Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: quansuvn trong 12 Tháng Tư, 2021, 10:18:30 am



Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Tư, 2021, 10:18:30 am
Tên sách: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, quansuvn


* CHỈ ĐẠO NỘI DUNG:
   ĐỒNG SĨ NGUYÊN - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị,
               - Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng,
               - Trung tướng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.

* BAN BIÊN SOẠN:
   - Thiếu tướng VÕ SỞ
   - Thiếu tướng TÔ ĐA MẠN
   - Thiếu tướng NGÔ HUY BIÊN
   - Đại tá BÙI THẾ TÂM
   - Đại tá HOÀNG TRÁ
   - Đại tá NGUYỄN LY SƠN
   - Đại tá PHẠM THỌ
   - Đại tá TRẦN BÚT
   - Đại tá NGUYỄN THUẬN QUẢNG
   - Đại tá HOÀNG XlỂN
   - Đại tá HOÀNG NGỌC CHÂU

(https://i.imgur.com/NgHji8d.jpg)


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Tư, 2021, 10:19:21 am
Lời nhà xuất bản


Quyết định thành lập tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và thực hiện thắng lợi quyết định đó là một thành công kiệt xuất của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về chỉ đạo chiến lược trong kháng chiến chống Mỹ. Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Mình là một kỳ tích của dân tộc ta trong thế kỷ XX, là nhân tố có ý nghĩa quyết định chiến lược đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Thời gian qua đã có nhiều công trình lịch sử viết về Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh; nhiều hội thảo khoa học tập trung bàn thảo, đánh giá vị trí, vai trò của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đối với sự nghiệp kháng chiến của dân tộc Việt Nam và cách mạng Lào, Campuchia.


Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã kết thúc cách đây tròn một phần ba thế kỷ. Đường Hồ Chí Minh cũng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đúng bằng ngần ấy thời gian. Độ lùi thời gian và nhiều yếu tố khác cho phép chúng ta có điều kiện nhìn nhận, đánh giá toàn diện, chuẩn xác hơn về tầm chiến lược của chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Hướng về kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19.5.1959 - 19.5.2009), đồng chí Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cùng một số tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp từng công tác, chiến đấu, chỉ huy chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn tổ chức biên soạn cuốn sách "Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ”.


Với cuốn sách này, các tác giả tập trung làm rõ vị trí, vai trò của chiến trường Trường Sơn - một chiến trường tổng hợp - đặc biệt và những thành công trong vận dụng nghệ thuật quân sự mang tính học thuật trên chiến trường này.


Lịch sử luôn là dòng chảy vĩnh hằng, liên tục, nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Đường Trường Sơn năm xưa nay đã phát triển thành đường Hồ Chí Minh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những bài học kinh nghiệm quý báu đúc kết từ thực tiễn 16 năm hoạt động của chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thời đánh Mỹ, thắng Mỹ chắc chắn có ý nghĩa thiết thực đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.


Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách "Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ” tới quý bạn đọc.


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Tư, 2021, 10:22:25 am
ĐÁNH GIÁ ĐÚNG THỰC CHẤT CHIẾN TRƯỜNG
TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRONG CÔNG CUỘC
TRƯỜNG KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MỸ XÂM LƯỢC


ĐỒNG SĨ NGUYÊN
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn


Đế quốc Mỹ phủ định Hiệp nghị Giơnevơ, ỷ vào sức mạnh tuyệt đối về quân sự - kinh tế, âm mưu thay thực dân Pháp tiếp tục đẩy mạnh và mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ba nước Đông Dương theo chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, thôn tính cả nước Việt Nam và hai nước bạn Lào, Campuchia.

Để thực hiện âm mưu đó, đế quốc Mỹ đã thực thi hai mục tiêu chiến lược:

Một là, tiêu diệt lực lượng kháng chiến ở miền Nam Việt Nam và hai nước bạn.

Hai là, ngăn chặn công cuộc chi viện binh lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật của miền Bắc cho miền Nam và một phần cho hai nước bạn.

Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta, Bác Hồ, Quân ủy Trung ương nắm bắt được âm mưu đó ngay từ đầu.

Căn cứ vào khách quan, chủ quan, Bộ Chính trị thông qua Trung ương Cục miền Nam đã liên tục điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn chỉnh sự đánh giá về địch, khẳng định rằng cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ, tự bản thân nó đã là yếu từ gốc. Đồng thời Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo sát sao Trung ương Cục miền Nam: bám dân, bám đất, kiên trì thực hiện trường kỳ kháng chiến, lấy chiến tranh nhân dân sáng tạo, đánh đổ từng phần, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.


Nghị quyết Hội nghị 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III), tháng 1 năm 1959, là mốc lịch sử, mở ra một trang mới để từ đó đưa cuộc trường kỳ kháng chiến ở miền Nam từ giai đoạn giữ gìn lực lượng sang giai đoạn tiến công địch, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.


Căn cứ vào đường lối, chủ trương đúng đắn của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã chỉ đạo sát sao quân và dân miền Nam với truyền thống "thành đồng bất khuất", với lòng yêu nước nồng nàn, với ý chí quyết chiến, quyết thắng đã vượt qua muôn vàn thử thách, cam go, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, dũng mãnh, dám đánh và biết đánh thắng Mỹ; được cả nước và bạn bè quốc tế cổ vũ, chi viện lần lượt đánh bại đế quốc Mỹ từ chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", chiến lược ''Chiến tranh cục bộ” đến "Việt Nam hoá chiến tranh".


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 mà Bộ Quốc phòng Mỹ gọi là "cuộc chiến tranh vận động quy mô lớn” là đòn quyết định cuối cùng bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền Sài Gòn tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do, chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, đưa cả nước từng bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.


Về mục tiêu chiến lược ngăn chặn công cuộc chi viện binh lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật của miền Bắc cho miền Nam và một phần cho hai nước bạn, đế quốc Mỹ ỷ vào sức mạnh vũ khí, kỹ thuật hiện đại, đã từng bước leo thang, mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, biệt kích, pháo hạm ngoài biển oanh tạc miền Bắc; đỉnh cao là dùng máy bay chiến lược B.52 đánh thẳng vào Thủ đô Hà Nội, nhằm làm suy yếu miền Bắc về kinh tế, chính trị, ngăn chặn công cuộc chi viện cho miền Nam từ gốc, Mỹ đã vấp phải lưới lửa phòng không dày đặc của quân dân miền Bắc và trận "Điện Biên Phủ trên không", chỉ trong vòng 12 ngày đêm đã hạ gục cái gọi là "Siêu pháo đài bay" B.52 của Mỹ.


Cùng với tiến hành "Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, chiến tranh phá hoại miền Bắc, đế quốc Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh ngăn chặn công cuộc chi viện trên đường Hồ Chí Minh và sau đó phát triển lên thành cuộc chiến tranh ngăn chặn tổng hợp bằng không quân, lục quân, hải quân, hoá học, điện tử quyết liệt chưa từng có, kết hợp đánh phá thường xuyên, liên tục ngày đêm với mở các chiến dịch ngăn chặn bằng không quân, mở các chiến dịch hợp đồng quy mô lớn không quân, lục quân, hải quân Mỹ và các nước chư hầu, điển hình là cuộc hành quân "Lam Sơn 719" năm 1971, quân và dân ta đã phản công và chiến thắng áp đảo trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, vĩnh viễn đập tan cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện và cũng xoá sổ luôn chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh".


Chúng ta đã đưa Mỹ đi từ hung hăng xâm lược đến lung lay ý chí xâm lược, rồi sụp đổ hoàn toàn ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải chịu ký Hiệp định Pari về Việt Nam:

- Đó là thắng lợi to lớn, liên tiếp trên chiến trường miền Nam và hai nước bạn. Đặc biệt cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là đòn chiến lược đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo đà để chuyển biến tương quan lực lượng chuẩn bị cho thời cơ mới.

- Đó là Điện Biên Phủ trên không, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay chiến lược B.52.

- Đó là chiến thắng Đường 9 - Nam Lào xoá sổ vĩnh viễn cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện.

- Đó là thắng lợi về ngoại giao và sự ủng hộ rộng rãi của bè bạn quốc tế.

Căn cứ vào một số kết luận chung nói trên, chúng ta hãy lật lại quá trình hình thành phát triển tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển.

Để thực hiện Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III, Bộ Chính trị, Bác Hồ đã giao cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức tuyến chi viện chiến lược của miền Bắc chi viện cho cách mạng miền Nam và nước bạn ở Trung - Hạ Lào. Theo đó, ngày 19 tháng 5 năm 1959, Đoàn 559 được thành lập. Buổi đầu Đoàn được máy bay vận tải của không quân và xe vận tải của Tổng cục Hậu cần tạo chân hàng. Đoàn 559 đã mở đường giao liên trên đất Việt Nam, có nhiệm vụ: đưa đón cán bộ, bộ đội vào chiến trường, gùi thồ một số vũ khí nhẹ cho Trị Thiên, Bắc Khu 5, tên thường gọi là đường dây 559, với phương châm triệt để giữ bí mật: "Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng". Đồng thời Đoàn 559 còn phối hợp với hải quân do hải quân làm chủ cải trang tàu đánh cá, bí mật, bất ngờ chở một số vũ khí đạt hiệu quả tốt cho cực Nam Trung Bộ và cực Nam Nam Bộ theo đường biển, nhưng do địch kiểm soát ngặt nghèo, luôn phát hiện, ngăn chặn, nên ta chỉ làm được một số chuyến, rồi phải ngừng.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Tư, 2021, 10:23:48 am
Qua 4 năm, trên đường bộ Đông Trường Sơn và trên đường biển, bộ đội và nhân dân ta đã vượt qua muôn vàn gian khổ, anh dũng hy sinh, đã thực hiện được một phần nhiệm vụ chi viện cho miền Nam, trong khi đó chiến trường đòi hỏi sự chi viện ngày một tăng.


Để bảo đảm chi viện liên tục, vững chắc, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chủ trương lật cánh sang Tây Trường Sơn, tại đây địa hình thuận lợi, địch yếu. Được sự thống nhất của ba Đảng anh em, bộ đội tình nguyện phối hợp với quân dân Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia tiêu diệt hệ thống đồn bốt của địch dọc Tây Trường Sơn, giải phóng một vùng rộng lớn từ Trung Lào xuống Hạ Lào, trên cơ sở đó Đoàn 559 triển khai mở đường vận tải cơ giới từng đoạn theo phương châm "biến đường trinh sát thành đường gùi thồ, biến đường gùi thồ thành đường ô tô; kết hợp các phương thức gùi, thồ với vận tải cơ giới bằng xe Gát, xe Đốt".


Đến năm 1965, ta đã dùng xe Gát 63 chạy một số cung ngắn trên đường 9, tiếp đó dùng một trăm xe chạy thẳng từ miền Bắc vào đường 9. Địch phát hiện ngăn chặn đánh phá, xe cháy, lái xe bị thương vong dọc đường. Cuộc thí nghiệm vận tải cơ giới bằng "Mũi tên xanh" không thành, phần vì thiếu kinh nghiệm, phần chưa chuẩn bị đầy đủ.


Đến năm 1966, Đoàn 559 tiếp tục vận tải cơ giới nhỏ, lẻ cũng bị không quân Mỹ và bộ binh tập trung đánh chặn, gây thiệt hại nặng; kế hoạch chi viện chiến trường không hoàn thành.


Giữa năm 1966, Quân ủy Trung ương họp kiểm điểm kế hoạch vận chuyển chi viện trên đường Hồ Chí Minh, tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý. Trong hội nghị có hai ý kiến khác nhau: Ý kiến thứ nhất là tìm mọi biện pháp hữu hiệu để tiếp tục vận tải cơ giới. Ý kiến thứ hai là quay lại gùi thồ cho chắc. Đa số ý kiến không tán thành đơn thuần gùi thồ, bởi với tuyến chi viện dọc, ngang gần 3.000km, nếu chỉ đơn thuần gùi thồ thì nuôi quân vận tải không đủ, lấy gì chi viện cho chiến trường? Cuối cùng đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp kết luận: "Phải tìm cho ra nguyên nhân, phải có biện pháp hữu hiệu, phải lấy vận tải cơ giới là chính, kết hợp gùi thồ nơi và lúc cần thiết".


Để chấp hành nghiêm chỉnh kết luận của Quân ủy Trung ương, đầu tháng 1 năm 1967, Đảng ủy và Bộ tư lệnh 559 họp để triển khai nghị quyết của Quân ủy Trung ương, chỉ đạo thực hiện kế hoạch vận tải chi viện tháng 1 năm 1967. Hội nghị đã quyết định tổ chức một đợt kiểm tra, khảo sát thực tiễn trên chiến trường, nhằm đánh giá một cách thực chất mọi mặt trên tuyến; trước hết di chuyển sở chỉ huy Bộ tư lệnh 559 ra nơi sát đường tuyến, nơi trọng điểm đánh phá của địch, nơi giao điểm trục đường dọc và trục đường ngang nối Đông và Tây Trường Sơn, xây dựng công sự vững chắc bám trụ tuyến đường; trực tiếp chỉ huy vận tải. Từ sở chỉ huy mới, Tư lệnh, Chính ủy, một số đồng chí Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy và cán bộ chủ trì các Cục chia nhau đi kiểm tra, khảo sát hiện thực diễn biến cuộc chiến đấu giữa ta và địch trên toàn tuyến. Từ đó, Đảng ủy - Bộ tư lệnh đã đi tới đánh giá một cách toàn diện tình hình tương quan lực lượng địch - ta, đặc điểm, vị trí, nhiệm vụ, tư tưởng phương thức chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức lực lượng trang bị vũ khí kỹ thuật.


- Đánh giá về địch, ta có thể nhận thấy rằng, sang đầu năm 1966 và cả những năm tiếp theo, Mỹ đã bắt đầu chuyển từ cuộc đánh phá ngăn chặn bằng không quân là chính sang kết hợp đánh phá ngăn chặn cả bằng bộ binh. Như vậy, địch đã bắt đầu hình thành một cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện tổng hợp quyết liệt trên không gian ngày càng mở rộng, với thời gian ngày càng tăng, một cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn diễn ra ngày càng rõ nét giữa ta và địch.


Địch lấy đánh phá ngăn chặn bằng không quân là chính kết hợp tổ chức các chiến dịch bộ binh đánh lấn chiếm địa bàn hành lang từ phía Đông lên và cả từ phía Tây xuống với quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng ác liệt.


Tuy Mỹ giàu về kinh tế và kỹ thuật hiện đại bậc nhất thế giới nhưng không mạnh, sức đánh phá bằng không quân cũng hạn chế nên Mỹ không thể làm chủ hoàn toàn về không gian và thời gian trong một ngày đêm. Các đợt không kích cộng lại cũng chỉ từ 5 đến 6 giờ trong một ngày đêm, 18 giờ còn lại ta vẫn hoàn toàn làm chủ chiến trường.


