Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: chuongxedap trong 26 Tháng Tư, 2023, 02:48:13 pm



Tiêu đề: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Tư, 2023, 02:48:13 pm

- Tên sách: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
- Tác giả:
- Nhà xuất bản: Công an nhân dân
- Năm xuất bản: 2009
- Người số hóa: giangtvx, ptlinh, chuongxedap



Chỉ đạo trực tiếp
- Đại tá BẾ ĐÌNH TRẦN
Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Cao Bằng - Chỉ huy trưởng BĐBP Cao Bằng

- Đại tá
TRẦN TIẾN DŨNG
Nguyên Bí thư Đảng ủy, Nguyên Chính ủy BĐBP Cao Bằng

Người viết
- Đại tá
NGUYỄN ĐỨC CHÂU
Nguyên Trưởng phòng Khoa học - Công nghệ và Môi trường BTL Bộ đội Biên phòng

Ban sưu tầm tư liệu
- Thượng tá
BÙI VĂN NHỊ
Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Cao Bằng, Trưởng ban

- Đại úy
LÂM NGỌC TRÍ
Cán bộ Tuyên huấn, Phòng Chính trị BĐBP Cao Bằng

- Thượng úy
LƯƠNG TUẤN LONG
Cán bộ Tuyên huấn, Phòng Chính trị BĐBP Cao Bằng

Với sự hướng dẫn, giúp đỡ của


- CỤC CHÍNH TRỊ, BỘ THAM MƯU, CỤC TRINH SÁT - BỘ TƯ LỆNH BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG

- BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY CAO BẰNG

- SỞ KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ TỈNH CAO BẰNG

- SỞ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TỈNH CAO BẰNG



 

LỜI GIỚI THIỆU

Từ xa xưa, Cao Bằng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng nhiều mặt trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Từ khi có ánh sáng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cao Bằng đã là “ngọn nguồn”, là “quê hương cách mạng” của Việt Nam. Vì thế, miền biên cương này trở thành một địa danh lịch sử, niềm tự hào không chỉ của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, mà còn là niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam và bè bạn năm châu.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng đang phát huy sức mạnh tổng hợp của truyền thống lịch sử, của nội lực và trí tuệ, cùng cả nước thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Tìm hiểu và giới thiệu quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, lực lượng có chức năng nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia tại vùng đất có vị thế hiểm yếu, vốn là “phên dậu” của Tổ quốc là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn.

Cuốn “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009” là một công trình khoa học đã trình bày tương đối đầy đủ và sinh động những sự kiện cốt yếu của quá trình phấn đấu không mệt mỏi, không ngại gian khổ hy sinh, phát huy tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách để hoàn thành nhiệm vụ, không ngừng lớn mạnh và trưởng thành của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh nhà.

Trải qua 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền các cấp; được sự tin cậy, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan ban ngành, đoàn thể, Bộ đội Biên phòng (trước đây là Công an nhân dân vũ trang) Cao Bằng đã lập được nhiều thành tích trong sự nghiệp bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng gắn liền với đường lối quân sự, đường lối biên phòng toàn dân của Đảng ta; kế thừa, phát huy và xứng đáng góp phần tô thắm thêm truyền thống lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng và truyền thống vẻ vang của các lực lượng vũ trang nhân dân.

Mong rằng, cuốn “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009” sẽ góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục, động viên các thế hệ cán bộ, chiến sỹ ra sức học tập, phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong thời kỳ mới.

Với tình cảm quý mến và trách nhiệm với Bộ đội Biên phòng, tôi hoan nghênh việc xuất bản cuốn sách và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.


Uỷ viên Trung ương Đảng
Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng

TS. NGUYỄN THỊ NƯƠNG


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 26 Tháng Tư, 2023, 02:51:45 pm

“...ĐOÀN KẾT CẢNH GIÁC
LIÊM CHÍNH, KIỆM CẦN
HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ
KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN
DŨNG CẢM TRƯỚC ĐỊCH
VÌ NƯỚC QUÊN THÂN
TRUNG THÀNH VỚI ĐẢNG
TẬN TỤY VỚI DÂN...”

(Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang,
ngày 28 - 3 - 1959)





"NON XANH NƯỚC BIẾC TRÙNG TRÙNG
GIỮ GÌN TỔ QUỐC TA KHÔNG NGẠI NGÙNG GIAN LAO
NÚI CAO SỰ NGHIỆP CÀNG CAO
BIỂN SÂU CHÍ KHÍ TA SOI VÀO CÀNG SÂU
THI ĐUA TA QUYẾT GIẬT CỜ ĐẦU”

(Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
tặng cán bộ, chiến sĩ tại Đại hội liên hoan chiến sĩ thi đua CANDVT lần thứ nhất,
ngày 2 - 3 - 1962)

 

LỜI NÓI ĐẦU


Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, trực tiếp là của Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng; sự chỉ đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng và Tỉnh ủy Cao Bằng về công tác nghiên cứu, tổng kết chiến tranh, biên soạn các công trình lịch sử quân sự và các lực lượng vũ trang; nhân dịp kỷ niệm 50 năm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Biên phòng Việt Nam (3.3.1959 - 3.3.2009), 20 năm Ngày Biên phòng toàn dân, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức biên soạn cuốn “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959 – 2009”.

Trước đây, vào dịp kỷ niệm 35 năm truyền thống của lực lượng (1959 - 1994), Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã xuất bản nội bộ cuốn sử đơn vị do cố đồng chí Lâm Ngọc Thụ - nguyên ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng biên soạn. Do điều kiện tư liệu sưu tầm chưa đầy đủ và do hạn chế về thời gian, nên cuốn sử chưa phản ánh được đầy đủ, phong phú quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng.

Cuốn sử lần này đã có cố gắng lớn trong việc sưu tầm tư liệu, sự kiện để trình bày tương đối toàn diện và phong phú hơn quá trình phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành của lớp lớp cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (trước đây là Công an nhân dân vũ trang) Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Đang ủy Quân sự Trung ương, Đảng đoàn Bộ Công an (trước đây là Bộ Nội vụ), trực tiếp là của Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tỉnh ủy Cao Bằng; được sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; sự đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng của các đơn vị, lực lượng, cơ quan ban ngành trong và ngoài tỉnh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Mong rằng cuốn “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959 – 2009” sẽ góp phần làm sáng tỏ thêm truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng; góp phần thiết thực giáo dục, động viên cán bộ, chiến sĩ trong Đảng bộ, đơn vị Bộ đội Biên phòng Cao Bằng phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống anh hùng của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam.

Quá trình tổ chức, chỉ đạo biên soạn cuốn sử, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã có quyết tâm lớn và được sự chỉ đạo, giúp đỡ tận tỉnh của Đảng ủy Bộ Tư lệnh, của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Khoa học-Công nghệ, sở Thông tin và Truyền thông, Viện Lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng; công an và bộ đội biên phòng một số tỉnh, thành; cùng nhiều cán bộ cách mạng lão thành; cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng qua các thời kỳ trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, viết về một đơn vị vũ trang theo thể loại lịch sử tổ chức quân sự là công việc không dễ dàng. Thêm vào đó, trong hoàn cảnh trải qua các cuộc chiến tranh, qua nhiều thời kỳ sơ tán, điều chuyển quân, di chuyển cơ quan, doanh trại, do điều kiện bảo quản, lưu trữ..., tài liệu liên quan đến lực lượng không tránh khỏi thất lạc, hư hỏng, thậm chí có lúc bắt buộc phải tiêu hủy để bảo toàn bí mật quân sự, bí mật quốc gia. Việc sưu tập tư liệu, sự kiện, tìm hiểu các chứng nhân lịch sử vì thế càng gặp nhiều khó khăn và không thể không tránh khỏi thiếu sót. Cuốn lịch sử có thể còn khiêm khuyết.

Nhân dịp xuất bản cuốn “Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959 – 2009", Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo, các cơ quan ban ngành, các huyện, xã và nhân dân các dân tộc biên giới tỉnh Cao Bằng, các đồng chí đã dành nhiều tâm sức, tình cảm cho việc hoàn thành cuốn sách này.

Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chân thành mong bạn đọc trong ngoài lực lượng, trong ngoài tỉnh nhiệt tình cho ý kiến đóng góp để lần xuất bản sau, cuốn sử được tiếp tục hoàn chỉnh thêm.

ĐẢNG ỦY - BỘ CHỈ HUY
BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG CAO BẰNG


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 27 Tháng Tư, 2023, 06:47:29 pm

CAO BẰNG
VỊ THẾ - CON NGƯỜl - TRUYỀN THỐNG


Cao Bằng là tỉnh biên giới, miền núi thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Nhiều công trình khoa học đã chứng minh Cao Bằng là một miền đất cổ, có lịch sử lâu đời. Cách đây hàng vạn năm, trên miền đất địa đầu này, người cổ đại đã từng sinh sống. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi viết: “Cao Bằng xưa là ngoại địa của bộ Vũ Định, Đông và Bắc giáp Lưỡng Quảng, Tây và Nam giáp Thái Nguyên, Lạng Sơn, có 1 lộ phủ, 4 châu, 273 làng xã. Là phên dậu thứ tư về phía Bắc”1 của đất nước. Nhà Tống bên Trung Quốc cũng từng cho rằng Cao Bằng là “cổ họng của Giao Chỉ”2.

Sách Đại Nam nhất thống chí, cho biết Cao Bằng từ “đời Hùng Vương xưa là bộ Vũ Định, đời Tần thuộc Tượng quận, đời Hán thuộc quận Giao Chỉ. Nước ta từ đời Lý về sau là đất Thái Nguyên. Thời thuộc Minh là đất phủ Lạng Sơn. Đời Lê, năm Thuận Thiên thứ nhất thuộc Bắc Đạo, năm Quang Thuận thứ 7 đặt Thái Nguyên thừa tuyên, gọi là phủ Cao Bình lãnh 4 châu là Thái Nguyên, Lộng Nguyên, Thượng Lang, Hạ Lang, sau đổi châu Thái Nguyên thành châu Thạch Lâm, Lộng Nguyên làm châu Quảng Uyên, đời Quang Hưng (1578 - 1599) sau khi nhà Mạc mất, đồ đảng họ Mạc là bọn Kính Cung, Kính Khoan và Kính Vũ lẩn lút ở Cao Bằng chiếm cứ 4 châu gần 70 năm, năm Vĩnh Trị thứ 2 (1676) quan quân tiến đánh, bọn Kính Vũ chạy sang đất nước Thanh, quan quân bình định 4 châu mới đặt riêng làm trấn Cao Bình, đặt quan cai trị, không lệ vào Thái Nguyên nữa. Lãnh một phủ (phủ Cao Bình) 4 châu đều theo tên cũ, vẫn do thổ ty chia nhau quản trị. (Đời Tây Sơn gọi là Cao Bằng), bản triều đầu đời Gia Long vẫn theo như thế, đặt các chức trấn thủ, hiệp trấn và tham trấn...”3 để cai quản. Dưới châu có các tổng, rồi đến phường, động, trại. Triều vua Minh Mệnh đổi trấn làm tỉnh, Cao Bằng được gọi là tỉnh. Từ năm Tự Đức thứ 4, tỉnh Cao Bằng gồm 1 phủ Trùng Khánh và 5 huyện Thạch Lâm, Thạch An, Quảng Uyên, Thượng Lang, Hạ Lang.

Năm 1888, thực dân Pháp chia Bắc kỳ thành 14 quân khu. Mỗi quân khu có tiểu quân khu và các đồn binh, do một sĩ quan cấp đại tá cai quản. Quân khu Cao Bằng lúc này có Tiểu quân khu Cao Bằng và 9 đồn binh: Cao Bằng, Sóc Giang, Nguyên Bình, Ngân Sơn, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phúc Hoa, Nam Nạng. Năm 1891, Pháp bỏ cấp quân khu và lập ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc 4 đạo quan binh. Cuối năm 1919, Pháp chia Bắc kỳ thành 21 tỉnh, 2 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng) và 4 đạo quan binh. Cao Bằng lúc đó là một tiểu quân khu thuộc Đạo quan binh 2 Lạng Sơn. Sau đó, tiểu quân khu Cao Bằng chuyển thành Đạo quan binh 2 Cao Bằng, chỉ huy sở đặt tại thị xã Cao Bằng và có 3 tiểu quân khu: Cao Bằng, Bảo Lạc, Bắc Kạn.

Cao Bằng hiện có diện tích 6.719,56 km2, nằm ở tọa độ 22°21'21” đến 23°07'12” vĩ Bắc, 105°16,15” đến 106°51'25” kinh Đông. Phía Bắc và Đông, tỉnh Cao Bằng giáp các địa phương cấp thị Bách Sắc, Sùng Tả và các huyện Nà Po, Trịnh Tây, Đại Tân, Long Châu, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Phía Tây giáp 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Phía Nam giáp 2 tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Cao Bằng có đoạn biên giới quốc gia dài 332 km, được thiết kế 468 cột mốc (theo Hiêp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, ký ngày 30.12.1999).

Năm 2007, dân số Cao Bằng có 522.118 người, gồm nhiều dân tộc cùng chung sống. Trong đó, hai tộc người có số lượng đông nhất là người Tày (42,54%), người Nùng (31,81%). Tiếp đến là người Dao (9,47%), người Mông (8,96%), người Kinh (4,5%), người Hoa (0,03%), người Sán Chỉ (1,18%), người Lô Lô (0,33%)... Dân cư trong tỉnh phân bố không đều. Mật độ dân số tập trung đông ở các thị xã, thị trấn, vùng thấp; thưa thớt ở các vùng cao, vùng sát biên giới.

Tỉnh Cao Bằng hiện nay được tổ chức thành 13 đơn vị hành chính, gồm thị xã Cao Bằng và 12 huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hoà, Thạch An, Quảng Uyên, Hoà An, Nguyên Bình. Trong đó, nội địa gồm 3 huyện Nguyên Bình, Hoà An, Quảng Uyên và thị xã Cao Bằng; giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 9 huyện, 46 xã và 3 thị trấn: Tà Lùng, Hoà Thuận và Hùng Quốc.
______________________________________
1. Nguyễn Trãi: Toàn tập: Dư địa chí. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1969, tr.220.
2. Hoàng Xuân Hãn: Lý Thường Kiệt: Lịch sử ngoại giao và tôn giáo của triều Lý. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1966, tr.268.
3. Đại Nam nhất thống chí, tập IV. Quyển XXV. Tỉnh Cao Bằng, mục dưng đặt và diên cách. Nxb Khoa học xã hội. Hà Nội, 1972, tr.402 - 403.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 27 Tháng Tư, 2023, 06:51:05 pm

Địa hình Cao Bằng nhiều núi đá, rừng cây rậm rạp, chiếm gần 90% diện tích toàn tỉnh; nhiều song suối, thung lũng, nhiều đèo dốc hiểm trở, độ chia cắt lớn trên bình diện toàn tỉnh, trở ngại lớn cho hoạt động giao thông vận tải và rất khó khăn cho cả việc điều tra, khảo sát phục vụ hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh cũng như việc thực hiện cơ động lực lượng, phương tiện phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh khi cần.

Độ cao trung bình của tỉnh khoảng 200m. Vùng gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc có độ cao từ 600 đến 1.300m; thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và nghiêng từ Tây sang Đông. Địa hình của Cao Bằng có 3 miền cơ bản: miền núi đá vôi chiếm phần lớn đất đai nửa phía Đông của tỉnh; miền núi cao chủ yếu là vùng đất phía Tây và Nam của tỉnh, gồm các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình và một số xã phía Nam huyện Thạch An; miền núi thấp và thung lũng, chủ yếu là vùng đất xen giữa các dãy núi cao. Các thung lũng ở đây lớn nhỏ phụ thuộc vào khoảng trống giữa các dãy núi. Lớn hơn cả là thung lũng thuộc các huyện Hoà An, Nguyên Bình, Thạch An, các thung lũng Bắc Vọng, Quây Sơn (Trùng Khánh) và Cần Yên (Thông Nông). Trong đó lớn nhất là cánh đồng Hoà An, dài khoảng 30km (từ đầu khu vực Mỏ Sắt thuộc xã Dân Chủ đến hết xã Chu Trinh của huyện Hoà An), với diện tích trồng lúa gần 6.500 ha. Cánh đồng Hoà An là vựa lúa lớn nhất của tỉnh1.

Địa hình Cao Bằng núi non trùng điệp, tạo thành những cụm điểm cao quan trọng về mặt quân sự như: Khau Liêu (Trùng Khánh), Khau Mòn (Hạ Lang), Khau Chỉa (Phục Hoà), Bá Quảng, Khau Khoang (Thạch An), Mã Quỷnh (Thông Nông). Đặc biệt là đèo Mã Phục (Trà Lĩnh) một điểm cao lợi hại có thể khống chế một vùng khá rộng nằm trên trục đường từ thị xã Cao Bằng đi các huyện miền Đông (Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Phục Hoà, Hạ Lang, Trùng Khánh). Ngoài ra còn có những ngọn núi cao như đỉnh Phja Dạ (Bảo Lâm) cao 1.980m, Phja Oắc cao 1.931m, Phja Đén (Nguyên Bình) cao 1.428m...

Cao Bằng có một hệ thống sông, suối khá dày đặc. Các sông, suối ở đây phần lớn bắt nguồn từ Trung Quốc và từ các khe suối của các vùng núi cao ở các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình nên thường có độ dốc lớn và chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, hoặc theo hướng Bắc - Nam. Những sông chính của Cao Bằng gồm có: sông Bằng (thường gọi là Bằng Giang) bắt nguồn từ biên giới Việt - Trung là con sông lớn nhất tỉnh. Phần chảy trong tỉnh Cao Bằng dài khoảng 113km. Sông Gâm bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy trong địa phận tỉnh Cao Bằng 55km. Sông Quây Sơn bắt nguồn từ khu vực biên giới chảy trong địa phận huyện Trùng Khánh 76km. Sông Bắc Vọng bắt nguồn từ biên giới Việt Nam - Trung Quốc chảy vào địa phận huyện Trà Lĩnh và một số huyện trong tỉnh, qua Phục Hoà, rồi chảy sang Trung Quốc. Mùa khô, thượng nguồn các con sông gần như cạn kiệt. Mùa mưa, mực nước ở nhiều sông, suối, hồ dâng lên rất cao, thường gây ra lũ lụt lớn, thiệt hại nhiều cho mùa màng; sạt lở nhiều tuyến đường, gây khó khăn lớn cho các hoạt động giao thông vận tải, đi lại giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh khác.

Dưới thời Pháp thuộc, một số tuyến đường được mở mang nhằm phục vụ cho mục đích nô dịch và khai thác, vơ vét tài nguyên của nước ta. Từ đó, hình thành 3 tuyến đường chính là: Quốc lộ số 4 từ thị xã Cao Bằng đi Lạng Sơn. Quốc lộ 3A từ cửa khẩu Tà Lùng (huyện Phục Hoà) về thị xã Cao Bằng, qua huyện Nguyên Bình sang Bắc Kạn. Quốc lộ 3B từ Khau Đồn, huyện Hoà An, cách thị xã Cao Bằng 8km, rẽ từ quốc lộ 3A qua Nguyên Bình sang huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) và gặp lại quốc lộ 3A tại Nà Phặc. Hiện nay, ngoài 3 tuyến quốc lộ, Cao Bằng còn có các tuyến tỉnh lộ 34, 203, 204, 205, 206, 207 - 208, 210, 211... Ở những vùng địa hình hiểm trở, chất lượng đường sá còn quá thấp kém, nhất là các xã miền núi, vùng sâu vùng xa thuộc các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Thông Nông, Quảng Uyên, Hạ Lang... nhân dân các dân tộc Cao Bằng còn làm các tuyến đường dành cho ngựa thồ, vận chuyển hàng hoá và người đi bộ.

Thời tiết và khí hậu Cao Bằng chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa, nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt. Mùa khô, từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 9. Nhiệt độ trung bình trong mùa khô thường thấp, khoảng 8 - 15°C, có khi thấp dưới 3°C. Về mùa mưa, mưa nhiều từ tháng 5 và có năm kéo dài đến tháng 10. Lượng mưa trung bình từ 200 - 250mm nhưng không đều giữa các vùng và các mùa. Tháng 7 và tháng 8 mưa nhiều hơn nhưng cũng chỉ từ 300 - 350mm; rất hiếm khi đạt mức cao nhất là 800 - 850mm. Mùa mưa ở Cao Bằng cũng là mùa ẩm ướt, nóng nực, oi bức. Độ ẩm thường từ 80 - 90%. Nhiệt độ mùa này khoảng 25 - 27 độ C. Cao điểm có lúc đến 40 - 42 độ C.
________________________________________
1. Trong các năm từ 2001 - 2005, sản lượng lúa của Hoà An thấp nhất thường trên 26.000 tấn (2003, 2004). Năm cao nhất thường trên 27.000 tấn (2001: 27.582 tấn, 2005: 27.057 tấn). Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Cao Bẳng. Nxb Thống kê, Hà Nội, 2006.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 27 Tháng Tư, 2023, 06:55:04 pm

Về kinh tế, Cao Bằng là một tỉnh giàu tiềm năng, sản vật, với nhiều nguồn lợi từ nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công, du lịch, dịch vụ... Mặc dù vậy, cho đến cuối thế kỷ XX, nền kinh tế Cao Bằng chủ yếu là nền kinh tế nông lâm nghiệp và thuần nông lệ thuộc vào thiên nhiên.

Nông nghiệp truyền thống chủ yếu là nghề trồng lúa, gồm lúa nước và lúa nương, ngô, khoai, sắn, các loại đậu đỗ, nhất là đỗ tương. Các loại cây trồng khác có thuốc lá, mía đường, chè san, chè tuyết, chè đắng, lê, mận, đào, cam, quýt, dẻ... Nhân dân Cao Bằng đã sáng tạo, khắc phục nhiều khó khăn đưa năng suất lúa của tỉnh liên tục tăng cao1. Nhìn chung, “nông nghiệp Cao Bằng đã có những bước đi vững chắc đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai và cho một vị trí xứng đáng trong nền kinh tế chung của toàn tỉnh”2.

Trong nông nghiệp, chăn nuôi đóng góp một tỷ trọng đáng kể với đàn gia súc, gia cầm có số lượng lớn và liên tục tăng. Riêng năm 2005, đàn trâu bò của tỉnh có 237. 012 con, lợn có 308.796 con, ngựa có 13.478 con, dê có 16.559 con, gia cầm có 1.967.323 con.

Lâm nghiệp là một thế mạnh của tỉnh, với diện tích rừng và đất rừng có độ che phủ trên 60%. Lâm thổ sản của Cao Bằng có nhiều loại gỗ quý, màu sắc đẹp, có giá trị kinh tế cao như hoàng đàn, du sam, nghiến, dổi, chò... Cây dược liệu trong tỉnh khá phong phú như các loại đỗ trọng, tam thất, sâm nam, hà thủ ô đỏ, kim tiền thảo, ô đầu, hồi... Cây công nghiệp có khá nhiều loại có dầu như trẩu, lai. Động vật, có nhiều loại thú quý hiếm như hổ, báo, hươu, nai, lợn rừng, sơn dương, cầy hương...

Công nghiệp của Cao Bằng từ cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI đang bước vào thời kỳ phát triển. Trong đó, thế mạnh là công nghiệp khai khoáng do tỉnh có nhiều điểm quặng khoáng sản và có những loại quý hiếm như antimon, thiếc, vonfram, uranium, vàng, bạc, sắt, gang, đồng, chì, kẽm, bô xít nhôm, mangan, niken, than...

Tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh có từ lâu đời, biểu hiện nét riêng bản sắc văn hoá các dân tộc, nổi tiếng với nhiều nghề thủ công như dệt, nhuộm vải chàm. Nghề dệt thổ cẩm đẹp có tiếng ở các xã Đào Ngạn, Phù Ngọc (huyện Hà Quảng), thị trấn Nước Hai (huyện Hoà An); nghề rèn ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên; nghề đúc gang, sản xuất lưỡi cày, chảo gang, kiềng đun bếp, hạt gang làm đạn súng kíp ở xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng; nghề trồng mía, làm đường phên ở huyện Phục Hoà; nghề làm giấy bản từ các loại cây dó, vầu, trúc ở xã Trường Hà (huyện Hà Quảng), xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên), xã Yên Lạc (huyện Nguyên Bình). Các nghề đẽo, chạm đá; nghề đan chiếu từ lạt giang, tre, trúc ở nhiều huyện như Thạch An, Phục Hoà, Quảng Uyên, Trùng Khánh; nghề làm đồ gốm ở Hoà An...

Thiên nhiên còn tạo cho Cao Bằng có nhiều danh lam, thắng cảnh như động Ngườm Ngao, thác Bản Giốc (xã Đàm Thuỷ, Trùng Khánh), hồ Thăng Hen (xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh)...

Lịch sử cũng để lại những khu di tích lịch sử nổi tiếng như Pác Bó (xã Trường Hà, Hà Quảng), nơi Bác Hồ về nước ngày 28.1.1941, đặt đại bản doanh cách mạng để chỉ đạo phong trào chống Pháp - Nhật trong cả nước; khu rừng Trần Hưng Đạo (huyện Nguyên Bình) nơi khai sinh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay; vùng núi Lam Sơn (xã Hồng Việt, Hoà An), căn cứ địa của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng trước năm 1945; Đông Khê (Thạch An) nơi diễn ra chiến dịch biên giới năm 1950, mở đầu cho các chiến thắng lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp...

Thị trấn Tà Lùng (huyện Phục Hòa) là thị trấn biên giới có cửa khẩu Tà Lùng đối diện với thị trấn Thủy Khẩu (huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Hai nước Việt Nam - Trung Quốc thông thương nhau qua cầu Tà Lùng, chiếc cầu nằm ở điểm cuối của Quốc lộ 3 bắc qua sông Bắc Vọng. Tà Lùng thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Tà Lùng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng phụ trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia với đoạn biên giới dài 15,4 km chạy trên sông Bắc Vọng. Ngày 5.3.1952, tại trận địa phòng không gần cầu Tà Lùng, Đại đội pháo cao xạ 612 bắn rơi một máy bay của quân Pháp. Đó là chiếc máy bay của giặc Pháp đầu tiên bị pháo cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam bắn rơi.

Là một tỉnh biên giới giữ vị trí phên dậu của quốc gia, việc quản lý, bảo vệ biên giới ở Cao Bằng luôn được mọi triều đại và các thế hệ quan tâm và là công việc tất yếu hằng xuyên của đất nước. Do vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt nên hàng ngàn năm qua vùng đất Cao Bằng đã từng nhiều lần bị các tập đoàn phong kiến phương Bắc xâm chiếm. Sử sách còn ghi rõ, nhân dân Cao Bằng đã sát cánh cùng các địa phương trong nước làm nên thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, lật đổ ách thống trị nhà Đông Hán vào năm 40 - 43, đầu thế kỷ I. Ngày nay, nhân dân Tày, Nùng ở Việt Bắc, nhân dân Choang ở Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc) còn giữ nhiều kỷ niệm và truyền thuyết về tổ tiên xưa tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng”3.
______________________________________
1. Từ năm 1993 - 2005, sản lượng lúa tăng từ 29,5 lên 36,64 tạ/ha. - Nguồn: Niên giám thống kê Cao Bằng 2005.
2. Địa chí Cao Bằng. Nxb Chính trị Quốc gia
3. Ủy ban Khoa học xã hội: Lịch sử Việt Nam. Tập I. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.82.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 30 Tháng Tư, 2023, 03:41:06 pm

Sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập. Ngay từ đầu, các triều Tiền Lê (980 - 1009), Lý (1010 - 1225) đã đặc biệt quan tâm và “cẩn thận về biên phòng”1. Nhà Lý vừa thực hiện các biện pháp nhằm ổn định vùng biên cương phía Nam, vừa tổ chức, thu phục lực lượng vũ trang tại chỗ (gọi là thổ binh), giao cho tri châu hoặc châu mục kiêm quản ở các châu, trại biên giới phía Bắc. Các tri châu và châu mục là những thổ tù địa phương được triều đình giao cho việc cai quản cư dân vùng biên và chỉ huy thổ binh khi có biên sự để giữ gìn an ninh, bảo vệ đất đai, dân cư thuộc địa hạt từng châu, trại; cùng triều đình giữ yên bờ cõi. Nhờ đó, cương giới phương Bắc và phía Nam của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc.

Từ sau cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao2, các dân tộc trên địa bàn Cao Bằng ngày càng đoàn kết, gắn bó chặt chẽ, cùng các dân tộc anh em khác trong quốc gia Đại Việt tăng cường các hoạt động củng cố chính quyền tự chủ, kiên quyết đấu tranh chống lại mưu đồ bành chướng của các vương triều phong kiến phương Bắc, giữ gìn an ninh và bảo vệ toàn vẹn cương vực, lãnh thổ của đất nước.

Đầu năm 1075, nhà Tống cho quân tấn công vào châu Quảng Nguyên, vùng đất có tiếng nhiều vàng của Cao Bằng. Tại đây, cùng với quân đội triều đình, 5.000 dân binh Cao Bằng do lực lượng thổ binh làm nòng cốt và tướng Lưu Kỷ - một tướng tài của châu Quảng Nguyên - chỉ huy đã chặn đánh địch. Cùng với Lưu Kỷ, các thủ lĩnh Nông Trí Xuân, Hoàng Lục... cùng chỉ huy quân từ các khe, động, trại đánh địch. Trong các trận đánh quân Tống xâm lược, Hoàng Lục chỉ huy mưu trí, hiệu quả, làm kẻ thù nhiều phen khiếp sợ, được triều Lý phong danh hiệu “An biên tướng quân”.

Trước dã tâm xâm lược bờ cõi Đại Việt của nhà Tống ngày càng lộ rõ, tháng 10.10753, nhà Lý quyết định huy động 10 vạn thuỷ binh và bộ binh (trong đó có nhiều thổ binh người Cao Bằng) giáng đòn phủ đầu vào đất Tống để chủ động đập tan mưu đồ xâm lược của chúng. Ba mục tiêu nhà Lý lựa chọn tấn công là Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu.

Cuối năm 1076 đầu năm 1077, lực lượng chủ yếu của quân Tống vượt biên giới tiến vào Đại Việt và bị chặn đánh ở nhiều nơi. Trong đó có đội quân do Hoàng Lục, người xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh chỉ huy chặn đánh quyết liệt trên đường quân Tống tiến quân. Cuộc chiến kéo dài. Quân Tống ngày càng gặp nhiều khó khăn và lún sâu vào thế bị sa lầy.

Để gỡ thể diện cho “đại quốc” và cốt để yên dân, nhà Lý chủ động xin giảng hoà, đồng thời đưa ra “điều kiện” nếu quân Tống rút về nước thì Đại Việt sẽ sai sứ sang nộp và “cắt đất” cho nhà Tống. Vua Tống đã lệnh bãi binh vào tháng 2.1077. Đại Việt báo cắt cho nhà Tống 5 châu, huyện gồm: Quảng Nguyên, Tư Lang, Môn, Tô Mậu và huyện Quang Lang. Nhưng khi quân Tống rút về nước, quân dân ta đã lập lại chủ quyền ở 4 châu, huyện. Riêng châu Quảng Nguyên, vẫn bị quân Tống chiếm giữ. Cuối cùng, do nhà Lý kiên trì và khéo léo đấu tranh ngoại giao, nhà Tống phải trả lại ta vùng đất Quảng Nguyên. Đại Việt bảo toàn được lãnh thổ và bước vào thời kỳ hưng thịnh dưới Lý. Vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) từng tâm đắc: “bốn biển yên lành, biên thuỳ ít biến”.

Dưới triều đại Trần, nhân dân Đại Việt trong đó có nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã 3 lần kháng chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược và cả 3 lần đều thắng lợi (1258, 1285, 1287 - 1288). Ở mặt trận Cao Bằng, thủ lĩnh châu Thượng Lang là Hoàng Thắng Hứa đã chỉ huy thổ binh ra sức chiến đấu, tiêu hao sinh lực, ngăn chặn và kìm chân địch ngay tại biên giới.
__________________________________________
1. Phan Huy Chú; Lịch triều hiến chương loại chí. Tập I. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992, tr.192.
2. Nhân dân địa phương rất kính mộ Nùng Trí Cao. Ông được coi là anh hùng dân tộc họ Nùng và được lập đền thờ ở núi Kỳ Sầm (xã Vĩnh Quang, huyện Hoà An). Tại đây có một bài thơ ca ngợi ông. Năm 1941, lãnh tụ Hồ Chí Minh đến thăm đền đã bình luận bài thơ trên, (xem Minh triết Hồ Chí Minh. Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội. 1999).
3. Theo Việt sử thông giám cương mục, các cuộc tấn công này bắt đầu vào tháng 10.1075. Công trình này có tham khảo các sử liệu Trung Quốc và được nhiều nhà sử học Việt Nam thống nhất, cho rằng có tính thuyết phục. Trong khi đó, Việt sử lược cho rằng sự kiện này xảy ra cuối năm 1074, còn Đại Việt sử ký toàn thư chép chung chung là vào nửa đầu năm 1075.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 30 Tháng Tư, 2023, 03:42:05 pm

Năm 1407, nước ta rơi vào ách đô hộ của chính quyền phong kiến phương Bắc. Vùng đất Cao Bằng bị quân Minh chiếm đóng và cai trị. Không chịu khuất phục ách đô hộ ngoại bang, dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh người dân tộc Tày Bế Khắc Thiệu, Nông Đắc Thái, đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng đã cùng nhau đắp luỹ, xây thành, dựng cờ khởi nghĩa, dũng cảm, kiên trì chiến đấu diệt hàng ngàn tên giặc, buộc chúng phải rút khỏi Cao Bằng. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng đã góp phần cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đi đến thắng lợi hoàn toàn, lập ra triều Lê sơ. Để bảo vệ chủ quyền của đất nước, nhà Lê đã thành lập tại Quảng Nguyên hai cửa ải để kiểm soát sự đi lại và thu thuế, đó là cửa ải Nà Thắm1 (còn gọi là Quả Thoát) và cửa ải Nà Thống.

Cuộc nội chiến giữa các phe phái phong kiến Nam triều - Bắc triều diễn ra ác liệt trong nửa cuối thế kỷ XVI và địa thế hiểm trở của Cao Bằng đã giúp nhà Mạc lập căn cứ cho đến những năm 70 của thế kỷ XVII (1677).

Sau thời nhà Mạc, triều đình Lê - Trịnh củng cố và chấn chỉnh ngay vùng đất chiến lược Cao Bằng, “Bức phên dậu phương Bắc của Đại Việt”.

Nhà Tây Sơn (1771 - 1801) đã đánh đổ chế độ thống trị của hai dòng họ Trịnh, Nguyễn, thống nhất đất nước, đồng thời tiến hành cuộc kháng chiến chống quân Xiêm xâm lược ở phía Nam và Mãn Thanh ở phía Bắc thắng lợi, giữ yên biên thuỳ.

Đến triều Nguyễn, công việc biên phòng được triều đình trung ương và chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm, tổ chức hoạt động khá chặt chẽ. Trên các miền biên giới, hệ thống đồn ải đã được thiết lập và hoạt động quy củ. Dọc các trục đường qua lại biên giới và đi lại trong tỉnh đều thiết lập các cửa tuần vừa để thu thuế, quản lý sản vật, tài nguyên quốc gia, vừa hỗ trợ kiểm soát việc đi lại, phòng kẻ gian lọt qua biên giới vào sâu nội địa. Bấy giờ, tỉnh Cao Bằng có 9 đồn canh phòng biên giới. Đó là các đồn Na Thông, Trung Thảng, Cổ Lân, Bắc Khê, Gia Bằng, Gồ Lĩnh, Phù Tang, Na Lạn và Bí Hà. Cùng với 9 đồn là 13 ải tuần: Thông Nông, Trường Hà, Sóc Giang, Đồ Linh, Bắc Niêm, Na Lạn (huyện Thạch Lâm); Quả Thoát, Na Thông (huyện Quảng Uyên); Cố Chu, Nga Ổ (huyện Thượng Lang); Bối Tinh, Đông Long, Bí Hà (huyện Hạ Lang).

Suốt 3 thế kỷ nội chiến, cát cứ giữa các thế lực, phe phái phong kiến, đã làm đời sống nhân dân càng thêm cực khổ, làm yếu thế nước, đất nước ta đứng trước hiểm hoạ xâm lược của phương Tây. Ngày 01.9.1858, thực dân Pháp nổ súng mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và phải 28 năm sau (tháng 10.1886) chúng mới đặt chân lên Cao Bằng. Cùng với việc thực hiện chính sách khai thác và thống trị, nhằm thực hiện âm mưu biến nước ta thành thuộc địa lâu dài, thực dân Pháp đã xúc tiến điều đình với triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc) về đường biên giới trên đất liền và trên biển. Ngày 9.6.1885, toàn quyền Pháp ở Đông Dương nhân danh Việt Nam đã ký với triều đình Mãn Thanh hiệp ước lập quan hệ hữu nghị và quan hệ thương mại giữa hai nước. Trong điều 3 của Hiệp ước đề cập đến việc khảo sát và cắm mốc biên giới, đó là cơ sở mở đầu cho quá trình hình thành đường biên giới Việt - Trung sau này.

Ngày 26.6.1887 và 20.6.1895, Pháp và triều đình Mãn Thanh lại ký tiếp hai Công ước về hoạch định biên giới Việt - Trung. Theo các văn kiện đã được ký kết giữa Pháp và triều đình Mãn Thanh thì đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc có chiều dài 1.463km với hệ thống 341 cột mốc. Trên phần đất Cao Bằng giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) có đường biên dài 311km với 161 cột mốc (trong đó có 117 cột mốc chính và 44 cột mốc phụ), từ cột mốc chính số 20 thuộc địa phận xã Đức Long (châu Thạch An) đến cột mốc phụ số 137 thuộc địa phận xã Đức Hạnh (châu Bảo Lạc)2. Như vậy Cao Bằng có một dải đường biên dài và số mốc giới nhiều nhất chung với Trung Quốc của 6 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam.

Do địa hình vùng biên giới giữa Cao Bằng - Quảng Tây núi sông hiểm trở, việc hoạch định cắm mốc đã phải kéo dài trong nhiều năm. Lợi dụng việc thực dân Pháp không thông hiểu thực địa, nhà Mãn Thanh đã tranh thủ lấn chiếm nhiều vùng đất của Cao Bằng. Chúng đơn phương tuyên bố nhiều vùng đất như tổng Điền Lang3 và các thôn Lý Vạn, Bản Khoòng4, Lũng Đa5 vốn là đất Trung Quốc cầm cố cho Việt Nam. Số tiền cầm cố đã hoàn trả, nên các vùng đất đó đã thuộc về Trung Quốc. Trong cuộc đàm phán ngày 13.3.1894 giữa Pháp và Mãn Thanh đã đi đến thoả thuận: triều đình Mãn Thanh trả lại các thôn Lý Vạn, Bản Khoòng, Lũng Đa. Pháp phải cắt tổng Điền Lang cho triều đình Mãn Thanh có diện tích rộng 250km2 với hàng ngàn hécta đất màu mỡ nhất châu Hạ Lang, hàng ngàn người dân Nùng, Tày phải chịu cảnh chia ly về bên Trung Quốc.

Việc phân giới cắm mốc trên thực địa biên giới theo công ước Pháp - Thanh diễn ra không đúng vị trí như hoạch định. Nhiều nơi đường biên giới đã lấn sâu vào đất Cao Bằng. Một số đoạn biên giới không thể hiện được biên giới truyền thống từ lâu đời giữa hai nước, để lại nhiều hậu quả phức tạp. Mặc dù vậy, đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã đảm bảo yếu tố pháp lý quốc tế. Cả hai quốc gia phải cùng nhau tôn trọng, giữ gìn để xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị.
______________________________________
1. Nay thuộc xã Mỹ Hưng, huyện Phục Hoà.
2. Xã Đức Hạnh nay thuộc huyện Bảo Lâm.
3. Trước kia là một tổng thuộc châu Hạ Lang, nay thuộc huyện Đại Tân, Quảng Tây, Trung Quốc.
4. Lý Vạn, Bản Khoòng thuộc xã Lý Quốc, Hạ Lang.
5. Lũng Đa thuộc xã Minh Long, huyện Hạ Lang.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 30 Tháng Tư, 2023, 03:44:06 pm

Cùng với việc hoạch định biên giới, ở Cao Bằng lần lượt ra đời các cửa khẩu qua lại biên giới. Dưới thời Pháp thuộc, Cao Bằng có 8 cửa khẩu: Nà Lạn, châu Thạch An (nay vẫn gọi là Nà Lạn); Tà Lùng, châu Phục Hoà (nay cũng gọi là Tà Lùng); Bí Hà, châu Hạ Lang (nay gọi là cửa khẩu Hạ Lang); Lý Vạn, châu Hạ Lang (nay gọi là Lý Quốc); Pò Peo, phủ Trùng Khánh (nay gọi là Ngọc Khê); Phai Can, châu Trà Lĩnh (nay gọi là Hùng Quốc); Sóc Giang, châu Hà Quảng (nay vẫn gọi là Sóc Giang).

Nhân dân các dân tộc Cao Bằng cũng như nhân dân cả nước không ngừng chiến đấu chống ách đô hộ của thực dân Pháp, tiêu biểu là các cuộc nổi dậy của nhân dân dưới sự lãnh đạo của các hào trưởng Triệu Phúc Sinh1, Pa Deng2 (người Mông), Phù Nhị3 (người Dao). Nhưng do nhiều yếu tố hạn chế, phong trào chống Pháp ở Cao Bằng cùng “phong trào Cần Vương thất bại, đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ đấu tranh chống Pháp trong khuôn khổ hệ tư tưởng phong kiến. Sau khi đoạn tuyệt với con đường đó, những người yêu nước Việt Nam hướng ra nước ngoài, tìm đến những con đường mới để mong được giải phóng”4.

Trong hoàn cảnh đó, năm 1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau hơn 13 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đã từ châu Âu về Quảng Đông (Trung Quốc) để tiếp cận và chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tại đây, năm 1925, Người lập ra tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra báo Thanh niên và mở các lớp huấn luyện, đào tạo hàng trăm cán bộ đưa về nước hoạt động.

Năm 1925, với vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tại Cao Bằng đã xuất hiện các tổ chức yêu nước như Hội đánh Tây, Hội Thanh niên phản đế, thu hút nhiều người yêu nước tham gia. “Trong số đó nổi lên và có ảnh hưởng to lớn là đồng chí Hoàng Đình Giong5, một thanh niên dân tộc Tày, có lòng yêu nước nồng nàn và sớm giác ngộ cách mạng”. Hội đánh Tây tiếp tục phát triển rộng ở các châu Hoà An, Hà Quảng, Quảng Uyên... rồi lan ra nhiều nơi khác trong tỉnh.

Năm 1928, đồng chí Hoàng Đình Giong và đồng chí Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trên đất Trung Quốc. Cuối năm 1928, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên kết nạp đồng chí Hoàng Văn Nọn (tức Hoàng Như). Năm 1929, Hội kết nạp thêm đồng chí Lê Mới (tức Nam Cao). Tháng 12.1929, với sự chỉ đạo trực tiếp của bộ phận Đông Dương Cộng sản Đảng ở hải ngoại, các đồng chí Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn được kết nạp vào Đảng và thành lập chi bộ Đảng ở Long Châu (Trung Quốc), đồng chí Hoàng Đình Giong làm Bí thư.

Ngàv 3.2.1930. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và tháng 10.1930, đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm đáp ứng yêu cầu lãnh đạo cách mạng của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ngày 1.4.1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại tỉnh Cao Bằng được thành lập tại khe suối Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hoà An. Ngay từ khi ra đời, chi bộ đã làm nhiệm vụ như một Ban Tỉnh uỷ lâm thời, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh. Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Cao Bằng từ đây chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.
_______________________________________

1. Triệu Phúc Sinh quê ở Đào Ngạn, đã tổ chức nhân dân các dân tộc vùng Hà Quảng, Trà Lĩnh, Hoà An chống Pháp (1886).
2. Pa Deng, nữ thanh niên người Mông (Thông Nông), đã tổ chức được một số người Mông yêu nước chống Pháp, tiêu biểu là trận phục kích đánh Pháp ở đèo Mã Quỷnh (đường đi Thông Nông) gây cho thực dân Pháp nhiều thiệt hại (1889).
3. Phù Nhị, dân tộc Dao (Nguyên Bình) đã tập hợp một số người Dao yêu nước tập kích đánh Pháp ở thị trấn Nguyên Bình (1905).
4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (tóm tắt). Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr.13
5. Đồng chí Hoàng Đình Giong (1940 - 1947) tức đồng chí Hoàng Nam Bình, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá I, Chính uỷ Quân giải phóng Nam Bộ, Tư lệnh Khu 9, Khu 6.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Năm, 2023, 08:54:37 am

CHƯƠNG I

QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG CAO BẰNG. HOẠT ĐỘNG, XÂY DỤNG, CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG, NỘI ĐỊA Ở MIỀN ĐẤT CỬA NGÕ VIỆT BẮC
(1959-1964)


I. TỪ CÁC ĐƠN VỊ TIỀN THÂN ĐẾN THÀNH LẬP KHU CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG VIỆT BẮC VÀ CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG CAO BẰNG

Ngay từ khi mới ra đời, ngày 1.4.1930, chi bộ Đảng đầu tiên ở Cao Bằng làm nhiệm vụ như Tỉnh uỷ lâm thời đã quán triệt sâu sắc tư tưởng bạo lực cách mạng của một đảng mácxít, sớm quan tâm xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang cách mạng để bảo vệ và hỗ trợ phong trào cách mạng của quần chúng. Vì vậy, các tổ chức như “Công hội đỏ”, “Nông hội đỏ”, “Thanh niên cộng sản đoàn”, “Hội phòng phỉ”, “Hội đánh Tây”... đã sớm hình thành và đi vào hoạt động. Các tổ chức này có chung nhiệm vụ: tuyên truyền, vận động, tập hợp và từng bước tập dượt, huy động quần chúng trên trận tuyến đấu tranh cách mạng. Phong trào đấu tranh bùng lên mạnh mẽ ở nhiều nơi trong tỉnh, tiêu biểu như phong trào ở khu mỏ Tĩnh Túc, phong trào ở các huyện Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình... Từ trong phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng những năm 1930 - 1935 và 1936 - 1939, các đội võ trang tuyên truyền đã manh nha hình thành và lần đầu tiên xuất hiện tại huyện Hà Quảng.

Để đối phó với phong trào cách mạng ngày càng lên cao của Cao Bằng, từ giữa năm 1940, địch tập trung lực lượng đàn áp, khủng bố ngày càng ác liệt. Nhiều cơ sở Đảng bị đánh phá. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Tỉnh uỷ và các châu uỷ Hà Quảng, Hoà An bị bắt; phong trào cách mạng lâm vào tình thế khó khăn.

Trước hoàn cảnh đó, Đảng bộ Cao Bằng đề xuất và được Trung ương chấp thuận bố trí cho 40 cán bộ, đảng viên của Đảng bộ vượt biên giới ra nước ngoài để tiếp tục hoạt động và có điều kiện học tập nâng cao kiến thức, trước hết là kiến thức quân sự.

Tình hình trên diễn ra đúng vào thời điểm đồng chí Nguyễn Ái Quốc về đến Quế Lâm (Trung Quốc) để tiện chỉ đạo cách mạng trong nước. Tại đây, sau khi nghiên cứu, đánh giá tình hình, trực tiếp là phong trào cách mạng ở Cao Bằng, Người quyết định chọn Cao Bằng làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên và chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối được phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”1.

Đầu tháng giêng năm 1941, Người lên đường về nước cùng một số cán bộ Trung ương Đảng và 40 cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Cao Bằng đã sang Trung Quốc trước đó. Ngày 28.01.1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Nặm Quang (Trịnh Tây, Trung Quốc), qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, về nước sau 30 năm xa cách. Thôn Pác Bó, xã Trường Hà, châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là nơi đầu tiên của Tổ quốc đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người cũng đã chọn nơi này để đặt cơ quan chỉ đạo phong trào cách mạng chung của cả nước. Trụ sở được đặt ở hang Cốc Bó.

Tại Pác Bó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc ở ba châu (Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình). 40 cán bộ hoạt động ở nước ngoài của Cao Bằng về nước được đồng chí Nguyễn Ái Quốc xác định là cán bộ nòng cốt vừa giữ vai trò là cán bộ chính trị, vừa là cán bộ quân sự của phong trào cách mạng ở đây. Phong trào cách mạng của Cao Bằng được tăng thêm sức mạnh, các đoàn thể cứu quốc, đội tự vệ phát triển nhanh chóng. Đến khoảng cuối tháng 3.1941, ở các châu thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh đã có số hội viên lên tới 2.000 người, với đầy đủ các giai tầng nhân dân và thành phần lứa tuổi tham gia, nhất là con em các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông...

Các đội tự vệ phát triển nhanh chóng về mọi mặt. Mặc dù mới thành lập, trang bị vũ khí còn thiếu và thô sơ; nhưng đã sớm triển khai hoạt động, chiến đấu bảo vệ các cơ quan đầu não của cách mạng, các cơ sở đảng và phong trào đấu tranh của quần chúng. Đặc biệt, đội tự vệ đã bảo vệ thành công Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (từ ngày 10 đến 19.5.1941), tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó, châu Hà Quảng).

Từ tình hình thực tế và nhu cầu chung của phong trào cách mạng, tháng 9.1941, Xứ uỷ Bắc Kỳ ra nghị quyết về công tác giữ bí mật và thành lập đội tự vệ. Xứ uỷ giao nhiệm vụ cho các cấp uỷ Đảng:

- “Phải thành lập những đội tự vệ cứng rắn để bảo vệ cơ quan, ủng hộ quần chúng đấu tranh và hơn nữa để đánh tháo cho những người bị bắt.

- Phải quân sự hoá cách sinh hoạt, nơi ăn, chốn ở phải ngăn nắp, quần áo, tài liệu để cho thứ tự, sẵn sàng lẩn trốn một khi đế quốc tới vây.

- Người nơi này qua nơi khác phải có khẩu lệnh giới thiệu, các cơ quan phải tổ chức như một, không được đi lại bừa bãi dễ lộ; phải cắt tự vệ canh gác cơ quan, tự vệ cho các đồng chí quan trọng đi đường, các cấp bộ, các đồng chí phải kiểm tra lẫn nhau đề phòng nội gián”2.
________________________________________
1. Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra. Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.33.
2. Văn kiện Đảng 1939 - 1945. Nxb Sự thật, Hà Nội. 1963, tr 264 - 265.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Năm, 2023, 08:55:37 am

Chấp hành nghị quyết của Xứ uỷ, các đội tự vệ của Cao Bằng phát triển rất nhanh chóng và tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, bảo vệ cán bộ và cơ sở cách mạng, chống lại các hoạt động do thám, dò la tin tức của địch, chiến đấu, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Đây là các tổ chức tiền thân của lực lượng vũ trang Cao Bằng.

Việc phát triển các lực lượng vũ trang cách mạng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện để lực lượng này ngày càng phát triển. Từ tháng 4.1941 đến tháng 10.1944, Người cùng Tỉnh uỷ Cao Bằng đã chọn cử cán bộ và các hội viên cứu quốc tích cực đi học quân sự dài hạn ở nước ngoài, được 68 người.

Tháng 10.1941, theo chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Tỉnh uỷ Cao Bằng thành lập đội du kích Pác Bó - đội du kích tập trung đầu tiên của tỉnh với quân số 12 đồng chí. Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, làm giao thông liên lạc đặc biệt, võ trang tuyên truyền trong quần chúng, huấn luyện cho các đội tự vệ trong tỉnh.

Để có nội dung giảng dạy, học tập, mở các lớp huấn luyện cho tự vệ, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp dành nhiều công sức biên soạn nhiều tài liệu. Nhờ đó, các lớp huấn luyện cán bộ quân sự tập trung (còn gọi là lớp quân chính) đã liên tiếp được tổ chức. Tháng 2.1942, lớp quân chính khoá I mở tại Khuổi Nặm, Pác Bó (xã Trường Hà, châu Hà Quảng), đào tạo khoảng 40 cán bộ huấn luyện tự vệ cho các châu, các cơ quan trong tỉnh. Đầu năm 1943, lớp quân chính khoá II mở tại U Mả (xã Dân Chủ, châu Hoà An), đào tạo khoảng 100 cán bộ quân chính. Cuối năm 1943, lớp quân chính khoá III mở tại tổng Kim Mã (châu Nguyên Bình), với 30 học viên. Cuối năm 1944, lớp quân chính khoá IV mở tại Tôm Đeng (châu Hà Quảng), có khoảng 30 cán bộ quân sự của liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng tham gia học tập...

Đồng thời, để có nguồn nhân lực cán bộ, chiến sỹ đáp ứng nhu cầu cho các hướng công tác “Đông tiến”, “Tây tiến”, “Nam tiến”, nhằm phát triển phong trào cách mạng sang các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ tại châu Nguyên Bình. Mỗi lớp có khoảng 100 học viên. Nhờ đó, từ cuối năm 1942 đến đầu năm 1943, Cao Bằng đã xây dựng được 19 đội xung kích “Nam tiến”.

Từ năm 1942, phong trào Việt Minh phát triển mạnh mẽ, các hoạt động luyện tập tự vệ ngày càng rầm rộ trong phạm vi toàn tỉnh. Hầu như địa phương nào cũng có những đội tự vệ thường và tự vệ chiến đấu. Năm 1942, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chỉ thị phân tán Đội tự vệ Pác Bó, đưa lực lượng của đội về huấn luyện tự vệ cho các xã, tổng, châu trong tỉnh. Lực lượng và quy mô tổ chức tự vệ trong toàn tỉnh nhờ đó mà phát triển nhanh chóng. Các châu Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Thạch An, Chợ Rã sau khi thành lập Mặt trận Việt Minh đều thành lập được các đội tự vệ có đến trên 1.000 người và tổ chức được 15 đội tự vệ chiến đấu. Đặc biệt ở xã Hồng Việt (châu Hoà An) đã thành lập được một trung đội tự vệ nữ. Trong năm 1943, các châu uỷ Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình đã tổ chức các cuộc diễn tập huy động tới 1.000 tự vệ thường và tự vệ chiến đấu tham gia. Tháng 6.1943, tại Lam Sơn (châu Hoà An), Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng triệu tập giáo viên tự vệ toàn tỉnh, nhằm thống nhất nâng cao chất lượng chương trình huấn luyện.

Cuối năm 1943, tại Ngườm Slưa, xã Hoàng Tung (châu Hoà An), Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng tổ chức hội nghị bàn các biện pháp chống địch khủng bố, các hình thức hoạt động vũ trang tự vệ, thành lập các trung đội vũ trang thoát ly và các “Ban xung phong chống khủng bố”. Về công tác chống địch khủng bố, đảm bảo an ninh cho phong trào cách mạng, Hội nghị chỉ rõ:

- Các cấp từ xã đến tỉnh phải thành lập Ban xung phong chống khủng bố

- Tất cả các hội viên trung kiên, những đồng chí hoạt động tích cực nếu đã bị lộ thì phải rút vào cơ quan bí mật, tổ chức chặt chẽ các việc giao thông liên lạc và tăng cường lực lượng, cất giấu lương thực vào kho bí mật

- Hết sức giữ bí mật, đi lại không được để vết tích gì, không đi hài sảo

- Tích cực chống khủng bố, tiêu diệt phản động đầu sỏ dẫn đường cho địch, tổ chức các đội “Hộ lương diệt ác” từ 5 đến 7 người có vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan bí mật.

Theo định hướng của các hội nghị liên Tỉnh uỷ, từ đầu năm 1944, các trung đội, tiểu đội vũ trang thoát ly, các “Ban xung phong chống khủng bố” đã nhanh chóng ra đời và đi vào hoạt động ở nhiều châu, tổng, xã trong tỉnh. Đó là các trung đội vũ trang thoát ly ở châu Hà Quảng (gồm 50 người), ở châu Hoà An, trong vùng đồng bào Mông ở khu Thiện Thuật; các tiểu đội vũ trang thoát ly ở các xã Thượng An, Bằng Vân, Vân Tùng, Thượng Quan (châu Ngân Sơn); Minh Tâm, Tam Kim, Hoa Thám, Hưng Đạo (châu Nguyên Bình)... Các đơn vị tự vệ sau khi được thành lập đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ cơ sở cách mạng, bảo vệ tài sản của nhân dân; tổ chức các trận phục kích đánh các toán địch đi càn quét, khủng bố; diệt trừ những tên tay sai phản động có nợ máu với nhân dân.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Năm, 2023, 08:58:33 am

Trước phong trào đấu tranh của nhân dân ngày một dâng cao, từ đầu năm 1944, thực dân Pháp điên cuồng khủng bố, đánh phá nhiều cơ sở cách mạng; bắt bớ, giết hại nhiều cán bộ, đảng viên, và dân thường. Chúng tăng cường đóng thêm nhiều đồn, nhằm không chế các tuyến đường giao thông liên lạc, hòng cô lập nhiều vùng căn cứ cách mạng. “Tại châu Hà Quảng, địch xây thêm các đồn Tổng Cọt, Bản Giới, Bó Khuy, Nà Giàng, Co Phầy, Đôn Chương. Ở Hoà An, xây thêm đồn Nà Luông, Nà Vài, Háng Hoá, Nà Ngần, Ben Le, Trương Lương, Hào Lịch; đặc biệt là đồn bốt vây quanh khu Lam Sơn. Ở Nguyên Bình, chúng xây thêm các đồn Phai Khắt, Nà Bao. Chúng còn huy động mật thám, cảnh sát từ Hà Nội lên Cao Bằng, bao vây, giăng lưới nhằm truy bắt cán bộ chủ chốt, phá tan căn cứ cách mạng...”1.

Trước tình hình đó. ngày 13.8.1944, liên Tỉnh Cao - Bắc - Lạng đã tổ chức hội nghị tại Lũng Sa bàn chủ trương phát động khởi nghĩa vũ trang trong phạm vi ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn. Khi Liên Tỉnh uỷ báo cáo tình hình và xin ý kiến, lãnh tụ Hồ Chí Minh2 đã phân tích tình hình cụ thể của ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng và chỉ rõ: “Phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì địch sẽ tập trung đối phó. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị trọng hơn quân sự, phải tìm ra hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên. Nếu phát động đấu tranh mà mỗi khi địch đến nhân dân lại phải tản cư vào rừng thì gặp rất nhiều khó khăn. Phải làm sao cứ hoạt động vũ trang mà nhân dân ở đâu cứ ở đấy sản xuất, chỉ cần tăng cường canh gác đề phòng không để địch bắt hại những người hoạt động”3. Người chủ trương thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, vũ trang toàn dân. Trong quá trình thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh xác định tầm quan trọng của công tác tổ chức, tuyên truyền và coi chính trị quan trọng hơn quân sự nên chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể từ việc lựa chọn đội viên, cán bộ chỉ huy, trang bị vũ khí, chỉ rõ những phương pháp, nguyên tắc, biện pháp cần tuân thủ khi thành lập đội. Khi giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Người dặn “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân, thì kẻ địch không sao tiêu diệt được. Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo... Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sỹ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội”.

Ngày 22.12.1944, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp cnỉ huy. Đây là đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chấp hành chỉ thị của Trung ương và lãnh tụ Hồ Chí Minh “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã lập chiến công vang dội. Ngày 25 và 26.12.1944, Đội đã diệt hai mục tiêu quân sự của thực dân Pháp là đồn Phai Khắt (xã Tam Kim, châu Nguyên Bình) và đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám, châu Nguyên Bình) cùng hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời đã làm xuất hiện tại Cao Bằng ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực; các đội vũ trang tập trung của tỉnh và của các châu; các đội tự vệ (tự vệ thường và tự vệ chiến đấu) và du kích ở các xã. Từ đây, phong trào cách mạng ở Cao Bằng cũng như cả nước bước vào một giai đoạn mới của cuộc đấu tranh vũ trang tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
_______________________________________
1. Cao Bằng - Lịch sử đấu tranh cách mạng 1930 - 1954. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng, xuất bản 1990, tr.50.
2. Tháng 8.1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh, sang Trung Quốc để liên lạc với quốc tế. Đồng chí bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam hơn một năm, đến tháng 10.1944, về lại Pác Bó.
3. Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964, tr.141, 145.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Năm, 2023, 09:00:52 am

Cuối năm 1944 đầu năm 1945, liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng quyết định tăng cường hơn nữa sức mạnh của lực lượng vũ trang ở ba tỉnh. Các đội tự vệ chiến đấu được biên chế thành các đội du kích; các đội vũ trang của châu, tỉnh chuyển thành quân giải phóng. Thực hiện quyết định đó, Cao Bằng đã nhanh chóng thành lập thêm các đội giải phóng quân ở châu Quảng Uyên, châu Trùng Khánh.

Những chuẩn bị tích cực, khẩn trương đó của Đảng bộ và quân, dân Cao Bằng đã chứng tỏ sự sẵn sàng chớp thời cơ cách mạng. Đúng như dự đoán của Đảng ta, ngày 9.3.1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp để độc chiếm Đông Dương. Chưa đầy một ngày, thực dân Pháp đã nộp súng đầu hàng Nhật trên toàn cõi Đông Dương.

Ngay đêm 9.3.1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng tại Đình Bảng (tỉnh Bắc Ninh), dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đưa ra nhiều chủ trương quan trọng cho cách mạng Việt Nam trong tình hình mới: Khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật - Pháp” đã đổi thành “Đánh đuổi phát xít Nhật”; “phát động phong trào chống Nhật cứu nước mạrih mẽ, gấp rút tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền”. Ngày 12.3.1945, Ban Thường vụ Trung ương ra chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Tháng 4.1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ. Hội nghị đã quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân; phát triển các đội tự vệ vũ trang và tự vệ chiến đấu, mở trường đào tạo cấp tốc cán bộ quân sự, chính trị và xây dựng 7 chiến khu lớn trong cả nước gồm 4 chiến khu ở Bắc Bộ, hai ở Trung Bộ và một ở Nam Bộ. Trong đó, Cao Bằng là một trong số chiến khu có vị thế rất quan trọng đối với cách mạng chung của cả nước, không chỉ là căn cứ địa cách mạng, mà còn là nơi đóng “đại bản doanh” cơ quan đầu não của cách mạng Việt Nam.

Chấp hành chỉ thị của đồng chí Hồ Chí Minh, ngày 4.6.1945, khu giải phóng đã ra đời tại căn cứ địa Việt Bắc, bao gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng thuộc các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Yên ở trung du Bắc Bộ. Đồng thời, ở miền Trung và miền Nam cũng thành lập một số khu căn cứ cách mạng. Đây chính là những hậu phương vững chắc, những bàn đạp của cách mạng Việt Nam để tiến tới giành chính quyền.

Với những định hướng của Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ và sự lãnh đạo trực tiếp của liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng, các lực lượng vũ trang Cao Bằng với ba thứ quân phối hợp, liên tục bao vây bọn tàn binh Pháp tháo chạy, chặn đánh những đám địch ngoan cố kháng cự để thu vũ khí. Đêm 10.3.1945, quân dân Cao Bằng đã truy bắt đoàn quân Pháp gồm 800 tên, khi chúng bỏ thị xã Cao Bằng chạy về Quảng Uyên, Trùng Khánh, tìm đường trốn chạy. Kết quả, phần lớn số binh lính người Việt hoặc chạy sang hàng ngũ cách mạng, hoặc chạy trốn về nhà. Khoảng 100 lính Pháp và lính đánh thuê Âu - Phi luồn rừng trốn thoát sang Trung Quốc. Chúng ta thu được 800 súng các loại.

Tại nhiều nơi khác như các châu Trà Lĩnh, Nguyên Bình, Hà Quảng, Thạch An, nhiều toán quân Pháp hoảng sợ trước sức mạnh của các lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã phải ra hàng. Ta thu được nhiều quân trang, quân dụng của địch, trong đó có khoảng 4.000 khẩu súng các loại. Lực lượng vũ trang cách mạng Cao Bằng đã có bước trưởng thành lớn cả về số lượng và chất lượng. Các châu trong tỉnh Cao Bằng đã có các đại đội hoặc trung đội vũ trang được trang bị vũ khí đầy đủ hơn, tạo điều kiện cho quân dân Cao Bằng cùng cả nước đủ sức chiến đấu chống Nhật, giữ vững thành quả cách mạng địa phương vừa giành được và góp phần tích cực cho cuộc Tổng khởi nghĩa giàng chính quyền trong cả nước.

Từ ngày 12.3.1945, quân Nhật từ Lạng Sơn, Bắc Kạn kéo đến đánh tan các vị trí quân Pháp còn đóng giữ ở các huyện, thị xã của Cao Bằng. Đến cuối tháng 4.1945, phát xít Nhật đã chiếm một số khu vực trọng yếu của tỉnh. Đi đến đâu, quân Nhật đều bị quân dân Cao Bằng bao vây, chặn đánh quyết liệt.

Tại khu giải phóng Việt Bắc, trước sự phát triển nhanh chóng của phong trào cách mạng, ngày 12.8.1945, Ban chỉ huy lâm thời khu giải phóng ra lệnh cho quân dân các địa phương tiến hành khởi nghĩa.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Năm, 2023, 10:00:27 am

Ngày 13.8.1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang), nhận định: “cơ hội cho nhân dân ta giành chính quyền độc lập đã tới, những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi”; Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa toàn quốc. Ngay trong đêm 13.8.1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã gửi Quân lệnh số 1 cho đồng bào và chiến sỹ cả nước nhanh chóng vùng dậy giành chính quyền độc lập.

Trong không khí sôi sục cách mạng đó, tại Cao Bằng, một trong những nơi có phong trào Việt Minh và hoạt động kháng Nhật tiêu biểu, nhiều địa phương đã đồng loạt nổi dậy cùng cả nước Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. “Ban khởi nghĩa của tỉnh đã ra lệnh cho giải phóng quân, lực lượng vũ trang ở các châu và các đội du kích, đội tự vệ, cùng toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh nổi dậy đánh chiếm các đồn bốt Nhật ở các châu lỵ và thị xã, các trục đường giao thông, tiêu diệt quân phát xít, các đội bảo an do Nhật tổ chức, bọn tay sai thân Nhật còn sót lại, cướp súng địch để trang bị cho ta”1.

Khởi nghĩa thắng lợi, chính quyền nhân dân lâm thời các địa phương được thành lập và thực hiện chức năng của chính quyền cách mạng: tuyên bố xoá bỏ chính quyền của phát xít Nhật và tay sai, truy kích quân Nhật, trừng trị bọn ta sai bán nước, tổ chức quần chúng mít tinh, hội họp, thực hiện 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh.

Ngày 21.8.1945, quân giải phóng tiến vào thị xã Cao Bằng, phối hợp với các lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng bao vây, đánh chiếm các cơ quan, công sở của phát xít Nhật và nguỵ quyền tay sai, như dinh tỉnh trưởng, trại bảo an binh, sở mật thám, sở cảnh sát, trại giam... Địch nhanh chóng tan rã và phải đầu hàng lực lượng cách mạng. Cuộc tổng khởi nghĩa ở Cao Bằng toàn thắng.

Sáng ngày 22.8.1945, đông đảo các tầng lớp nhân dân thị xã Cao Bằng đã tham gia tuần hành, mít tinh biểu dương sức mạnh nhiệt liệt chào đón Uỷ ban nhân dân lâm thời thị xã và Uỷ ban nhân dân lâm thời tỉnh Cao Bằng vừa thành lập.

Sau tổng khởi nghĩa thắng lợi, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã chú trọng củng cố và phát triển các lực lượng vũ trang của tỉnh để đáp ứng yêu cầu giữ vững và củng cố chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng.

Ngay trong ngày ra mắt nhân dân, Ủy ban phân dân lâm thời Cao Bằng đã quyết định thành lập Ty Liêm phóng và Ban cảnh sát để trấn áp bọn phản động, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Quân số của Ty Liên phóng Cao Bằng lúc này có khoảng 10 người và Ban Cảnh sát có khoảng 20 người. Phần lớn quân số này đều từ các lực lượng vũ trang trong tỉnh chuyển sang.

Tuy mới được triển khai thành lập, quân số còn ít ỏi, trang bị, phương tiện còn thiếu thốn, trình độ nghiệp vụ an ninh còn non nớt, nhưng lực lượng bảo vệ an ninh trật tự đã thể hiện tinh thần đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với các loại đối tượng phản cách mạng. Tháng 10.1945, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, lực lượng Ty Liêm phóng phối hợp cùng Ban cảnh sát, lực lượng tự vệ và quần chúng cách mạng đã trấn áp kịp thời bọn phản động “Việt cách” làm tay sai cho quân đội Tưởng. Đồng thời, tại các huyện Trà Lĩnh2, Phục Hoà, Bảo Lạc... lực lượng bảo vệ an ninh trật tự của tỉnh đã phát huy tốt vai trò đấu tranh linh hoạt, sáng tạo, vô hiệu hoá nhiều hoạt động của bọn phản động tay sai cũ của Pháp, Nhật và một số thổ ty, toán phỉ còn lén lút ngấm ngầm hoạt động.
_____________________________________
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr. 128.
2. Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến năm 1958, gọi là huyện Trấn Biên.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Năm, 2023, 10:04:35 am

Đầu năm 1946, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uý, Ty Liêm phóng Cao Bằng đã phối hợp với bộ đội trong tỉnh, tiến công bọn phản động ở vùng biên giới huyện Hạ Lang; phối hợp với quân dân Lạng Sơn tiêu diệt bọn phản động ở huyện Thạch An (Cao Bằng) và huyện Tràng Định (Lạng Sơn); trấn áp và làm tan rã cái gọi là tổ chức “Việt Nam cách mạng đồng minh hội” trên đất Cao Bằng1.

Ngày 21.2.1946, theo sắc lệnh của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, các lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên toàn quốc thống nhất gọi là công an2. Ngày 18.4.1946, Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 121 quy định nhiệm vụ, tổ chức của công an và thành lập công an các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tháng 5.1946, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Cao Bằng đã sáp nhập Ty Liêm phóng và Ty Cảnh sát thành Ty Công an và thành lập lực lượng cảnh vệ tức Cảnh vệ đoàn, chuyên trách bảo vệ các cơ quan Đảng, chính quyền cách mạng trong tỉnh. Quân số ban đầu của lực lượng cảnh vệ có khoảng 100 cán bộ, chiến sỹ. Được trên quan tâm chỉ đạo xây dựng, nên lực lượng cảnh vệ phát triển nhanh chóng. Chỉ sau một thời gian ngắn sau thành lập, quân số đã lên trên 500 người và được biên chế thành 26 bộ phận3. Quân số của Ty Công an lúc này gần 30 người, được tổ chức thành các bộ phận: Văn phòng ty, Ban Trinh sát, Ban Hành chính - Căn cước, Ban Cảnh sát - Trật tự và Ban Tư pháp.

Song song với việc xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ, Tỉnh uỷ Cao Bằng chủ trương tiếp tục phát triển các lực lượng vũ trang chiến đấu. Chi đội Giải phóng quân của tỉnh đã được bổ sung thêm quân số, trang bị, vũ khí. Phần lớn vũ khí trang bị là chiến lợi phẩm của địch. Tuy mức độ có khác nhau nhưng ở các huyện, thị trong tỉnh đều đã tổ chức được đại đội hoặc tiểu đoàn giải phóng quân; ở các xã, khu phố, trị trấn... đều tổ chức các trung đội hoặc tiểu đội du kích, dân quân tự vệ. Mỗi huyện, thị đều thành lập các huyện đội bộ, thị đội bộ để trực tiếp chỉ huy các đơn vị vũ trang.

Sự phát triển nhanh chóng của lực lượng vũ trang toàn tỉnh đòi hỏi phải được củng cố về mặt tổ chức và từng bước hoàn thiện về chức năng, nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Tháng 9.1945, chi đội Giải phóng quân của tỉnh được tổ chức, biên chế lại và phát triển thành Trung đoàn 24 Vệ quốc quân. Các đơn vị khác như Trường quân chính. Xưởng quân giới Lê Tổ được củng cố lại và chuyển về thị xã Cao Bằng, đẩy mạnh các hoạt động đào tạo các cán bộ quân sự, tuyển chọn và huấn luyện tân binh, chế tạo và sửa chữa vũ khí. Nhờ đó, Trung đoàn 24 được tăng cường thêm quân số, trang bị vũ khí. Riêng tháng 4.1947, Trung đoàn đã được bổ sung thêm 900 tân binh4.

Ngày 15.4.1947, Tỉnh uỷ chỉ đạo tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy chỉ huy lực lượng vũ trang trong tỉnh. Theo đó, Cao Bằng đã thành lập Tỉnh đội bộ dân quân ở tỉnh; củng cố các huyện đội bộ, thị đội bộ đã có sẵn ở các huyện, thị và cho thành lập thêm các ban chỉ huy xã đội ở các xã, tạo thành một hệ thống chỉ huy thống nhất từ tỉnh đến xã.

Với việc thực hiện chủ trương trên, lực lượng vũ trang Cao Bằng đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, đầu năm 1947, số dân quân du kích toàn tỉnh đã có khoảng 8.000 người và hoạt động rộng khắp. Do đó, khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19.12.1946) và nhất là khi chiến sự lan đến Cao Bằng (10.1947), các đơn vị thuộc Trung đoàn 24 - Trung đoàn chủ lực của tỉnh - chốt giữ các huyện biên giới đã có điều kiện chủ động rút về nội địa sẵn sàng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trên các vùng giáp biên, các trung đội du kích tập trung của các huyện đã làm nòng cốt phối hợp với dân quân du kích các xã nhanh chóng đảm nhiệm việc tuần tra, canh gác.
______________________________________
1. Tổ chức chính trị thân Tưởng Giới Thạch thành lập tháng 10.1942 ở Trung Quốc (gọi tắt là "Việt cách"). Tháng 8.1945, khi quân Tưởng vào Việt Nam, bọn “Việt cách” cũng vào theo. Tháng 6.1946, quân Tưởng rút về nước, một số tên cầm đầu theo sang Trung Quốc; số còn lại tiếp tục chống phá cách mạng, rồi bị trấn áp và tan rã.
2. Ngày 19.8.1945, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam ra đời với tên gọi khác nhau: ở Bắc Bộ gọi là Liêm phóng, ở Trung Bộ gọi là Trinh sát, ở Nam Bộ gọi là Quốc gia tự vệ.
3. Biên chế quân số 26 bộ phận của Cảnh vệ đoàn Cao Bằng gồm: Đại đội bộ: 28 người; Trại giam Trung ương: 34 người; Trại giam tư pháp công an: 15 người; Tiểu đội ATK: 17 người; Tiểu đội KC đặc biệt: 12 người; Tỉnh bộ Việt Minh: 9 người; Tiểu đội KC thường trực: 11 người; Toà án đệ nhị cấp: 8 người; Toà án Quân sự: 4 người; Đội lưu động: 36 người; Huân luyện cứu thương: 4 người; Tiếp tế: 4 người; Tiểu đội ngân khố: 12 người; Thường trực cảnh vệ: 35 người; Tiểu đội Pác Boóc: 12 người; Tiểu đội 2 (huyện Trùng Khánh): 30 người; Tiểu đội Nông Văn Vần: 12 người; Trung đội 1 (huyện Phục Hoà): 35 người; Trung đội 3 (Nguyên Bình): 28 người; Trung đội 4 (huyện Trấn Biên): 25 người; Trung đội 5 (huyện Hạ Lang): 30 người; Trung đội 6 (huyện Đông Khê): 25 người; Trung đội 7 (huyện Quảng Uyên): 29 người; Trung đội 8 (huyện Hoà An): 25 người; Trung đội 9 (huyện Hà Quảng): 28 người; Trung đội 10 (huyện Bảo Lạc): 25 người.
4. Tháng 11.1947, Trung đoàn 24 được bổ sung quân số và đổi thành Trung đoàn 74.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Năm, 2023, 09:31:46 am

Trên mặt trận bảo vệ an ninh trật tự, cuối năm 1947 đầu năm 1948, chấp hành nghị quyết của Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ nhất (họp ngày 16.5.1947) và nghị quyết của Tỉnh ủy (họp tháng 11.1947), Ty Công an Cao Bằng thành lập Đội Công an xung phong và các tổ điệp báo để xâm nhập vào các vùng giáp ranh và vùng địch kiểm soát, điều tra tình hình, xây dựng cơ sở bí mật, phá tề; diệt ác, diệt bọn tay sai của địch, làm công tác binh - địch vận; phối hợp với bộ đội, trực tiếp là các đội biệt động của Tỉnh đội tấn công các đồn bốt của địch.

Trước bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 19.8.1949, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định thành lập Trung đoàn chủ lực 174 (Trung đoàn Cao - Bắc - Lạng) tại xã Đức Long, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Vừa thành lập, ngày 3.9.1949, Trung đoàn 174 đã lập chiến công đầu vang dội: diệt 97 xe quân sự (trong đó có 1 đại đội xe tăng) và 1 tiểu đoàn quân Pháp trong trận phục kích tại đèo Bông Lau - Lũng Phầy trên đường số 4. Tháng 6/1949, theo yêu cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ thị cho Trung đoàn 174 vượt biên giới Việt Nam - Trung Quốc phối hợp với “chi đội Tả Giang” thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chiến đấu giải phóng vùng đất phía nam tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Trong trận chiến đấu này đã có 22 chiến sỹ Việt Nam anh dũng hy sinh, được nhân dân tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tặng bức trướng “Chiến thắng quân Tưởng”... Sau đó, Trung đoàn tham gia các chiến dịch: Biên giới, Trung du, Đường 18, Điện Biên Phủ...”1.

Cùng với sự lớn mạnh của các lực lượng vũ trang ở Cao Bằng, Tỉnh uỷ tiếp tục củng cố các đơn vị làm nhiệm vụ an ninh trật tự. Thực hiện Quyết định số 647 - VP/KC của Chính phủ, tháng 12.1949, Ủy ban kháng chiến - hành chính tỉnh Cao Bằng đã sáp nhập lực lượng cảnh vệ vào Ty Công an và đặt lực lượng này trong Ban Trị an hành chính của Ty Công an. Với cơ cấu tổ chức mới, công an Cao Bằng tiếp tục lập được nhiều chiến công trong cuộc đấu tranh với các lực lượng Việt gian, phản động, thổ phỉ, bọn thực dân xâm lược, giữ gìn trật tự xã hội.

Cuối năm 1949, cũng là thời điểm thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai bị thất bại nặng nề. Chúng phải co cụm về thị xã Cao Bằng, đóng chốt thêm 12 đồn mới, tạo nên hệ thống chống đỡ, che chở cho lực lượng của chúng. Trước tình hình mới, Tỉnh uỷ quyết định sát nhập lực lượng điệp báo thuộc Ty Công an với lực lượng quân báo thuộc Tỉnh đội thành một đơn vị mới là Ban Quân báo. Ban này có nhiệm vụ hoạt động tình báo. nắm tình hình, ngăn chặn địch lập tề, tiếp tục xây dựng và phát triển cơ sở bí mật, phối hợp với cơ sở phát động chiến tranh du kích, chiến đấu tiêu hao sinh lực địch và phá hoại kho tàng, trại lính... trong vùng địch tạm chiếm.

Tháng 6. I960, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới. Thắng lợi của chiến dịch này đã góp phần củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc. Cao Bằng được hoàn toàn giải phóng (3.10.1950). Tỉnh uỷ tiếp tục quan tâm xây dựng, phát triển lực lượng công an nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 12.5.1951, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về nhiệm vụ và tổ chức công an” và Nghị quyết của Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ VI (họp tháng 8.1951), từ tháng 9.1951, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo Ty Công an Cao Bằng sắp xếp, điều chỉnh lại hệ thống cơ cấu tổ chức để phù hợp với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ do Trung ương quy định. Lúc này, biên giới quốc gia ở Cao Bằng đã được giải phóng, vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng ở vùng biên giới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Ty Công an Cao Bằng đã thành lập một bộ phận mới là Công an biên phòng (nằm trong Ban bảo vệ Chính trị)2. Bộ phận mới này chuyên trách việc theo dõi, tổng hợp tình hình các huyện giáp biên và tham mưu, đề xuất kế hoạch công tác biên phòng cho lãnh đạo tỉnh.

Năm 1952, yêu cầu bảo vệ biên giới và các mục tiêu địa phương của ta thực sự trở nên cấp thiết. Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ: “Công tác biên phòng là một công tác khó khăn, giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, phải giải quyết những vấn đề liên quan đến đường lối ngoại giao, chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo... Công tác bảo vệ lãnh tụ và cơ quan đầu não của Đảng là một yêu cầu trọng yếu trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng”3.

Trong bối cảnh đó, Trung ương Đảng chủ trương tiếp tục củng cố phát triển ngành công an trong cả nước. Theo đó, Công an Cao Bằng được thành lập thêm hệ thống công an cấp huyện và kiện toàn tổ chức từ Ty Công an đến công an huyện. Đồng thời, cuối năm 1953, căn cứ vào sắc lệnh số 141/SL của Chủ tịch nước, Tỉnh uỷ Cao Bằng chỉ đạo Ty Công an tách bộ phận Công an biên phòng khỏi Ban bảo vệ Chính trị, bổ sung thêm quân số, xây dựng thành Ban Biên phòng do đồng chí Nông Văn Đàn phụ trách. Mặt khác, để làm tốt công tác biên phòng, Tỉnh uỷ chỉ đạo Ty Công an thành lập 7 đồn công an biên phòng đầu tiên của tỉnh dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đó là các đồn: Nặm Quét, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc; Nặm Đin (sau gọi là Nặm Nhũng), xã Lũng Nặm và Sóc Giang, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng; Trấn Biên, xã Hùng Quốc, huyện Trấn Biên (nay là huyện Trà Lĩnh); Pò Peo, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh; Lý Vạn, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang; Tà Lùng, xã Quy Thuận, huyện Phục Hoà. Phần lớn các đồn công an biên phòng lúc bấy giờ đều tận dụng địa điểm và cơ sở hạ tầng trong số 11 đồn cũ do Pháp đóng từ thời Pháp thuộc4.
_____________________________________
1. Trung đoàn 174 từng trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh (1949 - 1954), Sư đoàn 316 (1951 - 1966), Mặt trận Tây Nguyên (1966 - 1968), Sư đoàn 5 (1958 - 1969)... trong kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 174 từng tham gia nhiều chiến dịch lớn từ Tổng tiến công Mậu Thân (1968), phản công giải phóng Đông Bắc Campuchia... cho đến Tổng tiến công mùa xuân 1975 và chiến dịch Hồ Chí Minh (26 - 30.4.1975). Sau năm 1975, Trung đoàn chiến đấu tại mặt trận biên giới Tây Nam (1977 - 1978); tham gia giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt và làm nhiệm vụ quốc tế ở nước này (1979 - 1989). Trung đoàn 174 là đơn vị hai lần được Đảng và Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam. Nxb Quân đội nhân dân. Hà Nội. 1996, tr.881).
2. Cơ cấu của Ty Công an Cao Bằng gồm có Trưởng ty, Văn phòng ty và 3 ban: Ban bảo vệ Chính trị, Trị an hành chính và Tư pháp.
3. Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, năm 1952. Dẫn theo Lịch sử Bộ đội biên phòng, Tập I (1959 - 1979). Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.14.
4. Đó là các đồn Đồng Mu (xã Đồng Mu, Bảo Lạc); Năm Quét (xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc); Cốc Pàng (xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc); Bó Rằng (xã Cần Yên, Hà Quảng, nay thuộc huyện Thông Nông); Sóc Giang (xã Sóc Hà, Hà Quảng); Phai Can (xã Hùng Quốc, Trà Lĩnh); Pò Peo (xã Ngọc Khê, Trùng Khánh); Bí Hà (xã Thị Hoa, Hạ Lang); Lý Vạn (xã Lý Quốc, Hạ Lang); Tà Lùng (xã Quy Thuận - nay là thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hoà); Nà Lạn (xã Đức Long, huyện Thạch An).


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Năm, 2023, 09:34:17 am

Liên tục từ năm 1951 đến 1954, Công an Cao Bằng đã từng bước chú trọng phát triển lực lượng, phối hợp chặt chẽ với quân đội, nhất là các đơn vị của Tỉnh đội để tiễu phỉ, trừ đặc vụ, bảo vệ hậu phương, bảo vệ các xã biên giới và các mục tiêu nội địa; ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống xã hội, củng cố hậu phương vững chắc; phát triển dân quân du kích, xây dựng bộ đội địa phương, chi viện tiền tuyến, cùng cả nước đánh thắng giặc Pháp xâm lược.

Với chiến thắng của quân dân ta ở Điện Biên phủ, ngày 20.7.1954, Chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ lập lại hoà bình, công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Đông Dương. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước.

Cùng với cả nước, quân dân Cao Bằng vô cùng phấn khởi, tự hào trước thắng lợi vẻ vang và trọng đại của đất nước. Tuy nhiên, trong tình thế bắt buộc phải ký hiệp định đình chiến, thực dân Pháp vẫn ngoan cố không chịu từ bỏ dã tâm chống phá cách mạng nước ta. Chúng ra sức câu kết với Đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện mưu đồ tiếp tục phá hoại công cuộc khôi phục, xây dựng miền Bắc và phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; hòng chia cắt lâu dài nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của chúng.

Quán triệt tinh thần Chỉ thị số 91-CT/TW, ngày 8.8.1954, của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ, Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng và các lực lượng, ban, ngành chức năng của tỉnh đã chủ động cảnh giác, phòng ngừa các hoạt động phá hoại của địch. Tuy vậy, từ đầu năm 1950, tại nhiều địa phương trong tỉnh, các phần tử xấu đã ráo riết hoạt động dụ dỗ, ngấm ngầm đe doạ, cưỡng ép người dân di cư vào Nam theo địch. Mặc dù giáo dân ở Cao Bằng ít, nhưng các phần tử xấu vẫn bám sát đồng bào theo đạo Thiên chúa để tuyên truyền, lôi kéo. Đối tượng của chúng trước hết là tàn quân ngụy và gia đình, giáo dân và những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật... Các hoạt động trên bắt đầu rầm rộ từ tháng 5.1955; mạnh nhất là ở huyện Phục Hoà, trọng điểm là các khu vực Tà Lùng; huyện Hoà An - nhất là phố Cao Bình, thị trấn Nước Hai; thị xã Cao Bằng... Hàng trăm người, chủ yếu là đồng bào theo đạo Thiên chúa đã bị lôi kéo, dụ dỗ vào Nam, phục vụ cho mưu đồ đào tạo, huấn luyện gián điệp, biệt kích để tung trở lại gây mất ổn định chính trị, phá hoại miền Bắc. Quyết tâm, kiên trì và linh hoạt vận dụng nhiều hình thức, biện pháp của chính quyền các cấp và được sự giúp đỡ của nhân dân địa phương, đến cuối năm 1955, việc di cư mới tạm lắng, tình hình Cao Bằng ổn định.

Đồng thời, từ năm 1954 - 1955, an ninh trật tự ở một số tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc, Việt Bắc, nhất là các tỉnh giáp biên giới Việt Nam - Trung Quốc bị bọn phỉ phản động, biệt kích, đặc vụ Tưởng liên tục hoạt động quấy rối, gây lo lắng, căng thẳng cho nhân dân.

Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo công tác trấn áp bọn phản cách mạng, giữ vững an ninh, trật tự xã hội. Ngày 16.4.1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 14/CT về việc “phá âm mưu gây phỉ của đế quốc”. Tháng 8.1955, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn về vấn đề “củng cố trật tự trị an, tiễu trừ thổ phỉ, biệt kích và trấn áp bọn gián điệp, bọn phá hoại”. Hội nghị chỉ rõ: “Phải kiên quyết dựa và nhân dân mà tiễu trừ chúng để tăng việc đoàn kết dân tộc, củng cố biên phòng. Một trong những việc trước mắt của công an, quân đội, nhân dân Việt Nam hiện nay là quét sạch thố phỉ”... Đồng thời, Trung ương cũng chỉ rõ: “công tác bảo vệ lãnh tụ và cơ quan đầu não là một yêu cầu có tính khách quan và có một vị trí rất trọng yếu trong sự nghiệp bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng”.

Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng, miền Bắc sau ngày hoàn toàn giải phóng, đã thành lập nhiều đơn vị làm công tác biên phòng và bảo vệ các mục tiêu nội địa. Trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 28 đồn công an biên phòng làm nhiệm vụ bảo vệ công khai, bảo vệ các cửa khẩu quan trọng, phục vụ hoạt động vận chuyển lưu thông qua biên giới, nối liền nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Nghị định số 982-TTg, ngày 28.7.1956 của Chính phủ, Ban Trị an dân cảnh của Ty Công an Cao Bằng đổi thành Ban Cảnh sát nhân dân. Ban Biên phòng của Ty Công an Cao Bằng đang chỉ huy điều hành 7 đồn công an biên phòng trên biên giới (thành lập từ năm 1953) cũng được tăng cường thêm lực lượng. Thực hiện Nghị định 982, tháng 7.1956, Ty Công an Cao Bằng thành lập thêm 4 đồn công an biên phòng là: Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc); Bí Hà (nay là Đồn Biên phòng Thị Hoa, huyện Hạ Lang); Kéo Yên và Bó Gai (huyện Hà Quảng)1. Cùng với 11 đồn công an biên phòng, năm 1956, trên đoạn biên giới quốc gia ở Cao Bằng có 8 cửa khẩu thông sang Trung Quốc. Nhiệm vụ chính của các đồn biên phòng là:

- Cấp giấy phép qua lại biên giới, phối hợp cùng lực lượng hải quan kiểm tra và xử lý hàng hoá xuất nhập qua biên giới, thực hiện công tác xử lý hành chính, tuần tra bảo vệ biên giới, chống vượt biên.

- Tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ chính sách và các quy định của Nhà nước trong khu vực biên giới, không chứa chấp, bao che người vượt biên trái phép.
______________________________________
1. Năm 1966, huyện Thông Nông được tách ra từ huyện Hà Quảng, Đồn Biên phòng Bó Gai (nay là Đồn Biên phòng Cần Yên) thuộc về địa bàn huyện Thông Nông.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Năm, 2023, 09:36:03 am

Trong khi lực lượng Công an tỉnh đang triển khai thực hiện Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập cảnh sát nhân dân thì tỉnh Cao Bằng cũng được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo giải thể Liên khu Việt Bắc, và thành lập Khu tự trị Việt Bắc1.

Với vai trò tích cực tổ chức, chỉ đạo của đảng bộ các tỉnh trong liên khu, ngày 19.8.1956, Khu tự trị Việt Bắc đã được thành lập và Cao Bằng nằm trong cơ cấu hành chính của Khu tự trị. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu uỷ, mọi chủ trương đường lối của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đều được Khu uỷ vận dụng chỉ đạo, Đảng bộ Cao Bằng lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện một cách sát hợp với hoàn cảnh đặc điểm của từng vùng, từng dân tộc trong tỉnh... Sự thành lập Khu tự trị Việt Bắc đã tạo điều kiện cho tỉnh bước vào một thời kỳ phát triển mới.

Theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Khu uỷ, Đảng bộ và chính quyền các cấp của Cao Bằng đã quan tâm chỉ đạo và chăm lo xây dựng các lực lượng vũ trang, tiếp tục tăng cường công tác quốc phòng an ninh, nhằm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và trấn áp kịp thời bọn phỉ và phản động.

Ngày 23.1.1957, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng ra Nghị quyết số 32-NQ/CB củng cố cơ quan quân sự từ tỉnh xuống đến các huyện, thị; tổ chức biên chế bộ đội địa phương thành 5 đại đội làm nòng cốt phối hợp với dân quân du kích giữ gìn an ninh trong tỉnh. Đồng thời Tỉnh uỷ cũng đã chỉ đạo củng cố, tăng cường lực lượng công an từ Ty Công an đến công an các huyện, thị, các đồn công an nội địa và công an biên phòng.

Đến cuối năm 1957, tỉnh Cao Bằng đã cùng với các tỉnh, thành phố trên toàn miền Bắc căn bản hoàn thành công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Đó là cơ sở để nhân dân Cao Bằng tiếp tục tiến hành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Trong thời gian này, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ngày càng trắng trợn phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Trước diễn biến mới của tình hình, Trung ương đã kịp thời chỉ đạo các cấp bộ Đảng, chính quyền nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với mọi hoạt động của địch. Ngày 15.8.1958, Ban Bí thư ra Chỉ thị số 48/CT-TW tiếp tục phá âm mưu gây phỉ, chống âm mưu di cư và tung gián điệp, biệt kích của địch ra miền Bắc.

Thực hiện sự chỉ đạo trực tiếp của Khu uỷ tự trị Việt Bắc, Tỉnh uỷ Cao Bằng lãnh đạo các cấp bộ đảng, chính quyền, các cơ quan, lực lượng trong tỉnh gấp rút thực hiện chủ trương của Trung ương. Từ cuối tháng 8.1958, lực lượng công an Cao Bằng đã đấu tranh với tổ chức phản động “Đảng nhất tân dân tộc”. Đây là tổ chức phản động lúc mới nhen nhóm chủ yếu hoạt động ở địa bàn hai huyện Hà Quảng và Nguyên Bình; sau đó, lan sang các huyện Bảo Lạc, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hạ Lang... Đến tháng 10.1958, ta phá án, bắt sống nhiều tên, số còn lại phải ra đầu thú.

Ngày 18.12.1958, Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Chỉ thị số 01/MTU “giải quyết một vài vấn đề dân tộc miền núi dọc biên giới Cao Bằng”. Trong đó, lực lượng công an tỉnh được giao nhiệm vụ “ngăn ngừa tổ chức phản động lan rộng, gây ảnh hưởng xấu”. Ngày 21.12.1958, Tỉnh uỷ tiếp tục ra Chỉ thị số 39/CT-CB cho lực lượng công an Cao Bằng phải “ra sức đấu tranh chống các tàn dư phỉ, phản động để giữ vững trật tự trị an xã hội”.

Cùng thời gian trên, tỉnh đã giải quyết tốt việc người Trung Quốc vượt biên trái phép vào Cao Bằng. Tình trạng nhập cư trái phép này đã diễn ra một số năm trước đó, nhưng mức độ còn lẻ tẻ. Từ năm 1958, số người nhập cư từ Trung Quốc vào các huyện giáp biên của Cao Bằng ngày càng nhiều; chỉ riêng huyện Bảo Lạc, 4 tháng đầu năm 1958 đã có tới gần 500 người. Trong số những người vượt biên trái phép có một số do không muốn gia nhập công xã ở Trung Quốc; một số vì đời sống kinh tế khó khăn, thiếu đói, tự đi tìm nơi sinh sống; một số khác là những người vi phạm pháp luật Trung Quốc đi tìm nơi trốn tránh. Nhưng đáng chú ý trong đó là những tên đặc vụ, thổ phỉ. Vì vậy, số người vượt biên trái phép đã làm cho an ninh trật tự khu vực biên giới và một số nơi ở nội địa của tỉnh trở nên phức tạp.

Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ Cao Bằng chỉ đạo các lực lượng chức năng trong tỉnh phối hợp với công an Trung Quốc, đưa các loại đối tượng vượt biên trái phép lần lượt trở về đất Trung Quốc, từng bước ổn định tình hình an ninh, trật tự biên giới của tỉnh.
_______________________________________
1. Liên khu Việt Bắc được thành lập theo sắc lệnh số 127-SL, ngày 4.11.1949 của Chủ tịch nước, gồm 3 căn cứ địa Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc; bao gồm 18 tỉnh, 1 châu, trên cơ sở sáp nhập Liên khu 1 (gồm 10 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyện, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Quảng Ninh, Hòn Gai và Hải Ninh) với Liên khu 10 (gồm 8 tỉnh: Vĩnh Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu và châu Mai Đà của tỉnh Hoà Bình). Lãnh đạo chỉ huy Liên khu Việt Bắc có Ủy ban kháng chiến - hành chính Liên khu và Bộ Tư lệnh Liên khu. Từ tháng 7.1952, 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu được tách thành khu Tây Bắc. Sau khi Liên khu Việt Bắc giải thể (1956), các Quân khu Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc đã được thành lập.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Năm, 2023, 08:00:37 am

Cuối năm 1958 tồn tại một thực tế trong công tác bảo vệ là: trong cùng thời gian, trên cùng phạm vi địa bàn hành chính, địa bàn bảo vệ mục tiêu, có nhiều lực lượng, đơn vị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu, Khu đội, Tỉnh đội, Ty Công an, các đơn vị dân quân, tự vệ... cùng làm nhiệm vụ bảo vệ. Các hoạt động này chưa có sự chỉ huy, điều hành thống nhất theo một kế hoạch, phương án chung. Giữa các đơn vị chưa có sự phân công, hiệp đồng cụ thể. Vì thế, các hoạt động trên vừa trùng dẫm, chồng chéo, lại vừa có nhiều sơ hở... làm hạn chế chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ.

Trước tình hình mới, ngày 19.11.1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp và ra Nghị quyết số 58-NQ/TW “về việc xây dựng lực lượng cảnh vệ nội địa và biên phòng”. Trong đó, “Bộ Chính trị quyết định thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến và các lực lượng công an vũ trang, xây dựng thành một lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước chuyên trách công tác bảo vệ nội địa và biên phòng giao cho ngành công an trực tiếp chỉ đạo, lấy tên là Lực lượng Cảnh vệ”1. Nhiệm vụ chung của lực lượng cảnh vệ là “trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hoá quan trọng”.

Về nhiệm vụ cụ thể, nghị quyết của Bộ Chính quy định: “Lực lượng cảnh vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến gọi tắt là Cảnh vệ Biên phòng, có những nhiệm vụ sau đây:

a) Trấn áp kịp thời bọn gián điệp, biệt kích, thổ phỉ, hải phỉ nhỏ và các bọn phá hoại khác qua lại hoạt động ở khu vực biên giới, giới tuyến, bờ biển.

b) Đánh mạnh vào bọn vũ trang xâm phạm biên giới của Tổ quốc, đối phó với mọi hành động có tính cách gây chiến tranh trong khi chờ bộ đội quốc phòng đến tiếp viện.

c) Ngăn ngừa và trừng trị bọn chuyên buôn lậu qua lại khu vực biên giới.

d) Thực hiện quy chế qua lại biên giới do Chính phủ đã quy định, kiểm soát việc qua lại biên giới (kể cả xe, người, hành lý hàng hoá, các tác phẩm văn hoá và các vật dùng khác từ trong nước ra và từ nước ngoài mang vào trong nước).

e) Bảo vệ đời sống an toàn và của cải của nhân dân, tài sản của Nhà nước, các kho tàng, các hợp tác xã, công trường, nông trường ở khu vực biên giới, chống bọn thổ phỉ, hải phỉ, biệt kích tấn công cướp bóc bất ngờ.

Lực lượng Cảnh vệ nội địa có những nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Trấn áp mọi hoạt động phá hoại của những toán phỉ nhỏ, bọn gián điệp nhảy dù và các vụ bạo động, phá hoại của các bọn phản cách mạng khác.

b) Bảo vệ các cơ quan đầu não, các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, các cơ quan ngoại giao, các lãnh tụ quốc tế và các vị khách nước ngoài (theo sự quy định của Trung ương và Chính phủ).

c) Bảo vệ các công xưởng, hầm mỏ, kho tàng quan trọng, các trung tâm thông tin liên lạc quan trọng, các đầu mối và trục giao thông quan trọng, các cuộc vận chuyển quan trọng, các cơ sở văn hoá, khoa học kỹ thuật quan trọng.

d) Bảo vệ an ninh thủ đô, các thành phố và thị xã quan trọng, bảo vệ các cuộc mít tinh lớn do Trung ương và Chính phủ quy định, chấp hành lệnh giới nghiêm khi cần thiết và cùng với cảnh sát nhân dân duy trì trật tự chung.

e) Canh gác các trại cải tạo, trại tạm giam, áp giải các phạm nhân chính trị và hình sự quan trọng, bảo vệ các phiên toà.

