Bế Khắc Thiệu, Ma Luân là những tù trưởng dân tộc thiểu số.
(4) Danh mục những người trong phái đoàn Vương Thông chép trong văn bản này có 4 người không phù hợp với Toàn thư (q. 10, 41a):
- Thuế Lự, Toàn thư chép là Trần Tuấn.
- Tả tham chính Thanh Quảng Bình, Toàn thư chép là hữu tham chính Lục Quảng Bình.
- Hữu tham chính Hồng Thừa Lương, Toàn thư chép là tả tham chính Hồng Bỉnh Lương.
- Quách Hội, Toàn thư chép là Quách Đoan.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #68 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2011, 07:22:50 am »

22. BÀI BIỂU TIẾN CỐNG, TÂU TRÌNH TẠ TỘI(1)

Đại đầu mục nước An-nam, thần là Trần Cảo, thực rất sợ hãi rạp đầu dâng lên mấy lời:

Thần kính thấy năm Vĩnh lạc thứ 4 (1406) sau khi đại quân dẹp yên cõi Giao-chỉ, người trong nước lại sinh ra nhiễu loạn. Thần lánh mình sang nước Lão-qua để kéo dài hơi thở tàn. Không ngờ người trong nước lại bức bách thần về nước, cho đến nỗi này. Thần tự biết tội thần đáng chết muôn phần, kính xin dâng biểu trân tình tạ tội.

Kính nghĩ: đánh kẻ có tội cứu vớt nhân dân, là thánh nhân làm việc đại nghĩa, dấy nước đã diệt, nối dòng đã tuyệt, là vương giả có lòng chí nhân. Xét từ đời xưa, vẫn có thường điển(2). Thần trộm nghĩ, đất cõi Giao-nam thực là nơi ở bên ngoài (bốn) biển (Trung-quốc). Nhà Hán, nhà Đường tuy đặt làm quận huyện, mà thực ra chỉ ràng buộc qua loa; đời Tống, đời Nguyên cũng có đem quân dẹp yên, mà sau lại ban phong tước mệnh. Đến khi thái tổ Cao hoàng đế ta mở vận, cha ông thần, trước cả các nước (cho người) đến chầu. Hàng năm tiến cống đế đình, liền đời nối phong vương tước. Mời rồi, vì Hồ Quí Ly không có đức để đến nỗi làm mệt quân thiên triều đi đánh xa, Triều đình khoan nhân, xuống chiếu tìm con cháu họ Trần đểgiữ việc thờ cúng; biên thần tâu bậy xin đặt (Giao-chỉ) làm quận huyện mà bổ quan cai trị. Tuy lòng Thiên triều chăm việc dạy dỗ tác thành, nhưng tục mọi rợ chưa thể biến đổi được hết. Rủ nhau trái lời dạy bảo, cùng nhau thường vẫn làm càn.. Nhân dân lưu li liền năm chết hại không sao xiết kể; quân lính đánh dẹp nhiều hồi khốn khổ rất là đáng thương. Thần ban đầu cũng vì trong lúc vội vàng, mà chiều theo lòng chúng; đến sau bởi tự nghĩ ngu xuẩn mà can phạm phép trời. Tự biết tội lỗi do mình làm ra, thường nghĩ náu mình không nơi ẩn trốn, có đau đớn mới biết thét gào, là lẽ thường tình tất nhiên; thấy tội lỗi tự biết đổi thay, chắc được thánh nhân dung thứ, hết lòng thành sự tình bày tỏ; kêu nhà vua mệnh lệnh rộng ban.

Kính nghĩ, hoàng đế bệ hạ, như thiên địa chở che; như nhật nguyệt soi sáng. Như mùa xuân nuôi sống, như đáy biển thênh thang, tỏ ra lượng cả bao dung; như áng mây kéo phủ, như hạt mưa thấm nhuần, rày khắp ơn trên đào tạo. Cho là tổ tiên của thần hết lòng trung nghĩa, mà trèo non vượt biển không ngại xa xội; thương đến nhân dân của thần, không mắc tội tình mà khốn khổ lầm than, không may đụng độ. Xá lỗi, tha tội, rộng suy hiếu sinh đức tốt; nghĩ bình yên dân, dùng đến chỉ qua(3) vũ thuật. Thần dám chẳng ghi lòng tạc dạ, theo thuận dâng trung. Dâng biểu xưng là thần chức phiên bang từ nay xinh kính giữ; kính trời, thờ nước lớn, lòng nước nhỏ xin hết tiết chân thành. Thần, lòng dưới trông trời thành, khôn xiết vui mừng, kính dâng tờ biểu, bày tỏ tạ tội, tâu lên ngự lãm.

