Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: trieumien trong 27 Tháng Tư, 2009, 06:29:04 am



Tiêu đề: Những kỷ niệm của tôi được vinh dự gặp Bác Hồ
Gửi bởi: trieumien trong 27 Tháng Tư, 2009, 06:29:04 am
Hồi ức của thiếu tướng Y Blok Êban - Dân tộc Êđê.
                                             Triệu Miện -  TB Lịch sử Quân sự ghi.

18 tháng Tám năm 1945, tại Buôn Ma Thuột, Ban Khởi nghĩa đã thành lập. Tôi được phân công tổ chức một tiểu đội  bảo vệ đoàn đại biểu của Uỷ ban Khởi nghĩa hạ uy thế bọn Nhật, giành chính quyền ở Buôn Ma Thuột. Trong một lần họp, tôi được nhìn thấy ảnh một ông già, các anh trước đây là tù chính trị  bị Pháp đày ở nhà đày Buôn Ma Thuột ,nay là cán bộ của Uỷ ban Khởi nghĩa bảo đó là Cụ Hồ Chí Minh. Nhìn tấm ảnh, đôi mắt, khuôn mặt của Cụ đã thu hút tôi, đã cho tôi một niềm tin mãnh liệt ngay từ đầu tiên. Tôi cứ mong và tin rằng Cụ Hồ Chí Minh là Ông Nguyễn Ái Quốc mà trước đây các anh tù chính trị đã tuyên truyền giác ngộ cho tôi biết chủ trương đường lối giải phóng dân tộc của ông Nguyễn Ái Quốc, tôi đã tin cách mạng từ những ngày đó.

Tháng 1 năm 1948, tôi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tôi vô cùng xúc động, Đảng đã tin yêu dân tộc chúng tôi, đã dắt dìu chúng tôi đứng dậy sánh vai cùng đồng bào cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp, xây dựng chính quyền cách mạng. Tuy cách mạng chưa mang lại gì nhiều về vật chất cho đồng bào chúng tôi, nhưng mỗi hạt muối khi lạt, mỗi tấm chăn khi lạnh, mỗi viên thuốc khi đau…., cán bộ cách mạng đã vượt qua bao nhiêu hy sinh gian khổ để mang đến cho đồng bào dân tộc chúng tôi, công ơn đó của Đảng, đặc biệt là của Bác Hồ, của những tấm lòng cán bộ cách mạng làm theo lời dạy của Bác Hồ. Nghĩ đến Đảng, Bác, Quân đội đối với tôi và đồng bào tôi, sự chịu đựng gian khổ, hy sinh của tôi có thấm tháp gì đâu với sự nghiệp cách mạng mang đến cho dân tộc tôi và toàn dân tộc nói chung. Tôi đã nguyện sẽ làm tròn mọi nhiệm vụ mà Đảng, Quân đội giao phó, Nhiệm vụ nào tôi cũng quyết tâm hoàn thành dù chỉ một tổ 3, 4 người của Đội Võ trang Tuyên truyền đi vào vùng địch hậu, dù ăn đói, mặc rách, dù bọn Pháp và tay sai truy lùng vẫn tìm cách bám vào dân, xây dựng cơ sở cách mạng ở nhiều vùng như M’Drăk, miền Tây Khánh Hoà, và tận vùng sâu Dăk Mil đã xây dựng được đội du kích chống địch.

Quá trình hoạt động, xây dựng lực lượng du kích, tháng 1 năm 1953, tôi được Liên Khu V cử tôi đi dự Hội nghị Tổng kết Du kích chiến tranh và học các nghị quyết mới của Đảng ở Chiến khu Việt Bắc. Nguyện vọng nung nấu của tôi từ ngày theo cách mạng là được gặp Bác Hồ có thể thành sự thực.

