Tiêu đề: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 03:00:04 pm (https://salt.tikicdn.com/cache/750x750/media/catalog/product/g/i/gia_dinh_ban_be_va_dat_nuoc.jpg.webp) Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - Hồi Ký Nguyễn Thị Bình Số trang: 413 Tác giả: Nguyễn Thị Bình Công ty phát hành: Phương Nam Nhà xuất bản: Nhà Xuất Bản Tri Thức, 2015 Nguồn PDF: Sưu tầm Chuyển qua tetx: hoi_ls Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 03:17:12 pm (https://i.imgur.com/5ONoA9Rl.png) LỜI GIỚI THIỆU Trên tay độc giả là Hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đẩu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tại hòa đàm Paris. Hẳn suy nghĩ đầu tiên của không ít người khi cầm cuốn sách này là tò mò chờ đợi những chuyện ly kỳ về cuộc hội đàm nổi tiếng gay go và dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới, mà tác giả là người trong cuộc. Cần nói ngay: chờ đợi ấy sẽ không được thỏa mãn. Hiểu theo cách nào đó ở đây cũng có một sự “ly kỳ”, nhưng là kiểu khác, về một con người. Cuốn sách nhỏ này nói về con người đó, con đường của bà, cuộc đời bà, như bà đã chọn một đầu đề thật giản dị: Gia đình, bạn bè và đất nước, những nguồn gốc đã tạo nên sức mạnh đặc biệt trong bà. Những người ít nhiều biết bà Nguyễn Thị Bình thường ngạc nhiên về hai điều: sức hấp dẫn, tính thuyết phục lớn và sâu của bà, không chỉ ở trong nước mà cả đối với đông đảo những người ngoài nước, kể cả những nhân vật lớn và “khó” - chúng ta biết chẳng hạn sau năm 1979, khi ta buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh biên giới Tây-Nam khó nhọc chống lại quân Pôn Pốt xâm lấn và cứu nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng, rất nhiều bạn bè cũ đã không thể thấu hiểu và chúng ta đã lâm vào thế cô lập khá lâu, họ đã tìm đến bà Bình, và sau khi nghe bà ôn tổn giải thích, họ bảo: Đúng rồi, chúng tôi đã nghe nhiều người, nhưng đến Bình nói thì tôi tin! Suốt những năm tháng ác liệt, khó khăn nhất của chiến tranh chống ngoại xâm, ở bất cứ nơi nào bà đến trên hẩu khắp thế giới cũng vậy, người ta bảo: “Bình nói thì tôi tin”... Có thể nói mà không sợ quá rằng có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau. Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin... Bà gọi công việc đó là: ngoại giao nhân dân, nghĩa là con người đến với con người, trái tim đến với trái tim. Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua. Điều “lạ” thứ hai ở bà là sức trẻ của trí tuệ và tâm hồn, sức sống và sức làm việc đáng kinh ngạc, tầm nghĩ rộng, sâu và sắc, thậm chí càng phát triển cùng tuổi tác. Hầu như trên tất cả các mũi nhọn nhất và sâu nhất của đời sống xã hội và con người hiện tại đều có mặt bà, ở hàng đầu, miệt mài, không mệt mỏi... Là người có may mắn được gần gũi và cùng làm việc với bà trong một số năm qua, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả những trang viết này của bà, có thể gợi cho chúng ta thật nhiều suy nghĩ, không chỉ về một thời sôi nổi đã qua, mà cả về hôm nay và ngày mai của đất nước. Nguyên Ngọc Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 03:24:43 pm Quê hương Quê tôi ở Quảng Nam, trước vốn là một tỉnh, trong chiến tranh chống Mỹ do điều kiện đặc biệt đã tạm chia thành hai, phía bắc gọi là Quảng Đà, phía nam là Quảng Nam (chính quyền Sài Gòn thì gọi phía bắc là Quảng Nam, phía nam là Quảng Tín). Sau năm 1975, Quảng Nam lại thống nhất thành một tỉnh; năm 1997, Đà Nẵng được tách thành thành phố trực thuộc Trung ương, phần còn lại gọi là tỉnh Quảng Nam, tỉnh lỵ đóng ở thành phổ Tam Kỳ. Dù chia tách vể tổ chức hành chính, nhưng về lịch sử, truyền thống, văn hóa, Quảng Nam, gổm cả Đà Nẵng, luôn là một. Quê hương tôi không giàu nhưng thật phong phú: những đồng lúa xanh ngát, sông ngòi giăng khắp - sông Thu Bồn nổi tiếng, sông Hàn ngắn mà đầy và khỏe, sông Trường Giang rất đặc biệt không đổ từ trên núi xuống mà nối từ một cửa biển này sang cửa biển khác, sông Tam Kỳ bốn mùa xanh, sông Cổ Cò như một con kênh tự nhiên kết nối các dòng nước khắp tỉnh... Người ta bảo Quảng Nam là tỉnh độc đáo về đường nước, có thể theo các dòng sông lớn nhỏ trong nội địa mà lưu thông ngang dọc khắp tỉnh, không cẩn vòng ra biển. Quảng Nam có núi lại có biển và đảo. Nơi có những bãi từng được coi là đẹp nhất thế giới. Cù lao Chàm thì đã được xếp là khu bảo tổn sinh thái thế giới. Quảng Nam có Hội An. Từ thế kỷ XVI, XVII, Hội An đã là một thương cảng sầm uất, nơi đầu tiên ở nước ta tiếp xúc với phương Tây, giao lưu quốc tế nhộn nhịp, người Trung Quốc, người Nhật, người Bổ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan từng đến đây buôn bán rất sớm. Người dân sớm có kinh nghiệm giao lưu, hội nhập quốc tế, văn minh, bặt thiệp, năng động mà vẫn chất phác. Đà Nẵng cách Hội An không đầy 30 km, là cửa ngõ quốc tế lớn nhất của Quảng Nam và của cả miền Trung, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về nhiều mặt. Chính vì thế khi xâm lược nước ta hổi thế kỷ XIX thực dân Pháp đã đổ bộ trước tiên vào đây; hơn một thế kỷ sau, đây cũng là nơi đầu tiên các sư đoàn thủy quân lục chiến Mỹ chọn làm điểm đổ quân ổ ạt, mở đầu cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Mỹ đã xây dựng Đà Nẵng thành căn cứ hải-lục-không quân lớn để chỉ huy chiến trường miền Trung và Tây Nguyên, ra đến vĩ tuyến 17, đây cũng là một trong những điểm xuất phát của không quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Có thể nói trong thời kỳ cận đại và hiện đại, Quảng Nam-Đà Nẵng là nơi đứng mũi chịu sào trong mọi cuộc chiến tranh chống xâm lược của dân tộc, là một trong những chiến trường ác liệt nhất trên cả nước. Và nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng đã can trường gánh vác nhiệm vụ của mình bằng những hy sinh vô cùng to lớn. Trên 7.000 bà mẹ anh hùng, Quảng Nam-Đà Nẵng, chiếm hơn một phần tư số bà mẹ anh hùng trong cả nước được biểu dương, là một minh chứng hùng hổn. Quả thật nhân dân quê hương tôi xứng đáng với danh hiệu Trung dũng kiên cường 1. Năm 1975, khi miền Nam vừa được giải phóng, trở về thăm quê, tôi xót xa trước cảnh xóm làng bị tàn phá, ủi trắng, san bằng do chủ trương “tự do hủy diệt” của quân Mỹ và chính quyến miẽn Nam. Gò Nổi-Điện Bàn quê nội tôi vốn là vùng đất trù phú nhất của Quảng Nam, nổi tiếng với những cánh đổng phì nhiêu và những biền 2 dâu xanh ngát bên sông Thu Bồn, có nghề dệt lụa phát triển lâu đời từng có sản phẩm xuất khẩu sang tận châu Âu..., nay chỉ còn là bãi đất trơ trụi mênh mông toàn cỏ lác hoang vu. Không một bóng cây cao, không một bóng người... Quê ngoại tôi ở phía tây Tam Kỳ cũng là vùng rất ác liệt trong chiến tranh và bị tàn phá không kém. Hậu quả chiến tranh đối với Quảng Nam hết sức nặng nề, đặc biệt ảnh hưởng của chất độc da cam do Mỹ rải xuống trong hàng chục năm, còn di hại rất lâu dài. Hơn 30 năm qua, nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng đã vươn mình đứng dậy, thật sự là từ trong tro tàn, tạo cho quê hương một bộ mặt mới hoàn toàn khác, một cuộc sống mới tốt đẹp hơn và đầy triển vọng. Không chỉ kiên cường trong chiến tranh giải phóng, đất Quảng còn tự hào đã đóng góp đáng kể vào nền văn hóa dân tộc. Quảng Nam từ lâu đâ nổi tiếng là đất học, có truyền thống hiếu học và nhiều người học giỏi. Một thời cả nước từng biết danh Ngũ phụng tề phi 3, Tứ kiệt 4 của Quảng Nam. Quảng Nam cũng từng là một trong những nơi xuất phát của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, và cuộc vận động Duy Tân từ những năm đầu thế kỷ XX cũng được khởi xướng từ đây. Đất Quảng có nhiều vùng đặc biệt nghèo, nhất là miền núi. Nhưng có lẽ tạo hóa dường như cũng có luật bù trừ. Tại vùng Tiên Phước, nơi “chó ăn đá gà ăn sỏi” của quê ngoại tôi đã sản sinh ra nhiều nhà yêu nước lớn, trong đó có ông ngoại tôi, Cụ Phan Châu Trinh, và Cụ Huỳnh Thúc Kháng (khi bác Hồ sang Pháp năm 1946, Cụ là quyền chủ tịch). Đối với ông ngoại tôi, còn có ý kiến đánh giá khác nhau về quan điểm chính trị của Cụ, nhưng mọi người đều nhất trí công nhận Cụ là người đầu tiên ở Việt Nam đề xướng tư tưởng dân chủ, dân quyền. Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đánh giá Phan Châu Trinh, người bạn đồng khoa với mình, là “Nam quốc dân quyền tiên tổ chức” (người tổ chức nền dân quyền đầu tiên ở nước Nam). Học giả Hoàng Xuân Hãn cho rằng trong hoàn cảnh trăn trở tìm đường cứu nước của các sĩ phu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Cụ Phan Châu Trinh là người đẩu tiên nhận ra nguyên nhân mất nước chính là ở trong sự lạc hậu tai hại vể văn hóa của nước ta thời bấy giờ, cho nên Cụ đã chủ trương con đường phát triển đất nước là phải “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Cụ đã nói dứt khoát: Chi bằng học! Có thể hiểu: nhân dân cần có sự hiểu biết, có tri thức, đồng thời được khơi dậy lòng tự tôn dân tộc thì mới mong làm nên đại sự, mưu cầu tự do, hạnh phúc. Tôi nghĩ đây là một tư tưởng lớn, còn có giá trị lâu dài, ngay cả đối với chúng ta ngày nay. Cụ Phan cũng thường được coi là con người tiêu biểu cho tính chất chung của người xứ Quảng: cương trực, khí phách, không dễ bị khuất phục. Tật “hay cãi” của người Quảng chắc cũng có trong Cụ. Người Quảng cũng thường “tham việc công”, nghĩa là có trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, sẵn sàng gánh vác và dấn thân. Con người đó cũng lại là con người rất nghĩa tình, và cởi mở, nhạy cảm với cái mới, nên đã có câu ca: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, Rượu Hồng đào chưa nhắm đà say. Nhiều bạn bè cho rằng tôi đã thừa hưởng một số đặc tính ấy của người dân đất Quảng! ----------------------------------------------------------------- 1. Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam do Trung ương Cục miền Nam và Quân ủy miền chủ trì (1968) có đại biểu các tỉnh, thành và Bộ Tư lệnh các quân khu 5, 6, 7,8,9 cùng đặc khu Sài Gòn-Gia Định về dự đã nhất trí tuyên dương 3 tinh Bến Tre, Long An, Quảng Nam-Đà Nẵng đạt những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ (giai đoạn 1954-1968). Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng được nhận danh hiệu “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”. 2. Biền: bãi lầy chạy dọc ven sông có thề dùng để cấy trồng hoa màu. 3. Ngũ phụng tê phi: Năm Nho sĩ Quảng Nam cùng đỗ cao nhất trong một kỳ thi ở triều đình: Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn, Ngô Chuân, Dương Hiển Tiến đỗ Đại khoa năm 1898. 4. Tứ kiệt: Các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Nguyễn Đình Phiêu. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 03:29:19 pm Tuổi thơ Về bên ngoại, mẹ tôi là con gái thứ hai của Cụ Phan Châu Trinh, quê ở phía đông huyện Tiên Phước, nay thuộc huyện Phú Ninh phía tây Tam Kỳ. Ông nội tôi thì quê ở huyện Điện Bàn, là một nghĩa binh của phong trào Cần Vương. Ông cụ thân sinh ra tôi là con thứ mười trong gia đình, làm viên chức trong ngành trắc địa. Từ khi ra trường, Cụ đã làm việc ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, luôn lênh đênh trên một chiếc ghe bầu rất lớn. Tôi được sinh ra ở xã Tân Hiệp, tỉnh Sa Đéc, và được ba má đặt tên là Sa. Nghe má tôi nói, khi mới sáu tháng tuổi, tập bò, tôi bị rơi xuống sông Tiền, nhưng được vớt lên ngay. Tuổi thơ tôi được sống một thời gian ở nông thôn nên cũng hiểu việc đồng áng, câu cá, câu tôm. Tôi còn nhớ mãi mùa nước nổi ở đổng bằng miền Tây, ruộng vườn chìm trong nước mênh mông như biển. Những ngày tháng tuổi thơ ảnh hưởng lâu dài trong cả cuộc đời tôi, trong hoạt động xã hội lẫn đời sống riêng. Sau đó, ông cụ thân sinh tôi được điều sang Campuchia làm việc, mang cả gia đình đi theo và định cư tại Phnom Penh một thời gian dài. Mẹ tôi sinh bảy lần; một em bị bệnh mất nên còn sáu chị em: bốn nam, hai nữ. Tôi là con gái đầu lòng. Ngoài chị em chúng tôi, còn có vài ba anh em họ hàng ở quê vì kinh tế khó khăn phải đến nhờ ông cụ tôi giúp đỡ, tiếp tục đi học hoặc tìm việc làm. Nhà lúc nào cũng rất đông vui, ăn cơm phải chia hai lượt vì không đủ chỗ ngồi. Lương ông cụ tôi không cao nhưng cũng không thấp, lúc nào cũng sẵn sàng cưu mang con cháu. Cụ là người ham lao động, đặc biệt rất say mê kỹ thuật. Ở nhà dưới có một phòng đủ các dụng cụ vẽ cơ khí để Cụ sửa chữa, chế tạo. Ngoài giờ đi làm, muốn tìm Cụ thì phải vào cái kho đặc biệt đó. Cụ là người rất yêu lao động nên đánh giá con người cũng qua thái độ lao động của họ: người nào siêng làm là người tốt, người nào hơi lười Cụ không ưa. Đối với chúng tôi, Cụ cũng có yêu cầu như vậy bất kể là trai hay gái: biết đi xe đạp thì phải biết sửa xe, vá săm lốp. Ông cụ thích chúng tôi ham học, ham đọc sách, chơi thể thao, không thích chúng tôi dờn ca, giao du với bạn bè nhiều. Về sau trong suốt đời hoạt động và công tác, tôi luôn gắn bó và cũng dễ gần gũi với người dân lao động, thường nhìn con người qua thái độ lao động và cách họ quan hệ với người lao động, nghĩ lại tôi rất biết ơn ông cụ tôi về ảnh hưởng đó. Mẹ tôi có lẽ vì sinh đẻ nhiều, không được khỏe. Bà mất khi tôi mới 16 tuổi và em út tôi chưa đẩy năm. Tuy vậy, tôi đã có một thời thơ ấu đầm ấm, hạnh phúc giữa tình thương của cha mẹ và người thân. Đến khi mẹ mất, tôi mới cảm thấy lo lắng và thiếu thốn tình cảm. Nhìn đàn em còn nhỏ dại, tôi bắt đầu ý thức về trách nhiệm của mình: phải thay mẹ lo cho các em. Lúc còn sống, mẹ tôi thường kể chuyện về ông ngoại - Cụ Phan Châu Trinh. Cụ mất năm 1926 sau khi từ Pháp về được một năm, nên khi ra đời tôi không được biết mặt và càng không được trực tiếp nhận ảnh hưởng từ tư tưởng yêu nước thức thời của Cụ. Trong ký ức của tôi, từ lời kể của mẹ, ông ngoại tôi là người đã bôn ba khắp nước từ khi còn trẻ, rồi vì hoạt động chống Pháp mà bị bắt. Nếu không có những người Pháp tiến bộ trong Hội Liên minh Nhân quyền Pháp tích cực bênh vực có lẽ Cụ đã bị xử chém. Sau thời gian ở tù Côn Đảo, khi được trả tự do Cụ yêu cầu và được chính quyền thuộc địa cho sang Pháp, và đã ở đó 14 năm. Ý đồ của Cụ là tìm cách dựa vào các lực lượng tiến bộ ở Pháp để mưu cầu độc lập cho nước nhà. Trong những năm 40 của thế kỷ trước, gia đình tôi không sống ở trong nước, nhưng tin tức về các cuộc nổi dậy của cộng sản ở Mỹ Tho và một số tỉnh Nam Bộ cũng đã đến với chúng tôi. Hồi đó, tôi thấy mẹ tôi thường tỏ ra buồn bực, bà hay tâm sự với những người bạn thân: “Không biết bao giờ nhân dân ta mới đánh được Tây?” Ở Campuchia, gia đình chúng tôi sống trên đại lộ Miche (Boulevard Miche), thủ đô Phnom Penh. Nhà làm bằng gỗ, với một kiến trúc rất đặc biệt, do ba tôi thiết kế theo ý tưởng của Cụ: phải rộng rãi, thoáng mát, tiện lợi. Nhà ở sau một bãi cát rất rộng, mùa trăng rằm sáng trắng như tuyết. Những đêm trăng sáng chị em tôi rất thích đuổi nhau trên bãi cát trắng. Sau nhà là đồng ruộng, mùa nước lên, nước có thể đến chân cột nhà. Tôi giữ mãi hình ảnh về ngôi nhà thân thiết đã gắn với thời niên thiếu của mấy chị em chúng tôi những năm tháng chúng tôi còn đủ cha và mẹ. Tôi học trường Lycée Sisowath 1, trường trung học lớn nhất của Campuchia. Vì cha tôi làm công chức nên tôi “được” học ở hệ thống “chính quốc” Pháp, không theo hệ thống dành cho người bản xứ. Ở đây phần lớn học sinh là con cái công chức người Pháp hoặc có quốc tịch Pháp. Tinh thần dân tộc của tôi và các em tôi đã biểu hiện trong một số vụ va chạm với “bọn con Tây”. Tôi nhớ một lần ra chơi, mấy đứa bạn học người Pháp nói với nhau về những người giúp việc nhà họ: “Bọn anamites đều là những tên ăn cắp.” Tôi nghe thấy, không chịu nổi, đến hỏi chúng: “Chúng mày nói gì?” Mấy đứa còn đang ngơ ngác, tôi lấy ngay cặp sách nện vào chúng. Các em tôi đến đón tôi cũng nhảy vô tiếp sức chị. Một cuộc ẩu đả xảy ra, may không có ai bị thương đáng kể. Ngày hôm sau, tôi bị ông Hiệu trưởng gọi lên, tôi tưởng ông sẽ kỷ luật tôi, nhưng ông chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Mẹ ốm nặng, phải vể chữa bệnh ở Sài Gòn từ cuối năm trước, ở tại nhà thờ Cụ Phan bên Đa Kao. Thi “brevet” xong tôi về Sài Gòn thăm mẹ. Nhìn mẹ gầy ốm gần như da bọc xương, tôi thương quá, ân hận đã không được ở bên mẹ để chăm sóc. Tôi khóc sưng cả mắt. Mẹ nhìn tôi, chỉ lắc đầu lẩm bẩm: “Thương con tôi, nó còn nhỏ quá!” Đi đường gần một ngày từ Phnom Penh về Sài Gòn quá mệt, tôi nằm thiếp đi một lúc thì chị giúp việc gọi dậy báo mẹ đã mất rồi. Lúc đó ba tôi đi công tác xa chỉ kịp về đưa đám mẹ. Các em tôi cũng không được gặp mẹ giây phút cuối cùng. Chỉ có mình tôi, may còn được gặp mẹ trước khi bà ra đi mãi mãi. Mẹ tôi được chôn cất tại nghĩa địa Trung Kỳ Ái hữu, mãi đến năm 1976 mới được cải táng đưa tro về nhà thờ Cụ Phan hiện nay. Trước đây, tôi mong ước sau khi học xong tú tài sẽ xin học trường Y, trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ và những người nghèo. Sở dĩ tôi có ý nghĩ và mong ước đó là vì tôi thấy bác sĩ đến chữa bệnh cho mẹ tôi tuy đã được trả tiền nhưng không sốt sắng và tận tâm, gia đình phải cầu cạnh họ. Có lẽ chúng tôi không gặp được những bác sĩ tốt chăng? Ở tuổi 16, tôi đã mất mẹ. Các em tôi lúc đó còn rất nhỏ, mới mười ba, chín, năm, ba tuổi và em út mới mấy tháng tuổi. Khi còn mẹ, tôi chỉ biết ăn học, vui chơi. Ba tôi đặt nhiều hy vọng vào tôi. Tôi học tương đối tốt, nhất là môn Toán, lúc nào cũng được điểm cao, nhờ đó mà sau này tôi đã làm gia sư và có lúc dạy Toán ở một vài trường. “Con cố gắng học tốt, sau này có nghề nghiệp, có gì còn lo cho các em”, ba tôi thường nhắc nhở tôi, dường như ông đã tiên lượng hoàn cảnh của chúng tôi. Những năm học cấp ba, tôi vẫn chăm chỉ học tập nhưng đã bắt đầu nghĩ về tương lai. Tôi thích đọc sách, thường thức khuya đọc tiểu thuyết. Tôi thích nghe nhạc trữ tình của Schubert, Schumann... và cả nhạc hùng tráng. Nghe bài hát kêu gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước “Này thanh niên ơi, đứng lên đáp lời sông núi...”, tôi thấy bừng bừng trong tim. Ba mẹ tôi đôi khi cũng cho chúng tôi đi xem phim, coi cải lương. Tôi rất dễ xúc động. Nhớ một lẩn xem vở Đời cô Lựu, khá nổi tiếng những năm 1940, tôi khóc nức nở. Khán giả ngồi quanh không nhìn lên sân khấu nữa mà quay lại nhìn tôi. Tôi hết sức xấu hổ nhưng không cầm được nước mắt. Tôi cũng thích thể thao. Môn thích nhất là bóng rổ. Ngày Chủ nhật tôi thường cùng các bạn chơi cả buổi sáng. Khi về nhà, hai má đỏ lựng như cà chua chín. Đôi khi tôi cũng tham gia thi đấu bóng rổ với các trường khác, thi chạy việt dã... Tôi cũng chú ý đến việc may vá, nấu nướng, muốn được trở thành một người phụ nữ toàn diện “công, dung, ngôn, hạnh”. Như biết bao cô gái, tôi có nhiều ước mơ. Chính vào lúc đó, tôi đã gặp anh Khang, người bạn đời sau này của tôi. Từ năm 1944, tình hình nước ta có nhiều biến động. Trong không khí như âm ỉ những dự báo vừa mơ hồ vừa rõ rệt về những chuyển biến mới sẽ đến, mọi người hồi hộp lo, chờ. Quân Nhật đã đổ vào khắp nơi. Và tôi cũng bắt đầu hiểu ra nhiều điều. Tại Phnom Penh đã xuất hiện hoạt động của Hội Việt kiều yêu nước, sau đó lại có phong trào cứu tế nạn đói cho miền Bắc, thu hút sự tham gia của đông đảo người Việt ở Campuchia. Đương nhiên gia đình chúng tôi liền hăng hái có mặt, và dân dần chúng tôi hiểu về Việt Minh - tổ chức đã đứng ra vận động những phong trào này. Sau cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương ngày 9.3.1945, nhiều người Việt ở Campuchia thấy cần sớm về nước để được trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh lớn của dân tộc. Gia đình chúng tôi cũng quyết trở về. Việc chuẩn bị thi tú tài của tôi đành gác lại. ----------------------------------------------------------------- 1. Lycée Preah Sisowath: trường trung học Bảo hộ dạy bằng tiếng Pháp, được thành lập năm 1873 tại Phnom Penh, Vương quốc Campuchia. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 03:31:05 pm Tôi là người hạnh phúc Tôi phải kể qua việc riêng của mình, cuộc sống tình cảm thật sự là phần hết sức quý giá trong đời tôi. Năm tôi 16 tuổi, ba tôi làm việc tại Cơ quan Trắc địa ở Campuchia. Một số anh em tốt nghiệp trường Bách khoa, khoa Cầu cống, từ Hà Nội được cử sang Campuchia thực tập. Ba tôi là người lâu năm trong nghề nên được phân công hướng dẫn họ. Trong số những thực tập viên trẻ tuổi này có anh Đinh Khang là người làm việc nhiều nhất với ba tôi. Anh Khang lại là người yêu thể thao, bóng bàn giỏi, bóng chuyền, bóng rổ anh đều chơi hay. Chúng tôi thường gặp nhau trên sân bóng rổ. Tình cảm giữa chúng tôi nảy nở, ngày thêm mặn nồng. Nhưng ba tôi rất thận trọng vì chưa biết rõ gia đình anh Khang; mặt khác, ba cũng muốn tôi được học đến nơi đến chốn đã. Lúc đó tôi cũng có một số bạn trai, nhưng tình yêu của tôi chỉ dành cho anh Khang. Chúng tôi đã hứa hẹn với nhau... Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tôi về Sài Gòn tìm anh Khang và các bạn của anh, họ cũng đã về Sài Gòn tham gia vào các tổ chức Việt Minh. Giữa năm 1946, chúng tôi gặp lại nhau tại đền thờ Cụ Phan. Anh Khang ở cùng với gia đình chúng tôi được mấy tháng, rồi ra Hà Nội. Trước khi đi, anh nói với tôi: “Anh phải ra Bắc tham gia vào quân đội Việt Minh, ở đó anh có nhiều bạn bè, tình hình ở trong Nam phức tạp khó biết làm gì.” Chúng tôi chia tay nhau, hẹn sẽ sớm gặp lại. Vậy mà phải chín năm sau, khi tôi tập kết ra Bắc năm 1954, mới có ngày sum họp. Suốt chín năm dài đó tôi chỉ nhận được của anh vỏn vẹn mấy chữ: “Chúc em và cả gia đình an toàn, khỏe mạnh.” Một dòng chữ viết trên một mảnh giấy nhỏ, nhàu nát, do một đoàn cán bộ từ Trung ương vào Nam chuyển cho, có thể xem là một bức thư? Dù sao tôi cũng rất vui vì biết anh còn sống, còn nghĩ đến tôi. Ba tôi phát hiện “con rể” ngoài Bắc cũng ở ngành công binh vì trong một tạp chí công binh từ Bắc gửi vào có bài viết của tác giả Đinh Khang. Tôi hoạt động ở nội thành, nhưng cũng có nhiều thời gian ra chiến khu làm việc, hội họp. Các đồng chí lãnh đạo quan tâm đến tôi, khuyên tôi nghĩ xem việc tôi và anh Khang cách bức thế, có nên chờ đợi nhau? Thật ra lúc đó cũng không biết chừng nào kháng chiến mới thắng lợi, mới gặp lại nhau. Song tôi tự nhủ nếu có ai mà tôi yêu hơn anh Khang thì tôi sẽ tính, còn quả thật tới lúc đó trong lòng tôi vẫn chỉ có anh là duy nhất. Cuối năm 1949, có một đoàn cán bộ từ Nam Bộ ra Trung ương, các chị rất thương tôi và biết chuyện riêng của tôi, hỏi tôi có muốn đi ra Bắc không? Tôi suy nghĩ rất nhiều, nhưng sau đó tôi vẫn không đi, vì anh Khang không có tôi chắc có thể tìm người khác, còn các em tôi, không có tôi, sợ chúng khó sống. Tôi sẽ không bao giờ hối tiếc về quyết định này. Có lẽ đáp lại tình thương của tôi, năm em đều lớn lên, trưởng thành. Sau này, chúng là chỗ dựa vể tình cảm và tinh thần của tôi. Hiệp định Genève được ký kết sau chín năm kháng chiến, ngày 23.11.1954, tôi ra tập kết, ba tôi lúc đó đã ở miền Bắc, tại Hà Nội, nên tôi đã gặp lại được anh Khang. Trước đó ba tôi đã báo cho tôi biết là anh Khang “chưa có vợ”, công tác ở ngành công binh. Tôi vô cùng xúc động khi nhận ra anh trong quân phục màu xanh lá cây, trẩm ngâm nhìn tôi. Anh khẽ hỏi “Em khỏe không?” Chắc anh thấy tôi gầy, vì tôi mới ra tù được vài tháng. Không bao giờ tôi có thể quên những giây phút đó. Chúng tôi vội làm đám cưới vì đã có dự tính là sau hai tháng tôi phải trở lại Sài Gòn hoạt động. Ngày 1.12.1954, một lễ cưới đạm bạc với vài đĩa bánh kẹo, thuốc lá và chén chè... được tổ chức tại số 2 Đinh Lễ, lúc đó là cơ quan Bộ Lao động. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo làm chủ hôn. Đặc biệt cảm động là ba tôi đã chuẩn bị một bài phát biểu công phu, đầy tình cảm. Ba tôi kể câu chuyện của chúng tôi, xa cách nhau mà vẫn chờ đợi thủy chung. Ba tôi chúc chúng tôi yêu nhau đến “đầu bạc răng long”. Làm cha, làm mẹ thì lúc nào cũng thương con: lúc nhỏ nuôi dạy, lớn lên lo nên người, lo cho chúng được hạnh phúc. Ba tôi là vậy. Chính sự chăm lo và tình thương của ông đã làm cho tôi luôn muốn làm tốt việc mình đang làm, muốn ba tôi được vui và tự hào về con. Rất tiếc là khi tôi được nhận những nhiệm vụ quan trọng, hoàn thành tốt trọng trách được giao, thì ba tôi không còn... Tôi là người hạnh phúc. Tôi đã lấy được người mình yêu, và đó cũng là mối tình đầu. Vì công tác, anh Khang và tôi thường xa nhau. Nhưng tình nghĩa giữa chúng tôi đã giúp tôi đứng vững và hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1956, tôi sinh cháu Thắng, năm 1960, sinh cháu Mai. Chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt, tôi phải xa các con đi làm nhiệm vụ công tác đối ngoại ở xa. Có đồng chí hỏi tôi, để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề được Đảng, Nhà nước giao phó, tôi có khó khăn gì nhất? Khó khăn thì không ít, nhiệm vụ được giao luôn cao hơn sức mình. Có lẽ nhiều đồng chí cũng như tôi, trong lúc đất nước đang sôi sục chiến đấu với kẻ thù, không thể từ chối bất kỳ việc gì mà kháng chiến, đất nước đang cần. Nhưng có một khó khăn mà tôi không vượt qua được, mà đành phải hy sinh: đó là việc chăm sóc hai con. Từ hai tuổi chúng đã phải đi nhà trẻ, một tuần mới về nhà một lần, khi mẹ đi vắng có các cậu đưa đón, các cậu bận thì không được về. Khi các con tôi đã lớn hơn, tôi phải đi vắng hằng năm, phải gửi Thắng và Mai cho trường nội trú. Chiến tranh ác liệt, các cháu lại đi sơ tán với dì. Ba ở quân đội nên cũng không lo được cho các con. Đi công tác xa, nghe bom đạn rơi gần chỗ con ở, tôi lo lắng đến thắt lòng, thương các con vô cùng. Đất nước bị chia cắt trong hơn hai mươi năm, tôi cảm thông sâu sắc với các anh, các chị phải xa con đằng đẵng, khiến chúng thiếu tình thương và sự dạy dỗ cần thiết. Chiến tranh, biết bao nhiêu người phải hy sinh, còn có lựa chọn nào khác! Về gia đình, tôi phải nói trước hết về ba tôi. Mẹ tôi mất sớm khi ba tôi mới 42 tuổi. Thương con, lại trong cảnh kháng chiến, ba tôi không đi bước nữa. Bây giờ nghĩ lại, nếu sau ngày ra Bắc, ba tôi có người chăm sóc khi bệnh hoạn trong lúc tất cả chúng tôi đều ở xa, chắc ba tôi đỡ khổ hơn. Ba tôi là người cương trực. Nghe nói trong cải cách ruộng đất, ông dám đứng ra bảo vệ một số người bị quy chụp oan. Ông cũng là người khỏe mạnh, trước đây công tác ở ngành trắc địa, từng băng rừng lội suối như không, nhưng có lẽ do bị địch bắt và tra tấn nhiều lần, và sau này làm Trưởng ban Công binh Nam Bộ hoạt động trong rừng sâu, nước độc nên khi lớn tuổi thì đổ bệnh, ba tôi phải nằm bệnh viện hàng nửa năm... Năm 1969, ở Hội nghị Paris về nhận chỉ thị, tôi hết sức đau buồn khi biết tin ba đã nằm viện mấy tháng rổi, người gầy còm tiều tụy. Tôi ôm lấy ba, nước mắt giàn giụa: “Ba ốm sao không cho con hay?” Ba tôi xúc động trả lời: “Chuyện ba ốm là chuyện nhỏ, việc con làm hiện nay quan trọng hơn!” Thế đó, ba tôi rất thương các con, nhưng lúc nào cũng nghĩ đến việc chung. Ông tự hào là cả gia đình đều tham gia kháng chiến. Tôi nhớ trong những năm ác liệt, ba tôi luôn theo dõi sát tình hình chiến trường miền Nam. Nghe tin bà con bị thảm sát, ba tôi khóc; nghe tin quân ta thắng trận, ba tôi cũng chảy nước mắt. Lúc đó, bốn anh chị em chúng tôi ở miền Bắc, còn Hà, em trai kế tôi đang hoạt động ở miền Nam. Ba tôi cứ nhắc đến Hà luôn: không biết Hà nó sống thế nào? Năm 1968, nghe tin em tôi bị bắt, ông lại bị một cú sốc mạnh. Thật đau buồn là Hà không bao giờ được gặp lại ba vì ba tôi mất năm 1969 khi chiến tranh còn lâu mới kết thúc. Em tôi thì bị đày ra Côn Đảo, mải đến khi giải phóng miền Nam năm 1975 mới được trở về. Ngày 1.5, Côn Đảo được giải phóng, anh em tù được tàu trong đất liền ra đón. Chúng tôi gặp lại Hà sau 20 năm xa cách. Chúng tôi ôm nhau mừng khôn xiết, lại càng nhớ đến ba. Giá lúc này còn ba, chắc ông vui không sao kể được! Những năm chiến tranh, cũng như bao gia đình, chúng tôi mỗi người một nơi, chẳng mấy khi được gặp nhau. Em Hải, kế Hà, đi học ở Trung Quốc từ năm 1953, mãi đến 1958 mới về nước, rồi cùng Hổ đi học nghiên cứu sinh ở Liên Xô. Loan, em gái tôi đi học ở Trung Quốc từ năm 1961 đến 1966. Chỉ có Hào, em út, đi bộ đội, gầy gò mà vào cả Trường Sơn, tại ngũ sáu, bảy năm mới về. Năm 1969, khi ba mất, tôi, Hải, Hổ đều không có mặt để đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, chỉ anh Khang và hai con tôi có mặt. Tôi nghe kể lại cháu Thắng khóc thương ông nhiều nhất. Có lẽ nó được sống với ông nhiều và thấy được sự cực nhọc vất vả của ông - tuổi già ốm đau, phải chăm nom hai cháu... Đời tôi, do công tác nên thường xa gia đình, nhưng những người thân yêu của tôi như bao giờ cũng luôn ở cạnh, gắn bó và là động lực trong mọi công việc của tôi. Cũng có thể nói tôi có một cuộc đời rất lạ: không thể tách ảnh hưởng và tình thương của gia đình trên mỗi bước đường nhiều nỗi gian truân của mình. Đó là sức mạnh và cũng là hạnh phúc của đời tôi. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 03:40:44 pm Trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp Tháng 7.1945, cả gia đình tôi có mặt tại Sài Gòn. Những ai đã sống qua thời ấy đều biết, theo tiếng gọi của non sông, mọi người dân Việt Nam đều muốn có mặt. Ba tôi tham gia ngay Chi đội I miền Đông vì sẵn có bạn bè ở đó. Còn tôi, các chú gọi làm việc gì thì làm việc nấy. Một hôm có người nhắn tôi đến Nhà hát lớn Sài Gòn để gặp đồng chí Hà. Tôi tưởng sẽ gặp một nhà cách mạng đạo mạo, hóa ra là một người còn rất trẻ, nhiều lắm cũng chỉ khoảng 30 tuổi. Sau này được biết đồng chí là kỹ sư canh nông, tham gia phong trào Việt Minh từ sớm. Công việc đầu tiên đồng chí Hà giao cho tôi là tham gia đón tiếp đại diện của lực lượng đồng minh Anh-Ấn đến Sài Gòn để giải giáp quân Nhật, vì đồng chí nghe nói tôi biết tiếng Anh. Đại diện của lực lượng đồng minh tôi tiếp xúc chủ yếu là người Anh, còn quân Ấn và cả một số lính lê dương chỉ làm nhiệm vụ canh gác. Lần đầu tiên phải nói tiếng Anh với người Anh tôi hết sức lúng túng, nhưng ngại nhất là họ chỉ hỏi tôi về các nơi giải trí, nhảy đầm, những việc tôi hoàn toàn không biết, nên làm mấy ngày tôi xin thôi. Đồng chí Hà lại giao cho tôi một việc khác - sau này tôi hiểu đó là công tác tình báo - theo dõi một số nhân vật, xem họ làm gì, đi đâu. Đối với công việc này tôi cũng không quen nên chẳng theo dõi và điều tra được ai... Tháng 7, tháng 8.1945, Sài Gòn sống những ngày sôi nổi. Ngày đêm người xe đi lại rầm rập. Những toán thanh niên tiền phong tập đi một, hai, hát vang bài Lên đàng của Lưu Hữu Phước. Đúng là không khí của “tiền khởi nghĩa”. Tấp nập nhưng hết sức trật tự, mọi người dường như nghe, cảm được hơi thở nóng hổi của một sự kiện trọng đại sắp nổ ra. Sáng sớm ngày 2.9, hầu như tất cả nhân dân đều đổ ra đường. Tôi cùng hai em trai lớn cũng kéo về hướng quảng trường Nhà thờ Đức Bà, nơi chúng tôi được biết sẽ diễn ra sự kiện vô cùng quan trọng: đại diện của Chính quyền Cách mạng, Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ ra mắt đồng bào. Nhưng, cuộc tập hợp vừa xong thì từ dãy nhà của cha cố người Pháp có tiếng súng bắn vào đám đông. Cuộc tập hợp quần chúng trong hòa bình biến thành một cuộc nổi dậy của quần chúng. Không khí căng thẳng tràn ngập thành phố. Rõ ràng thực dân Pháp không cam chịu rút lui, chúng đang dùng mọi cách, kể cả chiến tranh, để chiếm lại Việt Nam. Đúng là quân Anh-Ấn của đồng minh đã giúp quân Pháp trở lại. Các cửa ngõ vào thành phố do quân Anh-Ấn canh gác không phải để giải giáp quân Nhật mà để ngăn chặn cuộc chiến đấu của chúng ta. Lập tức các lực lượng Việt Minh bắt đầu triển khai phương án tác chiến. Tôi được giao nhiệm vụ chuyển mấy cây súng ngắn ở nội thành ra ngoại thành. Chúng tôi đều hăng hái thực hiện mọi nhiệm vụ, bất chấp hiểm nguy. Lúc này mọi người, đặc biệt là thanh niên, chỉ nghĩ đến hai từ Độc lập và Tự do của đất nước. Hai tiếng Độc lập và Tự do sao mà thiêng liêng! Ngày 23.9, quân Pháp công khai gây hấn với Việt Minh. Súng đã nổ khắp nơi trong thành phố. Ba tôi đi liên lạc với anh em ở Chi đội 1, chỉ còn tôi và mấy em nhỏ ở nhà thờ Cụ Phan bên Đa Kao. Nghe tiếng nổ xung quanh, tôi và hai em trai lớn bàn nhau lấy cây súng ngắn của ba tôi còn cất ở nhà, bảo nhau nếu quân địch xông vào nhà thờ thì chị em phải bắn, nhất định không để chúng bắt. May mà chúng chỉ đi qua, chúng tôi không phải dùng súng. Thật ra chị em chúng tôi cũng chưa bao giờ cầm cây súng, càng không biết bắn. Kể cả sau này đi kháng chiến, tôi cũng chưa học được cách bắn súng! Mấy ngày sau, nhân dân thành phố lần lượt tản cư ra ngoại thành, tỏa về các tỉnh. Chúng tôi cũng tản cư về Lái Thiêu, nơi ông anh họ tôi có trang trại. Các em nhỏ tôi phải ở lại đấy, còn ba và ba chị em lớn chúng tôi bắt đầu tham gia kháng chiến, mỗi người một việc. Em thứ tư của tôi, là con trai, còn nhỏ nhưng rất gan dạ, được ba cử sang Campuchia chuyển một số thuốc nổ về cho công binh xưởng vừa hình thành để làm lựu đạn và mìn. Còn tôi và cậu em kế về Hồng Ngự, tỉnh Đổng Tháp, chuyển thực phẩm cho lực lượng vũ trang của ta ở miền Đông chuẩn bị chiến đấu. Các anh em họ tôi ở Sài Gòn, anh Hồng, anh Cống, anh Nông... cũng đều tham gia các tổ chức kháng chiến. Ba tôi rất hiền nhưng đôi khi cũng nổi nóng, những lúc đó chúng tôi đều rất sợ. Sau khi mẹ tôi mất, ba tôi quan tâm nhiều hơn đến sinh hoạt của tôi, khuyến khích tôi học, chăm lo cho các em, chơi thể thao, nhưng không cho phép tôi đi hoạt động buổi tối. Vậy mà khi tổ chức cử tôi từ Sài Gòn đi về Hồng Ngự để làm công tác tiếp tế cho bộ đội (em thứ ba của tôi đã đi trước), ba tôi dẫn tôi đến bến cảng Sài Gòn. Ở đó, tàu, ca nô tấp nập, đầy ắp người. Ba tôi đi tìm hiểu tình hình một lúc rồi bàn với tôi phải đi từng chặng một, xuống Mỹ Tho rồi tìm ca nô về Hồng Ngự sau. Cho tôi đi một mình, cả hành trình như vậy, chắc ba tôi lo lắm, nhưng lúc này, việc nước là trên hết. Tôi cũng rất lo, từ trước đến giờ đã có khi nào phải xông pha thế này đâu! Nhưng thấy ba băn khoăn, tôi nói cho ông yên tâm: “Không sao đâu ba, con đi được mà!” Tôi xuống tàu, trong tàu đã có độ 30 người ngồi sẵn. Hình như họ là dân lục tỉnh lên Sài Gòn giờ trở về quê. Không một ai quen, tôi ngồi co ro một chỗ, suốt đêm không dám ngủ. Sáng hôm sau đến Mỹ Tho, mọi người lên bờ. Tôi chưa hề đến Mỹ Tho nên chưa biết sẽ hỏi ai tàu về Hồng Ngự. Tôi đi rảo rảo ở đường, hỏi thăm cơ quan Việt Minh đóng ở đâu? Rất may gặp lại đồng chí Hà, và sau đó gặp một người bạn cũ thời ở Campuchia. Thế là tiếp tục chuyến đi về Hồng Ngự. Đến nơi mới biết anh họ tôi về đó làm ăn một thời gian, đã được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến quận Hồng Ngự. Tôi rất mừng đã đi đến nơi đến chốn an toàn, nhưng khi bàn tới nhiệm vụ được giao là chở ruốc thịt bò về tiếp tế cho miền Đông thì lại rất gay: ngay sau khi tôi rời Mỹ Tho, Pháp đã chiếm thị xã này, rồi chiếm tiếp Sa Đéc, Châu Đốc. Đường về Sài Gòn đã bị nghẽn. Tôi phải ở lại Hồng Ngự một thời gian, làm thư ký cho Ủy ban Kháng chiến địa phương nhờ đó được tham dự cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập tại Hồng Ngự. Đúng ngày 6.1.1946, mọi việc chuẩn bị đã sẵn sàng, chu đáo, nhân dân nô nức kéo ra trụ sở ủy ban để bắt đầu sự kiện lớn, thì nghe có tiếng máy bay từ xa đến. Có người chạy ra nhìn, hô to: Máy bay ta! Máy bay ta! Nhưng liền đó một loạt bom rơi xuống. Hóa ra là máy bay Pháp đi phá bầu cử. Hơn mười người chết và bị thương. Nhưng buổi chiều cuộc Tổng tuyển cử vẫn được tiến hành. Tôi phải ở lại Hồng Ngự đến tháng 5.1946. Pháp đã chiếm hầu hết các thành phố và thị xã lớn. Lực lượng kháng chiến rút về nông thôn, ở lại thành phố chỉ còn những cơ sở tiếp tục hoạt động bí mật. Ba tôi nhờ người đi đón hai chị em tôi từ Hồng Ngự về lại Sài Gòn. Cả gia đình lại tụ họp đông đủ ở nhà thờ Cụ Phan, nhưng chúng tôi không còn công khai được nữa. Nhiều gia đình bạn bè của ba tôi từ Campuchia về cũng cùng hoàn cảnh. Nhiều người không có nhà ở Sài Gòn đã đến ở cùng chúng tôi. Lúc này chúng tôi rất khó khăn về tài chính. Dành dụm được ít tiền, ba tôi đã bỏ ra hết để xây nhà ở Phnom Penh, khi về nước đành giao lại cho mấy người bà con trông nom giùm. Để nuôi sống mấy chục con người ở Đa Kao, chúng tôi phải làm đủ nghề, kể cả nghề đi súc chai ở các xí nghiệp. Thấy bên cạnh nhà thờ Cụ Phan có mấy căn phố, tôi mở tiệm bán gạo, nước mắm và đủ thứ linh tinh như trứng vịt, cà chua, hành tỏi. Một số ông tham tán, kỹ sư sẵn sàng cùng ba tôi đi “thồ” gạo, trứng vịt từ chợ Cầu Ông Lãnh về cho tôi bán. Sài Gòn lúc này âm ỉ một không khí ngột ngạt và chờ đợi, người ta vừa lo cuộc sống qua ngày, vừa phập phồng chờ một điều gì đó sẽ đến, chưa rõ rệt, có thể hiểm nguy nhưng lại nóng lòng mong đợi. Không ai nói ra thật rõ ràng, nhưng đó là tâm trạng chung, ở người công nhân lao động cũng như người trí thức. Tới giờ, các em tôi vẫn còn thích nhắc lại chuyện “chị Hai đi buôn cà chua ở chợ Tân Định”. Để bán được hàng nhiều thì phải ra ngồi ở chợ Tân Định, cách nhà hơn một cây số. Tôi vốn không quen gánh gồng nên đi vài chục thước đã phải đổi vai, đến nơi mướt mồ hôi. Ở chợ thường có một anh lính Tây lai đi thu thuế, có cảnh sát Tây đi kèm, hay kiểm tra giá cả. Một hôm chị bạn bán trứng vịt ngồi cạnh tôi đã phải giằng co với một cô đầm lai đến mua hàng. Giá “nhà nước” một trứng là 16 xu, nhưng chúng tôi mua tại gốc đã hơn 20 xu, nên bán lại ít nhất phải 25 xu. Viên cảnh sát quản lý thị trường đến can thiệp buộc chị bạn tôi phải bán mấy chục trứng theo giá “nhà nước”. Chị òa lên khóc. Tôi không cam lòng nên đã giở tiếng Pháp ra đối đáp với viên cảnh sát. Mọi người ngơ ngác. Tay cảnh sát và cô đầm lai cũng bất ngờ. Hai người nhìn nhau rồi bỏ đi. Chị em ở chợ cảm ơn tôi rối rít. Nhưng sau vụ đó các anh chị trong tổ chức không cho tôi ra bán hàng ở chợ Tân Định nữa. Cuối năm 1946, nhiều gia đình quê miền Bắc tìm cách trở về Hà Nội lúc đó còn chưa bị Pháp chiếm đóng. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau toàn quốc kháng chiến nổ ra. Lửa chiến tranh bùng cháy trên cả nước. Đầu năm 1947, để củng cố thế lực, quân Pháp ra sức khủng bố, đàn áp. Ở Sài Gòn, nhất là về đêm, luôn có những cuộc ruồng bố lùng bắt những người kháng chiến. Đền thờ Cụ Phan Châu Trinh ở số 13 Gallimard bị chúng lùng sục đến mười ba lần. Mấy lần ba tôi bị chúng bắt đi, tra tấn. Chị em chúng tôi ở nhà thương và lo cho ba, càng nung nấu căm thù địch. Cuối năm 1947, theo lệnh trên, ba tôi không còn ở thành phố được nữa, phải ra bưng biền 1. Tôi phải ở lại vừa đi làm gia sư kiếm tiền nuôi các em vừa hoạt động. Một thời gian sau, tổ chức thấy tôi ở mãi đền thờ Cụ Phan sẽ bị lộ, cần phải thoát ly đi nơi khác. Tôi đành bàn với ông anh họ là một doanh nhân yêu nước dọn đến đây ở để tôi gửi các em sống cùng. Thương các em quá, mà chẳng còn cách nào khác, chỉ có thể thỉnh thoảng ghé qua thăm. Có lần tôi về, thấy đứa em út sốt cao, nằm co ro dưới bàn thờ ông ngoại, thật hết sức đau lòng. Đã có lúc tôi nghĩ hay là mình đừng thoát ly nữa để các em có người chăm sóc, dạy dỗ, nhưng rổi lại phải cố nén tình cảm mà vượt qua để tiếp tục hoạt động. Tôi hoạt động bí mật ở Sài Gòn dưới cái vỏ ngoài là một cô giáo dạy tư. Tôi đã dạy Toán cho nhiều nhóm học sinh luyện thi, và có một thời gian dạy ở Trường Colette, là một trường Tây, dạy bằng tiếng Pháp. Hiệu trưởng là chị Nở, bạn tôi; học sinh phần lớn là con các quan chức của chính quyền Sài Gòn và con các gia đình khá giả. Cuối năm 1946, tôi được giao nhiệm vụ tổ chức Hội Phụ nữ Cứu quốc, bắt đầu là ở hộ 5, nơi gia đình tôi sống, rổi từng bước được cử lên Hội Phụ nữ Cứu quốc thành phố. Bạn cùng lớp hoạt động lúc bấy giờ có chị Nga, chị Hữu Bích, các chị Đạt, Hạnh, Tư Kiều, nhưng thân thiết nhất với tôi là Duy Liên 2. Duy Liên cùng tuổi với tôi, nhanh nhẹn, sắc sảo, đặc biệt có khuôn mặt rất trẻ. Khi hai chúng tôi bị bắt Liên khai sụt sáu tuổi, “là vị thành niên”, địch cũng tin. Hai chị lớn hơn là chị Bảy Huệ 3, sau này là vợ đồng chí Nguyễn Văn Linh 4, người thủ trưởng kháng chiến đầu tiên của tôi, và chị Chín Châu. Tôi rất quý chị Bảy Huệ, người chị rất hiền hậu, đã chăm nom, dặn dò, bày vẽ cho tôi nhiều điều trong quan hệ với quần chúng. Chị thường bảo các chị em khác: “Yến - bí danh các chị đặt cho tôi lúc đó - là học sinh mới rời nhà trường, chưa biết gì lắm, cần giúp đỡ nó.” Thực tế là tôi đã tham gia tổ chức với tất cả lòng hăng hái của tuổi trẻ, mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc đấu tranh chung, nhưng còn chưa hiểu biết gì về chính trị. Để tôi quen với công tác quần chúng, các chị điều tôi đến sống với một gia đình nông dân ở Tân Phú Đông, ngoại ô Sài Gòn. Ở đó hằng ngày tôi phải quét một vườn cây ăn quả rất rộng, nấu cơm nấu nước... Bà cụ chủ nhà chê tôi không biết nấu ăn, dọn dẹp chưa gọn gàng. Tôi nghĩ đi làm “cách mạng” chẳng dễ chút nào! Nhưng rồi mấy tháng sau, cả gia đình đều thương tôi và bà cụ không còn chê tôi nữa. ----------------------------------------------------------------- 1. Bưng biền: vùng căn cứ kháng chiến ở Nam Bộ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. 2. Đỗ Thị Duy Liên sinh năm 1927, hoạt động cách mạng từ thời kỳ chống Pháp, bà cũng tham gia vào đoàn ngoại giao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trong Hội nghị Paris; nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh. 3. Ngô Thị Huệ sinh năm 1918, hoạt động cách mạng từ trước 8.1945, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. 3. Nguyễn Văn Linh (1915-1998): nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1986-1991). Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 03:50:01 pm Tôi được giới thiệu đến đồng chí Hoàng Quốc Tân 1 của chi bộ marxist Sài Gòn. Ở đấy, tôi thấy có vài người Pháp cộng sản thường lui tới. Tôi mượn sách về chủ nghĩa Marx-Lenin, đọc duy vật biện chứng, nhưng cũng chỉ hiểu lõm bõm. Nhờ các cuộc họp với các anh chị ở chiến khu về, hoặc lâu lâu ra bưng biền dự hội nghị, dân dần tôi thu lượm được một số kiến thức về cách mạng, và luôn có ý thức truyền lại cho anh chị em cùng đơn vị. Trong những cuộc nói chuyện với các học sinh do tôi phụ trách, tôi đem những điều mới mẻ đó giảng dạy lại, được mọi người rất hoan nghênh. Tôi cũng cố gắng vận động những người quen biết. Bấy giờ có chị Bùi Thị Cẩm 2, là luật sư, vợ một trí thức nổi tiếng, tôi gọi là chị nhưng chị lớn tuổi hơn tôi nhiều. Chị hỏi tôi nên làm gì cho kháng chiến. Tôi nói: “Anh chị xem điều gì có lợi cho kháng chiến thì nên làm, điều gì có hại thì không nên...” Chỉ đơn giản vậy mà chị cảm ơn tôi rối rít: “Em nói rất phải!” Mới hay lòng yêu nước tiềm ẩn trong mọi người và trong cuộc sống có những hoàn cảnh mà những điều giản dị như vậy lại có thể là những chân lý lớn lao, làm thay đổi cả cuộc đời con người. Về sau chị Cẩm đã tham gia và giữ địa vị quan trọng trong kháng chiến.
Ngoài công việc tuyên truyền vận động quần chúng, tôi còn tham gia cùng các bạn rải truyền đơn, vận động bãi công, bãi thị chống các âm mưu, tội ác của địch. Năm 1948, đồng chí Hồ Bắc ở cấp ủy quận xuống gặp tôi, nói các đồng chí ở quận đánh giá tôi hoạt động rất tích cực, định kết nạp tôi vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí giảng giải cho tôi về Đảng, về Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng. Tôi nghe thấy rất hay, nhưng xin để được suy nghĩ. Theo tôi, làm đảng viên là phải hết sức gương mẫu, sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng, cần lượng đúng sức mình. Một thời gian sau tôi đồng ý. Hai người giới thiệu tôi vào Đảng là đồng chí Hồ Bắc và đồng chí Hồ Thị Chí 3, vợ đồng chí Hà Huy Giáp 4. ------------------------------------------------------------------ 1. Hoàng Quốc Tân (cháu nội Hoàng Cao Khải): luật sư, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, hoạt động trong giới công nhân Pháp trong Chiến tranh Thế giới II; về nước theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 6.1946, ông là thành viên Xứ ủy Nam Kỳ phụ trách trí vận. 2. Bùi Thị Cẩm: người phụ nữ Việt Nam đầu tiên làm luật sư tại Pháp, vợ ông Phạm Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ. 3. Hồ Thị Chí, sinh năm 1925, nguyên Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa VI. 4. Hà Huy Giáp (1908-1995), là nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, nguyên Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa II (dự khuyết), khóa III. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 03:59:03 pm Năm 1946, Hội nghị Fontainbleau thất bại, sự cố gắng kiên trì của chúng ta để tránh chiến tranh đã không thành. Lời Bác Hổ nói với toàn dân trong thời điểm trọng đại ấy thể hiện sâu sắc nguyện vọng thống thiết và ý chí của toàn dân tộc: “Chúng ta đã nhân nhượng, nhưng ta càng nhân nhượng kẻ thù càng lấn tới. Nhân dân ta không còn cách nào khác là phải chiến đấu để giành độc lập cho dân tộc mình.” Cả nước lắng nghe Người, và đồng loạt đứng dậy vì cuộc chiến đấu mất còn. Ở Sài Gòn, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và Ủy ban Nhân dân ngày càng sôi động. Tôi không chỉ làm công tác phụ nữ mà còn được giao phụ trách bồi dưỡng chính trị cho một số học sinh nòng cốt. Trong số này có Bình Thanh, học sinh Trường Marie Curie, học giỏi và rất tích cực. Chị em chúng tôi gắn bó với nhau lầu dài; sau này Bình Thanh là thư ký của tôi lúc tôi làm công tác ngoại giao. Ngoài công tác trong giới tiểu thương, lao động, tôi và Duy Liên còn được giao vận động phụ nữ trí thức tư sản. Đối với tôi đây là việc khó, các chị vốn quen nếp sống tự do, thoải mái, không thể gò vào khuôn khổ hoạt động chặt chẽ. Nhiều bữa đang họp, nghe tiếng còi xe, các chị liền đứng lên xin phép ra về để đi ăn cơm với chồng ở Chợ Lớn... Tuy nhiên các chị đều giàu lòng yêu nước, chỉ sau một thời gian vận động các chị đều đồng ý tham gia tổ chức Phụ nữ Cấp tiến. Tôi nhớ mãi chị Hạnh - bác sĩ, và chị Quỳnh Hoa 1 về sau là Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam. Khi bỏ Sài Gòn ra chiến khu, chị Quỳnh Hoa đã bị chính quyền Sài Gòn kết án tử hình vắng mặt và tịch thu gia sản.
Năm 1949, tôi và Duy Liên được giới thiệu sinh hoạt cùng chi bộ với luật sư Nguyễn Hữu Thọ 2. Là những học sinh mới rời khỏi nhà trường, nay đến văn phòng của một luật sư danh tiếng, một trí thức lớn của Việt Nam thế kỷ XX, chúng tôi rất bỡ ngỡ, hồi hộp. Văn phòng rất sang trọng, còn luật sư là một người cao đẹp. Ông tươi cười đón tiếp chúng tôi. Và từ đó, số phận của tôi, cuộc đời tôi trong nhiều giai đoạn hoạt động gắn bó với người trí thức lớn, người đồng chí ưu tú này. Chi bộ chúng tôi còn có chị Tám Lựu là bí thư, từng trải, đã tham gia Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1941. Bí thư thành ủy lúc này là đồng chí Nguyễn Văn Linh. Cạnh luật sư Nguyễn Hữu Thọ, tôi không thể không nói đến bác sĩ Phạm Ngọc Thạch 3, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát 4 và nhiều trí thức miền Nam tôi từng được biết trong các thời kỳ công tác. Phần lớn họ là những người có địa vị cao, cuộc sống giàu sang, nhưng vì sự nghiệp lớn của dân tộc, vì cách mạng, họ đã gạt bỏ tất cả, dấn thân hết mình vào cuộc chiến đấu chung, đóng góp tinh hoa và trí tuệ cho đất nước. Theo tôi, đặc điểm lớn của trí thức Việt Nam bấy giờ là rất giàu lòng yêu nước. Họ là tinh hoa của dân tộc, tôi thật sự kính trọng và quý mến. ------------------------------------------------------------------- 1. Dương Quỳnh Hoa (1930-2006): nguyên là bác sĩ nhi khoa, được đào tạo và hành nghề Y tại Pháp; về Việt Nam năm 1954, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tới năm 1975. Bà mất do ảnh hưởng của chất độc màu da cam. 2. Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996): Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch nước Việt Nam thống nhất, nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. 3. Phạm Ngọc Thạch (1909-1968): bác sĩ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến Sài Gòn-Chợ Lớn, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 4. Huỳnh Tấn Phát (1913-1989): kiến trúc sư, là Chủ tịch chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976), nguyên Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Hội đổng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 04:02:31 pm Để phong trào mở rộng và có tác dụng lớn, hoạt động bí mật không còn đủ nữa; cần phải đưa quần chúng ra đấu tranh công khai dưới nhiều hình thức hợp pháp và bất hợp pháp. Nhiều tổ chức ra đời: Hội Phụ nữ Cấp tiến, Hội Cứu trợ Nạn nhân Hỏa hoạn Tân Kiểng, các tổ chức công nhân, sinh viên, học sinh... Mỗi tầng lớp đều có tổ chức công khai, hợp pháp của mình. Đại diện chung cho các giới là Phái đoàn các giới do luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu.