(Danh sách các cống phẩm gửi theo):

- Hai pho tượng người vàng người bạc thay cho bản thân để thân để tạ tội, cộng nặng 200 lạng.
(1 pho vàng nặng 100 lạng;
1 pho tượng bạc nặng 100 lạng)

- Sản vật địa phương:
 Lương hương bạc 1 cỗ,
Bình cắm hoa bạc một đôi, cộng nặng 300 cân,
Lụa thổ sản 300 tấm,
Ngà voi 10 chiếc(4)
Hương xông áo 20 bánh, cộng 130 cân.
Hương nén 20.000 nén.
Trầm hương, tốc hương 24 khối.

- Số người đầu mục tiến kinh(5)
Đầu mục 4 người là: Lê Dĩnh, Lê Cảnh Quang Lê Đức Huy, Đặng Hậu Lộc. Người giúp việc 4 người là: Đỗ Thế Lãnh, Lê Trạch, Đặng Lục, Trình Nghiễm.

- Các hàng trả về:
Hai đài Song hổ phù của tổng binh quan An viễn hầu lĩnh chinh lỗ phó tướng quân.
Một quả ấn bạc.
Các quan và quân nhân: 13.587 viên danh,
Quan coi quân: 280 viên,
Quan coi dân và điển lại: 137 viên,
Kỳ quân: 13.170 viên danh(6).
Ngựa: 1.200 con.


(1) Theo Toàn thư (1. 10, 45b-46a), ngày 20 tháng 11 năm Đinh mùi ( ngày 17-12-1427), Lê Lợi sai sứ bộ sang Yên-kinh đem “tờ biểu và sản vật địa phương” để “trần tình” với nhà Minh và xin phong cho Trần Cảo. Sứ bộ gồm có Hàn lâm đại chế Lê Thiếu Dĩnh, chủ thư sứ Lê Cảnh Quang làm Thẩm hình viện sứ; Quốc tử bác sĩ Lê Đức Huy, Kim Ngô vệ tướng quân Đặng Hiếu Lộc làm Thẩm hình viện phó sứ và bốn người đi theo (tòng nhân) là Nội lệnh sử Đặng Lục, Lê Trạc, Vũ vệ tướng quân Đõ Lãnh, Trần Nghiễm. Đây là bài biểu của sứ bộ đó. Tháng 3 năm sau (năm Mậu thân, 1428), sứ bộ dến Yên-kinh và cuối tháng 4 trở về đến Đông-đô.
(2) Thường điển: lề lối thường làm.
(3) Chữ “chỉ ”. chữ “qua ”, là hai phần chữ “vũ ”, nghĩa là dừng cái giáo lại.
(4) Toàn thư (1. 10, 46a) chép: ngà voi 14 chiếc.
(5) Bản chép viết chữ “Việt kinh 越京” cũng có nghĩa, nhưng ngờ là viết sai, có lẽ đúng ra là chữ “tiến kinh 進京”.
(6) Toàn thư (1. 10, 46a) chép: kỳ quân 13.180 người.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Trung tá
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #69 vào lúc: 26 Tháng Hai, 2011, 07:23:53 am »

23. THƯ GỬI CHO (VƯƠNG) THÔNG, (SƠN) THỌ(1)

Mới rồi tiếp được thư của ông, theo lời trong thư thì công việc đại khái cố nhiên đã định rồi. Nhưng, về chi tiết bên trong, còn có chỗ chưa ổn. Tôi thực là người khí lượng nhỏ hẹp, kiến thức nông cạn, không được như ông, độ lượng rộng lớn, không vì là không bao dung. Xin ông cố gượng y theo thì thật may cho tôi lắm.

Như bảo rằng, (hãy cứ gửi) biểu văn tâu xin dâng tiến người, ngựa (đợi) báo về cho biết rồi mới đem quân ra khỏi cõi nước tôi. Thế là, ông còn có lòng ngờ, muốn tôi đem trước người và ngựa vào trong cõi đất (Trung-quốc) tạm lấy làm tin chắc chăng? Như thế e rằng đôi bên còn ngờ vực lẫn nhau. Ngày nay tôi cùng ông đều nên hết lòng rất thực, không nên còn có một ý riêng nào. Tôi thỉnh cầu: tờ biểu cùng người ngựa đi nộp ở thành Xương-giang, hôm trước thì (hôm sau) bọn các ông cũng sẽ khởi hành theo đường bộ. Còn ngoài ra các việc khác đều xin theo mệnh lệnh của ông.


(1) Vương Thông vẫn còn nghi ngại nên viết thư muốn Lê Lợi gửi biểu văn và đồ tiến cống sanh nhà Minh, cho quân lính bị bắt rút trước rồi mới chịu rút quân. Nguyễn Trãi viết thư trả lời và đề ra kế hoạch rút quân cho Vương Thông.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM