Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thảo luận Lịch sử bảo vệ Tổ quốc => Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước... => Tác giả chủ đề:: napoleon trong 18 Tháng Bảy, 2009, 08:13:39 am



Tiêu đề: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: napoleon trong 18 Tháng Bảy, 2009, 08:13:39 am
quangthanhbvpl | 24 October, 2008 09:29
http://quangthanhbvpl.vnweblogs.com/post/2764/101973

 BÙI QUANG THANH


           XE TĂNG 377 VÀ NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG

                            CHƯA ĐƯỢC TÔN VINH
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/Xetang377bentuongdaiChienthangDakTo.jpg)

     Trở lại chiến trường xưa


      Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng - Chính uỷ Quân đoàn 3 - trước khi rời Tây Nguyên ra Bắc nhận chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã đãi tôi một chuyến xe đi quanh chiến địa cũ Kon Tum, nơi tôi đã để lại một phần máu thịt, tuổi xuân và mang theo suốt cuộc đời những kỷ niệm vui buồn của  thời oanh liệt. Anh dặn tôi nhớ lên tận ĐăkTô thăm Tượng đài Chiến thắng, khi quay về anh sẽ trao đổi. Từ thành phố Plelku đi Kon Tum, sau khi vào thăm Bộ Chỉ huy Sư đoàn 10, viếng hơn 1 vạn đồng đội đã ngã xuống chiến trường Tây Nguyên nay được lưu danh tại Nhà tưởng niệm của Sư đoàn, chúng tôi ngược lên ĐăkTô - Tân Cảnh.

Đường lên chiến địa cũ, bên trái là dòng Pô Cô hiền lành uốn lượn. Bấy giờ đã cuối mùa mưa, nước sông xanh trong, lòng sông khá hẹp, những rẫy màu, rẫy cà phê, rừng cao su xanh mát làm dịu cả một mảng đồi núi đang rực rỡ nắng chiều. Lác đác những đám hoa dã quỳ nở sớm đong đưa trong gió. Con đường 14 trải dài, thênh thanh và vắng vẻ. Tôi được người lái xe của Trung tướng Tuấn Dũng giới thiệu những doanh trại khang trang của các đơn vị thuộc Sư 10 nằm dọc quốc lộ như ngầm báo rằng đã rất lâu họ vẫn bám trụ nơi đây và sẽ còn bám trụ lâu dài để góp phần xây dựng và bảo vệ cuộc sống thanh bình trên cao nguyên này.  Tôi rạo rực, bâng khuâng nghe, nhẩm từng cái tên thân thiết một thời: Trung đoàn 66, Trung đoàn 28, Trung đoàn 24....Tôi mỏi mắt tìm mãi trong trí nhớ  mới hình dung ra đâu là thôn Diên Bình, ấp Võ Định, Thị trấn Tân Cảnh, Đồi 41, 42... nơi mà ngày ấy, tháng 4/1972 chúng tôi đã cùng đại quân tiến công đập nát tuyến phòng thủ Bắc Kon Tum của Mỹ nguỵ, góp phần giải phóng một miền đất rộng lớn làm hậu thuẫn cho đà tiến công của cách mạng Tây Nguyên.

Dừng trước tượng đài Chiến thắng ĐăkkTô ngay phía tây thị trấn huyện, tôi lặng người trước tượng đài với cụm điêu khắc chiến sĩ Quân Giải phóng và những người dân buôn làng Tây Nguyên sát cánh bên nhau xông tới; mái nhà rông mềm mại cao vút bên rặng cây xanh tôn thêm vẻ hùng vĩ của bức phù điêu trên tượng đài. Tây Nguyên ơi! Tha thiết một thời hạt muối chia hai, quả bí bắp ngô của đồng bào cưu mang chiến sĩ. Hồi đó, chúng tôi luôn được đồng bào sát cánh chia ngọt sẻ bùi. Buôn làng các dân tộc thiểu số ở núi rừng biên giới là mái ấm của chúng tôi; một rẫy sắn, một giàn bí đao, một cái rẫy bỏ hoang hay một khoảng đất trông của căn nhà vừa dời đi nơi khác... đều cho chúng tôi lương thực, rau dưa. Sung sướng làm sao khi lần mò theo con đường giao liên xuyên rừng thẳm, dõi theo những cành lái rấp hoặc mũi dao vạch lên thân cây làm dấu chỉ đường, chúng tôi sẽ gặp những nương sắn cách mạng (được mệnh danh là "cây sắn tiến công") hoặc những quả bí đao tươi xanh nằm trên giàn trong nhà rẫy chờ bộ đội. Cả rau tàu bay, cây môn thục cũng đợi chúng tôi nơi đồng bào đã di dời sang rừng khác, nơi đất đá cháy khô vừa bị bom Mỹ xới đào. Chính trong chiến dịch ĐăkTô - Tân Cảnh mùa xuân 1972, đường ô tô không sử dụng được nhiều vì địa hình, vì máy bay mỹ, vì bí mật chiến trường, chúng tôi phải giấu xe vào hầm ếch xuyên sườn núi, còn người thì nào gùi, nào thồ bằng xe đạp, nào vác gạo, cõng đạn ra mặt trận. Ghé vai cùng bộ đội là già trẻ gái trai người Êđê, M'nông, Gia rai ...với mảnh khố ngắn củn, chiếc váy tuềnh toàng, cái bụng lép kẹp vì thiếu muối đói cơm mà cõng đạn chuyến sau nặng hơn chuyến trước. Có cô gái còn gùi hàng trăm kilôgam hàng một chuyến. Tượng đài Chiến thắng ĐăkTô thể hiện mối tình đoàn kết quân dân son sắt ấy, cũng chính là một sự ghi ơn đóng góp cho cách mạng của đồng bào.


 
     Anh Nguyễn Quốc Lập               Chị Phùng Thị Đức

      Hai bên tượng đài Chiến thắng ĐakTô là hai cỗ xe tăng được sơn xanh rất đẹp, tất cả bóng loáng, sạch tinh bụi đất như luôn luôn được bàn tay người chăm chút vuốt ve. Cỗ tăng T54 mang số hiệu 377 ghếch nòng đại bác với góc 45o trong tư thế chồm về phía trước hết sức hùng dũng. Một cảm giác là lạ chen về, sống mũi tôi chợt cay cay. Tôi nhớ về một trong những người chỉ huy Tiểu đoàn xe tăng duy nhất, đầu tiên vào tham chiến ở Tây Nguyên mùa xuân 1972 ấy. Đó là người chú họ của tôi, Trung tá Bùi Quang Đấng vừa ngã bệnh mất cách đây không lâu.  Ngày 15 tháng 11 năm 1971, Tiểu đoàn tăng mang số hiệu 297của ông - trong đó có chiếc T54 dũng liệt bây giờ sừng sững bên tượng đài này - đang chốt giữ gần bờ bắc Bến Hải được lệnh hành quân vào Tây Nguyên với tinh thần và quyết tâm "Đi sâu, ở lâu, đánh thắng". Tiểu đoàn tăng 297 hành tiến cùng đại đội xe vận tải của chúng tôi vừa từ Trường Trung cấp kỹ thuật xe ở Sơn Tây vào (sau này trở thành Tiểu đoàn xe vận tải 827 của Binh đoàn Tây Nguyên). Những ngày cuối năm 1971 trời mưa đẫm rừng đẫm núi, đường Trường Sơn  có nơi công binh vừa mở, có nơi núi sạt đá lăn, nhiều nơi bị bom đạn đào xới (dấu ấn mới nguyên của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào vừa khép lại) trở thành bùn lầy, trơn như đổ mỡ. Dưới tầm hoả lực của máy bay C130, B52, phản lực... được chỉ dẫn bởi máy bay trinh sát điện tử OV10, L19, của những con mắt thần từ "Cây nhiệt đới" bọn Mỹ thả lẫn với cỏ cây, cả những toán biệt kích giả dạng quân ta ẩn nấp trong rừng do thám... những chiếc tăng nặng nề của Tiểu đoàn 297 và những chiếc Zi3, chiếc Ga3 2 cầu, 3 cầu của chúng tôi vẫn hướng về nam xốc tới. Hai tháng rưỡi vượt bao gian khó hiểm nguy, đoàn xe vận tải và đoàn tăng tập kết tại ngã ba biên giới chuẩn bị tham gia chiến dịch. Những ngày này, đơn vị tôi phải giấu xe đi phục vụ hậu cần, tôi được điều ra kho K13 làm nhiệm vụ cho Ban xăng xe mặt trận, có lúc tôi cấp phát nhiên liệu cho đoàn tăng của chú Đấng tôi. Tiểu đoàn tăng này còn có một số bạn sinh viên cùng trường GTVT với tôi, cùng nhập ngũ và huấn luyện trong Tiểu đoàn 2B thuộc Sư 304B chuyển về. Chúng tôi vẫn sang tìm nhau thăm hỏi, động viên nhau vượt qua thử thách, nhường nhau từng bánh lương khô và vật dụng cá nhân.

Ngày 02 tháng 4 năm 1972, chiến dịch Tây Nguyên mở màn bằng loạt trận đánh của Sư đoàn 320 vào các tuyến phòng thủ phía tây sông Pô Cô. Với sự có mặt của bộ đội tăng thiết giáp và các đơn vị bộ binh khét tiếng trên các chiến trường hội tụ về như Sư đoàn 320 từ Trị Thiên vào; Sư đoàn 2 từ Quảng Nam lên..., chủ lực ta quyết tâm tiêu diệt tuyến phòng thủ Bắc Kon Tum mà Mỹ -ngụy cho là vành đai thép án ngữ hành lang Trường Sơn , ngăn chặn sự chi viện từ miền Bắc vảo các chiến trường. Ngoài hoả lực đại bác và súng máy trên tháp pháo, bánh xích và tiếng gầm rú của động cơ, sức cơ động cũng như là thành công sự che chắn cho bộ binh hiệp đồng xung trận; chỉ riêng việc xe tăng hạng nặng của ta xuất hiện trên chiến trường Tây Nguyên cũng làm bọn giặc khiếp sợ, nao núng tinh thần. Sau những trận tập kích, mật tập, cường tập tiêu hao sinh lực địch và bóc gỡ các tiền đồn vòng ngoài, chủ lực ta được các mũi khoan thép là tăng - thiết giáp làm xung kích tiến công tiêu diệt căn cứ Tân Cảnh. Trong cuộc tấn công vào trung tâm phòng ngự của Tuyến phòng thủ này, chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 377 do Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển chỉ huy đã lập chiến công hiển hách và đi vào huyền thoại của lịch sử bộ đội xe tăng.
        Trong đội hình Đại đội 7 của Tiểu đoàn 297 được giao nhiệm vụ phối hợp cùng Trung đoàn 66 tiêu diệt căn cứ 42 (ĐăkTô - Tân Cảnh), đêm 23/4/1972 xe tăng 377 xuất kích vượt ngầm Tân Cảnh, lướt qua chi khu ĐăkTô, Thị trấn Tân Cảnh và các mục tiêu vòng ngoài, áp sát phía tây bắc căn cứ địch. Đúng 4 giờ 30 ngày 24/4, xe tăng dẫn bộ binh diệt các hoả điểm ở cửa mở rồi yểm trợ nhau càn các hàng rào, diệt hoả điểm cho bộ binh xung phong. Ngay từ loạt đạn đầu, xe 377 và xe 352 đã bắn sập khu tháp nước và đài quan sát rồi xông vào dùng đại liên và xích sắt quần nát các công sự phòng ngự của chúng. Địch đang bàng hoàng, hoảng loạn thì xe 377 như một mũi tên thép xuyên qua các chiến hào, chà nát các vật cản và các ụ đề kháng, đánh thẳng vào Sở chỉ huy Trung đoàn 42 nguỵ. Thừa thế, bộ binh ào ạt xung phong.     
    Chỉ sau 3 giờ đồng hồ dũng mãnh tấn công, đại đội tăng 7 với 9 cỗ T54 đã cùng Trung đoàn 66 anh hùng tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Tân Cảnh, giết hàng ngàn tên địch trong đó có tên đại tá cố vấn Mỹ và đại tá Lê Đức Đạt, bắt sống tên đại tá Vi Văn Bình cùng nhiều binh lính.                                   
       

Kỳ sau: Trận đấu tăng một chọi mười


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 18 Tháng Bảy, 2009, 08:14:42 am
Trận đấu tăng một chọi mười

Chưa kịp nghỉ lấy sức và chuẩn bị cho xe, pháo sau trận đánh, Trung đội xe tăng 3 của Nguyễn Nhân Triển  nhận lệnh xuất kích tấn công căn cứ ĐăkTô2 cùng Trung đoàn bộ binh 1 của Sư đoàn 2. Vừa hành tiến vừa quan sát đường vừa liên lạc với bộ binh, băng trong tầm hoả lực pháo binh và máy bay địch, xe 377 dẫn 2 xe 354 và 369 tăng tốc lao về cứ điểm địch. Vì nhiều chướng ngại trên đường, 2 xe tăng bạn tụt lại khá xa, một mình tăng 377 xông lên đánh địch. Bọn địch thấy 377 đơn thương độc mã liền tung 10 xe tăng M41 chia làm 2 mũi bao vây chiếc T54 của ta. Cuộc đấu tăng một chọi mười đã diễn ra vô cùng quyết liệt. Bình tĩnh, linh hoạt và chính xác đến tuyệt vời, Nguyễn Nhân Triển chỉ huy lái xe Cao Trần Vịnh quần thảo, tiến lui tránh tầm hoả lực địch cho pháo thủ Vũ Đức Lượng và Nguyễn Đức Toàn điểm hoả, diệt liên tiếp 7 xe tăng địch làm đội hình chúng rối loạn. Hai tăng  354 và 369 biết xe 377 lâm trận đã mở hết tốc lực xông lên ứng cứu, vừa đi vừa đánh địch mở đường, diệt một số xe tăng địch nấp sau ụ chiến đấu. Nhưng họ chưa kịp hội quân cùng đồng đội thì một chiếc M41 ở phía nam sân bay ĐăkTô2 đã bắn trúng chiếc xe tăng 377, lửa khói trùm kín chiếc chiến xa quả cảm ấy, cả 4 dũng sĩ trên xe 377 hy sinh. Cùng lúc, xe tăng và bộ binh Trung đoàn 1 tràn lên tiêu diệt hoàn toàn căn cứ ĐăkTô2.

Sau ĐăkTô - Tân Cảnh, rất nhiều căn cứ, sinh lực địch bị tiêu diệt. Vùng giải phóng Tây Nguyên mở rộng từ đông sang tây, ngã 3 biên giới được khai thông cho đại quân tiến vào làm chủ phần lớn cao nguyên, thọc sâu về Đông Nam bộ; xuống vùng duyên hải miền Trung... và một hậu phương bao la mở ra cho cách mạng miền Nam để tiến tới tổng tấn công đại thắng Mùa xuân 1975. Chiến công và sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Nhân Triển và đồng đội đã để lại dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lòng quân và dân Tây Nguyên cũng như đồng đội các anh ở Binh chủng tăng - thiết giáp. Tinh thần tiến công ấy theo mãi cùng những người lính Tây Nguyên trong Chiến dịch Buôn Mê Thuột và nâng những bánh xích của xe tăng Lữ đoàn 273, Lữ đoàn 203 tiến về giải phóng các tỉnh miền nam Trung bộ, giải phóng Sài Gòn. Chính vì vậy không phải không có căn cứ khi dựng tượng đài Chiến thắng ĐăkTô, người ta lại chọn xe tăng 377 làm thần tượng chiến thắng và tên của 4 người Dũng sĩ xe tăng đã hy sinh oanh liệt ngày 24 tháng 4 năm 1972 được khắc ghi bên cạnh tượng đài.

Lịch sử "Lữ đoàn xe tăng 273" xuất bản 01/1988 ghi: "Tập thể xe của đồng chí Nguyễn Nhân Triển đã nêu một kỷ lục về hiệu suất chiến đấu cao: diệt liền một lúc 7 xe tăng địch trong một trận đánh. Nguyễn Nhân Triển và tập thể xe 377 đã nêu một tấm gương sáng, điển hình về tinh thần kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu."

Phần kết
    36 năm kể từ mùa xuân lịch sử ấy, chiếc xe 377 cùng 4 dũng sĩ vĩnh viễn nằm lại với núi rừng Tây Nguyên. Đồng đội các anh nhiều người vẫn khôn nguôi nhớ về những kỷ niệm cũ; Tiểu đoàn xe tăng 297 đã phát triển thành Lữ đoàn 273, chiến đấu và trưởng thành trong đội hình Binh đoàn Tây Nguyên, đã 2 lần được tuyên dương "Đơn vị AHLLVT"; nhiều cá nhân trong đơn vị các anh cũng được tôn vinh danh hiệu cao quý này. Tuy nhiên, tập thể xe tăng 377 cho đến nay vẫn chưa được vinh quang đó.(?)

Câu chuyện về chiếc xe tăng T54 và 4 liệt sĩ - Dũng sĩ, chúng tôi được biết ngay sau chiến thắng ĐăkTô - Tân Cảnh. Sau này ông Bùi Quang Đấng (một thời là Quyền Lữ trưởng Lữ đoàn 273, về hưu năm 1985 do  thương tật và sức khoẻ) vẫn nhắc lại với chúng tôi mỗi lần anh em đồng đội từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên có dịp hội ngộ, hàn huyên. Qua câu chuyện của ông, tôi biết thêm Thiếu uý Nguyễn Nhân Triển là người Quế Võ (Hà Bắc), lái xe  Cao Trần Vịnh quê ở Đất Tổ Phong Châu và pháo thủ số 2 Nguyễn Đức Toàn quê Thanh Ba (Phú Thọ). Lúc hy sinh cả 2 pháo thủ Toàn và Lượng vừa tròn 20 tuổi. Ông cũng cho chúng tôi biết rằng, chiếc xe bị cháy rụi, thiêu thành tro tất cả thành viên trong xe vì vậy hài cốt của họ không thể phân biệt được. Ánh mắt ngậm ngùi thương xót của người chiến binh già mỗi khi nhắc về bạn bè đã nằm lại chiến trường làm chúng tôi ai cũng rưng lệ. Mà chẳng riêng gì tôi, người Tây Nguyên, cán bộ chiến sĩ Quân đoàn 3, cả Bộ Tư lệnh Thiết giáp, cả các tướng lĩnh từng chiến đấu ở mặt trận Trung bộ hoặc có dịp đi qua Quốc lộ 14 ở Kon Tum... đều biết chiến công của tập thể xe 377 và người chỉ huy dũng cảm Nguyễn Nhân Triển. Vì lý do gì mà họ chưa được truy phong Anh hùng?

Sau chuyến thăm Tượng đài chiến thắng ĐăkTô về, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng bảo tôi: anh vào nhận công tác ở Binh đoàn mấy năm, hiểu được nỗi day dứt của bộ đội và nhân dân Tây Nguyên về  việc tập thể xe tăng 377 chưa được phong danh hiệu Anh hùng, Bộ Tư lệnh Quân đoàn đã giao cho các đơn vị có trách nhiệm làm hồ sơ đề nghị. Anh cũng mong báo chí phản ánh về gương chiến đấu của họ để tác động thêm. Thượng tá Đỗ Văn Ngọc - Chính uỷ Trung đoàn xe tăng 273 (sau này Lữ tăng 273 chuyển thành Trung đoàn trực thuộc QĐ3) cũng cho biết: Trung đoàn đã hoàn tất hồ sơ đề nghị phong danh hiệu AHLLVTND cho cá nhân đồng chí Nguyễn Nhân Triển và cho tập thể xe 377, đã gửi lên Quân cấp trên khá lâu rồi nhưng cho đến nay (ngày 10/6/2008) chúng tôi vẫn chưa có hồi âm. Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7/6/2007 cũng cho biết, từ 2001 đến 2007 cả nước đã có 93 đơn vị và cá nhân được phong danh hiệu AHLLVTND, vậy mà những Dũng sĩ xe tăng của Tây Nguyên vẫn bị bỏ sót? Vậy hồ sơ đề nghị truy phong cho các anh đang ách tắc ở đâu? Nhiều, rất nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu ở Tây Nguyên ngày ấy khi về lại chiến trường xưa đều trăn trở trước sự chậm trễ đến thiếu trách nhiệm này.

Trận chiến ấy đã qua đi gần 40 năm, dù muộn, dù đã rất muộn, Đảng - Nhà nước - Nhân dân ta hãy tôn vinh các Dũng sĩ xe tăng 377 bởi chính họ thực sự là những Anh hùng!

                                                             Kon Tum - Đà Nẵng, 6/2008


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 18 Tháng Bảy, 2009, 08:17:01 am
Đi Tìm Người Dũng Sĩ " Thứ Tư "

quangthanhbvpl | 21 October, 2008 15:16
 
 ĐI TÌM NGƯỜI DŨNG SĨ "THỨ TƯ"


 




Lời tác giả:

Sau khi báo BVPL (số 49+50 ra ngày 17/6 và 20/6/2008) đăng bài ký sự "Xe tăng 377 và những anh hùng chưa được tôn vinh' của tôi, nhiều phản hồi của bạn đọc và các đồng đội tôi ở mặt trận B3 cũ  và các cựu binh xe tăng đã gửi thư, điện thoại về tỏ sự đồng tình và mong mỏi Đảng, Nhà nước, Quân đội có sự đáp ứng xứng đáng với chiến công và sự hy sinh lẫm liệt của tập thể xe tăng 377. Cũng từ những nguồn tin này, một phát hiện bất ngờ từ Trung đoàn xe tăng 273: một trong 4 người hy sinh trong xe có thể có sự nhầm lẫn(?). Và để làm sáng tỏ hơn danh tính của liệt sĩ, tác giả bài viết lại lao vào một cuộc điều tra đầy xúc động...



                                                Tác giả và mẹ Liệt sĩ Hoàng Văn Ái 

Dấu hỏi lớn!
.
          Khoảng mươi ngày sau khi bài ký sự được in trên báo BVPL, từ Thành phố Plelcu, Thượng tá Đỗ Văn Ngọc - Chính uỷ  Trung đoàn xe tăng 273 - điện thoại cho tôi biết, đơn vị đã rà soát lại tên tuổi từng người trong xe, có một điều đáng lưu ý là trên tấm bia ở tượng đài ĐakTô có khắc ghi tên  4 Dũng sĩ: Thiếu uý Nguyễn Nhân Triển, lái xe  Cao Trần Vịnh, pháo thủ Vũ Đức Lượng và Nguyễn Đức Toàn. Tuy nhiên trong danh sách các liệt sĩ của đơn vị hy sinh tại ĐakTô - Tân Cảnh ngày 24/4/1972 lại không có Nguyễn Đức toàn mà lại có liệt sĩ Hoàng Văn Ái. Anh Ngọc cũng cho biết có thông tin anh Ái là pháo thủ số 2 trong xe 377, đồng thời nhờ tôi nếu ra bắc thì tìm đến bố liệt sĩ Ái  tên là Tựu ở ngách 42, ngõ Vạn Ứng, khu chợ Khâm Thiên, Hà Nội. Một dấu hỏi lớn đặt ra: liệt sĩ Ái hay liệt sĩ Toàn là người đã chiến đấu và hy sinh cùng tập thể xe tăng 377? Hay là trên xe có 5 người? Tại sao chỉ có 4 hài cốt tìm thấy sau trận đánh và vì sao lại có tấm bia sừng sững mấy chục năm rồi bên tượng đài ghi tên tuổi, quê quán các liệt sĩ mà không ai phản ánh thông tin trên..Tôi nhớ hình như ai đó đã từng nói với tôi : nhà thơ Hữu Thỉnh đã lấy cảm hứng từ tập thể chiếc tăng này mà viết bài "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" sau này Doãn Nho phổ thành bài hát nổi tiếng, bèn điện hỏi anh Hữu Thỉnh. Nhà thơ - cựu binh của Binh chủng tăng - thiết giáp trả lời rằng anh có nghe kể về chiến công và sự hy sinh của tổ xe này nhưng không biết rõ xe 377 trước khi vào trận có mấy người.Quyết làm sáng tỏ vấn đề, ngày 12 tháng 8 năm 2008 tôi bay ra Hà Nội.

Lần theo dòng địa chỉ.

 
                                                   Liệt sĩ Hoàng Văn Ái

      Được Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Định ở báo ảnh Việt Nam làm xe ôm, tôi lỉnh kỉnh máy ảnh, túi xách, áo mưa, mũ bảo hiểm len lỏi trong khu ngõ chợ Khâm Thiên chật hẹp, lầy lội một sáng mưa đi tìm nhà cụ Tựu. Tôi nghĩ, thông tin Chính uỷ Ngọc cung cấp chắc lấy từ trích ngang quân nhân Hoàng Văn Ái trước khi vào chiến trường, nghĩa là ít nhất phải trước năm 1972. Sau trận rải thảm B52 của Mỹ tàn sát Khâm Thiên, sau bao nhiêu biến động của thành phố ngót 36 năm trời, các cụ bố mẹ anh Ái tuổi cao, sức yếu, lại thương đau vì mất mát hy sinh như lá vàng trước gió... liệu có phải tôi đang mò kim đáy bể? Nhưng thật lạ, tôi vẫn có một quyết tâm sắt đá sẽ tìm ra tung tích gia đình để làm rõ nhân thân người liệt sĩ đã hy sinh bí ẩn.

 Qua khỏi những quầy thịt, rau, cá, gạo... của ngõ chợ Khâm Thiên chừng trăm mét, Trần Định đưa tôi rẽ vào ngõ Vạn Ứng, tìm đến ngách 42. Nhìn ngách phố nhỏ và cũ xưa như trái đất, tôi mừng thầm và hy vọng sẽ không có sự thay đổi gì lớn ở đây, nghĩa là có thể lần ra tung tích gia đình cụ Tựu. Dăm bảy lần quay ra, trở vào, hết ngách đến kiệt, đến ngõ cụt, hỏi khá nhiều người, không ai biết có cụ Tựu nào ở ngách này. Có người khẳng định là không có. Bỗng một bà cụ từ một ngõ hẻm đi ra bảo tôi: "Cụ Tựu không ở ngách này mà ở ngách 12. Ông cụ mất lâu rồi. Cụ Tựu bà ở  với con trai bên đó". Mừng quá, chúng tôi cám ơn bà cụ rồi quay xe trở ra tìm ngách 12.

Căn nhà nhỏ cuối cùng bên phải cái ngách 12 ấy nền rất thấp, ẩm, càng ẩm ướt hơn bởi cơn mưa. Ngoài cửa dựng một rào gỗ cao cỡ 0,4 mét để ngăn mấy đứa trẻ tuổi mẫu giáo đang tròn mắt nhìn khách lạ. Người phụ nữ trông lũ trẻ đã luống tuổi gật đầu chào tôi rồi quay vào gọi ông chồng ra tiếp khách khi nghe tôi hỏi tên bà cụ Tựu mẹ Liệt sĩ Ái. Bác Toản - người đàn ông ra đón chúng tôi luýnh quýnh gọi: "Có bạn chú Ái về, mẹ ơi!' rồi nắm tay kéo tôi vào nhà. Bên trái cửa, trên chiếc giường một là một bà cụ già như không thể già hơn được nữa, da dăn deo, mắt đờ đẫn, thất thần ngồi như tượng. Tôi bối rối ngồi thụp bên giường mẹ: "Dạ! Con là nhà báo, đã từng là bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên với anh Ái về thăm mẹ." Bà cụ giơ cả hai bàn tay về phía tôi, phều phào: "Vậy à? Anh có gặp Ái không? Lâu lắm không thấy nó về?". Tôi mếu máo, nhìn sang bác Toản: "Vậy mẹ không biết anh Ái hy sinh?" Bác Toản mắt cũng đỏ hoe, nhoè nhoẹt nước mắt: "Biết chứ. Nhưng bà lẫn mất rồi. Không nhớ được gì đâu. Kém vài tuổi là tròn trăm rồi, chú!". Tôi nhìn lên bàn thờ, trên tường, ngay trước mặt: một bức chân dung một chiến sĩ dù đã rất cũ và nét phục chế vụng về vẫn lộ vẻ măng tơ, kiêu hãnh; một tấm Bằng Tổ quốc ghi công; một tấm Huân chương chiến công. Tấm bằng ghi rõ: "Liệt sĩ Hoàng Cao Ái hy sinh ngày 24 tháng 4 năm 1972". Vậy là ngày ấy - ngày xảy ra trận đấu tăng một chọi mười lịch sử ở ĐakTô - Tân Cảnh, anh Ái đã chiến đấu và hy sinh ở đây, tôi thầm nghĩ vậy. Nghệ sĩ Trần Định xin được thắp một nén nhang cho anh Ái và chụp lại tấm hình anh. Tôi thưa chuyện cùng mẹ  Tựu và vợ chồng bác Toản sự việc liên quan đến chiếc xe tăng, các liệt sĩ và lý do đưa chúng tôi tìm về đây. Mẹ Tựu dù tai không còn tỏ vẫn biết được những điều tôi trình bày. Mẹ xúc động cầm tay tôi, chỉ bác Toản rồi lắc lắc cái đầu có mái tóc ngắn bạc phơ. Từ hai khoé mắt đục mờ của mẹ, những giọt nước mắt lăn qua gò má nhăn nheo.
Bác Vũ Trọng Toản và anh Ái là anh em cùng mẹ khác bố, hai người sinh cách nhau đúng một con giáp, đều tuổi Thìn. Từ khi Hoàng Văn Ái nhập ngũ rồi vào chiến trường cho đến lúc nghe tin hy sinh, anh em không gặp nhau. Gia đình cũng không biết nhiều về việc hy sinh của anh Ái. Bác Toản cho biết thỉnh thoảng các bạn bộ đội cùng thời chú Ái có về thăm mẹ Tựu và thắp hương cho chú ấy. Họ là những người trong Ban liên lạc bộ đội xe tăng Hà Nội. Bác Toản cho tôi điện thoại và địa chỉ của anh Thái ở Thanh Xuân Nam để tìm hiểu thêm. Tôi điện thoại cho anh Thái, anh cho biết anh không ở cùng đơn vị Hoàng Văn Ái nhưng có anh Quang trong ban liên lạc có thể biết rõ hơn. Bác Toản nhớ ra, bảo tôi "Đúng rồi! Chú Quang là người cùng đơn vị với chú Ái và cũng tham gia trận đánh ấy". Tôi để lại chút quà nhỏ cho mẹ Tựu rồi tạm biệt gia đình bác Toản, hẹn sẽ có lúc quay về.
Cuộc hội ngộ bất ngờ
 

Các cựu binh xe tăng Hà Nội và các nhà báo trong cuộc hội ngộ bất ngờ

     Chiều ấy, tôi nhận được điện của anh Vũ Đức Thái - Trưởng ban liên lạc cựu binh xe tăng khu vực Hà Nội. Anh sốt sắng đề nghị tôi đến nhà anh Trần Văn Quang ở đường Lê Trọng Tấn để gặp một số đồng đội của các anh. Tôi và Trần Định đi ngay, mời thêm nhà báo Thu Huyền ở Phòng biên tập báo BVPL.