Cuối năm 1949, một số học sinh Trường Pétrus Ký 1 bị bắt. Một cuộc đấu tranh của học sinh trong trường bùng nổ, đòi phải thả những người đã bị bắt ra. Địch ngoan cố mở rộng bắt bớ khủng bố, càng thúc đẩy toàn thể học sinh thành phố đứng dậy đấu tranh. Ngày 9.1.1950, hàng ngàn học sinh kéo đến trước Dinh Thủ hiến Trần Văn Hữu 2 tại vườn hoa đường Lagrandière 3, giương cao các băng khẩu hiệu “Phải thả ngay các học sinh Pétrus Ký bị bắt!” Lực lượng kéo đến hỗ trợ ngày càng đông. Học sinh cử đoàn đại biểu đòi gặp Thủ hiến Trần Văn Hữu. Ông ta cho đóng chặt cổng, không tiếp. Đến trưa, địch đưa mấy chục xe và hàng trăm lính đến đàn áp. Học sinh chống cự nhưng không nổi. Anh Trần Văn Ơn 4, một học sinh lãnh đạo phong trào, đứng lại chặn đường cho các bạn chạy. Anh bị cảnh sát đánh matraque (dùi cui) liên tục, và khi anh leo qua rào thì trúng đạn của bọn chúng, ngã gục. Tin cuộc biểu tình và tin anh Trần Văn Ơn hy sinh nhanh chóng loan khắp thành phố như lửa cháy, gây phẫn nộ bừng bừng, là giọt nước tràn ly. Ngày 12.1, đám tang anh Trẩn Văn Ơn nhanh chóng biến thành cuộc biểu dương lực lượng lớn của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn, cả bà con từ Mỹ Tho, Bạc Liêu, Cần Thơ cũng kéo lên tham gia. Phái đoàn các giới do luật sư Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu gửi nhiều kiến nghị lên chính quyền Trần Văn Hữu đòi chấm dứt khủng bố, thả hết học sinh và những người liên quan bị bắt. Các đoàn thể công khai và bí mật liên tiếp họp bàn đối phó với địch. Đây cũng là lúc trên chiến trường cả nước đang có những chuyển biến quan trọng. Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 đã giải phóng ba tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn trên biên giới phía Bắc. Tình hình chung càng cổ vũ phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn-Chợ Lớn. Chúng tôi được tin ngày 19.3.1950 hai chiếc tàu của Mỹ là soái hạm Stickvvell và khu trục hạm Anderson sẽ cập bến Sài Gòn. Đây là bằng chứng công khai về sự can thiệp của Mỹ, hỗ trợ cho thực dân Pháp đang gặp khó khăn về mọi mặt. Thành uỷ Sài Gòn thành lập ban chỉ đạo cuộc đấu tranh rộng lớn chống sự xâm lược trở lại của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, đổng thời chống đàn áp và khủng bố ngày càng tăng của địch ở các đô thị. Tôi được cử làm đại diện phụ nữ trong ban chỉ đạo chung. Chúng tôi vận động chuẩn bị cuộc bãi công bãi thị và biểu tình lớn sẽ được tổ chức đúng ngày 19.3. ------------------------------------------------------------------ 1. Trường Pétrus Ký, lấy theo tên Pétrus Trương Vĩnh Ký (1857-1889), được thành lập năm 1928 tại Sài Gòn. 2. Trần Văn Hữu (1895-1985): Thủ tướng chính phủ Quốc gia Việt Nam từ tháng 5.1950 đến tháng 6.1952. 3. Dinh Thủ hiến nằm trên đường Lagrandière hay đường Gia Long nay là Bảo tàng Tp. Hồ Chí Minh, đường Lý Tự Trọng. 4. Trần Văn Ơn sinh năm 1931, là một học sinh Trường Pétrus Ký. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 04:09:23 pm 8 giờ sáng hôm ấy nhân dân đã tập trung rất đông tại Trường Tôn Thọ Tường 1. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng một số đồng chí trong phái đoàn các giới vừa đến thì từ tầng cao của trường, các bộ phận được phân công tung truyền đơn xuống như mưa, hoan nghênh phái đoàn và đòi địch chấm dứt khủng bố. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ chưa kịp phát biểu thì mấy xe cảnh sát ập tới. Mọi người vừa chống lại cảnh sát vừa kéo ra đường tuần hành, hướng về chợ Sài Gòn, đi đầu là luật sư Nguyễn Hữu Thọ và nhiều trí thức Sài Gòn nổi tiếng, có cả một người phụ nữ Pháp là vợ đồng chí Phạm Huy Thông 2. Các đồng chí lãnh đạo công đoàn giương cao những lá cờ đỏ đã chuẩn bị từ trước. Đi đến đâu nhân dân hai bên đường lại đổ ra nhập thêm, chẳng mấy chốc đã biến thành một đoàn biểu tình khổng lổ, giương cao những lá cờ đỏ sao vàng cuồn cuộn tràn tới như nước lũ. Lá cờ xuất hiện hiên ngang giữa Sài Gòn bị chiếm gây xúc động sâu sắc, nhiều người không cầm được nước mắt.
Theo kế hoạch của ban chỉ đạo, nhiều cánh biểu tình từ nhiều phía dồn về Nhà hát lớn, rồi đổ ra bến cảng, nơi hai chiếc tàu Mỹ sẽ đến đậu. Thực tế là hai chiếc tàu này đã đến từ trước nhưng không dám vào sâu, chỉ đỗ xa bến cảng. Cánh biểu tình từ Trường Tôn Thọ Tường là cánh chính, và tôi đi cùng cánh này. Chúng tôi được chỉ thị những người trong ban chỉ đạo chỉ theo dõi, không được lộ diện chỉ huy. Nhưng hăng say giữa khí thế hừng hực của nhân dân, cả tôi và Năm Sứ, Duy Liên đều khó mà giữ nghiêm được kỷ luật. Lúc này, trước Nhà hát lớn, phía đường Lê Lợi, trên lầu hai của trụ sở phái đoàn Mỹ có treo một lá cờ Mỹ to tướng. Tôi vừa đến nơi thì thấy mấy anh thanh niên công kênh nhau lên để giật cờ Mỹ xuống. Nhìn quanh, biết có nhiều tay mật thám, tôi liền hô to: “Hãy bảo vệ anh em ta!” Lá cờ Mỹ vừa giật xuống đã bị xé tan tành. Anh thanh niên vừa nhảy xuống đất thì bị một tay mật thám chạy đến túm lấy. Không kịp suy nghĩ nhiều nhưng biết nếu chần chừ anh thanh niên sẽ bị chúng bắt. Tôi liền nhảy vào bấu xé giằng tay tên mật thám và đẩy anh thanh niên ra một bên. Bị bất ngờ, tên mật thám lỏng tay, anh thanh niên liền vùng chạy, len vào giữa đám quần chúng cũng cùng lúc xông tới. Còn tôi, nhìn lại thấy mình đang ở thế nguy hiểm giữa bầy lang sói, cũng vội lẫn vào đám đông chạy về phía tòa thị chính. Ở đây người biểu tình tập trung đông nhất, và đã xảy ra xung đột với cảnh sát. Tôi không nhớ tay chỉ huy người Pháp có bị thương không, nhưng chiếc xe của y đã bị quần chúng lật ngửa và đốt cháy, khói bốc lên đen kịt. Chúng tôi tiến ra bờ sông, vừa hô to: “Đả đảo thực dân Pháp xâm lược và bọn can thiệp Mỹ!”... Mục đích của cuộc biểu tình là thị uy và thể hiện tinh thần chống đế quốc Mỹ tiếp tay cho thực dân Pháp. Trước khí thế của quần chúng, hai chiếc tàu Mỹ phải vội nhổ neo dời ra xa. Có người ước lượng đã có đến nửa triệu người biểu tình trong khi dân số Sài Gòn lúc bấy giờ là khoảng một triệu. Tôi thì có cảm giác cả thành phố đã xuống đường. Bộ máy chính quyền của địch choáng váng, tê liệt trong nhiều giờ. Chúng tôi bảo nhau: “Giá chúng ta có vũ khí, có khi cướp được chính quyền cũng nên!” Còn bao nhiêu chuyện đáng kể về ngày 19.3 không thể quên ấy. Khi đoàn biểu tình từ Trường Tôn Thọ Tường kéo ra chợ Bến Thành thì gặp chuyến xe lửa Sài Gòn đi Mỹ Tho. Anh em công nhân đường sắt liền cho tàu dừng lại và nhảy xuống nhập vào cuộc tuần hành chung. Ở một cánh khác, bọn cảnh sát ném lựu đạn cay, nhiều người ngất xỉu, bà con hai bên đường mang nhiều xô nước, cả nước đá, xông ra cứu. Những người lãnh đạo biểu tình bị cảnh sát rượt bắt thì được quần chúng tìm cách bảo vệ, giải thoát... Sau khi hoàn hồn, địch bắt đẩu mở những cuộc truy quét. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị chúng “hỏi tội” trước tiên. Nhưng chúng không dễ gì uy hiếp được ông và phái đoàn các giới do ông lãnh đạo. Ông vạch trần tội ác của địch, nêu rõ sự phẫn nộ của nhân dân là chính đáng, chính sự đàn áp khủng bố của chúng đã buộc nhân dân phải nổi dậy chống lại. Mãi mấy tháng sau chúng mới quyết định đưa ông đi an trí tận Lai Châu, ngoài Bắc. Ở Sài Gòn vẫn liên tiếp nổ ra các cuộc biểu tình khác. Khoảng tháng 4.1950, địch âm mưu đốt xóm nhà lá ở Tân Kiểng, vùng Bàn Cờ, vốn là khu nhân dân lao động, căn cứ lõm của ta trong nội thành, để dồn dân đi nơi khác. Hàng trăm gia đình mất sạch nhà cửa, tài sản, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Phái đoàn các giới cực lực lên án âm mưu địch, đòi chúng phải cứu trợ bà con. Các đoàn thể công khai hợp pháp tổ chức quyên góp giúp đỡ nạn nhân, và đây cũng là dịp tiếp tục phát động đưa quần chúng ra đấu tranh. Ngày 12.5.1950, chị Trần Bội Cơ 3, nữ sinh Hoa kiểu, bị địch bắt và sát hại. Tôi cùng với đồng chí Liên, phụ trách Hoa vận, được giao nhiệm vụ tổ chức mít tinh tại Chợ Lớn vạch tội ác địch và kêu gọi bà con Hoa kiều sát cánh cùng người Việt đấu tranh để bảo vệ con em mình. Lần này tôi lại phạm khuyết điểm không chấp hành nghiêm kỷ luật là không được lộ mặt và mất cảnh giác. Giữa một đường phố đông đúc của Chợ Lớn, anh em đã đặt sẵn một cái bàn. Đúng giờ đã định, một thanh niên người Hoa nhảy lên phát biểu ý kiến. Tôi quan sát thấy không có ai bảo vệ anh ấy cả, liền xông ra kéo một số người đứng bao quanh anh. Anh ấy diễn thuyết được khoảng năm phút thì cảnh sát ập đến. Một vài người bị bắt tại chỗ, nhưng chúng tôi cũng đã gây được tiếng vang cẩn thiết. Cuộc đấu tranh bên ngoài đã vang đến tận trong nhà tù của địch. Tháng 7.1950, anh em tù nhân Khám lớn Sài Gòn phát động tuyệt thực phản đối chế độ nhà tù hà khắc và ủng hộ các yêu sách của đồng bào bên ngoài. Tôi cũng được lệnh tổ chức một cuộc biểu tình của các gia đình có người ở tù trước Khám lớn Sài Gòn gồm chủ yếu là các chị em có chồng con bị tù. Năm 1950 là một năm đặc biệt sôi nổi của phong trào nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn. Tôi không còn nhớ được hết các cuộc biểu tình chúng tôi đã tham gia tổ chức, nhưng do những hoạt động đó chúng tôi thường được anh em gọi là các “chuyên gia biểu tình”! Và cứ như thế, chúng tôi hăng hái lao vào cuộc đấu tranh. Lúc này, chúng tôi cũng đã được nghe nói đến cuộc chuẩn bị tổng phản công trên toàn quốc, thúc giục chúng tôi càng hoạt động hăng hái hơn. Tôi được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố và Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ Cứu quốc, trách nhiệm càng nặng nề, trong lúc việc gia đình cũng phải lo toan nhiều hơn. Hai em tôi đã đi thoát ly, nhưng còn ba em nhỏ ở nhà cùng với gia đình anh chị họ. Tôi phải thường xuyên lui tới thăm nom các em. ----------------------------------------------------------------- 1. Trường Tôn Thọ Tường nay là Trường THPT Ernst Thalmann, nằm trên dường Trần Hưng Đạo, Tp. Hồ Chí Minh. 2. Phạm Huy Thông (1916-1988) là nhà thơ của phong trào Thơ mới, giáo sư của Hội đồng Giáo dục bậc cao Pháp, và nhà khoa học xã hội, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội. 3. Trần Bội Cơ sinh năm 1932, mất trong phong trào học sinh-sinh viên Sài Gòn do bị địch bắt và tra tấn dã man năm 1950 khi vừa tròn 18 tuổi. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 04:16:10 pm Địch tăng cường khủng bố, chúng tôi được lệnh phải giấu mình để bảo toàn lực lượng. Đây cũng là thời gian những người hoạt động nội thành bị bắt nhiều hơn hết. Tôi được lệnh ra chiến khu nơi các đồng chí chủ chốt của Ủy ban Kháng chiến Hành chính như bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm việc tránh mặt một thời gian. Trước đó tôi cũng đã có lần ra chiến khu, công tác ở báo Chống xâm lăng, nhưng tôi không có khả năng làm báo. Về sau tôi cũng còn nhiều lần ra chiến khu, ở Khu 8, họp Hội Phụ nữ Nam Bộ, được quen biết nhiều chị như chị Mười Thập 1 (sau này tôi đã có thời gian làm thư ký cho chị), chị Tư Định, chị Lê Thị Riêng 2, chị Tám Thanh, chị Mười Huệ... Mỗi chị đều để lại trong tôi những ẫn tượng riêng, giúp tôi nhiều hiểu biết mới, ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn. Các chị nay đều không còn, nhưng trong tôi hình ảnh thân thiết của các chị không bao giờ phai.
Ra chiến khu, tôi có dịp về thăm ba tôi ở Đồng Tháp Mười, lúc ấy Cụ đang làm Trưởng ban Công binh Nam Bộ. Tôi cũng được gọi đến Văn phòng Xứ ủy, lần đầu tiên được gặp các đồng chí lãnh đạo cao cấp từ Trung ương vào: các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng... Tôi cứ nghĩ chắc các đồng chí là những con người khô khan, nghiêm nghị, nhưng tôi đã gặp những con người rất giản dị, thân mật, ân cần. Tôi rất vui và báo cáo một mạch những việc đã làm ở thành phố. Có đồng chí hỏi: “Hoạt động ở thành phố cái gì hay nhất?” Không cần suy nghĩ, tôi trả lời: “Dạ, biểu tình.” Mọi người cười. Tôi được các đồng chí dặn dò nhiều điều, nhưng cảm giác sâu sắc nhất là càng đinh ninh, vững tin ở con đường mình đi. Đầu năm 1951, cần đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở thành phố hơn, linh hoạt hơn trong hoạt động và tránh sự theo dõi của địch nên tôi không làm công tác phụ nữ mà chuyển sang phụ trách một tổ tình báo gồm có Đạt, anh Định và tôi, đồng thời làm thư ký cho Ban Cán sự Đảng nội thành do đồng chí Nguyễn Kiệm 3 phụ trách. Tình hình rất căng thẳng, nhiều đồng chí tiếp tục bị bắt như Nguyễn Kiệm, Đoàn Văn Bơ 4... Hoạt động được ba tháng thì đến tháng 4.1951, tôi cùng anh Nguyễn Thọ Chân 5, Đạt và Duy Liên bị bọn mật thám bót Catinat bắt. Tôi đoán nguyên nhân là do Đạt làm việc ở tòa Thị chính đã lấy nhiều tài liệu về nhân sự của địch, bị chúng nghi ngờ, theo dõi và bắt trên đường về nhà. Để có một bề ngoài hợp pháp, chúng tôi đã ở chung với Đạt nên bị chúng bắt luôn. Chúng tôi bị tra tấn nhiều vì được coi là những cán bộ quan trọng của Thành ủy. Do có bọn chỉ điểm, chúng biết đồng chí Nguyễn Thọ Chân là người ở Trung ương mới về nên tra tấn đặc biệt ác liệt. Còn tôi cũng bị đánh ác liệt không kém, do trước đó có người bị bắt đã khai. Lần đầu tiên bị tra đánh quá dã man, hết trấn nước lại quay điện..., tôi chỉ muốn chết cho xong. Điều tôi lo nhất là phải khai báo, chỉ điểm bắt người khác. Tôi quyết định điều gì địch nói về tôi, tôi nhận, nhưng một mực không khai gì khác, nên sau một thời gian chúng cũng không làm được gì. Tuy vậy, những tài liệu chúng bắt được chứng tỏ tôi làm điệp báo nên cuối cùng trong hồ sơ chúng kết tội tôi là điệp báo, và dự kiến sẽ xử nặng. Ở bót Catinat, sào huyệt chính của bọn mật thám Đông Dương, tôi đã tận mắt chứng kiến sự tàn bạo dã man của bọn tay sai thực dân. Chúng đánh đập tra khảo không thương tiếc bất kể nam nữ già trẻ. Đối với phụ nữ chúng giở nhiều trò đồi bại để làm nhục chị em. Tôi thật không tưởng tượng nổi con người lại có thể bạo tàn với đồng loại như thế. Sau này, gặp một số bạn của tôi đã bị bắt dưới thời Mỹ ngụy, các chị cho biết bọn này lại còn dã man gấp bội. Ai chưa từng qua nhà tù đế quốc khó mà hình dung nổi những chịu đựng của chúng tôi. Nhưng cũng chính ở đầy tôi được chứng kiến những tấm gương anh hùng của người chiến sĩ cách mạng thà chết không đầu hàng. Khi bị đưa vào phòng điều tra, tôi nhìn thấy mấy tên mật thám đang dùng dùi cui, roi sắt vụt vào một thanh niên bị treo ngược trên trần nhà, khắp người đầm đìa máu me. Anh vẫn một mực không khai. Qua câu chuyện tôi biết anh là biệt động thành. Người chiến sĩ kiên cường mà tôi không được biết tên ấy đã bị chúng đánh đến chết. Tôi còn biết nhiều đồng chí khác cùng hoạt động, anh Ba học sinh, đồng chí Nguyễn Kiệm Bí thư Ban Cán sự nội thành, và nhiều đồng chí nữa đều đã hy sinh anh dũng như vậy. Và còn biết bao chiến sĩ anh hùng vô danh... Bót Catinat do cò Bazin chỉ huy, một tên mật thám đầu sỏ khét tiếng. Từ lâu bót này đã nổi tiếng là nơi tàn ác nhất. Bót nằm ngay ở đầu đường Catinat, con đường sang trọng nhất Sài Gòn, có nhiều cửa hàng cao cấp, những khách sạn lớn nhất. Ngay trước mặt là Nhà thờ Đức Bà, lớn và đẹp nhất của thành phố. Không hiểu thực dân Pháp, chính xác hơn là mật thám Pháp, nghĩ gì khi đặt bót Catinat ở đây? Trong đêm khuya, từ những phòng biệt giam, phòng tra tấn, sau những trận đòn dã man khủng khiếp của kẻ thù, lại nghe văng vẳng bên tai tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà, như muốn làm dịu bớt nỗi đau của chúng tôi! Thật mỉa mai thay! Tôi ở tù gần ba năm. Trong thời gian đó kháng chiến đã có những chuyển biến lớn. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ nơi an trí đã trở về. Chính đồng chí lại là luật sư lo “cãi” cho vụ chúng tôi. Vài tuần đồng chí lại vào khám Chí Hòa thăm “thân chủ”, cho chúng tôi biết tình hình quân sự chính trị bên ngoài, đem cho chúng tôi bánh kẹo bồi dưỡng. Cuộc chiến ở Điện Biên Phủ đẩy quần địch vào thế lúng túng, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi. Sau ba năm ở tù, tôi bị địch kết án bốn năm án treo! Theo một vài người, sở dĩ tôi bị kết án nhẹ là nhờ có sự can thiệp của những người quen biết với ông ngoại tôi trong Hội liên minh nhân quyền trước đây, khi Cụ hoạt động ở Pháp. Gẩn đây tôi mới có điều kiện xác minh việc này. Nhưng điều chắc chắn là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã hết sức tích cực bảo vệ tôi và các đồng chí khác trước tòa án của Pháp. Duy Liên, người bạn thân của tôi cũng vất vả vận động khắp nơi để tôi sớm được ra tù. Tôi nghe những đồng chí đi trước bảo nhà tù là trường học đối với người cách mạng. Tôi nghiệm quả đúng với mình. Những chính trị phạm trong tù không hề để phí thời gian. Chúng tôi tổ chức học tập văn hóa, chính trị. Nhiều chị em không biết chữ, sau một thời gian đã biết đọc, biết viết. Nhưng chủ yếu và quan trọng nhất là trưởng thành qua đấu tranh với địch và học tập kinh nghiệm sống và chiến đấu của các đồng chí đi trước. Chúng tôi tổ chức những buổi phát thanh hằng ngày đều đặn của “Đài phát thanh khám Chí Hòa”, đưa tin nội bộ nhà tù và tin ngoài xã hội, tin chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta trên cả nước. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù và hưởng ứng phong trào bên ngoài. Có lần chúng tôi đã tuyệt thực sáu ngày liền... Trong những người cùng bị giam với chúng tôi có nhiều người vốn thuộc giới anh chị lưu manh, sau một thời gian tiếp xúc với chúng tôi nhiều người đã tỉnh ngộ và trở thành người tốt, một số về sau đã tích cực tham gia kháng chiến. Thời gian ở tù có hai việc tôi không thể quên. Cậu em thứ tư của tôi, học trường Nguyễn Văn Tố, khu 9, sau năm 1952 được chọn gửi ra Bắc đi học nước ngoài. Thật không ngờ cậu ấy đã dám tráo ảnh trong thẻ đi thăm nuôi thường dùng hằng tuần, để vào thăm tôi một lần trước khi đi xa. Gia đình tôi là vậy, gia đình với Tổ quốc và Cách mạng là một, không thể tách rời. Nhìn thấy em, tôi vô cùng xúc động, vừa mừng vừa lo; hai chị em nhìn nhau mấy phút, nói với nhau mấy lời trong tiếng ồn ào của những người đi thăm và được thăm. Những giây phút đó sẽ còn mãi trong đời chị em tôi. Đêm đó tôi không sao ngủ được, nhớ nhà, nhớ ba, nhớ các em vô cùng! Thứ hai là một việc sau này tôi mới được nghe kể lại: Khi nghe tin tôi bị bắt, ba tôi rất buồn. Chỉ qua một đêm, tóc ông đã bạc trắng. Tôi biết ba tôi thương chúng tôi rất nhiều, ông luôn động viên chúng tôi tích cực tham gia kháng chiến, nhưng lòng người cha luôn lo cho các con, nhất là con gái. Sau khi ra tù tôi gặp lại ba tôi đang chuẩn bị ra Bắc để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi vô cùng xót xa thấy ba tôi đã yếu hơn trước nhiều. Ra tù, cấp trên muốn tôi vể làm việc ở chiến khu, nhưng tôi đã quen công tác nội thành, bạn bè tôi đều ở đó, hơn nữa mấy em nhỏ tôi còn ở đó, tôi xin nghỉ một thời gian rồi trở lại công tác. Lúc này chiến sự Điện Biên Phủ đang cao trào. Trong cơn giãy chết, địch càng tăng cường khủng bố. Tôi vừa bắt liên lạc lại được với một số đồng chí trong tổ chức thì lại bị bắt vì đền thờ Cụ Phan vẫn bị địch ráo riết theo dõi. Lần này tôi bị bắt với ông anh họ ở chung nhà, nhưng sau hai tháng chúng phải thả ra vì không tìm được chứng cớ gì. Chiến thắng Điện Biên Phủ, rổi Hiệp định Genève được ký kết. Chúng tôi ăn mừng thắng lợi, liền ngay sau đó được lệnh tổ chức quẩn chúng hoan nghênh hiệp định và đòi hiệp định phải được thi hành nghiêm chỉnh. Phong trào hòa bình, đấu tranh đòi thi hành hiệp định được thành lập, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, luật sư Trịnh Đình Thảo 6, giáo sư Phạm Huy Thông, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dưỡng... đứng đầu. Tôi, chị Tám Lựu, Duy Liên, Hữu Bích đều tham gia. Nhiều cuộc hội thảo được tổ chức để giải thích các điểu khoản của hiệp định. Ngày 1.8.1954, một cuộc mít tinh lớn do một số đoàn thể tổ chức đã bị đàn áp dã man; không chỉ sử dụng dùi cui roi điện, bọn cảnh sát đặc nhiệm còn dùng súng bắn vào đám đông. Bích, bạn tôi bị thương, chúng tôi phải dìu bạn về nhờ bác sĩ chạy chữa. Như vậy, ngay từ đầu, dã tâm của Pháp đã lộ rõ. Hiệp định chưa ráo mực đã bị chúng xé bỏ. Những ngày sau đó tình hình rất hỗn loạn. Lệnh trên yêu cều chúng tôi phải nắm vững pháp lý để đấu tranh với địch. Í lâu sau ba vị lãnh đạo phong trào bị địch bắt, đưa ra giam ở Hải Phòng. Còn chúng tôi phải rút lui vào bí mật. Tháng 10.1954, tôi được đồng chí Phạm Hùng 7 gọi xuống Khu 9. Đồng chí yêu cầu tôi thu xếp công việc để tham gia phái đoàn liên hiệp đình chiến của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ đóng tại Sài Gòn vì tôi đã quen địa phương và nhân dân ở đây. Tôi để nghị có hai tháng thu xếp cho các em tôi đi học và giải quyết việc riêng. Đề nghị ấy được đồng chí Phạm Hùng chấp nhận. Sau khi tập kết ra Bắc cùng ba em nhỏ, tôi chuẩn bị sẵn sàng để trở lại Sài Gòn thì được biết phái đoàn liên hiệp phải thu bớt số người nên không có thành viên nữ nữa. Tôi được điều về công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương tại Hà Nội, bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc đời hoạt động của mình, và cũng là kết thúc 9 năm tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, đầy thử thách nhưng cũng là thời gian tôi từng bước trưởng thành. ------------------------------------------------------------------ 1. Mười Thập tức Nguyễn Thị Thập (1908-1996), là một nhà cách mạng Việt Nam từ phong trào Nam Kỳ khởi nghĩa 1939-1940. Bà từng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam, và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. 2. Lê Thị Riêng (1925-1968), tham gia cách mạng từ 1945, từng là Trưởng ban Phụ vận Khu ủy Sài Gòn-Gia Định, bị bắt và sát hại năm 1968. 3. Nguyễn Kiệm (1912-1951): tham gia cách mạng từ năm 1940, từng là ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ. 4. Đoàn Văn Bơ (1917-1958): công nhân xưởng Ba Son, tham gia cách mạng từ năm 1945, bị bắt và mất tại nhà lao Hàng Keo (Gia Định). 5. Nguyễn Thọ Chân sinh năm 1922, hoạt động cách mạng lâu năm, từng là Đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Liên Xô và Thụy Điển, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Việt Nam. 6. Trịnh Đình Thảo (1901-1986): luật sư và chính khách, từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Chính phủ Trần Trạng Kim (1945); nguyên Chủ tịch Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đổng Cố vấn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1969-1976). 7. Phạm Hùng (1912-1988): nhà hoạt động cách mạng, chính khách, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nhà nước Việt Nam (1987-1988). Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 22 Tháng Mười Hai, 2022, 04:27:09 pm * * * Tôi muốn kể thêm một câu chuyện xung quanh “vụ án” của tôi. Năm 1951, tôi bị Hiến binh Pháp (PSE) bắt về tội xâm phạm an ninh quốc gia, và theo báo cáo của cơ quan mật thám miền Nam Việt Nam trình lên cơ quan mật thám Đông Dương (ký tên: Sonnet Allbert) tôi có thể sẽ bị kết án tử hình hoặc chung thân. Các đồng chí lãnh đạo thành Sài Gòn-Chợ Lớn rất quan tâm và đã cử luật sư Nguyễn Hữu Thọ lo theo dõi vụ án, tranh thủ các thẩm phán, và sẽ bào chữa cho tôi trước tòa. Lúc đó, tôi cũng nghe nói từ bên Pháp có người từng quen biết ông ngoại tôi - cụ Phan Châu Trinh - tìm cách can thiệp để giảm tội cho tôi, nhưng tôi không rõ là ai và can thiệp như thế nào? Đến năm 2001, để sưu tầm thêm tài liệu về hoạt động của cụ Phan trong 14 năm ở Pháp và mối quan hệ giữa cụ Phan với Nguyễn Tất Thành, tức là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh,... chị họ tôi - bà Lê Thị Kinh - đã đến kho lưu trữ Aix-en-Provence, miền Nam nước Pháp, và trong dịp này đã tìm được một số tài liệu liên quan đến vụ án của tôi. Theo những tài liệu đó, thì chính ông Marius Moutet - Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp (người đã ký với Chủ tịch Hồ Chí Minh Tạm ước 14.9.1946) đã viết bức thư ngày 15.5.1952 (lúc này, ông Marius Moutet không còn là Bộ trưởng Chính phủ Pháp, mà là Thượng nghị sĩ Quốc hội), gửi cho ông M. Letourneau, Quốc vụ khanh Chính phủ Pháp phụ trách các nước liên kết ở Đông Dương. Nội dung thư như sau: “Người ta thông tin cho tôi về một phụ nữ trẻ 23 tuổi, tên là SA hay SAN, bị giam tại Khám Chí Hòa (Sài Gòn), sắp bị đưa ra xét xử và cỏ thể bị kết án tử hình. Người phụ nữ này là cháu của một người mà tôi quen trước đây, tên là Phan Châu Trinh. Ông Phan được phía Việt Nam cũng như Việt Minh coi như một chí sĩ yêu nước, một anh hùng của dân tộc. Tôi không rõ người phụ nữ này phạm tội gì, nhưng xin phép lưu ý ngài về mặt đạo lý cũng như chính trị, việc này có thể đưa đến những hậu quả nghiêm trọng. Dù là do tòa án Việt Nam, Thẩm phán Việt Nam xét xử, người ta cũng sẽ nói là theo sự chỉ đạo của nước Pháp. Rất mong Ngài hết sức quan tâm. (Ký tên: Marius Moutet)”. Ngoài bức thư này, còn có một số công văn của Văn phòng Bộ trưởng Quốc vụ khanh gửi cho Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, và cơ quan mật thám ở miền Nam Việt Nam nói về vụ đó. Việc can thiệp này có tác động đến đâu, không có tài liệu nói rõ. Nhưng tôi muốn trở lại, nói một vài nét về ông ngoại tôi. Cụ Phan Châu Trinh là một trong những người khởi xướng phong trào Duy Tân, được xem là cuộc vận động cải cách xã hội tiến bộ đầu thế kỷ XX. Cụ bị bắt năm 1908, về tội “phản nghịch”, “gây rối loạn” và bị Nam triều kết án tử hình. Việc bắt Phan Châu Trinh giữa Hà Nội đã gây xúc động mạnh mẽ trong dư luận người yêu nước Việt Nam và cả trong những người Pháp tiến bộ. Dẫn đầu chiến dịch “giải cứu” cụ Phan là ký giả Babut, thành viên Liên minh Nhân quyền Pháp tại Hà Nội. Ông Marius Moutet, và cùng một số vị khác trong Liên minh Nhân quyền Pháp cũng đã tích cực bênh vực cho Cụ Phan, nhờ đó Cụ đã thoát khỏi bản án tử hình. Sau đó, trong 14 năm bị quản chế ở nước ngoài (Pháp), Cụ Phan Châu Trinh vẫn tiếp tục hoạt động, tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều trí thức Việt kiều và những người Pháp tiến bộ, trong đó đặc biệt có một sĩ quan người Pháp, Jules Roux. Trong thời gian đàm phán bốn bên với Mỹ ở Paris, sau này, tôi cố tìm gia đình ông Roux và những người bạn khác của ông ngoại tôi, nhưng rất tiếc không gặp được ai. Như vậy, lòng yêu nước mãnh liệt, ý chí quật cường của Cụ Phan đã lay động những người Pháp tiến bộ. Nhờ đó có thể đã giải thoát án tử hình cho cả cháu gái của Cụ (!). Phải chăng Cụ đã gieo “quả Phúc” để cứu cả con cháu! Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 31 Tháng Giêng, 2023, 02:24:50 pm Một mặt trận đặc biệt của cuộc chống Mỹ cứu nước Ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, tôi làm thư ký cho chị Mười Thập, Chủ tịch Hội, Bí thư Đảng đoàn phụ vận, ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội. Lúc đầu công việc này đối với tôi quả không dễ dàng. Tôi đã quen hoạt động bí mật, bất hợp pháp, làm việc gì thì tập trung vào mỗi việc ấy và cố làm cho kỳ được, và thường đơn tuyến, thường tự mình phải quyết định và chịu trách nhiệm. Nay hoàn toàn khác, có Nhà nước, Quốc hội, các ngành, đoàn thể hoạt động công khai, đường hoàng..., tôi chưa quen. Tôi lại vừa ở tù ra chưa lâu, sức khỏe không được tốt. Nhưng, được tiếp xúc với môi trường mới nhiều thử thách và đa dạng, tôi đã học thêm được nhanh và nhiều. Mặt khác, chính kinh nghiệm từng trải qua những năm đấu tranh ở Sài Gòn cũng đã giúp tôi tự tin và vững vàng trước mọi khó khăn. Tôi và tất cả chị em trong cơ quan Hội liên hiệp phụ nữ đều thân thiết gọi chị Nguyễn Thị Thập là “chị Mười”. Sự thật là tuổi của chị Mười gần bằng tuổi của mẹ tôi và quan hệ giữa chúng tôi không chỉ là giữa thủ trưởng với thư ký, mà như quan hệ gia đình. Chị Mười đã dìu dắt và nâng đỡ tôi. Tôi còn nhớ lúc con trai tôi còn rất nhỏ (chỉ vài tháng tuổi), có nhiều đêm phải làm việc rất khuya, nhà trẻ của cơ quan không giữ các cháu nữa, chị Mười đã phải đưa con tôi về phòng để trông. Chị đã mất hàng chục năm rồi nhưng hình ảnh của chị vẫn mãi trong tim tôi. Nhiều chị trong cơ quan phụ nữ Trung ương như chị cả Hoàng Thị Ái, chị Hà Thị Quế... và các bạn Nhạn, Phương, Như, Thu... để lại cho tôi những tình cảm tốt đẹp, không bao giờ quên. Cuối năm 1954, sau khi tôi ra Bắc được vài tháng, một hôm bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - tôi vốn quen từ thời ông làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn-Chợ Lớn - đến gặp tôi và nói: “Bác Hồ muốn gặp cô.” Ông bảo chính ông đã báo cáo với Bác là có cháu ngoại Cụ Phan Châu Trinh ra Hà Nội, nghe vậy Bác muốn gặp. Tôi rất hồi hộp đến nơi Bác ở và làm việc, tức Chủ tịch phủ bây giờ. Bác nhìn tôi, nói ngay là Bác quen ông ngoại tôi từ hồi ở Pháp, coi ông ngoại tôi là người anh lớn, đã giúp Bác nhiều. Tôi cũng được biết Cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác là bạn đồng khoa với ông ngoại tôi, đã cùng nhau hoạt động trong những năm đầu thế kỷ XX... Về sau tôi còn nhiều lần được gặp Bác, lần nào cũng được Bác quan tâm, động viên. Trong hai năm từ 1957 đến 1959, tôi được cử đi học lý luận ở trường Nguyễn Ái Quốc. Đây là khóa học lý luận dài hạn đầu tiên của trường này. Học viên phần lớn là những cán bộ chưa có điều kiện học tập trong chiến tranh. Lần đầu được học lý luận một cách có hệ thống, tất cả đối với tôi đều hay và mới lạ, tôi học rất hứng thú. Tôi vừa học vừa nuôi con mới sinh. Anh Khang lúc đó công tác ở quân khu Hữu Ngạn, vài tuần lại về thăm mẹ con tôi. Vợ chồng chúng tôi đã trải bao năm tháng xa cách khó khăn, có biết bao nhiêu điều còn chưa nói được với nhau, bây giờ mới là lúc tâm sự được thêm. Sau thời gian học trường Đảng, tôi trở về Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, được cử vào Đảng đoàn, phụ trách công tác phúc lợi xã hội. Trong công việc này, tôi có dịp đi về nhiều địa phương miền Bắc, hiểu thêm những khó khăn của nhân dân, đặc biệt của phụ nữ, là lực lượng sản xuất chủ yếu, vừa phải chăm lo gia đình, lại vừa công tác xã hội... Những năm 1956-1957, ở miền Nam địch tăng cường khủng bố, bắt bớ những người kháng chiến cũ. Nhân dân ta hẳn không ai muốn chiến tranh trở lại. Trung ương chỉ đạo kiên trì đấu tranh chính trị. Anh chị em tập kết ra Bắc thiết tha mong sớm có tổng tuyển cử thống nhất nước nhà để trở về sum họp gia đình ở miền Nam. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Sau hai năm, không những không có tổng tuyển cử như quy định của Hiệp định Genève, mà đàn áp khủng bố của địch ngày càng khốc liệt. Nám 1958-1959, có thể gọi là những năm khủng bố trắng. Máy chém lê khắp nơi. Địch đã thực sự tiến hành chiến tranh một phía đối với nhân dân ta. Đảng chủ trương chuyển sang đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang. Ngày 20.12.1960, tin Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập như cơn mưa rào đổ xuống giữa mùa nắng hạn, đáp ứng lòng mong mỏi tha thiết của nhân dân. Cả nước bừng bừng khí thế đánh Mỹ. Ở miền Bắc một phong trào đòi trở lại miền Nam để được chiến đấu cùng đồng bào, diễn ra sôi nổi. Những ngày ấy, được đi B là ước nguyện, là vinh dự lớn của mỗi người. Ở cơ quan Hội Phụ nữ Trung ương, một số chị em cũng đã chuẩn bị lên đường. Chị Lê Đoan và chị Phương, hai nhà báo, đều để chồng con ở lại miền Nam nên được ưu tiên đi trước. Tôi cũng được chị Mười Thập chuẩn bị tư tưởng để trở về Nam. Nhưng đầu năm 1961, các đồng chí bên Ban Thống nhất sang đề nghị Hội Phụ nữ cho “mượn” tôi để đi hoạt động ngoại giao cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng trong 6 tháng. Lúc này, sau khi Mặt trận ra đời, cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam bùng lên mạnh mẽ. Năm 1960-1961, Đồng khởi nổ ra ở Bến Tre, nhanh chóng lan ra Tiền Giang, Đồng Tháp, rồi cả miền Nam. Cùng với mặt trận quân sự, chính trị, cần triển khai đồng bộ mặt trận đấu tranh ngoại giao. Lúc đầu nghe được điều đi làm công tác ngoại giao, tôi có phần ngần ngại. Đúng là tôi có vốn tiếng Pháp, đã từng hoạt động ở thành phố, tiếp xúc với nhiều giới, nhưng đi quốc tế thì chưa. Nhưng vì miền Nam ruột thịt, không việc gì có thể từ chối! Giữa năm 1961, tôi về Ban Thống nhất, ở bộ phận đối ngoại do đồng chí Lê Toàn Thư 1 làm Chủ nhiệm, đồng chí Hoàng Bích Sơn2 (tức Hồ Liên) làm Chánh Văn phòng. Tôi làm Vụ phó cho đồng chí Võ Đông Giang 3, mấy tháng sau làm Vụ trưởng Vụ 1A phụ trách công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận. Lúc này chúng ta đã hình thành các đoàn thể nhân dân, và với tư cách đó đã đưa nhiều đoàn tham gia các tổ chức quốc tế tương ứng: Thanh niên Giải phóng miền Nam trở thành thành viên của FMJD4 (Liên minh Thanh niên Dân chủ Thế giới), Công đoàn Giải phóng là thành viên của FSM 5 (Liên hiệp Công đoàn Thế giới), Ủy ban Hòa bình Việt Nam tham gia CPM 6 (Hội đồng Hòa bình Thế giới) v.v... Cuối năm 1961, đoàn đại biểu đầu tiên của Việt Nam do anh Nguyễn Văn Tâm - biệt danh là Mười Ù, vì anh hơi mập - làm trưởng đoàn đi dự Đại hội Công đoàn Thế giới, và anh Nguyễn Văn Hiếu 7 đi dự Hội nghị Hòa bình Quốc tế, đều ở Moskva. Tôi được cử đi dự Đại hội Sinh viên Thế giới (UIE) ở Budapest tháng 6.1962, rổi Đại hội Thanh niên Dân chủ Thế giới ở Leningrad tháng 7.1962, cùng với nhà thơ Thanh Hải và bác sĩ Nguyễn Xuân Thủy. Lúc đó tôi đã 37 tuổi nhưng phải khai xuống 32 để đi với thanh niên. ------------------------------------------------------------------- 1. Lê Toàn Thư sinh năm 1921, tham gia cách mạng từ trước Cách mạng tháng Tám, từng là Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, Trưởng ban Thống nhất Trung ương. 2. Hoàng Bích Sơn (1924-2000), quê Quảng Nam, tham gia cách mạng trước 1945, hoạt động chính trị, từng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. 3. Võ Đông Giang (1923-1998), tên thật là Phan Bá, tham gia cách mạng từ năm 1945, từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch vả Đầu tư... 4. FMJD: Fédération Mondiale de La Jeunesse Démocratique. 5. FSM: Fédération Syndicale Mondiale. 6. CPM: Comité de Paix Mondiale. 7. Nguyễn Văn Hiếu (1922-1991): chính khách, từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Văn hóa Việt Nam. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 31 Tháng Giêng, 2023, 02:30:04 pm Khi về Ban Thống nhất, tất cả chúng tôi phải đổi tên để giữ bí mật. Đồng chí Nguyễn Văn Đức, một trong những đồng chí lãnh đạo Ban Thống nhất gợi ý tôi lấy tên là Bình. Bình là hòa bình, đi quốc tế dễ tranh thủ cảm tình và tên cũng dễ đọc. Từ đó tên Yến Sa, bí danh của tôi suốt thời kháng chiến chống Pháp, được đổi thành Nguyễn Thị Bình.
Hai đại hội đầu tiên tôi tham gia đều ở hai nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ là Liên Xô và Ba Lan, nên hoạt động, đi lại đều thuận lợi. Đây là lần đầu tiên bạn bè quốc tế gặp những người “Việt cộng” đến từ miền Nam. Ai cũng vui mừng, yêu mến và cảm phục: “Người Việt Nam các bạn nhỏ bé mà sao đánh Mỹ anh hùng đến thế!” Nhưng cũng có người băn khoăn: “Nước Mỹ giàu thế, họ còn đi xâm lược Việt Nam làm gì?” Nhiệm vụ của chúng tôi là giải thích cho bạn bè ý nghĩa và tính chính nghĩa cuộc chiến đấu của chúng ta. Trên các diễn đàn quốc tế bấy giờ luôn có hai đoàn, của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Đoàn Chủ tịch luôn dành cho Việt Nam phát biểu trước, còn đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì lại dành ưu tiên cho đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Mỗi khi chúng tôi lên diễn đàn, cả hội trường đều đứng dậy, quả thật cuộc chiến đấu của chúng ta được sự ủng hộ và ngưỡng mộ của toàn thế giới tiến bộ và yêu chuộng hòa bình. Chúng tôi nói rằng nhân dân miền Nam Việt Nam không còn con đường nào khác là phải đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, cũng không có nguyện vọng nào khác là được sống trong hòa bình, một cuộc sống bình thường như mọi người trên trái đất... Chính những lời chân thành và giản dị đó đã chinh phục lòng tin và tình cảm của mọi người. Khi nói lên những lời đó, tự trong lòng tôi cũng vô cùng xúc động, tôi cảm nhận rõ tôi đã cố gắng nói cùng bạn bè năm châu ước vọng sâu sắc của hàng triệu đồng bào chúng ta đang đau khổ và đang hy sinh chiến đấu. Đã hết hạn sáu tháng tôi được “mượn” để đi làm công tác đối ngoại, nhưng tôi không được trả về. Mặt trận ngoại giao, phối hợp với mặt trận quân sự và chính trị ngày càng phải mở rộng, phát triển. Vậy là tôi đã trở thành cán bộ ngoại giao, điều mà tôi cũng không ngờ, suốt 14 năm, cho đến năm 1976, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước nhà thống nhất. Mười bốn năm ấy đã cho tôi nhiều kinh nghiệm, đã tạo cho tôi một “sở trường” khác, cũng là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời tôi. Từ năm 1962, tôi thường xuyên đi hoạt động quốc tế, dự các hội nghị, thực hiện các cuộc viếng thăm hữu nghị, rồi đoàn thăm chính thức. Cuối năm 1962, tôi cùng giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, đi thăm Indonesia. Đây là chuyến đi thăm chính thức đầu tiên của Mặt trận. Lúc này Đảng Cộng sản Indonesia có đến hơn ba triệu đảng viên và mười triệu thành viên trong các đoàn thể do đảng thành lập. Đảng có ảnh hưởng tích cực đến Tổng thống Sukarno 1, người được xem là người cha của nền độc lập Indonesia. Giữa Indonesia và Việt Nam cũng có những điểm tương đồng gần gũi. Việt Nam giành chính quyền ngày 19.8.1945 thì Indonesia giành chính quyền ngày 17.8 cùng năm. Hai Đảng Cộng sản của hai nước rất gắn bó. Tổng Bí thư Aidit 2 của Đảng Cộng sản Indonesia rất kính trọng và khâm phục Bác Hồ, đã có dịp đến chào Bác khi Bác đi thăm Indonesia. Khi chúng tôi đến Jakarta, bộ phận lễ tân của bạn muốn biết danh nghĩa của đoàn để sắp xếp cho đúng nghi lễ. Tôi không biết giải thích thế nào, đành nói Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam cũng như là một Chính phủ, các ủy viên của Mặt trận là các Bộ trưởng. Sau đó đoàn chúng tôi đã được đón tiếp theo đúng nghi thức của một đoàn Chính phủ, thậm chí còn có phần trọng thể hơn. Không chỉ Tổng thống Sukarno mà cả nhiều Bộ trưởng cũng muốn được tiếp chúng tôi. Đảng Cộng sản và nhiều đoàn thể thanh niên, phụ nữ tổ chức mít tinh chào mừng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Khí thế cách mạng ở Indonesia lúc bấy giờ khiến chúng tôi rất vui. Có một việc mà trong đời ngoại giao tôi không thể quên. Có thể nói đó là những bước đầu tiên. Tôi nhớ chuyến đi thăm Indonesia lần thứ hai của tôi, khoảng năm 1964, với mục đích là vận động chính phủ Indonesia cho phép Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đặt cơ quan đại diện của Mặt trận tại Indonesia. Tôi cần gặp Tổng thống Sukarno nhưng chưa biết làm cách nào. Đồng chí Aidit gợi ý tôi cùng đồng chí đi dự một dạ hội lớn, ở đó có thể gặp Tổng thống. Tôi đồng ý ngay. Dạ hội được tổ chức rất hoành tráng. Có lẽ giới thượng lưu Indonesia đều có mặt. Aidit nói nhỏ gì đó với Tổng thống Sukarno, ông này liền đến mời tôi mở màn buổi dạ hội. Tôi rất lo vì tôi có biết khiêu vũ đâu, nhưng nghĩ mình phải gặp cho được Tổng thống để nói lên yêu cầu của Mặt trận nên tôi lấy hết can đảm đáp lại lời mời của Tổng thống. Trong mấy phút đầu tôi tranh thủ tự giới thiệu mình và trình bày nguyện vọng của Mặt trận. Nhưng sau vài bước tôi cảm thấy lúng túng. Có lẽ đồng chí Aidit thấy rõ tình hình nên liền đến đưa tôi vể chỗ ngồi. Lúc đó nhiều người đã ra sàn khiêu vũ nên có lẽ Tổng thống và mọi người cũng quên sự bỡ ngỡ của tôi... Tôi thực sự không vui vì sự kém cỏi của mình, nhưng tự nhủ mình đã làm tròn nhiệm vụ đối với đất nước. Chúng tôi cũng có nghe nói đến tướng Suharto 3, đóng tại Bandung, khét tiếng chống Cộng. Đến năm 1965, đảo chính quân sự, đảng cộng sản và các đoàn thể của đảng bị đánh phá tan tành. Cuộc tàn sát lớn diễn ra, nhiều lãnh tụ của đảng bị bắt, bị giết. Được tin, chúng tôi rất đau lòng, càng đau lòng vì không thể giúp gì các bạn cũ trong khi trước đó các bạn đã giúp chúng ta thật tận tình. Một thời gian dài tôi không có dịp trở lại Indonesia. Mãi hơn 20 năm sau, năm 1991, tôi được tham gia đoàn của Chủ tịch nước Võ Chí Công 4 đến Jakarta dự Hội nghị cấp cao Phong trào Không Liên kết. Đất nước Indonesia đã thay đổi nhiểu, nhưng tôi buồn là không còn gặp lại được người bạn cũ nào nữa. ------------------------------------------------------------------ 1. Sukarno (1901-1970): Tổng thống đầu tiên của Indonesia, người lãnh đạo nhân dân Indonesia giành độc lập năm 1945. 2. Dipa Nusantara Aidit (1923-1965): nhà cách mạng lãnh đạo Đảng Cộng sản Indonesia trở thành một trong ba đảng cộng sản đông nhất thế giới lúc bấy giờ, sau Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc. 3. Suharto (1921-2008): nhả quân sự và chính trị, Tổng thống Indonesia từ 1968-1998. 4. Võ Chí Công sinh năm 1912, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1987-1992). Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 31 Tháng Giêng, 2023, 02:39:07 pm Trong năm 1963, sự kiện đáng nhớ nhất đối với tôi là Đại hội Đoàn kết Á-Phi (AAPSO 1) lần thứ ba họp tại Tanzania vào tháng 3 năm ấy. Chiến thắng lẫy lừng của Việt Nam là một nguồn cổ vũ lớn cho phong trào đấu tranh đòi độc lập của các dân tộc thuộc địa. Năm 1962, Algérie giành được độc lập từ tay thực dân Pháp. Trước bão táp của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đế quốc Anh đã phải lần lượt trả lại độc lập cho nhiều nước. Khối Không Liên kết ra đời, cụ thể hóa tinh thần Bandung 2. Chính trong bối cảnh đó đã ra đời Tổ chức Đoàn kết Nhân dân Á-Phi.
