Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thảo luận Lịch sử bảo vệ Tổ quốc => Quyết tử cho Tổ quốc... => Tác giả chủ đề:: rongxanh trong 24 Tháng Mười, 2008, 04:33:17 pm



Tiêu đề: Bàn về hội nghị Geneva và khả năng giải phóng toàn bộ VN sau chiến thắng ĐBP
Gửi bởi: rongxanh trong 24 Tháng Mười, 2008, 04:33:17 pm
Nhân có lời bác trucdang tại đây:
http://www.quansuvn.net/index.php?topic=2775.170
Em xin mở topic này để thử thảo luận xem sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng và thống nhất toàn bộ VN được không, xét trên tình hình trong nước và thế giới.
Mời các bác.
---------------
Câu hỏi 22: Từ khi Chiến thắng Điện Biên Phủ mùng 7-5-1954 đến khi Hiệp định Genève ký kết ngày 20-7-1954, khoảng thời gian này là 2 tháng 13 ngày, còn trận đánh lớn nào của ta nữa không ? (Trận đánh được coi là lớn, nếu tiêu diệt trên 500 địch)

Lời bàn: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, thế và lực của ta trở nên rất lớn mạnh, khả năng có thể tiến tới thống nhất đất nước, lập lại hòa bình trên toàn vẹn lãnh thổ là chắc chắn. Song vì lẽ Trung Quốc ép ta ký Hiệp định Genève theo hướng bất lợi cho ta, để đổi lấy việc Trung Quốc được Anh, Pháp, Mỹ cho vào Liên hợp quốc, nên đất nước Việt Nam vẫn bị chia cắt. Sẽ có một bài phân tích về vấn đề này.


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: chiangshan trong 24 Tháng Mười, 2008, 06:51:50 pm
Cái vụ này thì em thấy Đờ Cát phân tích chuẩn phết. Nói chung nếu lực lượng 2 bên không có đột biến gì về chất thì sớm muộn gì cũng sẽ có Geneva, khó mà khác được.


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: namchinh trong 30 Tháng Mười, 2008, 05:30:28 pm
Tôi xin đóng góp một vài ý kiến:
- Về lực lượng 2 bên trên chiến trường Việt Nam: Việt Minh chiến thắng ở Điện Biên Phủ, nhưng lực lượng cũng bị hao tổn nhiều. Pháp phải rút bỏ nhiều vị trí, nhưng cơ bản là do chiến lược muốn bảo tồn lực lượng, tránh bị tiêu diệt. Nếu ta muốn giải phóng toàn bộ đất nước, không đến 9 năm nhưng chắc cũng cần khoảng vài năm nữa.
- Về tương quan 2 phe dân chủ và đế quốc trên thế giới: sau chiến tranh Triều Tiên, cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn tránh đối đầu trực tiếp nên không ra sức ủng hộ các đồng minh của mình (Việt Minh & Pháp) mà muốn có một nền hòa bình (ít nhất là tạm thời) để xem xét lại chiến lược của mình.
- Về tư tưởng: các bác lãnh đạo kháng chiến thời đó rất lạc quan vào thực lực của mình nên trong bàn hội nghị Geneva đã đặt mục tiêu nếu đất nước có bị chia làm 2 miền thì cũng phải từ vĩ tuyến 13 trở lên, hoặc chí ít cũng từ vĩ tuyến 16 (Đà Nẵng). Nhưng nếu mình tự quyết định được số phận của mình thì đã không bị Trung Quốc ép lên vĩ tuyến 17. Pháp thì từ đầu đặt mục tiêu vĩ tuyến 18, nay thấy 17 cũng ổn rồi. So sánh với năm 1972, dù Mỹ bắt tay với Trung Quốc và Liên Xô nhằm ép Việt Nam, nhưng mình cứ đánh tới, chẳng phải nghe lời ai cả.
Nói chung thế và lực của ta lúc đó được các cụ tổng kết lịch sử gọi là "Nghệ thuật biết thắng từng bước".
------------------------------------------
 Nhắc nhở bạn gọi đúng tên quốc gia, vùng lãnh thổ và chính thể như tên họ tự xưng!


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: altus trong 30 Tháng Mười, 2008, 06:46:58 pm
Cái vụ này thì em thấy Đờ Cát phân tích chuẩn phết. Nói chung nếu lực lượng 2 bên không có đột biến gì về chất thì sớm muộn gì cũng sẽ có Geneva, khó mà khác được.

Ơ thế nhỡ TQ (rồi sau là LX) họ tức mình không chịu nghe, làm mất mặt họ, họ cắt hết viện trợ thì sao? Lúc ấy thì giằng co với Pháp còn lâu.


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: chiangshan trong 30 Tháng Mười, 2008, 07:53:31 pm
Giằng co nhưng cũng sẽđi tới hiệp định. Sau ĐBP Pháp cũng oải lắm rồi, hơi đâu mà đi cù cưa với mấy ông VM vài năm nữa.


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: altus trong 30 Tháng Mười, 2008, 08:21:50 pm
Giằng co nhưng cũng sẽđi tới hiệp định. Sau ĐBP Pháp cũng oải lắm rồi, hơi đâu mà đi cù cưa với mấy ông VM vài năm nữa.

Đồng ý nhưng mà khó nói trước là sẽ mất bao nhiêu năm nữa. Bọn Pháp oải nhưng tụi nó hồi hè 1954 vẫn cho 03 sư đoàn đi tiêm chủng, bắt đầu chuẩn bị để sang Đông Dương đấy thôi.


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: rongxanh trong 30 Tháng Mười, 2008, 08:32:39 pm
Thế còn nhân tố Mỹ thì sao? Với đầu óc hiếu chiến,lo ngại hiệu ứng Đomino, đã bỏ ra rất nhiều chiến phí cho Pháp, chắc chắn nước Mỹ không dễ gì đứng nhìn 1 nước VN độc lập do Việt Minh cầm đầu.
Con bài nước VN do Bảo Đại là quốc trưởng vẫn còn ở đó?


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: chiangshan trong 30 Tháng Mười, 2008, 09:40:48 pm
Đồng ý nhưng mà khó nói trước là sẽ mất bao nhiêu năm nữa. Bọn Pháp oải nhưng tụi nó hồi hè 1954 vẫn cho 03 sư đoàn đi tiêm chủng, bắt đầu chuẩn bị để sang Đông Dương đấy thôi.

Hehe, em nghi vụ này bọn Tây chém gió để ép ta kí hiệp định thôi. Chính Navarre cũng nhận xét đại khái là VM đã quá hiểu chúng tôi nên cái trò này chẳng doạ được họ...


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 12:57:41 pm
Chu Ân Lai và Hội nghị Genève
Nguồn: Tiền Giang (钱江/Qian Jiang), Chu Ân Lai và Hội nghị Genève (周恩来与日内瓦会议/ Chu Ân lai dữ nhật nội ngoã hội nghị), Trung cộng Đảng sử Xuất bản Xã, 2005. ISBN:7-80199-189-3. (chương 27: Quan kiện đích Liễu châu hội nghị; chương 28: Lãnh tụ quyết sách hoàn vũ khinh, tr. 434-465). Chương 27 đã đăng trên tạp chí Thế kỷ 21 số 219 (tr. 13-18) và 220 (tr. 28-32) July-August 2007; và tạp chí Xưa & Nay số 288 (tr. 3, 6-9) và 289 (tr.16-19) tháng 7-8/2007. Chương 28 đăng lần đầu trên talawas.
Tam Dương dịch
(trích hai chương 27-28)
Chương 27: Hội nghị Liễu Châu then chốt
Đang lúc giữa hè nóng nực nhất, lãnh đạo hai bên Trung Việt tiến hành 8 lần họp trong 3 ngày tại Liễu Châu, đưa ra quyết định trọng đại cho số phận tương lai của Việt Nam, điều hoà lập trường của hai bên tại Genève được nhất trí. Chu Ân Lai là người định ra luận cứ cho Hội nghị Liễu Châu, sự lý giải và ủng hộ của Hồ Chí Minh cũng có tác dụng then chốt. Hoàn toàn thực hiện dự tính của Chu Ân Lai, Hội nghị Liễu Châu đã lát con đường cho hội nghị Genève cuối cùng giải quyết được vấn đề Đông Dương.
Ngày 30 tháng 6 (1954), Chu Ân Lai(1)  đáp chuyên cơ “Công chúa” do Ấn Độ cung cấp, trở về Quảng Châu(2), rồi tập trung tinh lực chuẩn bị cho cuộc gặp mặt Hồ Chí Minh(3), điều hoà lập trường của hai nước Trung Việt tại Genève(4), bởi vì tại Genève, ý kiến của Phạm Văn Đồng(5), đại biểu Việt Nam chưa thể thống nhất với ý kiến của hai Ngoại trưởng Trung Xô.
Truy ngược lại thời gian thì rõ, khi chuẩn bị tham gia Hội nghị Genève, ba phía Trung, Xô, Việt chưa hoàn toàn nhất trí ý kiến về dự án đàm phán vấn đề Việt Nam; rốt cuộc là vạch một giới tuyến quân sự Nam Bắc hay là xác định vùng tập kết quân sự của hai bên Việt Pháp, phương án nào là lợi nhất, còn đang trong thương lượng. Chu Ân Lai nghiêng về vạch giới tuyến Nam Bắc và cho rằng vĩ tuyến 16 là thích hợp. Lúc này chiến dịch Điện Biên Phủ còn đang gay go quyết liệt, chưa phân thắng bại; vì vậy, mặt trận phương Đông(6) quyết định sau khi đến Genève, sẽ căn cứ vào kết cục của chiến dịch Điện Biên Phủ mà xác định phương án đàm phán.
Tại Genève, phương án giới tuyến dần dần rõ thêm. Ngày 7 tháng 5, quân đội Việt Nam toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, thái độ của Phạm Văn Đồng nhanh chóng cứng rắn lên, đưa ra ý tưởng to gan, vạch giới tuyến quân sự tại vĩ tuyến 13. Như thế Việt Minh có thể khống chế hai phần ba lãnh thổ cả nước. Các cường quốc phương Tây, phản đối dữ dội phương án này.
Phạm Văn Đồng phản đối mạnh mẽ việc rút quân đội Việt Nam ra khỏi Lào và Campuchia. Thái độ của nhà đương cục Việt Nam như vậy đã làm cho Chu Ân Lai, Molotov(7) cảm thấy vô cùng tế nhị, không tiện nói. Sau nhiều lần khuyên can của Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng mới đồng ý rút quân đội Việt Nam ra khỏi Lào và Campuchia; nhưng trên vấn đề vạch giới tuyến, Phạm Văn Đồng chỉ đồng ý lùi có giới hạn. Ngày 19 tháng 6, khi Hội nghị Genève thông qua quyết nghị về việc trước tiên rút quân đội ra khỏi Lào và Campuchia; sau hội nghị, Phạm Văn Đồng đã biểu thị có bảo lưu với đại biểu Trung Xô.
Trước việc giữa đoàn đại biểu Liên Xô và đoàn đại biểu Việt Nam xuất hiện bất đồng, ngày 19 tháng 6, Chu Ân Lai gửi điện cho Mao Trạch Đông(8), Lưu Thiếu Kỳ(9) và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ ra nếu trong vấn đề Lào và Campuchia có nhượng bộ thì tại Việt Nam có thể yêu cầu được nhiều hơn một chút, “tình hình trước mắt là, nếu trong hội đàm quân sự ta đưa ra phương án cụ thể, hợp lý thì có thể tranh thủ Pháp nhanh chóng giải quyết vấn đề, đạt được đình chiến. Như vậy có thể thúc đẩy chính phủ mới của Pháp chống lại sự can thiệp của Mỹ, lại vừa có thể kéo dài vấn đề quân đội châu Âu. Điều này có lợi cho cả Đông, Tây. Vì thế, những vấn đề có tính quan trọng như vậy cần phải bàn cho rõ”. Do đó, nhân dịp Ngoại trưởng các nước rời Hội nghị Genève, tôi “cần phải, sau khi thăm Ấn Độ và trên đường về nước, giữa đường cùng đoàn đi Nam Ninh, Quảng Tây, mời mấy vị phụ trách TƯ Đảng Lao động Việt Nam để tôi báo cáo tình hình với họ, thuyết minh trọng điểm phương châm chia vùng”(10).
Ngày 20 tháng 6, Chu Ân Lai gửi điện cho Đặng Tiểu Bình(11), chuyển Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói đã bàn và được sự đồng ý của Molotov và Phạm Văn Đồng, sau khi thăm Ấn Độ trên đường về nước sẽ đến Nam Ninh gặp Hồ Chí Minh, Trường Chinh(12), Võ Nguyên Giáp(13), và La Quý Ba(14), Vi Quốc Thanh(15), giới thiệu “tình hình đàm phán và vấn đề chia vùng, mong được nhất trí ý kiến nhằm làm cho đàm phán Genève tiến triển” Chu Ân Lai dự tính trong ngày sẽ được phê chuẩn.
Lúc này trong nước (Trung Quốc) đã chuẩn bị nơi hội đàm lãnh đạo Trung Việt tại Nam Ninh(16). Thế nhưng khi về tới Quảng Châu, Chu Ân Lai lại một lần nữa tỏ ra thận trọng, cho rằng Nam Ninh cách biên giới Trung Việt quá gần, lại đông dân, khó bảo mật, nên chuyển lên phía bắc thì tốt hơn. Tuân theo ý kiến của ông, địa điểm gặp gỡ lãnh đạo Trung Việt lần này tạm thời được đổi đến Liễu Châu(17).
Lãnh đạo Việt Nam đồng ý việc đổi địa điểm hội nghị của phía Trung Quốc. Hồ Chí Minh cử Võ Nguyên Giáp đến Trung Quốc trước. Trung Quốc cử La Quý Ba, Vi Quốc Thanh cố vấn chủ yếu ở Việt Nam, ngoài ra còn có Giải Phương, nguyên Tham mưu trưởng chí nguyện quân Trung Quốc tại Triều Tiên, vừa đến Việt Nam không lâu, trợ giúp lãnh đạo quân sự Việt Nam tiến hành đàm phán quân sự (với Pháp tại) Trung Giã, và Phùng Mục Minh, cán bộ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã tham gia đàm phán đình chiến Triều Tiên cũng theo đoàn về Quảng Tây.
Giải Phương là Tham mưu trưởng rất được Bành Đức Hoài, Tư lệnh quân chí nguyện tín nhiệm, sinh năm 1908, vốn tên là Giải Bái Nhiên. Ông sớm gia nhập quân Đông bắc, biết rất rõ hai anh em Trương Học Lương, Trương Học Minh(18); sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông được hai người này bảo đảm, đưa tới học tập tại Trường Sĩ quan lục quân Nhật Bản, sau khi tốt nghiệp lại trở về quân Đông Bắc, nhanh chóng được thăng là thiếu tướng. Ông bí mật gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1936, là một trong những đảng viên hoạt động bí mật đầu tiên trong quân Đông Bắc. Sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ toàn diện, ông gia nhập Bát lộ quân, từng công tác tại Bộ tham mưu Diên An, sau đó ra mặt trận. Trong chiến dịch vượt biển giải phóng đảo Hải Nam, ông là phó quân đoàn trưởng kiêm tham mưu trưởng quân đoàn 40, Dã chiến quân thứ tư, trợ giúp quân đoàn trưởng Hàn Tiên Sở chỉ huy quân đội giải phóng Hải Nam. Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, ông giữ chức Tham mưu trưởng quân chí nguyện, phò tá Bành Đức Hoài xuất mưu tính kế. Bành Đức Hoài(19) kiêu dũng thiện chiến gọi ông là “Gia-cát Lượng(20) trong quân”.
_____________
Chú thích
(1) 周恩來/Zhou Enlai (1898-1976), Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (1949-1976). Từ 1949 đến 1958, kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao. Trưởng đoàn Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị Genève 1954.
(2) Thành phố tỉnh lị tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
(3) (1890-1969). Khi đó đang là Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945-1955), Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam (1951-1969). Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho tới khi mất (1955-1969).
(4) Thành phố Thuỵ Sĩ, nơi ký Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954.
(5) Phạm Văn Đồng (1906–2000) Thủ tướng Việt Nam tại vị lâu nhất (1955–1987). Từ tháng 7/1949, được cử làm Phó Thủ tướng. Uỷ viên Bộ Chính trị TƯ Đảng Lao động Việt Nam từ 1951. Năm 1954, là Trưởng phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Genève về Đông Dương.
(6) Chỉ Việt Trung Xô.
(7) Вячеслав Михайлович Молотов/Vyacheslav Mikhailovich Molotov (1890 –1986), khi đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô.
(8) 毛澤東/Máo Zédōng (1893 –1976). Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1943 đến khi qua đời.
(9) 劉 少奇/Liu Shaoqi (1898–1969), Chủ tịch nước CHND Trung Hoa (1959-1968). Khi đó là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
(10) “Niên phổ Chu Ân Lai năm 1949-1976”. Trung ương Văn hiến Xuất bản Xã, 1997, quyển thượng tr 386. TG (Ngoài các chú thích của tác giả-TG là chú thích của người biên tập)
(11) 邓 小平/ Dèng Xiăopíng (1904-1997), khi đó đang là Phó Tổng lý Chính vụ viện (sau đổi là Quốc vụ viện) tức Phó Thủ tướng nước CHND Trung Hoa.
(12) (1907–1988), tên thật là Đặng Xuân Khu, nhà cách mạng và chính trị gia Việt Nam. Khi đó đang là Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (1951-10/1956), Trưởng ban cải cách ruộng đất Trung ương (từ 1953).
(13) Võ Nguyên Giáp (1911-) đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, chỉ huy chiến thắng trận Điện Biên Phủ. Khi đó là Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Quân uỷ Trung ương Đảng Lao động, Tổng Tư lệnh quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
(14) 罗贵波/Luo Guibo (1908-1995) khi đó là Đại sứ (đầu tiên) kiêm Trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam.
(15) 韋國清/Wei Guoqing (1913-1989) trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc ở Điện Biên Phủ.
(16) Thành phố tỉnh lị Khu tự trị Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
(17) Thành phố thuộc Khu tự trị Choang Quảng Tây, Trung Quốc.
(18) Các con của Trương Tác Lâm, quân phiệt Đông-bắc Trung Quốc. Trương Học Lương nổi tiếng với Sự biến Tây An năm 1936.
(19) 彭 德懷/ Péng Déhuái (1898–1974) tướng lĩnh quân sự xuất chúng của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, một trong mười Nguyên soái của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
(20) 诸 葛亮/Zhūge Liàng (Theo từ điển Hán Việt của Thiều Chửu và một số từ điển khác thì tên ông là Chư-cát Lượng) (181–234) là vị quân sư và đại thần của nước Thục Hán thời Tam Quốc (220-280). chính trị gia, nhà quân sự, học giả, kỹ sư lỗi lạc.


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 01:00:01 pm
Sau khi tham gia chỉ huy “năm chiến dịch” trên chiến trường Triều Tiên, Giải Phương được cử làm đại biểu đàm phán của phía Trung-Triều. Ông giỏi tiếng Nhật, hơi hiểu tiếng Anh, đầu óc nhanh nhậy, trí tuệ hơn người, ngoan cường kiên định trên bàn đàm phán, từng làm cho đại biểu đàm phán phía Mỹ trực tiếp nếm đủ những lợi hại của ông. Sau khi chiến trường Triều Tiên yên tĩnh dần, Bành Đức Hoài đã nhiều lần nói: “Sau khi về nước tôi phải giới thiệu Giải Phương với Thủ tướng Chu, để anh ta làm ngoại giao, nhân tài ngoại giao như thế không nhiều!”
Vì thế, vào đêm trước của cuộc đình chiến Triều Tiên năm 1953, sau khi về nước, Giải Phương cứ đi ở không quyết giữa việc lưu lại quân đội hay sang ngoại giao. Hội nghị Genève quyết định tiến hành cuộc gặp gỡ Tư lệnh hai bên tại mặt trận Việt Nam thảo luận vấn đề cụ thể của đình chiến, Hồ Chí Minh đề xuất với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đề nghị cử cán bộ hiểu biết về đàm phán quân sự sang Việt Nam giúp đỡ, thế là Giải Phương tự nhiên trở thành nhân vật đầu tiên có tên trong danh sách. Nhưng ban đầu, lãnh đạo Quân uỷ còn có chút chưa muốn để Giải Phương vừa mới rời khỏi chiến trường Triều Tiên phải tới ngay chiến trường Việt Nam, nên đã từ chối, ngay cả Chu Ân Lai đang ở Genève cũng gửi điện về nước nói, các tướng lĩnh quân sự quan trọng như Đặng Hoa, Đỗ Bình, Giải Phương có kinh nghiệm quân sự tại Triều Tiên không thể điều đi, “nếu cần thiết chỉ có thể điều đồng chí Phùng Mục Minh tương đối có kinh nghiệm đàm phán tại Triều Tiên đi công tác (tại Việt Nam)”(21).
Lưu Thiếu Kỳ phê chuẩn Phùng Mục Minh đi Việt Nam. Không ngờ phía Việt Nam kiên trì mời Giải Phương đi, kết quả là vào tháng 6, Giải Phương và Phùng Mục Minh cùng đi Việt Nam, rồi lại cùng về nước tham gia Hội nghị Liễu Châu.
Về đoạn thời gian đã qua này, Phùng Mục Minh còn nhớ như in. Ông là người Thiên Tân, sinh năm 1913, tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh, Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Bắc Kinh, trong kháng chiến tới Diên An, sau khi thành lập nước công tác tại Phòng Ngoại vụ Thiên Tân. Ông tham gia đàm phán Bàn Môn Điếm(22), sau đình chiến vẫn tiếp tục ở lại Bàn Môn Điếm giải quyết vấn đề tù binh.
Đầu tháng 6 năm 1954, ông và Giải Phương tới Việt Nam. Khi hội kiến họ, Hồ Chí Minh đã biểu thị hoan nghênh nhiệt liệt. Hồ Chí Minh nói, Việt Nam đã đánh nhau nhiều năm, đã học được cách đánh nhưng chưa học được cách đình chiến, cho nên mời các đồng chí đến giúp đỡ.
Theo ấn tượng của Phùng Mục Minh thì Tham mưu trưởng Giải Phương tự coi mình là khách nợ về ngoại giao. Trên đường từ căn cứ địa Việt Nam trở về Liễu Châu, khi chợt thấy những ngọn núi nhô cao, như Thạch Lâm xinh đẹp của Quế Lâm, mọi người đều vui vẻ, đua nhau nói ngọn núi đó giống nơi nào, nơi nào. Không ai ngờ, Giải Phương đã bất thình lình nói xen vào một câu: “Ngọn núi này không có giá trị quân sự”.
Thế nhưng đối với vấn đề đình chiến ở Việt Nam sẽ phải đối mặt, Giải Phương hiểu biết vô cùng sâu sắc, trên đường đi xe lửa tới Liễu Châu, ông chậm rãi nói với Phùng Mục Minh: “Các đồng chí Việt Nam có chút miễn cưỡng đối với đình chiến”.
Trên đường đi Liễu Châu, Hồ Chí Minh thường cùng ngồi với các cố vấn Trung Quốc, dọc đường các địa phương đều chiêu đãi, ăn thịt gà rất nhiều. Võ Nguyên Giáp thường gắp thức ăn cho Hồ Chí Minh, đủ thấy quan hệ thân thiết của họ(23).
Sau khi về Quảng Châu, do tiết trời nóng bức, ăn uống kém nên sức khỏe của Chu Ân Lai có chút không tốt, nên đã nghỉ một ngày, đến trước trưa ngày 2 tháng 7 mới đáp máy bay rời Quảng Châu, buổi trưa đến Liễu Châu. Ông không kịp nghỉ ngơi, lập tức đến thăm Hồ Chí Minh vừa đến trước, trao đổi ý kiến bước đầu.
Lúc này các trợ thủ thân cận chủ yếu của Chu Ân Lai là Kiều Quán Hoa(24), Chương Văn Tấn(25), phiên dịch chủ yếu của Hội nghị Liễu Châu là Trương Dực. Thư ký đối ngoại của Chu Ân Lai là Mã Liệt(26) cũng tới. Mã Liệt tham gia công tác tại nhóm quân sự của Hội nghị Genève, tương đối nắm được tình hình. Cộng thêm các cố vấn từ Việt Nam trở về và Trần Mạn Viễn, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân (tỉnh) Quảng Tây, phụ trách viện trợ Việt Nam, nhân tài của Hội nghị Liễu Châu rất đông.
Phiên họp thứ nhất của hội nghị bắt đầu lúc 9 giờ sáng ngày 3 tháng 7, phía Trung Quốc tham dự có Chu Ân Lai, Vi Quốc Thanh, La Quý Ba, Giải Phương, Trần Mạn Viễn, Kiều Quán Hoa, phía Việt Nam là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Hoan(27). Phùng Mục Minh làm nhiệm vụ ghi chép.
Trước tiên Hồ Chí Minh mời Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình thực chiến trường của cuộc chiến tranh Đông Dương.
Võ Nguyên Giáp lấy ra bản đồ tình hình hai bên giao chiến ở Đông Dương, báo cáo về 4 bộ phận: tình hình chung của chiến tranh, so sánh lực lượng địch ta, tình hình Việt Nam, tình hình Lào và Campuchia.
Võ Nguyên Giáp chỉ ra: sau chiến dịch Điện Biên Phủ, tình hình rất có lợi. Trước mắt vùng Tây Bắc Việt Nam đã được giải phóng hoàn toàn và đang được củng cố, chiến trường Lào cũng phát sinh thay đổi trọng đại. Tại Liên khu Năm, hơi nằm về phía nam Trung bộ Việt Nam, lực lượng quân đội Việt Nam vốn tương đối yếu, nhưng hiện nay kẻ địch đã rút chạy khỏi nhiều nơi, quân đội Việt Nam đã giành được quyền chủ động chiến tranh.
Trên toàn Đông Dương, tổng binh lực quân Pháp và quân đội của Bảo Đại(28) ước khoảng hơn 400.000 người, trong đó gồm cả hương dũng(29) địa phương. Do bị chiến tranh tiêu hao, nước Pháp đã tăng thêm binh lực từ trong nước, trong tổng số 190.000 quân viễn chinh Pháp có khoảng 120.000 quân Âu, Phi. Quân đội của Bảo Đại vào khoảng 240.000, quân đội Vương quốc Lào (thân Pháp) ước khoảng 17.000 người. Quân đội của chính phủ Campuchia (thân Pháp) ước khoảng 15.000 người. Trong số quân trên, gồm quân chính qui và quân bổ sung, lính hậu cần và hải quân, không quân. Quân Pháp phân tán cao, quân cơ động không quá 110.000 người. Tại vùng đồng bằng sông Hồng, tổng binh lực của địch có khả năng đạt 180.000 người.
Võ Nguyên Giáp nói, tổng binh lực của chúng ta khoảng 300.000 người (bao gồm bộ đội địa phương, đội du kích) trong đó 295.000 người là bộ đội Việt Nam, có 6 sư đoàn bộ binh và 2 sư đoàn pháo binh do Tổng bộ chỉ huy. Ngoài ra còn có 4.000 bộ đội Lào và khoảng 3.000 bộ đội Campuchia, nhưng trong những bộ đội này, phân đội cấp đại đội biên chế hỗn hợp cả người Việt Nam, người Lào, người Campuchia.
Chiến trường Việt Nam là chiến trường chính của Đông Dương, 90% lực lượng của đối phương ở tại Việt Nam. Hiện nay các trung tâm kinh tế đều đang dưới sự khống chế của quân Pháp, như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng v.v.. Xem xét từ lực lượng kinh tế thấy, một phần ba là ở Bắc Bộ, chủ yếu là công nghiệp than, xi măng. Thực lực kinh tế Nam Bộ chiếm hai phần ba.
Lào đất rộng người đông, ven bờ sông Mekong sản xuất nhiều lúa gạo. Hiện nay liên quân Việt, Lào khống chế một vùng rộng 130.000 km2, miền bắc đã được củng cố, nhưng vùng mới khống chế miền nam còn chưa nối liền thành một mạng. Quân đội Việt Nam đã tiến vào Lào là 14.000 người, cộng thêm mấy ngàn bộ đội của Souphanuvong(30), tình hình quân sự tương đối có lợi. Nhưng nếu quân đội Việt Nam rút khỏi đây, thì bộ đội của Souphanuvong sẽ lâm vào khó khăn. Hiện nay ở Lào số người tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương(31) ước khoảng 220 người, có cơ cấu lãnh đạo.
Võ Nguyên Giáp cho rằng, hoàng thân Sihanouk còn có ảnh hưởng ở Campuchia. Trong lịch sử Việt Nam và Campuchia thường xuyên có chiến tranh, nước Pháp thường dùng cái đó để xúi giục quan hệ hai bên. Hiện nay quân đội Việt Nam có khoảng 1.000 người đã vào Campuchia. Có khoảng hơn 100 người là đảng viên Campuchia của Đảng Cộng sản Đông Dương(32).
Vì báo cáo của Võ Nguyên Giáp cần phải phiên dịch, nên trình bầy cả buổi sáng vẫn chưa xong, buổi chiều còn phải bổ sung. Sau đó đến Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc, Vi Quốc Thanh phát biểu. Vi Quốc Thanh chỉ ra, những số liệu nêu trong báo cáo của Võ Nguyên Giáp tương đối mới, có thể thấy quân Pháp đã bổ sung binh lực vì vậy không giảm bớt về tổng số nhưng chất lượng thì thấp. Do quân đội Pháp đang rút gọn lớn ở vùng đồng bằng sông Hồng, bây giờ nếu tấn công vào đó sẽ khó khăn tương đối lớn.
Trong khi Vi Quốc Thanh phát biểu, Chu Ân Lai đã hỏi xen vào: nếu Mỹ không can thiệp, Pháp gia tăng binh lực như cũ, tiếp tục đánh nhau thì phải bao lâu nữa chúng ta mới lấy được toàn Đông Dương?
_______________
Chú thích
(21) “Niên phổ Chu Ân Lai năm 1949-1976”. Trung ương Văn hiến Xuất bản Xã, 1997, quyển thượng, tr.384. TG
(22) Panmunjeom, nơi Hiệp định ngừng Chiến tranh Triều Tiên được ký kết năm 1953.
(23) Ghi chép của tác giả trong lần phỏng vấn Mã Liệt ngày 28 tháng 9 năm 1995 tại Bắc Kinh. Mã Liệt còn cho biết, tại hội nghị ông ghi chép rất nhiều, nhưng sau khi xem lại, Chu Ân Lai bảo không cần ghi chi tiết quá và cầm bút xoá đi rất nhiều. Đại bộ phận phần xoá bỏ là những điểm bất đồng của hai bên. Do vậy phần lưu trữ của Bộ Ngoại giao và người ghi chép đương thời có khác biệt nhất định. TG
(24) 乔冠华/Qiao Guanhua (1913-1983). Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc (11/1974-12/1976).
(25) 章文晋/Zhang Wenjin (1914-1991), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc (1978-1982).
(26) 马烈/Ma Lie.
(27) (1905-1994) Đại sứ đầu tiên của Việt Nam DCCH tại Trung Quốc (1950-1957), Uỷ viên Bộ chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (1956-1976). Thất sủng và trốn sang Trung Quốc năm 1979. chết tại Bắc Kinh, được chôn tại nghĩa trang Bát Bảo Sơn, nơi chôn cất các chức sắc cao cấp của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.
(28) Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ (1913–1997), là vị vua thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, khi đó đang là Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam (thân Pháp).
(29) Dân vệ.
(30) (1909-1995) Ông Hoàng Đỏ, sau trở thành Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào (1975-1991).
(31) Về danh nghĩa, thời gian này, Đảng Cộng sản Đông Dương không còn tồn tại nữa mà Đảng Nhân dân Lào và kế nhiệm nó là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào/ Phak Pasason Pativat Lao tới 22/3/1955 mới đại hội lần thứ nhất.
(32) Về danh nghĩa, Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia (kế tục Đảng Cộng sản Đông Dương) đã thành lập ngày 28/6/1951.


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 01:01:50 pm
Vi Quốc Thanh cho rằng: trong tình hình sửa chữa tốt đường sá, vẫn còn cần hai, ba năm, mà cũng chưa có căn cứ tuyệt đối. Ông nói thêm, La Quý Ba cũng đồng ý quan điểm này.
Hồ Chí Minh cũng đồng tình nói, trong điều kiện nói trên, phía Việt Nam phải đánh thêm từ 3 đến 5 năm nữa mới có thể giành thắng lợi.
Buổi chiều khi kết thúc hội nghị, Chu Ân Lai đã trình bầy tóm tắt cách nhìn về tình hình quốc tế. Ông chỉ ra, vấn đề Đông Dương đã quốc tế hoá, Mỹ và Liên Xô chưa bị cuốn vào cuộc chiến tranh Đông Dương, nên đều muốn cục bộ hoá vấn đề. Vấn đề Đông Dương cũng ảnh hưởng đến cả Đông Nam Á, ảnh hưởng đến tình hình châu Âu và thế giới. Hội nghị Genève có ảnh hưởng tới nội các Pháp khiến nước Pháp phải thay đổi nội các, có thể thấy có mối liên hệ giữa địa vị của nước Pháp tại châu Âu và mâu thuẫn trong nước. Vấn đề Đông Dương cũng ảnh hưởng tới nước Anh. Nước Anh có liên hệ với 7 lãnh thổ như Pakistan, Ấn Độ, Sri Lanca, Malaysia, Hồng Kông, Australia và New Zealand. Vấn đề Đông Dương cũng ảnh hưởng tới Mỹ. Nước Mỹ đang đặt ra tuyến phong toả trên toàn thế giới mà Đông Dương là một khâu quan trọng. Đông Dương đã trở thành sợi dây xích nối liền 3 châu Á, Phi, Âu.
Chu Ân Lai nói, chúng ta nên tranh thủ hoà bình, mở rộng lực lượng hoà bình. Phải phát triển hoà bình khiến Mỹ không thể tìm được cớ gây chiến. Phải đề phòng Mỹ can thiệp vũ trang vào ba nước Đông Dương. Ông chỉ ra, vấn đề Triều Tiên phức tạp hoá là do Mỹ tăng viện, mà tăng viện của họ nhanh như vậy là ngoài dự kiến. Nhân lúc Liên Xô không có mặt tại Hội đồng Bảo an, Liên Hiệp quốc tiến hành can thiệp. Nếu không có tăng viện của Mỹ, phía Triều Tiên đã đuổi Lý Thừa Vãn(33) xuống biển từ lâu. Bây giờ Đông Dương lại là một vấn đề như vậy. Những nhà đương cục thường bị cục bộ hạn chế. Gần đây Mỹ, Xô họp hội nghị ở Wasington, Mỹ cũng chuẩn bị hai con đường, nếu Đông Dương không hoà bình được, Mỹ sẽ tiến hành can thiệp. Từ điểm đó cho thấy, chúng ta còn chưa có khả năng ngay lập tức được cả Đông Dương.
Chu Ân Lai đề xuất, nếu như tại Việt Nam lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến; Lào, Campuchia trung lập, cô lập Bảo Đại, hai năm sau do Liên Hiệp quốc giám sát bầu cử, Đảng Lao Động có khả năng thành công trong bầu cử. Làm tốt công tác, có khả năng giành được cả Việt Nam, xu thế này có thể khẳng định. Vì thế hiện nay chỉ có một nhiệm vụ, đó là tranh thủ Đông Dương hoà bình, dùng phương thức hoà bình giành được cả Việt Nam, tiến hành cạnh tranh hoà bình, khiến tình hình thế giới phát sinh thay đổi có lợi cho chúng ta.
8 giờ tối, cử hành phiên họp lần thứ ba. Chu Ân Lai đã phát biểu dài về đề tài “Vấn đề chiến tranh và hoà bình”. Tư tưởng trung tâm của bài nói là, phải toàn lực tranh thủ giải quyết hoà bình vấn đề Đông Dương. Nếu không làm được điểm này, cuộc chiến Đông Dương có nguy cơ mở rộng. Nếu như vậy là nguy hiểm, sẽ phải trả giá nặng nề.
Ông chỉ ra, áp dụng mô hình Triều Tiên vào vấn đề Việt Nam, vạch ra một giới tuyến tạm thời, xem ra phải cắt miền Nam, miền Nam tạm thời không có lợi. Nhưng có thể chờ đợi bầu cử, và có thể giành thắng lợi trong bầu cử. Vấn đề là phải nhìn về lâu dài, nếu Mỹ tiến hành can thiệp thì có khả năng mọi cái đều mất hết. Nếu Mỹ xây căn cứ ở Xiêng Khoảng, Bảo Đại ngả vào lòng Mỹ thì miền Nam Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng, thậm chí bị tàn phá. Cho nên phải xem xét vấn đề từ trong thay đổi và phát triển. Dù cho không thay đổi, tiếp tục đánh cũng phải 3 năm. Nếu Mỹ tiến hành can thiệp thì khu Đỏ sẽ biến thành Trắng. Kinh nghiệm của Trung Quốc về mặt này quá nhiều. Hồng quân công nông Trung Quốc khi trường chinh đã từng để lại (ở khu Xô viết Giang Tây) mấy ngàn người địa phương, sau này không còn ai.
Nếu như theo phương châm của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tranh thủ Đông Dương hoà bình vạch đường giới tuyến, đối với Việt Nam mà nói, đã có thể củng cố được địa phương, vùng giải phóng có 12, 13 triệu dân, so với Bắc Triều Tiên còn nhiều hơn, lại có cửa biển, có thể thành một cục diện ở Đông Nam Á. Tương lai khi Trung Quốc và Việt Nam sửa thông đường sắt, cho dù miền Nam Việt Nam nhất thời chưa thể tuyển cử, chúng ta vẫn có thể ảnh hưởng tới nó. Lào, Campuchia cho dù có lạc hậu một chút thì vẫn tốt hơn là biến thành căn cứ của Mỹ.
Lật ngược lại vấn đề mà nói, nếu tình hình Đông Dương bước đầu không lợi, nếu Mỹ can thiệp, trước tiên Đông Dương sẽ bị tàn phá. Có khi một địa phương chậm giải phóng, nhưng lại có lợi cho toàn cục, cho nên có khi phải biết chờ đợi một chút. Phải căn cứ vào khả năng mà làm việc. Điểm này phải nói cho rõ. Trung Quốc đã có ví dụ như vậy, chúng tôi rút khỏi vùng đã chiếm, như Đại Biệt sơn, Đông Giang, Quảng Đông v.v… Chúng tôi rút đi, cách một, hai năm hoặc bốn năm, rồi chúng tôi lại trở lại. Phải nói rõ cho cán bộ, đại bộ phận cán bộ sẽ rút đi, để lại một bộ phận cán bộ, tương lai sẽ tốt. Cũng nên nói rõ với dân chúng, sau này không nên oán trách. Nên nói rõ với Uỷ viên Trung ương, cán bộ cao cấp, cán bộ trung cấp và cấp dưới, thuyết minh nếu đánh nhau nữa, về quân sự không thể giành được cả Việt Nam, mà lợi ích trước mắt cũng không thể giữ nổi. Còn nếu sử dụng phương thức hoà bình thì có khả năng giành được cả Việt Nam, nhưng cũng không phải là nói nhất định giành được, phải xem sự phát triển.
Chiến dịch Điện Biên Phủ chứng minh chúng ta đang có sự thay đổi về chất, mặc dù còn chưa thể nói rằng chúng ta có thể giành được thắng lợi trên toàn Việt Nam. Thế nhưng chiến dịch này đã làm quân địch kinh hoàng tỉnh ngộ, thúc đẩy nó hạ quyết tâm can thiệp. Nhưng phương pháp can thiệp của kẻ địch có khó khăn. Kẻ địch sợ Trung Quốc “bành trướng” cho nên không muốn để một nuớc Việt Nam giành được thắng lợi qui mô lớn. Vì vậy, muốn dựa vào thắng lợi quân sự để giành được toàn Việt Nam, xét từ mặt nào cũng đều không có khả năng. Nhưng tồn tại khả năng hoà bình thì giành được toàn Việt Nam. Thế nhưng giành được vào lúc nào phải có bước đi. Đường số 9 hiện nay dường như không có vấn đề, chúng ta có thể bảo trì. Cảng Đà Nẵng có thể suy tính để cho nước Pháp một, hai năm, cũng có thể coi là một biện pháp. Vĩ tuyến 16 trở ra bắc là nơi Việt Nam hưng quốc, có 13 triệu dân, có thể xây dựng, có cảng biển lại có thể sửa chữa đường sắt, cán bộ cũng có thể ra nước ngoài huấn luyện quân sự, chí ít có thể tăng cường vũ trang đã có, tương lai lưu lại ở vùng du kích làm công tác.
Vấn đề Đông Dương cần tham chiếu tình hình Triều Tiên. Bầu cử ở Triều Tiên cần hai bên hiệp thương, chế định biện pháp bầu cử. Hiệp thương hai bên Triều Tiên làm không tốt, Việt Nam cũng sẽ không thành, nói chung cần một, hai năm phát triển tình hình.
Chu Ân Lai chỉ ra thêm, hoà bình có thể làm tăng thêm mâu thuẫn Pháp, Mỹ, thậm chí Mendès-France(34) cũng đã nói, nếu như không thể hoà bình chỉ có quốc tế hoá, nếu như Mendès-France thất bại, Đảng Cộng hoà Nhân dân hoặc Đảng Xã hội lên cầm quyền đều không có lợi đối với vấn đề Đông Dương.
Còn về điều kiện ngừng bắn tại Việt Nam, Chu Ân Lai chỉ ra, sau khi lên cầm quyền, Mendès-France tranh lấy Hải Phòng. Trong điều kiện ngừng bắn làm tốt, cuối cùng có thể lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến. Vạn nhất còn chưa được có thể tính tới việc lấy đường Chín làm giới tuyến. Cảng Đà Nẵng, Thuận Hoá có thể coi là đặc biệt lưu lại cho Pháp một, hai năm, như thế chúng ta có thể đòi các điều kiện khác.
Điều kiện ngừng bắn ở Đông Dương là: một, ngừng bắn đồng thời; hai, vạch vùng; ba, không đưa vào quân đội mới và vũ khí đạn dược. Như vậy có thể bịt chặt Mỹ. Trước khi ngừng bắn, quân đội Việt Nam còn cần bao nhiêu vũ khí, chúng tôi có thể vận chuyển trước, sau đó trong nửa năm không vận chuyển vào bất kỳ vũ khí nào. Đề nghị các đồng chí làm một kế hoạch để tiện vận chuyển vào. Có thể vận chuyển vào những thứ mà 10 sư đoàn bộ binh cần thiết.
Về vấn đề bầu cử. Khi thuyết minh với cán bộ và nhân dân, không nên nói bầu cử rất dễ, vấn đề này phải trải qua đấu tranh lâu dài. Tất nhiên Đông Dương không thể chia ra mà cai trị lâu dài.
Hội nghị ngày hôm ấy chia ra làm ba đoạn sáng, chiều và tối. Giữa hè nóng bức, lúc này còn chưa có điều hoà không khí, ngồi ở trong phòng mồ hôi ra như tắm. Do quá nóng bức, Hồ Chí Minh quấn khăn ướt lên đầu để giảm nhiệt, Chu Ân Lai vẫn quần áo chỉnh tề.
Để họp tốt Hội nghị Liễu Châu, Phòng Giao tế Quảng Tây đã cử tới những nhân viên đắc lực. Khương Chấn Kiệt, người phụ trách các phòng đại biểu Việt Nam vốn theo Dã chiến quân thứ tư từ Đông Bắc đánh xuống Quảng Tây, sau khi vào thành phố được cử làm công tác tiếp đón. Mấy năm qua, bà đã trở thành một cán bộ đón tiếp có kinh nghiệm. Hôm đó Hồ Chí Minh đi họp, Khương Chấn Kiệt tới phòng ngủ của Hồ Chí Minh kiểm tra vệ sinh, phát hiện thấy trên nền nhà có một mảnh vải. Suy nghĩ một lúc bà cũng không biết là dùng để làm gì, hay là Hồ Chí Minh đã dùng để buộc cái gì vậy? Rồi bà thuận tay vứt vào một hộp giấy.
Ai ngờ sau cuộc họp, khi về đến phòng Hồ Chí Minh lập tức tìm người phục vụ hỏi: “Cái thắt lưng của tôi đâu rồi?” Các nhân viên phục vụ đều nói không thấy, rồi báo cáo lên Khương Chấn Kiệt. Và điều này đã làm Khương Chấn Kiệt nghĩ ra, bà tới phòng Hồ Chí Minh, từ thùng giấy nhặt mảnh vải lên, hỏi Hồ Chí Minh: “Có phải mảnh vải này không ạ?” Hồ Chí Minh gật đầu nói phải, đại khái là đặt vào lưng ghế tựa rồi bị rơi xuống đất, còn nói nó là cái ông cần dùng. Khương Chấn Kiệt nói một cách cảm khái: “Hồ Chủ tịch, người thật gian khổ, giản dị vậy!”(35).
Vào hạ tuần tháng 6, bốn sư đoàn chủ lực quân đội Việt Nam hoàn thành chiến dịch Điện Biên Phủ đã về tới vùng tập kết ở tây bắc Hà Nội 80 km. Văn Tiến Dũng(36), Tổng Tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam (1953-1978) chỉ huy một bộ phận nhỏ sư đoàn 320 thâm nhập vào nơi chỉ cách Hà Nội 15 km. Để cố giữ chặt đồng bằng sông Hồng, Mỹ cho máy bay vận tải chở tới một trung đoàn 2.100 quân từ Bắc Phi, đến lúc này đã lộ rõ đó chỉ là đem muối bỏ biển, chẳng được tích sự gì. Chiến trường Việt Nam tiếp tục xảy ra những thay đổi có lợi cho quân đội Việt Nam.
Ngày 24 tháng 6, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh chiếm thị xã An Khê trên đường quốc lộ 19 tại Trung bộ Việt Nam, một bộ phận Trung đoàn cơ động số 100 của Pháp rút từ An Khê về Pleiku, giữa đường bị Quân đội Nhân dân Việt Nam tập kích. Trong trận đánh này binh lực hai bên Việt, Pháp hầu như bằng nhau, binh lực của Việt Nam không nhiều hơn bao nhiêu, hai bên hoàn toàn có thể đánh nhau. Nhưng quân Pháp không còn sĩ khí, thần hồn nát thần tính, hoảng hốt sợ hãi vừa đánh đã thua, hơn 1.000 quân hầu như bị tiêu diệt toàn bộ. Qua trận đánh này quân đội Việt Nam hoàn toàn chiếm quyền chủ động trên chiến trường miền Trung Việt Nam.
Từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6, tại miền Bắc Việt Nam quân Pháp rút bỏ 5 huyện lỵ, hơn 60 cứ điểm, trong đó có thủ phủ hai tỉnh Ninh Bình và Thái Bình. Ngày 3 tháng 7 quân Pháp lại rút khỏi một thủ phủ tỉnh. Khi quân đội Pháp rút lui, quân đội Việt Nam tiến hành tấn công, quân Pháp tổn thất trên một ngàn người.
Trước tình hình này, dù đang ở Liễu Châu, nhưng Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh đều rất quan tâm chú ý.
Phiên họp thứ tư của Hội nghị Liễu Châu họp vào sáng ngày 4 tháng 7, do Chương Văn Tấn ghi chép.
_____________
(33) Syngman Rhee (1875-1965), Tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc (Nam Triều Tiên) từ năm 1948 đến khi đó.
(34) Pierre Mendès-France (1907-1982) Thủ tướng Pháp trong thời gian hội nghị Genève 1954.
(35) Phỏng vấn Hứa Kỳ Tình ngày 9 tháng 6 năm 2004. TG
(36) (1917–2002) khi đó là Thiếu tướng. Đại tướng (1974), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1980-1986).



Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 01:03:46 pm
Chu Ân Lai nhấn mạnh nói về những vấn đề có liên quan tới việc Việt Nam vạch giới tuyến tạm thời để cai quản. Ông chỉ ra, căn cứ vào mức độ mà hai bên có khả năng tiếp nhận, nói chung cuối cùng đạt được hiệp nghị ở vĩ tuyến 16 mới là tốt. Một bộ phận người lãnh đạo ở nam vĩ tuyến 16 có thể rút lên phần bắc vĩ tuyến 16, nhưng những người lãnh đạo chủ yếu có liên hệ với quần chúng, nói chung phải ở lại, chuẩn bị bầu cử. Công tác công khai và bí mật đều cần người. Nếu có thể tiến hành bầu cử tất nhiên là tốt rồi, còn nếu bầu cử chậm, thậm chí không thể tiến hành vẫn có thể công tác trong quần chúng. Về việc rút khỏi phần nam vĩ tuyến 16, phải thuyết phục quần chúng. Dù có khó khăn cũng phải thuyết phục họ, làm như vậy là vì lợi ích chung.
Về vấn đề Lào và Campuchia, Chu Ân Lai cho rằng, phương châm cần phải khác với Việt Nam. Việt Nam dựa vào sự phấn đấu của mình mà đi lên, mà bản chất là chủ nghĩa dân chủ mới. Nhưng Lào và Campuchia không giống thế, trước mắt chỉ cần họ được tự do, dân chủ, độc lập là tuyệt lắm rồi. Điều quan trọng là làm cho họ không ngả về phía đế quốc, bảo trì được trung lập.
Nhìn lại phía sau, một lần nữa Chu Ân Lai chỉ ra, Hội nghị Genève 8 tuần lễ qua, nói chung cho rằng là có thành tích, Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cũng cho là như vậy, chủ yếu là do lực lượng 3 nước, thêm nữa là tác dụng lãnh đạo của Đoàn đại biểu Liên Xô. Đoàn đại biểu Liên Xô có nhiều kinh nghiệm, không chỉ cần họ nắm về sách lược mà kỹ thuật, văn kiện, cũng phải dựa vào họ. Tất nhiên họ cũng có một số khuyết điểm, có lúc chuẩn bị chưa được tốt, có khi nói quá nhiều, có khi lại nói ít.
Từ sau ngày 20 tháng 6, Ngoại trưởng các nước rời Genève. Ba tuần lễ sau đó, công tác của chúng ta là, tuần lễ thứ nhất làm tốt không khí. Vì vậy tôi đã gặp Mendès-France, cũng gặp Đoàn đại biểu Lào, Campuchia. Tuần lễ thứ hai, cố ý kéo dài ra một chút, thế là nước Pháp đề xuất một phương án về vạch giới tuyến ở Việt Nam, thể là nắm được con bài của ông ta. Tuần lễ thứ ba, cũng tức là hiện nay, chuẩn bị giải quyết một số vấn đề. Như thế là trong tuần lễ thứ ba, cũng có thể có tuần lễ thứ tư cố sức có thể bàn xong vấn đề. Sau đó trong tháng 7 phải họp Hội nghị Ngoại trưởng thông qua vấn đề nguyên tắc và bàn vấn đề chính trị. Hy vọng là Hội nghị Genève không đứt đoạn, đợi đến cuối năm mới họp một lần nữa, như thế thì Liên Hiệp quốc không có tác dụng. Đợi sau khi đình chiến mấy tháng họp lại, đem cụ thể hoá vấn đề chính trị, đồng thời do các nước bảo đảm, thẩm tra tình hình đình chiến, cũng có thể suy tính tới việc mở rộng nước bảo đảm. Nếu như thu hút được các nước như Ấn Độ vào thì có chỗ tốt, có thể buộc chặt Mỹ.
Chu Ân Lai nói rất tỉ mỉ, trình bầy ý kiến Trung Quốc hy vọng vạch đường phân giới tạm thời tại vĩ tuyến 16 vô cùng rõ ràng. Lúc này quan điểm hai bên về việc có thể đạt thành hiệp nghị tại vĩ tuyến 16 trên thực tế đã được phía Việt Nam tiếp thu. Tiếp đó đã thảo luận một số vấn đề cụ thể.
Chu Ân Lai chỉ ra, về vấn đề Đảng Lao động Việt Nam bỏ một số căn cứ địa tại miền Nam, rút quân đội đi không phải là sẽ nộp vũ khí quân không chính qui. Chúng ta có thể giải thích, phàm là đơn vị quân đội đều rút đi, nhưng không rút đi tất cả vũ khí, Vũ khí, thứ nào cất giấu đươc thì cất giấu, cán bộ quân đội ai lưu lại được thì lưu. Cất giấu vũ khí phải phân tán, không được tập trung nhằm tránh rơi vào tay quân địch.
Võ Nguyên Giáp nói, bước đầu chúng tôi dự tính rút khỏi miền Nam khoảng 60.000 người, trong đó 50.000 bộ đội, 10.000 là những người làm công tác chính trị, những người “đỏ” quá phải rút đi. Cũng có tính toán, lưu lại một ít trong số 60.000 người. Ví dụ từ 5.000 đến 10.000 người ở lại miền Nam, chờ thời cơ.
Trong đối thoại liên tục, Chu Ân Lai nói, tình hình trước mắt có 3 khả năng, tức là cũng có 3 thượng, hạ và trung sách. Thượng sách là hoà được, trung sách là đánh rồi hoà, hạ sách là đánh tiếp. Nếu như tình hình đòi hỏi phải đánh, phương hướng chủ công của các đồng chí là ở đâu?
Võ Nguyên Giáp nói, nếu chiến tranh mở rộng, chủ trương đánh trước ở đồng bằng sông Hồng, một bộ phận ở Lào và Liên khu Năm có tác dụng kiềm chế.
Chiều ngày hôm đó họp hội nghị lần thứ 5, vẫn Chu Ân Lai là người nói chủ yếu, giới thiệu vấn đề kiểm soát quốc tế một khi ngừng bắn. Sau khi nói xong vấn đề đó, ông kiến nghị, văn kiện về tình hình trước mắt và phương châm chính sách liệu có thể dùng danh nghĩa Chủ tịch Hồ Chí Minh thảo luận tại hội nghị Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam hay không? Vì hiện nay thời cơ đã đến rồi, thảo luận trước tại Bộ Chính trị, rồi lại thảo luận tại hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương. Sau đó truyền đạt cho các địa phương, nhằm đạt được sự thống nhất tư tưởng chính trị trong cán bộ. Nếu không, qua bước ngoặt này không dễ. Ông chỉ ra, trong Hội nghị Genève, yêu cầu chính của chúng ta có khả năng là như thế này: tại Việt Nam lấy vĩ tuyến 16 vạch đường ranh giới. Tại Lào chúng ta yêu cầu tại Thượng, Trung, Hạ Lào mỗi nơi đều được một mảnh, cuối cùng là tranh thủ được Thượng Lào, còn có khả năng được thêm một mảnh ở Trung Lào. Tại Campuchia có thể yêu cầu vạch vùng tập kết, nhưng không thể có hy vọng tương đối lớn.
Hội nghị đã tới xế chiều, lúc này Hồ Chí Minh, người từ khi hội nghị họp đến nay phát biểu không nhiều, đã phát biểu. Ông nói, trên vấn đề lớn của Hội nghị Genève chúng ta phải giúp Mendès-France một chút, đừng để ông ta bị đổ. Mendès-France đối với hội nghị vẫn là tích cực, nếu đàm phán không thành, ông ta sẽ đổ, không có lợi đối với chúng ta. Phải có quan hệ tốt với Pháp, tranh thủ hoà bình. Mặc dù Hồ Chí Minh nói không nhiều nhưng phân lượng rất nặng, thuyết minh ông đã hạ quyết tâm, tranh thủ triển vọng hoà bình tại Hội nghị Genève.
Hội nghị Liễu Châu họp đến lúc này, lập trường và cách nhìn của hai bên đã điều hoà được.
Tối hôm đó không sắp xếp họp tiếp. Nhưng lãnh đạo hai bên cũng không nghỉ ngơi, Chu Ân Lai báo cáo tiến trình hội nghị với Trung ương, nói rõ, ngoài nói chuyện trong hội nghị ra, còn trao đổi ý kiến riêng với Hồ Chí Minh. Hội nghị Liễu Châu vốn dự định họp hai ngày, bây giờ thấy do liên quan đến phương án giải quyết cụ thể, ngày mai phải họp thêm một ngày nữa, nên phải lùi ngày về Bắc Kinh.
Nói một cách tương đối, các trợ thủ của Chu Ân Lai được thoải mái hơn một chút. Mấy hôm trước khi vừa tới Quảng Châu, đang lúc mùa vải chín, Mã Liệt ăn hơi nhiều, bị đau bụng. Sau khi đến Liễu Châu, Kiều Quán Hoa đã nói đùa với ông: “Ăn tại Quảng Châu, chết tại Liễu Châu”(37). Câu sau chỉ ở Liễu Châu có nhiều gỗ tốt có thể đóng quan tài. Tối hôm đó không có việc, hai người ra đường tìm kiếm. Kết quả chẳng thấy gì. Thì ra vật đổi sao rời, các khu rừng cổ của Liễu Châu đã bị người đời sau chặt hết, môi trường thiên nhiên rất đáng lo, nghề đóng quan tài đã mất từ lâu rồi(38).
Thực ra những vấn đề Hội nghị Liễu Châu phải giải quyết vô cùng cấp bách. Đúng vào ngày hôm đó, 9 giờ sáng ngày 4 tháng 7, trên chiến trường miền Bắc Việt Nam, căn cứ vào (thoả thuận tại) Hội nghị Genève, đại biểu hai quân đội Việt, Pháp đã tiến hành hội đàm tại một địa điểm tên là Trung Giã, nằm trên đường quốc lộ số 3 cách thị xã Thái Nguyên 30 km về phía nam. Hai bên cử đoàn đại biểu mỗi bên đều gồm 5 sĩ quan,, thiếu tướng Văn Tiến Dũng đại biểu Quân đội Nhân dân Việt Nam và đại tá (Marcel) Lennuyeux, đại biểu quân đội Pháp đều phát ngôn. Hai bên quyết định, trong khuôn khổ của hiệp nghị Genève thảo luận:
 1. Trong khuôn khổ hiệp nghị Genève thảo luận vấn đề tù binh.
2. Vấn đề thực hiện ngừng bắn.
3. Vấn đề điều chỉnh vùng tập kết.
 4. Vấn đề hai bên thành lập Uỷ ban Liên hiệp.
 5. Giải quyết những vấn đề cụ thể do Hội nghị Genève nêu ra.
Ngày 5 tháng 7, hai bên đạt được vấn đề trao trả trước tù binh bị thương, bị ốm, quyết định loạt tù binh bị thương, bị ốm đầu tiên sẽ được trao trả vào ngày 14 tháng 7.
Thế nhưng đàm phán trên chiến trường Việt Nam chỉ có thể tiến hành trong khuôn khổ hiệp định Genève qui định. Lúc này cuộc hội đàm Văn Tiến Dũng - Lennuyeux vừa cử hành đã phải dừng lại chờ Hội nghị Genève phát triển hơn nữa. Vì thế, giới hạn đàm phán cuối cùng của “mặt trận phương đông” phải dựa vào Hội nghị Liễu Châu để xác định.
Sáng ngày 5 tháng 7 cử hành phiên họp thứ 6 Hội nghị Liễu Châu, Mã Mục Minh ghi chép. Hôm ấy, Hồ Chí Minh đề xuất với Chu Ân Lai nhiều vấn đề, bao gồm trong hiệp nghị sắp tới liệu có trình bầy lý luận hay không, xử lý nguỵ quân như thế nào v.v… Võ Nguyên Giáp cũng biểu thị với Chu Ân Lai đồng ý phương án vĩ tuyến 16, nhưng ông lại nói, hiện nay Phạm Văn Đồng đang đề xuất phương án vĩ tuyến 13 hoặc vĩ tuyến 14. Võ Nguyên Giáp cho rằng có thể lùi từng bước, nhưng đến vĩ tuyến 16 là giới hạn cuối cùng. Vì vậy yêu cầu đề xuất đối ngoại hiện nay có thể từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 14.
Chu Ân Lai đồng ý với Võ Nguyên Giáp.
Hồ Chí Minh nói, nếu lấy vĩ tuyến 16 làm giới hạn thì cả Vịnh Bắc bộ thuộc về chúng ta.
Võ Nguyên Giáp còn đề xuất không ít ý kiến sửa chữa đối với những soạn thảo trong dự thảo hiệp nghị, cho thấy rõ ông suy xét vấn đề chặt chẽ tỉ mỉ. Nhiều chỗ, Chu Ân Lai biểu thị đồng ý, đồng thời yêu cầu Kiều Quán Hoa căn cứ vào ý kiến nhất trí của mọi người sửa chữa phương án.
Võ Nguyên Giáp còn đề xuất ý tưởng, khi rút quân khỏi miền Nam, các vùng từ cấp tỉnh trở lên, đơn vị từ cấp đại đội trở lên, đều rút; nhưng từ cấp huyện trở xuống và đội du kích thôn không rút, đem cất giấu vũ khí, để lại phục vụ cho việc tranh giành miền Nam sau này.
Tại phiên họp thứ 7 buổi chiều hôm đó, Chu Ân Lai nhấn mạnh, nhất định cần phải giải thích nhiều lần cho cán bộ: “trải qua bầu cử, đạt được thống nhất”. Ở đây có hai hàm nghĩa, thứ nhất là nói, cán bộ có cố gắng công tác thì mới có thể giành được thắng lợi bầu cử. Thứ hai là nói, phải tạo thành cục diện bầu cử, tạo thành xu thế không bầu cử không được. Đặc điểm của Việt Nam là, bất kể là Anh, Pháp, Bảo Đại đều không dám phản đối thống nhất. Về phương diện này, điều kiện của Việt Nam tốt hơn so với Triều Tiên, Đức.
Võ Nguyên Giáp nói, phải thống nhất tư tưởng trong Đảng. Tháng 7 có thể họp hội nghị Trung ương. Khó khăn là đại biểu miền Nam không dễ dàng đến được, mà truyền đạt cho miền Nam rất khó khăn.
Chu Ân Lai nói, hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay đúng là vô cùng phức tạp, có sự khác biệt giữa vùng cũ, vùng mới, có sự khác biệt giữa thành thị, nông thôn, có sự khác biệt trong Đảng ngoài đảng, có sự khác biệt giữa miền Nam, miền Bắc, có sự khác biệt giữa 3 nước, lại còn sự khác biệt với các nước khác. Quan hệ của 6 loại khác biệt này vô cùng tế nhị. Khi đạt được hiệp nghị, nhất định phải đồng thời tuyên bố các nguyên tắc cơ bản. Những nguyên tắc này là, nước Pháp công nhận nền độc lập, thống nhất của 3 nước Đông Dương cũng như nước Pháp rút quân, tiến hành bầu cử v.v..
Vi Quốc Thanh phát biểu tiếp, biểu thị ủng hộ những ý kiến của Chu Ân Lai. Trung tâm tư tưởng của những phát biểu của Vi Quốc Thanh là nắm chắc thời cơ có lợi, chấm dứt chiến tranh vào lúc có thể chấm dứt được. “Nếu tiếp tục đánh, có thể đuổi được kẻ địch yếu (Pháp) nhưng lại đưa vào kẻ địch mạnh (Mỹ). Đó là tình hình, đòi hỏi chúng ta phải tránh né nhất.” Lúc này Chu Ân Lai nói xen vào: “Đó không phải là giả thiết mà là sự thực.”
Vi Quốc Thanh còn đề xuất, nếu khi đàm phán không đạt được dự án của hiệp nghị, nếu “hoà” không đến thì vào tháng 10 sẽ chuẩn bị đánh đồng bằng sông Hồng.
Vào lúc hội nghị gần kết thúc, Võ Nguyên Giáp phát biểu, nói “trước đây được nghe Hồ Chủ tịch truyền đạt, bây giờ lại được nghe Chu Thủ tướng báo cáo, càng hiểu thêm tình hình mới và nhiệm vụ mới. Vấn đề trung tâm trước mắt là tranh thủ thống nhất tư tưởng trong Đảng. Mặc dù có khó khăn, nhưng lòng tin được nâng cao. Nếu Trung ương truyền đạt chính sách này xuống dưới, lòng tin của bên dưới càng nâng cao. Ở Lào và Campuchia cũng sẽ như thế. Đợi đến lúc đàm phán có kết quả, cán bộ miền Bắc nhìn thấy thắng lợi, tâm tình sẽ thoải mái nhẹ nhõm. Còn cán bộ miền Nam có thể xuất hiện tâm tình bi quan. Campuchia và Lào cũng có thể có tình hình giống như thế. Tất nhiên, vấn đề này cần phải giải quyết".
_________________
Chú thích
(37) Ngạn ngữ Trung Hoa: "Sinh tại Tô Châu, ở tại Hàng Châu, ăn tại Quảng Châu, chết tại Liễu Châu".
(38) Phỏng vấn Mã Liệt ngày 29 tháng 5 năm 1998. TG


