Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thảo luận Lịch sử bảo vệ Tổ quốc => Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước... => Tác giả chủ đề:: do hoi trong 05 Tháng Năm, 2009, 11:35:53 am



Tiêu đề: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: do hoi trong 05 Tháng Năm, 2009, 11:35:53 am
http://thethaovanhoa.vn/306N20090428091839176T132/nhung-vong-hon-tren-dinh-chu-tan-kra-bai-1.htm

Trong dịp 30-4 vừa qua bác TT-VN có đăng loạt bài này. Viết khá là cảm động nhưng đọc tôi vẫn cảm thấy có một số vết gơn mong các bác chỉ giáo
Trích dẫn
“Lính mũ sắt” là một trong những đơn vị được tuyển chọn đặc biệt, sức khỏe A2 trở lên, lý lịch ít nhất phải là Đoàn viên, và đều là người Hà Nội gốc. Sau khi luyện quân kỹ lưỡng ở Thái Nguyên như cõng đá ngay cả lúc nghe điều lệnh để rèn sức bền thể lực, đánh trận giả ở Hòa Bình… đơn vị bộ binh này được trang bị tối đa các quân trang, khí tài hiện đại nhất thời đó, như mũ sắt của Liên Xô, là đơn vị đầu tiên được sử dụng B41, và chuyển quân bằng xe Giải phóng vào chiến trường
Sao chưa bao giờ thấy nhắc đến đơn vị " Lính Mũ sắt" này nhỉ. Mục đích thành lập đơn vị như thế này để làm gì. Hình như B41 đã được đưa vào đánh nhau với Mỹ từ 66 thì phải.
Trích dẫn
Chiến lệ là các trận đánh, có thể thành hay bại, được tổng kết và biên soạn lại thành bài giảng cho các sĩ quan học, minh hoạ cho một chiến thuật hay một vấn đề nào đó trong trong thực hành chỉ huy chiến đấu, đầy đủ sa bàn, lực lượng hai bên, diễn biến trận đánh cũng như thương vong và dư luận sau đó. Nhưng Chư tan Kra – trận đánh chấn động nước Mỹ (xin nhấn mạnh) - không có chiến lệ. Nó chỉ có trong ký ức mãi mãi không thể nào quên của chừng một trăm người còn sống của tiểu đoàn 7, sư 312 ngày ấy.
Tại sao một trận đánh lớn như thế mà lại không có chiến lệ? Vì lý do gì ?
Trích dẫn
B41 bắn khiếp thật, tầm bắn 500 – 600m trên mặt đất, nóng tới 4.000 – 4.5000C. Các con giời bên kia cứ nghe tiếng B41 là biết ngay đang ở gần các Anh Hai Bắc Kỳ. Đoành tiếng nổ đầu nòng, rồi không cần nhìn, chỉ cần nghe bùng một phát là trúng rồi. Cứ mỗi lần bóp cò xong là một lần bị lộ vị trí, pháo của nó dập tới như mưa, bọn tớ toàn phải đặt súng lên cái chạc rồi buộc giây vào cò giật nổ, rồi chui ngay vào hầm. Vãn tiếng pháo lại chui lên làm phát nữa. Không biết có phải vì thế mà tớ còn sống không, chứ bom đạn mù trời có tránh mình thì tránh chứ mình làm sao mà tránh được? Nó không tránh thì giờ cũng xanh cỏ cả rồi.
Đọc đoạn này .... tuy rất cảm động về sự hy sinh của " lính mũ sắt" nhưng nếu quả thật như thế này thì các anh làm xấu cho bộ đội và không xứng là những người lính được tuyển chọn và luấn luyện ngặt nghèo ( như đã nói phía trên.
Cuối cùng xin các bác ở đây có tư liêuh gì về trận đánh này và " linh mũ sắt" cho cho mọi người biết với.


Sửa lại đường link + đổi tên topic cho dễ theo dõi.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 05 Tháng Năm, 2009, 11:46:25 am
Trích hồi ký cụ N.H.An:

Khoảng tháng 2 [1968] Bộ tăng cường cho B3 trung đoàn 209, chuyển quân bằng ô tô. Trung đoàn này được trang bị mạnh, cả tiểu đoàn đều trang bị mũ sắt, khá đông trong số quân nhân được tuyển trong nhà máy gang thép Thái Nguyên, thể lực tốt, tinh thần hăng hái. Lúc đó người chỉ huy nào nhìn thấy cũng đều trầm trồ ước ao. Tháng 3 năm 1968 một tiểu đoàn của trung đoàn 209 được đưa vào thí nghiệm chiến thuật "vây lấn" ở Chư Tâng, đơn vị bị thương vong khá nặng nhưng đã trở thành bài học tốt cho việc thực hiện chiến thuật "vây lấn" sau này.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: tuaans trong 05 Tháng Năm, 2009, 11:54:06 am
Rừng tại ngọn núi này đang bị chặt để lấy gỗ, đốt để trồng sắn !

(http://img.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/04/18/6.jpg)
(nguồn: xem properties của hình)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ktscuong trong 05 Tháng Năm, 2009, 11:58:18 am
Em cũng đã đọc hồi ký của cụ NHA, đơn vị này khi mới vào B3 được tung ngay vào trận để thí điểm chiến thuật vây lấn sau đó bị thiệt hại khá nặng. Thời điểm đó sau 1968 ta chịu thiệt hại rất nhiều trước sự phản kích của địch, đọc hồi ký của cụ NHA và Đặng Vũ Hiệp là ta có thể hiểu được phần nào...


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 05 Tháng Năm, 2009, 01:24:50 pm
http://thethaovanhoa.vn/306N20090429011542936T132/nhung-vong-hon-tren-dinh-chu-tan-kra-bai-2.htm

Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra (Bài 2)
Ghi chép của Việt Thường

Bài 2: Quân Anh Cả Đỏ Mỹ đụng độ Lính Mũ Sắt Hà Nội

4. Anh Ngọc kể: các cậu biết không, trước mỗi trận chống càn, nghe tiếng cánh quạt trực thăng lạch phạch bay lấm chấm như ruồi trên đường chân trời dội tới, hoặc tiếng pháo bầy rít trong gió, tim tớ như thắt lại. Xe tăng đi sau, xe ủi đi trước, bao nhiêu mìn chống tăng bọn tớ cài đều bị ủi tung lên cả. Loại mìn này phải đủ trọng lượng đè lên thì mới nổ, không thì phải dùng kíp. Còn loại mìn định hướng DH 10 mà tớ mất toi con mắt trái, ông mãnh đi cùng tớ để dây cháy chậm dài quá, đã thế lại chôn cách hầm có 2m, tớ thụp xuống đếm đúng đến 5 thì chồm dậy quạt AK, ai ngờ 2 giây sau mới nổ, thổi bay cả trung đội địch phía trước nhưng dội mảnh về sau toi luôn cả con mắt trái của tớ.

(http://img.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/04/29/Tapketthongtin.jpg)
“Tập kết” thông tin sau khi chia nhau tìm kiếm

Nghe tiếng nghiến của xích sắt, nhìn lính lố nhố đi sau, bộ binh có, bắt tỉa thi thoảng cũng có, mười trận cái cảm giác sợ ban đầu ấy giống như nhau cả mười. Nhưng khi đạn bắt đầu nổ thì tớ bình tĩnh lại, đầu hoàn toàn trống rỗng. Đánh địch vận động, mình cứ nổ súng xong là trực thăng nó ùa tới. Anh em túm tụm chạy một đường, còn tớ thì chạy một đường. Bao giờ nó chả đuổi theo đám đông? Không biết có phải thế mà tớ sống sót không? Lỡ có lạc, tớ phải kiếm chỗ nào ngủ phát cho tỉnh táo đã, rồi 1h chiều bắt đầu đổ bóng mặt trời tớ cứ cắt hướng Tây mà về, là tới đơn vị. Đi giữa trưa, la bàn không có thì chỉ có lạc thôi. Chống càn chính mắt tớ trông thấy anh em có đứa bị sập hầm, xe tăng của nó biết bên dưới có lính mình, cứ chà đi chà lại trên nóc. Bây giờ thi thoảng bố nó lại đến hỏi tớ, cậu có tin gì về em nó không? Tớ toàn phải trốn, không dám gặp. Hòa bình rồi mà tớ vẫn còn phải nghe tiếng súng đấy. Dạo tớ mới ra quân, đi câu cá trộm, bị một chú bắn chỉ thiên. Đòm được một phát thì thấy chú ta loay hoay loạch xoạch. Tớ đứng bên này hồ cười to: bị kẹt đạn là khổ lắm em gì ơi. Anh Đồng nói: bọn mình có đi như thế này mới hiểu về nỗi ám ảnh chiến tranh của các cựu binh.

Anh Vĩnh kể: Hồi bọn mình nhập ngũ phiên hiệu đơn vị là C5, D7, E209, F312, nhưng vào đến chiến trường thì đổi tên thành Công trường 320, Nông trường 1. Công trường là tiếng lóng của cấp Trung đoàn, Nông trường là của Sư đoàn. Tớ nằm trong đại đội hỏa lực B41, nhưng ban đầu chỉ được phân công vác tòng teng mỗi ba quả đạn cùng mấy trái lựu đạn và thủ pháo. B41 bắn khiếp thật, tầm bắn 500 – 600m trên mặt đất, nóng tới 4.000 – 4.5000C. Các con giời bên kia cứ nghe tiếng B41 là biết ngay đang ở gần các Anh Hai Bắc Kỳ. Đoành tiếng nổ đầu nòng, rồi không cần nhìn, chỉ cần nghe bùng một phát là trúng rồi. Cứ mỗi lần bóp cò xong là một lần bị lộ vị trí, pháo của nó dập tới như mưa, bọn tớ toàn phải đặt súng lên cái chạc rồi buộc giây vào cò giật nổ, rồi chui ngay vào hầm. Vãn tiếng pháo lại chui lên làm phát nữa. Không biết có phải vì thế mà tớ còn sống không, chứ bom đạn mù trời có tránh mình thì tránh chứ mình làm sao mà tránh được? Nó không tránh thì giờ cũng xanh cỏ cả rồi.

(http://img.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/04/29/Chicotheonoinay.jpg)
Mỹ đổ quân chỉ có thể ở nơi này

5. Lại anh Vĩnh kể: Bọn tớ vào Kon Tum đợt ấy là được giao nhiệm vụ đánh cứ điểm Kleng – một trung tâm huấn luyện biệt kích, thám báo của Việt Nam Cộng Hòa. Không hiểu trong lúc hành quân để lại nhiều dấu chân hay có ông nào đánh rơi vỏ bao thuốc lá Bắc gì đó khi bò vào trinh sát hay không, nhưng bị lộ. Mỹ lập tức pháo kích, điều B52 ném bom rải thảm vào những chỗ nghi bọn tớ ém quân, rồi khoảng 10h sáng nhảy ra tạo một cứ điểm chặn đường tấn công. Đó chính là Chư tan Kra. Chúng thả chất độc hóa học trên các đỉnh núi xung quanh, còn cứ điểm chính thì ném bom phát quang trước để đào công sự và ném bom cháy để không bị rừng cây rậm rịt hạn chế tầm nhìn. Sau đó, chúng cho cần cẩu bay CH 47 Chinook trước hết cẩu máy ủi tới, rồi cẩu pháo tới lập trận địa, sau đó là dây thép gai và cả lô cốt di động đúc sẵn. Chỉ trong hai ngày, cứ điểm đã xong, chót vót trên đỉnh núi khoảng 1 tiểu đoàn lố nhố cả da trắng lẫn da đen. Bọn tớ nấp trên sườn đồi bên này còn nghe rõ tiếng xì xồ của công binh Mỹ. Buổi chiều, trực thăng mang nước tới, cả tiểu đoàn Mỹ thay nhau trần như nhộng tắm dưới nước thả từ trên không xuống. Rất ngạo mạn. Về sau này mới biết, đó là lính của Sư đoàn Anh Cả Đỏ Mỹ. Bọn tớ lính mới, trang bị tới tận chân răng, dọc đường hành quân thương binh chuyển ngược ra Bắc ai cũng bảo, các ông không đi nhanh thì vào Sài Gòn nhặt ông bơ à, nhìn thế nóng máu lắm.

Thời điểm này Mỹ thường xông ra tiền tuyến để “làm gương” cho lính Việt Nam Cộng Hòa. Tiểu đoàn 7 xin nổ súng vì nhận định rằng, nếu không đánh Chư tan Kra sẽ không thể đánh được Kleng, và nếu không đánh sớm thì đỉnh núi này sẽ ngày càng kiên cố hơn, hàng rào dây thép gai mỗi lúc một bò xuống sát chân núi hơn. Càng đánh sớm, càng bớt xương máu. Trên cho phép 3 đại đội của tiểu đoàn 7 mật tập, công kiên vào Chư tan Kra. Anh Đồng nói: nguyên tắc công kiên – tấn công trận địa kiên cố - là lực lượng phải từ 3 đến 5, thậm chí là 10 đánh 1. Vậy mà lính mũ sắt Hà Nội xin đánh một tiểu đoàn Mỹ trong lô cốt, chiến hào, công sự. Dám “chơi” như thế cơ mà! Có lẽ sau Tết Mậu Thân, truyền thông Mỹ thổi phồng việc Việt Cộng đã kiệt quệ trên mọi chiến trường, nên cũng không ngờ có thể bị đánh một trận vỗ mặt như vậy.

6. Đó là đêm 25/3/1968. Các đơn vị của tiểu đoàn 7 im lìm nằm phục trên các triền đồi của đỉnh Chư tan Kra, hướng lên phía cứ điểm Mỹ trên cao. Trong tay là súng, trước ngực là cơ số đạn cá nhân, thắt lưng là lựu đạn, buộc chéo trên vai là chiếc võng dù bất ly thân, chiếc “áo quan di động” sẽ được quấn quanh người nếu chẳng may chủ nhân nằm xuống. Thời gian như dài cả trăm năm. Cỏ Chư tan Kra mọc trên đất đỏ thật sắc, nhưng đọt cỏ vẫn ngọt và mềm. Chỉ có tiếng súng bắn cầm canh hú họa từ lô cốt, và vài quả đạn pháo từ hướng sân bay Kleng vu vơ bay tới. Khoảng 2h sáng ngày 26/3/1968, một phát pháo hiệu của chỉ huy trận đánh bay vụt lên bầu trời đêm, ngay sau đó vang lên tiếng kèn xung phong, đúng như bài tập. Lập tức tiếng mìn DH10 dựng chếch để thổi tung hàng rào dây thép gai thi nhau nổ. Cửa mở. Đồng loạt những tiếng thét xung phong vang lên bốn phía. Tiếng cối 60, cối 82 thi nhau rót vào cao điểm, tiểu liên AK nổ đanh gọn từng loạt ngắn, tiếng đại liên bắn lên như xé vải, tiếng lựu đạn, rồi tiếng thủ pháo chuyên dùng để diệt hầm ngầm thi nhau nổ. B41 bắt trượt lô cốt phụt thẳng lên trời, súng phun lửa tạo nên các quầng sáng chói mắt, chạy loằng ngoằng trong công sự. Xung phong, lớp nọ đến lớp kia.

(http://img.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/04/29/Duongrung.jpg)
Đường rừng

Tiểu đoàn Mỹ trên Chư tan Kra hỗn loạn. Tiếng hét, tiếng tiểu liên cực nhanh AR15, tiếng các ụ đại liên khai hỏa. Pháo dù bắn tứ tung bốn phía sáng như ban ngày, mìn định hướng Claymore thổi ngược xuống chân núi. Chỉ ít phút sau pháo bầy ùa tới dập xuống khắp bốn phía chân cao điểm, rồi máy bay tiêm kích Mỹ lao tới cắt bom. Một chiếc máy bay vận tải C130 chở súng máy có tốc độ bắn 6.000 phát/phút được điều tới, điên cuồng vãi đạn xuống xung quanh Chư tan Kra theo hình xoáy trôn ốc, càng lúc càng thu dần lên đỉnh. Ai đó ở tiểu đoàn đã chĩa thẳng đại liên lên trời bắn C130 mà không biết rằng không bắn tới.

Ròng rã tới khi trời hửng sáng, cả tiểu đoàn Mỹ giờ chỉ còn co cụm lại duy nhất trong chiếc lô cốt mẹ trên đỉnh Chư tan Kra. Trực thăng Mỹ bắt đầu ùa tới đổ thêm quân, tái chiếm cao điểm. Pháo bầy vẫn không ngừng bắn, thêm cả bom B52 rải rung chuyển các hẻm núi xung quanh.

Buổi sáng ngày 26/3 năm ấy, mấy người lính anh nuôi bầy cơm nắm ra la liệt mà chẳng thấy mấy người về ăn, hu hu khóc: “Chúng mày ơi, đi đâu hết cả rồi?” 70% lính mũ sắt Hà Nội tham gia trận đánh đầu đời đã không trở về nơi dấu quân, một số người đã chết trong bệnh xá tiền phương, còn tuyệt đại đa số họ, hơn 200 người đã nằm lại đỉnh Chư tan Kra trước lúc bình minh lên.

Một sỹ quan của huyện đội Sa Thầy, Kon Tum khẳng định, Chư tan Kra ở đây chứ không thể ở huyện nào khác cả. Bản đồ quân sự tuyệt mật được mở ra để cùng nhau xác định lại cao điểm mà, Mỹ đã từng đổ quân chặn hướng tấn công. Hóa ra Chư tan Kra hùng vĩ dài tới gần chục km, và có tới 7 đỉnh núi lớn. Chiến trường xưa ở chỗ nào? Huyện cắt cử hai trung úy và hai binh nhất vừa để dẫn đường vừa mang vác hộ đồ đạc tới bất cứ nơi nào mà các anh muốn tới. Dốc ngược. 5 người thương binh dè sẻn từng bước một. Nắng gắt, xói đỏ những phần da thịt để trần. Ngày 25/3/2009, chúng tôi chia nhau thành hai hướng, lang thang trên triền Chư tan Kra, đi qua hết cơn mồ hôi này đến cơn mồ hôi khác. Các ký ức được lục soát, mọi giác quan được đánh thức. Hồi ấy tớ chuyên lấy góc phương vị cho cối 82 từ dưới chân ngắm lên đỉnh, sau trận này tớ còn đi vòng quanh nã hơn trăm phát vào cứ điểm trả thù, tớ nhớ thế này; tớ đi điều nghiên trinh sát tớ nhớ thế này; hôm ấy tớ là liên lạc cho thủ trưởng đại đội, tớ nhớ thế này… Có phải đây không, giữa vùng đất bạt ngàn cổ thụ ngày nào giờ chỉ còn là một thung lũng hoang tàn đất đỏ. Chỉ còn 24h nữa thôi, phải tìm cho được, ngày mai đã là cái giỗ đầu tiên sau 41 năm hiu quạnh của “tụi nó” rồi.

Trên một con dốc, tôi quay lại thấy anh Ngọc đứng thở dốc và lẩm bẩm với một con châu chấu voi đang giã gạo trên tay: Châu chấu voi ơi, mày có biết đồng đội tao nằm ở nơi nào không? Sóng di động chập chờn. Anh Đồng gọi: hẻm bên này dân sơn tràng bảo từng nhặt được hàng trăm mũ sắt, chắc chắn là nơi bọn mình đã ém quân. Cuối chiều, anh Vĩnh gọi về từ một mỏm núi: tớ tìm thấy công sự của Mỹ rồi.

(Còn nữa)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 05 Tháng Năm, 2009, 01:26:30 pm
http://thethaovanhoa.vn/306N20090430085030473T132/nhung-vong-hon-tren-dinh-chu-tan-kra-bai-3.htm

Bài 3: Bí mật trong lòng đất

7. Tờ tin “Lập công” của các lực lượng vũ trang giải phóng Tây Nguyên số ra ngày 28/3/1968 viết: “Đêm 25 rạng sáng ngày 26/3/1968, K4 (mật danh Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209) đã đánh một trận tập kích tốt, tiêu diệt gần hết một Đại đội bộ binh, một đại đội pháo binh và một tiểu đoàn bộ Mỹ. Giặc Mỹ đã phải thừa nhận: “Đây là một trận đánh rất táo bạo, phía Mỹ đã bị thiệt hại vừa”. (Thiệt hại nặng phía Mỹ mới thừa nhận như vậy). Để đánh thắng, các chiến sỹ K4 đã nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường vượt qua hy sinh ác liệt, quyết tâm xốc tới tiêu diệt quân thù.
 
(http://img.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/04/30/huong.jpg)
Tàn hương thắp trong ngày giỗ

Đó là xung phong chớp nhoáng, mãnh liệt và đồng loạt của bộ binh C1 và C2 ngày từ phút đầu nổ súng, đã vượt qua cửa mở xông thẳng vào đánh chiếm các ụ súng, rồi nhanh chóng phát triển vào trung tâm đánh phá các trận địa pháo và chỉ huy sở địch, với lối đánh táo bạo bằng thủ pháo, lựu đạn, tiểu liên bắn gần, bất chấp sự chống trả điên cuồng của địch trong cơn tuyệt vọng đã oanh tạc bừa bãi bằng mọi thứ bom phá, bom bi, bom lân tinh. Đó là sự hiệp đồng rất đẹp của các phân đội trợ chiến chi viện đắc lực cho bộ binh xông lên diệt địch. Đại liên bắn điểm dừng từng đoạn ngắn vào hỏa lực địch. Xạ thủ Phạm Ngọc Thái bị thương lùi về phía sau băng bó xong lại băng lên chiến đấu. B40, B41 lần lượt hạ hết các ụ súng này đến các ụ súng khác và luôn có mặt ở bất cứ chỗ nào cần có mặt. Xạ thủ Trần Đức Chính luôn luôn động viên thương binh “các đồng chí cứ bình tĩnh, chúng tôi sẽ trả thù cho các đồng chí”. Xạ thủ Trực sau khi đã hạ được 3 ụ súng đã ngồi hẳn lên trên xác Mỹ tiếp tục dùng tiểu liên diệt địch; đó là hành động cụ thể, dũng cảm và tiên phong của những cán bộ đảng viên như đội trưởng Ân, chính trị viên Bắc, như phân đội trưởng Ngô Xuân Lâm, phân đội phó Nhạc; như Lê Sĩ Nhật luôn xông xáo chỉ huy đơn vị xốc tới, như Nguyễn Văn Kháng một mình đánh địch bảo vệ thương binh diệt hàng chục Mỹ bằng tiểu liên, lựu đạn. Đó là tình yêu thương đồng đội và quyết tâm tiêu diệt địch của các đồng chí phục vụ như y tá Bắc, văn thư Tứ, đưa hết thương binh ra ngoài an toàn rồi quay lại dùng tiểu liên, lựu đạn diệt địch. Tinh thần dũng cảm của cả một tập thể dũng cảm kết hợp với lối đánh gần, đánh nhanh, đánh thọc sâu đã đem lại cho K4 một trận thắng lớn mở ra nhiều triển vọng cho đơn vị và cho toàn đoàn. Hoan hô K4! Hoan hô các binh chủng phối thuộc, chắc chắn trong những ngày tới các đồng chí sẽ lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa”.

Cuốn “Lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, NXB QĐND năm 1980, trang 135 viết: “Nổi bật trong đợt này là trận Chư tan Kra ngày 26/3/1968, diệt gọn 2 đại đội và một trận địa pháo Mỹ. Tại đây diễn ra nhiều cuộc giáp chiến giữa ta và địch. Chiến sĩ ta dùng lựu đạn, thủ pháo giành giật với địch từng khẩu pháo, từng mỏm đồi dưới tầm bom đạn ác liệt để giữ vững các điểm cao”.

Cuốn “Lịch sử trung đoàn 209, Sư đoàn 7”, NXB QĐND 2004, trang 94 – 95 viết: “Trong trận tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở cao điểm 995 (thuộc núi Chư tan Kra), 204 lính Mỹ đã bị tiêu diệt, ta bị thương và hy sinh hơn 200 đồng chí. Trận đánh Mỹ đầu tiên tại cao điểm 995, trung đoàn không dứt điểm nhưng là trận đánh mở màn của trung đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ. Trận đánh đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu gan dạ, không sợ hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 209, đó chính là truyền thống của một trung đoàn đã được xây dựng từ những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Hôm nay, truyền thống đó lại tiếp tục phát huy trên chiến trường chống Mỹ. Nhiều gương chiến đấu anh dũng đáng được nêu gương học tập như đồng chí Nhạc (đại đội phó đại đội 1) bị thương lòi ruột, tự tay mình nhét ruột vào để tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu; như đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm một mình ôm bộc phá xông lên diệt lô cốt địch cho bộ đội xung phong, rồi sau đó chỉ huy bộ đội chiến đấu liên tục cho đến lúc hy sinh”.

(http://img.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/04/30/DSC0134.jpg)
Chiếc xe Reo chở nhóm đi tìm đồng đội tới nơi cùng kiệt của đường mòn.

Cũng trong cuốn sách trên, trang 99 viết: “Ngày 28/3/1968, trung đoàn được lệnh cơ động về vị trí tập kết ở dọc sông Sa Thầy để củng cố, bổ sung quân, rút kinh nghiệm và nhận thêm súng đạn, lương thực, thuốc men… Trong khi trung đoàn đang tập trung rút kinh nghiệm thì trên thông báo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường trực Quân ủy Trung ương “nhiệt liệt khen ngợi những thành tích vừa qua của quân dân Tây Nguyên”, đồng thời chỉ thị “hãy thừa thắng xông lên, đánh mạnh, đánh trúng, đánh giòn giã hơn nữa”.

8. Tại thôn 4 thị trấn Sa Thầy, Kon Tum, chúng tôi gặp Ka Pa Rối, 62 tuổi, cựu cán bộ của huyện đội H67, thương binh ¼ cụt cả hai chân, đang ngồi hóng mát trên xe lăn ở hiên nhà. Ka Pa Rối hỏi ngay, mấy cậu vào đây tìm anh em hả? Tớ biết đêm tháng 3 năm ấy anh em mình hi sinh ghê gớm lắm, bò vào đến hàng rào thứ 3 chúng nó mới biết. Đã có cựu chiến binh Mỹ về đây tìm hài cốt, qua hỏi tớ có chôn ai người Mỹ không, tớ bảo đồng đội tao còn chưa chôn được kia kìa. Quanh Sa Thầy đây, mà tớ quen gọi là “Sa Lầy”, B52 rải ác liệt vô kể, một nhát xẻng xúc lên thấy 3 – 4 anh cùng nằm dưới một gốc cây. Ka Pa Rối bắt cả đoàn vào nhà uống rượu cần, rồi giải thích bằng tiếng Gia Rai: Chư tan Kra nghĩa là “núi chính giữa”.

9.  Sáng sớm 26/3/2009, chúng tôi qua chợ Sa Thầy sắm đồ lễ cho đám giỗ tập thể đầu tiên sau 41 năm. Mấy anh đã đặt nhà hàng ở huyện hai nồi xôi nếp, hai con gà luộc, ở chợ mua thêm hương nến, vàng mã, hai nải chuối còn xanh, bó cúc vàng, túm muối, mấy gói thuốc lá Ngựa, cân chè… Lính chết trẻ chưa biết yêu là gì, bọn mình có nên mua trầu cau không? Cái gì cũng hỏi nhau, bàn bạc cẩn thận. Chúng tôi leo lên một chiếc xe Reo chuyên đi nương của bà con để thuê chở tới nơi cùng kiệt của đường mòn. Lại dốc ngược. Lại nắng đổ lửa. Lại những cơn mồ hôi thấm đẫm sống lưng. Chiến trường đi vẫn khó nhọc như xưa, chỉ khác là hòm đạn pháo vác trên vai ngày nào giờ được thay bằng thùng bia Hà Nội. Anh Vĩnh chia cho các bạn mấy lát sâm Hàn, còn anh Đồng thì chia thuốc viên tăng lực. Đường rừng lúc bạc phếch nắng, lúc bóng ngả âm u. Những triền đồi rải chất độc hóa học, sau bao năm tháng vẫn vàng ệch một mầu cỏ cháy. Tiếng cưa bằng máy của lâm tặc liên tục dội tới, xót xa. Hẳn thợ sơn tràng không biết nơi này từng thấm máu biết bao người. Dãy nhà những người Thái – người Mường Thanh Hóa di cư vào ở giữa thung lũng Chư Mom Ray mỗi lúc một bé lại sau lưng. Càng lên gần tới đỉnh cao 995, công sự, hố bom, lô cốt, hầm cá nhân càng dầy đặc. Mưa rừng Tây Nguyên dù dữ dội, vậy mà bao nhiêu năm tháng qua nơi đây dấu tích vẫn còn nguyên, dường như các vong hồn vẫn có ý chờ đồng đội tới.

(http://img.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/04/30/DSC0218.jpg)
Lớp  lót mũ sắt Mỹ bị đạn xuyên thủng nhặt được trên đỉnh núi

Ở một rừng cây gần sát đỉnh, chúng tôi hạ trại, mắc võng theo cách mắc thời chiến, càng ngồi càng chắc, nếu có lệnh di chuyển chỉ cần với tay giật đầu dây cuốn lại là có thể tiếp tục hành quân. Chúng tôi chọn nơi có hai thân cây đổ vắt lên nhau, chặt cành xếp lên thật chắc chắn, làm một cái bàn thờ dã chiến. Hương nhanh chóng bay lan tỏa. Năm người lính mũ sắt Hà Nội đều chảy nước mắt, xếp hàng khấn: bọn tớ là Đồng, Chúc, Ngọc, Vĩnh, Tứ, xin được thay mặt anh em trung đoàn 209 vào thắp nén nhang cho các cậu. Ngày mai 27/3, anh em ở Hà Nội sẽ họp để tập hợp danh sách các cậu còn nằm lại ở đây. Các cậu bàn nhau xem, nếu muốn được quy tập về thì bọn tớ sẽ công bố thông tin, làm việc với các cơ quan chính quyền, quân đội, nhờ giúp đỡ. Còn nếu chỉ muốn ở đây với nhau thì bọn tớ sẽ dựng một tấm bia dưới chân núi đề tên từng người một.

Sau trận đánh Chư tan Kra, Mỹ giữ quyền làm chủ trận địa nên đã thu gom xác lính Hà Nội lại một chỗ, dùng xăng đốt để giữ vệ sinh chiến trường, rồi ủi hố chôn tất cả ngay trên đỉnh núi. Vong hồn hơn 200 người các anh chỉ quanh quẩn ở đâu đây thôi, dưới lớp đất này, hoặc gốc cây kia, lặng lẽ như một bí mật trong lòng đất mẹ. Tôi không biết xương người cháy, lại chôn tập thể, liệu còn có thể xét nghiệm được AND hay không? Và tôi khó mà có thể quên được cái giật mình của một cán bộ huyện Sa Thầy: ở Chư tan Kra này mà mấy anh chết nhiều đến thế ư? Sự kinh ngạc đó không hề có lỗi. Thời gian mà. 41 năm cũng đủ dài để một đời cây xum xuê tỏa bóng, ngay trên gốc rễ bị bom phát quang phạt cụt ngày nào. Tôi sinh ra trong thời bình, và chưa bao giờ cảm thấy mình “ở gần chiến tranh” đến vậy. Tôi xin được là người hóa vàng mã, tại đỉnh Chư tan Kra hôm ấy. Trên mấy tấm lá chuối rừng, suốt gần một giờ đồng hồ, vàng mã cháy mãi. Trời đột nhiên ngưng gió. Các tàn hương cong trĩu nặng. Kể từ ngày hôm nay, các anh không còn là những vong hồn nữa. Vì bè bạn vẫn còn đây, đồng đội vẫn còn đây.

(Còn nữa)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 05 Tháng Năm, 2009, 01:28:00 pm
http://thethaovanhoa.vn/306N20090504054559871T132/nhung-vong-hon-tren-dinh-chu-tan-kra-bai-cuoi.htm

Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra (Bài cuối)

10. Biết chúng tôi ở Chư tan Kra về, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, Giám đốc Học viện Quốc phòng vừa nghỉ hưu, nhắn qua nhà. Ông nói: các cậu vào tận Tây Nguyên tìm anh em, ở lại ăn với anh chị bữa cơm, vừa ăn ta vừa nói chuyện.
 
Cùng luyện tập, cùng hành quân với nhau vào Nam, thời điểm xảy ra trận chiến Chư tan Kra, tướng Trị là chính trị viên đại đội của tiểu đoàn 8. Ông nói: Ai có vào Nam ngày ấy mới thấy câu thơ này chính xác: Trường Sơn mây núi lô xô/ Quân đi, sóng lượn nhấp nhô, bụi hồng. Bọn mình phải gọi là lính trung đoàn mũ sắt mới phải, toàn giục nhau đi nhanh nữa lên, không mũ sắt chưa bong sơn thì đã giải phóng rồi. 
 
(http://img.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/05/04/xahoi1.jpg)
Thượng tướng Nguyễn Thế Trị tiếp đồng đội tại nhà riêng
 
Chư tan Kra có lẽ là trận đánh duy nhất ở miền Nam thổi kèn đồng xung phong, và là trận đánh đầu tiên của cả trung đoàn, chủ công là tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 9 dự bị, tiểu đoàn 8 không tham gia, do còn cách khoảng 1 - 2 trạm giao liên. Nếu tổng công kích Mậu Thân đợt 1 là đánh vào sào huyệt diệt Ngụy ở các thành phố lớn, thì trận này là đánh Mỹ, mở ra một hướng không chỉ đánh địch vận động bên ngoài đồn bốt mà ngay cả trong căn cứ, buộc Mỹ phải tung quân ra ngoài sông Sa Thầy, tạo điều kiện cho các đơn vị khác đánh vận động, đánh điểm diệt viện.

Tướng Trị ngậm ngùi: Sau trận này, B52 ném bom phá đường tiếp tế, anh em bị bao vây đói nửa tháng trời. Lính Hà Nội mà phải bắt cua, hái môn thục, đọt sắn, lá tàu bay, rau dớn để ăn. Không chỉ có người dương đi tìm người âm đâu các cậu ạ, mà người âm cũng đi tìm người dương đấy. Khi các cậu đi tìm mộ, tôi ở nhà cũng bàn với cậu Toàn - trợ lý quân lực trung đoàn, phải lấy cho được hồ sơ của anh em nằm lại ở trận này.

Cách tiến hành là lọc danh sách qua ngày hy sinh (26/3/1968) và ngày nhập ngũ (27/3/1967), lại là con em gốc Hà Nội thì đúng rồi. Tôi sẽ vào Kon Tum làm bia, đưa vong linh anh em về nghĩa trang liệt sĩ.

Tướng Trị đưa các đồng đội cũ qua nhà vị Trung tướng Lê Hữu Đức, người nổi tiếng với biệt danh “hổ cụt Tây Nguyên”. Tướng Đức ngày ấy là Sư phó, trung tá, và là người trực tiếp đốc chiến (Thay lời kết cho loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra”) trận Chư tan Kra. Ông nói: Tôi được gọi về để chuẩn bị cho trận đánh Kleng, tôi và 3 đặc công bò vào trinh sát, đến đêm thứ 3 thì bị lộ, một trinh sát bị pháo hi sinh. Mỹ thấy động, nhảy ra tạo cứ điểm Chư tan Kra. Tôi điện cho anh Hoàng Minh Thảo, tư lệnh mặt trận Tây Nguyên: “cá đã vào lờ, xin đánh”. Khi trung đoàn 209 vào, anh em báo với tôi là có đơn vị chân đi ghệt, đầu đội mũ sắt, mặc áo Tô Châu, tưởng là địch. Khi tôi nhìn thấy ông Toàn thì mới biết là không phải, bí mật tới cỡ đó. Sau Mậu Thân đợt 1, tướng tá Mỹ ở miền Nam rêu rao, chiến tranh chỉ cần 5 - 6 tháng nữa là kết thúc.

Chư tan Kra phải gọi đúng là tập kích chiến lược, trận đánh hay nhất của toàn miền Nam đợt 2, đánh bại đơn vị con cưng địch; kết quả của nghệ thuật quân sự và ý chí quyết thắng vượt sự tưởng tượng này đã khiến cho nước Mỹ chấn động, và từ đây bắt đầu bùng nổ phong trào phản chiến.
11. Trong quá trình ráp nối tư liệu, chúng tôi gặp lại khá nhiều lính mũ sắt Hà Nội đã tham gia trận Chư tan Kra, mà mỗi người trong số họ thực sự là một cuốn tiểu thuyết sống.
 
Đinh Tiên Phong, người bị Mỹ bắt trong trận này kể: “Sau khi đơn vị nổ súng khoảng 30 phút, tớ qua được hàng rào thì dính đạn AR15 vào tay trái. Khi cậu Linh đang băng cho tớ thì pháo dập tới, tớ gãy tiếp cả hai chân. Tớ bảo Linh đi đi, tớ chắc không sống được. Khi tớ tỉnh dậy khoảng lờ mờ sáng thì đã thấy xác lính ta, lính Mỹ nằm đầy xung quanh. Tớ cố bò xuống chân núi, bò qua cả xác ta và xác Mỹ, được khoảng 100m. Tớ cứ bò được mấy mét thì lại một lần ngất. Đến lòng suối cạn, tớ bị vướng một cái cây đổ không bò qua nổi, cứ trườn lên lại trượt xuống. 4h chiều ngày 26/3/1968, tỉnh lại tớ thấy mình đang nằm dưới rệ, xung quanh có tiếng Mỹ xì xồ. Nhắm mắt nằm im, thôi thế này mình chết chắc rồi. Lật lên thấy tớ còn thở, 4 thằng cắt võng sau lưng tớ, khiêng ngược lên đỉnh. Xung quanh không thấy xác Mỹ nữa, chỉ thấy xác anh em. Tụi nó tiêm cho tớ một mũi, rồi quẳng lên trực thăng đưa về bệnh viện Pleiku, khoảng 7h tối thì bác sĩ Mỹ gây mê và làm phẫu thuật. Sáng hôm sau tỉnh dậy thì đã thấy quấn băng đầy mình, nằm giữa không biết bao nhiêu là lính Mỹ, cả da trắng lẫn da đen, cũng quấn đầy băng như tớ. Hai ngày sau, tớ bị chuyển về Quy Nhơn. Thằng Mỹ hỏi cung qua phiên dịch người Việt, thi thoảng lại vặn cái chân bị thương của tớ một cái, nhưng bác sĩ Mỹ đứng cạnh can thiệp, không cho làm như thế. Tớ khai tên là Vũ Thế Hải, người Hà Nam, lính mới chả biết gì. Cái tên ấy tớ phải cố mà nhớ lấy nó, lần sau khai khác đi thì chết. Sau 5 tháng, các vết thương của tớ lành thì bị chuyển về nhà tù Biên Hòa, rồi nhà tù Phú Quốc. Vào tù rồi thì bị cai ngục Việt Nam Cộng hòa đánh cho cẩn thận, chi tiết lắm. Tớ được trao trả tù binh năm 1973, bay bằng C130 từ Phú Quốc ra vĩ tuyến 17. Đời mình kể cũng lạ, vào chiến trường bằng xe Giải phóng, ra khỏi chiến tranh bằng máy bay. Lính Mỹ mà không tìm thấy thì tớ cũng đã chết trên đỉnh Chư tan Kra ấy rồi”.

Đặng Nhiên, Trung đội phó trinh sát trung đoàn kể: “Tớ bò vào trinh sát Chư tan Kra, thấy hớ hênh lắm, và còn tranh thủ lôi ra được một tải đồ hộp đánh chén. Không biết tiếng Anh nên tớ đưa nhầm cho ông Cảnh một thùng thìa, bị ông ấy mắng mỏ là tớ chơi đểu. Trận này mình diệt gọn nhưng cũng chết gần gọn, riêng 5 trinh sát bọn tớ đã lôi được gần 10 anh em bị thương ra khỏi trận địa, dọc đường gặp vận tải Miền lôi đỡ. Trên đài quan sát M2, tớ nhìn thấy Mỹ sau đó đã đánh bom suốt gần 3h, thả cả bom xăng để hủy trận địa, rồi lại cẩu máy ủi lên, làm lại chiến hào, công sự”.

Đỗ Đức Văn, trung đội đại liên K57 kể: “Tớ bị thương nằm ở trận địa gần 3 ngày mới được anh em đi mò xác lôi ra. Tớ thấy anh em tử sĩ bị thu gom lại, đẩy xuống hố bằng máy ủi, rồi dùng xăng đặc đốt, sau đó lấp đất. Độ sâu anh em nằm khoảng 2m”.

Đến thăm nhà, những người lính mũ sắt vẫn gọi ông Hoàng Đăng Dỹ, chính trị viên phó tiểu đoàn 7 năm ấy là “thủ trưởng”, như ngày nào còn trong đơn vị. Trong giải phóng Điện Biên, ông Dỹ là chính trị viên của đại đội bắt sống tướng De Castries. Trận Chư tan Kra, ông Dỹ khi đang ra lấy thương binh ngay đêm ấy cùng trưởng ban tác chiến trung đoàn thì cảm thấy ngực trái bị đập rất mạnh, sờ thấy máu. Khương ơi, tao bị pháo rồi. Rồi phải lần theo đường dây thông tin về hầm chỉ huy trận đánh.

Râu tóc bạc phơ, ông Dỹ vẫn giữ được phong độ thủ trưởng ngày nào. Như tướng Trị, ông Dỹ lắng nghe anh em báo cáo chuyến đi, rồi bảo với các cấp dưới của mình: Chúng ta nhìn lên thì thiệt thòi rồi, nhưng phải nhìn xuống đồng đội mà sống. Còn sức thì đi tìm anh em đi, chưa đưa về được thì phải vào gặp già bản, cho gửi đồng đội mình ở đó. Đồng đội mình nghĩ về trận này đều hận, vì chết nhiều quá, nhưng phải có lúc tìm và nói lại để thấy rằng, mạng đổi mạng, 204 Mỹ lấy hơn 200 Việt Cộng, anh em đã không nằm xuống vô ích.
Mà này, có đứa nào thích cây cảnh ra vườn mà đánh. Vợ tớ thích hoa, nhưng tớ chỉ thích xương rồng. Xương rồng phải trồng trong cối đá mới gọi là xương rồng đá, nhé.
 (http://img.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/05/04/3e2xahoi2.jpg)
Trung tướng Lê Hữu Đức (phải) trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Thế Trị về trận Chư tan Kra
 
12. Chư tan Kra là trận đánh đầu đời của lính mũ sắt Hà Nội. Nhiều người còn sống sau đó đã đi sâu mãi vào chiến trường miền Nam, rồi sang Campuchia, lên biên giới phía Bắc đánh tiếp cả trăm trận, người thì khi ra quân lao vào kinh doanh trở thành Tổng giám đốc, có người chỉ đơn giản làm nghề lái xe ôm. Họ giản dị, lẫn vào đám đông, lẫn vào dòng đời vĩ đại. Nhìn bề ngoài không thể nào đoán được họ đã một thời hào hùng, máu lửa.
 
Có người kể với tôi rằng: Tớ ra quân năm 1979, xin đi học lái xe, hồ sơ của tớ tụi phường ỉm béng đi phần tớ đã đi lính, chỉ còn trơ trụi mỗi bản khai và tờ đơn. Mất một năm ở nhà suông, bạn tớ thấy tớ đang đứng lơ ngơ ở bản tin phường, mới hỏi ngọn ngành, rồi xui lên đòi lại giấy tờ. Tớ lên phường, hồi ấy vẫn còn hay đội chiếc mũ vải mềm gắn sao, thằng bảo vệ nó bảo, các ông tưởng các ông là cái đếch gì, rồi giật mũ tớ vứt xuống đất. Tớ chỉ mặt: Này, Tổ quốc tao đội trên đầu, sao mày dám làm thế? Rồi tớ nhảy lên bàn đấm nó.
 
Có người kể: Con tớ thi đại học thiếu nửa điểm, nó xin tớ đưa hồ sơ thương binh cho nó. Tớ lục tủ, bày tất cả lên bàn và nói, con hãy đứng trên đôi chân của mình, chứ đừng dựa dẫm vào quá khứ của bố. Đời bố vì chiến chinh đã bị coi là thất học rồi, con phải có thành quả học vấn từ học lực của chính mình. Nó không dám cầm cậu ạ. Giờ nó làm cho Pháp, thu nhập cũng ổn lắm. Cũng lại có người để yên tất cả kỷ niệm đời lính trong hộp sắt, chưa một lần mở ra xem lại.
 
