Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu nước ngoài => Tác giả chủ đề:: nhinrathegioi trong 07 Tháng Giêng, 2022, 08:19:19 am



Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 07 Tháng Giêng, 2022, 08:19:19 am
- Tên sách: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
- Tác giả: V. Páplốp, A.Lukianốp, V.Criuscốp
- Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia
- Năm xuất bản: 1994
- Người số hóa: giangtvx, nhinrathegioi


Người dịch:
   - ĐỖ XUÂN DUY
   - LÊ KHẮC THÀNH
   - TẠ THỊ THUÝ
   - PHẠM XUÂN SƠN
   (Dịch từ nguyên bản tiếng Nga)
 


LỜI NHÀ XUẤT BẢN


Cuộc chính biến tháng 8-1991 ở Liên Xô với kết thúc bị thảm của nó được coi là dấu chấm hết cho cuốn biên niên sử của Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết. Đã có nhiều cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau về sự kiện này. Xung quanh nó hiện đang còn bao phủ một lớp sương mù với nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp cuối cùng đủ sức thuyết phục: Vì sao có cuộc chính biến? Ai là người khởi xướng và cần đến cuộc chính biến? Có hay không có, cái được gọi là một cuộc đảo chính? Ai là người có lợi trong cuộc đảo lộn lớn này của một cường quốc vĩ đại? v.v. và v.v...


Là những thành viên của Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, trực tiếp tham gia vào sự kiện tháng 8-1991 đồng thời lại là những người bị kết tội phản bội, V. Páplốp - nguyên Thủ tướng cuối cùng của Liên Xô, với "Goócbachốp - bạo loạn, sự kiện tháng tám nhìn từ bên trong", A. Lukianốp -  nguyên Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô, với "Cuộc đảo chính tưởng tượng hay có thật", và V. Criuscốp - nguyên Chủ tịch uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB), với "Vị đại sứ của nỗi bất hạnh", đã cung cấp cho chúng ta các tư liệu, các văn bản, các chứng cứ và lập luận có tính phản biện xung quanh sự kiện tháng 8-1991 ở Liên Xô trong thời gian họ bị giam cầm để chờ ngày đưa ra xét xử. Mục đích của việc làm này, theo các tác giả, là nhằm góp phần xua tan những đám mây mù đang bao quanh sự kiện, vạch rõ thực chất cuộc chính biến, làm sáng tỏ những nguyên nhân đã đưa công cuộc cải tổ của Liên Xô đi chệch quỹ đạo xã hội chủ nghĩa, dẫn đến thất bại, Đảng Cộng sản Liên Xô bị tan rã và Nhà nước Liên bang Cộng hòà xã hội chủ nghĩa Xòviết vốn là một siêu cường bị sụp đổ với một tốc độ kỷ lục.


Là những người quan sát từ bên ngoài, chúng ta khong có điều kiện nắm bắt một cách tường tận những sự kiện đã xảy ra. Chỉ có nhân dân Liên Xô trước đây, những người có lương tri và trách nhiệm cùng những người cách mạng gắn bó máu thịt với hơn 70 năm tồn tại của nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới mới đủ tư cách và thẩm quyền phán xét đúng sai. Và chắc chắn rằng rồi đây, cuối cùng, lịch sử sẽ "kết án" hay "xoá án" cho những ai có liên quan đến một loạt các diễn biến dồn dập đã xảy ra


Tuy nhiên cũng như các lực lượng tiến bộ khác trên thế giới, chúng ta không bàng quan trước những gì đã diễn ra ở Liên Xô trước đây, hơn nữa còn chia sẻ tình cảm với những người Xôviết về những tổn thất lớn lao mà họ phải gánh chịu. Đồng thời chúng ta cũng thấy cần thiết qua sự kiện có tính phản diện này rút ra những bài học bổ ích cho cuộc đấu tranh chung vì hoà bình, hợp tác, hữu nghị và tiến bộ xã hội, vì tương lai tươi sáng của mỗi dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Nhu cầu cung cấp các thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để rộng đường tham khảo và phán đoán về nguyên nhân sụp đổ của Liên Xô, do đó, đang được đặt ra một cách nghiêm túc. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia cho xuất bản các Hồi ký và bài viết của ba tác giả nói trên với tiêu đề chung "Goócbachốp - bạo loạn, sự kiện tháng tám nhìn từ bên trong" chính là nhằm đáp ứng yêu cầu vừa nêu.

Xin giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

Tháng 6 năm 1994
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 08 Tháng Giêng, 2022, 08:35:09 am
Người ta đã viết và nói rất nhiều về những sự kiện diễn ra trong tháng 8-1991.

Người lên tiếng nhiều nhất là M.X. Goócbachốp. Ông ta say mê làm điều đó nhằm một mục đích duy nhất là minh oan cho mình, làm ra vẻ mình là một tù nhân, là nạn nhân của "những kẻ bạo loạn". Điều đó buộc tôi, ngay trong xà lim, phải cầm bút, vượt lên tất cả các bước ngoặt của số phận cá nhân để lại cho những ai muốn nhận biết sự thật một thông tin chân thực về những ngày đó.


Cái kết luận mà M.X. Goócbachốp công khai tuyên bố coi chính trị như là một công việc bẩn thỉu là không phải lỗi tại tôi. Ông ta đưa ra kết luận đó phần lớn là dựa vào cái lý lịch của bản thân ông ta.


VALENTIN PÁPLỐP


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 08 Tháng Giêng, 2022, 08:35:45 am
LỜI NHÀ XUẤT BẢN


Tại Mátxcơva, Toà án tối cao Nga đã bắt đầu xét xử vụ án Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Trong số những người bị buộc tội có cả tác giả cuốn sách này là Valentin Xécgâyêvích Páplốp - Thủ tướng cuối cùng của Liên Xô.


Vụ xét xử hình sự về thực chất là vụ án chính trị. Nhưng trong lịch sử toà án chính trị, chưa có một toà án nào xác định được chân lý. Điều quan trọng hơn đối với xã hội và mỗi công dân là có khả năng nói lên ý kiến của mình về sự bùng nổ chính trị trong tháng 8-1991, bởi vì, khi đánh giá các sự kiện đó, các nhà chính trị ở cấp cao nhất, các phương tiện thông tin đại chúng có lập trường tư tưởng đối lập hoàn toàn và thậm chí cả các đại diện buộc tội (ngay trước phiên toà!) đã dựng nên và tung ra các huyền thoại và các giả thiết phản ánh những lợi ích của họ. Cuốn sách này giúp bạn đọc rút ra những kết luận trên cơ sở các sự kiện, các văn bản và các chứng cứ của một người đã từng tham gia trực tiếp vào các sự kiện trong tháng 8-1991.


Chúng tôi cho rằng những ghi chép đưa ra để bạn đọc phán xét có thể có những sai sót về bút pháp và biên tập, nhưng chúng tôi hy vọng rằng bạn đọc sẽ độ lượng bỏ quá cho, những ghi chép đó có thể đưa lại một phần thông tin chân thực. Những ghi chép này không có tham vọng nêu đủ tình tiết hay có được giá trị văn học. Tác giả là một nhà kinh tế chuyên nghiệp. Mục tiêu duy nhất của ông là đưa ra bằng chứng và khách quan.


Mátxcơva, 1993
NHÀ XUẤT BẢN THẾ GIỚI KINH DOANH


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 09 Tháng Giêng, 2022, 08:55:07 am
GỬI BẠN ĐỌC!


Cuốn sách này được viết trong xà lim của nhà tù "Matơrốtxcaia Tisina" và là câu trả lời trực tiếp cho những điều giả dối và xuyên tạc được phát trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh, được in trên các trang báo, tạp chí và sách. Đây không phải là hồi ký, hồi ức mà là một sự phân tích tỉ mỉ những sự kiện tháng 8 dựa trên sự quan sát của bản thân và các tài liệu điều tra. Về thực chất, cuốn sách chứa đựng câu trả lời của tôi về một vấn đề chủ yếu: Ai là người thực sự khởi xướng những sự kiện bi thảm tháng 8. Câu trả lời đó đã được nêu rõ qua tên cuốn sách: "Goócbachốp - bạo loạn". Giờ đây trong cái mớ lời lẽ màu mè, trong cái dàn hoà tấu âm thanh hỗn loạn, người ta tìm cách, như người đời thường nói, - cố sống cố chết che giấu sự thật trước các dân tộc của Liên bang Nga và các nước gần xa. Mặt khác, che đậy sự hèn nhát và sự tính toán ích kỷ của tất cả những kẻ, bằng cách này hay cách khác, đã và đang khao khát vớ bẫm nhờ vào những sự kiện tháng 8-1991. Một số thì cần quyền lực, số khác không chỉ cần quyền lực mà còn muốn có được ánh hào quang của một người tử vì đạo hoặc khí tiết của người anh hùng. Loại thứ ba thì muốn có một chỗ êm ấm. Loại thứ tư thì muốn có được khả năng dễ dàng nhất để được quyền phung phí vô hạn tài sản quốc gia mà không bị trừng phạt, đương nhiên là vì lợi ích của cá nhân. Và các sự kiện đó với thời gian, càng để lâu càng ít có hy vọng đào bới tới chân lý đối với những ai mong muốn tìm ra sự thật. Sẽ có nhiều huyền thoại bị tiêu tan, sẽ có nhiều "anh hùng" bị rơi vòng nguyệt quế.


Bởi vậy, ngay những ngày đầu tiên sau khi Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp tự giải tán, lập tức xuất hiện các hồi ức, bình phẩm, những bản tụng ca và tự tuyên dương công trạng hão huyền. Lúc này, người ta áp dụng một đường lối cứng rắn là không có phép những người đối kháng lên tiếng. Không cho phép luật sư tìm hiểu vụ án, không cho phép nhà báo tiếp xúc với những người bị bắt, không cho phép tù nhân gặp gỡ với người thân thích. Lý do? Để ngăn cản điều tra. Còn những người được gọi là nhân chứng, vừa đặt bút ký cam kết không tiết lộ các tài liệu điều tra, đã ngay lập tức nói và viết cả những gì người ta đã nói hay không hề nói, cả những gì xảy ra và những gì không hề có thực. Phụ hoạ với những nhân chứng lắm lời đó có cả các nhà thẩm phán và công tố viên - những người được chính nhà nước giao cho nhiệm vụ phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc suy đoán vô tội đối với mỗi công dân của quốc gia.


Chuyện gì đã xảy ra? Từ đâu có được sự thống nhất cảm động đến thế và vì mục đích gì? Câu trả lời hết sức đơn giản: đã diễn ra một cuộc chính biến do Goócbachốp và Enxin tiến hành có sự chuẩn bị tỉ mỉ và điêu luyện theo một đơn đặt hàng đặc biệt. Để hiểu được thực chất cuộc chính biến đó, cần phải làm sáng tỏ ai cần cuộc chính biến đó và người đó cần nó để làm gì. Tôi muốn làm sáng tỏ một số sự kiện mà tôi được biết. Mong rằng đây là sự đóng góp nhỏ làm sáng tỏ sự thật mà cuối cùng sẽ được phục hồi. Tôi rất tin vào điều đó. Không phải tôi biết được tất cả mọi chuyện, hiện giờ tôi cũng không có đủ bằng chứng để chứng minh về tất cả những việc đó. Trong các lĩnh vực hoạt động, chính quyền và các cơ quan đặc biệt rất không muốn để lại những dấu vết, người ta làm mọi cái có thể và không thể để xoá sạch dấu vết. Nhưng tôi tin rằng độc giả khách quan có suy nghĩ lành mạnh, có thể tự mình đánh giá các kết luận của tác giả xuất phát từ tính quy luật chung và lôgích sự kiện. Tôi không muốn nhận mình là người vô tư. Ngược lại, tôi có thái độ hết sức thiên vị đối với mọi công việc mà tôi chịu trách nhiệm. Có lẽ trong vấn đề nào đó, tôi có mắc sai lầm, nhưng không phải trong những vấn đề chính. Nhưng những gì tôi biết, không thể xuyên tạc và càng không cho phép tôi làm điều đó. Tôi hy vọng đó là điều chủ yếu đối với độc giả.


Tôi cũng xin giải thích thêm một điểm. Cuốn sách này là sự trả lời công khai của tôi cho các thẩm phán và các công tố viên và cho cuộc điều tra mà ngay từ bước đầu tiên đã được tiến hành một cách định kiến, có ý đồ chính trị rõ ràng và không trung thực. Tôi coi sự ra đời cuốn sách này là quan trọng đối với việc xét xử vụ án Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Đồng thời cuốn sách này chỉ là một phần của công trình tỉ mỉ và to lớn mà trong đó tôi kể về những mưu kế ngấm ngầm mang tính chất chính trị và phi chính trị đã đóng vai trò khá lớn trong việc làm tan vỡ Liên Xô. Thưa độc giả kính mến, cuốn sách đang nằm trước mặt bạn chỉ là một phần nhìn thấy được của đảo băng trôi. Tôi tin rằng sẽ đến lúc tôi có thể thu hút sự chú ý của công luận bởi câu chuyện tôi viết về thực chất sâu xa của mối thảm hoạ đã xẩy ra ở đất nước chúng ta do lỗi của các nhà lãnh đạo vô nguyên tắc.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 09 Tháng Giêng, 2022, 08:56:28 am
1. M.X. GOÓCBACHốP ĐÃ THỀ KHÔNG NÓI RA ĐIỀU GÌ VÀ TẠI SAO?

Trong cuộc gặp gỡ của mình với đại diện báo chí, thực tế đó là cuộc gặp gỡ đầu tiên sau khi từ Phôrôx trở về ngày 22-8-1991, M. Goócbachốp như để đề phòng đã nói với họ rằng ông ta sẽ không nói gì với họ cả. Nhưng chỉ những lời nói đó cũng đã nói lên rất nhiều và vì vậy nó cần cho những ai thực sự muốn hiểu và nhận biết thực chất những điều đã diễn ra trong thời gian đó trong đời sống chính trị của Liên Xô. Điều đó cũng được đè cập một cách thoáng qua trong các phương tiện thông tin đại chúng của đất nước. Câu nói đó không còn được thảo luận, cả các nhà báo lẫn các thẩm phán cũng không nêu lên cái gọi là "vụ án Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp". Trong cuộc thẩm vấn nhân chứng M. Goócbachốp ngày 14-9-1991, phó đội trưởng đội điều tra A.V. Phrôlốp và tổng công tố viên Liên Xô là N.X. Trubin, tổng công tố viên Liên bang Nga V.G. Xtêpancốp đã không hề hỏi về vấn đề đó. Xét theo các câu thẩm vấn của họ và các câu trả lời của Goócbachốp, đối với cả hai phía đến thời gian đó thì rõ ràng là nhiệm vụ của họ giống nhau: không những cần khẳng định khả năng phản bội Tổ quốc của "những người bạo loạn", mà còn phải vạch ra thực chất, động cơ thúc đẩy và tính chất đích thực của sự kiện tháng 8-1991, để có cơ sở tuyên bố công khai một sự thật rất khó ăn khó nói về công việc của những người nắm được quyền lực với tư cách là những người chiến thắng như họ đã ngộ nhận vào thời điểm đó.


M. Goócbachốp đã thề không bao giờ hé môi nói về vấn đề gì? Đó là về vai trò của mình như người cổ vũ tư tưởng, hoạt động, người tổ chức chủ yếu và thực hiện sự kiện ngày 19 - 21-8-1991.

Nhưng trong các sự kiện đó, cũng như nói chung trong chính trị, trong mọi hành động đều có lôgích và tính quy luật của nó. Người đứng ở ngoài cuộc thì khó có thể hiểu được. Hơn thế, ý đồ thực sự và những động cơ của hành động thường hoặc là được nguỵ trang bằng sự quan tâm đến phúc lợi xã hội, hoặc đơn giản là bị che giấu hoàn toàn. Con người giữ vị trí càng cao trong nhà nước thì càng khôn khéo làm điều đó. Như mọi người đều rõ, mọi cái đều được lặp lại trong lịch sử. Điều cũng rõ ràng là quyền lực thực tế và danh nghĩa sẽ tập trung trong tay một số người do kết quả của cuộc đấu tranh lâu dài, khốc liệt và không thương xót. Và không một ai có thể bảo đảm những nỗ lực như vậy sẽ dẫn tới thành công. Đối với Goócbachốp lịch sử cũng đã được lặp lại với ý là "sự đăng quang" vào tháng 3-1985 và chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô hoàn toàn chưa phải là sự kết thúc, như đối với những người tiền bối của ông, mà đó chỉ là giai đoạn của cuộc đấu tranh tàn khốc giành quyền lực thực tế, nhằm giữ vững "ngai vàng". Sự kiện ngày 19 - 21-8-1991 là một thời điểm cao nhất đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của cuộc đấu tranh đó. Do phản bội lại vũ khí cơ bản của mình, M. Goócbachốp đã chuốc lấy sự thất bại của cá nhân.


Thắng lợi trên "ghế đêm" ở Phôrôx đối với Goócbachốp là một thắng lợi linh đình. Phản bội lại tất cả mọi người và mọi cái, ông ta cuối cùng chỉ còn lại một mình. Sự đầu hàng "kẻ thù - người đồng đạo" được ký một ngày sau khi ông ta từ "nơi cách ly" trở về Mátxcơva tại diễn đàn Xôviết tối cao Cộng hoà Liên bang Nga. Sau sự đê tiện đó và những sự hạ mình mà ông ta đã đưa lại cho bản thân thì việc tiếp theo chỉ còn lại là công việc có tính kỹ thuật và thủ tục pháp lý. Theo sự xác nhận của N. Vôrônsốp, đại biểu nhân dân Liên bang Nga, thì bài phát biểu mà Goócbachốp đọc tại Quốc hội Nga, chỉ khi lên diễn đàn ông ta mới nhìn thấy. Thay vì đọc bài do các trợ lý của ông ta chuẩn bị, Goócbachốp đã đọc một bài phát biểu do người khác viết, ở đây không cần đặt ra câu hỏi điều gì đã xảy ra mà chỉ trong một đêm ngài Tổng Bí thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô buổi tối còn tuyên bố trước toàn thế giới về sự trung thành của mình với những lý tưởng xã hội chủ nghĩa và đổi mới đảng, ngày hôm sau, với chức Tổng thống hợp pháp của đất nước đã đồng ý vô điều kiện việc cấm đảng cộng sản này hoạt động và không chỉ tuyên bố sự tự trút bỏ trách nhiệm Tổng Bí thư mà còn kêu gọi Ban Chấp hành Trung ương tự giải tán. Đương nhiên, về "những việc vặt vãnh" như Xôviết tối cao Liên Xô và Chính phủ Liên Xô thì không cần phải nói đến. Những nhà lãnh đạo của các cơ quan đó bị tuyên bố là những tội phạm quốc gia. Và quá trình đó, như người ta nói, tiếp tục diễn ra: đến cuối năm ông ta viết một tuyên bố về việc tự rút khỏi chức Tổng thống Liên Xô, chấp nhận việc thủ tiêu Nhà nước.


Một trường hợp chưa từng có trong lịch sử thế giới. Tiền hưu trí hàng tháng là 4.000 rúp đã mất giá bằng 40 đôla phải chăng là cái giá của những công trạng như vậy. Tôi tin rằng cặp vợ chồng Goócbachốp không có số tiền nhỏ nhặt đó vẫn có thể sống một cách đàng hoàng ở bất cứ nước nào trên thế giới kể cả trả tiền cho những phụ tá, người phục vụ và bảo vệ. Ở đây có một điều khác quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với ông ta. Goócbachốp đã làm mọi cái để có thể nhanh chóng phá bỏ tất cả các cấu trúc cơ quan nhà nước và xã hội, mà những cơ quan này có quyền hợp pháp yêu cầu ông ta phải phúc trình về các hành động của mình như một tổng thống, như một tổng bí thư. Cái bí mật của nhà chính trị này là ở chỗ ông ta rất sợ việc phải phúc trình hành động của mình. Cần dự đoán và biết rõ tại sao như vậy. Chắc là không phải uổng công mà B. Enxin đã sớm đề nghị ông ta sám hối. Sau cuộc nói chuyện ba tiếng đồng hồ để vĩnh biệt vị Tổng thống Liên Xô thoái vị, ông ta, theo chính ông ta thừa nhận với các nhà báo, thấy muốn nhanh chóng đi rửa chân tay. Vị tổng chỉ huy tối cao đến hội nghị sĩ quan toàn quân đã không kịp tự giới thiệu và bỏ đi không tạm biệt một ai, vì ông ta biết ông ta phải làm gì. Ông ta hiểu rõ rằng cái công trạng được thực hiện trong chính trị không đáng giá một xu. Khi phải từ bỏ nhà nước và đảng, Goócbachốp biết rất rõ rằng, và không thể không biết, ông ta từ lâu đứng đầu các cơ quan đó chỉ có tính chất hình thức và trường hợp tốt nhất là đứng được đến Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô và Đại hội Đảng cộng sản Liên Xô. Sự đổ vỡ của nền kinh tế, sự suy giảm mức sống của nhân dân, nạn thất nghiệp, những cuộc xung đột dân tộc đẫm máu và những người chạy nạn, quy mô chưa từng thấy của tội ác ở trong một nước mà ông ta coi là Tổ quốc mình - rõ ràng là nhân dân Liên Xô không thể tha thứ cho "những công trạng" như vậy.


Cái hiện tượng hiếm có về việc Enxin nổi tiếng một cách nhanh chóng như một nhà chính trị - phản biện không phải chủ yếu nhờ những phẩm chất cá nhân "kỳ diệu" của ông ta, mà ở mức độ lớn chủ yếu là do tính vô đạo đức, hoạt động phản dân của Goócbachốp. Một nghịch lý to lớn là ông ta đã biến những tư tưởng đúng đắn và cần thiết, những cải tạo cấp thiết, những mục đích tốt đẹp thành trò hề và tai hoạ đối với đất nước và nhân dân. (Xin nói thêm, dưới đây sẽ nói tỉ mỉ hơn quan niệm của chúng tôi về mối quan hệ thực tế của cái cặp này).


Thêm nữa, còn do cái gọi là "tư duy mới" và "cải tổ" mà những tư tưởng và mục tiêu được các phương tiện thông tin đại chúng và các chính khách phương Tây gán cho là của Goócbachốp, lại có giá trị và đem lại lợi lộc thực tế cho phương Tây. Hoạt động đối ngoại của ông ta đã tạo khả năng cho phương Tây, trong khi không hề nhượng bộ một điều gì, lại đạt được những mục tiêu chiến lược vị kỷ của chúng trong chính trị, giúp chúng giảm bớt gánh nặng đánh thuế để phục vụ cho quân sự và chiếm lĩnh được thị trường tiêu thụ đầy triển vọng và tiếp cận được những nguồn nguyên liệu. Đối với những kẻ hủ lậu phương Tây, ông ta không phải là nhà lãnh đạo của "đế chế cái ác" mà là một người nhân từ, một chiến sĩ đấu tranh vì hoà bình, vì sự ưu tiên cho những giá trị chung toàn nhân loại. Đối với chúng, ông ta là người đã loại bỏ nguy cơ xung đột hạt nhân, tình trạng đối đầu làm kiệt quệ trong chiến tranh lạnh và những cái đó ông ta đã trả giá bằng sự đổ nát của đất nước, phá hoại trong nhiều năm sức mạnh kinh tế của đất nước. Chính bởi vậy, đến tận bây giờ các phương tiện thông tin đại chúng của chúng vẫn ra sức tâng bốc ông ta và biến ông ta thành một "Goócbi trìu mến".


Hai bộ mặt của một con người: kẻ phản bội nhân dân mình và người anh hùng đối với thế giới bên ngoài, trước hết là đối với Mỹ, Đức, Ixraen. Cả hai bộ mặt đó đều có tính khách quan và có căn cứ. Tất cả phụ thuộc vào việc ai là người trả tiền. Chính bởi vậy mà Goócbachốp đã vội vã giao nộp tất cả - cả nhà nước, cả đảng và cả nhân dân. Đó là cái vốn mà người ta đã trả cho ông ta và sẽ còn trả thêm hàng triệu đồng. Đương nhiên sự phúc trình vô tư và những sự điều tra cặn kẽ chỉ có thể làm lu mờ ánh hào quang của người "anh hùng". Đó là sự mất mát không nhỏ. Chính vì điều đó mà ông ta đã mặc cả. Để làm điều đó và vì điều đó ông ta đã tuyên bố tất cả những nhân vật giữ trọng trách cao nhất của nhà nước và của đảng là những tội phạm quốc gia trước khi kết thúc cuộc điều tra một cách chính thức về các hành động của họ. (Theo bằng cấp, ông ta là luật sư). Hơn nữa, ông ta không dám gặp trực tiếp bất cứ ai trong số họ hoặc là công khai nghe ý kiến của họ. Từ đó, bắt đầu có các cuộc thăm viếng thường xuyên, các bài phát biểu được trả tiền, những cuộc quyên góp thậm chí với những quy mô bé nhỏ hết sức lố bịch, nhận những tước vị và những danh hiệu, vội vã đăng những điều phát lộ đáng ngờ. Điều quan trọng là kịp gặt hái. Nhưng có giấu giếm đến đâu đi nữa thì sự thật bao giờ cũng tìm đường đến với con người, dù cho phải trải qua nhiều năm. Không thể chặn đứng được cuộc sống.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 09 Tháng Giêng, 2022, 08:58:06 am
2. CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ KIỆN THÁNG 8-1991 HAY LÀ MỘT VÀI NÉT VỀ SỰ HÌNH THÀNH NHÂN CÁCH NGƯỜI ANH HÙNG CHỦ YẾU CỦA "LỊCH SỬ" NÀY

Trong lịch sử xôviết, tất cả những nhà lãnh đạo nhà nước đầu tiên là giành lấy quyền lực danh nghĩa, còn sau đó mới giành quyền lực thực tế. Cách này hay cách khác, nhưng tất cả họ đều cố gắng thực hiện nhiệm vụ đó vì hiểu nó là quyền lực cá nhân, còn nói chính xác hơn đó là độc quyền. Trên con đường đó tất cả đối thủ cạnh tranh và những người có tham vọng đủ loại, thông thường ai yếu hơn thì bị loại bỏ. Những địch thủ công khai trong tương lai đoàn kết với nhau để tiêu diệt người mạnh nhất và có tài năng nhất. I.Xtalin, N.Khơrútsốp, L.Brêgiơnép cũng đã lên nắm quyền như vậy. Ngoại trừ có hai người. Đó là K.Chécnencô, người mà nói chung không phải là quyền lực. Cả về tuổi tác, cả về trí tuệ, cả về tình trạng sức khoẻ. Lúc đó, ông ta không thể trở thành quyền lực. Do vậy K.Chécnencô chỉ thực hiện được một điều duy nhất và chủ yếu mà ông ta có thể làm được và vì việc đó mà người ta bầu ông là kéo dài cái kết cục đấu tranh giành quyền lực tối cao để cho các đối thủ cạnh tranh có thời gian bằng các mưu chước sau hậu trường tích luỹ lực lượng cho trận chiến quyết định. Người thứ hai là Iu.Anđrôpốp. Đây là một hiện tượng hết sức đặc biệt bởi vì quyền lực thực tế đã hoàn toàn tập trung vào tay ông trước khi ông nhận được quyền lực danh nghĩa. Về thực chất ông đã hình thành về mặt pháp lý việc bầu ông làm tổng bí thư, thực tế từ lâu ông đã trở thành tổng bí thư. Chính vì vậy mà trong một thời gian tương đối ngắn cầm quyền ông đã để lại một dấu ấn rõ rệt trong lịch sử của đất nước.


Goócbachốp không phải là ngoại lệ. "Con đường tiến lên cao" của ông ta về mọi phương diện rất điển hình. Cơ sở của con đường công danh đã được đặt nền móng vững chắc trong thời kỳ Xtalin bằng các công việc tương ứng của thời kỳ đó. Trước hết và cao hơn tất thảy đó là công tác xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà ông ta, người đã tốt nghiệp khoa Luật Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Lômônôxốp, tại khoá họp của Xôviết tối cao Liên Xô, khi trả lời sự trách cứ của các đại biểu, đã hoàn toàn chân thành nói: "Tôi không phải là một luật gia". Cuộc họp được truyền trên vô tuyến truyền hình khắp đất nước và lời đối đáp đưa ra trong quá trình thảo luận đã gây ra sự giễu cợt nhiều hơn là sự ngạc nhiên. Năm đầu tại trường đại học, ông ta làm Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản khoa, sang năm thứ hai được kết nạp vào Đảng Cộng sản (B) Nga và là đảng uỷ viên trường đại học, là người tích cực đấu tranh chống chủ nghĩa phục quốc Dothái (Xiônít) dưới khẩu hiệu vạch trần các bí danh. Sau đó, đến lượt các bác sĩ - kẻ phá hoại. Cuộc vận động trong các bức tường của Trường Đại học Tổng hợp Mátxcơva diễn ra, như mọi người đều biết, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của M. Xuxlốp, người trong nhiều năm sau khi A.Giơđanốp mất là nhà tư tưởng chủ yếu của mô hình chủ nghĩa xã hội Xtalin. Phải chăng, ngay lúc đó ông đã phát hiện người đồng hương trẻ tuổi "Xtarôpôn, mà khi "đã trưởng thành" thì được giúp đỡ để lọt vào bộ máy của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, còn trước đó giúp người "đang trưởng thành" này vào làm việc trong bộ máy của khu uỷ. Đúng là nơi xuất phát của thực tiễn sinh viên đã được chọn một cách chính xác - Lubianca đúng là Lubianca. Đúng là không một ai công khai hỏi ông ta về điều đó, còn bản thân Goócbachốp và những người am hiểu về nhân vật này đã không dám giải đoán, ở đó, ông ta đã ký văn bản loại nào. Về sự không tiết lộ các tài liệu là điều chắc chắn, còn về cái khác thì hiện không thể biết. Hiện nay, tôi biết chí ít là V.A.Criuscốp và A.I.Lukianốp chắc chắn được thông báo về điều đó và họ có thể suy nghĩ chắc chắn sẽ nói cho biết về những công việc cá nhân của ông ta thời kỳ đó.


Cái chết của Xtalin đã phá vỡ kế hoạch đăng ký cư trú tại Mátxcơva, buộc Goócbachốp phải quay về quê hương xứ sở, nhưng nhất quyết không trở lại công tác thực tiễn. Dù là một chức vô tích sự nhất - trợ lý cho trưởng ban tuyên huấn của Khu đoàn Thanh niên cộng sản Xtarôpôn, nhưng là trong bộ máy. Sống đến 31 tuổi trong "cái tổ ấm đoàn thanh niên cộng sản" không phải ai cũng đạt được. Và bao giờ cũng vậy, "dao động cùng với đường lối"1 ("Gió chiều nào che chiều ấy") đã làm ông ta ghét bỏ đảng đến như vậy vào năm 1991, nhưng vẫn ở trong bộ máy của đảng. Ông ta trở thành một bộ phận, một sản phẩm của bộ máy đó. Dưới thời Khơrútsốp ông ta theo Khơrútsốp, dưới thời Brêgiơnép ông ta theo Brêgiơnép, dưới thời Anđrôpốp ông ta theo Anđrôpốp, ông ta luôn luôn là kẻ hám danh lợi vô nguyên tắc.


Tôi chưa bao giờ được nghe nói - quả thực tôi không biết có ai đó được nghe - về Goócbachốp điều gì đó nổi bật so với những người lãnh đạo trung cấp của Đảng. Là người chấp hành và truyền dẫn điển hình các tư tưởng của người khác mà bản thân chỉ có khả năng tiếp tục và cố gắng với khả năng của mình, thực hiện những ý định và tư tưởng của người khác. Luôn luôn ông ta là người thứ hai trong ý nghĩ, là người do dự trong công việc, rất dễ bị ảnh hưởng và áp lực của người khác.


Trong thời gian giữ chức Bí thư thứ nhất Khu uỷ Xtarôpôn, ông ta đã phá vỡ nông nghiệp của khu, nhất là vào những năm 1972 và 1975. Ở thời ông ta, sự phát triển nông nghiệp được thay thế bằng sự trì trệ, đặc biệt là khi so sánh với các kết quả của những người láng giêng. Sự đổ vỡ đã được quy cho bị hạn hán. Ông ta đã phấn đấu thắng lợi cho việc mở rộng các khu phố, sau các cuộc đi thăm các thành phố và làng xóm đã để lại các hè phố bị đào bới, hàng núi các hòn đá nham nhở. Vì các việc đó mà nhân dân đã tặng ông ta một danh hiệu danh dự: ông Cạp mép. Trong số "những thành tựu to lớn" trong các lĩnh vực hoạt động khác, có thể nói đến việc tăng trưởng đáng kể lực lượng sản xuất ngầm do bị tác động bởi hậu quả các hành động của chính quyền trong các nước Cộng hoà Cápcadơ, trước tiên là Grudia và Adécbaigian. Những thông báo nghiệp vụ của cơ quan an ninh Liên Xô thời kỳ đó chứng minh (có thể có sai sót) rằng, "bọn ăn cắp hợp pháp" rất ưa tụ tập ở khu Xtarôpôn và Crátxnôđa.


Việc bầu Goócbachốp trong năm 1978 làm người phụ trách nông nghiệp thay thế Ph.Culacốp chết làm rất nhiều người ngạc nhiên và điều đó không hề đáp ứng lợi ích công việc mà người được lựa chọn phải chịu trách nhiệm trước Đảng Cộng sản Liên Xô và nhân dân Liên Xô. Rõ ràng là những chuyên gia và những cán bộ Đảng có kinh nghiệm như V.Mêxiát và V.Carơlốp phù hợp hơn nhiều đối với chức vụ đó. Nhưng, như một cán bộ đảng chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm và là một Trưởng ban của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã giải thích cho tôi rằng cần có người không hiểu biết, nhưng về phương diện cá nhân lại nổi tiếng để ai đó trong số "lão thành" dễ "dạy bảo và góp ý"; là người còn trẻ, biết vâng lời, và điều quan trọng là nghe theo "người lớn tuổi" và không nằm trong băng "maphia Đneprôpêtrốpxcaia". Thời gian đó, tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn và phân bổ cán bộ đảng, đặc biệt ở cấp cao, còn thuộc về Xuxlốp, còn sự phân chia các nhu cầu thì được thoả thuận. Thậm chí cái truyền thống không đưa những người được đề bạt cùng một khu, một tỉnh đến một nơi hai lần liền cũng bị phá vỡ.


Hoạt động sôi nổi của Goócbachốp với tư cách là cán bộ canh nông chủ yếu của đất nước đã đưa lại "những thành tựu" như chương trình lương thực nổi tiếng buồn thảm của Liên Xô, đã hoàn toàn thất bại, nói đúng hơn là đã chết một cách lặng lẽ vào năm 1990, cũng giống như việc bắt các con sông phía Bắc quay ngược dòng "một cách thành công", hay công trình xây dựng kênh đào tưới nước "Vônga - Chaigrai", việc phát triển vùng Viễn Đông, v.v...


Gắn với việc chuẩn bị chương trình lương thực là một sự việc ít ai biết đến nhưng rất đặc trưng đối với Goócbachốp. Thực tế là tất cả các nhà lãnh đạo liên bang và các nước cộng hoà, tất cả những ai có quan hệ đến ngành sản xuất nông nghiệp đều ủng hộ việc phát triển các cơ sở của khu vực nông nghiệp và việc xây dựng những kích thích có hiệu quả để tăng sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Sự tất yếu phải có những cải tạo tận gốc là điều rõ ràng. Vấn đề bao giờ cũng là ở chỗ lấy ở đâu ra số vốn cần thiết. Để phân phối lại 3% sự tăng trưởng của thu nhập quốc dân có lợi cho nông nghiệp, việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn dành cho nó đòi hỏi phải tiến hành một công tác lâu dài và hết sức kiên trì, phải cải cách hoạt động trong tất cả các khâu của nền kinh tế quốc dân, bảo đảm cho hoạt động bình thường của tổ hợp nông - công nghiệp. Để có được sản phẩm nông nghiệp với số lượng cần thiết và chất lượng cao theo mức độ cải tổ việc cung ứng vật chất - kỹ thuật, cải tổ sản xuất, bảo quản, chế biến và phân phối phải mất nhiều năm lao động kiên trì. Nhưng Goócbachốp như là "cha đỡ đầu" của chương trình lương thực đã xác định điều chủ yếu trong việc giải quyết vấn đề là tăng giá thu mua. Đối với tất cả các chuyên gia thì một điều rõ ràng là trong điều kiện quản lý tập trung có kế hoạch không dành cho nông nghiệp phương tiện vật chất bổ sung cần thiết để phát triển sản xuất và xây dựng (mà những khả năng như vậy lại không có), thì việc tăng giá thu mua chỉ dẫn đến việc tăng tiền lương và giá thành sản phẩm. Có phải từ bước đó mà về sau ông ta đã ủng hộ các chương trình 400 và 500 ngày của Bôcharốp, Satalin, Iavơlinxki, Gaiđa, những chương trình cũng dựa trên các ảo tưởng về sức mạnh toàn năng của việc tăng giá, nhưng lần này dưới chiêu bài "tự do hoá". Không quan trọng. Điều chủ yếu là hệ quả tuyên truyền mạnh mẽ, là tăng mạnh danh tiếng trong giây phút đó. Ông ta xuất hiện như là một chiến sĩ đấu tranh vì người nông dân, hiểu thấu các nhu cầu của nông thôn và phấn đấu để đáp ứng những nhu cầu đó. Ở đây trên mức độ nhỏ nhen ông ta đã mơ màng mình là một hình mẫu tiêu biểu của tư duy chỉ huy - mệnh lệnh, của người đứng đầu một công cuộc quan trọng. Chỉ có ranh giới thái ấp là thay đổi mà thôi. Từ những ranh giới theo khu, chúng có được hình dáng ngành - liên bang.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 09 Tháng Giêng, 2022, 08:59:32 am
Trong thê đội của Iu. Anđrôpốp có những nhà chính trị tháo vát, những nhà thực tiễn có kinh nghiệm, đã trải qua một trường học trong ngành an ninh như G. Aliép, E.Sêvácnátde, thì vị tất có thể nói về những phẩm chất đặc biệt nào đó của Goócbachốp. Thậm chí G. Rômanốp người đã bị Anđrôpốp nhiều lần phê phán kịch liệt vẫn được để lại trong ban lãnh đạo ở vị trí ban đầu có tính cách không hề thua kém Goócbachốp. Ta hãy xem xét quan điểm đối với cách đặt vấn đề về tiến bộ khoa học kỹ thuật và việc chuyển sang quan hệ thị trường. Nhiều yếu tố trong việc giải quyết vấn đề thứ nhất đã được nảy sinh và được Rômanốp thực nghiệm trong các xí nghiệp ở Lêningrát, còn cách tiếp cận mới đối với việc vận dụng quan hệ hàng hoá - tiền tệ, thị trường, việc chấp nhận trên thực tế nguyên tắc kết hợp các lợi ích khác nhau thì đã diễn ra ở Grudia. Một Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Grudia đã bàn về vấn đề này, các bài đăng trên các báo chí trung ương, kinh nghiệm của Abaski và nhiều cái khác vào thời kỳ đó, khi mà Goócbachốp thậm chí chưa với được đến từ "cải tổ". Nhìn chung khi đánh giá những vấn đề đã đề cập ở trên và cả việc phân bố lực lượng, công trạng và ảnh hưởng thì có thể giả định được rằng khả năng Goócbachốp thay thế Anđrôpốp mới cầm quyền không lâu là vấn đề đang được bàn cãi.


Chỉ mới có một điểm là còn trẻ theo chứng minh thư và dân tộc là người Nga thì còn quá ít dù cho người ta có quan hệ tốt với anh. Và giờ đây người ta có nói gì đi nữa về việc các uỷ viên bộ chính trị thời kỳ đó, thì họ đã luôn luôn nghĩ đến vận mệnh của đất nước, họ nhìn nhận toàn bộ cuộc đời của mình không thông qua lăng kính hướng ngoại.


Cuối cùng thì Goócbachốp đã thắng, ông ta nhận được sự ủng hộ như thế nào, bao giờ và vì sao của A. Grômưcô, một người gia trưởng hoạt động hết sức tích cực, là một vấn đề đặc biệt. Nhưng sự thật vẫn là sự thật - chính sự ủng hộ đó đã giải quyết cuộc tranh chấp giữa các đối thủ, có lợi cho Goócbachốp. Tại Hội nghị Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, dù nghị quyết đã được thông qua, và chưa hề có thực tiễn của các cuộc bầu cử có tính chất đối sách, đã phải có một phát biểu giải thích cơ sở nào để có sự lựa chọn đó. Ông ta hết sức đáng ngờ thậm chí đối với đội ngũ cán bộ chứ chưa nói đến các đảng viên thường.


Việc giành quyền lực tối cao dễ hơn việc giữ được nó. Hơn nữa việc giành nó lại từ tay người khác, trong trường hợp nói ở đây là Grômưcô, còn giữ nó phải bằng cái đầu và bàn tay của mình. Bởi vậy lịch sử của cái gọi là cải tổ về thực chất là lịch sử của cuộc đấu tranh giành giật quyền lực thực tế và giữ cái đã giành được. Khi nói đến cái đầu của bản thân và quyền lực cá nhân, thì một người đã công khai nói rằng ông ta làm một việc bẩn thỉu (như Goócbachốp nhiều lần đã làm) thì không thể không trả giá. Chính trị theo nhận thức và thực hiện của ông ta là như vậy. Goócbachốp đá trả giá cho sự chao đảo vô tận của mình từ thái cực này sang thái cực khác, cho công việc thiếu tính sáng tạo thực tế, cho sự giả tạo và hèn nhát không dám chịu trách nhiệm về những quyết định đã được thông qua băng những lợi ích của đất nước, của những người mà họ mong muốn dưới sự lãnh đạo của ông làm được một việc gì đó cần thiết cho đất nước, cho nhân dân. Không phải ngẫu nhiên mà bà phu nhân của A. Lukianốp là Lútmila Đmitrieva, quen biết gia đình Goócbachốp từ thời ở trường đại học, nói rằng gia đình Goócbachốp không hề có bạn bè. Bà ta biết rõ mình nói điều gì. Tôi cũng có nhận xét như vậy.


Việc Goócbachốp phản bội và loại bỏ một người sau khi người đó thực hiện xong nhiệm vụ cần cho ông ta để giữ cái ghế của mình có kết quả hay không điều đó không quan trọng, đến những năm gần đây không một ai trong số những người tiếp xúc với ông ta và trong số những người thân cận của ông ta lại có một sự nghi ngờ nào đó. Mọi người nhận làm công việc này hay công việc khác trước hết, chính là vì sự nghiệp. Họ không ôm ấp ảo tưởng, mà họ xuất phát từ chỗ nếu đất nước cần công việc đó thì còn ai ngoài họ sẽ thực hiện công việc đó. Thêm nữa đó là những người có quan điểm và chính kiến khác nhau. Họ đã từ đâu bị đặt vào thế không có lợi vì một nguyên nhân, đó là quan điểm của họ có ranh giới mà họ cho rằng không thể vượt qua ranh giới đó. (Xin có một sự so sánh không thú vị lắm: giữa tên tội phạm và nạn nhân của hắn. Tên tội phạm thì chỉ có một thứ luật là khao khát. Nạn nhân thì trong khi chống trả sự tấn công được dự định trước lại nghĩ làm sao việc tự bảo vệ không vượt quá điều pháp luật quy định).


Một lần vào tháng 6-1991, V. Sécbacốp người phó thứ nhất và người đồng chí của tôi, trong một cuộc nói chuyện đã thông báo rằng Goócbachốp đã gặp ông và muốn biết thái độ của ông về việc ông ta có thể giữ chức Thủ tướng Liên Xô. Chúng tôi có quan điểm giống nhau về mục tiêu và các phương pháp cải cách. Bởi vậy, vào mùa xuân 1991 chúng tôi đã thoả thuận với nhau nếu xuất hiện sự cần thiết, thì tôi sẽ làm tất cả khả năng của mình để người kế nhiêm của tôi là V. Sécbacốp nhằm bảo vệ mục tiêu và phương hướng cải cách. Đối với tôi, người biết rõ tính cách của tổng thống, không có gì ngạc nhiên khi xuất hiện vấn đề như vậy sau khi nâng giá bán lẻ và đổi tiền. Mấy ngày sau, khi có Hội đồng Liên bang, tôi đã tham dự các cuộc gặp gỡ của Goócbachốp với đại diện các khu vực tự trị, còn sau đó vắng mặt một thời gian do bận một số công việc khác. Khi tạm biệt, tôi nói với ông ta rằng tôi không bỏ ông ta, rằng ông ta có thể tin cậy vào tôi, còn nếu ông ta thấy cần thiết vì công việc thì tôi sẵn sàng từ chức ngay tức khắc. Không hề chớp mắt, ông ta thề rằng ông ta không hề có ý nghĩ gì về vấn đề đó, rằng ông ta nhất quyết không tán thành sự rút lui của tôi, rằng tôi cần phải vứt bở Ngay ý nghĩ đó ra khỏi đầu mình. Tôi không kể cho ông ta về cuộc nói chuyện với V. Sécbacốp, mặc dù tôi biết qua những đồng chí gần gũi và những người khác, ông ta đã có những cuộc nói chuyện tương tự nhiều lần không chỉ với V. Sécbacốp. Tôi đã rõ những hành động như vậy của ông ta đối với các nhân vật khác. Chẳng hạn, theo lời của N. Rưscốp thì ông đã nhận được đề nghị "lịch sự" của ông ta qua điện thoại trên ôtô khi trên đường đến hội nghị, 15 phút sau, tại hội nghị đó đã thông báo dường như N. Rưscốp đã đồng ý với đề nghị đó.


Tôi cho phép mình trình bày tất cả những điều đó để bạn đọc hiểu rằng: sự kiện tháng 8-1991 có lôgích và tiền lịch sử của mình. Khá lâu trước cái ngày đó, chính Goócbachốp đã suy nghĩ, đã chuẩn bị và không chỉ một mình ông ta.


Đối với ông ta luôn có những nguyên nhân và mục tiêu cá nhân sâu xa - đó là duy trì và củng cố quyền lực cá nhân của mình bằng bất cứ giá nào. Ông ta cần phải loại bỏ mối nguy cơ đang treo lơ lửng trên đầu, chỉ ra "những kẻ có tội" về sự đổ vỡ trong kinh tế và sự suy sụp của đất nước, thủ tiêu mọi lực lượng lúc đó còn có thể cản trở việc thực hiện các kế hoạch của mình.


Sự kiện tháng 8 không phải xuất hiện như là một cái gì đó mới về nguyên tắc. Trong sự kiện đó, một lần nữa thể hiện bản chất của Goócbachốp như là một con người và một chính trị gia. Điều ngắn gọn kể trên đã nói rõ những sự kiện đó chỉ khác sự kiện khác ở chỗ địa điểm hành động, thành phần người tham gia, những sự việc và những biểu hiện khác. Nhưng cách này hay cách khác đều liên quan đến bản chất của nhân vật mà số phận của lịch sử đã đưa lên chiếc ghế tổng thống của một cường quốc vĩ đại. Chỉ có hiểu rõ điều đó thì mới có thể hiểu được lôgích thực sự của sự kiện tháng 8 -1991, đánh giá đúng sự thật bức tranh mà hiện giờ với đôi tay không chút ngần ngại vì lợi ích của bản thân, Goócbachốp đang vẽ từng người trong số "những người chiến thắng bị lâm nạn".


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 09 Tháng Giêng, 2022, 09:01:24 am
3. NHỮNG TIỀN ĐỀ KHÁCH QUAN VÀ NHỮNG YÊU CẦU CỦA CẢI TỔ, VÀ ĐIỀU GÌ ĐÃ XẢY RA

Tính tất yếu khách quan của những biến đổi trong tất cả các lĩnh vực và đời sống kinh tế - xã hội của đất nước đã chín muồi dần dần trong suốt thời kỳ dài của chiến tranh lạnh và sự đối đầu của hai cường quốc - Mỹ và Liên Xô. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Liên Xô đối với những đồng minh hôm qua không những không suy yếu để buộc phải chấp nhận vô điều kiện những điều kiện hoà bình theo kiểu Mỹ, mà hơn thế còn nhanh chóng khôi phục nền công nghiệp của mình và tăng cường sức mạnh quân sự. Bài phát biểu của U.Sớcsin đọc tại thành phố Phuntơn, phản ánh đường lối nhất quán lâu dài của các giới có quan hệ với nước Nga nói chung và với Liên Xô nói riêng, đã được các giới cầm quyền Mỹ tiếp nhận một cách hoàn toàn hiểu biết và ủng hộ, bởi vì bài phát biểu đó đáp ứng những lợi ích của họ. Bởi vì, tư tưởng chiến tranh lạnh và bức màn sắt, về bản chất lịch sử của nó là sự tiếp tục tư tưởng đội phòng vệ cứu thương và là một tối hậu thư kiểu mà Kécdôn đã đưa ra thời đó, đã được sự ủng hộ tích cực và được phản ánh trong thực tiễn chính trị thế giới trong nhiều năm.


Chiến tranh lạnh, gắn với nó là chạy đua vũ trang bị ngắt đoạn từng thời kỳ bởi các cuộc xung đột cục bộ đã có ảnh hưởng to lớn và làm biến dạng sự phát triển kinh tế và hình thành cấu trúc sản xuất. Thực tế là đất nước chúng ta buộc phải tham gia vào cuộc chạy đua sản xuất vũ khí với địch thủ giả định, trong khi đó lại thua kém nó về tiềm lực kinh tế từ 6 - 8 lần.


Vị trí địa lý và địa chính trị thuận lợi của địch thủ giả định đã mua hết các bộ óc và bằng sáng chế trên toàn thế giới có ý nghĩa đặc biệt. Trong cuộc chạy đua, đất nước chúng ta đã phải bỏ ra những khoản chi phí tốn kém nhất để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của mình trong trường hợp có thể xảy ra các hành động quân sự bằng bộ binh và phải xây dựng lại từ đầu các phương tiện tiến hành chiến tranh cho phép đặt địch thủ có tiềm năng trước nguy cơ thảm bại. Liên Xô trong thời kỳ đó, như mọi người đều biết, chưa có hạm đội có thể có khả năng cạnh tranh nào đó. Còn về kHồng quân xuyên lục địa, không có các căn cứ kHồng quân cần thiết, một nhân tố quân sự thực tiễn chẳng cần phải nói đến. Như vậy về khách quan, thì chiến tranh lạnh đã làm nảy sinh cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân - tên lửa. Hàng nghìn tỷ đôla và rúp móc ở túi nhân dân đã bị thiêu đốt trong cuộc chiến tranh đó mà chủ yếu là Mỹ và Liên Xô. Một phần các chi phí đã trút lên vai nhân dân các nước đồng minh. Việc giải quyết các vấn đề xã hội đã bị chậm lại, còn trong cơ cấu sản xuất, trong các công trình nghiên cứu khoa học thì các chương trình và nhu cầu quân sự chiếm ưu thế ngày càng nhiều. Có thể có nhiều quan điểm khác nhau, ai thực hiện điều đó ở mức độ lớn và có hiệu quả hơn - Mỹ hay Liên Xô, nhưng có một điều không thể tranh cãi là phần lớn gánh nặng của các chi phí quân sự do sự đối đầu làm nảy sinh là do hai nước đó gánh chịu.


Đạt được và duy trì thế cân bằng trong lĩnh vực quân sự trong suốt một thời gian dài đứng trên quan điểm đánh giá về nguồn lực, được thể hiện, ví dụ - tổng số năng lượng chi phí cho các mục tiêu đó, đòi hỏi phải có các chi phí cân bằng nhau. Do vậy, sự khác biệt về vị trí xuất phát của nền kinh tế Mỹ và các đồng minh với nền kinh tế các nước thuộc hiệp ước Vácsava, trước hết là Liên Xô, chứng minh một cách hiển nhiên rằng sự cách biệt về mức sống của dân cư và với tương quan chất lượng, khối lượng, tiềm năng khoa học - kỹ thuật của các ngành nền tảng, sẽ tăng lên một cách nghiệt ngã. Có thể nói bao nhiêu và nói bất cứ điều gì về sự ưu việt của chế độ xã hội này hay chế độ xã hội khác, về phương thức quản lý này hay phương thức quản lý khác, nhưng việc thiếu vốn đầu tư, thậm chí không cho phép hoàn bù sự hao mòn vật lý của các quỹ sản xuất, dẫn đến việc ngừng dần dần quá trình sản xuất. Điều đó là khách quan và bất cứ một nhà kinh tế nào cũng thấy rõ điều đó. Việc giảm tiền lương và các chi phí cho các nhu cầu sinh hoạt xã hội ngoài mọi cái khác ra còn có một giới hạn khách quan về sinh lý học. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên dần dần cạn kiệt và không được sử dụng đầy đủ. Xin nói thêm, nếu phương Tây quan tâm tới việc mua tài nguyên thiên nhiên của Liên Xô, thì sự xung đột đã phải tìm ra được giải pháp hợp lý từ lâu rồi. V.I. Lênin đã nói rằng nếu đất nước không có một quỹ lương thực tương đối đủ cho các nhu cầu của mình thì những lời nói về độc lập thực sự là vô nghĩa. Còn ở nước ta, tiền thu được do bán vàng, dầu mỏ đã được chi cho những mục đích gì mọi người đều biết là để mua ngũ cốc và các lương thực khác.


Như vậy, mức sống thấp và lạc hậu trong việc sử dụng những thành tựu của tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ cho các nhu cầu sản xuất dân dụng là kết quả đã được định trước của chiến tranh lạnh, cũng giống như việc phá huỷ các toà nhà và giết hại dân thường trong các cuộc oanh tạc vào thành phố. Có thể dự đoán một cách lôgích rằng toàn bộ vấn đề là ở chỗ phát hiện sớm ưu thế quyết định của đối phương - trình độ xã hội thông qua sự cách biệt của dân cư nghèo khổ hoặc là ở trình độ quân sự thông qua tham số chất lượng của kỹ thuật quân sự. Để đo được áp lực và duy trì áp lực đó ở mức độ đòi hỏi thì cần có các cuộc xung đột thường xuyên được gọi là các cuộc xung đột cục bộ, những điểm nóng, v.v...


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 09 Tháng Giêng, 2022, 09:02:22 am
Điều chúng ta đáng quan tâm là vào giữa những năm 80, quỹ sản xuất cố định của nông nghiệp chiếm 20,3%, còn công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm chiếm 4,9% tổng giá trị các quỹ đó. Hao mòn vật lý của thiết bị tăng 40%, trong nhiều ngành nền tảng và tại các tổ hợp sản xuất trọng yếu thì là 50 - 60% và hơn nữa. Thời hạn khấu hao bình quân được quy định là 17 năm, nhưng thực tế đã vượt quá 20 năm. Cũng cần phải tính đến giá trị hiệu quả hữu ích của một đơn vị máy móc và thiết bị dự định thay thế bởi vì nó đắt hơn từ 3 đến 5 lần so với máy định loại bỏ. Vì vậy, quá trình tăng trưởng hao mòn vật lý các quỹ cố định đã vượt quá mức tăng trưởng khấu hao giá trị do việc kìm giữ một cách nhân tạo thông qua việc tăng giá. Bề ngoài, quá trình này không được thể hiện rõ do sản xuất kỹ thuật quân sự đã hoà lẫn với ngành chế tạo máy dân sự trong các tài liệu thống kê và kế hoạch. Điều đó tạo điều kiện khẳng định đã tuân thủ những cân đối kinh tế chủ yếu của sự phát triển nền kinh tế trên cơ sở sử dụng những thành quả của tiến bộ khoa học - kỹ thuật bằng cách tăng cường sản xuất sản phẩm ngành chế tạo máy. Trên thực tế thì ngành chế tạo máy trong khoảng 15 năm đã phát triển chậm hơn hai lần so với sự tăng trưởng chung của sản xuất công nghiệp ở trong nước, do vậy việc nhập cảng thiết bị hàng năm phải chi trung bình gần 15 tỷ rúp là điều kiện cần thiết để duy trì các quá trình tái sản xuất. Những số liệu trên về khách quan nói lên rằng: kỹ thuật và quy trình công nghệ cũ kỹ, lao động chân tay chiếm tỷ lệ cao, mức sống tương đối không cao của dân cư là nguyên nhân chính, chứ không phải do ý chí, nguyện vọng và sự không thành thục của cá nhân nào đó. Một đất nước phải chi phí 34 - 36% toàn bộ thu nhập quốc dân cho nhu cầu quân sự thì không thể có tình hình kinh tế - kỹ thuật và xã hội khác được, thậm chí dù cho có một người tài giỏi lãnh đạo. Nhưng để tìm ra một lối thoát xứng đáng và giữ cho đất nước khỏi rơi vào thảm hoạ đúng là cần có những thiên tài và chủ yếu là phải có những người thực sự yêu nước.


Tôi còn có thể kể nhiều về các quá trình đổ vỡ, giống như những di căn ung thư thâm nhập vào các khâu quan trọng khác nhau của nền kinh tế và đời sống chính trị - xã hội. Ví dụ, khi bắt tay soạn thảo chương trình cứu vùng đất bạc mầu thì mới vỡ lẽ là tuổi bình quân của thợ lái máy nông nghiệp của Nga là 58 tuổi, thợ vắt sữa là 52 tuổi. Nhưng đó là đề tài của một câu chuyện khác. Việc chẩn đoán bệnh tình của nền kinh tế của chúng ta nếu được đặt ra một cách đúng mức sẽ đưa ra được lời giải đáp cho câu hỏi phải chữa chạy như thế nào. Ở đây, chúng ta tìm hiểu căn bệnh đang bám hút vào một cơ thể suy nhược được nuôi dưỡng bằng thức ăn hôi thối được gọi với cái tên là "món Goócbachốp". Do vậy có thể hiểu được là còn có một khả năng khác nào đó, một lối thoát khác cho đất nước. Bởi vì, sau thất bại trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật năm 1905, ký hiệp ước Poócxmút, nước Nga đã có thể đạt được bước nhảy vọt chưa từng thấy trong sự phát triển của mình cho đến tận chiến tranh năm 1914. Nhưng khi đó, có Nga hoàng là X.Vitte. Goócbachốp và Sèvácnátde đưa ra ý tưởng và nội dung một đối sách được gọi là cải tổ và tư duy mới làm cho đất nước phải đầu hàng hoàn toàn và vô điều kiện với việc băm vằm nó ra thành từng mảnh. Giờ đây, họ khẳng định rằng trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, họ chỉ nhìn thấy có một mục đích là đập tan nhà nước chuyên quyền. Thế còn trách nhiệm? Những lời thề với nhân dân? Họ đều câm lặng.


Không thể bỏ qua vấn đề đối đầu, chạy đua vũ trang và hậu quả của nó. Người ta đã dẫn ra những nhân tố đó một cách tổng quát và riêng lẻ và sẽ còn dẫn ra để làm cơ sở bào chữa cho các hành động của nhiều chính khách "cải tổ", của những người bằng phương tiện thông tin đại chúng, văn học và nghệ thuật, đã quét lên toàn bộ lịch sử của Liên Xô một màu sơn đen và nhiều khi lại còn ca tụng toàn bộ 300 năm trị vì của dòng họ Rômanốp và còn sốt sắng đến mức nói chung không còn thấy một cái gì là trong sáng, là nhân văn cả: đế chế của cái ác, theo như Rigân, trong vai diễn của diễn viên câm đóng vai phụ. Và của cả những người từ các diễn đàn các cuộc mít tinh, các đại hội, các khoá họp như một dàn hợp ca về chủ nghĩa sôvanh nước lớn, về sự áp bức và thậm chí về sự diệt chủng của Liên Xô, của Đảng Cộng sản Liên Xô, của hệ thống hành chính - mệnh lệnh đối với các dân tộc của họ. Năm 1989 sự việc đã dẫn đến chỗ tất cả các nước cộng hoà trong Liên bang Xôviết đều làm những bản thống kê "không thể bác bỏ" rằng thu nhập quốc dân sản xuất ra trên lãnh thổ của họ đã bị chuyển đi các nước khác. Không một nước nào nhận được sự giúp đỡ và ủng hộ của nước khác. Ví dụ, Grudia đã tính toán rằng hàng năm số họ đưa ra khỏi nước cộng hoà vượt hơn số họ nhận từ nước Nga là 1 tỷ rúp. Và của cả những người nhìn thấy toàn bộ gốc rễ của cái ác là sở hữu xã hội về tư liệu sản xuất, và bênh vực cho nguyên tắc thần thánh bất di bất dịch của sở hữu tư nhân. Và của cả những người ủng hộ đa đảng và đòi cấm Đảng Cộng sản Liên Xô hoạt động và còn của rất nhiều người khác. Tất cả những ai cố ý hay không cố ý góp phần vào việc thủ tiêu cường quốc vĩ đại, đưa đầu nó ra băm vằm giống như quốc vương Muhamét đã đưa toàn bộ tiền văn minh cổ đại của Trung Á để tiêu diệt và bắt làm nô lệ. Ở đây, lịch sử đã được lặp lại.


Nếu xem xét một cách khách quan thì sẽ thấy rằng sự tính toán theo sơ đồ của các nhà lý luận và các nhà chiến lược chiến tranh lạnh tin cậy đến mức trở nên không có căn cứ trong cuộc sống, xét trên quan điểm tâm lý - đạo đức.


Trước hết cần chú ý đến một sự thật không thể tranh cãi là một người Mỹ bình thường sẽ không hề cảm thấy một sự hài lòng nhỏ nhoi nào nếu mức sống của anh ta giảm sút hoặc những vấn đề sinh hoạt, kinh tế và xã hội tích tụ chưa được giải quyết, chậm hơn so với nước Nga. Cũng vậy, anh ta không hề thấy mủi lòng khi anh ta giờ đây sống tốt hơn không phải hai lần mà là năm lần so với người Nga. Mỗi người chỉ so sánh với cái gì họ đã có và sẽ có. Người Nga trở nên khổ sở hơn, nhưng anh ta (người Mỹ) cũng chẳng sướng hơn. Hiện nay đã xuất hiện nhiều nước, chẳng hạn như nước Đức, nơi dân cư trước đây thua kém Mỹ về mức sống, nay đã vượt Mỹ, điều đó làm cho người dân Mỹ phải nộp thuế lo lắng và trở thành một nhân tố chính trị trong cuộc đấu tranh giành quyền lực.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 09 Tháng Giêng, 2022, 09:04:14 am
Việc Mỹ nhận gánh vác các chi phí quân sự đã tạo ưu thế đầu tư vốn to lớn cho Nhật Bản và Đức, và kết cục đã làm xuất hiện những trung tâm mới của các lực lượng và các đối thủ cạnh tranh trong nội bộ cái gọi là liên minh phương Tây. Thời đại đối đầu càng kéo dài bao nhiêu thì những xung đột nội tại ở Mỹ càng chín muồi bấy nhiêu và Mỹ sẽ chịu những tổn thất đáng kể trong cuộc cạnh tranh với các đồng minh. Điều đó, về khách quan, đòi hỏi phải có hoà bình, phải giảm quy mô đối đầu vì lợi ích của hai cường quốc vĩ đại - những người đứng đầu thế giới hiện đại. Ta hãy lấy tỷ giá đồng đôla làm ví dụ. So với đông mác Tây Đức vào thời kỳ từ năm 1950 đến năm 1985 nó giảm hơn 42%, còn so với đồng yên Nhật Bản, nó giảm 50%. Khối lượng tổng sản phẩm quốc dân của Mỹ cũng trong thời gian đó tăng 13,8 lần, trong khi đó Cộng hoà Liên bang Đức tăng 15,2 lần và Nhật Bản tăng 18,1 lần. Trong thời kỳ cầm quyền của Khơrútsốp và Brêgiơnép, Kennơđi và Níchxơn, những thoả thuận hoà bình đã trở thành vấn đề hết sức cấp thiết của nền chính trị thế giới, trước hết là đối với Mỹ và Liên Xô. Nhưng những nhà hoạt động chính trị nêu trên đã đặt lên hàng đầu trong mọi điều kiện những lợi ích của đất nước và dân tộc mình, tin tưởng vào sức sống chắc chắn và sức mạnh kinh tế của đất nước mình.


Việc Goócbachốp xuất hiện với tư cách nhà lãnh đạo của Liên Xô trong điều kiện tìm kiếm những con đường hai bên có thể chấp nhận được để khắc phục sự đối đầu tên lửa - hạt nhân đối với Mỹ là phần thắng trong cái thước cuộn. Họ sẽ phải đương đầu với một nhà lãnh đạo của cường quốc chưa được rèn luyên và giáo dục để tận tâm tìm kiếm các giải pháp xứng đáng, tìm cách sử dụng tối đa mọi khả năng để giữ gìn tài sản và uy tín quốc gia, luôn nghĩ về đất nước, về tương lai của nó chứ không phải về quyền lợi bản thân. Thay vì bạn đồng hành là một nhà yêu nước kiên định, lại là một người có quyền lực vô hạn ở trong nước mình nhưng không biết sử dụng quyền lực đó ra sao. Choáng váng vì những thành công trên bước đường công danh đã đẻ ra khát vọng hành động trên phạm vi thế giới. Quả là các nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản (B) Nga - Đảng Cộng sản Liên Xô đang học sống trong cộng đồng thế giới. Nhưng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một người cộng sản lại chủ động làm phát triển và hoàn thiện chủ nghĩa tư bản. Hơn nữa, không chỉ ở các nước tư bản chủ nghĩa mà còn cả trong phe xã hội chủ nghĩa. Đương nhiên, Goócbachốp chưa dám công khai nói với đảng và nhân dân là mình đang định làm gì, cho đến lúc người ta buộc ông từ chức để đi lang thang khắp thế giới nhặt mấy chục đồng xu sứt. Được vũ trang bằng thuật ngữ "cải tổ" dưới thời ông ta, mọi khó khăn và những vấn đề chưa được giải quyết được thổi bùng lên và điều chủ yếu là người ta muốn đập tan ban lãnh đạo ở tất cả các cấp và trong tất cả các bộ phận. Khẩu hiệu điển hình của thời kỳ cách mạng văn hoá ở Trung Quốc "nổ súng vào bộ tư lệnh" đã có được nội dung hoàn toàn mới và cụ thể ở Liên Xô. (Quả là, những nhà lãnh đạo Trung Quốc đủ sáng suốt để loại bỏ những người lãnh đạo ghê tởm của "cuộc cách mạng" đó, và sau đó không cần một chiến dịch tuyên truyền rùm beng ở nước ngoài "về cải tổ và tư duy mới" - đã suy nghĩ và thực hiện trong thực tế mô hình kinh tế cho phép không chỉ bảo đảm ăn mặc đầy đủ cho một dân tộc hơn một tỷ người, mà còn cung cấp cho chúng ta "đang nghèo khổ" lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Họ vẫn giữ vững được toàn vẹn lãnh thổ của một cường quốc vĩ đại và cả đảng cộng sản. Giá mà chúng ta học được thì tốt). Như vậy, trong chiến dịch này "chỗ dựa tương lai và sự bảo đảm để đưa các cuộc cải cách dân chủ ở Nga tiến lên" được các phương tiện thông tin đại chúng thân chính phủ của chúng ta ở trong nước và ở nước ngoài giới thiệu. Trong lúc đó, Bí thư thứ nhất Thành uỷ Mátxcơva là Enxin chỉ trong chưa đầy hai năm ở cương vị này đã hai lần thay thế tất cả các nhà lãnh đạo các tổ chức đảng, các Xôviết quận và bắt tay vào vòng ba của "cải tổ", ở Mátxcơva thì đỉnh cao của cải tổ là đấu tranh chống "tệ uống rượu".


Trên toàn quốc diễn ra sự thay thế các cán bộ lãnh đạo đảng và nhà nước giống như một cuộc thanh trừ. Thậm chí, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tại Hội nghị trung ương năm 1989 đã khéo léo đưa cùng một lúc 130 uỷ viên chính thức và uỷ viên dự khuyết ra khỏi trung ương. Thật là một trường hợp chưa từng xảy ra! Cái nhãn "không chịu tự tu chỉnh" có thể dán cho bất cứ ai cũng như hôm nay, "dân chủ" mới không cần xem xét, không cần bằng cớ, gọi tất cả những người phản biện là những người ủng hộ việc quay lại hệ thống độc tài, hành chính - mệnh lệnh, là những người có tư duy đế chế, v.v.. Hiện nay, nói chung, khó có thể hiểu được trong số các đảng và phong trào ai là người như thế nào. Những người tả trở thành hữu, còn hữu thì gọi mình là tả, số khác thì càng tả hơn hoặc càng hữu hơn, cao lên và cao lên, và cuối cùng không ai hiểu một cái gì hết. Nhưng toàn bộ sự đa dạng và sự mâu thuẫn đó của các lập trường chính trị chỉ đối với người vô học mới cảm thấy đó như là kết quả của sự giải phóng về tinh thần và đùng một cái tự do báo chí, tự do ngôn luận được tung ra dưới cái gọi là công khai. Thực tế thì quá trình đó có sự định hướng và được quản lý và bao gồm hai chiến dịch làn sóng nối tiếp nhau một cách chặt chẽ.


Làn sóng thứ nhất: Goócbachốp sử dụng các biện pháp truyền thống của bộ máy trong cuộc đấu tranh nội bộ đảng, bằng bàn tay của B. Enxin, M. Xôlômansép, E. Ligachốp loại bỏ các bí thư thứ nhất khỏi chức vụ và đưa xuống hàng thứ hai, tiếp sau đó đưa xuống hàng thứ ba. Còn họ, những người hàng thứ ba đến phần mình lại bị thanh trừ trong các Xôviết đại biểu nhân dân, trước hết là trong các uỷ ban hành chính. Bằng bàn tay của Rưscốp, Goócbachốp đã thay thế ban lãnh đạo các cơ quan trung ương, các bộ và các tổng cục. Hầu như toàn bộ thành phần Bộ chính trị và Ban Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô và bộ máy của nó bị thay thế hoàn toàn. Dưới khẩu hiệu cải tổ, người ta làm tất cả mọi chuyện - từ đấu tranh cho sự tỉnh táo đến bịa đặt ra sự vạch trần, tố cáo và tạo dựng, thổi bùng các vụ án hình sự. Điều chủ yếu là thay thế con người, những người mới tương đối trẻ hơn và trong một số trường hợp là những người có học thức nếu xét trên quan điểm kỹ trị, họ có một phẩm chất chủ yếu là thiếu kinh nghiệm trong các lợi ích chính trị của quốc gia, chưa bao giờ đứng trên Goócbachốp trong thứ bậc đảng và nhà nước.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 09 Tháng Giêng, 2022, 09:05:17 am
Làn sóng thứ hai: A. Iacốplép thúc đẩy sử dụng I.Phlôrốp, E. Iacốplép, M. Pôntôraních, I. Láptép, V. Côrôchích, A.Nuikin và những người khác. Làn sóng này dâng lên dần dần bằng cách thường xuyên hâm nóng thái độ thiếu thiện chí đối với ban lãnh đạo đảng trước đây, bị buộc tội là "chủ nghĩa Xtalin tội lỗi" và đối với ban lãnh đạo hiện nay bị buộc tội là quan liêu bất hảo (tất nhiên, ngoại trừ Goócbachốp...), xa rời đảng, xa rời nhân dân và sử dụng các đặc quyền đặc lợi trong khi nhân dân thì nghèo khổ. Những người mới nổi lên bề ngoài thì không nhất trí một cách tự phát ở giai đoạn một, họ không thể tập hợp lại với nhau để tạo ra trong ý thức quần chúng một bản đúc - sự thống nhất của đảng. Điều đó giống như một dấu hiệu và sự biện bạch cho việc không thực hiện bất cứ quyết định nào của chính quyền trung ương. Điều chủ yếu là thổi phồng những lời đồn đại dưới khẩu hiệu: "Nói về công việc của chúng ta". Người ta không cần hỏi bất cứ ai về bằng cứ. Toàn bộ lịch sử trong thời kỳ Xôviết đều đen tối, các nhà lãnh đạo đều là những tội phạm nếu không bị xử bắn thì bị bỏ tù. Các khó khăn nói chung không còn là do khách quan mà người ta coi chỉ là hậu quả của sự không thành thạo của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô mà sự lãnh đạo kinh tế dựa trên hình thức sở hữu toàn dân. Từ đó, vẽ ra cho nhân dân thấy một con đường đơn giản, nhanh nhất để tiến đến cuộc sống tốt đẹp hơn - không phải bằng sản phẩm cao, không phải bằng đầu tư, không phải bằng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, như người Đức, người Mỹ, người Nhật, người Trung Quốc đã làm, mà là đập tan bộ máy đảng, thay thế lãnh đạo và các đại diện chính quyền. Người ta đã tung ra một câu chuyện cổ tích về một ông vua nhân từ và chiếc đũa thần, nhưng lại ám chỉ câu chuyên xảy ra trong đời sống kinh tế - xã hội nước Nga cuối thế kỷ XX. Lại tước đoạt và phân chia, lại những ảo tưởng về khả năng có bước nhảy vọt to lớn không cần lao động. Do vậy, có nhiều người tụ tập ở các cuộc mít tinh, bởi vì nó gắn với ý thức của họ, bởi vì dễ dàng hô lên một vài khẩu hiệu, một vài lời kêu gọi giả dối, bởi vì, không cần chứng minh điều gì hết, không phải ngẫu nhiên mà các cán bộ khoa học, các viện nghiên cứu, các trường dại học, các nhà báo, những người phụ trách các chương trình truyền hình, các luật sư, loại như G.Pôpốp, A.Xốpchắc, O.Lachít, A.Aganbegian, V.Métvêđép, X.Satalin, P.Buních, V.V.. lại trở thành những nhà tư tưởng của đám đông tiểu tư sản đó. Nhưng họ lại không nói cần xây dựng như thế nào, làm thế nào để thay thế các thiết bị đã cũ kỹ, làm thế nào để buộc người ta làm việc đủ 8 giờ, hết mình và chỉ nhận lại theo lao động đã bỏ ra. Mà họ chỉ toàn nói, có thể là giả danh khoa học, những lời nói rỗng tuyếch, về hệ thống tồi, phân phối tồi, về người lãnh đạo tồi, về cuộc sống thấp kém, về các kết quả kinh doanh tồi. Người ta hô hào những điều mà mọi người đã biết: cần làm cho cuộc sống tốt hơn, bởi vì mọi người đã mệt mỏi, bởi vì người ta đã chờ đợi quá lâu, người ta không muốn và không thể chịu đựng lâu hơn nữa. Và điều đó diễn ra trong điều kiện ở những người ở "hàng thứ ba" lên nắm quyền nhưng chưa có quyền lực. Bản thân họ không thể chống trả và lập lại trật tự, bởi vì chưa nắm được đầy đủ các thủ đoạn cầm quyền, mặt khác từ trên lại giữ tay họ không cho họ sử dụng được quyền lực dù ở mức nào đó.


Tất cả đều vì cải tổ, dưới ngọn cờ của cải tổ. Anh là người đầu tiên có thể làm được thì hô to hơn những người khác: danh dự và chính quyền. Không một ai dự định thực hiện điều đã hứa và chịu trách nhiệm về công việc không hoàn thành. Tiến hành phân tích và thống kê số liệu thì tổng giá trị của những lời hứa hẹn trước bầu cử, chỉ riêng của các đại biểu nhân dân được bầu năm 1989 vào Xôviết tối cao Liên Xô đã lên đến con số gần bằng khối lượng thu nhập quốc dân trong hai năm.


Cả hai chiến dịch đó ban đầu dường như hỗ trợ cho nhau, ở nơi nào do những nguyên nhân nào đó người ta không thể gạt bỏ, cho chuyển công tác hay cho về hưu vì tình trạng sức khoẻ (đó là công thức mà các nhà kinh điển của bộ máy yêu thích!), thì ở đó, người ta sử dụng việc bôi tội gắn với các hình thức và phương pháp lãnh đạo lỗi thời nền kinh tế, là có liên quan đến việc vi phạm sinh thái, là không quan tâm đến con người, là đặc quyền đặc lợi. Một thủ đoạn ưa chuộng là "thể hiện ý nguyện của nhân dân" tại các cuộc mít tinh hay các cuộc tuần hành với các đòi hỏi buộc ai đó của cơ quan chính quyền Xôviết hay một nhân vật cụ thể phải từ chức, những người mà ban lãnh đạo trung ương đột nhiên thấy, đương nhiên là đã cân nhắc kỹ, phải loại bỏ. Nhưng khi cái công việc mờ ám thay thế loại thứ nhất xuống loại thứ ba về cơ bản đã hoàn thành, thì những người thi hành công việc đó không những trở thành không cần thiết, mà còn nguy hiểm. Bởi vì họ là những người lựa chọn, đề bạt khẳng định loại thứ nhất mới đó. Những bạn bè thời sinh viên, những đồng nghiệp trong công tác ở bắc Cápcadơ trình độ vẫn dừng lại trong các ghế ở loại thứ ba. Nhưng đó chính là nhiệm vụ chủ yếu của họ - đánh bóng cho cái chỉ số trung bình "cao" của lãnh tụ.


Và cả thê đội của E.Ligachốp cũng trở nên nguy hiểm. Chức vụ "Hồng y giáo chủ xám" trong Bộ Chính trị - đó là quyền lực thực tế, trong bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành lực lượng số một. Như tôi nói ở trên, Goócbachốp chỉ muốn nắm quyền lực một mình. Vì vậy ông ta cần phải biến "Hồng y giáo chủ xám" thành "Hồng y giáo chủ tại gia". A.Iacốplép - theo tôi biết rõ - là người thiết kế chủ yếu đường lối chính trị của "cải tổ" và là người lãnh đạo thực hiện nó. E.Ligachốp lại ở hàng đầu, không chỉ đe doạ quyền lực thực tế tương lai của Goócbachốp mà còn cả quyền lực danh nghĩa. Trong năm 1986 -1988 ông ta có quyền lực nhiều hơn so với Goócbachốp và Iacốplép. Về quan điểm tư tưởng, chí ít qua cái được công khai tuyên bố, và cả theo lôgích cuộc sống thì E.Ligachốp và Iacốplép không thể cùng tồn tại với nhau - hai con gấu không bao giờ có thể cùng sống trong một cái hang. Thế là bắt đầu cuộc tấn công vào E.Ligachốp. Ligachốp mạnh hơn và đương nhiên nguy hiểm hơn, và vì vậy cần phải tiêu diệt. Trong một thời điểm, người ta quy cho E.Ligachốp phải chịu trách nhiệm về chiến dịch chống uống rượu đã làm lung lay đến tận gốc hệ thống tài chính - ngân sách và tiền tệ - tín dụng của đất nước vốn đã hết sức yếu kém. Người ta đã cố gắng im lặng không nhắc đến sự đóng góp về tư tưởng và thực tế của Goócbachốp vào công việc đó, và cho đến nay vẫn im lặng. Chính quyết định và không chỉ một, do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đứng đầu là tổng bí thư thông qua. Ở trung ương, chỉ có Ủy ban Kế hoạch nhà nước Liên Xô, Bộ Tài chính Liên Xô, Thứ trưởng Bộ Thực phẩm Liên Xô phụ trách sản xuất rượu và nước giải khát là phản đối.