     Có đến gần chục người ngồi nhà đợi chúng tôi. Ai cũng tỏ ra thân thiết, tay bắt mặt mừng. Ngoài chị chủ nhà vợ anh Quang, trong họ còn một phụ nữ luống tuổi nhưng nét mặt dịu hiền, tươi tắn. Anh Quang, một cựu binh xe tăng rất điển trai, dáng thư sinh bởi nước da trắng và cặp kính cận, giới thiệu với chúng tôi thành phần ‘phía chủ": ngoài anh Thái, anh Quang, còn có anh Nguyễn Quốc Lập từng lái tăng ở C7 (đại đội có xe tăng 377) ở Tây Nguyên; anh Lê Xuân Sinh - lái tăng ở Lữ đoàn 203; anh Nguyễn Đăng Châu, anh Đỗ Viết Thắng và chị Phùng Thị Đức đều là sĩ quan xe tăng một thời nay đã nghỉ hưu. Trên bàn trà có mấy số báo BVPL in bài "Xe tăng 377...". Hình như đã hiểu ý định của tôi, anh Quang khẩn trương như những người lính ra trận, vào đề ngay: "Anh em chúng tôi rất mừng khi  bài báo của anh đề cập đến chiến công của kíp tăng 377. Sự hy sinh anh dũng của họ đã cổ vũ chúng tôi rất nhiều trong những lần xung trận và thú thực ai cũng bất ngờ khi biết họ chưa hề là Anh hùng lực lượng vũ trang dù họ đã mấy chục năm sừng sững là biểu tượng anh hùng cho trận đánh lịch sử ở Đaktô - Tân Cảnh, cho cả mặt trận Tây Nguyên, cho Binh chủng Tăng -Thiết giáp chúng tôi. Và càng ngạc nhiên hơn khi tôi nghe tin anh Hoàng Văn Ái, bạn tôi không có tên trong kíp xe 377 ấy." Như bắt được vàng, tôi hỏi nhanh: "Anh Quang và anh Hoàng Văn Ái biết nhau không ạ?" " Tôi và anh Ái thân với nhau, ở cùng một đại đội. Chúng tôi đã có một lời thề trước khi vào chiến dịch ĐakTô - Tân Cảnh." "Lời thề gì vậy anh?" Nét mặt anh Quang chợt chùng xuống. Một nỗi buồn thoáng qua trên gương mặt. Anh nhìn lướt các bạn chiến đấu một thời rồi lắc đầu: " Mà thôi! Chuyện cũ xa rồi. Dù sao tôi cũng đã thực hiện được lời hứa với Ái." Mọi người ngẩn ngơ. Không ai dám động vào một ký ức của một thời thiêng liêng, mà ký ức đó chắc chắn gắn với người đã khuất. Nguyễn Quốc Lập rít một hơi thuốc lá rồi nói: "Việc anh Ái chiến đấu và hy sinh trong xe 377, theo tôi không còn gì phải nghi ngờ. Anh Quang cùng đại đội, cùng quê hương, cùng chiến đâu là một căn cứ; đơn vị ghi vào danh sách liệt sĩ hy sinh ngày 24/4 là một căn cứ. Vấn đề là có mấy người tham chiến trong chiếc xe này? Bốn người nằm lại trong xe khi xe bị bắn cháy là những ai?" Tôi xin phép trình bày lại việc tấm bia ở tượng đài ghi tên 4 liệt sĩ mà không có liệt sĩ Hoàng Văn Ái và trong danh sách lưu lại của Trung đoàn xe tăng 273 lại không có Nguyễn Đức Toàn. Trần Văn Quang bóp trán rồi đưa ra giả thuyết: "Ái là pháo thủ số 2, bắn súng 12,7milimet đặt trên tháp tăng. Khi chiến đấu, xạ thủ này phải nhô người lên trên tháp tăng để bắn. Nếu xe bị bắn cháy, có thể Ái thoát ra ngoài xe và hy sinh đâu đó nên người ta không tìm được." Anh Đỗ Việt Thắng phân tích: "Tăng T-54 của Liên Xô thông thường phiên chế 5 người: một trưỏng xe, một lái xe, pháo thủ số 1, số 2 (nạp đạn) và xạ thủ 12,7 ly. Vậy có thể anh Ái kịp thoát ra khỏi xe khi xe bị bắn cháy." Một ý kiến khác: đối đầu với T-54 mang số hiệu 377 là 10 xe tăng M-41 của Mỹ. M-41 là loại xe có khả năng cơ động cao nhưng hoả lực yếu, chủ yếu đánh bộ binh, vì vậy pháo trên M-41 khó bắn thủng vỏ thép T-54 trong khi chiếc tăng này lại bị cháy trụi phía trong, các chiến sĩ đều cháy thành tro. Vậy súng gì đã bắn cháy tăng 377?". Anh Quang: "Chi khu ĐakTô - Tân Cảnh là cứ điểm đồn trú rất mạnh của địch. Ngoài xe tăng là hoả lực cơ động, chúng còn nhiều loại vũ khí đặt trong công sự như pháo chống tăng, DKZ...". Vũ Đức Thái hỏi tôi có tấm ảnh nào phóng to chiếc tăng của kíp xe Nguyễn Nhân Triển không? Tôi mở máy tính xách tay, phóng to chiếc xe tăng 377 mà tôi chụp ở ĐakTô. Mọi người xúm lại xem. Lê Xuân Sinh - người lái chiếc tăng mang số hiệu 886 của C3 (D1 Lữ đoàn 203) -cùng đại đội Bùi Quang Thận, người đã cắm cờ giải phóng trên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 lịch sử - phát hiện: "Đây là tăng T-59 của Trung Quốc chứ không phải là T-54 của Liên Xô!". Những người lính gật gù: ‘Đúng vậy! Bầu hút khói đầu nòng pháo dài thế này khẳng định chiếc xe này là T-59 do Trung Quốc chế tạo. Sao lại có thể gọi là T-54?". Tôi bối rối: "Bên tượng đài, ngay dưới bệ chiếc xe có ghi rõ là T-54 mà. Trong cuốn "Lữ đoàn xe tăng 273" do Cục chính trị Quân đoàn 3 xuất bản cũng nói rõ là đêm 23/4/1972, Đại đội 7 xuất kích cùng bộ binh Trung đoàn 66 đánh Căn cứ 42 ở  ĐakTô - Tân Cảnh gồm 9 chiếc T-54". Chị Phùng Thị Đức: "Hồi đó tôi ở cơ yếu Binh chủng nên tôi biết tăng T-59 được đưa vào Tây Nguyên cuối năm 1971". Anh Nguyễn Quang Lập: "Sau giải phóng, khi tôi đang ở Lữ 201 đóng ở Xuân Mai (Hà Tây), chúng tôi được giao bảo dưỡng chiếc tăng số 377 từ trong Nam đưa ra. Chiếc xe bị cháy đen thui. Chúng tôi được lệnh chỉ phục hồi phần vỏ, không trang bị vũ khí chiến đấu." Bác Trần Văn Quang: "Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đơn vị tôi được trang bị chủ yếu là T-54. số xe này bị tổn thất, bị hư hỏng khá nhiều trong chiến đấu nên trước khi vào Tây Nguyên, ngoài số T-54 còn lại, chúng tôi được trang bị hỗn hợp nhiều loại xe như T-59, cao xạ tự hành CY-57-2... Chẳng hiểu chiếc tăng anh chụp ở tượng đài có còn là chiếc 377 nữa hay không nên cần tìm hiểu kỹ. Vấn đề là tại sao không phải là anh Hoàng Văn Ái mà là anh Nguyễn Đức Toàn được ghi tên cùng kíp xe 377 ở tượng đài ĐakTô? Căn cứ nào để thay tên đổi họ như vậy. Là bạn anh Ái, cùng ở một đơn vị, tôi khẳng định Hoàng Văn Ái hy sinh cùng xe tăng 377 ngày 24/4/1972."


                     Anh Nguyễn Quốc Lập                 Chị Phùng Thị Đức

  Cũng tại cuộc "họp" bất thường này, anh Thái, anh Quang và mọi người đề nghị tôi thông tin lại cho Trung đoàn 273 và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ý kiến đóng góp của anh em trong Ban liên lạc bộ đội xe tăng Hà Nội để đơn vị có cơ sở tìm hiểu và điều chỉnh tên tuổi các liệt sĩ. Anh Quang  hứa sẽ gửi đóng góp này bằng văn bản cho trung đoàn cũ của mình. Anh chốt lại: "Ngày trước, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt có thể cảm thông những sai sót. Bây giờ có điều kiện rồi, tại sao chúng ta không tôn vinh danh dự và công lao của các dũng sĩ? Mà nhân chứng đang sống rành rành đây cả, việc điều tra, làm rõ cũng có khó chi. Mong các nhà báo cùng chúng tôi phối hợp tìm ra sự thật này". Vũ Đức Thái cầm tay tôi: ‘Có 4 vấn đề cần giải quyết xung quanh bài báo về chiếc tăng 377 của anh. Một là xe 377 không phải là tăng T-54 mà là T-59; hai là đồng chí Hoàng Văn Ái là người đã hy sinh cùng chiếc xe ở ĐakTô; ba là liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn được ghi tên trên bia cạnh tượng đài là ai? Bốn là phải tích cực đề nghị để tập thể chiếc xe anh hùng được vinh danh như chính chiến công của họ. Mong rằng chúng ta còn gặp nhau để góp phần sáng tỏ vấn đề."

Tôi điện thoại cho Thượng tá Vũ Văn Ngọc Chính uỷ Trung đoàn tăng 273 thông báo việc đã tìm và gặp được mẹ của liệt sĩ Hoàng Văn Ái ở ngách 12 ngõ Vạn Ứng, Khâm Thiên (chứ không phải ngách 42 như địa chỉ của đơn vị cung cấp) và những ý kiến mà các cựu binh xe tăng đã tham gia rồi chuyển máy để anh Trần Văn Quang trao đổi sơ bộ cùng anh Ngọc.




                               Anh Trần Vân Quang                               Anh Vũ Đức Thái   

Ảnh kèm bài (Trần Định và BQT):

 1, Các cựu binh xe tăng Hà nội và các nhà báo trong cuộc hội ngộ bất ngờ

2, Anh Trần Văn Quang bạn chiến đấu của liệt sĩ Hoàng Văn Ái

3, Trưởng Ban LLBĐXTHN

4, Anh nguyễn Quang Lập: "Chúng tôi đã bảo dưỡng xe tăng 377"

5, Chị Phùng Thị Đức: "xe tăng T-59 đã vào Tây Nguyên cuối năm 1971"

6, "Ống hút khói đầu nòng pháo dài thế này là T-59."


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 18 Tháng Bảy, 2009, 08:18:38 am
Hồi âm từ những người lính

Chia tay với những người lính tăng  Hà Nội, tôi về lại Đà Nẵng với một tâm trạng lẫn lộn vui buồn. Vui là đã manh nha tìm được thông tin về liệt sĩ Hoàng Văn Ái và qua cuộc điều tra này tôi có thêm những người bạn mới là đồng đội cùng thời; buồn vì nếu anh Ái hy sinh trong xe 377 thì liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn là ai, hy sinh ở đâu và những việc thực ra không phải chúng ta không làm được cho các liệt sĩ cùng thân nhân của họ, những góp sức làm sáng tỏ sự thật lịch sử một thời oanh liệt thì chính thế hệ chúng tôi cũng đang bỏ qua nhiều cơ hội, để thưa dần những nhân chứng.

                                        Thiếu tá xe tăng Nguyễn Trọng Thanh

Anh Trần Văn Quang* vẫn thường xuyên liên lạc với tôi trao đổi nhiều ý kiến đóng góp của các bạn anh, anh cho tôi một địa chỉ đáng tin cậy nữa là anh Phong ở Quân khu 4 là lính tăng Quân đoàn 3 cũ. Nghe đâu anh Phong đang tổ chức lấy tư liệu đề làm phim về xe tăng 377. Liên lạc với anh Phong qua điện thoại, tôi lần ra địa chỉ của người bạn thân của tôi là Nguyễn Trọng Thanh. Hồi ấy, tôi và Trọng Thanh cùng học khoa cơ khí ô tô ở Trường Giao thông, cùng nhập ngũ một lần. Tiểu đoàn 2B Sư 304B lúc ấy toàn là sinh viên các trường chuyên nghiệp được đưa về huấn luyện ở khu vực cầu K huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Vài tháng sau Tiểu đoàn phân tán về các đơn vị. Tôi và 49 bạn về Cục Quản lý xe Tổng cục hậu cần, Trọng Thanh cùng 1 trung đội 50 người về Trung đoàn xe tăng. Tháng 3/1972, trong một lần tháp tùng một sĩ quan là trợ lý Ban Xăng - Xe của mặt trân B3 đi công tác vào  Cánh Trung (vùng Gia Lai bây giờ), tình cờ tôi gặp Nguyễn Trọng Thanh cùng một bạn học nữa đang mang ba lô đi ngược đường giao liên. Tôi vồ lấy thằng bạn đồng hương, hỏi han tíu tít. Tôi biết đơn vị xe tăng của nó cũng vừa vào và đang chuẩn bị xuất kích (chính là Tiểu đoàn tăng 297 duy nhất ở Tây Nguyên lúc ấy). Quấn quýt được mươi phút thì phải chia tay nhau. Tôi móc túi cóc ba lô lấy gói lương khô tặng bạn. Mấy ngày sau, tôi thoát chết trong trận bom B52 ở kho Đ27 rồi bị dính thương gần ĐakTô, vào Bệnh viện 211 của mặt trận, tôi gặp lại Trình  - người cùng đi với Trọng Thanh hôm gặp nhau giữa đường, biết xe tăng của Trọng Thanh bị cháy ở Kon Tum và nó bị thương. Cho đến bây giờ, đã 36 năm chúng tôi chưa gặp lại nhau, chưa biết tin nhau. Vớ được điện thoại của hắn, tôi gọi ngay và sau những thông tin sơ bộ về nhau, tôi đi ngay vào "vụ" tăng 377. Đọc kỹ bài viết của tôi trên báo BVPL, Thiếu tá xe tăng Nguyễn Trọng Thanh - nguyên là lái xe (tăng) của Đại đội 2 Nguyễn Văn Luyện trong chiến dịch giải phóng Bắc Tây Nguyên mùa xuân 1972 - fax cho tôi những thông tín sau:
      •-   C7 do Bùi Đình Đột (sau này là Đại tá, AHLLVT) chỉ huy có 11 xe loại T54 và T59. Tăng 377 là loại T59. Những người hy sinh trong xe gồm: Nguyễn Nhân Triển, Cao Trần Vịnh, Vũ Đức Lượng và Hoàng Văn Ái (anh Ái là pháo thủ số 2)
- Trong số 7 xe M41 của địch bị bắn cháy xung quanh xe tăng 377, đồng chí Lê Văn Duyên pháo thủ xe 354 cùng tham chiến có báo cáo bắn được 2 chiếc.
- Đồng chí Nguyễn Đức Toàn hy sinh (mất tích) trong trận đánh vào Thị xã Kon Tum chứ không phải hy sinh ở ĐakTô.  (lược trích- TG)

    

Nguyễn Trọng Thanh ghi chú thêm:
Trên đây là ý kiến của tôi (chính xác - có tham khảo ý kiến bạn bè).

Có một điều bất ngờ là khi tôi điện  báo cho anh Đỗ Văn Ngọc để xâu chuỗi sư kiện đặng tìm ra kết luận chính xác nhất thì Chính uỷ Trung đoàn xe tăng 273 cho biết: căn cứ vào các luồng thông tin đã có, đơn vị thống nhất kết luận đồng chí Hoàng Văn Ái là người đã chiến đấu và hy sinh cùng xe tăng 377. Riêng đồng chí Nguyễn Đức Toàn thì không rõ tăm tích vì đã cho người về điều tra tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh tỉnh Phú Thọ thì địa phương này không có ai tên họ như vậy mà đi lính xe tăng và hy sinh(?) Anh cũng cho biết đã tìm ra nguyên nhân sai sót trên là do một cán bộ chính sách của đơn vị do thiếu trách nhiệm mà để sai lệch tên tuổi, quê quán liệt sĩ. Tuy nhiên người này đã nghỉ hưu lâu rồi. Tôi đề nghị anh Ngọc gửi cho tôi nội dung kết luận của đơn vị về trường hợp của Hoàng Văn Ái và xác nhận của xã Phù ninh về đồng chí Toàn nhưng anh Ngọc bảo đã gửi lên Quân đoàn 3 để xin ý kiến, và theo quy định, Trung đoàn không được phép cung cấp thông tin. Vậy là sắp tới, nếu liệt sĩ Ái có tên trong danh sách các dũng sĩ xe 377 thì Nguyễn Đức Toàn sẽ bị xoá tên và có thể coi như không hề có thân phận trong cuộc chiến(?). Ai sẽ làm sáng tỏ vấn đề này để lại trả tên cho anh Toàn nếu như có anh bằng thịt, bằng xương trong thời trận mạc vinh quang đó?

Đồng đội vẫn nhớ về anh

 Trao đổi với tôi qua điện thoại, AHLLVTND - Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nguyên Tư lệnh bộ đội tăng - thiết giáp, hiện nay là Tư lệnh QK4 cho biết: Nhà nước đã có chủ trương điều chỉnh quy định phong tặng danh hiệu AHLLVTND cho các đơn vị cấp dưới đại đội, tập thể xe tăng 377 chắc chắn sẽ được truy phong danh hiệu cao quý này. Ngày đó chắc không xa nữa. Ngày đó chắc đơn vị cũ của các anh, bạn bè đồng chí và thân nhân của các anh sẽ họp mặt;  ký ức cũ về mất mát, hy sinh, thất lạc, lãng quên sẽ vơi đi nhiều bởi niềm vui về sự mong mỏi được bù đắp. Nhưng ...lẽ nào lại không có một liệt sĩ mang tên Nguyễn Đức Toàn từng chiến đấu và hy sinh như tên anh đã hiện diện trên tượng đài Đaktô - Tân Cảnh, như thông tin mà bạn tôi - Thiếu tá Nguyễn Trọng Thanh đã cung cấp?

Tôi lại gọi điện thoại cho anh Quang, anh Phong QK4 và Trọng Thanh. Một địa chỉ mới toanh lại xuất hiện và tôi nhận được một thông tin vô cùng quý giá từ Đại tá Đỗ Quang Thành (số điện thoại 032195007...). Đại tá Thành nguyên Chánh thanh tra Bộ Tư lệnh tăng - thiết giáp, bây giờ là Trưởng ban liên lạc C7 Lữ tăng 273, đang nghỉ hưu ở Mỹ Hào, Hưng Yên. Sau đây là nội dung thông tin đại tá Đỗ Quang Thành cung cấp cho tác giả qua điện thoại: "Khi chúng tôi vào Tây Nguyên, hầu như xe nào cũng phiên chế 5 người; tôi nhớ rất rõ 3 người trong xe 377 là Nguyễn Nhân Triển, Cao Trần Vịnh và đồng chí Ái. Tôi không thân lắm với Ái nhưng biết rất rõ vì sau trận đánh của xe 377, anh Kiện - Phái viên của Bộ Tư lệnh tăng đi cùng D297 cử tôi đi tìm xem xe 377 hy sinh như thế nào? Anh dặn tôi nhớ tìm xem Hoàng Văn Ái bắn 12,7 ly có thoát ra ngoài được không? Tôi tìm được 377, chui vào trong xe thấy cháy rụi cả nhưng không phát hiện ra xác các liệt sĩ, không thấy ai chết bên ngoài xe. Tiếp tục đi tìm, tôi gặp xe tăng 354 của Trung đội trưởng Tình (C12 bổ sung sang) và lái xe Quân, pháo thủ Duyên bị hỏng. Tôi cùng các đồng chí này chữa xe. Đang chữa xe 354 thì  anh Dư lên thay tôi chữa xe để tôi về nhận lệnh đi đánh Kon Tum. Sau khi đánh Kon Tum về, nghe tin xe 354 chữa xong quay về ĐakTô đã tìm kiếm và phát hiện 4 thi thể của các đồng chí trong xe 377 bị cháy thành tro. Sau này Đại tá Thọ- Phó giám đốc Bảo tàng Quân đội (cũng là lính tăng D297) bảo tôi là cùng hy sinh có Luợng và Toàn nữa. Tuy nhiên tôi lại biết Nguyễn Đức Toàn. Hình như quê Toàn ở Phú Thọ, là lính công binh của thiết giáp, có học qua trường xe tăng. Khi đơn vị chuẩn bị đánh Kon Tum, Toàn ở bộ phận dự bị. Vào gần đến Kon Tum thì đồng chí Phượng xạ thủ 12,7 ly của xe 376 không đi chiến đấu được nên tôi (lúc này là quyền C trưởng) quyết định đưa Toàn vào thay Phượng. Cũng chiến dịch này, tôi 2 lần được làm Đại đội trưởng Đại đội 7; lần thứ nhất thay đồng chí Bùi Đình Đột bị thương ở ĐakTô, lần thứ 2 thay D hy sinh ở Kon Tum. Chúng tôi đánh thị xã Kon Tum đến 2 "đỏ', cả 4 tăng của bọn tôi đều bị bắn cháy. Đồng chí Toàn mất tích trong ‘đỏ" 2."

Anh Thành cũng cho tôi biết điều bí mật của Trần Vân Quang và Hoàng Văn Ái mà  anh Quang hé lộ buổi gặp lần đầu ở Hà Nội. Số là họ đã hứa với nhau nếu một trong 2 người sống được trở về sau chiến tranh thì phải báo cho gia đình người nằm lại biết sự thật để đỡ trông mong mòn mỏi. Và Trần Văn Quang đã thực hiện lời thề ấy khi trở lại hậu phương, gia đình anh Ái hết sức đau xót khi hay hung tin, ông bà Tựu khóc lóc vật vã một thời gian dài. Mỗi lần anh Quang đến thăm là một lần ông bà suy sụp tinh thần và sức khoẻ vì nhớ thương con. Tuy vậy vì mãi không có giấy báo tử, cả nhà vẫn nửa tin nửa ngờ làm Quang hết sức bối rối và ân hận.

Sau khi nhận thông tin của Đại tá Đỗ Quang Thành, tôi thấy anh Toàn và anh Quang cùng ở xe 376 nên điện hỏi Trần Vân Quang xem có nhớ Nguyễn Đức Toàn không. Anh Quang xác nhận những điều anh Thành đã cung cấp cho tôi và cho biết sau trận ĐakTô - Tân Cảnh, xe 376 bị hỏng phải dừng lại sửa chữa, anh được điều sang xe khác và nhận chức B trưởng nên không biết anh Toàn về xe cũ của mình. Chiếc tăng 376 bị bắn cháy ở thị xã Kon Tum là chính xác.

Như vậy, từ thông tin của Nguyễn Trọng Thanh và Đại tá Đỗ Quang Thành, rõ ràng có một liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn đã từng chiến đấu và hy sinh (mất tích) ở Kon Tum trong đội hình của Tiểu đoàn xe tăng 297. Dù mất tích hay hy sinh, anh vẫn đang sống trong trí nhớ của đồng đội. Lẽ nào chúng ta không tìm ra thân thế (dù chỉ là một dòng tên ngắn ngủi) vào tấm bia lịch sử của cuộc , gốc tích của anh để trả tên anh về nơi anh đã ra đi và khắc tên anh vào kháng chiến hào hùng?

                                                                                          (Trích từ quangthanhbvpl)



Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: lixeta trong 18 Tháng Bảy, 2009, 05:53:45 pm
Cảm ơn bạn đã gớii thiệu cho mọi người biết về chiến công của kíp xe 377. Cũng xin cảm ơn bạn đã góp công làm rõ những nghi vấn xung quanh sự kiện đó. Tuy nhiên, chắc là những bài viết này đã được viết trước khi kíp xe 377 được truy phong danh hiệu Anh hùng LLVTND thì phải.
Trích bản tin VOV:
" Ngày 9/2/2009, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký các Quyết định số: 56/QĐ- CTN và số 57/QĐ- CTN, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 6 tập thể đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hai cuộc kháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chống thực dân Pháp xâm lược.
Theo đó, phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 4 tập thể đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gồm: Tiểu đội Vận tải Bùi Ngọc Đủ thuộc Trung đội Vận tải, Tiểu đoàn Pháo binh 1, Trung đoàn Pháo binh 84, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2; Tiểu đội 11 cô gái Sông Hương thuộc Lực lượng vũ trang thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế; Kíp xe tăng 377, Trung đội 3, Đại đội 7, Tiểu đoàn tăng 297 mặt trận Tây Nguyên ( nay thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Xe tăng 273, Quân đoàn 3; Tiểu đoàn 10, An ninh nhân dân vũ trang Khu 5.
Phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 2 tập thể đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược gồm: Tiểu đoàn 11- Phủ Thông (nay là Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1); Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng thuộc xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh./. "


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 18 Tháng Bảy, 2009, 06:36:23 pm
Vâng, bài viết vào cuối 2008, sau đó đã được phong AHLLVT như thông tin bác Lixeta đã đưa ;D. Được biết bác cũng là lính tăng của E 203 (xe 380), sau này đổi thành E 273. DT 297 sau trận này đứng chân ở B3, sau đó trực thuộc DT của BTL B3 có tham gia chiến dịch HCM đánh vào sân bay TSN (các trân đánh Quang Trung, Bảy Hiền, Lăng Cha Cả). Em đã đến thăm xe 377 rồi, theo thông tin mà bác ThanhBQ đã cung cấp thì em thấy chưa rõ 1 số điểm:
-Xe 377 không phải bị M41 bắn cháy, vì hỏa lực của M41 không đủ xuyên thủng. Khi em đến thăm thì phía bên kia của xe(phía bên kia của tấm hình trên) có 1 lỗ thủng bằng nắm tay--> khả năng bị bằng M72, TOW,pháo chống tăng, DKZ....? Phía giáp trước gần lỗ quan sát có 1 vết đạn cày--> khả năng là đại liên(còn đầu đạn). Ngoài ra vỏ xe còn bị nhiều vết đạn nhỏ khác. Bên cạnh là cao xạ tự hành CY-57-2 thì bị bom đánh trúng ( xe này bị gần Sân bay Phượng Hoàng-hiện thuộc xã Tân Cảnh-huyện Đăk Tô).
-Theo em tìm hiểu thì sau khi đánh căn cứ E 42(Tân Cảnh) xe 377 phối hợp của E1-F2 theo đường 18 đánh lên căn cứ Đăk Tô 2 và hi sinh tại đây (hiện nay là thuộc huyện mới Tu Mơ Rông). Sau lưng xe 377 trong hình trên đi thẳng lên đường 18 nối xuống miền Trung. Vì sân bay Phượng Hoàng nằm cách E42 không xa chỉ khoảng chưa tới 5km nên không thể 2 xe còn lại không theo kịp, sân bay này hiện nằm song song với QL14( đường HCM) lên Thị trấn Plei Kần(Ngọc Hồi), đi các tỉnh phía Bắc và ngã ba Đông Dương-->xe 377 hi sinh tại Dăk Tô 2 trên đường 18(huyện Tu Mơ Rông cách Đăk Tô ~30-40km)?
-Tác giả bài viết trên đã không chính xác khi dùng hình tượng của xe 377 là cảm xúc để nhà thơ Hữu Thỉnh sáng tác(NS Doãn Nho phổ nhạc) bài "Năm anh em trên 1 chiếc xe tăng". Thực sự bài này ra đời trước chiến dịch đường 9 Nam Lào 1971 hình như là năm 1970, và kíp xe tăng 5 người chỉ có ở T34-85(DT397-Theo vết xích xe tăng). Kíp chiến đấu của 377(T59) chỉ có 4 người thôi, xe 377 cùng DT297 sau khi đánh xong chiến dịch trên mới hành quân vào B3 và hi sinh tại đây.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tamking trong 18 Tháng Bảy, 2009, 06:52:27 pm
Trong " Ký Ức Tây Nguyên " của thượng tướng Đặng Vũ Hiệp có đoạn cháu đọc và nhớ mãi (dù rất tiếc là không mua được )vì ấn tượng-nó đại loại như vậy các bác thông cảm:

"... Xe tăng 337 xông thẳng vào đội hình xe tăng địch, nêu cao kỉ lục bắn cháy liền một lúc 7 xe tăng địch, nhưng vì địch quá đông nên xe ta bị súng chống tăng địch bắn cháy..."
 sau đó có đoạn:
"...sau này khi đem xác các chiến sĩ xe tăng ra thì thấy có nắm cơm cháy khét ra tro mà anh em chưa kịp ăn.."


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 18 Tháng Bảy, 2009, 07:19:53 pm
Trong " Ký Ức Tây Nguyên " của thượng tướng Đặng Vũ Hiệp có đoạn cháu đọc và nhớ mãi (dù rất tiếc là không mua được )vì ấn tượng-nó đại loại như vậy các bác thông cảm:

"... Xe tăng 337 xông thẳng vào đội hình xe tăng địch, nêu cao kỉ lục bắn cháy liền một lúc 7 xe tăng địch, nhưng vì địch quá đông nên xe ta bị súng chống tăng địch bắn cháy..."
 sau đó có đoạn:
"...sau này khi đem xác các chiến sĩ xe tăng ra thì thấy có nắm cơm cháy khét ra tro mà anh em chưa kịp ăn.."
Chính xác 377 bị bắng cháy bằng TOW, M72,pháo chống tăng, DKZ..., nắm cơm cháy này hiện nay được trưng bày tại bảo tàng của binh chủng tăng thiết giáp.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tuaans trong 18 Tháng Bảy, 2009, 10:48:43 pm
Em thấy tiếc là bác Na-pồ rành chiéc 377 này quá mà không chụp bên kia của chiếc tăng!


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: rongxanh trong 18 Tháng Bảy, 2009, 11:27:22 pm
Em đồ rằng, đó chỉ là phiên bản thôi, chắc chả còn chiếc 377.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tuaans trong 18 Tháng Bảy, 2009, 11:36:16 pm
Chú nói làm sao ấy chứ! Cơm cháy còn chưng trong bảo tàng, chả nhẽ cái 377 to đùng lại biến đi đâu mất?


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: ahuuls trong 19 Tháng Bảy, 2009, 12:30:37 am
Em đồ rằng, đó chỉ là phiên bản thôi, chắc chả còn chiếc 377.
Ơ thế bác chưa đọc đoạn này à:
"....Anh Nguyễn Quang Lập: "Sau giải phóng, khi tôi đang ở Lữ 201 đóng ở Xuân Mai (Hà Tây), chúng tôi được giao bảo dưỡng chiếc tăng số 377 từ trong Nam đưa ra. Chiếc xe bị cháy đen thui. Chúng tôi được lệnh chỉ phục hồi phần vỏ, không trang bị vũ khí chiến đấu."


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 19 Tháng Bảy, 2009, 02:54:29 am
Em thấy tiếc là bác Na-pồ rành chiéc 377 này quá mà không chụp bên kia của chiếc tăng!
Ah, tấm hình này em mượn tạm của bác Thanh-tác giả bài viết. Em thì hay lên thăm 377 mỗi khi có dịp về Đăk Tô(nhà em ở trên đây mà, hiện nay thì em ở HCM) ;D. Đây là chiếc xe 377 thật, hồi Đăk Tô-Tân Cảnh chưa được công nhận di tích LSQG thì 2 chiến xe này (377 và xe tự hành 57mm) đặt ở nhà văn hóa huyện còn xập xệ lắm cách chỗ bây giờ khoảng 200m, xe chưa được sơn sửa đẹp thế này đâu, xích đứt rớt ra ngoài. :'(
Sau khi công nhận DTLSQG thì 2 xe mới đưa ra ngoài ngã ba(QL14, 18) mà các bác đã thấy đó. Trong xe cháy hết cả, chỉ còn thùng không. Phía bên kia hình có 1 lỗ thủng mà em đã kể có thể đút tay vào được ;D
Bây giờ thì sửa lại đẹp rồi ;D


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 19 Tháng Bảy, 2009, 03:00:49 am
Chú nói làm sao ấy chứ! Cơm cháy còn chưng trong bảo tàng, chả nhẽ cái 377 to đùng lại biến đi đâu mất?
Xe thật đó bác, em là dân Đăk Tô nên có thể confirm vụ này ;D


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: lixeta trong 19 Tháng Bảy, 2009, 10:20:15 pm
Chính xác đó là xe 377 thật, không phải phiên bản đâu. Thông tin của anh chàng Lập kia phải kiểm chứng lại vì xe này từ năm 1972 vẫn nằm lại đó, không đưa ra ngoài Bắc. Các quê thông cảm, BC nào, đơn vị nào cũng có người thích "nổ" mà ;D
Về chủng loại xe mình chắc đó là T59. Căn cứ: nhìn hình dáng và căn cứ vào số xe- những năm đó đầu 3 là T59.
Nếu các quê đã thấy vết đạn to đút lọt nắm tay thì có nhiều khả năng xe bị trúng đạn chống tăng của M41. Một số quê cho rằng pháo của M41 không diệt được T54, T59 là không đúng. Pháo của nó là 76 mm, nếu dùng đạn xuyên thì có thể diệt được xe T54, T59 ở khoảng cách cỡ 700- 800 m trở lại. Sở dĩ mình đoán như vậy là vì: các loại đạn M72, TOW... đều dùng nguyên lý đạn lõm, khi xuyên thực ra không phải "vien đạn" đó xuyên vào mà là "luồng xuyên"- tức là một thứ plasma có nhiệt độ, áp suất rất cao xuyên vào. Vì vậy nó thường để lại lỗ xuyên khá nhỏ. Ví dụ trái bắp chuối B41 to như vậy nhưng chỉ để lại dấu vết trên vỏ giáp một lỗ xuyên bằng ngón tay mà thôi (tất nhiên còn tùy độ cứng và độ dày của vỏ giáp nữa). Còn trong các loại đạn xuyên của pháo tăng thì có một loại đạn xuyên bằng động năng nên nếu nó đã xuyên được thì để lại lỗ xuyên rất to (xấp xỉ cỡ đạn).
Trong tình thế trận đánh hôm đó gần như đánh "giáp lá cà" bằng xe tăng nên các xe ở khoảng cách rất gần nhau. Xe 377 gần như bị bao vây từ 3 phía. Mà độ dày vỏ giáp (kể cả tháp pháo) ở bên sườn xe cũng không dày lắm ( sườn tháp pháo chừng 60-70 mm, còn sườn xe chỉ 40mm) nên pháo M41 đủ khả năng diệt được xe này bằng đạn xuyên động năng.
Còn chuyện tại sao xe 377 lại lẻ loi như vậy cũng có nhiều ý kiến. Ngay sau trận đánh đã rút kinh nghiệm là công tác hiệp đồng trong bT và với BB chưa chặt chẽ; thậm chí có ý kiến còn chỉ trích bt Triển đã có phần vô kỷ luật. Tuy nhiên, mình có một anh bạn là lính của f2 đánh trận đó, hiện là thương binh loại 3/4 đang còn làm việc ở ngành điện lực thì phát biểu thế này: "Mẹ các ông chứ! Chỉ vẽ chuyện! Nó (xe 377) mà không lên kịp thì trung đoàn tôi bị hơn chục cái xe tăng kia nó xóa sổ rồi!". Thế đấy!