Lính mũ sắt Hà Nội như tôi biết là như vậy, một chút về những người còn sống và cả những người nằm xuống.
 
Ghi chép của Việt Thường


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 05 Tháng Năm, 2009, 01:36:06 pm
Theo tổng kết tháng 3/1968 của MACV thì Chư Tan Kra rất có thể là trận này:

Ngày 26/3
Chiến dịch MacArthur: lúc 03h30, khoảng 2-3 tiểu đoàn đối phương tấn công căn cứ hỏa lực của Lữ đoàn 1 Sư đoàn bộ binh số 4 cách thị xã Kon Tum 31km về phía tây với hỏa lực bộ binh, B40, cối 60mm và súng phun lửa. Một bộ phận chọc thủng vành đai phòng thủ phía tây căn cứ. 2 đại đội [Mỹ] bắn chặn trong khi 1 đại đội tiến hành phản kích và khôi phục trận địa lúc 07h10. 2 đại đội khác được không vận vào khu vực chiến sự và bố trí chốt chặn. Pháo binh và không quân bắn phá các vị trí địch trong suốt cuộc tấn công. 135 lính địch chết; 19 lính Mỹ chết và 51 bị thương.


http://www.vietnam.ttu.edu/star/images/1683/168300010793.pdf

(http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/chu_tan_kra.jpg)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: tuaans trong 06 Tháng Năm, 2009, 09:27:49 am
Khu vực trại huấn luyện Kleng (Pơlei Kleng). Từ đây Mỹ nống ra lập cứ điểm Chư Tan Kra để chặn quân ta đánh Kleng.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: tuaans trong 06 Tháng Năm, 2009, 09:30:29 am
Không ảnh căn cứ Kleng với sân bay và căn cứ phòng thủ hình tam giác.

(http://wikimapia.org/p/00/00/35/51/90_big.jpg)

(http://wikimapia.org/p/00/00/35/51/95_big.jpg)

(nguồn ảnh: xem properties của hình)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: tuaans trong 06 Tháng Năm, 2009, 09:50:06 am
Khu chiến


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 06 Tháng Năm, 2009, 09:51:43 am
Tọa độ của điểm cao 995 - Chư Tan Kra:

MY Brother, Grover Jackson, was wounded march 26,68 on hill (Firebase) west of Kontum. Cordinants YA939913. He was with dco.3/8 infantry, 4th Infantry Division.NVA overran Gun position getting inside peremiter. 19 KIA,51 WIA and 120 NVA KIA. We are hoping to hear from anyone who remembers this battle and looking to find out if there was a unit of 173rd Airbourn there at that time. Enjoyed reading all on your site. We have been loking for a map showing cordinants and the one on your site was very helpful. If you or anyone knows any thing of this battle please email me at PBourg7660@aol.com Again Thank you for the great site. Peggy

Peggy <PBourg7660@aol.com>
USA - Thursday, June 06, 2002 at 22:13:50 (PDT)


http://www.thebattleofkontum.com/guestbook/2002.html


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: tuaans trong 06 Tháng Năm, 2009, 10:11:25 am
Hà, góp tay với chiangshan! :)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: tuaans trong 06 Tháng Năm, 2009, 10:33:21 am
Ngày nay là đỉnh 1198 xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh KonTum.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: phamvanchuc trong 20 Tháng Sáu, 2009, 09:28:29 am
Chiangshan đang o hà nội thì gặp nhau hay quá nhỉ? các chú đi vào Chutang kra ngày 22-6,. Hiện còn dang bàn cãi cao điểm 1198 có chắc chắn là 995 không? Trên bản đò của các chú không co 995 mà lại có 996 . Cháu thông thạo Anh văn hơn các chú t=khai thác xem còn trận 18-5-1968 ỏ Chuz pen là cao điểm nao ? Cám õn.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 20 Tháng Sáu, 2009, 12:36:01 pm
Chiangshan đang o hà nội thì gặp nhau hay quá nhỉ? các chú đi vào Chutang kra ngày 22-6,. Hiện còn dang bàn cãi cao điểm 1198 có chắc chắn là 995 không? Trên bản đò của các chú không co 995 mà lại có 996 . Cháu thông thạo Anh văn hơn các chú t=khai thác xem còn trận 18-5-1968 ỏ Chuz pen là cao điểm nao ? Cám õn.

Cháu xem trong tài liệu Mỹ thì không nhắc đến trận đánh lớn nào ở Tây Nguyên xung quanh ngày 18/5/68. Họ liệt kê 1 số trận khác, chú thử xem liệu có giống với trận ở Chu Pen không ạ:

- Sáng 10/5/68 ta tấn công 1 căn cứ hỏa lực Mỹ phía tây Đắk Tô khoảng 14-15km. Theo phía Mỹ quân ta hy sinh 47 người.

- Ngày 22/5/68 quân Mỹ đụng độ với khoảng 1 b tăng cường của ta ở phía tây TX Kon Tum khoảng 30km. Theo phía Mỹ quân ta hy sinh 10 người.

- Ngày 25/5/68 quân Mỹ đụng độ với bộ đội ta ở tây tây bắc Đắk Tô khoảng 13km. Theo phía Mỹ quân ta hy sinh 36 người.

- Ngày 26/5/68 khoảng 1 d tăng cường của ta tấn công 1 căn cứ hỏa lực Mỹ phía tây Đắk Tô khoảng 17-18km. Ta chọc thủng vành đai phòng ngự và chiếm được 4 công sự nhưng sau đó Mỹ phản kích chiếm lại. Quân ta có 2 người bị bắt.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 20 Tháng Sáu, 2009, 12:54:11 pm
Chiangshan đang o hà nội thì gặp nhau hay quá nhỉ? các chú đi vào Chutang kra ngày 22-6,. Hiện còn dang bàn cãi cao điểm 1198 có chắc chắn là 995 không? Trên bản đò của các chú không co 995 mà lại có 996 . Cháu thông thạo Anh văn hơn các chú t=khai thác xem còn trận 18-5-1968 ỏ Chuz pen là cao điểm nao ? Cám õn.

Chú phamvanchuc, cháu vừa đi hỏi lại thì họ xác định nơi xảy ra trận đánh ngày 26/3/68 không phải là đỉnh 1198 mà là 1 mỏm nằm ở phía nam 1198 và phía tây 996. Phía Mỹ gọi là căn cứ hỏa lực 14 (FSB 14), tọa độ YA 939-912.
(http://i250.photobucket.com/albums/gg272/Boonierat1972/FSB14.jpg)
(Thanks Boonie@ACG ;))


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: tuaans trong 20 Tháng Sáu, 2009, 01:38:25 pm
Coi đi coi lại, đối chiếu mấy cái bản đồ thì chỗ FSB14 (kế bên 996) là hợp lý!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: phamvanchuc trong 20 Tháng Sáu, 2009, 03:46:34 pm
Chú cám ơn cháu nhiều nhiều vì sự đóng góp của cháu cho các chú chuyến đi sắp tới. các chú là nhóm đồng đội cũ ra đi vì hàng trăm người con của hà Nôi nằm xuống mà không được ai nhắc đến !!lChuyến đi trước cách đaay 3 tháng các chú đã tìm ra một cao điểm sau họ quy tập đến nay được 15 bộ hài cốt  có cả di vật là bạn của chú.Theo anh em trong đó  nơi đâo được là trên cao điểm 1124.( bản đồ hiện nay ) Cháu xem giúp trên bản đồ nó ở đâu nhé. Mong rằng các linh hồn bị bỏ quên sẽ phù hộ cho chú cháu mình sức khỏe và cho chuyến đi của các chú đỡ tốn mồ hôi công của mình đã bỏ ra.
 cho chú  địa chỉ mel của cháu chú trao đổi tiện lợi hơn . MERCI, MERCI beaucoup .


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: phamvanchuc trong 20 Tháng Sáu, 2009, 04:06:05 pm
Cháu gửi cho chú phần bản đồ phía trái nữa nhé. Vì chú cần tìm cả CHư ĐÔ nữa mà đẫ thấy chữ ĐÔ rồi .


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 20 Tháng Sáu, 2009, 04:29:17 pm
Bác tuaans, bác giun chi viện đi ạ. Bản đồ thì em mù tịt rồi.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: rongxanh trong 20 Tháng Sáu, 2009, 05:25:28 pm
Cháu gửi cho chú phần bản đồ phía trái nữa nhé. Vì chú cần tìm cả CHư ĐÔ nữa mà đẫ thấy chữ ĐÔ rồi .

Bản đồ khu vực Chu Tan Kra. Kích cỡ hơi lớn, chú nên save về máy xem dễ hơn

(http://farm2.anhso.net/pic/o/27442/607C3D92370610CBD01371B3A5378C4907409676744DD626/5.jpg)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 21 Tháng Sáu, 2009, 11:27:53 am
FSB 14 năm 1968 (ảnh hơi lớn nên cháu đã thu nhỏ lại, chú có thể xem ảnh gốc ở đây: http://www.ivydragoons.org/Files/Logs/FSB14INCOMINGYA940910.jpg)

(http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/FSB14-ivydragoonsorg.jpg)



Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Dak To 24041972 trong 21 Tháng Sáu, 2009, 05:56:16 pm
Chư Tan Kra là 1 trận mà sau khi báo TTVH đăng thì mới biết, có đọc nhật kí của Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp thì không nói rõ lắm. Chắc hôm nào về quê phải lên Sa Thầy thăm các anh :)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Dak To 24041972 trong 21 Tháng Sáu, 2009, 06:02:29 pm
FSB 14 năm 1968 (ảnh hơi lớn nên cháu đã thu nhỏ lại, chú có thể xem ảnh gốc ở đây: http://www.ivydragoons.org/Files/Logs/FSB14INCOMINGYA940910.jpg)

(http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/FSB14-ivydragoonsorg.jpg)


Hồi xưa đồi còn nhiều cây ghê, giờ ai có dịp lên Kon tum thì toàn đồi trọc không? Do hồi xưa chiến tranh ác liệt, đất bị nhiễm Dioxin nên hiện giờ không trồng cây tốt đc. Đồng bào đốt rừng làm nương rẫy hết, hồi xưa lên rừng còn gặp nhiều hầm hào, đạn cối, vũ khí hư, đạn M79 chưa nổ... bây giờ thì hết sạch luôn ;D
----------------------------
 Bạn có nhìn thấy chỗ tôi sửa ở bài trên không đấy?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: phamvanchuc trong 29 Tháng Sáu, 2009, 08:47:41 pm
sơn ơi liên lạc hộ chú xem trên cao điểm FSB 14 F có nơi nào là bãi chứa rác thải của Mỹ không? có mấy cái hố ?và có phải bộ đội mình chôn ở nơi ấy khổng? còn về hướng nào thì càng tốt. Cám ơn .


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 29 Tháng Sáu, 2009, 10:40:06 pm
sơn ơi liên lạc hộ chú xem trên cao điểm FSB 14 F có nơi nào là bãi chứa rác thải của Mỹ không? có mấy cái hố ?và có phải bộ đội mình chôn ở nơi ấy khổng? còn về hướng nào thì càng tốt. Cám ơn .

Cháu đã hỏi rồi chú ạ. Khi nào họ trả lời cháu sẽ báo ngay cho chú.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 05 Tháng Bảy, 2009, 06:51:04 pm
Báo cáo của quân Mỹ về hoạt động ở khu vực Chư Tan Kra từ 20/3 đến 2/4/68:

Báo cáo của tiểu đoàn 3, trung đoàn 8, sư đoàn 4 BB
21/03/68 – 02/04/68


1. Dạng hoạt động: Tác chiến phòng ngự căn cứ hỏa lực của tiểu đoàn 3/8 và các cuộc hành quân tấn công liên quan.

2. Thời gian: 21/03/68 đến 02/04/68.

3. Vị trí: Tọa độ YA 939913.

4.Chỉ huy và điều hành

Tiểu đoàn 3/8 sư đoàn 4 BB hoạt động dưới sự điều hành của lữ đoàn độc lập 173 ĐBĐK tới 19h00 ngày 30/03/68, sau đó đặt dưới sự chỉ huy của lữ đoàn 3 sư đoàn 4 BB.

5. Sĩ quan báo cáo: Trung tá D.M. Malone, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 3/8 sư đoàn 4 BB.

6.   Lực lượng tham gia
a. Tiểu đoàn bộ 3/8 BB.
b. Đại đội A tiểu đoàn 3/8 BB.
c. Đại đội B tiểu đoàn 3/8 BB.
d. Đại đội C tiểu đoàn 3/8 BB.
e. Đại đội D tiểu đoàn 3/8 BB.
f. Đại đội E tiểu đoàn 3/8 BB.
g. Trung đội 2 đại đội A tiểu đoàn 4 CB.
h. Đại đội C tiểu đoàn 6/29 PB (chi viện trực tiếp).
i. Sau 08h15 ngày 26/03/68 lực lượng gồm:
•   Đại đội B tiểu đoàn 1/8 BB.
•   Đại đội D tiểu đoàn 1/8 BB.

7. Lực lượng yểm trợ

a. Đại đội C tiểu đoàn 1/92 PB (tăng cường chi viện chung). Đây là đơn vị pháo xe kéo 155mm. Đại đội C bắn khoảng 2000 đạn chi viện cho hoạt động của tiểu đoàn 3/8. Trong đó 571 viên được sử dụng trong phòng ngự căn cứ hỏa lực. Chi viện của đại đội này là hoàn hảo. Pháo bắn trong quá trình phòng ngự căn cứ hỏa lực rất nhanh chóng, đúng lúc và chính xác. Trong suốt cuộc tấn công pháo bắn chi viện ở cự ly gần. Khi quân BV bắt đầu ngừng đánh và rút lui, pháo được chuyển làn bắn nhằm khống chế đường rút lui và những chỗ nghi ngờ là điểm tập kết. Trong giai đoạn sau, đạn văng mảnh điều khiển (COFRAM – Control Fragmentation Ammunition) 155mm cũng bắn vào những nơi nghi ngờ có quân BV tập trung ở phía tây bắc căn cứ hỏa lực.

b. Đại đội D tiểu đoàn 5/22 PB (chi viện chung): đại đội pháo 8 inch này bắn khoảng 500 viên đạn chi viện. Chủ yếu để phá công sự của đối phương. Trong trận tấn công của quân BV vào căn cứ hỏa lực, 46 viên đạn đã được bắn vào điểm cao 1198 phía bắc căn cứ để ngăn chặn.

c. Đại đội A tiểu đoàn 3/319 PB: ngoài đại đội chi viện trực tiếp cho tiểu đoàn 3/8 BB thì đây là đại đội duy nhất yểm trợ bằng pháo 105mm. Đại đội A bắn khoảng 500 viên đạn trong chiến dịch. Nagy 30/04/68 đại đội này rời khu chiến và được thay thế bằng đại đội A tiểu đoàn 2/9 PB. Trong phòng ngự đại đội A tiểu đoàn 3/318 bắn chi viện bằng kỹ thuật sử dụng góc bắn cao dọc theo mặt bắc chu vi phòng thủ. Hạn chế về tầm bắn đã gây cản trở cho hoạt động của đại đội.

d. Đại đội A tiểu đoàn 2/9 PB: đại đội này không có mặt cho tới khi thay quân cho đại đội A tiểu đoàn 3/318 ngày 30/04/68. Đại đội bắn khoảng 500 viên chi viện cho các hoạt động tấn công và bắn phản pháo súng cối đối phương.

e. AC-47 vũ trang và pháo sáng (Spooky): Spooky chi viện gần bằng hỏa lực và pháo sáng dọc theo khu vực tây bắc, tây và nam chu vi phòng thủ. Trong một số trường hợp, các phi vụ không kích và pháo kích đã gây cản trở cho viện thả pháo sáng liên tục. Quân BV tận dụng điều này để tăng cường hỏa lực và cơ động trong bóng tối. Để khắc phục, súng cối 81mm trong biên chế được sử dụng trong khoảng giữa những lần pháo sáng thả từ máy bay.

f. AC-47 thả pháo sáng (Moonglow): duy trì pháo sáng liên tục sau khi Spooky rời đi. Mặc dù các máy bay này không có súng minigun 7,62mm nhưng pháo sáng được cung cấp đầy đủ.

g. Tập đoàn không quân 7/13: Toàn bộ chiến dịch được 43 phi vụ không kích chi viện. 14 phi vụ được thực hiện trong trận phòng ngự căn cứ hỏa lực và 5 trong số đó tiến hành trong điều kiện tầm nhìn hạn chế, với pháo sáng từ Spooky và Moonglow. Các phi vụ còn lại để yểm trợ hoạt động tấn công và đánh các vị trí có quân BV đã biết. Tiểu đoàn yêu cầu 15 phi vụ trinh sát và nhận được 8. Các phi vụ này nhằm vào những nơi nghi ngờ là căn cứ hay điểm tập kết của quân BV. Mọi yêu cầu về không quân đều là ngay lập tức và thời gian phản ứng có sự chênh lệch đáng kể. Phản ứng đối với binh sĩ đang giao chiến là khoảng 30’. Không kích theo yêu cầu vào các mục tiêu chuẩn bị trước trễ khoảng 5 tiếng. Một chú ý là trong trận phòng thủ căn cứ hỏa lực đã có sự chi viện gần và liên tục. Các vụ không kích cách phía tây chu vi phòng thủ 200-300m trong điều kiện rất bất lợi.

h. Đại đội C tiểu đoàn 6/29 PB: đại đội này bắn khoảng 1500 viên. Chủ yếu để chi viện các hoạt động tấn công, bắn chuẩn bị và bắn chế áp. Trong trận phòng thủ căn cứ hỏa lực đại đội bắn khoảng 30 viên đạn Beehive. Đại đội đã bắn thẳng vào các đơn vị BV tấn công. 1 khẩu pháo đã bị quân BV chiếm nhưng sau đó đã được chiếm lại bằng cuộc phản kích của các pháo thủ và nhân viên tiểu đoàn bộ. Đại đội tiếp tục bắn trong quá trình phòng thủ với ít nhất 2 khẩu, mặc dù bị hỏa lực uy hiếp.

g. Nhận xét chung về các đơn vị hỗ trợ: tất cả các đơn vị đã yểm trợ đáng kể. Pháo binh bắn chính xác và phản ứng mau lẹ theo yêu cầu của đơn vị. Dường như các phi công và kiểm sát tiền tuyến (Forward Air Controller) dường như đã bất chấp điều kiện thời tiết bất lợi khi chi viện trong phạm vi phòng thủ 200m. 3 phi vụ tiếp tế và nhiều phi vụ tải thương ngay sau khi trời sáng rất đáng được khen ngợi. Việc tiếp tế và tải thương được tiến hành dưới hỏa lực súng bộ binh, súng cối và rocket dữ dội. Các phi công trực thăng đã kiên nhẫn và nỗ lực để đáp ứng mọi yêu cầu của binh sĩ.

8. Tình báo

a. Khu vực tác chiến: địa hình khu vực là tiêu biểu ở cao nguyên Trung phần. Cây cối mọc dày và rừng 2 hoặc 3 tầng khá phổ biến. Nước dồi dào và thường xuyên có suối. Thời tiết ấm áp và ẩm, không có mưa. Vào sáng sớm sương mù hạn chế tầm nhìn chỉ còn ½-2km và giữ nguyên như thế trong cả giai đoạn.

b. Tình báo đến trước chiến dịch: Nguồn tin tình báo duy nhất trước trận quân BV tấn công căn cứ hỏa lực là SPAR (?) và báo cáo từ trinh sát vô tuyến. Nguồn tin được cung cấp bởi lữ đoàn 173 ĐBĐK và trại LLĐB Polei Klieng. Thông tin này cho thấy có sự chuyển quân của đối phương từ tây sang đông xuyên qua khu vực hoạt động của tiểu đoàn. Không có dấu hiệu tấn công nào, tuy nhiên đường mòn mới, công sự, mạng lưới dây thông tin đã được phát hiện trong vòng vài giờ sau cuộc tấn công cho thấy sự hiện diện của 1 tiểu đoàn BV phía bắc và 1 tiểu đoàn BV phía nam căn cứ hỏa lực.

c. Tình báo trong chiến dịch: Đơn vị tham dự trận tấn công là trung đoàn 209 BV được hỗ trợ bởi 1 số đơn vị pháo binh và trợ chiến không rõ. Ít nhất 2 tiểu đoàn của trung đoàn 209 tham chiến trực tiếp. Tài liệu và báo cáo thu được cho thấy họ được tăng cường 1 đơn vị hỏa lực nặng và tân binh từ các trung đoàn 32, 312 và 24 BV. 1 chi tiết đặc biệt là trên thực tế trung đoàn 209 vừa mới tới chiến trường. Đơn vị này được trang bị tốt 1 cách khác thường. Súng phun lửa, mũ sắt và quân trang đã được tìm thấy. Các trang bị tỏ ra còn mới và bảo quản tốt. Súng phun lửa được xung kích sử dụng để đột phá các công sự phòng thủ và yểm trợ xung phong vào vị trí pháo binh. Lính BV có vẻ khỏe mạnh và được chăm sóc tốt.

d. Thông tin của đối phương: Ngày 27/03, đại đội B càn quét khu vực bắc và tây căn cứ hỏa lực, qua đó tin rằng chủ lực đối phương đã rút lui. Đại đội B hạ được 1 lính BV đang mắc dây ở phía bắc căn cứ 200m. Lính BV này mang theo dây, điện thoại, ăng ten điện đài và máy thu phát cầm tay. Dây bổ sung được tìm thấy nằm song song với phía trước chu vi phòng thủ và chạy về phía bắc tới 1198. Trước đó ngày 22/03 đại đội B tiểu đoàn 1/8 BB cũng phát hiện dây nằm ở phía đông căn cứ, có vẻ được mắc nhiều ngày trước cuộc tấn công.

e. Vũ khí hóa học: Qua kiểm tra các tử sĩ BV hôm 26/03 đã tìm thấy nhiều lựu đạn CS của BV. Mỗi lính BV mang 1 mặt nạ phòng độc 2 mảnh truyền thống. Ngày 27/03 hơi CS đã xuất hiện trong chu vi phòng thủ và được đại đội pháo binh và đại đội C báo cáo lại. Đây là đạn CS, tuy nhiên không xác định được rõ là hơi CS đó đến từ đạn cối vẫn đang bắn vào lúc đó hay từ lựu đạn CS đang được đốt ở phía ngoài. Ngày 29/03 đại đội D tiểu đoàn 1/8 BB và đại đội A thu được 1 bàn đế cối 82mm và 8 viên đạn ghi rõ mác CS. Ngày 01/04 súng cối đã gây cháy nổ đạn trong căn cứ. Đạn cối tiếp tục nã trong quá trình cháy. Ngay sau khi ngọn lửa bùng lên 1 lượng lớn hơi CS đã phủ lên căn cứ. 1 lần nữa nó có thể là từ đạn dược của quân Mỹ đang bị cháy, tuy nhiên kho đạn của quân Mỹ không chứa đạn CS nào.

9. Nhiệm vụ: Nhiệm vụ của tiểu đoàn 3/8 BB là thiết lập căn cứ hỏa lực tại tọa độ YA 939913 và tìm kiếm, ngăn chặn đối phương di chuyển về phía đông tới Polie Klieng và TX Kontum.

10. Kế hoạch chiến dịch:

a. Giai đoạn 1 (20/03/68): đại đội A và D đột kích vào tọa độ YA 939913 để chiếm lĩnh và chuẩn bị địa hình cho việc thiết lập căn cứ hỏa lực 14 (FSB 14).

b. Giai đoạn 2 (21/03/68): căn cứ hỏa lực triển khai tại tọa độ YA 939913, các đơn vị bắt đầu tuần tra về phía bắc, tây và nam. Đại đội B được không vận tới khu vực và làm nhiệm vụ phòng vệ căn cứ.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 05 Tháng Bảy, 2009, 06:53:43 pm
11. Diễn biến

Lệnh hành quân được đưa ra ngày 20/03/68. Vào thời điểm này trinh sát khu vực chuẩn bị đổ bộ và đặt căn cứ hỏa lực được tiến hành. Pháo binh đã bắn chuẩn bị vào bãi đáp. Cuộc hành quân bị lùi lại 3 ngày do giao tranh ác liệt về phía tiểu đoàn 3/503 ĐBĐK. Do các phi vụ cũng như bắn pháo này báo hiệu trước cho đối phương, lữ đoàn 173 quyết định chuyển bãi đáp từ tọa độ YA 915955 sang YA 939913. Để nghi binh, bãi đáp cũng được chuẩn bị ở YA 951909 và YA 951881.

a. 21/03/68: Đại đội A và D, trung đội công binh, trung đội trinh sát và sở chỉ huy chiến thuật đổ bộ xuống YA 939913. Do thiếu máy bay và liên lạc trên bãi đáp đã ngăn cản việc tập kết cả tiểu đoàn ở vị trí mới ngày 20/03/68 như kế hoạch. Sauk hi đại đội A hoàn tất đổ quân, đụng độ đã xảy ra ở phía tây với 1 đơn vị có lẽ có nhiệm vụ theo dõi bãi đáp. Dấu hiệu chuyển quân cũng được báo cáo ở phía bắc vị trí 200m và đại đội D bị hỏa lực bộ binh từ phía bắc bắn tới. Tổn thất do giao tranh là 1 lính Mỹ chết và 1 lính Mỹ bị thương. Không có tổn thất nào về phía quân BV được xác nhận. Vị trí đóng quân ban đêm được thiết lập và chuẩn bị để đón phần còn lại của tiểu đoàn vào ngày 22/03.

b. 22/03/68: Đại đội B từ vị trí đóng quân ban đêm hành quân tới căn cứ hỏa lực. Đại đội D hoạt động ở phía bắc căn cứ và đụng độ với khoảng chừng 1 tiểu đội tăng cường trong công sự. 3 lính Mỹ bị thương. Pháo binh bắn vào khu vực công sự này và đại đội D rút về nơi đóng quân ban đêm cách căn cứ hỏa lực khoảng 300m về phía tây bắc.

c. 23/03/68: Đại đội C và D hoạt động ở khu vực đã xảy ra đụng độ hôm 22/03. Giao tranh diễn ra lúc 09h08 ngày 23/03. Các đơn vị BV triển khai trong công sự với súng máy, súng bộ binh và súng phun lửa. Thương vong của đại đội D là 3 lính Mỹ bị thương. 2 phi vụ không kích và pháo binh được gọi bắn vào khu vực công sự chuẩn bị cho 1 đợt tấn công mới. Đại đội C và D tấn công lần nữa lúc 11h40 và đại đội D mất them 1 lính Mỹ chết và 4 bị thương. Đại đội C và D chiếm lĩnh vị trí trong khu vực giao tranh nhưng buộc phải rút về vị trí đóng quân ban đêm lúc trước do không có khả năng được tiếp tế hay chi viện bằng không quân.

d. 24/03/68: Hoạt động tuần tiễu khu vực tiếp tục từ căn cứ. Đại đội C và D được báo động để tấn công các công sự của quân BV sau khi 2 phi vụ không kích hoàn tất. Đại đội D giả vờ tấn công thẳng vào các công sự và thiết lập trận địa hỏa lực trên ngọn đồi thấp nhìn xuống “vị trí yên ngựa”. Đại đội C cơ động đánh vào sườn tây. Không có sự chống trả nào khi đại đội C cơ động bên sườn tây các công sự. Đại đội C phát hiện 3 lính BV chết và 1 số trang bị, vật dụng vương vãi trong công sự. Lúc 14h37 đại đội C quan sát thấy 1 lính BV và nổ súng nhưng không rõ kết quả. Đại đội C tiếp tục tiến về phía bắc cho tới khi bị hỏa lực bộ binh và súng máy bắn chặn lúc 14h45 làm 2 lính Mỹ bị thương. 1 phi vụ không kích được gọi đến và đại đội D tiến lên nhằm bắt liên lạc với đại đội C. Ngay khi đại đội D bắt đầu di chuyển họ bị quân BV nấp trong các hố cá nhân từ phía bắc bắn tỉa. Cả đại đội C và D cùng tiến lên dập tắt chúng bằng hỏa lực và cơ động. Đại đội C mất 4 lính Mỹ bị thương và hạ được 8 lính BV. Đại đội D không có tổn thất và hạ được 8 lính BV bằng cách ném lựu đạn vào các hố cá nhân. Đại đội C đóng lại ban đêm ở khu vực YA 940917 và đại đội D đóng lại khu vực YA 921915.

e. 25/03/68: Đại đội B từ căn cứ hỏa lực ra thay thế đại đội C tiếp tục hoạt động ở phía bắc. Đại đội C trở về căn cứ. 5 phi vụ không kích được gọi đến nhằm vào khu vực công sự của đối phương ở tọa độ YA 940916.

f. 26/03/68: Hoạt động chuyển quân của đối phương xung quanh căn cứ hỏa lực bắt đầu lúc 01h15 ngày 26/03. Hoạt động này diễn ra rời rạc cho đến 03h20 khi quân BV cho nổ bộc phá và chọc thủng lớp rào thép gai. Mũi tấn công chính của quân BV nhằm vào phía tây và tây bắc vành đai phòng thủ được thực hiện bằng sự cơ động phối hợp nhanh chóng, hỏa lực dày đặc và sử dụng súng phun lửa để đánh chiếm các công sự. Đồng thời vành đai phía tây và tây bắc cũng bị bắn dữ dội bằng hỏa lực bộ binh, súng cối và rocket. Đến 04h00, đại đội D gần hết đạn, bị thương vong và do quân BV thọc sâu nên đã buộc phải rút lui về khu công sự pháo binh. Khoảng 04h00, quân BV mở 1 mũi tấn công chính thứ 2 vào phía nam chu vi phòng thủ. Trung đội công binh và trinh sát được phái đến tăng viện cho đại đội D. Vào lúc này, súng cối nhằm vào vành đai phía tây nổ liên tục. Quân BV mở đợt tấn công thứ 2 từ vành đai phía tây vào trận địa pháo. Súng phun lửa được sử dụng và công sự, đạn pháo 105mm bị đốt cháy. Giao tranh ở trận địa pháo diễn ra quanh từng công sự. Pháo binh được gọi bắn vào khu công sự phía tây trong khi đơn vị pháo chi viện trực tiếp bắn đạn Beehive. Mọi nhân viên của sở chỉ huy chiến thuật được gom lại thành lực lượng phản kích và điều tới trận địa pháo để chiếm lại 1 khẩu pháo đã bị quân BV chiếm mất. Spooky có mặt lúc khoảng 04h30 và bắt đầu chi viện hỏa lực và pháo sáng cho khu vực tây, tây bắc và nam. Đại đội A định tiến vào căn cứ từ phía tây bắc nhưng bị hỏa lực đối phương chặn đứng. Đến lần nỗ lực thứ 4, đại đội A thành công lúc 06h15. Không quân oanh tạc ở cự li gần nhất có thể xuống khu phía tây, dựa vào pháo sáng. Giao tranh bên trong và xung quanh chu vi phòng thủ tiếp diễn tới 07h00 và hỏa lực súng cối, rocket và bắn tỉa tiếp tục cho đến 08h00. Tiếp viện pháo sáng và di tản thương binh bắt đầu lúc 06h30. Càn quét khu vực và khôi phục trận địa tiếp tục trong ngày hôm đó. Tổn thất trong ngày là 19 lính Mỹ chết, 53 lính Mỹ bị thương; 135 lính BV chết, 4 bị bắt (bị thương). Đại đội B và D tiểu đoàn 1/8 BB tới căn cứ lsc 09h00 bằng bãi đáp ở YA 951909, được 1 toán thuộc trung đội trinh sát chiếm giữ. Đại đội D tiểu đoàn 3/8 được đưa về núi Rồng (?) để củng cố. Đại đội A tiếp tục ở lại căn cứ với đại đội C. Đại đội B và D tiểu đoàn 1/8 đóng quân tại vị trí ban đêm ở khu vực YA 9409915.

g. 27/03/68: Hoạt động chuyển quân liên tục được báo cáo diễn ra xung quanh toàn bộ chu vi phòng thủ suốt đêm. Lựu đạn và M79 được sử dụng để chế áp và uy hiếp đối phương. Đại đội B tiến hành càn quét về phía bắc và tây bắc. Đại đội B hạ được 1 lính BV đang mắc dây thông tin về hướng căn cứ. Không có đụng độ nào xảy ra trong ngày mặc dù báo cáo về chuyển quân của đối phương tương đối gần vị trí khá thường xuyên.

h. 28/03/68: 1 lần nữa, báo cáo đối phương chuyển quân liên tục xung quanh căn cứ. Các đơn vị bắn vào đó bằng lựu đạn và M79. Hoạt động càn quét được tiến hành. Đại đội D tiểu đoàn 1/8 BB chạm súng với khoảng 12 lính BV cách căn cứ 500m về phía bắc. Đại đội D mất 1 lính Mỹ chết. Đại đội D rút về vị trí đại đội A cách căn cứ 300m về phía bắc để đưa 1 lính Mỹ chết đi. Đại đội D 1 lần nữa tiến về phía bắc và tới được mục tiêu ở YA 937924. Đại đội A liên lạc với đại đội D để bố trí đóng quân ban đêm. Trong quá trình di chuyển, đại đội D phát hiện 1 lính BV chết trong cuộc đụng độ trước đó. Lúc 17h30, quân BV tổ chức 1 đợt tấn công thiếu tổ chức vào vị trí đóng quân ban đêm của đại đội A và D tiểu đoàn 1/8 BB. Súng bộ binh bắn tới từ phía bắc và tây cùng các hỏa lực bắn vòng cầu khác như súng cối và súng trường phóng lựu. Pháo 105mm bắn thẳng và ĐKZ 106mm tại căn cứ hỏa lực cùng 1 phi vụ không kích được gọi bắn vào quân BV tấn công ngay trước khi trời tối. Quân BV rút lui về phía tây nam và trở thành mục tiêu cho tất cả các loại hỏa lực vòng cầu. Lúc 19h40 đại đội B bị ĐKZ 75mm bắn tới từ phía bắc. Pháo 105mm bắn thẳng vào vị trí đặt súng của quân BV và quan sát thấy nhiều vụ nổ phụ. Đại đội A có 2 lính Mỹ bị thương, đại đội D tiểu đoàn 1/8 BB có 8 lính Mỹ bị thương trong ngày hôm đó.

i. 29/03/68: Hoạt động chuyển quân diễn ra liên tục xung quanh căn cứ suốt đêm. 1 lần nữa M79 và lựu đạn được sử dụng. Đại đội A và đại đội D tiểu đoàn 1/8 cũng báo cáo có sự chuyển quân ở phía bắc và tây vị trí đóng quân ban đêm của họ. Đại đội B và C càn quét khu vực gần căn cứ. Đại đội A và đại đội D tiểu đoàn 1/8 BB phát hiện 2 lính BV chết ngày hôm trước. Đường mòn sơ sài với vệt máu cũng được đại đội A phát hiện. Lúc 09h00 căn cứ bị pháo kích bằng cối 82mm. Đạn cối bắn không liên tục suốt ngày hôm đó. Tổng cộng 18 lính Mỹ bị thương vì pháo kích. Tiểu đoàn được hỗ trợ bởi 1 bộ phận tiểu đoàn 7/17 kỵ binh. Các đơn vị kỵ binh đã không thành công trong việc tiêu diệt các khẩu đội cối. Súng cối được bố trí ở khu vực YA 926917 và bất chấp mọi nỗ lực nhằm dập tắt cchúng. Các đơn vị ở lại vị trí đóng quân ban đêm trước đó.

j. 30/03/68: Hoạt động chuyển quân diễn ra liên tục xung quanh căn cứ suốt đêm. M79 và lựu đạn được sử dụng. Súng cối pháo kích suốt ngày hôm đó làm 9 lính Mỹ bị thương. Lúc 10h05 tiểu đoàn được lệnh tấn công điểm cao 1198 ở YA 937931 và phải tới mục tiêu lúc 17h00. Đại đội A và đại đội D tiểu đoàn 1/8 BB phát hiện quân BV gần chu vi phòng thủ. Lính BV bị bắn nhưng không rõ kết quả. Đại đội B và đại đội C càn quét khu vực quanh căn cứ hỏa lực. 1 toán tuần tra của đại đội B đụng độ với khoảng 1 trung đội BV với 2 đại liên 50 cách phía tây chu vi phòng thủ 100m. Toán tuần tra mất 1 lính Mỹ chết và 1 bị thương. Đồng thời căn cứ cũng bị bắn tỉa từ phía tây. Toán tuần tra được giải cứu và hỏa lực bắn thẳng cũng như bắn vòng cầu được gọi bắn vào trung đội BV. Lúc 14h20 đại đội A tiến lên điểm cao 1198 từ phía bắc và đột ngột bị bắn chặn làm 1 lính Mỹ bị thương. Đại đội A tiếp tục tiến lên 1198 và đụng độ với khoảng 1 đại đội BV trong công sự và hố cá nhân. Đại đội A ngay lập tức bị thương 4 người và bị súng cối bắn vào phía sau. Đại đội D tiểu đoàn 1/8 BB ở phía nam đại đội A và đang chiếm lĩnh bãi đáp lập tức hứng chịu hỏa lực bộ binh và súng cối. Đại đội B tiểu đoàn 1/8 BB ở khu vực YA 940915 bắt đầu bị bắn từ mọi phía. Đại đội D tiểu đoàn 1/8 BB cho 1 trung đội tiến về phía bắc để kiểm soát đường rút cho đại đội A và đại đội A liên lạc được với đại đội D tiểu đoàn 1/8 BB tại vị trí đóng quân đêm trước. Kết quả giao tranh, đại đội A có 8 lính Mỹ chết và 27 bị thương. Đại đội D tiểu đoàn 1/8 BB có 4 lính Mỹ bị thương. 6 lính của đại đội A bị cắt rời trong lúc giao tranh đã rút lui thành công và trở về đơn vị. Tổn thất trong cả ngày hôm đó là 8 lính Mỹ chết và 39 bị thương. Tổn thất của quân BV không rõ.

k. 31/03/1968: Hoạt động chuyển quân diễn ra liên tục xung quanh căn cứ suốt đêm. M79, lựu đạn và bắn tỉa có chọn lọc được sử dụng. Trận địa pháo cũng bị bắn. Súng cối bắt đầu pháo kích lúc 07h15 và kéo dài cả ngày. Tất cả các đơn vị tiến hành tuần tiễu trinh sát khu vực sát nơi đóng quân. 1 phi vụ không kích được gọi nhằm vào vị trí súng cối BV đang bắn phá căn cứ. 2 phi vụ không kích nhằm vào các công sự của đối phương ở phía bắc 1198. Sauk hi không kích kết thúc, 2 đại đội của tiểu đoàn 1/35 BB tấn công để chiếm 1198. Sức chống cự yếu ớt, 1 loạt bắn tỉa là hoạt động duy nhất của đối phương. Tổn thất là 1 lính Mỹ bị thương. Tổng thương vong do súng cối là 16 lính Mỹ bị thương.

l. 01/04/1968: Hoạt động chuyển quân diễn ra liên tục xung quanh căn cứ suốt đêm. Spooky, cối 81mm được triển khai để uy hiếp đối phương. Các đơn vị càn quét trong phạm vi 200m xung quanh vị trí. Súng cối pháo kích và hỏa lực bắn vào máy bay diễn ra suốt ngày. 2 phi vụ không kích nhằm vào đỉnh phía bắc 1198. Đạn cối kích nổ 1 lô đạn ĐKZ 106mm và cháy nổ xảy ra ở kho đạn của căn cứ và các công sự. Súng cối pháo kích đã ngăn cản việc chữa cháy. Lửa được dập tắt lúc 19h20. Quân BV bắn ĐKZ lúc 19h10 và bắn trúng 3 công sự. Khẩu ĐKZ này bị pháo 105mm bắn thẳng và súng máy dập tắt.

m. 02/04/68: Hoạt động chuyển quân diễn ra liên tục xung quanh căn cứ suốt đêm. 1 lần nữa Spooky, cối 81mm, lựu đạn, M79 được triển khai để uy hiếp đối phương. Đại đội B và D tiểu đoàn 1/8 BB càn quét phía tây nam 1198 nhằm tìm diệt vị trí đặt cối của đối phương. Pháo binh của căn cứ hỏa lực bắt đầu chuyển về Kontum. 1 bộ phận tiểu đoàn 7/17 kỵ binh rà soát khu vực tây bắc căn cứ và chế áp thành công hỏa lực cối của quân BV. Bộ phận còn lại của căn cứ trừ các trang bị nặng rút về Polie Klieng lúc 16h00 và bố trí cùng tiểu đoàn 2/35 BB.

12. Kết quả:

a. Tổn thất:
(1)   Chết: 32.
(2)   Bị thương: 165.
(3)   Mất tích: 1.
(4)   Bị bắt: 0.

b. Tổn thất của đối phương:
(1)   Chết: 174.
(2)   Chết do không kích: 10.
(3)   Bị bắt: 4.

c. Ước tính thương vong của đối phương: ước tính dưới đây dựa trên hệ số ước tính được chấp nhận là 1,5 cho số địch chết ước tính và 3 cho số địch bị thương ước tính.
(1)   Chết: 276.
(2)   Bị thương: 552.

d. Tổn thất trang bị của quân BV như sau:
(1) Vũ khí bị tịch thu: 119.
(2) Đạn cối 82mm HE: 60.
(3) Đạn cối 82mm CS: 18.
(4) Đạn B40: 100.
(5) Cối 60mm: 2.
(6) Tài liệu: ~7kg.
(7) Quân dụng: 900kg.
(8) Bàn đế cối 82mm: 1.
(9) Dây thông tin: 6,4km.
(10) Đạn AK47: 7500 viên.
(11) Đạn súng máy: 5000 viên.
(12) Lựu đạn mảnh BV: 200.
(13) Lựu đạn CS BV: 75.

Đơn vị này không tới tất cả những khu vực nào bị không kích. Không có trang bị nào của quân Mỹ mất về tay quân BV.



Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: shmel trong 12 Tháng Bảy, 2009, 10:22:11 am
http://thethaovanhoa.vn/306N20090525012057421T132/tim-thay-5-bo-hai-cot-tren-dinh-chu-tan-kra.htm

Tìm thấy 5 bộ hài cốt trên đỉnh Chư tan Kra
(TT&VH) - Hôm qua 24/05, liên lạc với chúng tôi từ trên dãy núi Chư tan Kra - huyện Sa Thầy, Kon Tum, Trung uý Lê Đức Mỹ, sĩ quan BCH Quân sự huyện này cho hay: đã tìm thấy 5 hài cốt liệt sĩ đầu tiên tại dãy núi này, trong tổng số hơn 200 người đã nằm xuống.

(http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/05/25/lietsi.png)
Trung uý Lê Đức Mỹ, người đã cùng nhóm CCB tiểu đoàn 7, trung đoàn 209 đi tìm lại chiến trường xưa trên dãy  Chư tan Kra

Trung uý Mỹ cho biết, anh đã dẫn đầu một nhóm chiến sĩ đi tìm mộ tại Chư tan Kra, và cách tiến hành là khai quật tại những nơi người dân ở đây đi tìm kim loại phế liệu đã từng thấy súng AK, mũ sắt. Trong ngày hôm qua 24/05, tại hai hố khai quật đã tìm thấy 5 bộ hài cốt liệt sĩ, một hố thấy 3 người, một hố thấy 2 người. Các hố đào đều không sâu lắm, có hố đào 1m, hố đào chỉ 0,5m. Anh Mỹ mô tả qua điện thoại rằng, xương của các liệt sĩ lẫn vào nhau, xương dưới trồi lên xương trên. Bên cạnh xương cốt các anh vẫn còn mảnh dép cao su, vỏ đạn 12 ly 7, cần kim loại của lưu đạn. Điều kỳ lạ là không thấy xương sọ, chỉ còn khớp đầu gối, khớp khuỷu tay, và tất cả đều đã từng bị đốt cháy. Anh Mỹ cho rằng, có thể xương sọ mỏng hơn xương khớp nên đã không còn lại được đến bây giờ. Trước thông tin đặc biệt này, BCH quân sự huyện Sa Thầy đã tăng cường đội tìm kiếm hài cốt liệt sĩ lên tới con số 10 người, và ý định ban đầu tìm kiếm trong một tuần nay đã có lệnh kéo dài không thời hạn. Đêm qua, 10 người lính huyện Sa Thầy đã ngủ lại trên đỉnh Chư tan Kra cùng với 5 liệt sĩ. Một lán dã chiến đã được dựng lên, trong đó có một cái sạp làm bằng gỗ tạp, và tất cả 5 liệt sĩ đều được khói hương chu đáo, di cốt của họ được bọc cẩn thận bằng cờ tổ quốc. Vị trí tìm thấy các hài cốt cách nơi chúng tôi đã tới thắp hương nhân 41 năm ngày giỗ - ngày xảy ra trận đánh Mỹ tại đây, không xa.