Về sự lấn chiếm của bộ binh địch, ngoài hoạt động quấy rối nhỏ thường xuyên thì các đợt lấn chiếm có quy mô vừa và lớn phải từ một đến hai tháng mới có một đợt; khi ở khu vực này, khi ở khu vực khác.


Ngay cả những lúc địch tập trung đánh phá dữ dội nhất cũng không đánh được trên toàn tuyến; đánh điểm thì bỏ diện, đánh nơi này bỏ nơi khác, đánh lúc này bỏ lúc khác. Người làm chủ mặt đất trên chiến trường vẫn là những con người dũng cảm, mưu lược của các lực lượng trên tuyến đường và quân dân nước bạn, quân và dân Việt Nam ở cả hai miền...

Đó là chỗ mạnh cụ thể của ta, chỗ yếu cụ thể của địch.

Từ đánh giá đúng địch - ta cụ thể trên chiến trường, giúp cho ta thấy những khả năng, những điều kiện đồng bộ, để tận dụng hết lợi thế của ta, khoét sâu những sơ hở của địch, tiến lên chủ động chống sự ngăn chặn của địch tiến lên đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn trên chiến trường Trường Sơn và cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.


- Đánh giá về ta, từ khi chuyển sang Tây Trường Sơn, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, văn nghệ sĩ, nhân dân địa phương ta vẫn phát huy cao độ lòng yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu quyết thắng, đoàn kết hiệp đồng, chịu đựng gian khổ, chiến đấu quyết liệt, hy sinh anh dũng; tất cả vì miền Nam ruột thịt làm nhiệm vụ chi viện hết lòng tận sức. Nhưng do về mặt chỉ đạo, chỉ huy của Bộ tư lệnh đánh giá chưa đúng địch - ta, xác định không rõ đặc điểm, vị trí, nhiệm vụ, tư tưởng chỉ đạo, phương thức hoạt động, tổ chức lực lượng, tổ chức chỉ huy nên đã dẫn đến lực lượng phân tán nhiều đầu mối chỉ huy, không phát huy được sức mạnh tổng thể, bộ đội vận tải trở nên đơn phương độc mã, buộc phải lấy tư tưởng phòng tránh là chính để tiến hành nhiệm vụ trong bối cảnh cuộc chiến tranh ngăn chặn của Mỹ diễn ra khốc liệt. Vì thế lâm vào thế bị động, chịu tổn thất và nhiệm vụ không hoàn thành.


Dưới sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Bộ tư lệnh Trường Sơn, sau đợt kiểm tra trực tiếp, toàn diện đã khẩn trương đề ra phương án đổi mới toàn bộ với tinh thần khẩn trương quyết liệt. Mở đầu bằng việc tổ chức một đợt quán triệt cho cán bộ, đảng viên, bộ đội, thanh niên xung phong về tất cả các vấn đề cốt lõi khẩn thiết như: Cách đánh giá địch, cách đánh giá ta, đặc điểm, vị trí của chiến trường Trường Sơn, khả năng và xu thế phát triển, quán triệt chức năng nhiệm vụ, tư tưởng chỉ đạo và phương thức hoạt động, tổ chức lực lượng, tổ chức chỉ huy, đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của cuộc chiến đặt ra nhằm duy trì và phát triển nhiệm vụ vận chuyển và chiến đấu tiến lên giành thắng lợi, từng bước đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.


Đợt sinh hoạt chính trị đem lại một chuyển biến lớn trên toàn chiến trường, tình thế thay đổi một cách chóng vánh, ta từ thế bị động chuyển thành chủ động và nhiệm vụ chi viện chiến trường đã hoàn thành kế hoạch Bộ giao trong điều kiện địch đánh phá ngăn chặn tăng hơn trước: Quân vào chiến trường đạt 156% (57.726 người) và chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho 3 vạn quân đi trong mùa mưa; vận tải chi viện cho các chiến trường ta và bạn đạt 100% và dự trữ tiếp cận các mặt trận hơn 5.000 tấn, riêng Tây Nguyên giao thêm 680 tấn lương thực...


Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư đánh giá thành công của tuyến chi viện chiến lược và đặc biệt lưu ý: "Cần rút được những bài học sâu sắc để thấy vì sao cũng những cán bộ, chiến sĩ ấy, cũng những phương tiện ấy, có phần ít hơn các năm trước cũng hoàn cảnh ấy, có phần khẩn trương hơn mà sao lại đạt kết quả cao hơn?...".


Quán triệt sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, hội nghị đã tổng kết được những vấn đề có giá trị nguyên tắc về phương án đổi mới toàn bộ công cuộc vận tải chi viện chiến trường. Sau hội nghị, Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức diễn tập thực binh "lấy chiến trường làm thao trường" do Tư lệnh chiến trường trực tiếp chỉ huy chiến dịch vận tải hiệp đồng binh chủng. Cán bộ các cấp đến học tập tham quan thực tế. Kết thúc diễn tập chiến dịch đạt kết quả không ngờ đã chứng minh giá trị hiện thực đúng đắn, sáng tạo phương thức tổ chức binh chủng hợp thành trong vận tải chi viện để bứt phá trong mùa khô 1967-1968 vượt toàn bộ kế hoạch Bộ giao, cả kế hoạch bổ sung, phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, khẳng định khả năng và xu thế phát triển mạnh cơ giới hoá toàn bộ công cuộc chi viện chiến lược từ năm 1968 trở đi.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Tư, 2021, 10:25:17 am
Đặc điểm vị trí

Trường Sơn là một dãy núi cao, rừng đại ngàn trải dọc Bắc - Nam, phân cách giữa ba nước và nằm gọn trong lòng ba nước, phía sườn Đông Trường Sơn thuộc nước Việt Nam, sườn Tây Trường Sơn thuộc hai nước bạn Lào và Campuchia, phía Việt Nam có một dải cao nguyên Tây Nguyên rộng lớn, phía Lào có cao nguyên Bô Lô Ven nối thông với Đông Bắc Cảmpuchia cũng rộng lớn không kém. Thời tiết, khí hậu phức tạp khác nhau, địa hình hiểm trở, dân chủ yếu thuộc dân tộc thiểu số, cư dân thưa thớt, kinh tế lạc hậu, đời sống nghèo nàn nhưng có truyền thống đoàn kết đấu tranh lâu đời nên rất trung thành với cách mạng, với kháng chiến. Trường Sơn là "nóc nhà chung" của ba nước anh em. Bộ đội Trường Sơn cùng với quân dân bạn đánh chiếm được địa bàn Trường Sơn là đánh chiếm được căn cứ địa khổng lồ nằm giữa ba nước Đông Dương, làm chỗ dựa vững chắc để quân dân ba nước anh em đoàn kết trường kỳ kháng chiến đánh thắng bất luận đế quốc nào đến xâm lược. Bộ đội Trường Sơn được vinh dự sử dụng vị trí chiến lược đó để mở đường vận tải chi viện chiến trường xuyên ba nước - con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất định phải giành thắng lợi cuối cùng.      


- Tại sao tuyến vận tải, chi viện chiến lược Trường Sơn lại là một chiến trường chiến đấu tổng hợp đặc biệt? Điều cơ bản nhất là sườn Đông và Tây có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Đế quốc Mỹ thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược ở cả hai sườn Đông - Tây Trường Sơn. Mặt khác Trường Sơn là tuyến chi viện cho các chiến trường nên đế quốc Mỹ muốn giành thắng lợi ở các chiến trường trước hết phải thực hiện cuộc chiến tranh ngăn chặn nguồn tiếp viện sức người, sức của của hậu phương lớn miền Bắc Việt Nam vào các chiến trường; thế là trên một địa bàn chiến lược đã hình thành hai loại chiến tranh đan xen: chiến tranh xâm lược và chiến tranh chống chi viện - chiến tranh ngăn chặn; Bộ đội Trường Sơn phải đồng thời đối phó với hai loại hình chiến tranh khác nhau của đế quốc Mỹ diễn ra trong cùng một thời gian, cùng một không gian.


- Trên tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn hình thành cuộc chiến đấu binh chủng hợp thành, bởi lẽ tuyến vận tải chiến lược nằm gọn trong một địa bàn phải trực tiếp gánh chịu và đối phó với hai loại hình chiến tranh; muốn duy trì và đẩy mạnh vận chuyển được, muốn xây dựng và bảo vệ được đường cầu, muốn bảo vệ được căn cứ chiến lược, trước hết Bộ đội Trường Sơn phải tự mình có đủ binh lực hợp thành phối hợp với quân dân Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia và các chiến trường của ta ở Đông Trường Sơn, từng bước đánh thắng cả hai loại hình chiến tranh của địch cả trên không và mặt đất.


- Tuyến vận tải chiến lược là căn cứ chiến lược trực tiếp cho các chiến trường ba nước Đông Dương, đó là nhờ thế mạnh của địa bàn chiến lược, của núi rừng đại ngàn, liền kề biên giới của ba nước, chỗ dựa lưng của mỗi nước, chỗ xây dựng lực lượng và xuất phát tiến công của mỗi nước, là nơi dự trữ vật chất kỹ thuật, nơi hậu cứ điều trị thương bệnh binh, nơi mở mang hệ thống đường cầu liên hoàn, nơi chuẩn bị cho các chiến dịch tấn công, phản công lớn; là nơi kẻ địch khó đến, khó ở và khó về.


- Tuyến vận tải chiến lược phải vận dụng nghệ thuật chiến dịch trong chiến đấu và trong vận tải, bởi vì phải thông qua tổ chức hoạt động chiến dịch với quy mô thích hợp mới tạo ra sức mạnh tổng hợp đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn cực kỳ khốc liệt của địch; phải hoạt động theo quy mô lớn mới đáp ứng được yêu cầu chiến đấu ngày càng lớn của các chiến trường; nếu làm theo kiểu nhỏ lẻ, "cò con" không phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ phục vụ các chiến trường. Khi tuyến vận tải đã tổ chức được chiến đấu binh chủng hợp thành đủ mạnh bảo vệ được bộ đội vận tải - binh chủng chủ lực, bộ đội vận tải phải thực là vận tải quân sự trong chiến tranh ngăn chặn khốc liệt, bộ đội vận tải phải thực hiện tư tưởng tấn công theo đội hình tấn công, có đội hình theo thê đội từ đại đội đến sư đoàn, kết hợp chỉ huy theo đội hình với chỉ huy của các sở chỉ huy cơ bản, tiền phương; quy mô chiến dịch phát triển theo từng bước, quy mô binh trạm, tập đoàn binh trạm, sư đoàn khu vực, tiến tới bỏ cung trạm, đi thẳng tới các chiến trường, đấy là sự phát triển sáng tạo, độc đáo, tìm cách bứt phá để tạo ra bước ngoặt phát triển, chuẩn bị thời cơ, đón và sử dụng thời cơ nhanh nhất, mạnh nhất, kịp thời nhất đáp ứng thoả mãn yêu cầu mệnh lệnh Tổng tiến công thần tốc Xuân 1975. Cho đến nay, vẫn có người cho rằng tuyến vận tải chiến lược chỉ là súng đạn, lương thực, là cơm áo, cần gì đến phải tư tưởng chiến thuật quân sự, cần gì chiến thuật chiến đấu binh chủng hợp thành, cần gì đội hình chiến thuật vận tải quân sự chiến đấu; đó là quan điểm phiến diện, thiếu thực tiễn, nếu không nói là sai lầm.


- Tại sao tuyến vận tải chiến lược lại tổ chức đến cấp sư đoàn binh chủng trong binh đoàn binh chủng hợp thành - điều chưa có tiền lệ trong quân đội ta thời bấy giờ? Với tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, Tổng hành dinh, Đảng ủy - Bộ tư lệnh Trường Sơn suy ngẫm đoán trước thế nào Đảng ta cũng phải tìm cách thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, rút ngắn thời gian "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, sớm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Một trong các yếu tố có ý nghĩa quyết định là phải chi viện sức người, sức của, phải cơ động binh lực, hoả lực lớn hơn, kịp thời hơn. Mặc dầu có ý kiến không đồng tình tổ chức cấp sư đoàn binh chủng trên tuyến vận tải chiến lược, nhưng là người trực tiếp chịu trách nhiệm với sự dự đoán nhất định sẽ đến, Đảng ủy


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Tư, 2021, 10:26:35 am
- Bộ tư lệnh Trường Sơn được sự ủng hộ của đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần đã nhanh chóng chuyển 10 vạn quân trên chiến trường Trường Sơn thành 8 sư đoàn binh chủng tập trung và nhiều trung đoàn độc lập chiến đấu và phục vụ chiến đấu; đặc biệt có 2 sư đoàn vận tải ô tô tập trung và một số trung đoàn vận tải ô tô độc lập, 4 sư đoàn công binh và một số trung đoàn độc lập, 1 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn phòng không tên lửa và một số trung đoàn độc lập. Nhờ vậy, khi có lệnh thần tốc bộ đội vận tải Trường Sơn cơ động gọn từng quân đoàn, sư đoàn bộ binh đi thẳng đến nơi tập kết, chuẩn bị chiến dịch đúng thời gian quy định.


- Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là bộ phận lực lượng dự bị chiến lược của Tổng hành dinh bởi vì các binh chủng trên chiến, trường Trường Sơn phải trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu cho cả hai loại hình chiến tranh ở cả Đông, Tây Trường Sơn. Ở phía Tây Trường Sơn là lực lượng chủ lực phối hợp với quân và dân bạn Trung - Hạ Lào mở các chiến dịch tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, mở rộng và bảo vệ vững chắc vùng căn cứ chiến lược; ở Đông Trường Sơn, Bộ đội Trường Sơn đều tăng cường lực lượng chiến đấu: Phòng không, bộ binh, vận tải, công binh, thông tin, quân y... cho các chiến dịch Khe Sanh, Huế (1968), Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị - Thiên (1972); Tây Nguyên, Trị - Thiên, chiến dịch Hồ Chí Minh (1975); một bộ phận xe vận tải đã trực tiếp tham gia chiến đấu, làm chức năng cơ giới hoá bộ binh, tấn công, truy kích địch trong các chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Tây Nguyên, Trị Thiên Huế, Đà Nẵng, chiến dịch Hồ Chí Minh. 2 sư đoàn công binh, 2 trung đoàn cầu bảo đảm toàn bộ mạng quốc lộ 1A từ Quảng Trị đến Phan Rang - Đà Lạt, Sài Gòn - Vũng Tàu, Sài Gòn - Tây Ninh...


Với đặc điểm vị trí và cách đặt vấn đề như nói trên, Bộ đội Trường Sơn phải nắm vững trọng tâm là nhiệm vụ chi viện để làm tốt cả năm nhiệm vụ sau đây:

Một là, phải từng bước chủ động tổ chức chiến đấu binh chủng hợp thành; phối hợp với quân và dân bạn, với các chiến trường của ta, từng bước đánh thắng các loại hình chiến tranh: chiến tranh xâm lược lãnh thổ do Mỹ điều hành đánh vào căn cứ của ta và của bạn và các chiến trường của ta; đồng thời đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của Mỹ - ngụy trên đường Hồ Chí Minh; bảo vệ, mở rộng chính diện và chiều sâu của căn cứ hành lang chiến lược của ba nước Nam Đông Dương.

