Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tác giả chủ đề:: nhinrathegioi trong 23 Tháng Bảy, 2023, 04:40:11 pm



Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 23 Tháng Bảy, 2023, 04:40:11 pm
- Tên sách: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơnevơ 1954
- Tác giả:
- Nhà xuất bản: Thông tin và truyền thông
- Năm xuất bản: 2019
- Người số hóa: macbupda, nhinrathegioi
 

CHỊU TRÁCH NHIỆM CÔNG BỐ
   Đặng Thanh Tùng
   Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước

BAN BIÊN SOẠN
   Trần Việt Hoa
   Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III
   Lã Thị Duyên
   Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III

Và các thành viên:
   Nguyễn Thị Ngọc Diệp
   Lê Thị Lý
   Đỗ Thị Thanh Hương
   Nguyễn Thị Hoài

Biên dịch tài liệu tiếng Nga
   ThS. Tiết Hồng Nga.

Hiệu đính bản dịch tiếng Nga
   Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội.
 
Hội đồng Biên soạn bản tiếng Nga
   - TSKH. A.N. A-rơ-ti-dỐp, Cục trưởng Cục Lưu trữ Liên bang Nga;
   - N.M. Ba-ri-nốp, Cục trưởng Cục Tư liệu lịch sử Bộ Ngoại giao Nga;
   - TSKH. X.V. Mi-rô-nen-cô, Chỉ đạo Khoa học các Viện Lưu trữ nhà nước Liên bang Nga;
   - I.V. Mo-rơ-gu-lốp, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền;
   - TS. A.K. Xô-cô-kin, Giám đốc Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Nhà nước Nga;
   - N.G. Tô-mi-li-na, Giám đốc Viện Lưu trữ Lịch sử hiện đại nhà nước Nga;
   - I.V. Phê-ti-xốp, Phó Giám đốc Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga, Cục Tư liệu lịch sử Bộ Ngoại giao Nga;
   - TS. A.V. Iu-ra-xốp, Phó Cục trưởng Cục Lưu trữ Liên bang Nga;
   - TS. Sử học O.A. Sa-sơ-cốp-va, Chuyên gia cao cấp Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Nhà nước Nga;
   - A.V. Bô-ri-xốp-va, Chuyên gia cao cấp Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Nhà nước Nga;
   - TS. Sử học E.V. Cô-bê-lép, Chuyên viên khoa học cao cấp Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga, biên tập khoa học phần dịch từ tiếng Việt;
   - I.N. La-ri-na, Chuyên gia cao cấp Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Nhà nước Nga.
 

Liên Xô và Việt Nam trong những năm Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Hội nghị Giơ-ne-vơ. Năm 1954. Tuyển tập văn kiện và tài liệu/ [Những người biên soạn: O.A. Sa-sơ-cốp-va, E.V. Cô-bê-lép, I.N. La-ri-na]. - M., "Bách khoa toàn thư chính trị".


Ấn phẩm văn kiện tài liệu lần đầu tiên trong lịch sử sử học nước Nga và lịch sử quan hệ quốc tế dành riêng cho vấn đề giải quyết cuộc xung đột vũ trang Đông Dương (hay hiện được gọi ở Việt Nam là cuộc kháng chiến lần thứ nhất) trong tiến trình Hội nghị các Ngoại trưởng của một số nước họp ở Giơ-ne-vơ (từ ngày 26/4 - 21/7/1954). Cuộc chiến tranh nổ ra ngay sau gần 1 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai và kéo dài 8 năm đã được chấm dứt nhờ nỗ lực chung của các nhà ngoại giao Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Pháp, Anh và Mỹ. Tuy nhiên, cơ sở cho quá trình giải quyết hòa bình chính là cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam, các lực lượng giải phóng dân tộc Lào và Cam-pu-chia.


Trung tâm chú ý của cuốn sách là những vấn đề tác động qua lại giữa các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị được trình bày trên bối cảnh lịch sử và những nguồn tài liệu văn kiện phong phú, trong đó phần lớn tài liệu được công bố xuất bản khoa học lần đầu. Cuốn sách cho thấy một bức tranh rộng lớn của phong trào cộng sản và quốc tế đấu tranh bảo vệ hòa bình ở Đông Dương, những vấn đề tình hình bên trong nước Việt Nam, cùng với những cuộc tìm hiểu lịch sử phong trào giải phóng ỏ đất nước đó.


Cuốn tuyển tập được biên soạn nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà nghiên cứu lịch sử các nước phương Đông, các cán bộ ngoại giao, cũng như tất cả những ai quan tâm đến lịch sử quan hệ quốc tế và các nước ở bán đảo Đông Dương.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 23 Tháng Bảy, 2023, 04:48:39 pm
LỜI NÓI ĐẦU


Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết tại Giơ-ne-vơ năm 1954 là dấu mốc lịch sử quan trọng, có ý nghĩa thời đại to lớn. Hiệp định này là kết quả của quá trình hội đàm giữa các bên trong hơn hai tháng kể từ ngày khai mạc Hội nghị, đã phản ánh thắng lợi của Việt Nam và các nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, đồng thời mở ra thời kỳ mới cho lịch sử và cách mạng Việt Nam cũng như cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.


Nhằm khẳng định hơn nữa những giá trị, ý nghĩa lịch sử của Hiệp định cũng như nhằm làm sáng tở các vấn đề về cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, năm 2017, trong khuôn khổ những nội dung hợp tác đã được ghi nhớ và ký kết giữa lưu trữ quốc gia hai nước Việt Nam - Liên bang Nga, cuốn sách "Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954" bản tiếng Nga đã được biên soạn, xuất bản, phát hành tại Nga.


Năm 2019, nhằm tiếp tục chương trình hợp tác lưu trữ giữa hai nước, đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của công chúng, độc giả trong và ngoài nước, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (thuộc Bộ Nội vụ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) tiếp tục biên soạn, xuất bản cuốn sách này trên cơ sở biên dịch, chọn lọc nội dung từ bản tiếng Nga.


Cuốn sách giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh được tập hợp từ các cơ quan lưu trữ quốc gia của Liên bang Nga và Việt Nam, gồm những văn kiện, văn bản, thư từ, thông báo, biên bản, nội dung các cuộc điện đàm... trong đó có nhiều tài liệu lưu trữ lần đầu tiên được công bố, giới thiệu, qua đó tái hiện về Hội nghị ngoại giao lịch sử thập niên 50 của thế kỷ trước cùng bức tranh về phong trào công nhân và cộng sản quốc tế ủng hộ hòa bình tại Đông Dương, tình hình Việt Nam bắt đầu từ năm 1950 cho đến thắng lợi tại Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.


Nội dung của cuốn sách là nguồn thông tin, tài liệu có giá trị ý nghĩa to lớn không chỉ đối với các nhà nghiên cứu về Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, về lịch sử quan hệ quốc tế mà còn với tất cả những ai quan tâm đến lịch sử quan hệ hai nước Nga và Việt Nam. Cuốn sách được biên soạn, xuất bản là minh chứng cho sự đóng góp vào củng cố mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Nga - Việt.


Ban Biên soạn xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành đến ThS. Lưu trữ học Tiết Hồng Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội đã giúp đỡ chúng tôi trong quá trình biên soạn, biên dịch và hiệu đính nội dung cuốn sách.


Trong quá trình biên soạn, cuốn sách sẽ khó tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót, chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp quý báu của độc giả để cuốn sách ngày một hoàn thiện hơn ở những lần xuất bản sau.

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!


BAN BIÊN SOẠN


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 26 Tháng Bảy, 2023, 09:33:35 am
LỜI GIỚI THIỆU


Vào cuối tháng 4/1954, trên báo chí Liên Xô xuất hiện thông báo về việc khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng các nước Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và một số nước khác để giải quyết vấn đề chiến tranh và hòa bình tại các bán đảo Đông Dương và Triều Tiên xa xôi. Hội nghị kéo dài với thời gian chưa từng có đối với những cuộc gặp gỡ kiểu này, từ ngày 26/4 - 21/7/1954, đã chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương, một điều mà các chuyên gia ít chờ đợi, nhưng bất chấp mọi dự đoán, đã không có được thỏa thuận hòa bình cho bán đảo Triều Tiên.


Trong bối cảnh vào những năm trước rất hạn chế thông tin về những sự kiện xảy ra tại các khu vực đó, thông báo về khởi đầu cuộc gặp gỡ chỉ mang lại hình dung chung chung về vai trò ngoại giao của Liên Xô. Trong thực tế, gần 8 năm chiến tranh Đông Dương và 4 năm chiến tranh Triều Tiên hầu như không nhận được sự quan tâm chú ý của các bài viết đăng trên báo chí Liên Xô.


Nguyên nhân của tình trạng này liên quan đến việc thiết lập hòa bình khá là phức tạp ở Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngày nay, thật khó tin là chỉ trong vài ngày vào tháng 8/1945, nhân dân Việt Nam đã lật đổ được chế độ thực dân mà không có sự ủng hộ giúp đỡ nào từ bên ngoài. Những sự kiện thần tốc với thành quả là vào ngày 02/9/1945, bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được công bố tại cuộc mít tinh với nửa triệu người tham dự ở Hà Nội, là kết quả tài năng chính trị và ý chí lớn lao của các nhà lãnh đạo Việt Nam, mà trước hết là Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, lần đầu tiên các độc giả Liên Xô được biết tới Người với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dồn chủ Cộng hòa vào tháng 02/1950, khi Liên Xô thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Khi đó, lần đầu tiên những sự kiện bí ẩn ở Đông Dương đã được đưa ra ánh sáng sau nhiều năm dài. Mặc dù vậy, cũng phải trải qua vài năm nữa trước khi Đại sứ quán Liên Xô đầu tiên, đứng đầu là Đại sứ A.A. Láp-ri-sép1 (Trước đó, các quan hệ chính thức giữa Liên Xô và các nước Dông Nam A được thực hiện thông qua cơ quan đại diện của Liên Xô ở Băng Cốc (Thái Lan)), khởi đầu công việc ở Hà Nội vào mùa thu năm 1954, sau đó gần một năm, Hiệp định đầu tiên giữa hai Nhà nước đã được ký kết. Không phải ngẫu nhiên mà con đường này lại kéo dài đến như vậy.


Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra con đường đi tới độc lập. Mặc dù ngày 06/3/1946, Pháp buộc phải công nhận nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - trong khuôn khổ cái gọi là "Liên hiệp Pháp", các giai đoạn đàm phán tiêp theo vào tháng 7-8/1946 cho thấy sẽ phải còn đấu tranh để giành tự do. Từ mùa thu năm 1946, Pháp bắt đầu cuộc phong tỏa lương thực, thực phẩm đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đơn phương kiểm soát lương thực, thực phẩm. Các hành động khiêu khích này của Bộ chỉ huy quân đội Pháp kết thúc bằng cuộc ném bom xuống Hải Phòng vào đêm ngày 22 và rạng sáng ngày 23/11/1946 và để đáp lại, các đội quân du kích Việt Minh (Việt Nam Độc lập đồng minh) đã phản kháng quyết liệt ở trong thành phố. Trong những thời khắc đếm từng ngày này, sự phản kháng đã biến thành một cuộc chiến tranh quy mô mới lần đầu tiên sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Trong giới các chuyên gia Liên Xô, cuộc chiến tranh này có tên gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, còn ở Việt Nam được gọi là "cuộc kháng chiến lần thứ nhất". Cuộc kháng chiến này đã kéo dài 8 năm.


Châu Âu và nước Mỹ đã chơi "ván bài Đông Dương" để quyết định tương quan lực lượng giữa Pháp, Anh, Mỹ và Liên Xô, và sau đó có thêm sự tham gia của Trung Quốc với vai trò ngày càng tăng. Tất cả các nhà lãnh đạo thế giới chủ chốt đều hiểu điều này, như Uôn-tơ Smith, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố thẳng tại Hội nghị Giơ-ne-vơ vào ngày 09/5/1954 là "Triều Tiên và Đông Dương có ý nghĩa toàn thế giới". Hai cuộc xung đột quân sự đáng chú ý đó quả thực đã khởi đầu cho sự sụp đổ của các đế chế thực dân, mặc dù số phận của chúng đã được quyết định trong quá trình diễn ra Chiến tranh thế giới thứ hai.


Lập trường có tính nguyên tắc của Liên Xô là cần phải thủ tiêu mọi hình thức phụ thuộc thực dân và phụ thuộc kinh tế, cũng như thành lập các khu vực có khả năng đương đầu với sự bành trướng của Mỹ, có một ý nghĩa lớn ở đây. Ý kiến nhất quán của chính quyền Mỹ do Ph. Ru-dơ-ven nêu ra tại các hội nghị quốc tế trong những năm 1943-1945 cho thấy, nhiệm vụ chủ yếu của Mỹ là tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề, mặc dù lập trường của họ mang tính chất phức tạp. Để tạo nên hình ảnh Mỹ như là một nước bảo vệ quyền lợi của các dân tộc bị áp bức và hợp tác quốc tế với họ, Ru-dơ-ven cho rằng, cần trao trả cho những nước nguyên là thuộc địa những đền bù nhất định (các công nghệ và thiết bị sản xuất công nghiệp, tín dụng, v.v.)1 (Ý tưởng tái thiết lại hệ thống thuộc địa sau chiến tranh đã được Ph. Ru-dơ-ven nêu ra khi giải quyết các vấn đề phân phối viện trợ theo Chương trình lend-lease (cho vay không lấy lãi) tại buổi tọa đàm với Thủ tướng Anh Chớc-chin. Nói về lợi ích của các hiệp ước nhiều bên đối trọng với hiệp ước hai bên, tổng thông đã kịch liệt phê phán "các hiệp định thương mại đế quốc" vì chúng mà "nhân dân Ấn Độ và châu Phi, toàn thể khu vực Cận Đông và Viễn Đông, đã phát triển thua kém". "Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, chúng ta không thể đạt được hòa bình bền vững, nếu như nó không đưa đến sự phát triển cho các nước lạc hậu, các dân tộc lạc hậu. Phương pháp của thế kỷ XX có nghĩa là phát triển ngành công nghiệp tại các thuộc địa và cải thiện phúc lợi cho người dân bằng con đường giáo dục, bằng con đường cải thiện sức khỏe, bằng con đường đền bù cho họ vì các nguồn nguyên liệu thô bị lấy đi". (Xem Ru-dơ-ven E-li-Ổt. Qua cặp mắt của ông. Mát-xcơ-va, Nxb. Chính trị quốc gia Liên Xô, 1947, tr. 51-52)).


Trong tất cả những khác biệt về mục đích của Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn, những đề xuất đầu tiên về Đông Dương đã có sự tương đồng giữa hai bên. I.V. Xta-lin, cũng như Ph. Ru-dơ-ven bước đầu đã nhìn thấy được sự bảo hộ của các tổ chức quốc tế đối với các nước vốn là thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, ngay từ mùa xuân năm 1945, Tổng thống Mỹ đã coi Đông Dương năm dưới sự bảo trợ của Mỹ. Các kế hoạch tương tự đã được che giấu với Pháp, nhưng không phải là điều bí mật đối với Anh.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 26 Tháng Bảy, 2023, 09:36:55 am
Mặc dù vậy, ngay sau khi Ph. Ru-dơ-ven từ trần, những ý tưởng này đã chuyển thành chiều hướng "chiến đấu với chủ nghĩa cộng sản". Khi đó, chính quyền mới của G. Tơ-ru-man đã đặt tất cả các dân tộc phải bình đẳng với Mỹ, đòi hỏi họ không những phải cung cấp nguyên liệu, thị trường tự do, mà còn cả phải từ chối hợp tác với Liên Xô.


Diễn biến tiếp theo của những ý tưởng này dẫn tới việc trong phiên họp của Bộ Chỉ huy liên quân Mỹ và Anh tại Hội nghị Pôt-xđam vào ngày 17/7 - 02/8/1945, đã thông qua quyết định thực hiện "đường phân chia" các chiến trường Thái Bình Dương và Đông Nam Á và kiểm soát việc giải giáp vũ khí của quân đội Nhật (trước tiên là tại các bán đảo Triều Tiên và Đông Dương) đến Vĩ tuyến 16. Phần phía Bắc của đường phân chia này sẽ do Mỹ kiểm soát, nhưng ngay sau đó sứ mệnh này đã được tin tưởng giao phó cho Tưởng Giới Thạch, còn phần phía Nam do Anh kiểm soát1 (Vấn đề này chưa được phản ánh đầy đủ trong các tuyển tập văn kiện Xô viết "Tê-hê-ran - I-an-ta - Pốt-xđam" (X.P. Xa-na-côi-ép, B.L. Txư-bu-lép-xki biên soạn. Mát-xcơ-va, M.1970), "Liên Xô tại các hội nghị quốc tế thời kỳ chiến tranh yêu nước vĩ đại 1941-1945" (Chủ biên: A. A. Grô-ram-cô. Gồm 6 tập. Mát-xcơ-va, 1984). Các kết quả hội đàm được công bố trong các công trình nhiều tập của Mỹ như: Những vấn đề cơ bản trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tặp 2. Lê-sinh-tơn, 1995, tr. 189- 190 (theo: Xê-li-va-nốp, I. N. Cô-nô-rép-va. Các quan hệ quốc tế ở Đông Dương: Địa chính trị, ngoại giao và các vấn đề pháp lý (1939-1954), Cur-xcơ, 2008, tr.110; Liên Xô tại các hội nghị quốc tế thời kỳ chiến tranh yêu nước vĩ đại, 1941-1945: Tuyển tập văn kiện. Tập 2. Mát-xcơ-va, 1984, tr. 81).


Thời gian đã cho thấy quyết định nói trên đã định trước tấn bi kịch của "cuộc đấu súng Đông Dương" giữa các lợi ích của Mỹ và Pháp tại khu vực, cũng như mức độ tham dự của Liên Xô vào các sự kiện. Mỹ mưu toan kiểm soát phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Nam Á, đồng thời muốn chiếm lĩnh các thị trường tiêu thụ mới ở đó, đã tích cực tác động đến chính sách của Pháp. Tuy nhiên, ý đồ đích thực của tình hình được tạo ra chính là tham vọng của Oa-sinh-tơn muốn làm bá chủ thế giới dưới chiêu bài "đấu tranh với chủ nghĩa cộng sản"2 (Can-vô-cô-rét-xki Pi-te. Chính sách của thế giới trong những năm 1945- 2000. Tập 2/Dịch từ tiếng Anh, Mát-xcơ-va, Nxb Quan hệ quốc tế, 2003, tr.40).


Từ đây có thể hiểu được đặc điểm các hành động của Liên Xô trong việc bảo đảm các lợi ích chiến lược của mình ở Đông Nam Á, dẫu cho vào thời điểm đó, khu vực này chưa phải là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Liên Xô. Mặc dù những ý niệm về sự phân chia lực lượng chung và phạm vi ảnh hưởng tại khu vực Đông Dương sau chiến tranh có vẻ rõ ràng và mang tính biểu tượng, nhưng hiện thực xảy ra còn phức tạp hơn. Sự sụp đổ của hệ thống thuộc địa tại đây, cũng như ở khắp nơi trên thế giới đã diễn ra cùng với việc dựng nên những thang bậc mới như các nhà lãnh đạo, các giá trị, các lợi ích.


Khát vọng độc lập của nhân dân Việt Nam cuổì cùng đã cho phép một quốc gia không lớn đi đến thắng lợi, dù không có các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong tay và phải bắt đầu cuộc kháng chiến gần như là bằng "gậy tre và chông" để chống lại xe tăng và máy bay hiện đại. Với "vũ khí" riêng của mình, chính quyền mới đã lựa chọn khuynh hướng đi theo kinh nghiệm của Liên Xô. Tuy nhiên, định hướng cộng sản chủ nghĩa của các nhà lãnh đạo Việt Nam trước đã từng học tập ở Liên Xô, trong một thời gian dài đã gợi lên những tình cảm thận trọng của "tổ quốc tinh thần" trước đây. Hơn ba năm sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập, các sự kiện tại đây đã biến chuyển tương đối độc lập với ảnh hưởng của Liên Xô và phong trào cộng sản thế giới. Ban lãnh đạo Liên Xô đã xử sự hết sức dè dặt: cả hai bức điện do Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi V.I. Xta-lin vào các ngày 22/9 và 21/10/1945 đã không được hồi âm1 (ở Liên Xô đã nhận được đầy đủ các bức điện đó với chữ ký "Hồ Chí Minh thông qua Đại sứ quán Liên Xô ở Pháp (và tại đây đã dịch sang tiếng Nga). Sự việc này được nhắc tới trong bài viết của I. V. Bu-kha-rkin (Xem Bu-kha-rkin. I.V. Điện Crem-lin và Hồ Chí Minh. 1945-1969.// Tạp chí "Lịch sử cận đại và hiện đại". 1998. No. 3. Tr. 126-127. Viện Lưu trữ chính sách đối ngoại Liên bang Nga. Phông 0136. ML. 29. Cặp. 197. HS. 31. Tò 186, 188-189) (Đồng thời, cả Tổng thống G. Tơ-ru-man cũng đã im lặng đối với 8 bức thư của nhà lãnh đạo Việt Nam gửi cho ông ta)1 (Theo ý kiến của một nhà sử học Mỹ, vào thời đó, đại diện Hoa Kỳ ở Việt Nam gần như là người bảo trợ của Hồ Chí Minh, (theo: Xê-li-va-nốp, I. N. Cô-nô-rép-va. Các quan hệ quốc tế ở Đông Dương: Địa chính trị, ngoại giao và các vấn đề pháp lý (1939-1954), tr.112)).


Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà báo chí Liên Xô cuối những năm 1940 - đầu những năm 1950 đã không nhắc đến các cuộc cách mạng và chiến tranh ở Việt Nam, cũng như sự thận trọng trong việc tiếp xúc lẫn nhau2 (O-gơ-ne-tốp I.A. Những khía cạnh còn ít được biết đến trong quan hệ Xô-Việt. Các vấn đề sử học. 2001, số 8, tr. 134-139). Đại bản doanh chủ yếu để Mát-xcơ-va mở rộng tầm ảnh hưởng là thông qua Trung Quốc, dựa vào sự ủng hộ của Mao Trạch Đông, mặc dù các nhà lãnh đạo Liên Xô nhận thức rõ được sự mâu thuẫn này trong bức tranh chung3 (Xem: Vla-đi-mi-rốp P. P. Khu vực đặc biệt của Trung Quốc. 1942-1945. Mát-xcơ-va. Hãng Thông tấn Nô-vôt-xti, 1973).


Thông thường, chỉ có thể biết đến các sự kiện ở Đông Dương khi đọc tin tức về các cuộc biểu tình đông người và rộng khắp ở nước Pháp, nơi không chỉ có những người cộng sản đứng lên phản đối cuộc chiến tranh Đông Dương. Lượng thông tin trên tờ báo "Vì hòa bình bền vững, vì nền dân chủ nhân dân", cơ quan thông tin của Cục Thông tin của các đảng cộng sản và công nhân - một trong những cơ quan kế thừa không công khai của Quốc tế Cộng sản, đã cho thấy điều đó. Trong thời gian bốn năm rưỡi sau khi Liên Xô và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến khi Hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, tờ báo đã đăng không quá 7-8 bài về cuộc chiến tranh ở Việt Nam (tờ báo này ra 52 số/năm). Trong khi đó, tin tức về những sự kiện, chẳng hạn như ở Pháp, hầu như được đưa lên mỗi số, mà đôi khi là 2-3 bài cùng một lúc.


Ban Quốc tế (sau này là Ủy ban Chính sách đối ngoại) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nơi có bộ phận kế thừa Quốc tế Cộng sản làm nhiệm vụ theo dõi tình hình ở Đông Dương, dựa vào chỉ đạo của "cấp cao nhất", cũng đã giữ lập trường tương tự như Cục Thông tin của các đảng cộng sản và công nhân1 (Xem: Xô-cô-lốp A. A. Những cuộc tiếp xúc Xô - Việt đầu tiên. 1947-1950. Các công trình nghiên cứu về Việt Nam. Số 4. Việt Nam trong cộng đồng thế giới/Chủ biên: V. M. Ma-dư-rin, E. V. Cô-bê-lép, G. M. Lốc-xin. Mát-xcơ-va. Viện Nghiên cứu Viễn Đông Viện Hàn lâm Khoa học Nga, 2014, tr. 170-191; Bu-kha-rkin. Điện Krem-lin và Hồ Chí Minh. 1945- 1969. Tạp chí Lịch sử cận đại và hiện đại, 1998, số 3; Cô-bê-lép E V. Việt Nam học Nga ngày nay: Các vấn đề và nhiệm vụ. Các công trình nghiên cứu về Việt Nam. Quyển 1. Việt Nam ngày hôm nay và hôm qua. Mát-xcơ-va. Viện Nghiên cứu Viễn Đông Viện Hàn lâm Khoa học Nga. 2011).


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 26 Tháng Bảy, 2023, 09:38:57 am
Việc này không chỉ minh họa một cách rõ ràng hệ thống "nghi thức đảng", mà một lần nữa nhấn mạnh sự thận trọng của Liên Xô trong việc hình thành một chính sách riêng để thể hiện vai trò của mình ở khu vực. Mặc dù lập trường đó không làm cho Liên Xô tránh khỏi bị buộc tội "gieo rắc chủ nghĩa cộng sản", nhưng rõ ràng cho phép giữ khoảng cach1 (Theo khẳng định của Nhà báo M. M. I-lin-xki thì cho đến tận cuối những năm 1950 chưa có đại diện tình báo Liên Xô ở Việt Nam (khác với Hoa Kỳ đã có đại diện ở Hà Nội vào những năm Chiến tranh thế giới lần thứ hai). (Xem: I-lin-xki. Hội chứng Việt Nam. Chiến tranh tình báo. Xuất bản lần thứ 2. Mát-xcơ-va, Ex-mô, 2005. Tr. 17)). Các sự kiện cho thấy, chính sách này nói chung là có thể hiểu được, bởi vì nó không làm cho Pháp mạnh lên, và cũng không làm suy yếu đi cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam.


Tình hình của mẫu quốc Pháp vào đầu những năm 1950 ngày càng trở nên phức tạp hơn. Cuộc chiến tranh Đông Dương đã tiêu tốn của ngân khố Pháp hơn 3 tỷ phơ-răng, còn tổn thất sinh lực bao gồm khoảng 43 nghìn người thiệt mạng và bị thương1 (Con số tổn thất của Pháp thực tế còn lớn hơn nhiều. Người ta cho rằng trong suốt những năm chiến tranh có khoảng gần 200 nghìn người gồm sĩ quan và binh lính mẫu quốc, các nước thuộc địa như: Ma-rốc, Tuy-ni-di, An-giê-ri, đã bị chết và bị thương. (Con số hơn 40 nghìn người chỉ là tốn thất của riêng nước Pháp). (Xem: Ma-la-xen-cô O. A. Các vấn đề cơ bản của chính sách quân sự Pháp. 1946-1958. Tạp chí Lịch sử quân sự 2008, số 4, tr. 31; Văn kiện số 23)). Mặc dù nước Pháp có những biểu hiện khủng hoảng kinh tế do chiến tranh tại các nước thuộc địa gây ra (mà trước tiên là ở Đông Dương), nhưng họ vẫn cố tăng cường sự hiện diện về quân sự trên bán đảo này. Theo ý kiến của các nghị sĩ Pháp, cho đến năm 1954, cuộc chiến tranh Đông Dương đã sử dụng một phần lớn các sinh viên tốt nghiệp ở Học viện Quân sự Xanh Xi-rê để thay thế cho số sĩ quan bị loại ra khỏi vòng chiến đấu.


Cuộc xung đột đã được nuôi dưỡng bằng nguồn tài chính lấy từ khoản viện trợ ngày càng tăng từ phía Mỹ. Viện trợ này được bắt đầu không chính thức ngay từ cuối những năm 1940. Sự thúc đẩy rõ rệt đầu tiên diễn ra vào tháng 02/1950, sau khi Hội nghị các nhà ngoại giao Mỹ tại các nước Đông Nam Á đề nghị tăng cường tiếp tế về quân sự và kinh tế cho "Quốc gia Việt Nam" đứng đầu là Bảo Đại và trở thành hiện thực sau cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Pháp R. Su-man với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Đ. A-che-xơn vào tháng 5 năm đó. Đến mùa hè năm 1952, Hoa Kỳ đã chi trả gần 40% "giá trị" của cuộc chiến tranh ở Đông Dương, còn đến năm 1953 - cho gần một nửa chi phí của Pháp tiêu tốn cho cuộc chiến, theo ý kiến của M.M. I-lin-xki tức là khoảng 2,6 tỷ đô-la của Mỹ và 1.688 tỷ phơ-răng là của Pháp2 (I-lin-xki, M.M. Đông Dương: Tro tàn của bốn cuộc chiến tranh (1939- 1979). M., Veche, 2000). Sự quan tâm của Mỹ không chỉ do tài nguyên thiên nhiên giàu có của Việt Nam (cao su, thiếc và các thứ khác trong đó có những thứ mà Mỹ hoàn toàn có nhu cầu). Những mong muốn gián tiếp chi phối Pháp, khả năng có thể kiểm soát tình hình ở Nhật Bản và ở khu vực nói chung thông qua Đông Dương thuộc Pháp cũng không phải là không có ý nghĩa quan trọng.


Mặc dù trong thời kỳ 1952-1653 Mỹ đã phải tiêu tốn hơn 14 tỷ đô-la cho cuộc chiến tranh Đông Dưong, nhưng thành quả thu được thì đáng kể hơn nhiều1 (Về "trị giá" của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất xem thêm Liakh Manfred. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương: Cấc vấn đề pháp lý của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. M., 1956, tr. 36-37). Cuộc chiến tranh ở Đông Dương có ý nghĩa là "trận mưa của khói lửa và sắt thép đối với một bên và là trận mưa vàng đối với những người khác" - Nghị sĩ Quốc hội Pháp Gioóc Cô-nhơ đã nói như vậy khi phát biểu vào ngày 18/5/1953. Ông đã dẫn ra những con số đáng chú ý là: "Ngân hàng Đông Dương đã tính số lãi thu được trong năm 1951 là 502 triệu phơ-răng so với 53 triệu phơ-răng vào năm 1947; Công ty Cam-pu-chia - 717 triệu phơ-răng so với 44 triệu phơ-răng; "Đồn điền Đất đỏ" - 1.071 triệu phơ-răng so với 100 triệu phơ-răng; trong bản quyết toán của 45 các công ty tư bản chủ nghĩa khác đang có trước mặt tôi đã công nhận họ đã bỏ túi 10.101 triệu phơ-răng trong năm 1951 so với 1.250 triệu phơ-răng trong năm 1947. Đó chỉ là một phần lợi nhuận không nhiều... Nói cách khác, các tư bản lớn vẫn muốn cuộc chiến tranh tiếp tục" (Ché-rơ-ca-xốp P.P. Sự sụp đổ của đế chế thuộc địa Pháp. Cuộc khủng hoảng của chính sách thực dân Pháp trong những năm 1939-1985. M., 1985, tr. 104).


Một công cụ nữa cho phép Mỹ chi phối tình hình ở châu Âu, trong đó có việc gây sức ép đối với Pháp, là ý đồ tổ chức Cộng đồng Phòng thủ châu Âu1 (Theo ý kiến của một bô phận giới có ảnh hưởng tại Mỹ, cũng như một số nước đứng đầu châu Au, nguy cơ lan truyền chủ nghĩa cộng sản ở châu Á có thể được cân bằng với việc thành lập Cộng đồng Phòng thủ châu Âu dưới sự bảo trợ của Mỹ. Mỹ là nước đầu tiên tích cực chơi con bài này; các chính phủ Pháp đã buộc phải ủng hộ hoàn toàn cho đến tận tháng 8/1954, khi có điều kiện công khai từ chối ý tưởng đó. (Tuy nhiên, học thuyết "cân bằng sức mạnh" đã được Hoa Kỳ cụ thể hóa sau khi Hiệp ước Ma-ni-la được ký vào ngày 08/9/1954 bằng việc thành lập Tổ chức Hiệp ước Đồng Nam Á (SEATO), 1955-1977). Việc tái thống nhất hai miền Việt Nam trên thực tế vào năm 1975 đã chấm dứt sự tiếp tục tồn tại của SEATO)). Một vai trò lớn được dành cho Đức và nước này đã nhận được quyền tái vũ trang. Điều đó mâu thuẫn với lợi ích của Pháp, tạo nên sức ép lớn hơn đối với Liên Xô (nhất là khi kết hợp với chính sách được dự đoán của Cộng đồng Phòng thủ châu Âu và Liên minh Bắc Đại Tây Dương) và nói chung đã làm phức tạp thêm tình hình ở châu Âu. Ý thức được điều đó, Pháp đã trì hoãn phê chuẩn các hiệp ước ký kết trong năm 1952, nhưng chỉ từ bỏ hoàn toàn vào tháng 8/1954 sau khi Nghị viện được kết quả Hội nghị Giơ-ne-vơ cổ vũ, đã bác bở các văn kiện đó. Như vậy, vai trò thực sự của ý tưởng Cộng đồng Phòng thủ châu Âu đã trở nên rõ ràng chính là sau Hội nghị Giơ-ne-vơ.


Sự giúp đỡ của Mỹ, học thuyết Mác-san hóa châu Âu, kể cả nước Pháp, đã làm giảm tính độc lập trong chính sách đối ngoại và đối nội của nước Pháp, làm cho dư luận xã hội tập làm quen với sự cộng sinh giữa các tổ chức độc quyền công nghiệp trong nước và bên bờ đại dương với sự hiện diện tích cực của Mỹ vào đời sống trong nước.


Các cuộc tranh luận tại Nghị viện, những lời phát biểu đại diện các khuynh hướng khác nhau đăng trên báo chí, các cuộc biểu tình, bãi công của công nhân (đặc biệt là trong những năm 1950-1952), mặc dù không làm tê liệt đời sống xã hội Pháp, nhưng đã làm nước Pháp trở nên rất phức tạp. Tình hình ở các thuộc địa cũng trở thành lý do để nội các chính phủ liên tục thay đổi trong giai đoạn Cộng hòa đệ Té. Mười tám Chính phủ và hai đời Tổng thống dính líu tới cuộc phiêu lưu Đông Dương, các chính quyền bù nhìn ở Lào, Cam-pu-chia và miền Nam Việt Nam đã luân phiên bị thay thế. Những tổn thất lớn lao làm tổn thương ý thức dân tộc của người dân Pháp sự đe dọa đến độc lập dân tộc do Mỹ can thiệp vào chính sách đối nội và đối ngoại của đất nước, cũng như sự phản đối ngày càng tăng của quốc tế nhằm bảo vệ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cuối cùng đã khiến nền Cộng hòa đệ Tứ phải tìm kiếm thỏa hiệp.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 26 Tháng Bảy, 2023, 09:40:13 am
Phong trào cộng sản thế giới đã đóng một vai trò to lớn trong việc này. Ảnh hưởng thực sự của những người cộng sản ở châu Âu nói chung và đặc biệt là ở Pháp (ngay cả trong thời kỳ khi họ không còn tham gia chính phủ) đã bắt buộc nội các chính phủ phải tính đến uy tín của lực lượng chính trị này.


Vào đầu những năm 1950, Đảng Cộng sản Pháp đã triển khai một làn sóng lớn trong nước các hoạt động phản đối chiến tranh và được một bộ phận quần chúng không nhỏ ủng hộ, chẳng hạn như các công nhân bốc vác ở Mác-xây, Ru-ăng, Boóc-đô và Can, các hải đội thương thuyền chuyên chở hàng quân sự, các công nhân đường sắt và các xí nghiệp quốc phong. Một số chính khách chủ chốt trong nước có tư tưởng tự do cũng ủng hộ họ. Có thể dẫn ra một sự việc chứng tỏ tình hình căng thẳng đến mức nào: ngay giữa lúc đang thảo luận căng thẳng nhất về vấn đề Đông Dương thì ở Pa-ri vào năm 1952, tuyển tập các bức thư của Hen-ry Mác-tanh, người còn đang ở trong tù đã được xuất bản1 (Henri Martin. Letters d’Indochine á sa famille. Paris. 1952). Người thủy thủ Pháp này tình nguyện sang chiến đấu ở Việt Nam, nhưng đã nhanh chóng thấy được tính chất tội ác của lò sát sinh và anh đã bị bỏ tù 5 năm vào ngày 13/5/1950 vì đã kêu gọi hòa bình. Do sự phản đối của dư luận, chính quyền đã phải thả Ray-mông Điêng (sau 4 tháng bị biệt giam), người bị kết án 5 năm tù giam vào tháng 2/1950 vì tội đã nằm trên đường ray để ngăn cản đoàn tàu hỏa chở xe tăng ra bến cảng.


Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của phong trào phản đối chiến tranh ở Đông Dương đã dẫn đến các hiện tượng khủng hoảng ngay trong phong trào cộng sản ở Pháp. Các cuộc biểu tình và bãi công chống chiến tranh trên bối cảnh "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" đã đặt ra vấn đề phải xem xét lại sách lược của phong trào cộng sản. Những mâu thuẫn rắc rối đã làm suy yếu Đảng Cộng sản Pháp, tuy nhiên, cho đến giữa những năm 1950, khi Chính phủ phê chuẩn một loạt dự luật đặt những người cộng sản ra ngoài vòng pháp luật thì Đảng vẫn có nhiều uy tín như trước đây. Mối quan hệ chặt chẽ của những người cộng sản Pháp với Liên Xô cho phép hiểu được tính lô-gic chung trong các cuộc tìm kiếm thỏa hiệp do Chính phủ Pháp tiến hành.


