Lịch sử Quân sự Việt Nam

Máu và Hoa => Một thời máu và hoa => Tác giả chủ đề:: hodacthanh trong 11 Tháng Bảy, 2009, 10:45:55 am



Tiêu đề: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hodacthanh trong 11 Tháng Bảy, 2009, 10:45:55 am
        16 tuổi, cầm súng đi chiến đấu. Thời chống Pháp anh là lính bộ binh, chống Mỹ anh là lính Hải quân.
… Dĩ vãng chiến tranh đè nặng trên vai suốt một thời trai trẻ, nhưng không bao giờ nuối tiếc, bởi phần đời đáng sống nhất đã sống rồi. Những ngày tới đây, dẫu biết rằng còn lắm vất vả gian nan, nhưng không sao, bởi có nỗi khổ nào hôm nay sánh bằng gian khổ thời chiến tranh. Và dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được quên những người đã một thời cùng ta băng rừng lội suối, vượt qua sóng gió của biển Đông, đối mặt với quân thù, vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường hoặc hy sinh một phần xương máu để đổi lấy ngày hôm nay.
Hãy sống xứng đáng với họ!

   Trang đầu tập hồi ký
   Tàu Không số trên con đường mang tên Bác
   1990
   












ANH LÍNH HẢI QUÂN
                VÀ CON TÀU KHÔNG SỐ
Kính tặng Lữ đoàn 125 Hải quân
và những người đồng đội của tôi

                         ----  ----

Tàu có số, có tên
Sao gọi tàu không số ?
Không biết tên gọi đó
Có tự bao giờ
Mà từ em bé tuổi thơ
Đến cụ già ven biển
Ở hậu phương hay miền Nam tiền tuyến
Gặp các anh, đều gọi
Bằng cái tên triều mến thân thương
Anh lính hải quân trên con tàu “không số”
                          *
Cùng với tên gọi đó
Là bao chuyện li kỳ
Rằng : “   Tàu các anh đi
   Khi ngầm khi nổi
   Tàu chỉ đi trong đêm tối
   Ngày – dừng lại trên biển Đông
   Và khi cần thì dùng phép thần thông
   Tàng hình khi gặp địch”.
                              *
Ôi biết bao sự tích
Kể về Đoàn vận tải MỘT HAI LĂM
Về con tàu và người chiến sĩ  Hải quân
Tuyến đường mòn HỒ CHÍ MINH trên biển
                  *
Cũng chiếc tàu như bao con tàu bình dị
Cũng con người như bao chiến sĩ  Nhân dân
Trang bị trên tàu đâu nào phải tối tân
Và trong các anh chưa một người qua đại học
Thế nhưng khi đất nước này có giặc
Các anh lên đường vượt sóng gió biển Đông
Vượt phong ba – bão tố – đá ngầm
Vượt qua bao tuyến tuần tra của tàu giặc
Chiến trường nào các anh đều có mặt
Dù nơi đó là SÔNG - RẠCH hay BÃI NGANG
Dẫu biết rằng : Đi là vất vả gian nan
Cũng có thể hy sinh cùng
                                      con tàu khi làm nhiệm vụ
Nhưng, không một người do dự
Chẳng phải tính toán nghĩ suy
Để mỗi chuyến ra đi
Là mang về tin thắng lợi
          ***
Không phải tàu đi ngầm - mà đi nổi
Không phải tàu chỉ đi trong đêm tối
Mà đi cả ban ngày
Để vượt qua lưới phong tỏa bao vây
Không phải bằng phép thần thông kỳ lạ
Mà tất cả – tất cả
Vì một lẽ giản đơn
Bởi sức mạnh của chí CĂM HỜN
ÓC THÔNG MINH và LÒNG DŨNG CẢM

            ***

Muôn ngàn lần cảm ơn Cách mạng
Đất nước thanh bình, tàu mới biết số biết tên.
Quy Nhơn, tháng 11/1992
[/i]


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hodacthanh trong 11 Tháng Bảy, 2009, 10:47:26 am
TẾT Ở VŨNG RÔ
   
Cuối năm 1964, sau khi đã đưa hai chuyến tàu vũ khí vào bến Vũng Rô thắng lợi, tôi được Tư lệnh quân chủng hải quân gọi lên giao nhiệm vụ : “Đảng ủy và Tư lệnh quân chủng quyết định tàu các đồng chí phải khắc phục mọi khó khăn trở ngại, đúng giao thừa có mặt tại Vũng Rô”.
   Rời sở chỉ huy quân chủng, lòng tôi dâng tràn một cảm xúc đặc biệt xen giữa niềm vui và nỗi lo. Vui vì được tiếp tục nhiệm vụ đưa tàu chở vũ khí về quê hương, được gặp lại đồng chí, đồng bào trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Còn lo, hôm nay đã là 20 tháng chạp âm lịch, làm sao chuẩn bị tốt mọi mặt để tàu đến Vũng Rô vào đúng đêm giao thừa?
   Hải Phòng sắp vào Tết. Những bóng đèn xanh đỏ treo giăng hàng 2 bên thành cầu Sông Cấm, trên ngọn cây trong công viên, nhấp nháy tỏa sáng lung linh như hòa cùng niềm vui của tôi trên đường về đơn vị.
   Đêm giá lạnh, chung quanh yên tĩnh. Để tránh các chiến sĩ khỏi thức giấc, tôi nhẹ nhàng bước tới giường định thay quần áo đi nằm. Không ngờ các chiến sĩ tung màn xúm lại quanh tôi. Thì ra họ còn thức chờ tôi đi nhận nhiệm vụ trở về…
   Sau khi họp cấp ủy và chi bộ để quán triệt nhiệm vụ, ra nghị quyết lãnh đạo chuyến đi, cuộc họp đơn vị được tiến hành khẩn trương đầy khí thế quyết tâm. Vấn đề nổi lên là làm sao đưa tàu vào bến đúng lúc giao thừa. Phải chủ động tạo sự bất ngờ làm cho kẻ địch không kịp đối phó. Ý kiến thảo luận thật sôi nổi, những khó khăn, vướng mắc đã được anh em đóng góp nhiều biện pháp khắc phục. Tôi kết luận cuộc họp và thông qua quyết tâm gửi cấp trên.
   Thông thường, cuộc họp đến đây là kết thúc, nhưng thật bất ngờ cho tôi, từ hàng ghế thứ hai, một cánh tay giơ lên xin phát biểu ý kiến. Đó là đồng chí Trần Văn Nhợ, người lính mà anh em trong tàu thường gọi bằng cái tên thân mật “bố già”. Đồng chí nói: “Tàu ta đi nhiều chuyến, đưa hàng vào nhiều bến nhưng được đi vào dịp Tết thì thật là hiếm có. Vì vậy tôi đề nghị tàu ta nên chuẩn bị cái gì để khi vào bến, ta cùng anh em ở bến ăn Tết”. Tiếng hoan hô đồng tình vang dậy. Thế là ngoài việc cho tàu nhận vũ khí, theo dõi đài nghe thời tiết, nắm tình hình địch, chuẩn bị hậu cần … một bộ phận anh em đi mua nếp về gói bánh chưng, bánh tét, lo quà Tết.
   Mọi công tác chuẩn bị cho chuyến đi đã hoàn thành sớm hơn dự định một ngày. Sau khi nghe báo cáo, tôi trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cụ thể của các ngành. Khi đến khoang hàng hai, ngoài số lượng hàng vũ khí, trang bị kỹ thuật chở cho bến, tôi gặp một hòm gỗ đậy kín, bên ngoài có hàng chữ đậm nét “Quà đón xuân vui Tết” bên cạnh một cành đào sum sê hoa lá. Tôi hỏi đồng chí Hồng Lỳ: “Cái hòm gỗ này có danh mục ghi trong phiếu chuyển hàng cho bến không?” Đồng chí Nhạn, máy trưởng - người được toàn thuyền cử ra đảm nhiệm công việc chuẩn bị quà Tết - vừa cười vừa nói: “Báo cáo thuyền trưởng, cái thùng này do tàu ta xuất phiếu thôi ạ”. Tất cả cùng cười. Đồng chí mở nắp thùng và đọc to bản liệt kê bao gồm: “30 chiếc bánh chưng, bánh tét, 10 gói kẹo, bánh quy, 5 gói chè, 20 gói thuốc lá, 40 chai bia và một cành đào. Tất cả đều không có nhãn hiệu, như con tàu không số của ta”.
   Chiếc thùng gỗ đựng quà Tết chiếm một diện tích rất nhỏ trong khoang hàng của tàu nhưng nó chứa đựng bao nhiêu tình cảm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ tàu 41 đa phần anh em quê Phú Yên. Bằng số tiền dành dụm, họ đã gửi gắm tình cảm của mình qua từng món quà Tết quê hương trong chuyến đi đầy ý nghĩa này.
   Vào một đêm tối cuối năm 1964, những trận gió mùa đông bắc tràn về mang cái rét của phương Bắc về theo, cuộc tiễn đưa tàu 41 lên đường làm nhiệm vụ được tiến hành tại một bến cảng của thành phố biển. Dưới trời mưa phùn gió bấc, các đồng chí Tư lệnh quân chủng, Đoàn trưởng và Chính ủy đoàn ôm hôn thắm thiết cán bộ, chiến sĩ của tàu: “Chúc tàu 41 hành trình thuận buồm xuôi gió. Bộ Tư lệnh chờ đón tin thắng lợi báo về”. Tình cảm hậu phương lớn làm ấm lòng các chiến sĩ trên đường về tiền tuyến lớn.
   Tàu 41 hành trình vào mùa thời tiết không thuận lợi. Sau ba ngày vượt sóng to gió lớn, lách tránh các tuyến tàu tuần tiễu của địch, chiều 30 tháng Chạp, tàu chuyển hướng vào bờ. Đây là tuyến đi căng thẳng nhất suốt lộ trình.
   Toàn tàu dồn hết sức lực, tinh thần, ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm sẵn sàng đối phó với địch bất cứ lúc nào. Thành bại của chuyến đi quyết định ở hướng đi này. Bữa cơm “tất niên” được thuyền phó sắp xếp cho tàu ăn trước 12 giờ trưa để kịp làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Cũng thịt mỡ, dưa hành, nhưng thiếu câu đối đỏ. Không nêu, không pháo, có bánh chưng xanh nhưng để dành khi vào bến. Toàn tàu đang ăn cơm, bỗng từ đài quan sát, chiến sĩ trực canh báo cáo: “Mạn phải 30 độ, cự ly ba hải lý, phát hiện hai tàu địch di chuyển về phía Nam”. Lệnh chuẩn bị chiến đấu được phát ra, tất cả về vị trí của mình. Lớp ngụy trang trên những khẩu súng được kiểm tra sửa lại để vừa che mắt hai tàu địch vừa có thể nhanh chóng tung ra khi có tình huống chiến đấu. Qua chiếc ống nhòm có bội số cao, tôi nhìn rõ hai tàu tuần tiễu địch. Phải tránh! Tôi cho tàu thay đổi hướng đi song song để tránh tàu địch, tạo khoảng cách xa để thời gian tiếp xúc rất ít. Nhìn đồng hồ đã 16 giờ rồi, chỉ còn tám tiếng đồng hồ nữa thôi tàu phải có ở Vũng Rô.
   Sau khi xác định vị trí tàu trên hải đồ, đồng chí thuyền phó báo cáo: “Tàu ta cách Đá Bia hơn 60 hải lý nữa, khả năng vào bến trễ giờ”. Nhớ câu chuyện cổ tích mà tôi được đọc cách đây rất lâu, chuyện cô bé thông minh học hành rất giỏi nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn được cô Tiên hiện lên giúp đỡ. Co cho em 3 điều ước để em lựa chọn: một là học hành giỏi, hai là cha mẹ em sống lâu bất tận và điều thứ 3 là em sẽ trở thành vợ của hoàng tử con vua suốt đời sung sướng. Nhưng cô bé chỉ nhận điều ước thứ nhất và thứ hai. Như cô bé, lúc này tôi chỉ muốn 2 điều ước: một là trời mau tối để con tàu không phải phơi mình trên biển nhiều giờ để bị kẻ địch phát hiện, hai là tốc độ tàu nhanh hơn chút nữa để vào bến không trễ giờ. Nhưng việc lặn mọc tối sớm của mặt trời hoàn toàn do chu kì quay của trái đất và mặt trời còn tốc độ máy tàu thì do nhà sản xuất đã ấn định sẵn, làm sao thay đổi được. Tôi cho mời máy trưởng lên đài chỉ huy và quyết định sử dụng tốc độ dự bị. Ước mãi rồi cũng đến lúc hoàng hôn bao trùm khắp mặt biển. Ông bà ta nói “Tối như đêm 30” thật quả không sai.
   23 giờ 50 phút, tàu chúng tôi thả trôi giữaVũng Rô. Tôi cho thả xuồng và cử người vào bến tìm bộ phận đón. Đang loay hoay thả xuồng thì cũng vừa lúc thuyền của các đồng chí ở bến cặp mạn tàu. Cán bộ, chiến sĩ của tàu ôm hôn cán bộ, chiến sĩ của bến. Niềm vui ngập tràn vô tận. Tôi ôm anh Sáu mà hai hàng nước mắt chảy ròng và nghẹn ngào không nói nên lời. Bỗng từ phía bờ, hàng loạt súng pháo đủ các cỡ nổ vang đan chéo bầu trời. Những chiếc đèn dù xanh đỏ từ đồn dốc Ba Tý phụt lên treo lơ lửng một khoảng trời Vũng Rô.
   -Lộ rồi sao? Địch đã phát hiện tàu ta chăng?
   -Từ dưới phòng báo vụ, chiếc đài bán dẫn vang lên lời Bác Hồ chúc Tết.
   Giao thừa! Phút giao thừa xuân năm 1965 đã tới. Phú yên ơi! Chúng con đã về đây! Về giữa mùa xuân tràn đầy sức sống.
   Giá như ở một hoàn cảnh khác, thời điểm khác thì cuộc vui còn có thể kéo dài. Không ai muốn rời nhau nhưng làm sao khác được khi công việc còn quá bề bộn. Tàu phải đưa vào sát mép núi và ngụy trang kín đáo trước khi trời sáng.
   Mọi công tác được tiến hành khẩn trương. Sau khi đã bố trí các tổ bám chốt các đồn bót địch và Mũi Điện để kịp thời đối phó, cuộc liên hoan mừng Tết Ất Tỵ, mừng ngày tàu và bến gặp nhau được tiến hành trên nắp khoang hầm hàng hai dưới vòm lá ngụy trang kín đáo. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, kẹo, bia và thuốc lá được bày ra. Cành đào Nhật Tân - Hà Nội bên nhành mai vàng của núi Đá Bia khoe sắc càng tăng thêm hương vị của mùa xuân.
   Trong niềm vui chứa chan tình cảm, tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ chúc Tết các đồng chí cán bộ lãnh đạo chỉ huy, chiến sĩ và dân công của bến. Chúng tôi cùng nâng cốc chúc mừng thắng lợi, chúc sức khỏe anh Sáu và các đồng chí, chúc quân dân tỉnh nhà năm mới giành được những thắng lợi to lớn hơn như thư chúc Tết của Bác Hồ. Tiếng pháo tay thay pháo Tết nổ vang. Anh Sáu giục, cô gái ngồi bên cạnh mặt ửng hồng đứng lên thay mặt đồng bào địa phương chúc Tết anh em thủy thủ tàu. Cô nói: “Đảng, Bác Hồ, đồng bào miền Bắc lo cho miền Nam từng khẩu súng, viên đạn, bát cơm, viên thuốc. Các anh thủy thủ vượt qua sóng to gió lớn, đối mặt với quân thù vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, quê hương Phú Yên quyết xứng đáng với nghĩa tình cao cả đó”.
   Nghẹn ngào xúc động lắng đọng nghĩa tình !
   Tối mồng một, tàu cùng bến bốc dỡ hàng. Chiếc cầu tàu làm tạm bằng cây rừng không đủ sức cho số đông người đi lại, nên hầu hết anh chị em dân công phải dầm mình dưới nước mới kịp chuyển hàng. Công việc tấp nập, khẩn trương. Phía Đèo Cả, thỉnh thoảng một vài ánh đèn pha le lói của những chiếc xe leo dốc cùng với tiếng súng nổ lạc lõng từ các bót đồn địch bắn cầm canh trấn an cho giấc ngủ đầu năm của những kẻ xâm lược. Mặc - không khí lao động, chiến đấu ở đây vẫn tấp nập, khẩn trương. Hàng bốc dưới tàu lên là vũ khí, thuốc men. Hàng trên bờ xuống là cát. Cát của Vũng Rô được đưa xuống dằn tàu để giữ được ổn định khi tàu ra khơi gặp sóng to gió lớn. Từ trong đêm tối, một đồng chí cán bộ cầm trong tay một gói nhỏ được bọc cẩn thận bằng chiếc khăn tay tìm gặp tôi. Anh nói: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh Nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên cường bất khuất, giặc càn đi xéo lại nhiều lần, bụng đói phải ăn trái sung thay cơm gạo nhưng vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Có súng đạn của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ là điểm tựa của những chiến công”.
   Bùi ngùi xúc động, cầm nắm đất Vũng Rô trong tay, tôi như ôm cả Phú Yên quê hương ruột thịt.
   Ba giờ sáng mồng hai Tết Ất Tỵ, tàu rời bến Vũng Rô. Anh Sáu ôm tôi, cái hôn tiễn đưa lưu luyến. Tay siết chặt tay, người ra đi và người ở lại. Những hàng nước mắt tuôn trào, những lời chúc “Lên đường thuận buồm xuôi gió, ở lại mạnh khỏe, chiến đấu hăng say, hứa hẹn có ngày gặp lại”.
   Tôi ấn mạnh tay chuông, con tàu lướt sóng ra khơi. Phía sau con tàu là Vũng Rô, dải đất Phú Yên quê hương chúng tôi đó là mùa xuân Ất Tỵ.
   Đã 34 năm rồi, hơn một phần ba thế kỷ. Dù năm tháng qua đi, nhưng kỷ niệm về cái Tết ở Vũng Rô còn in đậm trong tôi không bao giờ phai nhạt.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hodacthanh trong 11 Tháng Bảy, 2009, 10:49:02 am
                                   
KHÓC NGƯỜI BẾN TRƯỞNG VŨNG RÔ
Kính viếng hương hồn anh Trần Suyền
[/b]----  ----

Chiều nay về lại Tuy Hòa
Ghé thăm anh Sáu tại nhà riêng anh.
Bồi hồi xúc động nhìn quanh
Mịt mờ hương khói tỏa vành khăn tang
Anh đi sao quá vội vàng
Để bao giọt lệ thắm tràn nhớ thương

***

Nhớ ngày về lại quê hương
Gặp anh ở tại chiến trường Vũng Rô
Niềm vui đến thật bất ngờ
Anh ôm tôi chặt mắt mờ lệ rơi
Con tàu “không số” đây rồi !
Biết bao ngày tháng đứng ngồi đợi trông
Bữa ăn toàn những trái sung
Chia nhau từng mớ rau rừng hiếm hoi
Gian nan biết mấy năm trời
Chỉ mong đón được tàu ngoài Bắc vô

***

Trời nào lại phụ người chờ
Một đêm tháng chạp tàu – bờ gặp nhau
Hàng vào đầy ắp hang sâu
Đầy bao tình nghĩa con tàu – bến quê
Ba lần tàu đến, tàu về
Ba lần anh khóc tràn trề niềm vui

***

Hôm nay anh đã đi rồi
Lòng tôi xúc động bùi ngùi nhớ thương
Nghiêng mình thắp một nén hương
Khóc người bến trưởng chiến trường Vũng Rô.

Tuy Hòa 10/5/1998
[/i]


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hatuyenha trong 11 Tháng Bảy, 2009, 03:20:35 pm
  Hoan nghênh bác  Hodacthanh@ tham gia QSVN,đọc hồi ức của bác em nhớ lại tiếng Bác Hồ vang lên ấm áp linh thiêng đêm giao thừa hàng năm ấy...Thật cảm động khi các bác cùng tàu không số được nghe giọng nói của Bác ngay trong đêm giao thừa ở chiến trường...
   Hình như bac có chút nhầm lẫn  bác ạ.Từ năm 1964 đến nay đã 45 năm rồi  đấy.Mong bác giữ sức khoẻ để nhớ lại các hồi ức quí báu tham gia diễn đàn QSVN nhé.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hobichha trong 11 Tháng Bảy, 2009, 08:02:12 pm
  Hoan nghênh bác  Hodacthanh@ tham gia QSVN,đọc hồi ức của bác em nhớ lại tiếng Bác Hồ vang lên ấm áp linh thiêng đêm giao thừa hàng năm ấy...Thật cảm động khi các bác cùng tàu không số được nghe giọng nói của Bác ngay trong đêm giao thừa ở chiến trường...
   Hình như bac có chút nhầm lẫn  bác ạ.Từ năm 1964 đến nay đã 45 năm rồi  đấy.Mong bác giữ sức khoẻ để nhớ lại các hồi ức quí báu tham gia diễn đàn QSVN nhé.
Hoan nghênh bác hatuyenha đã đọc bài viết của bố em. Đây chỉ là một trong những trang hồi ký của cụ thôi bác ạ. Chắc bác ngạc nhiên về tuổi của bố em lắm phải không? Cụ năm nay đã ở tuổi ngoài thất thập cổ lai hy rồi đó, nhưng sức khỏe vấn dồi dào. Vừa rồi cụ mới làm chuyến đi thăm đồng đội cũ nên mới có hứng thú cho đăng vài trang trong hồi ký đó chứ. Mục đích cũng chỉ là muốn ôn lại kỷ niệm cũ với các chú CCB tàu không số chi hội Hà Nội cho vui tuổi già vậy mà. Mong bác tiếp tục ủng hộ các bài viết của bố em nữa nhé.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: haanh trong 11 Tháng Bảy, 2009, 08:19:43 pm
@hobichha : hehe cà trăm người đọc trong 1 ngày rồi chứng tỏ bài viết của ông cụ có sức thu hút lắm , bạn động viên ông cụ viết tiếp cho con cháu xem nhé  ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hobichha trong 12 Tháng Bảy, 2009, 10:59:02 am
@hobichha : hehe cà trăm người đọc trong 1 ngày rồi chứng tỏ bài viết của ông cụ có sức thu hút lắm , bạn động viên ông cụ viết tiếp cho con cháu xem nhé  ;D
Cảm ơn haanh nhé! Các cụ bây giờ sống trong thế giới hoài niệm nhiều lắm. Khi nào rảnh mình xin ý kiến cụ đăng vài bài lên chia sẻ cùng mọi người nhé. :D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: tau khong so trong 13 Tháng Bảy, 2009, 11:29:35 am
Hoan nghênh Bác Hồ Đắc Thạnh và cháu Hồ Bích Hà đã tham gia diễn đàn.
Con cá kình của biển đông, cây đại thụ của TKS - bác Hồ Đắc Thạnh đã lên tiếng cho chúng ta biết những điều kỳ diệu của Tàu không số năm xưa. Cảm ơn bác, chúc bác khỏe mạnh để cho bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ biết đến TKS của chúng ta. Xin gửi bác những bức ảnh  Hội Tàu không số toàn quốc gặp chủ tịch Quốc hội tháng 10/2008 ( bác Hồ Đức Thạnh đứng thứ 7 hàng đầu kể từ phải sang trái.  TKS, Ma Giang đứng hàng trên) và ảnh buổi gặp mặt của Hội TKS Hà Nội với gia đình Bác tại HN tháng 6/2009.