Hai là, phải chủ động từng bước xây dựng được mạng lưới đường cầu đa dạng, liên hoàn đồng bộ Tây - Đông Trường Sơn với nhiều trục dọc, nhiều trục ngang nối từ hậu phương miền Bắc đến các chiến trường của ta, của bạn xuyên qua ba nước liên tục, thông suốt, xoá thế độc đạo trên toàn mạng hạ tầng cơ sở.

Ba là, phối hợp với các chiến trường của ta và bạn xây dựng, bảo vệ căn cứ chiến lược, để cơ động binh lực, để dự trữ vật chất - kỹ thuật chuẩn bị cho các chiến dịch lớn. Đó là căn cứ tựa lưng, căn cứ xuất phát tấn công của các chiến trường ta và bạn; là nơi vận động binh, hoả lực quy mô lớn cho các binh đoàn cơ động chiến lược khi thời cơ xuất hiện và khi có lệnh tiến công thần tốc.

Bốn là, phải từng bước xây dựng, phát triển được lực lượng binh chủng hợp thành có quy mô đến cấp các sư đoàn, binh chủng; tăng cường trang bị kỹ thuật ngang tầm với nhiệm vụ, chuyển đổi được tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường, tạo và đón thời cơ phát triển ngày càng xuất hiện có lợi cho ta, vừa làm tròn nhiệm vụ của bản thân chiến trường mình, sẵn sàng hợp lực với các chiến trường ta và bạn, làm lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ.


Bốn nhiệm vụ trên là điều kiện vững chắc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trung tâm là vận tải chi viện binh lực, cơ sở vật chất - kỹ thuật theo tổ chức chiến thuật vận tải đa phương thức, lấy đường bộ là chủ lực, đường ống dẫn xăng dầu là quan trọng, đường sông là bổ trợ. Binh chủng vận tải cơ giới đường bộ vừa là lực lượng đảm bảo chiến đấu, vừa là lực lượng chiến đấu, cơ giới hoá bộ binh tiến công, truy kích địch trong các chiến dịch lớn.


Để làm tốt và đồng bộ các nhiệm vụ nói trên, trước hết phải quán triệt, chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết của của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chỉ thị của Bộ Chính trị, của Chính phủ, của Quân ủy Trung ương, mệnh lệnh của Tổng tư lệnh, phải bám sát diễn biến và yêu cầu của các chiến trường ta và bạn; đánh giá đúng địch - ta cụ thể từng nơi, từng lúc, kịp thời phán đoán đúng quy luật thay đổi cách đánh phá của địch trên toàn chiến trường mình phụ trách.


Tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng ủy, sự chỉ huy tập trung thống nhất trực tiếp của Bộ tư lệnh đến mọi nơi, trong mọi lúc, đổi mới tư tưởng chỉ đạo, phong cách chỉ huy, lấy tư tưởng tấn công, kiên quyết tấn công, liên tục tấn công là chính, kết hợp với phòng tránh, xây dựng công sự, ngụy trang nghi binh, đề cao phong cách lãnh đạo chỉ huy trực tiếp: trực tiếp đánh giá địch - ta cụ thể, trực tiếp quán triệt nhiệm vụ, trực tiếp kiểm tra hiện trường, đánh giá biểu dương việc tốt, người tốt, nói rõ khuyết điểm, nhược điểm và chỉ ra cách khắc phục.


Tăng cường công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị, tư tưởng làm cho toàn chiến trường tin tưởng sức mạnh truyền thống củạ dân tộc Việt Nam và sức mạnh của thời đại, đoàn kết một lòng, đoàn kết phối hợp với quân dân bạn, với các chiến trường ta, các tuyến vận tải Bắc - Nam.


Xây dựng lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết chiến quyết thắng, tất cả cho chiến trường, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, coi trọng đào tạo, cân nhắc cán bộ có đức, có tài tại chỗ là chính, kết hợp với sự bổ sung cán bộ ở trên; thường xuyên rèn luyện bộ đội về ý chí chiến đấu, năng lực hành động, từng bước xây dựng, phát triển đồng bộ các binh chủng theo quy mô thích hợp cả tổ chức và trang bị, hướng đến đỉnh cao là các sư đoàn binh chủng hợp thành, toàn chiến trường là một khối thống nhất tập trung dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy, chuyển từ vận tải cung ngắn lên cung vừa, từ cung vừa lên cung đi thẳng đến các chiến trường; chuyển hành quân đi bộ sang hành quân cơ giới; tổ chức cho các đoàn binh khí kỹ thuật đi một tuyến đường riêng vào các mặt trận. Đó là một cách bứt phá quyết liệt, tạo ra một bước nhảy vọt lớn, thay đổi được tương quan lực lượng, tạo được thời cơ, đón được thời cơ; thực hiện bảo đảm thoả mãn lệnh thần tốc với mọi quy mô, mọi yêu cầu của Bộ Tổng tư lệnh, của tất cả các chiến trường, góp phần thực hiện thắng lợi Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thực hiện trọn vẹn Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, giành lại độc lập chủ quyền trọn vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải của đất nước.


Trong cuộc chiến đấu lâu dài trên chiến trường Trường Sơn thực tiễn diễn biến khôn lường đối mặt với một kẻ thù mạnh, tàn bạo đòi hỏi phải làm chủ sự chịu đựng, sự hy sinh, gian khổ kể cả sự trả giá cần thiết cho chiến thắng; không cam chịu trì trệ, dao động, phải mạnh dạn đổi mới, nói và làm đi đôi, không ngại rào cản, không giáo điều, phải dũng cảm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám thay đổi tổ chức lực lượng theo hướng đồng bộ hoá, đa dạng hóa nhằm phát triển đi lên, phát triển liên tục, phát triển đến đỉnh cao, để đủ sức chuyển đổi tương quan lực lượng, tạo thời cơ, sử dụng thời cơ, hoà cùng với cả nước làm tròn nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Tư, 2021, 10:28:40 am
Đi sâu lãnh đạo tư tưởng chiến thuật cho từng binh chủng

1. Binh chủng Công binh, thanh niên xung phong "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", xây dựng thế trận đường cầu đi trước một bước, liên tục phá thế độc đạo, đơn tuyến, xây dựng và chỉ đạo tác nghiệp theo tư tưởng kỹ năng hoá, quân sự hoá, chiến đấu hoá, chính quy hoá, đa dạng hoá, hiệp đồng hoá, chủ động hoá, kết hợp các binh chủng cùng chiến đấu bảo vệ có hiệu quả giao thông, vận tải, thực hiện phương châm "địch cứ đánh, ta cứ đi", kết hợp phát triển binh chủng toàn diện vững chắc, tạo ra quả đấm mạnh, đủ sức đảm bảo hạ tầng cơ sở cho chiến trường Trường Sơn phát triển vững mạnh.


Công binh, thanh niên xung phong là lực lượng tại chỗ đông đảo nhất trên chiến trường, có mặt trong mọi nơi, mọi lúc, vừa xây dựng đường mới vừa bảo đảm giao thông chống phá hoại, vừa đánh máy bay Mỹ bay thấp; vừa đánh bộ binh địch, biệt kích, thám báo, vừa cứu xe, cứu người, cứu hàng, vừa giúp đỡ nhân dân tại chỗ về mọi mặt; vừa là lực lượng kiến tạo các công trình phòng thủ, ẩn nấp trên tuyến chi viện cho người, cho xe máy, súng pháo, kho hàng, bệnh viện, đội điều trị, đặc biệt là xây dựng địa đạo, các công sự kiên cố cho chỉ huy sở các cấp, các binh chủng.


Phương thức, nghệ thuật chiến đấu của Binh chủng Công binh là:

Khi đường, cầu còn ở thế độc đạo, Binh chủng Công binh phải lấy tư tưởng chiến thuật chốt trọng điểm theo kiểu trận địa, nhưng không chốt trọng điểm một cách thụ động mà phải liên tục phản công địch bằng cách chủ động mở đường vòng, đường tránh ngay tại trọng điểm địch đánh phá, không bị sa lầy mắc mưu địch theo kiểu địch đánh, ta sửa, địch lại đánh, ta lại sửa trong một vòng lẩn quẩn, phải chịu sự tổn thất không đáng có; đã có những trọng điểm bị tắc đường kéo dài hàng tháng là do sai lầm về tư tưởng chỉ đạo theo lối phòng giữ đơn thuần.


Chủ động đối phó với kẻ địch là mở đường mới theo hướng quy hoạch từng bước phá thế độc đạo, Tây - Đông Trường Sơn phải có ít nhất bốn trục đường dọc song song với hệ thống đường vòng, đường tránh, đường ngang nối nhau, những trục đường vượt khẩu, đường ra các chiến trường ít nhất có năm trục, thường xuyên sử dụng bốn trục. Có đường công khai, có đường bí mật, đường nghi binh thu hút địch, đường chuẩn bị sẵn sàng cho các chiến dịch của các chiến trường. Tất cả phải nối thông với nhau như một "trận đồ bát quái". Năm 1968, ta mở thêm tuyến Đông Trường Sơn từ Quảng Bình đến Lộc Ninh, miền Đông Nam Bộ, một thế trận đường sá 17.000km xuyên Bắc - Nam, xuyên ba nước Đông Dương, xuyên các chiến trường, liên hoàn, đồng bộ, thông suốt liên tục; địch càng đánh mạnh, ta càng đi lớn, vô hiệu hoá mọi thủ đoạn đánh phá của địch.


Ngoài ra, còn có gần 3.000 cây số đường giao liên hoàn chỉnh, đồng bộ, an toàn hành quân bộ đến thẳng các chiến trường; hàng ngàn cây số đường sông ở Tây và Đông Trường Sơn có tác dụng bổ trợ trong vận chuyển đường sông.


Từng bước rải đá một số đường ngang vượt khẩu, một số đoạn đường trọng điểm trên trục dọc Đông - Tây Trường Sơn để kéo dài mùa vận chuyển, tiến tới vận chuyển cả năm liên tục.


Đông - Tây Trường Sơn, suối, sông nhỏ nhiều, có sông lớn nhưng ít. Để vượt suối, ta chủ yếu dùng đá, sỏi tại chỗ nâng ngầm, mặt ngầm tốt nhất là lát đá làm nhẵn, mặt ngầm có ngụy trang phù hợp, mỗi chỗ vượt suối ít nhất có ba ngầm; hai ngầm sử dụng, một ngầm nghi binh.


Vượt sông, suối ngoài cầu phao, phà quân dụng, thì tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất vẫn là dùng gỗ, tre, nứa tại chỗ ghép thành cầu phao tháo, lắp.


Đường ống dẫn xăng dầu vừa là cơ sở hạ tầng vừa là một phương thức vận tải bán tự động. Với 4 trung đoàn, vượt qua bom đạn, hy sinh gian khổ đã xây dựng thành công một công trình huyền thoại xuyên Trường Sơn, nối với tuyến hậu phương từ Bắc tỉnh Quảng Bình vượt Tây, Đông Trường Sơn đến Lộc Ninh, Bình Phước, dài trên 1.400km, rót thẳng vào 3 bể chứa có dung tích lớn, chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, phục vụ kịp thời cho chiến dịch Tây Nguyên, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Năm 1973, sau khi Hiệp định Pari có hiệu lực, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã tập trung 4 sư đoàn công binh và 1 vạn thanh niên xung phong trên tuyến cùng 2 vạn thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến trên các tuyến cửa khẩu, lực lượng giao thông của Bộ Giao thông và các tỉnh nâng cấp cải tạo đường Đông Trường Sơn lấy tên là đường Hồ Chí Minh từ Tân Kỳ (Nghệ An) đến Lộc Ninh (Đông Nam Bộ) thành đường tiêu chuẩn cấp 4 miền núi; thực hiện công nghiệp hoá làm đường theo phương châm chuyên sâu, dây chuyền, liên hoàn, đồng bộ, kết hợp nhân lực, mã lực, thuốc nổ, chỉ trên một năm đã hoàn thành.


Quá trình làm nhiệm vụ trên tuyến, Binh chủng Công binh Trường Sơn còn là lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ, tăng viện cho các chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, Huế (1968), Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị - Thiên (1972), Tây Nguyên (3-1975); đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Binh chủng Công binh Trường Sơn đã sử dụng 2 sư đoàn đường, 2 trung đoàn cầu, có trang bị kỹ thuật mới, đảm bảo giao thông toàn bộ hệ thống đường, cầu quốc lộ 1A từ Quảng Trị đến Sài Gòn, đảm bảo cho cánh quân tiến công theo quốc lộ 1A. Bảo đảm bắc lại cầu Belây trên đường 20 Phan Rang - Đà Lạt - Sài Gòn, đường 51 đi Vũng Tàu, đường 22 đi Tây Ninh, đường 13 Sài Gòn đi Lộc Ninh.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Tư, 2021, 10:29:13 am
2. Binh chủng Phòng không: Khẩn trương tăng cường quân số, tổ chức, trang bị, nhiệm vụ, phương thức tác chiến để trở thành 1 binh chủng chủ chốt bảo vệ đội hình tiến công của xe vận tải, bảo vệ cầu đường, kho hàng, chỉ huy sở; phối hợp với bộ binh trong các chiến dịch phản công địch xâm lấn hành lang, lấn chiếm vùng căn cứ kháng chiến của bạn.

Tư tưởng chỉ đạo chiến thuật tác chiến của Binh chủng Phòng không khi cầu đường còn độc đạo thì tạm thời lấy chiến thuật chốt trọng điểm, với mạng lưới hoả lực nhiều tầng, nhiều lớp, có công sự giao thông hào vững chắc theo kiểu trận địa là chủ yếu, đồng thời cơ động phục kích máy bay địch trên các tuyến đường.


Mục tiêu chiến đấu là đánh tiêu diệt máy bay địch trên đội hình xe tiến công của binh chủng vận tải, trên các trọng điểm đường cầu. Đánh đêm là chính, sẵn sàng đánh ban ngày ở những nơi và những lúc cần thiết. Kết hợp đánh nghi binh, lừa địch, đánh toạ độ, đánh uy hiếp buộc máy bay địch phải dãn ra.


Binh chủng Phòng không tên lửa được phát triển lên thành sư đoàn, trung đoàn tập trung, tổ chức đánh tập trung, hiệp đồng tác chiến pháo cao xạ và tên lửa, kể cả không quân trên một số địa bàn trọng điểm, làm chủ bầu trời, tiêu diệt máy bay tại chỗ, hất máy bay địch lên cao, ra xa, bảo vệ đội hình xe lớn tiến công an toàn.