Sự gia tăng căng thẳng ở mẫu quốc, các chính sách trong nước của Chính phủ Việt Nam mới thắng lợi - tất cả đã làm nên những tiến bộ tiếp theo. Đồng thời, những hành động tích cực của Mỹ muốn ép buộc bằng vũ lực và mưu toan "vẽ lại bản đồ" đã khiến Liên Xô phải triển khai hành động ở khu vực mà thoạt đầu nước này không có kế hoạch tăng cường vai trò ở đây. Triển vọng chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Việt Nam một cách độc lập theo con đường đã chọn, không có sự trợ giúp từ bên ngoài là những lý do chủ yếu giải thích cho những nỗ lực của các nhà ngoại giao và chính trị Liên Xô. Dĩ nhiên, khả năng dùng con đường kết thúc cuộc xung đột để thúc giục Pháp từ bỏ ý tưởng Cộng đồng Phòng thủ châu Âu cũng đã được tính đến.


Việc kết thúc cuộc chiến tranh thực chất có dính líu đến cả một liên minh đã đòi hỏi những nỗ lực rất lớn để vượt qua những trở ngại từ phía bên kia. Sức ép thường xuyên của Mỹ, việc thay thế Chính phủ kháng chiến ở Pháp bằng các chính phủ khác đã dẫn tới một loạt những quyết định trung gian. Tuy nhiên, cuối cùng, vào ngày 28/10/1953, Nghị viện Pháp đã đưa ra ý kiến là phải tìm kiếm con đường hòa bình để giải quyết cuộc xung đột. Trong bối cảnh đó, Liên Xô đã có khả năng không chỉ hạn chế đáng kể các kế hoạch toàn cầu của Mỹ, mà còn giúp Pháp rút khỏi Việt Nam mà "không bị mất mặt".


Một loạt các cuộc gặp gỡ quốc tế công khai và bí mật diễn ra trước thềm Hội nghị Giơ-ne-vơ có thể được coi là hiếm có vào thời đó về tần suất và hiệu quả. Dự cảm trước về khả năng không thể giữ được một nước Việt Nam toàn vẹn đã đẩy đến một ý tưởng có từ lâu là tạm thời chia cắt đất nước để bắt đầu cuộc đấu tranh ở cấp độ mới sau khi đã có bàn đạp quân sự hợp pháp và tránh được sự xâm lược công khai của Mỹ ở khu vực. Hội nghị các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mỹ, Pháp và Anh họp ở Béc-lin vào tháng 2-3/1954, và sau đó là cuộc gặp không chính thức ỗ Mát-xcơ-va giữa Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh vào đầu tháng 4 đã trở thành những mốc quan trọng nhất trên con đường này sau rất nhiều sự xúc tiến và vận động ngoại giao. Tuy nhiên, như các sự kiện đã chứng tỏ, từng đó vẫn là chưa đủ.


Với quan điểm bên ngoài, có thể nhìn nhận Hội nghị Giơ-ne-vơ như là một trận đánh lớn và khó khăn với giá trị được khuếch trương nhiều lần khi chú ý đến quyết định ban đầu của Mỹ muốn phá hoại Hội nghị này. Tuy vậy, chỉ khi nghiên cứu các tư liệu Hội nghị mới hiểu được những công việc từ bên trong do Liên Xô và các nước đồng minh thực hiện. "Cơ quan đầu não" của công việc này mới đầu là các cuộc họp kín (mà trước hết là đối với Mỹ), sau đó là các cuộc họp công khai ở phạm vi rộng hơn của một số nước, gồm các chuyên gia quân sự của Pháp, Việt Nam, Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các cuộc họp này được bắt đầu ở Giơ-ne-vơ, ngay sau đó được tiến hành song song ở Việt Nam và cả ở Bơn từ giữa tháng 7 trong giai đoạn kết thúc Hội nghị Giơ-ne-vơ.


Trong thời gian làm việc, bản thân Hội nghị đã trải qua một loạt các giai đoạn phát triển: từ những tuyên bố chung cho đến các mâu thuẫn sâu sắc có chủ định, giai đoạn tham khảo ý kiến tiếp theo sau khi phần lớn các trưởng đoàn rời Thụy Sĩ, một chuỗi các cuộc đàm phán bí mật của các cố vấn quân sự và rốt cuộc đã giúp đạt được điều gần như không thể.


Tính chất phức tạp của việc giải quyết vấn đề có cùng một ý nghĩa đã buộc các đại biểu tham dự Hội nghị phải chấp thuận đặt đường giới tuyến chia cắt Việt Nam tại Vĩ tuyến 17 (khu vực phi quân sự) với điều kiện sẽ thống nhất đất nước sau khi tiến hành Tổng tuyển cử tự do vào năm 1956. Mặc dù quyết định đó sau này trở thành lý do cho nhiều lời trách cứ đối với các bên tiến hành thỏa thuận (trong dó có cả Liên Xô), nhưng chỉ bây giờ, sau khi công bố các tài liệu cho thấy toàn bộ "bếp núc" của Hội nghị Giơ-ne-vơ mới có thể đánh giá được tài năng ngoại giao được các Đoàn đại biểu Liên Xô, Việt Nam và Trung Quốc thể hiện trong việc tìm kiếm những thỏa hiệp qua lại. Những người ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh có mặt ở khắp Việt Nam chứ không chỉ tập trung ở miền Bắc. Mặt khác, quân đội viễn chinh Pháp có các căn cứ được củng cố vững chắc ở miền Bắc và khu vực giữa đồng bằng sông cửu Long, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tập trung lực lượng của họ, cũng như của phe phái "Quốc gia Việt Nam" do Cựu hoàng Bảo Đại đứng đầu.


Tuy nhiên, kết quả của Hội nghị Giơ-ne-vơ đã xác nhận tính thiết thực của các quyết định thỏa hiệp đó: một hiệp định nhiều bên, bốn văn kiện song phương và bảy văn kiện đơn phương về Đông Dương là thành quả chủ yếu của gần 3 tháng làm việc ở Giơ-ne-vơ. Các văn kiện đã tuyên bố tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia. Phía Pháp còn đưa ra nghĩa vụ kiềm chế can thiệp vào công việc nội bộ của những nước này.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 26 Tháng Bảy, 2023, 09:42:21 am
Việc giải quyết vấn đề Đông Dương trở thành một sự kiện lớn của thời kỳ sau chiến tranh. Mặc dù thoạt đầu có thể cho rằng nó mang tính chất cục bộ, tuy nhiên ý nghĩa của sự kiện đã vượt ra ngoài khu vực. Kết thúc "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" nặng nề đối với Pháp, nước Trung Quốc Cộng sản lần đầu tiên bước ra vũ đài thế giới, bắt đầu quá trình quốc tế công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - tất cả các sự kiện này là những thành công có ý nghĩa của ngành Ngoại giao Liên Xô thời kỳ "hậu Xta-lin".


Các thỏa thuận đạt được ở Giơ-ne-vơ (mặc dù không được thực hiện đầy đủ) đã nêu bật vai trò của Liên Xô như là một cường quốc. Đồng thời, các văn kiện này cho thấy các xu hướng chủ yếu trong quá trình địa chính trị đã quyết định sự phân bố lực lượng trên vũ đài quốc tế, mà sau đó được khẳng định trong tiến trình các cuộc tiếp xúc quốc tế những năm 1950-1960.


Trong nửa cuối những năm 1950, Mỹ đã thay chân Pháp và tiếp tục tấn công vào nền tự do của Việt Nam, hậu quả là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai bắt đầu. Kết cục cuộc chiến tranh ai cũng rõ. Tuy vậy, tiếc là các nhà chính trị vẫn chưa học được những bài học của quá khứ.


Ngay sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc, tại châu Âu và Mỹ đã phát hành những ấn phẩm công bố nhiều tài liệu đáng kể, trong đó có một số cố gắng cung cấp tư liệu một cách khách quan (đôi khi bất chấp ý kiến của chính quyền, như ở Mỹ). Các ấn phẩm xuất bản tại Anh vào những năm 1953-1954 và 1989, tại Pháp năm 1954, tại Mỹ năm 1956 và một xê-ri không trọn bộ vào năm 1971, v.v..., trước hết là nhằm cho thấy chính sách của các nước phương Tây và chỉ làm sáng tỏ lập trường của Liên Xô ở một chừng mực nào đó1 (Các văn kiện về quan hệ quốc tế. 1939-1946. Tập 1-2. Luân Đôn. 1953- 1954; Công báo Pháp. Các cuộc tranh luận của Quốc hội. 1954. Tập 23- 26. Pa-ri, 1954; Cuộc xung đột ở Đông Dương và hậu quả quốc tế. Lịch sử bằng văn kiện 1945-1955. Niu-oóc, 1956; Quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam (1945-1967): Công trình nghiên cứu của Bộ Quốc phòng. Niu-oóc., 1971, tr.7000; Chính sách ngoại giao của Anh (1945-1956). Luân Đôn, 1989, v.v…).


Liên quan đến lịch sử nghiên cứu vấn đề, công việc này tại phương Tây đã tiến triển có kết quả trong suốt quãng thời gian sau đó, hiện đã có hàng chục cuốn sách được xuất bản.

Nếu như thêm các công trình nghiên cứu của cả hai bên bờ đại dương về lịch sử quan hệ chính sách đối ngoại và quân sự của Mỹ và Pháp, của Mỹ và các nước Đông Dương, Nhật Bản, cũng có đề cập trực tiếp đến vấn đề - thì số lượng sách báo vượt con số vài trăm. Đặc điểm quan trọng nhất của những công trình này là nhấn mạnh vai trò chủ đạo của các cường quốc phương Tây trong việc giải quyết cuộc xung đột (Chẳng hạn, một trong những công trình trọng yếu nhất những năm gần đây và được sử dụng như là giáo trình tại nhiều trường đại học ở Nga là cuốn sách gồm hai tập của P. Can-vô-cô-re-xi "Chính sách của thế giới những năm 1945-2000" (M., 2003), miêu tả các sự kiện ở Đông Dương trong nửa đầu những năm 1950 chỉ như là cuộc đấu tranh chính nghĩa của Hoa Kỳ chống lại các mưu kế cộng sản của Liên Xô và Trung Quốc).


Sự im lặng về vai trò của Liên Xô và các nước đồng minh - Việt Nam và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - trong các sự kiện của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, nhiều mốc quan trọng của lịch sử quân sự thời kỳ đó đã được giảm nhẹ bởi sự thiẽu vắng trong nước những xuất bản phẩm văn kiện tương tự như ở phương Tây. Việc nghiên cứu vấn đề không phổ biến, một mặt là do biên giới Liên Xô cách xa Đông Dương và có vẻ như không có tính cấp thiết; mặt khác, bản thân chính quyền cũng không khuyến khích (trong đó có lý do bí mật của lưu trữ).


Ngay sau khi Hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, chỉ có một phần nhở các văn kiện chính thức về Hội nghị được xuất bản dưới hình thức các ấn phẩm chuyên ngành hẹp2 (Tư liệu Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954//Đời sống quốc tế. 1954. Số 1, tr. 132-153.; Me-dơ-lia-cốp N.X. Hiệp định Giơ-ne-vơ về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương và thực tiễn thi hành. 1956. [Bản quyền sử dụng nội bộ]; Tư liệu Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. //Tuyến tập các hiệp ước, hiệp định và công ước hiện hành do Liên Xô ký kết với nước ngoài. Tập XVI. M., 1957, tr.20-53), nhưng không có một tuyển tập ấn phẩm nào dành toàn bộ cho các vấn đề của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.


Việc không được tiếp cận các nguồn tài liệu đã ảnh hưởng tới việc xuất hiện những công trình sử học tầm cỡ, mặc dù các nhà khoa học Liên Xô cũng đã nghiên cứu những khía cạnh riêng lẻ của sự kiện. Các cuốn sách của Luật gia quốc tế X.A. Mkhi-ta-ri-an, M. Liac-xơ1 (Mkhi-ta-rian X.A.: Cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập dân tộc, dân chủ và hòa bình. (1945-1955). M., Nxb Viện hàn lâm khoa học Liên Xô, 1957; Liac-xơ M.: Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, v.v...) là những công trình đầu tiên dành cho các vấn đề lịch sử pháp lý và thực tiễn áp dụng luật pháp của việc thi hành các thỏa thuận tại Giơ-ne-vơ. Trong những năm 1960-1970, có những cuốn sách đáng chú ý xét theo góc độ phong phú về sự kiện đã được xuất bản. Các hồi ký của những người Liên Xô và nước ngoài từng chứng kiến và tham gia sự kiện cũng đã được xuất bản2 (Láp-ri-sép A.A.: Vấn đề Đông Dương sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. M., 1960. Mi-khê-ép Iu. Ia. Người Mỹ ở Đông Dương. Phê phán học thuyết hành xử phi pháp và chính sách của Mỹ. M., 1972. Cô-bê-lép E.V.: Hồ Chí Minh (Cuộc đời của những người xuất sắc). M., 1983; Che-rca-xốp P.P.: Sự sụp đổ của đế chế thuộc địa Pháp. v.v...). Các ấn phẩm này trở thành tiên triệu3 (Tiên triệu: Dấu hiệu báo trước) cho bộ môn Việt Nam học ở Liên Xô. Việc nghiên cứu được tiếp tục trong những năm 1980 khi lần đầu tiên các công trình về lịch sử mối quan hệ giữa hai nước Nga, Liên Xô và Việt Nam, sách hội thoại và từ điển Nga-Việt được xuất bản đã làm tăng cường việc tìm hiểu sử thi Việt Nam và sách báo Việt Nam.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 26 Tháng Bảy, 2023, 09:44:03 am
Phương pháp tiếp cận mới về nguyên tắc trong thời kỳ hậu Xô viết đã cho thấy những biến chuyển trong việc làm sáng tở các nguyên nhân và diễn biến các cuộc chiến tranh Đông Dương. Ý nghĩa tuyên truyền cho chủ đề này bắt đầu chuyển sang thứ yếu. Các khía cạnh chính trị đa dạng trong mối quan hệ qua lại giữa các nước trên bán đảo Đông Dương, việc thiết lập chế độ thuộc địa, diễn biến các cuộc chiến tranh và kết quả, vai trò của Quốc tế Cộng sản, nội dung các mối quan hệ Mỹ-Việt, Mỹ-Pháp đã được nghiên cứu1 (Quan hệ Mỹ - Việt: 1945-1989. Tuyển tập các bài viết/Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, Viện Kinh tế hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới/Chủ biên M.E. Tri-gu-ben-cô. M., 1989; Xô-cô-lốp A.A.: Quốc tế cộng sản và Việt Nam. Công tác đào tạo các cán bộ chính trị Việt Nam tại các trường đại học Liên Xô những năm 1920-1930. M., Viện Đông phương học Viện Hàn lâm khoa học, 1998. O-gơ-ne-tốp I.A.: Các khía cạnh ít được biết đến trong quan hệ Xô-Việt/Các vấn đề lịch sử. 2001. Số 8. tr. 134-139.; Gai-đúc I. V. Liên Xô tại Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương//Cuộc chiến tranh lạnh. 1945-1963. Hồi tưởng lịch sử.M: Olma-press, 2003 URL://statehistory.ru/books/Kollecti-avtorov_Kholodnaya-voina-1945-1963-gg-Istocheskaya-retrospektiva/; Ma-la-sen-cô O.A.: Các vấn đề chủ yếu trong chính sách quân sự của Pháp, v.v...). Một vài công trình tìm hiểu các tiến trình từ góc độ các quá trình địa chính trị2 (Plê-xa-cốp K. V. Nghịch lý địa chính trị: Sự tác động lẫn nhau giữa địa chính trị và hệ tư tưởng trên thí dụ mối quan hệ giữa Liên Xô, Hoa Kỳ và Trung Quốc tại khu vực Đông Á lục địa. 1949-1991. Mát-xcơ-va. 1994; Bô-ga-tô-rốp A. Đ. Các cường quốc tại Thái Bình Dương. Lịch sử và lý luận các quan hệ quốc tế ở Đông Á sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1945-1975). Mát-xcơ-va. 1997; Xê-li-va-nôp I. N, Cô-nô-rép-va I. A. Sách đã dẫn,v.v..). Vào đầu thế kỷ XXI, mối quan hệ nhân văn giữa Liên bang Nga và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được củng cố, điều này có liên quan đến các cuộc gặp gỡ và thăm viếng cấp cao nhất của Tổng thống v.v. Pu-tin đến Việt Nam vào các năm 2001, 2006 và 2013. Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga đã có nhiều ảnh hưởng đến việc hình thành không khí khoa học thuận lợi cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam và quan hệ Nga - Việt trong suốt quá trình tồn tại. Sự phát triển khả quan của bộ môn Việt Nam học ở nước Nga đã giúp cho việc xuât bản các tuyển tập "Các công trình nghiên cứu về Việt Nam"1 (Như Các công trình nghiên cứu về Việt Nam. Quyển 1. Việt Nam ngày hôm nay và hôm qua! Chủ biên. E.V. Cô-be-lép, A.L. Phê-đô-rin, M., 2011; Quan hệ Nga-Việt: Hiện tại và lịch sử. Tư tưởng của hai phía! Chủ biên. E.V. Cô-be-lép, V.M. Ma-dư-rin. M., 2013; Các công trình nghiên cứu về Việt Nam. Quyển 4. Việt Nam trong xã hội quốc tế/Chủ biên V.M. Ma-đư-rin, E.V. Cô-bê-lép, G.M. Lốc-sin. M., 2014, v.v...) trở nên thường xuyên, trong đó có những tư liệu về lịch sử các cuộc chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam vào thế kỷ XX.


Tuy vậy, không thể không công nhận một sự thật là, tất cả các công trình nghiên cứu lịch sử về cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất được thực hiện trong khi hầu như thiếu hẳn các nguồn tài liệu được công bố2 (Chỉ có vài tài liệu được công bố về chủ đề này. Ví dụ, Cô-nô-re-va I.A.: Các nguồn sử liệu lưu trữ về các vấn đề lịch sử mối quan hệ giữa Liên Xô và các quốc gia Đông Dương trong những năm 1940 - 1970// Người đưa tin lưu trữ. 2012. Số 1. Tr.38-51; Các quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của Liên Xô (1871-1957): Tuyển tập các văn kiện. M., 1957; Hồi ký về Hồ Chí Minh. Hà Nội, 1980; 30 năm quan hệ Xô-Việt: Tài liệu và văn kiện. 1930-1980. M., 1982. Việt Nam - Liên Xô: Tài liệu và văn kiện 1950-1980. M., 1983; Hiệp sĩ cách mạng: Tuyển tập các hồi ký về Hồ Chí Minh. M., 1990. Trong năm 2016, Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Kursk đã công bố tuyển tập: "Lịch sử quan hệ Xô-Việt qua tài liệu văn kiện: 1945-1955" (I.A. Cô-nô-re-va, I.N. Xê-li-va-nôp biên soạn), trong đó giới thiệu rộng rãi các quan hệ nhân văn và cá nhân giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, I.V. Xta-lin và Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chỉ có gần 10 văn kiện liên quan đến sự kiện cuộc Chiến tranh Đông Dương lán thứ nhất kết thúc. Ba trong số đó được công bố đầy đủ hơn trong cuốn sách này).


Mức độ soi sáng về mặt lưu trữ như vậy không giúp gì nhiều cho việc tiến triển của biên niên lịch sử, kích thích các dự đoán và kiến nghị nhằm hạ thấp vai trò của Liên Xô trong cuộc xung đột ở Đông Dương.


Tuyển tập này ra đời nhằm mở đầu cho việc làm sáng tở các vấn đề lịch sử của cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất qua các tài liệu văn kiện.

Tính chất phức tạp của chủ đề đã định ra trước sự cần thiết phải có cách tiếp cận tổng hợp khi làm sáng tở các sự kiện không chỉ qua diễn biến của bản thân Hội nghị, mà còn cả quá trình lịch sử trước đó, bởi vì thành công của Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được hình thành trong một quãng thời gian vài năm. Quan điểm đó đã dẫn đến việc công bố giới thiệu tài liệu văn kiện ở phạm vi rộng để thấy được lập trường của các nước tham dự chủ yếu vào cuộc chiến tranh Đông Dương trong những năm trước đó.


Chính vì thế mà phạm vi thời gian của ấn phẩm bao quát thời kỳ bắt đầu từ năm 1950 - thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và kết thúc vào tháng 12/1956, khi các Hiệp định Giơ-ne-vớ đã thể hiện rõ ràng "giới hạn" đối với sự cần thiết phải thúc đẩy quá trình thống nhất đất nước.


Đặc điểm của cơ sở sử liệu có liên quan đến việc nghiên cứu cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và lịch sử Hội nghị Giơ-ne-vơ là các khối tài liệu được bảo quản rải rác tại các cơ quan khác nhau và bị hạn chế tiếp cận. Vì thế có sự "đóng khung" nhất định cho việc nghiên cứu, phản ánh tính chất cấp thiết và sâu sắc của một loạt những đề tài vẫn có thể được kế tục trong các công trình nghiên cứu hiện nay ở nước Nga về lịch sử chính sách đối ngoại và nền ngoại giao Liên Xô.


Các phông lưu trữ của một số cơ quan bảo quản tại Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga, Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Nhà nước Nga, Viện Lưu trữ Lịch sử hiện đại Nhà nước Nga, Viện Lưu trữ Tài liệu phim ảnh Nhà nước Nga đã được dùng làm nguồn sử liệu chủ yếu của cuốn sách.


Trong số này có các phông Ban Thư ký Bộ trưởng Ngoại giao V.M. Mô-lô-tốp và Thứ trưởng Ngoại giao A.A. Grô-mưn-cô, tài liệu của Vụ Đông Nam Á, khối tài liệu của chính Hội nghị Giơ-ne-vơ, cũng như các nguồn tài liệu từ các phông Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và các Hội nghị toàn thể, Ban Chính sách đối ngoại Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sẵn Liên Xô, Cục Thông tin các đảng cộng sản và công nhân, tài liệu của Quốc tế Cộng sản liên quan đến hoạt động của các Đảng Cộng sản Việt Nam và Pháp, tài liệu phông V. I. Lê-nin.


Tổng cộng hơn 900 hồ sơ đã được xem xét, trong đó có hơn 180 tài liệu được lựa chọn.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 26 Tháng Bảy, 2023, 09:45:13 am
Những tài liệu lấy từ các kho lưu trữ của Việt Nam, căn cứ theo thỏa thuận giữa hai bên, có ý nghĩa quan trọng cho việc biên soạn cuốn tuyển tập. Những tài liệu đó cho thấy cách nhìn nhận vấn đề từ phía đất nước tham dự trực tiếp và cũng phải hy sinh nhiều cho cuộc chiến tranh. Các tài liệu do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước thuộc Bộ Nội vụ Việt Nam cung cấp, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, cũng như tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Lưu trữ Bộ Ngoại giao Việt Nam. Những tài liệu này phần nhiều có nguồn gốc chính thức, bổ sung những sắc thái quan trọng cho bức tranh chung, làm nổi bật hơn lập trường của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và vai trò của những đại diện ngoại giao nước này tại Hội nghị. Trong số đó, các báo cáo phân tích của Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và cá nhân Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng có một giá trị đặc biệt, làm sáng tỏ hoạt động của các đại biểu Việt Nam và bức tranh chung tại Hội nghị. Ngoài các tài liệu văn bản, phía Việt Nam còn cung cấp nhiều tài liệu ảnh quý hiếm và cũng đã được đưa vào cuốn sách này.


Phần thứ nhất là: "Chiến tranh và hòa bình của Việt Nam đấu tranh qua tấm gương phản chiếu về chính trị và ngoại giao (tháng 01/1950 - 10/1953)" - giới thiệu về giai đoạn tìm kiếm các con đường giải quyết cuộc xung đột. Phần này phản ánh những nỗ lực ngoại giao được tiến hành ở Liên Xô, lập trường của Trung Quốc, phản ứng đáp trả của Pháp và hành động của Mỹ.


Mùa hè năm 1953 là thời điểm có tính bước ngoặt trong tiến trình chiến tranh ở Đông Dương: Chính phủ Pháp và dư luận xã hội trong nước đã hiểu được sự vô ích của các ý định giải quyết cuộc xung đột bằng quân sự. Những thay đổi nhất định trong học thuyết chính sách đối ngoại của Liên Xô, không chỉ liên quan tới việc I.V. Xta-lin qua đời, mà còn liên quan tới việc thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân ở Liên Xô (có nghĩa là chấm dứt thời đại độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực này) đã giúp cho khả năng tiến hành các cuộc đàm phán cụ thể hơn. Từ giai đoạn này, chính quyền Pháp đã bắt đầu có sự thăm dò tích cực về phương hướng kết thúc chiến tranh bằng giải pháp hòa bình. Những sự kiện đó được thể hiện trong Phần hai của cuốn sách là: "Con đường gian nan đến Giơ-ne-vơ (tháng 6/1953 - 4/1954).


Bản thân các sự kiện và những cột mốc chính của Hội nghị, những cuộc gặp gỡ "bí mật" của các ngoại trưởng và của các chuyên gia quân sự được giới thiệu trong ba phần tiếp theo là: "Hội nghị các Ngoại trưởng ở Giơ-ne-vơ bắt đầu làm việc (ngày 26/4 - 19/5/1954)"; Những con đường ngoại giao bí mật. Lô-gic của các cuộc chiến tranh thực dân và hòa bình (ngày 21/5 - 10/6/1954); Thắng lợi của ý chí chính trị. Kết quả Hội nghị Giơ-ne-vơ (ngày 11/6 - 23/7/1954). Việc phân chia các phần căn cứ theo sự phân chia có tính ước lệ các giai đoạn của bản thân Hội nghị, mặc dù còn tồn tại những cách tiếp cận khác nhau giữa các chuyên gia. Sự lựa chọn của những người biên soạn không chỉ dựa vào ngày tháng thông qua các quyết định, mà còn dựa vào những thay đổi cơ bản, sâu sắc hơn, có liên quan đến sự biến chuyển "bầu không khí" bên trong Hội nghị. Ảnh hưởng rất quan trọng đến tiến trình Hội nghị trước hêt phải kể đến các cuộc tham khảo ý kiến của các cố vấn quân sự (và các cán bộ tình báo) của Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khởi đầu từ ngày 19/5, trước khi có các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các chuyên viên quân sự Việt Nam và Pháp bắt đầu vào những ngày đầu của tháng 6. Sự thay đổi nội các ở Pháp với Chính phủ do P. Men-đét Phơ-răng đứng đầu, được tự do hành động hơn đối với Mỹ so với Gi. Bi-đô cũng có ảnh hưởng không kém đến hoàn cảnh chung.


Cuối cùng, phần kết thúc của cuốn sách là "Triển vọng một Giơ-ne-vơ mới" (ngày 24/7/1956 - 12/1956). Trong phần này, trình bày những vấn đề mà Việt Nam và các nước đồng minh gặp phải sau khi kết thúc Hội nghị, khi mà đã thấy rõ giải pháp hòa bình cho quá trình thống nhất đất nước đã bị phá vỡ và khối liên minh phương Tây đang đi về hướng phát động một cuộc chiến tranh mới.


Ngoài ra, còn có 13 văn kiện được đưa vào phần Phụ lục. Các tư liệu được công bố miêu tả phong phú và chính xác tình hình ở Việt Nam trong giai đoạn 1947-1954, nhưng không quan hệ trực tiếp đến vấn đề trọng tâm của cuốn sách.


Cần phải nói đôi lời về tên gọi của cuốn sách. Đây là những tài liệu và văn kiện nói về Hội nghị Giơ-ne-vơ, mặc dù phần lớn nguồn tài liệu nói về tham vấn. Theo thuật ngữ hiện nay, giữa hai từ này có lẽ không có sự khác biệt cơ bản, ngoài một điều. Hội nghị (gốc tiếng La-tinh confero nghĩa là tụ họp ở một chỗ) đòi hỏi không chỉ mức độ cao cấp và tính pháp lý của những người tham dự mà còn có hàm ý ràng buộc cam kết về kết quả các hoạt động của họ. Tham vấn - dịch từ tiếng Pháp từ "hội nghị" sang tiếng Nga (từ chữ "lời khuyên") ở mức độ thấp hơn mang ý nghĩa mệnh lệnh hoạt động, hành động. Ngữ nghĩa đó rất đặc trưng. Thực tế là mong muốn lớn lao chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương hoàn toàn không có chút nghi ngờ về khả năng và cam kết hiện thực hóa nó. Những tài liệu được công bố cho thấy rõ ràng khả năng dễ đổ vỡ ra sao, đôi lúc là cả tình huống vô vọng, khá lâu không bên nào chịu bên nào theo kiểu không bao giờ quay lại và hoàn toàn có thể kết thúc việc "tham vấn" và trao đổi ý kiến (chẳng hạn như về việc giải quyết vấn đề Triều Tiên). Chính vì thế, khi biết kết quả, cuộc gặp ở Giơ-ne-vơ giờ đây có thể gọi một cách công bằng là Hội nghị", chứ không phải là "tham vấn", như những người không trực tiếp tham dự vẫn gọi.


Các tài liệu được công bố thuộc về các giới cấp cao của chính quyền và cơ quan quản lý nên cần có việc xử lý kỹ lưỡng về công bố học đối với các sử liệu, việc truyền đạt chính xác các văn bản và tất cả những thể thức của chúng"1 (Đây là phương pháp tiếp cận chung khi làm việc với văn bản. Mặc dù mỗi một xuất bản phẩm sử liệu đều có đặc thù riêng và có thể cho phép không tuân theo hoàn toàn các hướng dẫn chung, nhưng các nhà biên soạn đã cân nhắc đến "Quy tắc xuất bản các tài liệu lịch sử ở Liên Xô" năm 1990). Toàn bộ các ghi chú văn thư và của tác giả đã được chú ý đến, tất cả những lời phê, mẫu văn bản, cũng như dấu đóng văn thư cho biết mức độ cấp thiết của văn bản trong những năm khác nhau, kể cả những năm sau Hội nghị Giơ-ne-vơ đã được công bố lại. Nhờ những chi tiết như vậy có thể thấy được việc giải quyết vấn đề đã diễn ra như thế nào, cách văn bản "di chuyển" qua các đơn vị tổ chức và ai là người có ảnh hưởng cuối cùng đến việc thông qua quyết định. Chính vì lý do đó mà một số tài liệu được công bố theo bản dự thảo, để giúp hình dung một cách rõ ràng quá trình lĩnh hội qua lại về sự kiện và được phản ánh trong tiến trình giải quyết công việc của tác giả hay nhiều tác giả soạn thảo văn kiện.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 26 Tháng Bảy, 2023, 09:45:58 am
Một phần lớn tài liệu có dấu gạch chân hay các ký hiệu khác xuất hiện khi đọc văn bản. Tất cả các dấu này đều được giữ nguyên: nếu tự tay viết - được đánh dấu bằng đường chấm chấm, các gạch chân trong quá trình soạn thảo văn bản được in đậm. Cả hai trường hợp này được nhắc đến lần đầu trong các chú thích ở cuối trang, nhưng cũng có những chú thích được giải thích riêng. Trong các chú thích ở chân trang, những người biên soạn vẫn giữ các ghi chú đặc biệt như dấu kiểm, dấu cộng, dấu trừ có ở lề văn bản. Những lời nhận xét văn bản cũng được tái hiện lại.


Tất cả các văn kiện có nhan đề do người biên soạn đặt. Đồng thời, cân nhắc đến "cấp bậc ngoại giao" hoặc xuất xứ đảng của một số tài liệu nên cũng giữ cả các tiêu đề cũ (ở giai đoạn hiện hành) và được in lại bằng chữ in thường.


Có những tài liệu do những người biên soạn đặt ngày tháng vì chúng bị thiếu trong văn bản. Trường hợp này có chú ý đến nội dung và ngày tháng của các văn bản khác có trong cùng một hồ sơ. Các văn kiện ngoại giao được ghi ngày tháng theo thời gian của sự kiện (ví dụ, theo ngày có cuộc tọa đàm của bộ trưởng) chứ không phải là khi tài liệu được đăng ký hoặc được ghi vào "Sổ ghi chép" các cuộc gặp của nhà hoạt động nhà nước nào đó. Các văn bản gửi đến Mát-xcơ-va từ Việt Nam và Pháp cũng được xử lý như vậy. Các văn bản chính thức được ghi ngày tháng căn cứ theo ngày công bố văn kiện.


Phần lớn các tài liệu được công bố lần đầu tiên. Một số rất ít lấy từ báo chí công khai (như Báo "Sự thật", Tạp chí "Đời sống quốc tế") và các ấn phẩm công bố hiện hành, có chỉ dẫn nơi xuất bản lần đầu.


Một số tài liệu là các bài báo đưa vào tuyển tập này lần đầu tiên được dịch từ tiếng Pháp. Trong trường hợp này, ngoài việc chỉ dẫn "Dịch từ tiếng Pháp", còn nêu hình thức của bản gốc - "Bản in ấn".


Các tài liệu do các đồng nghiệp Việt Nam cung cấp, lần đầu tiên được dịch sang tiếng Nga để đưa vào tuyển tập này.

Công cụ tra cứu khoa học của tuyển tập bao gồm: biên niên sự kiện; bản chỉ dẫn tên gọi và chỉ dẫn địa lý; bản chỉ dẫn các phương tiện thông tin đại chúng (tên các báo chí và hãng thông tấn nước ngoài); bản chỉ dẫn tiểu sử cung cấp thông tin về các nhà hoạt động hàng đầu thế giới, họ tên của họ được ghi bằng chữ in đậm.


Việc biên soạn các chỉ dẫn tên gọi cũng như bản chỉ dẫn địa lý gặp không ít khó khăn, bởi vì vào giữa những năm 1950 ở Liên Xô chưa có cách phiên âm ổn định họ tên, địa danh của các nước Đông Nam Á. Chính vì thế, trong một loạt các nguồn tư liệu xuất hiện đồng thời cùng một họ hay tên gọi lại được phiên âm theo các cách khác nhau. Việc so sánh, đối chiếu chúng với cách viết hiện tại đã đòi hỏi những cố gắng nhất định (mặc dù không phải lúc nào cũng đạt kết quả). Theo những quy tắc đã thành thông lệ, trong ấn phẩm giữ nguyên cách viết của bản gốc. Các chỉ dẫn cung cấp tất cả các cách viết, nếu như chúng khác nhiều so với cách viết được tiếp nhận hiện nay thì tên gọi được chú dẫn riêng thành một dòng có kèm chỉ dẫn đến tên cũ.


Nhóm Biên soạn xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến:

Các cán bộ Cục Tư liệu lịch sử Bộ Ngoại giao Nga: Lãnh đạo Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga A.N. Da-le-ê-va; Chuyên viên trưởng C.V. Páp-lốp; Cố vấn cao cấp E.I. Gu-xe-va đã giúp lựa chọn và nhân sao tài liệu;


Trưởng phòng Triển lãm và Công bố tài liệu - Viện Lưu trữ Tài liệu phim ảnh E.E. Cô-lô-xcô-va đã tham gia tra tìm các tài liệu ảnh phục vụ cho cuốn tuyển tập;


Chuyên gia cao cấp Lưu trữ Hội đồng Quốc phòng Liên bang Iu. V. Xi-ga-chốp, trước đây đã làm việc với các phông lưu trữ của Viện Lưu trữ lịch sử hiện đại Nhà nước Nga; Phó Giám đốc Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Nhà nước Nga X. A. Cô-tốp, người đã ủng hộ và giúp đa nhiều cho việc biên soạn cuốn sách này.


O. A. Sa-scốp-va
Chuyên gia cao cấp - Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội
Nhà nước Nga, Phó Tiến sĩ sử học


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 26 Tháng Bảy, 2023, 09:52:15 am
BIÊN NIÊN SỰ KIỆN
Tháng 01/1950 - 1955


Năm 1950

Ngày 11/01 - Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi chính phủ các nước về việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Ngày 18/01 - Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Ngày 30/01 - Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô; Đại sứ Liên Xô X.X. Nhem-chin ở Băng Cốc và cũng là đồng Đại sứ tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trình ủy nhiệm thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Ngày 31/01 - Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.


Ngày 03/02 -17/02 - Hồ Chí Minh có chuyến thăm không chính thức bí mật đầu tiên đến Liên Xô với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lần đầu có cuộc gặp riêng với I.V. Xta-lin.


Ngày 02/02 -13/3 - Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Tiệp Khắc, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri, Ba Lan, Bun-ga-ri và An-ba-ni.


Ngày 07/02 - Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa "Quốc gia Việt Nam" và Mỹ, Anh.


Ngày 13-15/02 - Hội nghị các nhà ngoại giao Mỹ ở các nước Đông Nam Á, được tổ chức theo đề nghị của F. Giep-sớp ra kiến nghị yêu cầu Chính phủ Mỹ tăng cường viện trợ quân sự và kinh tế cho Chính phủ Bảo Đại.


Ngày 27/02 - Nữ đảng viên cộng sản Pháp Ray-mông Điêng phản đối chiến tranh bằng cách ngăn cản không cho đoàn tàu chở xe tăng gửi sang Đông Dương; bắt đầu các cuộc bãi công và biểu tình quần chúng ở Pháp để phản đối cuộc chiến tranh Đông Dương.


Ngày 25/3 - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Pháp A.E. Bô-gô-mô-lốp kết thúc nhiệm kỳ, ông A.P. Páp-lốp được bổ nhiệm làm Đại sứ mới của Liên Xô tại Pháp.


Ngày 08/5 - Cuộc gặp của Ngoại trưởng Pháp R. Su-man và Ngoại trưởng Mỹ Đ. Đa-lét đánh dấu sự khởi đầu việc giúp đỡ quy mô lớn của Mỹ đối với Pháp để tiến hành chiến tranh ở Đông Dương.


Ngày 09/5 - R. Su-man thuyết trình tại Quốc hội Pháp đề nghị hợp nhất hai nền công nghiệp luyện thép, khai thác than và đường sắt của Pháp và Tây Đức thành Cộng đồng Than và thép châu Âu; việc hiện thực hóa "Kế hoạch Su-man" là tiền thân của Liên minh châu Âu và hình mẫu khởi đầu tái cấu trúc Cộng đồng Phòng thủ châu Âu ngay sau đó.