(http://i688.photobucket.com/albums/vv250/quanlem08/Untitled-1copy.jpg)

Trưởng Ban LL Hội Tàu không số HN tặng hoa gia đình Bác Hồ Đắc Thạnh trong buổi gặp mặt tại Hà Nội
(http://i688.photobucket.com/albums/vv250/quanlem08/IMG_2808.jpg)

Nâng cốc chúc sức khỏe Bác Hồ Đắc Thạnh và gia đình
(http://i688.photobucket.com/albums/vv250/quanlem08/IMG_2803.jpg)

Vợ chồng  TKS chúc mừng Bác Thạnh
(http://i688.photobucket.com/albums/vv250/quanlem08/IMG_2815.jpg)

Trưởng Ban LL Hội TKS Hà Nội ( bên phải ) và bác Hồ Đắc Thạnh ( bên trái )
(http://i688.photobucket.com/albums/vv250/quanlem08/IMG_2790.jpg)









Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hatuyenha trong 13 Tháng Bảy, 2009, 07:32:37 pm
Cám ơn bạn tàu khong so@ đã cho mình chiêm ngưỡng dung nhan của người anh hùng bất tử này.
Mong bác khoẻ để có nhiều hồi ức viết trên trang QSVN,chúc bác gái  thật khoẻ để động viên bác trai,những năm bác trai đi tàu không số là những ngày bác gái mỏi mắt chờ mong,thành tích của bác trai có công lớn của bác gái.Em kém bác gái 7 tuổi,là CCB thông tin,chờ bài của bác nhé.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: trantienve trong 17 Tháng Bảy, 2009, 10:22:21 am
Hoan hô bác Thạnh đã vào hội viết lách! Thơ văn cũng lai láng đấy chứ. Em ngõ lời: Bác nên đi sâu mảng hồi ký, bởi lớp già như bác đã lên thiên đàng hầu hết rồi! Em là lính của bác mà cũng đã 65 mùa "hoa san hô" rồi còn gì. Thương và nhớ lắm bác Thạnh a: cái ngày mà thầy trò ta lặn ngụp đào bới san hô kéo tàu ra khỏi bải cạn Tư chính (cách trường sa 20 h/lý về phía đông đó;bây giờ ai còn ai mất hả bác? Nếu em không nhầm thì tau 41 ta giờ chỉ còn 1/3 là sống nũa thôi. Hãy làm cái gì đó để lại cho mai sau chứ: Gặp gỡ nhau chụp phô ảnh? Hay ta tổ chức quyên góp ít tiền về quê xây lăng mộ cho hai bác thủy thủ già: Lôc, Nhợ  đã xung phong bơi ra tàu đánh bộc phá trong cái đêm ở Đức Phổ (Q.Ngãi,11.1966).Cũng có thể góp tiền vào chi viện cho bác máy trưởng Phan Nhạn, đang sống cảnh già côi cút ở Nha Trang! Còn nữa, bác hãy trích một ít tiền để mua  2 bộ quần áo Bà Ba đen trả lại cho em, vì chuyến thứ 2 đi Cà mau về HP, em giặt chưa kịp khô đã vội lên xe chính ủy Võ Huy Phúc về trạm 66 Hải Quân, rồi vôi đi xe Ba càng (tài xế Hãng lái) xuông tàu 56,thay cho Tống Thành Lập đang nằm viện. Tàu do Lê Quốc Thân làm thuyền trưởng, đi vào bến Xuyên Mộc-Bà Rịa (11.1964).
       Hihi, cháu Hà nhớ nhắc Ba Thạnh thế nhé. Cuối tin em xin kính chúc gia đình bác mạnh khỏe, hạnh phúc!  ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: thuong si gia trong 18 Tháng Bảy, 2009, 05:30:29 am
Hoan hô bác Thạnh đã vào hội viết lách! Thơ văn cũng lai láng đấy chứ. Em ngõ lời: Bác nên đi sâu mảng hồi ký, bởi lớp già như bác đã lên thiên đàng hầu hết rồi! Em là lính của bác mà cũng đã 65 mùa "hoa san hô" rồi còn gì. Thương và nhớ lắm bác Thạnh a: cái ngày mà thầy trò ta lặn ngụp đào bới san hô kéo tàu ra khỏi bải cạn Tư chính (cách trường sa 20 h/lý về phía đông đó;bây giờ ai còn ai mất hả bác? Nếu em không nhầm thì tau 41 ta giờ chỉ còn 1/3 là sống nũa thôi. Hãy làm cái gì đó để lại cho mai sau chứ: Gặp gỡ nhau chụp phô ảnh? Hay ta tổ chức quyên góp ít tiền về quê xây lăng mộ cho hai bác thủy thủ già: Lôc, Nhợ  đã xung phong bơi ra tàu đánh bộc phá trong cái đêm ở Đức Phổ (Q.Ngãi,11.1966).Cũng có thể góp tiền vào chi viện cho bác máy trưởng Phan Nhạn, đang sống cảnh già côi cút ở Nha Trang! Còn nữa, bác hãy trích một ít tiền để mua  2 bộ quần áo Bà Ba đen trả lại cho em, vì chuyến thứ 2 đi Cà mau về HP, em giặt chưa kịp khô đã vội lên xe chính ủy Võ Huy Phúc về trạm 66 Hải Quân, rồi vôi đi xe Ba càng (tài xế Hãng lái) xuông tàu 56,thay cho Tống Thành Lập đang nằm viện. Tàu do Lê Quốc Thân làm thuyền trưởng, đi vào bến Xuyên Mộc-Bà Rịa (11.1964).
       Hihi, cháu Hà nhớ nhắc Ba Thạnh thế nhé. Cuối tin em xin kính chúc gia đình bác mạnh khỏe, hạnh phúc!  ;D
Chào anh trantienve!
 Anh cũng nhiều kỉ niệm đấy chứ!Sao anh không kể cho mọi người nghe mà lại chỉ sang chú Thạnh?Hội tàu không số  có nguyên 1 topic riêng làm bọn em ghen tỵ quá!Cố gắng lên hội Tàu không số ơi!Thời gian không còn chờ đợi chúng ta nữa rồi.Phải cho mọi người biết chúng ta đã làm gì và suy nghĩ gì cho chiến thắng của dân tộc.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: dongminhkh trong 18 Tháng Bảy, 2009, 07:16:19 am
Còn nữa, bác hãy trích một ít tiền để mua  2 bộ quần áo Bà Ba đen trả lại cho em, vì chuyến thứ 2 đi Cà mau về HP, em giặt chưa kịp khô đã vội lên xe chính ủy Võ Huy Phúc về trạm 66 Hải Quân, rồi vôi đi xe Ba càng (tài xế Hãng lái) xuông tàu 56,thay cho Tống Thành Lập đang nằm viện. Tàu do Lê Quốc Thân làm thuyền trưởng, đi vào bến Xuyên Mộc-Bà Rịa (11.1964).
 

Vụ này hay nè....Có chuyện đòi nợ thủ trưởng..... ;D
Tính lãi luôn đi, bác trantienve ơi.... ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hatuyenha trong 18 Tháng Bảy, 2009, 07:54:47 am
Bác TrầntienVe@ thân,anh em trong trang QSVN hay đùa, lúc đầu tôi cũng không quen đâu,không biết  bác thấy sao?Bác chắc cũng hiểu lính thì thời nào cũng vây hay tếu ,nếu có chỗ nào chưa làm cho bác thoải mái mong bác bỏ qua cho anh em.Chúc bác khoẻ,mong được nghe nhiều hồi ức của các CCB tàu không số.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: haanh trong 18 Tháng Bảy, 2009, 01:56:12 pm
Hoan hô bác Thạnh đã vào hội viết lách! Thơ văn cũng lai láng đấy chứ. Em ngõ lời: Bác nên đi sâu mảng hồi ký, bởi lớp già như bác đã lên thiên đàng hầu hết rồi! Em là lính của bác mà cũng đã 65 mùa "hoa san hô" rồi còn gì. Thương và nhớ lắm bác Thạnh a: cái ngày mà thầy trò ta lặn ngụp đào bới san hô kéo tàu ra khỏi bải cạn Tư chính (cách trường sa 20 h/lý về phía đông đó;bây giờ ai còn ai mất hả bác? Nếu em không nhầm thì tau 41 ta giờ chỉ còn 1/3 là sống nũa thôi. Hãy làm cái gì đó để lại cho mai sau chứ: Gặp gỡ nhau chụp phô ảnh? Hay ta tổ chức quyên góp ít tiền về quê xây lăng mộ cho hai bác thủy thủ già: Lôc, Nhợ  đã xung phong bơi ra tàu đánh bộc phá trong cái đêm ở Đức Phổ (Q.Ngãi,11.1966).Cũng có thể góp tiền vào chi viện cho bác máy trưởng Phan Nhạn, đang sống cảnh già côi cút ở Nha Trang! Còn nữa, bác hãy trích một ít tiền để mua  2 bộ quần áo Bà Ba đen trả lại cho em, vì chuyến thứ 2 đi Cà mau về HP, em giặt chưa kịp khô đã vội lên xe chính ủy Võ Huy Phúc về trạm 66 Hải Quân, rồi vôi đi xe Ba càng (tài xế Hãng lái) xuông tàu 56,thay cho Tống Thành Lập đang nằm viện. Tàu do Lê Quốc Thân làm thuyền trưởng, đi vào bến Xuyên Mộc-Bà Rịa (11.1964).
       Hihi, cháu Hà nhớ nhắc Ba Thạnh thế nhé. Cuối tin em xin kính chúc gia đình bác mạnh khỏe, hạnh phúc!  ;D
Chào anh trantienve!
 Anh cũng nhiều kỉ niệm đấy chứ!Sao anh không kể cho mọi người nghe mà lại chỉ sang chú Thạnh?Hội tàu không số  có nguyên 1 topic riêng làm bọn em ghen tỵ quá!Cố gắng lên hội Tàu không số ơi!Thời gian không còn chờ đợi chúng ta nữa rồi.Phải cho mọi người biết chúng ta đã làm gì và suy nghĩ gì cho chiến thắng của dân tộc.
hehe , bác nói đúng đấy , thời gian không còn nhiều  , các bác cứ kể ở đây cho con cháu nó nghe , nó nhớ , chứ chờ bác TKS làm trang web riêng thì đến bao giờ và chắc gì con cháu vào xem được vì đâu phải hội viên hội TKS ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: thuong si gia trong 21 Tháng Bảy, 2009, 11:23:12 am
Sắp  đến ngày truyền thống Hải quân nhân dân VN 5/8 rồi mà không thấy các bác nào lên tiếng?Tôi nghĩ hội TKS không nên mở trang web riêng làm gì?Vì chỉ có hội viên tàu không số đọc thôi thì sẽ rất ít!Cứ đưa tất cả lên đây thì cả nước đọc.Chúng ta  kể cho đời sau nghe nữa chứ,đâu phải đóng cửa nói nhỏ với nhau?Xin lỗi nếu nói không đúng?


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: nguyen dinh thang trong 21 Tháng Bảy, 2009, 11:39:48 am
 Bác Thượng sỹ già nói rất đúng, các bác là những huyền thoại sống rất đáng quý. Lớp con cháu sau này rất muốn biết về trang sử hào hùng của các bác, vậy mà tại sao các bác cứ định giữ làm của để dành nhỉ? Các bác vào đây kể chuyện cho tụi em và các cháu học tập đê.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: tau khong so trong 21 Tháng Bảy, 2009, 03:21:51 pm
Sắp  đến ngày truyền thống Hải quân nhân dân VN 5/8 rồi mà không thấy các bác nào lên tiếng?Tôi nghĩ hội TKS không nên mở trang web riêng làm gì?Vì chỉ có hội viên tàu không số đọc thôi thì sẽ rất ít!Cứ đưa tất cả lên đây thì cả nước đọc.Chúng ta  kể cho đời sau nghe nữa chứ,đâu phải đóng cửa nói nhỏ với nhau?Xin lỗi nếu nói không đúng?

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Bác thuongsygia nói đúng đấy. Cảm ơn ý kiến đóng góp của bác. Tôi xin tiếp thu ý kiến ngay vì các cựu TKS đều là các bác già không có điều kiện, kiến thức về tin học, chỉ số ít bọn trẻ chúng tôi mới có điều kiện vào mạng, thay các bác già đưa các câu chuyện, sự kiện lên để cả nước cùng đọc cùng biết. Đề nghị quản trị nên xếp các mục  về Đường Hồ Chí Minh trên biển vào "  Một thời máu và hoa " thì hay hơn bởi mục đó là ký ức và kỷ niệm về người lính mà. Cũng xin thông báo với các Bác nhân ngày truyền thống HQND Việt Nam Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức " Lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ Hải quân vào tối thứ năm ngày 23/7/2009 tức ngày mùng 2 tháng sáu âm lịch tại Bến K15 Đồ Sơn ( Nơi con tàu không số đầu tiên xuất phát - K15 cạnh Casino Đồ Sơn) Mời các Bác có điều kiện về dự. TKS


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hatuyenha trong 22 Tháng Bảy, 2009, 08:34:35 am
Bạn Taukhongso@ thân mến,mình  hoan nghênh quyết định tham gia nhiệt tình vào QSVN của các bạn,nói thật khi nghe các bạn rút ,khoá topíc linh 1972 mình hơi giận các bạn,lí do thì thượngsỹgià@ đã nói.Những tấm gương hi sinh oanh liệt,dũng cảm quên mình vì sự nghiệp giải  phóng đất nước của các CCB,các liệt sỹ
tàu không số phải được càng nhiều người biết càng tốt để mọi người cùng tri ân,cùng truyền đời ghi nhớ  tận trong tâm của mọi thế hệ không lúc nào  không giây phút nào được quên lãng.Còn ít ngày nữa đến ngày thương binh liệt sỹ(27-7) mình chắc chắn các ký ức ,nỗi nhớ thương đồng đội đang ùa về với các CCB tau không số chúng mình mong được nghe nhiều các ký ức ấy.Cám ơn các bạn.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: magiang trong 22 Tháng Bảy, 2009, 12:27:15 pm
Tôi lại có ý kiến hơi khác các bác một chút. Hiện nay topic "Đường Hồ Chí Minh trên biển" đang được quản trị xếp vào box "Xẻ dọc trường Sơn đi cứu nước" - phần thảo luận về lịch sử cuộc kháng chiến chống Mĩ là rất phù hợp rồi. Ở đó có thể đưa những tin về hoạt động của Hội truyền thống Tàu không số, tư liệu của cả phía ta lẫn phía địch nói về đường Hồ Chí Minh trên biển, các hoạt động kỉ niệm của các ban ngành, các địa phương, v.v. Còn nếu để ở box "Một thời máu và hoa" chỉ dành riêng cho các hồi ức hồi kí thì không chứa đựng hết các nội dung. Nhưng chúng ta cũng không cần thiết phải mở trang web riêng.Theo tôi các bác cũng không nên quan niệm box "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" chỉ dành cho Đoàn 559


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: magiang trong 22 Tháng Bảy, 2009, 12:32:18 pm
Theo tôi thiển nghĩ, chúng ta nên đề nghị quản trị đưa topic "Hồi kí tàu không số trên đường mang tên Bác" về với topic "Đường Hồ Chí Minh trên biển" ở box "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" cho tập trung nội dung, khỏi phân tán


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hatuyenha trong 24 Tháng Bảy, 2009, 06:28:30 am
Vừa đọc nước mắt rơi thành giọt,thương quá.Bạn Taukhongsô@ thân mến các bạn đã tổng kết được ai là người đi được nhiều nhất các chuyến tàu này không ?"Bạn Thạnh sắp cưới vợ" của bài trên có phải là bác Thạnh của topic này không ?Đã tổng kết xem tổng số  chuyến  thành công và tổng số tàu phải "anh dũng hi sinh" chưa ?
Nhân ngày thương binh liệt sỹ,xin thắp một nén tâm hương tưởng nhớ các anh và mong các anh siêu thoat.
Cám ơn bạn  Ahuuls@ đã đưa được một hồi ký cảm động.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: Haitanphongthu trong 24 Tháng Bảy, 2009, 08:39:16 am
Bây giờ ở Đồ sơn cái bến tàu ko số ngày xưa gọi là bến Nghiêng ,có bia tưởng niệm.Ông nhà văn HQ Đình Kính là bạn thân ông già em .Ông ấy viết Sóng chìm đoạt giải đó. Nghe ông ấy kể chuyện cũng hay lắm


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: Tunguska trong 24 Tháng Bảy, 2009, 08:48:43 am
Theo tôi thiển nghĩ, chúng ta nên đề nghị quản trị đưa topic "Hồi kí tàu không số trên đường mang tên Bác" về với topic "Đường Hồ Chí Minh trên biển" ở box "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" cho tập trung nội dung, khỏi phân tán

Chủ đề ở box Xẻ dọc Trường Sơn là để đưa tư liệu, sách báo, tranh ảnh... đã được xuất bản. Còn chủ đề này dành cho các hồi ức gốc, nguyên bản chú ạ :)


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: tau khong so trong 24 Tháng Bảy, 2009, 12:09:24 pm
Bây giờ ở Đồ sơn cái bến tàu ko số ngày xưa gọi là bến Nghiêng ,có bia tưởng niệm.Ông nhà văn HQ Đình Kính là bạn thân ông già em .Ông ấy viết Sóng chìm đoạt giải đó. Nghe ông ấy kể chuyện cũng hay lắm

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
 
          Đài tưởng niệm bến tàu không số
(http://i688.photobucket.com/albums/vv250/quanlem08/PICT0066.jpg)


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: OldBuff trong 25 Tháng Bảy, 2009, 01:15:56 pm
Hôm nay xóm em tổ chức gặp mặt nhân ngày 27/7. Sau màn diễn văn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ là buổi giao lưu giữa thương, bệnh binh và thân nhân một số gia đình TB/LS trong xóm. Bác Hải chỗ các bác Tàu không số dù bận công tác tới muộn nhưng vẫn góp mặt.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: haanh trong 25 Tháng Bảy, 2009, 01:51:22 pm
hehe , mấy đồng nghiệp ngoài đó mần hoành tráng quá hé , em cũng là bệnh binh nè ( bệnh nghiền mế mai ) mà chẳng ai mời  ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: OldBuff trong 25 Tháng Bảy, 2009, 02:39:55 pm
hehe , mấy đồng nghiệp ngoài đó mần hoành tráng quá hé , em cũng là bệnh binh nè ( bệnh nghiền mế mai ) mà chẳng ai mời  ;D

Bệnh của bác thì ai dám mời, dám chữa ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: TRIEU XUAN HOAN trong 28 Tháng Bảy, 2009, 07:10:27 pm
     Chào Đại gia đình Quan su Viet nam, chào gia đình Tàu không số đã có thêm Bác Thạnh, Bác Vệ lên tiếng. các Bác cho em hỏi thăm: các Bác có biết Bác Nguyễn Văn Thanh thuyền trưởng tàu 608 Nhật Lệ hiện giờ đang sống ở đâu không, Bác Thanh là người Cà Mau, hình như là lấy vợ Hải Phòng thì phải? Sau giải phóng Bác về Cà Mau hay đang ở nơi đâu, mong Bác lên tiếng để bọn lính đàn em có dịp được tiếp kiến.
      Bọn em thuộc lớp lính bổ sung về Đoàn 125 năm 1972 tại cảng Hậu Thủy (căn cứ A2)-Lính Sinh viên. cám ơn các Bác và kính chúc các Bác sức khỏe./.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hodacthanh trong 30 Tháng Bảy, 2009, 10:59:13 am
MỞ ĐƯỜNG VÀO BẾN VŨNG RÔ
   
Chuyến đi Cà Mau thắng lợi vừa về đến Hải Phòng ngày 1 tháng 11 năm 1964. Cán bộ chiến sĩ tàu 41 đang họp rút kinh nghiệm và tranh thủ nghỉ ngơi sau những ngày vật lộn với sóng to gió lớn thì được lệnh: “Đưa tàu về cảng Đồ Sơn để nhận nhiệm vụ”. Lúc đó là 16 giờ ngày 10 tháng 11 năm 1964 tôi trao đổi với thuyền phó Hồng Lỳ và chính trị viên Trần Hoàng Chiếu “tranh thủ cho anh em ăn cơm sớm để lên đường”. Đêm mùa đông lạnh buốt và sương mù nên đến 19 giờ tàu mới tới cảng Đồ Sơn. Tàu cập bến, tôi và CVT Chiếu được xe chở về Sở chỉ huy quân chủng. Tại phòng họp đã có mặt Tư lệnh quân chủng Nguyễn Bá Phát, chính ủy Hoàng Trà, Đoàn trưởng Đoàn Hồng Phước, chính ủy Võ Huy Phúc, chủ nhiệm chính trị Võ Hành và các sĩ  quan Tham mưu chuyên trách  vận chuyển B. Bộ Tổng Tham mưu có Phó Cục trưởng tác chiến B Phan Hàm, Cục trưởng bảo vệ Kinh Chi và một người nữa là đồng chí Trần Ngọc Quang - người quê Phú Yên cùng đi với tàu tôi lần này.
   Một tấm hải đồ tỉ lệ lớn trải rộng trên bàn trước mặt Tư lệnh. Nhìn trên đó người ta thấy dày đặc những mũi tên xanh đỏ cùng những ký hiệu minh họa tình hình có liên quan công tác vận chuyển được thu thập qua các nguồn tin mới nhất đáng tin cậy.
   Buổi họp giao nhiệm vụ sơ bộ chuyến đi bắt đầu. Đã nhiều lần nhận nhiệm vụ nhưng không biết sao lần này lòng tôi thấy hồi hộp rộn ràng. Mặc dù Tư lệnh chưa nói nhưng qua tấm hải đồ mà mọi ký hiệu tình hình đều tập trung vùng biển Phú Yên. Như đoán được ý nghĩ trong lòng tôi, nên sau khi Trưởng phòng Quân báo Kim Sang báo cáo tình hình địch trên biển miền Nam nói chung và tập trung ở vùng biển Nam Trung Bộ, trên bờ thì khu vực tỉnh Phú Yên, Tư lệnh nói: “Năm 1963 tàu X chở 20 tấn vũ khí chi viện khu 5 vào bến Lộ Diêu tỉnh Bình Định. Lần đó tàu đến nơi, chuyển được hàng nhưng vì sóng to gió lớn nên không về hậu phương được, anh em phải phá tàu đi bộ về. Hiện nay nhu cầu vũ khí ở chiến trường khu 5 rất bức thiết. Tỉnh ủy các tỉnh ven biển khu 5 đã cử người mang thư ra Trung ương xin chi viện vũ khí đang chờ chúng ta. Theo chỉ thị của Trung ương lần này ta đưa hàng vào Vũng Rô. Ngừng một lát đồng chí nói tiếp: - “Vì sao cấp trên và Thường vụ Đảng ủy quần chúng chọn Vũng Rô làm bến ? Vũng Rô là vũng có độ nước sâu, tàu ra vào không lệ thuộc thủy triều; lại nằm kế sát đường sắt và quốc lộ 1, nơi địch rất sơ hở, nếu ta biết lợi dụng yếu tố bí mật bất ngờ thì ta sẽ thắng”. “Bên cạnh những ưu điểm đó, Vũng Rô là nơi dễ bị kẻ địch bao vây, chỉ cần một tàu đứng chặn giữa Mũi Điện và Hòn Nưa là tàu ta khó thoát. Bộ đã điện cho khu 5 chuẩn bị đón. Tàu các đồng chí vào có thể gặp bến đón hoặc không gặp, nhưng dù gặp hay không gặp thì đồng chí Trần Ngọc Quang cũng phải ở lại nắm tình hình tổ chức bến rồi ra sau. Bộ Tham mưu và thủ trưởng Đoàn chuẩn bị chu đáo để Bộ Tư lệnh Quân chủng có thể giao nhiệm vụ chính thức cho tàu. Từ giờ phút này tàu 41 cách li với các đơn vị trong Đoàn và bên ngoài”.
   Những ngày tiếp theo biết bao công việc bận rộn. Cán bộ tàu chúng tôi bò lăn ra nghiên cứu hải đồ, tính toán thủy triều, nhận dạng mục tiêu, tìm hướng đi tránh rađa Cù lao Ré và Chóp chài. Chính trị viên tàu lo công tác Đảng công tác chính trị.
   Vừa chuẩn bị mọi mặt vừa đón tiếp số anh em quân giải phóng quê ở Phú Yên bổ sung về tàu làm thủy thủ. Đó là các đồng chí Lê Kim Tự, Lê Xuân quê ở Hòa Hiệp, và đồng chí Trần Mỹ Thành quê ở Xuân Thịnh. Các anh vừa trải qua 3 tháng vượt Trường Sơn ra Bắc, thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức chưa được bao lâu nay xuống tàu làm nhiệm vụ chở vũ khí bằng con đường mòn Hồ Chí Minh trên biển để về lại quê hương. Tàu có 21 đồng chí, hầu hết là anh em quê ở Phú Yên và Bình Định và một số ít anh em ở các tỉnh khác. Trừ 4 đồng chí có vợ con ở miền Nam và đồng chí Trần Ngọc Quang vừa mới có người yêu, số còn lại chưa một ai được “nếm mùi yêu đương” .............
   


