Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: ptlinh trong 18 Tháng Mười, 2008, 07:56:59 am



Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ
Gửi bởi: ptlinh trong 18 Tháng Mười, 2008, 07:56:59 am
Tác giả: Hồng Cư
Với sự cộng tác của Đặng Bích Hà
Nhà xuất bản: Thanh niên
Năm xuất bản:
Số hoá: ptlinh


LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Cùng bạn đọc,

Đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước đã quen thuộc với các hồi ức cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tuy nhiên, chưa nhiều người được biết về thời trẻ của ông. Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 93 của Đại tướng (25-8-1911-25-8-2004), và kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944-22-12-1944), chúng tôi xin được giới thiệu với bạn đọc cuốn sách “ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP THỜI TRẺ”, viết về tuổi trẻ của ông.


Trong cuốn sách này, tác giả-Trung tướng Phạm Hồng Cư được sự cộng tác của bà Đặng Bích Hà phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dựa vào các tư liệu lịch sử, đặc biệt là các bức thư của gia đình Đại tướng-những kỷ vật quý báu đã được lưu giữ hơn nửa thế kỷ-đã phác họa lại một quãng đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp-tuổi thơ và thời trẻ với những chi tiết chân thực và xúc động-qua đó, tác giả mong được góp thêm tư liệu về cuộc đời của Đại tướng-người Anh cả của quân đội ta, một vị tướng văn võ song toàn, có một phẩm chấy cách mạng tuyệt vời-đã suốt đời hết lòng phục vụ cách mạng.


Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP THỜI TRẺ” với đoàn viên, thanh niên cùng bạn đọc cả nước.

Tháng 8-2004
NHÀ XUẤT BẢN THANH NIÊN


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 18 Tháng Mười, 2008, 07:59:26 am
Chương I:
Quê hương, gia đình và tuổi thơ

Ngày sinh

Hồi đầu thế kỷ XX, ở làng An Xá (trước là xã, sau là thôn, nay thuộc xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình) có một gia đình nhà nho nghèo làm ruộng. Ông huý là Võ Quang Nghiêm, bà là Nguyễn Thị Kiên. Ông bà sinh hạ được bảy người con, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con thứ năm.


Võ Nguyên Giáp ra đời vào một mùa lụt, trong một cái lều cất tạm dưới gốc mít to như cổ thụ trong vườn nhà. Thuở ấy, các cụ chỉ nhớ ngày sinh của con cái theo âm lịch, còn ngày sinh của vng theo dương lịch thì sau này các nhà nghiên cứu phương Tây, mỗi người nói một cách. Ví như bản chỉ dẫn về tiểu sử Võ Nguyên Giáp của Jean Sainteny (Notice biographique sur Vo Nguyen Giap-Jean Sainteny) ghi là 1912. Từ điển Bách khoa Larousse ghi là 1911. Có những tác giả ghi là 1910 như Boudarel hoặc James Fox. Trong cuốn “GIAP” do Nhà xuất bản Atlas-Paris xuất bản năm 1977, Boudarel viết: “Sinh ở An Xá trong tỉnh Quảng Bình năm 1910”. Trên Tạp chí Thời sự chủ nhật (The Sunday Times Magazine) số 5-11-1972, James Fox viết: “Ông sinh ngày 1-9-1910, một ngày tháng đáng ghi nhớ lại ở đây, chỉ vì một sự tình cờ kỳ lạ, tôi tìm thấy giấy khai sinh của ông Giáp tại Paris và qua đó có thể giải quyết một lúng túng cho giới học giả cho rằng ông sinh ra vào khoảng 1911, 1912”.

Tôi hỏi chị Đặng Bích Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp):

-Vậy năm nào là đúng?

-Năm 1911.

-Căn cứ vào đâu?

-Anh Giáp tuổi Hợi (Tân Hợi).

-Một lá số tử vi có không?

-Không. Mà có cũng không còn.

-Rất tiếc, tôi muốn xem người ta đoán như thế nào về số của anh Giáp. Còn ngày sinh?

-Ngày 25 tháng 8 dương lịch. Cũng tính từ “ngày ta” sang do bà (mẹ anh Giáp) nói và nhờ ông Trần Văn Giáp tính hộ.


Gia đình

Họ Võ là một dòng họ lớn ở làng An Xá, từ đường ở cuối làng. Tiếc rằng gia phả nay không còn.

Cậu bé Giáp lớn lên không biết mặt ông nội, chỉ nghe nói là có đức lắm. Cụ ông huý là Võ Quang Nghiêm, cụ bà là Bùi Thị Gái. Cậu bé nhớ bà nội lúc mất: Mặc áo tím, áo điều. Một hôm, ông thầy cúng nói: “Bà ngồi trên mộ đấy”.


Gần đây cháu chắt mới tìm thấy mộ các cụ. Mộ cụ ông táng trên Trấm, sau làng An Sinh, ở thượng nguồn bên hữu ngạn sông Kiến Giang, còn mộ cụ bà thì táng bên tả ngạn, ở một khuỷu sông gọi là Hàm Rồng. Khi còn nhỏ, cậu bé Giáp nhiều lần theo thầy mẹ đi tảo mộ. Một thời gian dài qua hai cuộc kháng chiến, việc viếng mộ thưa đi. Đến thế hệ chắt thì không còn biết đâu là mộ nhà. Một hôm, ba người thuộc hàng chắt đi tảo mộ đến khu vực mộ cụ ông thì chỉ thấy nhiều mộ giống nhau. May có một ông già đi tới nói:

-Không phải đất của ta đâu! Gia đình có phúc lắm mới gặp tôi. Mua thẻ hương khấn rồi tôi tìm mộ cho.

Ông già dẫn đến một chỗ có vết đào mương, hào. Có trồng một cây lạ để đánh dấu gọi là cây chim chim.
Nghe kể chuyện này, đích thân em trai Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Võ Thuần Nho về tìm. Võ Thuần Nho đứng một chập, có một ông lão ra hỏi:

-Có phải ông Nho đấy không?

-Thưa phải.

-Thời kháng chiến ông dạy tôi múa đại đao, ông có nhớ không?

-…

-Có một dạo, người trong làng ra đào hầm hố ngay đầu mộ, tôi ra tôi cản đó.

Lúc đó Võ Thuần Nho mới tin.

Ông thân sinh của Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho học tài thi phận. Ông đã nhiều lần thi hương cho tới khoá Mậu Ngọ (1918). Hồi ấy, các thí sinh phải đem lều chõng vào trường thi, dựng tại chỗ đất trống dành cho mình để có nơi ngồi làm bài. Khác với Võ Nguyên Giáp sau này nhiều lần đỗ thủ khoa, ông Nghiêm lều chõng bao lần thi không đậu. Tuy không đỗ đạt nhưng ông Nghiêm là một nhà nho học có uy tín trong vùng. Ông vừa dạy học, vừa bốc thuốc. Ông được xóm làng tôn trọng. Khi tế ở ngoài đình, tuy không phải là tiên chỉ, nhưng người ta thường mời ông làm chủ tế. Cậu bé Giáp mỗi lần thấy thầy tắm nước lá bưởi, mặc áo tế là biết ông đi làm chủ tế.


Ông giàu lòng thương người. Đêm hôm, có ai mời đi thăm bệnh, ông cũng đi. Ông dạy con cháu trong nhà “thương người như thể thương thân”. Ông sống một cuộc đời giản dị, thanh bạch, có nền nếp. Sáng nào cũng vậy, ông dậy đúng giờ, ăn ba bát cháo hoa hay cháo tấm, ăn với cà hoặc muối ông gọi đấy là “sâm nhà nghèo”. Tôi đi ngủ, ông bắt cả nhà xoa chân tay cho nóng.

Tập quán này, Võ Nguyên Giáp còn giữ mãi cho tới sau này.

Ông Nghiêm chú ý giữ gìn nền nếp gia phong. Sự giáo dụ trong gia đình rất nghiêm khắc. Ăn cơm xong, con cái rót nước hầu cha mẹ phải bưng hai tay, bưng một tay là thất lễ. Có khách đến nhà, con gái không được lên nhà trên. Ông dạy chữ nho cho trẻ trong làng. Đến một lúc nào đó, ông chuyển sang dạy Quốc ngữ, làm hương sư. Ông vừa dạy học vừa làm ruộng. Giao bài cho trẻ xong, ông chèo “nôốc” (thuyền) đi thăm ló (lúa).


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 18 Tháng Mười, 2008, 08:00:46 am
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu, gia đình đi tản cử, ông còn đang thu xếp một vài việc chưa kịp đi theo, thì giặc Pháp ập tới. Chúng càn quét lùng bắt ông, đưa ông về giam ở Huế. Ông bị tra tấn dã man. Có người trông thấy ông bị chúng buộc tay vào đằng sau xe gíp (Jeep). Gia đình không biết ông sống chết ra sao.


Hơn bốn mươi năm sau, khi sưu tầm những tư liệu về gia đình, tôi tìm thấy một bức thư mà gia đình còn lưu giữ được. Thư đã cũ, giấy học trò đã ngả màu vàng, nét chữ trẻ em to, nắn nót, viết bằng mực tím:
Mẹ có mấy lời thăm con: Giáp và Hà.

Mẹ mong con cho được mạnh khoẻ luôn luôn thì Mẹ mừng lắm. Còn Mẹ và Anh cũng được thường nhưng mà thua lúc ở nhà nhiều lắm, nhưng chuyện nhà nhiều chuyện đắng cay, của tiền không kể, nhưng nhứt là không biết. Thầy có còn hay không thì Mẹ buồn lắm. Mẹ mong sao cho gặp được hai con, cho đỡ buồn còn Anh có thường thường khi đâu trở trời có ho và mệt độ vài ba hôm thì khoẻ ở mình.

Bức thư không đề ngày tháng, nhưng chắc chắn là viết vào thời gian đầu cuộc kháng chiến, gửi từ nơi tản cư ở Quảng Bình ra Việt Bắc… Bà nội đọc cho cháu Hồng Anh (Hồng Anh: con gái đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) viết.

Mãi về sau, gia đình mới có tin là ông đã mất trong nhà tù ở Huế. Sau ngày thống nhất nước nhà, con cháu đi tìm mộ ông và năm 1979, bốc mọ, đưa hài cốt về chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thuỷ.

Võ Nguyên Giáp giống mẹ: Bà mẹ đã ban cho Võ Nguyên Giáp cả vóc người, gương mặt và đôi mắt thông minh. Những ai đã có dịp gặp bà đều nhận ngay ra vóc người thấp đậm của Võ Nguyên Giáp là vóc người của bà. Gương mặt tròn, trắng trẻo của Võ Nguyên Giáp là gương mặt của bà. Đặc biệt là đôi mắt: Một đôi mắt vừa hồn nhiên nhân hậu như mắt trẻ thơ, vừa cương nghị như có ánh thép và sắc sảo long lanh trí tuệ. Về đôi mắt của Võ Nguyên Giáp, sau này có một lần, một nữ ký giả phương Tây-bà Oriana Fallaci-khi phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: “Đôi mắt thông minh nhất mà tôi chưa từng thấy!”.

“Hiền lành là bà”-Võ Nguyên Giáp nói về người mẹ của mình như vậy. Cậu bé Giáp yêu thương mẹ, còn đối với ông thân thì cậu kính nể và sợ. Ông dạy con rất nghiêm mà cậu thì hay nghịch. Mỗi khi ông mắng còn thì bà đứng ra đỡ lời.


Bà lo việc ruộng vườn nội trợ. Thời gian đầu, bà còn đi chợ, ra ruộng. Sau này khi hai cô con gái đã lớn (chị Điềm và chị Liên), các chị chèo đò đi buôn vặt để đỡ đần cho cha mẹ thì bà lo việc cơm nước ở nhà. Khi hai chị đi lấy chồng và hai anh em Võ Nguyên Giáp, Võ Thuần Nho đi học xa, hai ông bà sống với côn con gái út tên là Võ Thị Lài.


Năm 1952, bà ra Việt Bắc và sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thành công, bà về Hà Nội sống với con cháu. Năm 1961, bà mất.

Khác với các gia đình ở Quảng Bình, trong gia đình ông Nghiêm, con cái gọi cha mẹ là thầy, thím.

Tôi hỏi:

-Tại sao?

Anh Võ Thuần Nho trả lời:

-Cả huyện, cả làng gọi ông là thầy, trong nhà cũng gọi là thầy.

-Thế tại sao gọi mẹ là thím?

Chị Đặng Bích Hà đưa ra một giả thuyết:

-Phải chăng do anh Toại, chị Châu mất sớm, gia đình kiêng, gọi tránh đi cho dễ nuôi con.

Bà cụ đã kể lại cho chị Đặng Bích Hà: Người anh cả tên là Toại, thông minh khôi ngô cực kỳ. Anh học chữ Hán, giỏi như thần đồng làm cho thầy mẹ hoảng sợ, bắt uống mực Tàu cho tối dạ bớt đi. Nhưng cũng không giữ được anh. Một cơn dịch tả tràn qua làng, anh mắc bệnh. “Thầy ơi! Cứu con với!”. Thầy biết làm thuốc nhưng bệnh nặng, không cứu được. Anh qua đời vào lúc lên bảy lên tám. Sau anh Toại là chị Châu, sinh được một năm thì vừa trận lụt năm Thìn. Lũ lớn tràn về đột ngột, ngập cái “tra” (gác để cất lúa). Nước cuốn trôi cả hai mẹ con. Tóc mẹ dài quấn vào bụi tre, thầy cứu được. Chị Châu mất không có mộ. Sau này Võ Thuần Nho về đắp cho chị một cái mộ gió bên cạnh mộ anh Toại.


Hai người chị trên Võ Nguyên Giáp là chị Điểm và chị Liên, lớn lên vừa làm ruộng vừa chạy chợ. Không có vốn buôn bán, hai chị chỉ buôn ít cá, ít đường phèn, mua chợ nọ, bán chợ kia. Chị Điểm cũng bị giặc Pháp bắt sau khi được tha, lên chiến khu thì mất ở đó. Chị Liên mất trước năm 1930. Ông cụ cũng bốc thuốc chữa chạy nhưng chị Liên không qua khỏi. Sau khi chị Liên mất, ông cụ bỏ nghề làm thuốc.


Thuở ấy, đàn bà con gái ít được học hành. Cả nhà dồn sức cho hai anh em Võ Nguyên Giáp và Võ Thuần Nho ăn học nên người. Tuy nhiên có lúc nhà nghèo túng đến nỗi Võ Thuần Nho phải bỏ học, đi làm nghề thợ may kiếm sống, đỡ đần cho cha mẹ. Võ Thuần Nho làm nghề may đã đến trình độ được lễ tổ.
Võ Thuần Nho kể:

“Đèn hương xôi gà cúng xong, xâu kim một lần phải qua”. Lẽ ra Võ Thuần Nho tiếp tục làm thợ may, nhưng hai lần Võ Nguyên Giáp gọi em vào Huế và ra Hà Nội để tiếp tục học cho đến tú tài. Võ Thuần Nho sau này là Thứ trưởng Bộ Giáo dục.

Cô em út là Võ Thị Lài sau này là nhân viên coi kho của một cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 18 Tháng Mười, 2008, 08:02:18 am
Gia đình ông Nghiêm không có ruộng tư, chỉ cày cấy số ruộng công do làng cấp. An Xá có chế độ chia công điền từ xưa để lại. Ba năm chia lại một lần. Mỗi lần chia ruộng là mỗi lần tranh giành nhau ghê gớm. Cả làng họp tại nhà ông thủ bạ, giết lợn, chè chén rồi “bắt” ruộng. Lượt đầu được một mẫu (mẫu Trung bộ bằng nửa héc ta), lượt thứ hai được một mẫu, lượt thứ ba được năm sào, chia theo tam đẳng điền và theo suất đinh.


Gia đình ông Nghiêm được chia hai mẫu rưỡi: Một mẫu đệ nhất đẳng, một mẫu đệ nhị đẳng, năm sào đệ tam đẳng. Có lần được ruộng gần nhà, có lần phải ruộng xa nhà, gần phá Hạc Hải, nước sâu.


Chia rồi, ai có vốn, có sức thì làm, không có thì, cầm, bán. Những gia đình giàu có thâu tóm hết ruộng đất của bà con nghèo.


Gia đình ông Nghiêm bán một mẫu rưỡi loại đệ nhị, đệ tam đẳng để thuê người làm mẫu ruộng đệ nhất đẳng.
Trong nhà phải đi vay mới đủ: Cầm đất cho ông Bá Lạng, vay nợ lãi của ông Khoá Uy. Khoá Uy là một Hoa kiều giàu có ở trên chợ Hôm, có tiền cho cả huyện vay. Vay bằng tiền nhưng ghi nợ bằng thóc, khi trả tính cả vốn lẫn lời. Ai không trả được thì bị Khoá Uy phái bọn lưu mạnh, bọn nghiện hút đến đòi. Bọn họ ngồi chỗm trệ giữa phản hoặc leo lên nóc nhà, réo tên chủ nhà ra mà chửi.


Cậu bé Giáp nhiều lần được theo cha đi thăm lúa. Cánh đồng hai huyện bát ngát “cò bay thẳng cánh”. Vùng này có câu: “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” (là huyện Lệ Thuỷ và huyện Quảng Ninh). Ruộng khô cấy lúa ven, gạo gie, ruộng sâu cấy giống su, gạo đỏ.


Ngày mùa có phường gặt về là niềm vui của lũ trẻ. Các chị dậy từ ba giờ sáng nấu cơm cho phương gặt.
Niềm vui ngày mùa của cậu bé Giáp không trọn vẹn. Nhiều lần cậu theo mẹ chèo “nôốc” đi trả nợ. Cậu nhớ nhất cái bến nhà ông Phó Sương trên Tuy Lộc có cây gạo to. Trời nắng. Mẹ đội thóc chạy lên chạy xuống, còn cậu thì ngồi từ sáng đến trưa dưới “nôốc” để giữ thóc. Ông Phó Sương dùng cái quạt Tàu to tướng, quạt mạnh cho bay hết hột lép, chỉ lấy hột chắc.


Những cuộc chia ruộng, những khái niệm vay, trả gắn liền với những ông Phó, ông Bá, ông Khoá… đã gieo điều gì vào đầu óc cậu bé?


Hai mươi năm sau (năm 1937), Võ Nguyên Giáp viết trong cuốn Vấn đề dân cày (viết chung với Trường Chinh dưới hai bút danh là Qua Ninh và Vân Đình): “Sống dưới chế độ bóc lột phòng không-tư bản (exploitation féodo capitaliste) dân cày Đông Dương quá điều linh xờ xạc…”.

Lần đầu tiên cậu bé Giáp nghe chuyện đánh Tây là câu chuyện Cần Vương do bà mẹ kể. Bà kể rằng khi bà còn nhỏ, kinh đô Huế thất thủ. Điện tiền thượng tướng quân Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Bình. Có tin đồn nhà vua ngự trên thượng đạo xa lắm. Vua xuống chiếu Cần Vương, kêu gọi các sĩ phu và dân chúng chống giặc Pháp.


Ông ngoại theo Văn thân làm đến chức Đề đốc coi đại đội tiền vệ. Ông bị giặc Pháp bắt. Chúng đánh đập, doạ bắn, nhưng ông một mực không khai, sau chúng phải thả.


Cậu bé Giáp được mẹ đưa về quê ngoại bên Mỹ Đức hầu thăm ông ngoại. Ông ngoại râu tóc bạc phơ, phương phi quắc thước. Ông rất yêu cậu bé, ôm cậu vào lòng. Cậu bé chú ý vùng ấy có cái đền Chiêm Thành, có Phật bằng vàng. Cậu bé thích chạy theo người cậu săn bắn rất giỏi. Bắn giỏi là một truyền thống của gia đình bên ngoại.


Bà mẹ kể chuyện chạy giặc. Khi bà còn nhỏ, mỗi lần Tây về, bà và người dì ngồi trong thúng người lớn quẩy đi tránh giặc. “Tây đi, lại về. Giặc Tây tàn ác lắm”-Bà nói.


Đêm nằm ngủ với thầy, cậu bé nghe ông thân kể chuyện chống Pháp qua một bài vè rất phổ cập trong dân gian thời bấy giờ là bài vè Thất thủ kinh đô. Cả nhà khâm phục tấm gương trung quân ái quốc của Tôn Thất Thuyết, ghét cay ghét đắng gian thần Nguyễn Văn Tường.