Ngày 19/5 - Hồ Chí Minh lần đầu tiên phát biểu trên báo chí Liên Xô (với bí danh Đinh - Bí thư Khu ủy của Tổ chức Liên Việt (Mặt trận Dân tộc thống nhất) đăng ở Báo "Vì nền hòa bình bền vững, vì nền dân chủ nhân dân!" sô 20 (80) với bài báo "Việt Nam đấu tranh vì độc lập".


Ngày 24/5 - Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo về Chương trình viện trợ kinh tế cho các nước thuộc Liên hiệp Pháp là Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam.


Ngày 25/6 - Bắt đầu cuộc chiến tranh Triều Tiên.


Ngày 27/6 - Tổng thống Mỹ G. Tơ-ru-man ra tuyên bố về việc bổ sung viện trợ quân sự cho Pháp và gửi phái đoàn quân sự đặc biệt sang Đông Dương.


Ngày 10/8 - Các chuyến tàu đầu tiên chở vũ khí của Mỹ tới Sài Gòn.


Ngày 8/10 - Trưởng phái đoàn Mỹ đến Sài Gòn.


Tháng 10 - Dự án thành lập các khối liên minh quân sự và kinh tế của các nước Tây Âu trong đó có Pháp do Thủ tướng R. Ple-ven đưa ra; sau này Dự án được phát triển thành ý tưởng thành lập Cộng đồng Phòng thủ châu Âu.


Ngày 10/11 - Bài báo thứ hai của Hồ Chí Minh (cũng với bí danh Đinh - Bí thư Khu ủy của Tổ chức Liên Việt) với nhan đề "Phong trào thi đua yêu nước ở Việt Nam" đăng trên Báo "Vì nền hòa bình bền vững, vì nền dân chủ nhân dân!" số 45 (105).


Ngày 07/12 - L. Pi-nhông thôi giữ chức Cao ủy Pháp tại Đông Dương, Đơ-lát đơ Tát-xi-nhi thay thế, đồng thời kiêm nhiệm luôn cả chức Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.


Ngày 31/12 - Ký kết Hiệp ước đa phương giữa Mỹ, Pháp và các nước Liên hiệp Pháp về việc "Mỹ tham gia vào phòng thủ Đông Dương".


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 26 Tháng Bảy, 2023, 09:53:11 am
Năm 1951

Tháng 02 - Đảng Cộng sản Đông Dương đổi tên thành các Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Nhân dân cách mạng Khơ-me và Đảng Nhân dân Lào.


Ngày 11/3 - Theo quyết định của Đại hội lần thứ II Đảng Lao động Việt Nam, Hội nghị Mặt trận Dân tộc Việt Minh, Mặt trận Dân tộc Pa-thét Lào (Neo Lào Hắc xạt), Mặt trận Dân tộc thống nhất Cam-pu-chia ra tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Liên Việt.


Ngày 01/9 - Mỹ, Ô-xtơ-rây-li-a và Niu Di-lân ký "Hiệp ước An ninh Thái Bình Dương" thành lập khối liên minh chính trị quân sự giữa các nước này (ANZUS).


Ngày 07/9 - Tướng Đơ-lát đơ Tát-xi-nhi đến Oa-sinh-tơn để thuyết phục Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho Pháp trong cuộc chiến tranh ở Đông Dương.


Ngày 25/11 - Thống đốc bang Niu Óoc T.E. Điu đến Sài Gòn để tìm hiểu cụ thể các nhu cầu đối với viện trợ của Mỹ.


Tháng 12

- Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quốc gia Việt Nam gửi đơn lên Liên hợp quốc đề nghị gia nhập Tổ chức này.

- Quân đội Pháp chiếm thị xã Hòa Bình, kiểm soát đường giao thông liên lạc từ Hà Nội đi phía Nam và và phía Tây đất nước; thắng lợi cuối cùng của quân đội viễn chinh Pháp dưới sự chỉ huy của Tướng Đơ-lát đơ Tát-xi-nhi.

Ngày 28, 30/12 - Bộ trưởng các quốc gia Liên hiệp Gi. Lơ-tuốc-nơ và một số Nghị sĩ (E. Đa-la-đi-ơ, P. Men-đét Phơ-răng, P. Cô-xtơ Phơ-lo-rơ, G. Pa-lép-xki) phát biểu tại Quốc hội Pháp về tình hình Đông Dương.

Ngày 29/12 - Chính phủ Việt. Nam Dân chủ Cộng hòa gửi điện cho Liên hợp quốc đề nghị chấp nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòn là thành viên của Liên hợp quốc.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 15 Tháng Tám, 2023, 07:47:08 am
Năm 1952

Ngày 11/01 - Tướng Đơ-lát đơ Tát-xi-nhi mất, R. Lu-i Xa-lăng thay làm Tổng Tư lệnh quân đội viễn chính Pháp ở Đông Dương.


Tháng 02 - Quân đội nhân dân Việt Nam giải phóng thị xã Hòa Bình.

Ngày 03-12/4 - Hội nghị Kinh tế quốc tế được tổ chức ở Mát-xcơ-va. Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự Hội nghị.

Ngày 25/4 - Ủy ban Quốc tế Viễn Đông thuộc Hội đồng liên minh với Nhật Bản ngừng hoạt động sau khi Hiệp ước song phương Xan-Phơ-ran-xi-xcô ký kết giữa Mỹ và Nhật Bản có hiệu lực.

Ngày 29/4 - Hiệp ước An ninh Thái Bình Dương (khối ANZUS) có hiệu lực đã hạn chế nhiều đến chủ quyền của một loạt nước châu Á, trong đó có các nước trên bán đảo Đông Dương.


Ngày 25/5 - Nhà văn cộng sản Pháp A. Xtin, người đã phát biểu phản đối chiến tranh Việt Nam, bị bắt.

Ngày 27/5 - Ngoại trưởng các nước Pháp, Cộng hòa liên bang Đức, I-ta-li-a, Bỉ, Hà Lan, Luých-xăm-bua ký kết "Hiệp ước Pa-ri" đề ra việc thành lập "Cộng đồng Phòng thủ châu Âu".

Ngày 28/5 - Nghị sĩ Quốc hội Pháp, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp Gi. Đuych-cơ-lô bị bắt; vụ bắt giữ đã gây ra một loạt các phát biểu phản đối chiến tranh mới.


Ngày 17-18/6 - Tổng thống Tơ-ru-man gặp Bộ trưởng Cộng hòa Pháp về vấn đề các quốc gia liên hiệp Gi. Lơ-tuốc-nơ trong khuôn khổ cuộc đàm phán Pháp-Mỹ về vấn đề Đông Dương và việc Mỹ tăng viện trợ giúp cho đội quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam.


Ngày 19/9 - Đại diện Liên Xô G.A. Ma-lích phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở thành thành viên Liên hợp quốc.


Ngày 05-19/10 - Hồ Chí Minh có chuyến thăm không chính thức bí mật lần thứ hai đến Liên Xô với tư cách là Chủ tịch nước; Người có mặt tại Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản toàn Nga (Bôn-sê-vích) - Đảng Cộng sản Liên Xô.


Ngày 16/12 - Hội đồng Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương thảo luận vấn đề Đông Dương.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 15 Tháng Tám, 2023, 07:48:46 am
Năm 1953

Ngày 08/01 - Nội các Rơ-nê May-ơ nhậm chức (cho đến ngày 21/5); Chính phủ tiền nhiệm, kể cả Ngoại trưởng Pháp Rô-be Su-man từ chức.


Ngày 05-06/3 - V.I. Xta-lin từ trần: Lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi điện chia buồn tới Chính phủ Liên Xô.

Ngày 19-23/3 - Tướng Mắc U. Clác, Tổng Tư lệnh quân đội Mỹ ở Triều Tiên, đến Sài Gòn để trao đổi ý kiến và hội đàm với Bảo Đại.

Ngày 24-28/3 - Thủ tướng Pháp R. May-ơ có cam kết mới với Mỹ là sẽ mở rộng các hoạt động quân sự ở Đông Dương để đổi lấy việc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự.


Ngày 02-07/4 - Tư lệnh lực lượng bộ binh Mỹ ở Thái Bình Dương, Tướng Ô. Đa-ni-en đến Sài Gòn và hội đàm với Bảo Đại.

Ngày 16/4 - Tổng thống Mỹ Đ. Ai-xen-hao đọc diễn văn "Cơ hội hòa bình", nói về sự cần thiết phải làm giảm căng thẳng quốc tế.

Ngày 29/4 - Đại diện thường trực Pháp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc A. Ôp-pe-nô có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.Ia. Vư-sin-xki tại Oa-sinh-tơn về vấn đề trung gian của Liên Xô trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương (đặc biệt là vấn đề Lào).

Tháng 4:

- Tướng A. Na-va được bổ nhiệm làm Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương và vạch ra kế hoạch chiếm Điện Biên Phủ.

- Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Bảo Đại không thông qua Pháp; Bảo Đại ra lệnh bắt đầu tiến hành "tổng động viên" nhằm thành lập quân đội riêng.


Ngày 11/5 - Thủ tướng Anh U. Chớc-chin đọc diễn văn tại Hạ Nghị viện Anh về sự cần thiết phải làm dịu căng thẳng quốc tế và có cuộc gặp không chính thức với các nhà lãnh đạo Liên Xô.

Khoảng ngày 10-14/5 - Thủ tướng Pháp R. May-ơ ý định có những cuộc tiếp xúc không chính thức với Đảng Cộng sản Pháp để tìm hiểu những điều kiện có thể mà theo đó Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý để đình chỉ chiến sự ở Đông Dương.

Ngày 15/5 - Đại diện thường trực Pháp tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc A. Ôp-pe-nô có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.Ia. Vư-sin-xki tại Oa-sinh-tơn về khả năng Pháp ủng hộ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trở thành thành viên Liên hợp quốc đổi lấy việc Liên Xô tác động Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để nước này ngừng giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 21/5

- Nội các Chính phủ R. May-ơ bị đổ ở Pháp, ông Giô-dép La-ni-en lên thay (cho đến ngày 12/6/1954).

- Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp trao đổi với Đại sứ Anh G. Ga-xcôi và cựu Bộ trưởng Thương mại G. Vin-xơn. Ý tưởng của cuộc trao đổi là về khả năng diễn ra các cuộc tiếp xúc cấp cao không chính thức để làm giảm căng thẳng quốc tế.

Ngày 28/5 - Bà Ric-cốc, Cố vấn của Thủ tướng Pháp R. May-ơ, tới thăm Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Liên Xô tại Pa-ri Xcô-riu-cô-va với mục đích thăm dò tình hình về khả năng sắp xếp để ông R. May-ơ gặp Đại sứ Liên Xô A.P. Páp-lốp về vấn đề Đông Dương.    


Ngày 02/6 - Phía Liên Xô nhận được "thông điệp mật cá nhân" của U. Chớc-chin nói về khả năng tổ chức một cuộc họp cấp cao. Bản thông điệp được chuyển cho G. Ma-len-cốp, N.x. Khơ-ru-sốp, L.P. Bê-ri-a.

Ngày 15/6 - Công sứ Đại sứ quán Liên Xô tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa T.Ph. Xcơ-vo-rơ-xốp gặp gỡ Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bắc Kinh để trao đổi về hành động của Pháp đối với việc giải quyết vấn đề Đông Dương.


Ngày 02-07/7 - Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô họp về "vụ việc Bê-ri-a và có thảo luận các vấn đề quốc tế.

Ngày 07/7

- G.M. Ma-len-cốp phát biểu tại Hội nghị toàn thể tháng Bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô (ngày 02-07/7), trong đó lần đầu tiên nhắc đến khả năng có cuộc gặp cấp cao của các nhà lãnh đạo Liên Xô, Mỹ, Pháp và Anh để giải quyết vấn đề Đông Dương.

- Triệu hồi Đại sứ Liên Xô tại Pháp A.P. Páp-lốp, X.A; bổ nhiệm Vi-nô-grát-đốp thay thế.

Ngay 14/7 - Thông cáo chung của Hội nghị Ngoại trưởng các cường quốc phương Tây tại Oa-sinh-tơn, trong đó nêu cuộc chiến tranh ở Đông Dương là "vấn đề cốt yếu đối với thế giới tự do".

Ngày 15/7 - Bộ Ngoại giao Mỹ gửi công hàm cho Chính phu Liên Xô về sự cần thiết phải triệu tập hội nghị các ngoại trưởng của Mỹ, Liên Xô, Pháp và Anh để bàn về vấn đề an ninh ở châu Âu.

Ngày 27/7 - Dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc ký kết Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên.


Ngày 08/8 - G.M. Ma-len-cốp phát biểu tại Phiên họp thứ 5 của Xô viết tối cao Liên Xô nêu ra luận điểm cần "cùng tồn tại hòa bình giữa hai phe" và tuyên bố Mỹ mất thế độc quyền vũ khí hạt nhân.


Ngày 28/9 - Chính phủ Liên Xô gửi công hàm cho các Chính phủ Pháp, Anh và Mỹ về việc triệu tập hội nghị các ngoại trưởng để xem xét vấn đề "về những biện pháp góp phần làm giảm căng thẳng tình hình quốc tế sau khi liệt kê những vấn đề cần giải quyết gồm cả "một loạt những vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình ở các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương".

Tháng 9 - Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp họp ở Mông-tơ-rơi nhằm vượt qua những biểu hiện khủng hoảng trong Đảng, tiếp tục tổ chức đấu tranh kiên quyết vì quyền lợi của nhân dân lao động, phản đối chiến tranh thực dân, trong đó có cuộc chiến tranh ở Đông Dương.


Ngày 28/10 - Quốc hội Pháp biểu quyết với đa số gồm 65 phiếu thuận chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương "thông qua đàm phán".

Ngày 31/10 - Phó Tổng thống Mỹ R. Ních-Xơn phát biểu yêu cầu gấp rút chuẩn bị cho cuộc tấn công quyết định của quân đội Mỹ ở Đông Dương.


Ngày 02/11 - Đô đốc R. Rát-phơt phát biểu về việc cần có cuộc tấn công lớn ở Đông Dương với sự yểm hộ tối đa của Mỹ trong việc tổ chức.

Ngày 09/11 - Vương quốc Cam-pu-chia giành được độc lập.

Ngày 20/11 - Quân đội viễn chinh Pháp tấn công Điện Biên Phủ.

Ngày 26/11 - Chính phủ Liên Xô gửi công hàm cho các Chính phủ Pháp, Anh và Mỹ bày tỏ sẵn sàng tham dự Hội nghị Ngoại trưởng các nước Mỹ, Liên Xô, Anh và Pháp ở Béc-lin, có mời Trung Quốc.

Tháng 11 - Đảng Lao động Việt Nam thông qua Chương trình cải cách ruộng đất mới.


Ngày 04-07/12 - Cuộc gặp ba bên giữa Mỹ, Anh và Pháp ở Béc-mu-đa. Tại đây Tổng thông Đ. Ai-xen-hao đã bác bỏ "sáng kiến riêng" của Chớc-chin về việc làm dịu quan hệ với Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa.

Ngày 11/12 - Thắng lợi có tính chiến lược của Quốn đội nhân dân Việt Nam ở thị xã Lai Châu - một vị trí quan trọng gần biên giới với Lào.

Ngày 19/12 - Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân dịp Kỷ niệm 7 năm toàn quốc kháng chiến, trong đó tuyên bố Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng thương lượng hòa bình với Pháp để giải quyết cuộc xung đột.

Ngày 25/12 - Khởi đầu cuộc tấn công thắng lợi của Quân đội nhân dân Việt Nam về hướng biên giới với Lào và Thái Lan.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 15 Tháng Tám, 2023, 07:50:33 am
Năm 1954

Ngày 18/01-18/02 - Tháng hữu nghị Xô-Việt-Trung được tổ chức tại nhiều nước cộng hòa của Liên Xô.

Ngày 25/1-18/02 - Hội nghị Ngoại trưởng bốn bên ở Béc-lin (gồm Liên Xô, Pháp, Mỹ, Anh) xác định thời gian triệu tập Hội nghị Giơ-ne-vơ để giải quyết vấn đề Đông Dương.

Ngày 06/02 - Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Gi. Đa-lét, trong đó có việc giải quyết vấn đề Đông Dương.

Ngày 11/02 - Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Gi. Bi-đô về việc giải quyết vấn đề Đông Dương.

Ngày 26/02 - Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á - Bộ Ngoại giao Liên Xô K.v. Nô-vi-cốp trao đổi với Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về việc thống nhất đường lối chung của các đoàn đại biểu tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp tới.


Ngày 02/3 - Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp có báo cáo tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về kết quả Hội nghị Béc-lin và những biện pháp có thể giải quyết vấn đề Đông Dương.

Ngày 05/3 - Đại sứ Liên Xô tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa P.Ph. Iu-đin trao đổi với Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về vấn đề thống nhất đường lối chung trong lập trường của Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp tới và vấn đề xác định đường giới tuyến có thể có ở Việt Nam.

Ngày 06/3 - Tại Mát-xcơ-va, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp trao đổi với Đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô Trương Chấn Thiên về khả năng giải quyết các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương.

Ngày 18/3 - Tại Mát-xcơ-va, Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.A. Grô-mưn-cô trao đổi với Đại sứ Pháp ở Liên Xô L. Giốc-xơ về giải quyết vấn đề Đông Dương tại Hội nghị các Ngoại trưởng ở Giơ-ne-vơ sắp tới.

Ngày 25/3 - Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô ra nghị quyết phê chuẩn dự thảo chỉ thị cho Đoàn đại biểu Liên Xô tại Hội nghị các Ngoại trưởng ở Giơ-ne-vơ sắp tới.

Ngày 29/3

- Phê chuẩn thành phần Đoàn đại biểu Liên Xô đi dự Hội nghị Giơ-ne-vơ tại phiên họp của Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô.

- Công bố Giác thư của Chính phủ Mỹ về các vấn đề Triều Tiên và Việt Nam; Thứ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.V. Cu-dơ-nhe-xốp gặp gỡ Đại sứ Mỹ Ch. Bô-len về việc này.

Ngày 30/3 - Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ ở miền Tây Bắc Việt Nam.

Ngày 31/3 - Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp trao đổi với Đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Mát-xcơ-va Trương Chấn Thiên về việc thống nhất đường lối hoạt động chung tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp tới.


Trước ngày 04/4 - Chuyến thăm không chính thức của Chu Ân Lai và Hồ Chí Minh tới Mát-xcơ-va nhằm thống nhất lập trường tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp tới.

Ngày 07/4 - Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về việc thông qua chỉ thị cho Đoàn đại biểu Liên Xô tại Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ngày 11-14/4 - Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét đến Luân Đôn và Pa-ri để bảo đảm sự ủng hộ đối với những kế hoạch ở Hội nghị Giơ-ne-vơ sắp tới, cũng như các hành động hiệp đồng quân sự của Mỹ, Pháp và Anh ở Đông Dương.

Ngày 15/4 - Tổng thống Mỹ Đ. Ai-xen-hao gửi thông điệp đặc biệt cho Thủ tướng các nước thành viên Cộng đồng Phòng thủ châu Âu về việc cần có sự "hợp tác chặt chẽ và lâu dài" giữa các lực lượng vũ trang Mỹ và quân đội của Cộng đồng.

Ngày 16/4 - Phó Tổng thông Mỹ R. Ních-Xơn đọc diễn văn tại Quốc hội Mỹ trong đó đe dọa Mỹ sẽ gửi quân sang tham chiến ở Đông Dương nếu Pháp quyết định đầu hàng.

Ngày 26/6 (đến ngồy 21/7) - Tại Giơ-ne-vơ, khai mạc Hội nghị các Ngoại trưởng Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Pháp, Mỹ, Anh và có mời đại biểu các bên có liên quan khác tham dự để giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương.

Ngày 27/4 - Bắt đầu thảo luận vấn đề Triều Tiên trong khuôn khổ Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ngày 28/4 - 2/5 - Hội nghị của Thủ tướng các nước Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Miến Điện, Pa-ki-xtan và Xây-lan họp ở Cô-lôm-bô kêu gọi đình chiến ở Đông Dương trên cơ sở Pháp công nhận nền độc lập cho tất cả các nước Đông Dương.


Ngày 03/5 - Ngoại trưởng Mỹ Gi. Đa-lét rời Hội nghị Giơ-ne-vơ lấy cớ phải dự cuộc họp ở Pa-ri; sau đó U. B. Smith được cử lãnh đạo Đoàn đại biểu Mỹ.

Ngày 07/5 - Quân Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ, làm tình thế của đội quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam thêm cùng quẫn.

Ngày 08/5

- Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đến Giơ-ne-vơ;

- Bắt đầu thảo luận vấn đề Đông Dương tại Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ngày 19/5 - Cuộc gặp lần thứ nhất giữa các Cố vấn quân sự Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong quá trình diễn ra Hội nghị Giơ-ne-vơ, khởi đầu cho những cuộc tiếp xúc thường xuyên tiếp theo đó.


Đầu tháng 6 - Bắt đầu các cuộc gặp giữa các chuyên viên quân sự Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp tại Giơ-ne-vơ, sau đó tiếp tục có những cuộc gặp ở Việt Nam.

Ngày 12/6 - Chính phủ của Thủ tướng Gi. La-ni-en đổ; Chính phủ của Men-đét-Phơ-răng được thành lập.

Ngày 18-19/6 - Chính phủ Pháp đứng đầu là Men-đét Phơ-răng chính thức ra mắt; Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao mới của Pháp hứa trong vòng một tháng sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình về vấn đề Đông Dương nếu không sẽ từ chức.

Ngày 20/6 - 12/7 - Một số Trưởng đoàn đại biểu tạm rời Hội nghị Giơ-ne-vơ để tham khảo ý kiến ở trong nước.

Ngày 28/6 - Tổng thống Mỹ Đ. Ai-xen-hao và Thủ tướng Anh U. Chớc-chin yêu cầu Chính phủ Pháp nhanh chóng phê chuẩn Hiệp ước thành lập Cộng đồng Phòng thủ châu Âu để không làm "tổn hại sự đoàn kết của các nước Đại Tây Dương".


Ngày 04/7 - "Nhóm nghiên cứu" Anh-Mỹ được thành lập để nghiên cứu những thiệt hại đối với an ninh châu Âu trong trường hợp Pháp không phê chuẩn Hiệp ước về Cộng đồng Phòng thủ châu Âu cũng như vạch ra kế hoạch vũ trang nước Đức.

Ngày 07/7 - Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp trở lại Giơ-ne-vơ.

Ngày 21/7 - Ký kết Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương với sự tham gia của Ngoại trưởng các nước Pháp, Liên Xô, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Anh.


Ngày 12/8 - A.A. Láp-ri-sép được bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô ở Việt Nam.

Ngày 30/8 - Quốc hội Pháp từ chối phê chuẩn Hiệp ước Pa-ri về thành lập Cộng đồng Phòng thủ châu Âu.


Ngày 02/10 - Tờ Thời báo Niu Óoc chính thức công bố tổng số tiền viện trợ của Mỹ cho Pháp năm 1954 để tiến hành cuộc chiến tranh ở Đông Dương là 700 triệu đô-la.


Ngày 04/11 - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô A.A. Láp-ri-sép trình quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 15 Tháng Tám, 2023, 07:52:16 am
Năm 1955

Ngày 16/7 - Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Ngô Đình Diệm tuyên bố từ chối thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Ngày 18/7 - Trong chuyến thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô K.E. Vô-rô-si-lốp đã diễn ra Lễ ký Tuyên bố chung về sự thống nhất lập trường của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.

Ngày 27/8 - Ký kết Hiệp định giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô về vấn đề công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa học tập tại các trường trung học và đại học ở Liên Xô.


Tháng 9 - Ông Phạm Văn Đồng được bổ nhiệm làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Ngày 23/10 - Quốc gia Việt Nam tiến hành cuộc trưng cầu ý dân; tuyên bố thành lập Cộng hòa Việt Nam với Tổng thống là Ngô Đình Diệm và chính thức từ chối Tổng tuyển cử thống nhất với miền Bắc Việt Nam.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 15 Tháng Tám, 2023, 07:57:33 am
PHẦN I
CUỘC CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH CỦA VIỆT NAM
CHIẾN ĐẤU QUA PHẢN CHIẾU
TẤM GƯƠNG CHÍNH TRỊ VÀ NGOẠI GIAO
Tháng 01/1950 -10/1953


1.
Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
toàn liên bang (Bôn-sê-vích)

(Biên bản số 72, Mục 372) về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 30/01/1950

NGHỊ QUYẾT CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN TOÀN LIÊN BANG (BÔN-SÊ-VÍCH) VỀ VIỆC THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA LIÊN XÔ VÀ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA


1. Thông qua đề nghị của Bộ Ngoại giao Liên Xô về việc thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2. Phê chuẩn dự thảo thư phúc đáp của Chính phủ Liên Xô gửi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được kèm theo (Phụ lục 1).

3. Công bố trên báo chí thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thư phúc đáp của Chính phủ Liên Xô gửi Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hoàng Minh Giám (Phụ lục 2), cũng như thông tin về "nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" (Phụ lục 3).

Lời phê:
   Gửi đồng chí PÔ-XCƠ-RE-B Ư-SÉP A. N.
   Đề nghị làm thủ tục
   Đã duyệt ngày 30/01. Chữ ký


Phụ lục 1

Kính gửi: Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
   Ngài Hoàng Minh Giám

Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viêt báo tin để Ngài hay là đã nhận được Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 14/01/1950 đề nghị với tất cả chính phủ các nước về việc thiết lập quan hệ ngoại giao.


Sau khi xem xét đề nghị của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhận thấy Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đại diện cho đại đa số nhân dân Việt Nam, Chính phủ Liên Xô quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trao đổi đại sứ.


Được sự ủy nhiệm của Chính phủ Liên Xô
Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô: A. Vư-sin-xki


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 15 Tháng Tám, 2023, 07:59:35 am
   
Phụ lục 2

Dự thảo Thông cáo báo chí

VỀ VIỆC THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA LIÊN XÔ VÀ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Ngày 19/01, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Băng Cốc Nguyễn Đức Quý được sự ủy nhiệm của Chính phủ nước mình đã trao cho Đại sứ Liên Xô tại Thái Lan X.X. Nhem-chin Lời kêu gọi của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngài Hồ Chí Minh, đề ngày 14/01 năm nay, gửi tất cả các chính phủ trên thế giới về việc thiết lập quan hệ ngoại giao.


Đáp lại Lời kêu gọi này, ngày hôm qua, 30/01, Chính phủ Liên Xô đã thông báo cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa biết về việc Liên Xô đồng ý thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trao đổi đại sứ.


Lời kêu gọi của ngài Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và thư phúc đáp của Chính phủ Liên Xô được công bố dưới đây.

LỜI KÊU GỌI CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA GỬI TẤT CẢ CÁC CHÍNH PHỦ TRÊN THẾ GIỚI1
(Lời kêu gọi được công bố vào ngày 30/01/1950 sau khi quyết định về việc kiến lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được phê chuẩn)


Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đánh đổ nền thống trị của đế quốc Nhật và Pháp ở Việt Nam, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập. Ngày 02/9/1945, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát biểu bản Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân và thế giới. Ngày 02/3/1946, Quốc hội (Quốc dân đại hội) Việt Nam đã bầu Chính phủ chính thức của nước Việt Nam.


Ngày 23/9/1945, quân đội thực dân Pháp đánh Nam Bộ. Sau đó, nước Pháp đă ký với Việt Nam bản Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946 và Tạm ước ngày 14/9/1946. Nhưng thực dân Pháp vẫn tiếp tục cuộc chiến tranh phi nghĩa chống lại Việt Nam trái với ý nguyện hòa bình của nhân dân Pháp. Chúng lại thành lập chính phủ bù nhìn Bảo Đại để dùng làm lợi khí xâm lược Việt Nam và lừa gạt thế giới.


Quyết bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, chống thực dân Pháp, nhân dân và quân đội Việt Nam đương chiến đấu anh dũng và ngày càng gần thắng lợi cuối cùng. Trải qua mấy năm kháng chiến, nước Việt Nam từng được nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ.


Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với chính phủ các nước trên thế giới rằng: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ trên thế giới.

Ngày 14/01/1950
Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
HỒ CHÍ MINH


Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa
   Ngài Hoàng Minh Giám

Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết báo tin để Ngài hay là đã nhận được bản thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 14/01/1950 đề nghị tất cả các chính phủ mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao.


Sau khi xem xét lời đề nghị của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhận thấy Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đại diện cho đại đa số nhân dân Việt Nam, Chính phủ Liên Xô quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trao đổi đại sứ.

Theo sự ủy nhiệm của Chính phủ Liên Xô
Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô: A. Vư-sin-xki


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 15 Tháng Tám, 2023, 08:01:58 am
   
Phụ lục 3
   Mục 372, Biên bản số 72

NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
(Thông tin tóm tắt)


Nước Việt Nam ("Đất nước ở phương Nam") bao gồm lãnh thổ của các xứ do Pháp bảo hộ trước đây là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ thuộc địa, có diện tích 350 nghìn km2. Dân số khoảng hơn 20 triệu người, trong đó có 2 triệu người ở vùng lãnh thổ do quân Pháp chiếm đóng. Tính đến ngày 01/01/1950, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiểm soát 90% toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.


Dân cư chủ yếu là người Việt, chiếm khoảng 17 triệu người.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập sau kết quả thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra vào ngày 08/8/1945 tại các tỉnh ở Bắc Kỳ chống lại quân chiếm đóng Nhật và chính quyền bù nhìn thân Nhật tồn tại lúc đó trên lãnh thổ Đông Dương. Cuộc khỗi nghĩa đã kết thúc bằng việc thành lập Chính phủ Lâm thời nhân dân Việt Nam vào ngày 25/8/1945. Chính phủ này được lãnh đạo bởi Đảng viên cộng sản Hồ Chí Minh, Lãnh tụ của phong trào kháng chiến.


Ngày 02/9/1945, Chính phủ Việt Nam tuyên bói nước độc lập.

Trong tháng 9/1945, các lực lượng quân đội của Anh, Ấn và Pháp đổ bộ lên lãnh thổ nước Việt Nam và lấy cớ giải giáp quân đội Nhật, đã bắt đầu các hành động quân sự chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân dân Việt Nam đã đáp trả bằng cuộc chiến đấu phản kháng anh dũng. Phía Pháp bắt buộc phải ký kết với nước Việt Nam của Hồ Chí Minh bản Hiệp định sơ bộ ngày 06/3/1946, theo đó Chính phủ Pháp công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách là một "quốc gia tự do, có chính phủ, quân đội, nền tài chính riêng và gia nhập Liên hiệp Pháp".


Tay nhiên, Hiệp định đó chỉ là thủ đoạn của đế quốc Pháp muốn tranh thủ thời gian để điều động thêm binh lực mới vào lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 12/1946, Bộ Tổng Tư lệnh quân đội Pháp đã mở các cuộc tấn công quân sự quy mô chống lại nước Việt Nam. Chiến sự vẫn đang tiếp tục cho đến ngày hôm nay.


Quân đội Pháp chiếm đóng các trung tâm công nghiệp và các thành phố, hải cảng chính, như Sài Gòn, Chợ Lớn (ở Nam Kỳ), Đà Lạt, Tourane, Huế (ở Trung Kỳ) và Hải Phòng (ở Bắc Kỳ), tuy nhiên những nơi đó chỉ chiếm có hơn 2 triệu dân.


Trong thời gian này, Chính phủ Hồ Chí Minh đã tiến hành một loạt các cải cách dân chủ ở trong nước. Hiến pháp dân chủ được ban hành, các ủy ban nhân dân với tư cách là cơ quan chính quyền được thành lập khắp mọi nơi, giảm 25% thuế đất, thực hiện giáo dục sơ học bắt buộc và đã đạt nhiêu thành tích trong việc xóa nạn mù chữ cho nhân dân, ban hành luật lao động thực hiện mỗi tuần làm việc 40 tiếng, nghỉ phép được trả lương, có chế độ bảo hiểm xã hội. Quốc hữu hóa các nhà máy quốc phòng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa tiến hành chia ruộng đất của địa chủ, mặc dù đất đai của gia đình cựu Hoàng đế Bảo Đại và những địa chủ chạy theo Pháp đã bị quốc hữu hóa.


Âm mưu của đế quốc Pháp muốn tiêu diệt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng quân sự đã gặp thất bại, Chính phủ Pháp buộc phải viện tới việc thành lập chính phủ bù nhìn do cựu Hoàng đế An Nam Bảo Đại đứng đầu ở vùng do quân đội Pháp chiếm đóng. Ngày 08/3/1949, Chính phủ Pháp ký với Bảo Đại Hiệp ước về việc Việt Nam bù nhìn gia nhập Liên hiệp Pháp và tạo một số điều kiện thiết lập quan hệ ngoại giao với thế giới bên ngoài dưới sự kiểm soát của người Pháp. Vấn đề phê chuẩn Hiệp ước này đang được Quốc hội Pháp xem xét. Mỹ và Anh đang dự định công nhận chính phủ bù nhìn Bảo Đại.


Theo những thông tin tin cậy, "chính phủ" bù nhìn Bảo Đại chỉ là một vị trí rỗng tuếch, bởi vì nó không đại diện cho một ai ngoài nhóm nhỏ những kẻ phản động.

Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị - xã hội Nhà nước Nga
Phông 17. ML 163. HS 1541. Tờ 118-125
Bản gốc

Đã được công bố một phần trong cuốn "Liên Xô-Việt Nam. Ba mươi năm quan hệ: Tài liệu văn kiện. 1930-1980." M., NXB. Chính trị, 1982. Tr.8.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 15 Tháng Tám, 2023, 08:09:48 am
2
Thư của đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Băng Cốc Nguyễn Đức Quý gửi Đại sử Liên Xô ở Thái Lan X.X. Nhem-chin đề nghị hỗ trợ để các nước công nhận ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ngày 02/02/19501
(Ở Mát-xcơ-va nhận được thư này vào ngày 23/3/1950 và đã chuyển cho Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A. Ia. Vư-sin-xki)
Bản dịch từ tiếng Anh
Nhận được bằng đường hỏa tốc ngày 02/02/1950


Số đến: 12.

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Đại diện Chính phủ tại Thái
Băng Cốc, ngày 02/02/1950

   Số: PV/525-NG
   Kính gửi: Ngài Đại sứ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết tại Thái.
   Băng Cốc.
   Từ: Đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
   Băng Cốc.
   Thưa Ngài,


Thực hiện chỉ thị của Ngài Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi xin hân hạnh gửi Ngài lời kêu gọi của Ngài Bộ trưởng và xin cảm ơn Ngài trước nếu Ngài chuyển lời kêu gọi này đến các Ngài Bộ trưởng Ngoại giao các nước Cộng hòa nhân dân An-ba-ni, Bun-ga-ri, Tiệp Khắc, Đức, Hung-ga-ri, Ba Lan và Ru-ma-ni1 (Cùng với bức thư của ông Nguyễn Đức Quý gửi Liên Xô có kèm 7 lời kêu gọi cung một nội dung gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao các nước nói trên).


Nhân dịp này, một lần nữa tôi xin gửi tối Ngài lời chào trân trọng nhất.

Nguyễn Đức Quý
Người dịch sang tiếng Nga: U-xa-chép (ký)


   Gửi 6 bản:
1. Đồng chí Vư-sin-xki A.Ia.
2. Đồng chí Grô-mưn-cô A.A.
3. Đồng chí Dô-rin V.A.
4. Đồng chí Pốt-xe-rôp.
5. Vụ Đông Nam Á.
6. Lưu hồ sơ.

Viện Lưu trữ Lịch sử đối ngoại Liên bang Nga.
Phông 079. ML 4.
Cặp 2. HS 9. Tờ 7.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Chín, 2023, 08:21:22 am
3.
Trích báo cáo của Bí thư thứ hai Đại sứ quán Liên Xô tại Pháp V. Bút-ních về phản ứng của giới cầm quyền và báo chi Pháp trước việc Liên Xô công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh.

Ngày 22 tháng 02 năm 1950.

BÁO CÁO VỀ PHẢN ỨNG CỦA GIỚI CẦM QUYỀN VÀ BÁO CHÍ PHÁP TRƯỚC VIỆC LIÊN XÔ CÔNG NHẬN CHÍNH PHỦ HỒ CHÍ MINH

Phụ lục công văn đến số 128.


Thông báo của Thông tấn xã Liên Xô về việc Liên Xô công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gây bối rối và rúng động thực sự cho giới cầm quyền Pháp.

Nguyên do là chỉ mấy ngày trước đó, theo lệnh của Mỹ, Quốc hội Pháp đã bắt tay vào việc thảo luận đạo luật phê chuẩn Hiệp ước Pháp-Việt ký với Bảo Đại ngày 08/3 năm ngoái. Để có thể hình dung tình hình rõ hơn, chúng tôi xin quay ngược thời gian và điểm lại những sự kiện chính đã xảy ra ở Pháp trước khi Liên Xô công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh.


Ngày 26/01 năm nay, Ủy ban Các lãnh thổ hải ngoại của Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với 29 phiếu thuận và 13 phiếu chống (của những người cộng sản) về việc trình gấp Quốc hội vấn đề phê chuẩn Hiệp ước Pháp-Việt ngày 08/3/1949 do O-ri-ôn và Bảo Đại ký kết. Việc vội vàng phê chuẩn Hiệp ước được ký vào một năm trước đó có liên quan đến chuyến thăm của đặc phái viên của Tơ-ru-man ở Đông Dương Giép-sớp và những lời tuyên bố trước đó của chính phủ Mỹ và Anh mong muốn Hiệp ước Pháp-Việt nhanh chóng được phê chuẩn để họ có thể chính thức công nhận chế độ Bảo Đại và quyết định vấn đề viện trợ quân sự và kinh tế cho ông ta.