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hodacthanh trong 30 Tháng Bảy, 2009, 11:00:38 am
(Tiếp)
Một đêm nằm bên cạnh tôi, anh Quang tâm sự: “Từ hôm được tin cấp trên báo cho mình đi theo tàu cậu về lại quê hương chiến đấu mình mừng quá không sao ngủ được”. Tôi nói khích vào: “Chớ không phải nhớ người yêu không ngủ được à?” “Cái đó cũng có” - anh Quang nói. “Phải chăng lúc này mình cũng như cậu chưa đụng đến chuyện yêu đương thì sướng biết bao nhiêu. Tập “công văn tình cảm” của cô ấy cất kỹ dưới đáy ba lô và theo mình đi khắp nơi mãi đến chiều hôm qua sau một cuộc đấu tranh dằn vặt mình đã đốt hết rồi. Bây giờ mình thật sự yêm tâm. Khi nào gặp lại cô ấy cậu hãy nói giúp mình vì sao mình ra đi mà không để lại cho cô ấy một tín hiệu gì. Tất cả vì sự an toàn và thắng lợi của chuyến đi”.
   Mùa gió chướng về, mùa hoạt động của những con “tàu không số” đã tới. Buổi giao nhiệm vụ chính thức chuyến đi mở đường vào bến Vũng Rô cho tàu 41 được tiến hành ngắn gọn. Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình chuẩn bị chuyến đi và báo cáo bổ sung của Trưởng phòng Quân báo về tình hình địch ở khu vực bến, Tư lệnh quyết định phương án và thời gian xuất phát của tàu. Đồng chí nhấn mạnh “Đây là bến mới, có thể lực lượng địa phương tổ chức đón và bốc hàng có khó khăn. Để bảo đảm bí mật sử dụng lâu dài bến mới này, thời gian cho phép tàu vào bến khoảng từ 23 đến 24 giờ và nhất thiết phải rời bến trước 3 giờ sáng.”
   Buổi giao nhiệm vụ kết thúc, mọi người ra về. Tôi và anh Quang được Tư lệnh Quân chủng gặp riêng. Đi bách bộ dọc hành lang Sở chỉ huy đồng chí ân cần dặn chúng tôi phải hết sức cố gắng tập trung lãnh đạo chỉ huy để chuyến đi thắng lợi. Siết chặt tay, đồng chí chúc chúng tôi lên đường thắng lợi. Gặp anh Sáu và các anh ở bến gởi lời thăm.”
   Buổi chiều cuối cùng tàu chuẩn bị xuất phát, cấp trên cho xe chở đến 3 người khách. Anh Võ quê ở Bình Định, anh Long, anh Kiến quê ở Quảng Nam. Các anh nhận nhiệm vụ vào tăng cường cho bến.
   24 giờ ngày 16/11/1964 tàu rời bến Bãi Cháy. Các đồng chí Tư lệnh Quân chủng, Đoàn trưởng và chính ủy Đoàn ôm hôn thắm thiết cán bộ chiến sĩ của tàu. “Chúc tàu 41 hành trình thuận buồm xuôi gió. Bộ Tư lệnh chờ tin thắng lợi của các đồng chí báo về”. Tình cảm hậu phương lớn làm ấm lòng các chiến sĩ trên đường về tiền tuyến lớn.
   Trăng trung tuần tháng 11 tỏa sáng một vùng bát ngát mênh mông. Sau trận gió mùa Đông Bắc biển lặng sóng, con tàu lướt nhẹ êm ru. Giữa cảnh trời nước mênh mông trăng thanh gió mát, trừ các cán bộ và thủy thủ trực canh còn lại tập trung trên boong tàu uống trà trò chuyện và ca hát. Các đồng chí khách trải chiếu nằm trên hầm hàng nói cười sảng khoái. Anh Kiến nói với tôi: “Mình đi ra trận như là đi du lịch thế này thì còn gì bằng. Các ông lính hải quân thật là sướng”. Đúng là như thế, giữa mùa Đông, mùa của gió chướng cấp 7 cấp 8 mà có một đêm biển lặng như thế này là hiếm. Riêng chúng tôi những người lính biển hiểu rất rõ biển lặng hôm nay là giao thời của những trận gió mùa Đông Bắc, nó chỉ có trong chốc lát. Và trong hoạt động của Đoàn “tàu không số” chúng tôi thì ngược lại, “biển lặng là thời tiết xấu” khó tránh các trạm rađa và các tàu tuần tiễu của địch.
   Gần sáng, biển bắt đầu lên tiếng. Con tàu được sóng biển nâng lên và đột nhiên hạ xuống giữa 2 đợt sóng của gió mùa. Tốc độ tàu giảm, tàu lắc lư như người say chao đảo. Trong khoang ngủ thủy thủ, đồ đạc văng tung tóe. Đó đây một vài người nôn mửa. Không chỉ có khách mà có cả người của tàu. Càng về trưa, sóng càng lớn không nấu cơm được phải ăn bằng lương khô.
   Tàu hành trình được 2 ngày thì có điện của Sở chỉ huy: “Dừng lại ở vùng đảo của bạn chờ lệnh”. Tranh thủ thời gian chúng tôi tiếp tục huấn luyện các phương án chiến đấu. Thời gian chờ đợi nặng nề trôi.
   18 giờ ngày 26/11/1967 tàu vượt qua “giới tuyến tạm thời” trên biển. Tuy là giới tuyến tạm thời nhưng với chúng tôi thì đây là tuyến chiến đấu. Tôi ra lệnh nâng cấp sẵn sàng chiến đấu và tăng cường quan sát. Thuyền phó Hồng Lỳ trực tiếp đến từng giường của các đồng chí khách phổ biến tình hình. Tôi đang loay hoay đo đạc xác định vị trí tàu thì nghe phía sau có người hô to: “Xin tạm biệt hậu phương lớn hẹn ngày trở lại”. “Xin chào miền Nam tiền tuyến lớn chúng tôi đang về theo tiếng gọi của quê hương”. Đó là anh Võ - người khách duy nhất trên tàu không say sóng. Anh đang giơ tay vẫy chào tạm biệt miền Bắc và giang tay ôm lấy miền Nam trong giây phút bồi hồi xúc động khi biết tàu qua giới tuyến tạm thời.
   Tàu vẫn hành trình theo kế hoạch, thông tin liên lạc giữa tàu và chỉ huy sở vẫn được giữ vững. Khoảng 12 giờ trưa đồng chí cơ yếu đưa cho tôi bức điện, nội dung: “Bộ Tư lệnh vùng 1 Duyên hải Ngụy phái 2 tàu chiến hộ tống một phái đoàn Mỹ đi thị sát rađa cù lao Ré, tàu 41 khi qua vùng biển Đà Nẵng - Lý Sơn phải chú ý. Tình hình bến rất êm”.
   Đêm trên vùng biển miền Trung, ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc có giảm chút ít nhưng vẫn còn sóng cấp 5 cấp 6. Xa xa một vài chiếc ghe lưới chuồn chập chờn trên sóng biển.
   Ngày 28/11/1964 ngày hành trình cuối cùng của tàu. Ba ngày đêm qua, ngoài sự chịu đựng sóng gió, tàu 2 lần cơ động tránh tàu tuần tiễu của địch. Khoảng 5 giờ sáng 1 máy bay của Ngụy từ 1 căn cứ trên đất liền (có lẽ Phù Cát hoặc Đông tác) bay đến lượn trên tàu nhiều lần ở độ cao 50 - 100m. Sau khi hội ý cán bộ tàu, tôi cho một thủy thủ mang cờ ba que kéo lên đỉnh cột, đồng thời cho anh em mang những con cá ướp đá và những bó mực khô đã chuẩn bị sẵn cùng với những chai rượu giơ cao như vẫy gọi như mời chào “người bạn đường trên biển” xuống nhậu.
   Sau mấy lần quần lượn trên tàu, lúc cắt ngang lúc bay dọc theo tàu - có lẽ để xác định hướng đi của tàu - rồi bay thẳng về hướng đất liền. Không khí trên tàu sôi động hẳn lên. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Số anh em mới đi chuyến đầu và khách rất lo lắng. Cảm giác “đi chiến trường như đi du lịch không còn nữa”. Tôi nói với anh Võ: “ở trên bộ khi gặp địch còn có thể tìm chỗ ẩn nấp hoặc khi không thể tránh được thì nổ súng và chẳng may phải hy sinh không sớm thì muộn đồng đội sẽ tìm đến đưa thi hài về chôn cất. Còn ở đây trên biển cả mênh mông, con tàu như chiếc lá trên mặt nước, tìm chỗ ẩn nấp chỉ bằng cách tự giấu tung tích của mình để đạt đến đích cuối cùng là đưa vũ khí vào đến chiến trường và trong trường hợp buộc phải chiến đấu thì phải đánh đến cùng và khi có nguy cơ rơi vào tay địch thì sử dụng khối bộc phá ngàn cân làm nổ tung tàu sao cho không còn một dấu vết”.
   -“Báo cáo thuyền trưởng, mạn phải 300 có hai tàu xuất hiện!” tiếng đồng chí trực canh trên đài quan sát cắt ngang câu chuyện chúng tôi. Tôi cầm chiếc ống nhòm của đồng chí trực canh trao cho và quan sát. Hai chấm đen rõ nét dần ở cuối đường chân trời. Một ý nghĩ thoáng trong đầu. Sau phát hiện của máy bay chúng có thể cho tàu chiến tiếp cận kiểm tra. Phải cảnh giác sẵn sàng đối phó. Tôi cho anh em thay số hiệu tàu, sửa lại vàng lưới đánh cá ngụy trang đồng thời bí mật chuẩn bị vũ khí khi cần chủ động đánh địch.
   Hai tàu địch tiếp cận tàu ta cách một hải lý thì giảm tốc độ. Boong tàu lố nhố một đám sĩ quan binh lính địch đang chỉ chỏ nói cười. Trên cabin tàu một tên sĩ quan đang dùng ống nhòm quan sát tàu ta. Khoảng 10 phút sau một chiếc tách đội hình tăng tốc độ chạy vòng phía sau, sang mạn trái tàu rồi cả hai chạy song song với tàu ta một khoảng cách nhất định. Thời gian trôi đi, căng thẳng và chờ đợi, sự chờ đợi của 2 khả năng: đánh nhau nếu chúng phát hiện tàu ta chở vũ khí tiếp tế cho Việt cộng ở miền Nam hoặc bỏ đi nếu ta thành công trong chiếc vỏ ngụy trang giả dạng tàu đánh cá nước ngoài. Rốt cuộc phần thắng thuộc về người chủ động. Sau 2 giờ hộ tống kèm cặp xác minh, 2 tàu Ngụy đã kéo còi tăng tốc độ quay về hướng khác. Không khí trên tàu như bị nén chặt giờ đây được mở val giảm sức căng mặt ngoài của bình chứa. Mọi người thở phào nhẹ nhõm.
   -Phải tranh thủ ăn chút ít gì để lấy sức đêm nay vào bến! Đồng chí Lộc thuyền phó Hậu cần, người thường được anh em gọi là “thần giữ của” lúc này cũng xuôi lòng bởi những lời tán tụng của anh em.
   Có một điều thú vị phải qua nhiều lần khảo nghiệm mới nhận biết được: Đó là khi đang say sóng mà gặp tình hình căng thẳng như gặp địch, tàu gặp tai nạn hoặc tàu đi lâu ngày nhìn thấy đất liền … thì cơn say biến đâu mất nhường lại cho sự  tỉnh táo bình thường. Các đồng chí say sóng nhất giờ đây cũng ăn được chút ít.
   Tàu tiếp tục hành trình. 12 giờ ngày 28/11/1964 tàu chuyển hướng vào bến. Không khí chuẩn bị trên tàu rất khẩn trương và bận rộn.
   14 giờ thì phát hiện lờ mờ rặng núi phía đất liền. Tình hình vẫn yên tĩnh. Thỉnh thoảng có một hai lần chiếc máy bay bay qua hướng đi của tàu. Trời tối dần. Lúc này tàu ta đã nằm trong bán kính chiếu sáng của đèn Mũi Nậy rồi mà vẫn chưa nhìn thấy ánh chớp. Bao nhiêu giả thuyết đặt ra: “có thể vị trí tàu ta sai lệch! Có thể đèn Mũi Nậy không có hoặc bị hỏng máy phát điện …
   Tàu vẫn tiếp tục đi theo hướng đã định. 22 giờ tàu cách bờ núi 1 hải lý. Chúng tôi dùng đèn pin phát tín hiệu nhận nhau. 5 phút rồi 10 phút vẫn không thấy tín hiệu trả lời.
   Bĩnh tĩnh, cảnh giác và thận trọng. Tôi cho tàu giảm tốc độ và tránh xa các mõm núi đá. Lưới ngụy trang trên các ụ súng máy được tháo gỡ ra để sẵn sàng chiến đấu. Phía mạn trái tàu một hòn đảo hiện ra rõ dần. Hòn Nưa! Đúng là Hòn Nưa rồi. Cửa Vũng Rô đã ở trước mặt. Tôi cho tàu chạy từ từ vào giữa vịnh và thả trôi. Bốn bề yên tĩnh. Phía Đèo Cả thỉnh thoảng một vài ánh đèn le lói rồi vụt tắt. Chiếc xuồng ba lá được thả xuống, đồng chí thuyền phó cùng 2 chiến sĩ mang theo vũ khí chèo vào phía bờ tìm bắt liên lạc với bến. Tàu thả trôi chờ đợi. Thời gian nhích dần chậm chạp.
   Mười phút, hai mươi phút rồi ba mươi phút trôi qua. Bỗng phía bờ có ánh đèn pin chớp lên rồi vụt tắc. Anh Quang dùng đèn pin phát tín hiệu nhận nhau và được phía bờ đáp lại đúng như quy định. Toàn tàu thật sự yên lòng mình đã vào đúng bến Vũng Rô.
   Một chiếc ghe máy kéo theo chiếc xuồng ba lá cập mạn. Các anh lên tàu. Phút gặp gỡ đầu tiên vui mừng xúc động. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau 2 hàng nước mắt chảy ròng nghẹn ngào không nói nên lời.
   Ôi rất gần mà bấy lâu xa cách
   Chỉ mấy ngày đường - vạch giới tuyến chia đôi
   Mà hôm nay tôi đã đến đây rồi
   Bằng con đường Hồ Chí Minh trên biển
   Chính trị viên Chiêu ngẫu hứng đọc mấy câu thơ. Anh Sáu và các anh ở bến bắt tay anh em trên tàu. Siết chặt tay anh mà lòng tôi không cầm được nước mắt. Không ngờ anh Sáu (ngoài kia tôi được chỉ thị vào gặp anh Sáu Râu) lại chính là anh Trần Suyền - ông Tú đầu tiên và duy nhất ở quê tôi và ở cách nhà tôi không quá 30 phút đi bằng xe đạp.
   Sau phút bồi hồi xúc động tôi trình bày với các anh là “theo lệnh cấp trên tàu tôi chỉ được ở lại đến 3 giờ sáng là phải rời khỏi bến”. Tàu trọng tải hàng 80 tấn vũ khí và một số trang bị khác làm sao huy động người bốc dỡ kịp để tàu ra. Cầm tay tôi, anh Sáu nghẹn ngào nói: “Chúng tôi tổ chức đón tàu các đồng chí từ mấy đêm nay, đêm nào cũng mong được gặp, đêm nay gặp rồi sao cứ bàng hoàng xúc động vừa mừng lại vừa lo, mừng vì ước mong đã thành sự thật, còn lo vì con tàu lớn quá, khối lượng hàng nhiều làm  sao bốc dỡ trong mấy tiếng đồng hồ cho xong!”
   Thấu hiểu rõ nổi bâng khuâng suy nghĩ của các anh ở bến, tình cảm quê hương trong lòng chúng tôi thôi thúc phải tìm mọi cách để giải quyết. Chi ủy họp cùng cán bộ thuyền có đồng chí Quang tham dự. Vấn đề đặt ra là “Nếu cho tàu ra khỏi lãnh hải chờ tối mai vào hoặc ở lại bến ngụy trang thật kín, tối mai bốc hết hàng rồi tàu ra!” Ý kiến trao đổi khá sôi nổi, ý kiến tôi là ta cho tàu ở lại bến”. Điều quan trọng là làm sao ngụy trang che mắt được kẻ địch. Chi ủy viên - máy trưởng nói “Như vậy có trái lệnh của cấp trên là tàu phải rời bến trước 3 giờ sáng không?” Bây giờ chỉ có một điều duy nhất làm cơ sở cho việc quyết định cho tàu ở lại hay ra là căn cứ vào chỉ lệnh giao nhiệm vụ cuối cùng của cấp trên “cho phép chi ủy - chi bộ và cán bộ tàu tùy tình hình cụ thể mà quyết định và chịu trách nhiệm trước cấp trên.”
   Cuộc họp kết thúc. Tôi gặp anh Sáu báo cáo là tàu sẽ ở lại bến để tối mai bốc hết hàng rồi ra và đề nghị các anh tìm chỗ dấu và ngụy trang tàu. Tôi cho chuyển bức điện cuối cùng “Tàu ở lại bến bốc hàng xong tối mai ra” kết thúc liên lạc với Sở chỉ huy.
   4 giờ sáng hoàn thành xong việc dấu và ngụy trang tàu kín đáo. Cùng với bến chúng tôi cho lực lượng chốt chặn các vị trí cần thiết. Lệnh chiến đấu được ban hành phong tỏa chặt các hướng ra vào Vũng Rô và nghiêm cấm việc đốt lửa nấu ăn trong khu vực tàu đậu. Tất cả ăn lương khô và uống nước suối. Việc khó khăn nhất là làm sao giải thích để ghe của ngư dân không vào suối lấy nước dễ bị lộ. Anh Sáu bảo tôi yên tâm, việc đó đã giao cho bảo vệ bến và xã đội trưởng Hòa hiệp rồi.
   Mặt trời đi qua chậm chạp trên đỉnh đầu. Không gian yên tĩnh. Thỉnh thoảng một vài chiếc máy bay bay qua vùng trời Vũng Rô theo hướng Nam - Bắc, tiếng xình xịch của một đoàn tàu hỏa, tiếng rú ga sang số của những đoàn xe quân sự nặng nề leo dốc Đèo Cả nghe chối tai. Trên tàu lúc này còn lại tôi, thuyền phó và máy trưởng  - tổ rời tàu cuối cùng nếu phải chiến đấu, điểm hỏa phá hủy tàu.
   


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hodacthanh trong 30 Tháng Bảy, 2009, 11:02:54 am
(Tiếp)
Khoảng 14 giờ, anh Sáu và đồng chí cần vụ xuống tàu. Anh cho biết tình hình vẫn êm, mọi công tác chuẩn bị cho đêm nay bốc dỡ hàng đã tạm ổn. Chúng tôi uống nước và nói chuyện. Qua anh, tôi biết được tình hình tỉnh nhà sau bao năm xa cách.
   Tia nắng cuối cùng trong ngày đã tắt, hoàng hôn xuống nhanh, thời điểm chuyển giao quyền làm chủ Vũng Rô cho chúng tôi - lực lượng cách mạng - đã tới. Tôi cho anh em tháo dỡ ngụy trang và cơ động tàu về bãi chính để bốc hàng. Trên bờ hàng trăm dân công đã chờ sẵn. Chiếc cầu tàu làm tạm bằng cây rừng được khẩn trương lắp ghép, anh chị em dân công tràn xuống tàu. Không khí lao động khẩn trương tấp nập. Ai lên tàu cũng muốn đi xem tất cả các nơi của “tàu mình” rồi mới chịu đi làm việc. Một nhóm chị em đứng gần hầm hàng chờ đến lượt phiên mình vác, xầm xì bàn tán “Làm sao nẫu biết nẫu dô” Một chị to tiếng “Tao giả chạt mặt mày chớ tại sao nãy giờ mày đi đâu không làm!”
   Chao ơi mười mấy năm trời hôm nay tôi mới nghe tiếng “nẫu” “giả chạt”. Nó thân thương và vô cùng gợi cảm nó đưa tôi về với cội nguồn âm sắc quê hương của một Phú Yên trù phú, có cánh đồng Tuy Hòa thẳng cánh cò bay bên dòng sông Đà Rằng nước lửng lờ trôi chảy.
   Trên tàu dưới bến người chạy đi chạy lại tấp nập rộn ràng khẩn trương bốc dỡ chuyển hàng. Tôi bưng ca nước mời anh chiến sĩ đang ngồi nghỉ sau khi bốc hàng dưới hầm lên quần áo ướt đẫm mồ hôi. Anh nói: “Đã mấy ngày nay đơn vị không còn gạo, anh em phải ăn trái sung!” - “Quê mình mà cũng thiếu gạo à?” Tôi hỏi và anh giải thích: “Gạo thì thiếu cha gì nhưng từ Hòa Xuân, Hòa Tân chuyển về đây phải qua đường số 1 thì khó lắm. Bọn Nam Triều Tiên nó phục dai dẳng 2 bên Đèo Cả khó mà lọt qua”. Hớp một ngụm nước, anh nói tiếp : “Nhưng không sao, kỳ này có súng đạn của các anh đưa vô, bọn tôi sẽ mở rộng địa bàn giành dân, mà đã có dân là có gạo”. Tôi rơm rớm nước mắt, một mối cảm thông sâu sắc dâng trào. Những con người đã mấy ngày ăn trái sung mà khi tàu đến đã lao động bốc dỡ hàng với một tốc độ chưa từng thấy. Tôi đã đưa tàu vào nhiều bến, với lượng hàng này ở những bến ấy cũng phải bốc dỡ đến mấy ngày. Nhưng ở đây. . .sức mạnh nào khiến cho các anh chị lập nên chiến công kỳ diệu ấy.
   Hai giờ sáng hàng đã bốc xong. Theo đề nghị của chúng tôi các anh đã cho chuyển cát xuống để dằn tàu tạo nên sự  ổn định khi tàu ra khơi gặp gió mùa đông bắc.
   Tàu chuẩn bị rời bến. Phút chia tay không ai muốn nhưng rồi cũng đến. Anh Sáu cầm tay tôi lắc lắc “chúc các anh lên đường trở về miền Bắc an toàn, hẹn ngày gặp lại!”. Những vòng tay ôm choàng lấy nhau, những dòng nước mắt thấm qua vai áo. Những chiếc khăn tay giơ lên vẫy chào con tàu đang từ từ rời bến. Tôi dùng tay làm loa nói vọng vào bờ: “Tàu nẫu ra rồi tàu nẫu lại dô”.
   Con tàu từ từ rời bến Vũng Rô.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hatuyenha trong 30 Tháng Bảy, 2009, 11:32:08 am
Bác Thạnh ơi rất mừng được đọc hồi ức những chuyến tàu không số trên biển của bác và các anh em hải quân khác,cám ơn bác,mong bác giữ sức khỏe và nhớ lại được nhiều hồi ức hơn,để kể cho tụi  tôi và cả hậu thế biết những chiến tích oai hùng của các bác.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: thuong si gia trong 30 Tháng Bảy, 2009, 12:18:39 pm
Đọc những loạt bài của chú Thạnh,thấy tự hào được làm lính của HQNDVN!Bài viết rất hay và quan trọng hơn là sự chân thật của người trực tiếp tham gia viết .Ở đây chúng ta kể cho nhau nghe những gì ta được chứng kiến mà không phải qua sự sàng lọc nào.Cám ơn chú và QSVN.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: baoleo trong 01 Tháng Tám, 2009, 10:15:07 pm
Hôm nay là ngày 2 tháng 8, có bác lính Hải quân nào về lại đơn vị, để kịp dự Ngày truyền thống của Quân chủng "mồng Năm tháng Tám" không. Đã lâu rồi, baoleo cũng chưa có dịp về lại đơn vị cũ.
Hôm nay, 2/8-kỷ niệm trận Hải quân ta đánh tầu Ma Đốc, baoleo cũng kỷ niệm theo cách riêng của mình.
Sau cả ngày làm công tác hậu phương, 9 giờ 25 phút tối nay, baoleo đã vặn ra đi ô, nghe bài hát "Lướt sóng ra khơi" của Triều Dương, trong buổi phát thanh quân đội nhân dân, tự rót cho mình 100 gam rượu và uống 1 mình. Lại cảm thấy như những con sóng đang lắc lư vỗ vào mạn con PCF thủa nào. Mới đó mà đã hơn 30 chục năm rồi.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: thuong si gia trong 02 Tháng Tám, 2009, 06:38:30 am
Hôm nay 11h chúng tôi như thường lệ hàng năm lại kỉ niệm ngày truyền thống Hải quân.Vì ngày 5/8 là ngày thường,để tập trung đông đủ chúng tôi chọn ngày chủ nhật 2/8.Chúc các chiến sĩ Hải quân trên cả nước nhân ngày truyền thông của quân chủng mạnh khỏe,sống khỏe.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: magiang trong 02 Tháng Tám, 2009, 07:43:00 pm
Chào bác baoleo, thì ra tửu lượng của bác cũng xoàng thôi nhỉ, mới uống 100 gam rượu mà bác đã "cảm thấy như những con sóng đang lắc lư" rồi sao? Mà cũng phải thôi bác baoleo ạ, rượu mà bác uống một mình thì dễ say lắm. vì thế nên người đời nói: "Trà tam, rượu tứ" mà bác.
Chào bác thuong si gia, Hội của bác kỷ niệm ngày truyền thống có vẻ hoành tráng và cũng rất truyền thống bác nhỉ
Chúng tôi thì hàng năm vẫn kỷ niệm ngày truyền thống bằng cuộc họp mặt các CCB Hải quân khu vực Hà Nội thôi. Có lẽ sắp tới cũng phải học tập kinh nghiệm của các bác, lập  thêm nhóm chiến hữu hải quân, bằng vai phải lứa cũng dễ xưng hô và có lẽ cũng vui


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: baoleo trong 03 Tháng Tám, 2009, 07:57:55 am
.........
Chúng tôi thì hàng năm vẫn kỷ niệm ngày truyền thống bằng cuộc họp mặt các CCB Hải quân khu vực Hà Nội thôi. Có lẽ sắp tới cũng phải học tập kinh nghiệm của các bác, lập  thêm nhóm chiến hữu hải quân, bằng vai phải lứa cũng dễ xưng hô và có lẽ cũng vui

Khi nào các bác tụ tập, hú em 1 tiếng, em ké ăn theo với  ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: haanh trong 03 Tháng Tám, 2009, 09:53:31 am
hehe , hôm qua có ọp với hội TKS ở SG , xỉn quá chẳng nhớ tên bác nào nhưng nhớ có 1 bác giới thiệu là em của bác thuong si gia  ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: tau khong so trong 03 Tháng Tám, 2009, 10:45:16 am
.........
Chúng tôi thì hàng năm vẫn kỷ niệm ngày truyền thống bằng cuộc họp mặt các CCB Hải quân khu vực Hà Nội thôi. Có lẽ sắp tới cũng phải học tập kinh nghiệm của các bác, lập  thêm nhóm chiến hữu hải quân, bằng vai phải lứa cũng dễ xưng hô và có lẽ cũng vui

Khi nào các bác tụ tập, hú em 1 tiếng, em ké ăn theo với  ;

Chào đồng đội! Hàng năm vào dịp 5/8 Hải Luật sư thường hú còi tập trung ngồi với nhau. Năm nay có lẽ chiều mai. Ở đâu mình sẽ hú . Hú vào số ĐT nào đấy. TKS


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: baoleo trong 03 Tháng Tám, 2009, 01:53:20 pm

Chào đồng đội! Hàng năm vào dịp 5/8 Hải Luật sư thường hú còi tập trung ngồi với nhau. Năm nay có lẽ chiều mai. Ở đâu mình sẽ hú . Hú vào số ĐT nào đấy.
Bác PM cho em, dùng chức năng gửi tin nhắn ở ngay diễn đàn này, bác ạ.
Cảm ơn bác.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: cao to den hoi55 trong 03 Tháng Tám, 2009, 04:17:15 pm
Hôm nay 11h chúng tôi như thường lệ hàng năm lại kỉ niệm ngày truyền thống Hải quân.Vì ngày 5/8 là ngày thường,để tập trung đông đủ chúng tôi chọn ngày chủ nhật 2/8.Chúc các chiến sĩ Hải quân trên cả nước nhân ngày truyền thông của quân chủng mạnh khỏe,sống khỏe.