Bộ Chính trị còn chỉ rõ: “Muốn hoàn thành tốt những nhiệm vụ nói trên, lực lượng cảnh vệ và biên phòng phải biết dựa vào dân, vận động nhân dân làm công tác bảo vệ nội địa và biên phòng; phải tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan chính quyền, đoàn thể và phải phối hợp chặt chẽ với quân đội nhân dân, với lực lượng công an và nhân dân địa phương”. Do yêu cầu, vị trí, nhiệm vụ của lực lượng cảnh vệ, Nghị quyết của Bộ Chính trị đề cập những vấn đề chỉ đạo phải chú ý chất lượng trong quá trình tuyển chọn, đào tạo cán bộ, chiến sỹ: Lực lượng cảnh vệ là mội lực lượng vũ trang làm công tác bảo vệ, cho nên cán bộ và chiến sỹ phải được chọn lọc kỹ, phải là những người thật tin cậy về chính trị và thông thạo về quân sự...”

Sau khi tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết của Bộ chính trị, tỉnh Cao Bằng khẩn trương triển khai, chuẩn bị mọi mặt để thành lập lực lượng Cảnh vệ.
_______________________________________
1. Bộ Công an. Văn kiện Đảng. Tập III (5.7.1954 - 15.8.1960), in năm 1971, tr.222 - 228. Nghị quyết số 58-NQ/TW. Tối mật. Số bảo quản: VKĐ 190 Thư viện nghiệp vụ Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Năm, 2023, 08:01:36 am

Ngày 3.3.1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg ‘‘thống nhất các đơn vị bộ đội, quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị công an biên phòng, cảnh sát vũ trang thành một lực lượng chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”. Từ đó, ngày 3 tháng 3 hàng năm trở thành ngày thành lập và là ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang Việt Nam - nay là Bộ đội Biên phòng Việt Nam.

Ngày 1.9.1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 331/TTg quy định hệ thống cấp bậc hàm, cấp hiệu, phù hiệu, công an hiệu và lễ phục của Công an nhân dân vũ trang”.

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Nghị định của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 3.1959, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cùng các quân khu, các sở, ty Công an đã khẩn trương hoàn thành các tổ chức cơ quan chỉ huy của Công an nhân dân vũ trang. Đến cuối tháng 3.1959, tổ chức biên chế của lực lượng đã cơ bản định hình, sẵn sàng hoạt động theo đội hình thống nhất trên toàn miền Bắc. Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Thứ trưởng Bộ Công an được Chính phủ bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng kiêm Chính uỷ lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Đúng 19 giờ ngày 28.3.1959, lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang được tiến hành trọng thể tại Câu lạc bộ Quân nhân Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huấn thị và giao nhiệm vụ cho toàn lực lượng. Người căn dặn: “Công an và bộ đội phải cảnh giác, phải biết trấn áp kẻ địch bên trong và kẻ địch bên ngoài. Kẻ địch bên trong là bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; kẻ địch bên ngoài là bọn đế quốc, bọn xâm lược. Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội, của công an nói riêng và của toàn dân nói chung; là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt. Ví dụ: một vạn công an chỉ có hai vạn tai, hai vạn mắt, hai vạn tay, chân, nhưng nhân dân có hàng triệu tai, hàng triệu mắt, hàng triệu tay chân. Cho nên chúng ta phải dựa vào nhân dân để hoạt động. Khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được... Nhất là Công an Biên phòng..., những đơn vị ở biên thuỳ hay ở các đảo, việc ấy phải hết sức chú ý...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở các cấp lãnh đạo, chỉ huy phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho các đơn vị ở những địa bàn xa xôi hẻo lánh, khó khăn gian khổ; phải động viên làm cho anh em phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ phải kiên trì tự lực cánh sinh để cải thiện đời sống.

Kết thúc lời huấn thị, giao nhiệm vụ, Người tặng lực lượng Công an nhân dân vũ trang 8 câu thơ:

“Đoàn kết, cảnh giác,
Liêm chính, Kiệm cần,
Hoàn thành nhiệm vụ,
Khắc phục khó khăn,
Dũng cảm trước địch,
Vì nước quên thân,
Trung thành với Đảng,
Tận tuỵ với dân”.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt sự có mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày lực lượng ra đời, cùng những lời giáo huấn, dặn dò của Người là nguồn cổ vũ động viên mạnh mẽ, là phương hướng tư tưởng và hành động cho toàn lực lượng.

Ngày 9.4.1959, Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh ra Nghị định (số 406/NĐ) chính thức “chuyển một bộ phận lực lượng quốc phòng đang làm công tác bảo vệ biên phòng, giới tuyến và nội địa sang Bộ Công an để xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang”. Trong đó quy định: “Quân khu Việt Bắc: chuyển các đơn vị bảo vệ biên giới và các đơn vị thuộc tỉnh đội đang bảo vệ nội địa”...

Ngày 28.4.1959, Bộ Công an ra Nghị định số 180-CA/NĐ cho phép thành lập Công an nhân dân vũ trang Khu tự trị Việt Bắc và Công an nhân dân vũ trang các tỉnh thuộc khu Công an nhân dân vũ trang Việt Bắc, gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Yên Bái. Đồng thời, cùng ngày 28.4.1959, Bộ Công an ra Nghị định số 169-NĐ/CA bổ nhiệm Trung tá Mai Trung Lâm, nguyên cán bộ Trung đoàn trưởng của Quân khu Việt Bắc giữ chức Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang khu tự trị Việt Bắc.

Ngày 19.5.1959, Khu uỷ khu tự trị Việt Bắc đã tổ chức lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang khu Việt Bắc. Cơ quan Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Khu tự trị Việt Bắc ngày đầu thành lập có 98 cán bộ, chiến sỹ và được tổ chức, biên chế thành 4 ban: Tham mưu, Chính trị, Trinh sát, Hậu cần và đóng quân chung trong cơ quan Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc (tại phường Quán Triều, thành phố Thái Nguyên). Hoạt động của Công an nhân dân vũ trang các tỉnh trong Khu tự trị Việt Bắc đều đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, trực tiếp của Khu uỷ, các Tỉnh uỷ và Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Việt Bắc.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Năm, 2023, 08:03:47 am

Tại Cao Bằng, ngày 3.2.1959, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã ra Nghị quyết số 52-NQ/CB “thi hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc xây dựng cảnh vệ nội địa và biên phòng”. Theo đó, Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ quyết định phân công đồng chí Ngọc Văn Thuỳ, Tỉnh uỷ viên, Ủy viên Ủy ban hành chính tỉnh, Trưởng ty Công an trực tiếp phối hợp cùng Ban Chỉ huy Tỉnh đội, Ban Đảng uỷ Tỉnh đội nghiên cứu vả tổ chức thành lập lực lượng cảnh vệ nội địa và biên phòng.

Cuối tháng 5.1959. số cán bộ, chiến sỹ được điều động từ Ty Công an và Tỉnh đội Cao Bằng tập kết tại thị xã Cao Bằng để chuẩn bị cho việc thành lập lực lượng. Tháng 6.1959, “Tỉnh đội Cao Bằng đã nghiên cứu, xem xét, chọn lọc và chuyển một bộ phận lớn cán bộ từ Tỉnh đội phó đến chiến sỹ là quân thường trực Tỉnh đội sang lực lượng công an nhân dân vũ trang của tỉnh”1. Nhiệm vụ đầu tiên của số cán bộ, chiến sỹ mới chuyển sang Công an nhân dân vũ trang là học tập Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị. Các đợt học tập đều nhằm mục đích thống nhất nhận thức, quán triệt tình hình nhiệm vụ, yêu cầu tổ chức, xây dựng lực lượng chuyên trách công tác biên phòng, bảo vệ nội địa.

Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa Ty Công an và Tỉnh đội, tháng 6.1959, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được thành lập. Quân số ban đầu có hơn 30 cán bộ, chiến sỹ. Ban Chỉ huy có 3 đồng chí:

- Đại úy Hà Thế Vũ, Tỉnh đội phó Cao Bằng được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy trưởng.

- Đại úy Hoàng Kiêm, Chủ nhiệm Ban Chính trị Tỉnh đội Cao Bằng được bổ nhiệm giữ chức Chính trị viên.

- Thượng úy Nông Văn Đàn, Trưởng ban Biên phòng - Ty Công an Cao Bằng được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy phó Trinh sát.

Đầu năm 1960, cấp trên điều động Thượng úy Lương Văn Thân, Tiểu đoàn phó thuộc Trung đoàn 238, Quân khu Việt Bắc giữ chức Chỉ huy phó Công an nhân dân vũ trang tỉnh.

Cơ quan Ban Chỉ huy Công an vũ trang tỉnh khi mới thành lập được biên chế thành 3 ban để giúp việc cho chỉ huy, gồm:

1. Ban Tham mưu, quân số 10 người, do đồng chí Lương Văn Thân, Chỉ huy phó kiêm Trưởng ban. Trong đó, bộ phận Trinh sát được biên chế 9 người, do đồng chí Nông Văn Đàn, chỉ huy phó trinh sát phụ trách.

2. Ban Chính trị, quân số 4 người, do đồng chí Hoàng Thuý Sơn làm Trưởng ban.

3. Ban Hậu cần, quân số 8 người, do đồng chí Đinh Ngọc Bổng làm Trưởng ban.

Ngoài các ban trên, để đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ lãnh đạo chỉ huy, Ban Chỉ huy tỉnh được biên chế một tổ cơ yếu 3 người. Phương tiện chủ yếu lúc này là máy thu phát vô tuyến điện 15w.

Sau khi thành lập, hoạt động của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng chịu sự chỉ đạo về mặt nghiệp vụ của Ty Công an. Các mặt hoạt động khác, kể cả công tác đảm bảo hậu cần đều do Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương chỉ đạo, điều hành và đảm nhiệm thông qua Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Việt Bắc.

Doanh trại đầu tiên của Công an vũ trang Cao Bằng đóng tại xóm Nà Gà, Tân An, thị xã Cao Bằng (nay là xã Hoà Chung, thị xã Cao Bằng). Năm 1960, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh chuyển đến đóng quân cùng với Ty Công an tại phố Thầu (nay thuộc khuôn viên khách sạn Phong Lan, phố Kim Đồng, thị xã Cao Bằng). Năm 1961, cơ quan Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh được xây dựng tại trung tâm thị xã (nay là khu vực cơ quan Thị uỷ, Uỷ ban nhân dân thị xã Cao Bằng).

Về tổ chức Đảng, do quân số và số lượng đảng viên ngày đầu thành lập còn ít, cơ quan Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh chỉ thành lập một chi bộ ghép sinh hoạt chung với chi bộ Ty Công an và trực thuộc Đảng bộ Ty Công an.
______________________________________
1. Cao Bằng lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975. Tập II. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng xuất bản 1994, tr.30.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Năm, 2023, 08:07:41 am

Ngay khi Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng mới thành lập, Tỉnh uỷ đã nghiên cứu, đề xuất lên khu uỷ Việt Bắc và Trung ương tăng cường chỉ đạo nhiều mặt công tác xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia trên phạm vi địa bàn tỉnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 31.8.1959, Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Thông tư số 78, ngày 31.8.1959, để chỉ đạo các cấp ban, ngành thống nhất về “phương châm, nhiệm vụ công tác biên giới Việt - Trung... và củng cố công tác biên giới” ở tỉnh Cao Bằng. Tỉnh uỷ giao cho các huyện tổ chức họp bàn với chi ủy các xã biên giới để thành lập Ban biên giới huyện và giao cho các “chi uỷ phân công một chi uỷ viên theo dõi công tác biên giới”1. Đây là thời gian đảng viên các đồn biên phòng sinh hoạt chung với chi bộ xã biên giới, nên việc triển khai xây dựng đồn biên phòng và thực hiện công tác bảo vệ biên giới diễn ra khá thuận lợi.

Cuối năm 1959, Tỉnh uỷ Cao Bằng triển khai thực hiện Công văn số 754-VP.TW, của Ban Bí thư về việc các cấp uỷ trực tiếp lãnh đạo lực lượng Công an nhân dân vũ trang và thực hiện sự chỉ đạo của Khu uỷ Việt Bắc (Công văn số 167) cho phép các tỉnh thành lập các chi bộ, liên chi bộ Công an nhân dân vũ trang trực thuộc Tỉnh uỷ khi chờ Trung ương quyết định về tổ chức hệ thống Đảng trong lực lượng công an vũ trang.

Ngày 10.12.1959, Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ Cao Bằng ra Nghị quyết số 233/NQ-CB, “tạm thời quyết định thành lập Đảng uỷ trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh và chỉ định Đảng uỷ viên” gồm 3 đồng chí: Đàm Như Lai, Tỉnh uỷ viên dự khuyết làm Bí thư, đồng chí Hoàng Khiêm và Hà Thế Vũ, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang làm Đảng uỷ viên.

Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được thành lập tuy chỉ mới có 2 chi bộ, nhưng bước đầu mở ra giai đoạn mới cho việc lãnh đạo xây dựng các mặt công tác và chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng. Đảng uỷ đã sớm nghiên cứu xây dựng các nghị quyết về xây dựng đảng, tổ chức đoàn thanh niên, tạo nguồn cán bộ, xây dựng hệ thống đồn, trạm biên phòng, phát động quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ trị an, xây dựng đời sống mới, xây dựng địa bàn... nhằm đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng.

Ngày 5.3.1960, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng ra nghị quyết chuyển chi bộ Ty Công an trực thuộc Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang.

Ngày 10.9.1961, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng ra nghị quyết thành lập Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang trực thuộc Tỉnh uỷ (và tách Công an hành chính thành một chi bộ riêng trực thuộc Đảng uỷ dân chính đảng cơ quan xung quanh tỉnh). Trong năm 1961, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần I, bầu đồng chí Nguyễn Bảo làm Bí thư, đồng chí Hà Thế Vũ làm Phó Bí thư2.

Để hoàn thiện tổ chức và nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Ban chấp hành Trung ương đã ra Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 13.3.1961, “Quy định về hệ thống tổ chức và lãnh đạo của Đảng trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang”. Ngày 10.9.1961, thực hiện quy định của Trung ương, Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Nghị quyết 96-NQ/TU thành lập Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng và các chi bộ Công an nhân dân vũ trang trong tỉnh. Nghị quyết nêu rõ: Đảng uỷ Công an trước đây thành lập chung cả công an hành chính và công an nhân dân vũ trang nay được tách và thành lập Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang riêng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ.

Với cơ chế lãnh đạo mới, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng bước vào một giai đoạn phát triển mới, thuân lợi cho việc phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cùng toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang trên toàn miền Bắc và cũng là giai đoạn phải đảm nhận mọi trọng trách thiêng liêng, thực hiện sứ mệnh lịch sử mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
______________________________________
1. Báo cáo tình hình biên giới Cao Bằng của Tỉnh uỷ Cao Bằng, số 46BC/CB, ngày 01.12.1960.
2. Do tài liệu văn bản chưa sưu tầm được, nên còn thiếu nội dung Đại hội và danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Năm, 2023, 08:10:03 am

II. BƯỚC ĐẦU XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG, TRIỂN KHAI HỆ THỐNG ĐỒN, TRẠM BIÊN PHÒNG, XÂY DỰNG PHÒNG TUYẾN NHÂN DÂN, TIỄU PHỈ, CHỐNG ĐẶC VỤ, BẢO VỆ BIÊN CƯƠNG, NỘI ĐỊA

Sau khi được thành lập, từ tháng 6.1959, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã tiếp nhận hơn 200 cán bộ, chiến sỹ của Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, Ty Công an, Tỉnh đội Cao Bằng bàn giao và chuẩn bị triển khai đóng các đồn biên phòng trên biên giới.

Căn cứ thông báo của Tỉnh uỷ, Tỉnh đội, Ty Công an, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tranh thủ phổ biến cho các cấp đơn vị trực thuộc về tình hình, nhiệm vụ, đặc điểm của khu vực biên giới, hoạt động của các loại đối tượng, đặc điểm của đồng bào các dân tộc thiểu số... Đồng thời, nhanh chóng nắm bắt diễn biến tư tưởng của CBCS, kịp thời tổ chức sinh hoạt chính trị, giải quyết những vướng mắc, tạo sự yên tâm, thống nhất tư tưởng và xây dựng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới cho cán bộ, chiến sỹ, đảng viên.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới ở những vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, đầy gian nan vất vả; tính chất công việc lại phức tạp, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế... đã phát sinh những khía cạnh khác nhau trong tư tưởng, tâm lý cán bộ, chiến sỹ. Một số anh em chưa yên tâm tư tưởng khi sang nhận công tác ở lực lượng Công an nhân dân vũ trang; băn khoăn so sánh giữa đơn vị cũ và đơn vị mới, giữa việc ở lại quân đội hay chuyển sang công an...

Để khắc phục tình hình đó, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã coi trọng công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng; chủ động tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ học tập, quán triệt Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, học tập và làm theo lời huấn thị của Bác Hồ trong ngày thành lập lực lượng “Những tư tưởng không đúng thì cần phải sửa đổi”. Nhiều đồng chí đã liên hệ bản thân rất sâu sắc và tỏ rõ tinh thần xung phong trước các nhiệm vụ mới của đơn vị.

Từ tháng 5.1959, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương đã tổ chức 3 lớp chỉnh huấn ở Hà Nội. Các đồng chí trong Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh dự lớp thứ nhất dành cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, thành phố. Các đồng chí đồn trưởng các đồn biên phòng Cao Bằng được triệu tập học tập ở lớp chỉnh huấn thứ hai, trong số 400 đồn trưởng trên toàn miền Bắc. Lớp tập huấn thứ ba dành cho cán bộ cơ quan và đơn vị trực thuộc Ban Chỉ huy Trung ương.

Tháng 7.1959, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang Khu Việt Bắc và Tỉnh uỷ Cao Bằng, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng đã tổ chức thực hiện đợt chỉnh huấn trong toàn tỉnh để quán triệt nghị quyết Hội nghị chính trị lần thứ nhất của lực lượng (tổ chức tại Hà Nội ngày 18.5.1959).

Năm 1960 - 1961, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn tỉnh học tập, quán triệt và thực hiện các nội dung, định hướng được đề ra trong các hội nghị công tác Đảng, công tác chính trị Công an nhân dân vũ trang (họp tháng 3.1960 và tháng 4.1961). Qua các đợt sinh hoạt, học tập chính trị, ý thức về trách nhiệm, vai trò của người đảng viên cộng sản, lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam được khơi gợi trong mỗi cán bộ, chiến sỹ, đảng viên. Tình hình tư tưởng và nhận thức của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng qua các đợt học tập chính trí đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết cán bộ, chiến sỹ đã xác định được trách nhiệm, vinh dự, tự hào khi đứng trong hàng ngũ của một lực lượng được Đảng, Nhà nước, Bác Hồ và nhân dân tin cậy, giao phó cho nhiệm vụ thiêng liêng: làm lực lượng nòng cốt bảo vệ biên cương và nội địa của miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Các mặt hoạt động trên diễn ra trong thời điểm Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng kết hợp thực hiện sự chỉ đạo của trên xây dựng tổ chức lực lượng, xây dựng hệ thống đồn, trạm biên phòng, xây dựng thế trận bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ an ninh trật tự khu vực biên giới và bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở nội địa. Vì thế, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã kết hợp tổ chức cho CBCS học tập, quán triệt nhiệm vụ chính trị của địa phương; kết hợp thực hiện nhiệm vụ của đơn vị với phục vụ các chủ trương, kế hoạch chung của tỉnh, đã được Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là: “Ra sức củng cố những thành tích... đã đạt được trong 3 năm khôi phục kinh tế... Đồng thời có kế hoạch phát triển từng bước, từng mặt, từng vùng (chú ý rẻo cao) nhằm nâng cao không ngừng đời sống kinh tế, chính trị và văn hoá cho nhân dân các dân tộc, chuẩn bị điều kiện để tiến lên cnủ nghĩa xã hội. Thực hiện nhiệm vụ trên phải tăng cường đoàn kết dân tộc, ra sức nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho cán bộ, đảng viên và quần chúng các dân tộc. Phải ra sức củng cố Đảng, củng cố chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Đặc biệt chú trọng cấp huyện và xã. Phải giữ gìn trật tự an ninh ở nông thôn, đặc biệt chú trọng vùng biên giới và vùng rẻo cao”1. Đây là điều kiện thuận lợi cho Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng triển khai xây dựng các đơn vị biên phòng và bảo vệ nội địa, nhất là việc triển khai hệ thống đồn, trạm biên phòng ở vùng cao, biên giới.
______________________________________
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000). Sđd, tr. 261 - 262.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Năm, 2023, 02:31:32 pm

Ngày 8.6.1959, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh công bố quyết định tổ chức biên chế các đơn vị, đồn biên phòng, thành lập các chi bộ, chi đoàn và chuẩn bị mọi mặt liên quan để triển khai toàn bộ cơ cấu tổ chức đến các địa bàn trong tỉnh. Trước hết, Ban Chỉ huy công bố quyết định thành lập Đội bảo vệ trực thuộc Ban Tham mưu làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở nội địa tỉnh Cao Bằng. Quân số của Đội có 50 cán bộ, chiến sỹ, do Trung úy Nông Văn Đàn, cán bộ Đội bảo vệ - Ban chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng, trực tiếp chỉ huy1. Đội được chia làm 2 bộ phận: một bộ phận do đồng chí đội trưởng trực tiếp phụ trách có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Tỉnh uỷ, Ủy ban hành chính tỉnh và ngân hàng tỉnh. Một bộ phận do Thượng sỹ Hà Ngọc Tồn phụ trách, có nhiệm vụ canh giữ trại giam, dẫn giải phạm nhân...

Ngày 10.6.1959, theo lệnh của Ban Chỉ huy tỉnh, các đồng chí Triệu Văn Ú, Phan Lài, Đàm Văn Thưởng, đồng chí Sòi, Lý Văn Cón, Thi Văn Đuổng, Lý Trung Khính, Đàm Trọng Duy, Hà Ngọc Kìm, Nông Văn Báo,. Nguyễn Văn Khôn, Mã Khoang, Hà Thỏ, Bế Khuyến, Mã Trung Tín, Hoàng Phù... nhận quân số biên chế theo từng đồn và chỉ huy CBCS hành quân về các vị trí được xác định trước của 9 đồn Công an nhân dân vũ trang trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng.

Những cán bộ, chiến sỹ nhận nhiệm vụ tại các đồn biên phòng này gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Rời cơ quan Ban Chỉ huy tỉnh hành quân lên biên giới, ngoài ba lô quân tư trang, súng đạn, anh em còn phải mang theo cuốc, xẻng, cưa, đục, xoong, chảo, gạo, muối... Đường đến các đồn rất khó đi, có đoạn cheo leo, hiểm trở. Anh em phải hành quân bộ từ trung tâm tỉnh xuống các vị trí đóng đồn; nơi gần nhất cũng phải vượt qua quãng đường dài khoảng 40 km như Đồn Phai Can, huyện Trà Lĩnh. Xa nhất là Đồn Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, cách trung tâm thị xã Cao Bằng 170 km. Sau 7 ngày đêm hành quân liên tục, đơn vị cuối cùng về đến vị trí tập kết theo quy định.

Đến cuối tháng 6.1959, 9 đồn biên phòng của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã cơ bản ổn định tổ chức để triển khai nhiệm vụ. Đó là các đồn: Cốc Pàng, Nặm Quét (huyện Bảo Lạc), Nặm Nhũng, Sóc Giang (huyện Hà Quảng), Phai Can (huyện Trà Lĩnh), Pò Peo (huyện Trùng Khánh), Tà Lùng (huyện Phục Hoà), Bí Hà, Lý Vạn (huyện Hạ Lang). Hầu hết 9 đồn trên đều tiếp nhận vị trí các đồn, trạm Công an biên phòng của Ty Công an bàn giao. Trước đây, các vị trí này đều là các đồn cũ của Pháp. Cơ sở vật chất hầu như không còn. Riêng hai đồn Tà Lùng và Sóc Giang, cơ sở hạ tầng còn lại một số giao thông hào nhưng chất lượng thấp, thiết kế lạc hậu.

Các đồn công an nhân dân vũ trang biên phòng Cao Bằng buổi đầu đều tạm dựng bằng lều tranh, vách đất. Cán bộ, chiến sỹ phải thay phiên nhau vừa công tác vừa vào rừng lấy tranh, tre, nứa, lá để xây dựng, củng cố, từng bước nâng cấp cơ sở hạ doanh trại, nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, huấn luyện; khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Do không có đường ô tô, nên các việc tuần tra, vận chuyển hậu cần; cán bộ, chiến sỹ đi khám chữa bệnh lúc ốm đau đều phải dùng sức người thồ, cõng, khiêng, cáng... Một số đồn biên phòng được trang bị 1 - 2 con ngựa; chủ yếu là ngựa giống nội và số ít ngựa được nhập từ Mông Cổ; song chỉ sử dụng vào việc tuần tra hoặc vận chuyển lương thực, quân trang2.

Phương tiện đảm bảo thông tin liên lạc cho các đồn những ngày đầu thành lập cũng còn thiếu thốn, chưa thiết lập đuợc hệ thống thông tin liên lạc. Hầu hết các đồn thời kỳ này phải huấn luyện và sử dụng chim bồ câu đưa thư để thực hiện liên lạc, báo cáo về chỉ huy, hoặc thông tin phục vụ hiệp đồng tác chiến với đơn vị bạn.

Điều kiện ăn, ở của nhiều đồn biên phòng, nhất là những đồn ở trên vùng cao, núi đá gặp nhiều khó khăn. Đồn Nặm Quét (huyện Bảo Lạc) nằm trên núi cao, việc đi lại sinh hoạt, làm nhiệm vụ hết sức vất vả. Mùa đông ở đây kéo dài 4 - 5 tháng. Nhiều ngày sương muối phủ trắng rừng; nhiệt độ xuống thấp, thường 3 - 5 độ, có ngày xuống 0 độ hoặc 1 - 2°C. Vì vậy, việc tăng gia sản xuất, chăn nuôi, trồng rau xanh gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Nhiều cán bộ, chiến sỹ biên phòng tuy được trang bị quần áo ấm, mũ bông, nhưng nhiều người vẫn bị ốm đau do thời tiết quá khắc nghiệt... Vùng núi cao ở một số xã thuộc huyện Hà Quảng gặp khó khăn nhất là nạn thiếu nước dùng cho ăn uống và sinh hoạt. Nhiều thôn, bản phải đi xa hàng chục cây số, hoặc xuống hang sâu trong núi để lấy nước. Trong khi quân số ít, các đơn vị còn phải thay phiên nhau dành ra một bộ phận để lo công tác đảm bảo hậu cần, vận chuyển quân lương, quân trang, nước cho ăn uống, sinh hoạt...
________________________________________
1. Đồng chí Nông Văn Đàn từng trực tiếp tham gia bảo vệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
2. Cả lực lượng có 22 con ngựa.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Năm, 2023, 03:03:11 pm

Quân số mỗi đồn biên phòng ngày đầu thành lập chỉ có 16 người (như các đồn Phai Can, Pò Peo, Bí Hà). Đồn có quân số nhiều hơn thường có khoảng 24 - 25 người (như đồn Nặm Nhũng, Nặm Quét...). Đông nhất là Đồn Sóc Giang có 30 người. Cấp bậc hàm của các đồn trưởng, chính trị viên đồn thường là thiếu úy hoặc chuẩn uý. Các đồn biên phòng có 4 nhiệm vụ cơ bản là:

- Tổ chức binh yếu địa chí nắm địa hình, địa vật của địa bàn bảo vệ; nắm tình hình chính trị, xã hội, hoạt động của các loại đối tượng như tề, nguỵ, phỉ, đặc vụ, các bọn phản động khác, để phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng khác tổ chức đấu tranh, bảo vệ sự bình yên trong khu vực biên giới.

- Tham mưu đề xuất kế hoạch và tham gia xây dựng, củng cố cơ sở Đảng, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức quần chúng; củng cố lực lượng tự vệ, công an xã, xóm. Gắn với các hoạt động bảo vệ biên giới thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

- Tiến hành công tác vận động quần chúng, tuyên truyền phổ biến nâng cao ý thức chủ quyền quốc gia, quốc giới trong nhân dân; vận động mọi người dân ở biên giới tham gia bảo vệ trị an xóm làng, bảo vệ biên giới; xây dựng cuộc sống mới.

- Thường xuyên tổ chức huấn luyện kỹ - chiến thuật chiến đấu vũ trang và đấu tranh nghiệp vụ biên phòng. Tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới.

Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, cán bộ, chiến sỹ phải biết vận dụng các biện pháp nghiệp vụ biên phòng: vận động quần chúng, trinh sát bí mật, tuần tra vũ trang và quản lý hành chính. Sau này, từ thực tiễn hoạt động và tuỳ tình hình cụ thể từng địa bàn, công an nhân dân vũ trang thực hiện thêm biện pháp nghiệp vụ thứ 5 là thiết kế, xây dựng và sử dụng các công trình kỹ thuật.

Với bản chất và truyền thống của Công an nhân dân và Quân đội nhân dân, lại được khơi dậy mạnh mẽ bởi những lời dạy bảo ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sỹ đã nhanh chóng bám sát và được các cấp uỷ, chính quyền địa phương đón nhận, tạo điều kiện thuận lợi để hoà nhập vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Anh em đã tích cực tìm hiểu tình hình mọi mặt về đời sống chính trị, xã hội, phong tục tập quán... của bà con các dân tộc các bản làng biên giới. Khó khăn lớn nhất của người dân biên giới Cao Bằng lúc này là đời sống kinh tế rất thấp kém. Nhiều bà con còn thiếu đói, thiếu muối ăn, thiếu dầu thắp sáng... Đời sống đồng bào còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên vốn rất khắc nghiệt. Đời sống vật chất khó khăn; nghèo nàn càng làm cho đời sống tinh thần của người dân biên giới thêm hạn chế gấp bội nhất là việc tiếp cận với sách, báo, đài, tiếp cận với các thông tin về đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, bà con còn bị kìm hãm, chi phối nặng nề bởi các phong tục tập quán lạc hậu, nhiều tàn dư của chế độ xã hội cũ để lại. Nhiều tệ nạn như tảo hôn, nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, nhiều thói quen xấu vẫn tồn tại dai dẳng...

Được cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc địa phương giúp đỡ, các đơn vị biên phòng Cao Bằng đã nhanh chóng nắm bắt được tình hình, đặc điểm các bản làng biên giới của tỉnh. Trong điều kiện phải kết hợp thực hiện nhiều nội dung công tác, đến cuối năm 1959, đầu năm 1960, các đồn biên phòng Cao Bằng đều hoàn thành công tác điều tra cơ bản, đánh giá tình hình tổng hợp khu vực biên giới của tỉnh; làm xong công tác sưu tầm và xây dựng hồ sơ chính trị xã.

Thực hiện quy định chung về tổ chức lực lượng, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã sớm thành lập các tổ, đội vận động quần chúng, trinh sát, kiểm tra hành chính, tuần tra vũ trang. Các tổ, đội này thường phối hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình hoạt động, thực hiện nhiệm vụ. Năm 1959, quân số của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng còn ít nên các đồn biên phòng chưa thành lập các đội công tác và chỉ mới lập ra được các tổ công tác địa bàn, tổ tuần tra, bộ phận đảm bảo làm công tác hậu cần.

Ngoài bộ phận Trinh sát ở Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, từ năm 1959 đến hết năm 1960, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng chưa có nhân lực để bố trí trinh sát viên cho các đơn vị. Năm 1961, với nguồn cán bộ từ công an, quân đội chuyển sang và số học bổ túc nghiệp vụ về, tỉnh có thêm 12 cán bộ trinh sát. Ban chỉ huy tỉnh tăng cường 2 cán bộ cho bộ phận Trinh sát, 10 đồng chí còn lại được bố trí về đồn biên phòng làm trinh sát viên. Nhiệm vụ của lực lượng trinh sát được xác định là phối hợp với các tổ, đội khác và cấp uỷ, chính quyền địa phương hoạt động điều tra, thu thập tình hình về các loại đối tượng, đối phương bằng các nghiệp vụ bí mật; tiến hành đấu tranh theo kế hoạch, chỉ thị của chỉ huy.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Năm, 2023, 03:03:55 pm

Tổ kiểm soát hành chính ở các đồn biên phòng ở Cao Bằng được tổ chức vào nửa cuối năm 1959. Mỗi đồn được biên chế 3 đồng chí, phần lớn là hạ sĩ quan. Các tổ kiểm soát hành chính thường ở ngay trong đồn biên phòng. Riêng các đồn Tà Lùng, Sóc Giang, Phai Can... đóng tương đối xa đường biên giới nên các trạm kiểm soát hành chính được bố trí đóng ra phía trước, sát đường biên để tiện hoạt động. Nhiệm vụ chính của tổ kiểm soát hành chính là dựa vào quy định của pháp luật và mệnh lệnh, chỉ thị của cấp có thẩm quyền để kiểm soát người, giấy tờ, căn cước, hành lý và hàng hoá trên các phương tiện vận chuyển ở các khu vực biên giới, nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi phạm tội và các vi phạm pháp luật khác. Trên cơ sở những quy định đó, các đồn biên phòng có thêm quyền xử phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy tắc quản lý Nhà nước đối với biên giới quốc gia.

Thời kỳ đầu thành lập các đồn biên phòng ở Cao Bằng, mối quan hệ trên biên giới là hoà bình, hữu nghị. Người qua lại biên giới chủ yếu là bà con các dân tộc địa phương đi thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hoá tiêu dùng. Các tổ kiểm soát hành chính ở các đồn biên phòng tập trung vào hai việc chính là cấp giấy tờ qua lại biên giới cho người dân địa phương và kiểm soát người, phương tiện, hành lý xuất nhập qua biên giới. Công việc còn mới mẻ, cán bộ, chiến sỹ các tổ kiểm soát hành chính vừa làm vừa học tập các quy chế bảo vệ biên giới, các chính sách, đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước, tìm hiểu các quy chế quốc tế... Hàng năm, anh em vừa công tác vừa luân phiên nhau về tỉnh, hoặc Ban Chỉ huy Công an vũ trang Trung ương bồi dưỡng nghiệp vụ.

Cùng thời gian này, các đồn biên phòng Cao Bằng còn được phép tổ chức các tổ tuần tra vũ trang. Mỗi đồn được lập một tổ gồm 9 đến 12 cán bộ, chiến sỹ (chiếm tỉ lệ cao so với quân số của đồn, khoảng từ 30 đến gần 50%). Các tổ tuần tra vũ trang có nhiệm vụ tuần tra biên giới, kiểm tra bảo vệ hệ thống cột mốc biên giới, phục kích ngăn chặn, truy lùng các loại đối tượng vi phạm quy chế biên giới, trấn áp các bọn tội phạm, bọn buôn lậu có vũ trang, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự biên giới. Thông thường tổ tuần tra hoạt động theo hình thức công khai. Trong trường hợp cần thiết thì thực hiện tuần tra bí mật. Đó là khi có dấu hiệu hoạt động của địch, đồn biên phòng phải tổ chức tuần tra kết hợp với mật phục, phát hiện dấu vết, hiện tượng xâm nhập, vượt biên, bắt biệt kích, thám báo... Khi tuần tra bí mật, phải đảm bảo nguỵ trang, nghi trang bí mật về trang phục, đội hình, quân số, địa điểm mật phục, nhiệm vụ, đường - hướng, mục tiêu tuần tra.

Ngoài các tổ tuần tra vũ trang ở các đồn, năm 1959, Ban chỉ huy tỉnh còn được phép thành lập một đại đội cơ động Công an nhân dân vũ trang và các đội vũ trang bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở nội địa. Đại đội cơ động Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được tổ chức như đại đội chủ lực của bộ binh, có 3 trung đội. Mỗi trung đội có 3 tiểu đội. Đại đội cơ động được trang bị gọn nhẹ, gồm súng trường, tiểu liên, trung liên và 1 - 2 chó nghiệp vụ. Đồng chí Bế Khuyến được bổ nhiệm làm đại đội trưởng. Đồng chí Thượng úy Nông Minh Tâm làm chính trị viên đại đội. Đồng chí Nông Khải Hưng làm đại đội phó. Đội vũ trang bảo vệ nội địa thường có quân số một tiểu đội hoặc một trung đội để bảo đảm luân phiên nhau tuần tra, canh gác, bảo vệ các mục tiêu nội địa liên tục 24 giờ trong ngày.

Ngoài ra, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng còn chú trọng thành lập các tổ công tác địa bàn cho các đồn biên phòng. Đây là một trong những cơ sở quan trọng hàng đầu để hoàn thành nhiệm vụ biên phòng và bảo vệ nội địa. Nhiệm vụ của tổ công tác địa bàn là vừa làm công tác trinh sát, nắm tình hình, vừa làm công tác vận động quần chúng; thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương; gần gũi bà con trong các thôn xóm, bản làng biên giới; tổ chức, giúp đỡ, tuyên truyền, giải thích để bà con thấu hiểu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đồng cảm với nhiệm vụ bảo vệ biên giới; chủ động phát hiện tình hình của các loại đối tượng, phục vụ đấu tranh chống lại mọi âm mưu, hành động của địch, bảo vệ cuộc sống bình yên nơi biên giới. Đến cuối tháng 6 đầu tháng 7.1959, mỗi đồn biên phòng ở Cao Bằng đều tạm thời bố trí tổ công tác địa bàn với quân số có từ 2 đến 3 người. Ở những địa bàn có phong trào các mặt đã phát triển, đồn chỉ tạm bố trí 1 người.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Năm, 2023, 03:27:38 pm

Năm 1960, được Ban Chỉ huy tỉnh bổ sung quân số, mỗi đồn biên phòng của tỉnh được biên chế chính thức một đội vận động quần chúng (còn gọi là đội công tác cơ sở) do thường xuyên bám sát cơ sở tại các bản làng biên giới. Quân số các đội ổn định 3 người, có một đội trưởng chỉ huy chung. Những đồn có phạm vi địa bàn phụ trách rộng, nhiều xã (3 - 5 xã), được phép tổ chức 2 đội vận động quần chúng. Quân số từ 4 đến 7 người.

Cán bộ, chiến sỹ vận động quần chúng xuống cơ sở đã thực hiện 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với bà con địa phương. Đặc biệt, một số đồng chí đã cắt máu ăn thề với đồng bào, tỏ rõ quyết tâm gắn bó lâu dài với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, cùng nhân dân biên giới xây dựng cuộc sống mới, thực hiện khẩu hiệu “đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Anh em trong các đội công tác vận động quần chúng xác định trước hết phải tích cực tuyên truyền, vận động và trực tiếp cùng bà con các dân tộc phấn đấu xây dựng nếp sống mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi biên giới. Đây là lĩnh vực rất nhạy cảm, dễ động chạm đến phong tục tập quán, động chạm đến thói quen trong đời sống của bà con, nên thường gặp nhiều khó khăn khi làm nhiệm vụ.

Trước thực tế đó, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng kiên trì, bền bỉ tuyên truyền, vận động nhân dân. Anh em dựa vào lực lượng nòng cốt là đảng viên, thống nhất nội dung, quyết tâm cùng chi bộ, đảng bộ ở địa phương: Đảng viên ở địa phương cùng cán bộ, chiến sỹ biên phòng làm trước để vận động, lôi cuốn bà con cùng làm. Với nhiều hình thức, biện pháp, cán bộ, chiến sỹ làm công tác vận động quần chúng kết hợp với cán bộ, đảng viên của địa phương vận động từng người, từng nhóm người, từng hộ gia đình; rồi mở rộng ra nhiều người, nhiều hộ, dần dần đến cả thôn bản, cả xã và nhiều thôn xã; vận động mọi lúc, mọi nơi; kết hợp vận động riêng với vận động chung trong các dịp lễ hội, sinh hoạt cộng đồng, trong những hoạt động thường nhật của bà con thôn bản. Quá trình thực hiện công tác vận động quần chúng, cán bộ, chiến sỹ biên phòng còn thực hiện phương châm miệng nói, tay làm; tự coi mình là con em của các dân tộc, gần gũi, thương yêu em nhỏ, chăm sóc, giúp đỡ các cụ già, dạy chữ, khám chữa bệnh cho đồng bào, nhường cơm sẻ áo khi đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn, tham gia làm vệ sinh, phát quang, đắp sửa đường đi; cắt tóc, tắm gội cho các em nhỏ. Dần dần các tổ công tác cơ sở của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng từng bước vận động được đồng bào từ bỏ những thói quen, những phong tục lạc hậu, có tác động xấu đến đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Đặc biệt, ở nhiều xã như Đức Hạnh, Cốc Pàng, Cô Ba, Thượng Hà, Khánh Xuân, Xuân Trường (huyện Bảo Lạc)1 có nhiều đồng bào dân tộc Mông, Dao sinh sống; cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã kiên trì thuyết phục, vận động đồng bào ở đây từ bỏ lối sống du canh du cư, đốt nương, phá rừng để canh tác, chuyển sang xuống núi định canh định cư, ổn định sản xuất, từng bước cải thiện cuộc sống. Từ những việc làm thiết thực và thái độ tận tuỵ với dân, đồng bào các dân tộc biên giới ngày càng thấy cán bộ, chiến sỹ biên phòng gần gũi, gắn bó với cuộc sống của và tin yêu như con em của thôn bản, sẵn lòng ủng hộ, giúp đỡ, làm theo sự hướng dẫn, tuyên truyền vận động của anh em.

Khi nếp sống mới bước đầu được nhân dân tiếp nhận, hưởng ứng, các đồn biên phòng đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và trực tiếp tham gia đóng góp nhiều công sức cùng địa phương xây dựng các lớp học, xây dựng trạm xá xã, vận động bà con từ bỏ những tập quán cũ lạc hậu, mê tín dị đoan, không tin lời thầy mo thầy cúng; khi ốm đau cần đến trạm xá khám bệnh và dùng thuốc theo hướng dẫn của y tế... Những người hành nghề mê tín, buôn thần bán thánh trong các thôn, bản biên giới của Cao Bằng giảm dần, kể từ khi các đội công tác cơ sở xuống với các biên giới thôn bản.

Quá trình hoạt động tích cực, kiên trì chịu đựng gian khổ, khó khăn của cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng biên giới và đưa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến nhân dân hiệu quả hơn. Sự giác ngộ chính trị, trình độ nhận thức về mọi mặt của bà con các dân tộc đã chuyển biến tích cực; nếp sống mới đã từng bước hình thành ở từng thôn, bản biên giới.
_______________________________________
1. Xã Đức Hạnh nay thuộc huyện Bảo Lâm.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Năm, 2023, 03:29:23 pm

Trên cơ sở nắm vững chủ trương, đường lối của các cấp bộ Đảng, chính quyền về hợp tác hoá nông nghiệp, làm ăn tập thể, các đơn vị biên phòng Cao Bằng đã tích cực tuyên truyền vận động và cùng cấp uỷ, chính quyền, bà con các xã biên giới xây dựng cuộc sống mới như sửa sang, làm mới đường sá, cầu cống, công trình thuỷ lợi loại nhỏ... phục vụ sinh hoạt, đời sống, phát triển sản xuất. Các đơn vị tích cực bám sát, phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương tìm biện pháp khêu gợi, phát huy truyền thống, lòng tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng; vận động bà con thay đổi tập quán làm ăn cũ. Để có cơ sở thực tế về cách làm ăn mới, các đồn biên phòng đã xin xã cấp đất, làm lúa nước, trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao (như cây đỗ tương, cây tam thất...) theo thế mạnh của từng vùng. Qua đó, các đơn vị tạo ra mô hình thí điểm, thuyết phục để bà con làm theo.

Trong khi vừa kiên trì vận động, vừa tham gia làm cùng bà con, cán bộ, chiến sỹ biên phòng còn tích cực nghiên cứu tham mưu đề xuất với lãnh đạo địa phương các kế hoạch, biện pháp tổ chức bà con từng bước chuyển sang làm ăn tập thể. Đầu tiên là xây dựng các tổ vần công, đổi công. Từ đó có cơ sở để tiến dần lên xây dựng hợp tác xã. Kết quả, sau một năm hoạt động, các xã vùng cao biên giới đã góp phần cùng toàn tỉnh xây dựng được 3.918 tổ công với 23.370, hộ chiếm 50% số hộ của toàn tỉnh. Trong đó, Phong Nặm, Ngọc Khê (Trùng Khánh) là hai xã biên giới tiêu biểu trong phong trào đổi công, hợp tác xã được Ủy ban hành chính tỉnh biểu dương. Ở biên giới Thị Hoa, huyện Hạ Lang, đến ngày 14.6.1960, đã có bà con ở 11 trong số 14 xóm của toàn xã gia nhập hợp tác xã. Ở huyện Hà Quảng, có 9 xã giáp biên giới. Đến ngàv 22.10.1960, đã có các xã Sóc Hà, Cần Yên1, Nà Sác, Trường Hà... xây dựng được 32 hợp tác xã, gồm 660 hộ.

Phong trào xây dựng tổ đội công, hợp tác xã của tỉnh Cao Bằng (trong đó có các xã vùng cao biên giới) phát triển mạnh đã khắc phục được những khó khăn trong sản xuất, cải thiện đời sống của bà con nông dân, nhất là của đồng bào các dân tộc vùng cao trong tỉnh. Bộ mặt nông thôn bước đầu đổi mới; đời sống kinh tế của người nông dân đã được nâng cao thêm một bước.

Với những kết quả hoạt động thực tế của hơn một năm triển khai xây dựng lực lượng, công tác vận động quần chúng của các đơn vị trên toàn miền Bắc, tháng 8.1960, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương đã tổ chức Hội nghị công tác chính trị lực lượng lần thứ nhất. Hội nghị đã tập trung thảo luận kỹ, đánh giá sâu sắc và xác định phương hướng tiếp theo cho toàn lực lượng trong công tác được đánh giá là rất trọng yếu trong quá trình thực hiện những chức năng, nhiệm vụ của lực lượng. Hội nghị đã thống nhất các nội dung đảm bảo thắng lợi cho công tác vận động quần chúng, xây dựng phòng tuyến nhân dân trong thời kỳ tiếp theo của toàn lực lượng, gồm:

- Lời Huấn thị của Bác trong ngày thành lập lực lượng là kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn lực lượng, trong đó có công tác vận động quần chúng.

- Muốn tiến hành công tác vận động quần chúng đạt kết quả tốt, trước hết phải đảm bảo nguyên tắc tạo được sự nhất trí giữa cán bộ, chiến sỹ với cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương. Trên cơ sở đó, không ngừng tăng cường quan hệ mật thiết với nhân dân, làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ, giúp đỡ.

- Phương châm của công tác vận động quần chúng là cán bộ, chiến sỹ tin yêu dân, luôn luôn dựa vào dân, kiên trì vận động nhân dân, ra sức xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới, bảo vệ nhân dân.

- Trọng tâm công tác vận động quần chúng trước hết phải tập trung vào khu vực biên giới xung yếu, vùng đồng bào theo đạo Thiên chúa, những vùng phong trào bảo vệ trị an còn yếu.

- Nắm vững, thực hiện đúng đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, kết hợp với nhiệm vụ chính trị của địa phương để tiến hành công tác vận động quần chúng nhằm vào yêu cầu chủ yếu là xây dựng phong trào ở địa phương phục vụ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và các mục tiêu trọng yếu ở nội địa.

Với những định hướng trên, từ năm 1961 trở đi, công tác vận động quần chúng của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thực hiện ngày càng đạt được chất lượng, hiệu quả cao, tạo cơ sở vững chắc cho việc hoàn thành chức năng nhiệm vụ của đơn vị.

Gắn liền với những hoạt động trên, các đơn vị còn tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị và phòng trào quần chúng tham gia bảo vệ trị an. Khi các đơn vị biên phòng triển khai lực lượng đóng đồn biên phòng trên biên giới, hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, lực lượng công an, dân quân các xã giáp biên của tỉnh đã qua gần 5 năm xây dựng. Chất lượng và năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, hoạt động của cán bộ cơ sở, của các tỗ chức đoàn thể quần chúng ở các xã giáp biên còn những mặt hạn chế. Tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị còn bị chi phối nhiều bởi đời sống kinh tế thường ngày rất khó khăn. Nhiều mặt hoạt động của tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể... chưa có sự phối hợp đồng bộ, thành nề nếp, nên còn hạn chế hiệu quả lãnh đạo đối với các phong trào ở địa phương.
________________________________________
1. Xã Cần Yên nay thuộc huyện Thông Nông


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Năm, 2023, 03:30:34 pm

Trên cơ sở đánh giá thực trạng cơ sở, nhận rõ nguyên nhân các mặt còn yếu kém, các đồn biên phòng đã tham mưu đề xuất với các cấp uỷ Đảng kế hoạch xây dựng, củng cố cơ sở chính trị, xây dựng xã vững mạnh và đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an. Các đơn vị đã tham gia cùng địa phương tập trung vào bốn khâu, được xác định là “bốn trụ” quan trọng nhất là: Đảng, chính quyền, công an và dân quân.

Trong đó, cơ sở Đảng là khâu giữ vị trí quyết định nhất. Thực tế cho thấy nơi nào tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh thì nới đó phong trào mọi mặt phát triển mạnh và vững chắc. Nơi nào cơ sở Đảng chưa phát huy được vai trò lãnh đạo thì phong trào sẽ yếu kém. Với vị thế của Cao Bằng là quê hương cách mạng nên hầu hết các xã trong tỉnh đều sớm xây dựng được các chi bộ, đảng bộ xã. Từ đặc điểm đó, khi Công an nhân dân vũ trang tỉnh ra đời năm 1959, hầu hết các xã biên giới của Cao Bằng đều đã có các chi bộ, đảng bộ xã với quy mô khác nhau. Đây là điều không phải tỉnh biên giới phía Bắc nào lúc đó cũng có. Trong đó, hơn 61% số xã có số đảng viên gần 30 người trở lên (9 xã gần 30 đảng viên, 9 xã gần 50 đến trên 70 đảng viên, 1 xã có 99 đảng viên). Tuy nhiên, còn khoảng 39% số xã biên giới số đảng viên còn ở mức thấp, chỉ khoảng 10 người, có xã chỉ có 2 hoặc 4 đảng viên, thậm chí có xã chưa có đảng viên (xem bảng thống kê kèm theo). 2 trong số 31 xã chưa có chi bộ. Mặc dù vậy, với tổng số 1.096 đảng viên ở các xã giáp biên là lợi thế về mặt đảng số của khu vực biên giới Cao Bằng so với nhiều tỉnh biên giới khác ở phía Bắc.

Tại các đồn biên phòng Cao Bằng ngày đầu triển khai, công tác tổ chức đảng cũng có điểm tương đồng trong bối cảnh chung đó ở địa bàn. Mỗi đồn chỉ có vài ba đảng viên. Hầu hết các đồn chưa đủ điều kiện để thành lập chi bộ. Trước tình hình đó, theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, đảng viên các đồn biên phòng được ghép sinh hoạt chung với các chi bộ đảng địa phương. Điều này đã tạo thuận lợi lớn cho các đơn vị gần gũi, gắn bó và nắm vũng các đặc điểm của từng chi bộ. Từ đó, anh em đã tham mưu đề xuất với cấp uỷ đảng nhiều vấn đề cụ thể về làm trong sạch và bảo vệ tổ chức đảng. Những trường hợp lý lịch không rõ ràng, không đủ điều kiện tiêu chuẩn về phẩm chất trong các chi bộ và bộ máy chính quyền xã đã được phát hiện kịp thời để xử lý, đảm bảo sự trong sạch vững mạnh cho bộ máy lãnh đạo, điều hành ở địa phương. Những kiến nghị về nề nếp, nội dung và chất lượng sinh hoạt đảng đã được các chi bộ ở các xã chấp nhận, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và chính quyền cơ sở. Đồng thời, các đồn biên phòng còn tích cực tham gia công tác phát triển đảng, phát hiện, giúp đỡ những quần chúng tốt tìm hiểu về đảng; giới thiệu những quần chúng ưu tú để các chi bộ bồi dưỡng kết nạp vào Đảng; giúp đỡ các xã đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp xã, thôn... Bằng cách làm đó, liên tục từ năm 1959 đến năm 1979, các đơn vị biên phòng Cao Bằng đã giới thiệu cho Đảng 225 quần chúng ưu tú.

Song song với việc tham gia củng cố, kiện toàn các chi bộ, đảng bộ, hệ thống chính quyền các xã, thôn, cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng, củng cố chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ xã; đặc biệt là tham gia xây dựng, củng cố lực lượng, dân quân tại chỗ. Theo đề xuất của các đơn vị, các đảng bộ, chi bộ, chính quyền các xã biên giới của Cao Bằng đã tiến hành tổ chức cho mỗi thôn, xóm bản tuyển chọn từ 1 đến 3 công an viên, xây dựng từ 1 đến 2 tổ an ninh nhân dân, thành lập 1 trung đội (1b) dân quân. Đến cuối năm 1960, các xã biên phòng Cao Bằng đã thành lập được 48 tổ an ninh nhân dân, 70 công an viên, phát triển thêm 98 dân quân.

Sau khi xây dựng, củng cố lực lượng công an, dân quân ở địa bàn, từ năm 1959 đến năm 1964, các đồn biên phòng đã mở các lớp huấn huyện cho đội ngũ công an viên và dân quân với những nội dung và mức độ khác nhau. Đối với dân quân, nội dung huấn luyện chủ yếu tập trung vào sử dụng vũ khí được trang bị, phương pháp tuần tra bảo vệ xóm làng, thôn, bản, tập một số bài võ thuật cơ bản, kỹ thuật quân sự phù hợp với chức năng nhiệm vụ. Trong 3 năm (1962 - 1964), lực lượng biên phòng đã được huấn luyện 172 lần với 3.003 lượt người tham gia.

Đối với công an viên ở các xóm, xã, các đồn biên phòng tập trung huấn luyện về phương pháp nắm tình hình, tham mưu đề xuất kế hoạch cho cấp uỷ và chính quyền địa phương về công tác đảm bảo an ninh, trật tự; làm nòng côt xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh; các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Từ năm 1961 - 1964, tổ chức huấn luyện 377 lần với 1.101 lượt người tham gia.

Đối với nhân dân ở biên giới, các đồn biên phòng đã bố trí cán bộ, chiến sỹ luân phiên xuống địa bàn tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến, giúp bà con nâng cao nhận thức, cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của địch; tìm hiểu thông suốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các hiệp định, hiệp nghị về biên giới... Năm 1962, tổ chức ở 222 xóm, có 6.443 lượt người tham gia; năm 1963, tổ chức ở 195 xóm, có 4.312 lượt người tham gia; năm 1964, tổ chức ở 191 xóm, có 5.196 lượt người tham gia.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Năm, 2023, 07:25:44 pm

Qua các đợt tổ chức tuyên truyền, học tập, nhất là quá trình thực hiện “bốn cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với đồng bào các dân tộc, các đồn biên phòng Cao Bằng đã tích cực vận động nhân dân thực hiện “ba phòng” (phòng gian, phòng hoả, phòng tai nạn)1. Với tinh thần tích cực, tận tuỵ của cán bộ, chiến sỹ biên phòng, các cấp uỷ và chính quyền địa phương ngày càng chú trọng hơn đến chủ trương “ba phòng”. Tình hình và kết quả thực hiện “ba phòng” trở thành một nội dung thường xuyên trong các lần sinh hoạt của các cơ sở đảng, trong các cuộc hội họp ở thôn bản, đội sản xuất, hợp tác xã; có kiểm điểm, đánh giá, biểu dương người tốt việc tốt. Từ năm 1960 trở đi, nhân dân các xã biên giới Cao Bằng đã từng bước đưa việc thực hiện “ba phong” vào nề nếp.

Trên cơ sở đó, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương và khu Việt Bắc, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh phát động đồng bào các dân tộc thực hiện phong trào bảo vệ trị an. Đây là phong trào được phát động từ giữa năm 1957 trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm từ các cuộc vận động “ba không”, “ba phòng”. Cuộc vận động bảo vệ trị an có ý nghĩa chiến lược trong công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bọn tội phạm khác, bảo vệ an ninh trật tự. Nội dung chủ yếu của bảo vệ trị an bao gồm: phòng gian (phòng gián điệp, phản động, lưu manh, trộm cắp...), phòng cháy và phòng tai nạn. Kinh nghiệm của việc thực hiện các phong trào “ba không”, “ba phòng” trước đó đã góp phần giúp cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang triển khai phong trào bảo vệ trị an và sự tham gia phong trào của đồng bào các dân tộc ở 31 xã biên giới tỉnh Cao Bằng từng bước đạt kết quả tốt. Mặc dù đời sống kinh tế rất khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, thời tiết khắc nghiệt nhưng phong trào bảo vệ trị an ở đây ngày một phát triển, tạo được khí thế mới trong đấu tranh bảo vệ trị an, an ninh trật tự ở nhiều địa phương.

Công tác vận động quần chúng, củng cố hệ thống chính quyền ở cơ sở, phát động và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ trị an đã giúp công tác biên phòng của tỉnh bước đầu đạt kết quả tốt. Với sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp uỷ, chính quyền và sự giúp đỡ cung cấp các nguồn tin của nhân dân địa phương, ngay trong năm 1959, Công an nhân dân vũ trang đã phát hiện ở địa bàn bảo vệ của đơn vị trong tỉnh còn có 1.486 đối tượng các loại. Năm 1960, các đơn vị lập xong danh sách, phân loại đối tượng, phân loại địa bàn. Đến năm 1964, điều tra bổ sung đầy đủ 1.953 đối tượng; phân loại làm rõ các loại đối tượng. Đáng chú ý, trong số này có tới 1.810 đối tượng phản động, xác lập được số hồ sơ hiềm nghi, làm rõ các đối tượng phỉ, đặc vụ Tưởng, gián điệp của nước ngoài... Đồng thời, nhờ mối quan hệ gần gũi, mật thiết với cơ sở, màng lưới “tai mắt” trong nhân dân ngày càng phát triển rộng. Trong đó, cơ sở bí mật (cơ sở tai mắt) năm nào cũng tăng thêm về số lượng và mở rộng thêm đến các địa bàn mới. Từ năm 1959 đến cuối năm 1962, các đồn Công an nhân dân vũ trang trong toàn tỉnh đã xây dựng được 182 cơ sở bí mật. Năm 1963, tăng thêm 69 cơ sở...

Năm 1962, Cao Bằng gặp những khó khăn gay gắt do hạn hán và sương muối gây ra. Mặt khác, do chưa có nhiều kinh nghiệm trong khâu quản lý, tổ chức hợp tác xã, mùa màng thất bát, đời sống kinh tế người dân gặp khó khăn. Vì vậy, nông dân ít phấn khởi tham gia hợp tác xã. Năm 1962 đầu năm 1963 là thời kỳ có một bộ phận nông dân xin ra khỏi hợp tác xã, theo thống kê chỉ còn 53,6% (tỷ lệ vùng thấp còn 70%, vùng cao còn 8%).

Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các đơn vị công an nhân dân vũ trang Cao Bằng bám sát cấp uỷ, chính quyền địa phương, phối hợp với bà con đồng bào các dân tộc tích cực khắc phục khó khăn để sản xuất lương thực (nhất là ngô và các cây màu khác như khoai, sắn, đỗ, lạc...), tuyên truyền để bà con cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, phá hoại của bọn phản động, vận động bà con củng cố hợp tác xã và duy trì phong trào bảo vệ trị an. Năm 1963, trong 35 xã biên giới của tỉnh2, mặc dù còn nhiều khó khăn đã có 801 đảng viên, cán bộ xã, 8.286 lượt quần chúng nhân dân (đạt tỷ lệ gần 90% số dân) tham gia học tập về bảo vệ phong trào trị an. 20 xã duy trì đều đặn phong trào; trong đó có 5 xã đạt khá, 15 xã trung bình; 2 xã chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt có 2 xã Quang Long (huyện Hạ Lang) và Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh) được tỉnh công nhận là lá cờ đầu bảo vệ trị an.

Qua các hoạt động của phong trào, chính quyền và nhân dân các xã khu vực biên giới Cao Bằng đã tiến hành trấn áp, cải tạo 102 đối tượng là tề, nguỵ, phỉ, phản động cũ, đang ẩn náu, ngấm ngầm hoạt động phá hoại; tiến hành giáo dục, cải tạo 18 đối tượng khác; đưa ra kiểm điểm trước nhân dân 51 đối tượng; lập hồ sơ chuyển lên huyện 33 đối tượng. Trước thanh thế của phong trào bảo vệ an ninh, 14 đối tượng phỉ cũ khác phải ra đầu thú trước chính quyền.
______________________________________
1. “Ba phòng" là chủ trương nhằm vận động nhân dân bảo vệ an ninh, trật tự do Đảng và Nhà nước ta đề ra từ sau ngày miền Bắc giải phóng (năm 1954), đã có tác dụng tích cực vận động quần chúng nâng cao cảnh giác, giữ gìn bí mật quốc gia, chống địch thu thập tin tức tình báo.
2. Từ năm 1963, địa giới hành chính của 7 huyện biên giới được chia thành 35 xã.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Năm, 2023, 07:29:59 pm

Kế thừa và nối tiếp truyền thống của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã luôn gắn nhiệm vụ chiến đấu với xây dựng lực lượng và thông qua chiến đấu, trưởng thành để hoàn thiện tổ chức, lực lượng. Vì vậy, vừa triển khai lực lượng lên biên giới, các đơn vị vừa phối hợp cùng quân dân trong tỉnh đấu tranh trấn áp các bọn thổ phỉ, đặc vụ Tưởng, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, các bọn gián điệp, biệt kích và các phần tử xấu từ bên ngoài xâm nhập qua biên giới.

Hoạt động thổ phỉ ở vùng núi nước ta là một thủ đoạn hết sức thâm độc của thực dân, đế quốc trong chính sách “dùng người Việt đánh người Việt” có từ thời Pháp xâm lược. Cuối năm 1959, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là các vùng từ Lào Cai đến Hà Giang, Cao Bằng đều bị bọn phỉ, gián điệp, biệt kích, đặc vụ, tàn quân Tưởng, bọn phản động từ Trung Quốc sang hoạt động quấy phá, đe doạ. An ninh trật tự khu vực biên giới phía Bắc bị xáo trộn.

Hoạt động của bọn phỉ câu kết với bọn đặc vụ ở các tỉnh biên giới phía Bắc và cận kề với Cao Bằng, đã gây tác động đến bọn phỉ và bọn đặc vụ nằm vùng ở tỉnh Cao Bằng. Chúng liên lạc, móc nối nhau nhen nhóm lại tổ chức ở một số địa phương; đặc biệt ở một số xã thuộc huyện Bảo Lạc, Hà Quảng... Bọn phỉ ở Cao Bằng vốn được thực dân Pháp tạo lập và nuôi dưỡng. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng cách mạng đã tiến hành nhiều đợt tiễu phỉ ở vùng này. Từ năm 1953, các hoạt động móc nối, liên kết của bọn phỉ tại một số địa phượng đã bị quân dân Cao Bằng phát hiện. “Sau hoà bình, nhiều toán phỉ tuy đã bị lực lượng cách mạng tiến công tiêu diệt, song một số tên còn sống sót đã dựa vào rừng núi, câu kết với các phần tử phản động và bọn đặc vụ Tưởng Giới Thạch sang đất ta ẩn náu, mai phục chống phá chính quyền, cướp bóc, hà hiếp nhân dân”1. Đầu năm 1955, bọn phỉ trắng trợn tụ tập, chuẩn bị vũ khí, bàn bạc kế hoạch chống phá chính quyền. Địa bàn phát sinh các hoạt động của bọn phỉ lúc này là các xã thuộc huyện Bảo Lạc như Khánh Xuân, Xuân Trường, Huy Giáp, Sơn Lộ, Thái Học2... Từ Bảo Lạc, lan sang các xã Lương Thông, Cần Yên, Ngọc Động, Yên Sơn (huyện Hà Quảng)3 và các xã Yên Lạc, Vũ Nông... (huyện Nguyên Bình).

Tại các địa bàn trên, bọn phỉ cùng các phần tử thuộc tầng lớp trên trong xã hội cũ câu kết với bọn đặc vụ Tưởng và các tên tội phạm từ Trung Quốc chạy sang Việt Nam, tiến hành hoạt động tình báo, xây dựng cơ sở phản cách mạng, căn cứ vũ trang tiến tới gây bạo loạn ở vùng biên giới. Trong những năm 1959 - 1964, Trung Quốc tiến hành các chiến dịch “Tam phản”, “Ngũ phản”, “cách mạng văn hoá”, nên tình hình nội bộ Trung Quốc có nhiều biến dộng. Số người từ Trung Quốc trốn sang nước ta ngày một càng nhiều; trong đó có một số là phần tử xấu, một số sang ta xây dựng cơ sở để phục vụ mưu đồ lâu dài. Số liệu thống kê từ năm 1960 - 1964, từ Trung Quốc chạy sang Cao Bằng có 3.5161 người (năm 1960 có 1.006 người, 1961 có 968 người, 1962 có 167 người, 1963 có 1.051 người, 1964 có 1.324 người)4.

Số đối tượng trên thường xuyên tụ tập, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, mua chuộc lôi kéo, khống chế số bà con lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số (đông nhất là đồng bào người Mông, Dao) chống lại chủ trương xây dựng hợp tác xã nông nghiệp và chính sách thuế nông nghiệp; chống lại việc đi dân công, gia nhập bộ đội, đe doạ cán bộ cơ sở và quần chúng tích cực; thậm chí khiêu khích, nổ súng vào dân quân đang tuần tra; gây ra các vụ cướp của, giết người... Nhiều bà con hoang mang, lo lắng không yên tâm làm ăn, tăng gia sản xuất.
_______________________________________
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000). Sđd, tr.259.
2. Xã Thái Học nay thuộc huyện Bảo Lâm.
3. 5 xã này nay đều thuộc huyện Thông Nông.
4. Thống kê thành tích 10 năm xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng 1959 - 1968.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Năm, 2023, 07:33:06 pm

Được quan thầy cổ vũ, kích động, bọn phản động một số địa phương miền núi biên giới hung hăng nổi dậy hoạt động, gây ra các vụ chống phá chính quyền, mất an ninh trật tự xã hội. Trong số đó nổi lên có vụ bạo loạn ở huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang tháng 12.1959. Từ Đồng Văn, các hoạt động của bọn phỉ phát triển ra một số huyện tỉnh Hà Giang và có dấu hiệu lan rộng sang các xã Cốc Pàng, Đức Hạnh, Nam Quang, Tân Việt1... thuộc huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Sau đó, chúng viết thư móc nối, lôi kéo cán bộ chính quyền và cho tay chân sang các xã Nam Quang, Đức Hạnh... tuyên truyền, đe doạ, mua chuộc nhân dân và cán bộ cơ sở theo chúng nổi loạn2.

Trước diễn biến nghiêm trọng của cuộc bạo loạn Đồng Văn, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng gồm nhiều cán bộ chủ chốt của Tỉnh đội, Ty Công an, Công an nhân dân vũ trang tỉnh, Mặt trận Tổ quốc... để phân tích, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp chủ động đấu tranh. Ngày 23.12.1959, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Chỉ thị số 232/CT-CB cho các lực lượng vũ trang trong tỉnh phải tích cực đề phòng, đấu tranh ngăn chặn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của bọn bạo loạn đến địa phận Cao Bằng; tích cực phối hợp giữa các lực lượng vũ trang, trinh sát, công tác chính trị nắm sát dân và chú trọng đẩy mạnh hoạt động ở các xã thuộc huyện Bảo Lạc giáp giới với huyện Đồng Văn; đồng thời tuỳ điều kiện cụ thể phải mang lực lượng sang phối hợp, tiếp ứng với quân dân Hà Giang đánh địch.

Lực lượng Công an nhân dân vũ trang trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc, nên khi xảy ra một số vụ bạo loạn đã sớm nhận rõ tính chất nguy hiểm của các loại đối tượng trong khu vực biên giới. Từ tháng 9.1959, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương đã chỉ đạo các đơn vị cần nhận rõ: “Bọn phản cách mạng Trung Quốc lẩn trốn phải được coi là bọn nguy hiểm nhất, phải trinh sát phát hiện và tổ chức quần chúng bắt cho kỳ được bọn chúng”3. Chấp hành mệnh lệnh đó, cùng với lực lượng các tỉnh liên quan trên tuyến biên giới phía Bắc, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã sớm chủ động triển khai lực lượng trinh sát xuống nắm tình hình ở địa bàn trọng điểm là các xã biên giới tiếp giáp với tỉnh Hà Giang như Đức Hạnh, Lý Bôn, Nam Quang. Khu uỷ Việt Bắc đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch tiễu phỉ ở Hà Giang và giao cho đồng chí Phó Chính uỷ Quân khu Việt Bắc làm chỉ huy trưởng.

Thực hiện mệnh lệnh của Ban Chỉ huy Công an vũ trang Trung ương, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang khu Việt Bắc và chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã nhanh chóng thành lập một đại đội để tham gia chiến dịch tiễu phỉ ở Hà Giang. Thượng úy Nông Minh Tâm, Chính trị viên đại đội cơ động Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội. Đồng chí Hà Ngọc Kìm, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cốc Pàng làm đại đội phó. Ban chỉ huy chiến dịch có đồng chí Hoàng Khiêm, chính trị viên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng đi. Ngoài trang bị vũ khí có trong biên chế, đại đội còn được Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương trang bị thêm 2 khẩu súng cối 60mm.

Đội hình tham gia chiến dịch tiễu phỉ của Cao Bằng có các đơn vị của lực lượng công an, quân đội, dân quân du kích... Ngày 10.12.1059, Ty Công an đã cử đồng chí Nguyễn Chí, trưởng ban Bảo vệ chính trị làm trưởng đoàn và 20 cán bộ, chiến sỹ đến Bảo Lạc. Đồng chí Hoàng Khiêm, Chính trị viên Công an nhân dân vũ trang tỉnh đưa cán bộ, chiến sỹ vào Bảo Lạc để phối hợp đánh địch. “Tỉnh đội Cao Bằng đã đưa Tiểu đoàn 55 bộ đội thường trực của Tỉnh đội vào huyện Bảo Lạc. Hình thành mặt trận phía đông của huyện Đồng Văn (Hà Giang)... Tiểu đoàn 55 gồm 3 đại đội bộ binh và 1 đại đội trợ chiến, do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thanh Liêm và Chính trị viên Đặng Lâm chỉ huy...

Tại khu vực Đồng Văn, ở phía Tây Nam có lực lượng vũ trang Quân khu Việt Bắc, ở phía tây huyện Bảo Lạc có một trung đội công an nhân dân vũ trang do đồng chí Hoàng Khiêm, Chính trị viên Công an nhân dân vũ trang trực tiếp chỉ huy bám nắm địch. Sau đó, lực lượng công an nhân dân vũ trang được điều thêm một đại đội tăng cường cho mặt trận này”4.

Tại phía nam Đồng Văn, bên cạnh lực lượng vũ trang của Hà Giang gồm các phân đội của công an nhân dân vũ trang, dân quân du kích các xã, tự vệ các cơ quan, Đại đội 10 của Tỉnh đội, Tiểu đoàn cơ động 12 (d12) của Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương và Trung đoàn 246 (d246) của Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc.
_______________________________________
1. Nay là các xã Đức Hạnh, Nam Quang, Nam Cao, Tân Việt thuộc huyện Bảo Lâm.
2. Xã Nam Quang nhận được 2 lá thư, xã Đức Hạnh nhận được 1 lá thư.
3. Điện của Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương, ngày 11.9.1959.
4. Cao Bằng lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975. Tập II. Sđd, tr.31.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Năm, 2023, 07:34:41 pm

Bộ Chỉ huy chiến dịch tiễu phỉ phổ biến phương châm hoạt động tiễu phỉ là đẩy mạnh công tác chính trị, lấy tuyên truyền, thuyết phục, vận động những người lầm đường lạc lối là chính. Vì vậy, trước khi bước vào chiến dịch, các đơn vị đã vận động một số đồng bào Mông trung kiên, có giác ngộ cách mạng cao để làm cầu nối giữa bộ đội với những người bị lôi kéo theo phỉ hiểu được đường lối, chính sách đoàn kết, khoan hồng của Đảng và Chính phủ.

Chiến dịch mở màn từ đêm 21.12.1959. Các lực lượng tham gia chiến dịch được bố trí tấn công vào bọn gây bạo loạn theo hai hướng chính: Hướng thứ nhất gồm các đơn vị của Hà Giang và Trung đoàn 246 Quân khu Việt Bắc từ phía Tây Nam đánh lên Đồng Văn, Lũng Cú. Hướng thứ hai có các đơn vị của Cao Bằng, gồm bộ đội của Tiểu đoàn 55, Đại đội Công an nhân dân vũ trang và dân quân du kích, xuất phát từ huyện Bảo Lạc qua huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) để tấn công bọn phỉ ở phía tây Đồng Văn.

Vào đến địa phận huyện Mèo Vạc, đường hành quân gặp rất nhiều khó khăn vì địa hình hiểm trở. Để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ của chiến dịch, cán bộ, chiến sỹ phải cắt rừng, vạch cỏ cây vừa hành quân trong đêm tối, vừa xác định phương hướng chiến đấu với các toán phỉ phục kích. Đến đồn Xăm pun (Hà Giang), Đại đội Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng dừng chân, tổ chức lại lực lượng, nắm tình hình, tối hôm sau hành quân đi Đồng Văn (khoảng 10 km). Đến núi Tù Sán (núi cao nhất khu vực huyện lỵ Đồng Văn, tại đây nhìn thấy đồn Đồng Văn, cách khoảng 2 km), đơn vị chia làm hai mũi: một mũi tiến lên chiếm đỉnh núi do đồng chí Nông Minh Tâm chỉ huy, tổ chức trận địa; một mũi theo đường mòn qua sườn núi do đồng chí Hà Ngọc Kìm chỉ huy, cùng đi có đồng chí Hoàng Khiêm. Mũi theo đường mòn qua sườn núi bị phỉ phục kích. Mũi trên đỉnh núi Tù Sán sau khi đã bố trí đội hình, tiến hành nổ súng cối 60mm và nổ súng trung liên vào khu vực xung quanh đồn Đồng Văn (lúc này đồn Đồng Văn đang bị phỉ bao vây, bên trong có khoảng 01 tiểu đội Công an nhân dân vũ trang). Khi thấy lực lượng ta bắn, bọn phỉ chạy lên rừng. Đồn Đồng Văn được giải cứu. Sau đó, đại đội tiến hành an dân rồi hành quân xuống Mèo Vạc.

Từ Đồng Văn xuống Mèo Vạc chỉ có con đường độc đạo qua vùng đèo Mã Pí Lèn, ngoắt ngoéo qua 9 đoạn gấp khúc; một bên là vực sâu dốc đứng đổ xuống sông Nho Quế, một bên là vách núi đá dựng đứng. Sau khi gây ra cuộc bạo loạn, bọn phỉ chiếm đỉnh núi Mã Pí Lèn, khống chế con đường đèo này. Việc trước tiên của các đơn vị tiễu phỉ trên đường hành quân là phải tiêu diệt bọn phỉ, đánh chiếm điểm cao. Anh em phải chặt cây rừng làm thang và tìm cách leo lên từng vách đá. Bọn phỉ từ trên cao bắn xối xả vào đội hình của ta. Cán bộ, chiến sỹ ta vừa nổ súng đánh trả, vừa giành giật từng gốc cây, mô đá, tiếp tục leo lên. Bọn phỉ ngoan cố chống trả quyết liệt, chúng lợi dụng địa thế từ trên cao tới tấp lăn đá xuống, ngăn cản. Ta phải dùng súng cối 60 mm bắn lên đỉnh núi, chế áp bọn phỉ, mở đường cho bộ đội tiến lên, tiêu diệt những tên ngoan cố, chiếm lĩnh đỉnh núi, thông đường xuống ĐồngVăn.

Với tinh thần “Khắc phục khó khăn - Dũng cảm trước địch - Vì nước quên thân”, cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã sát cánh cùng các đơn vị bạn và hiệp đồng chặt chẽ với quân dân, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hà Giang chiến đấu ngoan cường, kiên quyết trừng trị những tên hung bạo, ngoan cố; thực hiện kết hợp các biện pháp chính trị, kiên trì dùng loa tuyên truyền, giải thích chính sách khoan hồng của Đảng, kêu gọi bọn phỉ ra hàng. Hàng tháng trời khắc phục khó khăn, gian khổ, chiến đấu và hy sinh, các lực lượng vũ trang của ta đã lần lượt chiếm lại phố Đồng Văn, Cổng Trời, Cán Tỷ..., diệt hơn 200 tên phỉ ngoan cố, góp phần quan trọng đập tan tổ chức và hành động bạo loạn của bọn phỉ và các bọn phản động tại Đồng Văn. Đến ngày 22.1.1960, chiến dịch tiễu phỉ ở Đồng Văn kết thúc thắng lợi.

Trong chiến dịch, đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng có 2 chiến sỹ đã hy sinh1 và 1 chiến sĩ bị thương. Phối hợp cùng bộ đội và Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hà Giang chiến đấu, toàn bộ bọn phỉ ở Đồng Văn bị tiêu diệt. Chính quyền cách mạng huyện Đồng Văn được giữ vững. Một dải đất xung yếu trên vùng giáp ranh tỉnh Cao Bằng và sát biên giới Việt - Trung trật tự trị an được bảo vệ an toàn. Thắng lợi của chiến dịch tiễu phỉ Đồng Văn một lần nữa khẳng định sự sáng suốt, đúng đắn của Đảng ta trong đường lối, chính sách biên phòng, chính sách dân tộc; phản ánh sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
______________________________________
1. Đó là đồng chí Phùng Văn Chài, sinh năm 1940, người dân tộc Tày, quê ở thôn Nà Mỹ, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lạc (nay thuộc huyện Bảo Lâm) và đồng chí Lý Văn Páo, người dân tộc Dao, sinh năm 1941, quê ở thôn Nhu Lũng, xã Yên Sơn, huyện Nguyên Bình.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Năm, 2023, 07:35:52 pm

Quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 186/CT-TW, ngày 17.2.1960, của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về mấy công tác lớn phải làm để tăng cường công tác đấu tranh chống bọn phản cách mạng ở miền Bắc” và Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 14 (họp tháng 1.1960) về nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng, ngày 21.3.1960, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Trung ương triệu tập hơn 300 cán bộ chỉ huy các đơn vị khu, tỉnh, thành phố, các đơn vị cơ động, nhà trường trên 4 tuyến biên phòng về Hà Nội dự Hội nghị Công an nhân dân vũ trang lần thứ II. Hội nghị đã thống nhất phương châm hoạt động là “kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp giữa đấu tranh công khai với đấu tranh bí mật, lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu”. Đối với tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Hội nghị xác định nhiệm vụ của các đơn vị biên phòng là: “Ngăn chặn và tiêu diệt bọn đặc vụ, bọn tàn phỉ ẩn náu ở biên giới nhằm bảo vệ trật tự trị an biên giới, củng cố tình hữu nghị nhân dân hai bên biên giới Việt Nam và Trung Quốc, tạo điều kiện cho nhân dân vùng biên giới đi lại làm ăn, sinh sống. Nhưng không sơ hở để bọn phản động và bọn tội phạm hình sự hoạt động phá hoại”.

Với mưu đồ phá hoại miền Bắc nước ta, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai tăng cường hoạt động do thám miền Bắc; kích động và củng cố tinh thần bọn phản cách mạng, thực hiện chiến tranh tâm lý, chuẩn bị cho mưu đồ mới. Đêm 13.2.1960, máy bay địch quần đảo trên vùng trời các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh (Hà Giang), Bảo Lạc (Cao Bằng). Khi máy bay địch bay qua khu vực Đồn biên phòng Nặm Quét (huyện Bảo Lạc) có 6 tiếng súng nổ.

Đêm 15.2.1960, máy bay địch lại tiếp tục xâm phạm vùng trời huyện Bảo Lạc, bay qua khu vực Đồn Biên phòng Cốc Pàng... Trước diễn biến hoạt động mới của địch, ngày 16.2.1960, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị làm ngay 3 việc cấp thiết:

- Tổ chức theo dõi chặt đường, hướng xâm nhập của máy bay địch, dự kiến các địa bàn địch thả gián điệp, biệt kích, chủ động chuẩn bị lực lượng lùng sục, vây bắt.

- Phối hợp với địa phương giám sát hoạt động của các đối tượng hiềm nghi.

- Tăng cường tuyên truyền vận động quần chúng nâng cao cảnh giác chống âm mưu mới của Mỹ - Diệm.

Rạng sáng ngày 16.6.1961, máy bay địch tiếp tục xâm nhập vùng trời tỉnh Cao Bằng, bay lượn trên vùng trời các huyện Quảng Uyên, Phục Hoà, Hoà An, Thạch An, Nguyên Bình, thả truyền đơn phản động xuống khu mỏ Tĩnh Túc.

Tiếp đó, Mỹ - Diệm liên tiếp thả nhiều toán gián điệp, biệt kích xuống nhiều vùng biên giới miền núi thuộc phía Bắc và Tây Bắc nước ta. Ngày 4.9.1963, địch thả một toán gián điệp, biệt kích hầu hết là người Cao Bằng xuống Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, với âm mưu để bọn này quay về Cao Bằng móc nối, xây dựng cơ sở chống phá cách mạng. Theo sự chỉ đạo của trên, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng một số đơn vị, lực lượng trong tỉnh phối hợp với Công an nhân dân vũ trang và quân dân tỉnh Bắc Kạn đã bao vây, truy lùng và bắt gọn toán biệt kích.

Thuận lợi rất lớn của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng là ngay từ khi mới thành lập, Tỉnh uỷ đã quan tâm chỉ đạo, định hướng xây dựng, hoạt động cho đơn vị, vừa chấp hành đúng Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị, vừa gắn bó, sát hợp với tình hình, nhiệm vụ cụ thể của địa phương.

Về nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu nội địa, ngày 3.12.1959, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Chỉ thị số 262-CT/CB nêu rõ “Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng ngoài việc điều động lực lượng cơ động đi làm nhiệm vụ theo chỉ thị của Tỉnh uỷ, cần phải bồi dưỡng tại chỗ cho kỹ lưỡng về chiến thuật, chính sách cho các đồn biên phòng, đẩy mạnh công tác tuần tra, cương quyết trấn áp kịp thời những hoạt động của địch để bảo vệ an ninh trật tự, đảm bảo đời sống yên vui, bảo đảm sản xuất cho nhân dân. Muốn làm được những việc trên đây phải đặt quan hệ mật thiết với công an, dân quân và các đoàn thể, chính quyền địa phương...”. Trên cơ sở đó, “tăng cường bảo vệ cơ quan, kho tàng, xí nghiệp, hầm mỏ, nhất là những nơi sản xuất có chuyên gia nước ngoài thì phải có kế hoạch bảo vệ thật chu đáo...”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Năm, 2023, 04:42:56 pm

Thực hiện chỉ thị của Tỉnh uỷ, các phân đội Công an nhân dân vũ trang làm nhiệm vụ bảo vệ đã triển khai lực lượng, liên tục bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của tỉnh như Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh, bảo vệ các cơ quan, xí nghiệp quan trọng như Ngân hàng, mỏ thiếc Tĩnh Túc, Nhà máy thuỷ điện Tà Sa, canh giữ trại giam phạm nhân của tỉnh... Phần lớn nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu nội địa quan trọng này đều được Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tiếp nhận từ các bộ phận của Ty Công an Cao Bằng và đặc biệt là từ các đại đội thường trực của Tỉnh đội chuyển sang từ tháng 6.1959.

Nhờ được nhân dân địa phương tận tình giúp đỡ, được lực lượng Công an tỉnh hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ và kế thừa kinh nghiệm, truyền thống vẻ vang của 5 đại đội thường trực của Tỉnh đội Cao Bằng hoạt động từ năm 1953 - 1954 đến đầu năm 19591, nên liên tục từ năm 1959 đến năm 1964, các mục tiêu nội địa quan trọng của tỉnh Cao Bằng đều được bảo vệ an toàn.

Những năm tháng này có nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế đến Cao Bằng. Trong đó có chuyến công tác của lãnh tụ và cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước như: Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 2.1961), Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (tháng 4.1962); đồng chí Trần Quốc Hoàn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an (tháng 6.1964)... Lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã góp phần xứng đáng của mình bảo vệ tuyệt đối an toàn các chuyến công tác này. Đặc biệt là chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau 20 năm xa cách trở lại thăm Cao Bằng (ngày 19-21.2.1961), Người đã dành nhiều thời gian thăm, kiểm tra tình hình đời sống nhân dân, tăng gia sản xuất ở nhiều cơ sở trong tỉnh; thăm nhà trẻ Liên Cơ “1 tháng 6”, thăm Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại thị xã Cao Bằng, thăm Pác Bó; gặp gỡ, thăm hỏi nhiều nhiều cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc.

Ngày 21.2.1961, trong cuộc nói chuyện với đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng tại sân vận động thị xã, Người đã khen ngợi và căn dặn cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang và Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng: “...Các đồng chí đã ra sức dẹp phỉ giữ gìn trị an, bảo vệ nhân dân. Đó là thành tích tốt, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các đồng chí. Bác lại khuyên các đồng chí cố gắng học tập chính trị, quân sự và văn hoá, tham gia lao động sản xuất để tiến bộ mãi. Một điều rất quan trọng là phải biết luôn luôn dựa vào nhân dân, có quyết tâm khắc phục khó khăn thì nhất định làm tròn nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao cho các đồng chí...”2.

Trong nhiệm vụ bảo vệ nội địa, việc canh giữ trại giam, quản lý, giáo dục phạm nhân là công việc rất phức tạp và mới mẻ đối với các đơn vị bảo vệ nội địa của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng. Trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn nghèo, việc xây dựng trại giam còn sơ sài, công tác canh giữ và cải tạo phạm nhân gặp không ít trở ngại. Bên cạnh đó, trong trại giam, phạm nhân có các mức án tù khác nhau, tính chất, lĩnh vực và nguyên nhân phạm tội khác nhau. Vì thế công việc quản lý, giáo dục phạm nhân đòi hỏi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang phải nắm được tình hình, đặc điểm, cá tính, thái độ... từng đối tượng để quản lý tốt, thuyết phục, cảm hoá hiệu quả. Mặc dù vậy, đơn vị đã tìm nhiều biện pháp khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất, quan hệ mật thiết với cấp uỷ, chính quyền địa phương và các đơn vị bạn, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để công tác trại giam đạt được chất lượng cao, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng từ giám thị, phó giám thị, quản giáo, chuyên viên, nhân viên, kỹ thuật viên đều đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “3 biết” (biết mặt, biết tên, biết tội trạng), “3 trước” (dậy trước, đến trước, làm việc trước), “3 sau” (về sau, ăn sau, nghỉ sau), do bộ Công an phát động. Nhờ những nỗ lực không ngừng của các đơn vị, công tác canh giữ trại giam ở Cao Bằng từ năm 1959 đến năm 1964 không để xảy ra vụ việc mất an toàn, không có phạm nhân trốn trại, phá trại, nhiều phạm nhân được giáo dục, cảm hoá tốt đã có tiến bộ, được trả tự do trước hạn. Riêng năm 1963, đơn vị phát hiện và ngăn chặn kịp thời 8 vụ phạm nhân định cướp súng của chiến sỹ đang dẫn giải phạm đi lao động cải tạo để trốn trại.
_______________________________________
1. Hoạt động của 5 đại đội 11, 12, 13, 14, 16 bao gồm:
- Các Đại đội 11, 13, 14 phối hợp với nhân dân và dân quân du kích tiến hành cuộc hành quân tuần tiễu vũ trang qua các vùng Lục khu huyện Hà Quảng. Tiến sang các huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hoà An nhằm răn đe, trấn áp bọn phỉ (cuối năm 1954)
- Năm 1955, Đại đội 11 tiếp tục hoạt động ở huyện Hà Quảng, thực hiện “ba cùng” với nhân dân, tuyên truyền, phát động quần chúng nâng cao cảnh giác; phát hiện, phân loại đối tượng; chọn lọc, bồi dưỡng cán bộ cơ sở... tập trung vào địa bàn diệt phỉ ở xã Lương Thông, huyện Hà Quảng (nay là xã Lương Thông, huyện Thông Nông).
- Đại đội 12 hoàn thành nhiệm vụ tăng viện tiễu phỉ ở Bảo Lạc, được Tỉnh đội điều về bảo vệ chuyên gia, bảo vệ Nhà máy thuỷ điện Tà Sa, khu mỏ Tĩnh Túc; bảo vệ đoạn đường đèo Cao Sơn (1956)...
- Đại đội 13 từ Bảo Lạc chuyển sang bảo vệ tuyến Quốc lộ 3.
- Đại đội 14 sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Bảo Lạc chuyển sang chuyên trách bảo vệ Tổ quốc tế hoạt động ở Cao Bằng (Tổ này được lập ra theo quy định Hiệp định Giơnevơ, gồm đại biểu các nước Ấn Độ, Ba Lan, Canada để giám sát việc thi hành Hiệp định Giơnevơ ở Việt Nam), đảm bảo cho Tổ quốc tế đi lại an toàn, giám sát, ngăn chặn các hành vi trái với khuôn khổ quy định liên quan đến Tổ quốc tế.
- Đại đội 16, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Bộ Tư lệnh Quân khu, đầu năm 1956 về nhận nhiệm vụ ở Tỉnh đội Cao Bằng.
Đầu năm 1957, 5 đại đội trên được hợp nhất Tiểu đoàn 34. Tháng 8.1958. Bộ Tư lệnh Quân khu giải tán D34, thành lập Tiểu đoàn 55 bộ đội thường trực Tỉnh đội Cao Bằng.

2. Hồ Chí Minh: Tuyển tập, tập 10. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.285.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Năm, 2023, 04:43:59 pm

Năm 1962, Công an nhân dân vũ trang trải qua chặng đường 3 năm xây dựng, hoạt động, chiến đấu, bước đầu lập được một số thành tích đáng tự hào trên cả hai lĩnh vực biên phòng và bảo vệ nội địa.

Ngày 2.3.1962, Bộ Tư lệnh tổ chức Đại hội chiến sỹ thi đua lần thứ nhất toàn lực lượng. Đại hội được tiến hành để kịp thời động viên, cổ vũ những cán bộ, chiến sỹ đã nỗ lực phấn đấu, trở thành những tấm gương sáng trong phong trào thi đua thực hiện lời huấn thị của Bác Hồ: “Khắc phục khó khăn. Dũng cảm trước địch. Vì nước quên thân, Trung thành với Đảng. Tận tuỵ với dân”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Dự Đại hội có 244 đại biểu, đại diện cho 400 chiến sỹ thi đua và hàng ngàn chiến sỹ giỏi trong toàn lực lượng. Đại hội rất vinh dự và xúc động được Bác Hồ đến thăm và nói chuyện. Bác nói: “Đại bộ phận các chú công tác ngoài đảo, nơi biên cương, non xanh nước biếc, xa đồng bằng, xa thành phố, hoàn cảnh gian khổ hơn anh em khác nên Trung ương và Chính phủ thường xuyên quan tâm đến các chú và bản thân Bác cũng quan tâm đến các chú”. Bác ân cần căn dặn: “Cán bộ và chiến sỹ phải thi đua bền bỉ liên tục, phải cố gắng hơn nữa, phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu xâm nhập, phá hoại của kẻ địch, phải cố gắng học tập quân sự, chính trị, nghiệp vụ...”

Bác tặng lực lượng Công an nhân dân vũ trang lá cờ “Thi đua khá nhất” để làm giải thưởng luân lưu và thân ái tặng cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng bài thơ:

“Non xanh nước biếc trùng trùng
Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao
Núi cao sự nghiệp càng cao
Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu
Thi đua ta quyết giật cờ đầu"
.

Cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân vũ trang Cao Bằng nơi địa đầu của Tổ quốc cũng như cán bộ, chiến sỹ trên mọi miền đất nước cảm nhận, thấm thía sâu sắc tấm lòng và tình cảm thương yêu bao la của Bác Hồ dành cho người chiến sỹ; xúc động trước sự cảm thông sâu sắc, chí tình của Người đối với những gian lao, vất vả của cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Sau đại hội, ngày 5.4.1962, Bộ Tư lệnh - Cục Chính trị phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác và phấn đấu giành cờ thưởng luân lưu của Bác.

Bước sang năm 1963, các hoạt động khiêu khích, do thám bằng cả đường biển, đường không, đường bộ qua tuyến biên giới Việt - Lào, hoạt động gián điệp, biệt kích của Mỹ - Diệm ngày càng tăng cường và táo bạo hơn.

Trước những hành động mới của địch, Đảng ta có nhiều chủ trương, biện pháp, nghị quyết, chỉ thị nhằm chỉ đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chủ động đối phó và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động gián điệp, biệt kích của kẻ thù. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Việt Bắc, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tổ chức rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến phòng chống gián điệp, biệt kích trên địa bàn tỉnh, tiếp tục phối hợp với các lực lượng công an và các đơn vị của Tỉnh đội để hoàn chỉnh các phương án phòng chống gián điệp, biệt kích ở 39 xã thuộc địa bàn xung yếu và 8 huyện biên giới. Các đồn biên phòng đã phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền, dân quân, công an các xã giáp biên tổ chức diễn tập bao vây, truy lùng tiêu diệt gián điệp, biệt kích. Đồng thời, Ban Chỉ huy tỉnh đã lập các tổ công tác gồm cán bộ của các ban tham mưu, chính trị, trinh sát, hậu cần đến các đồn, trạm, 2 đại đội cơ động và các phân đội bảo vệ để phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá công tác chuẩn bị phòng chống gián điệp, biệt kích; kiểm tra công tác bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở nội địa. Ban Trinh sát và Ban Chính trị Công an nhân dân vũ trang tỉnh chỉ đạo lực lượng trinh sát viên và các tổ, đội vận động quần chúng các đồn có kế hoạch tăng cường hoạt động của các mạng lưới bí mật, mạng lưới đặc tình, nhằm chủ động, phát hiện kịp thời di biến động của các loại đối tượng...


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Năm, 2023, 04:45:13 pm

Trước mưu đồ mở rộng chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, quán triệt Chỉ thị số 67 và 75-CT, ngày 10.10.1963 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh đã đề ra nhiệm vụ cho toàn lực lượng phải: “Tăng cường thường trực chiến đấu chống mọi âm mưu khiêu khích phá hoại của địch đối với miền Bắc”1.

Ngày 29.3.1964, Bộ Tư lệnh ra Chỉ thị số 57/TL chỉ rõ nhiệm vụ của toàn lực lượng lúc này là phải nâng cao cảnh giác chính trị, nâng cao chí khí chiến đấu, chủ động ứng phó mọi bất trắc xảy ra; phải khẩn trương, kiên quyết diệt địch ổn định tình hình trật tự trị an, bảo vệ an toàn các mục tiêu và phải đối phó với bọn phản cách mạng lợi dụng thời cơ hoạt động phối hợp với kẻ địch bên ngoài xâm nhập vào gây hỗn loạn, hoang mang trong quần chúng”.

Chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh, trực tiếp của Tỉnh uỷ Cao Bằng, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã xây dựng các “kế hoạch toàn diện”, phương án đề phòng địch khiêu khích lớn, chống gián điệp, biệt kích; phòng chống địch tập kích vũ trang và bắn phá bằng không quân, phương án phòng không - sơ tán...

Để các phương án, kế hoạch có thể thực hiện tốt khi có tình huống, các đơn vị bảo vệ, đại đội cơ động, đồn, trạm đã tổ chức 54 lần diễn tập báo động, 73 lần diễn tập hiệp đồng chiến đấu ở tất cả các huyện giáp biên với công an và dân quân xã, 2 lần diễn tập báo động di chuyển địa điểm và tham gia tổng diễn tập chung theo kế hoạch của Uỷ ban hành chính tỉnh; đào mới và sửa chữa hơn 2.500m giao thông hào và hàng ngàn hầm cá nhân. Các đồn, trạm biên phòng, đại đội cơ động, các phân đội bảo vệ mục tiêu, cơ quan bộ đều được Ban Tham mưu, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh hướng dẫn xây dựng các công sự bắn máy bay địch; lập các đài quan sát, tổ trực phòng không, trực chiến máy bay địch...

Ngày 29.4.1964, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần II, tập trung xây dựng phương hướng lãnh đạo toàn Đảng bộ, đơn vị chuẩn bị đối phó với âm mưu, hành động mới của địch, bảo vệ an toàn biên giới và các mục tiêu nội địa. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 11 đồng chí (9 chính thức và 2 dự khuyết). Ban Thường vụ có 5 đồng chí: Hà Thế Vũ, Bí thư; Lục Văn Đới, Phó bí thư và các đồng chí ủy viên: Lương Xuân Cẩm, Nông Văn Đàn, Đàm Thúy Sơn. Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ 6 đồng chí. Trong đó có 4 đồng chí chính thức: La Văn Cừu, Đinh Ngọc Tuy, Triệu Quang Cánh, Bế Văn Khuyến và 2 đồng chí uỷ viên dự khuyết: Đàm Quang Đức, Lý Trung Khính.

Ngay trong tháng 6.1964, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh đã chỉ thị cho các đơn vị trong lực lượng “phải hết sức cảnh giác và tỉnh táo nâng cao thường trực chiến đấu, có kế hoạch bảo vệ biên giới và nội địa một cách toàn diện để chuẩn bị đối phó với mọi khả năng hoạt động của địch; sắp tới, đặc biệt là những tháng 6, 7, 8.1964 là thời gian địch có thể tập trung hoạt động mạnh”

Rạng sáng ngày 5.8.1964, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cũng như nhiều đơn vị tỉnh thành khác nhận được điện của đồng chí Tham mưu trưởng lực lượng chuẩn bị chiến đấu. Các đài quan sát, các tổ theo dõi phát hiện bằng mắt thường và ống nhòm của các trận địa phòng không ở nhiều đồn, trạm biên phòng đều phát hiện có máy bay địch.

Từ thời khắc này trở đi, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng với quân dân cả nước bước vào một cuộc chiến đấu mới và đứng trước yêu cầu phải nhanh chóng củng cố, ổn định mọi mặt để chuyển mọi hoạt động từ trạng thái thời bình sang thời chiến, đáp ứng yêu cầu đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc, tiếp tục chi viện cho cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam.
_____________________________________
1. Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang: Báo cáo tổng kết 10 năm công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang (1959 - 1969).


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Năm, 2023, 02:05:43 pm

CHƯƠNG 2

CÙNG QUÂN DÂN CAO BẰNG CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ. QUẢN LÝ, BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRONG THỜI CHIẾN
1964 -1975


I. CHUYỂN HƯỚNG MỌI MẶT HOẠT ĐỘNG, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ CỦA THỜI CHIẾN

Trước hành động liều lĩnh, trắng trợn của đế quốc Mỹ, ngày 7.8.1964, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 81/CT-TW khẳng định toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải “tăng cường sẵn sàng chiến đấu chống mọi âm mưu của địch khiêu khích phá hoại miền Bắc”. Bản chỉ thị nêu rõ các lượng vũ trang, Công an nhân dân vũ trang, dân quân tự vệ phải nhận rõ trách nhiệm nặng nề của mình trong tình hình mới. Trung ương Đảng chỉ đạo cần tập trung vào 3 mặt công tác lớn là:

- Công tác phòng không nhân dân.

- Công tác phòng chống địch xâm phạm vùng biển, biệt kích và tập kích ven biển, biên giới, giới tuyến.

- Công tác trấn áp bọn phản cách mạng, diệt biệt kích, thổ phỉ, giữ gìn an ninh trật tự.

Tiếp đó, Bộ Công an liên tiếp ra các chỉ thị chỉ đạo toàn diện các hoạt động của lực lượng. Chỉ thị “đối phó với tập kích vũ trang” (8.1964), Chỉ thị “chống gián điệp biệt kích”; “đẩy mạnh phòng không nhân dân” (9.1964), Nhật lệnh của Bộ trưởng Bộ Công an (9.1964)... Trên cơ sở đó, ngày 10.8.1964, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh ra chỉ thị số 38/CT-BTL khẳng định toàn lực lượng phải “tích cực chuẩn bị thường trực chiến đấu để đập tan những hoạt động khiêu khích phá hoại lớn miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai”.