Cú đấm được tính toán chính xác. Kinh nghiệm của thế giới về việc thi hành luật cấm rượu đã dạy ta rằng việc cấm đoán buộc nhân dân nhịn rượu là không có lợi, mà lại tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc hình thành các tổ chức maphia và sự làm giàu của chúng. Những kết quả chiến dịch đó ở Liên Xô không phải chờ đợi lâu như kinh nghiệm thế giới đã có. Goócbachốp và Iacốplép không thể không biết đến kinh nghiệm đó, nhưng đã giải quyết một nhiệm vụ khác mà để giải quyết nhiệm vụ đó họ sẵn sàng trả bằng bất cứ giá nào. Lại không phải là lấy tiền từ túi của mình. Số phận của E.Ligachốp đã được định trước. Công việc cải tổ bộ máy Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công sản Liên Xô hoàn thành, trước hết là Ban Bí thư với kết quả là E.Ligachốp bỗng nhiên trở thành người phụ trách nông nghiệp. Như vậy làn sóng thứ hai đã đuổi kịp và phủ lên làn sóng thứ nhất.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 21 Tháng Giêng, 2022, 03:57:29 pm
4. NHỮNG NHÂN VẬT MỚI TRONG SỰ KIỆN THÁNG 8 TƯƠNG LAI

Để hiểu rõ sự kiện tháng 8-1991 cần phải phân biệt quan điểm thực của những người sẽ tích cực tham gia sự kiện đó. Trước hết là Enxin. Như mọi người đều biết, nhân vật này được mời làm việc trong Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô với vai trò người tổng chỉ huy của cả nước, theo sáng kiến và khuyến nghị của chính E. Ligachốp, chứ không phải ai khác. Đó là một nhà hoạt động điển hình của đảng, có tiểu sử điển hình, có cách tư duy và kinh nghiệm của chế độ hành chính - mệnh lệnh. Ông được cử đến Mátxcơva với tư cách người được chỉ định, giữ chức vụ Bí thư thứ nhất Thành uỷ của Đảng Cộng sản Liên Xô để tham gia chính làn sóng đầu tiên mà chúng ta đã nêu ở trên. Nhiệm vụ của ông là phải xoá sạch toàn bộ, di sản của Grisin. Mátxcơva vốn là lò đào tạo cán bộ đảng cho cả nước và nhất là cho giới cầm quyền chóp bu. Ngoài ra, ở thủ đô có một tổ chức đảng lớn nhất, bao gồm cả các tổ chức đảng của tất cả các cơ quan chính quyền trung ương. Công bằng mà nói, nhà xây dựng1 (Enxin vốn là kỹ sư xây dựng (N.D)) Enxin là một kẻ phá hoại tài ba. Vẻn vẹn chưa đầy hai năm, tổ chức đảng Mátxcơva đã bị ông đập nát về căn bản. Vả lại, so với những người đứng đầu các khu vực khác thì có lẽ các nhân vật đứng đầu ở Mátxcơva không phải đứng hàng thứ ba, mà đúng hơn là hàng thứ tư. Nhưng, bởi vì đó là các cán bộ của ông ta, của Enxin, nên mọi người phải luôn nhớ điều đó.


Chiến dịch tuyên truyền chống lại E. Ligachốp được mở đầu ở Mátxcơva, được sử dụng những hình thức "xuống đường" khác thường đối với kẻ tiểu nhân Nga, chỉ có thể thực hiện được với một điều kiện do chính Enxin - người được giới thiệu, phản bội lại người tiến cử mình. Việc ông bị kết tội tại Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô là hoạt động phân liệt và làm tan rã cán bộ đảng, chẳng có ý nghĩa gì đối với Goócbachốp. Đa số các quan sát viên lúc đó đều không biết, không hiểu và không nhận định được điều chính yếu - việc Enxin trừ khử cán bộ của V. Grisin và của E. Ligachốp là theo đặt hàng của Goócbachốp, dù việc đó cũng có lợi cho mình. Hiện giờ khó mà nói được rằng, lúc đó ông có dự đoán gì xa hơn không. Nhưng chính việc triệt phá cán bộ theo đặt hàng đã bảo đảm cho Enxin có một "ô che". Cấp bậc Bộ trưởng của Liên Xô với chức vụ Phó Chủ tịch thứ nhất Uỷ ban xây dựng nhà nước Liên Xô đã được dành sẵn cho ông. Tất cả những đặc quyền, đặc lợi mà sau này ông phản đối, kêu gào rất to trước công chúng - xe "Hải Âu", biệt thự, phòng khám bệnh, khẩu phần, phiếu nghỉ v.v..., tất cả ông đều được giữ nguyên. Công việc quá nhàn theo chức vụ đảm đương. Tôi - với tư cách là một thành viên của Đoàn Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, không hề thấy một văn bản nào, nghe một bài phát biểu nào của ông tại các phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Nhưng thời gian và cơ sở vật chất thì ông có, và phải thừa nhận rằng, ông đã sử dụng không tồi những thứ đó cho hoạt động tổ chức - chính trị phục vụ lợi ích của mình. Goócbachốp có biết được điều đó hay không? Có thể là ông ta biết. Và điều đó cũng hợp với ý ông. Rõ ràng là trong thời gian đó họ đã phối hợp hành động với nhau. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng vào thời điểm đó, Goócbachốp chưa đánh giá hết nguy cơ đối với mình vì ông cho rằng, thông qua A. Iacốplép, bản thân ông vẫn kiểm soát được toàn bộ cái gọi là phe đối lập tự do chủ nghĩa.


Điều khá quan trọng là cuộc tranh chấp quyền lực chính trị lúc ấy tập trung xung quanh những vấn đề cải cách kinh tế, chủ yếu là cải cách quản lý kinh tế. Những nhân tố khách quan do mở rộng quy mô và đa dạng hoá các quan hệ kinh tế đòi hỏi phải thực sự phi tập trung hoá quản lý. Sự siêu tập trung không chỉ mang lại quá nhiều lợi ích ưu tiên cho các bộ ngành, gây ra thiệt hại cho các địa phương. Nếu đánh giá một cách đồng bộ thì thấy rằng toàn bộ các nghị quyết riêng rẽ dù có hiệu quả cũng không tạo ra sự tăng trưởng chung, không những gây tổn thất mà còn trì hoãn quá trình thực hiện các nghị quyết quản lý vi mô, làm giảm tính xác đáng do sự xa rời của cơ quan quản lý với đối tượng quản lý cả về mặt thời gian và không gian. Còn trong điều kiện hiện nay, không thể xây dựng ngay một hệ thống có hiệu quả, dù chỉ là trên lý thuyết, để kết hợp các lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng, nhằm nâng cao tính hiệu quả chung, bằng cách dựa vào những chỉ tiêu hiện vật được xem là nhân tố phát triển chính nhờ tiến bộ khoa học - kỹ thuật và ứng dụng những thành tựu của nó vào sản xuất. Từ đó nảy sinh sự cần thiết khách quan không chỉ của việc phi tập trung hoá theo kiểu phục hồi và hiện đại hoá các nông trang tập thể trong giai đoạn mới, như một số vị lãnh đạo đã đề xuất (ví dụ N. Maxlennhicốp - Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Cộng hoà Liên bang Nga, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch nhà nước Cộng hoà Liên bang Nga), mà cần có sự thay đổi ưu tiên dành cho các đối tượng quản lý. Yêu cầu sử dụng các quan hệ hàng - tiền và những đòn bẩy giá trị vốn có của chúng trong quản lý, đã được đưa lên hàng đầu. Quá trình chuẩn bị cho cuộc cải cách đó đã được triển khai theo đường lối của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô dưới sự lãnh đạo của A Iacốplép, V. Métvêđét, V. Bônđin. Vấn đề cán bộ do G. Radumốpxki đảm nhận từ năm 1985, I. Prôxchiacốp và A. Miliucốp chịu trách nhiệm tổ chức triển khai theo định hướng của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Cuối cùng, năm 1987 tất cả dự thảo được tập trung lại và biến thành các Nghị quyết của Hội nghị toàn thể tháng 6 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Những nghị quyết này do một nhóm soạn thảo dưới sự lãnh đạo của A. Iacốplép, V. Métvêđép, L. Abankin, V. Bôndin, V. Môdin. Tham gia nhóm này có A. Aganbegian, A. Anchiskin, G. Pôpốp và một số chuyên gia khác, trong đó có các cán bộ trong bộ máy Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Về phía Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô có tôi và X. Xitarian tham gia. Còn Enxin, X. Satalin, G. Ialinxki và cả E. Gaiđa đều không hề tham gia quá trình soạn thảo.


Nhờ tham gia quá trình chuẩn bị Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 6-1987 và chương trình của N. Rưscốp năm 1990 nên tôi có thể nói rằng, cả Enxin và Goócbachốp đều không phải là những nhà kinh tế, nhà lý luận và nhà thực tiễn, không phải là những "nhà thị trường", đều không hiểu rõ thị trường là gì và quản lý nó như thế nào, có thể và cần phải dùng nó để đạt được điều gì, huống chi là thực hiện điều đó ra sao trong thực tiễn. Do đó những bất đồng của họ về cải cách không phải là những bất đồng về quan điểm và nguyên tắc, mà chỉ là những mâu thuẫn trong quá trình tranh giành quyền lực chính trị cao nhất cho bản thân. Vì vậy, những bất đồng, mâu thuẫn ấy tất yếu sẽ nảy sinh. Nền kinh tế của cả nước, phúc lợi của nhân dân đã trở thành những con tin của cuộc tranh giành quyền lực chính trị, thể hiện qua cuộc đấu tranh giữa các tư tưởng và quan niệm, cuộc đấu tranh vì những cải cách dân chủ chống lại hệ thống hành chính - mệnh lệnh. Mỗi người tự coi mình và tuyên bố mình là người dân chủ và người cải cách, còn đối phương thì được gọi là người bảo thủ, quan liêu, quan cách. Nhưng, trong thời kỳ đó, họ cũng sẵn sàng hoà hợp khi cần loại bỏ người thứ ba. Đó là thực chất những dao động của cả Goócbachốp lẫn Enxin, những yêu sách và thoả thuận không ngừng diễn ra giữa họ với nhau.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 21 Tháng Giêng, 2022, 04:01:35 pm
Do thực hiện hai chiến dịch thanh trừng tàn bạo, trước hết là đối với các nhà hoạt động chính trị của các nước cộng hoà và địa phương, nên ở các địa phương đã xuất hiện quan niệm cho rằng trung ương không còn là chỗ dựa, là người bảo vệ những lợi ích cho các nhà lãnh đạo của họ nữa. Trái lại, trung ương đã trở thành một nhân tố nguy hiểm, đe doạ họ. Vậy là, từ con ngựa thành Tơroa dưới tên gọi "cải tổ" đã xuất hiện những cuộc chiến tàn phá Liên Xô đến tận nền tảng của nó. Sau khi bị trung ương bỏ mặc, các nhà hoạt động ở các nước cộng hòa và các địa phương đã tìm chỗ dựa cho mình ở nơi sở tại, thoạt đầu là do tình thế bắt buộc, sau đó ngày càng có ý thức hơn. Chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa phân biệt và chủ nghĩa dân tộc đã được đa số họ dùng làm vũ khí, phương tiện duy nhất để tự cứu mình và quyền lực của mình, về sau đã phát triển thành mục tiêu tự chủ, ly khai, đề cao và tự khẳng định từng bộ phận trên cơ sở phá hoại và huỷ diệt tổng thể. Các đơn vị lãnh thổ - quốc gia được hình thành với tốc độ và kết quả khác nhau theo con đường đó. Bắt đầu từ những vấn đề quốc ngữ, văn hoá dân tộc, phục quyền và kêu gọi sám hối, bồi thường, rồi họ không thể dừng lại được, khi còn chưa đi đến cùng, đến phân lập toàn bộ. Để ngăn chặn được quá trình phát triển của chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến cần phải có chính quyền cứng rắn và sức mạnh. Nhưng Goócbachốp lại không muốn. Hơn thế nữa, ông đã bằng mọi cách thúc đẩy quá trình tan rã, làm suy yếu tất cả các lực lượng chính trị và nhà nước, phân tán họ. Thi hành nguyên tắc "chia để trị" đã giúp ông ta cơ hội đứng vững trên đầu ngọn sóng. Nhưng khi quá trình suy sụp của đất nước đã đi quá xa và trở thành không quản lý nổi, thì cơ hội duy nhất để cứu nguy là dựa vào quân đội và an ninh. Bởi vậy, chính Goócbachốp đã dẫn tình hình đến chỗ cần thiết phải có tình trạng khẩn cấp. Đó cũng là điều mà từ lâu ông đã ý thức được và chuẩn bị sẵn sàng. Điều này được nói lên bằng những sự thực hiển nhiên, qua nhiều cuộc họp do ông điều khiển, trong đó tôi có được tham gia một số cuộc.


Khi chuẩn bị nghị quyết về cải cách kinh tế cho Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 6-1987, những người soạn thảo đều thống nhất ý kiến muốn thực hiện cải cách này trên thực tế, thì trong những biện pháp tổ chức cần quyết định một bước đi rất quan trọng - tập trung vào tay một người các chức Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Nói thẳng ra là đất nước, cường quốc của chúng ta, như con thuyền lớn, cần có sự thay đổi tất yếu về đường lối, phải củng cố kỷ cương về mọi mặt tập trung ý chí và nỗ lực, vào những thời điểm quyết định nhất. Nếu không làm thế thì con thuyền hoặc sẽ bị lật đổ, hoặc sẽ đi theo con đường cũ, hoặc hoàn toàn lạc đường và biến thành thứ đồ cũ han gỉ. Nhưng, khoảng một tuần trước khi tiến hành Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, những người soạn thảo cải cách kinh tế thuộc nhóm của G.Radumốpxki (Ban Tổ chức của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô) biết rằng người đằt hàng, tức là Goócbachốp, đã không chấp nhận hướng tổ chức lại quản lý nhà nước và cần phải khẩn trương sửa chữa lại văn kiện. Tuy nhiên, nếu nói rằng điều đó là không thể thực hiện được thì còn hơi vội. Nói cách khác, không phải sự tập trung quyền lực, mà do thiếu khả năng hiện thực để cải cách theo hướng đó vào thời điểm ấy là nguyên nhân của sự phủ nhận. Thêm vào đó, một điều khá tiêu biểu là vấn đề cải cách kinh tế đến tháng 6-1987, sau Hội nghị toàn thể cán bộ tháng Giêng mới được đưa ra xem xét mặc dầu, theo tôi biết thì việc chuẩn bị đã được tiến hành đồng thời, nếu không nói là sớm hơn. Đó chính là một trong những nguyên nhân chậm trễ thực hiện cải cách.


Sau khi không giải quyết vấn đề quyền lực thực tế bằng phương thức thông thường, Goócbachốp đã làm một cuộc cải cách không phải vì mục tiêu, mà dùng phương tiện để đạt được mục tiêu. Chung quanh cuộc cải cách này đã dâng lên một làn sóng thứ hai mà tôi đã viết. Còn ở các địa phương, về thực chất đã diễn ra quá trình đánh lộn sòng các khái niệm, trong đó phi tập trung hoá quản lý và tự do cho người sản xuất đã bị công khai đổi thành chủ nghĩa trung phái chính trị. Các nước cộng hoà bắt đầu nói đến việc trung ương kìm hãm cải cách, và họ có ý muốn biến một trung ương thành ít nhất là 15 trung ương. Những thay đổi thực sự bằng cách chuyển sang các quan hệ thị trường bị đẩy xuống hàng thứ hai không làm cho ban lãnh đạo của họ quan tâm lắm. Điều đó thể hiện rất rõ khi thành lập cộng đồng các quốc gia độc lập, người ta mới vỡ lẽ ra rằng, chẳng một nước cộng hoà nào có chương trình cải cách thị trường thực sự. Có lẽ, chỉ trừ nước Cộng hoà Udơbếch, nơi mà Tổng thống I.Karimốp, nhà kinh tế chuyên nghiệp, trước khi trở thành nguyên thủ quốc gia đã làm Bộ trường Bộ Tài chính nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Udơbếch, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch nhà nước Udơbếch và đã tích luỹ khá đầy đủ kinh nghiệm để phân biệt rõ các mô hình phát triển thị trường và phi thị trường. Bởi vậy, thiết nghĩ rằng, ông hoàn toàn hiểu rõ nên cải cách gì và như thế nào trong nước để phù hợp với những điều kiện kinh tế - xã hội riêng của nước mình. Nhưng tất cả các nước cộng hoà đều lo ngại nước Nga, vì họ cho rằng, dựa vào tiềm lực kinh tế của mình nó vẫn có thể trở thành một trung tâm như trước, nếu không nói là còn cứng rắn hơn, nhưng trong mọi trường hợp vẫn kém uy tín nhất. Lợi dụng sự đối kháng giữa những người cộng sản và những người dân tộc, giữa chủ nghĩa phân lập và chủ nghĩa trung phái, là chiến lược cơ bản của Goócbachốp vì sự sống còn về mặt chính trị của mình. Bởi vậy, hoạt động chính của ông ta là trừ khử các lực lượng và phong trào chính trị không để cho bất cứ ai có được ưu thế quyết định.


Chính sách đó đã mang lại kết quả. Các nước cộng hoà vốn bị ràng buộc ở mức quyết định các quan hệ sản xuất, quản lý với trung ương và Nga, đều không thể hợp nhất để chống trung ương, nhưng chính trung ương mà đại diện là Goócbachốp, lại không muốn giải quyết một cách triệt để và hợp lý các quan hệ giữa Nga với các nước cộng hoà. Lúc này ông ta tập trung chú ý vào việc làm suy yếu các lực lượng chính trị bằng cách đối đầu họ với các lực lượng chính trị ở Nga, trước hết là đảng cộng sản và những người dân chủ tương lai. Và, ở đây Goócbachốp đã làm tất cả để cuốn hút Enxin ra khỏi "cõi hư vô chính trị".


Sau khi tạo cho Enxin điều kiện và thời gian để tập hợp lại lực lượng và thay đổi êkíp, ông vẫn luôn giúp Enxin. Nguyên tắc "lạy Chúa, hãy giúp cho kẻ yếu hèn" đã có hiệu lực. Về điều này, người ta không nói và không viết ra, nhưng bao giờ sự phù hộ đó cũng đến trong thời điểm cần thiết nhất: từ những mệnh lệnh thường ngày cho cục an ninh và cơ quan kiểm duyệt đến những thay đổi chiến lược trong các trận chiến chính trị.


Chẳng hạn, xin dẫn ví dụ về cuộc đấu đáng nhớ trong đời sống chính trị của chúng ta, giữa B.Enxin và I.Pôlôxcốp với tư cách là những người tranh cử chức Chủ tịch Xôviết tối cao Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga tại Đại hội đại biểu nhân dân Nga, khi những cuộc bỏ phiếu nhiều lần sau nhiều ngày tranh luận và phối hợp ngấm ngầm đã mang lại thế ngang bằng hoàn toàn và thậm chí người ta còn dự đoán Pôlôxcốp sẽ thắng cử. Chiến dịch bôi nhọ đôi khi đến mức lố bịch, hèn hạ nhại lại những khuyết tật của thân thể, giọng nói, lối phát biểu, họ tên của ông1 (Pôlôxcốp: tiếng Nga có nghĩa là xúc miệng (ND)) cũng đã không làm ông thất bại. Và bỗng nhiên, điều hoàn toàn bất ngờ là I. Pôlôxcốp rút khỏi danh sách ứng cử viên. Câu nói theo kiểu của một nhân vật nổi tiếng trong phim hoạt hình - con mèo Lêôpôn vang lên "nào các bạn, chúng ta hãy sống hoà thuận" không thuyết phục nổi một ai trong số những người ủng hộ ông. Hầu như tất cả những người cộng sản đều nhận định đó là một cú đánh lén, một sự phản bội trắng trợn. Nhưng, thế thì ai đã phản bội? I.Pôlôxcốp chăng? Sau này, mùa xuân năm 1991 vào lúc giải lao tại hội nghị trọng thể ở Nhà hát lớn, Ivan Kudơmích1 (Ivan Kudơmích Pôlôxcốp (ND)) đã đứng lại với tôi sau hội trường. Chúng tôi chỉ có hai người. Chúng tôi đã bàn với nhau về việc tìm cho ông một vị trí thích hợp trong nội các Liên Xô với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất và thu mua lương thực. Về mặt nghề nghiệp tôi thấy không có vấn đề gì, nhưng tôi còn chưa đồng ý về việc bổ nhiệm và điều này ông ấy cũng đã biết. Tôi chỉ đặt ra cho I.Pôlôxcốp một câu hỏi: Ý kiến ông phát biểu tại đại hội là do quyết định của riêng mình hay của tập thể và vì động cơ gì? Câu trả lời chỉ vẻn vẹn: trong một cuộc nói chuyện bằng điện thoại, Goócbachốp cho biết là ý kiến của các Uỷ viên Bộ Chính trị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô "khuyên" tôi nên rút khỏi danh sách ứng cử viên, bất chấp mọi phản đối và nghi ngờ của I.Pôlôxcốp. Kỷ luật đảng đã thắng và đây không phải là lần đầu và cũng chẳng phải là lần cuối cùng được Goócbachốp dùng vào những mục đích riêng gây thiệt hại cho chính bản thân đảng.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 21 Tháng Giêng, 2022, 04:03:56 pm
5. "ĐỘI QUÂN THỨ NĂM" TRONG HÀNH ĐỘNG

Những hành vi của Goócbachốp có thể là rất khó tin được, nếu như tách chúng ra khỏi tiến trình chung và lôgích các sự kiện. Mà những sự kiện đó là như thế này. Ngày 12-6-1990, Xôviết tối cao Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga ra tuyên bố về độc lập, về hiệu lực tối cao của các đạo luật của các nước cộng hoà so với các đạo luật của liên bang, ra các nghị quyết về các hệ thống tài chính - tín dụng và thuế, sự kiện đó đã phá vỡ cơ sở quyền lực kinh tế của Chính phủ Liên bang. Tiếp đó, sau phong trào bãi công của thợ mỏ do ban lãnh đạo chính trị Nga đứng đầu là Enxin khởi xướng và tài trợ, sau những lần lớn tiếng kêu gọi chuyển tất cả các xí nghiệp và các cơ quan nằm trên lãnh thổ Nga trả cho Nga thì nguy cơ làm tê liệt nền sản xuất đã buộc nội các Liên Xô phải lo cứu nền kinh tế khỏi sự sụp đổ và cứu nhân dân khỏi nạn đói thay cho việc tiến hành công cuộc cải tổ triệt để nền kinh tế theo con đường cải cách đã định. Có thể nào tin được rằng trong giờ phút nguy kịch, Goócbachốp không chỉ giúp đỡ, mà đúng hơn là đã nhấc bổng kẻ thù không đội trời chung của mình lên khỏi cơn sóng dữ. Nhưng đó là sự thực và về lôgích là nhất quán, bởi vì Goócbachốp và Enxin ngày càng trở nên không thể chịu nổi nhau về phương diện cá nhân - cái ghế tối cao bao giờ cũng chỉ có một, và vì nó là tối cao nên không bao giờ không có kẻ thù, họ chỉ làm mỗi một việc là phá hoại. Mỗi kẻ phá hoại vì những ý tưởng và mục đích riêng, mặc dầu trên con đường đó họ đã hành động trong một đội ngũ thống nhất, đồng thời lần lượt thay phiên nhau cả về hướng đánh hoặc thông thường hơn là phối hợp cả về mặt thời gian và không gian những đòn đánh vào đối phương chung - Liên Xô - từ hai phía.


Thật bất hạnh đối với đất nước, hướng phá hoại chính lại là kinh tế và gắn với nó là mức sống của nhân dân. Những người lãnh đạo kinh tế - từ giám đốc, chủ tịch uỷ ban và những chuyên gia chung quanh họ cho đến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô là những người đầu tiên cảm thấy và hiểu được nguy cơ đe doạ sự tồn tại của nhà nước, nguy cơ đối với những cơ sở bảo đảm đời sống của nhân dân, nằm trong chương trình hành động của "những người cải tổ" mà thói ngạo mạn cá nhân đã tô vẽ ra. Điều đó đã được thể hiện rõ ngay từ khi chuẩn bị thành lập quốc hội cuối cùng của Liên Xô.


Đã xảy ra một sự kiện chưa từng có là - những công dân có toàn quyền của Liên Xô đã bị người ta tước mất quyền được trở thành người đứng trong danh sách ứng cử chỉ vì họ giữ chức bộ trưởng trong Chính phủ Liên bang. Vì sao nghề nghiệp khác lại không bị cấm? Mà chính những bộ trưởng ở nước ta bao giờ cũng là những người có uy tín nhất trong đội ngũ giám đốc và kỹ sư - kỹ thuật. Vậy mà người ta đã coi họ ngang với những người can án và những người mất trí. Thế nhưng các viện hàn lâm, các hội và các liên đoàn thì lại chỉ được phép đề cử chứ không phải ứng cử, đại biểu mang tên nhân dân. Chủ trương này đã bị phản công một cách ngấm ngầm ngay tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ phất vào năm 1989, khi đăng sau hội trường - các nhà công nghiệp, các nhà nông học và nhiều người khác nữa đã kiên trì đến phút chót thuyết phục N.Rưscốp đồng ý ra tranh cử chức Tổng thống Liên Xô. Hầu như tôi đã tin chắc rằng, bất chấp hàng trăm đại biểu của Đảng Cộng sản Liên Xô, của công đoàn, của đoàn thanh niên và của các tổ chức xã hội, kể cả hội những người chơi tem và các hội hữu nghị mà phần lớn được chỉ định nhằm phối hợp với Goócbachốp, Tổng thống Liên Xô sẽ là N.Rưscốp, mong sao ông ấy đồng ý. Người ta đã nói thẳng với ông rằng, chẳng cần phải làm gì cả, "vì Anh chúng tôi sẽ làm tất cả", chỉ cần anh nói ."Vâng". Ông đã không biết giữ mình và vì lòng trung thành, tháng 12-1990, ông đã nhận được phần thưởng nhồi máu cơ tim và từ chức. Không gì có thể quên và không ai có thể quên. Bởi vì không phải ngẫu nhiên mà đại biểu N. Ôbôlenxki tự mình ứng cử chống lại Goócbachốp, đã thu được 20% số phiếu. Dĩ nhiên người ta bỏ phiếu không phải vì N. Ôbôlenxki, mà là để chống Goócbachốp. Nghĩa là nguy cơ từ phía những người lãnh đạo kinh tế còn nguy hiểm hơn cá nhận Enxin. Tức thì Goócbachốp đã dùng tay Enxin để phản công, tung ra loạt đòn đánh lén vào các cơ quan đầu não - các bộ, các cơ quan kế hoạch, tài chính và ngân hàng.


Có thể nhớ lại việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống ờ Nga. Enxin đã là người được ái mộ nhưng vẫn chưa có ưu thế áp đảo. Vòng bầu thứ hai đã trở nên thực tế hơn. Lúc này mặc dầu N.Rưscốp đã được đề cử, Goócbachốp vẫn tiếp tục giới thiệu V. Bacatin. Nguyên do là bạn phải tự thể hiện mình là một nhà hoạt động chính trị tự lực trong tương lai. Bacatin tự cho rằng, ông chẳng hề có một cơ hội nào đắc cử và nhiệm vụ của ông chỉ là để kéo bớt số phiếu về mình. Số phiếu của ai vậy? Chính ông đã vô tình chơi N. Rưscốp một vố, tước mất số phiếu của ông ấy. Tình hình cũng như vậy khi tổ chức bầu cử thị trưởng Mátxcơva và lựa chọn những đối thủ đối với G. Pôpốp. Hoặc lấy ví dụ ở Ucraina, nơi mà các đại diện của Rukhơ đã tiến hành một chiến dịch ác liệt chống lại việc bầu Bí thư Đảng Cộng sản Ucraina V.Ivaxcô làm Chủ tịch Xôviết tối cao của nước cộng hoà, đổ vấy rằng ông cũng như tất cả những người cộng sản, dường như đều đặt lợi ích của trung ương Mátxcơva và Đảng Cộng sản Liên Xô lên trên lợi ích của nhân dân Ucraina. Về thực chất, người ta đã buộc ông phải cam đoan rằng những lợi ích dân tộc, mà theo phát ngôn của các phương tiện thông tin đại chúng, là lợi ích dân tộc chủ nghĩa, sẽ được ông đặt cao hơn tất cả các lợi ích khác, và dù là người cộng sản đi nữa, thì ông vẫn phải luôn bắt đầu từ sự ưu tiên đó trong các chính sách của mình. Nhưng số phiếu hiển nhiên và chắc chắn là sẽ nghiêng hẳn về phía ông. Thắng lợi của những người cộng sản Ucraina và những người muốn giữ nước Nga trong một quốc gia thống nhất dường như đã là tất yếu. Thế mà bỗng nhiên, đúng một tuần sau, V. Ivascô được triệu về Mátxcơva, và nhanh chóng trở thành người giữ chức phó của Goócbachốp về công tác đảng. Tại sao và nhằm mục đích gì? Lẽ nào một tuần trước đó, Goócbachốp không biết rằng ông cần V.Ivascô ở Mátxcơva, hoặc giả không dự đoán được sức mạnh, luận cứ và xung lực mới, lực lượng mới mà ông đã giáng xuống đầu Rukhơ, để mở ra khả năng tiến hành ở đây một vòng đấu tranh chính trị mới, với những người đã đánh mất quan điểm và tính chủ động sáng tạo, sút kém về đạo đức, dù đó là những người đang cùng đứng trong hàng ngũ đảng với mình. Dĩ nhiên là Goócbachốp biết. Nhưng ông ta không cần một thành trì cộng sản ở Ucraina. Ông ta vẫn chưa quên những lời tán dương bất đắc dĩ đối với V. Sécbixki về lực lượng cán bộ ở nước cộng hoà này và tinh thần đoàn kết cùng với tính kiên định của họ.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 21 Tháng Giêng, 2022, 04:04:29 pm
Tuy nhiên, để mở đường cho Enxin, về thực chất là để bảo đảm thắng lợi cho ông ta ở nước Nga, Goócbachốp cũng đã tiến hành công việc phá hoại quyền lực và uy tín của Enxin. Ông ta đã đưa ra một cơ chế mà nhờ đó trung ương bị sụp đổ bởi chính các nước cộng hoà trong liên bang, tất cả được lặp lại như sao y bản chính. Tôi đã chứng kiến cuộc gặp gỡ cuối cùng và trao đổi riêng của Goócbachốp với các đại diện của các khu tự trị, về dự phiên họp Hội đồng Liên bang tháng 7-1991. Tôi là người có mặt ngoài dự kiến, có thể nói như một người thừa. Nội dung cuộc trao đổi đề cập đến mối quan hệ qua lại với nước cộng hoà, đến cá nhân Enxin, tất cả đều thống nhất là sẽ giúp đỡ và ủng hộ. Thực chất, đó là cuộc phổ biến chỉ thị.


Cùng lúc đó, trước mắt Goócbachốp đặt ra một nhiệm vụ có tầm quan trọng rất lớn: bằng mọi cách phải giành được sự kiểm soát cá nhân đối với quân đội và an ninh. Nhiệm vụ này trong quân đội được đặt lên vai Đ.Iadốp, người được bổ nhiệm trọng trách thứ trưởng, và sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; trong Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô thì dồn lên vai V. Criuscốp, còn sau đó là V. Bacatin (tuy không lâu), trong Bộ Nội vụ Liên Xô là V. Bacatin và về sau là B. Pugô. Ba trong bốn người này sau này là những thành viên của Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp.


Một lần nữa xin nhắc lại các sự kiện. Sự kiện Nagornưi Carabắc được bắt đầu từ đâu? Từ việc bàn luận về cuộc phỏng vấn giật gân ở Pari đối với Viện sĩ A.Aganbegan, cố vấn của Goócbachốp. Ở đây, tôi chỉ nói những gì mà chính mình đã nghe được. Tôi biết Aben Aganbegan là một người rất thận trọng, hay cân nhắc và hiểu biết nhiều. Ông chưa bao giờ có những tuyên bố chính trị không đúng lúc kiểu như vậy. Vậy mà bỗng nhiên có cuộc phỏng vấn, theo tôi được biết không trái ý Goócbachốp, không có một tuyên bố nào, không bác bỏ những tin đồn đại. Đấy là tôi còn chưa nói rằng một người thuộc tầm cỡ như vậy không có quyền ra những tuyên bố chính trị không ăn khớp với người lãnh đạo của mình hoặc không trùng với đường lối và quan điểm của ông ta. Nhưng trong trường hợp, nếu vì những nguyên nhân nào đó vẫn cứ xảy ra điều đáng tiếc, thì chính người lãnh đạo phải có trách nhiệm tuyên bố trước công chúng và sa thải vị cố vấn đó. Huống hồ là sự vu khống thì lại càng cần phải bác bỏ. Sự việc lại chẳng xảy ra như thế. Tiếp theo là sự kiện Bacu. Mặt trận nhân dân đã ra đời bởi vì người ta đã khen ngợi và khuyến khích. Những người ngồi đợi sự bắt bớ, thì buổi sáng vẫn còn được mời đến đàm thoại, mặc dầu chính họ đã cho rằng sự việc thế là thất bại. Số người ủng hộ mặt trận đã từng bước nhanh chóng phát triển. Hoặc giả chúng ta hãy nhớ lại sự kiện Pribantích và Tbilixi. Thoạt đầu là sự xúi giục hành động kiên quyết, rồi đến thành lập các uỷ ban cứu nguy, chiếm đài phát thanh và đài truyền hình. Tiếp đến là cấm đoán, toàn bộ tiến trình chỉ dừng lại ngay sau khi biện pháp cuối cùng đã được thực hiện. Biết bao điều về sự tham gia trực tiếp của Goócbachốp, về những lệnh và sự trừng phạt của ông ta đã được viết lại và kể lại từ các diễn đàn khác nhau, kể cả ở Xôviết tối cao Liên Xô. Nhưng trong câu chuyên này chúng ta cần chú ý đến một điều rất quan trọng: vì một sự trùng hợp kỳ diệu nào đó, khi xảy ra các sự kiện, Goócbachốp bao giờ cũng đi đâu đó, thường là đi ra nước ngoài. Xin hãy nhớ lại việc sử dụng quân đội ở Tbilixi, Bacu, sử dụng cảnh sát dã chiến và lực lượng đặc nhiệm ở Riga, Vinhiút, và hãy so sánh sự kiện đó với sự kiện tháng 8-1991. Phải chăng là có nhiều điều trùng hợp. Lần này, ông ta lại một lần nữa không có mặt ở Mátxcơva. Ông ta đang đi nghỉ, "bị cách ly" ở Phôrôx. Lối dập khuôn ghê người, vì thế bị lộ tẩy và tự kết thúc bằng thất bại của Goócbachốp.


Để kết thúc chương này chúng tôi cố gắng xem xét một cách khách quan những kết quả của cái gọi là công cuộc cải tổ quân đội, các cơ quan Bộ Nội vụ Liên Xô. Nhiệm vụ thay thế cán bộ trong các lực lượng vũ trang và các cơ quan an ninh không đòi hỏi phải có những luận cứ đặc biệt. Nhưng trong điều kiện nước ta, đoàn sĩ quan có một đặc điểm là không phụ thuộc vào những quan hệ cá nhân, những sự cảm tình và thành phần, đại đa số sĩ quan có lẽ đều có cái mà có thể gọi và gen di truyền - tinh thần yêu nước, lòng trung thành với Tổ quốc và lòng tự hào về Tổ quốc, coi Tổ quốc là một thể thống nhất và không thể chia cắt. Chính vì vậy trong mọi sự thay đổi của ban lãnh đạo thì quân đội đứng đầu là đoàn sĩ quan vẫn là một nhân tố chính trị có tiềm lực mạnh của chủ nghĩa tập trung, trong đó những con người thuộc tất cả các dân tộc đã luôn luôn sống và phục vụ cùng nhau, đã trải qua trường học sống động về chủ nghĩa quốc tế. Điều đó đặc biệt quan trọng bởi vì ở cả Nga lẫn Liên Xô, về mặt lịch sử, nhân dân đã coi quân đội như sự quan tâm máu thịt của mình và tự hào về nó, sẵn sàng chịu mọi hy sinh để củng cố quân đội. Sự khẳng định rằng phục vụ trong quân đội là việc làm danh dự vẫn luôn là quan niệm thực sự của nhiều người dân. Muốn chia rẽ được quân đội và nhân dân, phải thực hiện không chỉ bằng một lần khiêu khích. Nếu không, với sự ủng hộ của nhân dân bất kỳ lúc nào quân đội cũng có thể làm thất bại mọi âm mưu ngấm ngầm nham hiểm nhất. Những sự kiện Tbilixi, Bacu, Vinhiút, Nam Ôxechia, Mônđavia đã mang lại rất nhiều tư liệu thực tế để nghiên cứu xem công cuộc tàn phá nhà nước thống nhất đã nhất thiết phải đi đến chỗ khiêu khích chống lại quân đội Liên Xô ra sao, những mưu toan đem đối lập nhân dân với quân đội, làm cho quân đội mất tư cách người bảo vệ nhân dân dưới con mắt của dân, biến nó thành đội quân mật thám đặc biệt và sử dụng nó để đạt được những mục đích của cá nhân và của phe nhóm chính trị. Những đặc điểm đó của quân đội chúng ta là một nhân tố kìm hãm quan trọng trong những mưu đồ chính trị tháng 8-1991.


Nếu như giới ngoại giao do bàn tay và nỗ lực của Sêvácnátde tạo ra, hoàn toàn được Goócbachốp sắp đặt để phục vụ cho những mục đích cá nhân thông qua công tác tuyên truyền kiên trì - tích cực ở nước ngoài về hình ảnh "Goócbi trìu mến" của mình, đã không giữ một cái gì khác ngoài quan điểm chờ thời, ngấm ngầm hy vọng việc ông ta bị cách chức, bởi vì hơn ai hết họ đã biết rõ sự thực về sự phản bội của ông ta đối với những lợi ích chiến lược và đối với bạn bè nước ngoài, thì quân đội lại tích cực tham gia sự kiện này. Vai trò thực của quân đội không hẳn chỉ gắn với D. Iadốp và V. Varennicốp, mà đúng hơn là với E.Saposnicốp, P. Grachốp, v.v. hoặc còn chưa lộ ra, hoặc lộ ra một cách phiến diện và rất đáng ngờ.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 21 Tháng Giêng, 2022, 04:04:55 pm
Đến tháng 8-1991, quân đội dường như đã bị bắn trúng đích. Sự thất bại của nó đưa đến sự phân chia, mà về mặt vật chất bắt đầu từ khi ký hiệp nghị về rút quân khỏi các nước châu Âu thuộc khối hiệp ước Vácsava cũ, ấn định thời hạn rút quân trước khi thoả thuận các vấn đề về sử dụng ưu thế quân đội, kỹ thuật quân sự, chuẩn bị điều kiện để phân bố số quân ở những địa điểm đóng quân mới. Tình hình đi đến chỗ khôi hài, khi thậm chí người nước ngoài còn khẳng định rằng, với thời hạn mà Sêvácnátde và Goócbachốp đưa ra và ký kết thì không thể rút hết số quân đã định vì khả năng kỹ thuật vận chuyển của đường sắt. Hàng triệu binh chức và gia đình của họ, theo lệnh của vị tổng chỉ huy của mình, đã buộc phải bỏ chạy, bỏ lại nhà cửa, máy móc, phi trường, bãi tập, đường xá, thiết bị, nhà xưởng và công trình với trị giá hàng tỷ đôla và đóng ở nơi đồng trống, trong lều bạt, hoặc ở khắp những chốn xa lạ như những người tị nạn. Còn chính phủ thì sau khi rút quân đã được uỷ quyền tiến hành đàm phán về vấn đề sử dụng ưu thế bị lãng quên. Nên chẳng ngạc nhiên vì rằng tất cả những cái đó đã mất đi hoặc được bán đi với một giá rẻ mạt. Tiền của mà chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức cấp cho sau đàm phán để xây dựng nhà ở cho binh chức của quân đội Liên Xô, được chuyển từ Đức về, cũng chỉ như giọt nước trong biển khơi. Sau đó Goócbachốp đã hai lần đề nghị H. Kôn cấp thêm kinh phí cho mục đích đó, theo tôi là 18 tỷ mác, nhưng cả hai lần đều bị từ chối. Còn trị giá của tài sản để lại, của vũ khí và các công trình, nếu tính đúng ra, thiết nghĩ, còn lớn hơn nhiều so với con số đó. Người ta cũng từ chối việc bồi thường cho những người dân được điều từ lãnh thổ Liên Xô sang làm việc ở Đức, thực sự thì trong vấn đề này những người Do thái của Liên Xô vốn còn sống trong vùng đóng quân hoặc được chuyển đến những vùng an toàn của Liên Xô, chạy sang sống ở Ixraen, đều đã được trả bồi thường bằng tiền của Đức cho thiệt hại kiểu như vậy. Hoặc lấy ví dụ về hiệp ước hủy bỏ tên lửa SS-20 và trạm rađa Craxnôiarxki. Phương Tây đã tháo dỡ, tận dụng những tên lửa của họ, còn chúng ta thì huỷ đi những vật liệu quý giá nhất. Người ta đã ký kết huỷ bỏ trạm rađa Craxnôiarxki. Sau khi trở thành thủ tướng, tôi đã đặc biệt giao cho giới quân nhân quyền xem xét khả năng sử dụng nhà xưởng, năng lượng, giao thông liên lạc và cơ cấu hạ tầng vào những mục đích sản xuất hoặc khoa học - kỹ thuật. Tổng tham mưu trưởng của các lực lượng vũ trang Liên Xô M. Môixeép trình bày rằng, về mặt kỹ thuật thì có thể, song theo điều kiện của hiệp ước với người Mỹ thì không thể. Bộ Ngoại giao Liên Xô kiên quyết phản đối và một mực đòi thực hiện đúng hiệp ước mà họ đã soạn thảo và Goócbachốp đã ký. Nhưng ý đồ của tôi không phải là ngăn cản việc rút quân khỏi châu Âu, mà muốn dù chỉ là thông báo cho các bên quan tâm biết một khả năng hành động như vậy do quan điểm thiếu xây dựng của những người tham gia đàm phán và sự công khai kéo dài việc giải quyết các vấn đề về sử dụng ưu thế của quân đội Liên Xô và sự định giá về nó. Vậy mà đã gây ra sự phản ứng dữ dội và sự bất bình của Sèvácnátde và các cố vấn của Goócbachốp về các vấn đề đối ngoại, và sau đó là sự phản ứng tương tự của chính ông ta.


Nhìn chung cần phải nói rằng, những hiệp ước mà Goócbachốp đã ký nhân danh Liên Xô, chưa bao giờ là kết quả làm việc bằng trí tuệ tập thể của các cơ quan quyền lực lập pháp và hành pháp. Họ đã tập trung vào việc sử dụng nguồn lực của đất nước, trước hết là tiềm lực kinh tế của nó để xây dựng và ký kết những hiệp nghị và hiệp ước trong thời gian đi thăm. Đã có một phương pháp đặt hàng, thu thập đơn từ để có thể ký trong lúc đi thăm thường kỳ. Tôi không hề nhớ một trường hợp nào có đưa ra chính phủ và nghị viện để bàn về vấn đề những lợi ích kinh tế nào của nước ta có thể được bảo đảm bằng cách ký kết hiệp nghị và hiệp ước với các nước khác. Đó là cách tiếp cận điển hình của Goócbachốp - người tham gia các hiệp nghị và hiệp ước quốc tế. Về thực chất, ông ta chẳng phải làm một mình, mà cũng chẳng mất gì, còn nhân dân thì phải trả giá cho tính chất phá hoại của đa số những hiệp định, hiệp ước đó đối với nền kinh tế quốc dân, và những lợi ích lâu dài của đất nước trên thế giới. Cách tiếp cận đó chỉ đặc trưng trong hai trường hợp - hoặc do sự ngu dốt của kẻ độc tài, hoặc là sự phản bội có ý thức. Còn trong trường hợp này thì sao? Tháng 8-1991, A. Trécnhiaép, người giúp việc của Goócbachốp, đã sống cùng Goócbachốp trong suốt những ngày tháng 8 ở Phôrôx, có nói rằng Goócbachốp rất tin tưởng Iadốp, bởi vì ông ta hiểu rõ vì sao khó qua được toàn bộ cuộc cải cách này, nếu nhớ tới những gì đã thực hiện với quân đội. Năm 1991, một lần trong chuyến đi thường kỳ ra nước ngoài, trên đường trở về Mátxcơva, Goócbachốp đã nói thẳng với Đ. Iadốp rằng ông hiểu Iadốp rất vất vả, nhưng cái được coi trọng chính là điều mà Goócbachốp đang làm vì những lý do cao cả, vì nền chính trị cao cả. Thế là con người này tỏ ra trung thành thực hiện những gì mà tổng thống coi là cần thiết. Nhưng, ngay cả trong tình hình như vậy, quân đội vẫn được giữ vững.


Các cơ quan nội vụ vốn là công cụ giữ gìn trật tự, đấu tranh chống tội phạm đã biến thành cơ sở vũ trang của chủ nghĩa phân lập, vũ trang cho các đơn vị dân tộc chủ nghĩa ngay trong thời kỳ đương chức bộ trưởng ngắn ngủi của V. Bacatin. Điều bất ngờ đối với nhiều người là việc chính ông đã nhân danh Bộ Nội vụ Liên Xô ký các hiệp nghị trong những năm 1989-1990 với các nước Cộng hoà của liên bang về việc chuyển giao cho họ tất cả các lực lượng và chức năng, chỉ để lại cho trung ương chức năng đào tạo, liên lạc quốc tế, phối hợp và làm luật, quyền đại diện trong các cơ quan quyền lực của liên bang. Tất cả cán bộ, trang thiết bị và cơ sở vật chất - kỹ thuật, kể cả trang thiết bị và máy móc vừa mới cấp bổ sung vào ngân sách hàng năm với số tiền là 1,5 tỷ theo thời giá năm 1985 - tất cả đều đi theo các nước cộng hoà, các vùng và các tỉnh. Đến lượt Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô, V. Criuscốp đã tiến hành đàm phán, nhưng chuyển giao tiền của và quyền lực thực thì ông không muốn, ông đã phản đối bất chấp sức ép mạnh, công khai của Enxin và ngấm ngầm của Goócbachốp. Sau sự kiện tháng 8, V. Bacatin trong vòng 3 tháng đã làm được điều mà họ đã không thể làm. Kinh nghiệm có được trong việc phá hoại các cơ quan bảo vệ pháp luật của Bộ Nội vụ Liên Xô đã được đánh giá đích đáng và sử dụng có mục đích rõ ràng. Những lời tựa quá dài, mong bạn đọc bỏ quá cho nếu cảm thấy chán ngấy, nhưng điều đó cần thiết để hiểu được động cơ hành động của từng nhân vật, từng nhóm trong các sự kiện tháng 8-1991. Nó Không bao quát nhiều vấn đề quan trọng, như mối quan hệ của các nhân vật đó với các tổ chức maphia và sự tham nhũng của họ, vai trò của các cơ quan tình báo nước ngoài và các phương tiện thông tin đại chúng, v.v... Tôi nghĩ rằng dù sao nó cũng cho phép hiểu được những hành động bên ngoài kỳ lạ của những người tham gia sự kiện không phải là phi lôgích mà hoàn toàn hợp lý nếu theo dõi sự phát triển của các hành động đó.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 21 Tháng Giêng, 2022, 04:05:29 pm
6. GOÓCBACHỐP NGỒI Ở PHÔRÔX: BỊ CÁCH LY HAY TỰ CÁCH LY

Câu giải đáp cho vấn đề này là câu giải đáp chủ chốt trong toàn bộ sự việc về cái gọi là âm mưu cướp chính quyền do các phương tiện sẵn có dựng nên theo đơn đặt hàng của Goócbachốp và Enxin. Không hề có việc cách ly và khồng hề có âm mưu nào. Như vậy thì khó giải thích được lập trường của Goócbachốp: người đứng đầu nhà nước bình tâm ngồi ngắm nhìn việc thực hiện những biện pháp khẩn cấp, hoãn lại việc xem xét và ký hiệp ước liên bang được soạn thảo dưới sự chỉ đạo của ông, hoãn việc chuẩn bị đại hội bất thường Đảng Cộng sản Liên Xô và đại hội đại biểu nhân dân, bình thản phơi mình trên các làn sóng biển Đen hoặc là chỉ đạo tất cả các hành động đó từ dinh thự ở Crưm và một lần nữa lại thay đổi đường lối chính trị? Câu giải đáp cho vấn đề này cần tìm cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài. Nếu cứ thản nhiên tắm biển thì đó không phải là người đứng đầu nhà nước. Nếu như vậy, với tư cách con người, ông ta sẽ không bao giờ được chấp nhận không chỉ ở trong nước, và thêm nữa, những hy vọng có rất ít, mà còn ở nước ngoài, nơi người ta mong muốn lúc đó Goócbachốp vẫn cầm quyền. Nhưng ở nước ngoài người ta không thể hiểu và không chấp nhận sự thay đổi đường lối chính trị đối nội, họ đòi phải có những bảo đảm bổ sung, những bằng chứng về sự trung thành với những cải cách.


Phương Tây muốn có M.Goócbachốp. Đa số các nhà lãnh đạo 7 nước tư bản chủ nghĩa hàng đầu khẳng định rằng, họ chỉ tin vào các tuyên bố và những lời hứa do Goócbachốp đưa ra. Nhưng họ sẽ ngừng không cấp thêm tiền của cho ông ta, bởi vì họ không tin vào sự phát triển tiếp theo các sự kiện ở trong nước. Trong vòng một năm rưỡi đến hai năm, cho đến các sự kiện tháng 8-1991 tôi đã có dịp nhiều lần gặp gỡ với đại diện chính phủ các nước ngoài, đặc biệt là với các giới kinh doanh. Trong các cuộc gặp gỡ không chính thức họ đã hỏi thẳng tôi rằng khi M.Goócbachốp định giành quyền lực vào tay mình, thì ông ta có dự định và có thể làm được điều đó không. Tóm lại, đến tháng 8 tình hình đã trở nên phức tạp khi đất nước cần có trật tự và tín dụng, còn Goócbachốp thì hứa với phương Tây bảo đảm chính quyền và trật tự dưới sự lãnh đạo của ông ta. Bản thân Goócbachốp thì không thể nắm được quyền lực thực tế. Một lần nữa phải có ai đó trao quyền cho ông ta, giống như năm 1985 chính A. Grômưcô đã làm được việc này.


Ngày 17-8-1991, tại nhà khách của cơ quan tình báo chính trị ở Mátxcơva, toàn bộ ban lãnh đạo Liên Xô đã họp và bàn vấn đề ai sẽ đến Crưm gặp Goócbachốp và trao cho ông ta đề nghị tiếp tục nghỉ ngơi và chữa bệnh, trao quyền tổng thống cho G.Ianaép, và trong thời gian đó cần thông qua các biện pháp và chuẩn bị tổ chức, thông qua chúng theo hiến pháp ở đâu hoặc là tại khoá họp của Xôviết tối cao Liên Xô, hoặc là tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô hay tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô hay tại Đại hội Đảng. Việc ông ta có dũng khí để thực hiện các bước đi đó một cách công khai thì ít có ai hy vọng. Nhưng khi đó tôi đã khẳng định là nếu trong trường hợp ông ta có từ chối thì cũng không hề có một quyết định hay một chương trình nào, không một ai thảo luận cả phương án một lẫn phương án hai. Một điều không thể tưởng tượng được là Tổng thống Liên Xô lại tự nguyên đi theo con đường thực hiện các hành động chống hiến pháp nhằm thủ tiêu nhà nước bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu ý dân, nghị quyết của Xôviết tối cao Liên Xô và những lợi ích cơ bản sống còn của nhân dân. Những người đi gặp Goócbachốp chỉ có một quyết định có tính nguyên tắc là: nếu Goócbachốp không tán thành cả cái này lẫn cái kia thì họ sẽ trở về Mátxcơva và sẽ trao đổi thêm. Không hề có một lời nói nào về việc cách ly hoặc gạt bỏ khỏi chính quyền đối với Tổng thống Liên Xô. Tại cuộc họp ở nhà khách của cơ quan tình báo chính trị không có ai đọc và thảo luận bất cứ một văn kiện nào. Cuộc họp đó chỉ kéo dài vẻn vẹn 1 giờ 20 phút với sự ngắt đoạn 20 phút do V.Criuscốp thương lượng với Goócbachốp qua điện thoại. Vậy thì trên thực tế điều gì đã diễn ra ở Phôrôx?


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 22 Tháng Giêng, 2022, 08:29:24 am
7. ĐỘI BẢO VỆ CỦA GOÓCBACHỐP LÀM VIỆC NHƯ THẾ NÀO

Toàn bộ đội bảo vệ Tổng thống Liên Xô làm việc trong các ngày 18 đến 22-8-1991 theo chế độ bình thường. Hiện nay các tài liệu thu thập được qua cuộc điều tra đã khẳng định điều đó. Dù đã hết sức cố gắng, nhưng người ta không hề tìm ra được một bằng cớ nào về sự cách ly. Hơn thế nữa, những người không có được bất cứ một thông tin chuẩn xác nào thì lại lo lắng, còn một số khác muốn phục vụ vẫn tiếp tục làm việc và hoàn thành công việc của mình theo chế độ bình thường. Điều đó liên quan đến cả đội bảo vệ, cả các liên lạc viên, cả lính biên phòng, thuỷ thủ; cơ quan KGB và cơ quan nội vụ tỉnh Crưm phục vụ những người nghỉ tại nhà nghỉ của tổng thống ở Phôrôx.


Đến gặp Goócbachốp ở Crưm cùng với V.Varennicốp, V.Bônđin, Iu.Plêkhanốp và Ô.Sênhin còn có tướng V.Gênêralốp cùng đi với ông có 6 người trong đội bảo vệ cá nhân tổng thống và 5 liên lạc viên. Đội bảo vệ Goócbachốp ở Phôrôx có 32 người được đào tạo đặc biệt của cục bảo vệ nguyên thủ đứng đầu là tướng V.Métvêđép và dưới quyền ông còn có 35 cán bộ các đơn vị khác của KGB Liên Xô. Số cán bộ của KGB làm trong đó lại có 6 người trong đội bảo vệ cá nhân tổng thống, làm sao lại có thể dùng vũ lực với số lượng người như vậy, và họ đã sử dụng hay có ý định sử dụng vũ lực hay không? Có thể nói dứt khoát là không. Việc Iu.Plêkhanốp đến cơ sở "Daria" chỉ làm thay đổi ban lãnh đạo: thay vì V.Métvêđép bay về Mátxcơva cùng với ông ta là tướng V.Gênêralốp. Đảm nhiệm trách nhiệm đội trưởng đội bảo vệ cá nhân Goócbachốp phù hợp với lệnh của Plêkhanốp, theo đề nghị của V. Métvêđép là Ô.Climốp, một trong hai người phó chính thức của ông. Bản thân V.Gênêralốp khẳng định dứt khoát là ông ta thậm chí không hề nghĩ đến khả năng thực tế thay thế đội bảo vệ Tổng thống Liên Xô vào chiều tối 18-8-1991. Ông đã nói thẳng rằng không thể làm điều đó, bởi vì, một là không có khả năng về lực lượng do thiếu người, hai là làm điều đó lập tức sẽ gây sự nghi ngờ của cán bộ là tại sao người ta lại không tin họ. Không hề có vấn đề nghi ngờ lòng trung thành của đội bảo vệ Tổng thống Liên Xô. Ngoài ra như V.Gênêralốp đã trả lời tại cuộc thẩm vấn, ông không hề nhận được lênh của bất cứ ai cách ly Tổng thống Liên Xô cùng với gia đình. Ông đã nói: "Tôi không thể và không hề nhận được mệnh lệnh như vậy. Tôi chỉ nhận được lệnh của Iu.Plêkhanốp và V.Bônđin là phải tăng cường bảo vệ tổng thống cùng với gia đình". Cả Iu.Plêkhanốp cũng khẳng định như vậy, ông nhiều lần nhắc lại rằng: "không hề có lời nào nói về việc cách ly Goócbachốp và Criuscốp không hề chỉ thị cho ông cách ly tổng thống". Khi toàn bộ nhóm này bay về Mátxcơva vào buổi tối 18-8-1991, thì tại nhà nghỉ V.Bônđin nói với ông rằng cần bố trí bảo vệ và "không được để một sợi tóc nào rơi khỏi đầu tổng thống". Và cả Iu.Plêkhanốp đã nói với V. Gênêralốp là "cần phải bảo đảm sự bảo vệ hết sức cẩn mật".


Thêm vào những điều nói ở trên, có thể bổ sung hai sự kiện có tính chất đặc trưng. Cả Iu.Plêkhanốp và cả V.Gênêralốp, từng người riêng biệt, đã chỉ ra rằng cần phải tăng cường bảo vệ do tình hình căng thẳng đang tăng lên và có các tin tức có cơ sở cho thấy vũ khí và chiến binh đang được đưa đến khu vực Nhà trắng, trong chính Nhà trắng và khách sạn nơi các đại biểu ở. Đồng thời, do đã biết Goócbachốp không phải mới một ngày, nên Plêkhanốp và Gênêralốp ngay trong ngày 18-8-1991, tại nơi nghỉ đó đã trao đổi cảm tưởng rằng Tổng thống Liên Xô chắc là sẽ không đồng ý với những đề nghị và kết luận của những nhân vật đến gặp ông, cho nên họ đã quyết định từ chức. V.Gênêralốp ngay tại chỗ đã viết báo cáo từ chức. Còn Iu.Plêkhanốp thì khi trở về Mátxcơva đã dọc cho trợ lý của mình là V.Bôrixencô ghi vào máy tính báo cáo từ chức vào 8 giờ sáng ngày 19-8-1991, khi ông đến nơi làm việc. Hành động của những người thực hiện chủ yếu việc cách ly là "không lôgích" lắm. Nhưng nó hoàn toàn lôgích nếu công nhận ràng V.Gênêralốp nói sự thật và hoàn toàn chân thực khi khẳng định ràng ông không coi mình đã có hành động gì nhằm cách ly tổng thống. Không một ai đề nghị ông điều đó và bản thân nếu không có lệnh triệu tập, thì theo chức năng nghề nghiệp, cấm đến các nơi ở của tổng thống để tiếp xúc với tổng thống. Những sĩ quan quen biết tôi trong đội bảo vệ Goócbachốp đã có lần kể với tôi rằng, họ bị cấm thậm chí trong lúc thực thi nhiệm vụ không được chớp mắt chứ chưa nói đến đi lại hay nói chuyện với nhau. V.Gênêralốp còn nói thẳng ra rằng, người ta đã có chủ định đẩy ông ta khỏi tổng thống. Ông cho rằng đây là kết quả của sáng kiến cá nhân và những động cơ vị kỷ trong hành động của Ô. Climốp. Nhưng sự thật vẫn là sự thật.


Vào chập tối ngày 18-8-1991, bất chấp các quy định nào đó, V.Gênêralốp đã cố gắng tìm cách tiếp xúc với Tổng thống Liên Xô. Về điều đó, cũng thật lạ, là không phải do ông ta nói ra, mà do trợ lý của Goócbachốp là A. Chécnhiaép nói, trong thời gian đó anh ta có mặt ở Phôrôx cùng Goócbachốp. Theo lời anh ta khoảng gần 10 giờ sáng ngày 19-8, Goócbachốp đã nói với anh ta rằng ông không tiếp V.Gênêralốp và nói ông ta không được xuất hiện ở đây, hãy cút cho khuất mắt. Bởi vậy, sau đó Gênêralốp không còn đặt chân tới nhà nghỉ. Bà R.M. Goócbachốp cũng đã khẳng định điều đó. Bà ta kể rằng Ô.Climốp khi trở thành người chỉ huy đội bảo vệ thay cho V.Métvêđép, trong khi bà có mặt ở đó đã nói với M.X. Goócbachốp ngày 19-8-1991 rằng, nhân vật chủ yếu của họ là V. Gênêralốp hiện ở rất xa, còn chúng tôi (ý nói Ô. Climốp và nhân viên của ông ta) sẽ ở bên đồng chí. Trong khi đó Gênêralốp chứng minh rằng nếu nhận được một lệnh nào đó của Goócbachốp thì ông sẽ thực hiện một cách vô điều kiện. Chẳng hạn, thậm chí "tổng thống lệnh cho tôi đưa ông ta về Mátxcơva, tôi lập tức thi hành ngay lệnh đó. Nhưng không hề có một lệnh như vậy". Qua cuộc điều tra, không một ai trong số được thẩm vấn nói một lời tới việc hạ bệ Goócbachốp, hay áp lực đối với ông ta hoặc việc Gênêralốp không chấp hành lệnh của ông ta. Người ta chỉ nói rằng, tâm trạng Goócbachốp thay đổi rất nhiều, đối với đội bảo vệ ông tỏ ra thân ái đầy tình đồng chí, cố gắng không nhấn mạnh tới quyền lực của mình. Theo lời đại uý A. Ivanốp và các sĩ quan khác, thì Gênêralốp đã nói là nhiệm vụ vẫn như trước đây là bảo vệ Tổng thống Liên Xô. Trong khi đó vào khoảng 22 giờ ngày 18-8-1991 đội trưởng mới của đội bảo vệ là Ô. Climốp đã triệu tập cán bộ của mình tại nhà tiếp khách để ra các chỉ thị. Ở đó ông ta đã trình bày thực chất cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Liên Xô với nhóm đến gặp tổng thống và nhấn mạnh là từ giây phút này toàn bộ đội bảo vệ tổng thống chỉ được phép chấp hành mệnh lệnh của ông ta - Ô. Climốp và của tổng thống. Không được thi hành lệnh của V. Gênêralốp và phải theo dõi chặt chẽ mọi hành động của ông ta. Về phía mình, V. Gênêralốp không hề có một hành động nào đáp lại, không bác bỏ các chỉ thị của Ô. Climốp, không hề nêu nghi ngờ hiệu lực của các chỉ thị đó với các cán bộ cấp dưới.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 22 Tháng Giêng, 2022, 08:30:22 am
V. Gênêralốp đã triệu tập các cán bộ của đội bảo vệ cá nhân, của phòng 18 và của các đơn vị Mátxcơva và địa phương chịu trách nhiệm bảo vệ khu vực nhà nghỉ của tổng thống ở Crưm vào 9 giờ sáng ngày 19-8-1991 tại phòng chiếu bóng của khu nhà hành chính để thông báo tình hình và ra các chỉ thị. Những người thực hiện được thẩm vấn đều nói giống hệt như nhau về những điều Gènêralốp đã thông báo và chỉ thị trong cuộc họp đó. Chẳng hạn một sĩ quan của phòng bảo vệ 18 là I. Đêminốp chứng minh rằng Gênêralốp đã nói: "Không ai lệnh cho chúng ta bỏ việc bảo vệ tổng thống, hãy tiếp tục công việc như trước đây". Còn hạ sĩ của phòng 3 là X. Vôrôbiép nhớ lại là ông ta đã nói: "Tôi không phải nhà chính trị, tôi là một quân nhân, và chúng ta đã thi hành nhiệm vụ bảo vệ tổng thống như thế nào thì nay tiếp tục như thế". Phó đội trưởng đội bảo vệ cá nhân tổng thống, thượng tá B. Gôlenchốp đã kể với A. Chécnhiaép rằng: "Gênêralốp đối xử với họ rất thân mật như bạn bè đồng chí, không áp chế họ".


Ô. Climốp biết rằng tất cả các đơn vị bảo vệ khu vực "Daria" từ ngày 18 đến ngày 21-8-1991 đều sẵn sàng thi hành lệnh của mình, nên ông ta có thể hành động một cách hoàn toàn tự do và không hề sợ sệt bất cứ điều gì. Chẳng hạn, theo lời N. Géctốp - chiến sĩ phòng 18 dưới sự chỉ huy của V. Đanilencô, thì Aphanaxép đã nói họ sẽ đứng về phía đội bảo vệ, nếu có chuyện gì xẩy ra họ sẽ hỗ trợ. Và đó không phải là con số nhỏ - hơn 60 người, nghĩa là toàn bộ vòng bảo vệ thứ hai. Vào 3 giờ đầu, thượng uý Épremốp chỉ huy phòng 7 trong cuộc nói chuyện riêng với Ô. Climốp cũng đã hứa về sự ủng hộ của mình. Khi có mặt H. Gôlenchốp, ông ta vẫn nói rằng người của ông ta sẽ sát cánh cùng Climốp đến cùng. Có rất nhiều bằng chứng trong các lời kể về sự sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ đối với đội bảo vệ tổng thống của nhiều đơn vị và các cá nhân, tất cả đèu có một tinh thần chung là thực hiện nghĩa vụ của mình. Cán bộ đội bảo vệ cá nhân, thượng uý A. Súcsin khi nói rằng trong những ngày đó "rất ít tiếp xúc với bất cứ ai. Nhưng Igơratốpxki cán bộ của phòng 18 đã đến gặp tôi đề nghị được giúp đỡ kể cả vũ khí. Qua những người bạn đồng nghiệp tôi biết đã có nhiều trường hợp tương tự". Ô. Kixêlép, đại diện cơ quan phản gián khẳng định rằng, toàn bộ cán bộ của ông "sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ Tổng thống Liên Xô. Tôi không hề nhận thấy có một sự đối đầu nào đó ở khu vực nhà nghỉ của tổng thống. Ngày 19-8, Éprêmốp đã nói chuyện riêng với từng người chúng tôi, các đại diện của ban 3, ông nói nếu trong trường hợp có báo động hay xảy ra sự kiện nào đó thì chúng tôi phải hành động dưới sự chỉ huy của Climốp và Gôlenchốp, nghĩa là của các cán bộ đội bảo vệ cá nhân Tổng thống Liên Xô". Vôrôbiép nói: "Ông sống cùng một phòng với Gvôđờcốp của ban 4 và Macarencốp của ban 5. Họ đã trao đổi với nhau là nếu trong trường hợp cần thiết thì họ cùng với các đồng nghiệp của mình sẽ đứng về phía đội bảo vệ Tổng thống Liên Xô. Tôi không hề nghe thấy một lời nói nào từ bất cứ phía nào ủng hộ Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp".


Bạn đọc có quyền hỏi, thế còn 6 người từ phòng 18 đi cùng với V. Gênêralốp thì sao? Trường nhóm là V. Ignátkin đi làm ngày đầu tiên vào 18-8, sau khi nghỉ phép. Anh đã kể là vào 11 giờ 30 trực ban gọi anh lên và chỉ thị phụ trách một nhóm 6 người ra sân bay ngay. Sau khi bay đến sân bay quân sự Benbéc ở Crưm, thì V. Đanilencô phó cục trưởng và trưởng nhóm cán bộ của cục có nhiệm vụ bảo vệ nhà nghỉ của tổng thống ở Phôrôx đến gặp tôi và nói rằng, có chuyện gì vậy và các anh đến đây làm gì? "Tôi trả lời ông là chúng tôi không biết, rằng người ta đưa chúng tôi đi không hề có một sự giải thích nào". Sau đó V. Gênêralốp gọi hai người ra chỗ khác và ra lệnh là khi về đến nhà nghỉ đặt thêm các trạm gác bổ sung lấy từ số người mới đến ở cổng chính, cổng sau, cổng Texenxki và ở gara. Họ ngay lập tức theo lệnh của V. Đanilencô phân bổ những cán bộ mới đến cho các trạm gác và ra về thành một đoàn. Đến nơi, 4 người đứng ngay vào trạm gác còn anh ta và Xvinsốp đi ăn trưa. Sau đó các đồng chí đến thay gác để số đó đi ăn cơm và bố trí chỗ ngủ tối. Sau đó, bắt đầu làm việc theo lịch trình bảo vệ chung dưới sự chỉ huy của Đanilencô. "Khung cảnh tại nhà nghỉ của Goócbachốp rất yên tĩnh, tại sao lại cần tăng cường bảo vệ và tại sao chúng tôi đến nhà nghỉ, chúng tôi cũng không biết. Những nhân vật cao cấp đến nhà nghỉ chúng tôi coi như là cuộc gặp gỡ làm việc... Trong những ngày đó tôi đã gác ở các trạm khác nhau. Khi tôi gác, không thấy có ai đề nghị cho ra khỏi nhà nghỉ".


Để kết thúc câu chuyện về đội bảo vệ, dấu chấm lên chữ "và...", cần trả lời cả câu hỏi: nếu có chuyện bất ngờ? Nếu bất ngờ Goócbachốp làm điều gì đó thì bất cứ người đàn ông nào sẽ làm gì trong tình hình như vậy. Tôi xin dẫn ra một trong những bằng chứng tương tự hoàn toàn có thể trả lời câu hỏi đó để bạn đọc khỏi mệt mỏi. Đó là lời kể của thượng uý X. Côseép của phòng 5. "Sau cuộc họp đó chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ của mình với phương án tăng cường hơn, nghĩa là ở trạm gác từ một người tăng lên 2 người... Các vị tướng không buộc đội bảo vệ chúng tôi phải ngăn cản Tổng thống Liên Xô trong trường hợp ông bất ngờ muốn đi ra ngoài phạm vi nhà nghỉ. Theo quy chế, người mà chúng tôi bảo vệ quan trọng hơn bất cứ một ông tướng nào, và nếu M.X. Goócbachốp muốn đi ra ngoài khu vực nhà nghỉ, thì tôi và những người bảo vệ khác, - những người mà tôi đã nói chuyện, sẽ không cản trở ông ta làm việc đó".


Còn đối với các lính biên phòng thuỷ và bộ thuộc Uỷ ban An ninh quốc gia và Bộ Nội vụ Cộng hoà Crưm, thì tốt hơn là không thêm bớt lời kết luận của người lãnh đạo đội điều tra vụ "Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp", phó Tổng Viện trưởng Viện công tố của Nga E. Lixốp. Tôi kết luận đó nói rằng lính biên phòng và các cán bộ của các cơ quan nêu trên như thường lệ trong thời gian M.X.Goócbachốp nghỉ tại nhà nghỉ ở Phôrôx, đều làm nhiệm vụ ở cách rất xa nhà nghỉ. Sau khi bắt đầu có sự phong toả và cách ly tổng thống họ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ như thường lệ. Họ không tham gia vào bất cứ một biện pháp phong toả và cách ly nào đối với nhà nghỉ và tổng thống. Bao vây khu vực "Daria" chủ yếu do các cán bộ bảo vệ của KGB Liên Xô thực hiện từ bên trong. E. Lixốp cho là như vậy. Làm thế nào để thực hiện được điều đó, chắc bạn đọc sẽ tự rút ra kết luận. Để làm điều đó ông ta cần trả lời một câu hỏi: bản thân Goócbachốp có nắm được tình hình thực tế của đội bảo vệ hay không?


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 22 Tháng Giêng, 2022, 08:31:00 am
Những bằng chứng nêu trên của những người trực tiếp tham gia của cả hai bên trong sự kiện tháng 8 ở Phôrôx, ở khu nghỉ "Daria" đã khẳng định rằng Goócbachốp hiểu rất rõ và trực tiếp kiểm tra tình hình công việc của đội bảo vệ. Ông ta không thể không biết và không thể không kiểm tra. Hơn nữa ông ta hoàn toàn có khả năng rời khỏi nơi nghỉ trong bất cứ lúc nào, bằng bất cứ con đường nào: đường bộ, đường biển, đường không. Nhưng theo "kịch bản", ông ta cần phải đóng kịch bị cách ly, bị áp lực về tinh thần và tâm lý. Thực tế đó chỉ là một sự hèn nhát bình thường do lo sợ, là cái gì đó không đạt được như đã dự tính. Bởi vì ngay từ đầu, nếu muốn thì những người đến gặp Goócbachốp có thể bắt ông ta. Bắt đầu từ chỗ những người đến không đến ngay nhà nghỉ nơi tổng thống ở mà dừng lại ở nhà khách. Đội trưởng đội bảo vệ ở cùng với tổng thống ở Phôrôx đã đến thông báo về sự có mặt của họ. Chính Goócbachốp đã khẳng định rằng, khi trả lời câu hỏi tại sao những người mới tới lại được vào khu vực nhà nghỉ, V.Métvêđép đã trả lời là vì cùng đi với họ có Iu. Plêkhanốp Cục trường Cục Bảo vệ của KGB Liên Xô. Xin lưu ý là vào khu vực không hơn không kém. Tôi nghĩ và tôi tin là bạn đọc hiểu rất rõ: khu vực không phải là 6 thước đất vườn nhà cấp cho công dân xôviết bình thường. Ngay cả các đại biểu nhân dân cũng đề nghị tổng thống của mình phân cho biệt thự được xây dựng ở Phôrôx. Nhưng chính từ giây phút đó Goócbachốp bắt đầu xuyên tạc và đánh lộn sòng các sự kiện trong cuốn sách của mình "Cuộc bạo loạn tháng 8". Ông ta viết, nếu không có Iu. Plêkhanốp, chắc đội bảo vệ không cho những người mới đến gặp tống thống. Nhưng trên thực tế thì họ có thể không cho những người mới đến vào khu vực của tổng thống ở Phôrôx. Đúng là mấy lần họ đã không cho những người mới đến vào gặp tổng thống. Các sĩ quan trực ở nhà khách nơi đón tiếp những người mới đến đã sẵn sàng vũ khí tự động, về thực chất, đã quản thúc họ trong đó có cả Cục trưởng Cục Bảo vệ, thủ trưởng của họ. Đến khi Métvêđép đi báo cáo và xin lệnh tổng thống trở về, vũ khí mới được cất đi. Theo những người có mặt ở đó, để làm ra vẻ thế thôi, thực ra người ta vẫn sẵn sàng giấu súng trong tay. Trong quá trình thương lượng, có thể gọi đội bảo vệ bất cứ lúc nào không cần điện thoại, bởi vì luồn luôn có mặt người được uỷ thác và máy bộ đàm ấn nút lưu động. Người trẻ nhất trong số những người mới tới cũng đã 55 tuổi và dưới các cửa sổ đều có các trạm gác của đội bảo vệ.


Goócbachốp như một nhà hội hoạ, nhấc hết ống điện thoại này đến ống điện thoại khác, song tất cả đều im lặng. Và ông ta cảm thấy "chắc là những kẻ âm mưu cho rằng không thể thoả thuận được gì với tôi nên đã chuẩn bị phương án cách ly tôi". Trong khi đó V. Métvêđép xác nhận rằng: "M.X. Goócbachốp không hề nói gì với tôi về việc không có liên lạc. Ông ta chỉ hỏi, Bácklanốp và những người khác đến làm gì. Tôi trả lời, ông ta cũng không biết. Tôi còn đứng lại độ 20 giây và nghĩ chắc sẽ nhận được chỉ thị nào đó, nhưng không nhận được gì nên đã đi ra khỏi toà nhà chính. Chắc rằng sau đó, Goócbachốp đã kiểm tra lại các đường liên lạc bằng điện thoại hiện có, bởi vì bản thân sau khi đã đối chiếu tên tuổi những người mới đến và việc ngắt điện thoại Goócbachốp hiểu ngay chuyện gì vừa xẩy ra. Ông liền đến găp Raixa Mácximốpna1 (Raixa Mácximốpna - vợ Goócbachốp (N.D)) và nói: "Đây là vấn đề rất nghiêm trọng - một âm mưu và tôi (Goócbachốp) nói là một cuộc đảo chính". Vấn đề là ở chỗ, không nói, không hỏi ai về bất cứ điều gì, tự bản thân đã biết rõ. Ông ta đã biết có âm mưu, có cuộc đảo chính. Linh cảm đó từ đâu, nếu mà bản thân ông ta xác nhận là những việc đã diễn ra đối với ông ta, hoàn toàn bất ngờ? Tại sao khi có mặt V. Métvêđép đến báo cáo lại không kiểm tra điện thoại, dù sao ông ta cũng là đội trưởng đội bảo vệ cho tổng thống, sao không hỏi ông ta, nếu không phải là ra lệnh, làm sáng tỏ lập trường của đội bảo vệ. Bởi vì ông ta đã thắng Iu. Plêkhanốp khi những người mới đến gặp ông ta trong phòng làm việc thì Plêkhanốp đã phục tùng ông ta một cách vô điều kiện. Plêkhanốp đi ra ngoài và đợi ở đó. Có thể Goócbachốp nhầm lẫn các sự kiện, đề ngày sớm hơn ngày thật. Ông ta đã cùng với A. Chécnhiaép ký vào cái "kịch bản" cuộc bạo loạn mà họ đã viết xong ngày 15-8-1991. Có thể, điều mà Chécnhiaép không muốn nhắc lại, là ngày 20-8-1991, Goócbachốp đã ra lệnh cho ông ta mang đến bản dự thảo bài viết của ông ta, trong đó trù định có khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp. Ông ta viết, "chúng ta đã dự đoán chính xác khả năng của phương án đó. Chúng ta ngồi, chúng ta xem. Nhìn đây, tôi đã viết ra tất cả". Thế cái viết ra đó ở đâu? Còn một điều khẳng định khác không thể giải thích nổi của A. Chécnhiaép là sau khi đoàn đại biểu ra đi, trong khi kể về tiến trình và nội dung cuộc nói chuyện, Goócbachốp đã nói như sau: "Khi cuộc nói chuyện đó bắt đầu, tôi cầm lấy máy SK (điện thoại liên lạc đặc biệt của chính phủ), - điện thoại bị cắt. Và tôi đã hiểu". Cuối cùng thì những sự kiện đã xảy ra, sẽ cho phép không chỉ Goócbachốp và Chécnhiaép mà toàn thế giới sẽ biết đâu là sự thật, Goócbachốp đã biết là điện thoại bị cắt hay sẽ bị cắt khi nào. Có lẽ ông ta đã biết và trong thời gian có mặt của những người được cử tới, điện thoại sẽ bị cắt và ông ta chờ đợi điều đó. Một ví dụ, A. Vônxki người luôn có thiện cảm với Goócbachốp đã xác nhận: "ngày 18-8-1991 vào khoảng 17 đến 18 giờ Goócbachốp đã từ nhà nghỉ ở Phôrôx gọi điện cho tôi. Ông ta nói không bị ốm, ông ta chỉ bị đau lưng và bác sĩ đã chữa khỏi. Ông đề nghị lưu ý đến điều đó. Tôi cảm thấy có một sự đề phòng nào đó trong giọng nói của Goócbachốp. Cuộc nói chuyện bỗng nhiên bị gián đoạn bởi một giọng nói của phụ nữ". Và A. Vônxki ngay tức khắc thực hiện đề nghị đó. Cũng trong thời gian đó khi đang dạo mát tại nhà nghỉ ở Ukôvô, ông đã thông báo về cuộc nói chuyện đã diễn ra cho Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô A. Đdaxôkhốp và phu nhân của ông, còn 9 giờ 30 phút sáng 19-8-1991 ông đã thông báo bằng điện thoại về cuộc nói chuyện đó cho V. Bacatin và hỏi: "Chúng ta làm gì bây giờ?".


Khi viết về các sự kiện ở Phôrôx, cặp vợ chồng Goócbachốp hết sức nhấn mạnh đến "tính bất nhã chưa từng thấy" của những người đến gặp, dám đi vào phòng làm việc bằng cửa phụ. Nhân đây cần nói thêm một điều là họ đã kiên trì chờ đợi được tiếp gần 1 tiếng đồng hồ kể từ lúc V. Métvêđép từ chỗ tổng thống trở về. Sau 30 phút Iu. Plêkhanốp, một mình đến gặp Goócbachốp để hỏi xem ông ta có tiếp hay không tiếp. Không gặp được tổng thống?! Có thể đã gặp, đã nói chuyện, nhưng hiện ông ta im lặng. Dù thế nào đi nữa sau khi đoàn đại biểu đi ra, theo lời kể của đội bảo vệ, khi người ta báo cáo cho Goócbachốp về tình hình ở khu vực nhà nghỉ của tổng thống, Goócbachốp đã biết là V. Métvêđép đã bị "lôi đi" và thay ông ta phụ trách đội là Ô. Climốp, cho dù V. Gôrơlenchốp một đội phó khác của đội bảo vệ có cấp bậc cao hơn và có thâm niên công tác lâu hơn trong đơn vị. Tại sao vậy? Thứ nhất, những sự bổ nhiệm như vậy trong cơ quan bảo vệ lãnh đạo cấp cao của nhà nước theo quy định được tiến hành với sự tán thành của người được bảo vệ. Thứ hai, V. Métvêđép không đến gặp Goócbachốp nữa. Trong thời gian nói chuyện với các thành viên của đoàn đại biểu, các vấn đề đó không hề xuất hiện và không thể xuất hiện. Hơn nữa tôi biết Iu. Plêkhanốp và không thể tin rằng, không gặp được Goócbachốp, ông ta lại dám tự mình đưa những người được cử đến vào ngôi nhà chính, vào phòng tiếp. Và cuối cùng, chẳng lẽ đội bảo vệ lại cho vào?