Bài vè Thất thủ kinh đô và câu chuyện Cần Vương có phải là tia sáng đầu tiên? Ấn tượng về một vị tướng đánh giặc in sâu trong tâm trí cậu bé là ông thần thờ trong ngôi miếu cổ ở xóm ngoài. Ông đi chống giặc, bị giặc chém đứt cổ, chỉ còn dính da, vẫn đàng hoàng cưỡi ngựa về đến làng. Gặp một bà hái rau, ông hỏi:

-Rau muống bẻ ra có sống không?

Bà hái rau trả lời:

-Rau muống rỗng, bẻ ra không sống.

Ông ngã ra chết. Dân chúng lập miếu thờ. Nghe nói ông thiêng lắm, trẻ con đi qua miếu không dám nghịch.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 18 Tháng Mười, 2008, 08:03:32 am
Quê hương

Quảng Bình nhìn trên bản đồ Việt Nam ở vào đoạn thắt đáy lưng ong của hình đất nước. Đó là một dải đất hẹp, có dãy Trường Sơn vươn ra biển: Đó là Hoành Sơn. Con đường thiên lý xuyên Việt ngoằn ngoèo trèo lên núi tạo nên Đèo Ngang, một thắng cảnh nổi tiếng. Từ xa xưa, nơi đây đã in dấu chân của nhiều danh nhân đất nước. Tới Đèo Ngang ngắm cảnh trời non nước, chợt nhớ tới mảnh tình riêng của Bà Huyện Thanh Quan:

… Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời non nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Ngắm cửa biển Nhật Lệ, chợt nhớ tới nỗi buồn của Nguyễn Du:
Buồn trông cửa biển chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
.


Quảng Bình là một vùng đất lịch sử. Năm 1306, công chúa Huyền Trân ra đi làm dâu vương quốc Chămpa, mở ra cho vùng biên trấn phía Nam nước Đại biệt hai châu Ô và Lý. “Quảng Bình là đất Ô châu”. Trên đất Quảng Bình còn nhiều di tích văn hoá Chiêm Thành. Nhiều sự kiện lịch sử của đất nước còn in đậm dấu trên vùng đất Quảng Bình.

Luỹ Thầy ai đắp mà cao,
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu!


Câu ca dao lắng đọng nỗi đắng cay của hai thế kỷ đất nước bị chia cắt thành Đàng Trong và Đàng ngoài dưới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, lấy sông Gianh làm ranh giới. Kể từ tháng 11-1558, khi Nguyễn Hoàng xin vào làm trấn thủ Thuận Hoá để tránh bàn tay ám hại của người anh rể là Trịnh Kiểm cho đến tháng 7-1786, khi nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của tiết chế Nguyễn Huệ đánh chiếm Phú Xuân rồi tiến thẳng ra Thăng Long, đưa hai miền đất nước trở về một mối, thì đằng đẵng hơn hai thế kỷ đất nước bị chia cắt.


Còn Luỹ Thầy thì ai đắp? Đó là quan nội tán Đào Duy Từ (1572-1634) được người đương thời gọi bằng “Thầy”. Ông học rộng, tài cao nhưng không được đi thi chỉ vì cha là Đào Bá Hán làm nghề hát xướng nên đã bỏ Lê-Trịnh trốn vào Nam theo chúa Nguyễn. Qua 4 thế kỷ, công trình kiến trúc quân sự này bị bào mòn, nhưng trong dân gian còn lưu lại ấn tượng về sự hiểm yếu của nó: “Nhứt sợ Luỹ Thầy, nhì sợ bãi lầy Võ Xá”.


Bước vào lịch sử hiện địa, nhiều vùng đất Quảng Bình là căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Cần Vương. Dân chúng còn lưu lại hình tượng của hai ông: Ông Văn và ông Võ ở hai khối đá lớn trên hòn Lèn Bảng. Ông Văn là hoàng giáp Phạm Duy Đôn, ông Võ là đề đốc tiến sĩ Lê Trực, chỉ huy nghĩa quân Cần Vương ở Bắc Quảng Bình năm 1885-1888.


Trong hai cuộc kháng chiến, nhiều tên đất, tên người đã làm sống động truyền thống đấu tranh bất khuất của Quảng Bình: Xuân Bồ với anh hùng Lâm Uý; làng chiến đấu Cự Nẫm, làng biển Cảnh Dương, làng đảo La Hà; động Phong Nha và đường 20 một điểm xuất phát của đường mòn Hồ Chí Minh, thị xã Đồng Hới, động cát Bảo Ninh, dòng sông Nhật Lệ với bà mẹ Suốt và những nữ anh hùng nổi tiếng thời chống Mỹ…
Tuổi thơ của Võ Nguyên Giáp gắn liền với làng quê An Xá bên dòng sông Kiến Giang.


Sông Kiến Giang bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, qua vùng núi An Mã, tưới cho đồng bằng hai huyện, nhập vào phá Hạc Hải rồi đổ ra cửa Nhật Lệ. Hai bờ sông bên lở bên bồi.


An Xá nằm bên bồi. Bên lở gọi là “bơợc” thuộc xã khác. Con đường làng ven theo men sông, thuở cậu Giáp còn nhỏ, cây cối ven đường làng rậm rạp như rừng. Có những cây nghiêng mình rủ tóc xuống mặt nước gọi là “cừa” nom rất đẹp. Dưới bến, đậu san sát những chiếc thuyền gọi là “nôốc”. Theo dân làng kể lại, một số viên đá tảng to kê làm bậc lên xuống ở bờ sông Kiến Giang là đá lấy ở chân thành nhà Ngo (Ninh Viễn thành) một di tích của người Chiêm Thành, ở cách phía Nam huyện lỵ Lệ Thuỷ một cây số.


Từ An Xá đi lên huyện lỵ phải ngược dòng sông Kiến Giang qua các làng trên: Tuy Lộc, Đại Phong, Thượng Phong. Mẹ và các chị đi chợ huyện bằng đò dọc. Ngược dòng lên thượng nguồn là nơi gia đình thường đi tảo mộ ở chân núi An Mã.


Xuôi dòng qua làng dưới là An Lạc, có nhà thờ đạo. Thuở ấy, trẻ con làng An Xá ghét trẻ con làng đạo, thường xẩy ra đánh nhau.


Theo đò dọc xuôi về Đồng Hới, gặp một cái phá rộng: Phá Hạc Hải. Nước từ nguồn An Sinh, Cẩm Ly đổ về, trăm dòng tụ lại, mặt phá rộng mênh mông như biển, lấp loá ánh nắng. Xung quanh là động cát trắng phau, phía Tây… sừng sững một bức núi Đầu Mâu trầm mặc. Cậu bé Giáp nhiều lần được theo thầy hoặc các chị đi đò dọc xuôi xuống Hạc Hải vớt rong đem về bón khoai trồng trong vườn nhà. Rong Hạc Hải bón vào cây gì cũng tốt. Dân An Xá còn khai thác cói ở phá Hạc Hải đem về dệt chiếu:

“Chiếu cói An Xá, nón lá Quy Hậu”.

An Xá đối với cậu bé Giáp là một cái làng đầy vườn mà vườn là thiên đường của trẻ nhỏ. An Xá có ba xóm: Xóm trong, xóm giữa, xóm ngoài… Mái nhà tranh chìm trong vườn xum xuê cây trái.

Hai đầu làng có những “lòi” là những lùm cây rậm rạp, có những “hói” bí hiểm. Giữa xóm trong và xóm giữa có một bãi hoang gọi là “đờng đờng”, có cây bún có nhiều ma.


Chỉ có vườn là thích. Vườn trước có cây mít to như cổ thụ và nhiều cây cam giấy. Vườn sau trồng chuối, có cây ổi, cây bồ kết, cây đào tiên, hai cây khế ngọt, chim cu xanh thường về ăn. Mẹ chăm sóc cây trái trong vườn, mùa nào thức nấy đem bán ở chợ Tréo, chợ Chè.


Nhưng vườn hàng xóm còn hấp dẫn hơn. Vườn nhà mụ Thơ có cây bưởi. Một trò nghịch của lũ trẻ cùng học chữ Nho với cậu bé Giáp là nhân lúc thầy đi thăm lúa, bọn chúng rủ nhau chui qua rào vào vườn nhà mụ Thơ hái trộm bưởi đem vè chén. Cái trò nghịch này, thầy mà biết thì chết đòn. Thầy có tiếng là nghiêm, nhưng lũ trẻ nghịch vẫn hoàn nghịch.


Một trò nghịch táo bạo hơn là chui ra khỏi vườn sau, vượt qua mấy cái ruộng mạ (gọi là “trưa”) đi tới cái “bộng” (ao) bên ruộng nước. Đường đi ra “bộng” có cây mưng lá ăn chát chát. Đứng ở “bộng” nhìn ra xa, đồng ruộng bát ngát đến chân trời. “Bộng” là thiên đường của lũ trẻ, nơi chúng bắt cá, được vài con cá là sung sướng vô cùng.


Đối với cậu bé Giáp, những giờ phút đùa nghịch với lũ bạn như vậy quả là thích thú, mặc dầu cậu biết rằng về nhà thế nào cũng bị phạt, bị mắng và có khi còn bị roi vọt. Có một lần, ông Nghiêm vớ lấy cây sào chống cửa, cậu bé phải chui xuống dưới bàn thờ, xin tha.


Nói chuyện cây sào chống cửa vì cửa nhà ông Nghiêm ghép bằng lá kè, dùng sào chống lên, tối sập lại.
Đây là một căn nhà ba gian hai chái lợp tranh, có nhà ngang làm bếp. Gian phải phía Đông là buồng của đàn bà con gái, có kê một cái rương của bà mẹ. Gian giữa đặt bàn thờ gia tiên, có bộ phản gỗ và bộ trường kỷ bằng tre. Gian trái kê giường nằm của thầy, có một cái tủ từ xưa để lại. Chái phía Tây là nơi trẻ học và thầy coi sách.


Trong nhà trang trí giản dị: Nơi thầy đọc sách có treo đôi câu đối bằng vải tây điều. Trước bàn thờ dán những thiếp đỏ “Cung chúc tân niên” có bút tích người đề tặng.

Một hôm thầy bảo:

-Mấy cái thiếp này phải cất đi. Những người này can Văn thân đang bị truy nã.

Trước nhà có cái sân đất gọi là “cươi” khá rộng, đến mùa xuân lấy đất ruộng về rải trồng rau cải. Ngăn sân với vườn có một cái bình phong gạch. Trước bình phong là bể cạn cây si, bồn hoa cây cảnh do ông Nghiêm tự tay chăm chút: Mẫu đơn, thạch lựu, vạn thọ, hoa trang, hoa huệ. Có một cây mai vàng, một cây sám trồng làm thuốc đắng ghê gớm.


Mỗi khi trời nắng, cây trong vườn in bóng xuống sân, rung rinh đưa đi đưa lại. Không gian đầy tiếng chim hót, dăm ba con bướm lượn ngoài vườn.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 18 Tháng Mười, 2008, 08:05:37 am
Những năm tháng học tập

Cậu Giáp học chữ Nho với thầy. Cậu cùng với em trai và năm sáu đứa bạn ngồi ê a trên chiếc chiếu.
Ông Nghiêm tuy nghiêm khắc nhưng rất thương con. Nghiêm khắc giữ gìn gia phong theo khuôn phép đạo Khổng. Thương con, thương mấy đứa trẻ thông minh đĩnh ngộ.

Dạy cho anh em Giáp và lũ trẻ trong làng học chữ Nho, ông bảo:

-Đây là chữ của thánh hiền, các con không được nghịch, không được giẫm lên sách, phải đội lên đầu để tỏ lòng tôn kính.

Ông dạy theo Tam tự kinh và Ấu học tân thư. Bộ sách Ấu học tân thư xuất bản dưới thời vua Duy Tân, gồm nhiều quyển.

Ấn tượng ban đầu in sâu mãi mãi. Đến tuổi tám mươi, Võ Nguyên Giáp vẫn còn nhớ. Một hôm, ông đọc cho chúng tôi nghe:

Thiên thượng địa hạ
Nhật trú nguyệt dạ…

(Trên trời dưới đất
Mặt trời ban ngày, mặt trăng ban đêm)

Trong Ấu học tân thư có đoạn nói về đất nước:

Ngô tổ Hồng Bàng thị
Triệu Thuỷ, Kinh Dương Vương
Tích Kinh Bắc thuộc thì
Cựu sỉ dĩ nan vong

(Tổ ta là Hồng Bàng
Triệu Thuỷ, Kinh Dương Vương
Sự tích thời Bắc thuộc
Mối nhục cũ khó quên)

Có chỗ nói:
Phong tuy độc bất thích đồng quần
Hổ tuy bạo bất thực đồng loại
(Ong tuy độc không đốt trong đàn
Hổ tuy ác không ăn đồng loại)

Đoạn nói về chiến công xưa, có câu “Chi Lăng tẩu Tống binh”, Võ Nguyên Giáp nói:
-Tẩu nghĩa là chạy, nhưng đây nghĩa là đuổi, chữ có nghĩa rất mạnh.
Chi Lăng tẩu Tống binh
Bạch Đằng phá Nguyên sư

(Chi lăng đuổi quân Tống
Bạch Đằng phá Nguyên sư)

Mấy cuốn sau nói về Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Riêng đoạn về Tây Sơn và Quang Trung thì bị nói xấu mà đề cao Nguyễn Ánh.

Ấu học tân thư là cuốn vỡ lòng có ảnh hưởng đối với cậu bé và cũng là vốn chữ hán đầu tiên của Võ Nguyên Giáp.


Học lớp Đồng ấu, cậu bé phải đi học ở trường Tổng trên Tuy Lộc. Tuy Lộc là làng trên, lớn hơn làng An Xá, có chợ gọi là chợ Hôm, có ty rượu của chủ Tây gọi là Sica. Ngày lễ, Tết Tây, học sinh phải sang hát cho Tây nghe. Thầy dạy học tên là Khoát, học trò không trọng vì thầy nịnh Tây.


Cậu Giáp học giỏi. Sáng đi chiều về cùng với thằng Hoằng, trưa ở lại, mỗi đứa được một tiền để mua bánh ở chợ. Có khi bới đi một mo cơm, trong đó có con tôm. Thằng Hoằng lớn tuổi hơn nhưng là cháu, gọi cậu Giáp bằng chú. Học lớp ba, cậu bé phải đi trọ học trên trường huyện. Phải đi đò dọc lên huyện lỵ Lệ Thuỷ. Đã nhiều lần, cậu bé được các chị cho đi theo lên huyện xem xinê. Chợ huyện đông vui, phố huyện sầm uất. Và đi đò dọc quả thật là thích.

Nhưng lần này… Lần này đi đò dọc với mẹ, cậu bé không vui, lòng cậu nặng trĩu. Cậu biết rằng mẹ đi chợ huyện xong là mẹ về, còn cậu thì phải ở lại một mình nhà ông gì đó để trọ học. Xa mẹ. Điều đó, cậu bé không chịu nổi!

Đò đã đi qua mũi Viết, gần tới huyện rồi. Khi lên phố huyện, mẹ dẫn cậu bé đến nhà trọ, dỗ dành:

-Con ở lại đây, thím về. Hôm sau, thím đón.

-Không! Không! Không!

Cậu oà lên khóc. Cậu túm áo mẹ, cậu chạy theo mẹ xuống đò. Cậu giẫm chân, ôm lấy mẹ. Mẹ đành phải cho cậu về theo. Nhưng khi về đến đầu nhà thì cậu bé len lét sợ, chùn lại. Cậu lảng vảng ở ngoài vườn, chờ mẹ vào thưa trước với thầy. Không biết mẹ nói gì, không thấy thầy rầy la mà gọi vào. Hôm sau, cậu bé thuận đi và ở lại trọ học. Học lớp ba trên trường huyện, cậu bé luôn luôn đứng đầu lớp.


Xong lớp ba, phải lên trường tỉnh học. Đồng Hới, tỉnh lỵ của Quảng Bình là một thị xã xinh xắn bên bờ sông Nhật Lệ. Bao quanh thị xã là một toà thành cổ xây dựng từ năm Gia Long thứ 10 (1812) đến năm Minh Mạng thứ 5 (1824) thì được xây dựng lại bằng gạch. Các mặt thành có cửa cuốn thông ra ngoài bằng những cây cầu gạch. Bốn phía thành có hào sâu đầy nước. Đối diện với thành cổ Đồng Hới, bên kia sông là những động cát trắng phau nhấp nhô, những làng chài in hình trên một cảnh biển, trời, mây, nước. Đứng bên động cát nhìn lại thì toàn cảnh Đồng Hới hiện ra hùng vĩ lạ thường: Núi Đầu mâu, núi Ba Rền dường như nhích lại gần toà thành cổ, cùng soi bóng xuống dòng sông Nhật Lệ lung linh dáng núi, mây trời. Đã bao lần cậu bé đứng sững sờ ngắm cảnh đẹp lộng lẫy của quê hương.


Cậu ở trọ tại nhà ông Ký Xiển, một người quen của gia đình. Ông Ký Xiển nghiện thuốc phiện, người gầy đét gối chiếc gối xếp nằm dài bên bàn đèn, trên sập gụ. Ông có vẻ khó tính nhưng thực ra rất tốt. Ông coi cậu bé như con cháu trong nhà, không lấy tiền trọ, còn tiền thì đến mùa, mẹ hoặc chị chèo đò chở thóc lên trả tiền ăn cả năm cho cậu.


Đốc học trường tỉnh là thầy Phạm Phú Lượng, thầy giáo dạy học là thầy Đào Duy Anh, hai thầy được học trò kính mến.


Cậu Giáp học giỏi, chỉ phải học một năm lớp nhì năm thứ nhất (cours moyen première année) lên thẳng lớp nhất (cours supérieur). Bé nhỏ so với các bạn trai cùng lớp, xinh xắn trắng trẻo như con gái, cậu ngồi bàn đầu cùng với các bạn gái: Cô Vân, cô Chành, cô Nguyệt… “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”, lũ bạn luôn luôn trêu chọc, có thói quen xô đẩy, ghép đôi. Cậu Giáp đi qua nhà các cô cũng bị các bạn trêu. Nhưng, cậu chỉ cắm đầu vào học. Hai năm học ở trường tiểu học Đồng Hới, cậu luôn đứng đầu lớp và vào kỳ thi tốt nghiệp bậc sơ học (certificat d’étudé primaires) cậu đỗ đầu tỉnh. Thời ấy, việc đỗ đầu tỉnh có tiếng tăm lắm. Gia đình hoan hỉ. Cậu về làng được quý trọng.


Để tiếp tục học lên bậc trung học, cậu phải vào tận trong Huế để thi vào trường Quốc học. Phải khai tăng thêm lên một tuổi mới đủ tuổi thi. Cậu Giáp coi thường kỳ thi chuyển cấp này: “Mình là thủ khoa đầu tỉnh, đương nhiên có quyền vào học trường Quốc học. Cả cái xứ Trung Kỳ này có 12 tỉnh và một đạo mà nhà trường tuyển chọn những 90 học sinh cho hai lớp đệ nhất niên, làm gì mà chẳng trúng!”.


Vậy mà khi vào thi tuyển, cậu Giáp bị rớt. Vì sao? Làm sao lại có thể hỏng thi được? Cậu Giáp không rõ.
Cậu Giáp đành phải trở lại quê nhà, lấy sách vở ôn lại các chương trình văn, toán, chờ đến kỳ thi sau. Việc thi hỏng làm cho mọi người trong gia đình phiền muộn. Việc học hành của cậu Giáp vốn là niềm tự hào, là hy vọng của cả nhà, đặc biệt là ông thân.


Mùa hè năm 1925, ông thân đưa cậu Giáp vào Huế tìm nhà trọ học để ôn thi. Vào kỳ thi năm ấy, cậu đỗ loại khá (mention assez bien).

Việc vào Huế học là cả một sự tốn kém đối với gia đình. Nhưng thầy đã quyết, mẹ và các chị làm lụng xoay xoả kiếm tiền nuôi cậu ăn học.


Chia tay với quê hương. Vĩnh biệt tuổi thơ bên dòng sông Kiến Giang và Nhật Lệ. Cậu Giáp đi với ông thân sang bên cát, làng Cửi, ngắm nhìn cồn cát trắng, chờ xe ô tô đi Huế.


Rặng cây ngô đồng An Hoài đón cậu vào Huế. Cậu bước vào cổng trường Quốc học vào lúc phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp trả tự do cho nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đang sôi sục.