Ngoài nhiệm vụ chủ yếu trên chiến trường Trường Sơn, Binh chủng Phòng không Trường Sơn còn là một bộ phận dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ để tăng viện, phối hợp tác chiến trong các chiến dịch lớn như Đường 9 - Khe Sanh (1968), Trị - Thiên (1972). Trong các chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), Binh chủng Phòng không Trường Sơn đều tham gia tác chiến trong đội hình tấn công của bộ binh. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào đầu năm 1971, Binh chủng Phòng không Trường Sơn đảm nhiệm tác chiến phòng không của chiến dịch, Bộ lấy lực lượng phòng không của Bộ đội Trường Sơn làm chủ lực đánh máy bay, đặc sắc nhất là tiêu diệt lực lượng trực thăng hùng hậu của Mỹ.


3. Bộ binh Trường Sơn là lực lượng có mặt rất sớm ở chiến trường Trường Sơn, đã góp phần quan trọng giải phóng một khu vực rộng lớn từ Trung Lào đến Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, tạo địa bàn để Bộ đội Trường Sơn triển khai tuyến vận tải cơ giới. Lực lượng bộ binh được xây dựng thành sư đoàn và các trung đoàn độc lập quân tình nguyện, được tăng cường xe tăng, đặc công, pháo mặt đất; pháo phòng không là lực lượng chủ yếu, thường xuyên mở các chiến dịch cơ động tập kích, phục kích, lần lượt tiêu diệt các cứ điểm của địch, mở rộng và bảo vệ vùng giải phóng của bạn.

Bộ binh Trường Sơn là lực lượng chủ động phối hợp với quân và dân bạn, với các chiến trường của ta, các lực lượng trên tuyến đánh bại các chiến dịch tiến công lấn chiếm vùng giải phóng của bạn, các chiến dịch tiến công vào hành lang vận chuyển chiến lược của ta, tạo điều kiện mở rộng chính diện và chiều sâu vùng căn cứ địa Nam Đông Dương, bảo vệ vững chắc tuyến chi viện chiến lược - đường Hồ Chí Minh trong mọi tình huống.


Bộ binh Trường Sơn còn là bộ phận lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ, tham gia cánh quân phía Tây chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Trong chiến dịch Tây Nguyên, bộ binh Trường Sơn là lực lượng tác chiến nghi binh chiến dịch, đạt hiệu quả cao, truy kích địch, là bộ phận cánh quân Duyên Hải trong Tổng tiến công và nôi dậy Xuân 1975.


4. Binh chủng Thông tin đã được xây dựng thành 2 trung đoàn chuyên sâu và 1 trung tâm kết hợp vô tuyến, vô tuyến tiếp sức, hữu tuyến dây bọc, nhất là từ khi xây dựng được đường hữu tuyến tải ba nối liền Tổng hành dinh Bộ Quốc phòng đến các chiến trường, tạo thành mạng lưới thông tin đa phương thức sâu, rộng, là cơ sở vững chắc để chuyển đổi từ lấy chỉ đạo là chính sang lấy chỉ huy trực tiếp là chính, nhờ có hệ thống thông tin liên lạc khá hoàn chỉnh, tạo ra điều kiện nắm diễn biến tình hình mọi mặt trên chiến trường 24/24 giờ ngày đêm, xử lý kịp thời đối với mọi tình huống xảy ra trên chiến trường. Đây là một cải cách có hiệu quả nhất về chỉ huy chiến đấu binh chủng hợp thành trên chiến trường Trường Sơn; thông tin Bộ tư lệnh Trường Sơn cùng Binh chủng Thông tin liên lạc của Bộ đóng góp quan trọng cho Tổng hành dinh chỉ đạo, chỉ huy các chiến trường trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Tư, 2021, 10:30:26 am
5. Vận tải cơ giới đường bộ, đường sông, đường ống dẫn xăng dầu là một binh chủng trải qua những bước thăng trầm, gian khổ, hy sinh, anh dũng như "vàng thử lửa", đã từng bước trở thành một lực lượng vận tải cơ giới hùng hậu đa phương thức: đường bộ, đương sông, đường ống.

Bộ đội vận tải Trường Sơn là lực lượng trụ cột thực hiện nhiệm vụ trung tâm, được quân sự hoá, chiến đấu hoá. Từ vận tải cơ giới nhỏ lẻ, phân tán, đơn thức, lấy tư tưởng phòng tránh là chủ yếu, đã từng bước tiến lên lấy tư tưởng tiến công là chủ yếu kết hợp với phòng tránh, vận hành theo đội hình chiến thuật vận tải chiến đấu, có tổ chức chỉ huy chặt chẽ, thống nhất từ sở chỉ huy cơ bản và chỉ huy trên đường trong thế binh chủng hợp thành.


Binh chủng Vận tải cơ giới đa phương thức quán triệt tư tưởng tiến công, tranh thủ chủ động chuẩn bị sẵn sàng xe và hàng, bí mật tiếp cận đường tuyến, xuất kích sớm, trở về muộn, thực hành thành thạo phương thức lấn sáng, lấn chiều, vượt cung tăng chuyến.


Ở khu căn cứ xuất phát, cũng như trên đường hành tiến, nơi nào, lúc nào cũng có công sự bảo vệ xe, máy, thuyền bè, người và hàng, ngụy trang triệt để ở hai đầu trọng điểm. Nắm quy luật đánh phá của máy bay địch giữa các đợt để chỉ huy hành tiến, vượt qua các trọng điểm ngăn chặn của địch. Vô hiệu hoá sự đánh phá của địch. Trên trục đường nghi binh, thường lấy một số xe hỏng để nghi binh thu hút địch lao vào đánh phá, tạo điều kiện thuận lợi cho trục đường khác tăng tốc vận tải an toàn.


Kết hợp đường "kín" và đường "hử", bố trí một số xe chạy trên đường "hở" thu hút máy bay địch oanh tạc vào đó để tuyệt đại bộ phận xe vận hành trên đường kín, kết hợp chạy đường "kín" ban ngày với chạy đường "hở" ban đêm, tăng giờ xe chạy trong ngày đêm để quay vòng tăng chuyến. Khi tạo được đường "kín" dài xuyên Trường Sơn, bộ đội xe chuyển sang chạy ngày cấp trung đoàn là chính, kết hợp chạy đội hình nhỏ lẻ trên đường "hở" ban đêm.


Trên các tuyến đường công khai được rải đá cấp phối, khi có mưa phùn, tầng mây thấp, khi gặp đợt gió mùa Đông Bắc, mây đen phủ khắp tuyến đường, bộ đội xe tranh thủ chuyển sang chạy ngày, chạy lấn sáng, lấn chiều, nâng cao năng suất vận chuyển.


Khi xây dựng được tuyến Đông Trương Sơn, bộ đội xe vận chuyển vật chất kỹ thuật, binh lực, hoả lực vào các chiến trường suốt cả năm, kết thúc mùa khô ở Tây Trường Sơn thì vào mùa khô Đông Trường Sơn, năng lực vận chuyển tăng gấp đôi, gấp ba lần về khối lượng và thời gian đến đích.


Để phát huy sức mạnh của phương thức vận tải binh chủng hợp thành, khi đã có nhiều trục dọc, trục ngang liên hoàn, các tổ chức cơ sở vận chuyển lớn được triển khai, Binh chủng Vận tải cơ giới đã mở các chiến dịch vận tải quy mô: tập đoàn binh trạm, chiến dịch sư đoàn tập trung, thọc sâu, tạo ra những tiền đề, những bước ngoặt để bứt phá tuyến vận tải chi viện bước lên đỉnh cao mới khi có lệnh cơ động thần tốc. Tuyến vận chuyển chi viện chiến lược đã chủ động thoả mãn các nhu cầu binh lực, cơ sở vật chất cho các hướng chiến trường, tạo thời cơ, đón thời cơ, thúc đẩy thời cơ xuất hiện chín muồi cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.


Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của đế quốc Mỹ bị phá sản hoàn toàn, tiếp đến đầu năm 1973, khi Hiệp định Pari có hiệu lực, Binh chủng Vận tải cơ giới có đủ điều kiện tổ chức lực lượng tập trung quy mô cấp sư đoàn và trung đoàn độc lập; có hệ thống đường cầu, hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, mạng thông tin liên lạc liên hoàn, đồng bộ, thông suốt, bộ đội vận tải đường bộ trở thành lực lượng tập trung cơ động với trên một vạn đầu xe, chạy trên hai tuyến Đông, Tây Trường Sơn ban ngày, chạy thẳng Bắc - Nam, chạy thẳng đến chiến trường ta và bạn, cơ động binh lực, hoả lực, cơ sở vật chất kỹ thuật cho chiến dịch Buôn Ma Thuột. Tiếp đó thực hiện lệnh thần tốc của Bộ Quốc phòng, cơ động gọn các quân đoàn, sư đoàn bộ binh, binh chủng kỹ thuật, cơ sở vật chất cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Bộ đội vận tải Trường Sơn rõ ràng là lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ, có chức năng cơ động binh, hoả lực, cơ sở vật chất kỹ thuật trong các chiến dịch lớn; đồng thời là lực lượng trực tiếp chiến đấu trong đội hình vận động tiến công, biến các quân đoàn, sư đoàn bộ binh thành các quân đoàn, sư đoàn bộ binh cơ giới cùng chiến đấu trong mũi nhọn tiến công địch, truy kích địch. Một hình tượng vô cùng đẹp là bên cạnh chiếc xe tăng có chiếc xe ô tô Trường Sơn, bên cạnh chiến sĩ bộ binh có chiến sĩ lái xe Trường Sơn tham gia nhiều các trận chiến đấu, kể cả đánh vào dinh Độc Lập...


6. Bộ đội giao liên là một lực lượng đặc biệt của chiến trường Trường Sơn, là lực lượng có mặt đầu tiên trên tuyến, với đôi chân vạn dặm, suốt 16 năm ròng hành quân không nghỉ dọc dải Trường Sơn hùng vĩ, đưa đón hàng triệu cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường chiến đấu, hàng vạn thương, bệnh binh ra hậu phương, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Từ hành quân bộ tiến lên tổ chức hành quân bằng cơ giới, rút ngắn thời gian quân đến các chiến trường nhanh nhất, an toàn, khoẻ mạnh nhất. Chiến công lớn lao, sự hy sinh chịu đựng gian khổ của bộ đội giao liên anh hùng để lại ấn tượng sâu đậm. Chiếc "gậy Trường Sơn" trên đường hành quân bộ, đoàn xe hành quân cơ giới thần tốc mãi mãi là những hình ảnh tuyệt đẹp của người chiến sĩ giao liên Trường Sơn.


7. Bộ đội quân y với một hệ thống các bệnh viện, các đội điều trị, các đội phẫu thuật khắp tuyến vận chuyển chi viện chiến lược làm hai nhiệm vụ: Vừa điều trị cấp cứu cho các đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn, vừa là tuyến sau của một số chiến trường ta và bạn; với nhiệm vụ nào, bộ đội quân y cũng hoàn thành xuất sắc.

Bộ đội kho hàng, các xưởng đại tu, trùng tu xe máy, pháo, súng, các đội kích kéo là lực lượng phục vụ chiến đấu, cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp công sức vào thắng lợi chung của chiến trường.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 12 Tháng Tư, 2021, 10:31:11 am
Về tổ chức phát triển lực lượng và tăng cường trang bị kỹ thuật trong chiến đấu binh chủng hợp thành trên chiến trường Trường Sơn: Đây là một trong nhiều sáng tạo độc đáo; mô hình tổ chức lực lượng và phương thức hoạt động này chưa hề có trong vận tải chi viện chiến lược ở Việt Nam. Quá trình làm nhiệm vụ Bộ tư lệnh Trường Sơn đã năm vững đặc điểm chiến trường, tìm thấy sức mạnh tổng hợp của phương thức chiến đấu hiệp đồng binh chủng, lấy vận tải làm trung tâm, thể hiện trên phạm vi chiến lược, chiến dịch và chiến đấu. Chỉ khi nào biết sử dụng sức mạnh binh chủng hợp thành trên toàn chiến trường mới đủ sức đánh bại cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của đối phương - kẻ có tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật vào hạng mạnh nhất thế giới. Khối binh lực binh chủng hợp thành phải đặt dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất vào một Bộ tư lệnh mới đủ sức chỉ huy cuộc chiến đấu hết sức nặng nề, dai dẳng, vô cùng ác liệt, đầy cam go, mới chiến thắng được kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ. Tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng đã phát triển đến quy mô các sư đoàn binh chủng hợp thành bằng sự ra đời các sư đoàn xe ô tô vận tải, các sư đoàn công binh, sư đoàn bộ binh, các sư đoàn phòng không tên lửa và các lực lượng phục vụ chiến đấu khác; đó là cái mới trên chiến trường Trường Sơn. Sau chiến thắng chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, khi tuyến đường "kín” xuyên Trường Sơn dài 3.000km đưa vào sử dụng, vận tải cơ giới chuyển từ chạy đêm sang chạy ngày với đội hình trung đoàn xe đi tập trung, đi tuyến dài, bỏ cung ngắn. Qua các bước chuẩn bị vững chắc, năm 1973, khi Hiệp định Pari được ký, tháng 4 năm 1973, Đảng ủy - Bộ tư lệnh Trường Sơn cho thành lập 2 sư đoàn xe ô tô vận tải và 6 trung đoàn xe ô tô độc lập, trang bị một vạn đầu xe; 4 sư đoàn công binh, 2 trung đoàn cầu, 1 sư đoàn phòng không và 6 trung đoàn độc lập; 1 sư đoàn bộ binh và 2 trung đoàn bộ binh độc lập, tiếp nhận sư đoàn phòng không tên lửa của Bộ phối thuộc, bỏ toàn bộ hình thức tổ chức binh trạm, chuyển toàn bộ hệ thống giao liên hành quân bộ sang thành các trạm giao liên cơ giới với 2 trung đoàn xe giao liên.


Đến đây, toàn chiến trường đã có trên 10 vạn cán bộ, chiến sĩ biên chế thành 8 sư đoàn, 18 trung đoàn binh chủng độc lập trực thuộc và 1 sư đoàn phối thuộc của Bộ.

Sự phát triển nhảy vọt về tổ chức lực lượng theo hướng binh chủng hợp thành trên toàn chiến trường, lấy vận tải làm trung tâm, thực sự là một thay đổi về chất, làm cho tương quan lực lượng giữa ta và địch thay đổi hẳn trên mặt trận chi viện chiến lược.


Về mặt tổ chức chỉ huy từ loại hình chỉ huy hiệp đồng binh chủng cấp binh trạm, cấp sư đoàn khu vực trở thành chỉ huy hiệp đồng binh chủng toàn chiến trường.