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 22 Tháng Giêng, 2022, 08:31:44 am
Ở đây cần nói sự thật về một số chi tiết khác có tính đặc trưng. Trước hết là tính chất cuộc nói chuyện, cung cách xử thế. Không còn nghi ngờ gì là Goócbachốp đã cảm thấy mình là người làm chủ tình thế. Theo ông ta, cuộc nói chuyện kéo dài chỉ trong 30 phút. Ông ta gọi cuộc nói chuyện đó là nghiệt ngã, gay gắt và "ngột ngạt". Thế còn V. Varennicốp, người đã trải qua các cuộc chiến tranh và các cuộc xung đột lớn nhỏ mà Hồng quân Liên Xô đã tham gia kể từ chiến tranh vệ quốc vĩ đại, anh hùng Liên Xô, được đất nước và nước ngoài thưởng nhiều huân chương thì đánh giá cuộc nói chuyện đó ra sao: "Goócbachốp nói chuyện với chúng tôi không phải như với những người bạn chiến đấu và những người trợ thủ, mà như với nô lệ, luôn sử dụng những câu nói khiếm nhã. Đối với tôi, điều đó thật man rợ. Tôi không cho phép mình làm điều tương tự khi nói chuyện với các binh lính và sĩ quan". Và qua việc nhìn thấy và nghe được trong cuộc nói chuyện đó, ông đã đưa ra một kết luận hết sức chính xác: "Sự bất động hoàn toàn của Goóbachcốp đã đẩy họ đến bước đi như vậy".


Tôi cố tình không đụng chạm đến các vấn đề mà sự kiện tháng 8-1991 đặt ra về thực chất và nội dung các mâu thuẫn và nguyên nhân tạo ra đỉnh cao các sự kiện ở thời điểm đó. Đó là câu chuyện khác. Hiện giờ chúng tôi quan tâm đến mặt thực tế là có sự cách ly không hay người ta bịa ra. Bằng cớ do V. Varennicốp đưa ra và những lời khai của những người tham gia nói lên rằng bức tranh về sự phong toả, cách ly, những tối hậu thư mà Goócbachốp phổ biến khắp thế giới không những không đứng vững trước sự kiểm tra sơ đẳng nhất, mà còn không phù hợp với lô gích và những lời khai của bản thân ông ta, nhiều cái không ăn khớp với nhau. Chẳng hạn, trong cuốn sách nói trên, Goócbachốp viết, "thời điểm nặng nề nhất là khi không có thông tin. Mọi thứ đều bị cáắt, chỉ còn có vô tuyến truyền đi các thông báo của Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp xen lẫn các bộ phim và các buổi hoà nhạc. Nhưng các sĩ quan bảo vệ, những người am hiểu đã tìm được mấy cái đài cũ nào đó trong phòng làm việc, đã lắp thêm anten và hát các đài nước ngoài. Nghe rõ hơn cả là đài BBC, đài "Tự do". Sau đó bắt được đài "Tiếng nói Hoa Kỳ". Goócbachốp đã miêu tả một cách hết sức cảm động "câu chuyện cổ tích" về chiếc đài cổ lỗ sĩ. Trước khi ký in tác phẩm của minh trên báo chí, đáng lẽ Góocbachốp nên hỏi trợ lý của mình là A. Chéenhiaép, hay những người lãnh đạo đội bảo vệ là Ô. Climốp và B. Gôlenchốp hoặc người ghi tốc ký (nữ chuyên viên) Ô. Lapina và các lái xe xem họ đánh giá các đài "Okêan" và VEF được trang bị cho dinh thự của Phôrôx như thế nào. Bởi vì họ đã kể hết cho những người điều tra nghe. Chẳng hạn Ô. Lapina tại cuộc thẩm vấn ngày 10-9-1991 trả lời câu hỏi: A. Chécnhiaép có nghe đài không, thì bà đã kể ra ông ta nghe thế nào, nghe cái gì và nghe bao giờ. Bà đã khen đài của ông ta nghe rất tốt dù là đài nội chứ không phải đài "Sony". Làm sao bà ta biết được nó cũ hay mới, tìm ra nó ở đâu và người ta đã lắp thêm cái gì. Nói chung các đài qua hệ thống điện của thành phố có thể tắt mở dễ dàng. Chính lái xe của Goócbachốp đã cùng các đồng chí của mình nghe đài và xem vô tuyến trong toà nhà làm việc.


Với giọng điệu như vậy trong cuộc nói chuyện của Goócbachốp thì có thể nói gì về những đòi hỏi có tính tối hậu thư nào đó? Ai đưa ra yêu sách với ai? Có thể đặt vấn đề nghi vấn các bằng chứng của V. Varennicốp nếu so với những gì được viết ra trong cuốn sách. Ông ta đã tỏ ra là một tên lính tẩy thô lỗ, chỉ có khả năng chỉ huy một tiểu đoàn là cùng. Quả thực tôi cũng hết sức nghi ngờ là trên thực tế Goócbachốp có học được việc chỉ huy một tiểu đoàn hiện đại như vậy không. Trong quan niệm của Goócbachốp thi điều đó dường như là chỉ huy ở bãi tập. Nhưng chính ông ta đã công khai viết rằng "cuối cuộc nói chuyện tôi đã đuổi họ đi đến nơi mà trong những trường hợp tương tự người Nga đuổi đi. Và mọi việc đã kết thúc". Còn những người khác tham gia cuộc nói chuyện thì nói rằng, cuộc nói chuyện kết thúc một cách trang trọng. Người ta đã niềm nở tạm biệt nhau và ra đi. Tin ai bây giờ? Tin Goócbachốp, nhưng không phải tin theo tác giả cuốn sách, mà tin theo lời nhân chứng - Goócbachốp, khi Viện trưởng viện công tố Nga V. Stêpancốp hỏi ông có bắt tay tạm biệt những người đến gặp không, thì Goócbachốp nói: có, tôi đã tạm biệt họ. Như vậy việc đuổi đi và cái bắt tay không phải là một.


Hoặc là điều khẳng định của ông ta là "sau khi họ nhận được từ chối có tính tối hậu thư của tôi đối với tối hậu thư của họ, thì mọi cái đã diễn ra theo lôgích đối đầu. Bọn nổi loạn đã cách ly tôi với thế giới bên ngoài, cả đường biển, đường bộ, về thực chất là một sức ép về tâm lý. Một sự cách ly hoàn toàn". Tôi đã trích dẫn từ các kết luận điều tra về hành động của lính biên phòng, của cơ quan an ninh và nội vụ Crưm. Nhưng không thể không nói vài lời về biển. Tướng V. Gênêralốp là "kẻ phong toả" đáng sợ nhất về đường biển thì lúc đó không có mặt ở đấy. Goócbachốp đã xác nhận là khi ông ta ở Mátxcơva, ông ta mới được biết là các đoàn tàu biển biên phòng đã được chuyển giao cho Plêkhanốp và Gênêralốp trực tiếp chỉ huy để cách ly ông ta - điều đó hoàn toàn sai sự thật từ đầu đến cuối. Nếu khi đã ở Mátxcơva, ông ta quan tâm tới điều đó, thì ông phải biết về mặt tác chiến, tất cả các đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ, kể cả lính biên phòng, theo quy chế phải phục tùng đội trưởng đội bảo vệ cá nhân tổng thống. Ngay học sinh phổ thông cũng hiểu sự khác nhau thế nào là "trong tác chiến" và thế nào là "thuộc quyền chỉ huy trực tiếp". Đại tá hải quân I. Anpheriép chỉ huy một đơn vị tầu chiến biên phòng đã tuyên bố dứt khoát rằng ông không có bất cứ cuộc nói chuyện với ai về việc chuyển giao quyền chỉ huy dưới bất cứ hình thức nào cho Plêkhanốp và Gênêralốp, ông ta không hề nhận bất cứ bức điện nào, bất cứ chỉ thị nào bằng văn bản về vấn đề đó. I. Anpheriép đã nói với những người điều tra rằng ông "đơn giản" là không hiểu nổi tại sao người ta lại nói về 16 tầu chiến và về sự phong toả đường biển. Đơn vị không hề nhận được bất cứ một lệnh nào về sự phong toả, còn các tàu chiến vẫn bình thường, nghĩa là 4 chiếc vẫn thường xuyên đậu gần nhà nghỉ và làm nhiệm vụ bảo vệ công thự của Tổng thống Liên Xô. Các lời kể của tham mưu trưởng đơn vị tàu chiến biên phòng V. Pravêđốp, chỉ huy các tàu chiến và các sĩ quan, cũng như các tài liệu - các sổ nhật ký và những điều ghi chép của những người trực tại khu vực "Daria" và các lời khai của các nhân chứng khác đã khẳng định điều đó.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 22 Tháng Giêng, 2022, 08:41:24 am
Từ tối ngày 19 đòn 20-8-1991, nhân có các thuỷ thủ trẻ mới ra trường đến thay thế một số thuỷ thủ đã hết hạn nghĩa vụ quân sự được xuất ngủ, cho nên có sự di chuyển các phương tiện giao thông dọc bờ biển. Sự di chuyển của các phương tiện giao thông để chở các thuỷ thủ chỉ diễn ra sáng 20-8 trên suốt dải biên giới từ Éppatôri đến Kécchi. Việc này không có can hệ gì đến lực lượng bảo vệ. Nhưng có một việc khác, rất hệ trọng, Goócbachốp biết rất rõ điều đó, - tôi không hề nghi ngờ, - nhưng ông ta đã im lặng. Ngày 18-8-1991 theo lệnh của I.Anpheriép, một tầu chở nhiên liệu đã đến Ianta và chiếc tàu thuỷ đặc biệt của tổng thống mang tên "Crưm" chuẩn bị cấp tốc để ra khơi. Con tàu đã được tiếp đủ nhiên liệu, và chuyển từ Ianta đến gần Phôrôx, đến Balắcva và nhận được lệnh chuẩn bị trong vòng 30 phút để thực hiện nhiệm vụ. Chiếc canô "Grip" cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Các ghi chép trong các tài liệu của hạm đội và ở khu vực "Daria" đã xác nhận dứt khoát rằng liên lạc bằng vô tuyến giữa các tàu chiến với khu vực "Daria" từ ngày 18 đến 22-8 không hề bị mất và được sử dụng thường xuyên. Hơn nữa, ngày 18-8 có sự trục trặc trong việc tổ chức liên lạc bằng điện thoại thì các thuỷ thủ đã chuyển ngay đề nghị của mình cho trung tá trực ban đội bảo vệ về việc giúp đỡ nối lại liên lạc qua họ. Nhưng đội bảo vệ đã từ chối sự giúp đỡ đó. Các canô nhỏ khoảng 3 chiếc đậu gần nhà nghỉ dành cho việc dạo chơi và các tàu kéo lướt ván cũng với mục đích trên trong các ngày 19 - 21-8 vẫn trực tại chỗ. Các canô và tàu kéo đó chỉ được rời bến khi có lệnh của trực ban đội bảo vệ và sau khi có các báo cáo của các tầu tuần tiễu. Ngày 21-8 duy nhất chỉ có một canô không cập bến do gió to và sóng biển lớn. Sóng lớn sẽ đẩy chiếc canô va đập vào bến, cho nên buộc phải đứng ở phao tiêu. Trong nhật ký trực có ghi: "Gió 10 mét/giây, biển động cấp 2. Chuẩn uý hải quân X. Lavricốp trực ở bến trên một chiếc canô đã kể vào tháng 9-1991 rằng cả ngày 19 và 20 - 8 trong thời gian trực ông có gặp đại diện đội bảo vệ, và sau khi họ cho phép, ông đã rời khu vực và nói với họ, các bạn an tâm bởi vì "thuỷ thủ luôn bên cạnh các bạn". Người chở thuyền V. Negrưsép hầu như lúc nào cũng ngủ lại ở bãi tắm. Khá thú vị là X. Lavricốp đã báo cáo tình hình ở khu vực và về quan hệ của mình với đội bảo vệ trực tiếp cho I. Anpheriép - người đã đích thân có mặt trên chiếc canô biên phòng của đội bảo vệ Phorôx vào ngày 20-8.


Một sự trùng hợp kỳ lạ, cả các nhà báo, cả những dự thẩm viên, cả hồi ký của Goócbachốp đã không quan tâm đến lời khai của một số người trong đội bảo vệ về việc Goócbachốp chuẩn bị rời khỏi khu vực nhà nghỉ vào ngày 20-8. Giờ đây, đã rõ ràng là vào đêm hôm đó ở trạm khí cầu gần bãi tắm của tổng thống, Ô. Climốp và V. Gôlenchốp đã phối hợp và độc lập tiến hành trinh sát tình hình. Và 10 giờ sáng nay 20-8, V. Áctamônôp, Ô. Bôgatisép, A.Coócghicốp đã thảo luận về "cuộc chạy trốn" đang được chuẩn bị. Không chỉ riêng họ biết điều đó. Việc chuẩn bị để ra đi được tiến hành công khai. Hạ sĩ M. Aphanaxép của ban 3 đã kể rằng "ngày 20-8-1991 khoảng chiều tối Ô. Bagatisép đến thay gác cho tôi và nói với tôi là người phụ trách chúng tôi Éprêmốp đã triệu đội phó đội bảo vệ tổng thống là B.I. Gôlenchốp đến và báo trước rằng đêm 20 rạng ngày 21-8-1991 cần phải đưa tổng thống M.X. Goócbachốp rời khỏi Phôrôx và Ban chúng tôi phải giúp đỡ việc đó. Chúng tôi phải nhận súng tiểu liên, súng máy từ kho vũ khí và nếu có báo hiệu thì cùng với cán bộ đội bảo vệ đưa Goócbachốp ra khỏi khu vực nhà nghỉ". Hạ sĩ I. Silốp đã lập lại đúng như lời của Aphanaxép: "Người ta chuẩn bị cho chúng tôi vào đêm 20 rạng ngày 21-8-1991 sẽ đưa Goócbachốp rời khỏi khu vực nhà nghỉ. Và chúng tôi phải bằng mọi cách hỗ trợ việc đó cũng như giúp đỡ các cán bộ bảo vệ tổng thống. Tại sao tối hôm đó Goócbachốp không ra đi thì tôi không biết. Chúng tôi ở trong phòng suốt đêm, sẵn sàng vũ khí... tôi muốn nói chính xác hơn là chúng tôi sẵn sàng không chỉ ngày 20 và 21-8 mà cả suốt thời kỳ phong toả". Không cần phải nói thêm gì và cũng không cần đưa ra những bằng chứng vô tận. Như vậy, theo tôi, bạn đọc chắc chắn cũng đã rõ tất cả.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 22 Tháng Giêng, 2022, 08:43:21 am
Việc gì vậy? Goócbachốp và những người thân cận ông ta rêu rao khắp thế giới về sự cách ly hoàn toàn nào vậy? Tại sao họ lại vội vã như thế? Không phải để việc điều tra đi đúng phương hướng và không phải ông ta muốn nghe nhân chứng kể mà muốn họ không nhớ lại gì hết để tạo ra dư luận nhất định của công luận thế giới có lợi cho ông ta, cho Goócbachốp. Có thể hiểu như thế nào khi Tổng thống Liên Xô đã quên sự ủng hộ của đội bảo về, chuyên trách bảo vệ cá nhân ông ta; làm sao ông ta lại không biết rằng các chiến sĩ biên phòng, thuỷ thủ sẵn sàng đến cùng, thực hiện nghĩa vụ của mình bảo vệ Tổng thống Liên Xô, nghĩa là thực hiện lời thề quân nhân của mình; làm sao ông ta lại không biết là họ sẵn sàng đưa ông ta rời khỏi Phôrôx theo nguyên vọng và theo lệnh chỉ của ông ta. Trong khi đó, ông ta không quên viết về những xúc động và sợ hãi của mình, sự căng thẳng của nỗi kinh hoàng, như kết luận ông ta đã đưa ra rằng, người ta dùng mọi cách để đẩy ông ta đến tình trạng đó, nhằm đánh bại ông ta về tâm lý cũng như thể xác. Những người đó - Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp - khủng khiếp làm sao. Còn người anh hùng thì sao? "Và quyết định không đặt các món ăn mà hàng ngày người ta đem từ ngoài vào, sống bàng các thực phẩm dự trữ và những gì đem đến từ nhà ăn của đội bảo vệ". Bà R. Goócbachốpva lập tức giúp việc ông ta. Còn các đầu bếp, không biết tại sao lại quên là họ nhận được giấy nghỉ phép đột ngột và nói rằng họ vẫn làm việc bình thường như trước, gọt khoai tây, nhặt rau quả, nấu và rán. Người phụ trách nhóm cung cấp thực phẩm của đội bảo vệ V. Pheđuelép nói với dự thẩm viên rằng ông ta làm việc theo thời khoá biểu bình thường, nghĩa là nhận thực phẩm theo đơn đặt của ban 9 của KGB Liên Xô ở Crưm vẫn như trước đây. Không hề có một sự gián đoạn nào. Cũng nên biết thêm, chuyện về những khó khăn mà ban này đã gặp phải do việc tại trạm đặc biệt số 2 ở thành phố Ianta ngày 19 và 20-8 rau quả không bảo đảm chất lượng theo đúng quy cách như vẫn cung cấp, không nên quên rằng V. Gêrênalốp, trưởng ban 9 - A. Tônxtôi là phó của ông ta và cả V. Phedulaép qua Mátxcơva đã bảo đảm cung cấp bằng máy bay 9 giờ để đưa đến Ximpherôpôn một hộp rượu vốtca và rượu vang "Kindơmarauli". Còn "những tù nhân" sẽ làm gì nếu trên toàn bộ Crưm không tìm đâu ra loại rượu đựng trong chai 0,75 lít. Cách ly mà còn hảo tâm đặt mọi thứ từ ngôi nhà chính. Có thể nào làm khác được. Bởi vì bị cách ly hoàn toàn cơ mà. Goócbachốp muốn đánh vào tình cảm mọi người bằng sự "tô vẽ" tỉ mỉ mức sống của mình trong thời gian ở Phôrôx từ ngày 18 - 21-8. Nếu thông tin không chuẩn xác về các chi tiết như vậy không phải do ông ta và những người thân cận ông ta tung ra để chứng minh cho câu chuyện huyền thoại về sự cách ly thì chẳng cần đề cập đến các sự việc đó. Sẽ không phải uổng công nói rằng những điều vụn vặt và thói quen trong đời sống sẽ chứng minh cho tính chân thật của người nói còn nhiều hơn tất cả những lời tuyên bố của người đó cộng lại. Ông ta đã gào to về sự bất ngờ, về sự đột ngột. Sau đó có mấy trang, đã lại tuyên bố rằng ông ta làm việc và xem xét "các kịch bản của những người ban bố tình trạng khẩn cấp", trong số đó có kịch bản đã bắt đầu được thực hiện. "Và vai diễn của ông ta xuất hiện". Tại sao việc điều tra lại không sử dụng cuốn sách của ông ta vào hồ sơ. Có thể dự đoán một cách lôgích rằng lời phát biểu của ông ta với những người đến gặp và sự bực tức thân thiện đã được suy tính kỹ nếu không phải là đã viết ra, cũng đã được tập dượt trước. Để chứng minh, có thể sử dụng chính ngay phương pháp của Goócbachốp. Mong rằng bất cứ ai đọc những dòng này sẽ đặt cho mình câu hỏi, trước sự xuất hiện đột ngột, trong tình trạng gay gắt và tính chất căng thẳng của cuộc nói chuyện, ông ta đã không làm hay dự định làm cái gì đó tại chỗ, và ông ta làm gì trong thời gian sau khi từ giã những người đến gặp? Việc phải làm là gọi đội bảo vệ cùng với người thân thiết và những ai còn trung thành với ông ta để tìm hiểu một cách cặn kẽ diễn biến của tình hình. Phân tích một cách toàn diện tình hình, đề ra kế hoạch, biện pháp chống trả và bắt tay thực hiện nó. Và không phải chỉ có 32 người mà còn có cả các chuyên gia có trình độ nghiệp vụ cao nhất, và những người được lựa chọn và đào tạo đặc biệt, như người ta nói "chuyên dụng", trong những tình huống như vậy. Tôi tin rằng bất cứ ai ở địa vị của Goócbachốp cũng sẽ làm như vậy. Nhưng một vị tổng thống hợp pháp của Liên Xô, tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Liên Xô "bất ngờ" được biết và nhận ra rằng trong nước đang có âm mưu, một cuộc bạo loạn, một cuộc đảo chính vô cùng hệ trọng lại không làm như vậy. Ông ta còn bận các công việc vô cùng hệ trọng. Trong khi đó theo lịch biểu thì ông ta phải được bác sĩ V. Côdơlốp, một chuyên gia về tiết niệu được gọi từ Mátxcơva đến khám bệnh. Đúng là trước cuộc thẩm vấn, các bác sĩ đã không thoả thuận với nhau là sẽ nói gì. Vì vậy, có những chi tiết không khớp nhau trong lời khai của I. Bôrítxốp, bác sĩ riêng của tổng thống. Nhưng để làm rõ sự thật, cũng không mấy khó khăn. Các bạn hãy tự đánh giá. V. Côdơlốp kể rằng, ông đến khu vực "Daria" vào khoảng giữa 17 và 18 giờ ngày 18-8 và một mình ông tiến hành khám cho Goócbachốp. Tôi nhận thấy tâm trạng của ông khác thường, ông vốn hóm hỉnh, hài hước, còn hôm đó ông ta cau có, khó chịu. Còn I. Bôrítxốp thì nói lằng "vào lúc 19 giờ tôi và V. Côdơlốp đến thăm Goócbachốp. Chúng tôi đã khám cho ông. Không chuyện trò gì. Sức khoẻ Goócbachốp vẫn bình thường, tuy có vẻ hơi bị xúc động. Khi chúng tôi đang khám bệnh cho Goócbachốp thì Raixa Mácximốpna bước vào. Trông bà ta có vẻ phiền muộn. Chúng tôi không nói một lời nào. Chỉ đơn giản là đưa mắt ra hiệu và bà ta bỏ đi. Sau khi khám xong, chúng tôi ra về thì đoàn đại biểu đã ra đi". Như vậy - ông ta im lặng, nhưng tình trạng sức khoẻ bình thường. Sau đó là bữa ăn tối cùng với R. Goócbachốpva có cả Ô. Climốp. Ông ta đã hứa với gia đình Goócbachốp là đội bảo vệ luôn ở bên tổng thống và luôn luôn sẵn sàng. Sau đó cùng cả gia đình họ đi xem phim. Rồi dạo chơi trên bờ biển và đi nghỉ. A. Chécnhiaép kể rằng, theo đề nghị của Goócbachốp, mọi người tạm biệt nhau và ông ta nói: "Bây giờ chúng ta đi ngủ, sáng mai chúng ta sẽ suy nghĩ nên làm gì". Sáng hôm sau Goócbachốp gặp ông ta trong bộ đồ ngủ, thái độ rất bình tĩnh. Họ nói chuyện với nhau độ một giờ sau đó ra bãi tắm. Sáng 19-8 sau bữa ăn sáng, I. Bôrítxốp đã chuyển cho V. Côdơlốp ý kiến của Goócbachốp rằng ông ta không cần Côdơlốp khám sức khoẻ nữa. Bởi vậy, V. Côdơlốp bay về Mátxcơva. Thật là ngạc nhiên, một điều kỳ diệu đã xảy ra. Người ta cho ông bác sĩ ôtô để ông ta trở về nhà an dưỡng, nơi ông ta ăn nghỉ trong mấy ngày đó, gói ghém đồ đạc quay trở lại nhà nghỉ ở Phòrôx và ngay tối hôm đó bay về Mátxcơva cùng với một cán bộ đội bảo vệ, một nữ ghi tốc ký và một nhóm người khác. Và tôi xin lỗi, điều đó lại diễn ra trong sự cách ly hoàn toàn. Không ai hỏi, không ai chất vấn, không ai khám ông bác sĩ và cả những người cùng bay với ông. Ngày 19-8 còn có một số người phục vụ là dân địa phương cũng ra đi và ngày 20-8 toàn bộ số nhân viên thay thế theo thời gian biểu bình thường, ôtô vẫn chạy và chở hàng hoá đến. Tại sao lại chọn một cách kỳ quặc như vậy để đưa ra yêu cầu về máy bay theo đường dây liên lạc từ A. Chécnhiaép đến V. Gênêralốp. Nếu không gửi qua V.Phêchelaép, thì qua nữ nhân viên phục vụ ở bể tắm mà Raixa Mácximốpna trong khi tắm đã tâm sự về cuộc sống, về con cái, về gia đình chẳng hạn, có phải đơn giản hơn không. Rõ ràng, vấn đề là ở chỗ nếu yêu cầu đó của Goócbachốp rơi vào tay bất cứ một người nào, ngoài V. Gènêralốp, thì ông ta có thể tin và truyền đi làm cho công luận và các đại biểu nhân dân đều biết. Không có vấn đề gì - Các phóng viên tụ tập một nơi, nhà an dưỡng "phương Nam" săn đón những người thân cận. Và khi công tố viên V. Xtêpancốp hỏi là ông có "ý định ngăn cản nhóm đến gặp ông không" thì Goócbachốp làm ra vẻ không muốn nói ra cho báo chí biết. Trong cuốn sách của mình Goócbachốp khẳng định rằng "ở bên tôi có 32 người của đội bảo vệ. Tôi biết rõ thái độ của họ. Họ quyết định đứng vững đến cùng, và phân chia các khu vực bảo vệ và phân công cụ thể từng vị trí". Ta hãy bỏ qua việc các trạm gác ở ngôi nhà chính được thiết lập, vào đêm 20 rạng ngày 21-8, tuy người ta vẫn thường xuyên bảo vệ nó. Cả ở bãi tắm và trên toàn địa phận Phôrôx và ở dưới cửa sổ các phòng ngủ, phòng làm việc và ở các cửa ra vào trong các ngày đó đều có các cán bộ phòng 18 và phòng 3 canh gác. Ở đây có một điều quan trọng khác là với tư cách một nhân chứng, Goócbachốp nói rằng "liền sau đó tôi có cảm giác là nếu tôi thực hiện một biện pháp chống đối tích cực nào đó, thì điều đó có thể bị lợi dụng như một cái cớ để áp dụng sức mạnh. Có thể vũ khí được đội bảo vệ sử dụng để vĩnh viễn kết thúc các vấn đề với tôi". Như vậy, biết rõ là cách xử thế của mình gây ra nhiều câu hỏi và sự ngờ vực, ông ta đã cảnh giác phòng khi có bất trắc. Những điều tôi kể ở trên hoàn toàn đủ để cho ai muốn nhìn thấy và muốn nghe, tin chắc là không hề có sự cách ly ông ta tại địa phận Phôrôx. Ông ta đã mấy lần tính toán đề phòng những bất trắc, kể cả trường hợp xấu nhất, phải đứng trước toà. Ông ta sợ một sự giải thích hoàn toàn thực tế, vì không tin tưởng 100% và không muốn liều thân. Nhưng phải làm điều đó một cách bất ngờ để không ai kiểm tra được. Bởi vì ở đây còn một vấn đề là, xin lỗi tôi phải xin lỗi vì phải nhắc lại là, phải chăng trong số 32 chuyên gia không thể tìm ra vài ba người có khả năng nhất được tổng thống giao nhiệm vụ đi gặp gỡ thoả thuận với thuỷ thủ và lính biên phòng v.v... Câu trả lời không định kiến không gây ra bất cứ một sự dao động và nghi ngờ nào, là: con người và khả năng bao nhiêu cũng có, song, không cần thiết. Kẻ nào sợ "phương án Rumani" liệu có dám đi đôn đốc một mình mà không có ai tháp tùng vào ban đêm trên địa phận Phôrôx để kiểm tra các trạm gác. Đội bảo vệ và bản thân ông ta đã làm ngơ trước một sự thật mà thẩm phán cũng không hỏi hoặc là cố tình lờ đi. Nhưng trong các văn bản và trong các lời khai của lính biên phòng, ví dụ: đã ghi nhận rằng vào đêm 19 rạng ngày 20-8 với các trang bị quan sát ban đêm họ đã nhìn thấy Goócbachốp từ xa khi ông ta đi dạo tại nhà nghỉ từ lúc 3 giờ đến 5 giờ sáng. " Ông ta chỉ có một mình và không tiếp xúc với ai".


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 22 Tháng Giêng, 2022, 08:49:41 am
Đã xác định: ngay từ hôm 18-8 Goócbachốp đã ra lệnh cho Ô. Climốp "làm sao để tôi nói chuyện với anh em mà không xẩy ra một sự khiêu khích nào. Không được cho ai đến gần ngôi nhà ngoài đội bảo vệ và không có lệnh của tôi thì không được hành động". Thế là mọi cái đã rõ ràng. Đã kể khá đủ về hoạt động của các đơn vị, các cá nhân, về tình hình thực tế ở khu vực. Còn một điều phải làm sáng tỏ là việc cắt liên lạc.


Ba ngày đêm không có liên lạc trong khi hệ thống liên lạc vẫn đang làm việc. Các nhà viết hồi ký của Goócbachốp kể rằng, Tổng thống Liên Xô lần lượt nhấc tất cả các máy điện thoại song chúng đều câm lặng, kể cả máy "đỏ" đặt ở nhà bếp. Các báo chí thế giới đã lần lượt đưa tin và những lời lẽ thống thiết hơn còn được kể lể tại các cuộc họp báo và phỏng vấn Goócbachốp trước đây và hiện nay.


Và cuối cùng, cũng như bất cứ một hành động giả dối vô độ nào, sự mô tả đó đã gây ra ngờ vực chính đáng và đặt ra nhiều câu hỏi ở đại đa số thính giả, độc giả và khán giả. Nói chung có những việc đó hay không? Và nếu trong thực tế, mọi cái đã diễn ra như vậy, thì vì sao mà người ta lại kiên trì nhồi nhét cho thính giả, bạn đọc và khán giả? Vấn đề hoàn toàn hợp quy luật đòi hỏi không phải chỉ có lời giải đáp trung thực, nhất quán mà còn phải có luận chứng rõ ràng. Bất cứ một người bình thường nào cũng đều hiểu rằng kịch bản về sự cách ly không thể không đưa việc cắt điện thoại vào và để trò hề đó không gây ra bất cứ sự nghi ngờ nào thì phải đánh lừa. Ngược lại, thì ngay đứa trẻ nhỏ cũng rõ: không hề có nạn nhân, ừ thì không có nạn nhân, nhưng phải có kẻ đồng loã và người nhạc trưởng trong mưu kế không thành để giữ quyền lực cá nhân bằng sự phản bội tạo dựng nên. Hiển nhiên là việc cắt liên lạc trong dinh tổng thống được trang bị đặc biệt như một địa điểm chỉ huy dự phòng của đất nước với sự tính toán trong trường hợp có sự tấn công bằng tên lửa hạt nhân, hoàn toàn khác xa với việc cắt điện thoại ở nhà riêng. Bởi vì, nếu không thế thì một công dân Liên Xô biết suy nghĩ sẽ bực tức hét lên: "Vậy thì bản thân Tổng thống Liên Xô đã khẳng định về sự cân bằng về quân sự nào vậy với Mỹ?" Và chỉ cần dành một phút để kiểm tra khả năng đó đã có thể hoàn toàn lôgích, đặt ra câu hỏi cho những người nghiên cứu và sáng chế ra hệ thống liên lạc đó: tính toán thiếu trách nhiệm đến mức để không thể sửa chữa ngay lập tức trong dinh tổng thống. Trong bối cảnh đó, chỉ có một trong những người lãnh đạo tập thể tham gia xây dựng hệ thống liên lạc của tổng thống ở Phôrôx mới là người đầu tiên có thể phá vỡ sự phong toả thông tin, và đặt ra sự nghi ngờ với những điều khẳng định của Goócbachốp cũng như của cuộc điều tra về sự cách ly hoàn toàn.


Tháng 12-1991, ông đã tuyên bố thẳng thừng trong cuộc phỏng vấn rằng việc khẳng định cắt liên lạc hoàn toàn của Phôrồx với thế giới bên ngoài chỉ là một sự bịa đặt. Điều đó không thể xẩy ra kể cả khi có cuộc tấn công hạt nhân. Và ông đã đề nghị tiến hành một cuộc giám định hợp thức.


Cuộc đấu tranh của những người bị buộc tội với cuộc điều tra về vấn đề liên lạc mang tính chất không cân bằng nhưng không vì thế mà kém quyết liệt. Đối với mọi người vấn đề liên lạc là vấn đề có tính nguyên tắc quan trọng nhất, thậm chí không phải trên bình diện pháp lý mà trên bình diện đạo đức. Mọi người muốn trước hết là những người bị buộc tội, thực sự họ có phải là những người vi phạm pháp luật hay không, hay họ bị lừa dối. Nếu người ta lừa dối họ, thì kẻ lừa dối là ai và với mục đích gì. Bởi vì không một ai không tin những mối đe doạ cá nhân là động lực thúc đẩy ra số những người tham gia vào sự kiện tháng 8. Bản thân cuộc điều tra cũng không thể hình thành nhận thức cụ thể để hiểu điều đó. Bởi vậy những người bị buộc tội hoặc là không được biết về kết quả tiến hành giám định hoặc là những câu hỏi bổ sung của họ đặt ra cho những nhà chuyên môn, đã bị coi thường không được đếm xỉa đến. Điều đó đối với tôi, Ô. Bắccơlanốp, V. Criuscốp chẳng hạn. Về những câu hỏi tôi đặt ra, họ chỉ chợt nhớ vào ngày 12-1-1993, trước lúc kết thúc cuộc điều tra sơ bộ, khi các tài liệu giám định từ lâu đã được đóng vào hồ sơ vụ án. Tôi tuyên bố rằng, tôi sẽ không ký vào văn bản kết thúc, nếu chưa nhận được câu trả lời. Thay vì một quyết định nêu lý do về nguyên nhân không thực hiện những hành động điều tra theo yêu cầu của tôi hoặc tổ chức thực hiện chúng như pháp luật đòi hỏi, người ta đưa đến cho tôi một bức thư có vẻn vẹn năm dòng, ai đó thông báo cho tôi rằng kết luận của các chuyên viên là vấn đề tôi nêu ra không nhất thiết phải chấp nhận, còn câu trả lời cho những vấn đề đó đã có trong các tài liệu của vụ án và tôi có thể nhận và đọc. Tôi đã nhận được câu trả lời gì vậy?


Tốt nhất là bắt đầu từ cuộc giám định tư pháp kỹ thuật của việc cắt liên lạc ở khu vực "Daria", nơi Goócbachốp nghỉ. Trước hết cần phải nói rằng quyết định về việc tiến hành giám định tư pháp kỹ thuật do chính thẩm phán L.Prôsin đưa ra ngày 29-11-1991. Trước đây đã được các cán bộ khác tiến hành, họ không phải là các chuyên gia trong lĩnh vực thông tin liên lạc, chuyên gia ghi chép nhật ký đăng lục của các đơn vị trực ban về liên lạc, tổ chức liên lạc ở Phôrôx. Nhưng biên bản thẩm vấn ai đã đưa bao giờ và bằng cách nào cho các chuyên viên đọc thì không thể biết. Không hề có một tài liệu nào nói về việc đó cũng như về các cuốn nhật ký đăng lục của các đơn vị. Sơ đồ liên lạc được chuyển cho thẩm phán V. Enxucốp vào ngày 28-11-1991, nghĩa là trước khi quyết định tiến hành giám định và với số lượng là 3 bản. 2 bản được lưu giữ trong hồ sơ vụ án, trong đó 1 bản kèm theo với bức thư của Phó Cục trưởng thứ nhất Tổng cục thông tin liên lạc của Chính phủ. A. Calanđin gửi cho cuộc điều tra ngày 18-10 theo yêu cầu của cuộc điều tra ngày 8-10-1991. Vậy hai bản khác biến đi đâu, tài liệu vụ án không đưa ra được câu trả lời. Nhưng từ những tài liệu thấy rõ là tại sao những yêu cầu của Ô. Calanđin - một người có trình độ và kinh nghiệm công tác, một chuyên gia thành thục về thông tin liên lạc kiến nghị thay đổi thành phần của các chuyên viên lại bị khước từ; và nói chung kết quả cuộc giám định lại tôi không hè biết v.v... Rõ ràng là tại sao các chuyên viên không trả lời thậm chí những câu hỏi do cuộc điều tra đặt ra mà lại ghi vào bản kết luận ý kiến của mình về vấn đề không hề đặt ra cho họ. Nói một cách nhẹ nhàng, họ không phải là những chuyên gia trong lĩnh vực đó.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 23 Tháng Giêng, 2022, 07:42:23 am
Trước hết ai được chọn làm chuyên viên. Đó là V.Emeliannencô và V. Uxáttư, hai sĩ quan lâu năm của cục tổ chức thông tin liên lạc tối mật, của chủ nhiệm thông tin liên lạc lực lượng vũ trang Liên Xô. Một điều đáng ngờ là việc giao cho một tổ chức lúc đó nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng Liên Xô tiến hành cuộc giám định. Nhưng những người bị buộc tội có nhiều cơ sở để không tin vào những chuyên viên đó vì vị trí công tác của họ phụ thuộc vào các tướng V. Lixốpxki và V. Đarembô mà một thời gian dài đã làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tướng K. Côbét, và được thăng quan tiến chức, nhờ vả vào ông ta. Vì vậy, họ chịu tác động mạnh của cá nhân ông ta. Điều đó được khẳng định trong thời kỳ tháng 8-1991. Tướng K. Côbét trước đây phụ trách bộ đội thông tin liên lạc và được biệt phái sang Xôviết tối cao Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Liên bang Nga đã kể vào cuối tháng 10 rằng: sáng 19-8-1991 ông không hề gọi điện thoại cho bất cứ một tướng nào trong bộ tổng tham mưu ngoài V. Lixốpxki chỉ huy trưởng thông tin liên lạc của bộ tổng tham mưu và V. Đarenbô chỉ huy trung tâm liên lạc của bộ tổng tham mưu. Ông đề nghị họ giúp ông liên lạc và chuyển đến các quân chủng lời kêu gọi của Enxin. Đến nay, chúng tôi biết yêu cầu đó đã được thực hiện và lời kêu gọi đã được gửi đến các quân chủng. Hơn nữa Côbét còn nói thậm chí lúc đó "đã có các uỷ ban thích ứng do tổng cục trưởng tổng cục tác chiến cử đi để tìm ra chúng tôi đã "bị bám hút" ở nơi nào trong hệ thống liên lạc nhằm làm chúng tôi tê liệt, nhưng tướng Đarembô không cho họ xem bất cứ cái gì, không giải thích, hành động rất tốt". Bản thân họ cũng khẳng định những hành động "tốt" của mình. Cần nói thêm, không có sự giúp đỡ của các sĩ quan thì họ không thể tiến hành được một hoạt động như vậy. Và có lẽ, lúc đó họ không dám liều lĩnh thực hiện những hành động đó, nếu không có sự giúp đỡ của cấp dưới. Có ai tin rằng, vào tháng 12-1991, mọi người dám đột nhiên từ chối lời yêu cầu của thủ trưởng, dám tỏ ra không hiểu khi phải viết bản kết luận làm rung chuyển kết cấu vững chắc của "lâu đài không khí về cuộc bạo loạn?". Không có một ai trong số những người biết suy nghĩ lại tin. Các chuyên viên đã thực hiện nhiệm vụ hoàn toàn đúng theo đơn đặt hàng.


Kết quả xuất hiện một bản kết luận giám định tư pháp đòi hỏi hoặc là các tác giả như những người phiên dịch phải thuật lại những gì họ đã viết, hoặc là tiến hành giám định lại chính các cuộc giám định, sau khi đã nghiên cứu tỉ mỉ các tài liệu của vụ án. Ở địa vị của tôi, buộc tôi phải nghiên cứu tỉ mỉ vấn đề và đưa ra các kết luận rất khác với bản kết luận của các chuyên viên và các kết luận của cuộc điều tra.


Vấn đề thứ nhất đặt ra cho các chuyên viên là có khả năng về mặt kỹ thuật cắt mọi loại liên lạc ở khu vực "Daria" và ở nơi tổng thống nghỉ hay không. Nếu "có" thì trong vòng 10-15 phút có khả năng cắt như vậy không hay để làm việc đó phải có một thời gian dài? Câu trả lời được đưa ra như sau: "Đã có khả năng về mặt kỹ thuật cắt mọi loại liên lạc ở khu vực "Daria". Các nhân viên kỹ thuật phục vụ khu vực "Daria" và các trạm liên lạc phụ trợ, biết rất rõ tất cả các đường liên lạc và cấu trúc các đầu mối liên lạc và có trong tay các phương tiện giao thông của 21 phòng, có khả năng cắt tất cả các loại liên lạc trong vòng 10-15 phút". Câu trả lời như vậy ngay từ đâu đã mang yếu tố hai mặt vượt ra ngoài phạm vi của vấn đề đạt ra. Sẽ không sa đà vào mặt kỹ thuật của câu trả lời mà thực chất là các chuyên viên cho rằng: đã tồn tại khả năng cắt đứt các loại liên lạc tại khu vực "Daria" trong vòng 10 - 15 phút. Chúng ta sẽ tự hỏi, tất cả những cái còn lại viết ra làm gì. Bởi vì, ngoài sự bổ sung vô hại, về thực chất câu trả lời nói rằng việc đó thực tế chỉ có các nhân viên kỹ thuật phục vụ khu vực "Daria" và các đầu mối liên lạc phụ trợ mới thực hiện được.


Đương nhiên họ không thể cắt mọi loại liên lạc trong vòng 10 - 15 phút. Như mọi người đều rõ không hề có ai phá huỷ, làm nổ, vấn đề chỉ là cắt liên lạc. Như vậy việc mất liên lạc và sự cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, nếu có việc đó thực, thì chỉ do bàn tay của các nhân viên kỹ thuật, và sẽ cần làm sáng tỏ thực tế họ đã làm gì.


Nhưng việc nghiên cứu do tôi tiến hành đã làm sáng tỏ một sự thật không thể tranh cãi là cuộc giám định do những nguyên nhân không rõ đã tránh trả lời một cách rõ ràng về những vấn đề đã đặt ra và đã trả lời rất không đầy đủ. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc điều tra đặt ra vấn đề tách nhiệm vụ thành hai phần: khả năng cắt tất cả các loại liên lạc trên khu vực và ở ngay tại nhà nghỉ. Thực chất, về mặt kỹ thuật không thể cắt tất cả các loại liên lạc ở khu vực "Daria". Điều đó dù đáng buồn cho các chuyên viên và những người đặt hàng muốn có một giả thiết cần thiết về sự cách ly hoàn toàn và sự buộc tội cũng bị tan thành bụi. Nhưng, phải thừa nhận là có những loại liên lạc mà các nhân viên kỹ thuật phục vụ khu vực "Daria" và các đầu mối liên lạc phụ trợ không đủ sức để cắt. Nhất quyết không hề có khả năng kỹ thuật đó. Mưu đồ hạn chế vấn đề bằng các hành động đó, có nghĩa là cố tình che giấu sự thật. Điều chúng ta quan tâm trước hết là về liên lạc vô tuyến điện địa tĩnh, lưu động, cầm tay và dùng liên lạc điện thoại truyền dẫn của bộ đội biên phòng không đấu nối và không phục vụ các đầu mối liên lạc phụ trợ ở thành phố Ianta và trạm Mukhalátca. Ở đây, chúng ta chưa nói đến vấn đề là không một ai có thể cắt được thông tin liên lạc điện thoại và vô tuyến với ý nghĩa đầy đủ của các từ đó. Trong trường hợp có trục trặc trong thiết bị thu thì hình thức liên lạc thụ động với khu vực chỉ là sự thu nhận của phía khu vực, điều đó không một ai phủ nhận kể cả bản thân Goócbachốp. Một việc khác là ai đã truyền đi và truyền đi cái gì và ai là người đã tiếp nhận. Nhưng cái điều chủ yếu chính là kết luận không hợp pháp về sự tồn tại khả năng kỹ thuật cắt tất cả các loại liên lạc với khu vực. Kết luận đó của các chuyên viên xét về góc độ liên lạc thì chủ yếu nhằm che đậy vấn đề "có tồn tại sự cách ly" trong thực tế không, có khả năng kỹ thuật cắt tất cả các loại liên lạc ở chính nhà nghỉ nơi Goócbachốp thực sự là người làm chủ hoàn toàn tình hình không. Bởi vậy, các chuyên viên không muốn trả lời một cách rõ ràng câu hỏi này. Làm như không hề có câu hỏi đó được đặt ra.


Câu trả lời lôgích và ngay thật là nói chung về mặt kỹ thuật không thể cắt tất cả các loại liên lạc ở khu vực "Daria" trong vòng 15 phút. Việc cắt tất cả các loại liên lạc tại nơi nghỉ của tổng thống ở "Daria", về mặt kỹ thuật thì có thể làm được, nhưng để làm việc đó đòi hỏi phải tiến hành không chỉ các biện pháp kỹ thuật đặc biệt mà cả các biện pháp tổ chức. Chẳng hạn như phải lấy đi các nguồn điện của các thiết bị thu phát di động. Mà để thực hiện điều đó trong vòng 15 phút thì không thể làm được. Vì vậy, để làm sáng tỏ chân lý - có sự cách ly hay không - đòi hỏi phải chỉ rõ có thể cắt phương tiện liên lạc với khu vực và cái gì không thể cắt; cái gì cần cắt ở khu vực, cắt ở nơi nào, cắt thế nào và những cái gì có khả năng cắt để phục vụ mục đích đó. Chính đó là câu hỏi thứ hai đặt ra cho các chuyên viên. Vì vậy, câu trả lời không đúng câu hỏi được đặt ra.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 23 Tháng Giêng, 2022, 07:42:55 am
Trong quyết định về việc tiến hành giám định có nêu vấn đề từ trạm nào có thể cắt được từng loại liên lạc trong số đó ở khu vực và để cắt mỗi loại đó đòi hỏi phải làm gì. Thay vì điều đó các chuyên viên đã thông báo rằng có cắt các hệ thống liên lạc truyền dẫn trong các phòng đặt thiết bị đường dây và thiết bị tạo kênh "Daria" và trạm Mukhalátca, cũng như tại trạm điện thoại tự động quốc tế của chính phủ ở thành phố Ianta. Những điều đó do các nhân chứng đưa ra và không đòi hỏi phải có bất cứ một sự giám định nào. Nhưng những lời khai đó không trả lời các câu hỏi từ trạm nào có thể cắt và để làm được điều đó cần phải làm gì. Như vậy, các sự việc mà các hành động điều tra xác định được trình bày như là kết quả của cuộc giám định thay vì tạo khả năng cho cuộc điều tra xác định bằng con đường giám định, thì lại chỉ dựa vào các động tác kỹ thuật đã tiến hành, được cuộc điều tra xác định, để cắt liên lạc. Về thực chất có phải các động tác đó là các thao tác để cắt liên lạc hay không. Ví dụ, không thay đổi các cách thức thu nhận liên lạc về mặt kỹ thuật. Các phương tiện và các kênh nào đã đụng chạm đến còn những phương tiện và kênh nào vẫn làm việc theo chế độ bình thường và tại sao có phải do không biết về sự tồn tại của chúng một cách có dụng ý hay là vì khả năng kỹ thuật không đủ của các hành động đó để cắt liên lạc.


Việc giám định đã thông báo cho cuộc điều tra rằng hệ thống liên lạc bằng vô tuyến điện, vô tuyến truyền hình và vũ trụ đã bị cắt vì nguồn cung cấp điện bị phá hỏng.

Điều lôgích là sẽ phải thông báo từ trạm cung cấp điện nào có thể cắt liên lạc của hệ thống nào nêu ở trên và thiết bị nào và những hành động nào cần cho điều đó. Nếu các trạm đó của bộ đội biên phòng có một thiết bị, thì ở nhà của đội bảo vệ hoặc trong phòng làm việc của Goócbachốp có một thiết bị khác. Việc ngắt cầu dao hoặc tháo cầu chì khác xa với việc tháo dỡ một trạm điện hay một tuốcbin. Thực chất, đây vẫn cùng một thủ thuật, lời khai của những nhân chứng riêng biệt cho các cơ quan điều tra về việc họ thực hiện những hành động cụ thể nào đó trong lĩnh vực cung cấp điện được coi như giám định tư pháp kỹ thuật và do chúng trùng hợp với nhau đã cho rằng hoàn toàn lôgích nên giám định khẳng định là có sự kiện cắt tất cả các loại liên lạc. Tôi nghĩ rằng bất cứ một người nào có văn hoá chút ít không cần có các kiến thức đặc biệt, không cần một trí thông minh nào để khi trong nhà bị tắt điện lại không kiểm tra xem cầu chì hay bóng điên có bị cháy không, sau đó gọi điện đến trạm sửa chữa hay trạm điện và thắp nến lên, đương nhiên, nếu người đó không thể tự mình sửa chữa được. Cuộc giám định còn phải đưa ra tài liệu bằng cách tiến hành các cuộc thử nghiệm điều tra để làm sáng tỏ điều gì đã xảy ra trên thực tế - người chủ tự tắt điện và ngồi im trong nhà không muốn nhìn thấy ai, không muốn nghe ai thậm chí cũng không thắp nến, hoặc là đã diễn ra những hành động được trù định từ trước, không phụ thuộc vào ý chí và nguyên vọng của ông ta và chỉ còn cách là ngồi chờ sự giúp đỡ từ ngoài tới. Thay vì điều đó, cuộc giám định đã thông báo là trong phòng tối om vì không có điện.


Đỉnh cao của sự phi lý do cuộc giám định kỹ thuật gây ra, đương nhiên, là việc trả lời câu hỏi thứ ba, câu hỏi cuối cùng. Tổng thống Liên Xô có khả năng nối được liên lạc với khu vực "Daria" trong điều kiện cụ thể từ ngày 18 đến ngày 21-8-1991 hay không? Cuộc điều tra cần một sự giám định tư pháp kỹ thuật do có lời buộc tội được đưa ra rằng việc cắt liên lạc là một hình thức thể hiện và khẳng định sự cách ly Goócbachốp tại nhà nghỉ ở Phôrôx cho nên đã hình thành một vấn đề tương đối rộng, ở đây, không có giải pháp lựa chọn để đánh giá các phương tiện liên lạc, khoảng cách v.v... Cuộc điều tra không bó hẹp ở việc có khả năng nối liên lạc từ phòng làm việc hoặc từ phòng ngủ. Vấn đề là khoanh tròn toàn bộ lãnh thổ khu vực "Daria" và cần được kiểm tra hoặc chỉ bó hẹp ở khả năng kỹ thuật về việc có hay mất liên lạc.


Thay vì điều đó, hai chuyên gia thông tin liên lạc, sau khi nghiên cứu bằng phương pháp riêng các tài liệu của cuộc điều tra với khối lượng và cơ cấu không ai được biết, và đưa ra kết luận rằng, mặc dù đường liên lạc chính phủ vẫn được bảo đảm trong tất cả những ngày từ 18 đến 21-8-1991 khi Tổng thống Liên Xô ở đó, song tổng thống không có khả năng liên lạc từ nhà nghỉ ở Phôrôx. Xin được phép hỏi các chuyên gia đáng kính là họ đã nghiên cứu cái gi: trong điều kiện kỹ thuật của khu vực có khả năng liên lạc được. Vậy còn đòi hỏi gì ở các nhà chuyên gia, hay là phải viết các cuốn tiểu thuyết trinh thám tưởng tượng cảnh người ta cùm tay Goócbachốp còn đội bảo vệ do bà Raixa Mácximốpna đứng đầu thì chắn ngữ các cửa sổ và cửa ra vào sẵn sàng đánh trả cuộc tấn công của xe tăng. Nếu là cách thứ hai thì họ phải tự chi phí, không thể dùng tiền của nhà nước được. Và các ngài - chuyên viên, các ngài không phải đến nỗi ngây thơ để không hiểu được điều đó.


Đơn giản là các ngài không có đủ dũng cảm công dân, dù các ngài là hai sĩ quan cao cấp của quân đội Liên Xô, để viết thẳng ra rằng hoàn toàn có khả năng kỹ thuật để Goócbachốp nối được liên lạc từ khu vực "Daria" trong điều kiện vào những ngày từ 18 đến 21-8-1991. Một lần nữa tôi nhấn mạnh là khả năng kỹ thuật. Vấn đề khả năng sinh lý thuộc lĩnh vực tâm lý học, những dự đoán và lời khai đều năm ngoài phạm vi kỹ thuật. Chúng ta sẽ xem xét riêng vấn đề đó khi nói về việc cắt liên lạc nói chung và ai cắt.


Trước hết, cần làm sáng tỏ hoàn toàn một điều: có loại liên lạc nào sẵn sàng để sử dụng được về kỹ thuật ở khu vực "Daria" cho phép bất cứ người nào dù đó là tổng thống, hay cán bộ bảo vệ hay lao công làm vườn có thể liên lạc dược với ai đó ngoài phạm vi khu vực. Tôi cho rằng cách đặt vấn đề như vậy là lôgích và hấp dẫn để tìm ra chân lý, bởi vì cuộc giám định trái ngược với nhiệm vụ đề ra là làm sáng tỏ khả năng kỹ thuật sử dụng các phương tiện liên lạc, lại chỉ bó hẹp công việc trong hệ thống liên lạc của chính phủ và hơn thế lại chỉ với bộ phận thiết lập đặc biệt cho các cuộc đàm thoại của tổng thống. Vấn đề khả năng sử dụng liên lạc điện thoại, điện tín, vô tuyến điện trong những ngày tháng 8 đó để phục vụ cho thuỷ thủ, bộ đội biên phòng, cảnh sát và các bộ phận hậu cần, thì việc giám định và điều tra không coi là phương tiện liên lạc cần được chú ý khi xem xét vấn đề cách ly tổng thống. Giống như trong phim trinh thám của Anh, "Nhà quý tộc" Goócbachốp không cho phép chị vú nuôi, anh bán hàng rong, người đưa báo, thợ may, tên gác cổng đến gần mình, bởi vì ông ta không cần đến họ.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 23 Tháng Giêng, 2022, 07:43:31 am
Cuộc giám định chỉ bó hẹp trong việc xem xét các phương tiện liên lạc vũ trụ, vô tuyến, điện tín và điện thoại tại khu vực "Daria" để bảo đảm các cuộc nói chuyện của tổng thống, trước hết bởi vì đường liên lạc của thuỷ thủ và bộ đội biên phòng trên bộ và công an về thực chất không hề bị ngắt quãng. Quả là trong một thời gian hết sức ngắn ngủi có sự mất liên lạc của một vài đường dây điện thoại. Do đó, mọi kiến nghị giám định xem Goócbachốp có thể sử dụng các hệ thống đó không đã kiên quyết bị khước từ và được nêu trong văn bản chính thức về việc tiến hành giám định. Đơn giản là người ta không thực hiện chúng. Và, có thể nói là họ không thể thực hiện được, bởi vì, các bị cáo chỉ được biết đến khi kết luận do các chuyên viên đưa ra theo yêu cầu điều tra đã được chuẩn bị xong. Điều cuối cùng diễn ra là các bị cáo được thông báo: câu trả lời cho các câu hỏi của họ sẽ được biết trong tiến trình vụ án. Đúng là câu trả lời đó trong các tài liệu của vụ án về hai vấn đề: Một là, có liên lạc và không hề có sự cách ly nào, ngược lại, là không hề có. Hai là, cuộc giám định không thể xem xét vấn đề đó bởi vì không có căn cứ phủ nhận sự thật về khả năng kỹ thuật sử dụng liên lạc dù các tài liệu điều tra đã tìm cách che giấu. Các bạn hãy tự phán xét.


Như vậy, mắt xích thứ nhất là các thuỷ thủ. Đại tá hải quân L. Anphêriép đã tuyên bố ngắn gọn và chính xác là tại bộ tư lệnh chiến hạm Xêváttôpôn do ông chỉ huy vẫn giữ được liên lạc với các tàu chiến bằng vô tuyến điện, trong thời gian từ 18 đến 22-8-1991 không hề bị gián đoạn và liên lạc vô tuyến diện thường xuyên của các tàu chiến với khu vực "Daria" cũng vậy. Thiếu tá hải quân A.Xmencốp chỉ huy một tàu biên phòng xác nhận từ 18 đến 22-8 liên lạc giữa tâu với khu vực "Daria" vẫn duy trì thường xuyên. Bản thân, họ không được biết chuyện gì đã xảy ra ở khu vực và từ khu vực không hề thông báo gì cho họ. Chỉ huy một tàu chiến khác, thiếu tá hải quân M.Cricunốp cũng nói họ thường xuyên giữ liên lạc trong thời gian đó với cấp trên và với khu vực "Daria", liên lạc không hề bị mất. Trạm vô tuyến điện của họ là trạm dự phòng và thường xuyên làm việc theo chế độ "sẵn sàng thu nhận".


Tôi bổ sung thêm một ý là khi xem sổ nhật ký của các tầu chiến thì thấy rõ các sổ đó ghi đầy các cuộc nói chuyện với khu vực, điều đó khẳng định liên lạc ổn định. Để làm ví dụ, xin trích một số đoạn ghi trong ngày 19-8: 00 giờ - duy trì liên lạc vô tuyến điện với trực ban của khu vực đặc biệt; 02 giờ 00 phút - duy trì liên lạc vô tuyến điện với khu vực đặc biệt; 03 giờ 03 phút - phao báo hiệu số 6 hoạt động, thông báo cho trực ban khu vực đặc biệt; 08 giờ 00 phút - kiểm tra liên lạc với trực ban khu vực "Daria"; liên lạc ổn định. Nhận được thông tin từ trực ban khu vực về việc cho các canô nhỏ vào khu vực do thời tiết, phương án bình thường; 11 giờ 40 phút, nhận của trực ban khu vực báo hiệu "Môrie"1 (Môrie: Tiếng Nga có nghĩa là biển (ND)) (Goócbachốp ra bãi tắm) v.v. . Điều đó quan trọng bởi vì ngay trong tháng 8, thượng uý V. Ephêrêmốp và trực ban ở khu vực "Daria" ngày 19-8 là A. Xunhiagin đã kể rằng ngày hôm đó khoảng 20 giờ - 20 giờ 20 phút, khi họ ở nhà trực ban, các tầu biên phòng đã liên lạc với họ theo đường liên lạc vô tuyến điện và đề nghị giúp nối lại liên lạc. Nhưng họ đã nhận được trả lời không cần và yều cầu cứ làm công việc của mình. Về lập trường của V. Ephêrêmốp trong thời gian đó đối với Goócbachốp chúng ta đã nói tới khi đưa ví dụ về việc ủng hộ trực tiếp cho đội bảo vệ Tổng thống Liên Xô cả lực lượng lẫn vũ khí, theo lời kể của những người lãnh đạo đội bảo vệ. Vì vậy, không thể cho rằng một người tích cực tổ chức lại đội bảo vệ cùng với Ô. Climốp và B. Gôlenchốp theo nguyện vọng của Goócbachốp lại không thông báo cho họ về hoàn cảnh và đề nghị của các thuỷ thủ cần nối lại và sử dụng hệ thống liên lạc.


Ngoài các tàu chiến, để giao dịch với nhà nghỉ còn có tuyến liên lạc thông qua trạm quan trắc kỹ thuật tại mũi "Xarức", mà trong thời gian chúng ta quan tâm tới đã không hề có một sự liên lạc nào của những người bảo vệ tổng thống. Ấy thế mà hạ sĩ G.Sípbơ là "sĩ quan liên lạc" đã mô tả liên lạc có đủ khả năng và hoạt động bình thường. Tại cứ điểm có đường liên lạc điện thoại với các trạm, với trạm của chúng tôi ở trên bờ, với đồn số 8, với bộ tư lệnh hải quân, với trực ban ở khu vực "Daria", ở trạm có liên lạc vô tuyến điện, với các "tàu chiến bảo vệ khu vực từ phía biển" (Chúng ta đã nói về các tầu đó ở phần trên). Ngoài ra tại trạm còn có liên lạc với trực ban ở khu vực "Daria" qua vô tuyến điện của công an theo tần số hoạt động của trạm. Hạ sĩ Sípbơ xác nhận liên lạc bị mất trong thời gian anh trực ngày 18-8 ở trạm này vào lúc 16 giờ. Và chỉ mất liên lạc điện thoại với trực ban khu vực "Darin", với đồn số 8, với trực ban của Bộ Tư lệnh hải quân. Hai trong số ba kênh liên lạc đã được phục hồi nhanh chóng bằng cách đấu với nguồn điện cục bộ để liên lạc ngay được với đồn số 8 và trực ban Bộ Tư lệnh hải quân. Sípbơ nói rằng, liên lạc với trực ban khu vực "Daria" thì "chúng tôi giữ liên lạc thường xuyên qua vô tuyến điện của cảnh sát". Thượng uý A. Crivôrốt, chỉ huy trạm đã bổ sung một số điều thú vị. Ông khẳng định rằng liên lạc vô tuyến của họ với các tàu chiến được duy trì thường xuyên, còn các tàu chiến duy trì liên lạc thường xuyên với trực ban của khu vực. Ông còn nói thêm để mô tả hệ thống liên lạc hoạt động ngày 18-22-8 nối với các bộ phận khác của đất nước và phục vụ khu vực "Daria". "Chúng tôi có liên lạc điện thoại với lữ đoàn (ý nói Xêváttôpôn) vì ở đây đặt cáp điện thoại riêng và chúng tôi không bị phụ thuộc vào tổng đài điện thoại tự động tại Phôrôx. Hãy nhớ lại những bổ sung đó, suy ngẫm kỹ sẽ phải thốt lên: "Lạy Chúa, liên lạc với thuỷ thủ và các trạm bằng vô tuyến điện bí mật được mà lại nói là bị hạn chế, còn ở Mátxcơva, người ta có thể không nối được liên lạc theo đường dây của Chính phủ".


Bây giờ nói đến liên lạc thuộc bộ đội biên phòng trên bộ. Ở đây cần xem xét tổ chức và tình trạng kỹ thuật tại bộ tư lệnh biên phòng số 4 đóng ở Phôrôx và đặc biệt là trong nhà trực ban của bộ đội biên phòng gần nhà nghỉ của Goócbachốp. Nếu phát hiên dấu hiện đầu tiên bị trục trặc trong một bộ phận liên lạc nào đó, thì bộ đội biên phòng lập tức tiến hành khôi phục ngay và bảo đảm liên lạc thường xuyên trên tất cả các tuyến. Theo chỉ thị của chỉ huy đơn vị biên phòng, đại tá V. Lưsencô đã đến gặp trực ban tại nhà trực ban. Theo lời ông thì khi ông đến nhà trực ban đã phát hiện thấy điện thoại lưu động, điện thoại dự phòng của khu vực "Daria" bị cắt theo lệnh của bộ tư lệnh quân quản trên lãnh thổ đồn biên phòng Phôrôx. Lúc đó, V. Lưsencô liên lạc với đơn bị biên phòng Phôrôx bằng vô tuyến điện và ra lệnh qua đồn biên phòng thiết lập liên lạc vô tuyến với nhà trực ban và các đồn biên phòng lân cận, với các tàu chiến và canô của lữ đoàn tàu chiến canh phòng bờ biển. Và mặc dù liên lạc điện thoại giữa nhà trực ban với đơn vị biên phòng ở Ximpherôpôn không thể khôi phục ngay tức khắc được, nhưng theo lời V. Lưsencô, nó vẫn ở trạng thái làm việc cũng như liên lạc trên toàn bộ khu vực, nơi các đơn vị biên phòng đang làm nhiệm vụ.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 23 Tháng Giêng, 2022, 07:44:19 am
Ngày 19-8, theo lệnh của chỉ huy đơn vị biên phòng - đại tá P. Kharơlamốp, vào 8 giờ 10 phút, sĩ quan phụ trách mạng liên lạc bí mật N. Vêrêsắc bắt đầu chuẩn bị đầu mối liên lạc đó từ trạm quan trắc, kỹ thuật ra ngoài lãnh thổ của đồn biên phòng, theo lời anh, xong vào lúc 10 giờ sáng. "Đầu mối liên lạc" này bảo đảm liên lạc bằng điện báo và vô tuyến với đơn vị biên phòng và các vùng biên phòng phụ cận. Để bạn đọc rõ hơn, xin bổ sung là đơn vị biên phòng được bố trí tại Ximpherôpôn, còn bộ tư lệnh quân khu biên phòng đóng tại Kiép. N. Vêrêsắc đã ở tại đầu mối Livađi của mình đến ngày 22-8, nghĩa là cho tới khi nhận được chỉ thị thu hồi dây điện thoại.


Còn hai địa điểm liên quan đến liên lạc vô tuyến của Goócbachốp ở Phôrôx thông qua khả năng kỹ thuật của bộ đội biên phòng trên bộ và trên biển với thế giới bên ngoài. Căn cứ vào giám định tư pháp - kỹ thuật, tất nhiên sẽ có nhà hoạt động tư pháp hay nhà báo nào đó đặt câu hỏi: "Cũng như đường liên lạc của chính phủ, liên lạc của bộ đội biên phòng vẫn hoạt động về mặt kỹ thuật. Sao Goócbachốp không thể sử dụng được liên lạc đó". Thứ nhất, ông ta không thể đến ngôi nhà trực ban để nói chuyện qua máy bộ đàm với một trạm bảo vệ hay quan sát nào đó. Người ta nói, điều đó không phải là hèn nhát, không phải là muốn trốn tránh, chờ đợi xem sự việc kết thúc như thế nào, mà đơn giản đó là một sự thận trọng khôn ngoan. Thứ hai là, thậm chí ông ta có mạo hiểm thì cái gì sẽ bảo đảm rằng bộ đội biên phòng sẽ nối liên lạc cho ông ta với Xêváttôpôn và Ximpherôpôn hoặc với Kiép v.v...


Chúng ta không nhắc lại một chân lý hiển nhiên: nếu các anh có ít nhất 32 người trung thành thì sẽ không việc gì phải bỏ trốn một cách bí mật, phải bở dở trận chiến giữa chừng. Bởi vì, đầu tiên là cần gọi điện, dù chỉ để kiểm tra khả năng sử dụng kênh liên lạc đó, sau đó phải tự hành động, trước hết, có lẽ cần phải giao nhiệm vụ cho đội bảo vệ. Nhưng, nếu điều đó quả thực là cần thiết và anh muốn thì anh sẽ nhận được liên lạc. Những tình tiết đó thường xuyên xuất hiện và sẽ xuất hiện khi cần làm sáng tỏ tất cả các yếu tố chính của sự kiện tháng 8. Chỉ có một câu trả lời hợp lôgích, có thể chấp nhận và giải thích được về mặt tâm lý: vai kịch mà Goócbachốp định diễn được nghĩ ra và dự tính trước.


Nhưng nhiệm vụ của chúng ta không chỉ hạn chế ở việc làm sáng tỏ các sự kiện tháng 8 mà cần chỉ ra cho mọi người biết rằng Goócbachốp và những người đứng về phía ống đã che đậy hết sức kỹ càng. Chúng ta cũng cần chỉ ra cái gì đang ẩn nấp sau sự thông tin chân thật, tỉ mỉ vẻ bề ngoài, sau những chứng cứ liên quan đến các sự kiện đó. Những huyền thoại và những bản tin hằng ngày được các cơ quan báo chí, vô tuyến truyền hình phát thanh lặp đi lặp lại có thể sẽ vô ích, không đi vào tiềm thức con người. Chỉ trong trường hợp chúng không còn một kẽ hở nào mới có thể có tác dụng. Bởi vậy tôi cho rằng để có thể đánh dấu chấm hết, cần phải trích một đoạn từ lời khai của Trưởng phòng thông tin liên lạc thuộc Cục liên lạc Chính phủ của KGB khu vực Crưm X. Paruxnicốp và từ báo cáo kết quả điều tra của bộ đội biên phòng ngày 9-9-1991 (Tôi chủ ý dẫn ra ngày đó bởi vì trong thời gian này chưa thể có một chứng cớ nào có lợi cho những bị cáo, mà ngược lại "cuộc săn phù thuỷ" chỉ mới bắt đầu triển khai). Thượng tá X. Paruxnicốp đã khai: "Vào 12 giờ 20 phút ngày 19-8 Bôrôvicốp trực liên lạc điện thoại đã báo cáo rằng theo lệnh của thiếu tướng Glusencô (phó Chủ nhiệm Cục thông tin liên lạc của Chính phủ của KGB Liên Xô, hay đến Phôrôx theo lệnh của L. Aghêép cùng Iu. Plêkhanốp và V. Gênêranlốp) đã bật hệ thống điện thoại ATS (200 số) để liên lạc với đội bảo vệ và đơn vị công an. Theo kênh đó, Goócbachốp có thể liên lạc với đội bảo vệ và công an, với cả bộ đội biên phòng. Trong phòng ngủ và nhà làm việc đều có máy điện thoại. Nhưng trong phòng làm việc của tổng thống lại không có máy". Như vậy việc bài bố lớp mạ cách ly từ 12 giờ ngày 19-8 được đo bằng khoảng cách từ phòng làm việc đến phòng ngủ của tổng thống.


9-9-1991, Chủ nhiệm Cục điều tra là đại tá R. Ulúpsốp và Chánh thanh tra Cục thanh tra là đại tá T. Xavêlép trên cơ sở kết quả điều tra do họ tiến hành về các hành động của bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ hảo vệ dinh Tổng thống Liên Xô ở Crưm trong suốt thời gian tổng thống nghỉ ở đây, đã kết luận rằng trong thời gian từ 19 đến 21-8-1991 các bộ phận và đơn vị biên phòng không hề nhận thêm nhiệm vụ mới nào, không hề thực hiện bất cứ hành động nào trái hiến pháp và trái pháp luật nhằm cách ly Tổng thống Liên Xô khỏi thế giới bên ngoài. Ngày 19-8, họ đã nhận được chỉ thị phải trung thành với nghĩa vụ theo hiến pháp và không được có hành động nào đe doạ tính mạng và sức khoẻ Tổng thống Liên Xô. Không hề có chỉ thị nào về việc ủng hộ Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp được chuyển đến các đơn vị và không hề có biện pháp nào được tổ chức để thực hiện các chỉ thị như vậy.


Kết thúc các câu chuyện huyền thoại về tin đồn cách ly, hãy xem xét về đường dây liên lạc của chính phủ. Để cho khách quan, tôi nghĩ sẽ là đúng đắn nếu tách các hành động của liên lạc viên ở Crưm với hành động của các liên lạc viên đồng nghiệp ở Mátxcơva. Vấn đề là ở chỗ các chuyên gia về liên lạc của chính phủ được cử đi từ Mátxcơva và đồng nghiệp của họ ở Crưm được đánh giá theo các tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt và thiên vị lại bị coi là những người liên quan đến hành động của "những kẻ âm mưu", những người gắn với lời thề, với những quy chế nghĩa vụ nghề nghiệp cũng như với các truyền thống thực hiện vô điều kiện mọi mệnh lệnh của cấp trên.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 23 Tháng Giêng, 2022, 07:44:53 am
Nhóm các liên lạc viên Mátxcơva do thiếu tướng A. Glusencô cầm đầu được triệu tập rất khẩn cấp, một số vừa mới đi nghỉ về. Bản thân người lãnh đạo nhóm đã được người ta tìm ở nhà nghỉ qua một đơn vị quân đội đóng gần đó vào lúc 11 giờ sáng ngày 17-8-1991 và chuyển cho ông lệnh của lãnh đạo phải về ngay Mátxcơva để nhận công tác. Mệnh lệnh về việc cắt liên lạc tự động ở Phôrôx và chuyển sang liên lạc bằng điện thoại từ thạch được phát ra cho các liên lạc viên trên máy bay khi đang bay đến Benbec. Xét thấy tính chất không bình thường của mệnh lệnh, nhóm liên lạc đã ghi lại trong một báo cáo đặc biệt được thảo trong lúc bay, ngoài ra còn yêu cầu có sự xác nhận của lãnh đạo về tính xác thực của mệnh lệnh, họ mới thi hành lệnh và khi bay đến sân bay Benbec họ đã phân công như sau: V. Pudanốp và B. Pưlốp cùng với X. Parútnicốp đi đến trạm Mukhalátca, V. Xađônốp và N. Caraxép đến trạm Ianta, còn A. Glusencô trực tiếp đến cơ sở "Daria". Như vậy, thực chất là liên lạc của bộ đội biên phòng và Bộ Nội vụ không hề bị cắt. Nhóm do A. Glusencô cầm đầu tự mình hay với sự hỗ trợ của những người dưới quyền ở Crưm, chỉ có thể can thiệp vào các hệ thống hoàn toàn có tính chất kỹ thuật ở các khâu giao nhau với các hệ thống liên lạc của chính phủ hoặc là phụ thuộc vào hệ thống đó. Họ không có khả năng về mặt kỹ thuật để phá vỡ hoặc cắt hoàn toàn các hệ thống liên lạc đó. Và theo báo cáo của họ về mệnh lệnh nhận được thì không ai giao cho họ làm việc đó. Tính chất bất thường và hai mặt của mệnh lệnh, sự thiếu thông tin về nguồn gốc của mệnh lệnh đó khiến ta hoàn toàn dễ hiểu là tại sao họ lo lắng về tính chất hai mặt của việc phải thi hành mệnh lệnh cắt liên lạc của chính phủ.


Trước hết tôi muốn nói là không có ai ra lệnh cắt hoàn toàn liên lạc của chính phủ ở cơ sở "Daria". Tại các trạm thành phố Ianta và ở làng Mukhalátca đã tiến hành cắt liên lạc điện thoại tự động thuê bao của cơ sở "Daria" và chuyển sang liên lạc bằng điện thoại từ thạch theo mật khẩu "Sao hoả". Chỉ thị là như vậy. Và các cuộc nói chuyện điện thoại vẫn diễn ra không bị ngừng trệ với cơ sở "Daria". Người ta đã gọi từ đó đi và từ nơi khác đến, ngày 19-8, tổng đài đặc biệt SK có 66 lần đăng ký đàm thoại gọi đến cũng như gọi đi. Tại thành phố Ianta cũng như ở Mukhalátca được thực hiện bằng cách rút dây nối ra. B. Pưlốp xác nhận rằng tổng đài đặc biệt ở Mukhalátca vẫn thường xuyên hoạt động tốt bởi vì ngắt liên lạc trong 5 phút không làm hư hại máy. Dây nối theo nghĩa thông thường là phích cắm chuyển tiếp. Cắm nó vào ổ là máy hoạt động, rút ra là máy không hoạt động. Cần biết phích đó là của máy nào để thao tác đúng.


Cần lưu ý một sự việc là không một liên lạc viên nào được thẩm vấn có mặt tại các trạm ở Ianta và Mukhalátca trong những ngày tháng 8-1991 lại nhận được câu hỏi đơn giản như: Nếu Goócbachốp đột nhiên muốn liên lạc và yêu cầu anh ta nối với một số máy điện thoại nào đó, thì anh ta sẽ xử sự thế nào? Có nối hay không? Có thể người ta có đưa ra câu hỏi như vậy, nhưng trong văn bản không hề ghi. Không phải ngẫu nhiên Goócbachốp lại tự nói ra ngày 21-8, các điện thoại viên đã gọi cho ông ta theo địa chỉ đã đăng ký, mặc dù V. Criuscốp muốn ông ta (Goócbachốp) biết là các cuộc nói chuyện điện thoại của ông đều bị theo dõi bởi đứng đằng sau lưng ông là các sĩ quan của KGB. Bởi vậy, tôi cho rằng cần nói cả về việc, như lời của X. Parútnicốp, ngày 18-8 V. Pudanốp đã chuyển cho tổng đài Ianta lệnh rằng tất cả các liên lạc đi qua họ theo mạng lưới liên lạc của chính phủ phải thông báo ngay cho một trong hai người đó biết, cho đến ngày 22-8, thông tín tương tự không hề đến ông ta, không có nơi nào ghi lại được. Người ta cũng không báo cáo cho cả V. Gênêralốp hoặc A. Glusencô biết.


Trong điều kiện đó mà khẳng định là tổng thống không thể bắt liên lạc được cho dù ông ta muốn, mà chỉ dựa vào sự phỏng đoán các cán bộ tổng đài của đường dây chính phủ sẽ từ chối là hoàn toàn liều lĩnh. Tôi thiết nghĩ sự dự đoán đó được cuộc điều tra xem xét không công khai loại bỏ. Vì vậy, cơ quan kiểm sát chỉ còn lối thoát duy nhất là khẳng định giả thiết bị cách ly do chính Goócbachốp đưa ra qua bằng chứng: không có ai gọi điện đến cho ông được.


Và giả thiết được chuẩn bị để từ nhận định của kiểm sát thành kết luận, giám định tư pháp - kỹ thuật và từ đó có lời buộc tội: Goócbarhốp không thể liên lạc được từ nhà nghỉ ở Phôrôx, vì từ 18 đến 21-8, tại cơ sở "Daria", chỉ có hai máy điện thoai liên lạc của chính phù còn hoạt động. Nhưng các tướng V. Cônêralốp va A. Gluseneô đã nói chuyện qua hai máy đó còn những người khác muốn liên lạc phải được phép của hai ông. Người ta còn khẳng định là ôtô có gắn máy điện thoại của tổng thống bị phong toả trong ga ra, có đúng như vậy không?


Trả lời câu hỏi này đơn giãn hơn nhiều nếu có thể biết được lời khai của các chuyên viên và họ đã được hỏi những gì. Ai và nguyên nhân nào đã tước đi của các chuyên viên những lời khai báo. Đương nhiên, cũng cần biết là tại sao họ chỉ nhắc lại lời các thẩm phán thay vì trả lời trực tiếp vào câu hỏi về kỹ thuật được đặt ra. Tôi đặc biệt nhấn mạnh đỉều đó, câu hỏi thẩm vấn là: ngày 18 đến 21-8-1991, khá năng kỹ thuật để liên lạc từ cơ sở "Daria" của Tổng thống Liên Xô có được duy trì không, liên lạc của chính phủ trong những ngày đó có tồn tại không?