Ngày 7.9.1964, Hội nghị chính trị toàn lực lượng được tổ chức tại Hà Nội để quán triệt và thực hiện Chỉ thị 81 của Bộ Chính trị. Hội nghị xác định nhiệm vụ của toàn lực lượng là “phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, không ngừng quán triệt sâu sắc âm mưu, hoạt động của địch, hiểu rõ sức mạnh của ta, nâng cao tinh thần cảnh giác, thường trực chiến đấu, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng; kiên quyết đập tan âm mưu và hành động của đế quốc Mỹ và tay sai khiêu khích phá hoại miền Bắc”. Hội nghị cũng đã xác định rõ mối quan hệ giữa nhiệm vụ bảo vệ mặt đất và bắn hạ máy bay địch của các đơn vị Công an nhân dân vũ trang là: “Bảo vệ mặt đất là chính. Tích cực tham gia bắn hạ máy bay địch để bảo vệ tốt các mục tiêu ở mặt đất”.

Theo định hướng của hội nghị, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng các đơn vị, tỉnh, thành phố trên toàn miền Bắc khẩn trương rà soát, hoàn chỉnh tiếp các kế hoạch, biện pháp củng cố đơn vị về các mặt tổ chức, tư tưởng, công tác chỉ huy chỉ đạo, hiệp đồng chiến đấu, kiểm tra thực hiện chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến ở các đơn vị, sẵn sàng chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Ngay sau đó, Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh tổ chức cuộc họp bất thường chủ trương điều chỉnh, bổ sung kế hoạch công tác năm và xác định các nhiệm vụ đột xuất theo Chỉ thị 81 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị chính trị toàn lực lượng. Thực hiện chủ trương đó, các mặt công tác rà soát hoàn chỉnh hồ sơ chính trị xã được các cấp đơn vị khẩn trương thực hiện. Qua đó, tình hình chính trị của địa bàn biên phòng, sự thay đổi di biến động của các loại đối tượng nhanh chóng được kiểm tra đánh giá lại. Điều này có tác dụng tích cực giúp các ban của cơ quan Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, nhất là Ban Tham mưu, Ban trinh sát và chỉ huy các đồn biên phòng tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các phương án phản gián, phương án phòng chống gián điệp biệt kích, chống địch tập kích đổ bộ...

Cùng với việc hoàn chỉnh hồ sơ chính trị xã, kế hoạch làm trong sạch địa bàn (kế hoạch K69)1 được Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy lên ở cường độ cao. Trong hơn 4 tháng cuối năm 1964, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã cơ bản lập xong hồ sơ các loại đối tượng ở tất cả 35 xã biên giới của tỉnh và xây dựng xong các loại phương án bắt khẩn cấp những đối tượng nguy hiểm, phương án di chuyển các đối tượng ra khỏi địa bàn trọng điểm của khu vực biên giới khi có tình hình đột xuất.
______________________________________
1. Kế hoạch K69 thực hiện theo Chỉ thỉ 69-VP/4, ngày 14.12.1960 của Bộ Công an, được các đơn vị Công an nhân dân vũ trang trên toàn miền Bắc thực hiện từ năm 1961, nhằm điều tra nắm vững tình hình toàn diện địa bàn, chống địch hoạt động ẩn nấp... chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt để đối phó với âm mưu gây chiến của Mỹ - Diệm.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Năm, 2023, 02:07:30 pm

Đồng thời, để đảm bảo yếu tố chiến lược trong công tác đấu tranh chống phản cách mạng và bọn tội phạm khác, bảo vệ an ninh trật tự cho khu vực biên giới, căn cứ Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 46/CT-CB, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “về đẩy mạnh bảo vệ trị an”, căn cứ vào định hướng của Hội nghị chuyên đề bảo vệ trị an của Khu Công an nhân dân vũ trang Việt Bắc (họp cuối tháng 6.1964), căn cứ chỉ tiêu của Bộ Tư lệnh đề ra cho khu vực biên phòng trong năm 19641, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh bố trí cán bộ tăng cường cho tất cả 9 đồn biên phòng, đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an ở 35 xã của toàn bộ 7 huyện biên giới và hai địa bàn xung yếu ở phía tây nam huyện Bảo Lạc và tây nam huyện Thạch An. Lực lượng đảm nhiệm trực tiếp tại hai địa bàn này là hai đại đội cơ động biên phòng của tỉnh.

Hoạt động của các đơn vị Công an nhân dân vũ trang được tiến hành dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ, kết hợp với lực lượng của Ty Công an tăng cường, công an huyện, xã và các ngành có liên quan. Các đơn vị tập trung củng cố, nâng cao chất lượng phong trào ở 20 xã đã triển khai xây dựng, đi vào hoạt động từ năm 1963 và tiếp tục phát động ở 15 xã khác của toàn tuyến. Kết quả, cuối năm 1964, phong trào bảo vệ trị an đã đi vào hoạt động nề nếp và phát triển đều khắp ở 35 xã trong 7 huyện biên giới. Trong đó, xã Quang Long (huyện Hạ Lang) và xã Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh), tiếp tục phấn đấu giữ vững được danh hiệu lá cờ đầu. 20 xã được Ủy ban hành chính tỉnh công nhận danh hiệu phong trào khá (đạt tỷ lệ 57,14%), 11 xã được xếp loại trung bình (đạt tỷ lệ 31,43%). Còn 2 xã có nhiều khó khăn nên mặc dù đã phát động nhưng phong trào chưa hoạt động được tốt (chiếm 5,71 %).

Qua một năm hoạt động, gắn bó với phong trào, các đơn vị biên phòng được cấp uỷ, chính quyền địa phương giúp đỡ, tạo điều kiện đã mở được các lớp huấn luyện kỹ, chiến thuật quân sự cho 236 cán bộ tiểu đội đến xã đội trưởng dân quân; bồi dưỡng nghiệp vụ công an cho 332 công an xã, xóm. Các đồn biên phòng cùng các đảng uỷ, chi uỷ xã củng cố được 82 hợp tác xã đang có nguy cơ hoặc đã tan vỡ, xây dựng phát triển thêm được 20 hợp tác xã mới, xây dựng thêm 236 cơ sở tai mắt trong quần chúng; nhận được 417 nguồn tin do quần chúng cung cấp, tố giác tội phạm. Trong đó có nhiều nguồn tin có giá trị. Từ các nguồn tin do quần chúng trong đồng bào các dân tộc cung cấp, các đơn vị đã phát hiện, lập các phương án đấu tranh với bọn phản động và âm mưu của địch, hoàn thiện 23 hồ sơ báo cáo về tỉnh và Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Khu Việt Bắc, được trên duyệt bắt 9 đối tượng đưa đi tập trung cải tạo dài hạn. Cải tạo tại chỗ 259 đối tượng là tề, nguỵ, phỉ cũ và các thành viên trong các đảng phản động chưa chịu cải tạo...

Phong trào bảo vệ trị an năm 1964 cũng đã tạo khí thế mới cho quần chúng đấu tranh trấn áp các đối tượng phạm pháp hình sự và các tệ nạn xã hội. Nhờ đó, các hoạt động buôn lậu, vượt biên, cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút thuốc phiện... đều giảm. Tình hình đánh bạc vốn phát triển ở các xã Quang Long (huyện Hạ Lang), Nội Thôn, Ngoại Trung, Cần Yên (huyện Hà Quảng), Hùng Quốc, Tri Phương (huyện Trà Lĩnh)... đến cuối năm 1964 hầu như đã được thanh toán. Số lượng người nghiện thuốc phiện ở các xã biên giới đều giảm nhiều: xã Quang Long có 86 người nghiện đã cai xong 84 người. Còn lại 2 người tiếp tục cai nghiện. Xã Thị Hoa đã cai được 19/19 người. Xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh có 29 người nghiện, đã cai được 17 người; 12 người còn lại đều là người già, tuổi cao sức yếu, tiếp tục cai nhưng rất khó khăn... Nhờ phong trào bảo vệ trị an đạt hiệu quả tốt, nên các mặt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các xã biên giới của tỉnh năm 1964 giữ vững được trạng thái ổn định.

Trong công tác chuẩn bị phục vụ các phương án chiến đấu chống địch khiêu khích quy mô lớn, chống tập kích đổ bộ, chống chiến tranh phá hoại bằng đường không của đế quốc Mỹ và tay sai, các loại hầm hào công sự, các công trình đảm bảo phòng tránh, các loại trận địa phòng không, trận địa phòng thủ, bảo vệ mục tiêu... được các đơn vị, đồn, trạm biên phòng nghiêm túc xây dựng trên cả hai địa bàn biên giới và nội địa. Chỉ 5 tháng cuối năm 1964, ở cơ quan Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, ở các khu vực có các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu nội địa và các đồn, trạm biên phòng trong tỉnh đã đào thêm được gần 3.000m, sửa chữa gần 2.000m giao thông hào, đào được 1.680 hố chiến đấu cá nhân; cùng dân quân địa phương xây dựng và củng cố 97 trận địa, củng cố 36 công sự trận địa trung liên, đại liên, súng cối.
_______________________________________
1. Phải đảm bảo 100% số xã được phát động: 30 – 50% số xã có phong trào khá, xây dựng được xã lá cờ đầu toàn diện.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 10 Tháng Năm, 2023, 02:08:13 pm

Các đơn vị, đồn, trạm biên phòng trong điều kiện phải thường xuyên tăng cường các mặt công tác thường trực chiến đấu, công tác lao động tăng gia sản xuất cải thiện đời sống của bộ đội, công tác đột xuất chống bão lụt, giúp dân, tu bổ doanh trại mất nhiều thời gian, nhưng vẫn duy trì đều đặn công tác huấn luyện, hoàn thành được gần 80% chương trình. Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh chỉ đạo các đơn vị mở được 15 đợt huấn luyện cho 225 cán bộ trung, tiểu đội, hạ sĩ quan và chiến sỹ. Nội dung các lớp huấn luyện bao gồm các chuyên đề, khoa mục về kỹ, chiến thuật quân sự, nghiệp vụ an ninh - biên phòng, chính trị, binh khí và xạ kích, tập bắn máy bay bay thấp, chiến thuật bao vây, truy lùng gián điệp biệt kích... Thời gian các đợt tập huấn, huấn luyện ngắn hạn thường từ 7 - 10 ngày. Lớp dài hạn từ 30 - 45 hoặc 60 ngày.

Qua huấn luyện, trình độ nhận thức về âm mưu thủ đoạn của địch, về kỹ, chiến thuật, nghiệp vụ của cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt phần lớn anh em đã sử dụng thành thạo các loại vũ khí, phương tiện, trang bị có trong biên chế, biết cách vận dụng và xử lý các tình huống, tưởng định trong tác chiến đánh địch. Trình độ kỹ, chiến thuật và phối hợp tác chiến giữa chiến sỹ cũ và chiến sỹ mới nhanh chóng hoà đồng.

Trong các hoạt động chuyển hướng từ thời bình sang thời chiến, sẵn sàng chiến đấu chống địch khiêu khích, phá hoại miền Bắc, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thường xuyên nhận được sự chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời của Bộ Tư lệnh, của Khu uỷ Việt Bắc, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang khu Việt Bắc và Tỉnh uỷ Cao Bằng; sự liên lạc, phốỉ hợp chặt chẽ của Quân khu Việt Bắc và các lực lượng liên quan trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Nhờ đó, khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị được chuẩn bị tốt, thường xuyên được duy trì. Các chế độ trực ban, trực chiến được chấn chỉnh và cải tiến, sắp xếp lại chặt chẽ hơn. Các chế độ sinh hoạt, học tập trong ngày, trong tuần theo quy định mới được duy trì thành nề nếp, ổn định. Từ cơ quan bộ đến các đơn vị, đồn, trạm chuyển trạng thái đáp ứng yêu cầu của thời chiến.

Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh phổ biến quy định mới, yêu cầu các đơn vị, đồn, trạm phải duy trì chế độ trực chiến. Hàng ngày vào lúc 4 giờ và 16 giờ, các đơn vị, đồn, trạm phải báo cáo về tỉnh. Cán bộ, chiến sỹ về tỉnh dự hội nghị hoặc dự các lớp tập huấn, lưu trú trong cơ quan bộ đều được tổ chức thành các bộ phận, có phân công cán bộ chỉ huy, phòng khi có tình huống đều có thể tham gia cơ động, chiến đấu được ngay. Để sẵn sàng tham gia chiến đấu bắn hạ máy bay Mỹ, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thống nhất thực hiện quy định mọi đơn vị, đồn, trạm được trang bị hoả lực trung, đại liên đều phải tổ chức trực chiến phòng không. Các loại khí tài, trang bị chưa dùng đến đều phải thực hiện sơ tán đưa xuống hầm bảo quản cất giữ. Khi ra thao trường hay đi dã ngoại, chỉ huy các đơn vị phải dự kiến tình huống, chuẩn bị kế hoạch bắn máy bay, phân công nơi trú ẩn. Sau mỗi tháng, quý hoạt động, công tác, Ban Chỉ huy tỉnh thực hiện chế độ định kỳ sơ - tổng kết đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm và kịp thời phổ biến cho các đơn vị học tập.

Nghị quyết của các cấp bộ Đảng trong Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng trước yêu cầu mới đã thường xuyên coi trọng lãnh đạo công tác thường trực chiến đấu, phòng không sơ tán, lãnh đạo công tác hậu cần, thông tin và các mặt đảm bảo khác, sẵn sàng đáp ứng kịp thời yêu cầu của chiến đấu, nhằm chủ động hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, hạn chế mọi thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản.

Các đơn vị bảo vệ các mục tiêu quan trọng ở nội địa như bảo vệ Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh, ngân hàng, canh giữ trại giam... khi có báo động phòng không phải thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, tập trung quan sát, kịp thời phán đoán, xử lý, bảo vệ an toàn các mục tiêu, an toàn cho các đồng chí lãnh đạo của tỉnh.

Các phân đội làm nhiệm vụ bảo vệ cơ động trên đường di chuyển phải cảnh giác, kịp thời trấn áp bọn phản động lợi dụng tình hình xấu để hoạt động. Các trại giam phải theo dõi chặt phạm nhân, sẵn sàng ngăn chặn và đối phó hiệu quả với những hành động trốn trại...

Từ cuối năm 1964, bị thất bại trong chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích “trả đũa” miền Bắc. Tại Cao Bằng, địch đã có những hoạt động tung gián điệp, biệt kích. Chúng đã tiến hành 12 đợt do thám bằng máy bay trinh sát qua các vùng Thạch An, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Nguyên Bình, Bảo Lạc... Đồng thời, bọn phản động có âm mưu gây rối trở lại. Núp dưới danh nghĩa một số lang băm, thầy cúng, chúng ra sức xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, điều tra, do thám các mục tiêu dân sự và quân sự của ta ở thị xã và một số vùng biên giới nhằm tiếp tay cho đế quốc Mỹ mở rộng mục tiêu đánh phá.

Đối phó với các hành động khiêu khích của địch, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang quyết định trang bị thêm một số vũ khí, tăng cường hoả lực cho các đơn vị, nhắc nhở và kiểm tra các đơn vị tăng cường công tác phòng chống, đánh trả máy bay Mỹ. Các đơn vị cũng đã xúc tiến mạnh việc làm nòng cốt và tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền các cấp thực hiện Chỉ thị số 15/TTg-HC, của Thủ tướng Chính phủ “về công tác sơ tán nhân dân và các cơ quan, xí nghiệp ra ngoài thành phố, thị xã, thị trấn và các khu vực đông dân cư”.

Tại thị xã Cao Bằng, chủ trương của tỉnh lúc này là các cơ quan, công sở phải sơ tán khỏi thị xã từ 3 đến 15 km.

Tại các địa bàn trọng điểm, các đơn vị, đồn, trạm biên phòng đã cùng cấp uỷ, chính quyền, các lực lượng ở địa phương hiệp đồng hoàn thiện thêm việc tổ chức, xây dựng, củng cố các trận địa phòng không, các phương án chiến đấu, thực hiện phòng không nhân dân, “toàn dân diệt biệt kích”, sẵn sàng chiến đấu đánh trả mọi hành động phiêu lưu quân sự của Mỹ và tay sai.

Đến cuối năm 1964, các công việc cần thiết cho việc chuyển mọi mặt hoạt động từ trạng thái thời bình sang thời chiến được các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng quân dân trong tỉnh chuẩn bị hoàn tất. Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng toàn lực lượng và quân dân cả nước đã ở vào tư thế sẵn sàng chiến đấu cao, sẵn sàng đánh trả mọi mưu đồ, hành động leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Năm, 2023, 10:09:39 pm

II. CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ, BẢO VỆ CÁC MỤC TIÊU NỘI ĐỊA VÀ CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA, CHI VIỆN LỰC LƯỢNG AN NINH MIỀN NAM

Năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ” thay cho chiến lược “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, đồng thời leo lên nấc thang mới trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.

Hành động của đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh trên phạm vi cả nước, đã làm cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam đứng trước những yêu cầu, thử thách mới.

Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ 11 (từ ngày 25 đến 27.3.1965) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) nhận định quân Mỹ và quân chư hầu có thể được đưa vào miền Nam ngày càng nhiều, sẽ tăng cường ném bom, phong toả đường biển và tập kích ra một số vùng ở miền Bắc. “Hội nghị quyết định chuyển hướng nền kinh tế miền Bắc sang thời chiến, nhấn mạnh yêu cầu tăng cường công tác tư tưởng và tổ chức trong thời kỳ mới, cho đó là vấn đề cực kỳ quan trọng, về chuyển hướng công tác tổ chức, phải điều chỉnh lực lượng cán bộ, công nhân viên giữa các ngành và các địa phương”1.

Trong bối cảnh đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an cùng nhiều cơ quan dân, chính, Đảng đều tích cực nghiên cứu đề xuất nhiều kế hoạch, phương án nhằm phát huy sức mạnh của các cấp tổ chức, cơ quan, đơn vị phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Năm 1965 là thời điểm Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng toàn lực lượng đã trải qua chặng đường 6 năm xây dựng, công tác, chiến đấu, lập được nhiều thành tích vẻ vang. Bộ Chính trị đánh giá từ ngày thành lập đến đầu năm 1965, “lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã dần dần được tăng cường và củng cố về mọi mặt. Dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, được sự ủng hộ của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân vũ trang đã có nhiều cố gắng và đã đạt được nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu, trong việc giữ gìn trị an ở khu vực biên giới và bảo vệ an toàn các mục tiêu ở nội địa. Nói chung, đã làm tròn nhiệm vụ, góp phần tích cực cùng bộ đội chủ lực, công an nhân dân, dân quân tự vệ giữ vững trật tự trị an chung toàn miền Bắc”2.

Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình, nhiệm vụ mới của đất nước, đặc biệt trước nguy cơ đế quốc Mỹ và tay sai mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, Quân ủy Trung ương cùng Đảng đoàn Bộ Công an đã phối hợp nghiên cứu, đề xuất lên Trung ương Đảng xem xét, chỉ đạo phương hướng điều chỉnh.
________________________________________
1. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập II. Sđd. tr.295 - 297
2. Nghị quyết số 116-NQ/TW, ngày 28.4.1965, của Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam "về việc phân công nhiệm vụ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang trong việc bảo vệ trị an ở miền Bắc và điều chỉnh tổ chức lực lượng Công an nhân dân vũ trang”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Năm, 2023, 10:10:52 pm

Ngày 28.4.1965, trên cơ sở đề xuất của Thường trực Quân ủy Trung ương và Đảng đoàn Bộ Công an, Bộ Chính trị thông qua Nghị quyết số 116-NQ/TW “về việc phân công nhiệm vụ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang trong việc bảo vệ trị an ở miền Bắc và điều chỉnh tổ chức lực lượng Công an nhân dân vũ trang”. Nghị quyết 116 quy định: “Lực lượng Công an nhân dân vũ trang là một thành phần trong lực lượng Công an nhân dân, có nhiệm vụ:

- Bảo vệ trị an biên giới, giới tuyến, bờ biển chủ yếu bằng biện pháp chính trị và nghiệp vụ công an.

- Vũ trang trực tiếp bảo vệ các lãnh tụ, cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các cơ quan ngoại giao, các vị khách nước ngoài của Đảng và Nhà nước, các cơ sở kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật trọng yếu.

- Vũ trang canh giữ các trại giam.

“1 - Ở biên giới, giới tuyến, bờ biển: Lực lượng Công an nhân dân vũ trang có nhiệm vụ:

a) Phát hiện, ngăn ngừa, trấn áp kịp thời các bọn gián điệp biệt kích, thổ phỉ, các bọn phản cách mạng và các bọn phá hoại khác ra vào biên giới và hoạt động phá hoại khu vực biên giới, bảo vệ trật tự trị an biên giới, vùng ven biển (cả trên bờ và trên mặt nước), giới tuyến bằng các biện pháp chính trị, nghiệp vụ công an là chủ yếu.

b) Thực hiện và kiểm tra việc thực hiện quy chế bảo vệ biên giới Nhà nước quy định, quản lý các dấu hiệu của đường biên giới quốc gia, quy chế khu phi quân sự ở giới tuyến tạm thời, thực hiện các hiệp nghị, hiệp ước biên giới giữa nước ta ký kết với các nước bạn.

c) Kiểm soát việc qua lại biên giới, giới tuyến và việc ra vào bờ biển từ trong nước ra và từ nước ngoài vào. Phát hiện, ngăn ngừa, bắt giữ những kẻ vi phạm quy chế biên phòng và vượt biên giới quốc gia trái phép.

d) Với chức năng của mình, tham gia phối hợp với Quân đội nhân dân chống địch biệt kích, tập kích, gây nổi loạn và vũ trang khiêu khích xâm phạm biên giới Tổ quốc.

2 - Ở nội địa: Lực lượng Công an nhân dân vũ trang có nhiệm vụ:

a) Vũ trang trực tiếp bảo vệ các lãnh tụ của Đảng và Nhà nước, các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước ở trung ương, khu, thành, tỉnh, các vị khách nước ngoài của Đảng và Chính phủ, các cơ quap ngoại giao và bảo vệ các lãnh tụ, các vị khách nước ngoài đi đến các địa phương (theo quy định của Chính phủ).

b) Vũ trang bảo vệ các khu công nghiệp, các xí nghiệp, các trung tâm thông tin, phát thanh, các kho tàng, các cơ sở văn hoá, khoa học kỹ thuật trọng yếu, các cầu quan trọng (theo quy định của Chính phủ) các sân bay dân dụng (đối với các sân bay có tính chất nửa quân sự, nửa dân dụng thì việc bảo vệ do Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quy định).

c) Vũ trang bảo vệ các cuộc mít tinh lớn, các hội nghị quan trọng, các phiên toà ở Trung ương, khu, thành, tỉnh (theo quy định của Bộ Công an).

d) Vũ trang canh gác các trại giam và áp giải các phạm nhân chính trị và hình sự (theo quy định chung của Bộ Công an)”.

Nghị quyết cũng chỉ rõ: lực lượng Công an nhân dân vũ trang muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, “phải dựa vào nhân dân, tuyên truyền giáo dục nhân dân về tinh thần cảnh giác cách mạng, về đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, về ý thức tôn trọng pháp luật của Nhà nước, động viên và tổ chức nhân dân tích cực tham gia giữ gìn trật tự an ninh chung, bảo vệ biên giới quốc gia”.

Từ ngày 29.5.1965 đến ngày 2.6.1965, đại diện của các Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang khu, thành, tỉnh, các phòng và thủ trưởng các cơ quan Bộ Tư lệnh tiến hành hội nghị toàn lực lượng, quán triệt Nghị quyết 116. Hội nghị đã thống nhất nâng cao nhận thức về nội dung của Nghị quyết và đề xuất những vấn đề nghiên cứu bổ sung các mặt công tác lãnh đạo tư tưởng và dự án tổ chức lực lượng được sát hợp hơn.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Năm, 2023, 10:11:52 pm

Ngày 23.9.1965, Bộ Công an ra Chỉ thị số 28/CT tiến hành điều chỉnh lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Theo đó, "... các cấp phải nắm vững Nghị quyết Hội nghị xây dựng lực lượng toàn ngành lần thứ III, đảm bảo sự lãnh đạo của cấp uỷ địa phương, thống nhất chỉ đạo tăng cường đoàn kết nâng cao sức chiến đấu trong ngành và đảm bảo nguyên tắc tổ chức lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân vũ trang”. Cụ thể, phải tập trung thực hiện ba yêu cầu sau:

- Tiến hành phổ biến giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ quán triệt sâu sắc Nghị quyết 116, nhận thức đúng việc phân công nhiệm vụ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân vũ trang.

- Lãnh đạo tổ chức chặt chẽ, công tác chuẩn bị phải chu đáo, phải làm nhanh gọn; nghiên cứu kỹ và toàn diện, điều động cán bộ, quân số cần thận trọng, tránh xáo trộn tổ chức. Giải quyết tốt tư tưởng, đảm bảo chế độ chính sách cho từng cán bộ, chiến sỹ.

- Đảm bảo bí mật, tránh sơ hở để địch có thể lợi dụng.

Quá trình thực hiện phải nắm vững chỉ đạo, công tác bảo vệ trị an biên giới và nội địa, tránh sơ hở mất cảnh giác trong lúc giao thời.

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh, Khu uỷ Việt Bắc, Khu uỷ Công an nhân dân vũ trang Việt Bắc và Tỉnh uỷ Cao Bằng, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng tập trung nghiên cứu, đề xuất đề án điều chỉnh lực lượng các đơn vị, đồn, trạm theo hướng gọn nhẹ phù hợp với nhiệm vụ mới và đặc điểm từng địa bàn trong tỉnh.

Để đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng khi thực hiện điều chỉnh, sắp xếp, biên chế lại tổ chức, lực lượng và nhiệm vụ theo Nghị quyết 116, ngày 24.7.1965, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Nghị quyết số 200/NQ-TU thành lập Đảng uỷ thống nhất của hai lực lượng Công an nhân dân và Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thành Đảng bộ Công an Cao Bằng.

Theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đồng chí Nguyễn Bảo, Tỉnh uỷ viên, Trưởng ty Công an Cao Bằng phụ trách Bí thư Đảng uỷ Công an Cao Bằng. Hai đồng chí lãnh đạo Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng là Hà Thế Vũ, Chỉ huy trưởng và Hoàng Khiêm, Chính uỷ được đề bạt làm Phó trưởng ty Công an Cao Bằng (cùng Phó trưởng ty Nguyễn Chí) và là Đảng uỷ viên của Đảng uỷ Công an Cao Bằng.

Ngày 12.8.1965, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng ra nghị quyết giải thể Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy; tạm thời chỉ định 9 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng ủy mới, gồm 3 đồng chí Thường vụ: Nguyễn Bảo - Bí thư, Hà Thế Vũ - Phó Bí thư, Hoàng Khiêm - ủy viên Thường vụ và 6 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành: Lục Văn Đới, Hoàng Văn Cẩm, Nguyễn Chí, Lương Thế Minh, Nông Văn Thăng, Nông Văn Cẩn.

Cuối năm 1965, đồng chí Hoàng Khiêm được Bộ Tư lệnh điều động về Hà Nội học thêm về công tác chính trị. Đồng chí Nguyễn Bảo, Tỉnh uỷ viên, Trưởng ty Công an Cao Bằng được trên giao nhiệm vụ kiêm Chính uỷ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng.

Thời kỳ này, lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng có 138 đoàn viên, trong đó có 31 đảng viên cùng tham gia sinh hoạt Đoàn. Năm 1966, có 18 chi bộ của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được Tỉnh uỷ công nhận là “chi bộ 4 tốt”, 116 đảng viên trong tổng số 206 đảng viên đạt danh hiệu “đảng viên 4 tốt”.

Cùng với toàn lực lượng, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã hiệp đồng với Ty Công an và Tỉnh đội Cao Bằng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 116 của Bộ Chính trị. Phương châm thực hiện được Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh xác định và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện đúng yêu cầu: “Nghiêm chỉnh, khẩn trương chấp hành Nghị quyết, nhưng không để sơ hở biên giới, bảo vệ mục tiêu nội địa; tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết chuyển lực lượng đi sâu vào biện pháp nghiệp vụ công an”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Năm, 2023, 10:12:33 pm

Theo Nghị quyết 116 và thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an, Bộ Tư lệnh, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã nghiên cứu, rà soát lại toàn bộ quân số các đơn vị, đồn, trạm, điều chỉnh lại lực lượng, đề xuất chuyển một phần quân số sang Quân đội, phù hợp với nhiệm vụ, tổ chức mới.

Cơ quan Ban Chỉ huy tỉnh được tổ chức lại. Bốn ban của cơ quan được sắp xếp lại còn ba ban: Tham mưu, Chính trị, Hậu cần. Ban Trinh sát giải thể, rút gọn và trở thành một bộ phận trong Ban Tham mưu. Tất cả các đồn trên biên giới đều thống nhất đổi thành các trạm biên phòng.

Ngày 28.10.1965, thực hiện Nghị quyết 116-NQ/TW, ngày 28.4.1965, của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 24/NQ-TU, ngày 26.10.1965, của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh và Tỉnh đội Cao Bằng tổ chức hội nghị tại huyện Bảo Lạc bàn giao Đại đội 6 Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng sang Tỉnh đội Cao Bằng.

Ở miền Bắc, Mỹ đẩy cuộc chiến tranh phá hoại lên một quy mô mới. Cùng với các hoạt động dồn dập đánh phá ác liệt gấp bội nhiều địa phương miền Bắc, từ năm 1965, số lần máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời Cao Bằng cũng ngày càng tăng cao. Chúng tập trung hoạt động trinh sát trên vùng trời các huyện biên giới từ Quảng Hoà, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Bảo Lạc đến các huyện nội địa Hoà An, Nguyên Bình, quốc lộ 3 và các trục đường từ các cửa khẩu biên giới chạy vào nội địa nhằm phát hiện các mục tiêu quân sự, kinh tế, giao thông vận tải, kho tàng, địa điểm sơ tán... Mục đích của các hoạt động trinh sát đường không của địch là phục vụ kế hoạch đánh phá và kích động bọn phản động mặt đất gây tâm lý chiến tranh, làm nản ý chí quyết tâm chống Mỹ cứu nước, chi viện của nhân dân ta.

Trước tình hình đó, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng luôn “tăng cường công tác phòng thủ trị an”, sẵn sàng chiến đấu tiêu diệt các toán gián điệp biệt kích. Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của trên, duy trì hoạt động của các đơn vị, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và các mục tiêu nội địa.

Từ tháng 12.1965, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng triển khai thực hiện nội dung đẩy mạnh phong trào bảo vệ trị an thời chiến theo Chỉ thị số 32/CT, ngày 27.11.1965, của Cục Tham mưu. Hoạt động của phong trào vẫn dựa vào 7 nội dung bảo vệ trị an của giai đoạn trước, nhưng được vận dụng thích ứng với thời chiến, với nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Cục Tham mưu chỉ đạo giai đoạn này phải thanh toán hết xã trắng, xã kém trên biên giới và quanh mục tiêu bảo vệ, đưa phong trào những thôn, bản kém lên trung bình và khá. Phương pháp thực hiện là mỗi tỉnh chọn một xã, một mục tiêu bảo vệ, những nơi có vấn đề phức tạp, phong trào kém hoặc trung bình để làm thí điểm. Qua đó, sơ tổng kết rút kinh nghiệm và mở rộng diện thúc đẩy phong trào phát triển. Kết quả, năm 1965, phong trào bảo vệ trị an trong khu vực biên giới của tỉnh đạt được kết quả khá tốt. Trong 36 xã biên giới đã có 3 xã được Ủy ban hành chính tỉnh công nhận đạt danh hiệu lá cờ đầu, 25 xã được xếp loại khá, 8 xã loại trung bình, không còn xã kém. Trong 587 xóm thuộc các xã biên giới và xã có mục tiêu nội địa, đã có 300 xóm đạt loại khá, 175 xóm trung bình, 103 xóm tạm xếp loại kém.

Năm 1966, là năm Cao Bằng gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Thiên tai hạn hán liên tiếp xảy ra, bệnh vàng lụi hoành hành cao độ, nông nghiệp bị thất thu lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Đồng thời cũng ảnh hưởng đến hoạt động, công tác của các lực lượng vũ trang trong tỉnh.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Năm, 2023, 10:14:10 pm

Để vượt qua những thử thách trước mắt, Tỉnh uỷ lãnh đạo toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tìm mọi biện pháp khắc phục những khó khăn về kinh tế. Mặt khác, để cùng quân dân cả nước đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cho tiền tuyến đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ”, của đế quốc Mỹ, ngày 5.3.1966, Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Nghị quyết số 163/NQ-TU củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh, tăng cường nhiệm vụ phòng thủ trị an, sẵn sàng chiến đấu. Nghị quyết xác định cần tập trung vào 3 nhiệm vụ:

- Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, phát huy khả năng của các cơ quan tỉnh đội, huyện đội, Công an và Công an nhân dân vũ trang, đảm bảo tăng cường các mối quan hệ đoàn kết nhất trí, hiệp đồng chặt chẽ nhằm làm tốt công tác phòng thủ trị an, chống mọi âm mưu biệt kích, thổ phỉ và bọn phản động phá hoại, bảo vệ an toàn trong tỉnh, từng bước củng cố vững chắc căn cứ và các vùng xung yếu tiếp giáp của tỉnh.

- Lãnh đạo cơ quan quân sự các cấp, tiếp tục củng cố xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và dự bị nhằm nâng cao trình độ chiến đấu, khả năng tác chiến, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu của địch.

- Các cấp uỷ - đơn vị cần bố trí thời gian kết hợp thực hiện nhiệm vụ thường xuyên với lao động sản xuất để tự túc một phần lương thực, đẩy mạnh phong trào dân quân tự vệ làm xung kích trong sản xuất.

Ngày 18.3.1966, căn cứ đề nghị của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Cao Bằng và tình hình nhiệm vụ mới, tính chất, vị trí công tác của hai lực lượng Công an và Công an nhân dân vũ trang, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng ra nghị quyết chuẩn y cho Đảng ủy Công an (Đảng ủy cấp trên) được thành lập hai Đảng ủy cơ sở: Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang và Đảng ủy cơ sở Ty Công an trực thuộc Đảng ủy Công an và tạm thời chỉ định hai Ban Đảng ủy cơ sở khi chưa có điều kiện tiến hành đại hội bầu ra Ban Đảng ủy mới.

Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, Đảng uy cơ sở Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng có 9 đồng chí. Trong đó, Ban Thường vụ có 3 đồng chí: Hà Thế Vũ, Bí Thư Đảng ủy; Hoàng Khiêm, Phó Bí thư; Đinh Ngọc Tuy, ủy viên. 6 đồng chí ủy viên Ban chấp hành gồm: Bế Văn Khuyến, Đàm Quang Đức, Lý Trung Khính, La Văn Cừu, Dương Hồng Minh, Lương Ích Tường1.

Thời kỳ này, máy bay Mỹ liên tiếp bay lượn, quần đảo trên vùng trời các huyện giáp biên giới, vùng trời huyện Hoà An và các huyện tiếp giáp Hoà An. Tình hình mặt đất ở các huyện giáp biên của Cao Bằng chịu nhiều tác động từ cả nội biên và ngoại biên. Nội biên là tác động của người dân từ các nơi đi sơ tán, tránh bom đạn chạy ra vùng giáp biên. Từ đây họ vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Ở ngoại biên, do tác động của cuộc “Đại cách mạng văn hoá”, nên đã xuất hiện một số người vượt biên giới vào đất Cao Bằng cư trú bất hợp pháp.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và trực tiếp thực hiện Nghị quyết 163 của Tỉnh uỷ và sự chỉ đạo của Ty Công an Cao Bằng, các trạm Công an nhân dân vũ trang biên phòng ở khu vực biên giới đã vận dụng các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện trong số người vượt biên trái phép có những phần tử phản cách mạng Trung Quốc hoặc đặc vụ cũ, lợi dụng trà trộn, xâm nhập vào Cao Bằng để hoạt động. Qua xác minh hiềm nghi, các trạm biên phòng đã làm rõ 5 đối tượng thuộc diện phản cách mạng Trung Quốc và đặc vụ Tưởng mới xâm nhập vào Cao Bằng trong năm 1966. Chúng thường lén lút qua lại biên giới, móc nối với số đã sang từ trước và bọn phản động địa phương ngấm ngầm hoạt động, chờ thời cơ nổi dậy chống phá ta.

Nổi lên trong khu vực biên giới là một số tên ở huyện Trùng Khánh trước đây tham gia tổ chức phản động “Đảng nhất tân dân tộc”, đang tìm cách móc nối, nhen nhóm lại lực lượng. Tổ chức phản động này khởi phát tại tỉnh Tuyên Quang năm 1958. Từ đó lan sang Bắc Cạn, Cao Bằng. Đầu tiên, bọn phản động móc nối, cắm rễ vào một số xã thuộc hai huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc. Từ đó, chúng phát triển, lan rộng đến nhiều xã của các huyện dọc theo biên giới như Quảng Hoà, Hạ Lang, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Bảo Lạc. Luận điệu tuyên truyền của bọn phản động là sẽ tách 13 tỉnh miền núi của miền Bắc Việt Nam và “thu hồi” hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông của Trung Quốc mà chúng cho vốn là của Việt Nam để thành lập một nhà nước liên bang... Hoạt động của chúng làm cho an ninh trật tự ở một số địa phương trở nên bất ổn.
________________________________________
1. Chưa sưu tầm được hồ sơ tài liệu về Đại hội Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng lần thứ III, nhưng có thể lần Đại hội này được tổ chức trong năm 1966, không lâu sau khi Tỉnh uỷ tạm thời chỉ định Đảng uỷ cơ sở Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Năm, 2023, 10:14:53 pm

Theo chỉ đạo của trên, công an Cao Bằng phối hợp cùng công an các tỉnh Bắc Cạn, Tuyên Quang và các tỉnh miền núi khác tiến hành phá án, trừng trị nhiều tên từ tháng 4.1959. Tổ chức này tan rã dần. Một số đối tượng nằm chờ thời cơ. Nhưng khi tình hình biên giới diễn biến phức tạp, máy bay Mỹ hoạt động nhiều, lầm tưởng thời cơ mới đã đến, lại ngóc đầu dậy hoạt động. Các lực lượng của ta buộc phải tiến hành trấn áp.

Bọn phản động trong nước và từ ngoài xâm nhập qua biên giới tập trung hoạt động điều tra, thu thập tình báo, tuyên truyền gây tâm lý chiến tranh, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Trong khi đó, tình hình đời sống kinh tế của nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới Cao Bằng, nhất là các huyện Trùng Khánh, Phục Hoà, Hạ Lang... còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Khu vực biên giới của tỉnh liên tiếp nhiều năm liền bị thiên tai, lũ lụt. Năm 1965, lại xảy ra mưa lũ lớn. Nương rẫy nhiều nơi bị sạt lở. Các thung lũng ngập úng. Năm 1966 và 1967 đại hạn. Thêm vào đó, chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc đã có những ảnh hướng xấu đến đời sống, sản xuất nông nghiệp của nhiều vùng trong tỉnh. Đồng bào các dân tộc vùng biên giới rơi vào cảnh thiếu đói nghiêm trọng kéo dài. Năm 1967, Nhà nước phải trợ cấp cứu đói cho 3.702 hộ, với 16.965 nhân khẩu cho các vùng sát biên.

Tình hình khó khăn trên đây không những chỉ làm đời sống của đồng bào các dân tộc biên giới Cao Bằng vất vả mà còn làm cho các phong trào xây dựng xã vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự gặp nhiều trở ngại. Trùng hợp vào thời điểm hạn hán, mất mùa của năm 1966, việc vận dụng chính sách của cán bộ địa phương ở cơ sở còn thiếu linh hoạt, có phần máy móc (trong việc thực hiện chính sách “3 thu” - trong đó có thu mua lương thực), càng làm cho đời sống của bà con thêm phần khó khăn. Nhiều người nảy sinh tư tưởng băn khoăn, lo lắng. Do đó, việc thực hiện một số chủ trương, chính sách về nghĩa vụ quân sự, xây dựng hợp tác xã, thực hiện các phong trào ở khu vực biên giới lâm vào cảnh bế tắc, chất lượng hạn chế. Nhiều bà con đã vượt biên trái phép để mua lương thực, trao đổi sản vật, mua sắm đồ dùng thiết yếu... tạo ra những kẽ hở, tạo thời cơ cho kẻ xấu tính toán, lợi dụng.

Để tăng cường công tác phòng thủ trị an, bảo vệ an toàn cho khu vực biên giới trước tình hình mới, các trạm biên phòng trên biên giới Cao Bằng đã tích cực tham mưu đề xuất cho cấp uỷ, chính quyền các kế hoạch, biện pháp nhằm khôi phục và đẩy mạnh các phong trào của địa phương.

Từ cuối tháng 3.1965 đến đầu năm 1966, các cấp ủy địa phương ở khu vực biên giới đã tổ chức nhiều cuộc họp, tập trung lãnh đạo thực hiện nhiều biện pháp, quyết tâm khôi phục tình hình. Tinh thần quyết tâm chống Mỹ cứu nước của quần chúng tiếp tục được phát huy. Các phong trào thi đua của quần chúng trong sản xuất, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ trị an, chấp hành chính sách từng bước chuyển biến tiến bộ qua từng tháng...

Trong phong trào bảo vệ trị an ở biên giới, tuy hình thức tổ chức chưa linh hoạt, nội dung chưa thật sát hợp với tập tục của từng dân tộc, nhưng cấp uỷ đảng ở địa phương đã tập trung lãnh đạo, huy động được các ngành, các cấp, các tổ chức quần chúng và đông đảo bà con các dân tộc tham gia. Do đó, phong trào bảo vệ trị an đã có tác dụng thúc đẩy các mặt công tác phát triển. Các xã biên giới đã tiến hành xây dựng và hợp nhất các hợp tác xã, đẩy mạnh được sản xuất. Các chính sách và công tác trung tâm ở các xã đều được chấp hành tốt, ý thức cảnh giác, bảo mật phòng gian liên gia an toàn, có nhiều chuyển biến tích cực trong phát hiện, nắm tình hình, đấu tranh vạch trần các luận điệu xấu ở địa phương. Kết quả phong trào bảo vệ trị an ở khu vực biên giới của tỉnh trong năm 1966 tiếp tục được duy trì và phát triển tốt. Trong 36 xã biên giới, 3 xã vẫn giữ vững danh hiệu lá cờ đầu, 24 xã được xếp loại khá, 9 xã trung bình, không có xã kém.

Trong thời điểm địa phương gặp nhiều khó khăn về thiên tai cũng là năm đầu tiên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thực hiện Nghị quyết 116 của Bộ Chính trị, có những thay đổi về tổ chức lực lượng. Các đồn biên phòng chuyển thành các trạm biên phòng, gặp một số lúng túng nhất định... Tuy nhiên, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và nội địa của các đơn vị không hề lơi lỏng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Năm, 2023, 10:15:52 pm

Năm 1966, công tác quản lý biên giới của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động của các trạm biên phòng lúc này phải làm theo phương hướng, quy định của Nghị quyết 116. Nhưng biên chế, tổ chức thu gọn hơn trước, hoạt động phân tán cao, các đơn vị cơ bản vẫn phải tiến hành quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia bằng các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, kể cả biện pháp vũ trang. Để “khắc phục khó khăn”, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ chỉ huy các cấp trong toàn tỉnh nhằm thống nhất nhận thức đối với yêu cầu, nhiệm vụ, phương pháp vận dụng các biện pháp nghiệp vụ công an trong điều kiện cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ theo cơ chế, định hướng mới. Đảng uỷ - Ban Chỉ huy tỉnh quyết định chọn và giao nhiệm vụ cho Trạm Biên phòng Trà Lĩnh (nay là Đồn Biên phòng Hùng Quốc) tập trung tiến hành cuộc vận động xây dựng xã vững mạnh tại địa bàn xã Quang Hán, huyện Trà Lĩnh, làm thí điểm để xây dựng mô hình. Qua đó, tiến hành sơ tổng kết rút kinh nghiệm, đề ra quy trình và áp dụng trên toàn tuyến.

Công tác quản lý khu vực biên giới, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh, quản lý các phương tiện qua lại biên giới, quản lý vũ khí và cư dân biên giới... được các trạm biên phòng tiếp tục thực hiện. Trong đó, trọng tâm là các hoạt động quan hệ đến an ninh trật tự khu vực biên giới qua các cửa khẩu biên giới giữa hai nước theo quy định của pháp luật. Nội dung quản lý gồm những việc đăng ký, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định thủ tục, thể lệ như: đơn, bản kê khai, hộ chiếu, thị thực, giấy thông hành (đối với các xã giáp biên giữa hai nước) đường đi, cửa khẩu, thời gian... Kết quả, các trạm biên phòng thực hiện công tác quản lý hành chính năm 1966 đã phục vụ kịp thời cho 96.377 người xuất, nhập cảnh (trong đó xuất cảnh 56.465 người, nhập cảnh 39.912 người). Phát hiện được 4.723 người vượt biên trái phép, 121 trường hợp buôn lậu, 56 đối tượng là phần tử xấu. Ngăn chặn được 798 người vượt biên. Bắt giữ 9 đối tượng vi phạm pháp luật...

Công tác phòng chống gián điệp biệt kích, gây bạo loạn được thực hiện theo đúng quy định: phòng là chủ yếu, chống với khả năng và chức năng. Vì vậy, từ cuối năm 1965, theo chỉ đạo của trên, các đơn vị đã tiến hành bàn giao nhiệm vụ vũ trang và thống nhất kế hoạch hiệp đồng phòng, chống gián điệp biệt kích, gây bạo loạn sang Tỉnh đội Cao Bằng.

Để thực hiện chức năng phòng là chủ yếu, các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tập trung rà soát, xác định lại các địa bàn phản gián, bạo loạn theo hướng dẫn của Bộ Công an; thực hiện củng cố vùng xung yếu, loại trừ khả năng gây bạo loạn. Các trạm biên phòng đã tập trung phấn đấu hoàn thiện các phương án để đảm bảo hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao. Các mặt công tác bảo vệ trị an, cải tạo tại chỗ, điều tra cơ bản... trước hết tập trung cao vào các vùng xung yếu.

Công tác bảo vệ nội địa của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng từ năm 1966, tập trung bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não, các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban hành chính tỉnh, các mục tiêu quan trọng, canh giữ trại giam, phòng không sơ tán và triển khai bảo vệ các hoạt động vận chuyển hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và của Tỉnh uỷ Cao Bằng, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh bám sát tình hình địa bàn xây dựng các nghị quyết, kế hoạch công tác năm, các kế hoạch đột xuất, lãnh đạo chỉ huy cán bộ, chiến sỹ các cấp đơn vị trong tỉnh phát huy tinh thần trách nhiệm, nâng cao ý thức cảnh giác, nhạy bén nắm bắt tình hình, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, chuẩn bị kỹ các phương án, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trong kế hoạch và 15 cuộc bảo vệ đột xuất; bảo vệ an toàn các ngày tết, lễ lớn...

Công tác phòng không sơ tán, đối không, thường trực chiến đấu, sẵn sàng bắn hạ máy bay Mỹ, rèn luyện kỹ thuật bắn máy bay, củng cố hầm hào, công sự, nơi cất giấu tài liệu, phương tiện... được các cấp đơn vị trong tỉnh thường xuyên thực hiện nghiêm túc.

Để có cơ sở, thực lực hoàn thành tốt hai nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên là quản lý, bảo vệ biên giới và bảo vệ các mục tiêu nội địa theo Nghị quyết 116, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tập trung lãnh đạo, thực hiện nhiều biện pháp xây dựng, củng cố, đưa đơn vị lên ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

Trước hết, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh xác định phải tập trung làm tốt công tác lãnh đạo tư tưởng, giáo dục chính trị và coi đây là khâu trọng yếu hàng đầu. Biện pháp lúc này là tăng cường công tác lãnh đạo, giáo dục tư tưởng thường xuyên, liên tục, rộng khắp trong các cấp đơn vị, đến từng cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên. Nội dung lãnh đạo, giáo dục tập trung vào việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của lực lượng, kết hợp với thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên và đột xuất của địa phương.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Năm, 2023, 08:51:22 am

Các đợt tập huấn, học tập, sinh hoạt chính trị trong các cấp đơn vị được tổ chức nhằm quán triệt, giáo dục các Nghị quyết 11, 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục giáo dục Nghị quyết 116 của Bộ Chính trị; giáo dục, học tập sâu rộng về Lời kêu gọi đồng bào và chiến sỹ cả nước quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược (ngày 17.7.1966) của Hồ Chủ tịch, Thông cáo của Hội đồng Quốc phòng tối cao, Lệnh động viên cục bộ của Nhà nước, Chỉ thị về nhiệm vụ, công tác của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh... Qua các hoạt động đó, cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thực sự chuyển biến về nhận thức và hành động; hiểu rõ chủ trương, đường lối chống Mỹ cứu nước, đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch, nhận rõ âm mưu địch, xác định được nhiệm vụ, chức trách, yên tâm phấn khởi, xây dựng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó, cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị thực sự tin tưởng vào sự tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Phát huy kết quả học tập chính trị, các cấp đơn vị phát động các phong trào thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ thành lập Đảng (3.2), ngày truyền thống của lực lượng (3.3), 5 năm thành lập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (15.2.1961), ngày Quốc tế lao động (1.5), ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5) và các ngày 19.8, 2.9, 22.12... các ngày quân dân miền Bắc bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1.000, 1.500, các ngày chiến thắng của quân và dân miền Nam; giáo dục, tuyên truyền về Đại hội thi đua của ngành Công an do Bộ tổ chức; đón mừng Huân chương của Chính phủ tặng cho Đồn Biên phòng Bí Hà1.

Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo chính trị, giáo dục tư tưởng, động viên khen thưởng kịp thời, cán bộ, chiến sỹ đảng viên, đoàn viên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã có nhiều chuyển biến mạnh, rõ rệt trên các mặt công tác, học tập và sản xuất, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, đẩy mạnh đấu tranh phê bình và tự phê bình, bồi dưỡng và phát huy nhân tố mới, đẩy lùi nhân tố tiêu cực. Đơn vị đã kết hợp các hoạt động trên để xây dựng các chi bộ 4 tốt, chi đoàn 4 tốt, đơn vị tiên tiến, quyết thắng.

Công tác đảng: thời gian này, Công an nhân dân vũ trang tỉnh tập trung đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chi bộ 4 tốt. Đến giữa năm 1966, theo chỉ đạo của Cục Chính trị và thực hiện kế hoạch của Tỉnh uỷ, Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng sơ kết công tác xây dựng Đảng để rút kinh nghiệm, đề ra hướng phấn đấu cho giai đoạn tiếp theo. Kết quả phân loại trong 16 chi bộ thuộc Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng, bước đầu có 4 chi bộ đạt danh hiệu 4 tốt, 6 chi bộ khá, 6 chi bộ trung bình.

Các chi bộ đều duy trì chế độ sinh hoạt thành nề nếp. Nội dung sinh hoạt đảm bảo yêu cầu gọn, rõ, có trọng tâm, xác định được nhiệm vụ trung tâm và giải quyết dứt điểm những vấn đề cần tập trung lãnh đạo. Nhờ đó, vai trò lãnh đạo của chi bộ, đảng viên được thể hiện đầy đủ, ý thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của đảng viên được nâng cao hơn trước. Chi bộ Đảng luôn giữ vững vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt và là nhân tố đảm bảo đoàn kết, thống nhất, quyết định hoàn thành mọi nhiệm vụ ở đơn vị.

Cùng với việc củng cố, nâng cao chất lượng đảng viên, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thường xuyên chăm lo công tác phát triển Đảng. Ba quý đầu năm 1966, Đảng bộ đã kết nạp được 33 đảng viên, vượt chỉ tiêu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao. Tỷ lệ lãnh đạo của đảng viên đối với quần chúng trong Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đạt 50%...

Đoàn thanh niên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được Đảng uỷ thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Các chi bộ trực tiếp lãnh đạo cụ thể, chặt chẽ; phân công đảng viên phụ trách công tác đoàn. Kết hợp với sinh hoạt, giáo dục chính trị của đơn vị, đoàn viên thanh niên được giáo dục, học tập nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Đoàn. Riêng đoàn viên thanh niên còn được tổ chức học tập, rèn luyện theo gương các anh hùng liệt sĩ; lý tưởng đạo đức đoàn viên; sinh hoạt, học tập nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Đoàn và tham gia đợt sinh hoạt Đoàn phát huy kết quả Đại hội thanh niên xuất sắc toàn tỉnh do Tỉnh đoàn Cao Bằng tổ chức... Thông qua các hoạt động đó, thanh niên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tích cực phấn đấu theo hướng thanh niên trở thành đoàn viên; đoàn viên phấn đấu đạt danh hiệu “đoàn viên 4 tốt”, “chi đoàn 4 tốt”; đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên. Nhờ đó, năm 1966, Đoàn thanh niên Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã được xây dựng, củng cố, kiện toàn và phát triển tốt. 27 thanh niên đã được kết nạp Đoàn; 19 đoàn viên ưu tú đã được kết nạp Đảng. Tỷ lệ đoàn viên so với thanh niên ngoài đoàn đạt 80,5%.
______________________________________
1. Nay là Đồn Biên phòng Thị Hoa, huyện Hạ Lang.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Năm, 2023, 08:52:10 am

Công tác huấn luyện quân sự, nghiệp vụ được Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh xác định phải thực tế, bám sát yêu cầu phục vụ thời chiến. Từ đầu năm 1966, đơn vị đã kịp thời tổ chức học tập quán triệt Mệnh lệnh huấn luyện của Bộ Công an cho các cấp đơn vị theo kế hoạch của tỉnh là thực hiện từ trong ra ngoài, từ tỉnh xuống cơ sở. Quá trình tổ chức quán triệt, thực hiện, Ban Chỉ huy tỉnh kết hợp mở các hội nghị chuyên đề, 6 lớp tập huấn, tăng cường bồi dưỡng cho 232 cán bộ cơ sở, từ tổ, đội đến cán bộ chỉ huy đồn. Trong quá trình huấn luyện, nhiều đơn vị đã vận dụng phương châm, phương pháp linh hoạt, sáng tạo. Các chi bộ cơ sở chú ý lãnh đạo đơn vị cải tiến các mặt công tác chính trị, đảm bảo vật chất, nên có tác dụng tốt cho chất lượng huấn luyện. Các đơn vị đều có chương trình huấn luyện hàng tháng. Huấn luyện có giáo án, có chỉ huy chuyên trách. Chi bộ lãnh đạo sát sao, cụ thể và kết hợp tốt với các đợt thi đua, xây dựng chi bộ, chi đoàn 4 tốt trong huấn luyện. Nhờ đó, chương trình huấn luyện chính trị, nghiệp vụ, các khoa mục quân sự, thể dục thể thao của các đơn vị đều đạt kết quả tốt. Riêng tổ chức bắn đạn thật năm 1966, có gần 80% quân số tham gia và đều đạt loại khá, giỏi.

Về chấp hành chế độ thường trực chiến đấu, đến năm 1966, Cao Bằng là địa bàn chưa bị máy bay Mỹ trực tiếp đánh phá nên nhận thức về âm mưu, thủ đoạn địch của một số cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang trong tỉnh chưa toàn diện, cụ thể. Ở một số đơn vị còn có biểu hiện chủ quan, một số mặt công tác chuẩn bị chưa đảm bảo chủ động ứng phó khi có tình huống.

Qua các đợt học tập. giáo dục, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của trên, nhận thức chính trị, tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ được nâng lên, hiểu rõ nhiệm vụ của đơn vị, âm mưu thủ đoạn của địch; xây dựng đơn vị vững mạnh. Chi bộ, chi đoàn 4 tốt, các cấp đơn vị đã tích cực phấn đấu chấp hành các chế độ thường trực, sẵn sàng chiến đấu hoàn thành tốt các mặt công tác, tổ chức chỉ đạo chỉ huy từ trên xuống dưởi bảo đảm thường xuyên, liên tục. Chấp hành các chế độ, quy định thường trực sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, đồn, trạm chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt quản lý tư tưởng, quân số, phương tiện, trang bị...

Công tác thông tin liên lạc trong điều kiện thời chiến sơ tán, phân tán trên diện rộng, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng chỉ tổ chức và duy trì được 17 mạng đường dây và 2 máy vô tuyến điện nhưng vẫn đảm bảo phục vụ chỉ đạo, chỉ huy và phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị liên quan thông suốt, kịp thời, chính xác. Năm 1966, công tác thông tin tiếp tục hoạt động trên cơ sở bảo quản, sử dụng là chính, nhưng do yêu cầu đảm bảo thông tin liên lạc thời chiến, sơ tán tăng cao, cán bộ, chiến sỹ thông tin đã khắc phục khó khăn, xây dựng thêm được một đường dây dài 6km từ thị xã đến trại giam; thực hiện 5 đợt sửa chữa đường dây (mỗi đợt từ 7 ngày đến nửa tháng); thay thế 15 cột, thu hồi đường dây cũ, di chuyển tổng đài, mắc thêm đường dây cho một trạm phòng không ở khu vực thị xã...

Công tác hậu cần năm 1966 của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thực hiện theo Nghị quyết 116 của Bộ Chính trị, các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết 163-NQ/CB, ngày 5.3.1966, của Tỉnh uỷ, hoạt động theo phương châm tự lực cánh sinh, dựa vào địa phương, đảm bảo công tác hậu cần tại chỗ, phục vụ tốt cho công tác bảo vệ thường xuyên, đột xuất và đảm bảo cho chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Trong hai năm 1965 - 1966 nông nghiệp của tỉnh bị thất thu lớn, ảnh hưởng đến đời sống cán bộ, chiến sỹ, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh quyết tâm chỉ đạo công tác hậu cần của đơn vị phấn đấu đạt chỉ tiêu trên 3 mặt:

- Đảm bảo tốt cho dự phòng chiến đấu: Thực hiện Nghị quyết 116, công tác hậu cần của đơn vị phải hoạt động phù hợp với phương hướng mới, nên đã bàn bạc phối hợp với các ngành của địa phương và giữa 3 lực lượng Tỉnh đội, Công an, Công an nhân dân vũ trang về công tác đảm bảo hậu cần cho các đơn vị biên phòng và bảo vệ nội địa trong trường hợp xảy ra chiến đấu. Nhờ đó, công tác dự phòng chiến đấu của đơn vị vẫn được duy trì, đảm bảo. Trong trường hợp tác chiến theo lối đánh du kích, công tác dự phòng có khả năng đảm bảo từ 15 đến 30 ngày.

- Đảm bảo về ăn uống, phòng bệnh: Trong tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương gặp nhiều tác động xấu, việc cung cấp lương thực, thực phẩm gặp nhiều khó khăn, công tác hậu cần phải đảm bảo duy trì cung cấp được thường xuyên. Khẩu phần lương thực vẫn đủ định lượng cho cán bộ, chiến sỹ; duy trì cho bộ đội ăn uống ngày 3 bữa ở đơn vị, 2 bữa khi hoạt động ở địa bàn. Trong hoàn cảnh khó khăn chung, cán bộ, chiến sỹ thực hiện chế độ ăn độn 30% ngô.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Năm, 2023, 08:52:56 am

Đối với các địa bàn xa xôi, hẻo lánh, Phòng Hậu cần, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã khắc phục mọi trở ngại, thực hiện cung cấp tại chỗ kịp thời cho Trạm Biên phòng Cốc Pàng và Trạm Biên phòng Nặm Quét (nay là Đồn Biên phòng Cô Ba) ở huyện Bảo Lạc. Đây là hai đơn vị có nhiều khó khăn về giao thông vận chuyển.

Công tác vệ sinh phòng bệnh được các đơn vị thường xuyên duy trì thực hiện theo kế hoạch công tác năm của tỉnh, sự hướng dẫn của Ban Quân y tỉnh: thực hiện đúng kế hoạch phòng bệnh theo từng mùa; tích cực thực hiện cuộc vận động vệ sinh 4 tốt trong ăn, uống, ở, ngủ và trong lao động, học tập, chiến đấu; thực hiện phòng chống dịch bệnh theo kế hoạch của quân y. Nhờ đó, cán bộ, chiến sỹ trong toàn tỉnh hầu như không bị các bệnh truyền nhiễm. Tỷ lệ sức khoẻ đạt 98,99%, đảm bảo quân số tham gia học tập, huấn luyện, công tác và thường trực sẵn sàng chiến đấu.

- Tăng gia, sản xuất tự túc: Thời gian này có nhiều khó khăn, trở ngại do các Trạm biên phòng phải tập trung lực lượng triển khai hoạt động phân tán xuống cơ sở. Quân số của trạm thường chỉ có 50%. Các đơn vị bảo vệ nội địa phải sơ tán đến nhiều địa điểm mới.

Mặc dù vậy, với truyền thống của quân đội nhân dân, truyền thống của đội quân vừa chiến đấu vừa công tác, tự lực cánh sinh và với ý thức cố gắng “lao động sản xuất, tự túc một phần lương thực” (theo Nghị quyết 163 của Tỉnh uỷ) chia sẻ khó khăn chung của tỉnh và nhân dân vùng biên giới, các đơn vị đã tranh thủ mọi thời gian tăng gia sản xuất tại địa bàn và tại đơn vị. Tại các trạm biên phòng, cán bộ, chiến sỹ tuỳ theo điều kiện cụ thể đã tích cực khai hoang, hoặc mượn đất của xã, của dân, cấy lúa, trồng ngô, đỗ rau xanh, chăn nuôi bò, dê, lợn, gà... Có những trạm biên phòng ở Bảo Lạc, Hà Quảng, Trùng Khánh, Hạ Lang... đã bố trí người đi bộ hàng ngày đường tìm các loại giống lúa, ngô có năng suất cao về trồng, vừa tự túc một phần lương thực, vừa có cơ sở để vận động, thuyết phục bà con cùng làm theo để cải thiện đời sống. Các trạm biên phòng đều thống nhất giao ước cùng nhau thực hiện “hũ gạo tiết kiệm” nhằm dành ra một phần lương thực để chia sẻ, trợ giúp một số gia đình quá thiếu đói trong địa bàn, thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân. Kết quả, năm 1966 các đơn vị Công an nhân dân vũ trang trong tỉnh đã tích cực phấn đấu đạt chỉ tiêu: sản xuất tự túc được 6.400kg lương thực, 3.200kg thịt (chủ yếu là lợn, gà), 16.000kg rau xanh.

Bên cạnh những khó khăn về kinh tế - vật chất, đời sống văn hoá tinh thần của cán bộ, chiến sỹ biên phòng và của người dân vùng cao biên giới Cao Bằng trong giai đoạn đầu chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ cũng rất thiếu thốn, nghèo nàn. Báo chí, tin tức phát thanh, phim ảnh giảm sút. Nhiều địa bàn xóm, xã xa xôi, hẻo lánh có khi 5 - 7 tháng, hàng năm liền, cán bộ, chiến sỹ và bà con các dân tộc địa phương không được xem một đêm chiếu phim, hoặc biểu diễn nghệ thuật. Trong nhân dân, nạn tái mù chữ xuất hiện trở lại ở mọi lứa tuổi, thậm chí mù chữ ở cả cán bộ cơ sở xóm, xã. Cấp uỷ, chỉ huy các trạm biên phòng phải tổ chức các cuộc họp chi bộ, đơn vị ra nghị quyết, lập kế hoạch, bố trí lực lượng tham gia cùng địa phương khôi phục lại trường, lớp. Các “thầy giáo quân hàm xanh” luân phiên nhau tranh thủ ngoài giờ lao động sản xuất của bà con dạy chữ, xoá mù chữ. Chi đoàn thanh niên của các trạm biên phòng kết nghĩa với đoàn viên, thanh niên địa phương, tổ chức những đêm liên hoan văn nghệ, cải thiện đời sống văn hoá tinh thần cho vùng biên giới.

Trong hoàn cảnh quân dân Cao Bằng phải tập trung nhiều công sức, tiền của phục vụ yêu cầu sẵn sàng chiến đấu đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Tỉnh uỷ - Ủy ban hành chính tỉnh vẫn chủ trương dành một phần ngân sách đầu tư vào cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng cao biên giới nhằm cải thiện đời sống của người dân. Việc xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, trường học, trạm xá, đường giao thông vào các vùng sát biên từ nguồn vốn của tỉnh trở thành một nhiệm vụ chính trị quan trọng tại địa phương.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Năm, 2023, 08:55:19 am

Các đơn vị biên phòng đã bố trí cán bộ, chiến sỹ thay phiên nhau làm công tác bảo vệ an ninh trật tự cho việc thi công các công trình và tham gia hàng ngàn ngày công cùng bà con các dân tộc biên giới lao động trên các công trường. Nhiều công trình lao động của nhân dân và cán bộ, chiến sỹ đã được khánh thành, đi vào phục vụ cuộc sống. Trong đó, đáng kể là một số tuyến đường giao thông ra biên giới, một số trường học, phòng học được sửa sang lại hoặc xây dựng mới, hàng nghìn bể chứa nước ăn, nước sinh hoạt cho hàng nghìn gia đình đồng bào vùng Lục Khu được xây dựng, lắp đặt; hàng trăm công trình thuỷ lợi lớn nhỏ phục vụ yêu cầu sản xuất và đời sống dân sinh lần lượt được đưa vào sử dụng. Tiêu biểu là các mương máng thuỷ nông Lý Vạn (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang); Háng Páo (xã Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh); Co Páo (xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh); các trạm thuỷ điện Thoong Gót (xã Chí Viễn), Lũng Nặm (xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh); Tổng Moòng, Nam Tuấn (xã Hùng Quốc), Nà Xộc (xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh); Pác Bó và Bản Hoàng (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng); Lũng Đa (xã Minh Long, huyện Hạ Lang)... Các trạm bơm Lũng Om (xã Tà Lùng, huyện Quảng Hoà)1; Kéo Diến và Háng Thoong (xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh)2 và hồ chứa nước Thôm Rảo (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang)... Các công trình này không những có tác dụng tích cực trong việc chủ động cung cấp điện, nước sinh hoạt và tưới nước cho gần 2.000 hécta ruộng ở khu vực biên giới mà còn góp phần thúc đẩy công cuộc xây dựng hậu phương ngày càng vững mạnh, góp phần chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt.

Về nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu nội địa: trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, khối lượng nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu nội địa của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng trở nên to lớn, nặng nề và thêm nhiều yếu tố phức tạp.

Sau các chỉ thị của Trung ương, Bộ Tư lệnh, của tỉnh và nhất là sau khi học tập, quán triệt Nghị quyết “về tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (3.1965), công tác phòng không sơ tán của các lực lượng, cơ quan, ban, ngành trong tỉnh được triển khai khẩn trương, tích cực. Từ cuối năm 1964 đầu năm 1965, các cơ quan đầu não, quan trọng của tỉnh đều rời tỉnh lỵ - thị xã Cao Bằng sơ tán về các vùng nông thôn, trải ra trên diện rộng của địa bàn các xã Hoàng Tung, Hưng Đạo, Vĩnh Quang, Hồng Việt, Bế Triều, Đức Long, Nam Tuấn... thuộc huyện Hoà An. Ty Công an Cao Bằng sơ tán về làng Nà Coóc, xã Đức Long. Cơ quan Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh sơ tán về làng Nà Niền, xã Đức Long để thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não, các mục tiêu quan trọng của tỉnh như Tỉnh uỷ, Ủy ban hành chính, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh... Tại những nơi sơ tán, các cơ quan, cán bộ, công nhân viên chức ăn ở, làm việc đều ở nhờ nhà dân. Từ năm 1967, một số cơ quan bắt đầu dựng thêm một số nhà tạm, chủ yếu bằng tranh tre nứa lá để có thêm nơi làm việc.

Phương tiện thông tin liên lạc phục vụ công tác và chiến đấu lúc này đều rất thiếu thốn. Nhiều cơ quan không có điện thoại, khi cần thông tin liên lạc, phải cử người chạy bộ hoặc đi bằng xe đạp.

Các kho chứa hàng, kho bạc của Ngân hàng tỉnh sơ tán chủ yếu sử dụng một số trường học hoặc đình, chợ đã sơ tán, bỏ không... phần lớn không đảm bảo yêu cầu bảo vệ. Kho bạc của Ngân hàng tỉnh cũng sơ tán đến một ngôi nhà không đảm bảo an toàn. Trại giam vẫn ở địa điểm cũ, nhà cửa, tường rào sau nhiều năm xây dựng, sử dụng đã xuống cấp, rất khó khăn cho công tác canh giữ.

Mỏ thiếc Tĩnh Túc ở huyện Nguyên Bình nằm trong một thung lũng nhỏ hẹp. Mật độ dân số khá cao. Máy móc, phương tiện nhiều, mặc dù có yêu cầu sơ tán nhưng vẫn không thể di chuyển ra khỏi khu vực mỏ. Việc sơ tán đối với người cũng khó thực hiện, chỉ tạm rải theo hai bên trục quốc lộ số 34. Công nhân phải bám khu mỏ để đảm bảo kế hoạch sản xuất và chỉ rời nơi sản xuất trong các giờ cao điểm hoạt động của máy bay Mỹ...
_______________________________________
1. Nay là thị trấn Tà Lùng, huyện Phục Hoà.
2. Hai bản Kéo Diến và Háng Thoong nay thuộc xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Năm, 2023, 08:55:39 am

Thực tế trên làm cho công tác bảo vệ các mục tiêu nội địa có rất nhiều sơ hở. Việc bảo vệ máy móc, tài sản, tính mạng công nhân mỏ thiếc Tĩnh Túc trước nguy cơ bị máy bay Mỹ bắn phá rất khó đảm bảo an toàn. Cơ sở vật chất, tài liệu của các cơ quan sơ tán dễ bị mất mát, hoả hoạn. Phạm nhân dễ trốn trại (từ năm 1965 - 1973, xảy ra 15 vụ phạm nhân trốn trại hoặc chuẩn bị trốn trại. Nhưng các đơn vị canh giữ trại giam đều ngăn chặn kịp thời).

Trước khả năng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng leo thang và trở nên ác liệt, chấp hành sự chỉ đạo của Trung ương, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội sơ tán một phân hiệu về xã Độc Lập, huyện Quảng Hoà (nay thuộc huyện Quảng Uyên); Trường Văn hoá dân tộc miền Nam sơ tán về làng Nà Giàng, xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng. Một số con em cán bộ cao cấp quân đội về huyện Hoà An. Kho bạc Ngân hàng Trung ương sơ tán vào hang Bó Ca ở xã Minh Thanh, huyện Nguyên Bình. Tổng đài cơ vụ K.15 và Đài Phát tin - Phát thanh III - C.15 thuộc Tổng cục Bưu điện sơ tán đến một số hang ở vùng Vỏ Lài, xã Nam Tuấn, huyện Hoà An. Đài Phát thanh dự trữ C.50 của Ủy ban Phát thanh - Vô tuyến truyền hình Việt Nam sơ tán đến hang Ngườm Bang, xã Đình Minh, huyện Trùng Khánh...

Để bảo vệ các mục tiêu nội địa với khối lượng lớn, trải ra trên diện rộng, thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và của Ty Công an, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã bố trí lực lượng, tổ chức phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng Công an, Tỉnh đội, các ngành liên quan, với cấp uỷ, chính quyền các huyện Hoà An, Quảng Hoà, Nguyên Bình, thị trấn Tĩnh Túc, các làng xã có các cơ quan, đơn vị sơ tán, thống nhất kế hoạch thực hiện. Các phân đội trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu đã xây dựng các cơ sở bí mật để nắm tình hình liên quan, phục vụ yêu cầu của nhiệm vụ. Đồng thời phối hợp cùng các lực lượng công an, tham mưu cho cấp ủy đảng các địa phương, cơ quan, đơn vị sơ tán phát động quần chúng tham gia phong trào bảo vệ trị an, bảo mật phòng gian, xây dựng cơ quan an toàn theo các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Bộ Công an và hướng dẫn của Bộ Tư lệnh. Do đó, các đơn vị đã góp phần giữ vững được ổn định an ninh trật tự ở các khu vực mục tiêu, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an toàn các mục tiêu nội địa trong tỉnh suốt thời kỳ sơ tán.

Cùng với các hoạt động trên, các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã sát cánh cùng toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ công tác vận chuyển hàng viện trợ, chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Thực hiện cam kết giữa Trung ương Đảng và Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, từ năm 1966, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trực tiếp chi viện và vận chuyển quá cảnh hàng hoá của các nước xã hội chủ nghĩa qua lãnh thổ Trung Quốc đến cho nhân dân Việt Nam. Hàng hoá chi viện qua các cửa khẩu vào Cao Bằng thời gian này có hàng chục vạn tấn, bao gồm các loại vũ khí, khí tài, đạn dược, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, lương thực, thực phẩm...

Để tạo điều kiện phối hợp các lực lượng phục vụ các hoạt động chi viện trên phạm vi tỉnh Cao Bằng được thuận lợi, Tỉnh uỷ và Ủy ban hành chính tỉnh đã thành lập Ban chỉ huy chiến dịch vận chuyển do đồng chí Nông Văn Bạng, Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh làm Trưởng ban; các thành viên gồm cán bộ của Tỉnh đội, Ty Công an, Công an nhân dân vũ trang, Ban Ngoại vụ, Hải quan, Thương nghiệp, Lương thực, Vật tư và Ngoại thương. Trong đó, lực lượng Công an nhân dân vũ trang, trực tiếp là các trạm biên phòng chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát, cấp giấy phép cho người, phương tiện hàng hoá ra vào biên giới; bảo vệ các đoàn xe, các kho bãi cất giữ hàng hoá...

Căn cứ vào nhiệm vụ được giao, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh chủ động phối hợp với các lực lượng, đơn vị, cơ quan, ban, ngành xây dựng và thực hiện phương án bảo vệ toàn diện từ việc tiếp xúc với bạn, làm thủ tục nhanh gọn ở các cửa khẩu biên giới, đến việc dẫn đường cho các đoàn xe đi đúng tuyến, bố trí lực lượng bốc dỡ, giải phóng xe nhanh, canh gác phòng không, đề phòng máy bay địch đánh phá, giữ bí mật kho hàng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tỉnh uỷ và Ủy ban hành chính tỉnh thường xuyên chỉ đạo: khi tiếp xúc, giao dịch với bạn, các lực lượng phải đảm bảo giữ vững nguyên tắc về chủ quyền quốc gia; đồng thời phải thể hiện được tình cảm đoàn kết, hữu nghị; thái độ phải thân mật, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn hoàn thành nhiệm vụ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Năm, 2023, 08:56:13 am

Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã điều động một số cán bộ từ các phòng ban của cơ quan bộ và một số trạm biên phòng tăng cường lực lượng cho các đơn vị biên phòng trực tiếp tiếp xúc, làm việc với bạn. Thời gian mới triển khai, công việc vận chuyển hàng viện trợ vào nước ta qua đường Cao Bằng chủ yếu tiến hành qua cửa khẩu Tà Lùng. Ban Chỉ huy tỉnh đã bố trí cán bộ biên phòng kiểm tra công tác bảo vệ của các ngành chủ hàng. Việc vận chuyển hàng viện trợ bắt đầu vào khoảng giữa năm 1966 và tổ chức thành nhiều đợt, có đợt mở thành chiến dịch như “Chiến dịch V70” (từ 1966 - 1967).

Thực hiện kế hoạch hiệp đồng giữa ta và bạn, bộ đội vận tải Trung Quốc thực hiện vận chuyển hàng hoá bằng xe ô tô qua cửa khẩu Tà Lùng vào Cao Bằng, đến giao hàng tại các kho tiếp nhận của ta. Các kho này được ta chuẩn bị sẵn tại nhiều địa điểm ở khu vực thị trấn Phục Hoà, thị trấn Quảng Uyên, thị xã Cao Bằng, Cao Bình, xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình... Để đảm bảo bí mật cho hoạt động vận chuyển, các đoàn xe vận tải của Trung Quốc đều vượt qua biên giới hai nước vào lúc chập tối, đến các kho trả hàng trong đêm và kịp trở về Trung Quốc trước lúc trời sáng. Mọi công việc xuất nhập cảnh cho người, phương tiện, hàng hoá ở cửa khẩu, cán bộ, chiến sỹ biên phòng phải làm hết sức khẩn trương, đúng nguyên tắc và trong thời gian ngắn nhất.

Với tinh thần trách nhiệm cao, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, sự điều hành hiệu quả của Ban Chỉ huy chiến dịch, công tác vận chuyển hàng viện trợ từ giữa năm 1966 đến năm 1967 đã hoàn thành thắng lợi, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, hàng hoá, thiết thực chi viện cho miền Nam, góp phần thực hiện khẩu hiệu: “xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam”.

Cùng với hoạt động tiếp nhận hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em quá cảnh Trung Quốc vào Việt Nam, phía bạn còn cho bộ đội công binh sang giúp ta sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường từ biên giới vào nội địa ta, về miền xuôi. Trên phạm vi Cao Bằng, những năm 1965 - 1967, Trung Quốc đảm nhận việc mở rộng tuyến đường từ cửa khẩu Hùng Quốc, qua Trà Lĩnh, Hoà An, thị xã Cao Bằng, qua đèo Cao Bắc ở phía nam xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, chạy tiếp về Bắc Kạn, Thái Nguyên.

Mặt khác, trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc đã cử một số chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của tỉnh Quảng Tây sang giúp Cao Bằng xây dựng 4 trạm thuỷ điện, 3 cơ sở kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, một số trạm sửa chữa cơ khí quy mô nhỏ.

Nhân lực của Trung Quốc sang ta đông tới hàng vạn người, cùng nhiều xe cộ, máy móc, phương tiện, dụng cụ, hàng hoá... Lực lượng xuất nhập cảnh qua biên giới lúc này rất lớn. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã làm việc suốt ngày đêm. Anh em vừa phải thực hiện đúng nguyên tắc của công tác biên phòng: xem xét, kiểm tra đối với người, phương tiện, hàng hoá, cấp giấy phép cho cán bộ, chuyên gia, nhân viên của bạn theo đúng các quy định của pháp luật; đồng thời phải giải quyết các khâu liên quan đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của bạn, đảm bảo mọi thủ tục ở cửa khẩu với thời gian ngắn nhất, thuận tiện cao nhất cho việc qua lại biên giới đối với người, phương tiện và thông quan hàng hoá.

Với tinh thần trách nhiệm cao, phương pháp làm việc linh hoạt, phù hợp tình hình cụ thể, cùng thái độ thân thiện, chân tình, chu đáo của ta đã góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết láng giềng giữa hai nước và có tác dụng tốt đối với tiến độ vận chuyển chi viện của bạn. Nhiều cán bộ lãnh đạo của bạn đã có những nhận xét đầy thiện cảm đối với cán bộ, chiến sỹ biên phòng Việt Nam.

Cùng thời gian này, do bị thua đau và không thực hiện được ý đồ ngăn chặn sự chi viện, tiếp tế của miền Bắc cho miền Nam, cuối năm 1966, Mỹ quyết tâm mở rộng phạm vi đánh phá vào Hà Nội, Hải Phòng... Trên vùng trời Cao Bằng, hoạt động của không quân Mỹ từ đầu năm 1967 tăng lên cả về thời gian và số lần xâm phạm. Nhiều chuyến bay trinh sát của địch diễn ra hàng giờ đồng hồ nhằm thăm dò, phát hiện các trận địa phòng không, các khu mỏ đang khai thác, các khu sơ tán, trục đường giao thông... Tháng 10.1967, không quân Mỹ đánh vào thị xã Cao Bằng. Ngày 3.10.1967, máy bay phản lực Mỹ bất ngờ ập đến đánh sập cầu Sông Hiến. Ngày 8.10.1967, chúng đánh sập cầu Bằng Giang.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Năm, 2023, 08:57:05 am

Lúc này, tình hình biên giới lại nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp mới. Các bọn đặc vụ, bọn phản cách mạng lợi dụng những lúc khó khăn thời chiến tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; lợi dụng các thiếu sót, sơ hở của ta trong xây dựng cuộc sống mới, trong công tác quản lý biên giới để hoạt động. Đảng bộ và quân dân Cao Bằng đã phải tập trung đấu tranh với bọn chúng; đồng thời giải quyết, đấu tranh với nhiều vấn đề nổi lên xung quanh việc người dân Trung Quốc vượt biên trái phép sang xâm canh xâm cư, khai thác tài nguyên, xâm phạm chủ quyền, an ninh biên giới.

Những năm 1966 - 1967, Trung Quốc tiến hành “Đại cách mạng văn hoá”, nội bộ xã hội có nhiều biến động. Các bọn phản động, phản cách mạng và một bộ phận người Trung Quốc theo quy định của Nhà nước và pháp luật Trung Quốc bị đấu tố, xử lý. Nhiều tên phản động, đặc vụ Tưởng, địa chủ... trốn tránh pháp luật vượt biên giới sang lẩn trốn ở một số nơi trong khu vực biên giới Cao Bằng. Nhiều người từ Trung Quốc với các lý do khác nhau cũng tự động di dân sang cư trú tại biên giới giữa hai nước. Bọn phản động cũ và phần tử xấu ngóc đầu dậy chống phá thành quả cách mạng của nhân dân Trung Quốc và thành quả cách mạng Việt Nam. Trên đoạn biên giới hai tỉnh Cao Bằng - Quảng Tây, bọn phản động và phần tử xấu công khai xuyên tạc, nói xấu đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta; kích động người Hoa yêu sách không làm nghĩa vụ quân sự, không đi dân công, đòi Việt Nam cũng tiến hành cách mạng văn hoá như Trung Quốc...

Cùng với việc một số người Hoa đòi hỏi quyền lợi, đưa yêu sách với cán bộ địa phương, bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa ở khu vực cửa khẩu Tà Lùng cũng bị kích động. Chúng tăng cường liên lạc, hoạt động móc nối với một số linh mục phản động ở Lạng Sơn, Nam Định, Thái Bình... để mở rộng thanh thế. Chúng tích cực dò la, nghe ngóng thu thập tin tức tình báo; lợi dụng rao giảng để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật, phao tin thất thiệt trong giáo dân và đồng bào ở vùng lân cận. Một số tên vận động bà con không đi dân công, không cho con em nhập ngũ vào bộ đội, công khai ca ngợi sức mạnh của Mỹ... gây hoang mang, lo lắng trong quần chúng. Ở huyện Trùng Khánh, bọn phản động trong tổ chức “Nhất tân dân tộc” từ lâu nằm im, năm 1966 thấy tình hình trên biên giới bất ổn cũng ngóc đầu dậy hoạt động.

Trên vùng biên giới Cao Bằng năm 1966, ta còn phát hiện 12 lần máy bay mang cờ hiệu của Tưởng. Năm 1967, ngoài 17 lần máy bay mang cờ hiệu của Tưởng, còn có cả khinh khí cầu của Tưởng xâm nhập vùng trời biên giới của tỉnh, thả nhiều truyền đơn và hàng tâm lý. Đầu năm 1969, máy bay Mỹ tạm ngừng xâm nhập vùng trời Cao Bằng, nhưng hai máy bay Trung Quốc đã bay sang vùng trời huyện Hạ Lang thả một số dù hàng xuống xã Thị Hoa. Người Trung Quốc đã vượt biên giới trái phép sang lấy hết số hàng hoá.

Trong khi đó, người Trung Quốc vẫn tiếp tục vượt biên trái phép vào cư trú tại nhiều vùng trong tỉnh. Năm 1966, có 4.723 người vượt biên sang cư trú trái phép tại 7 huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng. Trong đó, tập trung nhiều ở các xã vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng và nhiều xã của huyện Bảo Lạc. Năm 1968, số người vượt biên trái phép sang sống ở Bảo Lạc là 75 hộ, 318 nhân khẩu.

Người Trung Quốc còn sang Cao Bằng tự động chặt phá rừng lấy gỗ dựng nhà, làm củi; đốt rừng làm nương rẫy canh tác, tranh lấn đất đai của ta ở các khu vực sát biên giới. Khi được cán bộ và nhân dân địa phương nhắc nhở, họ tỏ thái độ phản ứng, coi thường pháp luật Việt Nam và phong tục tập quán của địa phương gây nên nhiều vụ việc phức tạp, mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong các xã biên giới.

Trước tình hình trên, cán bộ, chiến sỹ các trạm biên phòng vừa duy trì các hoạt động kiểm soát hành chính vừa tăng cường phối hợp cùng dân quân các xã biên giới tổ chức tuần tra, kiểm soát lưu động dọc theo đường biên, nhất là các đường mòn người hay qua lại, kịp thời phát hiện, kiên trì giải thích cho người từ Trung Quốc vượt biên sang hiểu về thông lệ và pháp luật quốc tế; pháp luật Việt Nam, đề nghị bà con tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Hầu hết những người sau khi được giải thích đều nhận ra lẽ phải và quay trở lại nước họ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Năm, 2023, 08:57:41 am

Những năm 1965 - 1967, biên giới Việt - Trung còn phát sinh những phức tạp mới từ việc bộ đội Trung Quốc sang Cao Bằng (cũng như một số tỉnh biên giới phía Bắc nước ta) giúp xây dựng, sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường từ biên giới vào nội địa, vận chuyển hàng viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa giúp Việt Nam kháng chiến chống Mỹ. Đi theo các đơn vị bộ đội Trung có một số đông nhân viên dân sự, “hồng vệ binh”. Họ đem theo vào Cao Bằng nhiều sách báo, tài liệu, tranh ảnh của cách mạng văn hoá Trung Quốc. Cán bộ, bộ đội, nhân viên Trung Quốc tranh thủ mọi cơ hội, mọi nơi, mọi lúc tuyên truyền, quảng bá, phát tán các sách báo, tài liệu, tư tưởng của cách mạng văn hoá và kêu gọi Việt Nam học tập, tiến hành các mạng văn hóa như Trung Quốc.

Ở các điểm đóng quân dã ngoại trên đất Cao Bằng, bộ đội Trung Quốc đã kết hợp dựng những căn nhà bạt lắp ghép, trang hoàng nhiều băng, cờ, khẩu hiệu sặc sỡ thành những điểm gọi là “Việt - Trung hữu nghị đình”. Tại đây, họ cho lắp loa đài, mở nhạc, phát thanh nhiều nội dung bằng tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng dân tộc rất náo nhiệt. Các “đình” này đều do bộ đội Trung Quốc trông coi, phục vụ hết sức niềm nở, chu đáo. Người Việt Nam, nhất là đồng bào các dân tộc ghé vào đây được đón tiếp với thái độ vồn vã, nồng hậu. Bà con được mời uống trà ngon, hút thuốc lá thơm, được thăm hỏi, chuyện trò trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình, nên có cảm tưởng họ gần gũi, thân tình.

Hoạt động của Trung Quốc tác động đến đồng bào dân tộc Hoa và đồng bào dân tộc thiểu số của ta, xuất hiện việc treo quốc kỳ và ảnh lãnh tụ Trung Quốc. Nhiều bà con và một số cán bộ cơ sở, đặc biệt là cán bộ người dân tộc Hoa nảy sinh tâm trạng hoang mang, lo lắng sẽ bị đấu tố, tù đày, chết chóc...

Trước tình hình đó, cán bộ, chiến sỹ trong các đội công tác biên phòng, các trạm biên phòng đã báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương và bàn kế hoạch phối hợp với các lực lượng giải quyết. Ta đã gặp gỡ, trao đổi, giải thích cho phía bạn biết cách mạng văn hoá mà bạn đang làm là việc nội bộ của bạn. Nhưng việc tổ chức mít tinh tuyên truyền trên lãnh thổ Việt Nam là trái với thoả thuận đã ký kết giữa hai Đảng, hai Chính phủ, là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Với thái độ chân thành của cán bộ, chiến sỹ ta, phía bạn đã nhận ra sai sót.

Trên cơ sở nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là quý trọng và giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị giữ vững nguyên tắc bảo vệ chủ quyền quốc gia, các cấp biên phòng trong tỉnh đã kịp thời chủ động tham mưu đề xuất giúp các cấp uỷ, chính quyền địa phương lãnh đạo, thực hiện các biện pháp duy trì an ninh trật tự. Mặt khác, các đội công tác, trạm biên phòng đã cùng địa phương kết hợp phong trào bảo vệ trị an thời chiến với tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới và tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nước ta với Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Các đợt sinh hoạt chính trị, phát động quần chúng đã giúp bà con các dân tộc biên giới hiểu rõ tình hình nên yên tâm làm ăn, sản xuất. Bà con tích cực giúp đỡ, phát hiện những kẻ thường tung tin xuyên tạc, xúi giục, kích động, những người vượt biên trái phép, cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Dựa vào sự giúp đỡ của các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương, cuối năm 1967 đầu năm 1968, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng phối hợp với các đơn vị trên biên giới phía Bắc tạm giữ 125 người vi phạm quy chế biên giới. Số này đều khai nhận là “hồng vệ binh” tự sang Việt Nam để xin đi đánh Mỹ. Trong số người bị tạm giữ trên có một số tên vốn là đặc vụ Tưởng, từng chống phá cách mạng Việt Nam, từng gây tội ác với nhân dân ta, đã bị ta bắt và trao trả cho phía Trung Quốc xử lý từ những năm 1957 - 1959. Riêng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng phát hiện, tạm giữ 5 tên đã từng được tỉnh trao trả trong thời kỳ đó.

Trong bối cảnh khó khăn phức tạp đó, từ ngày 11-15.5.1967, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần IV. Đại hội xác định: nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ, đơn vị trong giai đoạn tiếp theo là tập trung bảo vệ trật tự an ninh biên giới chủ yếu bằng biện pháp chính trị và nghiệp vụ công an, kết hợp chặt chẽ với các biện pháp nghiệp vụ, vũ trang, trực tiếp bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của tỉnh, các đồng chí lãnh tụ của Đảng, Nhà nước và khách nước ngoài về thăm và làm việc tại tỉnh; bảo vệ các mục tiêu được phân công. Phối hợp, hiệp đồng cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương phòng, chống gián điệp biệt kích, trấn áp các vụ nổi loạn của bọn phản cách mạng, quyết tâm sẵn sàng bắn hạ máy bay Mỹ.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng, gồm 13 đồng chí. Ban Thường vụ có 5 đồng chí: Hoàng Khiêm, Bí thư; Hà Thế Vũ, Phó bí thư và 3 đồng chí ủy viên thường vụ: Dương Hồng Minh, La Văn Cừu, Đinh Ngọc Tuy. Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ có 8 đồng chí: Hoàng Văn Phù, Bế Văn Xiêu, Lý Trung Khính, Nông Văn Báo, Phạm Văn Lợi, Chung Văn Dương, Lương Ích Tường, Đinh Tiến Quang.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Năm, 2023, 08:59:15 am

Bị thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam Bắc nước ta, ngày 1.11.1968, Mỹ buộc phải chấp nhận chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá trên toàn miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán ở Pari. Ngày 3.11.1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước anh dũng tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược. Người chỉ rõ “… Nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc... Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi”.

Đầu năm 1969, Bộ Tư lệnh lực lượng xác định nhiệm vụ của các đơn vị trên toàn miền Bắc phải đẩy mạnh công tác đấu tranh chống các bọn phản cách mạng, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu nội địa, tranh thủ, chủ động chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, hành động phá hoại mới của địch.

Chấp hành Chỉ thị số 156-CT/TW, ngày 21.11.1968, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác giữ gìn an ninh trật tự, ngày 28.1.1969, Khu uỷ khu tự trị Việt Bắc ra Chỉ thị số 142 chỉ đạo các tỉnh thuộc địa bàn khu tăng cường công tác lãnh đạo an ninh trật tự phục vụ sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc tiến tới hoà bình thống nhất nước nhà. Khu uỷ xác định phải tập trung vào 3 nhiệm vụ chính là:

- Đánh bại mọi hoạt động của bọn gián điệp, đặc vụ, phản động và chiến tranh tâm lý... Đấu tranh chống gián điệp biệt kích, cần chú ý các địa bàn biên giới, xung yếu, hẻo lánh. Đấu tranh chống phản động, cần chú ý các địa bàn có bọn phản động cũ, phản động thuộc tầng lớp trên ở miền núi. Phát hiện và kịp thời đề xuất khắc phục các thiếu sót của cán bộ cơ sở trong thực hiện các chính sách, không để bọn xấu lợi dụng xuyên tạc kích động quần chúng.

- Làm tốt công tác bảo vệ, xây dựng Đảng, đảm bảo sự trong sạch của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, bảo vệ kinh tế - văn hoá - tư tưởng, lực lượng vũ trang. Bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

- Giữ vững an ninh trật tự xã hội, cần chú trọng làm tốt ở thành phố, thị xã, các khu vực biên giới.

Trước bước phát triển mới của cách mạng cả nước, trực tiếp là điều kiện miền Bắc tạm thời có hoà bình, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VII (từ ngày 31.1 đến 9.2.1969). Đại hội tập trung thảo luận, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho thời kỳ 1969 - 1972 của tỉnh: khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển mọi mặt của tỉnh, ra sức chi viện cho miền Nam.

Đặc biệt, trong hoạt động chi viện miền Nam, chấp hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1.1968) về “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định” và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “… quyết tâm giải phóng miền Nam”, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã lãnh đạo các lực lượng vũ trang, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh sắp xếp, bố trí lại nhân lực để tham gia với các tỉnh trên toàn miền Bắc, chi viện cho miền Nam. Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng sau khi điều chỉnh lại tổ chức, biên chế theo Nghị quyết 116 của Bộ Chính trị, quân số tuy ít nhưng ngay trong năm 1968 cũng đã bố trí, sắp xếp lại đơn vị, chấp hành chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Tỉnh uỷ, điều động 5 đồng chí sĩ quan đi tham gia làm nhiệm vụ chi viện.

Ngày 10.5.1969, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng uỷ Bộ Tư lệnh và Tỉnh uỷ, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ V. Đại hội tập trung thảo luận và đề ra phương hướng xây dựng đơn vị và thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và các mục tiêu nội địa trước tình hình diễn biến mới của cách mạng hai miền đất nước. Đại hội đã bầu ra Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng gồm 13 đồng chí. Ban Thường vụ Đảng ủy có 5 đồng chí: Hoàng Khiêm, Bí thư; Hà Thế Vũ, Phó bí thư; 3 đồng chí ủy viên Thường vụ: Lê Văn Thống, Dương Hồng Minh, Đinh Ngọc Tuy và 8 đồng chí ủy viên Ban chấp hành.

Căn cứ vào nhiệm vụ chung của lực lượng và tình hình cụ thể của địa phương, nhiệm vụ của các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được Đại hội xác định phải tập trung vào các nội dung cơ bản là:

- Không để các phần tử xấu, các đối tượng phản cách mạng Trung Quốc lén xâm nhập, ẩn náu hoạt động trong khu vực biên giới. Chủ động phòng ngừa, loại trừ khả năng gây bạo loạn và các bọn phản cách mạng hoạt động phá hoại an ninh trật tự ở các địa bàn do các đơn vị phụ trách. Quản lý, bảo vệ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Đảm bảo đoàn kết, hữu nghị với nước bạn.

- Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu nội địa, lãnh tụ, cơ quan đầu não và khách cao cấp nước ngoài đến thăm, làm việc.

- Đảm bảo cho khu vực biên giới và góp phần cùng toàn tỉnh giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra các vấn đề phức tạp trong nội bộ nhân dân. Tích cực thực hiện và bảo vệ “ba cuộc cách mạng” ở địa phương. Tiếp tục làm tốt công tác cải tạo tại chỗ, giảm dần số lượng tiến tới xoá bỏ loại đối tượng phải cải tạo tại chỗ.

- Phấn đấu xây dựng 100% chi bộ 4 tốt, đơn vị vững mạnh.

- Chủ động chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đánh thắng mọi âm mưu, hàng động liều lĩnh mới của địch.

Trong khi Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh đang vui mừng, phấn khởi trước những thắng lợi mới của cách mạng cả nước, cùng quân dân hai miều Nam Bắc ra sức thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì Chủ tịch Hồ Chí Minh lâm bệnh nặng và đã vĩnh biệt chúng ta hồi 9 giờ 47 phút, ngày 2.9.1969. Đây là tổn thất hết sức to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Bác không còn nữa. Các cấp đơn vị trong tỉnh cùng toàn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Cao Bằng và cả nước để tang Bác 7 ngày. Đảng bộ, nhân dân, các lực lượng vũ trang trong tỉnh sát cánh bên nhau “quyết biến đau thương thành hành động cách mạng, xin hứa với Đảng, với Bác, sẽ đem hết sức mình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”1.

Sau ngày Bác đi xa, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, kế hoạch của Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh và sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng về mở đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ cuối tháng 9 đầu tháng 10.1969, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, biến đau thương thành sức mạnh hành động để ghi nhớ công ơn trời biển và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người.
_______________________________________
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000). Sđd, tr.335.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Năm, 2023, 09:15:14 am

III. ĐẤU TRANH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA VÀ TÌNH ĐOÀN KẾT HỮU NGHỊ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

Từ năm 1969, sau khi đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang chiến tranh, hạn chế rồi đi đến chấm dứt ném bom, bắn phá miền Bắc, trên tuyến biên giới Cao Bằng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp mới.

Khu vực biên giới Cao Bằng với 7 huyện giáp biên có chung đặc điểm của tuyến biên giới Việt - Trung: hầu hết là rừng núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, phân bố thưa thớt. Đời sống nhân dân thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Đặc biệt nhiều khu vực biên giới Cao Bằng là rừng già có nhiều hang động, hẻo lánh; nhất là ở hai huyện Thông Nông và Bảo Lạc. Mặc dù đã qua nhiều năm được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, nhưng đến năm 1969, hai huyện Thông Nông và Bảo Lạc (lúc đó Bảo Lạc gồm cả huyện Bảo Lâm) vẫn chưa có đường ô tô đến các xã biên phòng.

Phong trào bảo vệ trị an biên giới trong những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1968) ở Cao Bằng đã góp phần phục vụ các cuộc vận động xây dựng, củng cố hợp tác xã, vận động định canh định cư, kết hợp với xây dựng hợp tác hoá vùng cao, phục vụ chính sách nghĩa vụ quân sự, chính sách đoàn kết dân tộc, góp phần đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước.

Mặc dù nhiều năm bị thiên tai, hạn hán, mất mùa, nhiều nơi trên biên giới thiếu đói trầm trọng, đời sống người dân rất khó khăn, nhưng các cấp uỷ đảng đã lãnh đạo nhân dân khắc phục mọi hậu quả thiên tai, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội, đẩy mạnh phong trào xây dựng hợp tác xã, từng bước đẩy lùi khó khăn. Kết quả, đến cuối năm 1969, trong khu vực biên giới của tỉnh đã có 10.108 hộ nông dân lao động vào hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 89% số hộ). Xây dựng được 286 hợp tác xã lớn nhỏ. Trong đó có 225 hợp tác xã nhỏ, 57 hợp tác xã quy mô thôn, 4 xã Phong Nặm, Lăng Yên (huyện Trùng Khánh), Trường Hà (huyện Hà Quảng) và Việt Chu (huyện Quảng Hoà)1 xây dựng được hợp tác xã quy mô toàn xã. Năng suất thu hoạch ngày càng tăng. Hầu hết các xã đã có trạm xá, y sĩ, y tá khám chữa bệnh cho nhân dân. Các xã đều đã có trường phổ thông cấp I, cấp II. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong toàn tỉnh, nhân dân các dân tộc biên giới được cải thiện, nâng cao. Việc chấp hành các chủ trương, chính sách ngày càng được thực hiện tốt. Các xã biên giới, tiêu biểu là Ngọc Khê (Trùng Khánh), Trường Hà (Hà Quảng), Quang Long (Hạ Lang), Đức Long (Thạch An) là những điển hình của tỉnh trong việc thực hiện chính sách nghĩa vụ quân sự. Riêng khu vực biên giới đã có 2.201 thanh niên con em đồng bào các dân tộc ở đã tham gia các lực lượng vũ trang, đi chiến đấu ở khắp các chiến trường và lập được nhiều chiến công.