Sau khi TT&VH đăng tải loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra” về trận đánh Mỹ năm 1968 tại cao điểm 995, trong đó ta tiêu diệt hơn 200 lính Mỹ nhưng cũng chừng ấy quân giải phóng nằm lại tại đây cho đến mãi ngày nay, nhiều cán bộ quân đội và thân nhân liệt sĩ đã vào cuộc. Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, nguyên GĐ Học viện Quốc phòng đã thay mặt cựu chiến binh trung đoàn 209 gửi thư kiến nghị tới Thành uỷ Hà Nội, UBND - UBMTTQ Tp. Hà Nội… để đề nghị xem xét việc đầu tư xây dựng khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại dãy núi Chư tan Kra - Kon Tum.

TT&VH được biết, anh Trương Công Dũng, hiện ở số nhà 219 phố Khâm Thiên, phường Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội, em của hai liệt sĩ hy sinh tại trận đánh này cũng đã có đơn gửi các cơ quan chức năng. Anh Dũng viết: “Kính thưa các Ban ngành đoàn thể, các cơ quan chức năng! Theo các tư liệu và nhân chứng, gần như toàn bộ trung đoàn 209 thời đó là những con em ưu tú của Hà Nội tình nguyện nhập ngũ chiến đấu, quyết tâm dù hy sinh vẫn sẵn sàng chiến đấu để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 26/3/1968, trung đoàn đã đánh trận đầu tiên tại Chư tan Kra (mật danh M2), là căn cứ quân sự vững chắc của Mỹ. Trung đoàn đã chiến đấu thắng lợi lớn, nhưng hơn 200 chiến sĩ con em Hà Nội đã vĩnh viễn nằm lại nơi này. Đã 41 năm qua đi, các gia đình có thân nhân hy sinh trong trận đánh Chư tan Kra vẫn mong mỏi tìm được hài cốt thân nhân mình. Đảng và Nhà nước đã quy tập các liệt sĩ cả ở Lào và Campuchia về quê hương. Nay qua những tư liệu có thật và những con người thật, được biết các anh tôi và đồng đội vẫn nằm đó, hiu quạnh mấy chục năm trời. Đất nước đã thống nhất, dân ta đã no ấm, thế mà nhìn lại, những người con Hà Nội hy sinh tại chiến trường năm xưa chưa có một nơi thắp nhang, chưa được chôn cất tử tế. Chúng tôi, những gia đình có thân nhân đã mất lòng đau khôn xiết. Khẩn cầu các cơ quan chức năng tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ, có nơi tưởng niệm để chúng tôi thăm viếng người thân nằm lại ở nơi này. Người sống thì được thắp nén nhang tưởng nhớ, người chết cũng được an ủi phần nào”.

Vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị cũng đã làm việc với Bộ Tư lệnh Thủ đô về việc tổ chức tìm kiếm, quy tập liệt sĩ và tạo điều kiện cho thân nhân được một lần vào chiến trường xưa thăm viếng và cũng như xây dựng khu tưởng niệm chung tại Chư tan Kra. Được biết, Bộ Tư lệnh Thủ đô đang soạn thảo văn bản chi tiết để trình Thành uỷ, UBND Tp. Hà Nội về vấn đề này.

V. Thường


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: shmel trong 12 Tháng Bảy, 2009, 10:23:53 am
http://www.thethaovanhoa.vn/306N2009063011394293T132/liet-si-tai-chu-tan-kra-nguoi-dau-tien-da-tro-ve-ha-noi.htm

Liệt sĩ tại Chư tan Kra: Người đầu tiên đã trở về Hà Nội

(http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/06/30/f23top2.jpg)
Di ảnh của Liệt sĩ Tạ Ngọc Giao  khi tròn 20 tuổi (gia đình cung cấp)
(TT&VH) - Khoảng 8h sáng qua 29/6, một chiếc U oát đỏ quạch bùn đất Tây Nguyên đã dừng lại trước ngôi nhà số 63 phố Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội, tọa lạc gần như chính diện với cổng đền Ngọc Sơn và tượng đài Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Trên xe là di hài của liệt sĩ  Tạ Ngọc Giao, một trong số hàng trăm người lính Hà Nội đã nằm xuống dãy núi Chư tan Kra trong trận đầu đánh Mỹ ngày 26/3/1968.

>>> Tìm thấy 5 bộ hài cốt trên đỉnh Chư tan Kra
>>> Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra (Bài cuối)

Người đi đã 41 năm, bây giờ mới trở về. Một chiếc rạp được gia đình dựng lên từ sáng sớm, ngay sát cổng Sở TT&TT Hà Nội. Hàng xóm láng giềng biết tin đến mỗi lúc một đông, đồng chí đồng đội hiện sống tại Hà Nội cũng lần lượt đến thắp nhang phúng viếng. Chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều vòng hoa trắng được mang đến. Người thân của gia đình liệt sĩ cho hay, sau khi mẹ mất được 3 tháng, anh Giao nhập ngũ, đánh trận đầu tiên và nằm lại tại Tây Nguyên cho đến tận bây giờ. Ông cụ thân sinh của anh Giao cũng đã mất, giờ chỉ còn lại anh em, họ hàng.

(http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/06/30/7.jpg)
Rất đông hàng xóm láng giềng, đồng đội, bạn hữu đến thăm viếng

Như TT&VH đã đưa tin, trận đánh tại cứ điểm Chư tan Kra (Sa Thầy - KonTum) ngày ấy của trung đoàn 209 đã khiến phía Mỹ thiệt hại không nhỏ, hơn 200 người lính Hà Nội đã nằm lại tại đỉnh núi này. Cuối tháng 3/2009, phóng viên TT&VH đã cùng các cựu chiến binh trung đoàn 209 đi tìm lại chiến trường xưa. Sau khi xác định chính xác vị trí trận đánh và nơi đồng chí đồng đội đã nằm xuống, BCH quân sự huyện Sa Thầy, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum đã vào cuộc tìm kiếm hài cốt.

(http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/06/30/22.jpg)
Chiếc bi đông với dòng chữ “Tạ Ngọc Giao” được tìm thấy bên cạnh di cốt

Đêm nổ súng, chiến sĩ Tạ Ngọc Giao là xạ thủ đại liên đi phối thuộc cùng đại đội 1 tấn công cao điểm vào hướng chính diện. Xương cốt của liệt sĩ Tạ Ngọc Giao được tìm thấy bên cạnh chiếc bi đông còn khắc tên anh. Chiếc bi đông này đã được đặt trang trọng trên bàn thờ anh sáng hôm qua, cùng với di cốt phủ cờ đỏ sao vàng tại 63 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội.

(http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/06/30/12.jpg)
Tiểu liên AK, mặt nạ phòng độc, bát, mũ sắt, ống thuốc cứu thương, tăng dù… được tìm thấy trong quá trình khai quật tại Chư tan Kra.

Tin từ KonTum báo về cho hay, hiện số hài cốt liệt sĩ tìm kiếm ròng rã trong 3 tháng trời tính đến ngày hôm qua 29/6 vẫn dừng ở con số 15. Chiều qua, tại nghĩa trang Ngọc Hồi, các cơ quan đoàn thể đã long trọng làm lễ truy điệu liệt sĩ đầu tiên của đơn vị “lính mũ sắt Hà Nội” nay đã trở về với quê hương.

(http://ttvh.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2009/06/30/32.jpg)
Hài cốt của các liệt sĩ tìm thấy được phủ cờ tổ quốc đặt trong lán dã chiến trên đỉnh Chư tan Kra.

V.Thường


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: tuaans trong 12 Tháng Bảy, 2009, 08:09:47 pm
Không biết vui hay buồn vì địa điểm chính xác không phải ở đỉnh Chư tan Kra!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 14 Tháng Bảy, 2009, 05:29:40 pm
Buồn thật, các anh nằm lại hơn 40 năm mà vẫn chưa tìm hết được.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Dak To 24041972 trong 16 Tháng Bảy, 2009, 05:20:50 pm
Cũng không hiểu các anh ở lại Tây Nguyên đến hơn 40 năm rồi, thậm chí các bác huyện đội Sa Thầy cũng bất ngờ về điều này. Chắc là do hoàn cảnh thôi, mùa này Tây Nguyên đang mưa... :'(


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 23 Tháng Bảy, 2009, 11:26:55 pm
Về số liệu thương vong của ta thời đấy không chính xác phần lớn là để phục vụ cho tính tuyên truyền ;D

"Thời đấy" thì có mà đốt đuốc cũng chẳng kiếm đâu ra số liệu thương vong của ta. "Một số" là cùng. Chỉ có thời nay mới dò được đây một ít, kia một ít trong các sách tổng kết, hồi ký, rất ít khi có diễn giải cụ thể.

Túm lại là ta cứ dùng, trên tinh thần méo mó có hơn không, tuy nhiên nên ý thức là vẫn còn nhiều dấu hỏi.
Các trận ta "bị thương vong nhiều" là cụm từ chủ yếu, như trận Chư Tan Kra (dBB7-eBB 209-fBB 312)hơn 40 năm mới biết ta hi sinh hơn 200 người chỉ được biết rộng rãi qua PV Việt Thường của báo TTVH. Trận này không có trong chiến lệ vì ta không diệt được cứ điểm và hi sinh nhiều ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: _new trong 23 Tháng Bảy, 2009, 11:49:47 pm
Ném đá bác Na Bô cái.  ;D
Điều này lí giải tại sao 1 đế quốc hùng mạnh, vũ khí hiện đại lại thua VN? Ai đã từng đi qua Tây Nguyên và các vùng khác sẽ hiểu được sự khắc nghiệt ngày ấy, hơn 40 năm mà cây cối nhiều nơi vẫn không mọc nổi do chất dioxin.
Đề nghị bác Na bô chỉ ra "nhiều vùng" là những vùng nào mà cây cối vẫn không mọc nổi do chất dioxin.
Trích dẫn
Các trận ta "bị thương vong nhiều" là cụm từ chủ yếu, như trận Chư Tan Kra (dBB7-eBB 209-fBB 312)hơn 40 năm mới biết ta hi sinh hơn 200 người chỉ được biết rộng rãi qua PV Việt Thường của báo TTVH. Trận này không có trong chiến lệ vì ta không diệt được cứ điểm và hi sinh nhiều 
Sao bác biết trận này không có chiến lệ?  ;D Có rất nhiều trận đánh không tiêu diệt được cứ điểm và hi sinh thậm chí còn nhiều hơn nhưng vẫn đưa vào bình thường. Có hẳn cả những cuốn viết rõ ràng (đại ý) "cuốn này nói về những trận đánh không thành công, thương vong nặng" nữa. Về những phân tích cụ thể, thường chỉ có trong sách về hậu cần. Ở đó có nói mỗi đơn vị thương vong thế nào, loại vết thương, v.v.. Còn những sách chiến lệ nói chung chỉ ghi tổng quát, vì đó không phải trọng tâm của chiến lệ, sách chiến lệ của VNCH cũng vậy.
Con số của mấy bác nhà báo ta cũng nên thận trọng, vì thông tin về thương vong của họ nhiều khi là nghe kể. Anh em dính nhiều vụ kiểu này lắm rồi.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 23 Tháng Bảy, 2009, 11:57:22 pm
Ném đá bác Na Bô cái.  ;D
Điều này lí giải tại sao 1 đế quốc hùng mạnh, vũ khí hiện đại lại thua VN? Ai đã từng đi qua Tây Nguyên và các vùng khác sẽ hiểu được sự khắc nghiệt ngày ấy, hơn 40 năm mà cây cối nhiều nơi vẫn không mọc nổi do chất dioxin.
Đề nghị bác Na bô chỉ ra "nhiều vùng" là những vùng nào mà cây cối vẫn không mọc nổi do chất dioxin.
Trích dẫn
Các trận ta "bị thương vong nhiều" là cụm từ chủ yếu, như trận Chư Tan Kra (dBB7-eBB 209-fBB 312)hơn 40 năm mới biết ta hi sinh hơn 200 người chỉ được biết rộng rãi qua PV Việt Thường của báo TTVH. Trận này không có trong chiến lệ vì ta không diệt được cứ điểm và hi sinh nhiều 
Sao bác biết trận này không có chiến lệ?  ;D Có rất nhiều trận đánh không tiêu diệt được cứ điểm và hi sinh thậm chí còn nhiều hơn nhưng vẫn đưa vào bình thường. Có hẳn cả những cuốn viết rõ ràng (đại ý) "cuốn này nói về những trận đánh không thành công, thương vong nặng" nữa. Về những phân tích cụ thể, thường chỉ có trong sách về hậu cần. Ở đó có nói mỗi đơn vị thương vong thế nào, loại vết thương, v.v.. Còn những sách chiến lệ nói chung chỉ ghi tổng quát, vì đó không phải trọng tâm của chiến lệ, sách chiến lệ của VNCH cũng vậy.
Con số của mấy bác nhà báo ta cũng nên thận trọng, vì thông tin về thương vong của họ nhiều khi là nghe kể. Anh em dính nhiều vụ kiểu này lắm rồi.
http://www.thethaovanhoa.vn/306N20090428091839176T132/nhung-vong-hon-tren-dinh-chu-tan-kra-bai-1.htm
Đây là bài viết PV đi thực tế cùng CCB, bác tham khảo nhé. Những thông tin của các CCB như bác Lixeta là rất chuẩn ;D
Nếu bác có dịp đi đường HCM sẽ thấy có rất nhiều đồi trọc đó, mời bác đi thực tế đi(trong hình báo TTVH cũng có đồi trọc). Mình là dân Tây Nguyên nên có thể confirm được ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: _new trong 24 Tháng Bảy, 2009, 12:11:55 am
http://www.thethaovanhoa.vn/306N20090428091839176T132/nhung-vong-hon-tren-dinh-chu-tan-kra-bai-1.htm
Đây là bài viết PV đi thực tế cùng CCB, bác tham khảo nhé. Những thông tin của các CCB như bác Lixeta là rất chuẩn ;D
Nếu bác có dịp đi đường HCM sẽ thấy có rất nhiều đồi trọc đó, mời bác đi thực tế đi. Mình là dân Tây Nguyên nên có thể confirm được ;D
Phóng viên nghe các cụ CCB kể, mà vì nhiều lý do lời kể là không chính xác. Ví như một chiến sỹ thấy tiểu dội mình hi sinh hết, rất dễ có tâm lý suy nghĩ là cả c hoặc cả d đã thương vong. Nhiều, nhiều lý do khác nữa... Bọn em đi cãi nhau dính rất nhiều vụ kiểu này. Ví dụ bác có tin ở đồi A1 trong CZ ĐBP, 3000 chiến sỹ đã hi sinh không?
Chuyện dioxin. Đồi trọc ở miền băc đầy ;), có thể là do ... phá rừng.  ;) Em không thèm đi thực tế ;D vì ... vợ em làm về dioxin  >:(. Tây Nguyên không phải là trọng điểm rải chất diệt cỏ. Ở các vùng như A Lưới là trọng điểm và nặng nhất thì hiện cây thấp vẫn mọc bình thường, chỉ một số chỗ cây gỗ lớn không mọc được.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 24 Tháng Bảy, 2009, 12:29:59 am
http://www.thethaovanhoa.vn/306N20090428091839176T132/nhung-vong-hon-tren-dinh-chu-tan-kra-bai-1.htm
Đây là bài viết PV đi thực tế cùng CCB, bác tham khảo nhé. Những thông tin của các CCB như bác Lixeta là rất chuẩn ;D
Nếu bác có dịp đi đường HCM sẽ thấy có rất nhiều đồi trọc đó, mời bác đi thực tế đi. Mình là dân Tây Nguyên nên có thể confirm được ;D
Phóng viên nghe các cụ CCB kể, mà vì nhiều lý do lời kể là không chính xác. Ví như một chiến sỹ thấy tiểu dội mình hi sinh hết, rất dễ có tâm lý suy nghĩ là cả c hoặc cả d đã thương vong. Nhiều, nhiều lý do khác nữa... Bọn em đi cãi nhau dính rất nhiều vụ kiểu này. Ví dụ bác có tin ở đồi A1 trong CZ ĐBP, 3000 chiến sỹ đã hi sinh không?
Chuyện dioxin. Đồi trọc ở miền băc đầy ;), có thể là do ... phá rừng.  ;) Em không thèm đi thực tế ;D vì ... vợ em làm về dioxin  >:(. Tây Nguyên không phải là trọng điểm rải chất diệt cỏ. Ở các vùng như A Lưới là trọng điểm và nặng nhất thì hiện cây thấp vẫn mọc bình thường, chỉ một số chỗ cây gỗ lớn không mọc được.
Trời, chán bác này ghê, bác nên theo dõi hết các phần phóng sự chứ. Đơn giản ta lấy số lượng bộ đội của D7-E209 lúc xuất trận trừ đi số lượng rút về vùng tập kết là ra ngay số hi sinh, hầu hết là năm lại trên núi. Còn đồi trọc thì trước kia là các vùng rừng nguyên sinh, dĩ nhiên phải có cỏ dại chứ? Bắt bẻ nhau quá ;D Trên forum này có bác phamvanchuc là CCB của đơn vị tham gia trận đánh này bác có thể hỏi thêm thông tin.
http://www.quansuvn.net/index.php?topic=6470.0
 
Cuốn “Lịch sử trung đoàn 209, Sư đoàn 7”, NXB QĐND 2004, trang 94 – 95 viết: “Trong trận tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở cao điểm 995 (thuộc núi Chư tan Kra), 204 lính Mỹ đã bị tiêu diệt, ta bị thương và hy sinh hơn 200 đồng chí. Trận đánh Mỹ đầu tiên tại cao điểm 995, trung đoàn không dứt điểm nhưng là trận đánh mở màn của trung đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ. Trận đánh đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu gan dạ, không sợ hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 209, đó chính là truyền thống của một trung đoàn đã được xây dựng từ những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Hôm nay, truyền thống đó lại tiếp tục phát huy trên chiến trường chống Mỹ. Nhiều gương chiến đấu anh dũng đáng được nêu gương học tập như đồng chí Nhạc (đại đội phó đại đội 1) bị thương lòi ruột, tự tay mình nhét ruột vào để tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu; như đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm một mình ôm bộc phá xông lên diệt lô cốt địch cho bộ đội xung phong, rồi sau đó chỉ huy bộ đội chiến đấu liên tục cho đến lúc hy sinh”.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: _new trong 24 Tháng Bảy, 2009, 01:57:06 am
Trời, chán bác này ghê, bác nên theo dõi hết các phần phóng sự chứ. Đơn giản ta lấy số lượng bộ đội của D7-E209 lúc xuất trận trừ đi số lượng rút về vùng tập kết là ra ngay số hi sinh, hầu hết là năm lại trên núi. Còn đồi trọc thì trước kia là các vùng rừng nguyên sinh, dĩ nhiên phải có cỏ dại chứ? Bắt bẻ nhau quá ;D Trên forum này có bác phamvanchuc là CCB của đơn vị tham gia trận đánh này bác có thể hỏi thêm thông tin.
http://www.quansuvn.net/index.php?topic=6470.0
 
Cuốn “Lịch sử trung đoàn 209, Sư đoàn 7”, NXB QĐND 2004, trang 94 – 95 viết: “Trong trận tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở cao điểm 995 (thuộc núi Chư tan Kra), 204 lính Mỹ đã bị tiêu diệt, ta bị thương và hy sinh hơn 200 đồng chí. ”.
Phản pháo.  ;)

Hi, em có đọc rồi chứ bác, ngày nào em chẳng lượn qua quansuvn mấy bận ;).
Đó là em "cảnh báo" về mặt thông tin của phóng viên nói chung và bài post của bác nói riêng, chứ em không đặt trọng tâm vào việc cập đến những con số. Phần này cũng chỉ là một phần nhỏ trong toàn bài Ném đá của em thôi. ;) Bác lấy thông tin từ cuốn sử e209 ra thì là một thông tin bổ khuyết giá trị, còn nếu chỉ là lời kể lại của các CCB (ví dụ cấp Anh nuôi), những lời kể đó chỉ mang tính tham khảo.
Sở dĩ em bắt bẻ bác Na Bô  ;D từng câu chữ như vậy, ngoài lý do trên còn một phần là bác viết “200 hi sinh” ;D. Nếu chỉ nói 200 hi sinh thì dễ có người đặt vấn đề số bị thương đâu. Và cứ theo đà đó, con số thương vong sẽ không dừng lại ở 200, mà sẽ là cỡ 400.  Vì thường thì trong KCCM, con số bị thương thường gấp 2 lần số vong. Trong khi trận đánh trên, 200 là bị thương và hi sinh, vậy có thể "suy ra" những con số là khoảng 100 hi sinh và 100 bị thương. 200 người này ta không mang về được.

Về vấn đề đồi trọc và dioxin, em nói thật đấy. :D Ở Tây Nguyên không phải là trọng điểm rải chât diệt cỏ. Những vùng dính nhiều như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đông Nam Bộ mật độ rải dày đặc nhưng cây vẫn mọc được. Chỉ một vài nơi do tồn lưu quá nặng (những điểm này rất ít, nặng nhất là ở A Lưới, sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hoà) thì mới không có cây to. Địa hình đồi núi thì tồn lưu càng được rửa trôi nhanh hơn. Vậy nên, dựa hơi vợ em “kết luận”, 99% đồi trọc ở Tây Nguyên không phải là do Herbicide mà là do dao phay, cưa máy.  ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: saruman trong 24 Tháng Bảy, 2009, 05:05:05 pm
Trong khi trận đánh trên, 200 là bị thương và hi sinh, vậy có thể "suy ra" những con số là khoảng 100 hi sinh và 100 bị thương. 200 người này ta không mang về được.
Theo Mĩ đếm xác thì trận này ta để lại 135 xác, 2 người bị thương kẹt lại và bị bắt. Tạm lấy số này, còn khoảng gần 70 người có lẽ đã được cáng về bệnh viện dã chiến, và chắc là hi sinh thêm 1 số nữa. Vậy số hi sinh cỡ 150


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: altus trong 24 Tháng Bảy, 2009, 05:20:43 pm
Theo Mĩ đếm xác thì trận này ta để lại 135 xác, 2 người bị thương kẹt lại và bị bắt. Tạm lấy số này, còn khoảng gần 70 người có lẽ đã được cáng về bệnh viện dã chiến, và chắc là hi sinh thêm 1 số nữa. Vậy số hi sinh cỡ 150

Vậy, vậy...ta không mang được liệt sỹ hi sinh tại trận nào về tuyến sau à?  ???


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 24 Tháng Bảy, 2009, 06:37:51 pm
Vụ này chắc phải nhờ bác phamvanchuc thôi, số liệu của CCB là tương đối chuẩn nhất ;D
@_news: đ/c có nguồn nào để phân tích không? Đừng có suy ra như vậy, nhất là vụ dioxin chỉ hỏi ý kiến vợ thì không ổn lắm. Nếu không phải là dân Tây Nguyên, không sống ở đó mà đưa ra con số 99% rừng bị phá do dân là sách vở? Đ/c đã lên Sa Thầy chưa?
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/FSB14-ivydragoonsorg.jpg)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: _new trong 24 Tháng Bảy, 2009, 09:50:14 pm
@_news: đ/c có nguồn nào để phân tích không? Đừng có suy ra như vậy, nhất là vụ dioxin chỉ hỏi ý kiến vợ thì không ổn lắm. Nếu không phải là dân Tây Nguyên, không sống ở đó mà đưa ra con số 99% rừng bị phá do dân là sách vở?
Nguồn em đầy ;D, đã nói là vợ em làm về dioxin mà.  ;D Bác thích tài liệu nào để em đưa lên. :D
Còn thì em xin ... tuyên bố ;D, em nói chưa chuẩn. Chính xác hơn phải là: 99% đồi núi trọc ở Tây Nguyên không phải là do herbicide.  :D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 24 Tháng Bảy, 2009, 10:02:28 pm
@_news: đ/c có nguồn nào để phân tích không? Đừng có suy ra như vậy, nhất là vụ dioxin chỉ hỏi ý kiến vợ thì không ổn lắm. Nếu không phải là dân Tây Nguyên, không sống ở đó mà đưa ra con số 99% rừng bị phá do dân là sách vở?
Nguồn em đầy ;D, đã nói là vợ em làm về dioxin mà.  ;D Bác thích tài liệu nào để em đưa lên. :D
Còn thì em xin ... tuyên bố ;D, em nói chưa chuẩn. Chính xác hơn phải là: 99% đồi núi trọc ở Tây Nguyên không phải là do herbicide.  :D

He he, vì thấy đ/c thích"ném bom" nên mình quăng lại, sống hơn mấy chục năm trên đó mình hiểu được sự khắc nghiệt của chiến tranh để lại. Nhất là vùng Bắc Tây Nguyên phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến khốc liệt của 2 bên, trong vùng còn nhiều thùng chất độc còn nguyên đấy. Hơn 40 năm qua đi di chứng chiến tranh đã phai mờ đi, tuy nhiên ảnh hưởng của nó làm đất Kon Tum rất xấu(đất cát, sỏi, bạc màu...do mất rừng phòng hộ đầu nguồn, là 1 tỉnh nghèo của VN), không bằng Gia Lai, Đăk Lăk...Còn các vùng Quảng Trị, Quảng Ngãi ...thì đồng ý với ý kiến đ/c. Tỉ lệ đồi trọc, phá rừng do chiến tranh gây ra vào khoảng 30-40%. Bây giờ về lại đúng là dân phá rừng nhanh quá, sạch hết cả chung qui cũng bởi nghèo quá, hơn 20 năm về trước rừng vẫn còn xanh, vào rừng còn gặp giao thông hào, đạn M79, cối để đầy do dân rà sắt đào lên, người chết vì bom mìn rất nhiều, nhất ở căn cứ Tân Cảnh, đồi charly, các trân địa năm xưa.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: _new trong 24 Tháng Bảy, 2009, 10:39:46 pm
Thùng hóa chất vẫn còn ở Tây Nguyên thì em xác nhận, ... vợ em  ;D có tham gia giải quyết mấy vụ đó. Xung quanh đó có những dải đất cây cối không mọc được, nhưng diện tích cũng nhỏ thôi. Và cụ thể hơn, những chất đó (những chất đã được tìm thấy) không phải là chất da cam.
Em vẫn mạnh dạn tuyên bố ;D, đồi núi trọc ở Tây Nguyên nói chung và KonTum nói riêng 99% không phải là do chất da cam/dioxin :D. Nếu bác cho rằng nhữn đồi núi trọc đó là do tác động của chất da cam/dioxin, bác cần liên hệ với Bộ TNMT ngay, để nhà chức trách có biện pháp khắc phục, tránh để ảnh hưởng đến bà còn trong khu vực. Ở A Lưới có một vùng thung lũng nhỏ còn tồn lưu chất da cam/dioxin, Đà Nẵng cũng có cái hồ con con dính tồn lưu chất này mà đều phải có khuyến cáo để bà con thận trọng. ... Cả dải đồi núi nhiễm dioxin cây cối không mọc được, vấn đề nghiêm trọng rồi đó bác. ;)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 24 Tháng Bảy, 2009, 10:54:03 pm
Thùng hóa chất vẫn còn ở Tây Nguyên thì em xác nhận, ... vợ em  ;D có tham gia giải quyết mấy vụ đó. Xung quanh đó có những dải đất cây cối không mọc được, nhưng diện tích cũng nhỏ thôi. Và cụ thể hơn, những chất đó (những chất đã được tìm thấy) không phải là chất da cam.
Em vẫn mạnh dạn tuyên bố ;D, đồi núi trọc ở Tây Nguyên nói chung và KonTum nói riêng 99% không phải là do chất da cam/dioxin :D. Nếu bác cho rằng nhữn đồi núi trọc đó là do tác động của chất da cam/dioxin, bác cần liên hệ với Bộ TNMT ngay, để nhà chức trách có biện pháp khắc phục, tránh để ảnh hưởng đến bà còn trong khu vực. Ở A Lưới có một vùng thung lũng nhỏ còn tồn lưu chất da cam/dioxin, Đà Nẵng cũng có cái hồ con con dính tồn lưu chất này mà đều phải có khuyến cáo để bà con thận trọng. ... Cả dải đồi núi nhiễm dioxin cây cối không mọc được, vấn đề nghiêm trọng rồi đó bác. ;)

He he, đừng nói to thế chứ đ/c ;D. Mình đâu đưa ra con số 99% đâu, chỉ là 30-40% à? Về vấn đề đồi trọc thì mình chỉ đưa ra tác động lúc đầu của nó thôi: chất độc phun xuống-->cây rụng lá và chết-->đất không có cây che phủ-->mưa(6 tháng ở Tây Nguyên) rửa sạch chất độc, quét sạch các chất màu mỡ-->đất bạc màu, sỏi đá-->cây to không lên được-->còn cây cỏ mọc-->đồi trọc ;D
Nếu mà Tây Nguyên còn dioxin thì mình cũng tiêu rồi, ý là mình phân tích tác động của chất độc thôi. Nếu đ/c có dịp qua Tây Nguyên vào mùa mưa sẽ gặp những cơn lũ quét bất ngờ có thể cuốn trôi cả con Land như ở Lâm Đồng vừa rồi, thì làm sao hơn 40 năm mà chất dioxin còn ngấm trong đất được ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: _new trong 24 Tháng Bảy, 2009, 11:01:16 pm
He he, ngồi buồn nên em ném đá bác tí cho sôi động ít, giờ cũng dông dài quá xá rồi, em xin thu đá lại ạ. Có gì bác bỏ qua, đừng giận hén.  ;D

Xin lỗi các bác mod, phiền các bác rồi. Xin nhờ các bác xóa bài hộ ạ.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: phamvanchuc trong 28 Tháng Bảy, 2009, 11:47:06 am
Đọc thấy tản mạn quá ,qua trang này tôi mong các thành viªn ,ai có cha (Ýt thôi )chú,bác ,anh,em nhap ngũ tại Hanoi ngày 24/3 hoac 27/3/1967 mà nay đã d­uoc TO QUOC GHI CONG hy sinh o mat tran phia nam,muon biet them thong tin ve dia diem co the la cung don vi "linh mu sat" thi lien lac voi ban lien lac CCB chung toi.
 Hien nay  ke hoach dung dai tuong niem dang co chieu huong thuan loi do co su cong nhan cua BQP ve tran do roi . Nhung Tay Nguyen dang mua mua viec quy tap bi han che, chac den mua kho nay chung toi se tim thay nhieu dong doi hon.
Hien tai ai co thong tin gi ve don vi khong van cua Lu Doan Du 173  MY hoat dong o Tay Nguyen trong nam 1968 thi cung cap cho chung toi .
 Quan doi ta danh nhau voi My thoi do la doi quan di giu nuoc nen ho so trong chien tranh khong the  nhu quan doi My chuyen nghiep di danh nhau o nuoc ngoai tu ca gan the ky nay roi .The cac cu CCB moi phai di thuc dia tim dong doi .Mong cac thanh vien va ban doc ung ho chung toi.Cam on  .
------------------------------
 Bác phamvanchuc sửa bài thành có dấu đi hộ em cái! ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: altus trong 28 Tháng Bảy, 2009, 08:22:41 pm
Theo trang mạng của Lữ dù 173:

http://www.173rd.com/history.htm

thì năm 1968 họ đóng đại bản doanh ở Bình Định, và có tham gia hai chiến dịch đáng kể là:


44. WALKER 16/01/1968 - 31/01/1969 An Khê

45. COCHISE 30/03/1968 - 31/01/1969 Bồng Sơn

Cũng có một số hoạt động quy mô nhỏ hơn trên địa bàn Tây Nguyên.

Tuy nhiên có lẽ nếu chú cung cấp thêm thông tin ngày tháng, địa điểm chú quan tâm tìm kiếm thì tốt hơn, vì tìm chung chung cả năm phức tạp hơn nhiều.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 03 Tháng Tám, 2009, 10:04:01 pm
http://thethaovanhoa.vn/306N2009071910473950T132/tim-lai-xuong-cot-nguoi-linh-mu-sat-ha-noi-p1.htm
Viết tiếp loạt bài "Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra"Chủ Nhật, 19/07/2009 10:47     
Tìm lại xương cốt người lính mũ sắt Hà Nội (P1)
Phóng sự của Mạnh Cường

Sau hành trình tìm lại Chư tan kra đúng 3 tháng, những cựu binh Hà Nội lại lên đường trở vào Tây Nguyên. Thông tin tìm thấy 15 hài cốt của “lính mũ sắt” phát đi từ Sa Thầy, Kon Tum, đã  khiến họ không thể ngồi yên, dù Tây Nguyên đang mùa mưa rừng.

Lần trở lại của đoàn cựu binh, không khí đã vợi bớt phần nào nỗi đau xót cho những vong hồn đồng đội 41 năm không một nén nhang, không một lời thăm viếng. Nhưng suy tư lại nặng trĩu bội phần, bởi nhiệm vụ phải tìm bằng được những hố chôn đã vùi lấp xương cốt của hơn 200 chàng trai Hà Nội năm xưa.

Đường tìm kiếm

Hoặc bây giờ, hoặc không bao giờ       

Vào Tây Nguyên lần này, không chỉ có những người lính cũ của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 mà có cả đoàn thân nhân gia đình liệt sĩ Hà Nội khởi hành trước đó một ngày. Họ vào Tây Nguyên để tận mắt thấy đỉnh Chư tan Kra, nơi người thân nằm xuống. Đường Trường Sơn lại đón họ với đèo dốc quanh co, rừng núi điệp trùng.

Chặng dừng chân ở Phong Nha, Quảng Bình, "trưởng đoàn" Hồ Đại Đồng đã “uý lạo” anh em, mà tất thảy đều là thương binh của trận chiến năm xưa: "Những người thân của chúng ta hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, đã chiến đấu và hi sinh theo ý nguyện thống nhất Tổ quốc. Có nghĩa là hành vi của chúng ta là tự giác, có tổ chức và việc của chúng ta sau hơn 40 năm đi tìm anh em cũng phải là hành vi tự giác và có tố chức. Lần này trở lại, ngoài việc làm một lễ nhỏ với 15 bộ hi cốt vừa tìm thấy, nhiệm vụ hàng đầu của đoàn là kết hợp với lực lượng địa phương xác định những địa điểm chiến đấu để tiến tới mục tiêu đến hết ngày 30/7 giải quyết hết những phần mộ cần quy tập. Không thể để khi nhắm mắt xuôi tay mà đồng đội vẫn nằm lại Chư tan Kra, hoặc là bây giờ hoặc là không bao giờ chúng ta làm được nữa. Anh em đây đều là thương binh, chỉ với năm nữa thôi chúng ta sẽ không còn đủ sức khoẻ để làm điều này”.

Trong 15 bộ hài cốt mới thấy chỉ có 3 bộ được xác định danh tính. Nhưng đó phải là tiền đề để có thể xây dựng một khu tưởng niệm những người con Hà Nội chiến đấu hi sinh vì sự thống nhất Tổ quốc. Bởi vì trận đánh này là một trận đánh có địa chỉ, của một tập thể có địa chỉ, một bên là các thân nhân liệt sĩ vẫn sống tại Hà Nội, một bên là các liệt sĩ đã hi sinh nhưng vẫn chưa được lịch sử ghi nhận đầy đủ.

Thân nhân của liệt sĩ trên đỉnh Chư tan Kra

Nước mắt trên đỉnh Chư tan Kra

Tây Nguyên giữa mùa mưa, thời tiết bấp bênh, lúc nắng lúc mưa. Dòng Crơng-pơcơ ắp nước xanh ngắt, vậy mà thoắt mưa đã ngầu bùn đất. Mới hơn 7 giờ sáng, nắng như đổ lửa xuống cao nguyên. 29 người, trong đó 16 thân nhân liệt sĩ chủ yếu là người già, còn lại "lính mũ sắt" Hà Nội đều là thương binh đã tập kết tại làng kinh tế mới gần dưới chân Chư tan Kra. Đó cũng là nơi đội K53, đơn vị làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sỹ của tỉnh đội Kon Tum đứng chân.  Tăng, võng, áo mưa đi rừng, nước uống và cả hoa quả, vàng nến, hương trầm, đồ lễ viếng được chiến sĩ K53 gùi theo.

Đoàn người men theo đường yên ngựa giữa hai đỉnh cao 1124 và 996 tiến lên đỉnh Chư tan Kra. Cảnh rừng loang lổ, chỗ trơ trọi đồi nương, chỗ rậm rạp ướt át, chỗ trơn tuột. 3 tiếng đường rừng thử thách. Như hành trình đến vùng đất thiêng, cnàg lên cao thì kí ức về những người đã nằm xuống càng da diết. Câu chuyện dọc đường rừng, nuớc mắt rơi cùng với mồ hơi.

Anh Tạ Quốc Bình ở 17 Hàng Điếu, là chú ruột liệt sĩ Tạ Tương Thuận, cách đây 4 năm, đã cùng chị gái lặn lội vào Sa Thầy suốt 20 ngày. Lúc đó, anh Bình chỉ biết đi tìm tất cả các nghĩa trang ở huyện Sa Thầy. Vì Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đổi tên liên tục và trận đánh diễn ra bí mật bất ngờ, nên ngay cả sổ tang của Quân đoàn 3 cũng không có tên Liệt sĩ Thuận. Anh Bình sang Sư đoàn 10 rồi liên hệ với Sở LĐ,TB&XH Kon Tum cũng không có. Anh quay trở lại nghĩa trang Sa Thầy, chỉ biết ôm những bó hương khóc mà không biết tìm người than ở nơi nào.

Anh Bình rất xúc động, 4 năm từ đó trôi đi cho đến đầu năm vừa rồi, gia đình nhận được thông tin của một người quen cũng là thân nhân đi tìm liệt sĩ đọc tin thấy tên Liệt sỹ Thuận tại Quân đoàn 4. Quân đoàn 4 lại giới thiệu ra Hà Nội nên anh tìm được người đồng đội mà trước đây đến nhà anh báo tin, đó là chú Thạch, “lính mũ sắt” ở ngõ Phất Lộc. Chú Thạch nói rõ, hồi đấy có lần gặp mẹ anh Thuận nhưng chỉ ôm cụ mà khóc và nói với cụ "rồi anh ấy sẽ về" mà không nói thật rằng anh Thuận đã hi sinh, vì chính sách thời đó chưa cho phép. Trong trận Chư tan Kra, trong cùng một chiến hào, Thạch là người ôm khẩu cối và Thuận ôm khẩu AK, anh Thạch bị thương còn anh Thuận hi sinh tại chỗ. Qua đó gia đình mới biết liệt sỹ Thuận hi sinh ở Sa Thầy.

Một hố tìm hài cốt

Trong đoàn có anh Nguyễn Văn Ngọc đi tìm hài cốt anh trai. Khi đi, mẹ anh dặn đi dặn lại, cố tìm được anh để bà cụ mất còn nhắm mắt. Vậy mà, đang ở giữa đường lên đỉnh Chư tan Kra anh nhận được điện thoại báo tin mẹ mất. Anh bần thần như mất hồn, miệng lẩm nhẩm: "Mong mẹ yên lòng nhắm mắt xuôi tay". Không ai cầm được nước mắt.   

Đỉnh Chư tan Kra còn lưu giữ xương cốt của những người là anh em ruột thịt trong gia đình. Năm 1968 cả ba anh em nhà họ Trương ở làng Yên Phụ, Tây Hồ là Trương Văn Khánh, Trương Đức Chính và Trương Công Dũng đã cùng sát cánh trên đỉnh núi khốc liệt này, để ngày hơm nay chỉ còn thương binh Trương Công Dũng đi tìm hai người anh cùng đơn vị “lính mũ sắt” giữa đỉnh cao gió lộng.

9h 51 phút sáng, sau gần 3 tiếng vượt đường rừng, mâm lễ nhỏ đã được soạn ra tại một nuơng lúa bên sườn gần đỉnh Chư tan Kra. Mâm lễ có rượu, thuốc lá và bó hoa cúc trắng. Lần đầu tiên sau 41 năm. Liệu vong hồn những thanh niên Hà thành có cảm nhận được nước mắt của những người ruột thịt? Mong mỏi của các thân nhân liệt sĩ là dù được tìm thấy hay chưa thì những vong hồn liệt sĩ cũng có được nén hương tưởng nhớ đúng nơi các anh đã hi sinh. Và nguyện vọng cuối cùng mà họ nung nấu là một ngày gần đây, tất cả các anh được sẽ được Nhà nước quy tập về lại quê hương, trong lòng đất quê.

Chia sẻ với phóng viên TT&VH ngay trên đỉnh Chư tan Kra, Đại tá Hoàng Đình Nguyên, Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum, cho biết, trong lúc đội quy tập K53 đang làm nhiệm vụ bên Lào và Cămpuchia thì nhận được thông tin về trận đánh này trên báo TT&VH và từ Thượng tướng Nguyễn Thế Trị. Ban chính sách đã lập tức báo cáo về tham mưu cho Bộ chỉ huy giao cho cơ quan quân sự huyện Sa Thầy tiến hành tìm kiếm. Trong một tuần, Huyện đội Sa Thầy quy tập được 12 bộ hài cốt liệt sĩ. Nhận thấy không đủ khả năng, lực luợng và phương tiện bảo đảm cho việc quy tập, nên cơ quan quân sự Sa Thầy báo cáo bằng văn bản về Phòng chính trị, cơ quan quân sự tỉnh. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã điều đội K53 lên đường mang theo đầy đủ phương tiện, tiến hành quy tập. Sau 3 tháng ròng rã tìm kiếm, đến nay con số liệt sĩ tìm thấy vẫn dừng lại ở con số 15, trong đó có liệt sĩ Tạ Ngọc Giao được xác định rõ danh tính, là người đầu tiên đã trở về Hà Nội.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 03 Tháng Tám, 2009, 10:05:40 pm
http://thethaovanhoa.vn/132N20090720025148775T132/di-vao-su-xanh-p2.htm
Viết tiếp loạt bài "Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra"Thứ Hai, 20/07/2009 14:44     
Đi vào sử xanh (P2)
Phóng sự của Mạnh Cường – Việt Thường

(Tiếp theo kỳ trước)

>>> Tìm lại xương cốt người lính mũ sắt Hà Nội

Theo thông tin của những người dân đi rà phế liệu, trong phạm vi hơn 10km2 ở Chư tan Kra đều tìm thấy mũ sắt. Vậy xương cốt các anh ở đâu giữa những đỉnh cao này? Điều đó phụ thuộc vào trí nhớ của những người lính già, nhưng 41 năm, cảnh sắc thay đổi, đại ngàn thành đồi nương, cỏ tranh, nứa ken đặc lối đi, việc tìm nơi các anh nằm xuống tại thực địa không hề đơn giản.

134 hài cốt trong 3 hố chôn tập thể

Mười ngày ăn chực nằm chờ, những người lính già thi gan cùng mùa mưa Tây Nguyên để tìm bạn. Một ngày đi rừng, một ngày nghỉ cho bắp chân kịp hồi phục, ngày sau lại đi. Tây Nguyên mùa này, mưa “không báo trước”. Vừa nắng khô rang, thoắt cái đã mưa như trút, đất rừng bốc hơi ngùn ngụt. Đã có tăng võng mang theo, mưa không cản được bước chân những người thương binh đi tìm liệt sĩ.