Bởi vì sẽ không thể hiểu được nếu không lưu ý đến lời kể của kỹ sư V. Vốpca rằng ngay tại khu vực có một trạm vô tuyến để hàng ngày kiểm tra đường dây của trạm "Xarức". Bình thường, không tiến hành các cuộc đàm thoại qua trạm này và chỉ có một số ít người biết đến vì trạm chỉ nhằm phục vụ các yêu cầu kỹ thuật. Nhưng trong thời gian đó, trạm này đã duy trì liên lạc mà mãi sau này ông ta mới biết. Kỹ thuật viên bậc 1 là I. Lacôtin cũng khẳng định có trạm máy như vậy để bảo đảm thông suốt đường dãy liên lạc. Tất cả các ôtô ở cơ sở "Daria" đều có trang bị điện thoại vô tuyến và dễ dàng thực hiện liên lạc, bởi vì, theo lời của V. Vốpca và I. Lacôtin, thì liên lạc của các ôtô từ cơ sở thông qua trung tâm vô tuyến điên "Xarức" từ 18 đến 21-8 "vẫn làm việc theo chế độ bình thường, không hề bị cắt. Trung tâm vô tuyến điện tiếp tục làm việc theo chế độ tự động không cần có nhân viên kỹ thuật". Nhiều chuyên gia liên lạc khác của cơ sở chẳng hạn như Iu. Phinchacốp cũng khẳng định như vậy.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 23 Tháng Giêng, 2022, 07:45:24 am
X. Parútxnicốp - trưởng phòng của Cục liên lạc Chính phủ khu vực Crưm của KGB Liên Xô cũng đã trả lời thẳng câu hỏi đó: "Tại nhà nghỉ vẫn có liên lạc, đó là trạm vô tuyến kiểm tra trong hệ thống "Cápca 4" đặt ở ngôi nhà của trạm liên lạc qua vệ tinh. Trạm vô tuyến này không hề bị cắt, nó làm nhiệm vụ kiểm tra chất lượng các kênh liên lạc. Từ trạm vô tuyến điện này bất cứ lúc nào cũng có thể liên lạc được với trạm "Cápca 4" ở Ianta. Máy vô tuyến như vậy cũng có trên ôtô "Vonga" H. Glusencô sử dụng ngày 21-8. Tôi cũng được biết các ôtô có tại nhà nghỉ đều được trang bị liên lạc vô tuyến và có thể bắt liên lạc theo hệ thống "Cápca 4" với Ianta. Đường liên lạc này hàng ngày đều được kiểm tra, kể cả trong ngày 18-8-1991, nhưng sau đó các ôtô này ở đâu, tình trạng của các phương tiện liên lạc như thế nào thì tôi không biết. Nhưng ngày 19-8-1991, vào 9 giờ 30 phút, khi bật công tắc của tổng đài đặc biệt tại đầu mối liên lạc "Daria" đã xuất hiện khả năng bắt liên lạc với toà nhà làm việc.


Nói chung, cần phải nói rằng, những lời kể của các chuyên gia liên lạc thường là dựa vào những viện dẫn của nhau. Ví dụ như: tất nhiên, mọi việc ở đó đều ổn cả và có thể liên lạc được, nhưng biết đâu ở Ianta và Mátxcơva người ta sẽ không nối liên lạc cho.


Một người buộc phải thanh minh cho cái mà anh ta không thể khẳng định là liên lạc bị gián đoạn, bị cắt chứng tỏ do một sức ép mạnh. Không phải ngạc nhiên vì trong tháng 9 và tháng 10, bao trùm một bầu không khí hết sức căng thẳng. Một mối nguy cơ tương tự tình hình năm 1937. Đất nước chưa quên cái năm 1937 đó. Tuy nhiên B. Lipốp trong cuộc thẩm vấn ngày 9-9-1991 đã khai rằng: "Ngày 20-8-1991, vào lúc 8 giờ 30 phút tôi đã liên lạc với Côrơép và báo cáo cho ông ta là đã bật vô tuyến truyền hình, liên lạc qua vệ tinh, máy liên lạc SK và ôtô của ban liên lạc số 21 thuộc trạm "Cápca 4" và trạm Benbéc. Ở đây nhắc đến liên lạc qua vệ tinh với tư cách thuê bao không chỉ ở Ianta. Thậm chí cả ở Ximpherôpôn.


Trong khi đó vào cùng ngày, K. Paruxnicốp đã kể cho một thẩm phán khác rằng, vào gần 19 giờ ngày 19-8 ông đã trao đổi với Pudanốp về việc mở liên lạc qua vệ tinh bởi vì các loại liên lạc khác có thể bị cắt trên lãnh thổ Crưm và Ucraina. Đudanốp đã báo cáo Glusencô và được chấp nhận: "Vào 19 giờ 30 phút tôi đã lệnh cho Alimốp. Ông thực hiện ngay và báo cáo ràng đã mở liên lạc, rằng 16 giờ 30 phút theo lệnh của Glusencô, ông ta đã mở vô tuyến truyền hình tại "Daria". Tôi xin bổ sung thêm việc mở liên lạc bằng vệ tinh đồng thời tạo ra khả năng thiết lập các kênh liên lạc dự trữ với Mátxcơva và Mukhalátca nhờ trạm dự bị với công suất nhỏ phục vụ công tác liên tục của chính phủ, khi tất cả các dây cáp bị cắt đứt. Để mở liên lạc đó - chỉ cần xoay tay gạt trên bảng điện trong nhà đặt máy liên lạc của toà nhà làm việc tại khu vực "Daria", là nơi đội bảo vệ thường xuyên ở và trực. Tôi e ngại sẽ làm cho bạn đọc mệt mỏi về những vấn đề và những từ ngữ kỹ thuật khác nhau. Bởi vậy, cho phép tôi kết thúc việc phân tích bằng kết luận mà tôi đã rút ra khi nghiên cứu những lời khai và các tài liệu liền quan đến vấn đề liên lạc: Các kênh liên lạc của chính phủ và liên lạc tuyệt mật cũng như liên lạc tác chiến với Mátxcơva và các thành phố khác không hề bị cắt, ngoại trừ liên lạc qua vệ tinh. Về đường liên lạc này xin đọc lời khai của X. Paruxnicốp đã nêu trên.


Một câu hỏi được đặt ra: nếu có các kênh liên lạc của chính phủ, nếu có sự liên lạc từ các ôtô trên khu vực "Daria" và từ toà nhà làm việc, thì tại sao Goócbachốp lại không gọi điện thoại từ ôtô hay từ toà nhà làm việc? Trả lời câu hỏi thuần tuý về kỹ thuật họ có thể nối liên lạc tại khu vực "Daria" cho tổng thống hay không, cả Glusencô và Paruxnioốp đều trả lời là có thể làm được. Và đây - "chúng tôi có thể nối liên lạc cho ông ta với một nữ liên lạc viên địa phương có mặt ở Phôrôx. Nhưng nếu chị này có xin liên lạc với Mátxcơva, thì liên lạc viên Mátxcơva phải xin phép lãnh đạo ở Mátxcơva, bởi vì, theo tôi được biết đã có một lệnh như vậy ở Mátxcơva, tất cả mọi việc nối liên lạc phải được phép của Cục trưởng Cục liên lạc của Chính phù A.G. Beđa". X. Pahixnicốp đã nhắc lại nguyên văn lời của A. Glusencô: "Có thể cho, có thế không". Và một câu hỏi đặt ra cho cuộc giám định phải làm sáng tỏ: Lẽ nào toàn bộ hệ thống liên lạc của Tổng thống Liên Xô ở Phôrôx lại được thiết lập để tổng đài đặc biệt ở Mátxoơva có thể cắt liên lạc là xong? Cho phép không tin điều đó. Lẽ nào lại không có liên lạc vô tuyến trực tiếp dù chỉ là với thủ đô các nước cộng hoà và các quốc gia, bỏ qua Mátxcơva, hoặc liên lạc điện thoại thẳng với thành phố Rốtxtốp trên sông Đông, Kháccốp, Tula chẳng hạn?


Tôi nghĩ là vấn đề ở chỗ khác. Không một ai đặt ra với họ về vấn đề liên lạc. Cả với họ và những người dưới quyền họ. Như A. Glusencô đã tuyên bố thẳng tại cuộc điều tra rằng "không một ai cả đích thân tổng thống, những người thân cận của ông và một đội bảo vệ của ông yêu cầu tôi giúp vấn đề liên lạc". Kỹ sư X. Alimốp có nhiệm vụ lo toan về mặt kỹ thuật liên lạc bằng vệ tinh từ trạm vô tuyến kiểm tra cũng đã xác nhận: ''Không có ai trong đội bảo vệ tổng thống hay trong những người thân cận của ông đến gặp tôi và không ai gọi điện cho tôi. Đối với các cán bộ khác của ban 21 cũng vậy". Đồng thời Alimốp cũng nhận xét rằng "nhóm người Mátxcơva từ Cục thông tin liên lạc của Chính phủ có quan hệ chặt chẽ hơn đối với đội bảo vệ tổng thống". Tất cả những điều đó cuối cùng như vô tình đẩy chúng ta đến chỗ phỏng đoán Goócbachốp và đội bảo vệ cá nhân ông ta không biết gì về sự tồn tại khả năng liên lạc thực tế. Quả là, ai mà tin được một tổng thống lại không biết sử dụng điện thoại, nếu đó không phải là ổ cắm điện trong nhà. Có thể ông không cần phải biết. Nhưng, liên lạc đang tồn tại thì chắc chắn ông có biết.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 23 Tháng Giêng, 2022, 07:45:58 am
Ngay ngày 27-8-1991, Ô. Climốp đã kể rằng "sau 16 giờ, trực ban của đội bảo vệ... đã báo cáo cho tôi là liên lạc bị hòng, tất cả các loại liên lạc đều bị ngắt, mà chúng tôi có tới 6 loại. Tôi đã ra lệnh kiểm tra tại sao liên lạc không hoạt động, chuyển trực ban sang ngôi nhà khác nơi có máy liên lạc". Ngay lúc đó và cả sau này không một ai quan tâm đến kết quả cuộc kiểm tra đó cũng như việc chuyển dịch đội bảo vệ, bởi vì làm như thế sẽ đến gần sự thật hơn và họ sẽ không đặt ra được giả thiết buộc tội. Mãi đến ngày 16-10 thẩm phán V. Xadônchúc mới đặt ra cho ông ta câu hỏi: ông có thông báo cho tổng thống biết rằng tại cơ sở "Daria" có đường dây liên lạc của chính phủ hoạt động hay không và nhận được trả lời: "Có, ngay tối hôm 19-8 tôi đã thông báo cho tổng thống rằng tại khu vực "Daria" có một phòng liên lạc và ở đó có máy điện thoại. Tôi còn nói là tôi cùng Gôlenchốp đã gọi điện cho vợ. Và cuộc nói chuyện kết thúc ở đó". Khi thẩm phán lạnh lùng hỏi: "Ông có thay mặt tống thống hay tổng thống có thông qua Chéccaxốp hoặc Gêlenchốp yêu cầu Gênêralốp để cho Goócbachốp sử dụng kênh liên lạc mà ông ta (Gênêralốp) có trong tay không, thì quyền đội trưởng đội bảo vệ là Ô. Climốp trả lời dứt khoát: ''Không, tự tôi hoặc thay mặt tổng thống không hề đưa ra yêu cầu như vậy về việc cho phép Goócbachốp sử dụng đường dây liên lạc thuộc quyền của Gênêralốp. M.X. Goócbachốp cũng không giao cho tôi việc đó". Tại sao? Tôi nghĩ là tôi sẽ biết được qua cuộc thẩm vấn bản thân Goócbachốp. Nhưng rất tiếc là vấn đề đó cũng như nhiều vấn đề cụ thể khác về "vụ án" không biết là do ngại ngần hay cho là thừa nên người ta đã không hỏi ông ta. Còn ông ta thì đã nói với toàn thế giới: "Tất cả đều bị cắt, một sự cách ly hoàn toàn". Làm sao các công tố viên lại dám nghi ngờ sự khẳng định của Tổng thống Liên Xô. Cần phải có những bằng chứng, nhưng những bằng chứng đó lại không có và người ta không muốn thu thập chúng. Lạy trời, anh đừng cố chứng minh điều gì mà người ta không đòi hỏi. Thôi thà im lặng còn hơn.


Người ta cũng cố tìm cách bỏ qua trong quá trình điều tra vấn đề liên lạc được trang bị trên các ôtô riêng của Tổng thống Liên Xô và các ôtô của đội bảo vệ tổng thống ở Phôrôx. Việc gì đã xảy ra? Tại sao giám định tư pháp - kỹ thuật về liên lạc lại tuyên bố rằng các ôtô được trang bị các phương tiện liên lạc đã bị phong tỏa trong gara? Sự việc như thế nào? Bởi vì đang hỏi về tình trạng kỹ thuật và khả năng hoạt động cơ mà. Nguyên nhân vẫn được đưa ra như trước. Liên lạc trên các ôtô trong trạng thái hoạt động đầy đủ. Người phụ trách các ôtô đó là B. Talanốp đã xác nhận điều đó: "... Liên lạc, nói chính xác là các thiết bị liên lạc, trên các ôtô hoàn toàn tốt, sẵn sàng hoạt động... Ngày 21-8-1991... tôi đã kiểm tra, các thiết bị đều tốt". Đó là các thiết bị nào? Tôi nghĩ là cần tin vào lời kể của đại tá V. Pudanốp người hoàn toàn chịu trách nhiệm về đường dây và các thiết bị liên lạc của tổng thống. Việc bảo đảm liên lạc cho các nhân vật khác không thuộc nghĩa vụ của ông, đó là công việc của các cán bộ khác. Ngày 5-9-1991 ông đã nói nguyên văn như sau: "Từ ôtô có thể tắt liên lạc với bất kỳ điểm nào trong toàn quốc, có thể liên lạc với chúng tôi cũng như với tổng đài ở Ianta và với các thành phố khác". Trên cơ sở các lời khai của các lái xe, chúng ta mạnh dạn bổ sung thêm rằng có thể bắt liên lạc không chỉ với bất cứ nơi nào ở trong nước, mà cả với nước ngoài. Đến đây, chỉ còn là việc của các chuyên viên và thẩm phán. Liên lạc thực tế là có, nhưng theo "chỉ thị" thì nó không được có. Và việc có cắt các kênh liên lạc hay không vẫn chưa được giải thích. Từ đó, người ta bắt đầu sáng tạo ra giả thiết các gara ôtô bị phong toả. Chỉ thoáng nhìn cũng thấy giả thiết đó được xây trên cát. Nhưng, một mặt không còn cách nào khác để bào chữa cho "chữ tín", mặt khác đã có sự tính toán sẽ không gượng nhẹ với "những kẻ phản bội". Phải thanh toán nhanh, bởi lẽ lịch sử của chúng ta chưa thể quên những bài học thấm thìa.


Dự đoán là sau "cuộc ẩu đả" của các thợ săn, việc đào bới và xem xét "vụ việc", tìm ra chân lý chắc không dễ dàng và nhanh chóng. Ai là người trong số tác giả của tư tưởng đó có thế dự tính được "cuộc ẩu đả" lại kéo dài, không ít người muốn biết sự thật và không thể bịt miêng họ được. Nay không phải như thời trước và con người cũng không như trước đây.


Các ôtô của tổng thống có bị phong toả trong gara như các chuyên viên và thẩm phán viết hay không? Dứt khoát là không. Để thấy rõ điều đó không cần tốn nhiều công sức. Chỉ cần hỏi sự phong toả đó thể hiện như thế nào và các thanh tra của Goócbachốp và Enxin hiểu nó ra sao? Bằng sự vuốt ve và những lời đường mật, họ đã tạo ra và cường điệu trên báo chí, khẳng định rằng gara ôtô bị đóng kín, bị niêm phong và trạm gác được thiết lập do những người đặc phái từ Mátxcơva tới canh giữ. Nhưng trên thực tế, các gara ôtô đã được niêm phong ngay sau khi các ôtô được đưa đến nhà nghỉ Phôrôx, chứ hoàn toàn không phải do V. Gênêralốp bay từ Mátxcơva đến để làm việc đó. Hạ sĩ A.   Igơnatốp khi miêu tả các sự kiện tháng 8-1991 ở Phôrôx, ngày 16-9-1991, đã xác nhận thẳng rằng: "Các buồng ngăn có ôtô được niêm phong ngay từ ngày 20-7-1991". Một trong những cán bộ bay từ Mátxcơva đến là thượng sĩ X. Maxlốp, ngày 31-8-1991 đã kể rằng, trong lúc bay trên máy bay họ nhận được lệnh của Đ. Đanilencô và khi còn ở sân bay Benbéc ông ta đã nói là 4 trong 6 người sẽ đến ngay các trạm gác: "... ông chỉ cho tôi garaôtô, nó gồm 6-8 buồng ngăn. Đanilencô nói - gara đã được niêm phong... khi đứng gác ở trạm, tôi nhìn thấy các cửa gara nơi có ôtô đậu đúng là đã niêm phong. Trên các cửa treo tấm biển plátxtích có đóng dấu. Dấu của ai tôi không để ý tới. Trong thời gian tôi trực không có ai đến lấy ôtô đi. Gênêralốp không hề đưa ra một chỉ thị nào về việc hạn chế tự do đi lại của M. Goócbachốp". Các sĩ quan mới tới đó thuộc binh chủng này hay khác đều nhắc lại những lời khai như vậy. Cần nói thêm chính các lái xe đã niêm phong buồng ngăn ôtô của mình và theo lối thượng sĩ bảo vệ A. Xipiagin thì tất cả chìa khoá xe suốt thời gian đó "được để trong nhà trực ban".


V.Gênêralốp chỉ thị: không có lệnh của ông không được trao chìa khoá gara cho bất cứ ai. Và chúng ta buộc phải nghi ngờ, lệnh đó đã được thực hiện trong thực tế chăng. Thứ nhất, A. Xipiagin làm nhiệm vụ trực ban khẳng định và tôi cho rằng anh ta có thế chứng minh "quan hệ của chúng tôi với đội bảo vệ tổng thống là bình thường, không có điều gì khác thường. Chúng tôi cùng làm nhiệm vụ, cùng ăn, cùng chơi bi a". Thứ hai, các cán bộ của phòng 18 mới đến không hề có bất kỳ dự định hoặc mệnh lệnh nào chống lại các đồng nghiệp và các cộng sự trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình. X. Maxlốp kể: "Trong buổi cơm tối (ý nói ngày 18-8), tôi nhìn thấy các nhân viên phòng 18 đang ở đó với Goócbachốp, và cả các cán bộ đội bảo vệ tổng thống sau khi chào hỏi nhau, họ đã hỏi chúng tôi đến làm gì. Chúng tôi trả lời là chính chúng tôi cũng không biết". Quả thật, cuộc điều tra đã hoàn toàn xác nhận: họ không hề biết và bắt đầu làm việc theo lịch phân công chung của đội bảo vệ dưới sự lãnh đạo trực tiếp của V. Đanilencô là người chỉ huy đội bảo vệ đã ở Phôrôx từ lầu. Và cuối cùng, điểm thứ ba là, chỉ có 6 người thì không thể đảm nhiệm được việc bảo vệ và tuần tra liên tục suốt 3 ngày đêm ở 2 và lúc đầu thậm chí ở 3 cổng lớn, ở gara ôtô, hơn nữa lại với phương án tăng cường bảo vệ. Những tài liệu tôi phát hiện được chứng minh rằng cái gọi là "phong tỏa gara ôtô" chỉ là sự bịa đặt.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 23 Tháng Giêng, 2022, 07:46:41 am
Chúng ta hãy bắt đầu từ cái đơn giản nhất. Ai đã canh gác ở gara ôtô? Từ trưa ngày 18-8 đến tối ngày 20-8, làm nhiệm vụ ở đây có các sĩ quan của phòng 18 dưới sự chỉ huy của V. Đanilencô và A. Calinin cùng các hạ sĩ quan của phòng 3 dưới sự chỉ huy của V. Épremốp. Phó Viện trưởng Viện công tố Liên bang Nga E. Lixốp nói: " Họ - những người mới đến, không hề có bất cứ một hành động chủ tâm nào nhằm cách ly tổng thống hoặc hạn chế tự do của tổng thống". Từ tối 20-8, tại các trạm gác có thêm những cán bộ từ ban 9 phụ trách Crưm của KGB Liên Xô, theo yêu cầu của Ô. Climốp là đội trưởng đội bảo vệ tổng thống trong thời điểm đó tại nhà nghỉ. Viện cớ Goócbachốp đang có mặt, V. Gênêralốp đã ra lệnh tăng cường bảo vệ toà nhà chính Chính chủ nhiệm A. Tônxtôi vào ngày 21-8 khi chuẩn bị ôtô để ra về, đã ngạc nhiên phát hiện, người đứng canh ở trạm gác lại là một cán bộ dưới quyền ông, một thợ lặn không mang vũ khi.


Nói chung, ở đây còn một vấn đề sâu sắc hơn: một sự trùng hợp ngẫu nhiên - thay đổi người gác ở gara ôtô từ tối 20-8 và sự chuẩn bị ra đi của Goócbachốp cùng gia đình (xét theo các lời khai). Vô nguyên tắc, điều đó có thể rọi tia sáng vào thực chất tình hình ở nhà nghỉ từ 19 đến 21-8. Nếu như vậy thì giả thiết về sự giam cầm lúc đầu do Enxin và tiếp sau là do Goócbachốp rêu rao sẽ tan như bọt xà phòng. Không cần phải giải thích những hậu quả và kết luận về mặt tư pháp và chính trị, khi không còn cần phải thu thập lời của những nhân chứng trả lời các câu hỏi của thanh tra. Căn cứ vào lời khai của con gái Goócbachốp Irinna và các lái xe V. Giơviacốp và V. Cudơnhétxốp về hệ thống liên lạc với toàn thế giới đặt trên ôtô phục vụ gia đình ở Crưm" "đã có dự kiến việc Goócbachốp cùng gia đình rời khỏi phạm vi khu vực "Daria" vào tối 20 rạng ngày 21-8-1991. Chúng tôi đã thu dọn đồ đạc của mình. Đã ăn mặc sẵn sàng và chờ đợi ở phòng chơi bi a". Hình như có điều gì quan trọng xảy ra, mà Goócbachốp đã biết được và thay đổi việc ra đi. Đó là lúc không có liên lạc, không có sự chuẩn bị, đang ở trong tình trạng cách ly hoàn toàn. Cuộc điều tra cũng cần xác định kẻ muốn đóng vai bá tước Môngtơ Crítxtô này định đi đâu, ai sẽ trở thành linh mục Pharia mới, sẽ đi bằng xuồng nào, chôn giấu kho báu ở đâu. Liệu có công tố viên nào đó đứng lên cao giọng luận tội ông chủ của mình. Tìm đâu ra người như thế. Đáng tiếc, hiện chúng ta chưa có những người như vậy.


Một điều khá phức tạp là cần mọi người khai về việc không chấp hành mệnh lệnh, vi phạm quy chế canh phòng như thế nào. Vì vậy trong các lời khai đó tưởng như có những lời nói thừa, những lời bịa dặt. Chẳng hạn, lái xe M. Xiđennicốp ngày 25-9-1991 kể rằng, sáng 19-8 anh ta cần khăn tắm liền đến nơi đậu xe để lấy ở trong ôtô. Anh đến gặp trực ban ở toà nhà làm việc là thiếu tá A. Xipiagin và đề nghị ông cho mượn chìa khoá của buồng đỗ xe, nhưng ông ta đã không trao chìa khoá mà cùng đi đến đó. Trên đường đi, Xiđennicốp nói rõ ý định, "và tôi được mở buồng đỗ xe để lấy khăn tắm từ ôtô ra", tiếp theo là đóng cửa ôtô và trả lại chìa khoá cho trực ban. Chính A. Xipiagin cũng không phủ nhận việc đó có thể xảy ra. Chỉ chừng đó thôi cũng vô cùng quan trong. Ông ta không nói rõ ông ta không nhất thiết phải tự đi làm việc đó, mà có thể giao cho trợ lý hoặc ai đó trong số cán bộ của đội bảo vệ, và cũng có thể việc đó lại xẩy ra ở phiên trực khác. Một trong số những người ở trạm gác nhớ lại là anh ta có lần nghe thấy nhạc ở gara ôtô, một người khác khẳng định rằng: "khi tôi gác, có một lần, ôtô được đưa vào gara, tôi nhớ như vậy. Điều đó được tiến hành với sự cho phép của trực ban". V. Cudơnhétsốp người lái chiếc ôtô chính của Tổng thống Liên Xô, đã mô tả hoạt động của mình ngày 21-8 như sau: "Sau bữa trưa, chúng tôi thu dọn đồ đạc của mình, nhận vũ khí cá nhân và đến gara..., được trực ban đồng ý, chúng tôi vào gara".


Sự phong toả là như vậy ư? Ôtô được đưa vào đưa ra, các buồng đỗ xe được mở, người thì lấy khăn tắm, người thì chuẩn bị cho xe lên đường. Cần nói thêm, điều đó diễn ra không cần có sự cho phép của V. Gênêralốp. Và không phải chỉ có thế. Điều mô tả ở trên chỉ tình cờ thu được qua trả lời các câu hỏi điều tra là kết quả những tìm kiếm của bản thân chúng ta chứ không phải là công việc theo định hướng của các thanh tra nhằm làm sáng tỏ chân lý. Và có thể nói chắc chắn rằng, Goócbachốp có thể lấy xe bất cứ lúc nào, một hoặc tất cả ôtô ra sử dụng. Các sĩ quan và hạ sĩ đội bảo vệ nhà nghỉ ở Phôrôx bảo vệ gara ôtô và làm nhiệm vụ trực ban được hỏi đều trả lời rằng không một ai trong thời gian đó có yêu cầu cần đến xe ôtô và họ không hề nhận được chỉ thị cản trở Goócbachốp trong bất cứ việc gì. Ngược lại, như giờ đây đã rõ, tất cả đều nhận được lệnh tăng cường canh gác và tăng cường bảo đảm an toàn cho Tổng thống Liên Xô và các thành viên của gia đình ông.


Tôi nhận thấy trước là bạn đọc sẽ ngờ vực rằng: "Thôi được, Goócbachốp có thể xem vô tuyến và nghe đài. Nếu muốn ông ta có thể gọi điện, qua bộ đội biên phòng, thuỷ thủ, từ ôtô hay từ trạm liên lạc. Đồng ý. Thế thì cắt điện thoại liên lạc của chính phủ tại toà nhà chính phủ của khu vực "Daria" làm gì?". Ở đây, xin bạn đọc hãy nhớ lại những điều đã nói ban đầu và xin nhắc lại ngắn gọn là đất nước đang lâm vào tình trạng khủng hoảng do cuộc đấu tranh để giành quyền lực chính trị. Đến cuối tháng 8-1991, đất nước đã ở trên bờ vực thẳm, gần đến chỗ đổ vỡ hoàn toàn và chính Goócbachốp là người tìm mọi cách để bám lấy phần còn lại dù chỉ là bề ngoài của quyền lực cá nhân đã góp phần đáng kể vào thảm trạng đó. Nhưng nghịch lý thay, người ta lại cho rằng, để khắc phục cuộc khủng hoảng đó trong một thời gian rất ngắn và với những tổn thất ít nhất cho nền kinh tế và cho nhân dân thì nhất thiết cần có những khoản tín dụng và cung cấp của phương Tây. Phương Tây làm ra bộ tin vào câu chuyện huyền thoại của mình về Goócbachốp hoặc coi ông ta như là một vật bảo đảm để phát triển các sự kiện phù hợp với lợi ích của họ, nên họ đã xử sự như chỉ tin vào bản thân Goócbachốp. Đương nhiên phần lớn là nhờ sáng kiến và sự ủng hộ mạnh mẽ của Goócbachốp để tạo ra điều đó nhằm củng cố và giữ vững quyền lực cá nhân. Cần củng cố quyền lực thực tế của ông ta ở trong nước trong khi vẫn giữ được diện mạo nhà dân chủ và người đem lại hoà bình. Vì vậy, phương án chính của sự kiện tháng 8 đã trù định sự vắng mặt tạm thời của ông ta. Nhưng phải làm sao để ông ta vẫn có thể liên lạc được với ai đó vào bất cứ lúc nào. Chúng ta hãy nhớ lại, toàn bộ liên lạc đã khôi phục lại hoàn toàn chỉ trong 15 phút.


Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp không cần quyền lực, cũng không cần sự đổ máu. Điều cần thiết nhất là buộc chính Goócbachốp phải bắt đầu sửa chữa những hậu quả do sai lầm của ông ta gây ra, buộc ông ta phải hành động ngay vì lợi ích của đất nước để làm điều đó, những người được cử đến gặp phải có sự bảo đảm quay trở về, còn Goócbachốp cuối cùng sẽ nhận thức rằng không được phép bỏ mặc vận mệnh và tương lai của đất nước trong bất cứ trường hợp nào, dù có Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp hay không có nó. Nhưng đáng tiếc ông ta vẫn ấp ủ hy vọng là sau khi giải quyết xong vấn đề với người cạnh tranh là Enxin, và sau khi từ "một tù nhân anh hùng" trở về, dựa vào các điều khoản của hiến pháp ông ta sẽ thẳng tay trừng trị Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, đảng, quân đội, quốc hội và cả các nước cộng hoà, để một mình hưởng vinh quang và toàn bộ quyền lực. Song, đó chỉ là một "giấc mơ bằng pha lê". Ông ta tin chắc rằng không một ai đoán biết được các mưu đồ kiểu Napôlêông của mình. Ông ta cũng không nhận thức được rằng ung dung ngồi giữa hai chiếc ghế hoặc nhẩy từ chiếc này sang chiếc kia đều là không thể được. Thực chất, ông ta đã thúc đẩy các cuộc xung đột và những sự hỗn loạn trong nước. Đấy, chính vì thế mà điện thoại câm lặng trong hai ngày và không có cuộc ra đi vào đêm 20 rạng ngày 21-8-1991.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 28 Tháng Giêng, 2022, 07:11:21 am
8. NHỮNG ÂM MƯU CỦA KẺ THẮNG VÀ NGƯỜI THUA

Sau sự kiện tháng 8-1991, một năm rưỡi qua, đã có biết bao ý kiến khác nhau về nguyên nhân thất bại của ý đồ của Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp muốn cứu vãn sự thống nhất đất nước và chặn đứng sự sụp đổ của nền kinh tế. Biết bao câu hỏi được đặt ra đối với những bước đi hiển nhiên không thực hiện được, đối với những người tham gia, nhưng dù đứng ở trung tâm các sự kiện đó, không phải lúc nào người ta cũng giải thích được thực tế điều gì đã xảy ra.


Nhiều khi ta nghe thấy, đặc biệt từ các phóng viên, họ có cảm tưởng Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã tìm cách, nhưng đã "không thể" một lúc ngồi trên hai chiếc ghế. Bởi lẽ, đứng trên quan điểm hiến pháp mà xét, thì hành động của uỷ ban hoàn toàn không nằm trong khuôn khổ pháp luật, trong khi nó lại muốn tuân thủ hiến pháp và pháp chế. Một số người cho rằng, phản kháng của nhân dân đối với các hành động của Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp là hết sức mờ nhạt nếu không muốn nói là hoàn toàn không có, nhưng các thành viên của uỷ ban thiếu kiên quyết, không thống nhất và đơn giản là không có sự chuẩn bị sơ đẳng.


Chúng ta biết những câu hỏi và những lập luận như vậy nẩy sinh bởi cái giả thiết chính thức về các sự kiện được Goócbachốp và Enxin trình bày như một thực tế, một tiên đề. Trong khuôn khổ giả thiết đó, người ta cố tìm câu giải đáp mà hiển nhiên là không thể có được. Tôi có thể nói, Goócbachốp và Enxin đã kiên trì lập trường nhìn nhận các hành động diễn ra là cuộc bạo loạn, cuộc đảo chính, là âm mưu nhằm cướp chính quyền nhưng đó chỉ là cạm bẫy được nguỵ trang không hơn không kém, trước hết nhằm che đậy thực chất những mục đích và vai trò của họ trong tất cả những sự kiện đó. Việc nẩy sinh một số lượng lớn như vậy các câu hỏi không có câu trả lời của những người có suy nghĩ lành mạnh có thể là một bằng chứng cho sự dối trá của giả thiết chính thức đó. Chính vì sự không phù hợp và không tìm thấy bằng chứng của những tình tiết hay những chi tiết vốn không có thực nên nếu xem xét suy nghĩ kỹ thì thấy giả thiết của Goócbachốp và của Enxin, dù nhìn từ phía nào, đều không có cơ sở, không có chỗ dựa vững chắc. Ta hãy xem thành phần của Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Đó là tất cả những người, không sót một ai, do chính Goócbachốp giới thiệu vào các chức vụ. Nhiều người trong số họ, ông ta đã hợp tác và biết rõ không phải mới một năm. Nhưng đó không phải là điều chủ yếu. Một điều dễ nhận biết là đa số các thành viên của uỷ ban có những quan niệm khác nhau về mục tiêu và phương pháp cải cách nền kinh tế, về thực chất của các vấn đề chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại và hướng giải quyết vấn đề cơ cấu quốc gia nhiều dân tộc, và về nhiều vấn đề khác. Điều đó không cho phép tổ chức bất cứ một âm mưu nào vì việc đó đòi hỏi phải có sự thống nhất trong việc nhận thức những vấn đề cơ bản. Âm mưu loại đó đòi hỏi phải đưa ra một người cầm đầu cụ thể, phân chia nghĩa vụ, kế hoạch hành động trước mắt có tính chất phòng ngừa đối với các địch thủ, trước hết đối với những người đối lập đang nắm chính quyền.


Trong thực tế không hề có âm mưu nào nhưng buộc phải thừa nhận có vì việc điều tra rất thiên vị, hơn nữa chính quyên hợp pháp đang tồn tại. Kết cục, chẳng cần chiếm giữ hay lật đổ ai hết, ngoài chính bản thân mình. Ngược lại, phải cố mà đứng vững. Trong khi đó, kỹ năng hành động của hai bên hoàn toàn khác nhau. Bởi thế yêu cầu cả hai bên cùng ngó vào cuốn từ điển giải nghĩa của V. Đan. Trong đó viết: âm mưu - "là sự thỏa thuận bí mật của nhiều người hành động chống lại chính quyền; là mưu kế chuẩn bị nổi loạn"1 (V. Đan: Từ điển giải nghĩa tiếng Nga, tập I, Mátxcơva, 1978, tr.569).


Làm sao có thể coi là bí mật và là mưu kế tiếm quyền khi mà các nhân vật hành động bắt đầu từ việc chọn một đoàn đại biểu đi gặp Goócbachốp và thảo luận với ông ta về những biện pháp và cách thức tiến hành do họ đề nghị và ngay ngày đầu tiên họ tuyên bố triệu tập khoá họp Xôviết tối cao Liên Xô và tổ chức họp báo, tại đó họ đã cam đoan với những người dự họp báo và với toàn thế giới, rằng Goócbachốp là bạn của họ, rằng ông ta sẽ nhanh chóng trở về và cùng sát cánh với các thành viên Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Không đáng phải tiếp tục nói thêm. Như vậy, mọi bí mật đã rõ. Bây giờ nói về chính quyền và âm mưu tiếm quyền. Nếu cho rằng quyền lực của các thành viên Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp và quyền lực của Tống thống Liên Xô, chưa rõ là theo pháp luật thì quyền lực của ai cao hơn. Hơn nữa, không ai tự đòi hỏi và muốn có thêm quyền lực Theo V. Đan thi tiếm quyền có nghĩa là dùng sức mạnh để chiếm lấy quyền của người khác. Đã xảy ra tranh luận ồn ào chung quanh vấn đề: thi hành hay không thi hành tình trạng khẩn cấp và ai sẽ làm việc đó. Thêm nữa, là vấn đề quyền lực và âm mưu. Có lẽ không thừa khi nhớ lại là tổng thống đã ra quyết định thi hành các biện pháp khẩn cấp trong đa số các ngành công nghiệp nặng vào tháng 6-1991. Trong bối cảnh này, thực chất vấn đề là có mở rộng áp dụng các biện pháp đó trong toàn bộ nền kinh tế hay không. Ai sẽ là người thông qua quyết định đó! Cuộc tranh cái kéo dài không chỉ một năm. Và một lần nữa công việc trước mắt đòi hỏi và dưới tác động của hoàn cảnh khách quan, Goócbachốp lại tự mình đưa ra quyết định có tính chất cục bộ. Ông ta luôn luôn trì hoãn việc thông qua các quyết định. Nhiều khi gây ra ấn tượng nặng nề rằng ông ta không bao giờ tự mình làm một điều gì để ngăn chặn sự đổ vỡ hay thi hành các biện pháp để ngăn chặn sự đổ vỡ, trong khi đó lại tích cực ngăn cản bất cứ ai muốn hành động bất chấp sự sợ hãi và mạo hiểm sẽ đến với mình. Chẳng hạn như tôi, trên cơ sở kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng tiến hành các cuộc cải cách giá cả và tiền tệ trong điều kiện những năm 1988-1989 có khả năng thành công một trăm phần trăm. Nhưng chính Goócbachốp đã phá tan cuộc cải cách đó. Đến tháng 8-1991, đỉnh tháp Pida1 (Tháp Pida: Tháp cao 54,5m nằm trong quần thế kiến trúc của thành phố Pida (Italia) được xây dựng từ thế kỳ XI-XIV. Đỉnh tháp hiện đang bị nghiêng 4,8m so với trục thẳng đứng (ND)) của nền kinh tế đã bị đổ nghiêng nguy hiểm. Nếu không chống đở nó sẽ sụp đổ hoàn toàn. Chính điều đó đã xảy ra với nền kinh tế sau này. Lúc đó, vấn đề đặt ra là nguyên thủ quốc gia cần chấm dứt lang thang khắp nơi và cần chuyển từ lời nói về công việc thành việc làm thực sự, cần phải tự mình làm việc và có khả năng ra mệnh lệnh làm việc.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 28 Tháng Giêng, 2022, 07:11:53 am
Về tính hợp hiến của các hành động của Uỷ ban nhà nước vô tình trạng khẩn cấp thì toàn bộ các hành động đến những chi tiết nhỏ nhất đều phù hợp với pháp luật của Liên Xô. Chính tại cuộc thẩm vấn, Goócbachốp đã xác nhận điều đó. Còn việc phó tổng thống thực hiện nghĩa vụ của Tổng thống Liên Xô có hợp hiến không. Đây là vấn đề tồn tại đang được tranh cãi. Quy chế và các trường hợp khi Phó Tổng thống Liên Xô thực hiện nghĩa vụ của Tổng thống Liên Xô, cũng như các quyền và nghĩa vụ của phó tổng thống chưa có một đạo luật nào chính thức quy định. Trong thực tế, phó tống thống được thừa uỷ quyền của tổng thống, thay tổng thống, trong thời gian tổng thống đi thắm các nơi trong nước và ra nước ngoài mà không cần có những quyền hành bổ sung đặc biệt nào.


Không thể áp dụng đối với phó tổng thống cái trật tự pháp lý mà theo đó, người phó (thường là phó thứ nhất) của người lãnh đạo các xí nghiệp, các tổ chức cơ quan nhà nước được quyền đại diện cho cơ quan đó ở mọi nơi và về mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của người đó và không cần những chỉ thị và những quyết định bổ sung vẫn đương nhiên thay thế người lãnh đạo khi người đó vắng mặt. Trong cuộc sống thực tế có không ít trường hợp như vậy. Có khi cả nhiều tháng, có khi hàng năm, một nhà máy, uỷ ban hành chính hay bộ v.v... do những người phó lãnh đạo khi mà người đứng đầu chưa được bổ nhiệm. Việc đó thường được làm với mục đích để kiểm tra khả năng của người phó hoặc do các lý do khác, chẳng hạn không có người muốn lãnh đạo ngành sản xuất hay cơ quan quản lý đó. Trường hợp như vậy có không ít trong những năm 80.


Quy chế và các trường hợp khi Phó Tổng thống Liên Xô thực hiện nghĩa vụ của Tổng thống Liên Xô lần đầu tiên đã được chính thức đưa vào dự thảo hiến pháp Liên Xô. Nhưng dự thảo hiến pháp Liên Xô được chuẩn bị để đưa ra cho toàn dân thảo luận vẫn chỉ là dự thảo. Bởi vì vào tháng 12-1991, tại khu rừng Bêlôvét, Enxin, Crápchúc và Suskêvích đã thông qua quyết định về việc thủ tiêu Liên Xô. (Có thể nói quyết định đó là phi pháp, theo quan điểm của tôi). Vì vậy, Viện công tố Liên Xô và Cộng hoà Liên bang Nga đã khẳng định việc G. Ianaép thực hiện tạm thời nghĩa vụ của Tổng thống Liên Xô là không hợp hiến và không hợp pháp, bởi luật pháp chưa quy định bằng lời văn và chưa hề có tiền lệ trong thực tiễn của chúng ta. Một sự khẳng định đáng ngờ. Mọi người đều biết rằng khi không có quy tắc pháp lý thì thực tiễn hoạt động được toà án thừa nhận, thông thường, thay cho đạo luật, ở trên đã nói về việc áp dụng ở Liên Xô thực tiễn kiến giải lập pháp các quyền của cấp phó. Về việc kiến giải các quyền của Phó Tổng thống Liên Xô không dễ nói bởi một nguyên nhân đơn giản là chính thức Tổng thống Liên Xô đến tháng 8-1991 mới tồn tại hơn một năm. Ngoài ra, khi đi Crưm, với sự có mặt của các quan chức cao cấp nhất, Goócbachốp đã nói rõ ràng với G. Ianaép tại sân bay: "Anh hãy ở lại thu xếp mọi công việc". Trong thực tiễn của chúng ta, và tôi không chỉ nghĩ ở nước ta, lời dặn đó bao giờ cũng là quá đủ. Trong những trường hợp như vậy cả ở Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô lẫn ở Xôviết tối cao Liên Xô hay ở Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, không bao giờ được phát hành thành văn bản. Và thưa bạn đọc kính mến, các bạn hãy đánh giá sau lời dặn đó thì các hành động của G. Ianép có hợp pháp không. Lúc đó chúng tôi cho rằng và hiện nay tôi vẫn cho rằng những hành động đó là hợp pháp.


Xin nói một vài lời về lòng dũng cảm và tính kiên quyết. Tôi cho rằng những lời buộc tội mà thiếu các phẩm chất đó thi chỉ là một sự thoá mạ có tính toán hoặc một sự khiêu khích tầm thường. Goócbachốp và Enxin là anh em sinh đôi, không thể sống thiếu nhau, đúng hơn là không thể sống mà không có sự cãi cọ thường xuyên với nhau, nhưng lại cùng nhau đưa đất nước đến chỗ diệt vong. Điều đó, người ta biết và nói công khai khắp mọi nơi và trong tất cả các tầng lớp xã hội. Nhưng những kẻ duy nhất có được dũng cảm nói về điều đó cho toàn thế giới chứ không phải trong xó bếp, dù phải trả giá cuộc đời mình, lại đã trở thành những kẻ hèn nhát và đã cùng nhau đi theo con đường làm phá sản và sụp đổ đất nước. Không ít trường hợp những kẻ nói về lòng dũng cảm và tính kiên quyết thì cuối cùng lại không dám công khai nói lèn ý nghĩ của họ về các khái niệm đó. Trên thực tế họ chỉ muốn có những hành động cụ thể là gạt bỏ về thể chất Goócbachốp và Enxin, gần giống như "phương án Rumani". Không còn nghi ngờ gì nữa, ở đây mục đích cuối cùng giống như chủ nghĩa Xtalin năm 1937.


Tôi, một lần nữa, muốn nhấn mạnh tới tính chất khiêu khích của giải pháp đó. Các thành viên Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp không hề lấy mục tiêu khôi phục sự chuyên chế và sự khủng bố đàn áp làm chỗ dựa. Hơn nữa, điều quan trọng đối với chúng tôi, và xin nhấn mạnh là không để diễn ra cảnh đổ máu, nội chiến và đàn áp. Chúng tôi đã không nghi ngờ rằng có ai đó tìm cách đẩy chúng tôi đến điều đó, gán cho chúng tôi tham vọng khủng bố. Đó là cái cớ để phá tan các lực lượng yêu nước, loại bỏ những người có quan điểm khác và là sự biện hộ cho việc khủng bố hàng loạt. Bởi vậy, chúng tôi đã đề ra mọi biện pháp để không cho sự kiện tiếp diễn theo hướng đó. Điểm xuất phát này hết sức cần thiết cho thắng lợi quyết định của các nhà cải cách theo kiểu Mỹ hoá. May mắn là điều đó đã không diễn ra đối với đất nước và nhân dân. Chúng tôi sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình nhưng không có quyền được định đoạt vận mệnh cuộc sống của người khác. Quyền lực đối với tôi chưa bao giờ là mục tiêu cá nhân khiến tôi phải chịu đồng ý trả giá bằng cuộc sống và xương máu của những người dân lành vô tội. Điều đó chính là mặt yếu của chúng tôi trước Enxin, kẻ sẵn sàng hy sinh tính mạng hàng nghìn người để bảo vệ địa vị của mình ở Nhà trắng. Đối với chúng ta và riêng đối với tôi rõ ràng điều đó có nghĩa là từ chối các cuộc cải cách và dân chủ; điều đó có nghĩa là đi vào đường hầm không lối thoát, vào con đường diệt vong chống lại chính những quan điểm của bản thân. Có Goócbachốp hay Enxin hoặc không có cả hai thì điều đó không có ý nghĩa gì. Khi đó thực sự sẽ diễn ra sự chuyên chế không tránh khỏi và những cuộc đàn áp tràn lan. Giờ đây, tôi nhìn thấy, đó chính là mục tiêu của cả hai người. Tôi không hối tiếc khi cho rằng cả Goócbachốp và Enxin về nội dung, và thực chất, có cùng quan điểm giống nhau về hoạt động chính trị - xã hội: họ chỉ chấp nhận những người khác với tư cách là phương tiện để đạt những mục tiêu của mình, mà mục tiêu đó là - quyền lực. Đối với họ, đó là mục tiêu duy nhất và đam mê cuồng nhiệt, và để đạt mục tiêu đó, họ không thương tiếc bất cứ ai và bất cứ cái gì.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 28 Tháng Giêng, 2022, 07:12:25 am
Mọi sự bất đồng của họ chỉ là hình thức đấu tranh giành giật ngai vàng đế chế, một cuộc đấu tranh mà bọn tôi đòi phải dựng tóc gáy và dạ dày trống rỗng. Đối với hai người đó vấn đề quan trọng không phải là ngai vàng đó đặt ở đâu - dù ở một làng, một tỉnh, hay nước cộng hoà, hay trong cả nước. Cái quan trọng đối với hai người đó là ngồi được lên ngai vàng. Goócbachốp và Enxin nhìn thấy ý nghĩa chủ yếu sự tồn tại của mình là giành được mảnh đất và vận mệnh của những người dưới quyền. Phân tích sâu tư tưởng của họ là công việc vô bổ. Đáng tiếc là nhân dân bấy lâu nay không nhận ra điều đó. Cả tôi cũng vậy, nhiều người, thậm chí đến nay, khi các dòng này được viết lên, vẫn không muốn tin vào điều đó, mặc dù mọi cái dần dần đã sáng tỏ. Còn vào tháng 8-1991, số người hiểu được điều đó quả là ít ỏi. Vì vậy, Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp không bao giờ và không thể là cơ quan thực hiện cuộc bạo loạn, cuộc đảo chính. Tiếm quyền của chính mình để trao cho người thứ ba, còn bản thân thì đi lên đoạn đâu đài là một điều vô nghĩa. Hôm nay tôi có thể hoàn toàn chân thành nói rằng, với tư cách là một cơ quan nhà nước, uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã ra đời vào tối 18 rạng ngày 19-8-1991. Các bạn hãy tự đánh giá và hãy hết sức khách quan - làm sao trong thời gian đó có thể soạn thảo một cương lĩnh và xây dựng được một cơ cấu tổ chức nào đó, chọn người ở đâu ra và chọn thế nào? Uỷ ban có những nhiệm vụ khác, hoàn toàn thực tế và vừa khả năng - đó là làm cho cuộc sống đi vào cải cách kinh tế và dân chủ hoá xã hội đang dẫm chân tại chỗ, buộc bộ máy nhà nước làm việc thực sự cho công cuộc cải tổ chân chính, trở thành chỗ dựa tổ chức và động cơ của cuộc cải tổ. Điều đó đương nhiên không phải là công việc của một ngày hoặc của một chỉ thị. Cần phải làm hàng ngày một cách cần mẫn, cần lao động sáng tạo không có phông màn và các tràng vỗ tay. Nói ngắn gọn là cần làm việc, làm việc mọi nơi, mọi người đều làm việc.


Ở đây, tôi nhìn thấy trước một số câu hỏi mà thoạt nhìn cảm thấy như là không thể bác bỏ được. Cứ cho những điều anh viết ra là sự thật đi, thì tại sao lúc đó, công luận có rất nhiều bằng cớ, chứng tỏ là Goócbachốp đã chống lại kế hoạch và những dự định của anh? Làm sao có thể giải thích việc giữ tổng thống trong tình trạng bị cách ly ở Phôrôx ngược lại ý nguyện và mong muốn của ông ta? Tại sao, - nếu đó không phải là cuộc đảo chính theo từ ngữ truyền thống, - các anh lại đưa quân đội vào Mátxcơva, khi mà không hề có dấu hiệu chống cự từ phía mọi người, khi sân bay, nhà ga, xí nghiệp, các cơ quan thông tin liên lạc vản hoạt động? Tại sao những người chống đối tương lai ví dụ như Enxin, Xcôcốp, Rútxcôi vẫn được tự do? Phải chăng các thành viên Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp không có kiến thức và không biết cách tổ chức cuộc đảo chính theo đúng bài bản?


Cần phải trả lời rõ các câu hỏi đó. Bắt đầu từ các bằng cớ. Về việc cách ly, giam giữ và cắt liên lạc ở Phôrôx ngày 18 - 21-8 tôi đã trình bày tỉ mỉ. Có thể làm mệt mỏi người đọc, song chân lý đòi hỏi phải mô tả tỉ mỉ. Ta hãy chuyển sang các kế hoạch mà Goócbachốp đã từ chối với những lời lẽ kiên quyết.


Trước hết, ngoài sự khẳng định của chính Goócbachốp, viết và nói sau khi trở về từ "nơi cách ly", dưới sự giám sát của chính quyền Nga, rằng ông ta "đã phản đối", rằng tôi không biết được bất cứ bằng chứng nào. Trong số những người trực, tiếp có mặt ở Phôrôx khi nói chuyện với ông ta, không một ai nói một cách cụ thể về những điều mà tôi đã biết. Còn tất cả những người khác gọi là nhân chứng, thì họ chỉ dựa vào những điều Goócbachốp nói cho họ hoặc với sự có mặt của ông ta. Đó là một trong những lý do chủ yếu để ông ta không nhận là người đả thất thế, dù tất cả những lời buộc tội lại dựa trên sự khẳng định về sự cách ly ông ta, sự gạt bỏ ông ta, v.v... Hơn nữa Goócbachốp và những người gọi là nhân chứng, theo lời ông ta, và đằng sau họ là Viên công tố Nga, không thể hiểu được ông ta từ chối kế hoạch nào và đề nghị nào. Bởi vì có một số phương án, Goócbachốp khẳng định rằng người ta đề nghị ông ta ký hoặc từ chức. Người ta đề nghị ký cái gì thì ông ta không biết, bởi vì không có ai đưa cho ông ta bất cứ văn bản nào. Cho rằng người ta sợ. Bay đến, nói thì không sợ nhưng đưa giấy tờ ra thì lại sợ. Thế thì lôgích ở đâu? Ai sẽ tin? Tất cả những người tham gia cuộc nói chuyện đều khẳng định rằng không ai đề nghị ông ta từ chức, người ta đề nghị ông ta hoặc đồng ý tự ký hoặc giao cho G.Ianaép ký tuyên bố tình trạng khẩn cấp và triệu tập khoá họp Xôviết tối cao Liên Xô. Tôi muốn bổ sung là không ai giao phó cho Ianaép đề nghị Goócbachốp từ chức. Khi trở về họ không thông báo gì về điều đó, bởi vì không hề có vấn đề đó.


Về việc giam giữ trong sự cách ly thì là điều không có thật. Tôi xin nhắc lại lần nữa: mọi kênh liên lạc đều hoạt động, liên lạc được duy trì thường xuyên, ngoại trừ một vài đường dây bị ngắt trong ngôi nhà của đội bảo vệ trong khu vực nhà nghỉ. Tất cả các chuyên gia vẫn ở vị trí của mình, các đường dây đó bị cắt theo lệnh trong vòng 15 phút. Chính Goócbachốp đã dự định ra đi vào ngày 20-8, mọi người đã sẵn sàng, đã thu xếp và đợi suốt cả đêm cho đến sáng. Tại sao ông ta không ra đi, không ai hỏi ông ta điều đó. Còn chính ông ta thì không hề nói tí gì về việc này. Ông ta có thể ra đi bằng đường biển. Các tàu chiến cá nhân của ông thuộc Hạm đội "Crưm" và "Grip" đã đậu sẵn sàng ở Balăclava từ ngày 19-8, đã chuẩn bị đầy đủ dầu mỡ nhiên liệu, sẵn sàng rời bến trong vòng 30 phút. Canô, xuồng, thuỷ thủ biên phòng cũng sẵn sàng ở các bến tàu, trên bãi tắm nơi ông ta cùng gia đình dạo chơi và tắm biển trong những ngày đó.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 28 Tháng Giêng, 2022, 07:12:54 am
Về việc điều động quân đội. Chính Enxin đã điều các xe tăng và lính đổ bộ đến toà nhà Xôviết tối cao Cộng hoà Liên bang Nga vào sáng ngày 19-8-1991. Ông ta đã tự liên lạc trực tiếp với tướng P. Grachốp chỉ huy lính dù với lý do ông ta không nắm được tình hình sự kiện diễn ra nên yêu cầu cử quân đội đến chịu sự điều khiển của ông ta. P. Grachốp đã hứa và thực hiện yêu cầu đưa đến đó một tiểu đoàn, một đại đội trinh sát tăng cường và giao cho người phó của mình chịu trách nhiệm thi hành. Quyết định đó được thông qua và thực hiện không thông qua Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Thậm chí ngay cả Đ. Iađốp (Bộ trưởng Quốc phòng) cũng không hề hay biết. Ngay trong ngày thứ ba, 20-8, V. Varennicốp cũng không hiểu nổi các phương tiện thông tin đại chúng nói về cuộc tấn công nào, nếu ở trong toà nhà và xung quanh là các lính đổ bộ của chúng ta cả. Theo lệnh của Đ. Iadốp, quân đội phải trở về vị trí của mình ở Tusinnô, đồi Lênin, đường bộ ngoại vi Mátxcơva - nơi họ tập luyện chuẩn bị cho cuộc diễu binh. Chỉ cử một vài đơn vị để tăng cường bảo vệ những nơi cất giữ báu vật quốc gia, các kho của Ngân hàng nhà nước Liên Xô, Điện Cremli, Trung tâm vô tuyến truyền hình. Và trước đây, trong những điều kiện phức tạp, quân đội vẫn có sự hỗ trợ cho các lực lượng của Bộ Nội vụ để bảo vệ các cơ sở như vậy, họ giúp cho cảnh sát thành phố tuần tra các khu phố, bởi chỉ lực lượng của cảnh sát thì không đủ. Các quân chủng khác không hề có trong thành phố. Các đơn vị lính dù được đưa đến toà nhà Xôviết tối cao Cộng hoà Liên bang Nga theo yêu cầu của Enxin được sử dụng để diễn vỏ kịch "cuộc bạo loạn" và gây tình hình căng thẳng. Do không chỗ nào ngoài khơi có quân đội, nên không hề có đấu tranh và sự chống trả, và không hè có chiến thắng. Chỉ có nước sóng sánh trong cốc và tràn ra miệng cốc khiến người ta sợ hãi và cố ý làm cho toàn thế giới kinh hoàng. Chỉ đến ngày 20-8, Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp mới buộc phải thảo luận vấn đề, làm thế nào với số người đông như vậy, phản ứng thế nào với lời kêu gọi của Enxin. Đất nước đã không phản ứng, nhưng như vậy không thể kéo dài vô tận. Enxin và thân cận của ông ta không hưởng ứng lời kêu gọi theo lẽ phải và thương lượng. Ngay 7 giờ sáng ngày 19-8 họ đã nghe thấy lời tuyên bố và lòi kêu gọi gửi nhân dân Liên Xô và sau khi thương lượng vớiPp. Grachốp, người ta đã tuyên bố rằng đó là "cuộc bạo loạn", "là những tội phạm", v.v... Người ta không hề liên lạc với bất cứ ai trong các thành viên của Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, thậm chí đến trưa hôm đó cũng không một ai trong số họ lại liên lạc điện thoại với ngay cả Goócbachốp. Không có đơn đặt hàng như vậy và những ý đồ đó chưa được nêu ra.


Chúng tôi, những thành viên của Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp không hề chuẩn bị cuộc đảo chính. Các bạn hãy tin là chúng tôi còn đủ sáng suốt và khả năng để bắt toàn bộ ban lãnh đạo Nga khi còn ở xa Mátxcơva, ở sân bay, ở nhà nghỉ hay trên đường đi. Có rất nhiều khả năng, bao nhiêu cũng có. Thậm chí cả trong toà nhà Xôviết tối cao Cộng hoà Liên bang Nga, nếu mục tiêu đó được đề ra. Vấn đề ở chỗ là ngày 19-8 tôi hoàn toàn hiểu rõ và tôi nghĩ là nhiều thành viên Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp cũng hiểu - người hiểu sớm người hiểu muộn - là Goócbachốp quyết định lợi dụng sự trung thành của chúng tôi với sự nghiệp và với đất nước mình, nhân dân mình, để trừng trị Enxin bằng bàn tay của chúng tôi, đẩy chúng tôi đến chỗ đổ máu. Sau đó, với cương vị là Tổng thống Liên Xô, ông ta sẽ trừng trị chúng tôi như là những người gây ra cuộc đổ máu. Kết quả là đất nước trong sự tan hoang, chia rẽ, ông ta vẫn ung dung ngồi trên ngai vàng, còn tất cả những ai chống lại thì hoặc sang thế giới bên kia hoặc vào tù.


Tôi tin là Enxin biết rõ kịch bản đó và đã chuẩn bị trước để ra trình diễn. Ông ta cũng quyết định lợi dụng chúng tôi, khi tu chỉnh lại kịch bản của Goócbachốp. Ông ta muốn lợi dụng bàn tay của chúng tôi để loại bỏ Goócbachốp và sau đó thực hiện cuộc bắn giết đẫm máu và thủ tiêu chúng tôi. Liên minh với P. Grachốp và các lực lượng khác trong quân đội, Bộ Nội vụ và KGB Liên Xô được thiết lập từ trước đã bảo đảm cho ông ta có thời gian ra các quyết định và thực thi các thủ đoạn. Ông ta không lùi được vào đâu cả, dựa cớ là không được am hiểu đầy đủ. Goócbachốp thì không giữ được ý thức điều đó và thời gian, lại lần nữa lo sợ và gạt sang bên việc giải quyết sự xung đột với Enxin, khi đưa ra mệnh lệnh cuối cùng. Thậm chí ông ta không hiểu rằng, phản bội lại A. Lukianốp, V. Criuscôp; Đ. Iadốp, B. Pugô, ông đã đánh mất không những chỉ những con người mà cả quân đội, cả các đơn vị an ninh và các đại biểu nhân dân. Từ lâu đã không có chỗ dựa trong nhân dân, ông ta chỉ hiểu được điều đó khi ngồi trên máy bay trở về Mátxcơva và hiểu một cách chắc chắn tại diễn đàn Xôviết tối cao Liên Xô. Ở đó ông ta chỉ còn là một xác chết chính trị.


Trong cả hai kịch bản đó, các thành viên Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp vì sự trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, đã phải trả giá bằng cuộc sống của mình. Mọi cái sẽ diễn ra đúng như vậy nếu họ gây ra cuộc đổ máu. Phúc cho chúng tôi và cho đất nước là cuối cùng chúng tôi đã hiểu ra được cạm bẫy. Nếu không thì sự khủng bố đàn áp hàng loạt sê trở thành hiện thực sau những sự kiện tháng 8. Đó là nguyèn nhân chủ yếu giải thích tại sao lúc đầu thì từng cá nhân, sau đó là tập thể các thành viên Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã hành động có mục đích để ngăn chặn sự khiêu khích ở Mátxcơva và ở các vùng khác của đất nước. Tôi cho rằng, chúng tôi đã làm được điều đó. Số phận cá nhân ở đây không tính đến. Còn nếu tiến hành cuộc đảo chính "thành thục" thì có thể nói trong chúng tôi có thừa các chuyên gia cao cấp. Xin hãy kiểm tra điều đó. Các bạn có thể kiểm tra. Mong các bạn hãy kiểm tra.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 28 Tháng Giêng, 2022, 07:13:34 am
9. KHÚC DẠO ĐẦU THÁNG 8

Đến tháng 8-1991, tình hình đất nước trên tất cà các lĩnh vực của đời sống đã lâm vào khủng hoảng. Do tác động của các phương tiện thông tin đại chúng, mà đa số quần chúng coi cuộc đấu tranh kéo dài vì quyền lực như là sự đối địch giữa Goóchachốp và Enxin, giữa những người cải cách - dân chủ và những người bảo thủ độc đoán, giữa những tham vọng dân tộc và sô vanh đế quốc, v.v... đã che đậy thành công việc chuẩn bị đòn đánh chủ yếu vào hướng quyết định phá vỡ nhà nươcs liên bang thống nhất và thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa. Người ta đã liên tiếp tạo ra các đối tượng để công kích dưới dạng khám phá những bí mật của quá khứ, các cuộc xung đột cục hộ trên mảnh đất dân tộc chủ nghĩa, thổi phồng hết mức những thiếu sót, sai lầm và những bi kịch xảy ra cách đây ít lâu. Cuộc công kích đó diễn ra liên tục nhằm mục tiêu làm mất uy tín của quân đội, an ninh và Đảng Cộng sản Liên Xô. Trước khi giáng đòn vào sở hữu xã hội và các Xôviết đại biểu nhân dân, cần phá huỷ các cơ cấu và thể chế đó của chính quyền, làm han rỉ từ bên trong, làm cho chúng không còn hoạt động được. Người ta thường xuyên xô đẩy, đầu độc theo đúng nghĩa của từ đó, vào các cuộc xung đột, khuyến khích trạng thái cực đoan, đồng thời ngăn cản không cho tiến hành đến cùng công việc đã bắt đầu. Người ta thường xuyên nhồi nhét cho nhân dân và cán hộ ý niệm rằng các cơ quan đang có hành động phản chính nghĩa, dưới ngọn cờ chống nhân dân của chính các cơ quan đó. Người ta quy cho các cơ quan đó có tình trạng chống đối do sự thoái hoá của lãnh đạo và các quân nhân trong quân đội, của ban lãnh đạo và của các đảng viên Đảng cộng sản Liên Xô, của lãnh đạo liên bang và các nước, cộng hoà...


Trong khi đó nhiệm vụ chủ yếu phục vụ ý đồ của những kẻ phá hoại là làm cho hạ tầng cơ sở kinh tế của xã hội bị đổ nát. Cuộc chạy đua vũ trang được áp đặt từ bên ngoài và việc xúc tiến thực hiện các dự án chi phí lớn kém hiệu quả ở trong nước làm mất khả năng nâng cao mức sống của nhân dân, và ngốn các tài nguyên dành để phát triển, nhưng cũng không giành được ưu thế quyết định trước đối phương, thậm chí sự dao động trong những năm của kế hoạch 5 năm lần thứ XII từ trọng điểm này sang trọng điểm khác đã dẫn đến ngưng đọng vốn trong xây dựng dở dang hàng chục tỷ rúp. Của cải to lớn của đất nước là kiến thức và tài năng, là những phẩm chất đạo đức cao cả của nhân dân cộng với sự thống nhất của tổ hợp kinh tế quốc dân đã một lần nữa giúp nền kinh tế chúng ta đứng được. Những yếu tố đó lại bị lao đao dưới gánh nặng của những tổn thất mới, nhưng bất chấp mọi cái, chúng cũng đã đứng vững. Cũng không thừa khi nhận xét rằng khối thị trường chung châu Âu, ASEAN ở Đông Nam Á, các hiệp ước và tổ chức khu vực và liên khu vực khác ở khắp nơi trên thế giới đã xác định một việc cần làm là sử dụng có hiệu quả tổ hợp kinh tế thống nhất. Ý đồ đó cũng đã được soạn thảo và lần đầu tiên được ứng dụng ở nước ta. Chính vì vậy mà người ta làm mọi cái để phá vỡ không gian kinh tế chỉnh thể của chúng ta. Vũ khí chính được sử dụng để làm việc có mệnh danh là chiến tranh các đạo luật và chủ quyền hoá do các nhóm dân tộc chủ nghĩa, phân liệt chủ nghĩa mới ngóc đầu dậy trang bị cho mình, khối tháp quản lý ở Nga đến nay vẫn được dựng ngược chân lên trời. Con chó bắt đầu ngoe ngoảy cái đuôi.


Tôi có đủ mọi căn cứ để nói rằng hệ thống thông tin của Tổng thống Liên Xô đã được tổ chức để tức khắc biết được những gì tổng thống muốn biết, kể cả những thông tin vặt vãnh. Goócbachốp đã nói không biết bao nhiều lần về việc không có được thông tin đầy đủ về Catưni. Nhưng V. Bônđin đã chứng minh rằng ông ta đã hai lần đích thân báo cáo và đưa cho tổng thống xem tất cả các tài liệu về vấn đề đó và cả hai lần đều nhận được lệnh không, được phép cho bất cứ ai xem các tài liệu này, và còn nói bóng gió là tốt hơn nên huỷ chúng đi. Con người Goócbachốp là nói một đằng, làm một nẻo. Điều đó anh nhất thiết phải biết để khi đọc hoặc nghe giả thiết của siêu - Tổng thống Liên Xô về các sự kiện ngày 19 - 21-8-1991: ông ta là tù nhân, ông ta không hề biết gì, không nghe thấy gì và không nhìn thấy gì - ông ta đứng quay lưng lại.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 29 Tháng Giêng, 2022, 08:05:53 am
10. NHỮNG VIỆC XẢY RA TRONG THÁNG 8

Như vậy, tháng 8 chúng ta đã chống chọi được với các cuộc đình công của thợ mỏ bằng cái giá kỷ luật cao, bằng tính tổ chức của bộ máy quản lý nhà nước và sự tập trung những chức năng chủ yếu để bảo đảm hoạt động bình thường. Những đoàn tàu chở nhiên liệu đã bị rối tung trên dây chuyền: chuyển đến các kho của các nhà máy điện, nhà máy nhiệt luyện thép, nhà máy hoá chất và thường khi trên đường vận chuyển lại bị thay đổi địa chỉ. Suốt ba tháng trời, nhiều cơ sở sản xuất quan trọng đã phải chạy ngược chạy xuôi. Tình hình lương thực, thực phẩm và thức ăn cho gia súc cũng không có gì khá hơn.


Nhờ có những biện pháp khẩn cấp và nỗ lực, sự suy giảm sản xuất từ tháng 1 đến tháng 3-1991 giảm 8% so với nằm 1990 đã bị chặn đứng. Việc thiếu năng lượng - nhiên liệu, thép, than cốc, các loại nguyên liệu khác và các sản phẩm đồng bộ như một làn sóng diễn ra trên toàn bộ dây chuyền công nghê. Mặc dù vậy, tổng khối lượng sản xuất công nghiệp vẫn giữ ở mức 90%, còn về hàng hoá cung cấp cho nhân dân là 95-98% so với mức năm 1990. Việc nâng giá ngày 2-4 hoàn toàn phù hợp với sự tính toán đã thông báo cho dân chúng và đã bù giá toàn bộ kể cả tiền gửi tiết kiệm. Điều đó có thể thấy rõ qua số liệu của Cục Thống kê Liên Xô từ tháng 1 đến tháng 9-1991, nghĩa là số liệu được công bố khi các thành viên của Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã bị bắt giam, và họ không thể, dù có muốn, tác động đến sự xác thực của các số liệu đó. Tôi không nói là không có một nước nào giữ được tình trạng cân đối và không có sự căng thẳng quá mức trong tất cả các khâu, và cũng không thể thực hiện được cuộc cải cách kinh tế, chuyển sang thị trường nào trong một thời hạn ngắn. Điểm nguy kịch là vào thời gian thu hoạch mùa màng và chuẩn bị cho mùa đông. Mọi sự đổ vỡ ở đây không có gì bù đắp được, nó dẫn đến việc giảm đột ngột mức sống của nhân dân vốn đã không đầy đủ, và tiếp theo dẫn đến những thảm hoạ xã hội. Nhưng bầu không khí chính trị hình thành lúc đó không giúp giải quyết một cách thành thục các vấn đề đã chín muồi.


Thực chất của cuộc khủng hoảng biểu hiên ở hai sự kiện. Thứ nhất, đó là cuộc họp của Xôviết tối cao Liên Xô ngày 12-6-1991. Cái gọi là "báo chí dân chủ" đã tốn không biết bao giấy mực để đăng tải bài xuyèn tạc báo cáo của tôi về tình hình khủng hoảng ở trong nước và các biện pháp cần có để khắc phục cuộc khủng hoảng đó như là một âm mưu đảo chính, quay lại chế độ độc tài, v.v... Nhưng điều thú vị là bản thân báo cáo không bao giờ được đưa ra ánh sáng. Đơn giản là chỉ cần công bố thì mọi người và mọi cái sẽ rõ ràng. Không cần phải giải thích, chứng minh, dự báo, ngăn chặn gì. Nhưng mục tiêu của những người khởi xướng là rùm beng, la ó về mối đe doạ đảo chính, đe doạ dân chủ. Việc công bố báo cáo của V. Páplốp sẽ đặt dấu thập lên các âm mưu muốn gắn nó vào làm một với các báo cáo của V. Criuscốp, B. Pugô và Đ. Iadốp, nói về các vấn đề khác, các vấn đề chính trị - hình sự, các vấn đề an ninh của đất nước chống sự đe doạ từ bên ngoài. Các vấn đề đó được xem xét riêng biệt theo thời gian và theo một quy chế khác nhau. Báo cáo của tôi được trình bày và thảo luận công khai có sự tham dự của đại diện các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước. Còn các báo cáo của V.Criuscốp, B. Pugô, Đ. Iadốp thì trình bày tại các cuộc họp kín, mà thậm chí tôi, người phải thực hiện những nghĩa vụ trực tiếp và cấp bách đòi hỏi giải quyết không chậm trễ - cũng không được có mặt. Đương nhiên, nền kinh tế, nền độc lập của đất nước, và nền an ninh quốc gia gắn bó chặt chẽ với nhau. Nhưng ở đó bàn tới sự phá hoại từ bên ngoài của gián điệp, bọn đồng loã ở trong nước đối với sự ổn định về an ninh chính trị, kinh tế và quốc phòng. Tôi đã báo cáo về công việc chính phủ đã làm, về tình hình kinh tế của chúng ta, về các biện pháp cấp bách mà chúng ta cần phải và có thể thực hiện nếu quốc hội trao cho nội các Liên Xô những quyền tương ứng. Thực chất của vấn đề được nêu ra dưới dạng tổng hợp gồm 5 điểm.


Điểm thứ nhất, cho phép nội các quyền chủ động về mặt lập pháp. Không có một nước nào lại có tình hình là chính phủ bị cấm không được đưa ra quốc hội các dự thảo văn bản pháp luật. Với cương vị là Chủ tịch Hội kinh tế toàn liên bang, tôi có quyền đưa ra sáng kiến về lập pháp nhưng với cương vị là thủ tướng thì tôi lại không có quyền đó, thật là nghịch lý. Vấn đề này đã được thảo luận vào tháng 2-1991, khi xem xét đạo luật của Liên Xô về nội các Liên Xô, chúng tôi đòi phải giải quyết một cách tích cực. Tôi không nhận được sự ủng hộ cần thiết và do nhiều đại biểu không tới dự họp (chật vật lắm mới tập hợp được đủ số đại biểu cần thiết tiến hành công việc). Tôi đưa vấn đề đó ra, vì trong 5 tháng qua tôi đã có được những bằng chứng có sức thuyết phục từ tình hình thực tiến sinh động về những hậu quả tiêu cực do điều khoản quy định đó.


Điểm thứ hai, trao cho nội các Liên Xô quyền quyết định các giải pháp định mức thực hiện các chương trình ổn định, cải cách kinh tế trước khi Xôviết tối cao Liên Xô thông qua các đạo luật cụ thể và báo cáo tổng thống và Xôviết tối cao Liên Xô không chậm quá 10 ngày kể từ khi các quyết định đó được thông qua. Đã đề nghị tổng thống và Xôviết tối cao Liên Xô, trong trường hợp không tán thành với giải pháp do nội các đưa ra, thì sử dụng quyền phủ quyết. Điều đó nhằm gạt bỏ mâu thuẫn xuất hiện một cách khách quan giữa cơ sở định mức hiện hành với những đòi hỏi của nền kinh tế trong điều kiện khủng hoảng diễn ra cùng với những cải cách có quy mô rộng lớn. Nếu chờ tới khi quốc hội và tổng thống thông qua cả năm đạo luật mới thì nền kinh tế và các cải cách đã kịp chết yểu. Trong khi sự hùng biện của tổng thống và quốc hội kéo dài hết ngày này đến ngày khác, thì cuộc sống không dừng tại chỗ, và chính phủ, vì phải thường xuyên giải quyết mọi vấn đề, nên đành chịu vi phạm pháp luật hay là bỏ mặc cho chậm trễ. Đất nước đang bị đe doạ mất hoàn toàn sự quản lý.


Điểm thứ ba, cho phép chính phủ lập một cơ quan thuế vụ tập trung, độc lập và thống nhất trên toàn quốc. Việc chuyển sang quan hệ thị trường đòi hỏi phải có những hành động vượt lên trước không chỉ trên lĩnh vực pháp luật mà cả sự chuẩn bị về mặt tổ chức. Lựa chọn, đào tạo, huấn luyện đội ngũ những người bảo đảm đứng vững trước bất kỳ sự quyến rũ nào có tính chất hình sự - tôi cho đó là một trong những vấn đề chủ chốt. Nếu không, đất nước sẽ bị ăn cắp sạch. Đúng là trong vấn đề này một quá trình đã thực sự diến ra. Công tác thuế trong tổ hợp kinh tế này nghiễm nhiên thành đối tượng cần đặc biệt quan tâm.


Điểm thứ tư, khôi phục hệ thống ngân hàng thống nhất. Tôi hình dung rằng đó là chân lý rõ ràng đối với tất cả. Không thể quản lý kinh tế theo chính sách thống nhất có mục tiêu ở trong nước, nếu không có hệ thống ngân hàng hoạt động có hiệu quả. Ngân hàng vẫn là mạch máu lưu thông tiền tệ, nếu cố tình chia nhỏ, phân tán, tách rời hệ thống đó ra, thì những quy định theo chức năng đặc biệt của nó sẽ không còn gì, ngoài tai hoạ cho tất cả, cho những người sử dụng nó, cho cả những người bị kẻ khác sử dụng nó để chống lại họ. Không cần nói nhiều về việc không quản lý được hệ thống tín dụng, và như vậy là mọi ý đồ đấu tranh nhằm cứu vãn cải cách kinh tế đều bị phá sản, chứ không phải chỉ có thị trường văn minh.


Điểm thứ năm, trao cho Chính phủ Liên Xô quyền tập trung và củng cố các cơ quan và đơn vị của KGB Liên Xô, của Bộ Nội vụ Liên Xô, của Viện Công tố Liên Xô, của Bộ Quốc phòng Liên Xô và một số cơ quan khác. Lập ra một tổ chức thống nhất toàn liên bang đấu tranh chống tội phạm có tổ chức. Tình trạng và các diễn biến tình hình tội phạm hình sự vào thời kỳ đó, theo tôi, đã cung, cấp những căn cứ đầy đủ để không chỉ nói và còn nhanh chóng làm cái gì đó cụ thể để chống lại mối tai hoạ đang tới gần đối với nhân dân.


Như vậy 5 điểm là: quyền đưa ra dự án luật, quyền thông qua các giải pháp nhằm ổn định kinh tế và tiến hành cải cách, tổ chức cơ quan thuế vụ, khôi phục sự thống nhất của hệ thống ngân hàng - tín dụng, lập ra tổ chức đấu tranh chống tội phạm có tổ chức. Bạn đọc không có định kiến có thể thấy rằng ngoài những ý đồ nhằm ngăn chặn thực tế sự phá sản và sự đánh cắp của cải của đất nước thì ở đây không có gì khác.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 29 Tháng Giêng, 2022, 08:06:28 am
Nhưng lại có một sự rùm beng về nguy cơ cuộc đảo chính, lật đổ Tổng thống Goócbachốp trên báo trong nước và trên thế giới. Và một điều đáng lưu ý là tại Đại hội đại biểu nhân dân Tân thứ sáu, Enxin trong khi đòi trao cho ông ta các quyền đặc biệt bổ sung thì lại viện dẫn các lý lẽ mà có thể dùng để chứng minh cho sự đúng đắn của tôi vào tháng 6-1991. Xôviết tối cao Liên Xô đã từ chối ý kiến của tôi vào tháng 6. Đến tháng 8, không còn ai đấu tranh với sự đổ vỡ và sự tàn phá đất nước. Tổng thống Nga đã công bố kết quả. Nhưng phát biểu và những đòi hỏi của ông ta, lập tức được tuyên bố như là cuộc đấu tranh để tiếp tục đường lối cải cách và xây dựng nhà nước pháp quyền. Đại hội đại biểu nhân dân Tân thứ VIII quyết định quay lại với các chuẩn mực hiến pháp, chỉ ra rằng Tổng thống Enxin cũng như Goócbachốp trước đây đã không làm một việc gì để sử dụng các quyền được trao thêm cho họ, còn cuộc khủng hoảng thì càng tăng lên và càng sâu sắc thêm. Điều đó được tuyên bố như là một cuộc đảo chính hiến pháp. Một điều cũng đáng lưu ý là việc phong toả thông tin về quyết định trao cho Hội đồng Bộ trưởng quyền sáng kiến lập pháp: củng cố các vị trí pháp luật và khả năng của Hội đồng Bộ trưởng, soạn thảo cơ chế điều hoà chính sách tiền tệ - tín dụng và sự quản lý của Ngân hàng trung ương, tập trung vào tay chính phủ điều hành các vấn đề quản lý Nhà nước, sở hữu nhà nước của liên bang, các cơ quan kinh tế của liên bang, soạn thảo, phối hợp và thực hiện các chương trình chống khủng hoảng trong lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội và một loạt vấn đề khác, thực chất là tiên đề để giải quyết tích cực những vấn đề quản lý nhà nước mà hai nằm trước đây Xôviết tối cao Liên Xô đã khước từ đối với Thủ tướng Liên Xô. Như vậy, có thể tránh được bao nhiêu tổn thất và bao nhiêu tai hoạ! Nhưng việc khước từ thủ tướng liên bang là một bước đi có tính toán nhằm làm mất ổn định nền kinh tế và làm tăng cuộc khủng hoảng. Công trạng quyết định trong việc này thuộc về cái gọi là phong trào "nước Nga dân chủ" và những người đứng đầu phong trào đó, đặc biệt là ban lãnh đạo chính quyền hành pháp và lập pháp của Liên bang Nga và khối đại biểu của nó. Chỉ trong tình hình đó mới có thể lợi dụng sự bất bình của nhân dân như là cái búa để đập nát liên bang thống nhất. Và ngày hôm nay, chúng ta có thể thở phào nếu quyết định được thông qua phản ánh không phải những lợi ích nhất thời có tính sách lược của cuộc đấu tranh chính trị, mà phản ánh nguyện vọng thực tế duy trì Liên bang Nga thống nhất, vì Liên Xô đã tan vỡ và đã bị thủ tiêu, như một quốc gia vĩ đại thực sự, và nếu Hội đồng Bộ trưởng Nga biết sử dụng các quyền và khả năng mà nó có vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Nhưng một sự thật hiển nhiên là ngay từ tháng 6-1991, Goócbachốp, Enxin, Pôpốp và các nhà hoạt động khác của phái "nước Nga dân chủ" đã hành động phối hợp với nhau một cách đồng tâm nhất trí. Và không phải ai khác, chính Tổng thống Mỹ - ngài Busơ, đã thống nhất họ lại với nhau. Nguyên thị trương Mátxcơva là Pôpốp, trong các bài công bố của mình đã nói thẳng ra rằng ông ta đã yêu cầu sự giúp đỡ khẩn cấp của người Mỹ để làm cho Xôviết tối cao Liên Xô từ chối yêu cầu của Thủ tướng Liên Xô tạo khả năng để đạt được sự ổn định ở trong nước. Để làm việc đó, ông ta lập tức đích thân đến gặp ngài đại sứ Métlốc. Như vậy, ông ta đã biết chắc chắn là người ta sẽ có sự hỗ trợ cần thiết cho ông ta. Tôi nghĩ rằng Pôpốp được thông tin đầy đủ cả về mức độ ảnh hưởng của Mỹ đến các đại biểu quốc hội và một số nhà hoạt động chính trị có thế lực của Liên Xô. Những lời khẳng định của ông ta hôm nay rằng, ông đến đó chỉ để thông báo cấp tốc cho Enxin đang ở thăm Mỹ, không hề có sức thuyết phục. Tôi cho rằng dù Pôpốp có tranh cãi đến đâu với Goócbachốp (còn Goócbachốp thì thường lấy một người khác thay vào chỗ của mình - đó là trợ lý A. Chécnhiaép), thì qua cuộc luận chiến của họ, ta thấy rõ một điều - Pôpốp cố tình cung cấp cho người Mỹ những thông tin sai lệch, bị xuyên tạc để họ gây áp lực cần thiết đến Goócbachốp thông qua những người của mình trong các cấu trúc chính quyền của Liên Xô. Tôi không thể khẳng định rằng những tính toán của Pôpốp trù định rằng người Mỹ muốn dính với cá nhân Goócbachốp. Nhưng sự việc là Goócbachốp khi về đến Mátxcơva vẫn sáng suốt và minh mẫn, đã không đến dự trong ngày đầu tiên phiên họp của Xôviết tối cao Liên Xô, ngày 12-6-1901. Lại không biết?! Nhưng theo lời A. Chécnhiaép, họ biết rõ về mọi chi tiết nhỏ nhất, ví dụ như tôi đã chuẩn bị báo cáo của mình xong vào 4 giờ sáng hôm khai mạc phiên họp. Như vậy, Goócbachốp biết nhưng không coi là cần thiết. Và đùng một cái, vào ngày thứ hai, đến gần cuối phiên họp, Goócbachốp xuất hiện và phát biểu rất nhiệt tình về tất cả, nhưng cũng như mọi lần, chẳng về cái gì cả (người ta không cấm ông ta diễn trò hề) và việc xem xét các vấn đề không hiểu vì sao lại treo lơ lửng trong không khí. Thật kỳ quặc, nhưng là sự thật - Xôviết tối cao Liên Xô đã không tỏ rõ thái độ "đồng ý" hay "không đồng ý". Điều nghịch lý là nói chung không thông qua một quyết định nào cả, chỉ giới hạn ở việc thảo luận. Và quá trình tan rã liên bang tiếp tục diễn ra. Và ở đây ý định mô phỏng cuộc đảo chính với hình thức gạt bỏ Goócbachốp, có lẽ hợp gu các nhà tư tưởng và các nhà tổ chức việc phá huỷ và thủ tiêu Liên bang Xôviết. Tư tưởng đó được vũ trang cho việc tu chỉnh hơn nữa cuộc đảo chính chống chủ nghĩa xã hội và Liên bang Xôviết của những người cổ vũ nó.