Gửi các bạn CCB HQ tại SG.Biết các bạn gặp nhau năm nay tuy quân số có vắng hơn mọi năm nhưng vẫn vui thế là mừng rồi vì ngày 5/8 vẫn là ngày mà trong tim chúng mình luôn nhớ về quân chủng và nhớ về nhau,tụ lại để nhớ về những tháng năm cùng nhau sống và chiến đấu trên các quân hạm.Hãy giữ mãi những truyền thống tốt đẹp này nhé các bạn của tôi.Ngày mai chúng tôi CCB  và Cựu SQ HVHQuân Hà Nội sẽ gặp nhau lúc 17h30 vì còn một số đang làm việc .Địa chỉ  vẫn ở T2 sô1 Bắc Sơn...Kỷ niệm đầy ắp lại về ...mời các bạn của tôi đông đủ nhé.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: quyenkh trong 04 Tháng Tám, 2009, 12:10:28 am
Vài hình ảnh họp mặt kỷ niệm ngày truyền thống QCHQ 5-8 của anh em CCB Tàu Không Số, QK7 và đại diện của QKTĐ. Hình chụp tại nhà hàng Cát tiên Sa ,gần sân bay Tân Sơn Nhất.
(http://i642.photobucket.com/albums/uu143/quyenkh/QKTDd.jpg)

(http://i642.photobucket.com/albums/uu143/quyenkh/QKT7c.jpg)

(http://i642.photobucket.com/albums/uu143/quyenkh/QKTD7a.jpg)

(http://i642.photobucket.com/albums/uu143/quyenkh/QKTD7b.jpg)


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: taydoc711 trong 04 Tháng Tám, 2009, 07:53:59 am
hehe , hôm qua có ọp với hội TKS ở SG , xỉn quá chẳng nhớ tên bác nào nhưng nhớ có 1 bác giới thiệu là em của bác thuong si gia  ;D
Đó là chủ nhà hàng Đất Tiên Sa đàn anh ơi,trúng độc của em là trả biết giời đất gì nữa  ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: magiang trong 04 Tháng Tám, 2009, 07:54:29 am
Nhân dịp ngày truyền thống Hải quân, tôi nhớ đến một kỷ niệm nhỏ của mình cách đây tròn 36 năm và 2 năm sau đó tôi đã làm bài thơ ghi lại kỷ niệm ấy. Xin được giới thiệu với các bác QSVN bài thơ “con cóc” của mình. Mong các bác thông cảm, kẻo lại bảo rằng thơ với thẫn

Tặng em cô gái quét vôi

Chiều hôm ấy tôi qua thành phố cảng
Trong bộ áo quần vấy bẩn dầu, sơn.
Trên vai tôi nặng những búa, những kìm
Rõ ra dáng lính Hải quân ngành điện.

Trên giàn giáo cao dưới nắng chiều đẹp lắm
Dáng cô thợ xây bên tường trắng quét vôi.
Trông thấy tôi, em nở nụ cười:
Chào anh lính của biển khơi, hải đảo.

Chào em, cô quét vôi trên giàn giáo.
Tôi mỉm cười đáp lại rất tự nhiên.
Tôi trông em vừa đẹp lại vừa duyên
Bụng thầm nghĩ mà không dám nói.

Rồi hai đứa chuyện trò sôi nổi
Bên dãy nhà cao vừa mới mọc lên.
Tôi kể em nghe nghề của búa, của kìm.
Em kể tôi nghe nghề của phay, của gạch.

Chiếc áo em xanh màu cổ vịt
Lấm tấm bụi vôi như một chiếc áo hoa.
Còn áo tôi hăng hắc, hôi hôi
Bởi sơn, dầu tôi chưa kịp giặt.

Áo hôi dầu cho con tàu rẽ sóng,
Vượt trùng dương tới hải đảo xa xăm.
Lấm tấm màu vôi trên áo em, đẹp lắm
Cho nhà cao, tường trắng mọc lên.

Thật dịêu kỳ cho Tổ quốc mình,
Vừa đánh giặc, vừa xây nhà máy mới.
Chúng tôi đứng dưới nắng vàng đỏ ối
Áo bụi vôi bên áo hôi dầu.

Chiều buông xuống tự bao giờ chẳng rõ.
Tôi tạm biệt em, vội vã trở về tàu.
Trời thanh cao, lấp lánh triệu vì sao,
Gió nhẹ thổi, biển rì rào khúc hát.

Theo con tàu tôi vào Nam, ra Bắc,
Cùng tháng ngày làm bạn với biển khơi,
Vẫn nhớ em, cô gái quét vôi
Đẹp như bông hoa
Giữa một chiều tôi qua thành phố cảng.

Mã Giang
Vĩnh Yên, 4/8/1975


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hatuyenha trong 04 Tháng Tám, 2009, 10:51:29 am
Biết các anh em CCB tàu không số nói riêng và Hải quân nói chung gặp nhau lai rai từ hôm 2-8 cho đến chính lễ ngày mai 5-8, tôi xin thay mặt anh chị em CCB thông tin các thời kỳ nhiệt liệt chúc mừng ngày gặp nhau này,chúc anh  em phê bên nhau cho bõ những ngày xa nhớ,cùng nhau nhớ lại các liệt sỹ đã không còn gụ được với  nhau để vợi đi nỗi chuân chuyên vất vả khi về với đời thường.
Mình rất tiếc không thể tham gia với các chiến hữu được(mặc dù không được hú) vì đi lại khó khăn và cũng  chả được xả láng vì bệnh tật.Nhưng thành tâm chúc anh em vui với nhau hết mình đến hết " côta" như Haanh@ rồi lại về với đời thường đi kiếm "côta" mới.
Mình thấy rất hạnh phúc khi anh em QSVN hòa chung với anh em Taukhông số các miền,chắc TL còn thấy hạnh phúc hơn mình bội phần.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: tau khong so trong 04 Tháng Tám, 2009, 01:34:50 pm
Khi nào các bác tụ tập, hú em 1 tiếng, em ké ăn theo với  ;D
---------------------------------------------------------------------------------------
Den số 1 Bắc Sơn ( Tầng 2 ) - 17 h 30 chiều nay 4/8/2009 nhé. TKS


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: baoleo trong 04 Tháng Tám, 2009, 01:50:09 pm

Den số 1 Bắc Sơn ( Tầng 2 ) - 17 h 30 chiều nay 4/8/2009 nhé. TKS
Cảm ơn các bác


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: thuong si gia trong 04 Tháng Tám, 2009, 02:36:13 pm
 Chúc hội Hải quân HN chiều nay tụ họp vui vẻ.Có vẻ năm nay vui đây ?Vì có thêm nhiều bạn mới.Hội HQ SG năm nay vắng nhiều,nhưng đều có lí do.Như thường lệ chúng tôi cùng nhau nâng ly và cùng nhau hát vang những bài hát truyền thống quân đội.Các cựu chiến binh già vắng mặt hơi nhiều vì sức khỏe.Các thành viên ở tỉnh xa tụ về đông đủ.Điện thoại cho các đồng đội ở HN,HP í ới thật vui.
Chị hatuyenha :Mong cho bà chị mau chóng bình phục để còn vui với tụi em.Dù là ở quân,binh chủng nào thì chúng ta vẫn là người lính QDNDVN!Ở đây mặc dù là mạng ảo,nhưng tình của người lính là tình thật!Cám ơn chị đã có lời chúc.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: lixeta trong 04 Tháng Tám, 2009, 04:47:37 pm
Chào các CCB Taukhongso!
Chào các CCB Hải quân!
Nhân ngày truyền thống của HQ lính tàu bò LXT tôi xin gửi tới các đồng đội những lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chúc các đồng đội luôn khỏe, luôn vui và mọi sự tốt lành.
Riêng tôi có một kỷ niệm nhỏ về một bài hát của Hải quân thế này: hồi bọn tôi học lớp Một (năm 1960-1961) thì các bài hát đồng ca cho HS không có nhiều như bây giờ. Thế là thày Giáp chủ nhiệm có dạy cho một bài để mỗi khi vào lớp thì hát. Sau này tôi biết chắc đó là bài hát của HQVN và giai điệu của nó thật hay. Tuy nhiên cho đến giờ tôi chỉ còn nhớ mấy câu sau:
" Dạt dào biển mênh mông; sóng vỗ nhịp thân tàu, đoàn ta ra khơi tiếng máy reo vang; tràn ngập tình đất nước quê hương..."
Vậy phiền các đồng đội post lên đây (nếu có bài hát đã số hóa rồi thì càng tốt) để mọi người cùng thưởng thức. Còn riêng tôi thì thỉnh thoảng "gào thét" một tý mà nhớ lại tuổi thơ. 
Xin cảm ơn trước ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: tuaans trong 04 Tháng Tám, 2009, 06:31:17 pm
Bác nghe đỡ ở đây đi ạ:

http://www.youtube.com/watch?v=6yGpOWtRi1E


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: thuong si gia trong 04 Tháng Tám, 2009, 06:54:51 pm
Bài "Lướt sóng ra khơi"của nhạc sĩ Thế Dương.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: magiang trong 05 Tháng Tám, 2009, 09:08:08 am
Cám ơn chị hatuyenha và 2 bác Lixeta, Thuong sy gia về những lời chúc tốt đẹp. Quả là tối qua Hội CCB Hải quân khu vực Hà Nội chúng tôi đã không phụ lời chúc của chị và các bác. Chúng tôi đã có cuộc họp mặt vui tới số luôn. Tuy chỉ có chưa đầy 40 nhân mạng tới dự, nhưng bù lại đó toàn là những nhân vật thuộc nhóm “vui đâu chầu đấy” hết mình. Chỉ tiếc là, có lẽ do vội vàng đi gặp mặt đồng đội nên không ai đem theo máy ảnh, thành thử không có được những hình ảnh hoành tráng như các bác CCB TKS ở Sài Gòn để các bác QSVN xem thôi.
Trong cuộc gặp, các kỉ niệm xưa ùa về nhanh quá, nhiều quá, thành thử ai nấy đều “tâm sự” với nhau như muốn cướp lời nhau và ai cũng muốn mình nói to hơn người khác vì sợ người ta không nghe rõ. Khi uống thì tất cả đều coi “nước là thành phần chính của bia”. Còn khi hát thì chúng tôi đều “gào” đến đứt hơi 2 bài hát truyền thống của HQVN. Bài thứ nhất là bài “Lướt sóng ra khơi” (các bác đã biết rồi) và bài thứ 2 là bài “Hải quân ca”. Nhân đang còn khí thế của buổi gặp tối qua, tôi xin chép lại lời bài hát theo phương châm nhớ đến đâu viết đại đến đấy; sai lời nào nhờ các bác sửa lời ấy, thiếu đoạn nào, nhờ các bác bổ sung đoạn đó:

Kèn chiến thắng đang vang hòa ngàn lời ca
Vượt lên vì thống nhất hòa bình
Băng qua ngàn sóng tàu ta ra khơi
Gió cuốn tung bay quân kỳ thắm ánh trời
Xa xa đại dương dạt dào tình đất nước
Chào quê hương thân yêu ta ra đi gìn giữ
Vượt sóng gió ngăn quân thù
Vì nhân dân, Hải quân Việt Nam ta trưởng thành
[/b]


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: lixeta trong 05 Tháng Tám, 2009, 09:18:35 am
Bác nghe đỡ ở đây đi ạ:

http://www.youtube.com/watch?v=6yGpOWtRi1E

Cảm ơn Quê nhiều! Mình đang nghe bài hát ấy và thả hồn về tuổi thơ đây!
Thật không hổ danh chuyên gia bới Guc ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: nguoichiensi trong 05 Tháng Tám, 2009, 09:26:00 am
Em cũng đang nghe các bác ạ !
Một bản anh hùng ca vẻ vang của người chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam.
Hôm nay ngày 5/8 là ngày truyền thống của các bác, em kính chúc các bác sức khỏe, vững tin trong cuộc sống & vững tay bàn (phím ) trên QSVN  :D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: 125SG trong 05 Tháng Tám, 2009, 10:01:56 am
Hôm nay 11h chúng tôi như thường lệ hàng năm lại kỉ niệm ngày truyền thống Hải quân.Vì ngày 5/8 là ngày thường,để tập trung đông đủ chúng tôi chọn ngày chủ nhật 2/8.Chúc các chiến sĩ Hải quân trên cả nước nhân ngày truyền thông của quân chủng mạnh khỏe,sống khỏe.
Gửi các bạn CCB HQ tại SG.Biết các bạn gặp nhau năm nay tuy quân số có vắng hơn mọi năm nhưng vẫn vui thế là mừng rồi vì ngày 5/8 vẫn là ngày mà trong tim chúng mình luôn nhớ về quân chủng và nhớ về nhau,tụ lại để nhớ về những tháng năm cùng nhau sống và chiến đấu trên các quân hạm.Hãy giữ mãi những truyền thống tốt đẹp này nhé các bạn của tôi.Ngày mai chúng tôi CCB  và Cựu SQ HVHQuân Hà Nội sẽ gặp nhau lúc 17h30 vì còn một số đang làm việc .Địa chỉ  vẫn ở T2 sô1 Bắc Sơn...Kỷ niệm đầy ắp lại về ...mời các bạn của tôi đông đủ nhé.



Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: 125SG trong 05 Tháng Tám, 2009, 10:24:23 am
ccbhảiquân hn hop mật dong vui quân sồ tạng dảng mung quà chùc càc bạn thường xuyên gạp nhau va luôn khơe manh


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: cao to den hoi55 trong 05 Tháng Tám, 2009, 10:36:51 am
Hôm nay 11h chúng tôi như thường lệ hàng năm lại kỉ niệm ngày truyền thống Hải quân.Vì ngày 5/8 là ngày thường,để tập trung đông đủ chúng tôi chọn ngày chủ nhật 2/8.Chúc các chiến sĩ Hải quân trên cả nước nhân ngày truyền thông của quân chủng mạnh khỏe,sống khỏe.

Gửi các bạn CCB HQ tại SG.Biết các bạn gặp nhau năm nay tuy quân số có vắng hơn mọi năm nhưng vẫn vui thế là mừng rồi vì ngày 5/8 vẫn là ngày mà trong tim chúng mình luôn nhớ về quân chủng và nhớ về nhau,tụ lại để nhớ về những tháng năm cùng nhau sống và chiến đấu trên các quân hạm.Hãy giữ mãi những truyền thống tốt đẹp này nhé các bạn của tôi.Ngày mai chúng tôi CCB  và Cựu SQ HVHQuân Hà Nội sẽ gặp nhau lúc 17h30 vì còn một số đang làm việc .Địa chỉ  vẫn ở T2 sô1 Bắc Sơn...Kỷ niệm đầy ắp lại về ...mời các bạn của tôi đông đủ nhé.
VUI...VUI...lắm.Ngày truyền thống của quân chủng HQ vẫn (dạt dào biển mêng mông,sóng vỗ tận chân bàn)...những bài quânca,những kỷ niệm  trở về...chúng mình lại gặp nhau với những mái đầu đã bạc...nhưng vẫn như thuở nào...Cảm ơn nhé các bạn. ..Gửi lời chúc đến CCB HQ SG.Hẹn nhé 5/8 năm sau ở SG.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: cao to den hoi55 trong 05 Tháng Tám, 2009, 10:43:56 am
ccbhảiquân hn hop mật dong vui quân sồ tạng dảng mung quà chùc càc bạn thường xuyên gạp nhau va luôn khơe manh
Anh gõ có dấu nhưng sai bét Hạm trưởng ạ.Em xin mạn phép sửa( CCB HQ Hà Nội họp mặt đông vui,quân số tăng đáng mừng quá.Chúc các bạn thường xuyên gặp nhau và luôn mạnh khoẻ.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: tau khong so trong 06 Tháng Tám, 2009, 01:40:06 pm
Bác nghe đỡ ở đây đi ạ:

http://www.youtube.com/watch?v=6yGpOWtRi1E
------------------------------------------------------------------------------
Cảm ơn tuannh vi bai Lướt sóng ra khơi. Hãy tìm giúp bọn mình bài Hải quân ca mhé.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: magiang trong 07 Tháng Tám, 2009, 02:02:24 pm
Đúng vậy! Chúng em rất muốn các bác tự kể những câu chuyện của mình nó mới sinh động hấp dẫn

Có khi không phải tấn công, đổ bộ hay quyết liệt huỷ tàu hy sinh  ... mà các bác cứ kể một ca khó khắc phục máy hỏng, hay cải thiện câu cá trên hành trình thì đọc cũng thú bác ơi!

Chờ những câu chuyện bình thường của chính các bác

Chúc các bác khoẻ và đều tay viết  :D
Bạn Trungsy1 thân mến, thực ra tôi không thích kể về bản thân, hơn nữa lại kể những kỉ niệm cỏn con của mình bên cạnh những kỉ niệm sâu sắc của các bậc tiền bối, công thần của Đoàn Tàu không số trong box “Thảo luận về cuộc kháng chiến chống Mĩ” này, tôi thấy thật ngại ngùng. Nhưng thôi vậy. Xin phép quản trị gia và các bậc đàn anh, một lần đặc cách cho tôi được tá túc ở đây để kể với Trungsy1 và các bác trong QSVN một kỉ niệm vui vủi vùi vui – đó là chuyện câu cá, câu mực của chúng tôi thời xửa thời xưa nhé

Sau mấy đêm đầu tiên của cái đận 12 ngày đêm giặc Mĩ ném bom Hà Nội, Hải phòng (cuối tháng 12/1972), một số tàu của Đoàn không số, trong đó có tàu 661 chúng tôi được lệnh sơ tán sang căn cứ A3 ở cảng Hậu Thủy (Hải Nam, Trung Quốc) để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho nhiệm vụ mới. Tàu 661 của chúng tôi trú ngụ ở đây khoảng hơn chục ngày. (Sau này tôi còn cùng tàu sang đây một lần nữa với thời gian dài hơn). Có thể nói đây là khoảng thời gian vui thú và nhàn hạ nhất trong quãng đời lính “Hai quần) của tôi.

Anh Nguyễn Tiến Hai (quê miền Nam) – thuyền trưởng tàu 661 của chúng tôi là người kinh nghiệm đầy mình. Đến cảng, anh đăng kí ngay với lãnh đạo chỉ huy trên bờ cho tàu mình chỉ neo đậu ở cảng vào ban ngày, còn ban đêm ra thả neo ngoài cảng, nhường chỗ cho các tàu khác neo đậu. (Vì Đoàn chúng tôi sơ tán sang đây tới gần chục chiếc). Vậy là cứ mỗi chiều, cơm nước xong, anh Hai lại phát lệnh nhổ neo, rùng rùng đưa tàu rời cảng ra neo đậu ở gần phao số không.

Neo đậu xong thì lập tức ai vào việc người nấy theo một dây chuyền chuyên môn hóa khép kín. Anh Nại, chính trị viên làm nhiệm vụ chỉ huy, ngồi trong cabin uống nước, nghe đài, đọc báo. Anh Trặc, máy trưởng sau khi khởi động máy phụ lấy diện thắp sáng cho cả tàu cũng vào cabin với anh Nại để làm nhiệm vụ trực ban và trực máy luôn. Còn tất cả nhất loạt mặc quần xà lỏn, áo may ô, a la xô ra mặt boong kéo chiếc đèn pha ra buộc ở mạn tàu. Anh Hai và anh Thành (thuyền phó) ngồi câu cá, câu mực. Các anh Nội, Phi, Tân và cậu Yên thay nhau cầm hai chiếc vợt dài sẵn sàng múc mực dưới biển đưa lên. Cậu Thắng, cậu Cải – vốn dân chài lưới vùng biển Biên Sơn quê “choa” là hai chuyên gia chuyên làm nhiệm vụ “hóa kiếp” cho mực và cá câu được. Anh Mĩ – tay đầu bếp khét tiếng lo chuyện chuẩn bị cho bữa bồi dưỡng ca ba hoành tráng. Cái thằng tôi chẳng tài cán chi, chỉ làm kẻ lăng xăng cho mực vớt được và cá câu được vào xô vào chậu rồi chuyển cho bộ phận hóa kiếp, cũng như xâu mực vào dây thép đem treo phơi ngoài boong.

Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy điều kì lạ và đẹp mắt đến vô cùng. Khi ánh đèn pha vừa chiếu xuống nước thì chỉ một loáng sau cả lũ mực ông, mực bà, mực cha, mực mẹ, mực chú, mực bác, mực anh em, cháu chắt, chút chit, chẳng theo hàng lối gì, ào ào lao đến như một lũ thiêu thân, bất cần sống chết. Dưới ánh đèn pha, nước biển trong xanh, đàn mực màu trắng đua nhau lao tới lao lui, như một bức tranh sống động, đa chiều, kì thú đến mê li, đẹp còn hơn cả khi ta xem đàn cá ở suối cá tiên (Cẩm Thủy, Thanh hóa). Chỉ việc thò vợt múc một nhát thế nào cũng được dăm ba con. Bị nước đánh động, lũ mực hoảng hồn, tản ra. Nhưng liền sau đó lại lao vào mỗi lúc một đông hơn.

Chúng tôi chỉ bắt những con mực ông bà, cha mẹ, chú bác – những con mực ống thân (chưa kể đầu và râu) dài hơn một gang tay trở lên cho vào xô, vào chậu rồi đưa luôn cho dây chuyền hóa kiếp xử lí. Số còn lại thả tất về biển cho chúng có lớn mà chẳng có khôn.

Thỉnh thoảng chúng tôi mới bắt một vài con mực chút chit to bằng đầu ngón tay, đưa cho anh Hai, anh Thành làm mồi câu cá và câu mực cụ, mực kị - những con mực nang to ba bốn kí dưới đáy biển, cũng dại dột chẳng kém gì đàn con cháu của chúng, thấy ánh sáng là nhào dô. Thậm chí chúng còn tệ hơn bởi rất thích ăn thịt cháu chắt đồng loại...