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tuaans trong 19 Tháng Bảy, 2009, 11:24:39 pm
Hình đê!   ::)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 19 Tháng Bảy, 2009, 11:27:59 pm
Thanks quê Lixeta đã cung cấp các thông tin về vũ khí bắn cháy 377 ;D. Đúng là 377 đã nằm lại từ 1972 đến nay, thú thật quê cách đây khoảng hơn 10 năm nhìn 377 thảm lắm, không sơn đẹp và thay xích mới như bây giờ đâu ;D


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 19 Tháng Bảy, 2009, 11:30:06 pm
Hình đê!   ::)
Để tết em về chụp rồi post phía bên kia 377 lên. ;D


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tuaans trong 19 Tháng Bảy, 2009, 11:32:47 pm
Chuyện các bác nói em tin là thật, thật 100%. Nhưng các bác thông cảm giúp em, các bác đi vòng qua bên kia chiếc tăng chụp hình dzùm em cái ạh!

@bác na-pồ tết nhớ về quê nha!  ;D


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: lixeta trong 20 Tháng Bảy, 2009, 03:22:04 pm
Có một chút cần đính chính: 203 và 273 là 2 đơn vị khác nhau. Trung đoàn 203 được thành lập ngày 22.6.1965 tại Vĩnh Phú. Trung đoàn 273 được thành lập tháng 02.1973 tại B3. Tuy nhiên, tiểu đoàn 297 (có xe 377)- tiểu đoàn xe tăng đầu tiên có mặt tại B3 thì vốn là một đơn vị của 203. Cụ thể: d297/e203 vào chiến trường cuối năm 1970. Sau khi tham gia CZ D9-NL thì nằm lại Tây Quảng Bình, đến 11.71 thì tách ra thành d độc lập hành quân vào B3. Cho đến trận Đắc Tô- Tân Cảnh thì ở B3 cũng mới chỉ có 1 dT là d 297. Cuối năm 1972 ta mới đưa tiếp 2 dT nữa vào và đến lúc đó mới thành lập eT273.
Còn sau đây là sơ đồ TRận Đắc Tô- Tân Cảnh:

(http://i627.photobucket.com/albums/tt353/datavehu/Tncnh4.jpg)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tamking trong 20 Tháng Bảy, 2009, 08:07:42 pm
các bác thân! Có yếu tố cho phép thắc mắc ạ:

xe 377 phát hiện địch đông hơn và lựa chọn xông thẳng vào thì có liều quá không? ( hay xe ta dừng lại bắn để bị địch tiến lên bao vây thì không hợp lí ) , sao xe 377 không vừa bắn vừa lùi đợi 2 xe bạn lên!

Và theo chú lính ở F2 mà bác Lixeta kể thì bộ binh có ở quanh đó sao không dùng B40/41 bắn tiếp ạ?




Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 20 Tháng Bảy, 2009, 09:23:13 pm
Thanks quê Lixeta về thông tin đính chính của DT203 và DT 273 ;D. Về trường hợp xe 377: Sau khi căn cứ Tân Cảnh được giải phóng, 8h sáng 24-4-1972 E1-F2 được lệnh đánh vào SCH của E47 ở Đăk Tô 2, theo kế hoạch có 1 bT T59(T54) cùng 2 pháo tự hành 57mm rời E42(Tân cảnh) tiến theo đường 18 lên phối hợp chiến đấu. Vì những lý do khác nhau(chướng ngại vật, máy bay địch...) thì 377 vọt lên phía trước lao vào giữa đội hình M41 của địch diệt 4 xe và hi sinh. Nếu trong tình huống chiến đấu như vậy, 377 mà không lao vào thì chắc hi sinh của E1 là rất lớn.
Còn tại sao hỏa lực B40, B41,...của E1 không diệt được đám M41 kia thì chắc phải nhờ quê Lixeta hỏi quê CCB E1 thì mới rõ được? :)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 20 Tháng Bảy, 2009, 10:22:32 pm
Trích từ Lịch sử ngành kỹ thuật Tăng Thiết giáp QĐND Việt Nam-Tập 1 (1959-1975):
Diệt xong Tân Cảnh, Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định đưa lực lượng chủ lực sang tiến công căn cứ Đăk Tô-2 do trung đoàn bộ binh của sư đoàn 22 nguỵ chiếm giữ. Ngoài ra, ở đây địch còn có trận địa pháo binh gồm 10 khẩu pháo 105mm và 155mm; một chi đoàn xe tăng M41, M48.
Để tăng cường hoả lực cho lực lượng bộ binh Sư đoàn 2, Bộ Tư lệnh tiền phương Tây Nguyên lệnh cho Đại đội tăng 7 điều động một trung đội xe tăng và hai xe cao xạ 57mm 2 nòng cơ động theo quốc lộ 18 lên Đăk Tô-2 chi viện cho bộ binh tiến công tiêu diệt địch. Khi xung phong, do tốc độ vận động khác nhau, chỉ có xe của trung đội trưởng vận động nhanh đã tiếp cận địch ở Đăk Tô-2 trước. Địch phát hiện thấy có 1 xe của ta xông lên, chúng đã điều xe tăng M48 và M41 ra ngăn chặn, đồng thời cho máy bay bắn phá dọc quốc lộ 18 để ngăn chặn và sát thương xe tăng, xe cao xạ của ta. Lúc này xe đồng chí Triển - Trung đội trưởng đi đầu đã bình tĩnh, dũng cảm chỉ huy xe tăng 377 bắn cháy 4 xe tăng của địch. Địch bắn trả ác liệt và xe của đồng chí Triển bị trúng đạn cháy, cả kíp xe đã anh dũng hy sinh. Để trả thù cho đồng đội, hai xe tăng khác của Trung đội 1 đã nhanh chóng cùng 2 xe cao xạ 57mm 2 nòng vận động lên Đăk Tô-2 hiệp đồng với bộ binh tiêu diệt số xe tăng còn lại của địch. Dưới sự chỉ huy của trung đội trưởng, 2 xe cao xạ vừa cơ động, vừa bắn máy bay địch chi viện cho bộ binh chiến đấu tiêu diệt địch ở Đăk Tô-2. Đến đêm 24 tháng 4 địch bỏ chạy khỏi Đăk Tô-2.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: lixeta trong 20 Tháng Bảy, 2009, 11:14:52 pm
   Chào các quê!
   Cần nói rõ thêm một chút như thế này: Nhiệm vụ chiến đấu ban đầu của cT7 là phối thuộc cho eBB66 tiến công căn cứ Tân Cảnh và sẵn sàng chi viện cho e1/fBB2 đánh địch ở Đắc Tô 2. Để thực hiện nhiệm vụ phía xe tăng sử dụng lực lượng như sau: b1 và b2 tiến công trên hướng chủ yếu, b3 của đc Triển tiến công trên hướng thứ yếu cùng với dBB8. Thời gian bắt đầu nổ súng tiến công là 4.00. Đến 04.30 pháo chuẩn bị ngừng bắn và các hướng bắt đầu xung phong. Kể cả ở Đắc Tô 2 cũng vậy.
Một mặt do địch có phần chủ quan, tập trung phòng thủ ở phía tây; một mặt do có xe tăng tăng cường nên diễn biến chiến đấu ở cc Tân Cảnh tương đối thuận lợi. Trong khi đó hướng tiến công của eBB1 tại Đắc Tô 2 thì gặp nhiều khó khăn. Cho đến khoảng 8 giờ thì quân ta đã cơ bản làm chủ cc Tân Cảnh, lúc này chỉ còn một số địch cố thủ trong các hầm ngầm và một số vị trí không quan trọng khác. Còn ở Đắc Tô 2, đến lúc đó mới chỉ chiếm được một góc sân bay và bị thương vong tương đối nhiều, đạn dược cũng đã tiêu hao gần hết. Đúng lúc đó có gần 20 xe tăng và TG địch từ phía tây tiến hành phản kích theo đường 18 và đường băng sân bay ra. Chúng vừa chạy vừa bắn dữ dội. Theo lời kể của bạn mình thì đoàn xe tăng rất đông, tung lên những đám bụi mù mịt hình thành 3 mũi bọc lấy quân ta vào giữa. Tình hình của eBB1 hết sức nguy hiểm. Vì vậy BCH CZ mới lệnh cho xe tăng lên chi viện. Đến lúc đo bT3 của NNTriển mới tiến về Đắc Tô 2 và câu chuyện tiếp theo các quê đã biết.
    Còn liều thì đúng là liều rồi. Nhưng đây là một cái liều cần thiết- chính nó đã góp phần cứu sống rất nhiều đồng đội và làm nên chiến thắng. Tuy nhiên, khi nói "xe 377 xông thẳng vào đội hình xe tăng địch" thì cũng có phần hơi bị bệnh "tuyên truyền". Trong thực tế, khi thấy TTG địch rất đông, xe 377 đã dạt sang bên phải đường, lợi dụng bờ đường làm vật che chắn để đánh địch. Có như vậy mới bắn cháy được 4 xe địch chứ. Nếu không lợi dụng được địa hình nhw vậy thì trước gần 20 họng pháo tăng địch liệu có kịp bắn phát nào không?
    Các quê cũng nên biết rằng tầm bắn hiệu quả của B40, B41 không lớn lắm (max cỡ 300-400m, còn hiệu quả thật sự chỉ độ hơn 100m). Trong khi đó pháo và đại liên xe tăng có thể diệt BB từ hàng nghìn mét. Vì vậy, nếu chờ đến lúc TTG nó vào đến tầm hiệu quả của B các loại thì quân ta cũng chẳng còn bao nhiêu.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: baoleo trong 21 Tháng Bảy, 2009, 07:38:32 am
Bài phân tích trên của bác lixeta đã cho thấy sự logic hợp lý và hành động cao cả của kíp xe 377.
Trân trọng nghiêng mình trước các anh-những anh hùng ở kip xe 377.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 21 Tháng Bảy, 2009, 07:21:22 pm
Thanks quê Lixeta về bài phân tích trên giúp em hiểu đúng về sự hi sinh cao cả của kíp xe 377. Những thông tin trên em lấy từ hồi ký của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp và TT Hoàng Minh Thảo nên có tính tuyên truyền hơi cao :)
@Lixeta: quê có bản đồ của bT3-cT7-dT297 phối hợp với eBB1-fBB2 đánh Đăk Tô 2 không ạ? Thực tế đến những năm 90 thì đường 18 vẫn còn rất xấu, nhiều dốc và điểm cao hiểm trở nên là lý do làm bT3 không đến kịp để cùng 377 đánh địch. Còn nguyên nhân tại sao ta không đưa ngay tank vào chiến đấu từ đầu với eBB1 thì có thể không xảy ra nhiều sự hi sinh lớn đến như vậy.?
Vì CC Đăk Tô 2 giống như 1 cứ điểm độc lập tách ra khỏi hệ thống phòng thủ tây và Tây Bắc Tân Cảnh, theo nguyên tắc công kiên thì ta phải gấp từ 2 lần trở lên thì mới đánh được. So sánh: bộ binh ta(1e)=địch(1e), địch hơn ta 10 khẩu pháo 105mm và 155mm, một chi đoàn xe tăng M41, M48, địch có lợi thế về địa hình, hỏa lực không quân)=>ta có tự tin quá với khả năng thắng của e1 hay không, hay ta tập trung đánh dứt điểm CC Tân Cảnh rồi mới dùng tank dứt điểm Dăk Tô 2? Thực tế đến 8h sáng khi CC Tân Cảnh cơ bản đã diệt thì BTL mới lệnh cho pháo binh chuyển làn và bT3 chi viện cho eBB1.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: lixeta trong 22 Tháng Bảy, 2009, 07:00:06 am
Mình không có bản đồ vùng đó. Nhưng cái này có thể nhờ rongxanh giúp chắc sẽ tìm được.
Còn tại sao không dùng xe tăng đánh ĐT2 ngay từ đầu thì không thấy TL nào nói đến. Với anh em CCB của xe tăng thì đơn giản là "chỉ đâu đánh đấy" thôi. Họ cũng không biết gì.
Theo ý kiến cá nhân của mình thì hình như các cụ nhà ta đánh giá tình hình địch ở ĐT2 không thật chính xác. Ấy là phán đoán vậy thôi. Mình sẽ tìm kiếm thêm tư liệu sau.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 22 Tháng Bảy, 2009, 08:57:06 pm
Chắc các cụ nhà ta không đánh giá đúng tình hình ta và địch thôi, nên mới có chuyện về 377 ;D


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: altus trong 22 Tháng Bảy, 2009, 09:14:37 pm
Xin góp thêm một đoạn tường thuật của các cố vấn Mỹ có mặt tại Dak Tô lúc đó, liên quan đến các xe của bT3.

===
Nguồn

http://www.thebattleofkontum.com/extras/AnnexK.pdf

Trang 10

"Sau khi đã báo cáo về chiếc UH-1 bị rơi ở Dak To II, đại úy Carden và Trung tá Brownlee đi tìm các cộng sự và BCH của TĐ 47 nhưng không thấy. Sở chỉ huy trung đoàn vắng teo, hẳn là ban chỉ huy đã quyết định đã đến lúc phải rời khỏi nơi nguy hiểm. Trong lúc đang tìm kiếm một chỉ huy nào đó, Carden thấy hai chiếc T-54 tiến tới đường băng (sân bay cho L-19 - altus), Một chiếc T-54 tiến về phía tây đường băng theo con lộ phía bắc để khống chế xa lộ dẫn vào Dak To II từ Bến Hét, nơi đại tá Đạt đã ém một cách sai lầm phần lớn thiết giáp của mình. (Theo bản đồ của chú Lixeta thì xe này là 377) Chiếc T-54 thứ hai bò vào giữa đường băng từ phía bắc và tấn công lần lượt vào các lô cốt phòng thủ của SCH TĐ 47. Hai chiếc M-41 còn khả dụng liền cơ động đến sườn trái của chiếc T-54 này và mỗi chiếc M-41 bắn 3 phát vào chiếc T-54. Carden chỉ cách chiếc T-54 chừng 100 mét, nhìn rõ đạn pháo trúng trực tiếp vào T-54 và khói, nhưng không diệt được nó. Chiếc T-54 nhanh chóng phục hồi và diệt một chiếc M-41 bằng hai phát đạn, và ngay sau đó diệt chiếc M-41 kia bằng đúng một phát. Các thành viên tổ lái bị thương phải rời bỏ xe mình. (Theo bản đồ thì đây là xe 354)

Lúc này một đoàn xe chi viện gồm hai trung đội M-41 và một trung đội bộ binh từ Bến Hét phản kích vào quân Bắc Việt quanh Đắc Tô II. Họ vừa qua cầu Dak Mot liền bị một lực lượng Bắc Việt lớn phục kích trên các cao điểm phía đông cầu. Quan địch dùng B-40 và ĐKZ tiêu diệt toàn bộ số M-41 và đánh tan số bộ binh.
===

Như vậy có vẻ mấy tay Mỹ này không quan sát thấy xe 377 hạ M-41 mà cho rằng M-41 bị hỏa lực bộ binh ta phục kích tiêu diệt.

Tài liệu này còn có một cái ảnh, tuy trong bản scan không nhìn thấy gì, chú rằng:

"Hai xe tăng CS bị máy bay cường kích KQ VNCH tiêu diệt giữa sân bay Dak To ngày 24/04/1972. Sân bay ở cạnh đường 512, 3 dặm về phía nam Đak To"

Xem trên bản đồ của chú lixeta thì chỉ có mỗi cái sân bay phía tây nam của Dak To 2. Vậy không rõ trong hai xe này có xe 377 không? Nếu đúng thì có thể xe 377 đã bị máy bay (F-5E, A-37?) bắn trúng?  


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 22 Tháng Bảy, 2009, 09:56:08 pm
Thực sự thì sân bay này là Phượng Hoàng gần căn cứ Tân Cảnh, 377 hi sinh ở sân bay khác gần căn cứ Đăk tô 2 (huyện Tu Mơ Rông);D
Bản đồ của quê Lixeta không có trận đánh DT2 mà là trận đánh CC Tân Cảnh, có 1 cao xạ tự hành 57ly bị máy bay bắn trúng.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tuaans trong 23 Tháng Bảy, 2009, 06:37:38 am
Cách đây 3 tháng đi dọc đờg HCM khúc Đắk Tô thấy bên đường có cái sân bay dài cỡ 2 Km, toàn phơi khoai mì. Vậy là cái sân bay nào? Hay là đường HCM đoạn này không đi theo đường 14 cũ mà theo đường 512?

Còn đay là bản đồ vùng.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tuaans trong 23 Tháng Bảy, 2009, 06:44:14 am
Hình chụp từ trên không sân bay Dak To lớn (phía tay trái bản đồ)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: lonesome trong 23 Tháng Bảy, 2009, 05:05:52 pm
Vụ nhầm bài hát "5 anh em trên 1 chiếc xe tăng" link này của RFA cũng nhắc tới : http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VnWar_batttlefield_GMinh-20050430.html chứng tỏ kênh truyền miệng của người VN ta hiệu quả thật .


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: OldBuff trong 23 Tháng Bảy, 2009, 06:19:27 pm
Chính xác đó là xe 377 thật, không phải phiên bản đâu. Thông tin của anh chàng Lập kia phải kiểm chứng lại vì xe này từ năm 1972 vẫn nằm lại đó, không đưa ra ngoài Bắc. Các quê thông cảm, BC nào, đơn vị nào cũng có người thích "nổ" mà ;D
Về chủng loại xe mình chắc đó là T59. Căn cứ: nhìn hình dáng và căn cứ vào số xe- những năm đó đầu 3 là T59.
Nếu các quê đã thấy vết đạn to đút lọt nắm tay thì có nhiều khả năng xe bị trúng đạn chống tăng của M41. Một số quê cho rằng pháo của M41 không diệt được T54, T59 là không đúng. Pháo của nó là 76 mm, nếu dùng đạn xuyên thì có thể diệt được xe T54, T59 ở khoảng cách cỡ 700- 800 m trở lại. Sở dĩ mình đoán như vậy là vì: các loại đạn M72, TOW... đều dùng nguyên lý đạn lõm, khi xuyên thực ra không phải "vien đạn" đó xuyên vào mà là "luồng xuyên"- tức là một thứ plasma có nhiệt độ, áp suất rất cao xuyên vào. Vì vậy nó thường để lại lỗ xuyên khá nhỏ. Ví dụ trái bắp chuối B41 to như vậy nhưng chỉ để lại dấu vết trên vỏ giáp một lỗ xuyên bằng ngón tay mà thôi (tất nhiên còn tùy độ cứng và độ dày của vỏ giáp nữa). Còn trong các loại đạn xuyên của pháo tăng thì có một loại đạn xuyên bằng động năng nên nếu nó đã xuyên được thì để lại lỗ xuyên rất to (xấp xỉ cỡ đạn).
Trong tình thế trận đánh hôm đó gần như đánh "giáp lá cà" bằng xe tăng nên các xe ở khoảng cách rất gần nhau. Xe 377 gần như bị bao vây từ 3 phía. Mà độ dày vỏ giáp (kể cả tháp pháo) ở bên sườn xe cũng không dày lắm ( sườn tháp pháo chừng 60-70 mm, còn sườn xe chỉ 40mm) nên pháo M41 đủ khả năng diệt được xe này bằng đạn xuyên động năng.
Còn chuyện tại sao xe 377 lại lẻ loi như vậy cũng có nhiều ý kiến. Ngay sau trận đánh đã rút kinh nghiệm là công tác hiệp đồng trong bT và với BB chưa chặt chẽ; thậm chí có ý kiến còn chỉ trích bt Triển đã có phần vô kỷ luật. Tuy nhiên, mình có một anh bạn là lính của f2 đánh trận đó, hiện là thương binh loại 3/4 đang còn làm việc ở ngành điện lực thì phát biểu thế này: "Mẹ các ông chứ! Chỉ vẽ chuyện! Nó (xe 377) mà không lên kịp thì trung đoàn tôi bị hơn chục cái xe tăng kia nó xóa sổ rồi!". Thế đấy!

Bác lixeta nói đúng đấy! M41 có thể bắn cháy T-54/55 trong tầm 600m đổ lại nếu nó bắn có chuẩn bị trong công sự phòng ngự và bắn vào phần giáp yếu của tăng T-54/55 như phần ngang thân, phần đuôi xe và đuôi tháp pháo. Hai loại đạn chống tăng mà M41 thường dùng trong trường hợp này là đạn xuyên giáp siêu tốc HVAP-T M319 và HVAP-DS-T M331A2. Nếu bắn trực diện vào giáp trước của thân hay phần trước và ngang tháp pháo tăng T-54/55 thì 2 loại đạn trên của M41 cũng chịu thua. Tuy vậy, xung lực của đạn cũng khiến kíp lái T-54/55 chết giấc vài giây. Không biết xe của bác lixeta đã hứng phát đạn nào của tăng M41 này chưa?


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 23 Tháng Bảy, 2009, 08:30:37 pm
Cách đây 3 tháng đi dọc đờg HCM khúc Đắk Tô thấy bên đường có cái sân bay dài cỡ 2 Km, toàn phơi khoai mì. Vậy là cái sân bay nào? Hay là đường HCM đoạn này không đi theo đường 14 cũ mà theo đường 512?

Còn đay là bản đồ vùng.
Chính nó là sân bay Phượng Hoàng đó, bây giờ dùng để phơi mì ;D Hiện giờ chỉ còn đường nhựa thôi, // với QL14. Bản đồ và hình chụp này là của Mỹ hơn 40 năm trước, đường 512 trong hình vẽ là QL 14 thôi. Nếu bác nào có dịp đi đường HCM đến đầu địa bàn Đăk Tô sẽ thấy xe qua cây cầu nhỏ, dòng Poco // QL14, lên khỏi đỉnh dốc đập vào mắt chính là đường băng lớn bằng nhựa // với QL14 bên tay phải, đi tiếp ~5km phía bên phải sẽ là bia tưởng niệm chiến thắng Tân Cảnh(trước đây là CC E42), bên trái là nghĩa trang liệt sĩ. Sau đó xuống 1 dốc dài, qua 1 cầu ~1,5km là đài chiến thắng DT, có đặt xe 377.
Còn sân bay Đăk Tô 2 nằm cách DT ~30km.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tuaans trong 24 Tháng Bảy, 2009, 05:17:43 am
Cái em nói là sân bay bên tay trái - tính từ SG ra Bắc. Sân bay DT-1 không thấy hoặc không để ý vì không gây ấn tượng bằng DT-2!


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: lixeta trong 24 Tháng Bảy, 2009, 09:24:51 am
Thực sự thì sân bay này là Phượng Hoàng gần căn cứ Tân Cảnh, 377 hi sinh ở sân bay khác gần căn cứ Đăk tô 2 (huyện Tu Mơ Rông);D
Bản đồ của quê Lixeta không có trận đánh DT2 mà là trận đánh CC Tân Cảnh, có 1 cao xạ tự hành 57ly bị máy bay bắn trúng.

Quê nhầm đấy!
Trong sơ đồ đó có trận đánh ĐT2 của xe 377 đấy chứ. Và có lẽ quê còn nhầm sân bay này với một sân bay nào khác ???
Theo bản đồ của tuâns thì cũng ghi rõ Đắc Tô 2 ở sân bay nam Đ18 cơ mà. Còn ở phía Bắc đường (tây bắc CC Tân Cảnh) cũng có 1 sân bay nhưng đường băng ngắn hơn, chủ yếu dùng cho máy bay trực thăng. Như vậy sân bay vẽ trong sơ đồ chính là sân bay Đắc Tô 2 và là nơi diễn ra trận đánh của xe 377.
Về vấn đề đánh giá lực lwọng thì có lẽ các cụ không nhầm. Theo kết quả trinh sát ban đầu thì ở Đắc Tô 2 chỉ có 2 dBB, 1 chi đoàn TG. Còn ở Tân Cảnh có hẳn 1eBB, 1 SCH f , 1 thiết đoàn 14 (thiếu) gồm 39 TTG, 1 trận địa pháo... Vì vậy sử dụng lực lượng như lúc đầu là phù hợp.
Tuy nhiên, có lẽ ta chưa tính hết là lực lượng ứng cứu từ phía tây về:

Xin góp thêm một đoạn tường thuật của các cố vấn Mỹ có mặt tại Dak Tô lúc đó, liên quan đến các xe của bT3.

===
Nguồn

http://www.thebattleofkontum.com/extras/AnnexK.pdf

Trang 10

Lúc này một đoàn xe chi viện gồm hai trung đội M-41 và một trung đội bộ binh từ Bến Hét phản kích vào quân Bắc Việt quanh Đắc Tô II. Họ vừa qua cầu Dak Mot liền bị một lực lượng Bắc Việt lớn phục kích trên các cao điểm phía đông cầu. Quan địch dùng B-40 và ĐKZ tiêu diệt toàn bộ số M-41 và đánh tan số bộ binh.
===

Như vậy có vẻ mấy tay Mỹ này không quan sát thấy xe 377 hạ M-41 mà cho rằng M-41 bị hỏa lực bộ binh ta phục kích tiêu diệt.



Như vậy, sở dĩ lực lượng TTg của địch ở ĐT2 nhiều như vậy là do có 2 chi đoàn từ Bến Hét kéo về, cộng với 1 chi đoàn tự thân của nó.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 24 Tháng Bảy, 2009, 06:28:31 pm
Cái em nói là sân bay bên tay trái - tính từ SG ra Bắc. Sân bay DT-1 không thấy hoặc không để ý vì không gây ấn tượng bằng DT-2!
Bác có bản đồ lớn của Đăk Tô không? Vì cái sân bay bác thấy là SB Phượng Hoàng, sân bay DT1 trong bản đồ hiện giờ là nghĩa trang của dân(bên phía phải theo chiều SG->bắc). trong bản đồ không thấy SB Đăk Tô 2 (chỉ thấy Dak To 602)???


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tuaans trong 24 Tháng Bảy, 2009, 11:37:38 pm
Thì Dakto 2 là đấy chứ đâu!  ;D


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 25 Tháng Bảy, 2009, 01:06:34 am
http://maps.google.com/maps?f=d&source=s_d&saddr=14E,+%C4%90ak+T%C3%B4,+Kon+Tum,+Viet+Nam+(Dak+To+2+airstrip)&daddr=%C4%90ak+T%C3%B4,+Vietnam&hl=en&geocode=&mra=ls&sll=14.928862,107.808151&sspn=0.314484,0.43602&ie=UTF8&ll=14.771563,107.817078&spn=0.314713,0.43602&t=h&z=11&lci=com.google.ugc.c752d13e87c4fbd7
Nếu theo bản đồ trên thì vị trí sân bay DT 2 mà đ/c tuanns đưa ra thuộc xã (Ngọc Tụ)Ngok Tụ-Đăk Tô, tuy nhiên bản đồ của đ/c lại sai về vị trí. Không biết bản đồ Mỹ vẽ có chính xác không?
Có vài nhận xét:
-Xoay ngược map của google đối chiếu với map của đ/c Tuanns thì xã Kon Bring(trong map thấy có chữ H-->xã Kon Honong lại càng không đúng?) nằm gần đường HCM  là không chính xác, nó nằm sâu trong này thuộc Dak To=>đường 672 đi lên là 678 ra đường HCM trong google chính là đường 18 gần như // với QL14.
-Xã Dak Tơ Kan nằm cách xa, chứ không gần như trong bản đồ của đ/c(cách 2 xã).
-Xã Kon hjao-->xã Kon Đào bây giờ.
-Sân bay mà đ/c tuanns thấy (khi đi xe theo đường HCM) nằm gần Dak Mot lop trong google.
-Đường 512 nối đường 18 và 14.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tuaans trong 25 Tháng Bảy, 2009, 01:33:48 pm
1 - Theo phân chia hành chính bây giờ thì sân bay Đắk Tô 2 nằm bên này đường, đối diện bên kia đường HCM là thôn 2 xã Tân Cảnh.
2 - Đoạn đường HCM khúc này không đi theo đường 14 cũ mà theo đường 512 cũ.

Google sai hay bản đồ Mỹ vẽ sai thì em không rõ bác ạ!  ;D

Em thấy vẫn thế bác ạ! Phóng to google map lên thì vẫn là đoạn đường chữ Z và trên dưới chữ Z là 2 sân bay: trên - Dakto 1; dưới - Dakto 2.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 25 Tháng Bảy, 2009, 04:44:48 pm
Đây là bản đồ hành chính của Đăk Tô(Kon Tum), không chơi bản đồ Mỹ như của đ/c tuanns nữa ;D
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/BANDOKTCHUAN1.jpg)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 25 Tháng Bảy, 2009, 04:53:31 pm
Hình sưu tầm từ các nguồn khác nhau, không phải mình chụp ;D
Hết địa phận Ngọc Hồi
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/3239216434_d281016587.jpg)
Xuống theo QL14 đến địa phận xã Tân cảnh, cảnh đầu tiên đập vào mắt là SB Phượng Hoàng(DT2):
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/dak_to_airstrip.jpg)
Cách đây hơn 40 năm
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/3321028126_0887e67b69.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/DakToairstrip.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/img0118.jpg)
Và hiện nay,
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/15DakTo2.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/image386.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/image394.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/image388.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/image392.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/17DakTo2QL14--former512.jpg)
Cuối sân bay là cầu treo
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/18RiverPokobridgeHuynh.jpg)
Ở đó nhìn phía xa khoảng 7-8km theo đường chim bay là Bến Hét
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/19RiverPoko.jpg)
Đường 40 lên cửa khẩu Bờ Y và bến Hét(nhìn xuống vệt đỏ trắng chính là QL 14 đoạn gần sân bay ĐT2)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/23QL512frontierspot--lookingE.jpg)
Bến Hét
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/26rwylookingSW.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/28endgraveltrack.jpg)



Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 25 Tháng Bảy, 2009, 04:57:47 pm
Đồi Charlie (nó nổi tiếng là vì sau khi bộ đội ta tiêu diệt trung tá Nguyễn Đình Bảo, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn Dù, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh - tức ca sĩ Nhật Trường, cho ra đời bài hát "Người ở lại Charlie).
Và đây là đồi Charlie (nơi có mũi tên)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/charlie.jpg)
Nhìn từ sân bay DT2 ra đường 14
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/image406.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/image416.jpg)
Đi tiếp xuống 1 đoạn ~3,5Km là di tích chiến thắng Đăk Tô
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/3238378381_b7fd081fb2.jpg)
Cận cảnh(phía bên kia đường là NTLS, là nơi yên nghỉ của kíp xe 377)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/resizeofdsc06423.jpg)
Đi tiếp xuống dốc là vào địa bàn TT Đăk Tô(Bên phải là đài truyền Hình huyện)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/3239217510_bc8fa323b9.jpg)
khoảng 1,5 km là thấy tượng đài chiến thắng DT-TC
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/536507334_0247154c8e.jpg)
Cận cảnh
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/454914600998381.jpg)
Xe phòng không tự hành ZSU-57-2 số 472
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/image374.jpg)
Xe 377(chụp 2007)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/image376.jpg)
Xe 377 chụp phiá bên kia, có 1 lỗ thủng do đạn chống tăng gần huy hiệu
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/indexphp.jpg)
Sân bay DT 1(nhìn từ xa chỉ toàn cây xanh)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/image384.jpg)
Đến gần
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/10DakTo1rwyHuynhbrightened.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/11DakTo1rwyNWend.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/12DakTo1rwySEend.jpg)
Bưu điện huyện Đăk tô(ngay ngã ba đường 14 &18)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/resizeofdsc06429-1.jpg)
Đường phố Đăk Tô(2008, đang làm đường nên bụi), gần nhất có người đứng bên tay phải là cây xăng, phía sau trụ điện vào là UBND TT Đăk Tô, phía xa có nhà mái đỏ là Ngân hàng CSXH Đăk Tô. Đoạn này (thuộc khối 5 TT Đăk tô)đi từ SG->HN, trước khi làm đường thì có dốc hơi cao, từ đây xuống tượng đài chiến thắng khoảng 1km
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/07QL14DakTo--formerKonHojao.jpg)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tuaans trong 25 Tháng Bảy, 2009, 05:01:26 pm
Em có ý kiến thế này:

Bác muốn khẳng định điều gì ạ?

1 - Bác muốn khẳng định sân bay Phượng Hoàng là Đắk tô 1 hay là Đắk tô 2?

2 - Quay về với chủ đề xe 377, xe này đánh nhau ở sân bay nào?

Chứ bác với em tranh luận nhau cái gì cũng không rõ nữa! hehe.
Mấy cái ảnh đấy bác vừa chụp à? (xem 2 hình dưới là chụp 2008). Chụp ở chỗ nào thế, DT1 hay 2?  ;D

Ngoài lề: bác chơi bản đồ HC sao mà nhỏ tí thế? Làm sao thấy cái thôn 2 xã Tân Cảnh kia chứ?  ;D
------------------------------------------

Bác đi từ Plei Kần xuống Đắk Tô à?


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 25 Tháng Bảy, 2009, 05:41:40 pm
Em có ý kiến thế này:

Bác muốn khẳng định điều gì ạ?

1 - Bác muốn khẳng định sân bay Phượng Hoàng là Đắk tô 1 hay là Đắk tô 2?

2 - Quay về với chủ đề xe 377, xe này đánh nhau ở sân bay nào?