Tanzania là một nước lớn ở Nam Trung Phi, vừa giành được độc lập từ tay đế quốc Anh. Người ta thường bảo thực dân Anh “khá” hơn thực dân Pháp, không biết nhận xét ấy đúng đến đâu, nhưng ở Tanzania như tôi được thấy thì quả không như thế. Một đất nước rất rộng lớn, rừng rậm bạt ngàn, nông nghiệp lại rất kém phát triển. Hai bên những con đường nhựa hiện đại phẳng phiu đến vài trăm cây số rất vắng người, nhìn mãi thỉnh thoảng mới thấy vài nông dân cầm cây gậy chọc chọc vào đất, rắc mấy hạt giống ngô. Đúng là một lục địa còn “trẻ” (mà châu Phi đúng ra lại là “già” nhất của trái đất, vốn được coi là cái nôi của loài người), canh tác còn rất thô sơ. Ở những nước châu Phi tôi đến thăm sau này như Guinée, Mali, Uganda, Angola, Mozambique... cũng vậy, thường có nhiều bộ tộc sống riêng rẽ, với nhiều tập tục cổ. Về hình thể, người châu Phi rất đẹp, họ cao lớn, khỏe mạnh, lại chất phác, thuần hậu. Nhiều người cho rằng phụ nữ châu Phi là đẹp nhất: thân hình dong dỏng cao, cổ dài rắn chắc (do phải đội bình đi lấy nước), ngực nở nang... Mong thế kỷ XXI lục địa lâu đời mà non trẻ này sẽ có nhiều phát triển mới. Đại hội Á-Phi họp dưới chân núi Kilimanjaro nổi tiếng, cao nhất châu Phi, đỉnh núi quanh năm tuyết phủ, tuyệt đẹp. Tôi là trưởng đoàn của miền Nam. Vấn để chính đối với chúng tôi là làm sao vào được Ban Thư ký của tổ chức này để có thể có đại diện thường trực ở đây, thuận lợi cho việc kịp thời lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng ta. Còn có những nước khác, như Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng muốn vào Ban Thư ký. Đối với chúng ta, ngoài sự ủng hộ của Liên Xô và một số nước, còn có sự vận động hết sức nhiệt tình của một lãnh tụ của phong trào Maroc rất có uy tín là Ben Barka 3. Cuối cùng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã trở thành Ủy viên Đoàn Thư ký của Tổ chức Đoàn kết Nhân dân Á-Phi. Đây là một thắng lợi lớn và đầu tiên của đối ngoại nhân dân miền Nam. Từ đó, tại trụ sở Ban Thư ký của AAPSO đóng tại Cairo, Ai Cập, luôn có đại diện của Mặt trận, và quả thật từ đây chúng ta đã triển khai cuộc vận động rất tốt đến các nước Á-Phi và cả Mỹ Latin. Tôi không thể không nói dù chỉ đôi lời về Ben Barka. Anh là chiến sĩ quốc tế đấu tranh kiên cường cho lợi ích của nhân dân lao động, cho quyền độc lập của các dân tộc và bình đẳng giữa các quốc gia. Anh đã bị các thế lực đế quốc ráo riết truy đuổi và mất tích năm 1965. AAPSO đã đặt ra một Huân chương Ben Barka dành tặng những người có nhiều đóng góp cho phong trào đoàn kết Á-Phi. Năm 1974, tôi đã có vinh dự được nhận huân chương cao quý này. Tôi đi dự rất nhiều hội nghị quốc tế, về phụ nữ, kinh tế, luật gia..., có năm ở nước ngoài đến bảy, tám tháng. Do tiết kiệm tiền đi lại nên giữa hai hội nghị có khi phải nằm lại ở Liên Xô hay Trung Quốc, chờ đi tiếp. Những năm đầu tôi còn ghi nhật ký các chuyến đi, về sau nhiều quá không còn ghi nổi nữa!... Không ghi được hết, nhưng tôi luôn nhớ những đồng chí đã sát cánh trong những năm tháng sôi nổi và cũng nhiều gay go, phức tạp ấy. Tôi nhớ Bình Thanh, người em gái tôi rất yêu quý. Đến bây giờ, nhắc tới Bình Thanh, tim tôi còn se lại. Tôi biết Bình Thanh từ phong trào học sinh Sài Gòn những năm 1950, là một học sinh xuất sắc, lại hoạt động rất hăng hái, đẹp người đẹp nết, ai cũng mến yêu. Bình Thanh giỏi cả hai ngoại ngữ Anh, Pháp, đã giúp tôi rất nhiều trong công tác với cương vị thư ký, cũng là cô em thân thiết chia sẻ cùng tôi bao vui buồn, khó khăn trong cuộc sống. Sau năm 1975, Bình Thanh từng làm Đại sứ ở Đức, tham gia phái đoàn Việt Nam ở Liên hiệp quốc. Là người phụ nữ tài hoa nhưng Bình Thanh lại có cuộc đời riêng bất hạnh, và cô đã ra đi trong một vụ tai nạn xe ôm oan uổng trên đường đi viếng đám tang chị Nguyễn Thị Chơn 4, cũng là một người bạn của chúng tôi... Ngọc Dung, tên thật là Xuân, bằng tuổi tôi, là học sinh giỏi của Trường Pétrus Ký, từng công tác ở Phụ nữ Nam Bộ, làm báo. Chị là thành viên trong đoàn đàm phán Paris cùng tôi, và chúng tôi hoạt động quốc tế gần như cùng một lúc. Ngọc Dung là người tài năng, lúc nào cũng nhiều sáng kiến, làm việc rất nhiệt tình. Tôi và Dung rất ăn ý với nhau trong mọi công việc, về sau có lúc chị đã đảm nhiệm chức vụ Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp quốc. Về các anh, tôi đánh giá cao anh Võ Đông Giang, Hoàng Bích Sơn, Dương Đình Thảo 5, Lê Phương, Lý Văn Sáu 6 ..., tất cả đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Có lẽ, trong đời mình, tôi có một may mắn lớn là lúc nào xung quanh cũng có nhiều bạn bè, cùng chia sẻ những suy nghĩ, ý tưởng, cũng như những khó khăn, thử thách..., cho tôi có thêm tự tin và sức mạnh. Từ năm 1963 đến 1968, tôi tham gia nhiều hội nghị phụ nữ quốc tế lớn, ở Moskva (Liên Xô), Sofia (Bulgary), Nimes (Pháp). Phụ nữ thế giới đều ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Việt Nam, nhưng không phải lúc nào cũng thông cảm hết các yêu cầu của ta. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Phụ nữ Quốc tế ở Salzburg (Cộng hòa Áo), Jeannette Vermeersch 7, là người ủng hộ chúng ta rất tích cực, nhưng chị lại thắc mắc: “Tại sao chúng mày cứ quá nhấn mạnh Mỹ là đế quốc xâm lược, nếu nói vậy mà Mỹ nó rút đi thì chúng tao sẵn sàng nói ngay!” Tôi cười đáp: “Chị Jeannette ơi, theo tôi chúng ta lên án họ còn ít quá nên đã không làm cho họ phải quan tâm đến ý kiến của chúng ta đấy” Chúng tôi cùng ôm nhau cười và Jeannette bảo: “Thôi được rồi, chúng tao rất yêu mến nhân dân Việt Nam nên chúng tao cũng “chiều” theo chúng mày vậy!” Nghị quyết của Hội nghị được thông qua với lời lẽ lên án Mỹ rất mạnh mẽ. Bạn bè yêu mến chúng ta không chỉ vì tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh của chúng ta mà còn vì cảm phục quyết tâm và tinh thần hy sinh to lớn của một dân tộc nhỏ dám đứng lên chống lại một đế quốc khổng lổ, “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ”, một David chống lại Golliath 8 và càng đánh càng thắng. Chúng tôi phải làm cho bạn bè năm châu hiểu rõ Mỹ đang tiến hành chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng phải nêu rõ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là đại diện duy nhất chân chính của nhân dân miền Nam chống xâm lược Mỹ. Những năm đầu điểu này không dễ. Chúng ta nhấn mạnh như vậy là để phủ nhận việc chính quyền Sài Gòn rêu rao họ là “quốc gia”, là “yêu nước”. Nhưng nhiều bạn quốc tế cho ta nói vậy là quá cứng nhắc. Chúng tôi phải kiên trì giải thích rất khó khăn mới thuyết phục được, về sau khi uy tín của Mặt trận ngày càng cao cả trong nước và ngoài nước, và sau Tết Mậu Thân (1968) khi Liên minh các lực lượng dân tộc - dân chủ và hòa bình Việt Nam của luật sư Trịnh Đình Thảo ra đời, ta chủ trương không nói Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam là đại diện chân chính duy nhất nữa thì nhiều bạn bè lại không đồng tình, cho rằng dù thêm lực lượng yêu nước nào đi nữa thì Mặt trận vẫn xứng đáng là duy nhất và chân chính. Chúng tôi lại phải ra sức giải thích chiến lược tập hợp tối đa lực lượng của chúng ta, và vì yêu mến và tin cậy chúng ta nên cuối cùng các bạn cũng đổng tình. Đối với các chính phủ càng không dễ dàng. Ngay cả Liên Xô thời đó, tuy ủng hộ cuộc chiến đấu của chúng ta, nhưng nói đến “đế quốc Mỹ”, đến “xâm lược” thì cũng rất cân nhắc. Trong một số thông cáo chung với Chính phủ các nước chúng tôi đến thăm thường phải thảo luận công phu, kiên trì mới thống nhất được ngôn từ. Thường họ tránh gọi đích danh Mỹ, và thay vì “xâm lược” thì nói “can thiệp”. Điều đó chứng tỏ uy quyền của Mỹ trên thế giới rất lớn, và cũng lại càng chứng tỏ quyết tâm to lớn và ý nghĩa vĩ đại trong cuộc chiến đấu của chúng ta. Chúng tôi rất quan tâm đến việc tranh thủ các lực lượng hòa bình, chống chiến tranh ở Mỹ. Lần đầu tiên tôi gặp một số đại diện phong trào phản chiến Mỹ là ở cuộc họp tổ chức tại Bratislava (nay là Cộng hòa Slovakia) năm 1967, có khoảng 40 người tham dự. Cảm giác đầu tiên của tôi về những người Mỹ này không lấy gì làm tốt đẹp. Họ ăn mặc lôi thôi lếch thếch, có người mũi giày hở toác ra, ăn nói thì rất tự do. Nhưng vào hội nghị, khi tôi trình bày tình hình Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam, tội ác của quân đội Mỹ, nguyện vọng của nhân dân ta chỉ mong muốn có hòa bình, độc lập, không hề làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ..., họ chăm chú lắng nghe, đặt nhiều câu hỏi. Hội nghị hai ngày, không khí mỗi lúc cởi mở, thân thiện hơn. Cuối cùng hai bên siết tay nhau, hứa hẹn sẽ nỗ lực làm cho dư luận các nước, đặc biệt là Mỹ, hiểu rõ thực tế ở Việt Nam, sẽ cùng nhau tăng cường đoàn kết để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh mà cả nhân dân Mỹ cũng không hề mong muốn. Riêng tôi còn có hai cuộc gặp mặt với phụ nữ Mỹ, một ở Jakarta (1965), một ở Paris (1967), các cuộc gặp mặt giữa phụ nữ hai nước có nét đặc biệt riêng, tình cảm hơn và dễ thông cảm với nhau hơn. Khi nói đến những đau khổ của phụ nữ và trẻ em Việt Nam, nhiều chị người Mỹ không cầm được nước mắt. Những cuộc gặp này chủ yếu do Phong trào Phụ nữ Đấu tranh cho Hòa bình (Women Strike for Peace) tổ chức. Sau năm 1975, khi sang Mỹ tôi còn gặp lại một số chị như Cora Weiss, Mary Clark - những thành viên tích cực của phong trào này... Tôi nghĩ đây là những người bạn ta không bao giờ được quên, họ thật sự đã dành một phần quý báu cuộc đời mình dũng cảm đấu tranh cho Việt Nam. Những năm 1963-1965, trong phong trào cách mạng quốc tế xuất hiện những bất đồng, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc đấu tranh của nhiều nước và gây cho ta nhiều tình huống khó xử. Lúc đầu Trung Quốc phát động chiến dịch phê phán chủ nghĩa xét lại Nam Tư. Đài, báo Trung Quốc đưa ra những lập luận gay gắt mà sâu cay dễ thuyết phục người nghe. Sau đó họ chuyển sang công kích trực tiếp Liên Xô. Người đứng đầu Liên Xô là Khrushchev bị lên án là xét lại, là thân Mỹ. Chủ trương của chúng ta là phải tranh thủ sự ủng hộ của cả phe xã hội chủ nghĩa, đặc biệt “hai ông anh lớn” Liên Xô và Trung Quốc, chỗ dựa của cuộc chiến đấu đang rất gay go quyết liệt của chúng ta. Theo tôi, nói chung trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng ta đã cố gắng giữ vững được lập trường đó, nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng xử sự được dễ dàng. Tại Đại hội Phụ nữ Quốc tế tháng 7.1963 ở Moskva đã nổ ra một cuộc tranh luận ồn ào giữa đoàn đại biểu Trung Quốc với Ban Tổ chức. Đại biểu phụ nữ Trung Quốc lên cướp micro để tuyên bố lập trường của mình. Cả hội nghị hỗn loạn, sau đó giải tán. Đoàn đại biểu Việt Nam mà tôi là trưởng đoàn rất gần gũi với đoàn Trung Quốc nhưng chúng ta cũng không tán thành xung đột với Liên Xô. Từ đó tại các hội nghị của các tổ chức dân chủ quốc tế vắng mặt đoàn Trung Quốc. Khoảng giữa năm 1964, tại Đại hội Hòa bình ở Moskva, hẳn là để tranh thủ cảm tình của đại diện các nước, Chủ tịch Khrushchev tổ chức một cuộc chiêu đãi chào mừng lớn ở Cung Hội nghị Kremlin. Tôi là trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, suy nghĩ không biết khi đến gặp ông chủ tịch đầy tai tiếng này thì nên nói gì? Sau cùng tôi đến bắt tay Khrushchev, tự giới thiệu là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đại diện cho nhân dân miền Nam đang chiến đấu chống Mỹ, cảm ơn nhân dân Liên Xô đã ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng tôi, mong rằng cùng với nhiều nước khác trên thế giới, Liên Xô ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa. Không biết người phiên dịch có nói hết ý tôi không, chỉ thấy Khrushchev mỉm cười, gật gật. Tôi thở phào, thấy mình không có cách nào nói đúng lập trường hơn! Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân xảy ra khi tôi ở Hà Nội, chuẩn bị đi công tác ở Pháp. Cả nước chăm chú theo dõi các cuộc đánh chiếm của Quân giải phóng vào các cơ sở và căn cứ của Mỹ. Mọi người càng tin ở sự lớn mạnh của quân ta. Tháng 4.1968, tôi tham dự Hội nghị Phụ nữ ở Nimes (Pháp), trên đường về ghé qua Paris, gặp hai sự kiện quan trọng: Phong trào sinh viên chống lại chính sách giáo dục của Pháp, thực chất là sự chống đối (contestation) của nhiều tầng lớp nhân dân Pháp bất bình với chính sách của Chính phủ De Gaulle. Nhiều cuộc biểu tình lớn làm ngưng trệ hoạt động xã hội... Cùng lúc đó, Việt Nam đang có cuộc tiếp xúc giữa đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Bộ trưởng Xuân Thủy với Đại sứ Mỹ Harriman 9 thăm dò khả năng thương lượng chính trị giữa hai bên. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân của chúng ta trên khắp chiến trường miền Nam khiến Mỹ phải bắt đầu nhận ra rằng họ không còn khả năng thắng một nhân dân đã quyết chiến đấu đến cùng cho độc lập tự do và thống nhất đất nước; họ đã phải tính đến việc xuống thang chiến tranh, buộc phải nghĩ đến một giải pháp chính trị để rút ra khỏi cuộc chiến vô vọng này, tất nhiên vẫn muốn có được một giải pháp trên thế mạnh. Còn về phía chúng ta, chúng ta cũng đã thấy đến lúc có thể triển khai tiếp cuộc chiến đấu dưới hai hình thức - vừa đánh vừa đàm. Khi gặp đồng chí Xuân Thủy ở Paris, tôi chỉ nghĩ hẳn cuộc đấu tranh ngoại giao sẽ trở nên quan trọng hơn, nhưng không hề ngờ sáu tháng sau tôi trở lại thủ đô hoa lệ của nước Pháp với một nhiệm vụ mới hết sức nặng nể. Và đây sẽ là một trang rất quan trọng trong cuộc đời hoạt động của tôi. ------------------------------------------------------------------- 1. Afro-Asian Peoples’ Soỉidarity Organiration. 2. Hội nghị Bandung, Indonesia (từ 18-24.4.1955) lả tiền thân của Phong trào Không Liên kết, với sự tham dự cùa lãnh đạo 29 nước Á-Phi nhằm tìm kiếm cơ sở chung để hợp tác trong tương lai, tuyên bố chống lại chủ nghĩa thực dân và cam kết đứng trung lập giữa hai khối Đông-Tây. 3. Mehdi Ben Barka (1920 - mất tích năm 1965): nhà chính trị, cách mạng người Maroc. 4. Nguyễn Thị Chơn, tên thật là Tôn Thị Hưởng, vợ Trần Bạch Đằng, từng làm Phó Bí thư Ban Phụ vận thành phố (1965, cùng bà Lê Thị Riêng). Năm 1967, bà cùng bị bắt với bà Riêng; nguyên là Chánh án Tòa án Phúc thẩm Tp. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp. 5. Dương Đình Thảo: cán bộ cao cấp, tham gia từ kháng chiến chống Pháp. Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Tp. Hổ Chí Minh, nguyên Người phát ngôn thứ nhất chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miên Nam Việt Nam ở Hội nghị Paris về Việt Nam (1969-1974). 6. Lý Văn Sáu (1924-2012): nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, Phó Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam. 7. Jecmnette Vermeersch (1910-2001): nữ chính trị gia người Pháp, Ủy viên Bộ Chính trị - Đảng Cộng sản Pháp, vợ Maurice Thorez, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp. 8. Hình ảnh dân tộc Việt Nam đứng lên chống lại đế quốc Mỹ giống như chàng David tí hon chống lại gã khổng lồ Golliath trong Kinh Thánh. 9. William Averell Harriman (1891-1986): chính khách, nhà tư bản, nhả ngoại giao, phục vụ cho các Tổng thống Mỹ Truman, Roosevelt, Kennedy, Johnson. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 31 Tháng Giêng, 2023, 02:46:50 pm Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử Giữa tháng 7.1968, tôi cùng các đồng chí Dương Đình Thảo, Lý Văn Sáu, Ngọc Dung... được lãnh đạo Ban Thống nhất mời lên phổ biến chủ trương của Đảng về “đánh và đàm”. Tôi hiểu đây chưa phải là lúc giải quyết vấn đề giữa ta với Mỹ, mà là triển khai thêm một hình thức đấu tranh mới. Trên chiến trường phải tiếp tục đánh mạnh hơn nữa để cho kẻ địch biết rằng dù có tàn bạo đến mấy chúng cũng không thể khuất phục được nhân dân ta, và đấy là nhân tố quyết định; đồng thời tình thế cũng đã cho phép chúng ta mở thêm mặt trận ngoại giao rộng lớn hơn làm cho thế giới hiểu rõ hơn nữa mưu đổ và tội ác của Mỹ ở Việt Nam hòng áp đặt sự thống trị của chúng lên một dân tộc nhỏ, nghèo, chỉ mong muốn hòa bình tự do, không hề chạm đến lợi ích của nước Mỹ. Mặt trận mới này sẽ giúp ta tranh thủ thêm nữa dư luận quốc tế, dư luận Mỹ, cô lập các phần tử hiếu chiến, hỗ trợ đắc lực cho chiến trường. Đương nhiên chúng ta cũng đã nghĩ cuối cùng chiến tranh cũng phải kết thúc và hai bên sẽ phải ký kết hiệp định hòa bình... trên bàn đàm phán. Gần sáu năm hoạt động đối ngoại cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tôi đã tích lũy được một số kiến thủc ngoại giao và kinh nghiệm đấu tranh chính trị, nhưng tôi không nghĩ mình lại may mắn được chọn lựa cho nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và quan trọng này: cuộc đàm phán lịch sử ở Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đầy có lẽ là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử thế giới, bắt đầu tháng 11.1968, kết thúc ngày 27.1.1973. Khi rời Hà Nội lên đường cuối tháng 10.1968, tôi không ngờ nó sẽ kéo dài đến thế. Trước ngày đi, tôi điện cho anh Khang từ trường Công binh ở Bắc Giang về gặp. Tôi bối rối không biết nói thế nào với chồng tôi, và trước các con tôi còn quá nhỏ mà phải xa mẹ biền biệt. Anh Khang hiểu tôi phải đảm nhiệm một công việc rất quan trọng, anh không hỏi gì cụ thể, chỉ động viên: “Em có việc phải làm, cứ yên tâm đi, các con đã có anh và ba lo.” Tôi thương quý và biết ơn anh vô cùng. Tôi ra đi với bao nhiêu cảm xúc trong lòng, nhưng tâm niệm phải làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin cậy của lãnh đạo. Tài liệu tôi mang theo là cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, một số tài liệu về các phương án đấu tranh và lời dặn quí báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh do các đồng chí ban Thống nhất truyền đạt lại. Là trong đấu tranh phải luôn luôn giữ vững lập trường nguyên tắc: “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Và tôi nghĩ hai đoàn đàm phán Việt Nam (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam) đã thực hiện đúng lời chỉ bảo đó. Tôi, đồng chí Dương Đình Thảo, cùng Bình Thanh, Phan Bá, Nguyễn Văn Khai là bộ phận của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đi trước để tham gia hội nghị trù bị. Chúng tôi bay qua Bắc Kinh, rồi Moskva. Đối với mọi người, đoàn chúng tôi “đi công tác Cuba”. Ngày 2.11.1968, khoảng 2 giờ chiều, thời tiết Paris bắt đẩu lạnh, trời âm u sẩm tối, chúng tôi đáp xuống sân bay Bourget phía bắc Paris. Trên máy bay, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy đám đông người chờ đón. Hồi hộp, xúc động, mừng vui! Chúng tôi dặn nhau phải có thái độ đàng hoàng, tươi cười như đồng chí Xuân Thủy đã dặn. Hôm ấy, tôi mặc áo dài màu hồng sậm, khoác măng tô xám với khăn quàng cổ đen có điểm hoa. Vừa bước vào nhà ga, mặc dù có anh em bảo vệ người Pháp và người Việt to lớn vạm vỡ dẫn đường, chúng tôi vẫn bị đám đông trong đó có nhiều nhà báo, nhiếp ảnh... bao vây xô đẩy. Tôi suýt ngã, nhưng tôi và Bình Thanh, là thư ký và phiên dịch của tôi, luôn đi sát nhau. Chúng tôi có nhiệm vụ nêu rõ lý do và ý nghĩa sự có mặt của đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Paris. Tôi cố gắng nói dõng dạc, Bình Thanh cũng dịch mạch lạc rõ ràng, nhiều người khen cô nói tiếng Pháp rất hay không thua gì người Pháp. Xung quanh chúng tôi có tiếng bàn ghế gãy, kính vỡ vì người ta chen lấn để được nhìn thấy, nghe và chụp ảnh các thành viên trong đoàn. Về đến biệt thự Thévenet, nơi các đồng chí đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thuê hộ từ trước, chúng tôi lúng túng trưóc cảnh các nhà báo, nhiếp ảnh cứ bám theo, có người leo cả qua tường, có người để máy ảnh qua kẽ hở ở cửa để chộp lấy một vài hình ảnh đặc biệt của đoàn “Việt cộng”. Nhưng rồi chúng tôi cười xòa, nói với nhau: chúng ta đến đây trước hết là để tuyên truyền, tranh thủ dư luận, vậy sao lại phải ngại báo chí, nhiếp ảnh, trái lại mới phải. Tất nhiên cẩn có kế hoạch chu đáo. Hai ngày sau chúng tôi tổ chức một cuộc họp báo lớn. Có đến hơn 400 nhà báo. Đây là lẩn đầu tiên tôi tiếp xúc với nhiều nhà báo đến thế. Tôi phát biểu, nêu lập trường chính nghĩa của Mặt trận và thiện chí muốn tìm giải pháp hòa bình. Các nhà báo thi nhau hỏi. Tôi thầm lo, sợ mình nói có sơ hở sẽ bị họ khai thác, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra bình tĩnh, điềm đạm. Đưa tin về cuộc họp báo này, các nhà báo đều tỏ ra có thiện cảm, không “bắt bẻ” gì nhiều. Trước mặt họ là một người phụ nữ nhỏ nhắn, hiền lành, đến từ một vùng đất đang rực cháy lửa chiến tranh, ăn nói có lý có tình, hẳn bước đầu đã gây cho họ cảm tình. Những ngày sau đó nhiều nhà báo và hãng truyển hình muốn phỏng vấn riêng, có ngày đến vài ba cuộc. Công việc rất căng thẳng, nhất là phải ngồi trước ánh đèn pha chiếu vào mặt. Anh em trong đoàn động viên tôi: như vậy là họ chú ý nhiều đến đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đúng như điểu chúng ta mong muốn. Đáng lẽ cuộc họp trù bị Hội nghị bốn bên bắt đầu từ ngày 6.11.1968, nhưng phía Mỹ lấy lý do là chính quyền Sài Gòn chưa đến nên chưa họp, và cái cớ họ trì hoãn nữa là vấn đề thủ tục, mà nổi lên là hình thù cái bàn... Trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới chưa bao giờ lại có kiểu bắt đầu đặc biệt như vậy: trước tiên là đấu tranh về cái bàn. Đương nhiên có lý do, hình thù và cách phân chia chỗ ngồi ở bàn, chính là xác nhận tính chất pháp nhân của các bên đàm phán. Từ tháng 5 đến tháng 10.1968, cuộc bàn cãi giữa đồng chí Xuân Thủy trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Harriman Đại sứ Mỹ đã rất gay gắt vế vấn đề vai trò của đoàn Mặt trận. Phía ta nêu rõ Mặt trận là đại diện cho nhân dân miền Nam đang trực tiếp chống Mỹ nên đương nhiên phải là một bên đàm phán. Mỹ thì cho rằng Mặt trận là “người của miền Bắc”, là “cộng sản” muốn lật đổ “quốc gia” ở miền Nam. Ta nói rằng chính quyền Sài Gòn là do Mỹ dựng lên, là tay sai của Mỹ. Cuộc đấu tranh “bốn bên hay hai bên” có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, chúng ta yêu cầu một cái bàn vuông cho bốn bên đàm phán hoặc một cái bàn tròn chia bốn. Mỹ đòi một cái bàn chữ nhật có hai bên hoặc một cái bàn tròn chia đôi... Có điều vui là đoàn đồng chí Xuân Thủy đã nhận được nhiều mẫu bàn của các hãng làm đồ mộc nổi tiếng thế giới gửi đến chào hàng. Chắc đoàn Harriman cũng nhận được như vậy. Sau cùng đi đến thống nhất sẽ là một cái bàn tròn to, đường kính 8 mét, cắt đôi, trải khăn bàn màu xanh, mỗi bên có một vạch phần chia nằm bên ngoài, như vậy ai hiểu là hai bên hay bốn bên cũng được. Phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn ngồi sát nhau như một bên, còn phía ta đoàn Mặt trận và đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngồi thành hai đoàn riêng biệt. Đối với dư luận cách ngồi của Mỹ và chính quyền Sài Gòn là không có lợi cho họ, có thể thấy rõ chính quyền Sài Gòn là tay sai của Mỹ, làm sao mà đại diện được cho nhân dân miền Nam? Ngày 27.11.1968, cuộc họp trù bị được tiến hành. Cuộc họp đơn giản, chủ yếu giải quyết một số vấn đề kỹ thuật, như số lượng thành viên chính thức, thứ tự phát biểu... Nhưng mãi đến 25.1 năm sau, hội nghị bốn bên mới chính thức bắt đầu. Đồng chí Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, tôi và đồng chí Trần Hoài Nam làm phó đoàn. Việc có hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là điều đặc biệt hầu như chưa từng có trong lịch sử ngoại giao quốc tế, và tôi nghĩ cũng cần nói rõ điều này. Đấy là sự hiện diện của hai thực thể, đại diện cho cuộc chiến đấu chung dưới một sự lãnh đạo thống nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Về mặt chính trị ngoại giao chúng ta đã thiết lập một thế trận “tuy hai mà một, tuy một mà hai”. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hai phái đoàn trên hai góc độ khác nhau phát huy sức mạnh của mình tạo thế cho mặt trận đối ngoại trở nên rộng lớn và sống động, cùng góp sức vào thắng lợi chung của cuộc chiến đấu chống xâm lược Mỹ, giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Chúng ta đều biết sự thật lịch sử: Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, giành thắng lợi vang dội ở Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève năm 1954, theo đó Pháp và các nước cùng công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Riêng Mỹ không ký vào Tuyên bố chung. Trong bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ chúng ta buộc phải chấp nhận đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai, việc thống nhất đất nước sẽ thực hiện qua một cuộc tổng tuyển cử ở miền Nam được tổ chức sau hai năm. Nhưng hiệp định ký chưa ráo mực, Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam, thay chân Pháp, phá bỏ Hiệp định Genève 1954, với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, hòng biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa thực dân mới của Mỹ. Ngày 20.12.1960, sau bốn năm đấu tranh chính trị quyết liệt không thành, nhân dân miền Nam Việt Nam đã thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đoàn kết các tầng lớp nhân dân giương cao ngọn cờ tiếp tục đấu tranh chống xâm lược đòi độc lập và thống nhất. Mặt trận tuyên bố lập trường hòa bình trung lập, là một chủ trương rất phù hợp với tình hình, làm nổi bật nguyện vọng tha thiết nhất của nhân dân miền Nam và tranh thủ được sự ủng hộ rộng lớn của nhân dân thế giới, từ các lực lượng cách mạng tiến bộ đến các nhà hoạt động xã hội, tôn giáo, hòa bình, các đảng phái chính trị khác nhau, kể cả những người không ưa chủ nghĩa xã hội và “sợ cộng sản”. Trong gần 16 năm, lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận đã phấp phới bay trên hầu khắp năm châu, thực sự là biểu tượng cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam. Tại cuộc đàm phán bốn bên ở Paris, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với tư cách đại diện của nhân dân miền Nam đang trực tiếp chiến đấu đã đưa ra giải pháp chính trị nhằm chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình, và từng thời kỳ, linh hoạt theo từng bước diễn biến của cuộc đấu tranh, đã đưa ra những sáng kiến mà chúng tôi gọi là những cuộc tấn công ngoại giao, tỏ rõ thiện chí của mình, tranh thủ thêm dư luận, đẩy đối phương vào thế ngày càng lúng túng. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với tư cách đại diện cho nhân dân miền Bắc, hậu phương của cuộc chiến đấu, luôn đề cao vai trò của Mặt trận, ủng hộ mọi giải pháp do Mặt trận đưa ra. Đến nay nhớ lại tôi vẫn còn như thấy bên tai tiếng nói điềm đạm, khoan thai của đồng chí Xuân Thủy mỗi lần tôi tuyên bố một sáng kiến mới: “Tôi hoàn toàn nhất trí với bà Bình.” Về mặt công khai là vậy, còn bên trong hai đoàn phối hợp với nhau rất chặt chẽ dưới một sự chỉ đạo linh hoạt và tinh tế từ trong nước. Bước vào đàm phán, buộc phải công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên đàm phán, là một thất bại lớn của Mỹ. Trên bàn hội nghị, cuộc đấu lý diễn ra rất dai dẳng. Hai đoàn chúng ta nhằm vào Mỹ phê phán, lên án. Còn Mỹ thì tránh né, đẩy cho đoàn Sài Gòn đối đáp dài dòng... Sau năm tháng hội nghị, ngày 8.6.1969, Tổng thống Nixon tuyên bố chính sách “Việt Nam hóa” chiến tranh, để lộ ý đồ dùng người Việt đánh người Việt, báo chí quốc tế thì gọi là “thay màu da trên xác chết”. Trung tâm hội nghị quốc tế Kléber của Pháp nằm trên đường Kléber, cách Khải hoàn môn gần trăm mét, ở chính giữa thủ đô Paris. Tòa nhà kiến trúc hơi xưa, không rộng lắm, nhưng rất uy nghi. Một cái sảnh dẫn đến phòng họp lớn, xung quanh có bốn phòng làm việc. Có hai cửa chính đi vào, đoàn Mỹ và chính quyền Sài Gòn cùng vào một cửa, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam một cửa. Phiên họp đầu tiên là sự kiện quan trọng, có thể nói cả thế giới đều hướng về nơi đây, mong hội nghị sẽ sớm tìm ra giải pháp chấm dứt cuộc chiến tranh đã gây biết bao đau thương hơn chục năm trời. Các nhà báo đến rất đông. Nhân dân Paris, đặc biệt đông đảo kiều bào ta với lá cờ đỏ sao vàng và cờ xanh đỏ của Mặt trận hân hoan chào đón hai đoàn chúng tôi. Lác đác cũng có mấy lá cờ ba sọc của chính quyền Sài Gòn. Khó nói hết được cảm xúc của bà con Việt kiều trước cảnh lá cờ của Tổ quốc và của Mặt trận xuất hiện giữa Paris, lại trong ngày diễn ra một sự kiện trọng đại gắn liền với cuộc chiến đấu gian nan và anh hùng của nhân dân ta. Biết bao nhiêu xương máu đã đổ dưới hai ngọn cờ vinh quang này. Có cụ phụ lão Việt kiều nghẹn ngào tâm sự: “Bao nhiêu năm nay chúng tôi đâu có quyền được phất lá cờ này. Có người đã vì nó mà phải bị bắt bớ tù đày. Nay thấy đại diện của ta giương cao ngọn cờ của đất nước, được cả cảnh sát Pháp hộ tống đi giữa Paris, còn vui sướng nào bằng!” Còn chúng tôi, được vinh dự thay mặt nhân dân hai miền đang chiến đấu để đến đây, chúng tôi hiểu sâu sắc dù nhiệm vụ của chúng tôi có khó khăn đến mấy cũng không thể so sánh được với sự hy sinh của đồng bào chiến sĩ ta trên chiến trường. Nhưng tiền tuyến ngoại giao này cũng là một mặt trận cố gắng góp phần đắc lực nhất cho thắng lợi của chiến trường. Trong suốt bốn năm liền, cứ mỗi ngày thứ Năm hằng tuần, hai đoàn chúng tôi đến trung tâm hội nghị Kléber chính là để làm nhiệm vụ đó, nhiệm vụ vạch trần âm mưu xâm lược của Mỹ trước dư luận thế giới, làm rõ chính nghĩa vì độc lập, tự do và thống nhất của nhân dân ta. Trong các phái đoàn ở hội nghị điểu đáng chú ý là ba đoàn không có thành viên nữ, chỉ đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam có. “Đội quân tóc dài” tại Paris. Đoàn chính quyền Sài Gòn lúc đầu có Nguyễn Thị Vui, nhưng sau không thấy xuất hiện nữa. Cũng khá lý thú là chuyện thiết bị kỹ thuật: trên bàn của hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam chỉ có một máy magnétophone để thu phát biểu của mỗi đoàn, trong khi phía Mỹ thì đầy máy móc hiện đại, có thể thông tin thẳng về Washington, quả thật “tương quan” rất chênh lệch. Nhưng về đấu lý ta chẳng hề thua, nhất là khi mọi người đều có thể thấy thái độ khoan thai, điềm đạm mà cứng cỏi của đồng chí Xuân Thủy. Đồng chí Xuân Thủy và tôi (sau khi nhận nhiệm vụ thay đồng chí Trần Bửu Kiếm) đã làm trưởng đoàn đàm phán đến khi hội nghị kết thúc, trong lúc Mỹ thay trưởng đoàn tới năm lần (Averell Harriman 1, Henry Cabot Lodge 2, Philip Habib3 , David K. E Bruce 4, William James Porter 5). Nhiều nhà bình luận đã nói vui: “Việt cộng nhất định thắng vì họ quá kiên trì!” Đây cũng là sự thể hiện quyết tâm sắt đá của ta, và sự lúng túng của Mỹ. Tại bàn hội nghị, tôi thường chú ý quan sát hai đoàn đối phương, nhất là đoàn chính quyền Sài Gòn, trong nhiều năm do Phạm Đăng Lâm làm trưởng đoàn. Nhìn họ, tôi tự hỏi không biết họ đang nghĩ gì, về tương lai của đất nước, và của chính họ? Sự thật là thái độ của Lâm và nhiều người trong đoàn chính quyền Sài Gòn không tỏ ra thù địch với chúng tôi. Sau này, tôi được biết Phạm Đăng Lâm quê ở Bến Tre và có nhiều bạn thân trong hàng ngũ của Mặt trận... Tết Kỷ Dậu, bà con Việt kiều tại Pháp tổ chức rất linh đình, và đặc biệt để chào mừng hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Một cuộc mít tinh lớn ở hội trường Mutualité tập họp hàng nghìn kiều bào và bạn bè Pháp cùng các nước. Các cụ phụ lão, các anh chị em công nhân, trí thức đến bắt tay chúng tôi, lưu luyến mãi không muốn ra vể. Có một người trạc 30 tuổi, ăn mặc chỉnh tề, đến tìm tôi: “Cô có còn nhớ em không? Em là học trò của cô ở trường Nam Việt đây. Bây giờ em đã là tiến sĩ.” Thật đã lâu lắm rồi, hồi 1954-1955, tôi cùng Duy Liên có dạy ở trường Nam Việt của giáo sư Phạm Huy Thông. Bao nhiêu nước đã chảy qua dưới chân cầu. Tôi không kịp hỏi tên người học trò cũ, nhưng rất vui vì anh đã đi theo đúng chí hướng mà chúng tôi đã cố gắng truyền cho học sinh những ngày xa xưa ấy. Tháng 4.1969, tôi đi thăm nước Anh. Trong chiến tranh Việt Nam, Anh là đồng minh thân cận nhất của Mỹ, luôn ủng hộ các chủ trương xâm lược của Mỹ. Các đoàn thể của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không thể xin được Visa vào Anh. Nhưng nay Mỹ đã phải ngồi lại với Mặt trận rồi nên Anh không còn lý do để ngăn cản nữa. Vì vậy, cuộc đi thăm nước Anh của tôi được coi như một sự kiện. Bạn bè ở Anh phấn khởi, tổ chức đón tiếp rất nồng nhiệt. Nhiều tổ chức ở Anh ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng ta nhưng vì nhiều lý do khác nhau đã không phối hợp hành động được, vậy mà lần này ở quảng trường Trafalgar lớn nhất London một rừng người đã tập họp với những băng rôn “Đoàn kết với Việt Nam!”, “Chấm dứt ngay chiến tranh!”. Tôi được các bạn Anh dẫn lên tượng đài cao nhất giữa quảng trường để phát biểu. Trước đó, khi một số đại diện của một số tổ chức phát biểu, đã xảy ra tranh cãi, không khí rất lộn xộn. Nhưng đến khi ban tổ chức giới thiệu đại biểu của Việt Nam thì mọi người bỗng im lặng và chăm chú lắng nghe. Lúc đầu đứng trên cao tôi cũng rất hồi hộp. Nhưng mấy phút sau, trước thái độ thiện cảm và tôn trọng của mọi người, tôi trở nên hùng hổn. Kết thúc mít tinh, bạn bè cùng ban tổ chức dẫn tôi đi diễu hành, giữa hai hàng cảnh binh cao lớn bảo vệ. Quả đúng là ở các nước đế quốc, chính sách của Chính phủ và nguyện vọng của nhân dân trái ngược nhau; nhân dân nước nào cũng yêu chuộng công lý, mong muốn của họ bao giờ cũng là chung sống hòa bình, quan hệ hữu nghị. Trong dịp này, tôi cũng tiếp xúc với một số nghị sĩ Công đảng Anh tại Quốc hội Anh để trình bày về tình hình Việt Nam và lập trường của ta. Năm 1969, cũng là năm ở Mỹ có nhiều sự kiện lớn của phong trào phản chiến: phong trào sinh viên ở Kent, sự kiện Berkeley, anh Norman Morrison dẫn con ra bờ sông Potomac và tự thiêu ở đấy, rồi đêm không ngủ ở Washington... Cuối tháng 4.1969 tôi về Hà Nội để nhận chỉ thị mới. Tôi đi thăm ba ở bệnh viện Việt-Xô. Ba tôi nằm bệnh viện đã mấy tháng rồi. Đó cũng là lần cuối cùng tôi gặp ba. Cuối tháng 5, ở Paris, tôi được tin ba đã mất. Tôi vô cùng đau đớn, ân hận đã không có mặt bên cạnh ba trong những giây phút cuối cùng của ông. Cũng lần về nước này, Bác Hồ gọi tôi đến thăm và ăn cơm với Bác, Bác hỏi thăm về công việc đàm phán ở Paris, phong trào kiều bào ở Pháp, ở Anh... Bác dặn tôi hết sức quan tâm vận động nhân dân các nước, vì họ là những người yêu chuộng hòa bình và công lý. Tôi không ngờ đó là lần cuối tôi được gặp Bác. Tôi đem đến bàn hội nghị lập trường 10 điểm của Mặt trận. Đồng chí Trần Bửu Kiếm, trưởng đoàn, tuyên bố lập trường này tại cuộc họp ở Kléber ngày 8.5.1969. Tác động của lập trường 10 điểm rất lớn, đặc biệt đối với dư luận Mỹ, chính điều này cắt nghĩa cho những hoạt động sôi nổi, có lúc quyết liệt ở Mỹ trong thời gian đó. Đẩu tháng 9, một điểu vô cùng đau đớn đối với chúng tôi: Bác Hồ, vị cha già của dân tộc đã ra đi... khi cuộc chiến đấu của nhân dân đang trong giai đoạn quyết liệt. Ngày 2.9, tôi và đồng chí Xuân Thủy vể Hà Nội, chịu tang Bác. Cả nước đau buồn. ------------------------------------------------------------------ 1. Averell Harriman (1891-1986): Nghị sĩ Đảng Dân chủ, từng là Bộ trường thương mại dưới thời Tổng thống S.Truman, trưởng đoàn đàm phán của Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris năm 1968-1969. 2. Henry Cabot Lodge, Jr. (1902-1985): nhà ngoại giao, nghị sĩ Đảng Cộng hòa, trường đoàn đàm phán của Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris năm 1969. 3. Philip Charles Habib (1920-1992): nhà ngoại giao, tham gia vào đoàn đàm phán của Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris năm 1969-1970. 4. David Kirkpatrick Este Bruce (1898-1977): nhà ngoại giao, đại diện đoàn đàm phán cùa Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris các năm 1970-1971. 5. William James Porter (1914-1988): nhà ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán của Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris từ 1971-1973. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 31 Tháng Giêng, 2023, 09:58:19 pm * * * Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời được 8 năm đã lớn nhanh như Phù Đổng. Các Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng được thành lập ở khắp nơi, kể cả trong vùng còn bị địch tạm chiếm. Ở nước ngoài, tuy với danh nghĩa là Mặt trận, nhưng đã được nhiều nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nước bạn bè khác công nhận như là một chính phủ. Đã đến lúc thành lập chính phủ để thực hiện việc quản lý vùng giải phóng ngày càng rộng lớn, và có tiếng nói chính thức của nhân dân miền Nam trên trường quốc tế. Ngày 6.6.1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập với 12 chính sách đối nội và đối ngoại, là một bước phát triển mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Chính phủ có Hội đồng Cố vấn do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch, cùng nhiều trí thức yêu nước nổi tiếng tham gia. Đứng đầu Chính phủ là kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Tôi được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao, đồng thời làm trưởng đoàn đàm phán tại hội nghị bốn bên ở Paris thay đồng chí Trần Bửu Kiếm về nước làm Bộ trưởng Phủ Chủ tịch Chính phủ. Đón tin bổ nhiệm làm Bộ trưởng, tôi thực sự không coi là tin vui, mà thấy nhiệm vụ sẽ nặng nề hơn. Việc công bố thành lập chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam là sự kiện rất quan trọng, nhân dân trong nước vui mừng, ở Sài Gòn rất xôn xao, dư luận quốc tế cũng hết sức quan tâm. Tại bàn đàm phán đoàn đưa ra việc tôi thay thế đồng chí Trẩn Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, đồng thời từ đây sẽ dự hội nghị với tư cách là đại diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam vừa được thành lập. Chúng tôi dự kiến có mấy khả năng xảy ra: đại diện Mỹ có thể phản đối, ngừng cuộc họp... Không ngờ hôm đó trưởng đoàn Mỹ chỉ tỏ ra hơi bất ngờ và phát biểu gượng gạo “ai đại diện là việc nội bộ của quý vị...”. Còn ở đoàn chúng tôi tại Paris những ngày này là những ngày hội. Tôi nhận được rất nhiều hoa và thiếp chúc mừng, phải liên tục đón tiếp các đoàn. Đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Lê Đức Thọ và đồng chí Xuân Thủy dẫn đầu đến trước tiên. Rồi đến các Đại sứ Liên Xô, Trung Quốc, Cuba... đến chúc mừng và thông báo Chính phủ các nước ấy chính thức công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Hội Liên hiệp Việt kiều ở Pháp, Đảng Cộng sản Pháp cùng các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, công đoàn... liên tiếp đến. Báo chí quốc tế đưa tin dồn dập. Chỉ trong một thời gian ngắn đã có 20 nước, trước hết là các nước xã hội chủ nghĩa và hai nước bạn chí cốt của Việt Nam là Cuba và Algérie, ra tuyên bố công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thế của đại diện miền Nam trên bàn hội nghị rõ ràng mạnh hơn và đàng hoàng hơn. Thành phần đoàn chúng tôi không có gì thay đổi lớn. Tôi thay đồng chí Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn. Các đồng chí Đinh Bá Thi và Nguyễn Văn Tiến là phó trưởng đoàn. Chị Duy Liên cũng về nước, nhưng đoàn lại được tăng cường chị Nguyễn Thị Chơn, và năm sau là chị Phan Thị Minh1. Tại Paris, đoàn chúng tôi có trụ sở tại Verrières-le-Buisson (đường Cambacéres) và một bộ phận tại Massy cách đó năm, sáu cây số, trong một khu lao động. Toàn bộ đoàn không quá 30 người kể cả cán bộ nhân viên giúp việc. Riêng ở Verrières-le-Buisson chỉ có 10 người: tôi, Bình Thanh và vài đồng chí lễ tân, bảo vệ... Đây là một biệt thự cũ nhưng xinh xắn, nằm trên một khu đồi rộng, từ đó nhìn xuống hồ nước có mấy con thiên nga bơi lội, rất nên thơ. Sau nhà là một vườn nhỏ với khoảng chục cây cerise, buổi chiều chị em trong đoàn thường thích ra hái quả ăn và trò chuyện. Trước dãy nhà sau bếp, đồng chí cấp dưỡng có trồng mấy luống rau cải và nuôi mấy con gà. Sau những buổi làm việc căng thẳng, chúng tôi thường tham gia tưới rau, cho gà ăn, giải trí. Chúng tôi đã sống tại biệt thự Verrières-le-Buisson gần năm năm cùng với năm đời thiên nga trong hồ. Cũng là năm năm lịch sử khó quên. Phục vụ việc đi lại hoạt động của đoàn, chúng tôi được Chính phủ Pháp cử cảnh sát hộ tống, trưởng đoàn được một xe cảnh sát, bốn môtô hộ tống hai bên; nếu đi cả đoàn như những hôm họp ở Kléber thì phải tám môtô. Đảng Cộng sản Pháp là tổ chức giúp đỡ đoàn nhiều nhất. Chúng ta chỉ có một số cán bộ bảo vệ từ trong nước sang, còn tất cả các đồng chí bảo vệ khác và cả lái xe đều do Đảng Cộng sản Pháp phái đến giúp đoàn, không công. Hầu hết thành viên của đoàn là cán bộ chính trị từ nhiều địa phương, nhiều ngành đến, chỉ có một đồng chí quân sự. Chúng tôi làm việc với nhau rất đoàn kết, mọi người chỉ đinh ninh một tâm niệm vì miền Nam ruột thịt, vì những người thân yêu đang chiến đấu ở quê hương, phải làm tốt nhất nhiệm vụ của mình. Bình Thanh, cô thư ký rất nhạy cảm của tôi thường nói; “Đây là một tập thể yêu thương.” Chúng tôi ít đi chơi, chỉ thỉnh thoảng cả đoàn rủ nhau ra công viên hay vào rừng hái nấm. Bên Massy có hai bàn bóng bàn, chiều nào anh em cũng đánh bóng hay chơi bi sắt. Báo chí nước ngoài, nhất là báo Pháp, so sánh đoàn chúng tôi với đoàn Sài Gòn. Lương của họ khá cao, họ có điều kiện đi giải trí nhiều nơi. Có báo viết cơ quan chúng tôi như một “nhà tu”, nam giới không có vợ đi theo, nữ cũng không có chồng đi theo. Chúng tôi sống rất đạm bạc, tiết kiệm. Có những nhà báo muốn quay phim cảnh sinh hoạt ăn ở của trưởng đoàn “Việt cộng”, chúng tôi kiên quyết từ chối, lấy lý do phong tục Việt Nam không cho phép đưa công khai sinh hoạt riêng của người phụ nữ. Thực tế là chúng tôi khó lòng cho họ xem chỗ ở của tôi và Bình Thanh, trên gác thượng (mansarde) sát mái, chỉ có hai cái giường sắt như ở bệnh viện. Có nhà báo tò mò hỏi tôi đi may áo dài ở đâu, làm tóc ở đâu, chăm sóc sắc đẹp ở đâu, tôi tìm cách đối đáp cho qua chuyện. Cũng có phóng viên hỏi soi mói: “Bà có phải là đảng viên cộng sản không?”, tôi chỉ mỉm cười trả lời: “Tôi là người yêu nước, đảng tôi là đảng yêu nước, kiên quyết đấu tranh cho độc lập tự do của đất nước.” Có nhà báo nhận xét: “Tên bà là hòa bình nhưng bà chỉ nói về chiến tranh.” Tôi có thể nói gì khác là lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và nêu rõ ý nghĩa cuộc chiến đấu của nhân dân ta, vì hòa bình và độc lập, tự do? Phải khẳng định rằng chúng ta không hề muốn có chiến tranh. Chính thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã buộc nhân dân ta phải đứng lên tự vệ. Để có được những lý lẽ sắc bén đấu tranh trên bàn đàm phán và tranh thủ được dư luận rộng rãi, chúng tôi thường tìm đọc các sách lịch sử thế giới, và nhất là lịch sử nước ta. Tôi đặc biệt thích đoạn nói về thời Lê Lợi -Nguyễn Trãi thế kỷ XV. Cách đầy 500 năm tổ tiên ta đã tổ chức hiệp đồng đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao rất tài tình. Thật tuyệt vời là những bức thư ngoại giao lúc mạnh mẽ lúc mềm dẻo của Nguyễn Trãi vừa gây sức ép vừa thuyết phục đối phương rút quân về nước. Gần sáu thế kỷ sau, đúng là chúng ta đang đi theo truyền thống đánh giặc vừa cực kỳ anh dũng vừa hết sức thông minh của cha ông. Ngoài công việc chuẩn bị cho các cuộc họp ở Kléber, chúng tôi còn phải dành khá nhiều thời gian tiếp xúc với báo chí. Riêng tôi có những giai đoạn hầu như ngày nào cũng phải tiếp một hay hai hãng truyền hình hoặc phóng viên các báo Pháp, Mỹ, Anh, Nhật... Nhìn chung thái độ của báo chí là có thiện cảm đối với đoàn Việt Nam Dận chủ Cộng hòa, và nhất là đoàn chính phủ Cách mạng Lâm thời. Anh em nói đùa: “Phương Tây nịnh đầm!” Có những vấn đề tế nhị, chúng tôi bàn bạc cùng nhau để có cách trả lời thống nhất, hợp lý. Mặt trận đối ngoại là một chiến trường, vừa đầu trí, vừa đấu lý và lần nào chúng ta cũng giành thắng lợi. Đối phương cũng như một số báo chí thường xoáy vào vấn đề có quân đội miền Bắc ở miền Nam Việt Nam không? Chúng tôi được chỉ thị không nói có mà cũng không nói không. Tôi trả lời: “Dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam ở Bắc cũng như Nam đều có nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược.” Các nhà báo có xoay đi xoay lại thế nào chúng tôi cũng chỉ một mực giữ nguyên cách nói đó, cuối cùng họ cũng đành chịu. Năm 1969, chúng tôi tuyên bố vùng giải phóng chiếm hai phần ba miền Nam. Đến năm 1971, chúng tôi “mở rộng” ra đến ba phần tư. Thực tế, lúc đó, trên chiến trường, quân chủ lực ta có khó khăn, một số phải dạt ra biên giới Campuchia. Địch ném bom khắp nơi, kể cả vùng ngoại ô Sài Gòn. Chúng tôi bàn với nhau để trả lời báo chí: “Nơi nào Mỹ ném bom, bắn phá thì đấy chính là vùng giải phóng của chúng tôi. Nếu không tại sao Mỹ lại phải ném bom?” Lý lẽ này vững vàng, khiến các nhà báo đều gật đầu. Tôi nhớ nhất một cuộc gặp mặt báo chí trên truyển hình trực tiếp vào giữa năm 1971. Truyền hình Pháp có sáng kiến tổ chức cuộc họp báo ở hai đầu Paris và Washington. Có 20 nhà báo tham gia, 10 người phần lớn là Mỹ coi như bảo vệ lập trường của Mỹ, 10 người khác phần lớn là Pháp coi như trung lập, khách quan. Khi được mời, tôi có phần ngần ngại, nghĩ mình chỉ có một mình giữa bao nhiêu nhà báo sừng sỏ không quen biết, lại phải tranh luận bằng tiếng Pháp. Đồng chí Dương Đình Thảo, người phát ngôn của đoàn và anh chị em động viên tôi, coi đây là dịp rất tốt để ta giới thiệu trước toàn thế giới lập trường chính nghĩa của ta và vạch âm mưu, tội ác của Mỹ, nên phải hết sức tận dụng. Gần hai tiếng đổng hồ căng thẳng dưới ánh đèn sáng chói của trường quay. Các nhà báo chủ yếu xoay quanh lập trường của Mỹ và Việt Nam tại bàn đàm phán. Tuy hồi hộp tôi vẫn cố gắng bình tĩnh đối đáp đàng hoàng, mạnh mẽ nhưng hòa nhã, nêu rõ thiện chí của chúng ta muốn tìm giải pháp chính trị, chấm dứt đau khổ của nhân dân, và cũng kiên quyết đến cùng vì tự do độc lập và thống nhất thiêng liêng của đất nước... Kết thúc họp báo tôi thở phào vì đã hoàn thành một nhiệm vụ phức tạp. Đồng chí Xuân Thủy điện thoại khen: “Cô rất dũng cảm.” Nhiều bạn Pháp, nhất là các bạn nữ thì gọi điện hoan hô, coi đây là một thành công quan trọng. Nhiều ngày sau, báo chí còn tiếp tục nói đến sự kiện này. Chúng tôi luôn tìm những sáng kiến mới để mở rộng ảnh hưởng. Có một hoạt động rất đặc biệt từ Paris, chúng tôi cùng với các bạn bè Mỹ ở New York tổ chức một cuộc mít tinh phản chiến xuyên Đại Tây Dương. Đúng giờ hẹn, các bạn bên New York điện thoại báo cho chúng tôi là mọi người dự mít tinh đã tập họp đông đủ, đề nghị chúng tôi qua điện thoại phát biểu với công chúng. Tôi nói, Bình Thanh dịch lại. Những tràng vỗ tay tán thưởng. Đến lượt các bạn Mỹ phát biểu, nghe không được rõ lắm nhưng chúng tôi cũng đoán được nội dung... Đây là một trong những cách chúng tôi cố gắng góp phần làm cho nhân dân Mỹ hiểu và đồng cảm với cuộc đấu tranh của chúng ta... -------------------------------------------------------------------- 1. Phan Thị Minh, tức là Lê Thị Kinh, con gái bà Phan Thị Châu Liên - con gái đầu của Cụ Phan Châu Trinh - sinh năm 1925. Sau 1975, bà tiếp tục làm công tác ngoại giao; nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ý và các nước vùng Địa Trung Hải, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế; tác giả của bộ sách Phan Châu Trinh qua những tài liệu mới, NXB Đà Nẵng, năm 2001. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 31 Tháng Giêng, 2023, 10:02:36 pm Nhưng không phải sáng kiến nào cũng thành công. Nhận thấy ở Mỹ, Quốc hội có vai trò rất lớn và có không ít nghị sĩ Mỹ phản đối chiến tranh, tôi bàn với anh Lý Văn Sáu viết một bức thư gửi cho Quốc hội Mỹ mong muốn Quốc hội Mỹ nghĩ đến số phận thanh niên Mỹ bị đưa đi chết ở Việt Nam, nghĩ đến truyền thống của nước Mỹ yêu tự do... Lời lẽ trong thư được cân nhắc rất kỹ, ôn hòa và phải chăng. Nhưng ít ngày sau chúng tôi được biết phản ứng của Quốc hội Mỹ là “không tích cực”. Họ cho chúng ta làm như vậy là can thiệp vào nội bộ của Mỹ. Việc nhỏ, nhưng cho chúng tôi hiểu thêm về sự kiêu căng của một nước lớn. Cũng là một bài học trong ứng xử quốc tế.
Lựa chọn Paris làm nơi đàm phán là một thắng lợi lớn của chúng ta. Có lẽ Mỹ cũng không nghĩ được là Việt Nam đã từng đánh nhau với Pháp nhưng chính nơi đây ta lại có nhiều bạn bè Pháp thân thiết ủng hộ và đông đảo Việt kiều yêu nước. Paris được coi là trung tâm hoạt động của châu Âu, trung tâm dư luận của thế giới. Từ đây chúng ta có thuận lợi thông tin đi các nước. Bao nhiêu lần những tin tức quan trọng như việc Mỹ mở rộng chiến tranh sang Lào và Campuchia, đánh phá leo thang ra miền Bắc, các cuộc tàn sát của quân Mỹ như ở Mỹ Lai (Sơn Mỹ)... đều được thông báo rất nhanh từ các đoàn đàm phán tại Paris của chúng ta ra khắp thế giới. Và chỉ sau một ngày ở nhiều nước nhân dân đã xuống đường chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam. Những thông tin này lại nhanh chóng tác động mạnh vào các đô thị ở miền Nam. Nhiều người từ miền Nam sang Pháp đã nói với tôi chính là nhờ thông tin từ các nước mà họ mới hiểu rõ được tình hình ở chính miền Nam, hiểu rõ Mặt trận dân tộc Giải phóng. Qua báo chí, truyền hình, hằng ngày người ta chăm chú theo dõi cuộc đánh trả của quân và dân Việt Nam chống lại lính thủy đánh bộ Mỹ trên chiến trường. Các nhà chính trị thì muốn xem cuộc đối đầu giữa phe cộng sản - xã hội chủ nghĩa mà “đại diện” là quân đội Bắc Việt Nam và Quân giải phóng miền Nam với phe đế quốc phương Tây do Mỹ đúng đầu diễn biến ra sao. Và đằng sau đó, trên xương máu ở chiến trường, là những cuộc vận động, mặc cả giữa các bên liên quan vì những lợi ích nhiều khi riêng tư phức tạp. Người ta mưu toan dùng Liên Xô, Trung Quốc, hai đồng minh lớn của Việt Nam, để gây áp lực với Việt Nam. Tất cả những động thái này tinh ý có thể nhận ra qua các diễn biến công khai và ẩn ngầm xung quanh cuộc hội đàm Paris. Chúng tôi ý thức rõ điều đó nên kỷ luật phát ngôn rất chặt chẽ. Cũng có lúc chúng ta phát biểu một đằng, các báo vô tình hay cố ý lại đưa thành nội dung khác. Chúng tôi phải luôn kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Ở các cuộc chiêu đãi quốc khánh của các nước, có nhiều chính khách, nhà báo, người ta truyền nhau nhũng tin tức, anh chị em ta cũng khéo léo thu lượm thông tin để biết dư luận các bên quan tâm những vấn đề gì. Nhà bà Genevièves Tabouis, một nữ chính khách và nhà báo nổi tiếng của Pháp, là nơi thường tập họp nhiều chính khách tên tuổi của Pháp, các nhà hoạt động chính trị, các tướng lĩnh về hưu, các nhà báo lớn. Đương nhiên, trong số đó có những nhà tình báo chiến lược. Người ta đến đây bàn về các vấn đề thời sự. Tôi cùng đồng chí Nguyễn Minh Vỹ, luật sư Trần Công Tường (của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) thường được mời tham gia buổi “uống trà chiều thứ bảy”. Qua trò chuyện chúng tôi biết họ rất muốn hiểu ý đồ của ta, đánh đến đâu thì có thể đàm phán thực sự. Nhiều người cũng để lộ nhận định của những nhân vật trong chính giới Pháp là “Mỹ chắc chắn thất bại, vì người Pháp trước đây giỏi chiến lược, chiến thuật hơn mà rồi cũng phải chịu thua”. Tuy nhiên, không phải chính quyền Pháp không muốn làm trung gian đàm phán giũa ta và Mỹ. Họ muốn trong “nội các hòa bình” sắp tới ở Sài Gòn có những người thân Pháp. Qua một số nhân vật có quan hệ với ta họ đánh tiếng thăm dò về vấn đề chính quyền miền Nam trong giải pháp chính trị, mặt khác họ cũng thăm dò phía Mỹ. Nhưng nhìn chung Chính phủ Pháp thận trọng, muốn giữ vai trò “nước chủ nhà”... Trong quá trình đàm phán, chúng ta có nhiều biện pháp bảo mật, nhưng có lẽ một phần cũng nhờ môi trường chính trị ở Pháp mà tất cả các cuộc tấn công ngoại giao của chúng ta đều đã giữ bí mật được đến phút cuối cùng, tạo được yếu tố bất ngờ làm đối phương lần nào cũng lúng túng bị động. Trong hơn năm năm ở Paris, ngoài công việc liên quan đến cuộc đàm phán, tôi cùng các đồng chí trong đoàn dành thời gian đi thăm các nước, dự các hội nghị, mít tinh đoàn kết với Việt Nam... Bất cứ nước nào, tổ chức nào mời là chúng tôi tranh thủ đi, ở Pháp, Ý, châu Phi hay châu Mỹ, tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị, và các chính phủ... Ở Pháp, nhân dân rất có cảm tình với Việt Nam. Bên cạnh Đảng Cộng sản Pháp đang có ảnh hưởng chính trị to lớn là chỗ dựa vững chắc của chúng ta, phong trào đoàn kết với Việt Nam thu hút mọi tầng lớp nhân dân. Đặc biệt một số trí thức lớn tầm cỡ thế giới như nhà văn và triết gia Jean-Paul Sartre, nhà toán học nổi tiếng Laurent Schwartz, luật sư kỳ cựu, Chủ tịch Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế Joe Norman... đều lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Việt Nam. Điểu đáng chú ý là các nhân vật lớn này có nhiều quan điểm chính trị khác nhau, thậm chí chống đối nhau, nhưng họ đều gặp nhau trong vấn để Việt Nam. Cuộc chiến đấu anh hùng, bẩt khuất của Việt Nam cũng đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ Pháp, có người đã thốt lên: “Ước gì, sáng thức dậy, tôi là người Việt Nam”. Phụ nữ Pháp trong tổ chức Liên hiệp Phụ nữ (UFF 1) đặc biệt tích cực và có nhiều sáng kiến ủng hộ Việt Nam. Các chị thường nói đùa: “Bình bây giờ có khi còn được nhân dân Pháp biết nhiều hơn Tổng thống Pháp của chúng tôi đấy!” Công đoàn CGT cũng rất hăng hái. Tôi nghĩ cần làm cho nhân dân ta hiểu được tất cả những gì các bạn đã giúp ta trước đây, đặc biệt trong thời gian cuộc đàm phán diễn ra ở Paris, ơn nghĩa này lớn lắm, chúng ta không bao giờ được quên. Từ Pháp sang Ý không xa. Phong trào nhân dân Ý ủng hộ Việt Nam cũng rất mạnh, nhất là trong thanh niên và công đoàn. Trong Quốc hội, nhiều nghị sĩ cộng sản và các đảng phái khác đã lên tiếng mạnh mẽ đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh. Chúng tôi đã nhiều lần đến Bologna, nơi Đảng Cộng sản Ý có nhiều ảnh hưởng. Tôi được mời đến Quốc hội trình bày tình hình cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ở đây có phong trào ủng hộ máu cho y tế Việt Nam. Các đoàn của ta đến thăm được xem là khách quý, được xe cảnh sát dẫn đường như đối với nguyên thủ quốc gia. Các đồng chí Trương Tùng, Hà Đăng thường nhắc lại những chuyến đi “lịch sử” đến Bologna... ------------------------------------------------------------------ 1. Confédération générale du travail. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 31 Tháng Giêng, 2023, 10:07:01 pm Với riêng tôi, kỳ niệm sâu sắc, xúc động nhất là ở Thụy Điển. Các tầng lớp nhân dân Thụy Điển, nhất là thanh niên, hết sức yêu mến và ủng hộ Việt Nam. Nhiều thanh niên tự gọi mình là “Việt cộng Thụy Điển”. Có lần vừa bước xuống sân bay ở đây, chúng tôi đã thấy hai hàng thanh niên Thụy Điển với những lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận, và họ hát vang bài Giải phóng miền Nam bằng tiếng Thụy Điển để chào mừng chúng tôi. Có những bạn trẻ là con nhà giàu theo phong trào, lúc đầu cha mẹ họ rất giận, nhưng rồi thấy con qua hoạt động ngày càng ngoan, càng chững chạc, cuối cùng họ đã thay đổi thái độ, chuyển sang ủng hộ, động viên con hoạt động cho Việt Nam. Còn có chuyện rất đặc biệt: những thanh niên FNL (chữ viết tắt tên Mặt trận Dân tộc Giải phóng) này lập một “vùng giải phóng của Việt cộng” ở một khu nhà bỏ hoang ngay giữa thủ đô, đặt cơ sở in ấn, ra bản tin về Việt Nam, phân phát thường xuyên cho các tẩng lớp nhân dân... Hai nhân vật Thụy Điển quý mến nhất đối với tôi là Thủ tướng Olof Palme 1 và nhà văn nữ Sara Lidman 2. Đầu năm 1970, Thủ tướng Olof Palme cử ông Christophe Oberg mời tôi sang dự Đại hội Đảng Xã hội Dân chủ Thụy Điển và phát biểu về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tôi là đại biểu nước ngoài duy nhất tại đại hội, và cũng trong dịp này tại thủ đô Stockholm diễn ra một cuộc diễu hành lớn ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, đích thân Thủ tướng cùng với tôi dẫn đầu cuộc biểu tình này.
Nhà văn Sara Lidman rất nổi tiếng ở Bắc Âu, đã viết nhiều sách bảo vệ lợi ích của nông dân những vùng hẻo lánh. Là người có trái tim vàng, chị rất khâm phục và xúc động trước việc một nước nghèo, nhỏ như Việt Nam, đã đứng dậy trong cuộc chiến đấu anh hùng chống lại một tên đế quốc khổng lổ. Chị coi Việt Nam là tiêu biểu cho lương tri loài người ngày nay, là trái tim của nhân loại. Có lẽ không còn từ nào cao đẹp hơn để nói về Việt Nam những ngày ấy. Chị đã sang thăm Việt Nam ngay giữa chiến tranh, càng xúc động và cảm phục trước hình ảnh các cháu thiếu nhi, các cụ già, phụ nữ dưới bom đạn dã man ác liệt của Mỹ vẫn bình tĩnh, lạc quan chiến đấu, tin chắc ở thắng lợi cuối cùng, chị cũng rất chú ý quan sát các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội và trong gia đình ở ta thời bấy giờ. Sara nói: “Chị Bình ơi, Việt Nam đang có một nền văn hóa dân tộc vô cùng quý giá. Con người sống với nhau có tình có nghĩa, thật đẹp. Ở châu Âu họ dã man hết rồi, con người chỉ biết sống vì mình, sát phạt lẫn nhau...” Ngày nay, nhớ lại những lời ấy của người bạn chí cốt Thụy Điển, thật đáng cho chúng ta suy nghĩ nhiều. Quả thật những năm tháng ấy, giữa chiến tranh, chúng ta đã thật sự có một đời sống xã hội tốt đẹp, tôi nghĩ trong chiều rất sâu đó cũng chính là một nguồn gốc sức mạnh của chúng ta, mà chúng ta luôn phải biết gìn giữ. Vậy đó, có khi trong thời bình lại khó hơn trong thời chiến! Tôi biết có những bạn bè thân thiết cũng đã nghĩ và lo lắng cho chúng ta về điều này. Sara Lidman là một trong những người đó. Chị không phải là người cộng sản, chị không nói về đấu tranh giai cấp, về chủ nghĩa xã hội, chị có một tâm hồn trong sáng và cao thượng nên chị yêu quý công bằng, nhân ái, căm ghét bất công, đàn áp, bóc lột. Khi tôi tâm sự với chị về những yếu kém còn lại của chúng ta, bao giờ chị cũng tìm cách bảo vệ, bao che... Sara đã mất cách đây mấy năm ở quê chị, một vùng nông thôn yên bình miền Nam Thụy Điển. Một người bạn tuyệt vời chúng ta không bao giờ có thể quên. Tôi cũng rất nhớ về đất nước Algérie, nơi mọi người gọi Việt Nam là “anh” là “chị”. Việt Nam và Algérie vốn có mối gắn bó lịch sử đặc biệt. Năm 1954, chúng ta kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp bằng thắng lợi vang dội Điện Biên Phủ, thì liền sau đó Algérie đã tiến hành cuộc chiến đấu của họ, và đến năm 1962 đã giành được độc lập tự do từ tay thực dân Pháp sau Hiệp định Évian 3. Algérie rất biết ơn Việt Nam, coi Việt Nam là người dẫn đường cho cuộc đấu tranh của chính họ và của phong trào độc lập dân tộc trên thế giới. Vì quan hệ đặc biệt đó mà Chính phủ, đảng FNL và nhân dân Algérie luôn tích cực ủng hộ Việt Nam khi chúng ta phải đánh Mỹ. Paris-Algers chẳng mấy xa xôi, chúng tôi nhiều lần sang trao đổi với bạn về tình hình chiến đấu trong nước và về cuộc đàm phán ở Paris. Tổng thống Boumédienne 4 và Ngoại trưởng Bouteflika 5 coi tôi là bạn thân thiết, dành cho tôi một biệt thự riêng ở Algers, các bạn gọi là “Biệt thự bà Bình”. Lúc đó Algérie có vai trò quan trọng trong Phong trào Không Liên kết nên chính các bạn đã giúp Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam tham gia phong trào này trong khi một số nước có nhiều quan hệ với Mỹ và với chính quyền Sài Gòn tìm cách ngăn trở. ------------------------------------------------------------------- 1. Sven Olof Joachim Palme (1927-1986): Thủ tướng Thụy Điển các giai đoạn 1969-1976,1982-1986. 2. Sara Lidman (1923-2004): nhà văn, nhà thơ người Thụy Điền, chuyên viết về tình hình những người lao động và nông dân ở miền Nam Thụy Điển. 3. Hiệp định Évian ký tháng 3.1962, có hiệu lực bốn tháng sau đó, qua hiệp định này, Pháp trao trả quyển kiểm soát Algérie cho người Algérie, tạo điều kiện cho nước Cộng hòa Algérie ra đời. 4. Houari Boumédienne (1932-1978): nhà cách mạngAlgérie, Tổng thống thứ 4 của Cộng hòa Algérie. 5. Abddaziz Bouteflika, sinh năm 1932, Tổng thống thứ 9 của Cộng hòa Algérie. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 03 Tháng Hai, 2023, 03:35:20 pm Giữa năm 1970, tôi đi thăm Nam Tư. Khi đặt chân lên đất nước này, tôi nhớ ngay đến những cuốn sách dã được đọc trong những năm đầu của cuộc chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta - về phong trào du kích nổi tiếng của Nam Tư trong chiến tranh chống phát-xít -mà Tổng thống Tito 1 là người tiêu biểu, được tôn vinh là anh hùng dân tộc. Sau Thế chiến II, Nam Tư là một trong những nước đề xướng tinh thần Bandung và có vai trò quan trọng trong Phong trào Không Liên kết... Nhưng sau đó trong phong trào công nhân và cộng sản quốc tế có sự chia rẽ, vị thế quốc tế của Nam Tư giảm sút.
Tuy vậy, đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến, Tổng thống Tito và Chính phủ Nam Tư luôn luôn tích cực ủng hộ. Sau khi Hiệp định Paris được kí kết, tôi còn có dịp cùng với Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đi thăm Nam Tư một lần nữa, chúng tôi được đích thân Tổng thống lái xe đưa đi tham quan đảo Brunei, giữa biển Adriatic - ở đây nước biển có màu xanh biếc hết sức đặc biệt. Giữa năm 1970, trên chiến trường, thế ta và địch giằng co, tình hình đàm phán thì giẫm chân tại chỗ. Tôi tiếp tục tranh thủ đi thăm các nước và dự các hội nghị quốc tế, đồng chí Đinh Bá Thi 2 phó đoàn thay tôi mỗi sáng thứ Năm ở Kléber. Tháng 7, chúng tôi đi thăm chính thức Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Indira Gandhi 3, và sau đó là Sri Lanka theo lời mời của bà Thủ tướng Bandaranaike 4. Lúc đó ở New Delhi có hai cơ quan lãnh sự, một của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một của chính quyền Sài Gòn. Nghe chúng tôi đến, lãnh sự Sài Gòn phản đối và bỏ về nước. Nhưng họ đã thất bại vì tôi đến là theo lời mời chính thức của Chính phủ Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ đã trả lời: “Mời ai là quyền của chúng tôi!” Trong chính giới Ấn Độ cũng có hai phe, trên đường chúng tôi đi thấy có hai loại khẩu hiệu “Hoan nghênh bà Nguyễn Thị Bình!” và “Bà Bình về nhà đi!”. Mấy phóng viên hỏi tôi có cảm tưởng gì, tôi trả lời: “Nhân dân Ấn Độ hoan nghênh chúng tôi, chúng tôi rất cảm ơn; và sau khi thăm thì chúng tôi sẽ về nước”... Tháng 7, Ấn Độ rất nóng nhưng đi đến đâu cũng gặp nhân dân đổ ra đường rất đông, đặc biệt ở Calcutta. Nhiều người chen nhau để được bắt tay chúng tôi, có người hôn lên tà áo dài của tôi. Bấy giờ ở đây có một khẩu hiệu rất nổi tiếng: “Anh là Việt Nam, Tôi là Việt Nam, Chúng ta là Việt Nam!” Tất nhiên nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có một số người không, nên ở một số nơi có đánh nhau giữa quân cờ đỏ và quân cờ đen, rất mừng là quân cờ đỏ bao giờ cũng đông hơn rất nhiều. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với bà Indira Gandhi mà tôi từng được nghe nhiều người ca ngợi. Bà là con Cụ Nehru, vị Thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ rộng lớn đã giành được độc lập sau gần 100 năm bị đế quốc Anh đô hộ. Bà Indira Gandhi lấy họ Gandhi theo chồng là ông Feroze Gandhi, cũng là một chính trị gia, nhà báo nổi tiếng của Ấn Độ. Khi nhỏ bà luôn đi theo cha và được ông công phu đào tạo để trở thành một chính khách tầm cỡ. Bà tự hào là “cháu của Bác Hồ”. Tôi có ấn tượng sâu sắc và tốt đẹp về bà, không chỉ vì vẻ ngoài đĩnh đạc, cao quý, mà cả về bản lĩnh chính trị. Chuyến thăm Ấn Độ cho tôi hiểu thêm về một nền văn hóa lâu đời và vĩ đại của châu Á, đồng thời cũng rất ấn tượng về tình cảm của nhân dân Ấn Độ đối với Bác Hồ và với Việt Nam. Chuyến đi thăm Ấn Độ của tôi có tiếng vang lớn trong dư luận xã hội Ấn Độ, nên sau đó Chính phủ Ấn Độ có quyết định quan trọng có lợi cho uy tín của chúng ta. Trước đây, Ấn Độ và Ba Lan là hai nước trong Ủy ban Quốc tế Giám sát Thi hành Hiệp định Genève. Để giữ thế trung lập, Ấn Độ đã lập một Tổng lãnh sự ở Hà Nội, một ở Sài Gòn. Đến đầu năm 1972, Ấn Độ đã đặt quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lập sứ quán tại Hà Nội. ------------------------------------------------------------------- 1. Josip Bzor Tito (1892-1980): nhà cách mạng, chính khách, Tổng thống Nam Tư (1953-1980). 2. Đinh Bá Thi là Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Liên hiệp quốc. 3. Indira Priyadarshini Gandhi (1917-1984): con gái nhà cách mạng, Thủ tướng đầu tiên của nước Ấn Độ độc lập Jawaharlal Nehru. Bà là Thủ tướng thứ 3 của Cộng hòa Ấn Độ (1966-1977, 1980-1984). 4. Sirimavo Ratwatte Dias Bandaranaike (1916-2000): chính trị gia Sri Lanka, người phụ nữ đầu tiên của thế giới đứng đầu một chính phủ, là Thủ tướng Sri Lanka và Ceylon các năm 1960-1965, 1970-1977, 1994-2000. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 03 Tháng Hai, 2023, 03:39:37 pm Ngày 17.9.1970, tại bàn đàm phán Paris chúng tôi mở đợt tấn công 8 điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam đòi Mỹ rút hết quân trước ngày 30.6.1971 và gạt bỏ Thiệu-Kỳ-Khiêm, thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam. Tám điểm gây tiếng vang lớn ở các đô thị miền Nam và được dư luận thế giới hoan nghênh, cho là linh hoạt, mềm dẻo.