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 01:05:15 pm
Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến có tính tổng kết. Ông nói: đồng chí Chu Ân Lai không chỉ phấn đấu tại Hội nghị Genève hơn nữa còn đến Liễu Châu báo cáo, nói rất thấu triệt. Chúng tôi rất cám ơn! Kể từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập, 30 năm nay đều được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và đồng chí Chu Ân Lai giúp đỡ. Trong lần hội nghị này, các đồng chí bổ sung rất tốt, tôi đồng ý, còn phải cám ơn các loại giúp đỡ của các đồng chí Quảng Tây. Hiện nay Việt Nam đang đứng trước ngã tư đường, có khả năng hoà cũng có khả năng chiến. Phương hướng chủ yếu là tranh thủ hoà chuẩn bị chiến. Tính phức tạp của công việc đòi hỏi phải có hai loại chuẩn bị. Đối với người bình thường, thậm chí là cán bộ, vấn đề này rất phức tạp. Bởi vì khẩu hiệu trước đây là “kháng chiến đến cùng” bây giờ lại muốn hoà, “rốt cuộc thì cái nào đúng đây?” Người ta có thể hỏi như vậy. Tôi đồng ý với cách nhìn của mọi người, vấn đề hàng đầu là đánh thông tư tưởng, tuy khó khăn nhiều, nhưng trước tiên phải dựa vào sự cố gắng của các đồng chí Việt Nam, ngoài ra còn phải dựa vào sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc.
Công tác của Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam là phải đả thông tư tưởng của cán bộ cao cấp, còn phải đả thông tư tưởng các đồng chí Campuchia, Lào, thời gian rất khẩn trương. Vấn đề là cán bộ không nhiều mà công việc lại rất nhiều. Nếu chuẩn bị tiếp thu Hà Nội, Hải Phòng thì phải chuẩn bị một loạt cán bộ, hiện nay lo lắng nhất vẫn là cán bộ không đủ, nói những cái đó vì còn cần các đồng chí cố vấn giúp đỡ.
Hồ Chí Minh nói, tôi thay mặt hội nghị lần này hỏi thăm Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Đến đây Hội nghị Liễu Châu đạt được sự đồng thuận của cả hai bên. Cuối cùng Chu Ân Lai phát biểu, nói: "Cám ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm Mao Chủ tịch. Kết luận vừa rồi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài phần khen ngợi ra, tôi hoàn toàn tiếp nhận. Mỗi chúng ta đều có khuyết điểm sai lầm, chủ yếu là dựa vào lực lượng tập thể".
Tối ngày 5 tháng 7, cử hành phiên họp thứ 8. Thời gian tương đối eo hẹp, chủ yếu thảo luận là một khi thực hiện ngừng bắn, những tình hình mới mà quân đội Việt Nam tiếp quản thành thị sẽ phải đối mặt. Hội nghị thảo luận và sửa chữa 4 điều trong “Bố cáo yên dân khi vào thành phố” do La Quý Ba khởi thảo, cũng thảo luận và sửa chữa “Chính sách vùng tiếp quản” cũng do La Quý Ba khởi thảo. Cuối cùng Chu Ân Lai tuyên bố hội nghị kết thúc.
Trong Hội nghị Liễu Châu, Chu Ân Lai trình bầy thấu triệt, kiên nhẫn giải thích vấn đề đã để lại ấn tượng sâu sắc trong những người tham dự hội nghị. Tình hữu nghị giữa Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh cũng thường xuyên thể hiện ra. Trong tiến trình hội nghị, Chu Ân Lai phát hiện đồng hồ đeo tay của Hồ Chí Minh hỏng, ông bảo La Quý Ba tìm ngay cho Hồ Chủ tịch một chiếc đồng hồ khác. La Quý Ba làm theo, đã mang tới cho Chu Ân Lai một chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ rất tốt, Chu Ân Lai đã tặng chiếc đồng hồ đó cho Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh không từ chối, nói “cám ơn” rồi đeo vào tay. Theo ấn tượng của La Quý Ba, Hồ Chí Minh đã đeo chiếc đồng hồ đó trong một thời gian rất dài(39).
Mã Liệt, sau này là đại sứ Trung Quốc tại Hungari(40) chỉ ra, then chốt của Hội nghị Liễu Châu lần đó là “vạch giới tuyến”, vấn đề trung tâm là phải để nước Pháp rời khỏi Đông Dương, đồng thời không để Mỹ can thiệp vào. Đó là suy nghĩ rõ ràng của Chu Ân Lai khi đến Hội nghị Liễu Châu, kết quả đã thực hiện hoàn toàn dự kiến của ông(41).
Chiều ngày 6 tháng 7, Chu Ân Lai trở về Bắc Kinh. Ngày 8 tháng 8, Nhân dân Nhật báo(42) đăng “Tuyên bố về cuộc hội đàm Trung Việt” tại vị trí trang trọng đầu trang nhất, toàn văn như sau:
Thủ tướng nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Chu Ân Lai và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh đã cử hành hội đàm tại biên giới Trung Việt từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 7 năm 1954. Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao đổi ý kiến đầy đủ về vấn đề khôi phục hoà bình ở Đông Dương và các vấn đề có liên quan khác. Tham gia hội nghị còn có, Hoàng Văn Hoan, đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Trung Quốc và Kiều Quán Hoa, cố vấn Đoàn đại biểu nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Hội nghị Genève(43).
Chương 28: Lãnh tụ đã quyết thì vũ trụ cũng chẳng là cái gì(44)
Trong khi Chu Ân Lai thăm Ấn Độ và Myanma thì những người đứng đầu hai nước Mỹ, Anh cũng đang bận rộn, hạ tuần tháng 6, bọn họ đã đạt được “Phương châm 7 điểm” về vấn đề Đông Dương tại Washington. Ở Bắc Kinh, Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ phê chuẩn báo cáo và quyết tâm tiếp tục tiến hành đàm phán của Chu Ân Lai. Tại Việt Nam, Hồ Chí Minh gửi cho Phạm Văn Đồng “chỉ thị 5-7” xác định rõ phương án thấp nhất trong đàm phán. Chu Ân Lai gió bụi dọc đường trở lại Genève, phát hiện sự việc vẫn còn tương đối phức tạp.
Ngày 23 tháng 6, sau khi trở về nước Anh, Eden(45) đã chủ trì cuộc biện luận về chính sách ngoại giao tại Hạ nghị viện Anh, đồng thời báo cáo về tình hình nước Anh tham gia hội nghị Genève.
Eden nói: “Tôi thật không thoải mái mà báo cáo rằng, trong thảo luận về vấn đề Triều Tiên, chúng tôi đã không có sự tiến triển thực sự trong việc tìm kiếm biện pháp giải quyết. Chỉ có thể nói như thế này, so với trước đây, chúng tôi có thể trình bầy rõ ràng hơn những chỗ then chốt nhất trong bất đồng nguyên tắc giữa hai bên đối địch.”
Eden chỉ ra rằng: “chúng tôi không đạt thành hiệp nghị về vấn đề thống nhất Triều Tiên, nhưng kiến nghị tiếp tục tiến hành đàm phán thì vẫn còn hiệu lực.” Ông ta nhấn mạnh: “mục đích và quan điểm của chính phủ Anh vẫn là Liên Hợp Quốc không thể trông đợi có thể giải quyết được vấn đề Triều Tiên trong tình hình không được Trung Quốc và hai bên Triều Tiên đồng ý.”
Eden giới thiệu ba Uỷ ban được thành lập do thảo luận vấn đề quân sự tại ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và nói rằng bọn họ phải đề xuất báo cáo trước ngày 10 tháng 7. Eden nói: “trước khi chúng tôi rời khỏi đó, giữa chúng tôi đã có sự thông cảm, sau khi nhận được báo cáo của đoàn đại biểu quân sự, chúng tôi sẽ lập tức tiến hành trao đổi ý kiến để quyết định chúng tôi sẽ quay lại Genève hoàn thành sứ mệnh, đối với bản thân tôi mà nói, nếu tôi có thể có cống hiến gì đó cho hoà bình, tôi sẽ quay lại.”
Eden đã có ý riêng khi nói tới quan hệ Anh, Trung: “một kết quả của hội nghị Genève là quan hệ Anh Trung được cải thiện, hơn nữa đã sản sinh được một số kết quả. Đó là điều mà mọi người đã nhìn thấy. Tôi rất phấn khởi vì có cơ hội gặp gỡ ngài Chu Ân Lai. Rõ ràng là những cuộc hội đàm của hai nước tại Genève là có giá trị. Đối với tôi thì những cuộc hội đàm đó đã chứng minh là có lợi cho nước ta, hơn nữa còn thực sự có lợi cho chung sống hoà bình, mà chung sống hoà bình vẫn là mục đích và tôn chỉ trong giao tiếp giữa chúng ta và mỗi nước.”
Cuối cùng Eden nói, hiện nay vẫn còn hy vọng đạt được hiệp nghị trên vấn đề Đông Dương, sự tồn tại của cơ hội này dựa vào những cuộc đàm phán nhẫn nại mà lâu dài, quyết định bởi nguyện vọng của nhân dân Đông Dương đối với hoà bình, “nếu có thể đạt thành hiệp nghị sẽ cung cấp một cơ sở cho nền an ninh Đông Nam Á, tác dụng của nó không chỉ giới hạn ở đó, mà còn là một sự củng cố to lớn cho hoà bình thế giới”(46).
____________________
Chú thích
(39) Phỏng vấn La Quí Ba tại Bắc kinh ngày 18 tháng 4 năm 1990, theo tư liệu La Quí Ba bảo tồn được từ Hội nghị Liễu Châu. TG
(40) Giai đoạn 1983-1985.
(41) Phỏng vấn Mã Liệt tại Bắc Kinh ngày 29 tháng 5 năm 1998. TG
(42) Báo hàng ngày chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (cho tới nay).
(43) Xem thêm: Phạm Cao Dương, “Geneva và những kinh nghiệm chưa được rút tỉa”
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2004/07/040719_phamcaoduong.shtml
(44) Xin độc giả chú ý tới cách đặt đầu đề này. Người dịch (ND)
(45) Robert Anthony Eden (1897-1977), khi đó là ngoại trưởng Anh (1951-1955).
(46) Eden, Sir Anthony Full Circle London Cassell& Co Ltd. 1960 p. 131.TG


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 01:06:24 pm
Trong thời gian biện luận tại Hạ viện, Attlee(47), lãnh tụ Công đảng - đảng phản đối, đã nói một cách hiếm thấy, Eden đã có những cố gắng vì việc hoà bình giải quyết vấn đề Đông Dương. Ông ta còn nói: “đặc điểm nổi bật nhất của hội nghị Genève là những người cầm quyền chân chính ở Trung Quốc lần đầu tiên tham gia hội nghị ở châu Âu, đến tận bây giờ mà vẫn không thừa nhận chính phủ hiện nay của Trung Quốc - một chính phủ của nhà nước công nhân, quả thật là một việc hoang đường”(48).
Gác công việc ở Hạ viện bận mất một số thời gian lại, ngày 24 tháng 5, Churchill(49) và Eden tới Washington. Eden cho rằng mục đích của chuyến đi này là “thuyết phục Mỹ cho Pháp một cơ hội, để mấy tuần lễ nữa đạt được một hiệp nghị hoà bình tại Genève. Trước khi đạt được việc này không được triệu tập bất kỳ hội nghị quốc gia chống đảng cộng sản tại tổ chức Đông Nam Á. Đồng thời tôi muốn một lần nữa bầy tỏ rõ với nước Mỹ, trước khi hội nghị Genève đạt được thành quả nào đó, chúng tôi quyết không tham gia “hành động liên hợp”(50).
8 giờ 30 phút ngày 23 tháng 6 (giờ Washington), Smith(51) báo cáo tình hình hội nghị Genève với Eisenhower(52), John Dulles(53) và đoàn đại biểu hai đảng(54) tại quốc hội. Ông ta nói, lập trường của Mỹ về vấn đề Đông Dương và vấn đề Triều Tiên nên có sự khác nhau. Ông ta nói, trước đây đã lâu, Dulles đã nói với Bidault(55), nếu như vấn đề Đông Dương được đưa vào chương trình của hội nghị Genève thì sẽ thúc đẩy xung đột quân sự ở đây bùng nổ dữ dội hơn, hai bên đều muốn tranh thủ ưu thế trong đàm phán. Bây giờ quả nhiên là như vậy, tình hình trên chiến trường Đông Dương là khẩn cấp. Mặt khác, nước Anh đang đóng vai diễn người tạo ra hoà bình ở hội nghị Genève.
Smith nói, trong thời gian hội nghị Genève, sĩ khí quân đội Bảo Đại Việt Nam xuống thấp và việc chính phủ Laniel(56) Pháp bị đổ đã buộc nước Mỹ phải điều chỉnh lại lập trường của mình về Đông Dương. Lập trường ban đầu của Mỹ là, quân đội nhân dân Việt Nam phải rút quân khỏi Lào và Campuchia. Bởi vì đó là xâm lược, cái mà họ tiến hành không phải là một cuộc nội chiến. Và cho dù cuối cùng hội nghị có đạt được biện pháp giải quyết nào đó, chúng ta đều hy vọng xây dựng được một Uỷ ban giám sát quốc tế công bằng có hiệu quả, và không thể tiến hành bầu cử nội bộ tại Việt Nam. Trên vấn đề sau, nước Anh đã đề xuất kiến nghị muốn các nước hội nghị Corumba (?) tham gia Uỷ ban giám sát, nhưng bị Liên Xô phản đối.
Smith nói, mặc dù Mỹ luôn luôn kiên trì lập trường trên, nhưng rốt cuộc thì nước Mỹ không phải là người tham dự trực tiếp vào công việc của Đông Nam Á, quan điểm của Mỹ không có ảnh hưởng có tính quyết định.
Smith chỉ ra, trên hội nghị Genève đã xuất hiện hai nhân tố quan trọng: một là chính phủ Pháp đã suy yếu, một là chính phủ Anh yêu cầu tránh khỏi một cách toàn diện những xung đột ở Viễn Đông, điều này đã làm mạnh thêm lập trường của các nước cộng sản. Trong tình hình đó, hai bên tại hội nghị Genève đang có khuynh hướng tiếp nhận kết cục sau:
Căn cứ nguyên trạng, tiến hành phân trị tại Việt Nam.
Phía cộng sản khống chế một nửa hoặc 1/3 Lào.
Bên trong Campuchia không thành lập vùng khống chế của cộng sản.
Thành lập cơ cấu giám sát quốc tế có hiệu quả.
Trong khoảng thời gian mà cộng sản có thể tiếp nhận, sẽ quyết định tương lai của vấn đề Đông Dương.
Smith cho rằng, xét tới sự thay đổi của tình hình, nước Mỹ có thể không cần phải phản đối việc xuất hiện kết quả trên, bởi vì trong tình hình đó mà đạt được bất kỳ hiệp nghị nào tại hội nghị Genève, “đều sẽ thiết lập được sự cân bằng mới giữa hai tập đoàn (khối) lớn Đông và Tây”(57).
Cần phải nói là, kết luận của Smith rất có kiến giải, trực tiếp ảnh hưởng tới Eisenhower, trên thực tế cũng ảnh hưởng tới quyết tâm của Dulles.
Khi Churchill và Eden tới Washington, Dulles ra sân bay đón. Một đàm đông phóng viên, nhiếp ảnh vây lấy vị Bộ trưởng Ngoại giao ốm yếu này, bọn họ vui vẻ nói đùa với nhau, phải tận mắt nhìn thấy liệu có phải Dulles đã đi tới bước không còn muốn bắt tay Eden nữa hay không. Thực tế là tháí độ của Dulles so với khi ở Genève có mềm hơn một chút. Điều này không thể tách rời việc khi trở về Washington, Smith đã làm công tác.
Lúc này nước Mỹ đặc biệt cần sự hợp tác của Anh tại châu Âu trên vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia. Chính phủ Laniel đã đổ của Pháp đã từng là người ủng hộ đắc lực cho Tập đoàn tổ chức bảo vệ an ninh quốc gia châu Âu, còn Mendès-France(58) thì lại dao động. Bây giờ thời gian phê chuẩn kế hoạch bảo vệ an ninh quốc gia châu Âu đang tới gần, không có kế hoạch này thì cũng không có kế hoạch vũ trang lại nước Đức. Trước khi Thủ tướng và Ngoại trưởng Anh tới, Eisenhower đã nói với Dulles: “Churchill không ủng hộ vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia châu Âu, nhưng ông ta không nói ra. Do vậy ông và tôi phải vô cùng thận trọng trong vấn đề này.” Nói một cách đơn giản, nước Mỹ phải có sự nhượng bộ nào đó trên vấn đề Đông Dương.
Quả nhiên, hai nước Anh, Mỹ đã có sự thoả hiệp tại Washington. Sau khi thương thảo vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia châu Âu, những người lãnh đạo Anh, Mỹ đã thảo luận vấn đề Đông Dương. Giành được nhất trí ý kiến đối với mục tiêu thấp nhất: Lào và Campuchia độc lập, Việt Minh rút quân khỏi hai nước này, Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm đường giới tuyến, một chia làm hai, do Việt Minh khống chế miền Bắc. Do Hồ Chí Minh yêu cầu được cả Đông Dương, hơn nữa trước mắt ông ta là phía có ưu thế quân sự, nên nếu ông ta đồng ý chia đường giới tuyến như vậy, có thể coi là một sự nhượng bộ trọng đại của bọn họ, bởi vì trong trường hợp công khai nước Mỹ nói chung đều yêu cầu người Pháp tiếp tục đánh(59).
Ngày 29 tháng 6, tại Washington Mỹ và Anh đạt được “phương châm 7 điểm” về vấn đề Đông Dương. Nội dung chủ yếu là:
Bảo đảm chủ quyền và độc lập cho Lào và Campuchia, Việt Nam rút toàn bộ quân đội ra khỏi hai quốc gia này.
Chí ít bảo đảm Việt Nam phải có một nửa lãnh thổ, nếu có khả năng thì bao gồm cả đồng bằng sông Hồng. Tận cùng phía nam của giới tuyến tạm thời không thể vượt quá Đồng Hới mà vị trí là ở bắc vĩ tuyến 17.
Không thể cưỡng bức Lào, Campuchia, Việt Nam giải tán chính quyền khống chế phi cộng sản của họ, phải làm cho họ giữ gìn được lực lượng tự vệ của mình, 3 nước không được nhập khẩu vũ khí, không được mời cố vấn nước ngoài.
Trong hiệp nghị chính trị có khả năng đạt được không thể có điều khoản dẫn tới sự thống trị của cộng sản.
Phải bảo đảm khả năng sau này Đông Dương hoà bình thống nhất.
Cung cấp giao thông thuận tiện, dưới sự giám sát quốc tế làm cho những dân cư quyết định di chuyển có thể đến được nơi họ muốn đến.
Thiết lập hệ thống giám sát có hiệu quả.
“Phương châm 7 điểm” của Anh, Mỹ đã tăng cường địa vị đàm phán của Pháp tại Genève.
Trưa ngày 6 tháng 7, Chu Ân Lai về đến Bắc Kinh. Ngay tối hôm đó đã tới chỗ Mao Trạch Đông báo cáo. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức(60), Trần Vân(61), Đặng Tiểu Bình cũng đến, Cũng trong ngày, Chu Ân Lai gửi điện cho Trương Văn Thiên(62) đã trở về Moskva, nhờ ông chuyển cho Lý Khắc Nông(63) biết: Đại biện lâm thời Liên Xô tại Trung Quốc cho biết, Molotov “định ngày 7 bay đến Genève để gặp Mendès-France, đồng thời mong tôi sớm quay lại Genève, nhằm thúc đẩy đàm phán tiến triển. Được chỉ thị của Trung ương, tôi phải ở lại Bắc Kinh hai, ba ngày rồi mới trở lại, vì vậy mong đồng chí ngày 7 cùng đi với Molotov”. Theo ý kiến của Chu Ân Lai, Trương Văn Thiên đã đến Genève trước thời hạn.
Ngày hôm sau Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc họp hội nghị mở rộng tại Bắc Kinh, nghe báo cáo của Chu Ân Lai về việc tham gia hội nghị Genève cũng như chuyến thăm Ấn Độ, Myanma và hội đàm giữa người lãnh đạo hai nước Trung, Việt.
Chu Ân Lai giới thiệu, tại hội nghị Genève, chúng ta áp dụng phương châm liên hiệp với Pháp, Anh, các nước Đông Nam Á, ba nước Đông Dương, tức đoàn kết với mọi lực lượng quốc tế có thể đoàn kết được, cô lập Mỹ, hạn chế và phá bỏ kế hoạch mở rộng bá quyền thế giới của Mỹ, trong đó vấn đề then chốt là thúc đẩy hoà bình ở Đông Dương. Căn cứ vào phương châm đã định đó, đoàn đại biểu Trung Quốc, Liên Xô và Việt Nam tại hội nghị đều muốn thực hiện ngừng bắn ở Đông Dương. Hai tháng nay hội nghị đạt được một số thành tựu, đã làm cho cục diện căng thẳng quốc tế hoà dịu được một bước, khiến kế hoạch mở rộng bá quyền thế giới của Mỹ bị cản trở. Theo xu thế hiện nay thì khả năng thực hiện ngừng bắn ở Đông Dương là lớn, là phải đạt được hiệp nghị.
Nghe xong báo cáo của Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông biểu thị tán thành. Ông nói, báo cáo của Chu Ân Lai rất tốt. Đồng ý phương châm ông trình bầy và phê chuẩn hoạt động hơn hai tháng qua. Phương châm của chúng ta tham gia hội nghị là chính xác, hoạt động là có thành tích, cần nhượng bộ thì nên nhượng bộ, cần kiên trì thì phải kiên trì, sẽ đạt được việc cô lập thiểu số (Mỹ) đoàn kết đa số. Từ nay trở đi sẽ tiếp tục phương châm này, nắm chặt vấn đề, dự đoán là có thể đạt được hiệp nghị(64).

__________________
Chú thích
(47) Clement Richard Attlee, (1883 –1967) Thủ tướng Anh 1945-1951.
(48) “Nhân dân nhật báo” 26/5/1954, tr. 4. TG
(49) Sir Winston Leonard Spencer-Churchill, (1874 –1965), khi đó là Thủ tướng Anh (lần thứ 2: 1951-1955).
(50) Anthony Eden . Sđd. TG.
(51) Tướng Walter Bedell "Beetle" Smith (1895 –1961) Đại sứ Mỹ tại Liên Xô (1946-1949), Giám đốc CIA (1950-1953), khi đó là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ (1953-1954).
(52) Dwight David Eisenhower (1890 – 1969), khi đó là Tổng thống Mỹ (1953-1961).
(53) John Foster Dulles (1888 – 1959) khi đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ (1953-1959).
(54) Tức đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà, Mỹ.
(55) Georges-Augustin Bidault (1899 – 1983) Chính khách, khi đó là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp (8/1/1953 – 19/7/1954).
(56) Joseph Laniel (1889 - 1975) Thủ tướng thứ 142 của Pháp (27/6/1953 – 18/6/1954)
(57) Foreign relation of the United States 1952-1954, volum XVI, the Geneve Conference, Washington 1981, p.1223-1126. TG.
(58) Pierre Mendès-France (1907-1982) Thủ tướng Pháp trong thời gian hội nghị Genève 1954.
(59) ”Truyện Eisenhower” NXB Khoa học Xã hội Trung Quốc, 1989, tr. 209-210. TG.
(60) 朱德/ Chu Đức (1886 – 1976) khi đó là Tổng Tư lệnh Hồng quân, Phó Chủ tịch Trung Quốc (1954-1959).
(61) 陈 云/ Trần Vân (1905-1995) khi đó là Uỷ viên Bộ chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, Phó thủ tướng/chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Tài chính.
(62) 张 闻天/Zhang Wentian (1900-1976) tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc từ 1-1935 đến 3-1943. Khi đó là Uỷ viên dự khuyết Bộ chính trị kiêm thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Xô.
(63) 李 克农/ Li Kenong (1899-1962) Trùm Mật vụ Cộng sản Trung Quốc, biệt danh “Rồng Một Mắt”. Khi đó là Thứ trưởng Bộ ngoại giao Trung Quốc (10/1949-10/1954).
(64) “Chu Ân Lai niên Phổ 1949-1976”, NXB Văn hiến Trung ương, 1998, tr.395 và “Truyện Chu Ân Lai 1949-1976” cùng NXB trên, tr. 173-174. TG



Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 01:07:48 pm
Mao Trạch Đông lại mở rộng câu chuyện, dùng kiến giải đặc biệt của mình trình bầy thế lớn trong thiên hạ. Ông nói, tình hình chung hiện nay là Mỹ tương đối cô lập. Sau khi vấn đề Đông Nam Á, Đông Dương được giải quyết, sự cô lập của Mỹ còn tiếp tục phát triển.
So với trước đây toàn bộ tình hình đã chuyển biến tốt. Làm dịu cục diện căng thẳng, không cùng chế độ vẫn có thể chung sống hoà bình, những nguyên tắc do các nước xã hội chủ nhĩa đề xuất này đã từng bước được một số nước phương Tây tiếp nhận. Chủ nghĩa tư bản thế giới rất không thống nhất, chia năm xẻ bảy. Mục đích chủ yếu của Mỹ hiện nay vẫn là chỉnh đốn giải đất trung gian từ Nhật đến Anh. Những nước ở đó bị chỉnh đến mức kêu oai oái.
Mao Trạch Đông đề xuất, phải lợi dụng thời cơ có lợi đó, mở rộng việc kết bạn, phải phát triển quan hệ với các nuớc không cùng loại hình. Công tác ngoại giao của chúng ta hiện nay không phải là đóng chặt cửa mà là phải lợi dụng tình hình có lợi hiện nay để “đi ra”. tiến hành công tác ngoại giao với nhiều nước, ví dụ với các nước đế quốc như Anh, Pháp, các nước thuộc địa như Ấn Độ, Myanma, thậm chí với các nước như Thái Lan.
Mao Trạch Đông nói, chế độ khác nhau vẫn có thể chung sống hoà bình, phải tách rời sự bất đồng về hệ thống tư tưởng và sự hợp tác về chính trị, bất đồng về hệ thống tư tưởng không nên cản trở tới sự hợp tác về chính trị giữa nước này với nước khác(65).
Lưu Thiếu Kỳ là người tổng kết cuối cùng báo cáo của Chu Ân Lai, tỏ ý hài lòng về hoạt động ngoại giao của Chu Ân Lai tại Genève. Ông nói: “nên đưa ra quyết định, phê chuẩn công tác và phương châm từ nay trở đi của đoàn đại biểu tại Genève”(66).
Theo thoả thuận từ trước, ngày 8 tháng 7, Trevelyan(67), đại biện lâm thời của Anh tại Trung Quốc trình thư uỷ nhiệm của Eden lên Chu Ân Lai. Không lâu sau đó, ngày 2 tháng 9, chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm Hoạn Hương làm đại biện lâm thời của Trung Quốc tại Anh. Từ đó hai nước Trung, Anh thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại biện.
Chiều ngày 8 tháng 7, Uỷ ban toàn quốc hội nghị Chính trị hiệp thương họp hội nghị mở rộng, những nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Đặng Tiểu Bình và Lý Duy Hán, Đặng Dĩnh Siêu v.v.. đã tham dự hội nghị cùng với các nhân sĩ dân chủ tham gia hội nghị như Lý Tế Thâm, Thẩm Quân Nho, Quách Mạt Nhược, Trần Thúc Thông, Vương Côn Luân, Trương Lan, Chương Bá Quần, Hoàng Viêm Bồi, Cương Nãi Khí, Mã Tự Luân, Trương Hề Nhược v.v.. nghe Chu Ân Lai báo cáo về vấn đề hội nghị Genève và chuyến thăm hai nước Ấn Độ, Myanma.
Chu Ân Lai cho rằng hội nghị Genève đã xuất hiện cục diện có lợi. Ông nói: “Bề ngoài Mỹ thể hiện rất dữ, nhưng đằng sau lại rất suy yếu. Ngày 22 tháng 6, (khi diễn thuyết tại quốc hội, Eden đã từng nói, vấn đề Triều Tiên chưa bị gạt bỏ trong chương trình. Mặc dù vấn đề Triều Tiên chưa đạt được bất kỳ hiệp nghị nào, nhưng đã thấy vấn đề rất rõ, khả năng đánh lại rất nhỏ.”
Chu Ân Lai báo cáo: “khôi phục hoà bình ở Đông Dương, là một khâu then chốt để làm dịu cục diện căng thẳng thế giới hiện nay.” Ngày mai quay trở lại Genève, ông sẽ tiến hành những cố gắng cuối cùng tranh thủ đạt được hiệp nghị hoà bình tại đây.
Chu Ân Lai chỉ ra một cách rõ ràng: “chúng ta phải tranh thủ làm dịu tình hình căng thẳng hơn nữa. Các nước không cùng chế độ có thể chung sống hoà bình, dùng biện pháp thi đua hoà bình để chứng minh tính ưu việt của chế độ dân chủ nhân dân làm cho thế giới cũ thay đổi, chúng ta không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, phương châm này là có khả năng. Vì vậy phải tạo dựng một mặt trận thống nhất quốc tế, phải liên hiệp với nước Pháp, liên hiệp với nước Anh, liên hiệp với các nước Đông Nam Á, liên hiệp các nước Đông Dương để cô lập Mỹ, chủ yếu là cô lập phái chủ chiến Mỹ”(68).
Tư tưởng mà Chu Ân Lai trình bầy lúc đó hoàn toàn nhất trí với cách nghĩ mà ông thổ lộ với Trương Dực khi trao đổi ý kiến trên thảm cỏ của biệt thự Vạn hoa Lĩnh tại Genève. Chuyến thăm Ấn Độ và Myanma là thực tiễn về hai mặt lý luận và thực tiễn của Chu Ân Lai đối với “5 nguyên tắc chung sống hoà bình”. Thực tiễn này sau khi trở về Bắc Kinh lại được lãnh tụ phê chuẩn, khiến lòng tin của ông càng lớn thêm.
Chu Ân Lai tạm nghỉ 3 ngày ngắn ngủi tại Bắc Kinh, sau đó ngày 9 tháng 7 đã đáp máy bay đi Moskva, trở lại Genève.
Lúc này từ một phương diện khác, Hồ Chí Minh đã có sự ủng hộ đắc lực với Chu Ân Lai, ngày 6 tháng 7 (bản tiếng Trung ghi là ngày 9) Hồ Chí Minh đã trả lời phóng viên (bản tiếng Trung bỏ không dịch mấy chữ Việt Nam thông tấn xã) về vấn đề Đông Dương(69). Toàn văn như sau:
Hỏi: Thưa Chủ tịch, đối với sự tiến triển của hội nghị Genève về vấn đề lập lại hoà bình ở Đông Dương và tiền đồ của hội nghị đó, Chủ tịch nhận xét như thế nào?
Trả lời: Hội nghị Genève thảo luận vấn đề lập lại hoà bình ở Đông Dương tiến triển tuy chậm, nhưng với những vấn đề đã thoả thuận, hội nghị cũng đã mở đường cho việc lập lại hoà bình ở Đông Dương. Trên cơ sở đó nếu đối phương (bản tiếng Trung viết là các mặt có liên quan) cũng thành thật muốn đàm phán như chúng ta mà cũng cố gắng để lập lại hoà bình ở Đông Dương thì hoà bình Đông Dương có thể thực hiện. Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tiếp tục đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của tổ quốc. Đồng thời chúng ta cũng phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu vủa đế quốc Mỹ (bản tiếng Trung thêm mấy chữ mở rộng chiến tranh) định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương cùng Đông Nam Á.
Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết ý nghĩa của những lời tuyên bố chung gần đây của Thủ tuớng hai nước Trung - Ấn và Thủ tướng hai nước Trung - Myanma.
Trả lời: bản tuyên bố chung mà Thủ tướng hai nước Trung - Ấn và Thủ tướng hai nuớc Trung - Myanma vừa phát biểu rất quan trọng. Hai bản tuyên bố chung đó phù hợp với nguyện vọng hoà bình của nhân dân thế giới, nhất là nhân dân châu Á. 5 nguyên tắc quan trọng đề ra trong bản tuyên bố chung của Thủ tướng hai nước Trung - Ấn và Thủ tướng hai nước Trung - Myanma là: cùng tôn trọng chử quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và hai bên cùng có lợi, cùng chung sống hoà bình. Những nguyên tắc ấy (bản tiếng Trung bỏ mấy chữ những nguyên tắc ấy) cũng thích hợp cho việc giải quyết vấn đề Đông Dương. Nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh hai bản tuyên bố chung đó. Tôi tin rằng hai bản tuyên bố chung đó nhất định có lợi cho hoà bình châu Á và thế giới.
Hỏi: Ngày 17-6, (bản tiếng Trung ghi là ngày 27-6) trong bài diễn văn nhận chức của Thủ tướng Pháp Mendès-France đọc trước quốc hội Pháp, khi nói đến vấn đề Đông Dương ông ta nói việc ngừng bắn ở Đông Dương phải thực hiện mau chóng. Ý kiến của Chủ tịch đối với những lời tuyên bố đó của ông Mendès-France như thế nào?
Trả lời: chúng ta hoan nghênh nguyện vọng của ông Mendès-France, nhưng phải bài trừ chính sách của đế quốc Mỹ ngăn cản và phá hoại hội nghị Genève, mới có thể thực hiện nhanh chóng ngừng bắn ở Đông Dương được.
Càng quan trọng hơn là, ngay trong ngày kết thúc hội nghị Liễu Châu, Hồ Chí Minh đã thân tự viết điện chỉ thị cho Phạm Văn Đồng. Chỉ thị nói, sau hội nghị Liễu Châu, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã hình thành một văn kiện về phương án đàm phán thấp nhất, đã gửi cho Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trước, nếu không có ý kiến sẽ chuyển cho đồng chí, đề nghị đoàn đại biểu Việt Nam căn cứ vào phương châm đã định của văn kiện này để tiến hành đàm phán. Đồng thời đề nghị các đồng chí chuyển văn kiện này cho Kuznetsov(70) - đoàn đại biểu Liên Xô tại Genève. Nếu Phạm Văn Đồng có ý kiến sửa chữa hoặc bổ sung cá biệt đề nghị lần lượt báo cho Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Còn những việc cụ thể liên quan đến đàm phán như cân nhắc câu chữ, đề xuất thời gian trước sau, cũng như đề xuất vấn đề địa điểm v.v.. đều do ba đoàn đại biểu Việt, Trung, Xô thương lượng xử lý hợp tình hợp lý. Còn về tình hình cụ thể của hội nghị Liễu Châu, đề nghị Hoàng Văn Hoan và Chu Ân Lai trực tiếp nói cho biết.

Phương án đàm phán thấp nhất do Hồ Chí Minh phê chuẩn gửi cho Phạm Văn Đồng ở Genève là văn kiện vô cùng quan trọng, trong đó then chốt nhất là vấn đề thuộc về ngừng bắn và vạch giới tuyến cũng như vấn đề liên quan đến Việt Nam tiến hành tổng tuyển cử. Yêu cầu của phương án đàm phán thấp nhất là trên vấn đề ngừng bắn phải đồng thời tuyên bố ngừng bắn trong ranh giới Việt Nam, ngừng bắn tại Lào, Campuchia, đồng thời có hiệu lực với cả lục, hải, không. Thời gian và phương thức ngừng bắn, do đại biểu quân sự hai bên thương tháo quyết định tại Đông Dương.
Trên vấn đề vạch giới tuyến quân sự, Phạm Văn Đồng đã từng kiên trì phương án chia giới tuyến quân sự từ vĩ tuyến 13 đến 14 bắc, bây giờ Hồ Chí Minh quyết định có thể có nhượng bộ, ông đề xuất lấy vĩ tuyến 14 hoặc 15 làm ranh giới. Nếu phía Pháp tối đa chỉ nhường đến vĩ tuyến 17 và do đó làm cho đàm phán bế tắc thì phía Việt Nam có thể nhường tới vĩ tuyến 15, tìm lý do để phản bác Pháp, ra sức đạt thành hiệp nghị tại vĩ tuyến 16. Nếu như ở vĩ tuyến 16 còn có khó khăn, phía Việt Nam có thể nhượng bộ từ ba mặt sau: 1. Đà Nẵng có thể do phía Pháp bảo lưu thêm một thời gian, ví dụ một năm. 2. Lào có thể lợi dụng đường số 9 để ra biển. 3. Cố đô Huế có thể mở cửa cho hoàng tộc, để cho họ tảo mộ. Ngoài ra, còn vạch ra khu phi quân sự ở hai bên nam bắc giới tuyến này, nó cũng kéo dài đến biển như giới tuyến tạm thời.
Trên vấn đề chính trị liên quan đến tổng tuyển cử, phải yêu cầu Pháp công khai thừa nhận: Việt Nam giành được độc lập, chủ quyền lãnh thổ và thống nhất hoàn toàn. Trong 6 tháng đến một năm sau ngày ngừng bắn tiến hành tự do bầu cử trên toàn Việt Nam để khôi phục Việt Nam thống nhất. Ngoài ra mọi quân đội nước ngoài đều phải rút khỏi Việt Nam và phải hoàn thành trước bầu cử. Nhưng đối với quân đội Pháp tại số ít bến cảng có thể để cho bảo lưu thêm một thời gian.
Phương án đàm phán thấp nhất còn liên quan đến vấn đề Lào và Campuchia. Phương án đàm phán thấp nhất này hoàn toàn nhất trí với ý tưởng của Chu Ân Lai, và cũng được gọi là “chỉ thị 5-7”(71).
__________________
Chú thích
(65) “Ghi chép về những phong vân ngoại giao của Mao Trạch Đông”, NXB Nông dân Trung nguyên, 1996, tr. 96-97. TG.
(66) “Truyện Chu Ân Lai 1949-1976”, tr. 174. TG.
(67) Humphrey Trevelyan, Baron Trevelyan, (1905 – 1985) Đại biện lâm thời Anh tại Bắc Kinh giai đoạn 1953-1955. Đã cùng Anthony Eden, Thủ tướng Anh, gặp Chu Ân Lai tại Geneve tháng 4.1954.
(68) Bản ghi báo cáo của Chu Ân Lai ngày 8/7/1954, tại Hội nghị thường vụ, Hội nghị chính trị hiệp thương toàn quốc khoá 1, kỳ họp thứ 57. TG.
(69) Chúng tôi lấy theo toàn văn bài đăng trong “Hồ Chí Minh toàn tập” 1951-1954, tập 6, NXB Sự thật, 1986 và ghi thêm chú thích những đoạn bị cắt bỏ, hay thay thế trong bản tiếng Trung. ND.
(70) Василий Васильевич Кузнецов/Vasili Vasilievich Kuznetsov (1901-1990). Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh (1953-1955)
(71) Tác giả ghi chép trong buổi phỏng vấn La Quý Ba tại Bắc Kinh ngày 18/4/1990, và dẫn theo ghi chép ông còn giữ được. TG.


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 01:08:46 pm
Ngày 9 tháng 7, Chu Ân Lai tới Moskva, lập tức hội kiến người lãnh đạo Liên Xô. Lúc này Khrushchev(72) đang ở bên ngoài (Moskva). Molotov đã trở lại Genève trước rồi. Malenkov(73), Voroshilov(74), Kaganovich(75) hội kiến Chu Ân Lai, trao đổi tình hình quốc tế và cách nhìn về triển vọng hội nghị Genève. Hai bên nhất trí cho rằng, Mỹ đang lôi kéo phái chủ chiến của Pháp, thi hành sức ép với Mendès-France có ý cầu hoà. Vì vậy cần phải đưa ra những điều kiện rõ ràng, đơn giản, công bằng hợp lý mà chính phủ mới của Pháp có thể tiếp nhận, nhanh chóng đạt được hiệp nghị khôi phục hoà bình ở Đông Dương.
Ngay tối hôm đó, Chu Ân Lai gửi điện báo cáo Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ về tình hình hội đàm với phía Liên Xô, một lần nữa chỉ ra: “bây giờ xem xét từ tình hình các mặt thấy, lấy vĩ tuyến 16 làm giới tuyến, cộng thêm điều kiện để cho phía Pháp tạm thời sử dụng Tourane (Đà Nẵng) và cho phép Lào ra vào trên đường 9, là về đại thể có thể đạt được hiệp nghị”(76).
Trong thời gian Chu Ân Lai tham gia hội nghị Bộ Chính trị tại Bắc Kinh, thì ngày 8 tháng 7, Trương Văn Thiên trở lại Genève. Từ ngày 21 tháng 6 sau khi rời Genève về Mockva, ông đã duy trì tiếp xúc chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Liên Xô, tiếp tục điều hoà lập trường về vấn đề hiệp nghị Genève, đồng thời chỉ thị cho Phòng Nghiên cứu chính sách Đại sứ quán Trung Quốc tại Liên Xô, nghiên cứu những vấn đề hội nghị Genève gặp phải. Ngày 4 tháng 7, Phòng này đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu “Về cái gọi là kế hoạch Locarno (?) của Anh” do Hà Phương chấp bút. Báo cáo cho rằng: “nước Anh hy vọng cuộc chiến tranh ở đây (chỉ Đông Dương) được ngừng lại có điều kiện, thực hành phân trị tại Việt Nam, đồng thời vạch một giới tuyến, khiến lực lượng quân sự hai bên rút về sau giới tuyến; thực hiện trung lập ở Lào và Campuchia, tức là không cho có quân đội và chính quyền cách mạng ở đó, và cũng không có căn cứ quân sự của Mỹ và chịu sự khống chế của Mỹ ở đó”(77).
Trương Văn Thiên tán thành những ý kiến của báo cáo này, đã gửi cho Chu Ân Lai tham khảo và duyệt.
Ngay trong ngày trở lại Genève, Trương Văn Thiên và Lý Khắc Nông đã mở tiệc chiêu đãi đoàn đại biểu Pháp do Chauvel(78) đứng đầu. Trong bữa tiệc Chauvel bảo đảm với Trương và Lý, ông ta đã nhận được thông tin khẳng định từ phía Mỹ, trước mắt Mỹ không có dự định thiết lập căn cứ quân sự tại Lào và Campuchia. Chauvel nhiều lần hỏi, bao giờ Thủ tướng Chu Ân Lai có thể trở lại Genève.
Ngay tối hôm đó và buổi chiều ngày 10 tháng 7, Trương Văn Thiên và Lý Khắc Nông còn trước sau gặp Molotov, Kuznetsov và Phạm Văn Đồng hai lần để trao đổi ý kiến làm thế nào quán triệt được “chỉ thị 5-7” của Hồ Chí Minh. Phía Liên Xô hoàn toàn đồng ý với ý kiến của các nhà lãnh đạo Trung, Việt, nhưng điều làm họ kinh ngạc là Phạm Văn Đồng đã thể hiện tinh thần tương đối miễn cưỡng đối với “chỉ thị 5-7”. Trong cuộc gặp gỡ ngày hôm đó Phạm Văn Đồng còn nói: “vấn đề khó khăn nhất bây giờ là vạch giới tuyến quân sự. Tôi đề xuất lý do vĩ tuyến 14 hoặc 15, nếu vạch tại vĩ tuyến 16 thì phía chúng tôi có tổn thất.”
Ngày 10 tháng 7, Ngoại trưởng các nước tham gia hội nghị Genève lần lượt trở lại Genève, Đầu đề bàn luận chủ yếu của giai đoạn sau là: giới tuyến tạm thời của Việt Nam nên ở chỗ nào. Hai là liệu ba nước Đông Dương đều cần tiến hành toàn dân bầu cử hay không? Cử hành vào thời gian nào?
Sau khi dừng lại một thời gian ngắn tại Moskva, chiều ngày 12 tháng 7, Chu Ân Lai trở lại Genève, và gặp ngay Trương Văn Thiên, Lý Khắc Nông, nghe họ giới thiệu tình hình xẩy ra tại đây trong thời gian Ngoại trưởng các nước rời Genève.
Ghi chú của người dịch: Nhiều câu văn được tác giả lấy từ những bản ghi chép lời nói trong tư liệu, nên có chỗ không phải là văn viết.
__________________
Chú thích
 (72) Никита Сергеевич Хрущёв /Nikita Sergeyevich Khrushchev (1894 –1971), Bí thư thứ Nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (1953-1964).
(73) Георгий Максимилианович Маленков /Georgy Maximilianovich Malenkov (1902 – 1988), khi đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1953-1955).
(74) Климент Ефремович Ворошилов /Kliment Yefremovich Voroshilov (1881 – 1969), khi đó là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô.
(75) Лазарь Моисеевич Каганович /Lazar Moiseyevich Kaganovich(1893–1991) khi đó là Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô (1952-1957).
(76) Chu Ân Lai niên phổ 1949-1976”, tr. 396. TG
(77) "Truyện Trương Văn Thiên”, NXB đương đại, 1993, tr. 611 và theo ghi chép của tác giả trong cuộc phỏng vấn Hà Phương tại Bắc Kinh ngày 31/12/1995. TG.
(78) Jean Chauvel, (1897-1979), khi đó là đại sứ Pháp ở Berne và là người trực tiếp điều đình trong phái đoàn Pháp ở Genève.


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 06:41:47 pm
Mời các bạn tham khảo một tư liệu khác để hiểu thêm có phải Trung Quốc ép ta không?
TỪ ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐẾN GENÈVE
March 08, 2004
Chính Đạo
Chánh Đạo là bút hiệu của nhà văn Nguyên Vũ khi ký vào các tác phẩm có tính biên khảo. Sau khi thoát khỏi Việt nam và đến Mỹ vào năm 1975, nhà văn Nguyên Vũ ghi danh học Sử tại đại học Wisconsin. Trong thời gian theo học để đệ trình luận án tiến sĩ, ông đã sang Pháp một năm tìm kiếm trong các thư khố của Pháp những tài liệu liên quan đến sử cận đại Việt nam. ......
***
TỪ ĐIỆN BIÊN PHỦ ĐẾN GENÈVE
Trong lịch sử cận đại Việt nam, hai biến cố nổi bật lên như dấu mốc hệ trọng, của khúc quanh dòng lịch sử. Đó là chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7-5-1954, và việc ký kết Hiệp định đình chiến Genève ngày 20, 21-7-1954 giữa Pháp và Việt Minh, chấm dứt cuộc tái xâm lăng của Pháp (1945-1956). Nhưng hai biến cố này cũng đồng thời khởi đầu việc Mỹ trực tiếp can thiệp vào Việt nam, thiết lập nên hai thực thể chính trị phía Bắc và Nam vĩ tuyến 17, dẫn đến cuộc can thiệp bằng quân sự của Mỹ từ 1965 tới 1973, thường được biết như “trận chiến ở hải ngoại dài nhất trong lịch sử Mỹ”.
Đã có nhiều nghiên cứu giá trị về hai biến cố trên, bằng nhiều loại ngôn ngữ. Trong thập niên 1980-1990, do sự giải mật một số tài liệu của hai Đảng cộng sản Việt nam và Trung Hoa, cùng những tài liệu văn khố Mỹ, Anh và Pháp, các học giả đã tái dựng khá trung thực hai biến cố trên.
Bài viết này, ngoài những tư liệu đã công bố, dựa theo một số tư liệu nguyên bản Việt và lưu trữ Pháp, Mỹ khác, nhằm tái dựng lại hai biến cố Điện Biên Phủ và Hiệp ước Genève trong ánh sáng khách quan lịch sử.
I. Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ còn có tên là Mường Then (mường trời, mường các thần thánh), Mường Then, hay Mường Thanh, ở về phía Tây Nam Lai Châu, cách biên giới Lào-Việt khoảng 8 cây số. Đây là vựa lúa và thuốc phiện của miền Tây Bắc. Nó cũng là điểm gặp gỡ của hệ thống đường mòn từ Hoa Nam xuống Bắc Trung bộ, và từ Lào qua Lai Châu, Sơn La. Thung lũng này dài 18 cây số, rộng từ 6 tới 8 cây số, vây quanh bằng núi rừng trùng điệp. Một con sông nhỏ, Nam Yun (Nậm Rốm), một chi nhánh của sông Mekong (sông Khung hay Cửu Long), chảy xuôi theo hướng Bắc Nam, chia thung lũng làm hai. Khí hậu chỉ có hai mùa: khô và mưa. Mùa khô từ tháng 10 tới tháng 5 nhật lịch (tức tháng chín lịch Thái). Dân Thái ở dưới đồng bằng, sống bằng nghề nông. Dân Mèo sống trên núi, trồng thuốc phiện.
Năm 1886, vua Hàm Nghi phong cho Đèo Văn Chương (tức Trí), Tri phủ Điện Biên, làm Tuyên phủ sứ, vì có công kháng chiến chống Pháp. Phái đoàn Auguste Pavie Pháp đã đến đây vào năm 1887, nhưng phải tới đầu năm 1888 mới tìm cách tiếp xúc được với Đèo Văn Trí, cố thuyết phục Trí bỏ rơi phong trào kháng Pháp của Hàm Nghi. Nhưng phải tới chuyến đi thứ hai vào vùng 16 châu Thái từ tháng 3-1888 tới tháng 1-1889, Pavie mới thu phục được các tù trưởng thiểu số chấp nhận sự bảo hộ của Pháp từ năm 1890. Năm 1891, đặt vào Đạo quan binh thứ tư (4ème territoire militaire). Dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đặt tại đây một viên chức hành chính, lo việc sản xuất và vận chuyển thuốc phiện. Năm 1939, một phi trường nhỏ được thiết lập. Từ 1945 tới 1947, Điện Biên Phủ nhiều lần đổi chủ. Sau chiến dịch Meigo (9, 10-3-1945), tàn quân Pháp rút về đây hy vọng phát động một cuộc chiến kháng Nhật. Nhưng chưa đầy hai tháng sau, ngày 6-5-1945, tất cả tàn quân Pháp của Sabattier và Alessandri phải rút chạy qua Vân Nam.
Các tướng lãnh Nhật muốn biến Điện Biên Phủ thành một căn cứ kháng chiến chống Đồng Minh, nhưng hai quả bom nguyên tử trên đất Nhật vào thượng tuần tháng 8-1945 khiến Nhật phải đầu hàng không điều kiện.
Từ tháng 9-1945, quân đội Tưởng Giới Thạch qua Đông Dương giải giới quân Nhật ở phía Bắc vĩ tuyến 16. Quan tướng của Lư Hán khó thể bỏ qua Điện Biên Phủ và số lượng thuốc phiện thô sản xuất tại đây. Mặc dù Pháp bí mật dàn xếp cho đạo quân của Marcel Le Page cùng gia đình Đèo Văn Long trở lại vùng Lai Châu (Mương La), các quan tướng Tưởng lưu lại Điện Biên Phủ cho tới hết mùa thuốc phiện 1946 mới triệt thoái.
Từ mùa thu 1953, Điện Biên trở thành một vị trí quyết đấu giữa tân Tổng tư lệnh Pháp, Henri Eugène Navarre, và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cố vấn Trung quốc. Cuộc quyết đấu này là một “tai nạn” hơn “điểm hẹn lịch sử”.
A. Bối cảnh chính trị, quân sự:
Thời gian này, dư luận Pháp đang mong muốn tìm lối thoát khỏi bãi lầy Đông Dương trong danh dự. Cuộc chiến đã kéo dài 8 năm. Lực lượng chính qui của Việt Minh đã tăng lên tới 6 sư đoàn, kể cả một sư đoàn pháo binh phòng không (sư đoàn 351). Các đại đơn vị này được Trung quốc huấn luyện và trang bị. Cố vấn Trung quốc do La Quí Ba và Vi Quốc Thanh cầm đầu, lên tới gần 300 người, bố trí từ quân uỷ trung ương xuống các sư đoàn. Từ năm 1951, cố vấn Trung quốc thi hành một loạt những cuộc chỉnh quân, chỉnh phong, về chính trị cũng như quân sự. Những đơn vị địa phương, du kích (dân quân) ngày một gia tăng, đặc biệt là tại miền Bắc.
Do áp lực của sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng bằng), kế hoạch bình định của Pháp và quốc gia Việt nam bị bẻ gãy từng mảng. Các vùng lãnh thổ do Việt Minh kiểm soát gồm nhiều mật khu hầu như bất khả xâm phạm: vùng thượng du Bắc Việt, vùng Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh (Liên khu 4), vùng Quảng Ngãi-Qui Nhơn-Tuy Hoà (Liên khu 5), vùng Tây Ninh-Gia Định (chiến khu C, D), vùng Đồng Tháp Mười, vùng U Minh-Cà Mau. Việt Minh thường tuyên bố đã kiểm soát được 1/2 lãnh thổ. Pháp chỉ còn kiểm soát được các thành phố, tỉnh lỵ và quận lỵ cùng những trục lộ giao thông nối liền chúng với nhau. Phần chính phủ quốc gia Việt nam do Quốc trưởng Bảo Đại (1949-1955) cầm đầu chỉ mờ nhạt trên bối cảnh cuộc chiến ngày một gia tăng cường độ. Chẳng những Pháp không muốn trao trả độc lập thực sự mà cũng rất e dè trong việc tổ chức và huấn luyện quân đội quốc gia Việt nam.
Sở dĩ Pháp còn cầm cự được là nhờ viện trợ Mỹ. Mục tiêu chiến lược của Mỹ nhằm biến Đông Dương thành một tiền đồn chống Cộng, ngăn cản sự bành trướng của Trung quốc xuống vùng Đông Nam Á - vựa lúa của Á châu, và cũng đồng thời nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên dồi dào cho thị trường thế giới. Nhưng viện trợ Mỹ có những thắt trói của nó. Mỹ áp lực Pháp phải trao trả dần độc lập thực sự cho chế độ quốc gia Việt nam cũng như quyền tự trị cho quân đội. Mục tiêu giành độc lập khỏi tay Pháp của người Việt không cộng sản được chuyển hướng dần thành cuộc “thánh chiến chống Cộng” (an anti-communist crusade) trong bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Liên xô. Nòng cốt của cuộc thánh chiến này là chỉ thị của Khâm sứ Antonin Drapier từ năm 1947, và nhất là Thánh lệnh của Giáo hoàng Pius XII ngày 15-7-1949. Tuy nhiên, mãi tới cuối năm 1951, Giám mục Lê Hữu Từ và hai giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm mới chính thức “chống cộng”. Sự thay đổi lập trường này, theo De Lattre de Tassigny, là do chuyến thăm Vatican ngày 15-10-1951 của ông ta. Pius XII không chỉ ban phép lành cho quân viễn chinh Pháp, mà còn bổ nhiệm một Linh mục gốc Ireland, John Dooley, làm Khâm sứ.
Nhưng Pháp - một quốc gia theo chính sách đại nghị, và có nền chính trị đa nguyên - chỉ muốn “thánh chiến chống Cộng” nếu cuộc thánh chiến ấy giúp bảo vệ quyền lợi thực dân, kinh tế và văn hoá của Pháp. Niềm tự hào quốc gia và chủng tộc khiến Pháp tiếp tục cuộc chiến, trong khi dư luận ngày một nghiêng về việc kết thúc chiến tranh. Nhiều cá nhân đã lên tiếng gọi cuộc chiến Đông Dương là cuộc chiến tranh bẩn thỉu (la sale guerre) của tư bản và quân phiệt, và hô hào đòi thương thuyết với Việt Minh. Trong khi đó, cuộc chiến Đông Dương cũng bắt đầu kích động những mầm mống chống đối bằng vũ lực ở các thuộc địa Bắc Phi, như Algérie, Maroc, v.v.. Ngay những chính khách Pháp thân Mỹ và cực hữu nhất cũng đi đến kết luận rằng thương thuyết là giải pháp duy nhất. Từ tháng 7-1953, một số người đã nghiêng về ý định dùng Trung quốc và Liên xô làm trung gian hoà giải. Ngày 29-7-1953, chẳng hạn, Tổng Ủy viên Maurice Dejean nói với Đại sứ Heath rằng có thể đạt một giải pháp chính trị cho Đông Dương qua Trung quốc.
B. Kế hoạch Laniel-Navarre:
Kế hoạch Navarre thoạt tiên được gọi là kế hoạch “Letourneau-Navarre”, và rồi “Laniel-Navarre”.
Đại tướng Henri Eugène Navarre được cựu Thủ tướng René Mayer và Thống chế Alphonse Juin, Tổng Tham mưu trưởng, chọn làm Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp, thay thế Raoul Salan từ ngày 28-5-1953. Quan điểm chiến lược của Navarre là tập trung lực lượng viễn chinh Pháp thành những “quả đấm mạnh”, lưu động, nhằm truy kích và tiêu diệt các đơn vị chính qui Việt Minh, tạo thế chủ động chiến trường, bẻ gãy xương sống Việt Minh trong mùa khô 1954-1955. Việc lưu giữ đồn bốt và bình định sẽ được giao dần cho chính phủ và quân đội quốc gia Việt nam.
Tháng 3-1953, Jean Letourneau trao cho Mỹ dự thảo đầu tiên của Navarre. Mục tiêu hàng đầu của Navarre là bình định phía Nam vĩ tuyến 18 (đèo Ngang), và tạm thời duy trì tình trạng hiện hữu ở miền Bắc, tức bảo vệ vùng châu thổ sông Hồng và Thượng Lào (trục Luang Prabang - Cánh Đồng Chum (Plaine de Jars)). Đồng thời, xây dựng lực lượng tổng trừ bị chiến lược. Navarre hy vọng rằng từ năm 1954 sẽ lấy lại thế chủ động chiến trường ở miền Bắc đèo Ngang.
Kế hoạch Navarre gồm có việc tăng thêm 59.600 binh sĩ quốc gia Việt nam năm 1953, 76.000 năm 1954, và 20.000 năm 1955, và lên tới 331.650 vào tháng 1-1956. Navarre còn xin tăng viện hai hay ba sư Pháp, thành lập 27 chiến đoàn cơ động (groupement mobile), bốn sư đoàn cơ động quốc gia Việt nam cùng 84 tiểu đoàn khinh quân.
Ngày 16-6-1953, sau hơn một tháng viếng thăm các chiến trường, Navarre triệu tập một phiên họp các Tư lệnh vùng tại Sài gòn để thảo luận về dự thảo kế hoạch mùa khô 1953-1954.
(còn tiếp)
----------------------------------
 Trích nguồn cần có biên tập, diễn đàn không chấp nhận những thông tin hiện đã bị thay bằng ... Nhắc nhở bác ngao5, còn một lần vi phạm, bác sẽ được đi nghỉ mát dài hạn!