Chứ bác với em tranh luận nhau cái gì cũng không rõ nữa! hehe.
Mấy cái ảnh đấy bác vừa chụp à? (xem 2 hình dưới là chụp 2008). Chụp ở chỗ nào thế, DT1 hay 2?  ;D

Ngoài lề: bác chơi bản đồ HC sao mà nhỏ tí thế? Làm sao thấy cái thôn 2 xã Tân Cảnh kia chứ?  ;D
------------------------------------------

Bác đi từ Plei Kần xuống Đắk Tô à?

Uh, từ Plei Kần xuống, SB Phượng Hoàng là DT2(mình có tham khảo lại thông tin ở quê). Mấy hình này không phải mình chụp đâu. ;D. Thôn 2 TC trong bản đồ chính là khúc sông Pô Cô lượn vô gần đó.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tuaans trong 25 Tháng Bảy, 2009, 05:49:00 pm
Bản đồ hành chánh khu vực Đắk Tô!
(em giữ bản quyền cái bản copy từ giấy này, hehe)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 25 Tháng Bảy, 2009, 05:59:02 pm
Đúng rồi, thôn 2 Tân cảnh, gần đó có bệnh xá của bộ đội. Có vài thông tin mình đưa ra không chính xác, do bản đồ Mỹ và VN khác nhau, bản đồ hành chính thay đổi liên tục(mới đây tách Tu Mơ rông ra khỏi Đăk Tô). Hồi xưa KCCM thì TT Đăk Tô bây giờ là Tân Cảnh, Đăk Tô gọi là Kon Hjao theo các bác CCB Mỹ. :)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 20 Tháng Tám, 2009, 10:01:02 pm

Nếu các quê đã thấy vết đạn to đút lọt nắm tay thì có nhiều khả năng xe bị trúng đạn chống tăng của M41. Một số quê cho rằng pháo của M41 không diệt được T54, T59 là không đúng. Pháo của nó là 76 mm, nếu dùng đạn xuyên thì có thể diệt được xe T54, T59 ở khoảng cách cỡ 700- 800 m trở lại. Sở dĩ mình đoán như vậy là vì: các loại đạn M72, TOW... đều dùng nguyên lý đạn lõm, khi xuyên thực ra không phải "vien đạn" đó xuyên vào mà là "luồng xuyên"- tức là một thứ plasma có nhiệt độ, áp suất rất cao xuyên vào. Vì vậy nó thường để lại lỗ xuyên khá nhỏ. Ví dụ trái bắp chuối B41 to như vậy nhưng chỉ để lại dấu vết trên vỏ giáp một lỗ xuyên bằng ngón tay mà thôi (tất nhiên còn tùy độ cứng và độ dày của vỏ giáp nữa). Còn trong các loại đạn xuyên của pháo tăng thì có một loại đạn xuyên bằng động năng nên nếu nó đã xuyên được thì để lại lỗ xuyên rất to (xấp xỉ cỡ đạn).
Trong tình thế trận đánh hôm đó gần như đánh "giáp lá cà" bằng xe tăng nên các xe ở khoảng cách rất gần nhau. Xe 377 gần như bị bao vây từ 3 phía. Mà độ dày vỏ giáp (kể cả tháp pháo) ở bên sườn xe cũng không dày lắm ( sườn tháp pháo chừng 60-70 mm, còn sườn xe chỉ 40mm) nên pháo M41 đủ khả năng diệt được xe này bằng đạn xuyên động năng.
Đúng là 377 bị bắn cháy bằng pháo của M41, theo như quê Lixeta đã nói ;D
Có hình kèm theo(vết đạn ngay gần huy hiệu):
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/indexphp.jpg)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: Trongc6 trong 12 Tháng Chín, 2009, 11:00:53 pm
       Cứ dựa vào cái bản đồ của bác Tuaans ở trang 4, tôi xin góp thêm ý này:

       Năm 1976 trung đoàn tôi có trở lại đóng quân tại căn cứ Phượng Hoàng.
Về địa lý, diễn nôm ra thì từ Kon Tum đi lên phía bắc theo đường 14, đến Thị trấn Tân Cảnh. Vượt qua nó rồi rẽ trái đi khoảng 5, 6 cây số thì đến căn cứ Phượng Hoàng (căn cứ này rộng lắm, có sân bay và nằm sát sông Poco). Dạo đó chúng tôi hàng ngày tập chiến thuất ở khu sân bay (Quanh sân bay còn rất nhiều đầu đạn M79 chưa nổ) và đi tắm trên sông Poco. Đoạn sông đó mùa khô khá hẹp, nhưng nước chảy siết.

       Lại nói về chuyện đi từ TT Tân cảnh về Phượng Hoàng:

       Đi hơn cây số thì bên phải có 1 cái đường băng cũ nát, bé tẹo không gây ấn tượng gì. Đi thêm độ cây số nữa, bên phải là bờ đất cao ngang đầu người gần sát với con đường (đường đất) còn bên trái là một vùng trống rất rộng, nhiều lau lách. Trên bãi đó vẫn còn một cái xe tăng bị cháy của ta (theo như ở đây thì là xe 377 đó) nằm cách đường độ 5 chục mét, xung quanh nó còn 5 cái xe tăng khác của VNCH cũng bị cháy trơ xác.

        Cái chỗ đánh nhau đó nằm ở khoảng 1/3 đường đi giữa 2 sân bay tính từ cái đường bay nhỏ đi về sân bay ở căn cứ Phượng Hoàng và chếch về bên trái.

        Nếu cái đám xe tăng đó có đưa về bảo tàng (hay làm sắt vụn) thì cũng phải sau 1978, khi Trung đoàn chúng tôi đã lại sang Lào.



Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 13 Tháng Chín, 2009, 03:14:50 pm
Xe 377 phải sau năm 8x mới đưa về bảo tàng Đăk Tô, kể cả đám xe của VNCH bị xẻ làm ve chai cũng vậy. Lúc đó xung quanh Đăk Tô xác xe cháy, đầu M79, bom mìn nhiều vô kể, nhất là xung quanh các căn cứ xưa. Hàng ngày vẫn nghe tiếng nổ do người và trâu bò đụng phải bom mìn, dân ve chai cưa bom...hàng tuần là có vài người chết. Hiện nay thì hết rồi ;D
Về vị trí của 377 hi sinh nằm ở thôn 2, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô. Nếu bác nào có dịp đi đường HCM từ SG->HN thì sẽ thấy: khi qua khu di tích chiến thắng DT(bia tưởng niệm) chưa tới 1km có khúc cua như bản đồ của bác Tuanns, bên phải là DT1(có nhiều cây xanh phải để ý mới thấy) từ đó đổ xuống dốc~0.5km bên trái là vị trí của 377 hi sinh(hiện nay là rừng bạch đàn và khu dân cư), lên 1 cái dốc là đến sân bay DT2(Phượng Hoàng).


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: Trongc6 trong 13 Tháng Chín, 2009, 05:35:31 pm
    Như vậy là mô tả của bác Napoleon rất trùng với trí nhớ của tôi về Đăc tô, Tân Cảnh hơn ba chục năm trước.

   Điểm mới là nơi chiến trận khi xưa nay đã trồng Bạch đàn.

   Muốn hỏi thêm bác là phía phải sân bay Phượng Hoàng (phía trái là sông rồi) ngày nay còn trồng mía không? Dạo đơn vị tôi ở đó, lính thường mò ra bãi mía để bổ xung chất đường cho cơ thể.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 13 Tháng Chín, 2009, 07:18:16 pm
Muốn hỏi thêm bác là phía phải sân bay Phượng Hoàng (phía trái là sông rồi) ngày nay còn trồng mía không? Dạo đơn vị tôi ở đó, lính thường mò ra bãi mía để bổ xung chất đường cho cơ thể.
Hê hê, hôm nào bác làm 1 chuyến đi thăm chiến trường xưa đi. Bây giờ QL14 xe cộ qua lại tấp nập lắm bác ạ ;D. Đã hơn 30 năm rồi, bãi mía bây giờ không còn nữa, trồng mía khó khăn lắm, không có ăn nữa do nhà máy đường cũng khó khăn ;D
Dân bây giờ họ chuyển sang trồng cao su, bời lời (loại cây dùng vỏ để chế tạo nhang), cà phê hết rồi ;D


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: quangthanhbvpl trong 20 Tháng Chín, 2009, 10:43:53 pm
Tôi là BQT, tác giả bài viết "Xe tăng 377 và những Anh hùng chưa được tôn vinh" đã in dịp thảng 8/2008 trên báo Bảo vệ pháp luật và đưa lên blogs: quangthanhbvpl, tôi không ngờ bài viết có hiệu quả nhanh với công luận, vói các đồng đội một thời đánh Mỹ như vậy và rất vui vì có đến 11 trang bàn luận trong Quân Sử xung quanh chiếc xe 377 Anh hùng. Tôi cũng hết sức xúc động vì ngày 09/2/2009 Đảng và Nhà nước đã truy phong danh hiệu AHLLVTND cho kíp xe tăng 377. Rất cám ơn các độc giả đã quan tâm những thông tin tôi đã tìm và viết trên đây.
Tuy nhiên, phần cuối bài ký sự này tôi có đề cập đến Liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn (quê Phú Thọ) - người mà mấy chục năm nay vẫn ghi danh trên tấm bia ở tượng đài Chiến thắng Đak Tô, bây giờ đã được thay bằng Liệt sĩ Hoàng Văn Ái (quê Hà Nội). Theo thông tin từ Thượng tá Đỗ Ngọc - nguyên Chính ủy Trung đoàn tăng 273 (QĐ3) thì đơn vị đã cho người về xã Phù Ninh (Phú Thọ) tìm hiểu nhưng không có ai là Nguyễn Đức Toàn bộ đội xe tăng thời ấy cả và trong danh sách liệt sĩ của Lữ tăng 273 (nay là E273) cũng không có tên anh Toàn (?). Vậy là Liệt sĩ Toàn không còn hồ sơ, tên tuổi nữa sao, bởi theo các đồng chí  của Anh thời ấy mà bây giờ đang sống, có nhiều người có hàm Đại tá, Thượng tá, Thiếu tá (trong bài viết tôi đã nói rất rõ) thì Anh Nguyễn Đức Toàn là chiến sĩ công binh của thiết giáp, được bổ sung về xe 386 trước trận đánh vào Thị xã Kon Tum và mất tích ở đó. Tại sao không thấy có ai hồi âm về tin tức của anh Toàn?. Tôi vẫn nung nấu trong lòng sẽ trở lại vấn đề này, tìm hiểu, điều tra về Anh để đưa Anh trở về (dù chỉ một dòng tên) trong đội ngũ những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Hy vọng các đồng đội của Anh Toàn và của tôi - đặc biệt là những cựu binh xe tăng thời ấy nhớ lại và cho tôi những thông tin quý giá. Xin gửi về địa chỉ của tôi: Nhà thơ, Nhà báo Bùi Quang Thanh, Trưởng Cơ quan đại diện báo Bảo Vệ Pháp Luật tại Miền Trung - Tây Nguyên (04 Lý Tự Trọng, Đà Nẵng). Email: quangthanhbvpl@gmail.com; Điện thoại: 0912441464; Fax: 05113889667. Xin cảm ơn và chờ đợi. BÙI QUANG THANH


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 21 Tháng Chín, 2009, 11:22:00 am
Hoan nghênh bác Bùi Quang Thanh vào diễn đàn, bác cứ chia xẻ thêm những gì bác biết về 377 nhé. ;D Về LS Toàn đó cũng là điều day dứt của các CCB KCCM hôm nay, hi vọng trên forum này có các CCB từng là đồng đội của LS Toàn chia xẻ thông tin để sớm tìm ra manh mối.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 04 Tháng Mười, 2009, 04:36:54 pm
Sau trận bão số 9 vừa qua, sân bay DT2 chính là nơi máy bay của Quân chủng PKKQ hạ cánh để tiếp tế cho Đăk Tô và Tu Mơ Rông:
http://media.tuoitre.com.vn/TVO.aspx#Media,27621
Nghe người nhà kể lại thật khủng khiếp: đến thời điểm này cả tỉnh số người chết là 48 người, nhiều xã còn bị chia cắt và thiếu ăn. Thôn 3 Tân Cảnh và làng Đăk Rai Lớn nước ngập đến 5m, thị trấn Đăk Tô gần cầu 42 nước cũng ngập hơn 2m, cầu Tri Lễ gần sân bay DT2 và cầu Diên Bình bị hàng trăm m3 gỗ cuốn vào trụ, tràn lên đường gây tắc đường QL14 mấy ngày liền.
 


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: bin_dakto trong 05 Tháng Mười, 2009, 10:02:40 am
Sau trận bão số 9 vừa qua, sân bay DT2 chính là nơi máy bay của Quân chủng PKKQ hạ cánh để tiếp tế cho Đăk Tô và Tu Mơ Rông:
http://media.tuoitre.com.vn/TVO.aspx#Media,27621
Nghe người nhà kể lại thật khủng khiếp: đến thời điểm này cả tỉnh số người chết là 48 người, nhiều xã còn bị chia cắt và thiếu ăn. Thôn 3 Tân Cảnh và làng Đăk Rai Lớn nước ngập đến 5m, thị trấn Đăk Tô gần cầu 42 nước cũng ngập hơn 2m, cầu Tri Lễ gần sân bay DT2 và cầu Diên Bình bị hàng trăm m3 gỗ cuốn vào trụ, tràn lên đường gây tắc đường QL14 mấy ngày liền.
 
Vụ này không phải sân bay DT2 đâu Na pô ơi ! 4 chiếc chuồn chuồn nhà PKKQ đậu xuống sân vận động mới làm 6 năm nay. Xuôi theo đường HCM về phía nam 2km tính từ chổ trưng bày chiếc 377 đấy.
Còn sân bay DT 2( Phượng hoàng) đang đào tung tóe rồi pố à 1
Tui là dân Đăktô…30 năm nay mà
Nhà tui cách chổ sân vận động..100 m
Còn Pro Na pô nhà chổ nào trên Đăktô nhỉ?
Trận bão lũ lịch sử vừa rồi..nước từ cầu 42 ngập lên gần đến chân..xe tăng 377 ( cách 70-80m), đến chân Nhà rông văn hoá. Trong khi  từ cầu đến xe tăng khoảng cách là 600 m


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 05 Tháng Mười, 2009, 02:05:02 pm
Vụ này không phải sân bay DT2 đâu Na pô ơi ! 4 chiếc chuồn chuồn nhà PKKQ đậu xuống sân vận động mới làm 6 năm nay. Xuôi theo đường HCM về phía nam 2km tính từ chổ trưng bày chiếc 377 đấy.
Còn sân bay DT 2( Phượng hoàng) đang đào tung tóe rồi pố à 1
Tui là dân Đăktô…30 năm nay mà
Nhà tui cách chổ sân vận động..100 m
Còn Pro Na pô nhà chổ nào trên Đăktô nhỉ?
Trận bão lũ lịch sử vừa rồi..nước từ cầu 42 ngập lên gần đến chân..xe tăng 377 ( cách 70-80m), đến chân Nhà rông văn hoá. Trong khi  từ cầu đến xe tăng khoảng cách là 600 m
Mình đang ở SG nên không biết chính xác lắm ;D Nhà mình ở khối 5 gần UBND Thị trấn Đăk Tô, bạn ở khối 6 hay khối 7 vậy?


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: bin_dakto trong 05 Tháng Mười, 2009, 02:24:31 pm
Sau trận bão số 9 vừa qua, sân bay DT2 chính là nơi máy bay của Quân chủng PKKQ hạ cánh để tiếp tế cho Đăk Tô và Tu Mơ Rông:
http://media.tuoitre.com.vn/TVO.aspx#Media,27621
Nghe người nhà kể lại thật khủng khiếp: đến thời điểm này cả tỉnh số người chết là 48 người, nhiều xã còn bị chia cắt và thiếu ăn. Thôn 3 Tân Cảnh và làng Đăk Rai Lớn nước ngập đến 5m, thị trấn Đăk Tô gần cầu 42 nước cũng ngập hơn 2m, cầu Tri Lễ gần sân bay DT2 và cầu Diên Bình bị hàng trăm m3 gỗ cuốn vào trụ, tràn lên đường gây tắc đường QL14 mấy ngày liền.
 
Vụ này không phải sân bay DT2 đâu Na pô ơi ! 4 chiếc chuồn chuồn nhà PKKQ đậu xuống sân vận động mới làm 6 năm nay. Xuôi theo đường HCM về phía nam 2km tính từ chổ trưng bày chiếc 377 đấy.
Còn sân bay DT 2( Phượng hoàng) đang đào tung tóe rồi pố à 1
Tui là dân Đăktô…30 năm nay mà
Nhà tui cách chổ sân vận động..100 m
Còn Pro Na pô nhà chổ nào trên Đăktô nhỉ?
Trận bão lũ lịch sử vừa rồi..nước từ cầu 42 ngập lên gần đến chân..xe tăng 377 ( cách 70-80m), đến chân Nhà rông văn hoá. Trong khi  từ cầu đến xe tăng khoảng cách là 600 m
Em đang ở SG nên không biết chính xác lắm ;D Nhà em ở khối 5 gần UBND Thị trấn Đăk Tô, bác ở khối 6 hay khối 7 vậy?
Tớ không khối 6, chả khối 7 mà là khối 8 luôn Na pô à !
Do mới tách thêm từ lúc dân Diên bình chạy lũ di cư lên chổ ngã 4 Pô cô đấy!
Nhà mình sát..trường Bổ túc văn hóa huyện !( Nay là trường nội trú)
À Trước đây Napo học C3 ở đâu? Khóa nào?


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 05 Tháng Mười, 2009, 08:19:36 pm
Tớ không khối 6, chả khối 7 mà là khối 8 luôn Na pô à !
Do mới tách thêm từ lúc dân Diên bình chạy lũ di cư lên chổ ngã 4 Pô cô đấy!
Nhà mình sát..trường Bổ túc văn hóa huyện !( Nay là trường nội trú)
À Trước đây Napo học C3 ở đâu? Khóa nào?
Vụ này mình nghĩ nên pm nghe bạn?  ;D


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 27 Tháng Hai, 2010, 11:00:41 pm
Hôm về tết có chụp mấy tấm về 377 bằng mobile, gửi lên cho các bác xem:
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/15022010075.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/15022010074.jpg)
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/15022010072.jpg)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 27 Tháng Hai, 2010, 11:03:21 pm
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/15022010073.jpg)
Vết đạn của pháo tăng M41
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/15022010076.jpg)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 08 Tháng Năm, 2010, 11:21:11 pm
Hôm nay lướt qua blog của bác Thanh thì thấy bài này bác viết về LS Toàn, bác ấy cũng có nhắc đến QSVN:  ;D
http://quangthanhbvpl.vnweblogs.com/
TRẢ TÊN ANH VỀ VỚI TRUNG ĐOÀN - Ký sự của Bùi Quang Thanh

quangthanhbvpl | 21 April, 2010 07:44
             TRẢ TÊN ANH VỀ VỚI TRUNG ĐOÀN

                                                                    Ký sự của  Bùi Quang Thanh


      Đọc xong dòng cuối  trên Quân sử Việt Nam về  trận đấu tăng "1 chọi 10" của kíp xe tăng mang số hiệu 377, tôi commen vào đây thông điệp: "Tôi là BQT, tác giả bài viết "Xe tăng 377 và những Anh hùng chưa được tôn vinh" đã in dịp tháng 8/2008 trên báo Bảo vệ pháp luật, tôi không ngờ bài viết có hiệu quả nhanh với công luận, với các đồng đội một thời đánh Mỹ như vậy và rất vui vì có đến 11 trang bàn luận trong Quân Sử VN xung quanh chiếc xe 377 Anh hùng. Tôi cũng hết sức xúc động vì ngày 09/2/2009 Đảng và Nhà nước đã truy phong danh hiệu AHLLVTND cho kíp xe tăng 377. Rất cám ơn các độc giả đã quan tâm những thông tin tôi đã tìm và viết trên đây. Tuy nhiên, phần cuối bài ký sự này tôi có đề cập đến Liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn (quê Phú Thọ) - người mà mấy chục năm nay vẫn ghi danh trên tấm bia ở tượng đài Chiến thắng Đak Tô, bây giờ đã được thay bằng Liệt sĩ Hoàng Văn Ái (quê Hà Nội). Theo thông tin từ Trung đoàn tăng 273 (QĐ3) thì đơn vị đã cho người về xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) tìm hiểu nhưng không có ai là Nguyễn Đức Toàn bộ đội xe tăng thời ấy cả và trong danh sách liệt sĩ của Lữ tăng 273 (nay là E273) cũng không có tên anh Toàn (?). Vậy là Liệt sĩ Toàn không còn hồ sơ, tên tuổi nữa sao, bởi theo các đồng chí  của Anh thời ấy mà hiện giờ đang sống thì Nguyễn Đức Toàn là chiến sĩ của D297 thiết giáp, được bổ sung về xe 386 trước trận đánh vào Thị xã Kon Tum và mất tích ở đó. Tại sao không thấy có ai hồi âm về tin tức của anh Toàn?. Tôi vẫn nung nấu trong lòng sẽ trở lại vấn đề này, tìm hiểu, điều tra về Anh để đưa Anh trở về (dù chỉ một dòng tên) trong đội ngũ những liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Hy vọng các đồng đội của Anh Toàn và của tôi - đặc biệt là những cựu binh xe tăng thời ấy nhớ lại và cho tôi những thông tin quý giá. Xin gửi về địa chỉ của tôi... (BQT)


Điểm hẹn: Trại Cau


Tôi lên Trại Cau, cách Thành phố Thái Nguyên chừng 15km bằng xe của Tạp chí Kiểm sát vào một sáng chủ nhật. Cựu thiếu tá xe tăng Nguyễn Trọng Thanh trong Ban liên lạc Trung đòan xe tăng 273 điện mời đã mấy ngày trước đó, anh cho biết sẽ có cuộc gặp mặt lịch sử của hơn nửa ngàn cựu binh đơn vị nhân ngày kỷ niệm 50 năm Binh chủng xe tăng tại đây. Anh Trần Vân Quang cũng cho biết, nhiều anh em Ban liên lạc C7 xe tăng rất mong gặp tôi để trao đổi và cung cấp thêm một số thông tin quanh bài ký sự "Xe tăng 377 và những anh hùng chưa được tôn vinh" và làm sáng tỏ thêm một số bí ẩn của trận đánh và đồng đội họ. Và quả vậy, tại căn cứ cũ của Lữ tăng 273 thời Binh đoàn Tây Nguyên đang phòng thủ ải Bắc, tôi đã được gặp và trao đổi cùng những chiến sĩ cũ của Đại đội xe tăng số 7 Anh hùng - những người đã làm nên chiến thắng Đak Tô - Tân Cảnh mùa xuân 1972 - những người bạn chiến đấu thân thiết của kíp xe 377 một thời và mãi mãi. Bằng trí nhớ và cả những điều hình như lâu lắm không còn nhớ được bởi cuộc sống hiện tại lấp vùi, qua sự gợi mở của đồng đội, của sự kiện, của sâu thẳm ký ức, các anh đã dựng lại cho tôi một hình ảnh về chiến sĩ xe tăng Nguyễn Đức  Toàn.

(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/1CCBTrungdoantang273t_iLekyniem50na.jpg)
Các Cựu chiến binh Trung đoàn tăng 273 tại Trại Cau nhân kỷ niệm 50 năm thành lập đơn vị
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/2NhathonhabaoBuiQuangThanhvoicacCCB.jpg)
Tác giả - Nhà thơ Bùi Quang Thanh cùng những người lính tăng tham chiến ở Kon Tum 1972
Anh Nguyễn Văn Phùng, quê Quỳnh Phụ, Thái Bình, nguyên lính kỹ thuật của trung đội sữa chữa C7 cho biết: anh cùng anh Toàn được đào tạo với nhau ở Binh chủng tăng rồi cùng về tiểu đòan tăng 297 vào Tây Nguyên. Toàn quê ở Phù Ninh, Phú Thọ, đẹp trai, hiền lành và đánh bài tu lơ khơ rất giỏi. Sau trận đánh vào thị xã Kon Tum "Pha 1" (đêm 25/5/1972) anh Phùng vẫn còn gặp Toàn. Đại tá Cao Thi hiện công tác ở Cục Quân lực thuộc Bộ Tổng tham mưu, nguyên Trung úy xe tăng, là bạn thân của Nguyễn Nhân Triển, học cùng lớp ở Đoàn 10 thiết giáp với Liệt sĩ Nguyễn Đức Lượng (xe tăng 377) và cùng quê Lâm Thao với Cao Trần Vịnh khẳng định: Trước khi đánh Kon Tum, Toàn có đến chơi với chúng tôi và kể về trận Đak Tô. Theo anh Cao Thi, không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Đức Toàn "lạc" vào xe tăng 377 trên bia tưởng niệm ở Đăk Tô. Số là trước khi vào chiến trường Tây Nguyên, Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển đã kịp cưới vợ. Vợ anh Triển rất trẻ và xinh đẹp. Dọc đường hành quân vào chiến trường, anh tìm mọi cách gửi thư về quê nhà; nỗi nhớ thương người vợ khôn nguôi thường làm anh đăm chiêu và anh trút tâm sự thương nhớ ấy sang bạn bè cùng đơn vị. Nguyễn Nhân Triền bị một số cán bộ đánh giá là "không an tâm"  về tư tưởng. Lúc này Nguyễn Đức Toàn đang là đối tượng Đảng được điều sang xe 377 một thời gian với vị trí pháo thủ 2. Trước trận đánh Đăk Tô - Tân Cảnh, Toàn được chuyển sang xe khác và sau này anh ấy hy sinh (mất tích) trong "Pha 2" của chiến dịch Kon Tum. Đại tá Cao Thi cũng cho biết, Cao Trần Vịnh lái xe 377 vốn người họ Trần từ đâu đến ngụ cư  ở làng Cao Xá (Lâm Thao); hầu hết cư dân làng này có họ Cao (có lẽ vì vậy mà có tên Cao Xá chăng?), mới xin đổi từ họ Trần sang họ Cao...

Tại cuộc gặp mặt C7 xe tăng này, tôi được giới thiệu với một đồng hương của Nguyễn Đức Toàn: nguyên Trung tá xe tăng Vũ Ngọc Quỳnh quê ở  Âu Cơ, Phú Thọ. Anh Quỳnh cho biết xã Phù Ninh của Toàn cách nhà anh 20 km. Toàn và anh cùng nhập ngũ ngày17/ 8/1970 nhưng để kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, đơn vị thống nhất lấy ngày nhập ngũ là 19/8. Họ được bổ sung vào Trung đoàn tăng 203 đóng tại Lương Sơn, Hòa Bình và cùng được cử đi học lớp H5 đào tạo cán bộ trung đội dài hạn. Tôi hỏi anh có biết anh Toàn hy sinh như thế nào không và hoàn cảnh gia đình Toàn ra sao thì Quỳnh cho biết: "Tôi chỉ biết tin Toàn mất tích trong trận Kon Tum và chưa về được để thăm gia đình anh ấy. Tôi vẫn sợ mình về, gia đình lại đau khổ thêm khi liên tưởng đến người thân của họ không trở về. Vì thế không phải không đến mà là không dám đến." Anh Trân Vân Quang chỉ Vũ Ngọc Quỳnh và nói với chúng tôi: "Ông này vẫn nặng nợ với Toàn lắm. Ngày 23 tháng 4 năm nay (2009), chúng tôi vào dự lễ đón danh hiệu AHLLVTND cho kíp xe tăng 377 và lên viếng nghĩa trang liệt sĩ Đăk Tô. Trong khi chúng tôi thắp hương thì Quỳnh chạy đi tìm mộ Toàn rồi hét toáng lên: Tìm được mộ thằng Toàn rồi chúng mày ơi! Khi chúng tôi chạy lên hỏi: Đâu? Ở đâu? thì Quỳnh bảo: Vừa mới thấy đây, tôi giơ máy ảnh lên chụp thì máy không hoạt động. Chạy xuống gọi các ông, giờ quay lại chẳng thấy đâu. Rõ ràng có tấm bia ghi Nguyễn Đức Toàn xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, Phú Thọ mà?. Cả 7 người chúng tôi tóe nhau ra tìm mỏi mắt vẫn chẳng thấy đâu cả. Anh em bảo Quỳnh nhìn gà hóa cuốc, riêng Quỳnh cứ ngẩn ngơ như người mộng du mãi..."

Hàn huyên khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi tạm chia tay để vào dự Lễ kỷ niệm ngày Truyền thống của Trung đoàn xe tăng 273, ở đó đã hội tụ hơn 500 cán bộ, chiến sĩ trung đoàn, với rất nhiều tên tuổi khét tiếng một thời như Trung tướng AHLLVT Đoàn Sinh Hưởng, Thiếu tướng Trần Kỷ, ....

Thời gian quá ngắn ngủi, những người cựu binh xe tăng C7 tha thiết mời tôi về Hưng Yên sau 3 ngày nữa để gặp thêm nhiều anh em thời đó. "Ngày ấy mới là ngày riêng của lính C7 chúng tôi." - Nguyễn Văn Mỹ, nguyên Đại đội trưởng C7 trong chiến dịch đánh chiếm Thị xã Kon Tum (1972) nắm chặt tay tôi.



Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 08 Tháng Năm, 2010, 11:21:48 pm
Cuộc hội ngộ ở làng Tiên Xá

Đường về làng Tiên Xá (xã Cẩm Xá, Mỹ Hào, Hưng Yên) đang mùa thu hoạch lúa. Ngõ nhà nào nhà nấy chất ngất những rơm, xe cộ đủ loại đan như mắc cửi. Thấy chiếc xe "80B biển xanh" đi vào làng, một số nông dân đặt mấy gánh lúa xuống đường như trêu ngươi, cố tình không cho chiếc xe lọt qua những gánh lúa. Mấy cựu chiến binh và tôi xuống thông cảm xin đường. Một số người ái ngại; nhiều người yên lặng; có người đàn ông đứng bên mai mỉa: "Họ về ăn cỗ nhà ông cục thuế đó mà. Vội gì tránh." Tôi hiểu ra, liền thanh minh: "Chúng tôi là bạn lính với anh Thành bộ đội xe tăng ạ". Vậy là thoáng chốc, mỗi người một tay, con đường trở nên quang rộng.

Đại tá Đỗ Quang Thành, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Tư lệnh Thiết giáp là người được vinh dự tổ chức cuộc gặp gỡ của Cựu binh C7 lần này. Cuộc hội ngộ hôm nay có nhiều nhân vật đặc biệt, cả lính, cả quan: Nguyễn Lương Phước, nguyên chỉ huy đại đội 7 trong trận Đăk Tô - Tân Cảnh - chính anh Phước đã nhận lệnh từ Chỉ huy chiến dịch và trực tiếp điều Trung đội tăng của Nguyễn Nhân Triển lên tăng cường cho bộ binh đánh cứ điểm Đăk Tô 2; Đại tá Phạm Đức Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam; Đại tá Mạc Văn Bào (người dân tộc Tày) nguyên Phó Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Cạn. Anh Bào chạy xe máy hơn 300km từ quê xuống chiều qua. Các cựu chiến binh C7 đã từng xông pha lửa đạn trong suốt cuộc chiến 1972 đến ngày toàn thắng như: anh Biên, xe trưởng tăng 902 (1972) - một "ông già" mất gần hết cằm bên phải nên khuôn mặt méo mó, tội nghiệp. Các bạn anh kể rằng, trong trận Đắc Tô - Tân Cảnh, pháo của xe 902 bị hóc, Biên kiểm tra hãm lùi của pháo thì bất ngờ bị lò xo hãm lùi nặng hàng tấn bật ngược đánh vào mặt. Toàn bộ xương cằm của Biên bị văng ra, gãy và vỡ vụn. Biên ngất xỉu, đồng đội tưởng anh đã chết nên khiêng ra khỏi xe và tiếp tục cuộc chiến đấu. Biên được các chiến sĩ bộ binh phát hiện khi còn thoi thóp liền đưa vào trạm phẩu tiền phương cấp cứu. Anh Nguyễn Xuân Mai quê làng Nhiệm Trạch, Cẩm Xá, Mỹ Hào. Trong trận Kon Tum, anh Mai là pháo thủ, sau đó là Trưởng xe 376...

(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/3CCBC7hoingoolangTienXa.jpg)
 Cuộc hội ngộ lính C7 xe tăng tại làng Tiên Xá

Câu chuyện về trận chiến ở Thị xã Kon Tum của các chiến binh xe tăng nở như ngô rang trước sự  chứng kiến của tôi, của người nhà và xóm giềng Đại tá Đỗ Quang Thành. Bằng những điều tai đã nghe, mắt đã thấy và trí tưởng tưởng con nhà lính, tôi cùng các anh sẻ chia những phút giây hào hùng của chiến thắng, cũng sẻ chia những mất mát của đồng đội, của nhân dân một thời máu lửa. Với các cựu binh C7, trận Kon Tum là một nỗi đau, một vết hận của thời oanh liệt, không riêng lính xe tăng mà cả các sư đoàn thiện chiến như F2, F10, F320...Qua lời kể của các anh, tôi hình dung những tổn thất vô cùng của bộ đội ta, cũng lọc ra được một bóng hình người lính xe tăng Nguyễn Đức Toàn, mập mờ mà rõ nét, xa xôi mà gần gũi, không hề vô danh.