Trước khi bước vào Hội nghị, chúng tôi được dẫn đến một thung lũng không rộng lắm nhưng phong cảnh rất đẹp. Một dòng suối gọi là suối Na Nưa nước từ đỉnh núi chảy xuống rất trong len lỏi qua những viên sỏi nhỏ long lánh dưới ánh mặt trời. Hai bên suối là những ngôi nhà sàn xinh xắn. Khu nhà chúng tôi đến ở xây cất khá đẹp, có đến 4-5 căn nhà: một nhà bếp, một nhà ăn, một nhà khách và một nhà của cán bộ công nhân viên phục vụ. Trước mặt không xa lắm, khoảng 400 – 500m có xóm đồng bào Tày, có nhà sàn, vườn cây ăn quả cam bưởi, dừa, cau … xum xuê. Khu nhà mà chúng tôi nghỉ chung quanh đều có những cây to, cao, xen lẫn các cụm nứa, vầu cây thẳng tắp. Căn nhà có kỹ thuật xây cất thật đẹp, trang trí trong nhà đều ngăn nắp. Giường ngủ có đệm phủ lên. Loại giường này chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ được đặt lưng nằm.
Một buổi tối chiếu phim. Anh em chúng tôi háo hức tập trung đông đủ chờ xem phim. Bỗng đâu, Bác Hồ đên rất đột ngột. Anh em chúng tôi rất lúng túng không biết làm gì bây giờ, tất cả  đứng lên ùa vây quanh Bác và không ai cầm được nước mắt, miêng cứ luôn nói: “Bác, Bác !...”. Mặc dù trời tối nhưng vẫn nhìn tỏ mặt Người. Bác hồng hào, nhanh nhẹn. Bác hỏi: “Các chú có khoẻ không?”. Mọi người thầm thì nói với Bác như người con nói với mẹ hiền: “Chúng cháu rất khoẻ ạ !”. Bác vui vẻ khen ngợi: “Đồng bào miền Trung, đồng bào Nam Bộ rất anh hùng, đồng bào miền xuôi, đồng bào miền ngược đoàn kết đánh giặc tốt. Bác chưa vào được miền Nam, nhưng Bác luôn theo dõi tình hình đấu tranh của đồng bào miến Nam từng giờ. Các chú ra dự hội nghị này sẽ tiếp thu, quán triệt tốt nghị quyết mới của Trung ương về làm tốt hơn…”
Lần đầu gặp Bác bất ngờ, xúc động quá tôi không nói được lời nào, đứng gần Bác, tôi chỉ nói được một câu: “Cháu là người dân tộc Êđê – Dăk Lăk”. Bác quay lại nhìn tôi và nói: “Chú có biết anh Y Ngông Niê Kdăm không?” Tôi trả lời: “Cháu biết ạ ! Anh Y Ngông là người cùng quê.” Bác nói với tôi “À, thế à !” Bác quay ra với mọi người và nói: “Bây giờ Bác bận việc, các chú xem phim, nghỉ ngơi cho khoẻ.” Bác bắt tay từng người một. Bác quay ra đi cùng người bảo vệ. Bác đi rồi để lại cho mỗi người những suy nghĩ đấy xúc động, nghẹn ngào.

Thế là tôi đã được gặp Bác. Tôi nghĩ: “Người thật giản dị. Nếu mọi người gánh vác một việc hoàn thành tốt một việc thì Bác bớt lo nhiều.”

Buổi sáng khai mạc Hội nghị Du kích chiến tranh, chiều tối chúng tôi tập trung tại hội trường. Lại một lần bất ngờ nữa, Bác đến thăm Hội nghị đột ngột, không được báo trước. Bác vào không ai biết. Khi nhìn thấy Bác, cả hội trường đứng dậy hô: “Bác Hồ, Bác Hồ ! …”. Trong bộ quần áo kaki bạc mầu, Bác như người cha về cùng các con chứ không phải một cán bộ cao cấp nhất của Đảng, của nước, của toàn dân tộc. Bác tươi cười vui vẻ nói: “Bí mật ! Mời các cô, các chú ngồi xuống.” Cả hội trường im lặng ngồi xuống để mọi người ai cũng nhìn thấy Bác. Các anh trong đoàn Chủ tịch giới thiệu Bác đến thăm và nói chuyện với Hội nghị. Dù mới được gặp Bác, nhưng lần này tôi vẫn xúc động không kém lần đầu tiên được nhìn thấy Bác, lần này tôi ngắm Bác kỹ hơn và ngẫm nghĩ sâu trong lòng mình: “Ama (cha) mình đấy, còn hơn cả ama, Amí (mẹ) mình. Mình nguyện làm mọi việc xứng với tấm lòng của Người đối với dân tộc chúng tôi”.