Lán dã chiến, nơi đặt tạm hài cốt liệt sỹ được tìm thấy trên đỉnh Chư tan Kra

Ban đầu các cựu chiến binh dự định cả đoàn hành quân lên đồi để tìm các hướng chính của trận đánh. Sau đó sẽ chia ra từng tổ theo hướng đánh của từng đại đội để xác định các hố chôn tại các đỉnh cao. Tại cao điểm 1124 do lính Mĩ chôn bộ đội ta 134 liệt sĩ, tại 3 hố. Tại đỉnh 996 cũng có trên 40 anh em lính mũ sắt Hà Nội do bộ đội ta tự chôn.

Hiện chúng tôi đã có trong tay tài liệu mật do Mỹ cung cấp cho Việt Nam tháng 9 năm 2000 nhằm thúc đẩy quá trình tìm kiếm liệt sĩ, hiện văn bản gốc lưu tại Sở LĐTB&XH Kon Tum. Tài liệu của Cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam (8605 Carmeron street, suite 400, silver spring MD 20910 mục 240), bằng tiếng Anh ghi rõ:

"Ngày xảy ra sự cố: 26/3/1968. Địa điểm: tỉnh Kon Tum. Làng gần nhất: Polei chuot. Tọa độ ghi trên bản đồ YA939913 - 6537IV Polei Jar sieng. Vị trí mộ, số xác chôn 134, trong 3 mộ. Đơn vị Hoa Kỳ có quan hệ: Tiểu đoàn thứ 6, Pháo binh thứ 29.Tiểu đoàn bộ binh thứ 8, trú đóng có pháo đội C, Tiểu đoàn thứ 6, Pháo bộ thứ 29 tại FSB14”.

Trước đó, trong báo cáo tác chiến của đơn vị Mỹ đồn trú ở đây ghi rõ: Ngày 12/3/1968: bị pháo kích 35 quả, loại đạn 60mm; 13/3: 13 quả đạn rốc két 122mm; 14/3: 30 quả đạn 82mm; 15/3: 6 quả đạn 120mm; 6 quả đạn 120mm; 16/3: 8 quả rốc két 122mm; 22/3: ị 8 quả đạn 75mm súng không giật.

Trận đánh ngày 26/3/1968 được ghi lại vắn tắt như sau: Tiểu đoàn thứ 3 bộ binh thứ 8 trú đóng có Pháo đội C, Tiểu đoàn thứ 6, Pháo binh thứ 29 tại FSB 14 (YA 939.913) bị OPCON đối với Lữ đoàn 3 và Tiểu đoàn 2. Đơn vị Pháo binh thứ 9 cũng bị tấn công bằng vũ khí hạng nặng gồm rốc két, B40 và khoảng 100 quả pháo 82mm. Cuộc tấn công bằng loại vũ khí này là để mở đầu cho cuộc tập trung tấn công trên bộ do khoảng 2 tiểu đoàn lính Bắc Việt. Dùng súng phóng hỏa, bộ đội Bắc Việt đã tràn vào bên trong hàng rào thép gai phòng thủ và vào bên trong một ổ súng đại bác. Họ nỗ lực đánh bật quân Mỹ ra khỏi FSB. Bằng kỹ thuật bắn trực xạ, từ những ổ súng còn lại, Pháo đội C đã khôi phục lại được vị trí đặt súng và bằng cách đó, đã phá hủy được đại bác ngắn nòng của đối phương. Loại đạn tổ ong được bắn ra 15 quả, loại đạn công phá mạnh 400 quả, đôi lúc ngay tại các điểm gần trong tầm tác xạ trống, để đẩy lính Bắc Việt ra khỏi FSB. Xác chết lính Bắc Việt đếm được là 134. Thời gian cuộc tấn công xảy ra từ lúc 03h30 đến 07h30. Ngày 28/3: tiếp tục bị pháo kích 17 quả đạn 82mm; ngày 29/3: bị 23 quả đạn 82mm. Riêng cao điểm Chư tan Kra bị 5 cuộc tấn công bằng pháo, khiến 10 lính Mỹ bị thương.

Trong báo cáo tác chiến của Tiểu đoàn thứ nhất, pháo binh thứ 92 OR-U Bộ chỉ huy tiểu đoàn ngày 5/5/1968 có chi tiết về trận đánh này như sau: Đạn pháo Shell A149 đã lần đầu tiên được bắn đi vào ngày 26/3/1968. 24 quả đạn đã được bắn đi trong tầm tác xạ 9.400m. Quan sát viên tiền phương đã yêu cầu và được báo cáo thường lệ rằng, những quả đạn ấy đã đến được mục tiêu, có hiệu quả và kết quả tuyệt hảo. Chúng được bắn đi trong việc phòng thủ căn cứ yểm trợ hỏa lực 14, tại tọa độ YA 939913 khi các đơn vị tại đây đang bị hai tiểu đoàn của quân Bắc Việt tấn công dữ dội. Họ được yểm trợ bởi súng phóng hỏa, đạn rốc két và đạn pháo. 135 địch quân bị chết, đếm được xác tại chiến trận.

Như vậy, những tài liệu này đã không nói rõ số thương vong phía Mỹ, nhưng có thể thấy rằng số người lính mũ sắt Hà Nội nằm lại trên Chư tan Kra, do Mỹ chôn, là 134 hoặc 135 người. Chưa kể số người được đồng đội chôn cất.

Trận đánh được khắc sâu vào lịch sử

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, Thiếu tướng Vũ Hữu Luận, Cục trưởng Cục Chính sách – Tổng cục Chính trị đã ký công văn số 401/CV-CS ngày 15/6/2009 gửi Cục Chính trị Quân khu 5, Cục Chính trị Quân đoàn 1 về việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Nội dung công văn nêu rõ: Ngày 11/6/2009, đồng chí Thượng tướng Bùi Văn Huấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã làm việc với đồng chí Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 209, Sư đoàn 312.

Nhóm Cựu chiến binh Tiểu đoàn 7 và cán bộ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum trên đường tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.

Sau khi nghiên cứu nội dung thư cung cấp về mộ liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ tại khu vực núi Chư tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum (điểm cao 995: hơn 200 liệt sỹ; điểm cao 996: 44 liệt sỹ) và trao đổi thống nhất với Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, Thượng tướng Bùi Văn Huấn có ý kiến như sau: Giao Cục Chính trị Quân đoàn 1 chỉ đạo Sư đoàn 312 kiểm tra hồ sơ, tài liệu, sơ đồ mộ chí lưu trữ; tập hợp danh sách liệt sỹ hy sinh trong hai trận chiến đấu trên và các thông tin liên quan khẩn trương cung cấp cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum và Ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 209 để bổ sung căn cứ tìm kiếm liệt sỹ. Giao Cục Chính trị quân khu 5 chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kon Tum căn cứ tài liệu được cung cấp, xây dựng kế hoạch, dùng lực lượng đội K 53 tìm kiếm, cất bốc, quy tập mộ liệt Sỹ ở khu vực núi Chư tan Kra.

Đồng thời chúng tôi cũng được biết, Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Thủ đô, Đại tá Hồ Cảnh Thái vừa có công văn số 539/CCT-CS ngày 26/5 gửi Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Viện Chiến lược Quân sự Việt Nam đề nghị đánh giá ý nghĩa trận chiến đấu của Trung đoàn 209 tại Kon Tum. Trên cơ sở những đánh giá này, Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ báo cáo các cơ quan chức năng của UBND TP.Hà Nội để xây dựng đài tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội tại Kon Tum. Đại tá Hồ Khang, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã có công văn trả lời số 149/VLS-KH ngày 6/7/2009, nội dung chính như sau: “Trung đoàn 209 chiến đấu hai trận tại Chư tan Kra vào tháng 3/1968 là có thật. Diễn biến và kết quả của các trận chiến đấu này được các tài liệu phản ánh khá thống nhất, cả phía ta cũng như phía Mỹ. Đây là trận chiến với quân Mỹ đầu tiên của Trung đoàn 209, mà phần lớn quân số là người Hà Nội. Song, điều quan trọng nhất là tuy lần đầu xung trận, đánh quân Mỹ, nhưng trong trận ngày 26/3/1968 Trung đoàn đã diệt gọn hai đại đội và một trận địa pháo Mỹ, số thương vong của ta cũng rất cao. Số liệu này là đáng tin cậy bởi Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 209 đã thống kê rõ. Hai trận chiến đấu ở Chư tan Kra là trận đánh tiêu biểu, mãi được khắc sâu vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, là niềm tự hào và tình cảm thiêng liêng đối với những người đã cống hiện trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Vì vậy, việc tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ tại Chư tan Kra là việc cần kíp, phải làm càng sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Đồng thời, việc xây dựng khu tưởng niệm các liệt sỹ hi sinh tại Chư tan Kra là việc nên làm. Nếu được, bia đá của khu tưởng niệm nên ghi: “Khu tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh tại Chư tan Kra”.

Các anh nằm xuống, và giờ đây dù muộn, cũng đã đi vào sử xanh.

Hy vọng trong mùa khô

Theo ý kiến của Đại úy Trần Đức Độ, phụ trách đội K53, người đã có thâm niên 15 năm lăn lộn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở các tỉnh A Tô Pơ, Xê Kông, Chăm Pa Sắc (Lào), tỉnh Ra Na Ta Ka Ri (Campuchia) và toàn bộ địa bàn Kon Tum, nếu dựng nhà bạt trên đồi thì sinh hoạt rất gian khổ. Mùa mưa, suối đục ngầu, múc lên một phần nước hai phần đất, vận chuyển nước sinh hoạt lên đỉnh đồi là điều không thể thức hiện được. Thêm vào đó chất độc da cam còn nhiều trên các cao điểm khiến việc ăn uống trở nên rất nguy hiểm. Vì vậy, đoàn sẽ đóng quân tại làng kinh tế mới dưới chân Chư tan Kra và hàng ngày dùng xe u - oat để đến chân đồi, sau đó đi bộ cắt rừng tìm kiếm.

Trước khi những người lính cũ của Tiểu đoàn 7 vào Tây Nguyên, việc tìm kiếm của K53 dựa hoàn toàn vào nguồn thông tin của dân, những người đi tìm phế liệu. Huyện, xã báo cho thôn triệu tập bà con đến đặt vấn đề vận động, ai biết thông tin về liệt sĩ ở Chư tan Kra thì thông báo.

Đại tá Hoàng Đình Nguyên – Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum cho biết, vì các anh là thế hệ về sau và trận đánh cũng ít được nhắc tới nên không nắm hết thông tin. Việc các cựu chiến binh Tiểu đoàn 7 ở Hà Nội vào Tây Nguyên là cơ sở quý báu để có thể xác định hướng tiến công, khu vực chôn cất liệt sĩ, khu vực tập kết lực luợng của ta trong trận đánh năm 1968. Đó là những nhân chứng sống để cùng lên thực địa tìm kiếm điểm chiến đấu, điểm bố trí lực lượng, và là cơ sở quan trọng nhất để xác định khu vực chôn cất hài cốt liệt sĩ.

Thông qua TT&VH, Đại tá Hoàng Đình Nguyên cũng muốn nhắn gửi với thân nhân các gia đình liệt sĩ rằng, Kon Tum sẽ làm hết sức để thực hiện ước nguyện đưa tất cả các hài cốt liệt sĩ về quê hương, làm giảm đi phần nào nỗi đau của các thân nhân. Đại tá Nguyên khẳng định, nếu có thông tin mới sẽ huy động thêm lực lượng dân quân vào cuộc. Tuy nhiên, việc tìm kiếm có thể sẽ kéo dài sang đến mùa khô, phải đốt hết cây rậm chết khô, hướng quan sát mới rộng hơn.

TT&VH sẽ thường xuyên cập nhật thông tin mới để gửi tới bạn đọc và thân nhân liệt sĩ về vụ việc này.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 24 Tháng Tám, 2009, 01:47:13 pm
http://thethaovanhoa.vn/306N20090824065535991T132/gap-nguoi-ban-trung-tuong-my-keith-lincoln-ware.htm
Một chiến công có liên quan đến E209:
Gặp người bắn Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware
(TT&VH) - Sau khi vào Chư tan Kra (Kon Tum) tìm mộ chôn tập thể của mấy trăm liệt sĩ Hà Nội thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư 312, các lính cựu của đơn vị này đã vui vẻ kết nạp chúng tôi là “quân danh dự” của tiểu đoàn.
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/my.jpg)
Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware
Đợt 27/7 năm nay, mấy anh em lại ngồi với nhau, và kể cho chúng tôi nghe rằng, những đồng đội của họ cũng đã từng khiến Trung tướng Keith Lincoln Ware, một trong những vị tướng Mỹ cao cấp nhất trên chiến trường miền Nam thiệt mạng vì đụng độ trên mặt trận. Nếu như trong chiến tranh chống Pháp, sĩ quan cao cấp nhất bị bắt là De Castries mới chỉ là Thiếu tướng, thì tướng như Keith Lincoln Ware còn trên một bậc. Nhưng không rõ vì sao những câu chuyện này không nhiều  người biết tới?

Chúng tôi gọi điện hỏi một sĩ quan của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, anh có phần lúng túng: “Lần đầu tiên nghe thấy chuyện này!” Lần đầu tiên sao? Vậy chúng ta bắt đầu tìm kiếm.

Một trong bốn Trung tướng Mỹ chết trận tại Việt Nam

Trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh Việt Nam, có hơn một chục  tướng và đô đốc Mỹ mất mạng. Nhiều nguyên nhân dẫn tới cái chết của những viên tướng này, gồm bị giết, bị tai nạn và gặp bạo bệnh.

Theo tờ Freelance Star, tướng đầu tiên bị giết trong chiến tranh Việt Nam là Trung tướng Bruno A. Hochmuth, 56 tuổi, chỉ huy Sư đoàn 3 bộ binh. Hochmuth thiệt mạng khi chiếc máy bay chở ông này bị bắn nổ và rơi xuống Huế vào ngày 14/11/1967. Hochmuth là người Texas, lãnh đạo Sư đoàn 3 từ tháng 3/1966. Ông này gặp “vận đen” khi đang đi thị sát chiến trường. Một viên phi công bay hộ tống Hochmuth kể lại, chiếc máy bay chở ông ta đang bay ở độ cao hơn 300m thì bất ngờ nổ làm hai mảnh. Tất cả những người đi trên chuyến bay gồm hai phi công, một trưởng nhóm công tác và một phiên dịch viên người Việt đi cùng ông tướng này đều thiệt mạng. Hochmuth là tướng chỉ huy sư đoàn đầu tiên của lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ thiệt mạng trong một cuộc chiến.

Tướng không quân đầu tiên tử nạn được xác định là Trung tướng Robert Worley, chỉ huy Không đoàn 7 của Không lực Mỹ. Tờ Virgin Islands Daily News nói rằng, Worley bị bắn hạ ngày 23/7/1968 khi đang điều khiển một chiếc RF-4C bay cách Đà Nẵng khoảng gần 100km. Viên tướng 48 tuổi này chính là một trong những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong các vụ ném bom ở miền Bắc và miền Nam Việt Nam. Khác với số phận hẩm hiu của những người tùy tùng, viên phi công bay cùng với Worley đã được hệ thống cứu hộ đẩy ra ngoài chiếc máy bay bị bắn hạ và sống sót.

Tướng đầu tiên bị bắn chết dưới đất là Thiếu tướng William R. Bond, chỉ huy Lữ đoàn Bộ binh nhẹ 199. Ông này trúng đạn bắn tỉa và chết vào ngày 1/4/1970. Theo báo chí Mỹ, vào ngày trên, Bond hạ cánh xuống rìa vùng chiến sự D cách Sài Gòn khoảng 100km để kiểm tra việc một toán tuần tra Mỹ đã đụng độ với bộ đội Việt Nam. Tuy nhiên khi vừa bước vài bước ra khỏi chiếc trực thăng, Bond đã bị một viên đạn bắn trúng cổ. Ông này chết vài phút sau khi được đưa tới bệnh viện.

Tiếp đó là Trung tướng John A. B. Dillard, lãnh đạo Lực lượng Công binh thuộc Lục quân Mỹ. Dillard chết vào ngày 13/5/1970 khi chiếc trực thăng chở ông này bị bắn rơi gần Pleiku. Cùng thiệt mạng với ông này là Thiếu tướng C. Edward Adams Jr.

Nhân vật cuối cùng tử trận là Thiếu tướng Richard Tallman. Ngày 9/7/1972, viên tướng chỉ huy Lực lượng hỗ trợ vùng 3 tới tỉnh Bình Long để quan sát các hoạt động quân sự của quân Việt Nam Cộng hòa. Khi chiếc máy bay trực thăng chở Tallman và cộng sự vừa rời đi, một quả đạn pháo đã bất ngờ bắn trúng nhóm sĩ quan Mỹ. Kết quả là 3 sĩ quan Mỹ hộ tống Tallman chết tại chỗ. Ông này được đưa tới bệnh viện ở Sài Gòn nhưng chết trên bàn phẫu thuật.

Ngoài các tướng chết trận trên còn có các cái chết khác. Thiếu tướng Alfred Judson Force Moody bị chết vì đau tim vào ngày 19/3/1967 khi đang làm Trợ lý Sư đoàn trưởng Sư đoàn Kỵ binh bay số 1. Trung tướng William J. Crumm thiệt mạng vào ngày 24/7/1967 khi chiếc máy bay B52 chở theo ông này đâm vào một chiếc B52 khác trên biển Đông - đây là tướng Mỹ đầu tiên chết vì tai nạn tại Việt Nam. Trước đó Crumm đang lãnh đạo Sư đoàn 3 thuộc Đơn vị không quân chiến lược đóng tại Guam, Mỹ. Chung số phận, Trung tướng George William Casey, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, tử nạn vào ngày 7/7/1970 khi chiếc trực thăng UH-1H chở ông này và 7 người khác bị rơi xuống  đất. Đô đốc Rembrandt C. Robinson chết vào tháng 5/1972 do tai nạn máy bay khi đang trở về soái hạm USS Providence. Thiếu tướng Edward B. Burdett, chỉ huy Phi đoàn chiến đấu cơ chiến thuật số 388 đóng tại Sân bay Hoàng gia Korat Thái Lan, mất tích sau một sứ mạng ném bom sân bay Phúc Yên ở miền Bắc Việt Nam vào ngày 18/11/1967. Burdett sau đó được xác định đã chết vào cùng ngày 18/11. Thiếu tướng Charles Jack Girard thì chết vì bệnh lạ.

Nhân vật chính của chúng ta, Trung tướng Keith Lincoln Ware – Tư lệnh Sư đoàn 1 đã bị bắn chết vào ngày 13/9/1968. Có thể thấy ông ta là một trong bốn vị cấp Trung tướng thiệt mạng ngay tại chiến trường.

Trở thành người cầm đầu Sư đoàn Anh cả Đỏ

Theo bách khoa toàn thư mở trực tuyến Wikipedia, Keith Lincoln Ware sinh ngày 23/11/1915 ở Denver, Colorado, Mỹ. Sự nghiệp quân sự của Ware bắt đầu vào ngày 9/7/1941 khi ông ta bị gọi đi nghĩa vụ quân sự và tham dự một khóa huấn luyện cơ bản ở Camp Roberts, California. Ware tham dự Trường ứng viên sĩ quan tại Fort Benning, Georgia và được phong hàm Thiếu úy, chỉ huy một trung đội bộ binh vào tháng 7/1942 và được điều ra chiến trường.

Ware đã tham gia các chiến dịch Algeria - Pháp - Morocco và Tunisia. Các chiến dịch lớn khác gồm có cuộc tấn công Sicily, cuộc chiến Naples - Foggia ở nam Italia, cuộc đổ bộ tại Bãi biển Anzio và các bãi biển tại vùng San Tropez ở nam Pháp vào năm 1944. Sau thời gian phục vụ dài ngày ở chiến trường châu Âu, Ware được thăng lên Thiếu tá vào tháng 12/1944, chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Bộ binh số 15 thuộc Sư đoàn bộ binh số 3.

Ngày 26/12/1944, tiểu đoàn của Ware tổ chức tấn công một vị trí cố thủ của quân Đức đóng trên đỉnh đồi. Ông ta đã có hành động dũng cảm khi chiếm đồi và vì thế được trao tặng Huân chương danh dự. Hành động của Ware được mô tả trong quyết định trao huân chương như sau: Chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 15 Bộ binh tấn công một vị trí mạnh do địch nắm giữ trên một ngọn đồi gần Sigolsheim, Pháp. Ware phát hiện rằng một trong số các đại đội tấn công đã bị chặn và bị hỏa lực mạnh của địch áp chế, gặp thương vong. Nhận thấy rằng các binh sĩ cần tiếp thêm lòng dũng cảm, Thiếu tá Ware đã tự trang bị một khẩu súng tự động và tiến thẳng về phía quân địch, theo sau là 2 sĩ quan, 9 lính bộ binh và một chiếc xe tăng. Khi tiếp cận ổ súng máy địch, Thiếu tá Ware đã bắn gục hai lính bộ binh Đức và bắn đạn vạch đường vào lô cốt, giúp chiếc xe tăng bắn hỏng ụ súng; bắn chết 2 lính hỗ trợ ổ súng máy thứ 2 và buộc những kẻ khác đầu hàng. Chiếc xe tăng bắn hỏng khấu súng máy. Hết đạn, Thiếu tá Ware nhặt một khẩu súng trường M-1, bắn chết một lính Đức và bắn vạch đường vào khẩu súng máy thứ 3 nằm cách đó 50m...

Cần biết rằng Huân chương danh dự là phần thưởng quý giá nhất mà chính phủ Mỹ dành cho một quân nhân. Không giống nhiều lính quân dịch, Ware tiếp tục tại ngũ sau khi chiến tranh kết thúc. Sau 6 tháng tham gia lực lượng chiếm đóng ở Đức, Ware trở lại Trường đào tạo chỉ huy tại Fort Leavenworth. Ông ta được điều động tới trường quân sự West Point để dạy môn Tâm lý và Lãnh đạo quân đội, trước khi được điều đi học trường Đại học sĩ quan quân đội. Từ tháng 3/1955 tới tháng 6/1957, Ware được điều tới tham chiến ở chiến tranh Triều Tiên. Kết thúc chiến tranh, ông ta lại trở về Washington học tập. Ông ta trở thành một trong những cựu lính quân dịch đầu tiên được phong hàm cấp tướng. Tháng 7/1966, Ware được thăng lên cấp Trung tướng.

Lẽ ra được điều động tới Đức, Ware lại đề nghị với Bộ trưởng Lục quân cho đổi công tác và được điều tới Việt Nam. Ware tới Việt Nam một thời gian ngắn sau các cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968. Ông ta được giao làm Tư lệnh phó Quân đoàn II dã chiến. Được chuyển tới Sài Gòn ngay sau các cuộc tấn công Mậu Thân, Ware nắm quyền điều hành các lực lượng Mỹ ở đây, thành lập Lực lượng đặc biệt Ware (Task Force Ware) để đối đầu với các cuộc tấn công của bộ đội Việt Nam. Sau khi lực lượng trên bị giải tán, Ware được điều sang chỉ huy Sư đoàn 1 Bộ binh (Sư đoàn Anh cả Đỏ) hồi tháng 3/1968. Trong khoảng ngày 12 và 13/9 cùng năm, do Sư đoàn Anh cả Đỏ bắt đầu chiến đấu gần Lộc Ninh, Ware đã dùng trực thăng bay sát chiến trường để tiện chỉ huy binh lính. Tuy nhiên chiếc máy bay đã bị bắn hạ. Ware cùng 3 viên phó và tổ lái 4 người đã rơi thẳng xuống đất. Ware là tướng Lục quân Mỹ đầu tiên chết trận ở Việt Nam.

Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi nhận điện từ TP.HCM của anh Chiến, một cựu chiến binh Tiểu đoàn 7: Vào đây, tớ dẫn các bạn đi gặp người chỉ huy trận đánh ấy. Hôm nào đi thì gọi trước một buổi, tớ sẽ đợi ở gần cầu Sài Gòn, đoạn  đầu của Xa lộ Hà Nội.

(Còn nữa)

Việt Thường – Võ Long


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 25 Tháng Tám, 2009, 10:26:30 am
http://thethaovanhoa.vn/132N20090825085742273T132/gap-nguoi-ban-trung-tuong-my-keith-lincoln-ware.htm
Gặp người bắn Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware
(Tiếp theo kỳ trước)

Cao tập – thấp bắn

Chúng tôi qua cầu Sài Gòn và có mặt ở đầu xa lộ Hà Nội. Đường đông nghẹt, nhích từng chút. Anh Chiến đã chờ sẵn để đưa tới nhà của chiến binh Nguyễn Thanh Tân, nơi ông ở nằm ngay gần cổng chào của thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) và tượng đài đặc công chiến thắng Long Bình.

Nhà ông Tân nhỏ, trong lối rẽ từ một ngõ chợ nhỏ, phía trước có một cây dừa lửa cao vừa phải, trái đã chín vàng. Cánh cổng sơn xanh nước biển. Ngoài cửa lủng lẳng mấy cái lồng chim. Trên cửa ra vào có dòng chữ dán bằng xốp xanh đỏ: “Chào mừng quý khách” đã rơi mất chữ G. Có lẽ nó rụng sau đám cưới của cô con gái ít lâu. Hàng xóm nói rằng, ở đây 80 – 90% là gia đình của những người lính đã qua thời trận mạc tìm chỗ an cư. Ông Tân người cao lớn, nằm trên võng, khi chúng tôi vào, hai người láng giềng đang đợi ông ra “chỉ đạo” bóng chuyền, còn vợ và chị gái đang chăm chú phục vụ ông khoản ngoáy tai. Vợ ông bảo, vừa từ cõi chết trở về đấy các chú ạ. Ông ấy bị ung thư xoang, đi xạ (chiếu xạ) ở BV Chợ Rẫy hết 35 – 36 tia, điều trị hai tháng, nằm bốn tháng vừa về nhà. Ra viện đâm nghễnh ngãng, tai thì ra mủ, mắt sụp mí, hay chảy nước miếng; châm cứu, day huyệt, thuốc nam đủ cả, giờ mắt mới mở to to ra được đấy! Nghe cách nói, rõ là một người phụ nữ yêu chồng.

(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/DSC0087.jpg)
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tân

Đại tá Tân năm nay 71 tuổi, mắt phải đã mờ, nhưng cái giọng quê gốc của một ngư dân vùng biển Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh vẫn còn nguyên. Ông kể: “1960 tôi “đi”, 1961 “về” cưới nàng, đánh trận tới 1975 lại về, 1976 có đứa con gái đầu, sau có thêm hai đứa nữa. Tôi mà không đi đánh nhau, ở nhà chắc phải có 1 tiểu đội bà nhỉ”. Ông chỉ bàn tay trái cụt ngón cái: “Bị pháo năm 1966, nghe mát một cái đã không thấy ngón tay đâu. Các ông quân y cứ đòi cắt, một ông xui tôi đấu tranh không cho cắt. May mà còn cái để đào hầm. Có bận tôi ốm, tiêu chuẩn được “nằm” ở BV Thống Nhất, mấy chú bác sĩ gần nhà hỏi, anh làm gì mà được vô đó? Tôi bảo chả biết, thấy người ta ghi vậy thì cứ chui vô chữa thôi” - ông Tân tủm tỉm – “à mà các chú định hỏi tôi cái vụ thằng tướng Mỹ Két – u – e có phải không? Trận ấy nó nằm ở cao điểm Gờ Lơ, gần làng 2, Lộc Ninh của Tây Ninh”.

Hồi ký chiến tranh cá nhân của Đại tá Tân về những ngày tháng này ghi:

“Tháng 2 năm 1968, cả Trung đoàn được lệnh hành quân vào chiến trường Nam Bộ. 15 ngày hành quân đã đến suối đá bằng - mũi Ken nơ đi, nơi đây là Bộ chỉ huy Sư đoàn 7 (tên khác là Công trường 7). E209 còn ở ngoài Bắc chưa vào chiến trường, Sư 7 có 165 và 141, cái tên thường gọi là Ba Vì và Thành đồng Biên giới. Hai Trung đoàn của Sư 7 cơ động ở chiến trường Miền Đông, còn E320 mới từ Tây Nguyên vào, coi như một Trung đoàn của Sư 7. Trận đánh đầu tiên làm rạng rỡ E320 và chúng tôi coi đó là niềm tin của đơn vị khi nằm trong đội hình Sư 7. Tôi lúc này không ở đại đội 18 cao xạ nữa mà đã là cán bộ tổ chức của E320, với quân hàm tiểu đoàn bậc phó – thượng úy bây giờ. Do yêu cầu, tôi lại trở về đại đội 18, vừa súng 12 ly 7 vừa đại liên, vừa bắn máy bay vừa làm nhiệm vụ chốt điểm diệt viện. Trong lúc 165 và 141 còn thọc sâu xuống đồng bằng (Lái Thiêu), hai E chưa về căn cứ, đại đội tôi chia từng khẩu đội phục kích bắn máy bay. Ngày 12/9/1968, tôi chỉ huy 4 khẩu 12 ly 7 đi phục kích. 8h sáng máy bay Mỹ đã quần trên bầu trời, nhưng không đi vào hướng phục kích. Khẩu hiệu “Cao tập – thấp bắn” là một tư tưởng chỉ đạo do tôi đặt ra để vừa nâng cao kỹ thuật vừa xây dựng ý thức sẵn sàng chiến đấu cho bộ đội. Vào khoảng trưa ngày 13/9, một tốp máy bay trực thăng HU1A và loại “cá lẹp” chuyên phóng rốc két tới, đi rất thấp. Tôi cho bộ đội bắt mục tiêu chờ lệnh. Vòng thứ 3, một chiếc HU1A đi rất thấp vào đúng tầm ngắm của 2 khẩu 12 ly 7. Sau mấy loạt đạn, chiếc HU1A bốc cháy rơi tại chỗ. Liền sau đó 6 chiếc phóng rốc két vừa bắn lại vừa hạ thấp để cứu giặc lái. Tôi hạ lệnh bắn rơi tiếp 1 chiếc, số còn lại phóng bừa rốc két và chuồn luôn. Tổ bộ binh do Chế phụ trách có nhiệm vụ đi thu tang vật. Nhiệm vụ là bắn máy bay chứ không biết nó là chỉ huy giặc lái. Khoảng 21 giờ Trung đoàn hỏi, hạ máy bay có thu tang vật gì không? Tôi nói có. Sau đó mới biết đơn vị đã bắn tan xác tướng Mỹ Két – u – e”.

Chỉ mất 40 viên đạn

Trong cuốn hồi ký tự viết cho chính mình dày mấy trăm trang đã sờn gáy đó, về trận đánh này ông Tân còn viết rằng, đơn vị được tặng Huân chương Quân công Hạng 3, ông được tặng Huân chương Chiến công hạng 1 và một số đồng chí được tặng huân chương các loại. Đơn vị lấy xác máy bay Trung tướng Mỹ làm lược, làm ấm pha trà, gạt tàn thuốc lá tặng ông Lê Đức Thọ và bà Nguyễn Thị Bình ở hội nghị Paris. Cộng với các thành tích trong chiến đấu năm 1967 ở Tây Nguyên, ông Tân được đi dự chiến sĩ thi đua toàn Miền, và ông viết trong hồi ký của mình: “Tôi đi và về mất 2 tháng. Thật vinh dự cho lần đó”. Ông được ngồi cùng đoàn chủ tịch với Y Lan, cô gái mang hàng trên 100 ký và Hồng “biệt động”, bên cạnh các vị Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hùng, Hoàng Văn Thái, chị Ba Định… và ông là người đầu tiên đọc báo cáo của mình. Nhưng có một chuyện buồn khiến ông không được tuyên dương anh hùng: một người cùng quê đã báo lên trên, ông là con phú nông, dù cha ông là một dân chài chính hiệu, vợ chết sớm phải đi mót cá của nhà giàu nuôi con. “Chuyện đã qua rồi” – ông Tân viết.

(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/DSC0091.jpg)
Những dòng hồi ký cá nhân về trận đụng độ Trung tướng Mỹ

Ông Tân cười: “Mình đứng trong bụi tre, đi qua thế này thấy ngon là bắn. Thằng HU1A này có biết nó chở Trung tướng đâu, nhưng tôi nhớ màu kính máy bay của nó lại khác so với các màu khác, xanh lè. Hai khẩu, chỉ điểm xạ ngắn chứ không điểm xạ dài. Khi chiếc máy bay này vào, hắn đi hùng hổ lắm, còn mấy chiếc máy bay mang rôc két thì đi cao hơn. Vào là anh em bắn, gãy cái trục quay, nó kêu ùng một cái, tôi bảo: cháy rồi. Anh em ra thu được một tập hồ sơ của nó đấy, từ cấp tướng cấp tá ở Miền Đông Nam bộ là đầy đủ hết. Còn có cả mấy cái cờ và một cái bật lửa khắc chữ. Có đọc được đâu, sau một ông dân vận đọc cho thì tôi nhớ là “Trung tướng Két – u – e” và câu Anh có thể chết nếu anh muốn, câu này có thể đọc xuôi rồi đọc lộn ngược lại. Hồi đó anh em bị bom B52, thương vong rất nhiều, nhưng nhờ bắn rơi Trung tướng nên khí thế bốc lên. Tốt. Ông Vương Thế Hiệp phát động toàn Sư đoàn bắn máy bay khắp trời, đừng có sợ gì nó, không trúng cũng làm cho chúng không tự tung tự tác được. Sau này tôi nói chuyện với các đơn vị của Sư 9, bên rừng cao su, rồi nói chuyện với H14  cách bắn, ngắm như thế nào, khi nó đi thấp mình nhớ lấy lá cây che mặt không nó nhìn thấy, và khi đạn 12 ly 7 bắn, cứ 4 viên nó có 1 viên đạn lửa vạch đường, nhớ phải chỉnh theo viên đạn lửa, như rứa như rứa… Hôm đó bắn rơi kiểm lại mất có 4 chục viên thôi”.

Ngoài cuốn hồi ký cá nhân, ông Tân còn có một tập bản thảo, in chữ rất to ngoài bìa: Ký của Nguyễn Thanh Tân – Hành trình của một chiến binh. Chiến binh - ông gọi mình hai từ như vậy. Cuốn ký in một mặt, dày chỉ có 27 trang, phần về bắn Keith Lincoln Ware ông chỉ viết có đúng 8 dòng, nhưng dành tới 1/3 số trang cuối cùng để viết về vợ. Khi bà bế đứa con đầu lòng trên tay, lúc ấy đã ở tuổi 35, người phụ nữ làng chài Vũng Áng này làm thơ: “Chiếc áo lọt lòng của con, mẹ khâu bằng áo cha nắng mưa bao mùa đánh giặc/ Ngày mẹ mới thương cha, chưa dám nhận cái hôn thầm vui trong tóc/ Những năm tháng xa, đợi chờ, chờ đợi người đi/ Con là lứa quả muộn mằn, niềm vui đến muộn/ Trời đã chuyển sang thu, con là nắng xuân về”.

Bà ngồi bên cạnh ông, xót xa: “Các chú thấy không, ốm một trận tưởng chết, sút một lúc 20 ký”. Nét phương phi trên mặt ông Tân vẫn còn ẩn hiện mỗi khi cười, bởi các lớp thịt trên má xô nhẹ vào nhau.

(Còn nữa)

Việt Thường – Mạnh Cường


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 26 Tháng Tám, 2009, 04:02:35 pm

http://thethaovanhoa.vn/132N2009826123532826T0/gap-nguoi-ban-trung-tuong-my-keith-lincoln-ware-ky-3.htm

Gặp người bắn Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware (Kỳ 3)
(Tiếp theo và hết)

Một cuộc đời trận mạc

Cái chết của Trung tướng Mỹ chỉ là một trong số các sự kiện đầy bi tráng của cuộc đời chiến binh Nguyễn Thanh Tân. Trong hồi ký cá nhân, ông Tân kể chi tiết việc tham gia chiến dịch mang tên Nguyễn Huệ - Thần tốc quyết thắng từ 1/4/1972 đến 19/1/1973 của quân giải phóng miền Nam, tiến công vào tuyến phòng ngự của địch ở các tỉnh cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn, mở rộng địa bàn đứng chân của ta ở miền Đông Nam Bộ.

Khi đó ông Tân đã là phó Chính ủy Trung đoàn 209. Ngày 7/4/1972, ông Tân cùng đồng đội đánh Chiến đoàn 52 tại căn cứ Đồng Tâm, tiêu diệt 500 lính, bắt sống 334, thu 789 máy thông tin, bắn cháy và thu 162 xe các loại với nhiều trang bị quân sự khác. Đây là trận thắng mở đầu cho toàn bộ chiến dịch, tiêu diệt gọn cả Chiến đoàn 52 thuộc Sư đoàn 18 sừng sỏ của quân đội Sài Gòn trên một địa bàn trọng yếu. Tiếp đó là chặn đánh Sư 21 và hai chiến đoàn 31, 33 của quân đội Sài Gòn từ Lai Khê lên chi viện.

(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/my2.jpg)
Bia mộ của Keith Lincoln Ware

Rồi ròng rã 150 ngày đêm chặn địch tại Tầu Ô – Xóm Ruộng với nhiệm vụ: chốt cứng, chặn đứng không cho một lính, một xe địch lên và xuống. Không gian chốt chặn rộng, thời gian chốt chặn dài – tới 5 tháng, có lẽ trong lịch sử quân đội NDVN ít có trận chốt chặn nào kéo dài tới như vậy? Rồi thọc sâu vào sào huyệt địch ở địa hình đồng bằng Tân Phú Trung và Phú Hòa Đông, cách sân bay Tân Sơn Nhất chưa đầy 3km và cách thị trấn Củ Chi khoảng 4km đường chim bay.

Tiếp đó là trận xóa sổ Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 thuộc Chiến đoàn 8, Sư 18 của địch ở Dầu Tiếng; cùng Sư 341 giải phóng thị trấn Định Quán; đánh lên Bảo Lộc; cùng Trung đoàn 12 chủ công thọc vào thị xã Long Khánh; tắt rừng cấp tốc đánh chiếm căn cứ Long Bình và vào tới ngã tư Hàng Xanh đến thẳng Dinh Độc Lập. Thời điểm từ 1977 – 1979, ông Tân là phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn công binh 550, chịu trách nhiệm làm đường, bắc cầu, và ít lâu sau đó, ông được điều động sang làm Chính ủy Trung đoàn 1 đánh Pôn Pốt.

Đơn vị của ông Tân từng phối hợp cùng một đơn vị xe tăng luồn rừng 3 – 4 ngày hết sức bí mật, từ trong lòng địch đánh ra – một trận thọc sâu, vu hồi tuyệt đẹp hiếm thấy trong thời kỳ đánh Pôn Pốt. Và rồi truy kích Tà Mốc – một trong những thủ lĩnh của Khơ Me Đỏ trên một dãy núi cao ngất, cây cối rậm rạp ở tỉnh Bắc Tam Boong; bảo vệ, xây dựng chính quyền cách mạng từ Kông Pông Thơm tới tận Biển Hồ…

Cuộc đời chiến binh của ông Tân trong quân ngũ kéo dài tới 1991 thì nghỉ hưu, với 5 Huân chương chiến công, nhiều Huân chương kháng chiến, Huân chương chiến sĩ vẻ vang, Huân chương Ăng Ko và Huân chương Độc lập, Danh hiệu dũng sĩ các loại. Quý giá không kém trong cuộc đời dài mấy mươi năm quân ngũ của ông, là từ một chiến sĩ bình thường đã lần lượt giữ nhiều chức vụ, được đồng đội tin yêu, quý mến bởi tấm lòng trung thực, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, có lúc sẵn sàng nhận cái chết về mình để cứu nguy cho các anh em.

Ba con số 13

Chúng tôi gọi điện hỏi Thiếu tướng Phạm Ngọc Nghinh, nguyên PGĐ Học viện Quốc Phòng về cái chết của Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware. Tướng Nghinh cũng là người ở Sư 7 rất lâu, từ khi hành quân vào năm 1966, đến 1976 mới lên Quân đoàn. Có thời điểm ông Tân là cấp dưới của tướng Nghinh, nên hai người rất quen biết. Tướng Nghinh hỏi: "Thế anh Tân kể với các chú thế nào?". Chúng tôi trả lời rằng, khi bắn không hề biết có Trung tướng ở trên trực thăng. Tướng Nghinh cười lớn: "Ừ, chiến tranh là như vậy đó".

Thời điểm đó, ông Nghinh đang dự sơ kết về xây dựng Đảng toàn miền, nên không trực tiếp chứng kiến câu chuyện này, nhưng vẫn nhớ rằng tin về cái chết của Keith Lincoln Ware lan truyền đi  như một tin mừng thực sự. Toàn Sư đoàn ai cũng biết. Tướng Nghinh phân tích: "Xét về tâm lý, chỉ cần cấp Sư trưởng chết thôi là đã loạn. Mỗi người cầm quân có một tư tưởng quân sự riêng, ý đồ riêng. Cấp như Keith Lincoln Ware chết, nhất định toàn bộ số sĩ quan cấp dưới hoang mang, không thể không được". Tướng Nghinh nhắc chúng tôi đọc cuốn Lịch sử Sư đoàn bộ binh 7 - Quân đoàn 4 (NXB QĐND 2006, với ghi chú cuối sách: mong bạn đọc góp ý, phê bình), có một đoạn viết về cái chết của Keith Lincoln Ware.

Tóm lược đoạn này như sau: “Ngày 20/7/1968, đơn vị cuối cùng của Sư đoàn là Trung đoàn 141 đã về tới vùng căn cứ ở khu vực sông Măng thuộc vùng Bắc tỉnh Bình Long, gần biên giới Campuchia. Mưa dầm dề, có lúc dữ dội, rừng ở đây sũng nước, đường đi lối lại ngập ngụa, làm các mái lán lợp bằng lá trung quân không lúc nào khô. Nhà giao ban Sư đoàn nửa nổi nửa chìm, trừ một cửa lên xuống, còn ba mặt đều ăn thông ra những hầm chữ A chắc chắn. Chính giữa nhà là chiếc bàn tre ken bằng những sợi mây rừng, có tấm bản đồ khu vực miền Đông Nam Bộ với những nét vẽ bằng bút chì dầu trên lớp nilon, thể hiện rõ hình thái địch, ta. Cán bộ về Sư đoàn họp buổi đầu tiên. Sau những tháng chiến đấu căng thẳng ở vùng sâu, họ ngồi đó, đưa mắt nhìn nhau, bùi ngùi tưởng nhớ tới những đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn đi xa…”

(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/a05DSC0084.jpg)
Một nửa trong "bộ sưu tập” Huân huy chương của Đại tá Nguyễn Thanh  Tân

“Đêm 10/9, hai đại đội đặc công của Sư đoàn 7 và Trung đoàn 320, ba Tiểu đoàn bộ binh 2, 4, 5 của ba Trung đoàn 141, 165, 320 và Tiểu đoàn 22 pháo binh đồng loạt đánh vào các mục tiêu ở tiểu khu Bình Long, chi khu Lộc Ninh và Lộc Tấn. Ngay từ sáng hôm sau, địch đưa 1 rồi 3 Tiểu đoàn của Sư đoàn 1 “Anh cả Đỏ” Mỹ và nhiều xe tăng, thiết giáp ra giải tỏa, nhưng đều bị đánh thiệt hại và thiệt hại nặng. Thấy tình hình tiến triển không như ý muốn, tướng Keith Ware – Tư lệnh Sư đoàn 1 tung thêm hai Tiểu đoàn cùng hai Chi đội tăng thiết giáp vào cuộc. Keith Ware lên trực thăng bay thẳng tới mặt trận, trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân. Chúng dùng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 28 có tăng thiết giáp đi cùng vòng phía tây đường 13 lên nam Lộc Tấn; đổ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 26 xuống Tây bắc Lộc Tấn, thành gọng kìm hòng kẹp chặt quân ta. Trong lúc Keith Ware đang cùng bộ sậu bay trên trời quan sát, chỉ huy các mũi tiến quân thì bị khẩu đội súng máy phòng không 12,8mm của xạ thủ số 1 Nguyễn Văn Hậu thuộc Đại đội 18 Trung đoàn 320 bắn rơi – lúc đó là 13h ngày 13/9/1968. Keith Ware chết trúng vào ba con số 13 (13 giờ, ngày 13, trên trục đường 13), tin này làm rúng động cả Sài Gòn và nước Mỹ.