 Đêm 25/5, C7 làm dự bị cho C12 vào "Pha 1" Kon Tum. Anh Hồng chính trị viên C7 bị thương, Nguyễn Xuân Mai được cấp trên chỉ định làm trưởng xe 376. Lúc này Nguyễn Đức Toàn là xạ thủ bắn 12,7 ly. Trận đánh diễn ra không như ý định của Bộ chỉ huy mặt trận. Do trinh sát địa hình không chính xác, do lực lượng xe tăng bố trí quá mỏng và phân tán, do hợp đồng binh chủng để đánh đô thị chưa quen ...vì vậy bộ binh 2 Trung đoàn của Sư 2 ngã như rạ trước cửa mở hướng tây bắc Thị xã Kon Tum bởi hỏa lực cực mạnh đã giăng sẵn của pháo binh và máy bay địch. Khó khăn lắm, tới gần sáng xe tăng mang số hiệu 903 (loại T59 của Trung Quốc) của Phạm Đức Thọ mới lách qua xác các tử sĩ tiến qua cửa mở. Bọn địch đã biến vào các công sự kiên cố, chỉ còn lửa đạn pháo rót tọa độ như căn từng cen ti met vào lực lượng công kích của ta. Thọ cùng Trung đội phó Huỳnh, lái xe Lập cho xe lùi vào một ngôi nhà để ẩn náu và quan sát địch thì bị bom na pan từ máy bay Utiti đánh trúng. Xe cháy, các anh thoát được ra ngoài. Gần như toàn bộ tăng của C7 tham chiến trận này bị cháy hết (lời Đại tá Phạm Đức Thọ).

Đêm 26/5, Đại đội trưởng Đức chuyển sang tăng 376 để trực tiếp chỉ huy đơn vị vì xe 902 của anh Đức bị hỏng ăng ten của hệ thống thông tin, anh Mai sang làm Trưởng xe 902 thay anh Biên bị thương nặng trong trận Tân Cảnh. Mờ sáng ngày 27/5, khi đánh vào Thị xã Kon Tum lần 2, Đại đội trưởng Đức hy sinh trên xe 376; anh Mai bị thương thủng gò má phải; xe tăng 902 cháy. Nguyễn Đức Toàn mất tích từ đêm 26/5 mà không một ai biết về tung tích của anh nữa...

(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/4AnhBinvaanhMaivoinhungvetthuongl.jpg)

Anh Biên và anh Mai với những vết sẹo khủng khiếp của chiến tranh trên mặt


Buổi gặp gỡ cựu binh C7 ở  Tiên Xá có một quyết định được Ban liên lạc thông qua: tìm bằng được tung tích anh Toàn, sau đó ban liên lạc sẽ cùng nhau lên thăm và tổ chức viếng Toàn tại nơi có thể. Nhiệm vụ này, một lần nữa được giao cho Vũ Ngọc Quỳnh, người có điều kiện nhất hiện nay và qua điện thoại, Trung tá Quỳnh hứa với mọi người sẽ thực hiện.

Trên đường trở về Hà Nội, Đại tá Thọ mời tôi và Trần Vân Quang ghé vào nơi làm việc của anh ở Bảo tàng Quân sự Việt Nam, ngay bên chân Cột cờ Hà Nội. Tại đây, vị Phó Giám đốc cơ quan này đã đưa cho tôi cuốn nhật ký chiến trường của anh rồi lẳng lặng đi pha nước mời khách. Cuốn nhật ký dày hàng trăm trang, được ghi chép chi chít bằng nhiều loại bút, mực khác nhau, chổ mờ phai vì thời gian, cũng nhiều trang còn rất đậm nét. Tôi lần theo thời gian của trận chiến để tìm một cái gì đó mà linh cảm mách bảo. Và đây rồi: một buổi chiều trên đất Nam Lào hầm hập nắng sau gần 4 tháng, ngày 10 tháng 8 năm 1972, Phạm Đức Thọ đã ghi những dòng nghẹn ngào vào trang nhật ký của mình: "Toàn thân yêu! Thế là tao đã mất mày người bạn chiến đấu thân thiết nhất của tao...". Trang nhật ký khoảng vài trăm chữ nhưng cũng đủ nói lên tình cảm thân thương của đôi bạn chiến đấu ấy và khẳng định với tôi sự hiện diện của Nguyễn Đức Toàn trong đơn vị xe tăng.

(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/5Trangnh_tky_cu_a_a_ita_Pha_m___cTh.jpg)
Trang nhật ký của Đại tá Phạm Đức Thọ
Khoảng một tuần sau ngày chia tay ở Mỹ Hào, Vũ Ngọc Quỳnh điện vào Đà Nẵng cho tôi. Anh reo lên trong máy:  "Tìm được gia đình Nguyễn Đức Toàn rồi anh ơi! Mãi tận xã Phú Lộc chứ không phải xã Phù Ninh như thông tin ta biết. Tôi đang ngồi với anh trai anh Toàn đây." Rồi liên tiếp anh Quang, anh Thọ, anh Lập...cũng phấn khởi điện báo cho tôi.  

Lần theo số điện thoại anh Quỳnh cung cấp, tôi gặp được anh Nguyễn Đức Chiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế nhà nước của Bộ Nội vụ, là  anh trai  liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn. Gia đình các anh có 8 anh chị em, anh Chiến thứ 6, Toàn là con út. Khi Toàn vào bộ đội, anh Chiến đang là quản đốc phân xưởng ở mỏ Apatit trên Lào Cai. Khi anh Toàn chuẩn bị  vào nam, anh Chiến đã hai lần nhảy tàu về chia tay em ở Hà Nội. Suốt quãng thời gian Toàn sống trong quân ngũ đã gửi về cho anh Chiến 7 lá thư. Năm 1973, gia đình nhận được giấy báo tử mới biết Toàn đã hy sinh. Hơn mười năm sau, bố mẹ các anh lần lượt ra đi vì bệnh tật và nỗi nhớ thương đứa con út không trở về, bố dặn riêng anh Chiến: "Chỉ có con là có điều kiện đi tìm em về. Hãy thay bố mẹ lo chuyện này con nhé." Từ ấy đến nay, anh Chiến đã đi tìm rất nhiều lần, có cả thư tay của ông Trọng Xuyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng gửi Cục Chính sách và lãnh đạo Quân đoàn 3; có cả địa phương tỉnh Kon Tum, cả cách tìm theo tâm linh nhưng không có kết quả. Năm 2004, anh Chiến vào Quân đoàn 3, lần tìm được họ tên em mình trong danh sách liệt sĩ của đơn vị nhưng sai quê quán, anh đã xin phép được sửa và chính tay anh sửa tên quê trong trích ngang liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn. Tuy nhiên tìm trên bia ghi tên các liệt sĩ ở nhà bia tưởng niệm của đơn vị lại không thấy, anh Chiến đã đề nghị bổ sung. Việc đơn vị đã bổ sung hay chưa, đến nay anh chưa biết. Qua Nguyễn Đức Chiến, tôi cũng được biết sau khi bố mẹ qua đời, bàn thờ liệt sĩ Toàn chuyền về nhà người anh cả là Nguyễn văn Chương để thờ phụng nhưng từ ấy không có ai trong chính quyền hay ngành Thương binh - Lao động đến thăm viếng nữa. Rồi qua email, anh Chiến gửi cho tôi bức thư cuối cùng mà đứa em út thân yêu đã gửi cho anh trên đường cùng đơn vị xe tăng tiến vào mặt trận Tây Nguyên, kèm bức chân dung đã được phục chế của liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn.

(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/278654-6.jpg)
Bức thư cuối cùng của Nguyễn Đức Toàn gửi anh trai Nguyễn Đức Chiến


Chân dung Liệt sĩ Nguyễn Đức Toàn (chưa tải lên được)

Không biết nên vui hay nên buồn khi tôi kết thúc những dòng viết này. Vui vì hình như tôi và đồng đội của Toàn đã làm một việc gì đó, ít ra cũng làm sáng tỏ thêm thân phận của một chiến binh trong cuộc chiến tranh giải phóng, cũng gợi cho đồng đội và bạn đọc hình dung lại một thời máu lửa và những mất mát hy sinh để có được chiến thắng hôm nay; sự hy sinh bí ẩn và thầm lặng của người lính xe tăng ấy, dù ít dù nhiều đã được xác định và chắc chắn, đồng đội của Anh hôm nay, đơn vị của Anh hôm nay có thể tự tin ghi tên Anh vào danh sách những người con quang vinh đã ngã xuống vì truyền thống Trung đoàn, Binh đoàn. Còn nỗi buồn thì...thật là khó nói. Tôi băn khoăn tự nghĩ, chính chúng ta chứ không phải ai khác, có thể làm ngắn bớt danh sách các hàng bia Vô Danh trên mộ chí của đồng đội ở các nghĩa trang liệt sĩ hôm nay; và vì vậy, chính chúng ta sẽ làm vơi đi những nỗi buồn mà chiến tranh để lại!

                                                                                       Hà Nội, 10/2009

                                                                                      Kon Tum, 3/2010

                                                                                                    BQT



Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: _new trong 09 Tháng Năm, 2010, 01:33:06 pm
Ồ, có cả vết đạn xuyên. Vậy đây là chiếc 377 thật hả bác Na.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 09 Tháng Năm, 2010, 02:07:33 pm
Ồ, có cả vết đạn xuyên. Vậy đây là chiếc 377 thật hả bác Na.
Đúng rồi bác ạ, 377 nằm lại ở Đăk Tô từ 1972 đến giờ rồi! Vị trí lúc hi sinh cách đường khoảng 40-50m, bây giờ là trước tiểu đoàn 304-BCHQS Kon Tum(xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô), sau đó mới đưa về đài chiến thắng Đăk Tô.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: Hungnt_E1F2 trong 09 Tháng Năm, 2010, 05:15:12 pm
Ồ, có cả vết đạn xuyên. Vậy đây là chiếc 377 thật hả bác Na.
Đúng rồi bác ạ, 377 nằm lại ở Đăk Tô từ 1972 đến giờ rồi! Vị trí lúc hi sinh cách đường khoảng 40-50m, bây giờ là trước tiểu đoàn 304-BCHQS Kon Tum(xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô), sau đó mới đưa về đài chiến thắng Đăk Tô.
Hiểu theo chỉ dẫn của bác quê Lixeta, thì chiếc tăng số hiệu 377 này là loại T59.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 09 Tháng Năm, 2010, 05:25:01 pm
Hiểu theo chỉ dẫn của bác quê Lixeta, thì chiếc tăng số hiệu 377 này là loại T59.
Đúng rồi bác ạ, trong phần đầu của topic này đã đề cập rồi!  ;D
Nhân tiện các bác xem thử loại đạn nào bắn vào cạnh nòng của khẩu đại liên trước mũi xe vậy?


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: Hungnt_E1F2 trong 09 Tháng Năm, 2010, 05:50:02 pm
Đúng rồi bác ạ, trong phần đầu của topic này đã đề cập rồi!  Grin
Nhân tiện các bác xem thử loại đạn nào bắn vào cạnh nòng của khẩu đại liên trước mũi xe vậy?


Quê lixeta dạy cách phân biệt theo vết hàn miếng giáp mũi xe: vết hàn thẳng thế này là T59.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: KingCobra18 trong 09 Tháng Năm, 2010, 06:16:44 pm
Hiểu theo chỉ dẫn của bác quê Lixeta, thì chiếc tăng số hiệu 377 này là loại T59.
Đúng rồi bác ạ, trong phần đầu của topic này đã đề cập rồi!  ;D
Nhân tiện các bác xem thử loại đạn nào bắn vào cạnh nòng của khẩu đại liên trước mũi xe vậy?

Theo mình vết này là đạn xuyên của M41 vì lỗ xuyên vào khá to nhưng xung quanh "sạch sẽ", vết thứ hai (trên đầu số 7 ở giữa) chắc chắn là của đạn lõm (có thể là DKZ, M72 hoặc TOW), xung quanh có dấu vết của luồng xuyên.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 09 Tháng Năm, 2010, 08:50:38 pm
Theo mình vết này là đạn xuyên của M41 vì lỗ xuyên vào khá to nhưng xung quanh "sạch sẽ", vết thứ hai (trên đầu số 7 ở giữa) chắc chắn là của đạn lõm (có thể là DKZ, M72 hoặc TOW), xung quanh có dấu vết của luồng xuyên.
Thế còn vết đạn ngay trước mũi xe là đạn gì vậy bác?  ;D


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: lixeta trong 10 Tháng Năm, 2010, 07:52:03 am
Cảm ơn NPLO đã chụp cận cảnh xe 377 để mọi người thấy rõ hơn sự hy sinh anh dũng của kíp xe này.
Theo mình, 2 vết đạn trên tháp pháo đều là đạn xuyên phá của M41. Đây là loại đạn xuyên bằng động năng nên lỗ đạn khá to (gần bằng cỡ đạn). Còn những vết nham nhở xung quanh lỗ đạn thường là của phần "chóp đạn". Cái chóp đạn này có tác dụng chống trượt khi góc chạm nhỏ hơn 90 độ. Khi đạn chạm mục tiêu nó vỡ ra và gây nên những vết nham nhở xung quanh. Loại đạn này khi xuyên vào trong sẽ nổ một lần nữa nên rất nguy hiểm.
Còn vết đạn ở mũi xe (gần lỗ bắn của đại liên phía trước) chắc là của M72. Đây là loại đạn lõm, xuyên qua vỏ thép bằng luồng xuyên nên lỗ đạn khá nhỏ. Với các tấm thiết giáp của T54, T59 thì lỗ xuyên chỉ bằng ngón tay thôi.
Thực tình, trước đây khi chỉ thấy 1 lỗ đạn phía dưới ở tháp pháo mình thấy hơi khó hiểu là tại sao xe lại bị cháy  nhanh thế và kíp xe lại không thể thoát ra được người nào. Nhưng cho đến hôm nay thì nghi vấn đó đã được giải tỏa: xe 377 không chỉ trúng 1 mà những 3 viên đạn. Trong đó, theo mình: viên đạn phía trước mũi xe chắc chắn làm lái xe hy sinh ngay. Viên đạn thứ hai ở phần trước tháp pháo chắc chắn làm pháo thủ (và có thể cả TX) sẽ hy sinh. Còn chính viên thứ ba là viên nguy hiểm nhất: sau khi xuyên vào nó sẽ nổ ở ngay vành tháp pháo. Nơi đó là nơi cố định khoảng gần chục viên đạn. Dẫu đã bắn rồi nhưng chỉ cần ở đó còn một vài viên thì cũng bị kích nổ và gây cháy cho xe. Và nếu nó nổ ở vành tháp pháo thì cả trưởng xe và pháo hai đều hy sinh.
Mình cũng đã cố gắng tái hiện phần nào sự hy sinh anh dũng của xe 377 trong BT tập 3. Tuy nhiên, chắc sẽ không thể nào lột tả hết được lòng dũng cảm của anh Triển và các liệt sỹ xe 377 được.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 10 Tháng Năm, 2010, 07:40:39 pm
... Còn chính viên thứ ba là viên nguy hiểm nhất: sau khi xuyên vào nó sẽ nổ ở ngay vành tháp pháo. Nơi đó là nơi cố định khoảng gần chục viên đạn. Dẫu đã bắn rồi nhưng chỉ cần ở đó còn một vài viên thì cũng bị kích nổ và gây cháy cho xe. Và nếu nó nổ ở vành tháp pháo thì cả trưởng xe và pháo hai đều hy sinh.
Chính vì thế, khi em vào trong xe thì cháy hết cả bác ạ. Không còn sót cái gì cả, đến nắm cơm còn cháy thành than. Lúc đó 377 phải đối đầu với xe tăng địch đông hơn nên trúng nhiều vết đạn như vậy, ngoài ra còn nhiều vết nham nhở do các loại đạn nhỏ khác khắp thân xe nữa bác ạ.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: KingCobra18 trong 11 Tháng Năm, 2010, 10:47:29 am
Cảm ơn NPLO đã chụp cận cảnh xe 377 để mọi người thấy rõ hơn sự hy sinh anh dũng của kíp xe này.
Theo mình, 2 vết đạn trên tháp pháo đều là đạn xuyên phá của M41. Đây là loại đạn xuyên bằng động năng nên lỗ đạn khá to (gần bằng cỡ đạn). Còn những vết nham nhở xung quanh lỗ đạn thường là của phần "chóp đạn". Cái chóp đạn này có tác dụng chống trượt khi góc chạm nhỏ hơn 90 độ. Khi đạn chạm mục tiêu nó vỡ ra và gây nên những vết nham nhở xung quanh. Loại đạn này khi xuyên vào trong sẽ nổ một lần nữa nên rất nguy hiểm.
Còn vết đạn ở mũi xe (gần lỗ bắn của đại liên phía trước) chắc là của M72. Đây là loại đạn lõm, xuyên qua vỏ thép bằng luồng xuyên nên lỗ đạn khá nhỏ. Với các tấm thiết giáp của T54, T59 thì lỗ xuyên chỉ bằng ngón tay thôi.
Thực tình, trước đây khi chỉ thấy 1 lỗ đạn phía dưới ở tháp pháo mình thấy hơi khó hiểu là tại sao xe lại bị cháy  nhanh thế và kíp xe lại không thể thoát ra được người nào. Nhưng cho đến hôm nay thì nghi vấn đó đã được giải tỏa: xe 377 không chỉ trúng 1 mà những 3 viên đạn. Trong đó, theo mình: viên đạn phía trước mũi xe chắc chắn làm lái xe hy sinh ngay. Viên đạn thứ hai ở phần trước tháp pháo chắc chắn làm pháo thủ (và có thể cả TX) sẽ hy sinh. Còn chính viên thứ ba là viên nguy hiểm nhất: sau khi xuyên vào nó sẽ nổ ở ngay vành tháp pháo. Nơi đó là nơi cố định khoảng gần chục viên đạn. Dẫu đã bắn rồi nhưng chỉ cần ở đó còn một vài viên thì cũng bị kích nổ và gây cháy cho xe. Và nếu nó nổ ở vành tháp pháo thì cả trưởng xe và pháo hai đều hy sinh.
Mình cũng đã cố gắng tái hiện phần nào sự hy sinh anh dũng của xe 377 trong BT tập 3. Tuy nhiên, chắc sẽ không thể nào lột tả hết được lòng dũng cảm của anh Triển và các liệt sỹ xe 377 được.

Thưa chú lixeta, cháu vẫn nghĩ vết đạn thứ 2 trên tháp pháo là do đạn lõm gây ra, mọi người có thể so sánh với các vết đạn trong các bức ảnh dưới đây (được chụp từ các xác xe tăng của Pháp tại ĐBP, bị hạ bằng bazooka hay DKZ, hồi đó ta đã làm gì có đạn xuyên dưới cỡ nòng nhỉ ::)):

(http://c.upanh.com/upload/6/412/9K0.10596190_1_1.jpg)

(http://c.upanh.com/upload/6/413/LT0.10596539_1_1.jpg)

(http://c.upanh.com/upload/6/412/3L0.10596444_1_1.jpg)

Vết đạn ở giáp trước do chụp xa nên không nhìn rõ được liệu đã xuyên thủng giáp chưa, vì theo nhiều tại liệu nói M72 không hạ được T54 khi bắn thẳng phía trước, vết đạn này giống vết đạn xuyên hơn và nếu đúng là đạn xuyên của M41 thì thanh xuyên cũng khó xuyên thủng được giáp trước T54, chỉ cày một vệt như vậy và gãy.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 11 Tháng Năm, 2010, 12:51:53 pm
cháu vẫn nghĩ vết đạn thứ 2 trên tháp pháo là do đạn lõm gây ra, mọi người có thể so sánh với các vết đạn trong các bức ảnh dưới đây
Vết đạn ở giáp trước do chụp xa nên không nhìn rõ được liệu đã xuyên thủng giáp chưa, vì theo nhiều tại liệu nói M72 không hạ được T54 khi bắn thẳng phía trước, vết đạn này giống vết đạn xuyên hơn và nếu đúng là đạn xuyên của M41 thì thanh xuyên cũng khó xuyên thủng được giáp trước T54, chỉ cày một vệt như vậy và gãy.
-Vết đạn thứ 2 trên tháp pháo là đạn xuyên của M41, kích cỡ như vết số 1.
-Vết ở giáp trước(cạnh nòng của khẩu đại liên 7,62 ly) là M72, kích cỡ chỉ bằng ngón tay thôi(Napo đã đút tay thử rồi  ;D).


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: tientt82 trong 11 Tháng Năm, 2010, 01:32:40 pm
nhờ các bác 1 chút thông tin về giáp trước của t-54 ; t-59 được không ạ?

Nhà em có tra cứu 1 chút trên wiki thì giáp trước của t-54 khoảng 100 mm ở góc 60 độ ; t-59 thì cũng ghi 100 mm nhưng không ghi góc  .

Nhà em vẫn ấn tượng là m-41 không làm được gì được xe t-54 ở phía trước ; nay xe t-59 của bác Triển bị như vậy có phải do giáp t-59 mỏng hơn t-54 không ạ?Có thể do kĩ thuật luyện kim kém hơn LX nên phẩm chất giáp kém hơn .

Mong các bác giải đáp ạ  :D


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: lixeta trong 11 Tháng Năm, 2010, 02:48:58 pm
vết đạn thứ 2 trên tháp pháo là do đạn lõm gây ra, mọi người có thể so sánh với các vết đạn trong các bức ảnh dưới đây (được chụp từ các xác xe tăng của Pháp tại ĐBP, bị hạ bằng bazooka hay DKZ, hồi đó ta đã làm gì có đạn xuyên dưới cỡ nòng nhỉ

Vết đạn ở giáp trước do chụp xa nên không nhìn rõ được liệu đã xuyên thủng giáp chưa, vì theo nhiều tại liệu nói M72 không hạ được T54 khi bắn thẳng phía trước, vết đạn này giống vết đạn xuyên hơn và nếu đúng là đạn xuyên của M41 thì thanh xuyên cũng khó xuyên thủng được giáp trước T54, chỉ cày một vệt như vậy và gãy.

Đạn xuyên trên pháo tăng (pháo chống tăng) có nhiều loại, có thể chia làm 2 nhóm chính: đạn xuyên bằng động năng và đạn xuyên lõm. Đạn xuyên động năng cũng có hai loại:
- Đạn xuyên cùng cỡ: có loại đầu nhọn và loại có chóp đệm và chóp gió. Loại này khi xuyên vào mục tiêu sẽ nổ một lần nữa. Lỗ xuyên gần bằng cỡ đạn. Nếu là loại có chóp đệm và chóp gió thì thường hay có vết nham nhở xung quanh do chóp đệm vỡ ra.
- Đạn xuyên dưới cỡ: thanh xuyên có đường kính bằng khoảng 30- 40% cỡ nòng. Sau khi ra khỏi nòng pháo chỉ phần này bay đến mục tiêu. Còn vỏ của nó sẽ rơi lại trong khoảng 500 m trở lại. Loại này lỗ xuyên nhỏ hơn cỡ đạn nhiều.
Hiệu lực xuyen phá của các loại đạn này phụ thuộc rất nhiều vào khoảng cách bắn và góc chạm.
Còn đạn lõm dùng nguyên lý chung như B41, B40. Nó xuyên bằng luồng xuyên (hỗn hợp plasma) nên lỗ xuyên cũng nhỏ hơn cỡ đạn rất nhiều.
Căn cứ vào dầu vết để lại trên xe 377 mình đã phán đoán và trình bày ở trên: 2 vết trên tháp pháo do đạn xuyên cùng cỡ của M41 bắn. Vết ở giáp trước do M72 bắn.
Về giáp trước của T59 và T54 thì cơ bản như nhau. Còn chất liệu thép thì theo nhận xét chủ quan của mình quả thật là anh bạn T59 có kém hơn thật (bọn mình hành quân xích của T59 mòn rất nhanh, còn của T54 nó cứ lì ra). Với dộ dày và góc nghiêng như vậy thường thì các loại đạn động năng (cả cùng cỡ, dưới cỡ) bắn thẳng vào thường sẽ trượt đi chứ không xuyên được. Tuy nhiên, nếu là đạn lõm thì nó lại xuyên được vì ít phụ thuộc vào góc chạm. Chính vì vậy, M72 xuyên được giáp trước T54, T59. Tại Nước Trong, mình đã đi kéo chiếc 703 bị M72 bắn vào gần như xe 377 (cao hơn một chút). Đạn xuyên vào trong xe nhưng vào chỗ trống nên chỉ gây bị thương cho các  TV mà không làm cháy xe.


Tiêu đề: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: tamking trong 07 Tháng Bảy, 2010, 10:45:03 am
các bác giải độc giúp xung quanh chuyện AH-1 bắn hạ T-54 mà mấy bác già VNCH rêu rao với em, họ nói mệng và lôi wiki vào : http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_B%E1%BA%AFc_T%C3%A2y_Nguy%C3%AAn_1972 (http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_B%E1%BA%AFc_T%C3%A2y_Nguy%C3%AAn_1972),
nhân đây xin phép ban quản trị mở thêm topic này để thảo luận về mặt trận Tây Nguyên năm 1972

Mặt trận thứ ba tại Vùng 2 Chiến thuật khai diễn ngày 6/4/72 nổ lực chính với 3 Sư đoàn: Sư đoàn 2 của mặt trận B3, Sư đoàn 32O, Sư đoàn Sao Vàng và nhiều Tiểu đoàn biệt lập tấn công Kontum, Dakto, Tân Cảnh, đèo Mang Yang và nhắm cắt đứt quốc lộ 1 nơi giáp ranh 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Ðịnh. Với chủ đích tách rời Vùng I khỏi lãnh thổ miền Nam để Mặt trận Giải phóng Miền Nam có đất, có dân và có thế đứng thương thuyết tại Paris.


Ngày 20/4/1972, tình hình tại Quảng Trị (Quân đoàn I) quá nặng, nên Ðại tướng Viên phải rút Lữ đoàn Dù tại Kontum để tăng cường cho mặt trận Quảng Trị làm quân Việt Nam Cộng hòa suy yếu rõ rệt.

Ngày 28/4/1972, Quân Giải phóng tấn công đồn này bằng 10 chiến xa T54, nhưng đã bị Paul Vann điều động 2 trực thăng vũ trang Cobra trang bị hỏa tiễn chống chiến xa, được điều khiển bằng tia laser tiêu diệt 5 chiến xa T54 tại chỗ. Sau đó quân Việt Nam Cộng hòa rút quân khỏi đồn này, vì vị trí quá xa và hẻo lánh.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: saruman trong 08 Tháng Bảy, 2010, 05:06:32 pm
Bài này ở Wiki trước có 1 đoạn ngắn ngủn, giờ có thêm cha nào copy từ VNictglobal vào cho dài ra thêm thì phải. Vụ AH-1 thì không biết bác muốn "giải độc" ở chi tiết nào?

Tiện đây Bạn Tamking nên đọc thêm bài Mặt trận Tây Nguyên và Bắc Bình Định năm 1972. Ngoài ra bác nên liên hệ với thành viên Minh Tâm-T41-BCA ở Wiki có thể sẽ giải đáp được nhiều thắc mắc


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: tamking trong 08 Tháng Bảy, 2010, 09:43:11 pm
Bài này ở Wiki trước có 1 đoạn ngắn ngủn, giờ có thêm cha nào copy từ VNictglobal vào cho dài ra thêm thì phải. Vụ AH-1 thì không biết bác muốn "giải độc" ở chi tiết nào?

Tiện đây Bạn Tamking nên đọc thêm bài Mặt trận Tây Nguyên và Bắc Bình Định năm 1972. Ngoài ra bác nên liên hệ với thành viên Minh Tâm-T41-BCA ở Wiki có thể sẽ giải đáp được nhiều thắc mắc

giải độc là giúp mình xác nhận bạn ơi  ;D
rất hiếm nghe về AH-1 trong chiến tranh Việt Nam, chi tiết bắn hạ xe ta lại càng không có nguồn xác thực , nhưng AH-1 đúng là trực thăng vũ trang và có chức năng diệt tăng

ở đây nếu có thật thì nó bắn xe ta bằng đạn gì ( hay tên lửa chống tăng gì ?) và... phòng không của ta đâu, hay ít nhất là các khẩu 12ly 7 trên xe  ???

theo em tìm hiểu thì SeaCobra tham chiến đầu mùa khô năm 1971 ở khu Nam Quảng Trị và quanh căn cứ liên hợp của Thủy quân lục chiến Mỹ ở vùng Quảng Đà.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: saruman trong 09 Tháng Bảy, 2010, 10:52:41 am

giải độc là giúp mình xác nhận bạn ơi  ;D
rất hiếm nghe về AH-1 trong chiến tranh Việt Nam, chi tiết bắn hạ xe ta lại càng không có nguồn xác thực , nhưng AH-1 đúng là trực thăng vũ trang và có chức năng diệt tăng

ở đây nếu có thật thì nó bắn xe ta bằng đạn gì ( hay tên lửa chống tăng gì ?) và... phòng không của ta đâu, hay ít nhất là các khẩu 12ly 7 trên xe  ???

theo em tìm hiểu thì SeaCobra tham chiến đầu mùa khô năm 1971 ở khu Nam Quảng Trị và quanh căn cứ liên hợp của Thủy quân lục chiến Mỹ ở vùng Quảng Đà.
AH-1 đúng là có tham chiến ở Tây Nguyên 1972, và đúng là đã hạ nhiều tăng của ta bằn tên lửa TOW. Với tầm bắn 3000m thì mấy khẩu 12,7mm trên nóc tăng của ta không với tới được, còn mấy khẩu cao xạ 23mm, 37mm hay A-72 thì số lượng ít, và có phải lúc nào cũng xuất hiện đúng nơi đúng lúc đâu hả bạn. Hơn nữa quân ta năm 1972 còn thiếu kinh nghiệm phối hợp tác chiến các binh chủng, không như năm 1975 PK luôn theo sát cơ giới.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: tamking trong 09 Tháng Bảy, 2010, 11:53:32 am
Binh chủng TTG có đút kết kinh nghiệm với thứ này không nhỉ  ???

có cả cái hình UH-1 mang TOW, vậy UH-1 và AH-1 có vai trò tương tự nhau hay đó chỉ là "ép uổng" :

nguồn: Wiki

(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/thumb/e/e6/F34.jpg/800px-F34.jpg)

nếu AH-1 chống tăng hiệu quả sau Mỹ không để lại cho VNCH các bác nhỉ ???

và trong năm 1975 có trường hợp UH-1 mang TOW bắn T nhà ta không ?


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: Bodoibucket trong 09 Tháng Bảy, 2010, 12:07:03 pm
Mỹ rút quân thì đem theo luôn, hàng đấy không để lại cho VNCH.

Một số hàng mỹ đem về hết:

UH-1 gunship (tàu gân) trang bị minigun bắn bởi người đang lái.
AH-1
F-4
Tàu chiến lớn
Tàu sân bay  ;D


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: napoleon trong 10 Tháng Bảy, 2010, 08:34:05 pm
Trong "Sự lừa dối hào nhoáng" - Neil Sheehan, có nhắc đến UH-1 mang TOW. Nhưng không thấy nhắc đến AH-1 Cobra:
http://www.quansuvn.net/index.php/topic,1397.220.html
"...Trong thời hạn ấy, Lầu Năm Góc, theo yêu cầu của Abrams, gửi gấp một mẫu thực nghiệm vũ khí chống tăng đặt trên trực thăng, TOW, một ống phóng tên lửa điều khiển qua vô tuyến. Hai chiếc Huey được trang bị loại ấy chở trên một máy bay vận tải C-141 ở bang Arizona gửi thẳng đến Pleiku. Các chỉ huy quân Bắc Việt dùng xe tăng tổ chức một cuộc tập kích ban đêm sẽ tiếp tục cả ngày. Những chiếc Huey trang bị tên lửa TOW lao vào Kontum khi trời vừa sáng và mọi chiếc T-54 trông thấy được đều bị tấn công. Một tổ lái đưa con quái vật của họ vào cố lẩn tránh trong một ngôi nhà. Chiếc Huey phóng tên lửa qua cửa sổ bắn trúng nó..."


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: dongadoan trong 10 Tháng Bảy, 2010, 08:50:01 pm
Ồ, năm 1972 khi ta tiến công sân bay Tân Cảnh vẫn còn thấy ít nhất là 1 chiếc AH-1 ở đó. Ảnh đây:

(http://i614.photobucket.com/albums/tt226/trandoan/217.jpg)


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 10 Tháng Bảy, 2010, 09:44:53 pm
Một bài viết khác về xe 377:
http://tavansy.vnweblogs.com/post/7975/233983
XE TĂNG 377 ANH HÙNG

tavansy | 30 May, 2010 09:35
 

Ngày 24-4-1972 là một ngày không thể nào quên ở Kon Tum. Ấy là ngày hai phần ba tỉnh mạn bắc được giải phóng với chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh vang dội, làm đổ nhào tuyến phòng thủ Bắc Tây Nguyên của quân đội Sài Gòn. Ngày nay, chiến thắng ấy được lưu dấu với thời gian bằng cụm tượng đài hoành tráng tại trung tâm thị trấn Đăk Tô. Và dưới chân tượng đài Chiến thắng ấy lừng lững một chiếc xe tăng oai dũng, đứng hiên ngang như đang sẵn sàng lao vào trận tuyến!