Sau khi tôi được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán, tôi có thêm nhiệm vụ là đại diện ngoại giao về mặt nhà nước cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời, vận động chính phủ các nước công nhận ngoại giao chúng ta. Đến năm 1970 thì đã có 24 nước công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Việc tham gia Phong trào Không Liên kết được đặt ra thành một mục tiêu lớn để đề cao vị trí quốc tế của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam. Phong trào này lúc đó đã gồm hơn 100 nước Á-Phi-Mỹ Latin của thế giới thứ ba chủ trương đấu tranh cho độc lập và không liên kết, nghĩa là không theo phe xã hội chủ nghĩa cũng không theo phe tư bản chủ nghĩa phương Tây. Cương lĩnh của Mặt trận, với đường lối ngoại giao hòa bình và trung lập, rất phù hợp với tôn chỉ mục đích của Phong trào Không Liên kết. Tuy nhiên, việc gia nhập được tổ chức này không đơn giản, dù chúng ta có nhiều bạn bè ở đấy. Tháng 9.1970, tôi được chỉ thị cùng các đồng chí Ngọc Dung, Bình Thanh, Lý Văn Sáu, Lê Mai đi Lusaka, thủ đô Zambia để vận động việc quan trọng này. Chúng tôi đến Tanzania để từ đó sang Zambia, nhưng khi đến thủ đô Dar-es-salam thì không tìm được đường bay sang Zambia, mà thời gian cuộc họp nguyên thủ các nước của phong trào đã gần kề. Thật hết sức lúng túng. Rất may gặp được chị Maria, thư ký riêng của Tổng thống Tanzania Julius Nyerere 1, một nhà chính trị lớn của châu Phi, vốn rất có cảm tình với cuộc đấu tranh của Việt Nam. Chị Maria gợi ý tôi xin đi nhờ chuyên cơ của Tổng thống. Tôi đến gặp Tổng thống và đặt vấn đề, ông rất vui vẻ nhận lời. Thế là năm chúng tôi lên chuyên cơ. Điều vui hơn nữa là cùng đi còn có Tổng thống Obote 2 của Uganda. Tôi ngồi ghế giữa hai Tổng thống, cùng trò chuyện, và khi xuống sân bay được đón tiếp long trọng như các nguyên thủ khác. Các Ngoại trưởng họp trước, sau mới đến cuộc họp các nguyên thủ. Tại cuộc họp Ngoại trưởng, các đồng chí Cuba và Algérie đặt vấn đề kết nạp Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Một cuộc vận động ráo riết diễn ra. Một số nước châu Phi có quan hệ chặt chẽ với Mỹ và chính quyền Sài Gòn chống lại, một số nước lưng chừng. Sau cùng hội nghị quyết định Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam bước đầu là quan sát viên của phong trào. Đây là một thắng lợi quan trọng, từ đây vị trí ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam đã khác trước. Tại hội nghị các nguyên thủ, tôi được mời phát biểu ý kiến. Cả hội nghị chăm chú lắng nghe. Ngày hôm sau tôi đến chào Thủ tướng Indira Gandhi, Tổng thống Nyerere, để cảm ơn sự ủng hộ của Ấn Độ và Tanzania... Nhiều nguyên thủ đều muốn gặp bà Ngoại trưởng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Đáng chú ý có Tổng thống Bokassa 3 của Cộng hòa Trung Phi. Ông từng là lính lê dương trong quân đội Pháp sang đánh nhau ở Việt Nam, nghe nói ông có một cô con gái rất xinh. Người đứng đầu Ethiopie, Hoàng đế H. Selassie 4 ăn mặc sang trọng theo cách của một vị quốc vương, đi giữa một đoàn tùy tùng rất đông và khúm núm. Đối với các vị ấy, sự xuất hiện của một nữ Ngoại trưởng đại diện cho một cuộc chiến đấu đang được cả thế giới chăm chú theo dõi khiến họ chú ý và ít nhiều có cảm tình. Tại các cuộc hội nghị quốc tế những năm sau, tôi luôn được sự ủng hộ của các đoàn Á-Phi, phối hợp chặt chẽ với họ, nhất là trong các vấn đề liên quan đến Việt Nam, chống đế quốc, chống chiến tranh xâm lược. Nhiều Bộ trưởng Ngoại giao tôi quen biết về sau đã trở thành những nguyên thủ quốc gia như ở Algérie, Madagascar, Mali... Đến giờ họ vẫn giữ cảm tình tốt với Việt Nam, và riêng với cá nhân tôi. Tháng 10.1970, tôi đi thăm Bulgary - đất nước hoa hồng. Bulgary là đất nước nông nghiệp trù phú, hoa và quả có thể nói chất lượng bậc nhất châu Âu. Đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Bulgary Todor Zhivkov đã tiếp tôi rất nhiệt tình và trong lúc tôi và Ngoại trưởng Bulgary Nayden Belchev đang hội đàm thì được tin Tổng thống Pháp Charles de Gaulle mất, tôi phải trở về Paris đại diện cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miên Nam dự đám tang của ông, một đám tang hết sức trọng thể có sự tham gia của nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia từ khắp các châu lục. Sau đó tôi lại trở lại Bulgary để kết thúc chuyến thăm. ------------------------------------------------------------------- 1. Julius Kambarage Nyerere (1922-1999): chính trị gia, Tổng thống đầu tiên của Tamania từ 1961-1985. 2. Apolo Milton Obote (1925-2005): nhà chính trị lãnh đạo nhân dân Uganda giành độc lập từ thực dân Anh năm 1962, Thủ tướng Uganda các năm 1962-1966, Tổng thống Uganda các năm 1966-1971,1980-1985. 3. Jean-Bédel Bokassa (1921-1996): nhà quân sự, người đứng đầu nhà nước Trung Phi từ 1966-1979. 4. Haile Selassie I (1892-1975): Hoàng đế Vương quốc Ethiopie từ 1930-1974. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 03 Tháng Hai, 2023, 03:43:27 pm Đầu năm 1971, tôi đi thăm Cuba. Đồng chí Fidel Castro 1 gọi năm ấy là “năm đoàn kết với Việt Nam”. Mở đầu là một cuộc mít tinh khổng lổ tại quảng trường José Marti, tôi có cảm giác toàn dân La Habana đều có mặt ở đầy. Chính tại đây đồng chí Fidel đã có câu nói rực lửa nổi tiếng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” Không khí vô cùng xúc động, mọi người hô lớn: “Việt Nam - Cuba!”, “Mỹ cút khỏi Việt Nam!”. Sứ quán ta cho biết sau đó có hàng ngàn lá thư của công dân Cuba tình nguyện sang chiến đấu bên cạnh các đồng chí Việt Nam. Tinh thần đoàn kết với Việt Nam thật sự thấm sâu vào từng gia đình, từng người dân Cuba, từ người già đến trẻ em. Các con của đồng chí Raúl Castro 2 và Vilma Espín 3 lúc đó đều còn nhỏ, khoảng mười một, mười hai tuổi. Cháu trai lớn cùng mẹ đến thăm tôi, cháu rất lạ khi thấy mái tóc dài của tôi. Cháu hỏi: “Cháu có thể sang Việt Nam chiến đấu không?” Tôi cảm động hỏi lại: “Cháu không sợ chết sao?”, “Nếu chết cháu sẽ là liệt sĩ!”, cháu tự hào trả lời...
Năm 1972, Hội nghị các Bộ trưởng Ngoại giao Không Liên kết họp tại Georgetown (Guyana). Đồng chí Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam dẫn đầu đoàn tiếp tục cuộc vận động vào Phong trào Không Liên kết. Tại đây ta đã vận động đa số các nước tán thành trình lên hội nghị các nguyên thủ họp vào năm sau, để Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam trở thành thành viên chính thức của phong trào. Và tháng 6.1973, tại hội nghị cấp cao nguyên thủ họp ở Algérie, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được công nhận là thành viên chính thức. Sẽ là thiếu sót lớn nếu tôi không nhắc đến những chuyến đi thăm Liên Xô và Trung Quốc trong khoảng thời gian này. Không thể nhớ tôi đã đi thăm chính thức Liên Xô, Trung Quốc bao nhiêu lần, và tôi cũng đã đi thăm hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Chính phủ và nhân dân ở đây đều bày tỏ tình cảm hết sức thân thiết với Việt Nam. Sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc đấu tranh của chúng ta là hết sức to lớn. Tôi đã từng tham dự những cuộc mít tinh đông hàng vạn người do Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc tổ chức tại Đại lễ đường Bắc Kinh, những cuộc mít tinh hết sức trọng thể của lãnh đạo Liên Xô tại Cung Hội nghị Kremlin... Mỗi lần trên đường từ Pháp về nước, đến Moskva, Bắc Kinh, chúng tôi cảm thấy an toàn và ấm áp như về đến nhà. Những năm tháng ấy quả là tình cảm thật sự chân thành. Năm 1971, tình hình chiến trường rất căng thẳng. Trên bàn hội nghị cuộc đấu lý cũng hết sức gay gắt. Đến những tháng cuối 1971, đẩu 1972 thế địch ta giằng co; trên bàn hội nghị cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục nhưng là “cuộc nói chuyện giữa những người điếc” như lời các nhà báo. Có thể nói đây là thời gian chán ngán nhất của chúng tôi. Những lúc như thế càng thấy nhớ gia đình. Tôi đọc đi đọc lại mấy dòng chữ nguệch ngoạc của Mai, con gái tôi, đã mười một tuổi (khi tôi ra đi, cháu mới lên tám) “Chừng nào mẹ về với chúng con?” Chồng tôi vẫn ở trường Công binh nhưng sức khỏe anh đã bắt đầu giảm sút. Tôi thêm một mối lo mà chẳng biết làm sao, tôi không được ở gẩn để chăm sóc anh... Tâm trạng riêng của tôi là vậy, và tôi biết mỗi người trong đoàn đều có những ngổn ngang riêng, nhưng có điều rất đặc biệt là tất cả chúng tôi không bao giờ nghĩ Việt Nam có thể thất bại. Chúng ta nhất định chiến thắng, vấn đề chỉ là lúc nào? . ----------------------------------------------------------------- 1. Fidel Alejandro Castro Ruz sinh năm 1926, nhà cách mạng lỗi lạc, chính trị gia Cuba, nguyên Bí thư Đảng Cộng sản Cuba, Thủ tướng, Tổng thống Cuba, Tổng Thư ký Phong trào Không Liên kết. 2. Raúl Modesto Castro Ruz sinh năm 1931, nhà cách mạng, chính trị gia Cuba, Tổng thống đương nhiệm của Cuba. 3. Vilma Lucila Espín Guiỉlois (1930-2007): nhà cách mạng, nhà nữ quyền, kỹ sư hóa học Cuba. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 03 Tháng Hai, 2023, 03:48:01 pm Tháng 2.1971, Mỹ mở chiến dịch đường 9 Nam Lào nhằm cắt đứt liên lạc giữa Bắc-Nam, hòng bao vây cô lập Quân giải phóng của chúng ta, nhưng chúng đã thất bại nặng nề. Khi chúng tôi từ Paris thông báo cho Stockholm, Rome, Montréal, New York về việc Mỹ mở rộng xâm lược đối với Lào, thì từ các nơi này tin tức lập tức lan truyền đến các nước khác. Các cuộc biểu tình, mít tinh liền nổ ra khắp nơi, lên án Mỹ, đòi Mỹ chấm dứt leo thang chiến tranh.
Những ngày đó, cả hai đoàn Nam Bắc chúng tôi rất bận rộn. Chúng tôi thực hiện cái mà chúng tôi gọi “đối ngoại phối hợp với chiến trường”. Hơn một tháng sau, quân Mỹ-Ngụy phải rút khỏi Nam Lào, tổn thất rất lớn về quân sự và cả về chính trị. Thế ta ngày càng mạnh lên rõ rệt. Với ý thức hết sức khiêm tốn, tôi nghĩ có thể nói những chiến sĩ ở Paris bấy giờ cũng đã góp phần dù nhỏ và gián tiếp của mình vào chiến thắng Nam Lào năm ấy. Ngày 1.7.1971, đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam đưa ra kế hoạch nổi tiếng bảy điểm: Mỹ rút hết quân đi đôi với việc thả tù binh; chính quyền miền Nam phải từ chức và nhường chỗ cho một chính quyền mới sẵn sàng bàn bạc với Chính phủ Cách mạng Lâm thời để lập ra Chính phủ hòa hợp dân tộc. Như vậy là ta chủ động tách vấn đề rút quân Mỹ với vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam. Lại thêm một bước đi khôn khéo của chúng ta. Trong ngoại giao vẫn thế, rất nhiều khi mềm dẻo lại chính là tấn công. Sáng kiến này gây chấn động mạnh, được dư luận thế giới hoan nghênh, nhiều chính phủ các nước lên tiếng ủng hộ. Washington tìm cách bày mưu khác. Kissinger rồi Nixon đi thăm Bắc Kinh, thâm ý làm cho mọi người nghĩ rằng vấn đề Việt Nam sẽ do các nước lớn giải quyết với nhau, và cũng còn nhằm chia rẽ giữa Liên Xô và Trung Quốc. Báo chí nước ngoài nói nhiều về cuộc họp bí mật ở Thượng Hải và tuyên bố của Trung Quốc “Mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi”. Tôi nghĩ rằng rồi lịch sử sẽ còn ghi nhớ cuộc họp bí mật “không bình thường” này. Không gì có thể làm cho nhân dân hai miền chúng ta nhụt chí, cuộc đấu tranh trên các mặt trận quận sự, chính trị, ngoại giao càng được đẩy mạnh. Giữa năm 1971, tôi về Hà Nội đúng những ngày lũ lụt lớn. Quân đội và nhân dân đang cố gắng vừa chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, vừa giữ vững đê sông Hồng hình như phải phá cả đê bao Gia Lâm để nước không tràn vào Hà Nội. Tháng 3.1972, quân dân ta bắt đầu cuộc tiến công lớn ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Quảng Trị - Thừa Thiên là hướng quan trọng. Chiến dịch ở Quảng Trị kéo dài đến tháng 9.1972 là một trong những chiến dịch ác liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam. Tôi trở lại Paris đầu năm 1972 và lại tiếp tục đến Kléber mỗi sáng thứ Năm. Trên chiến trường lúc này rất căng thẳng, nhưng trên bàn hội nghị thì vẫn là cuộc đối đáp “giữa những người điếc”. Cảm giác chán ngán vẫn đeo đẳng, cứ phải tố cáo âm mưu, tội ác của Mỹ-Thiệu, đòi Mỹ rút quân không điều kiện, không biết chừng nào mới ra khỏi bế tắc. Phải tìm cách gỡ ra cho kỳ được. Ngày 11.1.1972, tôi được chỉ thị đưa ra Tuyên bố hai điểm: Rút quân Mỹ, thành lập ở miền Nam một Chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần: Chính phủ Cách mạng Lâm thời, chính quyền miền Nam và thành phần thứ ba. Lúc này trên chiến trường quân ta ở thế phản công, ở Mỹ là năm bầu cử Tổng thống, Nixon đang chịu áp lực mạnh của nhân dân đòi đưa binh lính Mỹ về nước. Tôi cho rằng lập trường bảy điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời cùng hai điểm nói thêm, nhấn mạnh đến yêu cầu Mỹ phải rút quân, để các bên Việt Nam ở miền Nam giải quyết vấn đề nội bộ của mình, là một chủ trương chiến lược sáng suốt và đúng lúc, chúng tôi ra sức tuyên truyền, giải thích... Dư luận thế giới, đặc biệt ở Mỹ hoan nghênh, chính quyền Sài Gòn càng lúng túng, mâu thuẫn nội bộ của họ càng tăng, họ càng bị nhân dân căm ghét. Để đánh lừa dư luận Mỹ trước bầu cử rằng chính quyền Nixon đang sắp đạt được một giải pháp chính trị cho chiến tranh ở Việt Nam, tại Paris phía Mỹ đồng ý cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đi vào đàm phán “bí mật”. Cuộc đấu trí lịch sử giữa đồng chí Lê Đức Thọ và Kissinger bắt đầu. Có thể nói đến lúc này cả trên hai mặt trận quân sự và ngoại giao đều vào hồi quyết liệt. Đồng thời không quân Mỹ còn dự định ném bom phá đê sông Hồng giữa mùa nước lớn. Lúc đó, tại bàn hội nghị, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên tiếng tố cáo âm mưu độc ác của Mỹ. Chúng ta đã mời nhiều đoàn khách quốc tế đến tận nơi để quan sát. Chính vào lúc này, chị Jane Fonda 1 đến thăm đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Paris, ăn cơm với tôi, rồi đi thăm Việt Nam. Và cũng vào dịp này, ông Ramsey Clark - nguyên Bộ trưởng Tư pháp dưới thời kỳ Tổng thống Johnson, ông đã từ chức vì không tán thành chính sách chiến tranh của Mỹ - cũng đi Hà Nội. Cả hai, chị Jane và ông Ramsey, sau khi từ Việt Nam trở về Mỹ, đều nói điều “mắt thấy tai nghe” rằng đó là những đê điều bảo vệ đồng bằng sông Hồng, không phải là hệ thống quân sự như chính phủ Mỹ lừa dối dư luận. Ông Raymond Aubrac, người bạn lớn của chúng ta ở Pháp cũng rất tích cực vận động Vatican, Liên hợp quốc lên tiếng ngăn chặn kế hoạch tội ác nói trên. Ở trong nước, chiến tranh lên đến đỉnh cao ở cả hai miền. Đường mòn Hồ Chí Minh bị bắn phá 24/24 giờ mỗi ngày. Các cảng ở miền Bắc bị thả thủy lôi bao vây. Ở Paris, chúng tôi từng giờ hướng về Quảng Trị, đặc biệt về cuộc chiến đấu ở Thành cổ nổi tiếng. Không có tin tức cụ thể, kịp thời, nhưng những gì được thông báo làm nhói tim chúng tôi. Chúng tôi biết các chiến sĩ của chúng ta đều rất trẻ. Họ hiểu cuộc giành giật “đất” ở đây có nghĩa là giành lại Tự do và Độc lập cho Tổ quốc, và họ sẵn sàng hy sinh. 81 ngày đêm khốc liệt, quân ta không giữ được Thành cổ, nhưng tinh thần kiên cường chiến đấu của các chiến sĩ là thể hiện quyết tâm không gì lay chuyển được của cả dân tộc, và ở Paris chúng tôi hiểu chính tinh thần đó đã góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của chúng tôi trên bàn hội nghị. Trong những ngày này, nhiều đoàn Mỹ đến thăm hai đoàn chúng tôi: các bà mẹ, những người vợ của các phi công, các đoàn tôn giáo, phụ nữ, thanh niên. Đặc biệt đoàn anh Martin Fenryder dẫn đầu 24 thanh niên Mỹ đến tặng tôi bài thơ cảm động anh vừa sáng tác: Tôi bị xô đẩy và thu hút Bởi sức mạnh tinh thần của Việt Nam. Mắt tôi lóa đi vì một ngọn lửa, Hiện thân của sức sống Việt Nam! Tim tôi nhảy múa vì xúc động Ôi! Tình yêu Việt Nam! Hòa bình! Tất cả sắp là hiện thực. Trong những giờ phút Paris ngắn ngủi Và bao nhiêu mơ ước. Và tất cả tù hai phương trời xa lắc Sẽ hòa thành một niềm chung vui! Đến cuối tháng 9.1972, chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Đây là thời cơ thuận lợi để ép Mỹ đi vào đàm phán thực chất. Đồng chí Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mang từ trong nước sang “Dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”. Chúng tôi được thông báo nội dung Dự thảo Hiệp định đã được Bộ Chính trị trong nước cân nhắc rất kỹ. Từ ngày đầu cuộc đàm phán đến tháng 9.1972, lập trường của Việt Nam luôn nhấn mạnh hai nội dung cơ bản, được coi là giải pháp “cả gói”: Mỹ phải rút quân hoàn toàn vô điều kiện ra khỏi miền Nam Việt Nam và phải xóa bỏ chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên; hai vấn để này phải gắn chặt với nhau. Dự thảo Hiệp định lần này, ta chủ động nhấn mạnh việc Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam, chấm dứt chiến tranh, song nới lỏng yêu cầu vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam. Khi biết được nội dung cụ thể của Dự thảo Hiệp định, một số đồng chí trong đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời chúng tôi cũng có những băn khoăn. Liệu để lại vấn đề chính trị ở miền Nam thì sau này cuộc giải phóng miền Nam có trọn vẹn không? Có thể chấm dứt chiến tranh không? Kinh nghiệm ở Lào cho thấy sau Hiệp định Genève 1962 vì chấp nhận chính phủ liên hiệp nhiều thành phần mà đã dẫn đến nội chiến. Và còn hàng chục vạn anh chị em tù chính trị của ta, có đảm bảo họ được thả và an toàn không? Chúng tôi phải trao đổi với nhau nhiều ngày, hình dung tình hình miền Nam sau khi rút quân... sẽ như thế nào? Nhưng rối mọi người cũng hiểu việc quân Mỹ rút hoàn toàn ra khỏi miền Nam là vấn đề mấu chốt. Trong hơn hai tháng giữa đồng chí cố vấn Lê Đức Thọ, Bộ trưởng Xuân Thủy và ông Henry Kissinger cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nixon, có những cuộc tranh cãi “nảy lửa”, xung quanh bản Dự thảo Hiệp định Paris. Lúc đó, dư luận quốc tế, nhất là ở Paris, nói nhiều về ông cố vấn, đặc biệt là Kissinger, như là một nhà ngoại giao khôn ngoan, có kinh nghiệm về đàm phán chính trị... Có người hỏi tôi gặp ông Kissinger không? Sự thật là tôi gặp ông nhiều lần nhưng mà “gián tiếp”, trong các cuộc đối thoại giữa hai ông cố vấn, khi nói đến lập trường của chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. Chỉ một lần tôi và ông ấy trực tiếp nói chuyện với nhau là khi Hiệp định Paris được ký kết xong, nâng cốc sâm-panh, chúc mừng hòa bình! Đến đầu tháng 10.1972, hai bên đã thỏa thuận về cơ bản một dự thảo và dự định đến ngày 30.10 sẽ ký Hiệp định Paris nhằm chấm dứt chiến tranh. Những ngày này hai đoàn đàm phán chúng tôi hoạt động rất nhộn nhịp. Đoàn miền Nam tăng cường các cuộc tiếp xúc để làm dư luận rõ thêm lập trường của ta, tố cáo địch ngoan cố muốn kéo dài chiến tranh. Nhiều đại biểu các nước muốn biết kết quả của các tiếp xúc “bí mật”. Chúng tôi vừa phấn khởi, vừa lo lắng... Quả nhiên đến đầu tháng 11.1972, khi Nixon thắng cử, thì ông ta liền lật lọng, đòi sửa lại nội dung Hiệp định. Và để buộc Việt Nam chấp nhận, ông ta đã tiến hành cuộc không kích tội ác liên tục 12 ngày đêm, từ ngày 18.12 đến ngày 31.12, bằng B52 xuống Hà Nội, Hải Phòng. Khi nghe Mỹ dùng B52 oanh tạc thủ đô và các thành phố lớn của ta, chúng tôi thực sự lo. B52 là máy bay giội bom chiến lược hiện đại nhất của Mỹ, bay cao trên 10 km, có hệ thống máy bay chiến đấu hỗ trợ và gây nhiễu khiến ra-đa của ta khó phát hiện, tên lửa khó bắn trúng... Các bạn ở Pháp và các nước cũng đều lo lắng cho chúng ta, liệu lần này ta có chống cự được không? Đầy là đòn đánh phản trắc và ác liệt nhất của Mỹ. Ngày 21.12, chúng tôi tuyên bố ngừng đàm phán để phản đối. Đó là những ngày vô cùng căng thẳng. Chúng tôi hồi hộp theo dõi tình hình trong nước. Đến khi nghe tin chiếc máy bay B52 đẩu tiên bị bắn rơi ở Hải Phòng, rồi ở Hà Nội, liên tiếp bắn rơi một, hai, ba máy bay B52... chúng tôi vui mừng khôn xiết, tin rằng cuộc oanh kích cực kỳ dã man này của kẻ thù nhất định bị quân đội và nhân dân anh hùng của chúng ta đánh bại. Ngoài việc lo cho cái chung, tất cả anh chị em trong đoàn, nhất là các chị, đều hồi hộp theo dõi nghe ngóng các trận mưa bom B52 có rơi vào khu vực người thân mình đang sống không? Riêng tôi, khi nghe tin Mỹ giội bom trúng thị xã Hưng Yên, một thị xã nhỏ cách Hà Nội khoảng 30 km, tôi bàng hoàng lo lắng, không biết các con tôi có thoát khỏi nguy hiểm không? May quá, vài ngày sau, các đồng chí trong nước báo tin các con tôi đều an toàn. Tôi thở phào nhẹ nhõm! Khi tôi rời Hà Nội đi Pháp tham gia cuộc đàm phán, con gái tôi lên 8 tuổi, con trai 11. Tôi rất nhớ chúng. Lâu lâu có người trong nước sang, tôi nhận được thư của anh Khang và hai con. Thư nào của Mai cũng hỏi “chừng nào mẹ về?” Điều mong muốn nhất của trẻ con Việt Nam lúc bấy giờ là được sống với cha, với mẹ... Tôi được gọi về nước cấp tốc. Đến Trung Quốc, tôi gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông và một số lãnh đạo khác của Trung Quốc. Chủ tịch Mao nói: “Sao các đồng chí Việt Nam phản ứng mạnh như vậy? Rồi Mỹ sẽ ra đi thôi.” Tôi không hiểu ý của Chủ tịch nên cũng không trả lời. Giữa đêm 30.12, tôi về đến Hà Nội, được tin Mỹ tuyên bố sẽ chấm dứt ném bom. Mỹ đã cay đắng thấy rằng cả B52 cũng không thể làm nhụt ý chí của nhân dân ta; trái lại, ngoài thất bại quân sự, tổn thất nặng nề vể B52, thất bại chính trị của Mỹ còn lớn hơn. Cả thế giới lên án Mỹ. Chính phủ Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ cũng ra tuyên bố “đáng tiếc” trước hành động này của Mỹ. Sau này, tôi được biết từ những năm 1960, Hổ Chủ tịch đã nói: “Kinh nghiệm ở Triều Tiên, Mỹ cuối cùng sẽ dùng B52 để đe dọa chúng ta.” Và theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, từ đó quân đội ta đã nghiên cứu cách hạ máy bay B52. Quả là Bác đã nhìn xa và quân đội ta thật anh hùng, thông minh. Ngày 21.1.1973, tôi trở lại Paris, thời tiết Paris bớt lạnh, nắng đẹp. Ngày 23.1.1973 đồng chí Lê Đức Thọ và Henri Kissinger ký tắt vào văn bản Hiệp định. Và Hiệp định Paris được ký kết. Đòi hỏi dai dẳng từ đầu của Mỹ “Hai bên cùng rút quân (quân Mỹ và quân miền Bắc)”, cái gọi là “có đi có lại” đã thất bại. Phải ký Hiệp định hòa bình với Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam rõ ràng Mỹ không còn con đường nào khác. Chúng ta đã đạt được thắng lợi to lớn, quan trọng, Mỹ phải rút hết đi, còn quân Việt Nam vẫn ở trên đất Việt Nam. Trong lòng tôi, một cảm xúc mãnh liệt, bên cạnh một cảm giác bình thản, vì đinh ninh cái gì phải đến, tất sẽ đến. Ngày 27.1.1973, ngày ký kết Hiệp định Paris, có một ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc. Đối với mỗi chúng tôi trong đoàn cũng là ngày không thể quên trong cả cuộc đời. Tất cả các báo trên thế giới đều đưa lên trang nhất sự kiện trọng đại này. Những người yêu hòa bình và công lý rên thế giới đều hồ hởi như chính mình đã chiến thắng. Đêm 26 tháng Giêng, trong cả hai đoàn hẩu như không ai ngủ, mọi người đều khẩn trương chuẩn bị cho công việc sẽ làm trong ngày hôm sau. Sáng 27.1.1973, phòng hội nghị Kléber rực sáng ánh đèn. Trước nhà hội nghị, hàng ngàn người - kiều bào ta, bạn bè Pháp và các nước - vẫy chào chúng tôi giữa một rừng cờ. Tôi bước vào phòng họp, rất hổi hộp... Đúng 10 giờ, bốn Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nguyễn Duy Trinh), chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Bình), Mỹ (William P. Rogers), Cộng hòa miền Nam (Trần Văn Lắm) ngồi vào bàn. Mỗi người ký vào 32 văn bản của Hiệp định. Đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris lịch sử, tôi vô cùng xúc động... Tôi như thay mặt nhân dân và các chiến sĩ cách mạng miền Nam Việt Nam làm nhiệm vụ đấu tranh trên tiền tuyến và trong lao tù cắm ngọn cờ chiến thắng chói lọi. Vinh dự đó đối với tôi thật quá to lớn. Tôi không có đủ lời để nói lên được lòng biết ơn vô tận đối với đồng bào và chiến sĩ ta từ Nam chí Bắc đã chấp nhận mọi hy sinh dũng cảm chiến đấu để có được thắng lợi to lớn hôm nay, biết ơn Bác Hồ và cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Mặt trận và Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã tin cậy giao cho tôi nhiệm vụ khó khăn nhưng rất vẻ vang này. Tôi muốn nói lời cảm ơn sâu sắc bà con Việt kiều tại Pháp và các nước xung quanh, cảm ơn bạn bè quốc tế đã hết lòng vì cuộc chiến đấu của chúng ta, cảm ơn sự đoàn kết cộng tác của tất cả anh chị em trong hai đoàn đàm phán và các cơ quan, đoàn thể của ta ở Paris. Và tôi nghĩ đến gia đình, đến chồng con... -------------------------------------------------------------------- 1. Jane Fonda sinh năm 1937, diễn viên, nhà văn, nhà hoạt động chính trị người Mỹ. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 03 Tháng Hai, 2023, 03:53:31 pm * * * Nhưng thực tế không hoàn toàn suôn sẻ. Mỹ vẫn chưa chịu thua, ngay khi buộc phải đặt bút ký họ đã toan tính và hy vọng vào kết quả của những âm mưu tiếp theo. Chúng ta biết rõ điều đó. Nhưng với chúng ta, Hiệp định Paris được ký kết là một thắng lợi lớn, một bước tiến có tính chất quyết định để đi đến thắng lợi cuối cùng, giành lại toàn vẹn non sông. Uy tín của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở trong nước cũng như vị thế ngoại giao trên trường quốc tế càng được củng cố và nâng cao. Một tháng sau, ngày 2.3.1973, một hội nghị quốc tế được tổ chức để xác nhận về mặt pháp lý của Hiệp định Paris về Việt Nam, tại trung tâm hội nghị quốc tế Kléber. Để tiến tới hội nghị quốc tế, phía ta và Mỹ cũng phải tranh cãi về địa điểm hội nghị: ở Paris, New York hay Genève...? Rồi thành phần hội nghị? Thể thức cuộc họp? Có hôm phải họp đến gần sáng. Sau cùng đi đến thỏa thuận: Hội nghị gồm 12 đoàn đại biểu Chính phủ do Bộ trường Ngoại giao các nước dẫn đầu và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Kurt Waldheim 1 là khách mời. Trong 12 đoàn, phía ta mời thêm đoàn đại biểu Ba Lan, Hungary; phía Mỹ mời Canada, Indonesia; hai bên Việt Nam và Mỹ cùng mời Liên Xô, Trung Quốc, Pháp, Anh. Mấy ngày trước hội nghị quốc tế, tôi được tin ông Kurt Waldheim đích thân sang Paris để gặp hai đoàn của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam. Ông mong muốn có vai trò cá nhân quan trọng tại hội nghị quốc tế về Việt Nam và cả sau này. Các đồng chí ở đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho biết vấn đề này do đoàn Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam quyết định, nên ông sang gặp tôi tại trụ sở đoàn ở Verrières-le-Buisson. Trong cuộc nói chuyện ông cho biết Liên hiệp quốc công nhận thực tế ở Việt Nam có ba chính phủ: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam, và gợi ý sau này Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam có thể xin quy chế quan sát viên như chính quyền Sài Gòn... ông còn ngỏ ý muốn biết Liên hiệp quốc có thể làm gì để giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước... Mọi người đều biết thái độ của Liên hiệp quốc đối với cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như thế nào và ý đồ của Tổng Thư ký chắc chắn cũng không đơn giản. Trong bối cảnh đó, ta không thể nhận Liên hiệp quốc là thành viên của hội nghị quốc tế vể Việt Nam và Tổng Thư ký Liên hiệp quốc chủ trì hội nghị. Nhưng để tranh thủ Liên hiệp quốc, hai đoàn chúng ta thống nhất mời ông Waldheim làm khách mời quan trọng của hội nghị. Tại hội nghị quốc tế lẩn này, sau khi phát biểu cảm ơn Chính phủ Pháp - nước chủ nhà, đã tạo điều kiện cho hội nghị bốn bên về Việt Nam tiến hành hơn bốn năm và nay lại hội nghị quốc tế về Việt Nam... Tôi đã lên án Mỹ-Ngụy không nghiêm chỉnh thi hành lệnh ngừng bắn, ra sức lấn chiếm vùng giải phóng (lúc đó ta đã có nhiều tin tức về hoạt động của kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của quân Sài Gòn), nhiều đoàn đại biểu phát biểu tán thành... Có một cuộc tranh luận ngắn liên quan đến đề nghị của đoàn Sài Gòn muốn bài phát biểu của họ được xem là tài liệu chính thức của hội nghị, bị mọi người bác bỏ... Cuối cùng các đoàn đi đến nhất trí với bản Định ước Quốc tế về Việt Nam. Ngay trong lúc chuẩn bị lễ ký kết Hiệp định Paris, đoàn miền Nam đã cử đồng chí Đặng Văn Thu và đồng chí Lê Mai 2 về Sài Gòn, tham gia đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng Lâm thời trong Ban liên hiệp quân sự bốn bên và hai bên ở Tân Sơn Nhất theo đúng lộ trình thi hành các điều khoản về quân sự của Hiệp định. Một tuần sau lễ ký Hiệp định, chúng tôi cùng bà con Việt kiều ở Paris đón Tết Quý Sửu. Đây là cái Tết thứ năm và cũng là Tết cuối cùng của đoàn đàm phán trên đất Pháp. Không thể tả hết niềm hạnh phúc và hân hoan của mọi người. Ngay sau hội nghị quốc tế về Việt Nam, theo điều 12 của Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, hai bên miền Nam “sẽ họp lại để bàn và ký một hiệp định về các vấn đề nội bộ của miền Nam Việt Nam”. Tôi và Trần Văn Lắm, Ngoại trưởng của Chính quyền Sài Gòn đã họp để chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương giữa hai bên nhưng mãi đến 19.3.1974 tại lâu đài La Celle-Saint-Cloud, phía Tây Nam Paris, mới có cuộc họp đầu tiên của hai bên: bên Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam do Giáo sư, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hiếu dẫn đầu, còn phía Sài Gòn là Phó Thủ tướng Nguyễn Lưu Viên làm trưởng đoàn. Cuộc họp hai bên kéo dài đến tháng 4.1974 thì giải tán. Trong lúc đó, trên chiến trường, chiến tranh tiếp tục ác liệt giữa Quân giải phóng và quân Cộng hòa Sài Gòn. Bom đạn vẫn nổ, máu vẫn đổ. Một số nơi, lúc đầu vùng giải phóng của ta bị địch lấn chiếm, nhưng sau đó ta đã kịp thời phản công. Ở Khu 9, do quán triệt tư tưởng tấn công từ đầu, không những ta đã giữ vững trận địa mà địch còn bị đánh trả mạnh mẽ. Khi tôi từ Hội nghị Paris về nước, đi thăm một số địa phương và đơn vị, các đồng chí nói đùa “Các đồng chí ký Hiệp định Paris, chúng tôi phấn khởi “tơi bời!”. Trong mấy năm ở Paris, ngoài những công việc khác, chúng tôi - trực tiếp nhất là chị Nguyễn Thị Chơn, anh Phan Nhẫn - còn có nhiệm vụ vận động bà con Việt kiều ở các nước và những người từ miền Nam sang. Anh chị em thuộc các tổ chức Việt kiều yêu nước ở Đức, Canada, Bỉ, Ý... thường xuyên đến gặp hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam để được thông báo tình hình, nhận nhiệm vụ vận động bạn bè các nước sở tại... Chúng tôi rất xem trọng công việc này. Sau này, đôi lúc rảnh rỗi, giở lại các cuốn sổ ghi vắn tắt các hoạt động của đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tại Paris, chữ viết tắt, chi chít, có chỗ chính tôi cũng không còn đọc ra được, tôi ngạc nhiên không thể tưởng tượng khối lượng công việc của chúng tôi những năm tháng ấy nhiều như vậy! Nào là các cuộc họp đoàn với đồng chí Lê Đức Thọ, Xuân Thủy để nghe thông báo về tình hình chiến sự và chính trị trong nước, về nhận định tình hình quốc tế, nghe truyền đạt chỉ thị mới của lãnh đạo trong nước cho hai đoàn; nào hội ý giữa hai đoàn trao đổi về phương án đấu tranh và nội dung các bài phát biểu tại bàn đàm phán, dự kiến phản ứng của đối phương, đối sách của ta; nghe phản ảnh về động thái của đối phương, dư luận của báo chí, nhất là của Mỹ và phương Tây; bàn việc cử các đoàn đi tham gia các hoạt động đoàn kết với Việt Nam, đi dự các hội nghị quốc tế, thăm các nước; phân công tiếp xúc các đoàn đại biểu quốc tế, với kiều bào; bàn kế hoạch trả lời phỏng vấn của các báo, các hãng vô tuyến truyền hình; cung cấp tin tức cho các tổ chức bạn bè... Nhìn lại, đúng là cái tập thể nhỏ bé của chúng tôi đã nỗ lực hết mình, làm tốt mọi nhiệm vụ. Và tôi càng hiểu vai trò và ý nghĩa quan trọng của hoạt động ngoại giao. Một đường lối ngoại giao đúng đắn, khôn ngoan có thể hỗ trợ và phát huy kết quả chiến trường một cách có lợi nhất cho chúng ta. Tôi rời Paris về nước đầu tháng 4.1973. Cuộc tiễn đưa tại sân bay Bourget - cũng đúng là nơi hơn bốn năm về trước tôi đã bước chân đến để tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam, - thật xúc động. Bà con Việt kiều, bạn bè Pháp, các nhà báo Pháp và đại diện các nước quen thân đến rất đông. Các chị phụ nữ Pháp ở UFF nghẹn ngào ôm tôi: “Chúng tao sẽ rất nhớ Bình. Từ đây chúng tao không còn được thấy hình ảnh Bình mỗi ngày thứ Năm trước các nhà báo Pháp ở Trung tâm hội nghị Kléber vẫy gọi “Bà Bình hãy cười lên!”.” Chắc chắn các bạn cũng biết rằng tôi cũng sẽ rất nhớ nước Pháp, nhớ các bạn, nhớ rất nhiều, nhớ những đồng chí lái xe, bảo vệ người Pháp Pierre, Toto, Alain... mà Đảng Cộng sản Pháp cử đến phục vụ đoàn trong suốt thời gian đàm phán, nhớ bà con kiều bào đã không tiếc sức, tiếc thời gian chăm lo cho đoàn, bác Ty, bác Khải, Hoàng Anh, bác sĩ Phan... Trên đường về nước, tôi ghé qua Moskva, được ba đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Liên Xô là Podgorny 3, Suslov 4, Brezhnev 5 đón tiếp niềm nở; và tôi được trao tặng Huân chương Hòa bình, một danh hiệu cao quý nhất của Liên Xô. Về đến Trung Quốc, tôi cũng được đón tiếp rất trọng thị. Thủ tướng Chu Ân Lai và một số đồng chí lãnh đạo Trung Quốc mở tiệc mừng. Tất nhiên niềm vui to lớn hơn cả là về nước với đồng bào, đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... chúc mừng chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Và tôi đã lại được trở về với cái tổ ấm nhỏ thần thương nhất của tôi, gặp lại chồng con trong nỗi mừng vui khôn tả. ----------------------------------------------------------------- 1. Kurt Josef Waldheim (1918-2007): nhà ngoại giao, chính trị gia người Áo, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc giai đoạn 1972-1981. 2. Lê Mai (1940-1996): từng tham gia Hội nghị Paris, ông là một nhân tố tích cực trongquá trình bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. 3. Nikolai Viktorovich Podgorny (1903-1983): chính khách, từng giữ chức chủ tịch Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô (1965-1977). 4. Mikhail Andreyevich Suslov (1902-1982): chính khách, từng giữ chức Bí thư thứ 2 Đảng Cộng sản Liên Xô. 5. Leonid Ilyich Brezhnev (1906-1982): chính khách, từng giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 04 Tháng Hai, 2023, 04:26:24 pm Toàn thắng Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, nhưng chiến tranh vẫn kéo dài. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tiếp tục vai trò trên thế mới. Tôi về Hà Nội làm tiếp nhiệm vụ. Trong hoàn cảnh chiến tranh và trên thực tế miền Nam là chiến trường chính, miền Bắc là hậu phương lớn, để điều hành và triền khai kịp thời các mặt công tác ngoại giao của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nhất là từ khi có Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miên Nam Việt Nam, tại Hà Nội đã thành lập CP72, đảm nhận triển khai các mặt hoạt động đối ngoại của Mặt trận - Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Cơ quan gổm 10 đơn vị và khoảng hơn hai trăm cán bộ, nhân viên. Tôi được cử làm Bí thư Ban cán sự CP72 về mặt Đảng. Có ba đồng chí Thứ trưởng Ngoại giao, là những người cộng sự thân thiết, hết sức đắc lực của tôi: Hoàng Bích Sơn, Võ Đông Giang, Lê Quang Chánh. Tại Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng có một bộ phận lo công tác đối ngoại, trụ sở chính thức ở Lộc Ninh. Nhưng phần lớn các hoạt động ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời được thực hiện ở vùng giải phóng Quảng Trị, tại Cam Lộc, cách cầu Hiền Lương 10 km. Ở đây, trụ sở Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời chỉ cách đồn bốt địch trên 10 km đường chim bay. Nếu không có tiếng súng nổ từ bên kia lâu lâu dội lại thì không ai nghĩ là ta ở sát địch đến thế. Các anh bên quân sự cho biết không có gì đáng ngại, nếu ta ở dưới tầm pháo của địch thì địch cũng ở dưới tầm pháo của quân ta. Bộ Ngoại giao của chúng tôi được xây trên một diện tích khoảng hai hecta, gồm ba gian nhà chính, làm bằng gỗ ép chắc chắn, sơn thếp lịch sự. Gian nhà giữa có phòng lớn để tiếp khách, nhận quốc thư. Dãy nhà bên trái là “khách sạn” dành cho khách nghỉ. Tại đây, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã tiếp đại biểu các nước trình quốc thư; đón tiếp nhiều đoàn khách quan trọng, trong đó có đoàn của đồng chí Fidel Castro, đoàn của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Georges Marchais... Công việc ngoại giao của tôi và anh em CP72 cũng rất bận rộn. Tùy theo tình hình, chúng tôi, với danh nghĩa Mặt trận hay Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra các tuyên bố vạch trần âm mưu của Mỹ giúp chính quyền Sài Gòn vi phạm Hiệp định Paris, gây tội ác đối với nhân dân. Chúng tôi cũng tiếp tục cử các đoàn đại biểu đi dự các hội nghị quốc tế, vận động các nước ủng hộ nhân dân Việt Nam, đòi Mỹ nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định... Vào những ngày lễ, đặc biệt ngày kỷ niệm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - 20.12 hay ngày thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời - 6.6, chúng tôi tổ chức các cuộc chiêu đãi lớn, có cả văn công biểu diễn. Ai đến thăm vùng giải phóng Quảng Trị cũng có ấn tượng rất tốt về đất nước và con người Việt Nam, mặc dù còn rất nghèo nhưng cán bộ cũng như nhân dân địa phương đều luôn hồ hởi, mến khách. Việc quan trọng nữa của tôi là tiếp tục vận động các nước công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thời gian trước Hiệp định Paris, Mặt trận dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã có quan hệ ngoại giao với nhiều chính phủ, đến cuối năm 1973 có tất cả 32 nước công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam. Chúng tôi không những tích cực vận động các nước công nhận ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà còn quan tâm đến việc lên tiếng ủng hộ và công nhận về mặt Nhà nước các chính phủ của các nước được thành lập qua các cuộc đấu tranh của nhân dân giành độc lập. Tháng 1.1972, chính phủ nước Cộng hòa Bangladesh ra đời, đứng đầu là nhà yêu nước lớn của Bangladesh, Thủ tướng Mujbur Rahman. Tháng 1.1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời tuyên bố công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Bangladesh. Đồng thời chính phủ Bangladesh cũng công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Tháng 6.1973, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam đặt sứ quán ở Dhaka. Nhân dân Bangladesh đánh giá cao thái độ của ta. Tại Tân Sơn Nhất, ở nơi gọi là “Trại David”, đoàn Liên hiệp quân sự của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Thượng tướng Trần Văn Trà, về sau là Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, làm trưởng đoàn, đã phải đấu tranh rất căng thẳng, với đối phương suốt hơn hai năm trời, đến tận ngày giải phóng Sài Gòn. Không những anh em trong đoàn Liên hiệp Quân sự bốn bên ở Trại David phải đấu tranh căng thẳng và thường xuyên chống lại các vi phạm về quân sự Hiệp định Paris của quân Sài Gòn, mà các đồng chí trong đó có bạn tôi, Ngọc Dung (được phong thiếu tá để đi làm nhiệm vụ) phải đấu tranh hết sức gay go để đòi trao trả tù binh và 20 vạn chính trị phạm. Tháng 7.1973, chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dự Hội nghị cấp cao lần IV các nước Không Liên kết tại thủ đô Algers. Tôi cùng một số Bộ, Thứ trưởng tham gia đoàn. Hội nghị đã long trọng công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức các nước Không Liên kết. Nhiều vị lãnh đạo các nước như Chủ tịch Fidel Castro, Tổng thống Algérie Boumédienne, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi, Quốc vương Campuchia Norodom Sihanouk 1 cùng nhiều nguyên thủ khác đã đến chúc mừng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Đại diện của nhiều nước khác cũng nhiệt liệt chia sẻ niềm vui chiến thắng của Việt Nam, đòi Hiệp định Paris phải được nghiêm chỉnh thực hiện, và khẳng định tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến đấu của chúng ta. Sau Hội nghị Algers, tôi cùng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đi thăm một số nước châu Phi để cảm ơn các bạn đã ủng hộ cuộc chiến đấu của chúng ta. Sau khi thăm chính thức Liên Xô và Trung Quốc, chúng tôi đi thăm Algérie rồi Sénégal, Ai Cập, Tanzania, ở đâu Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ cũng được đón tiếp hết sức long trọng và thân tình. Lúc đó, việc đi lại của đoàn được thuận lợi hơn nhờ Trung Quốc đã cho mượn một chiếc chuyên cơ. Trong chuyến đi Tanzania, có một sơ suất nhỏ của bạn nhưng cũng là chuyện vui. Đến sân bay, đoàn nhạc binh của bạn cử quốc ca chào mừng đoàn, nhưng lại cử bài Thanh niên hành khúc của Lưu Hữu Phước bị chính quyền Sài Gòn lấy làm “quốc ca” mà bạn không biết. Bạn phân trần mãi, ở xa quá không biết quốc ca nào là của ai. Ngày hôm sau tại Zanzibar, một hòn đảo nhỏ của Tanzania, bạn lại diễu binh và cử bài Giải phóng miền Nam để “sửa sai”. Đầu năm 1974, bất ngờ xảy ra một sự kiện lớn. Ngày 19.1, Trung Quốc đưa chiến hạm và máy bay ngang nhiên đánh chiếm đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam - lúc đó còn do chính quyền Sài Gòn quản lý. Trận đánh ác liệt, với lực lượng chênh lệch, lại được Mỹ im lặng đồng lõa, cuối cùng Trung Quốc chiếm được đảo 2. Ngày 26.1.1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra tuyên bố 3 điểm: khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam đối với Hoàng Sa; mọi tranh chấp về biển đảo, lãnh thổ sẽ giải quyết bằng thương lượng; sẵn sàng cùng với các bên liên quan bàn bạc. Hóa ra đây là điểm mở đầu một giai đoạn phức tạp tranh chấp chủ quyển ở biển Đông giữa Trung Quốc và ta. ------------------------------------------------------------------- 1. Norodom Sihanouk sinh năm 1922, Quốc vương Campuchia từ 1941-1955, 1993-2004. 2. Trận chiến ở Hoàng Sa, ngày 19 đến 20 tháng giêng 1974: Tài liệu Bộ Ngoại giao Mỹ trong cuốn sách Foreign Relations of the United States (FRUS, Vietnam) cho thấy Tổng thống Mỹ Nixon và Trung Quốc đã cấu kết và đánh đổi về vấn đề Việt Nam khi ra Thông cáo chung Thượng Hải tháng 2 năm 1972. Sau khi Trung Quốc tấn công Hoàng Sa tháng 3 năm 1972, Mỹ gửi Chính phủ Trung Quốc một bức điện: "Vì lợi ích quan hệ Mỹ-Trung phía Mỹ đã ra lệnh giữ khoảng cách Hoàng Sa tối thiểu 12 hải lý. Việc này không liên quan tới lập trường của Mỹ về vấn đề lãnh hải hay những đòi hỏi về lãnh thổ ở các hòn đảo của Hoàng Sa." Sau đó, ngày 19.1.1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa (đang do chính quyền Sài Gòn quản lý) để rồi thực hiện trong năm 2009 cái gọi là Đường 9 đoạn ("Lưỡi bò"). Mỹ đã không bảo vệ đồng minh là quân đội Sài Gòn. Cũng theo cuốn sách FRUS, ngày 25.1.1974 trong "Biên bản của Washington special Actions Group" Đô đốc Thomas Moorer (Chủ tịch Liên quân Mỹ) trả lởi Henry Kissinger (lúc đó là Bộ trưởng Ngoại giao): "Chúng ta (Mỹ) tránh xa vấn đề này... Toàn khu vực có vấn để... Chúng tôi đã ra lệnh tránh xa khu vực này." Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 04 Tháng Hai, 2023, 04:36:01 pm Tháng 6.1974, tôi được mời dự Hội nghị Á-Phi họp ở Cairo. Trên đường đi, tôi đã thăm thủ đô Kabul (Afghanistan) để vận động công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngày nay, cả thế giới đều biết Afghanistan vì những bi kịch xảy ra ở nước này từ hơn 10 năm nay. Lúc đó có ít đoàn Việt Nam đến đây. Afghanistan là nước Trung Á, nằm giữa Nga, Pakistan và Iran, núi non trùng điệp, ngay thủ đô Kabul cũng được xây dựng trên đồi núi. Afghanistan vừa chuyển sang chế độ cộng hòa. Tổng thống là Mohamed Daoud 1. Tôi và hai đồng chí cán bộ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời được Bộ Ngoại giao Afghanistan đón tiếp rất niềm nở. Rất mừng là họ cũng có theo dõi tình hình và biết Việt Nam đã ký kết Hiệp định Paris năm trước. Tôi trình bày yêu cầu của đoàn mong muốn Afghanistan công nhận ngoại giao. Cuộc trao đổi của chúng tôi không mấy khó khăn, nhưng phía bạn cho biết phải trình ra Quốc hội, chắc chắn là Quốc hội sẽ thông qua, nhưng đó là một thủ tục không thể bỏ qua. Tôi nằn nì, cho biết chúng ta cần có sự ủng hộ tích cực và kịp thời. Bạn tỏ ra thông cảm nhưng không đáp ứng được ngay mong muốn của đoàn. Tôi ra về với lời hứa của bạn là sẽ cố gắng giải quyết thật sớm. Cuối tháng 6.1974, Chính phủ Afghanistan tuyên bố công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam.