Các đoàn xe chạy thẳng đến các chiến trường ta và bạn, rút ngắn thời gian gấp nhiều lần. Từ chủ yếu vận tải vật chất kỹ thuật sang kết hợp cơ động binh lực, hoả lực theo đội hình vận động tác chiến quy mô lớn. Các binh chủng trên chiến trường Trường Sơn vừa làm nhiệm vụ của chiến trường mình phụ trách vừa là một bộ phận dự bị chiến lược, tham gia phối hợp chiến đấu, tăng viện cho các chiến dịch ở nhiều chiến trường, trong nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Quá trình thực hiện chỉ huy tập trung thống nhất đã coi trọng xây dựng hệ thống sở chỉ huy hiệp đồng binh chủng toàn tuyến, các tham mưu trưởng: Tham mưu Tác chiến, Tham mưu cầu đường, Tham mưu Phòng không, Tham mưu Vận tải đều là cơ quan chỉ huy của một bộ chỉ huy binh chủng hợp thành. Chỉ huy sở của Bộ tư lệnh Trường Sơn có địa đạo khoét sâu vào lòng núi, thông ra hai đầu, tránh được bom khoan; trong địa đạo được bố trí khoa học, hợp lý một trung tâm chỉ huy hiệp đồng binh chủng, có hầm dành riêng cho tham mưu các binh chủng, hầm giao ban và làm việc của Bộ tư lệnh, hầm Tổng đài thông tin liên lạc hỗn hợp. Chỉ huy sở hoạt động liên tục 24/24 giờ, dưới ánh sáng đèn điện, nhiều đồng chí Tư lệnh các chiến trường đi qua vào thăm rất thích thú cách tổ chức chỉ huy sở ở đây.


Ngày 19 tháng 5 năm 2009, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Tuyến đường lịch sử do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập thực sự là một chiến trường tổng hợp đặc biệt, là một cầu chuyển tải sức mạnh của cả nước để thực hiện cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.


Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố đanh thép: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết giành bằng được tự do, độc lập cho dân tộc; hay: Chiến tranh có thể 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa... nhân dân ta quyết kháng chiến cho đến khi giành được độc lập, tự do, chủ quyền quốc gia trọn vẹn, thống nhất trên cả nước; và: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi... Không cho phép một sức mạnh nào khuất phục.


Quán triệt quyết tâm sắt đá đó, các binh chủng trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, trải qua 16 năm chiến đấu gian khổ, đã hy sinh trên 20.000 người, bị thương tật 30.000 người đủ các lực lượng: bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ - công nhân giao thông, dân công hoả tuyến, văn nghệ sĩ..., đã có trên mấy chục ngàn người bị nhiễm chất độc màu da cam điôxin di chứng đến ba thế hệ. Chúng ta không bao giờ quên cống hiến lớn lao sự hy sinh to lớn của các lực lượng nói trên.


Càng suy ngẫm, phân tích, chúng ta càng nhận rõ một đặc điểm nổi bật của chiến trường này là: Một chiến trường ở đó Mỹ đã gắn kết cuộc chiến tranh xâm lược trên lãnh thổ của ba nước anh em với cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện, liên kết cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, hình thành một dạng chiến tranh hỗn hợp, diễn ra trong một thời gian dài, trên một địa bàn rộng; trong cuộc đụng độ quyết liệt một thắng một bại, một mất một còn giữa Việt Nam và Mỹ đã làm cho tính chất và cường độ cuộc chiến gia tăng đến tột đỉnh. Cuối cùng, đế quốc Mỹ đã chịu thất bại.


Trong bối cảnh lịch sử đó, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chiến trường Trường Sơn đã được cả nước cổ vũ, chi viện hết mình, quân và dân hai nước bạn phối hợp chiến đấu, bầu bạn quốc tế giúp đõ tinh thần, vật chất.


Bản thân Đảng ủy và Bộ tư lệnh Trường Sơn đã đánh giá đúng địch, ta nắm vững quy luật phát triển cuộc chiến tranh nói chung, đặc điểm chiến trường Trường Sơn nói riêng trên tinh thần tư duy độc lập, tư duy sáng tạo đã chủ động đổi mới tổ chức lực lượng, phương thức hành động để theo kịp những yêu cầu mới của cuộc chiến; thoát hẳn ra khỏi những phương thức cũ, những tiền lệ cũ, sức ỳ, rào cản để tiến lên phía trước.


Sự chỉ đạo cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh sự thật đã vươn tới một tầm cao mới. Đối phương gặp đối thủ - Bộ đội Trường Sơn với một đội quân phát triển lớn mạnh, rèn luyện trong hy sinh gian khổ, khó khăn, ác liệt, có số lượng đông, chất lượng cao, được trang bị hiện đại, luôn đổi mới phương thức hành động kịp thời, chính xác, đúng đắn, làm chủ chiến trường, cơ động linh hoạt, sáng tạo giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, một địa bàn có lợi thế về chiến lược, chiến thuật, có tổ chức chỉ huy tập trung thống nhất, luôn phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp; kiên trì đánh lâu dài, nỗ lực giành thắng lợi từng bước, tạo ra bước ngoặt, bước quyết định chuyển biến cục diện chiến trường; vượt qua đế quốc Mỹ là kẻ lắm súng nhiều tiền, cuối cùng chúng đã chịu thất bại hoàn toàn.


Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn kéo dài, mở rộng và phát triển đến trình độ cao; các chiến sĩ Trường Sơn quyết không lùi bước: Từ Đông Trường Sơn chuyển sang Tây Trường Sơn, tiến lên hợp điểm sử dụng cả Tây và Đông Trường Sơn; đáp ứng thoả mãn cho cuộc chiến tranh vận động quy mô lớn trong. Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, góp phần cả nước giáng một đòn quyết định cuối cùng: giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, giành trọn vẹn chủ quyền độc lập, tự do trên cả nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.


Bài học chủ yếu rút ra trên chiến trường Trường Sơn qua 16 năm chống cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện là:

- Hiểu địch, hiểu ta, phải hiểu rất cụ thể, hiểu rất sâu để nhận diện, để phán đoán đúng đắn, kịp thời những âm mưu thủ đoạn của địch, để rút ra bằng được quy luật đánh phá ngăn chặn chi viện từng nơi, từng lúc của một đội quân chính quy, hiện đại, hành động theo điều lệnh chiến đấu, qua đó tìm cách vô hiệu hoá sức mạnh của chúng ở bất cứ mọi nơi, mọi lúc, tạo những điều kiện thuận lợi cho các chiến trường ta và bạn đánh thắng địch trong mọi tình huống.

- Nắm chắc đặc điểm, vị trí, nhiệm vụ, tư tưởng, phương thức tác chiến, dự tính được sự phát triển tất yếu của chiến trường Trường Sơn theo tư duy sáng tạo, độc đáo để tổ chức lực lượng, trang bị kỹ thuật đủ mạnh, kịp thời thay đổi phương thức hoạt động phù hợp với diễn biến khách quan, chủ quan, làm chủ chiến trường, làm chủ nhiệm vụ.

- Lấy xây dựng con người theo chuẩn mực yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường. Đó là con người đạt tới có kiến thức kỹ năng chiến đấu cao, dũng cảm ngoan cường, có ý chí quyết chiến quyết thắng, chủ động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, luôn hướng về nhiệm vụ chung, hướng về phía trước, luôn luôn thật sự xứng đáng là người cán bộ, người chiến sĩ được vinh dự chiến đấu trên con đường mang tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 13 Tháng Tư, 2021, 02:29:31 pm
CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN
NƠI HỘI TỤ SỨC MẠNH TỔNG HỢP ĐỂ THẮNG MỸ


TRƯỜNG SƠN
Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ
Bộ tư lệnh Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh


Đế quốc Mỹ nuôi dã tâm xâm lược Việt Nam và Đông Dương từ lâu. Mỹ phản đối và không ký Hiệp định Giơnevơ năm 1954, phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử; hất cẳng Pháp, độc chiếm miền Nam Việt Nam; giúp ngụy quyền Ngô Đình Diệm tiến hành một cuộc chiến tranh đơn phương chống cách mạng miền Nam và tiếp đó tiến hành cuộc "Chiến tranh đặc biệt" phát triển đến mức cao nhất và bị nhân dân miền Nam đánh bại.


Trong bối cảnh đó, đế quốc Mỹ quyết định thay đổi chiến lược và thi hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ", đưa quân viễn chinh Mỹ và quân đội một số nước chư hầu vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam trên quy mô lớn; đồng thời, tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc; tiến hành cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện trên đường Trường Sơn. Tính toán chiến lược của Mỹ không chỉ giới hạn ở mức cứu vãn sự sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền tay sai mà chủ yếu là giành thắng lợi quyết định về chiến lược nhanh chóng đảo lộn thế cờ. Các nhà chiến lược của Mỹ tin chắc rằng giáng một đòn bằng quân chiến đấu Mỹ ở miền Nam, không quân Mỹ đánh miền Bắc, ngăn chặn ác liệt chi viện của miền Bắc vào miền Nam để có thể đè bẹp cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, kết thúc chiến tranh.


Vì thế, Mỹ đã huy động một lực lượng khổng lồ quân viễn chinh Mỹ, lúc cao nhất đến 58 vạn, gồm đủ hải, lục, không quân trang bị cực kỳ hiện đại, chi phí hơn 400 tỷ đô-la Mỹ. Cuối năm 1969, quân ngụy Sài Gòn từ 717.000 tên (1968) đã phát triển lên 878.000 tên và năm 1970 lên xấp xỉ 1.046.000 tên; có 990 khẩu pháo, 1.310 chiếc xe tăng, 400 máy bay, 632 tàu chiến. Lực lượng phòng vệ dân sự lên tới một triệu rưỡi người; trong đó có 40 vạn tên được vũ trang.


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta đã giáng một đòn chí mạng, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải bỏ chiến lược "Chiến tranh cục bộ", chuyển sang chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" và tạm ngừng chiến tranh phá hoại miền Bắc, tập trung lực lượng đánh vào tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.


Để đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của Mỹ ở Việt Nam, ở Lào và Campuchia cũng như cuộc chiến tranh ngăn chặn trên đường Hồ Chí Minh, tất yếu phải có một binh lực đủ mạnh, chính quy hoá, hiện đại hoá. Một trong các biện pháp chiến lược là phải tiến hành công cuộc chi viện chiến lược của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam.


Do đó, Đảng ta, Bác Hồ đã chọn địa bàn Trường Sơn, nơi có lợi thế về chiến lược và chiến thuật để xây dựng và hoàn thiện từng bước tuyến chi viện chiến lược.


Tuyến chi viện chiến lược vừa là một hướng chiến trường quan trọng có chức năng trực tiếp đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ và cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện; vừa là một tuyến hậu cần chiến lược đảm đương vận chuyển cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ động binh lực, hoả lực cho các chiến trường.


Tuyến chi viện chiến lược đã phát huy sức mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa - nhân tố quyết định nhất, kết hợp với sức mạnh tại chỗ của cách mạng miền Nam - nhân tố quyết định trực tiếp, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả nước, cả dân tộc đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.


Đế quốc Mỹ cũng nhận thức được ý nghĩa chiến lược, tầm quan trọng to lớn đối với cách mạng miền Nam của đường Hồ Chí Minh. Vì vậy, chúng đã tập trung mọi sức mạnh, mọi vũ khí kỹ thuật hiện đại, kể cả chiến tranh điện tử, chiến tranh hóa học, B.52 hủy diệt. Trong vòng 10 năm (1966-1975), đế quốc Mỹ từ những căn cứ quân sự ở Thái Lan, ở Guam, các tàu hạm đội ngoài biển đã xuất kích 325.825 lần tốp máy bay các loại đánh phá tuyến đường Trường Sơn trên 151.900 trận, đã ném vào Trường Sơn 4 triệu tấn bom đạn, trong đó trên 7.526.700 quả bom phá, 44.400 quả bom từ trường, trên 22.100 quả bom nổ chậm, trên 17.100 quả bom cháy, 67.020 loạt bom bi, trên 400.836 loạt rốc-két; riêng B.52 rải thảm hủy diệt năm 1969-1970: 4.580 trận, năm 1970-1971: 9.810 trận, năm 1971-1972: 6.471 trận, năm 1972-1973: 5.471 trận. Máy bay cường kích đánh phá trên toàn tuyến những năm 1969-1970 lên tới trên 57.500 phi vụ với tổng số bom là 1 495.268 quả, như năm 1970-1971: 51.896 phi vụ với tổng số bom là trên 1.647.500 quả. Đất đá sụt lở do địch đánh phá 3.960.485m3. Hằng năm, thông thường đến cuối mùa khô thì cây rừng trên toàn tuyến đường đều bị hủy diệt nối tiếp nhau từ Bắc vào Nam, từ Đông lên Tây, từ Tây về Đông có trên 50 trọng điểm vừa và lớn địch đánh phá rất ác liệt liên tục trong nhiều năm đã trở thành những vùng đất trắng, núi trọc, có nhiều nơi trở thành bãi sa mạc. Hai bên bìa rừng dọc đường chiến lược, những cánh rừng trơ trụi kéo dài nối tiếp nhau, lửa rừng cháy từ đêm này đến đêm khác, khói bụi dày đặc cả bầu trời.


Đế quốc Mỹ đã tiến hành trên 1.200 cuộc lấn chiếm biệt kích thám báo vào căn cứ địa và hành lang chiến lược, trong đó có 23 cuộc hành quân quy mô vừa và lớn từ Đông lên, từ Tây xuống; có cuộc hành quân cả Đông lên, cả Tây xuống như cuộc hành quân "Lam Sơn 719” năm 1971. Hình thái lấn chiếm và chống lấn chiếm, tái lấn chiếm và chống tái lấn chiếm diễn ra liên miên từ năm này sang năm khác. Mùa khô ta tiến công đánh địch ra xa căn cứ, xa hành lang, thậm chí đến tận sông Mê Kông đường 13; mùa mưa địch lại tái lấn chiếm căn cứ và hành lang, thậm chí có lần gần kề đường tuyến. Cuộc chiến chống xâm chiếm quyết liệt chẳng kém gì cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại giao thông vận tải diễn ra dai dẳng và ác liệt.


Mỹ huy động sức mạnh của các quân, binh chủng tập trung đánh phá hết sức ác liệt, liên tục đường Trường Sơn kết hợp với chiến tranh phá hoại ở miền Bắc hòng cắt đứt, chặn đứng sự chi viện của hậu phương lớn. Đế quốc Mỹ coi đó là điều kiện tiên quyết để thực hiện chính sách xâm lược miền Nam nước ta. Sự thật, đế quốc Mỹ đã huy động mọi tiềm lực kinh tế, quân sự, khoa học kỹ thuật của một quốc gia giàu mạnh nhất thế giới để thực hiện bằng được ý đồ của chúng.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 13 Tháng Tư, 2021, 02:30:13 pm

Để thắng đế quốc Mỹ, để đẩy mạnh công cuộc chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, không có cách nào khác là tổ chức một chiến trường tổng hợp chiến đấu hiệp đồng binh chủng, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp và lợi thế chiến lược, chiến thuật của địa bàn Trường Sơn cùng cả nước chi viện hết mình cho cách mạng miền Nam và cách mạng các nước bạn Lào và Campuchia.