          Chiếc xe tăng mang phiên hiệu 377 này và ê-kíp 4 chiến sĩ Giải phóng quân theo phiên chế của xe vừa được Nhà nước truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 9-1-2009. Xung quanh nó có nhiều chuyện kể đầy xúc động, rất bi hùng và cũng lắm cái... bi hài!


           Chuyện thứ nhất là "duyên nợ" giữa xe 377 và nhà thơ Hữu Thỉnh (hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam): Lâu nay nhiều người ở Kon Tum vẫn tưởng rằng nhà thơ Hữu Thỉnh đã sáng tác bài thơ "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" bằng cảm hứng từ xe 377. Thực ra bài thơ được cảm hứng từ đội hình 88 xe tăng T34, T54 và PT 76 của 3 tiểu đoàn Tăng - Thiết giáp cùng xông trận trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, khi Hữu Thỉnh làm lính xe tăng tham gia đánh trận. Nó xuất hiện lần đầu trên tập san binh chủng Tăng - Thiết giáp với tên Vũ Hữu. Sau đó nhạc sĩ Doãn Nho phổ thành ca khúc nổi tiếng. Ngày nay ca khúc này được dùng làm bài ca chính thức của binh chủng Tăng - Thiết giáp. Qua điện đàm, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: Năm 1974 "dấu chân người lính" của nhà thơ mới đặt bước đến Đăk Tô, nơi xe 377 đã bị bắn cháy trước đó 2 năm rồi (24-4-1972 - Chứ không như bài viết trên blog của nhà thơ Văn Công Hùng bảo rằng Hữu Thỉnh cũng đánh vào Đăk Tô ngay trong năm 1972 và bài thơ cũng lấy cảm hứng từ đó). Nhìn vào lòng xe thấy nhúm tro thiêu xác các chiến sĩ "phơi gan cùng tuế nguyệt" đã 2 năm ròng, nỗi lòng nhà thơ xao xuyến một xúc cảm bi hùng trào ra cùng nước mắt! Ông bèn gom lại, gói thành 5 nhúm nhỏ đem chôn nơi nghĩa trang Đăk Tô 2. (Sau này mới có xác nhận là kíp xe của 377 chỉ 4 người, nhưng lúc ấy nhà thơ cứ theo phiên chế thông thường cho 1 xe tăng T34 của đơn vị ông là 5 người, nên chia thành 5 phần tro hài cốt). Trong lúc gom tro, phát hiện một gói cơm nắm các chiến sĩ chưa kịp ăn bị cháy đen vón cục, nhà thơ cẩn trọng mang về giao cho bảo tàng Truyền thống binh chủng Tăng - Thiết giáp, ngày nay vẫn còn. Chuyện Hữu Thỉnh hay ghé thăm xe 377 mỗi khi có dịp đến Kon Tum (khiến nhiều người nhầm tưởng như đã nói) là do từ ý nghĩa ấy. Nhớ lại năm 2002 nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, Phó Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ kiêm phụ trách báo Văn nghệ Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam điện thoại cho người viết bài này bảo số phát hành cuối tháng 4 là số kỷ niệm 30 năm chiến thắng Đak Tô - Tân Cảnh. Ông căn dặn nhất thiết phải gửi giúp một tấm ảnh chụp xe 377 dưới chân tượng đài chiến thắng cho Tổng biên tập Hữu Thỉnh. Thế là hình ảnh xe 377 kiêu dũng trang trọng in hình trên số báo Văn nghệ Trẻ năm ấy!

          Chuyện thứ hai là về lịch sử oai hùng và bi hùng của xe 377: Ngày 15-11-1971 tiểu đoàn 297 Tăng - Thiết giáp do trung tá Bùi Quang Đấng chỉ huy, đang trú quân ở bờ bắc sông Bến Hải sau khi vừa tham chiến ở Đường 9 - Nam Lào trở về, lại được lệnh tiến vào chiến trường Tây Nguyên với khẩu hiệu "Tiến sâu - Ở lâu - Đánh thắng"! Sau hai tháng rưỡi hành tiến, đến đầu năm 1972 thì tới Ngả ba biên giới Đông Dương. Đây là tiểu đoàn xe tăng duy nhất và đầu tiên có mặt tại Tây Nguyên. Ngày 2-4-1972 ta mở màn chiến dịch Tây Nguyên (với khẩu hiệu "Trường Sơn chuyển mình/ Pô Kô dậy sóng/ Quét sạch quân thù/ Giải phóng Tây Nguyên") với sự ra quân của sư đoàn bộ binh 320 đánh phá tuyến phòng thủ Tây Pô Kô. Đêm 23-4-1972 từ ngầm sông Pô Kô Hạ đại đội 7 gồm 9 chiếc xe tăng cùng trung đoàn 66 bộ binh bắt đầu xuất kích. 1 giờ sáng đêm ấy (24-4) xe 377 dẫn đầu tấn công vào hướng đông căn cứ E42 - Tân Cảnh mở màn trận đánh tiêu diệt cụm cứ điểm này. 4 giờ 30, cũng vẫn xe 377 dẫn đầu cho bộ binh và xe 357 (còn ảnh chụp lúc xuất quân trưng bày tại nhà Truyền thống huyện Đăk Tô) xốc tới, bắn sập khu tháp nước, sập đài quan sát, quần nát các công sự... tiến thẳng vào sở chỉ huy trung đoàn 42 bộ binh Sài Gòn khiến đại tá cố vấn Mỹ, đại tá Lê Đức Đạt chết tại chỗ, đại tá Vi Văn Bình bị bắt sống. Trung đội trưởng Nguyễn Nhân Triển (ngồi xe 377) tiếp tục triển khai tấn công căn cứ Đăk Tô 2 cùng với trung đoàn 1 bộ binh thuộc sư đoàn 2 từ Quảng Nam tăng cường. Xe 377 lại tiếp tục dẫn đầu hai xe 354 và 369 lao thẳng vào cứ điểm. Vì gặp chướng ngại vật nên hai xe kia bị tụt lại phía sau. Địch thấy chỉ có mỗi một xe 377 đơn độc bèn cho xuất kích 10 chiếc tăng M41 chia làm 2 mũi bao vây. Cuộc đấu 1 chọi 10 diễn ra ác liệt cho đến lúc xe 377 bị pháo chống tăng ở nam sân bay dã chiến Phượng Hoàng bắn cháy sau khi một mình tả xung hữu đột diệt gọn 7 xe tăng M41! 11 giờ 30 trưa hôm ấy lá cờ của Tỉnh ủy Kon Tum trao cho trung đoàn 66 tung bay trên cứ điểm Đăk Tô. Sách "Lữ đoàn xe tăng 273" do Cục Chính trị quân đoàn 3 xuất bản tháng 1-1988 viết: -"Tập thể xe của đồng chí Nguyễn Nhân Triển đã nêu một kỷ lục về hiệu suất chiến đấu cao... Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu"! (Sau này tiểu đoàn 297 phát triển thành lữ đoàn 273 trong đội hình binh đoàn Tây Nguyên - tức quân đoàn 3 - đơn vị 2 lần được tuyên dương Anh hùng).

          Chuyện thứ ba là về chủng loại của xe 377. Các sách "Lữ đoàn xe tăng 273", "Lịch sử sư đoàn 10", "Lịch sử Đảng bộ huyện Đăk Tô"... và bia khắc tại tượng đài chiến thắng đều nói đại đội 7 Tăng - Thiết giáp là loại xe T54 của Liên Xô. Loại này phiên chế một ê-kíp chỉ có 4 người chứ không phải 5 người như loại T34. Nhà thơ Hữu Thỉnh, như đã nói ở trên, bảo xe 377 là T34 vì ông đã đến tận nơi thấy tận mắt và tự tay chia tro hài cốt của các chiến sĩ chết cháy trong xe thành 5 phần đem chôn cất! Bài viết của Bùi Quang Thanh trên báo Bảo vệ pháp luật  thì cho biết Đại tá Đỗ Quang Thành, nguyên Chánh Thanh tra binh chủng Tăng - Thiết giáp bảo hầu như xe loại nào khi vào Tây Nguyên đợt ấy cũng đều phiên chế 5 người cả, chứ không nhất thiết là T34! Còn các cựu chiến binh Trần Văn Quang, Nguyễn Quốc Lập (lính lái xe tăng của đại đội 7) và Lê Xuân Sinh lái xe 886 của C3 D1 lữ 203 khi xem hình chụp thì bảo xe 377 chính là T59 của Trung Quốc, vì có bầu hút khói ở đầu nòng pháo dài hơn của xe T54. Bà Phùng Thị Đức, cựu quân nhân, từng làm công tác Cơ yếu ở binh chủng Tăng - Thiết giáp vào thời điểm ấy bảo rằng lực lượng xe tăng đợt đầu tiên có mặt tại chiến trường Tây Nguyên ấy đều là T59... Tổng hợp các nguồn tư liệu là thế, chứ 377 hãy còn đó, nó thuộc chủng loại nào thì vẫn rõ mười mươi, có gì phải rắc rối đến thế đâu?

          Chuyện thứ tư là về các chiến sĩ - liệt sĩ của kíp xe 377: Bây giờ thì chính thức tên của 4 Anh hùng - liệt sĩ được khắc trên bia nơi bệ xe 377 là: 1- Nguyễn Nhân Triển, thiếu úy, trung đội trưởng, quê xã Việt Hùng huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh, 2- Hoàng Văn Ái, hạ sĩ, pháo thủ, quê xã Phùng Hưng huyện Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, trú quán số nhà 12 ngách 42 ngõ Vạn Ứng - Khâm Thiên - Đống Đa - Hà Nội, 3- Trần Quang Vịnh, hạ sĩ, lái xe, quê xã Cao Xá huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ, 4- Nguyễn Đắc Lượng, hạ sĩ, pháo thủ, quê xã Khải Xuân huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ. Nhưng trước đó, đằng đẵng 14 năm (từ 1995 đến 2009) trên bia khắc, bên cạnh tên 3 đồng đội kia là tên Nguyễn Đức Toàn chứ không phải Hoàng Văn Ái! Rồi trước đó nữa, kể từ ngày khánh thành cụm tượng đài (30-4-1995) thì tên khắc trên bia là Cao Trần Vịnh chứ không phải Trần Quang Vịnh và tên Vũ Đức Lượng chứ không phải Nguyễn Đắc Lượng! Như vậy bia được đục sửa 2 lần. Lần thứ nhất sửa 2 tên người sai họ và chữ lót, lần thứ 2 vào năm 2009, sau khi có Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng (theo hồ sơ đề nghị của Cục Chính trị quân đoàn 3 lập ngày 24-9-2008) lại một lần nữa bia được đục sửa, bỏ hẳn tên Nguyễn Đức Toàn thay vào Hoàng Văn Ái! Theo thượng tá Đỗ Văn Ngọc, Chính ủy lữ đoàn Tăng 273 thì đơn vị có cử người về xã Phù Ninh huyện Phù Ninh - Phú Thọ xác nhận, nhưng địa phương bảo không có ai tên Nguyễn Đức Toàn đi lính xe tăng và hy sinh!  Nhà báo Bùi Quang Thanh đã tìm đến căn nhà ở ngách 12 ngõ Vạn Ứng khu chợ Khâm Thiên - Hà Nội thì thấy Huân chương và bằng Tổ quốc ghi công ghi tên Hoàng Cao Ái (chứ không phải Hoàng Văn Ái), hy sinh ngày 24-4-1972 - đúng ngày xe 377 bị bắn cháy. Chỉ vì sai sót của người hữu trách mà các anh hy sinh rất đỗi bi hùng mà mấy lần tên tuổi của mình bị đục đi sửa lại không yên, lại rất... bi hài!

Vậy Nguyễn Đức Toàn là ai mà 14 năm được "vinh danh" trên bia khắc rồi lại vĩnh viễn đục bỏ đi? Nhà báo Bùi Quang Thanh lại cất công đi tìm "người dũng sĩ thứ tư" ấy và được Đại tá Đỗ Quang Thành (đã nhắc ở trên) hiện là trưởng ban liên lạc C7 lữ đoàn 273, cho biết: Lúc ấy đồng chí Kiện, phái viên của Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp cử ông tìm xe 377 hy sinh thế nào và xem Hoàng Văn Ái có thoát được không. Ông Thành thấy xác các đồng đội đã bị cháy trong xe, quanh xe không có xác nào khác. Lúc này có đồng chí Thọ (sau là đại tá, Phó Giám đốc bảo tàng Quân đội) ở D297 nói với ông rằng cháy trong xe 377 có Lượng và Toàn. Ông Thành biết Nguyễn Đức Toàn là người Phú Thọ, lính công binh thiết giáp, có học qua trường Tăng, không hy sinh theo kíp xe 377 vì lúc này Toàn đang ở bộ phận dự bị. Cùng lúc ấy ông Thành nhận lệnh triển khai đánh tiếp vào thị xã Kon Tum. Khi tiến quân vào gần thị xã thì có đồng chí Phượng xạ thủ 12 ly 7 không thể đi tiếp được, ông Thành (lúc này làm quyền C trưởng) đưa Toàn thay Phượng, phiên chế vào xe 376. Đánh Kon Tum đợt thứ hai thì 4 xe tăng đều bị bắn cháy, đội hình tan rã rút lui, không biết Toàn hy sinh hay mất tích ra sao!Vậy là cái tên Nguyễn Đức Toàn mười mấy năm hiện diện trên bia khắc bây giờ không còn nữa! Cũng lại là một chuyện bi hài! Và cũng từ "mùa hè đỏ lửa" tháng 4-1972 không ai rõ được số phận của chiến sĩ Nguyễn Đức Toàn!

Vĩ thanh: Xe 377 bị bắn cháy tại vòng rào kẽm gai đầu sân bay dã chiến Phượng Hoàng, gần ngầm sông Pô Kô (ngay ven đường Hồ Chí Minh ngày nay) sáng sớm ngày 24-4-1972. Sau 5 năm dãi dầm mưa nắng, năm 1977 xe được ngành văn hóa - Thông tin huyện Đăk Tô cho kéo về Bảo tàng huyện. Năm 1995 xe 377 được đưa ra trưng bày ở cụm tượng đài chiến thắng. Người dân Đăk Tô, và hơn ai hết là những người công tác ngành Văn hóa - Thông tin huyện, như trong một lần trò chuyện tại cơ quan, đều biết và nhớ cái ngày kéo 377 từ khu vực gọi là "Bảo tàng" (vì thực ra là một bãi đất hoang trống ngoài trời) là cả một sự... lạ lùng đến độ khó tin (!): Xe không chịu nhúc nhích một ly nào, thậm chí mấy lần đứt bung cả dây xích sắt dùng để kéo! Theo sự gợi ý, những người tổ chức bèn bày lễ vật cúng kính thành khẩn trang trọng xong thì xe được kéo chạy ro ro về điểm tập kết như ngày nay! Hóa ra đây hoàn toàn không hề là duy tâm hay dị đoan gì cả, mà chính là anh linh các anh vẫn hiển linh mãi mãi cùng xe 377!

Và vẫn đấy, ngày nay trên đường thiên lý Hồ Chí Minh, khi ngang qua thị trấn Đăk Tô, nếu ai biết và để ý, sẽ nhìn thấy xe 377 vẫn uy nghiêm dưới chân tượng đài Chiến thắng như trầm tư hồi nhớ thuở kiêu hùng.

                                                                                                                           Tạ Văn Sỹ

                                                                                                                              (5-2010)


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: bob trong 11 Tháng Bảy, 2010, 03:47:13 pm
Ồ, năm 1972 khi ta tiến công sân bay Tân Cảnh vẫn còn thấy ít nhất là 1 chiếc AH-1 ở đó. Ảnh đây:

(http://i614.photobucket.com/albums/tt226/trandoan/217.jpg)
- đúng như bác dongadoan nói, năm 1972 khi ta tấn công Đăc tô-Tân cảnh tôi quan sát thấy còn các loại máy bay sau:
 - Máy bay đánh bom: A37, F4, F5, AD6. Máy bay C130, C47 thả đèn dù và bắn đại liên (nhiều nòng), Đạn 40 ly vào ban đêm. Máy bay trinh sát: L19, OV10, Utiti (cán gáo).  Máy bay trực thăng vũ trang các loại: UH1. AH1. trực thăng vận tải : CH47, CH34. và MB chiến lược B52 (rải thảm).
 - Chiến dịch xuân hè Năm 1972 Bob tôi đang ở D cao xạ của E40. đi phối thuộc với E66 đánh Tân cảnh nên nhớ khá rõ.
- Chỉ Sau hiệp định Pari( từ 1973 đến 1975) thì còn các loại sau:   
 MB đánh bom chỉ thấy AD6 và A 37.
 MB trinh sát: L19.
 MB trực thăng: UH1 và CH47. 
(còn các loại khác tôi không thấy xuất hiện nữa).
- Về cái AH-1 Cobra. Các bác nói ở trên thì theo tôi biết năm 1972 anh em cao xạ chúng tôi vẫn gọi "cá lẹp" (Vì UH1 Bầu bĩnh giống con nòng nọc, còn AH1 gầy ốm mình mỏng như con cá Lẹp) Mỹ vẫn dùng. 
 


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: tamking trong 11 Tháng Bảy, 2010, 03:49:38 pm
Bác Bob có thể nói nhiều hơn về sự đối kháng , thiệt hại giữa AH-1 và quân ta  ạ  ;D


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: bob trong 12 Tháng Bảy, 2010, 11:37:05 am
Bác Bob có thể nói nhiều hơn về sự đối kháng , thiệt hại giữa AH-1 và quân ta  ạ  ;D
-Tôi nhớ lại: Mờ sáng hôm đó (24/4/1972), sau những loạt pháo kích dồn dập của ta vào căn cứ 42 của địch tại Tân cảnh (Kon tum). trong lúc bộ binh (E66) cùng xe tăng của ta đang tràn vào căn cứ rồi, chúng tôi vẫn chưa thấy máy bay xuất hiện (trận địa súng máy cao xạ 14,5mm của chúng tôi đặt ở ngay sau đội hình E66). - Nhưng khi trời sáng rõ thì mới thấy máy bay xuất hiện, và suốt ngày hôm đó và những ngày sau nữa chúng tôi được chứng kiến nhiều loại máy bay của Mỹ tham chiến.
- Chiếc máy bay đầu tiên có mặt là L19, khi đến khu vực Tân cảnh là chao liệng, nghiêng ngó và lập tức bị pháo cao xạ 57 của ta bắn, hắn (L19) lảng ra xa. lát sau thấy A37 bay quần đảo trên cao. Bất thình lình L19 bổ nhào xuống phóng vào khu vực khẩu 57 một quả pháo khói (trắng) thế là hai chiếc A37 thay nhau bổ nhào ném bom vào trân địa pháo 57ly của ta. Cùng lúc đó chúng tôi thấy cả bầy trực thăng các loại (hàng chục chiếc có cả loại mập: UH1, và loại gầy: AH1) bay quần đảo xa xa.
- Khi tốp A37 đánh hết bom bay đi thì cả bầy trực thăng ào tới, chúng bay rất thấp vừa bay vừa phóng rốc két xuống ngay khu vực cửa mở của bộ binh ta. Lúc này bộ binh và xe tăng ta đang tung hoành bên trong căn cứ rồi. Không biết bộ binh và xe tăng ta có bị thiệt hại gì không. nhưng Thời cơ diệt máy bay bay thấp là của đơn vị Bob tui. Hai khẩu 14,5ly thi nhau nhả đạn vào trực thăng, ngay những loạt đạn đầu đơn vị tôi đã bắn cháy 2 chiếc và chúng rơi tại chỗ chỉ cách trận địa của tôi chừng vài trăm mét. Những chiếc khác vội bốc lên cao và lảng ra xa. và khi trực thăng lảng ra xa thì A37 ném bom lại xuất hiện. lần này A37 bổ nhào ném bom ngay trước cửa mở của bộ binh... Khu vự này chỉ cách trận địa của chúng tôi chừng ba , bốn trăm mét. Bởi vậy khi máy bay A37 bổ nhào cắt bom rồi khi ngóc lên lướt qua đầu chúng tôi rất gần. Và một lần như thế khẩu đội 14,5ly đã bắn trúng đích khi nó (A37) chưa kịp ngóc đầu lên. lửa bùng lên Phi công nhảy dù và máy bay rơi ngay cạnh đường 14 (gần cầu Diên bình). Khi phi công còn lơ lửng trên không thì tốp trực thăng khi nãy từ đâu xuất hiện bay như quây tròn lấy tên phi công, vừa bay vừa bắn loạn xạ xuống dưới. Khi viên phi công nhảy dù vừa tiếp đất thì ngay lập tức một chiếc UH1 cũng đáp xuống cứu phi công. nhưng bộ đội ta (ở khu vực gần cầu Diên bình) đã bắn cháy máy bay và bắt sống viên phi công này.         


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: tamking trong 12 Tháng Bảy, 2010, 11:43:44 am
bắn rơi 2 chiếc : UH-1 hay AH-1 ạ  ???

theo như bác kể, các khẩu đội 57 ly chắc có thương vong hay mất cả người lẫn súng :'(

đơn vị bác có thiệt hại chứ ạ ? cháu hình dung có sự đối kháng tay đôi giữa 12.7 , 14.5 của ta với trực thăng có đúng không,  và nếu có thì kết quả ra sao  ???

cá nhân bác đánh giá vai trò của không quân VNCH và Mĩ trong trận đánh căn cứ Tân Cảnh như thế nào ạ, có lợi hại như phía bên kia vẫn rêu rao  ::)


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: tamhang59 trong 12 Tháng Bảy, 2010, 01:15:50 pm
Bạn Napoléon nói đúng. Năm 1972, AH-1 vẫn nằm trong danh sách vũ khí hạn chế chuyển giao cho nước ngoài do UBQP hạ viện Hoa Kỳ quy định. Chỉ có Israel và một số nước NATO được hưởng đặc ân này. Mấy chiếc trực thăng bắn xe tăng ta ở Đắc Tô-Tân Cảnh năm 1972 là HU-1A và UH-1. Tuy nhiên, các rocket của quân đội Sài Gòn không phải loại TOW hay đạn Sabot  mà chỉ là đạn Heat nên không thể xuyên được vỏ giáp của T-54. Có 2 chiếc ZSU-57 của ta bị trúng đạn Heat nên chỉ thiệt hại về người, pháo hư hỏng nhẹ có thể sửa chữa được. Các T-54 của ta trong trận Bắc Tây Nguyên 1972 đều bị thương vong bởi LAW M-72 hoặc bom từ A-37 chứ không phải do hỏa tiễn từ trực thăng. Các phi công của VINAF đã "báo cáo xạo" để tranh công với bộ binh.  


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: rongxanh trong 12 Tháng Bảy, 2010, 01:34:48 pm
Cái này đã được gọi là tow chưa  ;)
#58



Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: rongxanh trong 12 Tháng Bảy, 2010, 01:54:35 pm
tiếp  ;)



Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: rongxanh trong 12 Tháng Bảy, 2010, 01:55:23 pm
tiếp...



Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: tamking trong 12 Tháng Bảy, 2010, 02:56:29 pm
Bạn Napoléon nói đúng. Năm 1972, AH-1 vẫn nằm trong danh sách vũ khí hạn chế chuyển giao cho nước ngoài do UBQP hạ viện Hoa Kỳ quy định. Chỉ có Israel và một số nước NATO được hưởng đặc ân này. Mấy chiếc trực thăng bắn xe tăng ta ở Đắc Tô-Tân Cảnh năm 1972 là HU-1A và UH-1. Tuy nhiên, các rocket của quân đội Sài Gòn không phải loại TOW hay đạn Sabot  mà chỉ là đạn Heat nên không thể xuyên được vỏ giáp của T-54. Có 2 chiếc ZSU-57 của ta bị trúng đạn Heat nên chỉ thiệt hại về người, pháo hư hỏng nhẹ có thể sửa chữa được. Các T-54 của ta trong trận Bắc Tây Nguyên 1972 đều bị thương vong bởi LAW M-72 hoặc bom từ A-37 chứ không phải do hỏa tiễn từ trực thăng. Các phi công của VINAF đã "báo cáo xạo" để tranh công với bộ binh.  
Có cái hình của bác Đoàn mà bác nói thế thì.... ;D
Mình mở Topic này k phải để làm rõ sự có mặt của AH-1 và Tow ở Việt Nam ( bởi mình biết là có ) mà là tìm hiểu xem riêng trong Chiến dịch Tây Nguyên 1972 có AH-1 bắn cháy T hay không , xa hơn là mình tìm hiểu cách đối phó với Gun Ship của đội hình TTG

Gunship là thứ rất khó chịu với đội hình thiết giáp - nhất là đối với tăng thiết giáp đã lạc hậu , trang bị kém, trong chiến tranh vùng Vịnh 1991, các Apache đã hạ rất nhiều xe tăng I-rắc mà gặp rất ít thiêt hại


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: tamking trong 12 Tháng Bảy, 2010, 03:13:10 pm
Các câu chuyện về AH-1 trong chiến tranh Việt Nam có sức hút lớn với mình

Nếu không lầm thì AH-1 tham chiến lần đầu chính là Chiến tranh Việt Nam, lúc trước trên TTVNOL có câu chuyện kể về 2 AH-1 bắn hạ 3 trận địa 12.7 của ta và cũng chết 1 chiếc; có bạn còn nói một trận đánh, quân ta đang truy kích VNCH thì AH-1 xuất hiện và gây thương vong lớn cho quân ta

các cựu binh VNCH thì mô tả trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào, khi UH - 1 bay thấp đổ quân thì AH -1 bay cao hơn, quần thảo bảo vệ điểm tập kết, hỏa lực trên AH-1 vô cùng mạnh:  Gatting, rocket 2.75 ( họ bảo vậy ) nó đóng vai trò chiến đấu thuần túy chứ không lai như UH-1, đến năm 1972 thì bắn hạ xe ta

chi tiết bắn hạ nói là bắn hạ bằng TOW nhưng khẩu minigun phía trước bắn đạn xuyên lõi cứng thì sao nhỉ  ;) - không rõ AH -1 có giống A-10 Thunderbolt ở chỗ bắn đạn xuyên lõi Urani không??

và chiến sự năm 1972 thì hình như AH-1 chỉ đánh nhau ở Tây Nguyên, còn Quảng Trị và An Lộc ???


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: bob trong 12 Tháng Bảy, 2010, 03:48:26 pm
bắn rơi 2 chiếc : UH-1 hay AH-1 ạ  ???

theo như bác kể, các khẩu đội 57 ly chắc có thương vong hay mất cả người lẫn súng :'(

đơn vị bác có thiệt hại chứ ạ ? cháu hình dung có sự đối kháng tay đôi giữa 12.7 , 14.5 của ta với trực thăng có đúng không,  và nếu có thì kết quả ra sao  ???

cá nhân bác đánh giá vai trò của không quân VNCH và Mĩ trong trận đánh căn cứ Tân Cảnh như thế nào ạ, có lợi hại như phía bên kia vẫn rêu rao  ::)
- Hai chiếc trực thăng bị bắn rơi ở Tân cảnh, tôi nhớ không lầm thì là UH-1.
- Khẩu 57ly, chắc bị thiệt hại khá nặng. vì tôi thấy ban sáng khi máy bay xuất hiện các bác (57) bắn rất rất đều: nhưng khi máy bay tập trung "chơi" bác mấy loạt thì thấy bác "im" luôn.
- Còn đơn vị tôi (Bob) Súng nhỏ, ngụy trang kỹ. bắn điểm xạ ngắn. máy bay không phát hiện được nên trận này (Tân cảnh) thắng lớn (được trên công nhận bắn rơi 7 máy bay có 3 cái rơi tại chỗ).Dơn vị không bị thiệt hại gì lớn . Chỉ mấy đ/c bị thương, nhưng không phải bom đạn máy bay. mà do đạp phải mìn...
- Cá nhân tôi đánh giá vai trò không quân VNCH và Mĩ trong trận này (riêng trận Tân cảnh): - Ít hiệu quả. không phát huy được ưu thế của không quân. (trong khi đối phương không có).
 Bằng chứng là: 1/ Không khống chế được hỏa lực (pháo các loại) của quân giải phóng (QGP).
                      2/ Không ngăn chặn được xe tăng + bộ binh (khi QGP tấn công) - Thực tế trận Tân cảnh Xe tăng + bộ binh ta đã làm chủ căn cứ (6h sáng) rồi máy bay mới xuất hiện.
                       3/ Trận này chúng tôi có thấy trực thăng bắn "rốc két" không biết có phải là TOW như các bác nói không. Nhưng ở Tân cảnh năm 1972 Bob tôi không thấy chiếc Tăng nào của ta bị cháy bởi "rốc két".


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: dongadoan trong 12 Tháng Bảy, 2010, 05:08:28 pm
Hai bạn tamking và tamhang59 đang rơi vào tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt" đấy! ;D

- Bạn tamking muốn nói đến sự tham chiến của AH-1 trong CZ Bắc TN năm 1972.

- Bạn tamhang59 đang nói về sở hữu AH-1 trong VN war (theo cách gọi của Mỹ).

Tóm lại, AH-1 có tham chiến tại VN nhưng do phi công Mỹ lái, lính Mỹ bóp cò súng, phóng TOW,... và nó thuộc quyền sở hữu của Mỹ chứ không phải của VNCH.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: lixeta trong 12 Tháng Bảy, 2010, 05:25:56 pm
   Nói cho công bằng, trước khi HĐ Pa- ri được ký kết thì không quân của Mỹ- ngụy là rất mạnh và là mối đe dọa lớn đối với quân ta- trong đó có TTG.
   Chính vì vậy (cộng với một số lý do khác nữa) nên quân ta thường chọn thời gian tiến công là sẩm tối hoặc gần sáng để hạn chế bớt khả năng tác chiến của các loại máy bay địch (thời đó, các thiết bị nhìn đêm chưa phát triển như hiện nay, khả năng bắt bám mục tiêu của các tên lửa chống tăng cũng còn hạn chế). Trận Tân Cảnh là một ví dụ, ta bắt đầu tiến công lúc 04.00, đến 06.00 máy bay địch mới mò lên như bác Bob nói vì thực ra có lên sớm thì cũng không làm ăn được gì (trừ bọn AC 130). Thực tế sau này cho thấy, các trận đánh diễn ra vào ban ngày, lực lượng của ta bị tổn thất khá nhiều do không quân địch. Chẳng hạn trận đánh 543 lần 2 trong CZ D9- Nam Lào, cT7 mất 6/10 xe trên đường cơ động vào chiến đấu.
   Tuy nhiên, các loại trực thăng hồi đó không mấy khi diệt được xe tăng.  Trong tất cả các chiến lệ của bộ đội TTG chỉ ghi nhận một trường hợp duy nhất xe tăng bị địch dùng trực thăng vũ trang bắn cháy. Đó là trong trận tiến công TX Kon Tum. Vào ngày 26.5.72, khi trận đánh gặp khó khăn phải tạm dừng, cT7 (chính là cT đã bị tổn thất ở 543 và tham gia dánh Đắc Tô- TâN Cảnh thắng lợi) đã phải giấu xe trong một khu nhà mái tôn. Song đến 10.00 bị "máy bay trực thăng vũ trang của địch phát hiện, dùng tên lửa bắn cháy 2 xe số 902 và 903" (Sách Một số trận đánh của bộ đội TTG tập III, tr 201). Rất tiếc ở đây không ghi rõ loại máy bay nào và tên lửa gì.
   Còn hiện tại, bộ đội TTG vẫn đánh giá TLCT trên TT vũ trang là mối de dọa rất lớn đối với TTG.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: rongxanh trong 12 Tháng Bảy, 2010, 09:36:46 pm
   Nói cho công bằng, trước khi HĐ Pa- ri được ký kết thì không quân của Mỹ- ngụy là rất mạnh và là mối đe dọa lớn đối với quân ta- trong đó có TTG.
   Chính vì vậy (cộng với một số lý do khác nữa) nên quân ta thường chọn thời gian tiến công là sẩm tối hoặc gần sáng để hạn chế bớt khả năng tác chiến của các loại máy bay địch (thời đó, các thiết bị nhìn đêm chưa phát triển như hiện nay, khả năng bắt bám mục tiêu của các tên lửa chống tăng cũng còn hạn chế). Trận Tân Cảnh là một ví dụ, ta bắt đầu tiến công lúc 04.00, đến 06.00 máy bay địch mới mò lên như bác Bob nói vì thực ra có lên sớm thì cũng không làm ăn được gì (trừ bọn AC 130). Thực tế sau này cho thấy, các trận đánh diễn ra vào ban ngày, lực lượng của ta bị tổn thất khá nhiều do không quân địch. Chẳng hạn trận đánh 543 lần 2 trong CZ D9- Nam Lào, cT7 mất 6/10 xe trên đường cơ động vào chiến đấu.
   Tuy nhiên, các loại trực thăng hồi đó không mấy khi diệt được xe tăng.  Trong tất cả các chiến lệ của bộ đội TTG chỉ ghi nhận một trường hợp duy nhất xe tăng bị địch dùng trực thăng vũ trang bắn cháy. Đó là trong trận tiến công TX Kon Tum. Vào ngày 26.5.72, khi trận đánh gặp khó khăn phải tạm dừng, cT7 (chính là cT đã bị tổn thất ở 543 và tham gia dánh Đắc Tô- TâN Cảnh thắng lợi) đã phải giấu xe trong một khu nhà mái tôn. Song đến 10.00 bị "máy bay trực thăng vũ trang của địch phát hiện, dùng tên lửa bắn cháy 2 xe số 902 và 903" (Sách Một số trận đánh của bộ đội TTG tập III, tr 201). Rất tiếc ở đây không ghi rõ loại máy bay nào và tên lửa gì.
   Còn hiện tại, bộ đội TTG vẫn đánh giá TLCT trên TT vũ trang là mối de dọa rất lớn đối với TTG.