Khoảng tháng 9.1974, tôi cùng Bộ trưởng Quốc phòng Trần Nam Trung tham gia đoàn đại biểu của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam do Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát dẫn đầu đi thăm Vương quốc Campuchia. Bộ phận của CP72 của chúng tôi cũng cử người đi cùng đoàn gồm các đồng chí Quyền Sinh, Trương Tùng - nhà báo, Lương Xuân Tâm - phóng viên quay phim, bác sĩ Nhung - phụ trách chăm sóc sức khỏe. Chuyến vào Nam lúc này đã thuận lợi nhiều, nhưng cũng phải mất mười hai ngày đi ôtô com măng ca, đêm đi ngày nghỉ. Đây là chuyến đi lịch sử đối với tôi, dọc đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng. Vừa bắt đầu con đường lịch sử này đã thấy một hàng chữ to xếp trên vách núi gây xúc động: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!”. Quả là để xây dựng con đường này phải xẻ biết bao núi, lấp biết bao hố sâu... Chỉ có lòng yêu nước cao độ của con người mới có thể thực hiện được những công trình vĩ đại như vậy! Mười hai ngày đêm trên đường Trường Sơn huyền thoại, không biết chúng tôi đã vượt qua bao nhiêu cánh rừng, bao nhiêu núi đồi, sông suối... Đặc biệt ấn tượng đối với tôi là các cuộc gặp gỡ hàng trăm cô gái thanh niên xung phong trên đường. Đó là những trung đoàn sửa đường, lấp đường, dọn đường cho các đoàn xe tải, xe quân sự đi qua, sau những trận bom dữ dội. Nhìn các cô gái độ tuổi hai mươi lem luốc, vừa đào đào bới bới, vừa cười cười nói nói, không nghĩ gì đến nguy nan, lòng tôi se lại. Sau này tôi được biết phẩn lớn các cô đến khi phục vụ chiến trường trở về thì đã luống tuổi, nhiều người không lấy được chồng, không nghề nghiệp, thật đáng quý những người con gái can trường mà vô danh đó của Tổ quốc, và cảnh ngộ của chị em cũng thật đáng thương. Đã có biết bao hy sinh âm thầm như vậy trong suốt cuộc kháng chiến cực kỳ gian khổ và khốc liệt của chúng ta, và quả thật chúng ta chưa bù đắp hết công lao của họ, để họ phải mãi mãi thiệt thòi... Trên đường mòn Hồ Chí Minh, có những đoạn đi cả nửa ngày không thấy một bóng người, chúng tôi đi hai xe, lâu lâu gặp chỗ khó đi, nghỉ lại, tôi cứ hỏi các đồng chí xem có lạc đường không. Nhưng rồi xe vẫn đến đích, đúng thời gian. Đến mỗi trạm binh, chúng tôi được các đồng chí ở trạm đón tiếp rất chu đáo. Thế nào cũng có một thùng nước để tắm, một bữa cơm với thịt thú rừng và rau xanh tự túc của anh em; tối lại được uống một cốc ngũ gia bì có đường, cho nên đi đường có mệt cách mấy cũng ngủ một giấc thật ngon. Một tối, chúng tôi phải đi qua một con sông, địch đã bắn hỏng chiếc cầu dã chiến, hai bên bờ xe ùn lại rất đông. Các chiến sĩ công binh tập trung lại, người lặn lội dưới sông, người vác vật liệu. Tấp nập nhưng không một tiếng ồn ào. Nhìn các chiến sỹ, hầu hết còn trẻ măng, tôi thương vô cùng. Nếu không có chiến tranh, hẳn những chàng trai trẻ ấy đã có thể là sinh viên, hay công nhân, nông dân đang học tập, lao động ở một nơi nào đó trên quê hương. Đến gần Lộc Ninh, Bù Đốp, mặt trận tiền phương, tôi gặp một đơn vị hậu cần. Thật thích thú là ở đâu cũng có hoa phong lan nở rất đẹp, giữa chiến tranh ác liệt mà anh em bộ đội ta vẫn thích chăm chút cho hoa. Một số đồng chí tôi gặp lần đó, qua chiến dịch mùa xuân năm sau, không còn nữa... Vương quốc Campuchia là nước láng giềng anh em, hai dân tộc đã sát cánh chiến đấu chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ. Hai nước dành cho nhau sự ủng hộ giúp đỡ quý báu. Campuchia ở sát biên giới Việt Nam nhưng đường đi đến cơ quan của Chính phủ Campuchia sao mà lòng vòng, đi suốt ngày đêm qua những cánh rừng cao su, không một bóng người. Sau cùng chúng tôi đến một trạm có nhiều binh sĩ Campuchia canh gác và được đưa đến một nhà khách làm bằng gỗ, tương đối khang trang. Trước khi đi thăm Campuchia, chúng tôi được biết các bạn Campuchia có thắc mắc việc ta ký Hiệp định Paris về Việt Nam, họ cho rằng như vậy không thuận lợi cho cuộc đấu tranh của Campuchia (?). Qua chuyến đi này, chúng tôi muốn làm sáng tỏ các vấn đề trong quan hệ giữa hai nước. Trong đàm phán với Mỹ, mặc dù Mỹ muốn gắn kết vấn đề Campuchia với vấn đề Việt Nam, nhưng phía Việt Nam kiên quyết không chấp nhận, và luôn giữ vững lập trường vấn đề Campuchia phải do nhân dân Campuchia quyết định. Đoàn muốn nói rõ việc Việt Nam ký Hiệp định Paris chính là tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Campuchia, và trên thực tế Việt Nam đã góp phần thiết thực vào sự giải phóng của Campuchia (17.4.1975) trước cả ngày miền Nam được giải phóng 30.4.1975. Nhưng khi đặt chân đến Campuchia, chúng tôi nhận ra một không khí lạnh nhạt bao trùm, tình hình quả là không đơn giản. Sau này, tôi càng hiểu ra là lãnh đạo Campuchia lúc đó đã bắt đầu có lập trường chống Việt Nam. Những sự kiện bi đát về sau càng chứng minh điều này, và nguyên nhân của tình hình ngày càng rõ. Đã có những dấu hiệu đáng lo ở sườn phía Tây Nam của đất nước. Sau một thời gian ngắn ở Trung ương Cục, đầu năm 1975 tôi được lệnh phải trở ra miền Bắc gấp để đi một chuyến công du nước ngoài. Lần này ra thì nhanh hơn, tuy có bị máy bay của chính quyền Sài Gòn bắn hai lần. Nhưng cảnh tượng Trường Sơn lại đặc biệt nhộn nhịp. Đổ vào chiến trường tấp nập ngày đêm rất nhiều xe thiết giáp, xe vận tải chở đạn..., và cuồn cuộn những đoàn quân nối tiếp nhau, những chiến sĩ rất trẻ từ các tỉnh phía Bắc đi ra chiến trường mà như đi trẩy hội. Chiến dịch mùa Xuân 1975, trận cuối cùng của cuộc chiến 21 năm đang được ráo riết chuẩn bị. Trên chiến trường, tương quan địch-ta thay đổi nhanh chóng, có lợi cho ta. Ở vùng tạm chiếm, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đẩy mạnh việc tập hợp lực lượng chính trị, đặc biệt trong giới trí thức tư sản, tôn giáo, kể cả giới thân chính quyền Sài Gòn, nhằm mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc và phân hóa đối phương. Mặt khác, sau khi ký Hiệp định Paris, vói điều khoản “Mỹ và các nước đồng minh phải rút hết quân, thành lập Hội đồng hòa giải và hòa hợp dân tộc ba thành phần” nhiều chính khách ở Sài Gòn, kể cả một số cựu bộ trưởng của chính quyền Sài Gòn, thuộc “lực lượng thứ ba” đã tích cực tham gia. Tình hình quân sự và chính trị trong nước đều thuận lợi. Trước thất bại liên tiếp của quân đội Sài Gòn trên các mặt trận, một sổ phẩn tử diều hâu ở Mỹ đã nói đến việc phải đưa quân trở lại để cứu chính quyền đồng minh. Cần tố cáo ý đồ nguy hiểm đó. Cần làm rõ chính quyền Sài Gòn không chịu thi hành Hiệp định Paris chính là vì Mỹ vẫn giúp đỡ họ kéo dài chiến tranh. Vận động dư luận thế giới lúc này là rất quan trọng. Tôi ra đến Hà Nội tháng 2.1975 liền được giao nhiệm vụ cùng ba đồng chí khác đi một số nước châu Âu và châu Phi để làm nhiệm vụ này. Lúc đó tôi cũng chưa biết được thật rõ âm mưu của chính quyền Nixon, chỉ biết rằng theo chỉ thị của lãnh đạo phải thông báo cho bạn bè quan tâm, cảnh giác để khi cần thiết có thể ủng hộ chúng ta kịp thời. Qua nhiều tài liệu tiết lộ sau này, đặc biệt qua cuốn sách của Larry Berman Không hòa bình, chẳng danh dự 2, mới thấy rõ chính quyền Nixon không phải không có ý đồ dùng B52 ném bom miền Bắc trở lại để cứu quân Sài Gòn đang rệu rã. Nhưng chúng đã không làm được việc đó: vụ bê bối Watergate khiến Nhà Trắng rối bời, và quan trọng hơn nữa là thái độ của đa số nhân dân Mỹ thể hiện qua ý kiến của các nghị sĩ trong Quốc hội Mỹ kiên quyết không tiếp tục cuộc chiến hao người tốn của và thất bại, bị cả thế giới lên án. Tôi sang Pháp, gặp một số báo chí, từ đó liên lạc với các bạn ở Mỹ, Canada, Thụy Điển..., rồi sang Algérie. Gặp các bạn ở đây, họ hết sức vui mừng vì chiến dịch mùa Xuân đã bắt đầu và Quân giải phóng tiến như chẻ tre. Các bạn Algérie nói: Chúng tôi theo dõi trên bản đồ, thấy mỗi ngày Quân giải phóng giải phóng một tỉnh, nhưng sau rồi các chiến sĩ của các bạn đi quá nhanh, chúng tôi không còn theo dõi kịp nữa! Khi quân ta tấn công Buôn Ma Thuột, bắt đầu chiến dịch mùa Xuân 1975, Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu giải phóng miền Nam Việt Nam trong hai năm 1975-1976, và sau chiến thắng Phước Long, đặc biệt sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, Bộ Chính trị quyết định nắm thời cơ chính thức mở đầu chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam trong năm 1975. Trên mặt trận ngoại giao, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam liên tiếp thu được thắng lợi lớn. Trước những chiến thắng dồn dập của quân dân ta, dường như nhiều chính phủ đã thấy cuộc chiến đấu của chúng ta sẽ sớm thắng lợi nên họ đã nhanh chóng công bố công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam. Đến ngày thống nhất đất nước, chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam được 65 nước công nhận ngoại giao. Sau Algérie, biết có một hội nghị lớn của các nước châu Phi (OUA 3 ) sắp họp tại Tanzania, chúng tôi bay đến đó, đề nghị với các bạn cho tôi phát biểu tại hội nghị vì có tình hình quan trọng muốn được thông báo. Theo quy chế của OUA không ai được phát biểu tại hội nghị này ngoài các nước châu Phi, và cũng chỉ được nói về tình hình châu Phi. Tôi năn nỉ các bạn nước chủ nhà Tanzania. Cuối cùng bạn đổng ý khi bàn hết các vấn để của hội nghị, sẽ cho tôi 15 phút. Tôi và đồng chí Lê Mai ngồi từ 6 giờ chiều đến mãi 5 giờ sáng hôm sau mới được phát biểu. Không ăn không uống cả một đêm, đến khi lên diễn đàn, cổ tôi như nghẹt lại, nói gần như không ra tiếng. Nhưng chúng tôi đã đạt được yêu cầu: thông báo được tình hình đang diễn ra ở Việt Nam và kêu gọi cộng đổng quốc tế ngăn chặn nguy cơ Mỹ đưa quân trở lại. Đến ngày 15.4, chúng tôi nhận được điện trong nước gọi về ngay. Không đủ tiền mua vé về nước và ở Tanzania chưa có Sứ quán Việt Nam. Chúng tôi đành đến Sứ quán Trung Quốc yêu cầu giúp đỡ, và đã được đáp ứng nhiệt tình. Về đến Hà Nội, ta đã giải phóng Đà Nẵng, đại quân đang tiến vể Sài Gòn. Tôi được chỉ thị vào Đà Nẵng, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và nhiều vị khác của Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã có mặt ở đây. Chính phủ Cách mạng Lâm thời ra nhiều tuyên bố quan trọng và đón tiếp một số đoàn quốc tế và các nhà báo. Thành phố Đà Nẵng vừa mới được giải phóng, nhân dân từ Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Ngãi dồn về đông nghịt, nhưng chỉ vài ngày sau, trật tự đã được thiết lập và bộ máy chính quyền mới đã hoạt động đàng hoàng. Tối 29.4.1975, tôi đang tiếp vợ chồng nhà sử học Mỹ Gabriel và Joyce Kolko thì đài Giải phóng ra lời kêu gọi chính quyền và quân đội Sài Gòn đầu hàng. Tôi nghe mà xao xuyến. Vợ chồng nhà sử học Mỹ cảm động, ứa nước mắt. Chúng tôi cầm tay nhau, siết chặt. Thế là ngày hôm sau - 30.4, việc phải đến đã đến! Sài Gòn được giải phóng! Niềm vui vỡ òa! Các đài, thông tấn báo chí thế giới đều đưa tin: Sài Gòn thất thủ! “Việt cộng” đã chiến thắng! “ Nhân dân cả nước đổ ra đường, ôm nhau mà khóc, những giọt nước mắt vui sướng! Đây là kết quả tất yếu của sự hy sinh của cả dân tộc, là thành quả huy hoàng và công lao chung của cả dân tộc, từ các lực lượng vũ trang, các lực lượng chính trị hoạt động công khai hoặc bí mật, từ những em bé dẫn đường đến bà con mọi tầng lớp, những người anh hùng có tên tuổi và triệu triệu người vô danh. Không ai có thể nói phần này do anh, phần này do tôi. Và trong lúc này, tôi lại nghĩ đến vai trò của hậu phương lớn, miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Gọi là hậu phương mà cũng là tiền phương. Nhớ có lần đến thăm các bạn Palestine trong các trại tị nạn, gặp lãnh tụ Yasser Arafat, mọi người đều hỏi nhờ đâu mà Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. Chúng tôi đều trả lời: “Có ba điều: Chúng tôi có Hồ Chí Minh, lãnh tụ xuất chúng của Việt Nam đã suốt đời phục vụ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước; Chúng tôi có sự đoàn kết dân tộc rất mạnh mẽ; Và chúng tôi có miền Bắc, một nửa đất nước xã hội chủ nghĩa làm hậu phương lớn vững chắc.” Các bạn Palestine liên hệ với tình hình của mình, thấy đúng những điểm đó là chỗ yếu của các bạn. Chiến thắng hoàn toàn và nhanh chóng của Việt Nam đã làm cho cả thế giới vui mừng và kinh ngạc. Theo tôi hiểu, ngay Liên Xô và Trung Quốc, hai bạn chí cốt của Việt Nam, có lẽ cũng bất ngờ. Trung Quốc từng khuyên ta nên “trường kỳ mai phục” vì địch rất mạnh. Liên Xô thì lo ta không đủ sức chiến thắng, có thể chiến tranh lan rộng, làm tình hình thế giới thêm phức tạp. Nhưng rõ ràng là cuộc chiến đấu kiên cường, anh dũng của nhân dân Việt Nam và thắng lợi cuối cùng của chúng ta đã góp phần làm cho vị thế của phe xã hội chủ nghĩa lúc đó lên cao trên trường quốc tế. Chúng ta cũng tự hào đã cổ vũ lòng tự tin và quyết tâm của nhân dân các nước trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, vì hòa bình, độc lập và tiến bộ xã hội. Chúng ta cũng không bao giờ quên trong thắng lợi vĩ đại của Việt Nam có sự đóng góp to lớn, quý báu, không thể thiếu được của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới. Và chúng ta đã biết mở đầu chiến tranh, tiến hành chiến tranh cực kỳ anh dũng và thông minh, thì cũng biết cách kết thúc chiến tranh thật tuyệt. ----------------------------------------------------------------- 1. Mohamed Daoud Khan (1909-1978): Thủ tướng Afghanistan từ 1953-1965, Tổng thống Afghanistan từ 1973-1978. 2. Larry Berman, Nopeace, No honor, Nixon: Kissinger and Betrayal in Vietnam, P. Simon and Schuster, 2001. 3. Organisation de l’Unité Africaine hay Organisation of African Unity. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 06 Tháng Hai, 2023, 11:33:38 am Những kỷ niệm và cảm nghĩ còn lắng sâu Mười bốn năm hoạt động đối ngoại cho Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - Chính phủ Cách mạng Lâm thời (1962-1976), trong cuộc đời tôi, đó là khoảng thời gian đáng ghi nhớ nhất, đầy ắp những sự kiện to lớn của đất nước mà tôi được chứng kiến và rất may mắn được tham gia. Tôi sẽ còn mãi mãi lưu giữ những ấn tượng sâu sắc và nhiều bài học vô giá trên từng chặng đường dấn thân. Tôi nhận thấy những chủ trương chính trị, những bước đi của Việt Nam trong đàm phán cũng như trong chỉ đạo đấu tranh chung hết sức sắc sảo và tài tình. Trước hết, tôi muốn nhắc lại chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam. Đây là chủ trương mang tính chiến lược và cả sách lược hết sức khôn ngoan của ta. Nhờ đó ở trong nước chúng ta đã xây dựng được mặt trận dân tộc thống nhất, bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, không chỉ lực lượng yêu nước trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước lớn của miền Nam làm Chủ tịch, mà cả lực lượng Liên minh dân tộc, dân chủ và hòa bình đứng đầu là luật sư Trịnh Đình Thảo, một trí thức nổi tiếng ở miền Nam, và cả lực lượng “thứ ba”, cùng đồng bào yêu nước trong cộng đồng người Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Cũng nhờ chủ trương này và cùng với uy tín của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhất là niềm tin và lòng tôn kính đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh mà chúng ta tranh thủ được hết sức rộng rãi sự đoàn kết, ủng hộ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do và công lý trên toàn thế giới. Có thể nói ở khắp nơi trên thế giới, từ các thành phố lớn đến các vùng xa xôi, hẻo lánh ở Bắc Cực... đều vang lên tiếng nói “đoàn kết với Việt Nam”. Mọi người đều khẳng định phong trào đoàn kết quốc tế với Việt Nam chống chiến tranh xâm lược Mỹ là phong trào rộng lớn chưa từng thấy trong lịch sử, là một yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và của nhân dân thế giới yêu hòa bình. Phải nhắc đến bối cảnh ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miên Nam thì mới hiểu hết ý nghĩa và giá trị của sự kiện này. Từ năm 1956 đến 1959 là thời kỳ hết sức đen tối ở miền Nam. Sau khi đàn áp thẳng tay phong trào đấu tranh hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Genève, Mỹ-Diệm tiến hành các chiến dịch tố cộng, diệt cộng khốc liệt, nhằm tiêu diệt những người kháng chiến cũ và bất cứ ai chống lại chúng, chúng lê máy chém đi khắp miền Nam. Nhà tù được dựng lên khắp nơi, đầy ắp người, già trẻ, nam nữ. Ở nông thôn hàng vạn người dân bị dồn vào các trại tập trung khổng lồ gọi là các “ấp chiến lược”. Nhiều nhà báo nước ngoài đã nhận xét: “Cả miền Nam là một nhà tù lớn”. Nhân dân miền Nam trong một thời gian dài theo sự chỉ đạo của Đảng, đã kiên trì đấu tranh chính trị bằng những hình thức hòa bình, hòa hợp, nhưng kẻ thù đã đẩy họ đến chân tường. Kẻ thù vũ trang đến tận răng để khủng bố giết chóc, còn nhân dân thì chỉ có hai bàn tay trắng. Không thể bó tay chịu chết trước kẻ thù đang thực sự tiến hành chiến tranh một phía, nhân dân đòi được cẩm vũ khí. Nghe được tiếng nói thống thiết đó của nhân dân, Đảng đã kịp thời chuyển hướng phương thức đấu tranh. Năm 1959, Nghị quyết 15 lịch sử ra đời, chủ trương đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị, đổng thời đẩy mạnh hoạt động vũ trang, mở đường cho nhân dân miền Nam đi đến giành thắng lợi. Lịch sử dân tộc, đặc biệt lịch sử của cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, chắc chắn đánh dấu một mốc son lớn cho việc ra đời của Nghị quyết 15. Như nước vỡ bờ, nhân dân ở nhiều địa phương, hưởng ứng chủ trương mới của Đảng, nổi dậy đổng khởi. Chính trong khí thế sôi sục này, chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam để tập hợp các táng lớp nhân dân miền Nam đấu tranh chống Mỹ giành độc lập và thống nhất đất nước ra đời. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miên Nam không những là tổ chức chính trị đoàn kết các tầng lớp nhân dân tiến hành đấu tranh về chính trị, vũ trang mà còn đóng vai trò một chính quyền trên thực tế. Từ năm 1960 đến 1969, Ủy ban Mặt trận ở các cấp được thành lập và chỉ đạo nhân dân cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao. Một thắng lợi về chính trị khác đáng kể là sự ra đời của Liên minh các lực lượng dân tộc, Dân chủ và hòa bình, do luật sư Trịnh Đình Thảo, một trí thức lớn ở miền Nam, làm chủ tịch. Liên minh ra đời ngày 20.4.1968, mấy tháng sau Tết Mậu Thân, gồm nhiêu nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo... Mặt trận đấu tranh chống Mỹ cứu nước được mở rộng thêm. Có một điểu đáng chú ý trong cuộc đấu tranh giải phóng của Việt Nam, đặc biệt là trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, hầu hết các trí thức lớn của Việt Nam đều có mặt bên cạnh đông đảo công nhân và nông dân. Và cũng đặc biệt là trong phong trào đoàn kết quốc tế với Việt Nam, nhiều trí thức lớn của các nước củng tích cực tham gia. Mọi người đều nhớ về tòa án Bertrand Russell do Huân tước người Anh, nhà triết học-toán học nổi tiếng Bertrand Russell thành lập. Tham gia tòa án còn có các triết gia Jean-Paul Sartre, Laurent Schwartz và nhiều nhà trí thức các nước. Những người trí thức hơn hết hiểu giá trị của con người, hiểu được ý nghĩa tự do và công lý. Tám năm sau, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra vang dội. Đây là một thắng lợi rất cơ bản, là bước ngoặt trong cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Đại hội Đảng lần IV đã nhận định “có mùa Xuân 68 mới có mùa Xuân 75”. Đến bây giờ, một số tác giả là quan chức Mỹ, nhất là trong giới quân sự, vẫn cho là “Việt cộng” đã thất bại nặng nề trong Tết Mậu Thân, nếu lúc bấy giờ phía Mỹ “dấn tới” dùng sức mạnh quân sự thì có thể đã “giành chiến thắng”. Đấy là những nhận định thiển cận, thấy cái hiện tượng mà không thấy cốt lõi của vấn để, thấy cái trước mắt, tạm thời mà không thấy cái toàn cục. Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, dù phía ta có những tổn thất không nhỏ, nhưng cuộc tiến công và nổi dậy anh hùng ấy đã làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ. Việc Quân giải phóng từ trước chỉ tấn công quân địch lẻ tẻ ở vùng nông thôn rừng núi, nay có thể đồng loạt đánh thẳng vào đô thị, đánh thẳng vào các cơ quan đầu não của địch, có nghĩa là không một nơi nào địch có thể an toàn. Thế trận đó đã buộc Mỹ đi đến quyết định vô cùng quan trọng: xuống thang chiến tranh. Chính quyền Johnson đã buộc phải chấp nhận đi vào đàm phán, dù vẫn ngoan cố ôm ấp mưu đồ tìm ra một “giải pháp trên thế mạnh” 1. Với cuộc đàm phán bốn bên ở Paris, ta đã chủ trương “đánh-đàm”, mở ra thêm một mặt trận đấu tranh mới - đấu tranh ngoại giao - để tăng thêm sức mạnh cho cuộc chiến đấu trên chiến trường; đây thực sự là một chủ trương đúng đắn và khôn ngoan. Trong năm năm diễn ra cuộc đàm phán bốn bên, trên chiến trường chúng ta từng bước tăng cường sức mạnh quân sự với sự chi viện ngày càng lớn của miền Bắc. vể chính trị ngoại giao, chúng ta đã tranh thủ dư luận quốc tế rộng rãi, làm cho hậu phương địch ngày càng rối ren, chia rẽ. Bàn đàm phán có thể xem là một chiến trường mới và cũng đầy hiệu lực, ở đó các cuộc tấn công ngoại giao liên tiếp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam, từ tuyên bố giải pháp 10 điểm, rồi tám điểm, bảy điểm, hai điểm đã từng bước dồn chúng vào thế ngày càng bế tắc. Đặc biệt, cuộc tấn công ngoại giao với lập trường bảy điểm đưa ra tháng 7.1971 có thể xem là cuộc “tiến công Tết Mậu Thân” về ngoại giao: chúng ta tập trung vào đòi hỏi Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam và chủ động gác lại giải pháp chính trị ở miền Nam. Đó là trận đấu cuối cùng buộc Mỹ phải chấp nhận theo hướng dự thảo của Hiệp định Paris do Việt Nam để xuất. Sau khi ký Hiệp định Paris năm 1973, lãnh đạo ta dự kiến hai khả năng: hoặc chính quyền Sài Gòn được Mỹ ủng hộ và viện trợ tiếp tục chiến tranh, hoặc cuộc đấu tranh giữa các lực lượng chính trị ở miền Nam, lực lượng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời, và lực lượng thứ ba với lực lượng của Chính quyền Sài Gòn sẽ diễn ra rất phức tạp, nhưng chắc chắn cuối cùng chúng ta sẽ giành thắng lợi. Không lâu sau Hiệp định Paris, ta thấy khả năng thứ nhất là nhiều, tương quan lực lượng ngày càng có lợi cho ta. Đến năm 1975, Đảng quyết định phải nhanh chóng đánh bại quân ngụy giải phóng miền Nam, là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và kịp thời. Quân dân ta đã tiến hành cuộc Tổng tiến công, Tổng công kích mùa Xuân 1975 và giành thắng lợi hoàn toàn. ------------------------------------------------------------------- 1. Ngày 20.1.1960, Tổng thống Kennedy quyết định lấy Việt Nam lảm thí điểm cho cuộc “chiến tranh đặc biệt”. Ngày 11.5.1961, Mỹ đưa sang Việt Nam 400 lính đặc biệt và 100 cố vấn chủ trương lập ấp chiến lược dồn 10 triệu dân Việt Nam vào đó. Đến tháng 12, số cố vấn nhân viên quân sự lên 3.200 người. “Chiến tranh đặc biệt” thất bại, tháng 8, chính quyền Johnson dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ" để lấy cớ mở rộng chiến tranh. Ngày 8.3.1965, 2.500 quân lính thủy đánh bộ Mỹ vào Đà Nẵng Chu Lai bắt đẩu cuộc chiến tranh cục bộ. Ngày 30.7.1965, Mỹ điều quân ồ ạt vào miên Nam tăng cường “chiến tranh cục bộ". Đến cuối năm 1967, quân Mỹ và đồng minh lên 600.000 (không kể quân đội Sài Gòn). Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 06 Tháng Hai, 2023, 11:38:46 am Những bài học rút ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của chúng ta có nhiều và rất quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập và chủ quyền đất nước hôm nay và mai sau. Nhưng tôi đặc biệt thấm thía về những chủ trương có tính chiến lược lớn:
Chúng ta đã biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Bằng chủ trương này chúng ta đã tranh thủ được thế mạnh về chính trị và điều kiện về tài lực to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng giành được sự đổng tình và công lý trên thế giới, sức mạnh của chúng ta được nhân lên gấp bội. Ở đây tôi thấy cần ghi nhận đúng mức sự đóng góp quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam vói chính sách mềm dẻo và những hoạt động năng nổ và khôn khéo, đã gây được tình cảm và thu phục được những người thuộc chính kiến khác nhau, tạo nên một phong trào ủng hộ quốc tế rộng rãi và hết sức mạnh mẽ. Bài học lớn nữa là trong lúc tiến hành chiến tranh cũng như trong đàm phán, chúng ta luôn giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ. Chúng ta tranh thủ đúng mức những lời khuyên của bạn bè, nhưng bao giờ cũng giữ vững nguyên tắc độc lập quyết định trên lập trường vì lợi ích của đất nước ta. Ngay giữa lúc chiến tranh ở giai đoạn ác liệt, cần rất nhiều vũ khí cho chiến trường miền Nam, đường vận tải trên dãy Trường Sơn lại dài và rất khó khăn... Có nước đã đề nghị cử người, đưa xe và vũ khí vào miền Nam, các đồng chí lãnh đạo Việt Nam cảm ơn và đã từ chối. Ta xin nhận vũ khí nhưng vận chuyển đến đâu và sử dụng như thế nào là việc của chúng ta. Chúng ta kiên quyết không để chiến tranh mở rộng thành sự đối đầu quốc tế, vì sẽ rất phức tạp và khó chủ động, nhưng cũng không thể để đất nước bị chia cắt mãi. Hội nghị Genève năm 1954 từng cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu. Chúng ta quyết đánh và biết cách đánh, biết mở đầu chiến tranh và biết cách kết thúc chiến tranh. Sau 40 năm, nhiều nhà hoạt động chính trị trên thế giới vẫn còn không hết ngạc nhiên về thắng lợi của nhân dân Việt Nam, một nước nhỏ đã đánh thắng một đế quốc lớn nhất. Muốn hiểu được những nguyên nhân của sự kiện vĩ đại này, phải bắt đầu từ lịch sử mấy ngàn năm ông cha ta lập nước, giữ nước, và nhất thiết phải nghiên cứu những tài liệu, bút tích, tổng kết (có thể chưa đầy đủ) của các đồng chí là nhân chứng lịch sử. Đối với tôi và nhiều đồng chí, có thể thấy rõ: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cha, là linh hồn của cuộc chiến đấu oai hùng chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Những tư tưởng lớn của Người về đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế đã được quán triệt trong các chủ trương chính sách của Đảng. Bên cạnh Hổ Chủ tịch, có cả một bộ tham mưu tác chiến kiệt xuất, một bộ thống soái tối cao đứng đẩu là đồng chí Lê Duẩn 1 đã chèo lái đất nước trong giai đoạn quyết liệt nhất, giai đoạn quyết định của cuộc chiến tranh. Tôi nhớ lại năm 1956-1957, khi địch tiến hành khủng bố trắng ở miền Nam, nhiều người rất lo, không hiểu rồi cuộc đấu tranh của chúng ta ở miền Nam ra sao? Lúc đó đồng chí Lê Duẩn nhận định: “Không phải địch mạnh mà chính chúng đang suy yếu nên phải dùng những thủ đoạn cực kỳ dã man để trấn áp quần chúng.” Thực tế đã chứng minh nhận định sáng suốt và sắc sảo đó. Đàn áp dã man trắng trợn của địch càng khiến nhân dân miền Nam sục sôi căm thù. Trên cơ sở nhận định đó, và đề cương cách mạng miền Nam, Đảng đã xây dựng Nghị quyết 15 lịch sử năm 1959. Những bức thư của đồng chí Lê Duẩn gửi cho đồng chí Phạm Hùng vào năm 1974 về kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị cho phép chúng ta càng hiểu thêm khí phách, trí tuệ, bản lĩnh của đồng chí trong việc chỉ đạo kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm. Trước những giờ phút hết sức quyết định, đồng chí đã có ý kiến chỉ đạo rất dứt khoát: “Đây là thời cơ thuận lợi nhất. Ngoài thời cơ này, không còn thời cơ nào. Để chậm 10, 15 năm nữa, tình hình sẽ phức tạp, vô cùng phức tạp. Ta phải làm nhanh, gọn, triệt để nhưng phải khôn khéo.” Tôi nghĩ còn phải tiếp tục ghi nhận sự đóng góp to lớn của đồng chí Lê Duẩn. Nhưng bao trùm lên tất cả là vai trò lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam. Dù hiện phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang ở giai đoạn thoái trào, song chắc chắn trong lịch sử hiện đại Việt Nam không thể không khẳng định yếu tố quyết định nhất làm nên thắng lợi của dân tộc ta trong công cuộc giải phóng đất nước là sự lãnh đạo đúng đắn và tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, được sự ủng hộ tích cực của phe xã hội chủ nghĩa và Đảng Cộng sản các nước. Đương nhiên có vai trò to lớn của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, song nhất thiết không thể không nói đến hàng triệu đảng viên và quần chúng trung kiên đi theo Đảng, bảo vệ Đảng, đã chiến đấu hết sức kiên cường, bất khuất, và hàng vạn, hàng triệu người, thế hệ kế tiếp thế hệ đã ngã xuống vì sự nghiệp thiêng liêng của dân tộc dưới ngọn cờ của Đảng. Trong kháng chiến chống Mỹ, do phân công tôi đã chuyên về công tác đối ngoại, ngoài việc tham gia hội đàm lịch sử Paris, thì công việc chính là vận động sự ủng hộ của quốc tế đối với cuộc đấu tranh của ta. Có thể nói sự tiếp xúc rộng rãi đó đã cho tôi nhiều hiểu biết rất quý báu. Chúng ta đã nói nhiều về sự ủng hộ to lớn của nhân dân các nước trên toàn cầu. Tôi nghĩ cũng sẽ không công bằng nếu không nói đến một bộ phận quan trọng khác trong lĩnh vực này là vai trò của các chính phủ. Nhiều nước phương Tây, do có quan hệ về quyền lợi và nhiều mặt khác nên đã không ủng hộ ta, thậm chí còn theo đuôi Mỹ chống Việt Nam. Song cũng có nước, đặc biệt hơn cả là Thụy Điển, lại hoàn toàn ngược lại, thật sự là một người bạn thân thiết và hết lòng vì Việt Nam, từ nhân dân đến chính phủ. Ngay từ đầu, Chính phủ Thụy Điển đã công khai phê phán chính sách chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ, và chung thủy đến cùng. Chúng ta đã nói đến nhân dân Thụy Điển, các nhân vật chính trị, văn hóa lớn của Thụy Điển tha thiết với Việt Nam như thế nào. Ở Thụy Điển người ta bảo có cả một thế hệ gọi là “thế hệ Việt Nam”, Việt Nam đã đi vào cuộc sống của họ. Một lớp thanh niên đông đảo ở Thụy Điển cũng như ở nhiều nước khác đã “giác ngộ” chính trị từ cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Việt Nam đã đem lại cho họ một lẽ sống, sinh động và mới mẻ. Tôi nghĩ đó là sức mạnh của lẽ phải, của chân lý tự nó có sức thu phục mạnh mẽ lòng người. Thụy Điển cũng như các nước Bắc Âu được coi là “anh em chú bác” với Mỹ, nhưng họ không thể tán thành hành động tội ác của Mỹ. Ở đây có nhiều lính Mỹ đào ngũ được che chở. Nhiều cuộc họp của Tòa án Bertrand Russell và nhiều cuộc họp quốc tế ủng hộ Việt Nam cũng đã được tổ chức tại đây... Đương nhiên đó là tình cảm và hành động tự giác của nhân dân một nước thật sự văn minh, có truyền thống nhân ái sâu sắc. Nhưng cũng phải nói đến vai trò, tác động của Chính phủ, của những người đứng đầu nhà nước, đặc biệt như Thủ tướng Olof Palme, trong thái độ đẹp đẽ này của công chúng Thụy Điển. Tôi muốn nói rõ điều này vì có thể nhiều người trong chúng ta chưa biết hết được những điểu quý báu đó. Tôi đã có dịp đi thăm tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, từ Liên Xô, Trung Quốc, cho đến các nước Đông Âu và Cuba. Dù sau này phe xã hội chủ nghĩa không còn, Liên Xô đã tan rã, nhiều nước khác đã biến đổi hay đã trở nên phức tạp hơn, nhưng không thể không nói rằng sự ủng hộ cả vể tinh thần của Chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta là vô cùng to lớn, đặc biệt Liên Xô và Trung Quốc thật sự là chỗ dựa vững chắc cho tiển tuyến Việt Nam. Đương nhiên trong sự giúp đỡ đó đôi lúc đã có những động cơ lợi ích quốc gia của từng nước chen vào, nhưng rõ ràng hiệu quả vẫn là hết sức quan trọng. Chúng ta cũng đã biết có giai đoạn giữa Liên Xô và Trung Quốc có những mâu thuẫn rất nghiêm trọng, nhưng với một sự chân tình, đồng thời cẩn trọng có thể nói là tài tình, Bác Hồ và Đảng ta đã tìm cách giữ một thái độ vừa minh bạch vừa uyển chuyển, tranh thủ được sự ủng hộ của hai nước anh em quan trọng này, và cả các nước xã hội chủ nghĩa khác. Nhiều nhà hoạt động chính trị các nước cho đây là thể hiện “sự khôn ngoan chính trị” truyền thống của người Việt Nam. Khi còn đại diện cho Chính phủ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam đi hoạt động đối ngoại, tôi đã từng đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên dự hội nghị quốc tế. Đây là một quốc gia hết sức đặc biệt, nhân dân tôn sùng lãnh tụ, lời lãnh tụ là mệnh lệnh cho toàn dân. Cùng một cảnh ngộ, đất nước bị chia cắt, chiến tranh phân ly nên nước bạn đã nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của Việt Nam và là một trong những nước đầu tiên công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Trong các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu, tôi và một số đồng chí trong đoàn nhiều lần đến thăm Hungary để làm việc hoặc nghỉ ngơi ở hồ Balaton - nơi du lịch nổi tiếng của Hungary. Từ đồng chí lãnh đạo cao đến nhân dân đều hết sức nhiệt tình ủng hộ Việt Nam, đặc biệt đồng chí Ngoại trưởng Janos Peter, ông thường nói với tôi “các bạn Việt Nam cần gì, chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ”. Ngoài ra, tôi và nhiều đồng chí Việt Nam còn thường đến thăm Cộng hòa Dân chủ Đức. Lúc đó nước Đức còn chia làm hai. Các đồng chí Cộng hòa Dân chủ Đức, từ lãnh đạo Đảng, Chính phủ đến các đoàn thể đều giành cho Việt Nam những tình cảm rất tốt đẹp, đã ủng hộ chúng ta tích cực về mặt tinh thẩn, vật chất. Nhiều cán bộ của Việt Nam, kể cả những anh em từ chiến trường B ra miền Bắc, được đưa sang Cộng hòa Dân chủ Đức để chữa bệnh. Các bác sĩ hết sức tận tình... Trong lúc đó, bên Cộng hòa Liên bang Đức, chính quyền không ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Mặc dù vậy, phong trào đoàn kết với Việt Nam ở Cộng hòa Liên bang Đức cũng sôi nổi, đặc biệt tổ chức hành động giúp đỡ Việt Nam (HAV) do bà Weber - một kỹ sư dệt thành lập... Qua bà, nhiều nhân sĩ trí thức, những nhà hoạt động xã hội lớn (ở Cộng hòa Liên bang Đức) đã hiểu về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam... giúp chúng ta nhiều thiết bị y tế và thuốc men... Sự giúp đỡ này kéo dài cả sau ngày giải phóng Việt Nam... Tình cảm của bà Weber với Việt Nam hết sức sâu nặng. Trong di chúc của bà, bà bày tỏ nguyện vọng được yên nghỉ vĩnh hằng ở Việt Nam, nơi trái tim của bà gắn bó trọn đời, một cử chỉ làm chúng ta vô cùng xúc động và chúng ta đã thực hiện di nguyện đó của bà. Hội nghị Paris cho tôi cơ hội sống ở Pháp một thời gian khá dài và tôi đã có dịp quan sát xã hội Pháp. Tôi đã tiếp xúc với nhiều trí thức, công nhân là những người cộng sản, những người tiến bộ. Họ sống lương thiện, thẳng thắn, sẵn sàng ủng hộ những người có khó khăn, bị áp bức, mặc dù cuộc sống của họ không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tôi càng hiểu thêm về lịch sử và văn hóa nước Pháp, một nền văn hóa vĩ đại, đầy tính nhân văn, đã sản sinh ra những nhà tư tưởng và những nhà văn lớn như Jean-Jacques Rousseau, Victor Hugo..., đã đưa đến cuộc Cách mạng dân chủ tư sản năm 1789 và Công xã Paris với những tư tưởng về Tự do, Bình đẳng, Bác ái nổi tiếng. Người Pháp thực sự có truyền thống Dân chủ. Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình, đình công của công nhân, sinh viên... Tôi cũng hiểu phẩn nào “xã hội tiêu dùng” tư bản. Nếu bạn có công ăn việc làm, bạn có thể vay ngân hàng để thuê nhà, sắm sửa bằng trả góp hằng tháng, tất nhiên với lãi suất bình thường, nhưng nếu thất nghiệp, không có tiền trả ngân hàng thì bị tịch thu và có khi phải ra đường. Trong thời gian đàm phán ở Pháp, hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã được Đảng Cộng sản Pháp và bà con Việt kiều giúp đỡ hết sức tận tình, chúng tôi mãi mãi ghi nhớ hình ảnh các đồng chí bảo vệ, lái xe Pháp được Đảng cử đến giúp đoàn mấy năm trời hết sức tận tụy, và nhiều bà con Việt kiều bỏ việc làm đến sửa chữa nhà cửa, phục vụ đoàn bất cứ lúc nào đoàn cần. Ở đây chúng ta đặc biệt có những bạn bè, những đồng chí rất thân thiết. Họ đã đi cùng ta suốt cuộc trường chinh của hai cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ và cả đến ngày nay trong giai đoạn đấu tranh để xây dựng và phát triển đất nước. Nhân dân ta mãi mãi còn nhắc đến anh Henri Martin, chị Raymonde Dien, những người vì chống thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược lại Việt Nam đã phải chịu tù đày và bao nhiêu thiệt thòi. Và một người bạn rất đỗi thân thương của chúng ta là chị Madeleine Riffaud 2, anh hùng trong kháng chiến chống phát xít Đức, cũng là người đã hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Chúng ta biết vì lợi ích của cuộc chiến đấu này mà chị đã hy sinh cả hạnh phúc riêng tư. Ngày nay, dù đã già, yếu, mắt mờ, chị vẫn theo dõi tình hình ở Việt Nam. Gặp lại bạn bè Việt Nam, trong đó có “Bình”, là những lúc chị vui nhất, chị có thể nói chuyện mấy giờ liền quên cả ốm đau. Trên đất Pháp, chúng ta còn có một số đông trí thức Việt kiều đã đóng góp tích cực cho hoạt động của hai đoàn Việt Nam tại Paris như ông Huỳnh Trung Đồng, Lâm Bá Châu, Phạm Ngọc Tới, bác sĩ Therèse Phan v.v... Anh Nguyễn Vĩnh Mỹ, sau giải phóng đã về làm Chánh án Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân cũng đã về nước tham gia Quốc hội. Và còn nhiều anh chị em khác nữa. Cũng có người vì hoàn cảnh gia đình phải ở lại Pháp như anh Trần Hữu Nghiệp, người đã tham gia trực tiếp công việc của đoàn trong nhiều năm và đã có nhiều hy sinh riêng tư vì việc chung. Tôi cũng đi thăm nhiều nước châu Á ngoài Trung Quốc xã hội chủ nghĩa. Ấn Độ đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng sâu sắc. Ở Ấn Độ, uy tín của Hồ Chí Minh, của Việt Nam rất lớn, nhất là ở Calcutta, Bengal, là những nơi mà Đảng Cộng sản có ảnh hưởng nhiều. Nhân dân Ấn Độ có tình cảm đặc biệt với cuộc chiến đấu của Việt Nam... Nhưng ở đây, tôi chứng kiến một tình hình xã hội lạ thường, sự phân biệt giàu nghèo lớn lắm. Một tỉnh trưởng thường có dinh thự rất sang trọng, xung quanh là cả một công viên hay một khu rừng có hươu nai chạy nhảy. Nhưng không xa đó là những người nghèo, thuộc tầng lớp “không được chạm vào” (intouchables) [không được chạm vào những vật dụng đắt đỏ mang tính tôn giáo]. Tôi suy nghĩ vì sao có tình hình như vậy? Ấn Độ có một nền văn hóa lâu đời vĩ đại. Ngày nay họ có một đội ngũ chuyên gia đông nhất thế giới, nhưng phong trào cộng sản ở đây lại có hai Đảng Cộng sản. Tôi nghĩ nếu nhân dân Ấn Độ có sự thống nhất dân tộc mạnh mẽ hơn nữa, phát huy hết tiềm năng về con người cũng như tài nguyên thiên nhiên, chắc họ sẽ thành một cường quốc lớn. Vậy những yếu tố gì đã tác động tới vấn đề văn hóa dân tộc: di sản còn dai dẳng của chế độ đẳng cấp lâu đời, đạo giáo, các trào lưu chính trị? Chính sách cai trị của đế quốc Anh trong gần 100 năm đã để lại những hậu quả nặng nề gì?... Trong thời kỳ chiến tranh, người của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam không được cấp thị thực vào nước Nhật. Lúc đó chính phủ Nhật đứng về phía Mỹ, trên đất Nhật có nhiều căn cứ hải quân và không quân của Mỹ, mà lớn nhất là Okinavva - nơi các máy bay Mỹ hằng ngày xuất phát đi ném bom Việt Nam. Nhưng ở đây, chúng tôi cũng được biết có phong trào nhân dân ủng hộ cuộc chiến tranh của chúng ta mạnh mẽ. Các lực lượng tiến bộ Nhật, gồm các tổ chức thanh niên, phụ nữ, công nhân, Ủy ban Hòa bình, Hội Hữu nghị Việt - Nhật, Tổ chức Beheiren, tiêu biểu là Đảng Cộng sản Nhật, đã có nhiều hoạt động phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ. Có cuộc biểu tình hàng nghìn người ngồi ở cảng để ngăn chặn không cho Mỹ đưa vật tư chiến tranh sang Việt Nam. Có phong trào “Một Yen cho bà mẹ trẻ em Việt Nam” v.v... Nhân dân Nhật đã từng là nạn nhân của hai quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki, nên các bạn dễ thông cảm với nhân dân Việt Nam. ----------------------------------------------------------------- 1. Xem sách Lê Duẩn - Một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của Cách mạng Việt Nam (Hồi ký), NXB Chính trị Quốc gia, Hả Nội, 2002, tr.39. 2. Madeleine Riffaud, sinh năm 1924, nhà thơ, nhà báo Pháp. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 06 Tháng Hai, 2023, 01:54:45 pm Đối với nhiều nước châu Phi, Mỹ Latin, Việt Nam được coi là tấm gương, và sự ủng hộ, giúp đỡ của chính phủ các nước này đối với chúng ta cũng rất to lớn và hiệu quả về nhiều mặt. Đến 30.4.1975 giải phóng miền Nam - Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được 65 nước công nhận chính thức về ngoại giao, trong đó, sau các nước xã hội chủ nghĩa, các nước châu Phi là nhiều nhất.
Tôi đã đi thăm nhiều nước châu Phi, có lẽ đến gẩn một nửa số nước của lục địa rộng lớn này. Chúng ta biết châu Phi từng là cái nôi của loài người, nhưng trình độ châu lục này lại còn quá trẻ so với các châu lục khác, nên mặt nào ở đây cũng chậm phát triển hơn. Song khát vọng của con người thì ở đâu cũng giống nhau, nên những người hiểu biết dù ít hay nhiều về chính trị đều có cảm tình với cuộc đấu tranh của Việt Nam, những người cũng bị áp bức bóc lột như họ. Tôi nhớ ở tất cả các hội nghị quốc tế, từ các hội nghị của các tổ chức đoàn kết quốc tế đến hội nghị các chính phủ tôi từng dự trong thời gian kháng chiến của chúng ta, lập trường của Việt Nam luôn được sự hưởng ứng của chính phủ nhiều nước châu Phi, đặc biệt của Algérie, Guinée, Mali, Madagascar, Tanzania... Tổng thống Algérie Houari Boumédienne lúc sinh thời và Ngoại trưởng Abdelaziz Bouteflika - nay là Tổng thống - ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Việt Nam, coi đó là cuộc đấu tranh của chính nhân dân mình. Tổng thống quan tâm cả đến việc đi lại của tôi trong hoạt động đối ngoại, có lần ông nói: “Nếu đi hoạt động nơi nào có đường bay của Algérie, xin mời bà đi miễn phí.” Mãi đến nay, dù tình hình hai nước có sự phát triển cụ thể khác nhau, nhưng ở Algérie mỗi khi nói đến Việt Nam mọi người đều đặt tay lên tim và hô lên: “Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp!”.. Cảm tình và sự khâm phục đối với Việt Nam của các bạn châu Phi vẫn còn sâu đậm cho đến ngày nay. Sau khi giành được độc lập, nhiều nước châu Phi đã có xu hướng phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, nhưng sau khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã, ít nhiều họ mất phương hướng, đang gặp nhiều khó khăn về đường lối, lại thêm chia rẽ về tôn giáo, sắc tộc... Họ nhìn về phía Việt Nam, mong đợi kinh nghiệm ở chúng ta. Đối với châu Mỹ, thời gian đó tôi chỉ đi được Cuba vài lần. Những ấn tượng về đồng chí Fidel Castro, về nhân dân Cuba đối với tôi vô cùng sâu sắc. Chị Melba Hernandez 1, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết với Việt Nam, đặc biệt dành cho Việt Nam những tình cảm sâu nặng, thật sự là một người chị Cuba thân thương của tất cả chúng ta. Hàng nghìn thanh niên Cuba tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu. Trong những năm tháng kháng chiến ác liệt của ta, có được những bạn Cuba hết tình, hết nghĩa là sự động viên rất lớn đổi với nhân dân Việt Nam. Nói đến Cuba, không thể không nhớ đến nhà cách mạng Che Guevara. Tôi đã có dịp đọc một số bức thư của Che gửi cho Fidel, cho những người bạn ở Bolivia. Thật hiếm nhà cách mạng nào có những suy nghĩ, tình cảm cách mạng nồng nhiệt đến như vậy! Niềm hạnh phúc lớn nhất của họ là được phục vụ cho sự nghiệp chính nghĩa. Điều đó cũng giải thích vì sao các chiến sĩ cách mạng ở châu Mỹ Latin, ở Venezuela xa xôi đã xúc động trước hành động anh hùng của Nguyễn Văn Trỗi của Việt Nam. Đầu tháng 8.1964, Tư lệnh Luis Correa (nhóm du kích UTC) thông báo cho mọi người biết là ở Việt Nam có một thợ điện tên là Nguyễn Văn Trỗi đã mưu sát Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara. Cuộc ám sát không thành và anh Trỗi bị bắt. Chính quyền Sài Gòn sẽ mang anh Trỗi ra xử bắn. Ông Luis Correa giao cho tổ chức hành động của UTC có 12 người phải tổ chức bắt cóc một tên Mỹ nào đó để đổi lấy anh Trỗi. Tổ hành động chia 12 người ra làm bốn nhóm. Một nhóm đi bắt, một nhóm áp giải chuyển đi, nhóm giam giữ và nhóm trao đổi. Nhóm năm người trực tiếp bắt và áp giải con tin Smolen gồm: Ông Noel Quintero (chỉ huy nhóm), Carlos Rey, David Salazar, Raul Rodriguez và Argenis Martinez 2. Việc giải cứu đã không thành, nhưng tình cảm của những người bạn chiến đấu tận Nam Mỹ xa xôi thật đáng quý trọng. Ngày 4.11.1970, ở Chile, chính quyền marxist giành thắng lợi qua bầu cử. Tổng thống Salvador Allende lên cầm quyển. Mặc dù sự nghiệp của ông ngắn ngủi (ông bị Pinochet ám hại) nhưng chính phủ của ông đã thể hiện một lập trường cách mạng rõ ràng, đặc biệt đã tỏ rõ sự đồng tình và ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Ngay sau khi lên cầm quyển ông đã tuyên bố thiết lập ngoại giao với cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và cung cấp chi phí hoạt động cho cả hai cơ quan (25.3.1971). Từ đầu thế kỷ XX, một phong trào cánh tả đã trỗi dậy ở các nước Mỹ Latin. Là “sân sau” của đế quốc Mỹ, hơn ai hết họ hiểu thế nào là chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Họ đang vươn lên tìm con đường phát triển vì lợi ích của nhân dân, vì hòa bình và công lý trên thế giới. Trong suốt thời gian chiến tranh, tất nhiên tôi không thể đi thăm Mỹ nhưng tôi đã gặp rất nhiều người Mỹ trong các cuộc gặp gỡ do những tổ chức phản chiến Mỹ tổ chức. Nhiều đoàn từ Mỹ sang, có cả các hạ nghị sĩ, thân nhân của tù binh Mỹ, những phụ nữ, thanh niên chống chiến tranh... Nhiều người đã để lại cho tôi những ấn tượng tốt đẹp. Đặc biệt với phụ nữ Mỹ, hơn ai hết có nguyện vọng và mong muốn chiến tranh chấm dứt, có hòa bình để chồng con họ khỏi đi lính, chết chóc. Và sau khi biết chổng con mình gây ra tội ác đối với nhân dân Việt Nam, họ cũng đau buồn và xấu hổ. Năm 1971, sau một cuộc gặp mặt giữa phụ nữ Mỹ (của tổ chức Women Strike for Peace) với đại diện ba nước Đông Dương tại Canada, các đại diện phụ nữ Mỹ tuyên bố: “Họ (phụ nữ Việt Nam) không phải là kẻ thù, mà là người chị em (sister) của chúng ta.” Nhiều cuộc biểu tình, người tham gia chủ yếu là phụ nữ như cuộc biểu tình ở Miami (Florida) năm 1972. Điểu thật cảm động là có chị đã mặc áo “phông” có in ảnh của bà Bình với dòng chữ “Live like her” Trong lúc tại miền Nam Việt Nam, quần đội Mỹ thấy “Việt cộng” là tiêu diệt, ở đây phụ nữ Mỹ đang ủng hộ một nữ Việt cộng cấp cao. Thật là dũng cảm! Nhiều người Mỹ thuộc các tầng lớp đã tích cực, hăng hái phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ và ủng hộ Việt Nam, họ cho rằng cũng chính là vì lợi ích của nhân dân Mỹ. Tôi mong nhân dân ta mãi mãi ghi nhớ tên tuổi của 10 người Mỹ 3, trong đó có năm thanh niên đã dùng lửa tự thiêu để nói lên sự phẫn uất của đông đảo nhân dân Mỹ đối với cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam - đó là những “liệt sĩ”, những “chiến sĩ hòa bình” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá 4. ------------------------------------------------------------------ 1. Melba Hernandez sinh năm 1921, nhà cách mạng, anh hùng dân tộc Cuba, nhà ngoại giao, chính trị, nguyên Đại sứ Cuba tại Việt Nam và Campuchia. 2. Tất cả các ông đã mất, chỉ còn Carlos Rey thăm Việt Nam trong dịp kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris về Việt Nam 2013. 3. 1) Ngày 2.11.1965, Norman Morrison, 32 tuổi, tín đồ giáo phái Quaker, mang theo con gái Emily 2 tuổi và một can xăng đến khu Lầu Năm Góc trước cửa tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, bờ sông Potomac, Washington rỗi đổ đầy xăng lên mình châm lửa đốt. Ba tháng trước khi tự thiêu, anh đã gửi một bức thư đến báo Mặt trời Baltimore với những dòng sau: “Thanh niên Mỹ chúng ta không có lý gì phải đáp ứng lời kêu gọi mà người ta bảo là yêu nước...”. 2) Đúng một tuần sau cái chết của Morrison, ngày 9.11.1965, một người Mỹ khác, RogerAllen LaPorte, 21 tuổi, thuộc tổ chức Công nhân Cơ Đốc giáo, ngồi khoanh chân như một nhà sư theo đạo Phật trước trụ sở Liên hiệp quốc ở New York rồi đổ xăng lên mình tự thiêu. Linh mục Daniel Berrigan, một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên của phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh Việt Nam, nói: “LaPorte chết cho những người khác được sống.” 3) Trước Morrison và LaPorte, ngày 16.3.1965 đã có vụ tự thiêu của cụ bà Alice Herz, 82 tuổi, người Mỹ gốc Đức, cũng để phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam, nhưng ít người biết đến vì sự việc xảy ra tại một ngõ vắng ở Detroit. 4) Ngày 10.4.1966, anh sinh viên Arthur Zinner đã đến trước Nhà Trắng ở Washington tẩm xăng để tự thiêu, nhưng bị cảnh sát và mật vụ ập tới đưa đi. Một người bạn ở chung nhà với Arthur Zinner là William Racolin cho biết Arthur Zinner đã từng nói “đó là một cuộc chiến tranh phi nghĩa” và “nhân dân miền Nam Việt Nam phải được tự giải quyết các vấn đề cùa mình mà không có sự can thiệp của Mỹ”. 5) Ngày 18.8.1967, John Kopping, 33 tuổi, dùng xăng tự thiêu tại thị trấn Panorama ở ngoại ô thành phố Los Angeles. Cảnh sát đã tìm thấy dưới một hòn đá gần nơi anh tự thiêu một tờ giấy, trong đó anh phản đối chính sách của Chính phủ Mỹ ở Việt Nam. 6) Ngày 12.10.1967, tại thành phố cảng San Diego trên bờ Thái Bình Dương, một trong những căn cứ xuất phát của quân đội Mỹ sang Việt Nam, chị Hiroko Hayaski, người Mỹ gốc Nhật Bản, đã tưới xăng lên mình và châm lửa. Chị bị bỏng nặng, đến bệnh viện được một giờ thì mất. Theo chị ruột của Hiroko là bà Kay, Hiroko vẫn phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và việc chị tự thiêu là thể hiện sự phản đối đó. 7) Ba ngày sau, ngày 15.10.1967, lại một phụ nữ Mỹ khác tưới xăng lên mình rồi châm lửa: bà Florence Beaumont; bà cũng đã qua đời sau khi được đưa vào bệnh viện. Chồng bà, ông George, cho biết bà đã quyết định tự thiêu để phản đối “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” cùa Mỹ ở Việt Nam. 8 ) Cuối tháng 11.1967, xác một thanh niên chết cháy được phát hiện ở thành phó Tijuana gần biên giới Mỹ-Mexico. Các giấy tờ để lại cho thấy đó là James L. Thornton, 24 tuổi, ở Caỉifornia. Là lính lái máy bay, anh đã được lệnh sang Việt Nam ngày 6.12.1967, và đã quyết định tự thiêu còn hơn sang để giết người và bị giết ở Việt Nam. 9) Mấy ngày sau, đầu tháng 12.1967, một thanh niên khác là Kenneth Zilya, 20 tuổi, đã tự thiêu trước trụ sở Liên hiệp quốc ở New York cũng để phản đối cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. 10) George Winne Jr., tự thiêu ngày 10.5.1970, 23 tuổi, sinh viên Đại học California. Tháng 6.1970 sẽ học Thạc sĩ Lịch sử. Con trai một Đại úy Hải quân Mỹ. Trước khi chết, George Winne Jr. đã viết thư cho Tổng thống Nixon yêu cấu chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. 4. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời báo chí Anh năm 1965. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 06 Tháng Hai, 2023, 01:59:11 pm Nói đến các bạn trong phong trào phản chiến Mỹ, người tôi muốn nhắc trước hết là ông Dave Dellinger - Chủ tịch phong trào hòa bình Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Ông là một trong những người Mỹ đẩu tiên đến Việt Nam, và cũng là người kiên trì đến cùng với lý tưởng hòa bình và công lý của mình.