Bác nói chuyện ngắn gọn về ý nghĩa và tầm chiến lược quan trọng của chiến tranh du kích. Những lời dặn  ân cần, chí tình, chí nghĩa thấm sâu vào trái tim mỗi đại biểu. Bác vừa nói dứt câu: “Chúc các đồng chí mạnh khoẻ, chúc Hội nghị thành công tốt đẹp !”. Cả hội trường vỗ tay thì đã không thấy Bác đâu nữa. Thoắt hiện, thoắt biến, Bác để lại cho mọi người những ấn tượng vô cùng sâu sắc và không thể nào quên được.

Sau Hội nghị, một số trở về chiến trường, tôi và một số anh em khác được ở lại dự Hội nghị về Cải cách ruộng đất, giảm tô, giảm tức do Trung ương tổ chức tại một địa điểm đầu nguồn sông Lô thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Hội nghị mở tương đối dài ngày, Bác Hồ, Bác Tôn hết sức quan tâm lo sức khoẻ cho các đại biểu, từ cái ăn, cái ngủ…., đêm nào Bác cùng Bác sĩ đi kiểm tra xem các đại biểu có ngủ ngon không, nấu nướng ăn có tốt không…

Bác Hồ và Bác Tôn vẫn thường xuyên đến động viên, gợi ý, chỉ dẫn những điều cần thiết. Hai Bác rất vui tính, hoà nhã, gần gũi như cha con. Mỗi lần họp tập trung là Bác Hồ lại đứng lên bắt nhịp hát bài “Kết đoàn”. Thấy Bác vui, anh em đã xoá đi mối quan hệ cấp trên với cấp dưới, mà chỉ có mối tình cha con, tình đồng chí.  Anh em bắt đầu nói đùa, đồng chí Tạ Quang Bửu mạnh dạn hỏi Bác: “ Thưa Bác, sao Bác không lấy vợ ?” Bác cười và nói: “Các chú ở đây có một số cũng hoàn cảnh như vậy, để lo công việc chung trước đã”. Mọi người cười ồ lên, không khí thật đầm ấm, vui vẻ.

Đại hội kết thuc, tôi được anh Lê Văn Lương và Nguyễn Chánh gọi và giao nhiệm vụ: “Anh Y Blôk này, có gian khổ mới có vinh quang, phải không nào ?”. Tôi trả lời: “ vâng!”. Các anh giao nhiệm vụ: “ Trung ương giao cho anh về lại Liên khu V, vừa dẫn đoàn về vừa kết hợp nhiệm vụ chuyển hàng. Trên đường về ghé vào khu III nhận 4 triệu bạc Đông Dương, vào đến Khu IV nhận 20 kg vàng đem về Liên khu V để mua xe đạp thồ (phục vụ cho chiến dịch sắp mở). Nhiệm vụ  khó khăn, gian khổ đấy, anh có làm được không ? Tôi trả lời gọn: “Tôi sẽ cố gắng.”

Tôi biết nhiệm vụ này quá nặng nề, các anh quá tin tôi nên đã quyết định giao nhiệm vụ này cho tôi. Trải qua bao nhiêu lần vượt khó khăn gian khổ, tìm mọi cách lánh tránh địch và lánh tránh cả dân (vùng tự do) để đảm bảo an toàn tuyệt đối món hàng đặc biệt này. Cuối cùng, sau ba tháng, món hàng đặc biệt đã đến Liên khu V trọn vẹn.