Tuy nhiên, do đồng bào các dân tộc hai bên biên giới thường qua lại giao tiếp, giải quyết các nhu cầu đời sống hàng ngày thành nếp sinh hoạt quen thuộc nhiều năm đã tạo thuận lợi cho các loại đối tượng xấu lợi dụng xâm nhập hoạt động chống phá. Khu vực biên giới của tỉnh có vị trí xung yếu nên cũng từ lâu các bọn phản động cách mạng và tội phạm rất chú trọng khai thác xâm nhập, ẩn náu hoạt động.

Năm 1970, khu vực biên giới ở Cao Bằng đã xuất hiện các vụ thả tờ rơi, truyền đơn với nhiều nội dung khác nhau. Trong đó có nhiều tờ rơi về “Đại cách mạng văn hoá”; đả kích, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc; chia rẽ đoàn kết Việt - Trung. Đến năm 1971, việc thả tờ rơi và ảnh hưởng, tác động của “Đại cách mạng văn hoá” vào khu vực biên giới Cao Bằng giảm dần. Trong khi đó, các hoạt động vượt biên vào cư trú trái phép trong lãnh thổ nước ta, lấn chiếm, tranh chấp đất đai vẫn tiếp tục diễn ra và có chiều hướng tăng lên.
_______________________________________
1. Xã Việt Chu nay thuộc huyện Hạ Lang.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Năm, 2023, 09:17:34 am

Năm 1971, phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã qua bốn năm liền được Bộ Công an tặng bằng khen. Với khí thế thi đua đó, Đảng uỷ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng quyết tâm lãnh đạo xây dựng đơn vị phấn đấu thực hiện Nghị quyết lần thứ 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 26 của ngành, Nghị quyết công tác an ninh của Tỉnh uỷ Cao Bằng, tiến lên toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng.

Đối với nội bộ, Đảng bộ không ngừng giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong đơn vị, lãnh đạo mọi cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên nêu cao ý chí phấn đấu, tinh thần cách mạng tiến công, không ngại hy sinh, gian khổ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Trên cơ sở chuyển biến về nhận thức và thông qua các hoạt động thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ, chiến đấu và xây dựng đơn vị, các chi bộ từng bước phát huy được các mặt mạnh, khắc phục mặt yếu trong lãnh đạo đơn vị.

Cấp uỷ, chỉ huy các cấp đơn vị luôn coi trọng việc giáo dục, bồi dưỡng lòng tự hào về miền đất được coi là quê hương thứ hai của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có truyền thống cách mạng ngay từ ngày đầu có Đảng; khơi sâu, ghi nhớ và ra sức thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm Cao Bằng: “Bác mong Cao Bằng sớm trở thành một trong những tỉnh gương mẫu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như trước đây Cao Bằng là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc giải phóng dân tộc”.

Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang quyết định chọn, chỉ đạo Đồn1 Biên phòng 171 (Trà Lĩnh), xây dựng đơn vị quyết thắng điển hình để “nhân điển hình”. Nhờ biện pháp này, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã thu được kết quả tốt trong động viên phong trào của toàn đơn vị đi lên từng bước có chất lượng; đẩy lùi từng bước những tư tưởng bảo thủ, ngại khó, tiêu cực; làm chuyển biến rõ rệt phong trào ở nhũng nơi yếu, kém. “Tiêu biểu cho phong trào thi đua đó các đồng chí Sùng A Tủa (dân tộc Mông), 12 năm liên tục công tác ở địa bàn khó khăn, gian khổ nhất của tỉnh, đã kiên trì hoạt động ở vùng cao, góp phần xây dựng bản Mèo xã Đức Hạnh từ chỗ kém về mọi mặt, trở thành bản có phong trào thi đua dẫn đầu toàn xã và huyện. Đồng chí Lãnh Trọng Dương, cán bộ cơ sở đã nắm chắc và vận dụng tốt nghiệp vụ công an, cùng đồng đội truy bắt được một số tên phản cách mạng. Trong đó có tên rất nguy hiểm, lén lút hoạt động phá hoại ở khu vực biên giới; góp phần đảm bảo trật tự an ninh khu vực biên phòng. Các chiến sỹ mới như Lương Văn Vượng, Đoàn Văn Hần, Ma Công Tính, Hứa Văn Hoà, Ngô Văn Hiến, Hoàng Văn Ngọc, Hoàng Văn Nần (dân tộc Dao đỏ), đã làm được nhiều việc tốt, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của đơn vị. Chiến sỹ Lương Văn Vượng, năm đầu mới vào lực lượng đã phấn đấu tốt được bầu là chiến sỹ giỏi, năm 1971 được bầu là chiến sỹ thi đua và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam”2. Tổng kết phong trào thi đua năm 1971 của toàn lực lượng, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng là một trong tám đơn vị được Bộ Công an tặng cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc”3. Đồn Biên phòng 173 là một trong số 45 đơn vị quyết thắng, thiếu úy Sùng A Tủa, Đồn phó và Thượng sĩ Lãnh Trọng Dương là hai trong số 48 chiến sỹ quyết thắng của toàn lực lượng. Trong tỉnh còn có 11 đơn vị đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến, 8 đơn vị và đơn vị công tác được cấp bằng khen, 16 chiến sỹ thi đua, 30 chiến sỹ giỏi, 64 đồng chí được tỉnh và cấp trên tặng bằng khen, giấy khen.
______________________________________
1. Từ cuối năm 1970, hệ thống tổ chức cấp trạm biên phòng được gọi là đồn biên phòng.
2. Báo Công an vũ trang. Số 26 ra kỳ 3 tháng 5.1972.
3. 7 đơn vị khác là Công an nhân dân vũ trang khu vực Vĩnh Linh, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Nam Hà, Sơn La và trung đoàn bảo vệ Thủ đô (e254). Theo số liệu phòng chính sách, Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Năm, 2023, 09:19:49 am

Năm 1972, các đồn biên phòng phối hợp với dân quân và công an xã biên giới tổ chức 211 cuộc tuần tra với tổng chiểu dài 4.564km dọc theo biên giới, ngăn chặn được 975 người vượt biên sang đất ta khai thác gỗ, thu hồi gần 300m3 gỗ, ván và 4.445 người dân Trung Quốc vào nước ta. Đồng thời, số người Trung Quốc vượt biên vào cư trú trái phép tại nhiều nơi tiếp tục tăng cao và diễn biến phức tạp. Qua điều tra, phát hiện trong năm đã có 9.467 người Trung Quốc vượt biên đã cư trú trái phép ở tất cả các huyện biên giới của tỉnh; trong đó, có những đối tượng bị ta bắt trao trả nhiều lần vẫn tiếp tục nhập cư trái phép, đi lại, quan hệ móc nối với nhiều người và được một số người địa phương kể cả cán bộ xã che chở. Cá biệt có tên được giúp làm lý lịch, thay đổi họ tên, chui vào cơ quan, xí nghiệp của ta để làm việc và hoạt động. Riêng năm 1972, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã phát hiện được 161 phần tử xấu lọt vào hàng ngũ Đảng, các tổ chức chính quyền địa phương và đã xử lý 96 đối tượng. Các đơn vị cũng phát hiện được 62 quần chúng tích cực, đưa vào tham gia các tổ chức cơ sở ở địa phương. Qua thực tế hoạt động, cả 62 người này đều đảm bảo đúng chính sách, không có sai phạm, góp phần làm cho hoạt động của các tổ chức cơ sở đều tốt, thúc đẩy được các phong trào của địa phương.

Trong 4 năm (1968 - 1972), các đơn vị, đồn, trạm biên phòng Cao Bằng phát hiện được 1.057 lượt người Trung Quốc nhập cư trái phép vào trong biên giới nước ta, đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền trao trả cho phía Trung Quốc 278 người, vận động 143 người tự quay lại nước họ. Trong số đó, đáng chú ý có Lương Học Chỉnh, Đại tá, Phó tư lệnh Quân khu Quảng Tây, Trung Quốc sang huyện Bảo Lạc và đi lại một số nơi, tìm gặp một số người, gửi thư cho một số cán bộ Việt Nam từng hoạt động cách mạng ở Trung Quốc đã nghỉ hưu, hoặc đang giữ các chức vụ quan trọng, nhờ giúp đỡ để hoạt động bất hợp pháp. Cũng trong năm 1972, các đơn vị đã thu thập đủ chứng cứ để bắt, khai thác 12 đối tượng vẫn lén lút hoạt động; trao trả tiếp 3 tên (2 tên ở địa bàn Đồn Biên phòng Pò Peo, 1 tên ở địa bàn Đồn Biên phòng Nặm Nhũng). Đối với các bọn phản động khác, đã lập 59 hồ sơ; bắt tập trung cải tạo 11 tên, cải tạo tại chỗ 8 tên, giáo dục răn đe 261 tên; phối hợp cùng đơn vị PK48 của Ty Công an Cao Bằng rà soát, nắm chắc di biến động của các đối tượng phản động lợi dụng đạo Thiên chúa ở Hưng Long, Quy Thuận, phục vụ thực hiện kế hoạch K265 (vận chuyển hàng viện trợ vào trong biên giới ta).

Cùng với tình hình người Trung Quốc nhập cư trái phép vào trong biên giới ta ngày càng tăng, tình hình trật tự trị an xã hội khu vực biên phòng diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm hình sự như trộm cắp, cướp của, giết người, buôn lậu, tham ô tài sản của tập thể và Nhà nước xảy ra ở nhiều địa phương.

Trước tình hình đó, để có tổ chức, lực lượng chuyên trách công tác đấu tranh chong tội phạm hình sự, ngày 23.1.1972, Bộ Tư lệnh đã ra Quyết định số 53/QL cho phép Công an nhân dân vũ trang các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn thành lập lại Ban Trinh sát. Theo quy định mới của Bộ Tư lệnh về phần nghiệp vụ, các Ban Trinh sát của tỉnh chịu sự chỉ đạo của Cục Tham mưu. Về cơ cấu, Ban Trinh sát tỉnh có trưởng, phó ban, trợ lý, trinh sát cơ động. Ở các đồn biên phòng Cao Bằng, nhiệm vụ trinh sát hình sự do cán bộ trinh sát của đồn kiêm nhiệm.

Đầu năm 1972, Bộ Công an chỉ thị cho: “Công an nhân dân vũ trang phải tham gia đấu tranh chống tội phạm hình sự ở phạm vi biên phòng và tham gia duy trì trật tự trị an ở các khu vực có mục tiêu bảo vệ trong nội địa”1.

Ngày 26.4.1972, Bộ Tư lệnh ban hành quy định tạm thời về “Công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự bảo vệ trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên phòng”. Trong đó nêu rõ: “Cùng với việc đấu tranh trấn áp các đối tượng phản cách mạng, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia, các đơn vị Công an nhân dân vũ trang phải tham gia đấu tranh chống bọn tội phạm hình sự, góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội khu vực biên phòng, bảo vệ tình hình sinh hoạt, đời sống của nhân dân, tài sản của Nhà nước và của hợp tác xã”.

Trong năm 1972, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tập trung tổ chức cho các cấp đơn vị trong tỉnh triển khai công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự. Các đơn vị trong tỉnh điển hình là các Đồn Biên phòng Lý Vạn, Pò Peo, Trà Lĩnh... đã phối hợp với các cấp uỷ, chính quyền, các lực lượng ở địa phương phát hiện kịp thời, ngăn chặn tích cực, đấu tranh hiệu quả với 230 vụ việc xảy ra trong khu vực biên giới (bao gồm các vụ cờ bạc, buôn lậu, dùng chất nổ đánh cá, trộm cắp, giết người, tự tử...), tăng 103 vụ so với năm 1971. Đáng chú ý, trong đó đã xử lý các vụ trộm cắp 74 con trâu bò đưa qua biên giới, xác lập đấu tranh 2 chuyên án hình sự. Kết quả của lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm hình sự trong khu vực biên phòng của tỉnh đã góp phần phục vụ, thúc đẩy các phong trào ở địa phương, bảo vệ trật tự an toàn xã hội, bảo vệ sản xuất, đời sống của nhân dân và phục vụ sẵn sàng chiến đấu.

Do những thất bại trên cả hai miền Nam Bắc, nhất là thất bại nặng nề trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, ngày 27.1.1973, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, phải cam kết rút quân về nước và chấm dứt mọi dính líu quân sự vào miền Nam Việt Nam.
______________________________________
1. Công văn số 18/TS, ngày 18.2.1972 của Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Năm, 2023, 09:21:06 am

Đầu năm 1973, Bộ Tư lệnh chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường các biện pháp biên phòng, nâng cao khả năng chiến đấu nhằm kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới trong mọi tình huống, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu nội địa, các đồng chí lãnh tụ, cán bộ lãnh đạo, các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ ở Trung ương và địa phương.

Trước giai đoạn phát triển mới của các mạng, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị trong toàn đơn vị để chấp hành Chỉ thị số 200/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, chỉ đạo của Bộ Công an và Chỉ thị 06/CT-BTL của Bộ Tư lệnh về lãnh đạo đơn vị chuyển sang giai đoạn mới, tập trung vào ba nhiệm vụ chính là:

- Về chính trị, nhận thức rõ thắng lợi và nguyên nhân thắng lợi, truyền thống chiến đấu kiên cường bất khuất của nhân dân ta, đề phòng tư tưởng “hoà bình nghỉ ngơi”. Nâng cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động đối phó với mọi âm mưu của địch trên mặt trận an ninh và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

- Về quản lý, bảo vệ biên giới, phải nắm chắc tình hình diễn biến của từng loại đối tượng trên tuyến biên giới, tranh thủ thắng lợi của cách mạng để cải tạo, giáo dục, chuyển hoá họ và vận động quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ trị an.

- Nhanh chóng ổn định nơi ăn, ở, đảm bảo công tác. Phấn đấu xây dựng, củng cố cơ sở vật chất các đồn, trạm biên phòng, nhất là ở cửa khẩu theo hướng đầy đủ, đàng hoàng, thể hiện được tư thế của nước Việt Nam chiến thắng; xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư thế tác phong chững chạc, giỏi về quân sự, tinh thông về nghiệp vụ.

Từ đầu năm 1973, phía Trung Quốc gây ra nhiều vụ rắc rối căng thẳng trong quan hệ biên giới để gây sức ép với ta. Công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới từ thời gian này trở nên gay go, phức tạp và ngày càng quyết liệt.

Tại các vùng có đồng bào dân tộc Hoa sinh sống trong khu vực biên giới, tình hình xã hội diễn biến theo hướng xấu. Các luận điệu tuyên truyền “Việt Nam theo chủ nghĩa xét lại”, “Việt Nam ký Hiệp định Pari là thoả hiệp với đế quốc Mỹ” lan truyền rộng rãi. Nhiều loại văn hoá phẩm không phù hợp với pháp luật Việt Nam lưu hành trái phép trong biên giới của ta ngày càng nhiều. Trong một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện việc lén lút lưu hành, đổi chác các loại tiền Quan kim (tiền của Tưởng), tiền Đông Dương (lưu hành dưới thời Pháp chiếm đóng). Một số tên đặc vụ Tưởng trước đây xâm nhập qua biên giới, cư trú trái phép, hoạt động chống phá cách mạng nước ta, từng bị ta bắt và trao trả cho Trung Quốc lại xuất hiện trong khu vực biên giới. Chúng dùng vật chất, tiền hàng, quan hệ dòng họ, thân tộc... mua chuộc, dụ dỗ, khống chế một số bà con dân tộc thiểu số để tiếp tay che giấu chúng ẩn náu hoạt động. Số người từ Trung Quốc vượt biên, sang cư trú trái phép trong biên giới ta thời gian này có nhiều lý do như “xin lánh nạn”, “xin cư trú để làm ăn” ngày càng nhiều. Sau đó, nhiều người xin chuyển nơi cư trú vào sâu trong nội địa như đến Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Bình...

Đặc biệt, cùng với số người vượt biên trái phép, các hoạt động tranh chấp đất đai, lấn chiếm lãnh thổ ta ngày càng trắng trợn. Tính chất lấn chiếm ngày càng căng thẳng, quy mô ngày càng lớn. Một số nơi giữa người dân địa phương với người từ Trung Quốc vượt biên sang đã xảy ra các vụ xô xát, đụng độ. Năm 1973, các điểm Trung Quốc xâm chiếm tăng lên. Nếu từ trước cho đến năm 1972 có 19 điểm người Trung Quốc xâm lấn và tranh chấp đất đai trong khu vực biên giới Cao Bằng, thì năm 1973, con số này tăng lên tới 30 điểm, với tổng diện tích của ta bị lấn 952.500m2.

Trước tình hình đó, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng các tỉnh trên tuyến biên giới phía Bắc tiến hành hội nghị chuyên đề về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, thống nhất phát động phong trào “toàn dân làm tốt công tác quản lý biên giới”. Chủ trương của hội nghị đã có tác dụng tích cực trong việc phát huy sức mạnh của toàn dân, trước hết là nhân dân các dân tộc trong khu vực biên giới trong việc bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần làm thất bại âm mưu, thủ đoạn lấn chiếm biên giới của nước tiếp giáp.

Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng còn phối hợp với Công an nhân dân vũ trang các tỉnh biên giới phía Bắc tổ chức các hội nghị chuyên đề về khảo sát biên giới, công tác tham mưu, trinh sát, vận động quần chúng, hậu cần, nhằm thống nhất phương hướng, biện pháp đấu tranh giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới theo đúng đường lối của Đảng: bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc và giữ vững quan hệ đoàn kết hữu nghị với nước láng giềng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Năm, 2023, 09:24:58 am

Nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu trọng yếu nội địa từ sau khi có Hiệp định Pari đứng trước những yêu cầu mới, đòi hỏi vừa phải chuyên sâu, vừa phải chuyển hướng sâu vào các biện pháp nghiệp vụ. Căn cứ vào thực tế đó, ngày 22.2.1973, Hội đồng Chính phủ ra Nghị định số 32/CP chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng bảo vệ nội địa từ Công an nhân dân vũ trang sang Cảnh sát nhân dân. Thực hiện Nghị định, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng các tỉnh, thành phố củng cố lại tổ chức, chuyển các bộ phận, đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ nội địa sang lực lượng cảnh sát nhân dân.

Ngày 30.4 và 1.5.1974, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng bàn giao lực lượng, nhiệm vụ, vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất của 5 đơn vị bảo vệ nội địa sang lực lượng Cảnh sát nhân dân - Ty Công an Cao Bằng. Đó là các đơn vị: Đội bảo vệ Tỉnh uỷ và Ủy ban hành chính tỉnh Cao Bằng. Đội bảo vệ Đài phát thanh của tỉnh. Đội bảo vệ cơ quan kinh lý, ngân hàng, kho bạc. Đội bảo vệ Nhà máy thuỷ điện Tà Sa ở xã Bắc Hợp, huyện Nguyên Bình. Đội canh gác trại giam của tỉnh. Do được làm tốt công tác chuẩn bị, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị được chuyển giao đều xác định tốt tư tưởng, tinh thần trách nhiệm, ý thức phát huy truyền thống tốt đẹp của Công an nhân dân vũ trang, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong cơ cấu tổ chức mới.

Từ cuối năm 1973 đến năm 1974, các hoạt động tranh chấp, lấn chiếm của phía Trung Quốc trên biên giới phía Bắc ngày càng diễn ra gay gắt, quyết liệt. Ngày 4.3.1974, Chính phủ yêu cầu các tỉnh tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào tiến hành điều tra, khảo sát biên giới và giao cho ngành công an nòng cốt thực hiện1. Ngày 9.3.1974, Bộ Công an có Công văn số 14/BF1-TM chỉ đạo các sở, ty công an, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang khu Việt Bắc và các tỉnh tuyến biên giới Việt - Trung và Việt - Lào (từ Vĩnh Linh trở ra) thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 14.3.1974, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, Cục tham mưu xây dựng Kế hoạch số 20/BF1 hướng dẫn Công an nhân dân vũ trang các tỉnh tiến hành công tác điều tra, lập hồ sơ những đoạn biên giới chưa rõ ràng, tranh chấp trên biên giới.

Tại Cao Bằng, Công an nhân dân vũ trang thực hiện các biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Tỉnh uỷ trong điều kiện hoạt động lấn chiếm của phía Trung Quốc vào lãnh thổ nước ta diễn ra với cường độ ngày càng cao, phạm vi ngày càng rộng và tính chất ngày càng gắt gao, quyết liệt. Các vụ tranh chấp vào trong biên giới nước ta nổ ra ngay từ đầu năm và đến đầu tháng 6.1974, đã bùng phát trên đoạn biên giới nằm giữa mốc 114 - 115 trên một khu vực đất đai rộng trên 200 hécta ruộng ở vùng đồi Phai Luông, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng.

Thực trạng đoạn biên giới Việt - Trung trên đây được lịch sử ghi nhận và minh định qua hàng thế kỷ. Từ sau các Hiệp ước biên giới Pháp - Thanh (1888, 1895), dọc theo đoạn biên giới từ mốc 114 đến mốc 117 đã được chính quyền đô hộ Pháp cho làm một đường hào rộng khoảng 1,2m, sâu 1m. Vùng đất Phai Luông từ lâu thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 5.6.1974, lính biên phòng Trung Quốc mang theo vũ khí hỗ trợ cho người dân của họ vượt qua biên giới sang yêu sách, đòi đất ở vùng đồi Phải Luông, ngăn cản dân ta sản xuất.

Ngày 22.6.1974, phía Trung Quốc cho một lực lượng 30 người mặc thường phục vượt biên giới xâm nhập khu vực Phai Luông, tiếp tục đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và cướp giật nông cụ, giống cây trồng, ngăn cản không cho dân ta sản xuất. Người dân Sóc Hà bình tĩnh đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời hết sức kiềm chế để bảo vệ, giữ vững tình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước; kiên trì giải thích cho người của phía Trung Quốc hiểu rõ chủ quyền hợp pháp, lâu đời của Việt Nam đối với vùng đất Phai Luông. Trước thái độ đấu tranh kiên quyết của nhân dân, họ rút về nước.

Ngày 5.7.1974, phía Trung Quốc tiếp tục cho khoảng 30 người xâm nhập vùng đồi Phai Luông phá, nhổ cây cối, hoa màu, mương nước. Bị dân ta ngăn cản, họ dùng dao chém, làm bị thương một người dân Sóc Hà. Đồn Biên phòng Sóc Giang2 cử đội công tác đến để xem xét, giải quyết. Nhưng cán bộ, chiến sỹ ta chưa kịp can ngăn đã bị đám người lấn chiếm ném đá, đe doạ, tiếp tục gây không khí căng thẳng. Đến gần trưa, số người Trung Quốc mới chịu rút về bên kia biên giới.

Tình hình trên kéo dài, Đồn Biên phòng Sóc Giang đã nhiều lần liên hệ với Trạm Biên phòng Bình Mãng (Trung Quốc) phản kháng những hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam ở Phai Luông. Phía Trung Quốc thừa nhận sai sót trong việc để dân Bình Mãng gây căng thẳng, mất đoàn kết trên biên giới.
_______________________________________
1. Công văn số 34/VP14 và số 35/VP14
2. Nay là Đồn Biên phòng Sóc Hà.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Năm, 2023, 09:27:46 am

Từ năm 1959, đồn Công an nhân dân vũ trang Trà Lĩnh triển khai đóng đồn bảo vệ biên giới phụ trách địa bàn gồm các xã Cô Mười, Hùng Quốc, Tri Phương, Quang Hán, Xuân Nội; trong đó có khu vực đồi Phja Un ở xã Hùng Quốc chưa từng phát sinh tranh chấp.

Tháng 9.1974, phía Trung Quốc cho người sang ngăn cản cán bộ, chiến sỹ Đồn Công an nhân dân vũ trang Trà Lĩnh tuần tra bảo vệ đối với khu vực đồi Phja Un. Họ tuyên bố khu vực núi Phja Un là lãnh thổ Trung Quốc. Đồn Biên phòng Trà Lĩnh đã nhiều lần trao đổi và tiến hành phản kháng việc làm sai trái, đổi trắng thay đen, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam của Trung Quốc.

Ngày 10.9.1974, phía Trung Quốc huy động lực lượng đến bao vây, doạ nạt tổ tuần tra của cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Trà Lĩnh và dân quân xã Hùng Quốc đang hoạt động tại khu vực Phja Un. Hơn 300 người dân của xã Hùng Quốc với tinh thần của phong trào “toàn dân làm tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới” đã kéo đến Phja Un, phối hợp với cán bộ, chiến sỹ biên phòng và dân quân ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Cuộc đấu tranh của dân ta kéo dài 3 ngày đêm, rất bền bỉ và kiên quyết. Phía Trung Quốc dùng xe ô tô chở người qua biên giới tăng cường lực lượng cố tình lấn chiếm Phja Un. Nhân dân địa phương cũng quyết một lòng đấu tranh giữ đất. Bà con tự lo tiếp tế, đảm bảo hậu cần, tự mang theo đồ dùng nấu ăn, lương thực, thực phẩm đến Phja Un, đảm bảo đủ sức bám trụ. Trong cuộc đấu tranh nổi lên gương cụ Hoàng Văn Thương, 80 tuổi, nằm chặn trước xe ô tô chở lính Trung Quốc, nhất định không cho chạy vào đất Việt Nam. Cuối cùng, đến chiều ngày 12.9.1974, phía Trung Quốc mới rút về bên kia biên giới.

Cuộc đấu tranh chống lấn chiếm ở Phja Un tạm lắng, thì ngày 17 và 18.9.1974, phía Trung Quốc lại huy động một lực lượng lớn thực hiện lấn chiếm ở 15 điểm thuộc vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng. Tại 15 điểm này, cuộc đấu tranh chống lấn chiếm của quân dân Hà Quảng, trực tiếp là cán bộ, chiến sỹ các Đồn Biên phòng Sóc Hà, Nặm Nhũng, cùng dân quân, công an và đồng bào các xã Sóc Hà, Nà Sác, Trường Hà, Lũng Nặm, Kéo Yên, Cải Viên, Tổng Cọt, Nội Thôn... diễn ra vô cùng gian khổ và quyết liệt; nhất là cuộc đấu tranh diễn ra từ ngày 21 đến ngày 24.9.1974, tại Lũng Mới, một khu vực nằm giữa hai mốc quốc giới 105 - 106. Phía Trung Quốc huy động hơn 3.000 người vượt qua biên giới vào chiếm đất để canh tác trên lãnh thổ Việt Nam tại Lũng Mới. Tổ tuần tra biên giới của ta gồm cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nặm Nhũng và dân quân xã Lũng Nặm đến khu vực bị lấn chiếm giải thích về hành động vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, liền bị họ bao vây, đe doạ. Đồng bào các dân tộc địa phương đánh kẻng, mõ báo động, truyền ám hiệu từ các xóm, xã sát biên vào sâu các xóm, xã nội địa. Trên 2.000 đồng bào ta đã kéo ra khu vực Lũng Mới kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ tổ tuần tra biên giới của ta, buộc lực lượng lấn chiếm phải rút về nước.

Từ tháng 10 đến đầu tháng 12.1974, các vụ lấn chiếm, tranh chấp đất đai trong biên giới ta ở Cao Bằng tạm thời lắng xuống. Nhưng cuối tháng 12.1974, các lực lượng của Trung Quốc lại tiếp tục kéo sang tranh chấp vùng đất Keng Thắm - Nà Ngà với diện tích rộng trên 60.000m2, ở vào đoạn giữa mốc 41 - 42, thuộc xã Quang Long, huyện Hạ Lang, địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Bí Hà1.

Ngày 28.12.1974, Đội tuần tra biên giới của Đồn Biên phòng Bí Hà trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ đoạn biên giới từ mốc 41 - 42, thì bị hơn 300 người Trung Quốc mai phục xông ra bao vây ở vị trí gần mốc 42. Họ mang theo nhiều vũ khí như trung liên RPĐ, súng trường CKC, tiểu liên AK, nhiều gậy gộc, dao rựa, dao quắm... Họ xô đẩy, ném đất đá vào 10 người của Đội tuần tra của ta, đòi tước vũ khí, bắt cán bộ, chiến sỹ ta. Đội tuần tra của ta hết sức bình tĩnh giải thích cho những người xâm phạm trái phép vào lãnh thổ Việt Nam hiểu vùng đất mà họ đang đứng là hoàn toàn thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và từ nơi này ra đến đường biên giới chung giữa hai nước còn các xa khoảng 300 mét và đề nghị họ bình tĩnh để cùng trao đổi, giải quyết. Bất ngờ một tên dùng gậy đánh vào đầu đồng chí đội trưởng tuần tra, làm đồng chí gục xuống. Cùng lúc đó, họ xông vào hành hung, đấm đá, giằng co, cướp giật vũ khí, trang bị, xé rách áo quần và trói cả 10 người của Đội tuần tra.

Nhận được tin báo, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân xã Quang Long đã tổ chức lực lượng cùng với cán bộ chỉ huy Đồn Biên phòng Bí Hà đến khu vực bị tranh chấp để đấu tranh. Ta yêu cầu những người lấn chiếm phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và phải cứu chữa những người bị thương. Sau khi được người dân bản Kiểng chỉ rõ trắng đen, số người Trung Quốc sang lấn đất buộc phải rút về nước.

Sáng ngày 29.12.1974, 4 cán bộ của Trạm Biên phòng Khoa Giáp, Trung Quốc, do Trạm trưởng Hoàng Điện Văn dẫn đầu đã sang liên hệ với Đồn Biên phòng Bí Hà (đối diện với Trạm Biên phòng Khoa Giáp) xin được làm thủ tục trao trả 10 người Đội tuần tra biên giới của Đồn Biên phòng Bí Hà. Với thiện chí giữ gìn quan hệ láng giềng hữu nghị và sự bình yên cho biên giới, ta đã phối hợp giải quyết hậu quả do họ gây nên; nhắc họ nhận rõ chủ quyền lãnh thổ của mỗi nước trên cơ sở các hiệp định, hiệp nghị biên giới và sự định vị lâu đời của các cột mốc 41, 42.
_________________________________________
1. Nay là Đồn Biên phòng Thị Hoa, phụ trách 3 xã Thị Hoa, Cô Ngân và Thái Đức. Sau khi thành lập năm 1959, Đồn còn phụ trách cả địa bàn hai xã Quang Long, Việt Chu. Năm 1987, Đồn Biên phòng Quang Long được thành lập, đóng tại xã Quang Long, hai xã Quang Long và Việt Chu thuộc phạm vi phụ trách của Đồn Biên phòng Quang Long.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Năm, 2023, 09:33:47 am

Cuối năm 1974, phía Trung Quốc còn triển khai lực lượng đẩy cao hoạt động tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền sử dụng nguồn nước ở khu vực thác Bản Giốc, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh, gần mốc quốc giới 53. Đây là khu vực chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, kể từ sau các Hiệp ước biên giới Pháp - Thanh năm 1887 và 1895. Vụ việc ở đây cũng bắt nguồn từ việc phía Trung Quốc đề nghị và được bà con ta cho phép đặt tạm một trạm xay xát nhỏ chạy bằng sức nước ở khu vực thác Bản Giốc, trong phần lãnh thổ Việt Nam. Từ đó họ chiếm dụng toàn bộ mặt nước ở đoạn thác này. Đến cuối năm 1972, đầu năm 1973, phía Trung Quốc công khai đòi hỏi chủ quyền đối với khu vực thác Bản Giốc. Cuối năm 1974, các hoạt động tranh chấp của Trung Quốc ở khu vực Thác Bản Giốc được liên tục đẩy lên cao và ngày càng quyết liệt. Họ huy động hàng ngàn người mang theo đục, búa, xà beng, thuốc nổ, quyết phá đỉnh thác để làm thay đổi dòng chảy có lợi cho họ, vi phạm các hiệp định, hiệp nghị, thoả thuận về biên giới giữa hai nước.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pò Peo1 cử tổ công tác đến khu vực thác Bản Giốc giải thích cho những người từ Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam đối với khu vực này. Nhưng nhiều người trong số họ tỏ thái độ bất chấp và hết sức hung hãn. Họ dùng ớt bột trộn với tro bếp được chuẩn bị sẵn và đất đá ném tới tấp vào cán bộ, chiến sỹ ta. Trước việc làm của phía Trung Quốc, nhân dân các xã Chí Viễn, Đàm Thủy kịp thời đến ứng cứu cho các chiến sỹ biên phòng. Cuộc đấu tranh chống lấn chiếm diễn ra hết sức gay go, quyết liệt. Phía Trung Quốc tiếp tục cho người khoan, đục các lỗ để nhồi thuốc nổ phá đá, nhân dân xã Đàm Thuỷ dùng các cây thân gỗ hoặc cọc tre đóng bịt các lỗ đã được đục sẵn, không cho họ nhồi thuốc nổ để phá hoại. Họ ghép các khối thuổc nổ với nhau để khi phát nổ có sức công phá lớn, khoét thành các hố sâu không cần phải khoan, đục. Nhiều cụ già địa phương liền kéo đến nằm, ngồi lên trên các khối thuốc nổ, ngăn không cho họ hành động. Trước thái độ kiên quyết, bám trụ đấu tranh liên tục suốt mấy ngày đêm của ta, cuối cùng họ phải rút về nước. Nhân dân Đàm Thuỷ xô hết số thuốc nổ của họ để lại xuống sông Quây Sơn.

Để tạo ra cơ sở pháp lý, hợp thức hoá cho các hoạt động lấn chiếm, phía Trung Quốc còn bí mật tiến hành di dời, hoặc đập phá một số cột mốc quốc giới. Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Tư lệnh, từ cuối tháng 3.1974, cùng với các đơn vị trên tuyến biên giới Việt - Trung, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền và quân dân địa phương tiến hành khảo sát, điều tra hiện trạng biên giới ở phạm vi tỉnh. Qua điều tra, khảo sát đã phát hiện 18 mốc quốc giới bị xê dịch vào lãnh thổ Việt Nam, 11 mốc khác bị đổ vỡ. Đồng thời phối hợp với địa phương điều tra thực địa tại 38 điểm diễn ra tranh chấp trong năm 1974, hoàn chỉnh hồ sơ 31 điểm, báo cáo Bộ Tư lệnh để phục vụ Nhà nước ta xúc tiến các cuộc đấu tranh ngoại giao, pháp lý bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Mặt khác, các đồn đã phối hợp với địa phương phát quang 35 km đường biên giới để dễ dàng quan sát, kịp thời phát hiện các biến động thay đổi đường biên giới; xử lý 5 cột mốc bị xê dịch để chuyển trở lại đúng vị trí cũ; lập hồ sơ hơn 1.000 đối tượng sưu tra2, tổ chức giáo dục răn đe và cải tạo tại chỗ hàng trăm tên, bắt tập trung cải tạo hàng chục tên chống phá cách mạng nghiêm trọng.

Chấp hành các chỉ thị, kế hoạch của trên, Đảng uỷ - Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thống nhất chủ trương triển khai thí điểm công tác điều tra, khảo sát khu vực biên giới tại xã Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh. Đây là địa bàn do Đồn Biên phòng Trà Lĩnh (nay là Đồn Biên phòng Hùng Quốc) phụ trách. Sau một thời gian thực hiện nhiệm vụ, ta phát hiện Đàm Quý Thỏ, tức Đàm Văn Thỏ, quê ở công xã Long Bang, huyện Trịnh Tây, Trung Quốc là đối tượng được cơ quan công an Trung Quốc phái sang hoạt động. Tên này đã lén lút quan hệ móc nối với một số cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng Trà Lĩnh, một số thành viên của đoàn khảo sát và lợi dụng sơ hở của ta, đi lại nhiều nơi trong tỉnh và sang tỉnh Hà Giang... Y từng viết hơn 20 bản báo cáo giả gửi cho đồn Biên phòng Trà Lĩnh để gây uy tín, xin cư trú chính trị và nhận cộng tác bí mật với đồn, tạo vỏ bọc hoạt động lâu dài.

Ngày 24.9.1974, theo chỉ đạo của Bộ Công an và Cục Trinh sát Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng lập chuyên án QT 02 nhằm làm rõ hoạt động gián điệp của đối tượng, phục vụ bóc gỡ các cơ sở ngầm của nước ngoài, làm trong sạch địa bàn. Phòng Trinh sát Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được Cục Trinh sát trực tiếp chỉ đạo và cử cán bộ phối hợp lập kế hoạch đấu tranh chuyên án. Đến cuối tháng 1.1975, ta quyết định kết thúc chuyên án. Ngày 25.1.1975, tên Thỏ bị bắt quả tang khi đang trên đường trở về huyện Trịnh Tây mang theo các tài liệu bí mật an ninh quốc gia của Việt Nam. Y khai rõ được giao nhiệm vụ sang Việt Nam để điều tra hoạt động của bộ đội Việt Nam và bộ đội Liên Xô đóng dọc biên giới, chính sách của Việt Nam đối với người Hoa và bắt liên lạc với tình báo viên của chúng đã cài cắm sẵn ở thị xã Cao Bằng.
______________________________________
1. Đồn được thành lập từ năm 1959. Nay gọi là Đồn Biên phòng Ngọc Khê. Khi mới thành lập, đồn phụ trách địa bàn toàn bộ các xã biên giới của huyện Trùng Khánh. Từ năm 1987, ở phạm vi huyện có thêm Đồn Biên phòng Lăng Yên, phụ trách hai xã Lăng Yên, Ngọc Chung và Đồn Biên phòng Đàm Thuỷ, phụ trách hai xã Đàm Thuỷ, Chí Viễn. Hiện Đồn Ngọc Khê còn phụ trách 4 xã Ngọc Khê, Ngọc Côn, Đình Phong, Phong Nặm.
2. Sưu tra là biện pháp nghiệp vụ cơ bản của lực lượng kiểm soát biên phòng, hải quan được tiến hành trên cơ sở kết quả thu thập, xử lý thông tin và điều tra nghiên cứu nắm tình hình.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 18 Tháng Năm, 2023, 09:35:15 am

Bước vào mùa xuân năm 1975, cuộc cách mạng của quân dân ta ở miền Nam có bước phát triển nhảy vọt. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng đối với cả nước, lực lượng Công an nhân dân vũ trang gấp rút chuẩn bị mọi mặt, kịp thời phục vụ cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phòng miền Nam. Tháng 2.1975. Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang kêu gọi các đơn vị tình nguyện tham gia chi viện miền Nam và quyết định điều động cán bộ, chiến sỹ từ các đơn vị tỉnh, thành trên toàn miền Bắc về Hà Nội thành lập các đơn vị có phiên hiệu B17, B18, B19... để đi làm nhiệm vụ tăng cường cho lực lượng An ninh vũ trang miền Nam.

Tại Cao Bằng, Đảng uỷ - Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh thông báo cho các đơn vị tình hình phát triển mới của cách mạng miền Nam; chủ trương của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh về việc động viên cán bộ, chiến sỹ tình nguyện tham gia chi viện cho cách mạng miền Nam. Ngay sau khi nhận được thông báo, hàng trăm lá đơn tình nguyện từ cơ quan, đơn vị, đồn, trạm biên phòng trong tỉnh gửi lên Đảng uỷ - Ban chỉ huy tỉnh xin tình nguyện được tham gia làm nhiệm vụ chi viện cho các tỉnh phía Nam. Căn cứ nhu cầu chi viện và tình hình cụ thể của địa phương, lãnh đạo Ty Công an Cao Bằng thống nhất với Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh xây dựng kế hoạch điều động hơn 200 cán bộ, chiến sỹ công an trong tỉnh đi làm nhiệm vụ chi viện. Trong đó có các lực lượng trinh sát, cảnh sát, công an nhân dân vũ trang, công an huyện, cảnh sát khu vực. Ngày 28.4.1975, căn cứ vào báo cáo đề xuất của Đảng uỷ - Ban Chỉ huy tỉnh, Bộ Tư lệnh ra quyết định điều động 187 cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng, “trong đó có nhiều đồng chí là con em đồng bào các dân tộc, do đồng chí Đinh Ngọc Tuy làm trưởng đoàn lên đường chi viện kịp thời cho các tỉnh miền Nam vừa được giải phòng, đảm đương nhiệm vụ ở các tỉnh Long An, Kiên Giang biên giới Tây Nam của Tổ quốc”1.

Ngày 30.4.1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân và dân ta mà đỉnh cao chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Tiểu đoàn 18 (d18) với thành phần gồm cán bộ, chiến sỹ của nhiều đơn vị Công an nhân dân vũ trang, trong đó có một bộ phận Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng, được giao nhiệm vụ bảo vệ dinh độc lập (Dinh Thống nhất), Ủy ban quân quản thành phố Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của nhân dân ta đã thắng lợi hoàn toàn. Cùng với toàn Đảng bộ, quân dân trong tỉnh và cả nước, từ thời điểm này Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng chuyển sang một thời kỳ mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội.
____________________________________________
1. Tư liệu lưu tại Phòng Chính trị. Sở Công an Cao Bằng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Năm, 2023, 10:18:57 am

CHƯƠNG 3

CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG, XÂY DỰNG KHU VỰC BIÊN GIỚI VỮNG MẠNH,
ĐẤU TRANH CHỐNG LẤN CHIẾM, CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ TỔ QUỐC (1975 -1979)



I. HỢP NHẤT TỈNH. CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG. XÂY DỰNG KHU VỰC BIÊN GIỚI VỮNG MẠNH ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ MỚI

Ngày 30.4.1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến và xâm lược, đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố theo đuổi mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng câu kết với các thế lực thù địch thực hiện “kế hoạch hậu chiến”, tiếp tục phá hoại những thành quả của cách mạng và đe doạ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước ta; ngăn cản nhân dân ta khôi phục, xây dựng lại đất nước.

Tháng 8.1975. Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 24 để định ra nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong giai đoạn mới. Chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng đoàn Bộ Nội vụ1 chỉ thị cho toàn lực lượng Công an nhân dân vũ trang: “Phải khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng Công an nhân dân vũ trang vững mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới... cần kiện toàn bộ máy tổ chức lãnh đạo, chỉ huy Công an nhân dân vũ trang các tỉnh phía Nam".

Thực hiện chủ trương trên, tháng 5.1975, Bộ Tư lệnh phát động trong các đơn vị Công an nhân dân vũ trang phía Bắc phong trào 2 tình nguyện: Tình nguyện làm tốt nhiệm vụ chi viện cho các tỉnh phía Nam; Tình nguyện nhận và làm thêm, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh ở phía Bắc trong mọi tình hình.

Hưởng ứng chủ trương của Trung ương, trực tiếp là của Bộ Tư lệnh, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng với các đơn vị trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, tuyến biển đảo và các đơn vị bảo vệ nội địa... sôi nổi thi đua tiếp tục đăng ký tình nguyện chi viện cho an ninh vũ trang các tỉnh phía Nam.

Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tình hình an ninh trật tự tiếp tục ổn định. Tuy nhiên các đối tượng phản động, gián điệp tình báo vẫn ngấm ngầm tăng cường các hoạt động xâm nhập, điều tra thu thập tình báo trên nhiều lĩnh vực. Chúng tận dụng yếu tố địa hình núi non hiểm trở, hẻo lánh, đời sống đồng bào các dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn để tuyên truyền, xuyên tạc, thực hiện chiến tranh tâm lý, chia rẽ nội bộ, đoàn kết giữa Đảng và quần chúng nhân dân. Địa bàn xâm nhập và thu thập tình báo ở Cao Bằng thời kỳ này tập trung nhiều qua con đường công khai như tham quan, du lịch, thăm quê của những người đi xa lâu ngày trở về... Hướng xâm nhập chủ yếu là từ nội địa ra và qua các cửa khẩu vào.

Đường biên giới quốc gia ở địa phận tỉnh Cao Bằng qua các vùng rừng núi có nhiều đường mòn qua lại được bọn phản động và ngoại kiều triệt để lợi dụng, móc nối qua biên giới, thực hiện mưu đồ nhen nhóm lại lực lựợng, nhằm tiếp tục chống đối chế độ và phá hoại thành quả cách mạng. Ngoài ra, các đối tượng như gián điệp, phản động tay sai cũ của Pháp, nổi lên ở Cao Bằng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng là các phần tử phản động mới, phản động trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số đó đáng chú ý là loại gián điệp mới của Mỹ và bọn tay sai (ký hiệu là P86). Đây là loại gián điệp do cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Phủ Đặc uỷ trung ương tình báo của nguỵ quyền Sài Gòn (CIO)2 tuyển chọn trong số cán bộ, bộ đội của ta bị địch bắt trên chiến trường miền Nam. Địch huấn luyện cấp tốc các đối tượng này thành gián điệp rồi cài cắm trở lại hoạt động ở miền Bắc và trong các vùng giải phóng miền Nam dưới nhiều vỏ bọc như nghỉ phép, đi công tác, đi chữa bệnh, đào binh, lạc ngũ, trao trả tù binh... để ẩn nấp, chống phá lâu dài. Qua quá trình đấu tranh, ngành Công an còn phát hiện P86 bao gồm cả một số cán bộ, nhân dân miền Nam ra Bắc để học tập, chữa bệnh; ngư dân làm nghề vận tải trên biển bị địch bắt, tuyển chọn, huấn luyện rồi thả về miền Bắc. Từ tháng 5-6.1975, lực lượng trinh sát trong các đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã phát hiện thấy các dấu hiệu hoạt động của những đối tượng nghi P86 và chủ động phối hợp với Công an tỉnh đấu tranh.
_______________________________________
1. Ngày 6.6.1975, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá V nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra quyết định hợp nhất Bộ Công an và Bộ Nội vụ thành một bộ, gọi là Bộ Nội vụ.
2. CIA viết tắt từ Central Intelligece Agency; CIO viết tắt từ Central Intelligece Office.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Năm, 2023, 10:23:01 am

Cùng thời gian từ tháng 5.1975 trở đi, tình hình biên giới Việt Nam - Trung Quốc ngày càng xảy ra nhiều vụ việc phức tạp. Các lực lượng bộ đội, công an, dân binh... từ bên kia biên giới liên tiếp gây ra nhiều vụ tranh chấp, xâm lấn lãnh thổ nước ta. Riêng đoạn biên giới Cao Bằng, từ tháng 5 đến tháng 12.1975, các lực lượng từ bên kia biên giới đã tranh chấp, lấn chiếm trên phạm vi tất cả các huyện giáp biên của Cao Bằng. Họ lấn chiếm ở các khu vực mốc 20, 21, 22, 23 lấn chiếm Lũng Tàn1 (huyện Thạch An); cồn Pò Đon (trên sông Bắc Vọng, thị trấn Tà Lùng, huyện Quảng Hoà); mốc 28, 29, 30, 31, ở cánh đồng Đông Nạng, khu vực Nà Khao, xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang; mốc 53, 54, ở Bản Giốc, xã Đàm Thuỷ; mốc 62, 63, (Giảng Gà, xã Đình Phong) khu vực mốc 84, 85 Pò Peo, xã Ngọc Khê2 (huyện Trùng Khánh); mốc 93, 94, 95 ở Phja Un (huyện Trà Lĩnh); mốc 104, 105 ở Pác Có, xã Lũng Nặm; mốc 111, 112, 113 ở xóm Nà Sác, xã Sóc Giang3; mốc 114, 115, 116, 117, 118 ở Phai Luông, xã Sóc Giang (huyện Hà Quảng); mốc 120, 121 ở 2 xóm Pò Mắn và Bó Gai, xã Cần Yên (huyện Thông Nông); mốc 128, 129 ở xóm Phiêng Mòn, Cốc Tào, xã Nặm Quét (nay là xã Cô Ba); mốc 136 phụ, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc... Năm 1975, các lực lượng của Trung Quốc vi phạm trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta 523 lần; tăng cao hơn hẳn so với năm 1974. Họ sử dụng nhiều lực lượng tranh chấp với ta tại 88 điểm trên biên giới và tuyên bố “đó là đất của Trung Quốc”. Trong đó, căng thẳng và nóng bỏng nhất diễn ra ở các mốc quốc giới 15, 16, 53 thuộc phạm vi tỉnh Cao Bằng. Phần lớn các điểm bị lấn chiếm này là những vùng có nguồn nước, rừng gỗ quý, các loại khoáng sản...

Trước tình hình mới, ngày 20.9.1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ đơn vị hành chính cấp khu, hợp nhất tỉnh nhằm điều chỉnh lĩnh vực quản lý hành chính của đất nước. Thực hiện chủ trương đó, ngày 27.12.1975, Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (khoá V, kỳ họp thứ 2) quyết nghị "... Hợp nhất tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn thành một tỉnh mới lấy tên là Cao Lạng...”.

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Bộ Nội vụ, ngày 26.12.1975, Bộ Tư lệnh ra Chỉ thị số 19/BTL chỉ đạo các đơn vị liên quan trong lực lượng chuẩn bị thực hiện việc hợp nhất. Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng được Bộ Tư lệnh thông báo sẽ hợp nhất với Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn thành một đơn vị chung là Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Lạng. Theo chỉ thị của Bộ Tư lệnh, các đơn vị hợp nhất có nhiệm vụ:

- Lãnh đạo thực hiện tốt công tác tư tưởng, chính trị, làm cho cán bộ, chiến sỹ thông suốt với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

- Nhanh chóng ổn định tổ chức, duy trì mọi hoạt động thường xuyên của đơn vị, đảm bảo đoàn kết, thống nhất, chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả mọi tình huống.

- Quản lý chặt chẽ nội bộ, tài chính, tài sản, trang bị, phương tiện không để sơ hơ, lãng phí, tham ô, mất mát, hư hỏng.

Ngày 18.2.1976. Bộ Tư lệnh ra Quyết định số 09/QĐ-BTL, hợp nhất Công an nhân dân vũ trang hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thành Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Lạng và quy định mọi hoạt động của Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Lạng “đều đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ; chỉ đạo, chỉ huy toàn diện của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang và sự chỉ đạo nghiệp vụ của Trưởng ty Công an Cao Lạng, có chức năng, nhiệm vụ tổ chức, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới Tổ quốc trong phạm vi tỉnh”.

Về cơ cấu tổ chức, biên chế, Bộ Tư lệnh quy định Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng có Ban Chỉ huy tỉnh, các đơn vị trực thuộc và hệ thống các đồn biên phòng.

Cơ quan Ban chỉ huy tỉnh có 167 cán bộ, chiến sỹ, được tổ chức thành 10 bộ phận: Ban chỉ huy (5 người), Ban Tham mưu (34 người), Ban Chính trị (24 người), Ban Trinh sát (19 người), Ban Hậu cần (24 người), Ban Hành chính - Quản trị (16 người), Trung đội Thông tin (19 người), Tiểu đội lái xe (13 người), Bệnh xá (6 người), Tiểu đội Vệ binh (7 người). Tuyến biên giới tỉnh Cao Lạng có 18 đồn biên phòng. Quân số các đồn tạm thời giữ yên theo nguyên trạng, để tránh xáo trộn và từng bước điều chỉnh khi tình hình cho phép.
_______________________________________
1. Lũng Tàn nay thuộc xã Đức Long, huyện Thạch An.
2. Nay tách thành hai xã Ngọc Khê và Ngọc Côn.
3. Nay là xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Năm, 2023, 10:45:35 am

Ngày 22.2.1976, Bộ Nội vụ ra quyết định giải thể Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang khu Việt Bắc và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng. Theo đó, Trung tá Vũ Tá Lại giữ chức Chỉ huy trưởng; Trung tá Hoàng Khiêm giữ chức Chính uỷ; Thiếu tá La Văn Cừu và Thiếu tá Trần Đình Mưu làm Chỉ huy phó.

Tháng 3.1976, sau khi hợp nhất và nhanh chóng kiện toàn về tổ chức, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Cao Lạng, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Lạng tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ nhất, tại thị xã Cao Bằng. Đại hội tập trung đánh giá tình hình, xác định nhiệm vụ và bàn các biện pháp đảm bảo cho công tác biên phòng ở Cao Lạng thực hiện đúng đường lối an ninh, quốc phòng, đối ngoại của Đảng, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Đối với công tác biên phòng trước tình hình mới, Nghị quyết Đại hội xác định nhiệm vụ của các đơn vị Công an nhân dân vũ trang trong toàn tỉnh Cao Lạng là “phải tăng cường các biện pháp tổ chức nắm tình hình, đi sâu về mọi mặt để xác định phương thức, thủ đoạn hoạt động và sự phân hoá của các loại đối tượng theo Nghị quyết 31 của ngành... Trên cơ sở đó có đối sách đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, trấn áp kịp thời. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ, quản lý quốc giới nguyên trạng lịch sử, chống lấn chiếm đất đai; bảo vệ tài nguyên đất nước, tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ vững nguyên tắc độc lập chủ quyền và tình đoàn kết hữu nghị quốc tế.

Tích cực làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, tuyên truyền, giáo dục, phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của quần chúng nhân dân các dân tộc, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh sản xuất, thực hiện 3 cuộc cách mạng ở khu vực biên phòng, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong địa bàn đơn vị phụ trách”.

Từ năm 1976, nhiệm vụ của Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng hết sức nặng nề. Khu vực biên giới của tỉnh theo địa giới hành chính mới có đường biên dài gần 600 km, 236 cột mốc quốc giới, 11 huyện biên phòng, 50 xã giáp biên, hơn 10 dân tộc với khoảng 110.500 dân sống xen kẽ nhau; có nhiều cửa khẩu địa phương, cửa khẩu quốc gia và cửa khẩu quốc tế; lớn nhất là cửa khẩu Hữu Nghị và các cửa khẩu quan trọng khác như Tà Lùng, Hùng Quốc, Sóc Giang... Nhiệm vụ càng nặng nề hơn trong bối cảnh biên giới Việt - Trung đang tiếp tục diễn biến theo hướng ngày càng căng thẳng, phức tạp.

Căn cứ tình hình thực tế ở khu vực biên giới, ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Lạng chỉ đạo các cấp đơn vị trong tỉnh cần đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng xã biên giới vững mạnh để tăng cường khả năng quản lý, bảo vệ biên giới. Tỉnh uỷ chỉ đạo cần tập trung thí điểm ở địa bàn trọng điểm. Trên cơ sở đó, tiến hành sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, phát động trên diện rộng.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, từ giữa năm 1976, sang năm 1977, Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng xây dựng và thực hiện kế hoạch phối hợp, hiệp đồng cùng các lực lượng của Ty Công an, Tỉnh đội, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương mở cuộc vận động thí điểm làm trong sạch địa bàn tại huyện Bảo Lạc. Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới, rộng gần 2000km2, dân cư thưa thớt, có đường biên giới quốc gia dài gần 55km, giáp huyện Nà Po, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Đây là địa bàn quan trọng về quốc phòng - an ninh, nằm ở phía Tây của tỉnh, cách tỉnh lỵ (thị xã Cao Bằng) 140km. Đường giao thông đến huyện chất lượng kém. Việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Trên địa bàn huyện có 9 dân tộc cùng chung sống. Trong đó, 4 dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao chiếm tỷ lệ trên 84% (riêng người Mông đông nhất chiếm tỷ lệ 27%). Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhiều tập quán cũ, lạc hậu vẫn còn tồn tại. Nhân dân hai bên biên giới có nhiều mối quan hệ huyết thống, thân tộc, dòng họ... thường xuyên qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hoá. Ý thức quốc gia, quốc giới, nhất là ý thức cảnh giác với âm mưu của bọn chống phá cách mạng, làm tổn hại đến chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia của một bộ phận không nhỏ bà con chưa cao. Từ đó việc di dân tự do từ bên kia biên giới sang cư trú ở Bảo Lạc ngày càng tăng cao. Trong số những người sang cư trú bất hợp pháp ở Bảo Lạc, một số đối tượng hoạt động vì mục đích chính trị đã được nước ngoài cho trà trộn để cài cắm vào nội bộ ta.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Năm, 2023, 10:46:25 am

Công tác điều tra trong cuộc vận động thí điểm năm 1976 đã giúp ta phát hiện 1.208 người từ bên kia biên giới sang cư trú trái phép ở Bảo Lạc. Họ cư trú ở 196/336 xóm của toàn huyện. Năm 1977, số người cư trú trái phép ở huyện tăng lên 3.141 người và sinh sống ở tất cả 22 xã của toàn huyện. Ở nhiều xã, những người cư trú trái phép sống tập trung thành từng xóm riêng. Có một số xã, số người cư trú theo dạng này đã chiếm tỷ lệ khá cao như ở xã Cô Ba là 25%, xã Cốc Pàng là 30%... Họ chặt phá cây cối để dựng nhà ở, làm chuồng trâu bò, làm củi, tự ý đốt phá rừng, khai phá 460 hécta đất nương rẫy để trồng trọt làm ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội của huyện, gây mất đoàn kết với bà con địa phương. Đặc biệt, một số người có việc làm sai phạm được cán bộ và đồng bào địa phương nhắc nhở đã tỏ thái độ coi thường chính quyền, công khai phản ứng cán bộ ta ở cơ sở, tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây bất bình trong quần chúng.

Qua sàng lọc phân loại, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang phối hợp với Công an Cao Lạng làm rõ trong số người từ bên kia biên giới sang cư trú trái phép tại huyện Bảo Lạc có 31 đối tượng thuộc gia đình địa chủ, phú nông. Nhiều trường hợp là công an, sỹ quan quân đội, cán bộ khoa học kỹ thuật, đảng viên Đảng Cộng sản; 246 người lấy vợ Việt Nam; 321 phụ nữ lấy chồng Việt Nam; 22 người làm con nuôi của người Việt Nam. Nhiều đối tượng là những tên lưu manh, trộm cướp, cờ bạc, có tiền án, tiền sự bên nước họ. Số ít còn lại khai nhận là có họ hàng, kết nghĩa với người Việt Nam... Tình hình này dẫn đến việc gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Số vụ phạm pháp ở Bảo Lạc trong đó có nhiều vụ trọng án hàng năm đều tăng. Trong 3 năm (1973 - 1975), số vụ phạm pháp tăng bình quân trên 20%, năm cao nhất tăng 30%. Trong đó, 65% các vụ phạm pháp do các đối tượng người nước ngoài cư trú trái phép gây ra.

Cuộc vận động thí điểm làm trong sạch địa bàn biên giới ở huyện Bảo Lạc được đông đảo quần chúng đồng tình, tích cực giúp đỡ. Nhiều bà con đồng bào các dân tộc đã chủ động tham gia, kiên trì vận động những người vượt biên giới sang cư trú trái phép trở về nước họ. Được các lực lượng của ta phối, kết hợp chặt chẽ, bền bỉ tuyên truyền, giải thích về pháp luật Việt Nam, giáo dục, thuyết phục về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia theo thông lệ quốc tế, gần 2.000 người nước ngoài cư trú trái phép ở Bảo Lạc đã chấp thuận trở về nước. Đồng thời cuộc vận động đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao ý thức về quốc gia, quốc giới, ý thức cảnh giác với ý đồ đen tối của các thế lực phản động, thù địch. Hàng trăm người từ quần chúng đến cán bộ, đảng viên ở cơ sở, từ cấp xã đến cấp huyện đã tự liên hệ, nhận rõ những sơ hở mất cảnh giác của mình trong việc quan hệ về nguyên tắc với người nước ngoài. Một số người đã nhận rõ việc làm sai trái của mình khi chứa chấp, che giấu người nước ngoài cư trú trái phép, hoạt động trái pháp luật. Qua cuộc vận động, các đồn biên phòng đã có điều kiện thuận lợi hoàn thiện danh sách sưu tra, các phương án đấu tranh với các loại đối tượng; làm trong sạch địa bàn, củng cố các lực lượng công an, dân quân, góp phần ổn định đời sống, sản xuất của bà con các dân tộc ở các xã trong khu vực biên giới ở huyện Bảo Lạc.

Sau khi tổng kết rút kinh nghiệm cuộc vận động làm trong sạch địa bàn huyện Bảo Lạc, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng đã tham mưu cho Tỉnh uỷ thực hiện kế hoạch phát động cuộc vận động xây dựng “xã an ninh vững mạnh” trong khu vực biên giới toàn tỉnh. Để thực hiện cuộc vận động, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị, đồn, trạm biên phòng, trực tiếp là các đội vận động quần chúng, lực lượng trinh sát, có lúc tăng cường thêm lực lượng của các đội vũ trang, đã tích cực làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đồng thời, anh em được tổ chức thành các đội công tác đã thực hiện “bốn cùng” để tuyên truyền, phổ biến mục đích cuộc vận động; lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, làm cho bà con yên tâm làm ăn, sản xuất và tự giác giúp đỡ, tham gia cuộc vận động. Các đội công tác biên phòng phối hợp với cán bộ lãnh đạo địa phương tổ chức cho bà con học tập “quy chế biên giới”, học tập tài liệu “Bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới là trách nhiệm của toàn dân”, kết hợp mở các lớp tập huấn kỹ, chiến thuật quân sự và nghiệp vụ an ninh cho dân quân, công an xã. Nhờ đó bà con đồng bào các dân tộc ở 55 xã biên giới Cao Lạng đã chủ động cung cấp cho các đội công tác nhiều nguồn tin quan trọng, liên quan đến các loại đối tượng ở địa bàn. Kết quả, năm 1977, với sự phát hiện của quần chúng, ta đã bắt được 20 tên thám báo xâm nhập khu vực biên giới hoạt động điều tra thu thập tin tức. Các đơn vị biên phòng xây dựng, phát triển thêm được 97 cơ sở bí mật, tiến hành lập danh sách sưu tra và lập hồ sơ xác lập hiềm nghi tổng cộng 2.958 đối tượng. Trong đó, 2.012 đối tượng nghi vấn gián điệp, 444 đối tượng phản động, 502 đối tượng phạm tội hình sự; xác lập các chuyên án, phá một số vụ án, lập hồ sơ đề nghị tập trung cải tạo một số đối tượng khác.

Cuối năm 1977, tổng kết phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc kết hợp với cuộc vận động xây dựng “xã an ninh vững mạnh”, trong 55 xã biên giới Cao Lạng, 5 xã được tỉnh công nhận đạt danh hiệu “Quyết thắng”, 17 xã đạt danh hiệu tiên tiến, 17 xã khá. Nhưng kết quả quan trọng nhất là qua phong trào và cuộc vận động, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, lực lượng công an, dân quân, các đoàn thể quần chúng ở cơ sở được củng cố vững chắc hơn trước, ý thức bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động, thù địch trong cán bộ, đảng viên, quần chúng được nâng lên rõ rệt, thể hiện ở việc tố cáo các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của bọn xấu, khai báo những trường hợp cư trú chưa được phép... với cán bộ lãnh đạo địa phương, cán bộ, chiến sỹ biên phòng. Các phương án hiệp đồng bảo vệ biên giới giữa các lực lượng ở cơ sở tiếp tục được hoàn thiện và tổ chức diễn tập theo định kỳ...

Nhờ những nỗ lực trên nhiều mặt của Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng, trực tiếp là các đồn biên phòng trên biên giới và sự chỉ huy, điều hành của Bộ chỉ huy quân sự thống nhất, sự phối hợp, giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các dân tộc biên giới, sự hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan, ban, ngành địa phương, khu vực biên giới Cao Lạng những năm 1975 - 1978 đã được xây dựng củng cố thành phòng tuyến vững chắc, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trong tình hình mới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Năm, 2023, 10:47:58 am

II. ĐẤU TRANH CHỐNG LẤN CHIẾM, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, TOÀN VẸN LÃNH THỔ, AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA

Đến cuối năm 1975, các lực lượng của phía Trung Quốc đã chốt giữ trái phép trên lãnh thổ Việt Nam 102 điểm và đang tiếp tục gây căng thẳng, tranh chấp với ta ở 7 điểm khác. Từ tháng 1 đến tháng 7.1976, Trung Quốc tiếp tục gây thêm 43 điểm tranh chấp lấn chiếm khác vào đất của ta. Trong đó, riêng biên giới ở phạm vi tỉnh Cao Lạng, phía Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam 287 lần, với 4.862 lượt người (bao gồm 1.281 lượt bộ đội, 130 lượt công an, 808 lượt công nhân, 2.643 lượt với danh nghĩa là người dân) tại 33/43 điểm trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung.

Từ năm 1976, trong các vụ tranh chấp, lấn chiếm vào đất ta, Trung Quốc hành động gay gắt, quyết liệt hơn nhiều so với trước. Lực lượng họ huy động để tranh chiếm đất của ta thường từ 300 - 400 người, có vụ họ huy động đến 2.000 người. Thành phần tham gia lấn chiếm chủ yếu là bộ đội, công an biên phòng, dân binh, tù nhân được đưa từ một số nhà tù, trại cải tạo của Trung Quốc... Tại địa phận Cao Lạng, khu vực các mốc 19, 20, 53, 94, 114 là những nơi bị các lực lượng của Trung Quốc kéo sang tranh chấp, lấn chiếm căng thẳng và quyết liệt nhất. Họ thẳng tay xô xát, hành hung gây thương tích đối với những người của ta tham gia đấu tranh chống lấn chiếm. Tại khu vực quốc giới 128 - 129 tại Lũng Láo Lú (xã Nặm Quét, huyện Bảo Lạc), các lực lượng từ Trung Quốc kéo sang phá nhà ở giữ chốt của cán bộ, chiến sỹ biên phòng Cao Lạng. Họ phá bỏ 10 cầu tre trên đường tuần tra biên giới của ta từ Hà Tháo Trá đi Cốc Pàng; hành hung những người Việt Nam ra khuyên bảo, ngăn cản, gây thương tích hơn 60 người và giằng co, cướp giật của chiến sỹ biên phòng Việt Nam 8 băng đạn AK.

Nghiêm trọng hơn, ngày 15.1.1977, các lực lượng công an, dân binh, công nhân từ Trung Quốc sang làm đường vào lãnh thổ ta, khu vực thuộc phạm vi bảo vệ của Đồn Biên phòng Nặm Quét (nay gọi là Đồn Biên phòng Cô Ba, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc). Cán bộ, chiến sỹ đồn cùng dân quân và bà con các dân tộc ở địa phương đấu tranh ngăn chặn hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Bọn người lấn chiếm liền xô xát, đánh đập đồng bào và chiến sỹ ta, làm bị thương 2 chiến sỹ, bắt 1 chiến sỹ của Đồn Biên phòng Nặm Quét đưa về trạm biên phòng của họ ở Lũng Hồ. Lính của họ chĩa súng vào ngực ép chiến sỹ ta phải thừa nhận yêu sách của họ đối với đất đai Việt Nam. Chiến sỹ biên phòng Đồn Nặm Quét vẫn kiên quyết phản đối mọi hành động phi đạo lý, bác bỏ mọi đòi hỏi phi lý từ phía họ. Cuối cùng đối phương buộc phải trả người.

Trước tình hình mới, ngày 3.12.1977, Bộ Tư lệnh lực lượng điện khẩn chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân vũ trang các tỉnh phía Bắc phải chú ý cảnh giác với hành động của đối phương trong thời gian tiếp theo, có thể họ còn tiếp tục gây ra những điểm nóng mới, nghiêm trọng hơn; phải “theo dõi chặt chẽ những đối tượng có thể gây ra những vụ rối loạn, có kế hoạch đối phó kịp thời, thông báo cho Ban Chỉ huy đồn và các đơn vị cơ động sẵn sàng đối phó. Các đội công tác biên phòng phải thường xuyên hoạt động ở địa bàn. Mọi tình hình diễn biến phải kịp thời báo cáo về Bộ Tư lệnh để chỉ đạo” (Điện số 33). Đồng thời cuối năm 1977, Bộ Tư lệnh quyết định tăng quân số cho các đồn trên tuyến biên giới phía Bắc và cho phép mỗi tỉnh biên phòng trên tuyến này lập thêm 2 - 3 đại đội cơ động.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới và chấp hành chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng vừa tích cực phối hợp với các đơn vị, lực lượng, nhân dân biên giới đấu tranh chống lấn chiếm đất đai, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa khẩn trương củng cố, kiện toàn tổ chức từ cơ quan Ban Chỉ huy đến các đơn vị cơ sở, đồn, trạm biên phòng trên biên giới. Đảng uỷ, Ban Chỉ huy tỉnh thống nhất chủ trương tập trung mọi biện pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ toàn diện trong đơn vị. Trong đó tập trung vào hai khâu trọng điểm là tổ chức và tư tưởng.

Thực hiện chủ trương đó, cấp uỷ, chỉ huy các cấp trong Công an vũ trang Cao Lạng khẩn trương tổ chức cho cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên học tập quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, các Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 30, 31; các chỉ thị của Bộ Tư lệnh, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Cao Lạng; tình hình nhiệm vụ của đơn vị. Qua học tập, cán bộ, chiến sỹ đều nhận thức đúng đắn đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, thông suốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ của ngành Công an, trực tiếp là nhiệm vụ chung của lực lượng và của Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng. Trong hoạt động bảo vệ biên giới, 100% cán bộ, chiến sỹ thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng đúng đắn, luôn nêu cao tinh thần “khắc phục khó khăn - dũng cảm trước địch - trung thành với Đảng - tận tuỵ với dân”, kiên quyết đấu tranh, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Năm 1977, đến cuối năm 1978, Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng tập trung xây dựng, củng cố điểm ở 4 đồn biên phòng Tổng Cọt, Đàm Thuỷ (thuộc Cao Bằng cũ), Tân Thanh, Thanh Loà (thuộc Lạng Sơn cũ). Trên cơ sở đó, thực hiện kế hoạch củng cố, tăng cường sức chiến đấu cho tất cả các đồn trên toàn tuyến biên giới thuộc phạm vi tỉnh. Mặt khác, được Bộ Tư lệnh cho phép, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã triển khai thành lập thêm 4 đại đội cơ động là c1, c3, c5, c7 để tăng cường lực lượng đấu tranh chống lấn chiếm và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 32, sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh xác định nhiệm vụ bảo vệ biên giới lúc này là tiếp tục củng cố, phát triển lực lượng, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Trước mắt không để cho các lực lượng bên kia biên giới mở rộng thêm điểm và diện lấn chiếm, bám sát cấp uỷ, chính quyền địa phương, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, tăng cường tuần tra biên giới; tăng cường công tác vận động quần chúng, dựa chắc vào dân, chủ động nắm chắc tình hình trong ngoài biên giới; kịp thời tham mưu đề xuất và thực hiện mọi hình thức, biện pháp, nỗ lực đấu tranh xoá bỏ các hiện trạng mới được tạo ra trên biên giới; thu hồi, quản lý và bảo vệ vững chắc các vùng đất bị lấn chiếm. Kết quả, năm 1977, các đơn vị biên phòng đã cùng quân dân trong tỉnh bước đầu hạn chế được các hoạt động lấn chiếm, xóa được một số điểm hiện trạng mới do đối phương tạo ra, phá được gần 60m kè đá, san lấp được khoảng 100m rãnh dẫn nước xây trái phép trên lãnh thổ ta. Thu dọn 21 điểm với diện tích 10.630m2 do người nước ngoài xâm canh và chủ động thu hoạch được hơn 3.000kg ngô, đỗ tương ở 7 điểm bị những người lấn chiếm gieo trồng trái phép. Tổ chức bảo vệ và đưa bà con trở về những khu vực bị lấn chiếm trước đây làm ăn, sinh sống và từng bước ổn định đời sống.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Năm, 2023, 10:50:05 am

III. CHUẨN BỊ SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU VÀ CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ CHỦ QUYỀN, TOÀN VẸN LÃNH THỔ, AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA

Trước những động thái mới của bọn phản động quốc tế, ngày 1.1.1978, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo số 03 yêu cầu các địa phương, các lực lượng vũ trang phải chủ động chuẩn bị công tác phòng thủ chống xâm lược và xác định rõ mối quan hệ phối hợp giữa công an nhân dân vũ trang với các cơ quan quân sự địa phương. Đồng thời, Ban Bí thư chỉ đạo phải xây dựng được cơ chế chỉ huy thống nhất từ cấp tỉnh, thành đến cấp quận, huyện.

Thực hiện thông báo trên, ngày 31.1.1978, Bộ Tư lệnh lực lượng ra Mệnh lệnh số 05 cho các đơn vị trên tuyến biên giới phía Bắc sẵn sàng đối phó với mọi khả năng xảy ra chiến tranh, thực hiện quyết tâm bảo vệ biên giới của lực lượng Công an nhân dân vũ trang, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên phòng.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh, từ đầu tháng 2.1978, Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng xây dựng xong phương án chiến đấu cấp tỉnh và triển khai xuống các đồn vào ngày 13.3.1978 (trước quy định của Bộ Tư lệnh 2 ngày); triển khai xong kế hoạch bố phòng chiến đấu vào ngày 27.4.1978 (trước quy định 3 ngày). Đảng uỷ, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể đã xác định quyết tâm: Bất cứ tình hình diễn biến phức tạp đến đâu vẫn đảm bảo bảo vệ chặt chẽ biên giới. Kiên quyết và tích cực bắt sống, tiêu diệt các toán tình báo, gián điệp, các toán vũ trang phản động từ bên ngoài xâm nhập; trấn áp bọn phản động bên trong, kiên quyết chiến đấu trong khu vực biên phòng. Sau gần 3 tháng tích cực phấn đấu, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng từ tỉnh đến các đồn, trạm biên phòng đã khẩn trương, nghiêm túc thực hiện đầy đủ, toàn diện các khâu liên quan cho nhiệm vụ chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ biên giới Tổ quốc.

Để có lực lượng hỗ trợ cho các tỉnh biên giới phía Bắc chiến đấu khi có tình huống trực tiếp, ngày 30.3.1978, Bộ Tư lệnh thành lập Trung đoàn 12 cơ động biên phòng trên cơ sở bổ sung cán bộ, quân số cho Tiểu đoàn 12 (tức Đoàn Thanh Xuyên cũ). Địa bàn cơ động hoạt động của Trung đoàn 12 được Bộ Tư lệnh xác định tập trung vào 2 hướng chính là hai tỉnh Cao Lạng và Quảng Ninh. Tháng 4.1978, Bộ Tư lệnh điều động Trung đoàn 12 lên tăng cường cho hướng Đồng Đăng, Cao Lộc (tỉnh Cao Lạng) và Đình Lập (tỉnh Quảng Ninh)1. Đồng thời, Đại đội 3 Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng cũng được Ban chỉ huy tỉnh điều động đến làm nhiệm vụ ở khu vực huyện Trùng Khánh.

Tháng 7.1978, Ban Chấp hành trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ tư xác định nhiệm vụ cho cả nước trong tình hình mới. Nghị quyết của hội nghị nhấn mạnh cần phải thấu suốt quan điểm nắm vững cả hai nhiệm vụ vừa xây dựng kinh tế, vừa tăng cường lực lượng quốc phòng và an ninh, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu khi có tình huống.

Ngày 5.7.1978, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang ra Chỉ thị số 35, xác định trước khả năng xảy ra chiến tranh xâm lược hoặc nổ ra bạo loạn, gây phỉ trên biên giới phía Bắc, toàn lực lượng phải nâng cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Đồng thời, các đơn vị phải hết sức kiềm chế, tránh mắc mưu khiêu khích của đối phương, cố gắng đến mức cao nhất, bảo vệ hoà bình cho biên giới, giữ vững quan hệ truyền thống của biên giới láng giềng hữu nghị. Chỉ thị cũng chỉ rõ: “Khi chiến tranh xảy ra, lực lượng Công an nhân dân vũ trang phải xác định rõ là lực lượng trực tiếp chiến đấu và nổ súng đầu tiên để ngăn chặn và kiềm chế địch, chờ quân đội triển khai, đồng thời hướng dẫn nhân dân trong địa bàn sơ tán để tránh thiệt hại, tham gia các lực lượng tổ chức quản lý, giữ gìn an ninh khu vực biên giới, phòng ngừa, ngăn chặn bọn biệt kích, thám báo, diệt trừ thổ phỉ, trấn áp bạo loạn. Cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang cần nhận rõ đối tượng đấu tranh mới, nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng”. Cùng với Mệnh lệnh số 05, ngày 31.1.1978, Chỉ thị 35 của Bộ Tư lệnh có ý nghĩa hết sức thiết thực chuẩn bị cho toàn lực lượng nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của đối tượng đấu tranh mới, chủ động chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu trên các mặt chính trị, tư tưởng, quyết tâm chiến đấu, xây dựng thực lực, thế trận biên phòng toàn dân, thế trận phòng thủ trước nguy cơ bị tấn công; chủ động tạo thế và chuyển thế, chiến đấu phòng ngự, phản công, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.
______________________________________
1. Ngày 29.12.1978, huyện Đình Lập được sát nhập vào tỉnh Lạng Sơn (Nghị quyết Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ tư).


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 20 Tháng Năm, 2023, 10:52:23 am

Trong khi quân dân ta hết sức cố gắng giữ gìn hoà bình cho biên giới và luôn nêu cao cảnh giác đề phòng một cuộc chiến tranh xâm lược thì chính quyền nước láng giềng phía Bắc liên tục thực hiện nhiều hoạt động mới, làm cho tình hình biên giới tiếp tục căng thẳng. Từ tháng 5.1978, họ dựng ra cái gọi là “nạn kiều”, leo nấc thang mới trong âm mưu chống phá Việt Nam. Đến giữa năm 1978, tình hình trên tuyến biên giới phía Bắc tiếp tục diễn biến xấu theo chiều hướng tiến tới đỉnh điểm căng thẳng. Tại địa bàn tỉnh Cao Lạng, hàng ngàn người Hoa đã bỏ nhà cửa, tài sản, tập trung tại các cửa khẩu Sóc Giang, Tà Lùng, Hữu Nghị và thị trấn Đồng Đăng để tìm đường sang về nước. Nhiều bà con người Hoa đã vượt biên trái phép theo các đường mòn qua biên giới ở các xã Bảo Lâm, Tân Thanh, Thuỵ Hùng, Sóc Hà, Nà Sác, Mỹ Hưng... gây nên tình trạng mất ổn định cho an ninh trật tự khu vực biên giới. Cán bộ, chiến sỹ các đồn, trạm biên phòng đã kiên trì giải thích, giáo dục cho đồng bào hiểu sự thật về cái gọi là “nạn kiều”, hiểu về luật lệ xuất nhập cảnh qua biên giới.

Sau khi giải quyết vụ “nạn kiều”, tỉnh ủy Cao Lạng phát động quân dân trong tỉnh mở chiến dịch đẩy mạnh công tác phòng thủ, chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy “ở xã biên giới mỗi xã thành lập 1 trung đội đến 1 đại đội cơ động được trang bị vũ khí và huấn luyện kỹ thuật. Các cơ quan, xí nghiệp xây dựng lực lượng tự vệ bảo vệ cơ quan. Ở biên giới dân quân du kích phối hợp với bộ đội tuần tra, canh gác biên giới, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống”1, phong trào dựng rào chắn biên giới của quần chúng phát triển tự giác và hết sức mạnh mẽ.

Từ ngày 27.8.1978, quân dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19/CT-CL, ngày 15.7.1978, của Ủy ban hành chính tỉnh về việc xây dựng củng cố tuyến phòng thủ biên giới. Bộ đội, công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ mở đầu chiến dịch bằng việc tham gia hàng ngàn ngày công, dùng dây thép gai rào lấp ở các đoạn biên giới cửa khẩu trọng yếu của tỉnh Cao Lạng. Riêng dân quân tự vệ đã tham gia trên 3.000 ngày công. Hưởng ứng chương trình do tỉnh phát động, toàn dân trong tỉnh sôi nổi làm chông tre (ở nông thôn) và chông sắt (ở thị trấn, thị xã, các xí nghiệp), góp hàng vạn gốc tre tươi, hàng triệu mũi chông, bàn chông phục vụ rào chắn, phong toả biên giới. Tiêu biểu là cán bộ công nhân viên các cơ quan tỉnh và nhân dân thị xã Cao Bằng, với hàng vạn mũi chông chuyển đến hai huyện Trà Lĩnh, Hà Quảng. Khi biết tin tỉnh Cao Lạng phát động nhân dân làm chông bảo vệ biên giới, các tỉnh Bắc Thái, Hà Bắc2 đã tích cực ủng hộ, chi viện hàng triệu mũi chông cho biên giới Cao Lạng. Tính đến đầu tháng 11.1978, quân dân Cao Bằng đã làm được trên 5 triệu mũi chông, bàn chông sắt, gần 4 triệu mũi chông tre, đóng góp trên 30.000 gốc tre, thực hiện kế hoạch trồng tre dọc theo biên giới, làm thành hàng rào tự nhiên dài trên 62km; hàng ngàn người tham gia với hàng vạn ngày công. Nhân dân địa phương đã sát cánh cùng các lực lượng vũ trang đào nhiều hào chống tăng, lập các bãi mìn chống bộ binh và xe tăng, đề phòng bị tấn công.

Từ tháng 9.1978, nhiều đơn vị quân đội, cùng nhiều vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh của phía H1 liên tục được điều chuyển, tăng cường ra sát khu vực biên giới trên toàn tuyến phía bắc Việt Nam. Tại nhiều nơi, họ lợi dụng các điểm cao, dùng các loại súng đại liên, trung liên bắn vào lãnh thổ Việt Nam. Riêng trên tuyến biên giới Cao Lạng, ngày 12.9.1978, nhiều người mặc quân phục lính Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ Việt Nam tại các huyện Hạ Lang, Trùng Khánh, Trà Lĩnh... Khi bị cán bộ, chiến sỹ biên phòng và nhân dân địa phương đấu tranh, ngăn chặn, họ xông tới hành hung, xô xát. Họ nổ súng khiêu khích các lực lượng của ta ở xã Lý Quốc (địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Lý Vạn, nay là Đồn Biên phòng Lý Quốc, huyện Hạ Lang) và xã Ngọc Khê (địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Pò Peo, nay là Đồn Biên phòng Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh)...

Ngày 1.11.1978, phía H1 huy động hàng ngàn người vượt qua biên giới sang khu vực đồi Chông Mu bao vây, nổ súng uy hiếp một tổ chốt của dân quân ta làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới... Ta kiên trì đấu tranh và hết sức tự kiềm chế. Tình hình vẫn tiếp tục căng thẳng.
________________________________________
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000). Sđd, tr. 420.
2. Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoá IX, kỳ họp thứ 10, ngày 6.11.1996, phê chuẩn việc tách thành lập lại tỉnh, chia Bắc Thái thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên; Hà Bắc thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 02:59:42 pm

Để đối phó với nguy cơ chiến tranh biên giới ngày một đến gần, Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang nhân dân ta đã khẩn trương triển khai củng cố thế trận phòng thủ biên giới, sẵn sàng đối phó với mọi nguy cơ. Tháng 11.1978, Bộ Tư lệnh trực tiếp xuống kiểm tra các Đồn Biên phòng Sóc Giang (nay là Đồn Sóc Hà), Nặm Nhũng, Phai Can (nay là Đồn Hùng Quốc), Đàm Thuỷ...

Cuối năm 1978, quân dân ta liên tục phản công bọn phản động Campuchia và giành nhiều thắng lợi lớn trên tuyến biên giới Tây Nam. Bộ Tư lệnh điện chỉ đạo các đơn vị trên tuyến biên giới phía Bắc tăng cường cảnh giác, đề phòng các lực lượng bên kia biên giới khiêu khích tấn công nhằm đỡ đòn và giảm áp lực cho bọn phản động Campuchia ở biên giới Tây Nam.

Sau một thời gian tranh chấp, lấn chiếm, ngày 1.11.1978, phía H1 đã vượt qua biên giới nổ súng tấn công dân quân ta đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới tại khu vực đồi Chông Mu, xã Đình Phong, huyện Trùng Khánh. Các lực lượng tại chỗ của ta gồm công an, công an nhân dân vũ trang đã nhanh chóng cơ động đến khu vực đồi Chông Mu phối hợp cùng chiến đấu, buộc họ phải rút về bên kia biên giới. Hoạt động xâm nhập vũ trang vào đồi Chông Mu đã gây nên nhiều phản ứng trong dư luận quốc tế. Nhiều phóng viên, nhà báo của các nước Pháp, Nhật, Cu Ba, Liên Xô... đã đến tận hiện trường xem xét, ghi nhận vụ việc này. Cuộc tấn công là mốc báo hiệu cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới Tổ quốc của quân dân Cao Lạng và cả nước ta đứng trước nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang quy mô lớn.

Ngày 23.12.1978, Bộ Tư lệnh điện chỉ thị cho Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang các tỉnh biên giới phía bắc, nhấn mạnh: “Các đồn phải kiên quyết chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ khu vực được phân công, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, không có lệnh không được rút. Giữ nghiêm chế độ báo cáo thường xuyên, nhanh chóng và chính xác về Bộ Tư lệnh”.

Ngày 27.12.1978, Bộ Tư lệnh đã ra Mệnh lệnh chiến đấu cấp II cho các đơn vị công an nhân dân vũ trang trên tuyến biên giới phía Bắc. Chấp hành mệnh lệnh trên, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Lạng truyền đạt ngay lệnh báo động chiến đấu cấp II xuống các đồn, trạm, đơn vị trong tỉnh. Đảng uỷ - Ban Chỉ huy tỉnh tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, quán triệt cho toàn thể đảng viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sỹ nhận rõ diễn biến tình hình có khả năng xảy ra chiến tranh biên giới do đối phương gây nên. Ban chỉ huy nhanh chóng chỉ đạo các đồn biên phòng, các đơn vị cơ động khẩn trương triển khai sẵn sàng chiến đấu theo phương án tác chiến bảo vệ biên giới. Các cơ quan chỉ huy thường trực chỉ huy chặt chẽ; tạm đình chỉ phép năm, phép tranh thủ của cán bộ, chiến sỹ để đảm bảo quân số khi tình huống xấu xảy ra.

Các cấp đơn vị trong tỉnh đã tổ chức học Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết về nhiệm vụ trước mắt của Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, thống nhất hành động, chuyển mọi nền nếp, tác phong sinh hoạt trong thời bình sang thời chiến; tranh thủ thời gian luyện tập các phương án, củng cố hệ thống hầm hào, công sự, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đảng uỷ - Ban chỉ huy tỉnh phân công cán bộ đi kiểm tra các đồn biên phòng trọng điểm như: Cốc Pàng, Sóc Giang (nay là Đồn Sóc Hà), Tổng Cọt, Phai Can (nay là Đồn Hùng Quốc), Pò Peo (nay là Đồn Ngọc Khê), Tà Lùng...

Trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đơn vị hành chính cấp tỉnh cần có chiều sâu phù hợp với việc tổ chức phòng thủ và phản công khi tiến hành chiến tranh chống xâm lược, ngày 29.12.1978, Quốc hội khoá VI, kỳ họp thứ 4, đã ra nghị quyết chia tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn; sáp nhập huyện Ngân Sơn và huyện Chợ Rã của tỉnh Bắc Thái vào tỉnh Cao Bằng1. Theo nghị quyết của Quốc hội, Cao Bằng có 13 đơn vị hành chính cấp huyện là thị xã Cao Bằng, thị trấn Tĩnh Túc và 11 huyện: Trùng Khánh, Quảng Hoà2, Trà Lĩnh, Hà Quảng, Thông Nông3, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hoà An, Thạch An, Ngân Sơn, Chợ Rã.

______________________________________
1. Ngày 6.11.1984, huyện Chợ Rã được đổi tên thành huyện Ba Bể (Quyết định số 144 - HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng). Ngày 6.11.1996, Quốc hội khoá IX, kỳ họp thứ 10, phê chuẩn tách tỉnh Bắc Thái thành hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên; các huyện Ngân Sơn, Ba Bể trở thành 2 trong số 6 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bắc Kạn.
2. Huyện Quảng Hoà được thành lập trên cơ sở hợp nhất huyện Quảng Uyên và huyện Phục Hoà từ ngày 8.3.1967 (Quyết định số 27-CP của Hội đồng Chính phủ).
3. Huyện Thông Nông được chia tách từ huyện Hà Quảng từ ngày 7.4.1966.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 03:01:46 pm

Ngay sau khi tách tỉnh, cùng với các cơ quan, ban, ngành khác, Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng gấp rút ổn định tổ chức theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Bộ Tư lệnh và chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, nhanh chóng đưa toàn bộ hệ thống công an nhân dân vũ trang trong tỉnh vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.

Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng khi mới được tái lập có 4 cán bộ. Đồng chí La Văn Cừu được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Nông Đức Hiếu, Chính uỷ; đồng chí Vi Ngọc Ích - Phó chỉ huy; Đồng chí Nguyễn Hoành Sơn, - Phó chính uỷ. Sau đó, trên bổ nhiệm thêm đồng chí Nguyễn Hộ giữ chức Phó chỉ huy, phụ trách trinh sát.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Cao Bằng, công an nhân dân vũ trang triển khai ngay công tác chỉ đạo các đồn, trạm biên phòng, đơn vị trực thuộc gấp rút ổn định mọi mặt, đẩy mạnh công tác bố phòng chiến đấu, khẩn trương tổ chức hậu cứ biên phòng và tiếp tục hoàn thiện phương án thực hiện các kế hoạch 278B, 778 của Bộ Công an, Chỉ thị 35 của Bộ Tư lệnh, Ban chỉ huy tỉnh bố trí lực lượng tham gia phục vụ di chuyển, sơ tán các cơ quan quan trọng của tỉnh về hậu cứ, đảm bảo an toàn, bí mật; cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức cho nhân dân ở các địa bàn trọng điểm trong khu vực biên giới sơ tán theo kế hoạch của tỉnh; cùng lực lượng công an thực hiện các biện pháp làm trong sạch địa bàn biên giới theo chỉ đạo của Bộ Công an và Bộ Tư lệnh.

Ngày 2.1.1979, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang họp bàn thống nhất xây dựng kế hoạch công tác cho các cấp đơn vị trong tỉnh; đề nghị Tỉnh uỷ chỉ định cấp uỷ mới để sớm kiện toàn hệ thống tổ chức đảng từ cơ quan chỉ huy tỉnh đến các đồn, trạm biên phòng, các phân đội, đơn vị trực thuộc.

Căn cứ Thông báo số 13/TB.TW, ngày 14.12.1978, của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tái thành lập tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn; để đảm bảo chỉ đạo kịp thời công tác đảng và công tác phòng thủ an ninh địa phương trước yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới; trong khi chờ hai Tỉnh ủy mới chính thức thành lập Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, ngày 9.1.1979, Tỉnh ủy Cao Lạng ra Nghị quyết số 03/NQ-TU, tạm thời chỉ định Ban chấp hành Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng và Lạng Sơn. Trong đó, Ban Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng có 13 đồng chí, Ban Thường vụ có 5 đồng chí gồm đồng chí Nông Đức Hiếu - Chính ủy, Bí thư Đảng ủy; đồng chí La Văn Cừu - Chỉ huy trưởng, phó Bí thư; 3 đồng chí ủy viên là Nguyễn Hoành Sơn - Phó chính ủy; Vy Ngọc Ích - Chỉ huy phó Hậu cần; Triệu Kim Cương - Chủ nhiệm Hậu cần và 8 đồng chí ủy viên Ban chấp hành.

Trong hoàn cảnh vừa tách tỉnh và các hoạt động quân sự của H1 liên tục đẩy lên mức cao, công việc của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng trở nên hết sức bề bộn, cấp bách.

Ngay từ đầu năm 1979, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, H1 tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự, lấn chiếm các địa hình có lợi, di chuyển nhiều lực lượng ra áp sát đường biên. Ngày 10 và 11.1.1979, các lực lượng bên kia biên giới tập kích bằng hoả lực vào Trạm kiểm soát cửa khẩu Trà Lĩnh, thuộc Đồn Biên phòng 171 Trà Lĩnh1, phá hoại nhà cửa, tài sản của đơn vị. Chỉ tính từ ngày 1.1.1979 đến ngày 15.1.1979, phía H1 đã gây ra trên toàn tuyến biên giới phía bắc nước ta 147 vụ vi phạm biên giới, gây tổn thất đáng kể cho ta: làm chết 29 người (có 10 cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân vũ trang); làm bị thương 40 người (có 12 công an nhân dân vũ trang); bắt đưa sang bên kia 7 người (có 3 công an nhân dân vũ trang)... làm cho tình trạng xung đột vũ trang diễn ra hàng ngày trên biên giới.

Cuối tháng 1 đầu tháng 2.1979, phía H1 đã tung 60 lần thám báo vào Cao Bằng để thu thập tin tức tình báo. Đồng thời họ cho quân vượt qua biên giới, tập kích vào chốt gác của dân quân ta tại khu vực gần cột mốc 32, xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang và liên tục nổ súng vào Trạm kiểm soát Biên phòng của Đồn Biên phòng Bí Hà (nay là Đồn Biên phòng Thị Hoa, huyện Hạ Lang) gây nhiều thiệt hại về tài sản của đồn. Đến đầu tháng 2.1979, hàng chục vạn quân, gồm nhiều sư đoàn của các quân đoàn chủ lực, với hàng nghìn xe tăng, xe bọc thép và đại bác của H1 đã di chuyển xuống áp sát biên giới nước ta. Riêng khu vực đối diện với biên giới Cao Bằng, H1 đưa 6 sư đoàn chủ lực thường xuyên áp sát và liên tục tung các toán trinh sát nhỏ lẻ xâm nhập vào lãnh thổ ta điều tra tình hình, phục kích, bắt cóc người, gài mìn, gây sức ép căng thẳng về quân sự. Ngày 2.2.1979. lính H1 từ các điểm cao sát biên giới, dùng súng 12,7mm bắn vào nhiều mục tiêu trong lãnh thổ Việt Nam như Đồn Biên phòng Tà Lùng, Nhà máy đường Phục Hoà, trạm Hải quan Tà Lùng; một toán lính xâm nhập khu vực Bản Giốc, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh phục kích bắn chết 1 dân quân ta đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
______________________________________
1. Thành lập năm 1959 gọi là Đồn Biên phòng Phai Can; nay là Đồn Biên phòng Hùng Quốc.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 03:02:52 pm

Trước những diễn biến nghiêm trọng trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, ngày 13.2.1979, Bộ Tư lệnh ra Mệnh lệnh chiến đấu cấp I cho các đơn vị công an nhân dân vũ trang trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, đồng thời cử cán bộ tham mưu lên Cao Bằng và các tỉnh biên giới phía Bắc truyền đạt mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu cho Ban chỉ huy công an nhân dân vũ trang tỉnh.

Chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh, 19 giờ ngày 14.2.1979, Thường vụ Đảng uỷ và Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tổ chức cuộc họp bất thường để triển khai phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới và phân công cán bộ xuống kiểm tra các địa bàn trọng điểm.

Trước đó, sau khi Bộ Tư lệnh phát mệnh lệnh chiến đấu cấp II (ngày 27.12.1978), Đảng uỷ và Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng đã cử các đoàn kiểm tra làm việc kỹ với Ban chỉ huy các đồn biên phòng Nặm Quét (nay là Đồn Biên phòng Cô Ba), Bó Gai (nay là Đồn Biên phòng Cần Yên), Nặm Nhũng, Lý Vạn (nay là Đồn Biên phòng Lý Quốc), Bí Hà (nay là Đồn Biên phòng Thị Hoa) và Đại đội 1 (cơ động), Đại đội 3 (cơ động), Tiểu đoàn 19 (thời bình chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện), Phân đội bảo vệ kho hậu cứ... Tại các đơn vị, đồn, trạm, công tác chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu đều được thực hiện nghiêm túc. Các phương án bảo vệ biên giới, chiến thuật phòng thủ bảo vệ đồn, chiến đấu bảo vệ khu vực và trên đường trục, phục kích, tập kích của nhiều đơn vị được điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện thêm. Hầu hết các đơn vị, đồn, trạm đã được dự các lớp tập huấn kỹ thuật, công trình, sử dụng các loại mìn, sử dụng các loại vũ khí mới trang bị. Các phương án hiệp đồng tác chiến với các lực lượng đều cụ thể, chặt chẽ. Tinh thần, ý thức, quyết tâm chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ đồn, trạm của cán bộ, chiến sỹ được xác định tốt. Kiến thức vận dụng các hình thức tác chiến linh hoạt trong khu vực biên giới của cán bộ, chiến sỹ đã được nâng lên qua các đợt tập huấn và qua nhiều lần tập luyện, diễn tập.

Đến tuần đầu tháng 2.1979, công tác hậu cần bảo đảm cũng đã tiến hành bổ sung cho các đơn vị, đồn, trạm các trang bị, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm theo quy định của trên (đạn đủ 3 cơ số, lương thực đủ dự trữ 2 tháng). Ngoài ra, đơn vị còn được bổ sung thêm phương tiện vận tải phục vụ chỉ huy, vận chuyển, cấp cứu thương binh; phương tiện thông tin liên lạc, đường dây và vô tuyến điện (gần 150km dây bọc, hơn 40 máy điện thoại, một số máy 15W và 2W...)

Ở thời điểm này, phía H1 đã gấp rút tăng cường điều chuyển thêm nhiều binh lính, vũ khí đạn dược, phương tiện khí tài quân sự ra áp sát biên giới ta. Ngày 16.2.1979, ta phát hiện gần 300 lần ô tô vận tải của họ chở binh lính và quân nhu vào các khu vực Thuỷ Khẩu, Khoa Giáp, Thạch Long, Nhạc Vu, Bình Mãng, Pò Búng, Tổng Quỷ... Trên các đoạn chính diện biên giới ở các huyện Thông Nông, Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh... ta phát hiện bộ binh và xe tăng H1 tập kết từng cụm chờ lệnh. Tại khu vực gần cửa khẩu Tà Lùng, Đồn Biên phòng Tà Lùng cùng bộ đội, dân quân địa phương và quân báo của bộ đội chủ lực phát hiện H1 đã cho hơn 300 xe tải chở đá tập kết sẵn ở khu vực mốc 24. Ta phán đoán ý đồ của đối phương đang chuẩn bị lấp một đoạn sông Bắc Vọng để phục vụ bộ binh và xe tăng của họ tiến sâu vào huyện Quảng Hoà.

Vào lúc 21 giờ ngày 16.2.1979, H1 cho pháo bắn dữ dội vào địa bàn xã Cần Yên, huyện Thông Nông. Đến 23 giờ, mở rộng phạm vi pháo kích sang nhiều nơi ở các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh. Đồng thời, nhiều đơn vị bộ binh của họ lợi dụng đêm tối vượt qua biên giới đánh chiếm các chốt bảo vệ biên giới của ta từ mốc 119 - 121, phía bắc các xã Sóc Hà (Hà Quảng), Cần Yên (Thông Nông), Cô Ba, Thượng Hà (Bảo Lạc).

Rạng sáng ngày 17.2.1979, H1 huy động 30 sư đoàn của 9 quân đoàn chủ lực, gồm hơn 60 vạn quân với hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép, đại bác ồ ạt vô cớ tiến công nước ta trên toàn tuyến biên giới từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh). Trên tuyến biên giới Cao Bằng, H1 tập trung nhiều sư đoàn thuộc 3 quân đoàn 41, 42, 50 với tổng số khoảng 13 vạn quân, 220 xe tăng, xe bọc thép, 330 khẩu đại bác đồng loạt tấn công vào hầu hết các đồn biên phòng và tất cả các huyện biên giới từ Bảo Lạc đến Thạch An, nhằm đánh chiếm Cao Bằng theo hai hướng chính:

Hướng phía đông, họ tập kết quân ở khu vực cửa khẩu Thuỷ Khẩu (đôi diện với cửa khẩu Tà Lùng, Việt Nam) và các cụm quân ém sẵn dọc theo đoạn biên giới đối diện từ mốc 20 đến mốc 25, tiến đánh Cao Bằng thành hai mũi: mũi thứ nhất, từ khu vực Thuỷ Khẩu tiến công Đồn Biên phòng Tà Lùng, khu vực cửa khẩu Tà Lùng, rồi tiến theo trục đường quốc lộ 3 để tiến về thị xã Cao Bằng; mũi thứ hai, đánh tràn qua đoạn biên giới từ mốc 20-21 vào xã Đức Long, huyện Thạch An. Từ đó tiếp tục phát triển, chiếm đường số 4, tiến về thị xã Cao Bằng.