Cuộc gặp gỡ với người bạn cùng lớp lớn tuổi hơn: Nguyễn Chí Diểu, các hoạt động trong phong trào học sinh, các cuộc tiếp xúc với các thầy giáo có tâm huyết: Thầy Võ Liêm Sơn, thầy Cao Xuân Huy, thầy Đặng Thai Mai… đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời của cậu thiếu niên Võ Nguyên Giáp. Cậu vô Huế để học lập tức bị cuốn ngay vào một cơn lốc chính trị của thời đại.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 19 Tháng Mười, 2008, 05:42:53 pm
Chương II
Tuổi thiếu niên

Bạn bè cùng chí hướng

Không kể lần đầu vô Huế mùa thu năm 1924 để dự thi vào trường Quốc học và năm ấy thi trượt phải quay gót về quê, thì đến mùa hè năm 1925, cậu thiếu niên Võ Nguyên Giáp mới vào ở hẳn trong Huế. Cũng như lần trước, cậu đến ở nhà một ông Thị lang người Quảng Bình, nhà ở trên con đường cửa Đông Ba đi vào Hộ thành, gần miếu Âm hồn.


Cậu theo học ở một trường tư ngoại thành để ôn thi. Trường có thầy giáo Sắc dạy giỏi, thầy chú ý ngay đến cậu học trò Quảng Bình sáng dạ. Thầy có ý mến, nhiều lần gọi cậu đến để chỉ vẽ thêm. Cậu nhớ ở gần trường có cây đa to.


Ở nhà ông Thị lang, cậu chơi thân với con trai ông tên là Thản. Hai cậu cùng tuổi, cùng thích chơi khăng. Một hôm ông Thị lang vào chầu vua, mỗi cậu xách một chiếc hia đi theo ông để được xem vua ngự. Lúc đó trời chưa sáng, hai cậu chờ mãi không thấy vua, chỉ thấy văn võ bá quan mũ cánh chuồn, áo thụng. Xem một lúc chán, hai cậu chuồn về.


Bạn chơi khăng còn có cậu Huy, con cô Ba Thành Thái. Tiếng cậu Giáp học giỏi đến tai cô Ba, cô mời cậu Giáp về nhà giúp cho cậu Huy cùng học. Nhà cô ba ở phố Đông Ba gần cầu Gia Họi và cầu Đông Ba, nhà không to nhưng sang trọng, đời sống trưởng giả, giàu có. Cô Ba chung vốn với người em là ông Nghị Trình mở rạp chiếu bóng “Xinê Tân Tân”, các bạn trẻ thường rủ nhau đến xem, mê nhất là vua hề Charlot. Ở nàh cô Ba, cậu Giáp nghe kể về ông vua yêu nước Thành Thái, cậu cũng nghe kể về ông nọ bà kia làm giàu.


Ông Bửu Thạch ở phố Gia Hội biết cậu Giáp học giỏi cũng mời cậu đến nhà cùng học với con gái ông là cô Tôn Nữ Thị Vui. Một hôm ông gọi bà bán khoai vào mua cho các bạn trẻ. Cậu Giáp rất ngạc nhiên khi nghe ông trả tiền: “Mệ ban cho mi mấy xu”.


Trong thời gian này, ở lớp học của thầy giáo Sắc, cậu Giáp làm quen với một người bạn lớn tuổi hơn tên là Nguyễn Chí Diểu cũng đang ôn thi. Đây là người bạn rất thân của cậu trong thời niên thiếu và là người ba năm sau giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào Tân Việt cách mệnh đảng.


Anh Diểu hơn anh Giáp ba tuổi, dáng vẻ điềm đạm, hai con mắt sáng đầy nghị lực và tự tin, người dong dỏng cao, rắn chắc. Quê anh Diểu ở Phú Mậu. Gia đình anh Diểu cũng là nhà nho nghèo. Hai người bạn tuy mới quen nhưng rất thân, gắn bó với nhau không chỉ vì chung một cảnh học trò nghèo mà còn có điều gì như là chung một suy nghĩ, chung một chí hướng. Anh Diểu rủ bạn về ở cùng nhà trọ với mình, nhà một người dân nghèo ở dưới chân thành, gần cửa Đông Ba. Căn nhà tranh này về sau trở thành một điểm liên lạc bí mật của đảng Tân Việt. Sau nhà có cây ổi to, anh Diểu hay trèo lên hái quả tặng cho bạn.


Chẳng mấy chốc đến mùa thi. Bờ sông Hương, hoa phượng vĩ khoe màu đỏ rực. Hai người bạn ăn mặc chỉnh tề, áo dài đen, quần vải trắng, đi guốc mộc, bước vào cổng trường, trên lầu có treo chuông mang biển: “Pháp tự Quốc học trường môn”.


Kết quả kỳ thi năm 1925: Anh Nguyễn Chí Diểu đỗ loại khá, anh Giáp đỗ thứ nhì, người đỗ đầu là anh Nguyễn Thúc Hào. Anh Hào năm ấy 13 tuổi, người nhỏ nhắn vừa đỗ bằng tiểu học ở Nha Trang ra. Cả ba người đều được xếp vào cùng một lớp: Đệ nhất niên A, anh Hào ngồi bàn đầu cùng với anh Giáp. Anh Nguyễn Thúc Hào sau này là giáo sư, được phong danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” kể lại trong Đặc san kỷ niệm Quốc học Huế 95 năm (1896-1991):


“Trong kỳ thi vào Quốc học, tôi đỗ đầu (anh Tạ Quang Bửu có nhớ và viết trong một bài ở báo Sông Hương) còn anh Võ Nguyên Giáp đỗ thứ hai. Tôi còn nhớ anh Giáp trắng trẻo như con gái, tuy đỗ thứ hai, nhưng suốt cả năm học đệ nhất niên, tháng nào anh cũng được làm “major”, nghĩa là đầu lớp, mà tôi thì luôn luôn đứng thứ hai. Học tài thi phận là vậy! Tôi vẫn còn nhớ trong lớp hai chúng tôi ngồi gần nhau, tuy vậy không phải là một đôi bạn thân. Anh Giáp hơn tôi một tuổi, nhưng đã có những suy nghĩ của người lớn, còn tôi lúc ấy chỉ là một cậu bé chăm học và ngoan, dễ bảo thế thôi. Các giáo sư Việt cũng như Pháp đều tỏ vẻ bằng lòng đối với hai chúng tôi, nhất là đối với anh Giáp, học giỏi. Tôi còn nhớ cả cách gọi tên anh Giáp của bà giáo Pháp, không có chữ lót “Nguyên” và không có dấu…”.


Anh Nguyễn Thúc Hào nhớ đúng: Khi ấy tên anh Giáp không có chữ lót Nguyên, đó là do anh Giáp khi làm đơn xin học trường tỉnh rồi dự thi vào trường Quốc học đều cắt bỏ chữ lót của tên mình. Điều này khiến ông thân bực, ông đã mắng anh Giáp một trận và bắt anh khai lại đúng như tên cha mẹ đặt cho.


Vào trường Quốc học, anh Giáp đã nghe tiếng những người học giỏi ở các lớp trên: Anh Phan Bôi (em anh Phan Thanh), anh Tạ Quang Bửu khi ấy đã nổi tiếng học giỏi và ham nghiên cứu khoa học. Anh Bửu nói chuyện về vô tuyến điện và cắt khoai ra làm mô hình.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 19 Tháng Mười, 2008, 05:44:14 pm
Gặp lại bài vè năm xưa

Bài học lịch sử đầu tiên gây ấn tượng sâu sắc đối với anh Giáp từ lúc còn nhỏ là bài vè Thất thủ kinh đô. Lúc ấy, đêm đêm nằm ngủ với thầy, anh đã nghe ông thân kể vè. Đến khi vào Huế, anh lại nghe các cụ già kể vè trong lễ tế Âm hồn.


Huế có tục tế Âm hồn. Hàng nằm cứ đến ngày 23 tháng 5 (âm lịch) dân chúng các phường tổ chức ngày giỗ chung của tất cả các gia đình nội ngoại thành Thuận Hoá bị giặc Pháp tàn sát hôm ấy. (Kinh đô Huế thất thủ ngày 23 tháng 5 Ất Dậu, Hàm Nghi nguyên niên; tức là ngày 5-7-1885).


Lễ quảy cơm chung có đặt bàn thờ, vài nén hương, một ít dưa đỏ, một chum nước chè, một chồng bát, chiếc gáo, dưới đất âm ỉ một lò bếp lửa.


Tế xong, các cụ giả kể vè Thất thủ kinh đô. Bài vè này ra đời từ cuối thế kỷ 19, viết bằng chữ Nôm, thể lục bát dài 1535 câu.


Bài về mở đầu bằng sự kiện thất thủ Thuận An (Thuận An thất thủ ngày 18 tháng 7 năm Quý Mùi tức ngày 20-8-1883).

Năm Mùi thất thủ Thuận An
Tài gia bá hộc các làng kêu ca
Đàn ông cho chí đàn bà
Hưu trí hưu dưỡng ai mà chẳng xung
Nam triều chán chi kẻ anh hùng
Để Thuận An thất thủ khổ trong đoạn tình…


Đáng chú ý là khi ấy, dân chúng Huế đã tự vũ trang (nói theo danh từ ngày nay). Bên cạnh quân triều đình, “Dân làng phải có trong tay. Không dao thì mác mũi rày cho thông”.


Nhưng triều đình Huế dưới áp lực của quân xâm lược Pháp phân hoá thành hai phe: Chủ chiến và chủ hoà. Tôn Thất Thuyết chủ trương chiến đấu bảo vệ kinh đô Huế. Nguyễn Văn Tường chủ trương nhượng bộ. Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 5 Ất Dậu, Tôn Thất Thuyết đem quân đánh vào trại giặc đóng ở Mang Cá. Cuộc tấn công thất bại. Kinh đô Huế thất thủ. Giặc Pháp đàn áp dã man.


Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi xuất bôn. Vua phát hịch Cần Vương. Nguyễn Văn Tường đầu hàng quân Pháp, ra lệnh lùng bắt nhà vua. Trên đường ra sơn phòng Quảng Bình, Hà Tĩnh, những người kháng chiến gặp phải muôn nỗi gian truân. Thực dân Pháp đặt ách thống trị. Dân ta khốn khổ trăm bề…


Bài vè là tiếng nói dân gian kể lại những sự kiện trên một cách mộc mạc, chân thực. Đoạn thì hùng hồn như một bài ca chiến đấu, đoạn thì than vãn tủi hờn như một chương thảm sử, đoạn thì đanh thép như một bản cáo trạng.


Dự lễ tế Âm hồn, lòng cậu thiếu niên nặng trĩu. Gầm trời kinh đô Huế ảm đạm một màu. Rêu phong phủ xanh thành quách. Tiếng súng Cần Vương đã im bặt từ lâu. Nhưng các Âm hồn vẫn sống trong lòng dân xứ Huế. Hồn nước như phảng phất đâu đây.

Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm
Ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng trên sông
Buông câu mái đẩy chạnh lòng nước non.


Câu hò gợi lên trong lòng cậu thiếu niên nỗi niềm yêu nước thương nòi. “Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự. Đầy vơi giọt lệ nước Sông Hương”.

Khi dự lễ tế Âm hồn, anh Giáp cảm thấy thật là buồn. Nhưng không phải là một nỗi buồn bi luỵ mà buồn để quật khởi. Ở tuổi thiếu niên, anh đã hiểu được nỗi nhục nhã của người dân mất nước. Và chính tại Huế, tuổi thiếu niên của anh Giáp đã gặp buổi bình minh của thời đại mới. Các thế hệ trước thì mò mẫm, thất bại bế tắc, quằn quạii trong đêm dài nô lệ. Thế hệ sau là thế hệ Cách mạng tháng Tám thì vùng lên ào ạt trong ánh nắng ban mai. Còn thế hệ của anh Giáp lớn lên trong buổi tranh tối tranh sáng.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 19 Tháng Mười, 2008, 05:45:41 pm
Tủ sách cụ Phan hứa tặng

Năm học đệ nhất niên (1925-1926) của anh Giáp là một năm đầy biến động. Kinh đô Huế nhỏ bé và cổ kính, nơi mà cuộc sống tưởng như ngưng đọng im lìm, nay bỗng rộn rã hẳn lên trong hai phong trào liên tiếp: Đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và để tang cụ Phan Chu Trinh.


Trong hai mươi lăm năm đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu là nhân vật trung tâm của cuộc vận động cứu nước. Sau khi phong trào Cần Vương tàn lụi, ba tiếng Phan Bội Châu nhen lên niềm hy vọng. Hồi đó không có một cuộc vận động yêu nước nào từ chủ trương ôn hoà đến các cuộc đấu tranh kịch liệt là không ít nhiều chịu ảnh hưởng của tinh thần Phan Bội Châu.


Trong tâm trí, trong tình cảm của cậu thiếu niên Võ Nguyên Giáp và các bạn anh, Phan Bội Châu là hình ảnh cao cả của một vị anh hùng dân tộc. Cuộc đời “Ba đào tân khổ khắp chân trời góc biển”, tinh thần kiên quyết đấu tranh đòi độc lập tự do cho dân tộc, những áng văn, những vần thơ như viết bằng máu nóng và nước mắt của cụ đã thức tỉnh biết bao người Việt Nam, đã làm rạo rực lòng yêu nước thương nòi của biết bao thanh niên hồi ấy.


Bởi vậy khi đế quốc Pháp bắt cóc cụ Phan Bội Châu (30-6-1925) tại Thượng Hải (Trung Quốc) rồi đưa về Hà Nội xét xử tại toà Đại hình (23-11-1925) thì một phong trào đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu cuồn cuộn dâng lên khắp ba kỳ. Mọi tầng lớp dân chúng đều vùng dậy, đặc biệt là thanh niên học sinh, sinh viên.


Ở Huế, ngày 1-12-1925, thay mặt cho giáo viên và học sinh trường nữ học Đồng Khánh, chị Trần Thị Như Mân (bà Đào Duy Anh sau này) và chj Hoàng Thị vệ (bà Thân Trọng Phước sau này) đánh điện gửi toàn quyền Varenne ở Hà Nội: “Chúng tôi, nữ giáo viên và nữ sinh Đồng Khánh, xin ngài lấy lòng khoan dung ân xá cho nhà ái quốc Phan Bội Châu”.


Tại trường Quốc học, các anh Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn, Võ Giáp và một số bạn học đi vận động lấy chữ ký vào đơn gửi toàn quyền Varenne.

Trước sức mạnh đấu tranh của dân chúng, thực dân Pháp buộc phải huỷ bản án khổ sai chung thân và đưa cụ Phan Bội Châu về an trí tại Huế.

Pháp và Nam triều tưởng rằng họ có thể hạn chế mọi hoạt động của cụ và ảnh hưởng của cụ sẽ bị chôn vùi. Nhưng họ đã tính nhầm. Sự có mặt của cụ đã khuấy động kinh thành Huế. Một tờ báo Pháp hồi đó đã phàn nàn rằng: Sao không để cho Phan Bội Châu chết dần chết mòn ở Trung Quốc có phải là khôn hơn không? Ai đời đi bê cái lão già ấy về để gây ra bao nhiêu chuyện rắc rối?


Cụ Phan về Huế trú tại Bến Ngự. “Ông già Bến Ngự” trở thành một biểu tượng có sức thu hút thức tỉnh lòng người. Nhiều người gần xa đến vấn an, xin bái yết cụ, tặng quà cụ. Dù biết rõ rằng cụ đang bị giam lỏng và lui tới thăm cụ sẽ bị mật thám theo dõi, họ vẫn đến, bất chấp mối nguy hiểm có thể xảy ra cho họ. Được hầu chuyện cụ, nghe cụ giảng giải, bình văn, ngâm thơ, họ như bừng tỉnh.


Không ít người noi gương cụ muốn dấn thân vào cuộc đấu tranh để đòi lại quyền độc lập cho đất nước.
Ở cái tuổi 14, 15, đầy nhiệt huyết, anh Giáp cùng nhiều bạn học sinh Quốc học, Đồng Khánh và các trường khác ở Huế thuộc lớp người ấy. Thứ năm hàng tuần, anh Giáp và các bạn kéo nau đến nghe cụ nói chuyện. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, anh Giáp vẫn còn nhớ ngôi nhà cụ Phan trên dốc Bến Ngự. Một nếp nàh tranh đơn sơ nhưng rộng rãi, quanh nhà có vườn. Dưới cầu Bến Ngự, một chiếc thuyền nan.


Trong nhà treo ba bức ảnh: Thích ca Mâu Ni, Tôn Dật Tiên, Lênin. Ba bức ảnh này nói lên phần nào quan điểm triết học và chính trị của cụ. Cũng có thể qua đó mà thấy sự chuyển biến về xu hướng của cụ trong quá trình đi tìm đường cứu nước.


Mọi người đều biết: Lúc đầu Phan Bội Châu cũng chủ trương bảo hoàng. Tiếp xúc với các nhà dân chủ chủ nghĩa Trung Quốc, Phan Bội Châu theo hướng dân chủ. Cuối cùng chỉ mấy tuần trước khi bị bắt, nhận thấy chỉ có cách mạng vô sản mới thực hiện được hy vọng cứu nước, Phan Bội Châu đã nghĩ đến việc đi tìm Nguyễn Ái Quốc… Còn Nguyễn Ái Quốc thì trong bài báo nhan đề Những trò lố bịch hay là Varenne và Phan Bội Châu đăng trên tờ La Paria số 36-37 tháng 9-10 năm 1925 đã gọi Phan Bội Châu là “Bậc anh hùng, vị thiên sứ, đáng xả thân vì độc lập”.


Anh Giáp kể rằng trong dịp cụ Phan 60 tuổi, có một bài thơ chúc thọ cụ do ông Võ Liêm Sơn khi ấy là giáo sư trường Quốc học làm ra, học sinh đem về ngâm nga thích lắm. Và anh Giáp đọc:

Phan tiên sinh là người hào kiệt
Mười năm xưa đọc hết thánh hiền
Gặp cơn đất đổ trời nghiêng
Lòng mẫn thế ưu thiên chan chứa
Nào những lúc câu thơ kiến chí
Bút anh hùng nhả khí phóng lôi
Cũng có khi chén rượu mua vui
Giương mắt trắng trông đời cười ha hả
Thà không trời đất không chi cả
Còn có non sông có lẽ nào?
Tuỳ thân một chiếc đoản đao
Đoái Hồng Lĩnh cao cao chín chín nhỏn
Biển Thái Bình ào ào sóng cuộn
Nước non nhà giấc mộng vẫn tê mê
Hai mươi năm sinh tử lưu ly
Chí đồ nam vẫn chờ khi gió tiện
Dẫu gan sắt ai lay chẳng chuyển
Nhưng nước đời lắm chuyện trêu ngươi
Ở trong hoặc cũng có trời
Thân già lại thảnh thơi nơi cố thổ


Anh Giáp kể rằng học sinh ai ai cũng thích, thấy hay thật là hay. Nhưng ai ngờ cụ Phan bực. Cụ bực vì ông Võ Liêm Sơn nói cụ “thảnh thơi nơi cố thổ”!


Anh Giáp kể rằng hồi đó anh được cụ Phan chú ý và rất thương. Cụ có mấy chục bộ sách cổ kim, thấy anh Giáp hăng hái nhiệt tình và ham học, cụ bảo: “Khi nào tôi mất, tủ sách này để lại cho cậu Giáp”.


Tính cách cụ khí khái, tính tình cụ dễ dãi. Đặc biệt sự nghiệp văn chương yêu nước của cụ hấp dẫn thanh niên. Trong học sinh có phong trào ghi chép và học thuộc thơ văn của cụ. Mỗi người dành một cuốn sổ bìa đẹp chép các vần thơ ái quốc, ái chủng, ái quần của cụ.


Bài thơ có ảnh hưởng lớn đối với anh Giáp và các bạn anh là Bài thơ chúc Tết thanh niên của cụ nhân dịp Xuân Bính Dần (1926)…

Dậy! Dậy! Dậy!
Bên án một tiếng gà vừa gáy
Chim trên cây liền ngỏ ý chào mừng
Xuân ơi Xuân, Xuân có biết chăng?
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót
Tháng ngày khuây khoả lũ đầu xanh
Thưa các cô, các cậu, lại các anh
Trời đã mới người càng nên đổi mới…
Mở mắt thấy rõ ràng tận vận hội
Ghé vài vào xốc vác cựu giang san
Đi cho êm, đứng cho vững, trụ cho gan
Giây đoàn thể quyết ghe phen thành nghiệp lại
Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi
Cởi lốt xưa mà tu dưỡng lấy tinh thần
Chẳng thèm chơi, chẳng thèm mặc, chẳng thèm ăn
Đúc gan sắt để dời non lấp bể
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
Mới thế này là mới hỡi chư quân
Chữ rằng: Nhật nhật tân, hựu nhật tân.