Đây là ghi chép của phía Mỹ về trận dùng TOW trên máy bay AH 1tấn công tại Kon tum ngày 26/5/1972 từ lúc 06h55 đến 12h50. Nhiệm vụ là tấn công vào lực lượng thiết giáp Quân đội ND VN đang hỗ trợ các lực lượng mặt đất tấn công vào thị xã Kontum. Mục tiêu tấn công của AH1 là Xe tăng, thiết giáp, cối, bộ binh, vũ khí phòng không ...



Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: rongxanh trong 12 Tháng Bảy, 2010, 10:33:43 pm
Cũng theo ghi chép trên, phi công AH1G thuộc đơn vị "C" Trp 3/17 CAV đã ở chiến trường Di an (DĨ AN) và Quảng TRị từ 9/1969 đến 9/1970, với 1377 giờ bay.

Về trận chiến ngày 26 - 27/5:

Sáng 26/5, quân VN tung ra khoảng 4000 quân, cùng với 10 - 12 xe tăng tấn công thành phố Komtum. TOW đã tiêu diêt 10 xe tăng quân VN trong vài giờ đầu. TOW tiêu diệt 10 xe tăng, 1 lô cốt, 1 xe tải, và 2 súng máy đặt trên tháp nuớc.

Ngoài ra còn ghi nhận, ngày 14/5 khi 2 T54 vuợt sông ở Tây bắc kontum, 1 chiếc đang ở giữa sông, 1 chiếc khác chuẩn bị vượt sông. TOW đã tiêu diệt xe ở giữa sông, tổ lái xe thứ 2 đã bỏ xe, và sau đó cũng bị TOW tiêu diệt.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: tamking trong 13 Tháng Bảy, 2010, 04:59:57 pm
10 xe tăng , bằng số xe T-54 mà mỗi sư được tăng cường khi đánh KonTum, như vậy là  AH1G thuộc đơn vị "C" Trp 3/17 CAV đã diệt toàn bộ tăng của 1 sư ta, có thêm chi tiết về địa điểm hay đơn vị phe ta được phía bên kia ghi nhận không bác Rồng Xanh - để biết đó là mũi tấn công của sư nào  ???

Ngày 13 tháng 5, mạng lưới do thám điện đài (SIGINT) của Mỹ chặn bắt được bức điện của Bộ Tư lệnh B3: "Mũi tấn công hướng Bắc - Sư đoàn 2 - stop - hướng Tây Bắc - sư đoàn 320 - stop - Tăng cường mỗi sư đoàn 10 T54 - stop - G - 05h00 - stop - N - 14-5 - stop".

 ngoài ra, liệu 10 chiếc đó toàn bộ là T-54 hay có lẫn PT-76, trước đó , họ nói ngày 24/3 có 3 PT-76 bị AH-1 hạ :

Chiều 24 tháng 3, thêm 12 xe thiết giáp của QLVNCH bị diệt trong đó có 2 chiếc M-41 bị 2 chiếc T-54 hạ tại Đắc Tô. QĐNDVN mất 3 xe tăng PT-76 ở Đắc B'Rung do trúng tên lửa TOW từ máy bay AH-1 Cobra.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_B%E1%BA%AFc_T%C3%A2y_Nguy%C3%AAn_1972 (http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_B%E1%BA%AFc_T%C3%A2y_Nguy%C3%AAn_1972)


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: rongxanh trong 13 Tháng Bảy, 2010, 05:59:06 pm
10 xe tăng , bằng số xe T-54 mà mỗi sư được tăng cường khi đánh KonTum, như vậy là  AH1G thuộc đơn vị "C" Trp 3/17 CAV đã diệt toàn bộ tăng của 1 sư ta, có thêm chi tiết về địa điểm hay đơn vị phe ta được phía bên kia ghi nhận không bác Rồng Xanh - để biết đó là mũi tấn công của sư nào  ???

Ngày 13 tháng 5, mạng lưới do thám điện đài (SIGINT) của Mỹ chặn bắt được bức điện của Bộ Tư lệnh B3: "Mũi tấn công hướng Bắc - Sư đoàn 2 - stop - hướng Tây Bắc - sư đoàn 320 - stop - Tăng cường mỗi sư đoàn 10 T54 - stop - G - 05h00 - stop - N - 14-5 - stop".

 ngoài ra, liệu 10 chiếc đó toàn bộ là T-54 hay có lẫn PT-76, trước đó , họ nói ngày 24/3 có 3 PT-76 bị AH-1 hạ :

Chiều 24 tháng 3, thêm 12 xe thiết giáp của QLVNCH bị diệt trong đó có 2 chiếc M-41 bị 2 chiếc T-54 hạ tại Đắc Tô. QĐNDVN mất 3 xe tăng PT-76 ở Đắc B'Rung do trúng tên lửa TOW từ máy bay AH-1 Cobra.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_B%E1%BA%AFc_T%C3%A2y_Nguy%C3%AAn_1972 (http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_B%E1%BA%AFc_T%C3%A2y_Nguy%C3%AAn_1972)


Theo như tài liệu em xem, thì đơn vị đó bắt đầu test TOW từ ngày 30/4/1972, tham chiến thật sự ngày 1/5/1972 tại nam Kontum.
Đơn vị này được triển khai tại VN vào ngày 22/4/1972. Ngày 15/4/1972 đơn vị này nhận được báo động chiến đấu và chẩun bị qua VN tham chiến.
Đơn vị lắp ráp TOW trên 2 máy bay (ko nói loại) tại sân bay Tân SƠn Nhất, sau đó 26/4 chuyển đến Long Bình.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: lixeta trong 14 Tháng Bảy, 2010, 10:14:05 am
    He..He...!
   Đọc bài của anh TVS, có cảm tưởng anh này đang "nịnh" bác HT- CTHNVVN thì phải. Hỏi bác Guc thì ra TVS là một nhà thơ!
    Không biết TVS lấy tư liệu ở đâu mà bảo cho đến tận khi bác HT vào đến TN (cuối năm 74, HT là trợ lý TH của Phòng chính trị BC, theo đoàn công tác của BTL vào nắm tình hình các đơn vị TTG phía nam, có đi qua 273 vào khoảng tháng 12.74 và 01.75) thì hài cốt của kíp xe 377 mới được thu gom và mai táng?
   Nếu đúng như vậy thì cái tiểu đoàn 297 đó, cái trung đoàn 273 đó cùng với những người còn sống ở đơn vị đó thật quá thiếu trách nhiệm với đồng đội! Đáng trách thay! Còn bác HT nhà ta theo TVS nói thì quả thạt là một người có tâm.   
    Nhưng liệu nhúm tro tàn đã bị thiêu bởi ngọn lửa hàng nghìn độ liệu có còn tồn tại được sau mấy mùa mưa nắng cao nguyên? Không biết ông TVS có biết đến điều này mà dám viết vậy.
    Sự thật, sau chiến đấu, đơn vị đã cho người quay lại chiến trường để cấp cứu thương binh, mai táng liệt sĩ và cứu kéo sửa chữa xe hỏng. Chuyện này đã được anh QT ghi lại sơ lược. Còn đây là lời kể của đc Trần Huy Cương, nguyên at sửa chữa của đại đội CX tự hành 53, cùng tham gia chiến đấu tại ĐT- TC năm đó- bài đăng trên tờ tin TTG tháng 6.2005:
   "... Có một công việc mà cả đời tôi không thể nào quên được, đó là vào buổi sáng ngày 01.5.72, chúng tôi gồm 4 người do tôi chỉ huy được lệnh đi thu hài cốt của kíp xe tăng đã hy sinh trong xe tăng số 377. Trước khi đi, anh Nguyễn Xuân Trường, quê ở Sơn Tây lúc đó là ctv phó đại đội đã giao nhiệm vụ cụ thẻ cho nhóm công tác, chỉ rõ những việc phải làm và vị trí xe 377 bị bắn cháy.... Chúng tôi cử một đồng chí cảnh giới bên ngoài, còn lại chui vào trong xe. Lòng xe tan hoang và đầy tro tàn, lúc này cả 3 chúng tôi đều lặng người đi. Tim tôi nhói đau, nước mắt dàn dụa vì vừa thương tiếc, vừa cảm phục sự hy sinh anh dũng của các anh. Sau ít phút chúng tôi trấn tĩnh và bắt đầu thu gom. Chúng tôi dùng những tấm bìa các- tông dược chuẩn bị trước quạt hết lớp bụi than mỏng, gạt bỏ các vật kim loại bị cháy ra ngoài và thu gom tro hài cốt của các anh thật kỹ rồi trân trọng đặt vào tấm ny- lon mang theo. Sau một giờ thu gom xong chúng tôi gói buộc cẩn thận rồi đặt vào ba lô và cõng đưa các anh về đơn vị tổ chức mai táng.... Chúng tôi chia hài cốt các anh làm bốn phần đều nhau, mỗi phần được bọc trong lớp vải trắng, rồi lớp vải đen, một tấm ny- lon và đặt vào túi đựng thi hài... Khi an táng, chúng tôi cũng đắp đất cao như các ngôi mộ bình thường và đóng lên mỗi ngôi mộ một tấm biển bằng ống đựng bơ của Mỹ dòng chữ "Phần mộ của chiến sỹ xe tăng 377, đại đội 7, dT297". Sở dĩ các ngôi mộ không có tên đày đủ vì chúng tôi ở đơn vị khác và chỉ biết tên của đòng chí bt Nguyễn Nhân Triển. Bốn ngôi mộ của các anh được an táng trên ngọn đồi phía đông- bắc TT Tân Cảnh, ngay cạnh nơi những chiếc xe chúng tôi đang giấu..."
   Xin nói thêm một chút: cT7 ngay sau trận ĐT- TC lại được giao nhiệm vụ củng cố xe pháo để cơ động vào tham gia tiến công TX Kon Tum. Mặt khác, 1 cT thường rất ít người nên nhiệm vụ thu gom LS được tiểu đoàn giao cho a sửa chữa của cCXTH cùng tiểu đoàn đảm nhiệm.
   Chẳng biết anh TVS có đọc được những dòng này không?
   


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: qtdc trong 14 Tháng Bảy, 2010, 10:43:36 am
Chuyện này xuất phát từ một bài trên blog của bác VCH. Có một còm sỹ đã thắc mắc trên đó bác Lixeta ạ. Bác TVS chỉ nói thêm và giải thích rõ hơn cho bà con hiểu thôi mà. Bác HT thì đang đi kiếm phiếu. Bác Lixeta sang đấy giải độc cho bà con một cái.


Tiêu đề: Re: Xe tăng 377 và những người Anh hùng chưa được tôn vinh(Trận Đăk Tô-Tân Cản
Gửi bởi: napoleon trong 14 Tháng Bảy, 2010, 11:34:30 am
    Nhưng liệu nhúm tro tàn đã bị thiêu bởi ngọn lửa hàng nghìn độ liệu có còn tồn tại được sau mấy mùa mưa nắng cao nguyên? Không biết ông TVS có biết đến điều này mà dám viết vậy.
    ...Chẳng biết anh TVS có đọc được những dòng này không?
Hê hê!
Em đăng lại bài của bác TVS vì thấy kể về bác HT như vậy ;D, sự thật thì như bác đã trao đổi. Tuy nhiên lịch sử có nhiều chỗ cần phải được giải độc như: hình ảnh xe 377 chính là cảm xúc để bác HT sáng tác bài thơ, bác DN phổ nhạc ca khúc " Năm anh em trên một chiếc xe tăng" đến nay vẫn có người nhầm lẫn. Thậm chí năm 2009 một bác đứng đầu ngành VH tỉnh Kon Tum cũng đã phải viết bài để giải độc rồi. Bác VCH là nhà thơ thì bác ấy viết theo cảm xúc nghệ thuật, tuy nhiên lịch sử thì cần phải được trân trọng!
Rồi thì 377 nằm lại ở Đăk Tô từ 1972, nhưng có bác vẫn kể là đem ra ngoài Bắc để sửa chữa. Thực tế 377 được kéo về nhà bảo tàng huyện(đường vào ngay cạnh Bưu điện huyện) từ 1977-1995 là nguyên bản, sau đó mới sửa chữa(sơn lại, thay xích...) và đưa ra đài tưởng niệm.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: bob trong 15 Tháng Bảy, 2010, 08:23:31 am
-Như tài liệu mà bác rongxanh dẫn thì thời điểm diễn ra chiến dịch Đăk tô - Tân cảnh tháng 4/1972 chưa có TOW? Nhưng thực tế trong trận này (Tân cảnh), rồi trận Plâycần(đầu tháng 5/1972) Bob tôi thấy Trực thăng AH-1 đã bắn rốc két khá nhiều. Tôi không rành về vũ khí trang bị của máy bay không biết loại rốc két đó có phải TOW không, Nhưng thấy trực thăng vũ trang (AH-1) "Xịt" Rốc két khá nhiều. Mỗi lần chúc xuống xoẹt..xoẹt là từ hai bên giàn ngang MB phóng ra từ hai  đến bốn quả. (vì mỗi quả để lại một vệt khói đen dài).
-Qua tháng 5,6/1972 khi đơn vị tôi đánh vào thị xã Kon tum nghe anh em kể lại: trực thăng vũ trang AH-1 "uy hiếp" quân ta khá hiệu quả. (trước trận tôi bị thương nên không có mặt ở trận này.)


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: OldBuff trong 15 Tháng Bảy, 2010, 10:32:31 am
-Như tài liệu mà bác rongxanh dẫn thì thời điểm diễn ra chiến dịch Đăk tô - Tân cảnh tháng 4/1972 chưa có TOW? Nhưng thực tế trong trận này (Tân cảnh), rồi trận Plâycần(đầu tháng 5/1972) Bob tôi thấy Trực thăng AH-1 đã bắn rốc két khá nhiều. Tôi không rành về vũ khí trang bị của máy bay không biết loại rốc két đó có phải TOW không, Nhưng thấy trực thăng vũ trang (AH-1) "Xịt" Rốc két khá nhiều. Mỗi lần chúc xuống xoẹt..xoẹt là từ hai bên giàn ngang MB phóng ra từ hai  đến bốn quả. (vì mỗi quả để lại một vệt khói đen dài).
-Qua tháng 5,6/1972 khi đơn vị tôi đánh vào thị xã Kon tum nghe anh em kể lại: trực thăng vũ trang AH-1 "uy hiếp" quân ta khá hiệu quả. (trước trận tôi bị thương nên không có mặt ở trận này.)

Như bác mô tả thì những chiếc UH-1/AH-1 đó đang dùng pháo phản lực Hydra 70.

Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW trang bị cho máy bay trực thăng UH-1B được Chi đội bay chiến đấu số 1 thuộc Bộ tư lệnh Tên lửa và Máy bay lục quân Mỹ đưa đến thử nghiệm trên chiến trường Việt Nam vào ngày 24/4/1972. Theo quân sử của Lục quân Mỹ, trong tháng 5/1972, chi đội thử nghiệm này đã tham gia các trận đánh quanh An Lộc, Bến Hét và Kon Tum với chiến tích diệt 24 tăng thiết giáp của ta.

Dưới đây là một số ảnh tư liệu về chi đội này được đăng trên www.militaryphotos.net

(http://img26.imageshack.us/img26/7662/uh1tow01.jpg)

(http://img15.imageshack.us/img15/9884/uh1tow02.jpg)

(http://img15.imageshack.us/img15/5941/uh1tow03.jpg)

(http://img15.imageshack.us/img15/6951/uh1tow04.jpg)

(http://img142.imageshack.us/img142/9794/uh1tow05.jpg)

(http://img15.imageshack.us/img15/9392/uh1tow06.jpg)


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: rongxanh trong 15 Tháng Bảy, 2010, 11:41:25 am
-Như tài liệu mà bác rongxanh dẫn thì thời điểm diễn ra chiến dịch Đăk tô - Tân cảnh tháng 4/1972 chưa có TOW? Nhưng thực tế trong trận này (Tân cảnh), rồi trận Plâycần(đầu tháng 5/1972) Bob tôi thấy Trực thăng AH-1 đã bắn rốc két khá nhiều. Tôi không rành về vũ khí trang bị của máy bay không biết loại rốc két đó có phải TOW không, Nhưng thấy trực thăng vũ trang (AH-1) "Xịt" Rốc két khá nhiều. Mỗi lần chúc xuống xoẹt..xoẹt là từ hai bên giàn ngang MB phóng ra từ hai  đến bốn quả. (vì mỗi quả để lại một vệt khói đen dài).
-Qua tháng 5,6/1972 khi đơn vị tôi đánh vào thị xã Kon tum nghe anh em kể lại: trực thăng vũ trang AH-1 "uy hiếp" quân ta khá hiệu quả. (trước trận tôi bị thương nên không có mặt ở trận này.)

Như bác mô tả thì những chiếc UH-1/AH-1 đó đang dùng pháo phản lực Hydra 70.

Tên lửa chống tăng BGM-71 TOW trang bị cho máy bay trực thăng UH-1B được Chi đội bay chiến đấu số 1 thuộc Bộ tư lệnh Tên lửa và Máy bay lục quân Mỹ đưa đến thử nghiệm trên chiến trường Việt Nam vào ngày 24/4/1972. Theo quân sử của Lục quân Mỹ, trong tháng 5/1972, chi đội thử nghiệm này đã tham gia các trận đánh quanh An Lộc, Bến Hét và Kon Tum với chiến tích diệt 24 tăng thiết giáp của ta.

Dưới đây là một số ảnh tư liệu về chi đội này được đăng trên www.militaryphotos.net

(http://img26.imageshack.us/img26/7662/uh1tow01.jpg)



COn số thống kê chi tiết (Có nhõn 16 cái của ta thôi cụ buff nhe  ;) ):



Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: tamking trong 15 Tháng Bảy, 2010, 12:07:54 pm
Ta bắt sống 8 M-41  :o ???


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: bob trong 15 Tháng Bảy, 2010, 02:09:09 pm
 chiếc trực thăng trong hình mà bác OldBuff post lên đó chúng tôi gọi là UH-1A. còn loại AH-1 trông gầy hơn có gắn giàn rốc két hai bên hông (Chúng tôi gọi là trực thăng vũ trang).


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: rongxanh trong 15 Tháng Bảy, 2010, 02:40:42 pm
Theo www.militaryphotos.net thì AH1 có :

AH-1G Huey Cobra: Vào VN tháng 9/1967

(http://www.dontgivvafuq.com/misc/pics/nam/ah1/ah-1_cobra_09.jpg)

The AH-1G entered the War in September 1967 an was also known under the nickname "Snake". Interesting is that it first was designated as UH-1G because it was build up on the UH-1 series but that was quickly changed to AH-1G for obvious reasons. This is also the reason why there is actually no G, J or any other model of the UH-1 with the same model letter then an AH-1. In fact the Cobra can be considered as a part of the big "Iroquoise" family.
It was generally equipped with the M28 Armament Subsystem. This system was a twin mount chin-turret which normally carried a M134 7.62mm minigun and a M129 40mm grenade launcher.


(http://www.dontgivvafuq.com/misc/pics/nam/ah1/ah-1_cobra_turret_01.jpg)

Some crews weren't satisfied with the aiming/shooting characteristics of the M129 grenade launcher and changed the loadout to two M134 miniguns.

(http://www.dontgivvafuq.com/misc/pics/nam/ah1/ah-1_cobra_turret_02.jpg)

The Cobra could be fitted with various wing-mounted weapon-systems like the four M200 19-tube rocket launchers for 2.75 inch rockets.

(http://www.dontgivvafuq.com/misc/pics/nam/ah1/ah-1_cobra_06.jpg)

Two M200 19-tube and two M158 seven-tube rocket launchers.

(http://www.dontgivvafuq.com/misc/pics/nam/ah1/ah-1_cobra_18.jpg)


AH-1J Sea Cobra: Vào VN tháng 3/1971

The AH-1J was only used by the USMC and entered combat in March 1971. Besides an engine and some other improvements the main change was the new three barrel XM-197 20mm mounted in the nose-turret.

(http://www.dontgivvafuq.com/misc/pics/nam/ah1/ah-1j_cobra_01.jpg)


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: bob trong 15 Tháng Bảy, 2010, 03:26:24 pm
-Đúng rồi cái loại "gầy" này (AH-1) chúng tôi hay gọi là "cá lẹp" đây. Lâu lắm rồi mới lại nhìn thấy. Loại này sau khi ký hiệp định Pa ri (27/1/1973) Mĩ mang về hết. Cảm ơn bác rồng nhá.
- Tôi nhớ: thường đi với trực thăng vũ trang (AH-1) có "chú nhóc" UTiti chúng tôi gọi là "cán gáo". là loại mb trinh sát, bay rất nhanh, rất linh hoạt: lúc thì bay trước, lúc bay sau, lúc cao, lúc thấp... nhưng khi phát hiện mục tiêu "cán gáo" chỉ thị (pháo khói) là "cá lẹp" nhào vô bắn đại liên, xịt hỏa tiễn không thương tiếc... (lọai này sau HĐ Pa ri cũng không thấy nữa). Bác rongxanh có hình của "cán gáo" pót lên luôn thể . xin cảm ơn bác nhiều.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: napoleon trong 15 Tháng Bảy, 2010, 08:53:51 pm
-Đúng rồi cái loại "gầy" này (AH-1) chúng tôi hay gọi là "cá lẹp" đây. Lâu lắm rồi mới lại nhìn thấy. Loại này sau khi ký hiệp định Pa ri (27/1/1973) Mĩ mang về hết. Cảm ơn bác rồng nhá.
- Tôi nhớ: thường đi với trực thăng vũ trang (AH-1) có "chú nhóc" UTiti chúng tôi gọi là "cán gáo". là loại mb trinh sát, bay rất nhanh, rất linh hoạt: lúc thì bay trước, lúc bay sau, lúc cao, lúc thấp... nhưng khi phát hiện mục tiêu "cán gáo" chỉ thị (pháo khói) là "cá lẹp" nhào vô bắn đại liên, xịt hỏa tiễn không thương tiếc... (lọai này sau HĐ Pa ri cũng không thấy nữa). Bác rongxanh có hình của "cán gáo" pót lên luôn thể . xin cảm ơn bác nhiều.
Anh em đang chờ loại "Cá lẹp" AH-1 này bắn cháy tank của ta không bác ạ, bác có tư liệu về vụ này không vậy? Có đoạn clip về trận ngày 26/5/1972:
http://www.youtube.com/watch?v=yrN_LkGNqII
Con Gunship này hỏa lực mạnh thật:
http://www.youtube.com/watch?v=nH-ky99AuH0&feature=related


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: lonesome trong 16 Tháng Bảy, 2010, 01:04:01 am
1 chú AH-1 được treo tại viện bảo tàng bên Mỹ

(http://farm5.static.flickr.com/4116/4794400440_cbf78e003d_b.jpg) (http://www.flickr.com/photos/stevenm_61/4794400440/sizes/o/in/pool-38653945@N00/)


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: bob trong 16 Tháng Bảy, 2010, 08:35:57 am
Anh em đang chờ loại "Cá lẹp" AH-1 này bắn cháy tank của ta không bác ạ, bác có tư liệu về vụ này không vậy? Có đoạn clip về trận ngày 26/5/1972:
http://www.youtube.com/watch?v=yrN_LkGNqII
Con Gunship này hỏa lực mạnh thật:
http://www.youtube.com/watch?v=nH-ky99AuH0&feature=related
- Tư liệu thì tôi không có. Nhưng coi qua mấy đoạn clip trên thì trên thực tế chiến dịch 1972 ở Tây nguyên tôi đã thấy ( tương tự). Trận Plâycần (Bến hét) đầu tháng 5/1972. Trận này ta có dùng xe tăng (không rõ số lượng mấy cái) nhưng tôi thấy xe tăng mình không vào được cửa mở. và còn nhìn thấy một chiếc tăng T54 bị cháy ngay trên đường nhựa gần đồi củ lạc (đường 18). đơn vị tôi (súng máy cao xạ 14,5mm) đi phối thuộc với E66 Chống chọi với máy bay các loại rât ác liệt. Riêng trực thăng, chúng tôi đã bắn rơi năm chiếc. Nhưng cũng bị chúng "xịt" cho tơi bời, khẩu 14.5 ly của chúng tôi bị bắn trúng không tháo ra được, phải bỏ lại trận địa (khi rút). trận này ta thiệt hại nặng nề.
- Phải nói thêm trân này VNCH và Mĩ chỉ có hỏa lực từ không quân. Pháo các loại ở rất xa không bắn tới được.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: OldBuff trong 16 Tháng Bảy, 2010, 09:40:30 am
"Cán gáo" của bác bob đây:

Trực thăng trinh sát chỉ điểm OH-6
(http://www.dontgivvafuq.com/misc/pics/nam/oh6/oh-6_and_uh-1.jpg)
(http://www.olive-drab.com/images/id_oh6_cayuse_02_700.jpg)


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: bob trong 16 Tháng Bảy, 2010, 10:27:07 am
- Chính xác. cám ơn bác rất nhiều.
- Nó giống cái gáo múc nước bác nhờ. Có lần Bob tui còn thấy nó luồn xuống khe núi rất thấp dừng hắn lại (đứng yên một chỗ) rồi đột ngột bốc lên cao. Là lính cao xạ nhưng tụi tui rất ngại gặp hắn (cán gáo OH6). Mà có gặp thì "im" luôn không giám bắn, ngụy trang cho kỹ. Thực tế đã dạy cho chúng tôi nhiều lần, bắn "cán gáo" mà không trúng thì có chuyện ngay...! Chỉ lát sau là trực thăng vũ trang AH-1, UH-1 kéo đến "như ruồi"...


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: Bodoibucket trong 16 Tháng Bảy, 2010, 10:30:46 am
Các bác đao cuốn này về xem nó nói AH-1 trong năm 1972 ra sao (trang 77):
http://rs439.rapidshare.com/files/280954019/AG41-US_Army_AH-1_Cobra_units_in_Vietnam.pdf


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: Bodoibucket trong 16 Tháng Bảy, 2010, 10:35:52 am

It was generally equipped with the M28 Armament Subsystem. This system was a twin mount chin-turret which normally carried a M134 7.62mm minigun and a M129 40mm grenade launcher.


(http://www.dontgivvafuq.com/misc/pics/nam/ah1/ah-1_cobra_turret_01.jpg)


Hình cụ thể hơn 1 chút:

(http://cA3.upanh.com/10.65.14202941.GOC0/AH1invietnamM129.jpg)


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: nkp trong 17 Tháng Bảy, 2010, 02:41:28 pm
Đây là ghi chép của phía Mỹ về trận dùng TOW trên máy bay AH 1tấn công tại Kon tum ngày 26/5/1972 từ lúc 06h55 đến 12h50. Nhiệm vụ là tấn công vào lực lượng thiết giáp Quân đội ND VN đang hỗ trợ các lực lượng mặt đất tấn công vào thị xã Kontum. Mục tiêu tấn công của AH1 là Xe tăng, thiết giáp, cối, bộ binh, vũ khí phòng không ...
Căn cứ vào những chi tiết trong bản “Báo Cáo Ngắn Công Tác,” chiếc trực thăng trong phi vụ này không phải là loại AH-1 Cobra. Chữ “AH” mà người pi công dùng trong bản báo cáo là chữ tắc của “Armed Helicopter” (Trực Thăng Võ Trang). Chúng ta biết chắc đây không phải là AH-1 Cobra, vì trong bản báo cáo, người phi công cho biết phi hành đoàn của chuyến bay là 3 người (Hixons; Whiteis; Evans, là danh hiệu truyền tin của 3 phi hành đoàn). Trực thăng AH-1 Cobra chỉ có 2 chổ ngồi. Một chi tiết khác là trực thăng trong phi vụ này xử dụng loại rocket (phi đạn) thông thường chứ không phải hỏa tiễn  TOW: quân lệnh liên hệ đến qui tắc xử dụng TOW không cho phép phi công dùng hỏa tiển đó để phá hủy một mục tiêu nào khác hơn là xe tăng (trong báo cáo, ta đọc thấy người phi công bắn vào xe hàng, lô cốt (bunker) hay một ổ đại liên đặt trên bồn nước (MG = machine gun = đại liên). Tình Thân, NKP.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: rongxanh trong 17 Tháng Bảy, 2010, 06:01:42 pm
Đúng, có lẽ là UH1, chứ không phải là AH1

Tất cả các mục tiêu trong báo cáo đó đều bị bắn bằng TOW. Đây là báo cáo của đội thử nghiệm TOW đầu tiên.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: napoleon trong 17 Tháng Bảy, 2010, 07:26:20 pm
Đúng, có lẽ là UH1, chứ không phải là AH1

Tất cả các mục tiêu trong báo cáo đó đều bị bắn bằng TOW. Đây là báo cáo của đội thử nghiệm TOW đầu tiên.
Trong "Sự lừa dối hào nhoáng" - Neil Sheehan, có nói đến UH-1 mang TOW và chính những chiếc máy bay trực thăng này đã bắn cháy xe tăng của ta năm 1972. Theo bức ảnh của bác Đoàn, AH-1 có mặt ở Đăk Tô nhưng không phải là đối tượng diệt tăng của ta. Bác thử tìm kiếm xem có tài liệu nào của Mỹ nói về AH-1 diệt tăng không?


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: smilingmen trong 18 Tháng Bảy, 2010, 12:26:56 am
Theo tài liệu của bác bodoiphuket đưa lên thì chiến dịch Bắc Tây Nguyên năm 72 tụi AH-1 có tham gia nhưng với nhiệm vụ áp chế hỏa lực phòng không để hỗ trợ UH-1 (tiếp vận hoặc bắn TOW) và hỗ trợ các đơn vị phòng thủ ở mặt đất là chủ yếu. Chỉ có 1 đoạn nói đến việc AH-1 tiêu diệt tăng của ta (5 T-54 + 1 PT-76) nhưng là ở An Lộc và sử dụng HEAT chứ không phải TOW. Túm lại là trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên thì chưa có chuyện AH-1 + TOW bắn cháy xe tăng ta. Thời gian sau này thì... mời các bác bàn tiếp :D


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: napoleon trong 18 Tháng Bảy, 2010, 12:53:31 am
- Tôi nhớ: thường đi với trực thăng vũ trang (AH-1) có "chú nhóc" UTiti chúng tôi gọi là "cán gáo". là loại mb trinh sát, bay rất nhanh, rất linh hoạt: lúc thì bay trước, lúc bay sau, lúc cao, lúc thấp... nhưng khi phát hiện mục tiêu "cán gáo" chỉ thị (pháo khói) là "cá lẹp" nhào vô bắn đại liên, xịt hỏa tiễn không thương tiếc... (lọai này sau HĐ Pa ri cũng không thấy nữa). Bác rongxanh có hình của "cán gáo" pót lên luôn thể . xin cảm ơn bác nhiều.
Bổ sung thêm hình của bác OldBuff về "Cán gáo"-OH-6, phía trên là AH-1 tại sân bay Đăk Tô 2(8/1968):
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/img0118.jpg)


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: bob trong 19 Tháng Bảy, 2010, 07:50:51 am
- Tôi nhớ: thường đi với trực thăng vũ trang (AH-1) có "chú nhóc" UTiti chúng tôi gọi là "cán gáo". là loại mb trinh sát, bay rất nhanh, rất linh hoạt: lúc thì bay trước, lúc bay sau, lúc cao, lúc thấp... nhưng khi phát hiện mục tiêu "cán gáo" chỉ thị (pháo khói) là "cá lẹp" nhào vô bắn đại liên, xịt hỏa tiễn không thương tiếc... (lọai này sau HĐ Pa ri cũng không thấy nữa). Bác rongxanh có hình của "cán gáo" pót lên luôn thể . xin cảm ơn bác nhiều.
Bổ sung thêm hình của bác OldBuff về "Cán gáo"-OH-6, phía trên là AH-1 tại sân bay Đăk Tô 2(8/1968):
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/img0118.jpg)
- Cảm ơn bác Napo! Đúng nó: (cán gáo OH-6) Hắn đang dừng ngay trên cái lô cốt. còn phía trên nó là AH-1. Chiến dịch Tây nguyên 1972 Bob tôi quan sát thấy loại AH-1 "xịt" rốc két nhiều... Còn loại UH-1 chưa thấy bắn rôc két, mà chỉ thấy bắn đại liên là chính. không rõ các chiến trường khác thế nào! Mong các bác CCB nào biết rõ hơn trên thực tế cho ý kiến.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: minhnam1803 trong 30 Tháng Bảy, 2010, 11:32:00 am
#63

Một bài trên báo Ap ngày 29/6/1972 viết về TOW



Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: napoleon trong 30 Tháng Bảy, 2010, 11:45:59 am
Bài báo này cũng nói là  2 chiếc UH-1 mang TOW bắn tank ta ở CZ Bắc Tây Nguyên 1972, giống như Neil Sheehan đã đề cập. Còn AH-1 không tham gia vào phi vụ này trong thời gian nêu trên?