Chiến trường Trường Sơn được coi là chiến trường đặc biệt là vì đánh thắng được cuộc chiến tranh chi viện trên chiến trường Trường Sơn, nhất định sẽ tạo điều kiện đánh thắng Mỹ trên chiến trường miền Nam, trên chiến trường Đông Dương, bởi vì khi Mỹ không thực hiện được bình định trên chiến trường miền Nam, không vô hiệu hóa được công cuộc chi viện của ta thì mưu đồ xâm lược miền Nam Việt Nam và Đông Dương của chúng cũng không thể thực hiện được và do đó Mỹ phải chịu thua cuộc, buộc phải rút ra khỏi sự dính líu ở Việt Nam và Đông Dương sau Hiệp định Pari cũng là điều tất yếu.


Chiến trường Trường Sơn được coi là chiến trường tổng hợp vì phải thực hiện những mục tiêu tổng hợp sau đây:

- Chi viện binh lực, hoả lực, cơ sở vật chất kỹ thuật cho tiền tuyến lớn miền Nam và hai nước bạn Lào và Campuchia.

- Giải phóng, mở rộng, bảo vệ căn cứ chiến lược Nam Đông Dương - căn cứ chung của ba nước.

- Đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ và cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của đế quốc Mỹ.

- Xây dựng, phát triển Bộ đội Trường Sơn ngày càng lớn mạnh, đủ sức làm tròn nhiệm vụ bản thân và đảm nhiệm lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ trong các chiến dịch lớn.

- Kéo sức mạnh của Mỹ lao vào địa bàn Trường Sơn, căng địch ra mà đánh, tiêu diệt tiêu hao một bộ phận sinh lực quan trọng của Mỹ, "chịu lửa, chia lửa" cho miền Bắc và miền Nam.

- Phải bằng sự nỗ lực chủ quan cao nhất để từng bước chuyển đổi tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường, giành thắng lợi từng bước tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.


Trường Sơn là một chiến trường tổng hợp đặc biệt, thắng Mỹ trên chiến trường này có ý nghĩa góp phần quyết định đến toàn bộ cuộc chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta và nhân dân Đông Dương. Vì thế, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã tổ chức, chỉ đạo cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ trên chiến trường Trường Sơn rất chặt chẽ, đạt hiệu quả cao.


Trong các nghị quyết thường kỳ, nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương đã đề ra những nhiệm vụ công tác rất chính xác, kịp thời cho chiến trường Trường Sơn. Bên cạnh đó còn có những thư, những điện của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chỉ đạo những công việc đột xuất. Đồng chí Bí thư Quân ủy dành nhiều thời gian làm việc với Bộ tư lệnh Trường Sơn tại Tổng hành dinh, tại chiến trường Trường Sơn. Các đồng chí Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp làm việc với Bộ tư lệnh chiến trường Trường Sơn, vào thăm và làm việc tại chỗ. Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh đã huy động sức mạnh của cả nước, của trong và ngoài quân đội, sức mạnh quốc tế, dồn sức cho chiến trường Trường Sơn phát triển ngày càng mạnh, vượt qua mọi khó khăn, ngày càng hoạt động có hiệu quả cao.


Để có địa bàn triển khai thuận lợi tuyến chi viện chiến lược ở triền Tây Trường Sơn - nơi địch yếu và địa hình tương đối bằng phẳng, cấp chiến lược đã tổ chức lực lượng quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân và dân bạn giải phóng các huyện biên giới Việt - Lào từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Đến năm 1965, Bộ chỉ đạo Quân khu 4 mở chiến dịch 128 giải phóng một phần khá lớn đất đai Trung - Hạ Lào từ Bu Li Khăm Xay (đường 8) đến Khăm Muộn (đường 12) Xa Van Na Khẹt (đương 9) Đông Sa Ra Van, Tà Ven Oọc đến Át Ta Pư.


Từ năm 1968, để tăng cường sức mạnh tổng hợp chống cuộc chiến tranh xâm lược và chiến tranh ngăn chặn, Bộ Tổng tư lệnh đã chuyển gộp lực lượng tác chiến bộ binh và lực lượng chuyên gia giúp bạn vào Bộ tư lệnh Trường Sơn. Từ đó, chiến trường Trường Sơn đã thống nhất chỉ huy tất cả các lực lượng tổng hợp tiếp tục mở các chiến dịch liên tiếp giải phóng Tha Teng, giải phóng thị xã Át Ta Pư, giải phóng thị xã Sa Ra Van, giải phóng cao nguyên Bô Lô Ven, nối liền Đông Bắc Campuchia, hình thành căn cứ chiến lược của ba nước anh em. Trong các chiến dịch tiến công, lực lượng bộ binh Trường Sơn đã phát triển thành 1 sư đoàn và 2 trung đoàn độc lập, được tăng cường pháo mặt đất, pháo cao xạ, xe tăng, đặc công. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Bộ đã tổ chức chiến dịch phản công với lực lượng cơ động của Bộ, lực lượng Quân khu Trị Thiên. Bộ giao cho Bộ tư lệnh Trường Sơn phụ trách cánh phía Tây và sử dụng lực lượng phòng không Trường Sơn làm chủ lực đánh máy bay địch, phụ trách vận tải chiến đấu, đảm bảo toàn bộ vật chất hậu cần, kỹ thuật và cơ động binh lực cho chiến dịch.


Sự chỉ đạo của cấp chiến lược đối với chiến trường Trường Sơn còn thể hiện ở chỗ đã dồn sức mạnh xây dựng vững chắc căn cứ chiến lược Nam Đông Dương gắn liền với sự phát triển Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lớn mạnh từng bước được trang bị hiện đại hoá đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bản thân và làm lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ Quốc phòng trong các chiến dịch lớn từ năm 1968 đến năm 1975, nổi bật nhất là trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.


Nhìn lại toàn bộ cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn, cấp chiến lược có vai trò to lớn, có tính quyết định, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất đối với Bộ đội Trường Sơn.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 13 Tháng Tư, 2021, 02:31:42 pm
Bộ tư lệnh Trường Sơn là cấp chiến dịch, tổ chức chỉ huy trực tiếp cuộc chiến đấu trên chiến trường. Trong quá trình lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, hoạt động theo hình thức chiến dịch là phương thức tốt nhất và phổ biến nhất để phát huy sức mạnh tổng hợp, lấy sức mạnh tổng hợp của nghệ thuật chiến đấu hiệp đồng binh chủng để chuyển đổi tương quan lực lượng địch - ta, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi cuối cùng. Ở đây đã diễn ra nhiều loại chiến dịch khác nhau:

- Các chiến dịch tấn công quân địch xâm lược, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, giúp bạn xây dựng căn cứ cách mạng.

- Các chiến dịch phản công địch lấn chiếm hành lang, bảo vệ vững chắc hành lang chi viện chiến lược.

- Các chiến dịch vận tải cơ giới như chiến dịch "Binh trạm vạn tấn/tháng" diễn ra từ năm 1969 đến năm 1971, là chiến dịch tập đoàn binh trạm cửa khẩu. Chiến dịch sư đoàn thọc sâu từ năm 1972 đến năm 1974, chiến dịch chi viện chiến lược thần tốc Xuân 1975.

- Các hoạt động mang tính chiến dịch trên mặt trận cầu đường: chiến dịch mở đường 128, mở đường 20, chiến dịch mở đường "kín” cho xe chạy ngày, chiến dịch dài xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn từ Nghệ An vào Đông Nam Bộ, chiến dịch cải tạo nâng cấp đường số 9 từ Cam Lộ về Bản Đông...


Hoạt động chiến dịch có tác dụng lớn thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các binh chủng, các lực lượng tham chiến trên chiến trường, càng làm cho hiệu quả tổ chức chiến đấu hiệp đồng tăng cao, sức mạnh tổng hợp phát triển ngày càng lớn, chuyển đổi tương quan lực lượng địch - ta nhanh hơn.


Điều độc đáo đối với hoạt động chiến dịch trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là các chiến dịch vận tải, cầu đường, bộ binh, phòng không... thường được liên kết lại thành một dạng chiến dịch tổng hợp của nhiều binh chủng hợp thành trong cùng một không gian, cùng một thời gian. Chiến dịch vận tải vừa là trung tâm hiệp đồng chiến đấu trong chiến dịch tổng hợp, vừa là hướng chính của chiến dịch tổng hợp, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của Bộ tư lệnh Trường Sơn.


Hoạt động mang tính chiến dịch còn lan toả sang các lực lượng khác như Binh chủng Phòng không tên lửa, có khi có cả lực lượng không quân phối hợp với lực lượng các binh trạm cửa khẩu đánh địch, bảo vệ an toàn cho hàng nghìn xe, pháo nhập tuyến vào đầu mùa khô. Hoạt động mang tính chất chiến dịch này đã diễn ra liên tục từ mùa khô 1967 cho đến mùa khô 1971. Mặc dù địch đánh phá, ngăn chặn rất quyết liệt, nhưng năm nào lực lượng xe, pháo nhập tuyến (khoảng trên 5.000 xe, pháo mỗi năm), đều bảo đảm được an toàn.


Mùa hoạt động chiến dịch là mùa hoạt động sôi động nhất, lôi cuốn mọi lực lượng, mọi binh chủng tham gia, là thời điểm lực lượng Bộ đội Trường Sơn phát huy sức mạnh cao nhất, đồng đều nhất.


Vấn đề then chốt ở cấp chiến đấu trên tuyến chi viện chiến lược là xác định cung độ vận chuyển gắn liền với quy mô tổ chức đơn vị vận chuyển cơ bản chiến đấu hiệp đồng binh chủng.


Qua nhiều thể nghiệm trên thực tế đã xác định được ba cung độ với ba tổ chức đơn vị vận chuyển cơ bản hiệp đồng binh chủng thích hợp: cung phân đoạn - binh trạm, cung khu vực - sư đoàn khu vực, cung đi thẳng - binh đoàn chi viện chiến lược Trường Sơn.


Sự thay đổi các cung độ và thay đổi tổ chức đơn vị vận chuyển cơ bản là xuất phát từ so sánh tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường và cũng xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ chi viện chiến trường đòi hỏi ngày một tăng cao.


Hình thức cung phân đoạn - tương ứng với tổ chức đơn vị vận tải cơ bản binh trạm là thời kỳ mà cuộc chiến đấu trên tuyến chi viện chiến lược căng thẳng nhất, giằng co nhất. Cấp chiến thuật binh trạm và các trung đoàn binh chủng Bộ binh, Công binh, Pháo cao xạ, Vận tải ô tô đã tồn tại một thời gian rất dài và vai trò của binh trạm chiến đấu hiệp đồng binh chủng cũng như vai trò của các trung đoàn binh chủng thật sự nổi bật trong công cuộc chi viện chiến lược. Thông qua thực tiễn chiến đấu đã sáng tạo hàng loạt chiến thuật chiến đấu hiệp đồng binh chủng trong cuộc đọ sức quyết liệt với đế quốc Mỹ trên chiến trường Trường Sơn, nhất là các quân, binh chủng Vận tải, Công binh, Bộ binh, Phòng không, Thông tin và các lực lượng khác.


Hình thức cung khu vực tương ứng với tổ chức đơn vị vận tải hiệp đồng binh chủng sư đoàn khu vực. Với hình thức này, hiệu suất vận chuyển được tăng lên nhiều, cuộc chiến đấu giữa ta và địch không diễn ra ác liệt như trước, nhưng quá trình tiến lên quy mô vận chuyển lớn, hiệu quả vận chuyển tăng cao và qua tổ chức vận chuyển lớn trên cung khu vực, ta đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, chuẩn bị cho thời kỳ tạo thời cơ, nắm thời cơ, tranh thủ tận dụng thời cơ đẩy mạnh toàn diện mọi hoạt động đón thời cơ chín muồi xuất hiện trên chiến trường miền Nam.


Hình thức cung đi thẳng đến các chiến trường khi nhiệm vụ của chiến trường tổng hợp đã hoàn thành cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn cơ bản đã kết thúc; Bộ đội Trường Sơn lúc này đã chuyển thành binh đoàn chi viện chiến lược với nhiệm vụ tạo thời cơ, triệt để tận dụng thời cơ trực tiếp vận chuyển binh lực, hoả lực, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các chiến trường nhanh nhất, nhiều nhất, đồng bộ nhất, thoả mãn mọi yêu cầu của các chiến trường.


Mặt khác, Bộ đội Trường Sơn dốc sức hoàn chỉnh thế trận hạ tầng cơ sở, đường cầu, đường ống xăng dầu Đông - Tây Trường Sơn được coi như biện pháp chiến lược có ý nghĩa quyết định để đón thời cơ chiến lược mới.


Cung đi thẳng nhờ sự thích ứng trong tương quan lực lượng ta hoàn toàn làm chủ chiến trường và mọi mặt hoạt động được diễn ra với sự nỗ lực cao nhất, liên tục từ tháng 2 năm 1973 đến tháng 5 năm 1975, đặc biệt bộ đội xe chạy liên tục, không có ngày nghỉ. Bộ đội công binh chỉ trên một năm đã hoàn thành xong tuyến Đông Trường Sơn đạt tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, tuyến đường ống xăng dầu đưa tới tận Bù Gia Mập - Đông Nam Bộ... Khi đường ống dẫn xăng dầu vào tới Lộc Ninh, bộ đội vận tải và các binh chủng kỹ thuật thả sức phát huy hết năng lực. Nhờ vậy mà nhiệm vụ chi viện chiến trường ta và bạn đã hoàn thành trước ba tháng và cùng lúc đó tháng 2 nàm 1975, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã chuyển thành binh đoàn dự bị chiến lược cơ động tại chỗ của Bộ, trên 10 vạn người với biên chế 2 sư đoàn và 2 trung đoàn xe, 4 sư đoàn công binh và 2 trung đoàn cầu, 1 sư đoàn phòng không tên lửa và 6 trung đoàn cao xạ, 1 sư đoàn và 1 trung đoàn bộ binh độc lập, 4 trung đoàn đường ống, 2 trung đoàn thông tin và một số lực lượng khác. Sức mạnh chiến đấu tăng cao hơn bao giờ hết, tăng cường cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 - đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh.


Sức mạnh tổng hợp trên chiến trường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bao gồm sức mạnh của cấp chiến lược, cấp chiến dịch, cấp chiến đấu.


Sức mạnh tổng hợp trên chiến trường Trường Sơn còn là sức mạnh của hậu phương lớn và tiền tuyến lớn, là sức mạnh của các chiến trường ta và chiến trường bạn. Mỗi cấp phát huy cao nhất vai trò của mình để tạo ra sức mạnh tổng hợp toàn diện nhằm từng bước chuyển đổi tương quan lực lượng giữa địch - ta và từng bước đánh lùi kẻ địch, đánh bại từng âm mưu thủ đoạn đánh phá của địch tiến tới đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ và cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện, tạo ra thời cơ mới để tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.   