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 06:43:03 pm
Tại Bắc Việt, từ mùa hè 1953, Navarre sẽ tạo thế chủ động bằng những cuộc hành quân biệt kích, đột nhập hậu phương của Việt Minh. Từ ngày 15-9-1953, sẽ mở những cuộc tấn công ngăn chặn các âm mưu quân sự của Việt Minh, đánh vào hậu phương và bên sườn các đơn vị chủ lực. Navarre cũng sẽ di tản các đơn vị chủ lực tại những nơi xét không cần thiết, và xúc tiến việc bình định. Lập các quân đoàn tác chiến bằng cách gom các tiểu đoàn thành trung đoàn, trung đoàn thành sư đoàn. Tuy nhiên, vẫn duy trì các đơn vị trừ bị. Ngoài ra, tiếp tục huấn luyện và tổ chức các đơn vị quốc gia liên hiệp, tập cho họ quen tác chiến và được hưởng nhiều tự trị hơn. Navarre muốn triệt thoái căn cứ Nà Sản, một cứ điểm quân sự ở phía Tây Bắc, đã bị hai sư đoàn Việt Minh vây hãm và nhiều lần tấn công trong chiến dịch mùa khô 1952-1953. Trung tướng René Cogny, Tư lệnh Bắc Việt, đề nghị lập thêm một cứ điểm ở Mương Then (Điện Biên Phủ) và dời thủ phủ của Liên bang Thái tự trị (ZANO) từ Lai Châu về đây.
Tháng 6-1953, chính phủ Mayer bị đổ. Joseph Laniel (6-1953 - 6-1954) lên thay. Thời gian này, cuộc chiến Triều tiên (1950-1953) đã tạm ngưng tiếng súng; Mỹ và Trung quốc đồng ý ngồi vào bàn hội nghị Panmunjon (Bàn Môn Điếm). Ngày 27-7-1953, hai phe lâm chiến ký Hiệp ước đình chiến Panmunjon. Triều tiên tạm thời chia làm hai nước, ranh giới là vĩ tuyến 38.
Dưới mắt các chiến lược gia Pháp, Bắc Kinh sẽ rảnh tay hơn trong việc trợ giúp Việt Minh. Hơn nữa, đa số chính khách đều kết luận rằng Pháp chẳng còn lối giải quyết nào hơn thương thuyết. Ngay trong nội các Laniel, một số Bộ trưởng muốn thảo luận trực tiếp với Hồ Chí Minh; một số muốn Mỹ trực tiếp tài trợ hoàn toàn cuộc chiến, đổi lấy việc Pháp tham gia cộng đồng phòng thủ châu Âu (communauté européenne de défense hay CED); một số lại muốn dùng CED để áp lực Liên xô hầu giải quyết cuộc chiến. Một số khác nữa muốn thương thuyết với Bắc Kinh, trao đổi việc chấm dứt chiến tranh bằng viện trợ kinh tế cho Trung quốc.
Laniel chủ trương không bỏ rơi Đông Dương, và phải thương thuyết trên thế mạnh, sau khi Pháp giành được thế chủ động trên chiến trường. Laniel trông cậy Mỹ gia tăng viện trợ để chống lại khuynh hướng thương thuyết tức khắc, và bằng mọi giá.
Ngày 3-7-1953, đúng ngày Laniel tuyên bố kiện toàn nền độc lập của quốc gia Việt nam để tạo kích xúc tâm lý, Navarre về nước, vận động cho kế hoạch quân sự 1953-1954.
Ngày 24-7-1953, Navarre ra điều trần trước Hội đồng quốc phòng. Tuy nhiên, Laniel chỉ tăng viện cho Navarre được 10 tiểu đoàn tác chiến, kể cả một tiểu đoàn đang tham chiến tại Triều tiên.
Ngoài ra, Laniel cũng cho Navarre biết ý định tìm cách ngưng bắn như trường hợp Triều tiên, và Navarre không cần bảo vệ Thượng Lào.
Kế hoạch “Letourneau-Navarre” được cải danh thành “Laniel-Navarre” khi Laniel xin thêm 400 triệu Mỹ kim viện trợ cho năm 1954. Về quân viện Mỹ, không gặp trở ngại. Ngày 12-7-1953, ngoại trưởng Dulles chấp thuận trên nguyên tắc với Bidault. Ngày 30-7-1953, Quốc hội Mỹ biểu quyết quân viện thêm 150 tỉ francs (400 triệu USD) cho tài khoá 1953-1954 như Laniel yêu cầu.
Ngày 5-8-1953, Bộ ngoại giao Mỹ biện minh cho việc thêm quân viện như sau: nội các Laniel là “chính phủ Pháp cuối cùng còn muốn tiếp tục cuộc chiến Đông Dương”, việc mất Đông Dương “rất quan trọng (critical) cho nền an ninh Mỹ”, nếu cộng sản kiểm soát Đông Dương sẽ làm nguy hiểm “nguồn cung cấp nguyên liệu thô quan trọng (vital raw material sources)” sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của phương Tây; gây khó khăn và tốn kém cho việc phòng thủ Philippines, Đài Loan và Nhật; và khiến việc xây dựng kinh tế Nhật thêm phức tạp. “Nếu Pháp quyết định rút lui, Mỹ phải suy xét rất kỹ là có nên thay thế hay chăng (If the French actually decided to withdraw, the US would have to consider most seriously whether to take over in this area)”.
Tại Đông Dương, trong tháng 7-1953, Pháp tung ra một loạt tấn công chớp nhoáng vào hậu phương của Việt Minh. Ngày 17-7-1953, ba tiểu đoàn dù nhảy xuống phía Bắc Lạng Sơn, rồi rút về hướng Đình Lập - Tiên Yên (Hành quân Hirondelle - Chim Én). Ngày 28-7-1953, tướng Le Blanc mở cuộc hành quân Camargue, truy đánh Trung đoàn 95 tại vùng Quảng Trị-Thừa Thiên.
Ngày 2-8-1953, Navarre trở lại Sài gòn. Sáu ngày sau, thứ bảy, 8-8-1953, Pháp bắt đầu rút khỏi Nà Sản bằng phi cơ (cho đến ngày 13-8-1953). Không quân Pháp cũng di tản 10.000 người Thái, tức khoảng 1.800 gia đình. Việc triệt thoái bằng cầu không vận này không gặp sức phản kháng nào của Việt Minh. Mặc dù Quân uỷ trung ương Việt Minh đã chọn Nà Sản làm một trong những mục tiêu chính của chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, thời gian này các đơn vị đang trải qua giai đoạn chỉnh huấn quân sự cũng như chỉnh phong chính trị (tinh thần đấu tranh giai cấp).
Trong tháng 8-1953, Navarre còn mở hai cuộc hành quân lớn ở châu thổ sông Hồng. Ngày 13-8-1953, Pháp tảo thanh vùng Tri Lễ, Ước Lễ, khoảng 17 cây số Nam tỉnh lỵ Hà Đông. Từ năm 1952, vùng này trở thành mật khu của Việt Minh, đe doạ khu Đồng Quan.
Ngày thứ sáu, 28-8-1953, Pháp mở chiến dịch Claude (cho tới ngày 15-9-1953), tảo thanh vùng Tiên Lãng (10 cây số Nam Hải Phòng). Tuy nhiên, ngay sau khi quân Pháp rút lui, Việt Minh chiếm lại các căn cứ.
Ngày 15-10-1953, Pháp lại mở chiến dịch Mouette (Hải Âu, cho tới ngày 6-11-1953). Sử dụng 22 tiểu đoàn đánh vùng Rịa - Nho Quan, Tây Nam tỉnh Ninh Bình. Các tiểu đoàn được kết hợp thành hai sư đoàn nhẹ, do Đại tá Christian de Castries và Vanuxem chỉ huy. Việt Minh sử dụng sư đoàn 320 chống trả. Ngày 27-10-1953, hai bên chạm súng nặng. Ngày 6-11-1953, Navarre cho lệnh chấm dứt hành quân.
Cùng ngày 15-10-1953, Pháp mở cuộc hành quân Pélican (Con bồ nông) ở vùng duyên hải Thanh Hoá. Hôm sau, đổ bộ 500 quân xuống Lạch Trường, rồi rút lui.
Theo tướng John W. O'Daniel, người được Navarre đích thân cho xem kế hoạch Thu Đông 1953-1954 ngày 29-6-1953, chính phủ Pháp không thực hiện đúng những gì đã ký kết với Mỹ:
a) Pháp không có những kế hoạch tổng quát cho cuộc tấn công mùa thu 1953 ngoài những cuộc hành quân giới hạn nhằm khiến quân địch bất ngờ (keep the enemy off balance);
b) Việc cải tổ các đơn vị thành trung đoàn và sư đoàn vẫn còn trong giai đoạn thiết kế (planning stages);
c) Không khẩn trương huấn luyện các sĩ quan cao cấp Việt và tham mưu;
d) Việc tổ chức Bộ chỉ huy huấn luyện đang gặp “khó khăn chính trị;”
e) Việc tổ chức lực lượng thủy bộ chưa quá giai đoạn thiết kế. Do đó Đô đốc Arthur Radford, Tổng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đề nghị phải có điều kiện cho việc tăng quân viện: Pháp cần chứng tỏ hành động ở Đông Dương, và tiếp tục chấp nhận và hành động theo cố vấn của Mỹ. Và các cấp của Pháp phải yểm trợ và nỗ lực thực hiện kế hoạch Navarre.
Kế hoạch nòng cốt của Navarre trong mùa khô 1953 là mặt trận Tây Bắc Bắc Việt và Thượng Lào. Có những dấu hiệu cho thấy các đơn vị chủ lực của Việt Minh đang di chuyển về hướng Lai Châu, đặc biệt là hai Sư đoàn 316 (từ Thanh Hoá) và 308. Điều này chứng tỏ mục tiêu chiến lược của Việt Minh trong dịp Đông Xuân 1953-1954 là vùng Tây Bắc và Thượng Lào hơn vùng châu thổ Bắc Việt.
C. Chiến dịch Castor
Ý định tái chiếm Điện Biên làm điểm tiếp vận cho các đơn vị người Thái chống cộng đã được Raoul Salan đưa ra từ ngày 30-12-1952.
Trước đó một tháng, ngày 30-11-1952, một tiểu đoàn Lào mới di tản khỏi Mường Then. Khoảng 13.000 dân cư ở lại, lọt vào vòng kiểm soát của Việt Minh. Trung đoàn 148 độc lập của Việt Minh đã có mặt trong khu vực này từ chiến dịch Đông Xuân 1952-1953. Trong tháng 11, 12-1952, Trung đoàn 148 tham gia cuộc vây hãm Nà Sản, cách Điện Biên khoảng 70 dặm (110 km) về phía Bắc. Bộ chỉ huy Trung đoàn và Tiểu đoàn 900 đang có mặt tại Điện Biên.
Ngày 7-1-1953, Ban tham mưu của Salan đã thảo kế hoạch tái chiếm Điện Biên. Tuy nhiên, vì tình hình suy thoái ở miền Bắc, chưa có cơ hội thực hiện. Ngày 25-5-1953, tức ba ngày trước khi bàn giao cho Navarre, Salan vẫn nhấn mạnh vào sự cần thiết tái chiếm Điện Biên.
Như đã lược nhắc, ngày 16-6-1953, chính trung tướng Cogny, Tư lệnh Bắc bộ, đề nghị tái chiếm Điện Biên làm thủ phủ Liên bang Thái tự trị. Sau khi Navarre thuyết trình trước Hội đồng quốc phòng ngày 24-7-1953, hôm sau, 25-7-1953, Ban tham mưu của Navarre soạn chỉ thị số 563 về kế hoạch chiếm Điện Biên để ngăn chặn việc quân Việt Minh tiến qua Thượng Lào.
Tuy nhiên, trong tháng 8-1953 nỗ lực của Pháp tại Bắc Việt là cuộc di tản bằng hàng không khỏi Nà Sản 9.000 binh sĩ Pháp và thân nhân.
Mãi tới ngày 2-11-1953, Phụ tá hành quân của Navarre mới ra chỉ thị (số 852) về hệ thống chỉ huy chiến dịch Castor, dự trù sẽ bắt đầu từ ngày 15 tới 20-11-1953, nhưng không thể chậm hơn ngày 1-12-1953. Hai ngày sau, 4-11-1953, Ban tham mưu của Cogny viết Tờ trình phản đối chỉ thị chiếm Điện Biên, vì nơi đây sẽ trở thành “máy nghiền các tiểu đoàn”. Ngày này, Cogny thư cho Navarre phản đối.
Dẫu vậy, ngày 11 và 12-11-1953, Cogny vẫn chỉ thị cho các đơn vị thi hành kế hoạch hành quân Castor.
Thứ bảy, 14-11-1953, Navarre ra lệnh hành quân cuối cùng về Điện Biên. Cogny và đại tá Boucher de Crèveoeur, Tư lệnh Lào, được lệnh phối hợp hành quân. Hôm sau, 15-11-1953, Ban tham mưu của Navarre báo động về sự hiện diện tại vùng Tây Bắc của Sư đoàn 316, đại đơn vị này có 2 trung đoàn 174 và 176 tuyển mộ từ các sắc tộc trong khu Thái tự trị. Hai ngày sau, 17-11-1953, khi Bộ trưởng Các quốc gia liên kết Marc Jacquet, cùng Navarre, Maurice Dejean và Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm tới thăm Hà nội, đích thân Cogny trình bày về chiến dịch Castor sắp tới. Jacquet không hề phản đối hay bận tâm báo cáo về Paris. Điều này chứng tỏ các cấp chỉ huy Pháp không ngại đương đầu với Việt Minh tại Điện Biên. Họ vững tin ở khả năng không vận của Pháp, và sự khó khăn của Việt Minh về tiếp vận cũng như hoả lực tại một trận địa cách hậu cứ trên 500 cây số rừng núi.
Chiến dịch Castor bắt đầu.
Thứ sáu, 20-11-1953, Chiến dịch Castor bắt đầu.
Tướng Jean Gilles chỉ huy sáu tiểu đoàn dù, kể cả Tiểu đoàn 5 Dù Việt nam, nhảy xuống Điện Biên trong ba ngày 20 đến 23-11-1953. Các đơn vị truyền tin, thiết giáp, pháo binh, công binh cũng được thả dù hay không vận tới trận địa.
(còn tiếp)


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 06:44:25 pm
D. Triệt thoái Lai châu:
Từ ngày 4-11-1953, Pháp quyết định bỏ Lai Châu (Mường Lay), và di tản chính phủ Thái tự trị của Đèo Văn Long xuống Điện Biên Phủ. Ngày 13-11-1953, Cogny thông báo cho Chỉ huy trưởng Lai Châu, Trung tá Trancart, biết chi tiết cuộc Hành quân “Pollux” này. Binh đoàn lưu động Thái số 1 (GMPT 1) của Đại úy Bordier lập tức di chuyển từ Lai Châu xuống Điện Biên, nhưng bị trung đoàn 148 chận đánh và khuấy nhiễu dọc đường.
Ngày 22-11-1953, một cánh quân Tiểu đoàn 1 nhảy dù (II.1 RCP) phải rời Điện Biên lên đón. Hôm sau, 23-11-1953, Liên đoàn Thái lưu động 1 bắt tay được Tiểu đoàn 1 Dù (II.1 RCP) ở phía Bắc Điện Biên khoảng 7 cây số. Từ ngày này, cờ Thái tự trị, ngôi sao đỏ 16 cánh trên nền xanh da trời, trắng, xanh da trời, phất phới khắp thung lũng.
Ngày thứ bảy, 28-11-1953, Navarre bay ra Hà nội. Cogny đề nghị tấn công hậu cứ Việt Minh vì các sư đoàn 304, 312 và 351 đang hướng về Tây Bắc, nhưng Navarre không chấp thuận. Hôm sau, Navarre cùng Cogny tới thị sát Điện Biên. Đại tá Christian de Castries, một sĩ quan kỵ binh từng theo Navarre nhiều năm, được chọn làm Tư lệnh cứ điểm chiến lược Tây Bắc này. Trước sự tập trung đông đảo của quân Việt Minh, ngày 30-11-1953, Cogny ra chỉ thị tổ chức phòng thủ Điện Biên lâu dài. Ba ngày sau, 3-12-1953, phần nào do lời nghị hoà của Hồ Chí Minh ngày 29-11-1953, Navarre cho lệnh de Castries giữ Điện Biên bằng mọi giá. Chiến dịch Castor cải danh thành Mặt trận Tây Bắc (GONO).
E. Mặt trận Thượng Lào:
Ngày thứ tư, 25-11-1953, Đại tá Boucher de Crèveoeur, Tư lệnh Lào, mở chiến dịch Ardèche, tung 6 tiểu đoàn đánh chiếm Mường Ngòi, Mường Khoa (Thượng Lào). Mục đích nhằm xây dựng một hành lang chiến lược dài theo sông Nam Ou (Nậm U) nối liền Luang Prabang với Điện Biên.
Ngày 3-12-1953, Pháp cũng mở cuộc hành quân Regate từ Điện Biên xuống, và Luang Prabang lên, hợp điểm ở Sop Nao. Liên đoàn GAP 2 của Trung tá Langlais tới Sop Nao không gặp trở ngại, nhưng trên đường về, phải vượt rừng núi trở lại Điện Biên vì Trung đoàn 148 Việt Minh đang bám sát. Hành lang chiến lược nối liền với Luang Prabang, dọc theo sông Nậm U, để di tản Điện Biên khi cần thiết hầu như trở thành ảo vọng vào dịp Giáng Sinh 1953.
II. Kế hoạch Đông-xuân 1953-1954 của Việt Minh:
Từ tháng 8-1953, Bộ Tổng tư lệnh Việt Minh bắt đầu nghiên cứu kế hoạch hành quân Đông-Xuân (tức mùa khô) 1953-1954. Vấn đề quan trọng nhất là chọn đồng bằng Bắc Việt làm mục tiêu chiến dịch, hay tiếp tục hành quân ở miền Tây Bắc, giải phóng Lai Châu, rồi đánh thông xuống miền Trung.
A. Kế hoạch Võ Nguyên Giáp bị bác
Ngày 13-8-1953, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lao động Việt nam gửi điện văn xin ý kiến Bắc Kinh về tình hình tổng quát và phương hướng chiến lược.
Trong thời gian chờ quyết định của Trung quốc, ngày 18-8-1953, Bộ chính trị Đảng LĐVN, theo đề nghị của Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Việt Minh, ra Nghị quyết lấy đồng bằng làm hướng chủ yếu, và Tây Bắc làm hướng phụ. Thời gian này, Wei Guoping (Vi Quốc Thanh) đang về nước nghỉ. Luo Qibo (La Quí Ba) tham dự buổi họp và báo cáo về Bắc Kinh.
Ngày 27-8-1953, và rồi 29-8-1953, Quân uỷ Trung quốc liên tiếp gửi điện văn cho La Quí Ba và BCH.TƯ Đảng LĐVN phản đối việc tấn công đồng bằng. Và đề nghị chiếm Lai Châu, đánh qua Lào, rồi xuống Miên. Tháng 9-1953, Bộ Chính trị Đảng LĐVN đồng ý đề nghị của Bắc Kinh.
Ngày 1-10-1953, Võ Nguyên Giáp tới Tỉn Keo, Tuyên Quang đệ trình kế hoạch Đông-Xuân 1953-1954. Chỉ có Hồ Chí Minh, Trường Chinh, và Phạm Văn Đồng hiện diện. Nguyễn Chí Thanh và Trần Đăng Ninh vắng mặt.
Ngày 10-10-1953, Đảng cộng sản Trung quốc báo cho Hồ Chí Minh biết Vi Quốc Thanh lại được chỉ định làm Cố vấn trưởng quân sự; và La Quí Ba, Cố vấn trưởng chính trị. Ngày 27-10-1953, Vi Quốc Thanh trở lại Thái Nguyên, mang theo một bản sao kế hoạch Navarre.
Ngày 3-11-1953, Bộ Chính trị Đảng LĐVN chấp thuận kế hoạch hành quân Đông Xuân 1953-1954 do Vi Quốc Thanh và các cán bộ Việt nam soạn thảo: Chiến dịch mùa khô 1953-1954 sẽ là hướng Tây Bắc, với mục tiêu Lai Châu.
Từ ngày 15-10-1953, Giáp đã cho lệnh Sư đoàn 316 từ Thanh Hoá tiến về hướng Tây Bắc. Thực ra, hai Trung đoàn 98 và 176/ Sư đoàn 316 vẫn có mặt tại đây. Trung đoàn 98 hoạt động từ Sầm Nưa về Sơn La. Trung đoàn 176 hoạt động dài theo sông Đà. Chỉ có Bộ Tư lệnh sư đoàn và Trung đoàn 174 về Thạch Thành, Thanh Hoá chỉnh quân sau chiến dịch Thượng Lào mùa Xuân 1953. Nay Phó Tư lệnh Vũ Lập dẫn Trung đoàn 174 và Sở chỉ huy sư đoàn rời Thanh Hoá, vượt sông Đà ngày 15-11-1953.
B. Điện Biên Phủ làm mục tiêu chính
Trong bốn ngày, từ 20 đến 24-11-1953, Hội nghị phổ biến kế hoạch Đông Xuân của Việt Minh diễn ra tại Đồng Đậu, Định Hoá, Thái Nguyên.
Giữa thời gian này, đột ngột diễn ra việc Pháp đổ quân xuống Điện Biên, và rồi Crèveoeur mở hành lang Thượng Lào từ ngày 25-11-1953. Vì chưa hiểu rõ ý định Navarre, Giáp và Vi Quốc Thanh chưa có quyết định mới nào hơn đưa đại quân tiến vào Tây Bắc và đánh chiếm Lai Châu.
Giáp cho lệnh Sư đoàn 308 của Vương Thừa Vũ (Trung đoàn 36, 88, 102) tiến về Lai Châu. Sư đoàn 316 (Trung đoàn 98, 174, 176 + đại đội 812 vũ khí nặng) được lệnh phải có mặt ở Tuần Giáo, Nam Lai Châu và Đông Bắc Điện Biên, chậm nhất là ngày 6-12-1953. Sư đoàn 304 (hai Trung đoàn 57, 345) của Hoàng Minh Thảo (và Hoàng Sâm) đang ở Thanh Hoá cũng di chuyển lên Tây Bắc làm kế nghi binh, rồi luồn đường rừng trở lại Phú Thọ, đề phòng quân Pháp tập hậu mật khu ở đây. Trong khi đó, Sư đoàn 325 của Trần Quí Hai và một Trung đoàn của 304 cũng đánh qua Trung và Hạ Lào. Liên khu 5 thì mở rộng hoạt động lên vùng cao nguyên miền Trung.
Từ ngày 26-11-1953, Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu phó, cùng Mai Gia Sinh, Cố vấn tham mưu, cầm đầu Bộ chỉ huy tiền phương rời Thái Nguyên ra mặt trận.
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Đảng LĐVN và các “chuyên gia” TQ đồng ý đánh Điện Biên.
Kế hoạch sơ khởi chia làm hai đợt. Đợt thứ nhất, dùng sư đoàn 316 đánh Lai Châu, kết thúc vào cuối tháng 1-1954. Sau đó cho binh sĩ nghỉ ngơi 20 ngày. Đợt 2 đánh Điện Biên. Thời gian tác chiến khoảng 45 ngày. Chiến dịch sẽ kết thúc vào đầu tháng 4-1954. Đại bộ phận sẽ rút, chỉ dùng một số đơn vị qua Lào, cùng Pathet Lào uy hiếp Luang Prabang. Ba sư đoàn 308, 312 và 316 chính thức tham chiến.
Ngày N dự trù là 25-1-1954.
Đây là một chiến dịch vô cùng gian nan. Vấn đề tiếp vận hầu như bất khả. Việt Minh sử dụng tới hơn 100.000 nhân công để di chuyển thực phẩm và đạn dược cho các đơn vị hành quân.
Đầu tháng 12-1953, Sư đoàn 308 vượt sông Hồng, đưa Trung đoàn 36 theo đường tắt chiếm cao điểm Pom Lót, phía Nam - Tây Nam Điện Biên để chặn đường Pháp triệt thoái. Cùng lên đường với sư đoàn 308 có trung đoàn sơn pháo 75 ly 675/ Sư đoàn 351. Giáp còn tung thêm vào mặt trận Sư đoàn 312 từ Yên Bái tiến sang Tây Bắc, Sư đoàn 351 (Pháo, công binh), và Sư đoàn 304, thiếu một Trung đoàn.
C. Bỏ đánh nhanh, thắng nhanh:
Ngày 1-1-1954, Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh kiêm Bí thư đảng uỷ Mặt trận Tây Bắc.
Bốn ngày sau, 5-1-1954, Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Bộ chỉ huy, ngoài Giáp, có Hoàng Văn Thái, tham mưu trưởng (đã tới Tuần Giáo từ tháng 11-1953); Lê Liêm, chính trị; Đặng Kim Giang, hậu cần; Lê Trọng Nghĩa, quân báo.
Ngày 12-1-1954, Giáp tới Tuần Giáo. Trong khi thảo luận cách tấn công, mọi người chủ trương đánh nhanh, thắng nhanh (tức chiến thuật biển người). Vi Quốc Thanh, theo Giáp, nhấn mạnh phải đánh nhanh: tiếp liệu khó khăn, công sự phòng thủ của Pháp còn dã chiến. Giáp cũng đồng ý.
Thời gian này, theo ước đoán của Navarre, về lượng, Việt Minh không tăng gia bao nhiêu. Về chất lượng, quân đội Việt Minh tiến bộ đáng kể. Các tiểu đoàn Việt Minh thuộc loại thiện chiến hơn các tiểu đoàn bộ binh Pháp, ngoại trừ nhảy dù. Về vũ khí, Việt Minh có thêm súng nặng như cối 80, 120, Bazoka 90. Các đơn vị pháo binh có 1 trung đoàn sơn pháo 75, 1 trung đoàn pháo dã chiến 105 (nòng ngắn) của Sư đoàn 351. Phòng không có đại liên 12,7, đại bác 20 ly, và cả đại bác 37 ly. Bởi thế, ban đêm Việt Minh có thể tập trung lực lượng úp đồn; ban ngày đương đầu Pháp ở địa thế chọn lựa sẵn. Viện trợ Trung quốc đột ngột gia tăng trong vòng mấy tuần: súng phòng không, pháo binh, lương thực, kho tiếp tế gần biên giới, xe hơi, và nhất là cố vấn quân sự. Đặc biệt là cán bộ chính trị của Việt Minh đã khiến cả nước lâm chiến; trong khi quân Pháp chỉ hành quân mà không lâm chiến (Nous faisons des opérations militaires mais nous ne faisons pas la “guerre”).
2-4-1954: Hà nội, 17h00: Chạm trán giữa Navarre và Cogny. Theo tin báo chí, Cogny bảo Navarre rằng nếu Navarre không mang 4 sao, ông ta đã tát vào mặt Navarre (Paris Match, 21-9-1963). Navarre nói không có chuyện này.
2-4-1954: Brohon, đại diện Ely, gặp Navarre tại Hà-nội.
Lúc 19h00 ngày 3-4-1954, Trung đoàn 165 (sư đoàn 312) tấn công Huguette 6 (cứ điểm 105). Pháp phản công bằng chiến xa. Lúc 22h30, Việt Minh lại tấn công Huguette 6 nhưng không thành công(1).
Đêm ngày 3 rạng 4-4-1954, Pháp nhận thêm 340 lính của Tiểu đoàn 1 Dù thuộc địa (II.1er RCP). 3 “sticks” không thành công vì lý do kỹ thuật (còn 192 người nữa). Lực lượng tăng viện này được đưa vào hai căn cứ tân lập Eliane 10 và D3. Trong đêm, hai căn cứ Huguette 6 và Claudine 4 tiếp tục bị “sờ sẫm (tâtés)”(2).
Lúc 9h00 sáng ngày 4-4-1954, Pháp khám phá ra vị trí súng không giật của Việt Minh trí tại núi Trọc (Cháy) (le mont Chauve). Pháo binh Pháp tiêu diệt được vị trí này. Tìm thấy 200 xác Việt Minh trước căn cứ Huguette 6. Không có phi cơ lên vùng(3).
Tối đó, lúc 22h00, chạm súng ở Huguette 6 và Claudine 5. Vì thời tiết xấu, chuyến thả dù đêm Tiểu đoàn 1 Dù phải đình hoãn.
(còn tiếp)
______________________
Chú thích
(1) Giáp, Điện Biên Phủ, 2001: 276-277.
(2) EMIFT Fiche số 162 ngày 4-4-1954, & 163 ngày 3-4-1954; 10H 179.
(3) EMIFT Fiche số 164 ngày 4-4-1954, & 165 ngày 4-4-1954; 10H 179.


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 06:46:44 pm
Ngày 5-4-1954, lúc 0h30, Huguette 1, 2 và 5 bị “sờ sẫm (tâtés)”. Trung đoàn 165 (sư đoàn 312) tấn công Huguette 6. Trận đánh kéo dài đến 2h40. Tăng viện Pháp bắt tay được lực lượng phòng thủ. Khoảng 1000 tử thi Việt Minh để lại mặt trận. Phần đông còn rất trẻ. Pháp cũng thiệt hại nặng vì pháo binh(4).
Thời gian này, Pháp còn các cứ điểm: Epervier: khu chỉ huy; Eliane ở phía Đông; Tây Bắc là Huguette (6 đồn): H6 ở đầu sân bay, H1 ở giữa, H2 và H9 ở phía Nam. H5 và H4 ở Tây Nam. Mất hai đồn trong đợt tấn công thứ hai. Tây Nam là Claudine và Junon, kế sát Bộ Tư lệnh. Claudine gồm 5 căn cứ, sau chia làm hai: Claudine (311B) và Lilie (311A). Junon có 3 cứ điểm.
Ngày 6-4-1954, Giáp họp hội nghị sơ kết đợt tấn công đợt 2. Nguyễn Hữu An bị phê bình nghiêm khắc một cách oan uổng: tấn công chậm không vì lỗi Nguyễn Hữu An(5)!
Giáp quyết định xiết chặt vòng vây, đóng cửa phi trường. Sư đoàn 308 có nhiệm vụ đánh các cứ điểm Huguette 1 (206), Lilie (311A), Claudine (311B). Chia cắt các cứ điểm Huguette 6 (105), Huguette 1 (206), Huguette 2 (208). Phối hợp với 312 làm giao thông hào cắt ngang sân bay phía Nam Huguette 1 (206). Sư đoàn 312 phòng ngự đồi E và D, chuẩn bị tiêu diệt các cứ điểm Huguette 6 (5?)(105) ở Bắc sân bay, các vị trí 203, 204 và khu Tiểu đoàn 2 Thái (Huguette 2), phối hợp 308 đào giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh.
Sư đoàn 316 củng cố tuyến phía Đông, chuẩn bị tiêu diệt Eliane 2 (A1) và C2.
Trung đoàn 57 vây hãm Isabelle do đại tá Lalande chỉ huy. Cứ điểm này gồm 5 căn cứ.
Ngày 8-4-1954, Giáp cho phổ biến lệnh tác chiến mới.
Giáp xin tăng viện thêm 25.000 tân binh và cố vấn Trung quốc xin thêm một trung đoàn đoàn phòng không với 67 đại bác 37 ly(6).
Tại mặt trận phía Đông, lúc 16h45, Trung đoàn 174 di tản triền Đông của Eliane 2 (A1).
Từ ngày thứ tư, 7-4-1954, Việt Minh đã tăng cường đào giao thông hào phía Tây Isabelle và phía Tây phi trường(7). Ngày này, lúc 10h00, Đại đội 12/3 Thái tại Huguette 2 đào ngũ. Việc rã ngũ này tạo nên tinh thần nghi kỵ giữa các sĩ quan chỉ huy Pháp và các quân nhân Việt trong các tiểu đoàn dù, đặc biệt là Tiểu đoàn 5 Dù Việt nam. Hai đại đội Tiểu đoàn 5 Dù đã bị giải khí giới, sử dụng như cu-li. Lý do là tất cả các sĩ quan bản xứ yêu cầu Đại úy Botella cho hạ súng, ngưng chiến đấu. Một trung úy bị mất tích, và tìm thấy trong nhà ăn hạ sĩ quan, ngụy trang làm bếp. Những người cai quản họ trong việc thu nhặt thực phẩm tiếp tế được lệnh bắn ngay nếu có dấu vết nhỏ kháng cự hay bất tuân lệnh. Tiểu đoàn 6 Dù, một Trung đội trưởng cho lệnh binh sĩ rút lui trước cuộc tấn công của Việt Minh. Ngày 10-4-1954, hiện tượng tương tự xảy ra tại Tiểu đoàn 1 Dù. Một binh sĩ Dù tung lựu đạn giết chết Trung sĩ nhất Laire và một số hạ sĩ quan khác trong hầm vì bị hành hung và trừng trị vì tội trễ nải khi phản công Việt Minh. Từ đầu tháng 3, lính Bắc Phi cũng đã suy giảm tinh thần chiến đấu. Rút về phía sau không chiến đấu. Kỷ luật lỏng lẻo(8).
Thứ năm, 8-4-1954, 60 Việt Minh thuộc Trung đoàn 57 bị giết ở phía Tây Isabelle(9).
Ngày 7-4-1954, Tiểu đoàn 2 Dù Lê dương (2è BEP) nhảy xuống tăng viện. Thứ sáu, 9-4-1954, Pháp đề nghị trao đổi tù binh bị thương. Hôm sau, Việt Minh đồng ý, nhưng đề nghị hai điểm trao đổi. De Castries đề nghị tại một vị trí. Cogny đồng ý.
Thứ bảy, 10-4-1954, Pháp định tái chiếm Eliane 1. Giao tranh ác liệt. Tiểu đoàn 1/2 Dù lên thay Tiểu đoàn 6 Dù(10).
Chủ nhật, 11-4-1954, lúc 0h45, Việt Minh phản công ở Eliane 1. Hai tiểu đoàn 215 và 349/ Sư đoàn 98 giao chiến xáp lá cà với binh sĩ Tiểu đoàn 6 Dù Pháp. Trận đánh kéo dài tới sáng mà bất phân thắng bại. Vũ Lăng phải cho ngừng tấn công, tái tổ chức trận địa.
Ngày 12-4-1954, Pháp tiếp tục thả tăng viện xuống Điện Biên được 222 quân nhân. Nhưng số thương vong tại E1 và các mặt trận khác lên tới gần 200 người. Số quân nhân thực sự tham chiến hầu như không thay đổi. Ngoài ra, việc truyền tin nội bộ cũng gặp khó khăn. Việt Minh bắt được các máy truyền tin do Mỹ sản xuất, nên có thể theo dõi việc điều quân hoặc xen vào các băng tần số. Tại phía Nam, Trung tá Lalande phải dùng cả Anh ngữ để tránh Việt Minh theo dõi các cuộc điện đàm.
Thứ tư, 14-4-1954, phi đạo bị cắt làm ba vì địa đạo(11). Huguette 1 và 6 bị cô lập với khu trung tâm. Ngày 15-4, tình trạng thương bệnh binh Pháp đã đến mức tệ hại. Không còn ai được di tản. Số bị thương được phân loại như sau: 405 ngồi, 286 nằm(12).
Thứ năm, 22-4-1954, căn cứ Huguette 1 (206), do Lê dương phòng thủ, bị Việt Minh chiếm.
Số phận Điện Biên coi như chấm dứt. Chính phủ Laniel lại thêm một lần yêu cầu Mỹ tăng viện và can thiệp. Dulles, Bidault và Eden gặp nhau trong ba ngày 22-24-4-1954, nhưng chẳng đi đến kết qủa nào. Ngoại trưởng Anh, Anthony Eden, nói Anh không thể có hành động nào trước khi Hội nghị Genève kết thúc. Sau buổi họp, Eden về London tham khảo ý kiến thay vì sang Genève.
Theo Bidault, trong buổi họp ngày 23-4-1954, Dulles đề nghị dùng bom nguyên tử trong kế hoạch Vautour, nhưng Bidault không chấp thuận. Ngày 24-4-1954, Pháp yêu cầu không lực Mỹ can thiệp vào Điện Biên Phủ. Hôm sau, 25-4-1954, Mỹ chính thức từ chối.
Từ ngày 12-4-1954, Navarre cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch Condor (Chim Ưng) để triệt thoái khỏi Điện Biên Phủ bằng đường bộ. Ba ngày sau, 15-4-1954, Navarre cho đại tá Castries lên cấp thiếu tướng. Chủ nhật, 18-4, Ely chấp thuận cho Navarre tiếp xúc mật với Việt Minh, không cần thông báo cho Maurice Dejean. Ngày 19-4-1954, Navarre cho Ely biết sẽ có tin tức của Việt Minh trong khoảng một tuần.
Ngày 6-4-1954, Ely điện tín cho Navarre báo tin về kế hoạch Vautour. Kế hoạch này dự trù sử dụng 98 oanh tạc cơ B-29 và khoảng 450 phi cơ chiến đấu. Ngày 16-4, Navarre gửi công điện cho Ely, xin thực hiện kế hoạch Vautour trước ngày 20-4-1954 (1K 233, carton 40).
1-5-1954: 43 tình nguyện nhảy xuống Điện Biên. (Fall, 1968: 349)
Thời gian này, mặt trận Điện Biên Phủ đã gây chấn động thế giới. Ai nấy đều cho rằng Điện Biên sẽ là trận đánh quyết định số phận Pháp tại Đông Dương.
Ngày 3-4-1954, Mao Trạch Đông viết thư cho Bành Đức Hoài, Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương, thường vụ, cựu Tư lệnh Triều tiên, nói Việt Minh cần lập thêm 4 trung đoàn pháo binh và hai trung đoàn công binh, phải hoàn tất huấn luyện trong vòng 6 tháng. Nếu không đủ, lấy pháo từ các đơn vị Trung quốc. Cũng phải lựa chọn cố vấn có kinh nghiệm Triều tiên. Việt Minh cần gọi nhập ngũ thêm 5.000-8.000 người và chuẩn bị đánh chiếm Hà nội vào đầu năm 1955(13).
Ngày 9-4-1954, Quân uỷ trung ương Trung quốc hai lần gửi điện văn cho Vi Quốc Thanh hứa sẽ cung cấp đầy đủ đạn dược cho Việt Minh. Chỉ thị cho Vi Quốc Thanh chiến thuật đánh ở Điện Biên Phủ: cắt đứt tuyến địa đầu địch bằng cách tấn công ở giữa; phá hủy hầm phòng thủ của địch bằng cách tập trung hoả lực; củng cố vị trí ngay sau khi chiếm được một vị trí nào của địcch, như thế tiếp tục xiết chặt vòng vây; dùng thiện xạ bắn tỉa (snipers), và dùng tuyên truyền.
Bắc Kinh gửi qua Điện Biên một toán “chuyên gia” về địa đạo có kinh nghiệm ở Triều tiên qua huấn luyện cho Việt Minh. Ngày 28-4-1954, Mao thư cho Bành Đức Hoài, nêu lên mối nguy hiểm Pháp có thể thả nhảy dù chặn đường tiếp vận. Ngày 30-4-1954, Quân uỷ trung ương Trung quốc chỉ thị Vi Quốc Thanh phải bảo vệ trục tiếp vận. Ngày 3-5-1954, tướng Su Yu, Tham mưu trưởng Trung quốc, do chỉ thị của Mao Trạch Đông, nhắc nhủ Vi Quốc Thanh về nguy hiểm Pháp thả dù cắt trục tiếp vận.
Trong khi đó, từ ngày 3-4-4-1954, chính phủ Pháp liên tiếp yêu cầu Mỹ cho biết quyết định về kế hoạch Vautour. Tình hình Điện Biên đã sa lún. Tuy nhiên, ngoại trưởng Dulles trả lời sợ Quốc hội không chấp thuận. Nhưng ngày chủ nhật, 4-4-1954, Tổng thống Eisenhower quyết định không can thiệp vào Đông Dương.
Paris, Lúc 23h00 ngày 4-4-1954, đại sứ Dillon được mời dự khẩn cấp phiên họp giới hạn của chính phủ Laniel. Bidault và rồi Laniel nói tình hình Điện Biên Phủ nguy kịch; nếu không có tăng viện, số phận đã định. Chỉ cần chiến hạm Mỹ tiếp tay, như Radford đã hứa với Ely, có thể đảo ngược tình hình. Hiện nay, Trung quốc đã công khai yểm trợ Việt Minh, cố vấn kỹ thuật và ở cấp Sư đoàn. Ngay tại Bộ Tư lệnh của Giáp có Tướng Ly chen-hou (?). Liên lạc điện thoại do cố vấn Trung quốc thực hiện. 40 phòng không 37 ly, điều khiển bằng radar, do binh sĩ Trung quốc điều khiển, đã xuất hiện ở Điện Biên Phủ. Khoảng 1.000 lái xe vận tải là lính Trung quốc; và 500 xe mới tăng cường từ ngày 1-3-1954. Trung quốc còn trợ giúp nhiều loại quân trang, đạn dược, v.. v...
Ngày 5-4-1954, Dulles cho biết Mỹ không thể đơn phương hành động; cần liên minh hành động với Anh, và đang thảo luận với London. Bidault nói với Đại sứ Dillon rằng dù Pháp đơn độc một mình, vẫn tiếp tục chiến đấu.
Từ 11 tới 14-4-1954, Dulles thăm London (gặp Anthony Eden và Churchill) và Paris (gặp Bidault). Ba nước đồng ý “liên minh hành động” (united action). Chủ nhật, 18-4-1954, đại sứ Anh Roger Markins thông báo rằng London không thể tham dự Hội nghị 10 nước phòng thủ Á Châu về vấn đề “liên minh hành động” tại Đông Dương. Để gỡ sĩ diện, Dulles phải triệu tập một phiên họp gồm 16 quốc gia, kể cả ba nước Đông Dương.
Ngày 22-4-1954, Huguette 1 (206), do Lê dương phòng thủ, bị Việt Minh chiếm.
Thứ sáu, 23-4-1954, báo Le Figaro đăng một bản tin về Việt nam, tựa đề “Liệu 100 phi cơ có đủ cứu Điện Biên Phủ?” Theo tác giả Pháp không đủ nhân viên phi hành cũng như phi cơ để tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Chắc Mỹ cũng không giúp(14).
Thứ sáu, 30-4-1954 - ngày lễ thành lập binh chủng Lê Dương Camerone - Việt Minh pháo kích dữ dội Isabelle suốt một tiếng đồng hồ. Hàng không mẫu hạm Belleau Wood thay hàng không mẫu hạm Arromanches. Mang theo phi cơ F14 (Corsair).
(còn tiếp)
______________________
Chú thích
(4) EMIFT Fiche số 166 ngày 4-4-1954, & 167 ngày 5-4-1954; 10H 179.
(5) Giáp, Điện Biên Phủ, 2001:276-277.
(6) Fall, Hell, 1968:223.
(7) EMIFT Fiche số 179 ngày 7-4-1954, & 180 ngày 7-4-1954; 10H 179.
(8) “Critiques des organisations et activités Amies;” 10H 179. (9 trang)) Xem thêm Fall, Hell, 1968:286-288.
(9) EMIFT Fiche số 184 ngày 8-4-1954; 10H 179.
(10) EMIFT Fiche số 195, 196 ngày 10-4-1954; 10H 179.
(11) EMIFT Fiche số 222 ngày 14-4-1954; 10H 179.
(12) EMIFT Fiche số 233, ngày 15-4-1954; 10H 179.
(13) Jian 1993:102-103.
(14) Fall, 1968: 345.



Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 06:48:29 pm
C. Tấn công đợt 3 (1 đến 7-5-1954):
Đợt tấn công thứ 3 tại Điện Biên bắt đầu từ ngày 1-5-1954.
Thời gian này, Hội nghị Genève đã khai mạc từ ngày 26-4-1954. Ngũ cường đồng ý mời 9 phe tham dự, kể cả Việt Minh và quốc gia Việt nam. Phái đoàn Phạm Văn Đồng sẽ tới Genève ngày 4-5-1954 và phiên họp đầu tiên về Đông Dương sẽ khởi sự ngày 8-5-1954. Trong khi đó, Mỹ không ngừng đe doạ sẽ can thiệp vào Đông Nam Á. Bởi thế, cuối tháng 3-1954,Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đã bí mật qua Bắc Kinh thảo luận về chiến lược tấn công ngoại giao ở Genève, một hội nghị quốc tế mà Chu Ân Lai quyết định phải đạt được kết quả: nâng cao uy tín Trung quốc trên chính trường quốc tế. Hồ Chí Minh cũng đã được thông báo là có khả năng sẽ chia Việt nam làm hai. Ngoài ra, Bắc Kinh cần một chiến thắng lớn ở Điện Biên để có thế mạnh ở bàn Hội nghị. Bắc Kinh chỉ thị cho Hồ Chí Minh giải quyết Điện Biên càng sớm càng tốt, hầu giải quyết nhanh và ưu thế nhất tại bàn hội nghị. Bắc Kinh không những gửi thêm đạn dược mà còn gia tăng lương thực và đưa qua 18 giàn phóng hoả tiễn 75 ly, một vũ khí lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường Đông Dương. Trong khi đó, hậu phương gửi ra mặt trận khoảng 25.000 tân binh để bù vào số thiệt hại sau hơn một tháng tấn công và vây hãm.
Trong đợt tấn công cuối cùng, dứt điểm này, mục tiêu chẳng còn bao nhiêu. Toàn căn cứ chỉ còn khoảng 2,900 binh sĩ Pháp khỏe mạnh. Tại phía Đông Bắc, Pháp có các căn cứ Dominique 3 (do Tiểu đoàn 2 Thái, Tiểu đoàn 1 Algériens và một đại đội của Tiểu đoàn 6 Dù (BPC) giữ), Eliane 1 (E1), do một đại đội của Tiểu đoàn 5 Dù của Trung úy Phạm Văn Phú (1923-1975), mới được đặc cách mặt trận lên Đại úy, và Tiểu đoàn 2/1 Dù. Tại E4, đặt Bộ chỉ huy của Thiếu tá Bréchignac.
Tuyến Đông Bắc, Sư đoàn 316, phối thuộc Trung đoàn 9, sư 304, tiêu diệt A1, C1 và C2.
Phía Đông, Sư đoàn 312 sẽ tiêu diệt các cứ điểm 505, 505A, 506, 507, 508 (ở sát sông Nậm Rốm), áp sát vào khu vực hầm chỉ huy của de Castries.
Trên tuyến Tây, Sư đoàn 308 đánh Lilie (Huguette 5 cũ, hay 311A), Claudine (Huguette 4 cũ, tức 311B) ở phía Tây Bắc phi đạo, và rồi phát triển vào cứ điểm Lilie (310), cách hầm chỉ huy khoảng 50 thước.
Tại phía Nam, Sư đoàn 304, tăng cường thêm 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 9/ Sư đoàn 304, ngăn chặn quanh Isabelle không cho rút qua Lào.
Ngày N là thứ bảy, 1-5-1954.
Trận này, Việt Minh được tăng viện thêm một trung đoàn Đại bác 75 ly không giật và 18 giàn phóng hoả tiễn 75 ly sáu nòng.
1. Tuyến Đông Bắc:
Đài chỉ huy của Thiếu tá Bréchignac đặt tại E4. Đại úy Botella là sĩ quan thường vụ. Tiểu đoàn 5 Dù trên thực tế đã ngừng hiện hữu. Chỉ còn một số quân nhân dưới giao thông hào do Đại úy Bizard chỉ huy, và một đại đội với 80 binh sĩ trên E1, dưới quyền tân Đại úy Phạm Văn Phú, 21 tuổi. Trên E1 còn có Đại đội 3 của Trung úy Leguère và Đại đội 1 của Trung úy Périou.
20h00 ngày 1-5-1954, sau đợt pháo kích mở màn, các đơn vị của 312 và 316 tấn công vào khu Eliane cũ và Eliane 2 (A1)
Tại Eliane 1, Tiểu đoàn 2/1 nhảy dù của Trung úy Leguère đánh xáp lá cà với Việt Minh. 20h15, Leguère xin tăng viện. Brèchignac cho lệnh Đại đội 1 của Trung úy Périou tăng viện. Lúc 2h07, cả E1 và D3 bị tràn ngập.
Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 có nhiệm vụ đánh C1. 19h27, hoả lực của Trung đoàn bắn rất chính xác vào C1. Pháp sử dụng cả súng phun lửa, nhưng bị thất thủ trong đêm.
Sư đoàn 316, phối thuộc Trung đoàn 9/ Sư đoàn 304, bắt đầu tấn công Dominique 3 lúc 20h00, và chiếm được căn cứ này lúc 2 giờ 07 sáng ngày 2-5-1954. Sau đó, chiếm căn cứ Eliane 1 (E1).
Eliane 2 (A1) do Tiểu đoàn 1/13 Lê dương Dù của Thiếu tá Coustant trấn giữ bị đánh mạnh nhất. Lúc 20h00, Trung đoàn 174/ Sư đoàn 316 của Nguyễn Hữu An tấn công dữ dội nhưng bị đẩy lui. Lúc 02h50 ngày 2-5-1954, Trung đoàn 174/ Sư đoàn 316 tiếp tục tấn công Eliane 2. Tuy nhiên, cho tới 6h45 vẫn đứng vững.
2. Tuyến Đông:
Sư đoàn 312 chịu trách nhiệm đánh 505 và Dominique 3 (505A). Đây là dãy căn cứ trên đất bằng, nằm giữa đường 41 và bờ sông Nam Yum. Hai tiểu đoàn 166 và 165 của Trung đoàn 209/ Sư đoàn 312 của Hoàng Cầm tấn công căn cứ 555 và Dominique 3 (555A).
Tiểu đoàn 6 Dù của Thiếu tá Thomas cùng các binh sĩ Thái và Algériens của Chenel hết sức cầm cự. Hoàng Cầm phải đưa thêm tăng viện vào mặt trận. Quân Pháp từ căn cứ 507 cũng cho lính tùng thiết kéo lên phản kích. Lúc 4h20 ngày 2-5-1954, D3 bị tràn ngập.
Từ đây, Hoàng Cầm cho lệnh hai cánh quân cùng đào hào về hướng hai căn cứ 506 và 507.
3. Tại hướng Tây:
20h00 ngày 1-5-1954, sau một đợt pháo kích dữ dội, Trung đoàn 88/ Sư đoàn 308 tấn công vị trí Huguette 5 (311A), Huguette 4 (311B) ở phía Tây Bắc phi đạo.
Huguette 5 (311A) do Lê dương trấn giữ đã bị tấn công ròng rã một tuần lễ. 20h05, Huguette 5 thất thủ.
Sau đó, Trung đoàn 36 (sư đoàn 308) tiếp tục đánh Huguette 4 (311B), cứ điểm ngay sát phía Tây phi đạo. Lúc 2h07 ngày 2-5-1954, H4 (311B) bị Trung đoàn 36 (sư đoàn 308) tấn công mạnh. Lúc 03h05 ngày Chủ nhật, 2-5-1954, Việt Minh tấn công lần thứ hai H4. Viện binh từ H3 và Lilie 2 giúp giải toả một số địa đạo phía Nam H4. 6h25, H4 vẫn đứng vững.
Tuyến Nam, Sư đoàn 304, tăng cường thêm 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 9 (sư 304), ngăn chặn quanh Isabelle không cho rút qua Lào.
Nhờ thời tiết nắng ráo, không lực Pháp có thể can thiệp mạnh. B29 Mỹ oanh tạc dữ dội các vị trí Việt Minh. Có lẽ vì vậy mặt trận lắng dịu phần nào.
Thứ hai, 3-5-1954, lúc 2h50, Pháp được tăng viện thêm Đại đội 2/1 Dù của Trung úy Marcel Edme, với 107 người. Quá ít và phí phạm. Các cấp chỉ huy phải điều thương binh tăng viện đi tăng viện cho E10 và E12.
Tại tuyến Đông, Đại tá Langlais điều ngay toán quân tăng viện Tiểu đoàn 1 Dù lên Eliane 2. Hôm sau, thứ ba, 4-5-1954, thêm đại đội 3/1 BCP của Đại úy Jean Pouget và một bộ phận chỉ huy của Tiểu đoàn 1 BCP, kể cả Đại úy Francois Penduff, nhảy xuống mặt trận. Đại tá Langlais quyết định hoán đổi các binh sĩ Tiểu đoàn 1/13 Lê dương của Coutant mệt mỏi ở Eliane 2 (A1) xuống căn cứ E3 ở chân đồi, và đưa đại đội 3/1 Dù mới được tăng viện lên Eliane 2.
Tại hướng Tây, thứ ba, 4-5-1954, Trung đoàn 36 (sư đoàn 308); 3 tiểu đoàn thuộc 88 (Sư đoàn 308) và 102 (sư đoàn 308), cộng thêm một tiểu đoàn của Sư đoàn 312 đánh chiếm Lilie (311A), rồi tràn xuống H4 (311B) nằm trong cụm căn cứ Claudine. Thiếu tá Giraud từ Huguette cho quân phản công, tăng viện H4 (311B). 3h35 ngày 5-5-1954, căn cứ này thất thủ. Quân Việt Minh như thế chỉ còn cách de Castries khoảng 300 thước.
Thứ ba, 4-5, De Castries được thông báo về kế hoạch Albatros (Chim Biển). Dự trù sẽ bắt đầu lúc 20h00 ngày 7-5. Việt Minh biết được một phần kế hoạch này.
Thứ tư, 5-5-1954, Trung quốc tăng viện cho Việt Minh 18 giàn phóng hoả tiễn 6 nòng.
Thứ năm, 6-5-1954, trận địa pháo khuấy rối ở Eliane 4, 10 và 12.
20h00, bắt đầu tổng tấn công. Hiệu lệnh là tiếng nổ của 1000 ki-lô chất nổ chôn ngầm dưới căn cứ Eliane 2 (A1). Căn cứ này mới được hoán đổi quân. Tiểu đoàn 1/13 Lê dương của Thiết tá Coutant xuống căn cứ Eliane 3 dưới chân đồi dưỡng sức, thay bằng đại đội 3/1 Dù, mới nhảy xuống Điện Biên, dưới quyền Đại úy Pouget.
Trung đoàn 174/ Sư đoàn 316 sử dụng hai tiểu đoàn tấn công. Một mũi từ hướng Đông Nam. Một mũi từ hướng Tây đánh tới, chặn đường rút về khu trung tâm.
Đúng 20h30, Lê Quảng Ba cho lệnh châm ngòi nổ. Nhưng một tấn thuốc nổ không phát ra tiếng nổ to như mọi người trông đợi. Nguyễn Hữu An vẫn cho nổ súng. Sau 15 phút dùng pháo dọn đường, bộ binh bắt đầu xung phong. Giao tranh diễn ra ác liệt tại cả hai căn cứ Eliane 2 và Eliane 3.
3 giờ sáng ngày 7-5-1954, Trung đoàn 174 chiếm được hầm chỉ huy, bắt sống Pouget và hơn 100 tù binh khác. 4h30 sáng ngày 7-5-1954, mặt trận mới im tiếng súng.
Tại căn cứ C2, Pháp đã tăng cường thêm 6 đại đội thuộc Tiểu đoàn 2 Dù Lê dương và Tiểu đoàn 5 Dù Việt nam. Trung đoàn 98 của Vũ Lăng gặp sức phản kháng mãnh liệt trong từng lô-cốt và địa đạo. Lăng phải điều thêm tiếp viện vào căn cứ. 7h30 phút ngày thứ sáu, 7-5-1954, Sư đoàn 316 mở đợt tấn công cuối cùng, chia quân làm ba mũi tiến vào C2. Mãi tới 9h30 phút mới giải quyết xong mục tiêu. Hơn 600 binh sĩ Pháp bị bắt hoặc tử thương.
Như thế, toàn bộ tuyến cao điểm phía Đông Điện Biên đều đã thất thủ.
Tại hướng Đông do Sư đoàn 312 án ngữ, không quân Pháp đánh bom napalm lên căn cứ Eliane 10 (506), nhưng Trung đoàn 165 không bị thiệt hại nhiều. Tại căn cứ 507, Trung đoàn 209 (sư đoàn 316) của Hoàng Cầm gặp nhiều khó khăn. Bộc phá không phá nổi loại hàng rào “bùng nhùng”. Mãi tới 15h00 mới chiếm được căn cứ 507.
Lúc 15h00, Sư đoàn 312 bắt đầu vượt qua cầu Mương Thanh đánh sang khu trung tâm.
17h20, Trung đoàn 209/ Sư đoàn 312, với sự trợ lực của Trung đoàn 141 (sư đoàn 312), tiến được vào hầm chỉ huy và bắt sống tướng De Castries.
Tại phía Tây, trung đoàn Thủ Đô (trung đoàn 102 thuộc sư đoàn) 308 cũng diệt được căn cứ Claudine 5 (510), chỉ cách hầm de Castries khoảng 50 thước.
Nửa đêm 7-5-1954, tại phía Nam, Chính uỷ Lê Chưởng báo cáo đã bắt sống được Đại tá Lalande và toàn bộ binh sĩ.
V. Hiệp ước Genève 20-21-7-1954:
Tin Điện Biên Phủ thất thủ sau 56 ngày bị vây đánh được đón nhận như một quốc tang ở Paris. Đây không chỉ là sự thất bại quân sự đầu tiên của một cường quốc Tây phương trước một đạo quân bản xứ hạng ba, hạng tư trên thế giới, mà ngay cả giấc mơ “thương thuyết trên thế mạnh” của Pháp cũng tan thành mây khói.
Lúc16h45 ngày thứ bảy, 8-5-1954 (23h45 Việt nam), để khai mạc Hội nghị nghị Genève về Đông Dương, tại trụ sở Liên hiệp quốc, đối diện bờ hồ, ngoại trưởng Pháp Bidault đề nghị ngưng bắn để tìm hoà bình.
(còn tiếp)