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: bob trong 02 Tháng Tám, 2010, 08:40:26 am
-Bob tui không biết tiếng anh, nên báo viết gì tui không biết. Nhưng trên thực tế chiến dịch bắc Tây nguyên 1972 và trước đó nữa, những năm 1971, 1970 ở Tây nguyên Bob tui tham gia các trận đánh thì chưa thấy UH-1 bắn rốc két. Mà chỉ thấy AH-1 (trực thăng vũ trang) bắn rốc két. Sau hiệp định Pa ri Mĩ không để lại Việt nam loại AH-1. Riêng UH-1 thì còn khá nhiều, nhưng những trận đánh "Bảo vệ vùng giải phóng" của Quân giải phóng chúng tôi những năm 1973,1974 cũng không thấy UH-1 bắn rốc két, chỉ thấy UH-1 đổ quân hoặc bốc quân nếu có bắn thì thấy bắn đại liên. Thực tế trên chiến trường Tây nguyên những năm đó (trước 1975) Bob tui thấy sao nói vậy.       


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: rongxanh trong 02 Tháng Tám, 2010, 10:07:05 am
-Bob tui không biết tiếng anh, nên báo viết gì tui không biết. Nhưng trên thực tế chiến dịch bắc Tây nguyên 1972 và trước đó nữa, những năm 1971, 1970 ở Tây nguyên Bob tui tham gia các trận đánh thì chưa thấy UH-1 bắn rốc két. Mà chỉ thấy AH-1 (trực thăng vũ trang) bắn rốc két. Sau hiệp định Pa ri Mĩ không để lại Việt nam loại AH-1. Riêng UH-1 thì còn khá nhiều, nhưng những trận đánh "Bảo vệ vùng giải phóng" của Quân giải phóng chúng tôi những năm 1973,1974 cũng không thấy UH-1 bắn rốc két, chỉ thấy UH-1 đổ quân hoặc bốc quân nếu có bắn thì thấy bắn đại liên. Thực tế trên chiến trường Tây nguyên những năm đó (trước 1975) Bob tui thấy sao nói vậy.       

Em nghĩ bác đang nói đến rocket không điều khiển đã được sử dụng lâu rồi. Bài báo nói tóm tắt về phi đội UH1 gắn TOW hoạt động ở Tây nguyên 1972.

Còn TOW là tên lửa có điều khiển, có lẽ nó tương ứng với tên lửa chống tăng B72/ hay AT3 mà mình sử dụng năm 1972 trên chiến trường.



Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: VietPo`Lut´ trong 09 Tháng Tám, 2010, 08:32:32 am
Thưa các chú các bác, cháu có đọc trong truyện " Đội đặc nhiệm TK1 " thì có 1 đoạn có đề cập đến việc UH-1 gắn rocket. Mà mới chỉ thử nghiệm thôi chứ chưa sử dụng đại trà, trong đó có chuyên viên vũ khí ở Hạm đội 7 trực tiếp hướng dẫn sử dụng và thử nghiệm tại 1 vùng rừng hoang phía Tây Quảng Nam. Trong 1 lần thử nghiệm đó đã vô tình gặp đội TK1 và đã có trận tao ngộ chiến. Kết quả là chuyên viên chết và ta cũng hy sinh 2 người ,thoát 1 nhờ ngụy trang giả chết. Vì gặp rắc rối với vụ chuyên viên bị bắn chết và các nguyên nhân khác nên có kết luận là Rocket không thích hợp với UH-1 nên chương trình trang bị vũ khí mới cho UH-1 bị dừng lại. Thời điểm xảy ra vào năm 70-71. Và theo cháu nghĩ là nhân vật trong chuyện có thật ( đã thay đổi tên ) và hư cấu thêm 1 chút vì có liên quan đến việc tìm vàng của phát xít Nhật bị rơi máy bay trong vùng rừng đó. Cháu nghĩ là việc này cũng có thể coi là tài liệu để tham khảo.

P/S : Trong Box Văn học cũng có đăng truyện này và trích đoạn liên quan đến máy bay nằm ở gần cuối truyện. Cháu có quyển truyện này nhưng không biết trong truyện ở Box Văn học thì nó nằm ở trang bao nhiêu.Truyện cũng rất hay và hấp dẫn, có lẽ tác giả cũng có 1 thời mặc áo lính. Để cháu tìm lại và gửi đường link cho các chú và mọi người cùng tham khảo.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: Emchã trong 09 Tháng Tám, 2010, 08:51:13 am
Đó là rocket bắn loạt và trong truyện ghi là HU1A.

link: http://www.quansuvn.net/index.php/topic,476.msg6341.html#msg6341


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: altus trong 13 Tháng Tám, 2010, 11:11:29 pm
Thêm thông tin cho các bác này:

http://www.thebattleofkontum.com/claw.html

Trích dẫn
On the 29th of April 1972, two NUH-1B helicopters mounting the TOW system arrived at Camp Holloway, Pleiku. These aircraft and crews were assigned to the 17th Combat Aviation Group. The aircraft used the call sign "Hawk's Claw". This was the first time in Army aviation history such a system was deployed to a combat zone.

The XM26 armament subsystem fired a tube launched, optically tracked, wire guided antitank missile which weighed 54 pounds. The effective ranges were 500 meters (minimum) and 3000 meters (maximum). The time of flight at 3000 meters was 14.7 seconds. One problem that arose was that the wire cutters did not seem to work properly. However, after thoroughly checking them out it was found that the gunner was stowing the sighting system too soon and the cutter would not operate with the sight stowed. There were three armament subsystems in RVN with two mounted on NUH-1B helicopters (SN 62-12553 and 62-12554). Each system carried six missiles. When the system arrived in Pleiku, there were 144 missiles in country, with 60 more inbound from the U.S.

The TOW package consisted of one NUH-1B, one UH-1H C&C, and two AH-1G escort gunships. Pending notification of a target, the TOW package was on standby at Camp Holloway or at Kontum on strip alert. Weather permitting, the NUH-1B normally flew at 3,000 feet (AGL-Above Ground Level) and engaged targets at a slant range of 3,000 meters. The C&C aircraft controlled the package, coordinated fire clearance and supervised employment of the recovery crew if needed. There were standing orders to destroy the system if it was shot down so it would not fall into enemy hands.

Tóm tắt là ngày 29/04/1972 có 2 máy bay UH-1B phiên bản chuyên dụng phóng TOW bằng hệ thống XM26 NUH-1B tới Pleiku, biên chế Tiểu đoàn(?) Không quân 17. Tại Nam VN lúc đó có 03 bộ XM26 thì hai bộ ở Pleiku, lắp trên 2 NUH-1B số sườn (62-12553 và 62-12554), mỗi chiếc mang 6 tên lửa.

Mỗi nhóm tác chiến TOW gồm có 01 NUH-1B mang TOW, 01 UH-1H chỉ huy và 02 AH-1G hộ tống.

Lệnh đưa ra sẵn là nếu NUH-1B bị bắn rơi thì phải phá hủy XM26 ngay lập tức không có các ông QGP các ông mang về cải tiến thì bỏ bà.

Tên tuổi và thành tích của các kíp lái

Trích dẫn
Military
LTC Patrick L. Feore Jr
CW3 Lester Whiteis
CW2 Scott E. Fenwick
CW2 Douglas R Hixon Jr
CW2 Carroll W. Lain
CW2 Danny G. Rowe
CW2 Edmond C. Smith
SFC Boyce A. Hartsell
SP5 Ronald G. Taylor
SP4 David W. Lehrschall      

Civilian
Mr. Thomas E Zogorski
Mr. Dennis J. Camp
Mr. James J. Faulk
Mr. Kenneth W. Blum
Mr. James C. Follett
Mr. Hughie J. McInnish Jr

The crew members were organized into three operational teams:
CREW ALPHA
CW2 Lain
CW2 Fenwick

4 Tanks
4 APC
2 Artillery pieces
3 2 1/2 Ton Trucks
1 3/4 Ton Truck
1 51 Cal. Machine Gun    

CREW BRAVO
CW2 Rowe
CW2 Smith

12 Tanks
1 POL
2 Bunkers      

CREW CHARLIE
CW3 Whiteis
CW2 Hixon

8 Tanks
3 2 1/2 Ton Trucks
1 23mm Antiaircraft Gun
1 122mm Rockets site
1 51 Cal. Machine Gun
   TOW A/C #553 - Crew Chief SP4 Lehrschall
   TOW A/C #554 - Crew Chief SP5 Evans, W.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: altus trong 13 Tháng Tám, 2010, 11:44:56 pm
Đây nữa.

(http://i154.photobucket.com/albums/s259/altus_71/CobrasT54Kontum26051972.jpg)

Theo đó thì sáng 26/05/1972 bọn NUH-1B này lập thành tích diệt 05 T-54 và 04 PT-76. Trước đó, ngày 02/05 chúng đã thịt 01 M41A3 do quân VNCH bỏ đang bị quân ta thu giữ.

Tổng kết toàn chiến dịch bọn chúng báo công bắn tổng cộng 101 đạn, diệt 57 mục tiêu, hiệu suất trên 50%.

Bọn nó cũng nói là ngoài TOW ra, bọn nó còn thử nghiệm tên lửa chống tăng SS-11 của Pháp. Hiệu quả của SS-11: 20 đạn, 01 T-54, 02 PT-76, kém hơn nhiều so với TOW.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: bintao trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 01:02:51 am
Cho em hỏi là nếu mà trực thăng vũ trang tiêu diệt xe tăng ta nhiều như thế thì các chú có cách nào chống lại nó hiệu quả ko.Cứ lấy xe tăng ra mà nó bắn bùm bùm chíu thế thì thôi rồi.Sao không để bộ đội tên lửa A-72 tùng thiết theo xe tăng nhỉ


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: dangpmc trong 31 Tháng Mười Hai, 2010, 02:52:40 pm
[quote author=bintao link=topic=16950.msg280411#msg280411 date=1293732171]
Cho em hỏi là nếu mà trực thăng vũ trang tiêu diệt xe tăng ta nhiều như thế thì các chú có cách nào chống lại nó hiệu quả ko.Cứ lấy xe tăng ra mà nó bắn bùm bùm chíu thế thì thôi rồi.Sao không để bộ đội tên lửa A-72 tùng thiết theo xe tăng nhỉ

Bạn tôi là lính bắn A72 năm 1978 nói rằng khi kiểm tra nó phải bắn rơi 1 quả H12 đang bay mới đạt và bây giờ tôi cũng thắc mắc là nếu hiệu quả thế thì ta thịt hết trực thăng của nó rồi còn gì. Mà các bác nói là hồi đó có A72 rồi mà ???


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: tieutuong trong 01 Tháng Giêng, 2011, 05:21:21 pm

Chuyên đề này của các bác cho biết nhiều thông tin bổ ích quá. Tôi muốn nhờ các bác kiểm chứng giúp thông tin này, liên quan tới việc đánh trực thăng Mỹ:

"Sáng ngày 30/7/1970, trên điểm cao 1478 thuộc dãy núi Cô-pung, Tây Nam Huế, chỉ trong 30 phút chiến đấu, một khẩu đội 12 ly 7 đã bắn rơi 24 máy bay trực thăng Mỹ chở đầy quân, đánh lui 7 đợt phản kích."
xin cám ơn


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: lixeta trong 12 Tháng Giêng, 2013, 11:43:25 am
Chào các quê!
Chién công và sự hy sinh anh dũng của kíp xe 377 tại Đắc Tô đã trở thành một huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên đất Tây Nguyên. Các anh đã trở thành tấm gương sáng ngời cho các thế hệ lính tăng sau này. Riêng với LXT thì vẫn muốn viết một cuốn sách về cuộc sống và chiến đấu của kíp xe 377 đó. Chính vì vậy, trong tháng này LXT cũng các anh vitinh, PQ, TS... sẽ qua Tây Nguyên và khảo sát lại thực địa khu vực tác chiến của kíp xe này tại ĐT (ngày 22.01.2013). Tất nhiên đây là một công việc khó khăn vì 40 năm đã trôi qua, địa hình địa vật đã thay đổi nhiều. Giá như có quê nào đang ở khu vực này giúp đỡ thì tốt quá.
Mong các quê lên tiếng!
Xin cảm ơn nhiều! 


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: china trong 12 Tháng Giêng, 2013, 01:08:23 pm

Chuyên đề này của các bác cho biết nhiều thông tin bổ ích quá. Tôi muốn nhờ các bác kiểm chứng giúp thông tin này, liên quan tới việc đánh trực thăng Mỹ:

"Sáng ngày 30/7/1970, trên điểm cao 1478 thuộc dãy núi Cô-pung, Tây Nam Huế, chỉ trong 30 phút chiến đấu, một khẩu đội 12 ly 7 đã bắn rơi 24 máy bay trực thăng Mỹ chở đầy quân, đánh lui 7 đợt phản kích."
xin cám ơn
Cái này phải xem thông tin đến từ đâu, có một vài nguồn thông tin dù là chính thống nhưng khi nghe thì không cần kiểm chứng ;).
Trực thăng dù đứng yên để 12 ly 7 bắn cháy 24 chiếc trong 30 phút cũng khó tin.


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: nkp trong 12 Tháng Giêng, 2013, 04:06:15 pm
Thêm thông tin cho các bác này:

http://www.thebattleofkontum.com/claw.html

Trích dẫn
On the 29th of April 1972, two NUH-1B helicopters mounting the TOW system arrived at Camp Holloway, Pleiku. These aircraft and crews were assigned to the 17th Combat Aviation Group.
Tóm tắt là ngày 29/04/1972 có 2 máy bay UH-1B phiên bản chuyên dụng phóng TOW bằng hệ thống XM26 NUH-1B tới Pleiku, biên chế Tiểu đoàn(?) Không quân 17. Tại Nam VN lúc đó có 03 bộ XM26 thì hai bộ ở Pleiku, lắp trên 2 NUH-1B số sườn (62-12553 và 62-12554), mỗi chiếc mang 6 tên lửa.

Altus,
Nhóm thuật ngữ trên nên dịch là, "Liên Đoàn 17 Không Vận Tác Chiến." Không lực của Lục Quân (Army's aviation) dùng cấp số và thuật ngữ của Lục Quân -- trung đội đại bác không pháo; đại đội trực thăng xung kích; tiểu đoàn trực thăng tải quân. Lục Quân và Không Quân dùng tên gọi các cấp số khác nhau để khi gọi tên lên, thì biết thuộc về quân chủng nào. Lục Quân dùng "air field"; Không Quân gọi "air port." Và Hải Quân thì gọi phi trường của họ là Naval Air Station.  17th Combat Aviation Group dưới quyền của 1st Aviation Group. First Aviation Group có hơn 5000 trực thăng và phi cơ chuyên chở cách quạt. Trách nhiệm của 1st Aviation Group là chuyen chở chuyến thuật cho tất cả nhu cầu của Lục Quân Hoa Kỳ, Việt Nam.



Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: altus trong 14 Tháng Giêng, 2013, 04:53:50 am
Altus,
Nhóm thuật ngữ trên nên dịch là, "Liên Đoàn 17 Không Vận Tác Chiến." Không lực của Lục Quân (Army's aviation) dùng cấp số và thuật ngữ của Lục Quân -- trung đội đại bác không pháo; đại đội trực thăng xung kích; tiểu đoàn trực thăng tải quân. Lục Quân và Không Quân dùng tên gọi các cấp số khác nhau để khi gọi tên lên, thì biết thuộc về quân chủng nào. Lục Quân dùng "air field"; Không Quân gọi "air port." Và Hải Quân thì gọi phi trường của họ là Naval Air Station.  17th Combat Aviation Group dưới quyền của 1st Aviation Group. First Aviation Group có hơn 5000 trực thăng và phi cơ chuyên chở cách quạt. Trách nhiệm của 1st Aviation Group là chuyen chở chuyến thuật cho tất cả nhu cầu của Lục Quân Hoa Kỳ, Việt Nam.

Vâng ạ, em cảm ơn bác!

À, em hỏi bác luôn. Ở Kon Tum bên Mỹ/VNCH có tìm được vụ "xích chân vào chiến xa" nào như họ làm rùm beng ở An Lộc không bác?


Tiêu đề: Re: Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972 và sự thật về AH-1 Cobra
Gửi bởi: nkp trong 15 Tháng Giêng, 2013, 01:14:08 am
Altus,
Nhóm thuật ngữ trên nên dịch là, "Liên Đoàn 17 Không Vận Tác Chiến." Không lực của Lục Quân (Army's aviation) dùng cấp số và thuật ngữ của Lục Quân -- trung đội đại bác không pháo; đại đội trực thăng xung kích; tiểu đoàn trực thăng tải quân. Lục Quân và Không Quân dùng tên gọi các cấp số khác nhau để khi gọi tên lên, thì biết thuộc về quân chủng nào. Lục Quân dùng "air field"; Không Quân gọi "air port." Và Hải Quân thì gọi phi trường của họ là Naval Air Station.  17th Combat Aviation Group dưới quyền của 1st Aviation Group. First Aviation Group có hơn 5000 trực thăng và phi cơ chuyên chở cách quạt. Trách nhiệm của 1st Aviation Group là chuyen chở chuyến thuật cho tất cả nhu cầu của Lục Quân Hoa Kỳ, Việt Nam.

Vâng ạ, em cảm ơn bác!

À, em hỏi bác luôn. Ở Kon Tum bên Mỹ/VNCH có tìm được vụ "xích chân vào chiến xa" nào như họ làm rùm beng ở An Lộc không bác?
Không, không nghe hay đọc thấy những tin tức như bạn hỏi ở mặt trận Kontum. Nhưng trong ý nghĩ riêng của tôi, tự xích chân vào một vị trí để chiến đấu cho đến chết --- hay sẽ sống trong chiến thắng --- thì đó là một chuyện tốt thôi. Giả dụ người chiến binh đó bị cấp chỉ huy xích vào súng và ra lệnh cho họ bắn đến viên đạn cuối cùng ... thì khó xảy ra: Vì nếu người lính đó không bắn, thì cấp chỉ huy làm gì được?
NKP   


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: lixeta trong 01 Tháng Hai, 2013, 11:14:57 am
Chào các quê!
LXT vừa có chuyến đi Tây Nguyên và đúng như nguyện ước bấy lâu nay- đã đến được Đắc Tô- Tân Cảnh, nơi hơn 40 năm trước xe 377 đã chiến đấu và anh dũng hy sinh.
40 năm với biết bao biến đổi, chiến trường xưa nay đã khác nhiều rồi. Tuy đường băng sân bay Đắc Tô 2 vẫn còn nguyên song toàn bộ phái bên kia đường đã thành một khu dân cư. Khu vực trung tâm của trận đánh giờ là ngôi trường THCS mang tên 24.4- ngày diễn ra trận đánh bi hùng. Dẫu vậy, LXT vẫn xác định được nơi xe 377 đã bắn viên đạn cuối cùng và đi vào cõi bất tử. Vị trí đó là hõm đất trũng ở ngay trước cổng ngôi trường:

(http://i627.photobucket.com/albums/tt353/datavehu/IMG_2186_zps7f40db5c.jpg)

Về tượng đài chiến thắng, vào tận trong xe xem. Đúng là 377 bị trúng 3 phát đạn. Phát đạn thứ nhất trúng giáp trước thân xe gần lỗ bắn súng máy phía trước. Tuy nhiên phát này không xuyên vào bên trong được. Tác động của nó chỉ có thể làm vỡ kính lái xe mà thôi.
Phát đạn thứ hai trúng phía dưới ngôi sao:

(http://i627.photobucket.com/albums/tt353/datavehu/IMG_2191_zps404b420f.jpg)

Phát đạn này chắc chắn do một viên đạn xuyên đầu nhọn (đạn động năng) của pháo 76mm trên M41 bắn ở khoảng cách rất gần. Có thể suy ra điều này vì đường kính lỗ xuyên ở phía ngoài và phía trong gần như bằng nhau. Phát đạn này chắc chắn sẽ làm pháo thủ, lái xe hy sinh. Còn TX, pháo hai có thể không hy sinh nhưng cũng bị choáng ngất.
Phát đạn thứ ba trúng tháp pháo phía gần cưa trưởng xe:

(http://i627.photobucket.com/albums/tt353/datavehu/IMG_2192_zpscf467818.jpg)

Có lẽ đây là một viên đạn xuyên lõm của pháo tăng M41 vì lỗ bên ngoài khá to song bên trong lại rất nhỏ. Phía bên ngoài gần bằng miệng chén nhưng phía trong chỉ nhỉnh hơn đầu đũa chứng tỏ đó là luồng xuyên của đạn lõm. Ngoài ra còn những vết lỗ chỗ xung quanh cũng chứng tỏ điều đó. Tuy nhiên, theo LXT thì đây chính là viên đạn nguy hiểm nhất vì lúc này xe 377 vẫn còn vài viên đạn xuyên. Đó là loại đạn cố định trên vành tháp pháo và luồng xuyên của phát đạn này hướng thẳng đến vị trí đó. Nó sẽ kích nổ các viên đạn trên giá, đầu tiên là gây nổ liều phóng gây cháy trong xe, sau đó sẽ kích nổ đầu đạn.

Chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết thắp cho các anh nén nhang. Cũng chẳng biết có phải các anh linh thiêng về chứng giám hay không mà bó nhang bùng cháy đùng đùng.

(http://i627.photobucket.com/albums/tt353/datavehu/IMG_2194_zps4b9343cc.jpg)

Đêm đó, về Plei- ku. Dẫu uống khá nhiều mà trằn trọc mãi không ngủ được. Vậy là có bài thơ Về Đắc Tô:

Nghe về các anh đã nhiều
Đọc về các anh không ít
Vẫn cứ một lần muốn đến
Thắp cho các anh nén nhang

Thế rồi một ngày cuối năm
Nguyện ước đã thành hiện thực
Vượt qua bao điều câu thúc
Hôm nay tôi đến Đắc Tô

Cao nguyên đang vào mùa khô
Trời thì vẫn xanh ngăn ngắt
Gió vẫn ù ù khoáng đạt
Cỏ cây lấm bụi, úa vàng

Lặng người đứng cạnh đường băng*
Cố tìm chút gì dấu vết
Trận "một chọi mười" oanh liệt
Nhưng nào tìm thấy gì đâu

Bao nhiêu nước đã qua cầu
Thời gian, sao dời, vật đổi
Nơi các anh thành "tháp lửa"
Giờ tươi ngói mới ngôi trường

Thắp cho các anh bó nhang
Cầu cho các anh yên nghỉ
Chúc cho các anh bất tử
Bây giờ, mãi mãi mai sau

Chẳng biết các anh nghĩ sao
Mà nhang bốc lên rừng rực
Hay lửa bôn mươi năm trước
Hôm nay lại cháy hết mình


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: baoleo trong 01 Tháng Hai, 2013, 11:54:34 am
Cảm ơn bác Lixeta về bài viết.
Ngoài ra, bác đã lý giải thêm các vết bắn của kẻ thù, nguyên nhân về cái cái giây phút cuối cùng của các anh hùng liệt sỹ xe 377.
Xin ghi lòng chiến công của các anh, kíp xe 377.


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: nguyentrongluan trong 01 Tháng Hai, 2013, 03:40:15 pm
Bài viết của LXT thật hay . Hay về phân tích cụ thể hiện trạng trúng đạn của xe tăng 377 . Hay cả về bài thơ . Bài thơ chuẩn không cần chỉnh Lixeta ơi . Mai ra 19c nhé . Kể chuyện chuyến đi cho anh em nghe


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: qtdc trong 04 Tháng Hai, 2013, 11:30:00 am
Chào các quê!

Theo em biết bọn bắn cháy xe 377 là bọn thiết đoàn 8 có căn cứ chính ở BMT, sau này năm 75 thì tan hàng tại chỗ.


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: nguyentrongluan trong 04 Tháng Hai, 2013, 11:36:33 am
Sau bài ộp laicủa Van Cong Hung mình gọi hoi VCH , hắn khen mấy cha CCB đi phượt Tây nguyên quá . Hắn là nhà thơ mà cũng mất ngủ vì bài thơ này của LIXETA đấy . Té ra tối ấy các ông uống ở Pleicu khiếp quá . Hùng bảo mấy CCB uống rượu như tây uống rượu vang . Khiếp !


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: lixeta trong 04 Tháng Hai, 2013, 02:41:08 pm
Chào các quê!

Theo em biết bọn bắn cháy xe 377 là bọn thiết đoàn 8 có căn cứ chính ở BMT, sau này năm 75 thì tan hàng tại chỗ.

Mình thì không biết chính xác phiên hiệu của bọn chúng, chỉ biết đó chính là 2 chi đội TG đóng tại Plei Kần- Bến Hét về chi viện cho Đắc Tô khi bị e1/ f 2 của ta tiến công.
Thời điểm đó, do căn cứ vào phân bố lực lượng địch- ta ở khu vực nên bọn chúng tập trung phòng ngự mạnh ở hướng Tây. Trong khi đó ta lại bí mật luồn sang phía Đông để đánh và tạo nên sự bất ngờ (xem thêm hồi ký của bác Hoàng Minh Thảo).

Sau bài ộp laicủa Van Cong Hung mình gọi hoi VCH , hắn khen mấy cha CCB đi phượt Tây nguyên quá . Hắn là nhà thơ mà cũng mất ngủ vì bài thơ này của LIXETA đấy . Té ra tối ấy các ông uống ở Pleicu khiếp quá . Hùng bảo mấy CCB uống rượu như tây uống rượu vang . Khiếp !

He...He...! Lão này chỉ được cái khen... đểu ;D
Khen gì chả khen, chỉ khen uống rượu. Nhưng công nhận hôm đó uống cũng ác thật. Ấy là chưa có "chân dài, chân ngắn" nào cùng uống đấy ;D


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: qtdc trong 04 Tháng Hai, 2013, 04:57:11 pm
À, em nhầm bác lixeta ạ. Theo hồi ký của cựu sỹ quan thiết giáp VNCH Hà Mai Việt (thì đó là chi đoàn chiến xa 1 thiết đoàn 14 kỵ binh có căn cứ tại Kon-tum. Bọn ở Bến Hét chạy về là chi đội 2/chi đoàn 1/thiết đoàn 14. Bọn ở tại chỗ là chi đội 3/chi đoàn 1/thiết đoàn 14. Cả 2 chi đội này đều là xe M41. Chi đội 2 tại Bến Hét có 5 xe M41, hỏng 1 chiếc tại chỗ, dọc đường hỏng 1 chiếc nữa, về được Dakto II 3 chiếc. Chi đội 3 theo lệnh chi đoàn trưởng di chuyển đến đầu phi trường Phượng Hoàng thì đụng quân ta (xe 377 và bt3?), chi đội này sau đó mất liên lạc với chi đoàn.


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: KingCobra18 trong 04 Tháng Hai, 2013, 05:12:07 pm
Cách đây hơn 2 năm, mọi người đã "giám định" các vết đạn trên xe 377: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,7958.70.html. Mình thì nói vết đạn thứ 2 trên tháp pháo là do đạn lõm gây ra, nhưng đa số đều nói là do đạn động năng (đạn xuyên dưới cỡ nòng), giờ thì  ::). Vậy chú lixeta sau khi mục sở thị thì kết luận vết đạn ở mũi xe là do loại đạn gì gây ra?


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: lixeta trong 05 Tháng Hai, 2013, 09:03:21 am
Cách đây hơn 2 năm, mọi người đã "giám định" các vết đạn trên xe 377: http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,7958.70.html. Mình thì nói vết đạn thứ 2 trên tháp pháo là do đạn lõm gây ra, nhưng đa số đều nói là do đạn động năng (đạn xuyên dưới cỡ nòng), giờ thì  ::). Vậy chú lixeta sau khi mục sở thị thì kết luận vết đạn ở mũi xe là do loại đạn gì gây ra?

Chuyện này mình đã viết rồi, ngay ở bài trên đầu trang này đấy.
Quả thật, trước đây vì chỉ nhìn qua ảnh nên mình nghĩ viên đạn thứ hai trên tháp pháo (chỗ số 7) là do đạn xuyên động năng của pháo tăng. Tuy nhiên, vào khảo sát tận nơi thì đã có nhận định khác: đó là đạn xuyên của pháo tăng M41.


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: bob trong 07 Tháng Hai, 2013, 11:24:15 am
Chào các quê!
...
Chẳng biết các anh nghĩ sao
Mà nhang bốc lên rừng rực
Hay lửa bôn mươi năm trước
Hôm nay lại cháy hết mình
Cảm ơn bác lĩxeta@, Thật cảm động khi đọc bài thơ của bác.  hình ảnh những chiếc xe tăng t54, t59 cũa ta gầm rú lao vào căn cứ 42 (Tân cảnh 1972) lại hiện ra rõ mồn một trong ký ức của bob. Hồi ấy trận địa 14,5 ly của bob đặt ngay gần tượng đài xe 377 bây giờ, Khi trời sáng rõ xe tăng ta cũng vừa kịp vào khu vực của mở của E66... Bộ binh  cùng xe tăng ta phối hợp thật tuyệt vời, trong chiến công ấy có thành tích sáng chói của xe 377.. rồi cũng  trong ngày chiếm tân cảnh các anh (xe 377) nhận lệnh tiến ngay về căn cứ Đăktô...  gặp địch đông gấp bội...các anh chiến đấu cực kỳ anh dũng... Chuyện này bob đã nghe ngay sau chiến dịch Đăk tô - Tân cảnh 1972. Nhưng đến giờ nghe nhắc lại vẫn như mới diễn ra. thật cảm động. cảm ơn quê Lixeta đã gợi lại quá khứ bằng bài thơ hay.


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: napoleon trong 06 Tháng Bảy, 2013, 09:31:04 am
Cảm ơn bác Lixeta đã có chuyến phượt về chiến trường, bài thơ rất hay!


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: lixeta trong 06 Tháng Bảy, 2013, 10:26:15 am
Cảm ơn bác Lixeta đã có chuyến phượt về chiến trường, bài thơ rất hay!

Hoàng đến lặn ở đâu kỹ thế?
Quả thật, trước khi đi mình đã nghĩ đến chuyện liên hệ với bạn nhưng "bóng chim, tăm cá". Khó tìm quá! ;D


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: quangcan trong 06 Tháng Bảy, 2013, 10:28:09 am
Cảm ơn bác Lixeta đã có chuyến phượt về chiến trường, bài thơ rất hay!

Hoàng đến lặn ở đâu kỹ thế?
Quả thật, trước khi đi mình đã nghĩ đến chuyện liên hệ với bạn nhưng "bóng chim, tăm cá". Khó tìm quá! ;D

hê hê, em cũng định than phiền giống bác Li..., ổng này trước còn vào chỗ em "chém gió" - sau chìm nghỉm -  giờ mới thấy sủi bọt,  :D :D :D. Về giúp anh em một tay đê. ;D


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: dantuyenquang trong 27 Tháng Ba, 2014, 01:03:02 pm
Em đang tìm hồi ký Chiến đấu ở Tây Nguyên của Bác Hoàng Minh Thảo mà không ở đâu có, bác nào biết nguồn nào có không chia sẻ Em với  ;D


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: quehuongvietnam trong 27 Tháng Tám, 2014, 07:36:32 pm
Bác lixeta à: Em đọc bài viết của chị Kim Thanh thấy ghi là xe 377 bắn cháy 7 xe tăng mà, sao bác lại nói có 4 ạ???


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: lixeta trong 28 Tháng Tám, 2014, 09:53:16 am
Bác lixeta à: Em đọc bài viết của chị Kim Thanh thấy ghi là xe 377 bắn cháy 7 xe tăng mà, sao bác lại nói có 4 ạ???

Chị KT là nhà báo nên viết kiểu viết báo. Còn mình viết theo các tài liệu lịch sử như: Một số trận chiến đấu của bộ đội TTG, Lịch sử ngành KTTTG v.v...


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: napoleon trong 09 Tháng Bảy, 2015, 08:49:31 pm
Bác lixeta à: Em đọc bài viết của chị Kim Thanh thấy ghi là xe 377 bắn cháy 7 xe tăng mà, sao bác lại nói có 4 ạ???

Chị KT là nhà báo nên viết kiểu viết báo. Còn mình viết theo các tài liệu lịch sử như: Một số trận chiến đấu của bộ đội TTG, Lịch sử ngành KTTTG v.v...
Hì, nhà báo tuyên truyền mà!  ;D


Tiêu đề: Re: Trận Đăk Tô - Tân Cảnh và chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972
Gửi bởi: napoleon trong 09 Tháng Bảy, 2015, 08:51:35 pm
Cảm ơn bác Lixeta đã có chuyến phượt về chiến trường, bài thơ rất hay!

Hoàng đến lặn ở đâu kỹ thế?
Quả thật, trước khi đi mình đã nghĩ đến chuyện liên hệ với bạn nhưng "bóng chim, tăm cá". Khó tìm quá! ;D
Em có việc, lặn đến giờ mới nổi đây. Hihi
@bác Quangcan: cảm ơn bác hỏi thăm.