Anh Giáp kể một chuyện chứng tỏ cụ Phan rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Hồi đó có một nữ sinh Đồng Khánh người Việt gốc Hoa tên là Vạn Xuân cùng với bạn trai là Tôn Thất Lập, hai người đi ô tô không may bị tai nạn chết. Học sinh hai trường làm lễ truy điệu, cụ Phan gửi đến một điếu văn.


Ngày 17-3-1926, cụ Phan đến nói chuyện tại trường Quốc học. Anh Khương Hữu Dụng kể lại trong Đặc san kỷ niệm Quốc học Huế 95 năm (1896-1991):

“Anh em học sinh chúng tôi tập trung trong sân chơi của trường. Bỗng rào rào như ong vỡ tổ, hàng ngũ học sinh xáo động. Một ông già quắc thước, áo dài thâm quần vải trắng với đôi mắt sáng quắc, chùm râu quai nón đốm bạc, xuất hiện uy nghi, trượng phu…

Mọi người cố chen nhau đến gần cụ như muốn được nghe rõ hơn, thấu đáo hơn tiếng nói của con người gần như đã trở thành huyền thoại. Cụ già trìu mến nhìn đám học sinh trẻ…

Giọng Nghệ An âm vang như tiếng cồng: “Anh em khỏi phải chen nhau, tôi nói to lắm, tận sân ngoài cũng có thể nghe rõ”. Hàm răng giả long ra, suýt rơi. Cụ lắp lại, cười và sang sảng nói tiếp giữa những tràng vỗ tay kéo dài những lời tha thiết. Cụ cứ láy đi láy lại một điệp khúc đại uý dứt, thức tỉnh: “Rượu tây, cơm tây, quần áo tây, xe tây, lầu tây… Học đường nô lệ, giáo dục nô lệ, nhân tài nô lệ, nô lệ ưu đẳng”(…)
… Cái mục đích người nước ta ngày nay vào học chẳng qua vì cầu quan to, hớt đồng bạc tốt, để làm môi giới cho rượu tây, cơm tây, đồ mặc tây, xe tây, lầu tây mà thôi ư? Cái hồn quốc dân ta còn mong gì sống được?

Chao ơi! Trời ơi! Thật có như thế ru! Câu hỏi của cụ như xoáy sâu vào tâm trí đám học sinh chúng tôi và khơi dậy những suy nghĩ xung yếu khẩn thiết về lẽ sống…”
.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 19 Tháng Mười, 2008, 05:46:32 pm
Truy điệu cụ Phan Chu Trinh

Bảy ngày sau cuộc diễn thuyết của cụ Phan Bội Châu tại trường Quốc học, có tin cụ Phan Chu Trinh tạ thế tại Sài Gòn. Phan Chu Trinh (1872-1926) biệt hiệu Tây Hồ là một nhà ái quốc lớn trong thời gian đầu thế kỷ 20. Chính kiến của cụ Phan Chu Trinh khác với cụ Phan Bội Châu. Cụ Phan Chu Trinh chủ trương cải cách không bạo động. Lập trường của cụ được nêu ra trong bản điều trần gửi Toàn quyền Đông Dương trình bày tình cảnh khổ cực của dân chúng là do thuế khoá nặng nề, do quan lại tham tàn và đề nghị chính quyền Pháp ở Đông Dương ban bố một số cải cách bảo đảm quyền lợi tối thiểu cho dân chúng. Trước hết bãi bỏ chính quyền quân chủ bù nhìn, thay thế bằng một chính quyền có đại diện của dân.


Phan Chu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp thực hiện công cuộc Duy Tân khai hoá ở tỉnh nhà (Quảng Nam). Nhiều học hội, thương hội, thư xã… được thành lập nhằm mở mang dân trí, thúc đẩy hoạt động nông công thương. Phan Chu Trinh viết bài Tỉnh quốc hồn ca nhằm thức tỉnh lòng dân.


Phan Chu Trinh bị bắt giữa lúc phong trào chống thuế diễn ra quyết liệt khắp Trung Kỳ (1908). Trần Quý Cáp bị án tử hình. Phan Chu Trinh và Huỳnh Thúc Kháng bị án tù chung thân, bị đày đi Côn Đảo. Năm 1911, nhờ sự can thiệp của Hội nhân quyền Pháp và của các nghị sĩ thuộc Đảng xã hội trong Nghị viện Pháp, Phan Chu Trinh được ân xá và đưa qua Pháp an trí ở Paris. Tại đây, Phan Chu Trinh liên hệ mật thiết với người thanh niên Nguyễn Ái Quốc và từng tham gia ý kiến vào bản kiến nghị mà Nguyễn Ái Quốc gửi cho Hoà hội Versailles năm 1991. Nguyễn Ái Quốc kính phục lòng yêu nước của bậc tiền bối Phan Chu Trinh nhưng không tán thành chủ trương của cụ.


Năm 1925, Phan Chu Trinh về nước, tuổi già sức yếu nhưng vẫn hoạt động. Cụ có ý định thăm cụ Phan Bội Châu lúc này đang bị giam lỏng ở Huế, thăm cac cụ Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế bàn việc đấu tranh cho dân chủ, dân quyền. Cụ diễn thuyết ở Sài Gòn về “Đạo đức và luân lý Đông, Tây”, “Quân trị và dân trị”. Cụ lâm bệnh mất tại Sài Gòn ngày 24-3-1926.


Phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh lan rộng khắp cả nước như một quốc tang do dân chúng tổ chức, bất chấp sự ngăn cản, khủng bố của thực dân và quan lại. Những người để tang cụ chẳng những tỏ lòng thương tiếc nhà chí sĩ, mà còn tỏ rõ ý chí của mình. Tại Sài Gòn, ngày 4-4-1926, hàng chục vạn người đi đưa đám cụ. Sài Gòn biến thành một biển người công khai biểu dương lực lượng chống bọn thống trị thực dân. Ở Hà Nội, mặc dầu nhà cầm quyền Pháp đã bố trí lính gác để đe doạ, hàng vạn người vẫn đến viếng cụ tại chùa Hai Bà. Các cửa hiệu đóng cửa. Học sinh, sinh viên đeo băng tang.


Ở Huế, lễ truy điệu nhà yêu nước được tổ chức trọng thể tại Hội quán Hội đồng hương Quảng nam. Cụ Phan Bội Châu đứng ra làm chủ lễ. Bài điếu văn thống thiết do cụ viết được một phụ nữ có uy tín nổi tiếng ở Huế là bà Đạm Phương đọc (Bà Đạm Phương là mẹ anh Nguyễn Khoa Văn tức Hải Triều sau này).


Nhiều cuộc truy điệu được tổ chức trong thành phố, thu hút sự tham gia đông đảo của dân chúng. Học sinh trường Quốc học muốn tổ chức lễ truy điệu, nhưng nhà trường cấm và không cho học sinh đeo băng tang trong lớp. Lễ truy điệt được tổ chức tại nhà trọ của anh Giáp lúc này đã rời đến một ngôi nhà trên dốc Bến Ngự, nơi có nhiều học sinh Quốc học ngoại trú, giữa nhà đặt bàn thờ.


Anh Giáp và các bạn đã xoay xoả mượn đủ lư đồng, giá nến. Bạn học đến chật nhà, ai nấy đều đeo băng tang. Trong khói hương nghi ngút, những người dự lễ nghe đọc bài văn tế và tuyên thệ trước hương hồn nhà yêu nước.


Những hoạt động của học sinh Quốc học, Đồng Khánh và các trường khác cùng đông đảo nhân dân tham dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh đã náo động kinh đô Huế. Mật thám theo dõi, ghi tên một số người vào sổ đen.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 19 Tháng Mười, 2008, 05:47:42 pm
Bãi khoá

Cuộc đấu tranh đầu tiên trong phong trào yêu nước của học sinh Huế do chính Bác Hồ khi còn trẻ khởi xướng. Năm 1908, phong trào chống thuế, chống xâu của nông dân nổ ra từ Nam Ngãi lan rộng khắp Trung Kỳ. Tại Thừa Thiên, tháng 4-1908, một cuộc biểu tình lớn đã xảy ra tại Huế. Bác Hồ khi đó là học sinh lớp Đệ nhị niên trường Quốc học (niên khoá 1908-1909) đã vận động bạn bè ủng hộ phong trào, cùng đi biểu tình với quần chúng đến Tòa Khâm và Bác đã tham gia làm nhiệm vụ thông ngôn.


Tháng 3-1921, học sinh lớp Đệ tam niên trường Quốc học bãi khoá do anh Trần Phú (sau này là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương) khởi xướng. Trong các giáo sư người Pháp, bên cạnh một số người có lương tâm nghề nghiệp, có người mang nặng đầu óc thực dân khinh bỉ học sinh bản xứ, miệt thị học sinh là “sale race, sale annamite” (giống nòi bẩn thỉu, người Annam bẩn thỉu. Giáo sư Dubois dạy Toán, có những hành động thô bạo. Mỗi khi có học sinh nào trả lời chậm, ông ta nổi nóng, nắm tóc dập đầu học sinh vào bảng đen miệng la lớn: “Crétin!” (đồ ngu) “Triple crétin” (ba lần ngu). Anh Trần Phú khi đó là trưởng lớp nhắc kín anh em bạn học là trong giờ dạy của Dubois, nếu ông ta còn hống hách như vậy, thì cả lớp đứng dậy bỏ học có trật tự, kéo lên kiện với hiệu trưởng Gabriel Daydé. Sau cuộc đấu tranh này, ông Dubois bị triệu hồi về Pháp…


Tháng 3-1926, học sinh trường Kỹ nghệ thực hành đấu tranh chống chế độ giáo dụ hà khắc, chống chửi mắng đánh đập, bắt học sinh làm “cỏ vê” (lao dịch) yêu cầu bỏ lệnh mặc đồng phục khi ra ngoài, yêu cầu thay hiệu trưởng, tăng thêm giáo viên người Việt… Học sinh đã nhiều lần gửi đơn lên hiệu trưởng nhưng không được trả lời. Ngày 9-3-1926 toàn trường bãi khoá. Hơn 100 học sinh do các anh Đinh Văn Nghệ, Nguyễn Tăng Bích, Nguyễn Tư, Nguyễn Sĩ Liên dẫn đầu kéo đến Toà Khâm trao yêu sách. Học sinh còn gửi đơn lên Toàn quyền Đông Dương và viết bài đăng lên Đông Pháp thời báo (số ra ngày 17-3-1926), viết bài gửi đăng trên báo Nhân đạo (L‘Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp. Cuộc đấu tranh của học sinh Kỹ nghệ được dư luận ủng hộ. Viên hiệu trưởng bị triệu hồi về Pháp.


Tháng 4-1927 lại một cuộc bãi khoá bắt đầu từ trường Quốc học rồi lan rộng ra khắp các trường ở Huế, phát triển thành tổng bãi khoá. Sự việc bắt đầu từ sau hoạt động của học sinh trong phong trào “Hai cụ Phan”. Nhà cầm quyền thực dân tìm cách trấn áp. Dưới sự chỉ đạo của Chánh mật thám Trung Kỳ Léon Sogny, hiệu trưởng và tổng giám thị trường Quốc học lúc đó là Bourotte và Harter huy động toàn bộ lực lượng giám sát trong trường theo dõi những học sinh “hiếu động”.


Nếu xét về quan hệ cá nhân thì có thể nói Bourotte và Harter thực sự quý mến anh Giáp cũng như những học trò giỏi khác. Từ khoá học Đệ nhất niên (1925-1926) đến khoá Đệ nhị niên (1926-1927) anh Giáp luôn luôn đứng đầu lớp, tháng nào cũng có tên hàng đầu trên Bảng danh dự (Tableau d’honneur). Chỉ có một tháng đứng nhì, hiệu trưởng Bourotte liền hỏi:


-Sao vậy? Tháng này Võ Giáp đứng thứ hai là thế nào? Từ năm học Đệ nhị niên, nhà trường cấp học bổng và nội trú cho anh Giáp và anh Diểu. Bourotte và Harter khuyến khích học sinh học giỏi nhưng họ thẳng tay trừng trị những ai làm trái ý nhà cầm quyền Pháp.


Đối với những học sinh tham gia phong trào “Hai cụ Phan”, hiệu trưởng và tổng giám thị theo dõi chặt chẽ, phát hiện những người cầm đầu để trừng trị. Sự kiểm soát trong trường gắt gao, không khí ngày càng ngột ngạt. Học sinh, nhất là người nội trú, đọc gì, làm gì không lọt qua mắt các giám thị. Đọc sách báo yêu nước là một tội nặng. Trái ý giám thị là bị phạt “công xin” (consigne), ngày nghỉ không được ra khỏi trường. Học sinh như bị ngẹt thở.


Chính trong bối cảnh ấy, anh Giáp viết bài báo đầu tiên. Đó là một bài báo ngắn viết bằng tiếng Pháp, đầu đề như một khẩu hiệu đấu tranh, một tiếng thét căm hờn: “À bas le tyranneau de Quoc hoc!” (Đả đảo tên tiểu bạo chúa trường Quốc học!). Bài báo tố cáo nền giáo dục ngu dần và quy chế cấm đọc sách báo yêu nước. Bài báo được đăng trên tờ L’Annam của luật sư Phan Văn Trường, xuất bản tại Sài Gòn, một tờ báo tiến bộ thời ấy dám công khai đả kích thực dân Pháp. Bài báo có tiếng vang ở Huế, Sài Gòn.


Anh Diểu và anh Giáp cùng sống trong ký túc xá, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, cùng trao đổi những điều suy nghĩ. Anh Giáp không ngờ thời điểm thi học kỳ là lúc mà thủ đoạn trừng phạt xảo trá của nhà trường đập vào anh Diểu, người mà hiệu trưởng và tổng giám thị cho là cầm đầu phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu và để tang Phan Chu Trinh ở trường Quốc học.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 19 Tháng Mười, 2008, 05:50:07 pm
Hôm ấy thi Toán. Anh Giáp ngồi bàn trước, anh Diểu ngồi bàn sau. Anh Diểu là học sinh giỏi và là người có tư cách, không bao giờ gian dối, nhưng giám thị coi thi một mực vu cho anh Diểu chép bài và đuổi anh ra khỏi lớp. Cả lớp la ó phản đối, nhưng anh Diểu vẫn bị đuổi ra.

Học sinh lớp Đệ nhị niên A thảo một lá đơn. Anh Giáp dẫn đầu đoàn học sinh lên gặp tổng giám thị. Harter ngạc nhiên:

-Kìa Võ Giáp! Trông anh đỏ như con gà trống! Tôi rất ngạc nhiên thấy anh trong hàng ngũ những học trò xấu!

Võ Giáp nộp đơn, Harter trả đơn. Một cuộc tranh cãi nổ ra.

Tin học sinh Nguyễn Chí Diểu vô cớ bị đuổi và tổng giám thị Harter bác đơn lan đi rất nhanh, học sinh toàn trường căm phẫn, đòi phải đấu tranh chống lại hành động đàn áp phi lý của nhà trường.

Anh Giáp bàn với anh Nguyễn Khoa Văn phát động bãi khoá với khẩu hiệu:

-Không được đuổi học sinh Nguyễn Chí Diểu!

-Tự do đọc sách báo!

-Chống giáo dục ngu dân!

Hai người đi vận động các bạn học cùng chí hướng. Ở các lớp từ Đệ tứ niên đến Đệ nhất niên, lưu truyền một mảnh giấy có ghi câu hỏi: “Có thuận bãi khoá không?”. Anh em đều hưởng ứng, hăng hái nhất là các anh Phan Bôi, Đỗ Quy.


Buổi học chiều 26-4-1927. 14 giờ. Học sinh vừa xếp hàng xong dưới mái “pờ-rê-ô” (Préau) lúc giám thị huýt còi vào lớp, thì học sinh lớp Đệ nhị niên A xếp hàng ở giữa không vào lớp. Cậu học sinh bé nhỏ Võ Giáp bước ra khỏi hàng hô lớn: “Bỏ học! Bỏ học! Phản đối việc đuổi Nguyễn Chí Diểu! Phản đối việc đàn áp học sinh!”.


Lời hô hào của anh Giáp được hưởng ứng. Học sinh lớp Đệ nhị niên A kéo về phía cổng trương, vừa đi vừa hô khẩu hiệu. Sân trường ồn ào hỗn loạn. Khối Đệ tam, Đệ tứ niên gồm những học sinh lớn của nhà trường đang di chuyển cũng dừng lại, rồi kéo theo ra phía cổng trường trước con mắt kinh ngạc của các giám thị. Cuộc bãi khoá bắt đầu.


Tin trường Quốc học bãi khoá để phản đối việc đàn áp học sinh lan nhanh sang trường nữ học Đồng Khánh. Hai trường cạnh nhau, chỉ cách một con đường hẹp. Đồng Khánh là trường nữ học duy nhất ở miền Trung hồi ấy. Nữ sinh Đồng Khánh xưa nay vốn yểu điệu thướt tha trong tà áo dài với mái tóc thề óng ả, gặp nam giới thì nghiêng che vành nón khiến cho “Học trò xứ Quảng ra thi, thấy o gái Huế chân đi không đành”, vậy mà lần này, Hương Giang nổi sóng, các nữ sinh Đồng Khánh xuống đường tranh đấu. Ấy là ngày hôm sau 27-4-1927, khi các học sinh Quốc học cử đại diện đến các trường để loan tin và vận động bãi khoá thì bọn cảnh sát xông đến ngăn cản. Xô xát xảy ra giữa nam sinh và cảnh sát tại con đường giữa hai trường Quốc học và Đồng Khánh. Một số nam sinh bị bắt và bị tống giam.


Chị Đào Thị Xuân Yến (bà Nguyễn Đình Chi sau này) nữ sinh lớp Đệ tứ niên vận động chị em viết đơn gửi Khâm sứ Friès yêu cầu can thiệp không được đuổi học và bắt bớ học sinh. Chị kể lại trong Đặc san kỷ niệm 75 thành lập trường Đồng Khánh: “Viết đơn xong, cả lớp tứ niên sắp hàng tuần hành xuống Tòa Khâm, chị em mặc áo dài đen, quần trắng đi guốc dép, nón là gửi vào phòng Giám thị của chị Trần Thị Như Mân”.
Chị Yến kể: Khi thấy các chị lớp Đệ tứ niên kéo ra khỏi trưởng, các em nữ sinh lớp dưới chạy theo:

-Các chị ơi, cho bọn em theo với!

Bà hiệu trưởng Boutron Damasy hoảng hốt ra lệnh đóng cửa trường. Nữ sinh các lớp dưới trèo tường chạy theo các chị.

Đoàn nữ sinh Đồng Khánh đi dọc theo đường Jules Ferry, nay là đường Lê Lợi. Bọn cảnh sát kéo đến. Một tên cò Tây mặt mày đỏ kè, nạt nộ mày tao với nữ sinh. Bỗng chị Minette (sau này là bà Đoàn Nồng) người nhỏ nhắn xinh đẹp tách ra khỏi hàng, ngước đôi mắt to nhìn thẳng vào mặt tên cò Tây, giọng nói thẳng thắn:

-Nầy, nầy, các ông không được tutoyer (mày tao) với chị em chúng tôi! Vô lễ!

Tên cò Tây bị bất ngờ, đành ngậm thinh.

Trong lúc nữ sinh Đồng Khánh xuống Toà Khâm bên bờ nam sông Hương thì phía bờ Bắc, sinh viên trường Hậu bổ Quốc tử giám cũng xuống đường do các anh Ngô Võ Anh, Nguyễn Đình Diễn dẫn đầu. Đoàn này đến đoàn khác, học sinh Bách Nghệ, trường Thuận Hoá cũng rầm rộ kéo đến. Các đoàn học sinh vây Toà Khâm sứ đưa yêu sách.