Về Nghị quyết của ủy ban Nghị viện, Báo "Le franc-Tireur" ra ngày 27/01/1950 đã viết: "Tại sao sau 11 tháng chò đợi bỗng nhiên xuất hiện sự phê chuẩn vội vàng như vậy? Có một lý do rất rõ ràng cho lần này: từ nay trở đi vấn đề Đông Dương đã bước ra vũ đài quốc tế, người ta đang mưu toan tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài cho Bảo Đại...".


Cũng trong hôm đó Báo "Le Figaro" viết: "Động tác này cần mang đến những kết quả quan trọng ngay. Như đã biết, Mỹ và Anh đang chờ phê chuẩn Hiệp ước để công nhận Chính phủ Việt Nam. Có thể hiểu được sự công nhận này có ý nghĩa như thế nào trong sự tình hiện nay ở Viễn Đông", ở đây rõ ràng ám chỉ đến sự thất bại của Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc.


Cùng với việc đặt ra vấn đề phê chuẩn Hiệp ước Pháp- Việt, Chính phủ Pháp vội vàng áp dụng những biện pháp đàn áp phong trào ở trong nước phản đối chiến tranh Việt Nam, cố dọa dẫm các công nhân tích cực hoạt động chống việc chuyên chở quân đội và vũ khí sang Việt Nam.


Hai ngày trước khi thảo luận vấn đề phê chuẩn Hiệp ước Pháp-Việt ở Quốc hội, Tổng thống Cộng hòa Pháp V. O-ri-ôn đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng, trong đó thông qua một quyết định trái Hiến pháp là tăng cường các biện pháp đàn áp chống lại những công nhân từ chối sản xuất và chuyên chở vũ khí. Chiểu theo quyết định đó, những công nhân và viên chức tham gia phong trào đấu tranh vì hòa bình sẽ bị đuổi việc. Đồng thời sẽ không cung cấp đơn hàng tiếp theo cho các chủ doanh nghiệp nếu không buộc được công nhân thực hiện các đơn hàng quân sự. Mọi cuộc bãi công nhằm phá hoại việc thực hiện các đơn hàng quân sự và chuyên chở vũ khí đều bị coi là phá hoại phòng thủ quốc gia và có các biện pháp thích hợp chống lại những người tham gia. Những quyết định đó đã tạo cớ để một số báo cực hữu tuyên bố đã đến lúc phải đặt Đảng Cộng sản Pháp ra ngoài pháp luật.


Ngày 26/01, Tổng thống V. O-ri-ôn ra tuyên bố như sau cho đại diện báo chí: "Tôi muốn đoán chắc rằng, trong khi các cuộc chiến đấu có các binh lính của chúng ta tham gia đang tiếp tục, các binh sĩ vẫn sẽ nhận được sự tiếp tế, vũ khí và sự trợ giúp cần thiết cho cuộc sống, sức khỏe của họ, để phòng thủ".


Ngày 27/01, cấp đầu tiên là Quốc hội bắt đầu thảo luận vấn đề phê chuẩn Hiệp ước Pháp-Việt. Sau hai ngày tranh luận, trong đó chỉ có những người cộng sản yêu cầu các lực lượng viễn chinh Pháp nhanh chóng rút khỏi Đông Dương và đàm phán với những đại diện thực sự của nhân dân Việt Nam, các đảng còn lại đều đã phát biểu ủng hộ tiếp tục cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Hiệp ước đã được phê chuẩn với 396 phiếu thuận và 193 phiếu chống. Với mục đích che giấu vai trò phản bội của mình trong việc quyết định vấn đề Việt Nam, các đảng viên xã hội đã đưa ra đề xuất là đi kèm với việc thực hiện Hiệp ước cần:

1. Bắt đầu tiến hành đàm phán với các đại diện của Hồ Chí Minh nhằm chấm dứt các hành động thù địch và trao đổi con tin; các cuộc đàm phán có thể được bắt đầu trực tiếp hoặc nếu cần, thông qua trung gian được các bên nhất trí chấp nhận.

2. Tiến hành tham khảo ý kiến tự do của nhân dân Việt Nam dưới sự kiểm soát của những ngươi giám sát trung lập được lựa chọn theo sự nhất trí chung của các bên thỏa thuận.


Phản ứng trước đề xuất của những người xã hội, Nghị sĩ của Đảng Cộng sản Rene Arto đã đáp lại: "Khi công nhận Bảo Đại, các ngài đã phủ nhận mọi quyền hợp pháp đối với Chính phủ Hồ Chí Minh. Sau đó các ngài lại đề nghị đàm phán! Thế nhưng các cuộc đàm phán đó sẽ tiến hành trong những điều kiện như thế nào? Dưới sự đe dọa của súng đại bác Pháp chăng? Không một dân tộc nào có thể chấp thuận điều này. Điều kiện đầu tiên - đó là rút các lực lượng viễn chinh". Như vậy, thủ đoạn của những người xã hội đã bị vạch trần và đề xuất của họ đã bị bác bỏ.


Cùng lúc với việc Chính phủ Pháp chuẩn bị phê chuẩn Hiệp ước Pháp-Việt ngày 08/3, đại diện Mỹ Giép-sớp đã tiến hành hội đàm ở Đông Dương với Cao ủy Pháp Pi-nhô và Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Viễn Đông Các-pan-ti-ơ. Trong ngày mỏ đầu cuộc tranh luận vấn đề Đông Dương tại Quốc hội Pháp, ngày 27/01, Giép-sớp đã đến Hà Nội để gặp Bảo Đại, tại đây ông ta đã gửi lời chúc mừng sớm đến Bảo Đại về việc Hiệp ước Pháp-Việt được phê chuẩn1 (Đối diện câu này có dấu điểm viết bằng tay ở bên lề văn kiện) và tuyên bố Mỹ dự định sẽ thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn nữa với ông ta.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Chín, 2023, 08:22:45 am
Trước khi rời Đông Dương, Giép-sớp đã có tuyên bố với báo chí, trong đó nói: "Có những yếu tố hàng đầu quyết định sự viện trợ1 (Đối diện câu này có dấu điểm viết bằng tay ở bên lề văn kiện) của chúng tôi cho các nước châu Á, đó là sự sẵn sàng của những nước này duy trì các chính phủ mà họ bầu ra đến mức độ nào để chống lại sự thống trị cộng sản...". Ngay sau khi Hiệp ước nói trên được Quốc hội Pháp phê chuẩn, tất cả các cơ quan báo chí ủng hộ kế hoạch Mác-san bắt đầu lớn tiếng tuyên bố Chính phủ Pháp đã có thể giữ được Đông Dương và coi Mỹ như một bàn đạp tuyệt vời để chiến đấu chống lại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Mọi báo chí cực hữu đều đưa tin Mỹ và Anh đã quyết định công nhận Bảo Đại về nguyên tắc và sẽ cung cấp mọi sự viện trợ cho ông ta, hiện vấn đề chỉ là ai sẽ là người đầu tiên, Mỹ hay Anh, thực hiện bước đi này.


Tất cả mọi quan tâm của giới cầm quyền đều hướng về Giép-sớp, người sẽ cùng với các nhà ngoại giao Mỹ ở Viễn Đông soạn thảo và trình Tơ-ru-man và A-che-xơn phê chuẩn kế hoạch của Mỹ đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản ở khu vực này. "Vị trí của Đông Dương như thế nào trong chính sách mới của Mỹ đối với Trung Quốc và sự ủng hộ Bảo Đại, tờ báo "Combat" viết, sẽ phụ thuộc vào chuyên đi của Giép-sớp đến Sài Gòn và Hà Nội. Như vậy, Giép-sớp đang nắm trong tay vận mệnh của chế độ Bảo Đại và các chính sách có liên quan của nước Pháp... Nhà cầm quyền Pháp không tìm ra lối thoát nào ngoài việc trông cậy vào Mỹ và đề nghị họ vũ trang cho các binh lính Pháp và cung cấp tiền bạc cho các quan lại của Bảo Đại...".


Tất cả đều đã rõ, việc vội vàng công nhận sự hợp pháp của chính quyền Bảo Đại là kết quả sức ép của Mỹ đối với Chính phủ Pháp sau khi chính sách của Pháp hoàn toàn thất bại ở Đông Dương và không còn lại gì ngoài việc hy vọng vào sự can thiệp và viện trợ của Mỹ cho vấn đề này.


Trong bối cảnh đó, ngày 31/01 Đài Phát thanh Mát-xcơ-va đã phát đi thông báo của Thông tấn xã Liên Xô về việc Liên Xô công nhận Chính phủ của Hồ Chí Minh. Tin tức này ngay lập tức đã gây nên phản ứng dữ dội của báo chí cánh hữu. Tất cả các tờ báo ra buổi chiều đều giật hàng tít lớn và trong vài ngày vấn đề này đã trở thành trung tâm chú ý của mọi thông tấn báo chí. Tờ "Le Monde" ngay buổi chiều đầu tiên đã dành một bài xã luận cho sự kiện này, trong đó viết: "Sự đồng tình của Chính phủ Liên Xô đối với Việt Nam đã được thấy rõ từ mấy năm nay. Đối với Chính phủ Liên Xô, nền độc lập của nước Việt Nam được bắt đầu từ cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, do đó không có gì ngạc nhiên về tin tức hôm nay". Tờ báo nhấn mạnh quyết định của chính quyền Liên Xô đã diễn ra ngay sau chuyên đi của Giép-sớp đến Việt Nam để trao cho Bảo Đại thông điệp của A-che-xơn hứa hẹn Mỹ sẽ viện trợ cho chính quyền Việt Nam, cũng như chỉ sau 3 ngày Quốc hội Pháp phê chuẩn Hiệp ước Sơ bộ. Việc công nhận Chính phủ của Hồ Chí Minh được bài báo nhìn nhận như là sự đáp trả của Liên Xô đối với Mỹ, "nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tờ báo viết, sự kiện này có nguy cơ đưa lại những hậu quả nặng nề nhất. Tự nó sẽ gây nên sự căng thẳng trầm trọng trong quan hệ Pháp- Xô và sự phản đối của phía Pháp đối với Mát-xcơ-va". "Trên bình diện quốc tế, bài xã luận viết tiếp, vấn đề Đông Dương từ nay trở nên khó giải quyết hơn so với vấn đề công nhận Chính phủ Mao Trạch Đông. Tình thế của Bảo Đại không giống như của Tưởng Giới Thạch. Các cường quốc phương Tây quyết định ủng hộ Bảo Đại và hy sinh viên tướng có tinh thần dân tộc chủ nghĩa Tưởng Giới Thạch. Như vậy, Đông Dương có nguy cơ trở thành một cớ mới để hai khối thử sức mạnh. Quyết định của Liên Xô có thể làm cho bán đảo này trở thành chiến trường xung đột quốc tế".


"Le Monde" cho biết, tin tức về việc Liên Xô công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh đã gây phản ứng sâu sắc trong giới chính phủ ở Pa-ri. Đại sứ Liên Xô Bô-gô-mô-lôp đã được mời đến trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp, nơi ông được Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Pháp Pa-rô-đi đón tiếp do Ngoại trưởng Su-man bị ốm. Cũng ngay hôm đó, Bộ Ngoại giao Pháp đã gửi cho Đại sứ quán Liên Xô bức Công hàm phản đối việc công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh. Bản sao của Công hàm này cũng đã được gửi cho các Đại sứ quán Mỹ và Anh.


Ngày hôm sau, ngày 01/02, tất cả các báo buổi sáng đều dành vị trí chính cho vấn đề này. Tất cả các báo đều dẫn ra bức Công hàm của Pháp, nhấn mạnh tính chất phản đối nghiêm trọng của Chính phủ Pháp. Các tờ báo của phái hữu thể hiện sự tức giận cùng cực. Như tờ "L’ Aurore" với nhan đề "Bạn bè của kẻ thù chúng ta là kẻ thù của chúng ta" đã viết rằng, "Việt Nam, nơi mà chúng ta vừa trao trả độc lập, là một bộ phận cấu thành của Liên hiệp Pháp, tấn công Việt Nam nghĩa là tấn công nước Pháp, mà thông qua nước Pháp sẽ trực tiếp đe dọa đến nước Anh, đe dọa mạnh hơn đến phía Đông và nước Mỹ. Những nước này sẽ không thể cho phép phá vỡ thế cân bằng ở Thái Bình Dương". Nhấn mạnh sự kích động mạnh mẽ đang bao trùm trong giới Nghị viện về sự kiện Liên Xô công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh, tờ báo tuyên bố rằng, cố vấn Liên hiệp Pháp Ruy đã gửi thư chất vấn cho Bộ Ngoại giao Pháp với lý do liệu có phải quyết định của Liên Xô là không phù hợp với Hiệp ước Pháp-Xô năm 1944 hay không, trong đó có quy định các bên thỏa thuận cấp cao không được tham gia liên minh nhằm chống lại phía bên kia. Báo "Co Matin" trong bài viết của An-ri Cô-rap gọi quyết định của Liên Xô là hành động thù địch đối với nước Pháp.


Hầu như tất cả các báo phe hữu đều nhấn mạnh tới "giai đoạn mới" trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Báo "Le Franc-Tieur" trong bài viết của Rôn-xắc đã viết: "Xta-lin đã công nhận Hồ Chí Minh, sắp tới Oa-sinh-tơn sẽ công nhận Bảo Đại... Từ nay Đông Dương sẽ trở thành một chiến trường nữa trong cuộc chiến tranh lạnh giữa Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn...".


Báo "Le Monde" trong bài xã luận ra ngày 02/02 dưới nhan đề "Tiền đồn của cuộc chiến tranh lạnh" đã phát triển ý tưởng đó như sau: "Cuộc chiến tranh lạnh giữa hai châu lục vẫn đang được tiếp tục với sự đảo chiều khác nhau. Trong lĩnh vực vũ trang, có lẽ Mỹ vẫn giữ ưu thế. Nếu Liên Xô có bom nguyên tử, như người ta nói, nhưng việc sản xuất loại bom này không được phát triển như ở Mỹ. Quả bom mới chỉ nhấn mạnh thêm sự chậm tiến đó. Trong hai năm qua, sự phân liệt trong vụ Ti-tô, việc phong tỏa Béc-lin bị phá sản và thất bại ở Hy Lạp - chứng tỏ sự thoái lui của Liên Xô ở châu Âu. Mát-xcơ-va cố khôi phục điều này bằng cách tổ chức Đông Đức, tiến hành tuyên truyền dưới các hình thức khác nhau ở Tây Đức. Đã đến lúc cần có hành động cho thời gian lâu dài. Thắng lợi hiện nay của phe cộng sản ở Trung Quốc đã tạo ra một quân bài lớn trong "trò chơi" của Liên Xô".


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Chín, 2023, 08:24:15 am
Báo "L’Aube" trong bài xã luận của Mô-1'i Su-man ra ngày 01/02 cố lợi dụng việc Liên Xô công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh như là bằng chứng cho thấy, dường như đối với Liên Xô, "cuộc chiến tranh lạnh" ở châu Á có ý nghĩa quan trọng hơn ở châu Âu bởi vì mặc dù có quan hệ vởi những người du kích Hy Lạp, Liên Xô đã không công nhận Chính phủ Mác-cốt". Tờ báo "L’Aube" cũng ngày hôm đó đã đăng bằng dòng chữ lớn lời phát biểu đầy giận dữ của cựu Bộ trưởng các công việc của lãnh thổ hải ngoại Cô-xtơ Phơ-lo-rơ, trong đó nói: "Chúng ta là nhân chứng cho một kế hoạch quy mô của chủ nghĩa cộng sản quốc tế nhằm biến Đông Nam Á thành bệ phóng của một cuộc xung đột thế giới mới".


Chiều ngày 01/02, vấn đề Liên Xô công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh đã được khẩn cấp đưa vào chương trình nghị sự phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng Pháp. Nhưng việc xem xét vấn đề này là quá vội vàng. Chưa có bất cứ câu trả lời và chỉ thị gì từ Luân Đôn và Oa-sinh-tơn, Chính phủ Pháp không thể tự mình thông qua một quyết định nào và chỉ giới hạn bằng việc nghe quyền Ngoại trưởng Snây-tơ thông báo về vấn đề này.


Theo tin tức của báo chí, chỉ có Giuyn Mốc là không thể nén được cơn giận dữ của mình và cũng là người duy nhất đề xuất cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô1 (Đối diện với câu này có chỗ đánh dấu viết bằng tay ở bên lề). Báo "Co Matin" trong bài viết của An-ri Cô-rap với nhan đề "Tại Hội đồng Bộ trưởng" đã viết về sự việc này như sau: "Giuyn Mốc ủng hộ cắt đứt quan hệ. Snây-tơ giải thích cho các đồng nghiệp biết rằng ông ta không hề hay biết gì về ý định của Liên Xô và hiện đứng trước một việc đã rồi. Ông ta chỉ biết sự việc qua thông báo của Thông tấn xã Liên Xô. Sau đó, Giuyn Mốc thốt lên rằng, sáng kiến của Liên Xô hoàn toàn đáng bị cắt đứt quan hệ ngoại giao. Ông ta đã không được ủng hộ".


Đề cập đến việc xem xét vấn đề này ở Hội đồng Bộ trưởng, báo "Combat" đăng bài báo của Ga-la viết: "Sau này Chính phủ Pháp có thể rút ra những kết luận về sáng kiến của Liên Xô. Ít có khả năng Chính phủ sẽ làm ngay việc này khi còn chưa chắc chắn về sự ủng hộ rõ ràng từ phía Luân Đôn và chưa xác định được sự ủng hộ từ phía Oa-sinh-tơn... Chỉ khi nào Chính phủ Pháp biết chắc về sự ủng hộ của Mỹ thì tùy theo mức độ ủng hộ, phản ứng của Chính phủ Pháp sẽ biến thành "cuộc chiến tranh lạnh" dưới hình thức đe dọa hơn hoặc thể hiện trong một kế hoạch ngoại giao".


Cũng ngay ngày hôm đó, ngày 01/02, đã diễn ra phiên họp Ủy ban Các lãnh thổ hải ngoại của Quốc hội. Sau khi những người cộng sản rời bỏ cuộc họp, Ủy ban này đã nhất trí thông qua nghị quyết nêu ra sự lo ngại của các thành viên Ủy ban đối với việc Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa "tưởng tượng" và cho rằng Chính phủ phải xác định thái độ về vấn đề này bằng cách tuyên bố trước Quốc hội vì cho rằng sự công nhận đó là hành động không thân thiện đối với Liên hiệp Pháp căn cứ theo Hiệp ước Pháp-Xô ký ngày 10/12/1944 tại Mát-xcơ-va.


Sự kiện trả lại chúng ta Công hàm phản đối của Pháp gửi Bộ Ngoại giao Liên Xô đã gây ra những bình luận hằn học của báo chí phái hữu, kèm theo những lời xuyên tạc sự thật và tấn công thô thiển về phía Đại sứ Liên Xô tại Pháp Bô-gô-mô-lốp.


Bài xã luận của báo "Le Monde" viết: "Việc Chính phủ Liên Xô trả lại Công hàm phản đối của Pháp càng làm quan hệ ngoại giao thêm căng thẳng do việc công nhận Hồ Chí Minh, gây ra. Liệu có cần xem hành động đó như là ý định cương quyết muốn làm tổn thương Pháp, đánh vào uy tín của nước này, hay là một quan điểm thống nhất đã được Mát-xcơ-va thông qua? Có lẽ khó có thể tách rời hai dự đoán đó với nhau...


Mát-xcơ-va quyết định coi Hồ Chí Minh là người đứng đầu Chính phủ Việt Nam có chủ quyền. Trong mắt họ, Chính phủ này hoàn toàn không thuộc Liên hiệp Pháp. Do đó, Pháp không có điểm chung gì với Chính phủ đó, cũng như với quốc gia mà Pháp là đại diện, vì vậy cần xem sự phản đối của Pháp là không có hiệu lực; thậm chí là không cần tiếp nhận.


Các nhà lãnh đạo Liên Xô chắc biết rằng quan điểm đó là không phù hợp với tình hình thực tế. Hồ Chí Minh không phải là chủ nhân của Việt Nam; phần lớn ở Pháp đều công nhận Bảo Đại, người đã đồng ý thuộc về Liên hiệp Pháp. Ông ta thực sự tồn tại; được tất cả công nhận, và nếu Liên Xô thích bác bỏ, tức là phủ nhận các quyền và chủ quyền của ông ta, thì điều này chỉ có thể nêu bật tính chất không thân thiện của lập trường đó đối với Pháp.


Chính phủ Pháp sẽ quyết định liệu họ có phải rút ra kết luận gì đó từ việc này, chẳng hạn như liệu có phải triệu hồi đại sứ Pháp ở Mát-xcơ-va trong một thời gian. Tất nhiên, Chính phủ Pháp không coi trọng các biện pháp ngoại giao của Liên Xô có ý nghĩa lớn hơn so với việc nó đáng lẽ phải được chú trọng. Quan trọng là bản chất của sự việc: Sau hành động có thể làm chúng ta phật ý là một chính sách cần phải đối phó...


Diễn biến các sự kiện vừa qua dẫn đến ý nghĩ là, Liên Xô rõ ràng đã chọn Pháp là mục tiêu tấn công gần nhất cua mình. Chẳng lẽ các vụ việc nghiêm trọng tại Ba Lan, mà thực tế chỉ là công cụ của Mát-xcơ-va, các hoạt động hiện nay của Cục Thông tin các đảng cộng sản và công nhân với việc tổ chức những cuộc bãi công đe dọa an ninh quốc gia, không phải là lý do đáng để ngẫm nghĩ?


Phải luôn xem xét chính sách của Liên Xô trên bình diện quốc tế; chính sách đó luôn nhắm trúng vào những điểm nhạy cảm nhất. Nếu như... nó cho rằng cần phải nhằm vào vấn đề của Pháp thì chúng ta phải thể hiện sự bình tĩnh, cương quyết và thông qua những biện pháp thích hợp để cho thấy chúng ta sẵn sàng đối phó với chính sách ấy".


Trong bài viết tiếp theo Báo này viết rằng: "Trong các giới có thẩm quyền đã ám chỉ việc Chính phủ Liên Xô và đại diện Liên Xô ở Pa-ri có cùng một lập trường ngay khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng là chưa có tiền lệ trong lịch sử ngoại giao. Ngoài ra, dường như sẽ đặt ra vấn đề gọi Đại sứ Pháp I-va Sa-te-lô ở Mát-xcơ-va về Pa-ri để tham khảo ý kiến".


Bài viết của Pê-ti-nắc báo "France Soir": "Ông Snây-tơ đứng đầu Bộ Ngoại giao do Su-man vắng mặt, sáng nay đã tiếp Đại sứ Liên Xô Bô-gô-mồ-lốp. Liệu có cuộc đàm phán nào của Ngoại trưởng với Đại sứ để tìm ra giải pháp, ít nhất là để giải quyết cuộc xung đột nghiêm trọng đã xuất hiện giữa Pa-ri và Mát-xcơ-va hay không? Chúng tôi rất tiếc phải xác nhận các dấu hiệu tiêu cực. "Sự phản đối nghiêm trọng" của Chính phủ Pháp trước hành động của Liên Xô công nhận phong trào khôi nghĩa nổi loạn của Hồ Chí Minh với quyền là "nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" cuối cùng chỉ gây ra bước đáp trả của Liên Xô và làm phức tạp thêm hành động ngoại giao ban đầu...


Xét về ý nghĩa, quyết định đã được Bô-gô-mô-lôp hay lãnh đạo của ông ta thông qua (trả lại Công hàm của Pháp) là nhằm chống lại chính nguyên tắc trong lời phản đối của chúng ta...


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Chín, 2023, 08:25:38 am
Hồ Chí Minh và băng đảng của ông ta đã đứng lên chống lại Liên hiệp Pháp và ai ủng hộ Hồ Chí Minh tức là xâm phạm đến các quyền cơ bản của chúng ta. Chúng ta không nhìn thấy một thành tố trung gian nào ở giữa chính đề và phản đề. Liệu đó có phải là mong muốn tạo ra một tình hình ở Đông Nam Á chỉ có thể giải quyết được bằng sức mạnh? Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta muốn hy vọng đó không phải là dự định của Chính phủ Mát-xcơ-va".


Ngày 03/02, tất cả các báo đều đưa tin về cuộc viếng thăm Bộ Ngoại giao Pháp của Đại sứ Bô-gô-mô-lốp và đăng thông cáo về cuộc hội đàm của Bô-gô-mô-lốp với Snây-tơ.

Theo Thông cáo đó, Snây-tơ một lần nữa tuyên bố bằng miệng với Bô-gô-mô-lốp về văn bản phản đối của Chính phủ Pháp. Dường như, Snây-tơ đã đặc biệt nhấn mạnh đến những hậu quả rất nghiêm trọng đối với quan hệ Pháp-Xô có thể phát sinh do sáng kiến của Liên Xô.


Cùng với tin này, các báo chí đều cho biết Chính phủ Pháp đang cùng với Luân Đôn và Oa-sinh-tơn nghiên cứu những biện pháp trả đũa đối với việc Chính phủ Liên Xô công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh.


Một số tờ báo ("L’Aurore", "Époque") dự đoán Chính phủ sẽ thông qua những biện pháp đàn áp chống Đảng Cộng sản Pháp và thông báo về khả năng có những biện pháp chống lại các công dân Liên Xô ở Pháp.


Mặc cho những la ó và đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao, những bất lợi trong bước đi này của Pháp cũng đã được các Báo "Le Franc-Tireur" và "Le Popupaire" nhấn mạnh. Chẳng hạn như, S. Rôn-xắc trên Báo "Le Franc-Tireur" viết: "Mặc dù có các tít lớn, có các thông cáo chính thức và lời giải thích không được rõ ràng, sự căng thẳng ngoại giao gây ra bởi việc Liên Xô công khai từ chối tiếp nhận sự phản đối của Pháp, đang làm cho việc cắt đứt ngoại giao trở nên cận kề.


Yêu cầu triệu hồi Đại sứ Liên Xô ở Pa-ri Bô-gô-mô-lốp chưa được xem xét nghiêm túc tại Bộ Ngoại giao Pháp. Và nếu như Sa-te-nhô, Đại sứ Pháp ở Mát-xcơ-va, được gọi về Pa-ri, thì việc này cũng chỉ đơn thuần là nhằm mục đích tham khảo ý kiến...


Từ nay về sau, Liên Xô đang và sẽ coi thường Pháp trong tất cả những vấn đề có liên quan đến Đông Dương.

Sẽ khó hơn rất nhiều để Pháp phớt lờ Liên Xô. Tại Luân Đôn đã ám chỉ rằng nếu như đề nghị cho ý kiến, thì nước Anh sẽ không khuyên đi theo con đường cắt đứt quan hệ hoàn toàn.

Sau khi tình hữu nghị và tương trợ lẫn nhau giữa phương Tây và phương Đông nói chung, giữa Liên Xô và Pháp nói riêng, dù có mang tính tượng trưng như thế nào, không còn nữa, thì Hiệp ước Pháp-Xô vẫn là sự bảo đảm chống lại môi nguy hiểm nghiêm trọng. Việc hủy bỏ Hiệp ước không giải quyết được điều gì mà làm quan hệ trở nên trầm trọng hơn...".


Hay như Cô-xi viết trên tờ Báo "Le Popupaire": "... Liên quan đến ý tưởng coi việc Mát-xcơ-va công nhận Hồ Chí Minh như là sự vi phạm Hiệp ước Pháp-Xô ký ngày 10/12/1944, thì chỉ cần đọc văn bản một cách giản đơn cũng thấy rằng điều đó là không thể. Trong bản Hiệp ước này, các bên thỏa thuận cam kết không gia nhập liên minh chống lại bên kia. Chúng ta thấy thỏa thuận chỉ làm phương hại đến bên thứ ba, thực sự điều đó làm chúng ta sửng sốt. Không còn nghi ngờ gì nữa, một số người đã cố gán cho ngoại giao Pháp ý định cắt đứt quan hệ với Mát-xcơ-va. Chúng tôi không muốn tin vào quan điểm của họ về việc này (do tham vọng mù quáng của họ)".


Việc Luân Đôn và Oa-sinh-tơn trì hoãn trả lời và do dự về những biện pháp áp dụng để đáp trả quyết định của Liên Xô đã làm hạ giọng điệu và một số tờ báo đã giữ lập trường chờ thời. Điển hình cho thái độ này là bài báo của Ga-la đăng trên tờ "Combat": "Sự căng thẳng trong quan hệ Pháp-Xô tạm thời chuyển sang giai đoạn chờ đợi, bởi vì Chính phủ Pháp còn chưa quyết định sẽ gây ra "những hậu quả rất nghiêm trọng" như thế nào để trả đũa sáng kiến của Mát-xcơ-va... "Các chế độ dân chủ nhân dân" sẽ thông qua quyết định cùng lúc theo sau sáng kiến của Mát-xcơ-va. Vì vậy, sự đáp trả của Chính phủ Pháp cũng cần dự kiến cả những biện pháp sẽ phải thông qua trong thời gian sắp tới đối với tất cả "khối" phương Đông nói chung. Có điều phải nghĩ ngợi thêm; vả chăng điều này sẽ không làm khó những người đã nhắc đi nhắc lại về việc hủy Hiệp ước hữu nghị Pháp-Xô năm 1944. Bộ Ngoại giao Pháp cũng đang suy nghĩ và duy trì liên lạc khẩn với Oa-sinh-tơn và Luân Đôn vì tính chất và sức mạnh hành động trả đũa của Pháp phụ thuộc vào sự ủng hộ nhận được ở hai nước này. Trong tình hình các cuộc tiếp xúc hiện nay, ít có khả năng Pa-ri đi đến việc đoạn tuyệt Hiệp ước Pháp-Xô. Sự ủng hộ của Mỹ có vẻ mang tính thu tục hơn là hiệu quả và Oa-sinh-tơn, khi cảm thấy trong những tuần qua bị mất quyền kiểm soát các sự kiện ở châu Á, sẽ không muốn bắt đầu ngay hôm nay các hành động trấn áp khi chưa biết chính xác chúng sẽ dẫn tới đâu... Chính sách do Liên Xô và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiến hành tại Viễn Đông vào đầu năm nay đã hoàn toàn gây sửng sốt và làm rối trí các cường quốc phương Tây, họ không ngờ rằng Mát-xcơ-va trong một tháng đã tiến hành một loạt các biện pháp như vậy, làm thay đổi nghiêm trọng mối tương quan lực lượng ở châu Á. Sau thất bại của Tưởng Giới Thạch, A-che-xơn đã đánh cược vào Mao Trạch Đông nổi tiếng theo kiểu Ti-tô và cho rằng ảnh hưởng của các thương gia Mỹ và nhu cầu kinh tế sẽ dễ dàng thắng thế các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc. Mao Trạch Đông đã ở Mát-xcơ-va hơn 2 tháng và ít ai biết chính xác diễn biến của các cuộc hội đàm. Liệu ông ta có thiện chí chấp thuận gia nhập sáng kiến ngoại giao của Liên Xô, liệu ông ta có hoàn toàn tán thành các quyết định đã thông qua của Chính phủ hay bắt buộc phải làm vậy hay không. Kết quả chỉ có một mà thôi, ông ta hoàn toàn không phải là người mà Oa-sinh-tơn mong đợi. Một lần nữa Mỹ lại phải xem xét lại chính sách Trung Quốc của mình. Học thuyết Tơ-ru-man đề ra việc nhanh chóng ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản... dường như được thay thế bằng học thuyết "thoái lui mềm dẻo", tạm thời hy sinh những điểm được coi là quá nguy hiểm và không thiết thực đối với chiến lược của Mỹ. Liệu Việt Nam Bảo Đại có thuộc loại này? Trước khi Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ trả lời được câu hỏi do Pa-ri khẩn khoản đặt ra cho họ trong những tuần qua, thì Chính phủ Pháp sẽ chưa phản ứng hoàn toàn đối với quyết định cách đây không lâu của Mát-xcơ-va".


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Chín, 2023, 08:27:05 am
Các tờ báo phản động nhất cố lợi dụng thời điểm và kích động chính phủ thông qua các biện pháp cực đoan chống lại Đảng Cộng sản Pháp.

Báo "Co Matin - Le Poi": "Dư luận xã hội đang bất ổn. Các hành động khiêu khích do Liên Xô lặp đi lặp lại với chúng ta, đặt ra câu hỏi Xta-lin muốn đạt được điều gì. Liệu có phải ông ta đang tìm cớ ở châu Âu để cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Pháp và tìm cơ hội ở Đông Dương để biến các đội quân du kích của Việt Minh thành cuộc xung đột thực sự như kiểu cuộc chiến tranh ở Tây Ban Nha?


Sự thô bạo và gay gắt trong các phương pháp của Liên Xô dẫn đến khả năng suy đoán ra những điều tồi tệ hơn. Ngay cả Hít-le cũng chưa bao giờ ra lệnh cho các đại sứ của mình xử sự như cách của Bô-gô-mô-lốp ở Pa-ri trong ba ngày qua.


Ý định đầu tiên của Liên Xô khi hành động như vậy là quá rõ ràng: Làm mất uy tín và biến chính phủ chúng ta thành trò cười trước những người dân Pháp, mà trước tiên là toàn thể Liên hiệp Pháp đang bị náo động bởi chủ nghĩa cộng sản.


Sự việc xảy ra là muốn làm cho chúng ta bị mất mặt. Tất cả đều biết rằng, trong con mắt người bản xứ, những người da trắng bị mất mặt phải biến mất. Nước Pháp hiện thời đã trở thành mục tiêu tấn công của Liên Xô khi quốc gia này đã bở các mục tiêu thường lệ là Mỹ và Nam Tư... Việc công nhận Hồ Chí Minh trùng khớp với chiến dịch dân chủ hóa do Đảng Cộng sản Pháp tiến hành và là một đòn đánh vào Liên hiệp Pháp.


Giờ cần phải biết liệu Chính phủ chúng ta có cho phép Đảng Cộng sản tiếp tục tiến hành công việc đen tối của mình với những bằng chứng phản bội nữa hay không.

Chúng tôi nhắc lại lần nữa là: Sự phá hoại ngầm của Đảng Cộng sản Pháp liên quan đến việc vận chuyển vũ khí, thực phẩm dụng cụ y tế dành cho các binh lính chúng ta ở Đông Dương là hành động phạm tội rõ ràng và là sự hợp tác với kẻ thù. Nếu Chính phủ tiếp tục hành động như hiện nay thì chẳng bao lâu trật tự của Liên Xô sẽ thống trị ở Pa-ri giống như ở Pra-ha, Vác-sa-va và Bu-ca-rét".


Báo "Époque" (bài xã luận của Bu-gie-nô): "Chính phủ Pháp đã dùng Công hàm phản đối theo truyền thống để bác bỏ quyết định của Liên Xô "công nhận Hồ Chí Minh". Nếu những nhân vật có trách nhiệm về ngoại giao của chúng ta hy vọng rằng giọng điệu cứng rắn trong thông điệp của họ buộc Crem-lin phải xem xét lại lập trường thì họ đã phải thất vọng sâu sắc... Trong nhiều năm nay trên tờ báo này, chúng tôi đã yêu cầu phải có những biện pháp mạnh mẽ chống lại Đảng của Tô-rê đang hành động theo chỉ thị của nước ngoài ở trong mọi hoàn cảnh, trước khi họ biến thành kẻ thù. Nếu Chính phủ hiện nay của Pháp được lãnh đạo bởi một chính sách đủ cứng rắn, thì từ lâu những gián điệp của Cục Thông tin các đảng cộng sản và công nhân đã không làm hại được chúng ta. Các tổ chức của họ nấp dưới tên gọi "Liên hiệp Phụ nữ Pháp", "Thanh niên Pháp", v.v... phải bị giải tán, còn Đảng Cộng sản chấm dứt tồn tại hợp pháp. Khối u ác tính cộng sản có thể bị tiêu diệt bồi phương pháp "lạnh". Sự tiến triển nhanh chóng của các sự kiện bắt buộc chúng ta phải tiến hành chiến dịch đó bằng giải pháp quyết liệt. Quá nhiều cơ hội để thực hiện công việc này nhằm cải thiện tình hình đất nước đã bị bỏ lỡ. Nếu Bi-đô cảm thấy không đủ năng lực thực hiện điều đó thì ít nhất ông ta hãy rút lui khỏi vị trí của mình".


Báo "Le Figaro" (trong bài xã luận): "Các sự kiện đẫm máu do RDA, tức là Đảng Cộng sản, gây ra ở Bờ Biển Ngà, trùng với việc Chính phủ Liên Xô công nhận Hồ Chí Minh, với chiến dịch tuyên truyền phá hoại tiến hành ở Pháp phản đối việc gửi vũ khí sang Đông Dương, phản đối các nguyên liệu của Mỹ cập cảng và phản đối sản xuất hàng quân sự. Sự việc một cuộc tấn công được thỏa thuận và có phương pháp, đã đặt tất cả những gì còn lại ở Pháp vào một ván bài, từ sức mạnh vật chất cho tối ảnh hưởng trên thế giới... Việc Liên Xô công nhận Hồ Chí Minh mang nhiều ý nghĩa, bởi vì nó làm phân tán những điều còn lấp lửng và cho thấy bộ mặt thực sự của Mát-xcơ-va đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc (không phải cộng sản) Việt Nam, cũng như trước những người Mỹ, mà từ trước tới nay còn dè dặt với những gì liên quan đến chính sách Đông Dương của chúng ta.


Sự công nhận này cũng làm sáng tỏ phần nào cho chính chúng ta: Từ nay nước Pháp hải ngoại rơi vào mối nguy hiểm trực tiếp nhiều hơn nước Pháp ở châu Âu. Cuộc tấn công mới của cộng sản đang bắt đầu".


Cùng với những kẻ giảo hoạt nhơ bẩn, cố lợi dụng thời điểm để kích động việc trấn áp chống lại Đảng Cộng sản Pháp, Giuyn Mốc, người hai ngày trước đã kêu gào tại phiên họp các bộ trưởng yêu cầu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô, đã triển khai hoạt động phản gián của mình. Ở trong nước bắt đầu tiến hành bắt bớ và thẩm vấn các công dân Liên Xô.