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 06:49:57 pm
A. Đường tới Genève:
Sự thất trận ở Điện Biên Phủ, như bản tin tình báo Mỹ (NIE 63-54) nhận định, có ảnh hưởng chính trị bất lợi hơn là hậu quả quân sự. Chiến bại này khiến vị thế Pháp ở Đông Dương suy thoái. Nó chẳng những làm giảm uy tín Pháp trong lòng người Đông Dương, mà còn gia tăng mối lo sợ rằng Pháp không đủ sức bảo vệ họ. Nó làm giảm tinh thần chiến đấu của Pháp và dân Đông Dương, và khiến liên hệ Pháp-Việt căng thẳng, vì người bản xứ lo sợ Pháp “bán đứt” họ cho Việt Minh (sell out to Viet Minh). Nó cũng gia tăng thái độ “trùm chăn” (fence sitting) trong số người ủng hộ chính phủ quốc gia, và gia tăng sự ủng hộ chế độ Việt Minh. Nhưng có thể chưa mang đến sự sụp đổ hoàn toàn của Pháp và chính phủ bản xứ trong vài tháng tới nếu tiếp tục duy trì quân viễn chinh Pháp và hy vọng Mỹ sẽ can thiệp.
Thực ra, từ năm 1952, phong trào đòi thương thuyết với Việt Minh đã phát triển ngày một mạnh tại Pháp. Ngày 28-8-1953, ngoại trưởng Bidault tuyên bố có thể Pháp sẽ tìm giải pháp chính trị cho Đông Dương, nhưng phải hỏi ý kiến Các quốc gia liên hiệp trước khi có hành động. Gần một tháng sau, 25-9, khi đang tham dự Đại hội đồng LHQ từ 15-9 tới 9-12-1953, Maurice Schuman tuyên bố tại Liên hiệp quốc là Pháp muốn thương thuyết để đạt một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt chiến tranh.
Như để khuyến khích Pháp, ngày 28-9-1953, Liên xô lập lại đề nghị họp “ngũ cường”. Ngày 8-10, Chu Ân Lai tuyên bố Trung Quốc muốn đóng góp vào việc củng cố nền hoà bình ở Viễn Đông và trên thế giới.
Ngày 27-10-1953, Laniel tuyên bố sẵn sàng nắm mọi cơ hội tìm hoà bình cho Đông Dương. Ngày này, Quốc hội Pháp biểu quyết ủng hộ việc đi tìm một giải pháp chính trị, qua thương thuyết.
Vài tuần sau, ngày thứ năm, 12-11-1953, Laniel tuyên bố trước Thượng Viện: Pháp không đòi đối phương phải đầu hàng không điều kiện, và cũng không nghĩ rằng vấn đề Đông Dương chỉ có thể giải quyết được bằng quân sự. Laniel thêm rằng từ sau bài diễn văn ngày 27-10-1953 của mình trước Hạ Viện, chưa thấy Hồ Chí Minh trả lời. Đó là nhiệm vụ của những người muốn hoà bình tức khắc ở Đông Dương tìm cách thuyết phục Hồ Chí Minh. Hôm sau, 13-11-1953, khi phê bình về lời tuyên bố của Laniel trong buổi họp tại Bộ ngoại giao, Dulles nói không bất mãn vì đó chỉ là thực tế chính trị-chính phủ Pháp phải nói muốn thương thuyết. Không một chính phủ Pháp nào có thể từ chối thương thuyết khi chính Mỹ đang đàm phán tại Triều tiên.
Ngày Chủ nhật, 29-11-1953, báo Expressen của Norway (Thụy Điển), bỗng đăng bài phỏng vấn Hồ Chí Minh hồi cuối tháng 10-1953 để trả lời tuyên bố của Thủ tướng Laniel. Hồ Chí Minh nói sẵn sàng cứu xét mọi đề nghị của Pháp, nhưng chỉ thương thuyết với Pháp.
Phản ứng đầu tiên của ngoại trưởng Bidault là bài phỏng vấn của Hồ Chí Minh chỉ có tính cách tuyên truyền. Nhưng tổng thống Pháp có ý nghĩ khác.
Ngay 3 giờ sáng thứ hai, 30-11, Auriol mời Laniel vào điện Elysée, yêu cầu tiếp xúc ngay với các đại diện Đông Dương, hầu có thể thương thuyết với Hồ Chí Minh càng sớm càng tốt. Laniel không đồng ý, nói cần tham khảo Mỹ và Anh tại Bermuda trước khi thảo luận với Các quốc gia liên hiệp. Sau đó, Laniel nhờ Đại sứ Mỹ Dillon thông báo với Dulles rằng chính sách của Pháp không thay đổi trước ngày khai mạc Hội nghị Bermuda (4-8-12-1953).
3 giờ chiều ngày 4-12-1953, tại Bermuda, Dulles gặp riêng Laniel. Laniel cũng nghĩ rằng đề nghị của Hồ Chí Minh trên tờ Expressen chỉ có tính cách tuyên truyền. Tuy nhiên nó tạo nhiều phản ứng sôi nổi trong chính giới Pháp. Tổng thống Auriol và một số thành viên trong chính phủ muốn thông báo ngay cho Hồ Chí Minh là Pháp muốn điều đình. Riêng Laniel vẫn muốn hoà đàm trên thế mạnh-vào khoảng tháng 4-1954, Navarre có thể tạo được ưu thế quân sự, và có thể bắt đầu thương thuyết. Pháp cũng sẽ chỉ nghiên cứu việc thương thuyết nếu Hồ Chí Minh nhờ cậy một trung gian nào đó. Và, Pháp sẽ thảo luận kỹ càng với Các quốc gia liên hiệp. Ngày 7-12-1953, Mỹ, Anh và Pháp đồng ý trên nguyên tắc họp ngũ cường.
Ngày 14-12-1953, Hồ Chí Minh nhận lời thương thuyết với Pháp. Nhân ngày Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (3-2-1954), Hồ Chí Minh lập lại lời đề nghị vãn hồi hoà bình.
Trong khi đó, Trung quốc ra công cổ võ cho việc tìm hoà bình. Tại Vienna, khi Lê Đình Thám, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ hoà bình, tuyên bố có thể tìm một giải pháp hoà bình ở VN, Quách Mạt Nhược, trưởng phái đoàn TQ, ủng hộ nhiệt liệt. Ngày thứ ba, 1-12-1953, Nhân dân nhật báo đăng lại lời tuyên bố của Hồ Chí Minh và, trong bài xã luận, hoàn toàn ủng hộ. Ngày 18-12-1953, Chính phủ TQ tổ chức một ngày đoàn kết với nhân dân VN tại Bắc Kinh. Lê Đình Thám và Lưu Ninh Nhất, Phó Chủ nhiệm Tổng công hội TQ, nhắc lại những luận điểm “hoà bình”.
Ngày 18-2-1954, Molotov lại kêu gọi mở hội nghị để giải quyết vấn đề Triều tiên và Đông Dương. Tứ cường đồng ý mời Trung quốc tham dự Hội nghị Genève, khai mạc ngày 26-4-1954. Sẽ bàn cả vấn đề Triều tiên và Đông Dương-hai điểm nóng của cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Nga ở Á Châu, cũng hai cửa ngõ chiến lược quan trọng của Trung quốc.
Sau khi Hội nghị tứ cường tại Berlin đồng ý mời 9 phe liên hệ tham dự Hội nghị Genève, và khi trận Điện Biên Phủ vừa bùng nổ, Bắc Kinh bí mật áp lực Hồ Chí Minh phải chấp nhận chia đôi Việt nam, để tránh tạo cơ hội cho Mỹ tham chiến ở Đông Dương. Kinh nghiệm Triều tiên còn đậm nét trong tâm khảm các nhà lãnh đạo Trung quốc.
Ngày 15-3-1954, Chu Ân Lai (1898-1975) điện thư cho Hồ Chí Minh đề nghị: nên chọn một tuyến chia cắt tương đối rõ ràng để khu vực do VNDCCH kiểm soát tương đối toàn vẹn. Vĩ tuyến 16 có thể là một lựa chọn. Chu Ân Lai cũng mời Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh để thảo luận vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4-1954. Khi Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng tới Bắc Kinh vào hạ tuần tháng 3-1954, Mao, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai thúc giục Hồ Chí Minh phải đạt kết quả tại Genève.
Ngày 31-3-1954, Bộ chính trị Đảng CSTQ chấp thuận kế hoạch của Chu Ân Lai và cử Chu Ân Lai qua Moscow họp bàn với Liên xô. Hôm sau, 1-4-1954, Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng bay qua Nga. Tại Moscow, Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh họp với Nikita Khrushchev và Vyacheslav Molotov. Khrushchev chẳng kỳ vọng nhiều, trong khi Mao coi hội nghị Genève cực kỳ quan trọng với Trung quốc.
Ngày 19-4-1954, Bắc Kinh công bố danh sách phái đoàn dự Hội nghị do Chu Ân Lai cầm đầu. Chu Ân Lai cùng tùy tùng ghé qua Moscow để tham khảo ý kiến lần chót, và tập luyện các nghi lễ ngoại giao quốc tế, trước khi qua Genève ngày 21-4-1954. Ngày này, Chu Ân Lai cũng nhắn tin với Laniel là muốn gặp riêng Thủ tướng Pháp.
Ngày 24-4-1954, phái đoàn Chu Ân Lai tới Genève. Gồm 200 người. Những nhân vật đáng kể nhất có ba thứ trưởng Ngoại giao Zhang Wentian (Trương Văn Thiên) (1898-?), cựu đại sứ Trung quốc ở Moscow; Wang Jiaxiang (Vương Gia Tường) (1907-1974), và Li Kenung (Lý Khắc Nông), phụ trách tình báo; Wang Bingnan (Vương Bính Nam), Tổng thư ký (Director of the General Office) Bộ ngoại giao. Có 5 cố vấn: Phương Nghị, Bí thư Vụ chính trị của Bộ ngoại giao; Trần Gia Khang, Vụ trưởng Vụ châu Á từ năm 1952; Huang Hoa (Hoàng Hoa), Cố vấn bộ ngoại giao từ năm 1953; Hoạn Hương, Vụ trưởng Vụ Tây Âu Bộ ngoại giao; và Lôi Anh Phu. Ngoài ra còn một số nhân viên không chính thức: Lôi Nhiệm Dân, thứ trưởng Ngoại thương; Qiao Guanhoa (Kiều Quán Hoa) và vợ là Cung Bành, phát ngôn viên; Kha Bái Niên, Vụ trưởng Vụ Mỹ-Australia; Wu Leng-si, Phó Giám đốc Tân Hoa xã.
Phần Pháp, ngân sách đã kiệt quệ. Mầm mống rối loạn không những chỉ xảy ra tại nội địa Pháp mà bắt đầu nhen nhúm ở các thuộc địa. Áp lực chính trị của Mỹ thì ngày một tăng theo số tiền viện trợ, khiến Pháp phải tự hỏi tại sao xương máu Pháp phải đổ xuống để mất dần quyền sở hữu Đông Dương? Hơn nữa, mục tiêu đích thực của Pháp là quyền lợi vật chất và tinh thần (văn hoá). Pháp không đặt nặng vấn đề ý thức hệ “chống Cộng” như Mỹ.
Thoạt tiên, Pháp, hoặc ít nữa chính phủ Laniel, muốn đạt được hoà bình trong thế mạnh. Nhưng kế hoạch Laniel-Navarre bị phá sản trong mùa Xuân 1954 tại Điện Biên Phủ. Pháp nhiều lần xin Mỹ can thiệp bằng không lực (kế hoạch Vautour hay Vulture), nhưng vì Anh và khối ANZUS không đồng ý tham chiến, Tổng thống Eisenhower không có quyết định rõ ràng cho tới khi Pháp thất trận Điện Biên Phủ.
B. Hội nghị Genève (26-4 đến 21-7-1954):
Ngày 26-4-1954, Hội nghị Genève khai mạc. Một ngày họp về Triều tiên, một ngày họp về Đông Dương. Phiên họp về Triều tiên không thành công vì Bắc Kinh không nhìn nhận vai trò của LHQ; chỉ muốn có các nước trung lập. Về Đông Dương, ngày 2-5-1954, Mỹ, Anh và Pháp đồng ý công thức Hội nghị do Liên xô đề nghị - sẽ có 9 phe tham dự, kể cả VNDCCH và quốc gia Việt nam. Ngày 3-5-1954, Việt Minh được mời tham dự Hội nghị Genève. Ngày này, ngoại trưởng Mỹ Dulles rời Genève. Gửi thư cho Bidault, ngỏ ý muốn giúp Pháp. Nhưng từ đó, không trở lại Genève nữa.
Ngày 4-5-1954, phái đoàn Việt nam do Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới Genève. Trong đoàn có Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu, Hoàng Văn Hoan, v.. v... Ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định cầm đầu phái đoàn quốc gia Việt nam. (Sau thay thế bằng Trần Văn Đỗ, ngoại trưởng chính phủ Diệm)
Giữa lúc phiên họp về Đông Dương sắp khai mạc, ngày 7-5-1954, Điện Biên Phủ thất thủ sau 56 ngày bị vây đánh. Giấc mơ “thương thuyết trên thế mạnh” của Pháp tan thành mây khói.
Lúc 16h45 ngày thứ bảy, 8-5-1954, (23h45 Việt nam), để khai mạc Hội nghị nghị Genève về Đông Dương, tại trụ sở Liên hiệp quốc, đối diện bờ hồ, ngoại trưởng Pháp Bidault đề nghị ngưng bắn tại Đông Dương để tìm hoà bình.
Phía Mỹ không hài lòng. Trong hai năm 1953-1954, như đã lược thuật, Mỹ không ngừng chống một giải pháp chính trị cho Đông Dương. Ngày 26-4-1954, Dulles bảo thẳng ngoại trưởng Bidault rằng ngưng bắn là đầu hàng. Tuy nhiên, Anh chống lại ý muốn mở rộng chiến tranh. Ngày 27-4-1954, khi Dulles tuyên bố không muốn thấy ngưng bắn, ngoại trưởng Anthony Eden nói can thiệp bằng võ lực quá nguy hiểm, nguy hiểm hơn cả Triều tiên.
Hai ngày sau, 29-4-1954, Dulles đề nghị với Eisenhower rằng giữa cảnh xuống dốc của Pháp, yếu ớt của Anh, Mỹ phải đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Nhưng phe quân sự Mỹ chống lại việc can thiệp đơn phương. Eisenhower đồng ý. Dulles chẳng có biện pháp nào hơn bày một cuộc cờ khác.
Khi khó thể tránh được việc ngưng bắn, Dulles không tham dự Hội nghị Genève về Đông Dương, mà chỉ cử đại diện là thứ trưởng Walter Bedell Smith, với chỉ thị Smith không được liên hệ với đại diện Trung quốc. Mỹ, Dulles nhấn mạnh, chỉ là một “quốc gia quan tâm” (interested nation) không phải phe lâm chiến hay một thành viên hoà đàm (“belligerent or a principal in the negotiation”.) Mỹ tham dự để giúp các quốc gia (liên kết) được vẹn toàn lãnh thổ và độc lập chính trị, dưới những chính phủ vững chắc, để họ khỏi bị rơi vào ách độc tài đế quốc cộng sản (these people should not be amalgamated into the Communist bloc of imperialistic dictatorship). Mỹ không chấp thuận, dù gián hay trực tiếp, việc ngưng bắn, hay một hình thức nào làm tổn hại đến các chính quyền hợp pháp. Ngoài ra, Smith phải hợp tác với Pháp và các nước được công nhận.
Trước đó, Dulles đã tiếp xúc với Bảo Đại và đang cho nghiên cứu việc sử dụng thí nghiệm Ngô Đình Diệm, hy vọng sẽ tạo được một tiền đồn chống Cộng trên phần đất còn lại phía Nam vĩ tuyến 17, với những “phần tử quốc gia chân chính”.
Hội nghị Genève, trên thực tế, chỉ còn là cuộc mặc cả giữa Pháp với phe Liên xô, Trung quốc và VNDCCH. Đại diện của quốc gia Việt nam bị hoàn toàn lãng quên. Ngoại trưởng Nguyễn Quốc Định và rồi Trần Văn Đỗ, từ ngày 12-7-1954, chỉ được tham dự những phiên họp công khai, không được dự vào các buổi mật đàm quân sự hay chính trị Pháp-Việt Minh.
(còn tiếp)


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 06:51:15 pm
Những buổi họp bí mật của Ủy ban quân sự (Commission Militaire) Pháp-Việt Minh bắt đầu ngày 2-6-1954 giữa Tạ Quang Bửu, Hà Văn Lâu cùng tướng Delteil và đại tá Marcel de Brebisson. Ngày 10-6-1954, trong một cuộc họp mật, Bửu đột ngột gợi ý cho việc chia cắt Việt nam. Đặt một bàn tay lên vùng Bắc Việt, Bửu nói: “Chúng tôi cần một thủ đô (Hà nội) và một hải cảng (Hải Phòng)”.
Đại diện Pháp ngạc nhiên, nhưng hân hoan khôn tả. Nguyên tắc chia đôi Việt nam đã được Hà nội đề xướng. Tướng Paul Ely, tân Tổng Ủy viên Đông Dương, kiêm Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp, không muốn mất Hà nội hay Hải Phòng. Pháp đề ra phương pháp ngưng bắn da beo (leopard spot), hay ngưng bắn tại chỗ. Các chiến lược gia Mỹ cho rằng Bắc Việt là trọng điểm của cánh cung bảo vệ toàn vùng Đông Nam Á nên không đồng ý. Cuối cùng, Pháp chấp nhận chia đôi Việt nam, mỗi phe tập trung vào một khu vực rõ ràng. Về vấn đề Lào và Cao Miên, Pháp đòi hỏi Việt Minh phải rút quân khỏi hai nước này. Việt Minh, do áp lực của Trung quốc, đồng ý; đổi lấy điều kiện không một quốc gia thứ ba nào được thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ ba nước Đông Dương.
Vấn đề chính trị bắt đầu từ ngày 29-5-1954. Tuy nhiên Chauvel và Phạm Văn Đồng không đạt được kết quả đáng kể tại các phiên họp công khai.
Từ ngày thứ bảy 12-6-1954, Phạm Văn Đồng và Chauvel bắt đầu mật đàm. Vấn đề gay go nhất là vai trò của chính phủ quốc gia Việt nam. Phạm Văn Đồng muốn Pháp trả hoàn toàn độc lập cho VNDCCH, bỏ rơi chế độ quốc gia Việt nam. Nhưng Pháp, với sự yểm trợ của Anh và Mỹ, muốn cho quốc gia Việt nam một cơ hội. Đó là tổng tuyển cử để quyết định thể chế tương lai. Việt Minh muốn tổng tuyển cử trong vòng 6 tháng, nhưng Pháp muốn kéo dài càng sớm càng tốt. (Cuối cùng, Molotov và Chu Ân Lai đồng ý sẽ tổng tuyển cử trong vòng hai năm).
Hội nghị Genève, tưởng cần lập lại, là cơ hội cho Bắc Kinh xuất hiện như một cường quốc sau 5 năm năm bị cô lập và phong toả. Chu Ân Lai muốn bằng mọi giá ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào Đông Dương, cửa ngõ chiến lược phía Đông Nam của Trung quốc. (Hai cửa ngõ chiến lược khác là Đại Hàn và Đài Loan).
Ngày 18-5-1954, một cộng sự viên của Chu Ân Lai nói với Pháp là Trung Hoa tới Genève để tìm hoà bình, không phải để ủng hộ Việt Minh.
Ngày 30-5-1954, Chu Ân Lai điện cho Bắc Kinh và Hà nội, thông báo nếu cần có thể biến Hà nội, Hải Phòng và quốc lộ số 5 nối liền hai thị xã này thành vùng phi quân sự.
Ngày 20-6-1954, Mao chỉ thị Cố vấn quân sự Trung quốc ngăn cản không cho Giáp mở rộng chiến tranh vào Trung và Nam Việt, hay tiến đánh châu thổ sông Hồng.
Tuy nhiên, thương thuyết bế tắc vì hai vấn đề quan trọng: Vấn đề Miên-Lào và ranh giới phân chia Việt nam; và vấn đề trung lập hoá Đông Dương. Thái độ của phe cộng sản bỗng cứng rắn hơn sau khi Molotov về Moscow từ ngày 30-5 tới 2-6-1954. Một trong những nguyên do có lẽ là việc chính phủ Laniel quyết định trao trả độc lập cho chế độ Bảo Đại ngày 4-6-1954. Ngày 6-6-1954, phe cộng sản đả kích chính phủ Laniel và Mỹ. Ngày 8-6-1954, Molotov đả kích ngoại trưởng Bidault đã tạo nên những trở ngại cho con đường tái lập hoà bình. Hai ngày sau, 10-6-1954, Molotov đề nghị Pháp bàn thảo vấn đề chính trị trực tiếp với Việt Minh.
Ngày 12-6-1954, chính phủ Laniel bị bất tín nhiệm. Hai ngày sau, 14-6-1954, tình hình căng thẳng đến độ các quan sát viên lo sợ rằng Hội nghị Genève sẽ đổ vỡ. Tuy nhiên, phía sau hậu trường, những cuộc thương thuyết mật tạo được nhiều tiến bộ. Phe cộng sản phân chia trách nhiệm rõ ràng: Liên xô phụ trách các vấn đề tổng quát, kiểm soát đình chiến, và những nguyên tắc chính trị. Trung Quốc chịu trách nhiệm những vấn đề thực tế, biên giới, vùng tập trung.
Ngày 15-6-1954, tại Genève, Molotov, Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng họp mật. Chu Ân Lai, với sự đồng ý của Molotov, ép Phạm Văn Đồng phải chấp nhận những giải pháp riêng biệt cho Việt nam, Lào và Miên - tức triệt thoái quân Việt Minh khỏi Miên và Lào.
Hôm sau, 16-6-1954, Chu Ân Lai công khai phá vỡ sự bế tắc bằng cách chấp nhận quân ngoại quốc phải triệt thoái khỏi Miên và Lào.
Ngày 17-6-1954, Chu Ân Lai gặp Bidault, cho biết đồng ý có hai nước Việt nam, công nhận chính phủ hiện hữu ở Lào và Miên, và rút hết quân ngoại quốc khỏi hai vương quốc này.
Đêm 19-6-1954, Molotov bay về Moscow. Phần Eden và Smith cũng rời Genève.
Ngày 21-6-1954, Uỷ ban quân sự không họp. Đại tá Michel de Brebisson gặp Hà Văn Lâu để dàn xếp cho Chauvel gặp Phạm Văn Đồng. Hôm sau, 22-6-1954, gặp Chauvel, Phạm Văn Đồng nói:
- Các ông cứ lần lữa, các ông cứ ngần ngại quyết định... Những người Việt mà các ông hết lòng yểm trợ - điều này các ông rõ hơn ai hết - sẽ bắn vào lưng người Pháp trước khi ngả qua phe chúng tôi”.
Đêm 22-23-6-1954, Delteil, de Brebisson lại họp mật cùng Bửu và Lâu.
Từ ngày Quốc hội Pháp cử Mendès-France lập chính phủ mới, lời tuyên bố sẽ từ chức nếu không đạt được Hiệp ước trong vòng 4 tuần lễ của Mendes-France khiến Mỹ lo ngại. Ngày 17-6-1954, Dulles chỉ thị cho phái đoàn Mỹ ở Genève là Mỹ không có ý định “bán” (sell) việc chia cắt đất nước với phe QG Việt nam. Dulles cũng cho lệnh U. Alexis Johnson lưu ý phái đoàn Pháp (Chauvel) về điều kiện di tản quân Pháp và kiều dân, và giáo dân Ki-tô Việt.
Nhưng ngày 18-6-1954, U. Alexis Johnson báo cáo về Washington rằng theo Chauvel, đình chiến kiểu “da beo” (leopard spot) không thực tiễn. Pháp sẽ đồng ý chia vào khoảng vĩ tuyến 19, phía Bắc Đồng Hới. Mật đàm với phái đoàn VM không mang lại kết quả vì VM cứng rắn hơn.
Ngày 18-6, khi gặp thứ trưởng Smith, Molotov cũng khuyên Mỹ nên chấp nhận chia đôi Việt nam. Pháp không thể đuổi theo hai thỏ cùng một lúc. Sau khi chia đôi, sẽ tìm cách thống nhất bằng tuyển cử. Muốn giải quyết vấn đề Đông Dương, nên thực tế (realistic).
Trong buổi hội kiến giữa Mandès-France và Smith tại Quai d'Orsay ngày 20-6-1954, Mandès-France yêu cầu Mỹ can thiệp để Diệm, “a fanatic giống như Lý Thừa Vãn” tìm cách chống lại việc thương thuyết.
Ngày thứ tư 23-6-1954, Chu Ân Lai gặp Mendès-France ở Berne, thủ đô Switzerland. Chu Ân Lai, theo Chauvel nói với Dillon, chấp nhận có hai nước Việt nam. Giải pháp sẽ qua hai giai đoạn: Ngưng bắn càng sớm càng tốt, và hoà bình có thể cần nhiều thời gian. Chu Ân Lai chấp thuận đề nghị của Pháp là giải quyết vấn đề quân sự trước, chính trị sau. Trước hết, ngưng bắn và tập trung tại những vùng lớn rộng. Chu Ân Lai sẵn sàng thảo luận vùng tập trung nếu Pháp muốn, nhưng Mendès-France muốn bàn ở Genève. Vấn đề chính trị, sẽ do hai chính phủ Việt nam thảo luận. Pháp có thể tiếp tay vào những cuộc thương thuyết này. Mendes-France nói chiến tranh đã kéo dài hơn 8 năm, cần thời gian cho hai bên nguội lại (cool off). Chu Ân Lai im lặng, không đòi bầu cử sớm nữa. Mendès-France còn yêu cầu Chu Ân Lai can thiệp cho phe Việt Minh bớt cứng rắn hơn. Chu Ân Lai đồng ý.
Hôm sau, thứ năm, 24-6-1954, Mendès-France họp mật với Charles Guy la Chambre, Parodi, Chauvel và Ely. Rồi cho lệnh phái đoàn Pháp đề nghị chia đôi Việt nam ở vĩ tuyến 18.
Trước một sự việc đã rồi, ngày 24-6-1954 Dulles cho phái đoàn Genève biết vai trò của Mỹ sẽ rút còn “người quan sát.” (146)
Hai ngày sau, thứ bảy, 26-6-1954, đại sứ Pháp Henri Bonnet trao cho Dulles một văn thư tóm lược về diễn tiến Hội nghị Genève. Ngày 28-6-1954, trả lời văn thư ngày 26-6-1954 của Mendès-France - đặc biệt là yêu cầu Mỹ can thiệp để Diệm đừng phản ứng nông nổi về việc chia cắt đất nước.
Dulles nêu lên 7 điều kiện căn bản mà Mỹ và Anh đã đồng ý trong cuộc họp thượng đỉnh Eisenhower-Churchill từ ngày thứ sáu, 25-6 tới 29-6-1954 về việc ngưng bắn:
1. Duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của hai nước Miên, Lào; bảo đảm việc triệt thoái quân đội Việt Minh khỏi hai quốc gia này.
2. Duy trì ít nhất miền Nam Việt nam, và nếu có thể một “túi” (enclave) ở miền Bắc. Giới tuyến không thể nằm xa hơn phía Nam Đồng Hới, tức vĩ độ 17độ 5 (VN đòi vĩ tuyến 13; Pháp chỉ chịu cắt ngang vĩ tuyến 18, vì cần đường thông thương qua Lào, tức quốc lộ 9).
3. Không áp đặt lên Lào, Miên và phần còn lại của Việt nam bất cứ một giới hạn nào làm giảm tiềm năng duy trì những chế độ không cộng sản vững vàng; đặc biệt là những giới hạn làm giảm quyền duy trì các lực lượng thích ứng để giữ an ninh trong nước, quyền nhập cảng vũ khí và sử dụng cố vấn nước ngoài.
4. Không có những điều khoản chính trị khiến vùng đất còn lại của Việt nam có thể sẽ lọt vào tay cộng sản.
5. Không loại trừ viễn tượng thống nhất Việt nam bằng phương thức hoà bình. (VM đòi trong vòng 6 tháng; Pháp muốn 1 năm sau ngày rút quân)
6. Cung cấp những phương tiện di chuyển yên ổn và nhân đạo, dưới sự kiểm soát quốc tế, cho những người tự nguyện muốn rời vùng này qua vùng khác.
7. Cung cấp hệ thống kiểm soát quốc tế.
Ngày 30-6-1954, đại sứ Dillon mới trao được công điện này cho Mendès-France.
(còn tiếp)


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 06:51:41 pm
Thời gian này, Hội nghị Genève tạm ngưng họp cho các ngoại trưởng về nước tham khảo. Tình hình chiến sự tại Đông Dương cũng cực kỳ bất lợi cho Pháp.
Ngày 24-6-1954, tại miền Trung, trận An Khê nổ lớn. Binh đoàn cơ động GM 100 của Pháp bị tiêu diệt.
Tại miền Bắc, ngày thứ ba, 22-6-1954, Pháp triệt thoái các tỉnh Hà Nam, Bùi Chu, Phát Diệm và Nam Định về hướng Hải Phòng, giao cho quân đội Việt nam trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ. Ngày thứ năm, 24-6-1954, Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí - lúc đó đang vận động xin Mỹ viện trợ để bảo vệ Bắc Việt - mới báo cáo rằng Pháp triệt thoái miền Nam châu thổ. Hai ngày sau, thứ bảy, 26-6-1954, tướng Cogny gặp Trí, chính thức thông báo việc quân Pháp triệt thoái từ 4 ngày trước.
Cuộc triệt thoái này cũng khiến thủ tướng được chỉ định Ngô Đình Diệm như ngồi trên lửa bỏng. Hai vùng Bùi Chu, Phát Diệm là vùng đông giáo dân Ki-tô bậc nhất miền Bắc, và là một trong những thế tựa của Diệm khi đi xin viện trợ Mỹ từ năm 1950. Bởi thế, Diệm không ngớt yêu cầu Mỹ can thiệp. Nhưng những lời chỉ trích cay đắng của họ Ngô - như không quân Pháp oanh kích vào đoàn người di tản - chẳng thay đổi gì được tình thế.
Tại Genève, ngày 30-6-1954, Đại tá de Brebisson được tướng Ely giải thích rằng kế hoạch rút Nam Bắc Việt đã được hoạch định từ ngày 15-5-1954 và thuần có tính cách chiến lược, nhằm bảo vệ đạo quân viễn chinh Pháp. Đích thân Ely đã trao lệnh triệt thoái cho Navarre trong dịp qua Đông Dương.
Trong khi đó, nhân dịp hoà đàm ngưng họp, Chu Ân Lai chu du một số nước ở Á châu, như India và Burma, cổ võ chính sách sống chung hoà bình. Ngày thứ bảy, 3-7-1954, Chu Ân Lai mời Hồ Chí Minh qua Liễu Châu (Nam Ninh) để thảo luận cho tới ngày 5-7-1954. Võ Nguyên Giáp được tháp tùng. Chu Ân Lai thuyết phục Hồ Chí Minh nên chấp nhận chia đôi Việt nam ở khoảng vĩ tuyến 16; giải quyết vấn đề Miên và Lào riêng biệt - quân Pathet Lào sẽ tập trung ở vùng Sầm Nuea và Phong Saly; Miên có thể theo chế độ không cộng sản. Theo tài liệu Trung quốc, Hồ Chí Minh đồng ý.
Ngày Chủ nhật 5-7-1954, theo tư liệu Trung quốc, Bộ chính trị Đảng lao động Việt nam ra nghị quyết theo chiều hướng lời khuyên của Chu Ân Lai.
Năm ngày sau, thứ bảy, 10-7-1954, từ Bắc Kinh, Chu Ân Lai điện cho Việt Minh: “Phải có những điều kiện công bằng và hợp lý để chính phủ Pháp có thể nhận được, để đi đến hiệp định trong vòng 10 ngày, điều kiện đưa ra nên giản đơn, rõ ràng để dễ đi đến hiệp thương, không nên làm phức tạp lôi thôi để tránh thảo luận mất thì giờ, rườm rà, kéo dài đàm phán để cho Mỹ phá hoại”.
Ban chấp hành TW Đảng lao động Việt nam triệu tập Hội nghị thứ 6 từ ngày 15 tới 18-7-1954, để thảo luận về đòi hỏi của Chu Ân Lai. Trong Hội nghị này, Hồ Chí Minh chỉ trích cánh “tả khuynh” chống lại việc tạm thời chia cắt Việt nam, không biết đến mối nguy Mỹ sẽ can thiệp. Và, Ban CHTƯ ra nghị quyết chủ trương “tranh thủ và củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập” và tiếp tục cải cách ruộng đất.
Tại Genève, ngày 8-7-1954, đại diện quân sự Việt Minh đề nghị ranh giới ở phía Bắc Tuy Hoà 40 cây số; và hưu chiến 90 ngày cho Pháp di tản châu thổ sông Hồng. Đại tá de Brebisson không thuận và cũng không hẹn ngày gặp lại.
Ngày 8-7-1954 này, Chauvel ăn tối với Lý Khắc Nông (Li Konung) và Trương Văn Thiên (Zhang Wentian), cựu đại sứ ở Moscow. Có cả đại sứ Liên xô. Chauvel than phiền về thái độ cứng rắn của Việt Minh. Đại diện Trung quốc cho biết Chu Ân Lai đã nói chuyện (very good meeting) với Hồ Chí Minh và có kết quả tốt cho Pháp.
Ngày 9-7-1954, Chauvel gặp Molotov. Chauvel yêu cầu cho làm việc với phái đoàn quân sự Liên xô. Theo Chauvel, nếu chỉ nói chuyện với đại biểu Nga và Trung quốc, sẽ đạt được những điểm mà Mỹ và Anh đề ra. Thứ bảy, 10-7-1954, Molotov gặp Mendès-France. Ngày 11-7-1954, Mendès-France gặp Phạm Văn Đồng.
Hôm sau, 11-7-1954, Chu Ân Lai trở lại Genève.
Thời gian này, Pháp cũng không khỏi lo ngại về thái độ của Mỹ. Ngày 6-7-1954, đại sứ Dillon báo cáo về Bộ ngoại giao Mỹ là các ngoại trưởng sẽ trở lại ngày 12-7-1954, và Pháp yêu cầu Dulles hoặc Smith trở lại Genève. Ngày 7-7-1954, Dulles cho biết không đồng ý.
Cũng ngày 6-7-1954 này, Mendès-France nói với Dillon là ngày hôm sau, 7-7-1954, Mendès-France sẽ tuyên bố là nếu ngày 21-7-1954 chưa đạt được hoà ước, sẽ ra một dự luật gửi quân dịch (conscripts) qua Đông Dương. Mendès-France sẽ khiến dự luật trên được biểu quyết trước khi từ chức, và chuyến tàu chở quân dịch qua Đông Dương sẽ bắt đầu ngày 25-7-1954.
Dẫu vậy, ngày Chủ nhật, 11-7-1954, đại sứ Mỹ Dillon trao cho Pháp thư của ngoại trưởng Dulles gửi thư cho Mendès-France, thông báo mình hoặc Bedell Smith không thể trở lại Genève, và U. Alexis Johnson vẫn tiếp tục làm quyền trưởng đoàn.
Hôm sau, 12-7-1954, Molotov gặp Chu Ân Lai tại Genève, rồi gặp Mendès-France tại Berne. Chu Ân Lai đồng ý chia cắt Việt nam theo vĩ tuyến 17. Buổi tối 12-7-1954, Chu Ân Lai gặp Phạm Văn Đồng. Phạm Văn Đồng bằng lòng chia cắt, nhưng cương quyết chọn vĩ tuyến 16 (phía Nam Đà Nẵng). Trước đó Phạm Văn Đồng và Bửu chỉ thuận nhường đến vĩ tuyến 13, tức phía Bắc Phú Yên.
Ngày 13-7-1954, do Pháp yêu cầu, Dulles bay sang Paris gặp Mendès-France. Theo Mendès-France, cả Liên xô, Trung quốc và Việt Minh đều muốn ngưng chiến vì sợ Mỹ can thiệp vào Đông Dương. Thủ tướng Pháp yêu cầu Dulles có mặt ở Paris; và tiết lộ Pháp chỉ thuận cắt đất tới vĩ tuyến 18. Bởi thế, ngày 14-7-1954, Dulles đồng ý gửi tướng Smith trở lại Genève. Hôm sau, 15-7-1954, Dulles báo cáo trước Hội đồng an ninh quốc gia rằng Mendès-France hứa sẽ cho Việt nam độc lập nhiều hơn Laniel. Nếu Hội nghị Genève thất bại, sẽ gửi hai Sư đoàn qua Đông Dương.
Thứ bảy, 17-7-1954, Chu Ân Lai tuyên bố ở Genève rằng hạn định tổng tuyển cử sẽ do Pháp và Việt Minh bàn định trực tiếp. Ngày thứ hai, 19-7-1954, Vương Bính Nam nói với Đại tá Guillermarz tại Genève là có thể Tổng tuyển cử vào năm 1956.
Chủ nhật, 18-7-1954, Chu Ân Lai nói với Eden là đồng ý cho India, Canada và Poland trong Ủy ban kiểm soát đình chiến. Nhưng Hoàng Hoa, phát ngôn viên phái đoàn Trung quốc, tuyên bố với AP: “Vấn đề căn bản là không hiểu các nước Tây phương có đồng ý vấn đề trung lập hoá Đông Dương hay chăng”. Hoàng Hoa cũng hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng những Hiệp ước sẽ được ký kết.
Buổi trưa thứ ba, 20-7-1954, khi ăn cơm với Mendès-France, Chu Ân Lai bỏ điều kiện trung lập hoá Đông Dương. Chiều thứ ba, 20-7-1954, họp mật tại villa Le Bocage, tư dinh của Molotov. Tham dự có Mendès-France, Chu Ân Lai, Anthony Eden và Phạm Văn Đồng. Molotov quyết định vĩ tuyến 17 (Việt Minh đòi vĩ tuyến 16, Pháp đòi vĩ tuyến 18). Molotov cũng quyết định tổng tuyển cử trong vòng 2 năm (Việt Minh đòi 6 tháng)
Thứ tư, 21-7-1954, Hiệp ước Genève được ký kết. Căn bản là hiệp định quân sự ký giữa Tạ Quang Bửu và Delteil. Việt nam chia làm 2 vùng tập trung; ranh giới là vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải hay Cửa Tùng). Một khu phi quân sự, rộng không quá 5 cây số dài theo hai bên bờ sông Bến Hải, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 14-8-1954.
Hai bên chính thức ngừng bắn ngày 27-7-1954 ở Bắc, 1-8-1954 ở Trung, Lào ngày 6-8-1954, Miên ngày 7-8-1954 và Nam bộ ngày 11-8-1954.
Hết



Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 09:33:17 pm
Một số hình ảnh về Hội nghị Geneve 1954 về hoà bình ở Đông Dương

(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/image003.jpg)
Chu Ân Lai đón đoàn Việt nam tới sân bay Genève ngày 4/5/1954 (Phạm Văn Đồng – người mắc áo măng tô sáng, bên trái).


(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/U1056284.jpg)


(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/image005.jpg)
Genève ngước nhìn Trung Quốc bước vào chính trường quốc tế

(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/image004.jpg)

Chu Ân Lai cùng Phạm Văn Đồng tiếp ngoại trưởng Vương quốc Lào & Vương quốc Campuchia tối 21/6/1954.


(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/image002.jpg)
Bốn thủ trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại rừng Việt Bắc - Trái qua phải - Mai Gia Sinh - Đặng Dật Hoàng - La Quý Ba-Vi Quốc Thanh



Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 09:37:03 pm
(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/BE030954.jpg)


(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/BE030955.jpg)
Toàn cảnh phiên khai mạc hội nghị Geneve bàn về hoà bình Đông Dương

(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/TaQuangBuuky.jpg)


(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/U1056191.jpg)


(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/U1056616.jpg)


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ngao5 trong 23 Tháng Mười Một, 2008, 09:41:16 pm
(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/U1062497.jpg)

(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/U1062565.jpg)

(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/U1062875.jpg)

(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/U1062944.jpg)

(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/U1260131INP.jpg)

(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/U1067907.jpg)

(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/U1067908.jpg)

(http://i532.photobucket.com/albums/ee328/ngao5/U1260132INP.jpg)


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: ChimViet trong 09 Tháng Giêng, 2009, 04:02:07 pm
Câu hỏi này hay quá, nhưng cũng khá phức tạp.
Tôi nghĩ, Việt Minh có khả năng, với điều kiện Mỹ không vào, và thời gian thì không rõ mấy năm nữa. Riêng miền Nam, thì về quân sự, ta có khả năng giải quyết khá nhanh. (Cánh 325 đang xuống CPChia rồi, tí nữa là vòng vào Nam Bộ. Dân thì là của ta hầu hết.)
Về chuyện Mỹ không vào : Không thể. Vì Việt Minh lúc ấy đánh cả Pháp và Mỹ, chư có phải đánh Pháp không đâu. Nêu ko có 80-90% chiến phí của ông Mẽo, thì ông Tây tiêu rồi, ko cần chờ đến Điện Biên Phủ. Cuối ĐBP, Mỹ còn định quăng bom A xuống co mà.
Cụ Hồ, ngay sau ĐBP, nhắc ngay ông Giáp, ông Tố Hữu, ông Hoàng Tùng... = Các chú nhớ : ta còn phải đánh Mỹ.
Ông Ba Duẩn, trước khi ra Bắc, cũng cho rằng ta theo TQ, mất miền Nam. Nhưng khi ra đến nơi, mới thấy khó: Miền Bắc kiệt sức, không thể tiếp tục đà tấn công nữa, chưa kể các yếu tố bên ngoài.
TQ (ngại kịch bản Triều Tiên), LX (muốn hòa hoãn và ko coi trọng địa bàn này) có ép ta, nhưng chỉ ép về điểm chia cắt thôi, chứ cái chính là do ta, ta cũng thấy không thể giải quyết ngay được.
 


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: _new trong 09 Tháng Giêng, 2009, 04:23:00 pm
Em thấy là không thể. Năm 54, mọi thứ đều tốt, chỉ thiếu ... vũ khí. Cứ làm một cái so sánh: ta có 24 khẩu pháo 105mm, trăm khẩu sơn pháo 75mm, vài trăm khẩu DKZ, xe tăng 3 cái (:D), máy bay 1 cái, tàu chiến không cái. Pháp có vài trăm khẩu pháo to, vài trăm máy bay, vài trăm xe tăng - bọc thép , vài trăm tàu chiến, vài trăm lô cốt bự chưa dùng đến, lính quen thuộc địa hình.
Duy trì thế chủ động thì được, nhưng để đo ván quân Pháp trong năm 54 và vài năm sau đó thì thật sự là không thể.


Tiêu đề: Re: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Minh có thể giải phóng toàn bộ VN?
Gửi bởi: lonesome trong 10 Tháng Giêng, 2009, 12:34:42 am
- http://www10.ttvnol.com/forum/gdqp/978286.ttvn : nơi bác nguyentin1 phan tích khá kỹ chuyện ai cũng biết về vai trò của TQ tại họi nghị G 1954 và blah blah thứ.
- Mờ các bác xem bài chú Sẹp viết cách đây mấy năm:

Khụ, sao lắm bác thic xét lại lịch sử thế nhỉ, cứ đặt giả thiết "nếu ... thì" như các bác thì có mà tán đến gà gáy. Sao các bác ko nghĩ đơn giản nó là số giời định cho cái nước VN này. Các bác thử nghĩ xem làm gì có ông lãnh tụ nào ngu đâu, Mẽo, Pháp, Tàu hay VN cũng thế, ông nào chả muốn cho nước mình giàu mạnh, dân mình no ấm, phe mình nhiều lợi lộc. Số giời đã định họ trở thành lãnh tụ 1 nước tức là họ có quyền đem con em nước họ đi nướng, bản thân họ thông minh hơn phần lớn dân nước họ và cũng được phần lớn dân nước họ ủng hộ, vì vậy họ có làm gì cũng là việc nó phải thế, mình là cái deck gì mà đòi đánh giá sai lầm mí lị công tội này nọ. Em chỉ xin phân tic 1 đoạn lịch sử "chuyện nó phải thế" quanh cái thời điểm hiệp định Geneva này thôi nhé:

01. Tổng thể: Các bác đều biết cái Hiệp định này ko chỉ dành riêng cho VN mà dành cho tất tần tật các cuộc tranh chấp giữa 2 phe XHCH và TBCH lúc đó. 2 phe này lúc đó mạnh ngang nhau và đều đã kiệt quệ sau WW2, nói chung là hết muốn đánh nhau rồi, cho nên giải pháp duy nhất khả dĩ lúc đó là cưa đôi, các cuộc tranh chấp nào mà ko phân định được thắng thua rõ ràng mà chả thế. Chuyện nó phải thế làm quái gì có cách khác.

02. Việt Minh: Vừa thắng ĐBP xong, vâng rất oai, nhưng hết khả năng đánh nhau to tiếp rồi các bác ạ. Đạn pháo hết nhẵn, lương thực hết nhẵn, máy bay xe tăng vốn xưa nay chưa hề có, thương vong hơn 10.000 mạng nhưng bù lại cũng có hơn 10.000 tù binh phải nuôi. Vùng giải phóng vẫn là đám rừng núi như cũ chẳng mở rộng thêm được mét vuông nào. Lúc đó tự dưng được nửa nước có đồng bằng cảng biển đàng hoàng thì ngu gì ko ký, đã vậy còn thấy tương lai sán lạn 2 năm nữa tổng tuyển cử thì mình thắng chắc. Các bác thử đề đạt cách nào khác hay ho hơn xem? Đánh nhau tiếp 9 năm nữa chăng?

03. Pháp: vẫn còn là 1 đống đổ nát sau WW2, định làm quả quyết định để răn dậy thằng thuộc địa cứng đầu, kết quả là nướng sạch sẽ 16.000 quân tinh nhuệ nhất. Đánh tiếp thì thua chắc rồi, thủ tiếp thì chẳng chóng thì chầy cũng thua. Thôi thì ký cái hiệp định được rút lui trong danh dự, ko phải ngửa tay xin tiền Mẽo và nướng người mình đánh nhau tiếp thì tội gì ko ký? Quan trọng nhất là mấy cái đồn điền thẳng cánh cò bay ở miền Nam vẫn giữ được, các khế ước người VN nợ người Pháp vẫn có hiệu lực, dù sau này chính phủ VN nào lên cũng phải tôn trọng, thế là tốt rồi. Mấy cái mỏ ở miền Bắc lại ở vùng rừng núi VM kiểm soát nên bỏ hoang từ lâu, vứt ko tiếc.

04. Tầu: Giúp VM oánh Pháp nữa chăng? Giúp thế chứ còn giúp gì hơn được nữa? Trận ĐBP có tay chỉ huy VM còn xin trả lại pháo vì nhiều quá ko biết dùng làm gì cơ mà? Chẳng nhẽ lại cho Chí Nguyện Quân qua giúp? Hị hị Chí Nguyện Quân mà thò đầu vào ko chừng kẻ phải đánh đầu tiên là VM chứ chưa chắc đã là Pháp! Thôi bọn Pháp nó đã chấp nhận ký rồi thì mình ký luôn, dù sao cũng có 1 nước phên dậu cho mình, vĩ tuyến 13 hay 18 mà chả thế, nước nó chứ có phải nước mình đâu mà lo.

05. Nga: Vĩ tuyến 16 ở đâu í nhỉ? còn 17 thì ở đâu? Đúng là bọn tép riu nhỏ mọn, tranh chấp tí ti một, chỉ 1 góc rừng taiga của ông cũng to bằng mấy cả nước nhà chúng mày. Ai hơi đâu mà quan tâm đến 1 nước ở xa tít mù khơi thế, thằng Triêu Tiên giáp giới ông hẳn hoi mà ông còn chỉ cho ít máy bay sang giúp nữa là. Thôi tụi bay cứ đàm phán xong đi rồi ông ký, vĩ tuyến quái nào chả được, dù sao cũng thêm được 1 nước về phe CS của ông, thế là tốt rồi.

Đấy, từng thằng tham gia Hiệp định thì như thế, Bảo Đại chỉ là 1 ông làm công cho Pháp, Diệm chưa xuất hiện, Mẽo ko ký nên ko bàn nhiều. Cái Hiệp định này sinh ra là chuyện đương nhiên, bên nào cũng thấy ổn cả thì nó được ký thôi có gì mà lăn tăn. Chuyện sau này nó để lại hệ luỵ gì thì sẽ bàn vào dịp khác, nhưng cơ bản cũng toàn những "chuyện nó phải thế" thôi. Hẹn gặp lại các bác.

Chào thân ái và quyết thắng!

Gửi lúc 11:15, 14/09/06

http://www10.ttvnol.com/forum/f_533/811624.ttvn


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 05 Tháng Tám, 2010, 12:39:01 am
Theo tôi nghĩ Hiệp định Giơ ne vơ có một điểm đó là vai trò không thể chối cãi được của Trung quốc bởi các lý do sau đây:

1. Chiến thắng Điện Biên Phủ tuy là một chiến thắng rất lớn, nhưng chưa phải là chiến thắng hoàn toàn đến mức để Pháp phải đầu hàng vô điều kiện; phía Việt Minh mới chỉ kiểm soát được vùng rừng núi, còn đồng bằng và đô thị vẫn nằm trong tay quân Pháp. Đó là trục Hà Nội - Hải Phòng và có thể là đường 18 ở Bắc Bộ, Tua răng, Faifo ở Nam Trung Bộ và các thành phố thị xã ở Nam Bộ. Đơn cử như dải đồng bằng từ Đồng Hới-Quảng Bình vào đến Huế do phía Việt Minh không đủ sức để uy hiệp mạnh nên phía Pháp không rút quân.  Vào thời điểm sau Điện Biên Phủ, Việt Minh có lợi thế lớn, nhưng chưa đủ sức tiến tới một thắng lợi trọn vẹn, nếu Pháp co cụm lại những địa điểm quan trọng ở đồng bằng, khả năng Việt Minh không giải quyết được là rất hiện hữu. Và đầu tháng 7, Chu Ân Lai từ Giơ ne vơ trở về Trung Quốc, đề nghị gặp Hồ Chí Minh ở Liễu Châu. Chu nói tình hình quốc tế hiện nay yêu cầu có hoà bình, việc phân chia ranh giới tạm thời nên châm chước  một chừng nào để tranh thủ cơ sở pháp lý cho một cuộc tổng tuyển cử hoà bình thống nhất hai miền Nam, Bắc Việt Nam trong hai năm. Chu thấy có khả năng lập một mặt trận liên minh với Pháp để đẩy lùi sự can thiệp của Mỹ vào bán đảo Đông Dương. Cuối cùng, Chu nói: trước đây Plêven khăng khăng đòi lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới tạm thời, nhưng trước sự đấu tranh kiên quyết của Trung quốc, Măngđét Frăng và Anh, Mỹ đã đồng ý rút xuống vĩ tuyến 17

Tôi sẽ thu thập thêm tài liệu hầu các bác tiếp.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: lonesome trong 05 Tháng Tám, 2010, 12:12:39 pm
Theo tôi nghĩ Hiệp định Giơ ne vơ có một điểm đó là vai trò không thể chối cãi được của Trung quốc bởi các lý do sau đây:

1. Chiến thắng Điện Biên Phủ tuy là một chiến thắng rất lớn, nhưng chưa phải là chiến thắng hoàn toàn đến mức để Pháp phải đầu hàng vô điều kiện; phía Việt Minh mới chỉ kiểm soát được vùng rừng núi, còn đồng bằng và đô thị vẫn nằm trong tay quân Pháp. Đó là trục Hà Nội - Hải Phòng và có thể là đường 18 ở Bắc Bộ, Tua răng, Faifo ở Nam Trung Bộ và các thành phố thị xã ở Nam Bộ. Đơn cử như dải đồng bằng từ Đồng Hới-Quảng Bình vào đến Huế do phía Việt Minh không đủ sức để uy hiệp mạnh nên phía Pháp không rút quân.  Vào thời điểm sau Điện Biên Phủ, Việt Minh có lợi thế lớn, nhưng chưa đủ sức tiến tới một thắng lợi trọn vẹn, nếu Pháp co cụm lại những địa điểm quan trọng ở đồng bằng, khả năng Việt Minh không giải quyết được là rất hiện hữu. Và đầu tháng 7, Chu Ân Lai từ Giơ ne vơ trở về Trung Quốc, đề nghị gặp Hồ Chí Minh ở Liễu Châu. Chu nói tình hình quốc tế hiện nay yêu cầu có hoà bình, việc phân chia ranh giới tạm thời nên châm chước  một chừng nào để tranh thủ cơ sở pháp lý cho một cuộc tổng tuyển cử hoà bình thống nhất hai miền Nam, Bắc Việt Nam trong hai năm. Chu thấy có khả năng lập một mặt trận liên minh với Pháp để đẩy lùi sự can thiệp của Mỹ vào bán đảo Đông Dương. Cuối cùng, Chu nói: trước đây Plêven khăng khăng đòi lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới tạm thời, nhưng trước sự đấu tranh kiên quyết của Trung quốc, Măngđét Frăng và Anh, Mỹ đã đồng ý rút xuống vĩ tuyến 17

Tôi sẽ thu thập thêm tài liệu hầu các bác tiếp.


hmmmm ..... còn tin gì mới nữa không hả bác Tín?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 05 Tháng Tám, 2010, 12:29:42 pm
Chào bác tín chau thuộc lứa 8x nghe danh tiêng của bác đã lâu nay mới được gặp quả là vinh hạnh! Bác xem có cái gì mới hơi bài cùa bác vừa đăng không, nó cũ qua rồi với cả cháu cũng muốn hỏi là bác chứng minh hộ cho tại sao sau Điện Biên Phủ Pháp lại không thua. Trong khi lúc đó Việt Minh đang nắm lợi thế lớn về quân số cũng như tinh thần. Cuối cùng là nhắc bác dùng tên địa danh bây giờ để chỉ các thành phố như Đà Nẵng và Huế ... Kính bác


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 05 Tháng Tám, 2010, 12:31:44 pm
Tôi xin tiếp tục một vài thông tin để hầu các bác:

- Cho tới hết năm 1950, Việt Minh đã tiếp nhận của Trung quốc 1.020 tấn vũ khí đạn dược, 180 tấn quân trang, quân dụng, 2.634 tấn gạo, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 2.634 tấn gạo, 30 ô tô, 120 tấn xăng dầu và phụ tùng ô tô. Viện trợ của Trung quốc là nguồn cung cấp quan trọng và hiệu quả của chiến dịch Điện Biên Phủ.
- Tại Hội nghị vì lo ngại Việt Minh sẽ hoàn toàn kiểm soát Đông Dương, nên Trung quốc đã không còn là "đồng minh môi hở răng lạnh" với Hồ Chí Minh nữa. Theo một số nguồn tin tôi tổng hợp được thì ngày 18-5-1954, mười ngày sau khi Hội nghị khai mạc, một phụ tá của Châu Ân Lai nói thẳng với một thành viên của phái đoàn Pháp: "Chúng tôi tới Hội nghị để tái lập hòa bình chớ không phải để hỗ trợ Viêt Minh".
- Pháp từ vị trí đang rối như tơ vò khi vùng chiếm đóng xen kẽ theo kiểu da beo với các vùng giải phóng của VN, thì sau hiệp định, đã đuổi được toàn bộ lực lượng Việt Minh ra khỏi Nam Kỳ, Trung Kỳ, Cam-bốt, và Lào. Đặc biệt Nam Kỳ chính là cỗ máy kinh tế thuộc địa béo bỡ mà Pháp đã cố tình chiếm lấy ngay từ những ngày đầu xâm lược VN vào thế kỷ 19.
- Trung quốc bước lên vị trí là một thế lực chính trị mạnh trong vùng mà bất kỳ quốc gia phương Tây nào cũng phải đối thoại để có thể giải quyết các vấn đề trong vùng. Nhờ vào hiệp định Geneve, vai trò của Trung quốc được nâng lên hàng quốc tế. Việc chia cắt 2 miền cũng làm cho chế độ VNDCCH trong tương lai sẽ yếu đi về kinh tế và phải lệ thuộc vào Trung Hoa để trở thành phên giậu của Trung Hoa khi cần phòng thủ, khi cần Nam tiến xuống eo biển Mã lai trong tương lai.
- Việt Minh đạt phần nào an ủi. Chính quyền VNDCCH trông vào những viện trợ kinh tế trong tương lai từ Tàu để xây dựng CNXH trên miền Bắc. Kết quả đạt được qua đàm phán này là tích cực, vì từ trước tới giờ, chủ lực Việt Minh chỉ dám đánh Pháp tại Thượng Du, đánh lén tại Trung Du, và phần lớn các trận thua ở đồng bằng sông Hồng. Do đó, có được Hà Nội, Hải Phòng mà không phải đánh nhau thì cũng là khích lệ rất lớn.
- Trong 9 năm chống Pháp, Nga Sô và các nước Đông Âu đã không trực tiếp viện trợ nhân vật lực cho Việt Minh. Mọi sự hỗ trợ đều thông qua Trung quốc và chỉ bắt đầu từ cuối 1949 - đầu 1950. Cụ thể: Năm 1953: 144 pháo cao xạ 37 mm và 144.000 viên đạn; 72 pháo cao xạ 76 mm và 50.400 viên đạn; 200 súng liên thanh DSK 12,7 mm và 2.000.000 viên đạn; 5 tấn thuốc ký ninh chữa sốt rét. Số vũ khí này được chuyển cho Việt Minh qua đường Trung quốc.

Trong thời gian tới tôi sẽ cố gắng thu thập thêm tài liệu khẳng định vai trò của Trung quốc trong Hiệp định Jơ ne vơ. Các thông tin và tài liệu có thể bị trùng, mong các bác thông cảm.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 05 Tháng Tám, 2010, 12:38:20 pm
Chào bác tín chau thuộc lứa 8x nghe danh tiêng của bác đã lâu nay mới được gặp quả là vinh hạnh! Bác xem có cái gì mới hơi bài cùa bác vừa đăng không, nó cũ qua rồi với cả cháu cũng muốn hỏi là bác chứng minh hộ cho tại sao sau Điện Biên Phủ Pháp lại không thua. Trong khi lúc đó Việt Minh đang nắm lợi thế lớn về quân số cũng như tinh thần. Cuối cùng là nhắc bác dùng tên địa danh bây giờ để chỉ các thành phố như Đà Nẵng và Huế ... Kính bác
Chào bác! Theo tôi được biết sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nếu không phải do sức ép dư luận trong nước thì Pháp mặc dù co cụm nhưng hoàn toàn có khả năng duy trì sự kiểm soát ở các vùng đồng bằng và thành phố lớn. Phía Việt Minh, dù thắng lợi nhưng theo tôi, thực lực của họ không cho phép mở các chiến dịch lớn nhằm vào các thành phố quan trọng do thiếu trang bị cũng như kinh nghiệm tác chiến. Còn vai trò của Trung cộng ở hội nghị Jo ne vơ tôi sẽ chứng minh dần dần qua các tài liệu sau đây. Vai trò của Trung cộng đối với VNDCCH sau này còn lớn hơn nhiều nữa.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: Emchã trong 05 Tháng Tám, 2010, 12:46:30 pm
Chào @nguyentin,
@Nguyentin nên gọi đúng tên danh xưng các bên liên quan trong cuộc chiến, nhất là trong lúc @nguyentin đang chứng minh các quan điểm...


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 05 Tháng Tám, 2010, 01:21:21 pm

[/quote]
Chào bác! Theo tôi được biết sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nếu không phải do sức ép dư luận trong nước thì Pháp mặc dù co cụm nhưng hoàn toàn có khả năng duy trì sự kiểm soát ở các vùng đồng bằng và thành phố lớn. Phía Việt Minh, dù thắng lợi nhưng theo tôi, thực lực của họ không cho phép mở các chiến dịch lớn nhằm vào các thành phố quan trọng do thiếu trang bị cũng như kinh nghiệm tác chiến. Còn vai trò của Trung cộng ở hội nghị Jo ne vơ tôi sẽ chứng minh dần dần qua các tài liệu sau đây. Vai trò của Trung cộng đối với VNDCCH sau này còn lớn hơn nhiều nữa.

[/quote]
Về phía Pháp bước vào đông xuân 1953 - 1954, quân viễn chinh Pháp ỏ chiến trường Đông Dương bao gôm 55 tiểu đoàn. Đóng trên toàn Đông Dương khi xây dựng Điện Biên Phủ thành điểm quyết chiến thì Pháp đã tung lên đây 16 200 quân và số quân nay coi như bị loại hoàn toàn khỏi vòng chiến đấu. Ngoài ra Pháp còn có quân đồn trú tại các tập đoàn cứ điểm ỏ Bắc Lào, Nam Lào , Tây Nguyên , Đông Bắc Campuachia, Đông Nam Bộ và Trung Trung Bộ vậy thì Pháp sẽ có bao nhiêu quân cơ động để phòng thủ Đồng Bằng Bắc Bộ hả cụ. Thêm nữa thời điểm 1954 Pháp rơi vào tình cảnh kiệt quệ về ngân sách xã hội đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Quân Pháp ở Đông Dương tình thần chiến đấu xuống rất thấp khi vừa trải qua 2 thất bại lớn tại DBP và Tây Nguyên trong tháng 5 và tháng 6 năm 1954. Về phía VNDCCH lúc đó tập trung tại khu vực căn cứ địa 7 sư đoàn chủ lưc + dân quân du kích số quân nay đông hơn số quân Pháp đang phòng thủ tại đồng bằng , với tinh thần lên cao sau thắng lợi Điện Biên Phủ + cộng với kinh nghiệp tác chiến trên vùng bằng phẳng vừa trải qua tai ĐBP thì giả sử hiệp định jonever chưa được kí kết chiến tranh vẫn tiếp tục thì nguy cơ Pháp mất Đồng bằng Bắc Bộ là chắc chắn. Về các khoản viện trợ của Trung Quốc thì cụ nên tìm hiệu kĩ trước khi phát biểu nhé, nó nằm trong gói viện trợ của LX cho VNDCCH thông qua việc lấy tù trang bị của Trung Quốc rồi LX sẽ cấp bổ sung cho TQ con số tương ứng 
 


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: lonesome trong 05 Tháng Tám, 2010, 01:29:20 pm
Vẫn chưa thấy giọng điệu quen thuộc của bác Tín ...


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: haanh trong 05 Tháng Tám, 2010, 06:06:40 pm
hehe em thấy bác nguyentin này có vẻ đề cao công sức của các bạn TQ quá  ;D Nói như bác người đọc sẽ hiểu nếu không có TQ chắc cuộc KCCP không thể nào thắng lợi được  ;D


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: lonesome trong 05 Tháng Tám, 2010, 06:17:52 pm
hehe em thấy bác nguyentin này có vẻ đề cao công sức của các bạn TQ quá  ;D Nói như bác người đọc sẽ hiểu nếu không có TQ chắc cuộc KCCP không thể nào thắng lợi được  ;D

Bác cẩn thận coi chừng dính chưởng của cụ Tín. Em là em vẫn chờ xem cụ Tín có tin gì chưa bạch hóa không.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: huyphongssi trong 05 Tháng Tám, 2010, 06:45:51 pm
Pháp giữ các thành phố miền Bắc từ Hà Nội ra hướng biển sau khi bại trận trong chiến dịch Castor ở Điện Biên Phủ cũng chẳng khác nào đạo quân Minh do Vương Thông chỉ huy chốt giữ Đông Quan và các thành trì lên hướng Bắc khi bị Lê Lợi bao vây. Cái thế nó thế thời phải thế. Cụ Hồ và Cách mạng đã lập lại bài học lịch sử giành toàn thắng đuổi địch khỏi đất nước mà không mất thêm một mũi tên và không làm chúng bẽ mặt mưu phục thù về sau. Anh giai nguyentin có hiểu điều đó không?

Quân trừ bị, tiếp viện để cơ động bị tiêu diệt thì tướng có "nhân" nên biết hòa hay hàng để cứu binh lính. Đạo này mãi sau thống tướng ngụy Dương Văn Minh mới ngộ ra chỉ khi chiến xa đã húc đổ cổng Phủ đầu rồng!


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: panphilov trong 05 Tháng Tám, 2010, 06:52:48 pm
Các bác phải để bác nguyentin trình bày hết vấn đề (luận điểm, dẫn chứng) đã rồi chúng ta hãy thảo luận. Chứ cứ như thế này sẽ gây ngắt quãng vấn đề, rất khó theo dõi.

Thưa bác nguyentin, bác cứ tiếp tục trình bầy những luận điểm của mình. Khi nào hết bác hãy trả lời câu hỏi của mọi người. Nhưng chỉ xin bác bổ sung dẫn chứng, nguồn tham khảo... Trong các luận điểm bác đưa ra hoàn toàn không có dẫn chứng, hoặc nếu có thì mới chỉ dừng lại ở mức "theo các nguồn tin tổng hợp" mà không rõ tổng hợp từ những nguồn tin nào, có đáng tin cậy hay không.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: canaris trong 05 Tháng Tám, 2010, 08:32:33 pm
"Chúng tôi tới Hội nghị để tái lập hòa bình chớ không phải để hỗ trợ Viêt Minh".
=> Theo tin tình báo, một trong các nguồn mà bác tín tổng hợp có thể là từ bác Francois Joyaux - tác giả quyển sách "Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (Giơ-ne-vơ 1954)" xuất bản năm 1979 ở Pháp và được in ở Việt Nam năm 1981.