Kẻ duy tâm, tin vào số mệnh thì nói Keith Ware chết vì “dính” vào tới ba con số xui xẻo, tai họa. Các chiến sĩ Đại đội phòng không thì cho rằng viên tướng này chết do đã bị bắn một cách chính xác tuyệt vời. Còn các sĩ quan tham mưu của Trung đoàn 320 thì nghĩ Keith Ware chết là do ta đã bày binh bố trận đúng. Không bàn cãi nhiều về hai cách nghĩ sau, vì thực ra đó chỉ là một. Còn hiểu theo cách thứ nhất thì đấy chính là số phận của một kẻ đi xâm lược. 18h30 cùng ngày, đài BBC đã đưa tin và bình luận về sự kiện này”.

Như vậy, dưới quyền chỉ huy của ông Nguyễn Văn Tân, xạ thủ Nguyễn Văn Hậu là người được sử của Sư đoàn coi là đã xiết cò hạ Trung tướng Mỹ. Ông Hậu bây giờ ở đâu? Không ai biết. Chúng tôi tìm về Sư 7 ở Thủ Dầu Một, Bình Dương và dò hỏi nhiều người nhưng đến lúc này cũng không nhận được thông tin gì về ông Hậu, kể cả những người viết sử của Sư đoàn. Nghe tin ấy, tướng Nghinh không giấu được chút ngậm ngùi. Còn chiến binh Nguyễn Thanh Tân thì kể rằng, trong trận đối đầu giữa lính phòng không và HU1A “kính mầu xanh” này, ông là chính trị viên, Hoàng Văn Tạnh là đại đội trưởng (đã mất), cậu Chế chính trị viên phó, cậu Hoài hình như ở Bến Tre, cậu Phận hình như ở Quảng Nam, và cậu xạ thủ số 1 thì tên lại là Năm và cũng đã chết… Thời gian và căn bệnh nặng có lẽ đã khiến ông cũng không còn nhớ được tới từng chi tiết nhỏ.

Ông Tân mặc áo xanh cúc gài, nói chuyện đến lúc say sưa quá, ông co cả đầu gối lên ghế cười khà khà. Khi chúng tôi chụp ảnh, bà vợ vào nhà trong mang chiếc áo sĩ quan cao cấp thay cho ông, tháo giúp ông cái máy nghe tai điếc xuống. Cái cách bà mặc áo cho ông, đúng là âu yếm thật mà! Chiến tranh đã lùi xa, rất xa khỏi căn nhà ấm cúng đầy tiếng cười này.

Việt Thường – Phan Vũ


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ahuuls trong 27 Tháng Tám, 2009, 12:34:13 am
Như vậy đầu đề có vẻ không ổn lắm không gặp đúng người bắn rồi ,dễ gây hiểu lầm và giật gân theo kiểu báo chí , phủ nhận công lao và thành tích chung của 1 tập thể.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 27 Tháng Tám, 2009, 08:36:20 am
Như vậy đầu đề có vẻ không ổn lắm không gặp đúng người bắn rồi ,dễ gây hiểu lầm và giật gân theo kiểu báo chí , phủ nhận công lao và thành tích chung của 1 tập thể.
Đúng vậy, đây chính là kiểu giật gân của các nhà báo. Bác Nguyễn Văn Hậu thì vẫn chưa gặp được. ;D
Chủ đề nên là: Gặp người chỉ huy trận bắn rơi Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ChienV trong 02 Tháng Chín, 2009, 02:43:25 am
Như vậy đầu đề có vẻ không ổn lắm không gặp đúng người bắn rồi ,dễ gây hiểu lầm và giật gân theo kiểu báo chí , phủ nhận công lao và thành tích chung của 1 tập thể.
Đúng vậy, đây chính là kiểu giật gân của các nhà báo. Bác Nguyễn Văn Hậu thì vẫn chưa gặp được. ;D
Chủ đề nên là: Gặp người chỉ huy trận bắn rơi Trung tướng Mỹ Keith Lincoln Ware.

Bộ đội PKKQ thì luôn "tác chiến hiệp đồng, lập công tập thể" làm sao biết trong 2 khẩu đó khẩu nào đã bắn những viên quyết định??? Xạ thủ số 2, các vị trí hỗ trợ yểm trợ có được tính công không???

Các bác đừng bới sâu thế, buồn cười lắm  >:(


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 10 Tháng Chín, 2009, 08:25:24 pm
http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=336032&ChannelID=3

Thứ Tư, 09/09/2009, 16:00 (GMT+7)

Kontum truy điệu và an táng 15 liệt sĩ

TTO - Ngày 9-9, UBND huyện Sa Thầy, đội K53 (Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kontum) đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu, an táng 15 liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy.

Trong 15 bộ hài cốt liệt sĩ được tổ chức an táng này có 14 liệt sĩ cùng các di vật, tư trang được tìm thấy vào ngày 28-5-2009 tại đỉnh núi Chư Tan Kra, xã Ya Xier, huyện Sa Thầy và một bộ hài cốt liệt sĩ được phát hiện tại xã Ngọc Tem, huyện Kon Plong.

Các hài cốt liệt sĩ được xác định nguyên là các chiến sĩ thuộc trung đoàn 209 (sư đoàn 312) hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Các bộ hài cốt ở xã Ya Xiêr được phát hiện nhờ việc về nguồn tìm lại đồng đội của các cựu chiến binh thuộc trung đoàn 209.

QUANG VĂN



Tiêu đề: Đài tưởng niệm liệt sỹ tại Chư tan kra
Gửi bởi: phamvanchuc trong 31 Tháng Giêng, 2010, 10:57:44 am
Tin mới nhứt về ĐTNLS : Ngày 8/1/2010 đoàn đại biểu Thủ Đô Hà nội do ông Đào Văn Bình phó chủ tịch UBNDTP Hà Nội trửong ban chỉ đạo xây dựng ĐTNLS và ông Đỗ CĂn  Đại tá phó chính ủy BTL thủ đô làm phó ban cùng toàn thể ban nghành liên quan (8 người ) đã có mặt tại UBND tỉnh Kontum để thảo luận chi tiết về việc  thống nhất xây dựng ĐTNLS tại huyện Sa Thầy nơi có dãy núi Chư Tan Kra và là địa điểm tìm được các hài cốt của chiến sỹ E 209 hy sinh trong các tháng 3-4-5/1968;
 Cho đến hôm nay các chiến sỹ huyện đội Sathầy tìm kiếm và đã quy tập được 35 hài cốt Liẹt sỹ tại các cao điểm do các CCB vào tận nơi xác định.
 Sau nghỉ têt công việc sẽ lại tiếp tục .Đây là một tin rất phấn khích để cho các CCB và gia đình liệt sỹ  tin tưởng vào chính quyền TP Hà Nội đã quan tâm đến các vong linh sau 41 năm không hề bị quên lãng.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 31 Tháng Giêng, 2010, 02:40:25 pm
Thông tin thêm về dự án ĐTNLS:
http://thethaovanhoa.vn/132N20100103095629142T0/khao-sat-toan-dien-chu-tan-kra.htm
Chủ Nhật, 03/01/2010 10:25
Khảo sát toàn diện Chư Tan Kra

(TT&VH) - UBND TP. Hà Nội đã có quyết định khảo sát toàn diện khu vực núi Chư Tan Kra - huyện Sa Thầy, Kon Tum, nơi diễn ra trận đánh Mỹ năm 1968 và khoảng 200 liệt sĩ Hà Nội đã nằm lại tại nơi này. Mục đích việc khảo sát là để xây dựng tượng đài tưởng niệm người lính Thủ đô, với yêu cầu hoàn thành trước ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Quyết định số 6584/QĐ - UBND ngày 17/12/2009 về việc “thành lập đoàn cán bộ đi khảo sát xây dựng Đài tưởng niệm và quy tập mộ liệt sĩ Hà Nội, các chiến sĩ thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã hy sinh tại Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum” do Phó Chủ tịch Đào Văn Bình ký. Quyết định này căn cứ theo kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội và xét theo đề nghị của Ban chỉ đạo xây dựng Đài tưởng niệm và quy tập mộ liệt sĩ Hà Nội tại cuộc họp ngày 3/12/2009.

Theo quyết định này, ông Đào Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội là trưởng đoàn, Đại tá Đỗ Căn, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội là Phó Trưởng đoàn. Các thành viên bao gồm: Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên GĐ Học viện Quốc phòng, đại diện Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 209, ông Trần Thanh Bình - Trưởng phòng Chính sách và Người có công - Sở LĐ,TB&XH và các đại diện phòng LĐCSXH - Văn phòng UBND thành phố, Ban Quản lý Di tích Danh thắng - Sở VH,TT&DL, Sở TN&MT, Sở Quy hoạch Kiến trúc và ông Nguyễn Tuấn Hà - GĐ Công ty Cổ phần tư vấn thiết kế các công trình văn hóa.


Cựu chiến binh Mỹ Steve cung cấp tài liệu trận đánh cho TT&VH

Đoàn công tác sẽ làm việc với UBND tỉnh Kon Tum và huyện Sa Thầy, trực tiếp khảo sát, nghiên cứu địa hình tại Chư Tan Kra, dự kiến vị trí, quy mô xây dựng đài tưởng niệm. Theo kế hoạch, đoàn sẽ hoàn thành việc khảo sát thực địa và đề xuất kế hoạch xây dựng đài tưởng niệm với Thành ủy, UBND TP Hà Nội trước ngày 10/1/2010.

Theo một nguồn tin, việc xây dựng khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội phải được hoàn thành trước lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (tháng 10/2010). Quy mô khu tưởng niệm đang được tính toán, và nếu đường vào Chư Tan Kra quá khó khăn, UBND Hà Nội có thể chi kinh phí mở đường.

Trước đó, ông Steve Edmunds - Chủ tịch Cựu chiến binh thuộc Đại đội C, tiểu đoàn 8, Sư đoàn 4 Mỹ tham chiến tại Tây Nguyên khi có mặt tại Hà Nội đã đến tận tòa soạn TT&VH để cung cấp thêm một số tư liệu về trận đụng độ đặc biệt này. Chúng tôi sẽ đề cập tới những thông tin của ông Steve trong một dịp khác.

V. Thường



Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: rongxanh trong 26 Tháng Tư, 2010, 01:47:43 pm
Bác tuan sờ đâu roài, bác xem link này chưa?

http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=192569&ChannelID=13



Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 26 Tháng Tư, 2010, 09:20:06 pm
...các chú đi vào Chutang kra ngày 22-6,. Hiện còn dang bàn cãi cao điểm 1198 có chắc chắn là 995 không? Trên bản đò của các chú không co 995 mà lại có 996 . Cháu thông thạo Anh văn hơn các chú t=khai thác xem còn trận 18-5-1968 ỏ Chuz pen là cao điểm nao ? Cám õn.

Cháu xem trong tài liệu Mỹ thì không nhắc đến trận đánh lớn nào ở Tây Nguyên xung quanh ngày 18/5/68. Họ liệt kê 1 số trận khác, chú thử xem liệu có giống với trận ở Chu Pen không ạ:

- Sáng 10/5/68 ta tấn công 1 căn cứ hỏa lực Mỹ phía tây Đắk Tô khoảng 14-15km. Theo phía Mỹ quân ta hy sinh 47 người.
Bác ấy nói:
-Trận Chư pả-huyện Chư pả-Komtum.
-Liệt sĩ TDH(lính Hà nội) hy sinh 15/5/1968.
-Đánh căn cứ Mỹ, bình độ 1800. Xác liệt sĩ chôn rất nông vì trận đánh quá ác liệt. Không hy vọng tìm thấy hài cốt cả ta và Mỹ, vì thú rừng rất nhiều(nhiều nhất là lợn rừng)
-Ta đánh xong thì rút, Mỹ tái chiếm lại căn cứ, sau đó nó cũng bỏ luôn căn cứ này.
 Gọi tạm là trận Chư pả, được không các bác?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 26 Tháng Tư, 2010, 11:03:18 pm
Bác ấy nói:
-Trận Chư pả-huyện Chư pả-Komtum.
-Liệt sĩ TDH(lính Hà nội) hy sinh 15/5/1968.
-Đánh căn cứ Mỹ, bình độ 1800. Xác liệt sĩ chôn rất nông vì trận đánh quá ác liệt. Không hy vọng tìm thấy hài cốt cả ta và Mỹ, vì thú rừng rất nhiều(nhiều nhất là lợn rừng)
-Ta đánh xong thì rút, Mỹ tái chiếm lại căn cứ, sau đó nó cũng bỏ luôn căn cứ này.
 Gọi tạm là trận Chư pả, được không các bác?
Không hiểu bác muốn nói gì? e209 năm 1968 đánh ở Kon Tum làm gì có đánh ở Gia Lai ??? Chư Păh(hay Chư Pả thuộc Gia Lai).


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: phuongso trong 27 Tháng Tư, 2010, 09:42:51 am

Trích dẫn
B41 bắn khiếp thật, tầm bắn 500 – 600m trên mặt đất, nóng tới 4.000 – 4.5000C. Các con giời bên kia cứ nghe tiếng B41 là biết ngay đang ở gần các Anh Hai Bắc Kỳ. Đoành tiếng nổ đầu nòng, rồi không cần nhìn, chỉ cần nghe bùng một phát là trúng rồi. Cứ mỗi lần bóp cò xong là một lần bị lộ vị trí, pháo của nó dập tới như mưa, bọn tớ toàn phải đặt súng lên cái chạc rồi buộc giây vào cò giật nổ, rồi chui ngay vào hầm. Vãn tiếng pháo lại chui lên làm phát nữa. Không biết có phải vì thế mà tớ còn sống không, chứ bom đạn mù trời có tránh mình thì tránh chứ mình làm sao mà tránh được? Nó không tránh thì giờ cũng xanh cỏ cả rồi.
Đọc đoạn này .... tuy rất cảm động về sự hy sinh của " lính mũ sắt" nhưng nếu quả thật như thế này thì các anh làm xấu cho bộ đội và không xứng là những người lính được tuyển chọn và luấn luyện ngặt nghèo ( như đã nói phía trên).

Đây là cách đánh trận bằng B41. Bắn xong thì phải nấp chứ ah. Chứ cứ chềnh ềnh ra, vác ống B41 không có đạn thì không ổn.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 27 Tháng Tư, 2010, 11:22:42 am
Không hiểu bác muốn nói gì? e209 năm 1968 đánh ở Kon Tum làm gì có đánh ở Gia Lai ??? Chư Păh(hay Chư Pả thuộc Gia Lai).
Trận đánh tại núi Chư bả(không phải Pả), bình độ 1800 thuộc xã Ia...-huyên Chư bả-Kon tum(cũ)khoảng 10-16/5/1968 của C7-D8-E209-F312.
 Các bác xem ta, Mỹ có nhắc tới trận này không? Mà tại sao năm 1968, E209 đánh ở Kon tum nhiều thế nhỉ? Mà cũng toàn chiến với lính Mỹ?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: cuong.tran trong 27 Tháng Tư, 2010, 01:02:06 pm
tháng 5-1968, E209 đã vào tới Kon-tum chưa nhỉ?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 27 Tháng Tư, 2010, 01:45:42 pm
tháng 5-1968, E209 đã vào tới Kon-tum chưa nhỉ?
Nếu chưa vào thì sao đánh được trận Chư Tan Kra(26/03/1968) ???
e209 vào Kon Tum vào khoảng tháng 2/1968.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: cuong.tran trong 27 Tháng Tư, 2010, 02:02:43 pm
Ừ, em nhầm chút!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 28 Tháng Tư, 2010, 05:20:54 pm
tháng 5-1968, E209 đã vào tới Kon-tum chưa nhỉ?
Khoảng 11/1967 họ nhập ngũ tập trung tại Nỉ, hành quân bằng cơ giới tới khu Bốn. Sau đó hành quân bộ vào Nam, vừa hành quân vừa tập trận.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 28 Tháng Tư, 2010, 11:44:01 pm
Không hiểu bác muốn nói gì? e209 năm 1968 đánh ở Kon Tum làm gì có đánh ở Gia Lai ??? Chư Păh(hay Chư Pả thuộc Gia Lai).
Trận đánh tại núi Chư bả(không phải Pả), bình độ 1800 thuộc xã Ia...-huyên Chư bả-Kon tum(cũ)khoảng 10-16/5/1968 của C7-D8-E209-F312.
 Các bác xem ta, Mỹ có nhắc tới trận này không? Mà tại sao năm 1968, E209 đánh ở Kon tum nhiều thế nhỉ? Mà cũng toàn chiến với lính Mỹ?
Một lần nữa(là dân Kon Tum) xin khẳng định là địa điểm trên không thuộc Kon Tum, bác có căn cứ nào thì đưa ra? Không thể chỉ nghe nói và đưa ra chung chung như vậy  ???
Không chỉ 1968 mà trong KCCM khu vực Bắc Tây Nguyên, Kon Tum luôn là địa bàn chiến lược của B3 và đối phương(địa hình, vị trí chiến lược gần ngã ba Đông Dương và đường dây 559).
Lúc đó lính Mỹ phải xông ra đánh làm gương cho lính VNCH.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 28 Tháng Tư, 2010, 11:59:00 pm
 Vâng, em sẽ mang cái bản đồ của Tỉnh đội họ cho để xem lại, nhân chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ H cách đây mấy năm(không tìm thấy).
 Em dân Bắc, ít hiểu địa lý vùng Tây nguyên. Hình như ngày xưa ta gọi là tỉnh Gia lai-Kon tum. Giờ thì tách làm 2 kiểu như Hà bắc=Bắc giang+Bắc ninh ấy.
 Tức là huyện Chư bả(có núi Chư bả cao 1800m) hiện nay thuộc Gia lai, đúng không các bác?
 Cái trận này, ta hy sinh đúng 18 người. Quê em có 4 lính của D8-E 209 thì hy sinh 3. Còn mỗi 1 bác, nguyên là liên lạc của đại đội.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 29 Tháng Tư, 2010, 12:10:33 am
Vâng, em sẽ mang cái bản đồ của Tỉnh đội họ cho để xem lại, nhân chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ H cách đây mấy năm(không tìm thấy).
 Em dân Bắc, ít hiểu địa lý vùng Tây nguyên. Hình như ngày xưa ta gọi là tỉnh Gia lai-Kon tum. Giờ thì tách làm 2 kiểu như Hà bắc=Bắc giang+Bắc ninh ấy.
 Tức là huyện Chư bả(có núi Chư bả cao 1800m) hiện nay thuộc Gia lai, đúng không các bác?
 Cái trận này, ta hy sinh đúng 18 người. Quê em có 4 lính của D8-E 209 thì hy sinh 3. Còn mỗi 1 bác, nguyên là liên lạc của đại đội.
1991 tỉnh Gia Lai-Kon Tum tách ra làm 2, về hành chính từ KCCM thì các huyện của mỗi tỉnh đều không thay đổi về mặt hành chính chỉ có thay đổi về tên.
Vùng núi Chư Pa(huyện Chư Păh-tỉnh Gia Lai) nằm sát với huyện Sa Thầy(Kon Tum) nên có thể các bác CCB mà bác nghe kể nhầm rồi.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 29 Tháng Tư, 2010, 12:27:36 am
Lúc đó lính Mỹ phải xông ra đánh làm gương cho lính VNCH.
Bác liên lạc kia nói: Chỉ có Mỹ mới có khả năng đồn trú tại khu vực này, vì địa hình hiểm trở, vận tải khó khăn. Vận tải, tiếp tế toàn dùng trực thăng, ví dụ nước tắm nó chở từ Philippin sang, trực thăng bay tại chỗ trên điểm cao, thả vòi hoa sen cho lính tắm. Rất hiện đại, Ngụy không "đủ trình" đóng quân ở đây. Nếu không có không quân yểm trợ, lính Mỹ không thể tồn tại trên những điểm cao đó.
 Tới khoảng 2002, gia đình vào đó tìm hài cốt LS, 1 xe đặc chủng do Dầu khí Vũng tàu cung cấp, trên xe có cả cán bộ của Tỉnh,huyện đội của Gia lai. Mấy bác này phải thốt lên "Là cán bộ, nhưng chưa bao giờ vào tới đây"-bình độ 1800 ấy.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 29 Tháng Tư, 2010, 12:49:53 am
Lúc đó lính Mỹ phải xông ra đánh làm gương cho lính VNCH.
Bác liên lạc kia nói: Chỉ có Mỹ mới có khả năng đồn trú tại khu vực này, vì địa hình hiểm trở, vận tải khó khăn. Vận tải, tiếp tế toàn dùng trực thăng, ví dụ nước tắm nó chở từ Philippin sang, trực thăng bay tại chỗ trên điểm cao, thả vòi hoa sen cho lính tắm. Rất hiện đại, Ngụy không "đủ trình" đóng quân ở đây. Nếu không có không quân yểm trợ, lính Mỹ không thể tồn tại trên những điểm cao đó.
 Tới khoảng 2002, gia đình vào đó tìm hài cốt LS, 1 xe đặc chủng do Dầu khí Vũng tàu cung cấp, trên xe có cả cán bộ của Tỉnh,huyện đội của Gia lai. Mấy bác này phải thốt lên "Là cán bộ, nhưng chưa bao giờ vào tới đây"-bình độ 1800 ấy.
Từ tháng 3/1965 thì BCH Mỹ tại VN đã cho rằng lính VNCH không thể đảm đương và ngăn chặn quân ta, quân Mỹ lúc đó là lực lượng nòng cốt trong các chiến dịch sau này. Chiến thuật của Mỹ ở Tây Nguyên lúc đó là "Trực thăng vận", "nhảy cóc": chiếm các điểm cao làm nơi đặt pháo và từ đó chi viện cho các cuộc đổ bộ bằng trực thăng.
Về điều này thì quân VNCH không thể làm được(bác sửa lại tên của quân VNCH đi, kẻo bác mod nhắc đấy  ;D). Còn về tắm cho lính Mỹ trên các điểm cao thì không phải dùng vòi hoa sen đâu, nó thả nước từ máy bay xuống cho lính cởi truồng tắm đấy. Bác nghe phải biết chọn lọc chứ(nhất là nước từ Philippin, vòi hoa sen) ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 29 Tháng Tư, 2010, 01:43:34 am
...(bác sửa lại tên của quân VNCH đi, kẻo bác mod nhắc đấy  ;D). Còn về tắm cho lính Mỹ trên các điểm cao thì không phải dùng vòi hoa sen đâu, nó thả nước từ máy bay xuống cho lính cởi truồng tắm đấy. Bác nghe phải biết chọn lọc chứ(nhất là nước từ Philippin, vòi hoa sen) ;D
-Quân nó=chúng nó=nó=quân ngụy=ngụy quyền=Việt gian bán nước=quân VNCH. Các cựu hay gọi kiểu "bỗ bã". Còn em thì "nguyên tác".
-Nó phun nước kiểu trời mưa=kiểu vòi hoa sen từ trực thăng xuống đất, lính Mỹ tắm truồng cùng gái điếm cả da đen, da trắng, da vàng...lung tung cả. Chứ nó thả nước(chảy tông tổng)thì không đúng, lấy đâu nước mà nhiều thế?
-Nước uống, nước sinh hoạt, bố bảo chúng nó cũng không dám dùng cái nước của Miền nam Việt nam thời ấy? Chất độc hóa học nó rải khắp nơi. Nó( Mỹ) rất văn minh và rất sợ chết mà! Nhưng cái nước sinh hoạt này các bác kiểm chứng giúp, nó( Mỹ ấy) lấy từ nguồn nào? Chứ mấy cụ bảo lấy từ Hoa kỳ sang thì em cũng...tin.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 30 Tháng Tư, 2010, 05:20:48 pm
-Nó phun nước kiểu trời mưa=kiểu vòi hoa sen từ trực thăng xuống đất, lính Mỹ tắm truồng cùng gái điếm cả da đen, da trắng, da vàng...lung tung cả. Chứ nó thả nước(chảy tông tổng)thì không đúng, lấy đâu nước mà nhiều thế?
-Nước uống, nước sinh hoạt, bố bảo chúng nó cũng không dám dùng cái nước của Miền nam Việt nam thời ấy? Chất độc hóa học nó rải khắp nơi. Nó( Mỹ) rất văn minh và rất sợ chết mà! Nhưng cái nước sinh hoạt này các bác kiểm chứng giúp, nó( Mỹ ấy) lấy từ nguồn nào? Chứ mấy cụ bảo lấy từ Hoa kỳ sang thì em cũng...tin.
Bác cứ nghe kể rồi nói lại, không chuẩn đâu: ;D
-Vụ tắm của lính Mỹ đơn giản là trực thăng thả nước xuống (xem clip:VN-cuộc chiến 10.000 ngày), Mỹ còn thả con bò sống bằng dù xuống các cao điểm để lính Mỹ cải thiện bữa ăn tươi thì nước tắm nhằm nhò gì?  ;D
-Vụ nguồn nước: cái này là kinh khủng đây, nếu vậy cả miền Nam VN tiêu rồi còn gì ??? Xin thưa rằng: Mỹ thả Dioxin chỉ ở các vùng rừng núi và các vùng xa đô thị thôi, khi lính Mỹ tái chiếm các vùng này mới bị dính nhé. Nguồn nước tắm lấy ở các vùng đô thị mà Mỹ đang chiếm đóng.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 30 Tháng Tư, 2010, 05:35:04 pm
 Hĩ hĩ(mượn câu này của "thổ địa"), vì em thấy chỉ nói đến mỗi trận Chưtakra, trong khi lính D8-E209 quê em cũng đánh tung tóe các điểm cao khác. Ít nhất có 4 cụ, hy sinh 3, còn 1 cụ khá minh mẫn.
 Mấy hôm tới, em gạ chuyện chú Tú. Kể cho các bác: Từ Nỉ đến Chư bả đến Hà nội đến Chư bả(tìm hài cốt LS).
 Mà hay nhất là chuyện tìm hài cốt. "Ngoại cúm L"-khối người tin ông này sái cổ, bị chửi vung xí mẹt từ Cleng đến Chư bả. Tiếc rằng chuyến đi tìm hài cốt, em vắng mặt.
 


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 30 Tháng Tư, 2010, 05:45:37 pm
Hĩ hĩ(mượn câu này của "thổ địa"), vì em thấy chỉ nói đến mỗi trận Chưtakra, trong khi lính D8-E209 quê em cũng đánh tung tóe các điểm cao khác. Ít nhất có 4 cụ, hy sinh 3, còn 1 cụ khá minh mẫn.
 Mấy hôm tới, em gạ chuyện chú Tú. Kể cho các bác: Từ Nỉ đến Chư bả đến Hà nội đến Chư bả(tìm hài cốt LS).
 Mà hay nhất là chuyện tìm hài cốt. "Ngoại cúm L" bị chửi vung xí mẹt từ Cleng đến Chư bả. Tiếc rằng chuyến đi tìm hài cốt, em vắng mặt.
 
Trận đánh Chư Tan Kra(26/3/1968) thì d7/e209 là chủ công, d9 là dự bị, d8 cách đó vài giờ hành quân. Nên trận này là của d7 thôi nhé.
Địa danh đúng là: Kleng.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 30 Tháng Tư, 2010, 05:56:27 pm
 Tiện đây em hỏi bác napoleon:
-Thời KCCM E 209 có 3 tiểu đoàn 7,8,9 của sư 312(hiện tại nằm trên phố Nỉ-Thái nguyên)
-Thời BGTN E 209 cũng có D7, D8, D9 nhưng lại của F7-QD4(của bác binhyen1960)
 Sao giống nhau thế nhỉ? Khác mỗi cái F?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 30 Tháng Tư, 2010, 06:05:23 pm
Tiện đây em hỏi bác napoleon:
-Thời KCCM E 209 có 3 tiểu đoàn 7,8,9 của sư 312(hiện tại nằm trên phố Nỉ-Thái nguyên)
-Thời BGTN E 209 cũng có D7, D8, D9 nhưng lại của F7-QD4(của sếp binhyen1960)
 Sao giống nhau thế nhỉ? Khác mỗi cái F?
Trong KCCM, các f chủ lực cụ thể f312 luôn đưa các e đi B chỉ giữ bộ khung ở lại A để tái lập các e mới(nên có các e209A, e209B). Như e209A đi B cuối năm 1967, vào B3 tháng 2 năm 1968 đánh ở Tây Nguyên(ở đây đổi thành e320; các d: 7,8,9 đổi mật danh thành k4, k5, k6) đến cuối 1968 thì chuyển vào B2 là nòng cốt tạo thành f7.
-Thời BGTN E 209 cũng có D7, D8, D9 nhưng lại của F7-QD4: e209A/f312.
-Thời KCCM E 209 có 3 tiểu đoàn 7,8,9 của sư 312(hiện tại nằm trên phố Nỉ-Thái nguyên): e209B (e42 QK Tả Ngạn được bổ sung về f312 và chính thức mang phiên hiệu e209B/f312).



Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 01 Tháng Năm, 2010, 06:58:08 pm
...các chú đi vào Chutang kra ngày 22-6,. Hiện còn dang bàn cãi cao điểm 1198 có chắc chắn là 995 không? Trên bản đò của các chú không co 995 mà lại có 996 . Cháu thông thạo Anh văn hơn các chú t=khai thác xem còn trận 18-5-1968 ỏ Chuz pen là cao điểm nao ? Cám õn.

Cháu xem trong tài liệu Mỹ thì không nhắc đến trận đánh lớn nào ở Tây Nguyên xung quanh ngày 18/5/68. Họ liệt kê 1 số trận khác, chú thử xem liệu có giống với trận ở Chu Pen không ạ:

- Sáng 10/5/68 ta tấn công 1 căn cứ hỏa lực Mỹ phía tây Đắk Tô khoảng 14-15km. Theo phía Mỹ quân ta hy sinh 47 người.
Bác ấy nói:
-Trận Chư pả-huyện Chư pả-Komtum.
 Gọi tạm là trận Chư pả, được không các bác?
Trận đánh của d7/e209 ở cao điểm Chư Pen–Chư tan Kra (thuộc huyện Sa Thầy, Kon Tum) ngày 15, 16 tháng 5 năm 1968; theo thông tin từ người nhà của LS Đặng Quốc Giám:
http://thethaovanhoa.vn/306N20090513085815465T132/nhat-ky-hanh-trinh-tim-mo-cha.htm


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 01 Tháng Năm, 2010, 08:27:53 pm

Trận đánh của d7/e209 ở cao điểm Chư Pen–Chư tan Kra (thuộc huyện Sa Thầy, Kon Tum) ngày 15, 16 tháng 5 năm 1968; theo thông tin từ người nhà của LS Đặng Quốc Giám:
http://timmolietsi.com.vn/index.php?newsid=645&ses=373e54ba2efa55b0d25949ef53630f16
Trận đánh xảy ra tại xã Ia mờ nông(núi Chư bả nằm tại xã này)-huyện Chư bả-Gia lai của C7-D8-E209. Ông chú em TDH hy sinh ngày 16/5/1968. Chú là anh nuôi, nhưng lại xung phong đánh trận này và hy sinh cùng 17 đồng đội khác.
 Năm 2001 gia đình đã vào đó tìm hài cốt LS TDH với tất cả các phương tiện hiện đại nhất: Ô tô chuyên leo núi, điện thoại vệ tinh. Cùng đi có 1 chú từng là liên lạc của C7-D8-E209 ngày ấy. Chú ấy đã từng an táng tại chỗ nhiều LS của trận đánh. Tỉnh và huyện đội trong đó tạo mọi điều kiện(cung cấp bản đồ, danh sách LS hy sinh của trận đánh, cử cán bộ, công binh, dân quân cùng tham gia).
 Đó là 1 vùng rất hoang vu, hiểm trở, vẫn còn những cây gỗ nghiến người ôm không xuể, vẫn còn những công sự nông choèn choẹt của ta, vẫn còn những hào giao thông khá sâu do Mỹ đào, boong ke bê tông nó cẩu đi hết rồi(sau trận đánh nó bỏ chốt này)vẫn còn những mảnh bom cắm vào cây nghiến..., cán bộ huyện và tỉnh chưa bao giờ vào đó(họ thú nhận thế). Dân vùng đó còn nói: Chỉ tin bộ đội đi bộ, còn bộ đội "đi bằng đít"-ý nói đi bằng ô tô, xe máy thì không tin.
 Kết quả không thể tìm được hài cốt bất kỳ LS nào? Dân bản địa nói: Tử sĩ ta, Mỹ chôn nông hoặc chưa kịp lấy xác, đều bị hàng đàn thú rừng, nhiều nhất là lợn rừng tha đi mất. Không tìm được đâu? Ngoại cảm bố láo hết: Hy sinh tại trận Kleng, hài cốt nằm bên dòng suối...(suối nào, cứ điểm Mỹ nằm tại yên ngựa của bình độ 1800, xác ông chú chôn tại 1 công sự cá nhân của quân mình)
 Chẳng lẽ lòng người nhanh chóng đổi thay, 7 năm sau(năm 2008) cán bộ chính sách trong đó lại thờ ơ vậy sao?
-To Napoleon: D8-E209  đánh Chư bả ngày 16/5/1968, chứ không phải D7. Vì D7 đánh Chư tan kra ngày 26/3/68 bị thiệt hại quá nặng rôi


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 01 Tháng Năm, 2010, 10:49:46 pm
To Napoleon: D8-E209  đánh Chư bả ngày 16/5/1968, chứ không phải D7. Vì D7 đánh Chư tan kra ngày 26/3/68 bị thiệt hại quá nặng rôi
Đang nói trận đánh của d7/e209 ở cao điểm Chư Pen–Chư tan Kra (thuộc huyện Sa Thầy, Kon Tum) ngày 15, 16 tháng 5 năm 1968. ;D Không lẽ không bổ sung quân, không lẽ e209 và Cục chính sách Bộ quốc phòng báo không đúng sao?
Nhớ lại vụ tắm, nguồn nước, huyện Chư Pah thuộc Kon Tum, có 2 e209, thì bác đúng là hóng hớt rồi! ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 01 Tháng Năm, 2010, 11:31:13 pm
Đang nói trận đánh của d7/e209 ở cao điểm Chư Pen–Chư tan Kra (thuộc huyện Sa Thầy, Kon Tum) ngày 15, 16 tháng 5 năm 1968. ;D Không lẽ không bổ sung quân, không lẽ e209 và Cục chính sách Bộ quốc phòng báo không đúng sao?
Nhớ lại vụ tắm, nguồn nước, huyện Chư Pah thuộc Kon Tum, có 2 e209, thì bác đúng là hóng hớt rồi! ;D
-Các bác cứ nói là lính HN chứ thực ra chủ yếu là lính huyện nhà  em. Tính riêng xã(xóm thôi) em ít nhất 3/4 bác hy sinh và mất xác trong trận bình độ 1800 của núi Chư bả ngày 16/5/68 ấy(đêm 15 ém quân, rang sáng 16 nổ súng, bọn Mẽo vàng hết cả mắt,rồi ta cũng vàng hết cả mặt rút ngay kẻo nó phản kích, sau đó nó bỏ bình độ này ngay).
-Chuyện trực thăng thả nước ấy, các cụ đều nói là nó chở từ Phi luật tân sang, em chỉ biết vậy. Em hớt thì cũng hớt với đúng người của trận đánh thôi. Cán bộ to em có nói chuyện đâu, họ toàn ngồi tận đẩu, tận đâu ấy, biết gì mà nói? Chuyện của anh công an kia nói về bố mình xảy ra tại xã Ia mờ nông-huyện Chư bả-Gia lai+Kon tum cũ đấy. Chuyện của D8, chứ không phải D7.
-Gửi cụ bục két: Mai em đánh dây thép vào Vũng tàu hỏi lại cái điện thoại đặt trên cái xe ấy là loại gì nhé!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 02 Tháng Năm, 2010, 12:13:29 am
-...bình độ 1800 của núi Chư bả
Chuyện của anh công an kia nói về bố mình xảy ra tại xã Ia mờ nông-huyện Chư bả-Gia lai+Kon tum cũ đấy.
Ok, đã ném đá thì ném cho hết luôn! ;D
-Không hiểu bác dùng từ bình độ là gì vậy? Độ cao hay tọa độ ???
-Nếu nói về tỉnh Gia Lai-Kon Tum(1976-1991) là ok, năm 2001 nhà bác đi kiếm LS thì chắc chắn là Gia Lai rồi( trong KCCM cũng thuộc Gia Lai).


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: minhnam1803 trong 02 Tháng Năm, 2010, 09:56:31 am
-...bình độ 1800 của núi Chư bả
Chuyện của anh công an kia nói về bố mình xảy ra tại xã Ia mờ nông-huyện Chư bả-Gia lai+Kon tum cũ đấy.
Ok, đã ném đá thì ném cho hết luôn! ;D
-Không hiểu bác dùng từ bình độ là gì vậy? Độ cao hay tọa độ ???
-Nếu nói về tỉnh Gia Lai-Kon Tum(1976-1991) là ok, năm 2001 nhà bác đi kiếm LS thì chắc chắn là Gia Lai rồi( trong KCCM cũng thuộc Gia Lai).

Từ bình độ rất phổ biến mà bác. Nó là tập hợp các điểm có cùng cao độ, nói đủ nó là đường bình độ.

Bác thấy, các bác CCB biên giới phía Bắc hay nói bình độ 400, thế là đủ hiểu.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Bodoibucket trong 02 Tháng Năm, 2010, 11:10:09 am
Cái Chư bả Ia-Mơ-nông của bác Giang.k17 đây:
(http://c.upanh.com/upload/5/952/CS0.10109344_1_1.jpg)

Không biết các bác kia lấy cái bình độ 1800 là gì, ở đâu ra thế?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 02 Tháng Năm, 2010, 11:13:45 am
-Cái bản đồ có từ thời Tây thuộc ghi bình độ 1485(cao nhất trong khu vực, hôm nọ em hóng nhầm là 1800) và bình độ 446. Cả 2 bình độ này đều bị ta tấn công. Trận đó D8 đánh xong, thu gom tử sĩ 18 người, chôn tại các công sự cá nhân của mình, rồi nhanh chóng rút ngay.
-Đồng bào sống quanh khu vực đó là dân tộc Giá rai(chuyên ăn bốc)
-Cuộc tìm kiếm 7 ngày tại địa danh trên, đủ mọi lực lượng tham gia(QD3,tỉnh đội, huyện đội...), quan trọng nhất là sự có mặt của bác cựu liên lạc của C7, người đã tận tay chôn cất nhiều đồng đội sáng 16/5/1968.
-Kết luận:
+) Không thể tìm thấy bất kỳ hài cốt nào của C7-D8-E209 trận 16/5/1968. Hãy để nỗi nhớ trong lòng mỗi người thôi
+) Ngoại cảm láo toét hết! Ngày đó QD3 đã dọa cho mấy ông kia ra tòa đấy!
 (Ông cựu kia nói với em: Mày còn biết nhiều hơn nhà "ngoại củm", đọc vanh vách phiên hiệu, ngày tháng, trận đánh...sao không đi làm nhà "ngoại củm" đi)
*Gửi bác bodoibucket: Em đang có trong tay 2 bản đồ do QD3 cung cấp cho gia đình(ngày đó, chế độ trong ấy là quân quản)nhưng trình độ tậm tịt, không biết pọt lên.
-------------------------------------------HẾT-----------------------------------



Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ongbom_f2 trong 02 Tháng Năm, 2010, 12:01:54 pm
-Cái bản đồ có từ thời Tây thuộc ghi bình độ 1485(cao nhất trong khu vực, hôm nọ em hóng nhầm là 1800) và bình độ 446. Cả 2 bình độ này đều bị ta tấn công. Trận đó D8 đánh xong, thu gom tử sĩ 18 người, chôn tại các công sự cá nhân của mình, rồi nhanh chóng rút ngay.
...
-Kết luận:
+) Không thể tìm thấy bất kỳ hài cốt nào của C7-D8-E209-F312 trận 16/5/1968 . Hãy để nỗi nhớ trong lòng mỗi người thôi
...
*Gửi bác bodoibucket: Em đang có trong tay 2 bản đồ do QD4 cung cấp cho gia đình(ngày đó, chế độ trong ấy là quân quản)nhưng trình độ tậm tịt, không biết pọt lên.  

* Nếu bác Giang.k17 có trong tay 2 cái bản đồ thì bác post lên cho anh em xem nó ra sao.
* Em tìm thấy ít thông tin của f312 , các bác xem thử :
...Theo kế hoạch của Bộ, mỗi khi một trung đoàn thuộc các sư đoàn chủ lực cơ động lên đường thì đều để lại một số sĩ quan, hạ sĩ quan, nhân viên kỹ thuật làm nòng cốt cùng cán bộ và tân binh mới bổ sung thành lập trung đoàn mới mang cùng phiên hiệu. Trong những năm 1965-1968, khi đưa các trung đoàn vào chiến trường Sư đoàn 312 đã thực hiện cách tổ chức đó….
… Cuối năm 1965, Sư đoàn còn tổ chức 4 tiểu đoàn bộ binh đủ quân số và trang bị vũ khí lên đường tăng cường cho quân chủ lực miền Nam. Tiểu đoàn 8 (tức tiểu đoàn 166) thuộc trung đoàn 209 và tiểu đoàn 2 (tức tiểu đoàn 420) thuộc trung đoàn 141 vào chiến trường Khu 5 chiến đấu. Các tiểu đoàn này trở thành nòng cốt xây dựng trung đoàn Ba Gia chủ lực Quân khu 5. Tiểu đoàn 9 (tức tiểu đoàn 254) thuộc trung đoàn 209 và tiểu đoàn trợ chiến hỗn hợp hành quân vào Mặt trận Trị - Thiên…
… Cũng trong năm 1966, Sư đoàn nhận lệnh đưa hai trung đoàn 141A và 165A với đủ quân số và vũ khí trang bị theo biên chế hành quân cấp tốc vào chiến trường Đông Nam Bộ tăng cường lực lượng cho khối chủ lực Miền. Trung đoàn 209A ở lại làm nòng cốt xây dựng sư đoàn.

Chấp hành mệnh lệnh, trung đoàn 141a do đồng chí Vũ Chất làm trung đoàn trưởng, đồng chí Đức Bao làm Chính uỷ đã cùng trung đoàn l65a hành quân bằng tàu hỏa vào Khu 4, sau đó hành quân bộ theo tuyến đường Trường Sơn vào Đông Nam Bộ an toàn.

Hai trung đoàn 141A và 165a là nòng cốt xây dựng Sư đoàn bộ binh 7 (ngày 13-6-1966), liên tục tham gia chiến đấu, lập chiến công oanh liệt trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.
Tại hậu phương, khi các trung đoàn 141A, 165A vào chiến trường, Sư đoàn tổ chức xây dựng hai trung đoàn mới mang phiên hiệu trung đoàn 141B và trung đoàn 165B cùng với trung đoàn 209A tiếp tục huấn luyện sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.
Tháng 2 năm 1967 Sư đoàn cử hai tiểu đoàn 4 và 5 (trung đoàn 165B) vào chiến trường Trị - Thiên chiến đấu.
Tháng 3 năm 1967 trung đoàn 165B được bổ sung đầy đủ quân số thực hiện huấn luyện chính quy nâng cao sức mạnh chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Tháng 1 năm 1968, Sư đoàn được lệnh đưa tiếp hai trung đoàn nữa vào tăng cường cho quân và dân miền Nam mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Việc chọn hai đơn vị vào chiến trường làm cho lãnh đạo chỉ huy Sư đoàn gặp khó khăn do cả ba trung đoàn đều xung phong ra mặt trận. Cuối cùng, Đảng ủy Sư đoàn quyết định cử trung đoàn 141B và trung đoàn 209A vào chiến trường Trung đoàn 165B ở lại làm nòng cốt xây dựng Sư đoàn.

Trung đoàn 141B mới được thành lập và huấn luyện khoảng 6 tháng do đồng chí Nguyễn Lãm - trung đoàn trưởng và đồng chí Khắc Hào làm chính ủy hành quân vào chiến trường Khu 5 chiến đấu. Sau một thời gian, trung đoàn trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng Sư đoàn 3 chủ lực Quân khu 5. Một số cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn được cử xuống các huyện, xã tham gia xây dựng bộ đội địa phương và dân quân du kích, góp phần đẩy mạnh chiến tranh nhân dân trên chiến trường Khu 5.