Báo "Epoque" hé lộ những "biện pháp trả đũa" của cảnh sát này: "Do lập trường của Chính phủ Liên Xô, một loạt các biện pháp đã được đề ra nhưng hiện vẫn còn cực kỳ bí mật. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn có thể nhận thấy là Sở Giám sát ngoài nước đã bắt đầu một loạt các chiến dịch lục soát. Các công dân Liên Xô cư trú ở Pa-ri đã bị gọi tới đồn của Sở Giám sát ngoài nước và bị thẩm vấn một cách lịch thiệp, đôi khi kéo dài hàng giờ, đồng thời kèm theo việc lục soát. Những người bị thẩm vấn bị Phòng Đo đạc nhân chủng chụp lại ảnh.


Từ đây cần rút ra những kết luận gì? Có cần nghĩ rằng, liệu có đề ra những biện pháp trục xuất đối với các công dân Liên Xô như Chính phủ đã từng làm đối với các công dân Ba Lan? Nói cho đúng ra, chúng ta không nên mạo hiểm để gây ra các biện pháp phản lại. Bởi vì, nếu như từ trước đến nay dễ dàng đến từ Mát-xcơ-va và thu xếp nơi ăn chốn ở tại Pa-ri, thì đã có rất ít người xin được giấy phép từ Mát-xcơ-va. Bản thân Đại sứ Pháp có biên chế nhân viên hạn chế trong ba người, trong khi Đại sứ quán ở phố Gre-nencó gần 300 cộng tác viên.


Song vẫn nên thông qua những biện pháp đó theo các cách cần thiết khác nhau để không gây nên sự xáo trộn cho những người vốn là lính Bạch vệ đã sinh sống ở Pháp sau khi đất nước họ trở thành Liên Xô. Giao nộp họ cho nhà đương cục ở nơi mà họ đã trốn chạy, có nghĩa là gây hại cho số phận của họ một cách không đáng có".


Sau 4 ngày, toàn bộ báo chí dành nhiều chú ý cho vấn đề quan hệ Pháp-Xô liên quan đến việc Liên Xô công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh, trong đó Báo "Le Monde" đã dành 3 bài xã luận cho vấn đề này, thì đến ngày 04/02 sự chú ý đã bắt đầu giảm đi rõ rệt.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Chín, 2023, 08:28:04 am
Đáng chú ý nhất trong ngày 04/02 là tin về phiên họp của Ủy ban Các vấn đề chính sách đối ngoại của Quốc hội. Phiên họp đưa đến kết quả là Ủy ban đã thông qua đề xuất sau với 26 phiếu thuận và 16 phiếu chống: "Ủy ban lấy làm tiếc việc Chính phủ Liên Xô đã áp dụng sáng kiến không khác gì với hành động can thiệp công khai vào công việc của Liên hiệp Pháp; Ủy ban cho rằng sáng kiến này là cử chỉ không thân thiện, mà qua đó Chính phủ Pháp phải đưa ra mọi kết luận c một cách bình tĩnh và cứng rắn.


Nhận thức tính chất nghiêm trọng của tình hình tạo ra do việc công nhận của Chính phủ Liên Xô, Ủy ban Các vấn đề chính sách đối ngoại tán thành quyết định do Văn phòng Ủy ban đưa ra về việc triệu tập phiên họp thường xuyên trong thời gian Quốc hội tạm nghỉ công việc và trao cho Văn phòng quyền theo dõi với sự cảnh giác đặc biệt về tiến triển các cuộc đàm phán để có thể thông báo chính xác và triệu tập cuộc họp của Ủy ban trong trường hợp cần thiết".


Những đề xuất do những người cộng sản đưa ra như:

1) Trao nền độc lập thực sự cho Việt Nam, chấm dứt chiến tranh và rút đội quân viễn chinh.

2) Thi hành chính sách đối ngoại phù hợp với tình hữu nghị Pháp-Xô.

3) Tôn trọng Hiệp ước Pháp-Xô về sự tương trợ lẫn nhau đã bị Chính phủ Pháp vi phạm khi tham gia Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, đã bị Ủy ban bác bỏ.

Ngoài ra, Báo "Co Matin" đưa tin, Snây-tơ đã trả lời một loạt các câu hỏi do các thành viên Ủy ban đưa ra. "Trong đó, ông ta tuyên bố rằng, Liên Xô đã chu cấp bất hợp pháp cho Lãnh sự quán ở An-giê-ri, nơi có 60 công dân Liên Xô làm việc, trong khi cơ quan này chưa bao giờ được cấp phép hoạt động. Khi ấy, nhiều thành viên Ủy ban đã yêu cầu phải có những biện pháp để chấm dứt sự việc này".


Dựa vào những tin tức bắt nguồn từ các giới ngoại giao Luân Đôn, các tờ báo đã đưa tin về dự định của Anh và Mỹ sẽ công nhận chính quyền Bảo Đại vào thời gian gần nhất. Một vị trí lớn đã được dành cho những bình luận của báo chí Anh đưa ra dự đoán là, trước khi thông qua quyết định công nhận Bảo Đại, Anh sẽ đề nghị trao nền độc lập thực sự cho Bảo Đại, trong đó có các vấn đề ngoại giao".


Tất cả các tờ báo đưa tin về việc Ba Lan, Hung-ga-ri và Ru-ma-ni đều đã công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh, cũng như cuộc gặp của Snây-tơ với Be-vin.

Ngày 07/02, tất cả các báo đưa tin về tuyên bố" của Giép-sớp ở Xin-ga-po. Báo "Le Figaro" viết về tuyên bố này như sau: "Nếu như chúng ta muốn tạm dừng bước tiến của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Á thì cần đưa ra những biện pháp khẩn cấp. Hình thức, thời gian và địa điểm của các hành động này hiện còn chưa được xác định... Chúng đang được giải quyết... Chắc chắn nước Nga và Trung Quốc cộng sản sẽ không do dự cung cấp viện trợ về vật chất và quân sự cho Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Mỹ sẽ coi mọi hành động vũ trang xâm lược như là một sự kiện vô cùng nghiêm trọng".


Ngoài ra tờ "Le Parisien Libéré" còn đưa tin rằng, trong lời tuyên bố của mình Giép-sớp đã nói thêm: "Đông Dương có thể được coi có vai trò chủ chốt trong việc thành lập phòng tuyến chống lại chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á...".


Trước khi lên đường về Pa-ri, đại diện thường trực của Pháp ở Liên hợp quốc Gi. Sô-ven cũng có lời tuyên bố tương tự, cụ thể là: "Ông giải thích thêm, cuộc tham khảo ý kiến của ông ở Pa-ri sẽ liên quan đến tình hình ở Đông Dương trên bình diện những hậu quả của vấn đề đó trong hoạt động của Hội đồng Bảo an... Việc Mao Trạch Đông công nhận Hồ Chí Minh thực sự đã làm cho Chính phủ Pháp không thể nào biểu quyết ủng hộ Chính phủ Bắc Kinh tại Hội đồng Bảo an". Bình luận về tình hình Đông Dương, Sô-ven nhấn mạnh rằng: "Đông Dương thuộc Pháp là nhân tố phòng thủ chủ yếu ở Ấn Độ Dương. Nếu những lãnh thổ này nằm dưới sự kiểm soát của những người cộng sản thì khả năng phòng thủ trong tương lai của Xin-ga-po sẽ trở nên yếu ớt" ("Le Monde").


Các báo tiếp tục dự đoán về khả năng các chính phủ Anh và Mỹ sẽ công nhận Bảo Đại. Cụ thể, dường như Chính phủ Anh sẽ thông qua quyết định về vấn đề này vào ngày 07/02, còn Mỹ vào thứ Năm hoặc thứ Sáu. Đồng thời các báo cũng đưa tin Chính phủ Ấn Độ hiện vẫn chưa có ý định công nhận Bảo Đại hoặc Hồ Chí Minh.


Ngày 08/02, tất cả các báo đều đưa tin, hôm qua Anh và Mỹ đã phê chuẩn quyết định công nhận chính quyền Bảo Đại. Tổng Lãnh sự Anh ỏ Sài Gòn nhận hàm Đại sứ toàn quyền. Mỹ nâng Tổng Lãnh sự quán ở Sài Gòn được chuyển lên cấp Phái đoàn đại diện.


Báo "Époque" thông báo, "ngoài ra, Chính phủ Mỹ đã quyết định cấp cho Việt Nam một khoản tín dụng 50 triệu đô-la".

Bình luận về những tin này, Báo "Le Figaro" viết: "Đó là kết quả tức thì của việc Mát-xcơ-va công nhận Hồ Chí Minh. Sau khi động thái của Mát-xcơ-va cho thấy rõ ràng là Việt Nam là một chi nhánh của Liên Xô, Luân Đôn và Oa-sinh-tơn đã không còn lý do gì để trì hoãn nữa.


Như vậy, vấn đề Đông Dương đã chính thức trở thành vấn đề quốc tế... Ngay sau thắng lợi của quân đội cộng sản ở Trung Quốc, một điều đã trở nên hoàn toàn rõ ràng là sớm hay muộn Đông Dương cũng sẽ đóng vai trò truyền thống của mình là pháo đài tiền tiêu của các nước Đông Nam Á.


Nếu như bây giờ Đông Dương thất thủ trước đòn đánh của Mát-xcơ-va thông qua Hồ Chí Minh thì sự cân bằng lực lượng giữa các nước phương Tây và các nước Xô viết sẽ rơi vào vòng nguy hiểm, còn những người Mỹ, Anh và đồng minh của họ sớm muộn sẽ nhảy vào những vị trí hòn đảo ở In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Nhật Bản... Việc công nhận Bảo Đại chỉ là một thể hiện cụ thể mối quan tâm của nhà ngoại giao Mỹ (Giép-sớp)..." [...]

Bí thứ thứ Hai Đại sứ quán Liên Xô tại Pháp. Bút-ních (đã ký)

Viện Lưu trữ Lịch sử đối ngoại Liên bang Nga. Phông 079
ML 4. Cặp 2. HS 2. Tờ 4-26
Bản gốc


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Chín, 2023, 08:42:34 am
4
Trích Báo cáo của Vụ Đông Nam Á - Bộ Ngoại giao Liên Xô về phản ứng của báo chí nước ngoài đối với việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Ngày 10/3/1950
Mật Bản số 4
Ngày 21/4/19501
(Ngày tháng đăng ký văn bản ở Vụ Đông Nam Á - Bộ Ngoại giao Liên Xô)
Số: 239/ĐNA

PHẢN ỨNG CỬA BÁO CHÍ NƯỚC NGOÀI VỀ VIỆC LIÊN XÔ VÀ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO
(Báo cáo)


Ngày 14/01/1950, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ra tuyên bố gửi tất cả các chính phủ trên thế giới về vấn đề công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong Tuyên bố nói: "Lưu ý đến lợi ích của các bên, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng thiết lập quan hệ ngoại giao với bất cứ chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây dựng dân chủ thế giới".


Ngày 19/01/950, đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Bàng Cốc, ông Nguyễn Đức Quý, thực hiện ủy quyền của Chính phủ mình đã trao cho Đại sứ Liên Xô tại Thái Lan đồng chí Nem-chin, bản Tuyên bố của Chủ tịch Việt Nam Hồ Chí Minh ngày 14/01/1950.


Ngày 30/01, theo ủy quyền của Chính phủ Liên Xô, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô đồng chí A.Ia. Vư-sin-xki đã gửi điện phúc đáp cho Bộ trưởng Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hoàng Minh Giám. Trong bức điện đã nêu: "Sau khi xem xét đề nghị của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhận thấy Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đại diện cho đại đa số nhân dân Việt Nam, Chính phủ Liên Xô quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Việt Nam và trao đổi đại sứ"1 ("Báo "Sự thật ra ngày 31/01/1950. Văn bản này được công bố tại văn kiện số 2 của Tuyển tập. Tại đây và trong phần tiếp theo, tác giả (X. Mkhi-ta-ri-an) có sử dụng một phần tư liệu bài tổng hợp báo chí Pháp của Bí thư thứ hai Đại sứ quán Liên Xô ở Pháp V. Bút-ních (Chú thích của tài liệu)).


Thông tin Liên Xô công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gây náo động và bối rối lớn cho giới cầm quyền Pháp, cần lưu ý rằng, trước ngày Chính phủ ta công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Pháp theo chỉ thị của Mỹ đã tiến hành thảo luận đạo luật để phê chuẩn cái gọi là Hiệp ước Pháp - Việt ký ngày 08/3/1949 giữa Pháp và Cựu hoàng An Nam Bảo Đại. Ngày 26/01, Ủy ban Lãnh thổ hải ngoại của Quốc hội đã thông qua Nghị quyết với 29 phiếu thuận và 13 phiếu chống (của những người cộng sản) về việc khẩn cấp trình Quốc hội vấn đề phê chuẩn Hiệp ước đó. Sự vội vàng này là do chuyến đi của đặc phái viên Tơ-ru-man - Giép-sớp đến Đông Dương và các tuyên bố của các Chính phủ Mỹ và Anh mong muốn nhanh chóng phê chuẩn Hiệp ước nói trên để tạo điều kiện cho các Chính phủ khối Anh - Mỹ công nhận Bảo Đại về mặt pháp lý và rót các viện trợ kinh tế - quân sự một cách công khai cho ông ta để đàn áp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Liên quan đến quyết định của Ủy ban Nghị viện, Báo "Le Franc-Tireur" ra ngày 27/01/1950 đã viết: "Tại sao sau 11 tháng bỗng nhiên lại xuất hiện sự phê chuẩn vội vã như vậy. Có một lý do rất rõ ràng là từ đây vấn đề Đông Dương đã bước ra vũ đài quốc tế; người ta đang cố tìm sự ủng hộ từ bên ngoài cho Bảo Đại...".


Sau khi kế hoạch xâm lược của Mỹ bị thất bại ở Trung Quốc, Chính phủ Mỹ mưu toan bám chắc ở Việt Nam để xây dựng bàn đạp quân sự chiến đấu chống lại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Đông Nam Á [...].


Báo chí các nước dân chủ đã hoan nghênh việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chẳng hạn, tờ báo Ru-ma-ni "Romuska Libera ra ngày 01/02 viết: "Việc Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thiết lập quan hệ ngoại giao... thể hiện Nhà nước Việt Nam đã chính thức bước ra vũ đài quốc tế"1 (Báo "Sự thật" ra ngày 31/01/1950 (Chú thích của tài liệu)). Các nước dân chủ nhân dân không chỉ nhiệt liệt chào mừng việc Chính phủ Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà họ cũng đi theo tấm gương của Liên Xô và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Ngày 01/02/950, Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Liên quan đến sự kiện này, Báo "Nodon Sinmun" của Triều Tiên nêu: "Việc thiết lập quan hệ ngoại giao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ có thể thực hiện được nhờ chiến thắng vĩ đại của Liên Xô đã đánh bại nước Đức Hít-le ở phương Tây và chủ nghĩa quân phiệt Nhật ở phương Đông trong Thế chiến thứ Hai"1 (Thông tấn xã Liên Xô tháng 2/1950. Tờ 39-d (Chú thích của tài liệu)). Tiếp theo nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, chính phủ các nước Ba Lan, Tiệp Khắc và Hung-ga-ri (ngày 03/02) đã công nhận Việt Nam. Ngày 04/02 - Ru-ma-ni, ngày 08/02 - Bun-ga-ri và ngày 12/02 - An-ba-ni đã công nhận Việt Nam2 (Thông tấn xã Liên Xô tháng 2/1950. Tờ 13-d, 17-d (Chú thích của tài liệu)). Như vậy, hầu hết các nước dân chủ đã công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu là chính phủ hợp pháp của nhân dân Việt Nam3 (Xem Phụ lục số 1 "Danh sách các nước công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" (Chú thích của tài liệu). Phụ lục sẽ không phục hồi được. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước dầu tiên công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 18/01/1950); xem báo "Pravda" ngày 19/1/1950 (Chú thích cua tài liệu). Các nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 14/1/1950 (Chú thích của tài liệu)).


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Chín, 2023, 08:43:53 am
Phe phản động quốc tế do đế quốc Mỹ cầm đầu đã có lập trường thù địch gay gắt đối với việc công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Báo chí phản động của các nước tư bản chủ nghĩa đã và đang tiếp tục đăng những lời xuyên tạc vu không, dối trá về Liên Xô và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Chiến dịch vu không bừa bãi này được chính phủ các nước đế quốc và đặc biệt là Chính phủ Mỹ ủng hộ và khuyến khích bằng mọi cách. Chẳng hạn, Ngoại trưởng Mỹ A-che-xơn đã tuyên bố rằng: "Việc Điện Crem-lin công nhận phong trào cộng sản của Hồ Chí Minh ô Đông Dương là điều bất ngờ. Việc Liên Xô công nhận phong trào đó đã chấm dứt mọi ảo tưởng về tính chất "dân tộc" trong các mục đích của Hồ Chí Minh... Sau khi Pháp phê chuẩn (Hiệp ước với Bảo Đại) sẽ mỏ ra khả năng công nhận Việt Nam [Bảo Đại], Lào và Cam-pu-chia... Đại sứ Giép-sớp đã bày tỏ với Bảo Đại ý muốn của chúng ta đối với sự thịnh vượng và ổn định ở Việt Nam và hy vọng rằng giữa Việt Nam và Mỹ sẽ thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa đôi bên"1 (Đối diện câu này có dấu điểm ở bên lề).


Giới cầm quyền ở nước Anh tuyên bố, thông tin về việc Chính phủ Liên Xô công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh không ảnh hưởng đến quyết định của Chính phủ Anh công nhận Chính phủ Bảo Đại. Liên quan đến điều này, tờ báo Anh "Times" viết: "Chính phủ Anh sẽ công nhận chế độ Bảo Đại về thực tế hay về pháp lý ngay sau khi Tổng thống Ô-ri-ôn ký phê chuẩn Hiệp ước tháng 3... Vấn đề công nhận chế độ Bảo Đại là một trong những vấn đề làm cho các ngoại trưởng các nước thuộc Khối thịnh vượng chung bất đồng ý kiến ở Cô-lôm-bô.


Tờ báo chỉ ra rằng: "Việc công nhận chế độ Hồ Chí Minh có lẽ không nhằm mục đích nào khác ngoài việc ủng hộ về mặt chính trị vào thời điểm chính quyền Bảo Đại có thể hy vọng Mỹ, Anh và các nước khác công nhận do Pháp đã phê chuẩn Hiệp ước ngày 08/3/1949"2 (Thông tấn xã Liên Xô. Ngày 01/02/1950 Tờ 134-o (Chú thích của tài liệu)).


Các chính phủ phản động Mỹ và Anh đã đi theo con đường công nhận chính quyền bù nhìn Bảo Đại3 (Thông tấn xã Liên Xô, tháng 02/1950. Tờ 24-d (Chú thích của tài liệu)), cũng như công khai giúp đỡ Bảo Đại nhằm mục đích trấn áp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Các tờ báo cộng sản của các nước tư bản chủ nghĩa đã vui mừng chào đón thông tin về việc Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Báo "Unita", Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản I-ta-li-a, ra ngày 01/02 viết rằng: "Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Liên Xô công nhận, nước này có quyền đầy đủ và hợp pháp để tham gia vào khối cộng đồng các quốc gia tự do"1 (Xem Phụ lục số 2 danh sách các nước tư sản công nhận chính quyền bù nhìn Bảo Đại (Chú thích của tài liệu)).


Quyết định của Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được nhân dân Việt Nam vui mừng đón nhận, được báo chí và đài phát thanh ở Việt Nam bình luận rộng rãi. Đài Phát thanh "Tiếng nói Việt Nam" đã coi quyết định này là "hoàn toàn phù hợp với chính sách nhất quán của Liên Xô trong sự nghiệp ủng hộ các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc".


Cơ quan ngôn luận chính của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Báo "Cứu quốc" đã đăng trên trang nhất chân dung của I.V. Xta-lin. Tờ báo này viết: "Việc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Liên Xô công nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ càng củng cố thêm vị thế của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế. Thắng lợi ngoại giao mới đó làm tăng thêm niềm tin của nhân dân Việt Nam vào tương lai, cũng như để chuẩn bị cho cuộc tổng phản công mới chống lại thực dân Pháp".


Bình luận về việc Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Báo "Toàn quốc kháng chiến", Cơ quan ngôn luận của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đã viết: "Toàn thể nhân dân Việt Nam rất vui mừng trước việc Liên Xô công nhận ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền dân tộc. Liên Xô là nước tiên tiến đầu tiên đã lập nên chế độ dân chủ thực sự và cương quyết bảo vệ hòa bình triệt để trên toàn thế giới. Việc Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là sự ủng hộ to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược".


Việc Liên Xô công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khiến tất cả báo chí Pháp lưu ý [...].

Chính phủ Liên Xô trả lại công hàm phản đối của Chính phủ Pháp mà không kèm phúc đáp. Sự việc này tạo nên những bình luận gay gắt hơn từ phía báo chí phản động Pháp.

Ngày 03/02, các báo Pháp đưa tin về chuyến viếng thăm Bộ Ngoại giao Pháp của đồng chí Bô-gô-mô-lốp, Đại sứ Liên Xô tại Pháp, và đăng thông cáo về cuộc hội đàm của đồng chí Bô-gô-mô-lấp với Snây-tơ. Theo thông cáo đó, Snây-tơ một lần nữa tuyên bố bằng miệng lời phản đối với Bô-gô-mô-lốp. [...]


Cuối tháng Giêng tờ báo "Combat" đã viết: "Vị trí của Đông Dương trong chính sách "Trung Quốc" mới của Hoa Kỳ dành cho sự ủng hộ đối với Bảo Đại sẽ phụ thuộc vào chuyên đi của Giép-sớp đến Sài Gòn và Hà Nội và vào cuộc hội đàm của ông ta với các nhà cầm quyền Pháp và đại diện của Bảo Đại. Như vậy, Giép-sớp nắm trong tay toàn bộ tương lai của chính quyền Bảo Đại và chính sách của Pháp có liên quan đến ông ta, nhà cầm quyền Pháp không thấy lối thoát nào khác ngoài việc trông cậy vào Hoa Kỳ và cầu xin vũ khí của Mỹ để trang bị cho binh lính Pháp và tiền của cho các quan lại của Bảo Đại".


Ngày 07/02, báo chí Pháp đăng bình luận rộng rãi về tuyên bố của Giép-sớp sau chuyến đi các nước Đông Nam Á. Báo "Le Parisien Libère" chỉ ra: "theo tuyên bố của Giép-sớp, Đông Dương có thể đóng vai trò chủ yếu trong việc thành lập phòng tuyến chống lại chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á...".


Báo "Le Figaro" mô tả như sau về tuyên bố của Giép-sớp: "Nếu chúng ta muốn chặn đứng sự lan truyền của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Á thì cần phải có những hành động cấp bách... Hình thức của các hành động này, thời gian và địa điểm còn chưa được xác định... Hiện đang giải quyết các vấn đề đó... Chắc chắn nước Nga và Trung Hoa cộng sản sẽ không do dự cung cấp các viện trợ quân sự và vật chất cho ông Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Hoa Kỳ sẽ xem mọi hành động vũ trang hiếu chiến như là sự việc hoàn toàn nghiêm trọng".


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Chín, 2023, 08:44:45 am
Ngày 08/02, các báo Pháp đưa tin Anh và Hoa Kỳ đã quyết định công nhận chính quyền Bảo Đại. Hoa Kỳ đã đặt Tổng lãnh sự quán ở Sài Gòn ở cấp Phái bộ. Những tin tức gần đây về sự công nhận của các chính quyền Hoa Kỳ và Anh đã được tất cả các báo chí phản động Pháp hoan hỷ đón nhận và thở phào không che giấu, đồng thời đồn đoán về quy mô viện trợ mà Hoa Kỹ hứa hẹn cho Đông Dương cũng như việc Hoa Kỳ trang bị vũ khí cho binh lính Pháp v.v...


Báo "Époque" đưa tin rằng "Chính phủ Hoa Kỳ đã quyết định cung cấp khoản tín dụng 50 triệu đô-la cho Việt Nam".

Sau khi để Đông Dương nhận ân huệ của các đế quốc Anh và Mỹ, giới phản động Pháp cố gắng an ủi mình rằng vấn đề Đông Dương giờ đã chính thức trở thành vấn đề quốc tế có ý nghĩa hàng đầu.

Ngày 09/02 tờ báo cánh hữu "Combat" nhận xét: "Tổng thống Tơ-ru-man có thể lấy một khoản tiền nào đó từ các quỹ đặc biệt (35 triệu đô-la) để dành cho cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cộng sản ở Viễn Đông... Trong trường hợp đó, nếu Chính phủ Mỹ quyết định viện trợ quân sự cho Việt Nam, thì sự giúp đỡ này có lẽ sẽ được dùng để tăng cường sức mạnh cho đội quân viễn chinh Pháp".


Như vậy, nước Pháp hoàn toàn biến thành công cụ sai khiến của Mỹ tại khu vực Đông Dương "thuộc Pháp".

Cần nhắc tới lập trường nhất quán của báo chí cộng sản Pháp trong vấn đề Liên Xô công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngay từ đầu, báo chí cộng sản đã đánh giá một cách đúng đắn đối với quyết định của Chính phủ Liên Xô và cương quyết bảo vệ việc này trên các trang báo của mình. Ngày 01/02, Báo "L’Humanite" đã đăng trên trang nhất chân dung Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh và bài viết dài của Cơ-tát, trong đó tác giả tuyên bố, khi công nhận Hồ Chí Minh, Chính phủ Liên Xô một lần nữa đã chứng tỏ luôn trung thành với chính sách thân thiện với các dân tộc đang đấu tranh đòi giải phóng, trung thành với những nguyên tắc của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Liên Xô quyết định công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh bởi vì Chính phủ này đại diện cho đại đa số nhân dân Việt Nam. Còn Bảo Đại thì ngược lại, không đại diện cho ai ngoại trừ một nhóm nhỏ những kẻ Vichy dựa vào sức mạnh của những kẻ can thiệp. Đế quốc Mỹ là những kẻ trung thành với chính sách can thiệp ở châu Á, ủng hộ lực lượng phản động bản địa, những kẻ đồng lõa với bọn thực dân.


Trong một bài viết cũng của tác giả nói trên đăng trên Báo "L’Humanite" ra ngày 02/02, đã nhận xét: "Công hàm của Chính phủ Pháp phản đối Liên Xô công nhận Hồ Chí Minh không chỉ có tính chất khiêu khích thô bạo, mà đồng thời còn thực sự phi lý xét về góc độ pháp lý".


Thực vậy, Chính phủ Pháp tuyên bố: "Chính phủ do Bảo Đại lập nên và đã được Chính phủ Pháp trao lại chủ quyền mà trước đó thuộc Chính phủ Pháp, là Chính phủ hợp pháp duy nhất của Việt Nam". Nếu điều đó là sự thực và nếu như tự công nhận là Chính phủ Pháp đã trao lại "quyền" thì căn cứ vào lý do gì mà Chính phủ này lại can thiệp, ra tuyên bố phản đối?... Còn nếu Chính phủ này vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ các "quyền" của mình, thì nền độc lập của Bảo Đại là ở chỗ nào?


Quyền Ngoại trưởng Pháp Snây-tơ than phiền rằng, Chính phủ Liên Xô đã không thông báo trực tiếp cho Chính phủ Pháp về quyết định của mình. Tuy nhiên tại sao Liên Xô lại phải thông báo khi bản thân Chính phủ Pháp đã tuyên bố trao trả các quyền?


"Lập trường pháp lý của Liên Xô càng được củng cố thêm bởi vì chính phủ hợp pháp theo Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 có hiệu lực được ký kết giữa quốc gia có chủ quyền không phải là chính quyền Bảo Đại mà chính là Chính phủ Hồ Chí Minh...".


"Liên Xô hành động phù hợp với luật pháp quốc tế khi công nhận một chính phủ hợp pháp. Họ không có nghĩa vụ phải báo cáo cho ai, kể cả Chính phủ Pháp, về quyết định của mình" và tiếp đó: "Liên Xô không những công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh là chính phủ hợp pháp, mà còn là Chính phủ được nhân dân tin tưỏng. Tại Việt Nam, Pháp đóng vai trò là một quốc gia nước ngoài tiến hành cuộc can thiệp, còn những người dân Việt Nam là những người yêu nước đấu tranh vì mảnh đất của mình, bảo vệ nguồn gốc, nền văn hóa của mình, vì độc lập, tự do của đất nước. Qua việc công nhận họ là Chính phủ hợp pháp và tồn tại trên thực tế, Liên Xô đã cho thấy sự trung thành với các truyền thống của chủ nghĩa xã hội quốc tế. Đồng thời, nước này cũng thể hiện sự chung thủy với truyền thống cách mạng Pháp, mà theo đó nguyên tắc tôn trọng mọi chủ quyền của các dân tộc được xây dựng dựa vào chính nhân dân".


Báo "Co Soir" ra ngày 02/02 viết: "Việc Chính phủ Liên Xô công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đối tượng của nhiều cuộc tấn công ngày hôm nay. Mọi báo chí của Chính phủ cùng với Bộ Ngoại giao Mỹ và chi nhánh của họ ở Bộ Ngoại giao Pháp xem việc này như là "một hành động đặc biệt nghiêm trọng". Tuy vậy, sự kiện công nhận đó phù hợp với quyền làm chủ bản thân và sống trong độc lập của các dân tộc.


Chính phủ Pháp ra tuyên bố "trịnh trọng" phản đối quyết định, mà theo họ, có thể "làm xấu đi nghiêm trọng quan hệ Pháp-Xô". Tuy nhiên, khi thực hiện điều này họ đã quên rằng, Chính phủ do Hồ Chí Minh đứng đầu mới là Chính phủ hợp pháp duy nhất do nhân dân Việt Nam bầu ra, là Chính phủ mà Chính phủ Pháp đã thô bạo cắt dứt mọi cuộc đàm phán và tuyên bố cuộc chiến tranh bỉ ổi chống lại họ".


Đáp trả những lời tuyên bố của những kẻ vu cáo chính trị về quyết định không phù hợp của Liên Xô đối với Hiệp ước Pháp-Xô, Báo "L'Humanite" ra ngày 08/02 viết: "Quyết định của Liên Xô trong thực tế xét theo quan điểm luật pháp quốc tế, cũng như theo góc độ tư duy đúng đắn là không thể chế trách vào đâu được... Tuy nhiên, những kẻ ưa thích phiêu lưu của chúng ta trong tình trạng bối rối, lúng túng đã đột nhiên bắt đầu nói về chuyện cắt đứt Hiệp ước Pháp-Xô...". Chiểu theo Điều 5 của Hiệp ước, Pháp và Liên Xô cam kết "không ký kết hoặc tham gia các liên minh nhằm chống lại bên kia" giữa Pháp và Liên Xô. Liên Xô đã giữ đúng cam kết này. Ngược lại, những người cả gan nói thay mặt nước Pháp lại gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương".


Ngày 03/02, Tờ "Co Soir" viết: "Thật vậy, tất cả đều biết rằng, việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Chính phủ hợp pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một đòn giáng mạnh vào những kẻ ưa phiêu lưu cố biến Đông Dương thành lò lửa chiến tranh quốc tế. Sự thiết lập mối quan hệ chân thực giữa Liên Xô, sức mạnh chính của hòa bình, với nhà nước Việt Nam có chủ quyền chỉ làm củng cố thêm cho phe hòa bình".


Như vậy: 1) Việc Chính phủ Liên Xô công nhận Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm đảo lộn các kế hoạch Pháp - Mỹ hòng đưa Đông Dương vào phạm vi ảnh hưởng của mình và nâng cao địa vị quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2) Mặc cho những đồn đoán của báo chí trong nước, Chính phủ Pháp vẫn không dám cắt đứt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Liên Xô, cũng như hủy bỏ Hiệp ước Pháp - Xô về liên minh và tương trợ lẫn nhau ký ngày 10/12/1944.

3) "Ý nghĩa quan trọng của việc thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là quá rõ ràng" (Mô-lô-tốp) và việc tăng cường mối liên hệ của nước này với phe hòa bình và dân chủ sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của phong trào giải phóng dân tộc tại các nước Đông Nam Á.

   Ngày 10 tháng 3 năm 1950.
   Người viết báo cáo:
   Bí thư thứ Hai Vụ Đông Nam Á Mkhi-ta-ri-an (đã ký)
   Ghi chú: Lưu hồ sơ (Chữ ký)

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga
Phông 079. ML 4. Cặp 2. HS 2. Tờ 44-59
Bản gốc


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Chín, 2023, 07:34:35 am
5.
Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương toàn Liên bang (Bôn-sê-vích) về việc cho phép Ban Chấp hành Hội Liên lạc văn hóa với nước ngoài Liên Xô gửi sách báo tiếng Pháp sang Việt Nam kèm phụ lục Danh mục các tư liệu được chuẩn bị để gửi đi

Ngày 06/4/1950
Dự thảo
Tối mật

NGHỊ QUYẾT CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ĐẢNG CỘNG SẢN TOÀN LIÊN BANG (BÔN-SÊ-VÍCH)

Vấn đề của Ban Chính trị đối ngoại

Cho phép Ban Chấp hành Hội Liên lạc văn hóa với nước ngoài Liên Xô (đồng chí Đê-ni-xốp) gửi sang Việt Nam các sách báo tiếng Pháp, bộ thiết bị chiếu phim lưu động cùng phim điện ảnh, các tài liệu tuyên truyền, cũng như định kỳ gửi báo và tạp chí (theo danh sách kèm theo).

Gửi các đồng chí:
   - Mô-lô-tốp;
   - Gri-gô-ri-an;
   - Đê-ni-xốp;
   - Vư-sin-xki;
   - Pô-ma-dơ-nhiốp1 (Danh sách họ tên này được viết tay)

Mật
DANH SÁCH
Các tài liệu do Ban Chấp hành Hội Liên lạc văn hóa với nước ngoài Liên Xô chuẩn bị để gửi sang Việt Nam

1. Sách bằng tiếng Pháp, trong đó có các tác phẩm của V.I. Lê-nin và I.V. Xta-lin, sách chính trị, sách văn học nghệ thuật. 43 tên sách gồm 3.455 bản.

2. Bản kẽm ảnh lãnh đạo Đảng và Chính phủ Liên Xô. 38.

3. Bộ Tạp chí "Thời đại mới" xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1949. 500 bản, 10 bộ.

4. Bộ thiết bị chiếu phim cỡ rộng lưu động cùng với các bộ phim đã được lồng tiếng bằng tiếng Pháp: "Vla-đi-mia I-lích Lê-nin", "Ngày 01 tháng 5 năm 1949" và bằng tiếng Nga "Những ngày ở Vô-lô-cha-ép-ska", "Béc-lin thất thủ". 1 Bộ thiết bị chiếu phim cỡ hẹp cùng các bộ phim bằng tiếng Nga "Bí thư huyện ủy", "Thép đã tôi thế đấy", "A-li-shơ Na-voi-y", "Ac-sin Ma-la-lan". 1

5. Máy hát kèm đĩa hát. 3 máy, 295 đĩa hát, 67 đầu đĩa.

6. Sách nhạc và bài hát Liên Xô. 10 đầu sách.

7. Đài thu thanh "VEF". 2 cái.

8. Cuốn album ảnh "Nữ nông dân Liên Xô" kèm lời chú thích bằng tiếng Pháp. 29 ảnh

9. Cuốn album ảnh "Nữ nông dân Liên Xô" kèm lời chú thích bằng tiếng Pháp. 38.

10. Bộ ảnh "Thủ đô Mát- xcơ-va". 19 ảnh.

11. Các phụ kiện của đội thiếu niên tiền phong: cờ, trống, đồng phục, khăn quàng. 5 bộ.

Cờ đuôi nheo. 10.

Huy hiệu đội viên thiếu niên tiền phong. 200 cái.

Định kỳ gửi sang Việt Nam:

Tạp chí "Thời đại mới" bằng tiếng Pháp. 5 bản.

Tạp chí "Liên Xô" bằng tiếng Pháp. 1 bản.

Báo "Vì hòa bình bền vững, vì nền dân chủ nhân dân" bằng tiếng Pháp. 10 bản.


Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị-xã hội Nhà nước Nga
Phông 17. ML163. HS 1545. Tờ 138-139
Bản sao


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Chín, 2023, 07:41:51 am
6.
Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản toàn liên bang (Bôn-sê-vích) về việc phê chuẩn dự thảo điện mừng nhân dịp 5 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (kèm nội dung các bức điện mừng của Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô N.M. Sve-rơ-nhích và Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.Ia. Vư-sin-xki)

Ngày 31/8/1950
Tối mật

NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN TOÀN LIÊN BANG (BÔN-SÊ-VÍCH)

Về dự thảo các bức điện mừng nhân dịp 5 năm ngày Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9)

Phê chuẩn dự thảo các bức điện mừng của các đồng chí N.M. Sve-rơ-nhích A.Ia. Vư-sin-xki được kèm theo đây.

BÍ THƯ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG


Thông qua ngày 31 tháng 8 năm 1950.

Những người biểu quyết ĐỒNG Ý: Các đồng chí Bê-ria, Bun-ga-nhin, Ma-len-cốp, Mi-cô-i-an, Khơ-ru-sốp.


Nghị quyết:
   Gửi các dồng chí Ma-len-cốp, Vư-sin-xki, ngày 01/9/1950.
   P771 210.

ĐIỆN GỬI CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
NGÀI HỒ CHÍ MINH


Thay mặt Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô và nhân danh cá nhân, xin Ngài hãy nhận lời chúc mừng và những lời chúc tốt đẹp nhất gửi đến nhân dân Việt Nam nhân dịp Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
N. SVE-RƠ-NHÍCH


ĐIỆN GỬI BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA NGÀI HOÀNG MINH GIÁM


Nhân dịp Quốc khánh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xin Ngài hãy nhận những lời chúc mừng chân thành của tôi cùng với mong muốn tiếp tục tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước chúng ta.