Trong cuốn sách nhỏ của Pôpốp xuất bản vào tháng 8-1992, với số lượng 500 cuốn, có lẽ không dành cho bạn đọc đông đảo và vì thế mà chắc gì họ biết đến cuốn sách đó, tác giả đã viết trắng trợn rằng: "Khá lâu trước cuộc bạo loạn, lần đầu tiên người ta cho xem các kịch bản có thể thực hiện cuộc bạo loạn, cũng như các giao kèo của chúng tôi ... Cái gì mà ở đây chả có: có cả sự chống trả ở trong "Nhà trắng", cả ở ngoại ô Mátxcơva, cả việc chuyển về Pitéc hoặc Xvéclốp để từ đó đấu tranh, chính phủ dự phòng ở Pribantích, thậm chí cả chính phủ được lập ra ở nước ngoài. Có biết bao đề nghị về các kịch bản của chính cuộc bạo loạn! Dần dần các kịch bản càng "hoàn hảo", và tất cả trở nên rõ ràng, mọi cái phụ thuộc vào vai diễn của chính Goócbachốp: cuộc bạo loạn sẽ diễn ra hoặc là với sự tán thành của Goócbachốp hoặc là dưới chiêu bài ông ta không được thông tin... Cái thuận lợi nhất cho chúng tôi là phương án cuộc bạo loạn "chống Goócbachốp". Chúng tôi đã chờ đợi là nó sẽ không xảy ra như vậy. Nhưng có thể chúng tôi sẽ hình dung nó trong phương án - và điều đó sẽ là một thành công lớn... Nếu một ngày, nửa ngày có sự "không ghép nối" của cuộc bạo loạn với Goócbachốp - thì cần lập tức lợi dụng điều đó và đánh vào mục tiêu đó"1 (G. Pôpốp: Tháng 8-1991, Mátxcơva, 1992, tr.12-13. Từ đây, những chữ in nghiêng do tôi nhấn mạnh (V. Páplốp)). Sự loan báo của Pôpốp về các công việc đó - là ở ngoài sự nghi vấn, nhưng sự vô liêm sỉ thì rất rõ ràng - kẻ chiến thắng chia nhau cây nguyệt quế. Nhưng ở đây, Pôpốp cũng tỏ ra thận trọng. Ông ta chỉ vạch ra cái bí mật mà ai cũng biết. Nhưng ông ta lại khồng hề nói ai đã cho ông ta thông tin và điều quan trọng hơn là thông tin xuất phát từ những nguồn nào. Việc theo loại chỉ thị nào mà người thông tin (hay những người thông tin) nhận được thì mọi người đã rõ. Nhưng họ là ai? Không có câu trả lời, cũng như không hề nghi ngờ gì việc họ năm trong số những người tham gia vụ án Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Và ở đây Goócbachốp lại nổi lên hàng đầu.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 29 Tháng Giêng, 2022, 08:07:21 am
Khác với Pôpốp, do địa vị đã thay đổi của cả hai người, Goócbachốp ngay lập tức phủ định tất cả. Ông ta không biết, không nghe thấy, không tham gia. Kịch bản độc đáo kiểu Goócbachốp, ngẫu nhiên, tổng thống không hề biết, đúng hoàn toàn như vai mà đạo diễn dành cho ông ta trong vở kịch. Nếu khác đi, thì đâu còn là "tù nhân", đâu còn "sự giam hãm ở Phôrôx" và các đam mê khác. Với tất cả mọi nỗ lực của đội điều tra do V. Xtêpancốp và E. Lixốp thành lập ra nhằm biện bạch cho Goócbachốp, che giấu sự tham gia của ông ta và vai trò thực sự của ông ta trong sự kiện tháng 8-1991, thì những dấu vết vẫn còn thấy, thậm chí, trong vụ án do họ bịa đặt ra. Chẳng hạn, A. Chécnhiaép khi trả lời các câu hỏi của thẩm phán Kômapốpxki ngày 27-8-1991 nói rằng: "trong dự thảo bài viết chuẩn bị thay mặt Goócbachốp có nói vẽ các phương án của các sự kiện tháng 8"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 31, tr.117).


Bản thân dự thảo thì lại không có trong hồ sơ vụ án. Các bạn đọc chắc đồng ý rằng, sẽ rất thú vị khi so sánh phương án của Goócbachốp và của Pôpốp. Xét theo sự xác minh của A. Chécnhiaép thì ngày 20-8-1991 Goócbachốp đã chỉ cho ông ta: "chúng ta đã dự đoán chính xác đến chừng nào khả năng của phương án đó. Đây, đây, chỗ này, chỗ này, tôi đã viết tất cả". Hoá ra, ông ta đã biết tất cả. Và đã biết trước khá lâu.


Nhân vấn đề này, những hành động của các quan chức Mỹ thú vị gấp đôi. Đáng tiếc là cuộc điều tra đã bỏ qua vấn đề này. Thật là một vấn đề tế nhị - về thực chất, đó là sự can thiệp trực tiếp vào các công việc nội bộ của chúng ta, các công việc của một quốc gia khác. Và với mục đích gì - cốt để giữ được một con người cụ thể ở cương vị của mình hoặc là theo yêu cầu của ông ta, hoặc là được sự tán thành của ông ta. Bất cứ ai cũng hiểu người ta chỉ đi những bước như vậy với một người nào cần thiết cho họ, có thể nói là người của mình. Mặt khác, có thể nói, ở đây không phải là căn cứ duy nhất để quy trách nhiệm hình sự cho Goócbachốp, chí ít là về việc đưa ra những lời khai giả dối. Chẳng hạn, thẩm phán A. Phrôlốp đã hỏi thẳng Goócbachốp, với tư cách là nhân chứng ngày 14-9-1991: "Tình hình nẩy sinh ngày 18-8 đối với ông có là bất ngờ không?". Và người gọi là nhân chứng đó trả lời dứt khoát: "Hoàn toàn bất ngờ"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 31, tr. 51). Trong khi đó một nhân chứng có được không ít thông tin và có thẩm quyền là Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A. Bécxmerơnức, tại cuộc thẩm vấn ngày 6-11-1991, đã kể rằng: Ngày 20-6-1991, khi đang ở Béclin, ông ta trở về sứ quán Liên Xô từ dinh thự của Mỹ, sau khi kết thúc vòng đàm phán với ngài Bâycơ. Bỗng hoàn toàn bất ngờ, ngài Bâycơ lại gọi điện cho ông và đề nghị đến ngay để trao đổi không chính thức về một việc hết sức khẩn cấp. Cuộc gặp gỡ cần tổ chức làm sao để không một ai có thể biết được. A.Bécxmerơnức hết sức ngạc nhiên bởi vì họ vừa mới chia tay nhau. Nhưng ngài Bâycơ cố nài nỉ và theo giọng nói thì rất xúc động. Ngài Bâycơ kiên trì đến mức làm cho vị bộ trưởng của chúng ta đã phải khéo léo viện lý do ngừng cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao Síp, để ông ta ngồi chờ, và qua cửa sau, chạy nhanh đến gặp ngài Bâycơ. Khi A. Bécxmerơnức đến nơi, thì người ta đã nhã nhặn đuổi khéo người cùng đi với ông là Vụ trưởng Vụ Mỹ và Canada của Bộ Ngoại giao Liên Xô là G. Mamedốp, may là cũng không cần phiên dịch. Sau đó ngài Bâycơ, theo lời A. Bécxmerơnức, đã nói: "Tôi mới nhận được ngay sau cuộc gặp gỡ của chúng ta từ Oasinhtơn một thông tin. Tôi hiểu là nó có thể được xây dựng theo các nguồn tình báo, về việc có thể có một âm mưu lật đổ Goócbachốp". Tiếp theo, tôi nghĩ, để có ích cho bạn đọc, việc mô tả tiếp theo sự việc xảy ra, xin lấy ngay lời nói của A. Bécxmerơnức: "Tất nhiên là tôi ngẩn người nhìn chằm chằm vào ông ta. Khi đó Bâycơ cầm trong tay một tờ giấy. Ông ta nói là lời nói của ông ta được bản mật mã khẳng định. Tiếp theo, ông ta nói: "Rõ ràng đây là một việc hoàn toàn tế nhị và chúng ta cần có cách nào đấy để chuyên thông tin này đi". Ông ta nói - theo nguồn tin của chúng tôi, tham gia việc lật đổ có Páplốp, Iadốp, Criuscốp. Có thể Bâycơ còn nêu thêm tên ai đó, nhưng ông đã nêu rõ tên ba người. Ông ta nói: "Và đây là vấn đề khẩn cấp. Cần báo tin này ngay cho Goócbachốp biết". Ông ta hỏi tôi có đường liên lạc trực tiếp được bảo vệ hoàn toàn với tổng thống không ... Ông ta nói: "Không, không! - Thiếu gì chuyên sẽ xẩy ra. Nhưng dù sao cũng cân chuyển đi". Như mọi người đều biết, đường liên lạc nằm dưới sự kiểm soát của KGB. Lúc đó, Bâycơ đề nghị sử dụng Đại sứ quán Mỹ để chuyển thông tin đó đi. Về phần mình, tôi hứa gọi điện cho Chécnhiaép và yêu cầu ông ta nhanh chóng tổ chức một cuộc gặp gỡ. Bâycơ nói: "Vậy thì chúng ta giao cho đại sứ Métlốc. Chắc là ngay bây giờ ông ta sẽ xin phép. Còn ông thì hãy gọi điện cho Chécnhiaép để ông ta bảo đảm nhận tin khẩn cấp. Như vậy là Goócbachốp nhận được thông tin do tôi chuyển. Điều đó hoàn toàn tin cậy và không một ai có thể biết được". Tôi đã thoả thuận như thế với Bâycơ... Rồi tôi quay trở về sứ quán, và tiến hành hội đàm ngắn gọn với Bộ trưởng Ngoại giao Síp. Tôi gọi điện cho Chécnhiaép chậm khoảng 30 phút, vì phải đi, phải hội đàm. Tôi thông báo cho Chécnhiaép nơi ở của mình, về cuộc nói chuyện ngắn gọn với Bâycơ và yêu cầu ông ta, nếu đại sứ Métlốc có yêu cầu nhận điện thì mong rằng hãy nhanh chóng thu nhận. Chécnhiaép trả lời: "Thật là một sự trùng hợp. Chính tôi đang định yêu cầu ông ta nhận điện... Vào ngày 22-6, buổi sáng có cuộc đặt vòng hoa tại mộ "Chiến sĩ vô danh" nơi toàn bộ lãnh đạo của đất nước đều có mặt. Sau đó M. Goócbachốp mời tôi đến phòng làm việc và yêu cầu báo cáo về công việc tiến hành ở Béclin... Khi tôi cùng tổng thống bước vào phòng làm việc, tôi hỏi về thông tin mà đại sứ Métlốc thông báo cho ông, M. Goócbachốp trả lời ngắn gọn là ông đã biết rõ. Tôi thấy rõ tổng thống nắm chắc tất cả sự kiện đó. Về phần mình, tôi thông báo về tin tức mà Bâycơ đã thông báo cho tôi. M.Goócbachốp cảm ơn tôi về việc tôi đã kể cho ông về mọi việc. Ông cũng nói là đã nói chuyện với các nhà hoạt động đó, tình cờ thôi, còn những tình tiết cuộc nói chuyện đó tôi không được rõ"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 124, tr.174, 175, 176). Alécxăngđrôvích2 (Alécxan Alécxăngđrôvích Bécxmerơnức) không phải lo lắng, bởi vì không thể biết được các tình tiết mà trên thực tế không bao giờ có. Còn những cái còn lại thì tất cả đều đã biết rõ và rất cụ thể, như người ta nói, không hề thêm bớt. Thật là ngạc nhiên khi đất nước chúng ta đã đạt tới cung cách quan hệ khiến tình báo nước ngoài, các nhà ngoại giao, các tổng thống quan tâm hết sức cảm động đến các nhà lãnh đạo của chúng ta và bảo vệ họ khỏi nhân dân nước mình. Họ làm điều đó vì sao và với mục đích gì?


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 29 Tháng Giêng, 2022, 08:07:54 am
Vấn đề có tính lịch sử là nếu không thông qua các biện pháp khẩn cấp được hiểu là những bước đi tạm thời, thực hiện một lần và không phải là tiêu chuẩn nhằm làm thay đổi hướng phát triển của các quá trình kinh tế và chính trị, làm cho chúng có tính chất xây dựng và sáng tạo, thì không thể ngăn chặn được sự sụp đổ và sự đối đầu, điều đó tôi đã rõ từ năm 1990. Tôi cũng đã viết vào tháng 4-1990, cánh kinh tế trong nội các của N. Rưscốp đã đệ đơn từ chức và đặt vấn đề đó ra với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô. Nhưng đáng tiếc, ông ta cứ lần khân không chịu thi hành các biện pháp kiên quyết, đã thể hiện sự "mềm dẻo" không cần thiết ở những nơi cần sự cứng rắn có nguyên tắc. Khi Xôviết tối cao Liên Xô, phía sau rõ ràng là đích thân Goócbachốp, bác bỏ những đề nghị của Hội đồng Bộ trưởng về cải cách, chẳng hạn về giá lúa mì, lẽ ra cần phải rút lui ngay. Đến tháng 10 thì đã chậm. Trong năm 1991, sau các cuộc đình công của thợ mỏ, khi đã chặn được sự suy giảm của sản xuất, khi đã tiến hành cải cách giá cả của nhà nước và đổi tiền, đã ổn định lưu thông tiền tệ và giá cả thì các biện pháp khẩn cấp là hết sức cần thiết để nâng cao sản xuất, xây dựng và cải tổ cơ cấu. Việc soạn thảo các biện pháp đó do 3 nhóm chuyên gia tiến hành dưới sự kiểm soát và lãnh đạo của Goócbachốp. Một nhóm do A. Tidiacốp sau này là thành viên Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp lãnh đạo, nhóm khác do A. Miliucốp, một người lúc đó và hiện nay vẫn là cố vấn trung thành của các lãnh tụ, của các tổng thống đứng đầu, và nhóm thứ ba do V. Veliscô, phó thủ tướng thứ nhất lãnh đạo. Cuối cùng, ngày 16-5-1991 Goócbachốp đã ký sắc lệnh "Về các biện pháp cấp bách nhằm bảo đảm hoạt động ổn định của các ngành liên tảng trong nền kinh tế quốc dân". Sắc lệnh thừa nhận rằng "nền kinh tế quốc dân đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Sản xuất suy giảm, thu nhập quốc dân giảm sút 10%. Việc phá huỷ các mối liên hệ kinh tế đang đe doạ hàng nghìn xí nghiệp ngừng hoạt động. Hàng triệu người có thể không có việc làm. Tình hình đòi hỏi phải có những hành động đặc biệt...". Sắc lệnh cũng đã áp dụng một số biện pháp của chế độ hoạt động đặc biệt trong các ngành công nghiệp than, dầu mỏ, khí đốt, hoá chất và chế biến dầu mỏ. Và các biện pháp, như tôi đã chính thức viết thư cho Goócbachốp, đã dẫn đến ý định khuyến khích vật chất. Về thực chất, người ta tìm cách giải quyết xung đột chính trị bằng sự mua chuộc. Còn các biện pháp tương tự đối với kẻ thù chính trị, thì sắc lệnh đề nghị áp dụng điều II của Bộ luật hình sự Liên Xô "Về quy chế giải quyết các cuộc tranh chấp (xung đột) của các tập thể lao động và truy cứu trách nhiệm đối với họ về mặt hành chính và vật chất". Đúng như con mèo và thợ nướng bánh mì trong câu chuyên ngụ ngôn. Kết quả cũng như nhau. Nhưng trong thư của tôi gửi Goócbachốp đã nói là không hề có một kết quả tích cực nào cả, chỉ toàn là những chi phí bổ sung mà nhà nước phải gánh chịu. Goócbachốp đã phải công nhận ngay trong tháng 5 là không thể che giấu được tình trạng khủng hoảng của nền kinh tế quốc dân, cũng như không thể phủ nhận rằng ông không chỉ biết mà còn quyết định, dù cho các quyết định đó không thành công, nhưng đó là do chính ông ta đưa ra.


Thực chất của cuộc xung đột, những mục đích của phái đối lập được thể hiện công khai, chỉ sau đó một tháng. Khi thấy rõ những tổn thất không thể bù đắp lại được trong kinh tế, ngày 15-6-1991 nội các Liên Xô đã thông qua nghị quyết "Về các biện pháp tổ chức nhằm soạn thảo các chương trình sản xuất và những dự báo phát triển kinh tế - xã hội của các xí nghiệp, các khu vực, các nước cộng hoà và của Liên bang Xôviết cho nằm 1992 trong điều kiện hình thành các quan hệ thị trường". Nghị quyết đó được công bố ngày 17-6-1991. Và ngay lập tức nó gây ra sự bực bội tột độ của phái đối lập. Một số nước cộng hoà giữ lập trường chờ đợi, trong khi đó ban lãnh đạo nước Nga xông thẳng vào trận tiến công. Các hành động của Chính phủ Liên bang được người ta gọi như sự vi phạm chủ quyền quốc gia của Liên bang Nga đã tách ra khỏi sự trực thuộc trước đây vào liên bang và chỉ giới hạn ở việc quản lý. Việc giải quyết các vấn đề hình thành sự đặt hàng của nhà nước, việc phê chuẩn các hiệp định giữa các nước cộng hoà, việc đánh thuế, các quan hệ về tiền tệ - ngân sách đã gây ra sự bất bình mạnh mẽ. Những người lãnh đạo Liên bang Nga công khai chống lại chế độ nhà nước toàn liên bang, chống lại sở hữu liên bang chung cho tất cả các nước cộng hoà như là nền tảng kinh tế của việc thực hiện các chức năng nhà nước chung, sự thống nhất chính sách tiền tệ, tài chính - tín dụng, thuế và ngân sách. Cuộc trưng cầu ý dân ngày 17-3-1991 đã hoàn toàn bị coi thường. Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Nga đã cấp tốc trong ngày 24 và 27-6 thông qua các nghị quyết của mình, dứt khoát coi nước Nga như một quốc gia tự trị năm ngoài Liên bang Xôviết. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Nga I. Xilaép đã vi phạm trắng trợn hiến pháp và các đạo luật của Liên Xô khi ký lệnh cho tất cả các xí nghiệp nằm trên lãnh thổ Nga, bất kể chúng thuộc bộ nào và thuộc hình thức sở hữu nào, các Xôviết đại biểu nhân dân, các bộ, các tổng cục của Liên bang Nga, các tổ hợp nhà nước, các hội và các liên hiệp không thực hiện quyết định do Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thông qua. Đồng thời, họ phải thực hiện nghị quyết của Hội đồng Bộ trưởng Nga ngày 24-6-1991 "Về dự báo và điều tiết kinh tế sự phát triển kinh tế quốc dân Liên bang Nga". Như vậy, I. Xilaép dường như tuyên bố về việc nước Nga rút ra khỏi Liên Xô. Ở đây không có gì là mới, chỉ có quan điểm hệ thống kinh tế, nguyên tắc quản lý và tổ chức là ban lãnh đạo Nga, trong thời điểm đó, không muốn áp dụng. Quả là trong các văn kiện đó không hề ngửi thấy mùi các cuộc cải cách và sự chuyển sang thị trường, vẫn là các đơn đặt hàng, những mệnh lệnh, vẫn những gán ghép, những dự án, những thoả thuận và ký kết như cũ. Người ta chỉ đề nghị có một cái mới: thay thế cho Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Ủy ban cung ứng nhà nước, các bộ và các cơ quan tương tự của liên bang là của Nga. Với tư cách là chủ thể các mối quan hệ xuất - nhập, người ta ghi vào danh sách có các nước cộng hoà, còn tiền đóng góp của Liên Xô cũ cho Liên hợp quốc, và các tổ chức quốc tế khác - chi phí cho các cơ quan liên bang bao nhiêu thì do các nước cộng hoà xem xét. Không phải ngẫu nhiên mà I. Xilaép và các phó của ông ta đã chạy khắp các phòng làm việc với các dự án chuyên giao cho họ các cơ quan quản lý liên bang, đặc biệt là các cơ quan hạch toán kinh tế của Uỷ ban cung ứng Liên Xô, các cơ quan này thực hiện việc xây dựng trên thực tế các mối liên hệ sản xuất của các xí nghiệp và phân phối các đơn đặt hàng. Bản thân họ không có những cơ sở ấy và không có bộ máy. Thực chất vấn đề là ở chỗ thay thế Chính phủ Liên bang bằng Chính phủ Nga trong tất cả các vấn đề, kể cả việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các nước cộng hoà và chính sách đối ngoại.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 29 Tháng Giêng, 2022, 08:08:55 am
Điều chủ yếu làm lãnh đạo nước cộng hoà Nga không vừa lòng đó là quyết định của nội các Liên Xô về việc "soạn thảo... các kế hoạch và những dự báo cho năm 1992 ở tất cả các cấp quản lý phải tiến hành hoàn toàn khác với các năm trước đây (có tính đến việc phân chia lại chức năng), phải tiến hành từ dưới lên, bằng cách tổng hợp các dự định của các xí nghiệp theo số liệu chỉ tiêu hết sức hữu cơ". Và, đương nhiên, chỉ thị về việc "khi soạn thảo các kế hoạch và các dự báo theo ngành và lãnh thổ về sự phát triển kinh tế - xã hội ở tất cả các cấp quản lý thì việc ký kết các hợp đồng giữa các xí nghiệp không được làm thay đổi mà phải được tính đến một cách đầy đủ trong các cân đối dự báo". Đó là phương châm nhằm xây dựng thị trường của những người sản xuất và các mối liên hệ trực tiếp của họ. Nhưng, nhiều nhà lãnh đạo nước cộng hoà lúc đó không muốn như vậy. Họ cần không phải là thị trường, mà là sự tự trị hoá kể cả việc tách ra vì những mục đích chính trị và cá nhân. Để đạt điều đó, thay vì thị trường của những người sản xuất, đã hình thành "thị trường của những kẻ môi giới, bắt đầu từ Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Uỷ ban cung ứng nhà nước của các nước cộng hoà, mà về thực chất đó là hệ thống trung gian chính trị của cùng chế độ quản lý tập trung hoá cũ. Có khác chăng là, thay vì một Ủy ban Kế hoạch nhà nước hoặc một Uỷ ban cung ứng nhà nước sẽ là 15 uỷ ban, một Uỷ ban năng lượng thành 15 uỷ ban v.v... Giờ thì không phải ngạc nhiên, tại sao công việc ngày càng xấu hơn còn bộ máy quản lý tản mát trên phạm vi cực kỳ lớn, tiếp tục phình to và chi phí tốn kém hơn. Nhưng, không làm điều đó thì không thể chia nhỏ nền kinh tế và buộc nó phục tùng mình và như vậy là thủ tiêu liên bang như là một quốc gia thống nhất. Công cuộc cải tổ cơ cấu sẽ loại bỏ mục tiêu đó. Phù hợp với cải tổ, ngày 1-7-1991, nội các Liên Xô đã trao cho các xí nghiệp quyền độc lập sử dụng tiền có trong quỹ khấu hao, không phải đóng thuế lợi tức được dùng để đầu tư và để các tập thể lao động chuộc lại các tài sản của xí nghiệp, hạn định ở mức 50% mức thực tế của sản xuất nằm 1990, còn riêng trong công nghiệp khai thác và nông nghiệp là 70% và v.v...


Đụng phải lập trường cứng rắn của nội các Liên Xô - cuộc trưng cầu ý dân đã tán thành duy trì liên bang và chúng tôi sẽ thực hiện ý nguyện của nhân dân, - ban lãnh đạo Nga đã gửi khiếu nại lên Goócbachốp và bắt đầu dùng sức ép với ông ta, kéo một số nước cộng hoà như Ucraina, Bêlôrútxia, Cadắcxtan tham gia. Đã có hai cuộc nói chuyện điện thoại nối tiếp nhau giữa tôi và Goócbachốp, trong đó ông ta, về thực chất, đã ủng hộ lập trường của các nước cộng hoà và quở trách tôi là thiếu mềm dẻo. Ông ta không hề có một chút phản ứng nào đối với các luận cứ trong kế hoạch, mà theo tôi biết, đang có ở trong phòng làm việc của ông ta. Trong kế hoạch đó, lập trường của các nước cộng hoà, trước hết là của Nga, trong sự diễn giải của Xilaép có nghĩa là sự sụp đổ của nền kinh tế và sự tan vỡ của liên bang như một quốc gia. Còn đề nghị của tôi nêu cho ông ta về thảo luận vấn đề thì bị khước từ. Kết quả cuộc nói chuyện vẫn như thường lê: "nói chung các anh ở đó hãy thoả thuận với nhau, cần tìm ra những thoả hiệp".


Sự phá đám hết sức rõ đối với nội các Liên Xô, ý đồ làm mất uy tín nó bất chấp pháp luật và ý nghĩa đúng đắn, là có sự tán thành và khuyến khích của Tổng thống Liên Xô, sự dũng cảm của kẻ hèn nhát I. Xilaép mà mới một tháng trước đây, đã đến gặp tôi với đề nghị giữ lại cho ông ta chỗ chưa có ai giữ trong cơ quan bộ và cho phép ông ta mua một nhà nghỉ của một người nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị kèm theo ngôi nhà kinh doanh và các công trình phụ (xin nói là sau sự kiện tháng 8-1991, ông ta đã làm điều đó bằng số tiền là 170.000 rúp; ông ta lấy tiền ở đâu ra trong khi lương hàng tháng chỉ có 800 rúp). Mọi cái đối với tôi đã rõ ràng khi tôi nhìn thấy bản dự thảo hiệp ước về liên bang các quốc gia có chủ quyền mà ngày 18-6-1991 Goócbachốp đệ trình Xôviết tối cao Liên Xô thay mặt Uỷ ban chuẩn bị do Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ tư thành lập. Đó là bản dự thảo thủ tiêu Liên Xô như một nhà nước liên bang thống nhất, thủ tiêu chế độ xã hội chủ nghĩa và các Xôviết đại biểu nhân dân vốn là cơ sở quyền lực dân chủ và pháp quyền của nhân dân. Với sự tán thành và giúp đỡ của cuộc điều tra, Goócbachốp cố tình lảng tránh vấn đề đó, đã xuyên tạc tiến trình đích thực và nội dung sự kiện trước hết là vi phạm hiến pháp và các đạo luật của Liên Xô có tính chất phản bội đất nước được quy định trong bộ luật hình sự.


Nhân đây xin được trích dẫn lời Goócbachốp, lúc đó là Tổng thống Liên Xô với tư cách là nhân chứng tại cuộc thẩm vấn ngày 14-9-1991, trình bày sự phát triển của khủng hoảng, bằng những nhận xét cộc lốc. Ý nghĩa và đánh giá các lời nói đó xin dành cho bạn đọc: "... Tôi có khả năng tiến đến một hiệp ước liên bang" (ai uỷ quyền cho ông ta). "Và có thể nói trước khi đi nghỉ, công việc hầu như đã hoàn tất" (ai trao cho các quyền tư pháp và hiến pháp, các quyền đó là gì?) "và vấn đề chỉ còn lại là tu chỉnh thành một pháp quy, chuẩn bị chương trình, lập các đoàn đại biểu có thẩm quyền" (đoàn đại biểu liên bang do Xôviết tối cao Liên Xô thành lập ngày 12-7-1991 dường như không tồn tại) "và ngày 20 sẽ ký hiệp ước" (ai cho Goócbachốp quyền ký, thay mặt ai, và với các điều kiện nào?1 (Hồ sơ cá nhân, tập 31, tr. 29).


Rõ ràng, ngay cả tổng công tố viên Liên Xô - Trubin cũng hiểu rất rõ toàn bộ sự giả dối của những lời nói đó. Nhưng do hoàn toàn lệ thuộc vào cái gọi là những người dân chủ, nên ông ta đã đặt một câu hỏi tựa như ném ra một cái phao cấp cứu: "Xôviết tối cao bị gạt bỏ, có cảm thấy bực bội nhiều không?"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 31, tr. 30). Một câu nói đùa hết sức ngây ngô. Xôviết tối cao bực bội! Ông già hiền lành đã mất trí khôn. Không biết cách nói đùa. Một con gà lôi2 (Ngụ ý ám chỉ Goócbachốp) lên tiếng hát bài: "Tôi không thể tán thành điều đó. Làm sao Xôviết tối cao có thể bị gạt bỏ, khi ở Nôvôôgarépva trong tất cả các cuộc họp đều có sự tham dự của Lukianốp, Nisanốp, Láptép? Đó là điều thứ nhất" (Tôi xin bảo đảm với bạn đọc rằng điều đó hoàn toàn không đúng sự thật. "Tham dự" không có nghĩa là "tán thành". Xét về mọi mặt thì bộ ba đó hoàn toàn không được uỷ quyền thay mặt Xôviết tối cao Liên Xô để phát biểu vấn đề đó). "Thứ hai, Xôviết tối cao đã thảo luận dự thảo hiệp ước, nêu ý kiến của mình và những ý kiến đó được chuyển đến Nôvôôgarépva" (Những ý kiến đó là một chuyện, còn nghị quyết của cơ quan lập pháp tối cao của đất nước lại là chuyện khác. Trong mọi trường hợp, đó hoàn toàn không phải là ý kiến, mà là quyết định bắt buộc chính quyền hành pháp đứng đầu là Goócbachốp phải thi hành). "Xin nói thêm, họ không hài lòng với dự thảo và còn nhấn mạnh thêm một số điểm nào đó (những kẻ ngu ngốc chán ngấy không biết chỗ của mình ở đâu), nghĩa là tất cả được xem xét". Hoá ra là thế. Toàn là những dấu chấm câu, còn cảm xúc thì từ chỗ ngạc nhiên đến chỗ thán phục và ghê tởm. Hiểu điều đó thế nào? Ai làm và sẽ đi đến đâu? Theo quyền nào và với mục đích gì? "Nhưng tôi phải nói - hiệp ước này là một sự thoả hiệp và sự tìm kiếm quan điểm chung mà trong toàn bộ nôi dung của nó không phải đã làm cho tất cả hài lòng. Như tôi, chả nhẽ tôi hài lòng với tất cả?"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 31, tr.30). Như vậy, một mặt - tôi (Goócbachốp) tán thành điều đó, còn mặt khác, - nhân dân với cuộc trưng cầu ý kiến, Xôviết tối cao Liên Xô và Đại hội đại biểu nhân dân với hiến pháp, với các đạo luật, các nghị quyết thì có nghĩa lý gì. Ừ thì người ta không hài lòng. Không thể chiều lòng tất cả. Ngay hạnh phúc của mình cũng không hiểu nổi thì còn phát biểu được gì ở đó. Điều chủ yếu đối với ông ta - Goócbachốp, là "cố gắng để ký kết hiệp ước vào giữa tháng hoặc ngày 20-8". Trong khi ấy dự thảo hiệp ước do Goócbachốp soạn thảo về liên bang các quốc gia có chủ quyền mang tính chất chống hiến pháp và đối lập với quyết định của Đại hội đại biểu nhân dân và các kết quả cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề đó lại mang tính chất chống nhà nước, chống nhân dân công khai đến mức Xôviết tối cao Liên Xô dễ bảo và do ông ta điều khiển cũng chống lại hiệp ước Munkhen mới do Goócbachốp và tay chân của ông ta thêu dệt sau lưng nhân dân.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 29 Tháng Giêng, 2022, 08:10:05 am
Sau những cuộc tranh luận kéo dài, ngày 12-7-1991, Xôviết tối cao Liên Xô đã thông qua Nghị quyết số 2335-1 "Về dự thảo hiệp ước liên bang các quốc gia có chủ quyền". Trong đó nêu rõ điều 1: "... Thừa nhận có thể ký hiệp ước sau khi sửa chữa phù hợp và được các nước cộng hoà thoả thuận với sự tham gia của đoàn đại biểu toàn quyền liên bang". Và điều 2: "Chuẩn y đoàn đại biểu toàn quyền liên bang để ký hiệp ước liên bang các quốc gia có chủ quyền với thành phần gồm: Tổng thống Liên Xô, Thủ tướng Liên Xô, Chủ tịch Viện liên bang của Xôviết tối cao Liên Xô, Chủ tịch các uỷ ban ... chủ tịch các tiểu ban. Tổng cộng 13 người"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 56, tr.110).


Hai điều đó của nghị quyết trực tiếp đòi hỏi phải sửa chữa dự thảo có sự tham gia của đoàn đại biểu đã được thành lập. Nghĩa là dự thảo chưa được thông qua và Xôviết tối cao Liên Xô không giao cho Goócbachốp thực hiện công việc đó chứ chưa nói đến việc thay mặt Liên Xô ký kết và không hề trao cho ông ta toàn quyền. Điểm 4 dứt khoát uỷ nhiệm cho "đoàn đại biểu toàn quyền liên bang thoả thuận với các đoàn đại biểu gồm đại diện có toàn quyền của các nước cộng hoà văn bản cuối cùng của hiệp ước liên bang phù hợp với những nguyên tắc đổi mới của nhà nước dân chủ liên bang", ý muốn nói sẽ ký hiệp ước đó tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô2 (Hồ sơ cá nhân, tập 56, tr.111). Điều đó có ý nghĩa quan trọng để nhận thức đầy đủ các hành động sau này của Goócbachốp. Là người đứng đầu đoàn đại biểu liên bang nhưng ông ta chưa hề triêu tập họp một lần nào. Đối với người khác thì không rõ, nhưng đối với tôi, ông ta chưa hề gặp và trao đổi ý kiến về vấn đề này. Thay vì điều đó, ông ta đi nghỉ và vào tháng 8-1991, khi đã ở Phôrôx, mới gửi đi dự thảo mới do chính ông ta nặn ra có dấu "Tối mật. Cấm sao chép" và bắt đầu nghĩ ra các kịch bản ký hiệp ước. Điều hết sức quan trọng là thủ tục ký kết do Goócbachốp thảo ra không được xem như một văn bản ký kết đồng thời. Ngày 20-8-1991, việc ký kết chỉ cần được bắt đầu. Đoàn đại biểu liên bang sẽ được mời đến ký kết vào giữa tháng 9, vào khoảng từ ngày 10 đến ngày 14. Một thủ đoạn có suy tính - bất chấp pháp luật và vượt quá thẩm quyền của mình, ông ta ký dự thảo hiệp ước về việc phá tan Liên bang Xôviết với các nước cộng hoà theo mức độ sẵn sàng của họ, sau đó đặt đoàn đại biểu liên bang trước một việc đã rồi. Thế là, đoàn đại biểu hoặc phải ký vào văn bản đầu hàng, hoặc bị tuyên bố là kẻ thù của liên bang, kẻ thù của chủ quyền dân tộc của các nước cộng hoà. Nhờ đó, trung tâm đế chế vẫn giữ được những đặc quyền của mình và sẽ đè đầu cưỡi cổ tất cả. Cuối cùng chỉ ông ta và cái trung tâm được thoả thuê nước ngọt. Và còn Xôviết tối cao mọi việc đã muộn - các nước cộng hoà của liên bang đến thời điểm đó đã phê chuẩn dự thảo do họ ký và Xôviết tối cao buộc phải ký theo vào hiệp ước về sự đầu hàng của mình.


Nguyên nhân của hành động đó là gì? Vì sao phải bí mật cả với nhân dân và công luận, cả với các thành viên đoàn đại biểu và quan chức cao nhất của nhà nước? Vì sao Goócbachốp trong các cuộc thẩm vấn và các bài phát biểu sau này lại cố gắng xoá sạch dấu vết của những mâu thuẫn chính trị gay gắt nhất và của sự xung đột công khai? Chẳng hạn trong năm 1991, ông ta đã tuyên bố với dự thẩm rằng "tất cả đều bị lôi kéo vào quá trình đó, và tôi có thể nói rằng, quá trình đó mang tính chất bình thường với tất cả sự gay gắt của nó. Vì thế, "quá trình Ôgarépva", làm nảy sinh hy vọng trong xã hội và nó được chấp nhận. Không có chương trình chống khủng hoảng riêng, bởi đã được đưa vào chương trình không chỉ của Chính phủ Liên Xô mà cả của các nước cộng hoà liên bang"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 31, tr.30). Các bạn hãy chú ý, Goócbachốp đã vô tình tách Liên Xô khỏi các nước cộng hoà, coi các nước đó như các phần riêng biệt. Tổng kết lại thì không phải chỉ bản thân ông ta, một mình ông ta tạo nên điều đó, mà toàn bộ xã hội và các nước cộng hoà trong khuôn khổ "Ôgarépva".


Để giải đáp cho câu hỏi đó, hãy đọc Nghị quyết của Xôviết tối cao Liên Xô. Điểm 3 nói: "Giao cho đoàn đại biểu toàn quyền liên bang (các bạn hãy chú ý, lại không giao cho Tổng thống Liên Xô, mà là giao cho đoàn đại biểu) khi sửa chữa và thoả thuận dự thảo hiệp ước liên bang, các quốc gia có chủ quyền phải tuân thủ những nhận xét và kiến nghị mà các uỷ ban, các tiểu ban và các thành viên Xôviết tối cao Liên Xô cũng như của các đại biểu nhân dân Liên Xô đã nêu ra. Chuyển đến Xôviết tối cao các nước cộng hoà lập trường của Xôviết tối cao Liên Xô xuất phát từ sự cần thiết sau đây:

a- Ủng hộ tuyên bố chung của Tổng thống Liên Xô và các nhà lãnh đạo 9 nước cộng hoà về nhiệm vụ trước mắt để khắc phục khủng hoảng là ký kết hiệp ước liên bang mới có tính đến các kết quả của cuộc trưng cầu ý kiến toàn dân (điều đó có nghĩa là duy trì nhà nước liên bang thống nhất);

b- Ghi rõ trong dự thảo hiệp ước liên bang rằng tham gia ký kết là các chủ thể của liên bang tức là các quốc gia có chủ quyền - các nước cộng hoà, cũng như các nước cộng hoà thuộc các quốc gia có trên cơ sở hiệp ước hay hiến pháp. Mỗi nước cộng hoà có quyền ký vào văn bản hiệp ước liên bang" (Bạn đọc hãy nhớ lại, ở điểm này, ý muốn nhìn đến các sự việc đã và đang diễn ra ở Nga, Grudia, Adécbaigian, Mônđavi và các nơi khác của Tổ quốc chúng ta);

c- Dự kiến trong dự thảo hiệp ước liên bang tồn tại ở Liên Xô không gian kinh tế thống nhất, một hệ thống ngân hàng thống nhất, ghi nhận cho Liên Xô sở hữu cần thiết để hoạt động bình thường như một quốc gia liên bang, trong đó kể cả tiền của nhập trực tiếp vào ngân sách liên bang trên cơ sở hiến pháp của Liên Xô (tất cả cái đó đã hoàn toàn sụp đổ ngay trong những ngày đầu sau sự kiện tháng 8-1991);

d- Đưa vào trong dự thảo hiệp ước liên bang danh mục những đạo luật cơ bản của Liên Xô và các nước cộng hoà; không cho phép liên bang Xôviết đình chỉ các đạo luật của các nước cộng hoà và các nước cộng hoà không được đình chỉ các đạo luật của liên bang, giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra bằng các thủ tục đàm phán hoặc bằng các quyết định của Toà án hiến pháp Liên Xô.

e- Một lần nữa thảo luận các vấn đề bầu hai viên của Xôviết tối cao Liên Xô bằng các cuộc bầu cử trực tiếp có đại diện của các dân tộc, thảo luận vấn đề hình thành nội các Liên Xô, Toà án hiến pháp Liên Xô và các cơ quan liên bang khác bàng các quyết định của hai viện"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 56, tr.111).


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 29 Tháng Giêng, 2022, 08:10:33 am
Và như vậy, có thể về thực chất chứ không phải về hình thức, Goócbachốp đúng chăng? Xôviết tối cao Liên Xô mà báo chí của bọn mị dân gọi là "phản động, đặc quyền đặc lợi" đã lạc hậu với cuộc sống và không hiểu gì cả chăng? Mọi cái đã thông qua đã sắp xếp và cần làm việc, thoát khỏi khủng hoảng. Những kẻ ác ý vô danh muốn đưa đất nước vĩ đại đến đâu? Sự giả dối tiếp theo này chỉ nhìn vào chính cái chương trình chống khủng hoảng cũng thấy rõ. Chương trình này nằm trong Hồ sơ cá nhân tập 56, trang 43 và người ta đọc được những dòng chữ viết mực đen trên giấy trắng: "Liên bang Nga và Ucraina sẵn sàng ký chương trinh có tính đến việc đưa vào đó những ý kiến của họ. Grudia và Extônia không tham gia xây dựng chương trình. Cộng hoà Lítva, Cộng hoà Mônđavia, và Cộng hoà Látvia đã tham gia soạn thảo chương trình nhưng khước từ ký nó". Sự việc là như vậy. Nước Nga và Ucraina trong các ý kiến của mình đòi một cấu trúc kiểu liên minh, còn những nước khác nói chung muốn xem xét dưới bất cứ hình thức nào mình là một bộ phận của Liên bang Xôviết và đề nghị chỉ giải quyết vấn đề hợp tác kinh tế theo hình mẫu cộng đồng kinh tế châu Âu cho đến hiệp định Mađrít. Thêm nữa Ucraina luôn luôn lớn tiếng rằng với các ý kiến của mình có thể ký kết hoặc đưa ra sự trả lời dứt khoát sau khi tiến hành cuộc trưng cầu ý kiến nhân dân vào ngày 1-9, Liên bang Nga cũng tiếp tục thảo luận các vấn đề đó và ý kiến của Enxin chưa phải là lập trường cuối cùng của ban lãnh đạo nước Cộng hoà. Bản thân Goócbachốp thừa nhận rằng ông ta đã nhiều lần nói qua điện thoại với Enxin rằng có một áp lực mạnh mẽ thường xuyên đối với ông không lợi cho việc thoả thuận. Ví dụ như nhóm Iu. Aphanaxép (nguyên là cán bộ đảng chuyên trách, nay là Hiệu trưởng Đại học nhân văn Nga) và các "nhà dân chủ" khác.


Tóm lại, đến tháng 8-1991, việc thông qua các biện pháp triệt để nhằm thoát ra khỏi khủng hoảng rõ ràng đã bị sự đối kháng chính trị bao vây. Lối thoát ra khỏi sự đối kháng đó theo giới lãnh đạo nước cộng hoà đứng đầu là phong trào "dân chủ" Nga do Enxin, Pôpốp, Xốpchắc và những người tán thành thủ tiêu nhà nước liên bang thống nhất và lập ra thể chế mới bằng cách hoà trộn các nguyên tắc của liên bang Thuỵ Sĩ, Cộng đồng kinh tế châu Âu, chế độ đại nghị Bắc Mỹ với một tổng thống trong vai trò nữ hoàng Anh. Điều đó có nghĩa là xoá bỏ tất cả các phương án được soạn thảo có căn cứ khoa học, có tính toán kỹ lưỡng nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế. Lẽ ra có thể thực hiện có hiệu quả trong khuôn khổ không gian kinh tế thống nhất bằng cách tập trung tài nguyên và nỗ lực vào các khâu then chốt của hệ thống liên lạc, tập hợp thoả thuận dựa trên sự thống nhất và nghĩa vụ đối với tất cả những người tham gia nhằm thu được hiệu quả cuối cùng tối đa cho đất nước và nhân dân. Nói chung, đã trở thành vô nghĩa khi mà lệnh được phát đi từ các trung tám khác nhau chỉ dựa vào kết quả và lợi ích của các khâu trung gian trong hệ thống kinh tế, và cố tình đập nát ra thành các đơn vị tự cấp tự túc trói buộc bởi các ranh giới, các hạn chế và các điều kiện khác nhau. Điều đó đã được chứng minh rõ ràng không chỉ một lần. Nhưng đất nước ta một lần nữa lại có được bài học không nên chuyển hướng theo hoạt động của cái gọi là Hội đồng kinh tế tối cao về quản lý kinh tế quốc dân đứng đầu là I.Xilaép sau tháng 8-1991.


Nền sản xuất suy sụp và kèm theo là mức sống của nhân dân giảm sút trên toàn bộ lãnh thổ Liên Xô. Trong khi đó các nhà tư tưởng, các nhà thiết kế cuộc khủng hoảng chính trị đã hy sinh nền kinh tế và mức sống của nhân dân vì sự ngạo mạn và mục đích cá nhân của mình trong cuộc đấu tranh giành quyền lực, chưa bao giờ nghiêm túc thực hiện chương trình chống khủng hoảng. Họ không tuyên bố về điều đó, nhưng chính tự họ cũng hiểu rất rõ rằng bất cứ thành công nào trong kinh tế, thậm chí sự ổn định tình hình và việc tranh thủ thời gian để huy động các khả năng nhằm cải tổ cơ cấu sản xuất cũng sẽ xoá sạch hy vọng giành quyền lực của họ. Chỉ khi tình hình xấu đi, họ thường xuyên cố gắng tác động, mới tạo khả năng đập tan ban lãnh đạo chính trị nhà nước thống nhất, và qua các phương tiện thông tin đại chúng do họ kiểm soát, quy trách nhiệm làm suy sụt sản xuất, làm giảm mức cung ứng sinh hoạt của nhân dân thuộc về ban lãnh đạo đó. Họ không tuyên bố chủ yếu là vì nếu trong lúc đó nhân dân hiểu ra rằng việc giành quyền lực cho các nhà dân chủ giả hiệu khác nhau, rằng các mặt trận nhân dân với các lãnh tụ của nó chỉ là phương tiện để thủ tiêu chính quyền Xôviết ở tất cả các cấp, để phá huỷ sở hữu xã hội và xây dựng chủ nghĩa tư bản và trên con đường đó, tất yếu sẽ phải phụ thuộc vào tư bản nước ngoài, sẽ bần cùng hoá nhân dân và nạn thất nghiệp và tình hình không thể chặn đứng được sẽ dẫn họ - các nhà hoạt động chính trị đến sự phá sản hoàn toàn. Không phải ngẫu nhiên mà việc giành giật quyền lực được các nhà dân chủ giả hiệu bắt đầu bằng cách thiết lập sự kiểm soát bí mật đối với các phương tiện thông tin đại chúng. Enxin và Goócbachốp che đậy kỹ càng mục đích cuối cùng trước các nhà tư tưởng và thê đội của họ, - đó là chìa khoá trả lời các sự kiện tháng 8-1991. Cả hai đều câm lặng về mục đích cuối cùng như chỉ giữ kín cho riêng mình. Chỉ trong năm 1992, tin tức đó từ phía họ mới xuất hiện trong một số bài viết được công bố lúc đầu không rộng rãi và không thường xuyên. Thậm chí chương trình cải cách của Gaiđa và bản thuyết trình sâu sắc kèm theo mà đến nay người ta vẫn kêu gọi, cũng không chứa đựng công thức rõ ràng và trực tiếp về mục đích. Kết cục là không còn phải nghi ngờ gì, Goócbachốp hiểu rất rõ vị trí và vai trò dành cho các biện pháp và chương trình chống khủng hoảng, nên cố tình tìm cách lảng tránh. Lẽ ra, người đứng đầu chính quyền hành pháp phải tham gia vào việc soạn thảo và thảo luận chúng. Cũng do nguyên nhân đó, ông ta không làm một việc gì để giải quyết xung đột trong phân soạn thảo dự án kế hoạch năm 1992. Thời gian trôi đi, sự căng thẳng trong kinh tế ngày càng tăng. Vụ thu hoạch bị đe doạ (muốn nói về thời hạn và mức hao hụt) và cả việc chuẩn bị cho mùa đông, trước hết là việc tạo ra các nguồn dự trữ chất đốt, năng lượng. Còn Tổng thống Liên Xô thì quyết định đi nghỉ với gia đình. Từ đó, chỉ có thể rút ra một kết luận - ông ta hài lòng với tình hình công việc và xu hướng phát triển của nó. Ông ta quyết định đứng ngoài chờ đợi, để các mảnh vỡ của toà nhà Liên bang Xôviết nổ tung do mìn của ông ta đặt, không rơi vào ông ta. Chỉ còn việc ấn nút bộ phận gây nổ.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 30 Tháng Giêng, 2022, 07:38:57 am
11. NHỮNG SỰ KIỆN THÁNG 8

Tháng 8 bắt đầu bằng việc ngày mùng 3 có cuộc họp mở rộng của nội các Liên Xô với sự tham dự của những người lãnh đạo các nước cộng hoà Liên bang dưới sự điều khiển của Tổng thống Liên Xô. Chương trình nghị sự gồm các vấn đề: "Về sự đánh giá có tính chất dự báo việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp trong năm 1991 và việc bảo đảm lương thực thực phẩm cho nhân dân", "Về việc bảo đảm nhiên liệu cho nền kinh tế quốc dân", "Về hiệp định kinh tế giữa Liên bang Xôviết và các nước cộng hoà có chủ quyền", "Về việc tổ chức Uỷ ban liên nước Cộng hoà về đầu tư nước ngoài" và "Về việc cải tạo triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân Liên Xô thành Hội cổ phần trung tâm triển lãm kinh doanh liên nước cộng hoà". Goócbachốp đã chần chừ khá lâu không muốn tiến hành cuộc họp với chương trình nghị sự như vậy. Tôi và đặc biệt là V. Sécbacốp - người được phân công đọc báo cáo về chương trình chống khủng hoảng, đã có nhiều cuộc nói chuyện với ông ta. Nhưng khá lâu không đem lại hiệu quả tích cực. Nội các Liên Xô với thành phần khác nhau nhiêu lần xem xét những vấn đề nêu trên. Tất cả đều rõ là phải có những giải pháp chính trị triệt để. Chính vì vậy Goócbachốp cố lẩn tránh không đến phòng họp; nơi ông ta không thể bảo ngài này đến chỗ này, còn anh kia đến chỗ kia và bản thân, cuối cùng, ra vẻ để gặp gỡ với các nhà chính trị, giao nhiệm vụ chuẩn bị các đề nghị cho các nhà lãnh đạo kinh tế và ngược lại - hứa với các nhà kinh doanh tập hợp và giải quyết các vấn đề chính trị với ban lãnh đạo của các nước cộng hoà. Tại cuộc họp nói trên, không có ai nghi ngờ sự cần thiết phải mua lúa mì ở nước ngoài, trước hết là thức ăn gia súc, sự cần thiết phải điều tiết bảng cân đối thanh toán để bảo đảm cho quá trình sản xuất và tiêu dùng trong khuôn khổ phân công lao động quốc tế. Mọi ý định nhằm tìm ra giải pháp chia rẽ, - (trong khi riên kinh tế của mỗi nước cộng hoà với toàn quốc nói chung là một tổ hợp kinh tế quốc dân thống nhất), là hoàn toàn không hiện thực, xét về mặt thực tiễn là có ý đồ phá hoại. Chính phủ Nga do I. Xilaép đứng đầu là đội quân xung kích tích cực và kiên quyết nhất của chủ nghĩa phân biệt. Thậm chí, thật kỳ quặc vì thỉnh thoảng lại nghe và nhìn thấy những người có văn hoá công khai huyên thuyên nhảm nhí cốt chỉ để cho Chính phủ Liên bang không quản lý được nền kinh tế và các quá trình mà nó phải chịu trách nhiệm trước đất nước.


Tại cuộc họp ngày 3-8-1991, sự thỏa thuận để đi đến quyết định về việc phối hợp mua lúa mì và thức ăn gia súc, tạo nguồn dự trữ nhiên liệu cho mùa đông lại bị chính I. Xilaép phá hoại. Ông ta khăng khăng khẳng định một điều: chúng ta phải tự mình làm, tự bán dầu mỏ và hơi đốt, gỗ và kim cương và sẽ mua cho mình lúa mì, các hàng hoá phục vụ nhân dân, nguyên liệu và thiết bị, các bán thành phẩm và nói chung tất cả mọi thứ cần thiết cho nông thôn, cho công nghiệp và vận tải; chúng ta tự ký hợp đồng trực tiếp mua hàng với các nước cộng hoà khác trên cơ sở hai bên cùng có lợi, tự chúng ta sẽ giúp đỡ láng giếng nếu xét thấy cần thiết; tự chúng ta xác định nước Nga sẽ cho liên bang bao nhiêu và phục vụ mục đích gì. Mọi lý lẽ khôn khéo của I. Xilaép như con gà rừng gọi mái đã bị bác bỏ ngay lập tức. Thậm chí, lúc đó ông không hiểu được mối đe doạ tan rã chính nước Nga, khi mà người ta trực tiếp đặt ra cho ông ta các câu hỏi về việc tại sao ông ta lại tin chắc rằng các nước cộng hoà Trung Á sẽ cung cấp cho Nga bông, hơi đốt, còn Cadắcxtan cung cấp than, thép và lúa mì theo giá đồng rúp đang lưu hành, nếu nước Nga bắt đầu bán sản phẩm xuất khẩu của mình bằng đôla; điều đó có làm mất giá đồng rúp lạm phát do hiện tượng đôla hoá ở trong nước và phá huỷ các quan hệ hợp tác và chuyên môn hoá sản xuất đã hình thành không? "Không, chúng ta sẽ tự làm tất cả, chúng ta có thể làm được mọi cái" - câu trả lời là như vậy. Và kết quả thế nào thì mọi người đã rõ: ở nước Nga bắt đầu sự đổ vỡ một cách nhanh chóng sau tháng 8-1991, còn I. Xilaép cùng với các đồng chí của mình vội chạy sang phương Tây xin ăn, nơi ông ta có thể bình an và đến nay vẫn do nước Nga chi phí. Nhưng trong mạch đề tài của cuốn sách này, kết quả chủ yếu của cuộc họp đó là hai ý kiến của Goócbachốp. Một là, về lương thực thực phẩm: "Cần có những biện pháp khẩn cấp - nghĩa là biện pháp đặc biệt. Hãy bắt buộc tất cả mọi người! Đừng để họ đỏng đành. Vấn đề không phải là chúng ta bãi bỏ các cuộc cải cách, không phải là việc chúng ta bãi bỏ các quan hệ kinh tế. Không phải như vậy! Vấn đề là ở chỗ, trong các tình huống đặc biệt, tất cả các quốc gia đều đã và sẽ hành động nếu hoàn cảnh buộc phải có những biện pháp đặc biệt. Ngày nay chúng ta, tôi nói thẳng ra, vấn đề lương thực thực phẩm đang đặt ra hết sức cấp bách1 (Hồ sơ cá nhân, tập 60, tr.279). Hai là, về tài chính và đồng rúp: "Giao cho đồng chí Páplốp cùng với Đoàn chủ tịch chính phủ và huy động tất cả các chuyên viên và chuyên gia cần thiết, các nhà lãnh đạo các ngành, nghiên cứu tất cả các vấn đề đó trên cơ sở cuộc thảo luận hôm nay và đưa ra những kiến nghị cho hội đồng liên bang2 (Hồ sơ cá nhân, tập 60, tr. 397) xem xét" .


Bản tóm tắt cuộc thảo luận chứng minh rằng Goócbachốp hiểu rất rõ những hậu quả của sự xung đột và lối thoát duy nhất khỏi cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở trong nước. Điều quan trọng là ở chỗ các giải pháp ấy tạo khả năng nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, nhưng ông ta không muốn chấp nhận trong những điều kiện đó. Và lại đề nghị bàn bạc, phối hợp, tiếp tục, cụ thể hoá và v.v.. Điều đó cũng không phải ngẫu nhiên.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 30 Tháng Giêng, 2022, 07:40:16 am
Để trả lời dứt khoát câu hỏi về trách nhiệm của Goócbachốp theo điều khoản của pháp luật, thì còn cần xác định tổng thống hành động có chủ ý hay vô tình. Tôi đã dẫn ra, nhưng trong bối cảnh này tôi xin nhắc lại là ngày 14-9-1991, trả lời câu hỏi của Tổng Viện trưởng Viện công tố Liên Xô I. Trubin tại cuộc thẩm vấn: "Xôviết tối cao đã bị gạt bỏ, có cảm thấy bực bội nhiều không?" Goócbachốp đã nói: "Tôi không tán thành điều đó. Làm sao nó có thể bị gạt bỏ khi ở Nôvôôgarépva trong tất cả các cuộc họp đều có sự tham dự của Lukianốp, Nisacốp, Láptép? Đó là điều thứ nhất...". Tôi không tán thành, hơn nữa, tôi tin rằng ba người không tham dự tất cả các cuộc họp bởi vì họ đang đi công tác. Song le, ba người chưa phải là đoàn đại biểu. Thế còn Thủ tướng Liên Xô đâu? Chủ tịch của uỷ ban và các tiểu ban đâu? Không hơn không kém - 9 người vắng mặt chống lại ba người được dự kiến mời tham dự, khó mà nhận biết dù có cố gắng đến đâu. "Thứ hai là, Xôviết tối cao đã thảo luận dự thảo hiệp ước và phát biểu ý kiến của mình và những ý kiến đó được chuyển đến Nôvôôgarépva. Xin nói thêm, họ không hài lòng với điều đó và còn nhấn nạnh thêm một số điểm nào đó. Nghĩa là tất cả được chuyển đến". Ông ta diễn đạt ghê chưa! Lôgích, lời nói, suy nghĩ đáng giá làm sao! "Nhưng tôi phải nói, hiệp ước này là một sự thoả hiệp và sự tìm kiếm một quan điểm chung mà toàn bộ nội dung của nó không phải làm cho tất cả hài lòng. Như tôi, chả nhẽ tôi hài lòng với tất cả"? Cuối cùng ông ta cũng gượng gạo trả lời. Ông ta đã không thi hành quyết định của Xôviết tối cao Liên Xô và không dự định thi hành. Ông ta hoàn toàn hiểu rõ mình làm gì: "Rõ ràng là có một quá trình nặng nề, khó khăn, nhưng là quá trình đoàn kết, hiệp đồng nhất định (cái gì? Các lực lượng phân biệt ư?) Và với quan điểm đó (cần hiểu là sự sụp đổ), tôi cố gắng ký hiệp ước vào giữa tháng hoặc ngày 20-8. Từ nước ngoài trở về, A. Lukianốp đã bày tỏ sự không hài lòng rõ rệt với việc đó và tìm cách xác minh xem sáng kiến đó của ai. Rõ ràng là điều đó không vừa lòng tất cả". Nghĩa là không phải tất cả. Được, xin cảm ơn. Mặc dù vậy, như Goócbachốp khẳng định, - tham gia tất cả các cuộc họp ở Nôvôôgarépva, mà Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô lại không biết gì nhiều, cũng theo lời Goócbachốp. Tham dự tất cả, biết tất cả, thế tại sao còn tìm cách xác minh ở tác giả những điều đã diễn ra. "Từ những lập trường đó - tôi có thể nói - tôi đã đi nghỉ, dự tính rằng với việc ký kết hiệp ước ngày 20-8 (nhưng việc ký kết nhất thiết phải tiến hành tại Đại hội đại biểu nhân dân được ấn định vào tháng 11 và 12-1991). Chúng ta sẽ bước sang một giai đoạn mới. Tôi có một niềm tin rằng chúng ta (tôi lại nghĩ: ai là chúng ta, thay mặt cái gì để tuyên bố?) đi đúng đường. Điều đó cho phép tôi tạm vắng mặt. Tôi đã rút ra cho mình kết luận như vậy"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 31, tr.30).


Nghĩa là, Goócbachốp đã cố ý hành động nhằm phá tan Liên Xô - một quốc gia xã hội chủ nghĩa liên bang thống nhất và do đó đã thực hiện các biện pháp nhằm giữ bí mật bản dự thảo hiệp ước, gạt bỏ đoàn đại biểu liên bang ra khỏi công tác soạn thảo và ký kết. Hơn nữa, ông ta còn công khai thừa nhận rằng:"... kết quả thảo luận (ở đâu và với ai?) đã xác định 6 nước cộng hoà, còn giai đoạn hai có Ucraina, Adécbaigian, Tuốcmênia đã xuất hiện sự tán thành". Nói cách khác, Goócbachốp lúc đó đã tách 6 nước cộng hoà khỏi Liên Xô không hề hỏi ý kiến nhân dân, Đại hội đại biểu nhân dân, thậm chí cả Xôviết tối cao Liên Xô, còn 3 nước thì để lại sau. Có gì đáng ngạc nhiên về sự vô liêm sỉ liều lĩnh đánh dấu chấm hết đối với đoàn đại biểu liên bang do có những cản trở, phản đối và những đòi hỏi thực hiện ý nguyên của nhân dân. Khi Tổng Viện trưởng Viện công tố liên bang Nga Xtêpancốp đạt câu hỏi: "Lukianốp có trao đổi với ông về ngày ông ta trở về Mátxcơva trước khi ký hiệp ước?", Goócbachốp giải thích: "Ông ta phải trở về và tham gia. Đó là đoàn đại biểu chính phủ của chúng tôi (Quả là chính xác, người ta không nhắc tới đoàn đại biểu cùng với tất cả Xôviết tối cao). Nhưng ngày trở về của ông ta đã không được định trước, bởi vì, điều đó là không có gì quan trọng"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 31, tr.32). Không thể nói đơn giản và rõ ràng hơn thế. Trở về hay không trở về, tán thành hay không tán thành, đối với Goócbachốp không có ý nghĩa gì cả. Tôi không muốn như vậy, đối với tôi điều đó không cần thiết. Nhưng mục đích đối với những người như vậy luôn luôn biện hộ phương tiện.


Nhưng đáng tiếc là, vào thời điểm đó tôi chưa biết những gì đã xảy ra sau lưng tôi. Chỉ một năm rưỡi sau tôi mới biết là ngày 19-4-1992 tại cuộc thẩm vấn, với tư cách là một nhân chứng, Enxin đã nói ra sự thật: "Sau khi ký phương án cuối cùng hiệp ước liên bang được soạn thảo ở Nôvôôgarépva, đã đề ra kế hoạch thông qua hiến pháp mới của Liên Xô. Hiến pháp mới không trù định việc tồn tại Đại hội đại biểu nhân dân mà đề nghị thiết lập Hội đồng tối cao gồm hai viện: Xôviết các nước cộng hoà - với đại diện của mỗi nước cộng hoà, viện thứ hai từ những người tham gia bỏ phiếu. Khi cải tổ các cơ quan chính quyền và quản lý (ý muốn nói, về cơ bản là các cơ quan phối hợp), sẽ có uỷ ban kinh tế liên các nước cộng hoà và trong uỷ ban đó có các ban tương ứng như các bộ phụ trách các vấn đề của chính phủ cũ. Trong thời gian tiếp theo không loại trừ phương án thành lập một nội các thực sự. Về cơ bản đề nghị giảm bớt các bộ". Bằng chứng đó vạch trần Goócbachốp đã hành động bí mật vi phạm hiến pháp Liên Xô và lời tuyên thệ của Tổng thống Liên Xô. Có bằng chứng rõ ràng về một âm mưu phản hiến pháp đứng đầu là Goócbachốp. Điều không kém phần thú vị là ngày nay, khi Enxin đang tìm cách hiện thực hoá thoả ước đó nhằm dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô, tạo ra và đang làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở nước Nga, thì một trong những người phê phán tích cực lại là Goócbachốp. Từ chỗ là đồng tác giả, đồng loã, ông ta hiện nay đã phản bội Enxin, Nadabaép, những kẻ đề xuất và thực hiện khác. Kẻ thua cuộc không có cha mẹ, hắn là đứa trẻ mồ côi. Kết luận đó Goócbachốp đã biết từ lâu và luôn bám lấy ông ta. Nhưng toàn bộ tai hoạ đối với ông ta chính là ở chỗ Enxin đã nói cách đây hơn một năm, khi nhà phê bình Goócbachốp còn đang im lặng. Quả thực chuyện này không dành cho báo chí. Tôi cho rằng Enxin đã lảng tránh tạm thời gọi Goócbachốp là tác giả thực sự của nhiều khái niêm được thực hiện với tư cách là Tổng thống Liên bang Nga - những đại diện toàn quyền, thị trưởng, quận trưởng, toàn quyền độc tài, tự do hoá giá cả v.v...


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 30 Tháng Giêng, 2022, 07:42:03 am
Nếu nói về các bước đi thực tế, thì trong khuôn khổ của âm mưu đích thực, người ta đã chuẩn bị cả các hành động nhằm trung lập hoá các lực lượng và các nhân vật cụ thể, mà theo đánh giá của những người chủ mưu, cản trở hoặc chí ít gây khó khăn cho việc đạt được mục đích cuối cùng là thủ tiêu nhà nước liên bang thống nhất. Cũng chính Enxin đã nói thẳng thừng và công khai rằng: "Ngày 29, 30-7-1991 tôi đã có cuộc gặp ở Nôvôôgarépva với Tổng thống Liên Xô M.X. Goócbachốp và Tổng thống Cadắcxtan N.A. Nadabaép. Cuộc gặp này đã thảo luận vấn đề thay thế một số nhà lãnh đạo cao cấp của Liên Xô. Chủ yếu là nói về Chủ tịch nội các Liên Xô V.X. Páplốp. Cũng bàn đến chủ tịch KGB Liên Xô V.A. Criuscốp, nhưng chưa thông qua một quyết định dứt khoát nào với ông ta. Vấn đề này có thể xem xét sau. Cũng với tinh thản thoả hiệp như vậy, còn đề cập đến Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Đ.T. Iadốp. Không bàn đến việc ai sẽ thay thế họ. Thay thế Páplốp, đã tiến cử Nadabaép. Trong dự thảo hiệp ước không nêu chức Phó Tổng thống Liên Xô, nhưng tôi đã nói, chỉ xem xét việc thay thế Páplốp, thảo luận vấn đề sát nhập Bộ Ngoại giao và Uỷ ban các quan hệ kinh tế đối ngoại Liên Xô, việc giảm bớt ít nhất 60-70 bộ, và khi đó tất cả các Bộ trưởng được bãi chức1 (Hồ sơ cá nhân, tập 67, tr.254).


8 tháng sau, ngày 13-8-1992, với tư cách nhân chứng được thẩm vấn, khi trả lời câu hỏi của A. Phrôlốp: "Vào cuối tháng 7-1991, ông có gặp Enxin và A.N. Nadabaép không và những vấn đề gì đã được thảo luận tại cuộc gặp gỡ đó?", Goóchachốp hoàn toàn xác nhận những lời khai nêu trên của Enxin và đã nói nguyên văn như sau: "Đúng, đã có cuộc gặp gỡ như vậy trong khuôn khổ làm việc về dự thảo hiệp ước liên bang. Bàn về việc cần thiết phải làm trước tiên sau khi ký là cải cách các cơ quan liên bang. Đã thảo luận vấn đề ai làm thủ tướng và trong kế hoạch đã đề nghị Nadabaép giữ chức vụ đó, cũng đã bàn việc có thể thay thế bởi lý do tuổi tác, cả Criuscốp, Iadốp và một loạt các nhà lãnh đạo cao cấp khác"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 130, tr.145).


Tôi muốn lưu ý bạn đọc đến một tình tiết có ý nghĩa để nhận biết những việc xảy ra sau đó, mà chúng ta sẽ còn phải đề cập đến, khi giải thích lôgích bên trong các sự kiện và thực chất của nó. Vấn đề không phải là thay thế một nhân vật có trọng trách này hay nhân vật khác không đủ khả năng hoàn thành nghĩa vụ của mình hoặc thua kém ở mặt nào đó so với người được đề cử, bằng cách đề cử một người mới để thảo luận và thông qua quyết định theo quy chế mà pháp luật quy định, ở đây, muốn nói về việc thủ tiêu các cơ quan lập hiến - Đại hội đại biểu nhân dân, Xôviết tối cao Liên Xô, nội các Liên Xô, các bộ, các tổng cục và việc thay thế các nhân vật có trọng trách bằng cách chuẩn bị và ký hiệp ước mới. Hơn nữa không có quyền làm việc đó và chính những hành động đó là sự vi phạm đạo luật của Liên Xô và những quyết định trực tiếp của chính quyền hành pháp. Vấn đề không phải là việc thay thế Thủ tướng Liên Xô V.X Páplốp mà là loại bỏ địch thủ chính trị của sự phá huỷ Liên bang Xôviết. Do có thể bị thất bại trong cuộc đấu tranh chính trị trực tiếp và công khai với địch thủ đó, người ta đã thông qua quyết định giải tán bất hợp pháp nội các Liên Xô nói chung với khả năng trong tương lai sẽ khôi phục bằng một thành phần và thể thức thành lập khác.


Nhưng ở thời điểm đó, việc này còn ở phía trước. Còn vào chủ nhật, ngày 4-8-1991, tôi được mời dự tiễn gia đình Goócbachốp đi nghỉ ở Phôrôx. Cuộc tiễn đưa hết sức ngắn ngủi đến kinh ngạc. Không hề có việc thảo luận công việc, những uỷ nhiệm hoặc những thông báo như thường lệ. Quả thực tôi không coi điều đó có ý nghĩa gì nhiều. Mùa hè, đi nghỉ. Tất cả đã mệt mỏi. Người thì đi Crưm và ra biển độ một tháng rưỡi, người đi nghỉ ở nhà nghỉ hoặc trên sông Mátxcơva dù chỉ nửa ngày. Điều duy nhất có nghĩa mà Goócbachốp nói liên quan đến G. Ianaép là "Anh hãy ở lại thu xếp mọi công việc". Trong thực tiễn của đất nước chúng ta khi nhân vật số 1 của nhà nước hoặc nhân vật số 1 của các cơ quan chính quyền và quản lý cao nhất tạm thời vắng mặt thì không bao giờ phải ban hành một văn bản nào, - ít nhất theo trí nhớ của tôi, - nói về việc người phó đảm nhiệm các trách nhiệm. Câu nói đó cũng quá đủ cho tất cả những người có mặt. Thêm vào đó theo hiến pháp Liên Xô điều 127-4, "Phó Tổng thống Liên Xô... thay Tổng thống Liên Xô trong trường hợp ông ta vắng mặt...". Sau khi máy bay cất cánh, tất cả mọi người ra về.


Ngày thứ hai, 5-8-1991, tôi tiếp tục làm việc về các vấn đề chuẩn bị và thu hoạch vụ mùa, ổn định tổ hợp nhiên liệu năng lượng, tình hình tiền tệ, và các công việc xuất nhập, tổ chức soạn thảo kế hoạch và ngân sách năm 1992 và giải quyết các công việc khác của hoạt động kinh tế hàng ngày, đồng thời bắt đầu nghiên cứu các vấn đề nêu ra tại cuộc họp mở rộng của Nội các Liên Xô vừa qua. Công việc túi bụi. Để giải quyết những vấn đề đó, tôi bắt đầu chuẩn bị cho cuộc đi thăm Cudơbắc Caraganđa, và vùng Selinna. Đó là những điểm then chốt giải quyết nhiệm vụ về nhiên liệu, lúa mì và tiền tệ, và tôi cho rằng phải đến đó giải quyết kịp thời tại chỗ hoặc khi về Mátxcơva sẽ giải quyết những vấn đề kìm hãm sản xuất và khó khăn trong đời sống của mọi người. Tôi đã có dịp nhìn thấy và hiểu biết thêm nhiều khi thăm Cơrelia, Iacúttia, Kamsátca và Xakhalin. Đáng tiếc là đã làm được quá ít việc cần làm. Và ngay lúc đó xuất hiện trên sân khấu dự thảo hiệp ước liên bang các quốc gia có chủ quyền do Goócbachốp cùng các đồng chí của mình trình diễn.


Thực chất chống nhà nước, chống hiến pháp của bản dự thảo hiệp ước rõ ràng đến mức ngày 10-8-1991, tôi đã ký văn bản số PV-6098 nội dung như sau: "Gửi Tổng thống Liên Xô đồng chí M.X. Goócbachốp, theo quyết định của Xôviết tối cao Liên Xô ngày 12-6-1991 "Về dự thảo hiệp định liên bang các quốc gia có chủ quyền" đã chuẩn y đoàn đại biểu toàn quyền liên bang để ký hiệp ước. Đề nghị cần phải triệu tập đoàn đại biểu liên bang để thảo luận dự thảo hiệp ước trước khi ký. Sơ bộ tôi gửi những đề nghị và ý kiến mà nội các Liên Xô hiện có về dự thảo hiệp ước, V. Páplốp"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 56, tr.249).


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 30 Tháng Giêng, 2022, 07:43:53 am
Kèm theo thư có gửi 4 trang đánh máy "Những đề nghị và ý kiến của Nội các Liên Xô đối với hiệp ước liên bang các quốc gia có chủ quyền", trong đó nêu:

"1. Đề nghị một lần nữa xem xét lại việc phân chia phạm vi thẩm quyền của liên bang và các nước cộng hoà".

Trong dự thảo hiệp ước ghi, việc quản lý năng lượng nguyên tử vẫn thuộc phạm vi thẩm quyền của Liên bang Xôviết như trước đây (tr.5) còn quản lý hệ thống năng lượng (tr.6) lại thuộc quyền phối hợp. Nhưng các nhà máy điện nguyên tử hoạt động trong một hệ thống năng lượng thống nhất, tách việc quản lý năng lượng nguyên tử khỏi việc quản lý toàn bộ hệ thống năng lượng là không thể được. Cần chú ý ràng hệ thống năng lượng thống nhất là một cấu thành kinh tế phức tạp mà hoạt động và sự phát triển của nó phục tùng lợi ích toàn liên bang và liên các nước cộng hoà, do vậy duy trì sự quản lý thống nhất toàn liên bang là hợp lý. Điều đó cũng có thể áp dụng với các đường ống dẫn dầu và khí đốt. Bởi vậy đề nghị chuyển từ điều 6 đoạn "Soạn thảo một chính sách thống nhất và cân đối các nguồn dự trữ nhiên liệu - năng lượng, quản lý hệ thống năng lượng của đất nước và vận hành đường ống dầu - khí đốt - sang điều 5 "Phạm vi thẩm quyền của Liên bang Xôviết".


Đưa vào thẩm quyền của liên bang cả việc cấp bằng sáng chế phát minh là hợp lý vì vậy ở điều 5 dự thảo sau câu: "Ngành thuế quan thống nhất" cần bổ sung thêm "và thống nhất việc cấp bằng sáng chế phát minh".


2. Các ý kiến đề nghị xem xét mục quy định nội các phục tùng tổng thống, lại chịu trách nhiệm trước. Xôviết tối cao, hơn nữa lại ghi hai nguyên tắc đó vào một câu. Ở đây xuất hiện mâu thuẫn của khái niệm phục tùng và chịu trách nhiệm.


Có thể lặp lại trong hiệp ước nguyên tắc đang có hiệu lực của hiến pháp Liên Xô (nội các phục tùng tổng thống, chịu trách nhiệm trước tổng thống và trước Xôviết tối cao), hoặc là nghĩ ra cách khác giải quyết vấn đề đó (ví dụ: Nội các phục tùng tổng thống và chịu sự kiểm tra của Hội đồng tối cao liên bang).


3. Có cần thành lập lại các cơ quan chính quyền, quản lý và toà án liên bang sau khi ký hiệp ước khống (tr.26). Việc bầu, bổ nhiệm và chuẩn y các cơ quan chính quyền lập pháp và hành pháp là điều dễ hiểu khi hình thành các nguyên tắc và thể chế thành lập mới. Còn toà án tối cao Liên Xô, toà án trọng tài tối cao Liên Xô và các toà án quân sự là cơ quan toà án của liên bang thì được bầu ra suốt đời theo quy chế luật định hoặc là 10 năm, thêm nữa có sự tham gia của các nước cộng hoà. Thể chế bầu cử và các nguyên tắc hình thành các cơ quan đó đã được soạn thào trong 2 năm gần đây trên cơ sở: kinh nghiệm của Liên Xô và của thế giới, và không còn nghi ngờ gì nữa, việc bầu ra với thời hạn dài hoặc suốt đời thể hiện sự không ràng buộc của các cơ quan toà án với cơ cấu chính quyền khác và hình thành hệ thống toà án pháp luật ổn định như là quyền lực độc lập thứ ba ở trong nước, bảo đảm sự vững chắc của nhà nước và xã hội. Điều đó được hiệp ước xác nhận duy trì toà án sau khi ký hiệp ước là đúng đắn.


4. Một loạt ý kiến, mặc dù có tính chất phản đối nhưng đã ảnh hưởng tích cực đến nội dung của hiệp ước chưa được xem xét.

Tên gọi của hiệp ước đã phản ánh được tên của liên bang đang cần được củng cố (liên bang các Cộng hoà Xôviết có chủ quyền) hoặc gọi luôn là hiệp ước các quốc gia có chủ quyền. Nếu chúng ta áp dụng các từ ngữ ghép "hiệp ước về..." thì sẽ xuất hiện mâu thuẫn nội tại của 2 tên gọi liên bang - ở đầu đề và trong văn bản hiệp ước.


Chẳng hạn điều khoản 1 mục 3 nói về các nước cộng hoà trong thành phần của các nước cộng hoà khác có câu "trong đó mà nó tham gia" đã có sự kiến giải không nhất quán mà cần phải cụ thể hoá.