Hướng phía Bắc, từ khu vực cửa khẩu Bình Mãng (đối diện với cửa khẩu Sóc Giang, Việt Nam) và các cụm quân ém dọc theo đoạn biên giới đối diện từ mốc 118 – 119, ồ ạt đánh sang cửa khẩu Sóc Giang, huyện Hà Quảng và xã Cần Yên, huyện Thông Nông để tiến về huyện lỵ Thông Nông. Khi qua được Sóc Giang và Cần Yên, đối phương nhằm hướng tiến về thị xã Cao Bằng để hội quân với lực lượng tấn công từ hướng phía đông.

Với hai hướng tiến công chính, phía H1 nhằm chia cắt Cao Bằng thành hai phần Đông và Tây để nhanh chóng chiếm toàn tỉnh.

Phối hợp và hỗ trợ với hai hướng chính, trên các hướng khác, nhất là đoạn biên giới từ Thông Nông đến Hạ Lang, họ sử dụng lực lượng từ tiểu đoàn đến trung đoàn tăng cường, vượt qua biên giới, chiếm các điểm cao trong khu vực biên giới của Việt Nam, pháo kích dữ đội, cố tình huỷ diệt và tấn công đánh chiếm các đồn, trạm biên phòng, các công trình khác ở biên giới; kiềm chế, tiêu hao, tiêu diệt và thu hút các lực lượng ta, hỗ trợ các lực lượng khác vào tiếp ứng cho các lực lượng tiến vào trước đang bị quân ta chặn đánh.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 03:04:55 pm

Trên tuyến biên giới Cao Bằng, các đồn biên phòng Xuân Trường, Bó Gai, Sóc Giang, Tổng Cọt, Trà Lĩnh (nay là Hùng Quốc), Bản Giốc (nay là Đàm Thuỷ), Lý Vạn (nay là Lý Quốc), Bí Hà (nay là Thị Hoa), Tà Lùng đều quyết liệt nổ súng chiến đấu ngay từ những phút đầu để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong vòng một tháng chiến đấu, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, cán bộ chiến sỹ các đồn luôn bám chắc địa bàn, luồn sâu trong vùng địch tạm chiếm, quần lộn chiến đấu với đối phương, vừa chiến đấu vừa bảo vệ nhân dân sơ tán. Do đó, khi địch đến không nắm được dân, đi đến đâu cũng bị quân dân Cao Bằng đánh trả. Các chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã tiêu diệt 2.669 tên, bắt sống 4 tên địch, phá huỷ 8 xe tăng, 2 xe quân sự, thu 4 súng cối 82 ly, 3 súng cối 120 ly, 3 đại liên, 2 trung liên, 1 ĐKZ, 8 B41, 7 AK, 75 con lừa, ngựa cùng nhiều quân trang, quân dụng của chúng, góp phần cùng quân dân cả tỉnh đánh thắng quân xâm lược1. Tại địa bàn Đồn Biên phòng Trà Lĩnh, sáng ngày 17.2.1979, pháo binh đối phương đã dồn dập pháo kích vào Trạm Kiểm soát cửa khẩu Trà Lĩnh. Sau hơn một giờ cho pháo bắn cấp tập, bộ binh của họ chia thành 3 mũi ồ ạt tấn công. Lúc này, trạm có 17 cán bộ, chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu. Trong nhiều giờ giằng co, đơn vị đã tiêu diệt được 250 tên, làm bị thương hàng trăm tên. Song do lực lượng quá chênh lệch, 16 đồng chí hy sinh, còn 1 đồng chí bị thương nặng vẫn cố tìm về đơn vị báo cáo tình hình địch, để đơn vị kịp thời ứng phó.

Đồn 179 Tà Lùng gồm một phân đội trên 80 cán bộ, chiến sỹ phải chiến đấu chống chọi với 1 sư đoàn bộ binh đối phương có 50 xe tăng yểm trợ. Từ 4 giờ 45 phút ngày 17.2.1979, đối phương đã nổ súng tiến công bao vây trạm kiểm soát cửa khẩu và đồn. Họ tưởng rằng với hoả lực áp đảo, bộ binh đông lại có lực lượng xe tăng mạnh mẽ sẽ đè bẹp đồn biên phòng của ta trong chốc lát nhưng đã gặp phải sức chống trả mãnh liệt, cuộc chiến đấu kéo dài 14 tiếng đồng hồ. Các chiến sỹ ta đã dựa và hầm ngầm cố thủ để chiến đấu, dù bị hy sinh 4 đồng chí, bị thương 8 đồng chí, song đồn đã tiêu diệt trên 200 tên, phá huỷ 4 xe tăng quân xâm lược. Lợi dụng đêm tối địch giãn vòng vây, ta đã bí mật rút lui về hậu cứ bảo toàn được sinh lực cho những trận chiến đấu tiếp theo.

Tại Đồn 167 Sóc Giang, từ rạng sáng ngày 17.2.1979, 1 trung đoàn H1 đã tiến công đồn và các điểm chốt của chiến sỹ công an nhân dân vũ trang. Cuộc chiến đấu tại đồn chính kéo dài tới 5 ngày, sau khi bắn vào đồn trên 3.000 quả đạn pháo với 2 đợt tiến công, chúng mới chiếm được đồn. Các cán bộ, chiến sỹ ta dựa vào các trận địa đã xây dựng tiếp tục phối hợp cùng bộ đội địa phương quần lộn với quân xâm lược quyết tâm bám trụ đến cùng. Riêng lực lượng công an nhân dân vũ trang tiêu diệt gần 200 tên.

Do lập chiến công xuất sắc, ngày 20.12.1979, các Đồn 179 Tà Lùng, 167 Sóc Giang, Trạm kiểm soát cửa khẩu (Đồn 171 Trà Lĩnh) được Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tại Trùng Khánh, ngày 18.2.1979, đối phương tấn công điểm chốt bảo vệ biên giới của ta trên đồi Chông Mu, xã Đình Phong do một tiểu đội của Đồn Biên phòng Ngọc Khê và một tiểu đội dân quân địa phương chốt giữ. Tương quan lực lượng chênh lệch quá lớn. Vì vậy, Thượng úy Hoàng Văn Khoáy được Ban chỉ huy Đại đội 3 phân công phụ trách một trung đội đến chi viện cho chốt đồi Chông Mu, đồng chí chỉ huy đơn vị phối hợp với bộ đội, dân quân địa phương chiến đấu đánh bật đối phương ra khỏi đồi Chông Mu, diệt 77 tên, làm tan rã một tiểu đoàn. Ngày 8.3.1979, đồng chí Khoáy chỉ huy một đơn vị gồm một bộ phận của Đại đội 3 và một trung đội 32 người của địa phương (có 18 thanh niên xung phong và 14 dân quân) bất ngờ tập kích đối phương ở bản Lẹn, xã Thắng Lợi, huyện Trùng Khánh (nay thuộc huyện Hạ Lang), tiêu diệt 100 tên. Riêng đồng chí Khoáy dùng B40 bắn diệt 10 tên. Trong tháng 3.1979, đồng chí Khoáy chỉ huy đơn vị bảo vệ Nhà máy thuỷ điện Thoong Gót (ngày 14.3.1979), và tập kích đối phương ở đồi bản Boóng (ngày 16.3.1979) ở xã Chí Viễn, huyện Trùng Khánh làm đối phương thiệt hại hơn 200 tên. Với những thành tích đó, đồng chí Hoàng Văn Khoáy được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc” và được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 20.12.1979).
______________________________________
1.Trong chiến đấu tháng 2.1979, lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng hi sinh 46 và bị thương 69 đồng chí.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 03:07:36 pm

Từ sau ngày 20.2.1979, thị xã Cao Bằng và các huyện Thông Nông, Hoà An, Quang Hoà, Thạch An, tạm thời bị đối phương chiếm đóng. Trên biên giới, lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng bung ra khỏi các đồn, trạm biên phòng phối hợp với dân quân tự vệ, bộ đội địa phương và các phân đội nhỏ của bộ đội chủ lực đánh quần lộn tiêu hao sinh lực đối phương trong khu vực biên giới, từng bước cùng quân dân trong tỉnh tạo thế, chuyển thế phản công đối phương. Các cơ quan đầu não của tỉnh lúc này sơ tán về Ngân Sơn tiếp tục chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Nhân dân và các lực lượng vũ trang tập trung của ta rút khỏi các vùng tạm bị chiếm, hình thành thế da báo, tiếp tục chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt quân chiếm đóng.

Huy động một lực lượng lớn với nhiều trang bị vũ khí hiện đại, có xe tăng, pháo binh yểm trợ, đối phương tính toán sẽ nhanh chóng chiếm được nước ta, trước hết là các tỉnh biên giới phía Bắc. Nhưng họ đã hoàn toàn bất ngờ khi vấp phải sự chống trả quyết liệt và tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của quân dân ta. Tại Hà Quảng, đối phương phải mở nhiều đợt tấn công suốt 14 ngày đêm mới tạm thời chiếm đóng được. Ở huyện Trà Lĩnh, đối phương phải mất 18 ngày đêm; ở huyện Trùng Khánh phải mất 22 ngày đêm... Đặc biệt, khi tiến sâu vào nội địa của tỉnh tại xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, đối phương phải tổ chức nhiều đợt tấn công trong suốt 28 ngày đêm trước sự chống trả quyết liệt của quân dân địa phương1. Khi nhận được tin quân H1 sẽ tiến công, các bộ phận khác nhau của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tại xã Minh Tâm đã chủ động hợp thành một đơn vị thống nhất, tích cực làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức chiến đấu; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tại chỗ, tích cực tấn công, làm chậm bước tiến của đối phương, góp phần bảo vệ được nhân dân, bảo vệ được kho tài liệu ở hậu cứ, thực hiện bám trụ chiến đấu dài ngày, đạt hiệu quả chiến đấu cao. Qua 28 ngày đêm chiến đấu, quân dân xã Minh Tâm đã tiêu diệt 1.100 tên, bắt sống nhiều tù binh đối phương, thu nhiều vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng2. Các đơn vị chiến đấu của Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng hy sinh 3 đồng chí3. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, bảo vệ quê hương, xã Minh Tâm được Nhà nước tặng thưởng một huân chương Quân công hạng Ba và ngày 20.12.1979 được tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tính chung, qua 30 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, từ ngày 17.2 đến ngày 18.3.1979, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Trong cuộc chiến đấu, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về quân số và phương tiện trang bị, nhưng với bản lĩnh chính trị vững vàng, với tinh thần sẵn sàng “Khắc phục khó khăn. Dũng cảm trước địch. Vì nước quên thân. Trung thành với Đảng. Tận tuỵ với dân”, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã sát cánh cùng toàn Đảng bộ, quân dân trong tỉnh, luôn nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, chủ động bám trụ, kiên cường đánh trả, vượt qua mọi thử thách, linh hoạt trong chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã luôn đảm bảo đoàn kết, nhất trí, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, đơn vị, cơ quan, ban, ngành, dựa hẳn vào dân và được nhân dân các dân tộc trong tỉnh thương yêu, giúp đỡ, chi viện nên đã phát huy được vai trò của lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ biên giới, góp phần làm nên chiến công chung của Đảng bộ và quân dân trong tỉnh, góp phần đẩy nhanh thắng lợi, buộc đối phương phải chấp nhận thất bại, rút quân về nước.

Từ 1975 - 1979 là một thời kỳ xây dựng, hoạt động, chiến đấu trong muôn vàn khó khăn, thử thách, nhiểu gian khổ, hy sinh và từng bước trưởng thành của cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng. Đây là những năm tháng đơn vị đã vượt lên những khó khăn, thử thách, bền bỉ cùng các cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng, củng cố, phát triển mọi mặt tiềm lực của khu vực biên giới, tạo thế trận biên phòng toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp, liên tục đấu tranh chống lấn chiếm, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

Khi biên giới bị xâm phạm, cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng cùng quân dân trong tỉnh đành phải chấp nhận tình thế bất khả kháng, kiên quyết chiến đấu, ngoan cường giáng trả mọi cuộc tấn công, quyết bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
_______________________________________
1. Tại xã Minh Tâm, các lực lượng của ta có 25 người của Đội văn nghệ Công an nhân dân vũ trang tỉnh, 35 người của lực lượng thanh niên xung phong tỉnh, 25 người của lớp học văn hoá công an nhân dân vũ trang sơ tán từ Lạng Sơn sang và một số công nhân của mỏ thiếc Tĩnh Túc, công nhân Nhà máy gang thép Thái Nguyên...
2. Chiến thắng đã làm nức lòng nhân dân các dân tộc trong xã, Đảng uỷ, chính quyền xã Minh Tâm đánh giá cao quan hệ phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng trên địa bàn xã. Đồng bào các dân tộc ở các thôn bản hết sức tự hào, tin tưởng bộ đội và dân quân nên tự nguyện tiếp tế lương thực, mang theo gạo, bò, lợn, gà đến "uý lạo" quân ta. Các gia đình ông Kỳ, bà Đào (dân tộc Mông), bà Đặng Thị Liền (dân tộc Dao)... mỗi gia đình ủng hộ một con bò.
3. Đó là Thiếu tá Nông Văn Kỉn - Tham mưu trưởng Công an nhân dân vũ trang tỉnh, Thượng sĩ Triệu Văn Mạ thuộc đơn vị Trường Văn hoá Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng (quê xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) và Hạ sĩ Nguyễn Xuân Thọ thuộc trung đội thông tin Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng (quê xã Đông Huy, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình).


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 04:21:07 pm

CHƯƠNG 4

XÂY DỰNG ĐƠN VỊ, CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI NHIỀU MẶT, BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA (1979 -1986)


I. KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH, SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU, CHUYỂN SANG BỘ QUỐC PHÒNG. XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, BẢO VỆ BIÊN GIỚI QUỐC GIA TRONG CƠ CHẾ MỚI

Đến cuối tháng 3.1979, quân và dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc của Tổ quốc. Đảng ta đã kịp thời nhắc nhở đó là thắng lợi bước đầu, “đồng bào và chiến sỹ ta không được một phút nào mơ hồ đối với âm mưu xâm lược... phải khẩn trương làm tốt nhiệm vụ phòng thủ đất nước, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc”1.

Tại Cao Bằng, sau chiến tranh, cơ sở vật chất của tỉnh bị tàn phá nặng nề. Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã phải tập trung mọi cố gắng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, tiếp tục chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng chiến đấu. Cùng với tình hình chung, nhiều thôn, xóm trong khu vực biên giới của tỉnh bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Một số đông đồng bào nảy sinh tư tưởng hoang mang lo lắng. Nhiều gia đình rời bỏ làng bản đi sơ tán quá xa. Cuộc chiến tranh kết thúc, nhiều bà con vẫn ngần ngại, chưa yên tâm trở về quê hương sinh sống làm ăn, sản xuất. Việc khôi phục lại các mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị, lực lượng vũ trang trên địa bàn các xã biên giới sau chiến tranh gặp không ít khó khăn nên diễn ra chậm, có nhiều sơ hở hạn chế đến chất lượng bảo vệ biên giới.

Căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, từ cuối tháng 3.1979, Tỉnh uỷ Cao Bằng chỉ đạo các huyện, thị khẩn trương “củng cố lại tổ chức, tăng cường cán bộ cho xã và hợp tác xã, tăng cường các đơn vị quân đội, thường xuyên luyện tập, nâng cao sức mạnh chiến đấu, tăng cường đoàn kết quân dân quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc”2.

Trên biên giới, mặc dù đã phải tuyên bố rút quân về nước, nhưng trên thực tế, đối phương vẫn tiếp tục đưa quân ra áp sát biên giới, đào hầm hào, công sự, xây dựng các trận địa trên các điểm cao có giá trị về mặt chiến thuật. Đặc biệt ở hướng Thông Nông, Đồn Biên phòng Bó Gai phát hiện đối phương cho hai trung đoàn bộ binh di chuyển đến khu vực xóm Thang Nà - đối diện mốc 121; một trung đoàn khác di chuyển đến khu vực Nặm Chỉnh... Hàng ngày có nhiều tiếng nổ lớn ở các khu vực đối diện các Đồn Biên phòng Cốc Pàng, Nặm Quét, Bó Gai, Sóc Giang, Trà Lĩnh, Pò Peo, Tà Lùng.

Tại Cao Bằng, đến giữa tháng 4.1979, đối phương vẫn còn đóng chốt, chiếm giữ trong khu vực biên giới của tỉnh tại 4 điểm:

- Khu vực đồi Chông Mu, địa bàn phụ trách của Đồn Pò Peo (giữa mốc 62 - 63).

- Khu vực Pò Đồn, địa bàn phụ trách của Đồn Nặm Nhũng (mốc 107).

- Khu vực Phja Un - điểm cao 856, địa bàn phụ trách của Đồn Trà Lĩnh (mốc 94 - 95).

- Khu vực Kéo Khang, địa bàn Đồn Trà Lĩnh (giữa mốc 95 - 96)3.

Từ thực trạng trên biên giới và quán triệt tư tưởng, chủ trương phòng thủ đất nước của Trung ương Đảng, ngày 29.3.1979, Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh xây dựng và chỉ đạo toàn lực lượng khẩn trương thực hiện Kế hoạch số 15/KH-BTL, chiến đấu bảo vệ biên giới, vùng biển, sẵn sàng chống cuộc chiến tranh xâm lược.
______________________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (tóm tắt). Sđd, tr. 275.
2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000). Sđd, tr.421.
3. Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng. Báo cáo tuần (từ 7.4 đến 13.4.1979). Số 32/BCH. Ngày 13.4.1979


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 04:23:05 pm

Chấp hành chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và Tỉnh uỷ Cao Bằng, trong tháng 4.1979, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị, đồn, trạm biên phòng trong tỉnh “tích cực khắc phục khó khăn, tập kết lực lượng trở lại vị trí cũ, tiếp tục quản lý chặt chẽ địa bàn được phân công phụ trách, xây dựng trận tuyến phòng thủ, củng cố hầm hào công sự, trận địa chiến đấu; duy trì các hoạt động tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới và các mục tiêu nội địa... Khi xảy ra chiến tranh, phải kiên quyết thực hiện được chức năng, nhiệm vụ của lực lượng, vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, đấu tranh với các loại đối tượng gián điệp, tình báo, trấn áp phản động, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Từ những vấn đề chỉ đạo và tình hình thực tế của địa bàn, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh đã thống nhất bố trí, sắp xếp lại lực lượng bố phòng; trang bị thêm vũ khí cho từng địa bàn trên các hướng địch có thể tấn công; nghiên cứu dự kiến, xác định lại các điểm hậu cứ chuẩn bị cho sơ tán khi có tình huống xảy ra chiến tranh... Lượng dự phòng tại chỗ của các đơn vị, đồn, trạm biên phòng đều được chuẩn bị đảm bảo đủ cho chiến đấu từ 1 - 2 tháng.

Thực hiện Quyết định số 153/QĐ-BTL, ngày 4.9.1979, của Bộ Tư lệnh giao cho Công an nhân dân vũ trang các tỉnh biên giới “tổ chức thêm cấp tiểu khu biên phòng”, đồng thời ban hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của các ban chỉ huy tiểu khu biên phòng1, ngày 25.9.1979, Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng ra Quyết định số 108/QĐ-QL tổ chức 3 tiểu khu biên phòng trên địa bàn tỉnh. Đó là:

- Tiểu khu Trùng Khánh - Phiên hiệu là Tiểu khu 56. Quân số có 78 cán bộ, chiến sỹ. Trực thuộc Tiểu Khu 56 có Đại đội cơ động 11 (tức c3 cũ) và 4 đồn biên phòng Ngọc Chung, Pò Peo, Đàm Thủy, Lý Vạn.

- Tiểu khu Hà Quảng - Phiên hiệu là Tiểu khu 58. Quân số có 78 cán bộ, chiến sỹ. Các đơn vị trực thuộc Tiểu khu 58 có Đại hội cơ động 13 (tức c1 cũ) và 3 đồn biên phòng Sóc Giang, Nặm Nhũng và Tổng Cọt.

- Tiểu khu Bảo Lạc - Phiên hiệu là Tiểu khu 60. Quân số có 78 người. Trực thuộc Tiểu khu 60 có Đại đội cơ động 15 (tức c5 cũ) và 3 đồn biên phòng Cốc Pàng, Nặm Quét và Xuân Trường.

Theo quy định của Bộ Tư lệnh, tiểu khu biên phòng tổ chức trên vùng biên giới, trong địa bàn một hoặc hai huyện biên giới (có quan hệ với nhau về địa hình và đường giao thông). Tổ chức cơ bản của tiểu khu gồm có ban chỉ huy tiểu khu, tiểu khu bộ, các đồn biên phòng, các đại đội cơ động, về quan hệ lãnh đạo, chỉ huy, tiểu khu biên phòng được tổ chức thành một Đảng bộ cơ sở thống nhất, có ban chỉ huy tiểu khu là một cấp chỉ huy thống nhất, toàn diện, trực tiếp đối với các đơn vị thuộc quyền. Đảng ủy và Ban chỉ huy tiểu khu hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và sự chỉ huy của Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh. Để bộ máy tiểu khu được gọn nhẹ, tiểu khu chỉ tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ, chiến đấu. Một số công tác do Ban Chỉ huy tỉnh đảm nhiệm cho tiểu khu2. Trong quan hệ công tác, chiến đấu, các tiểu khu cần phải:

- Tranh thủ sự lãnh đạo của Huyện ủy, chính quyền huyện về các mặt công tác có liên quan đến địa phương.

- Dưới sự chỉ huy chung của Ban chỉ huy quân sự thống nhất về mặt tác chiến để hiệp đồng thống nhất với các lực lượng trong huyện.

- Quan hệ hiệp đồng chặt chẽ với Huyện đội và các đơn vị quân đội (về mặt quân sự), với Huyện Công an (về công tác an ninh).

Tình hình mới đặt ra yêu cầu cho toàn Đảng bộ và các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng phải khẩn trương, gấp rút chuẩn bị chiến đấu. Công việc khắc phục hậu quả chiến tranh hết sức bế bộn, nặng nề.
______________________________________
1. Công văn số 166/QĐ-BTL, ngày 13.4.1979.
2. Cụ thể, Ban chỉ huy tỉnh trực tiếp đảm nhiệm cho tiểu khu các việc sau: Quản lý, tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, huấn luyện tân binh, đào tạo cán bộ tiểu khu và cán bộ chuyên môn kỹ thuật để bổ sung cho tiểu khu. Thực hiện các chính sách chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ cho quân nhân chuyên nghệp, hạ sĩ quan và binh sĩ. Tổ chức xây dựng doanh trại cho các đơn vị thuộc tiểu khu và xây dựng công trình bố phòng lâu bền. Tổ chức vận chuyển bằng cơ giới vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng cho các đồn. Chỉ đạo thực hiện công tác tình báo, nâng cao đấu tranh chuyên án, gián điệp, tình báo.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 04:24:56 pm

Từ ngày 25-27.4.1979, Hội nghị Ban chấp hành Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã được tổ chức tại cơ quan tỉnh bộ nhằm kiểm điểm, đánh giá về sự lãnh đạo của Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới tháng 2.1979. Từ đó, có cơ sở để nhìn nhận, đánh giá những thành tích, thắng lợi, những nhược điểm tồn tại và đề ra được những giải pháp phù hợp với giai đoạn mới, phát huy khả năng của toàn Đảng bộ, đơn vị.

Về ưu điểm, thành tích, Hội nghị nhất trí đánh giá trong quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới quốc gia tháng 2.7979, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đạt được kết quả trên một số mặt công tác sau:

- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng chuẩn bị chiến đấu: Với nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ và chức năng, khả năng chiến đấu của đơn vị. Đảng bộ đã thường xuyên coi trọng việc tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; quán triệt đến mọi cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của lực lượng, của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhiệm vụ cụ thể của Đảng bộ và đơn vị.

Từ khi có Nghị quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, toàn Đảng bộ đã xác định rõ đối tượng của cách mạng Việt Nam, nhận rõ tình hình, âm mưu của bọn phản động quốc tế. Tập trung lãnh đạo toàn đơn vị chấp hành nghiêm mọi chỉ thị, nghị quyết của ngành công an, Bộ Tư lệnh, tích cực thực hiện các kế hoạch 278B, 778, Chỉ thị 35, các nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của ủy ban hành chính tỉnh. Đảng bộ cũng đã tổ chức học tập và thực hiện chỉ thị về cuộc vận động “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu” của các lực lượng vũ trang, tổ chức mừng công đón cờ luân lưu của Chủ tịch nước thưởng cho Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng năm 1978.

- Công tác tổ chức bảo đảm chiến đấu: Ngay sau khi chia lại tỉnh, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã nhanh chóng củng cố lại tổ chức Đảng. Bên cạnh đó, Đảng ủy đã thực hiện các biện pháp củng cố các tổ chức chỉ huy, bổ sung quân số, điều chỉnh tổ chức biên chế các đơn vị thành các trung đội, tiểu đội chiến đấu; điều chỉnh chất lượng, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ từ cơ quan đến cơ sở, đảm bảo hầu hết cán bộ chỉ huy các đơn vị đều có “bộ 4” (tham mưu, chính trị, trinh sát, hậu cần), Trong quá trình chiến đấu bảo vệ biên giới, Đảng ủy đã mạnh dạn giao nhiệm vụ, bổ nhiệm cán bộ thay thế... gồm 13 cán bộ tiểu đội, 30 cán bộ trung đội, 22 cán bộ đồn, đại đội.

Trong chiến đấu, “nhiều đảng viên, cán bộ luôn luôn nêu cao ý chí chiến đấu, phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, dũng cảm ngoan cường lãnh đạo quần chúng, chỉ huy đơn vị kiên quyết chiến đấu, lập thành tích xuất sắc. Tiêu biểu là đồng chí Bế Văn Sông lãnh đạo phân đội kiên cường giữ Trạm chốt Trà Lĩnh, chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh, đồng chí Nông Văn Vạn, chính trị viên đồn Tà Lùng, đại đội phó Đại đội 3 (c3)...”.

- Lãnh đạo thực hiện các biện pháp trước và trong quá trình chiến đấu: Trước chiến đấu, các đơn vị luôn tích cực tổ chức nắm tình hình địch, phát hiện được nhiều nguồn tin quan trọng về các lực lượng quân sự của nước ngoài áp sát biên giới ta. Khi chiến sự xảy ra, đơn vị đã chủ động vô hiệu hóa các cơ sở làm tay sai, chỉ điểm cho đối phương, loại trừ khả năng gây bạo loạn. Trong quá trình chiến đấu, các đơn vị đã bắt 84 đối tượng có biểu hiện làm tay sai cho đối phương.

Đối với nhân dân, đơn vị đã tích cực tuyên truyền, vận động, phát động quần chúng đẩy mạnh phong trào toàn dân “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phát triển tốt ở các xã vùng Lục Khu Hà Quảng và các xã biên giới huyện Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Quảng Hòa... góp phần làm cho nhân dân các dân tộc nâng cao cảnh giác đối với âm mưu thâm độc của kẻ thù (độc lập của chúng); tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; củng cố chính trị, xây dựng dân quân, công an xã, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu... Nhờ đó, trong quá trình chiến đấu, đối phương tuyên truyền, xuyên tạc, lừa bịp, đốt phá làng bản, giết hại nhiều người, nhưng đồng bào các dân tộc biên giới Cao Bằng vẫn vững vàng, không mắc mưu, một lòng tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, không một nơi nào xảy ra bạo loạn, chống lại sự nghiệp bảo vệ biên giới. Dân quân các xã biên giới, nhất là các xã Đình Phong, Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh), Cách Linh, Thị Hoa, Thái Đức (huyện Quảng Hòa)1... đều ngoan cường chiến đấu bảo vệ bản làng quê hương, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.

- Đối với công tác hậu cần, Đảng ủy đã lãnh đạo sâu sát, cụ thể, giúp các đơn vị xây dựng được các kế hoạch, quyết tâm lớn trong chuẩn bị lực lượng dự phòng, kho tàng, hậu cứ... Nhờ đó, ngay khi đối phương phát động cuộc tấn công xâm lược quy mô lớn trên toàn tuyến biên giới (ngày 17.2.1979), tất cả các đồn, trạm, đại đội cơ động đều kịp thời chủ động tổ chức đánh trả quyết liệt, thực hiện tốt quyết tâm “Nổ súng ngay từ phút đầu, ngay trên tuyến đầu, tiêu diệt tiêu hao đối phương ngay từ trận đầu”.

- Vai trò chỉ đạo của Thường vụ Đảng ủy và chỉ huy trong quá trình chiến đấu: mặc dù giữa tỉnh và các đơn vị cơ sở bị chia cắt, mất liên lạc, nhưng ngay khi vừa di chuyển đến hậu cứ, Thường vụ Đảng ủy và chỉ huy tỉnh đã thường xuyên hội ý, thống nhất chủ trương chỉ đạo, chỉ huy các đơn vị, quyết tâm vận dụng nhiều biện pháp, tổ chức các tổ trinh sát, phân đội cơ động, tìm đường, luồn rừng vào Tổng Cọt, Trà Lĩnh, Trùng Khánh, khu hậu cứ Minh Tâm, thị xã Cao Bằng.... để bắt liên lạc, truyền đạt chủ trương chiến đấu cho các đơn vị, nắm tình hình và báo cáo về tỉnh để chỉ đạo, chỉ huy. Công tác động viên chính trị - tư tưởng luôn được Thường vụ Đảng ủy - chỉ huy tỉnh quan tâm. Trong điều kiện mất liên lạc, Thường vụ và Chỉ huy tỉnh đã bằng mọi cách theo dõi, nắm tình hình chiến đấu của các đơn vị, kịp thời đề nghị khen thưởng, tuyên truyền, biểu dương trên đài phát thanh, báo chí, động viên cán bộ, chiến sỹ đang chiến đấu (ngay đợt đầu đã đề nghị trên xét tặng thưởng Huân chương cho Đồn Tà Lùng và d19); tích cực tổ chức thăm hỏi thương binh, giải quyết tử sĩ và thực hiện các chính sách trong chiến đấu cho cán bộ, chiến sỹ.
______________________________________
1. Xã Cách Linh nay thuộc huyện Phục Hòa, các xã Thị Hoa, Thái Đức nay thuộc huyện Hạ Lang


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 04:25:45 pm

Bên cạnh những thành tích, chiến công là cơ bản. Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thống nhất đánh giá qua thực tế chiến đấu tháng 2.1979, đơn vị cũng đã bộc lộ một số khuyết điểm, tồn tại:

- Nhận thức về đối tượng đấu tranh bảo vệ biên giới trong một số đảng viên, cán bộ, chiến sỹ chưa đầy đủ, chưa thấy hết bản chất, âm mưu nguy hiểm của đối phương.

- Vai trò lãnh đạo của chi ủy, chi bộ, tổ chức Đảng trong chiến đấu chưa được giữ vững, phát huy liên tục, chưa thể hiện rõ.

- Đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp qua chiến đấu bộc lộ yếu kém ở sự lúng túng, khó khăn khi thực hiện vai trò người chỉ huy. Sau chiến đấu, vai trò người chỉ huy chưa phát huy cao nên giải quyết hậu quả chiến tranh chậm. Việc báo công, bình công, báo cáo thành tích không chính xác, đề nghị xét khen thưởng chậm, không phát huy kịp thời mặt tích cực. Việc theo dõi nắm nguồn cán bộ từ hạ sĩ quan chiến đấu dũng cảm, có triển vọng phát triển không chắc, hạn chế việc tăng cường đội ngũ cán bộ cả về số lượng và chất lượng.

- Cơ chế chỉ huy, chỉ đạo đối với các đơn vị Công an nhân dân vũ trang có những vướng mắc, hạn chế khả năng, hiệu quả chiến đấu. Phương tiện thông tin liên lạc, vận tải đều rất thiếu. Ngay ngày đầu chiến đấu, chỉ huy tỉnh đã mất liên lạc với các đồn Bó Gai, Tà Lùng, Sóc Giang, Nặm Nhũng, Tổng Cọt, Trà Lĩnh và cả 3 đại đội cơ động. Tỉnh chỉ còn liên lạc được với 3 đơn vị Đàm Thủy, Cốc Pàng, Nặm Quét là những đơn vị chưa bị địch tấn công.

Qua thực tế chiến đấu và trên cơ sở đánh giá các mặt ưu khuyết điểm của toàn Đảng bộ, đơn vị, Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng bước đầu rút ra bốn bài học kinh nghiệm như sau:

- Các đơn vị một khi chuẩn bị chiến đấu tốt, tích cực, kiên quyết tấn công và tổ chức tốt các điểm chốt chặn, đánh mạnh vào các mũi vu hồi sẽ tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực đối phương, hạn chế được thương vong và bảo tồn được lực lượng ta, làm chậm bước tiến công của đối phương ở biên giới.

- Luôn luôn giữ vững vai trò tổ chức lãnh đạo, tổ chức chỉ huy; đảng viên, cán bộ, nhất là cán bộ chỉ huy luôn luôn có mặt ở mũi chủ yếu, phát huy được vai trò của người chỉ huy là nhân tố hết sức quan trọng đảm bảo cho các đơn vị lập công xuất sắc.

- Phải nắm vững chức năng, khả năng và phương châm chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân vũ trang thì khi bung ra khỏi đồn vẫn giữ vững tổ chức đơn vị, tiếp tục chủ động tấn công, phát huy hiệu quả chiến đấu.

- Tổ chức được nhiều điểm, nhiều căn cứ cất giấu vũ khí, lương thực, đạn dược dự phòng, đồng thời tổ chức quản lý, bảo quản chặt chẽ lượng dự phòng và thực hiện phương châm hậu cần gọn nhẹ trên vai người chiến sỹ thì mới đảm bảo hậu cần cho đơn vị đủ sức chiến đấu dài ngày, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng thống nhất đánh giá: “Trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược bảo vệ biên giới tháng 2.1979, mặc dù có nhiều khó khăn và còn những mặt hạn chế nhưng xét về toàn cục, Đảng bộ và đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng đã thực hiện được chủ trương quyết tâm “đánh địch ngay từ ngày đầu, tiêu diệt địch ngay từ tuyến đầu”. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, cơ động, linh hoạt; khắc phục mọi gian khổ, khó khăn, đoàn kết nội bộ, giữ vững kỷ luật, kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Thành tích đạt được là to lớn, đáng phấn khởi, được các cấp ủy Đảng và nhân dân các dân tộc địa phương tin tưởng, thương yêu”.

Trên cơ sở đó, Ban chấp hành Đảng bộ xác định quyết tâm lãnh đạo toàn Đảng bộ, đơn vị Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tập trung hoàn thành các công tác cấp bách của giai đoạn tiếp theo là “tích cực xây dựng, củng cố đơn vị về mọi mặt, tổ chức sẵn sàng chiến đấu, kiêm tra đánh giá tình hình địa bàn, đường biên cột mốc; phát hiện nắm chắc mọi hoạt động của địch, diệt thám báo, diệt tàn quân ngoan cố chống phá ta, giải quyết mọi hậu quả chiến tranh của đơn vị và địa bàn được phân công phụ trách".


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 04:27:28 pm

Thực hiện chỉ thị của Bộ Tư lệnh và Tỉnh ủy, các cấp đơn vị đồn, trạm biên phòng trong toàn tỉnh đã tích cực khẩn trương thực hiện các mặt công tác sau khi địch rút quân. Đến cuối tháng 4.1979, các cấp đơn vị Công an nhân dân vũ trang trong toàn tỉnh đã hoàn toàn ở vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tại cơ quan Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, các ban tham mưu, chính trị, trinh sát, hậu cần đều xây dựng xong các kế hoạch phối hợp, hiệp đồng giữa các ban, bộ phận nhằm thực hiện kế hoạch chung của tỉnh. Các đơn vị, đồn, trạm biên phòng đều bổ sung xong các phương án chiến đấu bảo vệ đồn, phương án hiệp đồng chiến đấu trong các cụm pháo đài quân sự huyện1; sắp xếp lại lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên từng địa bàn.

Các đồn biên phòng đã cùng cấp ủy, chính quyền 35 xã biên giới nghiên cứu, điều chỉnh lại kế hoạch, phương án bảo vệ, di chuyển nhân dân ra khỏi khu vực có chiến sự khi có chiến tranh và cùng địa phương tổ chức 84 lần tập dượt các phương án đó. Thế trận liên hoàn giữa đồn với xã và cụm chiến đấu khẩn trương được xây dựng, củng cố lại, sẵn sàng ứng chiến bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Các đơn vị, bộ phận luôn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Cùng với việc thực hiện các mặt bố phòng, công tác huấn luyện chiến đấu sau tháng 2.1979 được trên chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng thay đổi chương trình phù hợp với đối tượng và cách đánh ở địa bàn rừng núi biên giới.

Ngày 7. 5.1979, Tỉnh ủy Cao Bằng ra Nghị quyết số 3-NQ/CB về tình hình và nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh. Nghị quyết đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách trước mắt để đảm bảo cho chiến đấu, sản xuất và đời sống.

1 - Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, không ngừng phát huy ý chí chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược.

2 - Khẩn trương củng cố và xây dựng các lực lượng vũ trang vững về tư tưởng, mạnh về tổ chức, xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc.

3 - Tăng cường công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bất cứ tình huống nào cũng không để xảy ra bạo loạn.

4 - Tích cực đẩy mạnh sản xuất vụ mùa và đảm bảo giao thông vận tải thông suốt phải trở thành nhiệm vụ trung tâm trước mắt.

5 - Công tác thông tin liên lạc, bưu điện và hoạt động văn hóa giáo dục, y tế, xã hội v.v...

6 - Tích cực chăm lo giải quyết tốt đời sống của cán bộ, bộ đội, công nhân viên và nhân dân các dân tộc.

Từ trung tuần tháng 4.1979, tại các khu vực đối diện với các đồn biên phòng Tà Lùng, Bí Hà, Lý Vạn, Đàm Thủy, Pò Peo, Trà Lĩnh, Sóc Giang, Bó Gai, Xuân Trường, Nặm Quét, Cốc Pàng, đối phương liên tục nổ mìn làm đường, đào hầm hào, công sự, xây dựng các trận địa pháo, cho hướng nòng pháo về phía ta. Nhiều đồn biên phòng của ta phát hiện đối phương cho nhiều xe vận tải chở lính, chuyển hàng, kéo pháo vào các trận địa và khu vực sát biên giới.

Tại nhiều khu vực giáp biên giới, đối phương gấp rút xây dựng các trận địa kiên cố trên các điểm cao, không chế cả một khu vực rộng lớn ở Pò Púng, Thạch Long, đồi Chông Mu. Đồng thời, họ cho quân đóng các điểm chốt áp sát biên giới, rải rác từ mốc 67 - 72 (Đồn Pò Peo, sau gọi là Đồn Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh) và chốt giữ tại các điểm: Phja Un - cao điểm 856 ở khoảng giữa mốc 95 - 96 (Đồn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh); Cáy Tắc, mốc 107 xã Kéo Yên (Đồn Nặm Nhũng, huyện Hà Quảng); Pò Cốc Lùng, đoạn giữa mốc 115 - 117 (Đồn Sóc Giang, sau gọi là đồn Sóc Hà, huyện Hà Quảng); điểm cao 800 – đối diện đoạn mốc 117 - 118 (Đồn Bó Gai, sau gọi là Đồn Cần Yên, huyện Thông Nông); điểm cao 1000 - đối diện mốc 129 (Đồn Nặm Quét, sau gọi là Đồn Cô Ba, huyện Bảo Lạc) và nhiều điểm cao khác trên đoạn biên giới từ mốc 132 - 136 (Đồn Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc). Đồng thời, cho quân vào đóng chốt thêm các điểm mới trong đất ta ở Pò Pài Luông; Lũng Páu (xã Minh Long, huyện Hạ Lang)...
_______________________________________
1. Pháo đài quân sự huyện - Chủ trương của Bộ Quốc phòng về xây dựng đơn vị cơ sở để thực hiện chiến lược quốc phòng toàn dân và tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương bao gồm hệ thống làng (bản, ấp, phum, sóc...) xã (phường, nông trường, lâm trường...) chiến đấu, cụm chiến đấu liên hoàn, được xây dựng phù hợp với cơ cấu kinh tế của huyện. Pháo đài quân sự huyện phải phù hợp với lực lượng vũ trang và cơ sở chính trị vững mạnh, có tổ chức phòng thủ sẵn sàng và ngày càng củng cố, có cơ sở vật chất - kỹ thuật ngày càng phát triển, có khả năng đánh địch toàn diện, đủ sức độc lập tác chiến hoặc phối hợp với bộ đội chủ lực bảo vệ vững chắc địa phương trong mọi tình huống chiến tranh. Công an nhân dân vũ trang tham gia, ứng dụng chủ trương này từ năm 1979.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 04:28:27 pm

Cùng với việc tiếp tục tăng cường, đưa lực lượng quân sự ra áp sát biên giới, đối phương dùng loa phát thanh công suất mạnh hướng sang các huyện giáp biên của ta như Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hà Quảng... phát nhiều nội dung xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Mặt khác từ tháng 4.1979, các đồn biên phòng và Ban chỉ huy quân sự một số huyện biên giới phát hiện đối phương tung gián điệp, thám báo vào các vùng xung yếu của ta ở các huyện Hà Quảng, Trùng Khánh, Bảo Lạc để hoạt động. Có nơi như ở xã Sĩ Hai, huyện Hà Quảng, họ cho cả toán 40 - 50 lính trang bị vũ khí AK, CKC xâm nhập vào trong biên giới ta. 17 giờ ngày 23.4.1979, một toán gồm 30 người mặc quân phục và thường phục vượt qua khu vực mốc 120 - 121 xâm nhập vào xóm Lũng Suôn, xã Cần Yên, huyện Thông Nông bắt ông Triệu Văn Sám, 52 tuổi là công an viên, ủy viên Hội đồng nhân dân xã đưa sang Trung Quốc khi ông đang ốm nặng, nằm tại gia đình.

Ngày 25.4.1979, tại các điểm cao trên biên giới đối phương dùng súng bộ binh bắn vào nhiều làng bản của ta ở các huyện Hà Quảng (địa bàn Tổng Cọt, 1 vụ), Trùng Khánh (địa bàn Đàm Thủy, 2 vụ; Ngọc Khê, 1 vụ...).

8 giờ 30 phút ngày 25.4 ở xã Đàm Thủy, 9 lính của đối phương bắn nhiều loạt AK qua biên giới làm anh Nông Văn Rư, dân quân xóm Lũng Niếc bị trọng thương. Cùng ngày 25.4, 24 lính và dân binh của đối phương vượt qua biên giới đoạn giữa mốc 117 - 118 ở xã Cần Yên lùa bắt trâu bò của dân tại xóm Phja Bủng.

Đầu tháng 5.1979, đối phương tiếp tục cho xe chuyển lính, hàng quân sự, kéo pháo vào sát biên giới ở các khu vực đối diện với địa bàn các đồn biên phòng Tà Lùng, Bí Hà, Lý Vạn, Trà Lĩnh, Sóc Giang, Bó Gai, Xuân Trường, Nặm Quét. Ngày 2.5, đối phương cho khoảng 2 tiểu đoàn bộ binh và công binh đào đắp công sự trong đất của ta tại khu vực Phja Un - nằm giữa mốc 94 - 95 (huyện Trà Lĩnh). Ngày 3.5, Đồn Biên phòng Cô Ba, huyện Bảo Lạc phát hiện đối phương cho 9 xe tải chở đá, xi măng lên điểm chốt, đối diện mốc 128 và khoảng 1 đại đội bộ binh tập kết sát mốc 129. Cùng ngày, Đồn Biên phòng Tà Lùng phát hiện ở khù vực Thủy Khẩu - cửa khẩu đối diện với đồn, lính của đối phương tập trung với số lượng lớn. Suốt ngày hôm đó, 38 lần chiếc xe tải quân sự bịt kín chạy từ Long Châu ra Thủy Khẩu...

Đến cuối tháng 5.1979, đối phương đã hoàn thành các trận địa quan trọng ở sát đường biên giới giữa hai nước, hoặc trong biên giới ta, đưa quân đến chốt giữ, khống chế gần như toàn bộ tuyến biên giới quốc gia ở tỉnh Cao Bằng. Các khu vực đối phương tập trung quân đông và tổ chức trận địa, hầm hào, công sự là:

- Bát Giác Sơn, Pò Púng - địa bàn Đồn Biên phòng Tà Lùng.

- Pò Đoỏng Lầu, lô cốt cũ của Tưởng - địa bàn Đồn Biên phòng Bí Hà

- Đồi Chông Mu, các cao điểm từ mốc 67 - 74, địa bàn Đồn Biên phòng Pò Peo.

- Lô cốt cũ của Tưởng ở Phja Mấu, mốc 53 - 54, Đồn Biên phòng Đàm Thủy.

- Cao điểm 856 Phja Un, giữa mốc 94 - 95, Đồn Biên phòng Trà Lĩnh.

- Cao điểm ở giữa mốc 114 - 115, đối diện Đồn Biên phòng Sóc Giang.

- Cao điểm đối diện mốc 128 - Đồn Biên phòng Nặm Quét.

- Cao điểm đối diện các mốc 132 - 136, đối diện Đồn Biên phòng Cốc Pàng.

Trong các tháng 6, 7, 8.1979, đối phương vẫn tiếp tục duy trì và đẩy cao cường độ hoạt động phá hoại, tấn công ta. Tình hình đó tiếp tục đặt đất nước ta trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh biên giới mới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia đứng trước nhiều yêu cầu mới, phải bố trí lại thế chiến lược và tổ chức, xây dựng lực lượng nòng cốt chuyên trách bảo vệ biên giới trong thế trận chung của cả nước, đủ sức sẵn sàng đối phó hiệu quả với mọi tình huống, kể cả chiến tranh xâm lược quy mô lớn.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 04:31:21 pm

Ngày 10.9.1979, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XII1 để kiểm điểm công tác lãnh đạo từ đầu năm 1979 đến tháng 8.1979 và đề ra phương hướng lãnh đạo giai đoạn từ tháng 8.1979 - 8.1981. Đại hội bầu ra Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, gồm 17 đồng chí. Trong đó, Ban Thường vụ có 5 đồng chí: Nông Đức Hiếu, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy; La Văn Cừu, Chỉ huy trưởng, Phó bí thư phụ trách quân sự; Đinh Ngọc Tuy, Phó Bí thư phụ trách tổ chức Đảng; Vy Ngọc Ích, ủy viên thường vụ phụ trách tham mưu và hậu cần; Nguyễn Hoàng Sơn, ủy viên thường vụ phụ trách công tác kiểm tra và 12 đồng chí ủy viên Ban chấp hành.

Trước tình hình thực tế trên biên giới tiếp tục căng thẳng và để thống nhất lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang, tăng cường sức mạnh chiến đấu, đồng thời phát huy sở trường của các lực lượng nhằm góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, ngày 10.10.1979, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 22/NQ-TW “về việc chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng Công an nhân dân vũ trang sang Bộ Quốc phòng”.

Ngày 22.10.1979, Bộ Nội vụ ra Chỉ thị số 36/BNV về triển khai công tác chuyển giao và ngày 24.10.1979, Bộ Tư lệnh xây dựng Kế hoạch số 77/KH-BTL chỉ đạo các đơn vị Công an nhân dân vũ trang cả nước tiến hành các bước chuyển giao sang Bộ Quốc phòng.

Ngày 8.11.1979, Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ mở rộng quán triệt và bàn kế hoạch lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Hội nghị đánh giá ở thời điểm có chủ trương chuyển giao lực lượng, tình hình nội bộ Đảng bộ, đơn vị đang nảy sinh nhiều khía cạnh tư tưởng khác nhau. Nhiều cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên cho rằng trong thời gian chưa đầy 3 năm (năm 1976 - 1979), Đảng bộ và đơn vị phải trải qua 3 lần xáo trộn về tổ chức là quá nhiều: lần nhập tỉnh, thành lập Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng (tháng 12.1976), lần tách tỉnh, tái lập Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng (tháng 12.1978) và lần chuyển từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng theo Nghị quyết 22. Thực tế đó làm ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ, công tác của cán bộ, chiến sỹ.

Tình hình phổ biến trong tháng 10.1979 là số cán bộ ở lứa 45 - 47 trở lên muốn đề đạt nguyện vọng xin được tổ chức cho giải quyết nghỉ chính sách. Số cán bộ sắp đến niên hạn được thăng cấp, đề bạt, băn khoăn lo chuyển sang cơ cấu tổ chức mới không được quan tâm, bị thiệt thòi. Số chiến sỹ trẻ lo lắng thay đổi tổ chức sẽ không còn được tiếp tục chăm sóc quyền lợi; điều kiện được bồi dưỡng học tập sẽ bị gián đoạn, lực lượng biên phòng sẽ bị xem nhẹ...

Hội nghị đánh giá sâu sắc tình hình tư tưởng chung và coi đây là khâu trọng tâm hàng đầu phải tập trung tháo gỡ, tạo tiền đề để làm chuyển biến đơn vị, thống nhất nhận thức, phấn khởi tin tưởng trước chủ trương của Trung ương Đảng. Hội nghị thống nhất ra Nghị quyết số 83/NQ-ĐU, lãnh đạo toàn Đảng bộ, đơn vị Công an nhân dân vũ trang trong tỉnh quyết tâm thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Bộ Chính trị, xác định: phải tăng cường giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, làm cho mọi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên, trước hết là cấp ủy Đảng và cán bộ chủ trì các cấp quán triệt sâu sắc và nhất trí cao, nghiêm chỉnh chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, đoàn kết nhất trí, phấn khởi, tăng cường được sức mạnh chiến đấu, phục tùng sự phân công của tổ chức, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt, tuyệt đối tránh mọi sơ hở, không để ảnh hưởng nhiệm vụ trong quá trình chuyển giao. Đối với công tác cán bộ, quân số, nghị quyết ghi rõ: “Quản lý chặt chẽ quân số cán bộ, chiến sỹ. Mọi việc điều động các thành phần phải chấp hành nghiêm quy định của Bộ Tư lệnh. Tuyệt đối không được nhân lúc này mà giải quyết cho chuyển ngành, phục viên, xuất ngũ, điều động làm xáo trộn tổ chức. Thực hiện đúng quy định của Bộ Chính trị và Ban tổ chức Trung ương. Trong lúc chờ quyết định chuyển tổ chức của trên, không thay đổi cán bộ chỉ huy, không điều động cán bộ về cơ quan bộ”.

Ngày 19.12.1979, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1148/QP xác định Bộ đội Biên phòng là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện công tác biên phòng của các lực lượng vũ trang nhân dân. Theo quyết định này, Bộ đội Biên phòng được giao 4 nhiệm vụ cơ bản là:

“1. Quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn an ninh biên giới và vùng biển của Tổ quốc.

2. Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu hiệp đồng với các lực lượng khác, cùng với toàn dân đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù.

3. Tham gia với địa phương phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng cơ sở chính trị và vũ trang, truy bắt bọn tội phạm, trấn áp bọn phản động, kịp thời phát hiện và dập tắt các cuộc bạo loạn, giữ an ninh chính trị, trật tự khu vực biên giới.

4. Tích cực sản xuất lương thực, thực phẩm, xây dựng kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ khác mà Bộ Quốc phòng giao cho.
______________________________________
1. Sau Đại hội đại biểu Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng lần thứ V (tháng 5.1969), các Đại hội từ lần thứ VI đến X đều chưa sưu tầm được hồ sơ, tài liệu. Đại hội lần thứ XI là Đại hội đại biểu Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng lần thứ nhất (tháng 3.1976). Đại hội lần thứ XII chỉ mới tìm được báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ, chưa có tài liệu về phần phương hướng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 04:33:21 pm

Thực hiện chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh và Nghị quyết số 85/ĐU của Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng, từ trung tuần tháng 11.1979, Ban chỉ huy tỉnh chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng Kế hoạch 126/KH-BCH, ngày 12.11.1979, chuẩn bị phục vụ công tác chuyển giao và chỉ thị cho các đồn, trạm, đơn vị thực hiện đúng theo nghị quyết của Đảng ủy Biên phòng tỉnh, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới quốc gia trong mọi tình huống.

Tháng 12.1979, Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng triệu tập Hội nghị quân chính để quán triệt cho cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp về Nghị quyết của Bộ Chính trị và nhiệm vụ tổ chức chấp hành thực hiện Nghị quyết. Từ ngày 27-29.1.1980, Đảng ủy - Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang và Đảng ủy - Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng tổ chức họp bàn thống nhất chương trình thực hiện kế hoạch chuyển giao.

Sáng ngày 7.2.1980, tại cơ quan Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng ở thị xã Cao Bằng, lễ bàn giao chính thức được tổ chức giữa Công an nhân dân vũ trang tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng. Theo đó, từ tháng 3.1980, lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng chuyển tổ chức, nhiệm vụ thành Bộ đội Biên phòng. Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng giải thể và tổ chức lại thành Phòng Biên phòng, trực thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng. Phòng Biên phòng gồm 3 ban và 1 tiểu ban: Tác chiến, Trinh sát, Xây dựng đảm bảo và tiểu ban Hành chính. Đồng chí Đinh Ngọc Tuy, quyền Chỉ huy trưởng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng được bổ nhiệm làm Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phụ trách công tác biên phòng, đồng thời là Trưởng phòng Biên phòng. Hai đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn và Nông Văn Tạo được giao nhiệm vụ làm Phó phòng Biên phòng.

Về tổ chức Đảng, ngày 12.4.1980, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng ra Nghị quyết số 46/NQ.TC.CB “về việc thành lập Đảng ủy mới”. Tỉnh ủy “chuẩn y cho Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng được thành lập Đảng ủy Phòng Biên phòng gồm có 32 đảng viên chính thức và 5 đảng viên dự bị, chia thành 4 chi bộ: chi bộ Tác chiến, 12 đảng viên; chi bộ Tổ chức xây dựng, 6 đảng viên; chi bộ Trinh sát, 13 đảng viên; chi bộ Hành chính, 6 đảng viên.

Tại các huyện giáp biên giới, từ tháng 3.1980, các ban biên phòng huyện cũng được triển khai tổ chức. Nhưng lúc này các Ban biên phòng huyện chưa đủ sức lãnh đạo, chỉ đạo, nên mọi mặt công tác, hoạt động, nhất là mặt nghiệp vụ biên phòng của các đồn biên phòng vẫn do Phòng Biên phòng tỉnh trực tiếp theo dõi, chỉ đạo.

Cuối tháng 3.1980, theo kế hoạch thống nhất với Phòng Biên phòng Cao Bằng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh thành lập các đoàn đi kiểm tra các đồn biên phòng Tà Lùng, Lý Vạn (sau gọi là đồn Lý Quốc), Pò Peo (sau gọi là đồn Ngọc Khê), Sóc Giang (sau gọi là đồn Sóc Hà), Cốc Pàng... và 3 đại đội cơ động biên phòng: Đại đội 11 (tức Đại đội 3 cũ) thuộc Tiểu khu biên phòng Trùng Khánh, Đại đội 13 (tức Đại đội 1 cũ) thuộc Tiểu khu biên phòng Hà Quảng và Đại đội 15 (tức Đại đội 5 cũ) thuộc Tiểu khu biên phòng Bảo Lạc. Các đoàn kiểm tra đã tập trung xem xét, nghiên cứu nhiều về trang bị vũ khí và khả năng chiến đấu vũ trang của các đơn vị. Căn cứ vào báo cáo đề xuất của các đoàn kiểm tra, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã bổ sung thêm cho các đồn biên phòng một số vũ khí, hợp với trang bị chiến đấu của các đơn vị bộ binh như súng cối 82mm nên có tác dụng tăng cường khả năng chiến đấu của các đồn biên phòng.

Đồng thời, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng giải thể 2 tiểu khu biên phòng Trùng Khánh và Hà Quảng. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng thành lập Tiểu đoàn 1 cơ động biên phòng, đóng tại xã Quang Long, huyện Hạ Lang; giải thể Tiểu đoàn 19 làm nhiệm vụ khung huấn luyện chiến sỹ mới.

Nguồn bổ sung quân số cho Bộ đội Biên phòng Cao Bằng từ tháng 4.1980 là những chiến sỹ vừa qua huấn luyện và rút ra từ một số đơn vị của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Tình hình đó làm cho chất lượng của các đồn biên phòng trở nên không đồng đều. Các biện pháp công tác biên phòng chưa được chú ý đúng mức, nhất là công tác vận động quần chúng. Các mặt công tác xây dựng phòng tuyến nhân dân bảo vệ trật tự an ninh xã hội khu vực biên giới, công tác nghiệp vụ xây dựng mạng lưới cơ sở bí mật đấu tranh với các loại đối tượng hoạt động ẩn nấp chống phá cách mạng ở địa phương giảm tần suất và chất lượng hoạt động. Các đơn vị biên phòng với đặc điểm chiến đấu bằng các phân đội nhỏ, phân tán trên diện rộng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng mang 3 tính chất an ninh, quốc phòng, đối ngoại ở thời kỳ này gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Trên toàn tuyến biên giới quốc gia ở phạm vi tỉnh Cao Bằng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh bố trí đội hình 14 đồn biên phòng: Cốc Pàng, Nặm Quét (sau gọi là Đồn Cô Ba) và Xuân Trường ở huyện Bảo Lạc, Bó Gai (sau gọi là Đồn Cần Yên) ở huyện Thông Nông, Sóc Giang (sau gọi là Đồn Sóc Hà), Đồn Nặm Nhũng và Đồn Tổng Cọt ở huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh (sau gọi là Đồn Hùng Quốc) ở huyện Trà Lĩnh, Ngọc Chung, Pò Peo (sau gọi là Đồn Ngọc Khê) và Đàm Thủy ở huyện Trùng Khánh, Lý Vạn (sau gọi là Đồn Lý Quốc) và Bí Hà (sau gọi là Đồn Thị Hoa) ở huyện Hạ Lang, Tà Lùng ở huyện Quảng Hòa1.
_______________________________________
1. Ngày 13.12.2001, huyện Quảng Hòa được chia thành hai huyện Phục Hòa và Quảng Uyên (Nghị định của Chính phủ, số 96/2001 /NĐ-CP). Đồn Biên phòng Tà Lùng thuộc huyện Phục Hòa.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 25 Tháng Năm, 2023, 04:35:14 pm

So với năm 1979, sự thay đổi của năm 1980 trong bố trí các đồn biên phòng Cao Bằng nằm trong kế hoạch phòng thủ biên giới và trong thời gian Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh triển khai xây dựng pháo đài quân sự huyện, được phân chia theo địa bàn huyện do một đơn vị chủ lực đảm nhiệm, đặt dưới quyền chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự thống nhất. Trên từng địa bàn các huyện, kể cả huyện biên giới, trong khu vực biên giới, các đồn biên phòng Cao Bằng hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch phòng thủ chiến đấu của từng Huyện đội. Kế hoạch này được xây dựng theo các chỉ lệnh của Bộ Tư lệnh của Quân khu 1.

Để phục vụ yêu cầu chiến đấu và tùy theo từng vị trí trọng yếu, quân số biên chế của các đồn biên phòng được quyết định theo việc phân loại đồn. Thời gian này, Bộ Tư lệnh Quân khu cho Cao Bằng cơ cấu thành hai loại đồn cấp 1 và đồn cấp 2. Quân số mỗi đồn có thể nhiều hay ít, nhưng các đồn biên phòng đều thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu vũ trang, được trang bị như một đại đội bộ binh.

“Từ năm 1980, ở Cao Bằng ngoài lực lượng vũ trang địa phương, còn có lực lượng chủ lực quân khu (Binh đoàn Pác Bó). Ở các cửa khẩu chính, các đồn biên phòng đã được tăng cường lực lượng, các xã (huyện biên giới) từ trung đội phát triển thành đại đội tập trung, ở Trùng Khánh thành lập tiểu đoàn, cấp tỉnh từ tiểu đoàn bộ binh phát triển thành trung đoàn bộ binh”1.

Tuy nhiên, các đồn biên phòng thực hiện việc chuyển giao vào thời gian sau chiến tranh biên giới nên gặp nhiều khó khăn trong việc củng cố cơ sở đồn, trạm, xây dựng củng cố hầm hào công sự. Khó khăn lớn nhất là khan hiếm vật liệu xâv dựng cho sửa chữa, xây dựng doanh trại. Đặc biệt, khó khăn nhất là các đồn miền núi trong mùa đông gió rét. Việc đảm bảo tiếp tế hậu cần, trước hết là lương thực có thời điểm không thực hiện kịp. Cán bộ, chiến sỹ phải dựa vào dân đế đảm bảo đời sống, sẵn sàng chiến đấu.

Công tác lãnh đạo, xây dựng và củng cố nội bộ đơn vị đứng trước nhiều vấn đề đáng quan tâm. Hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ huy lúc này thấp. Đảng ủy Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng vừa giải thể. Trên điều động cán bộ trong Ban chỉ huy về nhiều đơn vị khác nhau. Việc lãnh đạo, chỉ huy tập thể tạm thời không được duy trì. Công tác quản lý bộ đội bị lơi lỏng. Một số cán bộ, chiến sỹ tư tưởng còn chưa thật thông suốt khi phải chấp hành chuyển sang công tác trong cơ cấu tổ chức mới. “Tình hình vi phạm kỷ luật diễn ra phức tạp, ở mức báo động. Một bộ phận cán bộ, chiến sỹ thoái hóa biến chất, sa ngã, bị tác động của lối sống tự do, yếu kém về kỷ luật, sa vào rượu chè, không làm chủ được bản thân, gây ra những vụ việc nghiêm trọng, gây gổ đánh nhau gây tổn thất về tính mạng của dân và đồng đội, nổ súng đánh nhau với đơn vị bạn. Từ năm 1981, đã có vụ phải đưa ra xét xử trước pháp luật. Nhiều vụ phải xử lý kỷ luật nội bộ, phải đào thải một số sĩ quan, chiến sỹ. Công tác phòng ngừa, giáo dục yếu. Tỷ lệ vi phạm kỷ luật ở mức cao (trên 3%...)”2.

Tình hình trên đây làm cho Bộ đội Biên phòng Cao Bằng phải đấu tranh, chấn chỉnh mới hạn chế được các mặt tiêu cực. Các đơn vị biên phòng độc lập nhỏ lẻ trong tỉnh thời gian này được trên tổ chức, sắp xếp, bố trí lại, xen kẽ trong đội hình chung của bộ đội chủ lực. Từ đặc điểm công tác, hoạt động bằng các phân đội nhỏ lẻ, phân tán cao, quen kết hợp 5 biện pháp công tác biên phòng, chuyển sang hoạt động của đơn vị chiến đấu vũ trang đã phát sinh nhiều va chạm, bất đồng về nhận thức tư tưởng, ảnh hưởng đến đoàn kết thống nhất...

Từ năm 1980 đến đầu năm 1981, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, trực tiếp là các đơn vị, đồn, trạm biên phòng gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc triển khai công tác nghiệp vụ biên phòng. Mở đầu mỗi năm, Bộ Tư lệnh Quân khu đều ra chỉ lệnh về công tác biên phòng. Các hoạt động của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy thống nhất của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh. Ban Chỉ huy quân sự huyện. Điều đó ảnh hưởng đến việc giải quyết mối quan hệ giữa 3 tính chất an ninh - quốc phòng – đối ngoại, trong chỉ đạo, chỉ huy bộ đội thực hiện các nhiệm vụ cơ bản bảo vệ biên giới quốc gia. Cơ quan chỉ đạo biên phòng cấp tỉnh và huyện chưa thống nhất nhận thức về chỉ đạo bộ đội thực hiện các biện pháp nghiệp vụ biên phòng bảo vệ biên giới quốc gia. Công tác chính trị tư tưong, đảm bảo quân số, hậu cần đều thiếu cả về bộ máy, năng lực.

Trong khi đó, tình hình tuyến biên giới phía Bắc nước ta, trong đó có Cao Bằng thường xuyên diễn biến phức tạp và căng thẳng. Thời gian này phía Trung Quốc thực hiện phương thức “hữu nghị tràn ngập”, biến vật chất thành một thứ vũ khí tiến hành chiến tranh phá hoại nhiều mặt đối với nước ta. Trước hết là trên phương diện phá hoại, lũng đoạn kinh tế, kết hợp với chiến tranh tâm lý trực tiếp ở vùng biên. Đồng thời, họ kết hợp với tuyên truyền, xâm nhập nội bộ, phá hoại ta về chính trị, văn hóa, xã hội. Khi có thời cơ, Trung Quốc tiến hành khiêu khích vũ trang, tiến công quân sự... Trung Quốc phát huy cao độ tác dụng của “vũ khí tiền, hàng”, triệt để lợi dụng khó khăn trong đời sống của người dân biên giới sau chiến sự tháng 2.1979 để tiếp tục chống phá ta. Họ ra sức tập hợp những người từng ở Việt Nam chạy về Trung Quốc, huấn luyện, trang bị và tổ chức số người này thành nhiều toán, xâm nhập vũ trang qua biên giới, phục kích giết hại cả bộ đội và dân thường, bắt cóc người của ta đưa sang Trung Quốc, xâm nhập trái phép khai thác gỗ, trộm cướp trâu bò, gài mìn vào đất của ta. Họ thực hiện các hoạt động gián điệp con thoi, cài cắm, xây dựng cơ sở ngầm, điều tra tình hình nội bộ ta, lôi kéo người đi Trung Quốc; thực hiện phương thức “kéo đi”, “đánh về”... làm cho an ninh chính trị, trật tự xã hội khu vực biên giới nước ta bất ổn. Người dân biên giới của ta lo lắng, không yên tâm làm ăn sản xuất, khôi phục cuộc sống vốn rất nhiều khó khăn do binh lính đối phương tàn phá gây ra.
_______________________________________
1. 60 năm Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.51 - 52.
2. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng - Báo cáo Tổng kết 5 biện pháp công tác biên phòng 1959 - 1989.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Năm, 2023, 08:41:29 am

II. CHẤN CHỈNH, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC XÂY DỰNG ĐƠN VỊ, XÂY DỰNG TRẬN TUYẾN LÒNG DÂN, CHỐNG CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI NHIỀU MẶT

Trước thực trạng tình hình trên các tuyến biên phòng của đất nước và thực tế hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, vùng biển của Tổ quốc sau một thời gian Công an nhân dân vũ trang chuyển giao sang Bộ Quốc phòng và đổi thành Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng chủ trương chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức và tăng cường chỉ đạo hơn nữa đối với Bộ đội Biên phòng nhằm nâng cao năng lực bảo vệ biên giới, vùng biển của Tổ quốc.

Ngày 28.4.1981, Bộ Quốc phòng mở Hội nghị công tác biên phòng toàn quân tại cơ quan Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Ngày 26.5.1981, căn cứ vào kết quả Hội nghị, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra Chỉ thị số 85/CT-TM, “chấn chỉnh và kiện toàn tổ chức, tăng cường chỉ đạo, chỉ huy đối với Bộ đội Biên phòng nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc trong tình hình mới”.

Bộ Tổng Tham mưu chỉ rõ: “Nhiệm vụ bảo vệ quyền lãnh thổ và giữ gìn an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng vũ trang, các tổ chức Đảng, chính quyền và nhân dân vùng biên giới cùng làm. Nhưng Bộ đội Biên phòng phải là lực lượng nòng cốt, chuyên trách, trong quân đội thì Bộ đội Biên phòng phải chịu trách nhiệm về toàn bộ an ninh biên giới quốc gia.

Các quân khu, các tỉnh cần nắm vững nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn an ninh biên giới, vùng biển của Tổ quốc là nhiệm vụ chủ yếu và thường xuyên của Bộ đội Biên phòng....”

Bộ Tổng tham mưu còn chỉ ra rằng, Bộ đội Biên phòng cũng có nhiều đặc điểm chung giống như bộ đội khác, nhưng lại có những đặc điểm riêng, “phải thường xuyên thực hiện 4 nhiệm vụ cơ bản trên tất cả các tuyến biên phòng, và phần lớn hoạt động của Bộ đội Biên phòng trên biên giới lại có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Công tác biên phòng có phạm vi không gian (phạm vi biên giới, mà còn biên giới thì phải có Bộ đội Biên phòng). Bộ đội Biên phòng có nhiệm vụ chuyên môn riêng và phải có phương pháp thích hợp để tiến hành nhiệm vụ chuyên môn đó... Hoạt động của Bộ đội Biên phòng vừa bằng súng đạn, vừa bằng nghiệp vụ biên phòng, vừa bằng pháp luật, vừa bằng phẩm chất đạo đức của người cán bộ, chiến sỹ”.

Trên cơ sở đó, Bộ tổng tham mưu quyết định “Kiện toàn phòng biên phòng trước đây thành cơ quan chỉ huy của Chủ nhiệm Biên phòng gồm 4 ban: Tham mưu, Trinh sát, Chính trị, Hậu cần - kỹ thuật và những bộ phận hành chính chuyên môn cần thiết...” áp dụng đối với các Quân khu 2, 3, 4, 5, 7, 9 và Đặc khu Quảng Ninh. “Riêng Quân khu 1 thì chuyển và kiện toàn Phòng biên phòng thuộc 2 tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng thành cơ quan chỉ huy trung đoàn và đổi tên Trưởng phòng Biên phòng tỉnh thành Trung đoàn trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh... đặc trách chỉ huy toàn bộ lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh và chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác biên phòng trong tỉnh”.

Về quan hệ lãnh đạo, chỉ huy, “Trung đoàn biên phòng tỉnh đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và thuộc quyền Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh. Đồng thời trong Chỉ thị 85, Bộ Tổng tham mưu cũng đã quyết định bỏ cấp huyện, chuyển quyền chỉ đạo, chỉ huy và bảo đảm trực tiếp đối với cấp đồn và đơn vị cơ động biên phòng cho Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh hoặc Trung đoàn trưởng Biên phòng tỉnh.

Tháng 6.1981, chấp hành chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng ra nghị quyết thực hiện, chấn chỉnh, kiện toàn Phòng Biên phòng tỉnh, thành lập cơ quan chỉ huy Trung đoàn Biên phòng Cao Bằng - Phiên hiệu là Trung đoàn 694. Trung tá Nguyễn Hoàng Sơn được trên bổ nhiệm là Trung đoàn trưởng. Đại úy Nông Duy Thông giữ chức Phó Trung đoàn trưởng và chính trị. Đại úy Nông Tiến Thật, Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng. Đại úy Nông Văn Tạo, Phó Trung đoàn trưởng, Trương ban Trinh sát Trung đoàn.

Ngày 23.6.1981, Tỉnh ủy Cao Bằng ra Nghị quyết số 141/NQ.TC.CB “giải thể Đảng ủy Phòng Biên phòng để thành lập Đảng ủy Trung đoàn Bộ đội Biên phòng Cao Bằng”. Đảng số của Đảng ủy Trung đoàn Bộ đội Biên phòng Cao Bằng gồm có 210 đảng viên. Đảng ủy Trung đoàn Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được tổ chức thành các đơn vị, cơ sở đảng: Đảng ủy Tiểu đoàn gồm 4 chi bộ, 4 chi bộ của cơ quan trung đoàn: Tham mưu, Chính trị, Trinh sát, Hậu cần; 14 chi bộ của 14 đồn biên phòng.

Các đồn biên phòng tập trung xây dựng và điều chỉnh các phương án chiến đấu kết hợp với triển khai nhiệm vụ, công tác biên phòng theo chỉ lệnh của Bộ Tư lệnh Quân khu 1, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và Chỉ huy Trung đoàn Biên phòng tỉnh.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Năm, 2023, 08:43:02 am

Từ năm 1982, Trung đoàn 694 đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo công tác biên phòng trong toàn tỉnh. Trước hết tập trung đẩy mạnh phong trào quần chúng, xây dựng trận tuyến lòng dân, chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch đến từng cơ sở nhằm giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội trong khu vực biên giới. Ban Chính trị của Trung đoàn xây dựng kế hoạch công tác vận động quần chúng năm 1982 để các đồn, trạm có phương hướng, chỉ tiêu hoạt động; mở hội nghị cho cấp ủy, chỉ huy, cán bộ vận động quần chúng 14 đồn trong toàn tỉnh quán triệt và bàn kế hoạch thực hiện kế hoạch công tác vận động quần chúng năm 1982. Hội nghị thống nhất khẳng định quyết tâm làm tốt biện pháp công tác này, tạo chuyển biến, thực sự thúc đẩy nhiệm vụ bảo vệ biên giới vươn tới một giai đoạn mới, chất lượng cao hơn.

Sau hội nghị, các đơn vị, đồn, trạm đã làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, các ngành tiến hành công tác tuyên truyền, phát động thường xuyên, đồng thời theo chỉ đạo của Trung đoàn đã tiến hành đợt phát động tập trung đột xuất ở 13/42 xã biên giới của toàn tỉnh. Các đợt tuyên truyền, học tập, phát động quần chúng thời gian này tập trung 4 nội dung chủ yếu là:

- Kiên quyết đánh bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt.

- Chống chiến tranh tâm lý

- Các quy định tạm thời của ủy ban nhân dân tỉnh về việc ra vào khu vực biên phòng.

- Pháp lệnh trừng trị tội phạm...

Kết quả, các đồn biên phòng tổ chức được 410 buổi học tập cho 24.592 bà con các dân tộc dự học1; kết hợp với các chi đoàn thanh niên địa phương, các đoàn tuyên truyền của huyện, xã phát thanh trong các dịp chợ phiên có đông bà con trong khu vực biên giới; tổ chức các buổi chiếu phim, các đêm văn nghệ, các buổi biểu diễn nghệ thuật, treo nhiều áp phích, biểu, ngữ... thu hút được hàng vạn người nghe, xem, phổ biến, chuyển tải được nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Trên cơ sở đó, phong trào các mặt của địa phương, trong đó có phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc, từng bước được khôi phục lại và tiếp tục phát triển. Bà con đã chủ động phát hiện và tố giác những hành vi liên quan đến an ninh trật tự của khu vực biên giới, cung cấp cho các đồn biên phòng hàng ngàn tin tức có giá trị, phát hiện 750 đối tượng có quan hệ với nước ngoài và liên quan đến việc chuyển các loại tài liệu ra nước ngoài. Các đồn biên phòng đã được bà con cộng tác, giúp đỡ làm rõ trong số đối tượng trên có 121 trường hợp gặp gỡ, tiếp xúc với cơ quan công an Trung Quốc, 39 trường hợp được công an Trung Quốc giao nhiệm vụ. Ta đã tập hợp đủ chứng cứ bắt 16 tên. Mặt khác, trong các xóm, xã biên giới, quần chúng nhân dân đã sát cánh cùng các cấp ủy, chính quyền và các đồn biên phòng phát hiện, đấu tranh, làm chuyển hóa 305 đối tượng hình sự.

Trong lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới, công tác vận động quần chúng đã có tác dụng thiết thực. Nhân dân các xã Thị Hoa (huyện Hạ Lang), Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh), Hùng Quốc (huyện Trà Lĩnh), Sóc Hà (huyện Hà Quảng)... với ý thức nhận rõ chủ quyền lãnh thổ của ta đã kiên cường bám đất, bám bản làng quê hương, tiến hành sản xuất, trồng trọt ngay dưới chân chòi gác của binh lính đối phương, hoặc ra sát đường biên, cột mốc thu hoạch mùa màng ngay dưới làn đạn từ bên kia biên giới bắn sang. Nhân dân các xã Lý Quốc, Minh Long (Hạ Lang), Đàm Thủy, Phong Nặm (Trùng Khánh), Cốc Pàng (Bảo Lạc) từ chỗ 100% số hộ sát biên đều liên quan đến hàng tâm lý và có tới 80 - 90% số người vượt biên trái phép, sang buôn bán hàng Trung Quốc, đến cuối năm 1982 đã cơ bản chấm dứt. Đặc biệt, ở các xã Ngọc Chung và Ngọc Khê (Trùng Khánh), Đức Hạnh (Bảo Lạc), Lý Quốc, Quang Long và Thị Hoa (Hạ Lang), quần chúng đã tích cực giúp đỡ, phối hợp cùng công an, dân quân bắt được hàng chục tên thám báo.

Các đồn biên phòng tiếp tục tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị và các phong trào của địa phương. Tổ chức Đảng trong 42 xã biên giới trong năm 1982 có 25 Đảng bộ và 17 chi bộ xã nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy với việc bố trí tăng cường 42 cán bộ trực tiếp chỉ đạo tại cơ sở. Trong đó, 7 đồng chí trực tiếp đảm nhiệm cương vị bí thư, 6 đồng chí phó bí thư, 29 đồng chí khác giữ vai trò tham mưu, cố vấn. Riêng các đồn biên phòng được Tỉnh ủy giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia xây dựng, kiện toàn 6 Đảng bộ, 7 chi bộ xã và 20 chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã. Cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng cũng đã tích cực tham gia củng cố 61 hợp tác xã nông nghiệp đi vào hoạt động ổn định và tương đối vững chắc. Củng cố, xây dựng được 69 tổ an ninh nhân dân, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác cho 330 lượt công an xã, xóm. Trực tiếp tham gia củng cố xây dựng và tổ chức huấn luyện được 42 trung đội dân quân tập trung. Tổ chức kết nghĩa, kết bạn với các chi đoàn địa phương ở 15 xã biên giới, phối hợp thực hiện các hoạt động thiết thực xây dựng và bảo vệ biên giới.
_____________________________________
1. Trung đoàn 694, Báo cáo kết quả công tác vận động quần chúng năm 1982. Số 10/BC, ngày 30.12.1982.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Năm, 2023, 08:43:46 am

Trong quá trình tham gia xây dựng các phong trào ở địa phương, các đồn biên phòng đã tranh thủ mọi thời gian vừa làm công tác vận động quần chúng, vừa tham gia được 17.272 ngày công giúp dân xây dựng các công trình phúc lợi tập thể và gia đình, cấp cứu và chữa bệnh cho 03 người dân; hướng dẫn, giúp đỡ 1.290 em nhỏ ăn ở hợp vệ sinh.

Cán bộ, chiến sỹ biên phòng Cao Bằng đã thường xuyên phấn đấu, rèn luyện giữ vững và phát huy phẩm chất truyền thống của quân nhân cách mạng, bộ đội Cụ Hồ, truyền thống đoàn kết quân dân. Trong năm 1982, không có một trường hợp nào vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật. Từ đó, sự thông cảm giữa địa phương với các đồn, trạm biên phòng ngày càng sâu sắc hơn, lòng tin đối với cán bộ, chiến sỹ biên phòng được khôi phục, ngày càng tín nhiệm, gắn bó mật thiết.

Trên cơ sở đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc địa phương không những tạo điều kiện giúp đỡ cán bộ, chiến sỹ biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biên giới, mà còn quan tâm chăm lo cho anh em có nơi ăn ở ổn định, khang trang hơn; đời sống vật chất được tiếp tục cải thiện. Năm 1982, nhân dân các xã biên giới Cao Bằng đã bỏ ra gần 1.850 ngày công, hơn 220 cây gỗ để làm cột, kèo, gần 2.000 cây gỗ nhỏ, 1.400 tấm gianh để làm mái lợp; hàng trăm cân gạo nếp, đỗ, thịt... để anh em sửa chữa nhà cửa, củng cố lại đồn, trạm, vui Tết đón xuân mới.

Trong khi toàn Đảng bộ, quân nhân Cao Bằng tranh thủ thời gian khôi phục và phát triển kinh tế thì từ đầu năm 1981, phía Trung Quốc luôn ráo riết tìm mọi cách phá hoại đất nước ta nói chung và Cao Bằng nói riêng. Họ đào hầm hào, công sự dọc biên giới; tiến hành những cuộc diễn tập bộ binh, cho không quân xâm phạm đất nước ta; khiêu khích biên giới, bắt cóc cán bộ. Tình hình đó đã đặt cán bộ và nhân dân Cao Bằng vào một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vừa mới bước ra khỏi chiến tranh, đang khôi phục, củng cố nền kinh tế từ đổ nát, giờ đây lại phải chuẩn bị đối phó với những hành động phá hoại mới, phức tạp, nguy hiểm hơn.

Năm 1982, các hoạt động phá hoại trong khu vực biên giới không ngừng diễn biến phức tạp và ngày càng căng thẳng. Họ tiến hành 85 vụ khiêu khích vũ trang, phục kích bắt cóc 9 vụ, làm chết 9 người, bị thương 11 người, bắt cóc đưa sang bên kia biên giới 5 người, tổ chức nhiều toán xâm nhập qua biên giới, hoạt động theo phương thức con thoi; bị quân dân ta phát hiện 39 vụ, gồm 77 đối tượng. Các đồn biên phòng trực tiếp bắt 23 vụ, 36 đối tượng. Đồng thời ta phát hiện và xử lý 25 vụ xâm nhập chủ quyền lãnh thổ, khai thác trái phép gỗ, tập trung chủ yếu ở các khu vực cột mốc 28, 30, 31, 40, 74, 96... Họ mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo dân ta đi Trung Quốc 30 vụ, gồm 124 người; thực hiện 10 vụ trộm 29 con trâu của dân ta. Ta đã phát hiện và ngăn chặn, giữ lại được 14 con trâu.

Bên cạnh các hoạt động khiêu khích vũ trang công khai, thông qua nhiều mối quan hệ đặc biệt trên biên giới (thân tộc, dòng họ, kết nghĩa..) đối phương tiến hành móc nối, xây dựng cơ sở, lực lượng ngầm, tạo cơ sở cài cắm vào nội bộ ta.

Căn cứ diễn biến tình hình trên các tuyến biên giới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội (tháng 3.1982) nhận định: Đất nước ta đang ở trong tình thế vừa có hòa bình, vừa phải đương đầu với một kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, đồng thời phải sẵn sàng đối phó với nguy cơ xảy ra chiến tranh xâm lược quy mô lớn.

Quán triệt tinh thần đó, Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo toàn Đảng bộ, quân dân trong tỉnh nêu cao cảnh giác, tích cực đấu tranh chống lại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt.

Chấp hành sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ cơ bản thường xuyên, thông qua vận dụng 5 biện pháp nghiệp vụ biên phòng, kết hợp với sự giúp đỡ của quần chúng, trực tiếp là phong trào toàn dân thi đua bảo vệ an ninh Tổ quốc, từ tháng 3.1982, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng phát hiện được âm mưu nước ngoài cài cắm cơ sở, lực lượng ngầm vào nội bộ ta và tổ chức đấu tranh bóc gỡ cơ sở ngầm ở địa bàn xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang (địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Lý Vạn).

Sau khi bị móc nối, lôi kéo, từ năm 1981, tên Thẩm Văn Tạng, quê ở xã Quang Long huyện Hạ Lang, giáo viên dạy cấp III ở xã Lý Quốc chạy sang Trung Quốc. Tạng cùng Nông Đình Rấm, một đảng viên, dạy học tại trường cấp II xã Minh Long (huyện Hạ Lang) sang Trrung Quốc. Ngày 15.3.1982, Rấm lén lút vượt biên giới sang khu vực Nà Nhại gặp Tạng. Y được giới thiệu với Hoàng Lề, Chủ tịch huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Lề đón tiếp và hỏi thăm một số cán bộ đã nghỉ hưu của ta như các đồng chí Mã Trung Tín, Trưởng đồn biên phòng Lý Vạn, Mã Đạo Quang, Huyện trưởng Công an Hạ Lang... cùng một số cán bộ đảng viên khác ở xã Minh Long, Lý Quốc... Cuối cùng, Rấm được giao nhiệm vụ về Việt Nam vận động người tham gia vào một “tổ chức cách mạng mới”. Đầu tháng 4.1982, Nông Đình Rấm tiếp tục vượt biên sang Trung Quốc. Y được giao nhiệm vụ về nước thành lập “tổ chức cách mạng mới” ở xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang và tìm người lãnh đạo.

Trước các biểu hiện trên, Ban Chỉ huy Trung đoàn 694 Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã báo cáo về Cục trinh sát biên phòng, Tỉnh uỷ và đề nghị Ty Công an phối hợp giúp đỡ. Ngày 11.6.1982, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 694 cho Ban Trinh sát Trung đoàn lập chuyên án mang bí số HL82. Sau một thời gian ngắn triển khai đánh án, ta lập được hồ sơ đối tượng cần tập trung điều tra, phát hiện làm rõ đã có 12 tên gia nhập tổ chức phản động. Trong số đó có 11 là đảng viên (6 đang sinh hoạt), 2 sĩ quan quân đội (cấp uý), 9 người nghỉ hưu, mất sức, nghỉ việc, 7 là giáo viên. Đồng thời Ban chuyên án tiếp tục phát hiện thêm 50 đối tượng nghi vấn khác. Mở rộng địa bàn điều tra, Ban chuyên án phát hiện ở ngoại biên có 30 đối tượng là người Trung Quốc. Trong số đó có 15 đối tượng đều hoạt động dưới sự chỉ đạo, điều hành của huyện uỷ Đại Tân và Cục Công an huyện Đại Tân, trực tiếp là Hoàng Lề, Chủ tịch huyện Đại Tân, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Cấp dưới của Lề có Nông Anh Hoà, Trạm trưởng Biên phòng Thạch Long, Hoàng Sằn (con trai của Lề) ở Trạm Biên phòng Bản Luông và Hoàng Láy, cán bộ công an Trạm Phái xuất sở Thạch Long. Qua đấu tranh chuyên án phát hiện làm rõ 51 đối tượng khác đã bị lôi kéo vào tổ chức phản động. Phần lớn trong số này là người dân ở xã nằm trong địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Lý Quốc, huyện Hạ Lang.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Năm, 2023, 08:44:52 am

Đầu tháng 9.1982, các mục đích, yêu cầu của chuyên án HL82 đã được thực hiện, ta quyết định phá án. Ty Công an Cao Bằng phê duyệt bắt 5 đối tượng chính, tập trung cải tạo 2 tên, đưa ra kiểm điểm, giáo dục đấu tranh trước tập thể và quần chúng 4 tên (có 2 đảng viên, đều bị khai trừ ra khỏi Đảng). Chuyên án HL82 ở huyện Hạ Lang, Cao Bằng kết thúc thắng lợi, góp phần làm thất bại mưu đồ xây dựng cơ sở, lực lượng ngầm vào nội bộ ta, củng cố lòng tin của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân các dân tộc địa phương đối với Bộ đội Biên phòng; góp phần củng cố an ninh trật tự một vùng biên cương của Tổ quốc.

Ngày 25.10.1982, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 03/NQ-TW đề ra những nhiệm vụ quan trọng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kiên quyết đập tan kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt.

Quán triệt nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng và căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (họp tháng 1.1983), ngày 28.2.1983, Tỉnh uỷ ra Nghị quyết chuyên đề số 02-NQ/CB lãnh đạo toàn Đảng bộ, quân dân Cao Bằng “Kiên quyết đập tan kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt”. Nghị quyết nêu rõ: “Kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt này rất phức tạp, kẻ địch đánh phá ta bằng nhiều mưu mô, trên nhiều lĩnh vực, từ nhiều hướng, trên nhiều địa bàn, bằng nhiều lực lượng, nhiều hình thức, nhiều thủ đoạn hết sức nguy hiểm và thâm độc... Kết hợp đánh từ trong ra, từ ngoài vào, nhằm mục đích gây bạo loạn, lật đổ khi có điều kiện chín muồi và ta bị sơ hở... Phá hoại ta trên các mặt kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hoá, quân sự nhất là phá hoại kinh tế và chính trị, tư tưởng, văn hoá”.

Ngày 28.3.1983, Đảng uỷ - Chỉ huy Trung đoàn Bộ đội Biên phòng Cao Bằng xây dựng và thực hiện Kế hoạch số 17/KH.TM, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị biên phòng trong tỉnh kiên quyết chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt, thực hiện 6 công tác lớn do Tỉnh uỷ đề ra “phải làm trong năm 1983 và những năm trước mắt”. Cụ thể là:

1. Chống phá hoại về kinh tế: các đơn vị, đồn, trạm tăng cường hoạt động, kiên quyết “Chấm dứt tình trạng lén lút mang hàng hoá của bên kia biên giới nước ta”. Tích cực tham gia bảo vệ các hợp tác xã trong khu vực biên giới của tỉnh.

2. Chống phá hoại về tư tưởng: Bám, tranh thủ sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng nội bộ, phối hợp chặt chẽ với các Ban Tuyên huấn, Thông tin văn hoá đẩy mạnh phong trào vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Kịp thời phối hợp xử lý các thông tin, luận điệu sai trái trong quần chúng, củng cố lòng tin của nhân dân các dân tộc biên giới vào đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ.

3. Chống gián điệp và phản động: Tích cực xây dựng và nâng cao chất lượng phòng tuyến an ninh nhân dân vững chắc kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân. Đề xuất và thực hiện các quy chế biên giới, tổ chức ngăn chặn kịp thời các mũi tiến công, xâm nhập của các toán vũ trang, các bọn gián điệp, thám báo vào khu vực biên giới. Kiên quyết bóc, quét màng lưới, cơ sở ngầm do đối phương cài cắm. Thực hiện nghiêm chế độ bảo mật. Tuyên truyền vận động nhân dân giữ gìn bí mật quốc gia, cảnh giác với các luận điệu phản động.

4. Chống xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tích cực tham gia đấu tranh, truy quét bọn tội phạm hình sự.

5. Tích cực củng cố tổ chức, xây dựng lực lượng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Phát huy vai trò các tổ chức, đoàn thể nhất là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tập hợp được thanh, thiếu niên ở biên giới vào trận tuyến chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt.

6. Góp phần ổn định, nâng cao cải thiện đời sống người dân biên giới, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương ổn định cư trú cho dân, tập trung vào sản xuất theo kế hoạch thống nhất của tỉnh, khắc phục tình trạng buôn bán qua biên giới.

Thực hiện kế hoạch công tác biên phòng năm 1983, kế hoạch chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã tích cực phấn đấu đạt được kết quả trên một số mặt công tác.

Tham mưu đề xuất và tham gia thực hiện công tác phòng thủ, củng cố khu vực biên giới, trận tuyến lòng dân phục vụ nhiệm vụ trọng tâm chống chiến tranh phá hoại nhiều mặt. Xây dựng và đề xuất uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành quy chế biên giới. Tổ chức các hội nghị liên tịch giữa các đơn vị, lực lượng vũ trang và các ngành liên quan, thống nhất công tác xây dựng và quản lý biên giới. Tổ chức các đoàn kiểm tra đến các huyện, xã biên phòng bàn chủ trương giải quyết các vụ việc phát sinh.

Tham gia cùng địa phương xây dựng phòng tuyến văn hoá khép kín biên giới. Trong số 80 đội thông tin tuyên truyền của toàn tỉnh, có 41 đội của các trung đội dân quân tập trung, 18 Bộ đội Biên phòng. Tất cả các đội đều được tập huấn, trang bị loa đài, tăng âm, nhạc cụ, tranh ảnh để làm công tác tuyên truyền, cổ động. Tham gia cùng cấp uỷ, chính quyền 7 xã biên giới gồm Đức Long (Thạch An), Tà Lùng (Quảng Hoà); Lý Quốc (Hạ Lang), Ngọc Khê (Trùng Khánh), Hùng Quốc (Trà Lĩnh), Tổng Cọt và Lũng Nặm (Hà Quảng) thiết kế, lắp xong hệ thống truyền thanh. Hàng ngày phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối của trên, tình hình an ninh trật tự, làm ăn sản xuất và kế hoạch cho ngày tiếp theo của địa phương, có tác dụng kịp thời ổn định tình hình tư tưởng cho quần chúng, giúp bà con yên tâm làm ăn, sản xuất. Được tỉnh quan tâm, các huyện biên giới đều có 1 - 2 đội chiếu bóng phục vụ thường xuyên cho đồng bào các dân tộc. Nhiều công trình trụ sở, trạm xá, trường học, thư viện thanh niên... trong các xã biên giới đã và đang xây dựng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Năm, 2023, 08:46:03 am

Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta làm cho bà con các dân tộc nhận rõ được bản chất của kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt vận động được quần chúng nêu cao cảnh giác và tích cực tham gia đấu tranh; giúp bà con phân biệt được đúng sai, bạn thù, nâng cao cảnh giác cách mạng, xây dựng được quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc kết hợp với đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống, gắn với xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới, giữ vững an ninh trật tự ở khu vực biên giới.

Trong các hoạt động trên, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng Cao Bằng đã tích cực tiến hành vận dụng nhiều biện pháp và hình thức, kết hợp tuyên truyền, phổ biến tập trung với tuyên truyền phổ biến riêng với 829 buổi, thu hút được 89.423 lượt người nghe. Nội dung tuyên truyền, phổ biến thời gian này tập trung vào các tài liệu chủ yếu là:

- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ V.

- Các Nghị quyết 03, 04 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 02 của Tỉnh uỷ Cao Bằng về kiên quyết đập tan kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt.

- Quân dân Cao Bằng quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt.

- Quy chế biên giới của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.

- Tài liệu về trừng trị tội phạm.

- Kế hoạch của Nhà nước năm 1983 về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.

Kết quả của công tác tuyên truyền, phổ biến đã động viên bà con các dân tộc hăng hái thi đua sản xuất, cải thiện đời sống và giúp đỡ cán bộ, chiến sỹ biên phòng các chứng cứ, hiện tượng về 142 trường hợp nghi là cơ sở ngầm của đối phương, giúp các đồn biên phòng bắt 25 vụ xâm nhập qua biên giới, làm rõ 21 đối tượng là thám báo; phát hiện và giúp các cấp chính quyền, lực lượng chức năng giáo dục cải tạo 181 đối tượng tại xã, 37 đối tượng tại huyện, bắt đi tập trung cải tạo 11 tên, thu giữ 4 kg thuốc phiện cùng nhiều tiền, hàng hoá phẩm lậu vào khu vực biên giới ta.

Bên cạnh đó, cấp uỷ - chỉ huy các đồn biên phòng Cao Bằng đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sỹ đơn vị tích cực đi sâu tham gia củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức chính trị các xã biên giới. Phát huy được vai trò của hệ thống chính trị, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. 14 đồn biên phòng trong tỉnh đã đề xuất 205 lần với cấp uỷ, chính quyền nhiều nội dung về xây dựng, củng cố Đảng, chính quyền, các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, phụ lão, các lực lượng công an, dân quân... phát hiện đề xuất kết nạp 4 đảng viên, và 12 đoàn viên mới; Củng cố 87 hợp tác xã nông nghiệp; củng cố kiện toàn và duy trì hoạt động 125 tổ an ninh nhân dân.

Qua các hoạt động trên, nhiều tổ chức, đoàn thể đã có những chuyển biến rõ rệt, lập được nhiều thành tích xuất sắc. Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở các xã Đức Long (huyện Thạch An), xã Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh), xã Đại Sơn (huyện Quảng Hoà), xã Nà Sác (huyện Hà Quảng)... lập được nhiều thành tích xuất sắc, được lựa chọn báo cáo điển hình trong Đại hội Liên hoan thanh niên quyết thắng các lực lượng vũ trang tỉnh Cao Bằng, do Tỉnh Đoàn Cao Bằng tổ chức, đã được Trung ương Đoàn tặng cờ và bằng khen.
Các hoạt động gắn bó với địa bàn, thực sự coi khu vực biên giới là quê hương, bà con các dân tộc ở vùng biên giới như người thân trong gia đình, cán bộ, chiến sỹ biên phòng Cao Bằng ngày càng được người dân khu vực biên giới thương yêu giúp đỡ, đùm bọc che chở. Nhiều việc cảm động về tình đoàn kết quân dân nơi biên giới còn mãi in đậm trong tâm trí bà con các dân tộc và cán bộ, chiến sỹ biên phòng Cao Bằng.

Chốt Phìn Súng thuộc Đại đội 15 cơ động biên phòng làm nhiệm vụ ở huyện Bảo Lạc, đóng quân trên địa bàn đi lại rất khó khăn. Quân số có hạn, đơn vị lại phải đảm nhiệm nhiều công việc nên tiếp tế hậu cần lên chốt hết sức vất vả và ảnh hưởng không nhỏ đến việc hoàn thành nhiệm vụ. Biết được khó khăn đó, bà con các dân tộc quanh vùng đã tự đến gặp chỉ huy đơn vị đề nghị để bà con làm giúp công việc vận chuyển toàn bộ lương thực, thực phẩm cho chốt. Trong cả năm 1983, bà con đã thường xuyên đảm bảo mọi việc tiếp tế, vận chuyển hậu cần lên chốt hết sức chu đáo, cẩn thận. Có tháng trời mưa kéo dài, đường bị ngập tắc, cơ quan hậu cần của biên phòng tỉnh vận chuyển hàng lên huyện chậm, bà con địa phương đã tự vận động nhau góp đủ lương thực, thực phẩm chuyển lên chốt cho cán bộ, chiến sỹ “ứng” trước, không để ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới của đơn vị.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 28 Tháng Năm, 2023, 08:46:42 am

Tại Đồn Biên phòng Nặm Quét (nay là Đồn Biên phòng Cô Ba, huyện Bảo Lạc), đồng chí Triệu Toàn Pham là một chiến sỹ rèn luyện, phấn đấu tốt, lập được nhiều thành tích và sống chan hòa, gần gũi, quan tâm đến cuộc sống của bà con, được quần chúng tín nhiệm. Anh được tổ chức quyết định cử đi học để phục vụ lâu dài trong lực lượng. Khi biết tin, nhiều bà con dân tộc, nhất là bà con dân tộc Dao đã đến đồn bày tỏ tâm tư không muốn để đồng chí Pham đi xa và đề nghị đơn vị để đồng chí ở lại địa bàn với bà con.

Tại Đồn Biên phòng Nặm Nhũng, huyện Hà Quảng, đồng chí Lý Hồng Thanh, một chiến sỹ của đồn, trong khi đi làm nhiệm vụ kiểm tra đường biên mốc, giới bị lính đối phương nổ súng giết hại và thay nhau canh gác không cho đồng đội của anh đón anh về. Nhận được tin, hàng trăm bà con xã Lũng Nặm và một số xã quanh đồn đã kéo nhau đến hiện trường phản đối, đấu tranh quyết liệt. Bà con cùng cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Nặm Nhũng đã đón được anh về và tổ chức chu đáo lễ an táng. Trong lễ tang chiến sỹ biên phòng Lý Hồng Thanh, hàng ngàn bà con xã từ nội địa đến biên giới đã đến viếng, chia buồn và lưu luyến tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Sáu tháng cuối năm 1983, chấp hành Chỉ thị số 133/CT-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về khảo sát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cột mốc, đường biên nhằm nắm lại tình hình chung các điểm bị lấn chiếm của toàn tuyến biên giới, tất cả các đơn vị, lực lượng vũ trang đứng chân trong khu vực biên giới đều tham gia công tác khảo sát. Cơ quan chỉ huy Trung đoàn Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tích cực thực hiện vai trò tham mưu để đẩy mạnh tiến độ khảo sát. Trung đoàn đã chủ động đề xuất kế hoạch tổ chức đội hình, lịch trình, phương pháp tiến hành khảo sát, bố trí lực lượng trực tiếp tham gia...

Công việc điều tra, khảo sát biên giới sau chiến tranh tháng 2.1979 gặp rất nhiều khó khăn. Từ tuyến sau ra được đường biên giới có công binh, khí tài phát hiện bom mìn, dò đường. Một số đồng chí công binh, biên phòng, dân quân đã phải chịu thương vong trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Mặc dù vậy, các đội khảo sát ngày đêm băng rừng, lội suối, tập hợp các số liệu, tổng hợp tình hình, lập được các hồ sơ ban đầu báo cáo lên trên. Các đợt khảo sát đã giúp các cấp chỉ huy đơn vị, cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục nâng cao thêm nhận thức về vai trò, vị trí của đường biên quốc gia, về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đã kết thúc. Nhưng đến cuối năm 1983, các cuộc lấn chiếm, “gặm nhấm” đất đai của ta vẫn diễn ra dai dẳng và căng thẳng trên khu vực biên giới. Nhiều trường hợp đối phương dùng tới lực lượng cấp tiểu đoàn xâm nhập sâu vào đất ta, mở đường cho các lực lượng phía sau vào lấn chiếm.

Trong tình hình quan hệ biên giới căng thẳng, cuộc đấu tranh chống lấn chiếm diễn ra khá phức tạp. Mặc dù vậy, quân dân Cao Bằng, trực tiếp là đồng bào các dân tộc và cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang ở biên giới vẫn bền bỉ, kiên trì, theo dõi, quản lý chặt chẽ các di biến động ở biên giới, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi hành động lấn chiếm, phấn đấu vì sự bình yên, ổn định khu vực biên giới.