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 13 Tháng Tư, 2021, 02:38:29 pm
VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC
LÀ MỘT NGHỆ THUẬT MANG TÍNH CHIẾN LƯỢC


BÙI THẾ TÂM
Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng,
nguyên Tư lệnh, Chính ủy Sư đoàn thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn


I. TỔ CHỨC VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC TRONG THẾ TRẬN BINH CHỦNG HỢP THÀNH LÀ CƠ SỞ CHỦ YẾU, CƠ BẢN ĐỂ THỰC HIỆN XUẤT SẮC NHIỆM VỤ CHI VIỆN CHIẾN LƯỢC VÀ CHIẾN DỊCH

Tuyến vận chuyển chi viện Trường Sơn trong quá trình làm nhiệm vụ phải vượt qua cuộc chiến tranh hỗn hợp của Mỹ: chiến tranh xâm lược lãnh thổ và chiến tranh ngăn chặn chi viện phát triển đến đỉnh cao. Quá trình đó, Bộ đội Trường Sơn phải chịu đựng mọi gian khổ, chấp nhận mọi ác liệt hy sinh để chiến thắng hai kẻ thù: Chiến thắng địch và chiến thắng thời tiết.


Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh, được sự hỗ trợ không ngừng của hậu phương lớn, tuyến vận chuyển chi viện chiến lược Trường Sơn đã liên tục đấu tranh khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng, phát triển, củng cố ngày càng vững chắc. Đế quốc Mỹ đã đánh phá cực kỳ ác liệt cũng không sao ngăn nổi công cuộc chi viện của ta.

Giai đoạn 1 (1959-1964): Bộ đội Trường Sơn lấy phương thức vận tải thô sơ làm chính, kết hợp vận tải cơ giới nhỏ lẻ nhằm phục vụ yêu cầu khởi nghĩa vũ trang tiến lên chiến tranh giải phóng, tuy khả năng chi viện mới đạt rất ít, nhưng đã chuẩn bị tiền đề chuyển sang giai đoạn mới.


Giai đoạn 2 (1965-1968): Khi địch mở rộng thành "Chiến tranh cục bộ" ở miền Nam, chiến tranh phá hoại miền Bắc, tăng mức đánh phá dữ dội đường Hồ Chí Minh.

Qua 4 năm chiến đấu, tuyến vận chuyển chi viện chiến lược đã vận chuyển được khối lượng gấp 12 lần của giai đoạn 1, phục vụ đắc lực quyết tâm đánh thắng '’Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam và "Chiến tranh đặc biệt" ở Lào.


Giai đoạn 3 (1969-1972): Để thực hiện bằng được chủ trương cắt đứt, chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam, đế quốc Mỹ điên cuồng áp dụng các loại chiến tranh hủy diệt, chiến tranh điện tử, chiến tranh hoá học, chiến tranh khí tượng trên đường Hồ Chí Minh, nhằm ngăn chặn triệt để nguồn tiếp tế từ hậu phương miền Bắc vào các chiến trường Nam Đông Dương.


Để đánh thắng Mỹ, chúng ta đã từng bước hoàn thiện ba phương thức vận tải cơ giới: đường bộ, đường sông, đường ống, trong đó lấy vận tải ô tô là chính, vận tải đường ống là quan trọng, vận tải đường sông là bổ trợ và đã giao cho tiền tuyến khối lượng vật chất gấp 180 lần so với giai đoạn 1, phục vụ đắc lực quyết tâm đánh thắng một bước căn bản chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Níchxơn, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pari và Hiệp định Viên Chăn.


Giai đoạn 4 (2.1973-4.1975): Thừa thắng xốc tới, tuyến vận chuyển chi viện chiến lược đã thực hiện xuất sắc quyết tâm của Bộ Chính trị - Quân ủy Trung ương: "Chuẩn bị chiến lược cho thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam".

Trong hai chiến dịch vận tải lớn "chiến dịch thọc sâu" và "chiến dịch vận chuyển chiến lược thần tốc", tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã dốc sức vận chuyển khối lượng vật chất "lớn nhất, đồng bộ nhất và tiếp cận các chiến trường” cả vận chuyển binh lực, hoả lực và cơ sở vật chất kỹ thuật tăng gấp 318 lần giai đoạn 1, đưa đến các chiến trường trước ba tháng, góp phần chuyển đổi cơ bản tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường, xuất hiện thời cơ lớn.


Đồng thời, Bộ đội Trường Sơn với một lực lượng hùng hậu, có 2 sư đoàn xe và 2 trung đoàn xe độc lập; 4 sư đoàn công binh và 2 trung đoàn cầu, 1 sư đoàn phòng không - tên lửa và 6 trung đoàn cao pháo độc lập; 1 sư đoàn bộ binh và 2 trung đoàn bộ binh độc lập, 2 trung đoàn thông tin, 4 trung đoàn đường ống và 1 tiểu đoàn xe téc, 1 đoàn vận tải đường sông Mê Kông phía Tây và 3 tiểu đoàn phía Đông... nhanh chóng chuyển thành một binh đoàn dự bị chiến lược cơ động tại chỗ của Bộ.


Sau khi dành 3 sư đoàn và 2 trung đoàn phối hợp với mặt trận Tây Nguyên đánh thắng địch trong chiến dịch Tây Nguyên, Bộ đội Trường Sơn đã cơ động 4 quân đoàn (Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4) và 4 sư đoàn độc lập; triển khai 4 sư đoàn công binh đảm bảo các tuyến Tây Trường Sơn, Đông Trường Sơn, quốc lộ 1A, tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 - giải phóng hoàn toàn miên Nam trong thời gian ngắn nhất.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 13 Tháng Tư, 2021, 02:39:45 pm
II. KẾT HỢP NHIỀU PHƯƠNG THỨC VẬN CHUYỂN MỘT CÁCH LINH HOẠT, LẤY PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI CƠ GIỚI LÀM CHỦ, LẤY VẬN TẢI Ô TÔ LÀ CHÍNH, VẬN TẢI ĐƯỜNG ỐNG LÀ QUAN TRỌNG, VẬN TẢI ĐƯỜNG SÔNG LÀ BỔ TRỢ

Khi triển khai vận tải cơ giới, địch đánh ác liệt, Quân ủy Trung ương vẫn xác định "lấy vận tải cơ giới là chính".

Phải căn cứ các đặc trưng cơ bản ở Trường Sơn và căn cứ yêu cầu nhiệm vụ chi viện ngày càng lớn để chọn loại hình cơ giới nào sử dụng thích hợp và có hiệu suất cao nhất.

Qua quá trình thể nghiệm, thực tế đã khẳng định phương thức vận tải cơ giới là chủ yếu, gồm đường ô tô và đường sông làm chủ lực.

Ô tô là phương tiện chủ lực của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, có khả năng đạt hiệu suất lớn nhất, bảo đảm thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược.

Trên đất nước ta chưa có tiền lệ áp dụng phương thức vận tải cơ giới trên hành lang Trường Sơn. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ta đã bước đầu áp dụng phương tiện này trong chiến dịch Điện Biên Phủ ở quy mô nhỏ, nên ta có cơ sở để mạnh dạn nghĩ tới áp dụng vận tải cơ giới trên Trường Sơn, bởi các điếu kiện bảo đảm cho ô tô hoạt động ở đây phù hợp với chiến tranh chống Mỹ được tiến hành trên địa bàn Trường Sơn, đi trực tiếp đến các chiến trường của ta và chiến trường của hai nước bạn. Tuyến đường chi viện ở một địa bàn rộng lớn ở cả hai triền Tây và Đông có núi rừng trùng điệp, có nhiều vùng bằng phẳng, các dãy núi chắn ngang tương đối ít và không cao lắm; đó là lợi thế đối với việc phát triển mạng đường bộ theo yêu cầu của chiến thuật và dễ khắc phục hậu quả của chiến tranh phá hoại.


Việc bảo đảm kỹ thuật tại chỗ cho phương thức vận tải ô tô tuy không dễ dàng nhưng vẫn có khả năng khắc phục được.

Trong chiến tranh, ô tô là phương tiện cơ giới có mục tiêu tương đối nhỏ, dễ ngụy trang, dễ phòng tránh, bảo đảm duy trì hoạt động được liên tục. Tính cơ động của ô tô nhanh hơn và trực tiếp hơn, khả năng sử dụng được rộng rãi, dễ dàng thay đổi quy mô hoạt động và hướng hoạt động theo ý đồ chỉ đạo, phù hợp với tình hình diễn biến khẩn trương.


Thực tế đã chứng minh rằng, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, vận tải ô tô đã làm tròn vai trò chủ lực của mình, đã vận chuyển đến chiến trường Nam Đông Dương trên một triệu tấn vật chất, trên gần một triệu lượt người vào, ra chiến trường. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã cơ động lực lượng 4 quân đoàn, 4 sư đoàn bộ binh độc lập và các trung đoàn binh chủng kỹ thuật thần tốc tiến công địch. Tính riêng vật chất chuyển lên đạt hiệu suất vận tải là 391.843.800 tấn/km, gấp 64 lần hiệu suất các phương thức khác.


Đường ống là phương tiện vận tải rất quan trọng, là phương tiện chuyên dùng vận tải nhiên liệu có công suất lớn 600 - 800m3/ngày, có tính bán cơ động cao, bảo đảm an toàn vận hành trong chiến tranh.

Trong chiến tranh hiện đại, một trong những thủ đoạn chủ yếu hạn chế sức mạnh, giảm tốc độ tiến công, thậm chí gây tê liệt mọi hoạt động của đối phương là nhằm vào mục tiêu triệt phá xăng dầu. Một trong những mục tiêu của Mỹ là kho chứa xăng dầu của ta.

Về phía ta, khi số lượng cơ giới của ta càng gia tăng, phạm vi hoạt động càng rộng lớn, các quân - binh chủng ngày càng phát triển lên quy mô hiệp đồng chiến dịch, chiến lược thì nhiên liệu trở thành yếu tố vô cùng quan trọng.


Quy luật phát triển của chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đòi hỏi tuyến vận chuyển chi viện chiến lược Trường Sơn phải phục vụ yêu cầu vận tải chiến lược, vừa phải kịp thời đáp ứng yêu cầu chiến dịch, bảo đảm vận tải quy mô lớn cho các binh chủng kỹ thuật cơ động khẩn cấp lên mặt trận...


Hết thảy những biện pháp tiếp tế nhiên liệu trước đây không tương xứng, kể cả yêu cầu cho riêng vận tải chi viện, tất yếu phải được thay thế bằng biện pháp tiên tiến, có công suất lớn, tương đối an toàn hơn cả trong chiến tranh.


Vì thế, phải khẩn trương triển khai tuyến đường ống ở chiến trường Trường Sơn. Tuy bộ đội đường ống được đưa lên Trường Sơn chậm hơn so với các phương thức khác, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, đã thể hiện xuất sắc vai trò trọng yếu trên địa bàn chiến lược, sở dĩ tuyến đường ống làm được vai trò trọng yếu là vì khi lập được tuyến, định vị đúng trạng thái thế trận vận tải, thoả mãn thông số kỹ thuật thì đường ống đủ sức chuyển vận nhiên liệu lỏng đến bất kỳ vị trí nào trên địa bàn Trường Sơn, bởi sự cải tạo địa hình không mấy phức tạp, tuyến đường ống có thể linh hoạt vượt qua các địa hình cheo leo hiểm trở, lợi dụng được các vị trí cao, tạo ra những kho xăng tự chảy. Tốc độ tiếp diện của đường ống nhanh, nhiều hơn bất cứ phương tiện cơ giới nào; mức độ an toàn cũng cao hơn các biện pháp khác trong chuyên chở xăng dầu trong chiến tranh.


Nhờ có tuyến đường ống, bộ đội vận tải ô tô đã giảm được khối lượng xăng dầu tiêu thụ phải tự mang bằng phuy nên tăng được từ 25 đến 30% trong tổng số phương tiện cho nhiệm vụ vận tải chi viện, đồng thời cũng giảm được số lượng ô tô sử dụng vào việc chở hàng vạn phuy xăng dầu vượt bao nhiêu trọng điểm đưa vào phía Nam tuyến chiến lược. Trên thực tế đã chứng tỏ rằng biện pháp chở bằng phuy không thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là khi quy mô vận tải ô tô đã phát triển nhiều sư đoàn có bán kính hoạt động từ 700 đến 1.100km. Nếu chở phuy sẽ lâm vào ba khó khăn nghiêm trọng là: Tuyến cơ giới dễ bị tê liệt do địch ngăn chặn, phải giảm 22 - 24% khối lượng hàng kế hoạch để chở xăng tiêu thụ cho bộ đội trên tuyến, không bảo đảm kịp yêu cầu tác chiến hiệp đồng nhiều binh chủng hiện đại.


Qua gần 10 năm hoạt động đã khẳng định giá trị chiến lược của tuyến đường ống cả về mặt quân sự, kinh tế và kỹ thuật. Song do ta không đủ khả năng về vật tư kỹ thuật, lại tận dụng loại ống cơ động của đơn vị (100mm) vào vận chuyển nhiên liệu cấp chiến lược, cũng do hoàn cảnh của ta lúc đó không thể xây dựng đường ống cố định dưới mặt đất, nếu làm theo cách này phải mất nhiều thời gian mới phát huy được tác dụng. Vì vậy, phải dùng phương thức rải đường ống mới đáp ứng được thời cơ chiến lược.


Phương thức đường ống vẫn ưu việt hơn hẳn mọi biện pháp khác, nổi bật là tính "cấp thời và liên tục của nó”. Ví dụ như khi địch phong toả tháng 11 năm 1972, tuyến chi viện chiến lược phải ngừng hoạt động, chỉ sau hai ngày, tuyến từ hậu phương đã vượt Trường Sơn bảo đảm cho gần một vạn xe máy các loại trở lại hoạt động, đồng thời nhanh chóng chuẩn bị được lượng nhiên liệu dự trữ cho các kế hoạch tác chiến chiến lược của Bộ. Bắt đầu từ cuối năm 1968 đến cuối tháng 12 năm 1974, ta đã hoàn thành hoàn chỉnh hai tuyến xăng dầu Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn với độ dài 1.400km, có 114 trạm bơm, gần 50 kho dự trữ, trữ lượng 270.000m3 và 1 tiểu đoàn xe téc cơ động đến các nơi không kéo được đường ống tới nơi. Trong 1.400km đường ống có 74km vận chuyển điêzen từ Đông Hà vào A Lưới.


Vận chuyển đường sông bằng cơ giới là phương thức bổ trợ có hiệu quả cao trên từng địa đoạn thích hợp.

Các dòng sông trên Tây Trường Sơn và Đông Trường Sơn không liên tục, chỉ hoạt động đường thủy từng địa đoạn.


Sông Sê Băng Hiên từ Chà Lỳ đến Bắc đường 9, sông Nậm Ngọ từ Na Tông đến Na Tăng Chay. Sông Sê Kông từ Bạc đến Át Ta Pư, sông Mê Kông ở Đông Bắc Campuchia. Biên độ dao động của các dòng sông như: Sông Sê Băng Hiên mùa mưa nước dâng 6 đến 12m, mùa khô nước còn 0,20 đến 1,20m. Sông Sê Kông mùa mưa nước dâng 8 đến 14m, mùa khô từ 1,20 đến 3m.