(Còn tiếp)


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hatuyenha trong 07 Tháng Tám, 2009, 05:35:13 pm
Hay quá bạn Magiang@ những kỷ niệm hết sức sống động bọn này chờ tiếp nhé.Rất cám ơn.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hodacthanh trong 08 Tháng Tám, 2009, 08:50:07 am
CHUYẾN HÀNG ĐẶC BIỆT
   
Câu chuyện người chiến sĩ bảo vệ bến “Mấy hôm nay đơn vị hết gạo phải ăn trái sung” cứ day dứt trong lòng và theo tôi suốt con đường tàu ra Bắc.
   Sau mấy ngày được phép nghỉ ngơi và chuẩn bị. Hôm nay chúng tôi báo cáo kết quả chuyến đi mở đường vào bến Vũng Rô của tàu 41. Thành phầm tham dự cũng đông đủ như cuộc họp giao nhiệm vụ lúc ban đầu. Thay mặt cán bộ thuyền, tôi báo cáo tình hình chuyến đi, hoạt động của địch trên từng đoạn đường, việc tổ chức đón nhận hàng tại bến… Cả gian phòng lặng im khi nghe tôi báo cáo: “Các anh ở bến mấy tuần nay phải ăn trái sung làm nhiệm vụ chờ đón tàu ta vào”.
   Sau khi đánh giá kết quả chuyến đi, Tư lệnh quân chủng nói “Từ nay trong hoạt động vận chuyển chi viện chiến trường chúng ta có thêm một bến mới: Bến Vũng Rô. Qua chuyến đi của tàu 41, tuy điều kiện đón tiếp, tổ chức bốc dỡ hàng có nhiều khó khăn nhưng bến vẫn đảm bảo được: theo dõi vẫn chưa thấy địch có phản ứng gì, vẫn còn là nơi địch sơ hở. Thường vụ Đảng ủy và Tư lệnh quân chủng có trao đổi và quyết định chuyến đi thứ hai của tàu 41. Chuyến đi này ngoài số hàng là vũ khí trang bị, theo đề nghị của cán bộ, chiến sĩ tàu, ta nên chuyển một số gạo chi viện trực tiếp cho lực lượng bến”.
   Gạo! “có gạo, có vũ khí sẽ mở rộng địa bàn giành dân và khi đã có dân rồi sẽ có gạo”. Mối quan hệ nhân quả mà người chiến sĩ bảo vệ bến nói với tôi trong đêm bốc hàng, tuy không lý luận cao siêu nhưng đầy tính thuyết phục. Tuy thế nhưng việc chuyển một số gạo vào miền Nam - tuy rất ít - trong tình hình nhu cầu vũ khí chi viện chiến trường cấp thiết cũng làm nảy sinh nhiều ý kiến. Nào là: “trong lúc ta tận dụng từng khoảng trống nhỏ của tàu để xếp vũ khí thì đem xếp 2-3 tấn gạo vào chiếm hết chỗ!”, “chở gạo vào miền Nam là chở củi về rừng” …
   Gạo! Chỉ có chúng tôi mới hiểu hết sự cấp thiết của gạo lúc này đối với các đồng chí ở bến. Vì vậy nên khi đã có quyết định của Tư lệnh rồi, ngoài việc lo xuống hàng là vũ khí trang bị, tàu cử một số đồng chí lo tiếp nhận vận chuyển gạo xuống tàu. Đồng chí Lộc thuyền phó hậu cần được giao trọng trách đó.
   Buổi chiều chuẩn bị cuối cùng. Sau khi đóng cố định các nắp hầm hàng, đồng chí Lộc đưa tôi xem phiếu xuất 3 tấn gạo tám thơm dành riêng cho bến. Gạo để nơi khô ráo nhất trong khoang hàng để phòng gió mùa đông bắc tạt nước lên ẩm ướt. Thế là chuyến đi thứ hai này ngoài vũ khí trang bị, tàu tôi còn có thêm 3 tấn gạo tám thơm. Số lượng tuy ít nhưng nó là món hàng đặc biệt của nhân dân miền Bắc đã vất vả một nắng hai sương làm ra dưới làn bom đạn ác liệt của máy bay giặc Mỹ, gửi đến những chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với quân thù nơi miền Nam tiền tuyến - bến Vũng Rô quê tôi.
   Chuyến đi thuận lợi - sau bốn ngày đêm vật lộn với sóng to gió lớn, lách tránh một vài lần tàu tuần tiễu của địch, tàu chúng tôi vào đúng bến Vũng Rô. Khi còn cách bờ một cây số, tàu nhận được tín hiệu của bến, dẫn dắt vào nơi trú đậu ngụy trang.
   Vui mừng khi gặp lại nhau. Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ. Đứng bên cạnh anh Sáu, anh Trần Ngọc Quang (người theo tàu tôi chuyến trước) ghé lại nói nhỏ với tôi “chúc mừng tàu nẫu lại dô”, và cả ba cùng cười.
   Mọi công việc lại tấp nập khẩn trương. Nào cho tàu đi dấu và ngụy trang trước khi trời sáng, nào tổ chức lực lượng chốt chắn các hướng trọng điểm, nhưng bận rộn nhất vẫn là việc chuẩn bị dân công bốc dỡ hàng. Tuy có kinh nghiệm của chuyến trước nhưng việc bốc dỡ hàng chuyến này phức tạp hơn vì đoạn đường xa và phải vận chuyển tới nơi cất dấu trong đêm.
   Tôi báo cáo với anh Sáu, chuyến này ngoài hàng vũ khí trang bị còn có 3 tấn gạo tám thơm dành riêng cho lực lượng bảo vệ bến. Nỗi xúc động dâng trào trên hai mắt người lãnh đạo bến. Vốn biết anh là người rất nghiêm khắc - ngay cả với bản thân - trong việc sử dụng lương thực những năm tháng gian khổ của cuộc chiến tranh. Qua người cần vụ kể: “có lần trên đường đi công tác, “thầy trò” bắt được một con rùa. Mừng quá, vì đã mấy ngày ăn muối, “trò” đề nghị giết rùa xào với măng rừng nhưng “thầy” không cho và bảo “trò” đem thả vào một hốc đá cho rùa lớn lên sinh sản ra nhiều rùa con khác để dành khi gặp khó khăn hơn”. Tuy biết vậy nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề nghị anh “tranh thủ phát gạo cho anh em ăn lấy sức tối mai bốc dỡ hàng”. Dừng một lát như đắn đo suy nghĩ, sau cùng anh chấp nhận đề nghị của tôi. Thế là nắp hầm hàng được mở ra, từng bao gạo cấp cho các đơn vị được tiến hành trong đêm.
   Cầm bao gạo trong tay, anh chiến sĩ bảo vệ bến rưng rưng nước mắt. Hạt gạo trắng trong như tấm lòng miền Bắc. Hạt gạo nghĩa tình lắng sâu ngưng đọng. Ai đã trải qua những ngày ăn trái sung, rau rừng càng thấy quý hạt gạo bát cơm. Có gạo rồi nhưng vẫn phải ăn dè xẻn. Không cần phải ai ra lệnh mà tất cả mọi người đều chung một ý nghĩ: vì công việc dài lâu của bến.
   Núi rừng Vũng Rô qua một ngày yên tĩnh. Mọi hoạt động của địch vẫn bình thường. Mong đợi của chúng tôi rồi cũng đến. Khi màn đêm buông xuống, núi rừng Vũng Rô như sôi động hẳn lên. Cũng chiếc cầu tàu bằng cây rừng làm tạm, hàng trăm dân công tấp nập chuyển hàng.
   Gần bốn giờ sáng, mọi công việc hoàn tất. Giờ phút chia tay biết bao lưu luyến. Những ánh mắt, những nụ cười và bao dòng lệ chảy.
   Tàu từ từ rời bến.
   Tạm biệt Vũng Rô. Tôi nhớ mãi câu chuyện người chiến sĩ bảo vệ bến: “có gạo, có vũ khí, chúng tôi sẽ mở rộng địa bàn giành dân. Mà đã có dân là có gạo”, trong lòng tôi tràn đầy niềm vui sướng. Trước mắt tôi, hình ảnh của một miền quê Phú Yên đang vang dậy tiếng reo hò xông lên diệt lũ án ôn, phá thế kiềm kẹp mở rộng vùng giải phóng, có phần của những hạt gạo, những khẩu súng trong chuyến hàng “đặc biệt” hôm nay.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hatuyenha trong 08 Tháng Tám, 2009, 09:53:24 am
Hay quá  bác Thạnh ơi,em đọc như nuốt từng chữ bác gõ và mặc cho nước mắt chảy .Lúc các bác làm công việc đầy dũng cảm ,đầy ý nghĩa ,đầy tình  nghĩa cho công cuộc giải phóng miền nam này,em còn đang là một cô học sinh cấp 3.Bố em mất sơm,mẹ em vẫn dạy bọn em biết noi gương những người như các bác dám quên mình vì đất nước Tổ quốc của mình thế là em bỏ không đi nước ngoài xung phong đi bộ đội.
Chuyện của bác làm em nhớ quá cái thời xa xưa ấy ,nhớ quá mẹ em đã dạy bọn em biết quên mình như các chiến sỹ dũng cảm-mà nay mới biết cụ thể người và công viêc.Rất cám ơn bác chúc bác và gia đình khỏe để có thể nhớ nhiều hồi ức kể cho bọn em nghe.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: magiang trong 08 Tháng Tám, 2009, 10:25:57 am
Anh Thạnh ơi, chuyến hàng của anh và đồng đội chở năm xưa thật đặc biệt và lời kể của anh hôm nay cũng thật đặc biệt. Chúng em chờ và mong được nghe anh kể nhiều hơn nữa. Và chúng em cũng mong anh động viên các anh CCB Tàu không số khu vực miền Trung của anh tích cực viết thật nhiều kỉ niệm sâu sắc, đặng đáp ứng dự định xuất bản cuốn "Kỉ niệm sâu sắc của CCB Tàu không số" theo đúng kế hoạch và như ý.
Chúc anh chị và các cháu khỏe, hạnh phúc.
Hẹn gặp anh tại quê hương Phú Yên trong một ngày không xa


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: Haitanphongthu trong 08 Tháng Tám, 2009, 10:45:25 am
Bến mãi Nghiêng mình nhớ các anh
Quân sử hôm nay,ngời hào khí.
Vong linh liệt sĩ cũng ngậm cười,
Kẻ ở ngườii đi,luôn nghĩ tới.
Tấm gương Trung,Hiếu của hôm qua.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: bigradeon trong 08 Tháng Tám, 2009, 08:53:21 pm
Cháu từ bé hay có dịp đi qua lại tuyến đường Nha trang đến Quãng Ngãi, bởi thế vũng rô từ bé đã in đậm trong tâm trí còn non nớt của cháu. Nơi biển xanh và núi non hùng vĩ đến rợn người, nhưng không vì thế mà bớt đi niềm tự hào về rừng vàng biển bạc của quê hương xứ sở. Vũng rô không những là nơi chứng kiến biết bao trận đánh oai hùng, những lần đoàn tàu không số kiên cường của các chú, mà còn là nơi trú ngụ cho tàu nguyền vào tránh bão của ngư dân. Tiếc sau này có giai đoạn Phú Khánh tách tỉnh, Phú Yên và Khánh Hòa giành nhau cái vũng này, nhiều chuyện đáng tiếc cũng đả xảy ra.
Có lần đang ngồi xe trên đèo, nghe chuyện kể của các bác các chú, sau này hình như chuyện này cháu đã nghe học đọc lại ở đâu, kể về chuyện khi chiếc địch bao vây, truy lùng các chiến sỹ giải phóng và du kích địa phương không thành, trên đường rút chúng đi ngang qua nơi ẩn nấp, 1 tên địch tách hàng ra đi WC, vô tình thấy các chú đang nấp, nhưng hắn không la, không kêu chỉ nói một câu chúc các anh may mắn, rồi quay đi, sau đó cũng chẳng thấy bọn nó sục sạo vào, mà chiến sỹ ta cũng không bắn, không bắn vì không phải sợ lộ mà vì tình người, còn tên bên kia chắc cũng bị ép đi lính thôi. Bởi thế nên mới thấy cái tình người của nhân dân Việt Nam! :)


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: meomuop trong 09 Tháng Tám, 2009, 01:51:48 am
Bác Magiang kể tiếp đi bác!
Không dám vào tán láo vì sợ làm loãng chuyện của các bác nên bọn em chỉ đọc thôi. Lúc nào khô cổ bác lại ra quán nước làm hơi thuốc lào, "ngâm" thơ "Bút tre" tiếp nhá ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: magiang trong 10 Tháng Tám, 2009, 02:05:04 pm
Xin tiếp phần 2:

Phải thừa nhận anh Hai là một tay câu cực sát mực, sát cá. Chẳng tối nào mà anh lại không câu được vài ba con mực nang: con nhỏ khoảng 1 - 2 kí, con to thì 3 – 4 kí; còn cá thì nhiều loại lắm, nên tôi không thể nhớ hết nổi. mỗi khi anh câu được con cá to hay con mực lớn là cả tàu lại reo hò, sung sướng.

Có hôm anh câu được con mực nang cụ kị nặng tầm 4 kí, tôi cho nó vào chậu mà đầy ứ cả chậu luôn. Ai cũng đến ngắm ngắm nhìn nhìn cho đã con mắt hiếu kì của mình. Con mực nằm im trong chậu chờ chết, vẻ như cũng chấp nhận cho số phận đã an bài ở cái tuổi già khố đế của nó. Thậm chí nó còn có vẻ hài lòng vì trước khi sang thế giới bên kia, nó đã được ăn cái món khoái khẩu mà bấy lâu từng ao ước, hơn thế nó lại còn được nhìn thấy ánh sáng lung linh, huyền hảo của chốn bồng lai tiên cảnh và chắc đó là lần đầu tiên trong quảng đời dài của nó.

Ừ thì chẳng ai muốn từ giả cõi đời này, nhưng khi đã qua tuổi cổ lai hy mà trước khi ra đi lại được nhìn thấy đủ đầy đàn con cái cháu chắt thế kia, ngẫm cũng hợp với qui luật của tạo hóa. Thậm chí nhắm mắt xuôi tay sớm lại đỡ gây vướng bận cho ai, mà cái thân già cũng thêm phần mát mẻ. Phải vậy không hỡi con mực cụ kị kia?

Cũng có hôm anh câu được con cá lụ to đùng – một trong 3 loài cá ngon nhất, chỉ sau cá chim và cá thu (Người ta thường nói: chim, thu, lụ, đé mà). Nhưng cậu Thắng, cậu Cải lại bảo: người đời nói vậy cho vần thôi, chứ thực tế thì cá lụ là ngon nhất, ngon hơn cả cá chim, cá thu; hơn nữa đây là loài cá khôn ranh đáo để. Bình thường hắn vẫn hay thập thò ở những nơi có hang có hốc. Chỉ khi biển động mới thò ra đi kiếm chác. Nên đánh bắt hoặc câu được hắn là một điều rất khó khăn.

 Con cá lụ cứ vẫy vùng, giãy giụa mãi dưới nước, một hồi lâu sau chừng như đã quá mệt mà vẫn không thoát ra được hắn mới chịu chui vào vợt. Cánh trẻ chúng tôi ai nấy đều vui mừng, nhảy múa. Ngay cả anh Nại, anh Trặc cũng lao vội từ cabin ra để xem cảnh cá quẫy. Riêng tôi thì đây là lần đầu tiên được thấy một con cá to vẫy vùng khiếp đến thế và cũng đẹp mắt đến thế.

 Mọi người chúng tôi ai nấy đều trầm trồ thán phục tài câu cá của anh Hai. Nhưng xin các bác đừng hiểu nhầm rằng chúng tôi nịnh thuyền trưởng của mình như cái kiểu thời nay vài thằng cha xu nịnh đáng ghét vẫn thường nịnh thối thủ trưởng, cấp trên để tiến thân đâu nhé. Chúng tôi cũng ngầm hiểu rằng, bữa bồi dưỡng ca 3 đêm nay sẽ có nồi cháo cá ngon tuyệt là ngon, mà chắc rằng ngay cả bây giờ không phải khách sạn, nhà hàng sang trọng nào cũng có được.

Con cá lụ nằm cuộn tròn thu lu trong chậu, đầu to như chiếc cổ chai, thân dài chừng 5 – 6 chục phân, thỉnh thoảng lại phồng mang ngáp ngáp vẻ như hối hận vì cái tội tham ăn để từ nay không còn được mặc sức vẫy vùng tỏ cái máu iêng hùng nhất khoảnh giữa đại dương bao la mà bắt nạt lũ cá con như trước, mà phải nằm thu lu như ở trong tù để chờ khi bị đem ra pháp trường xử trảm.

Thật đáng đời cho những kẻ hay nịnh trên nạt dưới lại tham ăn, hễ thấy của thiên hạ hở ra là há mồm đớp.

Bộ phận câu tuy có những pha hoành tráng, đẹp mắt, đem lại niềm vui bất ngờ cho cả tàu, nhưng nhìn chung hiệu quả cũng không thể bằng bên dùng vợt múc mực ở biển. Thậm chí bộ phận này lúc nào cũng vui vẻ, ồn ào, náo nhiệt, lúc nào cũng đẹp mắt bởi những đàn mực lớn bé nhấp nhô, óng ánh trên mặt biển dưới ánh đèn pha rực sáng, mà khoản thu hoạch thì vẫn cứ đều đều, làm cho bộ phận hóa kiếp chẳng bao giờ được rảnh tay. Chẳng thế mà tối nào chúng tôi cũng có vài ba dây mực phơi dọc theo boong tàu. Mực phơi hôm qua còn chưa khô thì hôm nay lại có thêm những dây mực mới. Nhìn những dây mực ống phơi được gió được nắng nên có màu hồng trắng mà cứ ngỡ là những dây cờ phướn được căng lên vào các ngày lễ, tết.

Những con cá, con mực câu được, con nào dùng cho bữa ca 3 thì bộ phận hóa kiếp mới xử lí rồi giao cho anh Mĩ chế biến theo bàn tay tài hoa bẩm sinh của anh. Số còn lại để nguyên trong xô, trong chậu hoặc cho ít đá lạnh vào bảo quản, sáng hôm sau vào cảng, đem khoản chiến lợi phẩm đó tăng cho tàu nào mà tàu tôi cặp mạn để họ thưởng thức và chia sẻ.

Mới có chừng 10 tối mà chúng tôi đã có một chiến lợi phẩm kếch xù – đó là một bao tải gai to tướng  chứa đầy mực khô đem cất vào kho. Kể như giá thời nay chắc cũng đến một vài chục triệu VN đồng. Nhưng thời đó thì số mực này sẽ là món quà đầy ý nghĩa khi tàu về đến Hải Phòng. Anh thì cầm mươi con về làm quà ra mắt cha mẹ người yêu, anh thì lấy ít con về làm chiêu nịnh vợ. Cánh lính trẻ ngú ngớ ngù ngờ như tôi thì tối tối nướng dăm ba con, ra mặt boong ngồi nhai xếch.

(Còn tiếp)



Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hatuyenha trong 10 Tháng Tám, 2009, 03:06:52 pm
Ôi lại có những con mưc tới tân 4kilô,nếu không có bạn Magiang@ thì tôi cũng chẳng thể tưởng tượng được lại có những con mực to đến vậy mà có khi lại nghĩ là bạch tuộc con ấy chứ ,những kỷ  niêm thật đáng nhớ của lính hai quần .Rất cám ơn bạn .


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: magiang trong 12 Tháng Tám, 2009, 07:37:24 am
Anh Trần Tiền Vệ (Bút danh Trần Hậu Vệ), - CCB Tàu không số, thành viên QSVN mới bị ngã gãy tay trong một tai nạn bất ngờ xảy ra tại nhà riêng. Anh phải đi bệnh viện Việt Đức bó bột và xuất viện được 2 hôm nay.
Tối qua, Ban liên lạc CCB Tàu không số TP Hà Nội đã đến tư gia của anh ở khu đô thị Việt Hưng thăm hỏi, giải xui cùng anh và gia đình.
Anh Vệ rất buồn nói với chúng tôi: “Ở cái tuổi đã ngấp nghé cổ lai hy rồi mà tay phải lại bị gãy thì không biết đến bao giờ mới có thể cầm lại được bút và ôm được bàn phím nữa. Trong khi anh còn nhiều kỉ niệm muốn chia sẻ trên QSVN. Thôi thì đành phải lẳng lặng làm bạn đọc vậy, rồi sẽ tính sau”
Anh Vệ gửi lời chúc sức khỏe tới bà con QSVN.
Chúng tôi nói vui động viên anh rằng, cái hạn nó đến phải chụi vậy thôi. Nhưng cũng còn may, khi ngã anh kịp chống tay, chứ nếu đầu anh đập xuống nền nhà mà “gãy” làm đôi như cánh tay kia thì không chỉ gia đình anh mà cả Hội Tàu không số và anh em trong QSVN sẽ còn buồn không để đâu cho hết.
Xin thông báo với các bác trong gia đình QSVN

(Định đưa tin này vào topis thăm hỏi, chia sẻ của box quán nước cổng doanh trại, nhưng mở ra thấy toàn những tin ghê quá, sợ các bác giật mình sởn gai ốc, nên đành phải cho nó tá túc ở đây)


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: magiang trong 13 Tháng Tám, 2009, 12:25:48 pm
Xin giới thiệu phần cuối bài câu cá, câu mực với các bác

Buổi câu tối thường kéo dài chừng một giờ đồng hồ thì anh Hai phát lệnh thu dọn chiến trường. Sau khi thu dọn và tắm rửa xong, khi trở ra thì anh Mĩ đã bày sẵn đồ ăn, thức uống trên 2 chiếc chiếu trãi trên mặt boong. Mọi người ai thích ngồi đâu cứ an tọa ở đấy mà chẳng phải phân già trẻ, cấp trên cấp dưới hay đồng hương  gì và tất cả vào cuộc nhâm nhi thưởng thức chiến quả của mình.

 Bữa ăn ca 3, ngoài rượu ra, thường chỉ có 2 món: cháo cá và mực nang luộc, cũng có khi có thêm món mực ống nhồi thịt  băm trộn với trứng và đồ gia vị đem luộc rồi cắt ra từng khúc trông như những miếng dồi lợn, nhưng về độ thơm ngon thì dồi lợn, dồi chó chỉ thuộc hàng con cháu.

Rượu thì chẳng có gì đáng kể để nói nhiều. Trên tàu hồi đó không có XO, Napôlêon Chi Vát, Konhắc hay Vodka, mà chỉ có độc một thứ cây nhà lá vườn nút lá chuối mà trong QSVN quê Lixeta gọi là gụ. Nhưng thưa các bác, tuy rượu chẳng có nhãn mác và cũng không được bày bán công khai ở các cửa hàng, mà mua ở trong dân vùng Hoa Động, Thủy Nguyên (HP) nhưng lại là rượu thứ thiệt 100%. Còn vài cái chai rượu ngoại kể trên, tuy có nhãn mác đẹp và nay được bày bán ê hề ở khắp các cửa hàng ngoài phố, nhưng chắc gì đã là rượu thật.

Các bác thử tưởng tượng xem, dưới ánh đèn pha sáng rưc, nhìn những đĩa mực  nang  luộc thái miếng to, dày, trắng phau, những đĩa mực dồi và những bát cháo cá đang bốc mùi thơm ngào ngạt và nghi ngút hơi với li rượu gụ thì chắc chẳng ai mà không tứa nước miếng.

 Còn khi ăn mới thấy hết cái ngon kì lạ của chúng. Những miếng thịt mực ngon ngọt đến mê li (Vì mực đã to lại làm thịt khi đang sống nguyên, chứ không như vài con mực chíp hôi ướp đá mà các mẹ, các vợ vẫn mua ở các chợ đầu phố của Hà Nội đâu ạ). Bát cháo cá còn ngon và hấp dẫn hơn nhiều. Ăn vào không chỉ ngon đến mang tai, mà còn ngon lên cả đỉnh đầu, ngon sâu xuống tận lục phủ ngũ tạng.

 Được ăn những món ngon là vậy dưới ánh điên sáng trưng với gió lộng đại dương và trong bầu không khí của tình đồng chí, đồng đội như tình anh em máu mủ, thì trời đất quỉ thần ơi, chẳng còn gì sung sướng, sảng khoái và thi vị hơn nữa. Tôi cứ nghĩ vua chúa ngày xưa, chắc cũng chẳng thể hơn được.

Thời đó tôi còn chưa hư thân mất nết như bây giờ: chẳng biết đến rượu, bia là gì; nên cứ tì tì ngồi ăn mưc, húp cháo (Bây giờ khi biết uống rượu rồi mới thấy cái thú của uống bia, uống rượu với đồ nhậu là mực). Tôi ăn đến căng rốn, phẳng bụng mới thôi. Và cũng xin thưa với các bác, ai ăn càng khỏe, càng nhiều càng được khuyến khích, nên cánh trẻ chúng tôi cứ ăn uống thoải mái chẳng cần giữ ý, giữ tứ với ai. Sau bữa ăn tất cả những gì còn lại đều đem đổ tất xuống biển cho lũ cá, lũ mực, tôm cua háu đói đang chầu chực ở vùng nước quanh tàu, mà chẳng sợ bị ô nhiễm môi trường môi lớp gì sất.