Trong khi Đổng lý Văn phòng Toà Khâm ra nhận đơn và khuyên học sinh trở về học tập thì Khâm sứ Friès gọi lính và xe vòi rồng tới đàn áp. Xung đột dữ dột xẩy ra giữa cảnh sát và học sinh tại ngã tư cầu Tràng Tiền với nhà Morin, đường rẽ xuống Toà Khâm. Nhiều người bị u đầu, thêm một số học sinh bị bắt. Nam sinh dùng cán dù đen, nữ sinh dùng guốc chống lại. Cảnh sát cho xe vòi rồng phun nước bừa bãi. Một nữ sinh Đồng Khánh đến trước vòi rồng phản đối. Một tên cảnh sát nắm kiềng vàng của chị kéo ra. Phóng viên báo L’Annam có mặt tại chỗ đã viết bài đăng ngay lên báo. Đó là chị Nguyễn Khoa Thể Chi. Chị Thể Chi cùng với các chị Nguyễn Khoa Bội Lan, Tôn Nữ Như Phước, Hoàng Thị Hải Đường, Đào Thị Xuân Yến… là những nữ sinh Đồng Khánh mà anh Giáp thường gặp tại ngôi nhà “Ông già Bến Ngự”.


Trời về chiều âm u, mưa lâm thâm. Nam sinh nhường mũ, áo khoác, giương dù che mưa cho nữ sinh. Các đoàn học sinh tự giải tán, người về gia đình, người về nhà bà con, họ hàng ở Huế. Còn lại khoảng 20 nữ sinh nội trú không biết về đâu, mà trời thì gần tối. Trong lúc bối rối, may sao có bà Đạm Phương (Hội trưởng Nữ công học hội, người đọc điếu văn trong lễ truy điệt cụ Phan Chu Trinh) và cô Hồ Thị hạnh (tức sư bà Diệu Không sau này) đứng ra thu xếp vứi bà Ưng Uý (tức bà Hồ Thị Huệ, chị ruột cô Hạnh và là mẹ của nhà bác học Bửu Hội sau này), người có nhà để trống đang cho hai kỹ sư công chính người Nam Kỳ thuê (là ông Phan văn Hùm và ông Nguyễn Văn Tề) đón số nữ sinh bãi khoá về tá túc. Hai bà vợ ông Hùm, ông Tề nấu nướng nuôi chị em cả mấy tuần lễ.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 19 Tháng Mười, 2008, 05:52:17 pm
Cuộc đàn áp chiều 27-4-1927 của Toà Khâm như đổ dầu vào lửa. Trong mấy ngày liền, học sinh kéo nhau đi dọc các phố hô khẩu hiệu. Kinh đô Huế náo động. Thượng thư Bộ Lại Nguyễn Hữu Bài ra lệnh đóng cổng thành đề phòng biến cố. Học sinh các trường Chaigeau, Paul Bert, trường đạo Pellerin lần lượt bãi khoá. Cuộc bãi khoá của học sinh Huế khởi đầu từ trường Quốc học, Đồng Khánh đã lan rộng thành tổng bãi khoá. Đây là một trong những cuộc tổng bãi khoá lớn thời bấy giờ.


Sau một tuần, nhà cầm quyền trả tự do cho các học sinh bị bắt. Nhưng không phải họ đã nhượng bộ. Lính giăng khắp thành phố, kiểm soát các ngả đường, hễ thấy tụ tập ba người là xông lại giải tán. Giám đốc Học chính Trung Kỳ Henri Déletie cho các trường nghỉ lễ Phục sinh và kéo dài hai tuần lễ để ngăn chặn và xoá nhoà cuộc bãi khoá. Đến hạn, các viên chức phải đích thân đưa con em đi học, nếu không sẽ bị liên luỵ.


Để đối phó lại, học sinh thành lập nơi hội họp và đầu mối liên lạc. Hội quán Quảng Nam ở gần nhà cụ Phan trên dốc Bến Ngự là nơi gặp gỡ và nhận thư, điện, tiền các nơi gửi về ủng hộ cuộc bãi khoá. Một loạt bài tố cáo việc đàn áp học sinh Huế được đăng trên các báo L’Annam và La cloche fêlée (Tiếng chuông rè) ở Sài Gòn. Học sinh Sài Gòn, Hà Nội và nhiều tỉnh miền Trung gửi điện ủng hộ. Một nhóm công chức Huế quyên góp tiền gạo giúp đỡ học sinh bãi khoá không có gia đình ở Huế.


Trong quá trình bãi khoá, anh Giáp hoạt động tích cực ở Hội quán Quảng Nam. Anh được phân công đứng trước Thừa phủ cùng một số bạn vận động những học sinh con nhà quan, con nhà giàu đi xe kéo gọng đồng khoan không nên vội đến trường, có trường hợp phải giằng xe lại, kéo tay bạn bảo đi về.


Cảnh sát theo dõi bắt những người hoạt động tích cực. Anh Giáp tạm lánh về Vĩ Dạ, ở nhà anh Nguyễn Khoa Thị, một bạn học lớp Đệ tam. Chị cả anh Thị, ăn mặc trang nhã, duyên dáng một cách kín đáo, tiếng nói nhỏ nhẹ như có nhạc điệu, chị khen các em bãi khoá là biết tự trọng, chị vui vẻ chăm sóc nuôi dưỡng các em cả tuần lễ.

Tin học sinh Huế bãi khoá lan đến quê nhà. Ông cụ cất công vào Huế tìm con. Anh Giáp an ủi ông: “Thầy cứ về, con sẽ đi học lại”.

Một tháng sau, phong trào dần tan. Phần lớn học sinh đi học trở lại. Nhà cầm quyền công bố danh sách học sinh bị đuổi học: 90 người tại tất cả các trường ở Huế.

Tại Quốc học là 37 người, đầu bảng là Nguyễn Chí Diểu, Võ Giáp, Nguyễn Khoa Văn, Phan Bôi, Nguyễn Hoàng, ở tất cả các lớp đều có người bị đuổi học: Lớp Đệ tứ là các anh Đào Đăng Vĩ, Tôn Thất Hoạt, Vĩnh Võ; lớp Đệ tam là Tôn Thất Hy, Trần Xuân Đang, Nguyễn Khoa Thị, Phạm Khắc Quảng; lớp Đệ nhị là Võ Khắc Khoan, Vĩnh Dụ, Lưu Trọng lạc; lớp Đệ nhất là Ưng Túc, Nguyễn Khoa Trang, Trịnh Xuân An, Lương Sĩ Bích, Nguyễn Đăng Khoa… (ở đây chỉ ghi lại một số người).


Ở trường Đồng Khánh, cô giáo kiêm giám thị Trần Thị Như Mân bị bãi chức vì tình nghi là cầm đầu nữ sinh. Trong số nữ sinh bị đuổi học, có các chị Nguyễn Khoa Thể Chi, Nguyễn Khoa Bội Lan, Tôn Nữ Như Phước, Tôn Nữ Như Sang, Tôn Nữ Thanh Xuân, Đào Thị Xuân Yến, Đào Thị Xuân Nhạn, Thái Thị Bôi, Hoàng Thị Hải Đường, Nguyễn Thị Giáo, Nguyễn Thị Hồng, Huỳnh Thị Thuyền, Nguyễn Thị Trang… Chị Sinh người Việt gốc Hoa gia đình nghèo bị tịch thu nhà cửa vì thiếu tiền học.

Ở trường đạo Pellerin các anh Ưng Cầu, Trương Gia Kỳ Sanh, Phan Duyệt, Nguyễn Ngọc Lễ, Nguyễn Bội Liên, Lê Công Tiễu, Phạm Kỳ… bị đuổi học.

Theo luật lệ thời bấy giờ, những học sinh bị đuổi không được học hành thi cử trên toàn cõi Đông Dương trong vòng hai năm.


Võ Giáp, Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Hoàng, Trịnh Xuân An thường gặp nhau. Không ai bảo ai, mọi người cùng chung một ý nghĩ: Xuất dương đi làm cách mạng theo gương các bậc tiền bối. Tâm trí mọi người hướng về Quảng Châu (Trung Quốc). Anh em bàn, cả anh Diểu đi bắt liên lạc, anh Diểu vô Nha Trang không tìm ra đầu mối. Nguyện vọng xuất dương không đạt, anh em buồn bã chia tay.


Nguyễn Khoa Văn cùng với một số chị em trường Đồng Khánh: Cô giáo kiêm giám thị Trần Thị Như Mân, các nữ sinh Nguyễn Thị Giáo (bà Hà Huy Tập sau này), Đào Thị Xuân Yến (bà Nguyễn Đình Chi sau này) và em là Đào Thị Xuân Nhạn, được bà Đạm Phương giới thiệu ra Bắc Kỳ học nghề dệt vải để chấn hưng công nghệ.
Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Hoàng vào Nam Kỳ.


Anh Giáp tìm gặp các bạn cùng chí hướng ở Hội quán Quảng Nam: Anh Lê Nhiếp con rể cụ Huỳnh Thúc Kháng, anh Hồ Nghinh, anh Trần Kỉnh, anh Sơn Trà… Hội quán Quảng Nam bị mật thám theo dõi gắt, anh em phải phân tán về quê.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 19 Tháng Mười, 2008, 05:54:04 pm
Anh Giáp vào Quảng Nam, đến tạm trú ở nhà anh Sơn Trà. Khác với Huế, Quảng Nam từ lâu đã có những hoạt động công thương nghiệp. Lúc này, do tác động của phong trào yêu nước, một làn sóng chấn hưng công nghệ kêu gọi mọi người dùng hàng nội hoá. Loại vải phô tuýt so (faux-tussor) dệt ở Quảng Nam được ưa chuộng khắp ba kỳ. Anh Sơn Trà đưa anh Giáp đi thăm một xưởng dệt. Trước kia dệt bằng khung cửi nhỏ, đưa thoi tay, từ khi cải tiến máy dệt giật cần đánh thoi thì năng suất tăng nhanh và dệt khổ rộng hơn. Ở Quảng Nam đã xuất hiện nhiều tổ chức công thương: Những hội xã, công ty, hội buôn hoạt động nhộn nhịp. Quê anh Phan Thanh và Phan Bôi ở Bảo An còn có nghề dệt lụa.


Trong thời gian lưu lại ở Quảng Nam, anh Giáp đến viếng nhà thờ cụ Phan Chu Trinh mới được lập tại Đà Nẵng. Nơi thờ cúng cụ cũng là nơi gặp gỡ của thanh niên và nhân sĩ yêu nước. Anh Giáp tranh thủ đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh: Bán đảo Sơn Trà, chợ Hàn, sông Hàn, chùa Non nước trên Ngũ Hành Sơn, lúc đó leo núi còn khó, đường lên đầy bụi dứa gai. Anh Giáp về Trà Kiệu thăm anh Lê Ấm rể cụ Phan Chu Trinh. Mẹ anh Lê Ấm đưa anh Giáp đi thăm nhà thờ Trà Kiệu, tháp Chàm Đồng Dương, Mỹ Sơn.


Rời Quảng Nam, anh Giáp vào Quy Nhơn thăm anh Tôn Thất Hy là bạn học bãi khoá cũng có nguyện vọng xuất dương, đã nhiều lần bàn chuyện ra đi với anh Diểu và anh Giáp. Gia đình anh Hy mở cửa hiệu tân dược.
Lang thang một thời gian, anh Giáp trở lại Huế, đến tạm trú tại nhà một người bạn là anh Tôn Thất Tiên nhân viên bưu điện. Lập tức cảnh sát đến xét nhà. Tuy họ không tìm được chứng cớ gì buộc tội, nhưng để tránh liên luỵ cho chủ nhà, anh Giáp rời đi nơi khác.


Cuối cùng nơi đậu được là nhà giáo sư Võ Liêm Sơn. Nhà thầy ở trước chùa Từ Đàm. Thầy Võ Liêm Sơn là một nhà sư phạm uyên bác và có tâm huyết. Thầy sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở Hà Tĩnh, ông thân sinh từng tham gia phong trào Cần Vương. Thuở nhỏ, thầy vừa học chữ Hán, vừa học chữ Pháp, năm 1911, đậu bằng Thành chung trường Pháp Việt, năm 1912 đậu bằng Cử nhân Hán học. Vào hồi đầu thế kỷ 20, một lúc đạt được hai học vị như thầy quả là hiếm.


Trước khi làm nghề sư phạm, ông Võ Liêm Sơn cũng ra làm quan. Được bổ nhiệm làm tri huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, vốn ưa thích văn chương, ông thường đi vào dân chúng sưu tầm ca dao tục ngữ. Lúc đó có phong trào nông dân đòi giảm thuế, ông ủng hộ, khuyến khích nông dân kéo lên tỉnh đòi giải quyết yêu sách. Vì cự lại tên chủ thương chính người Pháp, ông bị huyền chức.


Sau đó, ông xin sang giáo chức, làm Huấn đạo, rồi khi chế độ khoa cử cũ bị bãi bỏ, ông được bổ nhiệm làm giáo sư Hán văn và Quốc văn ở trường Quốc học Huế. Ông đã truyền cho học sinh lòng yêu văn hoá dân tộc và tinh thần giữ gìn bản sắc giống nòi.


Anh Giáp khi còn trên ghế nhà trường đã được dữ những giờ giảng văn rất hay của ông. Anh còn nhớ thầy giảng bài Sống chết mặc bay của Hoàng Tích Chu, ý tứ rất sâu sắc. Bài văn lên án bọn quan lại thối nát tệ lậu ham đánh bạc trong khi đê vỡ.


Thầy Võ Liêm Sơn có nhiều sáng tác văn học. Ông hay làm thơ châm biếm, nổi tiếng là tập Hài văn phê phán những điều trái tai gai mắt. Thơ ông mạnh mẽ, chân chất. Ông cũng làm thơ trữ tình, bài Viếng mộ Nguyễn Du là một bài khá hay, học sinh Quốc học các khoá 1024-1926 đều thuộc:

Cùng dưới non Hồng một giải sinh
Tôi thương, tôi tiếc Cụ Tài, Tình
Trăm năm đã có tôi đang khóc
Thảm thiết nư ai khóc Tiểu Thanh
(Trích)

Lúc anh Giáp đến nương náu tại nhà ông là lúc ông đang sáng tác cuốn tiểu thuyết Cô Lâu Mộng. Thầy đọc, học trò làm thư ký. Trong nhà ông Võ Liêm Sơn treo ảnh Phật. Ông chủ trương khổ hạnh: “Các cậu học như thế vừa lừa, tập khổ hạnh đi để mà làm cách mạng!”. Bữa ăn hàng ngày ở nhà thầy chỉ có cơm muối vừng. Chỉ thứ hai, thứ tư, thứ sáu mới được ăn thịt.


Tuy vậy ở nhà thầy Võ Liêm Sơn, món ăn tinh thần lại thoải mái. Anh Giáp say sưa vùi đầu nơi tủ sách.
Chính tại nơi đây, lần đầu tiên, anh Giáp đã đọc sách về chủ nghĩa Marx. Thầy Võ Liêm Sơn có cuốn Le Marxisme (Chủ nghĩa Marx-anh Giáp không nhớ tác giả và nhà xuất bản), thầy giấu cuốn sách cấm ấy đằng sau tấm bảng đen.

Một thời gian sau, anh Giáp xin phép trở về quê. Khi chia tay, thầy nhắc nhở anh về nhiệm vụ người thanh niên, trách nhiệm của một người dân mất nước.

Anh Giáp còn có dịp gặp lại thầy Võ Liêm Sơn khi anh trở lại Huế làm việc tại Quan hải tùng thư và trong kháng chiến chống Pháp khi ấy ông Võ Liêm Sơn là Chủ tịch Mặt trận Liên Việt Liên khu 4, ra Việt Bắc họp. Ông Võ Liêm Sơn được Hồ Chủ tịch tiếp và tặng bài thơ:

Tặng Võ Công
Thiên lý công tầm ngã
Bách cảm nhất ngôn trung
Sự dân nguyện tận hiếu
Sự quốc nguyện tận trung
Công lai ngã hân hỉ
Công khứ ngã tư công
Tặng công chỉ nhất cú
Kháng chiến tất thành công.


Dịch:

Ngàn dặm cụ tìm đến
Một lời trăm cảm thông
Thờ dân trọn đạo hiếu
Thờ nước vẹn lòng trung
Cụ đến tôi mừng rỡ
Cụ đi tôi nhớ nhung
Một câu xin tặng cụ
Kháng chiến ắt thành công.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 19 Tháng Mười, 2008, 06:11:10 pm
Khước từ hôn nhân

Vạn bất đắc dĩ anh Giáp phải trở về quê. Một cánh chim đang muốn tung trời mà bay nay lại phải quay về nơi tổ cũ. Đầu óc đã mở mang, tầm mắt đã nhìn rộng, quen giao lưu với bạn bè, quen thông tin sách báo, nay lại phải về nơi nước đọng.


Anh tự đặt một chương trình học tập rất nghiêm. Anh liên lạc để tự học theo Ecole universelle (Trường giáo dục phổ cập) bên Pháp. Anh nhận được tài liệu rất đềi và trả bài rất đều. Số sách mang được về quê quá ít ỏi. Mấy cuốn Pháp văn còn sót, anh đọc đi đọc lại, thuộc lòng từ đầu chí cuối cuốn kịch thơ Andromaque của Racine, Le Cid của Corneille. Anh tập làm văn theo cuốn Stylitstique (Tu từ học).


Anh Giáp cho em là Võ Thuần Nho và bạn là Đào Viết Doãn đọc các tài liệu của cụ Phan Bội Châu và thầy Võ Liêm Sơn. Nho và Doãn rủ nhau ra vườn sau, trèo lên cây cao để đọc. Anh Giáp tuyên truyền cho Nho, Doãn, Huy, Đẩu, Tào, Nhĩ. Ở An Xá hình thành một nhóm thanh niên yêu nước, sau này nhiều người trở thành đảng viên Đảng Cộng sản và là nòng cốt trong Tổng khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp.


Dạo ấy, có một vấn đề khó xử trong gia đình là việc hôn nhân. Ông cụ muốn anh Giáp lấy vợ. Trong làng có cô Bá (vợ ông Bá hộ) đánh tiếng có con gái sẵn sàng gả. Anh Giáp biết rõ gia đình này: Giàu nhất làng, nhà ngang dãy dọc, sang trọng kiểu phú ông. Con trai lớn ông Bá trạc tuổi anh Giáp tên là Đính được gọi là Giám Đính (Chức giám sinh mua). Hai cô em vừa tuổi lấy chồng, một cô ngày trước cùng tiểu học với anh Giáp trên trường Tổng ở Tuy Lộc đến lớp tư, cô em định gả cho anh Giáp mới lớn, vì nhiều lẽ, anh Giáp không thể ưng. Mẹ cô cho biết, nếu thành hôn được, sẽ cho ruộng, cho nhà.


Ông cụ muốn anh Giáp phải nhận lời. Ý kiến bà mẹ thì khác: “Tuỳ con. Ưng thì lấy, không ưng thì thôi, không ép”.

Anh Giáp rất biết ơn bà. Quan điểm của bà thật tiến bộ. Do bà thương con hay do ảnh hưởng từ thời ông ngoại? Các chị (chị Điểm, chị Liên), chú Nho đều cùng chung quan điểm với mẹ.

Việc hôn nhân của chị cả (chị Điểm) cũng vậy. Trong làng có anh Hương Huệ đến dạm hỏi chị cả. Chị không ưng. Một hôm Hương Huệ mang chè, gạo nếp đến. Chị Điềm hỏi lạnh tanh: “Anh đến có việc gì?”. Rồi chị đem trả lại tất. Tuy vậy Hương Huệ vẫn kiên trì, thường xuyên đến nhà xin ở rể. Ý kiến bà mẹ: “Tuỳ ý chị, không gán ép”. Chị Điểm kiên quyết từ chối. Sau này chị Điểm lấy người chị yêu (trong kháng chiến chống Pháp làm tỉnh đội trưởng).


Một việc đập vào mắt người thanh niên đã giác ngộ chính trị là vấn đề ruộng đất ở quê nhà. Anh Giáp và nhóm thanh niên tiến bộ trong làng bàn với nhau phải tìm cách chống lại bọn lý hương, bọn cho vay nợ lãi, đòi chia lại ruộng đất cho công bằng, đòi lại ruộng bị gán nợ, bị mua đắt bán rẻ.