Anh Tom Hayden 1, một lãnh tụ của phong trào, đã yêu chị Jane Fonda, vì chung chí hướng đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đứa con của anh chị được đặt tên là Troy để tưởng nhớ đến anh Nguyễn Văn Trỗi. Chị Cora Weiss là một phụ nữ nổi tiếng hoạt động xã hội không mệt mỏi. Nhiều chị trong phong trào đấu tranh cho hòa bình, như chị Carol Brightman, vì yêu mến Việt Nam đã đặt tên con là “Bình”. Theo anh em, hiện nay có thể có khoảng mười cô gái Mỹ có tên “Bình”. Không thể không nhắc đến ông bà bác sĩ Benjamin Spock đầy tình nhân ái. Tôi cũng có một người con nuôi là Rennie Davis, một thanh niên Mỹ đã dấn thân hết mình vào phong trào ủng hộ Việt Nam. Davis là một thanh niên nhạy cảm, hoạt động rất hăng hái trong phong trào phản chiến ở Mỹ. Cuối năm 1969, Davis đến gặp tôi tại Paris, xin nhận làm con nuôi, nhưng mẹ con chưa kịp tìm hiểu nhau nhiều. Đến năm sau, Davis gặp lại tôi có hỏi tại sao đấu tranh mạnh như vậy mà chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Tôi giải thích, động viên Davis, nhưng có lẽ tôi đã không thuyết phục được cậu. Sau đó tôi không gặp lại Davis và nghe một số bạn Mỹ cho biết hình như Davis đã sang Ấn Độ đi tu... Sự thật không phải như vậy 2. Có những người tôi đặc biệt yêu mến, và đến bây giờ họ vẫn chung thủy với sự nghiệp đấu tranh của Việt Nam như chị Merle Ratner (chị “Mơ”, vợ GS. Ngô Thanh Nhàn). Hầu như chẳng có gì trong tay, nhưng hễ Việt Nam yêu cẩu là lập tức có chị. Những người bạn quốc tế ấy là những người sống có lý tưởng, hạnh phúc của họ là được làm theo lý tưởng. Câu chuyện về những người bạn ở năm châu kể ra còn rất dài. Điều tôi suy nghĩ và muốn ghi ra ở đây không chỉ là kinh nghiệm riêng của tôi mà có thể là kinh nghiệm chung của chúng ta. Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với quân thù, Đảng nêu ra một quan điểm hết sức đúng đắn: phải đoàn kết toàn dân tộc và sau đó đoàn kết quốc tế. Thực tế đã chỉ rõ sự đúng đắn hoàn toàn của quan điểm này. Nếu chúng ta không tranh thủ được sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và cả phe xã hội chủ nghĩa, mặc dù giữa các nước anh em có những mâu thuẫn, xích mích, hẳn chúng ta đã không có được sự viện trợ về quân sự, tài chính... cũng như sự ủng hộ vể chính trị, giúp chúng ta có điểu kiện giành được thắng lợi. Và nếu không có phong trào đoàn kết quốc tế mạnh mẽ và rộng rãi với Việt Nam như ta đã tranh thủ được, nhất là ở ngay nước Mỹ, hẳn chúng ta đã không tạo được tác động mạnh, làm lay chuyển ý chí xâm lược của Washington. Những hồi ký của nhiều nhà chính trị ngay trong chính quyền Mỹ thời bấy giờ cũng đã thừa nhận điểu này. Chính quyền Mỹ không thể không đếm xỉa đến dư luận rộng rãi của nhân dân Mỹ phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa do họ gây ra ở Việt Nam. Phong trào chống chiến tranh, đoàn kết với Việt Nam ở Mỹ được tổ chức bởi nhiều lực lượng, cộng sản, cánh tả, tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, công lý... trong suốt một thời gian dài. Đây là một sức mạnh chính trị-vật chất, thực sự đã làm lay chuyển những đẩu óc hiếu chiến, bảo thủ, ngoan cố nhất ở nước Mỹ. Nhân dân Việt Nam từ trước đến nay đánh giá cao và mãi mãi biết ơn phong trào hòa bình và chống chiến tranh ở Mỹ, coi đó là sự đóng góp quan trọng vào việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Gần đây có một đoàn làm phim Mỹ đến Việt Nam, hỏi tôi: “Có phải Việt Nam đã lợi dụng sự chia rẽ ở nước Mỹ không?” Tôi đã trả lời: “Không. Chúng tôi không hề nghĩ như vậy. Điều mà chúng tôi đã làm, là tranh thủ tinh thần yêu hòa bình và công lý của nhân dân Mỹ, để chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa có hại cho Việt Nam, mà chẳng có lợi cho nhân dân Mỹ.” Rất may nhiều người Mỹ đã hiểu điều đó, nhất là phụ nữ đã đứng về lẽ phải và hòa bình. Đó chính là cơ sở để có thể hòa giải được nhân dân hai nước sau này. Cũng không thể không nhắc đến báo chí, các cơ quan thông tin đại chúng đã góp một vai trò vô cùng quan trọng. Có lúc người ta gọi báo chí, các cơ quan thông tin đại chúng là quyền lực thứ hai, nghĩa là sau quyền lực của chính quyền. Họ thực sự là một quyền lực khi dám nói lên sự thật, dám nói lên nguyện vọng và đòi hỏi của nhân dân, bất chấp mọi đe dọa, trừng phạt. Họ đã tác động đến thái độ và chính sách của chính phủ. Trước hết phải nói đến những nhà báo tiến bộ, dám đi vào vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, phản ánh cuộc chiến tranh thần thánh của quân dân ta, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ khó tưởng tượng. Chúng ta mãi mãi nhớ đến chị Madeleine Riffaud, người đã thốt lên từ đáy lòng mình: “Việt Nam là một phần cuộc đời tôi.” Và cùng với chị, nhiều phóng viên khác của báo L’Humanité (của Đảng Cộng sản Pháp)... Anh Wilfred Burchett lúc nào cũng hồ hởi, tươi cười. Burchet đã viết những phóng sự gây tác động lớn trong dư luận quốc tế, do vậy mà là người Úc nhưng anh không thể về sống ở Úc. Và nữ văn sĩ Bulgary Dimitrova, chị Vanessa người Ba Lan. Chúng ta cũng biết ơn hàng trăm nhà báo đã “bám” cuộc đàm phán ở Paris từ đầu đến cuối để đưa tin tức về cuộc thương thuyết kéo dài tưởng như vô tận này. Phải công nhận lúc đó các báo Mỹ như New York Times, Washington Post, Đài truyền hình CBS, cả các hãng thông tấn UPI và AP đều đã có những phóng viên chiến trường rất “cừ”, cập nhật được tình hình, cung cấp những tin tức kịp thời giúp nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới theo dõi tiến triển của cuộc chiến, biết rõ những cuộc giội bom dữ dội, những cuộc thảm sát dân thường, những tổn thất của quân Mỹ... Phải thừa nhận, nếu không có nhà báo Seymour Hersh, phóng viên báo New York Times, nhà báo Don Luce và nhiều nhà báo quốc tế khác đã dũng cảm vạch ra sự thật thì dư luận thế giới, nhất là dư luận Mỹ, không thể biết cụ thể về vụ thảm sát Mỹ Lai, trại giam “chuồng cọp” khủng khiếp ở Côn Đảo... và biết bao tội ác tày trời của quân xâm lược Mỹ. Sau này có dịp xem những phim tài liệu hết sức giá trị của những nhà quay phim Canada, Bỉ... tôi càng hiểu thêm về tình hình của “bên này”, “bên kia” trong cuộc chiến kéo dài và vô cùng ác liệt ở Việt Nam. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tôi và tất cả anh chị em hoạt động trên mặt trận đối ngoại đều nhận thức một cách rõ ràng là “chiến trường quyết định kết quả của bàn đàm phán”. Chính cuộc chiến đấu đầy hi sinh và từng bước thắng lợi của quân dân cả nước trong mấy chục năm ròng rã đã chinh phục “trái tim và khối óc” của nhân dân tiến bộ trên thế giới và làm cho kẻ thù bị khuất phục. Và vô cùng quan trọng nữa là chiến trường miền Nam có hậu phương vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nơi mỗi con người suốt bao năm đã thật sự sống và làm việc từng ngày với tinh thần “tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do đầy hy sinh gian khổ trong hơn 20 năm và tinh thần chiến đấu bất khuất vô cùng anh dũng của cả dân tộc Việt Nam là một biểu tượng vô cùng cao đẹp được cả thế giới ca ngợi, Nhưng cũng phải nói “tinh thần đoàn kết quốc tế” mạnh mẽ chưa từng có của hàng triệu triệu con người trên thế giới cũng vô cùng đẹp đẽ, đáng khâm phục... Tôi cảm thấy hết sức tự hào về đất nước, về nhân dân ta và về bạn bè của chúng ta. ----------------------------------------------------------------- 1.Tom Hayden sinh năm 1939, nhà hoạt động chính trị và xã hội, chính trị gia, tham gia tích cực vào các hoạt động phản chiến và đấu tranh vì nhân quyền những năm 1960. 2. Năm 2013, nhân kỳ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, trong danh sách khách mời tham dự Lễ kỷ niệm từ Mỹ đến có Rennie Davis và vợ. Tôi hết sức vui mừng gặp lại Davis. Anh không phải đi tu ở Ấn Độ như tin đồn mà vẫn ở Mỹ, tiếp tục hoạt động. Vào dịp này, tôi mới hiểu hết thành tích phản chiến của anh, cảm thấy càng quí mến anh. Rennie Davis là một trong nhóm bảy người Chicago được New York Times đề cập đến trong phiên tòa chính trị quan trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Anh đã tổ chức nhiều cuộc biếu tình lớn chống chiến tranh, đặc biệt tại Đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ năm 1968. Và nay, Rennie là chủ tịch của Quỹ vì Nhân loại và Quỹ Năng lượng mới. Tình cảm của người bạn Mỹ thân thiết này của tôi đối với Việt Nam vẫn còn rất sâu đậm. Anh đang có ý tưởng giúp đỡ Việt Nam bằng nhiều hình thức, đặc biệt anh muốn giúp làm vật liệu xây dựng có chất lượng nhưng giá rẻ... vì anh biết Việt Nam còn nhiều khó khăn. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 06 Tháng Hai, 2023, 02:01:35 pm Thống nhất đất nước Ngày 30.4.1975 sẽ mãi là một ngày lịch sử trọng đại của dân tộc. Nguyện vọng thiết tha vể thống nhất Tổ quốc của nhân dân cả hai miền đã được thực hiện trọn vẹn. Sau 20 năm đất nước bị chia cắt, 20 năm gia đình ly tán, 20 năm những người vợ phải chờ chồng, có những đứa con 20 tuổi mới biết mặt cha... Bên cạnh niềm vui sum họp không thể tả, nhiều người bạn của tôi hết sức đau buồn vì không tìm lại được cha mẹ, vợ hay chồng con đã bị bom đạn chôn vùi sau những trận ném bom hay các cuộc càn quét... Trước ngày 13.5.1975, cùng một số đồng chí lãnh đạo, tôi đã từ Hà Nội vào Sài Gòn. Từng sống và hoạt động ở thành phố này, nhưng có nơi tôi không còn nhận ra được nữa. Thành phố được giải phóng sau chiến dịch tổng công kích, tổng khởi nghĩa của quân dân ta nhưng hầu như vẫn nguyên vẹn, thật là kỳ diệu! Trước đây tôi cùng gia đình ở tại đền thờ Cụ Phan Châu Trinh, ông ngoại tôi, gần chợ Đa Kao, thuộc hộ 5, quận 3. Trở về tôi còn nhận ra được đền thờ, chợ, các con đường quanh khu vực chúng tôi từng đi dán truyền đơn, biểu tình mấy mươi năm trước..., nhưng mọi thứ bây giờ trông đều lộn xộn, chen chúc, ô hợp hơn. Có lẽ đây là hậu quả của chiến tranh, bao nhiêu người đã bị xô đẩy bỏ xứ ra thành thị để tránh bom đạn và kiếm miếng ăn. Nhiều đường sá rộng, nhà cửa đồ sộ hơn, nhiều vila sang trọng, một số building lớn, hàng hóa nước ngoài dồi dào... Quân Mỹ đã ngự trị nơi này trong 20 năm, và đã đổ vào đây hàng tỉ đô la. Dấu vết chế độ Sài Gòn để lại có lẽ tiêu biểu nhất là Dinh Độc lập, và được đổi tên thành Dinh Thống nhất. Tuy Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã bỏ chạy khỏi thành phố này một cách hỗn loạn, nhưng dưới chính quyền mới của ta mọi việc đều diễn ra rất trật tự và yên bình. Nhân dân rất phấn khởi. Chắc một số người liên quan đến chế độ cũ đã không khỏi lo lắng, nhưng khi thấy Quân giải phóng không “dữ dằn” như họ nghĩ, họ cũng tạm yên lòng. Buổi mít tinh lớn ngày 13.5 ấy trước Dinh Thống nhất thật long trọng và hoành tráng. Trên lễ đài rộng lớn có các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Chính phủ Cách mạng Lâm thời: Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trần Nam Trung..., cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam: Bác Tôn Đức Thắng, đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng... Lần đầu tiên nhân dân Sài Gòn được thấy mặt các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà mấy chục năm qua họ chỉ được biết đến qua báo chí và đài phát thanh. Sau bài phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, tuyên dương quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, giành thắng lợi vĩ đại, đem lại độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước, vinh quang cho Tổ quốc..., là một cuộc diễu binh đầy ấn tượng của bộ đội với vũ khí, quân trang của Quân giải phóng. Cả Sài Gòn nô nức giữa những ngày tháng 5 của năm 1975 lịch sử. Mọi người hiểu rằng giờ đây đã thực sự được sống trong hòa bình, miền Nam Việt Nam đã thực sự được giải phóng, Tổ quốc đã thực sự thống nhất từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Cũng như hàng triệu người đã đeo đuổi hai cuộc kháng chiến trường kỳ, giờ này lòng tôi lâng lâng khó tả, có lúc tưởng như đang ở trong giấc mơ. Hết sức xúc động là được gặp lại những người bạn chiến đấu sau nhiều chục năm xa cách, nhất là những anh chị em đã từng ở tù chung khám Chí Hoà. Tất cả chúng tôi đều đã già yếu đi nhiều; nhiều đồng chí đã mãi mãi không trở về. Chúng tôi có biết bao nhiêu chuyện để kể cho nhau, từ những hoạt động kháng chiến trên những mặt trận khác nhau, đến chuyện gia đình. Riêng tôi còn có một việc đặc biệt bức xúc và thống thiết là đi tìm người em trai bị đày ra Côn Đảo từ năm 1968, tức là khi tôi bắt đẩu tham gia cuộc đàm phán ở Paris. Khi đó em tôi đang hoạt động ở Sài Gòn thì bị bắt. Bọn chỉ điểm biết là em trai của Nguyễn Thị Bình, nên em tôi đã phải chịu tất cả mọi nhục hình ngay trước khi bị đày ra Côn Đảo, và bị nhốt hơn bảy năm liền trong “chuồng cọp”, một kiểu giam cầm còn tàn ác hơn cả ở thời Trung cổ. Có lẽ cái đau khổ của em tôi, không chỉ là bị tra tấn tù đày, mà nỗi đau khổ khác, sầu hơn, đau hơn. Vợ của Hà (Tư Sương) cũng bị bắt vì là vợ của Hà và Hà là em của bà Bình, cháu của cụ Phan Châu Trinh. Vợ của Hà vừa sinh, con chưa đầy hai tháng đã cùng với mẹ bị đưa vào khám. Tư Sương cũng phải ở tù sáu năm trong đó hai năm bị đày ra Côn Đảo. Đó cũng là tình cảnh của bao nhiêu gia đình trong thời kỳ kháng chiến. Cha mẹ đều đi tù, con phải gửi cho bà con lúc nơi này lúc nơi khác. Biết tin anh chị em tù Côn Đảo đã được Chính quyền Cách mạng đưa tàu ra đón về đất liền vào ngày 1.5.1975, một ngày sau giải phóng Sài Gòn, tôi và Hải, cậu em thứ tư của tôi, đi liền mấy cơ sở đón tiếp tù nhân để sục tìm. Chúng tôi đã chứng kiến bao nhiêu cảnh những người thân gặp lại nhau, vô cùng xúc động, cười cười, khóc khóc. Cuối cùng chúng tôi đến trạm Hùng Vương và tìm được em trai tôi là Nguyễn Đông Hà, xa cách đã đúng 21 năm. Em tôi không gầy lắm nhưng người xanh xao, già đi nhiều, đôi mắt sáng, có vẻ mệt mỏi, song nụ cười hiền lành vẫn còn trên môi. Khi Ba tôi còn sống, mỗi lần nhắc đến em tôi đang ở tù, Cụ lại giàn giụa nước mắt. Chúng tôi ôm nhau không muốn dứt. Vợ Hà và các con cũng đã đến. Chúng tôi về nhà Tư Sương, vợ của Hà, cán bộ của quận 1, được thành phố bố trí một căn hộ ở phố Phạm Ngũ Lão. Lâu lắm rồi chị em chúng tôi mới được sum vầy, mà cũng chưa thật đông đủ, ba em tôi còn ở Hà Nội. Mấy tháng sau chúng tôi mới có cuộc họp mặt trọn vẹn của sáu chị em tại đền thờ Cụ Phan. Lúc này các em kế Hà đã lập gia đình: Hải gần 40 tuổi mới lấy vợ nên có con muộn. Loan có chồng, hai người đều tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), đã có một con trai, sau này có thêm một cô con gái. Hồ cũng đã có vợ, đường tình duyên có trắc trở nhưng rồi cuối cùng gia đình cũng êm ấm. Riêng Hào đi bộ đội bảy năm, vào cả Trường Sơn, chưa lập gia đình. Tôi nghĩ dù rất khó khăn tói đã cố gắng thay mẹ mất sớm lo cho các em nên người. Chỉ còn đứa em út mà tôi rất thương, có thể nói nó chịu nhiều thiệt thòi nhất trong gia đình. Tôi chưa lo tròn hạnh phúc cho em... Bận rộn với gia đình, nhưng rồi tôi phải nhanh chóng trở lại với nhiệm vụ của mình. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam, tôi đã cùng anh em tiếp quản cơ quan ngoại giao của chính quyền Sài Gòn, dời trụ sở Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời từ Cam Lộ, Quảng Trị về đây. Tôi cử đồng chí Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng, cùng với một số cán bộ khác thường trực tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi và đại bộ phận ngoại giao miền Nam vẫn ở Hà Nội cho đến ngày thống nhất hoàn toàn. Vấn đề chính trị nổi lên lúc này là nên thống nhất về mặt hành chính Nhà nước vào thời gian nào? Có ý kiến cho rằng việc thống nhất hoàn toàn đất nước là không có gì phải bàn cãi vì là nguyện vọng sâu xa của toàn dân trên cả hai miền. Độc lập và thống nhất là mục tiêu cơ bản của cuộc đấu tranh trong mấy chục năm liền của dân tộc. Nhưng có nên duy trì trong một thời gian hai chính quyền với những chế độ chính trị khác nhau, miền Bắc là xã hội chủ nghĩa, còn miền Nam là chế độ dân tộc, độc lập, trung lập theo Cương lĩnh của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam? Như vậy là để miền Nam có thể tranh thủ sự viện trợ và hợp tác rộng rãi không những của các nước xã hội chủ nghĩa, các nước dân tộc mà cả các nước và tổ chức tư bản, v.v...? Sau cùng, ý kiến nhất trí cho rằng nên thực hiện thống nhất đất nước hoàn toàn về các mặt càng sớm càng tốt. Tôi đã giơ tay tán thành. Sau bao nhiêu năm nhìn lại, tôi cho rằng chủ trương như vậy là hoàn toàn chính xác. Kéo dài sự khác biệt, chia cắt, có thể những thế lực thù địch sẽ tìm cách xen vào và tình hình sẽ phức tạp khó lường. Tình hình ở một số quốc gia bị chia cắt đất nước trên thế giới hiện nay càng cho chúng ta thấy quyết định đó là đúng. Tất nhiên có những việc cụ thể bây giờ xem lại có thể nghĩ nên thế này hay nên thế khác để cho linh hoạt hơn, nhưng về cơ bản như vậy là đúng đắn, sáng suốt. Ngày 17.6.1975, tại Dinh Thống nhất diễn ra cuộc họp hiệp thương lịch sử giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (miền Bắc) và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (miền Nam). Các vị lãnh đạo của hai Mặt trận đến dự đông đủ. Tôi cũng có mặt. Cuộc thảo luận sôi nổi nhưng chân tình và đầy trách nhiệm. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, sau khi trình bày những cống hiến của Mặt trận trong 15 năm chống Mỹ cứu nước, tuyên bố đến đây Mặt trận đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử, đề nghị thành lập Mặt trận thống nhất cho cả nước, và sớm tiến hành thống nhất đất nước về tất cả các phương diện... Từ quyết nghị của Hội nghị Hiệp thương này, Mặt trận cho cả nước là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra đời; cuộc bầu cử Quốc hội của cả nước sẽ được tiến hành trong năm 1976 để hoàn tất các nhiệm vụ do Mặt trận Tổ quốc đề xuất. Tháng 4.1976, các ứng cử viên của Quốc hội khóa VI (kể từ cuộc bầu cử đầu tiên năm 1946) đi các địa phương để vận động bầu cử. Tôi được giới thiệu làm ứng cử viên ở các quận 4, 7, 8 và đảo Côn Đảo (lúc đó về mặt hành chính thuộc Thành phố Hồ Chí Minh). Đồng chí Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Nguyễn Hữu Thọ... cùng danh sách ứng cử với tôi. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm, tôi ra mắt bà con Sài Gòn. Cử tri đến rất đông trong các cuộc tiếp xúc của chúng tôi; một số đến để xem mặt các vị trong Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam mà họ đã nghe tên từ lâu. Tôi và anh Trà ra Côn Đảo. Dân ở đây còn rất thưa thớt. Chúng tôi đi thăm những nơi đã giam cầm các chiến sĩ cách mạng, từ “nhà bò” thời thực dân Pháp đến “chuồng cọp” thời kỳ đế quốc Mỹ. Mặc dù đã được dọn dẹp nhưng những cảnh đày đoạ tàn nhẫn anh chị em tù chính trị vẫn hiện ra mồn một trước mắt chúng tôi. Tôi càng thấm thía rằng mình đang được hưởng kết quả từ bao nhiêu hy sinh xương máu của các đồng chí đi trước. Kết quả cuộc bầu cử công bố vào tháng 6.1976, tôi là một trong những ứng cử viên được nhiều phiếu bầu nhất. Tôi tham gia hoạt động Quốc hội từ khóa VI (1976), liên tục đến khóa X (2002). Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 06 Tháng Hai, 2023, 02:04:45 pm * * * Tháng 8.1976, tôi ra Hà Nội. Đồng chí Lê Văn Lương, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đến gặp tôi, đề nghị tôi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục trong Chính phủ mới. Đồng chí nói rằng trong giai đoạn xây dựng đất nước, nhiệm vụ này rất quan trọng và các đồng chí thấy trong lý lịch tôi đã từng đi dạy học. Tôi thật bất ngờ. Hơn 14 năm hoạt động đối ngoại tôi đã có một số kinh nghiệm, tiếp tục ở ngành này chắc sẽ phát huy được năng lực tốt hơn. Nhưng trước sự thuyết phục của đồng chí Lê Văn Lương, tôi không có cách nào khác là chấp hành sự phân công của Đảng. Trong những năm 1977-1978, sau khi đã thực hiện thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, có một việc khiến tôi áy náy mãi. Lúc đó có chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư sản công thương ở miền Nam, ký hiệu là X2. Tôi có một cô em bên chồng cùng gia đình mở một cửa hàng bán thuốc tây ở một căn phố tại Chợ Lớn. Họ bị liệt vào danh sách phải cải tạo, tất cả hàng hóa thuốc men bị kê biên, cửa hàng bị niêm phong. Tôi đến thăm, hai vợ chồng cô em rất lo sợ, phân trần. Tôi cố giải thích, nhưng trong thâm tâm rất thắc mắc, không hiểu ta làm thế này thì có lợi gì? Từ đó gia đình cô em tôi tất nhiên không còn tiếp tục mở cửa hàng thuốc, và từ đó họ cũng không gặp lại tôi nữa. Về sau tôi biết chủ trương này đã được xem xét lại, nhưng liệu đã rút kinh nghiệm sâu sắc chưa? Và hậu quả đúng là rất xấu... Từ 1975 đến tháng 9.1976, trước khi về Bộ Giáo dục, tôi còn tiếp tục một số hoạt động ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Tháng 7.1975, Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước Không Liên kết họp tại Lima (Peru). Đây là nước Mỹ Latin tôi đến thăm sau Cuba. Tổng thống Peru tiếp đón tôi và đoàn chính phủ Cách mạng Lâm thời rất nồng nhiệt, chúc mừng thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và tặng tôi một món quà quý, hình như là một dây đeo tay mạ vàng. Nhưng giữa chừng hội nghị, ở Peru nổ ra một cuộc đảo chính “hòa bình” và một tổng thống mới lên thay, chúng tôi đang băn khoăn, lo lắng về thái độ của Chính quyền mới thì Bộ Ngoại giao Peru đã chuyển lời của Tổng thống mới đến chúng tôi: “Các bạn yên tâm, tuy có sự thay đổi trong nội bộ Peru nhưng chúng tôi đều ủng hộ và quý mến nhân dân Việt Nam.” Một trong những nhiệm vụ chính của cuộc họp Bộ trưởng Không Liên kết lần này là bàn việc kết nạp các thành viên mới. Ứng cử viên có Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cùng một số nước khác gồm Bắc Triều Tiên, Nam Triều Tiên, Philippines. Lúc này Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa tham gia Phong trào Không Liên kết trong khi Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam đã là thành viên chính thức của phong trào. Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do đồng chí Nguyễn Cơ Thạch 1 dẫn đầu. Tất nhiên chúng tôi, cả miền Bắc, miền Nam, đều vận động các nước nên việc gia nhập của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào Phong trào Không Liên kết không gặp khó khăn gì. Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam vừa giành chiến thắng nên uy tín rất cao. Có vấn đề gì gay cấn, các nước đều đến tranh thủ ý kiến của chúng tôi. Trường hợp thảo luận gay go nhất ở hội nghị là vấn để gia nhập phong trào của Nam Triều Tiên (nay là Hàn Quốc). Đương nhiên chúng ta ủng hộ Bắc Triều Tiên tham gia Phong trào Không Liên kết và không tán thành Nam Triều Tiên vì Nam Triều Tiên đã theo đuôi Mỹ, đưa quân vào tham chiến ở Việt Nam, gây ra nhiều tội ác đối với nhân dân ta. Họ không thể là nước “không liên kết” được. Việc gia nhập của Philippines được một số người ủng hộ, nhưng khi đoàn chúng ta cho mọi người biết là máy bay Mỹ đã xuất phát từ các căn cứ ở Philippines đi đánh Việt Nam thì đa số các đoàn không tán thành kết nạp Philippines. Có đồng chí trong đoàn miền Bắc đặt vấn đề ta có nên chống họ không, phải nhìn về tương lai... Nhưng quả thật làm sao chúng tôi có thể quên ngay được cái quá khứ còn mới đây, nước mắt của các bà mẹ còn chưa ráo? Mấy tháng sau đó, tôi cùng anh Nguyễn Cơ Thạch và một số đồng chí đi thăm Mexico, Venezuela... để nghiên cứu khả năng khai thác dầu. Sau ngày giải phóng, mối lo thứ nhất là làm sao đủ gạo cho dân, mối lo thứ hai là dầu. Hợp tác giữa Việt Nam với Liên Xô về dầu bắt đầu từ đây. Nhưng trước mắt phải vay dầu để phục vụ cho hoạt động kinh tế, quân sự, và đời sống của nhân dân. Tháng 10.1975, tôi lại đi thăm một số nước Ả Rập với nhiệm vụ “vay dầu”. Đoàn chỉ có ba người, tôi, đồng chí Trúc ở Văn phòng Chính phủ và đồng chí phiên dịch. Chúng tôi đi Algérie, Libi, Iraq. Kết quả là vay được một số dầu để sử dụng trước mắt với lãi suất ưu đãi. Tuy các bạn đều rất nhiệt tình với Việt Nam, nhưng đi vào kinh tế thì chuyện không phải dễ. Chuyến đi Iraq để lại cho tôi một kỷ niệm sâu sắc. Lúc đó, ông Saddam Hussein 2 mới là Phó Tổng thống, nhưng được dư luận coi là “người hùng” ở Iraq. Khi nghe chúng tôi trình bày yêu cầu bức xúc của Việt Nam, ông trả lời ngay: “Chúng tôi đã quyết định tặng Việt Nam 400 ngàn tấn dầu và cho vay 1,5 triệu tấn với lãi suất ưu đãi.” Tôi nghe mà không tin ở tai mình, hỏi lại đồng chí phiên dịch mới chắc đó là sự thật. Chúng tôi rất xúc động trước tấm lòng của các bạn Iraq. Sau này khi Iraq bị cấm vận, phải đổi dầu để lấy lương thực, các bạn vẫn dành cho Việt Nam những hợp đồng trao đổi thương mại rất thuận lợi trong lúc chúng ta còn nhiều khó khăn về kinh tế. Năm 2002, tôi đến Iraq lần cuối để giải quyết món nợ kéo dài hơn 20 năm ta còn chưa trả xong. Theo ý kiến của các đồng chí ở Chính phủ, chúng ta đề nghị chuyển số tiền nợ thành số vốn đầu tư vào một dự án kinh tế ở Việt Nam. Khi tôi gặp ông Saddam Hussein trình bày ý kiến này thì ông cười, nói ngay: “Các bạn Việt Nam không nên bận tâm. Tôi biết các bạn còn khó khăn, ta xem như số nợ này đã trả.” Thật xúc động khi biết rằng trong thời điểm đó Iraq bị Mỹ cấm vận, khó khăn chồng chất về các mặt. Tình hình Iraq đến nay diễn biến ra sao, chúng ta đều biết. Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush phát động chiến tranh đánh Iraq với lý do Saddam Hussein có quan hệ với lực lượng khủng bố Al-Queda và tàng trữ vũ khí hủy diệt. Thực tế đã chứng minh đó là những lời nói dối xấu xa, những cái cớ giả mạo Hoa Kỳ đã dựng lên để thực hiện mưu đồ ích kỷ của họ. Saddam Hussein có sai lầm gì trong đối nội, đối ngoại, có tội lỗi gì với nhân dân của ông, lịch sử của Iraq sẽ phán xét. Nhưng đối với Việt Nam, tôi nghĩ chúng ta biết ơn sự giúp đỡ quý báu của ông trong những năm Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh. Trong thời gian chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam, tôi đã nhiều lần đến nhiều nước Trung Đông. Đây là vùng giàu có vì có nhiều dầu mỏ, dưới lớp cát khô cằn là những vỉa dầu rộng lớn. Nhưng có lẽ cũng chính vì những vỉa “vàng đen” này mà nhân dân các nước ở đây đã không được yên ổn. Tôi rất thương cảm cho số phận của nhân dân Palestin. Cuộc đấu tranh của họ cho một Nhà nước Palestin độc lập không biết đến bao giờ mới giành được thắng lợi? Đến nay người Palestin vẫn phải sống như những người “lánh nạn” ngay trên quê hương của mình! Tôi nhớ trong một chuyến thăm Iraq, bà phiên dịch của tôi là người Iraq, chồng bà là người Palestin đã hy sinh. Bà có một người con gái trên 20 tuổi, khỏe mạnh, đẹp. Cháu đã học xong đại học ở Beirut (Liban). Cháu nói với tôi: cháu không biết tương lai của mình sẽ như thế nào. Nhưng như bao người bạn của cháu, cháu sẵn sàng theo lời kêu gọi của lãnh tụ Arafat! Cháu nói nhẹ nhàng, bình thản khiến tôi hết sức xúc động. Bao nhiêu thanh niên Palestin đã ngã xuống, sẽ ngã xuống trong cuộc chiến đấu không ngang sức vì những nguyện vọng thiêng liêng của mình, để được có một đất nước, một Tổ quốc! Rời môi trường ngoại giao mà tôi đã hoạt động nhiều năm, trong thời kỳ sống động nhất của đất nước, bước sang lĩnh vực mới, là một bước ngoặt lớn trong đời tôi. Song, nhìn kỹ lại, tôi thấy sự trưởng thành của mình là liên tục, không có trở ngại nào đáng kể, những tích luỹ ở bước trước tạo kinh nghiệm cho bước sau. ------------------------------------------------------------------ 1. Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998): nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng) Việt Nam. 2. Saddam Hussein (1937-2006): Tổng thống Iraq từ 1979-2003. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Hai, 2023, 11:01:28 am Mặt trận đoàn kết chống Mỹ và chính quyền Sài Gòn Sau 30.4.1975, được gặp lại những bạn bè thân thiết sau hơn 20 năm xa cách, đối với tôi là một niềm vui lớn. Tôi cũng đã được gặp lại nhiều người từng quen biết trong những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, nay mọi người đều đã già yếu, và mỗi người mỗi cảnh. Cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa đã gắn bó chúng tôi theo nhiều cách và trong những ngày khó khăn, cực nhọc dưới chế độ thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ, và chúng tôi hỏi thăm nhau về đời sống, tâm tư, nguyện vọng của mỗi người. Tôi đã nghe những lời bộc bạch chân thành, những tâm sự lắm khi nhiều uẩn khúc, những nỗi băn khoăn thắc mắc. Trong nhiều lẩn về thành phố công tác, đặc biệt vào những dịp kỳ niệm 30.4 giải phóng miền Nam, tôi lại có thời gian trò chuyện với nhiều anh chị em, cũng có người trước đây chỉ nghe tên mà chưa biết mặt. Luật sư Trần Ngọc Liễng 1 - tôi biết ông thời kỳ hoạt động với luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Bây giờ ông sống ở chùa, theo ông, cho “thanh thản”. Một số người khác như giáo sư Lý Chánh Trung 2, các linh mục Huỳnh Công Minh 3, Phan Khắc Từ 4 đã là Đại biểu Quốc hội mấy năm trước. Các nhà báo Lý Quí Chung 5, Hồ Ngọc Nhuận 6, Ngô Công Đức 7 nguyên là cựu dân biểu đối lập trong Hạ nghị viện Sài Gòn... Trong những phát biểu chính thức tại ngày lễ lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo thành phố nhắc lại thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, giành lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, biểu dương các lực lượng quân sự, chính trị đã đóng góp quan trọng cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, giải phóng Sài Gòn. Có lần tôi đề nghị khi nói về lực lượng chính trị ở miền Nam nên nói đến lực lượng thứ ba, nói về hòa giải, hòa hợp dân tộc, nhưng hình như các đồng chí hơi ngần ngại đề cập đến vấn đề này. Tôi nghĩ như thế là chưa thỏa đáng, và là một người từng “ở trong cuộc”, có điều kiện biết và hiểu được một số sự thật, nay có thể bị lãng quên, tôi thấy có trách nhiệm nói ra một cách trung thực. Trong điều kiện hết sức phức tạp của cuộc chiến đấu lâu dài của nhân dân ta vừa qua, nhiều hoạt động phải tiến hành bí mật ở nhiều nơi, nhiều lúc, có thể là đơn tuyến, nên vể sau khi cuộc chiến đã đi qua, khó mà biết rõ được một cách đầy đủ, cũng dễ hiểu. Nhưng những người có trách nhiệm trong các ngành, các địa phương còn sống phải cố gắng làm rõ sự thật, nhất thiết không được để ai bị lãng quên! Đấy là suy nghĩ đinh ninh của tôi, bởi tôi nghĩ mỗi người chỉ có một cuộc đời, không nên để cho bất cứ cuộc đời của bất cứ ai không được hiểu đúng. ------------------------------------------------------------------ 1. Luật sư Trần Ngọc Liễng là người thành lập và đứng đầu các tổ chức: Lực lượng quốc gia tiến bộ (6.1969, cùng nhà tư sản dân tộc Phan Vãn Mỹ), Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris (2.1974). 2. Giáo sư Lý Chánh Trung sinh năm 1923, được đào tạo tại Đại học Louvain, Bỉ, về Tâm lý học và Chính trị học, từng giữ chức Giám đốc Nha Trung học Công lập của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 3. Linh mục Huỳnh Công Minh: Tổng đại diện giáo phận Tp. Hồ Chí Minh, Chánh xứ Nhà thờ Chánh Tòa. 4. Linh mục Phan Khắc Từ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. 5. Nhà báo Lý Quí Chung (1940-2005), bút danh Chánh Trinh, nguyên chủ bút tờ Điện tín, dân biểu đối lập trong Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hòa. 6. Nhà báo Hồ Ngọc Nhuận, nguyên chủ bút tờ Tin sáng, dân biểu đối lập trong Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hòa; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 7. Nhà báo Ngô Công Đức (1936-2007), doanh nhân, từng là dân biểu đối lập tại Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hòa từ 1967 đến 1971. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Hai, 2023, 02:40:08 pm Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam khi ra đời năm 1960, đã nêu cao ngọn cờ đoàn kết, tập hợp tất cả những ai có thể tập hợp được để chấm dứt chiến tranh xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau Tết Mậu Thân, Liên minh các Lực lượng dân tộc, dân chủ, và hòa bình được thành lập. Nếu xem Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam là lực lượng thứ nhất, Liên minh là lực lượng thứ hai. Tiếp theo đó, tại Sài Gòn đã hình thành một số tổ chức chính trị, xã hội như phong trào phụ nữ đòi quyền sống, phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc v.v... Giới Phật giáo, Công giáo cũng có những hoạt động đòi hòa bình, hòa giải dân tộc. Đây là lực lượng thứ ba. Trước khi Hiệp định Paris được ký kết, trong thư gửi Trung ương Cục miền Nam tháng 8.1972, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã viết: “Phải kịp thời tập hợp các phe nhóm tán thành hòa bình, độc lập, Dân chủ, hòa hợp dân tộc, hình thành lực lượng thứ ba để phân hóa hơn nữa các thế lực phản động, cô lập và chĩa mũi nhọn vào Thiệu cùng các phần tử thân Mỹ hiếu chiến nhất... Cần nghiên cứu mở rộng Mặt trận dân tộc Giải phóng và Liên minh các Lực lượng Dân chủ và hòa bình cho phù hợp với tình hình mới, đồng thời cần tổ chức tốt việc liên hiệp hành động với mặt trận thứ ba để đấu tranh chống Mỹ-Thiệu.” Như chúng ta đều biết khi tương quan lực lượng giữa ta và địch cho phép, đến năm 1972, sau gần bốn năm đàm phán để Mỹ chấm dứt chiến tranh ở miền Nam, rút hết quân đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc, trong thương lượng, ta đã nới lỏng vấn đề chính quyền ở miền Nam, tức là không đòi xóa chính quyền Sài Gòn, không đòi Thiệu từ chức mà chỉ cần thành lập một hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để đôn đốc việc thi hành các điều khoản của Hiệp định Paris, tiến tới tổ chức tổng tuyển cử. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, chính quyền Sài Gòn chẳng những không chịu thi hành mà còn xua quân lấn chiếm vùng giải phóng của ta, đóng băng Hội nghị Hiệp thương, hò hét đánh đến viên đạn và hạt gạo cuối cùng. Nhiều tổ chức chính trị đã được thành lập để đòi Tổng thống Thiệu phải thi hành Hiệp định Paris, đòi thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc, đòi Thiệu phải từ chức. Bà luật sư Ngô Bá Thành 1, một nữ trí thức nổi tiếng về tinh thần đấu tranh kiên cường, là một trong những người lãnh đạo của Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, đã chính thức nhận mình là lực lượng thứ ba. Ngày 8.10.1973 sau khi bị chính quyền Thiệu bắt rồi phải trả tự do, trước nhiều nhân sĩ, trí thức, đại biểu Sài Gòn và phóng viên báo chí nước ngoài, bà tuyên bố: “Chúng tôi là thực thể chính trị thứ ba.” Luật sư Trần Ngọc Liễng (tôi được biết ông có liên hệ chặt chẽ với tổ chức của Mặt trận) là người trước đây đã đứng liên danh với tướng Dương Văn Minh trong tranh cử Tổng thống, tham gia nhóm Dương Văn Minh. Khi Dương Văn Minh từ Thái Lan về Sài Gòn sau Hội nghị Paris về Việt Nam, ông Trần Ngọc Liễng đã thành lập Tổ chức Nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris, cũng đã tuyên bố “Chúng tôi là thành phẩn thứ ba”. Ngay nhóm Dương Văn Minh thì bộ tham mưu gồm những trí thức trẻ như giáo sư Lý Chánh Trung, linh mục Nguyễn Ngọc Lan 2, các dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Ngô Công Đức, Lý Quí chung... đều là những người đã trực tiếp hay gián tiếp quan hệ với Mặt trận tại Sài Gòn hoặc Paris. Họ có một quan niệm “đứng giữa” rất rõ ràng, tức là phải trở thành lực lượng đứng ra hòa giải giữa hai thành phần một và hai, họ là những người yêu nước nhưng không cộng sản. Trong mấy năm tại cuộc đàm phán ở Paris, chúng tôi - trực tiếp nhất là chị Nguyễn Thị Chơn, anh Phan Nhẫn - không chỉ có nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân các nước ủng hộ lập trường chính nghĩa của nhân dân ta, mà còn vận động bà con Việt kiều ở các nước và những người từ miền Nam sang. Để tạo thêm cơ sở cho hoạt động trong nước, chúng tôi đã vận động được một số anh chị trí thức về nước, trong đó có cô Tôn Nữ Thị Ninh 3, vợ chồng anh Trần Hà Anh, Thái Thị Ngọc Dư 4, Bùi Trân Phượng 5 ... Số anh chị em này về nước đã hoạt động rất tích cực trong lực lượng thứ ba và sau này đều là những cán bộ nòng cốt trong công cuộc xây dựng sau ngày đất nước thống nhất. ------------------------------------------------------------------ 1. Bà Ngô Bá Thành, tên thật là Phạm Thị Thanh Vân (1931-2004): hoạt động tích cực trong phong trào công khai chống Mỹ-Diệm, vợ luật sư Ngô Bá Thành; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Việt Nam các khóa 6, 7, 8,10; nguyên Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam. 2. Linh mục Nguyễn Ngọc Lan (1930-2007): nguyên Giáo sư Đại học Văn Khoa, Viện Đại học Huế, nguyên Giáo sư Học viện Dòng Chúa Cứu thế, nguyên chủ bút tạp chí Đổi diện, Đứng dậy, Đồng dao. 3. Tôn Nữ Thị Ninh sinh năm 1947, được đào tạo tại các trưởng Đại học Paris (Pháp), Đại học Cambridge (Anh), trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Phó Chù nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam. 4. Thái Thị Ngọc Dư được đào tạo về Địa lý tại Pháp, hiện công tác tại Đại học Hoa Sen. 5. Bùi Trân Phượng sinh năm 1950, được đào tạo về Sử học tại Pháp, hiện là Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Hai, 2023, 02:46:03 pm Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, ông Nguyễn Hữu Châu, nguyên Tổng trưởng Nội vụ chính quyền Ngô Đình Diệm, ông Âu Trường Thanh, nguyên Tổng trưởng Kinh tế chính quyền Thiệu-Kỳ-Khiêm đã họp báo, nhân danh là lực lượng thứ ba ở hải ngoại yêu cầu hai bên miền Nam Việt Nam phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris, nhanh chóng thành lập Hội đồng Quốc gia hòa giải, hòa hợp ba thành phần.
Ngày 16.1.1975, lực lượng thứ ba ở Paris đã tổ chức “Ngày hướng về miền Nam” đòi Mỹ phải từ bỏ Thiệu. Đến ngày 26.4.1975, khi các cánh quân của chúng ta đã áp sát Sài Gòn, tại Paris, đồng chí Đinh Bá Thi, Phó Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời tại Hội nghị Hiệp thương giữa hai bên miền Nam Việt Nam đã công bố tuyên bố hai điểm của Chính phủ Cách mạng Lâm thời: Một là, Mỹ phải thi hành nghiêm chỉnh các Điều 1,4, 9 của Hiệp định Paris. Hai là, phải xóa bỏ chính quyền Sài Gòn, công cụ của chủ nghĩa thực dân kiểu mới, xóa bỏ bộ máy chiến tranh và bộ máy kìm kẹp nhân dân miền Nam Việt Nam. Dư luận Pháp và thế giới lúc đó đều coi đây là lời kêu gọi đầu hàng đối với chính quyền Sài Gòn. Chúng ta đã mời ông Ngô Công Đức, linh mục Nguyễn Đình Thi 1 vào trụ sở để thông báo tuyên bố này và ngày 27.4.1975, ông Đức đã bay về Thái Lan (vì phi trường Tân Sơn Nhất đã đóng cửa) để báo lại cho ông Dương Văn Minh. Tôi muốn làm rõ thêm vai trò của ông Dương Văn Minh và nhóm của ông, trong việc thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc. Tại sao ông Dương Văn Minh và nhóm của ông, thay vì đứng trên lập trường lực lượng thứ ba lại đứng ra thay thế chính quyền Thiệu, thành lập nội các Dương Văn Minh ngay ngày quân ta triển khai chiến dịch Hồ Chí Minh? Nhớ lại ngày 8.10.1974, Chính phủ Cách mạng Lâm thời đã ra tuyên bố về tình hình miền Nam Việt Nam “đòi Mỹ chấm dứt dính líu về quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam, đòi lật đổ Nguyễn Văn Thiệu, lập ra ở Sài Gòn một chính quyền tán thành hòa bình, hòa hợp dân tộc, thi hành Hiệp định Paris”. Theo nhiều tài liệu mà chúng tôi có được, sự việc đã diễn ra như sau: Đứng trước sự suy yếu về mọi mặt và khả năng sụp đổ của chính quyền Sài Gòn, sự bế tắc trong việc thực thi Hiệp định Paris, nhóm tham mưu của Dương Văn Minh đề xuất phải đứng ra lật đổ Thiệu, thành lập nội các hòa bình, thương lượng với Chính phủ Cách mạng Lâm thời để chấm dứt chiến tranh. Lập luận của họ là cho dù với những ai khác lên thay Thiệu để thành lập nội các hòa bình, ta còn chấp nhận thương lượng, huống hồ họ là những người đã trực tiếp hoặc đã gián tiếp liên hệ với Chính phủ Cách mạng Lâm thời, đã từng tham gia đấu tranh chống Mỹ-Thiệu trong các phong trào đô thị thì chẳng có lý do gì mà Chính phủ Cách mạng Lâm thời khước từ việc thương lượng. Quá trình vận động để thực hiện chủ trương này cũng có những ý kiến khác biệt giữa những người trong nhóm, mãi cho đến đầu tháng 4.1975, họ mới công khai công bố quyết định ra thay Thiệu cho dù phải “cầm cờ trắng” đầu hàng để chấm dứt chiến tranh. Về vai trò của ông Dương Văn Minh, một văn bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đánh giá: “Mặc dù ông Dương Văn Minh chưa đáp ứng được yêu cầu của ta, nhưng tuyên bố của ông và nhật lệnh của ông Nguyễn Hữu Hạnh 2 cũng đã có tác dụng nhất định, làm giảm ý chí đề kháng của đại bộ phận quân đội Sài Gòn vào giờ chót của chiến tranh, tạo điều kiện cho quân ta tiến nhanh giải phóng Sài Gòn...” Tôi nghĩ rằng đánh giá như thế là thỏa đáng, nhưng nếu nghiên cứu thêm lý lịch của ông Dương Văn Minh và nghe thêm một số câu chuyện về ông qua lời kể của những người tiến bộ xung quanh ông thì hành động của ông Dương Văn Minh là thức thời và thể hiện ông là người có lòng yêu nước. Sáng 30.4.1975 Tướng Pháp Vanuxem xin gặp Tổng thống Dương Văn Minh 3. Vanuxem cố thuyết phục: “Tình hình không hết hy vọng đâu. Tôi đã thu xếp xong ở Paris. Ông nên lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của một cường quốc, cường quốc này sẽ can thiệp ngay! Tôi có thể thu xếp liên lạc. Và liên lạc tại đây.” Dương Văn Minh nói: “Tôi không có thời giờ nữa. Một ngày tôi cũng không có.” Sau khi Vanuxem đi rồi, những người cùng dự với Dương Văn Minh vẫn ngồi lại. Ông Minh thốt lên: “Chúng ta đã bán nước cho Pháp, cho Mỹ rồi. Bây giờ họ lại bắt ta bán nước cho một nước thứ ba...” Ông Vũ Văn Mẫu, người đã cạo trọc đầu để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo khi ông làm Ngoại trưởng năm 1963, người đã trực tiếp gặp anh Phạm Văn Ba 4 tại Paris, là đương kim Chủ tịch Phong trào Hòa giải Hòa hợp của Phật giáo Ấn Quang đã được ông Minh cử làm Thủ tướng. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên Chuẩn tướng quân đội Việt Nam Cộng hòa, một cơ sở nòng cốt đắc lực của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, được ông Minh phong quyền Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn. Khi cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn của quân ta đang thần tốc triển khai, luật sư Triệu Quốc Mạnh, một đảng viên Cộng sản nằm vùng được ông Minh giao chức Tổng Chỉ huy Cảnh sát đô thành có nhiệm vụ phải nhanh chóng thả tù chính trị và làm tan rã lực lượng cảnh sát của chính quyền cũ v.v... Theo lời kể của Huỳnh Tấn Mẫn, nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, ông từng được Dương Văn Minh giúp đỡ, cho ở trong nhà một thời gian để tránh việc lùng đuổi của bọn mật thám. Trước đó từ năm 1972, tướng Dương Văn Minh đã tỏ ra ủng hộ Phong trào Thanh niên - Sinh viên đấu tranh chống chính quyền Thiệu. Có lần ông nói với anh em: “Qua” biết các em hoạt động theo đường hướng nào. “Qua” rất ủng hộ các em. Thật sự thì “Qua” rất ủng hộ việc thành lập lực lượng thứ ba nhưng “Qua” muốn đứng ngoài, muốn thay thế chính quyền hiện hữu để nói chuyện hòa giải hòa hợp dân tộc với phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Thực tế xảy ra ở Sài Gòn vào cuối tháng 4.1975 chứng tỏ ông Dương Văn Minh đã làm đúng như dự định. ----------------------------------------------------------------- 1. Linh mục Nguyễn Đình Thi (1934-2010): nhà thần học, triết học, hoạt động chủ yếu ở Paris, người thành lập Phong trào Công giáo và Dân tộc để kêu gọi người Việt Nam Công giáo cùng với Dân tộc Việt Nam tham gia vào công cuộc đấu tranh vì hòa bình, thống nhất đất nước đầu những năm 1970. 2. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh sinh năm 1923, là quyền Tổng Tham mưu trưởng cuối cùng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông là người đã kêu gọi quân lực này buông vũ khí trước sức tấn công của Quân giải phóng miền Nam vả Quân đội Nhân dân Việt Nam vào Sài Gòn tháng 4.1975 để hạn chế thương vong cho dân thường và hạn chế thiệt hại. 3. Cùng tiếp Vanuxem, ông Dương Văn Minh có mời ông Nguyễn Văn Huyên, Phó Tông thống, ông Vũ Văn Mẫu, Thù tướng và ông Nguyễn Văn Diệp, Bộ trưởng Kinh tế. Ông Diệp tường thuật nội dung Tổng thống Dương Văn Minh nói với Vanuxem và sau đó tâm sự với ba ông có mặt trong cuộc gặp Vanuxem. Ông Diệp có bài “Ngày cuối cùng cuộc chiến tranh của Sài Gòn” (Võ Trần Nhã ghi). Tạp chí Doanh nhân số 86 ngày 13-19.4.2005 (trang 16-17). 4. Phạm Văn Ba: Giám đốc Phòng Thông tin cùa phái đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Paris. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Hai, 2023, 02:50:27 pm * * * Một vấn đề mà tôi và các anh em đã từng hoạt động trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam hết sức quan tâm theo dõi là chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc. Khi đi xâm lược các nước, đế quốc và thực dân đều thi hành chính sách “chia để trị”. Ở Việt Nam, chính quyền Mỹ âm mưu chia cắt vĩnh viễn Việt Nam, tạo ra tình hình “miền Nam quốc gia” chống lại “miền Bắc Cộng sản” thực hiện chính sách “Việt Nam hóa chiến tranh” vô cùng thâm độc, nhằm dùng người Việt giết người Việt, gây chia rẽ, hận thù giữa người Việt Nam với nhau... Nhân dân ta không thể quên điều đó. Trong cuộc đấu tranh vừa qua, Đảng ta đã vận dụng chính sách phân hóa kẻ thù, tranh thủ tất cả các lực lượng và cá nhân yêu nước, tiến bộ, và bất cứ ai có thể tranh thủ được để tập hợp thành một mặt trận nhân dân đấu tranh rộng rãi. Bài học này vẫn còn giá trị cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta để “bảo vệ” và phát triển đất nước hiện nay. Chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc là chính sách lớn, có tính chiến lược của Đảng; chính sách Đại đoàn kết dân tộc. Năm 1976, khi Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam và các tổ chức liên quan với cuộc chiến đấu ở miền Nam hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhà nước Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời, một số cán bộ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tham gia các cơ quan của Nhà nước. Một thời gian sau, một số người của các lực lượng chính trị trước đây ở miền Nam cũng được mời tham gia Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc Trung ương như ông Nguyễn Văn Huyền (ông đã từ chối vì lý do sức khỏe), Nguyễn Hữu Có - nguyên Tổng trưởng Quốc phòng chính quyền Sài Gòn v.v... Mấy năm gần đây, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách... Nhưng chắc còn phải làm nhiều hơn nữa để hàn gắn vết thương trên đất nước và trong lòng người. Chúng ta phải thực hiện tốt chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc, không những vì chúng ta cùng một cội nguồn, một quê hương, mà còn vì một ý nghĩa to lớn hơn - chúng ta chung một vận mệnh, một tương lai. Mọi người Việt Nam đều mong muốn có một đất nước Việt Nam phát triển, vững mạnh, không thua kém ai - một Việt Nam xứng đáng với truyền thống oai hùng của mấy nghìn năm lịch sử. Để thực hiện khát vọng lớn lao đó, tất cả người Việt Nam ở bất cứ đâu đều phải được huy động. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài hát “Gia tài của mẹ”, mỗi lần nghe tôi đều thấy xót xa trong lòng. “1000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây, 20 năm nội chiến từng ngày...” Nhân dân ta đã chịu quá nhiều đau thương để có hòa bình, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như ngày hôm nay. Không bao giờ để quá khứ đau buồn lặp lại đối với chúng ta. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Ba, 2023, 03:01:29 pm Vào ngành Giáo dục Tháng 9.1976, tôi được bầu vào Quốc hội, và được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Một ngày mùa thu, tôi đến ra mắt các đồng chí Thứ trưởng và Vụ trưởng Bộ Giáo dục. Lúc đó Văn phòng Bộ Giáo dục đóng tại 19 Lê Thánh Tông, trong một toà nhà lớn, kiến trúc kiểu Pháp, trước đây là Hiệu bộ của Đại học Y-Dược Hà Nội. Tìm hiểu về các đồng chí lãnh đạo Bộ trước đây, tôi được biết: Bác Nguyễn Văn Huyên, một trí thức lớn của Việt Nam, đã làm Bộ trưởng trong nhiều năm. Bác mất đã hơn một năm nên ở Bộ Giáo dục chỉ có ba đồng chí Thứ trưởng: Võ Thuần Nho, Hồ Trúc, Nguyễn Cảnh Toàn. Đồng chí Nho và đồng chí Trúc đã ở Bộ lâu năm; đồng chí Toàn vừa được đề bạt. Sau tôi một năm, hai đồng chí Thứ trưởng nữa được bổ nhiệm là đồng chí Bùi Thanh Khiết từ cơ quan quân quản Thành phố Hồ Chí Minh, một cán bộ chính trị cao cấp của Quản giải phóng miền Nam, và đồng chí Y Ngông Niêk Đam, Hiệu trưởng trường Đại học Tây Nguyên về. Nhiều anh em quen biết nói đùa với tôi “Chị vào một ổ kiến đó, các đồng chí Thứ trưởng ở đây đều sừng sỏ cả.” Có lẽ do những dư luận như vậy nên khi đến trụ sở Bộ Giáo dục, tôi đã có cảm giác ngại ngùng, như chiến sĩ một mình một ngựa đến một chiến trường lạ. Nhưng tôi tự xác định sẽ hết sức cố gắng, rồi tình hình thế nào sẽ hay. Hôm đó, trong phòng lớn của Bộ ở gác hai, gần hai mươi đồng chí lãnh đạo Bộ và đại diện các Vụ đón tiếp tôi. Lời đầu tiên tôi bộc bạch với mọi người và cũng là những suy nghĩ chân thành của tôi: “Tôi về đây là theo sự phần công của Đảng, nhiều việc tôi không thể thạo bằng các đồng chí... Tôi sẽ hết sức coi trọng ý kiến đóng góp của anh em. Nhưng cuối cùng tôi sẽ phải quyết định và chịu trách nhiệm. Hy vọng tất cả các đồng chí ủng hộ.” Tôi nghĩ là thái độ đúng mực, khiêm tốn của tôi đã gây được cảm tình ở mọi người. Thực tế đã không như dư luận xầm xì. Các đồng chí ở đây đều có thái độ tốt đối với tôi, đặc biệt đồng chí Hồ Trúc, làm Bí thư Đảng-Đoàn Bộ nhiều năm, đồng chí Lê Huyến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức, đồng chí Nguyễn Minh Quang, Chánh Văn phòng Bộ... đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày đầu. Các đồng chí trong lãnh đạo Bộ, mỗi người một cá tính, có chỗ mạnh, chỗ yếu nhưng đều đoàn kết với nhau. Vì vậy, tuy ngành giáo dục đứng trước nhiệm vụ nặng nề, tôi cùng các cộng sự của mình đã phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, nói chung tôi không gặp phải một sự đối đầu hay mâu thuẫn nội bộ nào đáng kể. Khó khăn là ở chỗ khối lượng công việc quá lớn, và mọi thứ với tôi đều mới mẻ. Tôi đã hết sức cố gắng, đó cũng là đức tính tôi được rèn từ nhỏ, đã nhận làm việc gì, quyết làm cho bằng được. Sau ngày giải phóng miền Nam, cũng như các ngành khác, ngành giáo dục phải sớm thực hiện việc quản lý ngành trong cả nước. Giáo dục là một ngành lớn, trong 20 năm hệ thống giáo dục ở hai miền lại không giống nhau. Ở miền Bắc, giáo dục phổ thông là 10 năm, miền Nam, 12 năm. Nội dung chương trình và sách giáo khoa cũng khác. Đặc biệt sự phát triển giáo dục ở hai miền chênh lệch nhau nhiều. Ở các tỉnh miền Bắc, dù chiến tranh ác liệt, giáo dục vẫn phát triển mạnh. Mọi người lúc đó thường nói đến hai bông hoa đẹp trong vườn hoa xã hội chủ nghĩa, là giáo dục và y tế. Bạn bè các nước đều khâm phục thành tích xóa mù chữ và phát triển giáo dục của Việt Nam. Cũng nhờ nâng cao trình độ dân trí, nên công nhân có trình độ nghề nghiệp tốt, bộ đội được mệnh danh là “bộ đội tú tài” (lúc đó thanh niên đi bộ đội phải có trình độ từ lớp 7 trở lên). Ở miền Nam, trường học chỉ phát triển ở đô thị và rải rác trên các đường quốc lộ. Vì vậy, nhiệm vụ trước tiên của chúng tôi là vừa phải thống nhất quản lý ngành, vừa phải đẩy mạnh phát triển giáo dục các tỉnh phía Nam, đặc biệt chú ý các vùng sâu, vùng xa, nơi có thể coi là vùng “trắng” về giáo dục. Tôi nhớ lại cuộc vận động lớn để đưa giáo viên miền Bắc vào chi viện cho các tỉnh phía Nam. Có thể ví như một cuộc hành quân “Nam tiến” năm xưa. Trong những năm 1977, 1978, hàng ngàn giáo viên các tỉnh miền Bắc, theo lời kêu gọi của Bộ Giáo dục, đã xung phong đi phục vụ sự nghiệp giáo dục ở các tỉnh phía Nam. Nghệ Tĩnh là tỉnh có số giáo viên vào Nam đông nhất. Cuối tháng 7.1977, tôi đi kiểm tra giáo dục các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, vào giữa Đồng Tháp Mười, xuống Kiên Giang, Cà Mau... đã thấy sự có mặt của nhiều anh chị em giáo viên chi viện. Các đồng chí cấp uỷ và chính quyền địa phương rất phấn khởi, nhưng cũng có người thật thà nói với tôi: “Các cô giáo, thầy giáo rất tận tụy nhưng có người nói giọng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... các cháu học sinh lúc đầu nghe không hiểu.” Khi gặp các cô giáo, thầy giáo, tôi phải dặn là hãy nói chậm rãi và sửa giọng một chút. Không chỉ giáo viên mà cán bộ quản lý cũng được điều về Nam. May mắn là trong số học sinh miền Nam được đưa ra miền Bắc đào tạo trong thời kỳ chiến tranh, nhiều người đã trưởng thành trong những năm công tác ở các tỉnh phía Bắc, nên việc lắp khung quản lý giáo dục cho các tỉnh phía Nam không khó khăn lắm. Sau hai năm, chúng tôi đã hình thành xong bộ máy quản lý trong cả nước. Khoảng năm năm sau thì ngành giáo dục đã có mạng lưới trường phổ thông ở hẩu khắp các tỉnh, huyện, xã của miền Nam. Một nhiệm vụ cấp bách khác là phải mau chóng xóa mù chữ cho nhân dân lao động, và bổ túc văn hóa cho cán bộ và thanh niên. Với sự nỗ lực của toàn ngành, nhất là sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và sự tham gia của nhân dân, chiến dịch Ánh sáng văn hóa ở toàn miền Nam đến 28.2.1978 đã hoàn thành về cơ bản, đạt 94,15% số người trong diện phải thanh toán mù chữ. Công tác bổ túc văn hóa cho cán bộ cũng được tiến hành đồng thời. Đối với ngành học mẫu giáo, để củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng, chuẩn bị cho các cháu vào học theo chương trình giáo dục phổ thông, trong suốt một thời gian dài, chúng tôi kiên trì để xuất biện pháp xây dựng trường ở các vùng, kể cả vùng sâu, miền núi, cải tiến chương trình, phương pháp và giải quyết chế độ chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường... Đặc biệt chúng tôi quan tâm đến việc xây dựng hệ thống trường sư phạm, đào tạo giáo viên tại chỗ để đáp ứng yêu cẩu phát triển giáo dục trong những năm tiếp theo. Để làm việc này, lại phải điều cán bộ, giáo viên từ các trường sư phạm phía Bắc. Bắt đầu là xây dựng trường trung học sư phạm đào tạo giáo viên cấp 1; sau đó một thời gian lần lượt xây dựng các trường cao đẳng sư phạm để đào tạo giáo viên cấp 2. Tìm cán bộ quản lý và giáo viên cho các trường sư phạm đã khó, nhưng tìm người để đào tạo thành giáo viên phổ thông cũng không dễ; mà yêu cầu phát triển cấp 1, cấp 2 hết sức bức xúc. Vì vậy mới có tình trạng ở một số vùng phải lấy cả học sinh lớp 7, thậm chí cả lớp 5, đào tạo trong vòng một, hai năm để dạy hai cấp này, tình hình mà trong ngành gọi là “cơm chấm cơm” là như vậy. Sau này, số giáo viên được đào tạo cấp bách này được đi học để hoàn chỉnh trình độ, nhưng cũng có một số đã không theo kịp. Đây cũng là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy phổ thông ở nhiều nơi sau này. Trường cao đẳng sư phạm đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long được thành lập tại Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, trong nhiều năm được xem là trường kiểu mẫu ở đồng bằng sông Cửu Long và đã cho ra trường nhiều lớp giáo viên cấp 2 không chỉ phục vụ cho giáo dục tỉnh Đồng Tháp mà cả các tỉnh lân cận. Khi về công tác ở ngành giáo dục, tôi đã sớm nhận thức được phải coi trọng ngành sư phạm; nó là “máy cái” của ngành. Số lượng và chất lượng giáo dục nằm ở đây. Năm 1946, đất nước còn bộn bề khó khăn, Bác Hồ cũng đã rất sớm có sắc lệnh thành lập ngành sư phạm. Khi đất nước đi vào kháng chiến chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ, ở miền Bắc ngành sư phạm, với một hệ thống trường từ Trung ương xuống các khu, các tỉnh không ngừng được mở rộng. Tại Trung ương có Trường Đại học Sư phạm, là trường đại học được xây dựng sớm nhất, đã đào tạo không chỉ cán bộ giảng dạy trình độ cao cho ngành giáo dục mà còn cung cấp nhiều cán bộ khoa học cho các viện nghiên cứu và các cơ quan Đảng, Nhà nước, v.v... Nhưng ngân sách Nhà nước bấy giờ còn eo hẹp mà yêu cầu phát triển lại lớn nên trong những năm đó Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng như các trường đại học sư phạm khác ở Vinh, Thái Nguyên... rất thiếu thốn về điều kiện học tập và sinh hoạt. Còn nhớ hồi ấy có câu “ăn sư, ở phạm” và sinh viên nói chung không thích vào sư phạm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”! Đến thăm nhà ăn của Đại học Sư phạm Hà Nội tôi rất áy náy. Quả là sinh viên ăn ở rất khổ. Các em ăn đứng, không ghế ngồi, mỗi bàn một xoong cơm ở giữa, một đĩa thức ăn mặn và bát canh “không người lái”, mỗi em một cái bát và một cái thìa, cứ thế là ăn! Sau ngày miền Nam giải phóng, trước khi có đường lối đổi mới (1986), trong nhiều năm đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Đó là thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Chính phủ thường xuyên phải chạy lo lương thực cho dân. Tình hình trong nước đang khó khăn như vậy lại xảy ra việc bọn diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia tấn công ta ở phía Tây Nam. Quân tình nguyện Việt Nam lại lên đường theo lời kêu gọi của Mặt trận Giải phóng Campuchia. Rồi tháng 2.1979, ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc tấn công để “dạy cho Việt Nam một bài học”, chúng ta đã phạm phải lỗi lầm gì? Tôi đã đi thăm một số tỉnh Quảng Ninh, Hoàng Liên Sơn... chứng kiến những cảnh đổ nát của các thành phố, những thiệt hại về người và của của nhân dân. Trường cấp III Lạng Sơn bị phá huỷ hoàn toàn. Những ngày ấy thật vô cùng xúc động, thanh niên ta hăm hở lên đường bảo vệ biên cương của Tổ quốc, và cũng như lớp cha anh, họ đã chiến đấu rất kiên cường. Quả lúc bấy giờ chúng ta, và có lẽ cả thế giới, đều kinh ngạc: “Vì sao một nước xã hội chủ nghĩa lại đi đánh một nước xã hội chủ nghĩa khác?” Vậy mà đó là sự thật đáng buồn! Và tôi hiểu ra rằng lợi ích quốc gia đối với mỗi nước, dù là xã hội chủ nghĩa, là trên hết. Tôi bỗng nhớ lại một câu chuyện cách đó tám năm (khoảng 1971) trong một cuộc mít tinh ở Kiruna, miền Bắc Thụy Điển. Giữa đêm khuya, tuyết rơi dày đặc. Dân ở đây rất thưa thớt, nhưng hôm đó họ đến rất đông, có cả nhiều người già. Sau khi tôi trình bày về tình hình chiến tranh ở Việt Nam, một cụ bà đứng dậy hỏi: “Các bạn Việt Nam có nghĩ sau khi các bạn đánh đuổi Mỹ đi rồi, Trung Quốc đến, các bạn sẽ làm thế nào?” Chúng tôi trong đoàn nhìn nhau: sao có thể có một câu hỏi lạ như vậy? Và tất nhiên tôi đã cố giải thích, tôi đã nói về tình đồng chí anh em không gì lay chuyển được giữa các nước xã hội chủ nghĩa... Bây giờ khi nghe tin Trung Quốc đánh Việt Nam, không biết bà cụ sẽ nghĩ gì? Hóa ra bà cụ đã thật thâm thúy và có tầm nhìn xa của người từng trải; còn chúng ta quả đã từng có lúc mang những niềm tin ngây thơ! Cuộc chiến tranh biên giới hết sức ác liệt với hơn 60 vạn quân Trung Quốc ồ ạt tấn công các tỉnh phía Bắc Việt Nam gây cho chúng ta nhiều thiệt hại về người và của. Hàng vạn con em chúng ta một lần nữa phải đổ máu để bảo vệ đất nước. Bao nhiêu năm chúng ta không muốn nhắc lại câu chuyện đáng buồn đó trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng tiếc rằng đến nay trong dư luận Trung Quốc vẫn có những ý kiến xuyên tạc đầy ác ý, cho rằng sự kiện 17.2.1979 là do Việt Nam khiêu khích Trung Quốc, rằng Việt Nam vô ơn bạc nghĩa... Làm sao Việt Nam vừa ra khỏi 30 năm chiến tranh ác liệt, đang tập trung hàn gắn vết thương chiến tranh, đứng trước vô vàn khó khăn, lại đi khiêu khích một nước lớn, xã hội chủ nghĩa đã từng ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam giải phóng và thống nhất đất nước? Chẳng lẽ đấu tranh để bảo vệ mình và cứu nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng là một tội? Tình hình sau này càng làm chúng ta hiểu rõ thực tế của cuộc sống. Ngày 14.3.1988, Trung Quốc đã đưa lực lượng hải quân xâm chiếm đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 64 chiến sĩ Việt Nam đã hi sinh. Năm 2009, Trung Quốc tuyên bố “Đường lưỡi bò” 9 đoạn hòng độc chiếm cả biển Đông bất chấp mọi luật pháp quốc tế. Và với cơ sở phi lý đó, Trung Quốc liên tiếp có những hành động xâm phạm chủ quyển của các nước khác, đặc biệt là của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và an ninh trong khu vực. Trung Quốc đã thực sự để lộ ý đồ bành trướng. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Ba, 2023, 03:06:01 pm Năm 1979 và đầu 1980, đời sống đặc biệt khó khăn. Nói chung, các cán bộ Đảng, Nhà nước, ngoài việc làm nhiệm vụ chuyên môn của mình còn phải làm một nghề phụ, nuôi gà, nuôi lợn... hoặc bất cứ một nghề thủ công nào để kiếm ít tiền thêm thắt vào đồng lương ít ỏi của mình. Lúc đó có người nói: dạy học là “nghề phụ” của giáo viên... Hàng vạn giáo viên xin nghỉ việc. Nhà nước cũng phải đưa ra chủ trương giảm biên chế. Ngành giáo dục mất đi không ít những giáo viên giỏi của mình.
Tháng 4.1980, tôi bàn với các đồng chí bên Công đoàn Giáo dục Việt Nam triệu tập Hội nghị Toàn quốc tại Yên Dũng (Hà Bắc) để bàn việc chăm lo đời sống giáo viên. Huyện Yên Dũng có một số kinh nghiệm tốt về mặt này nên chúng tôi muốn từ đây phát động phong trào “học tập và làm theo Yên Dũng”. Một trong những thành tích của Yên Dũng là tranh thủ được chính quyền địa phương cho đất để phát triển trồng vải Hải Dương. Với 10 cây vải ở một cơ sở giáo dục, có thể cải thiện được một phần đời sống cho anh chị em giáo viên. Cũng chính nhờ phong trào này mà cây vải Hải Dương đã lan ra nhiều tỉnh phía Bắc. Và sau hai năm, trong cả nước, nhiều huyện, xã đã có những điển hình phong phú, đa dạng về chăm lo đời sống giáo viên. Trong ngành, nhiều nơi có quỹ tương trợ, tình nghĩa, nhà giáo viên... Những năm công tác ở ngành giáo dục, đối với tôi ấn tượng sâu sắc về sự hy sinh, tận tụy của nghề giáo chính là hình ảnh của các cô giáo, thầy giáo từ thành phố, miền đổng bằng lên công tác ở các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Lai Châu, Lạng Sơn... Điều kiện làm việc của anh chị em rất khó khăn vì dân ở đây sống xa đường sá, rải rác khắp nơi, thầy giáo phải đi vận động từng gia đình mới có người đi học. Mỗi lớp chỉ vài em, đủ các trình độ. Đời sống của giáo viên miền núi hết sức thiếu thốn, dường như họ sống biệt lập với tình hình chung trong nước; và điều khổ nhất là nhiều người phải công tác hàng chục năm ở miền núi, chưa có điểu kiện để luân chuyển về đổng bằng. Có nữ giáo viên tâm sự với tôi: “Chắc là em không thể có chồng được nữa.” Tôi nghĩ là chúng ta còn chưa biết được hết những hy sinh âm thầm của các anh chị em đó. Tôi và các đồng chí lãnh đạo Bộ hiểu rõ vai trò quan trọng của nhà giáo. Nếu trong chiến tranh người chiến sĩ ở chiến trường có vai trò quyết định thì trong hòa bình, xây dựng đất nước, để có lớp người có trình độ, có bản lĩnh, người giáo viên chính là người chiến sĩ trên mặt trận mới. Xét thấy chế độ, chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục chưa thỏa đáng và thấp kém hơn các ngành khác, chúng tôi đã tổ chức điều tra, nghiên cứu về tính chất lao động của nghề giáo, giá trị của lao động đặc thù này để đề xuất chính sách lương bổng, phụ cấp... Đấu tranh để thuyết phục Chính phủ, các Bộ, các ngành không đơn giản, vì một lẽ: ngành giáo dục quá đông! Sau quân đội, biên chế lớn nhất là ngành giáo dục (đến nay tình hình thực tế đã khác). Cuối cùng đến năm 1983, Nhà nước đã đi đến quyết định điều chỉnh thang lương của ngành giáo dục và giải quyết một số chế độ chính sách, trong đó có ý nghĩa nhất đối với đội ngũ giáo viên là chế độ thâm niên. Đến nay, nhiều anh chị em trong ngành giáo dục còn nhắc đến sự kiện này, xem như là một “bước ngoặt” trong việc thực hiện các chế độ và chính sách đối với giáo viên. Để tôn vinh người thầy và động viên về mặt tinh thần, Bộ Giáo dục cùng với Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Hội đồng Bộ trưởng cho phép lấy ngày 20.11 hằng năm làm Ngày Nhà giáo Việt Nam; đồng thời đề nghị Nhà nước ban hành danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” cho những giáo viên làm công tác giáo dục lâu năm và có những thành tích đóng góp cho ngành. Khi tôi mới về Bộ Giáo dục, Bộ Chính trị, trực tiếp là Thủ tướng Phạm Văn Đồng 1, một đồng chí lãnh đạo am hiểu về giáo dục và rất tâm huyết với giáo dục, và đồng chí Tố Hữu 2, đang hoàn chỉnh Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục. Nghị quyết được ban hành ngày 11.1.1979. Tôi đã để nhiều thì giờ cùng với các đồng chí lãnh đạo Bộ nghiên cứu Nghị quyết 14, trong đó những quan điểm cơ bản về một nền giáo dục tiến bộ, xã hội chủ nghĩa được đề cập một cách có hệ thống. Đến nay, theo tôi những quan điểm lớn được nêu ra trong nghị quyết ấy vẫn còn nguyên giá trị. Vấn đề là khi cụ thể hóa thì phải xem xét điều kiện thực tế để đề ra mục tiêu, nội dung, phương pháp thích hợp. Chính điều này chúng tôi chưa làm được tốt, có phần còn nặng “giáo điều”, “duy ý chí”. Khoa học giáo dục là một khoa học khó và phức tạp; vì nó liên quan đến sự phát triển của con người, từ tuổi thơ ấu đến trưởng thành. Do vậy, để có những chủ trương đúng đắn về phát triển giáo dục, nhất là có chương trình, phương pháp dạy và học tốt, chúng tôi rất chú trọng đến công tác của Viện Khoa học Giáo dục, và bố trí nhiều nhà khoa học có trình độ đến làm việc ở đó. Đồng chí Võ Thuần Nho phụ trách Viện, cùng các tiến sĩ tâm lý học Phạm Minh Hạc, Phạm Tất Dong, tiến sĩ Hà Thế Ngữ, Phạm Văn Hoàn... Sau này có đồng chí phê phán cuộc cải cách giáo dục năm 1985, cho là cuộc cải cách đó thất bại. Tôi nghĩ cách đánh giá đó là thiếu khách quan. Nếu so sánh chương trình và bộ sách giáo khoa viết trước đó với chương trình và những sách cải cách thì không thể phủ nhận mặt tích cực và tiến bộ của cải cách. Nhưng điều quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết 14 là quán triệt và thực hiện nguyên lý giáo dục: học đi đôi với hành; giáo dục toàn diện vế trí, đức, thể, mỹ, coi trọng giáo dục lao động, hướng nghiệp - những điều đúng của nghị quyết này chưa được thực hiện tốt. Năm 1981, tôi được giới thiệu và bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đó là ghi nhận sự đóng góp của tôi vào công việc chung của đất nước, đồng thời là thêm trách nhiệm đối với tôi. Năm 1982, Thứ trưởng Bùi Thanh Khiết mất; đồng chí Y Ngông Niêk Đam về làm Chủ tịch tỉnh Đắc Lắc. Bộ được bổ sung hai Thứ trưởng trẻ: đồng chí Lương Ngọc Toản và đồng chí Trần Xuân Nhĩ. Mùa hè năm 1983, tại cuộc họp toàn ngành ở Sầm Sơn, chúng tôi thống nhất thông qua “Tuyên bố Sẩm Sơn”, nêu quyết tâm đưa các quan điểm của cải cách giáo dục vào hoạt động thực tế của nhà trường, đặc biệt về giáo dục lao động và hướng nghiệp. Sau hội nghị này, đã dấy lên một không khí sôi nổi trong ngành. Khắp nơi thi đua xây dựng các trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp, xây xưởng trường, vườn cây thuốc nam, ruộng thực nghiệm... Thầy và trò ở các trường phổ thông hăng hái vừa học vừa tham gia lao động. Để đóng góp vào một nhiệm vụ lớn của nhà nước là trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi trọc, năm 1984, Bộ Giáo dục đã phối hợp với Bộ Lâm nghiệp phát động trồng 14 triệu cây xanh (mỗi học sinh một cây) và chúng tôi đả thực hiện thắng lợi kế hoạch đó trước một năm. Đi kiểm tra ở một số trường, như ở Quảng Trị, nơi bị chiến tranh tàn phá nặng nề, tôi rất vui thấy quanh trường Cồn Tiên, Tân Lâm những rừng cây xanh um do thầy trò trồng. Đi đôi với phong trào đưa sản xuất vào nhà trường, chúng tôi còn gây phong trào tiết kiệm “góp giấy vụn”, “chai lọ bỏ không”, “thu gom lông vịt”... Lúc đó tình hình kinh tế của đất nước hết sức khó khăn, cho nên các chương trình này không những có ý nghĩa giáo dục tinh thần cộng đồng mà còn góp phần tạo thêm điều kiện cho hoạt động của nhà trường, chính quyền và phụ huynh học sinh ủng hộ rất tích cực. Phong trào quá rộng, làm sao không có thiếu sót này nọ. Thay vì nhìn thấy ý nghĩa lớn của phong trào, một số người lại chỉ nhắm vào một số hành động bồng bột của các em học sinh bé bỏng mà phủ nhận nó. Đến năm 1985, việc chuẩn bị triển khai cải cách giáo dục cơ bản đã xong. Còn một số việc phải tiếp tục hoàn chỉnh, đặc biệt là cải cách sư phạm. Đúng ra đây là khâu phải tiến hành sớm, nhưng thấy tình hình không thể kéo dài hơn, nên chúng tôi quyết định cứ bắt đầu thay sách cấp 1 và đầu cấp 2, làm theo lối cuốn chiếu. Và song song từng bước cải cách chương trình đào tạo sư phạm. Việc thực hiện cải cách giáo dục bắt đầu từ năm 1985, đến 1991 xem như xong một vòng. Kế hoạch là ở vòng thứ hai sẽ tiến hành hoàn chỉnh, củng cố. Nhưng tình hình từ năm 1986 đã có nhiều thay đổi với đường lối đổi mới, rồi đường lối kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Giáo dục lại đứng trước những thử thách mới, đòi hỏi một cuộc cải cách mới. Mười năm làm công tác giáo dục, tôi luôn quan tâm đến giáo dục ở các khu công nghiệp, với nhận thức là phải đào tạo con em công nhân để giai cấp công nhân được vững mạnh. Tôi đã nhiều lần đến khu mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, khu gang thép Thái Nguyên... để chỉ đạo và đôn đốc việc triển khai các chủ trương giáo dục của Bộ. Tôi cũng quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số. Thời kỳ tôi làm Bộ trưởng, Bộ Giáo dục đã chủ trương xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú ở tỉnh, huyện, cụm xã..., nhờ đó tránh được cảnh con em người dân tộc hằng ngày phải đi hàng chục cây số để đến lớp học. Tôi đặc biệt quan tâm đến vai trò phụ nữ trong đội ngũ quản lý ngành. Trên 80% giáo viên phổ thông là nữ, không lý gì lại không có nhiều cán bộ quản lý là nữ? Từ đó, Bộ Giáo dục đưa ra chủ trương ở tất cả các cấp quản lý cũng như trường học từ phổ thông đến đại học nhất thiết trong lãnh đạo phải có thành phần nữ. Qua đó mà một lớp cán bộ quản lý nữ đã được đề bạt và phát huy vai trò của mình... Phải nói phong trào thi đua trong ngành giáo dục là một trong những phong trào thi đua yêu nước rộng lớn và bền bỉ nhất. Từ năm 1964, Hổ Chủ tịch đã nêu khẩu hiệu thi đua “Dạy tốt, học tốt”, và sau đó trong bức thư cuối cùng gửi cho ngành giáo dục Người dặn dò: “Dù khó khăn đến mấy cũng phải dạy tốt, học tốt.” Hiểu sâu sắc vai trò của giáo dục nên Người luôn nhắc nhở lời người xưa: “Vì lợi ích 10 năm phải trồng cây, vì lợi ích 100 năm phải trồng người.” Tôi đã nhiều lần đến thăm trường Bắc Lý, một trong những lá cờ đầu của phong trào thi đua trong cả nước. Trường Bắc Lý lúc đó có hai cấp, tiểu học và phổ thông cơ sở. Giữa một vùng chiêm trũng rất nghèo, cơ sở trường thật đơn sơ, thầy và trò gầy gò... nhưng tôi rất xúc động trước sự nghiêm túc của các hoạt động giáo dục và sự ngoan ngoãn, chăm chỉ của các em. Từ mái trường này, nhiều thầy được chọn lựa đưa đi bồi dưỡng, nâng cao trình độ, trở thành những cốt cán của Bộ Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục. Rất nhiều học sinh của trường đã trở thành cán bộ, người lao động tốt phục vụ cho quê hương. ------------------------------------------------------------------- 1. Phạm Văn Đồng (1906-2000): nguyên Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1955-1976); Thủ tướng Việt Nam thống nhất (1976-1987). 2. Tố Hữu (1920-2002): nhà thơ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam (1981-1986). Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Ba, 2023, 03:07:20 pm Tôi đặc biệt có quan hệ tốt với bà Margot Honecker, Bộ trưởng Giáo dục của Cộng hòa Dân chủ Đức. Bà thực sự là một nhà giáo dục tâm huyết và có tài. Chúng tôi học kinh nghiệm về giáo dục hướng nghiệp, giáo dục lao động cho học sinh phổ thông chính từ kinh nghiệm của Đức.