A.VƯ-SIN-XKI

Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị-xã hội Nhà nước Nga
Phông 17. ML163. HS 1559. Tờ 144-146
Bản sao


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Chín, 2023, 07:51:31 am
7.
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng Bí thư Ban Châp hành Trung ương Đảng Cộng sản toàn liên bang (Bôn-sê-vích)

I. V. Xta-lin

Ngày 14/10/19501 (Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước đầu tiên công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Chú thích của tài liệu))
Nguyên bản bằng tiếng Anh.


Đồng chí Xta-lin yêu quý,

Tôi vui mừng gửi tới Đồng chí bản báo cáo sau:

Nhờ sự giúp đỡ to lớn của các Đồng chí và Đảng Cộng sản Trung Quốc, giai đoạn thứ nhất cuộc phản công của chúng tôi ở biên giới đã kết thúc thắng lợi.

Mặt trận Cao-Bằng-Đông Khê-Thất Khê có chiều dài gần 70 km và nằm ở vùng núi hiểm trở2 (Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Đại sứ Liên Xô tại nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa N.V. Rô-sin chuyển đến Mát-xcơ-va và tại đây nhận được ngày 30/12/1950).


Lực lượng của chúng tôi gồm: 25.500 bộ đội chính quy, 970 bộ đội địa phương, 18.000 nông dân cả nam giới và phụ nữ làm nhiệm vụ vận chuyển, mỗi người làm việc 10 ngày.

Lực lượng của địch gồm: 6.000 lính (có gần 1.700 lính da trắng, 2.600 lính Bắc Phi, 700 lính người Việt).

Các giai đoạn chiến đấu:

1) Cầu Đông Khê, từ 16 đến 20/9. Lực lượng địch gồm 350 lính. Chúng đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Chúng tôi chiếm được Đông Khê.

2) Các đội quân địch rút khỏi Cao Bằng hòng đến được Thất Khê cùng với 1.650 binh lính (ngày 03/10). Tuy nhiên khi đến gần Đông Khê, chúng đã bị chúng tôi tiêu diệt. Chỉ huy của chúng là Đại tá Charton cùng quân lính đã phải đầu hàng.

3) Các lực lượng quân địch khác, khoảng gần 2.000 lính, được phái tới Thất Khê để gặp toán quân của Charton. Khi gần đến Đông Khê chỉ cách Charton khoảng 1 km, chúng cũng đã bị chúng tôi tiêu diệt. Viên chỉ huy của chúng, Đại tá Le Page cùng binh lính và Đại tá, Bác sỹ Durif đã phải đầu hàng.

Cuộc chiến đấu bắt đầu ngày 03/10 và kết thúc ngày 11/10.

Kết quả: Chúng tôi đã giải phóng Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê và tịch thu được một lượng lớn chiến lợi phẩm. Chúng tôi đã tiêu diệt gần 2.300 binh lính và sỹ quan địch, bắt làm tù binh khoảng 2.500 người (3 đại tá, 1 sỹ quan chỉ huy, 5 đại úy, 20 trung úy. Các con số này còn chưa đầy đủ).


Theo thông báo mới nhất, quân địch cũng đã phải bỏ lại tỉnh Thái Nguyên ngày 11/10. Chỉ cách đây 10 ngày khi chiếm được tỉnh này (ngày 01/10), đối phương đã gọi đây là "Thủ đô của Hồ Chí Minh" và làm rùm beng về điều đó.


Một kết quả quan trọng khác: Lần đầu tiên chúng tôi tiến hành một trận đánh lớn, chúng tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và cũng thấy rõ những thiếu sót của mình.

Nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí Trung Quốc và thực hiện lời dạy của Lê-nin-Xta-lin, chúng tôi đã làm tất cả có thể để khắc phục các thiếu sót.

Những đồng chí cố vấn của chúng tôi. Tôi cần báo để Đồng chí biết là Bộ Tổng Tư lệnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gửi cho chúng tôi những người có phẩm chất tốt nhất để làm cố vấn và các đồng chí đã giúp chúng tôi rất giá trị. Chúng tối đang chuẩn bị một trận đánh tiếp theo, sau đó quân đội chúng tôi sẽ tạm nghỉ một chút. Chúng tôi hứa với Đồng chí là sẽ chiến đấu ngày càng tốt hơn.


Đồng chí Xta-lin kính mến, liệu tôi có đúng không khi cho rằng thắng lợi của chúng tôi, mặc dù còn chưa lớn, nhưng cũng là một bộ phận trong thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa quốc tế vô sản cách mạng do vị lãnh tụ yêu quý và quả cảm là Đồng chí lãnh đạo?


Khoảng tháng 12 chúng tôi sẽ tiến hành Đại hội toàn quốc để thành lập đảng mới là Đảng Lao động Việt Nam. Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là phải "cải tổ" để trở thành một đảng gồm nửa triệu đảng viên được huấn luyện tương đối tốt về học thuyết Mác-Lê-nin. (Hiện nay, chúng tôi có hơn 750.000 đảng viên, nhưng nhiều người trong số đó cần được làm trong sạch).


Tôi hy vọng sẽ nhận được những cuốn sách mà Đồng chí đã hứa viết riêng cho chúng tôi. Tôi sẽ tự mình dịch những cuốn này. Đó sẽ là món quà quý giá nhất của Đồng chí dành cho Đảng chúng tôi.

Tôi xin nhờ Đồng chí chuyển lời chào anh em của tôi đến các đồng chí ở Bộ Chính trị.

Ôm hôn Đồng chí và chúc Đồng chí dồi dào sức khỏe và trường thọ.

Thân ái
Đinh
Cao Bằng, ngày 14/10/1950

Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị-xã hội Nhà nước Nga.
Phông 558. ML.11. HS. 295. Tờ 4-6, 7-8.
Cô-nô-lép-va. Một số đặc điểm trong tiểu sử chính trị của Hồ Chí Minh// Các vấn đề lịch sử. 2008. Số 10. Tr. 136-141.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Chín, 2023, 07:52:40 am
8
Thư của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi Chính phủ và nhân dân Liên Xô nhân dịp Kỷ niệm một năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Nhận được kèm với thư của   Dấu đến
Đại diện nước Việt Nam Dân chủ   Bộ Ngoại giao Liên Xô
Cộng hòa gửi Đại sứ Liên Xô tại   Vụ Đông Nam Á
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa   Số đến: 51
Ngày 22/01/1951   Ngày 02/3/1951


"Thư của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam gửi Chính phủ và nhân dân Liên Xô

Ngày 18/01/1950, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân cũng đã công nhận đất nước chúng tôi. Để thể hiện lòng biết ơn hành động cao quý và thực tế đó, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã quyết định Kỷ niệm trọng thể một năm ngày thắng lợi ngoại giao vào ngày 18 tháng Giêng trên cả nước.


Nhân ngày lễ vẻ vang này, thay mặt các tổ chức quần chúng và nhân dân Việt Nam, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam xin bày tỏ lòng cảm ơn và sự tin tưởng vào Chính phủ và nhân dân Liên Xô. Nhân dân Việt Nam vô cùng xúc động về sự công nhận này, nguyện sẽ tiếp tục đoàn kết chặt chẽ với phe dân chủ và hòa bình do Nguyên soái Xta-lin đứng đầu, và cương quyết chiến đấu đến cùng để tiêu diệt hoàn toàn thực dân Pháp, làm thất bại mưu đồ can thiệp của Mỹ, bảo vệ độc lập và thống nhất Tổ quốc, vì hòa bình trên toàn thế giới.

Ngày 18 tháng 01 năm 1950

Các đảng phái và tổ chức thuộc Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã ký:

Mặt trận Liên Việt,

Việt Nam Độc lập Đồng minh,

Liên đoàn Lao động Việt Nam,

Hội Nông dân cứu quốc,

Liên đoàn Thanh niên Việt Nam,

Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,

Đảng Dân chủ Việt Nam,

Đảng Xã hội Việt Nam,

Liên đoàn Cách mạng Việt Nam"

Sao y bản chính: Va-khơ-ru-sốp đã ký

Nơi nhận:
   
Các đồng chí Xta-lin,   Vư-sin-xki,
Mô-lô-tốp,   Grô-mưn-cô,
Ma-len-cốp,   Dô-rin
Bê-ria,   Pốt-txe-rốp,
Mi-cô-i-an,   Vụ Đông Nam Á,
Ca-ga-nô-vích,   Lưu hồ sơ - 2.
Bun-ga-nhin,   
Khơ-ru-sốp,   
Số công văn đi: 85/GX-nx   


Lời phê:
   Gửi đồng chí Mkhi-ta-ri-an
   Lưu hồ sơ 2/3- A.M.

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga.
Phông 79. ML. 5. Cặp 2. HS.1. Tờ 3-4
Bản sao xác thực.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Chín, 2023, 07:56:16 am
9.
Trích bài viết của Đinh (tức Hồ Chí Minh) "Việt Nam những năm 1950 và 1951" về mở đầu cuộc chiến tranh giải phóng ở Việt Nam và vai trò của Liên Xô trong việc thiết lập nền dân chủ"

Tháng 5/1951
Dịch từ tiếng Pháp


VIỆT NAM trong năm 1950 và 1951.

Nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với niềm tin, niềm phấn khởi, hân hoan vui mừng đón Tết năm mới tính theo Âm lịch (ngày 06/02/1951).

Cùng với việc đón năm mới, họ tổng kết năm cũ và chuẩn bị kế hoạch cho năm tới.

Trước năm 1950

Cuối năm 1950 là lúc kết thúc nửa đầu của thế kỷ XX và mở ra cánh cửa cho thời đại tiếp theo.

Trong giờ phút trọng đại này, nhân dân Việt Nam, củng như các dân tộc khác, một lần nữa nhìn lại lịch sử của dân tộc và quốc tế để có những bài học và rút ra kinh nghiệm.

Trong 50 năm qua, đã có nhiều phát minh, đạt được nhiều thắng lợi, xảy ra những cuộc chiến tranh, có những biến động và thay đổi lớn.

Đặc biệt, cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại thắng lợi đã đưa nhân loại sang kỷ nguyên mới và hạnh phúc. 34 năm sau đó, Cách mạng Trung Quốc thắng lợi, tiếp tục thúc đẩy cho công cuộc giải phóng dân tộc của nhân dân bị áp bức.


Dưới sự lãnh đạo và giúp đờ của Liên Xô, từ Trung Âu đến Viễn Đông, các nước dân chủ mới đang xây dựng cuộc sống mới và củng cố sức mạnh của mình. Những nước đó chiếm một nửa dân số của nhân loại và là sức mạnh to lớn của thế giới và nền văn minh hiện nay.


Nhân dân Việt Nam đã phải chịu nhiều đau khổ từ hai cuộc chiến tranh thế giới. Họ đã trải qua hai ách thống trị của đế quốc là Pháp và Nhật. Nhân dân Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân, mà nổi bật nhất là Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh những năm 1930-1931.


Nhờ có quân đội Xô viết dũng cảm và nhân dân Liên Xô anh hùng dưới sự lãnh đạo của Xta-lin thiên tài, quân phát xít Nhật đã bị đánh bại, và nhờ sự thống nhất và tinh thần yêu nước của Mặt trận Dân tộc Việt Minh dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương, cuộc Cách mạng tháng Tám (năm 1945) đã giành được thắng lợi. Cuộc Cách mạng đó đã đánh đổ cả ách thống trị nghìn năm phong kiến cũng như ách đô hộ tàn bạo kéo dài suốt gần một thế kỷ của bọn đế quốc.


Việt Nam đã trở thành nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập. Chính quyền thuộc về nhân dân. Tuy nhiên chỉ sau một tháng, dưới sự trợ giúp của quân đội Anh và Quốc dân Đảng Trung Hoa, thực dân Pháp, những kẻ 4 năm về trước đã đầu hàng Hít-le một cách đê hèn ở Pháp, đã bắt đầu cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa, không cân sức và tàn khốc. Kẻ địch có đủ các loại lực lượng bộ binh, hải quân và không quân hiện đại. Hơn nữa, chúng lại được phe phản động quốc tế, đặc biệt là đế quốc Mỹ, giúp sức. Trong cuộc đấu tranh chống lại các sức mạnh đó, những người dân Việt Nam mới đầu chỉ được trang bị vũ khí thô sơ bằng những gậy tre. Mặc dù vậy, nhờ sự thống nhất và niềm tin vào sự nghiệp chính nghĩa, nhờ sự đồng tình và ủng hộ tinh thần của các dân tộc hữu nghị trên thế giới trong thắng lợi cuối cùng, nhân dân Việt Nam đang tiến hành cuộc đấu tranh anh dũng và giành được nhiều thắng lợi.


Năm 1950

Đầu năm 1950, Việt Nam đã đạt được một thắng lợi to lớn về chính trị: Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Liên Xô và các nước dân chủ khác đã chính thức công nhận Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố: "Thắng lợi này củng cố niềm tin và cổ vũ tinh thần cho quân đội và nhân dân ta. Đây là động lực để giành những thắng lợi quân sự khác. Tuy vậy, chúng ta phải luôn sẵn sàng vượt qua những khó khăn mới nặng nề hơn và lớn hơn gấp nghìn lần. Để vượt qua tất cả những khó khăn đó, chúng ta có một vũ khí không thể đánh bại là sự đoàn kết thống nhất không gì lay chuyển của nhân dân ta. Trên thực tế có những khó khăn mới đang đặt ra trước mắt chúng ta.


Đế quốc Mỹ (và cả đế quốc Anh) trước đây đã giúp đỡ thực dân Pháp, từ năm 1950 bắt đầu trực tiếp tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Chúng cung cấp tiền bạc và vũ khí cho quân Pháp và bọn bù nhìn. Chúng đích thân tham gia ném bom các thành phố và làng mạc Việt Nam. Từ tháng 8/1950-   01/1951, phía Mỹ đã cung cấp cho quân đội Pháp ở Việt Nam: 130 máy bay ném bom, 36 tàu thủy, 6 tàu quét mìn, trang bị đầy đủ cho 12 tiểu đoàn bù nhìn xe tăng, thiết giáp, bom na-pan.


Nhưng dù viện trợ của Mỹ có lớn đến đâu vẫn không thể giúp đội quân viễn chinh Pháp tránh khỏi thất bại nặng nề. Trong năm 1950 nhiều tướng lĩnh và chỉ huy Pháp đã phải than vãn. Đến cuối năm 1950, tổn thất của đội quân viễn chinh Pháp ước khoảng 200.000 lính bị chết, bị thương và bị bắt làm tù binh (Pôn Rây-nô chỉ thừa nhận 1/5 tổn thất đó: Theo tuyên bố của Rây-nô, quân đội Pháp tổn thất 40.447 người, trong đó 10.447 là lính của mẫu quốc).


Đối với Việt Nam, các thắng lợi quân sự vang dội nhất là chiến thắng Biên giới (cuối năm 1950) và chiến thắng ở khu vực Trung du (đầu năm 1951). [...]

Hơn nữa Đờ Tát-xi-ni không thể đánh lừa được cả thế giới. Tạp chí hàng tuần "La Xman" (ngày 22/01/1951) đã viết về điều này như sau: "Tình hình ở Việt Nam trong tuần này được đánh dấu bằng trận đánh ở ngoại ô Hà Nội. Bộ Tổng Tư lệnh Pháp nhận thấy đây là lần đầu tiên quân đội nhân dân Việt Nam tiến hành một trận đánh hiện đại, có tổ chức với các lực lượng được hiệp đồng tốt".


Sau khi tuyên bố về quy mô chiến trận, Bộ tổng Tư lệnh Pháp long trọng ăn mừng thắng lợi. Nhưng bản thân Tướng Đơ Lat-tơ-re đờ Tát-xi-ni phải thừa nhận là chưa loại bỏ được hoàn toàn mối đe dọa từ phía quân đội Việt Nam đối với Hà Nội. Tình trạng lo âu ngày càng tăng đang bao trùm các nhà chức trách Pháp do bị đánh một đòn quyết định trong trận chiến đó. Tổn thất các đội quân tinh nhuệ đã làm cho Bộ Tổng Tư lệnh Pháp rất lo lắng. Bằng cách này hay cách khác, trận đánh ở ngoại ô Hà Nội một lần nữa cho thấy cái thời mà quân đội Pháp chỉ có tấn công đã kết thúc.


Một bài viết của một viên tướng đăng trên Báo "Le Monde" đã nói về tâm trạng lo âu của giới quân sự Pháp. Sau khi chỉ ra rằng các đội quân thiện chiến nhất của Pháp đã được dùng để phòng thủ trong vô vọng và phân tích vấn đề nhân lực, viên tướng này nhắc lại luận điểm của Men-đét Phơ-răng, theo đó việc bảo vệ mẫu quốc sẽ bị đe dọa nếu tiếp tục theo đuổi chính sách này... Oa-sinh-tơn lo ngại trước đòn đánh mạnh mẽ như vậy trong trận chiến đó... Mỹ trao giấy khen cho con ngựa con, muốn vỗ về nó sau khi nó bị những cú đánh mạnh mẽ như vậy. Tuy nhiên, sau hiệp đấu đầu tiên những người đua và những con ngựa vẫn không khỏi bồn chồn lo lắng cho những hiệp đấu sắp tới. Về phía Việt Nam vẫn thể hiện sự bình tĩnh thường thấy cũng như sự quan tâm chân thành đến con người: Sau trận đánh, Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị thả hết các tù binh Pháp bị thương. Hành động cao thượng này đối ngược với hành động của Bộ Tổng Tư lệnh Pháp trắng trợn công nhận đã sử dụng bom na-pan và còn khoe khoang hiệu quả của loại vũ khí này. [...]


Nguồn gốc các thắng lợi của chúng tôi

Có nhiều yếu tố góp phần vào các thắng lợi của chúng tôi: sự ủng hộ tinh thần của các nước hữu nghị, tình cảm của nhân dân lao động và những người dân chủ trên toàn thế giới, sự ủng hộ của nhân dân Pháp, sự lãnh đạo đúng đắn... Tuy nhiên, có một yếu tố cơ bản không thể bàn cãi đó là tinh thần yêu nước vô bờ bến của nhân dân chúng tôi.


Mỗi lần ra thị sát mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều hỏi: "Quân đội chúng ta thuộc về ai?"

- Nhân dân! - Tất cả các chiến sĩ đồng thanh đáp.

- Ai đã cổ vũ các đồng chí lập chiến công?

- Nhân dân ta và bè bạn chúng ta!

Thực vậy, nhân dân Việt Nam thật là vĩ đại trong cuộc đấu tranh yêu nước này.

Việt Nam là một đất nước rất nhỏ bé với nền nông nghiệp lạc hậu, không có nền công nghiệp. Trải qua suốt 80 năm đất nước này đã bị đế quốc đô hộ và bóc lột tàn khốc, về thể chất bị đầu độc bằng rượu, thuốc phiện của những kẻ độc quyền thực dân về tinh thần bị khốn khổ vì chính sách ngu dân. Bọn đế quốc coi nước này như ở trong tình trạng nô lệ. Tuy nhiên, đất nước nhỏ bé đó đã dứng dậy vững vàng như bàn thạch, kiêu hãnh và dũng mãnh như sư tử, quyết chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc của mình.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Chín, 2023, 08:02:02 am
Trong 5 năm qua, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, Việt Nam đã đấu tranh thắng lợi chống lại bọn xâm lược, những kẻ man rợ thời hiện đại; đồng thời đạt được những thành tựu tuyệt vời trong mọi lĩnh vực. Đây là một vài ví dụ về tinh thần yêu nước của các chiến sĩ và những người yêu nước:


Trong Chiến dịch Biên giới, một chiến sĩ đã dùng lưỡi lê chặt đứt bàn tay phải bị dập nát vì lựu đạn địch và tiếp tục chiến đấu.

Các chiến sĩ bị thương từ chối rời khỏi trận địa cho đến khi kết thúc trận đánh. Các tiểu đoàn không ăn, không ngủ trong vòng bốn ngày để truy đuổi và tiêu diệt đội quân của Đại tá Sác-tơn.

Cùng với nam giới, hàng chục nghìn phụ nữ các dân tộc thiểu số Mán, Mèo, Nùng, Thổ đã tự nguyện tham gia vận chuyển giúp bộ đội. Ban ngày dưới trời mưa như trút họ không quản bùn lầy, trèo đèo lội suối chuyên chở đạn dược và lương thực. Ban đêm, họ ngồi tựa vào nhau trên cánh đồng lúa chờ cho trời sáng. Dù vậy, họ vẫn luôn vui vẻ và hăng hái.


Và những người phụ nữ cũng luôn quan tâm săn sóc các chiến sĩ. Những người phụ nữ luống tuổi gần như cả cuộc đời chưa từng ra khỏi thôn làng quê hương. Nhưng bây giờ họ đã xung phong ra mặt trận, tận tình chăm lo săn sóc bộ đội và thương binh khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng xúc động trước những hành động ấy, đã ra chỉ thị khen ngợi họ, trong đó một số người được tặng thưởng. Các đội du kích cũng nổi tiếng vì sự dũng cảm quên mình và những chiến công xuất sắc.


Hàng nghìn thanh niên từ các tỉnh khác nhau đã tự nguyện tập hợp thành những đội quân xung phong sẵn sàng thực hiện bất cứ công việc cần thiết nào: như vận chuyển, sửa chữa đường sá, v.v...

Nông dân thi đua với nhau để nâng cao năng suất nông nghiệp và đạt được những kết quả mong muốn. Chính nhờ điều này mà Việt Nam đã tránh được nạn đói mặc dù bị tàn phá nặng nề bởi thực dân Pháp và hạn hán, lụt lội. Tại các vùng tự do cách không xa chiến tuyến, điều kiện đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt.


Công nhân đang tạo nên những điều kỳ diệu. Nhờ những sáng kiến và lòng kiên trì, họ đã tăng số lượng sản phẩm lên 200-300% chỉ bằng các máy móc cũ kỹ.

Trong số đó có Nguyễn Đức Tịnh, công nhân xí nghiệp quân giới, Ninh Ước và Trần Ngọc Gụ - thợ tiện, Hoàng Tiềm - thợ mộc, đã vượt năng suất 1000%. Công nhân hóa chất Đỗ Văn Cơ hoàn thành định mức 1600%.


Trong phong trào thi đua yêu nước, đứng đầu danh sách khen thưởng được Hồ Chủ tịch ký lệnh khen thưởng vào đầu năm mới có tên nữ công nhân hóa chất Trương Thị Sen. Chị đã tăng năng suất lao động lên 437%.


Các cháu nhi đồng tại các vùng tự do và vùng tạm chiếm cũng tham gia vào sự nghiệp đấu tranh của dân tộc.

Các cháu tham gia canh gác xóm làng khi người lớn làm việc. Các cháu làm liên lạc cho bộ đội, du kích, giúp đỡ các gia đình chiến sĩ, v.v...

Thật xúc động khi nhìn thấy những đứa trẻ 4-5 tuổi đã nhận ra chân dung "Người cha vĩ đại Xta-lin", "Bác Mao", "Bác Hồ" trong số các bức ảnh.

Cũng cần ghi nhận việc các dịa chủ, những cựu quan lại và thành viên cũ của hoàng tộc đã tích cực tham gia vào phong trào của dân tộc.

Ngoài một số ít là những kẻ phản bội, toàn thể nhân dân Việt Nam đang đấu tranh chống lại thực dân Pháp và nhưng kẻ can thiệp Mỹ. Vì thế, họ đã giành được nhiều thắng lợi trên tiền tuyến và ở hậu phương, ở những vùng tự do không còn tồn tại lưu manh, cướp giật, nghiện ngập và mại dâm. Theo số liệu thống kê đến tháng 7/1950, 4/5 dân chúng đã được thanh toán xóa nạn mù chữ, hơn 13 triệu người đã được học đọc, học viết. [...]


Tin tức về việc thành lập Đảng Lao động Việt Nam đã lan nhanh cả nước. Chào mừng sự kiện thành lập Đảng, bộ đội, công nhân và nông dân tổ chức những cuộc thi đấu thể thao và ký giao ước thi đua.


Cũng vào ngày 03/3 đã khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh và Liên Việt.

Tham dự Đại hội có 152 đại biểu (trong đó có 20 đại biểu là nữ) đến từ tất cả các tỉnh thành, kể cả ở vùng tạm chiếm, và đại diện cho tất cả các tổ chức đoàn thể nhân dân và tôn giáo.

Trong số các đại biểu có những cụ già 70-75 tuôi (những trí thức, công nhân, nông dân) với túi khoác trên vai đã đi bộ, vượt hàng trăm cây số đường dài trong vài tuần lễ.

Với mái tóc bạc, chòm râu dài, gương mặt cương nghị và nhiệt huyết như thanh niên, họ đã chiếm được sự kính trọng của tất cả mọi người.

Sau ba ngày làm việc khẩn trương, Đại hội đã nhất trí thông qua "Nghị quyết" về việc thống nhất hai tổ chức Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Dân tộc thống nhất, lấy tên là Mặt trận Liên Việt.

Cương lĩnh hành động của Liên Việt đề ra nhiệm vụ chủ yếu là đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong mọi lĩnh Vực, đặc biệt là trong sản xuất.

Đại hội đã ra Nghị quyết ủng hộ vô điều kiện các Nghị quyết của Hội đồng Hòa bình toàn thế giới họp tại Béc-lin vừa qua.

Đại hội đã bầu ra Hội đồng quốc dân gồm 45 người, trong đó có 3 nữ. Ngoài các lãnh đạo của các đoàn thể nhân dân, được bầu vào Hội đồng còn có một linh mục, một hòa thượng và một người chú của Bảo Đại hiệu Ưng úy đồng thời là Chủ tịch Liên Việt tỉnh.


Sau Đại hội, các đại biểu Liên Việt, Ít-xa-rắc và Ít-xa-la (các tổ chức Mặt trận dân tộc của Cam-pu-chia và Lào) đã tổ chức Hội nghị đoàn kết nhân dân ba nước để thảo ra Cương lĩnh đấu tranh chung của nhân dân ba nước chống lại kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thành lập Ủy ban Đoàn kết nhân dân Việt-Miên-Lào.


Hồ Chủ tịch đã tuyên bố tại Đại hội: "Vào đầu năm ngoái chúng ta đã giành được một thắng lợi chính trị lớn: Liên Xô, Trung Hoa dân chủ và các nước dân chủ khác đã công nhận nước Cộng hòa chúng ta. Tiếp theo thắng lợi chính trị đó là các chiến thắng ở Biên giới và Trung du.


Đầu năm nay, chúng ta cũng đã có một thắng lợi to lớn về chính trị, đó là việc thành lập Đảng Lao động Việt Nam, thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất từ hai tổ chức Việt Minh và Liên Việt, và Liên minh các Mặt trận dân tộc Việt-Miên-Lào trong tương lai. Dĩ nhiên, tiếp theo những thắng lợi chính trị này phải có các chiến thắng quân sự to lớn hơn nữa.


Đừng quên là còn nhiều khó khăn gian khổ đang đợi chúng ta.

Nhưng cùng với sự đoàn kết thống nhất không gì lay chuyển được của chúng ta, sự đoàn kết thống nhất không gì lay chuyển được của các dân tộc đang đấu tranh bảo vệ tự do dân chủ và hòa bình, chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, chúng ta sẽ chiến thắng mọi kẻ thù của nhân dân và thắng lợi cuối cùng sẽ thuộc về chúng ta".


Những lời này đã nhận được những tràng vỗ tay và hoan hô nhiệt liệt kéo dài.

Hồ Chủ tịch muôn năm!

Xta-lin muôn năm!

Mao Chủ tịch muôn năm!

Với niềm hân hoan không tả xiết các đại biểu đã ôm chầm lẫn nhau trước khi chào tiễn biệt, hứa sẽ ra sức làm việc và hẹn gặp tại Đại hội sau được gọi trước là Đại hội chiến thắng.

ĐINH
(Đề nghị sửa các lỗi chính trị và ngữ pháp)


Người dịch: I-va-nhi-cô-va (Đã ký)

Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị-xã hội Nhà nước Nga.
Phông 17. ML 137. HS 740. Tờ 33-35, 37, 39-44.
Bản sao dịch từ tiếng Pháp.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Chín, 2023, 08:04:19 am
10.
Ghi chép buổi tiếp Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Lương Bằng của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.Ia. Vư-sin-xki

(Trích sổ ghi chép của A.Ia. Vư-sin-xki)
Ngày 22/4/1952

Dấu đến:
   Bộ Ngoại giao Liên Xô, Vụ Đông Nam Á
   MẬT
   Số đến: 448, ngày 23/4/1952.
Mật Bản số 15.

   TRÍCH SỔ GHI CHÉP CỦA A.IA. VƯ-SIN-XKI

BUỔI TIẾP ĐỒNG CHÍ NGUYỄN LƯƠNG BẰNG, ĐẠI SỨ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA TẠI MÁT-XCƠ-VA

Ngày 22/4/1952


Hôm nay tôi đã tiếp đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đại sứ Việt Nam tại Mát-xcơ-va, để bàn về buổi trình Quốc thư sắp tới của Đại sứ lên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô. Tháp tùng Đại sứ có Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Nguyễn Đức Quý làm người phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp.


Trong buổi tọa đàm chủ yếu có tính chất lễ tân, tôi đã quan tâm hỏi thăm sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình hình nhân dân ở các vùng giải phóng.

Đại sứ trả lời là Chủ tịch Hồ Chí Minh rất khỏe. Tinh thần của nhân dân Việt Nam rất hăng hái dù còn phải vượt qua nhiều gian khổ. Đại sứ nói thêm, cuộc đấu tranh sẽ còn phải kéo dài và bền bỉ trước khi vĩnh viễn xóa bỏ được chế độ Bảo Đại.


Đối với câu hỏi của tôi về tình hình kinh tế của các vùng giải phóng ở Việt Nam, Đại sứ trả lời, hiện tình hình đất nước đã được cải thiện rất nhiều sau khi tiến hành một loạt các biện pháp hành chính.

Tôi hỏi Đại sứ liệu cuối cùng đã xác định được thủ đô của vùng giải phóng chưa.

Đại sứ trả lời, hiện có một số thành phố, thị xã đang nằm trong tay của quân đội giải phóng, tuy nhiên cho đến nay nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa có thủ đô cố định. Các cơ quan Đảng và Chính phủ trung ương thường xuyên thay đổi chỗ ở chủ yếu ở ba tỉnh - Thái Nguyên, Bắc Kạn, Tuyên Quang. Đến đây Đại sứ nói thêm là các thành phố, thị xã tại các vùng giải phóng hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn.


Trả lời câu hỏi của tôi về việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có đường sắt hay không, Đại sứ cho biết, quân đội giải phóng kiểm soát một số khu vực đường sắt chủ yếu nằm ở phía Nam đất nước và ở vùng biên giới với Trung Quốc.


Sau đó tôi hỏi có nhiều người Mỹ ở Việt Nam không.

Đại sứ trả lời không có các binh đoàn Mỹ ở Việt Nam. Tại khu vực của Bảo Đại chỉ có phái đoàn quân sự Mỹ.

Kết thúc buổi tọa đàm, tôi nói với Đại sứ là, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Đại sứ bất cứ lúc nào nếu ông có vấn đề gì cần hỏi Bộ Ngoại giao Liên Xô.

Đại sứ cảm ơn và nói chắc chắn ông sẽ cần đến sự giúp đỡ của chúng ta bởi vì ông không có chút kinh nghiệm ngoại giao nào.

Khi chào tạm biệt, tôi chúc Đại sứ đạt nhiều thành công trong công việc.

Buổi tọa đàm kéo dài 15 phút. Đồng chí Xta-ri-cốp có mặt tại cuộc tọa đàm.

Vư-sin-xki
   Sao y bản chính: Đã ký (V. Xu-xlốp)
   Nơi nhận:
   Gửi các đồng chí: Xta-lin,    Dô-rin,
            Mô-lô-tốp,    Gu-xép,
            Ma-len-cốp, Bô-gô-mô-lốp;
            Bê-ria,    Pô-đơ-txep,
            Mi-cô-i-an,   Vụ Đông Nam Á,
            Ca-ga-nô-vích,   Vụ Lễ tân,
            Bun-ga-nin,    Lưu hồ sơ - 2.
            Khơ-ru-sốp,
            Grô-mưn-cô,
   Số: 228-c
   Ngày 22/4/1952
   Đã gửi: 18 bản
   Lời phê:
   Lưu hồ sơ ngày 24/4 - AM.

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga.
Phông 79. ML 7.
Cặp 3. HS 4. Tờ 1-2.
Bản sao xác thực.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Mười, 2023, 10:38:32 am
11.
Báo cáo của Vụ Đông Nam Á - Bộ Ngoại giao Liên Xô về "Sự can thiệp của Mỹ ở Đông Dương"[/b

Ngày 15/8/1952
Mật. Bản số 1
Số: 1153/ĐNA

SỰ CAN THIỆP CỦA MỸ Ở ĐÔNG DƯƠNG
(Báo cáo tóm tắt)


Đầu tháng 5/1952, Đại sứ quán Mỹ ở Pa-ri đã công bố bản Thông báo về khoản tiền viện trợ của Mỹ dành cho nước Pháp trong cuộc chiến chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thông báo cho biết, trong tháng 11/1952 Mỹ đã cam kết viện trợ quân sự cho Pháp một khoản trị giá 600 triệu đô-la, trong đó 270 triệu đã cấp cho Pháp dưới hình thức viện trợ kinh tế, còn 30 triệu - dưới dạng những trang thiết bị quân sự của Mỹ mà quân đội thực dân Pháp đang rất cần.


Hiện nay, các đại diện của Mỹ và Pháp đang tiến hành đàm phán về việc cấp cho Pháp nốt khoản tiền còn lại khoảng 200 triệu đô-la, trong đó 20 triệu dự kiến được dùng vào việc mua trang thiết bị quân sự của Mỹ để cấp cho Đông Dương. Theo thỏa thuận đã đạt được với Mỹ, Pháp cam kết trong năm 1952 sẽ thực hiện một chương trình quân sự với chi phí dự kiến là 1.400 tỷ phơ-răng.


Ngày 27/5/1952, phát biểu trước đại diện báo chí, Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, Tướng Xa-lăng, đã tuyên bố rằng, "trong vòng 6 tháng tới, Chính phủ Mỹ sẽ thường xuyên cung cấp vũ khí cho Đông Dương"1 (Đài Phát thanh Bra-da-vin ngày 10/5/1952). Trong tuyên bố của Xa-lăng cũng nói rõ là: "Hằng tháng tại các hải cảng của Việt Nam, các tàu hàng của Mỹ đã bốc dỡ khoảng 8 nghìn tấn hàng hóa. Chương trình tiếp tế cho lực lượng bộ binh năm 1951 đã thực hiện được 75%, đã thực hiện xong chương trình viện trợ cho hải quân để ra cho năm 1950: đã cung cấp 46 tàu chiến trong số 89 tàu phải cấp năm 1952"2 (Đài Phát thanh Pa-ri ngày 28/5/1952).


Cuối tháng 5/1952, một chuyến tàu chở hàng thiết bị quân sự thương kỳ của Mỹ đã tới Sài Gòn. Liên quan đến việc này, tờ "Bưu điện Băng Cốc" thân Mỹ xuất bản ở Băng Cốc ra ngày 09/6/1952 đã viết: "Trong một năm qua, viện trợ quân sự cho Đông Dương ngày càng tăng cao. Tháng 5 năm nay, con tàu thứ 150 chở trang thiết bị quân sự của Mỹ đã cập cảng Sài Gòn".


Bình luận về việc Mỹ tăng cường viện trợ quân sự cho thực dân Pháp ở Đông Dương, Đài Phát thanh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nói: "Việc Đài Phát thanh Mỹ đưa tin đế quốc Mỹ đang tăng cường viện trợ cho thực dân Pháp để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược chổng lại Việt Nam cho thấy rõ đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu hơn vào công việc nội bộ của Việt Nam và trắng trợn tiếp tục thực hiện kế hoạch xâm lược tại các nước Đông Nam Á. Khi giúp đỡ thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn Bảo Đại, đế quốc Mỹ hy vọng sẽ kéo dài cuộc chiến tranh ở Đông Dương nhằm biến Việt Nam thành bàn đạp quân sự để mở rộng xâm lược ở châu Á".


Không đủ khả năng một mình đàn áp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào mùa hè năm 1952 Chính phủ phản động Pháp đã lại phải thỉnh cầu đế quốc Mỹ "giúp đỡ". Nhằm mục đích này, Cao ủy Pháp ở Đông Dương Lơ-tuốc-nơ đã đi Oa-sinh-tơn để tiến hành đàm phán tăng các trang thiết bị quân sự. Theo tin của Phóng viên "Thời báo New York" Ca-len-đơ thi chủ đề chính của cuộc đàm phán sẽ là vấn đề "giảm bớt gánh nặng của Pháp tại Đông Dương".


Cũng đề cập vấn đề này, phóng viên của một tờ báo Mỹ phản động khác "Christian Science Monitor", Xtan-phoóc, đưa tin từ Oa-sinh-tơ là "Đông Dương sẽ nhận được sự ưu tiên về ngoại giao và quân sự trong cuộc thảo luận sắp tới ở Oa-sinh-tơn liên quan đến tình hình quân sự, chính trị và kinh tế ở Đông Dương". Trong đó, Xtan-phoóc khẳng định, viện trợ của Mỹ sẽ được cấp với "nhịp độ cần thiết và đúng theo kế hoạch".


Ngày 16/6/1952, tại Oa-sinh-tơn đã bắt đầu cuộc đàm phán Pháp-Mỹ về vấn đề Đông Dương. Đoàn đại biểu Pháp gồm Bộ trưởng các quốc gia Liên hiệp Pháp Lơ-tuốc-nơ, Đại sứ Pháp tại Mỹ Bôn-nơ và nhiều chuyên gia khác đã tham gia đàm phán.