Nhóm thanh niên này chủ trương lập hội kín. Họ rủ nhau lên thượng nguồn sông Kiến Giang, hôm ấy đi tảo mộ, mấy anh em đến chân núi An Mã họp, tuyên thệ lập hội kín để đánh Tây. Mục đích tôn chỉ là gì? Cương lĩnh điều lệ ra sao? Không biết, chỉ biết là cùng chí hướng, hăng hái, thế thôi. Hôm sau, anh Giáp đang ươm cải ngoài vườn bỗng thấy mẹ đến gần. Bà hỏi khẽ: “Con làm hội kín phải không?”. Anh Giáp trả lời: “Có”. Bà mẹ nói tiếp: “Vào hội kín đánh Tây thì được, nhưng đừng để nó bắt”.


Mùa lụt năm 1928. Lụt ở An Xá, nhìn về phía Tây, nước đến chân núi, nhìn về phía Đông nước đến vùng cát. Anh Giáp cùng chú Nho đi nơm cá với bà con trong làng. Có lần anh Giáp nơm được con cá dô (cá quả) rất to. Cũng có khi hai anh em ra vườn sau chặt chuối làm bè, đi đâm chuột trên ngọn cây đêm về chén.


Một hôm có đò ai vào tận cổng. Chú Nho nhìn ra thấy một thanh niên mặc y phục kiểu hướng đạo sinh mũ rộng vành, áo ngắn tay, quần soóc, dáng cao gầy mảnh khảnh, nước da đen sạm, chân tay rắn chắc kiểu người năng tập thể dục, thể thao. Người ấy nhanh nhẹn đi vào nhà: Đó là anh Nguyễn Chí Diểu. Anh đáp xe lửa từ Huế ra ga Mỹ Trạch rồi xuống đò về An Xá. Hai người bạn thân gặp lại nhau, vui mừng khôn xiết. Anh Diểu mới ở Nam Kỳ ra. Xa nhau mới một năm rưỡi mà anh Diểu có vẻ “già” hẳn đi.


Nghe anh Giáp giới thiệu là bạn học cũ trường Quốc học, ông cụ vui mừng lắm. Sau một hồi thăm hỏi, hàn huyên, anh Giáp mời anh Diểu ra cánh đồng vắng sau làng. Hai anh em leo lên cây mưng, một cây cao để nói chuyện.


Anh Diểu rút ra một tập tài liệu bí mật trao cho anh Giáp đọc. Đó là bài nói của đồng chí Nguyễn Ái Quốc tại cuộc họp của Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới, ở Bruxelles, và một văn bản về một cuộc họp khác ở Quảng Châu, có bài nói chuyện của Nguyễn Ái Quốc. Anh Giáp rất xúc động, anh nhớ lại hình ảnh đồng chí Nguyễn Ái Quốc đội mũ phớt trên một tờ báo bí mật mà anh Diểu và các bạn đã truyền cho nhau xem, khi còn trên ghế trường Quốc học huế. Anh Diểu đã bắt liên lạc được với tổ chức cách mạng. Anh nói chuyện hoạt động của bạn bè. Nguyễn Hoàng đã đi vào Sài Gòn làm thư ký Sở Ba Sơn kiếm tiền nuôi cả nhóm. Bản thân anh Diểu đã tham gia tổ chức bí mật Tân Việt cách mệnh đảng. Anh Diểu nói:

-Giáp này, muốn làm cách mạng thì phải có tổ chức. Có tổ chức cách mạng mới gây dựng được phong trào cách mạng. Ở Huế hiện nay có đảng Tân Việt, chương trình, điều lệ thế này… thế này…

Anh Giáp hoàn toàn tin tưởng người bạn lớn. Nguyễn Chí Diểu thay mặt cho tổ chức kết nạp Võ Nguyên Giáp vào đảng Tân Việt (lúc đó, Nguyễn Chí Diểu đã là uỷ viên Kỳ bộ Trung Kỳ của Tân Việt).

Anh Diểu ở lại chơi mấy ngày rồi tạm biệt. Anh Giáp hẹn sẽ nhanh chóng thu xếp để vào Huế hoạt động cách mạng.

Thoát ly gia đình! Hoạt động cách mạng! Tâm hồn anh Giáp như có gió lộng. Anh trèo lên cây mưng sau nhà trên đường đi ra “bộng”, ngắt một lá non ăn sống, nhấm nháp vị cay cay chát chát của nó. Trên cành cây, anh đọc đi đọc lại nhiều lần tập tài liệu bí mật. Lần đầu tiên anh được đọc một tập tài liệu giải thích rõ ràng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa quốc tế.


Anh xin phép ông thân vào Huế để tiếp tục học và kiếm việc làm. Ông cụ bằng lòng với điều kiện là anh nhận làm rể nhà ông Bá.

Anh Giáp kéo chú Nho ra vườn sau, nói:

-Tao phải ra đi. Thầy bảo tao lấy vợ. Tao phải lập kế thế này… thế này…

Anh Giáp đóng khăn xếp, mặc áo dài đen, quần vải trắng, chân đi quốc đến nhà ông Bá. Cô Bá tiếp đãi nồng nhiệt, đem cả chục trứng gà và cho tiền để anh Giáp đi Huế.

Anh Giáp nói:

-Cảm ơn, tôi không dám nhận.

Cô Bá cười:

-Cậu làm cao! Sau này lại không đòi nhà, đòi ruộng ấy à!

Ông cụ thấy anh Giáp đến thăm ông Bá, đồng ý cho anh đi Huế.

Anh Giáp xuống bếp nói với mẹ:

-Con không kết hôn với con gái cô Bá đâu. Thầy thím đừng thu xếp.

Hôm sau anh Giáp ra đi. Một con đò dọc bốn chèo đưa anh ra ga Mỹ Trạch. Chú Nho, Doãn và Giám Đính đi theo tiễn.

Trong lúc chờ tàu, anh Giáp nói với Giám Đính:

-Tôi rất tôn trọng gia đình anh, nhưng tôi không thể kết hôn với em gái anh được. Tôi và cô ấy không hợp nhau. Nhờ anh về thưa lại với gia đình…

Nói đoạn, anh Giáp đáp xe lửa vào Huế.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 20 Tháng Mười, 2008, 07:42:15 am
Chương III
Bước vào đời


Làm việc tại Quan hải tùng thư

Mùa thu năm 1928, anh Giáp trở lại Huế. Anh bước vào đời, cuộc đời của một chiến sĩ cách mạng.

Anh Diểu giới thiệu anh Giáp đến làm việc tại Quan hải tùng thư. Anh giữ chân thư ký ngồi ở quầy hàng bán sách, thực tế là tham gia sinh hoạt ở một tiểu tổ bí mật của Tân Việt.


Quan hải tùng thư là một nhà xuất bản do Tổng bộ Tân Việt chủ trương, trụ sở đặt ở phố Đông Ba, trên bờ sông Đông Ba. Sáng lập viên là anh Đào Duy Anh, cộng tac viên chủ yếu là các anh Phan Đăng Lưu, Ngô Đức Diễn…

Quan hải tùng thư cũng là trụ sở bí mật của Tổng bộ đảng Tân Việt.


Vào thời ấy, trong trào lưu yêu nước trên đất nước ta, xuất hiện nhiều nhà xuất bản có xu hướng tiến bộ: Ở Hà Nội có Nam Đồng thư xã; Sài Gòn có Cường học thư xã; Duy Tân thư xã xuất bản các tác phẩm của cụ Phan Bội Châu; Giác quần thư xã xuất bản di cảo của cụ Phan Chu Trinh.


Nét đặc trưng của Quan hải tùng thư là giữa kinh đô Huế, nơi mà thực dân Pháp và triều đình Huế ra hết nghị quyết này tới đạo dụ khác để nghiêm cấm lưu hành các sách báo yêu nước và dân chủ, nơi mà bầu không khí chính trị nghẹt thở hơn ở Sài Gòn và Đà Nẵng là thuộc địa và nhượng địa đặt dưới chế độ luật pháp của nước Pháp, thì Quan hải tùng thư là nhà xuất bản đầu tiên và duy nhất ở huế lợi dụng khả năng hợp pháp để công khai cho ra mắt bạn đọc tập sách có xu hướng tiến bộ.


Với ý định truyền bá tri thức khoa học xã hội và tư tưởng mới, Đào Duy Anh đã biên soạn, phiên dịch, xuất bản một loạt sách như: Lịch sử các học thuyết kinh tế (quyển thượng), Lịch sử nhân loại, Phụ nữ vận động, Tôn giáo là gì?, Xã hội là gì?, Dân tộc là gì?. Phan Đăng Lưu dịch tập Xã hội luận và Lịch sử các học thuyết kinh tế (quyển hạ). Võ Liêm Sơn dịch hai tập Đông Tây văn hoá phê bình và viết tập Hài văn. Trần Đình Nam, một trí thức yêu nước ở Huế viết tập Trí khôn. Trần Mạnh Nhẫn, một trí thức yêu nước ở Sài Gòn viết tập Thế giới cường quốc chính thể. Đào Duy Anh đặt cái tên Quan hải tùng thư là lấy ở câu “Quan hải nan vi thuỷ” của Mạnh Tử (xem biển thì biết rằng làm ra nước là khó) ý nói rằng biển học thức thì mênh mông vô tận mà ông chỉ là một con chim tinh vệ bé nhỏ (ông lấy biệt hiệu là Vệ Thạch) nguyện cắp từng hòn sỏi góp phần vào việc lấp biển học mênh mông bát ngát.


Ngôi nhà của Quan hải tùng thư có hai tầng. Tầng dưới phía trước mở cửa hiệu bán sách, phía sau có cửa thông ra bờ kênh Đông Ba đề phòng khi bất trắc. Sinh hoạt của tiểu tổ đảng Tân Việt ở tầng trên. Tiểu tổ này do Đào Duy Anh làm tổ trưởng có: Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Diểu và Trần Thị Như Mân.


Anh Đào Duy Anh là thầy học cũ của anh Giáp ở trường tiểu học Đồng Hới, Quảng Bình. Gặp lại nhau, tình thầy trò quện với tình đồng chí. Anh Đào Duy Anh lớn hơn anh Giáp 7 tuổi. Nhiều đêm, hai thầy trò, hai anh em thức nói chuyện đến tận khuya. Phố Đông Ba ban đêm có người bán chẻ rong. Tiếng rao lanh lảnh: “Chè hạt sen, chè đậu xanh… khôông?”. Có đủ loại chè, kể cả chè thịt quay. Một hôm, anh Đào Duy Anh gọi vào, mỗi người ăn một bát, trả một hào.


“Lúc ấy mình thấy một hào đã to lắm”. Sau này anh Giáp nói với tôi như vậy. Lương tháng của anh ở Quan hải từng thư được 8 đồng. Nhớ lại cái ngày ở làng quê Quảng Bình mới vào Huế để đi học, anh phải trả tiền ăn hàng tháng từ 2 đồng đến 2 đồng rưỡi. Anh Giáp chi tiêu rất dè sẻn, tằn tiện.


Anh Đào Duy Anh năm ấy 24 tuổi, cũng là một người thuộc lớp thanh niên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của cụ Phan Bội Châu. Nếu không có cuộc gặp gỡ với cụ Phan tại thị xã Đồng Hới một buổi trưa mùa đông năm 1925, thì có lẽ anh đã sống mòn, chôn vùi tuổi thanh xuân trong bầu không khí uể oải của một nhóm công chức và quan lại thuộc bốn, năm cơ quan của chính quyền thực dân và hai dinh Bố chánh và Án sát của triều đình Huế tại cái tỉnh lỵ Quảng Bình nhỏ bé và hẻo lánh ấy. Cụ Phan xuất hiện đã thức tỉnh anh. Tiếp đến lễ tang cụ Phan Chu Trinh rồi cuộc bãi khoá càng thôi thúc lòng anh muốn ra đi, thoát khỏi chốn ao tù, tìm nơi trời cao biển rộng. Kết thúc năm học, anh đệ đơn từ chức giáo học, không chờ giấy trả lời của Sở Học chính Trung Kỳ, anh từ giã bạn bè và học trò lên đường vào Đã Nẵng hay Sài Gòn để làm báo. Qua Huế, anh đến bái yết cụ Phan Bội Châu, lĩnh hội ý kiến của cụ. Cụ Phan khuyến khích cổ vũ anh, kể với anh rằng cụ đã từng viết báo ở Trung Quốc để tuyên truyền cho cách mạng Việt Nam. Nguyện vọng làm báo của anh được thực hiện khi anh gặp cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Đà Nẵng và được cụ giao cho trách nhiệm giúp cụ thành lập tờ báo Tiếng Dân ở Huế.


Sau một thời gia cùng sinh hoạt tiểu tổ và phân công công tác đoàn thể cho anh Giáp, anh Đào Duy Anh uỷ thác cho anh Giáp hai nhiệm vụ quan trọng:

Một là với tư cách Tổng Bí thư đảng Tân Việt (Anh Đào Duy Anh được bầu làm Tổng Bí thư đảng Tân Việt trong Đại hội ngày 14-7-1928 họp tại một khách sạn ở phố Hàng Bè, Đại hội sửa đổi Chương trình, Điều lệ, quyết định đổi tên đảng trước đó là Hưng Nam thành Tân Việt cách mệnh đảng và dời Tổng bộ từ Vinh vào Huế), anh đã trao đổi ý kiến trong Ban Thường vụ Tổng bộ (Khi ấy gồm 3 người: Đào Duy Anh, Phan Đăng Lưu, Ngô Đức Diễn) và một hôm, anh tuyên bố với Võ Nguyên Giáp: “Các anh quyết định giao cho anh Giáp nhiệm vụ làm uỷ viên Trung ương dự bị, phụ trách tuyên hấn và giao thông liên lạc”.

Hai là với tư cách Tổng biên tập báo Tiếng Dân, anh Đào Duy Anh giới thiệu anh Giáp với cụ Huỳnh Thúc Kháng và được cụ đồng ý nhận anh Giáp làm biên tập viên báo Tiếng Dân.

Hai việc này có tác dụng thúc đẩy quá trình trưởng thành nhanh chóng về chính trị của anh thanh niên Võ Nguyên Giáp.

Báo Tiếng Dân là tờ báo có xu hướng tiến bộ, do một cựu chính trị phạm là cụ Huỳnh Thúc Kháng chủ trương, ra mắt độc giả từ tháng 7 năm 1927.


Huỳnh Thúc Kháng là một trí thức yêu nước có tiếng ở Quảng Nam. Nhà nghèo, học gioi, đậu tiến sĩ lúc ngoài hai mươi tuổi, ông không ra làm quan, ở nhà đọc Tân thư của các học giả tiến bộ Trung Quốc và giao thiệp với các chí sĩ Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp. Là lãnh tụ phong trào Duy Tân ở tỉnh nhà, ông bị bắt giữa lúc phong trào Duy Tân ở tỉnh nhà, ông bị bắt giữa lúc phong trào chống thuế diễn ra quyết liệt (1908). Trần Quý Cáp bị tử hình, Phan Chu Trinh bị đày đi Côn Đảo và sau đó bị đưa đi an trí ở Paris, Huỳnh Thúc Kháng bị đày ở Côn Đảo 13 năm liền từ 1908 đến 1921. Năm 1922 ông được phóng thích cùng với các chí sĩ Lê Văn huân, Ngô Đức kế, Nguyễn Đình Kiên, Đạng Nguyên Cẩn…


Năm 1925, thi hành một chính sách mị dân, chính quyền thực dân bãi bỏ hình thức “Hội đồng tư vấn” đã mất tác dụng, cho ra đời “Viện dân biểu” ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ, cùng lúc đó, họ cho thành lập đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu ở Sài Gòn để hô hào “Pháp Việt đề huề”.


Huỳnh Thúc Kháng cùng một số chính trị phạm ra ứng cử dân biểu Trung Kỳ. Khác hẳn Viện dân biểu Bắc Kỳ nơi mà thành phần tư sản mại bản, địa chủ, tay sai của chính quyền thực dân chiếm đa số, ở Viện dân biểu Trung Kỳ, các phần tử yêu nước giành thắng lợi lớn trong cuộc vận động bầu cử. Họ bầu Huỳnh Thúc Kháng làm Viện trưởng. Được các cựu chính trị phạm và trí thức yêu nước ủng hộ, cụ Huỳnh nhận đứng ra lập một tờ báo để làm cơ quan ngôn luận bênh vực quyền lợi của dân và hỗ trợ cho hoạt động của Viện dân biểu.


Báo Tiếng Dân với cái tên đầy ý nghĩa đó ra đời. Báo sống được 16 năm (từ 1927 đến 1943) thì bị đóng cửa. Mười sáu năm “Thét Tiếng Dân giữa Kinh thành Huế” (Trường Chinh).


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 20 Tháng Mười, 2008, 07:42:50 am
Cùng “Thét Tiếng Dân giữa Kinh thành Huế”

Nếu mối duyên nợ của anh Giáp với báo chí bắt đầu từ bài báo đầu tiên viết năm 16 tuổi khi còn là học sinh Quốc học, thì thời gian làm báo Tiếng Dân là giai đoạn học nghề làm báo. Anh phải đọc rất nhiều sách báo các loại để tìm hiểu những vấn đề đang sôi nổi dư luận lúc bấy giờ, anh phải tìm hiểu những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và thế giới. Anh làm quen với mọi thể loại: Tin tức, thời sự, bình luận, điều tra, phóng sự… Anh viết rất nhiều bài dưới nhiều bút danh: Vân Đình, Hải Than (phân biệt với Hải Thanh viết trên báo Nhành Lúa thời kỳ 1936-1939 là bút danh của Nguyễn Hoàng, bạn học bãi khoá ở Quốc học. Đây là trùng tên).

Anh được phân công viết mục Thế giới thời đàm đưa tin và bình luận tình hình thế giới. Khi ấy anh đã rất chú ý đến tình hình chiến tranh du kích ở Trung Quốc.

“Lúc đó mình tưởng Chu-Mao là một người”. Sau này anh Giáp nói với tôi như vậy.

Anh đưa tin về các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của thợ thuyền như cuộc đình công của thợ nhà máy sợi Nam Định (23-11-1928), cuộc đình công của một bộ phận cu li xe kéo ở Hà Nội (6-1-1929), cuộc bãi công của công nhân xe lửa Trường Thi  (16 đến 23-5-1929).


Anh Giáp rất chú ý đến vấn đề nông thông, anh viết một số bài về đời sống khổ cực của nông dân: Sưu cao, thuế nặng, địa tô, cho vay nặng lãi, mua đắt bán rẻ, cướp đoạt ruộng đất… những vấn đề mà anh đã quan sát ở quê hương An Xá.


Anh ham đi vào nghiên cứu các vấn đề kinh tế. Nhân đọc cuốn Annuaire statistique (Niên giám thống kê), anh lấy tư liệu về các công ty tư bản ở Đông Dương có vốn trên một triệu đồng (tất cả 29 công ty) viết một bài tố cáo sự bóc lột của tư bản thực dân đối với nhân dân lao động và sự chèn ép của chúng đối với tư sản dân tộc Việt Nam. Bài đăng hai cột báo trang nhất. Cái lối khai thác tài liệu “lấy gậy ông đập lưng ông” này anh Giáp học theo cách làm của Nguyễn Ái Quốc trên tờ báo Le Paria và trong cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp. Tất nhiên các nhà cầm quyền thực dân không thể chịu nổi. Bài báo bị kiểm duyệt xoá sạch. Theo quy chế quản lý báo chí của chính quyền thực dân, báo in xong morát phải đưa sang Sở mật thám để kiểm duyệt. Leon Sogny, Chánh mật thám Trung Kỳ gạch xoá gần hết bài báo của anh Giáp với cây bút chì xanh của hắn. Lúc ấy các nhà báo gọi cơ quan kiểm duyệt là crayon bleu (bút chì xanh). Đưa về sửa bài không kịp, anh Giáp thưa với cụ Huỳnh Thúc Kháng. Cụ nói: “Cứ để cột trống”.


Làm việc với cụ Huỳnh Thúc Kháng, anh Giáp nhận thấy cụ là một nhà nho cương trực, có khí tiết đại trượng phu, không khuất phục trước uy vũ, không màng giàu sang phú quý, không sờn lòng trước gian khổ hiểm nguy. Tính cụ hơi “xẵng” do thẳng thắn và quyết đoán. Cụ Huỳnh Thúc Kháng không làm thơ văn như cụ Phan Bội Châu nhưng nhiệt tình yêu nước thì chan chứa, trí dũng thì có thừa. Cụ Huỳnh có trí nhớ đặc biệt, đọc đến đâu nhớ đến đấy. Mọi người đều biết tiếng cụ, khi bị đầy ra Côn Đảo đã tự học Pháp văn bằng từ điển và thuộc lòng cả tờ Gazette. Về quan niệm chính trị, cụ Huỳnh vẫn theo chủ trương ôn hoà của cụ Phan Chu Trinh. Cụ không theo tư tưởng cộng sản, tuy vậy cũ vẫn để cho “cậu Giáp bônsêvích” (cụ gọi anh Giáp như vậy) viết những bài dưới dạng phổ thông tuyên truyền giới thiệu chủ nghĩa Marx trên mặt báo Tiếng Dân.