Năm 1984, tình hình trên tuyến biên giới của tỉnh tiếp tục căng thẳng. Đối phương không ngừng tăng cường các lực lượng quân sự, tổ chức hàng trăm trận địa áp sát biên giới. Họ tiếp tục chiếm đóng trái phép 6 điểm sâu trong đất ta từ 200 đến 600m. đưa quân đóng giữ tại 6 điểm trên đường biên giới, thường xuyên tổ chức diễn tập quân sự... từ các trận địa, các điểm lấn chiếm, nổ súng vào các xóm làng biên giới, đồn, trạm biên phòng của ta, liên tục tung các toán thám báo vũ trang xâm nhập điều tra tình hình của Việt Nam. Các huyện biên giới Cao Bằng tiếp tục sống trong không khí đe doạ của chiến tranh.

Ngày 3.3.1984, tại cơ quan Trung đoàn 694 Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, lễ kỷ niệm ngày truyền thống lần thứ 25 của lực lượng được tổ chức trang nghiêm và trọng thể. Đồng chí Vương Văn Quýnh (Dương Tường), Bí thư Tỉnh uỷ (Uỷ viên Trung ương Đảng khóa V, VI) và đồng chí Lương Ích Lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã phát biểu ý kiến, biểu dương Bộ đội Biên phòng Cao Bằng gắn bó với nhân dân, liên tục phấn đấu xây dựng, củng cố biên giới; Thường xuyên rèn luyện, phấn đấu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “khắc phục khó khăn” trong mọi hoàn cảnh của đất nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập - truyền thống của lực lượng, cán bộ, chiến sỹ biên phòng nhận được sự quan tâm sâu sắc, động viên chí tình và những tình cảm thương yêu, giúp đỡ của Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, các giới từ trung ương đến địa phương; của nhân dân, trực tiếp là nhân dân các dân tộc biên giới. Đó là nguồn động viên và là sức mạnh to lớn để cán bộ, chiến sỹ biên phòng Cao Bằng tiếp tục tiến lên phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Sáu, 2023, 08:06:14 am

Từ giữa tháng 3.1984 trở đi, các hoạt động của đối phương, nhất là các vụ khiêu khích vũ trang, tung các toán thám báo xâm nhập vào lãnh thổ nước ta ở Cao Bằng ngày càng tăng cao.

Liên tục trong tháng 4 và 5.1984, các lực lượng vũ trang từ bên kia biên giới liên tục bắn súng vào nhiều làng xóm, nhiều xã, huyện biên giới của tỉnh. Đặc biệt, chúng dùng các loại súng lớn như cối 82mm, 120mm, đại bác 105mm, 15mm bắn hàng vạn quả đạn vào 79 điểm chốt, ở 31/42 xã, trên toàn bộ 8 huyện biên giới Cao Bằng. Đồng thời, chúng cho các đơn vị vũ trang xâm nhập qua khu vực mốc 105, âm mưu tấn công vào Nhị Đú, xã Vân An, huyện Hà Quảng. Tại đây có điểm chốt của Đồn biên phòng Nặm Nhũng. Đồng thời, chúng cho quân vượt qua biên giới xâm nhập vào bản Miài, xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Pò Peo (sau đổi tên gọi là Đồn Biên phòng Ngọc Khê). Nhưng quân dân ta cảnh giác cao, phát hiện sớm, nổ súng kịp thời nên bọn khiêu khích phải rút về bên kia biên giới. Riêng ở đoạn biên giới xã Vân An và hai xã biên giới kề Lũng Nặm, Cải Viên, đối phương tiếp tục duy trì trạng thái căng thẳng. Các loại cối và pháo lớn vẫn không ngừng bắn cầm canh qua biên giới và kết hợp dùng loa phát công suất lớn đe doạ, gây hoang mang tâm lý.

Đồng bào và các lực lượng vũ trang ta vẫn thường xuyên cảnh giác nhưng khi các hoạt động của đối phương kéo dài, nhiều người mệt mỏi, cho đó chỉ là thủ đoạn chiến tranh tâm lý. Rạng sáng ngày 23.8.1984, đối phương huy động một tiểu đoàn, có pháo binh yểm trợ, chia làm 3 mũi tấn công qua các khu vực mốc 104, 105 và xóm Lũng Rẩu, xã Vân An. Trong đó, họ cho một đại đội bộ binh tập trung đánh vào điểm chốt Nhị Đú, cách mốc 105 khoảng 1.200m. Tại chốt này có 129 cán bộ, chiến sỹ của Đồn Biên phòng Nặm Nhũng. Chốt được trang bị các loại vũ khí B40, RPĐ, AK, CKC. Mỗi đồng chí được cấp 4 lựu đạn, 3 cơ số đạn.

Chiến sỹ ở chốt kịp thời phát hiện đối phương. Nhưng vì bị đánh bất ngờ, Trung đội trưởng Hùng cùng một số anh em bị trúng đạn. Số còn lại bung ra ngoài dũng cảm chiến đấu, kiên cường nổ súng đánh trả. Sau 30 phút chiến đấu, lực lượng ta thương vong nhiều và đã rút hết ra ngoài. Đối phương xông vào chốt lớn đốt lán, rồi rút lui. Trong khi xảy ra chiến sự, Trung tá Nguyễn Hoành Sơn, Trung đoàn trưởng Bộ đội biên phòng Cao Bằng đang công tác tại Đồn Biên phòng Nặm Nhũng đã quyết định điều ngay 2 tiểu đội, giao cho đồng chí Ma Quang Nghị, Phó đồn trưởng về chính trị, chỉ huy lên chi viện cho chốt. Đồng thời, phân công đồng chí Độ, Phó ban Trinh sát, cùng đồng chí Tâm, trợ lý tác chiến của Trung đoàn vào chốt Nhị Đú xử lý tình hình. Ban chỉ huy quân sự huyện Hà Quảng nhận được tin lập tức lệnh cho Tiểu đoàn 106 điều một trung đội tăng cường cho lực lượng ở khu vực chiến đấu. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cũng cử đồng chí Kiêm, tham mưu trưởng lên chỉ huy cụm chiến đấu Nặm Nhũng.

Do địa bàn đi lại khó khăn, phương tiện đảm bảo thông tin hữu tuyến và vô tuyến đều không có nên cán bộ và các lực lượng chi viện chiến đấu đến khu vực chiến sự thì đối phương đã rút về bên kia biên giới. Trong trận này, Đồn Biên phòng Nặm Nhũng có 4 đồng chí hy sinh, 9 đồng chí bị thương. Đối phương chết 4 người, bị thương 7 người.

Trước tình hình đối phương ráo riết chuẩn bị chiến tranh, không ngừng khiêu khích vũ trang, tấn công qua biên giới, ngày 1.12.1984, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã ra Chỉ thị số 34-CT/TU chỉ đạo toàn Đảng bộ, quân dân trong tỉnh “tăng cường củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân địa phương, sẵn sàng đánh thắng địch trong mọi tình huống”. Tỉnh uỷ chỉ đạo toàn Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh tập trung vào các mặt:

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phát động quần chúng, cả nhân dân và các lực lượng vũ trang, tiếp tục nâng cao giác ngộ chính trị, tinh thần yêu nước, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận rõ bản chất của đối phương. Đẩy mạnh sản xuất, xây dựng quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc, mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi làng bản là một chiến hào, huyện là pháo đài mạnh.

Phấn đấu thực hiện “khép kín biên giới”, chấm dứt mua bán hàng hoá qua biên giới. Kiên quyết xử lý với tổ chức, cá nhân vi phạm.

- Xây dựng lực lượng vũ trang đảm bảo trong sạch, vững mạnh. Phấn đấu theo hướng chính quy, tinh nhuệ, thiện chiến. Trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chiến đấu đều giỏi, kỷ luật nghiêm, có ý chí quyết tâm và trình độ kỹ chiến thuật, nghiệp vụ cao. Hoàn thiện và thực hiện tốt các phương án phục vụ sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo có thể chiến đấu dài ngày. Kiên quyết không để xảy ra bạo loạn, giữ vững an ninh, trật tự xã hội.

Khẩn trương xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng làng xã chiến đấu, cụm chiến đấu liên hoàn, xây dựng hầm hào, căn cứ chiến đấu, hậu cứ của từng xã, huyện. Có kế hoạch sơ tán bảo vệ dân, dự trữ lương thực, thực phẩm cho từng hộ, hợp tác xã và xã...


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Sáu, 2023, 08:07:55 am

Tháng 12.1984, để đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trước tình hình mới và thống nhất với cơ cấu tổ chức chung trong Bộ đội Biên phòng, Cơ quan chỉ huy Trung đoàn 694 Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được đổi thành Cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh Cao Bằng. Trung tá Nguyễn Hoành Sơn, Trung đoàn trưởng 694 Bộ đội Biên phòng Cao Bằng giữ chức Chủ nhiệm biên phòng tỉnh. 14 đồn biên phòng trên truyến biên giới chuyển sang thuộc quyền lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng.

Với cơ chế mới từ ngày 28-29.1.1985, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần I1 (kể từ khi Đảng bộ được thành lập từ năm 1981) để xây dựng phương hướng lãnh đạo đơn vị chuyển đổi phương thức hoạt động chiến đấu trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ gìn an ninh biên giới, góp phần làm thất bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt và chiến tranh lấn chiếm biên giới của đối phương. Đại hội đã bầu ra Ban Đảng uỷ gồm 5 đồng chí: Nông Duy Thông, phó Chủ nhiệm Biên phòng Tỉnh, Bí thư. Nguyễn Hoành Sơn, Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh, Phó bí thư và 3 đồng chí Đảng uỷ viên.

Sau vụ đối phương tập kích vào Nhị Đú, xã Vân An, huyện Hà Quảng (tháng 8.1984), Bộ Tư lệnh và Tỉnh uỷ Cao Bằng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng và các lực lượng vũ trang trong tỉnh cần lưu ý công tác nắm tình hình khu vực biên giới và tăng cường hoạt động đấu tranh chống các loại đối tượng ở vùng Lục Khu (Hà Quảng). Trọng điểm là địa bàn các xã Lũng Nặm, Vân An (địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Nặm Nhũng) và xã Nà Sác (địa bàn của Đồn biên phòng Sóc Hà).

Tại ba xã trên, tổ chức Đảng, bộ máy chính quyền đã được các cấp lãnh đạo thường xuyên quan tâm củng cố, xây dựng. Nhưng vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng chưa được phát huy cao. Năng lực quản lý của chính quyền do một số tình hình cụ thể còn có một số mặt hạn chế. Từ sau chiến sự bảo vệ biên giới tháng 2.1979, các xã Nà Sác, Lũng Nặm, Vân An đã trở thành địa bàn quân sự quan trọng nằm trong hướng tấn công chính của đối phương. Đồng thời, khu vực này cũng là hướng phòng thủ chính của quân dân Cao Bằng. Bộ Tư lệnh Quân khu I đã bố trí ở đây một sư đoàn chủ lực. Tại đây, đối phương ra sức cài cắm cơ sở ngầm, xây dựng chính quyền hai mặt vào khu vực này nhằm phục vụ âm mưu lâu dài. Vì thế, đây cũng là địa bàn phản gián quan trọng của ta.

Từ đầu những năm 80, các đồn biên phòng ở huyện Hà Quảng đã phát hiện các hiện tượng công an hai huỵên Trịnh Tây và Nà Po của Trung Quốc móc nối, cài cắm cơ sở ngầm vào khu vực biên giới ta. Nhưng phải đến năm 1982, tiến hành công tác sưu tra địa bàn, Đồn Biên phòng Nặm Nhũng mới phát hiện các dấu hiện cụ thể tên Nông Văn Phung, sinh tại xóm Áng Bó, xã Lũng Nặm, huyện Hà Quảng nghi là cơ sở ngầm của đối phương. Tên Phung có mẹ là người Trung Quốc, lấy vợ và ở rể bên Trung Quốc. Sau đó, cùng gia đình trở về Việt Nam, sống tại xóm Áng Bó, Lũng Nặm. Do có nhiều quan hệ đặc biệt, Phung thường qua lại biên giới và có nhiều biểu hiện bị địch móc nối, lôi kéo. Tháng 2.1983, Phung công khai đến gặp đồn biên phòng nhằm móc nối. Y xin trực tiếp gặp đồng chí Lớ, Đồn trưởng và đồng chí Sính, Đội trưởng trinh sát Đồn Biên phòng Nặm Nhũng. Y nêu vấn đề có nhiều người quen bên Trung Quốc đã nhiều lần nhắn mời y sang chơi, nếu được đồn cho phép đi, sẽ nắm được nhiều tình hình. Đồng chí Ló biết rõ Phung đã nhiều lần sang bên kia biên giới nên đồng ý.

Trên đất Trung Quốc, Phung từng gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đối tượng của đối phương (như Hoàng Văn Khải, Đại đội trưởng dân binh ở Lũng Tải; Hoàng Văn Khoáy, Bí thư đại đội sản xuất Trải Dẻn; Lý Sấn Pháng, Trạm trưởng công an Nà Lặm, huyện Trịnh Tây, hay tên Vàng, cán bộ Công an Cáp Mìa, huyện Trịnh Tây...). Phung được phía Trung Quốc đón tiếp ân cần, hỏi thăm và muốn được gặp Bí thư Đảng uỷ xã Vân An là Lê Văn Kỉnh, hỏi thăm đồng chí Lý Trung Khính, nguyên Chính trị viên Đồn Biên phòng Nặm Nhũng, nguyên Phó chủ tịch huyện Hà Quảng, muốn gặp đồng chí Sính cán bộ trinh sát Đồn Nặm Nhũng “để trao đổi tình hình”. Phung còn được Bí thư Đại đội sản xuất Trải Dẻn của Trung Quốc giao chuyển quà đến tận tay đồng chí Sính. Đồng chí Sính đã để nguyên gói quà, chuyển về báo cáo Đảng uỷ, Ban chỉ huy Biên phòng tỉnh.
______________________________________
1. Từ năm 1959 - 1979, Đảng bộ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng tổ chức 12 lần Đại hội đại biểu (từ lần I đến lần XII). Từ năm 1979, công an nhân dân vũ trang đổi thành Bộ đội Biên phòng, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu, bắt đầu tính từ lần I, II, III...


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Sáu, 2023, 08:09:00 am

Ngày 21.3.1985, cơ quan Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh đã lập chuyên án mang bí số HQ85 để đấu tranh. Trung tá Nguyễn Hoành Sơn, Chủ nhiệm Biên phòng tỉnh làm Trưởng ban chuyên án. Đại úy Long Văn Gioòng, cán bộ Ban Trinh sát biên phòng tỉnh làm phó ban và đồng chí Hoàng Văn Lớ, Đồn trưởng đồn Biên phòng Nặm Nhũng (Đồn 169), uỷ viên. Ban còn được Cục Trinh sát Biên phòng tăng cường thêm Đại úy Nguyễn Văn Độ tham gia chỉ đạo, vạch kế hoạch và tổng hợp tình hình trong quá trình đấu tranh. Đội đánh án có ba đồng chí của trinh sát Biên phòng Cao Bằng gồm Đại úy Đinh Văn Hữu, đội trưởng và hai đội viên là Đại úy Sầm Thanh Quàn và Trung úy Hứa Hải Dương.

Trước khi triển khai HQ85, ngày 29.3.1985, Ban lãnh đạo chuyên án cùng đồng chí Hộ, Trung tá, trưởng phòng của Cục Trinh sát Biên phòng tranh thủ ý kiến Ban Giám đốc Công an tỉnh Cao Bằng. Ban Giám đốc Công an tỉnh thông báo lực lượng Công an đang đấu tranh với một vụ gián điệp ở địa bàn Hà Quảng và đề nghị biên phòng phối hợp khi có tình hình liên quan.

Sau một thời gian thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, ta đã làm rõ bộ mặt thật của một số đối tượng là cơ sở ngầm của đối phương. Trong số đó, Nông Văn Phung chính xác là cơ sở của Công an Trung Quốc. Nhiệm vụ của y là tổ chức, lôi kéo người của ta để xây dựng cơ sở ngầm, phá hoại nội bộ, thu thập và cung cấp tin tức báo cho Trung Quốc. Đồng thời, bước đầu ta cũng đã làm rõ Lê Văn Kỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy Lũng Nặm do mơ hồ, mất cảnh giác nên đã bị lôi kéo sang gặp Công an Trung Quốc. Sau hơn hai tháng đấu tranh, do gặp nhiều tình huống nghiệp vụ nằm ngoài dự kiến làm cho chuyên án bị lộ, Ban chuyên án chủ trương sơ kết giai đoạn 1, tạm dừng đánh án, nhằm đánh lạc hướng và chờ đối tượng hoạt động trở lại sẽ tiếp tục đấu tranh.

Ngày 3.7.1985, khi chuyên án đang bế tắc thì Đại tá Nguyễn Văn Chức, Cục trưởng Cục Trinh sát lên Cao Bằng công tác. Sau khi nghe biên phòng tỉnh báo cáo tình hình, đồng chí Cục trưởng Trinh sát nhất trí cho tiến hành sơ kết rút kinh nghiệm, nhưng chỉ đạo không xếp chuyên án lại mà phải thực hiện tư tưởng tiến công địch tích cực hơn nữa. Theo hướng chỉ đạo đó, đội đánh án trở lại địa bàn thực hiện kế hoạch xây dựng thế trận bí mật, áp dụng một số chiến thuật đánh án của trinh sát biên phòng. Công việc đang tiến hành thì tại địa bàn Đồn Biên phòng Nà Sác (Đồn 167), Trần Quang Học, 26 tuổi ở xóm Hòa Mục, xã Nà Sác đột nhiên ra đầu thú đã làm gián điệp cho Trung Quốc từ năm 1982. Ban chuyên án cùng Đồn 167 nhanh chóng gặp đối tượng xác minh. Từ đối tượng trên, ta nhanh chóng phối hợp với công an, an ninh quân đội phát hiện 8 tên gián điệp khác trong mạng lưới cơ sở ngầm của đối phương.

Trong giai đoạn II, ta đã phát hiện được 21 đối tượng có quan hệ buôn bán qua biên giới. Trong đó có 19 đối tượng nghi vấn bị đối phương móc nối, lôi kéo. Làm rõ 12 đối tượng là gián điệp của đối phương. Lập được 10 hồ sơ báo cáo lên trên. Tiến hành bắt 2 đối tượng để khai thác phục vụ cho công tác đấu tranh tiếp theo. Trong đó, biên phòng bắt 1 đối tượng, Công an tỉnh bắt 1 đối tượng.

Năm 1986, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện kiểm tra biên giới theo chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng. Ban Biên giới Chính phủ đã cử cán bộ về Cao Bằng tổ chức đợt tập huấn cho các ngành, các cấp trong tỉnh, các cán bộ chỉ huy sư đoàn, trung đoàn đóng quân ở phía trước, cán bộ chỉ huy quân sự huyện, cán bộ các xã biên giới, ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các huyện biên giới thực hiện kiểm tra trên thực địa biên giới. Mỗi huyện tổ chức ra các đội. Mỗi đội phụ trách kiểm tra một đoạn biên giới và hoạt động dưới sự điều hành trực tiếp của các đồn trưởng các đồn biên phòng. Các đơn vị công binh được giao đảm nhiệm công việc mở đường. Các đơn vị bộ đội chủ lực khác làm nhiệm vụ tăng cường bảo vệ toàn bộ đợt kiểm tra. Kết quả, đợt kiểm tra biên giới tại tỉnh đã tập hợp được nhiều cứ liệu quan trọng phục vụ các cơ quan chức năng nắm được thực trạng tình hình đường biên, cột mốc, các điểm, các khu vực bị lấn chiếm, có đủ số liệu báo cáo lên Chính phủ.

Năm 1986, cũng là thời điểm Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng cả nước bước vào năm thứ 7 thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Qua chặng đường gần 7 năm xây dựng, công tác chiến đấu, Bộ đội Biên phòng đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, từng bước khôi phục nề nếp hoạt động, từng bước trưởng thành, lập được nhiều thành tích trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới, vùng biển - đảo Tổ quốc. Hoạt động của Bộ đội Biên phòng trong thực tế đã bộc lộ một số thiếu sót, nhược điểm trong các mặt công tác chỉ huy, chỉ đạo; công tác đảm bảo về nhiều mặt để lực lượng có đủ cơ sở hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Trong khi đó, âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối phương ngày càng tinh vi. Yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng đòi hỏi Bộ đội Biên phòng phải tăng cường khả năng chỉ đạo, chỉ huy thống nhất trong toàn lực lượng để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Để giải quyết khắc phục thực trạng trên, ngày 4.4.1986, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 419/QĐ “về chấn chỉnh tổ chức chỉ huy và củng cố xây dựng Bộ đội Biên phòng” đã xác định: “Bộ đội Biên phòng là một lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt trong nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới của Tổ quốc cả trên đất liền và vùng ven biển và tham gia tác chiến chống xâm lược khi có chiến tranh. Về hệ thống chỉ huy, Bộ đội Biên phòng được tổ chức theo ba cấp cơ bản là:

- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ở Trung ương.

- Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng ở các Tỉnh, thành phố, đặc khu.

- Đồn biên phòng, các đơn vị cơ động trên biển, trên bộ ở cơ sở.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Sáu, 2023, 08:09:38 am

Ở tuyến biên giới đối địch hoặc những vùng biên giới, hải đảo xa xôi, hiểm trở, giao thông liên lạc khó khăn, những tỉnh có biên giới, bờ biển quá dài, những huyện có quá nhiều đầu mối, Bộ Quốc phòng cho phép nghiên cứu tổ chức thêm tiểu khu biên phòng trực thuộc Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành phố, đặc khu) để trực tiếp chỉ huy một số đồn biên phòng trong phạm vi một huyện, liên huyện.

Tháng 7.1986, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được chuyển giao về trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Để đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng vũ trang cách mạng và phù hợp với nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ đội Biên phòng, Ban Bí thư Trung ương ra Quy định số 77-QĐ/TW, ngày 5.7.1986, “về tổ chức Đảng trong Bộ đội Biên phòng”. Ban Bí thư quy định: “Các tổ chức Đảng trong các đơn vị tỉnh, thành phố, đặc khu tổ chức thành Đảng bộ đặt dưới sự lãnh đạo về mọi mặt của Tỉnh ủy, Thành ủy, Đặc khu ủy, đồng thời chịu sự chỉ đạo của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị, sự hướng dẫn của Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng về công tác chính trị và về kinh nghiệm xây dựng Đảng trong Bộ đội Biên phòng. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố, đặc khu là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng”

Từ ngày 23-26.9.1986, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tiến hành đại hội lần thứ II, kiểm điểm, đánh giá công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ xây dựng đơn vị Đảng bộ hai năm 1985 - 1986. Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ chung của nhiệm kỳ 1986 - 1988: “Tập trung mọi cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân đánh bại âm mưu, hành động lấn chiếm và chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch câu kết với đế quốc Mỹ và bọn tay sai đối với nước ta.

Ra sức xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng mọi mặt của đơn vị đủ sức hoàn thành tốt nhiệm vụ làm nòng cốt, chuyên trách trong công tác biên phòng mang ba tính chất an ninh, quốc phòng và đối ngoại như Quyết định 419 của Bộ Quốc phòng quy định”.

Đại hội thống nhất bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng gồm 13 đồng chí. Ban Thường vụ có 5 đồng chí: Nguyễn Hoành Sơn, Chỉ huy trưởng, Bí thư Đảng ủy; Hà Vâng, Phó Chỉ huy chính trị, Phó bí thư thường trực; 3 đồng chí ủy viên Thường vụ là Nông Tiến Thật, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng; Long Đình Khánh, Phó chỉ huy trưởng Trinh sát; Triệu Kim Cương, Phó chỉ huy trưởng Hậu cần và 8 đồng chí Đảng ủy viên.

Trên cơ sở triển khai thực hiện Quyết định 419 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ đội Biên phòng lần thứ II. Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhanh chóng bước vào thời kỳ thực hiện chức trách chỉ huy toàn diện đối với các đồn biên phòng trên biên giới.

Từ ngày 15-18.12.1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội. Trong bối cảnh quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi và trong xu thế mới, Đại hội VI xác định việc đổi mới tư duy, đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật... là những yếu tố cần thiết để thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, là yêu cầu bức thiết của quá trình phát triển và hội nhập của cách mạng Việt Nam.

Các chủ trương xây dựng, củng cố, kiện toàn Bộ đội Biên phòng của Bộ Quốc phòng và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã mở ra những tiền đề hết sức quan trọng cho lực lượng Bộ đội Biên phòng cả nước và Bộ đội Biên phòng Cao Bằng nói riêng bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện công tác biên phòng, đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới của đất nước.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Sáu, 2023, 08:46:33 pm

CHƯƠNG 5

KIỆN TOÀN HỆ THỐNG TỔ CHỨC VỮNG MẠNH. THỰC HIỆN NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG PHỤC VỤ ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI – HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC (1986 - 2009)



I. CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN HỆ THỐNG TỔ CHỨC VỮNG MẠNH, PHỤC VỤ ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI ĐẤT NƯỚC

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12.1986), Đảng ta khẳng định cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược là “xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, “đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”. Đại hội đề ra nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội lên hàng đầu và tỏ rõ thiện chí khôi phục quan hệ hữu nghị, sớm bình thường hóa quan hệ với nhân dân và Nhà nước Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh phải “để cao cảnh giác, tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của đất nước, quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, bảo đảm chủ động trong mọi tình huống để bảo vệ Tổ quốc”.

Là một bộ phận gắn bó hữu cơ của hai nhiệm vụ chiến lược của đất nước, công tác biên phòng trong thời kỳ mới tất yếu phải đổi mới toàn diện, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh và ổn định lâu dài biên giới quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Về công tác biên phòng, Đại hội VI chủ trương: “tăng cường tổ chức bảo vệ chủ quyền và giữ vững các tuyến biên giới, vùng trời, vùng biển và hải đảo; xây dựng và củng cố Bộ đội Biên phòng vững mạnh”.

Năm 1987, Bộ đội Biên phòng cùng quân dân cả nước triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng trong hoàn cảnh đất nước ta vẫn còn bộn bề khó khăn. Tại Cao Bằng, năm 1987, sản xuất nông nghiệp cũng trong điều kiện rất khó khăn, nắng hạn kéo dài, sâu bệnh phá hoại ở nhiều vùng... Do đó đã ảnh hưởng lớn đến thực hiện các chỉ tiêu sản xuất. Toàn tỉnh đã bỏ trắng 2.860 ha không gieo trồng được.

Trong bối cảnh đó, cùng với Bộ đội Biên phòng cả nước, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội VI, tiếp tục thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu về chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức chỉ huy, xây dựng lực lượng, phát triển hệ thống đồn, trạm biên phòng, đảm bảo kinh phí vật chất, trang bị phương tiện... nhằm thực hiện cơ chế chỉ huy thống nhất 3 cấp, từ Bộ Tư lệnh xuống đến tỉnh, thành và đồn, trạm biên phòng ở cơ sở.

Thời gian này, các hoạt động của đối phương trên biên giới ngày càng tăng cao. Nhiệm vụ, công tác biên phòng đứng trước những yêu cầu củng cố, xây dựng lực lượng: chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức hiệp đồng... đều phải phấn đấu đổi mới vươn lên tầm cao mới.

Đầu năm 1987, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng trong cả nước thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp chấn chỉnh tổ chức chỉ huy và củng cố xây dựng hệ thống tổ chức Bộ đội Biên phòng.

Ngày 28.2.1987, Ban chấp hành Đảng bộ Bộ đội Biên phòng ra Nghị quyết số 107/NQ-ĐU, xác định phương hướng lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng lực lượng năm 1987 là: “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy và các tổ chức Đảng: phát huy sức mạnh tổng hợp và hiệu lực của cơ chế tổ chức chỉ huy mới; đổi mới tư duy trong công tác biên phòng và xây dựng lực lượng nhằm lãnh đạo thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ vững chắc biên giới và vùng ven biển của Tổ quốc, góp phần đánh bại kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt và chiến tranh lấn chiếm biên giới của địch. Xây dựng biên giới đoàn kết hữu nghị với Lào và Campuchia. Tập trung mọi cố gắng, nhanh chóng củng cố lực lượng, làm chuyển biến mạnh mẽ về công tác tư tưởng và kỷ luật, đúng phương hướng chủ trương chính sách, pháp luật của Nhà nước và các điều quy định của quân đội”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Sáu, 2023, 08:48:52 pm

Đồng thời, dựa vào các chủ trương của trên và căn cứ tình hình thực tế ở cơ sở, ngày 16.2.1987, Bộ Tư lệnh ra Quyết định số 03/QĐ-BTL chỉ đạo 7 tỉnh Biên phòng trên các tuyến biên giới Việt - Trung, Việt - Lào, Việt - Miên thành lập 11 tiểu khu biên phòng trực thuộc Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng để tăng cường lực lượng, làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, vùng ven biển. Trong đó, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được phép thành lập Tiểu khu Bảo Lạc (phiên hiệu là Tiểu khu 15) và Tiểu khu Hạ Lang (phiên hiệu là Tiểu khu 20)1.

Chức năng cơ bản của tiểu khu biên phòng là chỉ huy các đơn vị cơ động thuộc quyền chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, mệnh lệnh của Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (thành, đặc khu); thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, vùng biển, hải đảo; đảm bảo sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trên khu vực biên giới, vùng biển được giao và xây dựng các đơn vị trong tiểu khu vững mạnh về mọi mặt.

Tiểu khu Bảo Lạc có 6 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh phải làm tốt việc “chỉ đạo công tác tư tưởng đối với các đơn vị thuộc quyền, đảm bảo xây dựng tiểu khu vững mạnh về tư tưởng, trong sạch về tổ chức, đoàn kết, kỷ luật, gắn bó với nhân dân, hiệp đồng với các lực lượng, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ”. Đồng thời, quan hệ chặt chẽ với sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương (huyện, quận, thị); hiệp đồng chặt chẽ với Ban chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện, và cơ quan các ngành, các đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ biên phòng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, xây dựng đơn vị, bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sỹ”2.

Đến giữa năm 1987, tình hình trên tuyến biên giới phía Bắc vẫn còn hết sức nóng bỏng. Đối phương ra sức đẩy mạnh kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, lấn chiếm biên giới, pháo kích và tập kích vào các đồn biên phòng, tung các toán trinh sát thám báo, thực hiện điều tra tình báo... với nhiều phương thức khác nhau. Yêu cầu đặt ra cho các đồn biên phòng là phải hết sức cảnh giác để có thể đứng chân vững chắc, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, chủ động trong mọi tình huống, đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn, hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Ngày 18.7.1987, căn cứ tình hình thực tế trên biên giới và Chỉ thị số 67/CT-BTL ngày 18.5.1987, của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho các Ban chỉ huy biên phòng tỉnh nghiên cứu xác định vị trí các đồn biên phòng trên tuyến biên giới phía Bắc, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra Chỉ thị số 80/CT-TM điều chỉnh, bố trí lại lực lượng Bộ đội Biên phòng trên biên giới phía Bắc nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; chỉ đạo tổ chức và bố trí mỗi xã biên giới một đồn biên phòng. Củng cố và nâng cao chất lượng các đại đội cơ động biên phòng. Tổ chức các huyện biên phòng ở những huyện có từ 3 đồn biên phòng trở lên.

Trong tháng 8.1987, Bộ đội Biên phòng nhiều tỉnh, thành phố triệu tập hội nghị quân chính thảo luận phương hướng lãnh đạo đơn vị chấp hành chỉ thị, kế hoạch công tác của Bộ Tư lệnh, sẵn sàng tham gia chi viện các tỉnh biên giới phía Bắc tăng cường, bố trí lực lượng bảo vệ biên giới.

Ngày 24.9.1987, đơn vị chi viện đầu tiên gồm 63 cán bộ, chiến sỹ của Bộ đội Biên phòng Bình Trị Thiên do Trung tá Nguyễn Tấn Hữu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Trị Thiên chỉ huy lên đường đi chi viện cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng. Ngày 26.9.1987, lễ bàn giao 63 cán bộ, chiến sỹ nói trên được tổ chức tại cơ quan Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng. Năm 1987, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức tiếp nhận 5 đợt chiến sỹ mới với tổng số 1.098 đồng chí; tiếp nhận 3 đợt cán bộ gồm 153 người do Bộ Tư lệnh điều bổ sung từ phía sau để thực hiện Chỉ thị số 80/CT-TM.

Căn cứ vào thực lực đó, cuối tháng 9.1987, chấp hành Chỉ thị số 80/CT-TM của Bộ Tổng Tham mưu và Quyết định số 95/QĐ-BTL, ngày 25.7.1987, của Bộ Tư lệnh, Đảng ủy, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tích cực tổ chức, chỉ đạo triển khai xong 6 Ban chỉ huy biên phòng huyện ở 6/8 huyện biên giới của tỉnh. Đồng thời, triển khai thêm 25 đồn biên phòng mới, đưa tổng số đồn biên phòng trên toàn tuyến biên giới của tỉnh lên 39 đồn.
_______________________________________
1. Ở các tỉnh khác: Quảng Ninh, thành lập Tiểu khu Hải Ninh (Tiểu khu 5); Hà Tuyên, thành lập Tiểu khu Đồng Văn (Tiểu khu 20), Tiểu khu Hoàng Su Phì (Tiểu khu 25); Hoàng Liên Sơn, thành lập Tiểu khu Bát Xát; Lai Châu, thành lập tiểu khu Phong Thổ (Tiểu khu 35), Tiểu khu Mường Tè (Tiểu khu 40), Tiểu khu Điện Biên (Tiểu khu 45); Nghệ An, thành lập Tiểu khu Mường Xén (Tiểu khu 50); Kiên Giang, thành lập tiểu khu Phú Quốc (Tiểu khu 55).
2. Quy định số 13/QĐ-BTL, ngày 17.2.1987, của Bộ Tư lệnh.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Sáu, 2023, 08:52:08 pm

Huyện Thạch An có 1 đồn biên phòng, huyện Thông Nông có 2 đồn biên phòng, nên không thành lập Ban chỉ huy biên phòng huyện. Đồng thời, theo quy định của trên, lúc này tên các đồn biên phòng gọi theo địa danh xã, nơi đóng quân (không gọi theo số liệu). Cụ thể, hệ thống Ban Chỉ huy biên phòng huyện và các đồn biên phòng của Cao Bằng được thông báo từ ngày 15.10.1987, thống nhất sử dụng như sau1.

“1. Huyện Thạch An có:

- Đồn Đức Long phụ trách xã Đức Long.

2. Ban Chỉ huy Biên phòng huyện Quảng Hòa có:

- Đồn Mỹ Hưng phụ trách xã Mỹ Hưng
- Đồn Tà Lùng phụ trách xã Tà Lùng
- Đồn Đại Sơn phụ trách xã Đại Sơn
- Đồn Cách Linh phụ trách xã Cách Linh.

3. Ban Chỉ huy Biên phòng huyện Hạ Lang có:

- Đồn Cô Ngân phụ trách xã Cô Ngân.
- Đồn Thị Hoa phụ trách xã Thị Hoa.
- Đồn Thái Đức phụ trách xã Thái Đức và Việt Chu.
- Đồn Quang Long phụ trách xã Quang Long.
- Đồn Đồng Loan phụ trách xã Đồng Loan.
- Đồn Lý Quốc phụ trách xã Lý Quốc
- Đồn Minh Long phụ trách xã Minh Long.

4. Ban Chỉ huy Biên phòng huyện Trùng Khánh có:

- Đồn Đàm Thủy phụ trách xã Đàm Thủy
- Đồn Chí Viễn phụ trách xã Chí Viễn
- Đồn Đình Phong phụ trách xã Đình Phong
- Đồn Ngọc Khê phụ trách xã Ngọc Khê.
- Đồn Phong Nặm phụ trách xã Phong Nặm.
- Đồn Ngọc Chung phụ trách xã Ngọc Chung.
- Đồn Lăng Yên phụ trách xã Lăng Yên.

5. Ban chỉ huy Biên phòng huyện Trà Lĩnh.

- Đồn Tri Phương phụ trách xã Tri Phương.
- Đồn Quang Hán phụ trách xã Quang Hán.
- Đồn Hùng Quốc phụ trách xã Hùng Quốc và xã Xuân Hội.
- Đồn Cô Mười phụ trách xã Cô Mười.

6. Ban Chỉ huy Biên phòng huyện Hà Quảng có:

- Đồn Tổng Cọt phụ trách xã Tổng Cọt.
- Đồn Nội Thôn phụ trách xã Nội Thôn.
- Đồn Cải Viên phụ trách xã Cải Viên.
- Đồn Vân An phụ trách xã Vân An.
- Đồn Nặm Nhũng phụ trách xã Lũng Nặm và xã Kéo Yên.
- Đồn Trường Hà phụ trách xã Trường Hà.
- Đồn Nà Sác phụ trách xã Nà Sác.
- Đồn Sóc Hà phụ trách xã Sóc Hà.

7. Huyện Thông Nông có:

- Đồn Vị Quang phụ trách xã Vị Quang.
- Đồn Cần Yên phụ trách xã Cần Yên.

8. Ban Chỉ huy Biên phòng huyện Bảo Lạc.

- Đồn Xuân Trường phụ trách xã Xuân Trường.
- Đồn Khánh Xuân phụ trách xã Khánh Xuân
- Đồn Cô Ba phụ trách xã Cô Ba
- Đồn Thượng Hà phụ trách xã Thượng Hà
- Đồn Cốc Pàng phụ trách xã Cốc Pàng
- Đồn Đức Hạnh phụ trách xã Đức Hạnh

Đến tháng 10.1987, hệ thống tổ chức đơn vị của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng từ tỉnh đến cơ sở có tất cả 55 đầu mối, gồm 4 phòng, 1 ban hành chính thuộc cơ quan Ban Chỉ huy biên phòng tỉnh, 6 Ban chỉ huy biên phòng huyện, 39 đồn biên phòng (phụ trách 42 xã biên giới), 3 đại đội cơ động, 1 đại đội thông tin, 1 tiểu đoàn huấn luyện (d19). Tổng quân số biên phòng toàn tỉnh có 2.308 cán bộ, chiến sỹ, đạt 71,3% so với quân số theo quy định biên chế của trên2.
________________________________________
1. Thông báo số 496/TB-CH, ngày 1.10.1987, của Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng.
2. Báo cáo tổng kết tình hình và công tác năm 1987. Số 588/BC-TK. Tài liệu đã dẫn.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Sáu, 2023, 08:53:50 pm

Về hệ thống tổ chức Đảng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được tổ chức thành Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh với Ban chấp hành Đảng bộ gồm 11 đồng chí. Trực thuộc Đảng ủy biên phòng tỉnh có 8 Đảng ủy cơ sở (6 Đảng ủy Biên phòng huyện, 1 Đảng ủy Phòng tham mưu và 1 Đảng ủy Phòng Hậu cần - Kỹ thuật ở cơ quan Ban chỉ huy biên phòng tỉnh) với 61 chi bộ: 8 chi bộ trực thuộc Đảng ủy biên phòng tỉnh và 53 chi bộ trực thuộc Đảng ủy biên phòng cơ sở). Tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ có 359 đồng chí.

Trong một thời gian ngắn, cùng lúc triển khai thành lập, củng cố 6 ban chỉ huy biên phòng huyện, 39 đồn biên phòng (trong đó có 25 đồn biên phòng mới), đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhất là việc bố trí, sắp xếp cán bộ, đảm bảo cơ sở vật chất, kinh phí... Tất cả doanh trại, từ cơ quan chỉ huy biên phòng tỉnh, đến huyện, đồn biên phòng đều do cán bộ, chiến sỹ tự lao động xây dựng, chủ yếu là nhà tranh, vách đất. Đơn vị vừa triển khai xây dựng doanh trại, đồn, trạm vừa làm nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, bảo vệ biên giới, trong khi quân số có hạn nên phần nào ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo vệ biên giới.

Việc bố trí mỗi xã một đồn theo chủ trương của trên trong tình hình mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc quan hệ với cấp ủy, chính quyền xã, đi sâu vào công tác nghiệp vụ biên phòng, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng toàn diện và chắc hơn1.

Năm 1987, qua hơn một năm thực hiện quyết định số 419/QĐ của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng vừa từng bước củng cố, kiện toàn tổ chức chỉ huy, phòng ban nghiệp vụ, các Ban chỉ huy biên phòng huyện, hệ thống đồn biên phòng, vừa chỉ đạo toàn đơn vị làm tốt công tác nắm tình hình, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, quyết tâm bảo vệ, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới.

Kết quả, các đồn biên phòng đã làm tốt công tác tuần tra, mật phục, kịp thời phát hiện, đón đánh 5 vụ đối phương xâm nhập vào trong khu vực biên giới ta, diệt 2 tên, bắt 4 tên, bắn bị thương 6 tên, thường xuyên củng cố, xây dựng hầm hào, công sự, tu sửa được 4.150m giao thông hào cũ, đào mới 1.030m; sửa và làm mới 181 hầm, 150 hố cá nhân.

Trong công tác biên phòng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng chấp hành các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh, các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh và căn cứ tình hình cụ thể ở biên giới, triển khai thực hiện các mặt công tác điều tra nghiên cứu, nắm tình hình địch, tình hình địa bàn; đấu tranh chống gián điệp, tình báo, bóc gỡ cơ sở ngầm; vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị và phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; quản lý biên giới, thực hiện các quy chế bảo vệ biên giới... Kết quả:

Công tác điều tra, nghiên cứu nắm tình hình ở địa bàn ngoại biên, đơn vị đã lập kế hoạch, xây dựng được 5 cơ sở tình báo viên và 3 cơ sở tin cậy; kết hợp với công tác nghiệp vụ tiến hành điều tra cơ bản theo 27 biểu mẫu do Cục Tham mưu - Bộ Tư lệnh chỉ đạo, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học quân sự, chuẩn bị luận cứ xây dựng mô hình củng cố các xã biên giới.

Công tác sưu tra thực hiện theo các mẫu 20A, 20B; sưu tra vụ việc, hiện tượng và địa bàn xung yếu, phát hiện mới 73 đối tượng, làm rõ trong đó có 58 đối tượng thuộc hệ chính trị, 34 đối tượng cần trinh sát làm rõ. Thực hiện các đối sách với từng loại như giáo dục răn đe, tập trung lao động công ích, lập hồ sơ tập trung cải tạo, bắt xử lý theo pháp luật...

Công tác đấu tranh chống gián điệp, tình báo, bóc gỡ cơ sở ngầm, đã tập trung vào địa bàn trọng điểm, xây dựng thêm được 200 đầu mối đặc tình, phục vụ quản lý địa bàn, quản lý đối tượng và phát hiện các đối tượng bị nước ngoài móc nối, cài cắm; thúc đẩy công tác xây dựng thế trận bí mật; đề xuất với Huyện ủy Bảo Lạc và phối hợp với Công an tiến hành mở đợt vận động chính trị ở 2 xã Khánh Xuân và Xuân Trường, làm rõ một số đối tượng là cơ sở ngầm bị nước ngoài cài cắm vào bộ máy chính quyền và lực lượng dân quân xã của ta.

Các đồn biên phòng đã tích cực cùng địa phương thực hiện Chỉ thị 43 của Tỉnh ủy xây dựng xã, cụm an toàn; giúp xã mở lớp giáo dục lao động công tích tập trung cho 378 đối tượng vi phạm quy chế biên giới; tiến hành điều tra, xác minh, lập được 45 hồ sơ, xác lập được 4 mối hiềm nghi, làm rõ 2 đầu mối là cơ sở ngầm của đối phương, chuyển giao cho công an, an ninh quân đội; thực hiện đối sách với 17 đối tượng.
______________________________________
1. Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, Báo cáo sơ kết qua một năm thực hiện Chỉ thị 80 Của Bộ Tổng Tham mưu, số 217/BC, ngày 25.7.1988.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Sáu, 2023, 08:54:23 pm

Trong công tác vận động quần chúng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền tổ chức được 2.405 buổi học tập từ trong Đảng đến các tổ chức, đoàn thể và nhân dân, quán triệt, thực hiện các Nghị quyết số 01 của thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 02 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chỉ thị số 43 về xây dựng xã, cụm an toàn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và vận động nhân dân tham gia chống chiến tranh tâm lý và các luận điệu gây ảo tưởng hòa bình, hữu nghị của đối phương, tuyên truyền thực hiện các cuộc vận động bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Các đồn biên phòng đã giúp địa phương làm thủ tục kết nạp thêm 2 đảng viên, 21 đoàn viên, củng cố 16 trung đội dân quân tập trung hoạt động nền nếp. Tham gia củng cố 12 hợp tác xã và 2 cửa hàng hợp tác xã, sửa chữa 20 phòng học. Tham gia gần 1.000 ngày công sửa chữa các tuyến đường liên thôn, liên xã; tiết kiệm được 2.000kg lương thực ủng hộ các hộ trong địa bàn thiếu đói, giáp hạt.

Nhờ mối quan hệ đoàn kết quân dân ngày càng gắn bó nên khi thực hiện chủ trương đóng ở mỗi xã một đồn biên phòng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới đồng tình, tích cực tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Các huyện, xã biên giới đã xây dựng thành nghị quyết, chủ trương, vận động nhân dân giúp đỡ các đơn vị mới triển khai thành lập đồn. Địa phương đã giúp đỡ tìm địa điểm, cấp đất đai, vật tư (tranh, tre...) để cán bộ, chiến sỹ tạm thời dựng được lán trại. Nhân dân 42 xã biên giới của tỉnh đều tận tình giúp đỡ thiết thực để các đồn biên phòng hoàn thành nhiệm vụ.

Trong quản lý biên giới, các đồn biên phòng thực hiện các quy chế biên giới, duy trì nền nếp hoạt động của các tổ tuần tra, kiểm tra được 42 cột mốc; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn 38 vụ đối phương đưa người xâm nhập vào đất ta chặt cây, khai thác gỗ; 4 lần tập trung giải thích cho người dân Trung Quốc về sai phạm vượt biên trái phép, vi phạm chủ quyền an ninh biên giới của Việt Nam.

Đồn Biên phòng Thị Hoa đề xuất với Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã Thị Hoa chỉ đạo, tổ chức vận động nhân dân trong xã chủ động trả 11 con bò của dân Trung Quốc lạc vào đất ta. Việc làm đó đã tạo ra phản ứng tích cực của phía Trung Quốc. Họ đưa tin mời người dân Cô Ngân (địa bàn phụ trách của Đồn Biên phòng Cô Ngân, huyện Hạ Lang) sang nhận lại 17 con trâu mà người dân Trung Quốc đã sang lùa về bên kia biên giới từ đầu năm 1986.

Các đồn biên phòng cũng đã tổ chức các trạm hoặc tổ kiểm soát lưu động ngăn chặn các vụ vượt biên. Phát hiện được 125.329 lượt người xâm nhập trái phép vào khu vực biên giới ta và vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Xử lý 944 người vi phạm quy chế biên giới (trong đó có 52 bộ đội, 22 cán bộ, công nhân viên); 882 lượt xe vận tải vào khu vực biên giới. Phát hiện 65 xe không có nhiệm vụ vào khu vực biên giới, buộc phải quay trở lại... Tiếp tục khảo sát, thí điểm xây dựng vành đai và tuyến an toàn làm chủ ở huyện Trùng Khánh. Tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm hình sự. Điều tra, kết luận một vụ trộm hơn 1 tấn thóc của hợp tác xã Xuân Trường; làm rõ 14 đối tượng trộm cắp trâu bò đưa sang Trung Quốc; kiểm tra nhân, hộ khẩu, quản lý vũ khí..

Năm 1988, tình hình trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, ngoài các hoạt động tình báo, gián điệp, móc nối xây dựng, cài cắm cơ sở ngầm, thực hiện chiến tranh phá hoại nhiều mặt... đối phương còn đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, kích động tư tưởng, tinh thần cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta; dùng hàng hóa, kinh tế xâm nhập vào khu vực biên giới, lôi kéo cán bộ, bộ đội, đảng viên và nhân dân ta vượt biên, buôn bán, trao đổi hàng hóa trái phép. Qua đó, họ thực hiện ý đồ tạo ra điều kiện để moi hỏi, thu thập tin tức tình báo, móc nối lôi kéo, tuyển chọn người, xây dựng cơ sở ngầm cài cắm vào nội bộ, chống phá ta, làm cho tình hình biên giới phức tạp hơn.

Chính sách hàng hóa của đối phương cũng tác động cả vào nội bộ Bộ đội Biên phòng, làm thoái hóa biến chất một số cán bộ, chiến sỹ dẫn đến việc vi phạm quy định, vi phạm kỷ luật (đưa người của đối phương vào đồn ăn nghỉ, kết bạn, vay mượn tiền, tự động đưa người vào nội địa, tiếp tay mua bán qua biên giới...). Thậm chí có đồng chí ở Ban chỉ huy biên phòng huyện tự ý một mình sang gặp chỉ huy biên phòng của đối phương bàn chuyện hợp tác làm ăn kinh tế; hoặc một thượng úy trinh sát tự mình sang bên kia biên giới, bị đối phương hô hoán là trấn lột và bắn chết, cướp súng ngắn K54 và bị kéo xác đến sát đường biên giới; một quân nhân của Đồn Biên phòng 137 vượt biên đi chợ Cát Mìa bị đối phương bắt, khai thác...


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Sáu, 2023, 08:56:11 pm

Chính sách hàng hóa của đối phương trên biên giới cũng đã tác động làm tổn hại tình đoàn kết quân dân và ảnh hường đến an ninh trật tự ở khu vực biên giới. Đặc biệt, tháng 5.1988, xảy ra vụ gây rối tại Đồn Biên phòng 971, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang. Ngày 1.5.1988, Tổ tuần tra biên giới của Đồn Biên phòng 97 trong khi làm nhiệm vụ đã phát hiện, bắt giữ một số người (hầu hết là người ở phố Bằng Ca, xã Lý Quốc) buôn bán trái phép 195 thớt gỗ nghiến. Tổ tuần tra lập biên bản thu giữ tang vật. Tổ tuần tra bắt giữ Nông Văn Thơ và hai người anh em ruột của Thơ vì có các biểu hiện liên quan và hành vi bám sát, theo dõi hoạt động của đồn.

Lợi dụng tình hình đó, các phần tử xấu đã tuyên truyền, xuyên tạc, lên án đồn biên phòng bắt giữ người vô cớ. Sáng ngày 24.5.1988, do bị kích động, một số đông quần chúng, trong đó có cả cán bộ xã, kéo đến cổng Đồn Biên phòng 97 gây rối, la hét ồn ào, đòi phải dời đồn đi nơi khác. Cán bộ đồn ra tiếp xúc yêu cầu mọi người bình tĩnh để phối hợp giải quyết. Nhưng đám đông nhất quyết không nghe và một số phần tử quá khích xông vào đồn hành hung, làm đồng chí Lê Duy Thục, Phó đồn trưởng bị thương, rối tự giải tán. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cao Bằng phải vào cuộc, sự việc đã được làm rõ. 5 đối tượng gây rối đã bị truy tố trước pháp luật. Một số đối tượng khác bị cảnh cáo, răn đe, giáo dục. Một số cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng 97 vi phạm kỷ luật đã đề nghị chuyển Viện kiểm sát Quân sự xử lý.

Cuối tháng 5.1988, sơ kết về công tác trong tháng, Đảng ủy - Ban chỉ huy biên phòng tỉnh đánh giá: Vụ gây rối tại Đồn Biên phòng 97 là một minh chứng sinh động về sự thâm độc của kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, của chính sách hàng hóa của đối phương tác động xấu đến tình đoàn kết quân dân ở một vùng biên giới và cho thấy sự cần thiết, ý nghĩa sâu sắc của chủ trương không ngừng đẩy mạnh phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn liền với chăm lo, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở. Đồng thời, đây cũng là bài học sâu sắc về công tác giáo dục cán bộ, chiến sỹ không những phải không ngừng rèn luyện, nắm chắc, thực hiện đúng chủ trương, đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nguyên tắc công tác biên phòng, mà còn phải phát huy tinh thần tích cực tiến công các loại tội phạm, giải quyết nhanh gọn, không để kéo dài; phải biết phát huy cao độ bản lĩnh chính trị, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, bình tĩnh, sáng suốt, lịch sự khi giao tiếp với nhân dân, tranh thủ được lòng dân nơi biên giới, tập trung mũi nhọn đấu tranh vào các loại đối tượng, phần tử xấu.

Năm 1988, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng toàn lực lượng trên cả nước đã qua chặng đường hơn tám năm hoạt động, công tác, chiến đấu trong đội hình Quân đội theo Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Đó là chặng đường Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng toàn lực lượng trong cả nước liên tục phấn đấu trên các mặt củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức vững mạnh, nâng cao trình độ chỉ đạo, chỉ huy, xây dựng các mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân dân một ý chí, tham gia củng cố xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, vận dụng các biện pháp nghiệp vụ biên phòng, kết hợp thực hiện 3 tính chất an ninh - quốc phòng - đối ngoại, tích cực đấu tranh chống kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt, chiến tranh lấn chiếm biên giới... lập nhiều thành tích trên trận tuyến bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Trong giai đoạn đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đặt nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội lên hàng đầu, nhưng vẫn khẳng định phải “đề cao cảnh giác, tăng cường khả năng quốc phòng và an ninh của đất nước, quyết đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt... bảo đảm chủ động trong mọi tình huống để bảo vệ Tổ quốc”2. Nhiệm vụ an ninh quốc phòng trong tình hình đó cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với lực lượng nòng cốt chuyên trách bảo vệ biên giới quốc gia.

Trên cơ sở đó, ngày 30.11.1987, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 07/NQ-TW về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới Bộ Chính trị đánh giá: công tác biên phòng của đất nước đứng trước yêu cầu phải “xây dựng, củng cố phòng tuyến an ninh nhân dân ở biên giới, chống địch xâm nhập, chống “chính sách hàng hóa”, chống âm mưu chia rẽ dân tộc, bố trí xây dựng lực lượng an ninh biên phòng vững mạnh”. Để đáp ứng yêu cầu đó, Bộ Chính trị quyết định “Chuyển giao Bộ đội Biên phòng cho Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách”.
______________________________________
1. Từ năm 1988, các đồn biên phòng Cao Bằng chuyển sang gọi theo số liệu. Đồn Biên phòng 97 là Đồn Biên phòng Lý Quốc (theo cách gọi của năm 1987).
2. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 04 Tháng Sáu, 2023, 08:57:48 pm

Ngày 31.5.1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 41/CT-TW cho các bên hữu quan “chuyển giao lực lượng từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ” để thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.

Ngày 17.6.1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 58/QĐ-TW chuyển Đảng bộ Bộ đội Biên phòng thành Đảng bộ trực thuộc Ban Bí thư.

Ngày 21.6.1988, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 104/HĐBT quy định việc chuyển giao Bộ đội Biên phòng từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ. Theo đó từ ngày 16.8.1988, Bộ đội Biên phòng trực thuộc Bộ Nội vụ.

Từ tháng 8.1988, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tiếp tục đặt dưới sự chỉ đạo, chỉ huy toàn diện của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng. Đây là thời gian đơn vị tiếp tục hoạt động, chiến đấu trong hoàn cảnh đất nước đang phải tháo gỡ nhiều khó khăn trong bước đi ban đầu của cơ chế quản lý kinh tế mới. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn và chưa được giải quyết căn bản. Giá cả không ổn định, tiêu cực xã hội chưa giảm. Đối phương vẫn tiếp tục các hoạt động chống phá ta.

Trên khu vực biên giới Cao Bằng, đối phương tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh gián điệp, tung nhiều toán biệt kích, thám báo xâm nhập vào lãnh thổ ta phục kích, bắt cóc cán bộ, bộ đội, nhân dân, sử dụng hàng hóa câu móc dân ta sang buôn bán, moi hỏi tình hình thu thập tin tức, cài cắm gây cơ sở ngầm trên địa bàn biên giới, thường xuvên tuyên truyền phản động, gây tâm lý xấu trong nhân dân ta.

Trong năm 1987 và 9 tháng đầu năm 1988, đối phương đã gây ra 33 vụ bắn súng sang ta, 37 vụ phục kích bắt cóc, 42 vụ xâm nhập thám báo, 89 vụ xâm nhập chặt cây lấy gỗ, đẩy 147 người Hoa trở lại... “các hoạt động của Trung Quốc làm cho ta thiệt hại về người, về của và ảnh hưởng xấu đến sản xuất, đời sống của nhân dân, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh, làm chết 50 người, bị thương nhiều người. Điển hình là vụ ngày 14.2.1987, tại xã Đình Phong huyện Trùng Khánh, lính Trung Quốc phục kích bắn chết 13 người của ta. Vụ ngày 16.7.1988, tại khu vực mốc 105 Hà Quảng, lính Trung Quốc đã bắn chết 6 quân nhân của ta...”1.

Trong bối cảnh đó, từ tháng 10.1988, ở Cao Bằng xuất hiện sự kiện đầu tiên ở tuyến biên giới phía Bắc: Rất đông dân Trung Quốc vượt qua biên giới vào khu vực xã Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa, giải quyết nhu cầu đời sống; sau đó, lan rộng sang một số huyện khác. Thời gian đầu, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng có phần lúng túng về chủ trương, đối sách. Nhưng ta đã linh hoạt hướng dẫn tạm thời thực hiện một số điều quy định cơ bản về quy chế biên giới, tình hình dần ổn định.

Từ thực tế trên, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiến nghị với Tỉnh ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đổi mới chủ trương, đối sách: Không ngăn cấm người dân Việt Nam và Trung Quốc qua lại mua bán hàng hóa; chủ động cho dân qua lại biên giới nhưng có sự quản lý chặt chẽ, đi phải đăng ký xin phép, về phải báo cáo để giữ vững an ninh trật tự cho biên giới.

Ngày 1-2.11.1988, Ban Nội chính Trung ương và lãnh đạo 6 tỉnh biên giới phía Bắc trình bày với Ban Bí thư về một số tình hình biên giới Việt - Trung. Ban Bí thư “thông báo ý kiến của Ban Bí thư đối với vấn đề qua lại biên giới phía Bắc hiện nay” (số 118/TB-TW). Thông báo nêu rõ: “Ta không ngăn cấm nhân dân hai bên biên giới Việt - Trung qua lại mua, bán những hàng hóa thiết yếu cho đời sống và sản xuất và thăm hỏi bà con và thăm hỏi người thân. Nhưng phải có sự lãnh đạo, tổ chức, quản lý chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối về trật tự, an ninh ở vùng biên giới phía Bắc; nghiêm cấm việc lợi dụng qua lại biên giới để buôn lậu và tiến hành các hoạt động phi pháp khác. Các địa phương không được nhận bất cứ người nước ngoài nào vào cư trú nếu không có giấy phép của Nhà nước Việt Nam” và chỉ đạo các tỉnh biên giới phía Bắc phải làm tốt một số công việc cụ thể để thực hiện chủ trương trên.

Giữa tháng 11.1988, Bộ Tư lệnh ra Chỉ thị 135 và Chỉ thị 02/CT-BTL cho các Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng 6 tỉnh trên tuyến biên giới phía Bắc tiến hành các việc liên quan để thực hiện Thông báo 118 của Ban Bí thư.
_______________________________________
1. Tỉnh ủy Cao Bằng. Báo cáo một số chủ trương, biện pháp giải quyết tinh hình biên giới. (Phần tình hình biên giới). Số 29/BC.TƯ, ngày 29.10.1988.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Sáu, 2023, 09:25:12 pm

Ngày 20.11.1988, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã chỉ thị cho các đơn vị Bộ đội Biên phòng trong tỉnh tiến hành một số công tác cấp bách để ổn định và bảo vệ biên giới trong thời gian cuối năm 1988. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường cùng các đơn vị, cơ quan, ban, ngành phối hợp thực hiện các công việc theo kết luận cuộc họp ngày 18.11.1988 của khối Nội chính tỉnh; mở các trạm kiểm soát ở các trục đường ra vào biên giới, kiểm soát lưu động, duy trì thực hiện các quy chế biên giới: chú trọng việc phát hiện các đối tượng trà trộn, móc nối, nhằm bảo vệ khu vực biên giới.

Từ ngày 30.11 đến 1.12.1988, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ III và thống nhất đánh giá: Mặc dù quan hệ biên giới còn ở trạng thái căng thẳng; kinh tế, xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn gay gắt; tình hình lực lượng có nhiều biến động, nhưng toàn đơn vị, Đảng bộ luôn nắm chắc và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ trung tâm của đơn vị; luôn khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách, sát cánh cùng quân dân trong tỉnh đấu tranh nhằm giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới. Đại hội nhận định, trong nhiệm kỳ II còn tồn tại 3 vấn đề chủ yếu sau: Chưa đầu tư đúng mức cho nghiên cứu, tổng kết công tác biên phòng; chưa tiến hành đồng bộ và có giải pháp hiệu quả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức trong xây dựng lực lượng; chưa thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức, nguyên tắc Đảng, nên hạn chế vai trò lãnh đạo. Đại hội đề ra phương hướng cho thời gian tiếp theo là: .

- Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng, tích cực xây dựng, củng cố phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới...

- Nâng cao hiệu quả công tác nắm tình hình, phục vụ tốt lãnh đạo, chỉ huy, phục vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đảm bảo chủ động, đạt hiệu quả cao.

- Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt quy chế biên giới, tổ chức thực hiện tốt quy chế quản lý, bảo vệ biên giới; kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt để nhân dân và binh lính đối phương đồng tình với chủ trương bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, lôi kéo binh lính đối phương về phía chính nghĩa.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện kỷ luật bộ đội, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, bảo vệ chặt chẽ nội bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

- Tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tổ chức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, cải thiện đời sống bộ đội. Phấn đấu trong năm tiếp theo: 100% đơn vị có đủ nhà ở, hội trường, kho tàng, giường nằm, bàn ghế làm việc, sinh hoạt. Trong đó có 70% số nhà được ngói hoá. Tập trung xây dựng hoàn chỉnh 6 đồn biên phòng, xây dựng 1.400m2 nhà cấp 4, cải thiện bữa ăn cho bộ đội, đảm bảo 97% quân số khoẻ.

Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ mới, gồm 13 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết. Ban Thường vụ có 5 đồng chí: Đặng Vũ Liêm, Chỉ huy phó chính trị, Bí thư; Hoàng Ích Hồng, Chỉ huy trưởng, Phó bí thư; Nguyễn Dư Khiêm, Chỉ huy phó Tham mưu tác chiến, uỷ viên; Long Đình Khánh, Chỉ huy phó Trinh sát, uỷ viên; Lê Bầu, Chủ nhiệm chính trị, uỷ viên và 8 đồng chí uỷ viên Ban chấp hành.

Tháng 12.1988, thực hiện thông báo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng về giải quyết mối quan hệ trên tuyến biên giới Việt - Trung, ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chọn địa bàn hai đồn biên phòng Sóc Hà (huyện Hà Quảng) và Hùng Quốc (huyện Trà Lĩnh) làm thí điểm để có cơ sở áp dụng cho toàn tỉnh.

Thực hiện kế hoạch của tỉnh, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng xây dựng kế hoạch cho đơn vị thực hiện Thông báo 118 của Ban Bí thư, lập thêm các trạm kiểm soát biên phòng trên các trục đường qua lại biên giới và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ra Chỉ thị 03/CT-UB, ngày 27/1/1989, để nhân dân các xã biên giới được phép ra vào khu vực biên giới Cao Bằng; tiếp đó, đề xuất ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy định cụ thể việc ra vào biên giới1.
________________________________________
1. Chỉ thị số 03/CT-UB ngày 27.1.1989 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng. “Quy định tạm thời cho người Trung Quốc ở các xã biên giới được ra, vào biên giới Việt - Trung”. Quy định số 32/UB-QĐ, ngày 27.1.1989 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng “Quy định tạm thời ra vào biên giới Việt - Trung”. Quy định số 33/QĐ-UB ngày 27.1.1989 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Sáu, 2023, 09:27:15 pm

Tuy nhiên, sau khi Đảng và Nhà nước ta tỏ rõ thiện chí muốn bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nhưng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt đối với nước ta, tăng cường dùng hàng hóa để phá ta không chỉ ở vùng biên giới mà cả ở vùng phía sau, lợi dụng việc mua bán hàng hóa qua biên giới để moi tin tức, tung gián điệp, chắp nối gây cơ sở ngầm. Đồng thời, duy trì hoạt động chiến tranh tâm lý, tiếp tục sử dụng các cụm loa phát thanh công suất mạnh trên biên giới tuyên truyền, nói xấu Việt Nam, xuyên tạc tình hình Campuchia, tán phát nhiều truyền đơn, tranh ảnh, sách báo; tổ chức biểu diễn văn nghệ, dùng xe ca, xe lam chở dân ta vào các chợ nội địa, tặng quà, phân phát truyền đơn, mời gọi cán bộ lão thành cách mạng Việt Nam sang Trung Quốc; gửi giấy mời cán bộ xã và công an ta sang trao đổi tình hình địa bàn hai bên biên giới; nhắn tin sẵn sàng ủng hộ, xây dựng lại các công trình thủy lợi, cầu cống bị tàn phá trong tháng 2.1979. Trung Quốc đưa nhiều cán bộ của họ đã nghỉ hưu ra cư trú sát biên giới ở đoạn đối diện huyện Hạ Lang, Sóc Hà (Hà Quảng), cố gắng nối quan hệ với số cán bộ lão thành, người quen cũ của ta để phục vụ ý đồ của họ. Về quân sự, Trung Quốc tiến hành thay quân ở một số điểm chốt sát biên giới, một số nơi họ vẫn duy trì diễn tập, bắn đạn thật.

Nhân dân vùng biên giới ở Việt Nam - Trung Quốc đều rất phấn khởi và hoan nghênh chủ trương cho phép nhân dân hai bên được qua lại biên giới thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của đời sống. Sau khi có Thông báo 118 của Ban Bí thư Trung ương, dân Trung Quốc qua lại thăm thân, buôn bán, trao đổi hàng hóa ở các huyện biên giới Cao Bằng tăng lên. Trong đó, tập trung nhiều ở 4 hướng chính là Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh và Quảng Hòa. Người Trung Quốc thường sang ta buôn bán vào lúc 5 giờ sáng và quay về vào lúc 15 giờ cùng ngày. Cá biệt một số ít ngủ lại qua đêm ở Việt Nam. Khoảng 80 - 90% số người từ Trung Quốc sang là người ở các xã giáp biên; 75% là phụ nữ, gần 70% là thanh niên, tuổi bình quân từ 18 - 20. Họ đi thành từng đoàn từ 20 - 25 người, gây ùn tắc ở các trạm kiểm soát biên phòng của ta để trốn mua lệ phí.

Chấp hành sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh, việc qua lại biên giới được tổ chức thông thoáng, thuận tiện. Đến hết quý 1.1989, các đồn biên phòng đã phối hợp với địa phương thiết lập 24 tuyến đường chính1 để phục vụ nhân dân hai nước qua lại. Hầu hết người dân khi ra vào biên giới đều đi theo các đường quy định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vụ vượt biên trái phép. Phần lớn số này là người ở nội địa, gây ra tình trạng lộn xộn ở một số nơi.

Trước tình hình mới, Nhà nước chủ trương phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, có nhiều chủ trương, quyết sách phù hợp với nhiệm vụ biên phòng: phải luôn thực hiện phương châm đổi mới, tăng cường các mối quan hệ đoàn kết, hiệp đồng rộng rãi giữa lực lượng nòng cốt, chuyên trách biên phòng với nhân dân và các lực lượng; củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa hai bên nhân dân biên giới để bảo vệ biên giới thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, bằng nhiều hình thức, biện pháp tổng hợp liên hoàn, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, từng bước trở thành tập quán văn hóa của toàn dân tộc trong nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia.

Để thực hiện chủ trương đó, đáp ứng yêu cầu khách quan của công tác biên phòng thời kỳ mới, ngày 22.2.1989, Đảng và Nhà nước ta quyết định lấy ngày 3 tháng 3 hàng năm làm “Ngày Biên phòng”2.
_______________________________________
1. Khu vực biên giới ở hai huyện Bảo Lạc, Thông Nông: 5 đường; Huyện Hà Quảng: 5 đường; Trà Lĩnh: 4 đường; Trùng Khánh: 5 đường; Hạ Lang: 2 đường; Quảng Hòa: 3 đường.
2. Quyết định số 16/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. Trong đó, quy định 6 nội dung, yêu cầu của “Ngày Biên phòng toàn dân” là:
- Năng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của nhân dân các dân tộc, của cán bộ, nhân dân các cơ quan, đoàn thể ở biên giới, làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
- Tăng cường đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa lực lượng biên phòng và nhân dân, giữa lực lượng biên phòng và lực lượng khác.
- Không ngừng củng cố và phát triển tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, chống mọi hành vi xâm phạm biên giới của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
- Đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của địa phương.
- Khen thưởng bằng các hình thức thích hợp các xã và đồng bào có công trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ, biên giới.
- Việc tổ chức “Ngày Biên phòng” hàng năm cần thiết thực, có hiệu quả, bằng những hoạt động phong phú như một tập quán văn hóa tốt, không phô trương lãng phí.



Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Sáu, 2023, 09:29:22 pm

Ngày 3.3.1989, lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam và kỷ niệm Ngày Biên phòng lần đầu tiên được tổ chức tại thị xã Cao Bằng. Đồng chí Vương Văn Quýnh (Dương Tường), ủy viên Trung ương Đảng (khóa V, VI), Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Vũ Ngọc Bộ (Bảo Long) cùng nhiều đồng chí ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các đồng chí bí thư và chủ tịch 13 huyện, thị trong tỉnh, các gia đình liệt sỹ Bộ đội Biên phòng, các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các thời kỳ của đơn vị, cùng một số Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động về dự lễ.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Thường vụ Tỉnh ủy phát biểu nhắc lại tinh thần thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ổn định tổ chức, biên chế của Bộ đội Biên phòng và nêu rõ ý nghĩa chiến lược của “Ngày Biên phòng”; nhắc nhở các cấp bộ Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị, lực lượng trong tỉnh nâng cao trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp sức xây dựng, củng cố Bộ đội Biên phòng ngày càng vững mạnh, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ chuyên trách, nòng cốt trong công tác biên phòng.

Ngày 14.9.1989, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra thông báo số 158/TB-TW quy định Bộ đội Biên phòng ở địa phương chịu sự lãnh đạo song trùng của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và lãnh đạo của Công an địa phương, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Căn cứ thông báo của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 23/QĐ-NV về nhiệm vụ và tổ chức của Bộ đội Biên phòng. Theo Nghị quyết số 07/NQ-TW, của Bộ Chính trị và Quyết định của Bộ Nội vụ, hệ thống tổ chức, chỉ huy của Bộ đội Biên phòng thực hiện theo 3 cấp:

- Bộ Tư Lệnh Bộ đội Biên phòng ở Trung ương

- Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng ở các tỉnh, thành phố.

- Hệ thống đồn, trạm biên phòng và các đơn vị trực thuộc ở cơ sở (các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo).

Theo cơ chế đó, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc công an tỉnh, thành, đặc khu, trực tiếp phụ trách công tác biên phòng.

Ngày 17/6/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 58/QĐ-TW, quy định hệ thống tổ chức Đảng trong Bộ đội Biên phòng và quyết định chuyển Đảng bộ Bộ đội Biên phòng thành Đảng bộ trực thuộc Ban Bí thư.

Thống nhất với tổ chức Đảng các tỉnh, thành khác trong toàn quốc, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được xác định là Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy Cao Bằng và được tổ chức thành hệ thống 3 cấp. Ở tỉnh có Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Ở các tiểu khu, tiểu đoàn có Đảng ủy cơ sở. Ở các đồn, đại đội cơ động là các chi bộ cơ sở.

Rút kinh nghiệm qua các lần điều chỉnh, thay đổi cơ cấu tổ chức trước đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng chủ trương chỉ đạo Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng trực thuộc Tỉnh ủy, không xáo trộn, điều chỉnh cán bộ; lãnh đạo tiến hành chặt chẽ công tác chính trị, tư tưởng đối với cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên, không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới.

Cùng thời gian trên, Bộ Tư lệnh có chủ trương giảm bớt các đầu mối trung gian, thu gọn, giảm bớt các đồn biên phòng, tập trung lực lượng cho các khu vực cửa khẩu và các địa bàn trọng điểm, xung yếu. Theo hướng đó, cuối năm 1989, Bộ đội Biên phòng tỉnh giải thể 6 ban chỉ huy biên phòng huyện biên giới, lập lại 2 Ban chỉ huy Tiểu khu biên phòng Bảo Lạc và Hạ Lang, 39 đồn biên phòng trên biên giới cũng được sáp nhập lại thành còn 24 đồn, giải tán 15 đồn1. Việc sắp xếp lại các đơn vị biên phòng trên đây kiện toàn một bước lực lượng Bộ đội Biên phòng Cao Bằng. Nhiều cán bộ từ các phòng, ban của cơ quan chỉ huy biên phòng tỉnh được đưa xuống tăng cường cho các đồn. Lúc này, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng được Bộ Tư lệnh tăng cường thêm cán bộ. Ban Chỉ huy biên phòng tỉnh có đồng chí Hoàng Ích Hồng, Chỉ huy trưởng2 và các đồng chí Đặng Vũ Liêm, Nguyễn Dư Khiêm, Long Đình Khánh, Chỉ huy phó.

Các cấp đơn vị, đồn, trạm biên phòng Cao Bằng vẫn luôn bám sát địa bàn, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tham gia đẩy mạnh các phong trào, các cuộc vận động, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng, nhằm xây dựng, củng cố phòng tuyến an ninh biên giới ngày càng vững chắc. Nhờ đó, năm 1989, các đơn vị đã góp phần củng cố 16 chi bộ Đảng các xã biên giới, 32 tổ an ninh nhân dân và 12 trung đội dân quân hoạt động khá. Giới thiệu với nhân dân bầu được 47 trưởng thôn, bản. Tham gia cùng nhân dân 3.603 ngày công lao động, sửa chữa đường liên xã, liên thôn và khôi phục một số công trình thủy lợi. Đồn Biên phòng Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) mở trạm xay xát thóc, ngô, mở quầy may mặc phục vụ nhu cầu của nhân dân các dân tộc quanh vùng. Đồn Biên phòng Tri Phương (huyện Trà Lĩnh) hưởng ứng cuộc vận động của ngành giáo dục, cử cán bộ, chiến sỹ thay nhau mở lớp dạy học, xóa mù chữ cho 27 người...
______________________________________
1. Sau tổ chức sáp nhập, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng giải thể 15 đồn biên phòng: Thượng Hà (Bảo Lạc); Vị Quang (Thông Nông); Nà Sác, Cải Viên, Nội Thôn (Hà Quảng); Cô Mười, Quang Hán (Trà Lĩnh); Lãng Yên, Phong Nặm, Chí Viễn (Trùng Khánh); Minh Long, Đồng Loan, Cô Ngân (Hạ Lang); Cách Linh, Mỹ Hưng (Quảng Hòa).
2. Năm 1989, đồng chí Hoàng Ích Hồng được bổ nhiệm Phó Giám đốc Công an tỉnh.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Sáu, 2023, 09:31:06 pm

Việc tổ chức lại số đồn biên phòng trên biên giới, sáp nhập một số đồn, thu gọn đầu mối, điều chỉnh vị trí doanh trại một số đồn biên phòng đã làm cho các cấp đơn vị biên phòng trong tỉnh phải giải quyết một khôi lượng công việc rất lớn, trong điều kiện kinh phí, vật tư, tài chính rất eo hẹp.

Mặc dù vậy, các cấp biên phòng trong tỉnh phát huy cao độ truyền thống của lực lượng, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức khắc phục khó khăn, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, xây dựng đơn vị. Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị đoàn kết bên nhau, tích cực lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tự tạo được một phần kinh phí, nuôi được 56 con dê, 92 con bò, 11 con trâu, 125 con lợn, nuôi thả và thu hoạch được hàng vạn con cá trong ao do các đơn vị tự thiết kế. Nung được trên 100 tấn vôi, hơn 30.000 viên gạch. Khai thác trên 1.000m3 đá hộc, hàng trăm mét khối cát sỏi để xây dựng nhà ở, doanh trại.

Ngoài ra, các đơn vị còn tìm nhiều biện pháp lao động gây quỹ, tự nguyện đóng góp tiền, gạo giúp đỡ, hỗ trợ cho các gia đình cán bộ, chiến sỹ có hoàn cảnh khó khăn, trợ cấp cho 223 đồng chí quê ở miền xuôi bị thiệt hại nặng do bão lụt trong năm 1989, với 2.838kg gạo và gần 14.000.0000 đồng... Tình đoàn kết thương yêu đồng chí, đồng đội trong các đơn vị ngày càng mật thiết. Cán bộ, chiến sỹ đều gắn bó với lực lượng, yên tâm công tác ở vùng biên giới.

Nhờ đó, trước nhiều biến động về mặt tổ chức, biên chế, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vẫn được các cấp đơn vị biên phòng Cao Bằng đảm bảo thực hiện tốt. Riêng năm 1989, các đồn, trạm đã kiểm soát được 104.748 lượt người, 5.872 lượt phương tiện cơ giới qua lại biên giới, ra vào khu vực biên giới, xử lý 2.947 người và 122 phương tiện cơ giới vi phạm quy chế biên giới. Khảo sát được 94 cột mốc; phối hợp với nhân dân địa phương khảo sát được 9 cột mốc và phát hiện 4 cột mốc bị mất... kịp thời báo cáo, đề xuất trên chỉ đạo, xử lý.

Năm 1990, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng bước vào một giai đoạn hoạt động, xây dựng, chiến đấu trong hoàn cảnh thế giới biến động sâu sắc, tình hình trong nước về mặt an ninh có những diễn biến phức tạp. Liên Xô1 thục hiện cải tổ không thành công, lâm vào khủng hoàng toàn diện và sụp đổ vào cuối năm 1989, kéo theo sự sụp đổ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu.

Đối với Việt Nam, chủ nghĩa đế quốc câu kết với các thế lực thù địch tiếp tục tìm mọi phương thức, thủ đoạn, nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình” - bạo loạn lật đổ. Mục tiêu của chúng là tác động, xâm nhập phá hoại ta trên mọi lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng... tập trung mũi nhọn đả kích, tấn công vào chế độ chính trị của nước ta.

Trải qua 3 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986 - 1989), đất nước ta đã thu được những thành tựu bước đầu. Bộ mặt kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, phong phú và được cải thiện trên nhiều mặt. Tuy nhiên, hậu quả của mấy chục năm chiến tranh giải phóng và cuộc chiến tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền an ninh biên giới vẫn còn nặng nề, đời sống giá cả vẫn chưa ổn định. Tiêu cực xã hội vẫn chưa được khống chế một cách hiệu quả.

Tại vùng biên giới Cao Bằng - Quảng Tây, sau hơn một năm thực hiện Thông báo 118 của Ban Bí thư, tình hình đã có những chuyển biến, đổi mới theo hướng tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn các hoạt động câu móc, cài cắm cơ sở ngầm vào nội bộ ta, tăng cường chiến tranh lấn chiếm biên giới.

Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 45 và căn cứ tình hình thực tế trên biên giới, Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh lực lượng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác biên phòng năm 1990 là ra sức "Xây dựng thế trận an ninh biên phòng, tăng cường sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu chống bọn xâm nhập từ bên ngoài, trấn áp kịp thời bọn phản động bên trong, loại tội phạm khác để giữ gìn an ninh trật tự biên giới trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ”.

Để thực hiện nhiệm vụ đó, Đảng uỷ - Ban Chỉ huy biên phòng tỉnh thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, đồn, trạm tích cực hoạt động, vận dụng đổi mới các biện pháp, nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, tiến hành công tác phản gián, tình báo biên phòng, theo dõi nắm chắc tình hình địa bàn, các hoạt động của đối phương, phát hiện kịp thời mọi di biến động của các loại đối tượng móc nối, cài cắm cơ sở ngầm vào nội bộ ta; kịp thời tham mưu đề xuất chủ trương, đối sách đấu tranh ngăn chặn mọi mưu đồ phản động phá hoại. Từ cuối tháng 3.1990, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đẩy mạnh triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Nội vụ, Tỉnh uỷ, uỷ ban nhân dân tỉnh, trực tiếp là Chỉ thị số 02/CT-BTL, ngày 12.3.1990, của Bộ Tư lệnh “về việc ngăn ngừa, đối phó với hoạt động xưng vua, đón vua, tuyên truyền phát triển đạo trái phép trong vùng dân tộc Mông”.
______________________________________
1. Liên Xô tồn tại gần 70 năm (1922 - 1991). Diện tích 22.400.000km2 (gần 1/6 diện tích trái đất). Dân số: 286.700.000 người (1989), gồm 15 nước cộng hòa: Nga (diện tích 17.075.400km2. Số dân 15 triệu người (1992); Bêlarút, Ucraina, Udơbêkixtan, Cadăcxtan. Adecbaigian, Ácmêni, Mônđôva, Tatgikixitan, Kiêcghidia, Tuôcmenixtan, Latvia, Litva, Extônia, Grudia.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Sáu, 2023, 09:32:44 pm

Từ cuối năm 1989, trong một số xã biên giới, nhất là vùng có nhiều người Mông lan truyền luận điệu chuẩn bị đón “Vàng Chứ” (Chúa Trời), lôi kéo nhiều bà con người Mông bỏ làm ăn, sản xuất, tụ tập cầu cúng “Vàng Chứ” cho người Mông có vua để bà con không phải lao động mà vẫn đầy đủ, sung sướng... Mở rộng điều tra, lực lượng công an tỉnh phát hiện tuyên truyền các nội dung trên còn lan rộng ở một số địa bàn thuộc các huyện Hoà An, Nguyên Bình... Các đơn vị biên phòng Cao Bằng đã chủ động báo cáo Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ cụ thể và tăng cường cán bộ, đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, huyện giáp biên giới, hiệp đồng với lực lượng công an tập trung phát động quần chúng ở các địa bàn trọng điểm, đẩy mạnh phong trào thi đua bảo vệ an ninh Tổ quốc, kết hợp tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, tranh thủ các già làng, trưởng thôn, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng họ... đấu tranh với các luận điệu sai trái, vạch mặt và cô lập các phần tử xấu, chủ mưu. Kết quả, các đơn vị biên phòng đã góp phần cùng các lực lượng chức năng, lực lượng nghiệp vụ, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh thuyết phục, cảm hoá được 107 đối tượng nhận rõ được âm mưu của kẻ xấu, cam kết không nghe và làm theo luận điệu sai trái. Tổ chức giáo dục, răn đe trước dân 73 đối tượng, bắt xử lý 6 tên.

Thực hiện Quyết định số 54/QĐ-BTL, ngày 16.5.1999, của Bộ Tư lệnh quy định biên chế các tiểu khu biên phòng tuyến Việt - Trung cho các tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Tuyên, Lai Châu, Tiểu khu Biên phòng Hạ Lang (phiên hiệu: Tiểu khu 10) và Tiểu khu Biên phòng Bảo Lạc (phiên hiệu: Tiểu khu 15) đều được biên chế 36 cán bộ chiến sỹ, 12 sĩ quan chỉ huy.

Ngày 10.7.1990, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 115/QĐ-BNV chuyển giao nhiệm vụ kiểm soát cửa khẩu từ Tổng cục Phản gián sang Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Ngày 5.12.1990, căn cứ vào tình hình hoạt động của đối phương trong chiến tranh phá hoại nhiều mặt, chiến tranh lấn chiếm biên giới, đặc biệt là trong phương thức móc nối, cài cắm cơ sở ngầm vào nội bộ ta, Bộ Tư lệnh lực lượng ra Chỉ thị số 19/CT-BTL cho chỉ huy biên phòng các tỉnh, thành thực hiện các công tác điều tra cơ bản, quản lý nghiệp vụ và kiểm tra nghiệp vụ1, nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 14/CT-BNV (A11) ngày 29.6.1989 của Bộ Xội vụ vào điều kiện cụ thể của Bộ đội Biên phòng. Bộ Tư lệnh chỉ rõ các mặt công tác trên theo chỉ đạo của Bộ là “bước đổi mới công tác nghiệp vụ cơ bản trong công tác phản gián, khắc phục những nhược điểm, tồn tại của công tác sưu tra, hiềm nghi trước đây, nhằm đưa việc quản lý, nắm tình hình địa bàn, đối tượng tập trung vào trọng điểm, có chiều sâu”.

Chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh, Đảng ủy - Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã quyết định chọn 2 địa bàn trọng điểm tổ chức thực hiện thí điểm để rút kinh nghiệm triển khai trên toàn tuyến biên giới.

Với sự lựa chọn, đột phá vào các khâu trong công tác nghiệp vụ biên phòng của Bộ Tư lệnh để thực hiện Chỉ thị 14 của Bộ Nội vụ, năm 1990 trở thành dấu mốc mở đầu cho thời kỳ đổi mới công tác trinh sát biên phòng trong các mặt công tác nắm tình hình tổng quát, toàn diện của địa bàn, điều tra nghiên cứu các loại đối tượng và tập trung đấu tranh làm rõ những tên gián điệp, phản động, tay sai của địch; các loại đối tượng hình sự...

Năm 1991, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới ở Cao Bằng có những chuyển biến tiến bộ do quan hệ bình thường hóa hai bên biên giới Việt - Trung từng bước được cải thiện và phát triển theo hướng tích cực. Trên biên giới, các hoạt động vũ trang của Trung Quốc vi phạm độc lập chủ quyền của Việt Nam như bắn súng qua biên giới, ngăn cản dân ta làm ăn, sản xuất ở những khu vực đang tranh chấp, tổ chức các toán xâm nhập vũ trang, xâm nhập phá hoại hoa màu, dịch chuyển cột mốc... đều giảm so với năm 1990, tuy nhiên còn xảy ra ở một số nơi.

Năm 1991, xuất hiện nhiều hiện tượng đổ vỡ, xê dịch, thay đổi vị trí các mốc phụ (trong khi trọng điểm tuần tra, kiểm tra cột mốc của ta tập trung nhiều vào các mốc chính). Điển hình là các vụ ở mốc 78 phụ (xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh), nước láng giềng đơn phương gia cố lại chân mốc. Ở Cần Yên, huyện Thông Nông, dân Trung Quốc xâm canh và làm vỡ mốc 119 phụ thành 3 mảnh, họ đơn phương gia cố lại và đặt vị trí mốc này sâu trong đất ta 13m. Ở huyện Bảo Lạc, mốc 136 phụ bị gẫy làm 2 mảnh...
______________________________________
1. Điều tra cơ bán là hoạt động lập hồ sơ chính trị xã của Bộ đội Biên phòng trước đây thực hiện theo Chỉ thị số 329-P4/VP. ngày 20.7.1961 của Bộ Công an.
Quản lý nghiệp vụ là thuật ngữ thay cho sưu tra được áp dụng từ sau khi có Chỉ thị 14-CT/BNV (A11), ngày 29.6.1989, của Bộ Nội vụ.
Kiểm tra nghiệp vụ là thuật ngữ được dừng từ sau khi có Chỉ thị 14-CT/BNV (A11), ngày 29.6.1989 thay cho thuật ngữ điều tra xác minh hiềm nghi.



Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Sáu, 2023, 09:33:33 pm

Hoạt động xâm canh, dân Trung Quốc vi phạm đất ta ở 35 điểm với tổng diện tích 54.17 héc ta. Đặc biệt, trong đó có 4 điểm phía Trung Quốc mở rộng diện tích xâm canh là:

- Điểm giữa mốc 87 - 88, diện tích nống rộng ra 300m2.

- Điểm Lũng Sưa Thai, giữa mốc 106 - 107, diện tích mở rộng 4.000m2.

- Điểm giữa mốc 107 - 108 (vụ Pò Đồn - Cáy Tắc), mở rộng 300m2.

- Điểm Pò Khẩu Kheo, khu vực mốc 119, diện tích mở rộng 400m2.

Trong các điểm xâm canh trên, có 2 điểm do dân ta tự động giải quyết cho dân Trung Quốc thuê ruộng. Một điểm thuộc xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh với diện tích 2.130m2. Một điểm ở khu vực mốc 119 xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, diện tích khoảng 1.700m2. Đồn biên phòng kết hợp với địa phương lập biên bản đối với 7 hộ cho thuê ruộng. Bà con đã nhận ra việc làm sai phạm quy chế quản lý biên giới, lãnh thổ và cam kết không tái phạm.

Từ tháng 3.1991, phía Trung Quốc lần lượt đơn phương phá tường đá, mở đường qua biên giới ở các khu vực mốc 48 (huyện Hạ Lang), mốc 59, mốc 62 (huyện Trùng Khánh), làm cầu tre qua suối ở khu vực mốc 114 (huyện Hà Quảng). Khi phát hiện các vụ xây dựng công trình trái phép trên, các đồn biên phòng đã khẩn trương phối hợp với địa phương triển khai biện pháp ngăn chặn, phá bỏ các công trình trái phép và tiến hành gửi thư phản kháng các lực lượng liên quan bên kia biên giới.

Trong đấu tranh chống hoạt động tình báo gián điệp, các đơn vị biên phòng qua kiểm tra nghiệp vụ đã phát hiện làm rõ 13/18 đối tượng làm tay sai cho nước ngoài, phát hiện một đường dây thư từ, buôn bán từ Bình Mãng, huyện Nà Po, tỉnh Quảng Tây (đối diện cửa khẩu Sóc Giang, huyện Hà Quảng) vào thành phố Hồ Chí Minh, sang Hồng Công, có biểu hiện hoạt động chính trị...

Đảng ủy - Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đánh giá công tác biên phòng của tỉnh năm 1991 có được những chuyển biến mới, tích cực so với trước là do các mặt công tác nắm tình hình, sẵn sàng chiến đấu, quản lý biên giới, vận động quần chúng, xây dựng thế trận an ninh bảo vệ Tổ quốc, phòng chống tội phạm và đối ngoại biên phòng đều đã có sự nghiên cứu đổi mới và tổ chức lãnh đạo, chỉ huy chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc.

Trong sẵn sàng chiến đấu, đơn vị đã thực hiện tốt cả 3 khâu xây dựng các văn kiện, rèn luyện sẵn sàng chiến đấu và công tác đảm bảo. Đặc biệt các loại văn kiện như Quyết tâm bảo vệ biên giới, phương án bảo vệ đồn, kế hoạch công tác năm, kế hoạch phòng chống các tình huống đột xuất... đều được chuẩn bị tốt, chuyển biến tích cực hơn hẳn so với giai đoạn từ năm 1990 trở về trước. Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ thị cho các đồn trưỏng, tiểu khu trưởng bố trí dành thời gian làm các loại văn kiện và tổ chức phê duyệt tại tỉnh.

Khi có mệnh lệnh chuyển trạng thái (như trong thời gian diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng), bảo vệ biên giới tăng cường, các đơn vị đều xây dựng kế hoạch, tổ chức trực chỉ huy, trực ban, trực chiến đảm bảo quân số, bảo vệ an toàn địa bàn được phân công.

Trong xây dựng thế trận an ninh bảo vệ Tổ quốc - phòng chống tội phạm, cấp ủy - chỉ huy các đơn vị tập trung nghiên cứu đổi mới công tác trinh sát, đi sâu phát hiện, nắm đối tượng ở địa bàn nội và ngoại biên, tuyển chọn tình báo viên và đặc vụ, kết nạp thêm đặc tình... Cán bộ trinh sát được tập huấn, thực hiện theo Chỉ thị 14-CT/BNV (A11), chuyển công tác quản lý nghiệp vụ sang hình thức, phương pháp mới. 116 đối tượng trong diện quản lý nghiệp vụ trên địa bàn biên phòng đã cơ bản được tiến hành phân loại thẻ màu (đỏ, xanh, trắng, vàng), không còn phân loại theo phương pháp sưu tra 3.

Trong xây dựng lực lượng, Đảng ủy - Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng các mặt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, chú ý các mặt củng cố tổ chức biên chế, công tác cán bộ; giáo dục, rèn luyện, quản lý, kỷ luật; công tác huấn luyện; hậu cần kỹ thuật... phát huy tinh thần cố gắng, chủ động khắc phục khó khăn, không ỷ lại trông chờ. Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp đều thực sự tâm huyết, quan tâm củng cố đơn vị, xây dựng lực lượng. Nhờ đó, các mặt công tác tham mưu, đảm bảo hậu cần và xây dựng cơ bản có nhiều cố gắng, chuyển biến vượt bậc.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Sáu, 2023, 09:20:26 am

Tháng 6.1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng họp tại Hà Nội đã đề ra phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ chủ yếu cho 5 năm 1991 - 1995. Về chính sách đối ngoại, Đảng ta chủ trương “thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, từng bước mở rộng sự hợp tác Việt - Trung, giải quyết những vấn đề tồn tại giữa hai nước thông qua thương lượng”. Về nhiệm vụ quốc phòng và an ninh quốc gia, Đại hội nêu rõ trong những năm tiếp theo phải “phát động sâu rộng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng các tuyến và địa bàn an toàn về an ninh, trật tự, chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả chống các thế lực thù địch và bọn tội phạm... nâng cao chất lượng của lực lượng biên phòng. Thông qua phong trào quần chúng mà phát triển công tác nghiệp vụ và rèn luyện cán bộ, chiến sỹ... nâng cao trình độ mọi mặt và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của lực lượng Công an nhân dân, chú trọng lực lượng thường xuyên hoạt động trên các tuyến biên giới, những vùng xa xôi hẻo lánh và địa bàn đặc biệt”1.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng, trực tiếp là sự chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Tư lệnh và Tỉnh ủy, ngày 16.10.1991, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ IV để kiểm điểm nhiệm kỳ 1989 - 1991 và xác định phương hướng nhiệm kỳ 1991 - 1995. Đại hội đánh giá trong hai năm 1989 - 1991, Đảng bộ đã quán triệt sâu sắc và tích cực phấn đấu thực hiện đổi mới công tác biên phòng theo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Bộ Tư lệnh; các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy và đã đạt được kết quả tốt trên một số mặt công tác cơ bản.

Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ lãnh đạo nhiệm kỳ 1991 - 1995 tập trung vào 3 nội dung sau:

- Lãnh đạo đổi mới công tác biên phòng. Trước hết là đổi mới tư duy, đổi mới các biện pháp công tác biên phòng, đổi mới công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng, ban, ngành để phát huy được sức mạnh tổng hợp bảo vệ biên giới, tích cực xây dựng nền quốc phòng toàn dân. kết hợp với thế trận an ninh nhân dân bảo vệ biên giới.

- Từng bước củng cố đơn vị theo hướng vững mạnh chính quy. Trước mắt tập trung kiện toàn bộ máy chỉ huy các cấp, điều chỉnh biên chế, quân số theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, hợp lý, coi trọng chất lượng toàn diện đáp ứng yêu cầu mới.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trước mọi diễn biến tình hình.

Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng nhiệm kỳ 1991 - 1995 gồm 14 đồng chí. Ban Thường vụ Đảng ủy có 5 đồng chí: Lê Bầu, Phó chỉ huy chính trị, Bí thư; Đinh Thanh Khầu, Chủ nhiệm chính trị, Phó bí thư; Hoàng Ích Hồng, Chỉ huy trưởng, ủy viên; Nguyễn Dư Khiêm, Phó chỉ huy trưởng, ủy viên; Nông Phúc Minh, Chỉ huy phó Trinh sát, ủy viên và 9 đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ.

Từ ngày 22-25.11.1991, quán triệt tinh thần nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIII đã được tổ chức để đánh giá những thành công và hạn chế của giai đoạn 1986 - 1990. Trên cơ sở đó, xác định phương hướng, nhiệm vụ cho giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Từ năm 1991, theo định hướng chung của Đảng, tại Cao Bằng, “lực lượng vũ trang địa phương đã tiến hành giảm biên chế quân thường trực, tăng cường xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng bổ sung các phương án sẵn sàng chiến đấu... thực hiện phương án xây dựng địa bàn tỉnh và huyện, thị phòng thủ theo yêu cầu nội dung mới”2.

Chấp hành sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tư lệnh và Tỉnh ủy Cao Bằng, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục chấn chỉnh, kiện toàn lại hệ thống tổ chức từ Ban chỉ huy tỉnh đến cơ sở theo hướng gọn nhẹ, vững mạnh, đảm bảo đủ sức hoàn thành nhiệm vụ. Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có sự điều chỉnh và bổ sung mới. Ngoài đồng chí Hoàng Ích Hồng, chỉ huy trưởng biên phòng tỉnh, cấp phó có 5 đồng chí: Nguyễn Dư Khiêm, Lê Bầu, Nông Phúc Minh, Nguyễn Đức Tiến và Chu Minh Tuấn.

Tiểu khu biên phòng Hạ Lang lúc này giải thể. Trên toàn tuyến biên giới tại Cao Bằng, 24 đồn biên phòng được tổ chức lại, rút xuống còn 15 đồn: Đức Long (Thạch An), Tà Lùng (Quảng Hòa), Thị Hoa, Quang Long, Lý Quốc (Hạ Lang), Đàm Thủy, Ngọc Khê (Trùng Khánh), Hùng Quốc (Trà Lĩnh), Tổng Cọt, Nặm Nhũng, Sóc Hà (Hà Quảng), Cần Yên (Thông Nông), Xuân Trường, Cô Ba, Cốc Pàng (Bảo Lạc). Tại các đồn biên phòng, các đội công tác biên phòng được tăng cường thêm quân số, lập thêm các tổ tuần tra lưu động. Đối với các đồn đóng ở vị trí xung yếu, hoặc phụ trách địa bàn gồm nhiều xã, lập thêm các đội công tác biên phòng để đủ sức đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Với việc điều chỉnh, bố trí lại hệ thống tổ chức, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã rút ra được một bộ phận quân số đi học tập, đào tạo các hệ cán bộ phục vụ kế họạch quy hoạch cán bộ của lực lượng biên phòng trong tỉnh đến năm 1995.
_____________________________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng, Toàn tập 51. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2007, tr 50, 51, 113, 115.
2. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 200Q). Sđd, tr.494.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Sáu, 2023, 09:21:57 am

Để thực hiện chủ trương mở rộng sự hợp tác Việt - Trung do Đại hội VII đề ra, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã chủ động đề xuất với ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch tổ chức, quản lý và thành lập 3 cửa khẩu chính ở Tà Lùng (Quảng Hòa), Hùng Quốc (Trà Lĩnh), Sóc Hà (Hà Quảng) và 4 cửa khẩu phụ ở Thị Hoa, Lý Quốc (Hạ Lang), Đàm Thủy, Ngọc Khê (Trùng Khánh); đồng thời đề xuất với ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp cho các huyện biên giới được quyền quyết định một số điểm qua lại trên biên giới, phục vụ nhân dân hai bên qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa theo quy chế biên giới của tỉnh đã ban hành.

Nhờ việc tổ chức qua lại biên giới phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhân dân hai bên biên giới rất phấn khởi, đồng tình chấp hành các quy định của tỉnh. Các hoạt động của lực lượng biên phòng, các ngành hữu quan trong kiểm tra, kiểm soát, đăng ký xuất nhập khẩu biên giới đối với người, phương tiện, hàng hóa cũng dễ dàng, thuận tiện, chất lượng ngày càng cao và đi dần vào nền nếp. Trong đó, công tác quản lý nhập khẩu đều đạt được khối lượng lớn, chất lượng cao hơn trước.

Ngày 7.11.1991, Chính phủ ta và Chính phủ Trung Quốc ký hiệp định tạm thời “về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới hai nước”. Ngày 27.2.1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 98/CT-HĐBT về việc mở cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt - Trung theo Hiệp định tạm thời.