Trung đoàn 209A do đồng chí Trần Huy Toàn làm trung đoàn trưởng, đồng chí Phùng Vị làm chính ủy vào chiến đấu ở miền Đồng Nam Bộ. Đứng trong đội hình Sư đoàn 7, trung đoàn lập nhiều chiến công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Như vậy là, trong 6 năm (1963-1968) Sư đoàn đã liên tục đưa 4 trung đoàn, 9 tiểu đoàn độc lập cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam chiến đấu Từ một Sư đoàn 312, các đơn vị vào chiến trường đã được tổ chức thành một Sư đoàn hoàn chỉnh ở miền Đông Nam Bộ (Sư đoàn 7), làm nòng cốt xây dựng một sư đoàn và một trung đoàn ở Quân khu 5 (Sư đoàn 3 và trung đoàn Ba Gia) .
Tại hậu phương lớn, bộ phận "khung" còn lại được bổ sung quân số, vũ khí và gấp rút xây dựng, huấn luyện thành các đơn vị mới thay thế cho các trung đoàn, tiểu đoàn đã ra mặt trận. Sau hai lần thay thế lớn (vào năm 1966 và năm 1968) chỉ còn trung đoàn 165B do đồng chí Nguyễn Chuông làm trung đoàn trưởng và đồng chí Quang Thảo làm chính ủy ở lại làm nòng cốt tiếp tục xây dựng Sư đoàn.

Để xây dựng Sư đoàn 312 với đủ biên chế, trang bị tiếp tục làm nhiệm vụ của một Sư đoàn chủ lực cơ động, tháng 8 năm 1968, Bộ Tổng Tham mưu quyết định điều trung đoàn 42 chủ lực Quân khu Hữu Ngạn (thành lập năm 1946 về Sư đoàn thay thế vị trí trung đoàn 209A đã vào chiến trường. Tiếp đó điều ba khung tiểu đoàn từ Quân khu 4, Quân khu Tả Ngạn, Quân khu Tây Bắc về tham gia thành lập lại trung đoàn 141. Các đơn vị mới bổ sung về Sư đoàn nhanh chóng được tổ chức lại và chuyển hướng huấn luyện theo chức năng của một đơn vị chủ lực cơ động dự bị chiến lược. Thời kỳ này sư đoàn do đồng chí Nguyễn Năng làm Sư đoàn trưởng và đồng chí Hoàng Phương làm chính ủy...
…Theo kế hoạch của Bộ, cuối năm 1968 Sư đoàn (312)chuyển vào đóng quân trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô.Đồng chí Lê Chiêu được điều về làm Chính ủy Sư đoàn thay đóng chí Hoàng Phương chuyển sang công tác ở đơn vị khác. ( trích : lịch sử sư đoàn 312 )

* Bác Bodoibucket post thêm cho anh em cái bản đồ của huyện Chư Păh cũ cho đủ bộ luôn đi bác./.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 02 Tháng Năm, 2010, 12:12:25 pm
-Gửi cụ bom: D8-E209 toàn lính Đông anh-Hà nội đấy. Từ Đông anh lên 312 chỉ qua Đền Gióng 1 tẹo thôi. Cả làng em hết nước mắt vì ngày 16/5/1968 đấy! Còn sót mỗi 1 ông từng là liên lạc của C7-D8
-Gửi cụ bucket: Mở rộng cái bản đồ cho em nhờ, cái 446 phía Đông nam của 1485 đấy.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 02 Tháng Năm, 2010, 01:46:36 pm
-Cái bản đồ có từ thời Tây thuộc ghi bình độ 1485(cao nhất trong khu vực, hôm nọ em hóng nhầm là 1800) và bình độ 446.
Hê hê, em chỉ bàn về cái này, vì biết đó chắc chắn không phải là núi cao nhất Gia Lai và khu vực Tây Nguyên. Ngọn cao nhất được coi là "nóc nhà của Gia Lai" là đỉnh Kon ka Kinh cao 1.748m (chưa được 1.800m) so với mực nước biển. Tuy nhiên ở Tây Nguyên đỉnh cao nhất(cao thứ 2 VN) là Ngok Linh (Ngọc Linh) cao 2.598m.
Lần sau bác hóng hớt phải nghe chuẩn nhé, làm cứ phải ném đá hoài! ;D
@minhnam1803: em biết rồi bác ạ, chỉ hỏi bác Giang cho kĩ để ném đá mà! :)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 02 Tháng Năm, 2010, 05:17:27 pm
Đây , bản đồ đây mời các bác ném đá ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 02 Tháng Năm, 2010, 07:45:02 pm
 Sáng sớm 16/5/1968 C7-D8-E209(vào đó với tên gọi K5) đánh cứ điểm Mỹ tọa độ khoảng (68;95), bình độ 1485, lính Mỹ chỉ chốt trên yên ngựa.
 Bản đồ này do huyện đội Chư bả cung cấp khi gia đình vào tìm hài cốt LS năm 2001. Tất cả bút tích ghi bằng mực đỏ, xanh trên bản đồ là do huyện đội ghi.
 To Napoleon: Bác siêu quá, biết hết cả đỉnh cao nhất của khu vực Gia lai và Tây nguyên. Em thì chỉ biết mỗi đỉnh cao nhất của khu vực đó(loanh quanh cái xã Ia mơ nông, cái khu vực mà C7 đánh rất nhanh và cũng...chạy rất nhanh và không bỏ sót tử sĩ, liệt sĩ nào)
 


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Bodoibucket trong 02 Tháng Năm, 2010, 09:58:45 pm
Hey, ném đá àh? OK, cái 446 của đ/c giang.k17 phải thêm 1000 mét vào!  ::)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 03 Tháng Năm, 2010, 06:41:31 pm
Hôm nay coi lại báo TT-VH thấy topic chưa đưa lên những hồi ức của các CCB d7/e209 về trận đánh này.
Hồi ức của bác Hồ Đại Đồng (Tổng Giám đốc Cty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Lai Châu – Cựu chiến binh C5, D7, E209, F312):
http://thethaovanhoa.vn/306N2009051208189493T132/hoi-am-loat-bai-nhung-vong-hon-tren-dinh-chu-tan-kra-nguoi-linh-khong-ten.htm

Hồi âm loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra”: Người lính không tên
Hồ Đại Đồng (*)

42 năm trước, tháng 3/1967, 1500 chàng trai Hà Nội đã nhập ngũ vào trung đoàn 209. Tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 8 và một số đại đội trực thuộc hầu hết là lính Hà Nội.
Như Trung đoàn Sông Lô thời đánh Pháp, Trung đoàn 209 ngày ấy có thể gọi là trung đoàn lính Hà Nội thời đánh Mỹ. Tiểu đoàn 8 được đặt tên là tiểu đoàn Đông Anh, lập những chiến công vang dội ở đường 13, Thiện Ngôn – Sa Mát, Tàu Ô – Xóm Ruộng, Xuân Lộc… được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tiểu đoàn 7 ngay từ tháng 3/1968 đã có một trận đánh táo bạo làm rung chuyển nước Mỹ mang tên Chư tan Kra.

Chúng tôi được lệnh để lại hậu phương miền Bắc các loại nhật ký, ảnh, giấy tờ, tiền bạc, thư từ… và thầm hiểu, lỡ có bề gì, quân địch sẽ không biết chúng tôi là ai và từ đâu tới. Từ đây, chúng tôi là những người lính không tên.

Tháng 2/1968. Không thể nào quên được cuộc hành quân hào hùng, thần tốc của trung đoàn bộ binh mũ sắt trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đèn dù Mỹ giăng đầy các trọng điểm. Chớp lửa, tiếng bom, tiếng xe, tiếng súng phòng không, tiếng con gái Thanh niên Xung phong hát, cười trêu ghẹo đoàn lính trẻ, tiếng những đoàn thương binh trên những xe chạy ngược chiều “Nhanh lên! Không thì ống bơ Mỹ không còn mà nhặt”.

Từ đất Lào, đoàn xe chở trung đoàn ra trận đã đụng độ biệt kích địch. Đến vùng ngã ba biên giới Việt – Lào - Campuchia, chúng tôi chuyển sang hành quân bộ. Tới điểm tập kết ở thượng nguồn sông Sa Thầy (Kon Tum) vẫn bị biệt kích Mỹ đeo bám. Dường như chúng đoán được hướng chiến dịch của Trung đoàn, trực thăng bò sát ngọn cây săm soi, B52 rải bom hú họa…
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/DSC0333.jpg)
Trung tướng Lê Hữu Đức – hùm xám Tây Nguyên – người đốc chiến trận Chư tan Kra tiếp đồng đội cũ

Tháng 3/1968, đoàn cán bộ trung đoàn và các đơn vị đi trinh sát chiến trường. Khi ấy, tôi là lính trinh sát pháo nên được đi theo đại đội trưởng Khải. Ra trận giữa đại ngàn Trường Sơn, đường rừng không chút nắng, tiếng vượn hú, tiếng chim, khỉ chạy theo từng đàn, những đường voi đi phân voi còn nóng. Gặp những người dân tộc, già trẻ, nam chỉ đóng khố, nữ chỉ mặc váy, ngực trần nâu bóng, mùi thuốc lá khét lẹt, họ gùi gạo, gùi đạn cho Cách mạng. Bên bờ suối, gặp những người đàn ông xanh xao, râu ria, mặc quần áo bà ba hoặc đồ bộ đội cũ kĩ, có người nấp sâu trong rừng vạch lá nhìn chúng tôi. Hỏi mới biết họ là lính Bắc vào trước chúng tôi vài năm, chỉ có một bộ đồ nên tắm giặt xong phải chui vào bụi chờ khô quần áo. Thương quá! Chúng tôi chia cho họ quần áo, lương khô và cả thực phẩm mang vào từ miền Bắc. Đêm ngủ, ngày đi, tiếng pháo địch nghe mỗi lúc một gần.

Chúng tôi tới Chư tan Kra, đó là dãy núi hình vòng cung hướng nam - bắc, ôm một phần thung lũng Kleng. Núi có 7 đỉnh, đỉnh chính giữa cao 1198m. Từ trên sườn đông Chư tan Kra, có thể quan sát được sân bay và chi khu quân sự Kleng phía dưới. Đây là một căn cứ quan trọng của Mỹ Ngụy, án ngữ đường 14 và thị xã Kon Tum cách đó hơn 30 km về phía đông. Chúng tôi gặp ông Lê Hữu Đức, sư đoàn phó kiêm tham mưu trưởng Sư đoàn 1, ông cùng trinh sát sư đoàn đã có mặt ở đây từ trước để chuẩn bị đánh Kleng. Lúc ày tôi mới biết, trung đoàn 209 đã đổi thành trung đoàn 320 của Sư đoàn 1. Các tiểu đoàn 7, 8, 9 được mang mật danh là K4, K5, K6.

Đoàn trinh sát vào Kleng đêm thứ 3 thì bị lộ, có lẽ do đêm trước để lại nhiều dấu giầy dép và ai đó sơ ý làm rơi vật dụng hoặc thuốc lá Bắc Kỳ. Tôi nghe lính trong trại biệt kích hò hét: “Đ. má mấy thằng Bắc Kỳ” rồi bắn cối 81 ra các hướng như mưa.

Chúng tôi được lệnh quay trở lại, khi ấy các đơn vị cũng lần lượt tiến vào vị trí tập kết chiến dịch ở đông Chư tan Kra. Đoán chủ lực ta chuẩn bị đánh Kleng, Mỹ lập tức điều một số tiểu đoàn thiện chiến thuộc sư 1 (Anh Cả Đỏ), Sư 4 (phản ứng nhanh) và một số đơn vị pháo tăng cường lên khu vực Kleng để đối phó. Chúng dùng B52 rải thảm, bom phát quang, rồi hàng trăm lượt trực thăng đổ 1 tiểu đoàn Mỹ xuống đỉnh 995 – nơi ta vừa đặt Sở chỉ huy Trung đoàn ở lưng núi. Chúng nhanh chóng làm trận địa và lồng ngay sang đỉnh 996 thăm dò. Đại đội 5 chúng tôi và đại đội 3 ở đó. Vậy là trận chiến đánh Mỹ của chúng tôi bắt đầu.

Từ chốt 995 Mỹ đóng sang nơi chúng tôi đóng quân chỉ dưới ngàn mét. Hàng ngày, chúng cho quân sang đánh vào hướng C3. Nói là đánh thôi chứ thực ra gặp dăm loạt đạn, chết dăm thằng là chúng lôi xác lui ngay. Chúng gọi bom pháo bắn phá suốt ngày đêm, chỉ qua một ngày nơi trú quân trong rừng đại ngàn của chúng tôi đã ngổn ngang phơi mình dưới nắng. Lính C3 tức, nhử Mỹ vào thật gần rồi mới bắn, rồi đánh lấy xác. Chúng bắn đạn hơi cay, dùng đại liên bắn lúc đạn thật, lúc đạn giấy tùm lum lừa quân ta. Khi anh em nhổm dậy thì chúng đã bò lên, tung móc kéo xác lính chết ra hết.

Sau gần 3 ngày bị bom pháo, hai trung đội 7 và 8 của C3 bị thiệt hại nặng, đại đội trưởng Tán hy sinh cũng là lúc K4 được lệnh tập kích tiêu diệt quân Mỹ ở đỉnh 995. Chúng tôi  có một buổi chiều để chuẩn bị cho trận chiến. Đầu tiên là phải lau chùi, kiểm tra súng đạn, rồi cơm nắm, lương khô, nước uống. Pháo từ 995 vẫn bắn sang C3 mù mịt. Dong hơn chúng tôi vài tuổi nên đã biết yêu, rút trong ba lô ra tấm ảnh giấu đơn vị mang theo, đó là cô gái tên Thịnh, khen người yêu đẹp và bảo em gái mình cũng đẹp, anh Giảng Trung đội trưởng mê lắm, và rút ra một phong thư “anh Giảng làm thơ tặng em gái tao đây này”. Dong không biết rằng, nhờ lá thư anh Giảng “cưa” em gái mình mà chiếc ba lô của Dong có địa chỉ, sau này ngược Trường Sơn hàng ngàn cây số về tới nhà Dong ở phố Ấu Triệu. Chúc chưa có người yêu thì lẩm nhẩm đọc “Những đêm dài hành quân nung nấu. Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Thằng An ở Lò Đúc bảo “Tao có lá thư gửi mẹ cất trong túi áo, lỡ có sao chúng mày nhớ gửi cho tao”. Chúng tôi không làm được điều đó vì lá thư đã cùng với anh nằm lại trên căn cứ Mỹ.

Trận đánh nổ ra vào lúc 2 giờ sáng ngày 26/3/1068. Đại đội 1 chỉ sau 10 phút đã tiêu diệt tuyến phòng ngự của bộ binh địch, phát triển vào trung tâm trận địa pháo, nhét lựu đạn, thủ pháo vào từng nòng pháo. Bọn pháo thủ đưa chết, đua nhau chạy tán loạn. Đại đội 2 đánh vượt qua 3 tuyến chiến hào, công sự địch, bị chặn lại trước đỉnh 995 cao nhất. Pháo địch từ Kleng bắn đến dồn dập quanh đỉnh núi. Sau 20 phút ta làm chủ gần như hoàn toàn căn cứ Mỹ. C130 bay tới thả đèn dù sáng trưng và bắn xuống như vãi đạn. Căn cứ M2 dài hơn 500 mét ngổn ngang xác Mỹ. Những tên lính còn lại co cụm lên mỏm cao, nơi chúng đặt chỉ huy sở. Lúc này súng phun lửa, B41, B40 của ta đều đã hết đạn, địch bắn đạn khói màu phân tuyến giữ khu vực ta chiếm được với khu vực chúng đang cố thủ. Bắt đầu từ đây, đạn từ chiếc C130, pháo từ các trận địa của địch từ Kleng, đạn các loại từ ụ súng và lô cốt mẹ bắn ác liệt vào các hướng tiến quân của ta, như dựng lên một hàng rào lửa. Tiểu đoàn trưởng Trương Ân quyết định tung trung đội 9 đại đội 3 – lực lượng dự bị của tiểu đoàn và động viên những người lính còn lại tiếp tục tiến công diệt địch. Quân ta lớp lớp xung phong, lớp lớp ngã xuống, giành giật từng đoạn hào, ụ súng, giằng co cho tới sáng không dứt điểm được. Những người còn sống hầu hết đều đã bị thương, trong tay tiểu đoàn trưởng cũng không còn lực lượng chiến đấu nào nữa nên ra lệnh rút quân. Chính trị viên Phan Trung Bắc động viên lực lượng vận tải, thông tin, trinh sát “Đảng viên, đoàn viên hãy lên đưa thương binh tử sỹ ra khỏi trận địa”. Và chính anh Bắc, anh Huy trung đội trưởng thông tin đã bị thương khi lên trận địa cứu thương binh xuống.

Sau này, anh Quý lính thông tin tiểu đoàn bảo, trận này còn có một trung đội đặc công đánh thọc sâu, do anh Lệ dẫn đường, nhưng không thấy có ai trở về. Và còn có một trung đội súng phun lửa, không biết tên ai, không biết ai còn ai mất? Những người lính không tên đã ra đi như vậy, ngày sau tên các anh có thể trở về trên một tờ giấy báo lạnh lùng: hy sinh tại mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang mặt trận! Họ đã được nhà thơ – liệt sỹ Lê Anh Xuân khắc họa: “Tên anh đã thành tên đất nước”.

Tôi mơ ước một ngày, tên các anh được khắc chung trên một tấm bia lớn đặt trong khu tưởng niệm các liệt sĩ Hà Nội hy sinh trên dãy núi Chư tan Kra của Tây Nguyên.

(* - Tổng Giám đốc Cty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Lai Châu – Cựu chiến binh C5, D7, E209, F312).




Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 03 Tháng Năm, 2010, 06:45:28 pm
Hồi ức của bác Đặng Văn Thảo - Cựu chiến binh C1, D7, E209 - lính mũ sắt Hà Nội:
http://thethaovanhoa.vn/132N2009051110047270T0/khong-the-chim-vao-quen-lang.htm

Không thể chìm vào quên lãng
Đặng Văn Thảo - Cựu chiến binh C1, D7, E209 - lính mũ sắt Hà Nội

Tôi là một người lính thuộc đơn vị C1, tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, tức C1, K4. Tôi cùng đơn vị trực tiếp tham gia trận đánh cao điểm 995 thuộc dãy Chư tan Kra, lúc đó có mật danh là M2. Khi đọc bài báo “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra” trên báo TT&VH của tác giả Việt Thường, tôi cùng anh em đồng đội C1 thuở xưa, nay đã là những “ông già” ngoài 60, nghẹn ngào xúc động. Những ký ức của 41 năm xưa lại dồn dập dâng trào khiến dòng nước mắt không cầm lại được.
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/DSC0190.jpg)
Thượng tướng Nguyễn Thế Trị trao đổi với Tổng biên tập báo TT&VH Ngô Hà Thái.

Chúng tôi lúc bấy giờ ở độ tuổi 18, 19 là lính của Trung đoàn mũ sắt, đây là Trung đoàn bộ binh duy nhất của quân đội nhân dân Việt Nam được trang bị mũ sắt cùng với các vũ khí, khí tài hiện đại như súng B40, B41, súng phun lửa, đại liên kiểu mới nhất, mặt nạ phòng độc hoá học… và được huấn luyện kỹ chiến thuật hiện đại. Chúng tôi hùng dũng hành quân bằng xe cơ giới từ Hoà Bình đổ bộ vào mặt trận Tây Nguyên. Sau này, Trung tướng Lê Hữu Đức, lúc đó là Sư đoàn phó Sư đoàn 1, người được mệnh danh là “con hùm xám Tây Nguyên” kể lại: “Mình đi trinh sát về thấy các cậu mà cứ ngỡ là lính Mỹ”. Trung đoàn mũ sắt Tây Nguyên ra quân với khí thế hào hùng, đa số là trai Hà Nội “xịn”. Vừa đặt chân đến đất Kon Tum là chúng tôi nhận ngay nhiệm vụ đánh sân bay Kleng nằm ở phía đông dãy núi Chư tan Kra. Thời điểm đó, khí thế tấn công Mậu Thân đang sôi sục, quân Mỹ được tăng cường đổ vào mặt trận Tây Nguyên. Đơn vị chúng tôi chưa kịp đánh sân bay Kleng thì Mỹ đã đổ một đại đội xuống cao điểm 995 thuộc Chư tan Kra để đóng chốt, khống chế quân ta và chắn giữ mặt Tây Bắc căn cứ Kleng.

Tình hình chiến sự thay đổi, cấp trên điều động tiểu đoàn 7 (tức K4) vào đánh địch ở cao điểm 995 Chư tan Kra. Khi trinh sát ta điều nghiên M2 để lập phương án tác chiến thì bất ngờ địch lại đổ thêm quân, nâng quân số lên tương đương một tiểu đoàn. Chúng củng cố công sự vững chắc: lô cốt bê tông, các loại rào kẽm gai có đặt máy dò tiếng động, gài mìn các loại để phòng thủ, và trên đỉnh còn có cả trận địa pháo. Như vậy, lực lượng ta và địch ngang nhau về quân số nhưng Mỹ vẫn hơn hẳn ta vì ở trên cao, có công sự, không quân – gồm trực thăng tác chiến, máy bay ném bom, C130, pháo bầy từ các cứ điểm khác… yểm trợ.

Và rồi khoảng 2h sáng ngày 26/3/1968, tiểu đoàn trưởng Trương Ân bắn pháo hiệu ngay sau lưng tôi, phát lệnh tấn công. Lập tức tiếng kèn xung trận vang lên. Bộc phá mở tung hàng rào. Các chiến sĩ bộ binh Hà Nội nhất loạt lớp lớp xung phong trong tiếng đạn, tiếng pháo vang trời. Pháo sáng của địch sáng trưng cả đỉnh đồi. Cùng với anh em, tôi ôm súng tiểu liêu xông lên xiết cò, băng qua hàng rào. Bỗng một tiếng nổ ầm trước mặt, mắt tối sầm, tôi ngã xuống, khi tỉnh lại đã thấy mình được đưa ra khỏi trận địa.

Sau nhiều năm chiến đấu ở các đơn vị và các chiến trường khác nhau, tôi vẫn không quên được trận đánh Mỹ đầu tiên của các chiến binh Hà Nội. Trong trận đó, đại đội 1 của tôi, đại đội chủ công đã thương vong 2/3 quân số. Đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm, người anh cả hiền hậu – một danh ca bài chòi quê gốc Quảng Nam đã hy sinh khi chỉ huy trận đánh. Đại đội phó Hoàng Nhạc đẹp trai, dáng thư sinh, bị thương ở vùng ổ bụng và đã hy sinh ở trạm phẫu thuật tiền phương. Hơn 200 chiến sĩ thanh niên Hà Nội đã nằm lại trên đỉnh Chư tan Kra. Các anh nằm đó, lặng lẽ bên bạn bè đồng đội, hơn 40 năm qua vẫn đợi chúng tôi vào. Tôi rất xúc động khi biết ngày 26/3 năm nay, mấy anh em của đại đội 5 (đại đội hỏa lực của tiểu đoàn 7 gồm đại liên, B41 và cối 82) và cả đại đội 3 bộ binh đã lặn lội lại chiến trường xưa, tìm được cao điểm 995 Chư tan Kra, thắp nén nhang thơm để mát mẻ vong hồn đồng đội.

Sau khi TT&VH đăng tải loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị và một số Cựu chiến binh Trung đoàn Hà Nội đã đến tòa soạn bày tỏ lòng cảm ơn. Tướng Trị cho biết, trong tuần này ông sẽ tiếp xúc với các cơ quan chức năng của Hà Nội và gửi đơn kiến nghị về vấn đề xây dựng khu tưởng niệm cho các liệt sĩ Hà Nội đã nằm xuống tại dãy núi Chư tan Kra của Kon Tum.
Mặc dù đã trải qua nhiều đơn vị trong suốt 7 năm chiến đấu, nhưng đại đội 1, tiểu đoàn 7, trung đoàn 209 vẫn là cái gốc của tôi. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, anh em chúng tôi tìm nhau, quần tụ trong một hội cựu chiến binh để cùng các gia đình liệt sĩ C1 nhớ về một trận M2 máu lửa.

Mỗi lần tiếp xúc với các gia đình thân nhân liệt sĩ M2 Chư tan Kra, chúng tôi thực sự lúng túng khi nói rằng đơn vị không làm được đầy đủ công tác thương binh tử sĩ. Bởi lẽ trận đánh giằng co đến gần sáng, ta thương vong lớn, hết đạn hỏa lực, không tiêu diệt được hết quân địch nên phải rút ra, cùng lúc Mỹ cho pháo bầy, máy bay ném bom bắn phá hủy diệt. Mỹ đổ tiếp quân để tái chiếm trận địa. Các đồng chí trinh sát cho biết chiều hôm 26/3/1968 đó, lính Mỹ đã đem toàn bộ thi hài bộ đội ta chôn lấp tập thể. Đây là một việc rất đau lòng trong chiến tranh và cũng là điều day dứt của anh em bộ đội còn sống. Qua báo TT&VH, tôi cũng mong thân nhân các gia đình liệt sĩ hãy hiểu cho hoàn cảnh lúc bấy giờ và thông cảm cho anh em chúng tôi.

Nhớ lại những ngày hào hùng và nhiều mất mát ấy, tôi càng thêm kính trọng, tri ân những đồng chí anh dũng của tôi đã ngã xuống trên đỉnh Chư tan Kra. Tâm nguyện tha thiết nhất của tôi, cũng là của anh em đồng đội tiểu đoàn 7, là mong các cơ quan chức năng Nhà nước tiến hành việc tìm hài cốt các chiến sĩ Hà Nội trận vong M2 1968 và dựng bia tưởng niệm ghi công, để tôn vinh những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.



Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Bodoibucket trong 03 Tháng Năm, 2010, 06:57:49 pm

Từ đất Lào, đoàn xe chở trung đoàn ra trận đã đụng độ biệt kích địch. Đến vùng ngã ba biên giới Việt – Lào - Campuchia, chúng tôi chuyển sang hành quân bộ.

Hồi 1968 xe chở lính đã vào đến 3 biên rồi ư?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 03 Tháng Năm, 2010, 07:14:11 pm

Từ đất Lào, đoàn xe chở trung đoàn ra trận đã đụng độ biệt kích địch. Đến vùng ngã ba biên giới Việt – Lào - Campuchia, chúng tôi chuyển sang hành quân bộ.

Hồi 1968 xe chở lính đã vào đến 3 biên rồi ư?
Theo hồi kí bác Đồng Sỹ Nguyên thì có xảy ra:
http://www.quansuvn.net/index.php/topic,94.20.html
Tuyến đường vào đến Plây Cần:
"...Đặc biệt trong số 12 tiểu đoàn xe nhập tuyến, có tới 4 tiểu đoàn chở súng, đạn B40, B41, súng 12,7 ly tới khu vực ngã ba biên giới..."
Hành quân bằng cơ giới:
"...Tháng 1 này quân qua tuyến vào chiến trường lên tới 45.000, đông gấp đôi tháng trước; có hai trung đoàn và hai tiểu đoàn với gần 6.000 quân được tổ chức hành quân bằng cơ giới..."
Không kích của địch giảm hẳn:
"...không lực Mỹ bị "hút" bởi các đòn tiến công của chủ lực ta vào thành phố, đô thị, và "chất men" của Tổng tiến công "Tết"… là động cơ, là lực đẩy cho những chàng "Tuấn mã Trường Sơn" tung nước kiệu, và những cánh "Đại bàng Trường Sơn" bay xa..."


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Bodoibucket trong 03 Tháng Năm, 2010, 07:24:17 pm
Thank bác Na-pồ!  8)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: bob trong 09 Tháng Năm, 2010, 04:16:34 pm
Hồi ức của bác Đặng Văn Thảo - Cựu chiến binh C1, D7, E209 - lính mũ sắt Hà Nội:
http://thethaovanhoa.vn/132N2009051110047270T0/khong-the-chim-vao-quen-lang.htm

Không thể chìm vào quên lãng
Đặng Văn Thảo - Cựu chiến binh C1, D7, E209 - lính mũ sắt Hà Nội

Tôi là một người lính thuộc đơn vị C1, tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, tức C1, K4. Tôi cùng đơn vị trực tiếp tham gia trận đánh cao điểm 995 thuộc dãy Chư tan Kra, lúc đó có mật danh là M2. Khi đọc bài báo “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra” trên báo TT&VH của tác giả Việt Thường, tôi cùng anh em đồng đội C1 thuở xưa, nay đã là những “ông già” ngoài 60, nghẹn ngào xúc động. Những ký ức của 41 năm xưa lại dồn dập dâng trào khiến dòng nước mắt không cầm lại được.
(http://i773.photobucket.com/albums/yy11/dakto2404/DSC0190.jpg)
Thượng tướng Nguyễn Thế Trị trao đổi với Tổng biên tập báo TT&VH Ngô Hà Thái.

Chúng tôi lúc bấy giờ ở độ tuổi 18, 19 là lính của Trung đoàn mũ sắt, đây là Trung đoàn bộ binh duy nhất của quân đội nhân dân Việt Nam được trang bị mũ sắt cùng với các vũ khí, khí tài hiện đại như súng B40, B41, súng phun lửa, đại liên kiểu mới nhất, mặt nạ phòng độc hoá học… và được huấn luyện kỹ chiến thuật hiện đại. Chúng tôi hùng dũng hành quân bằng xe cơ giới từ Hoà Bình đổ bộ vào mặt trận Tây Nguyên. Sau này, Trung tướng Lê Hữu Đức, lúc đó là Sư đoàn phó Sư đoàn 1, người được mệnh danh là “con hùm xám Tây Nguyên” kể lại: “Mình đi trinh sát về thấy các cậu mà cứ ngỡ là lính Mỹ”. Trung đoàn mũ sắt Tây Nguyên ra quân với khí thế hào hùng, đa số là trai Hà Nội “xịn”. Vừa đặt chân đến đất Kon Tum là chúng tôi nhận ngay nhiệm vụ đánh sân bay Kleng nằm ở phía đông dãy núi Chư tan Kra. Thời điểm đó, khí thế tấn công Mậu Thân đang sôi sục, quân Mỹ được tăng cường đổ vào mặt trận Tây Nguyên. Đơn vị chúng tôi chưa kịp đánh sân bay Kleng thì Mỹ đã đổ một đại đội xuống cao điểm 995 thuộc Chư tan Kra để đóng chốt, khống chế quân ta và chắn giữ mặt Tây Bắc căn cứ Kleng.

Tình hình chiến sự thay đổi, cấp trên điều động tiểu đoàn 7 (tức K4) vào đánh địch ở cao điểm 995 Chư tan Kra. Khi trinh sát ta điều nghiên M2 để lập phương án tác chiến thì bất ngờ địch lại đổ thêm quân, nâng quân số lên tương đương một tiểu đoàn. Chúng củng cố công sự vững chắc: lô cốt bê tông, các loại rào kẽm gai có đặt máy dò tiếng động, gài mìn các loại để phòng thủ, và trên đỉnh còn có cả trận địa pháo. Như vậy, lực lượng ta và địch ngang nhau về quân số nhưng Mỹ vẫn hơn hẳn ta vì ở trên cao, có công sự, không quân – gồm trực thăng tác chiến, máy bay ném bom, C130, pháo bầy từ các cứ điểm khác… yểm trợ.

Và rồi khoảng 2h sáng ngày 26/3/1968, tiểu đoàn trưởng Trương Ân bắn pháo hiệu ngay sau lưng tôi, phát lệnh tấn công. Lập tức tiếng kèn xung trận vang lên. Bộc phá mở tung hàng rào. Các chiến sĩ bộ binh Hà Nội nhất loạt lớp lớp xung phong trong tiếng đạn, tiếng pháo vang trời. Pháo sáng của địch sáng trưng cả đỉnh đồi. Cùng với anh em, tôi ôm súng tiểu liêu xông lên xiết cò, băng qua hàng rào. Bỗng một tiếng nổ ầm trước mặt, mắt tối sầm, tôi ngã xuống, khi tỉnh lại đã thấy mình được đưa ra khỏi trận địa.

Sau nhiều năm chiến đấu ở các đơn vị và các chiến trường khác nhau, tôi vẫn không quên được trận đánh Mỹ đầu tiên của các chiến binh Hà Nội. Trong trận đó, đại đội 1 của tôi, đại đội chủ công đã thương vong 2/3 quân số. Đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm, người anh cả hiền hậu – một danh ca bài chòi quê gốc Quảng Nam đã hy sinh khi chỉ huy trận đánh. Đại đội phó Hoàng Nhạc đẹp trai, dáng thư sinh, bị thương ở vùng ổ bụng và đã hy sinh ở trạm phẫu thuật tiền phương. Hơn 200 chiến sĩ thanh niên Hà Nội đã nằm lại trên đỉnh Chư tan Kra. Các anh nằm đó, lặng lẽ bên bạn bè đồng đội, hơn 40 năm qua vẫn đợi chúng tôi vào. Tôi rất xúc động khi biết ngày 26/3 năm nay, mấy anh em của đại đội 5 (đại đội hỏa lực của tiểu đoàn 7 gồm đại liên, B41 và cối 82) và cả đại đội 3 bộ binh đã lặn lội lại chiến trường xưa, tìm được cao điểm 995 Chư tan Kra, thắp nén nhang thơm để mát mẻ vong hồn đồng đội.

Sau khi TT&VH đăng tải loạt bài “Những vong hồn trên đỉnh Chư tan Kra, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị và một số Cựu chiến binh Trung đoàn Hà Nội đã đến tòa soạn bày tỏ lòng cảm ơn. Tướng Trị cho biết, trong tuần này ông sẽ tiếp xúc với các cơ quan chức năng của Hà Nội và gửi đơn kiến nghị về vấn đề xây dựng khu tưởng niệm cho các liệt sĩ Hà Nội đã nằm xuống tại dãy núi Chư tan Kra của Kon Tum.
Mặc dù đã trải qua nhiều đơn vị trong suốt 7 năm chiến đấu, nhưng đại đội 1, tiểu đoàn 7, trung đoàn 209 vẫn là cái gốc của tôi. Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, anh em chúng tôi tìm nhau, quần tụ trong một hội cựu chiến binh để cùng các gia đình liệt sĩ C1 nhớ về một trận M2 máu lửa.

Mỗi lần tiếp xúc với các gia đình thân nhân liệt sĩ M2 Chư tan Kra, chúng tôi thực sự lúng túng khi nói rằng đơn vị không làm được đầy đủ công tác thương binh tử sĩ. Bởi lẽ trận đánh giằng co đến gần sáng, ta thương vong lớn, hết đạn hỏa lực, không tiêu diệt được hết quân địch nên phải rút ra, cùng lúc Mỹ cho pháo bầy, máy bay ném bom bắn phá hủy diệt. Mỹ đổ tiếp quân để tái chiếm trận địa. Các đồng chí trinh sát cho biết chiều hôm 26/3/1968 đó, lính Mỹ đã đem toàn bộ thi hài bộ đội ta chôn lấp tập thể. Đây là một việc rất đau lòng trong chiến tranh và cũng là điều day dứt của anh em bộ đội còn sống. Qua báo TT&VH, tôi cũng mong thân nhân các gia đình liệt sĩ hãy hiểu cho hoàn cảnh lúc bấy giờ và thông cảm cho anh em chúng tôi.

Nhớ lại những ngày hào hùng và nhiều mất mát ấy, tôi càng thêm kính trọng, tri ân những đồng chí anh dũng của tôi đã ngã xuống trên đỉnh Chư tan Kra. Tâm nguyện tha thiết nhất của tôi, cũng là của anh em đồng đội tiểu đoàn 7, là mong các cơ quan chức năng Nhà nước tiến hành việc tìm hài cốt các chiến sĩ Hà Nội trận vong M2 1968 và dựng bia tưởng niệm ghi công, để tôn vinh những anh hùng đã hy sinh vì Tổ quốc.


- Thật xúc động và tự hào. Năm 1970 khi vào B3 Bob tôi có được nghe kể về đơn vị mũ sắt của ta đánh Mỹ (tại một điểm cao (gần kleng) góp thành tích vào truyền thống anh hùng của quân vá dân tây nguyên bất khuất... nhưng nay (đọc các bài viết) mới được biết khá tường tận diễn biến của trận Chư tan kra. Tôi rất khâm phục tinh thần chiến đấu anh dũng tuyệt vời của các anh thuộc e 209. Sau chiến dịch xuân hè 1972 đơn vị tôi đứng chân ở ngay sân bay Kleng mà (lúc đó tôi đang còn ở e40pB). hồi ấy anh em chúng tôi đi dọc suối, hái rau, kiếm măng rừng thỉnh thoảng còn thấy mũ sắt (Liên xô).
- Tôi hoan nghênh ý kiến của các anh CCB: đề nghị nhà nước làm mọi cách (có thể) tìm hài cốt và dựng bia tưởng niệm ghi công các anh, và truy tặng các anh những danh hiệu cao quí cho xứng đáng với chiến công các anh đã cống hiến cho đất nước. 


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 09 Tháng Năm, 2010, 09:08:40 pm
Tôi hoan nghênh ý kiến của các anh CCB: đề nghị nhà nước làm mọi cách (có thể) tìm hài cốt và dựng bia tưởng niệm ghi công các anh, và truy tặng các anh những danh hiệu cao quí cho xứng đáng với chiến công các anh đã cống hiến cho đất nước. 
Theo thông tin từ portal của TP Hà Nội về đẩy nhanh tiến độ các công trình XDCB, đặc biệt là các dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội:
http://hanoi.gov.vn/web/guest/ubndthanhpho?p_p_id=vcmsviewcontent_INSTANCE_vXTn&p_p_lifecycle=0&p_p_col_id=column-2&p_p_col_pos=1&p_p_col_count=5&_vcmsviewcontent_INSTANCE_vXTn_struts_action=%2Fvcmsviewcontent%2Fview&_vcmsviewcontent_INSTANCE_vXTn_articleId=42728&_vcmsviewcontent_INSTANCE_vXTn_categoryId=2807&_vcmsviewcontent_INSTANCE_vXTn_cat_parent=2807&_vcmsviewcontent_INSTANCE_vXTn_styleBorder=&sswa6c602ba
9. Lao động - Chính sách xã hội:
 - Họp chỉ đạo dự án xây dựng Đài tưởng niệm và quy tập mộ liệt sỹ Hà Nội, các chiến sỹ thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã hy sinh tại Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: bob trong 10 Tháng Năm, 2010, 04:27:09 pm

9. Lao động - Chính sách xã hội:
 - Họp chỉ đạo dự án xây dựng Đài tưởng niệm và quy tập mộ liệt sỹ Hà Nội, các chiến sỹ thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã hy sinh tại Chư Tan Kra, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
[/quote]
- Cảm ơn bác Napo đã thông tin.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Năm, 2010, 06:38:11 am
-Cái bản đồ có từ thời Tây thuộc ghi bình độ 1485(cao nhất trong khu vực, hôm nọ em hóng nhầm là 1800) và bình độ 446.
Hê hê, em chỉ bàn về cái này, vì biết đó chắc chắn không phải là núi cao nhất Gia Lai và khu vực Tây Nguyên. Ngọn cao nhất được coi là "nóc nhà của Gia Lai" là đỉnh Kon ka Kinh cao 1.748m (chưa được 1.800m) so với mực nước biển. Tuy nhiên ở Tây Nguyên đỉnh cao nhất(cao thứ 2 VN) là Ngok Linh (Ngọc Linh) cao 2.598m.
Lần sau bác hóng hớt phải nghe chuẩn nhé, làm cứ phải ném đá hoài! ;D
@minhnam1803: em biết rồi bác ạ, chỉ hỏi bác Giang cho kĩ để ném đá mà! :)

Khổ quá! Bác Giang.K17 nói nhầm là chiến đấu ở bình độ 1800 mà các bác cứ ném đá hoài ! Vừa rồi khi vào Thành cổ Quảng Trị gặp mấy bác CCB. Được biết các bác ấy chiên đấu ở "binh độ" 7000, 8000 là chuyện thường! Thậm chí còn 10000, 20000 ấy chứ. Vì biết chuyện là khó tin nên xin kể tên người thực, việc thực để chứng minh: dẫn đầu đoàn CCB đó là trung tướng Nguyễn Đức Soát  ;D

Em cũng chỉ là hóng hớt thôi. Nếu sai, các bác cứ ném đá thoải mái  ;D

À quên @napoleon : Xin bác nói rõ bác Giang là bác Giang.K17 nhé


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 12 Tháng Năm, 2010, 12:08:31 pm
 Bác cựu C7-D8-E209  nói: Hành quân đêm, đánh nhau cũng ban đêm, bom đạn mù trời, xác ta xác Mỹ la liệt, mãi sau này mới biết là núi Chư bả(em cứ cãi là Chư pả, ông nói "tao cứ nói là Chư bả đấy"). Tới 2001 khi vào đấy tìm hài cốt đồng đội thì mới biết là bình độ 1485.
 Em nói: Thế mà chú cứ bảo là bình độ 1800, cháu bị anh em ném đá vỡ đầu kia kìa!
 Chú cười: Ừ thì tao quên, nhưng mày sang ông T mà xem lại bản đồ, Tỉnh đội họ cung cấp năm 2001 đấy. Mà chỉ là thằng lính, đánh là đánh, rút là rút, cứ loanh quanh săm soi núi cao hay thấp thì nó bắn tao vỡ đầu rồi.
 Em cười: Sao bảo ngày ấy toàn lính to cao đẹp giai, cháu thấy chú chỉ "nhỉnh hơn Napoleon " 1 tý thế( em ba hoa thế chứ có biết ông tướng Pháp kia cao mét mấy đâu)?
 Chú nói: Hôm nào tao cho mày cái ảnh tao chụp năm 1967 tại Thái nguyên, trước khi vào Nam, pọt lên cho anh em xem. Ừ! Cũng chỉ "mét mốt bẻ đôi" thôi nhỉ?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 12 Tháng Năm, 2010, 09:17:28 pm
Khổ quá! Bác Giang.K17 nói nhầm là chiến đấu ở bình độ 1800 mà các bác cứ ném đá hoài ! Vừa rồi khi vào Thành cổ Quảng Trị gặp mấy bác CCB. Được biết các bác ấy chiên đấu ở "binh độ" 7000, 8000 là chuyện thường! Thậm chí còn 10000, 20000 ấy chứ. Vì biết chuyện là khó tin nên xin kể tên người thực, việc thực để chứng minh: dẫn đầu đoàn CCB đó là trung tướng Nguyễn Đức Soát  ;D

Em cũng chỉ là hóng hớt thôi. Nếu sai, các bác cứ ném đá thoải mái  ;D

À quên @napoleon : Xin bác nói rõ bác Giang là bác Giang.K17 nhé
Ah, bác đúng là hóng hới rồi! ;D Hình như ai tên Giang cũng thế thì phải?  ;D
Tướng Soát là phi công Mig 21 nên độ cao từ 7km-10km là ok, nhưng độ cao 20km là không thể ???
Ở đây anh em đang nói về bộ binh bác ạ, không bàn tới không quân.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Năm, 2010, 11:13:23 pm
Ah, bác đúng là hóng hới rồi!  ;D  Hình như ai tên Giang cũng thế thì phải?   ;D
=> Quy nạp Hình như nguy hiểm thì phải ?