Sau Cách mạng tháng Tám 1945, anh Giáp còn được làm việc với cụ Huỳnh khi cụ giữ chức quyền Chủ tịch Chính phủ Liên hiệp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thay Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc đó Cụ Hồ đi sang Pháp đàm phán). “Dĩ bất biến ứng vạn biến”, mọi người đều biết câu nói nổi tiếng của Cụ hồ dặn cụ Huỳnh lúc ra đi.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 20 Tháng Mười, 2008, 07:43:40 am
Sinh hoạt Đảng Tân Việt

Trong buổi làm việc với Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng của Tỉnh uỷ Bình-Trị-Thiên ngày 4-11-1985, anh Giáp nói: “Tôi tham gia hoạt động trong tổ chức Tân Việt tại Huế vì theo tôi Tân Việt có xu hướng xã hội chủ nghĩa rõ rệt: Làm cách mạng quốc gia và cách mạng thế giới. Tổ chức này đã qua một quá trình từ các hội Phục Việt, Hưng Nam mà tiến lên”.


Phục Việt, đó là cái tên mà các chí sĩ nho học người Nghệ-Tĩnh bị đày ra Côn Đảo trong cuộc đàn áp phong trào Duy Tân năm 1908 dự kiến đặt cho tổ chức cách mạng mà họ hẹn nhau thành lập khi họ được phóng thích trở về đất liền. Mùa hè năm 1925, Phục Việt tổ chức hội nghị tại Vinh gồm nhóm thanh niên trí thức đứng đầu là Trần Mộng Bạch (giáo viên), nhóm các chính trị phạm Côn Đảo: Cụ Giải Huân (Lê Văn Huân), cụ Tú Kiên (Nguyễn Đình Kiên) và nhóm trí thức ở Hà Nội đứng đầu là Tôn Quang Phiệt, Hội nghị cử Trần Mộng Bạch làm Tổng đại biểu và Tôn Quang Phiệt phụ trách chi hội Bắc Kỳ.


Trong phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu, chi hội Bắc Kỳ phát truyền đơn ký tên Hội Phục Việt. Tổng bộ ở Vinh cho là tên hội đã bị lộ, bèn đổi thành Hưng Nam.


Ngày 14-7-1928, Hưng Nam tổ chức Đại hội và một lần nữa đổi tên là Tân Việt cách mệnh đảng. Đào Duy Anh được cử làm Tổng Bí thư.


Anh Giáp tham gia sinh hoạt đảng Tân Việt rất hăng hái, chỉ một thời gian ngắn có ý kiến cho di du học rồi được cử vào Tổng bộ, là uỷ viên Trung ương dự khuyết phụ trách tuyên huấn và giao thông. Tổng bộ Tân Việt lúc đó gồm có: Đào Duy Anh, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu, Ngô Đức Diễn, Đặng Thai Mai và Võ Nguyên Giáp. Lúc đó anh Giáp 18 tuổi, là uỷ viên trẻ nhất của Tổng bộ.


Tổng bộ có một số sách như ABC về chủ nghĩa cộng sản (ABC du communisme), sách của Lênin, Stalin, Plêkhanốp, đều là sách cộng sản. Anh Giáp giữ số sách đó và tài liệu tuyên huấn do anh viết cũng dựa theo sách báo cộng sản.


Anh được phân công vận động thanh niên học sinh. Anh liên lạc với anh Trần Hữu Duẩn, giáo viên trường Chaigneau (nhà ở Bến Ngự) cũng là người quan trọng, nắm giữ các tổ chức học sinh ở Quốc học, Đồng Khánh và các trường khác ở Huế.


Anh Giáp cũng được phân công cùng với chị Trần Thị Như Mân làm công tác vận động phụ nữ. Lúc đó, Phụ nữ đoàn của Tân Việt mở một cửa hàng lấy tên là Vân Hoà bán văn hoá phẩm và các sản phẩm nữ công do chị em làm ra, do hai chị Hoàng Thị Hải Đường và Đỗ Thị Trâm phụ trách, vừa là cơ quan kinh tế, vừa là nơi liên lạc bí mật của đảng Tân Việt. Anh Giáp phụ trách một tổ nữ đảng viên Tân Việt gồm các chị: Hải Đường, Trâm và Khảm (giáo viên ở An Hoà). Nhiều lần anh cùng với các bạn đi xe đạp dọc con đường có nhiều cây ngô đồng bên chợ Cống để tới địa điểm sinh hoạt tổ.


Anh Giáp cũng được phân công vận động nông dân. Địa bàn anh phụ trách là khu vực Truồi, các đảng viên là Lê Bá Dị, Lê Đoan Phượng (giáo viên trường Truồi).


Lúc đó Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (gọi tắt là Thanh niên) cũng tiến hành phát triển hội ở Huế. Có những đối tượng mà cả Tân Việt và Thanh niên đều vận động như học sinh trường Bách Nghệ…


Nói về quan hệ giữa Tân Việt và Thanh niên, thì khi anh Giáp tham gia Tổng bộ, có dự mấy cuộc họp bàn về thống nhất Tân Việt-Thanh niên, nhưng lúc nào cũng có khó khăn này, khó khăn khác. Tài liệu huấn luyện và văn kiện gần giống nhau nhưng địa bàn và quần chúng thì quá nhiều thành phần lẫn lộn, từ đó nẩy sinh mâu thuẫn, ví như ở Huế, đại diện Thanh niên là Vương Thúc Oánh (con rể cụ Phan Bội Châu), đặt điều kiện rất cao, chỉ chọn một số đảng viên, trong khi Tân Việt muốn thống nhất tất cả.


Tổng bộ Tân Việt cử Phan Đăng Lưu đi Quảng Châu để bàn về vấn đề hợp nhất với Tổng bộ Thanh niên. Phan Đăng Lưu được điều động từ Vinh vào Huế để chuẩn bị cho Đại hội đảng Tân Việt. Anh cũng là biên tập viên chính của nhà xuất bản Quan hải tùng thư. Có trình độ Hán học, anh đã dịch tập Xã hội luận giới thiệu tiến hoá luận của Darwin và Lịch sử các học thuyết kinh tế (quyển hạ) giới thiệu học thuyết kinh tế của Marx.


Trong Đại hội đảng Tân Việt họp tháng 7 năm 1928, anh được bầu vào Tổng bộ và được phân công phụ trách công tác tuyên huấn.


Anh Giáp đã từng làm việc với anh Phan Đăng Lưu. Anh Lưu đã hướng dẫn cho anh Giáp viết tài liệu huấn luyện về chủ nghĩa Marx, về lịch sử phong trào công nhân và phụ nữ thế giới.


Mùa đông năm 1928, sau khi Phan Đăng Lưu đi công tác sang Trung Quốc thì công việc tuyên huấn của đảng Tân Việt được giao cho anh Giáp. Anh Phan Đăng Lưu đi Quảng Châu về phản ánh tình hình hợp nhất có khó khăn. Tổng bộ lại cử anh Ngô Đức Diễn đi Thái Lan, khi trở về, anh Diễn bị bắt.


Lúc này, anh Đào Duy Anh có thảo ra một “chương trình thực hiện” nội dung biến Tân Việt thành “khối liên hiệp quốc dân”, thường nói với nhau bằng tiếng Pháp là Bloc national. Anh Đào Duy Anh đọc trên Cahier du communisme (Tạp chí Cộng sản) của Đảng Cộng sản Pháp có bài về chính sách quốc gia của Đảng (La politique nationale du Parti) anh dựa vào đấy để thảo ra chủ trương Bloc national.


Ý kiến này gây ra tranh luận trong Tổng bộ Tân Việt. Thấy Bloc national chưa thích hợp, cũng có bàn qua bàn lại, hội nghị Tổng bộ không tán thành nhưng cũng không đấu tranh, bàn không thành thì cũng thôi. Lúc này anh Giáp phụ trách tuyên huấn, cũng không phổ biến chủ trương này.


Tiếp đó, Võ Nguyên Giáp cùng với Nguyễn Chí Diểu và Đặng Thai Mai lập ra nhóm hạt nhân cộng sản, ban đầu lấy tên là Việt Nam Cộng sản Liên đoàn. Các anh giao cho anh Giáp thảo Điều lệ Cộng sản Liên đoàn. Anh Giáp dựa vào Điều lệ Quốc tế Cộng sản để soạn thảo. Anh viết vằng mực đỏ, viết đến đầu cất kỹ đến đấy.


Như vậy trong Tổng bộ Tân Việt xảy ra một sự chia tách (thường nói với nhau bằng tiếng Pháp là scission) giữa xu hướng Bloc National (Khối Liên hiệp quốc dân) và xu thế chuyển sang cộng sản.

Tuy nhiên sau này, trong hồi ký để lại trước khi mất, anh Đào Duy Anh có viết: Lúc bấy giờ anh cũng đã suy nghĩ nên lập một nhóm cộng sản.


Từ tháng ba đến mùa hè năm 1929, với trách nhiệm là uỷ viên Trung ương dự khuyết phụ trách tuyên huấn và giao thông, anh Giáp được Tổng bộ trao nhiệm vụ ra Vinh, ra Hà Nội và sau đó vào Sài Gòn để phổ biến đường lối “Khối Liên hiệp quốc dân”. Nhóm hạt nhân cộng sản chủ trương trong quá trình phổ biến đường lối này sẽ tranh thủ vận động các Kỳ bộ Tân Việt chuyển sang hàng ngũ cộng sản.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 20 Tháng Mười, 2008, 07:44:21 am
Lần đầu ra Bắc

Trong mật danh của Tân Việt, Bắc Kỳ được gọi là Nhân Kỳ. Để tránh sự chú ý của mật thám, anh Giáp đóng vai một công tử con nhà giàu, mặc com-lê, thắt cra-vát, đội mũ phớt, đi vé xe lửa hạng nhì sang trọng. Chiếc vali mang theo chất đầy quần áo và nhiều “ram” giấy xen vào đó tài liệu.


Đến Nghệ An, anh tìm bắt liên lạc với Liên tỉnh uỷ Nghệ-Tĩnh của Tân Việt. Để tránh bọn mật thám, anh không xuống ga Vinh mà xuống ga xép Trường Thi, đi bộ xuống Bến Thuỷ rồi thuê xe kéo ngược lên Vinh, đến đường Maréchal Foch (nay là đường Quang Trung) tìm đến cửa hiệu cắt tóc Vĩnh Long vào đưa tín hiệu liên lạc. Lúc đó trong túi cậu “công tử” chỉ còn có 2 hào. Anh được đưa đến một địa điểm bí mật của Liên Tỉnh uỷ tại Cầu Rầm. Anh ở đó mấy ngày, bàn với các đồng chí phụ trách Liên Tỉnh uỷ. Nội dung: “Bây giờ Tổng bộ có chủ trương thành lập nhóm hạt nhân cộng sản tiến tới cải tổ Tân Việt thành Đảng Cộng sản. Ý kiến các anh như thế nào?”. Sau khi thảo luận, Liên Tỉnh uỷ ủng hộ phương án chuyển Tân Việt thành tổ chức Cộng sản.


Rời cơ quan Liên Tỉnh uỷ ở Cầu Rầm, anh Giáp có ấn tượng về một cơ quan năng động nhưng bề bộn và đi lại hơi lộ liễu. Anh Giáp đi gặp một người bạn quen là Nguyễn Đình Đoàn con cụ Nguyễn Đình Kiên (tức Tú Kiên, cựu chính trị phạm) lúc đó đang dạy học ở Vinh, cũng là một đảng viên Tân Việt. Nghe nói chuyện, anh Đoàn đồng tình ngay với Liên Tỉnh uỷ.


Xong công việc ở Vinh, anh Giáp lên đường ra Hà Nội. Chỗ liên lạc là anh Tôn Quang Phiệt. Anh Giáp tìm đến trường Đại học Đông Dương ở phố Bobillot (nay là đường Lê Thánh Tông). Anh Phiệt đưa anh Giáp đến giới thiệu với anh Nguyễn Tạo (tức Tạo rỗ) phụ trách Kỳ bộ Nhân Kỳ của Tân Việt. Cơ quan bí mật của Kỳ bộ đóng ở phố Huế, nằm lọt vào giữa khu 24 gian là xóm cô đầu để che mắt mật thám Anh Giáp ở đấy bàn với anh Tạo về công việc Đảng. Anh Tạo đồng ý chuyển sang tổ chức cộng sản và đề nghị lấy tên là Tân Việt cộng sản đảng.


Anh Nguyễn Tạo biết anh Giáp lần đầu tiên ra Hà Nội, bèn đưa đi thăm phong cảnh: Núi Nùng, sông Nhị, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm… Lần đầu tiên anh Giáp đi tàu điện. Sau này anh Giáp còn giữ mãi ấn tượng về những tàu điện trông giống như những cái thùng cổ lỗ, chạy chậm chạp, kêu leng keng, rít lên ken két trên đường ray sắt mà sau này nhiều năm sau ngày giải phóng, Hà Nội vẫn còn giữ lại giống y như xưa, tuy có sơm phết lại đôi chút.


Một ấn tượng nữa là phòng bên ở cơ quan Kỳ bộ là nhà cô đầu. Nghe tiếng hát ả đào và tiếng trống tom chát, anh thanh niên bắc một cái ghế đứng lên, lấy một cái gương soi phản chiếu nhìn sang.


Anh Giáp quen với anh Tạo từ ngày đó, sau này còn nhiều dịp làm việc với anh Tạo, nhất là sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Mọi việc của anh Giáp ở Kỳ bộ Nhân Kỳ đều xong xuôi, suôn sẻ, duy có một việc mà Liên tỉnh uỷ Nghệ-Tĩnh nhờ vả là không xong: Ấy là chuyện thu xếp cho chị Minh Khai ra Bắc hoạt động cách mạng. Anh Giáp nhớ lại hôm ở cơ quan Liên Tỉnh uỷ Nghệ-Tĩnh, các đồng chí phụ trách có nói chuyện về trường hợp chị Minh Khai, một nữ đảng viên có trình độ, hoạt động rất hăng hái, là uỷ viên Ban Chấp hành một đại tổ, nhưng bị lễ giáo gia đình ràng buộc nên muốn thoát ly gia đình đi hoạt động cách mạng.

Khi anh Giáp đặt vấn đề này với anh Tôn Quang Phiệt thì anh Phiệt không giải quyết được.

Sau này chị Minh Khai được tổ chức cho xuất dương sang Trung Quốc. Chị được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ở Hương Cảng. Chị là người con gái cách mạng Việt Nam đầu tiên sang Liên Xô, là thành viên của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 họp tại Matxcơva tháng 8-1985. Chị kết hôn với anh Lê Hồng Phong. Về nước, chị hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Nam Kỳ. Chị hy sinh với cái án tử hình trong cuộc Nam Kỳ khởi nghĩa.


Lúc đó anh Giáp không biết rằng số phận còn dẫn dắt người con gái ấy sau này sẽ là chị vợ anh khi anh kết hôn với người em gái Nguyễn Thị Quang Thái.


Ở Hà Nội trở về đến Tổng bộ ở Huế, anh Giáp nhận được báo cáo của Liên Tỉnh uỷ Nghệ-Tĩnh: Đã chuyển toàn bộ các tổ chức cơ sở của Tân Việt sang thành lập các chi bộ Cộng sản. Đảng viên trên bốn trăm người.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 20 Tháng Mười, 2008, 07:44:44 am
Chuyến đi đầu tiên đến Sài Gòn

Mật danh trong đảng Tân Việt gọi Nam Kỳ là Dũng Kỳ. Anh Giáp lại đóng vai công tử con nhà giàu, đi vé xe lửa hạng hai. Va li tài liệu để ở cuối toa, còn anh ra ngồi ở đầu toa, chọn chỗ có thể quan sát được hành lý.
Đến ga Truồi có một gã dáng vẻ khả nghi bước lên toa xe lượn đi lượn lại có vẻ dò xét. Hắn chộp lấy chiếc vali. Anh Giáp quát to: “Bỏ xuống! Vali của mày đấy à?” rồi bước đến, thẳng tay tát cho hắn một cái nên thân. Gã bỏ vali chạy biến. Té ra hắn chỉ là một tên ăn cắp.


Tàu đi qua địa phận Quảng Ngãi đến Mộ Đức phải “tăng bo” chuyển qua đi ô tô đến ga Quy Nhơn. Nhà Đoan khám xét thuốc phiện. Anh Giáp nhìn quanh cánh đông xem có đường nào thoát phòng khi bất trắc. Lão Tây Đoan sai lính dùng thanh thuốn bằng sắt thọc vào hành lý của hành khách xem có đồ quốc cấm không. Đến lượt anh Giáp, lão ta đòi mở vali. Tình thế thật nguy hiểm. Nếu nhà Đoan lục ra thì trong đó có tài liệu của Tổng bộ và sách của Nhà xuất bản Xã hội quốc tế (Editions sociales internationales) có in hình búa liềm.

Nhà Đoan hỏi: “Đựng gì trong này?”.

Anh Giáp mở hé: “Giấy”.

Nó sai lính thọc mấy cái, lính Đoan nói: “Đúng là giấy”. Nó chuyển sang khám những người khác. Thoát!
Vào Sài Gòn, anh Giáp tránh không xuống ga chính mà xuống ga Dĩ An (Biên Hoà), thuê xe thổ mộ đi vào thành phố đến khách sạn Lục tỉnh thuê phòng, rồi đi tìm bắt liên lạc với tổ chức ở nhà cụ Tú Kiên.


Bồi phòng lễ phép hỏi: “Ngài có cần đào không?”. Anh Giáp trả lời: “Cảm ơn, đang mắc công chuyện, để sau”. Qua chợ Bến Thành, nhìn lên chiếc đồng hồ lớn ở cổng chợ, đã đến giờ ăn, anh Giáp vào tiệm cơm. Nhà hàng dọn cơm, gạo Nam Kỳ trắng muốt, một khúc cá to, bữa ăn hết hai hào. Anh Giáp chi tiêu dè sẻn, trong túi chỉ vẻn vẹn hai đồng bạc Đông Dương.


Tìm được nhà cụ Tú Kiên (tức Nguyễn Đình Kiên, người Nghệ An, cựu chính trị phạm), cụ Tú cho biết vừa xảy ra vụ án mạng ở nhà số 7 hẻm Barbier. Nguyên Văn Phát uỷ viên Kỳ bộ Nam Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bị giết. Cảnh sát khám xét, vây cơ quan Kỳ bộ Thanh niên bắt Ngô Thiêm, Trần Tường, Nguyễn Văn Công. Nhân vụ này mật thám lại phát hiện ra cơ quan Kỳ bộ Tân Việt. Anh Đào Xuân Mai phụ trách Kỳ bộ Tân Việt Nam Kỳ bị bắt. Anh Nguyễn Duy Trinh cũng bị bắt. Chỉ có anh Hà HuyTập là trốn thoát được.


Chính lúc đó, anh Nguyễn Chí Diểu cũng đang ở Sài Gòn, hoạt động bên cạnh Kỳ bộ Dũng Kỳ. Các anh Nguyễn Khoa Văn, Nguyễn Hoàng đã vào từ trước, Nguyễn Hoàng làm thư ký hãng Ba Son kiếm tiền nuôi cả nhóm ở nhà số 5 Nguyễn Tấn Nghiệm (nay là đường Trần Đình Xu-Quận 1). Tân Việt chủ trương phân tán để tránh tổn thất. Nguyễn Khoa Hiền thông báo cho nhóm ở nhà số 5 Nguyễn Tấn Nghiệm biết. Nguyễn Chí Diểu và Nguyễn Khoa Văn lui ra Nha Trang, Trịnh Xuân An trở lại Huế.