Điều 7, Chương III của Hiệp định này nêu rõ hai bên quyết định sẽ mở 21 cấp cửa khẩu biên giới trên bộ. Trong đó, đoạn biên giới quốc gia thuộc phạm vi tỉnh Cao Bằng có 6 cặp cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc, đó là: Tà Lùng - Thủy Khẩu, Hạ Lang - Khoa Giáp, Lý Vạn - Thạch Long, Pò Peo - Nhạc Vu, Trà Lĩnh - Long Bang, Sóc Giang - Bình Mãng. Trong đó, cặp cửa khẩu Tà Lùng - Thủy Khẩu là một trong 7 cặp cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung được hai bên đồng ý tích cực tạo điều kiện để sớm đi vào hoạt động.

Ngày 31.3.1992, Liên bộ Ngoại giao - Nội vụ ra Thông tư số 1 về việc cấp giấy thông hành xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam sang Trung Quốc.

Ngày 16.4.1992, Bộ Nội vụ chỉ thị về việc giải quvết công việc trên vùng biên giới giữa hai nước. Bộ quy định Bộ đội Biên phòng các tỉnh biên giới có các nhiệm vụ: Tổ chức các trạm kiểm soát cửa khẩu, trạm kiểm soát tiểu ngạch, kiểm soát chặt chẽ việc qua lại biên giới theo đúng quy định về xuất, nhập cảnh, quá cảnh: giúp Giám đốc Công an làm tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh, cùng các lực lượng liên quan xác lập vành đai biên giới, quan hệ với đồn biên phòng Trung Quốc kiểm tra, phát hiện những vụ việc liên quan đến đường biên, cột mốc: tiếp cận thông báo thông tin hai chiều và tình hình liên quan đến an ninh biên giới, kể cả những vụ án liên quan đến các đối tượng hình sự...

Ngày 22.5.1992, Hội đồng Bộ trưởng ra Chỉ thị số 177/CT-HĐBT quy định giấy thông hành trong phạm vi khu vực biên giới và hộ chiếu đối với những người ở ngoài khu vực biên giới. Chỉ thị này là bước tiếp theo để thực hiện Hiệp định tạm thời: “Dân biên giới hai bên khi xuất nhập cảnh vùng biên giới cần phải mang theo giấy thông hành” (Điểm 2, Điều 6, Chương III). Tuy nhiên, đến hết năm 1992, phía Trung Quốc vẫn chưa thông báo cho Việt Nam mẫu giấy thông hành.

Chương I, Chương II của Hiệp định tạm thời quy định rõ: địa phương hai bên không được làm thay đổi đường biên giới giữa hai nước, “cùng nhau giữ gìn mốc giới”, “cấm tuỳ tiện nổ súng, gây gổ trong phạm vi 2km của mỗi bên kể từ đường biên giới”; nêu cần, phải thông báo trước cho nhau, “không được làm tổn hại đến mốc giới... Hai bên cấm dân biên giới vượt biên chặt gỗ, củi, chăn dắt canh tác...”. Nhưng trong thực tế, phía Trung Quốc liên tục không thực hiện các điều khoản Chính phủ hai nước đã ký kết. Họ vẫn duy trì tuần tra, khảo sát đường biên, mốc giới sâu vào đất ta từ 50 - 200m (ở các khu vực mốc 28, 30, 31, 41), gây ra một vụ xâm nhập phá hoại. Lính biên phòng Trung Quốc vào sâu lãnh thổ ta 200m nhổ phá 300m2 lúa do dân ta canh tác tại khu vực Đông Nạng, xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang.

Năm 1993, tiếp tục xảy ra 6 vụ hoạt động vũ trang do lính biên phòng Trung Quốc xâm nhập sâu vào đất ta từ 50 đến 600m, ở các khu vực mốc 21, 23, 28, 30, 31, 48, 94, 135. Họ ngăn cản dân ta sản xuất, canh tác, dùng lời lẽ gay gắt đe doạ cán bộ, chiến sỹ ta làm nhiệm vụ, đồng thời, họ cho lực lượng sang nhổ phá 3.072m2 hoa màu của dân ta canh tác ở khu vực mốc 30, 31 (huyện Hạ Lang) và 1.200m2 ở khu vực mốc 113 (xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng); duy trì một số chốt áp sát biên giới ở khu vực mốc 20 - 21, chốt Tam Cấp và chốt 302 ở khu vực mốc 23 - 24, chốt Tử Tăm ở khu vực mốc 48, chốt Lý Vạn ở khu vực mốc 49, chốt Chông Mu ở khu vực mốc 62, chốt Phja Đeng Sơn ở khu vực mốc 93 - 94, chốt ở cao điểm Phja Un 856, chốt gần mốc 115...


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Sáu, 2023, 09:22:55 am

Năm 1994, xảy ra 26 vụ với lực lượng 383 lính thuộc các lực lượng biên phòng, công an Trung Quốc, tiếp tục xâm nhập sâu vào đất ta từ 50 - 200m... chủ yếu ngăn cản dân ta làm ăn, sản xuất và hỗ trợ cho dân của họ lấn chiếm, trồng trọt vào đất ta tại các khu vực Đông Nạng (mốc 31 - 32), khu vực Nà Nưa Ái (mốc 48)... Đồng thời, tiến hành 6 vụ nhổ phá hoa màu trên diện tích 26.500m2 của người dân Việt Nam canh tác tại các khu vực mốc 28, 29, 30, 31 (huyện Hạ Lang), khu vực Sam Sẩu - Lũng Táo, đoạn mốc 96, 97 (xã Cô Mười, huyện Trà Lĩnh). Họ còn mở rộng thêm 4 điểm mới lấn chiếm, xâm canh trên diện tích 16,5 hécta, tại:

- Lũng Cô Mòn (mốc 51), xã Lý Quốc, Huyện Hạ Lang.

- Lũng Cô Cam (mốc 105 - 106), xã Nậm Nhũng, huyện Hà Quảng.

- Lũng Phung (mốc 120), xã Cần Yên, huyện Thông Nông.

- Khu vực mốc 129 phụ, xã Cô Ba, huyện Bảo Lạc.

Tại huyện Trùng Khánh, họ mở rộng xâm canh ở Lũng Nọi (mốc 53) với diện tích 800m2, trồng 2.500 cây sa mộc; tiếp tục gây nên tình hình biên giới căng thẳng tại Cao Bằng. Các lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân địa phương kiên quyết phản kháng các hành vi của đối phương vi phạm chủ quyền an ninh biên giới Việt Nam và yêu cầu họ thực hiện theo Hiệp định tạm thời đã được hai nước ký kết.

Thực hiện chương trình phối hợp vận động phụ nữ các dân tộc biên giới, hải đảo giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ từ năm 1991 đến năm 1995, Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng và Tỉnh hội phụ nữ Cao Bằng, ban chỉ huy các đồn biên phòng và Ban chấp hành phụ nữ các xã sát biên đã ký kết chương trình phối hợp vận động phụ nữ các dân tộc biên giới trong tỉnh từ năm 1991 - 1993 với 5 nội dung: quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên: củng cố tổ chức Hội; duy trì các phong trào của Hội; phụ nữ tham gia bảo vệ biên giới, duy trì mối quan hệ đoàn kết quân dân: thực hiện chính sách hậu phương quân đội.

Qua 2 năm thực hiện, 3.972 hội viên phụ nữ các xã sát biên giới đã được quán triệt: “Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VI”, “Chương trình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình và nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”, “Kế hoạch hoá gia đình”; sách “Những điều cần cho sự sống” và Hiệp định tạm thời giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đã tiến hành khảo sát tình hình hoạt động của 42 hội phụ nữ xã trong khu vực biên phòng, qua đó đã củng cố được 21 Ban chấp hành và 147 tổ chức. Các đồn Cốc Pàng, Cô Ba (Bảo Lạc), Sóc Hà, Nặm Nhũng (Hà Quảng), Thị Hoa (Hạ Lang), Hùng Quốc (Trà Lĩnh), Ngọc Khê, Đàm Thuỷ (Trùng Khánh) còn mở được 12 lớp học xoá mù chữ cho 282 người. Thực hiện kế hoạch hoá gia đình, đã vận động được 1981 chị em đặt vòng tránh thai.

Qua học tập “Hiệp định tạm thời giữa Việt Nam và Trung Quốc” và các quy định, thể chế về xuất nhập cảnh, ý thức trách nhiệm của chị em đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới, ý thức cảnh giác cách mạng, chấp hành đường lối đối ngoại của Đảng và Chính phủ của chị em phụ nũ được nâng cao, đã phát hiện và cung cấp cho các đồn hàng trăm nguồn tin có giá trị. Tiêu biểu của phong trào này là phụ nữ các xã Sóc Hà, Thị Hoa đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với 687 lượt người tham dự chống người bên kia biên giới sang lấn đất, xâm canh; chị em phụ nữ các xã Cốc Pàng, Cô Ba, Cần Yên đã báo cho đồn kịp thời ngăn chặn, bắt giữ nhiều vụ trộm cắp trâu, bò, ngựa và tài sản của nhân dân, vận động 15 đối tượng can án ra đầu thú chính quyền.

Mối quan hệ quân - dân được củng cố. Cán bộ, chiến sĩ đã giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, những hộ neo đơn đang gặp khó khăn hàng nghìn công lao động để sản xuất và 3 tấn gạo trong lúc đồng bào đói kém lúc giáp hạt. Hội phụ nữ các xã cũng đã tặng quà cho các đồn 6 triệu 277 nghìn đồng và hàng nghìn công vận chuyển vũ khí, đạn dược, xây dựng doanh trại. Tiêu biểu của phong trào 2 năm qua là hội phụ nữ huyện Bảo Lạc, các hội phụ nữ xã Cô Ba (Bảo Lạc), Sóc Hà (Hà Quảng), Đàm Thuỷ (Trùng Khánh), Đại Sơn (Quảng Hoà), Đức Long (Thạch An) và các đồn biên phòng: Cô Ba (Bảo Lạc), Lý Quốc, Thị Hoa (Hạ Lang), Tà Lùng (Quảng Hoà), Đức Long (Thạch An).


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Sáu, 2023, 09:23:30 am

Năm 1993, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng toàn lực lượng và quân dân trong tỉnh bước vào năm thứ 5 ngày Biên phòng và tiến tới kỷ niệm 35 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam (3.3.1959 - 3.3.1994). Từ đầu năm, Đảng uỷ - Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã xây dựng chương trình lãnh đạo, tổ chức hành động cho các cấp đơn vị biên phòng trong tỉnh, thiết thực chuẩn bị kỷ niệm ngày truyền thống của lực lượng.

Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Ban Thường vụ Tĩnh uỷ, uỷ ban nhân dân tỉnh, các đơn vị biên phòng và cấp uỷ, chính quyền cùng nhân dân địa phương trong khu vực biên giới của tỉnh đã lần lượt sơ kết ở các đơn vị cơ sở (đồn, trạm biên phòng, huyện, xã, xóm, giáp biên giới); tổ chức biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, tiêu biểu trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc có nhiều thành tích trong 5 năm thực hiện “Ngày Biên phòng”. Được nhiều cơ quan thông tấn, báo, đài, thông tin đại chúng như báo Cao Bằng, Đài phát thanh - truyền hình Cao Bằng, Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh phối hợp, giúp đỡ, đợt tuyên truyền, tìm hiểu về lịch sử 35 năm Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã được phát động. Kết quả đã giúp cán bộ, nhân dân trong tỉnh hiểu sâu hơn về truyền thống vẻ vang của Bộ đội Biên phòng Việt Nam và hiểu rõ công cuộc bảo vệ biên giới là sự nghiệp to lớn, trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, cùng chung lo, góp sức.

Trong Bộ đội Biên phòng, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị sôi nổi tham gia thi tìm hiểu truyền thống lịch sử của lực lượng và các cuộc hội thao chiến sỹ trinh sát giỏi, chiến sỹ quân y giỏi, chiến sỹ khoẻ toàn diện và các hoạt động văn hoá – thể thao: thông tin “Một số hoạt động của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1989 - 1994”, xây dựng tập phim “Sao xanh lấp lánh” phản ánh về hoạt động bảo vệ biên giới ở Cao Bằng.

Đầu năm 1994, Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức trọng thể Hội nghị sơ kết 5 năm Ngày Biên phòng và “5 năm toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới 1989 - 1994” nhằm đánh giá kết quả đã đạt được theo 6 nội dung, yêu cầu trong Chỉ thị 16/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, đúc rút những ưu điểm, kinh nghiệm, thiếu sót, nhược điểm, đề ra phương hướng cho giai đoạn tiếp theo và biểu dương những thành tích của địa phương, đơn vị, cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Dự hội nghị có các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các đồng chí trong Thường trực Tỉnh uỷ, thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh cùng đông đảo các ban, ngành, các cấp tỉnh, huyện, thị, vùng biên giới và nội địa; các xã giáp biên và đại biểu các lực lượng vũ trang trong tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đánh giá: “5 năm qua, toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã quán triệt được quan điểm phát triển kinh tế phải đi đối với nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, đoàn kết hữu nghị. Công tác biên phòng và lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tích cực phấn đấu góp phần thực hiện yêu cầu giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá địa phương, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị”.

Trong 5 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, các cấp bộ Đảng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, nhân dân Cao Bằng đã tích cực hoạt động, quan tâm chăm lo xây dựng Bộ đội Biên phòng trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh và làm cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thu được nhiều kết quả.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng các đồn biên phòng trong các năm 1991 - 1994, củng cố được 30 chi bộ, hội phụ nữ xã, 171 lượt chi hội phụ nữ, 78 tổ phụ nữ thôn, bản. Duy trì chất lượng sinh hoạt, hoạt động của 27 chi đoàn kết nghĩa với các chi đoàn đồn biên phòng; củng cố 7 chi đoàn và 7 phân đoàn vươn lên khá. Củng cố đội ngũ 110 trưởng thôn, trưởng bản, duy trì theo định kỳ các cuộc hội nghị già làng, trưởng bản, kết hợp với ngành giáo dục và đoàn thanh niên, hội phụ nữ mở được 41 lớp học cho 1.445 người học xoá mù chữ. Các đồn biên phòng cùng địa phương tổ chức 1.561 buổi tuyên truyền, vận động 83.738 bà con ở biên giới nghe thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ về tổ chức làm ăn, sản xuất, chấp hành pháp luật, các quy chế biên giới, các hiệp định, hiệp nghị về biên giới quốc gia. Các trung đội dân quân tập trung ở các xã biên giới thường xuyên phối hợp chặt chẽ cùng các đồn biên phòng thực hiện các kế hoạch, chương trình bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.

Tại hội nghị này, uỷ ban nhân dân tỉnh đã tặng bằng khen cho 42 tập thể, 46 cá nhân và đề nghị Đảng và Nhà nước xét tặng Huân chương chiến công hạng III cho Đồn Biên phòng Lý Quốc (huyện Hạ Lang); đề nghị Bộ Nội vụ tặng bằng khen cho Tiểu đoàn 19 huấn luyện chiến sỹ mới Bộ đội Biên phòng Cao Bằng; đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen cho 9 tập thể và 5 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đường biên giới, mốc giới của Tổ quốc.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Sáu, 2023, 09:26:06 am

Ngày 3.3.1994, lễ kỷ niệm 35 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 5 năm “Ngày Biên phòng toàn dân” được Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức trọng thể tại thị xã Cao Bằng. Đến dự lễ, có đồng chí Nông Hồng Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; đồng chí Nguyễn Đăng Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Thưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, cùng nhiều đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đánh giá và chỉ thị “Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự và an ninh khu vực biên phòng. Trải qua 35 năm chiến đấu và xây dựng, lực lượng Bộ đội Biên phòng anh hùng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và từng bước trưởng thành đã cùng nhân dân các dân tộc và các lực lượng khác chiến đấu, công tác giành nhiều thắng lợi, lập nhiều chiến công, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và an ninh khu vực biên phòng trong mọi tình huống, đánh bại mọi âm mưu của các loại thù trong giặc ngoài, xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng và nhân dân... Cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng hãy tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình, ra sức tu dưỡng, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Đồng thời, Tỉnh uỷ cũng nêu rõ chủ trương “Ngày 3.3 hàng năm sẽ là ngày hội của toàn thể đồng bào các dân tộc trong tỉnh, động viên mọi lực lượng tham gia vào công cuộc bảo vệ biên giới, giữ vững mảnh đất thiêng liêng Cao Bằng mà Tổ quốc đã giao cho Đảng bộ và quân dân Cao Bằng.

Ngày 12.2.1994, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ để kiểm điểm công tác nửa nhiệm kỳ qua và thảo luận phương hướng, bổ sung, công tác lãnh đạo, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ đội Biên phòng lần thứ IV (1991). Hội nghị thống nhất đánh giá kết quả công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đơn vị, xây dựng Đảng trong nửa đầu của nhiệm kỳ.

Từ năm 1993, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã thực hiện nhiều biện pháp tăng cường lãnh đạo xây dựng lực lượng, luôn nắm vững tình hình nhiệm vụ, quán triệt và lãnh đạo thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, mệnh lệnh của trên, gắn sinh hoạt tư tưởng với các đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt truyền thống với vận động củng cố xây dựng Đảng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sỹ, đảng viên, đoàn viên giữ vững và phát huy truyền thống của lực lượng, nhận rõ trách nhiệm chính trị, kiên trì phấn đấu, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.

Đảng bộ thường xuyên lãnh đạo, củng cố, kiện toàn tổ chức, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ huy các cấp, quan tâm chỉ đạo chặt chẽ công tác tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng nguồn chiến sỹ kế cận, cơ bản biên chế đủ chức danh và số lượng đã quy định theo hướng coi trọng chất lượng để hoàn thành nhiệm vụ; lấy việc thực hiện cuộc vận động xây dựng đơn vị cơ sở chiến đấu vững mạnh chính quy làm đòn bẩy quan trọng nâng cao sức chiến đấu của đơn vị. Nhờ đó, công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý kỷ luật bộ đội chuyển biến tốt, tỷ lệ vi phạm kỷ luật giảm 0,2% so với năm 1992. Quan hệ phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng, các ngành, quan hệ đoàn kết quân dân được duy trì, củng cố và phát huy tốt hơn.

Đối với công tác đảm bảo hậu cần kỹ thuật và quản lý tài chính, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, giáo dục ý thức tự lực, tự cường, phát huy tiềm năng tại chỗ, vừa quản lý, sử dụng hiệu quả ngân sách trên cấp vừa tranh thủ hỗ trợ ngân sách của địa phương; động viên cán bộ, chiến sỹ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo củng cố nơi ăn ở, sinh hoạt, công tác, phấn đấu duy trì bếp ăn tập trung, làm tốt việc sửa chữa nhỏ và xây dựng cơ bản ở cơ quan và một số đơn vị, nghiệm thu và đưa vào sử dụng một số công trình xây dựng; tiếp tục cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sỹ, bước đầu tạo chuyển biến quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ chế.

Đối với công tác xây dựng Đảng bộ, Đảng uỷ đã lãnh đạo thực hiện theo định hướng của Đại hội nhiệm kỳ IV, thường xuyên lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng. Nhờ đó, số chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tăng 10%. Chi bộ yếu kém giảm 10%. Tỷ lệ đảng viên loại I tăng 6%. Công tác phát triển Đảng đến giữa nhiệm kỳ, kết nạp thêm được 51 đảng viên.

Đại hội xác định phương hướng lãnh đạo nửa nhiệm kỳ còn lại phải tiếp tục đổi mới toàn diện công tác biên phòng tạo chuyển biến mới trong xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh; tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ Biên phòng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, từng bước chính quy, đối phó hiệu quả với “diễn biến hoà bình” - bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, đánh trúng các vụ buôn lậu, các bọn tội phạm hình sự, tạo chuyển biến rõ rệt về trật tự xã hội trong khu vực biên giới, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Sáu, 2023, 09:26:48 am

Thực hiện chương trình phối hợp liên tịch số 205/LT-VH-TT, ngày 16.7.1993 giữa Bộ Văn hóa Thông tin và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về việc “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thông tin ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số biên giới”, ngày 15.1.1995, Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp; thành lập Ban Chỉ đạo chương trình do đồng chí Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Cao Bằng làm Phó ban thường trực và 5 ủy viên là cán bộ của 2 đơn vị. Trong 10 năm hoạt động phối hợp, chương trình đã tập trung thực hiện 5 lĩnh vực:

- Góp phần xây dựng, củng cố, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thông tin cổ động trên địa bàn biên giới.

- Đẩy mạnh các hoạt động sinh hoạt văn hóa, lễ hội và văn hóa truyền thống, quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ở địa bàn biên giới.

- Phối hợp bổ sung trang bị, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất đảm bảo, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa thông tin ở cơ sở.

- Phối hợp hoạt động củng cố thư viện và tủ sách các đồn biên phòng.

- Thực hiện cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Bước sang năm 1995, phía Trung Quốc tiếp tục duy trì các hoạt động vũ trang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ ta, xâm nhập phá hoại hoa màu của dân ta. Tính chất các vụ việc vẫn còn rất phức tạp.

Trong hai ngày 7 và 8.3.1995 một số lính của họ vượt qua biên giới, xâm nhập vào khu vực Phja Un (mốc 94 - 95) đe doạ, thu giữ, đập phá công cụ sản xuất của bà con ta và xâm nhập vào các khu vực mốc 28, 29, 30, 31 (huyện Hạ Lang), mốc 96, 97 khu vực Sam Sẩu, Cô Mười (huyện Trà Lĩnh), nhổ phá khoảng 10.000m2 hoa màu của dân ta sản xuất.

Ngày 28.4.1995 và các ngày 17, 22.6.1995, khoảng 100 lính biên phòng của họ tiếp tục vượt qua các khu vực mốc 28 và 31 nhổ phá 7.000m2 hoa màu của dân ta. Khi bị phát hiện, ngăn chặn, lính của họ tỏ thái độ doạ nạt và lùa bắt một số vịt của bà con ta đưa về bên kia biên giới. Trên các nơi khác, người của họ xâm canh vào đất ta thêm 7 điểm mới, với diện tích 4,8 héc ta, tăng số điểm xâm canh, lấn chiếm cao hơn 1994.

Đối với hệ thống “Mốc giới và các tiêu chí biên giới khác" trên đường biên giới chung giữa hai nước, từ năm 1992 - 1995, xuất hiện nhiều hiện tượng sứt mẻ, đổ gẫy, xê dịch vị trí vào trong đất Cao Bằng.

Năm 1992 có 6 vụ: các mốc 22, 36, 116 bị sứt mẻ, mốc 32 và 78 gẫy phần trên, mốc 36 bị đổ. Khi phát hiện, các đồn biên phòng của ta kịp thời lập biên bản đơn phương, vẽ sơ đồ và thông báo ngay cho các đồn biên phòng Trung Quốc đối diện, để cùng làm báo cáo theo quy định của Hiệp định tạm thời.

Đối với các vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam: phía Trung Quốc cắm một biển gỗ thông sâu vào đất ta 18m, ở khu vực mốc 113 huyện Hà Quảng (ngày 12.2.1992), một biển gỗ thông khác sâu vào đất ta 80m tại khu vực mốc không số ở xã Cần Yên, Thông Nông (ngày 1.4.1992), trên biển ghi 2 loại chữ Việt Nam và Trung Quốc: “Đây là lãnh thổ Trung Quốc, Việt Nam không được sang canh tác”. Ta đã kiên quyết xử lý. Hai đồn biên phòng Sóc Hà và Cần Yên phát hiện kịp thời, thu giữ hai biển gỗ, gửi thư phản kháng vụ việc vi phạm của họ.

Cùng với các hoạt động lấn chiếm, người của phía Trung Quốc còn chôn trộm 4 ngôi mộ sâu vào đất ta 50 đến 500m ở các khu vực mốc 114, 115, 116 Sóc Hà, huyện Hà Quảng, khu vực mốc 50 Lý Vạn, huyện Hạ Lang (tháng 3 và 4.1992). Các đồn biên phòng của ta phối hợp với địa phương tổ chức đấu tranh phản kháng và họ đã thừa nhận việc làm sai trái, di chuyển 4 ngôi mộ trên về nước họ.

Từ năm 1993, tình hình các cột mốc sứt mẻ, gãy đổ liên tục xảy ra 4 vụ. Mốc 32 bị gẫy (Trung Quốc đơn phương gia cố lại). Mốc phụ 73 (đoạn giữa mốc 73 - 74) bị đổ. Mốc 94 bị Trung Quốc nổ mìn, đất sụt làm hỏng. Mốc phụ 113 bị xê dịch sai vị trí, chuyển vào đất ta 0,3m.

Năm 1994, xảy ra 6 vụ. Mốc 23 và mốc 36 bị đập phá. Mốc 34 và mốc 68 bị gãy. Mốc 116 bị sứt mẻ. Mốc 55 bị mất.

Năm 1995, xảy ra 6 vụ. Mốc 30 và 36 bị gãy. Mốc 126 bị đập phá. Đồng thời, xuất hiện 6 bia đá mới được cắm vào đất ở các khu vực mốc 53 và 104. Các đồn biên phòng cùng nhân dân địa phương kiên quyết phá bỏ 6 bia đá này và gửi thư phản kháng sang các đồn biên phòng đối diện bên kia biên giới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Sáu, 2023, 09:29:23 am

Mặc dù quan hệ Việt - Trung đã “có bước cải thiện, song trên từng khu vực, từng thời điểm dọc tuyến biên giới vẫn còn những diễn biến phức tạp, có lúc căng thẳng. Nhưng do ta vẫn chủ động nắm tình hình, lực lượng biên phòng đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương, cơ sở kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với các hoạt động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia, trên cơ sở tôn trọng Hiệp định tạm thời, giữ gìn được tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước”1.

Căn cứ tình hình chung trên các tuyến biên phòng và để chủ động phòng ngừa, đối phó với mọi tình huống, phục vụ yêu cầu tiếp tục công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước, ngày 8.8.1995, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 11-NQ/TW “về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới”.

Bộ Chính trị xác định: Bộ đội Biên phòng là lực lượng nòng cốt trong các lực lượng bảo vệ, quản lý, giữ gìn an ninh trật tự biên giới của Tổ quốc, là lực lượng thành viên của khu vực phòng thủ tỉnh, huyện biên giới... cần được xây dựng vững mạnh theo phương hướng: cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng cao, số lượng phù hợp, tổ chức hợp lý, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng và quyết định chuyển Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ về Bộ Quốc phòng.

Về chức năng, nhiệm vụ, Bộ Chính trị quy định: “Bộ đội Biên phòng là một lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia” với 7 nhiệm vụ chủ yếu:

1. Tổ chức quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc ở khu vực biên giới trên bộ và trên biển, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ lợi ích và tài nguyên quốc gia trên khu vực này, ngăn chặn mọi hành động xâm phạm và làm thay đổi đường biên giới quốc gia.

2. Tổ chức kiểm tra thực hiện pháp luật về biên giới quốc gia trên bộ và trên biển thuộc chủ quyền Nhà nước Việt Nam, kiểm soát việc xuất nhập cảnh hành động vi phạm pháp luật về biên giới. Trên vùng biển, Bộ đội Biên phòng làm nhiệm vụ biên phòng trong phạm vi ranh giới được Nhà nước phân công.

3. Tổ chức thực hiện quan hệ phối hợp với lực lượng biên phòng nước láng giềng để thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định với từng nước láng giềng trong quan hệ biên giới; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác, góp phần xây dựng quan hệ các nước láng giềng thân thiện và giữa nhân dân hai bên biên giới đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa hai nước và xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

4. Đấu tranh chống âm mưu và hành động của các thế lực thù địch, bọn phản cách mạng phá hoại biên giới quốc gia, giữ gìn vững chắc an ninh ở khu vực biên giới của Tổ quốc. Chiến đấu chống bọn tội phạm có vũ trang, bọn thổ phỉ, hải phỉ, biệt kích phá rối an ninh, gây bạo loạn ở vùng biên giới.

5. Trực tiếp và phối hợp với các lực lượng, các ngành có chức năng của Nhà nước đấu tranh chống bọn buôn lậu qua biên giới và các bọn tội phạm khác, bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân dân, bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên khu vực biên giới.

6. Liên hệ chặt chẽ với quần chúng, dựa vào quần chúng để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới, tăng cường đoàn kết dân tộc, thực hiện các chủ trương và chương trình kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, tích cực xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên vùng biên giới.

7. Phối hợp với các đơn vị vũ trang khác và nhân dân chiến đấu chống quân xâm lược gây xung đột vũ trang và tiến hành chiến tranh”.

Về hệ thống tổ chức, Bộ đội Biên phòng được xây dựng thành 3 cấp:

- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trực thuộc Bộ Quốc phòng, chỉ huy và quản lý Bộ đội Biên phòng trên cả nước.

- Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

- Đồn, trạm biên phòng, hải đoàn, hải đội biên phòng ở cơ sở trực thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố.

Về tổ chức Đảng và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Bộ đội Biên phòng, Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị quy định:

Ở cấp Trung ương, có Đảng bộ Bộ đội Biên phòng trực thuộc Đảng uỷ Quân sự Trung ương. Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng lãnh đạo công tác biên phòng và xây dựng Bộ đội Biên phòng trên phạm vi cả nước.

Ở cấp tỉnh, thành phố có Bộ đội Biên phòng: thành lập Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Thành uỷ và sự hướng dẫn về công tác xây clựng Đảng và công tác chính trị của cơ quan chính trị cấp trên. Chỉ huy trưởng biên phòng tỉnh, thành được chỉ định tham gia Đảng uỷ Quân sự tỉnh, thành.

Ở cấp cơ sở, tổ chức Đảng ở các đồn, trạm, cửa khẩu biên phòng, đơn vị trực thuộc... đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ Biên phòng tỉnh, thành nhưng hoạt động trên địa bàn nào phải giữ mối quan hệ và chịu sự chỉ đạo của huyện uỷ hoặc thị uỷ về mặt thực hiện các chủ trương và nhiệm vụ thuộc phạm vi thẩm quyền của Đảng uỷ địa phương.

Ngày 16.11.1995, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 754/QĐ-TTg chuyển giao Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng.

Ngày 30.11.1995, Bộ Nội vụ bàn giao nguyên trạng nhiệm vụ, tổ chức của Bộ đội Biên phòng từ Bộ Nội vụ2 sang Bộ Quốc phòng.

Hai bên nhất trí “Kể từ 0 giờ ngày 1.12.1995, lực lượng Bộ đội Biên phòng đặt dưới sự chỉ huy chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng”.

Từ đây, Bộ đội Biên phòng chuyển sang một giai đoạn mới, làm nhiệm vụ của “một lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng và Nhà nước, là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia”.
______________________________________
1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng (1930 - 2000). Sđd, tr. 494.
2. Ngày 7.5.1998, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá X ra Nghị quyết số 13 NQ/1998/QH10 đổi tên Bộ Nội vụ thành Bộ Công an.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Sáu, 2023, 09:23:35 am

II. ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN CÔNG TÁC BIÊN PHÒNG. BẢO VỆ CHỦ QUYỀN AN NINH BIÊN GIỚI QUỐC GIA. XÂY DỰNG BIÊN GIỚI HOÀ BÌNH, HỮU NGHỊ, HỢP TÁC, PHÁT TRIỂN, PHỤC VỤ CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI CỦA ĐẤT NƯỚC

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tỉnh uỷ, Đảng uỷ - Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng ra nghị quyết và kế hoạch lãnh đạo, tổ chức lãnh đạo chặt chẽ công tác tư tưởng của cán bộ, chiến sỹ biên phòng trong tỉnh, đảm bảo yên tâm, phấn khởi, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong cơ chế tổ chức mới. Từ ngày 1.1.1996, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đổi tên gọi thành Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng.

Ngày 2.1.1996, Bộ đội Biên phòng tỉnh ra Nghị quyết lãnh đạo toàn đơn vị, Đảng bộ thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị.

Ngày 6.2.1996, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ V (nhiệm kỳ 1996 - 2000). Đại hội tập trung đánh giá những kết quả, thành tích đã đạt được, rút ra những tồn tại, khuyết điểm và các nguyên nhân, bài học trong thời gian 1991 - 1996 và thống nhất xây dựng phương hướng trong nhiệm kỳ 1996 - 2000 có 3 mục tiêu chủ yếu:

1. Lãnh đạo tiếp tục đổi mới công tác biên phòng dưới sự lãnh đạo trực tiếp tập trung, thống nhất của Tỉnh uỷ Cao Bằng và Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, phục vụ xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với Trung Quốc. Tích cực tham gia củng cố, xây dựng 42 xã biên phòng toàn dân vững mạnh, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở biên giới.

2. Lãnh đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, cách mạng, theo hướng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ. Trước hết tập trung xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng trước mọi tình hình, không ngừng nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và chuyên môn nghiệp vụ, kỷ luật nghiêm minh, tự giác, gắn bó chặt chẽ với nhân dân.

3. Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và các tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Lãnh đạo xây dựng các tổ chức quần chúng, Đoàn Thanh niên, Hội đồng quân nhân, Hội phụ nữ vững mạnh toàn diện, phát huy tõt vai trò, chức năng, có phong trào khá”.

Đại hội bầu ra Ban chấp hành gồm 13 đồng chí. Ban Thường vụ có 4 đồng chí: Lê Bầu, Phó chỉ huy chính trị, Bí thư; Nguyễn Đình Khiêm, Chỉ huy trưởng, Phó Bí thu; Đinh Thanh Khầu, Phó chỉ huy trưởng phụ trách Hậu cần - xây dựng lực lượng; Bế Đình Trần, Chủ nhiệm Chính trị và 9 đồng chí uỷ viên Ban chấp hành.

Sau Đại hội, nhiệm vụ biên phòng trên khu vực biên giới của tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Lính biên phòng và dân Trung Quốc tiếp tục vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới của ta với 44 vụ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của ta, gây khó khăn cho nhân dân ta làm ăn, sản xuất, ngăn cản ta xây dựng các công trình trong khu vực biên giới của ta.

Ngày 27 và 28.4.1996, lính biên phòng của họ ngăn cản ta xây dựng trạm kiểm soát liên hợp ở khu vực Nà Lạn, Đồn Biên phòng Đức Long, huyện Thạch An.

Năm 1997, các hoạt động vũ trang xâm phạm vào lãnh thổ Cao Bằng tăng lên 52 vụ. Ngày 4.4.1997, ngăn cản nhân dân ta canh tác tại khu vực cánh trái mốc 113 (xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng).

Ngày 13.5.1997, gần 50 lính của họ tuần tra, xâm nhập sâu vào đất ta gần 500m ở khu vực mốc 101 (xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng). Quân dân địa phương kiên quyết phản đối hành vi vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm Hiệp định tạm thời, buộc họ phải rút về bên kia biên giới.

Các ngày 6-8.6.1997, khoảng 1 đại đội lính biên phòng Trung Quốc hỗ trợ cho một lực lượng khá đông người mặc thường phục vượt qua biên giới ở khu vực mốc 114 ngăn cản ta thi công Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Sóc Giang. Đồn Biên phòng Sóc Hà cùng cấp uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương đấu tranh, bảo vệ việc thi công an toàn, hoàn thành việc xây dựng Trạm kiểm soát cửa khẩu Sóc Giang.

Ngày 18.7 và 28.8.1997, họ tiếp tục xâm nhập sâu vào lãnh thổ ta 40 - 50m tại khu vực mốc 95. Đồn Biên phòng Hùng Quốc phối hợp với dân quân địa phương đấu tranh, buộc họ phải rút về nước.

Trong năm 1997, lực lượng vũ trang của họ còn tiến hành bắn đạn thật 15 lần ở các điểm sát biên giới, đối diện các đồn biên phòng Tà Lùng, Nặm Nhũng, Sóc Hà, Cô Ba...


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Sáu, 2023, 09:24:10 am

Tình hình biên giới ở Cao Bằng năm 1997, tuy có những chuyển biến theo hướng hợp tác, bình thường hoá quan hệ, nhưng phía nước ngoài vẫn còn tiếp tục thực hiện chính sách hai mặt, vừa tỏ ra hoà bình, hữu nghị, vừa ngấm ngầm chống phá ta. Trên hướng biên giới huyện Hà Quảng, ngoài hoạt động lấn chiếm, nước ngoài vẫn tiếp tục khai thác các mối quan hệ dân tộc, dòng họ, dòng tộc, tình cảm thân quen cũ để thực hiện móc nối, lôi kéo, xây dựng cơ sở ngầm hoạt động tình báo gián điệp.

Kết nối các nguồn tin của cơ sở bí mật, tin của quần chúng cung cấp và khai thác đối tượng liên quan, lực lượng trinh sát Cao Bằng phát hiện trong thời gian 1995 - 1997, các cơ quan an ninh, tình báo của nước ngoài (trực tiếp là Cục an ninh, Khoa An ninh, Tổ tình báo quân sự ở Nà Po, tỉnh Quảng Tây) đã móc nối, giao nhiệm vụ hoạt động tình báo gián điệp cho đối tượng Hoàng Văn Điển ở Bản Hong, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.

Ngày 16.4.1997, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xác lập chuyên án ĐB97 đấu tranh với cơ quan đặc biệt nước ngoài móc nối, cài cắm vào nội bộ ta, nhằm phát hiện và bóc gỡ mạng lưới cơ sở ngầm đã được cài cắm vào nội bộ ta ở Hà Quảng. Qua đó sẽ mở rộng công tác phản gián và tình báo biên phòng, chủ động phòng ngừa và đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn móc nối, cài cắm mới của đối phương. Kết quả, lực lượng trinh sát biên phòng với sự phối hợp, hiệp đồng và giúp đỡ của lực lượng trinh sát công an Cao Bằng, lực lượng trinh sát quân đội - Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng, đã đấu tranh có hiệu quả trong chuyên án ĐB97, được Chính phủ tặng bằng khen.

Sau sơ kết 5 năm ngày Biên phòng toàn dân, nhiệm vụ biên phòng, đổi mới công tác biên phòng và việc xây dựng nền biên phòng toàn dân, được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội... từ Trung ương đến địa phương ngày càng quan tâm. Nhiều chỉ thị, nghị quyết, thông tư, hướng dẫn, kế hoạch của các cấp bộ đảng, chính quyền, ban, ngành chức năng liên quan đến đường lối biên phòng toàn dân của Đảng, Nhà nước về việc tiếp tục đẩy mạnh “Ngày Biên phòng” đã được xây dựng, ban hành.

Ngày 21.2.1995, Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Chỉ thị số 25/CT-TU về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Ngày Biên phòng” trong toàn tỉnh. Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân trực tiếp chỉ đạo Đảng uỷ - Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng nghiên cứu, tham mưu đề xuất kế hoạch, biện pháp đẩy mạnh thực hiện Ngày Biên phòng, xây dựng được mô hình, xây dựng phong trào quần chúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể của tỉnh.

Từ khi có Hiệp định tạm thời giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc đến năm 1994, việc giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế và xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc có những chuyển biến tích cực, nhiệm vụ biên phòng có những thuận lợi nhất định. Tuy vậy, công tác quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới vẫn còn những vấn đề phát sinh phức tạp.

Trên đoạn biên giới quốc gia đối diện với Cao Bằng, phía Trung Quốc vẫn duy trì đóng 7 đồn biên phòng, 12 trạm biên cảnh, 1 trung tâm huấn luyện và nhiều đơn vị vũ trang chốt giữ nhiều điểm cao có lợi thế về mặt quân sự.

Dựa vào quân số đông, các lực lượng ở ngoại biên liên tục hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ ta, tiếp tục tổ chức lấn chiếm vào các khu vực tranh chấp do lịch sử để lại, phá hoại hoa màu của dân ta, tự ý làm đường, chôn mồ mả vào đất ta để tạo tiền đề cho việc khẳng định chủ quyền. Nhiều nơi họ dùng lực lượng vũ trang làm áp lực hỗ trợ cho dân họ canh tác trái phép, lấn chiếm. Trong các năm 1994 - 1997, họ đã vi phạm Hiệp định tạm thời 192 vụ. Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của quân dân Cao Bằng vẫn diễn ra. Điển hình là những cuộc đấu tranh ở các khu vực Đông Nạng, Pò Đoỏng Lầu (huyện Hạ Lang), Phja Un (huyện Trà Lĩnh), Phai Luông (huyện Hà Quảng)...


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Sáu, 2023, 09:25:19 am

Từ thực trạng biên giới và những vấn đề đặt ra trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã tham mưu đề xuất với cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh tổ chức các hội nghị điển hình, sơ kết kinh nghiệm về thực hiện phong trào quần chúng, mở các hội nghị những người cao tuổi ở địa bàn có công trong quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; Hội nghị sơ kết 5 năm “Ngày Biên phòng”... Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện các chương trình phối hợp với các ngành, tổ chức, đoàn thể như giáo dục, y tế, văn hoá thông tin, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ. Liên đoàn lao động tỉnh, Uỷ ban Dân số - Kế hoạch hoá gia đình... tham gia thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội ở địa phương. Qua đó, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân dân, đẩy mạnh công tác vận động quần chúng góp phần xây dựng khu vực biên giới phát triển: cùng chăm lo xây dựng biên giới và phối hợp, giúp đỡ Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Mặt khác, Đảng uỷ - Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã tổ chức các buổi làm việc toạ đàm, tranh thủ ý kiến các đồng chí lãnh đạo từng nhiều năm theo dõi, chỉ đạo công tác biên phòng và từ giữa năm 1995, đã tham mưu đề xuất Tỉnh uỷ phát động phong trào'“Phong trào quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới”. Để cho phong trào sớm được triển khai và có cơ sở, kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả. Đảng ủy - Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã ra nghị quyết lãnh đạo và chỉ đạo cơ quan xây dựng kế hoạch thí điểm ở huyện Quảng Hoà và Đồn Biên phòng Tà Lùng.

Căn cứ vào đặc điểm của khu vực biên giới, Đảng uỷ - Chỉ huy biên phòng tỉnh chỉ đạo “Phong trào quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới" thực hiện theo 4 bước:

Bước 1: Chỉ đạo Đồn Biên phòng Tà Lùng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền huyện Quảng Hoà căn cứ vào Chỉ thị 25/CT-TƯ, ngày 21.2.1995, của Tỉnh uỷ và căn cứ vào tình hình cụ thể, xây dựng thành chỉ thị sát hợp với địa bàn huyện.

Ngày 10.10.1995, Huyện uỷ Quảng Hoà đã ra Chỉ thị số 07/CT-HU “về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân”. Huyện uỷ chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các cấp uỷ, chính quyền trong toàn huyện xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể để tham gia xây dựng biên giới và đẩy mạnh tuyên truyền về “Ngày Biên phòng”. Trong đó cần tập trung vào 4 lĩnh vực chủ yếu là: Đấu tranh bảo vệ biên giới; giúp đỡ cơ sở vật chất bảo vệ biên giới; quan tâm xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng; hàng năm tổ chức kỷ niệm hoạt động Ngày Biên phòng vào ngày 3.3.

Huyện uỷ giao cho “cấp uỷ, chính quyền các xã biên phòng phối hợp với đồn biên phòng khảo sát toàn bộ hệ thống đường biên, cột mốc, giao cho các hộ gia đình và các xóm, bản sát biên bảo vệ từng đoạn đường biên, cột mốc, coi đó là đất đai, tài sản của từng gia đình, từng xóm, bản không thể để mất, kịp thời phát hiện và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động xâm hại đến an ninh quốc gia, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biên giới”.

Bước 2: Tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền xã, quán triệt chỉ thị của Huyện uỷ đến tất cả cán bộ, nhân dân biên giới. Trên cơ sở đó, chỉ huy đồn biên phòng thống nhất với lãnh đạo các xã xây dựng thành kế hoạch của xã khảo sát, nắm chắc thực trạng biên giới, lập phương án cụ thể tổ chức cho từng xóm, cụm xóm và hộ gia đình tham gia quản lý bảo vệ đường biên, cột mốc. Dựa vào phương án đó, xây dựng văn bản cam kết giữa đồn biên phong và các thôn xóm; cùng nhau thể hiện trên bản đồ địa hình các vị trí quản lý, bảo vệ của từng thôn xóm, hộ gia đình để làm tài liệu lưu giữ và đối chiếu với tình hình thực hiện.

Bước 3: Chỉ huy đồn biên phòng báo cáo kết quả công tác chuẩn bị với Huyện uỷ, uỷ ban nhân dân huyện.

Ngày 20.3.1996, lãnh đạo huyện chủ trì buổi lễ ký kết các văn bản cam kết giữa các thôn xóm với đồn biên phòng phối hợp thực hiện tự quản đường biên, cột mốc. Chứng kiến buổi lễ có đại biểu quần chúng, các trưởng thôn, các ngành đoàn thể trong huyện, xã. Sau lễ ký kết, các vị trưởng thôn xóm tiếp tục xem xét tình hình cụ thể, nhắc nhở từng hộ gia đình đảm nhiệm quản lý từng vị trí phù hợp với nơi sản xuất, canh tác. Đối với những vị trí gần nơi canh tác, sản xuất, sinh hoạt của một số gia đình thì trưởng thôn xóm cùng bà con thoả thuận giao cho một số người dân trong thôn xóm liên kết đảm nhiệm.

Trưởng các thôn xóm cùng bà con thống nhất thoả thuận: Khi có vụ việc vi phạm đến độc lập chủ quyền biên giới của ta thì cùng nhau ra giải thích, đấu tranh. Nếu vụ việc lớn hoặc mức độ nghiêm trọng, quá phạm vi quyền hạn thì báo cho tổ công tác biên phòng gần nhất, hoặc đồn biên phòng biết xử lý. Đối với các thôn xóm ở gần nơi thường xảy ra tranh chấp, lấn chiếm, khi phát hiện có hành vi vi phạm thì trưởng thôn gần đó huy động nhân dân ra trực tiếp đấu tranh, đồng thời cử người báo cho Bộ đội Biên phòng biết, phối hợp giải quyết.

Bước 4: Đảng uỷ - Chỉ huy biên phòng tỉnh tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm công tác thí điểm và tham mưu, đề xuất Tỉnh uỷ chỉ đạo triển khai ra diện rộng của tất cà 8 huyện biên giới tỉnh Cao Bằng.

Kết quả, với cách làm mới tại địa bàn thí điểm ở huyện Quảng Hoà, Đồn Biên phòng Tà Lùng đã có chuyển biến rõ rệt trong việc phát hiện, xử lý các vụ vi phạm quy chế biên giới, vi phạm Hiệp định tạm thời. Tính riêng 9 tháng đầu năm 1997, sự phối hợp giữa nhân dân với Bộ đội Biên phòng đã thu nhận, xử lý tốt 53 tin tức, vụ việc vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới ở địa phương.

Sau việc chỉ đạo thí điểm ở Đồn Biên phòng Tà Lùng, huyện Quảng Hoà, chỉ huy biên phòng tỉnh chỉ đạo thí điểm tiếp ở Đồn Biên phòng Thị Hoa, huyện Hạ Lang. Ngày 3.3.1997, theo sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, nhân dịp kỷ niệm 38 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng, các đồn biên phòng đều triển khai làm tham mưu cho địa phương và phối hợp với các ngành thực hiện “Phong trào quần chúng nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới”. Đến tháng 5.1997, toàn bộ các đồn biên phòng ở Cao Bằng đã triển khai thực hiện cơ bản chủ trương trên ở 42 xã, 145 thôn, xóm sát biên, phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ toàn bộ đường biên, cột mốc ở phạm vi tỉnh.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Sáu, 2023, 09:26:58 am

Sau một năm hoạt động của phong trào tự quản đường biên, mốc giới, công tác biên phòng ở Cao Bằng chuyển biến tích cực rõ rệt trên 3 mặt:

- Nâng cao thêm ý thức đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn, lấn chiếm biên giới; ý thức quốc gia, quốc giới, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của quần chúng nhân dân.

- Chất lượng, hiệu quả công tác nắm tình hình, vụ việc xảy ra trên biên giới nhanh chóng, chính xác và kịp thời hơn.

- Khi xảy ra các vụ việc trên biên giới, việc phối hợp, hiệp đồng giữa quần chúng nhân dân với đồn biên phòng và các lực lượng khác kịp thời, hiệu quả hơn.

Ngày 20.10.1997, sơ kết một năm thực hiện phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới, nhiều tập thể và cá nhân các xóm, xã sát biên được đánh giá là những tấm gương tiêu biểu trong các hoạt động phối hợp, giúp đỡ Bộ đội Biên phòng giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, nổi bật có: Cán bộ và nhân dân xã Sóc Hà (huyện Hà Quảng), xã Thị Hoa (huyện Hạ Lang), xóm Phiêng Mòn, xã Cô Ba (huyện Bảo Lạc); các ông Hà Văn Tày, Nguyễn Văn Đắc ở xã Sóc Hà, Vương Tài Khoắn ở xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng; Hà Văn Choóng ở xã Cô Mười, huyện Trà Lĩnh, Nông Ích Côn ở xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh

Phong trào tự quản đường biên, cột mốc ở Cao Bằng được Bộ Tư lệnh đánh giá: “Qua sơ kết, rút kinh nghiệm đã khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả thiết thực và ý nghĩa nhiều mặt của phong trào đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới", làm cho “phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới rất phong phú và hiệu quả”1.

Năm 1998, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị và địa phương: tiếp tục phát huy kết quả bước đầu của phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc giới, làm tốt chức năng tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, vận động nhân dân các dân tộc tích cực tham gia đấu tranh có hiệu quả với các hành động của nước ngoài vi phạm chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới nước ta. Đồng thời, cán bộ, chiến sỹ các cấp trong đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực rèn luyện, chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của trên, chăm lo xây dựng củng cố, đưa mọi hoạt động vào nền nếp theo hướng chính quy, vững mạnh toàn diện, tích cực vận động nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa bàn biên giới, góp phần tích cực cùng quân dân trong tỉnh hoàn thành nhiệm vụ giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Ngay từ năm 1998, Bộ đội Biên phòng đã chuẩn bị kỷ niệm 40 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của lực lượng, 10 năm “Ngày Biên phòng”. Đồng thời, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng toàn quân, toàn dân trong tỉnh và cả nước kỷ niệm 55 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm quan trọng này, ngày 2.7.1997, Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng đã ra Nghị quyết số 16/NQ-ĐU “về việc tổng kết 10 năm Ngày Biên phòng và 40 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng”. Ngày 28.7.1997, Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng ra nghị quyết triển khai.

Thực hiện Chỉ thị 15-CT/1998/TTg, ngày 28.3.1998, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh ở các xã biên giới, tiếp tục thực hiện các nội dung Ngày Biên phòng, trên cơ sở Nghị quyết số 03/NQ-TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ngày 20.7.1998, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra Chỉ thị số 17/1998/CT-UB tăng cường chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh các xã biên giới.

Chấp hành các quyết định, chỉ thị của Chính phủ, của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các cấp, các ban, ngành, đoàn thể quần chúng trong tỉnh đã có các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng phạm vi cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ vậy, 6 nội dung “Ngày Biên phòng” đã được quán triệt, phổ biên đến mọi cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và nhân dân trong tỉnh.

Quá trình thực hiện Ngày Biên phòng, trong tỉnh đã có nhiều phong trào được phát động, tạo không khí sôi nổi hướng về biên giới như Phong trào thanh niên xung kích bảo vệ đường biên; Phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc giới; Phong trào xoá đói giảm nghèo; Phong trào đền ơn đáp nghĩa; Phong trào các ngành, các đơn vị tuyến sau kết nghĩa, đỡ đầu các xóm, xã biên giới nhằm ủng hộ tinh thần, vật chất cho biên giới.
_______________________________________
1. Chỉ thị 34/CT-Bộ Tư lệnh, ngày 24.6.2003 của Bộ Tư lệnh về việc tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Sáu, 2023, 09:28:00 am

Ngày 2.3.1999, Hội nghị tổng kết 10 năm “Ngày Biên phòng” và mít tinh kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của lực lượng đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng. Dự Hội nghị và lễ mít tinh có 340 đại biểu đại diện cho cơ quan, ban, ngành của Trung ương và địa phương; đại biểu 43 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; các đồng chí đại diện Thường trực Huyện uỷ, Ủy ban nhân dân các huyện biên giới và nội địa; cấp uỷ, chính quyền của 42 xã biên giới; các đơn vị kết nghĩa, đỡ đầu các đồn biên phòng; đại diện của các tỉnh bạn Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn; các tập thể, cá nhân điển hình trong 10 năm thực hiện “Ngày biên phòng". Các phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, Báo Cao Bằng, Đài phát thanh và truyền hình Cao Bằng; đồng chí Hoàng Văn Khoáy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy qua các thời kỳ của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng; các đồng chí Bộ đội Biên phòng đã nghỉ hưu tại thị xã Cao Bằng.

Báo cáo tổng kết 10 năm “Ngày Biên phòng” đánh giá 4 nội dung cơ bản.

- Nhân dân các dân tộc tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ biên giới.

- Củng cố xây dựng vùng biên giới vững mạnh.

- Phong trào kết nghĩa, đỡ đầu ủng hộ quân dân biên giới.

Mười năm thực hiện Ngày Biên phòng đã thiết thực góp phần làm cho hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng được củng cố. Các đơn vị tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương củng cố 72 chi bộ, 33 Ban chấp hành xã đoàn, 132 chi đoàn cơ sở; xây dựng, củng cố 100 tổ, nhóm phụ nữ thôn, bản trung kiên ở địa bàn trọng điểm; 29 ban công an xã, 14 ban dân quân, củng cố 15 xóm yếu kém vươn lên trung bình. Vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ được phát huy, năng lực điều hành của chính quyền, hoạt động của các đoàn thể, tổ chức quần chúng trong việc tổ chức đời sống xã hội được tăng cường rõ rệt. Các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, tích cực đấu tranh truy quét tội phạm và các tệ nạn xã hội, vận động xoá bỏ mê tín được đẩy mạnh. 315 tổ an ninh nhân dân trong 42 xã giáp biên được xây dựng và củng cố. Nhân dân các dân tộc biên giới cùng chung sức xây dựng được quy chế tự quản, quy chế nếp sống mới ở các thôn bản; thực hiện sự nghiệp bảo vệ biên giới, bảo vệ lợi ích kinh tế, tài nguyên, môi trường cuả quốc gia.

Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tham mưu cho địa phương phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành vận động hàng trăm hộ gia đình định canh định cư, phát động và cùng đồng bào làm hàng chục kilômét đường đến các thôn bản, vận động xây dựng được hàng trăm trạm thuỷ điện nhỏ; khoanh trồng, bảo vệ hàng trăm hécta rừng đầu nguồn, vận động nhân dân phá bỏ trên 80.000m2 diện tích trồng cây thuốc phiện, phát triển cây trồng khác, tăng thu nhập cho gia đình. 20/42 xã biên giới có điện lưới đến trung tâm xã. Tỷ lệ đói nghèo giảm dần, dịch bệnh được ngăn chặn; thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong khu vực biên giới. Chương trình quân dân kết hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các địa phương biên giới thực hiện tốt, khám chữa bệnh cho 9.720 lượt người, sơ cứu 192 trường hợp, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho 16.000 lượt người, vận động 3.600 hộ gia đình đưa con em đi tiêm chủng. Trường Trung học y tế tỉnh đào tạo bổ sung 75 y sĩ cho đội ngũ quân y biên phòng.

Đời sống tinh thần của người dân biên giới cũng được nâng cao. Các đồn biên phòng đã phối hợp thực hiện chương trình ký kết với các ngành giáo dục và văn hóa thông tin về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học ở địa bàn biên giới; trực tiếp mở 44 lớp xoá mù chữ cho 1.112 người học. Các tổ đội văn hoá của các đồn biên phòng phối hợp với các đoàn nghệ thuật, đội thông tin lưu động, phòng văn hoá các huyện tuyên truyền, lưu diễn trên 200 buổi cho trên 100.000 lượt người; chiếu trên 3.000 buổi video cho trên 30.000 lượt xem.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Sáu, 2023, 09:28:52 am

Mười năm thực hiện “Ngày biên phòng” ở Cao Bằng cũng đã xây dựng nên phong trào ủng hộ quân dân biên giới, giúp đỡ tạo dựng cơ sở vật chất, cổ vũ tinh thần phục vụ bảo vệ biên giới và củng cố, xây dựng Bộ đội Biên phòng. Cấp uỷ, chính quyền, các ban, ngành trong tỉnh, các đơn vị, tổ chức, đoàn thể tuyến sau đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể hướng ra biên giới. Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ đã phát động phong trào các ngành, các đơn vị tuyến sau, các tỉnh bạn kết nghĩa, đỡ đầu, động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất cho lực lượng biên phòng. Kết quả đến năm 1989, đã có 9 tổ chức Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động nhận kết nghĩa đỡ đầu 9 đơn vị biên phòng là:

- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang với Đồn Tà Lùng, huyện Quảng Hoà.

- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên với Đồn Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh

- Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bắc Kạn với Đồn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh.

- Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nguyên Bình với Đồn Xuân Trường, huyện Bảo Lạc.

- Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hoà An với đồn Nặm Nhũng, huyện Hà Quảng.

- Liên đoàn Lao động tỉnh với đồn Tổng Cọt, huyện Hà Quảng.

- Đoàn Thanh niên thị xã Cao Bằng với Đồn Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh.

Quân dân quận Hoàn Kiếm và Hội Liên hiệp phụ nữ chợ Đồng Xuân thành phố Hà Nội nhận đỡ đầu, giúp đỡ xây dựng và trang bị một phòng khám bệnh cho quân dân huyện Bảo Lạc, giúp cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao cho 4 đơn vị biên phòng đóng quân tại huyện Bảo Lạc; nhận phụng dưỡng 4 bà mẹ liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn ở Bảo Lạc.

Sau 10 năm thực hiện “Ngày Biên phòng”, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng có 2 tập thể và 1 cá nhân được Chính phủ tặng bằng khen, 2 tập thể và 3 cá nhân được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen, 11 tập thể và 22 cá nhân được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen, 29 tập thể và 50 cá nhân được Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen, 89 tập thể và 155 cá nhân được uỷ ban nhân dân các huyện biên giới khen thưởng.

Trong Lễ mít tinh kỷ niệm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng, đồng chí Vũ Ngọc Ly, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cao Bằng đã phát biểu, “Bốn mươi năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và thu được nhiều thắng lợi, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Bộ đội Biên phòng Việt Nam... Kế thừa, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng không quản ngại khó khăn, gian khổ luôn trụ vững tuyến đầu biên giới, kiên quyết đấu tranh quản lý, bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc...”.

Năm 1999, tình hình biên giới quốc gia ở Cao Bằng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trung Quốc vẫn duy trì các hoạt động vi phạm Hiệp định tạm thời; Xâm phạm lãnh thổ ta tại nhiều địa bàn thuộc các đồn biên phòng Thị Hoa, Quang Long, Lý Quốc (huyện Hà Lang), Cần Yên (huyện Thông Nông). Họ tiếp tục cho lực lượng vũ trang như c2 biên phòng chốt Da Din - gần mốc 72, chốt Chông Mu - gần các mốc 62, 63... theo dõi các hoạt động của ta và sẵn sàng tạo áp lực, hỗ trợ cho các hoạt động lấn chiếm. Phối hợp với các hoạt động quân sự, một số cơ quan đặc biệt của họ như Cục Công An Trịnh Tây, Trạm Biên phòng Ngọc Hý, Phái Xuất Sở... thường xuyên hoạt động móc nối, lôi kéo người của ta, xây dựng cơ sở để hoạt động tình báo gián điệp.

Qua công tác điều tra cơ bản ở địa bàn, kết hợp xử lý các nguồn tin lực lượng trinh sát Bộ đội Biên phòng Cao Bằng phát hiện từ năm 1996 - 1998, cơ quan đặc biệt của nước ngoài đã móc nối, xây dựng, cài cắm cơ sở ngầm, hoạt động tình báo gián điệp vào địa bàn của Đồn Biên phòng Ngọc Khê.

Căn cứ vào nguồn tài liệu đã thu thập được, Cục Trinh sát - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phê duyệt đề nghị của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng (trong báo cáo số 14/BC-TS, ngày 23.10.1989) “xác lập chuyên án đấu tranh chống hoạt động gián điệp tình báo ở địa bàn Đồn Biên phòng Ngọc Khê Cao Bằng” (bí số là NK99).


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Sáu, 2023, 09:29:31 am

Ban chỉ đạo chuyên án NK99 gồm 7 đồng chí (do Trung tá Nguyễn Đình Khiêm, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh làm Trưởng ban; Thượng tá Lương Văn Hải, Trưởng phòng Trinh sát biên phòng Cao Bằng làm Phó ban thường trực; Thượng tá Trần Duy Đáp, phó phòng Cục Trinh sát, làm Phó ban) được thành lập. Lực lượng đánh án có 3 tổ, mỗi tổ 4 cán bộ trinh sát được giao nhiệm vụ cụ thể, bắt đầu triển khai đấu tranh chuyên án từ ngày 30.10.1998.

Vận dụng các biện pháp nghiệp vụ, gồm biện pháp trinh sát (là chủ yếu), vận động quần chúng, kiểm soát hành chính, kiểm tra vũ trang và khai thác đối tượng, đến ngày 15.7.1989, chuyên án NK99 đã đạt được mục đích. Ngày 22.7.1999, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng gửi Công văn số 37/CV-BTL “về kết quả đấu tranh chuyên án NK99 tại Cao Bằng và đề xuất đối sách xử lý” lên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và tỉnh Cao Bằng.

Ngày 30.8.1999, chấp hành ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã xây dựng Kế hoạch số 63/KH-TS chỉ đạo lực lượng trinh sát thực hiện vô hiệu hoá các đối tượng trong chuyên án NK99 và hoàn thành kế hoạch vào ngày 16.10.1999.

Đến cuối năm 1999, lực lượng Bộ đội Biên phòng trải qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 8.8.1995, của Bộ Chính trị về xây dựng Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và thường xuyên của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự chỉ đạo của Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh lực lượng, Đảng uỷ Quân khu I và Tỉnh uỷ Cao Bằng, trong 3 năm (1996 - 1999), Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã quán triệt, thực hiện Nghị quyết 11, đạt được kết quả trên nhiều mặt, ngày càng được xây dựng vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, theo Nghị quyết 11 cũng đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu bổ sung, làm rõ.

Ngày 26.8.1999, Tỉnh uỷ đã chủ trì Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về đánh giá Bộ đội Biên phòng trong tình hình mới. Qua tổng kết, đánh giá sâu và kỹ quá trình hoạt động của Bộ đội Biên phòng trên địa bàn tỉnh, Tỉnh uy rút ra 5 ưu điểm sau:

1. Nghị quyết 11 đã được các cấp Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm thông suốt tư tưởng đến mọi cán bộ, chiến sỹ. Do đó, nhiệm vụ chính trị đảm bảo được thực hiện liên tục, không sơ hở, gián đoạn.

2. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng thực hiện theo 7 điểm quy định trong Nghị quyết 11 là phù hợp với tình hình mới, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trong tình hình mới.

3. Mô hình tổ chức lực lượng Bộ đội Biên phòng theo hệ thống dọc 3 cấp cơ bản và cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, quản lý nhà nước đối với Bộ đội Biên phòng theo quy định của Nghị quyết là phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ đội Biên phòng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới.

4. Hệ thống tổ chức chỉ huy, tổ chức Đảng trong Bộ đội Biên phòng đã ổn định và đang phát huy hiệu quả tốt, lực lượng Bộ đội Biên phòng đang tổ chức tốt nhiệm vụ công tác biên phòng và chấp hành nghiêm túc quy định trên. Tổ chức biên chế đã có sự điều chỉnh bố trí một số chức danh (theo Quyết định 317/QĐ-TM của Bộ Tổng tham mưu và Quyết định 942/QĐ-QP của Bộ Quốc phòng). Tăng cường đổi mới nội dung huấn luyện bộ đội.

5. Biên giới quốc gia là một thể thống nhất, là vấn đề nhạy cảm, có liên quan đến đường lối chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhiều vấn đề phải do Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Quốc phòng chỉ đạo, đồng thời phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tại chỗ của cấp uỷ chính quyền địa phương. Đặc biệt, trong tình hình mới cần phải giữ vững ổn định chính trị ở vùng biên giới, vùng dân tộc, khu vực biên giới phải được quản lý, bảo vệ thống nhất do một lực lượng nòng cốt chuyên trách đảm nhiệm theo quy định của Nghị quyết 11 là phù hợp với tình hình mới. Lực lượng đó phải được xây dựng, tổ chức trên nguyên tắc thống nhất theo hệ thống dọc từ Trung ương đến cơ sở, đảm bảo sự chỉ huy, chỉ đạo thực hiện chủ trương đối sách, giải quyết các vấn đề xảy ra ở biên giới nhanh chóng, thông suốt, kịp thời, có hiệu lực cao.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Sáu, 2023, 09:30:14 am

Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, còn một số tồn tại:

- Vướng mắc chủ yếu là lãnh đạo, chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện Nghị quyết 11 về nhiệm vụ tác chiến phòng thủ (nhiệm vụ thứ 7) còn gặp một số khó khăn. Bộ Quốc phòng chưa ban hành quy chế phối hợp, hiệp đồng giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng với Bộ Tư lệnh Quân khu, giữa Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

- Chính phủ chưa có quy chế chỉ đạo phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để hai bộ thống nhất hướng dẫn. Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới và phân công trách nhiệm phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng Bộ đội Biên phòng và lực lượng quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an.

- Cơ chế song trùng trực thuộc, chỉ đạo của Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Tỉnh uỷ đối với Đảng uỷ Biên phòng tỉnh về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ.

Hội nghị thống nhất đề nghị: Đảng uỷ Quân sự Trung ương cần có Nghị quyết lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 11, nhằm tạo sự thống nhất nhận thức, tổ chức thực hiện đồng bộ Nghị quyết 11 ở các cấp, các ngành và nghiên cứu cơ chế phối hợp lãnh đạo để thống nhất nhận thức về công tác đầy đủ, sâu sắc, khắc phục tình trạng nhận thức quan điểm khác nhau về hệ thống tổ chức Bộ đội Biên phòng.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng uỷ - Bộ Tư lệnh và Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, năm 1999, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã nỗ lực phấn đấu thực hiện vai trò nòng cốt chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, góp phần cùng toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh xây dựng, củng cố khu vực biên giới ngày càng vững mạnh.

Trên biên giới, trong thời gian này, Trung Quốc vẫn duy trì các hoạt động lấn chiếm vào lãnh thổ ta dưới nhiều hình thức. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn có lúc còn diễn biến phức tạp. Các hoạt động trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút, tranh chấp ruộng đất, buôn lậu còn xảy ra ở nhiều nơi. Một số phần tử xấu vẫn lén lút truyền đạo trái phép, lôi kéo một số đồng bào thiểu số ở cả nội địa và biên giới.

Mặc dù vậy, tình hình biên giới tiếp tục có những chuyển biến mới. Tiến trình giải quyết quan hệ giữa hai nước trên vùng biên giới theo Hiệp định tạm thời đã có những chuyển biến tích cực. Hai bên đã thoả thuận giải quyết được một số bất đồng quan điểm về biên giới. Đặc biệt, ngày 30.12.1999, Hiệp định biên giới Việt - Trung về việc giải quyết phân định biên giới trên bộ đã được ký kết.

Với các yếu tố tác động đó, năm 1999, tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh nhìn chung giữ được ổn định. Các cấp, các ngành, các lực lượng tích cực triển khai chương trình quốc gia về xoá đói giảm nghèo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Từ cơ quan tỉnh đến các đơn vị đã tổ chức tốt công tác tổng kết 10 năm thực hiện Ngày Biên phòng và kỷ niệm 40 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng.

Ngày 14.1.2000, Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng ra Nghị quyết số 02-NQ/ĐU lãnh đạo đơn vị tập trung vào nhiệm vụ: Cùng toàn lực lượng, quân dân trong tỉnh và cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu cơ bản của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương VI (lần 2), các Nghị quyết Trung ương VII, VIII; Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2000 của Tỉnh uỷ và của Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng; tập trung lãnh đạo thắng lợi Đại hội Đảng các cấp trong Bộ đội Biên phòng Cao Bằng.

Năm 2000, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới khi tình hình trong và ngoài nước còn diễn biến phức tạp. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu “diễn biến hoà bình” - bạo loạn lật đổ với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi hơn. Họ chống phá ta trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 11 Tháng Sáu, 2023, 09:31:05 am

Trên tuyến biên giới, phía Trung Quốc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các hoạt động xâm nhập, vi phạm chủ quyền lãnh thổ ta tại các xã giáp biên giới bằng nhiều hình thức. Họ thực hiện xâm canh, xâm nhập phá hoại hoa màu, ngăn cản dân ta làm ăn ở nhiều vùng sát biên giới; xâm nhập vũ trang, tuần tra sâu vào đất ta, nhằm tạo ra các hiện trạng mới trên biên giới, tạo tiền đề để khẳng định chủ quyền lãnh thổ có lợi cho họ trong quá trình phân giới, cắm mốc trên thực địa. Từ đầu năm 2000, phía Trung Quốc lần lượt tiến hành 17 vụ, với lực lượng 132 lính biên phòng xâm nhập vào đất Cao Bằng phá hoại hoa màu, nhổ phá các loại cây trồng của dân ta trên diện tích 52.776m2, tăng 27.179m2 so với năm trước, chủ yếu ở các xã Thị Hoa, Lý Quốc, Đàm Thuỷ, Đức Long, Cô Ba. Đồng thời, tái xâm canh 16 điểm trên diện tích 18.134m2 ở địa bàn các đồn biên phòng Thị Hoa, Hùng Quốc, Nậm Nhũng, Sóc Hà, Cần Yên, Cô Ba.

Mặt khác, phía Trung Quốc còn huy động 86 lần, với 558 lượt người thuộc lực lượng vũ trang hoạt động tuần tra, quan sát, quay phim, chụp ảnh trên biên giới; tổ chức 10 lần bắn đạn thật tại các khu vực áp sát và đối diện mốc 23 (Tà Lùng), mốc 72 (Ngọc Khê), mốc 115 (Sóc Hà). 14 lần với 106 lượt người, mang theo vũ khí xâm nhập sâu vào đất ta ở địa bàn các đồn biên phòng Thị Hoa, Đàm Thuỷ, Nặm Nhũng, Hùng Quốc, Cốc Pàng và các khu vực mốc 114 (ngày 30.12.1999), mốc 28 (ngày 4.1.2000), mốc 20 - 21 (ngày 15.5.2000).

Tại nhiều nơi khác, phía Trung Quốc cho lực lượng vũ trang xâm nhập vào khu vực biên giới của ta, ngăn cản nhân dân Cao Bằng làm ăn, sản xuất ở các khu vực Nà Khao (mốc 28, xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang), Nà Nưa Ái (mốc 48, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang), Lũng Tàn (mốc 21 – 22, xã Đức Long, huyện Thạch An), thu của dân ta một số công cụ lao động. Nghiêm trọng hơn, ngày 8.10.2000, một toán lính biên phòng Trung Quốc vượt biên giới tiếp tục vào Lũng Tàn, cách xa đường biên 500m, dùng súng đe doạ dân ta đang lao động sản xuất và tuyên bố nơi đó là đất của Trung Quốc...

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng cơ bản đã tốt hơn. Tuy nhiên, ở một số nơi còn xảy ra một số vụ trộm cắp, trấn cướp, tranh chấp ruộng đất, cờ bạc, nghiện hút, buôn lậu. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách của ta mỏng, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả đấu tranh chưa cao. Đặc biệt, các tổ tuần tra biên phòng thuộc các đồn biên phòng Quang Long, Đàm Thuỷ, Ngọc Khê, Hùng Quốc, Đức Long còn phát hiện, bắt giữ được 4,4kg thuốc phiện, 11 kíp thuốc nổ, 408m dây cháy chậm, 62kg thuốc nổ, 60 bộ phận súng hơi...

Trước tình hình biên giới còn phức tạp, Đảng uỷ - Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, tổ chức vận dụng linh hoạt các biện pháp thu thập tin tức, vừa nắm tình hình toàn diện vừa tập trung vào trọng điểm, chủ động phát hiện được âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các loại đối tượng, xử lý đúng đối sách, nâng cao được hiệu quả đấu tranh. Với 475 nguồn tin trong năm 2000 (trong đó có 276 nguồn tin ngoại biên, 199 nguồn tin nội biên; 147 tin của lực lượng trinh sát, 95 tin của lực lượng bí mật, 133 tin do quần chúng cung cấp), đã có 441 nguồn tin chất lượng tốt.

Công tác trinh sát năm 2000 tiếp tục chuyển biến theo hướng đổi mới nên chất lượng ngày càng cao, phục vụ tốt hơn công tác chỉ huy, chỉ đạo bảo vệ biên giới. Đến cuối tháng 3.2000, 100% đơn vị biên phòng trong tỉnh xây dựng, hoàn chỉnh kế hoạch công tác chuyên ngành. Các mặt công tác điều tra cơ bản, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ điều tra cơ bản; công tác quản lý nghiệp vụ, tuyển chọn xây dựng cơ sở bí mật, xây dựng thế trận bí mật, đấu tranh chống tội phạm, khởi tố điều tra, xử phạt vi phạm hành chính... đều thực hiện theo phương châm gọn về thời gian, đúng quy định, nguyên tắc.

Công tác vận động quần chúng thực hiện theo Nghị quyết chuyên đề của Đảng uỷ Biên phòng tỉnh và tiếp tục được đổi mới, góp phần tích cực vào việc xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Các đơn vị đã tập trung tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chương trình quốc gia về xoá đói giảm nghèo của Chính phủ và chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời tiếp tục tuyên truyền nội dung của Hiệp định tạm thời, Hiệp ước phân định biên giới trên bộ giữa hai nước Việt - Trung và các chỉ thị, nghị quyết về củng cố, xây dựng vùng biên giới, nhằm nâng cao giác ngộ chính trị, xác định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi công dân trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Sáu, 2023, 01:26:43 pm

Trong hoạt động quản lý biên giới, kiểm soát cửa khẩu và đối ngoại biên phòng, được các cấp đơn vị biên phòng trong tỉnh chấp hành, thực hiện nghiêm túc. Các đơn vị đã thực hiện chặt chẽ các hoạt động tuần tra, kiểm soát toàn bộ hệ thống đường biên mốc giới, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Hiệp định tạm thời, đấu tranh ở các điểm bị tái xâm canh, tham mưu cho Ban Chống lấn chiếm của địa phương kịp thời phá nhổ các diện tích hoa màu canh tác trái phép và ngăn chặn các vụ xâm nhập khai thác lâm thổ sản, chăn thả trâu bò vào đất ta... theo đúng đối sách, tinh thần Hiệp định tạm thời, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới và không làm ảnh hưởng đến việc xây dựng tình hữu nghị hai bên biên giới.

Công tác đối ngoại biên phòng năm 2000 được các đơn vị biên phòng trong tỉnh chú ý thực hiện theo phương châm vừa duy trì giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, vừa xây dựng, bảo vệ tình đoàn kết, hữu nghị. Các quy định về tiếp xúc, trao đổi, hội đàm giải quyết công việc trên biên giới được các đồn chấp hành đúng, tăng cường được các thông tin hai chiều, kịp thời phối hợp với lực lượng biên phòng Trung Quốc cùng giải quyết. Cụ thể, trong năm 2000:

Phía Việt Nam Phía Trung Quốc
Thư thăm hỏi, chức mừng: 10 lần 2 lần
Thư chúc tết (cấp đồn, trạm): 4 lần 2 lần và 2 lần sang chúc tết
Thư thông báo, trao đổi: 21 lần 9 lần
Hội đàm cấp huyện: 6 lần 6 lần
Trao đổi cấp đồn: 7 lần 7 lần
Phản kháng cấp huyện: 3 lần 4 lần và 5 thư trao đổi
Phản kháng cấp xã: 10 lần 1 lần
Phản kháng cấp đồn: 24 lần 19 lần (đồn, trạm)

Công tác xây dựng lực lượng Đảng uỷ - Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh lãnh đạo và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ trên tất cả các mặt. Trong đó, 3 mặt công tác rèn luyện kỷ luật, huấn luyện - tuyển quân và xây dựng Đảng - Đoàn thanh niên đạt được kết quả khả quan. Các vụ việc vi phạm kỷ luật còn ở mức 1,4% (giảm 0,40% so với năm trước), nhưng được các đơn vị xử lý kịp thời, dứt điểm. Trong 17 trường hợp bị xử lý kỷ luật, có 10 sĩ quan, 2 quân nhân chuyên nghiệp, 5 hạ sĩ quan, 12 đảng viên, 5 đoàn viên. Trong đó có 6 trường hợp bị khiển trách, 8 trường hợp bị cảnh cáo, 2 trường hợp bị loại ngũ, 1 trường hợp bị truy tố trước pháp luật.

Công tác huấn luyện được các đơn vị tổ chức triển khai đúng thời gian. Kết quả, về thời gian đạt 89,81%. Nội dung đạt 90,35%. Quân số đạt 92,25%, được xếp loại đơn vị huấn luyện khá.

Công tác tuyển quân thực hiện đủ chỉ tiêu 240 chiến sỹ mới, đạt tỷ lệ 100%. Đảm bảo 100% chiến sỹ mới yên tâm tư tưởng, tập trung huấn luyện đạt chất lượng tốt.

Công tác xây dựng Đảng, Đoàn Thanh niên được Đảng uỷ biên phòng tỉnh từ đầu năm 2000 tập trung chỉ đạo củng cố về tổ chức, phương thức hoạt động, lôi cuốn phong trào thanh niên hoạt động, phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị và xây dựng đơn vị, tham gia xây dựng tổ chức Đảng... Qua đó, tổ chức Đoàn giới thiệu được 85 đoàn viên ưu tú, đề nghị Đảng bồi dưỡng, kết nạp được 37 đoàn viên vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 22.5.2000, của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp và sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Đảng uỷ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tiến hành Đại hội Đảng bộ khoá VI, nhiệm kỳ 2001 - 2005. Đại hội kiểm điểm từ Đại hội Đảng bộ Biên phòng lần V (2.1996), đến Đại hội lần VI, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng trải qua 5 năm thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình đất nước giữ vững được ổn định. Sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã thu được những thành quả quan trọng, tạo thêm thế và lực mới cho đất nước. Sau khi đánh giá nhiệm kỳ 1996 - 2000, Đại hội xác định phương hướng nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2001 - 2005 chủ yếu như sau:

- Đổi mới đồng bộ, toàn diện các mặt công tác biên phòng; phối hợp hiệp đồng với các lực lượng, các cấp, kết hợp chặt chẽ xây dựng và bảo vệ biên giới. Trên cơ sở xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, chủ động, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vũng chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia; góp phần giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị với nước bạn Trung Quốc. Nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, chủ động giải quyết tốt mọi tình huống nảy sinh, góp phần giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

- Xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp của các đơn vị, lấy xây dựng chính trị tư tưởng làm cơ sở; tập trung lãnh đạo, củng cố, tạo sự chuyển biến cơ bản về chất lượng chính trị, khả năng hoàn thành nhiệm vụ; nâng cao năng lực quản lý và chấp hành kỷ luật; chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội, nhất là các đồn còn nhiều khó khăn.

- Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo chuyển biến cơ bản trong Đảng bộ trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kiên quyết khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm tồn tại. Ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về phẩm chất, lối sống. Đảm bảo cho Bộ đội Biên phòng luôn là lực lượng trung thành, tin cậy của Đảng và nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Sáu, 2023, 01:28:24 pm

Đại hội VI đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, gồm 17 ủy viên. Ban thường vụ có 4 đồng chí là: Bế Trình Trần, Phó chỉ huy về chính trị, Bí thư Đảng ủy; Nguyễn Đình Khiêm, chỉ huy trưởng, phó Bí thư; hai ủy viên là Ma Quang Nghị, Chủ nhiệm chính trị; Nông Viết Bình, Phó chỉ huy trưởng tham mưu tác chiến, ủy viên và 9 đồng chí ủy viên Ban chấp hành.

Sau Đại hội VI của Đảng bộ Biên phòng tỉnh, từ cuối năm 2000, đầu 2001, Đảng ủy - Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo Trực tiếp của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh, đồng thời nhận rõ tính chất phức tạp của công tác biên phòng trong tình hình mới đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Đại hội VI, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác trinh sát biên phòng phục vụ công tác nắm đánh địch và các bọn tội phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia.

Trên cơ sở đó, ngày 15.5.2001, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh ra Nghị quyết số 84/NQ-ĐU “về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trinh sát và xây dựng lực lượng trinh sát biên phòng trong tình hình mới”. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát cho trinh sát biên phòng từ năm 2001, phải phục vụ hiệu quả nhiệm vụ công tác biên phòng, phải “xây dựng lực lượng trinh sát biên phòng theo hướng có cơ cấu hợp lý, số lượng phù hợp, lấy nâng cấp chất lượng toàn diện làm chính, đảm bảo chuyên sâu, tăng cường đề xuất với cấp trên bổ sung trang bị, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Tập trung củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Nhà nước xã hội chủ nghĩa, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có lối sống trong sạch, lành mạnh, có tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật cao, có năng lực vận dụng chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vận dụng các chế độ, nguyên tắc nghiệp vụ vào thực tiễn chiến đấu, công tác có hiệu quả, góp phần xây dựng lực lượng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ” đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao”.

Trong khi Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đổi mới công tác và xây dựng lực lượng trinh sát biên phòng, các loại đối tượng ra sức lợi dụng chính sách đổi mới, mở cửa, hợp tác đa phương của Đảng, Nhà nước ta tăng cường các hoạt động vượt biên, xâm nhập trái phép, làm cho công tác biên phòng đứng trước nhiều yêu cầu nhiệm vụ mới. Ngoài những đối tượng là nhân dân hai nước ở sát biên qua lại, giải quyết các nhu cầu đời sống và người Hoa đã sang Trung Quốc từ năm 1978, ở Cao Bằng lúc này nổi lên 3 nhóm chính đối tượng vượt biên trái phép là: sang Trung Quốc làm ăn trái phép, buôn bán lậu qua biên giới và phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng. Các hoạt động vượt biên trên đã tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới của tỉnh, tạo kẽ hở cho phần tử xấu, bọn phản động lợi dụng xâm nhập, hoạt động điều tra tình báo móc nối, xây dựng cài cắm cơ sở ngầm vào nội bộ ta, chống phá cách mạng.

Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, nghị định, kế hoạch của Đảng, Nhà nước và cấp trên1, các đơn vị Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã triển khai xây dựng nghị quyết, chuyên đề và các kế hoạch đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vượt biên trái phép. Kết quả, các đơn vị đã thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng tốt thế trận an ninh thôn, xóm, thực hiện hiệu quả Chỉ thị 135 của Chính phủ về đấu tranh truy quét các loại tội phạm và vận động đối tượng ra tự thú. Từ năm 1996 - 2001 đã phát hiện và bắt giũ 240 đối tượng hình sự. Tham mưu củng cố kiện toàn 125 trưởng thôn, xóm, 6 chi bộ Đảng, 42 chi đoàn thanh niên, 52 chi hội phụ nữ, xây dựng 59 bản quy ước thôn, xóm bảo vệ an ninh trật tự, thành lập 181 tổ an ninh nhân dân, 37 tổ hòa giải thôn xóm, bổ sung 56 công an viên, cải tạo tại chỗ 183 đối tượng. Tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng 89 tập thể, 155 cá nhân, đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng kỷ niệm chương “Vì an ninh Tổ quốc” cho 189 cá nhân ở các xã biên giới có nhiều thành tích phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
______________________________________
1. Nghị định 87CP; các Chỉ thị 135, 406, 814, 853 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 145/ĐU-QS-TW. Kế hoạch số 12.KH-BTL. Chỉ thị 1452 của Bộ Quốc phòng. Kế hoạch của Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng. Chỉ thị 10 và 18/CT-BNV. Chỉ thị số 39/CV-TS của Cục Trinh sát về hướng dẫn, xử lý người xuất nhập cảnh trái phép. Kế hoạch số 62 thực hiện đối sách đối với người Hoa, người Việt sang Trung Quốc lấy chồng. Các chỉ thị, kế hoạch của UBND tỉnh...


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Sáu, 2023, 01:29:06 pm

Thực hiện chương trình 133, 135 của Chính phủ, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã cử 42 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới; đồng thời tham mưu với Ban chỉ đạo 133, 135 các xã biên giới xây dựng dự án, triển khai thi công, giám sát thi công 34 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng như công trình làm đường giao thông, trường học, thủy lợi, đường điện, chợ... với tổng số vốn do Nhà nước đầu tư 17.845.000.000đ. Xây dựng 17 dự án thuộc chương trình 133 và vốn lồng ghép với tổng số vốn: 3.740.000.000đ.

Đồng thời, các đơn vị vận dụng các biện pháp công tác, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác thực hiện theo Hiệp định tạm thời giữa hai nước, quản lý chặt chẽ và đảm bảo thông thoáng việc ra vào biên giới đúng quy định đối với 6 cặp cửa khẩu trên biên giới (trong đó có 1 cửa khẩu quốc gia, 2 cửa khẩu tỉnh, 3 cửa khẩu tiểu ngạch). Duy trì thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát hành chính cố định ở các cửa khẩu và kiểm tra, kiểm soát lưu động trên các đường tiểu ngạch sang Trung Quốc; đăng ký, kiểm soát cho 100.932 lượt người vào biên giới. Trong đó, người Việt Nam là 44.717 lượt, người Trung Quốc là 56.215 lượt, đăng ký xuất nhập cảnh cho 1.622 lượt người ra vào biên giới đúng quy định, thủ tục. Nhờ đó, các hoạt động vượt biên trái phép giảm hẳn.

Tổng kết công tác biên phòng và xây dựng lực lượng Bộ đội Biên phòng Cao Bằng năm 2001, công tác trinh sát biên phòng được đánh giá là một trong những mặt có nhiều chuyển biến tích cực; thường xuyên có kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng tích cực đấu tranh truy quét, ngăn chặn, xử lý kiên quyết với các vụ việc đảm bảo đúng pháp luật; phục vụ lãnh đạo, chỉ huy kịp thời nắm chắc tình hình biên giới, kịp thời đề ra được các chủ trương, đối sách phù hợp, nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, ở một vài đơn vị công tác phòng ngừa còn yếu. Một số cán bộ trinh sát năng lực chuyên môn còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa bám sát địa bàn.

Năm 2002, phát huy kết quả thành tích đạt được của năm trước, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh và các hướng dẫn của cơ quan nghiệp vụ cấp trên, đồng thời bám sát tình hình thực tế trên biên giới và nghị quyết của Đảng ủy, Chỉ huy biên phòng tỉnh. Các cấp đơn vị biên phòng trong tỉnh đã tích cực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân tiếp tục thực hiện “phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc giới”, thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, duy trì công tác kiểm tra, đôn đốc, nâng cao phẩm chất chính trị, năng lực công tác cho cán bộ, chiến sỹ.

Phong trào thi đua quyết thắng năm 2002 của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng có bước phát triển mới về khí thế và chất lượng, thực hiện được các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng xét công nhận một đơn vị quyết thắng, 4 chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, 4 chiến sỹ thi đua cấp Bộ Tư lệnh; đề nghị ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ thi đua cho 2 đơn vị, tặng bằng khen cho 8 tập thể và 15 cá nhân. Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh xét tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua cho 24 cán bộ, chiến sỹ, tặng bằng khen cho 2 tập thể, 61 cá nhân; tặng giấy khen cho 3 tập thể và 115 cá nhân; công nhận đơn vị giỏi cho 26 đội công tác và công nhận danh hiệu chiến sỹ giỏi cho 205 đồng chí.

Trong sự nghiệp biên phòng toàn dân, trên các tuyến biên giới của Tổ quốc ngày càng xuất hiện nhiều phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Phong trào quần chúng tự quản đường biên mốc giới do Bộ đội Biên phòng Cao Bằng khởi xướng, đề xuất, được Tỉnh ủy phê duyệt đã đi vào hoạt động từ tháng 6.1995. Qua gần 8 năm sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện, phong trào đã thu được nhiều kết quả tích cực. Nhân dân ở các khu vực gần đường biên, mốc giới thường xuyên duy trì, thực hiện phong trào thành nền nếp. Qua tổng kết thực hiện, Bộ Tư lệnh đánh giá các phong trào trên, nhất là phong trào quần chúng tự quản đường biên mốc giới đã khẳng định sự đúng đắn, phù hợp với tình hình mới, có tác dụng tốt và có ý nghĩa tích cực trong việc huy động sức mạnh toàn dân phục vụ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Ngày 24.6.2003, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng ra Chỉ thị số 34/CT-BTL, giao cho chỉ huy biên phòng các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức hiệu quả phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm, bản khu vực biên giới”.

Chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh, Hướng dẫn số 58, ngày 21.10.2003, của Cục Chính trị, Đảng ủy - Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng quyết định phát huy kinh nghiệm vốn có, tiếp tục nâng cao chất lượng của phong trào và đưa phong trào đi vào hoạt động nền nếp hơn nữa. Phòng Chính trị được Đảng ủy, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh giao xây dựng “Quy chế phối hợp giữa ủy ban nhân dân xã... với đồn biên phòng... về tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm (bản)”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Sáu, 2023, 01:29:45 pm

Cuối tháng 9.2003, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Sở Văn hóa - Thông tin Cao Bằng tổng kết 10 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa hai cơ quan về “đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thông tin ở vùng đồng bào các dân tộc biên giới (1993 - 2003)’’. Qua 10 năm thực hiện, chương trình phối hợp đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở các xã, thị trấn ở biên giới, khích lệ được phong trào quần chúng tham gia xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, cải thiện một bước về đời sống vật chất, góp phần xóa các điểm trắng về thông tin, xây dựng vùng biên giới từng bước vững mạnh. Đồng thời lồng ghép với nhiều chương trình, phối hợp với các ngành, đoàn thể, huy động sức mạnh tổng hợp phục vụ thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh trên địa bàn, thúc đẩy cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và phong trào quần chúng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Tại Hội nghị, Sở Văn hóa - Thông tin và Bộ đội Biên phòng đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ Tư Lệnh Bộ đội Biên phòng tặng bằng khen cho 4 tập thể và 2 cá nhân: đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho 5 tập thể và 6 cá nhân; ủy ban nhân dân các huyện biên giới đã tặng giấy khen cho 9 tập thể và 17 cá nhân.

Hai bên thống nhất xây dựng phương hướng cho giai đoạn 2003 - 2010 tập trung vào các nội dung, mục tiêu sau:

- Tiếp tục tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện Nghị quyết Trung ương lần thứ 5 (khóa VIII) về phát huy văn hóa truyền thống, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Phấn đấu đến năm 2010 có 65 - 70% gia đình, 55% số làng, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa, 75 - 80% số cơ quan, nhà trường, đơn vị lực lượng vũ trang đóng ở địa bàn biên giới đạt tiêu chuẩn văn hóa. Xây dựng được 3 - 5 điểm sáng văn hóa tiêu biểu trên biên giới.

- Chủ động liên kết, tạo nguồn lực tài chính để đầu tư trang thiết bị cho các ban văn hóa xã, đồn biên phòng, đội thông tin lưu động các huyện. Xây dựng nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã cho 44 xã, thị trấn biên giới.

Ngày 2.3.2004, lễ kỷ niệm 45 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng và 15 năm “Ngày Biên phòng” toàn dân, được Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức trọng thể tại Nhà văn hóa Trung tâm, thị xã Cao Bằng.

Đồng chí Dương Mạc Thăng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Đàm Thơm, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh cùng nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến dự. Đông đảo đại biểu các cơ quan, ban, ngành, các lực lượng vũ trang nhân dân, các huyện, thị, các anh hùng lực lượng vũ trang, gia đình liệt sĩ Bộ đội Biên phòng và các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các thời kỳ của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã đến dự và chúc mừng sự trưởng thành của Bộ đội Biên phòng, chúc mừng sự thành công của các hoạt động “Ngày Biên phòng" trên địa bàn tỉnh. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệt liệt biểu dương các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tận tình giúp đỡ, động viên Bộ đội Biên phòng hoàn thành nhiệm vụ, đoàn kết cùng nhau xây dựng Bộ đội Biên phòng và xây dựng biên giới ngày càng vững mạnh.

Trong quá trình tập trung thực hiện các mặt công tác biên phòng, Đảng ủy, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị. Đặc biệt năm 2004 đã tạo được chuyển biến rõ rệt trên các mặt giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức và huấn luyện - xây dựng đơn vị chính quy.

Kết quả phân loại năm 2004, có 97,8% cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tổng kết thi đua có 4 đơn vị được tặng danh hiệu đơn vị quyết thắng, 4 đơn vị được tặng bằng khen, 6 đơn vị được tặng giấy khen. 36 đơn vị tiên tiến, 37 chiến sỹ thi đua, 41 đồng chí được tặng bằng khen, 157 chiến sỹ tiên tiến, 9 đơn vị và 18 cá nhân được ủy ban nhân dân tỉnh tặng cờ thi đua, bằng khen và giấy khen.

Công tác tổ chức biên chế, tuyển quân, thực hiện nghiêm túc theo quy định của Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh về phong cấp, đề bạt, điều động, sử dụng lực lượng theo định hướng ưu tiên các hướng, địa bàn trọng điểm; tuyển chọn, sắp xếp bố trí đúng chức danh, mục đích, phát huy được khả năng cán bộ và phù hợp với thực tế ở đơn vị, đủ khả năng lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Sáu, 2023, 01:30:33 pm

Trong năm 2004, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng tiếp nhận 190 chiến sỹ mới, đảm bảo chặt chẽ, đúng luật. Tuyển sinh dự thi Trung học biên phòng 68 đồng chí. Dự thi các trường trung học chuyên nghiệp khác 9 đồng chí. Đào tạo văn hóa nguồn của hệ văn hóa ngoại ngữ Bộ đội Biên phòng 4 đồng chí. Trúng tuyển trung học và đại học biên phòng 6 đồng chí. Giải quyết xuất ngũ ra quân 245 đồng chí (có 3 quân nhân chuyên nghiệp, 1 nghỉ hưu). Đề nghị Bộ Tư lệnh chuyển chế độ quân nhân chuyên nghiệp cho 23 đồng chí, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng.

Công tác xây dựng đơn vị chính quy vững mạnh toàn diện thực hiện theo 5 tiêu chuẩn do trên quy định, phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao sức mạnh chiến đấu. Nhờ cấp ủy, chỉ huy thường xuyên quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật cho cán bộ, chiến sỹ, nên đã tạo được sự chuyển biến vững chắc trong ý thức và hành động rèn luyện chấp hành kỷ luật của bộ đội. Tỷ lệ vi phạm kỷ luật giảm, chỉ còn gần 0,8%.

Công tác huấn luyện được chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt, đảm bảo tỷ lệ gần 95% về nội dung và thời gian, quân số đạt 93,04%. Kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, có 72,07% đạt khá giỏi.

Công tác sẵn sàng chiến đấu trong năm 2004 được Đảng ủy, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, nâng chất lượng lên một bước mới. Các đơn vị biên phòng trong toàn tỉnh đã được quán triệt sâu sắc mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Mệnh lệnh chiến đấu của Tư lệnh Quân khu I; xây dựng, bổ sung và luyện tập các phương án, kế hoạch sẵn sàng chiến đấu A, A1, A2, A3, A4, kế hoạch chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch bảo vệ cơ quan, đơn vị; thường xuyên tu sửa, nạo vét hầm hào, công sự... Duy trì chặt chẽ các chế độ trực chỉ huy, trực tác chiến, trực ban, trực phòng không, trực sẵn sàng chiến đấu, trực thông tin; chủ động xử lý, giải quyết các tình huống, không để bất ngờ.

Để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng Tổng Cọt, Nặm Nhũng, Sóc Hà (huyện Hà Quảng) và Đồn Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc) tham gia diễn tập phòng thủ khu vực đạt kết quả khá. Đồng thời tổ chức tập huấn chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cho chỉ huy các đơn vị, nâng cao khả năng tác chiến phòng thủ, hiệp đồng giữa các lực lượng khi có tình huống.

Để bảo vệ công trình xây dựng ở hạ lưu thác Bản Giốc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Bộ chì huy Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng Đàm Thủy và Đồn Biên phòng Lý Quốc, huyện Hạ Lang tổ chức lực lượng bảo vệ việc thi công công trình. Tháng 11.2004. công việc thi công đang tiến triển thì phía Trung Quốc đẩy cao các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ ta ở khu vực thác Bản Giốc. Được sự chỉ đạo của ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư lệnh lực lượng, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã xây dựng, đề xuất kế hoạch bảo vệ thác Bản Giốc theo đúng chủ trương. Công trình được thi công xong, không xảy ra vụ việc gì ảnh hưởng đến quan hệ bình thường với nước láng giềng.

Năm 2004 cũng là thời gian tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới Cao Bằng tiếp tục diễn biến phức tạp do các hoạt động của bọn tội phạm và tệ nạn ma túy. Đặc biệt tệ nạn mua bán, sử dụng ma túy ngày càng có xu hướng gia tăng, lan rộng và dần dần hình thành các tổ chức, đường dây hoạt động trong ngoài biên giới, tạo thành điểm nóng về an ninh, trật tự ở khu vực biên giới. Nổi lên là địa bàn các huyện Trùng Khánh, Hạ Lang, Trà Lĩnh. Các chất ma túy được mua bán vận chuyển qua biên giới theo hai chiều. Thuốc phiện và heroin được chuyển từ nội địa vào khu vực biên giới cất giấu, tìm bạn hàng ở Trung Quốc tiêu thụ. Đồng thời, các loại tân dược gây nghiện được vận chuyển từ Trung Quốc vào lãnh thổ ta bằng nhiều hình thức.

Ngày 29.11.2004, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 156/2004/QĐ-BQP, về việc thành lập lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma tuý thuộc Bộ đội Biên phòng. Cao Bằng là một trong số 22 đơn vị tỉnh, thành biên phòng thực hiện quyết định này.

Ngày 21.1.2005, Bộ Tổng tham mưu ra Quyết định số 84/QĐ-TM về biên chế lực lượng phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, ngày 21.2.2005, Bộ chỉ huy Biên phòng Cao Bằng tổ chức lễ công bố quyết định thành lập phòng Phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, với biên chế 14 người, nâng tổng số phòng, ban của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh lên 5 phòng và 1 ban, đó là: phòng Tham mưu, Chính trị, Trinh sát, Hậu cần - kỹ thuật, phòng Phòng chống tội phạm ma tuý và ban Hành chính, ở mỗi đồn biên phòng trọng điểm, bố trí một quân nhân chuyên nghiệp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy.

Sau thành lập, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy triển khai ngay các hoạt động nắm tình hình, tham mưu đề xuất, thực hiện tốt đối sách và các công tác nghiệp vụ cơ bản. Trong đó, tập trung nắm tình hình, tổ chức đấu tranh chống trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy; các đối tượng và tụ điểm sử dụng chất ma túy; chống các vụ việc, hiện tượng liên quan đến mua bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy qua lại biên giới, ở cả nội và ngoại biên.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Sáu, 2023, 01:31:29 pm

Ngày 29.7.2005, Đồn Biên phòng Tà Lùng phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan mật phục bắt giữ 1 đối tượng (sinh năm 1970, trú tại xã Ngọc Xuân, thị xã Cao Bằng) đang vận chuyển 40 ống thuốc tân dược gây nghiện (Diazepam) từ Trung Quốc vào huyện Phục Hòa.

Ngày 12.8.2005, Phòng Phòng chống ma túy phối hợp với Đồn Biên phòng Tà Lùng bắt một đối tượng (sinh năm 1973, trú tại xóm Nà Quan, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh) đang vận chuyển hêrôin từ huyện Trùng Khánh sang huyện Trà Lĩnh.

Ngày 22.9.2005, phòng tiếp tục phối hợp với Đồn Biên phòng Ngọc Khê bắt một đối tượng (sinh năm 1973, trú tại xóm Nà Quan, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh) đang vận chuyển hêrôin từ huyện Trùng Khánh sang Trà Lĩnh.