Tướng Soát là phi công Mig 21 nên độ cao từ 7km-10km là ok, nhưng độ cao 20km là không thể   ???
=> Ờ có 19000 thôi  ;D

Ở đây anh em đang nói về bộ binh bác ạ, không bàn tới không quân.
=>Mỗi tội không ai đưa ra quy định  ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 12 Tháng Năm, 2010, 11:44:14 pm
Tướng Soát là phi công Mig 21 nên độ cao từ 7km-10km là ok, nhưng độ cao 20km là không thể   ???
=> Ờ có 19000 thôi  ;D
Thế trận không chiến nào các bác phi công mà bác nghe kể bay lên đến độ cao này vậy?
27/12/1972 bác Phạm Tuân lên độ cao 10 km(ngang tầm độ cao B-52) để diệt B-52. 28/12/1972 bác Vũ Xuân Thiều cũng diệt B-52 ở độ cao này.
Không biết bác nghe ai kể vậy?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 13 Tháng Năm, 2010, 12:01:00 am
 Em chỉ dám ngo ngoe bộ binh. Bác Napoleon giỏi về tài liệu, tìm giúp em xem D7-E209 đánh những trận nào sau trận Chưtankra, cho tới tận 30.04.1975.
 Các bác cứ mang " nguồn"  ra ném, em sẽ mang CCB ra "đập"!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Giangtvx trong 13 Tháng Năm, 2010, 12:02:19 am
Tướng Soát là phi công Mig 21 nên độ cao từ 7km-10km là ok, nhưng độ cao 20km là không thể   ???
=> Ờ có 19000 thôi  ;D
Thế trận không chiến nào các bác phi công mà bác nghe kể bay lên đến độ cao này vậy?
27/12/1972 bác Phạm Tuân lên độ cao 10 km(ngang tầm độ cao B-52) để diệt B-52.
 28/12/1972 bác Vũ Xuân Thiều cũng diệt B-52 ở độ cao này.
Không biết bác nghe ai kể vậy?

Lên đó thường ít khi để chơi mà chủ yếu để tránh sự đeo bám của đối phương. Khi bị bám đuôi, một trong các chiến thuật thường dùng là "trồng cây nêu", tức là vọt thẳng đứng lên cao. Về điểm này Mig 21 có ưu thế hơn các loại máy bay của Mỹ thời đó (kể cả F4) nên thường cắt đuôi được chúng. Những lần vọt lên như thế không hiếm lần đạt tới trần bay lý thuyết của Mig 21(khoảng 19000m)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Giangtvx trong 13 Tháng Năm, 2010, 12:24:34 am
Xin nói thêm về cách đánh B52 của Mig 21 của bác Tuân : bay "sát đất" (  ;D ),  đên vùng chiến rồi "trồng cây nêu" lên cao phía trên B52 vài ngàn mét. Từ phía trên lao xuống tiếp cận đuôi phóng tên lửa rồi lao thẳng đứng xuống  "sát đất" rồi cũng bay "sát đất" về. Với đường bay như vậy, các tên lửa các các tiêm kích bảo vệ B52 hầu như không có tác dụng.  

Nhưng thôi, có lẽ nên dừng ở đây, trả diễn đàn lại cho Chư tan Kra


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 13 Tháng Năm, 2010, 12:27:11 am
Lên đó thường ít khi để chơi mà chủ yếu để tránh sự đeo bám của đối phương. Khi bị bám đuôi, một trong các chiến thuật thường dùng là "trồng cây nêu", tức là vọt thẳng đứng lên cao. Về điểm này Mig 21 có ưu thế hơn các loại máy bay của Mỹ thời đó (kể cả F4) nên thường cắt đuôi được chúng. Những lần vọt lên như thế không hiếm lần đạt tới trần bay lý thuyết của Mig 21(khoảng 19000m)

Cái này bác cần có nguồn(đây chỉ trần bay lý thuyết của Mig 21), về trần bay này các phi công lái Mig-21PFM F76 thời đó khó đạt được. Đơn giản là càng lên cao áp suất và nhiệt độ khí quyển càng giảm, mà sức của phi công ta khó mà lên cao như vậy được?
Bác cung cấp tên của bác phi công nào lên đến độ cao ấy để tham khảo nhé!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: dongadoan trong 13 Tháng Năm, 2010, 12:33:02 am
Không lạc đề nhé! Trận Chư tan Kra không có KQ tham chiến.;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 13 Tháng Năm, 2010, 12:35:05 am
Không lạc đề nhé! Trận Chư tan Kra không có KQ tham chiến.;D
Có đấy TL ạ, nhưng là không quân Mỹ!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: binhyen1960 trong 18 Tháng Năm, 2010, 12:01:16 pm
Em chỉ dám ngo ngoe bộ binh. Bác Napoleon giỏi về tài liệu, tìm giúp em xem D7-E209 đánh những trận nào sau trận Chưtankra, cho tới tận 30.04.1975.
 Các bác cứ mang " nguồn"  ra ném, em sẽ mang CCB ra "đập"!
Đã là CCB thì từ thời gần nhất bây giờ cũng 4 mấy hất lên , còn nhiều lão Cựu nữa nhòm nhèm cũng 7 mấy  8 xệ cả . Có tuổi hết rồi chưa dám nhận là già ( cụ già Thanh hóa còn bắn rơi máy bay cơ mà ) .
 Xong CCB mà Giang.k17 mang ra đập chắc chết hết mất , sức đâu nữa mà chịu cho nổi . ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 18 Tháng Năm, 2010, 10:17:19 pm
...Xong CCB mà Giang.k17 mang ra đập chắc chết hết mất , sức đâu nữa mà chịu cho nổi . ;D
Gọi là "Châu chấu đá voi" huynh ạ! Nhưng chuyện của "châu chấu" mới chân thực.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 23 Tháng Bảy, 2010, 12:02:38 am
 Đúng ra là ở bên mục "Giúp đỡ tìm người", nhưng em đem sang đấy,vì liên quan đến lính mũ sắt Hà nội, các bác cho ý kiến:
 
-Theo bạn thienlan: Tìm LS Nguyễn ngọc Hội, C8-D8-KT, đi B 2/1968, hy sinh 6/3/1969 tại mặt trận phía Nam, an táng tại nghĩa trang mặt trận(Thông tin này theo giấy báo tử)
 
-Theo QD3: Hy sinh tại Chư kơ pan, an táng tại tọa độ 8186(đúng ra phải là 81; 86), ô số 6 Plei Jar siêng.

-Theo 1 "thổ địa" gốc Gia lai-Kon tum(cũ), PM ít khi trả lời, bác này đã bổ sung thêm thông tin cho gia đình :LS hy sinh tại huyện Sa thầy-Kon tum. Chư kơ pan nay là đỉnh Chư rơ kan. Plei Jar siêng gần với các LS của D7-E209-F312(Chưtankra 26/3/1968)

-Theo cựu binh C7, C8-D8-E209-F312 thì tiểu đoàn 8 đánh trận núi Chư bả 16/5/1968 xong, rút nhanh về cứ, củng cố lực lượng, sau 2 tuần thì bắt đầu hành quân tiến vào Đông nam bộ.

 Em thì thắc mắc: 16/5/1968 đánh nhau+ 2 tuần củng cố=30/5/1968 thì bắt đầu hành quân vào Miền đông, vậy tại sao 6/3/1969 lại vẫn hy sinh ở Kon tum nhỉ? Hay giấy báo tử nhầm năm hy sinh?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 23 Tháng Bảy, 2010, 06:55:13 am
 Nhờ các bác xem giúp em C8-D8-KT có phải là C8-D8-E209-F312 không với?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 23 Tháng Bảy, 2010, 09:31:31 am
Nhờ các bác xem giúp em C8-D8-KT có phải là C8-D8-E209-F312 không với?
Nhờ các bác khó quá, em tự sướng vậy: 2 cụ cựu trinh sát của D8-E209-F312 nói C8-D8-KT là của E66-F304.
 Còn E209-F312 sau các trận ở Gia lai-Kontum 1968 thì vào Miền đông Nam bộ rồi.
 


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 24 Tháng Bảy, 2010, 05:57:39 pm
Nhờ các bác xem giúp em C8-D8-KT có phải là C8-D8-E209-F312 không với?
Nhờ các bác khó quá, em tự sướng vậy: 2 cụ cựu trinh sát của D8-E209-F312 nói C8-D8-KT là của E66-F304.
 Còn E209-F312 sau các trận ở Gia lai-Kontum 1968 thì vào Miền đông Nam bộ rồi.
 
Bạn cứ suy đoán lung tung quá  ;D, đây là e66A/f304A, bây giờ là e66/f10.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 24 Tháng Bảy, 2010, 07:00:53 pm
Nhờ các bác xem giúp em C8-D8-KT có phải là C8-D8-E209-F312 không với?
Nhờ các bác khó quá, em tự sướng vậy: 2 cụ cựu trinh sát của D8-E209-F312 nói C8-D8-KT là của E66-F304.
 Còn E209-F312 sau các trận ở Gia lai-Kontum 1968 thì vào Miền đông Nam bộ rồi.
  
Bạn cứ suy đoán lung tung quá  ;D, đây là e66A/f304, bây giờ là e66/f10.
Sự việc của ngày ấy, nên em chỉ nói đúng tên ngày ấy thôi. Ví dụ:
+)Gia lai-Kon tum.
+)Hà tuyên.
  Còn nếu mai xảy ra chiến tranh thì em lại gọi E66/F10, Gia lai, Kon tum, Hà giang, Tuyên quang...

 Chẳng lẽ chiến dịch Hồ chí minh, để giải phóng thành phố...Hồ chí minh?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 24 Tháng Bảy, 2010, 07:55:49 pm
Dù là ngày ấy hay ngày nay thì KT cũng không có e66/304.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: quangcan trong 24 Tháng Bảy, 2010, 08:05:44 pm
Đừng cãi đài nữa bác GiangNH thôi. Trường hợp này sao giống trường hợp em vừa nghe điện thoại quá: "khăng khăng khẳng định E1 F2 hy sinh năm 1972 tại Ân Hữu, Hoài Ân, BÌnh định theo lời một nhà ngoại cảm  nào đó - thứ 7 này đại gia đình họ vào đó rồi"  :-\


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 24 Tháng Bảy, 2010, 08:12:53 pm
Nhờ các bác khó quá, em tự sướng vậy: 2 cụ cựu trinh sát của D8-E209-F312 nói C8-D8-KT là của E66-F304.
 Còn E209-F312 sau các trận ở Gia lai-Kontum 1968 thì vào Miền đông Nam bộ rồi.
 
Bạn cứ suy đoán lung tung quá  ;D, đây là e66A/f304, bây giờ là e66/f10.
Sự việc của ngày ấy, nên em chỉ nói đúng tên ngày ấy thôi. Ví dụ:
+)Gia lai-Kon tum.
+)Hà tuyên.
  Còn nếu mai xảy ra chiến tranh thì em lại gọi E66/F10, Gia lai, Kon tum, Hà giang, Tuyên quang...

 Chẳng lẽ chiến dịch Hồ chí minh, để giải phóng thành phố...Hồ chí minh?
Bạn này, cái gì biết chắc thì hãy nói và phải nói đúng nhé, không được gân cổ lên như vậy ;D. Tư lệnh Đoàn đã nhắc nhở rồi đấy, tớ phân tích tí nhé:
Thời điểm tháng 3/1969, nếu bạn chỉ nói là e66/f304:
+ e66A đánh với sư đoàn BB 4 Mỹ ở Sa Thầy(Tây Nguyên).
+ e66B trong đội hình f304B ở mặt trận Trị Thiên, đóng ở Quảng Bình.
Vậy thì nếu bạn dùng chung e66 thì chả lẽ e66 đánh ở Tây Nguyên xong rồi hành quân về Quảng Bình à? Hay ngược lại e66 từ Quảng Bình hành quân vào B3 để đánh với sư 4 Mỹ  ;D. Điều này có thể xảy ra nếu e66 hành quân bằng trực thăng như Mỹ? Vô lý quá nhỉ!
Nếu rảnh rỗi thì mời bạn vào đây mà tìm hiểu nhé:
e66/f10, tức trung đoàn Plây Me. Nguyên là e66A/f304A đi Nam cuối 1965. Trực thuộc f1 khi f1 thành lập cuối 1966. Tách khỏi f1 thành chủ lực B3 sau khi f1 vào B2. Trực thuộc f10 khi f10 thành lập cuối 1972.
http://www.quansuvn.net/index.php/topic,113.90.html


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 24 Tháng Bảy, 2010, 08:35:42 pm

Bạn này, cái gì biết chắc thì hãy nói và phải nói đúng nhé, không được gân cổ lên như vậy ;D. Tư lệnh Đoàn đã nhắc nhở rồi đấy, tớ phân tích tí nhé:
Thời điểm tháng 3/1969, nếu bạn chỉ nói là e66/f304:
+ e66A đánh với sư đoàn BB 4 Mỹ ở Sa Thầy(Tây Nguyên).
+ e66B trong đội hình f304B ở mặt trận Trị Thiên, đóng ở Quảng Bình.
Vậy thì nếu bạn dùng chung e66 thì chả lẽ e66 đánh ở Tây Nguyên xong rồi hành quân về Quảng Bình à? Hay ngược lại e66 từ Quảng Bình hành quân vào B3 để đánh với sư 4 Mỹ  ;D. Điều này có thể xảy ra nếu e66 hành quân bằng trực thăng như Mỹ? Vô lý quá nhỉ!


Nào bình tõn nhé, em hỏi các bác:
1) 3/1969 ta gọi E66/F304 hay E66/F10.
2)C8-D8-KT của 3/1969 tại Gia lai-Kon tum có phải là C8-D8-E66-F304 không?
 Bác nào trả lời giúp em,theo kiểu "đúng",  "sai" thôi, không cần giải thích? Em không lạ gì cụ "Ba linh toi" này đâu!

 Ấy bác napo: e 66A của bác nói trên kia của F8 à?
 


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 24 Tháng Bảy, 2010, 08:42:33 pm
Nào bình tõn nhé, em hỏi các bác:
1) 3/1969 ta gọi E66/F304 hay E66/F10.
2)C8-D8-KT của 3/1969 tại Gia lai-Kon tum có phải là C8-D8-E66-F304 không?
 Bác nào trả lời giúp em,theo kiểu "đúng",  "sai" thôi, không cần giải thích? Em không lạ gì cụ "Ba linh toi" này đâu!

 Ấy bác napo: e 66A của bác nói trên kia của F8 à?
 
1) 3/1969 ta gọi E66/F304 hay E66/F10: sai, thời điểm này e66A là e độc lập, chủ lực của B3. Tháng 9/1972 mới là e66/f10.
2)C8-D8-KT của 3/1969 tại Gia lai-Kon tum có phải là C8-D8-E66-F304 không? Sai
 Ấy bác napo: e 66A của bác nói trên kia của F8 à? Bạn mới sáng tác ra f8 hả?  ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: dongadoan trong 24 Tháng Bảy, 2010, 08:47:01 pm
Có lẽ bạn GiangNH nên hỏi thôi, đừng nên "tự sướng" nữa nhỉ?

Đây là topic về trận Chưtan Kra, bạn làm ơn nhớ hộ cho! >:(


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 24 Tháng Bảy, 2010, 09:05:12 pm
Có lẽ bạn GiangNH nên hỏi thôi, đừng nên "tự sướng" nữa nhỉ?

Đây là topic về trận Chưtan Kra, bạn làm ơn nhớ hộ cho! >:(
Vì em nhầm lẫn C8-D8-E209-F312 với C8-D8-KT trong mục giúp đỡ tìm người nên mới hỏi ở đây.
 
 E209 là biểu tượng cho Chưtankra đấy chứ?

 TL thông cảm, toàn chuyên gia nguồn mà em hỏi mãi không ai trả lời(hỏi giúp thân nhân LS thôi). Em đành phải hỏi mấy cựu chỉ biết đội mũ sắt đánh nhau năm 1968, nên mất trật tự quá! Em xin nhận khuyết điểm.

 À mà Thienlan đâu rồi có biết sang đây mà xem không? QD3 họ bảo C8-D8-KT là gì hả chú?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: quangcan trong 25 Tháng Bảy, 2010, 09:49:29 pm
Chắc bác GiangNH lôi từ mục giúp đỡ tìm người và tìm hiểu thông tin về các đơn vị sang đây để "nhanh lên sao lên vạch".  ;D. Thương bác napoleon quá  ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 25 Tháng Bảy, 2010, 11:05:48 pm
Chắc bác GiangNH lôi từ mục giúp đỡ tìm người và tìm hiểu thông tin về các đơn vị sang đây để "nhanh lên sao lên vạch".  ;D. Thương bác napoleon quá  ;D
Thấy kêu gào quá nên lên tiếng, ai ngờ cứ được thể lấn tới ;D Vẫn còn ấm ức đấy, nếu tư lệnh Đoàn mà không tuýt còi thì còn làm tới luôn.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 25 Tháng Bảy, 2010, 11:34:08 pm
Chắc bác GiangNH lôi từ mục giúp đỡ tìm người và tìm hiểu thông tin về các đơn vị sang đây để "nhanh lên sao lên vạch".  ;D. Thương bác napoleon quá  ;D
Thấy kêu gào quá nên lên tiếng, ai ngờ cứ được thể lấn tới ;D Vẫn còn ấm ức đấy, nếu tư lệnh Đoàn mà không tuýt còi thì còn làm tới luôn.
Kinh nhể, định "quây" mình đây. Chuyện nghiêm túc đấy các bạn ạ, tất nhiên tôi thua các bạn về cái khoản vi tính cũng như tìm các nguồn dẫn chứng bằng lý thuyết?

 Nhưng chấp cả 2 bạn về nhân chứng còn sống trong các trận đánh của E209, đặc biệt là thông tin D8-E209-F312 hồi đánh nhau ở Gia lai-Kon tum năm 1968.

 Có bạn nào cần tìm thông tin về D8-E209-F312? Hãy gọi điện cho tôi.

 -Chú ý:Không nói chuyện trên QSVN vì "nhanh lên sao, lên vạch".
 -Gửi TL: Đây là Chưtankra, tất cả bài nào không liên quan tới D7,D8,D9-E209-F312 đều bị coi là spam!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 28 Tháng Bảy, 2010, 01:32:24 pm
Tin mới nhất: tỉnh Kon Tum đã đầu tư trên 30 tỉ đồng xây dựng khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội tại núi Chư Tan Kra, xã Ya Xiar, H.Sa Thầy, nơi có khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ người Hà Nội thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã hy sinh trong trận chiến đấu với quân Mỹ vào năm 1968(theo Thanh Niên).


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: TT/QD2 trong 14 Tháng Tám, 2010, 10:55:58 am
(http://i673.photobucket.com/albums/vv96/Mr-mit_gaichichit/Picture002.jpg)
(http://i673.photobucket.com/albums/vv96/Mr-mit_gaichichit/Picture001.jpg)
(http://i673.photobucket.com/albums/vv96/Mr-mit_gaichichit/Picture003.jpg)

                                   

 Gửi các bác vài hình ảnh về cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ D8-E209-F312 trận núi Chư pả ngày 16/5/1968

-Ảnh 1: Các bác cựu D8 chắc không lạ gì bác ngồi giữa, áo xanh.
-Ảnh 2: Người Giá rai rất thích ăn bốc.
-Ảnh 3: Dấu tích hầm chữ A còn sót lại sau 33 năm.
          " Tên anh đã thành tên đất nước".

                                                      ( Xã I a mờ nông-huyện Chư pả-Tỉnh Gia lai mùa khô 2001)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: anhkhoi trong 14 Tháng Tám, 2010, 11:10:28 am
Tin mới nhất: tỉnh Kon Tum đã đầu tư trên 30 tỉ đồng xây dựng khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội tại núi Chư Tan Kra, xã Ya Xiar, H.Sa Thầy, nơi có khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ người Hà Nội thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 đã hy sinh trong trận chiến đấu với quân Mỹ vào năm 1968(theo Thanh Niên).

Em thấy làm cái bia tưởng niệm vừa phải khoảng chục tỷ, phần còn lại chia đều cho 200 gia đình liệt sĩ mỗi nhà trăm triệu còn hay hơn. Đã nghèo mà còn thích chơi sang cơ. 30 tỷ là có triệu rưỡi đô. :-\


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: Quang Hieu trong 26 Tháng Tám, 2010, 05:00:05 pm
trận này em có đoc trên báo, mỗi tội không hoàn chỉnh.Nghe nói Quân ta trận này mất nhiều.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 26 Tháng Tám, 2010, 08:09:16 pm
trận này em có đoc trên báo, mỗi tội không hoàn chỉnh.Nghe nói Quân ta trận này mất nhiều.
Bạn đọc từ đầu topic này sẽ nắm cụ thể tỉ lệ thương vong của ta và Mỹ!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 17 Tháng Mười Hai, 2010, 09:06:04 pm
 Em nghe thấy mấy bác cựu E209F312 nói 20h chủ nhật 19/12/2010, trên VTV1 có phóng sự hồi ức chiến tranh, trong đó có nói tới trận Chưtankra.

 Hôm nay các cựu vẫn trong Kon tum, đang tìm kiếm đồng đội hy sinh ngày ấy và hy vọng!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 04 Tháng Giêng, 2011, 10:36:09 am
Bác phamvanchuc vừa cho biết trong chuyến đi lần thứ 5 từ 14-30/12 các CCB e209 đã tìm được hố chôn thứ 2 ở 1 hố bom phía tây nam FSB 14 (như các CCB Mỹ cung cấp thông tin). Theo ước tính có khoảng 70-80 liệt sỹ cùng nhiều di vật. Hiện huyện đội Sa Thầy đang tiến hành quy tập về nghĩa trang. Bác phamvanchuc có nhờ em post lên mấy ảnh:

(http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/DSC08500.jpg)

(http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/DSC08619.jpg)

(http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/DSC08603.jpg)

(http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/DSC08580.jpg)

(http://i378.photobucket.com/albums/oo229/chiangshan1/DSC08627.jpg)

Bác phamvanchuc cũng đang tìm kiếm về 1 trận đánh khác đêm 28-29/4/1968 ở cao điểm "Brillo Pad" hoặc "LZ Robert". Quân ta đánh 1 vị trí yên ngựa mà buổi chiều quân Mỹ vẫn đóng, nhưng khi buổi tối đánh vào thì quân Mỹ đã rút hết, ta bị pháo bắn tới làm nhiều người hy sinh. Vậy nếu bác nào có thông tin (đặc biệt là tọa độ) xin hỗ trợ.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ancakho trong 04 Tháng Giêng, 2011, 02:36:16 pm
(http://ca8.upanh.com/18.979.23426207.WM10/lzbrillopads.jpg)

Đang tìm tọa độ ...


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ancakho trong 04 Tháng Giêng, 2011, 02:45:18 pm
Ủa, các bác ấy tìm tọa độ làm gì nữa? Nó kế bên Chư TanKra mà!

(http://ca2.upanh.com/18.979.23426993.YJl0/lzrobertbrillopad.jpg)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ancakho trong 04 Tháng Giêng, 2011, 03:10:09 pm
1 - LZ Roberts (đỉnh Chư Đô)
Located at YA 901-931 in Kontum province, II Corps. Originally occupied by elements of 1st Battalion 14th Infantry, 4th Infantry Division April 29, 1968.

2 - LZ Brillo Pad
Located at YA 962-855 in Kontum province, II Corps. Occupied by elements of the 1st Battalion 12th Infantry, 4th Infantry Division around May 16, 1968. Used as base for Charlie Company 1st Battalion 12th Infantry, Delta Company 1st Battalion 14th Infantry, Bravo Battery 4th Battalion 42nd Artillery (towed 105mm howitzer). On May 16, 1968 base was subjected to heavy NVA mortar, recoilless rifle, and RPG fire resulting in 5 US KIA, 29 WIA. Base was besieged for two weeks in May-June 1968. A ground attack resulted in 41 NVA KIA.

Chiangshan: vẫn tấm bản đồ 6537-4 thôi!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 06 Tháng Giêng, 2011, 12:00:03 am


2 - LZ Brillo Pad
Located at YA 962-855 in Kontum province, II Corps. Occupied by elements of the 1st Battalion 12th Infantry, 4th Infantry Division around May 16, 1968. Used as base for Charlie Company 1st Battalion 12th Infantry, Delta Company 1st Battalion 14th Infantry, Bravo Battery 4th Battalion 42nd Artillery (towed 105mm howitzer). On May 16, 1968 base was subjected to heavy NVA mortar, recoilless rifle, and RPG fire resulting in 5 US KIA, 29 WIA. Base was besieged for two weeks in May-June 1968. A ground attack resulted in 41 NVA KIA.


 Bác nào dịch giúp em ra tiếng Việt với, hình như d8e209f312 đánh nhau ở đây?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ancakho trong 06 Tháng Giêng, 2011, 12:28:49 am
Thì cái đoạn văn ấy nó nói tọa độ của căn cứ, đơn vị nào của Mỹ đóng ...
Ngày 16 tháng 5 bị quân Bắc Việt tấn công (loanh quanh khu Chư Ta Kran này chắc cũng mấy ông Mũ Sắt thôi) và vây trong 2 tuần.
Chết Mỹ-5 Ta-41
Thương Mỹ-29 Ta-?
Hết.

Mà cái núi chóc ngóc đó với hỏa lực hỗ trợ cực khủng của Mỹ sao các bác nhà mình lại đánh vây lấn nhỉ ... chết nhiếu (hic)
(http://1-14th.com/BrilloPad2.jpg)   (http://1-14th.com/BrilloPad.jpg)
đạn B và cây tre bộc phá


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: muathuxanh trong 12 Tháng Giêng, 2011, 03:35:12 am
Thấy các bác bàn nhiều về trận Chư tan kra cháu cũng xin chia sẻ chút kinh nghiệm khi đi tìm hài cốt ls, nhất là những người chưa rõ đơn vị.
Chuyện là cháu đi tìm người chú ruột với một mảnh giấy báo tử ghi "đơn vị c13-d9-KT, hy sinh 26/3/1968 nơi an táng tại nghĩa trang mặt trận".
Với thời đại @ cháu lang thang trên internet, cũng đọc các thể loại về tìm mộ liệt sỹ, nào là ngoại cảm, rồi chính thống...Sau đó liên lạc được với một chị ở chuyên mục " giải mã phiên hiệu các đơn vị " và được biết KT tức là khu Tây Nguyên. Vậy là lại ngồi đọc các trận đánh năm 68 trên chiến trường Tây nguyên. Cháu đọc thấy có trận Chư tan Kra vào khoảng thời gian đó. Cũng may tìm trên google cụm từ "Chư tan ka" thì đọc được bài "những vong hồn trên đỉnh Chư tan kra" của VT. Linh tính mách bảo vì trùng đúng ngày hy sinh của chú là ngày diễn ra trận đánh trên Chư tan kra. Để tìm chính xác đơn vị cho chú mình, cháu đã liên lạc với Ban chính sách quân đoàn 3 nhưng vẫn bặt vô âm tín. Nhờ người quen trong QĐ 3 tìm giúp cũng không có kết quả (khi đó thất vọng vô cùng). Đến khi gởi thư vào sư 320 ở biển hồ (cứ tìm mò ) thì nhận được thư hồi âm "Liệt sỹ NĐK (chú ruột của cháu) không thuộc quân số của sư 320, nhưng chúng tôi (tức người của sư 320) tìm được thông tin của liệt sỹ NĐK lưu tại quân đoàn 3  thuộc c13 - d9 - e209 -f312, hy sinh tại cao điểm M2 "  Đọc được đến đây thì mừng rơi nước mắt. Thật là may gặp được mấy chú tốt bụng ở sư 320 đóng tại Biển Hồ - GL. Vậy là hôm sau cháu liên lạc ngay với chú Chúc CCB của d7 và được các chú CBB d7 dẫn vào Chư tan kra hồi tháng 1/2010 để thắp hương và tìm kiếm các chú vẫn còn nằm trong đó. Cũng may là gia đình cháu chưa nghe theo nhà ngoại cảm chỉ vào mãi trong Cai Lậy Tiền Giang.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 15 Tháng Giêng, 2011, 09:51:57 pm
 Nhà em thì...không tiếc tiền. Năm 2001 vào tận nội thành Hà nội, nhờ "thầy"L(lúc ấy thiên hạ đang lăng xê ác liệt, "ngài" là dân vùng 0320...) áp vong. Khổ nỗi thằng em con ông chú nhà em(cựu lính tên lửa mặt đất Cao bằng 198x) cứ trơ như đá, "vong" không thể nhập được. Sau đó "ngài" phán: Hy sinh tại Kleng.

Gia đình dùng mọi phương tiện hiện đại vào đó tìm hài cốt ông chú cựu D8E209F312 hy sinh 16/5/1968. Vốn dĩ toàn dân...thừa chữ, nên em trai của chú vào hỏi luôn Quân đoàn 3, họ giúp đỡ nhiệt tình, còn cho cả bản đồ, ngày giờ xảy ra trận đánh. Hóa ra trận ấy xảy ra tận xã Iamonong-huyện Chư pả, xã này chủ yếu là đồng bào dân tộc Giá rai. Cuộc tìm kiếm không có kết quả, khi ấy vùng núi của xã Iamonong còn hoang vu lắm, cây cổ thụ đại ngàn vẫn còn mảnh bom găm vào, nơi xảy ra trận đánh vẫn còn dấu tích của 1 vài căn hầm chữ A, trên sườn núi vẫn còn dấu tích của những công sự cá nhân của quân mình.

Ông chú(em trai LS)thuộc dạng...thừa chữ và cũng...thừa ngôn. Chửi "thầy"vung xí mẹt từ Gia lai về tận...Hà nội, rồi lại từ Hà nội vào tận...Vũng tàu.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: napoleon trong 19 Tháng Giêng, 2011, 04:23:28 pm
Có thông tin về đợt qui tập mộ LS:
http://vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2011/01/3BA2595B/
Phát hiện mộ tập thể 81 liệt sĩ
Chiều 19/1, 77 hài cốt trong số 81 liệt sĩ tìm thấy trong ngôi mộ chung trên đỉnh Chư Tan Kra (Kon Tum), được đưa về Nhà tưởng niệm Nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy, để chuẩn bị lễ truy điệu, an táng sau Tết Nguyên đán.

Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy (Kon Tum) A Kim cho biết, ngôi mộ chung của 81 liệt sĩ hy sinh trên đỉnh Chư Tan Kra được phát hiện vào ngày 14/12/2010.

Các liệt sĩ hầu hết quê ở Hà Nội, thuộc Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Trong số đó có 4 liệt sĩ đã xác định được danh tính là: Nguyễn Đình Tâm, Lê Văn Xuyên, Lưu Văn Cập và Nguyễn Văn Tạo, đều ở Gia Lâm, Hà Nội. Trước khi phát hiện ngôi mộ chung này, vào tháng 4 và tháng 10/2009 đội tìm kiếm đã quy tập được 34 mộ liệt sĩ.

Những đồng đội còn sống cho biết: từ tháng 3 đến tháng 6/1968, Trung đoàn 209 đã có nhiều trận đánh với Sư đoàn 4 và Lữ đoàn 173 Mỹ trên đỉnh Chư Tan Kra và các dãy núi xung quanh, như Chư Toác, Chư Tăng An, Chư Gor Tông… thuộc huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.

Mặc dù có sự chênh lệch rất lớn về lực lượng cũng như vũ khí, song các chiến sĩ Trung đoàn 209 đã chiến đấu với ý chí quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh. Trong các trận đánh, khoảng 400 chiến sĩ phần lớn là con em Hà Nội đã anh dũng hy sinh.

Sơn Nguyễn


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 19 Tháng Giêng, 2011, 11:57:59 pm

Mặc dù có sự chênh lệch rất lớn về lực lượng cũng như vũ khí, song các chiến sĩ Trung đoàn 209 đã chiến đấu với ý chí quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh.

Sơn Nguyễn


Nhà báo này có vẻ...nghiệp dư, ít hiểu về quân đội, các bác nhỉ?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: nguyenvietkt89 trong 20 Tháng Giêng, 2011, 08:29:35 pm
chào các bác, hôm nay nguyenviet đã đến nghĩa trang sa thầy để thắp hươg cho bác mình (hi sinh tại sa thầy năm 1972) và các liệt sĩ mới quy tập được, một nén nhang cho hương hồn các anh


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: lonesome trong 23 Tháng Giêng, 2011, 10:50:57 am

Mặc dù có sự chênh lệch rất lớn về lực lượng cũng như vũ khí, song các chiến sĩ Trung đoàn 209 đã chiến đấu với ý chí quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh.

Sơn Nguyễn


Nhà báo này có vẻ...nghiệp dư, ít hiểu về quân đội, các bác nhỉ?
Nhà em hôm nay mới đọc bài này.... cũng chán nhưng đành thông cảm cho nhà báo trẻ viết bài theo kiểu nghe hơi nồi chõ vậy


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: SaigonGuider trong 23 Tháng Giêng, 2011, 04:03:49 pm
Bác phamvanchuc vừa cho biết trong chuyến đi lần thứ 5 từ 14-30/12 ...
...
Bác phamvanchuc cũng đang tìm kiếm về 1 trận đánh khác đêm 28-29/4/1968 ở cao điểm "Brillo Pad" hoặc "LZ Robert". Quân ta đánh 1 vị trí yên ngựa mà buổi chiều quân Mỹ vẫn đóng, nhưng khi buổi tối đánh vào thì quân Mỹ đã rút hết, ta bị pháo bắn tới làm nhiều người hy sinh. Vậy nếu bác nào có thông tin (đặc biệt là tọa độ) xin hỗ trợ.

Ủa, các bác ấy tìm tọa độ làm gì nữa? Nó kế bên Chư TanKra mà!
...

èo... Chết thật... 4/1/2011 - thông tin yêu cầu mới quá mà mình không đọc thấy (cứ cặm cụi với "Xem các bài trả lời mới nhất..." thôi)
@ancakho: Chiếu theo bài thông tin tọa độ UTM của Bác... xem ra cái yên ngựa ngày 29/4... có vẻ ở đoạn 900-1000 phía nam của LZ Robert là "khả nghi" nhất - ngay ranh đường mòn!
Bởi cái chỗ LZ Brillo Pad có hai chõm ngang nhau, nhưng lại cách Chư Tan Kra (nơi tập trung của ta) 8,2km - vừa tầm pháo - ngu gì bọn chúng rút đi! Mà thông tin cho biết thì chúng ở đây bị siết đến 2 tuần! (đúng rồi! vây bên này, rồi giữa chừng định bất thần vận động tập kích bên kia chứ còn gì nữa ;))

LZ Robert có vĩ độ ngang với Chu Tan Kra - "kế bên" có 3.600m đường rừng về hướng tây! ;D

(http://i6.photobucket.com/albums/y238/nttuan/KQH/ChuTanKra2LZ.jpg)

Tọa độ đưa theo mảnh bản đồ này có thể có sai lệch không quá 170m về hướng tây-tây-bắc

@chiangshan: Bác nhắn Bác phamvanphuc, hỏi đang xài datum GPS gì và "tọa độ thực tế" của đỉnh Chu Tan Kra - để em... "chỉnh pháo" tính lại cho hai điểm kia nhé! (số của SGG 0979839899)
Nếu không nhầm thì khu vực này chỉ toàn đồi rừng chồi...

SGG xin lỗi các bác vì đọc tin muộn!

À... để áp vào BĐHC và GTĐB xem sao... chờ xí nhá ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: SaigonGuider trong 23 Tháng Giêng, 2011, 06:16:54 pm
Đỉnh Chư Tan Kra trong bản đồ GTĐB được ký hiệu bằng cao điểm 1198m

(http://i6.photobucket.com/albums/y238/nttuan/KQH/sgg575.jpg)

Mấy địa danh mà ta quan tâm nằm trong địa bàn hai Xã Sa Sơn và Ya Xiêr

(http://i6.photobucket.com/albums/y238/nttuan/KQH/sgg574.jpg)

Không biết là thông tin của SGG có giúp ích được gì cho mấy Bác ấy không?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 23 Tháng Giêng, 2011, 06:27:49 pm
Cám ơn bác SGG, để em báo lại cho các bác ấy.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ancakho trong 23 Tháng Giêng, 2011, 07:54:40 pm
ChiangShan xem thông tin này có gì mới không thì báo cho các bác ấy!

Located at YA 937-931 in Kontum province, II Corps. Also known as Hill 1198. The 1st Battalion 35th Infantry 4th Infantry Division was located here during March-to-April 1968. The NVA 325c Regiment had its headquarters on a hill 800 meters north of this location. In April 1968 two companies of the 1st/35th moved north to occupy the hill to construct LZ Virgin and were ambushed by the NVA.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:26:35 pm
ChiangShan xem thông tin này có gì mới không thì báo cho các bác ấy!

Located at YA 937-931 in Kontum province, II Corps. Also known as Hill 1198. The 1st Battalion 35th Infantry 4th Infantry Division was located here during March-to-April 1968. The NVA 325c Regiment had its headquarters on a hill 800 meters north of this location. In April 1968 two companies of the 1st/35th moved north to occupy the hill to construct LZ Virgin and were ambushed by the NVA.

Bác cho tiếng mẹ đẻ đi cho anh em nhờ! Để em còn hầu chuyện mấy bác cựu là bạn(D8E209) của bác Chúc(D7E209)

Khổ lắm, sang thế kỷ 21 rồi mà em vẫn không biết tiếng Mỹ và vẫn rất căm thù...đế quốc Mỹ!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ancakho trong 23 Tháng Giêng, 2011, 09:47:08 pm
Ah, bác Giang NaHô, em nhờ chú Gúc dịch ra tiếng Vịt ta nó thế này:

Tọa lạc tại 937-931 YA ở tỉnh Kontum, Quân đoàn II. Còn được gọi là Hill 1198. Tiểu đoàn 1 Bộ binh 35 4 sư đoàn bộ binh đã được đặt ở đây trong tháng Ba đến tháng 4 năm 1968. Quân đội Bắc Việt 325c Trung đoàn có trụ sở chính trên một ngọn đồi 800 mét phía bắc của vị trí này. Trong tháng 4 năm 1968 hai công ty của 1st/35th việc di chuyển về phía bắc để chiếm ngọn đồi để xây dựng LZ Virgin và đã phục kích của quân đội Bắc Việt.

Đấy bác hiểu được chứ? ;)

Hay là em dùng tiếng ta sửa thêm 1 tẹo xem sao?
... tại tọa độ YA 937-931 ở tỉnh Kontum, thuộc Quân đoàn II (VNCH). Còn được gọi là điểm cao 1198. Tiểu đoàn 1, trung đoàn 35, sư đoàn 4 bộ binh đã đóng ở đây trong tháng Ba đến tháng 4 năm 1968. Quân đội Bắc Việt là Trung đoàn 325C (E209/F325) đóng ở một ngọn núi cách 800 mét về phía bắc của vị trí này. Trong tháng 4 năm 1968 hai đại đội của tiểu đoàn 1/trung đoàn 35 di chuyển về phía bắc chiếm 1 điểm cao để xây dựng LZ (chốt có bãi đáp trực thăng) Virgin và đã bị phục kích bởi quân đội Bắc Việt.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 24 Tháng Giêng, 2011, 12:11:30 am
...Quân đội Bắc Việt là Trung đoàn 325C (E209/F325)

 Em tưởng tình báo Hoa kỳ giỏi, hóa ra...thường thôi: Ngày ấy, E209/F312/QĐ1 chứ?

Thôi em không dám nói E209 giai đoạn sau này, sợ "múa rìu qua mắt thợ" các bác cựu sư 7!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ancakho trong 24 Tháng Giêng, 2011, 08:56:49 am
Cái này không phải thông tin của tình báo Mẽo mà là tổng hợp thông tin từ các cựu binh Mỹ ... như vụ cái LZ Virgin ... tìm mãi không biết nó là cái gì ... không hiểu nó là tên của 1 LZ cụ thể hay là cái kiểu LZ nó như thế? Thường các LZ ở vùng núi không phải ở đỉnh cao nhất của ngọn núi mà là đỉnh cao cao hơi tròn tròn, có chỗ cho nơi bố phòng, triển khai hỏa lực và quan trọng nhất là bãi trực thăng tiếp tế ... nhìn từ trên cao trông hơi giống cái Dzú ! ;)

(http://denverpost.slideshowpro.com/albums/001/496/album-109687/cache/vietnam092.sJPG_950_2000_0_75_0_50_50.sJPG?1285848351)



Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: SaigonGuider trong 24 Tháng Giêng, 2011, 10:14:19 am
@ancakho&ChiangShan: Cái tọa độ YA 937-931 (Hill 1198) chính là đỉnh Chư Tan Kra mà ta hay nói đến (dãy Chư Tan Kra có 7 ngọn) - tên cứ điểm ở đây là LZ Mile High
Nhìn mảnh bản đồ 1/50K mà SGG đưa ở bài trước, ta thấy cùng trong ô đó có một chõm trên cùng, ngang chữ Kra... chính là nơi mà "Trung đoàn 325C (E209/F325) đóng ở một ngọn núi cách 800 mét về phía bắc của vị trí này"
Đó là cái tên Kleng mà các Bác Cựu nhắc đến (Plei Kleng - khác với căn cứ có sân bay Polei Kleng - nằm ở phía đông, gần vĩ độ, bên ngoài mảnh bản đồ này)

Về thông tin trên, thì SGG "muốn hiểu" như sau:
LZ Mile High, YA937931 - Còn được gọi là Hill 1198 ở tỉnh Kontum, Quân đoàn II. Khu vực thuộc quyền đảm trách của Tđ 1 Trgđ 35 Sđ 4 BB trong tháng Ba đến tháng 4 năm 1968...
Trung đoàn 325C của Quân đội Bắc Việt đóng trụ sở chính trên một ngọn đồi cách 800 mét về phía bắc của vị trí này.
Chính vì thế mà trong tháng 4/1968 hai đại đội của tiểu đoàn 1/trung đoàn 35, khi trên đường di chuyển về phía bắc dự tính thiết lập một LZ VIRGIN thì đã bị phục kích bởi quân đội Bắc Việt...
  
E rằng, nơi có "mộ tập thể Ls" hiện nay đã được phát hiện là chỗ Kleng này...(theo tài liệu là công binh địch thu dọn chiến trường sau đó...)

Vậy ChiangShan hỏi các Bác ấy xin mấy tọa độ nơi đã vừa phát hiện đi - từ đó ta dự tính ra các địa bàn theo diễn biến trận đánh được kể lại.

Xem ra, cái diểm "Yên ngựa 29/4" ở cùng vĩ độ mà SGG giả thiết, có vẻ... nằm đâu đó khoảng giữa điểm Kleng và LZ Robert (tìm điểm "yên ngựa" trong vệt ngang 3,6km đường rừng này... thì chắc cũng dễ... nhưng cũng mệt nghen!)

SGG vẫn còn một dấu hỏi treo lơ lửng, từ các lời kể, là "Cao điểm quan sát M2 nằm ở đâu?"

@GiangNH: Bác có để ý chi tiết "chúng tôi được đổi phiên hiệu thành Công trường 320..." không?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ancakho trong 24 Tháng Giêng, 2011, 10:45:39 am
Cám ơn bác SGG đã dịch đúng hơn em nhiều!  Nhưng ngọn đồi cách 800 m thì không đúng bác ơi. Nó phải là 1 điểm cao trong ngọn núi đó chứ ạ?
 
Còn cái vụ LZ Virgin là sao bác? ;)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ancakho trong 24 Tháng Giêng, 2011, 11:17:18 am
(http://cB5.upanh.com/19.0.24453224.pEh0/abcxyz.jpg)

nhìn từ tây sang đông.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: SaigonGuider trong 24 Tháng Giêng, 2011, 12:09:22 pm
Cám ơn bác SGG đã dịch đúng hơn em nhiều!  Nhưng ngọn đồi cách 800 m thì không đúng bác ơi. Nó phải là 1 điểm cao trong ngọn núi đó chứ ạ?
 
Còn cái vụ LZ Virgin là sao bác? ;)

  • - SGG em không có dịch đúng - đã bảo là "muốn hiểu lại theo cách SGG" thôi mừ! - chính xác là một kiểu phát biểu bằng cái giọng "tường thuật chiến trường" ở vị trí "trung gian"...
  • - Còn chuyện LZ Virgin thì xin lỗi Bác, SGG nhầm một chút (đã sửa chỉnh lại rồi) Cơ bản là khi trong đều cứ lan man hai từ Polei Klang và Polei Kleng - chỗ có LZ Cider và chỗ căn cứ có sân bay :) - cùng câu chuyện cao điểm gì đó của nhà Bác GiangNH kể hôm trước
  • - Còn chuyện "ngọn đồi cách 800m..." thì thú thật, cái điểm cao đó cũng... giống đồi lắm - nói như thế mới có thể bật lên được sự hình dung chỗ "yên ngựa" đó Bác
    SGG có nói nơi ấy là một vùng đồi rừng chồi - vì bây giờ nó đâu còn "lâm thâm" như thời của các Cụ - dẫu rằng cũng hơn nữa chục năm SGG chưa có dịp vào lại khúc đó ;D

SGG lại nhìn Đông sang Tây của khu vực đó theo kiểu khác - để thấy rõ hơn cái rìa ác liệt của đường đến chiến thắng - phải giành từng điểm cao!