Dọn dẹp xong cánh trẻ chúng tôi thường nằm lăn luôn ra boong, ngửa mặt lên trời ngắm trăng tròn trăng khuyết và lồng lực cũng căng phồng bởi no gió đại dương rồi thiếp đi lúc nào không rõ. Trong mơ tôi ngỡ mình đang sống trên thiên đường, làm bạn với các ông Nam Tào, Bắc Đẩu, tán gẫu với Phật tổ Như lai, nhậu lai rai với  với Tề Thiên Đại thánh. Đang say sưa bỗng đâu tai tôi bị gậy như ý phang cho một cái. Bực mình tỉnh lại mới hiểu mình bị thuyền trưởng Hai búng tai, đánh thức.

Ngẫm lại mới thấy thiên hạ nói cấm có sai: Trong tứ khoái ở trên đời thì hai khoái nhất vẫn là ăn và ngũ.

Mà kể cũng lạ cho cái bộ máy tiêu hóa của tôi hồi đó. Mười tối thì cả chục tôi đều vác cái bụng lặc lè ních đầy của ngon vật lạ của đại dương, lên giường sắt nằm phơi bụng giữa quê hương cụ Tào Tháo mà cấm thấy cụ đến hỏi thăm bao giờ. Có lẽ, trong trận Xích Bích từ hàng ngàn năm trước, lính thủy của đô đốc Chu Du dùng kế hỏa công của Gia Cát Lượng đốt cho trăm vạn quân Tào ra tro, bản thân ổng phải quẳng mũ, cởi bỏ chiến bào, cắt tóc, cạo râu, chạy tháo thân mà không thoát, vẫn bị Quan Công bắt sống. Nên nay hễ nhìn thấy thủy quân là ổng đã hãi vãi cả linh hồn, chẳng còn tâm trí đâu để mà thăm với hỏi.

Chỉ có 10 ngày ăn ngon ngũ kĩ mà tôi béo tốt hẵn ra, da dẻ hồng hào trông thấy. Quả thật tôi chẳng dám nói ngoa cùng các bác, thời đó tôi trắng trẻo, đẹp giai ra phết chứ không già nua, đen đúa, nếp nhăn ba tầng bảy lớp như thời nay.

Thật đúng là 10 ngày an dưỡng có một không hai trong đời thằng lính hai quần Mã Giang này.

Sáng sáng vào cảng, chiều ra khơi
Câu cá, câu mực, tối tối xơi
Sóng vỗ, gió đưa, con tàu lắc
Cuộc đời lính thủy có lúc sang


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hatuyenha trong 13 Tháng Tám, 2009, 03:01:51 pm
Ngon thật,nghe bạn kể mà thèm,mình thì không thích ăn mực tươi xào nhưng có lẽ cũng chẳng bao giờ được sướng như anh lính Hai quần Magiang@ ấy.Đúng như bạn nói đời lính có những lúc sướng mà chẳng bao  giờ có lại nữa.Rát  cám ơn câu chuyện của bạn.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hobichha trong 16 Tháng Tám, 2009, 09:10:08 am
Muốn cung cấp cho các bác bài hát về hải quân nhưng bi quản tri xóa oan mất rồi.
Em cũng muốn lâu lâu lên đây nghe lại mà không phải mất công tìm kiếm.
Lướt sóng ra khơi :
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=1U3KL8XcA0
Bài ca người chiến sĩ hải quân
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=lWFouiQ8Cx


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hobichha trong 16 Tháng Tám, 2009, 09:19:26 am
Nếu các bác nghe bài "lướt sóng ra khơi" không được thì truy cập vào địa chỉ sau :
http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=rBclGtSz6U
Mong các bác vui.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: doan10k5 trong 11 Tháng Hai, 2010, 10:46:34 pm
Em xin có lời chào bác hodacthanh. Mặc dù hôm nay em mới đăng ký thành viên, nhưng chi hội CCB của Cty cũng đã phổ biến về trang QSVN này từ lâu, và em chỉ với tư cách là khách tham quan diễn đàn, đọc bài của bác  em rất khâm phục tinh thần xả thân vì Tổ quốc của lực lượng hải quân NDVN.
Em theo cha mẹ tập kết ra bắc và đi bộ đội thuộc lực lượng đoàn 10 V.tải cơ giới bộ.Nay đã nghỉ hưu và đi làm thêm cho CTy khác, kiến thức tin học không có ,phải nhờ các cháu trong cơ quan tác nghiệp dùm, nên có gì sơ suất kính mong các bác thông cảm.
Miền biển quê em cũng là nơi cập bến của tàu không số. có một chú là thủy thủ của lữ 125, sau khi nghỉ hưu đã quay về quê cha đất tổ để sống những ngày cuối đời với những kỷ niệm của cuộc đời lính hải quân NDVN. Chú ấy tên là Lê Nốt ở Lộ diêu-Hoài Mỹ-Hoài Nhơn-B.Định, không biết bác có biết chú ấy không. Qua trang này em xin gửi một số thông tin , biết đâu bác gặp được đồng đội cũ của bác.

1-con đường đèo ( ĐT639) ngày hôm nay từ Mỹ Đức sang bến Lộ diêu .
(http://i857.photobucket.com/albums/ab140/linhdoan10/HRa-DT639.jpg)

2-đường ven biển Lộ diêu ( ĐT 639) chạy ra phía bến tàu không số ngày xưa.
(http://i857.photobucket.com/albums/ab140/linhdoan10/DT639.jpg)

3-Bến lộ diêu ( nơi cuối tháng 10/1964. tàu không số chở vũ khí cập bến)
(http://i857.photobucket.com/albums/ab140/linhdoan10/KoSo2.jpg)


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: MUCTAU trong 12 Tháng Hai, 2010, 12:43:33 am
Chào bác doan10k5 tham gia QSVN.
Mong những bài của bác về đoàn 1O vận tải.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: doan10k5 trong 12 Tháng Hai, 2010, 01:38:56 am
Chào bác doan10k5 tham gia QSVN. Câu hỏi của bác, xin các bác QK5 tích cực trả lời.
Mong những bài của bác về đoàn 1O vận tải.

Vì đây là trang của đường 759, nên tôi không dám đưa các thông tin về đoàn X, hơn nữa phải xin ý kiến xếp mới dám lấy hình của đoàn X ở trong "kho" của chi hội CCB CTy, vừa qua mấy cháu trực đêm nghịch ngợm sao không biết nên giờ phải báo cáo khi sử dụng bất kỳ máy tính nào của CTy. MUCTAU là ma cũ , có gì hướng dẫn cho ma mới với nhé, chứ cứ nhờ tụi nhỏ hoài, mất tự do.Xin cảm ơn bạn nhiều.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: doan10k5 trong 12 Tháng Hai, 2010, 02:03:08 am
Tớ tặng cho MUCTAU tấm hình chụp mới nhất : Ngày họp mặt đoàn X kỷ niệm chuyển ngạch 9/1/2010. Anh em ở Hải phòng và các tỉnh phía Bắc vào đông lắm. Có đúng bác Ba tèo không nhé.
(http://i857.photobucket.com/albums/ab140/linhdoan10/BaTo.jpg)
 ( xin phép bác chủ nhà cho em mượn một tí - thôi thì đường nào cũng là đường mòn HCM mà  ;D)


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: MUCTAU trong 12 Tháng Hai, 2010, 02:13:30 am
Chào bác doan10k5 tham gia QSVN. Câu hỏi của bác, xin các bác QK5 tích cực trả lời.
Mong những bài của bác về đoàn 1O vận tải.

Vì đây là trang của đường 759, nên tôi không dám đưa các thông tin về đoàn X, hơn nữa phải xin ý kiến xếp mới dám lấy hình của đoàn X ở trong "kho" của chi hội CCB CTy, vừa qua mấy cháu trực đêm nghịch ngợm sao không biết nên giờ phải báo cáo khi sử dụng bất kỳ máy tính nào của CTy. MUCTAU là ma cũ , có gì hướng dẫn cho ma mới với nhé, chứ cứ nhờ tụi nhỏ hoài, mất tự do.Xin cảm ơn bạn nhiều.
Về kỹ thuật vi-tính thì em không dám vì em quá dốt khoản  này. Bác nhờ mấy cháu nó chỉ trực tiếp trên máy là nhanh nhất.
 Còn nội dung thì vô tư. Bác đọc kỹ các khoản trong nội quy dưới đây là được:

  http://www.quansuvn.net/index.php?topic=77.0
 Đối với Cty, bác nên giữ đúng nguyên tắc của Cty. Những bí mật thời trước nay đã được công bố khá nhiều có thể Cty bác '' Cẩn thận'' quá.
 Thôi thì bác cứ kể chuyện thời bác đi tập kết nó ra sao, lên bờ đât Bắc nó thế nào v.v. Hay như chuyện ''giặc lái'' Trường sơn chẳng hạn. Bác có biết chuyện '' bức kết'' không? Cái này có nói sơ sơ trong một quyển phát cho cán bộ tập kết nhân dịp kỷ niệm 4o năm thành lập '' Ủy ban thống nhất TW'' ( 1954-1994 ) câu lạc bộ Thống nhất Lý Thái Tổ.
 Chúc bác có nhiều chuyện bổ ích và vui.
 Xin lỗi ban quản trị. đáng lẽ MT p/m cho bác doan10k5. Nhưng muốn mọi người góp ý nên MT gửi lên đây.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: doan10k5 trong 12 Tháng Hai, 2010, 02:31:00 am
MUCTAU xem đã đúng bác ba Tèo không.
Nhà không có máy, chả lẽ ra quán nét thì chả giống ai, mà máy cơ quan dạo này được Q.Lý kỹ quá.Ảnh tư liệu của đoàn X thì nhiều, XN cũ đã giải tán, việc quản lý số tư liệu này do xếp CTy ( cũng là lính cũ của XN ) đảm nhận, dĩ nhiên là xếp cho tiếp cận thôi, nhưng nói ra lý do thì hơi ngại. ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: MUCTAU trong 12 Tháng Hai, 2010, 03:26:02 am
 Nếu ổng cũng là CCB bác lôi ổng vô đây. Không biết chừng ổng cũng nghiền rồi cấp cho bác máy xài chùa thoải mái nói gì tới tư liệu ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: doan10k5 trong 12 Tháng Hai, 2010, 11:02:36 pm
Cháu gửi tiếp ít tấm hình để chú HoDacThanh nhận mặt đồng đội nhé :

Chú Lê Nốt - với mô hình con tàu cập bến Lộ Diêu
(http://i857.photobucket.com/albums/ab140/linhdoan10/KoSo-LeNot.jpg)


Chú Lê Nốt và Trung đội trưởng du kích thôn Trần Kim Long (KCCM) người đã xin được khẩu trung liên của tàu, năm 1966 đã bắn rơi tại chỗ 1 HU1A và bị thương HU khác tại đèo Hà Ra.
Hai người đang đứng trước tấm bia Di tích bến tàu không số tại thôn Lộ Diêu (2008)
(http://i857.photobucket.com/albums/ab140/linhdoan10/KoSo1.jpg)



Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: MUCTAU trong 13 Tháng Hai, 2010, 12:01:02 am
 Bác nào giúp bác Doank5 làm hai nét thêm hai tấm hình đi.
 Bác Doank5 kể chuyện của cụ Lê Nốt cho anh em nghe với.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: doan10k5 trong 13 Tháng Hai, 2010, 12:52:18 am
Mới can tiếp 2 tấm nữa ,

Và Bia di tích bến tàu không số ngày hôm nay :
(http://i857.photobucket.com/albums/ab140/linhdoan10/KoSo3.jpg)

Đứng trên đường 639 nhìn xuống ( cách 300m ) thì như thế này đây :
(http://i857.photobucket.com/albums/ab140/linhdoan10/KoSo4.jpg)

Thật là buồn. Quá khứ trong con mắt quan chức hôm nay hình như chả là gì cả.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: T54b trong 13 Tháng Hai, 2010, 12:10:26 pm
Thật là buồn. Quá khứ trong con mắt quan chức hôm nay hình như chả là gì cả.

Lịch sử vẫn ghi nhận chiến tích của cha ông xưa. Những đoàn tàu không số là huyền thoại của kháng chiến chống Mỹ. Nhưng nếu chỉ dựa vào quá khứ, sử dụng quá khứ để nhìn nhận hiện tại, trách cứ tương lai,  e rằng thiếu khách quan, và quên đi bản chất anh hùng của QĐND Việt Nam thì...
Theo tôi, bác cứ viết về quá khứ oai hùng của những người lính tàu không số ở Lộ Diêu quê bác. Những việc còn lại tôi nghĩ bác không nên lồng vào đây, nơi ghi lại hồi ức người lính bác ạ.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: haanh trong 13 Tháng Hai, 2010, 01:41:27 pm
hehe , em đồng ý với bác t54b , bác doan10k5 không nên mượn quá khứ của các CCB để đá sang chuyện chính trị  ;D nếu bác bức xúc với quan chức quê bác thì nên chọn cách khác ở ngoài đời chứ bác mang vào đây ảnh hưởng đến mọi người .


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: VOKINH trong 15 Tháng Hai, 2010, 04:38:36 pm
Xin chào bác doan10k5 -đồng nghiệp thế hệ đàn anh.
 Có gì hay của đường 559 và 759 thì bác cho chúng em biết với.
Em tán thành ý kiến của bác vì đấy chính là suy nghĩ thật của bác chứ chẳng có chính trị chính em gì ở chốn này đâu. So với các topic khác thì họ còn nói vô tội vạ.Bác lo cho quá khứ bị lãng quên là đúng vì chính bác đã tới tận nơi ( hi vọng đó là chính bức ảnh mà bác chụp ).Cái đáng sợ nhất là sự lãng quên và vô cảm của con người đối với lịch sử và quá khứ.
Bác không thấy à, đến cả nàng Tô Thị kia mà còn bị....


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: T54b trong 15 Tháng Hai, 2010, 09:25:46 pm
Cái đáng sợ nhất là sự lãng quên và vô cảm của con người đối với lịch sử và quá khứ.
Bác không thấy à, đến cả nàng Tô Thị kia mà còn bị....


Một tấm bia chứng tích lịch sử, ghi dấu chiến công con tàu không số năm xưa đã được xây dựng- Đó là sự lãng quên sao????
Một góc ảnh chụp từ xa 300m - được coi là sự vô cảm ư ???? (từ cảm nhận của cá nhân người chụp muốn tạo nên thế thì sao nhỉ ?)
Những con người của chứng tích còn đứng đó, cảm nhận sự hi sinh mất mát của chiến tranh, cảm nhận máu xương đổ xuống cho hòa bình hôm nay của đồng đội, của chính họ...Không lẽ đó là sự quên lãng và vô cảm.
Người chụp buộc người đọc nghĩ gì khi chụp mấy tấm ảnh và lời nhận xét của họ ???
So với các topic khác thì họ còn nói vô tội vạ.
@VOKINH: đây là QSVN và là "một thời máu và hoa" chứ đâu phải là một trang web tầm thường phải không bác.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: doan10k5 trong 15 Tháng Hai, 2010, 10:15:30 pm
Thưa các bác và cả vokinh (vì vokinh tự nhận là đàn em)
+ Hình này tự tay tôi chụp và đi rửa ảnh
+Người CCB Lê Nốt hiện đang sống tại một góc của ngọn núi Chóp chài. Xin một miếng đất trong làng để hạ sơn mấy năm nay chưa có.
+Trên đây là những gì của tôi gửi tới bác Hodacthanh để bác ấy tìm nhận đồng đội mà thôi.
+Không nên mổ xẻ làm gì, cái thực trạng nó lù lù hàng ngày ai cũng thấy cả mà.
Địa danh thì tôi đã nói, bác nào thích kiểm chứng thì cứ vô tư. Còn ngồi mà phán xét thì các bác cho em xin.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: T54b trong 15 Tháng Hai, 2010, 10:25:16 pm
Thưa các bác và cả vokinh (vì vokinh tự nhận là đàn em)
+ Hình này tự tay tôi chụp và đi rửa ảnh
+Người CCB Lê Nốt hiện đang sống tại một góc của ngọn núi Chóp chài. Xin một miếng đất trong làng để hạ sơn mấy năm nay chưa có.
+Trên đây là những gì của tôi gửi tới bác Hodacthanh để bác ấy tìm nhận đồng đội mà thôi.
+Không nên mổ xẻ làm gì, cái thực trạng nó lù lù hàng ngày ai cũng thấy cả mà.
Địa danh thì tôi đã nói, bác nào thích kiểm chứng thì cứ vô tư. Còn ngồi mà phán xét thì các bác cho em xin.

Chuyện gì đã xảy ra vậy ?



Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: haanh trong 15 Tháng Hai, 2010, 10:30:54 pm
Thưa các bác và cả vokinh (vì vokinh tự nhận là đàn em)
+ Hình này tự tay tôi chụp và đi rửa ảnh
+Người CCB Lê Nốt hiện đang sống tại một góc của ngọn núi Chóp chài. Xin một miếng đất trong làng để hạ sơn mấy năm nay chưa có.
+Trên đây là những gì của tôi gửi tới bác Hodacthanh để bác ấy tìm nhận đồng đội mà thôi.
+Không nên mổ xẻ làm gì, cái thực trạng nó lù lù hàng ngày ai cũng thấy cả mà.
Địa danh thì tôi đã nói, bác nào thích kiểm chứng thì cứ vô tư. Còn ngồi mà phán xét thì các bác cho em xin.

Chuyện gì đã xảy ra vậy ?


hehe , đầu năm bác T54b có việc phải làm rồi  ;D em nghĩ bác nên liên hệ với bác doan10k5 để giúp bác ấy giải tỏa những bức xúc đi  ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: T54b trong 15 Tháng Hai, 2010, 11:08:13 pm
Thưa các bác và cả vokinh (vì vokinh tự nhận là đàn em)
+ Hình này tự tay tôi chụp và đi rửa ảnh
+Người CCB Lê Nốt hiện đang sống tại một góc của ngọn núi Chóp chài. Xin một miếng đất trong làng để hạ sơn mấy năm nay chưa có.
+Trên đây là những gì của tôi gửi tới bác Hodacthanh để bác ấy tìm nhận đồng đội mà thôi.
+Không nên mổ xẻ làm gì, cái thực trạng nó lù lù hàng ngày ai cũng thấy cả mà.
Địa danh thì tôi đã nói, bác nào thích kiểm chứng thì cứ vô tư. Còn ngồi mà phán xét thì các bác cho em xin.

Chuyện gì đã xảy ra vậy ?


hehe , đầu năm bác T54b có việc phải làm rồi  ;D em nghĩ bác nên liên hệ với bác doan10k5 để giúp bác ấy giải tỏa những bức xúc đi  ;D

Ôi! t54b làm được gì đâu haanh. Thấy lạ lạ thì hỏi thử thôi. doan10k5 kể chuyện quê bác đi


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: T54b trong 15 Tháng Hai, 2010, 11:09:06 pm
Thưa các bác và cả vokinh (vì vokinh tự nhận là đàn em)
+ Hình này tự tay tôi chụp và đi rửa ảnh
+Người CCB Lê Nốt hiện đang sống tại một góc của ngọn núi Chóp chài. Xin một miếng đất trong làng để hạ sơn mấy năm nay chưa có.
+Trên đây là những gì của tôi gửi tới bác Hodacthanh để bác ấy tìm nhận đồng đội mà thôi.
+Không nên mổ xẻ làm gì, cái thực trạng nó lù lù hàng ngày ai cũng thấy cả mà.
Địa danh thì tôi đã nói, bác nào thích kiểm chứng thì cứ vô tư. Còn ngồi mà phán xét thì các bác cho em xin.

Chuyện gì đã xảy ra vậy ?


hehe , đầu năm bác T54b có việc phải làm rồi  ;D em nghĩ bác nên liên hệ với bác doan10k5 để giúp bác ấy giải tỏa những bức xúc đi  ;D

Ôi! t54b làm được gì đâu haanh. Thấy lạ lạ thì hỏi thôi. doan10k5 kể chuyện quê bác đi



Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: T54b trong 15 Tháng Hai, 2010, 11:33:28 pm
Cháu gửi tiếp ít tấm hình để chú HoDacThanh nhận mặt đồng đội nhé :



Hai người đang đứng trước tấm bia Di tích bến tàu không số tại thôn Lộ Diêu (2008)
(http://i857.photobucket.com/albums/ab140/linhdoan10/KoSo1.jpg)

- Tấm này chụp cận cảnh sát chân bia di tích đúng không bác doan

[/quote]
Và Bia di tích bến tàu không số ngày hôm nay :
(http://i857.photobucket.com/albums/ab140/linhdoan10/KoSo3.jpg)

-Tấm này chụp gần bia di tích, khoảng vài mét thôi.



- Và tấm này, xa 300m qua một đám cây bạch đàn thì phải. Bị che khuất là đúng rồi. Tại ai nhỉ?

Đứng trên đường 639 nhìn xuống ( cách 300m ) thì như thế này đây :
(http://i857.photobucket.com/albums/ab140/linhdoan10/KoSo4.jpg)

- "Người CCB Lê Nốt hiện đang sống tại một góc của ngọn núi Chóp chài."
  Ô, vậy bác CCB này làm kinh tế vườn đồi chắc rất giỏi




Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: MUCTAU trong 16 Tháng Hai, 2010, 12:36:38 am
Thưa các bác và cả vokinh (vì vokinh tự nhận là đàn em)
+ Hình này tự tay tôi chụp và đi rửa ảnh
+Người CCB Lê Nốt hiện đang sống tại một góc của ngọn núi Chóp chài. Xin một miếng đất trong làng để hạ sơn mấy năm nay chưa có.+Trên đây là những gì của tôi gửi tới bác Hodacthanh để bác ấy tìm nhận đồng đội mà thôi.
+Không nên mổ xẻ làm gì, cái thực trạng nó lù lù hàng ngày ai cũng thấy cả mà.
Địa danh thì tôi đã nói, bác nào thích kiểm chứng thì cứ vô tư. Còn ngồi mà phán xét thì các bác cho em xin.

 Em thấy cán bộ cơ sở của Bình Định làm công tác chính sách còn tốt hơn những nơi khác nhiều. Cũng có thể chỗ cụ Lê Nốt còn vướng mắc gì chăng.
 Tốt nhất là bác kể chuyện về cụ Lê Nốt .
 


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: Fly trong 20 Tháng Hai, 2010, 10:40:34 pm
Thưa các bác và cả vokinh (vì vokinh tự nhận là đàn em)
+ Hình này tự tay tôi chụp và đi rửa ảnh
+Người CCB Lê Nốt hiện đang sống tại một góc của ngọn núi Chóp chài. Xin một miếng đất trong làng để hạ sơn mấy năm nay chưa có.
+Trên đây là những gì của tôi gửi tới bác Hodacthanh để bác ấy tìm nhận đồng đội mà thôi.
+Không nên mổ xẻ làm gì, cái thực trạng nó lù lù hàng ngày ai cũng thấy cả mà.
Địa danh thì tôi đã nói, bác nào thích kiểm chứng thì cứ vô tư. Còn ngồi mà phán xét thì các bác cho em xin.