Đề nghị sửa lại phần 4 điều khoản 4: "Không cho phép sử dụng lực lượng vũ trang Liên Xô ở trong nước, ngoài việc tham gia của các lực lượng đó... vào việc khắc phục các hậu quả của các sự cố lớn, những thảm hoạ, những tai biến kinh tế và thiên tai...", tiếp theo giữ nguyên văn dự thảo. Đề nghị mở rộng lĩnh vực sử dụng lực lượng vũ trang Liên Xô nhằm sử dụng tính cơ động và kinh nghiệm thực thế tham gia vào việc khắc phục các sự cố và thảm hoạ không lường trước các hậu quả kinh tế.


Trong văn bản dòng thứ 4 của điều khoản 6 sau câu "không thuộc hàng xuất ra khỏi liên bang" đề nghị bổ sung như sau: "Quy định những nguyên tắc chung và tiêu chuẩn chung trong lĩnh vực bảo vệ nhân dân khỏi thiên tai và sự an toàn về sinh thái và công nghiệp...", tiếp theo giữ nguyên văn dự thảo. Dự thảo trong phần về an toàn sinh thái đề nghị chuẩn mực hoá các tiêu chuẩn sinh thái mà không bao quát được tất cả các khía cạnh ngăn ngừa các tình huống đặc biệt do tác động của thiên nhiên và hoạt động nhân chủng học gây ra.


5. Dự thảo cuối cùng không tính đến các ý kiến do Xôviết tối cao Liên Xô đưa ra: Về việc không cho phép các nước cộng hoà đình chỉ các đạo luật của liên bang và ngược lại, về hệ thống ngân hàng thống nhất và một số ý kiến khác.

Vấn đề đó đã nêu trong nghị quyết của Xôviết tối cao Liên Xô "Về dự thảo hiệp ước về liên bang các quốc gia có chủ quyền" đòi hỏi phải có sự thảo luận bổ sung"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 56, tr.251).


Văn bản đó đã làm tôi không còn ngần ngại khi đưa ra yêu cầu triệu tập đoàn đại biểu liên bang về dự thảo hiệp ước không đếm xỉa gì đến quyết định của Xôviết tối cao Liên Xô. Điều đó, như các bạn thấy, được phát biểu công khai. Trong điều buộc tội âm mưu tiến hành những hành động bí mật, người ta cố ý không nhắc đến văn bản này. Viện công tố liên bang đã khẳng định rằng "có khả năng công khai nói lên ý kiến về các vấn đề liên quan đến dự thảo hiệp ước liên bang, về tình trạng trong nước, đang bắt đầu có sự chuẩn bị để tiếm quyền"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 1, tr.48). Vậy ai là người có hành động bí mật - tôi, người đã phát biểu công khai tại cuộc họp của nội các với sự có mặt của Goócbachốp về tình hình khẩn cấp ở trong nước, đã gửi đến ông ta kiến nghị về dự thảo hiệp ước, hay là Goócbachốp - người đã giữ bí mật bản dự thảo hiệp ước của mình và như vậy chính ông ta đã che giấu sự cấu kết đầu hàng trước các lực lượng phân biệt dân tộc chủ nghĩa và là người đã chuẩn bị các kịch bản của một hiệp ước Munkhen mới? Tôi không muốn nêu ra ở đây bằng cớ của tôi về hai cuộc nói chuyện điện thoại với Goócbachốp về dự thảo hiệp ước sau ngày 10-8-1991. Cuộc nói chuyện không được ghi âm. Về phía mình, tôi không nghi ngờ gì là Goócbachốp sẽ từ chối. Nhưng không thể lẩn tránh các văn bản. Hơn nữa, văn bản tương tự ngay ngày hôm đó được gửi cho A.Lukianốp, Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô và ông ta xác nhận với tôi là đã nhận được văn bản đó và nhất trí với tôi.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 30 Tháng Giêng, 2022, 07:45:14 am
Cho phép tôi nhắc bạn đọc nhớ là việc công bố chính thức dự thảo hiệp ước trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ vào ngày 16-8-1991, tức là vào thứ 6, mà Goócbachốp dự định tiến hành ký kết vào ngày 20-8. Thêm nữa, công bố trước ngày nghỉ là một sự miễn cưỡng1 (Ở Liên Xô, thực hiện chế độ làm việc 5 ngày trong tuần, nghỉ thứ bảy và chủ nhật (N.D)). Việc công bố đó không nằm trong kịch bản. Dự tính trước tiên công bố trên báo "Tin tức Mátxcơva" vào ngày 15-8-1991, theo quy chế gọi là "Tiết lộ bí mật". Tiếp đó là một chuyện ầm ĩ "trong gia đình cao thượng", Goócbachốp phát khùng, nhưng đoàn tàu vẫn không chạy. Đành phải cho in, song không rộng và không được bình luận trên các phương tiện thông tin đại chúng.


Sau khi gửi cho Goócbachốp và Lukianốp những ý kiến và đề nghị của mình vào ngày 10-8-1991, tôi đã chính thức gửi đến các thành viên đoàn chủ tịch nội các Liên Xô và số đông các bộ trưởng lãnh đạo các ngành kinh tế và các lĩnh vực hoạt động quan trọng bản dự thảo hiệp ước nhận được của Goócbachốp về liên bang các quốc gia có chủ quyền và yêu cầu gửi sớm cho tôi những ý kiến và đề nghị có thể có của họ. Đồng thời thành lập nhóm chuyên gia của văn phòng nội các Liên Xô, Bộ Tư pháp Liên Xô và các cơ quan khác để nghiên cứu kỹ dự thảo hiệp ước, thu thập, nghiên cứu và tổng hợp những đề nghị và ý kiến các thành viên đoàn chủ tịch nội các, các bộ và các tổng cục. Tôi không cho mình khả năng tự ban hành quyết định về văn kiện đó. Việc cử tôi làm thành viên đoàn đại biểu liên bang với tư cách là Thủ tướng Liên Xô, tôi coi như là sự tin cậy đối với cơ quan hành pháp do tôi lãnh đạo, mặt khác tôi cho rằng một người dù đang giữ chức vụ nào, đang có tước vị gì đi nữa cũng không thể đưa ra quyết định liên quan đến toàn bộ đất nước và mỗi công dân nói riêng nếu không trao đổi ý kiến, thảo luận, nếu không có sự tham gia của trí tuệ tập thể. Nhân việc này, ngày 13-8-1991 đã thông qua quyết định đưa ra xem xét tại đoàn chủ tịch nội các thái độ của nội các Liên Xô đối với dự thảo hiệp ước do Goócbachốp gửi đến. Chương trình làm việc, đề tài và thời gian họp được gửi cho tất cả những người tham gia họp vào ngày 16-8-1991. Ngay việc gửi chương trình làm việc có nghĩa là cuộc họp và chủ đề cuộc họp được xác định trước theo kế hoạch chứ không phải nước đến chân mới nhảy. Điều đó rất dễ thấy, nếu nhìn vào các văn bản qua văn phòng nội các và hỏi mọi người. Không cần đưa ra các câu hỏi đặc biệt, trong lời khai V. Sécbacốp đã nói rằng, ông ta đã nhận được chương trình làm việc 2 ngày trước cuộc họp, còn Đôgugiép khi đi nghỉ về, ngày 16-8-1991, đã nhận được giấy mời chính thức tham gia cuộc họp với chương trình làm việc "Về dự thảo hiệp ước".


Thật chẳng thú vị chút nào khi phải nói rằng cuộc điều tra cố nặn ra lời buộc tội mà không cần tiến hành kiểm tra, dù là sơ đẳng nhất, các sự việc và các văn bản, đấy là chưa nói đến việc cần đánh giá khách quan các văn kiện đó. Suốt hơn một năm rêu rao giả thiết chính thức - cuộc mưu phản định diễn ra ngày 17-8-1991 trong thời gian gặp gỡ tại cơ sở "ABS" của KGB Liên Xô. Giả thiết đã được nêu lại trong cuốn sách của V. Xtêpancốp và X. Lixốp, trong trả lời phỏng vấn và các bài báo của họ. Ấy thế mà sau tháng 8-1992, giả thiết chính thức lại nói rằng cái gọi là mưu phản diễn ra ngày 5-8-1991, còn cá nhân tôi đã tham gia mưu phản đó từ ngày 16-8-1991, trong thời gian V. Criuscốp đến thăm từ 17 đến 18 giờ. Cái ngày tuỳ tiện đó đòi hỏi thay đổi toàn bộ giả thiết tiếp theo của các sự kiện, nhưng không có một dẫn chứng nào và cũng không có thời gian. Kết quả chỉ còn lại sự khẳng định tôi là một trong những người tổ chức vụ mưu phản, đã nhận được dự thảo hiệp ước từ ngày 5-8, cố ý giữ lại, không cho ai xem, đến ngày 10-8 mới viết nghị quyết. Hệt như làm ảo thuật, ngày 5 đã biết, như giả thiết của cuộc điều tra, chiều ngày 16, V. Criuscốp lôi kéo vào âm mưu và người đó tích cực tham gia, đã lệnh cho người giúp việc ngay từ buổi sáng sớm chuẩn bị dự thảo tuyên bố của nội các về việc không thể ký dự thảo hiệp ước. Dường như không cần chuẩn bị văn bản nào khác. Quả thật, không thể hiểu nổi tại sao dự thảo tuyên bố lại không gửi cho bất cứ ai và cũng không thảo luận tại đoàn chủ tịch nội các. Và Páplốp im lặng, không hề gây sức ép với ai. Mặc dù vậy kết luận của cuộc điều tra thật độc đáo - đoàn chủ tịch nội các đã nhất trí ký bản dự thảo hiệp ước và phá tan những mưu sâu kế hiểm của thủ tướng. Trong khi đó thì thực tế ngày 17-8-1991 đoàn chủ tịch nội các Liên Xô khi xem xét vấn đề hiệp ước liên bang các quốc gia có chủ quyền, đã thông qua quyết định gồm 2 điểm. Điểm thứ nhất: "... tán thành về nguyên tắc văn bản hiệp ước về liên bang các quốc gia có chủ quyền. Nhấn mạnh rằng trong tình hình chính trị, kinh tế - xã hội đang vô cùng phức tạp hiện nay, việc ký và nghiêm chỉnh thực hiện hiệp ước liên bang có ý nghĩa quan trọng để ổn định tình hình ở trong nước, hình thành liên bang đổi mới của các nước cộng hoà có chủ quyền".


Như vậy, điểm thứ nhất phản ánh thái độ đối với hiệp ước nói chung, còn trong điểm thứ hai, nội các trình bầy thái độ của mình đối với nội dung của dự thảo cụ thể do Goócbachốp chuẩn bị.

Đồng thời ý kiến trao đổi tại hội nghị đã chỉ ra rằng một loạt các điều khoản nêu trong hiệp ước đòi hỏi phải có sự nghiên cứu bổ sung và chính xác hoá:

a- Đặc biệt quan tâm đến việc trong hiệp ước không tìm thấy giải pháp cần thiết cho các vấn đề quan trọng sống còn như việc bảo đảm lương thực thực phẩm ở trong nước, việc cung cấp nhiên liệu, năng lượng điện và chất đốt cho nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân, và thiết lập hệ thống tài chính - ngân hàng thống nhất.

Đoàn chủ tịch nội các Liên Xô cho rằng việc tước bỏ của liên bang quyền điều phối và thống nhất những nỗ lực của các nước cộng hoà trong các lĩnh vực nêu trên có thể dẫn đến tình hình các nước cộng hoà buộc phải tự mình đơn độc giải quyết những vấn đề phức tạp nhất mà trong điều kiện hiện nay thực tế họ chưa đủ khả năng. Hơn nữa quan điểm đó mâu thuẫn với thực chất của nền kinh tế thị trường và yêu cầu cuộc sống đặt ra về việc duy trì và phát triển hơn nữa không gian kinh tế thống nhất;


b- Trong văn bản hiệp ước không phản ánh vấn đề thông qua và thi hành các đạo luật liên bang cũng như việc hình thành hệ thống liên bang các cơ quan bảo vệ pháp luật phải báo cáo với liên bang. Không thể xoá bỏ những điều kiện hiện hành đối lập với bộ luật của liên bang và các nước cộng hoà;


c- Điều cực kỳ quan trọng là phải xây dựng một cơ sở tài chính vững chắc, tin cậy để hình thành ngân sách liên bang;

d- Đòi hỏi làm chính xác hơn điều khoản của hiệp ước về sở hữu. Đoàn chủ tịch nội các Liên Xô cho rằng các cơ sở dành cho liên bang do các quốc gia tạo nên phải được coi là sở hữu của liên bang;

đ- Đòi hỏi phải đặc biệt lưu ý hoàn thiện cơ chế thực hành hiệp ước và trước hết trong thời kỳ quá độ. Trong vấn này can dự tính việc trước khi ký kết hiệp ước, các nước cộng hoà nhận về mình trách nhiệm không được thông qua trong các cơ quan liên bang những quyết định đơn phương thay đổi hệ thống quản lý liên kinh tế liên bang;


e- Tính đến việc có khả năng dẫn đến sự giải thích khác nhau các điều khoản của hiệp ước, nên cần phải soạn thảo các định nghĩa rõ ràng về các từ ngữ và khái niệm nêu trong đó.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 30 Tháng Giêng, 2022, 07:56:14 am
Do những điều trình bầy ở trên, đoàn chủ tịch nội các giao cho Vụ Pháp lý của nội các Liên Xô, đồng chí Phêganencô và Bộ Tư pháp Liên Xô, đồng chí Vưsinxki, trong vòng một ngày đêm chuẩn bị các kiến nghị cụ thể để đưa vào văn bản hiệp ước những bổ sung và sửa đổi và với tư cách là phương án - dự thảo biên bản tương ứng để trở thành một phần không tách rời, bắt buộc phải thực hiện của hiệp ước. Các Phó Thủ tướng Liên Xô, bộ trưởng, và lãnh đạo các tổng cục tham gia cuộc họp được giao nhiệm vụ đến cuối ngày phải đưa ra các ý kiến của mình về các vấn đề nêu trên và gửi cho nội các Liên Xô. Tôi có thể nói trước là các nhân vật nêu trên đã hoàn thành chính xác và đúng thời hạn nhiệm vụ được giao. Ngay sau khi kết thúc thảo luận và thông qua quyết định, các thành viên của đoàn chủ tịch nội các thoả thuận là nghị quyết đó cần đưa ra cho nội các xem xét với đầy đủ thành phần. Đoàn chủ tịch nội các tính đến ý nghĩa hết sức quan trọng của việc thông qua tại Đại hội đại biểu nhân dân dự thảo hiệp ước đối với vận mệnh các quốc gia và đối với nhân dân, cho rằng với quyền hạn của mình chưa đủ và cần phải đưa ra lấy ý kiến với đầy đủ thành phần theo hiến pháp với tư cách là một cơ quan tập thể.


Như đã thấy rõ từ trong quyết định, đoàn chủ tịch nội các dứt khoát không chấp nhận hiệp ước theo kiểu Goócbachốp. Nội các nhìều lần phát biểu tán thành ký kết hiệp ước, nhưng không phải hiệp ước như thế, mà một hiệp ước khác về nguyên tắc - hiệp ước liên bang mà nhân dân đã nhất trí tán thành trong cuộc trưng cầu ý kiến nhân dân ngày 17-3-1991. Còn tuyên bố của nội các thì đơn giản là trong thời điểm đó không còn cần thiết nữa do lôgích của các sự kiện. Chính nội các xuất phát từ chỗ cho rằng Tổng thống Liên Xô và các nhà lãnh đạo các nước cộng hoà cần phải tôn trọng luật pháp, các quyết định của cuộc trưng cầu ý kiến nhân dân, của đại hội đại biểu nhân dân và của Xôviết tối cao Liên Xô, không thể trở thành những người đề xuất và tổ chức các hành động phản hiến pháp. Chính do tính toán như vậy mà chúng tôi đã thoả thuận và tôi cần tìm cách thông báo đến Goócbachốp những ý kiến, đề nghị va dự thảo văn bản đã được chuẩn bị trước khi ký kết hiệp ước và bảo vệ có luận cứ lập trường của chúng tôi như là thành viên của đoàn đại biểu liên bang. Goócbachốp trước khi tay đã nói tại sân bay rằng sẽ trở về chiều ngày 18-8 hoặc sáng 19-8, bởi vì ông ta chưa ấn định dứt khoát, còn chúng tôi biết quyết định của ông ta qua V. Bônđin. Điều đó ông ta đã khẳng định khi nói chuyện điện thoại với tôi, hứa sẽ gặp gỡ và thảo luận trước các ý kiến của tôi. Như vậy, một ngày đêm xem xét các văn kiện trước hết là do chờ đợi ông ta trở về.


Lập trường có nguyên tắc đó rất cần thiết bởi sự tồn tại sức phá hoại to lớn của quả đạn - đó là dự thảo của Goócbachốp - đối với toà nhà liên bang và Nga, đối với nền hoà bình quốc gia, với sự bình yên an toàn của người dân và phúc lợi kinh tế của họ.


Sự đánh giá như vậy đối với dự thảo hiệp ước theo kiểu Goócbachốp không phải là ý kiến cá nhân của tôi hay là ý kiến của các thành viên đoàn chủ tịch nội các, của các bộ trưởng và của những quan chức mà báo chí dân chủ giả danh, thường buộc tội là không khách quan do hám đặc quyền đặc lợi. Trong cuộc sống mọi cái đều ngược lại, trước hết, chính những kẻ buộc tội là những người đã và đang sử dụng tất cả phúc lợi, đặc quyền, đặc lợi, những sự trả công "từ bên ngoài" v.v. nhiều hơn ai hết. Một nhóm 15 chuyên viên đã nghiên cứu dự thảo hiệp ước do Goócbachốp đưa ra và nhất trí rằng họ nghi ngờ tính chất hợp pháp của chính hiệp ước. Văn bản đó có nhiều mâu thuẫn bên trong, không lôgích và không mang tính chất thừa kế pháp luật.


Bên ngoài, đối với bạn đọc rộng rãi thì cảm thấy vấn đề nói đến là thứ yếu. Nhưng, xét trên quan điểm xây dựng nhà nước hiện thực, thì chính những vấn đề đó lại có ý nghĩa quyết định. Trong đó có vấn đề thừa kế pháp luật là một trong những vấn đề quan trọng nhất.


Các chuyên gia thừa nhận rằng, thứ nhất, không bảo đảm tính thừa kế pháp luật về tài chính. Không nói đến chức năng của Ngân hàng nhà nước Liên Xô là trung tâm phát hành thống nhất. Không quy định quyền và nghĩa vụ của các ngân hàng quốc gia đối với Ngân hàng nhà nước Liên Xô, không dành cho các ngân hàng đó chức năng độc quyền dự trữ cán bộ và các phương tiện hoạt động của các ngân hàng quốc gia, quyền là người duy nhất được toàn quyền đóng góp mở các ngân hàng, là người đại diện trong các quan hệ tài chính thế giới.


Thiếu tính thừa kế pháp luật trong lĩnh vực tài chính thì không thể xây dựng cộng đồng thế giới. Về phần mình, đối với mỗi nước tham gia liên bang, không có sự thừa kế pháp luật sẽ thực hiện nguyên tắc "bẫy chuột tài chính". Trong giai đoạn hiện nay của đời sống xã hội, tôi không cần phải đưa ra bằng cớ cho sự đúng đắn của mình. Bạn đọc tự biết điều đó diễn ra như thế nào trong thực tiễn, và biết rõ kết quả sau sự kiện tháng 8-1991.


Điều thứ hai giám định nêu ra là không bảo đảm nhân quyền được tuyên bố trang trọng trong dự thảo hiệp ước. Các chuyên viên đã nói thẳng ra rằng, ở Liên Xô các quyền xã hội được bảo vệ bởi văn bản cụ thể, đó là ngân sách Liên Xô được Xôviết tối cao Liên Xô chuẩn y và là chủ thể của sự bảo vệ về mặt xã hội cho công dân Liên Xô. Để bảo đảm bảo vệ các quyền xã hội và thực hiện ngân sách phải thành lập và trao quyền cho cơ quan thuế thống nhất của Liên Xô. Còn về các quyền pháp lý thì được bảo đảm bởi ngành tư pháp thống nhất và an ninh liên bang thống nhất với các cơ chế tương ứng - Bộ Tư pháp, cơ quan an ninh toàn liên bang v.v... Tất cả những cái đó đều không có trong dự thảo hiệp ước của Goócbachốp. Ngoài các quyền đó, họ lấy gì để bảo đảm. Và cuối cùng, các quyền công dân được bảo đảm bởi luật dân sự thống nhất của Liên Xô với cơ chế bộ luật dân sự và Toà án tối cao Liên Xô mà theo các chuẩn mực thế giới được coi như kiểu "nước cộng hoà chống Liên Xô", " Liên Xô chống các nước cộng hoà", "Pêtrốp và các nước cộng hoà chống Liên Xô", " Liên Xô và Pêtrốp chống các nước cộng hoà" v.v... Điều đó trong dự thảo cũng có. Ngày nay, có thể hỏi những người chạy loạn, những người về hưu, các quân nhân và rất nhiều, rất nhiều người khác, mà trên thực tế họ đã chạm phải vấn đề bảo vệ các quyền của mình sau những ngày tháng 8: Đặt vấn đề như vậy có đúng không? Gặp ai, đi đâu, hỏi gì và được phép làm gì? Hàng vạn con người, số phận, câu hỏi và yêu cầu đều không nhận được trả lời.


Thứ ba, các chuyên viên cảnh cáo rằng ngoài sự thừa nhận hiệp ước đó của chính quyền lập pháp tối cao Liên Xô, văn bản đó không phải là chính thống đối với cộng đồng thế giới. Điều đó quan trọng có tính nguyên tắc bởi vì những lời nói lan truyền trên báo chí thường do chính Goócbachốp gợi ý về khả năng ký kết hiệp ước kiểu "9 + 0", có nghĩa chỉ là sự bịa đặt không hơn không kém. Trong thực tế vào thời kỳ đó không một ban lãnh đạo nước cộng hoà nào đặt vấn đề thủ tiêu Liên bang Xôviết. Nhân dân tất cả các nước cộng hoà không bao giờ ủng hộ những ý đồ như vậy.


Thứ tư, lưu ý ràng sự om xòm về cộng đồng thế giới, những giá trị toàn nhân loại và v.v. trong dự thảo hiệp ước của Goócbachốp hoàn toàn không căn cứ vào các chuẩn mực thế giới, không sử dụng khái niệm luật pháp quốc tế và trích dẫn các văn bản của thế giới.


Thứ năm, dự thảo đã giữ nguyên một vấn đề vẫn chưa được giải quyết - việc các nước cộng hoà tách ra khỏi liên bang. Giờ đây mọi người đã rõ vì sao. Nhưng ngay lúc đó, các chuyên viên đã lưu ý là đối với cộng đồng quốc tế đang xuất hiện một sự bất ngờ nguy hiểm. Chẳng hạn không cần tính đến các nghĩa vụ quốc tế của Liên Xô, hôm nay Extônia tự ý tách ra, ngày mai là Ácmênia, ngày kia là Ucraina. Ai sẽ trả các khoản nợ? Đến nay, khi nước Nga tuyên bố là người trả các khoản nợ thay cho liên bang, đang lún sâu vào cái hố nợ nần các quốc gia khác, thì người ta mới sực nhớ tới lời cảnh cáo đó.


Và cuối cùng, điều thứ sáu, tôi xin dẫn ra nguyên văn: "... Khi thừa nhận liên bang, hiệp ước trên thực tế không xây dựng liên bang, mà là một câu lạc bộ các quốc gia. Nó trực tiếp dẫn tới thủ tiêu Liên Xô, trong hiệp ước đã đặt ra cơ sở cho các đồng tiên, quân đội, thuế quan của ngày mai v.v. thực hiện đường lối này một cách bí mật, lén lút, còn nguy hiểm gấp hai lần, bởi vì sẽ làm xói mòn tất cả những khái niệm đến mức tin rằng đã xuất hiện sự quái đản quốc gia"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 56, tr.251).


Tôi cho rằng có thể tìm ra dù chỉ ở mức độ nào đó, nguyên nhân của cuộc đấu tranh chính trị hết sức gay go chung quanh hiệp ước. Cuộc đấu tranh không khoan nhượng không phải để ủng hộ hay phản đối hiệp ước, ủng hộ Goócbachốp hay Enxin, ủng hộ "chế độ dân chủ" hay chế độ cực quyền, mà một bên là vì một đất nước thống nhất, một cuộc sống xứng đáng với nhân dân mình - còn bên kia là vì những tước vị riêng và để xâm chiếm tài sản quốc gia thuộc sở hữu của nhân dân. Cũng vì lý do đó mà nhà cầm quyền hiện nay của Nga đang dốc toàn bộ nỗ lực để tiến hành xét xử Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp như là một vụ xét xử những tội phạm hình sự, hơn nữa họ không dừng lại trước vô số những vi phạm luật tố tụng hình sự. Vụ án chính trị có lẽ đã làm cho toàn thế giới, mà cái chính là nhân dân chúng ta, thấy rõ bộ mặt hoàn toàn khác của người chiến sĩ hiện nay đang đấu tranh cho sinh thái - Goócbachốp và nhiều người khác. Không phải bỗng nhiên cả ba nhà báo nước ngoài đều bị khước từ, còn nhà báo trong nước thì chỉ cho phép 5 người đến dự, và phải chấp nhận quyết định không được quyền truyền hình trực tiếp vụ xử án.


Sau khi kết thúc phiên họp đoàn chủ tịch nội các Liên Xô ngày 17-8-1991, tôi về nhà và gọi xe đến để đi nhà nghỉ. Lúc đó đã gần 16 giờ ngày thứ bảy. Trong lúc đang chờ đợi và chuẩn bị lên đường thì V. Criuscốp gọi điện cho tôi. Sau những lời chào hỏi xã giao, ông mời tôi đi nghỉ ít lâu ở nhà nghỉ của ông để tiện trao đổi thông tin và những ý kiến về thực trạng kinh tế và tình hình chính trị - xã hội, bởi vì tình hình rất nghiêm trọng và tồi tệ đang diễn ra rất nhanh.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 08:36:35 am
12. CƠ SỞ "ABS"

Cuộc gặp gỡ tại cơ sở "ABS" của Uỷ ban An ninh quốc gia là rất đáng chú ý. Về cơ sở này, chủ yếu theo lời của V. Xtêpancốp và E. Lixốp, được báo chí thân chính phủ viết, thì có lẽ còn hơn cái được gọi là "cuộc tấn công nhà trắng". Bởi vì từ ngày đầu tiên cho tới tận hôm nay, tôi và các đồng chí đều bị buộc tội rằng, chính ở đó, tại cơ sở này, ngày 17-8-1991, chúng tôi đã tổ chức một cuộc mưu phản, soạn thảo kế hoạch, đề ra nhiệm vụ, phân công vai trò và lực lượng để thực hiện. Nhưng rồi việc điều tra cũng không thể làm cho lời buộc tôi được cụ thể hơn, cũng như chẳng đưa ra được một bằng chứng nào cả. Mọi mưu toan làm rối trí các bị cáo và đa số các nhân chứng, buộc họ phải vu cáo lẫn nhau, đều đã bị thất bại.


Trong lời buộc tội đưa ra ngày 5-12-1991, kết tội tôi mưu phản cướp chính quyền, E. Lixốp khẳng định rằng ngày 17-8-1991, tại cơ sở bí mật "ABS" của Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô ở thành phố Mátxcơva, tôi đã vạch ra kế hoạch cướp chính quyền trong nước; cách ly Tổng thống Liên Xô đang nghỉ ở Phôrôx (Crưm) và làm mất liên lạc với thế giới bên ngoài, sau khi đã gửi một tối hậu thư: hoặc thi hành ngay tình trạng giới nghiêm trong nước, hoặc là từ chức. Nếu tổng thống từ chối thực hiện yêu sách trên, thì tiếp tục cách ly ông ta, làm ra vẻ ông ta bị ốm và do đó không có khả năng lãnh đạo, mọi trách nhiệm của Tổng thống Liên Xô trao cho Phó Tổng thống Liên Xô Ianaép, thành lập Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp ở Liên Xô để quản lý đất nước và trao cho uỷ ban toàn quyền của cơ quan quyền lực cao nhất, thi hành tình trạng giới nghiêm. Để thực hiện kế hoạch đã định, dường như chúng tôi đã quyết định phái đến Tổng thống Liên Xô ở Phôrôx một nhóm người tham gia cuộc mưu phản bao gồm Báclanốp, Sênhin, Bônđin, Varennicốp, Plêkhanốp, Gênêralốp với nhiệm vụ tiếp tục cách ly và đưa ra những yêu sách của những kẻ mưu phản đối với tổng thống.


Về "việc cách ly" thì các bạn đã đọc ở phần trên. Bây giờ xin nói đến "những kế hoạch" không có thực, những sự bịa đặt khác.

Trong quá trình điều tra sơ bộ, ngay từ ngày đầu tiên tôi đã khẳng định rằng, tôi không hề thảo ra một kế hoạch nào đó để cướp chính quyền và cách ly Tổng thống Liên Xô, và tôi không biết gì về điều đó, tôi đã yêu cầu bác bỏ những lời đưa ra buộc tội tôi như những điều bịa đặt và phi lý. Tất cả những yêu cầu của tôi vẫn không được giải quyết. Đáng tiếc đó lại là một thực tế bình thường, bởi vì việc điều tra chẳng đưa ra được chứng cớ gì. Trong quá trình điều tra người ta cũng chẳng đưa ra được một chứng cớ nào, và cũng không tiến hành thẩm cứu. Hơn nữa, ngày 10-1-1992 với công văn số 18/6214-94, chính cuộc điều tra đã xác nhận rằng, "không có một văn bản nào phát lệnh điều tra cả".


Đáp lại đơn khiếu nại ngày 23-10-1991 của tôi về lời buộc tội tôi là bịa đặt và không cụ thể, do vậy việc điều tra là vi phạm luật tố tụng hình sự và sai quy định tố tụng, xâm phạm quyền được bảo vệ của tôi, khiến cho người bị buộc tội phải chứng minh tính chất vô tội của mình. Viên trưởng Viện kiểm sát Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga Xtêpancốp, người có quyền tối cao phán xét về sự vô tội của công dân Liên bang Nga, ngày 4-2-1992 có công văn số 34 TT-55-92/6214-91 cho biết rằng, tôi có thể trực tiếp tìm hiểu những bằng chứng làm cơ sở buộc tội trong quá trình thực hiện những yêu cầu của bộ luật tố tụng hình sự 201 của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga. Nói cách khác, người ta đưa cho anh 125 tập "Hồ sơ" hãy đọc và tự tìm ra những bằng chứng tội phạm của mình. Chúng tôi là những người xây dựng nhà nước pháp quyền dân chủ, không có thời giờ để nghiên cứu vấn đề của anh. Cứ ngồi đấy, suy nghĩ, anh đang còn có thời gian mà.


Vậy là tôi đã tìm được gì khi tìm hiểu với toàn bộ tài liệu hồ sơ liên quan đến buổi chiều ngày 17-8-1991. Tôi chỉ tin chắc một đìeu là sự miêu tả thực chất của cái gọi là kế hoạch cướp chính quyền trình bày trong quyết định ngày 5-12-1991 buộc tội tôi, không phải một cái gì khác ngoài sự bịa đặt. Nó chẳng liên quan gì đến sự có mặt của tôi ở cơ sở "ABS" của Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 08:38:31 am
Những nhân chứng có mặt trong cuộc gặp gỡ đó đã chứng minh điều sau đây:

1. Egôrốp Alếcxây Ghèócghiêvích

"Lần đầu tiên tôi được mời tham gia soạn thảo vấn đề tình trạng khẩn cấp trong nước là vào tháng 12-1990. Khoảng ngày 15 - 16-8 năm nay Criuscốp lần này đã giao cho chúng tôi soạn thảo văn kiện về những biện pháp cấp bách mang tính chất kinh tế, chính trị xã hội và luật pháp, cần phải thực hiện trong điều kiện tình trạng khẩn cấp...".


"Criuscốp lấy ra từ cặp của mình bản dự thảo văn bản mà tôi và Gigin đã soạn thảo trước cuộc gặp gỡ và đề nghị các thành viên xem qua những biện pháp cần phải thực hiện khi ban bố tình trạng khẩn cấp. Tôi xin lưu ý rằng tại cuộc gặp gỡ này văn bản vẫn chưa mang tên: "Quyết định số 1 của Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp". Lúc đó chúng tôi chỉ gọi một cách ước lệ văn bản đó là những biện pháp cấp bách nhằm ổn định tình hình kinh tế và chính trị trong nước"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 7, tr.7, 11).


"... Páplốp phát biểu rằng cần áp dụng những biện pháp cứng rắn nhất theo đúng pháp luật. Gruscô đã bác lại rằng, những biện pháp nêu ra trong văn bản dựa trên cơ sở hiến pháp Liên Xô và đạo luật về tình trạng khẩn cấp, không nên đề ra những biện pháp cứng rắn hơn nữa, như thế là đủ rồi"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 7, tr.12). Đáng chú ý là, cho đến tận nay, các dự thẩm viên cố gắng bỏ qua những lời "biện pháp theo đúng pháp luật" của tôi trong các tài liệu của họ.


"Nói thẳng ra (là trong cuộc gặp gỡ này) khống có ý kiến về việc thành lập Ủy ban nhà nước vè tình trạng khẩn cấp và thành phần những người tham gia uỷ ban này, dù sao chăng nữa tôi cũng đã không nghe nói đến điều đó"3 (Hồ sơ cá nhân, tập 7, tr. 13). Chính đấy là sự rủi ro. Người làm chứng thì không nghe thấy, còn các dự thẩm viên lại nghe rõ. "Trong bữa ăn tối nói chung không có vấn đề gì quan trọng về kế hoạch thi hành tình trạng khẩn cấp, chỉ đến cuối bữa thì Criuscốp mới nêu vấn đề là cần bàn lại với Enxin và các thủ lĩnh của các nước cộng hoà khác để họ ủng hộ quyết định thi hành tình trạng khẩn cấp"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 7, tr.14). Dĩ nhiên theo V. Xtêpancốp đến nay ông ta vẫn khẳng định rằng chúng tôi đã vi phạm chủ quyền của các nước cộng hoà.


"Criuscốp đã đề nghị hay đến chỗ tổng thống thuyết phục ông ta tạm thời trao toàn quyền của mình cho uỷ ban về tình trạng khẩn cấp, còn bản thân thì cứ nghỉ phép... Tuy nhiên mọi người đều phản đối đề nghị này"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 7, tr.11-12).


"Tôi không hề nghe thấy một ý kiến nào trong hội nghị nói về việc cách ly tổng thống trong trường hợp ông không tán thành ý định của những người đã tập hợp3 (Hồ sơ cá nhân, tập 7, tr.78).

"Về mục đích của cuộc toạ đàm, tôi hiểu rằng nhiệm vụ của những người phải bay đến chỗ tổng thống là, thứ nhất, thông báo cho tổng thống về sự cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong nước, thuyết phục ông ký lệnh về thi hành tình trạng khẩn cấp, và thứ hai, nêu ông ta không ủng hộ điều đó thì thoả thuận tạm thời trao toàn quyền cho Ianaép hoặc một nhóm đại diện. Criuscốp đưa ra thời hạn một tháng, còn những người khác, theo tôi, Páplốp và ... đã phản đối và nói rằng như thế không ổn. Tôi cũng chẳng biết nên hiểu họ thế nào nữa... Tại cuộc gặp gỡ này không khẳng định một kế hoạch - chỉ thị rõ ràng nào cho các phái viên được cử đến gặp Goócbachốp, chỉ có bàn bạc, trao đổi ý kiến và không thông qua một kế hoạch cụ thể nào4 (Hồ sơ cá nhân, tập 7, tr.79).


Dự thẩm viên: "Theo xác minh thì những người được chỉ định bay đến chỗ tổng thông nhận được những chỉ thị rõ ràng: yêu cầu tổng thống từ chức, và trong trường hợp ông cự tuyệt, thì công bố ông bị ốm, cách ly ông ở Phôrôx, bằng cách thay thế và tăng cường cảnh vệ, cắt liên lạc. Ông có xác nhận điều đó không?"


Trả lời của Egôrốp A.G.: "Không, không có sự sắp đặt đó, dù thế nào chăng nữa tôi cũng không nghe thấy. Như tôi đã nói, vẫn chưa đề ra một kế hoạch rõ ràng, chỉ có thảo luận những lời đối đáp, đề xuất, phản đối. Theo tôi hiểu thì những người được cử bay đến chỗ tổng thống, trước hết phải thuyết phục tổng thống thấy được sự cần thiết phải tự mình ban bố tình trạng khẩn cấp, tức là như tôi đã trả lời ở cuộc gặp lần trước".


Dự thẩm viên: Việc điều tra đã cung cấp những tài liệu cho hay rằng dầu sao đi nữa trong cuộc gặp gỡ này một kế hoạch cụ thể cũng đã được thảo ra: Trong trường hợp tổng thống cự tuyệt thì cách ly ông ta, xin từ chức hoặc tuyên bố về bệnh tình của mình. Hẳn ông phải biết điều đó, tức là trong cuộc gặp đó ông đã tuyên đọc bản dự thảo tuyên bố từ chức của tổng thống và, với tính chất là một phương án đối sách, từ chức vì lý do bệnh tình, ông xác nhận điều đó chứ?".


Trả lời của Egôrốp A.G.: "Không, không có điều đó. Tôi quả quyết và hoàn toàn thành thực nói rằng, tôi không hề đọc một dự thảo nào về tuyên bố từ chức hoặc về bệnh tình của tổng thống. Những lời nói về việc cách ly tổng thống theo tôi là không có. Tôi không thể giải thích nổi từ đâu ra lại xuất hiện những tin cho rằng tôi đã đọc những văn bản như vậy. Tôi đã đọc một phần bản dự thảo làm cơ sở của quyết định số 1 của Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, và chỉ có thế"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 7, tr.70, 80).


Dự thẩm viên: Theo hồ sơ tài liệu rõ ràng là ông và Grachốp đã nhân danh Tổng thống Liên Xô soạn thảo tuyên bố từ chức của tổng thống. Văn kiện này được đọc vào chiêu ngày 17-8 tại cơ sở "ABS". Ngày 18-8 một phái đoàn đã mang văn bản này đến gặp Goócbachốp ở Crưm. Liệu ông có xác nhận điều đó không?".


Trả lời của Egôrốp A.G.: "Không, chúng tôi không soạn thảo văn bản đó và tôi không được nghe đọc tại cuộc gặp gỡ ở cơ sở "ABS". Tôi chẳng biết gì về văn bản này".

Chỉ có thể có một kết luận khách quan: đó là những mưu đồ thô bỉ của cơ quan thẩm cứu định gán cho nhân chứng Egôrốp A.G. Câu trả lời có thể xác nhận sự bịa đặt của phía buộc tội, vì nó nói trắng ra thiên hướng buộc tội của bên thẩm cứu. Trong ba lần bị hỏi cung ngày 6-9, ngày 17-10 và ngày 16-12-1991, nhân chứng vẫn một mực không dao động tuyên bố rằng không hề trò chuyện cả về việc cách ly lẫn việc từ chức của Tổng thống Liên Xô vào chiều ngày 17-8-1991, cũng không hề có việc thảo ra kế hoạch cướp chính quyền nào. Những tài liệu mà các nhà điều tra hứa hẹn với nhân chứng trong các cuộc lấy cung cũng đã không được đưa ra và không có trong hồ sơ. Còn việc bàn về sự cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp, những biện pháp cần phải thực hiện khi thi hành tình trạng khẩn cấp, những đề nghị đi đến chỗ Tổng thống Liên Xô kèm theo bản báo cáo của cá nhân về vấn đề này không phải là tội hình sự, mà là một phần chức trách của tôi. Sau cùng, thậm chí tên gọi Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp lúc đó cũng không có.


2. Asalốp Vlađixláp Alécxêêvích

"... Ngày 17-8, cuối ngày làm việc, vào khoảng 17 giờ... Páplốp bắt đầu kể về phiên họp của nội các Liên Xô. Ông đã phác hoạ tình hình trong nước cực kỳ phức tạp, tôi có thể nói là tột cùng phức tạp, đặc biệt là ở các khu vực Uran, Iacút, Treliabinxcơ và phân ra hai vấn đề - năng lượng và lương thực. Đến đây Páplốp bắt đầu kể ra tên ai đã phát biểu và phát biểu như thế nào, nhất là để bảo vệ hiệp ước liên bang và cuối cùng tổng kết lại chỉ vẻn vẹn có 2 ý kiến phát biểu bảo vệ hiệp ước liên bang tại phiên họp này. Páplốp đã kết luận rằng cần bay đến và thoả thuận với Goócbachốp, nhưng thoả thuận về điều gì thì ông đã không nói"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 94, tr.3, 4).


Dự thẩm viên: "Hãy kể một cách chi tiết hơn về hội nghị ngậy 17-8 tại nhà nghỉ của KGB".

Trả lời của Asalốp V.A.:"Cuộc nói chuyện đã diễn ra theo kiểu toạ đàm. Páplốp kể về tình hình kinh tế khó khăn ở từng vùng trong nước và sau đó nói đến sự cần thiết phải thi hành tình trạng khẩn cấp, rồi họ nói đến sự cần thiết phải giải quyết vấn đề đó với M.X. Goócbachốp, muốn vậy phải đi đến chỗ ông ta và thuyết phục ông ta thi hành tình trạng khẩn cấp. M.I. Iadốp đề nghị Varennicốp đi và ông ấy đồng ý. Sau đó chúng tôi giải tán. Còn chuyện nói rằng sẽ làm gì trong trường hợp M.X. Goócbachốp không chịu thi hành tình trạng khẩn cấp, là không có.


... Cả chuyện nói về cách ly tổng thống, lẫn về huỷ bỏ quyền lực của tổng thống đều không có. Cũng không có ý kiến nào phát biểu về việc đưa quân vào, không nói đến hội nghị nào và cũng không có chuyện phối hợp hành động với các sĩ quan của KGB.


Kết luận cũng chỉ có một - những lời khai ngày 24-8 và ngày 11-10-1991 xác nhận một điều: không có một lời nào nói về việc bãi chức, cách ly hay từ chức ngày 17-8-1991 tại cơ sở "ABS" của KGB Liên Xô cả.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 08:40:32 am
Những người bị buộc tội vì có mặt buổi chiều ngày 17-8-1991 đã khai như sau:

1. Gruscô Víctor Phêđôrôvích

Dự thẩm viên: "Hãy cho biết cụ thể, cuộc gặp gỡ của những nhân vật nổi tiếng tại cơ sở "ABS" ngày 17-8 năm nay1 (Cuộc hỏi cung tiến hành năm 1991 (N.D)) đã diễn ra như thế nào? Chủ đề của cuộc găp này là gì? Ai đã nói ở đó, theo trình tự nào và về vấn đề gì? Những quyết định nào đó đã được thông qua?"


Trả lời của Gruscô V.Ph.: Cuộc nói chuyện bên bàn ăn là một cuộc nói chuyện không chính thức, tức là không có trình tự phát biểu, không có sự nhất quán nào đó, chỉ là những lời đối đáp, phản đối sa vào vào đủ mọi vấn đề, không định rõ một chủ đề cụ thể nào cả, người ta nói lộn xộn, ngắt lời lẫn nhau. Theo tôi hiểu, vấn đề chính, chiếm phần lớn thời gian, đó là vấn đề cần phải bay đến chỗ Tổng thống Liên Xô ở Crưm, cho ông ta biết tình hình bi đát trong nước và thúc dục ông áp dụng những biện pháp kiên quyết, tức là đề nghị thi hành tình trạng khẩn cấp trong nước, và nếu như ý định này không được ủng hộ, thì giục ông tạm thời trao toàn quyền của mình cho Ianaép vì lý do bệnh tình. Sau đó, khi tình trạng khẩn cấp đã được thi hành, thì trả lại chức trách của mình, ở đây không hề có một ý đồ thâm độc nào đối với tổng thống, cho nên người ta đã quyết định rằng đi đến chỗ tổng thống phải là những người gần gũi nhất với ông để có thể thuyết phục được ông. Vậy là vấn đề về ban bố tình trạng khẩn cấp chưa được đặt ra... Vấn đề thành lập Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp không được nói đến trong cuộc gặp gỡ này, theo tôi, ngay cả tên gọi đó còn chưa được nghĩ ra, và hơn nữa, không hề có lời nào về việc "cưỡng bức tổng thống thoái vị". Điều đó không hề có cả trong ý nghĩ của những người có mặt, bởi vì họp mặt ở đây gồm toàn những người trung thành và thân cận với tổng thống, muốn giúp ông khắc phục tình hình1 (Hồ sơ cá nhân, tập 4, tr.92, 93).


"Criuscốp nói rằng ông ta biết đội bảo vệ và ông ta sẽ có cách ... Cách gì thì Criuscốp không nói"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 4, tr.92, 93).

"Páplốp đã trình bầy rõ ý kiến cho rằng cần bay đến chỗ tổng thống, nếu không thì tình hình sẽ đổ vỡ. Ông cũng nói về tình hình đầy tai hoạ trong lĩnh vực kinh tế: mất mùa, các quan hệ kinh tế bị phá vỡ v.v. và rằng, mỗi nước cộng hoà đều "khó khăn về phía mình" và với tình hình đó thì có thể sẽ bắt đầu một tình trạng hỗn loạn"3 (Hồ sơ cá nhân, tập 4, tr.92, 93).


Ý kiến cho rằng cần phải thông báo về những quyết định được thông qua của Lukianốp, Bécxmerơnức uà Ianaép không được bàn đến trong cuộc gặp gỡ. Cũng không hề có chuyện nói rằng cần giải quyết vấn đề sử dụng quân đội và phân bố lực lượng"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 4, tr.93).


Dự thẩm viên: "Có hay không lời phát biểu nói rằng việc ký kết hiệp ước liên bang sẽ dẫn đến sự tan rã của liên bang, ai đã phát biểu và vào lúc nào?".

Trả lời của Gruscô V.Ph.: "Páplốp đã nói điều đó, nghĩa là cần bay đến chỗ tổng thống trước khi ký hiệp ước liên bang, bởi vị sau khi hiệp ước được ký thì đã quá muộn. Không thấy nói gì đến việc không ký hiệp ước".

Dự thẩm viên: "Hồ sơ tài liệu cho thấy rõ rằng trong cuộc gặp gỡ này ông và Egôrốp đã tuyên đọc trước những người tham gia cuộc họp các bản dự thảo thư gửi nhân dân Liên Xô, tuyến bố của ban lãnh đạo Liên Xô, quyết định số 1, ngoài ra Egôrốp còn đọc dự thảo tuyến bố của tổng thống về việc từ chức, cũng như phương án đối sách, dự thảo tuyên bố của ông ta về việc trao toàn quyền cho Ianaép vì lý do bệnh tình. Ông có thể giải thích thêm điều gì không?".


Trả lời của Gruscô V.Ph.: "Không, chúng tôi không đọc một tài liệu nào, như tôi đã nói. Những tài liệu như dự thảo tuyên bố của tổng thống về việc từ chức hoặc về việc trao toàn quyền cho Ianaép vì bệnh, không phải do chúng tôi soạn thảo"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 4, tr.93).


"Không, trong cuộc gặp gỡ không hề có một câu chuyện nào về việc sử dụng quân đội và tôi không hề nghe thấy Criuscốp và Iadốp nói đến điều đó"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 4, tr.94).

"Vấn đề ban bố tình trạng khẩn cấp trong cuộc gặp gỡ tại cơ sở "ABS" không phải đã được quyết định từ trước, mà là đã được bàn bạc từ trước. Trong cuộc gặp này, khi Criuscốp nói rằng chừng nào đến Phôrôx, Plêkhanốp sẽ "có biện pháp" thì tôi hiểu rằng Plêkhanốp đảm bảo giấy thông hành vào nhà nghỉ cho những người bay đến và sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ với Goócbachốp. Còn về sự cách ly lẫn cắt liên lạc thì Criuscốp không nói"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 4, tr.95).


Kết luận ở đây cũng rõ ràng - phía thẩm cứu nói tới những tài liệu không có thật, sắp đặt cho người bị hỏi câu trả lời theo ý mình. Nhưng những câu trả lời cho thấy rõ rằng, không có ai thảo ra một kế hoạch nào vào ngày 17-8 tại cơ sở "ABS" và không có chuyện nói tới việc bãi chức, cách ly tổng thống.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 08:42:00 am
2. Bônđin Valeri Ivanôvich

"Ngày 17-8, Criuscốp đã gọi điện tới bệnh viện cho tôi và mời tôi. Khi tôi tới đó thì ở đó đã có mặt... Vấn đề được nói tới là tình hình nếu ký hiệp ước liên bang, thực trạng kinh tế và do đó cần phát báo cáo tình hình cho tổng thống biết và để làm điều đó phải đến miền Nam, đến Crưm là nơi lúc đó Tổng thống Liên Xô, Goócbachốp M.X. đang ở nhà nghỉ tại Phôrôx."3 (Hồ sơ cá nhân, tập 76, tr.213).


"Vấn đề được bàn đến ở đây là sự tan rã của nhà nước, sự cần thiết phải áp dụng những biện pháp quan trọng nhất - gìn giữ liên bang"4 (Hồ sơ cá nhân, tập 76, tr.223).

Dự thẩm viên: "Valeri Ivanôvích, ông hãy nói cho biết, ngày 17-8-1991 tại cơ sở của KGB, nơi ông cũng có mặt ở đấy, có hay không nói đến việc thay thế cảnh vệ của biệt thự của tổng thống nếu như ông ta từ chối những đề nghị của những người đến gặp".


Trả lời của Bônđin V.M.: "Tôi chứng kiến không có"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 76, tr. 231).

Dự thẩm viên: "Valeri Ivanôvích, hãy nói rõ, cuộc gặp đó không bàn đến vấn đề bãi chức của tổng thống, nếu như ông ta không đồng ý chấp nhận những đề nghị của các cơ quan mà ông đã nêu có phải không?".

Trả lời của Bônđin V.I.: "Vấn đề bãi chức của tổng thống nói chung không được bàn đến".

Dự thẩm viên: "Hãy cho biết, trong cuộc gặp này vấn đề cách ly tổng thống có được bàn đến hay không?".

Trả lời của Bônđin V.I.: "Khi tôi có mặt thì những vấn đề đó không được bàn tới"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 76, tr.238).

Có lẽ chẳng cần bổ sung điều gì và những lời bình nào nữa đối với những câu trả lời của V.Bônđin ngày 23-8, ngày 2-9, ngày 2 và ngày 10-10-1991.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 08:43:30 am
3. Varennicốp Valentin Ivanôvích

Trong tuyên bố riêng đối với bên dự thẩm có đoạn: "Phân tích cuộc gặp gỡ ngày 17-8, tôi thành thật tuyên bố rằng, tôi không thể coi mình là kẻ tham   gia mưu phản: trong cuộc gặp gỡ không hề có chuyện nói đến cướp chính quyền, ngược lại, đã nói đến việc củng cố chính quyền hiện hành và ổn định tình hình; đồng thời có mặt ở đây là những người lãnh đạo đã có quyền lực lớn (xin nói thêm: Ianaép và Lukianốp), tôi không coi toàn bộ những cái đó là vụ mưu phản. Đó là những người lãnh đạo lo lắng đến tình hình của nhà nước chúng ta;


- Không hề nói tới việc bãi chức tổng thống, mà vấn đề được xem xét là tạm thời trao toàn quyền của tổng thống cho phó tổng thống (nhân tình trạng sức khoẻ và tình thế khó khăn mà M.X. Goócbachốp lâm vào - ngụ ý nói đến tình hình trong nước). Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh rằng, vấn đề nói đến chính là tạm thời trao các chức năng, chứ không phải là bãi chức... tại sao lại nảy ra ý định tạm thời trao các chức năng... Trước kia Toà án tối cao Liên Xô đã đoán trước tình hình có thể nghiêm trọng trong nước, nên đã cho tổng thống toàn quyền cần thiết để ông có thể tuỳ cơ chặn đứng những xu hướng nghiêm trọng (lúc đó đưa vào quyền điều hành của tổng thống v.v.). Nhưng M.X. Goócbachốp đã không sử dụng quyền hạn đó đúng lúc, còn bây giờ thực hiện những biện pháp khẩn cấp thì đã muộn. Bởi vậy, mọi người đã quyết định giúp đỡ ông. Còn về sau ông sẽ phải tiếp tục hoạt động của mình, song phải là trong tình hình mới, - ổn định.


... Ngày 17-8 nói chung không nói gì tới việc cướp chính quyền, về đảo chính, v.v... Trong lúc tôi có mặt, không một ai nói tới việc thay thế các nhà lãnh đạo của nhà nước đã được bầu ra một cách hợp pháp"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 103, tr.174,175,176).


(Ngày 28-8) Dự thẩm viên: "Sự tham gia của Plêkhanốp - người chỉ huy cảnh vệ của tổng thống có liên quan
Trả lời của Varennicốp V.I.: "Có thể, những vấn đề cách ly tổng thống đã được những người tham gia hội nghị đề ra từ trước và do đó Plêkhanốp đã được giao một nhiệm vụ nào đó, nhưng tôi không hay biết gì"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 93, tr.249).


Dự thẩm viên: "Khi nào thì ông được biết rằng sự liên lạc ở biệt thự của Tổng thống Liên Xô Goócbachốp sẽ bị cắt?".

Trả lời của Varennicốp V.I.: "... Nếu như trong hội nghị ngày 17-8-1991 tại cơ sở của KGB người ta đã thảo luận vấn đề cắt đứt liên lạc của Goócbachốp thì tôi cũng không cắt nghĩa nổi điều đó đối với bản thân mình nữa... Còn nói rằng việc cách ly tổng thống đã được lập thành kể hoạch, thì tôi không hiểu được, vì điều này không ai nói đến"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 102, tr.116).


Dự thẩm viên: "Valentin Ivanôvích, xin ông cho biết, có gì nói về việc cách ly tổng thống ở Phôrôx không?".

Trả lời của Varennicốp V.I.: "Riêng cá nhân tôi không nghe thấy điều này, bởi vì trong quá trình toạ đàm đôi lúc chúng tôi tách ra thành từng nhóm. Ví dụ, tôi thỉnh thoảng trao đổi với Páplốp, ngôi phía bên phải ai đó, về vấn đề thu hoạch mùa màng, bởi vì các khu vực lân cận dưới quyền tôi và giới quân nhân đã giúp giải quyết vấn đề này"3 (Hồ sơ cá nhân, tập 102, tr.135).


"... Nội dung cuộc nói chuyện ở cơ sở "ABS" của KGB đối với tôi không thể là bằng chứng để kết luận rằng đó dường như là một vụ mưu phản"4 (Hồ sơ cá nhân, tập 102, tr.215).

"Tôi không hề thấy một văn bản nào trong tay ai cả và không một ai đọc lên. Chỉ trừ có "Thư gửi nhân dân" - trích từng đoạn được cán bộ của KGB đọc. Nhưng những trích đoạn ấy có nội dung yêu nước"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 102, tr.216).


"Trong khi tôi có mặt, không hề có ai bàn đến một biện pháp nào đã kể ("đã nêu") cũng như một yêu sách nào cả"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 102, tr. 217).

"Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã được thành lập trước khi tôi tham gia cuộc toạ đàm ngày 17-8"3 (Hồ sơ cá nhân, tập 102, tr.219).

"Không phải tôi, cũng chẳng một ai trong số những người có mặt đưa ra bất kỳ một yêu sách nào, huống chi là những yêu sách đã soạn thảo từ trước và có tính chất tối hậu thư đối với tổng thống ở Crưm"4 (Hồ sơ cá nhân, tập 102, tr.220).


Tất cả những lời khai đã dẫn ngày 23, 24, 29-8, ngày 26-10, ngày 5 và 29-11-1991, cũng như những lời khai khác của Varennicốp V.I. xác nhận rõ một điều ngược hẳn với sự khẳng định của phía buộc tội - không một kế hoạch nào về cướp chính quyền, mưu phản, bãi chức và cách ly Tổng thống Liên Xô được bàn đến trong ngày 17-8-1991 tại cơ sở "ABS" của KGB Liên Xô.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 08:44:34 am
4. Báclanốp Ôlếch Đmitriêvích

Dự thẩm viên: "Ngày 16-8, ông ở chỗ Criuscốp trong toà nhà của KGB có phải không?".

Trả lời của Báclanốp Ô.Đ.: "Rõ ràng là có sự kiện đó. Tôi không thể phủ nhận điều đó".

Dự thẩm viên: "Cuộc gặp gỡ đó là gì, về những vấn đề gì?".

Trả lời của Báclanốp Ô.Đ: "Có thể, đó là chuyện về việc cần phải đến gặp và thoả thuận với Goócbachốp vì tình hình hết sức phức tạp. Có lẽ, chuyện đó xảy ra vào ngày 16, chứ không phải ngày 17, như tôi đã nói trước đây"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 21, tr.69).

Dự thẩm viên: "Vấn đề cần cách ly tổng thống đã được bàn đến khi nào?".

Trả lời của Báclanốp Ô.Đ.: "Điều này tôi không biết"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 21, tr.71).

Dự thẩm viên: "Ông có quan hệ gì tới những hoạt động cụ thể được trình bày trong lời buộc tội không?".

Trả lời của Báclanốp Ô.Đ: "Tôi có thể nói như sau: Ngày 17-8-1991, tôi không thảo ra kế hoạch cướp chính quyền".

Dự thẩm viên: "Vậy thì vào ngày đó có ai khác đã thảo ra một kế hoạch như vậy chăng?".

Trả lời của Báclanốp Ô.Đ.: "Điều đó tôi không biết"3 (Hồ sơ cá nhân, tập 22, tr.94).

Dự thẩm viên: "Tại hội nghị ngày 17-8, chuyến đi Phôrôx đến chỗ Goócbachốp của ông đã được nói đến dưới dạng nào?".

Trả lời của Baclanốp Ô.Đ.: "Không có chuyện nào nói tới vấn đề đó trong thời gian gặp mặt".

Dự thẩm viên: "Vào ngày đó ông ở lại cơ sở "ABS" bao lâu?".

Trả lời của Báclanốp Ô.Đ: "Không quá một tiếng rưỡi".

Dự thẩm viên: "Chuyện gì đã xảy ra tại cơ sở này trong thời gian gặp gỡ?".

Trả lời của Báclanốp Ô.Đ.: "Tôi đã trả lời về câu hỏi đó. Mọi người nói về tình hình nghiêm trọng trong nước, rằng cần phải áp dụng những biện pháp nào đó. Về vấn đề này, tổng thống giữ quan điểm rất thụ động và vì vậy cần phải đề ra những kiến nghị cụ thể cùng với tổng thống, để thoát khỏi tình thế đó. Chỉ có đơn thuần trao đổi ý kiến như vậy".


Dự thẩm viên: "Vậy hội nghị có nói về việc thay thế tổng thống, đề nghị ông ta từ chức hay không?".

Trả lời của Báclanốp Ô.Đ: "Không, không nói. Và ở Phôrôx không một ai trong số chúng tôi đưa ra một yêu sách nào đối với Goócbachốp và cũng chẳng xúi giục gì".

Dự thẩm viên: "Thế có nói tới việc ban hành tình trạng khẩn cấp trong nước hoặc ở từng địa phương hay không?".

Trả lời của Baclanốp Ô.Đ.: "Không, không nói".

Dự thẩm viên: "Còn về khả năng cách ly tổng thống?"

Trả lời của Baclanốp Ô.Đ.: ''Không, không có".

Dự thẩm viên: "Ông có mang theo tài liệu nào không?

Trả lời của Báclanốp Ồ.Đ.: ''Tôi chẳng có tài liệu nào. Và tôi cũng chẳng nhìn thấy đồng chí nào có tài liệu cả".

Dự thẩm viên: Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp có liên quan gì tới việc đưa quân vào Mátxcơva?"1 (Hồ sơ cá nhân tập 22, tr.97).

Trả lời của Báclanốp Ô.Đ.: "Vấn đề này không được bàn tới ở Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp".

Dự thẩm viên: "Không có chuyện đó ở đâu ư?".

Trả lời của Báclanốp Ô.Đ.: "Không ở đâu. Kể cả ở Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp lẫn trong các câu chuyện cả nhân"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 22, tr.110, 111).


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 08:46:00 am
5. Criuscốp Vlađimia Alếchxanđrôvích

"Báclanốp, Bônđin, Varennicốp V.I., chỉ huy lục quân, Sênhin O.X. đã đi đến chỗ Goócbachốp để trao đổi với ông về những khó khăn trong nước, cho ông thấy rằng, khủng hoảng ngày một trầm trọng và chúng ta sẽ khó qua được mùa thu và mùa đông"2 (2, 3. Hồ sơ cá nhân, tập 2, tr.3, 39).


"Mục đích: thông báo tình hình trong nước, chỉ ra rằng tình hình ngày càng xấu đi, nếu thấy M.X. Goócbachốp không muốn có những biện pháp khẩn cấp, thì đề nghị ông uỷ quyền cho Ianaép G.I, còn tổng thống thì tạm lánh sang một bên, dù chỉ là ít ngày. Cũng có ý định cắt liên lạc của tổng thống, tăng cường cảnh vệ của cơ sở, nơi ông ở, để bảo đảm chắc chắn sự an toàn cho cá nhân ông"3 (2, 3. Hồ sơ cá nhân, tập 2, tr.3, 39).


Dự thẩm viên: "Còn trong trường hợp ông ta không đồng ý thì sao?".

Trả lời của Criuscốp V.A: "Trong trường hợp ông không đồng ý, chúng tôi phải bàn vấn đề đưa các đồng chí của chúng tôi trở về4 (Hồ sơ cá nhân, tập 3, tr.6).

"... Điều rất quan trọng là: không một lúc nào, trong câu chuyện nào, có ai đó lại đưa ra vấn đề tước đoạt chính quyền"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 2, tr.14).

Dự thẩm viên: "Khi nào và ai phát biểu rằng cần phải thay Tổng thống Liên Xô?".

Trả lời của Criuscốp V.A.: "Vấn đề cần phải thay Tổng thống Liên Xô M.X. Goócbachốp không được đặt ra và chẳng ai đặt ra cả"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 2, tr.161).

"Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng, vấn đề thay thế Tổng thống Liên Xô là không có..."3 (Hồ sơ cá nhân, tập 2, tr.163).


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 08:46:59 am
6. Iadốp Đmitri Timôphêêvích

Dự thẩm viên: "Hãy nói rõ thêm, dầu sao thì cũng có một vụ mưu phản như vậy chứ? Có sự thông mưu hay không?".

Trả lời của Iadốp Đ.T: "... Về phần tôi, tôi cho rằng không có vụ mưu phản"4 (Hồ sơ cá nhân, tập 99, tr.118).

Dự thẩm viên: "Ông có thể nói theo cách của người Nga với nhau được chứ? Nếu tổng thống không tán thành, thì nhóm các ông phải có những hành động gì ? Các ông đã bàn nhau như thế nào?".

Trả lời của Iadốp Đ.T.: "Không bàn bạc trước. Vấn đề phải hành động như thế nào, không được bàn trước. Tôi đã nói với các ông rồi"5 (Hồ sơ cá nhân, tập 99, tr.121).

Dự thẩm viên: "Không, ngày 17 các ông gặp nhau tại cơ sở, Asalốp có mặt không?".

Trả lời của Iadốp Đ.T.: "Có".

Dự thẩm viên: Ở đó, vấn đề đã được quyết định chứ?".

Trả lời của Iađốp Đ.T: "Vâng. Vậy mà không một ai biết rằng ông ta sẽ bị cách ly"'.

Dự thẩm viên: "Chỉ muốn nói là: nếu như không, thì...".

Trả lời của Iadốp Đ.T.: "Thậm chí điều đó không được nói tới. Về điều này thì ngay cả một câu chuyên cụ thể cũng không có ở đó"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 99, tr.174).

Dự thẩm viên: "Đmitri Timốphêêvích, ông đã nói rằng, ngày 16 theo tuyến KGB có Gruscô tham gia về mặt kỹ thuật, còn cơ quan ông thì có Asalốp phải không?".

Trả lời của Iadốp: "2 ngày sau mới có Asalốp".

Dự thẩm viên: "Ông có đề ra nhiệm vụ cụ thể nào không?".

Trả lời của Iadốp Đ.T.: "... Vấn đề nói tới là luật pháp có thể nói, đó là giải pháp, về tính hợp pháp của cách giải quyết vấn đề đó".

"Cuộc gặp gỡ 17-8-1991 ở cơ sở "ABS", không thảo luận vấn đề các thành viên trong nhóm phải hành động thế nào khi đến gặp tổng thống, trong trường hợp ông không chịu ban hành tình trạng khẩn cấp trong nước. Theo tôi nhớ, thì buổi chiều hôm ấy không nói đến chuyện tuyên bố Goócbachốp bị ốm trong trường hợp ông không chịu ban hành tình trạng khẩn cấp".


"Tôi muốn lưu ý một điều là ngày 17-8-1991, cuộc gặp gỡ cũng không bàn đến văn đẽ thành lập uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp để điều hành đất nước. Chuyện này được bàn đến vào ngày 18-8-1991 sau khi các thành viên trong nhóm từ chỗ Tổng thống Liên Xô trở về"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 99, tr.240).


"... Vụ mưu phản với mục đích cướp chính quyền là không có. Theo tôi, vấn đề này cũng không được bàn đến.. Trong lúc tôi có mặt, không ai bàn đến vấn đề thay tổng thống bằng Phó Tổng thống Ianaép..."2 (Hồ sơ cá nhân, tập 99, tr.242).


"Cần lưu ý rằng, tất cả những tài liệu nêu trên lần đầu tiên tôi nhìn thấy trong cuộc gặp tại văn phòng của Páplốp ngày 18-8-1991. Chỉ lúc đó tôi mới được biết việc thành lập Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp và thành phần của uỷ ban này. Hơn nữa, tôi lại là thành viên của nó".


Dĩ nhiên là những câu trả lời của Đ.T. Iađốp không hề gây ra một nghi ngờ nào về tính chất không xác thực trong khẳng định của phía dự thẩm, rằng dường như ngày 17-8-1991, tại cơ sở "ABS" người ta đã thảo ra kế hoạch cướp chính quyền, thông qua những nghị quyết về bãi chức và thay thế Tổng thống Liên Xô; làm mất liên lạc của tổng thống và cách ly ông v.v...


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 08:48:00 am
7. Sênhin Ôlếch Xêmenôvích

"Chẳng bao lâu Páplốp V.C. đến. Ông thông tin về việc xem xét hiệp ước liên bang tại văn phòng nội các Liên Xô... Tôi bảo đảm rằng những vấn đề ban hành tình trạng khẩn cấp như thế nào, ai sẽ làm nhiệm vụ này trên từng hướng, những lực lượng nào sẽ tham gia, đã không được bàn đến"3 (Hồ sơ cá nhân, tập 70, tr.39).


"Tôi không biết một kế hoạch nào về cướp chính quyền ở Liên Xô. Theo tôi, thì chưa bao giờ và không ở đâu thảo luận vấn đề thay các nhà hoạt động cao nhất của nhà nước đã được bầu cử hợp pháp bằng những người khác"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 70, tr.40).


"Tôi bảo đảm và khẳng định rằng ngày 17-8-1991, không có một kế hoạch phạm tội nào về cướp chính quyền được đề ra như các cơ quan dự thẩm đã tưởng tượng, và thêu dệt ở tờ số 2. Khi tôi có mặt không một kế hoạch nào được hình thành, không một văn kiện nào được soạn thảo và xem xét"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 70, tr.152).


"Những người có mặt trong cuộc gặp gỡ ngày 17-8-1991 đã đi đến kết luận rằng, cần phải đến gặp Tổng thống Liên Xô ở Phôrôx để thông báo cho ông biết tình hình hết sức nguy kịch. Vấn đề được nói đến trong cuộc gặp gỡ này chính là ban hành tình trạng khẩn cấp trong nước"3 (Hồ sơ cá nhân, tập 70, tr.153).


Tôi hiểu rằng đã làm bạn đọc mệt mỏi. Nhưng đối với tôi cái chính không phải là thuyết phục bằng những lời nói, những quỷ kế, mà bằng những sự thực, bằng vụ mưu phản nếu như có đi chăng nữa, thì cũng không phải từ phía Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Có lẽ, những lời khai được ghi vào văn bản trong những lần hỏi cung đã ảnh hưởng đến quyết định của V. Xtêpancốp ngày 12-8-1992, huỷ bỏ quyết định ký ngày 23-12-1991 của người giữ chức phó của mình là E.Lixốp - người lãnh đạo đội dự thẩm đã thừa nhận rằng việc điều tra sơ bộ đã không tìm ra được những sự thực mà xét về khách quan có thể là nội dung của tội trạng "phản bội Tổ quốc" được ghi trong điều 64 của bộ luật hình sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga. Và vì không có dấu hiệu phạm tội nên việc điều tra hình sự đã chấm dứt. Thay vào đó là việc đưa ra lời buộc tội âm mưu nhằm mục đích cướp chính quyền như là một tội cố ý, theo đúng điều luật của Liên Xô về các tội trạng đối với nhà nước. Nhưng tất cả những gì mà các bạn, độc giả kính mến, đã đọc trên đây, không cần một sự giải thích nào thêm về phần mưu phản nữa. Chỉ có thể nêu thêm một điều là, những ghi chú đối với bộ luật hình sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga có nêu: Đặc trưng đối với một vụ mưu phản là những người tham gia phải có những mục đích thay đổi chế độ xã hội và Nhà nước Xôviết hiện hành. Thế nhưng với tính chất là một vụ mưu phản cướp chính quyền thì cần phải phân biệt cả những hành động của những người vì những động cơ hám danh lợi đã tổ chức lại để bằng con đường bất hợp hiến thay thế những nhà lãnh đạo của nhà nước đã bầu ra hoặc bổ nhiệm một cách hợp pháp. Việc gán cho tôi tội định thay đổi chế độ xôviết là không nghiêm túc trong khi nhân danh Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã tuyên bố với toàn thế giới ràng, trên toàn lãnh thổ quốc gia chúng ta hiến pháp Liên Xô và luật pháp Liên Xô là quyền lực tối cao. Còn nói về những động cơ hám danh lợi thì thật nực cười, bởi vì quyền lực mà tôi đang có cũng đã đủ lớn. Có lẽ, điều đó cũng đáng được các "nhà văn" - các công tố viên tài ba của chúng ta tính đến, và khi đó... E.Lixốp bị ốm, A.Phrôlốp, người giữ chức phó đáng tin cậy của ông đảm nhận công việc. Là một người linh hoạt, khi không có một chứng cứ nào mới, đồng thời cũng không có một hành động thẩm cứu nào có sự tham gia của tôi, chiểu theo lệnh của Viện trưởng Viện Kiểm sát Liên bang Nga V. Xtêpancốp, ngày 12-8-1992, ông tạm đình chỉ việc xem xét vụ án, rồi lại tiếp tục thẩm cứu. Ngày 25-8 một lần nữa tuyên bố huỷ bỏ lời buộc tội phản bội Tổ quốc, đến ngày 7-9 chẳng thu được gì và làm được gì, nên đã chấm dứt việc thẩm cứu cùng với sự buộc tội đó. Vì lý do nào đó, người ta chuyển việc tổ chức mưu phản sang ngày 5-8-1991. Tại sao không chuyển sang năm 1990? Thậm chí những đơn khiếu nại và thư yêu cầu của các bị cáo cũng không được xem xét. Họ lại vội vàng bận đi đâu đó. Cho nên, cũng vì vậy mà họ không bao giờ thành công. Chẳng hạn, chính họ thừa nhận rằng ngày 5-8, tôi chẳng gặp gỡ với ai ở đâu, nhưng tuy vậy tôi vẫn là người tổ chức!


Nhưng chuyện "gay cấn" nhất là ở chỗ, A. Phrôlốp vừa làm xong một việc bẩn thỉu, thì E. Lixốp lại khỏi bệnh. Toàn bộ hoạt động tiếp theo của ông ta được thể hiện qua việc ký văn bản kết tội về tội lỗi mà chính ông ta cũng đã thừa nhận là không có luận cứ. Một lần nữa, ông ta làm việc vô lối kiểu đó, không cần lập đội dự thẩm, bản thân không xuất hiện lần nào. Ở đây không nói đến chuyện đạo đức, chỉ xuất phát từ quan điểm luật pháp, tôi đã thấy không thể nào chấp nhận được cách làm việc như vậy. Mặc dù, Phó Tổng Viện trưởng Viện Kiểm sát Liên bang Nga xem xét những khiếu nại của tôi gửi ông và V. Xtêpancốp đã thừa nhận là không có căn cứ buộc tội. Điều duy nhất tôi nhận thức được là mình và các đồng sự lâm vào hoàn cảnh đó phải chăng bởi sơ xuất không chịu làm quen với món ăn hổ lốn của họ trước khi ra toà.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 08:48:39 am
Những sự kiện ngày 18-8-1991 và những ngày sau đó đã được người ta nói và viết nhiều. Một mặt, điều đó làm dễ dàng hơn cho nhiệm vụ của tôi, còn mặt khác, làm khó khăn thêm bởi nguy cơ lặp lại những sự kiện đã được nhiều người biết đến. Bởi vậy, tôi cố gắng chỉ đề cập đến những tình tiết mà đông đảo bạn đọc chưa biết, hoặc là những phần, theo quan điểm của tôi, được trình bày một cách không khách quan hoặc sai lầm. Đó chính là ngày tôi đã nghỉ với gia đình tại nhà nghỉ. Con trai tôi cùng với gia đình đã hết phép và chuẩn bị bay về. Chúng tôi chuẩn bị đồ đạc, tổ chức một bữa ăn chia tay (có lẽ chỉ là tượng trưng). Nhưng nỗi lo lắng trong lòng tôi vẫn không nguôi. Vậy mà cho đến hôm nay tôi vẫn không cắt nghĩa nổi nguyên nhân tại sao lại nảy sinh nỗi lo ấy. Song nó đã nảy sinh và mỗi lúc một tăng thêm. Sự hiểu biết của tôi về quá khứ và việc phân tích hành vi của Goócbachốp trong những tình huống khác nhau đã không làm cho tôi tự trấn tĩnh được. Lúc đó, tôi đã quyết định gọi điện cho A. Lukianốp và G. Ianaép hỏi xem liệu họ có đến gặp những người sẽ đi Phôrôx vào buổi chiều hay không. Đồng thời, tôi cũng nói thẳng với A. Lukianốp rằng, không loại trừ việc Goócbachốp trở về Mátxcơva cùng với những người đến gặp, bởi vì khi nói chuyện với tôi, ông ta có nói đến chiều ngày 18 hoặc sáng 19-8 là ngày gặp gỡ để bàn sơ bộ dự thảo hiệp ước theo ý kiến của tôi và những đề nghị của đoàn chủ tịch nội các. Cả hai đều khẳng định rằng họ sẽ đến. Điều đó làm cho tôi yên tâm hơn, song cũng chẳng được lâu. Vào khoảng 18 giờ V. Criuscốp gọi điện cho tôi và nói rằng những người bay đi đang trở về, cần phải họp lại. Do thời gian của chuyến bay nên vào 20 giờ, tôi đã có mặt ở Cremli. Các đồng chí vừa đi về báo cáo là Goócbachốp đã chọn phương pháp xử thế thông thường của mình - các anh cứ làm, còn tôi sẽ chờ ở một bên: nếu thành công tôi sát cánh với các anh - còn không - tôi là đối thủ của các anh và không biết gì hết. Vừa lấy cớ tình trạng sức khoẻ vừa thể hiện mong muốn thành công, ông ta nói "Các anh làm gì, tuỳ ý", và để hoàn tất các yêu cầu của bác sĩ, buộc những người đến gặp phải chờ ông ta cả tiếng đồng hồ khám bệnh, ngồi ngắm những bức tranh buồn tẻ hoặc những người đàn bà khêu gợi treo trên tường... Tất cả những điều đó được những người đến gặp về truyền đạt lại đã cho thấy rằng, Goócbachốp quyết định lặp lại những kịch bản của tình trạng khẩn cấp ở Mátxcơva mùa xuân năm 1991. Có khác chăng là ở chỗ, tôi đã không thể và đúng hơn là không định lặp lại lần thứ hai cái gọi là "trò chơi mờ ám". Lần này, những người đầu tiên được Goócbachốp đưa ra là A. Lukianốp hoặc G. Ianaép. Không phải vì ông có tình cảm riêng. Ông chỉ xem xét chúng tôi theo một tiêu chuẩn - có lợi cho cá nhân ông hay không và ở đâu có thể có món bở hơn. Cho nên việc thảo luận được bắt đầu từ vấn đề ai sẽ nhận ký các văn bản ban hành "tình trạng khẩn cấp". Sau khi thảo luận gay gắt về vấn đề này, G. Ianaép đã ký lệnh tạm thời thừa hành các nhiệm vụ của Tổng thống Liên Xô, thì vấn đề về các văn kiện khác mới được bàn đến. Cần lưu ý rằng chính tên gọi Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã xuất hiện đúng vào khoảng thời gian này. Thực ra, tên gọi này được mang từ Phôrôx về. Bởi vì, Goócbachốp đã hỏi những người đến đó về uỷ ban, rằng uỷ ban đó là gì, ai lập ra nó v.v... Và cũng chính ở đó, thực tế ông đã tự viết ra thành phần nhân sự. Thậm chí ông đã thận trọng ghi tên của A. Lukianốp kèm theo dấu hỏi.


Còn về việc ban hành tình trạng khẩn cấp, thì như chính bên thẩm cứu đã thừa nhận, Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp không ban hành, bởi vì, "theo lời khuyên của Lukianốp hình thức này đã bị đổi thành "ở từng địa phương của Liên Xô" để phù hợp với luật pháp. Vậy thì việc làm cho một văn bản được đưa ra theo đúng yêu cầu của luật pháp lẽ nào có thể chuyển thành nội dụng của những hành động phạm tội. Lỗi của Lukianốp là đã sửa đổi, còn lỗi của Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp là đã đồng ý. Nói chung, dẫu có đẻ non, thì cũng là đã đẻ.


Cuộc gặp gỡ được bắt đầu sau 20 giờ ngày 18-8-1991 và kết thúc vào lúc gần 3 giờ ngày 19. Các văn bản được soạn thảo xong vào khoảng 24 giờ, và chỉ sau đó người ta mới mang trà, cà phè và một chai rượu "uýtxki" đến. Tôi dẫn ra đây vì rằng vẫn chưa hết những người còn hy vọng coi những hành động của các thành viên trong Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp là cuộc tụ tập của những kẻ say rượu - không được minh mẫn, sáng suốt, và thiếu can đảm. Nhân chứng I.V. Đôvisencô trong khi bị hỏi đã khai như sau: "... Khoảng 21 giờ chúng tôi uống lần thứ nhất ở hội nghị. Chúng tôi có hai người. Trong lúc uống trà ở trong phòng... tình hình vẫn bình thường. Trên bàn có tài liệu, những cái gạt tàn thuốc lá. Lần uống thứ hai vào khoảng 24 giờ... Khi chúng tôi ngồi vào bàn, trên bàn đã xuất hiện một chai "Uýtxki". Lần uống thứ ba là vào khoảng 3 giờ. Tôi không thể nói chính xác liệu có ai trong số họ ở vào tình trạng không tỉnh táo hoặc mệt mỏi cả, bởi vì tôi không nhận ra điều đó"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 54, tr.271). Người đã phục vụ chuyên nghiệp ở tại chỗ "hành sự" mà còn không nhận ra, vậy mà các công tố viên và các dự thẩm viên chỉ sau một tháng đã hiểu rõ tất cả. Vấn đề chỉ có một, đó là - chính họ hay là kẻ nào đã bày ra? Để làm gì? Tôi sẽ kết thúc điều này bằng những lời khai của A. Bécmernức và những lời của Ô. Báclanốp ngày 21-11-1991. Khi bị hỏi, A. Bécmernức đã nói: "V.X. Páplốp chủ yếu đã nói về tình hình kinh tế của đất nước, nói về tình trạng tan rã, hỗn loạn... Đến cuối, khi tôi quyết định đi khỏi, thì Páplốp nói với tôi: "Cần hiểu rằng, tất cả những gì chúng ta đang làm, đó không phải là vì bản thân mình"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 124, tr.195). Ô. Báclanốp đã bày tỏ rõ nhất thái độ đối với Goócbachốp trong tình thế đó bằng những lời nói với G. Ianaép, nội dung của lời nói đó là, "ốm, không ốm, ốm bệnh gì, không phải là vấn đề chính, lúc nào khỏi thì ông ấy đến. Còn chuyện cứu nước thì không nên phụ thuộc vào ý muốn tham gia hoặc lẩn tránh".