(http://i6.photobucket.com/albums/y238/nttuan/KQH/sgg577.jpg)

Còn cái "chõm" "ngọn đồi cách 800m..." thì đây nè - xem dưới này rồi so trên kia thì lòng cứ nghĩ "ack, mấy Cụ làm thế nào để vào chỗ đó được hay thế?" :o

(http://i6.photobucket.com/albums/y238/nttuan/KQH/ChuTanKraLZ.jpg)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 24 Tháng Giêng, 2011, 02:56:26 pm
SGG vẫn còn một dấu hỏi treo lơ lửng, từ các lời kể, là "Cao điểm quan sát M2 nằm ở đâu?"

Theo như hồi trước bác phamvanchuc nói với em thì hình như M2 là điểm cao 996 (tây nam Pơlei Chươt).

Ngay phía tây 996 đối diện qua 1 yên ngựa là FSB 14, nơi diễn ra trận 26/3/68.
 
(http://i6.photobucket.com/albums/y238/nttuan/KQH/ChuTanKra2LZ.jpg)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: SaigonGuider trong 24 Tháng Giêng, 2011, 06:20:03 pm
SGG vẫn còn một dấu hỏi treo lơ lửng, từ các lời kể, là "Cao điểm quan sát M2 nằm ở đâu?"

Theo như hồi trước bác phamvanchuc nói với em thì hình như M2 là điểm cao 996 (tây nam Pơlei Chươt).

Ngay phía tây 996 đối diện qua 1 yên ngựa là FSB 14, nơi diễn ra trận 26/3/68.
...

@ChiangShian: SGG thấy rồi FSB14 rồi, cũng vừa xem lại bài dịch báo cáo hành quân của Bác ở trang 3... có thể xác định được vệt hành tiến của diễn biến và có thêm vài từ vấn! Cũng biết Bác phamvanchuc là một thành viên QSVN.

Trong báo cáo đó - có chỗ cần chú ý là "điểm chính có nhiều công sự của ta" lại nằm sát chỗ trú đêm của đđ D mấy ngày sau đó... nghĩa là sau một trận pháo kích cấp tập thì...
Còn trận địa pháo bắn thẳng của ta nằm trên sườn nam lên đỉnh Chu Tan Kra nữa?

Vậy nhờ ChiangShian hỏi xin Bác ấy mấy tọa độ đã vừa phát hiện LS gấp đi... để mình so sánh một chút!

- Về đêm 29/4 - lạ cái là, trong báo cáo hỗ trợ pháo thì tọa độ kích hỏa lại nằm phía Bắc LZ Robert một tí!

Vậy nhé, mong tin...
Thân,


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: chiangshan trong 24 Tháng Giêng, 2011, 06:47:59 pm
À, thông tin mới đây:

Chú đã đọc rồi , cám ơn bài và bản đồ của SG viết rất tốt . tóm tắt thế này ;
 
 Khi mới vào E 209  mũ sắt đi trinh sát mục tiêu là đánh trại biệt kik ở Kleng (gấn sân bay KLENG ) ta gọi là  M1
 
-Sau đó Mĩ phát hiện ra quân ta đã trú quân ở các cao điểm xung quanh nên cho đổ quân lên các cao điểm (LZ ) xung quanh quân ta,buộc ta phải đánh  LZ FSB 14 tai toạ độ 939-912 ta gọi nó là cao điểm M 2 nay huộc xã Sa Sơn. Nơi đã tìm thấy 2 hố chôn tập thể.
 
- Trận đánh hụt ( 29-4) ta gọi là M 3 (hiện nay chưa biết ở đâu ?)
 
-Trận đánh 16-5 ta gọi là M4 Nay các CCB đã xác định là thuộc xã Ya-sier chính là LZ Brillod Pad.
 
Hoan nghênh các cháu.


2 điểm đã tìm thấy LS là FSB 14 và Brillod Pad.

Bác SGG, tọa độ bắn của pháo binh Mỹ trong đêm 28-29/4 chính là thứ mà các bác CCB 209 đang tìm đấy ạ.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ancakho trong 24 Tháng Giêng, 2011, 07:15:25 pm
Gởi các bác tham khảo:

LZ Alamo
Located at YA 950-880 in Kontum province, II Corps. Also known as Hill 1224. Occupied by Alpha and Delta Companies 1st Battalion 12th Infantry, 4th Infantry Division. A ground attack on May 13, 1968 beaten back. Elements of the 2nd Brigade 4th Infantry Division also used this base in April 1969.

Quân ta tấn công chốt Mỹ tại mỏm 1224 do 2 đại đội Mỹ đóng - cách LZ Brillo Pad 2,5-3km, hướng Bắc-tây bắc, vào ngày 13 tháng 5, 1968.
Các bác Mũ sắt có tính trận này không và gọi là M mấy?


Tiêu đề: LZ Virgin 939-991
Gửi bởi: altus trong 24 Tháng Giêng, 2011, 08:16:20 pm
Đây là mục ghi về LZ Virgin trong danh mục các địa danh liên quan đến quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam của Kelley.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: altus trong 24 Tháng Giêng, 2011, 08:56:52 pm
Quyển sách này có rất nhiều thông tin về những đụng độ tại vùng chúng ta đang quan tâm, trong đó có một số biên bản đàm thoại qua điện đài của một số đơn vị Mỹ.

http://www.amazon.com/Time-Heals-Wounds-Jack-Leninger/dp/0804109168

(http://ecx.images-amazon.com/images/I/41PWS4TJQVL._BO2,204,203,200_PIsitb-sticker-arrow-click,TopRight,35,-76_AA300_SH20_OU01_.jpg)


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: GiangNH trong 26 Tháng Giêng, 2011, 09:08:30 pm
 Các cựu D8-E209-F312 đều nói là "Chiến dịch M1, M2...", chứ không nói là "Trận M1,M2...", trong 1 chiến dịch, có rất nhiều trận đánh các bác ạ.

 Ngày 16/5/1968 cả trung đoàn đánh khắp nơi, riêng D8 đánh  ít nhất là 2 căn cứ, 1 trong đó xảy ra tại xã Iamonong-Huyện Chư pả(các bác ấy toàn nói là Chư bả), từ căn cứ này nhìn thấy Ngã ba Đông dương. Lính Mỹ bị đánh nôn thốc nôn tháo từ lưng chừng tới yên ngựa, rồi bật sang sườn kia, sau đó lính ta bị địch phản kích bởi các loại siêu hỏa lực, rồi cũng chạy...như Mỹ, không kịp lượm...đồ cổ, không kịp cắm cờ. Nhưng vẫn kịp mang thương binh tử sĩ xuống núi. Thương binh thì mang về cứ(gần biên giới VN-L-CPC, cứ không bao giờ nằm trên đỉnh núi, có mà làm mồi cho bom, pháo nó phang), tử sĩ thì chôn rải rác ở chân núi, bờ suối.

 1 trong các bác cựu nói: Hôm ấy tôi làm nhiệm vụ thổi tù và(hay kèn ấy nhỉ) thúc quân. Em thì tròn xoe mắt: Tháng 2/1979 cũng có "ông" thổi tù và, đánh trống, khua thanh la thúc quân ???

Suýt quên, min mod nên đổi thành " Lính mũ sắt" thì hợp lý hơn, D7 đánh Chư tan kra, D8 đánh tùm lum(em chỉ là "bồi bút" cho D8 thôi). Em xin ngả mũ bái phục các bác lính mũ sắt E209F312-hầu hết là xung phong ra trận. Noi gương đàn anh, hậu sinh của lính mũ sắt là lính E209QD4, cũng có...1 số bác xung phong đi lính ???


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ancakho trong 27 Tháng Giêng, 2011, 02:58:09 pm

 Ngày 16/5/1968 cả trung đoàn đánh khắp nơi, riêng D8 đánh  ít nhất là 2 căn cứ, 1 trong đó xảy ra tại xã Iamonong-Huyện Chư pả(các bác ấy toàn nói là Chư bả), từ căn cứ này nhìn thấy Ngã ba Đông dương. Lính Mỹ bị đánh nôn thốc nôn tháo từ lưng chừng tới yên ngựa, rồi bật sang sườn kia, sau đó lính ta bị địch phản kích bởi các loại siêu hỏa lực, rồi cũng chạy...như Mỹ, không kịp lượm...đồ cổ, không kịp cắm cờ. Nhưng vẫn kịp mang thương binh tử sĩ xuống núi. Thương binh thì mang về cứ(gần biên giới VN-L-CPC, cứ không bao giờ nằm trên đỉnh núi, có mà làm mồi cho bom, pháo nó phang), tử sĩ thì chôn rải rác ở chân núi, bờ suối.


Trận này lạ nhỉ, tụi Mỹ chả đề cập đến gì cả? Mà từ Chư Pa nhìn thấy ngã 3 Đông-dương là ... là sao? Từ đó tới đó là ~60 km chim bay đấy!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: SaigonGuider trong 27 Tháng Giêng, 2011, 07:04:49 pm
@ancakho: Có báo cáo cho biết trong những ngày đầu của cao điểm trận đánh (ta cứ tính là ngày 13/3-15/3 đi nhé) thì có những thao tác "đánh chặn hậu" sau lưng ta, về hướng... Chư Pả (?)
Vấn đề là lão GiangHN, tiếp cận với các Cựu, phải "moi móc" được một cơ sở về "D8 đánh ít nhất hai căn cứ..." cũng như "từ đâu bật ra cái từ Iamonong-huyện Chư Pả?" (câu hỏi tương tự SGG đã nêu bên topic "Giúp đỡ...")

@ChiangShian: Bác ráng xin qua Bác Phamvanchuc... đến "chức sắc" nào cũng được... một con số tọa độ khu vực hiện nay (từ GPS hay từ chấm UTM)
Điều này cần thiết để SGG so sánh và kiểm chứng lý luận của mình!

Bởi thế này... Cho phép SGG dài dòng tí xíu nhe... "vòng tròn bụng" của quả đất (ngang/dọc - kinh/vĩ tuyến) được ngu72i ta coi như chia chẵn cho 3600 rồi tính thành phút, giây và phần trăm giây... suy ra mỗi độ ô kinh vĩ tương đương 111km và mỗi giây là 30m

huhu... nếu, ta nếu... SGG em chỉ sai có 30" thì lệch 180m - mà trong 180m trong rừng... cảnh quan đã khác... "Các Anh ở nơi đâu?"
Nói gì đến chuyện "chỉ" sai 10 hay nhiều độ... - ấy là chưa nói đến sai số lệch chuyển hệ tọa độ (datum) quy đổi qua các thời kỳ?
Chứ còn trong chiến đấu, quả Shell M449 nổ cách mặt đất 3,5-5m, tùy chỉnh, tỏa một góc chụp 100-1200 thì... "ôi xương tan, máu rơi..." là chuyện bình thường!

Vâng, đã ba ngày nay rồi, đầu SGG cứ ong ong như đang đội "mũ sắt" - vui nhất là "đi tới đâu" (?) cũng thấy bóng dáng hai gã đồng đội ChiangShian và Altus ?! ;D


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: bob trong 28 Tháng Giêng, 2011, 09:41:29 am

 Ngày 16/5/1968 cả trung đoàn đánh khắp nơi, riêng D8 đánh  ít nhất là 2 căn cứ, 1 trong đó xảy ra tại xã Iamonong-Huyện Chư pả(các bác ấy toàn nói là Chư bả), từ căn cứ này nhìn thấy Ngã ba Đông dương. Lính Mỹ bị đánh nôn thốc nôn tháo từ lưng chừng tới yên ngựa, rồi bật sang sườn kia, sau đó lính ta bị địch phản kích bởi các loại siêu hỏa lực, rồi cũng chạy...như Mỹ, không kịp lượm...đồ cổ, không kịp cắm cờ. Nhưng vẫn kịp mang thương binh tử sĩ xuống núi. Thương binh thì mang về cứ(gần biên giới VN-L-CPC, cứ không bao giờ nằm trên đỉnh núi, có mà làm mồi cho bom, pháo nó phang), tử sĩ thì chôn rải rác ở chân núi, bờ suối.


Trận này lạ nhỉ, tụi Mỹ chả đề cập đến gì cả? Mà từ Chư Pa nhìn thấy ngã 3 Đông-dương là ... là sao? Từ đó tới đó là ~60 km chim bay đấy!
- Thưa các bác! bob tui hồi chiến tranh (trước 1975) đã từng mò lên khu vực Chư tan Kra (gần sân bay Kleng). Hồi ấy (năm 1972-1973) đi kiếm rau rừng, cải thiện. Bob đã nhặt được mũ sắt (liên xô) mang về đơn vị, Mấy ông lính cũ ở Kon tum những năm 1965-1968 nói: đây là mũ sắt của ta hồi năm 1968 đánh chư tan kra. Rồi kể lại chuyện oánh nhau với Mỹ như hồi đánh Điện biên phủ..." Thổi kèn đồng, hô xung phong..." . Bob xem bản đồ SGG@ pót lên có núi chư mon ray, có khu vực plei kleng là chính xác rồi. Nên tập trung tìm quanh khu vực đó chắc chắn sẽ còn tìm được "liệt sĩ".
- Còn Iamonong...Chư pah (một số ccb gọi là Chư bả) thuộc đất Gia lai rồi. Liệu các cựu có nhớ nhầm địa danh không? Ngã ba đông dương mãi phía bắc Kon tum, gần căn cứ Bến hét( Plei cần), ở "chư bả" sao thấy?!   


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: SaigonGuider trong 29 Tháng Giêng, 2011, 02:38:39 pm
hic, hic... tối mắt tối mũi... gứm thật, Tết tự dưng ùa đến nhanh quá...

Giờ mà kể lể khúc nhôi nữa thì chắc SGG em "tẩu hỏa nhập ma" mất - đại loại là cứ "phán" thế này:

(http://i6.photobucket.com/albums/y238/nttuan/KQH/ChuTanKraNew01.jpg)

Đầu tiên là mấy tay kia định "gài ta" bằng cách để "hai con mắt" hai bên thung lũng sông Ya Ray (LZ Mile High và LZ Virgin)
Ai dè ta tương kế tựu kế - "cài" luôn đại bản doanh ở cái chỗ cách LZ Mile High 800m
Hắn cũng nghi nghi... nhưng cứ "đắc ý" chờ... vì nghĩ rằng ta sẽ phơi mình theo đường "mũi tên đỏ trên cùng" (của mảnh bản đồ này)
...mà thực ra "cả hai bên cùng "ngửi" thấy nhau rồi!

Dưng rồi ta lại "vào" theo con đường "mũi tên đỏ chia làm hai nhánh" phía dưới - mà trong đó nhánh dưới cùng, chỉ là nhằm "dương đông kích tây" (mấy Bác ghi chú và nhớ nhắc em lại chỗ này nghen)

Thật ra, với nhánh mũi tên giữa thì vị trí vào sẽ sát giữa thung lũng dòng Đak Đrơh hơn - nhưng SGG em vẽ ghếch lên để tránh che cái bàng có số tọa độ đỏ bên tay trái.
Khi vào đến giữa thung lũng, ta chia làm hai cánh - trước tiên là "rượt" cái "yên ngựa" OP Hill là trạm trinh sát đề-lô tạm mới lập ra để đo đo đếm đếm
Vì rằng "đã thấy dây nợ thông tin đây đó kéo về hướng bắc" - tức "chắc là" kéo về chỗ "VNA"
Theo đúng "báo cáo diễn biến" mà Bác ChiangShian đã trích ở trang3;
Bọn hắn bèn lập hai bãi đáp "nghi binh" - một ở Bắc LZ Robert nhằm ta thấy "bị lừa" - một ở trước LZ Alamo nhằm để ta thấy "phơi lưng"

Trên thực tế, FSB 14 là chổ ta tính mở "đột phá khẩu" để về hướng đông - còn hướng "có phá một khẩu pháo" ở LZ Brillo Pad chỉ là để kéo giãn địch ra mà đánh!
À! Có vẻ như ta đã có một trận địa pháo bắn thẳng nằm lưng chừng đường lên cái LZ Virgin kia (theo SGG)
Và chắc chắn là ta có một trận địa cối khá mạnh nằm chắn ngay "mũi tên xanh" về hướng Bắc - là đường của "hai công ty của 1st/35th việc di chuyển phía bắc đến LZ Virgin... bị phục kích..." mà Bác ancakho trích dẫn

(ghi chú của SGG: trong ngôn ngữ hành quân diễn tiến thì "...to construct" được hiểu là "để thiết lập" còn "construct to..." nên hiểu là "cắt góc theo phương vị..." - đại loại thế nhé)

Trên thực tế hắn cũng đã đáp ngay kế sát nút ta - vì tình thế - ngay trên FSB14
Và sau đó thì... Pháo liên tục cùng 5 phi tuần không yễm dập vào YA940916 "có kết quả tốt" - để sau đó thì "đại đội B qua đêm tại YA940915" - tức là từ phía nam đã vượt qua bãi cối của ta 100m !? (căn cứ mục 11e và 11f - theo báo cáo đã trích của ChiangShian)

Có một chuyện - theo suy luận của SGG - là ở vị trí trên, bọn hắn đã lập một trận địa cối khá hiệu quả, để "chĩa ngược" về phía nam bảo vệ đoạn có OP Hill, mặt bắc LZ Brillo Pad, kiểm soát luôn khu vưc FSB14 và cả điểm "đại bản doanh VNA" - mà do độ cao tự nhiên của mặt bắc dãy Chư Tan Kra này... đã làm cản trợ tác xạ đường pháo bắn thẳng của ta từ trận địa lưng chừng sườn Chư Mom Ray (có LZ Virgin)

Thêm vài việc khá là quan trọng nữa:
1- Ngày 13/3 Đơn vị Pháo binh 92th của bọn hắn được "tái bổ trợ và tái phối trí" bằng trực thăng từ Polei Kleng thêm một điểm trận địa pháo 6 khẩu ở YA997829 - tăng lên trong khu vực có đến 4 chứ không phải 3 trận địa pháo như trước đó
Đây là một điểm bắn gọi là rất bất ngờ và nguy hiểm - vì từ đó lên tới chỗ LZ Virgin "trong tầm" 18km (có ai nhớ giúp một đoạn báo cáo bắn từ cự ly 9400m hiệu quả tốt - thì biết 9400m đó rơi vào chỗ nào rồi)

2- Cũng trong thời điểm này, một hệ thống máy tính dành cho tính phần tử bắn cũng vừa được triển khai hoàn tất... hình như tên là... FADAC (sẽ bổ cứu sau) - cùng với nột loại kính quan sát điểm lóe quang học (thật ra, coi như đó là một loại kính "râm" có sẵn thước tầm dành cho các tiền sát ngồi trực thăng - và trực thăng cũng góp phần làm "mốc chuẩn' cho việc tính bắn!
Nói về nghiệp vụ "pháo" - nôm na là, với hai điểm chuẩn "trận địa cố định" "trực thăng treo theo tọa độ từ GPS" và tiền sát quang học (vừa nhìn cột khói, vừa "nhìn và đo từ ánh lóe đầu nòng pháo từ các trận địa của ta") thì cộng với hệ thống tính sẵn trong lập trình máy tính... thì quả là một "yễm trợ" to lớn và chính xác nguy hiểm khôn lường! Chứ đừng nói gì đến trực thăng và máy bay trợ chiến!
Một loại đầu đạn pháo chụp mang tên M449 cũng được đưa ra dùng ở chỗ này - sau khi có các phân tích khí tượng từ Đak Pét, cho biết "đang có một đợt khí ẩm lạnh từ phía nam tràn lên" (?)

3- Một điều nữa cần phải thẳng thắn nhìn nhận về mặt khách quan là sau đợt Tấn công Mậu Thân nổ ra đồng loạt dưới đồng bằng - địch dù "xiểng niễng" nhưng cũng... an tâm và... hoàn hồn trong đánh giá tương quan đôi bên - để rồi chú trọng, bắt tay ngay vào việc "chỉnh đốn, củng cố" hệ thống phòng thủ phía Tây và Bắc Tây nguyện, đoạn này...
... nhất là khi, cũng trong đợt tổng công kích đó - địch đã có biết thêm chuyện "không vận bằng máy bay tầm thấp của Bắc Việt" xuất hiện ở vùng Alưới, Ashaw... không loại trừ đâu đó trên Boloven lại có aiport thì... "Ôi! chết tới nơi rồi - phải mạnh tay trang bị thôi!"
Về mặt chủ quan - khi có đơn vị "mũ sắt" mang mùi Thăng Long thành - oanh liệt với "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh nên một lẫy lừng Điện Biên, chấn động địa cầu" thì làm tăng khí thế tiến công - phải mạnh như là "Mậu Thân... đợt 2"... hừng hực hừng hực vào trận, với các động viên quyết tâm...
Để rồi, chính từ các việc di chuyển, tản sâu vào rừng, nhường chỗ cho "trận lớn" của các bà con dân tộc dọc theo sông Sa Thầy... mà địch đã "ngửi mùi" được mối nguy hiểm... chú ý nhiều hơn
Thực chất của "nguồn tin tình báo SPAR" tức là một cách phân tích tổng hợp theo kiểu "vừa mặc áo vừa xếp hàng" - bởi trước đó đã có vụ điều nghiên bị lộ ngay trong vòng rào căn cứ Pơlei Kleng - tính năng của loại "cây nhiệt đới" cũng bổ cứu thêm vào những chứng cứ mà bọn hắn gọi là "trinh sát vô tuyến"
Riêng chuyện "có hai ông bị bắt" chỉ làm... củng cố thêm chứng cứ phân tích về "sức mạnh trang bị, khả năng tiếp vận và... kinh nghiệm chiến đấu" để có biện pháp "ứng xử thích đáng" mà thôi!

4 - Chuyện này quan trọng nhất:
Như vậy, hiện nay, ta đã biết được hai điểm "tìm người" rồi! Một là chỗ FSB14 và hai là chỗ OP Hill
Theo "giả thiết thuyết minh" như trên - ta có thể quan tâm đến tọa độ YA940916 (ô chữ màu đỏ bên tay phải ghi ngày 25/3 - tọa độ được không yễm với 5 phi tuần bomb được "hiệu quả tốt")

Riêng tọa độ YA828906 - theo báo cáo yễm trợ pháo có 15 quả Shell M449 được gởi đến theo yêu cầu trong chiều tối ngày 29/4 - chỉ mang tính tập kích, nên sau đó không có báo cáo hồi đáp gì!
Từ một thông tin khác của đơn vị BB thì có 46 VC KIA và thu 9 đơn vị vũ khí!

huhuhu... SGG em đọc và tổng hợp từ nhiều nguồn - không thể trích dẫn gì... nhờ Bác nào kiểm chứng lại và làm phản biện!
Bởi mỗi trăm mét trong rừng không phải chuyện chơi!

Chỉ mong Các Anh có hiển linh thì... cho em biết trúng nhé! !?!?!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: ducbinh90 trong 05 Tháng Ba, 2012, 11:38:17 am
thấy các bác thảo luận về Chư tan kra, mãi hôm nay mới vào xem thấy hay quá...
Em cũng theo các chú CCB vào đấy mấy lần, không biết có giúp gì các bác được?


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: crishalong trong 30 Tháng Bảy, 2012, 10:03:39 am
thấy các bác thảo luận về Chư tan kra, mãi hôm nay mới vào xem thấy hay quá...
Em cũng theo các chú CCB vào đấy mấy lần, không biết có giúp gì các bác được?

Mình đọc mà rơi nước mắt.Dân mình dũng cảm và yêu nước vậy, ai cũng như các anh thì đâu còn lo mấy vấn đề với phương Bắc nữa!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: qtdc trong 03 Tháng Tám, 2012, 12:22:51 pm
Báo Lao Động Cuối tuần về Chư Tan Kra:
http://laodong.com.vn/Lao-dong-cuoi-tuan/Thu-ngo-tu-Chu-Tan-Kra/77704.bld


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: xuanxoan trong 31 Tháng Tám, 2012, 07:38:09 am
    SSG làm nóng tiếp chuyện đánh ở đây đi. Thế hệ đàn anh đánh những năm 1968 theo bài viết thật bất ngờ về cách đánh và lòng dũng cảm đánh như trong phim hồi đó và trận này lại hy sinh hơn 200 anh em mà chủ yếu là lính thủ đô thật quá sức tưởng tượng của mình. Xem thêm phần trích dẫn và lời bình của thân nhân liệt sĩ ở báo Lao động sao buôn thế người có chức quyền ở Hà Nội ơi.  Tôi cũng là người lính ra đi từ thủ đô, đứng trước hàng quân tân binh nhập ngũ đã nghe rất nhiều lời giáo huấn của quý vị trước khi đi chiến trường và nay có một việc nhỏ để các vị đền chút ơn cho đồng đội tôi đã mất mà không làm nên chuyện. Chán các vị lắm rồi...thôi các đàn anh đi trước kể tiếp đi, có còn nhiều các anh có đầy đủ tên, địa chỉ gia đình không?..


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: quynd36582009 trong 31 Tháng Tám, 2012, 02:42:22 pm
Mình đã sống, chiến đấu ở Tây Nguyên 09 năm từ đầu 1968 đến cuối tháng tư 1976. Tây Nguyên đối với mình có nhiều kỷ niệm bởi mình đã gắn bó với nhiều vùng đất của Tây Nguyên ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk . Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời chiến đấu của mình là trận đầu đánh Mỹ của đơn vị mình D7-E9-F312 (F7) tiến đánh cao điểm Chư Tan Kra thuộc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Năm 2011 mình vào dự lễ truy điệu và an táng 77 liệt sỹ của đơn vị tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Sa Thấy. Các liệt sỹ này tìm thấy trong hố chôn tập thể tại cao điểm 995 tọa độ YA939931 còn gọi M2 Mỹ đặt là FSB14 thuộc dãy núi Chư Tan Kra. Nhưng trong lễ truy điệu lại đề là cao điểm 996. Dẫn đến một số bài viết trên các báo có tin đưa không khớp, không chính xác. Về lâu dài lịch sử truyền lại về sau cho hậu thế sẽ khó hiểu. Mình có dẫn tấm bản đồ sau đây đề các bạn cùng xem và bạn nào quan tâm cùng cho ý kiến.(Mình không gửi được ảnh)
 quynd36582009@yahoo.com.vn 




Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: quynd36582009 trong 01 Tháng Chín, 2012, 08:38:38 pm
Mình gửi lại ảnh thu nhỏ về địa hình khu vực Chư Tan Kra


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: bob trong 03 Tháng Chín, 2012, 08:58:33 pm
Mình đã sống, chiến đấu ở Tây Nguyên 09 năm từ đầu 1968 đến cuối tháng tư 1976. Tây Nguyên đối với mình có nhiều kỷ niệm bởi mình đã gắn bó với nhiều vùng đất của Tây Nguyên ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk . Nhưng kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời chiến đấu của mình là trận đầu đánh Mỹ của đơn vị mình D7-E9-F312 (F7) tiến đánh cao điểm Chư Tan Kra thuộc xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Năm 2011 mình vào dự lễ truy điệu và an táng 77 liệt sỹ của đơn vị tại nghĩa trang liệt sỹ huyện Sa Thấy. Các liệt sỹ này tìm thấy trong hố chôn tập thể tại cao điểm 995 tọa độ YA939931 còn gọi M2 Mỹ đặt là FSB14 thuộc dãy núi Chư Tan Kra. Nhưng trong lễ truy điệu lại đề là cao điểm 996. Dẫn đến một số bài viết trên các báo có tin đưa không khớp, không chính xác. Về lâu dài lịch sử truyền lại về sau cho hậu thế sẽ khó hiểu. Mình có dẫn tấm bản đồ sau đây đề các bạn cùng xem và bạn nào quan tâm cùng cho ý kiến.(Mình không gửi được ảnh)
 quynd36582009@yahoo.com.vn 



Chào  Bác quynd36@  ! Là người đã sống và chiến đấu ở Tây nguyên gần chục năm trời, lại trực tiếp tham gia trận Chư tan kra năm 1968. Chắc chắn bác có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về tây nguyên. Mong bác kể lại cho lớp đàn em, nhất là các bạn trẻ tham khảo và học tập về truyền thống của qđnd Việt nam anh hung trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. kính chúc bác khỏe và viết đều. Kính quí!


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: quynd36582009 trong 06 Tháng Chín, 2012, 10:24:46 am
Trận Chư Tan Kra, xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum sử dụng chiến thuật tập kích ( không phải đánh chiến thuật “vây lấn” như một bạn nào trên diễn đàn đã nêu ). Trận này do D7-E209-F312 tiến đánh ( tên gọi ở miền Bắc) tức k4, công trường 320, nông trường 1 ( tên gọi tại mặt trận B3 Tây Nguyên). Ngày 11/3/1968 đơn vị bắt đầu hành quân rời khỏi binh trạm 3 Kon Tum, mỗi người ba lô, súng đạn, lương thực khoảng 45 Kg vượt qua các ngọn núi cao ( dân đã có câu dốc Kon Tum, hùm Gia Lai),vượt qua sông Sa Thầy từ bờ phía tây. Dòng sông Sa thầy mùa này vẫn còn chảy xiết, bộ đội phải dùng cây song buộc vào gốc cây từ bờ phía tây sang bờ phía đông bám vào đó để qua sông, sau đó vượt qua Chư Đô. Buổi chiều 20/3/1968 các đơn vị của tiểu đoàn đã ở dưới chân núi Chư Tan Kra ( trong đó có tiểu đoàn bộ). Nơi đây rừng núi có độ dốc cao với nhiều cây to của rừng già, suối đầu nguồn. Mình nhập ngũ 27-3-1967 vào A10-C1-D7-E209 nhưng sau khi huấn luyện cơ bản về chiến kỹ thuật bộ binh xong mình được điều động lên thông tin tiểu đoàn. Được biên chế vào tiểu đội tổng đài, B thông tin D7. B thông tin có 4 tiểu đội :1a truyền đạt, 1a vô tuyến 2w, 1a tổng đài, 1a dây dã chiến. Mặt trận tây bắc Kon Tum lúc này rất căng thẳng với tiếng súng, tiếng máy bay ném bom, máy bay trinh sát của địch suốt ngày bay lượn. Sáng ngày hôm sau khoảng 8h ngày 21-3-1968 địch ném bom bắn phá dữ dội cao điểm 995 YA 939931 thuộc dãy núi Chư Tan Kra ( tiểu đoàn 7 trong đó có D bộ ém quân dưới chân núi này). Ngày hôm sau địch đổ quân xuống, thả máy ủi san mặt bằng, làm công sự và thả lô cốt đúc sẵn, bao cát, hàng rào thép gai… hình thành trận địa pháo binh, có bộ binh đơn vị của sư đoàn 4 Mỹ bảo vệ. Cao điểm này án ngữ đường tiến quân của ta dự định đánh vào sân bay và đồn plei Kleng- mật lệnh của ta là M1. Từ 21đến 25/3/1968 trong 5 ngày địch đã xây dựng một trận địa trên cao điểm với chiến hào, lô cốt, hoả lực mạnh, hàng rào đơn tương đối hoàn chỉnh. Lệnh của Bộ tư lệnh mặt trận B3 Tây nguyên giao cho đơn vị phải tiến đánh cao điểm này - mật lệnh là M2. Nếu địch đổ bộ xuống 1, 2 ngày mà ta đánh thì trận đánh thường là sử dụng chiến thuật tập kích. Về phía địch trong 5 ngày đã củng cố trận địa tương đối vững chắc như đã trình bày ở trên nên trận đánh vẫn sử dụng chiến thuật tập kích, nhưng ta có tăng cường hỏa lực tiến theo cùng bộ binh như súng phun lửa, B41, đại liên…có bố trí lực lượng đặc công phối hợp đánh bên trong nhằm tiêu diệt cho được hệ thống thông tin chỉ huy, lô cốt mẹ…gọi là chiến thuật đánh nở hoa trong lòng địch. Diễn biến trận đánh như thế nào, mời các bạn sẽ xem ở bài sau.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: quynd36582009 trong 06 Tháng Chín, 2012, 12:11:15 pm
              Nghe tin Đảng, Chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội đã xây dựng lên một khu tưởng niệm uy nghi để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh tại trận chiến đấu ngày 26/3/1968 Chư Tan Kra và các trận ở Chư Tan An, Chư Chok …của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Khu tưởng niệm đã được tổ chức khánh thành vào ngày 18.7.2012 tại xã Ya xier, huyện Sa Thầy, Kon Tum. Khu tưởng niệm do Bộ tư lệnh Thủ đô làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng xây dựng trong tổng diện tích gần 22.000 m2. Mình viết bài thơ sau để kính tặng hương hồn đồng đội.
                     
                       TRỌN LỜI THỀ

                       Kính tặng hương hồn đồng đội

Nhớ chiều cùng bước qua Long Biên
Trời nước Hồng Hà giáng Rồng Tiên
Phù Đổng xóm làng ven sông Đuống
Đêm đầu quân ngũ ngủ không yên.

Trận đầu vào đánh Chư Tan Kra
Bão đạn mưa bom vẫn xông pha
Nhiều bạn hy sinh nằm ở lại
Hồn thiêng còn mãi đỉnh đồi xa.

Ngày nào cùng hát khúc quân hành
Nay bạn đã đi vào sử xanh
Đồng đội nhớ thương lên trận địa
quyết tâm tìm bạn tấm lòng thành.

Đồng đội lên đồi trận chiến xưa
Thắp hương gọi bạn khóc như mưa
Trời xanh xanh thẳm mây trôi nhẹ
Trong gió Sa Thầy tiếng bạn thưa.

Chiến tranh đã hết anh không về
Cha mẹ mỏi mòn đợi ở quê
Hà Nội thủ đô nghiêng bút tháp
Ghi công liệt sỹ trọn lời thề.



Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: bob trong 06 Tháng Chín, 2012, 05:32:33 pm
              Nghe tin Đảng, Chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội đã xây dựng lên một khu tưởng niệm uy nghi để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh tại trận chiến đấu ngày 26/3/1968 Chư Tan Kra và các trận ở Chư Tan An, Chư Chok …của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Khu tưởng niệm đã được tổ chức khánh thành vào ngày 18.7.2012 tại xã Ya xier, huyện Sa Thầy, Kon Tum. Khu tưởng niệm do Bộ tư lệnh Thủ đô làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng xây dựng trong tổng diện tích gần 22.000 m2. Mình viết bài thơ sau để kính tặng hương hồn đồng đội.
                     
                       TRỌN LỜI THỀ

                       Kính tặng hương hồn đồng đội

...
Trận đầu vào đánh Chư Tan Kra
Bão đạn mưa bom vẫn xông pha
Nhiều bạn hy sinh nằm ở lại
Hồn thiêng còn mãi đỉnh đồi xa.
...

Chiến tranh đã hết anh không về
Cha mẹ mỏi mòn đợi ở quê
Hà Nội thủ đô nghiêng bút tháp
Ghi công liệt sỹ trọn lời thề.


Bài thơ hay và cảm động quá..Viết tiếp đi bác.


Tiêu đề: Re: Trận Chư tan Kra
Gửi bởi: quynd36582009 trong 12 Tháng Ba, 2016, 11:50:46 pm
Những ngày này cách đây 48 năm đang là mùa xuân Mậu Thân 1968 trên toàn Miền Nam cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân khắp các tỉnh Miền Nam đã nổ ra và đang phát triển mạnh mẽ. Quân đội xâm lược Mỹ và lực lượng của Việt Nam Cộng hoà đã thua đau nhưng chúng cũng đã bừng tỉnh và chống trả quyết liệt.
     Tiểu đoàn 7 trung đoàn 209 sư đoàn 312 trong đội hình hành quân của trung đoàn 209 ( sư đoàn 312 được mệnh danh là quả đấm thép của bộ ) đã được lệnh rời rừng núi tỉnh Hoà Bình tại địa danh Núi Chắn thuộc huyện Kim Bôi từ chiều ngày 05/02/1968 tức ngày 08 tháng giêng năm Mậu Thân. Cuộc hành quân thần tốc 20 ngày đêm vào chiến trường Kon Tum ( tại binh trạm 3 –T3 ) để cùng với quân và dân Miền Nam viết tiếp những trang sử hào hùng oanh liệt của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, đã nổ ra từ đêm giao thừa Tết Mậu Thân tức đêm 30-1-1968 sau bài thơ chúc tết của Bác Hồ “…Tiến lên toàn thắng ắt về ta ”. Đúng như bài thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết – Bài ca xuân 1968 :
…………….
Anh chị em ơi !
Hãy giương súng lên cao, chào Xuân 68
Xuân Việt Nam
Xuân của lòng dũng cảm
Ai đến kia, rộn rã cùng Xuân ?
Hoan hô anh Giải phóng quân
Kính chào Anh, con người đẹp nhất !
                             ……………
Hoan hô Xuân 68 anh hùng !
Hãy gầm lên như sấm sét đùng đùng
Tất cả pháo !
                   Và xông lên, dũng sĩ!
Như khí phách Trần, Lê. Như oai vũ Quang Trung…
        Với khí thế và tinh thần quyết chiến quyết thắng D7-E209-F312 tức K4-E320-F1 ( phiên hiệu quân giải phóng Tây Nguyên ) đêm 25 rạng ngày 26-03-1968 tức ngày 28 tháng 2 năm Mậu Thân đã được lệnh của Bộ tư lệnh B3, sư đoàn 1 giao cho nhiệm vụ tập kích cao điểm Chư Tan Kra ( M2 ). Cao điểm này do 1 tiểu đoàn thiếu của sư đoàn 4 Mỹ chiếm đóng trước đó 5 ngày để làm lá chắn bảo vệ cho sân bay và đồn plei Kleng (M1) nằm ở phía tây sông Pô Kô và tỉnh lỵ Kon Tum. Đây là trận đầu của tiểu đoàn 7 cũng là trận đầu của trung đoàn 209 đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên, trên chiến trường Miền Nam. Để các bạn hình dung tương đối cụ thể về trận đánh này tôi xin cung cấp cho các bạn một tư liệu quan trọng bài báo của các lực lượng vũ trang giải phóng Tây Nguyên số ra ngày 28-03-1968 viết về trận đánh này(đăng sau trận đánh 02 ngày). Bài báo này tôi có được và giữ cho đến ngày nay là do một người bạn cho tôi sau chiến dịch này tại tiểu đoàn 23 bộ tư lệnh B3 Tây Nguyên năm 1968 ( Sau chiến dịch này tôi được điều động làm nhiệm vụ Văn thư quân lực tiểu đoàn 23 bộ tư lệnh B3 Tây Nguyên ). Bài báo này tôi đã cung cấp cho Ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 209 để có cơ sở báo cáo với Bộ tư lệnh Thủ Đô và UBND thành phố Hà Nội tìm quy tập liệt sỹ và xây dựng khu tưởng niệm các chiến sỹ Hà Nội đã chiến đấu hy sinh tại Chư Tan Kra sau này. Nguyên văn bài báo như sau :
       (( Đêm 25 rạng ngày 26/03 K4 đã đánh một trận tập kích tốt, tiêu diệt gần hết 1 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo binh và 1 tiểu đoàn bộ Mỹ. Giặc Mỹ đã phải thừa nhận đây là một trận đánh rất táo bạo và chúng đã bị thiệt hại vừa( tức là thiệt hại nặng ).
      Để đánh thắng, các đồng chí K4 đã nêu cao tinh thần dũng cảm kiên cường vượt qua hy sinh ác liệt quyết tâm xốc tới tiêu diệt quân thù.
      Đó là tinh thần xung phong chớp nhoáng, mãnh liệt và đồng loạt của các đồng chí bộ binh C1,C2 ngay từ phút đầu nổ súng đã vượt qua cửa mở xông thẳng vào đánh chiếm các ụ súng rồi nhanh chóng phát triển vào tung thâm đánh phá các trận địa pháo và chỉ huy sở địch với lối đánh táo bạo bằng thủ pháo, lựu đạn, tiểu liên bắn gần. Bất chấp sự chống trả điên cuồng của địch trong cơn tuyệt vọng đã oanh tạc bừa bãi bằng mọi thứ bom phá, bom bi, bom lân tinh…
    Đó là sự hiệp đồng rất đẹp của các phân đội trợ chiến chi viện đắc lực cho bộ binh xông lên diệt địch: đại liên bắn điểm từng loạt ngắn vào hoả lực địch, xạ thủ Phạm Ngọc Thái bị thương lùi về phía sau băng bó xong lại xông lên tiếp tục chiến đấu. B40, B41 lần lượt hạ hết ụ súng này đến ụ súng khác và luôn có mặt ở bất cứ chỗ nào cần có mặt, xạ thủ Trương Đức Chính luôn luôn động viên các đồng chí thương binh “ Các đồng chí cứ bình tĩnh, chúng tôi sẽ trả thù cho các đồng chí ”, xạ thủ Trực sau khi đã hạ 3 ụ súng đã ngồi hẳn lên trên xác Mỹ tiếp tục dùng tiểu liên diệt địch .
    Đó là hành động tỉ mỷ cụ thể dũng cảm và tiên phong của những cán bộ đảng vỉên như đội trưởng Ân, như chính trị viên Bắc, như phân đội trưởng Nguyễn Xuân Lâm, như phân đội phó Nhạc, như Lê Sỹ Nhật…luôn xông xáo có mặt ở hàng đầu chỉ huy và động viên đơn vị xốc tới; như Nguyễn Văn Khang một mình đánh địch bảo vệ thương binh diệt hàng chục Mỹ bằng tiểu liên lựu đạn và rút ra sau.
     Đó là tình thương yêu đồng đội và quyết tâm diệt địch của những đồng chí phục vụ như y tá Bắc, văn thư Tứ, đưa hết thương binh ra nơi an toàn rồi quay trở lại dùng tiểu liên, lựu đạn diệt địch.
     Tinh thần dũng cảm của một tập thể dúng cảm kết hợp với lối đánh gần, đánh nhanh, đánh thọc sâu đã đem lại cho K4 một trận thắng lớn, mở ra nhiều triển vọng cho đơn vị và cho toàn đoàn.
     Hoan hô K4 ! hoan hô các binh chủng phối thuộc, chắc chắn trong những ngày tới; Các đồng chí sẽ lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa . ))
     Trận đánh đã diễn ra vô cùng ác liệt từ 2h30’ sáng 26/03/1968 đến 05h sáng khi máy bay Mỹ ngừng thả dù pháo sáng, mặt trời sáng lên thì quân ta rút. Theo sách truyền thống của Trung đoàn 209 thì trận này Mỹ tử trận 206 binh sỹ, phía ta bị thương và hy sinh 200 đồng chí. Trong lịch sử chiến đấu của tiểu đoàn 7, trung đoàn 209, ký ức của nhiều cán bộ và chiến sỹ trong đơn vị còn phải trải qua không biết bao nhiêu trận đánh sau này; Nhưng trận đánh này là một trận đánh đã để lại trong tâm trí chúng tôi nhiều ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc.
      Đến ngày chiến thắng, ngày Miền Nam được hoàn toàn giải phóng có rất nhiều đồng đội của chúng ta đã không trở về quê hương. Họ mãi mãi nằm lại trên các cánh rừng, trên những đỉnh núi như đỉnh Chư Tan Kra hùng vĩ, linh thiêng của núi rừng Tây Nguyên, trên những cánh rừng, đồng ruộng của Miền Đông Nam Bộ, của Miền Nam đất Việt. Sắp tới ngày giỗ của các bạn ngày 26-03 mình có đôi lời bộc bạch cùng các bạn chiến đấu đã hy sinh và bạn đọc; Năm tháng đã đi qua, nhưng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 mãi mãi là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất to lớn. Làm tiền đề cho những thắng lợi quyết định sau này, cho chiến thắng 30-4-1975 miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
      Để giành được thắng lợi đó, quân dân cả nước ta đã phải chịu nhiều hy sinh tổn thất vô cùng to lớn. Chúng ta sống hôm nay và các thế hệ mai sau, phải mãi mãi biết ơn và ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của đồng bào, đồng chí chúng ta, những người con ưu tú đã xả thân vì Tổ quốc để non sông đất nước ta thống nhất, có độc lập tư do, nhân dân ta được sống trong hoà bình hạnh phúc.