Chuyện gì đã xảy ra vậy ?


hehe , đầu năm bác T54b có việc phải làm rồi  ;D em nghĩ bác nên liên hệ với bác doan10k5 để giúp bác ấy giải tỏa những bức xúc đi  ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: Fly trong 20 Tháng Hai, 2010, 10:52:13 pm
Cháu ít tuổi ko rõ về thơi các ông các bác đã chiến đấu nhưng đọc bài cháu như được xem lai lịch sử vậy. Ông nội cháu cũng tưng tham gia đoàn tầu không số. Hàng năm co được mời sang Hải Phòng gặp đồng đội cũ. Ông Nội cháu tên là Đào Văn Khuyến quê quán Thái Dương- Thái Thụy- Thái Bình. Ông cháu mới mất gần 1 năm. Cháu muốn tim hiểu nhưng thông tim về Ông ma ko biết tìm ở đâu. Các Ông các Bác nêu có thông tin gì cho cháu biêt với. Kính bút chúc các Ông các Bác 1 năm mơi có thật nhiều sức khỏe để còn viết về thời hào hùng đời lính.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: hodacthanh trong 23 Tháng Ba, 2010, 06:32:49 pm
Xin chào các bác, các đồng chí- những người đồng đội của tôi.
Vì điều kiện sức khỏe nên tôi vắng mặt trên QSVN một thời gian hơi dài. Hôm nay xin hầu chuyện với các bác. Nhất là bác Đoàn10K5.
Chiến sĩ giải phóng quân Lê Văn Nốt được tỉnh ủy Bình Định cử ra miền Bắc xin chi viện vũ khí được trên bố trí về đoàn 125HQ. Tháng 10/1964, Nốt được bố trí làm thủy thủ chiếc tàu gỗ 401 do Phạm Vạn làm thuyền trưởng, Trần Phấn và Trần Ngọc Mĩ ( tức Phạm Khanh ) làm thuyền phó, chở 30 tấn vũ khí vào bến Lộ Diêu - Hoài Nhơn - Bình Định. Đêm 31/10/1964 tàu vào được bến nhưng máy tàu hỏng, sóng gió lớn không ra được đành phải lấy hàng vào ban ngày rồi phá hủy tàu.
Theo lệnh của cấp trên, thuyền trưởng và báo vụ ở lại bến, còn lại dưới sự chỉ huy của chính trị viên Thanh đi bộ vào Vũng Rô, và ngày 30/11/1964 theo tàu 41 về lại Hải Phòng
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nốt về Gò Vấp - tp. HCM và mất liên lạc. Đã 2 lần ban liên lạc Tàu không số miền Trung họp mặt Kỷ niệm tại Đà Nẵng và Phú Yên, danh sách CCB Tàu không số Bình Định không có tên cụ Nốt.
Vào khảng tháng 10/2009 được tin mang máng là cụ Nốt đã về quê. Lập tức cụ Dậu và cụ Thành - ban liên lạc Bình Định hành quân trực chỉ Lộ Diêu và gặp nhau sau bao năm xa cách.
Ban liên lạc miền Trung đang làm thủ tục trao kỷ niệm chương Đường HCM trên biển và huân chương chiến sĩ giải phóng cho cụ Nốt ( vào dịp Kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Đoàn 10/2010 ).
Những thông tin chi tiết trên có phải là cụ Nốt mà Đoàn10K5 chia xẻ hay không vậy?...


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: doan10k5 trong 24 Tháng Tư, 2010, 03:14:53 pm
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nốt về Gò Vấp - tp. HCM và mất liên lạc. Đã 2 lần ban liên lạc Tàu không số miền Trung họp mặt Kỷ niệm tại Đà Nẵng và Phú Yên, danh sách CCB Tàu không số Bình Định không có tên cụ Nốt.
Vào khảng tháng 10/2009 được tin mang máng là cụ Nốt đã về quê. Lập tức cụ Dậu và cụ Thành - ban liên lạc Bình Định hành quân trực chỉ Lộ Diêu và gặp nhau sau bao năm xa cách.
Ban liên lạc miền Trung đang làm thủ tục trao kỷ niệm chương Đường HCM trên biển và huân chương chiến sĩ giải phóng cho cụ Nốt ( vào dịp Kỷ niệm 59 năm ngày thành lập Đoàn 10/2010 ).
Những thông tin chi tiết trên có phải là cụ Nốt mà Đoàn10K5 chia xẻ hay không vậy?...

Cảm ơn chú hodacthanh đã có phúc đáp. Cầu chúc chú có sức khỏe.
Mấy tháng nay do có việc nhà nên cháu phải đi vắng, vùng cháu đến cũng không có intenet, nên không biết tin tức gì cả.
Cháu mới về, thấy có thông tin của chú nên cũng mừng thay cho cụ Lê Nốt. Cháu xin cảm ơn các đồng đội của chú Nốt ( Bảy Vân ). Để cháu tìm lại mấy tấm hình của chú Bảy (đã xóa) gửi tới chú


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: tau khong so trong 07 Tháng Sáu, 2010, 03:22:07 pm
Chào các bạn!  Đã lâu không vào QSVN vì một số lý do cá nhân. Nay lại tiếp tục đăng đàn cùng các bạn. Trước hết chúc các bạn sức khoẻ, hạnh phúc trong cuộc sống nhiều bạn, nhiều tiền.
 Ngày 29/4/2010 báo Pháp luật Việt Nam có đăng bài về Tàu không số HN, tôi xin khoe các bạn đây:
( Nhờ quản trị đổi phông chữ hộ - cảm ơn )
1.571w. HuyÒn tho¹i Tµu kh«ng sè
V­ît qua hµnh tr×nh “tö thÇn”
Tr­íc n¨m 1972, nh÷ng con tµu kh«ng sè ®• tham gia vËn chuyÓn vò khÝ, ®¹n d­îc, thuèc men vµo chi viÖn cho chiÕn tr­êng miÒn Nam. Vµ nh÷ng con tµu kh«ng sè Êy còng ®• chë bé ®éi ®Æc c«ng, xe t¨ng, ®¹n d­îc tham gia gi¶i phãng quÇn ®¶o Tr­êng Sa, C«n §¶o, tham gia chiÕn dÞch Hå ChÝ Minh. LÞch sö ®• sang trang nh­ng nh÷ng thµnh viªn cña Héi Tµu kh«ng sè Hµ Néi kh«ng bao giê quªn nh÷ng n¨m th¸ng hµo hïng nhÊt trong cuéc ®êi m×nh.
Nh÷ng chµng sinh viªn xung trËn
Th«ng th­êng, lÝnh h¶i qu©n chØ tuyÓn ng­êi ë c¸c tØnh miÒn biÓn, Ýt ng­êi biÕt r»ng ë ngay thñ ®« Hµ Néi còng cã nh÷ng cùu thuû thñ Tµu kh«ng sè. Hä cã kháang 60 ng­êi, gåm hai thÕ hÖ, ng­êi nhiÒu tuæi nhÊt ®• trªn 70 ng­êi Ýt tuæi nhÊt ®• 57.
Trong Héi Tµu kh«ng sè Hµ Néi cã kh«ng Ýt nh÷ng  thuû thñ tµu kh«ng sè xuÊt th©n lµ nh÷ng häc sinh, sinh viªn nhËp ngò th¸ng 5/1972. ¤ng Tèng Hång Qu©n lµ mét trong sè ®ã. ¤ng Qu©n nhí l¹i: Th¸ng 5/1972, khi ®ang lµ sinh viªn Tr­êng §¹i häc Kinh tÕ - KÕ ho¹ch, t«i lªn ®­êng nhËp ngò. Thêi Êy, tiÕng ca hµo hïng cña bµi h¸t §­êng chóng ta ®i do ca sü Do•n TÇn thÓ hiÖn nh­ thóc giôc chóng t«i ra mÆt trËn. Ngµy 29/5/1972 t«i lªn tµu ë ga Hµng Cá. §oµn tµu chë ®Çy ¾p  lÝnh trÎ lao vÒ phÝa Nam hó lªn nh÷ng håi cßi tiÔn biÖt. Nh÷ng m¸i ®Çu xanh chen nhau qua cöa sæ tµu, nh÷ng bµn tay vÉy gäi, nh÷ng tiÕng thÐt: T¹m biÖt Hµ Néi, t¹m biÖt em yªu, t¹m biÖt quª h­¬ng. Nh÷ng l¸ th­  nÐm tõ trªn tµu xuèng tr¶i tr¾ng ®o¹n ®­êng tõ Kh©m Thiªn ®Õn Th­êng TÝn. Trªn b× th­ nguÖch ngo¹c dßng ch÷ “ Nhê mäi ng­êi d¸n tem bá vµo thïng th­ gióp t«i” hoÆc “§i B ngµy 29/12/1972”.
Sau hai th¸ng huÊn luyÖn ë Hµ Trung, Thanh Ho¸, th¸ng 7/1972 gÇn 200 chµng lÝnh sinh viªn hµnh qu©n ng­îc ra B¾c vÒ Qu¶ng Ninh trë thµnh lÝnh thuû. Hä ®­îc ph©n xuèng c¸c ®oµn tµu : §oµn 171(tµu chiÕn ®Êu), §oµn 172(tµu phãng l«i),  §oµn ®Æc c«ng h¶i qu©n E126, §oµn tµu ®¸nh c¸ E128. Anh sinh viªn Tèng Hång Qu©n vÒ  Tµu 649 ®oµn tµu kh«ng sè E125.
Tµu 649 ®• chÊt ®Çy hµng chê thêi c¬ lªn ®­êng vµo miÒn Nam. NhiÒu lÇn tµu ra kh¬i däc theo ®­êng hµng h¶i quèc tÕ nh­ng ®Òu ph¶i quay vÒ do tµu chiÕn, m¸y bay Mü tuÇn tra ®eo b¸m kh«ng thÓ cËp bÕn bèc hµng ®­îc. Th¸ng 1,2/1973,  tµu 649 lµ mét trong nh÷ng chiÕc tµu ®Çu tiªn cña H¶i qu©n cËp c¶ng Cöa ViÖt Qu¶ng trÞ. §Ó ®­a ®­îc tµu vµo cËp c¶ng an toµn, nh÷ng ng­êi lÝnh trªn tµu ®• ph¶i v­ît qua biÕt bao khã kh¨n: Luång l¹ch míi, diÔn biÕn t×nh h×nh ®Þch tr­íc ngµy t¹m ®×nh chiÕn rÊt phøc t¹p. Khi tµu vµo gÇn ®Õn c¶ng Cöa ViÖt,  ph¸o trªn bê b¾n Çm Çm chÆn tr­íc mòi. Trªn c¶ng h«m tr­íc võa diÔn ra trËn ®Êu xe t¨ng khèc liÖt gi÷a ta vµ  ®Þch. X¸c xe t¨ng ch¸y cßn nghi ngót khãi.
Ng­êi d©n miÒn Nam v« cïng vui s­íng tù hµo khi lÇn ®Çu tiªn nh×n thÊy tµu h¶i qu©n cña ChÝnh phñ c¸ch m¹ng l©m thêi céng hoµ miÒn Nam ViÖt Nam víi l¸ cê  nöa xanh, nöa ®á bay phÇn phËt trªn mòi tµu.
   Sau ngµy gi¶i phãng, «ng Tèng Hång Qu©n vÒ häc t¹i Tr­êng §¹i häc Kü thuËt Qu©n sù, ra tr­êng «ng tiÕp tôc phôc vô qu©n ®éi. §Õn n¨m  1991, «ng Qu©n chuyÓn ngµnh sang mét c«ng ty x©y dùng cña Bé N«ng nghiÖp vµ Ph¸t triÓn N«ng th«n.
   ¤ng §oµn Xu©n TiÕn hiÖn lµ HiÖu tr­ëng Tr­êng Trung häc N«ng nghiÖp - Së Gi¸o dôc Hµ Néi lµ ng­êi ®• chë bé ®éi ®Æc c«ng ra C«n §¶o vµ ®ãn Tï chÝnh trÞ trong ®ã cã gi¸o s­ Lª Quang VÞnh vÒ ®Êt liÒn.
   Vî chång giµ chê ®¸m c­íi
Trong Héi Tµu kh«ng sè Hµ Néi, «ng Lª V¨n Nh­îc lµ ng­êi nhiÒu tuæi nhÊt vµ còng lµ mét thuû thñ kú cùu nhÊt. ¤ng Nh­îc sinh n¨m 1939, nhËp ngò th¸ng 4/1964, xuèng tµu kh«ng sè th¸ng 7/1964. ¤ng Nh­îc t©m sù: Vî chång t«i dï ®• ®• cã 2 con trai, 2 con g¸i vµ 5 ch¸u néi ngo¹i nh­ng vÉn ch­a mét lÇn ®­îc lªn xe hoa. Chóng t«i dù ®Þnh sÏ tæ chøc ®¸m c­íi Vµng vµo tuæi 80.
¤ng Nh­îc cho chóng t«i xem tê giÊy ®¨ng ký kÕt h«n cña vî chång «ng ®• è vµng, mÆt sau tê ®¨ng ký cã ghi dßng ch÷ cña Tæ GiaØ quyÕt: “VÊn ®Ò nµy kh«ng ph¶i nhiÖm vô chóng ta nh­ng hoµn c¶nh qu¸ cÇn ta cã thÓ gi¶i quyÕt ®­îc. Ngµy 14/2/1965” phÝa d­íi ghi tiÕp: “Hai gãi chÌ Hång §µo. 10 bao Thñ ®«”.
Tr­íc ngµy nhËp ngò, anh Lª V¨n Nh­îc c«ng t¸c t¹i Ty L­¬ng thùc Hµ Néi. Th¸ng 2/1965, anh ®­îc ®¬n vÞ cho nghØ phÐp tranh thñ vÒ c­íi vî-chÞ §Æng ThÞ Ngäc Th¶o, mét c« g¸i Hµ Néi xinh ®Ñp lµm viÖc ë cöa hµng l­¬ng thùc sè 9 C¸t Linh. Ngµy 13/2/1965, vî chång anh ®­îc chÝnh quyÒn ®Þa ph­¬ng cña quËn §èng §a tæ chøc ®¨ng ký kÕt h«n tËp thÓ cïng 10 ®«i vî chång kh¸c. Mçi ®«i vî chång khi ®¨ng ký ®­îc duyÖt mua cña mËu dÞch quèc doanh 5 bao thuèc l¸ S«ng CÇu.  CÇm tê giÊy ®¨ng ký kÕt h«n, trong trang phôc lÝnh h¶i qu©n, Anh Nh­îc ra B¸ch ho¸ sè 5 Nam Bé mua trµ thuèc ®Ó tæ chøc ®¸m c­íi vµ ®­îc ®Æc c¸ch mua sè chÌ, thuèc trªn. Ch­a kÞp tæ chøc ®¸m c­íi, ngµy 14/2/1965, anh Nh­îc nhËn ®­îc ®iÖn khÈn cña ®¬n vÞ trë vÒ ngay ®i c«ng t¸c. BÞn dÞn t¹m biÖt ng­êi vî trÎ, anh xèc ba l« vÒ H¶i phßng.
Ngµy 15/2/1965, anh Nh­îc xuèng tµu mang sè hiÖu 69 ®i c«ng t¸c. Tµu chë 60 tÊn sóng ®¹n, thuèc men…  ®Ých tíi lµ Cµ Mau. Sau nhiÒu lÇn ®i nh­ng kh«ng vµo ®­îc bÕn do tµu chiÕn, m¸y bay Mü Nguþ ®eo b¸m, m•i ®Õn ngµy 6/11/ 1965, Tµu 69 míi cËp bÕn Vµm Lòng-Cµ Mau dì hµng an toµn kÞp thêi chi viÖn cho mÆt trËn Nam bé. Nh÷ng  chuyÕn tµu ra kh¬i nèi tiÕp theo nhau ®• kh«ng cho anh cã ®iÒu kiÖn vÒ th¨m ng­êi vî trÎ.
ChÞ Th¶o cø vß vâ tr«ng chång. M•i ®Õn ®Çu n¨m 1969 trong mét dÞp thuËn lîi tµu vÒ bÕn söa ch÷a, chÞ míi cã dÞp vÒ H¶i Phßng th¨m anh. Mõng mõng, tñi tñi sau gÇn 4 n¨m trêi xa c¸ch, hai vî chång chØ biÕt n¾m tay nhau mµ ch¼ng nãi lªn lêi. 
§¬n vÞ ho¹t ®éng bÝ mËt nªn kh«ng cã tr¹m ®ãn tiÕp. Anh em thuû thñ ®• chÆt cµnh phi lao dùng t¹m chiÕc lÒu h¹nh phóc ngay trªn bê ®ª phÝa tr­íc c¶ng K20 (Thuû Nguyªn H¶i Phßng) cho ®«i uyªn ­¬ng. Gi­êng lµ nh÷ng tÊm ph¶n gç äp Ñp. Xung quanh lÒu che b»ng l¸ dõa n­íc chÆt ë cÇu c¶ng K20. Trong chiÕc l¸n dùng t¹m, anh em thuû thñ h¸t hß, ng©m th¬ tÆng hai vî chång ®Õn khuya. C« con g¸i ®Çu lßng tªn YÕn lµ kÕt qu¶ cña chuyÕn th¨m chång n¨m Êy cña bµ Th¶o.
Sèng trªn biÓn
Trong Héi, «ng Nh­îc  lµ ng­êi cã th©m niªn sèng trªn tµu l©u nhÊt, gÇn 10 n¨m. Tµu 69 gåm 16 ng­êi, thuyÒn tr­ëng lµ NguyÔn Ngäc Èn, m¸y tr­ëng lµ NguyÔn V¨n Tµi, b¸o vô lµ Lª V¨n T©m… Lµ hµng h¶i cña tµu, «ng Nh­îc lµ ng­êi cã träng tr¸ch quan träng l¸i nh÷ng chuyÕn tµu an toµn. Trong ®ªm tèi mï mÞt, sãng nghiªng ng¶, nhiÒu khi «ng ph¶i c¨ng m¾t ra nh×n h¶i ®å ®Ó bÎ l¸i ®i ®óng h­íng. Sau vô Tµu 143 bÞ lé ë Vòng R« ngµy 26/2/1965, ®Þch phong to¶ bê biÓn rÊt kü. M¸y bay, tµu chiÕn cña Mü quÇn ®¶o trªn biÓn, trªn trêi ®Ó chÆn tµu ra ®i. Hµnh tr×nh nh÷ng con tµu v« cïng gian nan, nguy hiÓm vµ khèc liÖt. §Ó nguþ trang, c¸c con tµu ph¶i c¾t hÕt tÝn hiÖu, kh«ng liªn l¹c víi tæng chØ huy. Th¸ng 12/1965, ®Þch ®¸nh ph¸ ¸c liÖt. Tµu kh«ng sè ph¶i gi¶ d¹ng tµu ®¸nh c¸, ®i vµo ban ®ªm, lóc sãng to, giã lín nhÊt ®Ó h¹n chÕ sù tuÇn tra trªn biÓn cña ®Þch. Mäi thø trªn tµu ®Òu ph¶i  bÝ mËt. BÝ mËt ®Õn møc kh«ng ®­îc ®i trong léng mµ ph¶i ®i ra kh¬i. Say sãng triÒn miªn. ¨n l­¬ng kh« triÒn miªn v× sãng lín kh«ng thÓ nÊu c¬m. Cuéc sèng nguy hiÓm vµ gian khæ lµ thÕ nh­ng tÊt c¶ mäi ng­êi trªn tµu ®Òu h¨ng h¸i lµm nhiÖm vô, chÊp nhËn hy sinh.
NhËt TuÊn

Chó thÝch ¶nh: 1. Mét con tµu kh«ng sè
2. ¶nh vî chång «ng Lª V¨n Nh­îc chôp trong ngµy gÆp l¹i n¨m 1969
3. ¤ng Lª V¨n Nh­îc - bªn tr¸i ®ang nhËn bøc tr­íng mõng thä cña Héi Tµu kh«ng sè Hµ Néi )
 








Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: dongadoan trong 07 Tháng Sáu, 2010, 03:25:12 pm
Hì, báo online thì bác cho cái đường link là xong mà! ;D


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: tau khong so trong 27 Tháng Tư, 2011, 02:56:49 pm
 Chào Bác Thạnh! Đúng một tuần sau buổi tiếp Bác ở nhà hàng 19C Ngọc Hà, ý tưởng tặng đồng đội Phan Hải Hồ xe lăn đã được thực hiện vào ngày 24/4/2011 tại nhà ông. Gửi bác tấm hình ghi lại kỷ niệm trên( Báo QDND ngày 25/4/2011 đã có bài viết - nhờ đồng đội nào link giúp bài. Tôi chư biết cách link)
(http://i688.photobucket.com/albums/vv250/quanlem08/CopyofIMG_0488.jpg)


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: taukhongsohaihau trong 28 Tháng Năm, 2011, 03:42:32 pm
Chào các bác, các chú.
Cháu là con gái của một người lính trên tàu không số năm xưa, tên là Đỗ Duy Huyễn, người y tá được nhắc đến trong bài viết về chú Phan Hải Hồ: http://dantri.com.vn/c25/s20-477551/huyen-thoai-anh-la-van-cau-cua-tau-khong-so.htm
Bố cháu hiện trong ban liên lạc hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển huyện Hải Hậu, Nam Định. Bác hay chú nào biết bố cháu, cháu xin làm cầu nối giúp.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: taxek9 trong 10 Tháng Sáu, 2011, 12:46:04 pm
 Hà hà chỉ xem phim tư liệu và nghe kể chuyện (trên truyền hình) về các bác,các anh của đoàn tàu không số đã đủ sởn da gà...
 Cơ quan tôi có hai người từng công tác ở doàn tàu không số đó là chú Bùi Ngọc Châu,nguyên Giám đốc Đông lạnh Quy Nhơn (Chú đã mất hơn năm nay) và anh Lê Văn Minh cũng quê Quy Nhơn.


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 11 Tháng Sáu, 2011, 10:28:15 pm
Ngày 29/4/2010 báo Pháp luật Việt Nam có đăng bài về Tàu không số HN, tôi xin khoe các bạn đây:
( Nhờ quản trị đổi phông chữ hộ - cảm ơn )
.
     Bác TauKhongSo à ! Bài viết bác gửi dùng phần mềm tiếng Việt VietKey, phông chữ VnTime không thể đưa lên trang web này và phần lớn các trang khác. Bác hãy dùng UniCode, phông chữ Times New Roman hoặc Arial là ổn. Bài của bác tôi phải gõ lại. Xin lỗi bác có tự tiện sửa một số chỗ không chính xác. Những chỗ đó đều có mở ngoặc chú thích. Bác thông cảm nhé !


HUYỀN THOẠI TÀU KHÔNG SỐ

Vượt qua hành trình tử thần

     Trước năm 1972, những con tàu không số đã tham gia vận chuyển vũ khí, đạn dược, thốuc men vào chi viện cho chiến trường miền nam. Những con tàu không số ấy cũng đã chở bộ đội đặc công, xe tăng, đạn dược tham gia giải phóng quần đảo Trường Sa, Côn Đảo, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Lịch sử đã sang trang nhưng những thành viên của hội tàu không số Hà Nội không bao giờ quên những năm tháng hào hùng nhất trong cuộc đời mình.

Những chàng sinh viên xung trận

     Thông thường, lính hải quân chỉ tuyển người ở các tỉnh miền biển. Ít người biết rằng, ở ngay thủ đo Hà Nội cũng có những cựu thủy thủ Tàu Không Số. Họ có khoảng 60 người, gồm hai thế hệ. Người nhiều tuổi nhất đã trên 70, người ít tuổi nhất đã 57.

Trong hội Tàu Không Số Hà Nội có không ít những thủy thủ xuất thân là những học sinh, sinh viên nhập ngũ 5/1972. Ông Tống Hồng Quân là một trong số đó. Ông Quân nhớ lại:
 
Tháng 5/1972, khi đang là sinh viên trường đaih học Kinh Tế - Kế Hoạch, tôi lên đường nhập ngũ. Thời ấy, tiếng ca hào hùng của bài hát Đường Chúng Ta Đi do ca sỹ Doãn Tần thể hiện như thúc dục chúng tôi ra mặt trận. Ngày 29/5/1972, tôi lên tàu ở ga Hàng Cỏ. Đoàn Tàu chở đầy ắp lính trẻ, lao về phía nam, hú lên những hồi còi tiễn biệt. Những mái đầu xanh chen nhau qua cửa sổ tàu, những bàn tay vẫy gọi, những tiếng thét: Tạm biệt Hà Nội ! Tạm biệt em yêu ! Tạm biệt quê hương ! Những lá thư ném từ trên tàu xuống, rải trắng đoạn đường từ Khâm Thiên đến Thường Tín. Trên bì thư nguệch ngoạc dòng chữ: Nhờ mọi người dán tem bỏ vào thùng thư giúp hoặc Đi B ngày 29/5/1972.

     Sau hai tháng huấn luyện ở Hà Trung, Thanh Hóa, tháng 7/1972 gần 200 chàng lính sinh viên hành quân ngược ra bắc về Quảng Ninh và trở thành lính thủy. Họ được phân xuống các đoàn tàu. Đoàn 171 (tàu chiến đấu), đoàn 172 (tàu phóng lôi), đoàn đặc công hải quân e126, đoàn tàu đánh cá e128. Anh sinh viên Tống Hồng Quân về tàu 649, đoàn tàu không số e125.

     Tàu 649 đã chất đầy hàng chờ thời cơ lên đường vào miền nam. Nhiều lần tàu ra khơi dọc theo đường hàng hải quốc tế nhưng đều phải quay về do tàu chiến và máy bay Mỹ tuần tra, đeo bám, không thể cập bến bốc hàng được. Tháng 1 và 2/1973, tàu 649 là một trong những chiếc tàu hải quân cập cảng Cửa Việt, Quảng Trị. Để đưa được tàu cập cảng an toàn, những người lính trên tàu đã phải vượt qua biết bao khó khăn, luồng lạch mới, diễn biến tình hình địch trước ngày ngừng bắn rất phức tạp. Khi tàu vào gần cảng Cửa Việt, pháo trên bờ bắn ra ầm ầm, chặn trước mũi tàu. Trên cảng hôm trước vừa diễn ra trận đấu xe tăng khốc liệt giữa ta và địch. Xác xe tăng cháy còn nghi ngút khói.
 