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 10:54:35 am
13. XE TĂNG TRONG THÀNH PHỐ

Tôi cho rằng hiện nay có thể và cần phải giải thích vấn đề sự hiện diện của xe thiết giáp trên các đường phố Mátxcơva. Phía điều tra khăng khăng khẳng định rằng vấn đề này đã được thảo luận và quyết định ngày 18-8 theo đúng thoả thuận sơ bộ đã đạt được ngày 17-8 tại cơ sở "ABS". Còn nói về ngày 17 thì những lời khai của tất cả những người có mặt tại đó vào ngày hôm ấy, và tôi đã dẫn ra trên đây đủ để làm sáng tỏ tính chất vô căn cứ của điều khẳng định trên. Tôi xác nhận rằng, khi Ô. Báclanốp, Ô. Sênhin và những người khác bị hỏi đã nói rằng, ngày 18-8 Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã không bàn và không quyết định việc đưa quân vào Mátxcơva, tức là họ đã nói hoàn toàn sự thực. Tôi buộc phải làm phiền đến trí nhớ của ông V.G. Pugô đáng kính. Vấn đề là ở chỗ, khi nói về tình hình phạm tội ở Mátxcơva, ông đồng thời nêu rằng, mình không có đủ lực lượng và khả năng kỹ thuật để bảo đảm sự bình yên và an toàn cho người dân và những cơ sở giữ gìn các báu vật, sản phẩm và hàng hoá. Do đó ông đã nói rằng trong trường hợp cần đến sự hỗ trợ khi xuất hiện tình thế khẩn cấp trong thành phố thì ông đề nghị quân đội giúp với mức độ và cách thức như người ta đã bàn điều đó nhiều lần vào thời điểm khác nhau ở Mátxcơva và các thành phố khác. Chính vì vậy, những chỉ thị của nguyên soái Đ. Iadốp mà phía điều tra đã nắm được có nói tới việc đưa một bộ phận quân đến gần Mátxcơva, chứ không phải vào Mátxcơva. Những ai biết thành phố, đều dễ dàng nắm được ý nghĩa của những vị trí như sân bay Tusinô, Chốplưi Xtan, Khôđưnka, có thể gọi là "quảng trường để diễu binh". Đó chính là nơi các bộ phận quân đến để tham gia diễu binh, và lưu trú trong thời gian đóng quân tạm thời. Tư lệnh quân khu Mátxcơva, thượng tướng N. Calinin trong tuyên bố do chính tay mình viết gửi cho thẩm cứu viên V. Guxép ngày 30-9-1991, đã thông báo: "Tôi được giao nhiệm vụ sẵn sàng đưa vào Mátxcơva 2 sư đoàn hải quân và 4 sư đoàn xe tăng, cùng với ban chỉ huy quân sự thành phố bảo đảm việc duy trì trật tự xã hội trong thành phố và giữ gìn những cơ sở quan trọng trong đó... Việc điều quân đã được dự định thực hiện lúc đầu vào các quảng trường để diễu binh và Chốplưi Xtan..."1 (Hồ sơ cá nhân, tập 107, tr.28). Liệu trong việc này có điều gì mới, không bình thường, liên quan đến chính việc thành lập Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp hay không? Cũng chính Calinin ngày 18-9-1991 đã khai với điều tra viên V. Phôkin: "Tôi được bổ nhiệm làm tư lệnh quân khu Mátxcơva vào tháng 2-1989... Bởi vì lúc này... quân đưa vào Mátxcơva đã tăng gấp 5 lần vì những lý do khác nhau2 (Hồ sơ cá nhân, tập 107, tr.25). Điều này cũng được nhiều quân nhân khác xác nhận khi bị hỏi cung. Tham mưu trưởng quân khu Mátxcơva trung tướng L. Dôlôtốp, ngày 24-9-1991, đã nhớ lại một điều là "ngày 9-9-1990... vào ngày mà mọi việc trên thực tế đã bắt đầu xảy ra hệt như việc đưa quân vào thành phố Mátxcơva ngày 19-8-1991"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 107, tr.59).


Khi đó lại nảy sinh một vấn đề có tính lôgích: Tusinô ở đâu và đâu là đường vòng Xađôxcôie, đâu là "Nhà trắng" v.v... Câu trả lời đối với câu hỏi này theo tôi chủ yếu là ở trong những lời khai của Grachốp, Iu. Xcôcốp, E. Pốtkônđin. Chẳng hạn, ngày 26-10-1991, Iu. Xcôcốp đã kể lại rằng: "... Chúng tôi đã thoả thuận trước hết về một điều: để chúng tôi tiến hành giao tiếp với quân đội, đồng thời giải quyết vấn đề tính hợp lý xã hội của quân đội (có lẽ, ở Nga đã đạt được những thành công lớn trong lĩnh vực này), để có những quan hệ cụ thể nào đó với giới quân sự, dù bước đầu ở mức độ cá nhân. Còn tiếp theo - tuỳ thuộc vào sự phát triển của sự kiện... Chúng tôi đã thoả thuận với Grachốp rằng, chúng tôi cùng với Enxin sẽ rẽ vào sư đoàn Tunxki, ở đó họ có thao trường riêng... Trong thời gian đi thăm có cả các Đại tướng Lêbét và Grachốp. Kể từ lúc đó (tháng 6-1991), Enxin quen biết hai chúng tôi"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 93, tr.136). Theo lời của T. Mítcôvaia, "Grachốp đã tổ chức riêng một lễ tiệc ngoài trời để đón tiếp Enxin... Grachốp nói rằng ở đó ông đã làm quen với Enxin và họ đã có quan hệ rất tốt đẹp, thân thiết3 (Hồ sơ cá nhân, tập 93, tr.258). Còn bây giờ là lời nói của chính P. Grachốp: "Vào lúc 19 giờ ngày 18-8, Iadốp đã gọi tôi đến chỗ mình và thông báo rằng đoàn đại biểu ở Phôrôx sẽ đàm phán với Tổng thống Liên Xô, có lẽ họ sẽ thành công và Goócbachốp sẽ tán thành... Vào 4 giờ đêm 19-8, Iadốp gọi tôi đến máy điện thoại và công bố rằng mọi vấn đề ở Phôrôx đã được giải quyết, sẽ ban hành tình trạng khẩn cấp. Cần đợi thông báo này vào
6 giờ sáng...". Vậy là, sự tán thành đã nhận được từ Phôrôx. Còn ở Mátxcơva thì sao? "Sau 6 giờ sáng ngày 19-8 (từ nhà nghỉ ở Arkhanghenxki) B.N. Enxin đã gọi điện đến văn phòng cho tôi1 (Grachốp (ND)) và hỏi (tại sao lại không phải là Iadốp nhỉ?), chuyện gì đang xảy ra. Tôi giải thích cho ông ta rằng đang ban hành tình trạng khẩn cấp, quân từ Tula đang tiến đến Mátxcơva và vào Tusinô (lưu ý bạn đọc là không phải vào Mátxcơva, mà tiến đến Mátxoơva, vào Tusinô), tiếp theo, sẽ hành động theo lệnh của Bộ Quốc phòng Liên Xô. Về điều đó B N. Enxin đã trả lời tôi rằng đó là một cuộc phiêu lưu, một vụ khiêu khích thực sự (Tôi2 (Chỉ tác giả - V. Páplốp (ND)) tự cho phép mình nhớ lại những phát hiện đã dẫn ra trên đây của G. Pôpốp khi ông nghiên cứu những kịch bản "bạo loạn"). Ông trả lời rằng muốn để tôi đưa đơn vị lính dù của mình đến bảo vệ "Nhà trắng". Tôi đã hứa với ông sẽ điều các đơn vị lính dù đến bảo vệ. Vào 8 giờ sáng, Pôrtnốp trợ lý cho cố vấn của B.N. Enxin đã đến chỗ tôi (và ở lại cho đến ngày 22-7-1991), và chúng tôi đã thoả thuận với ông ta về việc phối hợp hành động. Gần 8 giờ ngày hôm đó Asalốp gọi điện cho tôi và truyền lệnh chiếm giữ ngân hàng nhà nước, kho bạc quốc gia, đài phát thanh và đài truyền hình. Đồng thời, tôi đã nói với Asalốp rằng tôi nhận canh giữ "Nhà trắng", và Xôviết Mátxcơva. Ông đồng ý và dặn cứ hành động như vậy, nhưng việc tiến quân phải thận trọng và không gây áp lực với mọi người. Asalốp cũng biết đề nghị canh giữ "Nhà trắng" của Enxin. Sau đó, tôi giao cho Lêbét nhiệm vụ lựa chọn tiểu đoàn lính dù để canh giữ các cơ sở nói trên, còn tiểu đoàn canh giữ "Nhà trắng" thì do cá nhân tôi trực tiếp phụ trách và báo cáo với tổng thống Liên Xô1 (Hồ sơ cá nhân, tập 190, tr.38, 39). Tôi có thể bổ sung thêm là chỉ thị này đã được hoàn thành vượt mức. Sau khi gặp lính của sư đoàn Tunxki đang hành quân, Bộ Tư lệnh lính dù đã điều một tiểu đoàn lính dù và một đại đội trinh sát vào Mátxcơva, tiến đến "Nhà trắng", cộng với một bộ phận tiến đến Xôviết Mátxcơva. Chính vì vậy, đối với nhiều thành viên Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, sự xuất hiện của binh chủng xe thiết giáp trong thành phố ngày 19-8-1991 là một điều bất ngờ khó chịu.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 10:55:28 am
Riêng tôi (Páplốp), sau khi rời khỏi nhà nghỉ vào lúc 14 giờ đã có mặt tại toà nhà của nội các Liên Xô trên phố Puskin, tôi tuyệt nhiên không lấy làm phấn khởi khi phát hệên ra xe thiết giáp. Dĩ nhiên, việc điều xe thiết giáp giữa ban ngày ở một thành phố 9 triệu dân chẳng có gì phải suy nghĩ cả. Dầu muốn hay không cũng đành phải chờ đợi.


Đến nơi không bao lâu, tôi rời địa điểm đến điên Kremli theo thỏa thuận với G. Ianaép ở chỗ phó tổng thống đang bàn đến vấn đề tiến hành họp báo. Dĩ nhiên, bây giờ, sau khi đã xuất hiện xe thiết giáp trong thành phố, thì việc họp báo lại cần thiết gấp đôi. Nhưng tôi đã từ chối tham gia họp báo vì hai lý do. Thứ nhất, vào lúc 15 giờ tôi cần phải chủ trì họp với uỷ ban ngân sách (đành phải giao phó lại việc này cho V. Sécbácốp, mặc dầu ông chưa hiểu rõ công việc. Tôi buộc phải giải thích qua điện thoại cho ông ấy rõ quan điểm của chúng tôi và những quyết định đưa ra bàn tại hội nghị). Còn sau đó là cuộc họp nội các. Tôi không thể chuyển sang buổi khác hoặc uỷ quyền cho ai điều khiển. Tai hoạ đã kề bên, và tôi đã cảm nhận nó một cách rõ rệt hơn bất cứ thành viên nào trong nội các. Trong chương trình nghị sự của cuộc họp nội các có việc thảo luận quyết định của đoàn chủ tịch nội các về thái độ đối với dự thảo hiệp ước liên bang các quốc gia có chủ quyền của Goócbachốp. Tôi cảm thấy rất mệt. Một đêm thức trắng và những căng thẳng thần kinh trong thời gian gần đây, nhất là hôm thứ bảy và chủ nhật, đã không thể không để lại dấu vết. Tôi đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ vào buổi sáng. Một điều khá thú vị là sau này V. Xtêpancốp và E. Lixốp đã bắt giữ bác sĩ chữa bệnh cho tôi, D. Xakharốp, để hỏi cung. Và Xakharốp đã trình bày như dự thẩm viên đã viết: "Khoảng gần 7 giờ sáng cảnh vệ của thủ tướng gọi điện cho tôi và yêu cầu tôi đến ngay. Páplốp mệt, - anh ta nói. Tôi đến, Páplốp bị say rượu. Nhưng đây không phải là tình trạng say đơn giản bình thường. Ông ta bị kích động một cách đáng sợ đến phát điên. Tôi bắt đầu giúp ông..."1 (V. Xtêpancốp, E. Lixốp: Vụ mưu phản ở Cremli, N.X.B "Ngọn lửa nhỏ", 1992, tr.109). Những lời khai đột ngột ngừng lại ở đó. Và đó không phải là ngẫu nhiên. Thứ nhất, những lời khai có nêu: "Nhưng đây không phải là tình trạng say bình thường. Hẳn bất kỳ ai trong số "tác giả" đều hiểu lý do mình viết chữ "bình thường"? Tiếp nữa: "ông ta bị kích động một cách đáng sợ". Ai và nhằm mục đích gì gắn cho Xakharốp lời nói về tôi dường như là bị điên nhỉ? Những lời tiếp sau đó: "Tôi bắt đầu..." hầu như không có trong biên bản hỏi cung. Rồi lại "ngày 19 tôi đã chữa khỏi cho ông, ông đã sửa soạn đi ăn trưa và chúng tôi đã đi đến phố Puskin"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 59, tr.16). Ngoài ra, các "tác giả" trong Viện Kiểm sát đều ỉm đi một điều là, nếu như đọc ghi chép của dự thẩm viên, thì bác sĩ D. Xakharốp, người đã từng phục vụ trong bệnh viện quân đoàn 40 đóng ở Ápganixtan, đã tự tay mình viết thêm: "Tôi muốn bổ sung một điều là ngày 19-8-1991, ban ngày bệnh nhân đã uống thuốc Rudotel và Trancsel. Việc uống rượu mạnh có thể làm cho tình hình thêm trầm trọng". Đó là hoạt động của các "tác giả" của chúng ta trong Viện Kiểm sát. Thực tế nói trên không phải là một ví dụ duy nhất. Hơn thế nữa, họ tuyên bố rằng sau cuộc nói chuyện ban chiều với Đ.T. Iadốp trong điện thoại "cơn nghiện rượu đã cản trở việc thủ tướng tham gia tiếp theo vào cuộc mưu phản"2 (Hồ sơ cá nhân, tập 59, tr.132). Trong khi đó, trong hồ sơ lại có giấy chứng nhận chính thức của bệnh viện Kunxepxcaia về tình trạng sức khoẻ của tôi, hoàn toàn không ghi gì về bệnh nghiện rượu. Xin nói thêm là, trong những lời khai của D. Xakharốp khi dự thẩm viên hỏi, bác sĩ cũng trả lời thẳng rằng, V. X. Páplốp không phải người nghiện rượu. Vậy tại sao có kẻ lại phải trắng trợn mưu toan bôi nhọ tên tuổi tôi trước toàn thể thiên hạ, đồng thời công nhiên bóp méo, xuyên tạc sự thật? Thực ra hầu như tôi không lần nào có được câu trả lời của V. Xtêpancốp và E. Lixốp, ở nơi mà sự dối trá đã trở nên trắng trợn, hơn nữa lại công khai, thì còn mong gì được. Vì không đợi được đến khi xét xử xong toàn bộ vụ án, tôi đành một mình gửi đơn kiện đến toà án dân sự về sự lăng nhục danh dự và nhân phẩm. Vì theo điều 64 "tội phản bội tổ quốc" thì việc chứng minh những nguyên nhân tham gia của mình vào hoạt động sau đó của Ủy ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp là không cần thiết. Tôi hy vọng ràng những "tác giả" của Viện Kiểm sát sẽ nói với toà điều gì đó rành mạch.


Kiện tụng không phải là chuyện đùa, cho nên việc phỏng vấn thường kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng thân chính phủ là không thể tránh được, đành phải trả giá không ít. Kết luận V. X. Páplốp - nguyên Thủ tướng Liên Xô không bị giam giữ, người mà rõ ràng là V. Xtêpancốp và E. Lixốp đã loại ra, vì theo họ thì ông không bao giờ "lên được" và vì vậy dĩ nhiên là trong cuộc chạy theo tiền nhuận bút, với tư cách là những "tác giả", họ cho phép mình loan tin về "bệnh nghiện rượu nặng". Còn khi kết tội ở trang 124, tập 4, Hồ sơ cá nhân, thì một người viết ra, còn người kia xác nhận điều đã viết: "Sau khi vì lý do tiến triển của bệnh cao huyết áp cho tới tận khi vụ mưu phản thất bại, ông vẫn còn trong chế độ dưỡng bệnh". Sẽ đi tiếp đến đâu, hỡi các vị luật gia?


Vậy thì hội nghị đã kết thúc ra sao? Theo giả thuyết của bên điều tra thì những đề nghị và yều cầu của thủ tướng không được chấp nhận và viết thành văn bản. Một lần nữa, không đúng sự thật. Trong hồ sơ đó có những tài liệu và lời khai của các nhân chứng, xác nhận việc thông qua nghị quyết và đưa nghị quyết đến tận những người thực hiện ở các địa phương. Thực ra, nếu sự việc đi ngược lại lời khai đã viết tại Viện Kiểm sát, thì lại càng tồi tệ hơn đối với ông. Nghị quyết dường như là có, nhưng đối với Viện Kiểm sát và những kết luận của nó lại là không. Mà vấn đề nói tới ở đây là, mặc dầu nội các không chú trọng nhiều về mặt hình thức và nghị quyết không được làm thành văn bản, nhưng Thủ tướng Liên Xô vẫn có quyết định của mình: đọc qua điện thoại cho Trưởng Ban Thư ký V. Basanốp bức điện gửi các bộ và các cơ quan ngang bộ ra lệnh chuyển ngay đến các bộ trưởng, và các bộ trưởng cần chuyển đến các xí nghiệp để thực hiện. Bức điện đó như sau: "V. X. Páplốp giao cho đồng chí liên hệ với lãnh đạo các xí nghiệp trực thuộc ngành mình và thông báo cho họ biết rằng, chính phủ với tư cách là cơ quan hành pháp, cũng như các cơ quan quản lý khác của liên bang vẫn tiếp tục làm việc và thực hiện các chức năng của mình. Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp ở Liên Xô đề nghị Xôviết tối cao Liên Xô toàn quyền triệu tập họp vào ngày 26-8 năm nay đế giải quyết những vấn đề phát sinh. Nhiệm vụ chính của chúng ta là bảo đảm sự phát triển bình thường của quá trình sản xuất và hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 57, tr.485). Trong hồ sơ không những có bức điện được chuyển từ nội các Liên Xô, mà còn có cả những bản phúc đáp nhận được của các bộ và các xí nghiệp, tức là họ đã nhận được và thực hiện. Cho nên người ta không những biết về sự hiện diện của nghị quyết này ở Viện Kiểm sát, mà còn đã kiểm tra tính xác thực của việc chuyển đến từng xí nghiệp. Nhưng, "tình tiết" đó không cần thiết, không phải nhiệm vụ, không phải đơn đặt hàng với bên điều tra.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 04 Tháng Hai, 2022, 10:56:13 am
Sau khi kết thúc cuộc họp nội các Liên Xô, tôi trở về văn phòng của mình cùng với V. Sécbacốp và ở đây chúng tôi đã bàn khoảng một tiếng về tình hình. Cho tôi lúc này tôi không còn nghi ngờ gì nữa, mà tin chắc rằng, chúng tôi đã bị phản bội một cách có tính toán và hơn nữa, từ trước. Chính lúc này là phải cố gắng tìm ra cách bảo toàn thể chế và cán bộ trung thành với sự thống nhất đất nước, với chế độ liên bang và những lợi ích dân tộc. Không phải ngẫu nhiên mà cú đánh đầu tiên của M. Goócbachốp lại nhằm vào chính tôi với cương vị là Thủ tướng Liên Xô. Lệnh của ông ta ngày 22-8-1991 về việc cho tôi thôi chức là không hợp pháp cả về thể thức pháp lý, bởi vì Xôviết tối cao mãi đến ngày 25-8-1991 mới đồng ý với đề nghị đó do Viện Kiểm sát Liên Xô có đưa ra vụ án hình sự về tội "tham gia mưu phản chống lại hiến pháp". Còn trên thực tế thì đến tận ngày 28-8 vẫn chưa có vụ án khởi tố cá nhân tôi, còn Viện Kiểm sát Liên Xô hình như chưa bao giờ khởi tố vụ án đó. Như vậy, chính M. X. Goócbachốp đã ra lệnh trực tiếp cho Viện Kiểm sát khởi tố vụ án nào và chống ai. Xin nói thẳng ra rằng, cái gọi là những người xây dựng xã hội pháp quyền và những người nhân đạo, trung thành với những giá trị toàn nhân loại là chuyện hão huyền. Chính vì vậy phía điều tra, mặc dù hiểu được toàn bộ tính chất phi lý của việc kết tội phản bội Tổ quốc, đối với tất cả chúng tôi nói chung và từng người nói riêng, vậy mà vẫn không thể làm trái cách đã định trước cho tới khi M. Goócbachốp từ chức và Liên Xô tan rã nhờ có sự tham gia và ủng hộ của ông ta. Ngày nay ông ta phê phán Enxin, Crápchúc, Suskêvích về tội gây rối, và ông ta mưu toan đổ cho Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp trách nhiệm về sự tan rã của đất nước. Ngày 13-8-1992, trong một cuộc thẩm vấn, ông ta lại loan tin: "Việc ký kết của ông ta không thành (ký hiệp ước mà thực chất của nó đã được nói ở trên) do vụ mưu phản, là nguyên nhân trực tiếp của những quá trình chia rẽ, suy cho cùng, đã dẫn đến sự tan rã của Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết. Đó là một trong những hậu quả nặng nề nhất của sự kiện tháng 8. Tôi xin nêu ý kiến chủ quan của mình, ý kiến này được trình bày trong "Tuyên bố của Tổng thống Liên Xô và các nhà lãnh đạo cao cấp của các nước cộng hoà trong liên bang", do tôi cùng với các nhà lãnh đạo của mười nước cộng hoà ký"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 130, tr.146).


Lại là một sự dối trá. Vả lại dối trá thô thiển đến mức dù không cố ý, vẫn phải nghi ngờ... Thế là người ta vẫn tự coi mình là trí thức không ai với tới được, lại không cần liếc qua văn kiện trước khi viện dẫn ra. Song, đã có những người giúp việc. Đã có đầy đủ Quỹ để tập hợp cánh "dân chủ" lại gần mình. Chính vì vậy, cái gọi là thẩm vấn, không những diễn ra ngay tại Quỹ2 (Quỹ Goócbachốp (ND)), mà còn được in ấn ở đó. Do đó, có thời gian để hỏi, kiểm tra, trước khi ký, thậm chí ngay trong ngày hôm đó. Bởi vì, trong tuyên bố mà Goócbachốp viện dẫn ra, có viết đúng nguyên văn như sau: "Chúng tôi công nhận rằng sự thất bại của bọn mưu phản, thắng lợi của các lực lượng dân chủ đã giáng một đòn quan trọng vào các thế lực phản động và tất cả những gì kìm hãm quá trình cải tạo dân chủ. Bằng cách đó, đã tạo ra một thời cơ lịch sử để tăng tốc những cải cách căn bản, đổi mới đất nước". Chính vì thế sự rủi ro hoá ra lại là việc người ta công nhận rằng "quá trình xảy ra" chính là quá trình đã bị các thành viên của Uỷ ban nhà nước và tình trạng khẩn cấp và những người đồng mưu của họ cản trở và kìm hãm. Và nếu như giờ đây M. Goócbachốp đã "sáng mắt ra" rằng đó là "những quá trình chia rẽ", thì còn ai nếu không phải là ông ta là người đã khởi xướng và sáng lập. Còn nói về việc cản phá ký hiệp ước, thì tiếp đó trong tuyên bố có nói: "Trong tình hình này (khi đã tạo ra "thời cơ lịch sử để ngăn chặn sự sụp đổ tiếp tục của các cơ cấu quyên lực cho đến khi thành lập hệ thống các quan hệ chính trị nhà nước mới, các nhà lãnh đạo cấp cao của đất nước là Tổng thống Liên Xô, các tổng thống và các chủ tích Xôviết tối cao của các nước cộng hoà đã nhất trí cần phải: 1- Tất các nước cộng hoà có nguyên vọng sẽ soạn thảo và ký kết hiệp ước về liên bang các quốc gia có chủ quyền, trong đó mỗi nước có thể tự mình quyết định hình thức tham gia trong liên bang"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 130, tr.148). Thế đấy, Goócbachốp, ngài đã viết cách đây một năm. Thế thì còn ai ngoài Goócbachốp có lỗi. Chính ngài đã không hiểu, không muốn hoặc ai đó không cho phép ngài dựa vào những cánh tay không để cho "sự sụp đổ cơ cấu quyền lực" có thể xảy ra. Vậy thì có gì mà phải ngạc nhiên, khi chẳng có ai muốn bảo vệ một chính khách như thế, dù đó là vị tướng của cộng đồng các quốc gia độc lập có chủ quyền và cộng đồng các quốc gia độc lập. Một lần phản bội không ai còn tin. Vậy mà chính ngài Goócbachốp, ngài đã phản bội không chỉ một lần và không phải chỉ một người. Những gì mà tôi biết và viết trong cuốn sách này nhân vụ Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp, chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyên về cuộc đời và hoạt động bí mật của ngài. Bởi vì, hiện thời những người như V.A. Criuscốp, V.I.Bônđin, V.Ph.Gruscô và những người khác vẫn còn im lặng. Họ là những người có nhiều điều hơn nói về ngài và với cách nhìn thậm tệ hơn, dĩ nhiên là với quan điểm của con người chính trực. Nhưng rồi họ cũng sẽ không im lặng mãi được. Còn ngài với dòng dối trá vô tận, không kìm hãm được, đã tự tay vuốt ve ria mép của con hổ đang ngủ. Xin chớ quên rằng, đang ngủ không có nghĩa là đã chết. Nó còn chưa động đến ngài đấy. Tạm thời chưa động đến. Hãy cám ơn đi, và đừng chuốc lấy tai hoạ cho mình. Theo điều 64 "a" của bộ luật hình sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga, toà án nhân dân đã truy tố ngài "phản bội Tổ quốc" từ nay đến phiên toà đâu còn có bao xa.


Vụ án xét xử Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp đã bắt đầu. Viện Kiểm sát của Cộng hoà Liên bang Nga buộc tội tôi là "không tán thành quan điểm của Tổng thống Liên Xô trong những đánh giá về tình hình trong nước, sách lược thực hiện tiếp quá trình cải cách, đã mưu toan, phá hỏng việc ký kết hiệp ước liên bang mới (theo Goócbachốp) ban hành tình trạng khẩn cấp trong nước và bằng cách đó thay đổi nền chính trị quốc gia"1 (Hồ sơ cá nhân, tập 4, tr.12. Bản luận tôi theo hồ sơ số 18/621491). Vậy là, mặc dầu không muốn, song V. Xtêpancốp và E. Lixốp đã đưa vào chương trình xét xử vấn đề chính sách quốc gia của Goócbachốp.


Toà án sẽ phải quyết định, cái gì là tội "phản bội Tổ quốc" căn cứ vào hành vi cấu thành tội phạm theo điều 64 "a" của bộ luật hình sự Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết Liên bang Nga: thực hiện chính sách phản dân này hay là ý định thay đổi chính sách phản dân đó.
Mátxcơua, năm 1993


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 05 Tháng Hai, 2022, 08:22:45 am
A.LUKIANỐP


CUỘC ĐẢO CHÍNH TƯỞNG TƯỢNG HAY CÓ THẬT

LỜI TOÀ SOẠN BÁO "CÔNG KHAI"

Cuốn sách này chúng tôi bắt đầu công bố không thuộc dạng hồi ký đơn thuần, ở đây không thể nêu những đòi hỏi về tính hấp dẫn của việc mô tả và truyền đạt tâm trạng xúc động của các nhân vật, các lập luận trừu tượng. Tiêu đề "trả lời các câu hỏi" đã chứng tỏ tất cả. "Mặt khác là những câu hỏi đó như thế nào, ai trả lời và trả lời trong hoàn cảnh nào. Và đây không phải là trường hợp bình thường, người tù của nhà tù "sự im lặng thuỷ quân" trả lời". Chính các câu hỏi cũng rất quan trọng. Nội dung nói về những gì đã xảy ra trước khi Liên bang Xôviết sụp đổ, những gì đã tạo cơ sở cho sự sụp đổ đó; nói về những diễn biến đấu tranh xung quanh dự thảo hiệp ước liên bang, về mặt trái của các cuộc gặp gỡ Nôvôôgarép, về thảm hoạ mà sự tan vỡ của một cường quốc vĩ đại đã gây ra cho gia đình nhiều dân tộc của các dân tộc Xôviết, về những người đề xướng và "những người anh hùng" chính của quá trình phá vỡ này. Tất cả những điều này đã được một con người, mà trong nhiều năm đã từng là nhân vật lớn nhất trên vũ đài chính trị của chúng ta và là nhà lãnh đạo quốc hội liên bang có uy tín, nói ra. Những gì A. Lukianốp nói ở đây là những điều có giá trị đối với biên niên sử của những sự kiện bi thảm cách đây không lâu, là nguồn thức ăn phong phú cho những suy nghĩ nghiêm túc về ngày hôm nay và ngày mai.


KHÔNG THỂ IM LẶNG

Bức thư tôi nhận được ở trong nhà tù "sự im lặng thuỷ quân" được gửi từ thành phố Vôngagrát. Đó là bức thư của một người phụ nữ về hưu đã từng tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc. Một bức thư nghiêm khắc:

"Tôi đã đọc bài trả lời phỏng vấn của ông trên báo "Sự thật thanh niên". Nó có một cái gì đó chung chung và rời rạc. Không thể hiểu được làm sao trong 3 ngày chính biến tháng 8 lại có thể đảo ngược được cả đất nước, kéo lùi đất nước từ chủ nghĩa xã hội trở lại chủ nghĩa tư bản.

Họ đã bôi nhọ ông, có trời mà biết được họ đã buộc ông tội gì. Còn ông thì im lặng. Chính ông đã biết tất cả họ: Goócbachốp; Criuscốp và Enxin. Cái gì đã diễn ra trong thực tế? Ai có tội trong những bất hạnh của mọi người, trong cảnh xếp hàng dài vô tận, những kẻ đầu cơ thì hoan hỉ trong sự tước đoạt những món tiến dành dụm cuối cùng của chúng tôi, những người già, trong sự sụp đổ liên bang và đối với nước mắt của những người tị nạn?

Ông không nên im lặng. Ông hãy nói toàn bộ sự thật!"

Bức thư chứa đầy đau khổ của một người đang giận dữ. Có thể, cuối cùng nó đã buộc tôi phải cầm bút chọn ra những câu hỏi nhức nhối nhất liên quan đến các sự kiện tháng 8 và sau tháng 8, mà tôi đã từng trả lời trên các báo "Độc lập", "Sự thật", "Tin tức Mátxcơva", "Nước Nga Xôviết", "Nhân chứng và sự kiện". Đã có không ít những câu hỏi của cả những phóng viên nước ngoài từ Italia, Pháp, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Nauy và Libăng gửi đến cho tôi. Ngoài ra hầu như hàng ngày đều có những bức thư từ tất cả mọi miền đất nước gửi tới đây - nhà tù "sự im lặng thuỷ quân". Nhiều bức thư có những câu hỏi không thể không trả lời.


Vâng, tôi thật sự giữ im lặng trong quá trình điều tra, cho rằng mình vô tội, và từ chối mọi cuộc tiếp xúc với Viện Kiểm sát và với các "ông chủ" của nó. Nhưng, có nhiều vấn đề không động chạm gì đến khía cạnh pháp lý - hình sự của bộ hồ sơ "Vụ án về Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp (G.K. Tr.P)" dày 140 tập, không đòi hỏi phải trích dẫn lời khai của các nhân chứng, mặc dù những lời khai này bất chấp luật pháp, lại đã được công bố một cách rộng rãi, mà trước hết là bởi bản thân Viện Kiểm sát. Chính Viện Kiểm sát đã để lọt ra ngoài các biên bản hỏi cung đầu tiên và các biên bản này đã được công bố lần đầu trên tạp chí "Tấm gương" của Đức và sau đó là trên báo chí nước ta. Tạp chí "Tia lửa nhỏ" đã nhận được độc quyền đăng tải các phóng sự điều tra, mà thực chất là công bố các lời khai của các bị cáo và các nhân chứng. Cuốn sách "Vụ mưu phản ở Cremli" do các công tố viên viết đã được bán và quảng cáo rộng rãi. Tiếp sau cuốn sách trên người ta đã xuất bản tập "Cuộc bạo động" dành cho độc giả nước ngoài với lời tựa của Tổng thống Nga.


Trả lời mọi câu hỏi là điều không đơn giản. Mỗi câu trả lời của tôi đều được sàng lọc qua mạng lưới báo chí "dân chủ", còn số lượng các báo chí thực sự độc lập rất ít. Vì vậy, tôi buộc phải tập hợp những câu hỏi tiêu biểu nhất trong số những câu hỏi đã gửi cho tôi mà tôi đã từng trả lời trong những cuộc phỏng vấn và trong, thư từ trao đổi với các độc giả. Bằng cách đó đã hình thành một cuốn sách nhỏ viết về những gì tôi biết, những gì tôi đã suy nghĩ qua những đêm dài trong tù, về những điều mà tôi không thể không kể lại.


Người phụ nữ - cựu chiến binh, lao động lão thành của Vôngagrát đã yêu cầu một cách chính đáng là kể lại chuyện này. Có lẽ, quả thực tôi không thể im lặng...


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 05 Tháng Hai, 2022, 08:28:43 am
TẤN BI KỊCH CỦA LIÊN BANG

Theo ông, cái gì là những nguyên nhân chính của sự sụp đổ của Liên bang Xôviết?

Sự sụp đổ của Nhà nước Liên bang Xôviết là kết quả của hành động có phối hợp của các lực lượng phá hoại.

Trước hết, đó chính là các lực lượng theo khuynh hướng tư bản chủ nghĩa, khoác những chiếc áo dân tộc. Hãy phủi sạch lớp bụi dân tộc khỏi họ và bạn sẽ thấy dưới lớp bụi đó lộ ra nanh vuốt tham lam của kẻ tư hữu.


Tất nhiên, môi trường nuôi dưỡng các hiện tượng này không chỉ là tinh thần chủ nghĩa phân lập và tính kiêu ngạo dân tộc được che đậy kín đáo trước đây. Ở đây có cả vai trò tiêu cực của chủ nghĩa tập trung quá mức trong quản lý, sự thờ ơ của các cơ quan liên quan đối với các lợi ích phát triển kinh tế - xã hội của các nước cộng hoà, đối với việc sử dụng không hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên của các nước cộng hoà và nhiều sự kiện không tôn trọng văn hoá, tiếng nói và các phong tục, tập quán dân tộc. Phản ứng cứng nhắc của chính quyền liên bang đối với mọi bột phát của tình cảm dân tộc, thậm chí đôi khi với cả những biểu hiện nhỏ nhưng càng đẩy họ xa hơn vào hoạt động bí mật và do vậy đã tạo ra hiệu ứng vỉa than bùn đang cháy âm ỉ. Trên bề mặt thì tất cả đều yên tĩnh, vang lên những lời nói vui vẻ về tình hữu nghị giữa các dân tộc, nhưng ở bên trong thì âm ỉ những lò lửa của sự hận thù, không hiểu biết và bất đồng với nhau giữa các dân tộc.


Ai cũng biết rằng, sự thống nhất các nước cộng hoà trong Liên bang Xôviết phần nhiều được quyết định trước bởi cơ cấu tổ chức tập trung mang tính liên bang của đảng cộng sản cầm quyền. Trong một thời gian dài, các tổ chức đảng các nước cộng hoà đã là những bộ phận cấu thành của Đảng Cộng sản Liên Xô thống nhất. Có nghĩa là tất cả những đề bạt và thuyên chuyển cán bộ chủ yếu đều do Mátxcơva quyết định. Những cuộc bầu cử đại biểu với nhiều ứng cử viên và sự thu hẹp đáng kể thành phần đại biểu của cái gọi là các dân tộc không phải bản xứ trong cơ cấu đại biểu được bầu và sự suy yếu nhanh chóng sự lãnh đạo của đảng đã cho phép các cán bộ dân tộc địa phương nhanh chóng hiểu rằng hiện nay họ có thể bảo vệ được mình khỏi nguy cơ bị giáng chức hoặc thuyên chuyển tuỳ tiện theo ý muốn của trung ương. Khẩu hiệu chủ quyền dân tộc đã trở thành phương tiện của việc bảo vệ này. Như vậy bên cạnh các nhân tố khách quan đã có thèm nhân tố chủ quan mạnh mẽ - đó là lợi ích cá nhân và B. Ôlâynhích đã gọi đúng tên là "thói hám danh lợi dân tộc". Quân vương của đảng ở nước cộng hoà, thống đốc cao cấp đây quyền hành, người quản lý vô kỷ luật núp dưới những tuyên bố về việc bảo vệ các lợi ích dân tộc, hiện giờ đã có thể coi thường trung ương mà trước đây họ không dám đụng tới. Nếu trung ương bắt đầu "cứng đầu" đòi làm theo ý mình thì những cuộc đấu tranh quần chúng mang tính dân tộc chủ nghĩa và quốc gia sẽ được phát động. Đã hình thành các mặt trận nhân dân và dân tộc chủ nghĩa theo khuynh hướng chống cộng. Chỉ cần có một tia lửa nhỏ là đám cháy sẽ bùng lên và hầu như không thể dập tắt nổi.


Đã xẩy ra như vậy, ví dụ như ở vùng Bantích, khi dựa vào chính những dẫn chứng về "sự độc đoán của trung ương" trong chính sách cán bộ và ngôn ngữ, trong việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, người ta đã kích động được các tầng lớp nhân dân giác ngộ về ý thức dân tộc mà ở giai đoạn nhất định đã bị đè nén và người bạn đường của nó là chủ nghĩa dân tộc. Và, tất cả bắt đầu dường như từ những việc nhỏ - từ những vấn đề không lớn về ngôn ngữ, các biểu tượng dân tộc, điều chỉnh lại múi giờ địa phương, xác định rõ tên gọi một số thành phố. Và kết thúc, như đã rõ, bằng việc các lực lượng tư sản dân tộc thù địch lên cầm quyền và việc tách các nước cộng hoà Bantích khỏi liên bang Xôviết. Sau đó, kinh nghiệm phân lập này đã bắt đầu được dập khuôn ở Mônđôva, ở Ngoại Cápcadơ, ở Trung Á và một loạt các địa phương khác.


Ở nhiều nước cộng hoà, các nhà tư tưởng của chủ nghĩa phân lập đã mọc lên nhanh chóng đến ngạc nhiên. Khởi đầu là những cuộc đào bới ồ ạt lịch sử nô dịch và "sự thống trị đế quốc". Sau đó xuất hiện lý luận chủ quyền "tuyệt đối", chính sách hạn chế các quyền của những người được gọi là dân di cư. Cuối cùng đã rộ lên mạnh mẽ những quan niệm về "chủ quyền kinh tế" mà theo đó Liên bang Xôviết và trung ương của nó không còn lãnh thổ và tài sản của mình.


Đáng tiếc là, các cơ quan quyền lực và điều hành của Liên bang Xôviết đã không biết đối phó thích hợp và chủ yếu là không kịp thời đối với sự thách thức đó của chủ nghĩa dân tộc và sự chia rẽ thù địch. Các nhà hoạt động của đảng loại như A. Iacốplép đã khuyên nhủ nói chung là không cần chú ý đến những quá trình này, cả đến những biểu hiện cuồng tín tôn giáo - dân tộc chủ nghĩa ở đâu đó. Còn Tổng thống liên bang thì hy vọng dựa hẳn vào những lời thuyết phục và uy tín của mình, mà uy tín đó sau những sự kiện ở Bacu, Tbilixi và Vinhiút lại đã tan biến đi như sương mù buổi sớm. Những chuyến đi của Goócbachốp tới Ácmênia và Lítva đã không làm giảm được sự đối đầu dân tộc cuồng nhiệt dù chỉ là một độ. Bắt đầu từ Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ nhất, những xích mích dân tộc gần như đã trở thành người bạn đồng hành hàng ngày trong đời sống của quốc hội. Phái đối lập trong quốc hội đã sử dụng tinh vi nhân tố dân tộc vào cuộc đấu tranh chống sự lãnh đạo của liên bang.


Rất nhiều điều phụ thuộc vào việc nước Nga và những người lãnh đạo Nga có quan điểm như thế nào trong tình hình rất phức tạp này. Tháng 5, tháng 6-1990, Đại hội đại biểu nhân dân Liên bang Nga lần thứ nhất đã trở thành nhân tố quyết định đối với số phận của liên bang. Tuyên bố về chủ quyền của Liên bang Nga được đại hội thông qua đã đạt ưu tiên các luật của nước cộng hoà trên các luật của liên bang và bằng cách đó đã mở ra khả năng "công khai" đấu tranh với trung ương liên bang, chuyển toàn bộ hệ thống điều hành trên phần lớn lãnh thổ đất nước vào tay chính quyền Nga. Một loạt những tuyên bố tương tự như vậy đã được đưa ra ở các nước cộng hoà liên bang khác, và sau đó ở cả những nước cộng hoà tự trị của Nga.


Sau đó một thời gian, chính nhiều đại biểu Nga đã buộc phải đau đớn thừa nhận ràng, chính từ thời điểm đó đã bắt đầu sự phá hoại dồn dập đối với Nhà nước liên bang của chúng ta trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, và quân sự. Các đại biểu này đã nói "chính chúng tôi đã thực hiện bước đi đầu tiên theo hướng này tại Đại hội lân thứ nhất, khi với động cơ tốt đẹp đã thông qua quyết định về chủ quyền quốc gia của Liên bang Nga. Tất cả chúng ta là những người có tội. Và cả những nhà lãnh đạo của chúng ta - những người đã biến cuộc đấu tranh chống những thiếu sót cũng như những chính khách cụ thể đang nắm chính quyền ở liên bang thành cuộc đấu tranh chống nhà nước và những cơ sở của nhà nước đó, - cũng có tội"1 (Báo Nước Nga Xôviết, ngày 11 và 21-4-1992).


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 05 Tháng Hai, 2022, 08:29:36 am
Đất nước đã rơi vào thời kỳ phi nhất thể hoá. Từ cuộc họp của đại hội Nga về, tôi cùng M. Goócbachốp và N. Rưscốp đã nói với nhau về việc này. Như cựu Tổng thống Liên Xô thường thích nói: "quá trình đã bắt đầu". Nhưng là quá trình phá hoại nhất.


Cần phải nói rằng, sự đối đầu cá nhân giữa Tổng thống Liên Xô và Tổng thống Liên bang Nga đã đan kết chặt chẽ và lâu dài với quá trình này. Các lãnh tụ một loạt các nước cộng hoà khác với những tính toán riêng của mình với trung ương Liên bang và với Nga cũng không chịu thua kém trong cuộc đấu tranh này.


Nếu lột đi cái vỏ bề ngoài và gọi tất cả bằng đúng cái tên của nó thì trong sự đối đầu giữa các nước cộng hoà với trung ương liên bang đã diễn ra một cuộc đấu tranh tuyêt vọng vì quyền lực. Trong cuộc đấu tranh đó, những lợi ích thực sự của nhân dân, của hàng triệu người thường dân và số phận của một cường quốc vĩ đại trên thế giới, thường được đẩy xuống hàng thứ yếu. Trong sự tranh giành quyền lực của mình, những lãnh tụ các nước cộng hoà, đôi khi, dễ dàng quên đi là họ đã bắt đầu từ những khẩu hiệu và những vấn đề cao siêu nào. Và tất cả điều đó đã kèm theo sự phá vỡ toàn bộ các cấu trúc thống nhất mà lẽ ra không được phá vỡ. Kết quả không tránh khỏi là khủng hoảng kinh tế sâu sắc thêm và đời sống của nhân dân trong tất cả các nước cộng hoà giảm sút nhanh chóng.


Trước tình hình đó, cần phải hành động, tính toán làm thế nào đó để ổn định tình hình, ngăn chặn sự sụp đổ đang đến gần của nhà nước liên bang. Trước tiên, hoàn toàn có thể giới hạn ở việc xem xét lại các chương tương ứng của hiến pháp Liên Xô và thông qua các luật liên bang củng cố cơ bản chủ quyền và mở rộng các quyền của các nước cộng hoà. Xôviết tối cao Liên Xô đã thông qua 6 luật như vậy, trong đó có Luật về phân định quyền hạn giữa Liên bang Xôviết và các chủ thể liên bang, về trách nhiệm đối với việc xâm phạm đến quyền bình đẳng dân tộc của công dân, về ngôn ngữ của các dân tộc ở Liên bang Xôviết, về thủ tục giải quyết các vấn đề có liên quan tới việc một nước cộng hoà liên bang ra khỏi Liên Xô. Đồng thời, bắt đầu các cuộc họp tư vấn nhằm soạn thảo những phương án đầu tiên của dự thảo hiệp ước liên bang mới. Nhưng các lực lượng chống lại trung ương không thoả mãn với việc này.


Ví dụ, ban lãnh đạo Nga đã đáp lại những nỗ lực này của chính quyền liên bang bằng cái gì? Cuối tháng 10-1990 thông qua luật của Cộng hoà Liên bang xã hội chủ nghĩa Xôviết Nga "Về hiệu lực của các luật của Liên bang Xôviết trên lãnh thổ Cộng hoà Liên bang xã hội chủ nghĩa Xôviết Nga", quy định xử phạt những người có trọng trách thi hành các luật liên bang mà không được Nga phê chuẩn, có nghĩa là lần đầu tiên trong thực tế luật pháp thế giới, việc tuân thủ luật được tuyên bố là vi phạm luật. Tiếp theo là luật "về việc đảm bảo cơ sở kinh tế cho chủ quyền của Cộng hoà Liên bang xã hội chủ nghĩa Xôviết Nga". Theo luật này, thì tất cả các đối tượng sở hữu quốc gia trên lãnh thổ Nga kể cả các tổ chức trực thuộc Liên Xô, được tuyên bố là sở hữu của Liên bang Nga. Sau đó, sự đối đầu được chuyển sang lĩnh vực các quan hệ ngân sách. Luật của Nga về việc lập ngân sách năm 1991 đã thể hiện mơ ước từ lâu của những kẻ chống đối trung ương liên bang: ngân sách sẽ được hình thành trên cơ sở hệ thống thuế một kênh. Có nghĩa là, Liên bang Xôviết bị tước mất các nguồn riêng để tồn tại. Theo gương Nga, các nước cộng hoà khác đã bắt đầu đi vào con đường này. Sự tan rã Liên bang Xôviết đã bắt đầu như khối tuyết tan trên núi.


Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ 4 họp vào tháng 12-1990 đã cảm nhận được nguy cơ này. Các đại biểu đã bắt đầu lo lắng. Bằng việc bỏ phiếu ghi rõ tên, họ đã thông qua quyết định về việc duy trì Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết như một liên bang đổi mới của các nước cộng hoà bình đẳng có chủ quyền, về duy trì tên gọi lịch sử của nó là "Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết", cũng như về việc tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trong toàn quốc nhằm duy trì sự thống nhất của liên bang Xôviết đổi mới.


Tuy nhiên, cả quyết định này cũng bị chống đối kịch liệt, ở một số nước cộng hoà, chính quyền cấm tiến hành cuộc trưng cầu ý dân của liên bang, ở Cộng hoà Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga, ban lãnh đạo phong trào "Nước Nga dân chủ" và các lực lượng đối lập khác kêu gọi các công dân "không" duy trì Liên bang Xôviết. Hàng loạt báo do chính phủ Cộng hoà Liên bang xã hội chủ nghĩa Xôviết Nga kiểm soát đã đăng tranh cổ động trong đó nước Nga trong thành phần của liên bang đổi mới được mô tả ở sau chấn song nhà tù1 (Báo Nước Nga ngày 15-3-1991). Trước ngày trưng cầu ý dân, B. Enxin đã phát biểu tại nhà điện ảnh Mátxcơva và trên vô tuyến truyền hình chính với tinh thần đó. Người ta đã tổ chức các cuộc mít tinh và hội họp quần chúng.


Song, như đã rõ, các kết quả của cuộc trưng cầu ý dân ngày 17-3-1991 đã chứng tỏ rằng đông đảo quần chúng nhân dân phản đối việc phá vỡ Liên bang Xôviết. 76,4% công dân tham gia bỏ phiếu tức là hơn 113,5 triệu người, có nghĩa là gần 2/3 dân số đã trưởng thành của đất nước tán thành duy trì và đổi mới Liên bang Xôviết. Dường như tất cả đã ở đúng vị trí của mình. Ý chí của đại đa số nhân dân phải trở thành luật tối cao đối với tất cả. Nhưng đất nước lại rung chuyển trong những cuộc mít tinh và bãi công. Các nhà lãnh đạo của một loạt nước cộng hoà công khai kêu gọi không thừa nhận các kết quả trưng cầu ý dân. Xuất hiện những đề nghị chuyển sự hợp nhất các nước cộng hoà sang những cơ sở hoàn toàn khác, xa rời các cơ sở liên bang.


Vào ngày 27-1-1991, các đại diện của "Nước Nga dân chủ" và các lực lượng đối lập khác tập hợp tại đại hội dân chủ ở Kháccốp, đã thông qua quyết định giải thể Liên bang Xôviết và thay Liên bang Xôviết bằng Cộng đồng các quốc gia có chủ quyền. Cũng trong thời gian này, Phó Chủ tịch thứ nhất Xôviết tối cao Cộng hoà Liên bang xã hội chủ nghĩa Xôviết Nga R. Khabulatốp đã công bố dự thảo hiệp ước liên bang của mình. Trong đó, đề nghị thành lập trên lãnh thổ đất nước không phải liên bang mà là "cộng đồng" hay hội liên hiệp, là sự tập hợp lỏng lẻo của các quốc gia có chủ quyền. Theo quan điểm của luật pháp quốc tế thì không thể có quốc tịch liên bang mà không có hiến pháp liên bang1 (Tạp chí Chính trị - xã hội quốc tế, ngày 24-1-1991). Vào tháng hai, gần tới cuộc trưng cầu ý dân đã có thông báo rằng các nhà lãnh đạo Nga, Ucraina, Bêlôrútxia và Cadắcxtan đã cử các đại diện của mình đến Minxcơ để xem xét mà không có sự tham gia của lãnh đạo Liên Xô, các đề nghị về việc thành lập "cộng đồng" thực chất là xoá bỏ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết hoặc ít nhất cũng biến nhà nước liên bang thống nhất trở thành liên bang lỏng lẻo của các quốc gia độc lập.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 05 Tháng Hai, 2022, 08:33:27 am
Hãy chú ý đến các sự kiện này. Bởi chính các sự kiện đó chứng tỏ rằng ý tưởng thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) (không có trung ương liên bang) đã xuất hiện từ lâu trước tháng 8-1991. G.Burbulix nguyên là một trong các tác giả của ý tưởng này, đã rất luyến tiếc rằng, ý tưởng này đã không thực hiện được lúc đó. Cả Enxin cũng tiếc về điều đó2 (Báo Tin tức ngày 17-12-1991 và Báo Độc lập, ngày 29-1-1992).


Nếu ở đây, tôi kể ra những nguyên nhân và diễn biến phá vỡ liên bang tỉ mỉ như vậy, chỉ là để mỗi một người khi đọc những dòng này, có thể tự mình thấy những cái thở dài và những lời than vãn của một loạt các vị lãnh tụ về sự tiêu vong của Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết phô trương giả tạo đến mức nào. Nên biết rằng những người lớn tiếng thở dài và than vãn chính là những người đã phá vỡ liên bang một cách có bài bản. Đây là những giọt nước mắt cá sấu và những mưu toan rõ ràng nhằm tránh cho mình khỏi sự tức giận của hàng triệu người.


Rõ ràng, ông là người đã tham gia tất cả các cuộc thảo luận dự thảo hiệp ước liên bang mới. Dự thảo đó củng cố hay làm suy yếu các cơ sở của Liên bang Xôviết?

Đã có hai con đường để ngăn chặn sự phá vỡ Liên Xô. Con đường thứ nhất như đã nói - tiến hành những thay đổi cơ bản trong hiến pháp hiện hành của Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết. Hiến pháp đã tiếp thu có sửa đổi chút ít các luận điểm của hiệp ước liên bang đầu tiên - hiệp ước năm 1922. Đã đề ra việc bổ sung những luận điểm bằng những chuẩn mực cho phép không làm suy yếu liên bang nhưng củng cố thực sự chủ quyền của các nước cộng hoà, mở rộng quyền hạn, đảm bảo quyền tự chủ của các cơ quan thuộc các nước cộng hoà trong việc thực hiện các quyền hạn đó.


Tuy nhiên, dần dần dưới sức ép của các đại diện một loạt nước cộng hoà và các lãnh thổ quốc gia - dân tộc, đại đa số các đại biểu đã bắt đầu ngả theo hướng ký kết hiệp ước liên bang mới. Hiệp ước này có thể trở thành một phần hữu cơ của hiến pháp mới của Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết. Vì thế cho nên từ giữa năm 1990, dưới sự bảo trợ của Xôviết tối cao Liên Xô, đã tiến hành các cuộc họp tư vấn của các đại diện các nước cộng hoà. Trong quá trình các cuộc họp đó, người ta đã soạn thảo phương án thứ nhất của dự thảo hiệp ước liên bang. Tiếp theo, đã chuẩn bị thêm hai phương án của dự thảo hiệp ước liên bang. Nói chung, các phương án đó đều xuất phát từ tư tưởng gìn giữ tính chất liên bang của nhà nước chúng ta, mà lúc đầu được đề nghị gọi là "Liên bang các nước cộng hoà Xôviết có chủ quyền", còn sau đó chỉ đơn giản là "Liên bang các nước cộng hoà có chủ quyền". Trong các dự thảo này các quyền hạn đặc biệt của liên bang được phác hoạ khá rõ ràng, sự ưu tiên các luật liên bang đã được khẳng định, đã giải quyết các vấn đề tài sản liên bang, về sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, quốc tịch thống nhất. Thực tế thì những quan điểm cơ bản của các văn kiện này đã được ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 17-3-1991. Cuộc trưng cầu ý dân đã ủng hộ việc duy trì liên bang của chúng ta chính là "Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết, có nghĩa là tán thành không thay đổi tính chất xã hội chủ nghĩa, hình thức Xôviết và cấu trúc liên bang của nhà nước chúng ta. Cho nên khi tổng kết cuộc trưng cầu ý dân, Xôviết tối cao Liên Xô đã nhận thấy cần thiết phải làm cho dự thảo hiệp ước liên bang hoàn toàn phù hợp với kết quả của cuộc trưng cầu ý dân, hoàn thiện dự thảo với sự tham gia của đại diện tất cả các nước cộng hoà liên bang và tự trị.


Tuy nhiên, quyết định này được tiếp nhận khác nhau trong các nước cộng hoà. Những tính toán xung quanh số phận liên bang vẫn không dịu đi. Hơn nữa, chúng lại trở thành nguy cơ dễ bùng nổ. Cuộc chiến tranh luật pháp trở thành nỗi bất hạnh phá vỡ trật tự luật pháp thống nhất trong nước. Rõ ràng, các mối quan hệ kinh tế quốc dân hình thành từ bao năm đã bị phá vỡ. Các lò lửa xung đột giữa các dân tộc lại bùng lên mạnh hơn và thường xuyên hơn.


Tất cả những "điều đó đã làm cho M.X. Goócbachốp tiến hành tiếp xúc trực tiếp với những người lãnh đạo 9 nước cộng hoà. M.X. Goócbachốp đã gặp gỡ họ vào ngày 23-4-1991 tại Nôvôôgarép và đã đề nghị ký tuyên bố chung về những biện pháp khẩn cấp nhằm ổn định tình hình trong nước và khắc phục khủng hoảng. Tuyên bố được thông qua đã thừa nhận sự cần thiết phải khôi phục trật tự hiến pháp và tuân thủ nghiêm ngặt các luật liên bang. Nhiệm vụ ký kết hiệp ước liên bang mới có tính tới kết quả của cuộc trưng cầu ý dân được coi là nhiệm vụ hàng đầu. Đã quyết định không quá 6 tháng, kể từ khi ký kết hiệp ước này, phải thông qua hiến pháp mới của liên bang tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô. Quá trình "Nôvôôgarép" được bắt đầu như vậy.


Ngày nay khi giở lại những bản ghi chép của các cuộc gặp gỡ Nôvôôgarép mà tôi có tham gia, tôi nhớ các cuộc gặp gỡ đó đã diễn ra khó khăn như thế nào. Và không phải ngẫu nhiên, các quan điểm của những người tham gia đối lập với nhau rất nhiều. Có thể nói rằng, nếu như các đề nghị của Bêlôrútxia và Cadắcxtan gần gũi với việc duy trì và đổi mới liên bang Xôviết, thì các đại diện của Ucraina, Kirơghixtan và một vài nước cộng hoà khác lại bảo vệ tư tưởng "cộng đồng" kiểu như cộng đồng châu Âu. Ban lãnh đạo Cộng hoà Liên bang xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga không đồng ý với những đề nghị về duy trì quốc tịch liên bang thống nhất và với nhiều điểm phân chia quyền hạn của liên bang và các nước cộng hoà. Có những bất đồng nghiêm trọng giữa Adécbaigian và Ácmênia, một loạt các nước cộng hoà Trung Á. Các đại biểu của các nước cộng hoà tự trị có những quan điểm đặc biệt, khi đòi dành cho mình quy chế của người sáng lập liên bang mới.


M. Goócbachốp đã chọn chiến thuật tương đối độc đáo. Sau khi để tôi trình bày khả năng duy trì liên bang như là một liên bang đổi mới, chính Goócbachốp đã cố gắng đóng vai trò trọng tài không thiên vị khi thì gắn với các lý lẽ của quốc hội liên bang và những kết quả trưng cầu ý dân; khi thì nghiêng về phía các nước cộng hoà. Xin nói thẳng rằng, việc bảo vệ sự thống nhất của nhà nước liên bang chúng ta trong tình hình này rất không đơn giản. Trong một vài trường hợp tôi đã buộc phải ghi chép vào biên bản ý kiến riêng của mình. Ý kiến riêng được ghi trực tiếp trong văn bản dự thảo hiệp ước, nhân có đề nghị được M. Goócbachốp ủng hộ, đặt tên nước ta là "Liên bang các quốc gia có chủ quyền". Chính lúc đó đã rõ là "Liên bang các quốc gia" và "Nhà nước liên bang'' là hoàn toàn khác nhau. Nếu "Liên bang các quốc gia" có nghĩa là một cấu trúc liên bang lỏng lèo, thì "Nhà nước liên bang" đồng nghĩa với liên bang, nó có chủ quyền cũng như các bộ phận cấu thành của nó.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 05 Tháng Hai, 2022, 08:34:13 am
Bảo vệ những lợi ích của liên bang trong khi thảo luận vấn đề đóng thuế trực tiếp vào ngân sách của Liên bang (có nghĩa là về hệ thống hình thành ngàn sách liên bang theo hai kênh) là đặc biệt khó khăn, ủng hộ hệ thống này, lúc đó M. Goócbachốp đã nói: "Nếu không có thuế liên bang thì không có liên bang. Không một liên bang nào không có thuế liên bang cả". Đồng thời ông ta thậm chí còn vin vào cớ là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc nội chiến ở Trung Á chính là vấn đề thuế liên bang.


Tuy nhiên, cả vấn đề này và về nhiều vấn đề khác, đại diện của một loạt các nước cộng hoà đã đưa ra những đòi hỏi càng ngày càng mới, làm xói mòn nội dung dự thảo của hiệp ưởc và từng bước làm suy yếu và phá vỡ cấu trúc liên bang của nhà nước chúng ta. So sánh các dự thảo hiệp ước liên bang được soạn thảo trước cuộc trưng cầu ý dân với các dự thảo được chuẩn bị trong quá trình các cuộc gặp gỡ Nôvòôgarép cho thấy từng bước rời bỏ những nguyên tắc đã được Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô lần thứ 4 thông qua và được nhân dân ủng hộ trong cuộc trưng cầu ý dân như thế nào.


Dĩ nhiên, có thể xuất hiện sự nghi ngờ rằng, kết luận này của tôi có phải là ý kiến chủ quan của một con người với những quan điểm "đế chế" bảo thủ cố gắng hết sức bảo vệ cho kỳ được Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết "đã thối rữa" không? Nhưng trước mắt tôi là các kết luận của ba nhóm lớn các chuyên viên gồm các luật gia, các nhà sử học, các nhà kinh tế và các chính trị gia độc lập về dự thảo hiệp ước liên bang Nôvôôgarép. Bạn hãy đọc những kết luận này.


Nhóm chuyên viên thứ nhất kết luận: "Việc phân tích văn bản hiệp ước cho thấy rằng liên bang sẽ không có chủ quyền ở mức độ cần thiết cho quốc gia hoạt động bình thường và vì vậy không phải là nhà nước liên bang. Các tiêu chuẩn thực tế của toàn bộ văn bản hiệp ước chứng minh về một liên bang lỏng lẻo mà các tác giả của dự thảo muốn đưa ra để thay thế Liên bang Xôviết khi họ không dám công khai chống lại những kết quả của cuộc trưng cầu ý dân".


"Dự thảo hiệp ước đã tạo những điều kiện để khuyến khích các xu hướng ly tâm trong liên bang, các hoạt động của những xu hướng này có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát của những người có trách nhiệm về hiệp ước. Toàn bộ văn bản dự thảo cho phép nghi ngờ về tính trung thực của các tác giả khi họ bày tỏ mong muốn giúp duy trì và đổi mới liên bang. Dự thảo hiệp ước chứng minh tính chất liên hiệp lỏng lẻo của liên bang tương lai trong khi ngày 17-3-1991 đại đa số nhân dân tán thành duy trì và đổi mới Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết như một liên bang của các nước cộng hoà bình đẳng có chủ quyền" - đây là kết luận của nhóm chuyên viên thứ hai.


Nhóm chuyên viên thứ ba tuyên bố còn cương quyết hơn: "Sau khi thừa nhận liên bang, hiệp ước xây dựng trên thực tế không phải một liên bang lỏng lẻo mà đơn giản chỉ là một câu lạc bộ các quốc gia. Nó dẫn thẳng đến việc huỷ diệt Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết; trong đó thể hiện tất cả các cơ sở cho các việc làm trong tương lai: tiền tệ, quân đội, thuế quan, v.v... Khi tiến hành đường lối này một cách bí mật, không rõ ràng nó sẽ nguy hiểm gấp đôi, vì nó làm xói mòn tất cả những khái niệm ở mức độ xuất hiện con quỷ nhà nước".


Tôi xin nói thêm rằng, trong tay chúng tôi không có những kết luận nào khác của các chuyên viên, dù ở mức độ ít nhất, ủng hộ dự thảo Nôvôôgarép. Chính M. Goócbachốp biết rất rõ việc này. Điều này giải thích tại sao ngày 12-7-1991, Xôviết tối cao Liên Xô thông qua nghị quyết mà trong đó, sau khi tán thành cơ bản dự thảo hiệp ước liên bang, đã cho rằng, chỉ có thể ký hiệp ước sau khi sửa đổi nghiêm túc và thoả thuận giửa các nước cộng hoà, với sự tham gia của đoàn đại biểu liên bang có thẩm quyền được thành lập tại kỳ họp của xôviết tối cao. Đoàn đại biểu được uỷ nhiệm phải xuất phát từ một loạt các quan điểm nguyên tắc và trước hết, từ các kết quả của cuộc trưng cầu ý dân trong toàn quốc. Nhiệm vụ riêng được đề ra là "đưa vào xem xét trong dự thảo hiệp ước liên bang về việc ở Liên Xô có một không gian kinh tế thống nhất, một hệ thống ngân hàng thống nhất và Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết phải có sở hữu cần thiết cho hoạt động bình thường của nó như một Nhà nước liên bang, trong đó có các phương tiện tài chính được chuyển trực tiếp vào ngân sách liên bang trên cơ sở luật pháp của Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết". Đồng thời đã nhấn mạnh rằng "văn bản cuối cùng của hiệp ước liên bang, phù hợp với những nguyên tắc của một nhà nước dân chủ đổi mới, sẽ được ký kết tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô".


Song, cuộc gặp gỡ cuối cùng ở Nôvôôgarép ngày 23-7-1991 đã cho thấy quan điểm hoàn toàn có cơ sở này của Quốc hội liên bang lại đụng phải sự chống đối của một bộ phận đáng kể những người tham gia các cuộc đàm phán.


Phương án cuối cùng của dự thảo hiệp ước về liên bang các quốc gia có chủ quyền, trong đó một loạt các vấn đề tương đối cơ bản còn phải thoả thuận tiếp, còn nguy hiểm hơn đối với việc bảo vệ các cơ sở liên bang của nhà nước chúng ta. Chỉ có việc xem xét thêm dự thảo hiệp ước tại Xôviết tối cao Liên Xô và ở quốc hội các nước cộng hoà dự định tiến hành vào tháng 9, tháng 10-1991 mới có thể cứu vãn được tình hình.


Trả lời câu hỏi được đặt ra cho tôi như vậy, tôi có thể nói một cách tin tưởng rằng dự thảo hiệp ước liên bang có hai mặt, hai vai trò. Trước cuộc trưng cầu ý dân, nó có tiềm năng xây dựng đáng kể, trong trường hợp đưa dự thảo phù hợp chính xác với các kết quả của cuộc trưng cầu ý dân đã tạo cơ sở để duy trì và đổi mới Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết. Trong quá trình các cuộc gặp gỡ Nôvôôgarép dự thảo này do kết quả của nhiều sự nhượng bộ và thoả hiệp đã trở thành công cụ phá hoại. Bất chấp ý chí của nhân dân đã được thể hiện rõ ràng, nó chỉ có thể dẫn đến một điều là tiêu diệt thực sự Nhà nước Liên bang Xô viết.


Trong suốt cả thời gian ông bị giam giữ, các cuộc tranh cãi về tuyên bố của ông về hiệp ước liên bang được công bố trong quá trình các sự kiện tháng 8 không giảm đi. Thậm chí người ta còn tranh cãi về việc khi nào ông viết tuyên bố: ngày 16 hay muộn hơn? Sẽ rất thú vị, nếu được biết, trước đó ông đã có ý định gì để ngăn cản việc thông qua dự thảo đã được công bố? Ông với M. Goócbachốp có tranh luận về vấn đề này không?


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 05 Tháng Hai, 2022, 08:35:06 am
Về việc bung ra các cuộc tranh cãi như thế nào xung quanh dự thảo hiệp ước liên bang, thì tôi đã nói. Những cuộc tranh cãi đó không chỉ diễn ra tại các cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo các nước cộng hoà và liên bang ở Nôvôôgarép, mà còn riêng giữa tôi với Tổng thống Liên Xô. Và không chỉ một lân. Tuyên bố của tôi về hiệp ước liên bang có thể coi là màn cuối của các cuộc tranh cải này, nhằm ngăn chặn sự tiêu vong của nhà nước liên bang chúng ta.


Như đã nêu, phương án cuối cùng của hiệp ước về liên bang các quốc gia có chủ quyền đã được thảo luận tại Nòvôôgarép ngày 23-7-1991. Cuộc hội đàm có thể nói là nặng nề nhất, còn về một loạt các điểm thì hoàn toàn không mang tính xây dựng. Có thể nói một cách đầy đủ rằng, ít nhất hai nước cộng hoà (Adécbaigian và Kirơghixtan) đã đề nghị trong hiệp ước không nhắc đến Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết là một nhà nước liên bang có chủ quyền, và nói chung, không chấp nhận từ "liên bang" trong bất kỳ điều nào của dự thảo. Đại biểu của một số nước cộng hoà lại một lần nữa khăng khăng đòi liên bang không thể có sở hữu riêng của mình và tất cả các tài sản hiện do liên bang chiếm giữ phải được coi là sở hữu chung của các nước cộng hoà. Cũng có ý kiến đề nghị bỏ khái niệm thẩm quyền đặc biệt của liên bang, thay nó bằng phạm vi các lợi ích chung của các nước cộng hoà có chủ quyền. Tổng thống Nga đã đề nghị ghi nhận trong hiệp ước việc mở rộng quyền tài phán của Liên bang Nga đối với tất cả các xí nghiệp nằm trên lãnh thổ liên bang Nga, kể cả các xí nghiệp công nghiệp quốc phòng. Đã không đạt được thoả thuận về các vấn đề đóng thuế thẳng cho ngân sách liên bang. B. Enxin kiên quyết giữ hệ thống thu một kênh tất cả các loại thuế vào ngân sách của nước Nga, sau đó Nga sẽ chuyển cho liên bang một phân số tiền thuế này. Cuối cùng, đại diện của Ucraina đã tuyên bố rằng, Ucraina sẽ quyết định vấn đề về thái độ của mình với hiệp ước liên bang không sớm hơn giữa tháng 9-1991.


Vì vậy, sau khi đã tán thành nói chung dự thảo hiệp ước liên bang, tất cả những người tham gia cuộc gặp gỡ cuối cùng đã đi đến kết luận ký kết hiệp ước trong tháng 9, tháng 10-1991 là hợp lý, tiến hành việc ký kết này tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô có mời tất cả các đoàn đại biểu có thẩm quyền của các nước cộng hoà tham dự. Việc chính M. Goócbachốp ủng hộ thủ tục ký kết hiệp ước liên bang như vậy đã được ghi rõ trong bản tốc ký của cuộc gặp gỡ Nôvôôgarép.


Trước đó, cần phải thoả thuận xong một loạt các điều của bản dự thảo, mặc đầu dễ dàng nhận thấy rằng không phải chỉ đơn giản là hoàn thiện biên tập hiệp ước mà là giải quyết những vấn đề mang tính nguyên tắc nhất, trước hết là về sở hữu và tài chính của liên bang, những vấn đề nói chung sẽ quyết định việc liên bang được duy trì hay trở thành một liên bang lỏng lẻo vô hình nào đó của các quốc gia độc lập.


Đánh giá tầm quan trọng của các điều khoản này của hiệp ước, tôi dựa vào tuyên bố được X. Alếchxêép - Chủ tịch Uỷ ban giám sát thực hiện hiến pháp đưa ra tại kỳ họp Xôviết tối cao Liên Xô. Khi đó, ông đã nói: đặc trưng tối cần thiết của một nhà nước là cơ sở tài chính riêng của nó. Không chỉ đơn giản là không tốt nếu không có thu thuế riêng, không có nhà nước, nếu nó không có cơ sở riêng. Vấn đề ở đây không phải ở các chi tiết kỹ thuật, không phải giải quyết vấn đề cái gì tốt hơn: hệ thống một kênh, hay hai kênh. Vấn đề ở đây không phải ở các thời điểm ưu tiên, không phải ở những sự tôn trọng. Nếu lý giải như vậy thì đơn giản là sẽ không có liên bang, sẽ không có liên bang không chỉ như liên bang mà thậm chí cả như một liên bang lỏng lẻo. Sẽ là một tổ chức pháp quyền quốc tế kiểu Liên hợp quốc, nếu như được xây dựng trên cơ sở đóng góp kinh phí1 (Công báo các phiên họp ngày 11-7-1991, số 109, tr.18).


Tuy nhiên, như các sự kiện sau đó đã chứng tỏ, việc thoả thuận các vấn đề có tính nguyên tắc nhất này của sự tồn tại và diệt vong của Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết đã diễn ra không phải tại cuộc họp chung của các đại biểu có thẩm quyền của các nước cộng hoà mà trong phạm vi hẹp giữa các lãnh tụ chính trị, hơn nữa lại hết sức bí mật. Ngày 29-30-7-1991 tại Nôvôôgarép đã diễn ra các cuộc gặp gỡ bí mật của M. Goócbachốp với B. Enxin và N. Nadabaép, những người đã tham gia các cuộc đàm phán Xô - Mỹ diễn ra trong thời gian đó ở Mátxcơva. Dĩ nhiên, trọng tâm chú ý của các cuộc gặp gỡ này là dự thảo hiệp ước về liên bang các quốc gia có chủ quyền, những vấn đề trong dự thảo và thủ tục ký kết "chưa được thoả thuận". Biết rằng dự thảo đã được sửa chữa lần cuối này có thể không được ủng hộ ở Xôviết tối cao Liên Xô, hơn thế nữa tại Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô, M. Goócbachốp đã đề nghị các Tổng thống Nga và Cadắcxtan bắt đầu ký dự thảo không phải vào tháng 9, tháng 10 như đã quy định trước đây, mà đúng là sau 3 tuần - vào ngày 20-8-1991. Đáp lại thoả thuận của họ, Tổng thống Liên Xô đã chấp nhận yêu cầu của B.Enxin ghi vào hiệp ước hệ thống một kênh thu thuế vào ngân sách của các nước cộng hoà. Lúc đó B. Exin đã tự tay mình xoá khỏi điều 9 của dự thảo nói về các loại thuế liên bang những từ: "Các loại thuế và thu thuế theo quy định được người đóng thuế nộp trực tiếp vào ngân sách liên bang", và bằng cách đó đã phá vỡ hoàn toàn cơ sở vật chất độc lập để tồn tại của nhà nước Liên bang. Đồng thời M. Goócbachốp đã cam kết ngay sau khi ký kết hiệp ước là sẽ ra sắc lệnh chuyển tất cả các xí nghiệp trực thuộc liên bang nằm trên lãnh thổ Cộng hoà liên bang xã hội chủ nghĩa Xôviết Nga sang quyền tài phán của Nga.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 05 Tháng Hai, 2022, 08:36:03 am
Trong tuyên bố của mình trên vô tuyến truyền hình ngày 2-8-1991, M. Goócbachốp đã thông báo rằng, các đoàn đại biểu Liên bang Nga, Cadắcxtan và Udơbêkixtan sẽ ký hiệp ước đầu tiên và tiếp đó sau những khoảng thời gian nhất định, các đại diện của các nước cộng hoà khác đã tham gia quá trình Nôvôôgarép sẽ ký1 (Báo Nước Nga, ngày 23-8-1991). Dựa trên những lời xác nhận của M. Goócbachốp và B. Enxin, Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao Nga đã thông báo ở một trong các bài trả lời phỏng vấn của mình rằng, trong thời gian các cuộc gặp gỡ bí mật ngày 29-30-7, các Tổng thống Nga và Cadắcxtan đã đề nghị M. Goócbachốp tiến hành bố trí lại cơ bản cán bộ trong bộ máy đầu não của chính quyền liên bang, cách chức Thủ tướng Páplốp (đã đề nghị Nadabaép thay Páplốp), thay các chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô bằng những người mới, cũng như sáp nhập Bộ Ngoại giao và Bộ Quan hệ kinh tế đối ngoại thành một bộ2 (Báo Tin tức, ngày 13-8-1992). Bằng cách đó, việc ký kết hiệp ước liên bang, hơn nữa lại ký riêng từng đoàn đại biểu, được tiến hành ngoài phạm vi của Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô, một đại hội đã được các lãnh tụ của một loạt nước cộng hoà và hiển nhiên là cả Tổng thống Liên Xô dự kiến triệu tập để ký hiệp ước, vì nó sẽ cản trở việc thực hiện ý đồ đã định của họ. Hiệp ước này hợp ý họ bởi: một mặt, nó dường như đã duy trì được chức vụ của tổng thống liên bang, còn mặt khác, nó thực tế đã huỷ bỏ Nhà nước liên bang - Liên bang các nước cộng hoà Xôviết. Chỉ có người mù mới không thể nhìn thấy điều đó. Hơn nữa, dự thảo hiệp ước định đưa ra để ký đã được thay đổi cơ bản tại cuộc gặp bí mật "tay ba" trước ngày 16-8-1991, đã không được công bố trên báo chí, vì chắc chắn nó sẽ bị công chúng phản đối. Để hạn chế, người ta chỉ gửi văn bản hiệp ước cho những người đứng đầu các đoàn đại biểu có đủ thẩm quyền. Hơn nữa, lại không nói gì đến việc tiến hành các cuộc họp của quốc hội các nước cộng hoà, mặc dù, việc này đã được xem xét trong các quyết định do họ thông qua trước đây. Còn đối với quốc hội liên bang, thì nó bị kiên quyết gạt bỏ không cho tham gia vào việc giải quyết những vấn đề cụ thể về sự tồn tại của liên bang. Người ta đã đề nghị chủ tịch quốc hội liên bang và các nhà lãnh đạo các Viện của quốc hội chỉ im lặng khi tham dự ký kết một hiệp ước trái với những kết quả của cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc. Như vậy, tôi đã rơi vào tình trạng của một người không được đếm xỉa tới ý chí của Xôviết tối cao Liên Xô đã được bầy tỏ rõ ràng trước đây, và sự có mặt của tôi chỉ là để làm long trọng hoá việc ký kết hiệp ước mà thực chất là hiệp ước phá vỡ các cơ sở của Liên bang Xôviết.


Tôi đã nói việc này với tổng thống liên bang trong một cuộc nói chuyện nửa tiếng đồng hồ qua điện thoại vào ngày 13-8-1991, đúng là chỉ trước các sự kiện tháng 8 có 5 ngày.

Tôi đã chuẩn bị tuyên bố của mình sau cuộc nói chuyện này nhân việc các đại biểu và công dân gửi cho tôi các đề nghị. Tuyên bố của tôi hầu như nhắc lại từng chữ quan điểm của Xôviết tối cao Liên Xô về dự thảo hiệp ước liên bang và không nói đến thậm chí chỉ là dự định về những biện pháp đặc biệt nào cả Ngày 18-8, tôi chỉ đưa vào tuyên bố những giải thích nhỏ làm rõ thêm. Hôm nay tôi không bác bỏ một lời nào đối với văn kiện đã được đưa ra khá đầy đủ này. Tư tưởng xuyên suốt văn kiện là hiệp ước liên bang rất cần thiết và nó cần được ký kết sau khi đã được hoàn chỉnh ở Xôviết tối cao Liên Xô với nội dung phù hợp với những kết quả của cuộc trưng cầu ý dân trong toàn quốc.


M. Goócbachốp tuyên bố rằng chính "những người lao động" có tội trong việc phá vỡ ký kết hiệp ước liên bang. B. Enxin nói rằng không chỉ riêng "những người bạo động" và cả chính M. Goócbachốp là "những kẻ đào huyệt" chôn vùi văn kiện này. Có phải như thế không? Dẫu sao thì ai đã "kết thúc ván bài" phá vỡ Liên bang Xôviết xuất sắc như vậy?


Cho rằng "những người bạo động" là những người duy nhất có tội và thậm chí là những người có tội chính trong việc phá vỡ ký kết hiệp ước liên bang có nghĩa là quên hết rằng những kẻ dân chủ cấp tiến và chia rẽ dân tộc đã chống cự một cách tuyệt vọng như thế nào đối với tư tường duy trì liên bang trước cuộc trưng cầu ý dàn trong toàn quốc, về những lời kêu gọi của họ tẩy chay bỏ phiếu, có nghĩa là quên "cuộc chiến tranh luật pháp", ngân sách và quyền tài phán đã diễn ra khốc liệt như thế nào, tước bỏ dần dần nhưng chính xác như thế nào khỏi dự thảo hiệp ước liên bang tất cả những gì nhắc đến dù xa xôi về một liên bang thực sự.