Quyển sách này được nhà xuất bản Thông tin Lý luận cho xuất bản năm 1981 nhưng nó có hai phiên bản khác nhau thì phải. Một phiên bản 650 trang xuất bản năm 1981, bị cộp cái dấu "Tài liệu nội bộ không phổ biến rộng" ở bìa lót và một dòng chữ nghiêng ở trang cuối sách: "Đề nghị chỉ lưu hành tài liệu này trong bộ phận nghiên cứu lý luận chính trị của cơ quan". Phiên bản kia thì mỏng hơn, em cũng không nhớ xuất bản năm nào và có các dòng nhắc nhở kia không nữa.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 05 Tháng Tám, 2010, 08:40:41 pm
Xin được tiếp tục hầu các bác:
- Những nước ký vào bản hiệp định là Pháp, Anh, Lào, Căm Bốt và Việt Minh. Hoa Kỳ vì không đồng ý nên đã không ký.
Xin thêm là khi hiệp định vừa được ký kế không bao lâu sau, Hoa Kỳ thành lập Mặt Trận Liên Minh Á Châu Chống Cộng gồm có Anh, Pháp, Úc, Tân Tây Lan, Thái Lan, Pakistan và Phi Luật Tân - với cam kết bảo vệ cả Lào, Căm Bốt và Nam Việt Nam.
- Theo tài liệu tôi đọc được thì
-- ban đầu, ông Phạm Văn Đồng, đại diện cho Việt Minh muốn đặt lằn ranh dọc theo QL 19 - Tuy Hòa-Pleiku giữa vĩ tuyến 13 và 14; yêu sách tối đa vĩ tuyến 15 và tối thiểu 16.
-- ngày 26/6/54, Pháp đề nghị lằn ranh đặt tại vĩ tuyến 18.
-- ngày 17/7/54, phía Việt Minh xin đặt lằn ranh tại cây số 1.000 từ ranh giới Tàu - thôi tôi nhẩm tính thì khoảng chừng cắt ngang Đà Nẵng. Pháp đề nghị vĩ tuyến 17.
-- ngày 20/7/54, Pháp đề nghị lằn ranh dọc theo QL 9 khoảng ví tuyến 18. Và khi Mendès -France giáp mặt Phạm Văn Đồng, đưa ra vị tuyến 17 làm lằn ranh thì Phạm Văn Đồng không trả lời.
- Hiệp định phân biệt hai giai đoạn: quân sự (tách rời lính Việt Minh và lính liên hiệp Pháp) và chính trị (dân Việt chọn chính thể cai trị: cộng sản hay quốc gia ). Việt Minh, vì yếu về mặt pháp lý, nên phải chấp nhận phân chia đất nước trong khi chờ đợi tổ chức bầu cử hai năm sau
- Điều khoản 14 ấn định việc hành sử các cơ quan hành chính trong mổi vùng tập trung quân lính được giao cho phe của quân lính đó tức là phân đinh việc chia cắt Việt Nam thành 2 thành phần chính trị là Cộng sản Việt Nam và Quốc gia. Tức là tại vùng tập trung lính Việt Minh phía bắc vĩ tuyến 17 thì phần hành chính giao CSVN, và tại vùng tập trung lính liên hiệp Pháp thì giao cho QG - Pháp lúc đó không còn có chính phủ tại Việt Nam.
Vê vấn đề này Pháp lúc đó không còn có chính phủ tại Việt Nam: năm 1950, khi gia đình tôi mới từ Thượng Hải về đến Hà Nội, thì guồng máy chính phủ Việt Nam đã sinh hoạt với ba thủ hiến Việt Nam chu toàn phần vụ hành chính tại Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt làm việc dưới quyền một thủ tướng VN Trần Văn Tâm và quốc trưởng Bảo Đại. Năm đó ông cụ tôi giữ chức giám đốc công an bắc việt đã có quyền cấp giấy thông hành. Sự kiện này chứng tỏ là chính phủ VN đã thay thế chính phủ Pháp trong việc điều hành dịch vụ hành chính.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: macbupda trong 05 Tháng Tám, 2010, 09:10:55 pm
- Hiệp định phân biệt hai giai đoạn: quân sự (tách rời lính Việt Minh và lính liên hiệp Pháp) và chính trị (dân Việt chọn chính thể cai trị: cộng sản hay quốc gia ). Việt Minh, vì yếu về mặt pháp lý, nên phải chấp nhận phân chia đất nước trong khi chờ đợi tổ chức bầu cử hai năm sau


Xin hỏi bác nguyentin, bác cho rằng thế nào là "yếu về mặt pháp lý"? Các lý lẽ ta đưa ra có gì là sai trái chăng? Vi phạm những điêu khoản nào mà ta từng thừa nhận chăng? Hay là ta không hiểu biết, thiếu kiến thức để đàm phán?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 05 Tháng Tám, 2010, 09:37:20 pm
- Hiệp định phân biệt hai giai đoạn: quân sự (tách rời lính Việt Minh và lính liên hiệp Pháp) và chính trị (dân Việt chọn chính thể cai trị: cộng sản hay quốc gia ). Việt Minh, vì yếu về mặt pháp lý, nên phải chấp nhận phân chia đất nước trong khi chờ đợi tổ chức bầu cử hai năm sau


Xin hỏi bác nguyentin, bác cho rằng thế nào là "yếu về mặt pháp lý"? Các lý lẽ ta đưa ra có gì là sai trái chăng? Vi phạm những điêu khoản nào mà ta từng thừa nhận chăng? Hay là ta không hiểu biết, thiếu kiến thức để đàm phán?
[/quote]
xin trả lời bác:Vấn đề ở đây là các thành viên ký hiệp định Geneva nhìn nhận có hai quân đội - VM và liên hiệp Pháp - và có hai chính phủ - VM và quốc trưởng Bảo Đại (chứ không có chính phủ Pháp).
Sau khi ký hiệp định Geneva thì quốc trưởng Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm về chấp chính và chính phủ thủ tướng Diệm đã hưởng được một guồng máy hành chính khá hoàn chỉnh và tuy chưa nắm được quân đội cách trọn vẹn, nhưng quân đội cũng đả tách ra khỏi quyền chỉ huy của Pháp, dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng Nguyển Văn Hinh.
Tôi thảo luận dựa trên văn bản FINALIZED- Điều khoản 14, đoạn (a)viết: Trong khi chờ đợi cuộc Tổng Tuyển Cử để Thống Nhất Việt Nam, quyền hành chánh dân sự trong mỗi vùng rút quân nằm trong tay cac phe có quân đội rút quân (nghĩa là Pháp và Việt Minh) theo tinh thần của bản Thỏa Hiệp.
( [Article 14, Paragraph (a)] Pending the general elections which will bring about the Unification of Vietnam, the conduct of civil administration in each regrouping zone shall be in the hands of the party whose forces are to be regrouped there in virtue of the present Agreement).
bác nên tìm hiểu thêm những buổi họp tiền hội nghị giữa Chu Ân Lai-Phạm Văn Đồng, Chu Ân Lai-Eden, Chu Ân Lai-Bidault, Chu Ân Lai-Mendès France để hiểu hiệp định Geneva.
Mục đích tiên khởi của việc thiết lập Hòa Đàm Geneva không phải là để giải quyết tranh chấp tại Việt Nam, mà là tại Triều Tiên, rồi lan rộng qua Đông Dương gồm Viêt-Miên-Lào tới Thái Lan và Miến Điện, giữa hai khối Cộng Sản - gồm Trung Cộng và Liên Sô - và Tự Do - gồm Anh, Mỹ, Pháp. Bắc Hàn, Nam Hàn, Việt Cộng/VNDCCH, Lào Cộng, Miên Cộng, QGVN, Vương Quốc Lào, và Vương Quốc Miên là những đàn em. Sau rồi vì chiến tranh đã ngưng hẳn tại Triều Tiên, và không có chiến tranh tại Miến Điện và Thái Lan, nên Hoà Đàm Geneva thu gọn mục tiêu chính vào việc tìm ra một giải pháp quân sự ngưng chiến tại Đông Dương, nhất là ở Việt Nam.
Xin xem biên bản buổi họp riêng giữa Chu Ân Lai và Mendès-France:
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=670A50B1-97BD-B7B7-75DFEC2E535BBAB8&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)
có một vài điểm đáng chú ý:
có những điểm đáng chú ý sau đây :
1/Hiệp Định Geneva chỉ chú tâm giải quyết mặt quân sự là ngưng chiến, vấn đề chính trị sẽ giành cho hai chính phủ VNDCCH và chính phủ Bảo Đại bàn thảo với nhau.
- To solve any problem in Indochina, the first [requirement] is a cease-fire. Military issues are always related to political issues. The military issue is discussed presently, and the political issue can be discussed later on.
- Vietnam, for example, needs a general election for its national unification after the war, and then [the new national government] decides on the type of its political system. This will be determined by the Vietnamese people themselves.

2/ Trung Quốc và Pháp sẽ nỗ lực dùng ảnh hưởng của mình để đẩy hai chính phủ VNDCCH và chính phủ Bảo Đại xích lại gần nói chuyển trực tiếp với nhau.
- Currently, Vietnam has two governments. The military regrouping areas must be determined, but it doesn’t [require] a [political] division. During a period of time after the cease-fire, a free election will be held through negotiations between the two governments. This is their own domestic affair. We can show our support, even though we can’t intervene.
- To avoid misunderstanding, I’d like to explain one thing. I said the Democratic Republic of Vietnam and the Bao Dai government should establish their “contact,” not “cooperation.” Since both sides have engaged in the war for many years, it is impossible to talk about any cooperation. Our expectation is that France could influence Bao Dai and make his government contact the Democratic Republic of Vietnam in order to reduce difficulties and leave no room for any external disruption.
xin bố sung thêm:
Tài liệu nêu VNDCCH đòi chia thành hai vùng, QGVN đòi giữ nguyên lãnh thổ dước một lãnh tụ :
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=667DB014-95B9-EC45-2C268B5033A96D90&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- Zhou Enlai: I wonder if Mr. Eden has studied the proposal by Mr. Pham Van Dong. He mentioned in the proposal that before unification, both sides separately manage the areas under their respective current control. This is equal.
-- Phạm Văn Đồng đề nghị trước khi thống nhất đất nước, hai phe điều hành các vùng nằm dưới quyền kiểm soát của mình.

- Zhou Enlai: No, I am not referring to that. I meant that France had not answered Mr. Pham Van Dong’s political proposal, while only recognizing [Chief (Quoc Truong) of the State of Vietnam] Bao Dai as representing all of Vietnam and unifying Vietnam under him. This is a completely unreasonable thought.
-- Pháp chỉ nhìn nhận Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam Bảo Đại như là đại diện của toàn thể Việt Nam và thống nhất Việt Nam dưới quyền ông.

Ghi chú:
- các vùng đây chưa phải là hai vùng biệt lập sau này - bắc và nam vĩ tuyến 17 - hiệp định ấn định sau này mà là các vùng "tề" dưới quyền kiểm soát của Pháp và "tự do" dưới quyền kiểm soát của Việt Minh.
- ý kiến chia thành hai vùng biệt lập tập trung quân là của Anh Quốc.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: lonesome trong 05 Tháng Tám, 2010, 10:00:06 pm
VNDCCH khác Quốc Gia VN ở chỗ nào thế bác Tín nhỉ?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 05 Tháng Tám, 2010, 11:22:30 pm
Xin trích thêm phần liên quan đến đòi hỏi của hai phe:

Eden: No, I am not saying that it should be made a condition at all. I am only stating my opinion regarding this question. I am worried that [Prime Minister of the Democratic Republic of Vietnam] Ho Chi Minh might be asking too much. He might be able to get it, but if he were to do so, it would affect the relations for the great powers.

Zhou Enlai: I think that the person who is asking too much is not Ho Chi Minh, but Bao Dai. In their proposal, the delegates from the State of Vietnam not only asked that Bao Dai be recognized as the only leader of Vietnam, but also that the United Nations guarantee Bao Dai’s status as Vietnam’s only leader after the elections. Ho Chi Minh has made no such demands.

Eden: What I was thinking just now is not the contents of the speech, but the thoughts behind the speech.

Zhou Enlai: I wonder if Mr. Eden has studied the proposal by Mr. Pham Van Dong. He mentioned in the proposal that before unification, both sides separately manage the areas under their respective current control. This is equal.

Eden: Our hope to concentrate the troops of both sides into determined areas means exactly this. It seems that the French proposal does not reject this point, and thus we have something in common with France on this point.

Zhou Enlai: France asked Bao Dai’s representative to respond to the political section in Mr. Pham Van Dong’s proposal. But his response was absurd. His response is very familiar to us. [President of the Republic of China (ROC)] Chiang Kai-shek [Jiang Jieshi] once made such a demand: one government, one leader, one army, and the rest are all to be eliminated. I believe that Mr. Allen and Mr. Trevelyan would be fully familiar with these. But we all know how Chiang Kai-shek [Jiang Jieshi] wound up.

các bác dịch giùm.
Chu Ân Lai cũng cho là yêu sách của phía Pháp và QGVN là lố bịch=absurb.
Ngoài ra xin lưu ý bác hiệp định Geneva bao quát hơn là trận ĐBP mà nhằm ngưng chiến trên toàn cõi Đông Dương - Việt Miên Lào, trên toàn cõi lãnh thổ từ Triều Tiên qua Đông Dương đến Miến Điện; và nhắm lợi ích của 5 cường quốc - Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ và Liên Sô. Eden nói rõ là không muốn vấn đề Đông Dương phương hại tới mối băng giao quốc tế giữa 5 cường quốc:

Eden: I would like to say a few things as the British Foreign Secretary. We very much hope to see the four great powers, excuse me, I made a mistake. We very much hope to see the five great powers, that is, the United Kingdom, the United States, China, France, and the Soviet Union, work together to decrease international tension and to conduct normal negotiations. But before this can be achieved, a resolution must be reached on the Indochina question. Indochina is important in itself, but what is more important is that this question not affect the relations among the five great powers.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 05 Tháng Tám, 2010, 11:27:20 pm
Đoạn văn ghi lại buổi bàn luận giữa Chu Ân Lai và Eden liên quan đến việc thiết lập những buổi họp hạn hẹp . Ý kiến này phát xuất từ Eden và được Chu Ân Lai hứa sẽ bàn thảo với các phái đoàn Liên Sô và Việt Nam. Chính nhờ áp dụng phương thức các buổi họp kín hạn hẹp mà hội đàm Geneva mới đẻ ra được hiệp định chung.

Eden: France would like to let the members of the Associated States [1] speak first. My understanding is that France might speak first this afternoon. We hope to achieve military armistice first and then discuss the political questions. Perhaps military armistice can be the first practical question to be discussed in the restricted sessions. The restricted sessions perhaps could be held next week, for the general debate will be continued this afternoon.

Zhou Enlai: Regarding the proposal for restricted sessions, we will have to discuss with the Soviet and Vietnamese delegations.

Eden: Certainly, certainly.

Zhou Enlai: I would like to know what your plans are for the restricted sessions.

Eden: I am thinking that besides the heads of the delegations, the sessions would consist of only two or three advisors from each delegation. No account of the proceedings would be given to the press. We tried this method during the Berlin Conference, [2] and it was very useful. The agreement to have the Geneva Conference was reached this way.

Xin dịch hai đoạn cuối:

- Chu Ân Lai: Tôi muốn biết ông có kế hoạch gì đối với các khóa họp hạn hẹp.
- Eden: Tôi nghĩ là ngoái các trưởng phái đoàn, các khóa họp hạn hẹp chỉ bao gồm hai hoặc ba cố vận cho mổi phái đoàn. Không có tường trình nào liên quan đến nội dung các cuộc thảo luận được cung cấp cho giới báo chí. Chúng tôi đã thử nghiệm phương pháp này trong Hội Nghị Berlin, rất là hữu ích. Sự thỏa thuận thiết lập Hội Nghị Geneva đã đạt được qua phương thức này.
- tài liệu liên quan đến Hội Nghị Geneva nói tới việc phân chia nước Việt Nam làm hai mảnh
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=6645B5C0-DD80-A8AD-BE8C420391CEBE75&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)
Đây là bản phúc trình Chu Ân Lai đệ lên Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc liên quan đến thẩm định và chuẩn bị Hội Nghị Geneva.

Regarding Indochina, … we must try our best to make sure that the Geneva conference will not end without any result; even under the circumstance that no agreement could be reached, we still should not allow the negotiation for restoring peace in Indochina to be undermined completely, and should create a situation characterized by “negotiating while fighting,” thus increasing the difficulties inside France and the contradictions between France and America, so that it will be beneficial for the people in Indochina to carry out struggles for liberation. On the specific questions related to restoring peace in Indochina, on-site ceasefire is not as good as dividing a demarcation line between the south and north, such as the 16th parallel. However, only through many struggles can such a favorable situation be achieved.
--Riêng về các vấn đề liên quan đến việc tái tạo hòa bình tại Đông Dương, một cuộc ngưng bắn tại chỗ không tốt bằng chia cắt một lằn ranh giữa nam và bắc, tỉ như vĩ tuyến 16.
Đây là ý kiến của Chu Ân Lai phát biểu ngày 2/3/1954, hơn một tháng trước ngày khai mạc hội nghị chính thức.
Một khi đàn anh TQ đã có ý kiến như vậy thì đến khi ngồi vào bàn hội nghị đàn em VM, dù muốn hay không, cũng sẽ phải chịu vậy thôi...
Ý kiến chia cắt lãnh thổ để giải quyết tranh chấp của TQ phỏng theo mô thức TQ áp dụng tại Triều Tiên chia cắt Triều Tiên làm hai giữa Bắc Hàn và Nam Hàn tại lằn ranh vĩ tuyến xuyên qua gần Bình Nhưỡng.
Vấn đề giới tuyến quân sự tạm thời chỉ được đề ra sau này mà thôi.
Chu Ân Lai chỉ huy điều khiển hết cả mọi hành vi của phái đoàn VNDCCH đấy bác à


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 05 Tháng Tám, 2010, 11:34:32 pm
Hiệp định Geneva nảy sinh từ đâu?
Xin trích:
- The 1954 Berlin Conference, between the foreign ministers of the US, UK, France, and the USSR, was convened on 25 January 1954. It was intended to address questions regarding East-West tensions and the reunification of Germany. The announcement to hold the Geneva Conference was made in a quadripartite communique of 18 February .

--Hội Nghị Bá Linh năm 1954, giữa các bộ trưởng ngoại giao của Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, và Liên Sô, được nhóm họp ngày 25 tháng Giêng năm 1954. Mục đích của Hội Nghị là bàn thảo các vấn đề liên quan đến tình hình căng thẳng Đông-Tây và sự thống nhất Đức Quốc. Lời tuyên bố triệu tập Hội Nghị Geneva được thông báo trong một bản thông cáo của bốn thành viên ngày 18 tháng 2 năm 1954.

- The reaching of the agreement of convening the Geneva Conference was a great achievement by the delegation of the Soviet Union at the meeting of the foreign ministers of the four powers in Berlin.[1] The People’s Republic of China’s participation in the [Geneva] conference alone has already marked a big step forward relaxing international tension...

-- Đạt tới được sự đồng thuận nhóm họp Hội Nghị Geneva là thành quả lớn lao của phái đoàn Liên Sô tại hội nghị của các bộ trưởng ngoại giao của bốn cường quốc tại Bá Linh. Việc tham gia của Nhân Dân Cộng Hoà Trung Quốc tại hội nghị Geneva tự nó đã đánh dấu một bước tiến lớn lao làm thư giãn căng thẳn quốc tế...

- The agenda of the Geneva Conference is set for discussing the Korea and Indochina questions.

-- Chương trình nghị sự của Hội Nghị Geneva được ấn định để thảo luận các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=6645B5C0-DD80-A8AD-BE8C420391CEBE75&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 05 Tháng Tám, 2010, 11:44:30 pm
Lập trường của VNDCCH tại Hiệp Định Geneva là chia vùng trong khi lập trường của HK là thống nhất:
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=669A9C00-CC23-DC4A-90CB49C8BD8E8C90&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Ngày 30 tháng 5 năm 1954, Chu Ân Lai báo cáo về cho Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc:

(3) Democratic Republic of Vietnam Minister of Foreign Affairs Pham Van Dong pointed out in his presentation that for the purpose of reaching a ceasefire it was absolutely necessary to adjust zones, and he exposed that America’s opposition to division of zones and America’s emphasis upon unification were actually excuses used for the its attempt to block progress of the conference.

-- (3) Bộ trưởng Ngoại Giao VNDCCH nêu trong bài trình bày là để nhắm đạt một cuộc ngưng bắn nhất thiết cần điều chỉnh các vùng, và ông tố giác Mỹ chống đối chia vùng và nhất định đòi thống nhấ̀t thật ra chỉ để cố gắng làm ngưng trệ bước tiến của hội nghị.

Sau khi Liên Sô đưa ý kiến nhóm họp Hội Nghị Geneva để giải quyết vấn đề Triều Tiên và Đông Dương và được sự đồng ý của Mỹ, Anh và Pháp tại Hội Nghị Bá Linh, ngày 26tháng 2 năm 1954 ngoại trưởng Liên Sô Pavel Yudin đánh điện tín nhờ Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc (UBTU ĐCSTQ) chuyển lại tin mừng cho Hồ Chí Minh:

http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=663A99CF-E5AB-1BFE-B282E7BA60376D48&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

CCP Central Committee:

We request that you convey to [Prime Minister of the Democratic Republic of Vietnam] Comrade Ho Chi Minh the process of the discussion at the foreign ministers meeting in Berlin of the representatives from the Soviet Union, the People’s Republic of China, the United States, Britain, France, and other related countries holding a conference in Geneva on 26 April 1954 (which, in addition to discussing the Korea question, will also discuss the question of restoring peace in Indochina). Previously we already informed you that “other related countries” in Indochina, according to our understanding, should be the Democratic Republic of Vietnam and the three puppet states: [Chief (Quoc Truong)] Bao Dai’s [State of] Vietnam, Laos, and Cambodia.
......

Communist Party of the Soviet Union

-- Thưa UBTU ĐCSTQ:
Chúng tôi yêu cầu các đồng chí chuyển đạt tới Thủ tướng VNDCCH đồng chí Hồ Chí Minh tiến trình bàn thảo tại hội nghị các bộ trưởng ngoại giao tại Bá Linh của các đại diện từ Liên Sô, Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh Quốc , Pháp Quốc, và nhửng nước liên hệ khác triệu tập một hội nghị tại Geneva ngày 26 tháng Tư năm 1954 trong hội nghị này, ngoài bàn luận về vấn đề Triều Tiên, cũng sẽ bàn luận đến vấn đề táo lập hòa bình tại Đông Dương. Trước đây chúng tôi đã thông báo cho các đồng chí là "những nước liên hệ khác" tại Đông Dương, theo chúng tôi hiểu, sẽ gồm VNDCCH và ba quốc gia bù nhìn: Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại, Lào và Căm Bốt
....
Đảng Cộng Sản Liên Sô
Qua một số tài liệu trên, có thể khẳng định vai trò của Trung Cộng đối với Việt Minh quan trọng như thế nào trong Hiệp định Geneva. Có thể nói: đây là quan hệ của người anh với đàn em. Việt Minh trong Hiệp định Geneva đã được Chu Ân Lai đại diện của Trung cộng dẫn dắt hoàn toàn và không có tiếng nói tại Hiệp định Geneva, tức là không bằng với Quốc gia Việt Nam (quốc gia Việt Nam phản đối, không ký Hiệp định Geneva khẳng định quyền tự quyết, còn Việt Minh bắt buộc phải ký dưới áp lực của Trung quốc).
tôi sẽ tiếp tục chứng minh điểm này với các bác.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 12:13:31 am
3) Liên quan đến Đông Dương... chúng ta phải hết mình tìm cách bảo đảm hội nghị Geneva sẽ không kết thúc mà không đạt được kết quả gì; ngay cả trong trường hợp không đạt được một thỏa thuận nào, chúng ta không nên cho phép công cuộc đàm phán nhằm tái tạo hoà bình tại Đông Dương bị hoàn toàn phá ngầm, và cần phải tạo nên một tình trạng "vừa đánh vừa đàm", do đó mà tăng gia những khó khăn nội bộ tại nước Pháp và những mâu thuẫn giữa Pháp và Mỹ, ngõ hầu sinh lợi cho dân chúng tại Đông Dương trong công cuộc tranh đấu cho việc giải phóng. [...] Trong vấn đề riêng biệt liên quan đến tái tạo hoà bình tại Đông Dương, giải pháp ngưng bắn tại chỗ không hay bằng phân chia một lằn ranh giữa nam và bác, tỉ như vĩ tuyến 16. Tuy nhiên, chỉ qua nhiều cuộc đấu tranh mới mong đạt tới một tình trạnh thuận lợi như vậy.
Khi được Nga báo tin ngày 26 tháng 2 năm 1954 là sẽ có nhóm họp hội nghị Geneva ngày 26 tháng 4 năm 1954 để đàm phán giải quyết vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, Trung Quốc, với chủ trương "vừa đánh vừa đàm" gây áp lực nội bộ Pháp và chia rẽ giữ Pháp và Mỹ, ra lệnh cho Việt Minh thay vì tấn công Mường Soài như dự tính dốc hết lực lượng đánh thắng lớn tại ĐBP.
Khi hay tin là sẽ có nhóm họp Geneva, tướng Navarre biết là rồi đời rồi, vì một khi TC nhảy vào chiến trận Đông Dương, ông không thể thắng nổi.
Xin trích sách NAVARRE Với Điện Biên Phủ của Jean Pouget, chương 7 đăng trên diễn đàn Quân Sự:
Tôi kể lại cho ông nghe chuyện Mường Sài từ lúc toàn cứ điểm như bị bóp cổ đến lúc bùng nổ tiếng reo vui khi biết tin quân Việt đã rút. Tôi nói:
- Có lẽ quân Việt sợ chúng ta!
Trong không khí nồng ấm, an toàn tại Hà Nội trong lúc ngồi trên ghế bành uống nước giải khát, người ta dễ quên phắt những nỗi lo sợ vừa trải qua. Nghe tôi nói, tướng Navarre nở một nụ cười độ lượng rồi trả lời:
- Tôi không nghĩ rằng sư đoàn 308 đã rút chạy khi nhìn thấy quân dù. Nhưng tôi cho rằng sự có mặt của các anh đã làm chậm lại cuộc tiến công Mường Sài được vài ngày. Thời gian đó, đủ để những diễn biến ở ngoài nước làm cho Việt Minh phải thay đổi kế hoạch. Việt Minh từ bỏ việc đánh chiếm Mường Sài khi nghe tin Hội nghị Geneve sắp họp. Họ quyết định tập trung mọi lực lượng để tiến công Điện Biên Phủ. Chúng ta chờ xem. Chỉ vài ngày nữa thôi. Điện Biên Phủ sẽ bị đánh.
...
Tối hôm đó tướng Navarre ăn cơm tại nhà riêng cửa tướng Cogny. Trước khi vào Sài Gòn, tướng Navarre kể cho tôi nghe những diễn biến trong tháng 2, tức là khoảng thời gian tôi sống ở sân khấu thứ yếu của chiến trường, trong khi Hội nghị Berlin chỉ ghi mấy dòng vắn tắt trong thông cáo báo chí.
Có lẽ nhờ Ngoại trưởng Anh Eden mà chúng tôi được yên lành thoát khỏi Mường Sài. Suốt hai mươi ngày, Hội nghị Tứ cường ở Berlin bị sa lầy bởi những cuộc cãi vã bất đồng. Không một vấn đề nào của châu Âu ghi trong chương trình nghị sự được giải quyết. Vì vậy, chẳng ai muốn nói đến vấn đề Đông Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles vẫn trung thành với chính sách “ngăn chặn”, không muốn nhắc đến Đông Dương. Ngoại trưởng Liên xô Molotov được coi như người đại diện không chính thức của Việt Minh, và Ngoại trưởng Pháp đang mong chờ mở rộng Hội nghị Tứ cường thành Hội nghị năm bên, không ai muốn là người đầu tiên đòi họp bàn về Đông Dương vì e ngại là người cầu xin ngừng bắn. Chỉ riêng Ngoại trưởng Anh Eden là tự do thoải mái đặt vấn đề.
Quả nhiên, ngày 17 tháng 2 ông Eden đã nêu vấn đề Đông Dương trước Hội nghị Berlin. Hai mươi bốn giờ sau, đạt được thoả thuận. Ngày hôm sau nữa, thông cáo cuối cùng được công bố rằng ngày 26 tháng 4 sẽ họp bàn về Đông Dương, có thêm Trung Quốc và các nước có liên quan cùng dự.
Trên thực tế, thông báo này chẳng làm cho ai ngạc nhiên, có lẽ chỉ trừ các bộ đội sư đoàn 308 và các lính dù Mường Sài là hai lực lượng đối địch đột nhiên được rút khỏi chiến trường này, thông báo về hội nghi có lẽ cũng thay đổi cơ bản các tình huống chiến đấu ở Điện Biên Phủ do lệnh hoãn tiến công từ ngày 25 tháng 1.
Muốn giành giật được một quyết định tại Geneve, cần phải giáng một đòn quyết liệt. Những lực lượng tập trung của cả hai bên tại Điện Biên Phủ, tính chất của chiến trường tự quản, tương đối độc lập với các mặt trận khác, nhất là tiếng tăm cửa thành trì pháo đài Điện Biên Phủ vang dội toàn thế giới, đòi hỏi cũng sẽ phải có một chiến thắng tầm cỡ như vậy.
Tất cả điều đó đã tạo cho hoạt động quân sự trên chiến trường này một ý nghĩa chính trị - quân sự.
Chiếm lĩnh được Điện Biên Phủ, tướng Giáp không chi có trong tay cả xứ Thái và vùng Thượng Lào mà còn đạt được một trình độ cao hơn. Vận mệnh cuộc chiến đấu ở đây sẽ quyết định, hoặc là chiến thắng và hoà bình, hoặc là một hình thức “Triều Tiên hoá” cuộc chiến tranh Đông Dương. Ván bài này, Việt Minh của Hồ Chí Minh đã sẵn sàng giành được thắng lợi bằng bất cứ giá nào. Hội nghị Geneve sẽ làm cho Điện Biên Phủ trở thành một chiến trường đẫm máu, trước khi đấm quân cờ tướng Giáp đã đặt lên bàn cờ tất cả lực lượng dự trữ của mình.
Tôi hỏi Tổng tư lệnh Navarre:
- Nhưng thưa tướng quân, trong suốt cuộc họp quốc tế tại Berlin, các ngài Jacquet, Chevigné, Pleven đều có mặt tại Đông Dương. Các vị đó đều được biết những diễn biến trong hội nghị và có những yếu tố để đáp ứng những hậu quả. Vậy thì tại sao các vị đó không trì hoãn Hội nghị Geneve khoảng một hoặc hai tháng nữa. Đó là thời gian để chúng ta có được mùa mưa tại Điện Biên Phủ.
- Trong mọi trường hợp, cả Tông cao uỷ và cả tôi nữa đều không được hỏi ý kiến gì về hội nghị này. Ngày 21 tháng 2, khi gặp ông Pleven tại Đà Lạt tôi đã nói với ông về chuyện này nhưng ông tỏ ra không quan tâm lắm. Ông nói: “Chúng tôi buộc phải chấp nhận Hội nghị Geneve. Công luận ở Pháp sẽ không hiểu nếu chúng ta lẩn tránh cuộc họp. Hơn nữa một số thành viên chính phủ đều muốn họp. Trên thực tế, chính Thủ tướng cũng cho rằng hội nghị này chẳng giải quyết được gì cả. Ta phải đi họp thôi, dù chỉ để chứng tỏ rằng Việt Minh vẫn chưa sẵn sàng thương lượng trong những điều kiện hiện nay.
Dù sao, ngài Bộ trưởng cũng không nhầm. Bác Hồ rất muốn hoà bình nhưng phải đúng lúc. Những tình huống tháng 2, tháng 3 chưa tạo điều kiện thuận lợi và tướng Giáp đang tìm cách xoay chuyển tình thế có lợi cho Việt Minh.
tóm lược một số điều về Hội nghị Geneva có lẽ trước đây nhiều bác chưa được biết đầy đủ
1/Hội nghị Geneva bắt nguồn từ Hội Nghị Bá Linh;
2/Ý kiến nhóm họp HNG phát xuất từ phái đoàn Liên Sô, với sự biểu đồng tình nồng nhiệt nhất của ngoại trưởng Eden của Anh Quốc, trong khi Mỹ không mấy sốt sắng.
3/Các đại biểu lớn của HNG có tiếng nói thật sự là 5 cường quốc - Anh, Pháp, Nga, Trung Cộng và Mỹ . Các đại biểu nhỏ không có tiếng nói thật sự và lệ thuộc vào đàn anh gồm có VNDCCH, QGVN của Bảo Đại, Lào và Căm Bốt, Nam Hàn và Bắc Hàn.
4/Hai vấn đề chính sẽ được đem ra mổ xẻ là Triều Tiên và Đông Dương.
5/Ngoại trưởng Anh Eden đề xuất các buổi họp hạn hẹp kín.
̀6/TC đã có sẵn ngay trước khi nhóm họ đề nghị phân lằn ranh với vĩ tuyến theo mô thức của Đức Quốc và Triều Tiên, khi chưa ai đả động đến việc tập trung quân lính.
7/TC ra lệnh cho VM vừa đánh vừa đàm và đánh thắng lớn trận ĐBP để gây lục đục nội bộ Pháp và chia rẽ giữa Pháp và Mỹ và để nắm phần thắng thế tại HNG.
8/Anh không muốn vấn đề nhỏ tại Đông Dương phương hại tới mối băng giao quốc tế giữa 5 cường quốc.
- như vậy có thể thấy được việc VNDCCH có sự giúp đỡ từ phía Trung quốc một cách ban ơn tại Hiệp định Geneva như vậy, lý do chính không nằm ngoài việc DCS TQ muốn duy trì ngay sát họ một nước đàn em có chung ý thức hệ để làm thành lũy ngăn chặn tự do ở phía nam Trung quốc. Và việc một VNDCCH suy yếu sẽ tạo nên sự phụ thuộc hoàn toàn vào Trung quốc, trở thanh phiên bang, phên dậu cho Trung quốc. Và nếu có chiến tranh vì tự do ở phía Nam thì Trung quốc sẽ chống tự do tới người Việt Nam cuối cùng.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: lonesome trong 06 Tháng Tám, 2010, 12:27:02 am
Cái chỗ đỏ đỏ của bác Tín có chứng cứ nào không?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 06 Tháng Tám, 2010, 01:59:36 am
@ Tin hới quá lời rồi, tôi muốn hỏi @ 1 số vấn đề sau:
1) Ai là người đẻ ra cái chính phủ quốc gia và chi tiền cho nó hoạt động, chính thể này được các quốc gia nào trên thế giới công nhận là đại diện hợp pháp của Việt Nam?
2) Cái chính thể quốc gì này có hơp pháp khồng khi nó được dựng nên không qua bâu cử tự do dân chủ?
3) @ cho hỏi tháng 3 - 1946 tại Pari Tổng thống Pháp tiếp đón ái theo nghi thức tiếp đón nguyên thu quốc gia đến thăm nước Pháp vậy? Vậy đón 1 người với nghi thức giành cho nguyên thủ thì người đó được gọi là gì và người đó đại diện cho cai gì tại Việt Nam vậy?
4) @ cho hỏi thang 8 - 1945 tại Hếu ai đã thoái vị vậy, và kể từ đó Việt Nam còn vùa không mà sau này Diệm có quyền trấp chính vậy?
5) @ cho hỏi Bảo Đại mời Diệm về làm thủ tướng hay Mỹ ép Bảo Đại phải cho Diệm làm thủ tướng vây?
6) @ xin cho cái nguồn nói TQ ép Việt Nam phải vừa đánh thắng ở Điện Biên Phủ vừa phải đàm phán với Pháp vậy
7) @ chưa trả lợi tại sao Việt Minh lai không thắng được quân viễn chinh pháp tại đông bằng Bắc Bộ nếu chiến tranh tiếp tục trong thế hơn hẳn về quân số cũng như nhệu khí vậy?
8) @ ạ! mọi người Việt Nam học hết lớp 12 đều được học về nội dung cũng như quá trình đàm phán đi đến kí kết hai hiệp định Jonever và Pari nên chỉ có mỗi @ mới không biết là người Việt Nam không biết nên phải dậy thôi, vì vậy lần sau @ đừng mang nhứng thứ người khác biết rồi lên diễn đàn nữa nhe.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: mig21-58 trong 06 Tháng Tám, 2010, 06:27:30 am
thưa ngài @tín ,tôi vẫn tưởng cái quốc gia việt nam ,được ông bảo đại bàn giao lại ấn kiếm ,biểu trưng cho quyền lực ,cho việt nam dân chủ cộng hòa rồi cơ mà ,sao bây giờ ở hội nghị này lại có cái quốc gia này ,nó sinh ra từ đâu ,(ai đẻ ra nó )đấy thưa ngài @tín


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tám, 2010, 06:36:12 am
"Quốc gia Việt Nam" chẳng có quyền tự quyêt gì hết. Nó có muuốn làm gì thì cũng do ý của chủ Pháp và chủ Mĩ ráo. Chuyện này tôi nghĩ đến tự "các ngài trong chính phủ Quốc gia Việt Nam" cũng biết. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đến dự hội nghị Giơ-ne-vơ về mặt danh nghĩa là một phái đoàn tham dự chính thức, ngang với "quốc gia Việt Nam", còn vai trò thực tế thì hơn hẳn. Việt Nam dân chủ cộng hòa của chúng tôi  không phải là Tiệp Khắc đến Munich chỉ để ngồi ngoài phòng chờ người ta quyết định số phận của mình. Ngay hồi 1945, giữa bốn bề bao vây và chưa hề được bất cứ sự giúp đỡ chính thức của Trung Quốc, Liên Xô, Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ngồi nói chuyện với Pháp ngang hàng, huống là năm 1954.
Việc kiên quyết đánh Pháp xâm lược, nhưng cũng sẵn sàng đàm phán chấm dứt chiến tranh, cũng là tự ý kiến độc lập của Việt Nam dân chủ cộng hòa, đâu cần phải đợi đến ai chỉ đạo mới làm. Dễ thường khi chưa có Trung Quốc, Liên Xô viện trợ, Việt Nam dân chủ cộng hòa chưa đánh Pháp? chưa từng đề nghị đàm phán với Pháp?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: panphilov trong 06 Tháng Tám, 2010, 07:35:34 am
Em có chỗ này chưa thật rõ, mong bác nguyentin giải thích kỹ thêm. Đó là, bác cho rằng:

Trích dẫn
1/Hiệp Định Geneva chỉ chú tâm giải quyết mặt quân sự là ngưng chiến, vấn đề chính trị sẽ giành cho hai chính phủ VNDCCH và chính phủ Bảo Đại bàn thảo với nhau.

Nhận định này bác đưa ra dựa trên câu nói của Chu Ân Lai:

Trích dẫn
- To solve any problem in Indochina, the first [requirement] is a cease-fire. Military issues are always related to political issues. The military issue is discussed presently, and the political issue can be discussed later on.
- Vietnam, for example, needs a general election for its national unification after the war, and then [the new national government] decides on the type of its political system. This will be determined by the Vietnamese people themselves.

Theo ý em hiểu, thì bác cho rằng, tại hội nghị này, các nước lớn chỉ (chú tâm) bàn luận về vấn đề quân sự (thỏa thuận ngừng bắn). Vấn đề chính trị là việc của người Việt Nam với nhau?

Tuy nhiên, từ trước tới giờ em luôn tâm niệm và quan niệm rằng, quân sự luôn song hành và không tách rời khỏi quân sự. Cũng đúng như trong câu trên, Chu Ân Lai nói rằng "Military issues are always related to political issues". Quân sự luôn luôn bắt nguồn và là hệ quả của chính trị. Như vậy, liệu có thể trong hội nghị Giơ-ne-vơ, người ta chỉ bàn về quân sự là chủ yếu? Bản thân việc ngừng bắn gắn liền với việc phân định giới tuyến (các nước lớn sẽ ảnh hưởng lên các phần khác nhau của Việt Nam - sự phân chia tầm ảnh hưởng) cũng đã nói lên rằng cái gì là chủ yếu!

Với lại việc dẫn chứng là lời nói, ở đây, là không thuyết phục em cho lắm (em thích ý kiến của giới nghiên cứu). Lời của các chính trị gia mà lại, quan trọng là những gì ẩn chứa sau đó. Chả nhẽ chúng ta lại tin rằng Mỹ đánh Iraq là do nó tàng trữ vũ khí hạt nhâ, hủy diệt và hóa học; hay giúp nhân dân họ chống độc tài... theo lời các chính trị gia Mỹ. Hay, theo lời các nhà lãnh đạo Trung Quốc, thì việc họ gia tăng sức mạnh hải quân là không phải để độc chiếm biển Đông.






Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: vitính trong 06 Tháng Tám, 2010, 01:45:00 pm
Có một số ý của Trần Chung Ngọc tôi xin chép vào vì thấy có vẻ, dù không cố ý, phù hợp với những điều thảo luận ở đây:

"...Hiệp Định Genève... Hội Nghị nhận thức rằng mục đích chính yếu của Thỏa Hiệp về Việt Nam là dàn xếp những vấn đề quân sự trên quan điểm chấm dứt những đối nghịch quân sự và rằng ĐƯỜNG RANH GIỚI QUÂN SỰ LÀ TẠM THỜI VÀ KHÔNG THỂ DIỄN GIẢI BẤT CỨ BẰNG CÁCH NÀO ĐÓ LÀ MỘT BIÊN GIỚI PHÂN ĐỊNH VỀ CHÍNH TRỊ HAY ĐẤT ĐAI . Hội Nghị bày tỏ sự tin tưởng là thi hành những điều khoản trong bản Tuyên Ngôn này và trong Thỏa Hiệp ngưng chiến sẽ tạo nên căn bản cần thiết để trong tương lai gần đạt tới một sự dàn xếp chính trị ở Việt Nam... Hội Nghị tuyên cáo rằng, về Việt Nam, sự dàn xếp những vấn đề chính trị, thực hiện trên căn bản tôn trọng những nguyên tắc về nền độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ khiến cho người dân Việt Nam được hưởng những quyền tự do căn bản, bảo đảm bởi những định chế dân chủ được thành lập như là kết quả của một cuộc tổng tuyển cử bằng phiếu bầu kín."
...
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, vậy mà 27 năm sau, Daniel Ellsberg còn viết trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Viking, 2002, p.255:

"Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ".
...
Trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991), hai Giáo sư ở đại học Iowa, John Carlos Rowe và Rick Berg, viết, trang 28-29:
Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức dấn thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố, cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70000 "Việt Cộng", gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia đôi bởi Hiệp Định Genève mà Mỹ phá ngầm… Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương.
...
Một tài liệu khác trên: http://www3.wooster.edu/history/jgates/book-ch8.html
JOHN M. GATES, THE U.S. ARMY AND IRREGULAR WARFARE, CHAPTER EIGHT
PEOPLE’S WAR IN VIETNAM

Cuộc chiến Việt Nam không phải là một cuộc xâm lăng của miền Bắc chống miền Nam, cũng chưa bao giờ là cuộc chiến thuần túy theo quy ước. Từ đầu tới cuối, cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến của nhân dân, và Cộng sản thắng, như một Tướng Mỹ đã từng phục vụ ở Việt Nam đã nhận định, vì họ có "một đại chiến lược lỗi lạc, chặt chẽ, trường kỳ - chiến lược của chiến tranh cách mạng.”
Bất kể tới mức độ nào mà chúng ta mong muốn tin rằng chiến lược về cuộc chiến tranh nhân dân đã thất bại ở Việt Nam [vì cho rằng chiến tranh nhân dân chỉ là chiến tranh du kích] hay Cộng sản miền Bắc chinh phục miền Nam bằng một cuộc chiến tranh xâm lăng theo quy ước, những quan điểm như vậy không được xác minh bởi các bằng chứng. Muốn hiểu cuộc chiến, trước hết chúng ta phải từ bỏ quan điểm là cuộc xung đột là một cuộc xâm lăng của miền Bắc chống miền Nam, và nhận thức được rằng sự chiến thắng của Cộng sản là kết quả của sự thành công thi hành một chiến lược của chiến tranh nhân dân."
...
Tài liệu của Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers), hiển nhiên không phải thuộc loại phản chiến hay thiên Cộng, viết:

Tài liệu Ngũ Giác Đài nói, tình báo Mỹ ước tính trong thập niên 1950 là chiến tranh phát khởi phần lớn là do sự nổi giậy ở miền Nam để chống chế độ tham nhũng và càng ngày càng đàn áp dân chúng của Ngô Đình Diệm .

Tài liệu Ngũ Giác Đài nói về những năm 1956-1959, khi mà cuộc nổi giậy bắt đầu, hầu hết những người đứng lên cầm vũ khí là những người Việt miền Nam và những nguyên nhân họ chiến đấu không có cách nào có thể bảo đó là do kế hoạch tính toán trước ở Bắc Việt."


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 04:44:38 pm
Theo Chu Ân Lai thì công trạng tứ cường chịu nhóm họp HNG là của Liên Sô.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=6645B5C0-DD80-A8AD-BE8C420391CEBE75&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

The reaching of the agreement of convening the Geneva Conference was a great achievement by the delegation of the Soviet Union at the meeting of the foreign ministers of the four powers in Berlin.
- - Đạt tới thỏa thuận nhóm họp Hội Nghị Geneva là một thành tích lớn lao của phái đoàn Liên Sô tại hội nghị các ngoại trưởng của tứ cường tại Berlin.

Trong bản báo cáo cho TƯĐ CSTQ tường trình về các bài diễn văn tại Hội Nghị và tình hình buổi họp khóang đại đầu tin, Chu Ân Lai nói là phái đoàn Bắc Hàn được lên tiếng trước tiên, và Thái Lan còn được đóng vai trò chủ tọa hội nghị cơ đấy:
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=6665E7E2-9B36-0FAE-B0B2F667D68A8366&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- (1) We have made an agreement with the Soviet comrades in the last two days that we should let the Korean delegation speak first (...) China and the Soviet Union should, in turn, express their support for the Korean delegation’s positions one day after they speak. (...) Right now I am reorganizing the drafts of the opening speech and two statements supporting the Korean delegation ...
-- (1) Chúng tôi đã thỏa thuận với các đồng chí Sô Viết hai ngày cuối đây là chúng ta nên để phái đoàn Triều Tiên nói trước tiên (...) Trung Quốc và Liên Sô nên thay phiên nhau phát biểu hỗ trợ các lập trường của phái đoàn Triều Tiên một ngày trước khi họ lên tiếng. (...) Ngay bây giờ tôi đang soạn lại các bản thảo của bài diễn văn đầu tiên và hai bản tuyên bố hỗ trợ phái đoàn Triều Tiên...

- (2) Regarding the issue of the chairman of the conference, we have already consulted with the Soviet Union and Britain in advance and decided that Thailand, the Soviet Union, and Britain should take the chair in turn. Thailand already acted as the interim chair when this afternoon’s meeting started at 3:00 p.m. Afterwards, the United States proposed that the above three countries take turns as chair. It was instantly put to vote and adopted.
-- (2) Liên quan tới vấn đề chủ tọa hội nghị, chúng tôi đã vấn ý với Liên Sô và Anh trước và đã quyết định là Thái Lan, Liên Sô và Anh sẽ thay phiên chủ tọa. Thái Lan đã hành sử trong vai trò chủ tọa lâm thời khi hội nghị khai mạc lúc 3 giờ trưa nay. Tiếp sau đó, Hoa Kỳ đề nghị ba nước nêu trên thay phiên chủ tọa. Đề nghị này lập tức được bỏ phiếu và chấp thuận.
tức là Triều Tiên còn được coi trọng hơn VNDCCH vì được cho lên tiếng đầu tiên và Thái Lan còn được nể vì hơn nữa vì được thay phiên với Liên Sô và Anh chủ tọa hội nghị.
Vấn đề Đông Dương ngoại trưởng Liên Sô Pavel Yudin ngày 26 tháng 2 năm 1954 phải nhờ TƯĐ CSTQ chuyển lời thông bác tin này cho Hồ Chí Minh, khi Hội Nghị Bá Linh ký kết nhóm họp Hội Nghị Geneva:
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=663A99CF-E5AB-1BFE-B282E7BA60376D48&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)
Xin trích dịch:

- We request that you convey to [Prime Minister of the Democratic Republic of Vietnam] Comrade Ho Chi Minh the process of the discussion at the foreign ministers meeting in Berlin of the representatives from the Soviet Union, the People’s Republic of China, the United States, Britain, France, and other related countries holding a conference in Geneva on 26 April 1954 (which, in addition to discussing the Korea question, will also discuss the question of restoring peace in Indochina). Previously we already informed you that “other related countries” in Indochina, according to our understanding, should be the Democratic Republic of Vietnam and the three puppet states: [Chief (Quoc Truong)] Bao Dai’s [State of] Vietnam, Laos, and Cambodia.
-- Chúng tôi yêu cầu TƯĐ CSTQ chuyển tới Thủ tướng VNDCCH đồng chí Hồ Chí Minh quá trình thảo luận tại hội nghị các ngoại trưởng tại Bá Linh của các đại diện đến từ Liên Sô, Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc, Hoa Kỳ, Anh, Pháp và các nước liên hệ khác triệu tập một hội nghị tại Geneva ngày 26 tháng 4 năm 1954 (trong hội nghị này, ngoài vấn đề Triều Tiên, còn sẽ thảo luận vấn đề tái lập hòa bình tại Đông Dương). Trước đây chúng tôi đã thông tin cho các đồng chí "các nước liên hệ kia", theo sự hiểu biết của chúng tôi, sẽ gồm có VNDCCH và ba nước bù nhìn: Quốc Gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại, Lào và Căm Bốt.
- We know that the Vietnamese friends are concerned about the convening of the Geneva Conference, and that they will attend the conference. We believe that the CCP Central Committee will agree to our opinion.
-- Chúng tôi biết là các đồng chí bạn Việt quan ngại về cuộc nhóm họp Hội Nghị Geneva, và họ sẽ tham dự hội nghị. Chúng tôi tin TƯĐ CSTQ sẽ đồng ý với chúng tôi.

Xin lưu ý là Việt Minh quan ngại không mấy muốn có một hội nghị để nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam, vì như vậy mình không còn tự quyết lấy vận nước mà sẽ phải tùy thuộc vào ý muốn của đàn anh Liên Sô và Trung Cộng. Nhưng cưỡng lại làm sao được.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 04:51:07 pm
Điện tín Đại sứ cạnh Liên Sô và Thứ trưởng Ngoại Giao Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc Zhang Wentian gửi Bộ Ngoại Giao và báo cáo Ngoại Trưởng Chu Ân Lai và TƯĐ CSTQ liên quan đến ý kiên tiên khởi của TQ đối với Hội Nghị Geneva từ phía Liên Sô. Điểm đáng chú ý trong buỗi họp này là Ngoại Trưởng Liên Sô Molotov mời các phái đoàn TQ, Triều Tiên và Việt Nam tới Moscova bàn thảo phương thức áp dụng khi đi dự Hội Nghị Geneva; nói cách khác, là đến để nhận chỉ thị hành động.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=664C92EE-DA16-F650-5122A420F8E79C30&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- (Top Secret)
Foreign Ministry, and Report to Zhou Enlai and the Central Committee:
I called upon [Soviet Minister of Foreign Affairs Vyacheslav M.] Molotov this afternoon, conveying to him the preliminary opinions of and preparation work for the Geneva Conference on our side. He says that all opinions are very good, and he will forward them to the Communist Party of the Soviet Union Central Committee and the [Soviet] Foreign Ministry for discussion. He also welcomes the delegations from China, [North] Korea, and Vietnam to visit Moscow in mid-April, to have discussions and consultations on various issues before (the Geneva Conference). Concerning [Prime Minister of the Democratic Republic of Vietnam] Ho Chi Minh’s plan to visit Moscow, he will report to the Central Committee immediately, and will then give us a reply.
-- (Tối mật)
Kính gửi Bộ Ngoại Giao, và Báo Cáo Chu Ân Lai và TƯĐ:
Tôi thăm viếng Ngoại trưởng Liên Sô Vyacheslav M. Molotov chiều hôm nay để chuyển đạt các ý kiến sơ khởi và công việc chuẩn bị cho Hội Nghị Geneva về phía chúng ta. Ông nói là tất cả mọi ý kiến đều rất tốt và ông sẽ chuyển đạt các ý kiến đó lên TƯĐ CSLS và Bộ Ngoại Giao để thảo luận. Ông cũng mời các phái đoàn từ Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam tới viếng thăm Moscova trung tuần tháng 4 để thảo luận và tham khảo ý kiến về các vấn đề trước Hội Nghị Geneva. Liên quan đến kế hoạch của Thủ tướng VNDCCH Hồ Chí Minh viếng thăm Moscova, ông sẽ trình lên TƯ tức khắc, và rồi sẽ phúc đáp chúng ta.

Trong chương trình nghị sự của Hội Nghị Geneva, hội nghị khai mạc ngày 26 tháng 4 năm, nhưng bàn về vấn đề Triều Tiên trước, đến ngày 8 tháng 4 mới bàn tới vấn đề Đông Dương.
Ngày 4 tháng 4, VNDCCH đệ nạp cho TƯĐ CSTQ bản thảo lập trường mình dự tính đọc tại hội nghị. Xin trích nguyên văn
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=665137E1-C7A5-B289-085B152AE46312B1&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

“A Comprehensive Solution for Restoring Peace in Indochina” (Draft), prepared by the Vietnam Group in the Chinese delegation attending the Geneva Conference.

n order to end the war in Indochina, to restore the national independence and rights of freedom of the peoples in Vietnam, Laos, and Cambodia, and to establish perpetual peace in Indochina, a comprehensive solution on restoring peace in Indochina is presented here as follows:

(1) The two sides involved in activities of hostility in Indochina have agreed to an armistice. In order to realize the armistice and to guarantee the stability of it for the purpose of further restoring peace in Indochina, the two sides agree that negotiations should be held immediately, and necessary and proper adjustment will be made on the current zones of military operations.

(2) The United States, Britain, France, the Soviet Union, and the People’s Republic of China will jointly guarantee:

(a) That from the day of the armistice, no combat plane, armored vehicle, weapons or ammunition, other military materials, or any armed force and military personnel should be allowed to enter Indochina.

(b) No measures should be taken to harm the implementation of the armistice in Indochina.

(3) Within six months after the armistice, all foreign navy, ground force and air force, and military personnel should complete withdrawal from Indochina.

(4) The government of the Democratic Republic of Vietnam, the government of the State of Vietnam, the resistance government of Laos and the government of the Kingdom of Laos, the Committee for National Liberation of Cambodia and the government of the Kingdom of Cambodia, with the participation of democratic parties and organization in the three countries, should establish a provisional joint committee, which should be in charge of the preparatory work for achieving peaceful unification, national independence, and democracy and freedom in the three countries in Indochina. The tasks of the provisional joint committee should be:

(a) To guarantee that the people in the three countries of Indochina [Vietnam, Cambodia, and Laos] should be able to have the rights of democracy and freedom, including the rights of freedom for all democratic parties to conduct activities in the whole territory of the three countries;

(b) To discuss and decide on plans for achieving disarmament in the whole of Indochina;

(c) To discuss and decide on plans for restoring transportation, trade, cultural relations in the whole of Indochina;

(d) To hold, respectively in each country, general elections in the whole of Indochina after the completion of withdrawal of foreign troops, and to establish a unified government in each country.

(5) The French government recognizes Vietnam, Laos, and Cambodia as three sovereign states with full independence; the three countries enjoy full power of self-determination in politics, economics, military [affairs], diplomacy, and culture.

(6) After the establishment of the unified governments in the three countries in Indochina, they are entitled to carry out consultations and, in accordance with the desire of the people in the three countries, to form a Federation of Indochina.

(7) The unified governments in Vietnam, Laos, and Cambodia should, on the basis of equality and mutual benefit, sign agreements on economic, cultural, and technological cooperation with France for the purpose of developing the economic and cultural relations between the three countries in Indochina and France.

Xin lưu ý mấy điểm:
1. Đây chỉ là bản thảo. Không biết bản chính thức ra sao khi Phạm Văn Đồng trình bày lập trường của VNDCCH trước hội nghị khoáng đại.
2. Khi tài liệu được giới thiệu thì nói là bản thảo do Nhóm Việt Nam trong phái đoàn Tàu soạn thảo, chứ không dùng "phái đoàn VNDCCH".
3. VNDCCH chủ trương lập một ủy ban chung lâm thời gồm phần tử của chính phủ VNDCCH, chính phủ của Quốc Gia Việt Nam, chính phủ kháng chiến của Lào và chính phủ của Vương Quốc Lào, Uỷ Ban Giải Phóng Quốc Gia Căm Bốt và chính phủ Vương Quốc Căm Bốt, với sự tham dự của các đảng phái và tổ chức dân chủ tại ba nước
với nhiệm vụ bàn thảo mọi vấn đề quân sự và chính trị tại Đông Dương.
4. Ba quốc gia thống nhất Việt Miên Lào, theo ước nguyện của toàn dân, sẽ hợp lại thành Liên Bang Đông Dương.
5. Liên Bang Đông Dương sẽ ký kết các thỏa ước hợp tác kinh tế, văn hóa với Pháp nhằm phát triển các mối băng giao kinh tế và văn hóa giữa ba nước Đông Dương với Pháp.
6. Đây là lập trường của Việt Minh ngày 26/4 khi chưa đánh thắng ĐBP. Pháp thất thủ tại ĐBP ngày 7/5.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 04:57:01 pm
Lập trường của Trung quốc
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=6645B5C0-DD80-A8AD-BE8C420391CEBE75&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

“Preliminary Opinions on the Assessment of and Preparation for the Geneva Conference,” Prepared by the Ministry of Foreign Affairs (drafted by [Premier and Minister of Foreign Affairs of the People’s Republic of China (PRC)] Zhou Enlai) and approved in principle at a meeting of the CCP [Chinese Communist Party] Central Secretariat (excerpt) - Date: 2 March 1954

Xin trích đoạn liên quan đến Đông Dương:
(3) Regarding Indochina, … we must try our best to make sure that the Geneva conference will not end without any result; even under the circumstance that no agreement could be reached, we still should not allow the negotiation for restoring peace in Indochina to be undermined completely, and should create a situation characterized by “negotiating while fighting,” thus increasing the difficulties inside France and the contradictions between France and America, so that it will be beneficial for the people in Indochina to carry out struggles for liberation. [...] On the specific questions related to restoring peace in Indochina, on-site ceasefire is not as good as dividing a demarcation line between the south and north, such as the 16th parallel. However, only through many struggles can such a favorable situation be achieved.

Về sự kiện Trung cộng có ý kiến dùng vĩ tuyến 16 làm lằn ranh phân chia hai phe Việt Minh và Liên Hiệp Pháp.
Theo tài liệu
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=6645B5C0-DD80-A8AD-BE8C420391CEBE75&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)
“Preliminary Opinions on the Assessment of and Preparation for the Geneva Conference,” Prepared by the Ministry of Foreign Affairs (drafted by [Premier and Minister of Foreign Affairs of the People’s Republic of China (PRC)] Zhou Enlai) and approved in principle at a meeting of the CCP [Chinese Communist Party] Central Secretariat. Date: 2 March 1954
-- "Các Ý Kiến sơ khởi về Lượng Định và Chuẩn Bị cho Hội Nghị Geneva", soạn thảo bởi Bộ Ngoại Giao, bản thảo của Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Nhân Dân Cộng Hòa Trung Quốc Chu Ân Lai và được phê chuẩn trên nguyên tắc tại buổi họp của Trung Ương Đảng Cộng Sản Tàu. Ngày 2/3/1954.

với đoạn trích:

(3) ... On the specific questions related to restoring peace in Indochina, on-site ceasefire is not as good as dividing a demarcation line between the south and north, such as the 16th parallel.
-- (3) ... Về các vấn đề riêng biệt liên quan đến tái lập hòa bình tại Đông Dương, ngưng bắn tại chỗ không tốt bằng phân chia một lằn ranh giữa nam và bắc, tỉ như vĩ tuyến 16.


cho thấy là đàn anh Trung Cộng nắm toàn quyền quyết định, đàn em Việt Minh chỉ có mà vâng theo thôi.
Xin lưu ý đây là lập trường của TC có từ ngày 2/3 đang khi Hội Nghị khai mạc hơn một tháng rưỡi sau, ngày 26/4 và vấn đề Đông Dương chỉ được đem ra đàm phán hai tháng sau, kể từ ngày 8/5.
Lập trường của Việt Minh như ta được biết trong tài liệu ngày 4/4, “A Comprehensive Solution for Restoring Peace in Indochina” trích dẫn mới đây là ngưng bắn tại chỗ về mặt quân sứ và thống nhất lãnh thổ về mặt hành chính và chính trị.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 04:59:07 pm
Quá trình mặc cả về lằn ranh theo tài liệu TC.
- Ngày 23/6 -- Mendès-France nói với Chu Ân Lai :
-- Regarding the particular idea on the main regrouping areas, I can’t make any suggestion right now, because I don’t know how the military staff negotiations go. They are planning to draw a horizontal line from west to east. The line, however, proposed by the Vietnamese staff is over the south much more than the real situation.
-- Liên quan đến ý kiến riêng biệt về các vùng chính tập trung, tôi không đưa ý kiến nào được vào giờ phút này, vì tôi không biết các cuộc đàm phán của giới chức quân sự tiến hành ra sao. Họ đang dự địch vạch ra một lằn ngang từ tây sang đông, Tuy nhiên, lằn ranh giới chức Việt đề nghị nằm quá về phía nam hơn tình hình thực tế.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=670A50B1-97BD-B7B7-75DFEC2E535BBAB8&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- Ngày 26/6 -- Chu Ân Lai báo cáo về Trung Ương Đảng:
-- Concerning Vietnam, the plan introduced by Comrade Pham Van Dong ... Our maximum [goal] is the line from Tuy Hoa, Jiaoyao, and Pleiku, along Route Nineteen, to the Vietnamese-Cambodian border (between the 13th and 14th parallels); the medium is the 15th parallel, and the minimum is the 16th parallel. At today’s meeting with the chief military negotiators from the two sides the French side already introduced the principles that its government would follow concerning the dividing line in Vietnam (that is, withdrawing completely from the north, dividing the line along the 18th parallel.
-- Liên quan đến Việt Nam, kế hoạch Đồng chí Phạm Văn Đồng đề nghị... Mục tiêu tối đa của chúng ta là lằn ranh từ Tuy Hòa, Jiaoyao, và Pleiku, dọc theo QL 19, tới biên giới Việt-Miên (giữa vĩ tuyến 13 và 14); trung là vĩ tuyến 15, và tối thiểu là vĩ tuyến 16. Trong buổi họp hôm nay với các trưởng phái đoàn quân sự thuộc hai phe, phe Pháp đã đề ra các nguyên tắc chính phủ của họ sẽ noi theo liên quan đến lằn ranh chia cắt Việt Nam (đó là, rút lui toàn vẹn khỏi phía bắc, phân chia lằn ranh dọc theo vĩ tuyến 18.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75844ADB-B69C-399A-B0770E446835427A&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- Ngày 17/7 -- Chu Ân Lai và Mendès-France gặp gỡ riêng:

-- Mendès-France: The Vietnamese government put forward some unrealistic requests. They suggested their regrouping area stretch from north to south nearly 1,000 kilometers. It is difficult to accept. I hope Mr. Premier can give Mr. Pham Van Dong some advice as you did on many occasions and ask him to make more realistic considerations.
--Mendès-France: chính phủ Việt Nam đưa ra một số yêu cầu không thực tế. Họ đề nghị vùng tập trung của họ kéo dài từ bắc xuống nam gần 1.000 cây số. Thật khó chấp nhận. Tôi mong Thủ Tướng có thể khuyên bảo Ông Phạm Văn Đồng như Thủ Tướng đã từng làm trong nhiều dịp và yêu cầu ông ấy có những ý kiến thực tế hơn.