Về xây dựng chương trình, sách giáo khoa, chúng ta chủ yếu tham khảo kinh nghiệm của Liên Xô và một phần nào đó là của Pháp. Cuba là một nước xã hội chủ nghĩa non trẻ nhưng các bạn có những quan điểm rất tiến bộ về giáo dục, xác định nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước trước hết là xây dựng con người. Khách đến Cuba đều được mời ra thăm đảo Thanh niên, ở đấy có các trường vừa học vừa làm, ở đó hàng vạn thanh thiếu niên Cuba vừa được học văn hóa, vừa tham gia trồng cây ăn quả để xuất khẩu. Thật ấn tượng. Học sinh được chăm sóc chu đáo, học tập toàn diện trong môi trường lành mạnh. Điều vui là các bạn Cuba cho biết mô hình giáo dục “vừa học vừa làm” bạn đã học tập từ chính Việt Nam, đã đem về áp dụng một cách rộng rãi và hiệu quả. Đúng là chúng ta đã xây dựng loại hình trường này từ những năm 1974, 1975, khi yêu cầu về học tập của thanh niên ở vùng nông thôn, miền núi rất lớn, nhưng các em ở xa, lớn tuổi, khó đến trường trong tỉnh, trong huyện để tiếp tục học lên. Trường Lao động Xã hội chủ nghĩa Hoà Bình (cấp III) được xây dựng tại tỉnh Hoà Bình, trên quan điểm học sinh vừa học vừa tạo cho mình điều kiện để học tập. Hơn nữa, việc học tập lao động có kỹ thuật giúp các em rất thiết thực trong cuộc sống sau này. Trường này chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trồng sắn, vì đất ở đây không tốt, chỉ thích hợp với loại cây này. Các em đều ở nội trú, chỉ về nhà vào dịp hè... Khi về ngành giáo dục, tôi cũng rất thú vị về ý nghĩa của loại trường này. Nhiều lần đến thăm, tôi ở lại đây để xem không khí học tập và sinh hoạt của nhà trường. Một số địa phương đã áp dụng mô hình này như trường Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; trường Tân Lâm, trường Cồn Tiên, tỉnh Quảng Trị. Các học sinh từ các nhà trường này ra đều trở thành những người lao động tốt. Xây dựng và quản lý loại trường vừa học vừa làm đòi hỏi sự quan tâm lớn của chính quyền và cấp quản lý giáo dục của tỉnh. Rất tiếc là chúng ta không kiên định trong phương hướng giáo dục rất hay này. Năm 1984, khi chúng tôi chuẩn bị một loạt công việc để triển khai cải cách giáo dục, thì ngân sách của Bộ Giáo dục không có khoản nào dành cho cải cách cả. Tôi báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng chí lắc đầu, thông cảm, nhưng trả lời: “Không có tiền mà làm được mới giỏi.”(?) Cùng lúc đó ở cơ quan Bộ, đời sống cán bộ cũng không dễ dàng. Ngoài công việc ở cơ quan, nhiều anh chị em phải tìm việc làm thêm. Thấy để anh chị em tự xoay xở như vậy sẽ không tập trung vào công tác đang đòi hỏi nhiều công sức của mọi người, đồng chí Trần Xuân Nhĩ cùng một số anh chị em bàn với tôi thành lập Công ty Dịch vụ Giáo dục của Bộ để làm đầu mối cho hoạt động sản xuất của các trường theo chủ trương “đưa lao động sản xuất vào nhà trường”. Đồng thời sẽ gom tiền của cán bộ ở cơ quan làm phần vốn ban đầu cho công ty. Đồng chí Trần Xuân Nhĩ đã xây dựng một chương trình mười điểm, nêu ra các hình thức hoạt động sản xuất mà các trường tùy theo điều kiện và khả năng có thể làm, với sự hướng dẫn giúp đỡ của Bộ, thông qua Công ty Dịch vụ Giáo dục của Bộ. Công ty Dịch vụ Giáo dục còn xây dựng cho mình một lò sản xuất đồ gốm... Một số việc làm lúc đầu có kết quả, được nhiều đồng chí trong ngành, cả các ngành khác, khen ngợi: như sản xuất đồ gốm, làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho mẫu giáo, thu gom được nhiều giấy vụn, chai lọ... Không khí ở nhiều nhà trường sôi động hẳn lên. Bây giờ đọc những dòng này có người sẽ nói “sao mà tủn mủn quá?”. Nhưng nếu họ biết bối cảnh lúc bấy giờ, chính sách về kinh tế rất gò bó, ngặt nghèo; những ai có hoạt động tạo ra lợi nhuận, dù nhỏ, dù là cho tập thể, cũng bị dòm ngó, quy kết... Các ngành muốn làm gì cũng gặp khó khăn, cản trở. Thấy Bộ Giáo dục năng động, làm hết việc này đến việc khác, một số cơ quan công an kinh tế bắt đầu “hỏi thăm sức khỏe”. Và như thế là tôi và một số anh em trong Công ty Dịch vụ Giáo dục phải mất nhiều thời giờ để “tiếp khách”, giải trình. Với tư duy cũ kỹ, khi đi kiểm tra, các cơ quan này thấy người ta làm ăn có lời thì im lặng, nhưng khi nghe nói thua lỗ thì soi mói tìm cho ra “hành vi tiêu cực”. Ai cũng biết, làm kinh tế mà lúc nào cũng muốn có lãi, có lãi ngay, là rất thiếu thực tế... Bên công an yêu cầu tôi phải thải hồi người này, người kia để họ “xử lý”. Tôi không đồng ý vì thấy anh em không có tội gì, họ chỉ làm theo sự chỉ đạo của Bộ nên Bộ có trách nhiệm bảo vệ anh em. Thái độ cương trực này của tôi đã gây cho tôi bao nhiêu là phiền phức. Đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy thái độ của mình là đúng. Nếu còn có điều ân hận, thì đó là tôi đã không hoàn toàn bảo vệ được những người cộng sự của mình như tôi mong muốn. Tôi cảm ơn các đồng chí Trần Xuân Nhĩ, Đoàn Văn Di và một số anh em khác đã chia sẻ với tôi bao nhiêu phiền phức, rắc rối. Đáng tiếc nhất là phong trào đưa lao động, hướng nghiệp vào nhà trường vừa dấy lên đã bị một gáo nước lạnh. Hậu quả của nó đến ngày nay còn thấy rõ. Nhiều đồng chí bảo: “Có lẽ chị đi quá sớm, như bác Kim Ngọc trong khoán nông nghiệp trước đây, đã phải khổ sở vì nhìn vấn đề sớm hơn mọi người, nhưng nay thì ai cũng công nhận cách nghĩ, cách làm của bác là đúng.” Rõ ràng cái mới ra đời thường bị cái cũ tìm cách cản trở, thậm chí vùi dập. Nhưng hẳn thời nào cũng vậy, cũng phải có những người dám đi tiên phong thì mới có cái đổi mới, phát triển và đi lên, đó cũng là quy luật của cuộc sống và phát triển. Tôi kết thúc hai nhiệm kỳ Bộ trưởng Bộ Giáo dục với nhiều hiểu biết về tình hình xã hội ở nước ta hơn, thêm kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước, nói chung thêm một bước trưởng thành trong bản lĩnh lãnh đạo. Cán bộ, giáo viên trong ngành đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Tôi tự hào vì đã nỗ lực hết mình để làm tròn nhiệm vụ được giao. Tôi cũng biết nhiều vấn đề trong ngành giáo dục còn dở dang, chưa có phương hướng giải quyết một cách cơ bản, trong lúc yêu cầu phát triển của đất nước đòi hỏi ngành giáo dục rất nhiều, rất cao. Điểu thu hoạch lớn nhất của tôi qua giai đoạn này là hiểu rõ hơn, sâu sắc hơn ý nghĩa vô cùng quan trọng của giáo dục đối với đất nước và đối với cuộc đời của từng con người. Quyền bình đẳng quan trọng đối với mỗi người dân trước hết phải là quyền được học hành, để mỗi người đều có cơ hội phát triển, xây dựng tương lai của mình. Cũng từ đó tôi càng hiểu ý nghĩa sâu xa của điều có thể gọi là một chủ thuyết của Cụ Phan Châu Trinh: “Khai dân trí, chấn dân trí, hậu dân sinh.” Chủ thuyết đó ngày nay còn nguyên giá trị, nếu không nói là càng sáng rõ và cấp thiết hơn: nếu không có dân trí được khai hóa mạnh mẽ, không có trí thức đi kịp với thời đại thì không thể phát triển đất nước, dân tộc không thể tiến lên sánh vai được cùng thiên hạ năm châu. Năm 1984, anh Khang, chồng tôi bắt đầu nghỉ hưu. Anh bị huyết áp cao, không còn được khỏe như trước. Nhưng vốn là cán bộ quân đội, ham hoạt động, khi về nghỉ anh tham gia công tác ở khu phố rất tích cực, là một Bí thư Chi bộ kiểu mẫu, được các đồng chí trong khu phố quý mến. Mỗi lần họp Chi bộ, ngay tại nhà chúng tôi, anh Khang chuẩn bị rất kỹ. Tôi nói đùa: “Anh chuẩn bị cho cuộc họp Chi bộ còn kỹ hơn em đi họp Trung ương.” Anh cười bảo: “Mình sống, làm gì có ích mới vui.” Anh đảm đương cả công việc gia đình, trừ việc nấu ăn, để giúp tôi yên tâm công tác. Tôi thực sự hạnh phúc vì có được người bạn đời luôn thông cảm và yêu thương. Cuối năm 1984, chúng tôi có niềm vui đặc biệt: cháu Mai, con gái chúng tôi lấy chồng, và không đầy một tháng sau, cháu Thắng con trai chúng tôi lấy vợ, cả hai gia đình thông gia đều là gia đình trí thức ở Hà Nội. Năm 1986 ghi một dấu mốc quan trọng trong đời sống của đất nước sau chiến tranh. Những năm sau chiến tranh, kinh tế xã hội của ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tư duy giáo điều cứng nhắc, chế độ bao cấp kéo dài, gây ra vô vàn khó khăn. Đời sống của nhân dân rất căng thẳng. Lương thực và các nhu cầu thiết yếu hết sức thiếu thốn. Chủ trương ngăn sông cấm chợ gắt gao, được coi là để ngăn chặn đầu cơ, đảm bảo sự quản lý và phân phối công bằng của Nhà nước, nhưng thực tế đã ngăn trở lưu thông, gây tác hại đến sản xuất... Càng ngăn sông cấm chợ thì cuộc sống càng khó khăn và căng thẳng. Có người về quê, được họ hàng cho ít gạo, hoặc cán bộ đi công tác mua được cân chè... cũng bị xét hỏi, tịch thu. Bản thân tôi và các cán bộ trung-cao cấp đều phải ăn gạo mốc, cơm độn, bo bo, mỗi tháng cả nhà được một cân vừa thịt vừa mỡ... Trong tình hình bế tắc đó, chính nhân dân đã chủ động tìm đường ra. Ở nông thôn, nhiều hợp tác xã thực hiện “khoán chui” để tự cứu mình. Lãnh đạo nhiều địa phương cũng không chịu khoanh tay. Ở Long An đã thực hiện “đưa giá vào lương”, thực tế là phá vỡ kiểu phân phối bao cấp lạc hậu và vô lý... Những tiếng nói và hành động đó của quần chúng từ thực tiễn sinh động của đời sống ngày càng không thể che lấp, và trong thực tế đã có tác động tích cực đến công việc chuẩn bị Đại hội VI của Đảng. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã chia nhau đi về các địa phương. Tổng Bí thư Trường Chinh vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm hiểu thực tế ở một số xí nghiệp và đi Long An, những nơi đã mạnh dạn bung ra và phát triển... Đảng đã nghe được tiếng nói của dân, cũng tức là tiếng nói đẩy sinh lực của đời sống. Dự thảo báo cáo đầu tiên của Đại hội Đảng đưa xuống được các cấp thảo luận sôi nổi, để đi đến bản cuối cùng trình Đại hội, thật sự là một báo cáo “nhìn thẳng vào sự thật”, và trên cơ sở đó đã đưa ra đường lối Đổi mới 1986, đánh dấu một bước ngoặt, một đột phá quan trọng, đưa đất nước thoát ra khỏi trì trệ bế tắc kéo dài, tạo đà phát triển mạnh mẽ. Đây là công lao của toàn dân, toàn Đảng; cũng là bài học sâu sắc phải biết lắng nghe tiếng nói của quần chúng, khi giáo điều xa rời quần chúng thì sẽ lâm vào khó khăn, khi gắn được với quần chúng thì sẽ có sức mạnh. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, người được coi là nhà lãnh đạo quyết tâm đổi mới được bầu làm Tổng Bí thư Đảng. Vì sao đồng chí Nguyễn Văn Linh có thể sớm nhìn ra vấn đề? Theo tôi, ngoài bản lĩnh chính trị được trui rèn qua nhiều năm đấu tranh cách mạng, hẳn một phần quan trọng nhờ hoạt động nhiều năm ở Sài Gòn-Chợ Lớn, một thành phố hết sức năng động, lại đã ít nhiều từng trải trong kinh tế thị trường, trực tiếp với nhiều tầng lớp nhân dân, đồng chí đã hiểu được tâm tư nguyện vọng cũng như thực lực của họ. Tôi nghĩ bài học của Đại hội VI còn luôn mang tính thời sự. Đường lối Đổi mới của Đảng đã có tiếng vang xa trong dư luận quốc tế, nhiều bạn bè các nước đã đưa danh từ “Đổi mới” vào ngôn từ thế giới; cũng như trước đây, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, trên thế giới đã từng có danh từ “dienbien-fouet” 1, có nghĩa là “đánh một trận nhừ tử”. Đến giữa năm 1987, tôi chuyển sang công tác ở Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, một lần nữa trở lại với ngành ngoại giao nhân dân. ---------------------------------------------------------------- 1. Trong tiếng Pháp “fouet” có nghĩa là “cái roi”, “fouetter” là “đánh roi”. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Ba, 2023, 03:15:30 pm Trở lại ngoại giao nhân dân Tôi trở lại với sở trường 20 năm trước của mình. Hồi bắt đầu hoạt động đối ngoại, tôi làm công tác đối ngoại nhân dân, đã từng đại diện cho Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Ủy ban Đoàn kết Á-Phi... vận động các tầng lớp nhân dân các nước ủng hộ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của ta. Tám năm sau, tôi được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam, tức là chuyển sang ngoại giao Nhà nước. Và bây giờ 1 lại trở về làm Phó ban Đối ngoại của Đảng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị. Về mặt Nhà nước, tôi được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Qua kinh nghiệm bản thân, tôi cho rằng ai đã từng hoạt động đối ngoại nhân dân, chuyển sang hoạt động ngoại giao Nhà nước thì không có gì trở ngại, ngược lại còn có nhiều thuận lợi, linh hoạt, chủ động hơn trong tiếp xúc. Theo tôi, ở nước ta, nhân dân và chính quyền có cùng một mục tiêu, trước đây là chống đế quốc, giành độc lập, thống nhất, nay là bảo vệ và xây dựng đất nước. Chỉ khác nhau là ở đối tượng vận động, một bên là vận động nhân dân, một bên là quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước. Hai mặt hoạt động hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Đó là đặc điểm của nền ngoại giao Việt Nam thời hiện đại. Xu hướng và nguyện vọng chung của nhân dân các nước là yêu chuộng hòa bình, tự do, đứng về phía lẽ phải, công lý; còn chính quyền của các nước tư bản, đế quốc, vì lợi ích giai cấp hay vì quyển lợi của các tập đoàn mà họ là đại diện, họ có đường lối, chủ trương thường khác hay ngược với ý nguyện của nhân dân. Vì vậy, việc tranh thủ nhân dân là rất quan trọng, bởi nhân dân không ủng hộ chính quyền có thể tác động buộc chính quyền phải thay đổi chính sách, chúng ta từng biết phong trào nhân dân Pháp rồi nhân dân Mỹ chống chiến tranh ở Việt Nam đã có tác động không nhỏ đến chính quyền Pháp, Mỹ, góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của họ ở Việt Nam. Tôi không học trường quan hệ quốc tế, mà xuất thân từ một cán bộ hoạt động chính trị, vận động quần chúng nên hoạt động ngoại giao nhân dân rất phù hợp với tôi. Đây cũng là vận động quần chúng thế giới. Nó đòi hỏi phải có lý lẽ, có tình cảm để đấu tranh thuyết phục, lại cũng phải kiên trì. Và trước hết là sự chân thật đối với bạn bè. Tôi không bao giờ chỉ nói cái hay, những thành tích của nhân dân mình mà thừa nhận cả những kém khuyết nữa, những kém khuyết mà ai cũng có thể thấy, chính vì vậy khi có việc gì chưa rõ là các bạn nước ngoài đi tìm tôi để hỏi, họ nói “Tôi tin ở bà Bình, phải hỏi bà ấy”. Phụ nữ là đối tượng dễ xúc động trước những đau thương, bất công của người khác. Nhưng thanh niên, công nhân, trí thức, nghệ sĩ... mỗi người cũng có hoàn cảnh xã hội riêng của họ, nên nếu ta biết tác động thì họ cũng dễ đồng cảm với cuộc đấu tranh vì quyền tự do, độc lập, vì quyền sống của nhân dân Việt Nam. Phong trào đoàn kết của nhân dân thế giới ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ chiến tranh xâm lược của Mỹ được đánh giá là một phong trào quốc tế rộng lớn chưa từng thấy, có tác động mạnh vào chính sách của chính quyền Mỹ. Trong kết quả đó có công lao đóng góp của đội quân “đối ngoại nhân dân” của chúng tôi trong hàng chục năm liền. Có thể nói trong hàng chục năm qua bước chân của các chiến sĩ trên mặt trận này đã in dấu ở khắp nơi, từ những vùng rét mướt Bắc Cực đến các đảo bé nhỏ giữa Thái Bình Dương, nơi nào có người mời hay có điều kiện là chúng tôi đều có mặt. Được vậy phải nhắc đến sự giúp đỡ to lớn của các tổ chức dân chủ quốc tế, các tổ chức đoàn kết Á-Phi và các nước bạn bè, chẳng những ủng hộ chúng ta về tinh thần mà còn tạo điều kiện về tài chính cho các đoàn Việt Nam đi hoạt động. Chủ trương của nhiều tổ chức quốc tế lúc đó thật hay: hễ ai đang trực tiếp chiến đấu thì được ưu tiên giúp đỡ, nên các đoàn miền Nam và cả miền Bắc trong túi không có lấy một đổng xu đã đi hoạt động được ở khắp nơi trên thế giới. Bây giờ trở lại một môi trường quen thuộc, tôi không hề bỡ ngỡ. Tuy nhiên, tình hình đất nước đã khác trước. Tôi và các đồng chí trong Liên hiệp Hữu nghị rất quan tâm mở rộng các Hội Hữu nghị hai chiểu. Đất nước ta đã giành được độc lập, thống nhất, đã có chính quyền nhưng chúng ta không thể chỉ chú ý đến ngoại giao Nhà nước mà quên đi bạn bè từng ủng hộ chúng ta. Chúng tôi cố gắng tổ chức những đoàn đi thăm các nước, đón tiếp các tổ chức đoàn kết với Việt Nam, tham gia những hội nghị ủng hộ các nước còn tiếp tục đấu tranh. Tôi được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á-Phi từ năm 1982 đến nay. Với cương vị này, hai, ba năm một lần tôi đi dự hội nghị để ủng hộ cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, ủng hộ Palestin, chống âm mưu xâm lược Cuba... Tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn này được bạn bè rất tôn trọng. Việt Nam là một biểu tượng, một tấm gương cho nhân dân các nước noi theo. Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tích cực ủng hộ các hoạt động của các tổ chức dân chủ quốc tế về chính trị và cả về tài chính. Đến khi các nước này tan rã thì điểu kiện hoạt động của một số tổ chức dân chủ quốc tế, kể cả đoàn kết Á-Phi, gặp nhiều khó khăn. Trong những năm 1970-1980, hoạt động đối ngoại nhân dân của Liên Xô và các nước Đông Âu rất sôi nổi. Nó là chỗ dựa cho phong trào đoàn kết quốc tế các nước. Hình ảnh xã hội với nhiều nét tốt đẹp của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác là sự cổ vũ cho phong trào cách mạng nói chung, trong đó có phong trào đoàn kết của nhân dân các nước chống đế quốc, tư bản, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Bây giờ nhìn lại thời kỳ đó, tôi nghĩ có thể các nước xã hội chủ nghĩa còn có những kém khuyết, thậm chí sai lầm nghiêm trọng... dẫn đến sự tan rã của hệ thống, nhưng không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được của các xã hội này. Ở đây, trẻ em và người già được chăm sóc tốt. Giữa công nhân lao động và cán bộ, trí thức... không có khoảng cách quá xa. Năm 1985, bắt đầu có chủ trương Perestroika, tức là “Cải tổ” ở Liên Xô, nhiều đảng viên các nước rất vui mừng, mong Liên Xô chấn chỉnh được những khiếm khuyết có thể có nguồn gốc lâu dài, thay đổi mạnh mẽ và ổn định để đi lên vững vàng hơn. Trong lúc đó, năm 1986, ở Việt Nam, nhận thức được những trở ngại to lớn trên con đường đang đi, chúng ta đã mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, kiên quyết phá bỏ những trì trệ, bảo thủ trước đó và quyết tâm đổi mới. “Đổi mới” của ta và “Cải tổ” ở Liên Xô diễn ra trong một thời điểm gần nhau, nhưng tình hình hai nước khác nhau, nguyên nhân của khủng hoảng có khác nhau, cách xử trí khác nhau, và hậu quả cũng khác nhau. Tôi không muốn đi sâu vào nội tình của nước bạn, những người lãnh đạo mỗi nước có trách nhiệm trả lời trước nhân dân mình. Chỉ mong rằng Liên Xô trước đây và các nước xã hội chủ nghĩa cũ, là những người bạn thân thiết mà chúng ta từng tin cậy và yêu mến sẽ phát triển tốt đẹp vì lợi ích của nhân dân mình, và xứng đáng với truyền thống oai hùng của dân tộc mình. Phần chúng ta, chúng ta phấn khởi và tự hào về những thành tựu của 20 năm đổi mới, nhưng chúng ta cũng chỉ vừa ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng, trước mắt còn bao nhiêu thử thách để giữ vững độc lập, tự chủ và đi theo con đường đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Trên con đường đó chúng ta còn cần sự ủng hộ của bạn bè, chúng ta vẫn cẩn tinh thần đoàn kết quốc tế. Trong thời gian làm Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, tôi cùng một số đồng chí trong ủy ban đi dự Hội nghị các Liên minh Nghị sĩ Quốc tế (IPU). Lúc đó, vấn để “nóng” đối với Việt Nam là vấn để Campuchia và việc cải tạo giam giữ một số sĩ quan chính quyền Sài Gòn trước đầy. Nhiều người có thiện chí với Việt Nam ở các nước hiểu rằng việc Việt Nam đã tận tình giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Pôn Pốt là thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao quý, đồng thời cũng là để bảo vệ chủ quyển độc lập của đất nước ta vừa giành được qua nhiều năm chiến đấu đầy hy sinh gian khổ. Trong khi nhân dân Campuchia đứng trước họa diệt chủng có thể nói chưa từng có trong lịch sử loài người, thì chính Việt Nam là nước duy nhất đã hy sinh để cứu bạn, nào còn có ai khác thực sự ra tay. Ta tận tình cứu giúp bạn và cũng là kiên quyết đánh trả đích đáng âm mưu hiểm độc mới, bảo vệ đất nước vừa giành lại được trọn vẹn. Nhưng cũng có người hiểu sai nghĩa cử của chúng ta, ý nghĩa cuộc chiến đấu hy sinh này của chúng ta. Mỹ cũng lấy cớ đó để tiếp tục cấm vận Việt Nam. Phải ra sức giải thích cho bạn bè hiểu lập trường đúng đắn của ta. Sau này có người ngay cả trong chính phủ các nước phương Tây đã thừa nhận: “Chúng tôi đã không hiểu đúng Việt Nam. Nếu các bạn không ngăn chặn nạn diệt chủng ở Campuchia, không biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với nhân dân Campuchia.” Trong một số năm đó quả thật có lúc chúng ta đã phải cắn răng trả giá đắt cho việc giúp bạn. Tôi nhớ có một cuộc họp ở Hội nghị ECOSOC 2 tại Bangkok, một số đại biểu của Singapore, Thái Lan... còn lên án Việt Nam là đế quốc, thực dân, xâm lược. Tất nhiên tôi đã bác bỏ những lời vu cáo của họ, nhắc lại cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam trong 30 năm qua, vì lý tưởng độc lập, tự do và quyền tự quyết dân tộc, giải thích lý do phải giúp nhân dân Campuchia. Ngay tại hội nghị cũng có người hiểu ra và nói: “Đế quốc, thực dân như Việt Nam thì quá tốt!” Đối với việc cải tạo, giam giữ một số sĩ quan chính quyền Sài Gòn, những người có đầu óc thực tế đều có thể hiểu rằng năm 1975, quân đội Sài Gòn không bị tiêu diệt mà chỉ tan rã, rất có thể được khôi phục nếu các sĩ quan tạo nên các bộ khung không bị giam giữ, sẽ rất nguy hiểm cho bất cứ chính quyền mới nào, sau đó họ đã dần dần được thả; song cũng có trường hợp bị giam giữ kéo dài không cần thiết, và một số trường hợp đối xử không phải chăng, gây ảnh hưởng không tốt. Lúc đầu một số đoàn ở Liên minh Nghị sĩ Quốc tế đã lên án Việt Nam, mặc dù họ thừa nhận là không hể “có biển máu” hay sự “trả thù” của Chính quyền mới đối với những người bại trận ở Việt Nam. Nhưng sau vài phiên họp, trước những chứng minh của ta, vấn để đó cũng không còn được nhắc lại. Lúc đó, câu chuyện mà chúng tôi và nhiều người tiến bộ lấy làm bất bình là có một số đại biểu của một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ lên tiếng kết án không tiếc lời “chế độ xã hội chủ nghĩa” trước đây. Những người này, bác sĩ có, luật sư có, chính họ được các chế độ xã hội chủ nghĩa mà họ lên án nuôi dưỡng và đào tạo. Tôi nhớ trong một cuộc họp IPU (tôi không nhớ có phải ở Bulgary hay không), tôi rất xúc động trước phát biểu của một phụ nữ Nhật. Người chị nhỏ bé, lúc lên diễn đàn chị xưng tên mình và nói mình là cộng sản, sau đó chị nói về tình hình của đất nước Nhật. Chị nói một cách bình tĩnh về những sai lầm từng xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ, những nguyên nhân lịch sử xả hội của các hiện tượng đó cần được phân tích, đánh giá đúng đắn với hiểu biết và công bằng. Thái độ của chị thật đàng hoàng, tự tin sau những phát biểu hung hăng, đầy hận thù của một số người kia, làm cho không khí hội nghị lấy lại được sự cân bằng. Bấy giờ một nhiệm vụ quan trọng của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội là vận động các nước và cả các tổ chức Mỹ có cảm tình với Việt Nam đòi chính phủ Mỹ phải bỏ cấm vận. Nhiều đoàn của Quốc hội và các tổ chức nhân dân dưới nhiều danh nghĩa đã đi vận động ngay tại Mỹ. Ở đây tôi không thể không nhắc đến một số người Mỹ đã tích cực vận động cho cuộc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt, như anh Mac Auliff - Chủ tịch chương trình hòa giải Đông Dương và Viện As Pen. Trong thời gian này, hoạt động của Liên hiệp các tổ chức đoàn kết hữu nghị là chuyển hoạt động đoàn kết về chính trị sang nội dung vừa chính trị vừa hợp tác kinh tế, văn hóa, phù hợp với tình hình đất nước trong giai đoạn mới. Chúng tôi cùng anh em ở Liên hiệp đề xuất với Chính phủ thành lập Tổ chức Viện trợ nhân dân, gọi tắt là PACCOM, tiếp tục tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện xã hội phi chính phủ (NGO). Đơn vị này được xây dựng từ đó, và theo tôi được biết không chỉ trong thời gian ta còn bị cấm vận, mà cả về sau hình thức hoạt động này cũng có tác dụng không nhỏ trong việc giúp đỡ các địa phương còn nghèo có thêm điều kiện vật chất để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống. Như đã nói, những năm sau khi hòa bình được lập lại, trong tình hình đất nước bị kiệt quệ vì chiến tranh, chúng ta lại lâm vào khủng hoảng xã hội kinh tế nặng nề, trong lúc các nước xã hội chủ nghĩa tan rã. Nhiều bạn bè quốc tế từng thân thiết, rất lo lắng, không hiểu Việt Nam sẽ phát triển như thế nào. Tôi có hai người bạn thân là vợ chồng Gabriel và Joyce Kolko, anh là giáo sư kinh tế, chị là giáo sư sử học, là những người Mỹ cánh tả. Anh chị đã xuất bản một cuốn sách nổi tiếng Giải phẫu một cuộc chiến tranh 3, nhiều anh em đọc đã nói với nhau: “Cách đánh giá tình hình, phân tích lập trường của Mỹ và Việt Nam thật không khác gì ta.” Khoảng năm 1982, anh chị trở lại thăm Việt Nam, nhưng rồi sau đó nhiều lần chúng tôi mời hai người đều lấy lý do bận, không tới nữa. Trong một số thư gửi cho một vài bạn ở Việt Nam, anh chị bày tỏ lo lắng Việt Nam không còn tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa, sẽ như Liên Xô, Trung Quốc đi chệch hướng, để giai cấp tư bản mới phát triển, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Cảm tình của anh chị cũng như của một số bạn bè khác là rất tốt đẹp, nhưng quả thật trong tình hình mới rất phức tạp chắc các bạn cũng khó hiểu được hết thực tế của đất nước ta. Ngược lại, một số người khác từng ủng hộ tích cực chúng ta trong chiến tranh, sau này lại tỏ ra thất vọng vì thấy Việt Nam tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa chứ không phải là con đường độc lập dân tộc như nhiều nước trong khu vực. Sau chiến tranh có thể nói có sự phân hóa trong bạn bè quốc tế, người muốn ta rẽ trái, người muốn ta rẽ phải. Điều đó cũng là dễ hiểu. Song cũng không ít người đã giữ được sự bình tĩnh, khách quan, họ nghĩ Việt Nam chọn con đường nào là do nhân dân Việt Nam quyết định, họ chỉ mong chúng ta có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn, xứng đáng với những hy sinh gian khổ to lớn đã chịu đựng trong mấy chục năm chiến tranh. Tôi về Liên hiệp Hữu nghị được hai năm, đến 1989 thì có tang lớn: anh Khang, chồng tôi bị bệnh qua đời. Lúc đó cháu Thắng, con trai lớn của tôi đang tu nghiệp ở Tiệp Khắc. Việc xảy ra quá đột ngột. Ngày 24.12, một ngày Chủ nhật, chúng tôi còn nói chuyện với nhau về hai cháu nội ngoại của mình... Tối hôm đó, anh Khang phải đi cấp cứu ở Bệnh viện 108, nơi anh vẫn khám chữa bệnh trước đây. Tôi định ở lại bệnh viện để trông nom anh nhưng anh nhất định bắt tôi về nghỉ. Tính anh là vậy, không bao giờ muốn phiền ai, ngay cả đối với vợ con. Sáng hôm sau tôi đến thăm anh thật sớm trước khi đi họp Quốc hội, không ngờ anh đã rất yếu, chỉ có thể nói “Anh mệt lắm!”. Bác sĩ đến tiêm cho anh một mũi thuốc vào tim và rồi anh ngừng thở! Vậy là kế hoạch của chúng tôi, nguyện vọng đơn giản mà tha thiết của hai vợ chồng là sau khi tôi nghỉ chúng tôi có thể chăm sóc cho nhau tốt hơn, cùng nhau đi du lịch một số nơi... đã tan biến! Bạn bè anh em đồng chí bên tôi còn rất nhiều và hết sức chia sẻ nhưng tôi vẫn cảm thấy thật cô đơn, lẻ loi. Nỗi đau này đối với tôi là vô tận. Từ nay, tôi không còn có người để có thể thổ lộ mọi suy nghĩ, tâm tư, thắc mắc, để nhận được những lời khuyên, những lời an ủi mà tôi cần. Cuộc đời là vậy, biết làm sao! ----------------------------------------------------------------- 1. Năm 1987. 2. ECOSOC: The Economic and Social Council - Hột đồng Kinh tế và Xã hội Liên hiệp quốc. 3. Gabriel Kolko, Anatomy of a War: Vietnam, the United States, and the Modertì Historical Experience, The New Press, 1985, tb 1994. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Ba, 2023, 03:23:16 pm Phó Chủ tịch nước Từ khi anh Khang mất, các bạn tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh muốn tôi trở về “nơi tôi đã ra đi”. Ở thành phố, tôi có nhiều bạn thân từ thời hoạt động chống Pháp và cả một số bạn miền Nam tập kết ra Bắc, sau giải phóng cũng kéo về thành phố. Ở đây tôi có hai người em ruột, Nguyễn Đông Hà và Nguyễn Đông Hồ. Hà là em kế tôi, đã ở lại miền Nam hoạt động suốt thời kỳ chống Mỹ, bị đày ra Côn Đảo, bị nhốt chuồng cọp bảy năm. Hà xa gia đình suốt 21 năm Nam Bắc chia cắt, nên tha thiết được sum họp cả gia đình, đặc biệt em muốn được ở gần “chị Hai”. Hai chị em chúng tôi đầy ắp bao kỷ niệm thời thơ ấu. Hà kém tôi ba tuổi, 16 tuổi đã tham gia phong trào thành đoàn Sài Gòn và hoạt động trong tổ chức này đến khi bị bắt, cuối năm 1968. Hồ, là Phó tiến sĩ cơ khí, học ở Nga về, sau giải phóng cũng đã về công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1990, tôi đã cho con trai là cháu Thắng về thành phố công tác để chuẩn bị điều kiện cho tôi sẽ về sau. Như vậy, kể từ khi tập kết ra miền Bắc, tôi đã ở Hà Nội 36 năm, dài hơn cả quãng thời gian tôi lớn lên và hoạt động ở miền Nam. Qua công tác ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương, Ban Thống nhất và sau này ở Bộ Giáo dục, Ban Đối ngoại Trung ương, Quốc hội, tôi cũng hiểu nhiều về miền Bắc và có nhiều bạn bè thân thiết... Nhưng thú thật những kỷ niệm của thời niên thiếu, những năm tháng có cha mẹ, anh em đầy đủ ở miền Nam để lại cho tôi những ký ức sâu đậm, khó quên. Tôi đang ở trong tâm trạng như vậy thì đầu năm 1992, đồng chí Đỗ Mười, Tổng Bí thư Đảng đến thăm tôi. Đồng chí cho biết các đồng chí trong Bộ Chính trị dự định cử tôi làm Phó Chủ tịch nước trong kỳ Quốc hội tới. Thật bất ngờ đối với tôi. Phản ứng đầu tiên của tôi là từ chối vì lúc đó tôi cũng đã 65 tuổi, quá tuổi nghỉ hưu theo quy định chung, hơn nữa tôi đã có kế hoạch về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi cảm ơn đồng chí Đỗ Mười và trả lời: “Rất tiếc là khi tôi còn trẻ, có thể cống hiến nhiều, các đồng chí đã đánh giá chưa đúng về tôi... Nay đã đến lúc tôi phải nghỉ!” Thực sự tôi không cố tình nhưng tự nhiên đã bộc lộ một tâm tư bấy lâu nay của mình. Nhưng rồi tôi tự nghĩ: mình có làm gì là vì đất nước, không phải vì mục đích nào khác. Cuối cùng tôi đổng ý nhận nhiệm vụ mới, tiếp tục công tác. Các con tôi thì không có ý kiến, chỉ “tùy mẹ”. Từ trước, hai con tôi đã không hề dựa vào “thế” của bố mẹ nên nay tôi có làm Bộ trưởng hay Phó Chủ tịch nước cũng vậy thôi. Riêng Hà không vui, em nói nửa đùa nửa thật: “Em mong chị không trúng cử Đại biểu Quốc hội kỳ này để khỏi làm Phó Chủ tịch nước mà về thành phố với chúng em.” Ao ước của em tôi đã không thành; mấy năm sau, Hà mất trong khi tôi vẫn còn phải ở Hà Nội. Vậy là, tôi lại tiếp tục công tác thêm mười năm nữa, trong hai nhiệm kỳ Phó Chủ tịch nước. Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch nước, tôi đã 65 tuổi. Trong hai nhiệm kỳ tôi nghĩ mình đã làm tốt trọng trách được giao. Từ đó tôi suy nghĩ về chính sách cán bộ nữ ở nước ta. Nhận xét đẩu tiên là không nhất thiết phụ nữ trên 55, 60 tuổi không làm được việc tốt. Tôi may mắn được giao cho nhiều công việc quan trọng và có vị trí xã hội cao. Nhưng còn bao nhiêu chị em khác trước và sau tôi, có trình độ, không kém năng lực hơn nam giới nhưng không may mắn nên không phát huy được tài năng, có vị trí xã hội xứng đáng. Tôi cho rằng vì lợi ích của sự phát triển đất nước, nhất là một đất nước như Việt Nam còn phải phấn đấu rất nhiều để có đời sống thực sự văn minh và hạnh phúc, cần tạo điều kiện cho phụ nữ vừa làm tốt việc gia đình, vừa có thể đóng góp xứng đáng cho xã hội, cho việc quản lý đất nước. Xây dựng gia đình tốt, nuôi dạy con nên người là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Người phụ nữ không thể xao lãng được, nhưng đó cũng là trách nhiệm của xã hội. Vì vậy cần có chính sách xã hội hỗ trợ thiết thực cho chị em trong nhiệm vụ này. Đổng thời Nhà nước củng cẩn thấy sự tham gia nhiều hơn trong việc quản lý nhà nước là hết sức cần thiết để chủ trương, chính sách có cái nhìn sâu hơn, toàn diện trong các mặt hoạt động xã hội. Đến nay, dường như trong chính sách cán bộ, chưa nhìn nhận đúng khả năng của người phụ nữ nên chưa tạo điểu kiện cẩn thiết cho chị em vươn lên. Trong thế kỷ 21 mà nhiều nhà hoạt động thế giới cho là “Thế kỷ của phụ nữ”. Tôi mong rằng phụ nữ Việt Nam sẽ có bước tiến dài hơn và có vị trí xứng đáng với sự đóng góp của chị em hơn. Với tư cách Phó Chủ tịch nước, tôi được Chủ tịch Lê Đức Anh phân công giúp đồng chí một số việc trong hoạt động đối ngoại, chăm lo một số công tác xã hội: giáo dục, y tế, sau này phụ trách thêm công tác thi đua khen thưởng Nhà nước, giám sát hoạt động tư pháp. Nói chung, những công việc kể trên không xa lạ với tôi. Về đối ngoại, tôi thay mặt Chủ tịch nhận trình quốc thư. Tôi không nhớ trong những năm đó tôi đã tiếp bao nhiêu đại sứ đến Việt Nam trình quốc thư. Từ đầu năm 1996, vị thế của ta trên trường quốc tế được cải thiện rõ rệt. Ta rút hoàn toàn quân khỏi Campuchia, Mỹ chấm dứt cấm vận, quan hệ với các nước lớn đã bình thường hóa. Nhiều nước trước kia có quan hệ ngoại giao nhưng chưa đặt sứ quán tại Hà Nội, nay dồn dập yêu cầu đặt sứ quán. Một số nước mới đặt quan hệ ngoại giao với ta. Với phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước, phấn đấu vì hòa bình, tự do, tiến bộ xã hội, ta đã thực sự có môi trường tốt hơn để có thể thực hiện nhiệm vụ quan trọng là xây dựng và phát triển đất nước. Sau lễ trình quốc thư, thường có các cuộc tiếp xúc, nói chuyện với các đại sứ. Nhờ đã hoạt động ngoại giao trong một thời gian tương đối dài nên ít nhiều tôi cũng được biết tình hình nhiều nước, quan hệ giữa họ và ta, những câu chuyện trao đổi với các đại sứ do vậy diễn ra thoải mái và bổ ích cho cả hai bên. Bên cạnh những hoạt động ngoại giao Nhà nước, tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia, các quan chức các chính phủ, tôi còn tiếp nhiều đoàn nhân dân các nước, đại diện trí thức, thanh niên, phụ nữ... những bạn bè đã từng ủng hộ nhân dân ta trong lúc chúng ta kháng chiến. Đồng chí Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lúc đó cứ nhắc: “Chị bây giờ là đại diện của Nhà nước, không nên tiếp các đoàn không phải đại diện của Nhà nước hay của Chính phủ.” Tôi không đồng tình. Tại sao phải vậy? Ngoại giao của ta là ngoại giao cách mạng, truyền thống dân tộc ta là thủy chung với bạn bè. Tôi đem vấn đề này trao đổi với Chủ tịch Lê Đức Anh, đồng chí hoàn toàn nhất trí với tôi. Từ năm 1991, cứ hai năm một lần, hội nghị cấp cao của Cộng đồng có sử dụng tiếng Pháp được tổ chức. Tôi được cử đi dự các hội nghị này, tại đảo Maurice (năm 1993) với chủ đề “Thống nhất trong da dạng”, tại Bénin, châu Phi (năm 1995) với chủ đề “Đối thoại, Hợp tác và Phát triển”, tại Brunswick, Canada (năm 1999) với chủ đề “Thanh niên”. Vì biết tiếng Pháp nên công việc của tôi không khó khăn lắm. Hơn nữa thành viên của Cộng đồng phần lớn là các nước thuộc địa Pháp trước đây nên có mối quan hệ tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Ngay hai nước lớn trong Cộng đồng là Pháp và Canada cũng tỏ ra rất “nể” Việt Nam. Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp tập hợp hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là sự tập hợp lực lượng trong xu thế liên kết các khối có những mối quan tâm chung, tuy ở mức độ khác nhau, nhưng thuận lợi là đều sử dụng ít nhiêu tiếng Pháp và hiểu biết về văn hóa Pháp. Đối với Việt Nam, ta quan tâm đến quan hệ hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục với Pháp, Canada. Mặt khác, ta muốn tăng cường quan hệ đoàn kết và hợp tác với các nước châu Phi trong Cộng đổng vì mục tiêu chung là bảo vệ độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Tại Cộng hòa Bénin, lần đầu tiên tôi gặp Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp, qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đã hình thành mối quan hệ hữu nghị đặc biệt. Bác Hồ, rồi một sổ đồng chí lãnh đạo Việt Nam và bản thân tôi đều có nhiều bạn bè thân thiết ở Pháp. Tổng thống Chirac tiếp tôi rất niềm nở. Trong dịp này tôi nêu vấn đề tại sao nước Pháp đặt Việt Nam ở loại nước thứ tư trong quan hệ ưu tiên thương mại của mình? Ông gọi ngay người trợ lý và nói: “Không lý nào, cần xếp ngay Việt Nam vào loại nước thứ ba.” Thế là xong. Từ đó tôi có nhiều dịp tiếp xúc với ông, và ông luôn luôn rất ân cần. Tôi và một số anh em bên ngoại giao đều nhận xét ông Chirac thuộc Đảng UMP 1, một đảng trung hữu, nhưng về chính sách ngoại giao ông có nhiều chủ trương mạnh mẽ, tiến bộ (ông đã kiên quyết không tham gia với Mỹ trong chiến tranh xâm lược Iraq...). Đối với Việt Nam, ông có thái độ rất thiện cảm. Có người còn nói có khi ông Chirac đối với Việt Nam còn tốt hơn một Tổng thống khác là người của một Đảng được coi là “tả”. Năm 1994, tôi đi thăm một số nước Tây Phi, chủ yếu là các nước nói tiếng Pháp mà trước đây khi còn kháng chiến tôi đã đến thăm nhiều lần. Theo đề nghị của Bộ Ngoại giao, tôi đi thăm Algérie, Mali, Ghinée, Guinée Bissau và Sénégal để tiếp tục và tăng cường mối quan hệ đoàn kết truyền thống. So với 20 năm về trước, các nước này có phát triển hơn, nhưng không mạnh như các nước ở châu Á. Nhìn chung các bạn còn gặp khó khăn không nhỏ và có thể nói trước quá trình toàn cầu hóa, nhiều khó khăn mới xuất hiện, đặc biệt là khan hiếm về lương thực. Đối với Việt Nam, bạn bè ở đây hết sức hâm mộ, không chỉ vì chúng ta đã chiến thắng các đế quốc lớn mà còn vì những thành tựu to lớn trong phát triển đất nước. Bản thân tôi đã có quen biết với các vị Tổng thống, Thủ tướng ở các nước này, trước đây họ là Bộ trưởng Ngoại giao, nên chuyến đi thăm của chúng tôi (trong đoàn có Bộ trưởng Y tế Nguyễn Trọng Nhân, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên và đồng chí Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty Lương thực miền Bắc...) diễn ra rất thuận lợi; ở mọi nơi đoàn chúng tôi đều được đón tiếp với nghi lễ cao. Các Tổng thống Algérie, Ghinée, Mali đều cho chuyên cơ riêng của Tổng thống đưa chúng tôi đi từ nước này đến nước kia. Sau chuyến đi, trên đường từ Sénégal về Paris, có một sự tình cờ khá thú vị. Tôi ngồi cạnh ông Jacques Diouf, Chủ tịch Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO), người Sénégal. Chúng tôi trao đổi với nhau về tình hình lương thực thế giới. Ồng Diouf rất quan tâm hỏi tôi: Làm sao Việt Nam trước đây không lâu phải nhập lương thực mà nay lại xuất khẩu gạo với một khối lượng lớn? Chúng tôi trao đổi ý kiến về tình hình khó khăn của các nước châu Phi trong sản xuất nông nghiệp. Sau cùng tôi nói với Chủ tịch FAO: với lập trường luôn luôn coi trọng đoàn kết với các nước châu Phi, Việt Nam rất mong muốn giúp đỡ bạn bè, nhưng còn rất nghèo nên không thể gửi chuyên gia nông nghiệp sang các nước được. Chúng tôi bàn bạc và đi đến một sáng kiến quan trọng: Hợp tác tay ba, Việt Nam gửi chuyên gia, FAO tài trợ một phần lớn cho chuyên gia, nước chủ nhà chịu một phần phí tổn tại chỗ cho sinh hoạt của chuyên gia. Chúng tôi quyết định kế hoạch hợp tác này sẽ bắt đầu từ Sénégal. Tôi về nước, vài tháng sau có một đoàn nông nghiệp của Sénégal sang ta để bàn kế hoạch hợp tác với Bộ Nông nghiệp. Mọi vấn đề được thống nhất nhanh chóng, duy có một việc còn vướng mắc là lương các chuyên gia Việt Nam. Một số Bộ như Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội cho đây là lương chuyên gia quốc tế nên phải cao. Thế nhưng trong thực tế chuyên gia nông nghiệp của ta ở đây chỉ có một số là kỹ sư còn phần lớn là trung cấp kỹ thuật. Hơn nữa đây là hợp tác mang tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Thủ tướng Sénégal gọi điện thoại cho tôi nhờ can thiệp. Tôi điện trình với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đồng chí tán thành ngay quan điểm của tôi và chỉ thị cho Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn giải quyết nhanh chóng vấn đề lương chuyên gia nông nghiệp Việt Nam ở Sénégal. Tôi rất vui thấy sáng kiến của mình đã biến thành chủ trương của Chính phủ. Đây là một chủ trương không chỉ có lợi cho bạn mà cả cho ta. Và đứng về đường lối chính trị chung, ta đang thực hiện quan hệ hợp tác “Nam-Nam” theo đường hướng của Phong trào Không Liên kết. Sau hai năm triển khai kế hoạch hợp tác, Chính phủ Sénégal rất phấn khởi, cho biết sản lượng lúa đã tăng gấp ba, bốn lần. Được tin này, nhiều nước khác cũng đặt vấn để hợp tác nông nghiệp với Việt Nam theo mô hình của Sénégal. Sự kiện đối ngoại lớn mà tôi nhớ nhất trong thời gian này là Hội nghị cấp cao lần thứ bảy của Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp họp năm 1997 tại Hà Nội. Các nước lần lượt đăng cai hội nghị cấp cao. Đến lượt Việt Nam, ta rất ngại vì đây là lần đầu tiên tổ chức Hội nghị cấp cao (đến dự toàn các nguyên thủ quốc gia) ta có khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng không thể từ chối vì uy tín của Việt Nam. Thế là từ 1995 phải bắt tay vào việc chuẩn bị. Quan trọng nhất là hội trường lớn cho hội nghị. Với sự giúp đỡ của Pháp, Canada... đến đầu năm 1997 ta đã xây xong nhà hội nghị ở số 11 Lê Hồng Phong. Lúc đó, đây là nơi họp khang trang và tiện nghi nhất ở Hà Nội. Việc chuẩn bị các mặt khác từ nội dung đến kế hoạch ăn ở, đi lại cho hơn 50 nước cũng được tiến hành khẩn trương. Ban Tổ chức do đồng chí Nguyễn Khánh, Phó Thủ tướng chủ trì nên mọi việc đều được thực hiện đúng kế hoạch, đến ngày họp, có thể nói đã đâu vào đấy. Lúc đó, đồng chí Lê Đức Anh không còn làm Chủ tịch nước, đồng chí Trần Đức Lương kế nhiệm. Hội nghị khai mạc ở Cung Văn hóa Hữu nghị và làm việc ở 11 Lê Hồng Phong. Buổi khai mạc diễn ra long trọng. Sau khi Ban tổ chức tuyên bố lý do, một trình diễn nhỏ để chào mừng đại biểu đã gây ấn tượng rất tốt. Hai mươi em nhỏ độ 10-12 tuổi, 10 nam, 10 nữ trong quần áo dân tộc ngộ nghĩnh vòng tay chào các vị khách quý rồi hát một bài tiếng Pháp “Chúng em ước mơ một ngày...” rất dễ thương, các vị nguyên thủ quốc gia tỏ rõ niềm vui và xúc động. Sau đó, đồng chí Trần Đức Lương phát biểu khai mạc bằng tiếng Pháp, Tổng thống Chirac thay mặt các vị khách đáp từ. Cuộc họp cấp cao lần này khá đông đủ với 55 nước thành viên, phần lớn do Tổng thống hay Thủ tướng dẫn đầu. Nhiều vị nguyên thủ quốc gia lẩn đầu tiên đến Việt Nam. Có người nói với chúng tôi: “Nghe nói nhiều về Việt Nam nên muốn đến Việt Nam để biết về con người và đất nước nổi tiếng anh hùng!” Tôi được phân công chủ trì hội nghị với tư cách chủ nhà. Đồng chí Trịnh Đức Dụ, đại diện của Việt Nam ở Ủy ban Thường trực Tổ chức cộng đồng nói tiếng Pháp từ Paris về nước để giúp tôi. Về nội dung có một số vấn đề khó như việc lựa chọn Tổng Thư ký mới thay ông Boutros Boutros-Ghali, người Ai Cập, đã làm hai nhiệm kỳ. Việc này được dàn xếp ngoài hành lang... Cái khó nhất của người điều hành hội nghị là giờ giấc. Ở các hội nghị cấp cao trước tôi đã dự, chủ nhà thường nể nang, nhất là đối với các “nước lớn”, nên có khi phải chờ nhau hàng tiếng đồng hồ. Lần này từ đầu tôi đã khéo léo nhắc nhở các vị khách quý cố gắng bảo đảm chương trình làm việc. Thái độ của tôi là mềm mỏng và hữu nghị với mọi người nhưng cũng đã tạo thêm sự kính nể của các vị khách đối với chủ nhà. Việc đi lại, ăn ở ngoài hội nghị cũng diễn ra trật tự và lịch sự. Cuộc chiêu đãi ở Phủ Chủ tịch cũng như đêm văn nghệ ở Nhà hát lớn được tổ chức chu đáo và gây ấn tượng tốt với tất cả các đoàn về lòng mến khách và văn hóa dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Hội nghị cấp cao Cộng đồng các nước nói tiếng Pháp lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội đã làm cho nhiều nước, trong đó có một số nước lần đầu tiên đến Việt Nam, hiểu thêm về Việt Nam, một nước không những có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường mà còn đang phát triển nhanh, có đường lối hữu nghị, hợp tác cởi mở và một nến văn hóa độc đáo. Báo chí nước ngoài đến Hội nghị cáp cao rất đông, đã đưa nhiều tin tốt về Việt Nam. Có thể nói, Hội nghị cấp cao lần thứ 7 đã góp phần nhất định đưa vị thế Việt Nam lên cao trên trường quốc tế. Tại hội nghị này, Tổng thống Sénégal, ông Abdou Diouf, đã cảm ơn lãnh đạo ta đã giúp đỡ bạn có hiệu quả trong phát triển nông nghiệp. Tổng thống Mali bày tỏ mong muốn được Việt Nam giúp đỡ. Tổng thống Chirac sau hội nghị này càng có quan hệ gắn bó với ta. Nhiều lần đi công tác sang Paris, tôi đến chào ông. Lúc nào ông cũng rất niềm nở. ------------------------------------------------------------------ 1. Union pour un Mouvement Populaire. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Ba, 2023, 03:26:19 pm Trong Bộ Chính trị, chủ tịch Lê Đức Anh được phân công phụ trách khối tư pháp. Khi đó có nhiều dư luận của nhân dân phàn nàn về các hoạt động tư pháp của ta, năm 1995, Chủ tịch yêu cầu tôi thay mặt đồng chí đi kiểm tra tình hình các cơ quan tư pháp ở một số địa phương.