Trong năm 2005, lực lượng phòng chống ma túy của Bộ đội Biên phòng còn phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan bắt giữ 6 vụ, 8 đối tượng, thu giữ tang vật, gồm 100 ống thuốc Dizepam, 6 liều hêrôin..., 1 xe máy, 2 điện thoại di động, 257 nhân dân tệ bàn giao cho công an xử lý. Phát hiện 2 vụ, 2 đối tượng trồng cây thuốc phiện, phá nhổ diện tích 40m2 trồng cây thuốc phiện ở địa bàn Đồn Biên phòng Xuân Trường. Điều tra tổng hợp được 176 đối tượng nghiện ma túy, lập hồ sơ cá nhân 34 đối tượng đưa vào diện quản lý nghiệp vụ; xác lập chuyên án 805-P và triển khai đấu tranh. Phối hợp với cơ quan chức năng cai nghiện tại cộng đồng cho 10 đối tượng (ở địa bàn Đồn Biên phòng Hùng Quốc); động viên 7 đối tượng khác ở địa bàn các đồn biên phòng Đức Long, Nặm Nhũng, Quang Long tự nguyện đi cai nghiện tập trung.

Đồng thời, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng triển khai đấu tranh với nhiều loại tội phạm, nhiều loại đối tượng khác như xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là hoạt động buôn bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc, phụ nữ Việt Nam tự sang Trung Quốc lấy chồng, hoạt động đẩy người về. Chỉ 6 tháng đầu năm 2005, các đơn vị biên phòng đã phát hiện xử lý 65 vụ việc. Trong đó có 22 vụ buôn lậu, 4 vụ nhập cảnh trái phép, 12 vụ phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng... Tháng 3.2005, qua cửa khẩu Tà Lùng, phía Trung Quốc đẩy về Việt Nam 12 phụ nữ quê ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước bị lừa bán sang Trung Quốc... Địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Tà Lùng ngày càng trở thành một trọng điểm về trật tự xã hội. Tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động của bọn tội phạm, nhất là các hoạt động buôn bán phụ nữ qua biên giới và các hoạt động đẩy phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc lấy chồng và hành nghề dưới nhiều hình thức trở lại Việt Nam... gây bức xúc về trật tự xã hội.

Từ kết quả của công tác điều tra cơ bản và căn cứ vào các nguồn tin của quần chúng, nguồn tin của người bị hại, đầu tháng 9.2005, Thường vụ Đảng ủy, Bộ chỉ huy Biên phòng Cao Bằng đã xác lập chuyên án 905-P. Ban chuyên án được thành lập, gồm 7 đồng chí (có 2 cán bộ của Cục trinh sát tăng cường) do Thượng tá Bế Đình Trần, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh làm Trưởng ban, Thượng tá Hoàng Văn Sự, Phó chỉ huy trưởng trinh sát làm Phó ban. Lực lượng đánh án có 10 đồng chí, chia làm 3 tổ, được tổ chức giao nhiệm vụ cụ thể và triển khai thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án 905-P từ ngày 12.9.2005.

Được Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo sát sao, được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương giúp đỡ, cùng với sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng công an, hải quan... và sự phấn đấu nỗ lực của Ban chuyên án, lực lượng đánh án, đến cuối tháng 9.2005, các mục đích của chuyên án đã được thực hiện. Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã hoàn chỉnh hồ sơ ban đầu, chuyển giao cho Công an huyện Phục Hòa 5 đối tượng mua bán phụ nữ qua biên giới.

Trên hướng khác, lực lượng trinh sát biên phòng Cao Bằng làm nòng cốt đấu tranh vô hiệu hóa đường dây đưa đón, bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc hành nghề mại dâm ở địa bàn Đồn Biên phòng Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Trong phong trào thi đua quyết thắng năm 2005, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được Bộ Tư lệnh và lãnh đạo tỉnh khen ngợi về công tác vận động quần chúng và tuyên truyền đặc biệt.

Cấp ủy, chỉ huy các cấp Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, duy trì công tác vận động quần chúng và tuyên truyền đặc biệt thành nền nếp. Từ đầu năm 2005, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh tổ chức lớp tập huấn vận động quần chúng - tuyên truyền đặc biệt cho 71 cán bộ vận động quần chúng và tăng cường cán bộ cho các xã biên giới.

Với lực lượng được tăng cường, các đồn biên phòng đã thực hiện 500 buổi tuyên truyền cho 19.790 lượt người nghe; tham mưu cho địa phương củng cố 15 trưởng thôn - bản, 14 tổ an ninh nhân dân, 5 tổ hòa giải, 6 ban chống lấn chiếm, 3 chi hội chữ thập đỏ, 3 chi hội khuyến học, khám chữa bệnh 717 lượt người, vận động 11 hộ gia đình tự nguyện ký cam kết ra định cư ở các xóm sát biên, 3.021 gia đình tự nguyện cam kết không làm theo luận điệu tuyên truyền của những tên đội lốt tôn giáo, tổ chức 9 đợt, với 274 lượt quần chúng tham gia đấu tranh bảo vệ biên giới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Sáu, 2023, 01:32:09 pm

Các đơn vị biên phòng còn tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp các gia đình cán bộ chính sách 980 ngày công lao động, tiết kiệm, tặng quà trị giá gần 34 triệu đồng, giúp gia đình khó khăn gần 2.000kg gạo... Các dịp lễ, tết, các ban, ngành đoàn thể và bà con địa phương đã đến các đồn biên phòng thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ trị giá trên 78.000.000đ.

Các đơn vị đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp xóa nhà dột nát, xây dựng nhà đại đoàn kết cho 24 hộ gia đình đặc biệt khó khăn; xây dựng một nhà văn hóa có diện tích sử dụng 60m2 tại xóm Trúc long, xã Sóc Hà. Tong số vốn tài trợ để xây dựng là 70.000.000đ. Trong đó, Cục Chính trị - Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tham gia 30.000.000đ, công ty Sài Gòn Coopimart 25.000.000đ, Ủy ban nhân dân huyện Hà Quảng 10.000.000đ. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng 5.000.000đ. Cán bộ, chiến sỹ đồn Biên phòng Sóc Hà và nhân dân xóm Trúc Long đóng góp ngày công lao động, trực tiếp xây dựng.

Ngày 12.8.2005, Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng và Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp giai đoạn 1999 - 2005. Tại hội nghị, Trung ương Hội Nông dân đã tặng bằng khen Đồn Biên phòng Tà Lùng và Đồn Biên phòng Cần Yên. Ủy ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen cho 29 tập thể (trong đó có các đồn Biên phòng Đức Long, Thị Hoa, Lý Quốc, Sóc Hà, Xuân Trường) và 40 cá nhân.

Ngày 22 và 23.9.2005, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VII. Đại hội đánh giá kiểm điểm kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng của Đảng bộ nhiệm kỳ 2000 - 2005 và xác định phương hướng, nhiệm vụ trong những năm 2006 - 2010 của Đảng bộ phải tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cao Bằng lần thứ XVI. Cụ thể, phải “Phát huy sức mạnh tổng hợp nền biên phòng toàn dân, kết hợp với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, thực hiện đồng bộ, toàn diện các biện pháp công tác biên phòng trong tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đấu tranh phòng chống “diễn biến hòa bình” - bạo loạn lật đổ, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, xây dựng lực lượng vững mạnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cao, nghiệp vụ công tác biên phòng giỏi, đủ sức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống”.

Đại hội bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ lần thứ VII, nhiệm kỳ 2006 - 2010, gồm 13 đồng chí: bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVI, gồm 7 đồng chí và 1 đồng chí dự khuyết. Ban thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng lần VII gồm 4 đồng chí: Trần Tiến Dũng, Phó Chỉ huy trưởng chính trị, Bí thư Đảng ủy; Bế Đình Trần, Chỉ huy trưởng Biên phòng tỉnh, Phó bí thư Đảng ủy; Đỗ Quang Thành, Phó Chỉ huy trưởng tham mưu tác chiến, ủy viên; Phùng Quốc Tuấn, Chủ nhiệm chính trị, ủy viên và 9 đồng chí ủy viên ban Chấp hành.

Sau Đại hội, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới trong hoàn cảnh có những thuận lợi mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới được giữ vững. Quan hệ hai bên biên giới Việt - Trung được củng cố, phát triển cả trong quan hệ thương mại, trao đổi hàng hóa và các hoạt động khác. Công tác phân giới cắm mốc được đẩy mạnh, cơ bản đạt kế hoạch. Cơ sở chính trị ở biên giới tiếp tục được củng cố.

Tuy nhiên, ở một số nơi, lực lượng vũ trang của phía Trung Quốc nhiều lần xâm nhập vi phạm chủ quyền lãnh thổ, vi phạm Hiệp định tạm thời, hỗ trợ cho dân vượt biên, xâm canh; đe dọa, ngăn cản dân ta sản xuất, canh tác ở các khu vực gần đường biên; tổ chức phá nhổ hoa màu, phá một số đoạn đường tuần tra, chôn mồ mả, làm đường sang đất ta. Một số mốc mới cắm bị đập phá, xóa các chữ viết ở cả hai mặt mốc. Hai cơ quan đặc biệt TH vẫn tăng cường móc nối, cài cắm cơ sở ngầm vào nội bộ ta để thu thập tin tức tình báo trên các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, đối ngoại, nhất là quan điểm của ta trong phân giới, cắm mốc và giải quyết ở những khu vực nhạy cảm. Các loại tội phạm buôn lậu, mua bán vận chuyển các chất ma túy, mua bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới ở một số địa bàn, có lúc hoạt động ráo riết. Tình hình khai thác, vận chuyển, bán tài nguyên, khoáng sản trái phép sang Trung Quốc diễn ra ở nội địa và cả khu vực biên giới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Sáu, 2023, 01:32:45 pm

Trong bối cảnh chung của biên giới ở Cao Bằng, tình hình tại xóm Lũng Phjắc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, cơ quan TH đã hoạt động móc nối, cài cắm cơ sở ngầm vào nội bộ ta từ năm 2002, đến năm 2006, phát sinh nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều vụ việc diễn ra ở địa bàn vi phạm đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tác động nhiều đến tình hình nhân dân và hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể.

Tại Lũng Phjắc, ngày 25.12.2005, ta phát hiện người Trung Quốc xâm táng 6 ngôi mộ vào sâu đất ta 50m tại khu vực mốc 57. Ta kiên trì phản kháng việc làm sai trái này và đến ngày 14.1.2006, họ đã phải di chuyển 6 ngôi mộ trên về đất Trung Quốc.

Ngày 21.4.2006, 9 lính biên phòng Trung Quốc mang theo vũ khí xâm nhập trái phép qua biên giới ở đoạn mốc 58, vào sâu đất ta 80m, phá nhổ 160m2 ngô của gia đình ông Diệp Văn Nọn. Đồn Biên phòng Đàm Thủy viết thư mời phía Trung Quốc đến hiện trường trao đổi, giải quyết vụ việc vào ngày 27.4.2006, phía Trung Quốc không đến.

Trong khi hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép quặng mangan từ Lũng Phjác sang Trung Quốc diễn ra ngày đêm thì các hoạt động khai thác quặng hợp pháp của các doanh nghiệp Việt Nam ở Lũng Phjắc bị một số người dân địa phương ngăn cản, gây khó khăn, thậm chí đe dọa, hành hung, dẫn đến mâu thuẫn căng thẳng.

Từ đầu tháng 5.2005 đến tháng 1.2006, tại xóm Lũng Phjắc liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngưòi dân địa phương ném đá vào ô tô, lán trại, máy móc của các công ty khai thác quặng hợp pháp (Công ty Hiệp Lực, Công ty Miền núi), làm cho các lái xe bị thương, thiệt hại nhiều tài sản, lán trại, máy móc, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã lập biên bản ban đầu và phối hợp với Công an huyện Trùng Khánh giải quyết...

Lũng Phjắc là một xóm nằm sát biên giới, có 3km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc từ mốc 56 đến mốc 58, là một thung lũng thấp, xung quanh có nhiều núi cao bao bọc, diện tích tự nhiên rộng 446 héc ta; trong đó có 69.4 héc ta là đất canh tác. Nơi đây có một đường xe cơ giới có thể ra vào. Công ty trách nhiệm hữu hạn Miền núi và Công ty trách nhiệm hữu hạn Hiệp Lực mở con đường này để vận chuyển quặng. Ngoài ra, từ Lũng Phjắc có nhiều đường mòn đi ra biên giới, qua mốc 57 và 58 sang Trung Quốc. Đây là những tuyến đường người dân địa phương vận chuyển quặng bán sang Trung Quốc và cũng là các tuyến xâm nhập trái phép từ ngoài vào khu vực biên giới của tỉnh.

Dân cư xóm Lũng Phjắc có 198 hộ, 967 khẩu (2006), có hai dân tộc là Tày và Nùng. Trong đó, 95% là người Nùng Giang. Xóm được tổ chức thành 3 đội sản xuất. 81.9% nhân dân trong xóm mù chữ nên hiểu biết và chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước còn có mặt hạn chế. Nhận thức về chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của người dân chưa đầy đủ nên thường vi phạm quy chế biên giới, tự do vượt qua biên giới thăm thân, khám chữa bệnh, mua bán trao đổi hàng hóa, hàng quốc cấm.

Nhân dân hai bên biên giới tại Lũng Phjắc có nhiều mối quan hệ về dòng họ, thân tộc, kết nghĩa “lão tồng”, nhiều phụ nữ lấy chồng người Trung Quốc... Từ năm 1979 - 2006, đã có 52 phụ nữ sang Trung Quốc lấy chồng. Từ năm 1998 - 2006, đời sống kinh tế của người dân trong xóm được nâng lên rõ rệt. 100% số hộ gia đình đều được dùng điện lưới quốc gia. 70 - 80% hộ gia đình mua sắm ti vi, xe máy, tủ lạnh. Nguồn thu kinh tế chủ yếu ở đây là từ khai thác, vận chuyển, bán quặng trái phép sang Trung Quốc.

Để thu hút nguồn tài nguyên của ta, trên đoạn biên giới đối diện mốc 57, 58, phía Trung Quốc lập ra 3 điểm thu mua quặng. Cả 3 điểm này đều do Công ty khoáng sản Đại Tân (Trung Quốc) phụ trách.

Hoạt động thu mua quặng của 3 tổ trên diễn ra từ năm 1992. Lúc đầu với quy mô, số lượng nhỏ. Từ năm 1997, Trung Quốc chuyển các vị trí thu mua quặng ra sát biên giới, đầu tư lại cơ sở hạ tầng, làm đường, san ủi mặt bằng, xây bể chứa nước, đầu tư thêm máy móc tuyển rửa quặng nên mức độ thu mua ngày càng tăng lên nhiều lần so với trước. Mặt khác, để thu hút dân ta bán quặng, họ dùng hình thức ứng trước tiền cho dân ta mua lừa, ngựa làm phương tiện vận chuyển quặng, sau đó trừ dần vào tiền bán quặng. Khi ta thành lập đội công tác liên ngành để ngăn chặn việc vận chuyển quặng trái phép qua biên giới, lập tức các chủ thu mua quặng bên phía Trung Quốc đã nâng giá thu mua từ 0,22 lên 0,3 nhân dân tệ/kg quặng (khoảng 600đ tiền Việt Nam), làm cho việc ta ngăn chặn bán quặng lậu qua biên giới gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hai công ty khai thác quặng của ta không đủ khả năng tài chính để thu mua quặng trong dân. Do đó, nguồn tài nguyên của ta tiếp tục chảy sang Trung Quốc gây tổn thất lớn tài nguyên quốc gia.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Sáu, 2023, 01:33:29 pm

Trong khi tình hình an ninh trật tự ở Lũng Phjắc không ổn định, hệ thống chính trị, tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức đoàn thể xã hội ở đây lại không phát huy được vai trò lãnh đạo, hoạt động kém hiệu quả. Trong xóm có một chi bộ Đảng với 7 đảng viên, là một chi bộ sinh hoạt ghép gồm 5 đảng viên ở Lũng Phjac, 1 đảng viên ở xóm Nà Đeng và 1 đảng viên của xóm Lũng Nọi. Chế độ sinh hoạt Đảng của chi bộ không được thực hiện đúng. Có thời gian cả năm chi bộ không sinh hoạt (5.2005 - 5.2006). Trong 5 đảng viên của Lũng Phjắc, đã có 4 đảng viên có quan hệ sai nguyên tắc với người bên kia biên giới.

Trước tình hình đó, ngày 26.9.2006, Tỉnh ủy Cao Bằng ra Chỉ thị số 15-CT/TU “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng tại địa bàn xóm Lũng Phjắc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”. Tỉnh ủy giao cho “Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Đảng ủy Công an, Đảng ủy Quân sự tỉnh, Huyện ủy Trùng Khánh chỉ đạo rà soát, phân loại cán bộ, đảng viên, nhân dân và có kế hoạch, biện pháp quản lý các đối tượng, các tệ nạn xã hội, các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trái phép trong khu vực, đặc biệt là xóm Lũng Phjắc. Mọi trường hợp vi phạm phải xử lý nghiêm theo pháp luật, nhằm sớm giải quyết dứt điểm các vấn đề về an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”.

Thực hiện Chỉ thị 15 của Tỉnh ủy, ngày 6.10.2006, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng Kế hoạch số 996/KH-TS điều tra xác minh liên quan an ninh trật tự ở địa bàn Lũng Phjắc. Ngày 15.12.2006, Công an tỉnh Cao Bằng xây dựng Kế hoạch số 565/KH/CAT chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các mặt công tác, nhiệm vụ tại địa bàn.

Các cơ quan, đơn vị chức năng bao gồm: Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự, Công an tỉnh, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, sở Tài nguyên - Môi trường, sở kế hoạch - Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh... phân công cán bộ về Lũng Phjắc thành lập các tổ công tác, tổ ngăn chặn, đứng chân trực tiếp tại địa bàn để tiến hành thực hiện nhiệm vụ củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng.

Sau một thời gian, tình hình địa bàn có chuyển biến tích cực. Về cơ sở chính trị, các tổ công tác đã giúp nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ Đảng ở Lũng Phjác, với sự tham gia sinh hoạt trực tiếp của các cán bộ tăng cường, giúp chi bộ bầu Bí thư chi bộ mới và kết nạp thêm 2 đảng viên; tổ chức vận động nhân dân bầu lại đội trưởng 3 đội sản xuất và kiện toàn lại Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội phụ nữ xóm để làm nòng cốt trong việc củng cố địa bàn. Về cơ sở hạ tầng, Lũng Phjắc đã triển khai các hạng mục được tỉnh đầu tư như mương dẫn nước Nậm Lìn, Nhà Văn hóa, Nhà trẻ, Trạm quân dân y, đường giao thông Lũng Phjắc đi Đàm Thủy. Đến tháng 6.2007, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong xóm dần ổn định trở lại. Đặc biệt hoạt động khai thác, vận chuyển quặng trái phép bán sang Trung Quốc đã được kiên quyết ngăn chặn.

Ngày 8.3.2007, theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, Cục Trinh sát Bộ đội Biên phòng đã xây dựng Kế hoạch nghiệp vụ số 15/KH-TS kiểm tra công tác trinh sát và phối hợp triển khai kế hoạch tại Lũng Phjắc. Tiếp đó, ngày 18.7.2007, Cục Trinh sát xây dựng và triển khai Kế hoạch số 39/KH-TS phối hợp với biên phòng Cao Bằng thục hiện đối sách đối với các loại đối tượng tại địa bàn.

Kết quả, công tác điều tra cơ bản, quản lý tại địa bàn đã rà soát, bổ sung hồ sơ điều tra cơ bản địa bàn các xã Đàm Thủy, Chí Viễn, xóm Lũng Phjắc và các bản lân cận theo đúng quy định, hướng dẫn nghiệp vụ. Lập hồ sơ cá nhân và tiến hành theo dõi 5 đối tượng quản lý nghiệp vụ về tội phạm ma túy ở xóm Lũng Phjắc. Lập thêm 2 hồ sơ cá nhân đối tượng ngoại biên. Trong đó làm rõ 78 phụ nữ Lũng Phjắc sang Trung Quốc lấy chồng, 17 người tham gia vận chuyển quặng trái phép, gây rối trật tự trị an ngày 21.2.2007 và 140 người thường xuyên vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê. 47 đối tượng nghiện hút ma túy. 12 đối tượng nghiện hút đã được vận động đưa đi cai nghiện tập trung. 11 đối tượng phạm pháp hình sự (có 4 đối tượng đang thụ án).

Đàn gia súc cũng phản ánh mức sống của người dân nơi đây. Tại xóm Lũng Phjắc có 636 con lừa, ngựa; 178 con trâu, bò. Xóm Nà Đeng có 72 con lừa, ngựa. Bản Phang có 130 con lừa, ngựa. Bản Chang có 119 con lừa, ngựa. Tại Háng Thoang có 38 con lừa, ngựa. Tại Giộc Mạ có 46 con lừa, ngựa. Tổng cộng 1.041 con lừa, ngựa, chủ yếu phục vụ vận chuyển; gần 100% số hộ dân vay tiền của người Trung Quốc.

Công tác điều tra nghiên cứu tình hình nội ngoại biên ở Lũng Phjắc và địa bàn liên quan, tạm thời kết luận động cơ cho vay vốn của các chủ thu mua quặng người Trung Quốc đối với một số hộ dân tại địa bàn là nhằm mục đích kinh tế, lôi kéo, bán quặng cho họ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Sáu, 2023, 01:34:11 pm

Ở địa bàn ngoại biên, đối diện Lũng Phjắc, phía Trung Quốc đã cho dừng 2 điểm thu mua tuyển rửa quặng: điểm đối diện mốc 59 và điểm đối diện mốc 58. Riêng ở điểm đối diện mốc 57 vẫn có nhiều đơn vị như Công ty khai thác khoáng sản Đại Tân, Công ty Biên mậu Đại Tân, một đơn vị Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa và một cơ sở tư nhân hoạt động thu mua, tuyển rửa quặng chuyển về nội địa Trung Quốc.

Trong số các đơn vị trên, cơ sở tư nhân hoạt động mạnh hơn cả và là cơ sở thu mua quặng lớn nhất, đầu tư nhiều nhất về nhà xưởng, tiền vốn, có nhiều thế lực, ảnh hưởng tại địa bàn ngoại biên như độc quyền thu mua quặng, quan hệ nhiều với Công an Trung Quốc và có nhiều mối quan hệ tại địa bàn Đàm Thủy - Lũng Phjắc. Trước năm 2006, chủ cơ sở tư nhân này thường xuyên qua lại, quan hệ với người trong Lũng Phjắc. Chính người này thường cho dân Lũng Phjắc vay tiền mua lừa, ngựa, chi tiêu, cấp vật liệu để xây các nhà Thổ công Đội 2, Đội 3, Lũng Phjac. Khi ta tổ chức ngăn chặn việc khai thác, vận chuyển quặng trái phép qua biên giới, chính y là người thường xuyên tung tin kích động dân ở địa bàn chống lại. Hiện y vẫn tiếp tục đầu tư vào cơ sở thu mua quặng của y và đang tìm cách liên hệ, tiếp cận với lãnh đạo các tổ công tác biên phòng, tổ công tác 15 - liên ngành của ta để tiếp tục hoạt động. Y có nhiều dấu hiệu nghi vấn hoạt động dưới sự chỉ đạo của cơ quan đặc biệt TH.

Đến cuối năm 2007, các mục đích yêu cầu trong Chỉ thị 15, ngày 26.9.2006, của Tỉnh ủy Cao Bằng và trong các Kế hoạch số 15/CT-TU, ngày 8.3.2007, của Cục Trinh sát về việc “phối hợp tổ chức triển khai kế hoạch nghiệp vụ tại địa bàn Lũng Phjắc”, Kế hoạch số 39/KH-CTS, ngày 18.7.2007, “Phối hợp biên phòng Cao Bằng thực hiện đối sách với các loại đối tượng tại địa bàn Lũng Phjắc; Kế hoạch số 273/KH-TS, ngày 20.3.2007, Kế hoạch số 789/KH-TS, ngày 01.8.2007, của Bộ đội Biên phòng tỉnh và các kế hoạch của Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đều căn bản được thực hiện tốt.

Tình hình nhiều mặt của Lũng Phjắc chuyển biến tích cực rõ rệt. An ninh chính trị tại địa bàn đã được khôi phục, ổn định. Bộ máy Đảng, chính quyền từng bước được kiện toàn, đi vào hoạt động hiệu quả. Kinh tế từng bước phát triển lành mạnh, việc vi phạm pháp luật cũng như tệ nạn xã hội tại địa bàn đã bị đẩy lùi. Nhân dân không còn đi khai thác quặng trái phép và tập trung vào sản xuất. Tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng được khôi phục, củng cố tốt. Chi bộ Lũng Phjắc đã được tăng cường thêm đảng viên về sinh hoạt, nâng tổng số đảng viên của chi bộ lên 23 đồng chí với 3 tổ đảng, do 3 đồng chí cán bộ biên phòng làm tổ trưởng, một đồng chí cán bộ biên phòng giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Đàm Thủy, một đồng chí cán bộ biên phòng khác giữ chức Phó bí thư chi bộ Lũng Phjắc. Chi bộ Lũng Phjắc đã bầu lại bí thư chi bộ, kết nạp mới 3 đảng viên, đề ra được nghị quyết lãnh đạo chung và nghị quyết lãnh đạo chuyên đề thực hiện Chỉ thị số 15 của Tỉnh ủy Cao Bằng, thay mới 2 trưởng xóm, gắn chức danh phó trưởng xóm kiêm công an viên. Củng cố, sắp xếp, kiện toàn lại các đoàn thể quần chúng, các ngành giúp việc như Ban công tác mặt trận của 3 đội với 29 thành viên, thành lập 3 chi đoàn thanh niên với 25 đoàn viên, Chi hội Liên hiệp thanh niên với 95 hội viên, tổ hòa giải với 19 thành viên. Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến nông, cộng tác viên y tế thôn bản cũng được củng cố, kiện toàn lại, thông qua bầu cử dân chủ và công khai.

Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Lũng Phjắc được ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư, triển khai 6 hạng mục, thực hiện tương đối nhanh chóng, đồng bộ và đã đưa vào sử dụng. Bộ mặt thôn bản đã thay đổi, quần chúng nhân dân được giúp đỡ học tập, lao động sản xuất, qua đó thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, Lũng Phjắc đã triệt để chấm dứt việc để cán bộ, đảng viên xuất cảnh trái phép, tự ý quan hệ với cá nhân, tổ chức nước ngoài. Hoạt động khai thác, sản xuất, vận chuyển quặng trái phép được ngăn chặn; các vi phạm pháp luật khác như trộm cắp, nghiện hút, đánh nhau, gây rối mất trật tự trị an giảm rõ rệt. Quần chúng nhân dân được vận động tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, bài trừ hủ tục và tệ nạn xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, lực lượng Công an Cao Bằng cũng đã sát cánh cùng các lực lượng chức năng vận dụng các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với các loại đối tượng góp phần làm cho tình hình an ninh trật cự ở xóm Phjắc cơ bản được ổn định, tình hình khai thác, vận chuvển quặng trái phép sang Trung Quốc đã được ngăn chặn. Hệ thống chính trị cơ sở ở xóm đã được củng cố, kiện toàn và từng bước phát huy tác dụng. Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Trong quá trình công tác, lực lượng công an chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, đặc biệt Bộ đội Biên phòng, quân sự.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Sáu, 2023, 12:09:00 pm

Tháng 12.2007, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xã Đàm Thủy, trực tiếp là Ban chỉ huy quân sự xã xây dựng kế hoạch huấn luyện và tổ chức ra mắt, ra quân huấn luyện tiểu đội dân quân tại chỗ xóm Lũng Phjắc gồm 10 người. Quân số tham gia huấn luyện đảm bảo 100%, có tinh thần trách nhiệm và đạt được kết quả tương đối tốt. Nội dung huấn luyện và thời gian huấn luyện theo chương trình huấn luyện dân quân năm thứ nhất. Kết quả 100% đạt yêu cầu, 60% khá giỏi, đánh giá chung đạt khá. Sau khi huấn luyện, lực lượng dân quân đã đảm nhiệm được nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị địa bàn tại xóm Lũng Phjắc.

Về nhiệm vụ phân giới cắm mốc, theo Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 30.12.1999, đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng là 332 km với 468 mốc dự kiến (mốc chính). Khi hai bên xác định lại đường biên giới để tiến hành ký kết Hiệp ước, trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung có tổng số 164 khu vực C1, tuyến biên giới tỉnh Cao Bằng có 74/164 điểm C, nhiều nhất so với cả nước. Nhiều khu vực nhạy cảm đã qua nhiều năm tranh chấp, bị nước láng giềng sang phá nhổ hoa màu... Trong đó có hai khu vực đặc biệt phức tạp là Cồn Pò Thoong và khu vực thác Bản Giốc (xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh).

Thực hiện Công văn số 11/CP-NC, ngày 2.2.2000, của Chính phủ chỉ đạo triển khai Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và Công văn số 766/Bg-VT, ngày 26.9.2000, của Ban Biên giới Chính phủ hướng dẫn tỉnh Cao Bằng triển khai nhiệm vụ phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 31.10.2000, ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch số 772/KH-UB để triển khai thực hiện và ra Quyết định số 1920/2000/QĐ-UB thành lập Ban chỉ đạo phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa phận Cao Bằng, do đồng chí Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng ban. Ban chỉ đạo gồm thủ trưởng một số ngành hữu quan của tỉnh và Chủ tịch ủy ban nhân dân các huyện biên giới; đồng chí Trưởng ban Ngoại vụ - Biên giới làm phó ban thường trực và đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh làm phó ban chỉ đạo.

Thực hiện Công văn 383/Bg-VT, ngày 5.9.2001, của Ban Biên giới của Chính phủ chỉ đạo tỉnh tổ chức các nhóm phân giới cắm mốc, ngày 31.8.2001, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ra quyết định (số 1586/2001/QĐ-UB) thành lập các nhóm phân giới cắm mốc. Tỉnh Cao Bằng thành lập 3 nhóm phân giới cắm mốc 7, 8, 9. Mỗi nhóm được biên chế 28 người, do Bộ đội Biên phòng làm nhóm trưởng, 3 nhóm phó (trong đó có một đồng chí là Bộ đội Biên phòng) và các nhân viên kỹ thuật của Bộ Tài nguyên - Môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường và sở Xây dựng, phiên dịch, thông tin liên lạc, lực lượng rà phá mìn, vật cản, nhân viên y tế, lái xe và 4 cán bộ, chiến sỹ của đồn biên phòng phụ trách địa bàn. Ngày 28.11.2001, các nhóm triển khai đợt khảo sát thực địa đầu tiên.

- Nhóm phân giới cắm mốc số 7 được phân công khảo sát và thực hiện nhiệm vụ phân giới cắm mốc đoạn biên giới hai huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc đến mốc 113 thuộc huyện Hà Quảng và thêm một đoạn biên giới thuộc tỉnh Hà Giang dài khoảng 20km.

- Nhóm phân giới cắm mốc số 8, phụ trách đoạn biên giới từ mốc 113 huyện Hà Quảng sang các huyện Trà Lĩnh, Trùng Khánh, đến mốc 57.

- Nhóm phân giới cắm mốc số 9 thực hiện nhiệm vụ ở đoạn biên giới từ mốc 57 huyện Trùng Khánh qua 3 huyện Hạ Lang, Phục Hòa, Thạch An - mốc 20. Trong đó có đoạn phân giới cắm mốc trên sông suối biên giới với chiều dài khoảng 35km. Công tác phân giới cắm mốc trên sông suối được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện.

Kết quả, ta đã khảo sát, phân giới đơn phương 3 đợt:

Đợt 1, từ ngày 28/11/2001 đến ngày 20/12/2001.

Đợt 2, từ ngày 9/1/2002 đến ngày 21/1/2002.

Đợt 3, từ ngày 9/5/2002 đến ngày 31/5/2002.
______________________________________
1. Khu vực C là khu vực hai bên có nhận thức khác nhau về hướng đi của đường biên giới, có tranh chấp về biên giới lãnh thổ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Sáu, 2023, 12:09:47 pm

Thực hiện Chỉ thị số 25/2001/CT-TTg, ngày 8.10.2001, của Thủ tướng Chính phủ về triển khai công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và Kế hoạch số 23/KH-BTL, ngày 21.1.2002, của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng về tổ chức thực hiện nhiệm vụ tham gia phân giới cắm mốc tại thực địa trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc của Bộ đội Biên phòng, ngày 17.4.2002, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 268/KH-CH để thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định Bộ đội Biên phòng Cao Bằng có các nhiệm vụ:

- Kết hợp chặt chẽ quản lý, bảo vệ thường xuyên với thực hiện nhiệm vụ phân giới, cắm mốc.

- Tổ chức lực lượng tham gia các nhóm phân giới cắm mốc.

- Bảo đảm thông tin liên lạc, cơ yếu trong quá trình phân giới cắm mốc.

- Dẫn đường, đảm bảo an toàn cho lực lượng phân giới cấm mốc.

- Làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho lực lượng, phương tiện tham gia phân giới cắm mốc.

Bản kế hoạch nhấn mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nhận thức đúng về Hiệp ước biên giới, ý nghĩa và nhiệm vụ phân giới cắm mốc để mọi cán bộ chiến sỹ và nhân dân, chính quyền, các ban, ngành và địa phương nhận thức rõ trách nhiệm, chủ động, tự giác phối hợp, hiệp đồng, tạo điều kiện giúp các nhóm phân giới cắm mốc hoàn thành nhiệm vụ.

Công tác phân giới cắm mốc trên thực địa trên tuyến biên giới của tỉnh Cao Bằng được triển khai từ tháng 4/2002. Trên thực tế, mỗi nhóm phân giới cắm mốc hoạt động ở thực địa được tăng cường 4 cán bộ, chiến sỹ của đồn biên phòng phụ trách địa bàn. Đồn trưởng các đồn biên phòng cũng đã tham gia nhiều ý kiến về xác định số lượng và vị trí cắm mốc ở đoạn biên giới Cao Bằng.

Về phân giới cắm mốc song phương tại thực địa:

Nhóm phân giới cắm mốc số 7 tiến hành phân giới cắm mốc song phương tại thực địa đoạn biên giới từ điểm 23 đến điểm 24 - địa bàn xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc từ ngày 17.11.2002.

Sau gần 2 tháng hoạt động, nhóm 7 luôn bám sát nguyên tắc chỉ đạo, thận trọng, làm tỉ mỉ, thể hiện quan điểm đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt, giữ được tình hữu nghị, không bị lôi kéo bởi quan điểm của nước ngoài. Nhóm đã xác định được vị trí mốc 535 (mốc mới) và hai bên đã thống nhất đề nghị ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc đồng ý cho chuyển mốc 535 được xây dựng thành mốc đôi. Phía Trung Quốc đã cắm mốc 535 (1). Phía ta chưa cắm được mốc 535 (2) vì Bộ Xây dựng chưa sản xuất kịp mốc này. Đồng thời, nhóm cũng đã phân giới được 300m.

Ngày 10.4.2003, hai bên tiếp tục phân giới cắm mốc song phương đoạn 3, từ mốc 534 trở về giới mốc 23. Sau nhiều ngày thực hiện phân giới cắm mốc tại thực địa, do không thống nhất được phương pháp làm việc, phía Trung Quốc nêu lý do có cuộc họp của cấp trên nên phải nghỉ. Sau đó, phía nhóm 7 của Trung Quốc vì lý do “đặc biệt” không ra thực địa nữa và đề nghị tạm dừng phân giới cắm mốc song phương đợt đầu năm 2003. Cuối tháng 5.2003, nhóm 7 của ta báo cho phía Trung Quốc: ta tiến hành cắm mốc 535 (2). Nhưng phía Trung Quốc không đồng ý. Họ đưa ra lý do: lời văn Hiệp ước và ghi nhận chung khu vực mốc 535 có mâu thuẫn. Thực tế cho thấy, Trung Quốc thường căn cứ vào những điểm có lợi cho họ thì họ cho là đúng. Họ chỉ chú trọng đến cắm mốc, còn phân giới thì chỉ là đại thể, đại khái, không cần thiết đi dọc đường biên giới và họ muốn dễ làm trước, khó làm sau.

Nhóm phân giới cắm mốc số 8: Từ ngày 19.11.2002, hai nhóm phân giới cắm mốc Việt Nam - Trung Quốc làm việc tại thực địa, tiến hành phân giới và bắt đầu xác định từ vị trí mốc dự kiến 734 địa bàn xã Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh. Sau gần 2 tháng, hai bên thống nhất xác định được vị trí mốc 734, đảm bảo chính xác, đúng vị trí và tiến hành phân giới được 300m.

Tháng 4.2003, hai nhóm tiếp tục song phương trên thực địa theo kế hoạch, từ mốc 734 đến mốc 735, thống nhất được vị trí mốc 735 và ký kết sơ đồ vị trí mốc 735. Ta chứng kiến, giám sát nhóm 8 của Trung Quốc cắm mốc 735 và lập biên bản bàn giao cho Đồn Biên phòng Hùng Quốc, Trà Lĩnh quản lý; phân giới song phương được khoảng 565m; đồng thời thống nhất song phương, lập biên bản thỏa thuận cắm thêm mốc phụ 734/1 tại vị trí giữa mốc 734 và 735.

Sau khi cắm xong mốc 735, hai nhóm liên hợp phân giới cắm mốc số 8 không thể tiếp tục phân giới trên thực địa được do nhận thức khác nhau. Phía Trung Quốc đề nghị ngừng phân giới cắm mốc song phương. Thực tế hoạt động của nhóm 8 song phương cho thấy, phía Trung Quốc muốn đẩy nhanh tiến độ phân giới, cắm mốc với phương thức cắm được nhiều mốc, không chú trọng phân giới. Tài liệu có lợi cho họ thì họ cố gắng vận dụng, dễ làm trước, khó để lại, không muốn lập biên bản song phương.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Sáu, 2023, 12:17:53 pm

Nhóm phân giới cắm mốc số 9 của hai phía từ ngày 22.11.2002, tiến hành phân giới cắm mốc khu vực dự kiến mốc 820 địa bàn xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh. Qua gần 2 tháng, hai bên không thống nhất được vị trí mốc 820, nên việc phân giới không thực hiện được.

Giữa tháng 4.2003, hai nhóm liên hợp phân giới cắm mốc số 9 trở lại thực địa. Nhưng vị trí mốc 820 vẫn không thể thống nhất xác định được nên công việc tạm thời bế tắc. Nguyên nhân là do nhận thức khác nhau về bản đồ đính kèm Hiệp ước, lời văn Hiệp ước, bản đồ địa hình đo vẽ song phương năm 2000, về giải quyết 164 khu vực C (khu vực hai bên chưa thống nhất nhận thức) và đối chiếu giữa bản đồ và địa hình thực địa. Vì thế, đã cản trở việc xác định vị trí mốc và việc phân giới đường biên giới ngoài thực địa.

Sau các lần gặp gỡ trao đổi, đàm phán giữa hai nhóm phân giới cắm mốc hai bên tại các cặp cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng, Trà Lĩnh - Long Bang, tại Trịnh Tây và Đại Tân Trung Quốc, tại mốc 53 Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, công tác phân giới, cắm mốc đã tiếp tục được thực hiện.

Ngày 18.3.2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 39/2004/QĐ-TTg, phê duyệt kế hoạch tổng thể công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Tuy nhiên, do địa hình biên giới núi rừng hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều khe, suối sâu. Đường giao thông dọc theo tuyến biên giới hầu như chưa có. Việc đi lại để phân giới cắm mốc gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhiều khu vực hai bên chưa thống nhất được vị trí đường biên giới. Mặt khác, các văn bản pháp lý sử dụng cho việc phân giới, cắm mốc như Hiệp ước biên giới, Bản đồ đính kèm Hiệp ước, Bản ghi nhận chung các khu vực C... tại nhiều khu vực mâu thuẫn nhau và mâu thuẫn với thực địa. Có những khu vực, đường biên giới Hiệp ước vẽ sâu vào đất Việt Nam so với hiện quản; mốc cũ sau Hiệp ước nằm sâu trong đất Trung Quốc hàng ngàn mét (khu vực mốc 29 ở đoạn biên giới Hạ Lang). Trong quá trình phân giới cắm mốc trên thực địa, tại khu vực biên giới Cao Bằng vẫn liên tục xảy ra những vụ phá nhổ hoa màu, phá hoại các công trình, mồ mả của ta, tạo “thế đã rồi” có lợi cho phía Trung Quốc trong phân giới cắm mốc; như năm 2003, lực lượng vũ trang Trung Quốc đã gây ra 27 vụ ở khu vực các mốc 32, 34, 53, 57, 58, 94, 95, 108, 109, 110, 111, 112, 113, 133, 136 với 462 lượt lính xâm nhập vũ trang biên giới (tăng 24 vụ so với năm 2002), ngăn cản không cho ta sản xuất, làm đường, rà phá vật cản phục vụ hoạt động phân giới cắm mốc. Do đó, công tác đàm phán, giải quvẽt bị kéo dài, thực hiện chậm so với kế hoạch. Quá trình thực hiện do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan nên chưa có sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, lực lượng và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Một số nơi trong nhân dân còn xuất hiện những luồng tư tưởng trái ngược, những băn khoăn thắc mắc... Do vậy đã có ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện công tác phân giới cắm mốc của tỉnh. Đến hết năm 2004, hai bên đã cùng nhau xác định được: 90 mốc chính, 29 mốc phụ. Tổng cộng có 119 mốc. Phân giới được khoảng 62,445km đường biên giới. Xây dựng, cắm được 51 mốc; trong đó, Việt Nam cắm được 30 mốc, Trung Quốc cắm 21 mốc.

Riêng năm 2004, hai bên xác định được 83 mốc chính, 21 mốc phụ, đạt 41,5% kế hoạch cả năm. Phân giới được khoảng 55,317km đường biên giới. Xây dựng, cắm được 46 mốc. Việt Nam cắm được 26 mốc. Trung Quốc cắm 20 mốc. Trong số 46 mốc, có 27 mốc chính và 19 mốc phụ, gồm: 535 (2), 540, 542, 544, 542/2, 543/2, 538/2, 538/4, 539, 538/1, 538/3, 734/2, 736, 666, 667, 668, 669, 670, 671, 672, 673, 674, 675, 676, 677, 679, 683, 734/1, 735/1, 824, 825, 826, 827, 828, 829, 830, 821/2, 823/2, 825/2, 826/2, 827/2, 828/2, 825/1, 826/1, 827/1, 828/1.

Cuối năm 2005, công tác phân giới cắm mốc đã xác định được 232 mốc. Trong đó có 193 mốc chính, 39 mốc phụ. Phân giới được khoảng 113,68km đường biên giới. Hai bên cắm được 129 mốc (cả chính và phụ). Việt Nam cắm được 63 mốc. Trung Quốc cắm 66 mốc.

Hết năm 2006, hai bên xác định được tổng số 332 mốc (271 mốc chính, 61 mốc phụ). So với chỉ tiêu tổng thể đạt 217/468, khoảng gần 58% mốc chính. Phân giới được khoảng 168,953km đường biên giới. Hai bên đã cắm được 272 mốc (cả chính và phụ). Việt Nam cắm được 143 mốc. Trung Quốc cắm được 129 mốc.

Từ thực trạng tiến độ công tác phân giới cắm mốc và đặc điểm tình hình cụ thể trên tuyến biên giới của tỉnh, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã chủ động tham mưu, đề xuất Tỉnh uỷ Cao Bằng ra Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 25.6.2007 “Về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng trong công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại tỉnh Cao Bằng” và Kế hoạch số 50-KH/TU, ngày 07.8.2007. để chỉ đạo các cấp, các ngành, các lực lượng trong tỉnh cùng phối hợp tuyên truyền đến mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức rõ ý nghĩa của Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề phân giới cắm mốc.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Sáu, 2023, 12:19:37 pm

Thực hiện chỉ thị, kế hoạch của Tỉnh ủy, Đảng uỷ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, sở Ngoại vụ và các ban, ngành có liên quan tiến hành soạn thảo “Đề cương tuyên truyền công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc tại tỉnh Cao Bằng”, nội dung Đề cương tập trung giới thiệu về biên giới quốc gia, Hiệp ước biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 30.12.1999; nội dung các biên bản thoả thuận giải quyết biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc của các cấp, qua các vòng đàm phán; tiến trình công tác phân giới cắm mốc của tỉnh, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần tập trung giải quyết, kết quả đạt được, phương hướng giải quyết những tồn đọng; trách nhiệm của các cấp, các ngành, của nhân dân trong tham gia phân giới cắm mốc, định hướng dư luận, nhận thức... Đảng uỷ - Bộ chỉ huy cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị cấp tỉnh để phổ biến, quán triệt đến lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo các huyện, thị uỷ, trưởng Ban Tuyên huấn các Đảng ủy trực thuộc và các đồng chí là chủ tịch uỷ ban nhân dân các huyện, thị. Tham gia hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị uỷ tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến cho các đồng chí trong Thường trực Huyện, Thị uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện, thị, các đồng chí lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang thuộc địa bàn các huyện, thị, các đồng chí bí thư, chủ tịch uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn biên giới.

Chỉ đạo các đồn biên phòng tham mưu và phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn tổ chức hội nghị tuyên truyền đến tất cả các đảng viên, cán bộ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể chính trị, các đồng chí là bí thư chi bộ, trưởng xóm, bản biên giới. Đồng thời tổ chức lực lượng đến từng xóm, bản để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến quần chúng nhân dân khu vực biên giới. Trong 2 năm (2007 - 2008), các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền được 569 buổi với 20.000 lượt người nghe. Do vậy đã tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức của mọi cấp, mọi ngành, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phân giới cắm mốc, về những thuận lợi, khó khăn của công tác phân giới cắm mốc, từ đó tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhóm phân giới cắm mốc trong quá trình triển khai công tác trên thực địa. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị còn tích cực vận động nhân dân tham gia phát quang, mở đường cho các nhóm phân giới cắm mốc lên khu vực cắm mốc, tham gia vận chuyển vật liệu xây cột mốc được trên 600 công. Tuyên truyền được 487 buổi cho 2.134 lượt quần chúng nhân dân ở các xóm bản sát biên giới tạo điều kiện thuận lợi về chỗ ăn, chỗ nghỉ cho các nhóm phân giới cắm mốc, các đơn vị thi công làm nhiệm vụ trên biên giới. Do làm tốt công tác tuyên truyền đã góp phần giải toả những băn khoăn, thắc mắc của quần chúng nhân dân về những dư luận trái chiều như vấn đề đất quy thuộc, việc di dời mồ mả, công trình... tạo ra sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với kết quả phân giới cắm mốc trên địa bàn của tỉnh, làm cho nhân dân an tâm tư tưởng, yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống, tích cực tham gia phục vụ cho hoạt động công tác phân giới cắm mốc trên thực địa. Đặc biệt, qua công tác tuyên truyền đã có nhiều hộ dân tích cực tự giác di dời mồ mả khi được biết khu vực đó sẽ quy thuộc sang Trung Quốc khi phân giới cắm mốc mà không đòi hỏi chế độ chính sách của Nhà nước. Nhờ đó, đã góp phần thúc đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc, góp phần hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới của tỉnh Cao Bằng. Kết quả, tính đến 05.11.2008 hai bên đã xác định đuợc 542 vị trí mốc, cắm được 394 cột mốc. Biên giới Cao Bằng còn khoảng 4km chưa phân giới, 87 vị trí chưa xác định và 76 mốc đã xác định nhưng chưa xây dựng.

Thực hiện Công điện số 465/CĐ, ngày 05.11.2008 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 18.11.2008, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Mệnh lệnh số 2145/ML-UBXD về việc dồn sức hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới. Sau 15 ngày đêm dồn sức tổng lực đã xác định thêm được 87 vị trí mốc và xây dựng được 72 mốc. Tính đến ngày 31.12.2008, đã xác định được 629 vị trí mốc (466 mốc chính, 163 mốc phụ). Việt Nam cắm được 296 mốc (229 mốc chính, 67 mốc phụ; phân giới được 331,2/332km đường biên giới, đạt 99,69% so với kế hoạch, còn khoảng 800m đường biên chưa phân giới, 02 vị trí chưa xác định được là mốc 836(1) và 836(2) thuộc khu vực thác Bản Giốc, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh. Theo thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, vào lúc 9 giò 30 phút ngày 14.01.2009, cắm xong mốc 836(2); 9 giờ 20 phút ngày 16.01.2009, cắm xong mốc 836(1), hoàn thành tiến trình phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại địa phận tỉnh Cao Bằng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Sáu, 2023, 12:20:48 pm

Trong quá trình phối hợp với các lực lượng, cơ quan ban, ngành thực hiện phân giới cắm mốc trên biên giới, dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đồng thời ra sức phẩn đấu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khóa XVI (2006 - 2010). Đảng bộ và các đơn vị tổ chức học tập, quán triệt mục tiêu chủ yếu, nhiệm vụ và giải pháp lớn do Đại hội XVI đề ra: “Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia... Thường xuyên chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Nắm chắc dân, chăm lo thật tốt đời sống nhân dân... Nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng bộ vững mạnh trong sạch toàn diện”.

Trên cơ sở đó, căn cứ vào tình hình thực trạng chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở các xóm, xã biên giới, yêu cầu của nhiệm vụ biên phòng, xây dựng thế trận an ninh bảo vệ biên giới; đồng thời căn cứ vào Quy định số 77/QĐ/TW, ngày 7.5.2003, của Ban chấp hành Trung ương “về tổ chức Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy Cao Bằng ra Quyết định số 211/QĐ-TU, ngày 16.6.2006 về việc “ban hành quy chế phối hợp giữa Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh với Huyện ủy biên giới”. Ngay khi có Quyết định 211 của Tỉnh ủy, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ra Quy định số 89/QĐ/ĐUBP về nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ của đảng viên Bộ đội Biên phòng ở cơ sở để thực hiện.

Theo hai bản quy định trên, Bộ đội Biên phòng giới thiệu đảng viên trong các tổ đội công tác và cán bộ tăng cường xã của các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời ở các chi bộ xóm sát biên giới, nhằm xây dựng, củng cố chi bộ các xóm sảt biên trong sạch vững mạnh, phát huy được vai trò lãnh đạo, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ngày 20.6.2006, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ra Quyết định số 86/QĐ, điều động 81 cán bộ, đảng viên thuộc các tổ đội công tác, cán bộ tăng cường xã, thị trấn biên giới của các đồn biên phòng đến sinh hoạt Đảng tạm thời tại chi bộ các xóm, liên xóm sát biên giới.

Chủ trương của Tỉnh ủy được cơ sở hết sức đồng tình và tạo điều kiện giúp đảng viên Bộ đội Biên phòng thực thi nhiệm vụ. Huyện ủy các huyện biên giới đã chỉ đạo chặt chẽ các ban, ngành, tổ chức cơ sở đảng phối hợp thực hiện; đồng thời chủ động đề nghị và thống nhất với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ định một số đồng chí giữ các chức vụ chủ chốt tại cơ sở.

Đến tháng 6.2007, Huyện ủy một số huyện biên giới Cao Bằng đã chỉ định một số đồng chí cán bộ biên phòng giữ chức Bí thư đảng ủy xã, một đồng chí giữ chức Phó bí thư Đảng ủy xã, một đồng chí được giữ chức bí thư chi bộ, 2 đồng chí chuyển sinh hoạt Đảng về địa phương theo Chỉ thị 15 của Tỉnh ủy.

Thực hiện Quyết định 211 của Tỉnh ủy, cấp ủy các chi bộ đã duy trì các chế độ, nền nếp sinh hoạt Đảng, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng. Chất lượng sinh hoạt Đảng đã chuyển biến, nhất là trong sinh hoạt học tập và sinh hoạt lãnh đạo. Đặc biệt với cách làm mới, bước đầu một số chi bộ xóm, liên xóm đã thực hiện được việc ra nghị quyết hàng tháng hoặc nghị quyết chuyên đề. Điển hình là các chi bộ xóm Lũng Phjắc, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, chi bộ xóm Đông Thoang, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang đã ra nghị quyết tập trung lãnh đạo phát triển trồng trọt chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình và giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm. Nhiều chi bộ từ hoạt động yếu, ít sinh hoạt đã duy trì được nền nếp sinh hoạt đều đặn, từng bước nâng cao chất lượng sinh hoạt.

Qua một năm hoạt động, các đồng chí đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời còn phối hợp với cơ sở thực hiện bồi dưỡng, phát triển đảng viên, để các chi bộ kết nạp 26 đảng viên mới, làm thủ tục chuyển Đảng chính thức 7 đồng chí. Bồi dưỡng tạo nguồn được 101 quần chúng ưu tú. Công tác phát triển Đảng đã giúp xóa được 2 xóm chưa có đảng viên ở xóm Nặm Tốc, xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang và xóm Xà Phìn, xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc; thành lập mới một chi bộ ở xóm Mã Lịp, xã Nà Sác, huyện Hà Quảng.

Cùng với các hoạt động củng cố xây dựng Đảng, công tác xây dựng củng cố hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể quần chúng ở biên giới cũng được quan tâm thực hiện đạt hiệu quả. Các đồng chí tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời đã tham gia củng cố, kiện toàn được 19 chi đoàn thanh niên, 4 chi hội phụ nữ, 3 chi hội nông dân. Một số chi hội phụ nữ đã thành lập tổ phụ nữ giúp nhau làm giàu, nuôi dạy con ngoan, vận động chồng con tham gia các đoàn thể, tích cực đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội... Bà con ở cơ sở đã giúp đỡ các đoàn biên phòng giải quyết tốt các vụ việc xấu ngay lúc mới phát sinh, vận động phá, nhổ 180m2 diện tích trồng cây thuốc phiện ở xã Lý Quốc và Xuân Trường.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Sáu, 2023, 12:24:42 pm

Chủ trương của Tỉnh ủy đưa đảng viên, cán bộ biên phòng về tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời ở xóm sát biên giới ngày càng thành công, cấp ủy, chính quyền và bà con địa phương ngày càng yêu mến, tín nhiệm cán bộ, đảng viên Bộ đội Biên phòng. Nhiều đồng chí được cấp ủy, chính quyền và nhân dân bầu giữ các vị trí chủ chổt ở cơ sở. Đến đầu tháng 11.2008, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã có 92 đảng viên tham gia sinh hoạt Đảng tạm thời ở các xóm, xã sát biên giới. Trong đó, 42 đồng chí làm nhiệm vụ tăng cường xã, thị trấn biên giới, 12 đồng chí được cơ sở bầu giữ các chức vụ khác nhau: 6 đồng chí là Bí thư Đảng ủy xã, 4 đồng chí là Phó bí thư Đảng ủy xã, 1 đồng chí là Chủ tịch xã, 1 đồng chí Phó chủ tịch xã.

Những tháng cuối năm 2008, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng sôi nổi khẩn trương đẩy mạnh phong trào thi đua lập nhiều thành tích, thiết thực chào mừng và kỷ niệm 50 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng Việt Nam, 20 năm Ngày biên phòng toàn dân và tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: cùng toàn lực lượng tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động ‘‘Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy đối với Bộ đội Biên phòng”.

Thực hiện phương hướng lãnh đạo nhiệm kỳ 2005 - 2010 về xây dựng đơn vị theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng lần thứ VII; "Đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng... phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có từ 1 đến 2 đơn vị được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị anh hùng trong thời kỳ đổi mới”. Ngày 15.12.2006, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã ra Chỉ thị số 17/CT-CHT “về việc tiếp tục củng cố, xây dựng Đồn Biên phòng Thị Hoa trở thành “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”.

Chỉ thị số 171 được xây dựng trên cơ sở thực tế nhiều năm Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở địa bàn giúp đỡ, Đảng ủy - Ban chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Thị Hoa (huyện Hạ Lang) đã liên tục phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, phát huy được vai trò nòng cốt chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bám sát địa bàn, gắn bó mật thiết với nhân dân, tham gia có hiệu quả vào công việc củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, hướng dẫn và tích cực vận động đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, giảm đói nghèo, xoá mù chữ, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Với những thành tích đã đạt được, Đồn Biên phòng Thị Hoa nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng, đặc biệt ngày 5.7.2006, đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

Quá trình xây dựng, hoạt động, chiến đấu, Đồn Biên phòng Thị Hoa đã được tặng thưởng 2 Huân trương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất và hạng Nhì; 3 Bằng khen của Bộ Quốc phòng; 8 Cờ thi đua xuất sắc của Ủy ban nhân dân tỉnh; 6 Bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; 7 bằng khen và 6 giấy khen của Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh; 5 giấy khen của Ủy ban nhân dân huyện Hạ Lang; 14 năm đạt danh hiện Đơn vị Quyết thắng.

Ngày 28.6.2007, căn cứ Thông tư hướng dẫn số 163/2006/TT-BQP, ngày 26.9.2006 của Bộ Quốc phòng về công tác thi đua, khen thưởng trong quân đội, xét đề nghị của Hội đồng thi đua khen thưởng Bộ đội Biên phòng và nghiên cứu thành tích của các tập thể thuộc Bộ đội Biên phòng, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng làm Tờ trình số 28/TTr-BTLBP đề nghị Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng xét, trình Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới cho 4 tập thể trong lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam. Trong đó, có Đồn Biên phòng Thị Hoa, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng.

Từ tháng 11 đến hết năm 2008, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động theo định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XVI (2006 - 2010) về đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Trọng tâm tập trung vào các nhiệm vụ: phối hợp cùng Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc triển khai xây dựng tiếp 400 ngôi nhà Đại đoàn kết cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn. Tiếp tục giúp xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm) thực hiện xóa đói, giảm nghèo. Tổ chức thí điểm trong tháng 11 ngày hội Biên phòng toàn dân ở cơ sở với hai phần lễ và hội và trong tháng 12 sẽ thực hiện rộng khắp ở tất cả các xóm sát biên1.

“Thực hiện tốt công tác phân giới cắm mốc theo kế hoạch, đảm bảo đúng Hiệp định đã ký kết”2; “bảo đảm thực hiện mục tiêu kết thúc công việc phân giới cắm mốc toàn tuyến biên giới trên bộ đúng thời hạn trong năm nay”3, cùng quân dân trong toàn tỉnh, toàn tuyến biên giới trên bộ phía Bắc và cả nước đón chào “lễ mừng công hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc" tuyến biên giới trên bộ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Cùng với các hoạt động trên, Đảng ủy - Chỉ huy biên phòng tỉnh, các đơn vị, toàn thể cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đang phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng hoàn tất mọi công việc chuẩn bị tổ chức sơ kết 20 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân” (3.3.1989 - 3.3.2009) và tiến tới kỷ niệm 50 năm truyền thống Bộ đội Biên phòng (3.3.1959 - 3.3.2009).

Khí thế hào hùng truyền thống của ngày lễ kỷ niệm thành lập lực lượng cùng với niềm tự hào về những đóng góp tích cực và đầy ý nghĩa của mình trong nửa thế kỷ qua, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng sẵn sàng với quyết tâm đã được hun đúc, sức mạnh đã trải qua thử thách, những kinh nghiệm đã được kiểm chứng để bước vào một chặng đường mới tiếp tục cùng toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ biên giới của Tổ quốc.
______________________________________
1. Ngày 9.1.2009, tổ chức thí điểm tại xóm Trúc Long, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng; Ngày 10.1.2009, tại xóm Cốc Nhan, xã Thị Hoa, huyện Hạ Lang và ngày 11.1.2009, tại xóm Cô Muông, xã Đàm Thuỷ, huyện Trùng Khánh.
2. Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng khoá XVI (2006 - 2010). Xuất bản tháng 4.2006, tr.65.
3. Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc, ký tại Bắc Kinh, ngày 25.10.2008.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Sáu, 2023, 12:06:09 pm

KẾT LUẬN


Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng, cùng với Bộ đội Biên phòng cả nước, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã trải qua chặng đường 50 năm xây dựng, hoạt động chiến đấu, trưởng thành.

Đó là một chặng đường lịch sử sôi động, hào hùng, đầy gian lao thử thách, phấn đấu hy sinh, lập được nhiều chiến công và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang; là những năm tháng Bộ đội Biên phòng (trước đây là Công an nhân dân vũ trang) Cao Bằng cùng toàn lực lượng trải qua nhiều biến động, thay đổi về cơ cấu, biên chế tổ chức, quan hệ chỉ huy, chỉ đạo... đòi hỏi lớn về bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí phấn đấu không ngừng vươn lên.

Ra đời trong hoàn cảnh đất nước vừa trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức lao động sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế quốc dân, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện hai chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Trong khi đó, “đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai không ngừng tìm cách cấu kết chặt chẽ với bọn phản động trong nước để tiến hành phá hoại trật tự an ninh ở miền Bắc nước ta” (Nghị quyết 58-NQ/TW). Yêu cầu tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ các cơ quan đầu não, lãnh tụ của Đảng, Nhà nước, bảo vệ các mục tiêu trọng yếu ở nội địa, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc làm cơ sở hậu thuẫn cho cách mạng miền Nam ngày càng cấp bách.

Quân số trong ngày thành lập Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng chỉ có hơn 30 cán bộ, chiến sỹ và sau đó trong tháng 6.1959 tiếp nhận đợt đầu hơn 200 cán bộ, chiến sỹ từ Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc, Ty Công an Cao Bằng, Tỉnh đội Cao Bằng để triển khai lực lượng đóng các đồn Công an nhân dân vũ trang trên biên giới. Những ngày đầu thành lập đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Song Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã kế thừa, phát huy truyền thống của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Ngay sau khi được Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ đã nhanh chóng triển khai xây dựng đơn vị, thiết lập hệ thống đồn, trạm biên phòng, tạo thế đứng chân trên biên giới, xây dựng thế trận bảo vệ biên cương và các mục tiêu ở nội địa, thực hiện phương châm vừa hoạt động, công tác chiến đấu, vừa xây dựng, từng bước trưởng thành.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng giao, từ khi mới thành lập, cán bộ, chiến sỹ các đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tổ chức quần chúng ở biên giới, nắm vững tình hình đặc điểm chính trị, xã hội của địa bàn, tổ chức quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, tham gia xây dựng củng cố các chi bộ Đảng, lực lượng dân quân, công an, cơ sở chính trị ở các xã giáp biên giới; đến từng thôn xóm biên giới, vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ tham mưu đề xuất cho địa phương các chủ trương, đối sách xây dựng củng cố địa bàn, đấu tranh với các loại đối tượng địch và bọn phản động để bảo vệ biên giới.

Với ý thức sâu sắc cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng đã tích cực, bền bỉ tiến hành công tác vận động quần chúng tham gia thực hiện các phong trào xây dựng cuộc sống mới, củng cố địa bàn biên giới để bảo vệ khu vực biên giới.

Thời kỳ bảo vệ biên giới trong những năm hòa bình (1959 - 1964), cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng vừa ra sức phấn đấu “khắc phục khó khăn”, chăm lo xây dựng, phát triển lực lượng, vừa tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ “giỏi về kỹ - chiến thuật, tinh thông về nghiệp vụ”, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng, tận tụy với công việc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới; chăm lo cải thiện đời sống của dân, giảm bớt đói nghèo, xóa mù chữ, bài trừ hủ tục mê tín lạc hậu, tàn dư xấu của chế độ cũ để lại, từng bước tuyên truyền, vận động quần chúng xây dựng phòng tuyến nhân dân, phát động sức mạnh to lớn của nhân dân, “dựa vào dân” để quản lý, bảo vệ biên giới.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và ủy ban nhân dân tỉnh, cán bộ, chiến sỹ biên phòng Cao Bằng đã tham gia tiễu phỉ, chống đặc vụ, trấn áp các bọn phản cách mạng, bảo vệ biên cương và nội địa, tạo môi trường thuận lợi cho công tác vận động quần chúng. Các đồn biên phòng đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố cơ sở chính trị ở địa phương, đặc biệt đã thành công trong công tác vận động định canh định cư, xây dựng các tổ đổi công, hợp tác xã thiết thực góp phần xây dựng khu vực biên giới từng bước vững mạnh.

Qua hoạt động thực tiễn, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng toàn lực lượng đã “dần dần được tăng cường và củng cố về mọi mặt... có nhiều cố gắng và đạt được nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu, trong việc giữ gìn trị an ở khu vực biên giới và bảo vệ an toàn các mục tiêu ở nội địa. Nói chung đã làm tròn nhiệm vụ, góp phần tích cực cùng bộ đội chủ lực, công an nhân dân, dân quân tự vệ giữ gìn trật tự an ninh chung toàn miền Bắc” (Nghị quyết 116 của Bộ Chính trị).


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Sáu, 2023, 12:06:48 pm

Suốt 50 năm qua, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã bền bỉ bám sát địa bàn, tích cực hoạt động thực tiễn, lập nhiều thành tích, chiến công trong xây dựng củng cố, phát triển lực lượng, chiến đấu vũ trang, đấu tranh nghiệp vụ, tuần tra kiểm soát đường biên, mốc giới, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Các đơn vị được tổ chức, huấn luyện ngày càng trưởng thành, vừa có khả năng hướng dẫn, huấn luyện, tham mưu xây dựng củng cố tổ chức các cơ sở Đảng, chính quyền, phát triển lực lượng công an thôn xã dân quân tự vệ... hệ thống chính trị cơ sở, vừa có khả năng độc lập chiến đấu và nòng cốt trong hiệp đồng chiến đấu bảo vệ địa bàn, tiễu phỉ, dẹp bạo loạn, chống gián điệp biệt kích, các bọn tình báo được che đậy dưới các “vỏ bọc" khác nhau và liên tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong các hoàn cảnh khác nhau.

Thời kỳ Mỹ tăng cường chiến tranh xâm lược Miền Nam và gây ra chiến tranh xâm lược miền Bắc. Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã tích cực xây dựng và thực hiện các kế hoạch đáp ứng yêu cầu bảo vệ biên giới thời chiến, xây dựng hầm hào, công sự, sẵn sàng bắn hạ máy bay Mỹ, bảo vệ an toàn các mục tiêu nội địa, giữ gìn an ninh trật tự biên giới, tham gia bảo vệ và phục vụ kế hoạch phòng không sơ tán cho nhân dân và các cơ quan chính trị, văn hóa quan trọng của Trung ương và địa phương; tham gia bảo vệ các hoạt động vận chuyển hàng hóa của các nước xã hội chủ nghĩa viện trợ cho nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ cứu nước; tham gia chi viện, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, chi viện lực lượng An ninh vũ trang miền Nam phát triển thành Công an nhân dân vũ trang thống nhất trên cả nước.

Sau ngày miền Nam nước ta hoàn toàn giải phóng, đơn vị phải trải qua thời kỳ đấu tranh chống lấn chiếm, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới hết sức căng thẳng và kiên trì phấn đấu giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị lâu đời giữa hai nước. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới, các đồn biên phòng đã anh dũng, kiên cường chiến đấu đánh trả các đợt tấn công bảo vệ đồn giữ chốt, làm chậm bước tiến của đối phương ở biên giới. Lúc phải bảo toàn lực lượng, thực hiện kế hoạch bung ra khỏi đồn, các đơn vị tiếp tục bám địa bàn, phối hợp với quân dân địa phương dưới sự chỉ huy của Bộ chỉ huy quân sự thống nhất và các Ban chỉ huy quân sự thống nhất huyện chiến đấu phục kích, đánh quần lộn, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phương tiện chiến tranh của đối phương, tiến tới cùng quân dân cả nước buộc đối phương phải rút quân về nước, khôi phục chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Chiến tranh biên giới kết thúc Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng quân dân trong tỉnh và trên toàn tuyến biên giới phía Bắc phải tiếp tục đấu tranh chống các hoạt động vũ trang, bắn súng, xâm nhập qua biên giới, chống chiến tranh lấn chiếm biên giới, chiến tranh phá hoại nhiều mặt, chiến tranh hàng hóa, chống buôn lậu, thẩm lậu hàng hóa qua biên giới, phá hoại kinh tế của đất nước, chống âm mưu xây dựng chính quyền hai mặt, chống móc nối, xây dựng cài cắm cơ sở ngầm vào nội bộ ta... kiên trì, kiềm chế, phấn đấu giữ vững bình yên cho biên giới.

Trong thời kỳ đổi mới mở ra từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã tích cực phấn đấu xây dựng, củng cố, kiện toàn đơn vị bám sát cơ sở, diễn biến trên biên giới, tìm tòi đổi mới công tác biên phòng, tham mưu đề xuất các chủ trương đối sách thực hiện nhiệm vụ biên phòng phục vụ đường lối đổi mới. Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã trở thành đơn vị đi đầu trong đề xuất trên nghiên cứu để nhân dân hai bên biên giới được phép qua lại thăm thân, mua bán, trao đổi hàng hóa thiết yếu một cách có tổ chức, có quản lý, đảm bảo giữ vững chủ quyền quốc gia phù hợp với tinh thần Thông báo 118 của Ban Bí thư, đồng thời cũng là đơn vị đi đầu trong đề xuất với Đảng và Bộ Tư lệnh, ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng phong trào toàn dân tự quản đường biên, mốc giới, phát huy được sức mạnh toàn dân trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Khi hai nước Việt - Trung ký được Hiệp định tạm thời (7.11.1991) và Hiệp ước phân định biên giới trên bộ (30.12.1999), đơn vị đã phối hợp với các lực lượng của nước láng giềng cùng thực hiện bảo vệ biên giới chung giữa hai nước và tích cực tham gia phục vụ, thực hiện kế hoạch khảo sát, tiến hành phân giới cắm mốc trên thực địa, tạo tiền đề ổn định lâu dài biên giới quốc gia, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ môi trường, tài nguyên, lợi ích quốc gia.... xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển trong thời kỳ mới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Sáu, 2023, 12:07:27 pm

Từ thực tiễn lịch sử 50 năm qua, Đảng bộ, đơn vị Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã rút ra những bài học sâu sắc về công tác xây dựng tổ chức, xây dựng lực lượng phải xuất phát, phục tùng và luôn luôn gắn liền với nhiệm vụ chính trị, phải xây dựng được cơ cấu lãnh đạo, chỉ huy thống nhất, đào tạo được đội ngũ cán bộ nhiệt tình, gắn bó máu thịt với biên giới, với lực lượng; trung thành, tận tụy, một lòng một dạ bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, trung thành với sự nghiệp bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Đội ngũ đó phải có tri thức về nghiệp vụ biên phòng, có kiến thức cơ bản về đời sống xã hội, giỏi vận động quần chúng, kết hợp hài hòa với các biện pháp nghiệp vụ biên phòng khác, nhạy bén, tinh thông trong chiến đấu bảo vệ an ninh; dũng cảm, linh hoạt, trong hoạt động, chiến đấu vũ trang đánh địch, nắm vững và thực hiện đúng pháp luật, các công ước quốc tế về biên giới, lãnh thổ và các mặt công tác cụ thể về cửa khẩu, xuất nhập biên, xuất nhập cảnh... nắm vững các hiệp định, hiệp nghị liên quan đến công tác biên phòng, kịp thời phát hiện tình hình, đề xuất giải quyết, xử lý các vấn đề về an ninh trật tự biên giới, bảo vệ tài nguyên, môi trường, lợi ích quốc gia trong khu vực biên giới theo từng thời gian, tính chất quan hệ quốc gia, quốc tế, phục tùng đường lối đối ngoại của Đảng.

Để đạt được mục đích yêu cầu trên, công tác lãnh đạo chính trị giáo dục tư tưởng phải được coi trọng và tiến hành liên tục, làm cho mỗi cán bộ, chiến sỹ thường xuyên rèn luyện, trau dồi đạo đức phẩm chất, bản lĩnh chính trị, không lùi bước trước khó khăn; vững vàng, mưu trí, dũng cảm trước địch, không sa ngã trước mọi cám dỗ, mọi tác động xấu trong xã hội, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia, phát triển kinh tế, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh toàn diện.

Trước xu thế mới, đất nước ta đang thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập, mở rộng hợp tác đa phương, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình” - bạo loạn lật đổ, tiếp tục hạn chế công cuộc khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới càng khó khăn phức tạp. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ càng có tầm quan trọng và phải luôn gắn liền với kiện toàn tổ chức, sắp xếp, sử dụng và tạo nguồn cán bộ, không ngừng nâng cao sức mạnh chiến đấu, năng lực hoàn thành nhiệm vụ của các cấp bộ Đảng, đơn vị, chức trách từng cán bộ, đủ sức giải quyết các vụ việc vi phạm chủ quyền, an ninh biên giới phù hợp với tình hình, đúng đường lối của Đảng.

Trong tổ chức, bố trí, sử dụng lực lượng bảo vệ biên giới, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng ngày càng thấm thía nguyên lý và bài học “dân là gốc”, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nên phải thường xuyên chăm lo xây dựng quan hệ đoàn kết quân dân một ý chí, dựa vào dân, vận động nhân dân bảo vệ biên giới; coi công tác vận động quần chúng là một nguyên tắc, một biện pháp hữu hiệu và là nguyên nhân quyết định hàng đầu cho mọi thắng lợi.

Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cũng đã rút ra bài học kinh nghiệm khác: để có cơ sở đảm bảo cho việc hoàn thành được nhiệm vụ chính trị, đơn vị phải không ngừng xây dựng nội bộ tốt cả về đoàn kết, thống nhất, giữ nghiêm kỷ luật Đảng và đơn vị, phát huv được vai trò của tổ chức Đảng và người chỉ huy, nhất là cán bộ chủ trì, luôn luôn phát huy ý chí phấn đấu, quyết tâm của mọi cán bộ, chiến sỹ hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống.

Thực tiễn 50 năm xây dựng, hoạt động, chiến đấu, trưởng thành của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng đã khẳng định trong mọi thành công, thắng lợi của đơn vị đều có vai trò quan trọng của cơ chế song trùng lãnh đạo của Trung ương Đảng. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh và ủy ban nhân dân tỉnh; sự thương yêu đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, vai trò của đoàn kết nhất trí cao, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan, ban, ngành khác; sự nỗ lực phấn đấu, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, kiên quyết tiến công của cán bộ, chiến sỹ ở mọi địa bàn, mọi tình huống.

Chính nhờ các yếu tố trên, dù hoạt động, chiến đấu trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong đội hình, cơ chế tổ chúc nào, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng vẫn luôn luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa đầu, “cội nguồn" cách mạng, Bộ đội Biên phòng Cao Bằng được xây dựng, kế thừa truyền thống và trưởng thành từ Công an nhân dân, Quân đội nhân dân. Trải qua 50 năm xây dựng, hoạt động, chiến đấu, trưởng thành đã hun đúc nên truyền thống, phẩm chất tốt đẹp, cao quý rất đỗi tự hào của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng, lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam anh hùng; truyền thống của các lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Cao Bằng anh hùng. Nét tiêu biểu, trong truyền thống của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng là:

- Tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, luôn luôn gắn bó máu thịt với sự nghiệp bao vệ biên giới quốc gia.

- Luôn luôn dũng cảm, mưu trí, bền bỉ, sáng tạo, khắc phục khó khăn, tích cực thực hiện vai trò tham mưu đề xuất và nòng cốt thực hiện trong mọi mặt hoạt động, công tác, chiến đấu, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

- Đoàn kết thống nhất, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị, cơ quan, ban, ngành, liên tục phấn đấu xây dựng nền biên phòng toàn dân, kết hợp với nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân bảo vệ biên giới.

- Tự lực, tự cường xây dựng đơn vị, luôn luôn phấn đấu vươn lên, không ngừng hoàn thiện tổ chức, nâng cao trình độ chỉ huy, năng lực hành động, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị và khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, phục vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Những trang sử vẻ vang 50 năm qua của Bộ đội Biên phòng Cao Bằng sẽ được lưu truyền mãi mãi trong lịch sử xây dựng, hoạt động và chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

50 năm là nền tảng vững chắc để Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cùng Bộ đội Biên phòng cả nước tiếp tục phấn đấu tiến lên một cách mạnh mẽ, vững chắc trong sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, phục vụ đất nước đổi mới và hội nhập: không ngừng học tập và thực hiện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần đưa đất nước Việt Nam vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Sáu, 2023, 12:09:32 pm

PHỤ LỤC

 

Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Khoáy,
Năm sinh 1945, nhập ngũ 10.1963,
Dân tộc Nùng,
Quê quán: Thụy Hùng, Thạch An, Cao Bằng,
Chỗ ở hiện nay: Phú Hòa, Lương Tài, Bắc Ninh.

 


CHỈ HUY TRƯỞNG CANDVT- BĐBP CAO BẰNG CÁC THỜI KỲ


Thiếu tá Hà Thế Vũ
Năm sinh: 1914. Nhập ngũ: 1936.
Dân tộc: Tày,
Quê quán: Bế Triều, Hoà An, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Ph. Sông Hiến, thị xã Cao Bằng,
CHT: 1959-1971.

 

Thiếu tá Dương Hồng Minh
Năm sinh: 01.01.1922. Nhập ngũ: 7.1944,
Dân tộc: Nùng,
Quê quán: Dân Chủ, Hoà An, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Phố Cũ. Hợp Giang, thị xã Cao Bằng,
CHT: 5.1971- 12.1972.

 

Trung tá Đinh Quang Tiến
Năm sinh: 1924. Nhập ngũ: 1945,
Dân tộc: Tày,
Quê quán: Minh Thanh, Nguyên Bình, Cao Bằng,
Chỗ ở hiện nay: Minh Thanh, Nguyên Bình, Cao Bằng,
CHT: 1972- 1974.

 

Thượng tá Vũ Tá Lại
Năm sinh: 22.12.1925. Nhập ngũ: 4.1945,
Dân tộc: Kinh,
Quê quán: Ông Đình, Khoái Châu, Hưng Yên,
Chỗ ở hiện nay: Bạch Đằng, Hai Bà Trưng, Hà Nội,
CHT: 1974- 1976.

 

Trung tá Trần Đình Mưu
(Khi nghỉ hưu phong hàm Đại tá ba sao)
Năm sinh: 1925. Nhập ngũ: 11.1950,
Dân tộc Kinh,
Quê quán: Hiển Khánh, Vụ Bản, Nam Định,
Chỗ ở hiện nay: Hiển Khánh, Vụ Bản, Nam Định,
CHT: 1976 – 11.1978

 

Trung tá La Văn Cừu
Năm sinh: 1928. Nhập ngũ: 4.1949,
Dân tộc: Tày,
Quê quán: Trưng Vương, Hoà An, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Trưng Vương, Hoà An, Cao Bằng,
CHT: 12.1978 - 1980.

 

Trung tá Đinh Ngọc Tuy
Năm sinh: 1927. Nhập ngũ: 11.1946,
Dân tộc: Tày,
Quê quán: Vĩnh Quang, Hoà An, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Ph. Hợp Giang, Thị xã CB, Cao Bằng
Chỉ huy trưởng 1980 – 6.1981,
Bí thư Đảng ủy 12.1979 - 1980

 

Đại tá Nguyễn Hoành Sơn
Năm sinh: 1930. Nhập ngũ: 7.1947,
Dân tộc: Tày,
Quê quán: Kháng Chiến, Tràng Định, Lạng Sơn,
Chỗ ở hiện nay: Kháng Chiến, Tràng Định, Lạng Sơn,
CHT: 7.1981 - 1988,
Bí thư Đảng ủy 1981 - 1982; 1986 - 1988

 

Đại tá Hoàng Ích Hồng
Năm sinh: 6.1942. Nhập ngũ: 3.1959,
Dân tộc Tày,
Quê quán: Cao Chương, Trà Lĩnh, Cao Bằn,
Chỗ ở hiện nay: Cao Chương, Trà Lĩnh, Cao Bằng,
CHT: 1988 – 1995.

 

Đại tá Nguyễn Dư Khiêm
Năm sinh: 6.1940. Nhập ngũ: 3.1959,
Dân tộc Kinh,
Quê quán: Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh.
Chỗ ở hiện nay: Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội,
Chỉ huy trưởng: 1995 - 1996


 
Đại tá Nguyễn Đình Khiêm
Năm sinh: 4.1952. Nhập ngũ: 5.1972,
Dân tộc: Tày,
Quê quán: Quảng Hưng, Quảng Uyên, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Ph. Sông Bằng, Thị xã Cao Bằng, CB,
CHT: 1996 - 2004

 

Đại tá Bế Đình Trần
Năm sinh: 1953. Nhập ngũ: 8/1972,
Dân tộc: Tày,
Quê quán: Đức Long, Hoà An, Cao Bằng.
Chỗ ở hiện nay: Ph. Sông Bằng, Tx Cao Bằng,
Tỉnh ủy viên, phó bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng: 2005 đến nay
Bí thư Đảng ủy - Chỉ huy phó chính trị: 3.1988 - 2004


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Sáu, 2023, 01:33:19 pm

BÍ THƯ ĐẢNG UỶ - CHÍNH ỦY (CHỈ HUY PHÓ CHÍNH TRỊ) CANDVT - BĐBP CAO BẰNG QUA CÁC THỜI KỲ


Thiếu tá Đàm Như Lai
Năm sinh: 1912, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 1946,
Quê quán: Ngọc Xuân, TX Cao Bằng, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Ngọc Xuân, TX Cao Bằng, Cao Bằng.
1959 - 1961 (BTĐU lâm thời)

 

Thượng tá Hoàng Khiêm
Năm sinh: 1922, Dân tộc Tày,
Nhập ngũ: 4.1947,
Quê quán: Phù Ngọc, Hà Quảng, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Phù Ngọc, Hà Quảng, Cao Bằng,
Bí thư đảng uỷ - Chính uỷ: 1961 - 1964, 1967 - 10.1978

 

Trung tá Nguyễn Bảo
Năm sinh: 1928, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 6.1946,
Quê quán: Phi Hải, Quảng Uyên, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Phi Hải, Quảng Uyên, Cao Bằng,
1965 - 1967: Trưởng ty công an (kiêm Chính ủy CANDVT)

 

Đại tá Nông Đức Hiếu
Năm sinh: 7.1928, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 6.1946,
Quê quán: Đức Long, Hoà An, Cao Bằng.
Chỗ ở hiện nay: Đức Long, Hoà An, Cao Bằng.
Bí thư đảng uỷ - Chính uỷ: 11.1978 – 11.1979



Thiếu tá Nông Tài Nghĩa
Năm sinh: 1.1939, Dân tộc Tày,
Nhập ngũ: 4.1959.
Quê quán: Đàm Thuỷ, Trùng Khánh, Cao Bằng,
Chỗ ở hiện nay: Đàm Thuỳ, Trùng Khánh, Cao Bằng,
Bí thư Đảng ủy chuyên trách 1983 - 1984

 

Trung tá Nông Duy Thông
Năm sinh: 12.1940, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 3.1959,
Quê quán: Trọng Con, Thạch An, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Trọng Con, Thạch An, Cao Bằng,
Bí thư Đảng ủy - CHP Chính trị 7.1984 - 1985

 

Thượng tá Đặng Vũ Liêm
Năm sinh: 1942, Dân tộc: Kinh,
Nhập ngũ: 2.1961,
Quê quán: Ninh Dân, Thanh Ba, Phú Thọ,
Chỗ ở hiện nay: Ph. Ngô Gia Tự, q. Long Biên, Hà Nội.
Bí thư đảng ủy - Chỉ huy phó CT: 1988 – 12.1991

 

Đại tá Lê Bầu
Năm sinh: 15.1.1946, Dân tộc: Kinh,
Nhập ngũ: 4.1963,
Quê quán: Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội,
Chỗ ở hiện nay: Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội,
Bí thư đảng uỷ - Chỉ huy phó CT 1.1992- 2.1998.

 

Đại tá Trần Tiến Dũng
Năm sinh: 16.8.1957, Dân tộc: Kinh,
Nhập ngũ: 3.1975,
Quê quán: Bài Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh,
Chỗ ở hiện nay: Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội,
BTĐU - CHP Chính trị: 2004 – 4.2006.
BTĐU- Chính ủy: 5.2006-10.2008

 

Đại tá Đỗ Danh Vượng
Năm sinh: 26.5.1962, Dân tộc Kinh,
Nhập ngũ: 9.1979,
Quê quán: Bắc Hải, Tiền Hải, Thái Bình.
Chỗ ở hiện nay: Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội.
BTĐU - Chính uỷ: 11.2008 đến nay
(Phó Chính ủy 1.2007 -10.2008)


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Sáu, 2023, 01:34:34 pm

PHÓ CHÍNH UỶ CANDVT- BĐBP CAO BẰNG QUA CÁC THỜI KỲ


Thiếu tá Lê Văn Thống
Năm sinh: 23.4.1926, Dân tộc: Kinh,
Nhập ngũ: 3.1946,
Quê quán: Phú Tài, Phú Vang, Thừa Thiên Huế,
Chỗ ở hiện nay: Ph. Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội.
Phó Chính uỷ (kiêm CN Chính trị): 8.1967- 11.1969.

 

Thượng tá Lục Văn Đới
Năm sinh: 1923, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 1939,
Quê quán: Đức Long, Hoà An, Cao Bằng.
Chỗ ở gia đình hiện nay: Đức Long, Hoà An, Cao Bằng.
1969 – 11.1975

 

Thượng tá Hoàng Lê Ninh
Năm sinh: 1931, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 2.1945,
Quê quán: Bằng Hữu, Chi Lăng, Lạng Sơn,
Chỗ ở hiện nay: Tân Hoà, Phú Bình, Thái Nguyên,
Thời gian giữ chức: 1976 – 12.1978

 

Đại tá Phùng Quốc Tuấn
Năm sinh: 08.6.1964, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 3.1983,
Quê quán: Mỹ Phương, Ba Bể, Bắc Cạn,
Chỗ ở hiện nay: Ngọc Xuân, Tx. Cao Bằng, Cao Bắng.
Thời gian giữ chức: 11.2008 đến nay.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Sáu, 2023, 01:35:28 pm

 
CHỈ HUY PHÓ CANDVT - BĐBP CAO BẰNG QUA CÁC THỜI KỲ


Thượng úy Nông Văn Đàn
Năm sinh: 12.1913, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 1945,
Quê quán: Đoài Côn, Trùng Khánh, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện naỵ: Đoài Côn, Trùng Khánh, Cao Bằng,
Chỉ huy phó: 1959 – 10.1964.

 

Thượng úy Lương Văn Thân
Năm sinh: 24.11.1923, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 1942,
Quê quán: Đề Thám, Tx. Cao Bằng, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Đề Thám, thị xã Cao Bằng, Cao Bằng,
Chỉ huy phó – TMT: 1959 – 12.1965.

 

Đại úy Lương Xuân Cẩm
Năm sinh: 1922, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 11.1944,
Quê quán: Tân Minh, Tràng Định, Lạng Sơn,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Bản Ngoại, Đại Từ, Thái Nguyên
CHP – TMT: 01.1966 – 5.1968.



Trung tá Đàm Quang Định
Năm sinh: 12.1930, Dân tộc: Nùng,
Nhập ngũ: 05.01.1945,
Quê quán: Hồng Định, Quảng Uyên, Cao Bằng,
Chỗ ở hiện nay: Phường Quán Triều, Tp. Thái Nguyên,
CHP Hậu cần 12.1975 – 12.1978.


 
Thiếu tá Vi Ngọc Ích
Năm sinh: 27.12.1925, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 10.1946,
Quê quán: Mai Sao, Chi Lăng, Lạng Sơn,
Chỗ ở hiện nay: Ph. Tân Thịnh, Tp. Thái Nguyên, TN,
Thời gian giữ chức: 12.1978 – 3.1979.

 

Thiếu tá Nguyễn Đức Hộ
Năm sinh: 1933, Dân tộc: Kinh,
Nhập ngũ: 8/1954,
Quê quán: Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định,
Chỗ ở hiện nay: Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định,
CHP Trinh sát: 2.1979 – 10.1979



Trung tá Nông Văn Tạo
Năm sinh: 1.1934, Dân tộc Tày,
Nhập ngũ: 7.1954,
Quê quán: Lăng Hiếu, Trùng Khánh, Cao Bằng,
Chỗ ở hiện nay: Lăng Hiếu, Trùng Khánh, Cao Bẳng,
CHP: 7.1981 - 1987

 

Trung tá Nông Tiến Thật
Năm sinh: 12.1940, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 01.4.1959,
Quê quán: Đức Hồng, Trùng Khánh, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Đức Hồng, Trùng Khánh, CB.
Chỉ huy phó – TMT: 7.1981 – 3.1982; 11.1982 – 5.1988

 

Trung tá Long Đình Khánh
Năm sinh: 11.1941, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 4.1959,
Quê quán: Hoàng Tung, Hoà An, Cao Bằng,
Chỗ ở hiện nay: Ph. Sông Bằng, Tx Cao Bằng, CB.
CHP Trinh sát: 1985 - 1992

 

Trung tá Triệu Kim Cương
Năm sinh: 1936, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 4.1955,
Quê quán: Xuân Nội, Trà Lĩnh, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Xuân Nội, Trà Lĩnh, CB.
Chỉ huy phó Hậu cần: 1987 - 1989

 

Trung tá Hà Vâng
Năm sinh: 12.1940, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 4.1959,
Quê quán: Đức Long, Thạch An, Cao Bằng,
Chỗ ở hiện nay: Thị trấn Đông Khê, Thạch An, Cao Bằng,
Chỉ huy phó Chính trị: 1984 - 1988

 

Thượng tá Nông Phúc Minh
Năm sinh: 1946, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 2.1964,
Quê quán: Nà Mạ, Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng,
Chỗ ở hiện nay: Phường Sông Bằng, Tx Cao Bằrg, Cao Bằng,
Chỉ huy phó Trinh sát: 1989 - 1994



Trung tá Nguyễn Đức Tiến
Năm sinh: 25.10.1946, Dân tộc: Kinh,
Nhập ngũ: 2.1964,
Quê quán: Liên Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá,
Chỗ ở hiện nay: thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội,
Chỉ huy phó HC – KT: 12.1990 – 11.1993

 

Thượng tá Chu Minh Tuấn
Năm sinh: 7.1952, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 9.1969,
Quê quán: Hồng Đại, Phục Hoà, Cao Bằng,
Hiện ở: Ph. Sông Bằng, Tx Cao Bằng, CB,
Chỉ huy phó Tham mưu: 1988 - 1995

 

Đại tá Nông Viết Bính
Năm sinh: 5.1953, Dân tộc: Nùng,
Nhập ngũ: 5.1972,
Quê quán: Phúc Sen, Quảng Uyên, Cao Bằng,
Chỗ ở hiện nay: Ph. Hợp Giang, Tx Cao Bằng, Cao Bằng,
Chỉ huy phó TM: 3.1995 – 2.2004

 

Thượng tá Đinh Thanh Khầu
Năm sinh: 8.1953, Dân tộc: Nùng,
Nhập ngũ: 5.1972,
Quê quán: Hồng Nam, Hoà An, Cao Bằng,
Chỗ ở gia đình hiện nay: Ph. Sông Bằng, Tx Cao Bằng, Cao Bằng,
Chỉ huy phó Hậu cần: 3.1995 – 3.2001.



Đại tá Nguyễn Xuân Việt
Năm sinh: 12.1954, Dân tộc: Kinh,
Nhập ngũ: 9.1972,
Quê quán: Nghi Xuân, Nghi Lộc, Nghệ An,
Chỗ ở hiện nay: Ph. Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội.
Chỉ huy phó: 2002 - 2003

 

Thượng tá Trần Hữu Sâm
Năm sinh: 12.7.1957, Dân tộc: Kinh,
Nhập ngũ: 2.1975,
Quê quán: Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh,
Chỗ ở hiện nay: Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội,
Chỉ huy phó: 6.1999 – 7.2000

 

Đại tá Phạm Xuân Thuỳ
Năm sinh: 12.7.1958, Dân tộc Kinh,
Nhập ngũ: 10.1977,
Quê quán: Minh Lăng, Vũ Thư, Thái Bình,
Chỗ ở hiện nay: Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội,
Chỉ huy phó: 12.2004 – 6.2008



Đại tá Nguyễn Văn Nghị
Năm sinh: 4.6.1955, Dân tộc Kinh,
Nhập ngũ: 5.1972,
Quê quán: Kim Lương, Kim Thành, Hải Dương,
Hiện ở: Ph. Nguyễn Trãi, Tp. Hải Dương, HD,
Chỉ huy phó HC – KT: 3.2002 đến nay

 

Đại tá Hoàng Văn Sự
Năm sinh: 11.1958, Dân tộc: Tày,
Nhập ngũ: 6.1976,
Quê quán: Phong Nặm, Trùng Khánh, Cao Bằng,
Chỗ ở hiện nay: Phường Sông Bằng, Tx Cao Bằng, CB,
CHP Trinh sát: 3.2004 đến nay

 

Thượng tá Đỗ Quang Thành
Năm sinh: 19.10.1965, Dân tộc: Kinh,
Nhập ngũ: 9.1983,
Quê quán: Thái Hoà, Thái Thuỵ, Thái Bình,
Chỗ ở hiện nay: Ph. Sông Bằng, Tx. Cao Bằng, Cao Bằng,
Chỉ huy phó TM – TC: 3.2004 đến nay


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Sáu, 2023, 01:38:25 pm

THÀNH TÍCH, KHEN THƯỞNG CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG CAO BẰNG


I. ĐƠN VỊ ANH HÙNG

Lệnh của Chủ tịch nước số 185/LCT, ngày 19.12.1997, tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho 3 đơn vị:

1. Đồn Biên phòng 167 Sóc Giang

2. Đồn Biên phòng 179 Tà Lùng

3. Trạm kiểm soát cửa khẩu, Đồn Biên phòng 171 Trà Lĩnh.


II. CÁ NHÂN ANH HÙNG

Thượng úy Hoàng Văn Khoáy - Đại đội phó Đại đội 5 cơ động Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng


III. CÁC HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG KHÁC

* Năm 1962

Cờ thưởng luân lưu của UBTƯMTTQ Việt Nam cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng.


* Năm 1971

Cờ thưởng thi đua xuất sắc của Bộ Nội vụ cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng.


* Năm 1972 - 1978

- Cờ thưởng thi đua xuất sắc của Bộ Nội vụ cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng.

- 05 huân chương các loại cho các Đồn Biên phòng Sóc Giang, Trà Lĩnh, Cốc Pàng, Bí Hà, Pò Peo.

- Huân chương Quân công hạng Nhì cho Đồn Biên phòng Sóc Giang.

- Huân chương Quân công hạng Ba cho Đại đội 11.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Cao Bằng.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn Biên phòng Bó Gai.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn Biên phòng Trà Lĩnh.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Tiểu đoàn 19.

- Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đồn Biên phòng Cốc Pàng.

- Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đồn Biên phòng Bí Hà.

- Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đại đội 13.

- Huân chương Chiến công hạng Ba cho Đồn Biên phòng Lý Vạn.

- Huân chương Chiến công hạng Ba cho Đồn Biên phòng Tổng Cọt.

- Huân chương Chiến công hạng Ba cho Đồn Biên phòng Nặm Nhũng.

- Huân chương Chiến công hạng Ba cho Đồn Biên phòng Pò Peo.

- Cờ thưởng luân lưu của Chủ tịch nước cho Công an nhân dân vũ trang Cao Lạng năm 1978.

- Bằng khen của Chính phủ cho Đồn Biên phòng Nặm Quét.

- Bằng khen của Chính phủ cho Đồn Biên phòng Xuân Trường.

- Bằng khen của Chính phủ cho Đồn Biên phòng Ngọc Chung.

- Bằng khen của Chính phủ cho Đồn Biên phòng Đàm Thuỷ.

- Bằng khen của Chính phủ cho 53 cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng.

- Lẵng hoa của Chủ tịch nước cho Đồn Biên phòng Sóc Giang (1976).

- Lẵng hoa của Chủ tịch nước cho Đồn Biên phòng Cốc Pàng (1976).

- Lẵng hoa của Chủ tịch nước cho Đồn Biên phòng Đàm Thủy (1978).

- Lẵng hoa của Chủ tịch nước cho Đồn Biên phòng Tà Lung (1978).

- Bằng khen, giấy khen các cấp cho trên 400 cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Sáu, 2023, 01:39:24 pm

* Năm 1979

- Huân chương Quân công hang Ba cho lực lượng Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng.

- Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Đội văn nghệ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng.

- Huân chương Chiến công hạng Ba cho 30 cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân vũ trang Cao Bằng.


* Năm 1987

- Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho Đồn 133 (Quang Hán).


* Năm 1989

- Huân chương Quân công hạng Nhì cho Đồn Biên phòng Cần Yên.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn Biên phòng Thị Hoa.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn Biên phòng Nậm Nhũng

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn Biên phòng Tà Lùng.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn Biên phòng Cô Ba.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn Biên phòng Sóc Hà.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn Biên phòng Hùng Quốc.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn Biên phòng Ngọc Khê.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Đồn Biên phòng Lý Quốc.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Phòng Tham mưu, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Phòng Chính trị, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Phòng Trinh sát, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho Phòng Hậu cần, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng.

- Huân chương Chiến công hạng Nhất cho 12 cán bộ, chiến sỹ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng.


* Năm 1993

- Huân chương Chiến công hạng Ba cho Đồn Biên phòng Lý Quốc.

- Bằng khen Bộ Nội vụ cho Tiểu đoàn 19.

- Bằng khen Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Cao Bằng cho:

+ Phòng Chính trị.

+ Phòng Tham mưu.

+ Đồn Biên phòng Hùng Quốc.


* Năm 1994: 7 đơn vị được tặng danh hiệu đơn vị Quyết thắng.

- Đồn Biên phòng Lý Quốc.

- Đồn Biên phòng Hùng Quốc.

- Đồn Biên phòng Sóc Hà.

- Đồn Biên phòng Cô Ba.

- Phòng Chính trị.

- Phòng Tham mưu.

- Phòng Hậu cần.


Tiêu đề: Re: Lịch sử Bộ đội Biên phòng Cao Bằng 1959-2009
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Sáu, 2023, 01:40:43 pm

* Năm 1995: 4 đơn vị được tặng danh hiệu Quyết thắng:

- Đồn Biên phòng Tà Lùng.

- Đồn Biên phòng Lý Quốc.

- Tiểu đoàn 19.

- Đại đội 1 cơ động.


*Năm 1996

Phòng Tham mưu được tặng danh hiệu Quyết thắng.


* Năm 1997

Đồn Biên phòng Thị Hoa được tặng danh hiệu Quyết thắng.


* Năm 1998

Đồn Biên phòng Tà Lùng được tặng danh hiệu Quyết thắng.


* Năm 2000

Phòng Chính trị được tặng danh hiệu đơn vị Quyết thắng.


* Năm 2001: 2 đơn vị Quyết thắng

- Đồn Biên phòng Sóc Hà

- Phòng Chính trị.


* Năm 2002

Đồn Biên phòng Sóc Hà được tặng danh hiệu Quyết thắng



* Năm 2003: 3 đơn vị được tặng danh hiệu Quyết thắng.

- Đồn Biên phòng Tà Lùng.

- Đồn Biên phòng Sóc Hà

- Phòng Chính trị.


* Năm 2004: 4 đơn vị Quyết thắng

- Đồn Biên phòng Thị Hoa.

- Đồn Biên phòng Hùng Quốc.

- Phòng Chính trị.

- Phòng Tham mưu.


* Năm 2005: 4 đơn vị Quyết thắng.

- Đồn Biên phòng Thị Hoa.

- Đồn Biên phòng Ngọc Khê.

- Đồn Biên phòng Sóc Hà.

- Phòng Chính trị


* Năm 2006: 4 đơn vị Quyết thắng.

- Đồn Biên phòng Thị Hoa.

- Đồn Biên phòng Đàm Thuỷ.

- Đồn Biên phòng Sóc Hà.

- Phòng Phòng chống tội phạm ma tuý.


* Năm 2007: 5 đơn vị Quyết thắng.

- Đồn Biên phòng Tà Lùng

- Đồn Biên phòng Thị Hoa.

- Đồn Biên phòng Đàm Thuỷ.

- Đồn Biên phòng Cô Ba.

- Phòng Chính trị.


* Năm 2008: 5 đơn vị Quyết thắng

- Đồn Biên phòng Tà Lùng.

- Đồn Biên phòng Thị Hoa.

- Đồn Biên phòng Đàm Thuỷ

- Phòng Chính trị.

- Phòng Tham mưu.


Hết!