     Người dân miền nam vô cùng vui sướng, tự hào khi lần đầu tiên nhìn thấy tàu hải quân của chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam với lá cờ nửa xanh, nửa đỏ bay phần phật trên mũi tàu.

     Sau ngày giải phóng, ông Tống Hồng Quân về học tại trường Đại Học Kỹ Thuật Quân Sự. Ra trường, ông tiếp tục phục vụ quân đội. Đến năm 1991, ông Quân chuyển ngành sang một công ty xây dựng của bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn.
 
     Ông Đoàn Xuân Tiến là người đã chở bộ đội đặc công ra Côn Đảo và đón tù chính trị về đất liền, trong đó có giáo sư Lê Quang Vịnh. Hiện, ông Tiến là hiệu trưởng trường Trung Học Nông Nghiệp, sở giáo dục Hà Nội.

Vợ chồng già chờ đám cưới

     Trọng hội Tàu Không Số Hà Nội, ông Lê văn Nhược là người nhiều tuổi nhất và cũng là thủy thủ kỳ cựu nhất. Ông Nhược sinh năm 1939, nhập ngũ 4/1964, xuống tàu không số tháng 7/1964. Ông Nhược tâm sự:

     “Vợ chồng tôi dù đã có 2 con trai, 2 con gái và 5 cháu nội ngoại, nhưng chúng tôi chưa một lần được lên xe hoa. Chúng tôi dự định tổ chức đám cưới vàng vào tuổi 80.”

     Ông Nhược cho chúng tôi xem tờ giấy đăng ký kết hôn của vợ chồng ông. Tờ giấy đã ố vàng, mặt sau có ghi dòng chữ của Tổ Giải Quyết: “Vấn đề này không phải nhiệm vụ chúng ta nhưng hoàn cảnh quá cần, ta có thể giải quyết được. Ngày 14/2/1965”. Phía dưới ghi tiếp: “2 gói chè Hồng Đào, 10 bao Thủ Đô”.

     Trước ngày nhập ngũ, anh Lê Văn Nhược công tác tại Ty Lương Thực Hà Nội. Tháng 2/1965, anh được đơn vị cho nghỉ phép tranh thủ về cưới vợ, chị Đặng Ngọc Thảo, một cô gái Hà Nội xinh đẹp làm việc ở cửa hàng lương thực số 9 Cat Linh. Ngày 13/2/1965, vợ chồng anh được chính quyền của khu Đống Đa (bấy giờ chưa gọi là quận như bác Tàu Không Số viết) tổ chức đăng ký kết hôn tập thể cùng 10 đôi vợ chồng khác. Mỗi đôi vợ chồng khi đăng ký được duyệt mua của mậu dịch Quốc doanh 5 bao thuốc lá Tam Đảo hay điện Biên gì đó(lúc đó chưa có thuốc Sông Cầu như Tàu Không Số viết, chỉ có Trường Sơn, Tam Đảo, Điện Biên bao bạc hay Thăng Long). Cầm tờ giấy đăng ký kết hôn, trong trang phục lính hải quân, anh Nhược ra bách hóa số 5 Nam Bộ mua trà thuốc để tổ chức đám cưới và được ưu tiên (không phải xếp hàng). Chưa kịp tổ chức đám cưới, ngày 14/2/1965, anh nhận được điện khẩn của đơn vị Trở về ngay đi công tác. Anh xốc ba lô nhảy tàu đi Hải phòng, bịn rịn tạm biệt người vợ trẻ ở lại phía sau.

     Ngày 15/2/1965, anh Nhược xuống tàu mang số hiệu 69 đi công tác. Tàu chở 60 tấn súng đạn, thuốc men, . . . Đích tới là Cà Mau. Sau nhiều lần đi nhưng không vào được bến do tàu chiến, máy bay Mrx ngụy đeo bám, mãi đến ngày 6/11/1965, tàu mới cập bến Vàm Lũng, Cà Mau. Hàng dỡ xuống an toàn và kịp thời chi viện cho mặt trận Nam bộ. Những chuyến tàu ra khơi nối tiếp nhauđã không cho anh Nhược có điều kiện về thăm người vợ trẻ.

     Chị Thảo cứ vò võ ngóng trông. Đầu năm 1969, trong một dịp thuận lợi khi tàu về bến sửa chữa, chị mới về Hải Phòng thăm anh. Mừng mừng, tủi tủi, sau gần 4 năm trời xa cách, hai anh chị chỉ nắm tay nhau mà chẳng nói nên lời.

     Đơn vị hoạt động bí mật nên không có trạm tiếp đón. Anh em thủy thủ đã chặt cành phi lao, dựng tạm chiếc lều hạnh phúc ngay trên bờ đê, phía trước cảng K20 (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Giường là những tấm phản gỗ ọp ẹp. Xung quanh lều thưng bằng lá dừa nước chặt ở cầu cảng K20. Trong chiếc lán dựng tạm, anh em thủy thủ hát hò, ngâm thơ tặng hai vợ chồng đến khuya. Có con gái đầu lòng tên Yếnlà kết quả của chuyến thăm chồng năm ấy của chị Thảo.

Sống trên biển

     Trong hội, ông Nhược là người có thâm niên trên tàu lâu nhất, gần 10 năm. Tàu 69 gồm 16 người, thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn, máy trưởng Nguyễn Văn tài, báo vụ Lê Văn Tâm, . . . Là hàng hải của tàu, ông Nhược là người có trọng trách quan trọng lái những chuyến tàu an toàn. Trong đêm tối mịt mù, sóng nước làm nghiêng ngả con tàu, ông phải căng mắt ra dò hải đồ để bẻ lái đi đúng hướng. Sau vụ tàu 143 bị lộ ở Vũng Rô ngày 26/2/1965, địch phong tỏa bờ biển rất kỹ. Máy bay và tàu chiến Mỹ quần đảo trên biển, trên trời để chặn tàu ngay từ nới xuất phát. Hành trình của những con Tàu Không Số vô cùng gian nan, nguy hiểm và khốc liệt. Để ngụy trang, các con tàu phải cắt hết tín hiệu, không liên lạc với tổng chỉ huy. Thắng 12/1965, địch đánh phá ác liệt. Tàu Không Số phải giả dạng tàu đánh cá, đi vào ban đêm giữa lúc sóng to gió lớn nhất để hạn chế sự tuần tra của địch. Mọi việc đều phải bí mật. Không được đi trong lộng mà phải chạy ngoài khơi. Say sóng triền miên, ăn lương khô triền miên vì sóng lớn không thể nấu cơm.

     Cuộc sống nguy hiểm và gian khổ là thế nhưng tất cả mọi ngưởi trên các con Tàu Không Số đều hăng hái làm nhiệm vụ, chấp nhận mọi sự hy sinh.

Nhật Tuấn


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 18 Tháng Bảy, 2012, 08:31:41 pm

Kỷ niệm 65 năm Ngày thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2012)

40 NĂM VÀ HÀNH TRÌNH LIỆT SĨ TRỞ VỀ

Thứ tư 18/07/2012 07:00
Ngày 16.7, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) chật cứng người đến dự lễ bàn giao hài cốt liệt sĩ. Sau 40 năm gửi thân xác trong vòng tay yêu thương của người dân đất cảng, hài cốt liệt sĩ Dương Văn Hiến - binh nhất của tàu T603 (Đoàn tàu không số) trở về với quê hương Quảng Ninh.

(http://i1194.photobucket.com/albums/aa370/phamchien2/Image.jpg)

Bà Nguyễn Thị Minh bên ngôi mộ “anh bộ đội hải quân quê Củ Chi”.

Ngỡ em quê ở Củ Chi!

Nghĩa trang nhân dân Cam Lộ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng (Hải Phòng) có một ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên. Lụi cụi bên ngôi mộ, một bà lão hơn 70 tuổi đang tâm sự với người dưới mộ: “Em ơi, chỉ mấy ngày nữa là em được về với gia đình rồi. Khổ thân em tôi, 40 năm qua chị cứ ngỡ em quê mãi Củ Chi, chứ có ngờ đâu quê em lại ở gần đến vậy. Bây giờ chị mới biết quê em ở ngay Quảng Ninh, cách đây chỉ có một con sông”.

Đó là bà Nguyễn Thị Minh, hiện sống tại số nhà 507 đường Hùng Vương, quận Hồng Bàng - người đã chôn cất rồi chăm sóc ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên tròn 40 năm qua.

Thắp nén hương lên phần mộ, nhìn vào tấm bia, tôi đọc được dòng chữ “Anh bộ đội hải quân quê Củ Chi - thuyền viên tàu chở nguyên liệu cho miền Nam, bị trúng bom tại Sở Dầu đêm 16.4.1972”. Ngỡ ngàng trước dòng chữ này bởi trước đó làm việc với UBND phường Hùng Vương, tôi được ông chủ tịch phường cho biết liệt sĩ hải quân mà phường sắp tiến hành bàn giao hài cốt là người quê Quảng Ninh. Đọc được sự ngỡ ngàng của người đối diện, bà Minh giải thích “đó là sự nhầm lẫn của tôi”. Và câu chuyện 40 năm về trước được bà Minh hồi tưởng lại rành mạch như mới hôm qua.

“...Năm 1972, khi đó tôi đang là cán bộ văn phòng Bộ Nội vụ, trong một lần về thăm nhà ra bờ sông Cấm bắt cá, tôi phát hiện một xác chết nằm cách bờ sông vài bước chân. Xác chết dẫu đã qua mấy ngày, nhưng tôi vẫn nhận ra đó là một thanh niên còn rất trẻ. Người này mặc chiếc áo yếm kẻ sọc và bộ quân phục đại cán mùa đông màu xám tro đặc trưng của bộ đội hải quân. Không một thứ giấy tờ nào xác định về nhân thân của tử thi, chi tiết duy nhất mà tôi đọc được là trên chiếc áo đại cán có chữ “Củ Chi” in bằng sơn trắng. Và đó là xuất xứ của dòng chữ “Anh bộ đội hải quân quê Củ Chi” được viết lên phần mộ suốt mấy chục năm qua”.

Dường như có một sợi dây vô hình gắn kết gia đình bà Minh với người liệt sĩ chưa biết tên đó. Suốt 40 năm, phần mộ của “người em quê Củ Chi” được bà chăm sóc chu đáo, dù phải trải qua nhiều lần di chuyển. Nấm mộ ban đầu ở bãi sông, khi bãi này được bàn giao cho một số doanh nghiệp, bà cải táng mộ đưa về bãi đất trống bên cạnh phần mộ của gia đình. Tới năm 2005, khi khu đất này được giải phóng mặt bằng để xây dựng một khách sạn, phần mộ liệt sĩ lại được cất bốc, đưa về an táng tại nghĩa trang Cam Lộ, phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng.

(http://i1194.photobucket.com/albums/aa370/phamchien2/7duongvanhien_450x689.jpg)

Di ảnh liệt sĩ Dương Văn Hiến.



Hành trình trở về của liệt sĩ tàu không số


Tại sao hài cốt của một liệt sĩ hải quân, được người dân chôn cất ngay tại khu vực nội thành Hải Phòng mà phải mất đến 40 năm mới tìm ra danh tính chính xác? Bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ: “Ngày đó (năm 1972), sau khi cùng dân quân tự vệ xã Hùng Vương chôn cất người chiến sĩ hải quân, ngày hôm sau tôi phải lên Hà Nội công tác. Tôi cũng có đề nghị chính quyền địa phương tìm tung tích của chiến sĩ này. Tuy nhiên, thời đó chiến tranh loạn lạc nên mấy tháng sau về hỏi lại thì các bác ấy, nói không tìm được.

Suốt những năm sau đó và tới tận gần đây, tôi nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương tìm đơn vị của chú ấy, nhưng không được. Đến đầu năm 2011, khi anh Vũ Xuân Hiếu về làm Chủ tịch UBND phường Hùng Vương, tôi lại đến tìm và đề đạt nguyện vọng. Nghe xong, anh Hiếu bảo “bác dẫn cháu ra xem phần mộ” và lắng nghe câu chuyện của tôi về xuất xứ ngôi mộ”.

Ngày 30.5.2011, ông Vũ Xuân Hiếu có công văn gửi Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị phối hợp xác minh mà theo ông, nhiều khả năng là của một chiến sĩ hải quân. Một tuần sau, phường Hùng Vương đón đoàn công tác của Phòng Chính sách thuộc Cục Chính trị Hải quân đến làm việc. Ngày ấy đã bắt đầu cho hành trình xác định danh tính của hài cốt dưới mộ trên cơ sở phán đoán đó là hài cốt liệt sĩ Đoàn tàu không số.

Thượng tá Trương Tuấn Truyền - Phó Trưởng phòng Chính sách Quân chủng Hải quân - cho biết: “Làm việc với UBND phường Hùng Vương, đặc biệt là khi gặp bác Minh, chúng tôi có một niềm tin rằng người nằm dưới mộ là một chiến sĩ hải quân”. Đã có niềm tin rồi, nhưng việc củng cố hồ sơ, chứng cứ là cả một quãng đường dài. Những cán bộ của Phòng Chính sách phải lục tìm trong các sự kiện lịch sử xem có sự kiện nào liên quan đến sự hy sinh của chiến sĩ hải quân ở khu vực đó hay không?

Và sự kiện rõ nét nhất là trận máy bay Mỹ ném bom vào khu vực Sở Dầu (quận Hồng Bàng) ngày 16.4.1972. Trong sự kiện này, tại bến K20 (huyện Thủy Nguyên) có 5 tàu của Quân chủng Hải quân trúng bom, trong đó có 2 tàu thuộc Đoàn tàu không số là T603 và T609 đang bốc hàng để vận chuyển vào chiến trường miền Nam. 19 cán bộ, chiến sĩ hải quân hy sinh trong trận này, trong đó 17 người hy sinh tại chỗ, 2 người được đưa đi cấp cứu và hy sinh sau đó.

Ngay sau trận oanh tạc khốc liệt này, đơn vị và nhân dân tìm được 9 thi hài để an táng, còn lại 8 đồng chí thuộc tàu T603 không tìm thấy. Bác Trần Văn Hữu - Trưởng ban liên lạc Đoàn tàu không số toàn quốc, một nhân chứng của sự kiện ngày 16.4.1972 - nhớ lại: “Đêm hôm đó, còi báo động hú vang, tàu của chúng tôi lập tức rời bến K20 tìm nơi neo tránh bom. Lúc chúng tôi đi qua, tàu T603 cũng đang chuẩn bị rời bến. Cả đêm hôm đó, bầu trời Hải Phòng sáng rực ánh chớp của tên lửa, pháo phòng không và bom đạn mà máy bay Mỹ rải xuống.

Khi trận chiến qua đi, quay trở lại bến K20, chúng tôi được biết 5 tàu bị trúng bom, trong đó tàu T603 bị nổ tung. Sức công phá khi tàu T603 trúng bom là rất lớn, vì tàu đang bốc xếp 200 tấn vũ khí chuẩn bị đưa vào chiến trường miền Nam”.

Với những dữ liệu như trên, đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Hải quân xác định thi hài tại nghĩa trang nhân dân Cam Lộ nhiều khả năng là của một trong 8 chiến sĩ tàu T603 hy sinh trong ngày 16.4.1972. Chiến sĩ này có lẽ đã hy sinh ngay khi tàu nổ và trôi dạt về khu vực xã Hùng Vương cách bến K20 gần 5km, nên khi đó đồng đội không tìm thấy xác. Tuy nhiên, trong 8 chiến sĩ này, không có ai quê ở Củ Chi. Về nguồn gốc chữ “Củ Chi” khiến bà Minh nhầm về quê quán của người mà mình chôn cất được giải thích: Những người lính chia nhau từng miếng cơm, manh áo. Việc một chiến sĩ này mặc áo của chiến sĩ khác là chuyện thường tình.

Mẫu ADN của hài cốt chiến sĩ chưa biết tên ở nghĩa trang nhân dân Cam Lộ lần lượt được đối chiếu với ADN của người thân 8 chiến sĩ tàu T603. Đầu tháng 6.2012, Viện Pháp y Quân đội có kết quả giám định ADN, xác định chính xác thi hài tại nghĩa trang Cam Lộ là của liệt sĩ Dương Văn Hiến - sinh năm 1950, nguyên quán phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là chiến sĩ cơ điện trên tàu T603 Đoàn tàu không số, hy sinh ngày 16.4.1972.

Xúc động và những khoảng lặng

Hàng trăm người dân cùng đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân, chính quyền các phường Hùng Vương (Hải Phòng) và Cao Xanh (Quảng Ninh) tới dự lễ công bố kết quả giám định ADN và bàn giao hài cốt liệt sĩ Dương Văn Hiến. Xúc động nghẹn ngào, ông Dương Mạnh Thắng (anh trai liệt sĩ Hiến) gửi lời tri ân tới cán bộ, nhân dân phường Hùng Vương, đặc biệt là gia đình bà Nguyễn Thị Minh đã chăm lo phần mộ của em trai mình suốt 40 năm qua. Hài cốt liệt sĩ Dương Văn Hiến sau đó được đưa về tổ chức lễ tang tại gia đình và ngày 17.7 được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Không may mắn như liệt sĩ Dương Văn Hiến, 7 liệt sĩ còn lại trên tàu T603 vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Bao năm qua, thân thể các anh có lẽ vẫn còn nằm lại đâu đó nơi ven bờ sông Cấm, hay đã hòa cùng dòng nước mênh mông nơi cửa biển. Các anh cũng như hàng trăm người lính hải quân khác đã ngoan cường chiến đấu, hy sinh trên chiến trường sông, biển. Thân thể các anh hòa vào biển cả, nhưng sự hy sinh đó được mãi mãi khắc ghi như những chiến tích oai hùng bảo vệ giang sơn.

Những ngày đến phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng để tìm hiểu thực hiện bài viết này, tôi thật buồn khi biết thông tin ngoài liệt sĩ Dương Văn Hiến, nghĩa trang nhân dân Cam Lộ vẫn còn 2 phần mộ được cho là của các chiến sĩ quân đội.

Ông Vũ Xuân Hiếu khẳng định: “Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ qua các nhân chứng và khẳng định đây là liệt sĩ của các đơn vị quân đội. Những người trực tiếp chôn cất họ từ những năm 1970 còn khẳng định thi hài khi chôn còn nguyên quần áo bộ đội, có mũ, có sao và đó là chiến sĩ của một đơn vị phòng không từng đóng quân trên địa bàn phường. Chúng tôi rất mong các đơn vị chuyên môn của Bộ Quốc phòng sớm về địa phương tìm hiểu, trả lại tên cho những chiến sĩ này như trường hợp của liệt sĩ Dương Văn Hiến”.

Sau lễ bàn giao hài cốt liệt sĩ Dương Văn Hiến, tôi cứ mãi băn khoăn về câu hỏi: Liệt sĩ Hiến được chôn cất ở Hải Phòng, chỉ cách quê anh một con sông mà phải mất tới 40 năm để về đến quê hương; còn bao nhiêu phần mộ của các anh hùng liệt sĩ đang nằm đâu đó trong các nghĩa trang nhân dân hay ở bãi sông, ven rừng trên mảnh đất hình chữ S này? Và phải chăng, chúng ta vẫn chưa làm hết tâm sức để đưa họ - những anh hùng liệt sĩ trở về với những người thân đang đau đáu mong chờ?

Phạm Việt Hòa

http://laodong.com.vn/Phong-su/40-nam-va-hanh-trinh-liet-si-tro-ve/74567.bld


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: y lố 302 trong 19 Tháng Bảy, 2012, 09:23:23 pm
Bác Hồ Đức Thạnh thân !
Rất vui khi tìm đọc được trang của Bác .Bác đã kể lại một tuổi trẻ oai hùng góp phần vào thắng lợi của dân tộc đem đến  toàn vẹn lãnh thổ ,thống nhất đất nước .Thế hệ chúng cháu rất khâm phục và học tập theo Bác .
Riêng cơ quan chúng cháu rất cảm ơn Bác đã có buổi nói chuyện ,giao lưu  ( cách đây một năm tại nhà hàng Thuận thảo Tp Tuy Hòa .
Vài hình ảnh kỉ niệm kính gửi Bác :

(http://i1191.photobucket.com/albums/z468/giaothongsaigon/Vungro02.jpg)

(http://i1191.photobucket.com/albums/z468/giaothongsaigon/VungRo44.jpg)

(http://i1191.photobucket.com/albums/z468/giaothongsaigon/VungRo41.jpg)

http://www.youtube.com/watch?v=dClZL_-ql_I


Mong Bác tiếp tục truyền đạt truyền thống giữ nước cho các thế hệ cháu con .Chúc Bác và gia đình sức khỏe ,hạnh phúc .


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: tau khong so trong 21 Tháng Bảy, 2012, 11:44:35 am
Chào đồng đội! Trước hết xin cảm ơn đồng đội Tích Tường Như Lệ đã sửa hộ mình phông chữ bài viết từ năm 2010. Cảm ơn Bác Tường đã đưa bài 40 năm và hành trình liệt sỹ trở về. Tôi sẽ đưa thêm chi tiết một nhân vật cùng tàu, cùng bị đánh bom ngày 16/4/1972 nhưng anh may mắn hơn chỉ bị thương và còn sống đến nay. Hen các đồng đội chiều nay nhé


Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: tau khong so trong 25 Tháng Bảy, 2012, 03:08:47 pm
Nhân chứng sống trong bài " 40 năm hành trình liệt sỹ trở về "

Chào các bạn! Năm 2009 trong mục lính 1972 tôi có kể về truyện: Nhân nói về cái sống cái chết tôi kể chuyện  về các bạn lính thủy của tôi.
Chuyện thứ nhất : Ngày 16/4 Mỹ đánh Hà Nội, Hải Phòng. Tàu bạn tôi neo cạnh cảng K20 hải quân gần bến Bính HP. Máy bay đến thả bom, bắn tên lửa vào cảng dầu HP. Quả tên lửa thứ nhất bắn trúng tàu, bạn tôi bị gãy 1 tay, văng xuống nước. Sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ đã giúp bạn tôi vùng vẫy bơi vào bờ, ngất đi. Quả tên lửa thứ hai bắn trúng tàu, tất cả thủy thủ còn lại tan xác. Bạn tôi có may mắn hơn các liệt sỹ không? Giờ đây bạn tôi là PGS - TS, luật sư nổi tiếng.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
Người may mắn trong câu chuyện trên là thủy thủ Phạm Hồng Hải, cùng tàu 603 với liệt sỹ Dương Văn Hiến. Khi loạt bom, tên lửa thứ nhất trúng vào tàu, Hải bị thương gãy tay, Khoa bị mảnh bom vạt một mảng mông, một số thủy thủ khác bị trúng đạn hy sinh ngay trên mặt boong tàu. Anh Chức ( Thợ máy hiện sinh sống ở Thái Bình) từ khoang máy chui lên thấy lửa cháy đùng dùng, đồng đội chết và bị thương nằm đầy boong, anh lấy bình cứu hỏa dập lửa. Máy bay lao tới đợt 2. Anh nắm thắt lưng Hải và Khoa đẩy xuống nước. Bom trúng tàu, tàu 603 trong chứa đầy súng đạn chuẩn bị chở vào Nam nổ tung như bài báo đã đăng. Bây giờ mọi người mới biết xác Anh Hiến bị văng lên bờ và được chị Minh chôn cất với cái tên Người lính hải quân quê Củ Chi. Còn bạn tôi mãi đến năm 2008 nhân dịp gặp mặt CCB tàu không số ở hải Phòng Hải mới biết chuyện được anh Chức cứu thoát chết. Nếu không có cú đẩy đó thì chắc bây giờ gia đình cũng chưa tìm thấy xác ông bạn. Trước đó Hải vẫn tưởng mình bị văng xuống sông. Sau lần gặp anh Chức năm nào Hải cũng đưa vợ con về thăm ông anh, giúp đỡ kinh tế, xin việc cho con trai anh Chức.
Hải hiện đang tập đi lại sau lần bị tai biến. Mỗi lần gặp nếu nhắc lại chuyện bị thương, hắn tự hào vặn ngược cánh tay bị thương cho mọi người xem.









Tiêu đề: Re: Hồi kí tàu Không số trên con đường mang tên Bác...
Gửi bởi: vanthang341ht trong 08 Tháng Tư, 2013, 04:58:35 pm

     Tôi đang có trong tay quyển sách "Hành trình người lính" ký ức về Đoàn tàu không số của Nguyễn Hữu Toàn. Bạn Tàu không số có biết người này không vậy?
     Lâu lắm không thấy "Tàu không số" quay lại diễn đàn M&H chắc bạn bận gì...?