Tham gia thành phần đoàn đại biểu Mỹ có cựu Đại sứ Mỹ tại Pa-ri Đa-vít Bru-xơ (Trưởng đoàn) và Đại sứ Mỹ tại Đông Dương Hít vốn là một chuyên gia tình báo nổi tiếng. Trong cuộc hội đàm cũng có sự tham gia của Đại sứ chính quyền bù nhìn Bảo Đại tại Mỹ là Trần Văn Hạ. Những vấn đề chính được thảo luận tại cuộc hội đàm là: 1. Tăng viện trợ của Mỹ cho Đông Dương, 2. Thành lập quân đội "Quốc gia Việt Nam", 3. Thông qua những biện pháp sơ bộ trong trường hợp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận được sự giúp đỡ vũ trang từ phía nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa"1 (Báo "Bưu điện Băng Cốc" ra ngày 09/6/1952. Thông tấn xã Liên Xô ngày 11/6/1952. Tờ 11-d. (Chú thích của tài liệu). Thông tấn xă Việt Nam ngày 10/6/1952 10-d. (Chú thích của tài liệu). Thông tấn xã Liên Xô ngày 11/6/1952. Tờ 32-0. (Chú thích của tài liệu)).


Mặc dù cuộc Hội đàm diễn ra sau cánh cửa đóng kín, nhưng các đại diện báo chí tư sản đều đồng loạt khẳng định là Hội nghị các đại diện của Pháp-Mỹ đó đề cập "các chiến lược liên minh" ở Đông Dương và cái gọi là sự "giúp đỡ".


Ngày 17/6/1952, Lơ-tuốc-nơ được Tơ-ru-man tiếp và có cuộc tọa đàm kéo dài về tình hình Đông Dương. Theo tin của phóng viên Hãng UPI, Lơ-tuốc-nơ đã "trình lên các đại diện chính quyền Mỹ một bản kế hoạch các nhu cầu của quân đội Việt Nam bù nhìn trong cuộc đấu tranh chống cộng sản"2 (Đài phát thanh Pa-ri ngày 16/6/1952. Tờ 55-p (Chú thích của tài liệu)).


Phát biểu tại buổi họp báo, Lơ-tuốc-nơ khẳng định là ông ta đến Oa-sinh-tơn không phải để "đề nghị lực lượng vũ trang Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh hiện đang diễn ra ở Đông Dương tạo cớ cho những người cộng sản Trung Hoa có thể thâm nhập Đông Dương do có sự xuất hiện của quân đội nước ngoài"3 (Thông tấn xã Liên Xô ngày 18/6/1952. (Chú thích của tài liệu)). Theo lời của Lơ-tuốc-nơ thì "Pháp không thể một mình cõng tất cả gánh nặng cuộc chiến ở Đông Dương nhằm bảo vệ toàn bộ Đông Nam Á chống lại sự xâm lăng. Pháp cần sự giúp đỡ thường xuyên và ngày càng tăng của Mỹ. Pháp không có ý định giảm bớt sự nỗ lực của mình ở khu vực đó, tuy nhiên, nước này cũng muốn đóng góp cho châu Âu và Pháp không thể làm gì khác nếu thiếu sự giúp đỡ của Mỹ"1 (Như trên. (Chú thích của tài liệu)).


Sau khi cuộc hội đàm Pháp - Mỹ kết thúc tại Oa-sinh-tơn hai bên đã ra Thông cáo nhấn mạnh "ý nghĩa quan trọng sông còn" của cuộc chiến do thực dân Pháp tiến hành ở Đông Dương. Bản Thông cáo cũng nêu rõ Chính phủ Mỹ quyết định sẽ tăng đáng kể các khoản viện trợ cho Liên hiệp Pháp và các quốc gia Liên hiệp ở Đông Dương trong khuôn khổ một khoản tín dụng được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Trong bản Thông cáo cũng đề ra việc Mỹ đóng góp ngân sách bổ sung cho Pháp nhằm mục đích đẩy nhanh việc thành lập các quân đội bù nhìn ở Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia. Sau khi trích cấp bổ sung ngân sách, tỷ trọng chi phí đóng góp của Mỹ cho cuộc chiến tranh Đông Dương chiếm khoảng 40%2 (Như trên. (Chú thích của tài liệu)).


Ngày 19/6 năm nay, Thủ tướng bù nhìn của Việt Nam Nguyễn Văn Tâm đã tuyên bố, nhờ có sự viện trợ bổ sung của Mỹ mà Lơ-tuốc-nơ đã yêu cầu, cuộc chiến chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được hy vọng sẽ mạnh lên nhiều. "Sự giúp đỡ này - theo lời của Nguyễn Văn Tâm, sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ Bảo Đại gọi thêm 45 nghìn quân nhân dự bị nhập ngũ3 (Đài phát thanh Pa-ri ngày 16/6/1952. Tờ 17-p (Chú thích của tài liệu)).


Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 18/6/1952, A-che-xơn đã chính thức tuyên bố trong hai năm gần đây Mỹ đã giúp đỡ rất nhiều về vật chất cho Đông Dương và hiện nay nước này đang gấp cung cấp hàng quân sự cho Pháp, đồng thời ông ta cho biết con tàu thứ 150 chở vũ khí đạn dược của Mỹ đã cập cảng Sài Gòn1 (Như trên).


Hiện nay các giới chức của Mỹ đã công khai xác nhận có sự can thiệp trực tiếp của đế quốc Mỹ vào công việc của Đông Dương. Điều này được chứng tỏ qua những lời tuyên bố và phát biểu của một số quan chức chính phủ và ngoại giao. Chẳng hạn, tháng 6/1952 Đại sứ Mỹ ở Đông Dương Hít đã tuyên bố rằng "viện trợ của Mỹ cho Đông Dương chiếm khoảng 1/3 tổng chi phí của Pháp ở khu vực này". Những sự việc nêu trên cho thấy sự can thiệp công khai của Mỹ đứng về phía Pháp và các chính quyền bù nhìn ở Đông Dương chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Lào và Cam-pu-chia.


Bí thư thứ Hai Vụ Đông Nam Á
X. Mkhi-ta-ri-an (X.Mkhi-ta-ri-an)

Gửi hai bản:
   1- Đồng chí Pu-skin;
   2- Lưu hồ sơ.
   Số 1509
   Ngày 07/8/1952.
   Lời phê:
   Lưu hồ sơ. Ngày 20/8. A.M.

Viện Lưu trữ Lịch sử đối ngoại Liên bang Nga. Phông 079.
ML 7. Cặp 4. HS 16. Tờ 4-10.
Bản gốc.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Mười, 2023, 10:40:40 am
12.
Trích lời phát biểu của Đại diện thường trực Liên Xô tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc Ia. A. Ma-lic về việc kết nạp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm thành viên Liên hợp quốc và vị thế của các quốc gia bù nhìn ở bán đảo Đông Dương

Ngày 19/9/1952

PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI DIỆN THƯỜNG TRỰC LIÊN XÔ
MA-LIC TẠI PHIÊN HỌP CỦA HỘI ĐỒNG BẢO AN NGÀY 19 THÁNG 9 NĂM 1952 VỀ VẤN ĐỀ KẾT NẠP NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA VÀ CÁC QUỐC GIA BÙ NHÌN VIỆT NAM BẢO ĐẠI, LÀO VÀ CAM-PU-CHIA LÀM THÀNH VIÊN LIÊN HỢP QUỐC


"Ngoại trưởng Pháp đã trình Hội đồng Bảo an ba đơn xin gia nhập Liên hợp quốc của Việt Nam Bảo Đại, Vương quốc Lào và Vương quốc Cam-pu-chia do giới cầm quyền Pháp lập ra với sự giúp đỡ và ủng hộ của giới cầm quyền Mỹ.


Chỉ cần thông qua việc nộp đơn phải cần đến lời thỉnh cầu chính thức của một Bộ trưởng Pháp thì có thể hình dung cụ thể được các "quốc gia" đó là như thế nào và họ được tự lập đến đâu, hay nói chính xác hơn nếu xét về tính chất, họ không tự lập và là bù nhìn1 (Nguyên bản bằng tiếng Anh. Xem Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị-xã hội Nhà nước Nga. Phông 17. ML.137. HS.951.Tờ 62-66).


Trong khi đó, ngay từ ngày 29/12/1951 Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhận được Điện của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị kết nạp nước này làm thành viên Liên hợp quốc (S/2466).


Qua việc bức điện nói trên được ban hành dưới hình thức là văn kiện của Hội đồng Bảo an, lần đầu tiên các thành viên Hội đồng biết rằng, ngay từ ngày 22/11/1948 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có đơn đề nghị (S/2780) và lúc đó Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố họ là Chính phủ hợp pháp duy nhất của Việt Nam, xác nhận sẵn sàng chấp nhận các nghĩa vụ nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc và tuyên bố sẽ thực hiện các nghĩa vụ này.


Trong lá đơn cũng nói rõ như sau: "Từ ngày 02/9/1945, nhờ chiến thắng của quân Đồng minh trước Nhật Bản, trong đó Việt Nam cũng đã đóng góp một phần lớn xương máu của người dân và tài nguyên của đất nước, nước Việt Nam đã trở thành một quốc gia độc lập và có chủ quyền. Quốc gia này đã được nước Pháp công nhận tại Hiệp ước Sơ bộ ngày 06/3/1946. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội được bầu ra trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 trên cơ sở quyền phổ thông đầu phiếu và bỏ phiếu kín, bổ nhiệm một cách hợp pháp".


Qua những văn kiện chính thức do Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố và các thông tin báo chí, mọi người đều biết rằng, 7 năm trước, vào tháng 8/1945, để giành lại tự do và độc lập dân tộc, nhân dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa chống lại những kẻ chiếm đóng Nhật Bản lúc đó đang thống trị Đông Dương theo thỏa ước đã nhất trí với những nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam đã kết thúc thắng lợi, lật đổ chế độ bù nhìn thân phát xít Nhật.


Như mọi người đã biết, ngay từ năm 1940, giới cầm quyền Pháp đã ký kết hiệp ước với phát xít Nhật, dâng toàn bộ Đông Dương cho Nhật và cho phép Nhật sử dụng lãnh thổ Đông Dương để chống lại nhân dân Trung Quốc.


Quân đội Nhật đã chiếm đóng Đông Dương, biến bán đảo này từ thuộc địa của Pháp thành thuộc địa của Nhật. Vì vậy, ngay từ rất lâu trưởc khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương bắt đầu, nước Pháp đã từ bở Đông Dương sau khi nhường lại bán đảo này cho đế quốc Nhật. Đã có sự giao kèo giữa các giới cầm quyền Pháp và Nhật Bản. Nhân dân Đông Dương đã chuyển từ tay kẻ thực dân này sang tay kẻ thực dân khác. Cuộc giao kèo này được thực hiện sau lưng nhân dân, họ không được thông báo và hỏi ý kiến. Nhân dân đã đáp trả hành động đó bằng cuộc đấu tranh anh hùng và dũng cảm trong những điều kiện khắc nghiệt dưới ách chiếm đóng của Nhật. Năm 1941 đã bước đầu hình thành đội quân du kích, thành lập Mặt trận Dân chủ đấu tranh vì Việt Nam độc lập.


Cuối năm 1944, các đội quân du kích đã giải phóng 7 tỉnh ở miền Bắc Việt Nam. Tại các khu giải phóng đã thành lập ra các cơ quan chính quyền quốc dân.

Mặt trận Dân chủ và các đội quân du kích đã trở thành một lực lượng quan trọng thực sự và ngay cả phát xít Nhật vốn hay kiêu ngạo về "quyền lực vô biên, bách chiến bách thắng" cũng không thể đối phó được sức mạnh này. Chúng đã buộc phải chuyển sang một loạt các thủ đoạn mới. Phát xít Nhật bắt đầu thành lập các "nhà nước quốc gia" bù nhìn do chúng kiểm soát ở Đông Dương, đứng đầu là những thành phần mại bản, địa chủ phong kiến phản động, từng phục vụ thực dân Pháp, sau đó chuyển sang phục vụ quân chiếm đóng Nhật.


Mặt trận dân chủ Việt Nam và quân đội khởi nghĩa của những người yêu nước Việt Nam đã đẩy mạnh cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Các vùng giải phóng được liên kết thành một khu giải phóng thống nhất.


Thất bại quân sự của Nhật và việc Nhật đầu hàng Đồng minh đã làm cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trở nên thuận lợi hơn.

Ngày 19/8/1945, tại Hà Nội chính quyền đã về tay Ủy ban Giải phóng dân tộc, ngày 25/8 "Hoàng đế An Nam" Bảo Đại, nguyên là kẻ bù nhìn của thực dân Pháp trước Chiến tranh thế giới thứ hai và sau đó làm bù nhìn cho Nhật, đã phải thoái vị và công nhận Chính phủ Lâm thời của nước Cộng hòa. Cuộc cách mạng dân chủ tháng Tám ở Việt Nam đã lật đổ chính quyền của những kẻ xâm lược và chiếm đóng nước ngoài. Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tuyên bố thành lập và thông qua Tuyên ngôn Độc lập. Việc đế quốc Nhật bị đánh bại và phải đầu hàng đã tạo điều kiện cho chính quyền nước Cộng hòa được thành lập trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trước khi quân đội Pháp và các đội quân nước ngoài khác xuất hiện tại Việt Nam.


Việc tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhân danh nhân dân Việt Nam là sự thể hiện ước mơ hàng thế kỷ, ý nguyện và chủ quyền của nhân dân Việt Nam muốn được độc lập, tự do, muốn thoát khỏi ách thống trị áp bức của thực dân nước ngoài đã chiếm ruộng đất, tài nguyên của nước này và định đoạt số phận và cuộc sống của người dân Việt Nam trong một thời gian dài.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Mười, 2023, 10:41:39 am
Ngày 06/01/1946 đã diễn ra cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc bầu cử được tiến hành trên cơ sở quyền phổ thông đầu phiếu và bình đẳng cho tất cả mọi người, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, địa vị xã hội, giới tính, 92 % cử tri cả nước đã tham gia bầu cử.


Ngày 08/11/1946 một bản Hiến pháp dân chủ đã được ban hành, thể hiện mọi thành quả cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.

Bản Hiến pháp bảo đảm các quyền cơ bản của công dân như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và tự do tín ngưỡng. Hiến pháp cũng đề ra việc phổ cập giáo dục ban đầu bắt buộc và miễn phí, chế độ bảo hiểm xã hội, v.v...


Sau khi thành lập xong nhà nước độc lập, tự do và có chủ quyền, nhân dân Việt Nam bắt tay vào công cuộc xây dựng hòa bình, thực hiện các cải cách dân chủ rộng rãi đã được đề ra trong Hiến pháp và các đạo luật chủ yếu của đất nước.


Tuy nhiên, nhân dân Việt Nam chỉ được sống và lao động trong điều kiện hòa bình với thời gian ngắn ngủi. Chẳng bao lâu sau trên lãnh thổ Việt Nam xuất hiện những khách không mời mà đến - quân đội Anh và Quốc dân Đảng đã thâm nhập lãnh thổ Việt Nam dưới chiêu bài giải giáp vũ khí quân Nhật. Tiếp theo đó thực dân Pháp quay trở lại và với sự giúp sức của quân đội thực dân Anh, đã bắt đầu cuộc chiến tranh thực dân xâm lược chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hòng khôi phục bá chủ của mình ở Đông Dương.


Mặc dù vậy, do chưa có đủ lực lượng vũ trang và gặp phải sự chống cự quyết liệt của người dân Việt Nam, chính quyền Pháp đã buộc phải chuyển sang dùng thủ đoạn. Ngày 06/3/1946, Chính phủ Pháp ký Hiệp ước chính thức với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, theo đó nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Pháp công nhận với tư cách là  "một quốc gia tự do, có chính phủ, quốc hội, quân đội và tài chính riêng của mình". Cũng theo Hiệp ước này, Pháp cam kết giữ quân số các lực lượng quân đội của Pháp trên lãnh thổ Việt Nam không được quá 15 nghìn người và đến tháng 4/1951, toàn bộ quân Pháp sẽ rút khỏi lãnh thổ Việt Nam.


Tuy nhiên, diễn biến các sự kiện tiếp theo cho thấy, giới cầm quyền Pháp không hề có ý định thực hiện những cam kết đã hứa theo thỏa thuận với Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngay sau đó, bản Hiệp ước đã bị phía Pháp vi phạm thô bạo. Thay vào việc rút quân đội, giới cầm quyền Pháp bắt đầu triển khai một cuộc chiến tranh thực dân quy mô trên toàn lãnh thổ Việt Nam với việc tập trung một đội quân hơn 100 nghìn người kể cả đội "quân lê dương nước ngoài" chủ yếu gồm những tên quốc xã Hít-le. Cuộc tiến công bội ước tạo điều kiện cho chúng xâm chiếm một loạt các thành phố, thị xã quan trọng, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, các thắng lợi quân sự của chính quyền Pháp chỉ mang tính chất tạm thời. Cuộc kháng chiến ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Nhờ kết quả cuộc đấu tranh toàn dân, các cuộc tấn công của quân can thiệp nước ngoài đã bị nhân dân Việt Nam đánh bại nhiều lần. Cho đến đầu năm nay, như báo chí đã đưa tin, 90% toàn bộ lãnh thổ Việt Nam nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với một loạt quốc gia.


Bảy năm đấu tranh của nhân dân Việt Nam để giành chiến thắng và độc lập cho đất nước cũng là những năm tháng lao động cần cù và xây dựng một nhà nước dân chủ mới. Việc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày càng lớn mạnh và củng cố trước hết được thể hiện qua các thắng lợi quân sự của nhân dân Việt Nam trên các mặt trận trong cuộc chiến tranh giải phóng.


Các chiến dịch tấn công liên tục, được chuẩn bị kỹ lưõng và quảng cáo rầm rộ của những kẻ can thiệp nước ngoài với trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại của Mỹ, đã vấp phải sự phản kháng và ý chí quyết thắng không thể lay chuyển của toàn thể nhân dân Việt Nam và đã thất bại. Ngay cả các cơ quan báo chí của Pháp không hề có chút cảm tình với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng bắt buộc phải thừa nhận về cuộc chiến tranh thực dân tuyệt vọng ở Việt Nam. Chẳng hạn, Tạp chí Pháp "Annales politiques et economique" viết: "Cuộc chiến tranh ở Đông Dương là sự vô vọng và bế tắc đối với chúng ta... 25 triệu người dân Việt Nam hầu như đều đồng tâm nhất trí muốn chúng ta rút khỏi nơi đó". Sự bình luận là thừa đối với đoạn trích dẫn đó.


Như chúng ta đã biết, ngay từ tháng 6/1950, đồng thời với việc triển khai cuộc chiến tranh xâm lược chống lại nhân dân Triều Tiên, giới cầm quyền Mỹ đã tuyên bố mình là đồng minh và người cùng tham dự với chính quyền Pháp trong cuộc chiến đấu chống lại nhân dân Đông Dương. Từ đó đến nay, kỹ thuật và các đồng đô-la của Mỹ đã được tuôn ra như suối để trợ giúp cho những kẻ can thiệp Pháp ở Đông Dương.


Nhưng cả sự can thiệp của Mỹ cũng chẳng thể giúp gì được. Các kế hoạch hợp tác quân sự Pháp-Mỹ đã bị phá sản.

Theo thông báo cách đây chưa lâu của hãng thông tấn Việt Nam, nhân dịp Kỷ niệm 7 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Việt Nam, Ủy ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ủy ban Mặt trận Dân tộc thống nhất đã cùng ra Lời kêu gọi gửi nhân dân Việt Nam, trong đó có viết như sau: "Nối tiếp truyền thống anh hùng của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đoàn kết chặt chẽ và kiên quyết đấu tranh chống lại kẻ thù. Lực lượng của chúng ta đã được củng cố trong cuộc đấu tranh và chúng ta đã đánh bại quân địch trong nhiều chiến dịch tấn công lớn. Kẻ địch đã phải hứng chịu những tổn thất nặng nề và hiện đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Sự đoàn kết thống nhất của nhân dân ta ngày càng được củng cố. Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam có cơ sở vững chắc tại tất cả các vùng miền trên cả nước".


Sự thất bại của việc can thiệp quân sự ở Đông Dương cũng đã được Đa-la-đi-ơ, một nhân vật nổi tiếng trong Hiệp ước Muy-ních, viết trên Báo "L’Information" ra ngày 22/11/1951: "Các khoản chi phí chính thức về quân sự cho năm 1951 ở Đông Dương đạt 330 tỷ phơ-răng. Do nguyên nhân giá cả tăng, cũng như số lượng quân đội viễn chinh ngày càng tăng và hiện gồm 188 nghìn người, chi phí này cần tăng thêm 100 tỷ trong năm 1952. Chúng tôi thấy cuộc chiến tranh Đông Dương đem lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho tình hình tài chính cũng như quân sự của chúng ta... Hiện không thể dự đoán được kết cục thắng lợi và nhanh chóng của cuộc chiến tranh đã kéo dài 5 năm rất giống với cuộc chiến tranh Tây Ban Nha thời Na-pô-lê-ông, cũng như cuộc viễn chinh Mê-hi-cô ở triều đại Đế chế thứ hai".


Tờ báo Pháp "L’Intransigeant" ti'ong tháng 12 năm ngoái đã viết như sau: "Nước Pháp đã bị tê liệt vì cuộc chiến tranh ở Đông Dương... Cứ mỗi lần hễ nước Pháp thử ra tay hành động nào đó, thì nước này liền thấy rõ rằng mình đã bị Đông Dương làm cho tê liệt". Cũng trong thời gian đó, Báo "Le Franc-Tireur" đã tuyên bố thẳng: "Hôm nay đã rõ là Pháp đã thất bại hoàn toàn ở Đông Dương".


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Mười, 2023, 10:42:47 am
Tất cả những điều đó đã buộc các nhà chức trách Pháp và những người bảo trợ Mỹ của họ ở Đông Dương phải tìm đến kế pháp đã từng được những kẻ chiếm đóng Nhật áp dụng khi không thể đối phó được các lực lượng kháng chiến của nhân dân. Những kẻ này đã chuyển sang dùng cách lập ra các nhà nước bù nhìn. Sao chép kinh nghiệm của những kẻ chiếm đóng Nhật, chính quyền Pháp đã thành lập ba quốc gia bù nhìn ở Đông Dương, cụ thể là Quốc gia Việt Nam Bảo Đại, Vương quốc Lào và Vương quốc Cam-pu-chia, nhưng lá đơn của các quốc gia này xin gia nhập Liên hợp quốc hiện lại do chính Ngoại trưởng Pháp trình ra.


Ngay cả báo chí Mỹ cũng đưa tin cụ thể về sự mất uy tín của các chế độ bù nhìn nói trên. Phóng viên thường trú tại Xin-ga-po của tờ "Thời báo Niu Oóc" đã viết cách đây không lâu rằng, trong lĩnh vực chính trị, lực lượng Bảo Đại rất yếu ớt do tất cả các giới am hiểu về chính trị tại các quốc gia bù nhìn của Đông Dương không coi Hiệp ước ký kết giữa Pháp và Bảo Đại như là một hiệp ước về một nền độc lập thực sự.


Chính phủ Bảo Đại do Pháp lập ra không nhận được sự ủng hộ của nhân dân. Nó chỉ dựa vào một nhóm nhỏ chóp bu tự lập, mà một số kẻ đại diện trong số đó là những người Pháp hơn là người Việt Nam xét theo trình độ văn hóa và nhân sinh quan. "Chính phủ" này trong thời gian hai năm cầm quyền còn chưa thể lập nổi ngân sách và chấn chỉnh thuế khóa. Đối với chế độ bù nhìn ở Cam-pu-chia, cũng chính phóng viên Mỹ nói trên đã cho biết, Hoàng thân Xi-ha-núc được đặt lên ngôi nhờ cuộc đảo chính do Pháp đứng đằng sau và không thể nói đến việc cầm quyền theo hiến pháp.
Đó là đánh giá của báo chí Mỹ dành cho các chính quyền bù nhìn của Pháp ở Đông Dương. Điều này cũng được khẳng định ngay trong đơn xin gia nhập Liên hợp quốc của Việt Nam Bảo Đại. Trong lá đơn này (S/2756), như tôi đã lưu ý tại một trong những phiên họp trước, có nói: "Do những hoàn cảnh nằm ngoài kiểm soát, cụ thể là: Tình trạng hỗn loạn còn đang diễn ra tại một số vùng trên lãnh thổ Việt Nam, Chính phủ Việt Nam (của Bảo Đại) chưa thể lập ra cơ quan Quốc hội do dân cử dù rất muốn".


Không lấy làm ngạc nhiên khi các ông chủ Pháp và Mỹ của các chính quyền bù nhìn này đã buộc phải sử dụng những biện pháp bất thường để nâng cao "uy tín" của các chế độ bù nhìn, trong đó có việc nhỏ đến những phương pháp lạ kỳ như đề xuất kết nạp những kẻ bù nhìn đó làm thành viên Liên hợp quốc.


Tháng 3 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ A-che-xơn đã buộc phải thừa nhận là tình hình ở Đông Dương "rất nghiêm trọng" và yêu cầu Bộ Tổng Tư lệnh Pháp thực hiện mọi biện pháp để chuẩn bị lập ra các binh đoàn từ người dân bản xứ. Như vậy, A-che-xơn đã đặt nhiệm vụ cho Bộ Tổng Tư lệnh Pháp phải thành lập các quân đội bù nhìn từ những người bản xứ phản bội Tổ quốc và sử dụng kẻ đó như là tấm bia đỡ đạn để chống lại các lực lượng vũ trang của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các lực lượng giải phóng dân tộc dân chủ của Lào và Cam-pu-chia.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lô-vét tại Ủy ban Đối ngoại của Hạ nghị viện Mỹ lúc đó đã tuyên bố rằng, việc đình chiến ở Đông Dương sẽ giải phóng khoảng 10-15 sư đoàn Pháp giúp cho đội quân của Ai-xen-hao ở Tây Âu. Chính bằng điều này Lô-vét đã cắt nghĩa về lý do A-che-xơn yêu cầu Bộ Tổng Tư lệnh Pháp thành lập các lực lượng vũ trang bù nhìn ở Đông Dương. Mục tiêu đã quá rõ ràng: dùng người Việt đánh người Việt. Một phương pháp thực dân cũ đã từng được thử nghiệm. Hơn thế nữa, khi bình luận ý kiến của Lô-vét về tình hình Đông Dương, "Thời báo Niu Oóc" nhận định về những lời này như sau: "Bộ trưởng Quốc phòng... nêu lên giả thuyết về khả năng Mỹ can thiệp vào Đông Dương cùng với các đơn vị quân đội của các thành viên Liên hợp quốc khác".


Tất cả những điều này đã làm sáng tỏ câu hỏi tại sao chính vào thời điểm này lại đề nghị Hội đồng Bảo an xem xét vấn đề kết nạp ba chế độ bù nhìn ở Đông Dương vào Liên hợp quốc, còn phía Mỹ thì rất tích cực ủng hộ đề xuất này như đã thể hiện rõ ràng qua lời phát biểu hôm nay của ông Ô-xtin.


Dưới ánh sáng của những sự kiện nêu trên, không khó để hiểu tất cả ý đồ thành lập các chế độ bù nhìn Pháp-Mỹ ở Đông Dương và mưu toan đưa họ vào làm thành viên Liên hợp quốc. Không khó để nhận thấy việc người ta đang theo đuổi mục đích gì. Bằng cách này giới cầm quyền Mỹ muốn che đậy sự can thiệp vũ trang trực tiếp và công khai của Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược chống lại nhân dân Việt Nam. Mục đích của họ là tiến hành cuộc chiến tranh thực dân chống lại nhân dân Đông Dương bằng chính cách thức và phương pháp mà những kẻ xâm lược Mỹ đang sử dụng để tiến hành cuộc chiến tranh chống nhân dân Triều Tiên, có nghĩa là sử dụng lực lượng vũ trang của các quốc gia thuộc địa và các nước phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời che đậy tất cả các trò phiêu lưu quân sự thực dân đó dưới "chiêu bài và lá cờ của Liên hợp quốc".


Ngay từ năm 1950, trong một bức thư gửi Liên hợp quốc được ấn hành dưới dạng văn kiện của Hội đồng Bảo an, đại biểu Pháp tại Hội đồng Bảo an đã chính thức tuyên bố rằng, các lực lượng vũ trang Pháp hiện cũng đang thực hiện ở Đông Dương chính cái việc mà các lực lượng vũ trang Mỹ đang làm ở Triều Tiên, nói cách khác, đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược thực dân chống lại nhân dân châu Á. Những lời công nhận này của đại biểu Pháp được thể hiện trong văn kiện S/1586.


Việc kết nạp Việt Nam Bảo Đại do ông vua bù nhìn Bảo Đại đứng đầu, kẻ thoạt đầu phục vụ người Pháp, sau phục vụ người Nhật, tiếp đó lại là người Pháp, cũng như kết nạp Lào và Cam-pu-chia do các ông vua bù nhìn-tay sai dưới sự chỉ đạo của những kẻ can thiệp nước ngoài sẽ là sự sỉ nhục dân tộc đối với nhân dân Đông Dương đang tiến hành cuộc đấu tranh anh dũng vì độc lập, tự do của đất nước. Đó sẽ là một trong những hành động quốc tế bất công nhất.


Câu chuyện chỉ có thể nói đến bây giờ là kết nạp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm thành viên Liên hợp quốc. Đó là một quốc gia tự do và độc lập duy nhất ở Đông Dương có Chính phủ hợp pháp duy nhất của Việt Nam như đã được tuyên bố một lần nữa trong thư chính thức đề nghị tiếp nhận làm thành viên của Liên hợp quốc ngày 29/12/1951. Chính phủ đó đã được chính nước Pháp công nhận theo bản Hiệp ước năm 1946 dù hiện thời đại biểu Pháp đang cố chối bỏ.


Sự thất bại của cuộc xâm lược Pháp-Mỹ ở Đông Dương, cũng như việc nhân dân Việt Nam không những không ủng hộ các chế độ Bảo Đại và các bù nhìn khác, mà còn căm thù họ, đấu tranh chống lại chế độ đó và các ông chủ nước ngoài của họ, đã được thừa nhận cách đây không lâu bởi không ai khác chính là thẩm phản của Tòa án tôi cao Mỹ Uy-li-am Đu-gơ-lát, người vừa có chuyên thăm Sài Gòn. Ngày 01/9 Đu-gơ-lát đã tuyên bố, cuộc chiến tranh ở Đông Dương sẽ kết thúc chi sau vài tuần nếu tất cả quần chúng nhân dân Việt Nam ủng hộ "lực lượng cầm quyền" ở Đông Dương cùng với sức mạnh khòng quân, lực lượng vũ trang và pháo binh của thế lực ấy. Đây là sự công nhận quan trọng của một đại diện có tên tuổi của giới cầm quyền Mỹ về thất bại hoàn toàn của những kẻ can thiệp Pháp và Mỹ dùng mọi mưu toan để hòng khuất phục nhân dân Đông Dương và ép buộc họ phải cam chịu cảnh thống trị của nước ngoài.


Tất cả những điều trên chứng tỏ rằng, các quốc gia bù nhìn do những kẻ can thiệp nước ngoài lập nên ở Đông Dương đều không được lòng dân và không được nhân dân ủng hộ, nên các quốc gia bù nhìn này không thể đại diện cho nhân dân Đông Dương, và vì vậy không thể kết nạp chúng làm thành viên Liên hợp quốc.


Xét theo những điều nêu trên, Đoàn đại biểu Liên Xô phản đối và sẽ biểu quyết chống lại việc kết nạp vào Liên hợp quốc các chế độ bù nhìn do những kẻ can thiệp nước ngoài vội vã dựng nên ở Đông Dương nhằm mục đích xâm lược, nhằm mục đích tước đoạt tự do và độc lập của nhân dân Đông Dương.


Đồng thời, Đoàn đại biểu Liên Xô tán thành đơn đề nghị kết nạp làm thành viên Liên hợp quốc của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Chính phủ hợp pháp duy nhất, được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân ở Việt Nam. Khi ủng hộ lá đơn này, Đoàn đại biểu Liên Xô đã chính thức đưa ra đề nghị kết nạp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm thành viên Liên hợp quốc (S/2773) và sẽ bảo vệ để đề xuất này được chấp thuận.

(Hội đồng Bảo an, Phiên họp 603, ngày 19/9/1952, tr. 01-05).
Viện Lưu trữ Lịch sử đối ngoại Liên bang Nga.Phông 079.
ML 8. Cặp 3. HS 1. Tờ 55-68.
Máy in roneo.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Mười, 2023, 10:46:46 am
13.
Tin của Chi nhánh Thông tấn xã Liên Xô tại Kha-ba-rốp-xcơ về việc ngày 06/3/1953 Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cọng sản Liên Xô về việc I.V. Xta-lin từ trần

Ngày 09/3/1953
Mật
Tờ 8-D

Ngày 09/3/1953 THÔNG TẤN XÃ LIÊN XÔ

ĐIỆN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA GỬI BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ VÀ CHÍNH PHỦ LIÊN XÔ


VIỆT NAM, ngày 08/3, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin từ miền Bắc Việt Nam:

Nhận được tin Đại nguyên soái Xta-lin từ trần, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã gửi điện chia buồn tối Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô. Nội dung bức điện như sau:

Kính gửi: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô.

Tin về việc vị Lãnh tụ vĩ đại của chúng ta, đồng chí Xta-lin từ trần là nỗi đau buồn sâu sắc đối với toàn Đảng và toàn thể nhân dân chúng tôi.

Thay mặt Đảng Lao động Việt Nam, Chính phủ, nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi lời chia buồn anh em của chúng tôi tới Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô.

Sự công hiến của đồng chí Xta-lin cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân lao động Việt Nam, là vô cùng vĩ đại. Đồng chí Xta-lin từ trần là một mất mát không gì bù đắp được của toàn thể nhân loại.


Hơn lúc nào hết, trung thành với Học thuyết Xta-lin, chúng tôi nguyện luôn đoàn kết sát cánh với Liên Xô.

Chúng tôi nguyện đi theo con đường của Mác - Ang-ghen - Lê-nin - Xta-lin và kiên quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc chúng tôi, vì thắng lợi của nền dân chủ, hòa bình và chủ nghĩa xã hội.

Chúng tôi rất lấy làm tiếc là do khoảng cách xa xôi nên không thể trực tiếp tham dự lễ tang của đồng chí Xta-lin.

Ký tên: Hồ Chí Minh
Ngày 06/3/1953.

Viện Lưu trữ Lịch sử chính trị-xã hội Nhà nước Nga. Phông 495.
ML.201. HS. 1. Tập 1. Tờ 79. Bản in máy in thủ công.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Mười, 2023, 10:47:44 am
14.
Trích Lời phát biểu bế mạc của G. M. Ma-len-cốp tại Hội nghị toàn thể tháng 7/1953 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô

Ngày 07/7/1953

BẢN TỐC KÝ PHIÊN HỌP THỨ NĂM HỘI NGHỊ
TOÀN THỂ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ NGÀY 07/7/1953


[...] MA-LEN-CỐP: ...Nhưng rõ ràng là, đối thủ của chúng ta, những kẻ thù của hòa bình cũng thấy và đang lo ngại theo dõi sự lớn mạnh của các lực lượng chủ nghĩa cộng sản.

Những kẻ đế quốc lo lắng sâu sắc về việc các lực lượng dân chủ và chủ nghĩa xã hội phát triển không ngừng và phe các lực lượng đế quốc ngày càng yếu thế. Trong sự việc đó cần thấy được lý do các lực lượng đế quốc phản động đang tăng cường hoạt động mạnh mẽ và vội vã cố gắng phá hoại sức mạnh ngày càng tăng của phe hòa bình và dân chủ quốc tế mà trước hết là Liên Xô - lực lượng hàng đầu của phe này.


Không có lẽ những kẻ đế quốc có thể cam chịu việc ngày càng có nhiều nước và các dân tộc đang thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của chúng.

Trên cơ sở các lực lượng của chúng ta đang lớn mạnh sẽ không tránh khỏi sự căng thẳng trong quan hệ giữa các lực lượng cộng sản và lực lượng đế quốc. Những kẻ đế quốc lo ngại việc các lực lượng của chúng ta lớn mạnh. Chúng sẽ không ngồi yên trước sự lớn mạnh này.


Đó là lý do tại sao khi tiến hành chính sách hòa bình nhất quán, chúng ta vẫn không thể có bất kỳ sự yếu đuối hay do dự nào.

Chúng ta sẽ thương lượng với kẻ đế quốc khi cần thiết tại những nơi gọi là hội nghị nhưng sẽ không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Chúng ta sẽ không dự hội nghị với bất cứ điều kiện nào, chúng ta không thể có những hành động một chiều.


Chúng ta tin tưởng vững chắc vào sức mạnh của chúng ta.

[...]

Viện Lưu trữ Lịch sử hiện đại Nhà nước Nga. Phông 2.
ML. 1. HS. 38, Tờ 1 -2,19, 22. Bản sao.

La-vren-chi Bê-ri-a. 1953. Biên bản Hội nghị toàn thể
BCHTƯĐCS Liên Xô và các tài liệu khác/dưới sự chủ biên
của Viện sĩ A.N. Ia-cốp lép; biên soạn V. Na-u-mốp, Iu.
Xi-ga-chốp, M. MPhD, 1999. Tr.350,357
(Nước Nga thế kỷ XX. Tài liệu).