...
-- Zhou Enlai: Today is the 17th. It will be a success only if some agreements can be achieved on the major issues within the next two days.
--Chu Ân Lai: Hôm nay là vĩ tuyến 17. Đó chỉ sẽ là một thành công với điều kiến một số thảo ước có thể đạt tới được liên quan đến các vấn đề chính nội trong hai ngày tới.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75C04336-D2D9-5025-C4309188E94E4289&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- Ngày 19/7 -- Thứ tưởng ngoại giao Tàu Zhang bàn bạc với Thứ tưởng ngoại giao Anh Caccia:

-- 1. Question of Demarcation Line in Vietnam
Caccia said that he had reported to [Anthony] Eden what Ambassador Zhang said the day before. Eden had conveyed the message to [Pierre] Mendes-France. The French side thinks that France has made considerable concessions in northern Vietnam, but the French side feels that “fortunately Route 9 does not fall on the 18th parallel.”
Ambassador Zhang asked, where does Eden think the demarcation line is south of the 18th parallel that is acceptable to the French side?
--1. Vấn đề Lằn Ranh tại Việt Nam
Caccia nói ông trình Anthony Eden điều Đại Sứ Zhang nói ngày hôm trước. Eden chuyển lời cho Mendès-France. Phía Pháp nghĩ là Pháp đã nhượng bộ nhiều tại miền bắc Việt Nam, nhưng phía Phá; cảm thấy "may mà QL9 không nằm tại vĩ tuyến 18."
Đại sứ Zhang hỏi, theo Eden nghĩ thì lằn ranh ở vị trí nào phía nam vĩ tuyến 18 thì phía Pháp chấp nhận được?
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.browse&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- Ngày 20/7 -- Chu Ân Lai báo cáo Mao Trạch Đông về cuộc gặp gở với Mendès-France và Eden:

--(5) Comrade [Minister of Foreign Affairs of the Democratic Republic of Vietnam (DRV)] Pham Van Dong met Mendes-France again during the night. Mendes-France proposed to draw the line along the provincial border between Hoangpeng and Hoangchi, that is, the 17th Parallel. Pham did not respond.
--(5) Đồng chí Ngoại trưởng VNDCCH Phạm Văn Đồng gặp lại Mendès-France vào buổi tối. Mendès-France đề nghị vạch lằn ranh dọc theo ranh giới tỉnh lỵ giữa Hoangpen và Hangchi, tức là, vĩ tuyến 17. Phạm không trả lời.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75AA340E-98D5-1F9E-2119F4ADF695D351&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Bài học:
1. Chu Ân Lai thủ vai chính - anh cả - trong cuộc đàm phán về Đông Dương và Việt Nam.
2. Rốt cuộc đàn em VM phải chịu vâng theo ý kiến đàn anh TC.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 05:02:22 pm
Có một số ý của Trần Chung Ngọc tôi xin chép vào vì thấy có vẻ, dù không cố ý, phù hợp với những điều thảo luận ở đây:

"...Hiệp Định Genève... Hội Nghị nhận thức rằng mục đích chính yếu của Thỏa Hiệp về Việt Nam là dàn xếp những vấn đề quân sự trên quan điểm chấm dứt những đối nghịch quân sự và rằng ĐƯỜNG RANH GIỚI QUÂN SỰ LÀ TẠM THỜI VÀ KHÔNG THỂ DIỄN GIẢI BẤT CỨ BẰNG CÁCH NÀO ĐÓ LÀ MỘT BIÊN GIỚI PHÂN ĐỊNH VỀ CHÍNH TRỊ HAY ĐẤT ĐAI . Hội Nghị bày tỏ sự tin tưởng là thi hành những điều khoản trong bản Tuyên Ngôn này và trong Thỏa Hiệp ngưng chiến sẽ tạo nên căn bản cần thiết để trong tương lai gần đạt tới một sự dàn xếp chính trị ở Việt Nam... Hội Nghị tuyên cáo rằng, về Việt Nam, sự dàn xếp những vấn đề chính trị, thực hiện trên căn bản tôn trọng những nguyên tắc về nền độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ khiến cho người dân Việt Nam được hưởng những quyền tự do căn bản, bảo đảm bởi những định chế dân chủ được thành lập như là kết quả của một cuộc tổng tuyển cử bằng phiếu bầu kín."
...
Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, vậy mà 27 năm sau, Daniel Ellsberg còn viết trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Viking, 2002, p.255:

"Theo tinh thần Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và theo những lý tưởng mà chúng ta công khai thừa nhận, đó là một cuộc ngoại xâm, sự xâm lăng của Mỹ".
...
Trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991), hai Giáo sư ở đại học Iowa, John Carlos Rowe và Rick Berg, viết, trang 28-29:
Khi Pháp rút lui, Mỹ lập tức dấn thân vào việc phá hoại Hiệp Định Genève năm 1954, dựng lên ở miền Nam một chế độ khủng bố, cho đến năm 1961, giết có lẽ khoảng 70000 "Việt Cộng", gây nên phong trào kháng chiến mà từ 1959 được sự ủng hộ của nửa miền Bắc tạm thời chia đôi bởi Hiệp Định Genève mà Mỹ phá ngầm… Nói ngắn gọn, Mỹ xâm lăng Nam Việt Nam, ở đó Mỹ đã tiến tới việc làm ngơ tội ác xâm lăng với nhiều tội ác khủng khiếp chống nhân loại trên khắp Đông Dương.
...
Một tài liệu khác trên: http://www3.wooster.edu/history/jgates/book-ch8.html
JOHN M. GATES, THE U.S. ARMY AND IRREGULAR WARFARE, CHAPTER EIGHT
PEOPLE’S WAR IN VIETNAM

Cuộc chiến Việt Nam không phải là một cuộc xâm lăng của miền Bắc chống miền Nam, cũng chưa bao giờ là cuộc chiến thuần túy theo quy ước. Từ đầu tới cuối, cuộc chiến Việt Nam là một cuộc chiến của nhân dân, và Cộng sản thắng, như một Tướng Mỹ đã từng phục vụ ở Việt Nam đã nhận định, vì họ có "một đại chiến lược lỗi lạc, chặt chẽ, trường kỳ - chiến lược của chiến tranh cách mạng.”
Bất kể tới mức độ nào mà chúng ta mong muốn tin rằng chiến lược về cuộc chiến tranh nhân dân đã thất bại ở Việt Nam [vì cho rằng chiến tranh nhân dân chỉ là chiến tranh du kích] hay Cộng sản miền Bắc chinh phục miền Nam bằng một cuộc chiến tranh xâm lăng theo quy ước, những quan điểm như vậy không được xác minh bởi các bằng chứng. Muốn hiểu cuộc chiến, trước hết chúng ta phải từ bỏ quan điểm là cuộc xung đột là một cuộc xâm lăng của miền Bắc chống miền Nam, và nhận thức được rằng sự chiến thắng của Cộng sản là kết quả của sự thành công thi hành một chiến lược của chiến tranh nhân dân."
...
Tài liệu của Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers), hiển nhiên không phải thuộc loại phản chiến hay thiên Cộng, viết:

Tài liệu Ngũ Giác Đài nói, tình báo Mỹ ước tính trong thập niên 1950 là chiến tranh phát khởi phần lớn là do sự nổi giậy ở miền Nam để chống chế độ tham nhũng và càng ngày càng đàn áp dân chúng của Ngô Đình Diệm .

Tài liệu Ngũ Giác Đài nói về những năm 1956-1959, khi mà cuộc nổi giậy bắt đầu, hầu hết những người đứng lên cầm vũ khí là những người Việt miền Nam và những nguyên nhân họ chiến đấu không có cách nào có thể bảo đó là do kế hoạch tính toán trước ở Bắc Việt."
rất cám ơn bác đã đóng góp, nhưng theo nhiều tài liệu chưa được bạch hóa mà tôi đang có thì tài liệu này của bác không được chính xác.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: lonesome trong 06 Tháng Tám, 2010, 05:26:45 pm

rất cám ơn bác đã đóng góp, nhưng theo nhiều tài liệu chưa được bạch hóa mà tôi đang có thì tài liệu này của bác không được chính xác.

Sau mấy năm hình như tài liệu bạch hóa của bác Tín vẫn chỉ có chừng đó thôi nhỉ?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: mig21-58 trong 06 Tháng Tám, 2010, 05:48:51 pm
liệu cái tài liệu được cho là :"BẠCH HÓA "này nó có độ tin cậy bao nhiêu phần trăm ,thưa ngài @tin
và ngài vần chưa trả lời tôi cái câu tôi hỏi là :quốc gia việt nam do bảo đại làm quốc trưởng ấy nó đẻ ra bao giờ ,ai đẻ ra nó ,đẻ ra nó để làm gì ?dân việt nam bầu ông ta làm quốc trưởng phải không ?thưa ngài @tin


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 06 Tháng Tám, 2010, 08:37:05 pm
Ngài @ tín trả lời các câu hỏi tôi hỏi ngài đi, đừng làng tranh mãi thế không hay đâu


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: vitính trong 06 Tháng Tám, 2010, 09:05:45 pm
Có một số ý của Trần Chung Ngọc tôi xin chép vào vì thấy có vẻ, dù không cố ý, phù hợp với những điều thảo luận ở đây:

Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, vậy mà 27 năm sau, Daniel Ellsberg còn viết trong cuốn Secrets: A Memoir of Vietnam and the Pentagon Papers, Viking, 2002, p.255:

...
Trong cuốn Chiến Tranh Việt Nam Và Văn Hóa Mỹ (The Vietnam War and American Culture, Columbia University Press, New York, 1991), hai Giáo sư ở đại học Iowa, John Carlos Rowe và Rick Berg, viết, trang 28-29:
...
Một tài liệu khác trên: http://www3.wooster.edu/history/jgates/book-ch8.html
JOHN M. GATES, THE U.S. ARMY AND IRREGULAR WARFARE, CHAPTER EIGHT
PEOPLE’S WAR IN VIETNAM

...
Tài liệu của Ngũ Giác Đài (The Pentagon Papers), hiển nhiên không phải thuộc loại phản chiến hay thiên Cộng, viết:
rất cám ơn bác đã đóng góp, nhưng theo nhiều tài liệu chưa được bạch hóa mà tôi đang có thì tài liệu này của bác không được chính xác.
Vâng, tôi chỉ dẫn ra tài liệu của người khác mà đã được Trần Chung Ngọc dẫn trong bài của mình. Bài của Trần Chung Ngọc có thể còn nhiều bàn cãi, cũng như các tác giả mà ông ta dẫn. Họ chịu trách nhiệm về phát biểu của mình, bác có thể tranh cãi với họ.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 11:47:52 pm
Xin quay trở lại Hiệp định Geneva:
khi tứ cường Anh, Pháp, Mỹ và Liên Sô triệu tập hội nghị Geneva để giải quyết vấn đề Triều Tiên và Đông Dương thì chỉ có Trung quốc là được mời với tư cách cường quốc thứ năm. Bác thấy có lạ không: Trung Cộng trực tiếp đánh nhau tại Triều Tiên thì mời Trung quốc tới bàn thảo về vấn đề thì là hợp lý rồi; Trung Cộng không trực tiếp đánh nhau tại Đông Dương thì cớ gì mà mời Trung quốc tới bản thảo về vấn đề Đông Dương?
Ngoài ra, Việt Minh đang thắng tại chiến trường Đông Dương, đã nắm trong tay 3/4 lãnh thổ, lúc đó đâu muốn hòa đàm, chỉ cần vài ba tháng hay và ba năm nữa là chiếm gọn Đông Dương, tội gì phải ngồi vào bàn hội nghị, nhất là khi mình không được bảo đảm có tiếng nói. Trung Cộng lúc đó muốn hòa hoãn trên chính trường quốc tế, nên "khuyên bảo" VM đình chiến tạm lấy một nửa lãnh thổ thôi và vài ba năm sau mới chiếm toàn cõi bằng giải pháp chính trị. Thử hỏi VM có cưỡng lại ý muốn của TC không đi họp hội nghị và không chịu tạm thời chia cắt đất nước được không?
Tài liệu Trung quốc cho thấy
1. gần hai tháng trước khi hội nghị khai mạc, TC đã có ý định sẽ đề nghị dùng vĩ tuyến 16 chia cắt VN rõ rệt Bắc phần và Nam phần. TC muốn vậy vì nếu ngưng bắn tại chỗ theo các vùng da beo, Pháp sẽ nắm giữ vùng Hà Nội, vùng Hải Phòng, vùng Bùi Chu và vùng Phát Diệm - là hai vùng Công Giáo, như vậy Mỹ có dịp đặt căn cứ quân sự sát nách mình, điều mà TC không muốn tí nào cả. Đó là TC lo lợi cho mình hơn là lợi cho VM.
2. lập trường VM ngày 4/4 trước khi họp về vấn đề Đông Dương ngày 8/5 là ngưng bắn tại chỗ theo vùng da beo, chính phủ VNDCCH và chính phủ QGVN cùng với Vương Quốc Lào và Vương Quốc Miên lập một uỷ ban chung lo thương thảo với nhau mọi vấn đề quân sự và chính trị, không có sự can thiệp của các nước ngoại bang, đồng thời khi đạt được sự thống nhất của cả ba quốc gia Việt Miên Lào, sẽ thiết lập Liên Bang Đông Dương và Liên Bang Đông Dương gia nhập khối Liên Hiệp Pháp, chứ không theo khối Liên Sô và Trung Cộng.
Cuối cùng là gì? Là đàn em VM không cưỡng lại được mặc dù không muốn và phải đành vâng lời đàn anh TC ký kết phân chia đất nước, điều mà VM không muốn tí nào, từ 3/4 sắp trở thành 4/4 phải rút lại còn 1/2.

Ngoài ra, sau khi VM phải chịu đàm phán với Pháp để đi đến việc thỏa thuận một lằn ranh, VM đã phải từ bỏ ý riêng ra giá vĩ tuyến 13, 14 để làm bước đầu mặc cả, vì TC nghe lời Pháp cho là VM đòi hỏi quá lố ép uổng VM từ bỏ ý đó mà theo ý mình lấy vĩ tuyến 16, để rồi dung hòa với bước đầu mặc cả của Pháp dùng vĩ tuyến 18, tiến tới thỏa thuộn dùng vĩ tuyến 17. Chứ nếu VM và Pháp găng nhau với vĩ tuyến 13, 14 và 18 thì chắc lằn ranh chung kết sẽ là vĩ tuyến 16.
- Ngày 17/7 -- Chu Ân Lai và Mendès-France gặp gỡ riêng:

-- Mendès-France: The Vietnamese government put forward some unrealistic requests. They suggested their regrouping area stretch from north to south nearly 1,000 kilometers. It is difficult to accept. I hope Mr. Premier can give Mr. Pham Van Dong some advice as you did on many occasions and ask him to make more realistic considerations.
--Mendès-France: chính phủ Việt Nam đưa ra một số yêu cầu không thực tế. Họ đề nghị vùng tập trung của họ kéo dài từ bắc xuống nam gần 1.000 cây số. Thật khó chấp nhận. Tôi mong Thủ Tướng có thể khuyên bảo Ông Phạm Văn Đồng như Thủ Tướng đã từng làm trong nhiều dịp và yêu cầu ông ấy có những ý kiến thực tế hơn.

Và khi được Chu Ân Lai cho biết là vĩ tuyến sẽ là 17, Mendès-France đến dạm hỏi riêng Phạm Văn Đồng thì Phạm Văn Đồng tỏ vẻ không bằng lòng bằng cách làm thinh:

- Ngày 20/7 -- Chu Ân Lai báo cáo Mao Trạch Đông về cuộc gặp gở với Mendès-France và Eden:

--(5) Comrade [Minister of Foreign Affairs of the Democratic Republic of Vietnam (DRV)] Pham Van Dong met Mendes-France again during the night. Mendes-France proposed to draw the line along the provincial border between Hoangpeng and Hoangchi, that is, the 17th Parallel. Pham did not respond.
--(5) Đồng chí Ngoại trưởng VNDCCH Phạm Văn Đồng gặp lại Mendès-France vào buổi tối. Mendès-France đề nghị vạch lằn ranh dọc theo ranh giới tỉnh lỵ giữa Hoangpen và Hangchi, tức là, vĩ tuyến 17. Phạm không trả lời.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 11:53:12 pm
1. Bảng tóm tắt:
- Ngày 2/3/54 TC ấn định lằn ranh tại vĩ tuyến 16, phân định rõ ràng bắc nam
- Ngày 4/4/54 VM muốn duy trì thống nhất lãnh thổ, ngưng bắn tại chỗ theo da beo
- Ngày 23/6/54 Pháp nói đề nghị của VM không thực tế
- Ngày 26/6/54 VM đề nghị vĩ tuyến 13, 14. Pháp đề nghị vĩ tuyến 18.
- Ngày 17/7/54 VM đề nghị lằn ranh ở cây sô 1.000. Pháp cho là quá tham và yêu cầu TC dùng ảnh hưởng khuyên bảo VM thực tế hơn. Số đông nói tới vĩ tuyến 17.
- Ngày 19/7/54 Pháp vẫn chủ trương vĩ tuyến 18
- Ngày 20/7/54 Pháp đồng ý vĩ tuyến 17. VM chưa chịu.
- Ngày 22/7/54 VM rốt cuộc đành chịu lấy vĩ tuyến 17.

quá trình mặc cả về lằn ranh theo tài liệu TC.

- Ngày 2/3/1954.
“Preliminary Opinions on the Assessment of and Preparation for the Geneva Conference,” Prepared by the Ministry of Foreign Affairs (drafted by [Premier and Minister of Foreign Affairs of the People’s Republic of China (PRC)] Zhou Enlai) and approved in principle at a meeting of the CCP [Chinese Communist Party] Central Secretariat.
-- "Các Ý Kiến sơ khởi về Lượng Định và Chuẩn Bị cho Hội Nghị Geneva", soạn thảo bởi Bộ Ngoại Giao, bản thảo của Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Nhân Dân Cộng Hòa Trung Quốc Chu Ân Lai và được phê chuẩn trên nguyên tắc tại buổi họp của Trung Ương Đảng Cộng Sản Tàu.
(3) ... On the specific questions related to restoring peace in Indochina, on-site ceasefire is not as good as dividing a demarcation line between the south and north, such as the 16th parallel.
-- (3) ... Về các vấn đề riêng biệt liên quan đến tái lập hòa bình tại Đông Dương, ngưng bắn tại chỗ không tốt bằng phân chia một lằn ranh giữa nam và bắc, tỉ như vĩ tuyến 16.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=6645B5C0-DD80-A8AD-BE8C420391CEBE75&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- Ngày 4/4
“A Comprehensive Solution for Restoring Peace in Indochina”
" Một giải pháp toàn diện cho việc tái lập hòa bình tại Đông Dương"
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=665137E1-C7A5-B289-085B152AE46312B1&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- Ngày 23/6 -- Mendès-France nói với Chu Ân Lai :
-- Regarding the particular idea on the main regrouping areas, I can’t make any suggestion right now, because I don’t know how the military staff negotiations go. They are planning to draw a horizontal line from west to east. The line, however, proposed by the Vietnamese staff is over the south much more than the real situation.
-- Liên quan đến ý kiến riêng biệt về các vùng chính tập trung, tôi không đưa ý kiến nào được vào giờ phút này, vì tôi không biết các cuộc đàm phán của giới chức quân sự tiến hành ra sao. Họ đang dự địch vạch ra một lằn ngang từ tây sang đông, Tuy nhiên, lằn ranh giới chức Việt đề nghị nằm quá về phía nam hơn tình hình thực tế.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=670A50B1-97BD-B7B7-75DFEC2E535BBAB8&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- Ngày 26/6 -- Chu Ân Lai báo cáo về Trung Ương Đảng:
-- Concerning Vietnam, the plan introduced by Comrade Pham Van Dong ... Our maximum [goal] is the line from Tuy Hoa, Jiaoyao, and Pleiku, along Route Nineteen, to the Vietnamese-Cambodian border (between the 13th and 14th parallels); the medium is the 15th parallel, and the minimum is the 16th parallel. At today’s meeting with the chief military negotiators from the two sides the French side already introduced the principles that its government would follow concerning the dividing line in Vietnam (that is, withdrawing completely from the north, dividing the line along the 18th parallel.
-- Liên quan đến Việt Nam, kế hoạch Đồng chí Phạm Văn Đồng đề nghị... Mục tiêu tối đa của chúng ta là lằn ranh từ Tuy Hòa, Jiaoyao, và Pleiku, dọc theo QL 19, tới biên giới Việt-Miên (giữa vĩ tuyến 13 và 14); trung là vĩ tuyến 15, và tối thiểu là vĩ tuyến 16. Trong buổi họp hôm nay với các trưởng phái đoàn quân sự thuộc hai phe, phe Pháp đã đề ra các nguyên tắc chính phủ của họ sẽ noi theo liên quan đến lằn ranh chia cắt Việt Nam (đó là, rút lui toàn vẹn khỏi phía bắc, phân chia lằn ranh dọc theo vĩ tuyến 18.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75844ADB-B69C-399A-B0770E446835427A&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 11:54:33 pm
- Ngày 17/7 -- Chu Ân Lai và Mendès-France gặp gỡ riêng:

-- Mendès-France: The Vietnamese government put forward some unrealistic requests. They suggested their regrouping area stretch from north to south nearly 1,000 kilometers. It is difficult to accept. I hope Mr. Premier can give Mr. Pham Van Dong some advice as you did on many occasions and ask him to make more realistic considerations.
--Mendès-France: chính phủ Việt Nam đưa ra một số yêu cầu không thực tế. Họ đề nghị vùng tập trung của họ kéo dài từ bắc xuống nam gần 1.000 cây số. Thật khó chấp nhận. Tôi mong Thủ Tướng có thể khuyên bảo Ông Phạm Văn Đồng như Thủ Tướng đã từng làm trong nhiều dịp và yêu cầu ông ấy có những ý kiến thực tế hơn.

...
-- Zhou Enlai: Today is the 17th. It will be a success only if some agreements can be achieved on the major issues within the next two days.
--Chu Ân Lai: Hôm nay là vĩ tuyến 17. Đó chỉ sẽ là một thành công với điều kiến một số thảo ước có thể đạt tới được liên quan đến các vấn đề chính nội trong hai ngày tới.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75C04336-D2D9-5025-C4309188E94E4289&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- Ngày 19/7 -- Thứ tưởng ngoại giao Tàu Zhang bàn bạc với Thứ tưởng ngoại giao Anh Caccia:

-- 1. Question of Demarcation Line in Vietnam
Caccia said that he had reported to [Anthony] Eden what Ambassador Zhang said the day before. Eden had conveyed the message to [Pierre] Mendes-France. The French side thinks that France has made considerable concessions in northern Vietnam, but the French side feels that “fortunately Route 9 does not fall on the 18th parallel.”
Ambassador Zhang asked, where does Eden think the demarcation line is south of the 18th parallel that is acceptable to the French side?
--1. Vấn đề Lằn Ranh tại Việt Nam
Caccia nói ông trình Anthony Eden điều Đại Sứ Zhang nói ngày hôm trước. Eden chuyển lời cho Mendès-France. Phía Pháp nghĩ là Pháp đã nhượng bộ nhiều tại miền bắc Việt Nam, nhưng phía Phá; cảm thấy "may mà QL9 không nằm tại vĩ tuyến 18."
Đại sứ Zhang hỏi, theo Eden nghĩ thì lằn ranh ở vị trí nào phía nam vĩ tuyến 18 thì phía Pháp chấp nhận được?
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.browse&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

- Ngày 20/7 -- Chu Ân Lai báo cáo Mao Trạch Đông về cuộc gặp gở với Mendès-France và Eden:

--(5) Comrade [Minister of Foreign Affairs of the Democratic Republic of Vietnam (DRV)] Pham Van Dong met Mendes-France again during the night. Mendes-France proposed to draw the line along the provincial border between Hoangpeng and Hoangchi, that is, the 17th Parallel. Pham did not respond.
--(5) Đồng chí Ngoại trưởng VNDCCH Phạm Văn Đồng gặp lại Mendès-France vào buổi tối. Mendès-France đề nghị vạch lằn ranh dọc theo ranh giới tỉnh lỵ giữa Hoangpen và Hangchi, tức là, vĩ tuyến 17. Phạm không trả lời.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75AA340E-98D5-1F9E-2119F4ADF695D351&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 11:57:31 pm
Ý kiến của ngoại trưởng Anh trong điện tín ghi lại biên bản buổi họp tay đôi giữa Chu Ân Lai và Eden tại tư dinh họ Chu tối 14/5/54:

- Eden: I would like to say a few things as the British Foreign Secretary. We very much hope to see the four great powers, excuse me, I made a mistake. We very much hope to see the five great powers, that is, the United Kingdom, the United States, China, France, and the Soviet Union, work together to decrease international tension and to conduct normal negotiations. But before this can be achieved, a resolution must be reached on the Indochina question. Indochina is important in itself, but what is more important is that this question not affect the relations among the five great powers.

http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=667DB014-95B9-EC45-2C268B5033A96D90&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Đại khái, Eden nhìn nhận vấn đề Đông Dương là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn là vấn đề này không phương hại tới mối băng giao giữa năm cường quốc.
Tiếng nói của VM chiến thắng ĐBP vẫn chỉ là tiếng nói của một nhược quốc và đòi hỏi của VM chỉ được lắng nghe khi không đi ngược lại quyền lợi chung của năm cường quốc cách chung và nhất là của TC cách riêng. Thắng lớn mà lại phải chịu rút từ 3/4 lãnh thổ tụt xuống còn lại có 2/4, có phải là ngược đời trớ trêu không?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 11:59:29 pm
 Ngày 20/6/54  Điện tín TƯĐ CSTQ gửi Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc Chu Ân Lai, liên quan đến buổi họp tại Nanning.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=66FA34F9-A5DB-342D-E44575708A34B6B0&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Kính thưa Đồng chí Ân Lai:
Điện tín ngày 20/6 lúc 3 giờ đã tới nơi.

(1) Chúng tôi chấp thuận đồng chí dời Geneva đi Ấn Độ bằng máy bay ngày 23/6. Chúng tôi đã chuyển đạt hai điện tín đồng chí gửi cho Đại sứ Yuan Zhongxian.
(2) Chúng tôi chấp thuận đồng chí và Đồng chí Ding, Tổng thư ký Đảng Lao Động Việt Nam Trường Chinh, Tướng Việt Minh Võ Nguyên Giáp, cùng các Đồng chí Cố vấn trưởng Trung Cộng cho ĐLĐ Luo Guibo và Thứ trưởng Ngoại giao TC Zhang Hanfu, sẽ nhóm họp và bàn thảo tại Nanning. Chúng tôi đã đánh điện cho Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam và Cố vấn trưởng quân sự TC cho Đảng Lao Động Wei Guoqing, để họ mau tới Nanning chờ đồng chí vào khoảng ngày 28/6.
(3) Chúng tôi sẽ chỉ thi Ủy Ban Quân Sự phái một máy bay đặc biệt chờ đồng chí tại Quảng Châu và thực hiện các chuyến bay thử nghiệm giữa Quảng Châu và Nanning trước.
(4) TƯĐ Văn Phòng Chi Nhánh Nanning và Ủu Ban Tỉnh Quảng Xi sẽ thông báo các tiến triển liên hệ.
(5) Chúng tôi chấp thuận phái đoàn của chúng ta tại Geneva sẽ được hướng dẫn bởi Phó Ngoại trưởng TC Đồng chí Li Kenong là người sẽ ở lại Geneva và hướng dẫn các cuộc đàm phán về các vấn đề quân sự. Đại sứ cạnh Liên Sô kiêm Thứ trưởng Ngoại giao Zhang Wentian và Thứ tưởng Ngoại giao Wang Jiaxiang sẻ trở về Moscova.
(6) Liên quan đến các thông tin tỉ như ngày giờ chuyến bay, và ấn hiệu và loại máy bay cho chuyến bay của đồng chi, và lộ trình từ Ấn Độ tới Quảng Châu, xin đồng chí báo cáo sớm để ở nhà chúng tôi sẽ chu toàn các chuẩn bị cho kịp thời.
Ủy Ban Trung Ương.

- Ngày 20/6/1954 Điện tín, TƯĐCSTQ gửi Cố vấn trưởng quân sự TC cho Đảng Lao Động Việt Nam Wei Guoqing, Thành viên Nhóm Cố Vấn Quân Sự TC cạnh ĐLĐ Qiao Xiaoguang và Phái Đoàn trong Ủy Ban Trung Ương Đảng Lao Động, liên quan tới buổi họp giữa Thủ tướng và Đồng Chí Ding.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=66FECF70-ACAE-E1F0-C2BF6B5E27E0487D&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)


Kính thưa các đồng chí Wei Guoqing và Qiao Xiaoguang và Phái đoàn tháp tùng Ủy Ban Trung Ương Đảng Lao Động Việt Nam:
Sau khi đã đạt được một thỏa thuận tại Hội Nghị Geneva ngày 19 tháng 6, các ngoại trưởng của các nước lớn đã lần lượt rời khỏi Geneva. Ng̣oại trưởng Liên Sô Đồng Chi Vyacheslav M. Molotov đã trở về Moscova ngày buổi chiều hôm đó, và Ngoại trưởng Anh Eden và Thứ trưởng Ngoại giao HK Tướng Walter Bedell Smith rời đi sáng ngày 20. Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CHNDTH Đồng chí Chu Ân Lai sẽ về nước khoảng ngày 23. Trong ba tuần lể các ngoại trưởng vắng mặt, hội nghị sẻ thảo luận các vấn đề quân sự liên quan đến Việt Nam, Miên và Lào. Do đó, phía chúng ta cần gấp rút lấy quyết định về một kế hoạch đối với vấn đề phân chia các vùng. Đồng chí Chu Ân Lai đã bản thảo với và đã hoàn thành một thỏa thuận với các Đồng chí Molotov và Ngoại trưởng VNDCCH Phạm Văn Đồng và nghĩ là cần gặp các Đồng chí Chủ tịch VNDCCH Hồ Chí Minh, Tổng thư ký TƯĐLĐVN Trường Chinh và Tướng Việt Minh Võ Nguyên Giáp, cùng các Đồng chí Cộ vấn trưởng CHNDTH cạnh ĐLĐ Luo Guibo và Cố vấn trưởng quân sự CHNHTH cạnh ĐLĐ Wei Guoqing, để bản thảo tình hình liên quan đến đàm phán và vấn đề phân chia vùng, ngõ hầu đi đến một đồng thuận và tạo tiến triển trong các cuộc hội đàm tại Geneva. Ý kiến của chúng tôi cho là buổi họp này là cần thiết, và chúng tôi đồng ý với các ý kiến của Đồng chí Chu Ân Lai. Xin vui lòng yêu cầu các Đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp, cùng với Đồng chí Wei Guoqing, gấp rút tới Nanning, Guangxi, khoảng ngày 28 để đón chờ Đồng chí Chu Ân Lai. Xin duyệt xét các ý kiến trên và hồi đáp càng sớm càng tốt.
Ủy Ban Trung Ương


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 06 Tháng Tám, 2010, 11:59:55 pm
- Ngày 23/6/54 Điện tín, TƯĐCSTH gửi Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CHNDTH Chu Ân Lai
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=671C5424-C3F0-A603-C462A355575289E3&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

(Tối Mật )
Kính gửi Đồng chí Chu Ân Lai:
Các đồng chí Cố vấn trưởng CHNDTH cạnh Đảng Lao Động Việt Nam Luo Guibo và Cố vấn trưởng quân sự CHNDTH Xie Fang sẽ lữ hành từ Bắc Kinh đến Nanning, và sẽ tới Nanning trước 29 tháng 6.
Ủy Ban Trung Ương.

- Ngày 24/6/54 Điện tín, Thứ trưởng Ngoại giao CHNDTH Li Kenong gửi Tổng Tham Mưu Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân và Bộ Ngoại giao, liên quan tới chuyến đi của Đại sứ VNDCCH cạnh CHNDTH Hoàng Văn Hoan và một nhóm sáu người.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=67146BCA-A3DA-D7B5-43F82B496CF8FDB6&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Kính thưa Tổng Tham Mưu và Bộ Ngoại giao:
Đại sứ Hoàng Văn Hoan và nhóm sáu người sẻ rời Geneva bằng chuyến bay hôm nay đi Bắc Kinh qua ngả Moscova, và cần được gấp rút đưa tới Nanning khoảng ngày 28. Xin sắp xếp một chuyến bay đặc biệt sau khi họ tới Bắc Kinh. Điều này quan trọng.
Li Kenong

- Ngày 26/6/54 Điện tín, Thứ trưởng CHNDTH Li Kenong gửi Chủ tịch TƯĐCSTH Mao Trạch Đông, Phó Chủ tịch TƯĐCSTH Liu Shaoqi, và Ủy Ban Trung Ương ĐCSTH, và Phái đoàn Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CHNDTH Chu Ân Lai, Đại sứ cạnh Liên Sô kiêm Thứ trưởng Ngoại giao CHNDTH Zhang Wentian và Thứ trương Ngoại giao CHNHTH Wang Jiaxiang, liên quan tới nội dung buổi họp giữa các phái đoàn Nga, Tàu và Việt Nam.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75844ADB-B69C-399A-B0770E446835427A&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Trước khi hội nghị các vấn đề quân sự bắt đầu thảo luận về các vấn đề phân chia vùng tại Lào, hai phía cần xem xét và điều chỉnh các bản đồ trước để phản ảnh tình huống hiện tại, và rồi sẽ bản thảo tới định cư. Theo cách này, (1) chúng ta sẽ biết rõ hơn về tình hình và như vậy đề ra các phương án hoàn chỉnh, và
(2) chúng ta có thêm nhiều thời giờ chờ đợi các quyết định của các buổi họp tại Nanning.
Li Kenong

- Ngày 26/6/54 Điện tín Bộ Ngoại giao CHNDTH gửi Thứ trưởng Ngoại giao CHNDTH Li Kenong, liên quan tới Đại sứ VNDCCH cạnh CHNDTH Hoàng Văn Hoan tới Bắc Kinh.
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=758F6F74-FB5C-4EB2-CC56C5C1A0BB40F6&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Kính gửi Thứ trưởng Li:
Đồng chí Hoàng Văn Hoan và một đồng chí khác đã tới Bắc Kinh hôm nay. Chuyến bay đi Nanning đã được thu xếp xong.
Bộ Ngoại Giao


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 12:00:15 am
- Ngày 28/6/54  Điện tín Giám đốc Bộ Hành quân gửi cố vấn quân sự cạnh phái đoàn Trung Quốc Lei Yingfu, "Đã nhận đủ các tài liệu".
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75972C98-07C0-04AA-9147089777318A9A&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Kính gửi Đồng chí Lei Yingfu:
Các tài liệu tối mật đồng chí gửi chúng tôi đã được Đồng chí Wang Yin thuộc Bộ Ngoại giao lại ngày hôm nay.
Zhang Zhen

- Ngày 29/6/54 Điện tín, Thứ trưởng Ngoại giao CHNDTH Li Kenong gửi Chủ tịch TƯĐCSTH Mao Trạch Đông, Phó Chủ tịch TƯĐCSTH Liu Shaoqi, và Ủy Ban Trung Ương ĐCSTH, "Báo cáo buổi họp của các phái đoàn Tàu, Nga và Việt Nam."
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=7598E97B-DDDD-D662-816BC7B2E5CD4898&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

(2) Tại buổi họp hôm nay, Ngoại trưởng VNDCCH Đồng chí Phạm Văn Đồng đưa ý kiến bản thảo nhiều hơn về các vấn đề kinh tế và ít hơn về vấn đề chia vùng…Do đó chúng tôi hy vọng buổi họp tại Nanning sẽ sớm đạt tới một quyết định về vấn đề này và thông báo cho phái đoàn Việt Nam và chúng tôi càng sớm càng tốt, ngõ hầu đàm phán có thể tíên triển hơn lên.
Li Kenong

- Ngày 29/6/54 Điện tín Bộ Ngoại giao CHNDTH gửi Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CHNDTH Chu Ân Lai, "Đại sứ VNDCCH cạnh CHNDTH Hoàng Văn Hoan và nhóm đã bay tới Nanning"
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75A30B3B-F383-8D01-44209411093DC596&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Kính thưa Thủ tướng Chu:
Hoàng Văn Hoan và nhóm bảy người, và các sứ giả của Bộ Ngoại Giao Xiao Qing và Shan Daxin mang các tài liệu tối mật cần trao tận tay Thủ tướng, đã dời Nanning bằng máy bay sáng nay lúc 7 giờ 30.
Bộ Ngoại Giao


- Ngày 2/7/54 Điện tín Bộ Ngọai giao CHNDTH gửi Đại sứ cạnh Liên Sô kiêm Thứ trưởng Ngoại giao CHNDTH Zhang Wentian, Thứ trưởng Ngoại giao CHNDTH Wang Jiaxiang, và Thứ trưởng Ngoại giao CHNDTH Li Kenong, "Buổi họp giữa Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CHNHTH Chu Ân Li và các lãnh tụ của Đảng Lao Động Việt Nam sẽ được di chuyển địa điểm tới Liuzhou."
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75A4729B-B1E3-D4CD-9F3CF9854DAD1769&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Kính gửi các Thứ trưởng Ngoại giao Zhang và Wang, và Thứ trưởng Li:
Buổi họp với các đồng chí Việt Nam đã được dời đổi tới Liuzhou. Phi cơ Thủ tướng Chu sẽ cất cánh sáng nay tại Quảng Châu, và sẽ tới Liuzhou lúc 12 giờ. Do đó đây là thông cáo đặc biệt.
Bộ Ngoại Giao



Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 12:01:47 am
- Ngày 3/7/54  Điện tín, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CHNDTH Chu Ân Lai gửi Chủ tịch TƯĐCSTH Mao Trạch Đông, Phó Chủ tịch TƯĐCSTH Liu Shaoqi, và Ủy Ban Trung Ương ĐCSTH, "Báo cáo ngắn về buổi họp tại Liuzhou."
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75A84628-BC97-FC0E-711C965E9E562BDE&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Kính gửi Chủ tịch, Đồng chí Shaoqi, và báo cáo Ủy Ban Trung Ương, và phái đoàn Đại sứ Zhang Wentian và Bộ trưởng Wang Kiaxing tại Moscova, và Thứ trưởng Li Kenong tại Geneva:
Tôi tới Quảng Châu sáng ngày 30/6. Vì thời tiết thay đổi và không kiêng cữ tôi bị đau bụng. Tôi nghỉ chọn một ngày tại Quảng Châu, và bay tới Liuzhou trưa ngày 2/7. Cùng ngày, tôi gặp Đồng chí Ding, Tướng Việt Minh Võ Nguyên Giáp, Đại sứ VNDCCH cạnh CHNDTH Hoàng Văn Hoan, Cố vấn trưởng CHNDTH cạnh Đảng Lao Động Việt Nam Luo Guibo, Cố vấn trưởng quân sự CHNDTH cạnh ĐLĐ Wei Guoqing, Chen Manyuan, và Xie Fang, và hội đàm ngắn với Đồng chí Ding. Tôi đã đọc các điện tín từ Ủy Ban Trung Ương qua Ủy Ban Tỉnh. Các bằng hữu cũng đã đọc các điện tín đó khi tới tay họ.
Buổi họp đầu tiên nhóm họp buổi sáng hôm nay, và Đồng chí Võ trình bày đầy đủ. Buổi họp sẽ tiếp diễn vào buổi chiều, và Wei Guoqing sẽ trình bày bổ túc. Buổi họp nhóm họp buổi tối dự tính tôi sẽ báo cáo về kinh nghiệm tại Hội Nghị Geneva cùng tình hình quốc tế hiện tại. Các vấn đề quan trọng sẽ phải đợi được giải quyết trong buổi họp ngày 4/7. Còn về các vấn đề đề cập tới trong các điện tín từ Geneva, có lẽ tôi sẽ hồi đáp tối nay.
Chu Ân Lai

- Ngày 4/7/54 Điện tín Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CHNDTH Chu Ân Lai gửi Chủ tịch TƯĐCSTH Mao Trạch Đông, Phó Chủ tịch TƯĐCSTH Liu Shaoqi, và Ủy Ban Trung Ương ĐCSTH, "Báo cáo ngắn về buổi họp tại Liuzhou."
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75AC2F42-C46B-DFE4-8B72E0B3BA652674&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Kính gửi Chủ tịch, Đồng chí Shaoqi, và báo cáo Ủy Ban Trung Ương, và phái đoàn Đại sứ Zhang Wentian và Bộ trưởng Wang Kiaxing tại Moscova, và Thứ trưởng Li Kenong tại Geneva:

Sáng ngày 3/7, chúng tôi nghe Tướng Việt Minh Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo, và buổi chiều chúng tôi nghe Cố vấn trưởng quân sự CHNHTH Đồng chí Wei Guoqing báo cáo thêm.
Tối hôm qua và sáng nay tôi báo cáo về kinh nghiệm tại hội nghị Geneva và nêu lên một số vấn đề cần giải quyết. Báo cáo gồm 6 phần:
(1) Tình hình hiện tại và nhiệm vụ của chúng ta;
(2) Vấn đề liên quan đến hòa bình và chiến tranh;
(3) Kế hoạch định cư ôn hòa cho Việt Miên Lào;
(4) Vấn đề đàm phán- bao gồm chính sách, phương thức, thời điểm và giám sát;
(5) Chính sách và chiến thuật của Đảng Lao Động trong tương lai và các chiều hướng cần phải quan tâm;
(6)Vấn đề sắp xếp công việc trong tương lai;
Đối với các vấn đề trên, chúng tôi đã nói chuyện riêng, và có các cuộc trao đổi sơ khởi của các ý kiến với các đồng chí Việt Nam.
Đồng chí Ding nói là liên quan đến các kế hoạch định cư, sắp xếp các cuộc hành quân trong tương lai, và sắp xếp công việc khác, các đồng chí Việt Nam và các Đồng chí Wei Guoqing và Luo Guibo sẽ làm việc để chuẩn bị và chúng ta có thể đạt tới quyết định sau một ngày họp vào ngày mai. Liên quan tới các câu hỏi từ Geneva, sẽ có các câu trả lời sau buổi họp ngày mai. Ngày trở về Bắc Kinh được hoãn lại thêm một ngày, và được thay đổi là ngày 6/7. Do đó, báo cáo đặc biệt này.
Chu Ân Lai

- Ngày 6/7/54 Điện tín, Bộ Ngoại Giao CHNDTH gửi Thứ trưởng Ngoại giao CHNDTH Li Kenong, Đại sứ cạnh Liên Sô kiêm Thứ trưởng Ngoại giao CHNDTH Zhang Wentian, Thứ trưởng Ngoại giao CHNDTH Wang Jiaxiang,, "Thủ tướng đã trở về Bắc Kinh".
http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=75AF9ACE-F3D3-015D-DA1FFB1D6B65FDD6&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Kính gửi Thứ trưởng Li và các Thứ trưởng Zhang và Wang:
Thủ tướng Chu Ân Lai đã trở về tới Bắc Kinh yên ổn chiều ngày 6/7.
Bộ Ngoại Giao


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: _new trong 07 Tháng Tám, 2010, 12:06:18 am
Hội nghị Geneve là một thất bại của Việt Minh vì chỉ là con bài trên bàn hội nghị, đa số các vấn đề đều qua TQ và LX. OK, em cũng đồng ý với bác có nick là nguyentin. Việt Minh mất gì thì cũng đã rõ.
Nhưng điều đó chứng minh cho cái gì? Mời bác nguyentin nói rõ hơn quan điểm của bác về vấn đề này.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 12:08:08 am
Nguyên bản tiếng Anh điện tín TC đầu tiên trong loạt điện tín ngày Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc ra lệnh hiệu triệu nhóm họp tại Nanning theo chỉ thị của Chu Ân Lai từ Geneva đánh điện về cho Bắc Kinh. Xin lưu ý mấy điểm cho thấy là có tính cách hiệu triệu và ra chỉ thị, chứ không phải mời mọc đợi các đương sự hồi đáp cho biết ý kiến có muốn đi hay không muốn đi họp.

20 June 1954
Telegram, [Chinese Communist Party] CCP Central Committee to [Premier and Minister of Foreign Affairs of the People’s Republic of China (PRC)] Zhou Enlai, concerning the meeting at Nanning, 23:00, 20 June 1954
Comrade Enlai:
Your telegram of 3:00, 20 June has been received.
(1) We approve that you leave Geneva for India by flight on the 23rd. The two telegrams (from you) to Ambassador Yuan (Zhongxian) have been conveyed to him.
(2) We approve that you and Comrade Ding, [1] [General Secretary of the Vietnamese Workers’ Party (VWP)] Truong Chinh, [Viet Minh General] Vo Nguyen Giap, as well as Comrades [Chief PRC advisor to the VWP] Luo Guibo and [PRC Vice Minister of Foreign Affairs] Zhang Hanfu, will hold meetings and discussions at Nanning. We have telegraphed the Central Committee of the Vietnamese Workers’ Party and [Chief PRC military advisor to the VWP] Wei Guoqing, so that they will be rushing to Nanning to wait for you there by the 28th.
(3) We will order the Military Commission to dispatch a special plane to wait (for you) in Guangzhou, and to conduct test flights between Guangzhou and Nanning in advance.
(4) The [CCP] Nanning Bureau Branch and Guangxi Provincial Committee will be posted of related development.
(5) We approve that our delegation [at Geneva] will be led by [PRC Vice Minister of Foreign Affairs] Comrade Li Kenong, who will remain [in Geneva] and will lead the negotiations on military affairs. [PRC Ambassador to the Soviet Union and Vice Minister of Foreign Affairs] Zhang Wentian and [PRC Vice Minister of Foreign Affairs] Wang Jiaxiang will go back to Moscow.
(6) On such related information as the date, time (of the flight), and the mark and type of the plane (for your trip), and the flight route from India to Guangzhou, please make an early report, so that we at home will complete due preparation in a timely manner.
The Central Committee

Sáu "lời yêu cầu" trên thật ra chỉ là "chỉ thị".
Trong vấn đề xử lý hội nghị Geneva, Chu Ân Lai đã được Mao Trạch Đông và TƯĐCSTH giao cho trọn quyền, chỉ có việc báo cáo tường trình lại sau thôi. Vậy mà trong điện tín TƯĐ dùng từ "approve", đồng ý cho phép.
Một điểm nữa, TƯĐCSTH triệu TƯĐLĐVN về Nanning trong cùng một câu khi triệu Wei Guoqing về nước vậy:
- We have telegraphed the Central Committee of the Vietnamese Workers’ Party and [Chief PRC military advisor to the VWP] Wei Guoqing, so that they will be rushing to Nanning to wait for you there by the 28th.
Đâu có thấy viết là "Chúng tôi đã đánh điện mời TƯĐLĐVN và sẽ thông báo Thủ tướng Chu biết ý kiến của họ" đâu.
Lại còn ra lệnh "khẩn trương" đến trước ngày 29/6, trong khi Chu Ân Lai tà tà đi Ấn Độ và Miến Điện cho tới ngày 2/7 mới tới họp.
Khách quan mà nói, các điện tín TC cho thấy là phái đoàn VM nhận chỉ thị? Chu Ân Lai viết là chỉ hỏi ý kiến sơ các đồng chí VM trước khi vào họp lên tiếng cho biết ý định cuả mình, chứ có họp bàn gì.
Từ ngữ chính thức của các điện tín dùng rất là tế nhị, nhất là TQ muốn giữ thể diện cho VM, sao cho bề ngoài vẫn có vẻ là hành động biệt lập không lụy vào TQ, thì làm sao mà nói toặc ra là triệu và chỉ thị.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 12:11:08 am
Pentagon Papers nhận xét là VM không muốn ngồi vào bàn hội nghị đàm phán vì đang thắng Pháp tại Lào và Bắc Việt, nhưng bị Liên Sô và TC ép buộc đi họp hội nghị Geneva để bàn ngưng chiến.
I. BACKGROUND TO THE CONFERENCE
Contrasting Communist unity on the eve of the conference was more a matter of Sino-Soviet agreement on the desirability of negotiations than of complete accord among the three parties. In the aftermath of Stalin''''s death, Soviet foreign policy under Malenkov had altered considerably. Domestic priorities no doubt influenced the regime''''s proclaimed hopes for a reduction in international tension. Peking, more intimately involved in the Viet Minh cause, stepped up its assistance to General Giap''''s forces between February and April 1954, but also agreed with Moscow on the desirability of convening an international conference, which China would attend, to end the fighting. The limited available evidence suggests that the Democratic Republic of Vietnam (DRV) alone among the three Communist parties considered the call for negotiations premature and urged that they be preceded by intensified military efforts. Ho''''s much-publicized offer in late November 1953 to talk with the French was intended more to influence French domestic and official opinion and to demoralize Franco-Vietnamese troops than to evince sincere interest in arriving at an equitable settlement. In ensuing months, DRV broadcasts showed a far greater interest in first achieving a clear-cut military victory in the Tonkin Delta and parts of Laos than in engaging in discussions while French forces remained scattered throughout Indochina.
http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent7.htm

Pentagon Papers nhận xét là mỗi khi VM quá đòi hỏi khiến cho hội đàm bế tắc, Liên Sô và Trung Cộng can thiệp ép uổng VM phải mềm dẻo hơn. Và đi đến kết luận là cuối cùng VM chịu đồng chung số phận của các tiểu nhược quốc QGVN, Lào và Miên bị Pháp chơi xấu: VM bị các đồng minh LS và TC chơi xấu.

B. THE COMMUNICATION GAPS
As will be argued in greater detail subsequently, the frequent meetings of the Communist delegations did not result in a uniformity of views. The Chinese and Soviets evidently worked independent of the Viet Minh whenever their separate interests dictated the need for advancement of progress in the negotiations. At times when the Viet Minh were intransigent, Chou and Molotov frequently took the initiative to break log jams that threatened to plunge the conference into irresolvable deadlock. Much like Eden, Chou and Molotov sometimes found themselves playing the role of mediator, a role which they, and particularly Chou, relished for what Fred Iklé has called the "side-effects" of negotiations-benefits deriving from, but incidental to, negotiations, such as enhanced prestige. In the end, the Viet Minh advantage of close rapport with Moscow and Peking did not prevent the Viet Minh from sharing with their non-Communist compatriots the ignominious distinction of having been undercut by allies.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 12:11:55 am
Ngày 10 tháng 5 năm 1954, Phạm Văn Đồng nói VM đã kiểm soát hơn 3/4 lãnh thổ, và chính quyền ĐLĐVN được dân chúng ủng hộ hơn là chính quyền của Bảo Đại. Do đó, VM muốn giải quyết chính trị trước rồi mới tới giai đoạn giải quyết quân sự. Đồng thời VM cũng muốn gộp vấn đề Lào và Miên chung lại với vấn đề Việt Nam. Những đòi hỏi này khiến cho hội nghị bế tắc trầm trọng buộc LS và TC vận động chống lại tham vọng của VM.

B. THE COMMUNIST PROPOSALS
Official American perspectives on the likely pattern of the Geneva negotiations were confirmed when the Viet Minh forwarded their first proposal "package" at the second plenary session on May 10. Pham Van Dong, then the DRV''''s vice-minister for foreign affairs and already a seasoned negotiator with the French, introduced his case with the argument that the Viet Minh were the "stronger" force in "more than three-fourths of the country." He went on to describe the successful administration of this territory by his government, which he said "represents the will of the entire Vietnamese nation The opposition, the Bao Dai regime, characterized as "the government of the temporarily occupied zone," did not enjoy popular support and was merely the tool of the French.
....
The meaning of Dong''''s proposal was clear. A political settlement would precede a military agreement to a cease-fire rather than the reverse, which the French preferred. In the same speech, Dong made clear that the DRV''''s concern extended beyond Vietnam to Cambodia and Laos.

The inclusion of the Pathet Lao and Free Khmer in the DRV''''s settlement plan-in particular, the demand that they merited political and territorial recognition-very quickly brought the conference to a standstill and, much later, compelled the Soviets and Chinese to work against Viet Minh ambitions.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 12:13:26 am
Pentagon Papers nhận xét, tuy không có bằng cớ vật lý nhưng có những dấu chỉ hiển nhiên, VM đã phải từ bỏ ý kiến vùng da beo để ưng thuận giải pháp phân chia rõ rệt bắc nam dưới áp lực của Liên Sô và Trung Cộng. Vĩ tuyến 16 đã được Liên Sô đề nghị với Mỹ tại Luân Đôn từ ngày 4 tháng 3 năm 1954; và ngày hội nghị khai mạc, Liên Sô bắn tiếng cho Mỹ biết là Trung Cộng sẽ hài lòng với vùng độn an ninh từ biên giới Tàu-Việt đến vĩ tuyến 16.

What had prompted Dong to introduce a partition arrangement when, at previous sessions, the Viet Minh had pushed repeatedly for a settlement procedure that would facilitate their consolidation of control over the entire country? What evidence we have is circumstantial, but it suggests that the Viet Minh delegation may have come under Sino-Soviet pressure to produce an alternative to cease-fire proposals that were consistently being rejected by the West. The partition alternative, specifically at the 16th parallel, had been intimated to American officials as early as March 4 by a member of the Soviet Embassy in London, apparently out of awareness of Franco-American objections to a coalition arrangement for Vietnam. On the opening day of the conference, moreover, Soviet officials had again approached American officials on the subject, this time at Geneva, averring that the establishment of a buffer state to China's south would be sufficient satisfaction of China's security needs. While these events do not demonstrate that Dong's partition proposal * was the direct outgrowth of Sino-Soviet disposition toward a territorial division, they do reveal that partition was a solution, albeit temporary, which Moscow, at least, early found agreeabl

Pentagon Papers nhận xét thấy ngày 20/5/54 Chu Ân Lai gặp riêng Eden đồng ý tách rời vấn đề quân sự khỏi vấn đề chính trị và đồng thời cũng đồng ý tách rời vấn đề của Lào và Miên ra khỏi vấn đề của Việt Nam đi ngược lại ý muốn của VM. Sau đó VM buộc phải bàn thảo vấn đề quân sự với Pháp và ngày 2/6 hai bên có sự thảo thuận về lằn ranh quân sự và đến ngày 10/6 thì VM chịu bàn riêng vấn đề Việt Nam tách rời vấn đề Miên Lào theo sự ép uổng của TC, ba tuần lễ sau ngày Chu Ân Lai đồng ý với Eden.

Chou En-lai, in the same conversation with Eden on May 20 in which Chou had agreed to separate military from political matters, also admitted that political settlements might be different for the three Indochinese states. Chou thus moved one step closer to the Western position, which held that the Laotian and Cambodian cases were substantially different from that in Vietnam and hence should be decided separately. The concession, however small, paved the way for agreement to Eden''''''''s proposal on May 25 that the problem of a cease-fire in Vietnam be dealt with separately and directly by having the Viet Minh and French military commands meet in Geneva and on the spot in Vietnam (later determined as Trung Gia) to discuss technical aspects of the regroupment. The military staffs would report their findings to the conferees. On June 2 formal agreement was reached between the commands to begin work; but it was not until June 10, apparently, that the Viet Minh actually consented that their secret talks with the French, like the discussions of the military commands, should be concerned only with Vietnam to the exclusion of Laotian and Cambodian problems. Thus, it would seem that the Viet Minh position on the indivisibility of the three Indochinese states for purposes of a settlement was undercut by the Chinese (doubtless with Soviet support); yet for about three weeks following Chou''''''''s talk with Eden, the Viet Minh had privately refused to deal with the French on Vietnam alone.

Pentagon Papers nhận xét ngày 16 và 17 tháng 6 năm 1954, Chu Ân Lai đi đêm với Eden- và Bidault qua mặt VM đồng ý với Anh, Pháp bàn vấn đề Việt Nam tách rời ra khỏi vấn đề Miên Lào.

From the conversation, Eden "received a strong impression that he [Choul wanted a settlement and I accordingly urged Georges Bidault to have a talk with him and to discuss this new offer." On the next day (June 17), Bidault met with Chou for the first time, as well as with Molotov, and reported the Communists'' great concern over a break-up of the conference. Two days later a French redraft of a Chinese proposal to broaden the military staff conferences to include separate talks on Laos and Cambodia was accepted.
This first major breakthrough in the negotiations, with the Chinese making an overture that evidently had full Soviet backing, seems not to have had Viet Minh approval.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: _new trong 07 Tháng Tám, 2010, 12:15:45 am
Tài liệu bác nick nguyentin đưa lên rất hay. TQ họ nói với nhau thế nào là quyền của họ, họ không coi VNDCCH ngang hàng với họ là quyền của họ, thích tự sướng là quyền của họ. Bác thích nghĩ người TQ chỉ thị cho người Việt Nam là vấn đề của cá nhân bác.
Để anh em đả thông điều đó, thì nhờ bác tìm cho tài liệu TQ gửi Việt Nam rằng họ chỉ thị Việt Minh, càng tốt hơn là văn bản Việt Nam trả lời "dạ, rõ" ra sao. Thế là đám cuồng tín bị bưng bít bấy lâu câm họng ngay.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 12:16:34 am
Hội nghị Geneve là một thất bại của Việt Minh vì chỉ là con bài trên bàn hội nghị, đa số các vấn đề đều qua TQ và LX. OK, em cũng đồng ý với bác có nick là nguyentin. Việt Minh mất gì thì cũng đã rõ.
Nhưng điều đó chứng minh cho cái gì? Mời bác nguyentin nói rõ hơn quan điểm của bác về vấn đề này.
Tôi muốn chứng minh những điều sau
- VNDCCH ký HĐ theo kịch bản do TC vạch sẵn và dưới áp lực của TC và Liên Sô chứ VNDCCH không có tiếng nói gì, VNDCCH chỉ được triệu tập đến họp HN dưới danh nghĩa là bù nhìn.

- Hoa Kỳ, Pháp, Bảo Đại mới là những người muốn có 1 VN thống nhất, 1 chính thể, 1 lãnh đạo.

- VNDCCH, LX, TC mới chính là những kẻ muốn chia đôi đất nước, thậm chí VNDCCH còn "tham" hơn khi đòi lấy vĩ tuyến 13 làm giới tuyến quân sự tạm thời.

- VNDCCH là kẻ hèn yếu, cúc cung tận tuỵ nghe theo lời TC và phải chịu trách nhiệm trước LS về chuyện đất nước bị chia đôi và cuộc chiến 1954-1975


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: _new trong 07 Tháng Tám, 2010, 12:40:00 am
OK bác, Nêu quan điểm rõ ràng như thế này anh em ta dễ bàn luận. Mời bác post tiếp tài liệu.

Về những luận điểm của bác, theo em là như sau:
Tôi muốn chứng minh những điều sau
- VNDCCH ký HĐ theo kịch bản do TC vạch sẵn và dưới áp lực của TC và Liên Sô chứ VNDCCH không có tiếng nói gì, VNDCCH chỉ được triệu tập đến họp HN dưới danh nghĩa là bù nhìn.
Đồng ý

Tôi muốn chứng minh những điều sau
- Hoa Kỳ, Pháp, Bảo Đại mới là những người muốn có 1 VN thống nhất, 1 chính thể, 1 lãnh đạo.

- VNDCCH, LX, TC mới chính là những kẻ muốn chia đôi đất nước, thậm chí VNDCCH còn "tham" hơn khi đòi lấy vĩ tuyến 13 làm giới tuyến quân sự tạm thời.

- VNDCCH là kẻ hèn yếu, cúc cung tận tuỵ nghe theo lời TC và phải chịu trách nhiệm trước LS về chuyện đất nước bị chia đôi và cuộc chiến 1954-1975

Như tài liệu bác đã đưa ở trên mà em đọc được một phần. Việt Minh không muốn chia đôi đất nước thành hai vùng tập kết quân sự như kết quả hội nghị. Và chiếu theo văn bản hội nghị thì cũng không phải là chia Việt Nam thành hai nước riêng. Và việc phân ra hai vùng tập kết quân sự và một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước là hai bước không thể tách rời. Bác có đồng ý với những điều này?
Như vậy nếu nói VNDCCH có ý đồ muốn chia đôi đất nước theo em là sai lầm nghiêm trọng.

Ai là người muốn chia đôi đất nước? Không thể nói VNCH không ký hay có tuyên bố phê phán hội nghị thì có nghĩa họ muốn có một đất nước thống nhất. Vì như đã nói ở trên, việc phân ra hai vùng tập kết quân sự và một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước là hai bước không thể tách rời. Nếu VNCH tôn trọng và quyết tâm thi hành hiệp định như VNDCCH thì kết quả sẽ thế nào? Đất nước có bị chia cắt?
Giữa hai việc: Tuyên bố phê phán việc phân đất nước thành hai vùng tập kết quân sự (nhưng triệt để thi hành) và việc quyết không chịu tổng tuyển cử để thống nhất đất nước trong hòa bình, thì cái nào có giá trị thực chất hơn? Ai là người muốn chia cắt đất nước vì quyền lợi và lý tưởng của mình?
 
VNDCCH năm 1954 yếu thì hoàn toàn chính xác, hèn thì nhờ bác chứng minh, còn ai chịu trách nhiệm trước lịch sử về việc chia đôi đất nước thì hãy cứ nhìn vào hành động của các bên. Đừng nghe những gì xxx nói, hãy nhìn những gì xxx làm. Thêm nữa, trong suốt giai đoạn 1954-1975, có thể khẳng định không có "người VNDCCH" nào coi Việt Nam đã phân chia thành hai nước riêng biệt cả, ngược lại thì rất rất nhiều "người VNCH" coi VNCH là một nước độc lập. Đến này nay, đất nước đã thống nhất hơn 30 năm, vẫn còn nhiều người cờ vàng nghĩ và nói thế đấy.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: danviet trong 07 Tháng Tám, 2010, 01:40:09 am
Tôi không đồng ý với bác _new trong chuyện bác công nhận hội nghị Geneve là một thất bại của Việt Minh, hay Việt Minh đứng làm bù nhìn trong cuộc thảo luận này. Cái đó để nói thẳng tưng như vậy tôi e là chúng ta chưa tới tầm. Có rất nhiều yếu tố liên quan: tương quan lực lượng, Việt Minh đang thắng thế nhưng có còn lực để tiếp tục duy trì sức mạnh như thế ở phạm vi rộng hay không, vấn đề hỗ trợ đồng minh, liệu có nước khác giúp đỡ Pháp hay trực tiếp can thiệp hay không, các phe cánh chính trị ở Việt Nam lúc đó, tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế còn yếu, trong khi ảnh hưởng của phe Pháp ở LHQ là như thế nào...

Ngay trong tài liệu đã được dẫn ra ở đây, quan điểm của nhiều bên liên quan (dù có thật sự vô tư hay không) có đề cập tới việc "đòi hỏi quá đáng của Việt Minh". Nói như thế thì thấy là mọi việc không hề dễ dàng. Ai chẳng muốn nước nhà độc lập, nhưng cái mình muốn với thực tế lại khác.
Tôi không nghiên cứu nhiều về vấn đề này, nên không nói được nhiều. Quan sát của tôi là vấn đề thống nhất hoàn toàn đất nước trong thời điểm đó là gần như không thể. Còn kết quả chia ranh giới cụ thể là sự đấu tranh và nhượng bộ lẫn nhau giữa các bên (ta đòi 13,14; Pháp đòi 18, cuối cùng thống nhất ở vỹ tuyến 17...) chứ không có chuyện vì thế này thế nọ mà đất nước  không thể thống nhất.

Cái đáng tiếc là kết quả của Geneve đã không được thực thi để xương máu bao nhiêu triệu người Việt (ở cả hai miền) đã phải đổ xuống.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: danviet trong 07 Tháng Tám, 2010, 01:49:01 am
@nguyentin VNCH, đi ngược lại lợi ích dân tộc, phản bội lại cuộc tổng tuyển cử năm 1956 để thống nhất đất nước, phản bội lại chính cái hiệp định Geneve này, gây đau thương cho bao nhiêu thế hệ. Vậy mà giờ còn quay lại "tiếc rẻ", oán trách Việt Minh làm mất thời cơ thống nhất đất nước ư?