Cụ Tú Kiên nói với anh Giáp: “Phải đi ngay, ở lại rất nguy hiểm. Mọi việc bàn với Lê Phú Thành”. (Lê Phú Thành là con rể cụ Tú Kiên, cũng là người của Kỳ bộ). Anh Giáp đồng ý làm việc với anh Lê Phú Thành. Hai người đi dọc phố như đi dạo chơi vừa đi vừa trao đổi công việc, mắt luôn để ý đề phòng bị theo dõi. Anh Giáp phổ biến với anh Thành chủ trương xây dựng “Khối Liên hiệp quốc dân” và nhấn mạnh việc vận động những đồng chí tích cực nhất của Tân Việt chuyển sang hàng ngũ Đông Dương Cộng sản Liên đoàn”.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 20 Tháng Mười, 2008, 07:45:20 am
Sự cáo chung của Tân Việt

Trở về Huế, anh Giáp được biết là Tổng bộ dự kiến triệu tập Đại hội vào tháng 7-1929. Nhưng Đại hội không họp được vì xảy ra cuộc khủng bố lớn năm 1929 của thực dân Pháp nhằm tiêu diệt các tổ chức cách mạng hồi bấy giờ.


Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt cách mệnh đảng có nhiều người bị bắt. Cụ Giải Huân tự tử trong tù. Cụ Tú Kiên, các anh Trần Mộng Bạch, Phan Kiêm Huy đều bị bắt. Quan hải tùng thư bị khám xét, anh Đào Duy Anh bị bắt và sau đó chị Trần Thị Như Mân, người vợ chưa cưới của Đào Duy Anh cũng bị bắt. Cảnh sát tìm được tài liệu chị giấu dưới gối.


Tuy lãnh đạo Tổng bộ không còn và Đại hội không họp được, nhưng theo đề nghị của Dũng Kỳ, một cuộc họp đại biểu 3 kỳ được triệu tập ở Đò Trai (Hà Tĩnh) ngày 1-1-1930 để chuyển Tân Việt thành tổ chức cộng sản với tên gọi là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.


Anh Giáp được triệu tập đi họp. Địa điểm liên lạc: Chợ Thượng. Ám hiệu: Đèn pin cắm chúc xuống đất. Nhưng anh Giáp không đi được. Bọn mật thám gác công khai xung quanh nhà anh. Chúng không rời anh Giáp nửa bước.


Hội nghị Đò Trai họp trên một con đò trên sông La. Đang họp thì bị địch bao vây, nhiều đại biểu bị bắt.
Hội nghị không kịp cử đại biểu đi dự hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc đại diện Quốc tế Cộng sản triệu tập, họp vào dịp Tết Canh Ngọ (3 tháng 2 năm 1930) tại bán đảo Cửu Long (Hương Cảng).


Tuy nhiên, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, hai mươi ngày sau đó (24-2-1930), Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp nhận yêu cầu hợp nhất của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam mới thành lập.


Anh Giáp nói với các anh Đăng, Sự, Kha, cán bộ ban nghiên cứu lịch sử Đảng của Tỉnh uỷ Bình-Trị-Thiên trong buổi tiếp chuyện chiều ngày 4-11-1985: “Quá trình chuyển sang Đảng Cộng sản là như vậy, có chủ trương, có hội nghị để chuyển sang, chứ không phải như có tài liệu nói là Tân Việt tan rã”.


Trên đây là bước cáo chung, thực chất là một sự lột xác để hoá sinh của Tân Việt cách mệnh đảng, chuyển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Anh Giáp và nhóm hạt nhân cộng sản đầu tiên trong Tân Việt đã góp phần tích cực thúc đẩy quá trình cải tổ ấy.


Anh Giáp tiếp tục làm việc ở báo Tiếng Dân. Anh Đào Duy Anh từ trong tù nhắn ra là không khai báo gì cả. Anh Giáp sinh hoạt trong chi bộ Đảng Cộng sản báo Tiếng Dân do anh Xứng làm Bí thư chi bộ. Anh Lê Viết Lượng vào dạy ở Quốc học, tìm gặp anh Giáp, nói với anh Giáp chuyển đầu mối cho anh. Anh Lượng vào tham gia tỉnh uỷ. Anh Giáp giới thiệu đầu mối ở Truồi: Lê Bá Dị, Đỗ San, Lê Đoan và cơ sở học sinh ở trường Đồng Khánh cho anh Lượng.


Lúc đó, Nguyễn Thị Quang Thái ở Vinh vào, có giấy giới thiệu tìm anh Giáp để tham gia tổ chức cộng sản. Anh Giáp giới thiệu chị Thái với cơ sở học sinh trường Đồng Khánh, lúc đó chi bộ học sinh trường Đồng Khánh hoạt động có ảnh hưởng tốt.


Anh Giáp giữ liên hệ chặt chẽ với anh Trần Hữu Duẩn giáo viên trường Chaigeau đã tham gia cộng sản. Một hôm, anh Duẩn nói với anh Giáp đến gặp anh Sắc tại nhà anh Duẩn (Anh Nguyễn Phong Sắc lúc đó được cử vào phụ trách Kỳ bộ Trung Kỳ của Việt Nam Cộng sản Đảng).


Anh Sắc nói với anh Giáp: “Đồng chí tiếp tục hoạt động trong báo Tiếng Dân, có nhiệm vụ viết bài trên báo tuyên truyền chủ nghĩa Marx, viết cho dễ hiểu hơn”.


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 20 Tháng Mười, 2008, 07:45:58 am
Tình yêu đến

Tình yêu đến với chàng trai trẻ khi người thiếu nữ ấy đột ngột tìm đến. Cô tìm anh để xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng. Cô đến thẳng nhà anh mặc dù tìm đường vào nhà không dễ. Lúc ấy, anh Giáp ở một ngôi nhà khuất nẻo trong thành. Từ cửa Đông Ba đi vào, rẽ trái, ngôi nhà nép sát thành Huế. Trong nhà treo la liệt các bức trướng phúng viếng cụ Phan Chu Trinh. Chúng ta đã nhận ra: Đó là nhà anh Lê Ấm, con rể cụ. Không biết ai chỉ đường mà cô đi ngày vào nhà. Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng âm ấm. Cô nói dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng.


“Đôi mắt này mình đã gặp ở đâu?”. Anh Giáp thầm nghĩ. Xem thư giới thiệu, anh nhận ra: Đây là Quang Thái, em chị Minh Khai.


Anh Giáp nhớ lại hôm ở cơ quan Liên Tỉnh uỷ Nghệ-Tĩnh, đồng chí phụ trách cơ quan nói: “Chị Minh Khai có cô em đẹp người, đẹp nết, học giỏi, hoạt động cách mạng hăng hái không kém gì chị”. Đây là lần đầu tiên anh Giáp nghe nói đến Quang Thái. Nhưng lúc đó, anh không chú ý.


Hôm đi từ Hà Nội về, anh gặp hai cô nữ sinh trên chuyến xe lửa Vinh-Huế. Anh quen cô Cầm, em chị Hoàng Thị Hải Đường, và qua cô Cầm biết người cùng đi với Cầm là Quang Thái.


Hôm ấy, anh Giáp mặc âu phục may theo lối ký giả. Anh vui vẻ nói chuyện với với hai cô.


Gặp Quang Thái lần đầu, anh Giáp có ngay mối cảm tình đặc biệt. Người thiếu nữ ấy có điều gì thu hút tâm hồn anh: Dáng vẻ dịu hiền điềm đạm nhưng không kém phần kiên nghị, khuôn mặt trái xoan, đặc biệt là hai con mắt rất thông minh. Chia tay, anh Giáp nhớ mãi hai con mắt ấy.


Hôm nay gặp lại, anh Giáp gần như sững sờ. “Đúng là con người ấy, người con gái gặp trên chuyến tầu”-Anh thầm nghĩ.

Anh hỏi chuyện:

-Tình hình ngoài ấy thế nào?

Quang Thái đáp:

-Ngoài ấy cũng bị khủng bố. Nhiều cơ sở tan vỡ. Những người tích cực chuyển sang Cộng sản.

Quang Thái vào Huế để đi học. Cô tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác của đoàn thể. Anh Giáp giới thiệu Quang Thái với anh Lê Viết Lượng.


Tình yêu nảy nở. Anh Giáp biết là Quang Thái đã tham gia sinh hoạt Hội học sinh đỏ cùng với tổ cô Cầm (em chị Hải Đường) và cô Nga (sau này là bà Hoài Thanh). Anh thầm yêu, thầm nhớ, chỉ mong có dịp gặp lại.


Kể từ đó, người thiếu nữ ấy bước vào đời anh. Họ gặp lại nhau ở đâu? Trong nhà tù đế quốc. Và chính trong thời gian ở tù, anh Giáp càng hiểu Quang Thái hơn, càng yêu hơn. Người con gái 16 tuổi ấy gương mặt còn những nét ngây thơ nhưng tinh thần thì bất khuất.


Sau đây là bài thư Quang Thái làm trong tù (cuối năm 1930):

Mười sáu xuân qua sống ở đời
Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
Thấy bạn cần lao dạ rối bời
Quyết chí hy sinh thây kệ chết
Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi
Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
Chín suối hồn ta mỉm miệng cười


Tiêu đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ - Hồng Cư
Gửi bởi: ptlinh trong 20 Tháng Mười, 2008, 07:47:51 am
Gặp gỡ trong tù

Quang Thái vào học lớp Đệ nhất niên trường nữ học Đồng Khánh niên khoá 1929-1930. Quang Thái học giỏi, bài luôn luôn có điểm chín điểm mười về tất cả các môn học nhưng Quang Thái rất giản dị, kín đáo.


Nhiệm vụ của đoàn thể giao cho Thái là phát triển tổ “nữ sinh đỏ”. Tâm trí của Thái dồn vào việc học và hoạt động bí mật. Thái có đến gặp anh Giáp vài làn ở nơi ở mới của anh tại Đông Ba, nhưng về phía Thái chưa nảy nở tình yêu đáp lại. Người mà Thái ngày đêm thương nhớ là chị Minh Khai, lúc này đã từ biệt gia đình lên đường cứu nước.


Năm học 1930-1931 không yên lặng. Những cuộc bãi công của công nhân Bến Thuỷ, Trường Thi, những cuộc biểu tình của nông dân Nghệ Tĩnh, phong trào Xô viết dội vào trường. Học sinh chuyền tay nhau những tờ truyền đơn in thạch, giấu kín đem vào nhà xí đọc. Họ hào hứng góp tiền ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ.


Thực dân Pháp đàn áp. Xe hòm đen xông vào trường bắt nhiều học sinh chở lên xe đóng kín đưa đi. Quang Thái bị bắt cùng với chị Nga, chị Lài, chị Lý. Khi anh Giáp bị bắt rồi bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ, đi ngang qua trại giam nữ, anh Giáp giật mình: Quang Thái! Rồi bài thơ của Quang Thái lưu truyền khắp nhà lao, anh Giáp càng mến phục, càng yêu Quang Thái.


Sáu mười năm sau, chị Nguyễn Khoa Diệu Hồng (người phụ nữ Huế đoạt diễn đàn trong cuộc mittinh giành chính quyền tại quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 17-8-1945) bạn học và bạn tù của chị Thái kể lại: Chị và em là Nguyễn Khoa Diệu Vân và các bạn: Bích, Ngọc Anh bị tống giam vào nhà lao Thừa Phủ. Đêm khuya em Vân lăn ra ngủ, muỗi vo ve bám đốt, thương em quá, chị Hồng kéo hai vạt áo dài đang mặc phủ lên chân, lên đầu em, thức trông em ngủ được yên.


Giữa lúc đó vang lên câu nói tiếng Pháp: “Personne ne te dénonce, ne dénonces personne” (Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai). Đó là tiếng nói của Quang Thái.


Người thứ hai gặp gỡ trong tù chính là em trai anh Giáp: Võ Thuần Nho. Vào học trường Quốc học Huế là điều Võ Thuần Nho không mơ tới. Số là gia đình nghèo, chỉ đủ sức dồn tiền gạo cho anh Giáp học nên Võ Thuần Nho học nghề may để đỡ đần thầy mẹ. Sau khi bãi khoá về quê rồi vào Huế làm việc ở Quan hải tùng thư, anh Giáp gửi tiền về nhà đề nghị ông cụ cho chú Nho đi học. Võ Thuần Nho vừa tốt nghiệp tiểu học ở Quảng Bình thì nhận được điện báo vào Huế ngay để học hè. Ra ga đón chú Nho là anh Nguyễn Chí Diểu. Về nhà, anh Giáp nói: “Em vào đây học thêm ba tháng hè và cố gắng thi đỗ cao vào Quốc học để được học bổng, chứ anh không có khả năng nuôi em học được”. Võ Thuần Nho học miệt mài, thi vào Quốc học đỗ thứ nhì và được học bổng.


Năm thứ nhất, Nho được kết nạp vào “Hội học sinh đỏ”. Tổ có năm người (có một người bạn trùng tên) thường cùng Nho họp ở các lăng to nhỏ về phía Nam Giao đi lên.


Năm thứ hai (niên khoá 1930-1931) sau phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh, vào khoảng đầu tháng 10-1930, các cán bộ hoạt động bí mật ở trường Quốc học bị bắt trong đó có thầy Lê Viết Lượng và thầy Đặng Thai Mai.


Lúc đó, Võ Thuần Nho ở cùng với anh Giáp trong một căn nhà sau chùa Diệu Đế. Cứ mỗi buổi sáng trước khi chia tay nhau, Võ Thuần Nho đi học, anh Giáp đi làm ở báo Tiếng Dân, hai anh em bắt chào nhau, lòng thầm nghĩ không biết hôm nay ai sẽ bị bắt? Liệu có gặp lại nhau không? Anh Giáp không quên dặn chú Nho mặc thêm áo quần, bỏ vào túi một ít lạc rang, ngô ràng để đề phòng.


Thế rồi hai anh em gặp nhau trong nhà tù.


Một cuộc gặp gỡ nữa trong nhà tù làm cho anh Giáp vô cùng đau khổ là trông thấy anh Đặng Thai Mai bị giam trong xà lim “nặng”.


Anh Đặng Thai Mai (1902-1984) người Nghệ An, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước, ông thân sinh từng tham gia phong trào Duy Tân bị bắt, bị đầy đi Côn Đảo. Ông chú trốn sang Trung Quốc hoạt động cho phong trào Đông Du rồi sang Xiêm gây cơ sở cách mạng trong Việt kiều. Bị thực dân Pháp liệt vào hàng “cừu gia tử đệ”, anh Đặng Thai Mai luôn bị nhà cầm quyền Pháp theo dõi bắt bớ. Năm 1929, anh bị bắt trong khi đang là giáo sư dạy ở trường Quốc học Huế, bị án 3 năm tù treo trong cuộc khủng bố đảng Tân Việt. Năm 1930, anh lại bị bắt và lúc này đang bị giam bên xà lim “nặng” cùng với Lê Bá Dị, Lê Thế Tiết.


Anh Giáp quen với anh Mai trong Tổng bộ Tân Việt. Anh Giáp cùng với anh Diểu thường hay đến nhà anh Mai (lúc đó gọi là ông Đốc Mai) để bàn về tình hình nội bộ đảng Tân Việt. Ý hợp tâm đầu, tình đồng chí, tình bạn ngày càng thân thiết. Ba người đã lập ra nhóm hạt nhân Cộng sản đầu tiên để cải tổ Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.


Cửa sổ nhà giam “nhẹ” có chấn song sắt nhìn sang bên xà lim “nặng”. Anh Giáp và anh Mai thường “nói chuyện” với nhau bằng cách ra hiệu chữ cái viết hoa.


Cũng bằng phương pháp ấy anh Mai dạy cho bạn tù bên nhà giam “nhẹ” học chữ Hán. Anh đứng úp mặt vào tường viết từng nét chữ. Võ Thuần Nho và một người bạn tù đã từng học ít nhiều chữ Hán phân công nhau đứng nhìn qua song sắt, người ngồi trên sàn gỗ dùng nước lã viết lại từng nét. Với cách dạy và học ấy, bạn tù đã học được một số bài thơ Đường. Bài thơ Đường đầu tiên mà anh Mai dạy cho bạn tù là Hoàng hạc lâu của Thôi Hiệu.


Mưa Huế buồn. Mưa ở trong tù lại càng buồn. Một hôm, các bạn tù nhận được bằng tín hiệu, bài thơ của anh Mai vịnh cảnh:

Gió mãi mưa hoài cảnh quạnh hiu
Ôm bầu tâm sự, khách nằm queo
Non sông gấm vóc mây sầu bủa
Cây cỏ la đà giọt thảm gieo



Anh Giáp kể anh bị bắt cùng thời gian với anh Lê Viết Lượng. Khi vào nhà lao Thừa Phủ anh được anh Đặng Sĩ Khả, Bí thư chi bộ phố cho biết số bị bắt rất đông. “Anh không tin ai được đâu, dầu không ai khai anh, cũng có người khai có góp tiền ủng hộ Xô viết-Nghệ An”.

Mật thám xét hỏi anh Giáp:

-Có tham gia Thanh niên không?

-Không.

-Có tham gia Tân Việt không?

-Không.

-Hoạt động gì?

-Không làm gì cả.

-Có cứu tế cho Nghệ-Tĩnh đỏ không?

-Có.

-Thái độ với Cộng sản?

-Không có thái độ.

Nó nhốt anh Giáp vào cachot 15 ngày. Khi ở buồng tối ra, anh choáng váng, ánh sáng như kim châm vào mắt. Anh chỉ nhận do lòng yêu nước mà tham gia một số phong trào thanh niên học sinh mong tranh thủ với án treo sẽ được ra sớm để hoạt động. Nhưng chúng lại đổi án treo thành án thật và giam anh 13 tháng. Cuối năm 1931, Hội cứu tế đỏ Pháp đấu tranh đòi thả chính trị phạm Đông Dương và nhân dịp Bộ trưởng Paul Reynaud sang thị sát tình hình thuộc địa, những người bị án tù từ ba năm trở xuống được thả tự do. Anh Giáp được ra tù cùng với anh Đặng Thai Mai, chị Quang Thái, chú Võ Thuần Nho và một số bạn tù khác với điều kiện phải trở về quê quán và bị quản thúc.


Tối hôm trước, cai tù cho biết ngày mai 15 tháng 11 năm 1931, anh Giáp và Võ Thuần Nho được trả về quê, đi tàu hoả. Hai anh em từ giã bạn tù mà rưng rưng nước mắt.

Một tên lính áp giải hai anh em về Đồng Hới, hàng tháng phải lên huyện trình diện.


Về Đồng Hới, chúng để hai anh em ở một căn nhà cạnh dinh Phó sứ. Tối hôm đó sáng trăng. Anh Giáp dẫn Võ Thuần Nho ra vườn hoa nhỏ có cây dương liễu cạnh cầu “Mụ Kề”, nơi mà tối tối dân Đồng Hới thường ra cầu này hóng mát. Cầu nằm trên sông Nhật Lệ, xa xa là cửa biển.


Hai anh em bàn với nhau về nhà làm gì. Ý anh Giáp: Làm thế nào để trở lại Huế hoặc ra Vinh. Làm thế nào để bắt liên lạc với tổ chức để tiếp tục hoạt động cách mạng.


Trước mắt tạm về quê. Ở An Xá, anh Giáp gặp lại các bạn thanh niên mà anh đã giác ngộ cách mạng thời kỳ 1927-1928. Anh vận động các thanh niên này xoá bỏ bất công trong làng xóm, đòi thay đổi lý hương, chia lại công điền công thổ.


Đầu tháng lên huyện trình diện. Tên tri huyện là Nguyễn Định, cử nhân luật. Hắn tiếp hai anh em rất “tử tế” bàn chuyện trong nước và thế giới. Ý của hắn là những người làm cách mạng không khôn ngoan, không biết thời thế.


Được ít lâu, anh Giáp quyết định quay trở lại Huế. Anh đi tìm liên lạc và dự định xin với cụ Huỳnh Thúc Kháng cho tiếp tục làm báo Tiếng Dân.

Nhưng vừa đến Huế hôm trước thì hôm sau viên công sứ Labbé triệu tập anh đến hỏi:
-Trở lại làm gì?

-Làm báo.

-Không được. Ngày mai anh phải rời khỏi Huế ngay. Chỗ của anh ở Huế là trong nhà tù!

Chiều hôm ấy, anh Giáp đi dọc bờ sông Hương. Tạm biệt Huế, thành phố thân yêu.


Xa Huế từ độ ấy, sáu năm sau (ngày 27-3-1937) anh Giáp mới trở lại Huế. Anh vào dự Hội nghị Báo giới Trung Kỳ do Xứ uỷ Trung Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương khởi xướng trong phong trào Mặt trận Dân chủ. Rồi chín năm sau, năm 1946, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trên đường đi công tác vào Nam Trung Bộ, anh lại ghé Huế-thành phố thời trẻ của anh.