Một kỷ niệm sâu sắc nữa của Bác Hồ với tôi nữa. Đó là cuối thàng 5 năm 1957, trên cho biết Bác sẽ vào thăm đơn vị 120 Tây Nguyên đóng quân ở Nam Đàn, Nghệ An. Chúng tôi lo nhất là công tác bảo vệ an toàn tuyệt đối. Bác về lần này có ý nghĩa đặc biệt: Lần đầu tiên Bác về thăm lại quê nhà từ khi Bác tìm đường cứu nước. Địa điểm đơn vị đón Bác trên một gò đồi rộng, phong cảnh đẹp. Trên lễ đài Bác có thể quan sát được địa bàn của huyện Nam Đàn.

Đúng 8 giờ, đoàn xe chở Bác dừng lại trên trục đường 7. Bác cùng đoàn xuống xe và đi bộ thẳng đến nơi đón tiếp.
Sau khi thủ trưởng đơn vị đọc lời chào mừng và báo cáo kết quả hoạt động của hai đơn vị (sư đoàn 324 và trung đoàn 120). Bác Hồ tỏ lời khen ngợi. Bác nói ngắn gọn về nhiệm vụ cụ thể của đơn vị.

Bác nói xong, tôi thay mặt hai đơn vị mang cặp ngà voi (anh em mới săn được, cặp ngà không lớn lắm) và nói: “Thưa Bác ! Đơn vị xin biếu Bác một cặp ngà voi mới săn được.” Bác ngập ngừng và nói: “Bác nhận để sau này sẽ tặng bạn bè năm châu. Nhưng đừng hiểu là Bác vui mừng nhận món quà này đấy !” Mọi người chưa hiểu ý, vẫn cười ầm lên.

Bác tổng kết: Đơn vị chúng tôi có 4 ưu, 3 khuyết và 5 dặn dò. Trong khuyết điểm, Bác chỉ rõ: Việc bắn voi là một khuyết điểm lớn, voi là thứ quý và hiếm của đất nước, cần phải bảo vệ.

Bác về rồi, để lại cho mọi người những tình cảm thân thiết, thắm đượm tình cha con. Những điều Bác căn dặn tôi không bao giờ quên, nhất là lời phê bình của Bác về câu chuyện chiếc ngà voi. Thật là một bài học lớn đối với người dân Tây Nguyên, với chúng tôi quen đi săn thú rừng, lấy đó là chiến công, là niềm vui. Thấm thía đến tận sau này với tư cách là chủ tịch tỉnh DăkLăk, tôi vẫn ân hận là khuyết điểm đó tôi cũng chưa sửa chữa được.

Một lần nữa, tôi lại được vinh dự gặp Bác Hồ, đó là khi tôi được đi dự Đại hội Đàng toàn quốc lần thứ III.

Khi vào Đại hội chính thức, Bộ Chính trị quy định: Mỗi đại biểu: nam thì phải mặc đồng phục, đi giầy đen, thắt cà vạt, nữ thì mặc áo dài…Tôi cuống quá vội đi mua đôi giầy đen và chiếc cà vạt. Bác nghe thấy vậy, Bác hỏi ai có ý kiến đề xuất này và Bác đề nghị: “Không nên làm như vậy, cứ ăn mặc bình thường, nhưng phải chỉnh tề, không sao cả”. Vào Đại hội chính thức, mọi người ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề như Bác nói. Tôi hiểu đây là một Đại hội Lịch sử quyết định đến vận mệnh đất nước ta sau này.

Còn một số lần tôi được vinh dự gặp Bác, mỗi lần gặp Bác là một lần tôi nhận rõ tấm lòng và tình cảm sâu sắc của Bắc đối với sự nghiệp đất nước, nhất là sự nghiệp giải phóng miền Nam sau này. Mỗi lời nói, lời dặn dò của Bác đối với tôi, đó là những tia sáng chói ngời tính nhân văn, thương dân, nhất là với đồng bào các dân tộc ít người Bác quan tâm hết mực. Đời đời nhớ ơn, biết ơn người Cha của dân tộc.

Y Blôk Êban.