Cái thời cơ thống nhất đất nước là cái cuộc Tổng tuyển cử năm 1956 ấy. Các người lúc đó đang nghĩ gì? Lo cho dân tộc không thống nhất? Hay lo ông Hồ Chí Minh thắng áp đảo?

Rồi cái thời Geneve thì các người đang rúc ở xó nào? Vai trò gì? Đang cùng Quốc trưởng Bảo Đại theo dõi vận mệnh dân tộc qua ti vi của Pháp à?

--tôi sửa cho đỡ rác mắt người xem diễn đàn


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: dongadoan trong 07 Tháng Tám, 2010, 07:47:04 am
Thành viên nguyentin: Khi tham gia thảo luận tại quansuvn.net bạn phải tuân thủ theo Nội quy: Gọi đúng tên các quốc gia, vùng lãnh thổ, thể chế chính trị,... như họ tự xưng!


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: huyphongssi trong 07 Tháng Tám, 2010, 08:24:38 am
Hội nghị Geneve là một thất bại của Việt Minh vì chỉ là con bài trên bàn hội nghị, đa số các vấn đề đều qua TQ và LX. OK, em cũng đồng ý với bác có nick là nguyentin. Việt Minh mất gì thì cũng đã rõ.
Nhưng điều đó chứng minh cho cái gì? Mời bác nguyentin nói rõ hơn quan điểm của bác về vấn đề này.
Tôi muốn chứng minh những điều sau
- VNDCCH ký HĐ theo kịch bản do TC vạch sẵn và dưới áp lực của TC và Liên Sô chứ VNDCCH không có tiếng nói gì, VNDCCH chỉ được triệu tập đến họp HN dưới danh nghĩa là bù nhìn.

- Hoa Kỳ, Pháp, Bảo Đại mới là những người muốn có 1 VN thống nhất, 1 chính thể, 1 lãnh đạo.

- VNDCCH, LX, TC mới chính là những kẻ muốn chia đôi đất nước, thậm chí VNDCCH còn "tham" hơn khi đòi lấy vĩ tuyến 13 làm giới tuyến quân sự tạm thời.

- VNDCCH là kẻ hèn yếu, cúc cung tận tuỵ nghe theo lời TC và phải chịu trách nhiệm trước LS về chuyện đất nước bị chia đôi và cuộc chiến 1954-1975


Huyphong đồng ý với anh _new về việc yêu cầu anh giai nguyentin chỉ ra tài liệu hay văn bản nào chứng tỏ Việt Minh xin chỉ thị và nhận chỉ đạo trực tiếp từ Trung Cộng để làm rõ VM tham gia Hội nghị là "đi trên dây" hay bị giật dây.

Các tài liệu anh giai nguyentin tìm được dĩ nhiên còn cần kiểm chứng, nhưng qua đó càng chứng tỏ lợi ích cục bộ của TQ được thể hiện giữa phái đoàn đàm phán Trung Cộng và Trung ương ĐCS TQ trên bàn hội nghị. Bản văn của Hiệp định có thể gần giống với những gì nội bộ TQ trao đổi, nhưng cho rằng vì đó mà VM chỉ là bù nhìn trong nghị đàm thì đó lại là sự ngụy biện vô căn cứ.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: le010180 trong 07 Tháng Tám, 2010, 08:59:37 am
@nguyentin VNCH, đi ngược lại lợi ích dân tộc, phản bội lại cuộc tổng tuyển cử năm 1956 để thống nhất đất nước, phản bội lại chính cái hiệp định Geneve này, gây đau thương cho bao nhiêu thế hệ. 

Theo tôi biết thì không ít Việt kiều trẻ được dạy rằng VNDCCH là bên phá hoại tổng tuyển cử năm 1956 :(

Vẫn có nhiều người tự hào về cái chính quyền bù nhìn do Pháp lập ra (để cai trị). Ông nội tôi đã từng là lính khố đỏ trước năm 1945 nhưng ông cuối cùng ông cũng đã đóng góp cho quá trình dành độc lập từ tay Pháp. Thật không hiểu được. Chắc là khái niệm "Độc lập dân tộc" của một số người trên khác với cái "độc lập dân tộc" mà tôi biết.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 01:39:35 pm
tiếp tục:
Theo Pentagon Papers ngày 23/6/54, Chu Ân Lai đi đêm với Mendès-France, sau khi các ngoại trưởng Anh, Mỹ, Liên Sô đều về nước sau khi vấn đề Triều Tiên không thành ngày 19/6/54. Chu Ân Lai yêu cầu Pháp đừng để Mỹ lập căn cứ tại Đông Dương và đoan hứa sẽ khiến VM bàn thảo nghiêm chỉnh về ngưng bắn.

In an important encounter at Bern on June 23, Chou En-lai several times emphasized to Mendès-France that the main thing was a cease-fire, on which he hoped progress could be made before all the heads of delegation returned to Geneva. Regarding Laos and Cambodia, Chou thought regroupment areas for the insurgents would be necessary, but reiterated that national unity was the affair of the royal governments; he hoped the resistance elements might find a place in the national life of their respective countries. Chou told the French premier, as he had told Eden previously, that no American bases could be permitted in those countries; yet Chou spoke sympathetically of the French Union. Turning finally to the Viet Minh, Chou urged that direct contact be established between them and the Vietnamese. He promised that for his part, he would see that the Viet Minh were thoroughly prepared for serious discussions on a military settlement. Clearly, the Chinese were far more interested in moving forward toward a cease-fire than were their Viet Minh counterparts.
http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent8.htm

Theo Pentagon Papers sau buổi họp giữa Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh tại Nanning - thật ra thì là ở Liuzhou, theo tài liệu mật TC - từ ngày 3 đến 5 tháng 7 năm 1954, VM miễn cưỡng phải nghe theo TC áp dụng chiến thuật hòa hoãn chứ không gây hấn tại hội nghị Geneva.

Chou''''s diplomatic efforts took a different turn, it seems, when he met with Ho Chi Minh at Nanning, on the Sino-Vietnamese frontier, from July 3-5. Although the final communique merely stated that the two leaders "had a full exchange of views on the Geneva Conference with respect to the question of the restoration of peace in Indochina and related questions," it subsequently appeared that much more may have taken place. According to observers in Hong Kong, Chou pressed for the meeting out of fear that the Viet Minh might engage in intensified military action that would destroy chances for an armistice and upset China''''s budding role as an Asian peacemaker. Conceivably, Chou sought to persuade Ho that his territorial gains were about as much as he could expect at that juncture without risking an end to negotiations and renewed American attempts to forge a military alliance for intervention. To judge from the Viet Minh reaction to the talks, Ho was not completely satisfied with Chou''''s proposed tactics.
Pentagon Papers cho thấy TC ép uổng VM phải theo ý mình trong hội nghị Geneva.

Pentagon Papers: Tq và Liên Sô cho phép Việt Minh cứng cựa yêu sách với Pháp đến một mức nào thôi. Mỗi khi đến tình trạng bế tắc là TC và LS nhảy vào buộc VM phải mềm dẻo xuống. Ngày 9/7/54, sau hội nghị Nanning, hai phó trưởng phái đoàn TC Li Knung và Chang Wen-tien nói riêng với trưởng phái đoàn Pháp Chauvel trong một bữa tiệc cơm tối là cứ yên chí đừng lo ngại gì cả vì Chu Ân Lai đã khuyên bảo được Hồ Chí Minh làm theo ý TC có lợi cho Pháp.

Momentarily leaving aside Chou's motivations, it is vital to note the impact of the talks on the Geneva negotiations. On July 9, Chauvel dined with Li Kenung and Chang Wen-tien, a vice-minister for foreign affairs and CPR ambassador to the Soviet Union. Chauvel opened the conversation--as he later recounted to Johnson--by complaining that discussions with the Viet Minh were not going well, that Viet Minh demands were exorbitant and well beyond Chou En-lai's stated position. The Chinese delegates evinced surprise but said nothing in direct reply. However, Chang did report that Chou had had a "very good meeting" with Ho Chi Minh, the results of which "would be helpful to French." Chauvel received the impression--one which seems, in retrospect, to have been accurate--that the Viet Minh had been given a free hand by the Soviets and Chinese up to the point where their demands were unacceptable to the French, at which time the Soviets and/or Chinese felt compelled to intervene. [Doc. 66] If such was the case, Chou's talk with Ho, coming after Mendès-France and his negotiators showed no sign of being more compromising than their predecessors, Laniel and Bidault, may have been intended to inform the Viet Minh that the "point" had been reached and that they had to soften their demands if a settlement were ever to be attained.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: Tunguska trong 07 Tháng Tám, 2010, 01:40:06 pm
Yêu cầu các thành viên nguyedinh, K-63 và su22 m4 không sử dụng ngôn từ quá khích và gọi đúng danh xưng các bên. Nếu tái phạm tôi sẽ xử lý.

Yêu cầu thành viên nguyentin không bôi đỏ nội dung trong bài viết và đọc lại nhắc nhở của Admin dongadoan ở trang trước. Nếu tái phạm tôi cũng sẽ xử lý.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 01:42:22 pm
Pentagon Papers: trong tuần lễ mặc cả cuối cùng của hội nghị Geneva, Trung quốc tỏ ra quan tâm đến quyền lợi riêng nhằm ngăn chận Mỹ nhảy vào Đông Dương hơn là quyền lợi riêng của Việt Minh là giành giựt thêm lãnh thổ.

D. THE FINAL WEEK OF BARGAINING
The minuscule progress made on settling the Vietnam problem loomed large in comparison with the seemingly unbreakable log jam that had developed over Laos and Cambodia. Since the major Communist concessions of mid-June, which had at least paved the way for separating Laos and Cambodia from Vietnam for discussion purposes, virtually nothing had been accomplished toward cease-fires. Debate on Laos and Cambodia occupied the spotlight again on July 9 when, from the remarks of the Chinese delegate (Li Ke-nung), it quickly became apparent that for all their willingness to discuss the withdrawal of Viet Minh troops, the Chinese remained greatly concerned about possible Laotian and Cambodian rearmament and alignment. Simply put, the Chinese were negotiating for their own security, not for Viet Minh territorial advantage.
http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent8.htm

Pentagon Papers:chắc Trung quốc phải dùng cả "cây gậy " răn đe dọa dẫm lẫn "củ cà rốt" khuyên lơn hứa hẹn khi thuyết phục Việt Minh bỏ ý riêng muốn thống nhất ngay lãnh thổ để chiều theo ý kiến Trung Cộng hòa hoãn với Mỹ, Pháp và Anh.

Chinese Objectives
Peking, moreover, was made clearly aware of the dangers inherent in continued fighting. At the conference, Eden used the implied threat of American involvement against Chou in much the same way as Chauvel had used it against Kuznetsov. During late May, for example, Eden warned Chou "again" of the dangers in the Indochina situation; unpredictable and serious results could come about. When Chou said he was counting on Britain to prevent these from happening, the foreign secretary replied Chou was mistaken, since Britain would stand by the United States in a showdown. Furthermore, with the Eisenhower-Churchill warning of June 28 that unacceptable demands made against France would "seriously aggravate" the international situation, with Dulles'''' perceived pressure on Mendès-France at the Paris meeting of mid-July, and with the return of Smith to the conference table, the Chinese were given unmistakable signs that Western unity had finally been achieved and some kind of coordination worked out on the settlement. At that juncture, the outstanding issue for Peking was not how much territory the DRV would ultimately obtain, but how far Cambodia and Laos could be pressed before the July 20 deadline passed.
The argument here is, in summary, that the Soviet Union and Communist China were less concerned with the specific terms of the settlement than with attaining it once their basic objectives had been achieved. A settlement along lines that would satisfy the Viet Minh need for territory, give France the satisfaction that it had not sold out, go far toward fulfilling Chinese security requirements and political ambitions in Southeast Asia, and reduce the possibility of a precipitate American withdrawal from the conference was, to Moscow and Peking, acceptable and even desirable. They saw advantages to themselves in an early equitable agreement that clearly conflicted with Viet Minh terms, but not with their own objectives.
Precisely how Chou and Molotov reasoned with Ho Chi Minh - by threat, persuasion, or a combination of the two - will likely never be known; but it seems reasonable to suppose that, given the precarious political situation in South Vietnam, the multitude of armed sects and other groups hostile to the Saigon government, the continued exacerbating presence of the French, and the economic and social vulnerabilities of a society wracked by war, Peking and Moscow could argue convincingly that South Vietnam would never cohere sufficiently to pose a viable alternative to the DRV. It may thus have been the Communists'''' expectation that the DRV would as likely assume control of the entire country by default as by an election victory in 1956. The Chinese, to be sure, accepted the notion that the Geneva accords had, temporarily at least, created two Vietnamese governments rather than simply divided the country administratively. [Doc. 64] But it is improbable that either they or the Soviets anticipated that even an American-supported South Vietnam could survive. Put another way, the possibility of a prospering, anti-Communist South Vietnam may simply not have been a serious, and certainly was not an immediate, concern for either Communist power. The Geneva Conference had created French goodwill for Moscow and added security for Peking; what might happen in South Vietnam may, in 1954, have seemed inconsequential.

Pentagon Papers: sau khi đặt bút ký hiệp định Geneva, phái đoàn Việt Minh tỏ ra bất mãn vì bị các đồng chí Tq và LS ép uổng, cho việc chịu lấy lằn ranh tại vĩ tuyến 17 là một thất bại về mặt chiến thuật, vì tin tuởng mình có thể đánh bại Pháp tại Bắc Việt để tiến tới đánh xuống miền Nam.

Viet Minh Objectives
...
Despite these protestations of satisfaction and confidence, Tillman Durdin''s report from Geneva that members of the Viet Minh delegation were sharply disappointed by the results and vexed at pressure applied by their Chinese and Russian comrades seems on the mark. The Viet Minh command evidently believed--and no French authority on the spot doubted this--that they could eliminate the French from Tonkin with one major offensive and proceed from there against a weakened, demoralized Franco-Vietnamese army in Annam. Surely Ho Chi Minh must have considered the possibility of American intervention--although this concern does not emerge as clearly from Viet Minh public commentaries as it does from the official Moscow and Peking organs. But the Viet Minh looked to the Korea experience as having demonstrated that fighting and talking simultaneously was, as put by a mid-May VNA broadcast, a tactic they could pursue for two years (like the Chinese during the Panmunjom talks) in order to maximize territorial gains. Whether the Viet Minh ultimately envisaged the conquest of all Vietnam before reaching agreement with the French to cease fire is debatable; at the least, they, like the French, probably regarded maximum control of population and territory as insurance against future elections. Thus, to the Viet Minh, a settlement at the 17th parallel could only have been regarded as a tactical blunder in violation of the guerrilla war theory and practice they had mastered.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 01:49:45 pm
Pentagon Papers: phái đoàn Việt Minh tỏ vẻ bất mãn về hiệp định Geneva vì ngoài phải nhượng đất theo ý Trung Cộng, còn buộc phải từ bỏ ba đòi khỏi khác Phạm Văn Đồng đề ra ngày 10 tháng 5 năm 1954 khi hội nghị bắt đầu bàn đến vấn đề Đông Dương: thống nhất Việt Miên Lào, bầu cử ngay sau khi ngưng bắn và giám sát bầu cử trong nội bộ dân Việt. Pentagon Papers kết luận theo Chauvel: tựu trung Việt Minh bị Nga Tàu giựt giây; mỗi lần tiến quá mau, đều bị kéo lại trong tầm hòa hoãn hơn.

Forfeiture of considerable territory in Vietnam was undoubtedly not the only ground for the Viet Minh''''s displeasure. Their frequent pronouncements on the "indivisibility" of the Viet Minh, Free Khmer, and Pathet Lao were largely ignored by Chou and Molotov, whose agreement on Laos and Cambodia seems to have given priority to Chinese interests. Account had been taken, as Chou insisted, of the desirability of integrating the resistance forces into the national Khmer and Laotian communities, but those forces were eventually to be disarmed and disbanded, or withdrawn. Conceivably, the Viet Minh leaders never intended to leave Laos, or were assured by the Chinese and Soviets that the agreements reached regarding the Pathet Lao were not meant to exclude future North Vietnamese support. Nevertheless, any future Viet Minh contacts with the rebels would be a clear violation of the Geneva accords and provide the occasion for intensified Laotian ties to the West.
The Viet Minh also yielded ground on national elections. Their hopes for an all-Vietnamese political settlement soon after the cease-fire were quashed by the Soviets and Chinese, who were disposed to accept a longer waiting period. Furthermore, the political settlement itself was not given the priority the Viet Minh had originally demanded; it would be achieved, as phrased in the Final Declaration, "in the near future," as the result of rather than as the precondition to, a military (cease-fire) settlement. Finally, when the time for a political settlement was at hand, the Declaration specified that an international body would supervise it rather than the Viet Minh and "South" Vietnamese alone. The overriding interests of the Soviets and Chinese had taken the heart out of the initial Viet Minh proposals of May 10 and, in addition, had considerably undercut their "fallback" positions expressed in late May and June. Jean Chauvel was apparently correct when he perceived, after private talks with the Chinese, that the Viet Minh were really on the end of a string being manipulated from Moscow and Peking. When they moved forward too quickly, Chou and Molotov were always at hand to pull them back to a more accommodating position. Briefly put, the Viet Minh very likely felt they had been compelled to give away much of what they had earned even as they acquired the attributes of sovereignty for which they had fought.
http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent8.htm

Qua 13 đoạn trích tôi xin khẳng định lại quan điểm: Việt Minh bị Trung Cộng ép buộc theo quan hệ đàn anh với đàn em trong việc ký kết hiệp định Geneva.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 01:52:30 pm
Trưởng phái đoàn Chauvel của Pháp có dùng một hình ảnh "bù nhìn" hay "con rối" khi nói VM hoàn toàn bị LS và Tq giựt dây:
Jean Chauvel was apparently correct when he perceived, after private talks with the Chinese, that the Viet Minh were really on the end of a string being manipulated from Moscow and Peking. When they moved forward too quickly, Chou and Molotov were always at hand to pull them back to a more accommodating position.
http://www.mtholyoke.edu/acad/intrel/pentagon/pent8.htm
Còn QGVN có là bù nhìn của Pháp không, thì lẽ dĩ nhiên là không vì Pháp đâu có ép uổng ký theo ý của Pháp được...vả lại Pháp đã trả quyền độc lập cho QGVN ngày 28/4, đồng thời Mỹ cũng đã đưa Ngô Đình Diệm về VN tháng 6/54 nên Pháp mất ảnh hưởng...
Còn QGVN có là bù nhìn của Mỹ không, câu trả lời cũng là không vì Mỹ cũng không muốn ép uổng QGVN ký hiệp định.
VNDCCH/CHXHCHVN là tiểu nhược quốc bị các đại cường quốc ép trên bàn cờ quốc tế thì cũng là chuyện thường tình thôi...


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 07 Tháng Tám, 2010, 01:58:25 pm
Yêu cầu các thành viên nguyedinh, K-63 và su22 m4 không sử dụng ngôn từ quá khích và gọi đúng danh xưng các bên. Nếu tái phạm tôi sẽ xử lý.



Vâng thưa mod em sẽ rút kinh nghiệm! Bác tìn này, quốc gia không kí vào hiệp định không phải vì họ giữ sự độc lập mà vì họ là chính quyền do Pháp dựng lên nên họ không được phép kí, và từ năm 1950 khi Mỹ bắt đầu nhẩy vào Đông Dương với âm mưu quốc tế hóa cuộc chiến tranh thì sau khi Pháp sắp thất bại, thì Mỹ đương nhiên sẽ không cho họ kí hiệp định. Mà bác tín vân chưa tra lời câu hỏi của tối ỏ bài trước đâu, đê nghị bác trả lời đi đừng tránh né nữa


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 07 Tháng Tám, 2010, 02:03:10 pm

Còn QGVN có là bù nhìn của Pháp không, thì lẽ dĩ nhiên là không vì Pháp đâu có ép uổng ký theo ý của Pháp được...vả lại Pháp đã trả quyền độc lập cho QGVN ngày 28/4, đồng thời Mỹ cũng đã đưa Ngô Đình Diệm về VN tháng 6/54 nên Pháp mất ảnh hưởng...
Còn QGVN có là bù nhìn của Mỹ không, câu trả lời cũng là không vì Mỹ cũng không muốn ép uổng QGVN ký hiệp định.
VNDCCH/CHXHCHVN là tiểu nhược quốc bị các đại cường quốc ép trên bàn cờ quốc tế thì cũng là chuyện thường tình thôi...
[/quote]
Vậy xin hỏi cụ chinh quyền quốc gia do ai lập ra ai cung cấp tài chính cho nó hoạt động, và nó hình thành có qua bầu cử không, theo thông tin mà tôi biết thì chỉ có chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mới hình thành thông qua bầu cử và là đại diện hợp pháp của Việt Nam trên trường quốc tế


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: macbupda trong 07 Tháng Tám, 2010, 02:03:28 pm
À, bác nguyentin còn lo chúng ta hiểu nhầm, sợ rằng không biết Việt Nam cộng hòa là tay sai của chủ Mĩ, chứ không phải chủ Pháp, nên phải "nhắc nhở" mình kìa. Đã "độc lập" mà còn bị Mĩ và Pháp thay thủ tướng (Việc này chính bác nói đấy nhé)!!! Hài hước quá  ;D. Thật cảm ơn cái "công lao" của Bảo Đại và Pháp đã trao nền độc lập cho Việt Nam năm 1950.
Nói thêm với bác nguyentin này: Thay Ngô Đình Diệm làm thủ tướng rồi thì Pháp cũng chưa phải đã mất hết ảnh hướng với "quốc gia Việt Nam" đâu. Mĩ muốn đẩy hết ảnh hưởng của Pháp đi cũng còn phải mất thêm công sức nữa.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 02:12:22 pm
Qua các tài liệu mà tôi chưng ra, tôi xin khẳng định sự thật về Hiệp định Geneva:
1. Tiếng nói của VM chiến thắng ĐBP vẫn chỉ là tiếng nói của một nhược quốc và đòi hỏi của VM chỉ được lắng nghe khi không đi ngược lại quyền lợi chung của năm cường quốc cách chung và nhất là của Tq theo cách riêng
2. Đây là quan hệ của người anh với đàn em. Việt Minh trong Hiệp định Geneva đã được Chu Ân Lai đại diện của Trung quốc dẫn dắt hoàn toàn và không có tiếng nói tại Hiệp định Geneva. Chu Ân Lai thủ vai chính - anh cả - trong cuộc đàm phán về Đông Dương và Việt Nam.
3. Như vậy có thể thấy được việc VNDCCH có sự giúp đỡ từ phía Trung quốc một cách ban ơn tại Hiệp định Geneva như vậy, lý do chính không nằm ngoài việc DCS TQ muốn duy trì ngay sát họ một nước đàn em có chung ý thức hệ để làm thành lũy ngăn chặn tự do ở phía nam Trung quốc. Và việc một VNDCCH suy yếu sẽ tạo nên sự phụ thuộc hoàn toàn vào Trung quốc, trở thanh phiên bang, phên dậu cho Trung quốc. Và nếu có chiến tranh vì tự do ở phía Nam thì Trung quốc sẽ chống tự do tới người Việt Nam cuối cùng.
4. Việt Minh quan ngại không mấy muốn có một hội nghị để nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam, vì như vậy mình không còn tự quyết lấy vận nước mà sẽ phải tùy thuộc vào ý muốn của đàn anh Liên Sô và Trung Cộng. Nhưng cưỡng lại được.
5. Rốt cuộc đàn em VM phải chịu vâng theo ý kiến đàn anh Tq.
còn Quốc gia Việt Nam vẫn thể hiện được quyền tự quyết của mình bằng cách từ chối ký kết Hiệp định Geneva.



Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 02:14:29 pm
Như vậy theo các bác, một Hiệp định như vậy có cần thiết không? VM có nên tham gia để chịu sự điều khiển của Tq không chỉ tại Geneva mà còn nhiều vấn đề sau này hay không?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 02:26:17 pm

Vậy xin hỏi cụ chinh quyền quốc gia do ai lập ra ai cung cấp tài chính cho nó hoạt động, và nó hình thành có qua bầu cử không, theo thông tin mà tôi biết thì chỉ có chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mới hình thành thông qua bầu cử và là đại diện hợp pháp của Việt Nam trên trường quốc tế
Quốc gia Việt Nam có nội các, có đồng tiền riêng, có quân đội riêng tức là đả đủ cơ sở pháp lý để được chứng nhận là một quốc gia hợp pháp rồi bác ạ. Chính vì là một quốc gia hợp pháp nên Quốc gia Việt Nam mới có quyền tự quyết tại Hiệp định Geneva.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 07 Tháng Tám, 2010, 02:26:50 pm
À như ý kiến bác tín muốn chứng minh 1 điều là VNDCCH phụ thuộc vào TQ, còn VNCH thì độc lập nên không kí vào hiệp định, vậy ai đã đưa nửa triệu quân Mỹ vào miền Nam vậy, chính quyền nào tù tổng thống thủ tướng đền ông lái xe đuề nhận lương của Mỹ vậy. À quên nữa thế chính quyền nào Mỹ không thích thì thay cả bản lãnh đạo vậy? Độc lập kiểu gì vậy. Còn hội nghị jonever có cần thiết không à, thế ai khởi sướng ra cái hội nghị này thế bác, và ai do không thắng được trên chiến trường nên mới cần đến cái hội nghị này để rút quân. Đó đương nhiên không phải VNDCCH rồi vậy thì chỉ có Pháp và cái chính quyền bù nhìn của họ thôi


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: Paul the Octopus trong 07 Tháng Tám, 2010, 02:29:59 pm
Như vậy theo các bác, một Hiệp định như vậy có cần thiết không? VM có nên tham gia để chịu sự điều khiển của Tq không chỉ tại Geneva mà còn nhiều vấn đề sau này hay không?

Có, vì nội dung hiệp định này có những yếu tố sau:
- Độc lập, thống nhất, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước VN được chính thức công nhận bằng giấy trắng mực đen.
- Mang lại hòa bình, chấm dứt 9 năm chiến tranh.
- Đất nước chỉ được phân tách bằng 1 ranh giới tạm thời và mở ra cơ hội thống nhất trong hòa bình bằng cuộc tổng tuyển cử 2 năm sau.

Vậy với VNDCCH, mà tôn chỉ của họ suốt từ 1945 trở đi là đấu tranh vì 1 nước VN độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thì mục tiêu tối cao của họ (cũng như toàn dân VN lúc đó) sẽ đạt được bằng hiệp định này, dù có phải chờ thêm 2 năm, nhưng vẫn là đạt được trong hòa bình.

Còn "QGVN", bằng việc "thể hiện quyền tự quyết của mình" (của họ thật hay do Mỹ giật dây thì chưa biết), đã tạo cơ sở phá hoại hoàn toàn cơ hội thống nhất đất nước trong hòa bình đó.

Nhìn rộng hơn, nếu không có hiệp định, VNDCCH cùng toàn dân VN tất nhiên sẽ tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược (mà chính SGK sử của VNCH cũng thừa nhận điều này), còn "QGVN" sẽ tiếp tục giúp quân xâm lược Pháp chống lại đồng bào mình.

KL: đúng như bác _new nói, đừng nghe những gì xxx nói, hãy nhìn những gì xxx làm. Ai đấu tranh để thống nhất đất nước, ai đấu tranh để chia cắt đất nước, nhìn vào LS là biết.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 07 Tháng Tám, 2010, 02:31:15 pm

Vậy xin hỏi cụ chinh quyền quốc gia do ai lập ra ai cung cấp tài chính cho nó hoạt động, và nó hình thành có qua bầu cử không, theo thông tin mà tôi biết thì chỉ có chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mới hình thành thông qua bầu cử và là đại diện hợp pháp của Việt Nam trên trường quốc tế
Quốc gia Việt Nam có nội các, có đồng tiền riêng, có quân đội riêng tức là đả đủ cơ sở pháp lý để được chứng nhận là một quốc gia hợp pháp rồi bác ạ. Chính vì là một quốc gia hợp pháp nên Quốc gia Việt Nam mới có quyền tự quyết tại Hiệp định Geneva.
Vâng thưa cụ! Nội các đồng tiên và quân đội hả? nếu thế mà đã là độc lập thì VNDCCH cúng có mà còn hơn thế chính quyền VNDCCH còn được hình thành qua bầu cử dân chủ cơ vậy họ đương nhiên là độc lập rôi. Còn quộc già độc lập mà sao quân đội Pháp và sau nay là Mỹ ở NVN nhiều quá vậy, độc lập kiểu gì mà nhừng người đứng đầu được ngoại bang chỉ định, không thích thì thay thế bác?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: daibangden trong 07 Tháng Tám, 2010, 02:37:21 pm
Về Hiệp định Giơ ne vơ thì chuyện phía Việt Minh có sự "hướng dẫn" của TQ thì không phải bàn cãi. Vấn đề là Hiệp định đó có lợi cho VNDCCH mà bác tín thì lại cố tình tránh né vấn đề này bằng cách mượn sự "hướng dẫn" của TQ đối với VNDCCH thay bằng "quan hệ đàn anh - đàn em" và lái sang vấn đề chủ quyền của Quốc gia Việt Nam ;D. Quốc gia Việt Nam phản đối không ký vào Hiệp định Giơ ne vơ không phải vì khẳng định chủ quyền gì sất ;D. Đó là vì thân phận của Quốc gia Việt Nam trong con mắt của Pháp bản chất là bù nhìn. Bác tín đưa được tài liệu về việc TQ "hướng dẫn" VNDCCH thì bác có tìm được tài liệu nào liên quan đến sự đàm phàn ngầm hay các thỏa thuận giữa Pháp với Quốc gia Việt Nam - khi đó nằm dưới sự bảo hộ trực tiếp của Pháp không? Hay là lúc đó, Pháp sắp gả bán Quốc gia Việt Nam ý cho Mỹ rồi nên không cần đếm xỉa? Với theo tinh thần Hiệp định Giơ ne vơ thì Quốc gia Việt Nam ý so với VNDCCH thì thất thế thấy rõ rồi (sau này Mỹ cũng phải thừa nhận là nếu thực hiện Tổng tuyển cử thì phe của Cụ Hồ chắc chắn sẽ thắng) nên "dỗi" mà không chịu ký đấy chứ quyền tự quyết ở đâu ra ;D


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 02:54:11 pm
À như ý kiến bác tín muốn chứng minh 1 điều là VNDCCH phụ thuộc vào TQ, còn VNCH thì độc lập nên không kí vào hiệp định, vậy ai đã đưa nửa triệu quân Mỹ vào miền Nam vậy, chính quyền nào tù tổng thống thủ tướng đền ông lái xe đuề nhận lương của Mỹ vậy. À quên nữa thế chính quyền nào Mỹ không thích thì thay cả bản lãnh đạo vậy? Độc lập kiểu gì vậy. Còn hội nghị jonever có cần thiết không à, thế ai khởi sướng ra cái hội nghị này thế bác, và ai do không thắng được trên chiến trường nên mới cần đến cái hội nghị này để rút quân. Đó đương nhiên không phải VNDCCH rồi vậy thì chỉ có Pháp và cái chính quyền bù nhìn của họ thôi
Việc Mỹ sau này tôi sẽ bàn. Việc này cũng có bàn tay của Tq nhúng vào.
VM sau DBP cũng chỉ giành được quyền kiểm soát ở vùng rừng núi thôi bác ạ! Với lực lượng như các bác nói là 50000 quân với pháo nếu tấn công xuống đồng bằng vào các thành phố lớn với quân Pháp nếu quyết tâm cố thủ các bác nghĩ xem có nổi không? Ai mới cần Hội nghị này hơn hả bác? Và Hội nghị mà VM có tham gia nhưng chỉ có ký tên mà không có tiếng nói thì có khác gì con rối không? Thực sự là không cần thiết.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: K-63 trong 07 Tháng Tám, 2010, 03:28:49 pm
Như vậy theo các bác, một Hiệp định như vậy có cần thiết không? VM có nên tham gia để chịu sự điều khiển của Tq không chỉ tại Geneva mà còn nhiều vấn đề sau này hay không?
tại sao lại không ?từ trước đến lúc đó trên cơ sở hiệp định giơ ne vơ, mà toàn thế giới mới biết và công nhận :toàn vẹn lãnh thổ ,một nước có tên là việt nam ở đông nam á
tóm lại lý sự của ngài @tĩn  nghe sặc mùi nô lệ ,sặc mùi sâm banh của pháp ,lẫn mùi uýt ky của mỹ ... nó lẫn lộn thành ra khó ngửi


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyenthanhtu trong 07 Tháng Tám, 2010, 04:35:36 pm
Qua các tài liệu mà tôi chưng ra, tôi xin khẳng định sự thật về Hiệp định Geneva:
1. Tiếng nói của VM chiến thắng ĐBP vẫn chỉ là tiếng nói của một nhược quốc và đòi hỏi của VM chỉ được lắng nghe khi không đi ngược lại quyền lợi chung của năm cường quốc cách chung và nhất là của Tq theo cách riêng
2. Đây là quan hệ của người anh với đàn em. Việt Minh trong Hiệp định Geneva đã được Chu Ân Lai đại diện của Trung quốc dẫn dắt hoàn toàn và không có tiếng nói tại Hiệp định Geneva. Chu Ân Lai thủ vai chính - anh cả - trong cuộc đàm phán về Đông Dương và Việt Nam.
3. Như vậy có thể thấy được việc VNDCCH có sự giúp đỡ từ phía Trung quốc một cách ban ơn tại Hiệp định Geneva như vậy, lý do chính không nằm ngoài việc DCS TQ muốn duy trì ngay sát họ một nước đàn em có chung ý thức hệ để làm thành lũy ngăn chặn tự do ở phía nam Trung quốc. Và việc một VNDCCH suy yếu sẽ tạo nên sự phụ thuộc hoàn toàn vào Trung quốc, trở thanh phiên bang, phên dậu cho Trung quốc. Và nếu có chiến tranh vì tự do ở phía Nam thì Trung quốc sẽ chống tự do tới người Việt Nam cuối cùng.
4. Việt Minh quan ngại không mấy muốn có một hội nghị để nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam, vì như vậy mình không còn tự quyết lấy vận nước mà sẽ phải tùy thuộc vào ý muốn của đàn anh Liên Sô và Trung Cộng. Nhưng cưỡng lại được.
5. Rốt cuộc đàn em VM phải chịu vâng theo ý kiến đàn anh Tq.
còn Quốc gia Việt Nam vẫn thể hiện được quyền tự quyết của mình bằng cách từ chối ký kết Hiệp định Geneva.
Các bác có lẽ không cần cãi với nguyentin làm gì, cứ để cho bác ta trở về cùng với những "người quốc gia cuối cùng"  tự sướng với nhau thì hơn.
Nhưng dù sao em cũng muốn có đôi lời về những "đóng góp" của nguyentin:
1. Ông nguyentin này xét quan hệ Việt Nam DCCH, QG Việt Nam, Trung Quốc mà bỏ qua hoàn toàn vai trò của Pháp và Mỹ, tin vào cái luận điệu "khai hóa văn minh" và "mở rộng thế giới tự do" của hai nước này. Có lẽ ông này cũng tin là nếu Việt Minh không đánh Pháp thì Pháp sẽ trả độc lập tự do cho Việt Nam. Còn Bảo Đại ư, Ngô Đình Diệm ư, lịch sử đã chứng minh, rặt một lũ bán nước không hơn không kém.
2. Việc Trung Quốc muốn một nước Việt Nam theo CNCS để làm thành lũy bảo vệ họ là hoàn toàn đúng, vì lợi ích dân tộc họ. Còn Việt Nam muốn một nước thống nhất, độc lập thì lại hoàn toàn vì lợi ích của dân tộc Việt Nam, không liên quan gì tới Trung Quốc, hiệp thương tổng tuyển cử là điều Việt Minh hướng tới vì họ không đủ sức mạnh tuyệt đối để tống cổ thằng Pháp đi, hoặc nếu tiếp tục cuộc chiến sẽ rất tốn kém. Nếu nói Trung Quốc muốn một Việt Nam suy yếu (theo ý là chia đôi 2 miền thì sẽ suy yếu ấy) thì phải nói  Việt Nam cộng hòa mới là "tay sai" của Trung cộng mới đúng.
3. nguyentin: "Quốc gia Việt Nam vẫn thể hiện được quyền tự quyết của mình bằng cách từ chối ký kết Hiệp định Geneva." -> suy luận thế này thì thua! Nói chung mấy kiểu suy luận kiểu này nghe nhiều phát chán!




Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 07 Tháng Tám, 2010, 04:55:29 pm

Việc Mỹ sau này tôi sẽ bàn. Việc này cũng có bàn tay của Tq nhúng vào.
VM sau DBP cũng chỉ giành được quyền kiểm soát ở vùng rừng núi thôi bác ạ! Với lực lượng như các bác nói là 50000 quân với pháo nếu tấn công xuống đồng bằng vào các thành phố lớn với quân Pháp nếu quyết tâm cố thủ các bác nghĩ xem có nổi không? Ai mới cần Hội nghị này hơn hả bác? Và Hội nghị mà VM có tham gia nhưng chỉ có ký tên mà không có tiếng nói thì có khác gì con rối không? Thực sự là không cần thiết.
Cụ tín bảo thủ trì trệ quá, cụ cho rằng VNDCCH không thể đánh thắng đước Pháp tại đồng bằng Bắc Bộ là phiến diện, mặc rù Pháp lúc đó ở đồng bằng có tăng pháo và cả không quân nữa nhưng xin thưa họ không còn tình thần đâu mà chiến đấu sau 1 thất bại nặng nề tại ĐBP và hơn tất cả là họ không biết chiến đấu vì cái gì, và hơn nữa nếu chiến tranh kéo dài thêm thì VNDCCH cũng có tăng và có thêm phao thì cuộc chiến với lợi thế rõ tàng thuộc về VNDCCH, xét toàn cục trên toàn chiến trường Đông Dưong lúc đó rõ ràng Pháp đang thất thế với lực lượng đang bị giàn mỏng tại khắp chiến trường và họ không còn quân để cơ động ứng cứu nhau.
Còn việc cụ bảo Mỹ vào VN sau này sẽ nói thì tôi cũng nói luốn chắc cụ định nhắc tới việc Mỹ vào Việt Nam để bảo vệ MN khỏi nguy cơ xâm lược từ TQ và việc TQ đưa quân vào MB với số quân không đến 1 sư đoàn chứ gì, lại nữa cụ lại chuẩn bị trưng ra cái tài liệu về việc VN và TQ kí hiệp định để đưa quân TQ vào là bán nước chứ gì? rồi cụ lại dẫn ra bằng trứng rằng thủ tướng Phạm Văn Đồng công nhận lãnh hải của TQ bao gồm cả HS và TS chứ gì. Tốt nhất là cụ đưa ra tài liệu mới còn không thì thôi đừng đưa ra làm gì nưa cho mất cồn vì anh em ở đây đã biết hết rồi. Cuối cùng thực sự chính phủ quốc gia mới là bù nhìn đúng nghĩa vì họ không được quyết định bất kể 1 vấn đế gì kể cả hiệp định pari về sau này cũng vậy, và bên cần hiệp định genever hơn là Pháp và quốc gia vì chính phủ Pháp của tướng dergon đã chán chiến tranh Đông Dương và họ cần rút ra khỏi nó trong danh dự


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: _new trong 07 Tháng Tám, 2010, 05:12:48 pm
Có vẻ đúng phong cách bác Nguyentin đấy.  :D


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: mig21-58 trong 07 Tháng Tám, 2010, 05:36:14 pm
ngài tín cố tình baot thủ cái thây ma quốc gia ,ngài có biết không ,anh của ngài phục vụ trong một đội quân ô hợp ,làm việc vị tiền ,vì gái vì lợi ích cá nhân của họ mà thôi ,một ví dụ điển hình là anh của ngài đã làm việc dưới trướng của :PHẠM QUỐC TIỀN (phạm quốc thuần )và NGUYỄN VĂN TOÀN (VUA GÁI ) đây là những biệt danh mà  quân ,dân ,cán ,chính của vnch đặt cho họ đấy ,,chính ngài cũng đã biết cái chuyện nguyễn văn toàn cho quân y khám trinh con gái xem còn không trước khi hắn "làm việc " ;D
 làm việc dưới một bộ máy thối nát ,bẩn thỉu ,ti tiện ... như vậy mà ngài vẫn cho là hay ,là tốt ,là đẹp thì cũng đến chịu ngài @tin
tôi nghĩ anh em nhà ngài đã lầm đường lạc lối ,nếu cái tâm cái tài của anh em nhà ngài mà phục vụ cho vndcch thì vinh quang biết mấy ,chí ít cũng không đến nỗi nhục nhã như vậy


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: lonesome trong 07 Tháng Tám, 2010, 05:52:21 pm
À như ý kiến bác tín muốn chứng minh 1 điều là VNDCCH phụ thuộc vào TQ, còn VNCH thì độc lập nên không kí vào hiệp định, vậy ai đã đưa nửa triệu quân Mỹ vào miền Nam vậy, chính quyền nào tù tổng thống thủ tướng đền ông lái xe đuề nhận lương của Mỹ vậy. À quên nữa thế chính quyền nào Mỹ không thích thì thay cả bản lãnh đạo vậy? Độc lập kiểu gì vậy. Còn hội nghị jonever có cần thiết không à, thế ai khởi sướng ra cái hội nghị này thế bác, và ai do không thắng được trên chiến trường nên mới cần đến cái hội nghị này để rút quân. Đó đương nhiên không phải VNDCCH rồi vậy thì chỉ có Pháp và cái chính quyền bù nhìn của họ thôi

Bắt giò bạn Su 22 1 cái:
- Nếu nói tới Hiệp định Geneva 1954 thì cái thây ma không kí là Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc Trưởng và Ngô Đình Diệm (vừa mới được) làm Thủ Tướng. Lí do không kí các bạn nói hết rồi đấy.

- Nếu nói tới VNCH thì phải nói tới Hiệp định Paris 1973. Lúc đó Nguyễn Văn Thiệu cũng định học tập tiền bối không chịu kí thì được rỉ tai: "Kí hay là tèo? (http://www.redcafevn.net/diendan/images/japan/angry_002.gif)Mi không kí tau cũng kí mà mi vẫn phải theo đấy nhá"(http://www.redcafevn.net/diendan/images/smilies/16_1_23.gif). Thế là Thiệu phải kí vội vì sợ lại có kết cục giống anh em Diệm Nhu năm 1963 (http://www.redcafevn.net/diendan/images/smilies/shot.gif)(http://www.redcafevn.net/diendan/images/smilies/hang.gif) ... Thế là (http://www.redcafevn.net/diendan/images/smilies/offtopic.gif)


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 07 Tháng Tám, 2010, 06:01:53 pm


Bắt giò bạn Su 22 1 cái:
- Nếu nói tới Hiệp định Geneva 1954 thì cái thây ma không kí là Quốc Gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc Trưởng và Ngô Đình Diệm (vừa mới được) làm Thủ Tướng. Lí do không kí các bạn nói hết rồi đấy.

- Nếu nói tới VNCH thì phải nói tới Hiệp định Paris 1973. Lúc đó Nguyễn Văn Thiệu cũng định học tập tiền bối không chịu kí thì được rỉ tai: "Kí hay là tèo? (http://www.redcafevn.net/diendan/images/japan/angry_002.gif)Mi không kí tau cũng kí mà mi vẫn phải theo đấy nhá"(http://www.redcafevn.net/diendan/images/smilies/16_1_23.gif). Thế là Thiệu phải kí vội vì sợ lại có kết cục giống anh em Diệm Nhu năm 1963 (http://www.redcafevn.net/diendan/images/smilies/shot.gif)(http://www.redcafevn.net/diendan/images/smilies/hang.gif) ... Thế là (http://www.redcafevn.net/diendan/images/smilies/offtopic.gif)
Vâng em có đôi chô nhầm lẫn, bác ạ! rù sao thì VNCH chỉ là cái bình mới cho cái loại rượu đã có vấn đề kia thôi mà bác


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: lonesome trong 07 Tháng Tám, 2010, 07:01:33 pm
À, chú _new có nhớ cái thời kì trước 1954 được các bạn VNCH gọi là thời gì không nhỉ?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 07 Tháng Tám, 2010, 11:30:29 pm
Tiếp tục một số tài liệu mà tôi mới tổng kết được về Hội nghị Geneva: cho thấy âm mưu xấu xa của những nhà lãnh đạo Trung quốc do tư tưởng bành trướng Đại Hán , chủ nghĩa dân tộc ích kỉ hẹp hòi chi phối. Nguyên nhân do Việt Nam là nước láng giềng trực tiếp ở phía nam Trung Quốc , án ngữ con đường bành trướng xuống phía nam của chủ nghĩa bành trướng Đại Hán. Trong cuốn " cánh mạng Trung Quốc và Đảng Cộng Sản Trung Quốc" của Mao TRạch Đông xuất bản năm 1939 đã lộ rõ ý đồ muốn chinh phục những vùng trước đây phụ thuộc vào Trung Quốc , trong đó có Việt Nam. Vì thế đối với Việt Nam , ngay từ đầu họ đã có nhiều âm mưu để thực hiện chính sách bành trướng, tạo điều kiện để thức hiện chính sách bá quyền của họ ra khu vực Đông Nam Á và thế giới sau này. Tại Giơnevơ, lần đầu tiên TQ xuất hiện như một nước lớn ,cùng bàn bạc với các nước lớn khác trên diễn đàn quốc tế về một vấn đề gai góc trong nền chính trị quốc tế đương thời là cuộc chiến tranh ở ĐD. Lợi dụng địa vị là nước viện trợ quân sự chủ yếu và nắm cả đường vận chuyênw tiếp tế duy nhất cho VN, TQ đã tự cho mình quyền đàm phán trực tiếp với Pháp thay Việt Nam.
Tại Geneve, cái Việt nam thiếu là một Ngoại Trưởng giỏi và có tài. Người Việt Nam đã không tận dụng được hết thế mạnh mà mình có, để tìm kiếm con đường tự khẳng định bản thân, thoát khỏi vòng ảnh hưởng của TQ và LX mà tự tìm lấy cho mình một đường lối đối ngoại độc lập. Hầu như tại Geneve, đoàn Việt Nam không có một chiến lược riêng rẽ nào mà dựa hoàn toàn vào sự hậu thuẫn của Liên Xô và Trung quốc trong cuộc đối đầu cân não ngoại giao với Pháp, Mỹ và thế giới tự do. Đây là một sai lầm khi đem sinh mệnh quốc gia phó thác dưới bàn tay sắp xếp của những quốc gia khác. Việt Minh đạn pháo đã hết, lương thực cũng hết, máy bay xe tăng vốn xưa nay chưa hề có, thương vong hơn 10.000 người và nhưng hơn 10.000 tù binh phải nuôi. Vùng giải phóng vẫn là đám rừng núi như cũ phù hợp chiến tranh du kích và không mở rộng được đến đồng bằng cũng như không có khả năng đánh lớn trên vùng này. Lúc ấy VNDCCH cũng chỉ có Tq và Liên Xô công nhận, mà chỉ là công nhận vào đầu năm 1950. Thế từ 1945 đến 1950 hóa ra Việt Minh là một lực lượng đứng ngoài pháp luật. Thế thì cái thế của anh trên bàn đàm phán là gì? Anh đã đại diện cho nguyện vọng của toàn thể nhân dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ hay chưa?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: Piccolo trong 07 Tháng Tám, 2010, 11:48:13 pm
Thế từ 1945 đến 1950 hóa ra Việt Minh là một lực lượng đứng ngoài pháp luật.

Luật pháp của ai hả bác Tín. Lê Thái Tổ lúc khởi binh bình Ngô có cần bố con thằng nào công nhận không?

Trích dẫn
Thế thì cái thế của anh trên bàn đàm phán là gì?

Thế theo bác, nếu không có ĐBP thì Pháp có chịu ký HĐ hay không?

Trích dẫn
Anh đã đại diện cho nguyện vọng của toàn thể nhân dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ hay chưa?

Cái này LS đã trả lời rồi đấy. Nếu không được nhân dân ủng hộ, VNDCCH liệu có tồn tại được 1 tháng trước sức mạnh của quân đội Pháp không?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: _new trong 07 Tháng Tám, 2010, 11:54:34 pm
Có vẻ không phải bác nguyentin thật. :D

Giá trị của con người là biết đứng dậy sau khi vấp ngã. Vì cả ngây thơ chủ quan đến điều kiện khách quan và VNDCCH không có được vị thế quyết định tại Geneve nhưng sau đó 14 năm họ đã rút kinh nghiệm toàn diện, hoàn toàn nắm số phận của mình và của dân nước mình. Chả có bố con thằng nào thò vào được hết. Ngược lại, năm 1954 VNCH không chịu ký nhưng vẫn ngoan ngoãn triệt để thi hành, triệt để chia cắt đất nước. Đến tận 18 năm sau vẫn vậy, khác cái là "bảo ký thì phải ký".
Để giải thích cho việc không ký nhưng vẫn làm đầy quyết tâm, VNCH tự gọi giai đoạn đó là giai đoạn bán thuộc. Giai đoạn "bảo ký thì phải ký" là giai đoạn độc lập tự chủ.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 08 Tháng Tám, 2010, 12:07:34 am
Việt Minh đạn pháo đã hết, lương thực cũng hết, máy bay xe tăng vốn xưa nay chưa hề có, thương vong hơn 10.000 người và nhưng hơn 10.000 tù binh phải nuôi. Vùng giải phóng vẫn là đám rừng núi như cũ phù hợp chiến tranh du kích và không mở rộng được đến đồng bằng cũng như không có khả năng đánh lớn trên vùng này. Lúc ấy VNDCCH cũng chỉ có Tq và Liên Xô công nhận, mà chỉ là công nhận vào đầu năm 1950. Thế từ 1945 đến 1950 hóa ra Việt Minh là một lực lượng đứng ngoài pháp luật. Thế thì cái thế của anh trên bàn đàm phán là gì? Anh đã đại diện cho nguyện vọng của toàn thể nhân dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ hay chưa?

He He cụ cần đọc lại lịch sử trước khi phát biểu những câu này:
1) Xin cụ cho cai nguồn có kiểm chứng phát biểu rằng Quân đội nhân dân Việt Nam đã hết lương thực và đạn pháo sau chiến dịch ĐBP, nếu hết lương thực thì 7 - 8000 tù binh Pháp sau ĐBP họ ăn đất a?
2) Con số thương vong và số tù binh cụ lấy ở đâu ra vậy, 1 chiến dịch như ĐBP mà hi sinh đên 10000 và bị bắt 10.000 người thì chỉ có trẻ con và nhưng @ ở hải ngoại tin thôi, chứ những người có kiến thức thì không tin đâu.
3) Xin nói với cụ thế này, năm 1950 chính phủ VNDCCH đã được 12 nước xã hội chủ nghĩa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao chứ không phải chỉ có LS và TQ đâu cụ nhé.
4) Xin cụ cho cái nguồn nói từ năm 1945 - 1950 chính phủ VNDCCH bị đặt ra ngoài vòng pháp luất cái, mà vấn đề ở đây là pháp luật của ai, cụ đừng nói là pháp luật của 1 lũ xâm lược và bọn bậu sậu bán nước nhé.
5) Đã hỏi ý kiến nhân dân Bắc, Trung , Nam chưa à vậy xin thưa với cụ quộc bầu cử Quốc hội ngày 6 -1 - 1946 đã bầu ra Quốc hội VNDCCH và theo Hiến pháp năm 1946 của VNDCCH thì Quốc hội là cơ quan quyên lực cao nhất đại diện cho ý trí và nguyện vọng của toàn dân, mà  đoàn đàm phán của Chính phủ VNDCCH đên gienevo với sự cho phép của Quốc hội vậy có phải là đại diện cho toàn dân VN không thư cụ    


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 08 Tháng Tám, 2010, 12:20:34 am
Việt Minh đạn pháo đã hết, lương thực cũng hết, máy bay xe tăng vốn xưa nay chưa hề có, thương vong hơn 10.000 người và nhưng hơn 10.000 tù binh phải nuôi. Vùng giải phóng vẫn là đám rừng núi như cũ phù hợp chiến tranh du kích và không mở rộng được đến đồng bằng cũng như không có khả năng đánh lớn trên vùng này. Lúc ấy VNDCCH cũng chỉ có Tq và Liên Xô công nhận, mà chỉ là công nhận vào đầu năm 1950. Thế từ 1945 đến 1950 hóa ra Việt Minh là một lực lượng đứng ngoài pháp luật. Thế thì cái thế của anh trên bàn đàm phán là gì? Anh đã đại diện cho nguyện vọng của toàn thể nhân dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ hay chưa?

He He cụ cần đọc lại lịch sử trước khi phát biểu những câu này:
1) Xin cụ cho cai nguồn có kiểm chứng phát biểu rằng Quân đội nhân dân Việt Nam đã hết lương thực và đạn pháo sau chiến dịch ĐBP, nếu hết lương thực thì 7 - 8000 tù binh Pháp sau ĐBP họ ăn đất a?
2) Con số thương vong và số tù binh cụ lấy ở đâu ra vậy, 1 chiến dịch như ĐBP mà hi sinh đên 10000 và bị bắt 10.000 người thì chỉ có trẻ con và nhưng @ ở hải ngoại tin thôi, chứ những người có kiến thức thì không tin đâu.
3) Xin nói với cụ thế này, năm 1950 chính phủ VNDCCH đã được 12 nước xã hội chủ nghĩa công nhận và đặt quan hệ ngoại giao chứ không phải chỉ có LS và TQ đâu cụ nhé.
4) Xin cụ cho cái nguồn nói từ năm 1945 - 1950 chính phủ VNDCCH bị đặt ra ngoài vòng pháp luất cái, mà vấn đề ở đây là pháp luật của ai, cụ đừng nói là pháp luật của 1 lũ xâm lược và bọn bậu sậu bán nước nhé.
5) Đã hỏi ý kiến nhân dân Bắc, Trung , Nam chưa à vậy xin thưa với cụ quộc bầu cử Quốc hội ngày 6 -1 - 1946 đã bầu ra Quốc hội VNDCCH và theo Hiến pháp năm 1946 của VNDCCH thì Quốc hội là cơ quan quyên lực cao nhất đại diện cho ý trí và nguyện vọng của toàn dân, mà  đoàn đàm phán của Chính phủ VNDCCH đên gienevo với sự cho phép của Quốc hội vậy có phải là đại diện cho toàn dân VN không thư cụ    
Số 1 và số 2 là tôi tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, tôi sẽ tra cứu lại
số 3 và 4 bác cho biết khi năm 1945, VNDCCH tuyên bố thành lập thì có quốc gia nào công nhận không? Không được thế giới công nhận thì tức là ngoài vòng pháp luật rồi. Không có thời gian 1945 -1950 thì việc công nhận VNDCCH của các nước phe kia là không có cơ sở pháp lý.
Số 5: bác xem lại số 3 và số 4.
Sau khi tổng hợp tài liệu tôi sẽ chứng minh tiếp.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: lonesome trong 08 Tháng Tám, 2010, 12:29:28 am
Bác Tín có cần tôi dẫn lại các bài phản bác các ý của bác không? Bác chịu khó lật lại chừng vài trang trước khi có bài của bác sẽ thấy đấy.
Ngày trước bác còn không chắc có vụ nhượng đất nhượng biển, giờ thành chắc chắn rồi à?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 08 Tháng Tám, 2010, 12:29:45 am
Ủa vậy xin hỏi bác ngày 20 - 11 - 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra gặp ải ở vịnh Hạ Long vậy? và tháng 3 năm 1946 nước Pháp đã tiếp đón ái với nghi thức cao nhất giành cho nguyên thủ quốc gia vậy? Nếu chính phủ dogon không công nhận Chủ Tịch Hồ Chí MInh là nguyên thủ quốc gia và chính quyền VNDCCH là chính quyền hợp pháp thì sao phải tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh với nghi thức giành cho nguyên thủ quốc gia vậy. Cụ nói vậy thì chẳng hóa ra 12 nước xã hội chủ nghĩa kia không phải là các quốc gia độc lập à? Giờ xin hỏi cụ thế cái chính phủ quốc gia của cụ khi thành lập thì được ai công nhận, nó có quan hệ ngoại giao với bao nhiêu nước và cuối cùng thì quyền độc lập của thể hiện ở chô nào vậy?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: _new trong 08 Tháng Tám, 2010, 12:36:57 am

Số 1 và số 2 là tôi tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, tôi sẽ tra cứu lại
số 3 và 4 bác cho biết khi năm 1945, VNDCCH tuyên bố thành lập thì có quốc gia nào công nhận không? Không được thế giới công nhận thì tức là ngoài vòng pháp luật rồi. Không có thời gian 1945 -1950 thì việc công nhận VNDCCH của các nước phe kia là không có cơ sở pháp lý.
Số 5: bác xem lại số 3 và số 4.
Sau khi tổng hợp tài liệu tôi sẽ chứng minh tiếp.
Có tính pháp lý đối với người dân Việt Nam lúc đó là thực chất nhất rồi. Bác khai phá đất hoang ở vùng đất vô chính phủ, bác phải có thằng bạn ở tận đẩu tận đâu công nhận thì mới có tính pháp lý chắc. Lúc đó không được thằng nào công nhận thì sau này có công nhận cũng không có ý nghĩa chắc. Hi, vậy hồi xưa Ngô Quyền đánh quân Nam Hán dựng nền độc lập chả có ông nào công nhận, vậy là không có giai đoạn năm 938 thì việc công nhận lộn tủng xẻng đến tận bây giờ là không có cơ sở pháp lý?
Mà nếu nói về pháp lý, thì VNCH được Pháp trao trả độc lập năm 1949 (Pháp kêu gọi trả gần chục lần mới chịu "nhận") thì chỉ có tính pháp lý giữa Pháp, VNCH và các nước tuyên bố công nhận thôi. Bác không định nói các nước đó đại diện cho cả thế giới đấy chứ.
Nói đến thế giới thì phải nói đến LHQ, năm 1977 Việt Nam ta mới vào LHQ.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 08 Tháng Tám, 2010, 12:39:47 am
Tài liệu chính thức của Bộ Ngoại giao TQ

The Geneva Conference


At the initiative of the USSR, the Four-power Conference of Foreign Ministers in Berlin reached agreement on 28 February 1954, decided to convene in April 1954 a Geneva Conference on Korea and Indo-China. In addition to the USSR, the United States, France, the United Kingdom and the People?s Republic of China as participants throughout the whole conference, the other countries concerned with the two questions were also to be represented respectively at the discussions of their own questions.

Hội nghị Geneva
2000/11/17

Dựa theo sáng kiến của Liên bang các nước Cộng hòa XHCN Xô viết (Liên Xô), hội nghị Tứ cường tại Berlin đạt thỏa thuận vào ngày 28 02 1954, quyết định trong tháng 4 năm 1954 sẽ triệu tập 1 Hội nghị Geneva về tình hình Triều Tiên và Đông Dương. Bên cạnh Liên Xô, Mỹ, Pháp, Vương Quốc Anh và CHND Trung Hoa là các bên tham gia toàn bộ hội nghị, các quốc gia khác liên quan đến 2 vấn đề cũng đồng thời hiện diện lần lượt tại các phiên thảo luận (về vấn đề liên quan đến họ)


On 19 April, the Chinese Government appointed Zhou Enlai, Premier and Foreign Minister, as Chief Delegate and Zhang Wentian, Wang Jiaxiang and Li Kenong as Delegates of the Chinese Delegation to the Geneva Conference. The Geneva Conference was an important conference on international issues in which the PRC participated with the status and in the capacity of the Big Five.

Ngày 19/4/1954, Chính phủ Trung Quốc chỉ định Chu Ân Lai, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng TQ làm Trưởng phái đoàn và Zhang Wentian, Wang Jiaxiang và Li Kenong làm thành viên của phái đoàn TQ tại Hội nghị Geneva. Hội nghị Geneva là 1 hội nghị quan trọng về các vấn đề quốc tế mà nước CHND Trung Hoa chính danh tham gia và (được tính) là thành viên của nhóm Ngũ Cường.

The Geneva Conference opened on 26 April 1954 and the first issue to be discussed was the Korean question. At the outset of the conference, the DPRK Foreign Minister Nam Il advanced the proposal for restoring Korean unity and organizing free elections for the whole of Korea. Foreign Minister Zhou Enlai expressed total support for the proposal made by Foreign Minister Nam Il.

Hội nghị Geneva khai mạc vào 26/ 04/1954 và vấn đề đầu tiên được đem ra thảo luận là về Triều Tiên. Bên lề hội nghị, Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Nam Il đưa ra đề nghị về việc tính thốngn hất của Triều Tiên và bầu cử tự do tại Triều Tiên. Thủ Tướng Chu Ân Lai biểu lộ sự hỗ trợ tuyệt đối cho đề xuất của Thủ Tướng Nam Il.

However, the South Korean delegate proposed at the conference that an all-Korean elections be held according to the ROK constitutional procedure under the UN supervision; that the Chinese forces should be totally withdrawn from Korea one month before such elections, whereas the UN forces would leave Korea after the elections and the realization of reunification of Korea etc.. It was very obvious that the South Korean proposal was in essence an attempt to impose the ROK legal system on all the Korea people and to annex North Korea. The U.S. delegate gave instant support to these proposals.

Hội nghị Geneva khai mạc vào 26/ 04/1954 và vấn đề đầu tiên được đem ra thảo luận là về Triều Tiên. Bên lề hội nghị, Thủ tướng CHDCND Triều Tiên Nam Il đưa ra đề nghị về việc tính thốngn hất của Triều Tiên và bầu cử tự do tại Triều Tiên. Thủ Tướng Chu Ân Lai biểu lộ sự hỗ trợ tuyệt đối cho đề xuất của Thủ Tướng Nam Il.

Foreign Minister Zhou Enlai pointed out at the Conference: The withdrawal of all foreign forces from Korea is a prerequisite to free expression of will by the Korean people in the absence of any outside interference during their national elections; the elections in Korea should not be placed under the supervision of the United Nations which is a belligerent party to the Korean War; nevertheless, China agrees to international supervision over the elections; he proposed that in order to assist the all-Korean council in holding all-Korean free elections in accordance with the all-Korean electoral law without any foreign interference, a neutral nations supervision commission be set up to supervise the elections.