Thực tế sau ngày hòa bình được lập lại một số năm, lãnh đạo chúng ta mới quan tâm đến ngành tư pháp. Bộ Tư pháp được thành lập lại năm 1980. Cho nên so với ngành công an, đội ngũ cán bộ tòa án, kiểm sát viên, luật sư... còn rất mỏng và trình độ có hạn, có những kém khuyết là điều dễ hiểu. Muốn phát triển đất nước vững mạnh, xảy dựng một Nhà nước pháp quyền thì đây là một khâu cực kỳ quan trọng. Tham gia nhiều khóa Quốc hội, nay lại là Phó Chủ tịch nước, tôi càng hiểu tầm quan trọng của pháp luật. Một nhà nước Dân chủ không thể không quản lý thông qua một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Và điều quan trọng nữa là ý thức người dân đối với pháp luật. Nhân dân phải hiểu về pháp luật để hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình. Đây là quá trình giáo dục và vận động lâu dài. Để thực hiện đợt kiểm tra tư pháp lớn nói trên, tôi đã thành lập các đoàn gồm đồng chí trợ lý pháp luật của Chủ tịch, đồng chí Phạm Hưng, nguyên Chánh án Tòa án Tối cao, các Thứ trưởng của Bộ Công an, Tư pháp, Viện Kiểm sát... đi làm việc ở chín tỉnh, thành từ Bắc đến Nam. Nhờ đoàn có đủ thành phần của khối tư pháp nên chúng tôi có thể cùng nhau nghe các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương báo cáo, sau đó trao đổi và đánh giá những vấn để tồn tại trong từng lĩnh vực của từng nơi. Chúng tôi thấy rõ cơ sở vật chất của ngành tư pháp nói chung nghèo nàn. Toà án các cấp còn sơ sài, không thể hiện sự uy nghiêm của cơ quan pháp luật, đại diện cho Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa. Các trại giam của tỉnh, của huyện còn quá sơ sài, thiếu thốn. Điều còn đáng quan tâm hơn là trình độ cán bộ ngành tư pháp ở nhiều nơi còn thấp, không đồng đều. Đặc biệt việc bắt khẩn cấp không cần thiết của cơ quan công an còn khá nhiều, việc cải sửa các vụ án của các tòa án các cấp cũng còn nhiều thiếu sót; sự phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, công an, Viện Kiểm sát và Tòa án chưa chặt chẽ..., nhất là ở một sổ tỉnh phía Nam. Sau đợt kiểm tra ở chín địa phương về, tôi đã có một báo cáo cho Chủ tịch về thực trạng hoạt động tư pháp của ta và kiến nghị cần sớm tiến hành cải cách tư pháp. Tôi nghĩ trong chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp sau này có phần đóng góp của chúng tôi. Trong quá trình đi kiểm tra, chúng tôi cũng đã có kiến nghị giải quyết một số vấn để cụ thể tại chỗ. Đến trại giam của Bộ Công an ở Hà Nội, chúng tôi gặp trường hợp một thanh niên ngoại thành bị kết án tử hình nhưng giam giữ hơn sáu năm không xử được vì bị can và gia đình kêu oan, kháng cáo, tòa án xử đi xử lại nhiều lần đều không xong. Chúng tôi kiến nghị nếu không đủ chứng cứ để kết tội nặng thì trước mắt phải hạ hình phạt để cho bị can có thể sống trong điểu kiện của những tù nhân bình thường, đỡ khắc nghiệt hơn. Sau đó, tôi được biết Tòa án thành phố đã xem xét lại và giải quyết theo hướng đề nghị của chúng tôi. Đến Thành phố Hồ Chí Minh, xuống một trại giam của huyện Củ Chi, tôi gặp nhiều phụ nữ bị bắt vì “cờ bạc”. Họ là người buôn bán vặt, mua gánh bán bưng, có người còn con nhỏ. Chúng tôi bàn với các đồng chí địa phương đối với những trường hợp như thế này nên phạt cảnh cáo rồi tha cho họ về. Đến các trại giam, tôi thường tìm gặp người lớn tuổi nhất, người nhỏ tuổi nhất, phụ nữ và người có trình độ văn hóa cao... để tìm hiểu các nguyên nhân phạm tội. Tôi nhớ khi đến trại Z.30 (Xuân Mộc), hỏi ở đây có người nào học vị cao, anh em cho biết có một ông tiến sĩ. Tôi đề nghị được gặp ngay anh Nguyễn T. Anh T. đã sang làm nghiên cứu sinh về vật lý tại Liên Xô, phải về nước vì tình hình chính trị ở Liên Xô lúc đó “không thuận lợi”. Về nước, trong lúc chưa bố trí được công việc thích hợp, tổ chức đề nghị anh phụ trách “xí nghiệp đời sống” để lo đời sống cho cán bộ đang hết sức khó khăn. Anh T. chưa bao giờ làm kinh tế, và với những cơ chế vòng vèo hồi bấy giờ, xí nghiệp bị thua lỗ là rất dễ hiểu và anh đã bị kết tội. Nghe chuyện, tôi rất áy náy. Tôi hỏi anh T. có thắc mắc gì không, anh bình thản trả lời: “Mình làm sai, thì phải chịu.” Anh đã bị giam gần năm năm. Sau đợt kiểm tra, có một đợt đặc xá. Tôi tha thiết đề nghị với Hội đồng đặc xá xem xét trường hợp của anh T. Và anh đã được đặc xá sớm. Quả thật bố trí cán bộ theo kiểu như vậy và lại chẳng có ai giúp đỡ người ta làm việc, thật là nguy hiểm! Đợt kiểm tra ở Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi được nghe báo cáo về một số vụ phức tạp. Đây là một cảng có cơ sở dầu khí lớn của ta, một vùng đất trù phú nên nhiều người trong nước và nước ngoài đổ đến tìm cơ hội làm ăn. Thời gian chúng tôi ở địa phương quá ngắn, không đủ để đi sâu tìm hiểu cặn kẽ. Tôi không yên tâm, nên khi về Hà Nội, tôi và đồng chí Phạm Hưng đã yêu cầu Viện Kiểm sát Tối cao rút một số hồ sơ lên để xem xét và từ đó có sự chỉ đạo sát sao. Trong các vụ, có việc của T.V.B., một Việt kiều gốc Sóc Trăng, từ Hà Lan về đầu tư ở Bà Rịa-Vũng Tàu trong lĩnh vực thủy sản và du lịch sinh thái. Do lãnh đạo địa phương không thống nhất và các cơ quan tư pháp của tỉnh xử lý một cách áp đặt, gia đình đương sự đã gửi đơn khiếu nại lên nhiều cơ quan Trung ương. Tôi lắng nghe dư luận và tìm hiểu, thấy cách làm của Bà Rịa-Vũng Tàu không đúng, không phù hợp với chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với Việt kiều, là đối tượng ta đang kêu gọi họ về xây dựng đất nước. Luật pháp của ta đang trong quá trình hoàn thiện, ngay cả đối với người trong nước đôi khi cũng gặp khó khăn khi thực hiện, đối với Việt kiều càng khó khăn hơn, nên nếu họ không có gì sai phạm lớn, nguy hiểm thì nên cảnh báo, hướng dẫn họ là tốt nhất. Kiến nghị của tôi không được cơ quan công an, Viện Kiểm sát và Tòa án Tối cao chấp nhận. Một số báo chí không đồng tình với cách giải quyết của cơ quan tư pháp nhưng cũng không được lắng nghe. Dư luận Việt kiều ở nước ngoài cũng tỏ bất bình đối với vụ việc này. Tôi cùng đồng chí Phạm Hưng, lúc đó là trợ lý pháp luật cho Chủ tịch Trần Đức Lương, cố gắng trình bày với các đồng chí lãnh đạo Đảng nhưng không kết quả. Cuối cùng tôi quyết định phải sử dụng quyền Đại biểu Quốc hội của mình. Trong một phiên họp Quốc hội tháng 5.1998, tôi đã đứng lên chất vấn đồng chí Chánh án Tòa án Tối cao và yêu cầu Thường vụ Quốc hội cho giám sát việc này. Đồng chí Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội, đã ghi nhận yêu cầu của tôi. Nhưng sau đó Ủy ban Pháp luật được giao nhiệm vụ giám sát đã không làm việc nghiêm túc, không giúp làm rõ được vấn để nên để sự việc kéo dài, và về sau đã gây ra nhiều rắc rối. Tôi nghĩ tôi đã làm đúng với lương tâm và trách nhiệm. Nhiều người đồng tình với thái độ của tôi; nhưng cũng có người suy nghĩ cứng nhắc, thậm chí còn hỏi: “Tại sao chị bênh vực T.V.B? Chị có gặp anh này chưa?” Và tôi đã thẳng thắn trả lời: “Tôi chưa biết mặt anh này bao giờ, nhưng pháp luật phải được áp dụng đúng người đúng tội!” Về sau tôi được biết Chính phủ đã xem xét lại vụ án này, lúc đó mới có người nói: “Nếu trước đây nghe chị Bình thì không đến nỗi rắc rối thế này!” Tôi đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm kỳ Phó Chủ tịch nước lần thứ nhất và được đề cử tiếp tục nhiệm kỳ hai. Thời gian này gia đình tôi lại có chuyện buồn. Em Hà tôi từ Côn Đảo về đã lo tôn tạo, dời đền thờ Cụ Phan Châu Trinh đến gần mộ Cụ chôn cách đây đã trên 60 năm. Địa điểm mới rộng rãi, khang trang hơn, xứng đáng là nơi tưởng niệm một nhà yêu nước lớn. Làm xong việc này Hà đổ bệnh, tôi cố gắng nhờ bạn bè, đồng chí trong ngành y tế hết sức giúp đỡ nhưng không cứu được em tôi qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Tôi buồn và đau đớn chưa có điểu kiện sống với em được nhiều, chưa đưa được em tôi đi thăm các căn cứ, cơ sở kháng chiến mà em luôn gắn bó và thiết tha mong ước được gặp lại... Cũng may, thời gian này tôi lại có được một niềm an ủi: tôi đã giải quyết được một việc mà nếu chồng tôi còn sống anh sẽ rất vui. Tôi đã cho được cháu Thắng, con trai chúng tôi đi học cao học ở nước ngoài trong hai năm. Hai năm này đã đem đến cho Thắng nhiều kiến thức bổ ích để vận dụng trong công tác về sau. Mấy năm trước, sau khi tôi ở Hội nghị Paris về, Thắng được tuyển đi học ở Liên Xô hay Đức, nhưng tôi và anh Khang bàn nhau không cho cháu đi, nghĩ rằng Thắng cần học trong nước để “rèn luyện tốt hơn”, chúng tôi đưa cháu lên trường Đại học Quân sự Vĩnh Yên. Tốt nghiệp xong, cháu muốn đi học thêm, nhưng rất khó. Cháu bảo: “Những đứa bạn của con đi học nước ngoài, bây giờ chúng nó muốn xin đi học tiếp, rất dễ. Còn con vì học trong nước...” Tôi nghe như một lời trách cứ, dù Thắng không bao giờ than phiền. Sau những năm lận đận công tác, hết chỗ này đến chỗ khác, với bằng kỹ sư cơ khí, bây giờ cháu được đi học thêm ở nước ngoài để nâng cao trình độ và hướng vào ngành kinh tế tài chính là ngành mà xã hội đang rất cần, tôi rất mừng, cảm thấy đã sửa chữa được phần nào một quyết định có phần cứng nhắc của vợ chồng tôi ngày trước. Bước vào nhiệm kỳ Phó Chủ tịch nước lần thứ hai, tôi có kinh nghiệm hơn. Theo sự phân công của Chủ tịch Trần Đức Lương, người kế nhiệm đồng chí Lê Đức Anh, tôi cũng tập trung vào những công tác giáo dục, xã hội, thi đua khen thưởng. Năm 2001, tôi đã gặp một việc khó quên: Một hôm, tôi sắp đi họp Hội nghị Trung ương (với tư cách là khách mời) thì có hai người lạ đến gặp. Một người già, tóc bạc, mà mãi một lúc sau tôi mới nhận ra là một bác sĩ tôi đã quen cách đây 40 năm, và một người nông dân. Nghe qua câu chuyện, tôi hiểu việc rất gấp nên ông bạn lâu năm mới tìm đến tôi. Tại tỉnh Bến Tre, một thanh niên tên Nguyễn Văn M„ con ông Nguyễn Văn Út - ông nông dân đến gặp tôi - bị tố cáo đã cưỡng hiếp và giết người. Tòa án đã kết án tử hình, bốn ngày nữa sẽ đưa ra hành quyết. Gia đình và nhiều người quen cho đây là vụ xử oan nên đã chạy kêu cứu khắp nơi. Chưa rõ sự việc nhưng tôi biết ông bạn tôi là người đứng đắn, đã từng làm Ủy viên pháp y của nhà nước. Tôi cũng nghĩ người đã bị xử nếu chết thì dẫu sau này có được minh oan cũng chẳng còn cứu được nữa. Đến Hội nghị Trung ương tôi tìm ngay đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, trình bày sự việc và đưa luôn đơn kêu oan của ông Nguyễn Văn Út, yêu cầu đồng chí cho hoãn ngay việc hành quyết để tiếp tục điều tra, xem xét thêm. Trước đề nghị khẩn thiết của tôi, đồng chí Nông Đức Mạnh đồng ý và cho mời ngay đồng chí Chánh án Tòa án Tối cao cũng có mặt tại hội nghị, chỉ thị điện khẩn cho Tòa án Bến Tre. Sự can thiệp được kịp thời nên việc hành quyết đã không diễn ra. Sau đó, tôi đề nghị tòa án và các cơ quan pháp luật ở trung ương và địa phương xem xét lại vụ án. Theo quan điểm của tôi, nếu chưa có đầy đủ chứng cứ hay chứng cứ bị thất lạc(?) thì trước mắt phải hạ hình phạt. Tội nhân dẫu già hay còn trẻ, cũng phải mở cho họ con đường ra... Tôi vui vì đã làm theo lương tâm của mình, giúp được một gia đình nông dân thoát khỏi một tai họa lớn. Sau đó, tôi tiếp tục nhắc các đồng chí ở tỉnh theo dõi và giải quyết vụ việc này cho đúng pháp luật. Với tư cách Phó Chủ tịch nước, tôi đã nhiều lần phản ánh với các cơ quan có trách nhiệm về những vụ việc và cán bộ tiêu cực, sai trái. Nhưng tôi cũng luôn tích cực bảo vệ các đồng chí tốt bị hàm oan. Không phải tất cả những nỗ lực kiểm tra hay can thiệp của tôi đều có kết quả nhưng tôi nghĩ tôi đã cố gắng hết sức làm tốt nhất trách nhiệm của mình. Trong mười năm làm Phó Chủ tịch nước, tôi luôn có ý thức quan tâm đến các vấn đề văn hóa-xã hội. Cùng đồng chí Vũ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước (nay là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) chúng tôi đã trình lên đồng chí Lê Đức Anh và Bộ Chính trị một để án khôi phục phong trào thi đua khen thưởng đã bị sao lãng một thời gian dài. Nhiều người bảo nay đã đi vào kinh tế thị trường thì chỉ có cạnh tranh, và cạnh tranh là thi đua rồi. Chúng tôi nghĩ khác: không thể nói là không cần thi đua, vì thi đua không chỉ là cạnh tranh vì lợi ích mà còn có ý nghĩa của ý thức yêu nước, khuyến khích sự vượt lên khó khăn của từng người dù vị trí thấp hay cao, điều đó rất cẩn thiết trong quản lý xã hội của chúng ta hiện nay. Ý kiến của chúng tôi được chấp nhận. Thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về thi đua khen thưởng, sau một thời gian ngắn phong trào thi đua yêu nước được khơi dậy sôi nổi và đều khắp. Với tư cách là Phó Trưởng ban thứ nhất (đồng chí Thủ tướng Phan Văn Khải là Trưởng ban) năm 2000 chúng tôi đã tổ chức Đại hội Thi đua Toàn quốc lần thứ nhất rất sôi nổi và thành công. Trong số anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, tôi vui mừng thấy có nhiều chị em rất xứng đáng, như nữ thuyền trưởng Nguyễn Xuân Hồng (có lẽ là nữ thuyền trưởng duy nhất ở Việt Nam). Trong cơn bão kinh hoàng năm 1998, cô Hồng đã bất chấp hiểm nguy vượt sóng to gió lớn cứu được mấy chục ngư dân. Như chị Trần Thị Đường, Giám đốc Công ty Dệt Phong Phú, một trong những công ty dệt làm ăn phát đạt nhất. Như Giám đốc Nông trường Sông Hậu ở Cần Thơ Trần Ngọc Sương đã kế tục nhiệm vụ của người cha cũng là anh hùng lao động, xây dựng Nông trường Quốc doanh rất lớn, cải thiện đời sống cho hàng ngàn gia đình nông dân. Phải nói chị em thực sự giỏi giang, không kém nam giới chút nào. Gần đây có tin một số lãnh đạo Nông trường Sông Hậu của cô Sương, kể cả chính cô, bị khởi tố vì sai phạm trong quản lý tài chính. Tôi nghe nhiều dư luận khác nhau, tôi không thật rõ sự việc cụ thể, nhưng tôi cho rằng trong hoạt động kinh tế, lại vào thời kỳ rất khó khăn và trong cơ chế cũ tại thời điểm bấy giờ, ta giao việc cho người ta mà không giúp đỡ và kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện thiếu sót, đến khi cho là đã trầm trọng thì chỉ biết truy tố, xét xử một cách lạnh lùng, xử lý một sự việc và một con người như thế, vậy trách nhiệm chúng ta ở đâu, và liệu là đúng lý phải tình chưa? Tôi thật sự không đồng tình, và tin rằng cuối cùng sự thật sẽ thắng. Năm 1994, Đảng và Nhà nước chủ trương tôn vinh Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là ý kiến đề xuất của Chủ tịch Lê Đức Anh, được dư luận rất hoan nghênh, tuy có người cho là hơi chậm. Sau gần 20 năm có bao nhiêu bà mẹ xứng đáng với danh hiệu cao quý đã không còn nữa. Nhưng dù sao chủ trương đầy ý nghĩa đạo lý này đã đem đến cho hàng ngàn gia đình niềm tự hào và an ủi. Hai địa phương có nhiều mẹ anh hùng là Quảng Nam quê tôi và đất thép Củ Chi. Công việc quan trọng này do Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương thực hiện. Với trách nhiệm thay mặt Chủ tịch nước, tôi đã tiếp nhiều Bà mẹ anh hùng. Phần đông các mẹ rất nghèo và cô đơn. Mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Bàn, Quảng Nam có mười một người thân là chồng, con và cháu đã hy sinh. Đây cũng chính là quê anh Nguyễn Văn Trỗi và chị Trần Thị Lý. Có lẽ trên thế giới, qua bao nhiêu cuộc chiến tranh, ít có gia đình nào đã phải chịu mất mát to lớn như vậy. Nghe cuộc đời của các mẹ, tôi càng thấm thía “Trong chiến tranh, người phụ nữ là người chịu nhiều hy sinh nhất!”. Tôi dành nhiều thời gian cho công tác chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật. Luật Chăm sóc Giáo dục và Bảo vệ Trẻ em được ban hành năm 1991 quy định việc thành lập Quỹ Bảo trợ Trẻ em nhằm vận động nhân dân đóng góp cùng với Nhà nước chăm lo sự nghiệp quan trọng này. Tôi được mời làm Chủ tịch Quỹ. Một số đồng chí nguyên là Bộ trưởng, Thứ trưởng (các đồng chí Lê Xuân Trinh, Trần Thị Thanh Thanh, Lê Huy Côn...) là thành viên của Hội đồng Quỹ. Mười lăm năm qua, Quỹ hoạt động ngày càng mạnh, đã đem lại lợi ích cho hàng vạn trẻ em bất hạnh, khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, với những chương trình “Ngàn nụ cười”, “Ánh mắt trẻ thơ”, “Phẫu thuật chân tay”, và gần đây là chương trình “Trái tim tuổi thơ”. Thật không có gì vui và hạnh phúc hơn khi làm được những công việc dù nhỏ để “cứu được những cuộc đời”. Tôi nhớ mãi trong một chương trình phẫu thuật cho các cháu mù bẩm sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh, một em nhỏ khoảng mười hai tuổi đến ôm tôi, nói: “Bà ơi bà, con xin cho em con cũng bị mù như con được mổ mắt.” Tất cả anh chị em trong đoàn đều ứa nước mắt. Đến Bệnh viện Mắt ở Đà Nẵng, chúng tôi gặp một bà mẹ đang ôm đứa con hai tuổi, vừa được mổ một bên mắt bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. Cháu còn phải mổ một bên mắt nữa, bà mẹ khóc và kể: “Cháu đã bắt đầu nhìn thấy mẹ và đồ vật xung quanh.” Lòng tôi tràn ngập niềm vui. Tôi cũng rất thương các cháu bị khuyết tật hở hàm ếch; có em gái mười ba, mười bốn tuổi mà cứ suốt ngày trốn trong nhà không dám ra ngoài vì ngượng và tủi thân. Tôi rất vui khi các cháu được mổ theo chương trình phẫu thuật nụ cười; quả thật nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt rạng rỡ của các cháu. Nhưng cũng có em mổ xong, lại còn bị nói ngọng, gặp nhiều khó khăn khi đi học. Chúng tôi đi tìm các nhà chuyên môn và lập ngay dự án “phát ngôn trị liệu”. Dù không đạt được kết quả hoàn toàn 100% nhưng cũng đã giúp cho các cháu có được một cuộc sống tương đối bình thường... Chương trình phẫu thuật tim được triển khai muộn hơn vì là phẫu thuật kỹ thuật cao, tốn nhiều tiền. Do nhiều nguyên nhân, sổ các cháu bị bệnh tim bẩm sinh ở nước ta là khá cao. Nếu không được chữa chạy kịp thời các cháu rất khó sống, chúng tôi cũng đã có những nỗ lực lớn trong công việc khó khăn này. Đau buồn và đáng thương nhất là các cháu chịu ảnh hưởng của chất độc da cam. Có đến một nửa các cháu ấy phải chịu dị tật rất nặng, gần như vô phương cứu chữa như bại não, liệt tay chân... Thật thương tầm khi thấy những người mẹ phải bế trên tay mình đứa con tàn tật như vậy suốt hơn 30 năm. Và những người cha, người mẹ ấy lại thường là những gia đình nghèo khổ nhất. Chắc trên khắp thế giới không có nơi nào con người phải chịu nhiều đau khổ cho bằng! Từ năm 1998, chúng ta đã thành lập Quỹ Hỗ trợ Nạn nhân Chất độc da cam, trực thuộc Hội chữ thập đỏ. Tôi được giới thiệu làm Chủ tịch danh dự. Giám đốc Quỹ là bác sĩ Lê Cao Đài, có thể nói là một người anh hùng, đã chiến đấu và công tác rất anh dũng trên chiến trường miền Nam, và sau chiến tranh đã vô cùng tận tụy vì những nạn nhân chất độc da cam. Và rồi cuối cùng chính anh cũng đã ra đi vì di hại của chất độc này. Tháng 2.2002, tôi đi dự Hội nghị của Đại hội đổng Liên hiệp quốc để báo cáo mười năm thực hiện Công ước về Quyển trẻ em. Đây là lần thứ hai tôi đến nước Mỹ. Năm 1991, tôi đã đến đây lần đầu với tư cách là Chủ tịch Liên hiệp Tổ chức Hoà bình-Đoàn kết-Hữu nghị Việt Nam, tham dự một hội nghị của các NGO Mỹ hoạt động ở Việt Nam. Đây là hoạt động của các tổ chức nhân dân nên chúng tôi hoạt động khá thoải mái. Chúng tôi ở nhà của một số gia đình Mỹ đã từng ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh, và đi đâu cũng có sự hộ tống của các cựu chiến binh Mỹ. Chúng tôi đi thăm một số khu dân cư của một số cựu chiến binh Mỹ trong vùng nông thôn hẻo lánh ở Caliíomia. Những cựu chiến binh này đã được phục viên từ lâu nhưng việc làm không ổn định nên thu nhập thấp. Nhà cửa của họ đơn sơ, con cái nhếch nhác. Thấy chúng tôi đến thăm, các gia đình tụ họp lại, chào đón chúng tôi rất vui vẻ. Lần thứ hai này, tôi đến nước Mỹ với tư cách Phó Chủ tịch nước. Giữa Việt Nam và Mỹ đã có quan hệ bình thường về ngoại giao. Báo cáo của đoàn Việt Nam về việc thực hiện Công ước về Quyền trẻ em được nhiều đoàn trong Đại hội đổng Liên hiệp quốc hoan nghênh. Họ rất chú ý đến hình thức tổ chức của ta, là Uỷ ban Chăm sóc Bảo vệ Trẻ em, một cơ quan liên ngành, phối hợp hoạt động của các ngành theo những mục tiêu quốc gia của Nhà nước. Các đoàn đều đánh giá đây là một kinh nghiệm hay và hiệu quả. Rất tiếc sau này chính chúng ta lại không giữ hình thức tổ chức này nữa mà ghép vấn đề trẻ em vào các Bộ khác nhau, làm cho công tác này không còn được tập trung, và do đó hiệu quả cũng có thể không bằng trước. Đoàn chúng tôi cũng đã đi thăm Washington và gặp đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ. Chúng tôi cũng đã gặp lại những người bạn Mỹ trong phong trào chống chiến tranh trước đây. Chị Merle Ratner vẫn là người tích cực đứng ra tổ chức cuộc họp mặt có gần 300 người từ nhiều địa phương đến, có người phải đi đến sáu trăm kilomet. Khi chúng tôi bước vào hội trường, hai vệ sĩ đi theo đoàn đứng hai bên cửa, một chục người do chị Merle chỉ huy chào chúng tôi bằng một bài đồng ca. Nghe giai điệu lặp đi lặp lại, chúng tôi mới hiểu nội dung bài hát: “Live like her Madame Binh Dare to struggle, dare to win Dien Bien Phu will come again Live like her Madame Binh Spirit of Vietnam Stronger than the US bomb Spirit of Vietnam Stronger than the US bomb.” Tạm dịch: “Sống như bà Bình Dám đấu tranh, dám chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ lại đến. Sống như bà Bình Tinh thần Việt Nam Mạnh hơn bom đạn Mỹ Tinh thần Việt Nam Mạnh hơn bom đạn Mỹ.” Còn lời nào ca ngợi Việt Nam đẹp đẽ hơn! Những người bạn Mỹ thân thiết của chúng tôi ngày nào nay tóc đã bạc phơ, nhưng nhiệt huyết và tình cảm với Việt Nam thì vẫn nguyên vẹn. Lúc đó, ta đang vận động Mỹ bỏ “cấm vận” và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Khi tôi nêu yêu cầu trên, cả phòng họp nhốn nháo lên. Mọi người đều hô to “Now! Now!” (Ngay bây giờ!). Nhiều phụ nữ đã lên bắt tay và ôm hôn tôi. Tháng 7.2002, tôi kết thúc nhiệm kỳ Phó Chủ tịch nước thứ hai nhẹ nhàng và thoải mái, cảm thấy mình đã cố gắng hoàn thành những nhiệm vụ được phân công. Trước đó, tháng 4.2001, tôi vinh dự được nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Tôi rất biết ơn các đồng chí đã đánh giá tốt về tôi và đã nghĩ đến động viên tôi, dành cho tôi phần thưởng đặc biệt cao quý này. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Ba, 2023, 04:12:04 pm Về hưu nhưng bận rộn Sau 50 năm hoạt động liên tục, tôi nghĩ có lẽ đã đến lúc mình được nghỉ ngơi, lo việc gia đình, đi chơi với bạn bè. Nhưng... Tình hình đất nước còn nhiều ngổn ngang, đời sống cán bộ, nhân dân có khá hơn trước, song nói chung còn nghèo và thiếu thốn. Thế giới, dù nói là Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, thực tế chạy đua vũ trang vẫn tiếp tục, xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược vẫn bùng ra ở đây đó, có thể nói không ngày nào yên... Tôi đặc biệt phẫn uất về cuộc chiến tranh trên lãnh thổ Iraq, đã làm tan nát đất nước này. Những mâu thuẫn cơ bản giữa các quốc gia, các tầng lớp nhân dân vẫn còn đó. Các nước lớn vẫn tìm mọi cách áp chế, thống trị các nước nghèo, kìm chế các nước đang phát triển. Người lao động vẫn nghèo khổ, và theo đánh giá của các nhà hoạt động chính trị quốc tế khoảng cách giàu nghèo ngày càng doãng ra, người giàu, giàu thêm, người nghèo, nghèo hơn. Tình hình thế giới cũng như trong nước đã tác động đến tư tưởng tình cảm của nhân dân ta. Bên cạnh một số đông dù có những lo lắng này khác vẫn tin rằng những gì nhân dân ta đã làm là hết sức đúng đắn, cần phải tiếp tục con đường đã lựa chọn với những điểu chỉnh và giải pháp phù hợp, cũng có không ít người hoang mang, giảm lòng tin, bi quan tiêu cực, thậm chí chống đối. Đời sống vật chất của chúng ta đã khá hơn nhưng xã hội xem chừng lại phức tạp hơn bao giờ hết. Người ta thường nhắc đến những ngày khó khăn ác liệt mà giản dị, trong sáng thời chiến tranh. Nhiều người cũng nói đến một sự xuống cấp văn hóa thật sự đáng lo ngại. Nhiều chuẩn mực đạo đức bị đảo lộn. Xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân, chạy theo tiến, chức vụ ngày càng tăng... Tôi nghĩ khi một xã hội đang chuyển đổi, nghĩa là chưa ổn định, thì tình trạng tâm lý chung của xã hội bối rối, phân vân như thế này có thể cũng là theo quy luật, khó tránh được, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, bước ra khỏi chiến tranh khá lâu mà so với các nước xung quanh, ta đã tụt hậu nhiều mặt. Có phải Đảng và Nhà nước quá nặng về mặt kinh tế mà xem nhẹ vấn đề văn hóa, vấn đề chất lượng con người - nển tảng của xã hội? Và đến bao giờ chúng ta có được một xã hội thật sự dân chủ, công bằng, văn minh? An ninh, quốc phòng còn bị đe dọa. Những day dứt đó khiến tôi cảm thấy không thể ngồi yên, không thể không tiếp tục tham gia vào cuộc sống. Và rồi những năm tháng của tôi kể từ ngày về hưu hóa ra lại là những năm tháng bận rộn có lúc dường như còn hơn cả ngày trước. Có thể cũng là cái “số” của tôi từ ngày còn trẻ: luôn muốn được xông pha vào công việc của đất nước của cuộc sống, không thể, không quen đứng ngoài cuộc. Năm 2003 mở đầu bằng một loạt hoạt động khá thú vị. Đây là năm kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam (27.1.1973). Ngày 25.1.2003, cùng đồng chí Bùi Văn Thanh, nhà sử học ở Viện Khoa học Xã hội, và tiến sĩ Nguyễn Hồng Thạch thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Bộ Ngoại giao, tôi đi dự một cuộc hội thảo với chủ đề “Chiến tranh Việt Nam và châu Âu” ở Paris, do Viện Ngoại giao Chiến lược Pháp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Ngoại giao Pháp. Khoảng một trăm người tham dự, những diễn giả chính là những nhà nghiên cứu chính trị, sử học đến từ nhiều nước châu Âu và cả Mỹ. Về phía Việt Nam, ngoài chúng tôi, Ban tổ chức có mời Bùi Diễm, nguyên Đại sứ của Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ trong những năm 1967-1968. Các diễn giả đều cung cấp nhiều thông tin, tư liệu cụ thể và phân tích thái độ của các nước châu Âu đối với chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, nói chung là khách quan, dựa vào những sự kiện, văn bản, tuyên bố của các chính phủ. Đương nhiên mỗi người đều nhìn vấn để qua lăng kính của quan điểm cá nhân nên có những khía cạnh khác nhau. Hầu hết đều nhìn nhận là phong trào đấu tranh chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam rất rộng lớn, không chỉ có các Đảng Cộng sản và cánh tả như ở Pháp, Ý... mà còn có các Đảng Xã hội Dân chủ ở Bắc Âu, đứng đầu là Thụy Điển, các lực lượng hòa bình trong các tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo, và nổi bật là thái độ mạnh mẽ của giới trí thức châu Âu, tiêu biểu là những nhà trí thức tham gia Tòa án Bertrand Russell 1. Các chính phủ các nước châu Âu đã không để Mỹ lôi kéo vào chiến tranh chống Việt Nam dù Mỹ rất mong muốn một số nước trong khối NATO tham gia, dẫu chỉ là tượng trưng. Có người đã khẳng định chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã làm cho châu Âu, Cựu lục địa, càng xa cách với Mỹ, Tân lục địa. Nhiều diễn giả Pháp đã nói đến thái độ của Tổng thống De Gaulle và sự đóng góp của Chính phủ Pháp đối với tiến trình đàm phán của Hội nghị Paris về Việt Nam. Tôi và Bùi Diễm là hai diễn giả chính về phía Việt Nam. Không có sự tranh cãi giữa chúng tôi, nhưng tất nhiên quan điểm của hai bên hoàn toàn khác nhau. Bùi Diễm không tán thành cách gọi “chiến tranh của Mỹ”, vì theo ông đây là cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa quốc gia và cộng sản, Cộng hòa Việt Nam, là “phía quốc gia được Mỹ ủng hộ”, cũng như “phía cộng sản được phe Xã hội chủ nghĩa Liên Xô, Trung Quốc ủng hộ”. Và để chiến thắng, “phía cộng sản đã dùng bạo lực một cách quyết liệt, gây ra bao nhiêu chết chóc và tàn phá”. Tôi gắng tự kiềm chế đọc bài phát biểu chuẩn bị sẵn, trình bày có hệ thống quá trình diễn ra cuộc đấu tranh chống sự xâm lược của Mỹ, lập trường trước sau như một của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Mặt trận dân tộc Giải phóng - Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam, là vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954. Tôi nhấn mạnh: “Sức mạnh chiến đấu của chúng tôi là tinh thần yêu nước và sự đoàn kết của toàn dân. Những người cộng sản đã đi đầu trong cuộc chiến đấu chấp nhận hy sinh gian khổ nhất vì Tổ quốc và nhân dân, đó là sự thật không thể phủ nhận.” Có một người tham gia Hội thảo hỏi: “Có tài liệu nói có 300.000 quân Trung Quốc sang chiến đấu bên cạnh quân Việt Nam?” Tôi trả lời luôn: “Nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều, về chính trị và vật chất, nhưng trên chiến trường miền Nam chỉ có Quân giải phóng Việt Nam.” Cuộc hội thảo diễn ra trong hai ngày, và rồi chắc chắn sẽ còn nhiều hội thảo quốc tế, nhiều sách báo các nước tiếp tục tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, một trong những sự kiện lớn nhất của thế kỷ XX. Hơn một tháng sau, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tổ chức Hội thảo nhân kỷ niệm 30 năm ngày ký kết Hiệp định Paris, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm về đấu tranh ngoại giao. Các chủ trương đúng đắn và kịp thời của chúng ta về ngoại giao, phối hợp ngoại giao với chiến trường, tranh thủ đoàn kết quốc tế, đặc biệt đối với Liên Xô và Trung Quốc... là những bài học nhiều ý nghĩa. Cũng có ý kiến đặt vấn đề năm 1954, Việt Nam có thể tiếp tục cuộc chiến đến cùng để giải phóng hoàn toàn và thực hiện thống nhất đất nước mà không dừng lại ở Hiệp định Genève, chấp nhận chia cắt đất nước ở vĩ tuyến 17? Liệu ta đã có bỏ lỡ cơ hội có thể rút ngắn chiến tranh không? Theo tôi Hiệp định Genève ngoài việc phản ánh tình hình so sánh thế và lực của hai bên vào năm 1954, còn cho thấy những quan hệ quốc tế phức tạp lúc bấy giờ... Hiệp định Paris đạt được thành quả trọn vẹn hơn chắc chắn là từ những kinh nghiệm quý báu từ Hiệp định Genève. Đấy là sự tài tình của Đảng và nhân dân ta. ------------------------------------------------------------------- 1. Các trí thức tham gia Tòa án Russell hay Tòa án Quốc tế về Tội ác chiến tranh năm 1967 (27 người) gồm một số gương mặt tiêu biểu: Bertrand Russell (triết gia, nhà toán học Anh), Jean-Paul Sartre (triết gia Pháp), Vladimir Dedijer (nhà sử học, luật học Nam Tư), Wolfgang Abendroth (giáo sư khoa học chính trị Đức), Simone de Beauvoir (nhà văn, triết gia Pháp), Lázaro Cárdenas (nguyên Tổng thống Mexico), Amado V. Hernandez (nhà thơ Philippines), Sara Lidman (nhà văn Thụy Điển), Kinju Morikawa (nhà hoạt động xã hội Nhật Bản), Peter Weiss (nhà văn, nghệ sĩ Thụy Điển-Đức) v.v... Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Ba, 2023, 04:18:34 pm * * * Từ 2003 đến 2013, kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris và có thể tiếp tục nhiều năm nữa, cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam vẫn được nhiều nhà hoạt động chính trị, nhà sử học quốc tế nghiên cứu và đánh giá. Và những cầu hỏi lặp đi lặp lại là: Tại sao Mỹ xâm lược Việt Nam? Nhờ đâu nhân dân Việt Nam đã chiến thắng? Có thể chấm dứt chiến tranh sớm hay không? Ý đồ các bên khi ký Hiệp định Pari, v.v.. Trong nhiều cuộc hội thảo, tiếp xúc, tôi có dịp đối thoại, giải thích. Cách đây mấy năm trong một lẩn phát biểu, ông Henry Kissinger thừa nhận Hoa Kỳ thất bại là vì mục tiêu không rõ ràng và không có sự ủng hộ trong nước... Một số chuyên gia về Mỹ và chiến tranh ở Việt Nam cho rằng Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh từ 1961-1964 nhằm ngăn chặn Cộng sản theo nguyên tắc của chiến tranh lạnh giữa hai phe. Nhưng đến 1967, khi thấy rằng cuộc chiến tranh ở Việt Nam không phải do Nga và Trung Quốc chỉ đạo, thì Mỹ chỉ có mục đích là giúp cho miền Nam Việt Nam đứng vững, không rơi vào tay Cộng sản Bắc Việt. Từ đó Mỹ nghĩ phải rút quân và “Việt Nam hóa chiến tranh” v.v... Cách giải thích này quá đơn giản với một cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, đã tàn phá một đất nước, làm hàng triệu người chết. Đối với chúng tôi, mục tiêu của Mỹ là rõ ràng. Dù là mục tiêu muốn biến miền Nam Việt Nam thành một thuộc địa kiểu mới của Mỹ hay là muốn ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản xuống Đông Nam Á, Mỹ không có quyền tiến hành chiến tranh xâm lược... Đó là sự vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm đến chủ quyển của một nước, chà đạp lên quyền chọn lựa của một dân tộc. Do đó, họ đã bị phản đối ngay tại trong nước và cả thế giới - và đó chính là nguyên nhân của sự thất bại của họ. Thực ra, cả Pháp cũng như Mỹ đều không hiểu lịch sử và dân tộc Việt Nam. Đó là nguyên nhân cơ bản làm cho các cuộc chiến tranh xâm lược của họ đều thất bại. Về quan hệ giữa miền Nam Việt Nam và miền Bắc Việt Nam, họ nên nhớ rằng, năm 1945, sau Cách mạng tháng Tám, cả dân tộc từ Bắc chí Nam đã đứng lên giành độc lập và chọn cho mình con đường “dân chủ cộng hòa” Cho nên khi Mỹ phá hoại Hiệp định Genève 1954 và lập ra chính quyền “Saigon”, nhân dân miền Nam phải tiếp tục cuộc kháng chiến, với sự giúp đỡ của miền Bắc để hoàn thành sự nghiệp giành độc lập và thống nhất Tổ quốc còn dở dang. Thì làm sao có chuyện miền Bắc xâm lược miền Nam? Tháng 4.2003, tôi cùng một số đồng chí đứng ra thành lập Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong tình hình mới. Hòa bình đối với mọi dân tộc, đặc biệt đối với nhân dân Việt Nam từng chịu đựng mấy chục năm chiến tranh liên tục, là nguyện vọng tối cao. Có hòa bình chúng ta mới phát triển được đất nước, xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho nhân dân. Việt Nam đã từng là thành viên tích cực của Phong trào Hòa bình Thế giới, là thành viên của CPM (Hội đồng Hòa bình Thế giới) và phong trào này đã góp phần rất tích cực trong thắng lợi của chúng ta chống chiến tranh xâm lược của Mỹ. Ngày nay, chúng ta vẫn phải tiếp tục đấu tranh bảo vệ hòa bình, vì lợi ích của ta và của nhân dân thế giới. Phát triển đất nước trong thế giới toàn cầu hóa mà những nước giàu, nước mạnh đang chi phối là một nhiệm vụ khó khăn, đầy thách thức. Chúng ta nhất thiết phải học hỏi kinh nghiệm các nước, biết đoàn kết, hợp tác rộng rãi và bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và khôn khéo, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng chống lại mọi sự chèn ép của các thế lực đối địch khác nhau. Việt Nam cần tham gia các thể chế kinh tế - tài chính - thương mại quốc tế lớn nhất, sẽ tạo được nhiều thuận lợi mới, song cũng phải vượt qua được những thử thách mới. Dù gặp nhiều khó khăn về người, về tài chính, trong năm năm qua Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam của chúng tôi đã có nhiều cố gắng, góp phần tích cực cho sự phát triển chung của đất nước. Tôi rất quý mến và biết ơn các đồng chí trong Ban Thường vụ Quỹ đã nỗ lực làm việc hết sức tâm huyết và đầy trách nhiệm. Cuối năm 2003, một đoàn thuộc Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế thăm Việt Nam. Đây là một trong những tổ chức quốc tế đã ủng hộ tích cực cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trong suốt một thời gian dài. Chính họ đã giúp hình thành Tòa án Quốc tế Bertrand Russell nổi tiếng lên án tội ác của Mỹ ở Việt Nam, kể cả tội ác tiến hành chiến tranh hóa học (năm 1967). Lần này, dẫn đầu đoàn là ông Sharma, người Ấn Độ, một người bạn lâu năm của Việt Nam. Cũng như nhiều tổ chức dân chủ quốc tế khác, Hội không có điều kiện hoạt động mạnh như trước, song ở đây cũng còn nhiều luật gia tiến bộ và có uy tín của các nước, kể cả Mỹ. Họ quan tâm đến hậu quả chiến tranh ở Việt Nam. Theo họ, nhân dân chúng ta có quyền kiện Mỹ đã gây ra bao nhiêu tổn thất cho Việt Nam, đến nay hậu quả còn rất nặng nề, đặc biệt là ảnh hưởng của chất độc da cam. Các chiến binh Mỹ đi rải chất độc từ trên cao, từ xa mà còn bị nhiễm độc và đã được chính quyền Mỹ bồi thường thì không có lý gì Mỹ có thể phủ nhận trách nhiệm đối với người Việt Nam. Cần thành lập ngay Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam, đại diện quyền lợi của hàng triệu nạn nhân để đứng ra kiện. Ngày 10.1.2004, Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam (Vava) ra mắt, do đồng chí trung tướng Đặng Vũ Hiệp làm Chủ tịch. Đồng chí Đặng Vũ Hiệp là một cựu chiến binh, đã từng hoạt động mười năm ở Tây Nguyên, một vùng bị rải chất độc hóa học nặng. Tôi được mời làm Chủ tịch danh dự của Hội. Ngày 30.1.2004, Hội thay mặt các nạn nhân chất độc da cam đưa đơn kiện 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ đã sản xuất chất làm trụi lá trong đó có thành phần chất da cam và dioxin, là chất cực độc, đã tàn phá mùa màng, rừng nhiệt đới ở miền Nam Việt Nam, đặc biệt đã gây nhiễm độc cho hàng triệu người, chiến sĩ và dân thường. Đã có hàng vạn người chết, và bao nhiêu người mang bệnh tật nan y. Còn đau đớn và lâu dài hơn nữa là những nạn nhân này, nam và nữ, lại sinh ra những đứa con, rồi có thể đến cả cháu họ cũng bị dị tật đáng thương. Đây là những tội ác vô cùng ác độc, là hậu quả nặng nề nhất mà chiến tranh của Mỹ để lại, là món nợ lớn của chính quyền Mỹ đối với nhân dân Việt Nam 1. Vụ kiện này đã bị Tòa án sơ thẩm New York xử một cách không khách quan; sau đó đã được đưa lên Tòa án phúc thẩm. Chúng ta hiểu đây là một cuộc đấu tranh không đơn giản và chắc chắn kéo dài, đòi hỏi quyết tâm và kiên trì. Dư luận thế giới ngày càng hiểu những hậu quả hết sức nặng nề của 30 năm chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Một phong trào quốc tế ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã được khơi dậy. Nhiều người nhận thức đây cũng là cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới cho hòa bình, công lý, nhằm ngăn chặn chiến tranh, sử dụng vũ khí giết người hàng loạt, vũ khí sát nhân hóa học, sinh học... Dù tòa án của Mỹ không chịu kết án các hành động độc ác đó thì như Hội Luật gia Quốc tế đã lên tiếng: “Tòa án lương tâm của nhân loại đã kết án.” Tôi vẫn còn tham gia làm Chủ tịch Quỹ Bảo trợ Trẻ em, Chủ tịch Quỹ Giải thưởng Kovalevskaya, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh... Trong bao nhiêu công việc bận rộn mà không thể từ nan đó, tôi đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, theo tôi là chìa khóa quan trọng nhất của phát triển. Với danh nghĩa của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam, tôi đã chủ trì đề tài nghiên cứu về cải cách giáo dục, và cùng anh em tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo về giáo dục với mong muốn đóng góp vào sự nghiệp lớn này. Các em và các con tôi cứ nhắc tôi phải nghỉ. Nhưng tôi thấy không thể một ngày không làm việc khi mình còn có thể đóng góp. Niềm hi vọng và hạnh phúc của tôi là ở hai đứa cháu - Long (cháu nội), và Đông (cháu ngoại). Hai cháu học hành chăm chỉ, tính tình ngoan ngoãn. Long có nguyện vọng sau khi tốt nghiệp Ngân hàng Tài chính ở Anh sẽ về làm cho các cơ quan nhà nước, xây dựng chính sách tài chính quốc gia. Nguyện vọng ấy không dễ dàng thực hiện nhưng tôi hết sức ủng hộ và khuyến khích. Cháu Đông chọn nghề kiến trúc, mong muốn học thành tài sẽ xây lại nhà cho ông bà. Đều là những ước mơ đẹp. Tôi còn có niềm vui và hạnh phúc là dù đã nghỉ hưu vẫn có rất nhiều bạn bè cũ thường đến thăm, mỗi ngày lại có thêm những bạn mới, những anh chị em đến tâm sự với tôi, nhờ tôi góp ý kiến về việc chung cũng như việc riêng... Vào dịp sinh nhật 80 tuổi của tôi, đồng chí Vũ Khiêu, người bạn và người anh, năm nay đã trên 90 tuổi, có tặng tôi đôi câu đối thật đẹp: Nam quốc riêng gì trai dũng lược Tây Hồ còn đó gái anh thư. Năm 2006 đối với tôi và gia đình là năm đặc biệt: Kỷ niệm 80 năm ngày mất của Cụ Phan Châu Trinh, ông ngoại tôi, có hai cuộc hội thảo lớn, ở Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đền thờ ở khu lưu niệm của Cụ được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia (năm 1994), một đám giỗ lớn được tổ chức, có mặt đông đủ con cháu, bạn bè, đại diện của Sở và Phòng Văn hóa Thông tin của thành phố và quận Tân Bình. Trong hội thảo, qua các tham luận của nhiều nhà sử học ở các viện, các trường đại học, việc đánh giá quan điểm chính trị của Cụ Phan thêm một bước sáng tỏ và thống nhất. Tôi cũng hiểu một số người còn có băn khoăn suy nghĩ, e rằng đề cao Cụ Phan thì ảnh hưởng đến vai trò to lớn, vĩ đại của Hồ chủ tịch. Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Trong những điểu kiện phức tạp của lịch sử nước ta hơn một trăm năm qua, đánh giá những sự kiện từng xảy ra và những nhân vật từng là tác nhân của các sự kiện ấy đương nhiên là việc không đơn giản. Song rõ ràng thời gian đã từng bước cho phép chúng ta khôi phục dần những sự thật lịch sử. Độ lùi lịch sử cũng dần dần cho phép chúng ta bình tĩnh nhận rõ và chính xác các sự kiện, cũng như vai trò của từng nhân vật căn cứ trên chủ trương của họ và ảnh hưởng của họ đối với nhân dân tại những thời điểm nhất định, và cả lâu dài, thậm chí có thể rất lâu dài về sau. Tôi bắt đẩu viết những dòng hồi ký này từ năm 2007, khi tôi vừa đúng 80 tuổi, viết xong vào cuối năm 2008. Đặt bút xuống mà trong đầu còn bao suy nghĩ, băn khoăn, chen lẫn lo lắng và hy vọng. Thế hệ của tôi, có thể nói là lớp cuối cùng của thế hệ những người tham gia hai cuộc kháng chiến, và sau đó trong 30 năm liên tục được sống và đóng góp cho công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, bắt đầu xây dựng lại đất nước, may mắn hơn bao nhiêu anh chị em, đồng chí đã ngã xuống giữa đường... Tôi đã hiểu thế nào là đau thương trong chiến tranh, và gian khổ trong xây dựng hòa bình. Cuộc sống của tôi, gắn với cuộc sống của dân tộc, đã giúp tôi hiểu giành chính quyền, đòi độc lập dân tộc là cực kỳ khó, nhất là khi ta phải đối đầu với đế quốc thực dân đầu sỏ; nhưng giữ chính quyền, xây dựng đất nước, nhất là xây dựng đất nước theo nguyện vọng của nhân dân, xây dựng con người, để đem lại cuộc sống tự do hạnh phúc cho nhân dân, một cuộc sống thật sự trong lành, còn khó hơn biết bao lần. Tổng thống Nelson Mandela, nhà chính trị lỗi lạc của Nam Phi đã từng nói một cách rất xác đáng: “Khi ta giải phóng được đất nước, ta mới giành được quyền để có tự do chứ ta chưa thực sự có được tự do.” Vì vậy, phải xây dựng nên con người tự do, tự chủ, đủ năng lực và phẩm chất để bảo vệ và xây dựng đất nước độc lập và tự do. Tôi mong ước một ngày không xa, chúng ta sẽ có được những thế hệ người Việt Nam đẩy tự tin, nhân ái, và có trí tuệ dồi dào... sống trong một xã hội dân chủ và văn minh, một đất nước vững mạnh, tự chủ mà tự tay mình xây dựng lên. Chính vì lí do đó, cho đến nay, tôi vẫn kiên trì đê nghị Đảng và Nhà nước phải sớm tiến hành một cuộc cải cách căn bản và toàn diện để chấn hưng nền giáo dục nước nhà góp phần nâng cao nền văn hóa dân tộc. Đó là yếu tố quyết định nhất lúc này. Nếu còn vấn đề gì mà tôi quan tâm, lo lắng... đó là vấn để nội lực của đất nước. Chúng ta đã trải qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hết sức ác liệt và lâu dài. Hậu quả là nền kinh tế của đất nước bị kiệt quệ, nhiều tổn thương về mặt văn hóa xã hội. Chúng ta thiếu một đội ngũ trí thức chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục, thiếu kinh nghiệm về quản lý. Có thể nói từ đống tro tàn, chúng ta đi lên với ước vọng xây dựng một đất nước phát triển, mang lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Đó là mục tiêu chúng ta phấn đấu, hết sức tốt đẹp nhưng đầy khó khăn, thử thách, nhất trong một thế giới đang cạnh tranh với nhau quyết liệt trên mọi mặt, đặc biệt về kinh tế và khoa học công nghệ. Chúng ta hiểu rằng độc lập về chính trị phải được đảm bảo bằng độc lập về kinh tế, an ninh quốc phòng, nhưng trước hết là về kinh tế. Vì vậy để bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia và phát triển đất nước, chúng ta không có con đường nào khác là phải ra sức xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ vững bền, không thua kém ai, hợp tác nhưng không bị lệ thuộc bất cứ nước ngoài nào. Tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc của nhân dân ta phải được thể hiện mạnh mẽ trên tinh thần tự lực tự cường trong lao động xây dựng đất nước, dựng tạo nội lực quốc gia ngày càng lớn mạnh. Nội lực còn phải được thể hiện trong xây dựng một xã hội Dân chủ, một nhà nước pháp quyền - đó là sức mạnh của lòng dân, của đoàn kết dân tộc - là nền tảng của tất cả các sức mạnh. Chúng ta không thể tự bằng lòng với những thành tích đã đạt được... nhiều nước xung quanh đã phát triển vượt ta khá xa. Chưa bao giờ đất nước có thế và lực như hiện nay, nhiều người nói là chúng ta đang có “cơ hội vàng”. Nhưng cuộc sống là vậy, cơ hội càng lớn thì khó khăn, thách thức cũng càng lớn. Có thể vượt qua được những thử thách này để đạt được mục tiêu mong đợi của bao nhiêu thế hệ từng hy sinh tất cả để giao lại cho chúng ta hôm nay không? Câu trả lời thuộc về các đồng chí, anh chị em đang đảm nhiệm trọng trách hiện nay, thuộc về nhân dân, đặc biệt thuộc lớp thanh niên đang trở thành lực lượng chính trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi tin ở vận mệnh của Tổ quốc. Một đất nước, một dân tộc, với nhân dân đã chiến đấu hy sinh anh hùng như nhân dân ta suốt lịch sử lâu dài và suốt hơn trăm năm qua xứng đáng để có một tương lai huy hoàng, và chắc chắn có đủ ý chí cùng sức mạnh để làm nên tương lai đó. Những người đang chịu trách nhiệm về đất nước hiện nay nhất thiết phải đảm nhận lấy trách nhiệm đó. Thế hệ trẻ nhất thiết phải sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ làm nên tương lai đó. Hãy nhớ những bài học lịch sử quý giá của ông cha, đặt lợi ích chung lên trên, bất chấp mọi khó khăn gian khổ, kiên trì đi theo mục tiêu đã được chọn, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Hạnh phúc của đất nước sẽ là hạnh phúc của con em chúng ta. Tôi thích ví đất nước ta như con thuyền. Qua bao thác ghềnh, con thuyền Tổ quốc đã ra biển cả, phía trước là chân trời mới...! Viết xong cuối năm 2009. Bổ sung năm 2013, 2014. ------------------------------------------------------------------ 1. Từ năm 1961 đến 1971, Mỹ đã rải xuống chiến trường miền Nam 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 61 % chất da cam dioxin, làm cho 4,8 triệu người Việt nam bị phơi nhiễm. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Ba, 2023, 04:22:38 pm Niên biểu Nguyễn Thị Bình 26.5.1927: sinh ra tại xã Tân Hiệp, Sa Đéc, Đồng Tháp, tên khai sinh là Nguyễn Thị Châu Sa, con ông Nguyễn Đồng Hợi, bà Phan Thị Châu Lan. 1927-1940: sống những năm tháng tuổi thơ tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 1940: theo gia đình sang Campuchia, học trung học tại trường Lycée Sisowath. 1943: gặp người chồng tương lai; mẹ qua đời. 1944: tham gia các hoạt động của Hội Việt kiều yêu nước tại Phnom Penh, Campuchia. 5.1945: cùng gia đình trở về Sài Gòn, Việt Nam, tham gia hoạt động của Việt Minh, sống trong không khí của thời kỳ Tiền khởi nghĩa. 25.8.1945: Chính quyền Cách mạng, Ủy ban Hành chính Lâm thời Sài Gòn ra mắt đồng bào tại quảng trường Nhà thờ Đức Bà. 23.9.1945: quân Pháp công khai gây hấn với Việt Minh. 6.1.1946: ở Hồng Ngự, làm thư ký cho Ủy ban Kháng chiến địa phương, tham dự cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. 5.1946: trở lại Sài Gòn, và từ thời gian này tham gia các hoạt động đấu tranh bí mật tại nội thành (Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc...) với bí danh Yến Sa. 1948: gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. 1949: sinh hoạt chi bộ cùng luật sư Nguyễn Hữu Thọ. 4.1951 - đầu năm 1954: bị địch bắt, giam tại khám Chí Hòa. 11.1954: tập kết ra Bắc, công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ Trung ương. 1.12.1954: kết hôn với ông Đinh Khang, cán bộ quân đội, ngành Công binh sau 9 năm chờ đợi. 1956: sinh con trai Đinh Nam Thắng. 1957-1959: học lý luận chính trị cao cấp tại trường Nguyễn Ái Quốc. 1960: sinh con gái Đinh Thùy Mai. 20.12.1960: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. 1961: về Ban Thống nhất, phụ trách các hoạt động ngoại giao nhân dân của Mặt trận; đổi tên thành Nguyễn Thị Bình. 1962-1968; hoạt động ngoại giao vận động các tổ chức nhân dân và chính phủ thế giới ủng hộ Việt Nam. 6.1962: dự Đại hội Sinh viên Dân chủ Thế giới ở Budapest (Hungary). 7.1962: dự Đại hội Thanh niên Dân chủ Thế giới ở Leningrad (Liên Xô - thành phố St. Petersburg, Liên bang Nga ngày nay). Cuối 1962: thăm Indonesia, gặp Aidit - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Indonesia (cùng GS. Nguyễn Văn Hiếu - Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam). 3.1963: dự Đại hội Đoàn kết Á-Phi lẩn thứ ba tại Tanzania với tư cách trưởng đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 1964: Thăm Indonesia lần thứ hai. Cuối 1964: Dự Đại hội Phụ nữ Quốc tế, trưởng đoàn Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam. 1967: gặp mặt một số đại diện phong trào phản chiến Mỹ tại Bratislava. 4.11.1968: đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tới Paris, họp trù bị cho cuộc đàm phán kéo dài 5 năm hòa bình và độc lập của Việt Nam. 25.1.1969: Hội nghị bốn bên trong đàm phán Paris chính thức bắt đầu. 4.1969: thăm Vương quốc Anh, đại diện cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam phát biểu trước nhân dân Anh yêu chuộng hòa bình tại Quảng trường Trafalgar. 5.1969: cha qua đời. 8.5.1969: tuyên bố lập trường 10 điểm của Mặt trận tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Kléber (Paris). 6.6.1969: Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập; Nguyễn Thị Bình được giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam tại đàm phán Paris. Đầu 1970: thăm Thụy Điển theo lời mời của Thủ tướng Olof Palme. 7.1970: thăm chính thức Ấn Độ và Sri Lanka. 17.9.1970: đưa ra tuyên bố 8 điểm trên bàn đàm phán Paris, yêu cầu Mỹ rút hết quân trước ngày 30.6.1971, thành lập Chính phủ Liên hiệp tại miền Nam Việt Nam... 9.1970: tới Lusaka (Zambia) vận động các nước thuộc Phong trào Không Liên kết kết nạp Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam làm thành viên của phong trào. Đầu 1971: thăm Cuba trong “năm quốc tế vì Việt Nam”. 1.7.1971: Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam đưa ra kế hoạch 7 điểm yêu cầu Mỹ rút hết quân và thành lập Chính phủ hòa hợp dân tộc. 11.1.1972: Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam đưa ra giải pháp hai điểm: Mỹ rút quân và thành lập Chính phủ hòa hợp dân tộc gồm: Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam, Chính quyền miền Nam và thành phần thứ ba. 3.1972-9.1972: quân dân trong nước bắt đầu cuộc tiến công lớn ở Đông Nam Bộ. 9.1972: Lê Đức Thọ mang tới Paris “Dự thảo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”. 18-31.12.1972: Mỹ ném bom B52 xuống Hà Nội, Hải Phòng. 23.1.1973: Lê Đức Thọ và Henri Kissinger ký tắt vào văn bản Hiệp định Paris. 10h sáng 27.1.1973: bốn Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nguyễn Duy Trinh), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Nguyễn Thị Bình), Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (William P. Rogers), Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Trần Văn Lắm) ký vào 32 văn bản của Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. 27.2.1973: Hội nghị quốc tế xác nhận về mặt pháp lý Hiệp định Paris về Việt Nam, thông qua bản Định ước Quốc tế về Việt Nam (2.3.1973). 4.1973: rời Paris về Việt Nam. 4.1973-4.1975: tiếp tục hoạt động ngoại giao vận động nhân dân và chính phủ các nước ủng hộ, cùng lên tiếng đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thi hành Hiệp định Paris. 7.1973: Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Phong trào Không Liên kết. 1974: nhận Huân chương Ben Barka. 6.1974: thăm Afghanistan, vận động chính phủ các nước công nhận ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam. 9.1974: tham gia đoàn của Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát thăm Vương quốc Campuchia. 30.4.1975: Giải phóng miền Nam Việt Nam; Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam được 65 nước công nhận chính thức về ngoại giao. 13.5.1975 mít tinh lớn gặp mặt nhân dân Sài Gòn. 17.6.1975: Hội nghị Hiệp thương giữa Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 7.1975: Hội nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước Không Liên kết tại Lima (Peru), vận động các nước đồng ý kết nạp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm thành viên chính thức. 10.1975: thăm các nước Ả Rập với nhiệm vụ “vay dầu”; gặp Saddam Hussein, vay được 1,5 triệu tấn dầu với lãi suất ưu đãi. 6.1976: Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khóa VI - hết khóa X (2001). 3.7.1976 - 2.1987: Bộ trưởng Bộ Giáo dục, thống nhất quản lý giáo dục hai miền Nam - Bắc. 1977,1978: hàng ngàn giáo viên miền Bắc xung phong đi phục vụ sự nghiệp giáo dục ở các tỉnh phía Nam. 11.1.1979: Ban hành Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, xây dựng một nền giáo dục tiến bộ, toàn diện, học đi đôi với hành. 1978-1979: diệt chủng Pôn Pốt ở Campuchia, chiến tranh biên giới Tây Nam Việt Nam. 2.1979: Trung Quốc gây chiến trên biên giới phía Bắc Việt Nam. 4.1980: Hội nghị Giáo dục Toàn quốc tại Yên Dũng (Hà Bắc) về chăm lo đời sống giáo viên. 1981: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. 1982 - nay: Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á-Phi (AAPSO). 1983: Nhà nước quyết định điều chỉnh thang lương cho ngành giáo dục và điều chỉnh chế độ theo thâm niên công tác; quyết định lấy ngày 20.11 hằng năm làm Ngày Nhà giáo Việt Nam; quyết định ban hành các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Hè 1983: “Tuyên bố Sầm Sơn” của ngành giáo dục về quyết tâm cải cách giáo dục, kết hợp giáo dục và hướng nghiệp. 1984: thành lập Công ty Dịch vụ Giáo dục của Bộ Giáo dục làm đầu mối cho hoạt động sản xuất của các trường. 1986: Đổi mới. Giữa năm 1987: Phó ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức Hòa bình, Đoàn kết, Hữu nghị; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Qua con đường ngoại giao nhân dân vận động Chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Việt Nam. 25.12.1989: Ông Đinh Khang (chồng) qua đời. 1991: Chủ tịch Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam. 8.10.1992 - 12.8.2002: Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (phụ trách đối ngoại, giáo dục, y tế, thi đua - khen thưởng). 1994: thăm các nước Tây Phi, gặp Jacques Diouf, Chủ tịch Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) mở ra quan hệ hợp tác về hỗ trợ phát triển nông nghiệp giữa Sénégal-Việt Nam-FAO. 1995: tham dự Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ tại Bénin, gặp Jacques Chirac. 1997: Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ lần thứ 7 tại Hà Nội. 1998: Chủ tịch danh dự Quỹ Nạn nhân Chất độc Da cam. 12.4.2001: nhận Huân chương Hồ Chí Minh, 8.2002: về hưu. 4.2003: Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển. 10.1.2004: Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam. 30.1.2004: Hội Nạn nhân Chất độc Da cam Việt Nam thay mặt các nạn nhân đưa đơn kiện 37 công ty hóa chất Hoa Kỳ đã sản xuất chất độc có thành phần là chất độc da cam và dioxin. 2006: Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh. Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 10 Tháng Ba, 2023, 04:50:28 pm PHỤ LỤC ẢNH (https://i.imgur.com/mnjT64h.jpg) (https://i.imgur.com/Bb70a32.jpg) (https://i.imgur.com/AxGCEgZ.jpg) Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 11 Tháng Ba, 2023, 06:56:02 am (https://i.imgur.com/zBTnzyW.jpg) (https://i.imgur.com/C0M8rC2.jpg) (https://i.imgur.com/Wa1gP9N.jpg) (https://i.imgur.com/PlmGMQF.jpg) (https://i.imgur.com/FMVnG17.jpg) Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 12 Tháng Ba, 2023, 06:15:37 am (https://i.imgur.com/5LKym1F.jpg) (https://i.imgur.com/D02UWXb.jpg) (https://i.imgur.com/oW2bUpV.jpg) (https://i.imgur.com/yxJmYpZ.jpg) Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 12 Tháng Ba, 2023, 06:20:29 am (https://i.imgur.com/Tujip3k.jpg) (https://i.imgur.com/AXa33EU.jpg) (https://i.imgur.com/DJGMbh1.jpg) (https://i.imgur.com/qrjeLqC.jpg) (https://i.imgur.com/jyobVfe.jpg) Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 12 Tháng Ba, 2023, 06:35:54 am (https://i.imgur.com/KsZSfIO.jpg) (https://i.imgur.com/2cAkoaT.jpg) (https://i.imgur.com/JlQcwwo.jpg) (https://i.imgur.com/GvXpDQx.jpg) (https://i.imgur.com/pGpitJA.jpg) (https://i.imgur.com/OqU8ZiK.jpg) (https://i.imgur.com/NzqrR9l.jpg) (https://i.imgur.com/PwZV4nE.jpg) (https://i.imgur.com/C5Y5r7G.jpg) Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 12 Tháng Ba, 2023, 04:14:11 pm (https://i.imgur.com/EHCb6jD.jpg) (https://i.imgur.com/95WpveA.jpg) (https://i.imgur.com/o7DIGJe.jpg) (https://i.imgur.com/BeXxWVw.jpg) (https://i.imgur.com/Xrkvx3V.jpg) (https://i.imgur.com/akFmNTx.jpg) (https://i.imgur.com/NquFo4c.jpg) Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 12 Tháng Ba, 2023, 04:24:29 pm (https://i.imgur.com/Mz6PGVP.jpg) (https://i.imgur.com/DHLGqIA.jpg) (https://i.imgur.com/OZTy8p5.jpg) (https://i.imgur.com/quKdjtK.jpg) (https://i.imgur.com/9iCLxu8.jpg) (https://i.imgur.com/IHgGDnK.jpg) (https://i.imgur.com/aw1yMqV.jpg) (https://i.imgur.com/MaGDEAE.jpg) (https://i.imgur.com/aTZHg7I.jpg) (https://i.imgur.com/JN1f0Ih.jpg) Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 12 Tháng Ba, 2023, 04:30:07 pm (https://i.imgur.com/eeLYHvG.jpg) (https://i.imgur.com/2b0Dxmy.jpg) (https://i.imgur.com/5NAcL86.jpg) (https://i.imgur.com/mTjFuYm.jpg) (https://i.imgur.com/wUe3QrP.jpg) (https://i.imgur.com/Vyw26zM.jpg) Tiêu đề: Re: Gia Đình, Bạn Bè Và Đất Nước - (Hồi ký - Nguyễn Thị Bình) Gửi bởi: hoi_ls trong 12 Tháng Ba, 2023, 04:38:55 pm (https://i.imgur.com/Tn3NAOd.jpg) (https://i.imgur.com/cLvA2iy.jpg) (https://i.imgur.com/yrZXVtJ.jpg) (https://i.imgur.com/fdo2dD6.jpg) (https://i.imgur.com/hGd981Q.jpg) (https://i.imgur.com/YX1dmC7.jpg) (https://i.imgur.com/CMfPxgK.jpg) Có thể nói mà không sợ quá, rằng có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới... Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin... Nguyên Ngọc HẾT |