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Mười, 2023, 10:49:32 am
PHẦN II
CON ĐƯỜNG GIAN NAN ĐẾN GIƠ-NE-VƠ
Tháng 6/1953 - 4/1954

15.
Báo cáo của Vụ Đông Nam Á - Bộ Ngoại giao Liên Xô về ý định của Chính phủ Pháp muốn bắt đầu việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam

Ngày 10/6/1953
Mật. Bản lưu Vụ ĐNA /823

SỰ THĂM DÒ CỦA CHÍNH PHỦ RƠ-NÊ MÂY-E VỀ KHẢ NĂNG GIẢI QUYẾT HÒA BÌNH VẤN ĐỀ VIỆT NAM
(Báo cáo)


Trong 1 tháng rưỡi gẵn đây phía Chính phủ Pháp đã có hai ý định không chính thức muốn nhận được sự ủng hộ của Liên Xô và một ý định muốn nhận được sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Pháp trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam:

1) Trong cuộc tọa đàm với đồng chí A. Ia. Vư-sin-xki ngày 29/4 năm nay, Đại diện thường trực của Pháp tại Hội đồng Bảo an Ôp-pe-nô hôi liệu Liên Xô có thể giúp đỡ trong việc giải quyết vấn đề Lào không. Trong cuộc tọa đàm với đồng chí A. Ia. Vư-sin-xki ngày 15/5 năm nay, Ốp-pe-nô tuyên bố Pháp có thể sẽ ủng hộ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa gia nhập Liên hợp quốc nếu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngừng giúp đỡ Việt Nam. Có thể cho rằng khi tuyên bố như vậy, Ôp-pe-nô có ý nói tới việc muốn Liên Xô giúp đỡ trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam;


2) Ngày 28/5, bà Ri-cốc, Cố vấn Kỹ thuật của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Pháp Rơ-nê Mây-e, đã đến thăm Trưởng phòng Lãnh sự Đại sứ quán Liên Xô tại Pa-ri là đồng chí Xcô-riu-cốp-va và tuyên bố là bà được Rơ-nê Mây-e cử đến nhằm mục đích tổ chức một cuộc gặp sắp tới của ông với Đại sứ Liên Xô, và hiện bà được giao việc bắt đầu các cuộc hội đàm không chính thức về các giải pháp nhằm cải thiện quan hệ Pháp - Xô và có thể cả việc giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam. Bà Ri-cốc đã báo cho đồng chí Xcô-riu-cốp-va biết là vấn đề kết thúc cuộc chiến tranh ở Đông Dương đã được định trước rồi và toàn bộ vấn đề hiện ở chỗ ai có thể làm trung gian giữa Pháp và Việt Nam. Tiếp đó, bà cho biết cách đây một tháng Đại sứ Pháp ỏ Mát-xcơ-va Giôc-xơ đã định nêu sáng kiến này, tuy nhiên sau đó ông đã về Pa-ri để xin ý kiến;


3) Ngày 23/5, đồng chí Páp-lốp gặp đồng chí Đuy-cơ-lô và được đồng chí cho biết là khoảng 1 tuần - 10 ngày (ngày 10 - 14/5) trước khi Nội các Rơ-nê Mây-e sụp đổ, Rơ-nê Mây-e có ý định tiếp xúc với Đảng Cộng sản Pháp để làm rõ những điều kiện mà Hồ Chí Minh có thể chấp thuận chấm dứt chiến sự ở Đông Dương. Có thể hiểu sự ám chỉ của Rơ-nê Mây-e là một thứ thỏa hiệp nào đó, chẳng hạn như là miền Bắc Việt Nam sẽ do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nắm giữ, còn miền Nam nằm trong tay Bảo Đại.


Đảng Cộng sản Pháp đã lảng tránh việc tiếp xúc với Rơ-nê Mây-e.

Như vậy, sự thăm dò từ phía Chính phủ May-Ơ về khả năng giải quyết hòa bình ở Việt Nam đã diễn ra ba lần: ngày 29/4 và ngày 15/5 với đồng chí A.Ia. Vư-sin-xki; ngày 10-14/5 với Đảng Cộng sản Pháp và ngày 28/5 tại Đại sứ quán Liên Xô tại Pa-ri.
VỤ TRƯỞNG VỤ ĐÔNG NAM Á
/K. NÔ-VI-CỐP/
(đã ký)

   2-nk/KN
   1 bản gửi đồng chí Nô-vi-cốp
   2 bản lưu hồ sơ
   Ghi chú:
   Hồ sơ M.L, 11/8/53

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga,
Phông 079, ML. 8, Cặp 5, HS. 10, Tờ 17-18.
Bản gốc.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Mười, 2023, 10:50:38 am
16.
Bản ghi cuộc tọa đàm của Bộ trưỡng Ngoại giao Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp với Ngoại trưởng Pháp Gi. Bi-đô về vấn đề Đông Dương tại buổi chiêu đãi tổ chức ở tòa nhà của Hội đồng Kiểm soát quân Đồng minh trước đây ở Béc-lin. (trích sổ ghi chép của V. M. Mô-lô-tốp)

Ngày 11/02/1954
Tối mật

TRÍCH SỐ GHI CHÉP CỦA V.M. MÔ-LÔ-TỐP


Hôm nay, tại buổi chiêu đãi tổ chức ở tòa nhà Hội đồng Kiểm soát đã có cuộc tọa đàm của V.M. Mô-lô-tốp với Ngoại trưởng Pháp Gi. Bi-đô.

Bi-đô tuyên bố rằng ông ta hoàn toàn hiểu được ý định của Đoàn đại biểu Liên Xô muốn có cuộc hội nghị ngoại trưởng của 5 cường quốc. Tuy vậy, hội nghị này, theo ý kiến của ông, sẽ không phải là của 5 nước, mà có thể là 4 nước không có sự tham gia của Mỹ. Bi-đô tuyên bố, đề xuất do Đoàn đại biểu Pháp đưa ra mang tính xây dựng và có thể làm cơ sở để thoát khỏi tình thế bế tắc hiện nay.


Mô-lô-tốp nhắc Bi-đô là đề xuất của Đoàn đại biểu Pháp rất giống với đề xuất của Mỹ ở Liên hợp quốc.

Bi-đô tuyên bố, đề xuất của Pháp có điểm khác biệt cơ bản liên quan đến việc Liên hợp quốc sẽ đứng sang một bên và các ngoại trưởng của 4 cường quốc có quyền đưa ra sáng kiến. Tiếp đó, Bi-đô nêu rằng, không thể tổ chức hội nghị 5 nước còn bởi vì đã mời các nước tương ứng đến dự hội nghị dự kiến và hoàn toàn không tiện khi loại bỏ sự tham gia của họ.


Mô-lô-tốp nói, Đoàn đại biểu Liên Xô mong muốn tìm ra một giải pháp trung gian cho vấn đề này. Tuy nhiên, cần lưu ý là, nếu như không tìm ra được một hình thức phù hợp cho vệc tổ chức hội nghị 5 nước, thì sẽ khó tìm ra một giải pháp cần thiết. Mô-lô-tốp nói thêm, Đoàn đại biểu Liên Xô còn chưa hiểu rõ Đoàn đại biểu Pháp muốn gì trong thực tế.


Bi-đô tuyên bố, đối với ông, chắc chắn là phải tìm ra giải pháp cho các vấn đề Viễn Đông, mà chủ yếu là là những vấn đề có liên quan đến Đông Dương. Tuy vậy, không nên cho rằng nước Pháp đã kiệt quệ và không còn sức mạnh. Bi-đô nhắc lại, Pháp vẫn đủ mạnh nhưng nước này quan tâm đến việc thiết lập hòa bình ở châu Á, cũng như ở các khu vực khác. Vì thế, Bi-đô, không thể nói rõ hơn về những vấn đề khác cho đến khi tìm được giải pháp phù hợp cho vấn đề Đông Dương mà không động chạm đến danh dự quốc gia của đất nước.


Mô-lô-tốp trả lời, trong việc giải quyết vấn đề Đông Dương, Trung Quốc, một nước láng giềng của Đông Dương, có thể giúp nước Pháp tốt nhất. Thiếu Trung Quốc sẽ khó giải quyết được vấn đề này. Mô-lô-tốp nhắc lại là Đoàn đại biểu Liên Xô mong muốn tìm ra giải pháp phù hợp và tìm kiếm một con đường trung dung.


Kết luận Bi-đô là ông sẵn sàng bàn vấn đề này với Mô-lô- tốp bất cứ lúc nào, còn liên quan đến các đề xuất của Liên Xô thì ông sẽ nghiên cứu thêm lần nữa. Bi-đô đề nghị Mô-lô-tốp cũng nên phân tích thêm lần nữa các đề xuất của Pháp.

Cuộc hội đàm đến đó kết thúc.

Người ghi: K. Xta-ri-cốp (đã ký)

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga,
Phông 06, ML. 13a, Cặp 25, HS. 7, Tờ 24-25.
Bản gốc.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Mười, 2023, 10:51:39 am
17.
Thông cáo về Hội nghị các Ngoại trưởng Liên Xô, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Pháp và Anh họp tại Béc-lin

Ngày 25/01 - 18/02/1954
Dịch từ tiếng Pháp


Từ ngày 25/01 - 18/02/1954 tại Béc-lin đã diễn ra Hội nghị các Ngoại trưởng Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viêt, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Pháp và Anh gồm V.M. Mô-lô-tốp, Giôn Phô-xtơ Đa-lét, Gioóc Bi-đô và An-tô-ny I-đen. Các Ngoại trưởng đã thỏa thuận về các vấn đề như sau:

I.

"Ngoại trưởng các nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Pháp và Anh họp tại Béc-lin,

Nhận thấy việc thành lập một nước Triều Tiên thống nhất và độc lập bằng con đường hòa bình sẽ là yếu tố quan trọng làm dịu căng thẳng quốc tế và khôi phục hòa bình tại các khu vực khác của châu Á;


Đề xuất triệu tập Hội nghị ở Giơ-ne-vơ vào ngày 26/4/1954 gồm đại diện của Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa nhân dân Triều Tiên và những nước khác có lực lượng vũ trang tham chiến ở Triều Tiên mong muốn tham dự, để đạt được giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên;


Nhất trí rằng vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương cũng sẽ được xem xét tại Hội nghị và mời đại diện của Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và những quốc gia có liên quan khác tham dự.


Trong đó có lưu ý không được coi việc mời tham dự cũng như tiến hành Hội nghị như là sự công nhận ngoại giao cho bất kỳ trường hợp nào, khi mà điều này còn chưa xảy ra".


II.

"Chính phủ các nước Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Pháp và Anh cho rằng, việc giải quyết các bất đồng quốc tế là cần thiết để thiết lập hòa bình bền vững và sẽ dễ dàng hơn nhờ vào thỏa thuận giải giáp vũ khí hay ít nhất là giảm tối đa việc vũ trang, trong thời gian sắp tới sẽ tiến hành trao đổi ý kiến để thúc đẩy cho việc giải quyết thành công vấn đề đó, như đã được đề ra tại Điểm 6 của Nghị quyết Liên hợp quốc ngày 28/11/1953".


Đã có cuộc trao đổi ý kiến toàn diện giữa bôn Ngoại trưởng về vấn đề nước Đức, vấn đề an ninh châu Âu, cũng như vấn đề Áo, nhưng các Ngoại trưởng đã không đạt được thỏa thuận về những vấn đề này.

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga,
Phông 445, ML. 1, Cặp 24, HS. 127 (a), Tờ 279-280.
Nguyên bản bằng tiếng Pháp.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 19 Tháng Mười, 2023, 10:53:04 am
18.
Trích bản ghi tốc ký Phiên họp của Hội nghị toàn thê Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô
tháng 02- 3/1954

Ngày 02/3/1954
Dve-re-va, Gri-gô-re-va, Xtơ-ru-chơ-cô-va

HỘI NGHỊ TOÀN THỂ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ĐẢNG CỘNG SẢN LIÊN XÔ
Phiên họp ngày 02/3/1954


Chủ tịch Hội nghị KHƠ-RU-SỐP: Xin phép khai mạc Phiên họp của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tại Phiên họp này, Hội nghị toàn thể chúng ta sẽ thảo luận và thông qua nghị quyết về vấn đề thứ nhất. Sau đó, thưa các đồng chí, còn một số vấn đề tổ chức sẽ được trình ra Hội nghị. Và có đề xuất là đưa vào chương trình nghị sự Hội nghị toàn thể báo cáo thông báo về Hội nghị bốn Ngoại trưởng ở Béc-lin, người báo cáo là đồng chí V.M. Mô-lô-tốp. Các đồng chí không phản đối chứ?


Tiếng nói từ hội trường: Không.

Chủ tịch Hội nghị KHƠ-RU-SỐP: Vậy thông qua [...]

Ki-rin-lô-va, Din-chen-cô, Ê-me-li-nô-va

(Phần đầu bài phát biểu của đồng chí Mô-lô-tốp không được ghi tốc ký).

Mô-lô-tốp: ... Trong 5 năm gần đây sau chiến tranh đã hình thành rất rõ những xu hướng phát triển của phe các nước tư bản chủ nghĩa. Hiện nay, mọi người đều thấy là giới cầm quyền Mỹ đang cố giành vai trò lãnh đạo trong phe này. Họ còn có tham vọng lớn hơn và trắng trợn nói đã nhận gánh nặng vai trò lãnh đạo thế giới, mặc dù những tham vọng này dĩ nhiên là chẳng có căn cứ nào cả. Như đã biết, tham vọng là đặc trưng của chủ nghĩa đế quốc hiếu chiến tự cao, tự đại. Chúng thể hiện sự khao khát muốn làm bá chủ thế giới. Sự khao khát đó được thể hiện trong thực tiễn qua việc thành lập khối Bắc Đại Tây Dương vào năm 1949 theo sáng kiến của Chính phủ Mỹ với sự ủng hộ tích cực của giới cầm quyền Anh quốc.


Các quốc gia sau đây đã ký kết Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương: Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luých-xăm-bua, Đan Mạch, Na-uy, Ai-xơ-len, Bồ Đào Nha, I-ta-Ii-a, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ [...]


Hiện giờ tất cả đều thấy rằng, chính sách "dùng thế mạnh" do các giới cầm quyền Mỹ và Anh tiến hành, đã không đem lại những kết quả tích cực cả trong lĩnh vực chính trị cũng như trong lĩnh vực kinh tế. Chính sách đó cũng đã thất bại trong lĩnh vực quân sự. Chính sách đó đã không chịu được thử thách mà trước hết là ở Triều Tiên, nó đã không đưa Mỹ đến thắng lợi quân sự. Dính líu vào cuộc can thiệp quân sự ở Triều Tiên, Mỹ đã đánh mất thể diện quân sự và uy tín tinh thần của mình.


Chính sách đó tất yếu sẽ gặp phải thất bại ở những nơi nhân dân đã tiến hành cuộc chiến đấu bền bỉ vì quyền lợi dân tộc, vì độc lập, tự do của đất nước mình.

Mặc dù Pháp nhận được mọi sự giúp đỡ từ phía Mỹ ở Đông Dương, nhưng tại đây chính sách "dùng vũ lực" đã không mang lại điều gì tốt đẹp. Tại Đông Dương chính sách thực dân của Pháp và cùng với đó là chính sách ủng hộ chủ nghĩa thực dân do Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tiến hành, đã gặp hết thất bại này đến thất bại khác.


Cuộc chiến tranh kéo dài chống lại nhân dân Đông Dương chiến đấu giành tự do của mình đã không làm cho chính sách "dùng vũ lực" được vẻ vang hơn, mà trái lại, đã đẩy chính sách này đến việc mất hết uy tín.


Cần bổ sung thêm vào đó chính là việc trong 5 năm gần đây, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chỉ đã được thành lập mà còn được củng cố và đặt ra nhiệm vụ cải tạo đất nước bằng con đường XHCN. [...]


Cũng đã đạt được thỏa thuận về việc triệu tập Hội nghị ở Giơ-ne-vơ vào ngày 26/4/1954. Đây sẽ là Hội nghị gồm các đại diện của Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên với sự tham gia của Nam Hàn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và tất cả các nước khác có lực lượng vũ trang tham chiến ở Triều Tiên và mong muốn tham dự, và vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương, cùng với sự tham gia của các quốc gia liên quan đến việc này.


Như vậy, ngày 26/4 tại Giơ-ne-vơ sẽ diễn ra hội nghị có sự tham gia của 5 cường quốc về hai vấn đề căng thẳng nhất liên quan đến tình hình ở châu Á: vấn đề Triều Tiên và tình hình ở Đông Dương. Đồng thời, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ có vị trí hợp pháp của mình tại Hội nghị cùng với các cường quốc khác.


Hiện còn sớm để đánh giá hết được thỏa thuận đã đạt được tại Hội nghị Béc-lin, tuy nhiên thỏa thuận này có thể phục vụ cho việc giải quyết hai vấn đề quan trọng ở châu Á, góp phần tiếp tục làm giảm căng thẳng quốc tế.


Đại Hội đồng của Liên hợp quốc, tổ chức hoạt động dưới sức ép từ phía Mỹ, đã tỏ ra bất lực trong việc giải quyết vấn đề Triêu Tiên. Sức ép đó đã làm cho Đại Hội đồng đưa ra những quyết định không đúng đắn, phá hỏng việc triệu tập Hội nghị chính trị về Triều Tiên. Các đại diện Mỹ cũng hành động theo hướng đó tại các cuộc đàm phán ở Bàn Môn Điếm.


Hội nghị Béc-lin đã giúp tháo gỡ nút thắt này. Giờ đây các đại diện của Liên Xô, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Anh và Pháp cùng với các đại diện của hai miền Triều Tiên có thể xem xét để giải quyết triệt để vấn đề Triều Tiên. Nhiệm vụ đặt ra là phải góp phần làm thống nhất đất nước Triều Tiên trên cơ sở dân chủ và chuyển nước Triều Tiên từ tình trạng đình chiến sang hòa bình bền vững.


Tuy vậy, ở đây cần lưu ý rằng, trong thời gian diễn ra các cuộc gặp gỡ tại Béc-lin, Đa-lét đã ngụ ý không nên trông chờ khả năng có được bất kỳ sự nhân nhượng nào từ phía Nam Triều Tiên, cũng như từ phía Bắc Triều Tiên. Ông ta nói thẳng về việc này là chúng tôi dĩ nhiên sẽ không nhân nhượng Trung Quốc đối với Nam Triều Tiên và chúng tôi cũng không hy vọng là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ nhân nhượng chúng tôi đối với Bắc Triều Tiên. Chúng ta bắt buộc phải chú ý đến điều này. [...]


DIN-CHEN-CÔ, Mô-lô-chơ-cô-va, Be-lô-va

Đại diện Pháp tại Hội nghị Béc-lin đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt trong vấn đề Đông Dương. Chính sách thực dân của Pháp tại đây đã đi vào bế tắc khi vấp phải cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam đòi có quyền được hòa bình và tự do dân tộc; đồng thời chính sách đó đã chất một gánh nặng quá sức lên nhân dân Pháp, ngày càng đòi hỏi ở họ những hy sinh mới và hơn nữa lại là vô nghĩa.


Tại Hội nghị Béc-lin có thể thấy rõ Bi-đô bằng mọi cách cố đạt được việc triệu tập Hội nghị, nơi có thể thảo luận vấn đề Đông Dương. Thêm vào đó điều này đã tác động đến việc hình thành những đề xuất về vấn đề này. Các dự thảo ban đầu của Đa-lét và Bi-đô về vấn đề trên có những nội dung khác nhau và không chấp nhận được, trong đó họ mưu toan đô trách nhiệm về cuộc chiến tranh ở Đông Dương cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa khi ám chỉ sự giúp đỡ của nước này. Tất cả điều đó đã vấp sự phản đối kịch liệt từ phía chúng ta. Kết quả là đã thông qua những nội dung như đã được công bố và đã được Chính phủ Liên Xô, cũng như Chính phủ Trung Quốc hữu nghị chấp thuận khi được hỏi ý kiến trước.


Một nhiệm vụ phức tạp đặt ra cho Hội nghị ở Giơ-ne-vơ đó là bảo đảm việc khôi phục hòa bình và các quyền lợi dân tộc của nhân dân Đông Dương. Điều này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào lập trường của Chính phủ Pháp và vào sự công nhận của tất cả các đại biểu dự Hội nghị đối với sự cần thiết phải giải quyết vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương không phải bằng con đường tiếp tục cuộc chiến tranh vô nghĩa, mà bằng con đường thỏa thuận trên cơ sở các nguyên tắc tự do và độc lập dân tộc của nhân dân Đông Dương.


Trong thời gian Hội nghị Béc-lin tôi đã có hai cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Đa-lét về vấn đề hạt nhân. [...]

Viện Lưu trữ Lịch sử hiện đại Nhà nước Nga,
Phông 2, ML. 1, HS. 77, Tờ 01, 13, 19-20, 65-69.
Bản gốc.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 21 Tháng Mười Một, 2023, 07:44:48 pm
19.
Bản ghi chép cuộc tọa đàm của Đại sứ Liên Xô tại nước
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa P.Ph. Iu-đin với Đại sứ
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
(trích sổ ghi chép của P.Ph. Iu-đin)

Ngày 05/3/1954
MẬT
Bản số 1

   Trích sổ ghi chép của P.Ph. IU-ĐIN
   Ngày 31/3/1954
   Số: 283

Dấu đóng:
Bộ Ngoại giao
Liên Xô
Vụ Viễn Đông.
3   tờ mật
Số đến: 1258,
Ngày 4/4/1954   Dấu đóng
(bên dưới):
Bộ Ngoại giao
Liên Xô
Ban Thư ký
Mật
Số đến: 3739M
Ngày 0/4/1954   Dấu đóng
(bên dưới):
Số 1636-vào sổ ngày
12/4/1954


BẢN GHI CHÉP CUỘC TỌA ĐÀM CỦA ĐẠI SỨ LIÊN XÔ TẠI CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA P.PH, IU-ĐIN VỚI ĐẠI SỨ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA TẠI CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA

Ngày 05/3, Đại sứ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Bắc Kinh đến gặp tôi. Ông mới trở về từ Việt Nam sau 4 tháng ở đó. Trong cuộc trao đổi, Đại sứ Việt Nam thông báo về tình hình ở Việt Nam, cũng như bày tỏ ý kiến của mình về Hội nghị ở Giơ-ne-vơ sắp tới.


Đại sứ cho biết quân đội nhân dân Việt Nam hiện đang nắm thế chủ động trên khắp các mặt trận. Nhờ đó phần lớn các khu vực phía bắc Việt Nam và Pa-thét Lào, trừ một vài điểm, đã được giải phóng. Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân dự định sẽ dần dần điều các lực lượng chính của mình vào miền Trung Việt Nam. Việc thực hiện nhiệm vụ này sẽ gặp không ít khó khăn do Quân đội nhân dân chưa có phương tiện vận tải cần thiết. Kế hoạch chiến lược của Quân đội nhân dân là cố gắng tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch bằng cách di chuyển cơ động. Hiện thời Quân đội nhân dân chưa đặt ra nhiệm vụ chiếm các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, v.v.. bởi vì còn chưa đủ lực, nhất là về kỹ thuật. Hiện quân số bộ đội chủ lực gồm khoảng 200 nghìn ngươi, còn quân địch có khoảng gần 300 nghìn người, trong đó có một nửa là quân Pháp, số còn lại là các đơn vị người bản xứ. Ở Việt Nam, các đơn vị dân quân tự vệ và du kích đóng vai trò không nhỏ, hỗ trợ rất nhiều cho Quân đội nhân dân.


Hiện nay, phía Pháp chưa kịp bổ sung lực lượng bù đắp cho sinh lực đã bị tổn thất, tuy nhiên, những đội quân điều từ châu Âu sang Việt Nam đều yếu cả về tác chiến cũng như về tinh thần. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều binh lính quân đội viễn chinh Pháp chạy sang hàng ngũ Quân đội nhân dân, trong đó có cả những binh lính người Ma-rốc, là những người mà phía Pháp cho là thiện chiến nhất.


Còn đối với Quân đội nhân dân, kỹ năng chiến đấu và tinh thần lúc nào cũng cao và uy tín trong nhân dân ngày càng tăng. Những chiến thắng trước quân Pháp, cũng như thất bại của Mỹ ở Triều Tiên đã làm quân và dân Việt Nam càng thêm nức lòng, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng trước kẻ thù.


Các đội quân của Đảng Lao động đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng tại những vùng do quân địch chiếm đóng. Có thể kể ra một sự việc để chứng minh điều này như tại nhiều thành phố và khu vực bị chiếm đóng không chỉ có những tổ chức Đảng Lao động bí mật mà còn có các cơ quan của chính quyền nhân dân hoạt động bí mật. Chế độ Bảo Đại chỉ có thể duy trì được ở những vùng này nhờ sự nâng đỡ của phía Pháp và Mỹ.


Về vấn đề Hội nghị sắp tới ở Giơ-ne-vơ, Đại sứ Việt Nam nói rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động và Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu vấn đề này. Theo Đại sứ, cho đến nay vẫn còn chưa rõ thủ tục tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ thể là sẽ được mời dự Hội nghị hay nước này phải ra tuyên bố về vấn đề đó? (Câu trả lời là gì?)


Tiếp đó, Đại sứ Việt Nam cho rằng có khả năng Chính phủ Pháp sẽ chịu thương lượng về việc đình chiến ở Việt Nam, tuy nhiên sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán. Thứ nhất, ở Việt Nam không có một mặt trận cố định, do đó sẽ rất khó để xác định đường giới tuyến và khu phi quân sự (có đến 80% người dân cả nước sinh sống tại các vùng đã giải phóng ở Việt Nam); Hai là, phía Pháp sẽ cố đạt được một quy chế nào đó cho Bảo Đại, một điều mà Chính phủ nhân dân cương quyết không đồng ý; Ba là, Mỹ sẽ tăng cường gây sức ép lên Chính phủ Pháp, còn Bảo Đại đang mưu toan phá hoại cuộc đàm phán.


Kết thúc cuộc tọa đàm, Đại sứ Việt Nam đề nghị tôi sắp tới tiếp tục cho ông biết về tiến trình chuẩn bị Hội nghị Giơ-ne-vơ về phần liên quan đến phía Việt Nam.

Bí thư thứ Hai Đại sứ quán Liên Xô tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa N. Chê-ca-nốp đã phiên dịch cho cuộc tọa đàm.

ĐẠI SỨ LIÊN XÔ TẠI CỘNG HÒA
NHÂN DÂN TRUNG HOA
P. IU-ĐIN
(đã ký)

Viện Lưu trữ Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga.


Tiêu đề: Liên Xô và Việt Nam trong những năm chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 21 Tháng Mười Một, 2023, 07:49:31 pm
20.
Bản ghi chép buổi tiếp Đại sứ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Liên Xô Trương Vấn Thiên của Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô V.M. Mô-lô-tốp

Ngày 06/3/1954
Mật

TRÍCH NHẬT KÝ CỦA V.M. MÔ-LÔ-TỐP1 (Phía dưới trang đầu tiên của tài liệu có đánh dấu "Nguồn 151/M")
BUỔI TIẾP ĐẠI SỨ CỘNG HÒA NHÂN DÂN TRUNG HOA
TRƯƠNG VẤN THIÊN
Vào lúc 14 giờ ngày 06/3/1954


Có mặt: Gơ Bao Xuan, Tham tán Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và N. T. Phê-đô-ren-cô.

Trương Vấn Thiên nói, các đồng chí Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khác đã yêu cầu Đại sứ chuyển lời chào đến đồng chí Mô-lô-tốp.

V.M.Mô-lô-tốp cảm ơn.


Trương Vấn Thiên thông báo, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nhân dân Trung Quốc đánh giá cao thành công của Hội nghị Béc-lin, đồng thời ủng hộ quyết định của Hội nghị về việc triệu tập Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ông nói, mặc dù phía Mỹ sẽ cố phá hoại Hội nghị Giơ-ne-vơ, nhưng các đại diện của phe dân chủ hoàn toàn có khả năng dùng Hội nghị để làm giảm căng thẳng quốc tế.

Ông nhấn mạnh, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dự định tham gia tích cực vào Hội nghị Giơ-ne-vơ và cho rằng, ngay cả khi Hội nghị khồng đạt được nhiều thành công, thì đây cũng sẽ là thành tựu quan trọng, bởi vì con đường tham gia tích cực vào công việc quốc tế đang mở ra đối với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.


V.M.Mô-lô-tốp bày tỏ sự hoan nghênh về dự định của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tham gia tích cực vào Hội nghị Giơ-ne-vơ.


Trương Vấn Thiên nói, theo lời mời của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Nam Ir1 (Lỗi phiên âm tên người; Ngoại trưởng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên từ năm 1953 - 1967 là Nam In (1913-1976)) đã đến thành phố Bắc Kinh ngày 05/3 để thảo luận những vấn đề liên quan đến Hội nghị Giơ-ne-vơ.

Ông thông báo, Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dự định soạn thảo một chương trình tối đa và tối thiểu đối với vấn đề Triều Tiên2 (Chỗ này và các chỗ tiếp theo trong văn bản có đánh dấu in nghiêng của V.M. Mô-lô-tốp). Trong chương trình tối đa đưa ra các đề xuất sau:

1. Thành lập Ủy ban Liên Triều trên cơ sở đồng đẳng gồm đại diện của hai miền Bắc và Nam Triều Tiên để quản lý đất nước trước khi thành lập một chính phủ chung của Triều Tiên.

2. Thực hiện Tổng tuyển cử.

3. Rút tất cả các quân đội nước ngoài.

4. Thống nhất Triều Tiên.

Trong trường hợp nếu chương trình này không được thông qua, thì đề xuất một chương trình rút gọn, cụ thể là: giữ nguyên tình trạng hiện tại, rút dần các quân đội nước ngoài, điều chỉnh các quan hệ kinh tế, thương mại và các quan hệ khác giữa miền Bắc và miền Nam Triều Tiên.

Ông lưu ý cả hai chương trình này được xây dựng theo hình mẫu lập trường của Đoàn đại biểu Liên Xô tại Hội nghị Béc-lin.

Ông nói, vấn đề Đông Dương phức tạp hơn. Câu chuyện ở đây có thế là về đình chiến. Tuy nhiên, quan trọng là các điều kiện để chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương. Do đó, cần phải có đàm phán. Đây là một quá trình lâu dài.


VM.Mô-lô-tốp nói, theo tin tức báo chí thì quá trình này sẽ diễn ra khoảng 02-3 tháng, còn theo ý kiến của một số nhà quan sát quốc tế được báo chí nước ngoài nhắc tới thì sẽ kéo dài đến tháng 11. Dĩ nhiên đây là vấn đề phức tạp.


Trương Vấn Thiên nói, đề xuất của Nê-ru về việc "đình chiến tại chỗ" vị tất có thể chấp nhận được, bởi vì quan trọng là các điều kiện chấm dứt chiến tranh.

Ông nêu rằng, cần phải đạt được việc Mỹ chấm dứt viện trợ ở Đông Dương, nếu không chiến tranh sẽ kéo dài.


Mô-lô-tốp nói, nếu phía Pháp muốn thỏa thuận thì dĩ nhiên cần phải biết với các điều kiện nào.


Trương Vấn Thiên thông báo, hiện có đề xuất về đường giới tuyến ở vĩ tuyến 16. Đây là một đề xuất có lợi cho đồng chí Hồ Chí Minh và nên chấp nhận nếu đề xuất đó được nêu ra chính thức.

Ông nói, nên mời đồng chí Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh vào cuối tháng 3 năm nay. Khi đó Đại sứ có hỏi về khả năng mời đồng chí Hồ Chí Minh đến Mát-xcơ-va để thảo luận về lập trường ở Hội nghị Giơ-ne-vơ, cũng như để cùng trao đổi với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô về các vấn đề trong Đảng.


V. M. Mô-lô-tốp bày tỏ sự nhất trí về khả năng mời đồng chí Hồ Chí Minh đến Mát-xcơ-va, nhưng nói thêm vấn đề này sẽ phải do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô xem xét.


Trương Vấn Thiên về vấn đề mời tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ, ông nói mong muốn mời các đại diện không chỉ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà còn cả của Pa-thét Lào và Cam-pu-chia dân chủ, tức là ba nước dân chủ đối trọng với việc mời ba nước trong Liên hiệp Pháp, đến Hội nghị Giơ-ne-vơ để thảo luận vấn đề Đông Dương. Trong trường hợp ngược lại, thì đành phải đưa các đại diện Pa-thét Lào và Cam-pu-chia tham gia vào Đoàn đại biểu Việt Nam.


V.M. Mô-lô-tốp nói, cần phải suy nghĩ kỹ vấn đề này.


Trương Vấn Thiên nêu khả năng thảo luận các vấn đề khác tại Hội nghị Giơ-ne-vơ, như vấn đề Đài Loan, việc vũ trang của Nhật Bản, Hiệp ước quân sự của Mỹ với Pa-ki-xtan, v.v...


V. M. Mô-lô-tốp Mô-lô-tốp nói, cần nghiên cứu khả năng thảo luận các vấn đề nói trên, nhưng theo ông, không loại trừ khả năng này ở một mức độ nào đó.


Trương Vấn Thiên thông báo, căn cứ theo thỏa thuận của bốn Ngoại trưởng ở Béc-lin, đồng chí Chu Ân Lai sẽ chuẩn bị chuyến đi tới Giơ-ne-vơ để tham gia Hội nghị và cho rằng đồng chí V.M.Mô-lô-tốp sẽ đại diện cho Liên Xô.


V. M. Mô-lô-tốp Mô-lô-tốp xác nhận thỏa thuận ở Béc-lin về vấn đề này và nói thêm, các Bộ trưởng có thể sẽ không tham dự trước khi Hội nghị kết thúc vì nó sẽ kéo dài.


Trương Vấn Thiên giải thích mục đích việc các Đoàn đại biểu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và Việt Nam đến Mát-xcơ-va vào giữa tháng 4 (khoảng từ ngày 10-20) trong vài ngày để trao đổi về lập trường của mình tại Hội nghị Giơ-ne-vơ.


V. M. Mô-lô-tốp Mô-lô-tốp nói, một cuộc họp như vậy là cần thiết và có ích cho công việc.

Ông bày tỏ tin tưởng1 (Thôi phiên âm tên người, 1952) rằng các đồng chí Trung Quốc và Triều Tiên sẽ có sự chuẩn bị thích hợp cho việc thảo luận vấn đề Triều Tiên, bởi vì là những người am hiểu việc này tốt hơn. Ông cũng tin tưởng là các đồng chí Trung Quốc và Việt Nam là những người có khả năng phù hợp trong dịp này cũng sẽ có sự chuẩn bị cần thiết cho vấn đề Đông Dương.


Trương Vấn Thiên nói, ở Bắc Kinh đã bắt đầu công việc: lựa chọn cán bộ, biên soạn các dự thảo đề xuất, v.v.. Ông nói các đồng chí Trung Quốc mong chờ sự trợ giúp từ phía Liên Xô. Mô-lô-tốp hứa giúp và nói cần có sự nỗ lực chung.

Trương Vấn Thiên nêu lý do ông còn thiếu kinh nghiệm, nên đề nghị cử một đại diện có năng lực của Bộ Ngoại giao Liên Xô đến giúp các cán bộ ngoại giao Trung Quốc ở Mát-xcơ-va như trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức hội nghị quốc tế, phương pháp và cách tiếp đại diện các nước tư sản, v.v...


V. M. Mô-lô-tốp hứa đáp ứng đề nghị này và nói rằng, đồng chí Đại sứ có thể trao đổi các vấn đề trên1 (Thoạt đầu ghi là "và cung cấp cho đồng chí Grô-mưn-cô hoặc một cán bộ khác") với đồng chí Grô-mưn-cô, người có nhiều kinh nghiệm tham gia các hội nghị quốc tế.


Trương Vấn Thiên thông báo Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã ủy quyền cho ông duy trì sự tiếp xúc thường xuyên với Bộ Ngoại giao Liên Xô về các vấn đề chuẩn bị cho Hội nghị Giơ-ne-vơ, cũng như đưa ông vào thành phần Đoàn đại biểu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dự Hội nghị này.


V. M. Mô-lô-tốp bày tỏ sự hài lòng.


Trương Vấn Thiên cũng đề cập các vấn đề thủ tục tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Ông quan tâm đến khả năng đồng chí Chu Ân Lai làm chủ tọa phiên họp tại Hội nghị. v.v.


V. M. Mô-lô-tốp nói, tại Hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ xuất hiện nhiều vấn đề thủ tục như chủ tọa phiên họp, về bộ máy, về địa điểm, v.v... sẽ không tránh khỏi việc bàn cãi và tranh luận. Vì vậy ở đây cũng cần phải tiến hành chuẩn bị thích hợp và vạch, ra kế hoạch hành động của mình.


Trương Vấn Thiên quan tâm đến khả năng mời đại diện các nước trung lập, như Ấn Độ, tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ.


V M Mô-lô-tốp nói, về vấn đề Triều Tiên, thành phần đại biểu đã được xác định chính xác, còn về vấn đề Đông Dương thành phần đại biểu còn chưa được làm sáng tỏ đầy đủ, và có thể sẽ có những cuộc tranh cãi nghiêm trọng.

Liên quan đến vấn đề mời Ấn Độ, cho rằng, sự tham gia của Ấn Độ vào Hội nghị Giơ-ne-vơ là không nên bởi vì điều này có thể làm giảm vai trò của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là nước sẽ xuất hiện ở Giơ-ne-vơ cùng với bốn cường quốc khác, điều mà Ấn Độ chưa thể đạt được. Tuy nhiên, ông nói, tại đâu đó ở nước ngoài cũng có ý kiến mời Ấn Độ và Thái Lan về vấn đề Đông Dương và cần phải nghĩ thêm về vấn đề này.

Cuộc tọa đàm kéo dài một tiếng.


Người ghi: I. Phê-đô-ren-cô (đã ký)
   Nơi gửi:
   Gửi các ủy viên Chủ tịch đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô
   V.M. Mô-lô-tốp

Viện Lưu trữ Chính sách đối ngoại Liên bang Nga,
Phông 06, ML. 13a, Cặp 25, HS. 6, Tờ 07-12.
Bản gốc có bút tích sửa của V.M. Mô-lô-tốp.