Thủ Tướng Chu Ân Lai chỉ ra tại Hội nghị: việc rút toàn bộ lực lượng quân sự nước ngoài khỏi Triều Tiên là 1 điều kiện tiên quyết để nhân dân Triều Tiên bày tỏ ý kiến của mình mà không chịu bất cứ sự can thiệp từ bên ngoài nào vào quá trình bầu cử củ họ.; cuộc bầu cử tại Triều Tiên không nên được đặt dưới sự giám sát của LHQ vốn dĩ là 1 bên tham chiến trong chiến tranh Triều Tiên; tuy nhiên, Trung Quốc đồng ý 1 cuộc bầu cử có sự giám sát quốc tế; ông đề xuất rằng nhằm mục đích hỗ trợ ban quản trị toàn Triều Tiên trong việc tổ chứ cuộc bầu cử tại Triều Tiên phù hợp với luật bầu cử Toàn - Triều Tiên không có sự can thiệp nào từ bên ngoài, một Ủy ban các QG Trung lập sẽ được thành lập để giám sát cuộc bầu cử.

By 15 June it already seemed hardly possible for the conference participants to reach any agreement due to their differences of principle over how to settle the Korean question peacefully. The DPRK, China and the Soviet Union made a final effort and made proposals in favor of a peaceful resolution of the Korean question so as to break the stalemate. The United States, however, took the lead in opposing the above-mentioned proposals. Countries whose troops formed the ?UN Forces? came up with a ?16-nation declaration? which drove the conference on to the verge of a breakdown.

Đến 15/06 các bên tham gia hội nghị không đi đến 1 thỏa thuận nào bởi sự khác biệt về lập trường trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên trong hòa bình. Bắc TT, Trung Quốc và Liên Xô cố gắng đưa ra những nỗ lực và đề xuất cuối cùng tìm kiếm giải pháp hòa bình cho TT nhằm giải quyết tình trạng bế tắc. Mỹ, trong khi đó, lại cầm đầu phe chống đối lại giải pháp trên (của BTT). Các quốc gia có quân đội tham gia trong "Lực lượng LHQ" đồng tìn đưa ra cái gọi là "Tuyên bố 16 nước" đưa hội nghị đến bờ đổ vỡ.

Qua đây các bác cũng thấy, chiến cuộc ở Đông Dương không phải là vấn đề quan trọng, càng thấy rõ vai trò của Trung quốc và Liên Sô, nhất là Trung quốc đối với nước nhược tiểu như VNDCCH.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 08 Tháng Tám, 2010, 12:43:36 am
Ủa vậy xin hỏi bác ngày 20 - 11 - 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra gặp ải ở vịnh Hạ Long vậy? và tháng 3 năm 1946 nước Pháp đã tiếp đón ái với nghi thức cao nhất giành cho nguyên thủ quốc gia vậy? Nếu chính phủ dogon không công nhận Chủ Tịch Hồ Chí MInh là nguyên thủ quốc gia và chính quyền VNDCCH là chính quyền hợp pháp thì sao phải tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh với nghi thức giành cho nguyên thủ quốc gia vậy. Cụ nói vậy thì chẳng hóa ra 12 nước xã hội chủ nghĩa kia không phải là các quốc gia độc lập à? Giờ xin hỏi cụ thế cái chính phủ quốc gia của cụ khi thành lập thì được ai công nhận, nó có quan hệ ngoại giao với bao nhiêu nước và cuối cùng thì quyền độc lập của thể hiện ở chô nào vậy?
Chính phủ phía bên quân lính VM là chính phủ do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chính phủ phía bên quân lính liên hiệp Pháp là chính phủ do quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo. Văn kiện chính thức lúc đó không dùng từ CSVN và QG.
Theo tài liệu tôi biết thì ông Phạm Văn Đồng nhìn nhận chính phủ của quốc trưởng Bảo Đại, trong khi đó Bảo Đại không nhìn nhận chính phủ VM. Xin trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo:

http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=66A97751-C18C-7B3F-AF535F050F854E2C&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Mr. Pham Van Dong emphasized in his speech that after Vietnam receives its independence, it will consider joining the French Union. In his proposal, Mr. Pham Van Dong also accepts the Bao Dai [regime].

Và  các thành viên ký hiệp định Geneva nhìn nhận có hai quân đội - VM và liên hiệp Pháp - và có hai chính phủ - VM và quốc trưởng Bảo Đại (chứ không có chính phủ Pháp).
Sau khi ký hiệp định Geneva thì quốc trưởng Bảo Đại mời ông Ngô Đình Diệm về chấp chính và chính phủ thủ tướng Diệm đã hưởng được một guồng máy hành chính khá hoàn chỉnh và tuy chưa nắm được quân đội cách trọn vẹn, nhưng quân đội cũng đả tách ra khỏi quyền chỉ huy của Pháp, dưới quyền chỉ huy của thiếu tướng Nguyển Văn Hinh.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 08 Tháng Tám, 2010, 12:46:53 am

Chính phủ phía bên quân lính VM là chính phủ do chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Chính phủ phía bên quân lính liên hiệp Pháp là chính phủ do quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo. Văn kiện chính thức lúc đó không dùng từ CSVN và QG.
Theo tài liệu tôi biết thì ông Phạm Văn Đồng nhìn nhận chính phủ của quốc trưởng Bảo Đại, trong khi đó Bảo Đại không nhìn nhận chính phủ VM. Xin trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo:

http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=66A97751-C18C-7B3F-AF535F050F854E2C&sort=Collection&item=The%20Vietnam%20(Indochina)%20War(s)

Mr. Pham Van Dong emphasized in his speech that after Vietnam receives its independence, it will consider joining the French Union. In his proposal, Mr. Pham Van Dong also accepts the Bao Dai [regime].
Ô thế sao cụ bảo chính phủ quốc gia là chính phủ độc lập tự do nên không kí vào hiệp định gionever giờ cụ lại bảo chính phủ Bản Đại năm trong liên hiệp Pháp là sao? vậy nó độc lập ở chỗ nào vậy?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: _new trong 08 Tháng Tám, 2010, 01:19:29 am
Bỏ qua cái câu của bác rằng VNDCCH nhượng đất nhượng biển vì Geneve nhé. Ở phần trước bác nói VNDCCH muốn nhiều hơn nhưng vì TQ, LX ép mà phải nhận ít đi, thế thì trả ơn gì, báo oán mới phải chứ? Trả ơn vì đáng nhẽ tao được nhiều hơn, vì mày tao được ít hơn nên tao trả ơn mày à?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: _new trong 08 Tháng Tám, 2010, 01:26:35 am
Mà theo em, bác nên giải quyết từng vấn đề một đi đã. Nếu bác cứ lướt qua thế này, mà không trả lời các phản hồi của anh em khác, thì bác đang chứng minh cho một mình bác và bác đang tự bắt một mình bác tin giả thuyết của mình đưa ra mà thôi.
Ví dụ: Ai là người muốn chia cắt đất nước?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: nguyentin trong 08 Tháng Tám, 2010, 01:29:42 am
VM phải trả ơn Trả ơn vì nếu ko6ng phải TQ khôn khéo thì Pháp đã đưa quân sang, thêm Mỹ giúp sức thì làm sao VM thắng được Pháp?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: _new trong 08 Tháng Tám, 2010, 01:55:06 am
2: VM phải trả ơn Trả ơn vì nếu ko6ng phải TQ khôn khéo thì Pháp đã đưa quân sang, thêm Mỹ giúp sức thì làm sao VM thắng được Pháp?
2. Bác chứng minh đi. Hay đó lại chỉ là suy luận của bác.
Ở trên bác nói là sau chiến thắng ĐBP, VNDCCH tỏ ý muốn giữ nguyên hiện trạng để đàm phán, tức là sẵn sàng tình huống tiếp tục chiến tranh với liên hiệp Pháp. Do TQ bắt nạt nên phải thu quân, chấp nhận hiệp định bất lợi về phía mình. Ở dưới thì nói VNDCCH cám ơn TQ vì TQ khôn khéo bày ra cái hiệp định nên chiến tranh không mở rộng. Thế là thế nào?

Xin nói luôn, trước trận ĐBP Pháp đã tính đến cả phương án rút bỏ đồng bằng sông Hồng để vào giữ từ sông Bến Hải trở vào (cốt yếu là muốn giữ đường 9). Cũng chính Navarre nói việc tăng quân sau ĐBP chỉ là động thái lên dây cót chứ không bao gìơ có thể thực hiện được.
Về mặt thực tế, sau Geneve thực chất Mỹ tiếp quản Pháp trong việc gây ảnh huởng lên Đông Dương. Quân Mỹ trực tiếp tham chiến, Mỹ mạnh hơn Pháp trăm lần. VNDCCH có phải cảm ơn vì TQ tạo khôn khéo ra điều này không.

3. Xin nhờ bác giải quyết vấn đề còn tồn đọng này luôn: nếu thi hành Hiệp định Geneve, thực hiện tập kết lực lượng quân sự rồi tiến hành tổng tuyển cử? Đất nước có bị chia cắt 54-75 không? Ai phải chịu trách nhiệm vì điều này?


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: Emchã trong 08 Tháng Tám, 2010, 02:49:09 am
@nguyentin bàn chuyện quốc gia đại sự cứ như là chuyện đá banh!  ;D Cụ Tín hẳn hài lòng với @nguyentin.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: dongadoan trong 08 Tháng Tám, 2010, 08:27:55 am
Cảnh cáo thành viên nguyentin vì: lôi kéo thảo luận chính trị hiện tại. Những bài sai phạm sẽ bị xóa sau 12h nữa!


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: huyphongssi trong 08 Tháng Tám, 2010, 09:21:28 am
Nói thật là huyphong thấy cái trình "học giả" của mấy anh Việt gian lưu vong hay phản động trong nước mãi mà không khá với thời gian được. Trích dẫn chứng tràng giang đại hải bằng luận điểm của người khác để ngụy biện trên cái ngụy biện của người khác mà dám đăng đàn chọc ngoáy thì cũng đến chịu.

Thế chiến 2 tới nay, đến mẫu quốc "Đại Pháp" còn hết làm bù nhìn cho phe Trục, rồi lại làm bù nhìn cho phe Đồng Minh. Thế nhưng thế lực bù nhìn này lại được đám Việt gian cúc cung tận tụy nhận làm thân phận bù nhìn của bù nhìn mẫu quốc. Vậy đám bù nhìn của bù nhìn này mong muốn điều gì khi đăng đàn? Chúng muốn kéo người khác vào thân phận bù nhìn cùng cấp với chúng cho đỡ tủi phận vong quốc. Chúng kém ở đâu? Kém ở chỗ lẽ ra chúng phải chứng minh Trung cộng là bù nhìn của Mạc Tư Khoa trước, rồi mới tới VM là bù nhìn của Trung cộng bù nhìn mới hợp lô dích nô bộc. Chúng vẫn còn kém thật.

Topic này là để bàn về kĩ năng "đi trên dây" của VNDCCH trong giai đoạn "Xẻ dọc Trường Sơn" đi đánh cho Mỹ cút-Ngụy nhào chứ không phải chỗ cho đám nô bộc vong quốc đăng đàn khóc than cho mấy chính thể bù nhìn đã bị quy luật lịch sử đào thải.


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: su22 m4 trong 08 Tháng Tám, 2010, 10:40:37 am
Tôi tưởng bác tín đưa ra được cái gì mới hóa ra toàn là ngồi bên xứ người gõ bàn phìm nói theo winki và bbc việt ngữ lá cải, thôi mời bác quay về chứng minh các luận điểm sau:
1) Sự độc lập và có hợp hiến của cái gọi là chính thể quốc gia mà cụ bảo là vì thế mà nó không kí vào hiệp định gionever
2) Bác chứng minh giúp Việt Minh cần đến cái hiệp định đấy hơn Pháp và quốc gia
3) Bác chứng minh hộ xem vì sao sau chiến dịch ĐBP Quân đội nhân dân Việt Nam lại không thể thắng được quân viễn chinh Pháp tại đông bằng
4) Mời Bác chứng minh sự phụ thuộc của Chính Phủ VNDCCH vào Liên Xô và TQ mà chính thể quốc gia của cụ và sau nay là cái gọi là VNCH thì không phụ thuộc vào Pháp và Mỹ.
Nếu bác không đưa ra được bằng chứng mới chứng minh cho các luận điểm nêu trên thi rước cụ lại xứ người để nghiên cứu thêm diễn đàn này không phải winki và bbc việt ngữ để cụ chem gió linh tinh, và cuối cùng những tài liệu cụ dùng để chứng minh phải được công nhân và có nguồn gốc ro ràng. Kính cụ
 


Tiêu đề: Re: Bàn về hội nghị Geneva và khả năng giải phóng toàn bộ VN sau chiến thắng Đ
Gửi bởi: su22 m4 trong 08 Tháng Tám, 2010, 03:43:28 pm
Ô hay người muốn chứng minh hay phản biện vấn đề thì phải chuẩn bị tài liệu chứ nhỉ, hay ơ bển người ta làm ngược lại hả bác tín. Hãy nhìn thẳng vào vấn đề là bác không đủ chình độ để chứng minh VN nhượng đất, nên bác mới nói vậy. Còn VNDCCH là tay sai cho LX với TQ mà chỉ chứng minh qua 1 bài thơ mà không biết xuất sứ của nó ở đầu thì bác tín quả là 1 học giả đại tài đấy. Hỏi bác 1 câu bác làm thế nào để chứng minh bài thơ đấy có nguồn gốc từ vùng giải phong mà không phải do mây người quốc gia tung ra? mà quay trơ lại với vấn đề ching của topic đi đừng giơ bài né nữa xấu hổi lăm bác ạ 


Tiêu đề: Re: Bàn về hội nghị Geneva và khả năng giải phóng toàn bộ VN sau chiến thắng Đ
Gửi bởi: nguyentin trong 08 Tháng Tám, 2010, 03:44:19 pm
Thế chính trị của Việt Minh tại miền Bắc cũng giảm sau khi nhận tiền, vũ khí, và cố vấn Trung quốc từ 1950 trở đi. Trong hồi ký của một vị tướng có kể rằng cố vấn Trung quốc khi giảng bài cho bộ đội Việt Minh có thắc mắc là tại sao ta không sàng lọc thành phần lý lịch kỹ trong quân đội mà để lọt lại nhiều tên tiểu tư sản vậy, vì họ để ý là bộ đội và sĩ quan Việt Minh viết tốc ký bài giảng của họ ngoay ngoáy. Trí thức Việt Minh dinh tê về với Bảo đại thời này rất đông khi thấy phong trào kháng chiến ở Việt Bắc bị Tq hóa. Dân Việt Nam trước giờ vẫn dị ứng với Tq. Trung Quốc chia đôi đất nước, VM biết rõ  nhưng không làm gì đuợc, vì lệ thuộc vào Tq nhiều về viện trợ quân sự. Trung Quốc chỉ muốn có một nước láng giềng theo cộng sản làm chỗ phên dậu.
Một nguồn khác:
- Đầu tháng 7 nám 1954, Chu Ân Lai từ Giơnevơ trở về Trung Quốc, đề nghị gặp Hồ Chí Minh ở Liễu Châu, thuộc Quảng Tây.
- Chu nói tình hình quốc tế hiện nay yêu cầu có hòa bình, việc phân chia ranh giới tạm thời nên châm chước một chừng nào đó để chấm dứt chiến tranh.
- Chu thấy có khả năng lập một mặt trận liên minh với Pháp. Cuối cùng, Chu nói trước đây Pháp khăng khăng đòi lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới tạm thời, nhưng trước sự đấu tranh kiên quyết của Tq, đã đồng ý rút xuống vĩ tuyến 17.
- VM  đề ra vĩ tuyến 13, vĩ tuyến 17 là không thể chấp nhận, chí ít cũng phải giành được vĩ tuyến 16. Trước đây đã có tiền lệ khi Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật ở hai miền Nam, Bắc Đông Dương cũng lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới tạm thời.
- Trước ra về, Chu nói với Hồ Chí Minh:
"Tôi sẽ bàn với đồng chí Môlôtốp hết sức cố gang thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch. Vì ở xa không có điều kiện trao đổi, nếu việc đấu tranh xác định ranh giới tạm thời gặp khó khăn, vạn bất đắc dĩ phải chọn vĩ tuyến 17, mong Hồ Chủ tịch chú ý vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tranh thủ cho được hòa bình và những điều kiện để hòa bình thống nhết Việt Nam".


Tiêu đề: Re: Bàn về hội nghị Geneva và khả năng giải phóng toàn bộ VN sau chiến thắng Đ
Gửi bởi: su22 m4 trong 08 Tháng Tám, 2010, 04:01:07 pm
Thế chính trị của Việt Minh tại miền Bắc cũng giảm sau khi nhận tiền, vũ khí, và cố vấn Trung quốc từ 1950 trở đi. Trong hồi ký của một vị tướng có kể rằng cố vấn Trung quốc khi giảng bài cho bộ đội Việt Minh có thắc mắc là tại sao ta không sàng lọc thành phần lý lịch kỹ trong quân đội mà để lọt lại nhiều tên tiểu tư sản vậy, vì họ để ý là bộ đội và sĩ quan Việt Minh viết tốc ký bài giảng của họ ngoay ngoáy. Trí thức Việt Minh dinh tê về với Bảo đại thời này rất đông khi thấy phong trào kháng chiến ở Việt Bắc bị Tq hóa. Dân Việt Nam trước giờ vẫn dị ứng với Tq. Trung Quốc chia đôi đất nước, VM biết rõ  nhưng không làm gì đuợc, vì lệ thuộc vào Tq nhiều về viện trợ quân sự. Trung Quốc chỉ muốn có một nước láng giềng theo cộng sản làm chỗ phên dậu.
Một nguồn khác:
- Đầu tháng 7 nám 1954, Chu Ân Lai từ Giơnevơ trở về Trung Quốc, đề nghị gặp Hồ Chí Minh ở Liễu Châu, thuộc Quảng Tây.
- Chu nói tình hình quốc tế hiện nay yêu cầu có hòa bình, việc phân chia ranh giới tạm thời nên châm chước một chừng nào đó để chấm dứt chiến tranh.
- Chu thấy có khả năng lập một mặt trận liên minh với Pháp. Cuối cùng, Chu nói trước đây Pháp khăng khăng đòi lấy vĩ tuyến 18 làm ranh giới tạm thời, nhưng trước sự đấu tranh kiên quyết của Tq, đã đồng ý rút xuống vĩ tuyến 17.
- VM  đề ra vĩ tuyến 13, vĩ tuyến 17 là không thể chấp nhận, chí ít cũng phải giành được vĩ tuyến 16. Trước đây đã có tiền lệ khi Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật ở hai miền Nam, Bắc Đông Dương cũng lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới tạm thời.
- Trước ra về, Chu nói với Hồ Chí Minh:
"Tôi sẽ bàn với đồng chí Môlôtốp hết sức cố gang thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch. Vì ở xa không có điều kiện trao đổi, nếu việc đấu tranh xác định ranh giới tạm thời gặp khó khăn, vạn bất đắc dĩ phải chọn vĩ tuyến 17, mong Hồ Chủ tịch chú ý vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tranh thủ cho được hòa bình và những điều kiện để hòa bình thống nhết Việt Nam".
Bác diễn đi diễn lại bài CAL nói nhỏ với Chủ tịch Hồ Chí Minh xuốt mấy trang topic mà không chán à, bác có gì mới để  chứng minh sự phụ thuộc mọi mặt của VNDCCH vào TQ không?
Còn vụ chí thức bỏ VM để về với bảo đại vì gị ứng với TQ hả, ai thế, bao nhiêu người xìn cho nguồn chứng minh, còn tôi thì chỉ biết có ông Trần Đại Nghĩa, Ông Đặng Văn Ngữ, Ông Lương Định Của, Ông Đặng Thai Mai, Ông Tôn Thất Tùng và còn nhiều nhiêu người khác vẫn có mặt trong chiến khu và tham ra khang chiến đến thăng lơi đên cùng đấy chư.
Bác tín Quân đội nhân dân VN không dại như quân đội quốc gia để thanh lọng những người có địa vị xã hội khác nhau đâu nên bác đừng đem cái đó mà suy tù bụng ta ra bụng người nhe. Mà điều này càng chứng minh VNDCCH độc lập với TQ về chính sách khi cùng là cộng sạn nhưng VM thì hợp tác với cả các tầng lớp khác trong xã hội, còn TQ thì tiến hành thanh lọc thành phần xã hội


Tiêu đề: Re: Bàn về hội nghị Geneva và khả năng giải phóng toàn bộ VN sau chiến thắng Đ
Gửi bởi: dongadoan trong 08 Tháng Tám, 2010, 04:07:07 pm
Mặc dù đã cảnh cáo nhưng thành viên nguyentin vẫn cố chấp đi theo đường hướng thảo luận nguy hiểm, ngụy biện. Treo 6 tháng để về nghiên cứu lại nguồn gốc quốc kỳ VN!

Các bài lạc đề sẽ bị xóa sau 12h


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: cangiuoclongan trong 08 Tháng Tám, 2010, 06:51:09 pm
Như vậy theo các bác, một Hiệp định như vậy có cần thiết không? VM có nên tham gia để chịu sự điều khiển của Tq không chỉ tại Geneva mà còn nhiều vấn đề sau này hay không?

Câu trả lời ở đây em thấy hợp tình hợp lí và hợp trình độ  :D : http://www.quansuvn.net/index.php/topic,3887.msg68525.html#msg68525


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: vmt trong 17 Tháng Tám, 2010, 11:46:22 pm
Các bác bàn tán sôi nổi quá cho em tham gia tý ,em thấy chủ đề này rất rộng ,về thực lực thì đúng là mình đang rất khí thế vì vừa chiến thắng điện biên xong ,nhưng vẫn không thể đủ mạnh mà phát động một cuộc tổng tấn công trên diện rộng được ,vì hồi đó mình vẫn chưa có những binh đoàn chủ lực cơ giới mạnh để làm nòng cốt cho cuộc tổng tấn công ,các bác thử tính xem mặt trận điện biên phủ chỉ là một tập đoàn cứ điểm do một đại tá pháp (sau thăng lên thiếu tướng chỉ huy )vậy mà hầu như tất cả các đơn vị chủ lực tinh nhuệ nhất của ta đã vào cuộc lại được sự hỗ trợ của một hậu phương rộng lớn thế mà cũng phải tốn rất nhiều công sức ,đổ rất nhiều máu mới có được chiến thắng,nếu lúc đò ta không ngồi vào đàm phán dùng giải pháp ngoại giao thì chắc gì pháp nó chịu ,mặc dù rất muốn rút chân ra ,nhưng tội gì nó phải về tay trắng ,sợ gì mà nó không mặc cả với mỹ để kiếm trác về kinh tế trong khi mỹ lại đang muốn nhảy vào ,đến lúc đó lại càng khó cho mình ,còn đây là hội nghị nhiều bên nên tất nhiên là mình phải chịu nhiều sức ép rồi ,tranh thủ bên này tranh thủ bên kia đâu có đơn giản ,thế giới nó cũng nhiếu phe phái theo ông này có lợi cho mình thì lại mất ông kia nên chọn một hướng khả dĩ cho mình trong hoàn cảnh đó cũng là cả một vấn đề lớn...


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: kimtd3f356 trong 11 Tháng Mười Hai, 2010, 11:11:36 am
Đây là bài viết của nhà sử học Dương Trung Quốc em cóp từ trang :Bảo tàng lịch sử quân sự Việt nam ,có liên quan đến vấn đề này các bác cùng tham khảo:

     Ngày cập nhật : 15:55 20/10/2010

Ngay từ trong báo cáo của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, diễn ra trước khi Hiệp định Geneve được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tỏ rõ thái độ: "Những tư tưởng ỷ lại vào Hiệp định Geneve, hoặc coi thường giá trị pháp lý của Hiệp định Geneve đều là sai lầm". Bởi theo Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam DCCH Phạm Văn Đồng: "Giá trị pháp lý của Hội nghị Geneve là ở chỗ nó đảm bảo cho sự thực hiện trọn vẹn một mục tiêu thiêng liêng của dân tộc Việt Nam...".
 

VietNamNet xin đăng tải bài viết dưới đây như một góc nhìn riêng của nhà sử học Dương Trung Quốc về Hiệp định Geneve.

Sau 50 năm nhìn lại

Chỉ một ngày sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi, mở đầu bằng một câu khẳng định: "Hội nghị Geneve đã kết thúc: Ngoại giao ta đã thắng lợi to" (22/7/1954).

50 năm sau, trải qua một chặng đường dài đầy gian khổ, hy sinh, từ những kinh nghiệm và bản lĩnh của một dân tộc từng trải và trưởng thành, chúng ta nhìn lại những diễn biến của Hội nghị và nội dung bản hiệp định này với nhiều suy nghĩ khác nhau. Trong những suy nghĩ ấy, có cả ý kiến đặt dấu hỏi: Hiệp định Geneve có thực là một thắng lợi ngoại giao to lớn hay chỉ là kết quả của một sự thỏa hiệp giữa các nước lớn trên lợi ích của nhân dân Việt Nam?

Liệu chúng ta có thể đạt được một lợi thế xứng đáng hơn trên bàn Hội nghị so với những gì chúng ta đã đạt được trên chiến trường sau 9 năm kháng chiến anh dũng và kiên cường. Và người ta có thể cụ thể hóa nỗi băn khoăn đó bằng việc xem xét đến vị trí của đường giới tuyến tạm thời, có thể mở rộng một không gian lãnh thổ có lợi hơn nhờ sự xê dịch vĩ độ được lựa chọn (lúc đầu là 13, 14, sau đó là 16, 17 hay 18?); rồi vấn đề thời gian tiến tới tổng tuyển cử là nửa năm hay 1 hoặc 2 năm?... Một số tài liệu khảo cứu hay các hồi ức đưa ra thêm nhiều chi tiết: có sức ép của các nước lớn đối với ta khi thỏa thuận những điều khoản chi tiết, có sự gợi ý chia cắt lâu dài, có tiếp xúc hay tranh thủ các thế lực đối lập với ta (người của Bảo Đại thân Pháp hay Ngô Đình Diệm thân Mỹ)...

Những cách suy nghĩ ấy đều dựa trên những tình tiết có thực, nhưng cần phải nhấn thêm rằng, nó được nung nấu trong một thực tiễn nhiều thập kỷ sau sự kiện ở Geneve, khi chúng ta đã có một sưu tập những bài học sâu sắc hơn rút ra từ 20 năm đất nước bị chia cắt; từ cuộc kháng chiến gian khổ chống Mỹ can thiệp và xâm lược; từ thực tiễn "vừa đánh vừa đàm" tiến tới Hiệp định Paris 1973; từ những cuộc bắt tay giữa các nước lớn nhằm kìm hãm mục tiêu của nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ và thống nhất đất nước; từ cuộc chiến tranh biên giới với những người đồng minh cũ và từ ngót 15 năm cấm vận và thù địch đến từ cả hai phía: những kẻ thù và những người đồng minh; rồi cả kinh nghiệm gắn liền với công cuộc Đổi mới; bình thường hóa quan hệ và hội nhập với thế giới đa phương...

Mục tiêu chung: Hòa bình

Ngày nay khó có thể nói rằng vào thời điểm 1954 ta có thể tự lực đạt được mục tiêu trọn vẹn hoặc đủ sức tiếp tục cuộc chiến tranh giải phóng mà không cần có sự viện trợ của bên ngoài, cũng như khả năng can thiệp của Mỹ, một khi Anh và Pháp vì quyền lợi của mình bật đèn xanh để Mỹ tự do hành động.

Điều mà chúng ta đạt được sau Hiệp định Paris 1973 để tự định đoạt mục tiêu toàn thắng của mình vào năm 1975, bất chấp cản lực của những nước lớn, điều chưa có được ở thời điểm năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên phủ. Bởi vậy, quan điểm cho rằng ta xứng đáng có được những điều khoản có lợi hơn những gì đã thoả thuận ở Geneve là không sai, nhưng nếu nhìn nhận Hiệp định ấy trong toàn cục của thế giới vào thời điểm cuộc chiến tranh ở Đông Dương cũng như mọi cuộc xung đột khác lúc này đã bị cuốn vào xu thế quốc tế hoá thì phải thừa nhận rằng đó là một thắng lợi lớn, phản ánh đúng tương quan giữa các bên có liên quan.

Nên lưu ý rằng, ngay trước Hội nghị Geneve về Đông Dương là Hội nghị Geneve về Triều Tiên. Cũng giống như Hội nghị tứ cường ở Berlin (tháng Giêng 1954), Hội nghị này đã diễn ra nhằm cố đạt được sự thoả hiệp giữa các nước lớn khi sự căng thẳng đã tới đỉnh điểm vào đầu thập kỷ 50 khiến mọi bên đều bắt đầu một xu thế hoà hoãn. Sau Berlin là Triều Tiên, tiếp đó là Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Phong trào hoà bình thế giới với sự ra đời của hình tượng con chim hoà bình của Pablo Picasso phản ảnh xu thế chung của nhân loại mà chúng ta không thể đứng ngoài...

Do vậy, những ai lập luận rằng vào thời điểm sau chiến thắng vĩ đại Điện Biên phủ, nếu chúng ta đánh dấn thêm và không ai bị ngáng trở thì có thể giành được những thắng lợi quyết định trên toàn cục mà không phải trả giá cho 20 năm tiếp theo... là không tưởng và có phần siêu hình khi không tính đến Việt Nam lúc này đã là một quân cờ trên bàn cờ quan hệ quốc tế, mà người cầm quân chơi chính lại là các nước lớn, lúc này có thêm CHND Trung Hoa mới nhập cuộc sẵn sàng "fair play" với các cường quốc khác.

Cuộc đình chiến ở Đông Dương vào thời điểm 1954 là phản ánh đúng tương quan và mong muốn của các bên tham chiến (trực tiếp và đồng minh), trong đó có cả chúng ta. Sự thất vọng của các phái đoàn gắn quyền lợi với nước Pháp thực dân và đặc biệt là thái độ không tôn trọng Hiệp dịnh Geneve của Mỹ cho thấy thành công của Hội nghị nhìn từ phía chúng ta và các đồng minh. Hai chữ "Hoà Bình" sau 1954 luôn xuất hiện trong các văn kiện, lời nói của lãnh tụ; trong các đề tài văn học nghệ thuật của các nghệ sĩ; và lá cờ in hình con chim hoà bình đang sải cánh trên nền trời xanh trở nên rất quen thuộc và xuất hiện ở khắp nơi.

Trong sử học, có một đề tài quan trọng là nghiên cứu sự hình thành tư tưởng bạo lực cách mạng giải phóng miền Nam (GPMN). Đề cương cách mạng miền Nam và nghị quyết 15 từng được coi như những văn kiện làm nền tảng chỉ đạo cho công cuộc vũ trang GPMN vào cuối thập kỷ 1950. Điều đó chứng tỏ rằng, sau mấy năm đấu tranh thi hành Hiệp định Geneve, chúng ta đã không còn ảo tưởng nhiều vào con đường hoà bình thống nhất đất nước mà đã nhận thấy sớm muộn gì cũng phải dùng đường lối bạo lực cách mạng để GPMN. Tuy vậy, những văn kiện này cũng như những nguồn sử liệu khác của thời kỳ sau Geneve đã cho chúng ta thấy rằng tư tưởng chủ đạo của các nhà lãnh đạo cho đến trước thập kỷ 60 vẫn tin vào khả năng tranh thủ hoà bình, đấu tranh thực hiện điều khoản tổng tuyển cử giữa hai miền. Có một thực tế lúc đó là tất cả mọi phía đều tin rằng, một cuộc tổng tuyển cử như vậy sẽ dẫn đến một sự toàn thắng của Chính phủ Hồ Chí Minh.

Ngay từ trong báo cáo của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, diễn ra trước khi Hiệp định Geneve được ký kết (15/7/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: "Trước kia khẩu hiệu của ta là kháng chiến đến cùng, nay vì tình hình mới, ta cần nêu khẩu hiệu mới là hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ"... "ta phải nắm vững lá cờ hoà bình", "tranh thủ và củng cố hoà bình trở thành một nhiệm vụ hàng đầu". Nghị quyết của Hội nghị 6 còn nhấn mạnh rằng, chủ trương hoà bình cũng chính là phá tan âm mưu chiến tranh của đế quốc Mỹ... Và cho đến Nghị quyết 15 (tháng Giêng 1959), gần 3 năm sau thời hạn cuộc tổng tuyển cử không thực hiện được như Hiệp định Geneve quy định, trong văn kiện quan trọng này, Đảng vẫn xác định: "Chúng ta chủ trương tích cực tranh thủ giải quyết vấn đề thống nhất nước nhà bằng con đường hoà bình... cần thấy rằng cách mạng ở miền Nam vẫn có khả năng hoà bình phát triển... khả năng đó hiện nay rất ít, song Đảng ta không gạt bỏ khả năng đó, mà cần tranh thủ khả năng đó".

Về Hiệp định Geneve, Nghị quyết xác định thái độ rõ ràng "Những tư tưởng ỷ lại vào Hiệp định Geneve, hoặc coi thường giá trị pháp lý của Hiệp định Geneve đều là sai lầm".

Giá trị pháp lý của Hiệp định Geneve - cột mốc quan trọng trên tiến trình thống nhất đất nước

Giá trị pháp lý của Hiệp nghị Geneve trước hết là một cam kết quốc tế đầu tiên có liên quan đến Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhìn nhận lại lịch sử mối giao bang quốc tế, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, cho đến trước khi nước ta bị thực dân xâm lược và trở thành thuộc địa của đế quốc Pháp (cuối thế kỷ XIX), Việt Nam (Đại Việt, Đại Nam) chỉ có những mối quan hệ bang giao song phương mà chủ yếu là đối với Trung Hoa, với hai thuộc tính căn bản là tự chủ và thần phục, ngay cả khi thế nước đang mạnh.

Cuối thế kỷ XIX, sau Hiệp ước 1883 ký kết giữa triều đình Việt Nam với Pháp và sau khi Liên bang Đông Dương được thiết lập (1897) thì nước Pháp trở thành pháp nhân đại diện cho "lợi ích lãnh thổ Việt Nam" trong các cam kết quốc tế.

Trong công cuộc đấu tranh GPDT, các lực lượng chính trị chống Pháp cũng đi tìm những mối quan hệ song phương để tìm nguồn lực thực hiện mục tiêu của mình (ví như Quang Phục hội có những liên hệ với nước Đức thế lực đối địch với Pháp trong Đại chiến I, như các chiến sĩ Đông Du sang cầu viện nước Nhật...). Và tổ chức yêu nước đầu tiên muốn tìm những cam kết quốc tế cho lợi ích của dân tộc VN lại chính là "Nhóm người VN yêu nước tại Pháp" đứng tên Nguyễn Ái Quốc trong bản Yêu sách  của nhân dân VN (Revendicatión du Peuple Annamite) gửi Hoà hội Versailles 1919. Văn bản này được trực tiếp gửi cho các đoàn đại diện chính phủ thành viên của hoà hội, đặc biệt là Đoàn Hoa kỳ do Tổng thống Wilson, người đưa ra chủ thuyết về một trật tự thế giới sau Đại chiến I của nước thắng trận. Tìm một cam kết quốc tế đầu tiên cho những lợi ích căn bản của nhân dân VN phù hợp với những tiêu chí mang tính pháp lý của xã hội hiện đại là nét đặc sắc của văn kiện lịch sử này.

Hoạt động ngoại giao tiếp theo mang ý nghĩa gắn kết lợi ích của dân tộc (đúng hơn là sự nghiệp giải phóng dân tộc) VN với những cam kết mang tính chất quốc tế là những thoả thuận không thành văn nhưng bằng hành động thực tế giữa Hồ Chí Minh, lãnh tụ của tổ chức Mặt trận Việt Minh, với tướng C. Chennault, người đứng đầu lực lượng quân đội Hoa Kỳ tại khu vực Đồng Nam Á, cũng là đại diện cho Đồng minh ở khu vực này.

Ý nghĩa và giá trị của những cam kết (không thành văn bản) này không chỉ là những phối hợp hành động có hiệu quả hạn chế (thành lập Đại đội Việt - Mỹ, hỗ trợ vũ khí, thông tin liên lạc...) mà quan trọng hơn là sự khẳng định của phía VN và sự xác nhận cam kết của Mỹ rằng cách mạng giải phóng dân tộc của VN mà người đại diện Việt Minh đang đứng trong hàng ngũ các quốc gia và lực lượng Đồng minh chống chủ nghĩa phát xít. Đó chính là cơ sở pháp lý mang tầm vóc quốc tế đối với cách mạng VN và với Nhà nước độc lập VN DCCH ra đời sau Cách mạng tháng Tám 1945.

Trong Tuyên ngôn Độc lập cũng như trong các văn kiện đối ngoại của Nhà nước VN độc lập đều luôn xác định vị thế này. Nói cho sòng phẳng, chính sự hợp tác ngắn ngủi nhưng rất có ý nghĩa này giữa Hồ Chí Minh - Việt Minh với Hoa kỳ - Đồng minh đã tạo ra lợi thế vô cùng quan trọng giúp chúng ta vượt được nhiều khó khăn trong buổi đầu thiết lập Nhà nước VN hiện đại. Trong những nỗ lực ngoại giao thời điểm sau khi giành độc lập, đặc biệt là nhằm tranh thủ những quan hệ tích cực với Mỹ và hướng tới sự công nhận của LHQ vừa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn tìm kiếm được những cam kết quốc tế đầu tiên thừa nhận không chỉ nền độc lập dân tộc mà gắn với nó là chủ quyền lãnh thổ và thống nhất quốc gia.

Đó là một mục tiêu vô cùng quan trọng đảm bảo sự bền vững của nền độc lập quốc gia, được xác lập sau ngót một thế kỷ là thuộc địa bị chia cắt của đế quốc Pháp và trong trường kỳ lịch sử phải gắn nền tự chủ của mình với sự bảo hộ (dù trên danh nghĩa) của quốc gia phương Bắc. Nhưng đó cũng là một mục tiêu đầy khó khăn mà lực cản chính là do tình hình thế giới sau cuộc đại chiến: lợi ích thực dân trỗi dậy và sự phân cực của một thế giới chiến tranh lạnh. Nước Pháp Tự do vẫn chưa dứt bỏ được tâm lý và lợi ích thực dân; nước Mỹ từng giương cao lý tưởng chống thực dân khi đó lại vì lợi ích và tham vọng bá chủ toàn cầu và chủ nghĩa chống cộng mà thoả hiệp đi đến tập nhiễm chủ nghĩa thực dân và quay lưng lại với lợi ích nhiều dân tộc, trong đó có nước VN Độc lập.

Chính cái nghịch lý của lịch sử ấy đã làm cho những nỗ lực của Hồ Chí Minh bằng con đường ngoại giao đã đạt tới những cam kết quốc tế (song phương và đa phương) nhằm đảm bảo cho nền độc lập dân tộc và thống nhất. Những nỗ lực thể hiện tại bàn hội nghị ở Đà Lạt rồi Fontainebleau; những cuộc vận động cá nhân (với Sainteny ở Hà Nội hay với M.Moutet tại Paris) với những nhượng bộ rất lớn trong việc chọn các hình thức quan hệ Việt - Pháp (từ một khái niệm nước VN độc lập đến một "nước VN tự do trong Liên hiệp Pháp" cuối cùng cũng bất thành khi vấp vào một vấn đề cốt tử mang tính nguyên tắc là sự toàn vẹn lãnh thổ của một nước VN thống nhất. "Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi".

Chính vì cái chân lý "Nam Bộ là máu của máu VN, là thịt của thịt VN" mà nguyên lý không thể chia sẻ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc VN và lợi ích thực dân thiển cận của nước Pháp đã không đối thoại để dẫn đến cuộc chiến tranh bùng nổ kéo dài và kết thúc bằng Hiệp định Geneve 1954. Sau này, Tổng thống Charle de Gaulle là người có trách nhiệm với chính trường nước Pháp năm 1946, 20 năm sau (8/2/1966), đã viết trong lá thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: "Giá có sự hiểu biết nhau tốt hơn giữa người Việt và Pháp ngay sau đại chiến thế giới thì đã có thể tránh được những sự biến tai ác đang giằng xé đất nước của Ngài hôm nay".

Sự hiểu biết tốt hơn ấy, nước Pháp chỉ biết đến sau 9 năm chiến tranh tốn kém và một thảm bại ở Điện Biên Phủ, khi phải thừa nhận trong văn bản Hiệp định Geneve một điều khoản quan trọng nhất, vì nó mà người VN đã không lùi bước và buộc phải chấp nhận một cuộc chiến tranh tàn hại.

Đó là sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế về nền độc lập, chủ quyền và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc VN và sự cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của VN. Mặc dù chấp nhận một thực tế là đất nước tạm thời phân đôi qua đường ranh giới tạm thời (với khu phi quân sự) ngang vĩ tuyến 17, nhưng bước tiếp theo với một cuộc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước đã được ấn định như một lộ trình có sự cam kết và chứng kiến quốc tế, là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng cho việc thực hiện mục tiêu thiêng liêng mà dân tộc VN đã phấn đấu trong trường kỳ lịch sử của mình, đó là thống nhất quốc gia. Cho dù người ta có thể nhắc đến những chi tiết liên quan đến hội nghị này, như việc Mỹ thực sự không đồng ý với bản tuyên bố cuối cùng, về những phản ứng tiêu cực của Mỹ và chế độ tay sai..., nhưng Hội nghị và bản Hiệp định được ký kết ở Geneve năm 1954 là một cái mốc vô cùng quan trọng vì nó đã "đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất nước VN" (Báo cáo chính trị Đại hội III) và "là cơ sở pháp lý quan trọng để nhân dân ta tiến lên đòi thống nhất đất nước".(còn tiếp)...

 


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: kimtd3f356 trong 11 Tháng Mười Hai, 2010, 11:15:42 am
Tiếp theo:



Xin nhắc lại hai cách phản ứng của những thế lực "không thoả mãn" (vì trên thực tế là không chống lại) với Hiệp định Geneve:

- Ngoại trưởng Mỹ F.Dulles khi nói về điều khoản tổng tuyển cử cho rằng: "Chắc chắn là tuyển cử cuối cùng có nghĩa là thống nhất nước Việt Nam dưới quyền ông Hồ Chí Minh. Điều quan trọng hơn hết là trì hoãn tuyển cử càng lâu càng tốt".

- Ngoại trưởng của Chính phủ Bảo Đại là Trần Văn Đỗ thì nghẹn ngào tỏ sự đau khổ vì nước nhà bị chia đôi và lấy thái độ đó để bày tỏ sự phản kháng kết quả của Hội nghị (về sau trở thành một giai thoại tranh luận xem ông ta có khóc thật hay không). Nhưng thái độ ấy đã được đáp lại bằng một phát biểu sâu sắc và đanh thép của Trưởng đoàn Đại biểu Việt Nam DCCH Phạm Văn Đồng: "Những ai yêu nước Việt Nam, những ai yêu sự thống nhất Việt Nam thì không cần phải khóc lóc hôm nay. Hãy thực hiện tốt những gì đã ký kết hôm nay thì hai năm nữa sẽ có một nướcViệt Nam thông nhất, độc lập, hoà bình và giàu mạnh. Những gì Chính phủ Việt Nam DCCH làm trong những năm qua chính là vì mục đích đó. Nước mắt của chúng tôi đổ ra trong cuộc đấu tranh cho sự nghiệp đó nhiều hơn rất nhiều so với những giọt lệ mà quý vị nhỏ ra ở đây." và trịnh trọng tuyên bố: "Chúng tôi cần có hoà bình để thực hiện thống nhất quốc gia chúng tôi và bắt tay vào công cuộc kiến thiết quốc gia. Chúng tôi sẽ thi hành thẳng thắn và triệt để tất cả các điều khoản trong các hiệp định mà chúng tôi đã ký..." Do vậy, giá trị pháp lý của Hội nghị Geneve là ở chỗ nó đảm bảo cho sự thực hiện trọn vẹn một mục tiêu thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, mặc dù dân tộc Việt Nam phải đi tiếp gần hai thập kỷ đương đầu quyết liệt với đế quốc Mỹ, nước đã không tôn trọng văn bản cuối cùng của Hiệp định Geneve để phải ký vào Hiệp định Paris 1973 trong đó có điều khoản: "Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Geneve năm 1954 về Việt Nam đã công nhận".

Và hơn 2 năm sau Hiệp định Paris, mùa Xuân đại thắng 1975 đã biến mục tiêu thiêng liêng: thống nhất đất nước thành hiện thực. Đó cũng là thành tựu lớn nhất của thế kỷ XX đối với tiến trình ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.                                         


                                                                                                                                                   Dương Trung Quốc


Tiêu đề: Re: "Đi trên dây"
Gửi bởi: lạc văn trong 15 Tháng Ba, 2011, 07:28:36 am
Qua các tài liệu mà tôi chưng ra, tôi xin khẳng định sự thật về Hiệp định Geneva:
1. Tiếng nói của VM chiến thắng ĐBP vẫn chỉ là tiếng nói của một nhược quốc và đòi hỏi của VM chỉ được lắng nghe khi không đi ngược lại quyền lợi chung của năm cường quốc cách chung và nhất là của Tq theo cách riêng
2. Đây là quan hệ của người anh với đàn em. Việt Minh trong Hiệp định Geneva đã được Chu Ân Lai đại diện của Trung quốc dẫn dắt hoàn toàn và không có tiếng nói tại Hiệp định Geneva. Chu Ân Lai thủ vai chính - anh cả - trong cuộc đàm phán về Đông Dương và Việt Nam.
3. Như vậy có thể thấy được việc VNDCCH có sự giúp đỡ từ phía Trung quốc một cách ban ơn tại Hiệp định Geneva như vậy, lý do chính không nằm ngoài việc DCS TQ muốn duy trì ngay sát họ một nước đàn em có chung ý thức hệ để làm thành lũy ngăn chặn tự do ở phía nam Trung quốc. Và việc một VNDCCH suy yếu sẽ tạo nên sự phụ thuộc hoàn toàn vào Trung quốc, trở thanh phiên bang, phên dậu cho Trung quốc. Và nếu có chiến tranh vì tự do ở phía Nam thì Trung quốc sẽ chống tự do tới người Việt Nam cuối cùng.
4. Việt Minh quan ngại không mấy muốn có một hội nghị để nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam, vì như vậy mình không còn tự quyết lấy vận nước mà sẽ phải tùy thuộc vào ý muốn của đàn anh Liên Sô và Trung Cộng. Nhưng cưỡng lại được.
5. Rốt cuộc đàn em VM phải chịu vâng theo ý kiến đàn anh Tq.
còn Quốc gia Việt Nam vẫn thể hiện được quyền tự quyết của mình bằng cách từ chối ký kết Hiệp định Geneva.



Tiếc là giờ tôi biết đến thớt này. Bạn nguyentin thì cũng đã bị phạt treo nick. Tôi dùng từ "bạn" để xưng hô bởi trong tranh luận, tính bình đẳng nên đặt lên hàng đầu.
Tài liệu viết về những diễn biến liên quan đến các bên tham dự Hội nghị Giê-ne-vơ có rất nhiều nguồn. Trong đó có The Pentagon Papers.
Mấy điểm kết luận của bạn nguyentin nêu ra tôi sẽ bàn đến theo thứ tự.

Điểm 1, khi tranh luận, ta không dùng từ ngữ miệt thị gây tranh cãi. Bạn dùng từ "nhược quốc" đối với VNDCCH là xảo ngôn. Ví dụ sau chiến tranh Thế giới lần thứ 1 và lần thứ 2, các nước được gọi là cường quốc ngồi với nhau quyết định vận mệnh Thế giới. Đặc biệt sau chiến tranh Thế giới lần thứ 2 cho đến nay, 5 nước được coi là cường quốc có ghế trong Hội đồng bảo an LHQ có quyền phủ quyết. Đó là tư duy trật tự Thế giới tồn tại trong thực tiễn. Không có nghĩa là các nước khác bị đồng nghĩa với nhược quốc.
Tư duy trật tự Thế giới của năm 45 lại tái xuất hiện trong Hội nghị Giơ-ne-vơ. Bản thân Hội nghị được lập ra do các cường quốc. Các đại diện của VN chỉ được mời đến, chứ không phải là những người đưa ra sáng kiến lập ra Hội nghị đàm phán.
Hội nghị với sự tham dự của nhiều bên có quyền lợi liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến vấn đề, vậy đương nhiên sự thỏa hiệp chỉ có được khi các bên đều đồng ý nhượng bộ và có giải pháp chung chấp nhận được. Trong trường hợp đó điểm 1 bạn nguyentin "tiếng nói của một nhược quốc và đòi hỏi của VM chỉ được lắng nghe khi không đi ngược lại quyền lợi chung của năm cường quốc" trở thành sự chứng minh sai cho cái gọi là nhược quốc. Nếu VM không đồng tình thì Hội nghị về vấn đề VN không đạt được bất cứ giải pháp chính trị nào. Khi đó nguy cơ tham chiến của Mỹ là không nhỏ, so sánh với cơ hội có giải pháp chính trị và cơ hội (tuy những người lãnh đạo VNDCCH có tính đến việc Mỹ không thực hiện Tổng tuyển cử) thống nhất Đất nước bằng Tổng tuyển cử vẫn có thì giải pháp chính trị vẫn có ưu thế hơn. Và đây cũng là vấn đề liên quan đến điểm 2 của bạn nguyentin.

Điểm 2. Quan hệ đàn anh vơi đàn em là cách nói "chính trị quán trà vỉa hè". VNDCCH có quyền phủ quyết không chấp nhận giải pháp chính trị chứ không phải như bạn nguyentin nói "Việt Minh trong Hiệp định Geneva đã được Chu Ân Lai đại diện của Trung quốc dẫn dắt hoàn toàn và không có tiếng nói tại Hiệp định Geneva". Vấn đề ở chỗ bạn nguyentin không biết hoặc cố tình không biết là nếu đem so sánh cái lợi và cái hại khi không chấp nhận giải pháp chính trị thì VNDCCH chọn lựa như thế nào.
Để quyết định, những người lãnh đạo VNDCCH phải tính toán cả đến những nguy cơ, lợi ích của đồng minh, cũng như kẻ đối đầu và so sánh với mục đích của mình.
VNDCCH có lúc cần nhiều sự giúp từ phái TQ hơn, có lúc lại cần nhiều sự giúp đỡ của phía LX hơn. Quan hệ đồng minh cũng thay đổi theo từng giai đoạn, tình hình. Sự độc lập trong chiến lược của VNDCCH như thế nào trước LX và TQ thì tôi khuyên bạn nguyentin đọc "Liên bang Xô Viết và chiến tranh Việt Nam" của Gaiduk thì sẽ có kiến thức hơn.
Còn sự "độc lập" của QGVN: Trong năm 1949, tình hình Trung Quốc biến đổi nhanh, Quốc dân đảng ngày càng thất thế. Sau chiến dịch Bình-Tân từ 29/11/1948 đến 31/1/1949, quân Giải phóng giành được Bắc Bình (Bắc Kinh) và Thiên Tân, Mỹ khuyến cáo Pháp nên đi đến thỏa thuận với Bảo Đại hoặc bất cứ nhóm Quốc gia nào khác. Mùng 8/3/1949 tổng thống Pháp Auriol ký hiệp ước Elysee với Bảo Đại, tái công nhận độc lập của Việt Nam là Quốc gia Liên kết, nằm trong Liên hiệp Pháp và toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đặt dưới sự quản lý của Chính phủ Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên người Pháp vẫn nắm quân sự, tài chính và ngoại giao, và lần nữa lại trì hoãn trao lại các quyền tự trị khác.
Chính tài liệu The Pentagon Papers yêu thích của bạn nguyentin phải ghi:
Vào cuối tháng 6/1949, Việt Nam chính thức thống nhất dưới quyền Bảo Đại, nhưng sự chuyển giao quyền lực xảy ra rất chậm, thường chỉ trên danh nghĩa, thực quyền không được chuyển cho người Việt Nam. Quốc gia Việt Nam trở thành ngụy trang để người Pháp tiếp tục thống trị Đông Dương.

Điểm 3. Bạn nguyentin nói chính trị mà không biết trong chính trị, người ta quyết định thì phải dựa trên tính toán chứ không phải bốc đồng. VNDCCH kí Hiệp ước Giơ-ne-vơ thì hơn hay thiệt so với không kí và đứng trước nguy cơ Mỹ tham chiến? Vậy VNDCCH kí là vì tính toán của mình hay vì lợi ích kẻ khác? Trả lời được câu này thì bạn nguyentin không có câu kết luận ngớ ngẩn "Như vậy có thể thấy được việc VNDCCH có sự giúp đỡ từ phía Trung quốc một cách ban ơn tại Hiệp định Geneva như vậy".
Bạn nguyentin cải biên lịch sử vừa vưa thôi. QGVN và VNCH liên quan gì đến tự do? Người dân VN có cơ hội nói lên tiếng nói của mình tại Tổng tuyển cử, kể nào từ chối hả bạn nguyentin.
Cái này gọi là tự do của bạn nguyentin:
Tại đô thành Sài Gòn, Ngô Đình Diệm nhận được hơn 600 ngàn phiếu bầu, trong khi khu vực này chỉ có 450 ngàn cử chi ghi tên.
Ngô Đình Diệm tiến hành chiến dịch công kích cá nhân Bảo Đại, người bị ngăn cấm tiến hành vận động bầu cử. Quân đội và cảnh sát Quốc gia tuần tra bắt tuân theo lệnh cấm các hoạt động ủng hộ Bảo Đại và chống Diệm . Ngày 6 Tháng 10 Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố quyết định mở cuộc trưng cầu dân ý. Các cơ quan truyền thông do Thủ tướng điều khiển cũng bắt đầu vận động dân chúng sửa soạn đi bầu với những bài chỉ trích hành vi của Quốc trưởng Bảo Đại và phổ biến những câu nhắc nhở cử tri như:
"Phiếu đỏ ta bỏ vô bì (phiếu đỏ bầu cho Ngô Đình Diệm)
Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi".
Đối với tự do cá nhân, Tổng thống Diệm phân loại dân chúng ra thành các nhóm chính trị tùy thuộc mối liên hệ của họ với Việt Minh. Vào năm 1956, VNCH lộ ra rằng, khoảng 15-20 ngàn người cộng sản bị giam giữ trong "các trại cải tạo chính trị" của mình, trong khi đó Devillers đánh giá con số 50 ngàn người (những con số cụ thể có thể chỉ mang tính chủ quan). Chuyên gia người Anh về Việt Nam, P.J. Honey, người được Diệm mời điều tra về các trung tâm cải tạo vào năm 1959 kết luận rằng, sau khi phỏng vấn một số người nông dân Việt Nam, "sự đồng thuận trong ý kiến được bày tỏ của những người đó là phần lớn những người bị giam cầm không phải cộng sản cũng như ủng hộ cộng sản" . Tra tấn và giết hại "những người bị tình nghi cộng sản" là việc xảy ra thường ngày.
Vào cuối 1957, những tòa báo phê phán chế độ bắt đầu bị quấy rối, và vào tháng 3/1958, sau bài xã luận châm biếm, VNCH đóng cửa tòa báo lớn nhất tại Sài Gòn. Vào năm 1958, những nhà chính trị đối lập mạo hiểm bị tống tù cho việc thử lập đảng phái không được Nhu hoặc Cẩn ủy quyền, và trước 1959 tất cả các hoạt động chính trị chống đối bị bắt dừng.
Trước thu 1960, giới trí thức Nam Việt Nam bị câm về chính trị, công đoàn bị bất lực, chống đối ở dạng đảng phái không tồn tại .
Chính quyền Ngô Đình Diệm phân biệt đối xử tôn giáo. Là người theo Công giáo, Ngô Đình Diệm ưu tiên đặc quyền đặc lợi, tin dùng và nâng đỡ  những người Công giáo. Vì chính sách bất công đối với những tín đồ theo đạo Phật của chính quyền dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội trầm trọng từ giữa năm 1963 và kết quả là cuộc đảo chính lật đổ gia đình họ Ngô.
Xung đột giữa chính quyền và Phật tử bắt đầu xảy ra ngày 8/5/1963, xuất phát từ việc cấm treo cờ Phật trong ngày lễ Phật đản trong khi trước đó cờ Va-ti-căng được treo nhân dịp ngày lễ của Thiên Chúa giáo, quân lính Ngô Đình Diệm đã nổ súng vào đám đông biểu tình tại Huế, giết chết 9 người.
Ngày 3/6/1963 cảnh sát và quân đội VNCH dội chất hóa học lên đầu những người biểu tình niệm Phật tại Huế, 67 người được đưa vào viện. 11/6/1963 Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại Sài Gòn để phản đối chính sách của chế độ Ngô Đình Diệm. Ngày 21/8/1963 Lực lượng đặc biệt của Đại tá Lê Quang Tung tấn công một loạt các chùa ở Nam Việt Nam, 1400 sư sãi bị bắt. Số người bị giết hoặc mất tích lên đến hàng trăm.
Hay bạn nguyentin "tự do" chọn ông Khánh "râu dê" nắm trọn quyền tại Miền Nam? Hay bạn nguyentin "tự do" bầu chọn Nguyễn Văn Thiệu là ứng cử viên duy nhất ứng cử Tổng thống?
Người dân ở nông thông được "tự do" bắt buộc vào các ấp chiến lược.
Hay cái gọi là Chương trình Phượng Hoàng đem đến tự do? Chương trình Phượng Hoàng từ năm 1968 đến 1975 thường được gọi bằng cái tên "chiến dịch ám sát", bị chỉ trích là một ví dụ tiêu biểu của những hành động tàn bạo xâm phạm nhân quyền mà chính quyền VNCH và CIA đã tiến hành.
Theo thống kê của Mỹ, trong những năm 1968-1972, 81.740 người được coi là Việt Cộng đã bị "vô hiệu hóa": 26.369 người bị giết, 33.358 bị bắt, 22.013 chiêu hồi . 
Trong số nêu trên, không ai có thể khẳng định bao nhiêu người là Việt Cộng đích thực, bao nhiêu người là nạn nhân thường dân. Cơ sở để định đoạt một đối tượng có phải là Việt Cộng hay không rất thiếu cụ thể.
Điều tệ hại của chương trình này là có thể giết hại người tình nghi không cần xét sử, và các hình thức tra tấn có hệ thống đối với những người bị tình nghi là Việt cộng.
TQ họ làm gì thì họ cũng phải tính đến quyền lợi của họ. Vấn đề ở chỗ mục tiêu và chiến lược của họ có điểm nào đồng thuận với mục tiêu và chiến lược của ta hay không thôi.

Điểm 4. Bạn nguyentin viết hơi lủng củng "Việt Minh quan ngại không mấy muốn có một hội nghị để nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam, vì như vậy mình không còn tự quyết lấy vận nước mà sẽ phải tùy thuộc vào ý muốn của đàn anh Liên Sô và Trung Cộng. Nhưng cưỡng lại được."
Những người lãnh đạo VM không muốn có giải pháp chính trị thì muốn có giải pháp nào để giải quyết vấn đề đuổi Pháp, đuổi Mỹ, thống nhất, độc lâp vào thời điểm đó? Bạn phán câu trên nghe chối quá!

Điểm 5. Bạn phán "Rốt cuộc đàn em VM phải chịu vâng theo ý kiến đàn anh Tq". Cái này là do bạn kém, không biết là trong tình huống không có giải pháp chính trị, chọn lựa, tính toán cái lợi hơn và cái hại hơn thì người ta phải quyết định chọn cái nào.
còn Quốc gia Việt Nam vẫn thể hiện được quyền tự quyết của mình bằng cách từ chối ký kết Hiệp định Geneva. Cái QGVN của bạn nó độc lập như thế nào thì tôi trích trên rồi. Còn QGVN không chịu kí và việc ông TT Mỹ Eisenhower đánh giá là Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể nhận được 80% sự ủng hộ trong Tổng tuyển cử chắc cũng liên quan đến nhau bạn nguyentin nhỉ.
Còn bạn có biết về học thuyết Đô-mi-nô không? Chiến lược của Mỹ đối với Đông Dương trong thời gian đó xuất phát vì học thuyết Đô-mi-nô. Vào tháng 4/1954. Tống thống Eisenhower đưa ra lời tiên đoán nổi tiếng rằng nếu Đông Dương sụp đổ, phần còn lại của Đông Nam Á sẽ "sụp đổ rất nhanh" như "những quân bài Domino". Ông còn thêm rằng "những hậu quả có thể xảy ra của mất mát này là không thể tính được đối với thế giới tự do". Như trong hồi ký của mình, McNamara viết: Cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng trong những năm ở Thượng viện, John F. Kennedy đã lặp lại những đánh giá của Eisenhower về Đông Nam Á. Trong bài diễn văn được công bố rộng rãi vào năm 1956, ông đã nói: "Việt Nam là hòn đá tảng của Thế giới tự do ở Đông Nam Á. Đó là con đẻ của chúng ta. Chúng ta không thể từ bỏ nó, không thể phớt lờ những nhu cầu của nó".
Bạn có biết về lá thư của Ngoại trưởng Mỹ Dulles gửi ĐS Mỹ tại Pháp không? Trong The Pentagon Papers của bạn cũng có.
Ngày hôm sau, 7/7/1954 Ngoại trưởng Mỹ Dulles gửi điện đến Đại sứ Mỹ tại Paris Dillon có đoạn viết: "Chúng ta nhận thức rõ rằng ngay cả khi Hiệp định đáp ứng cả 7 điểm cũng không thể đảm bảo rằng một ngày nào đó Đông Dương không rơi vào tay cộng sản. 7 điểm với mục đích cung cấp cơ hội tốt nhất để điều đó không xảy ra. Cái đó yêu cầu sự tuân thủ theo tiêu chí không chỉ đơn thuần trên mặt chữ mà trên tinh thần. Vì sự thật không nghi ngờ là Tổng tuyển cử có thể đồng nghĩa với thống nhất Việt Nam dưới sự lãnh đạo Hồ Chí Minh, và bởi vậy Tổng tuyển cử chỉ có thể xảy ra ở thời điểm xa nhất có thể sau hiệp định ngừng bắn và trong điều kiện không bị đe dọa, để dành cho những yếu tố dân chủ ở Miền Nam (ông ta dùng từ "dân chủ" chỉ mấy vị tự xưng Quốc Gia) cơ hội tốt nhất".