Hầu như trong mỗi bài phát biểu của M. Goócbachốp đều có những lời buộc tội "những người bạo động" phá vỡ việc ký kết hiệp ước liên bang các quốc gia độc lập. Tháng 9-1991 ông ta đã ghi lời buộc tội này vào tuyên bố chung của lãnh đạo các nước cộng hoà và đòi đưa lời buộc tội đó vào nghị quyết của Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô bất thường lần thứ năm. Lại thế nữa! Điều đó đã tạo khả năng cho ông ta trốn tránh tội lỗi của mình về việc phá vỡ liên bang. Nhưng, các đại biểu đã thông minh hơn là tổng thống nghĩ về họ. Trong nghị quyết của Đại hội họ đã xác nhận rkng, các sự kiện tháng 8 không "phá vỡ" mà chỉ "gây nguy hiểm cho quá trình hình thành các quan hệ liên bang" và họ đã đề nghị các nhà lãnh đạo các nước cộng hoà "nhanh chóng" chuẩn bị ký kết hiệp ước về liên bang các quốc gia có chủ quyền"1 (Công báo của Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô và Xô viết tối cao Liên Xô, 1991, số 37, tr.1081).


Thực tế, tại sao không thể ký được hiệp ước, một tuần sau "cuộc bạo động", vào những ngày đại hội đại biểu nhân dân lần thứ năm? Nhưng không, điều đó đã không xẩy ra! Đại hội đã nhụt chí! Thậm chí công thức liên hiệp lỏng lẻo do M. Goócbachốp vội vàng đưa ra cũng bị bác bỏ. Và không phải "những người bạo động" có lỗi trong việc này, mà trước tiên là do nhiều lãnh tụ các nước cộng hoà lo sợ rằng chính quyền Nga, chính quyền của B. Enxin sẽ thay thế chính quyền trung ương. Họ lo lắng khi thấy rằng, bằng những sắc lệnh của mình, Tổng thống Nga đã nhanh chóng đặt các cơ quan điều hành liên bang, Bộ Nội vụ và Uỷ ban An ninh quốc gia, quân đội dưới quyền mình. Đã thông báo cả về các dự định của "các nhà dân chủ" hợp nhất chức vụ của Tổng thống Liên bang Nga và Tổng thống Liên Xô. Họ là những người chứng kiến cả việc các bộ trưởng của Liên bang Nga nhanh chóng chiếm giữ các ghế bộ trưởng liên bang. G. Pôpốp đã phanh phui bí mật này trên những trang báo "Tin tức" mà đối với các vị lãnh tụ của các nước cộng hoà thì từ lâu đã là một bí mật mà ai cũng biết. Quan điểm của một loạt lãnh tụ các nước cộng hoà ngay từ khi bắt đầu các sự kiện tháng 8 và sự vội vàng tuyên bố độc lập của các nước cộng hoà không phải trong thời gian diễn ra các sự kiện mà chính sau "cuộc bạo đông" cũng chứng tỏ điều này.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 05 Tháng Hai, 2022, 08:36:54 am
Trong bài trả lời phỏng vấn không thể đưa ra những đoạn trích dẫn dài dòng, nhưng tôi buộc phải đưa ra một trích dẫn đầy đủ, hơn nữa nó làm sáng tỏ lịch sử sụp đổ của liên bang và thuộc về một con người hoàn toàn không đối lập với Tổng thống Nga, đó là G. Iavơlinxki. Khi phóng viên hỏi ông ta - tại sao Enxin chọn êkíp E. Gaiđa, chứ không phải là G. Iavơlinxki, ông ta đã trả lời: "Chúng tôi có những quan điểm khác nhau mang tính nguyên tắc về việc cần tiến hành cải cách như thế nào, về chiến lược và sách lược cải cách, những phương thức bảo đảm chính trị... B. Enxin và những người thân cận của ông ta có những chỉ thị chính trị rõ ràng mà họ coi đó là những ưu tiên và mong muốn thực hiện trong mọi trường hợp. Trước hết, đó là sự phá vỡ liên bang cùng một lúc cả về chính trị và kinh tế (theo nghĩa đen - chỉ trong một ngày), phá huỷ tất cả các cơ quan phối hợp kinh tế nếu có thể được, bao gồm các lĩnh vực tài chính, tín dụng và tiền tệ. Sau đó tách hoàn toàn nước Nga khỏi tất cả các nước cộng hoà, kể cả các nước trong thời gian đó không đặt ra vấn đề này, ví dụ, như Bêlôrútxia, Cadắcxtan. Đã có đơn đặt hàng chính trị như vậy1 (Báo Văn hoá, 1992, số 44). Như chúng ta thấy, điều bí mật đã trở nên rõ ràng. Đã có chỉ thị chính trị rõ ràng: đặt đất nước trước sự đã rồi, làm tất cả mọi việc trong một ngày. Và ngày 8-12-1991 đã trở thành ngày tận số như vậy. Vì vậy, tuyên bố của Tổng thống Cadắcxtan Nadabaép: "không có nước Nga thì không có văn kiện Bêlòvex, không có nước Nga, thì liên bang đã không sụp đổ2 (Báo Độc lập, ngày 6-5-1992) không gây ra sự ngạc nhiên mà ngược lại, được tiếp nhận như một sự thật hiển nhièn.


Như vậy, không nên quở trách "những người bạo động" là những kẻ đào huyệt chôn vùi hiệp ước liên bang. Bởi vì, thậm chí những người hăng hái nhất quan tâm đến phương án cuối cùng của văn kiện này cũng thừa nhận rằng, việc ký kết đó chỉ có thể trở thành hiện thực trong trường hợp nếu như "sau khi ký kết hiệp ước, Goócbachốp bắt đầu phá bỏ trung ương và trụ cột của nó là cơ cấu tổ chức của Đảng Cộng sản Liên Xô hoặc là sẵn sàng giao cho các nước cộng hoà làm việc đó". Kết luận này của G. Pôpốp hoàn toàn không chỉ theo ý mình, mà vì nó được khẳng định bằng một loạt văn kiện trong tập hồ sơ điều tra về Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp. Phá vỡ cấu trúc nhà nước hợp hiến bằng con đường đảo chính đã, được dự định từ lâu. Ngày nay nó đã trở thành hiên thực. Khi phân tích các sự kiện tháng 8, R. Khabulatốp tuyên bố: "chúng tôi muốn làm cuộc đảo chính này, sau khi ký kết hiệp ước nhưng chỉ bằng con đường hoà bình". Cựu Tổng thống Liên Xô trong cuốn sách của mình đã hùa theo Khabulatốp rằng:


"Đã diễn ra cuộc đảo chính độc đáo chỉ thiếu có xe tăng". I. Xilaép bổ sung thêm: "Tất nhiên là cả ở Nga và cả ở Xôviết tối cao Liên bang Nga đã có những người chống việc ký hiệp ước liên bang mới. Từ giai đoạn hai, Enxin đã ủng hộ hiệp ước. Nhưng khi ký kết chúng tôi đã dự định ấn định thời hạn để hiệp ước này có hiệu lực là một năm. Còn về những hậu quả của cuộc bạo động thì sự thất bại của nó dẫn tới tình trạng mới về chất ở trong nước... Không phải sự may mắn. Đúng, sự bất hạnh đã đến".


Bằng cách đó, chúng tôi hiểu rằng cuộc đảo chính thực sự không phải đã diễn ra vào những ngày 19 - 21-8 mà vào sau khi "những người dân chủ" giành được chính quyền. Họ bắt đầu phá vỡ chế độ hợp hiến hiện hành bằng con đường chuyển nó sang "tình trạng mới về chất". Và ở đây "những anh hùng" của tấn thảm kịch mà đất nước đã lâm vào được nhìn nhận hoàn toàn khác. Tôi xin nhắc lại: không phải nhân dân, không phải những người lao động của các dân tộc khác nhau đá phá vỡ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết. Nó đã bị sụp đổ do kết quả của cuộc đấu tranh quyết liệt giành quyền lực của các nhà chính trị không suy nghĩ chín chắn khi giơ tay biểu quyết.


Ông đánh giá như thế nào về "các thoả thuận Minxcơ" mà nhân dân đã gọi là "bạo động Belôvex"?

Việc giải tán Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô làm suy yếu nhanh chóng toàn bộ chính quyền liên bang. Bắt đầu tách các nước cộng hoà ra khỏi trung tâm chính trị và kinh tế đại diện cho Liên bang Xôviết. Đúng là chính Tổng thống Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết bằng các quyết định của mình đã bật đèn xanh cho việc này.


Ngày 6-12-1991 với chữ ký của ông ta đã công bố các nghị quyết của Hội đồng Nhà nước Liên Xô vừa mới được thành lập về việc công nhận độc lập của Látvia, Lítva và Extônia. Điều này đã diễn ra ngay sau ngày giải tán Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô, mà tại đó những quyết định tương tự có thể bị phá sản. Bởi vì, việc tách các nước Cộng hoà Ban tích là sự phá vỡ trật tự đã được thiết lập.


- Liệu Hội đồng nhà nước có quyền thông qua các nghị quyết phê chuẩn việc ba nước cộng hoà tách ra khỏi Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết khi nhân dân của các nước này đã sống hơn nửa thế kỷ trong tình hữu nghị và hoà thuận với nhân dân các nước cộng hoà khác của đất nước ta không? Không, cơ quan này không có thẩm quyền đó. Hành động của nó mâu thuẫn với hiến pháp Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết, với luật "Về thủ tục giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc một nước cộng hoà liên bang tách khỏi Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết", và đã giáng một đòn nặng nề nhất vào các lợi ích của hàng trăm nghìn người sống ở Bantích được gọi là người không phải dân bản xứ.


Khi nhìn thấy liên bang sụp đổ ngay trước mắt, và chỗ đứng của ông ta đang biến mất, M. Goócbachốp mưu toan hồi sinh quá trình Nôvôôgarép. Bấy giờ ông ta đã đồng ý xây dựng liên bang lỏng lẻo dù nó chỉ có thậm chí là một vị tổng thống không có quyền lực. Nhưng, những nỗ lực này của ông ta chẳng đưa đến cái gì cả. Thậm chí liên bang lỏng lẻo giống như nhà nước cũng không hợp ý các vị lãnh tụ các nước cộng hoà. Những ý đồ thuyết phục Goócbachốp rằng sẽ tìm cho ông ta một vị trí nào đó trong cộng đồng đã không làm vị tổng thống liên bang hài lòng. Quan điểm này của các nước cộng hoà đã hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Từ giữa tháng 11-1991, bí mật cả với M.Goócbachốp, người ta đã tiến hành sau hậu trường việc chuẩn bị ráo riết cho cuộc gặp để có thể chôn vùi triệt để liên bang. Và cuộc gặp gỡ này đã được tiến hành 3 tháng sau khi giải tán Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô. Tập họp tại khu rừng Bêlôvex các nhà lãnh đạo Bêlôrútxia, Liên bang Nga và Ucraina đã ký kết hiệp định thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập, tuyên bố "chấm dứt sự tồn tại" của Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết như một thực thể chính trị địa lý. Số phận của một nhà nước vĩ đại nhiều dân tộc đã được quyết định do sự thông mưu của ba nhà chính trị bất chấp các tiêu chuẩn hiến pháp và không thông báo trước cho Tổng thống Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết - người được biết về điều đã xẩy ra sau cả Tổng thống Mỹ.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Hai, 2022, 08:44:15 am
Bị bất ngờ, M. Goócbachốp ra tuyên bố phản đối việc chậm đưa hiệp định Bêlôvex cho quốc hội liên bang và quốc hội các nước cộng hoà phê chuẩn. Ông ta tuyên bố rằng: "Trong hiệp định đã nêu ra một công thức nhà nước khác. Đó là thẩm quyền của Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô. Cần phải triệu tập đại hội. Ngoài ra, tôi không loại trừ cả việc tiến hành trưng cầu ý dân toàn quốc về vấn đề này". Song, Goócbachốp đã nhận thức quá muộn về sự cần thiết phải duy trì Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô và đấu tranh để thực hiện quyết định của cuòc trưng cầu ý dân tháng 3. Bằng chính tay mình, ông ta đã giúp xoá bỏ cơ quan quyền lực đại diện cho tất cả nhân dân trong nước, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ quyết định được nhân dân thông qua tại cuộc trưng cầu ý dân toàn quốc.


Còn về hiệp định tay ba trong khu rừng Bêlôvex thì theo quan điểm pháp lý nó không đứng vững được trước sự phê phán. Có đủ cơ sở để nói rằng, khi ký hiệp định này, Tổng thống Nga đã vượt quá những thẩm quyền của mình được ghi trong điều 121-128 của hiến pháp Nga, tự gán cho mình những chức năng của Đại hội đại biểu nhân dân Nga (điều 104 của hiến pháp). Đồng thời đã vi phạm các điều 2, 5, 73, 78 và 108 của hiến pháp Liên Xô. Nhiều luật sư nổi tiếng thừa nhận rằng trong các hoạt động của "bộ ba Bêlôvex" có tất cả những yếu tố mang tính chất một cuộc đảo chính nhà nước - xâm phạm chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, khả năng phòng thủ của Liên bang Xôviết và dự định phá vỡ tất cả các cơ cấu chính quyền liên bang, kể cả cơ cấu tổng thống, và hoàn toàn coi thường ý chí của nhân dân trong nước đã được bày tỏ tại cuộc trưng cầu ý dân.


Đến nay, từ các diễn đàn quốc hội và trên các trang báo chí có thể nghe thấy rằng việc xoá bỏ liên bang được thực hiện trước tiên là để làm sao nhanh chóng thanh toán M. Goócbachốp, vị tổng thống liên bang chán ngấy. Không thể không giật mình vì những ý kiến kiểu như vậy. Đã phải trả giá quá lớn chăng cho việc cách chức một nhân vật?


Không, đây thực sự là cuộc đảo chính phá hoại nhà nước, là sự cưỡng chế ý chí của nhân dân Xôviết! Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà người ta thường gọi những hiệp định Minxcơ là "bạo động Bêlôvex". Cuộc đảo chính tưởng tượng tháng 8 đã được lợi dụng như một cái cớ, như một sự che đậy thuận lợi và biện bạch thích hợp cho cuộc đảo chính thực sự tháng 8 - tháng 12-1991 được tiến hành nhằm phá vỡ chế độ xã hội và nhà nước hợp hiến. Và cái bánh đà nặng nề của cuộc đảo chính này càng văng ra xa thì hàng triệu người sẽ càng cảm thấy sâu sắc hơn rằng Chính quyền Xôviết, Liên bang Xôviết, tình hữu nghị của các dân tộc, uy tín của đất nước họ trên toàn thế giới có ý nghĩa như thế nào đối với họ.


Ông có thái độ như thế nào đối với việc giải thể Xôviết tối cao Liên Xô? Ông có cho rằng cho đến nay nó vẫn là cơ quan quyền lực hợp pháp không?

Việc giải thể các cơ cấu liên bang nói chung là một hành động tai hại quyết định nhiều đến số phận của nhà nước liên bang. Sau hành vi ở Bêlôvex của các tổng thống ba nước cộng hoà, Xôviết tối cao Liên Xô là thành trì cuối cùng có khả năng dù ở một mức độ nào đó bảo vệ những lợi ích chung của nhân dân Xôviết, đoàn kết các dân tộc. Chỉ những người đã bầu ra các đại biểu liên bang mới có thể bãi miễn họ, chứ không phải là các cơ quan tối cao của chính quyền các nước cộng hoà. Nhưng các cơ quan này vẫn tiến hành việc đó. Xôviết tối cao Liên Xô buộc phải chấm dứt hoạt động của mình. Tuy nhiên, tôi nhắc lại, không ai ngoài các cử tri, có thể tước đoạt thẩm quyền của các" đại biểu. Khó nói số phận của đại biểu nhân dân Liên Xô được định đoạt ra sao. Nhưng không thể không hồi tưởng lại sự xua đuổi đàn áp đã giáng xuống họ như thế nào khi họ tập trung tại đại hội lần thứ sáu của mình. Mặc dù theo quan điểm luật pháp, phù hợp với nghị quyết của Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô Tân thứ năm, ngày 5-12-1991, các thẩm quyền của đại biểu Xôviết được duy trì đến hết nhiệm kỳ của họ.


Một lần nữa tôi muốn nói rằng, sớm hay muộn đóng góp của các đại biểu nhân dân Liên Xô, kinh nghiệm mà họ tích luỹ sẽ được đánh giá xứng đáng. Cách đây không lâu một trong các nhà bình luận của báo "Tin tức" đã nhận xét: "Nếu nhìn một cách khách quan thì Xô viết tối cao của Liên Xô cũ đã làm được không ít việc: đã bắt đầu chuyển thành nghị viện nghĩa là cơ quan lập pháp hoạt động thường xuyên. Đã soạn thảo được không ít các luật ổn định, chặt chẽ mà ngày nay các Quốc hội của các quốc gia - thành viên của cộng đồng đã không ngượng ngùng vay mượn chúng".


Tôi nghĩ rằng bình luận viên đó đúng. Sự phát triển các mối quan hệ kinh tế và chính trị của các nước SNG (tôi muốn hy vọng ràng nó sẽ đúng như vậy) càng đi xa càng cần thiết xây dựng các cơ sở pháp lý cho hoạt động phối hợp của họ, còn sau đó là thành lập các cơ quan quốc hội liên quốc gia. Rõ ràng là việc khởi đầu đã được thiết lập. Và đó có nghĩa rằng, khi nhớ tới kinh nghiệm của quốc hội Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết, lại có thể nói bằng lời của câu tục ngữ Đức: "Anh đã có lúc làm tốt, con chuột trũi già".


Theo ý kiến của ông, có thể phục hồi được Liên bang hay không?

Tất nhiên là không thể xây dựng lại Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết ở dạng như nó đã tồn tại. Cần một liên bang đổi mới, một nhà nước liên bang của các dân tộc có chủ quyền trên cơ sở tự nguyện, trên cơ sở các xu hướng liên kết kinh tế hiện đại, tiến bộ khoa học kỹ thuật, sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn của hàng triệu người thuộc các dân tộc khác nhau. Tôi là người lạc quan trong vấn đề này. Tôi hy vọng rằng một liên bang như thế sẽ tiếp thu tất cả kinh nghiệm tốt của Liên bang Xôviết, của tình hữu nghị giữa các dân tộc chúng ta và kiên quyết cắt bỏ tất cả những biến dạng của quá khứ cũng như những hành động kỳ quặc của chủ nghĩa dân tộc biệt lập hôm nay đang gắn liên với những xung đột về dòng máu, với hàng trăm nghìn người di tản, với nỗi đau khổ của những con người vô tội. Ở đây không cho phép bất cứ một sự xúi giục, kích động nào. Các mối quan hệ dân tộc là vấn đề hết sức tế nhị và nhậy cảm. Việc hình thành nó đòi hỏi phải có những nỗ lực tinh tế lâu dài. Bằng một hành động thiếu thận trọng, dễ dàng trong một giờ phá vỡ trạng thái cân băng, mà sau đó đòi hỏi phải mất nhiều năm dài để khôi phục lại lòng tin trước kia của nhân dân và duy trì cuộc sống chung bình thường của họ.


Có những tiền đề khách quan để xây dựng lại liên bang đổi mới. Nền kinh tế điêu tàn do việc phá vỡ các mối quan hệ kinh tế do các hàng rào biên giới, hải quan, giá cả, tiền tệ và những trở ngại khác đòi hỏi điều đó. Những nhu cầu về tiến bộ khoa học kỹ thuật, việc quan tâm về bảo vệ sức khoẻ và học vấn của nhân dân, việc làm phong phú lẫn nhau của các nền văn hoá dân tộc buộc phải thống nhất lại. Cuối cùng cả những truyền thống giao tiếp lâu đời của những người thuộc các dân tộc khác nhau trong lao động, sinh hoạt và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải xây dựng lại liên bang.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Hai, 2022, 08:45:14 am
Đồng thời rõ ràng là, không thể dựa vào tính tự phát trong trào lưu hướng tới một liên bang mới. Nó sẽ không đưa lại cái gì cả, nếu các lực lượng chính trị, xã hội chủ trương phục hồi tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc không hành động thật sự. Chính các lực lượng này sẽ phải đấu tranh không khoan nhượng để hình thành sự điều hành chung các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, nghiên cứu khoa học cơ bản, phòng thủ, sinh thái và bảo vệ nhân quyền. Ở đây, có thể có những giai đoạn trung gian nào đó, cho phép kết hợp các yếu tố liên bang và liên bang lỏng lẻo, phê chuẩn các chương trình kinh tế, chính sách đối ngoại và phòng thủ chung, duy trì biên giới hiện có, thoả thuận về việc ngăn chặn mọi cuộc xung đột giữa các dân tộc.


Cần thiết có một chiến lược như vậy, vì ở trong mỗi nước cộng hoà liên bang cũ, bên cạnh các lực lượng xây dựng ủng hộ liên bang còn có không ít các phong trào dân tộc, phân lập. Họ không chỉ có cơ sở quần chúng của mình mà còn có cả sự hỗ trợ từ bên ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà những tên trùm tư bản tài chính quốc tế công khai tuyên bố rằng họ dự định giúp đỡ riêng từng nước cộng hoà, chứ không phải giúp tất cả các nước cộng hoà cùng một lúc, căn cứ vào việc nước cộng hoà đó đi theo con đường tư bản chủ nghĩa nhanh và vững chắc đến mức nào. Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà ở Mỹ và ở các nước phương Tây khác trên thực tế không sử dụng thuật ngữ "cộng đồng" để biểu thị cho các nước cộng hoà xôviết cũ. Họ, có người thì gọi các nước cộng hoà là "các quốc gia độc lập mới" và có người lại hoàn toàn chỉ gọi là "trung tâm Âu - Á". Đây không phải là ý thức kỳ quặc mà là chính sách. G. Kítxinhgiơ "một người bạn" lâu năm của đất nước chúng ta khi nói về chính sách này trong một bài phát biểu của mình vào đầu nằm 1992, đã tuyên bố: "Tôi thích ở Nga có sự hỗn loạn và nội chiến hơn là xu hướng hợp nhất các dân tộc của Nga trong một nhà nước tập quyền, thống nhất và vững mạnh".


Tuy nhiên, bất kể những tuyên bố tương tự của một số những "người có thiện ý" ở nước ngoài, bất kể sự căng thẳng tột độ của cuộc đấu tranh hiện nay giữa các thế lực dân tộc chủ nghĩa và quốc tế chủ nghĩa, bất kể những ngọn lửa của các cuộc xung đột giữa các dân tộc hiên nay, tôi nghĩ rằng các triển vọng khôi phục Nhà nước Liên bang Xô viết, khôi phục tình hữu nghị giữa các dân tộc vẫn còn. Cuộc đấu tranh cho những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa trong đời sống xã hội, nhằm hạn chế cuộc thí nghiệm huỷ diệt lôi kéo đất nước vào quỹ đạo của sự bất bình đẳng xã hội gay gắt, vào trong lòng chủ nghĩa tư bản man rợ càng trở nên quyết liệt, thì các triển vọng này càng trở nên to lớn hơn.


Theo quan điểm của ông, triển vọng tồn tại và phát triển của SNG như thế nào ? Ông có cho rằng SNG là tổ chức đầy sinh lực không?

Hiện nay, khi bằng những nỗ lực của "tam hùng chế Bêlôvex", bất chấp tất cả những tiêu chuẩn hiến pháp và ý nguyện của nhân dân, Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết đã bị phá vỡ hoàn toàn, chúng ta có khả năng đánh giá thực chất cấu trúc cộng đồng có lợi đến mức nào. Rõ ràng hiện nay SNG đã không thể giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất của quan hệ giữa các dân tộc, phát triển kinh tế quốc dân, chính sách chiến lược quân sự. Ngược lại, các xu hướng tiêu cực ngày càng chiếm ưu thế nhiều hơn các xu hướng tích cực. Ví dụ, việc Ucraina tách khỏi khu vực đồng rúp, việc xuất hiện ở đó các binh đoàn quân đội độc lập của nước cộng hoà. Việc chính quyền Ucraina không muốn từ bỏ các kho vũ khí hạt nhân.


Tôi cảm thấy rằng, nhiều lãnh tụ của các nước cộng hoà độc lập đắm chìm trong vực thẳm chính trị, củng cố quyền lực mà họ đang nắm giữ, thậm chí sợ nói thật với chính mình: sự hợp tác và phối hợp thực sự - họ có muốn điều đó hay không, không thể hạn chế bằng các tuyên bố, các hiệp định hai bên hoặc nhiều bên. Cần phải có những cơ chế phối hợp hoạt động có hiệu quả, có những cơ cấu liên quốc gia làm việc tích cực, các ngân hàng, những cơ quan có khả năng giải quyết nhanh chóng các vấn đề chung về phòng thủ, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thông tin, tiêu chuẩn hoá, khí tượng v.v...


Chính đây là các sự kiện chứng tỏ rằng hiện nay SNG đang đi ngược lại quá trình liên kết chung được thực tế thế giới chứng minh. Nhưng không thể tiếp tục như vậy lâu được. Tôi tin rằng các quá trình liên kết trong kinh tế, khoa học, trao đổi văn hoá dần dần sẽ chiến thắng. Mặc dù có thể nó sẽ lặp lại ở vòng quay mới những gì mà các nước cộng hoà đã trải qua khi xây dựng Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết vào những năm 20. Khi đó, tất cả cũng được bắt đầu từ sự hợp tác quốc tế và quân sự của các nước cộng hoà, đã đi từ những hiệp định kinh tế tới một liên minh chính trị. Tôi có dịp nghiên cứu nhiều tài liệu về lịch sử thành lập Nhà nước Liên bang Xôviết. Nhưng các nhà chính trị hiện nay không thích nghiền ngẫm những tài liệu lưu trữ lịch sử. Họ hướng nhiều hơn vào việc lăng mạ tất cả những bậc tiền bối của mình.


Tuy nhiên, tôi không muốn miêu tả các xu hướng phát triển của SNG chỉ với giọng điệu ảm đạm. Không thể không thấy rằng các nhà lãnh đạo của các quốc gia - thành viên của cộng đồng, ngày càng thấy rõ ràng không có khả năng giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống của nước cộng hoà một cách riêng rẽ, bằng sức lực của riêng mình. Họ ngày càng thường xuyên hơn nói tới sự cần thiết phải có giải pháp thống nhất về kinh tế, khoa học - kỹ thuật và luật pháp cho vấn đề này hoặc vấn đề khác. Rút cuộc, đã xuất hiện các thể chế liên quốc gia đầu tiên. Ví dụ, các cơ quan cao cấp được nhắc đến ở trên. Hội đồng liên quốc hội, bộ tư lệnh hợp nhất, các cơ quan phối hợp điều hành chung các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, đấu tranh chống tội phạm. Và tất cả điều đó hoàn toàn hợp quy luật và thoả đáng. Theo cách nhìn của: tôi thì khả năng tồn tại của SNG trước hết phụ thuộc vào việc cộng đồng có khả năng tiến hành đường lối liên kết các nước cộng hoà, các dân tộc và nhân dân đến mức độ nào. Chúng ta hy vọng rằng thời gian sẽ ủng hộ chính sự liên kết của họ, chứ không ủng hộ sự tiếp tục phân chia manh mún.


Đó chính là quy luật chung của sự phát triển xã hội. Các con đê ngăn cách dân tộc dù có bền vững đến đâu thì dòng lũ mạnh mẽ của sự tiến bộ xã hội cũng sẽ phá tan.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Hai, 2022, 08:46:03 am
Theo ý kiến của ông, nước Nga có thể bị sụp đổ giống như liên bang hay không? Cần phải làm gì để duy trì sự thống nhất của nó?

Đáng tiếc là có nguy cơ này. Khá thường xuyên tại các nước cộng hoà trong thành phần nước Nga phát sinh những nguy cơ từ bỏ liên bang trong trường hợp nếu các yêu cầu của các nước cộng hoà đó không được thoả mãn. Tôi nghĩ rằng những tối hậu thư như vậy, trước hết chống lại những lợi ích của nhân dân mà những vị lãnh tụ chính trị đã thay mặt họ phát biểu. Những vấn đề khó khăn đã nẩy sinh nhân tuyên bố của nước Cộng hoà Trêrtrênhia về việc tách ra khỏi liên bang Nga, nhân thông báo của nước Cộng hoà Táctar về "thành viên liên kết của mình" trong Liên bang Nga, nói chung là nhân những xu hướng ly tâm trong một số nước cộng hoà. Nhưng, tôi đã và sẽ tiếp tục cho rằng cần phải củng cố và gìn giữ sự thống nhất của Liên bang Nga. Điều đó được quy định trước hết do sự liên kết kinh tế ở nước Nga phải mạnh hơn nhiều so với ở bất kỳ một nước cộng hoà nào khác - thành viên của SNG. Chỉ có sự phát triển phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành kinh tế và các khu vực, việc trao đổi qua lại những giá trị vật chất, các thành tựu khoa học, làm phong phú lẫn nhau của các nền văn hoá, mới có thể bảo đảm sự phồn vinh cho nhân dân Nga. Việc củng cố nền độc lập của các nước cộng hoà tự trị cũ hoàn toàn không chống lại việc này.


Rất lạ là cho đến bây giờ một số lãnh tụ của Nga đang tung ra những lời quở trách: A. Lukianốp cùng với M. Goócbachốp, ủng hộ tư tưởng để các nước cộng hoà tự trị cũ có quy chế chủ thể độc lập của nhà nước liên bang, có quyền ký hiệp ước liên bang, bằng cách đó, đã có ý "xúi bẩy" họ chống lại ban lãnh đạo liên bang Nga. Sự thật là, chính các đại diện của các nước cộng hoà tự trị cũ đang buộc tội tôi là đã trực tiếp chống đối họ, cho rằng dường như tôi đã cản trở việc thông qua luật điều chỉnh quan hệ của liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết với các chủ thể liên bang, trong đó các nước cộng hoà tự trị được coi là các chủ thể như vậy. Những tuyên bố tương tự của "những người tự trị" thậm chí có cả trong tài liệu thuộc hồ sơ về các sự kiện tháng 8.


Nhưng, những lời buộc tội loại trừ lẫn nhau chỉ một lần nữa chứng tỏ sự phi lý của họ. Tôi chưa ở đâu và chưa bao giờ kêu gọi trao cho các nước cộng hoà tự trị chủ quyền tới mức họ có thể thoả mãn, nhưng cũng không cho rằng có thể áp dụng những biện pháp sức mạnh nào đó để giải quyết các vấn đề dân tộc. Tôi nghĩ rằng bảo đảm chủ yếu cho sự thống nhất của Liên bang Nga là tiến hành một công việc to lớn bền bỉ nhằm ủng hộ các lực lượng ở các nước cộng hoà tự trị cũ đứng trên quan điểm hữu nghị giữa các dân tộc và tinh thần quốc tế chủ nghĩa, điều không mấy thú vị đối với các cơ cấu quyền lực hiện nay ở Nga.


Cần phải bảo vệ sự toàn vẹn đã được hình thành trong lịch sử của Nga nhằm củng cố sự hợp tác của tất cả các dân tộc sống trên lãnh thổ liên bang cũ. Người ta nói rằng chủ nghĩa phân lập dân tộc đã trở thành đặc trưng và đáng nguyền rủa ở cuối thế kỷ của chúng ta và cần phải học cách khắc phục căn bệnh nguy hiểm này. Tại sao nước Nga với các truyền thống hữu nghị và hoà hợp của các dân tộc, thâm nhập lẫn nhau của các nền văn hoá, của ngôn ngữ, thổ ngữ, lại không thể trở thành mẫu mực trong việc giải quyết nhiệm vụ toàn càu này? Ở đây, phụ thuộc rất nhiều vào sự đúng đắn và cân nhắc kỹ lưỡng trong chính sách của lãnh đạo liên bang cũng như của các lãnh tụ các nước cộng hoà, các đơn vị theo lãnh thổ hành chính quốc gia - dân tộc của nước Nga.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Hai, 2022, 08:48:03 am
V. CRIUSCỐP
VỊ ĐẠI SỨ CỦA NỖI BẤT HẠNH

LỜI GIỚI THIỆU


V. Criuscốp nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Uỷ ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB), thành viên của Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp ở Liên Xô trong những ngày tháng 8-1991. Trong thời gian một năm rưỡi ngồi tù chờ ra toà, V. Criuscốp đã hoàn thành cuốn hồi ký của mình. Dưới đây là một số đoạn trích từ cuốn hồi ký của V. Criuscốp công bố lần đầu tiên trên báo "Nước Nga Xôviết". Trong đó cựu Chủ tịch KGB khẳng định A.N. Iacốplép - "kiến trúc sư của cải tổ", nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô - là người của cơ quan tình báo Mỹ.


Có một sự thật mà tôi không nên mang đi, đơn giản là không có quyền. Ở đây đề cập đến những vấn đề hết sức quan trọng không những đối với lợi ích quốc gia, mà còn đối với số phận sau này của toàn thể nhân dân ta nói chung.


Những gì tôi sắp kể ra liên quan không chỉ đến một mình N. Iacốplép, chính xác hơn, không phải liên quan đến một mình ông ta. Câu chuyên liên quan đến ông ta ghê tởm tới mức, trong một thời gian dài, tôi nhận thấy theo đứng nghĩa của nó, làm cho tôi kinh tởm, bắt buộc phải nghĩ đến những vấn đề có quy mô lớn hơn, đặt ra một sự lựa chọn hết sức khó khăn. Đáng tiếc là trong lúc còn chưa được làm sáng tỏ đến cùng, thì ngày nay, khi nhìn lại, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng, đối với cá nhân tôi, điều đó không còn có nghi ngờ gì nữa... Những dữ kiện nhận được bằng con đường không chính thức - theo các kênh thông tin của KGB (tình báo và phản gián) có liên quan đến N. Iacốplép đã thừa nhận một cách đầy đủ nhất, những hoạt động và hành vi của ông ta in dấu ấn rõ ràng lên những sự kiện diễn ra ở đất nước chúng ta. Chúng làm sáng tỏ động cơ thực sự trong hành động của các nhân vật khác, trước hết là của một người đã tự tìm cho mình vinh quang đáng nghi ngờ của nước ngoài với tên gọi "người Đức số 1", còn ở trong nước thì chỉ tạo nên sự khinh bỉ, căm thù của tất cả những người không phân biệt thành phần dân tộc mà mới đây thôi còn tự hào coi mình là những người Xôviết.


Trước năm 1985, hầu như tôi không biết A.N.Iacốplép mà chỉ nhìn thấy ông ta một lần, nhưng tôi đã được nghe nói về ông. Cuộc gặp đầu tiên của chúng tôi diễn ra vào năm 1983. Lúc đó tôi là Cục trưởng Cục I (KGB), tức Cục phản gián. Tôi không ngạc nhiên khi được báo cáo là N. Iacốplép, nguyên Đại sứ Liên Xô ở Canada, muốn được gặp tôi. Ở đây, không có gì không bình thường cả - các đại sứ thường xuyên đến thăm chúng tôi. Bởi vì giữa chúng tôi có nhiều vấn đề chung. Các cán bộ tình báo mong muốn giúp đỡ các đại sứ trong công việc, và ngược lại các đại sứ cũng phối hợp tốt để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ của mình.


Trước khi tiếp N. Iacốplép, tôi hỏi các cộng sự nghiên cứu Canada xem ông khách muốn đề cập đến những vấn đề cụ thể nào, cần phải chuẩn bị cái gì. Dĩ nhiên, khi yêu cầu gặp gỡ, ông đại sứ không để lộ những đề tài đặc biệt nào đó để bàn bạc, mà chỉ nói rằng cuộc nói chuyện mang tính chất chung. Tôi nhớ, lúc đó tôi bỗng nảy ra ý nghĩ, giao cho một trong những cấp phó của tôi nói chuyện với Iacốplép, nhưng các đồng chí của tôi đoán chắc rằng ông đại sứ sắp được đón tiếp ở chỗ chúng tôi sẽ phê phán gay gắt các cộng sự của cơ quan tình báo và bộ máy trung ương, cũng có thể, thậm chí nói bóng gió về mong muốn trút bỏ hoàn toàn công tác tác chiến ở Canada. Nếu câu chuyện diễn ra một cách cởi mở, các đồng chí nhấn mạnh khi kết luận, thì N. Iacốplép "giáng đòn cho cả KGB nói chung". Đây là món "cô nhắc yêu thích" của ông ta.


Tôi còn nhớ, chính tại thời điểm đó, Iu.V. Anđrôpốp, nguyên là Tổng Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã gọi điện cho tôi về một vấn đề khác. Qua điện thoại, tôi báo cáo là tôi sẽ phải gặp A. Iacốplép. Mọi việc sáng tỏ ngay, Iu.V. Anđrôpốp cũng rất không hài lòng về Iacốplép. Ông không những nhấn mạnh tính kín đáo của con người đó ("thực tế ông ta nghĩ gì, anh không hiểu được đâu!"), mà hơn thế, còn thể hiện sự nghi ngờ về lòng trung thành của N. Iacốplép đối với Nhà nước Xôviết nói chung. Tiếp đó, Iu. Anđrôpốp nói: "N. Iacốplép đã mười năm ngồi ở Canada, và đã đến lúc triệu ông ta về Mátxcơva". "Tiện thể nói thêm, - Anđrôpốp lưu ý, - có nhiều người dàn xếp cho sự trở về Mátxcơva của N. Iacốplép. Hãy cứ để cho họ mừng". Trong số những người đó, Iu.V. Anđrôpốp nhắc đến G. Arbatốp, người mà ngay từ hồi Brêgiơnép đã góp phần đẩy Iacốplép đi làm đại sứ xa Mátxcơva, "còn bây giờ bỗng nhiên không hiểu tại sao lại sống không thể thiếu kẻ gian xảo đó". Vâng, đúng như vậy, kết thúc cuộc nói chuyện điện thoại của chúng tôi, Iu.V. Anđrôpốp đã gọi Iacốplép là "kẻ gian xảo". Sau này tôi nhiều lần nhớ lại nhận xét ngắn gọn, nhưng rất đầy đủ mà Iu. Anđrôpốp nêu ra, nên nhớ lúc đó là mới năm 1983.


Cuộc gặp với Iacốplép diễn ra hoàn toàn phù hợp với dự đoán của tôi. Các nhân viên cơ quan tinh báo bị công kích từ nhiều phía, toàn bộ KGB còn bị đả kích mạnh hơn. Lúc đầu, thực sự, trong đánh giá còn thể hiện sự mềm dẻo, thận trọng, nhưng ngụ ý hết sức rõ ràng, sau đó, nói toạc ra, tóm lại ai cần đến cơ quan tình báo của ta ở Canada? "Sự tiêu phí sức lực và tiền bạc vô bổ". N. Iacốplép tin rằng, tình báo chỉ làm mỗi một việc là theo dõi ông ta khắp mọi nơi - nghe trộm, quan sát bề ngoài, xem xét thư tín, bưu kiện, và nói chung như ông ta trình bày, "đào bới cả đến chiếc ga trải giường bẩn thỉu của ông". Thực sự, lúc đó N. Iacốplép có cái gì đó "không trong sạch". Nếu như các cộng sự của chúng tôi biết được rằng Iacốplép đang gán tội cho họ, tôi nghĩ, chúng tôi đã biết sớm hơn nhiều chi tiết, cho đến hiện nay "ông kiến trúc sư" của công cuộc cải tổ vẫn tìm cách che đậy bưng bít...


Tôi cố tạo cho người đối thoại nói hết, không ngắt lời ông ta, nhưng cuối buổi nói chuyện N. Iacốplép biết được cách làm của tôi. Tôi nói rằng, những thiếu sót, sai lầm trong công tác của chúng tôi thậm chí còn nhiều hơn những gì mà ông đại sứ chỉ ra, nhưng sự đánh giá sai lệch, phủ nhận của N. Iacốplép về cơ quan tình báo, về Ủy ban An ninh quốc gia, nói chung là không thể chấp nhận được. Bởi vì, tôi tin tưởng sâu sắc rằng chúng hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Cần phải nói rằng, sau cú bị giáng trả quyết định, N. Iacốplép nhanh chóng xác định được phương hướng và thể hiện sự mềm dẻo đáng mến, phần cuối buổi nói chuyện diễn ra theo một hướng khác, hoàn toàn có thiện ý.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Hai, 2022, 08:48:39 am
Thế nhưng, những ấn tượng đầu tiên của tôi trong buổi gặp mặt A.N. Iacốplép không khi nào thay đổi. Chúng hoàn toàn khẳng định những lời mà Iu.V. Anđrôpốp đã nhận xét về ông ta. Trong trí nhớ của tôi vẫn còn đọng lại cái nhìn lo ngại, xỏ xiên của A.N. Iacốplép, thể hiện rõ bản chất thiếu thiện ý, khả năng nhanh chóng thay đổi quan điểm, chuyển từ một cách đánh giá đã trình bày trước đó sang một cách đánh giá hoàn toàn ngược lại.


Chẳng bao lâu sau các sự kiện trên, N. Iacốplép, với sự trợ giúp của M. X. Goócbachốp, trở về Liên Xô và được bổ nhiêm làm Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô. Ông ta nhanh chóng gia nhập êkíp không chính thức của M.X. Goócbachốp, giúp đỡ ông này chuẩn bị tài liệu cho các bài phát biểu và các bài báo. Chúng tôi quan hệ thường xuyên hơn với A.N. Iacốplép. Vào năm 1985, A.N. Iacốplép trở lại làm việc trong ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, nơi ông ta hoàn toàn gắn số phận của mình với M.X. Goócbachốp, cùng nhau bắt đầu sự nghiêp cải tổ, mà sự nghiệp này, như chúng ta đều biết, lúc đầu diễn ra dưới một khẩu hiệu không rõ ràng - "tăng tốc". Lúc đó nhiều người không hiểu được cần phải tăng tốc để đi đến đâu và để làm gì, sự hấp tấp điên rồ đó dẫn đến cái gì, và như vậy, chỉ có bây giờ rốt cuộc chúng ta nhìn thấy một cách cay đắng là chúng ta đã vội vàng đi đâu và đi đến cái gì.


Thực tế, đất nước cần có những thay đổi, cần đến sự đổi mới hệ thống đã tồn tại, cần sự điều chỉnh nhất định đường lối chính trị. Để kiên quyết loại bỏ một cái gì đó, cần phải có những cách tiếp cận, xem xét mới (vì ở đây, tất nhiên, không có khả năng loại trừ hoàn toàn chủ nghĩa cấp tiến). Bản thân M.X. Goócbachốp đã nói về điều đó, A.N. Iacốplép bắt đầu và kết thúc các bài báo, bài phát biểu của mình cũng bằng những lời như vậy. Ở đây, có cái gì đáng phản đối? Nói chung, mọi điều đều đúng. Nhiều người, trong đó có tôi ủng hộ điều đó. Từ lâu, trước M.X. Goócbachốp, chính Iu.V. Anđrôpốp đã nói về sự cần thiết phải thay đổi. Sự thật Iu. Anđrôpốp đã nói về điều này một cách đúng mực với mức độ thận trọng nhất định vốn có của một nhà hoạt động chính trị có trách nhiệm. Tuy nhiên không một ai nghĩ đến việc làm tan rã liên bang, không nghĩ đến sự thay đổi chế độ xã hội đang tồn tại. Người ta mong muốn củng cố liên bang, tăng cường nhà nước, thiết lập trật tự trong nước, tăng cường kỷ luật. Tôi cho rằng, ở những giai đoạn đầu bản thân M.X. Goócbachốp cũng nghĩ như thế (mặc dầu có nhiều thông tin buộc tôi phải nghi ngờ điều đó). Nhưng, đó hoàn toàn không phải là cái mà thoạt đâu Iacốplép mong muốn.


Tôi nói điều này không phải chỉ với tinh thần trách nhiệm mà còn với sự hiểu biết công việc. Bây giờ, khi mà chúng ta là nhân chứng của những sự kiện bi thảm, khi mà nhân dân chúng ta phải gánh chịu biết bao khổ đau và bất hạnh, nhiều vấn đề không được giải đáp, thì vai trò quái gở của A.N. Iacốplép thể hiện trong các việc làm, trở nên rõ ràng hơn. Một khi mặt nạ đã bị vứt bỏ, A.N. Iacốplép hiện ra trước mắt chúng ta với đầy đủ bộ mặt thật của mình như một "thiên tài độc ác, một khuôn mẫu vô cùng nguy hại của lịch sử chúng ta".


A.N. Iacốplép đã làm tất cả để đưa Goócbachốp lên nắm quyền lực. Ông ta cần chính M.X. Goócbachốp, chứ không phải ai khác... Dù đòn bẩy không tốt lắm, nhưng cần nói rằng, A.N. Iacốplép có những đòn bẩy đó. Nhưng ông ta đã cố gắng và chỉ hân hoan thật sự, khi M.X. Goócbachốp trở thành Tổng Bí thư vào năm 1985. Con đường phía trước còn dài, nhưng thắng lợi đầu tiên đã dành được, kế hoạch phá hoại bắt đầu trở thành hiện thực.


Một câu hỏi mang tính quy luật được đặt ra: vì lẽ gì mà A.N. Iacốplép chiếm được tình cảm mến yêu tin cậy đến thế của Goócbachốp, cái gì đã liên kết hai con người khác biệt lại với nhau? Họ quen nhau vào cuối những năm bảy mươi, khi Đại sứ Liên Xô ở Canada đã bằng bất cứ giá nào phỉnh nịnh mời được một uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, phụ trách công tác nông nghiệp còn ít được biết đến - M.X. Goócbachốp, chính thức đến thăm Canada. Tôi nhận thấy là A.N. Iacốplép lúc đó và cả thời gian sau này đã không quá đề cao M.X. Goócbachốp, nhưng cũng từ đó ông ta cố gắng bằng mọi cách củng cố vị trí của mình, đặc biệt bao giờ cũng ở bên cạnh M.X. Goócbachốp. Tôi đã nói rằng, khi trở về Mátxcơva, A.N. Iacốplép tích cực giúp M.X.Goócbachốp chuẩn bị các bài phát biểu trước công chúng, trong đó vang lên những từ trung thành với Đảng, hy sinh vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, tình yêu Tổ quốc, v.v... Nhưng từ đầu lưỡi của A.N. Iacốplép đã xuất hiện những cách trình bày hoàn toàn khác. Lúc đầu, diễn ra dưới dạng những lời nói ít ai để ý, dần dần những tư tưởng đó đã xuất hiện dưới dạng những luận điểm riêng, trình bày dưới hình thức quan điểm, quan niệm, cách nhìn. Nhiều tác phẩm được viết ra để phục vụ cho mục đích này.


A.N. Iacốplép không chấp nhận liên bang, coi đất nước ta là một đế chế, trong đó các nước cộng hoà liên bang không có bất kỳ một quyền tự do nào. Đối với nước Nga, A.N. Iacốplép cũng không có một chút cảm tình. Tôi chưa bao giờ nghe được ở ông một từ ngữ thiện cảm nào về nhân dân Nga. Bản thân khái niệm "nhân dân", đối với ông ta, nói chung không khi nào tồn tại. Chính A.N. Iacốplép giữ vai trò chính trong việc làm mất ổn định tình hình ở các nước cộng hoà Ban tích, Cápcadơ. Ở các nước Bantích, ông ta tìm mọi cách kích động tâm lý dân tộc và chủ nghĩa quá khích, thường xuyên ủng hộ "nguyên vọng'' ly khai của họ. Ở vùng Cápcadơ, ông ta "cảm tình’" với Ácmênia, nhưng thực chất là xúi giục người Ácmênia chống lại Adécbaidan, làm căng thẳng tình hình xung quanh vấn đề Carabắc. Nói chung, ông ta thường đáp lại Adécbaidan bằng sự hằn học không che đậy...


A.N. Iacốplép không đề cao chế độ xã hội chủ nghĩa Xôviết, nói về các nông trường, nông trang với một thái độ tức giận, không hề che giấu quan điểm tiêu cực đối với sở hữu nhà nước, đề cao sở hữu cá nhân. Đối với ông ta, toàn bộ thời kỳ Xôviết của lịch sử chúng ta là một trang sử cực kỳ đen tối. Sau này, khi người ta cho là mốt, nếu không che giấu các quan điểm thực của mình, A.N. Iacốplép hoàn toàn phủ nhận Cách mạng tháng 10, Lênin và nói chung phủ nhận hoàn toàn sự lựa chọn xã hội chủ nghĩa. Đối với Đảng Cộng sản Liên Xô thì đây thuần tuý là lòng căm thù, không nhìn thấy vị trí của đảng trong đời sống hiện thực của đất nước. Sau tháng 8-1991, ông ta nói về điều đó bằng giọng điệu hết sức hùng hồn.


Tôi chưa bao giờ nghe được ở A.N. Iacốplép một lời nói ấm áp về Tổ quốc, chưa bao giờ thấy ông ta tự hào về một điều gì, kể cả thắng lợi của chúng ta trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Điều đó làm tôi hết sức kinh ngạc, bởi chính A.N. Iacốplép là người tham gia trong cuộc chiến tranh này. Dường như khát vọng phá huỷ, xoá sạch tất cả cao hơn sự công bằng, cao hơn những tình cảm tự nhiên của con người, sự kính trọng tối thiểu đối với Tổ quốc và nhân dân mình.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Hai, 2022, 08:49:15 am
Tôi chỉ phác hoạ một vài quan điểm và đặc điểm nổi bật nhất của A.N. Iacốplép. Rốt cuộc, mỗi người tự do hành động theo các quan điểm của riêng mình, và quan điểm của những người khác nhau có thể hết sức đối lập. Thế nhưng, nếu như bạn là một trong những nhà lãnh đạo của đảng, mà quan điểm của đảng lại đối lập trực tiếp với quan điểm của bạn, thì chỉ có một lối thoát duy nhất: Hãy đề xuất với đảng quan niệm của mình, đề xuất một cách công khai, cởi mở, và nếu quan điểm đó bị bác bỏ - hãy rút lui! Hơn thế nữa, từ cuối những nằm 80, trong nước đã có rất nhiều phong trào chính trị khác nhau, từ đó hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một cái gì đó hợp khẩu vị...


Nhưng A.N. Iacốplép đi theo đường khác: ông ta thích che đậy quan điểm thật của mình - nói một đằng, còn làm một nẻo. Ca tụng Cách mạng tháng 10, Lênin, chủ nghĩa xã hội, khen ngợi đảng quá mức, nhưng thực tế là làm tất cả để bôi nhọ lịch sử của chúng ta, phá hoại chế độ đang tồn tại, làm tổn hại đến hệ tư tưởng. Có nghĩa là, lúc đó A.N. Iacốplép giả nhân giả nghĩa, còn bộ mặt thật của mình, ông ta chỉ thể hiện khi có thời cơ thích hợp. Bạn thấy đấy, ông ta can đảm đến mức nào! Ấy thế mà còn cho rằng chẳng bao giờ cần che đậy quan điểm của mình. Mọi điều đã rõ: đó chính là sự giả dối tầm thường vốn có đối với bất kỳ chính khách gian hùng nào. Nhưng, đặt dấu chấm hết về vấn đề đó hãy còn quá sớm.


Tôi có đầy đủ cơ sở để đặt ra câu hỏi: phải chăng mọi mặt nạ đã bị bóc trần, phải chăng bộ mặt xấu xí của con người đó không còn được che đậy? Dưới đây, tôi sẽ giải thích tôi muốn nói gì ở điểm này. Trước hết, tôi muốn đề cập đến một đặc điểm điển hình vốn có ở "người chỉ huy trưởng công trường" cũng như ở người "kiến trúc sư" của sự nghiệp cải tổ,


Mọi người đều thấy cả M.X. Goócbachốp và cả A.N.Iacốplép có nhiều cách tiếp cận giống nhau trong việc giải quyết những vấn đề phát triển của xã hội. Họ có nhiều điểm tương đồng, nếu tuyên bố đường lối đổi mới mang tính hoàn toàn cấp tiến, thì toàn bộ công việc tiếp theo phải được xây dựng dựa trên một quan điểm hoàn chỉnh nào đó, có tính toán, căn cứ xác đáng, mang tính nền tảng, hệ thống. Thế nhưng, trên thực tế không có cái gì tương tự như vậy. Chưa bao giờ có một chương trình tiến hành theo thiết kế hoàn chỉnh, chỉ có những đường nét phác thảo, xúc cảm cá nhân ngả nghiêng chao đảo. Khắp nơi ngự trị tình trạng hỗn loạn, các quyết định thông qua nửa vời, đâu cũng cảm thấy thiếu nhất quán, lẫn lộn. Lúc này đã rõ rằng, điều đó được làm một cách có dụng ý, nhằm che đậy đường lối phá huỷ liên bang, chế độ xã hội chủ nghĩa hợp hiến đang tồn tại, che đậy sự phá hoại Nhà nước Xôviết. Ngay từ đâu, đường lối đó được triển khai rõ ràng, nhất quán. Ở đây, cảm nhận được sự đạo diễn tài ba, những đòn trí mạng tấn công chính xác vào mục tiêu chủ yếu.


Những gì xẩy ra đối với Liên Xô, không phải là một tất yếu khách quan, đó chỉ là kết quả hoạt động của các nhân tố chủ quan, có nghĩa là hoạt động và hành vi của những cá nhân riêng biệt. Cội nguồn của quá trình phá hoại đó là hai người M.X. Goócbachốp và A.N. Iacốplép. Cuộc sống đã làm sáng rõ vai trò của họ trong tấn thảm kịch giáng xuống đầu nhân dân ta. Nhưng không phải toàn bộ sự thật đã được đưa ra ánh sáng, vẫn còn nhiều bí mật bẩn thỉu mà họ hy vọng cố cất giữ, che giấu.


Vấn đề đó hết sức gay cấn và tế nhị. Sử dụng những dữ kiên nhận được bằng các kênh phản gián bao giờ cũng phức tạp, bởi vì có sự nguy hiểm thực tế đối với việc chỉ ra nguồn tin quan trọng và thậm chí còn đe doạ tính mạng nhiều người. Tôi không muốn đưa ra bất kỳ một kết luận nào, chỉ đơn giản kể về một vài sự kiện mà tôi được biết (và không chỉ riêng tôi biết).


Bắt đầu từ năm 1989, Uỷ ban An ninh quốc gia nhận được những tin tức đáng lo ngại đề cập đến mối quan hệ giữa A.N. Iacốplép với các cơ quan tình báo Mỹ. Những tin tức loại này lần đầu nhận được vào năm 1960. Sau đó, A.N. Iacốplép cùng một nhóm thực tập sinh xôviết, trong đó có Ô. Kalugin mà hiện nay nhiều người biết đến, trong vòng một năm học ở Mỹ, tại Trường Đại học Tổng hợp Côlômbia. FBR (cơ quan phản gián của Mỹ) rất quan tâm đến các thực tập sinh với mục đích tìm kiếm người có thể thu thập thông tin trong tương lai, nói ngắn gọn, là chuẩn bị cơ sở để họ tuyển dụng. Đó là việc bình thường, ở đây chưa đáng ngạc nhiên, điều đáng nói là các cơ quan tình báo Mỹ hết sức trắng trợn và không khi nào bỏ qua một cơ hội nhỏ.


Cần nói thêm rằng, vì các thực tập sinh ở xa tầm mắt các cơ quan an ninh trong nước nên đã đem lại cho kẻ thù không ít cơ sở để hy vọng vào thành công. Ô. Kalugin mặc dầu là cán bộ của KGB, không những không ngăn cản hành động sai lầm của các đồng chí mình mà còn tự tham gia một cách tích cực vào việc đó. Anh ta cho rằng, toàn bộ hoàn cảnh của họ nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan của chúng ta. Nhưng khi đã cảm thấy sai lầm, anh ta biết đỡ đòn một cách khéo léo, viết đơn tố giác bạn mình - thực tập sinh Bếcterép. Vì thế, ông này nhiều năm trở thành kẻ có tội.


A.N. Iacốplép hiểu rõ rằng, ông ta bị người Mỹ theo dõi rất kỹ, thừa biết những người bạn Mỹ mới muốn ở ông điều gì, nhưng, tại sao lại không rút ra cho mình những kết luận đúng đắn. Ông ta quan hệ với người Mỹ và khi chúng ta biết được điều đó thì ông ta miêu tả sự việc thế này: Dường như ông ta làm điều đó để mong muốn nhận được những tư liệu từ một thư viện cần đối với phía Liên Xô. Chẳng bao lâu sau, các thực tập sinh kết thúc khoá học và trở về nước được đề bạt những chức vụ cao hơn vì đã tiếp thu được nhiều kiến thức cần thiết (chỉ trừ Bếcterép bất hạnh, người duy nhất trở thành vật hy sinh trong vụ việc đó).


Vào những năm 70, A.N. Iacốplép là Đại sứ ở Canada. Như chính ông ta nói, đó là chuyến đi ra nước ngoài bắt buộc, một loại "tù chính trị": ở Mátxcơva ông ta không hợp. Ở Canada, A.N. Iacốplép hoạt động rất mạnh, thích phô diễn cách nhìn nhận mới, hay đề cao tính độc đáo và độc lập của mình. Ông ta duy trì quan hệ tích cực với nhiều người, trong đó có cựu Thủ tướng P.E. Triuđơ. Quan hệ với thủ tướng một cách mật thiết thực tế đã đem lại danh dự cho ngài đại sứ.


Sau đó, chúng tôi nhận được nguồn tin nói rằng người Canada nghiên cứu rất kỹ ông đại sứ của ta và nhanh chóng đi đến kết luận cho rằng A.N. Iacốplép hoàn toàn không bằng lòng địa vị của mình, có tâm trạng tiêu cực đối với chính quyền Mátxcơva, rằng ông ta đã "gia nhập phe chống đối" - và đây là tính cách điển hình của ông. Từ đó, một kết luận được đưa ra về triển vọng hợp tác chặt chẽ với ông ta. Cần nói rằng, người Canada, một mặt, đánh giá lợi ích của các cuộc gặp gỡ với ông ta nhằm thu thập thông tin, mặt khác, nhận xét một cách khinh bỉ về phẩm chất cá nhân và công việc của ông ta, nhìn thấy ở ông ta sự hạn chế và đặc tính chỉ biết làm việc vì mình. Người Canada không báo hiệu cho A.N. Iacốplép tương lai một điều gì tốt lành cả.


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Hai, 2022, 08:50:19 am
Nói thẳng ra, những thông tin không êm tai đó về A.N. Iacốplép đã đến với chúng tôi ngay sau năm 1985. Tôi báo cáo trực tiếp với M.X. Goócbachốp, và tôi thấy cần nói thêm rằng nó gây cho ông một tâm trạng hết sức nặng nề. M.X. Goócbachốp nhận xét rằng, người Canada đánh giá chính xác những đặc tính của A.N. Iacốplép. Thông tin mà tôi báo cáo làm cho M.X. Goócbachốp khó chịu, bởi vì lúc đó ông ta đã gắn chặt số phận của mình với A.N. Iacốplép, và bỗng nhiên lại xuất hiện nguồn tài liệu đáng phải suy nghĩ.


Vào năm 1990, Uỷ ban An ninh quốc gia theo con đường tình báo và phản gián từ nhiều nguồn (được đánh giá rất đáng tin cậy) đã nhận được những thông tin rất đáng chú ý về A.N. Iacốplép. Ý nghĩa của các nguồn tin ấy cho phép nghĩ rằng, các cơ quan tình báo phương Tây đánh giá A.N. Iacốplép có quan điểm rất có lợi cho phương Tây, đối lập có hiệu quả với các thế lực "bảo thủ" ở Liên Xô và có thể dựa chắc vào ông ta trong bất kỳ tình huống nào. Nhưng, như đã biết, phương Tây cho rằng A.N. Iacốplép cần tỏ ra kiên quyết và tích cực hơn. Bởi thế, một đại diện của Mỹ được giao trách nhiệm nói chuyện với A.N. Iacốplép, nói thẳng với ông ta là họ chờ đợi ở ông ta nhiều hơn nữa.


Những người có chuyên môn trong lĩnh vực này hẳn biết rõ rằng, đó là chỉ dẫn đối với tất cả những ai đồng ý làm việc cho các cơ quan tình báo. Nhưng vì một lý do nào đó sao nhãng không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc không còn thể hiện được tính tích cực cần thiết. Chính bởi thế, thông tin được họ đánh giá rất nghiêm túc, hơn thế nữa thông tin đó được kịp thời theo đường dây A.N. Iacốplép, phù hợp với công việc thực tế của ông ta. Nhưng một điều khác nữa cũng rõ ràng: một bên là lợi ích tối cao của quốc gia, một bên là quan hệ công việc và cá nhân gần gũi giữa M.X.Goócbachốp và A. N. Iacốplép đang trở thành đối lập.


Thế nhưng cần thiết phải làm một cái gì đó. Tôi quyết định tham khảo ý kiến của V.I. Bônđin, lúc đó nguyên là Chánh văn phòng Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô, một người rất gần gũi với M.X. Goócbachốp, và như ta biết ông này rất lo lắng đến sự phát triển của tình hình đất nước. Chúng tôi đi đến kết luận cần phải báo cáo với M.X. Goócbachốp thông tin đã nhận được và đề nghị kiểm tra thật kỹ nguồn tin này một lần nữa, bởi vì đây là vấn đề liên quan đến những lợi ích tối cao của an ninh quốc gia.


Từ đó đến nay, tôi còn nhớ rất rõ cuộc nói chuyện với M.X. Goócbachốp. Tôi chỉ cho ông biết nguồn tin (tin tình báo) và nói thẳng sự lo ngại của mình, nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm tra kỹ lưỡng và kịp thời.


Bạn có thể hình dung ra sắc thái của M.X. Goócbachốp! Ông ta hoàn toàn bối rối và không thể làm chủ được tình cảm của mình. Khi phần nào trấn tĩnh được, ông hỏi nguồn tin thu nhận được có độ tin cậy đến mức nào. Tôi trả lời rằng, nguồn tin gửi cho chúng ta có thể tuyệt đối tin cậy, nhưng tất nhiên đối tượng của thông tin là người không bình thường, nên toàn bộ tài liệu còn cần phải kiểm tra một lần nữa. Tôi kể rằng, các đường dây và phương tiện để triển khai các biện pháp trong trường hợp này là rất khó có hiệu quả và toàn bộ công việc có thể được tiến hành trong một thời hạn rất ngắn.


M.X. Goócbachốp im lặng, đi lại trong phòng. "Phải chăng chính là Trường Tổng hợp Côlômbia, phải chăng đây là chuyện cũ?!" - Những từ này bỗng nhiên từ miệng ông thốt ra. Sau đó một lúc, M.X Goócbachốp nắm chặt tay lại và cũng như trong nhiều trường hợp tương tự, bắt đầu tìm kiếm không phải cách giải quyết vấn đề đang đặt ra, mà suy nghĩ làm thế nào để thoát ra khỏi vấn đề đó. "Có thể A.N. Iacốplép từ trước đến nay chưa làm gì cho họ - ông nói và nhìn vào mắt tôi - tự anh thấy đấy, họ không bằng lòng với công việc của ông ta, bởi thế họ muốn ông ta hoạt động tích cực hơn". Nhận thấy sự vô vị, lố bịch của những lập luận như vậy, ông ta lại im lặng hồi lâu, suy nghĩ một cái gì căng thẳng lắm. "Anh hãy nghe đây - ông ta bỗng nhiên như trút được gánh nặng - anh hãy nói chuyện trực tiếp với A. N. Iacốplép, xem anh ta nói gì với anh!".


Phải thừa nhận rằng, tôi chờ đợi cái gì đó có lợi, chứ không phải sự quay ngoắt như vậy. Khi chuẩn bị nói chuyện với M.X. Goócbachốp, trước đó tôi đã hình dung rằng M.X. Goócbachốp sẽ né tránh, rằng ông sẽ không đưa ra một quyết định nào, chẳng hạn đề nghị chờ đợi và xem cái gì sẽ diễn ra sau đó, các nguồn tin bổ sung có đến nữa không v.v... Nhưng trước khi nói những điều đó với A.N. Iacốplép, tôi còn muốn phản công lại, - "trong thực tế không thể như vậy được, chúng ta mà báo động cho A.N. Iacốplép biết là chấm dứt sự việc ở đó, và chẳng bao giờ tìm ra chân lý cả". M.X. Goócbachốp nghe sự phản ứng của tôi một cách lơ đễnh, và tôi hiểu rằng, ông đã quyết định. Hoàn toàn rõ ràng ràng, trong trường hợp tôi từ chối nói chuyện với A.N. Iacốplép thì M. X. Goócbachốp sẽ tự mình cảnh tỉnh ông ta.


Tôi ghé vào chỗ V.I. Bônđin và kể lại chi tiết cho ông biết cuộc nói chuyện với M.X. Goócbachốp. Sau một lúc suy nghĩ, V.I. Bônđin khuyên tôi đừng quá bận tâm và đế thêm không lấy gì làm vui: "Vì rằng M.X. Goócbachốp sẽ chẳng làm gì A.N. Iacốplép đâu".


Chúng tôi thoả thuận khi thuận tiên sẽ tổ chức một cuộc gặp tay ba và trong cuộc gặp đó V.I. Bônđin sẽ để cho tôi nói chuyện tay đôi, mặt đối mặt với Iacốplép. Sự việc diễn ra đúng như vậy. Khi chỉ còn lại hai người, tôi nói với Iacốplép rằng, tôi có một thông tin không dễ chịu chút nào, và tôi quyết định để ông ta xem qua nội dung của nó. Tôi trình bày cho N. Iacốplép một cách ngắn gọn thực chất vấn đề. Cần nói rằng, Iacốplép lúng túng, dường như bị bắn, và không thể trả lời được gì, chỉ thở dài một cách nặng nhọc. Tôi cũng im lặng. Chúng tôi ngồi như thế cho đến lúc Bônđin quay trở lại, không đả động gì đến thực chất vấn đề. Tôi hiểu rằng, Iacốplép chỉ đơn giản là không biết trả lời thế nào, xét đến cùng, đối với ông toàn bộ câu chuyên này hết sức bất ngờ. Có nghĩa là, tôi nghĩ, Goócbachốp quyết định không vội vàng đối với người được mình che chở. Trong tình thế đó chỉ còn biết chờ sự tiếp diễn của toàn bộ sự việc.


Dĩ nhiên, tôi báo cáo với Goócbachốp về cuộc nói chuyện với đầy đủ những tình tiết. Câu trả lời vẫn lại là sự im lặng. Một ngày, một tuần, một tháng trôi qua, Iacốplép vẫn không khêu gợi lại đề tài đó cả với tôi, và theo lời X. Goócbachốp, cả với chính tổng thống, mặc dầu hàng ngày vẫn gặp nhau. Tôi hỏi X. Goócbachốp, có thể tiến hành kiểm tra, xác minh như thế nào? Nhưng X. Goócbachốp không hề có một dấu hiệu nào tỏ ra cần thiết phải kiểm tra. Thay cho việc xác minh ông khuyên tôi nên nói chuyện với Iacốplép một lần nữa. Tôi buộc phải phục tùng. Tôi đến chỗ Iacốplép ở Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô (lúc đó ông ta là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô) với một câu hôi khiêm nhường để tìm hiểu xem N. Iacốplép có nói chuyện với ai đó, kể cả với Goócbachốp về cuộc nói chuyện vừa rồi của chúng tôi không. "Vấn đề thật nghiêm trọng - tôi nhận xét, - phải chăng điều ấy có thể là còn ít". Tôi nghe được câu trả lời với một âm thanh rất nhỏ "không".


Còn Tổng thống Liên Xô thì sao? - ông ta lại im lặng, khi nghe tôi báo cáo về cuộc nói chuyện lần này với Iacốplép. Sự việc kết thúc ở đó - Goócbachốp im lặng, Iacốplép im lặng, còn tôi, dẫu sao tôi vẫn hy vọng, rốt cuộc, sớm hay muộn tổng thống sẽ nghĩ lại và cho phép thi hành những biện pháp cần thiết...


Chẳng bao lâu sau, Iacốplép rời bỏ cơ quan Ủy ban Trung ương của Đảng và được bổ nhiệm làm chủ tịch nhóm cố vấn trực thuộc tổng thống. Sự thật, tôi không biết vì lý do gì mà Iacốplép lại không tham gia vào Uỷ ban An ninh trực thuộc Tổng thống Liên Xô (mặc dầu sau tháng 8-1991, ông ta trở thành thành viên của nó). Nhưng ở cương vị mới của mình, ông ta được phép làm quen với tất cả bí mật quốc gia. Trong quan hệ giữa Goócbachốp và Iacốplép không có sự thay đổi nào, vẫn như trước đày, giữa họ có sự tin tưởng nhau cao độ...


Tiêu đề: Goócbachốp - Bạo loạn Sự kiện tháng Tám nhìn từ bên trong
Gửi bởi: nhinrathegioi trong 06 Tháng Hai, 2022, 08:51:03 am
Còn vấn đề "tế nhị" về sự cộng tác của N. Iacốplép với các cơ quan tình báo Mỹ thì tan thành mây khói. Không khi nào, và không một ai - cả Iacốplép lẫn Goócbachốp đả động tới trong các cuộc nói chuyện với tôi.


Sau tháng 8-1991, Goócbachốp bổ nhiêm Bacatin làm Chủ tịch KGB. Tôi thất vọng khi biết được sự bổ nhiêm đó. Tôi ngạc nhiên không phải bởi sự bổ nhiệm của Goócbachốp - ông ta làm điều đó là "đúng". Tôi hoàn toàn không hiểu thái độ của Enxin trong vấn đề này. Bởi vì lúc đó chính quyền thực sự nằm trong tay ông ta, nếu ông ta không đồng ý, tôi tin là sự bổ nhiệm sẽ không diễn ra. Chẳng lẽ Enxin lại không hiểu, nếu giao Uỷ ban An ninh và tình báo cho "những người của Goócbachốp" thì ông ta sẽ tự tước bỏ của mình và những người cùng phái nguồn thông tin quan trọng nhất hay sao?


Trở lại vấn đề về Iacốplép và những tài liệu có liên can đến ông ta, tôi muốn nói rằng, đối với ông ta việc bổ nhiệm Bacatin không gì hợp lý bằng. Bacatin không che giấu nhiệm vụ được đặt ra - xoá sổ các cơ quan an ninh quốc gia. Tình huống chưa bao giờ có trong lịch sử thế giới (lãnh đạo để phá huỷ) được Bacatin kể lại trong cuốn hồi ký của mình với một thái độ vô liêm sỉ không hề giấu giếm. Tôi chẳng biết trong quá trình phá huỷ đó, các tài liệu về Iacốplép có bị thủ tiêu không, hoặc giả định chúng đã rơi vào tay các cơ quan an ninh Nga, nhưng bất luận trong trường hợp nào vẫn còn những nhân chứng sống. Tôi nghĩ, sớm, muộn họ sẽ lên tiếng.


Thật lạ lùng là những lời khai của tôi đưa ra trong quá trình điều tra vụ "Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp" không được Viện Kiểm sát Cộng hoà Liên bang Nga để ý. Và bởi thế, tôi chỉ thẳng ra rằng, KGB đã nhận được những thông tin về Iacốplép, và về "quan hệ của ông ta với các đại diện nước ngoài", mà đối với lợi ích của nền an ninh quốc gia, chuyện đó không thể tha thứ được.


Tôi không biết là Xtêpancốp có báo cáo những lời khai của tôi lên cấp trên hay không, nếu có, thì đã nhận được phản ứng thế nào? Nhưng, do vị trí công tác của minh, cả Xtêpancốp và cả Lixốp đã biết các tư liệu này - điều đó không có gì phải nghi ngờ. Phải làm sao đây? Người ta ngại thông báo với ban lãnh đạo. Cuối cùng, thử làm sáng tỏ những chi tiết bổ sung mà tôi biết chăng? Không, không ai hết!


Thật may là trong các bản khai cung của tôi có những chi tiết về việc Igơnachencô thư ký báo chí của Tổng thống Liên Xô nhận "quà biếu" của người nước ngoài. Những tư liệu qua kiểm tra nghiệp vụ đã hoàn toàn xác nhận, Igơnachencô nhiều lần nhận những khoản ngoại tệ lớn vì đã cho phép các nhà báo nước ngoài phỏng vấn Tổng thống Liên Xô. Những "món quà biếu" loại đó trước đây được xem là hối lộ, còn bây giờ trong thời đại "hưng thịnh của tự do và dân chủ" xuất hiện xu hướng cho đó là biểu hiện của sự kinh doanh lành mạnh.


Và như vậy, Viện Kiểm sát bỗng nhiên để ý đến vụ Igơnachencô. Một điều tra viên đã đến gặp tôi ở nhà tù Mátrôxcaia Chisina, anh ta báo rằng phải điều tra một vụ hình sự. Người ta quyết định xét hỏi, bắt đầu từ tôi với tư cách là nhân chứng. Tôi không phản đối và sẵn sàng cung cấp những tài liệu cần thiết nhưng với một điều kiện duy nhất: "Vì tôi còn bị bắt giam và không có một bảo đảm gì chứng tỏ Viện Kiểm sát sau này có thể giải thích hoặc trích dẫn sai lệch các lời khai có cơ sở của tôi, tôi muốn cuộc hỏi cung diễn ra với sự có mặt của luật sư Iu.P. Ivanốp, người sẵn sàng ghi chép về những điều bí mật". Sau lời đề nghị của tôi, nhân viên điều tra vụt biến mất và tôi không bao giờ nhìn thấy anh ta nữa.


Không rõ ông ta đã tiến hành điều tra chưa, trước hết là đã hỏi chính Goócbachốp chưa, tôi không hề biết. Nhưng dầu sao tôi vẫn muốn nói rằng, đối với Igơnachencô, các đồng sự ở Viện Kiểm sát đã tạo ra được một sự rung chuyển (mặc dầu có thể còn yếu ớt). Sự thật là, một số tư liệu có liên can đến Igơnachencô được tiết lộ cho báo chí, nhưng rõ ràng có chủ ý. Ở đây, đặt ra vấn đề: "Để làm gì?".


Một vấn đề khác, Iacốplép, đang tung hoành đầy nhiệt tình và hăng hái (Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Hội đồng Tổng thống, và cuối cùng là người lãnh đạo nhóm cố vấn của tổng thống) thì không một ai dám đụng chạm đến!


Nhân nói về "kiến trúc sư" của sự nghiệp cải tổ, sẽ không thừa, nếu nhớ lại: ông ta xử sự như thế nào trong những ngày tháng 8-1991. N. Iacốplép xuất hiện sau khi chúng tôi đã bị bắt, nhưng từ ban công Nhà trắng, ông còn tiên đoán rằng, mọi nỗ lực sẽ tạo nên chiến thắng cho những "người dân chủ". Dầu sao thì vào ngày 19 và 20-8, bản thân ông ta ở đâu? Trong hồ sơ về "Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp" không nói gì về điều này. Một chi tiết khác - người ta tra hỏi hàng nghìn nhân chứng, riêng chỉ có Iacốplép không bao giờ bị gọi đến Viện Kiểm sát.


Chỉ có một lần, ông ta đến cung khai với Lápchép, nguyên là Chủ tịch Viện Liên bang của Xôviết tối cao Liên Xô, cũng là một nhà dân chủ lớn, nhưng sau khi Liên Xô tan rã đã khôn khéo trở thành một trong những người lãnh đạo tổ hợp "Tin tức". Lápchép kể lại câu chuyên qua điện thoại với Iacốplép, diễn ra vào giữa trưa ngày 19-8 như sau: "Dường như ông là người cuối cùng biết về việc ở toà nhà Xôviết Mátxcơva dự kiến tiến hành cuộc mít tinh đầu tiên của "những người dân chủ" chống lại việc ban bố tình trạng khẩn cấp". Có thể bị giam giữ và bị bắt - Iacốplép suy luận - còn nếu cuộc, mít tinh không bị giải tán thì lúc đó "Uỷ ban nhà nước về tình trạng khẩn cấp" sẽ trở thành trống rỗng và không chút đáng sợ... Những người tham gia cuộc đối thoại đó, tất nhiên là không đến dự mít tinh.


Chi tiết đó dành riêng cho Iacốplép. Ông ta bao giờ cũng giữ một ranh giới để bảo đảm an toàn cá nhân và ông ta không bao giờ vượt quá giới hạn đó. Khi không còn nguy hiểm đến cá nhân nữa, thì lúc đó ông ta có thể ưỡn ngực ra một cách kiêu hãnh. Tôi minh hoạ điều khẳng định này chỉ bằng một ví dụ thôi.


Hơn một năm trôi qua kể từ ngày tôi bị bắt. Và bỗng nhiên tôi nghe ràng, tại toà án hiến pháp, trong khi lấy khẩu cung về cái gọi là "hoạt động của Đảng Cộng sản Liên Xô", Iacốplép tuyên bố rằng, KGB chuẩn bị ám sát ông ta bằng một tai nạn xe hơi. Dường như có một ông tướng nào đó thông báo điều đó cho Iacốplép. Sau lời đe doạ đó, ông ta ném vào mặt tôi một câu thách thức: "Criuscốp, hãy nhớ lấy, tôi đã viết xong mấy bức thư, sau khi tôi chết, mọi việc sẽ được tố giác".


Thật là một sự dối trá đến kinh ngạc. Tất nhiên, giữa chúng tôi không hề có cuộc đối thoại này, cũng như không hề có chuẩn bị ám sát. Nhưng cũng có thể có một ông tướng nào đó định làm điều đó chăng? Nếu vậy, thật khó tin. Lúc đó cái gì cản trở lacốplép thông báo "sự kiện" này với KGB? Báo cáo với tổng thống, người mà ông ta có quan hệ thân thiết; Báo cáo với Xôviết tối cao? Thông báo với các phóng viến? Và cuối cùng là kể điều đó vào tháng 8 - tháng 9-1991, chứ không phải là một năm sau đó?


Tôi bác bỏ sự vu khống đó, bởi vì đây là điều có thể làm ở địa vị của tôi lúc đó - yêu cầu Viện trưởng Viện kiểm sát tiến hành điều tra chính thức những thông báo loại đó và việc đổ lỗi cho tôi tội tổ chức ám sát Iacốplép. Làm điều đó hoàn toàn không phức tạp gì. Sự việc xẩy ra chưa lâu, các cộng sự của bộ máy KGB Liên Xô, "mà tôi dựa vào để chuẩn bị ám sát", có lẽ vẫn còn sống. Và vị tướng nào đó có thể dũng cảm tự xưng tên có thể còn xứng đáng nhận phần thưởng - sao không chịu cứu lấy sinh mạng của "ông tổ nền dân chủ"! Cũng nhân đây, tôi đề nghị Viện Kiểm sát minh oan cho tôi, điều tra một tin gật gân khác do một phóng viên "Tin tức Mátxcơva" tung ra - rằng mấy năm trước đây, tôi chuẩn bị một hành động khủng bố chống lại Enxin. Người ta còn nói thêm vụ giết người này định diễn ra ở Tátgikixtan và người cùng tham gia với tôi là người lãnh đạo các cơ quan an ninh của nước cộng hoà.


Viện Kiểm sát hiện nay không vội vàng vạch trần những lời lẽ của bọn vu khống, nếu họ mượn danh "dân chủ". Nhiều điều tra viên khi đọc những thông báo đầy vu khống này hết sức ngạc nhiên và vung tay lên, còn các vị lãnh đạo của họ thì không thích phản ứng lại những tuyên bố của tôi.


Khi tôi đang suy nghĩ kỹ cách hoàn thành câu chuyên của mình thì người ta mang tới cho tôi những tờ báo mới. Đọc báo, tôi được biết Enxin đã chỉ định Iacốplép làm Chủ tịch Uỷ ban nhà nước về phục hồi danh dự. Trong thành phần Ủy ban này có Bộ trưởng An ninh và Bộ trưởng Nội vụ.


Điều tra gì nữa đây! "Kiến trúc sư của công cuộc cải tổ" vẫn đang tiếp tục công việc của mình...