Ở Đông Trường Sơn, khi địch trở lại đánh phá miền Bắc năm 1972, tuyến vận chuyển chi viện chiến lược Trường Sơn kéo dài ra phía Bắc đến Bến Thủy (Nghệ An) có các sông Gianh, Kiến Giang, Bến Hải, Thạch Hãn, Cạnh Hòm... Ở đây hoạt động vận tải thủy được cả năm, cả hai mùa bình thường.


Phương thức vận chuyển cơ giới đường sông vốn có giá trị kinh tế cao, hiệu suất lớn, nhưng cũng dễ bị địch đánh phá ngăn chặn. Song do sự cấu tạo địa lý khu vực, tuyến vận chuyển chi viện Trường Sơn dùng phương thức vận tải đường sông có rất nhiều hạn chế vì lưu lượng dòng chảy không ổn định, có nhiều thác ghềnh, trừ sông Sê Kông Tây Trường Sơn, sông Mê Kông Đông Bắc Campuchia, các sông Đông Trường Sơn còn lại không sử dụng được phương tiện cơ giới có mã lực lớn, hạn chế nhiều nhất là tính không liên tục và biên độ dao động thủy chí giữa mùa khô và mùa mưa rất lớn. Mặt khác, cũng do khả năng đầu tư cải tạo có hạn nên Binh chủng Vận tải của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn chỉ sử dụng được từng khu vực kế cận tuyến vận tải đường bộ. Các binh trạm đã khai thác mặt có lợi của dòng chảy, tùy đặc điểm của mỗi đoạn sông mà áp dụng phương pháp vận tải thô sơ như thuyền độc mộc, thuyền gỗ, bè mảng hoặc thả trôi theo dòng, nhưng chủ yếu vẫn phải tìm cách phá thác, cải tạo được dòng sông để sử dụng cơ giới, tăng khả năng tiếp chuyển, tạo nguồn với tính cách bổ trợ cho tuyến vận tải ô tô.


Trong khoảng thời gian mùa mưa ở Trường Sơn, ô tô ngừng hoạt động, nhờ tích cực cải tạo dòng sông Sê Kông, các binh trạm phía Nam đã sử dụng được ca nô, thuyền gắn máy để tiếp tục duy trì hoạt động vận chuyển khối lượng hàng theo kế hoạch.


Tổng hợp hơn 10 năm hoạt động, phương tiện vận tải đường sông đã kết hợp chặt chẽ, linh hoạt với phương thức vận tải ô tô ở từng thời điểm có lợi đã đạt được 21.107.720 tấn/km, góp phần củng cố tính vững chắc, liên tục của tuyến vận tải chiến lược.


Như vậy, thông qua tổ chức vận tải đa phương thức trong cơ cấu binh chủng hợp thành là cơ sở chủ yếu để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển binh lực, hỏa lực, cơ sở vật chất hậu cần - kỹ thuật cho chiến trường miền Nam và các nước bạn Lào, Campuchia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Đông Dương anh em.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 13 Tháng Tư, 2021, 02:41:16 pm
III. NHỮNG BIỆN PHÁP ĐỒNG BỘ THÚC ĐẨY VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC PHÁT TRlỂN ĐẾN ĐỈNH CAO ĐỂ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ TRUNG TÂM VÀ XỨNG ĐÁNG VAI TRÒ CHỦ CÔNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

1. Biện pháp quan trong là chọn, xác định đúng đắn và kịp thời cung độ vận chuyển và tổ chức đơn vị vận tải cơ bản của tuyến vận tải chi viện chiến lược trong từng giai đoạn

Trong vận tải quân sự, trên cơ sở đảm bảo hạ tầng cung độ vận chuyển là chiều sâu chiến dịch hoặc chiến thuật, hơn nữa còn là chiều sâu chiến lược; phải xác định đúng đắn, kịp thời lúc nào là cung độ chiến thuật, lúc nào là cung độ chiến dịch, lúc nào là cung độ chiến lược và tổ chức đơn vị vận tải cơ bản thích ứng với từng cung độ vận chuyển đó.


Vậy thì cung độ vận tải và tổ chức đơn vị vận tải cơ bản căn cứ vào yếu tố gì để quy định.

Trong chiến tranh nói chung và trong chiến tranh ở chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh nói riêng, cung độ và đơn vị vận tải cơ bản được định đoạt bằng so sánh tương quan lực lượng địch - ta trên tuyến, phải là người lãnh đạo, chỉ huy tại trận mới nhạy bén định đoạt đúng đắn và kịp thời.


Cung độ thích hợp phản ánh được tính khách quan và năng lực chủ quan, là cơ sở của phương thức vận tải và hơn nữa là chỗ dựa để hiệp đồng binh chủng chiến đấu thắng lợi.

Cung độ vận tải và tổ chức đơn vị vận tải cơ bản là vấn đề then chốt của tổ chức vận tải, do đó khi cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải phát triển, lực lượng vận tải được bảo vệ tốt hơn; khi tương quan lực lượng trên chiến trường thay đổi thì cung độ và tổ chức đơn vị vận tải cơ bản phải thay đổi ngay, nếu thay đổi chậm là kìm hãm hiệu suất vận tải, kìm hãm sự phát triển chung.


2. Tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng là nguồn sức mạnh trực tiếp to lớn để tạo ra sự chuyển đổi tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường

Tương quan lực lượng thay đổi trên chiến trường theo xu hướng ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch, thúc đẩy vận tải đa phương thức phát triển đến đỉnh cao. Bởi vì các lực lượng triển khai trong thế binh chủng hợp thành mới có hiệu lực lớn, mới tạo ra sức mạnh tổng hợp lớn, khắc phục có hiệu-quả nhất sự đánh phá ngăn chặn ngày càng leo thang của Mỹ. Cung độ không phải đơn thuần là một cung đường theo nghĩa hẹp, khi mà cuộc chiến đấu binh chủng hợp thành diễn ra ở đây thì cung độ là một thế trận chiến đấu gay go, ác liệt; người chiến thắng ở đây là lực lượng vận tải vượt qua mưa bom bão đạn đưa hàng, đưa quân ra chiến trường. Trong một thời gian dài, kẻ địch cố ngăn chặn bằng trăm phương ngàn kế, bằng sức mạnh của nền khoa học kỹ thuật hiện đại nhằm triệt phá cho bằng được cuộc vận chuyển chi viện của ta; còn ta, với ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, với mưu trí sáng tạo chủ động, Bộ đội Trường Sơn quyết chịu đựng mọi sự trả giá cần thiết vì Tổ quốc thiêng liêng của mình, đương đầu với giặc Mỹ xâm lược, từng bước đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn, mọi hình thức chiến thuật ngăn chặn của Mỹ cho đến khi Mỹ chịu sự thất bại trên chiến trường Trường Sơn. Bộ Quốc phòng Mỹ đã thừa nhận Mỹ thất bại ở Việt Nam là bởi con đường Hồ Chí Minh. Chúng ta thử nghĩ xem, nếu các binh chủng trên chiến trường này chiến đấu riêng lẻ, không có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết thì liệu chúng ta có đánh thắng một kẻ thù giàu nhất thế giới về kinh tế, mạnh nhất thế giới về quân sự, có tiềm lực lớn nhất thế giới về khoa học kỹ thuật được không? Sức mạnh của ta là sức mạnh của con người có tri thức, có ý chí, có nghị lực, lại được tổ chức chiến đấu trong thế và lực mà đó là lực của quân - binh chủng hợp thành: Vận tải, Công binh, Phòng không, Bộ binh, Thông tin, Giao liên và các lực lượng phục vụ khác. Sức mạnh về thề là biết khai thác và phát huy cao thế chiến lược của địa bàn Trường Sơn. Khi kết hợp được thế và lực thì thế mạnh và lực mạnh được nâng lên cấp số nhân.


3. Xây dựng, phát triển đường cầu đạt tiêu chuẩn vững chắc, liên hoàn đồng bộ để thúc đẩy vận chuyển đa phương thức đạt hiệu quả ngày càng cao

Khác với mọi binh chủng khác, hiệu suất công tác của bộ đội vận tải cơ giới trước hết lệ thuộc vào số lượng, chất lượng tuyến giao thông. Riêng đối với đường ô tô trong chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn là mục tiêu đánh phá của máy bay và bộ binh địch nên tiêu chuẩn chất lượng chỉ có thể đạt bình quân 25km/giờ đến 35km/giờ. Điều kiện chất lượng tốt chưa đủ, còn phải có số lượng đường thích hợp mới có thể xoá được thế độc đạo, mới nhanh chóng cơ động vượt qua các trọng điểm liên hoàn ngăn chặn của địch. Qua thực tiễn chiến đấu chống lại kẻ địch có nhiều thủ đoạn kỹ thuật đánh phá tinh xảo như Mỹ thì trên một hướng vận chuyển chi viện cần có từ hai đến ba trục dọc với ba đến năm trục ngang; giữa các trục dọc, trục ngang có những đường ngang nối tiếp liên hoàn với nhau trở thành một trận đồ "bát quái’' cầu đường, đó là thế trận đường cầu liên hoàn Trường Sơn, trong đó gồm các loại đường vận chuyển ban ngày và loại đường vận chuyển ban đêm, các loại đường cầu nghi binh thu hút địch đánh phá.


4. Xây dựng sức việt dã của bộ đội ô tô, sức việt dã không chỉ là có tốc độ vận chuyển ngày càng cao, sức việt dã còn là điều kiện để hình thành các chiến thuật vận chuyển linh hoạt đối phó với những chiến thuật đánh phá của máy bay Mỹ

Sức việt dã của bộ đội vận tải ô tô trong vận tải chiến đấu do ba mặt chính sau đây quyết định: Tính năng kỹ thuật phương tiện - trình độ người sử dụng thành thạo - tinh thần chiến đấu ngoan cường mưu trí của cán bộ, chiến sĩ.

Do đó, muốn nâng cao hiệu suất vận tải cần coi trọng cả ba mặt trên.

Sức việt dã có giá trị về mặt chiến thuật ở chỗ bộ đội xe Trường Sơn thực hiện lấn sáng lấn chiều, quay vòng tăng chuyến, linh hoạt thay đổi cung độ, thay đổi đội hình, thay đổi theo thời tiết; các đơn vị xe thiện chiến đạt tới 50% số xe tham chiến quay vòng khép kín 1 đêm/chuyến trên cung 2 đêm/chuyến, tự nhiên số lượng xe tham chiến tăng lên 150% trên cung chiến thuật, số lượng xe tham chiến thực hiện quay vòng 2 ngày/chuyến trên cung và 4 ngày/chuyến trên cung vừa, tự nhiên số lượng xe tham chiến đích thực là 150%. Sức việt dã của bộ đội ô tô còn thực hiện chiến thuật bôn tập trước khi địch đến đánh phá, nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa cầu đường để máy bay địch đánh "vuốt đuôi" về phía sau cung đường của đoàn xe, còn cung đường phía trước thì xe ta lại bôn tập đến đích hoàn thành một chu kỳ vận tải. Cũng có thể xuất phát tiến công chậm hơn để cho địch đánh phá rồi mới bôn tập, nhờ có tốc độ cao nên vẫn đến đích và quay vòng tăng chuyến bình thường. Hơn nữa, sức việt dã của bộ đội xe còn mật tập gọn, nhanh một đội hình xe lớn qua trọng điểm giữa hai đợt công kích của máy bay Mỹ.


Khi mà chúng ta cầm chắc trong tay sự phán đoán chính xác 1 ngày/đêm đánh phá của Mỹ do ta tổng kết được quy luật đánh phá của máy bay địch, nhờ có sức việt dã của bộ đội xe trên đường tiến công thường chủ động vượt qua trước hoặc sau nơi và giờ địch đánh chặn rồi vô hiệu hoá hoàn toàn mọi nỗ lực cao nhất hoạt động đánh phá ngăn chặn của địch.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 13 Tháng Tư, 2021, 02:42:11 pm
5. Xây dựng khu căn cứ thích hợp làm bàn đạp tấn công hoàn toàn chủ động trong vận tải

Quy tắc tổ chức một hệ thống dây chuyền vận tải đòi hỏi phải xác lập khu căn cứ xuất nhập hàng, xuất nhập quân là nơi tập kết phương tiện ở đầu cung để xuất phát tiến công, là nơi tập kết phương tiện ở cuối cung cơ bản để tổ chức thu quân về căn cứ sau một chuyến chuyển hàng lên phía trước.


Trong vận tải, tổ chức khu căn cứ không chỉ có ý nghĩa kinh tế, kỹ thuật mà còn là khâu trọng yếu trong hình thức chiến thuật, chiến dịch vận tải. Những điều kiện chọn và xây dựng khu căn cứ vận tải: Một là, điều kiện địa hình đủ triển khai được các thành phần tổ chức của khu căn cứ, có thể tiếp nhận lớn, thực hiện được tổ chức hiệp đồng các mặt hoạt động. Hai là, có mạng đường trong khu căn cứ kín đáo theo quy tắc thuận chiều tuyệt đối, tương ứng lực lượng xe lớn, giao nhận hàng nhanh chóng, đồng loạt, đồng bộ, không ùn tắc. Ba là, giữ được bí mật bất ngờ, không bị địch trực tiếp uy hiếp, bảo đảm hoạt động liên tục ngày đêm. Bốn là, khu căn cứ ở vị trí cân đối với khả năng thực hiện cung cơ bản của đơn vị trước và đơn vị sau trong dây chuyền vận tải chi viện chiến lược. Giữa hai đầu của cung cơ bản còn có thể hình thành một cung đệm để vận dụng chiến thuật vận tải, ở đó được coi như một căn cứ chiến thuật lợi hại.


6. Xác định hình thức chiến thuật và tổ chức đội hình binh chủng xe hơi thích hợp với đặc điểm chiến trường Trường Sơn

Là một binh chủng cơ giới của quân đội hoạt động trong chiến tranh, bộ đội vận tải Trường Sơn có nhiệm vụ thường xuyên vận chuyển mọi khối lượng vật chất và binh lực lên phía trước, đáp ứng đầy đủ kịp thời những yêu cầu tác chiến. Do đó, bộ đội vận tải cần xây dựng cho mình những hình thức chiến thuật, những biện pháp hành động thích ứng để bảo tồn mình, góp phần đánh bại được kẻ địch giành thắng lợi trong nhiệm vụ được giao.


Trong chiến đấu, bộ đội vận tải đánh bại kẻ địch không phải bằng trực tiếp tiêu diệt sinh lực hay phá hủy phương tiện chiến tranh của chúng mà bằng cách bảo đảm an toàn lực lượng bao gồm phương tiện, hàng hoá và người, giữ vững đội hình vận chuyển liên tục, đạt cung độ, đưa hàng, đưa quân tới đích đúng số lượng, chất lượng, đạt thời gian quy định.


Bộ đội xe hơi lệ thuộc chặt chẽ vào cung đường hoạt động. Mỗi phân đội hoạt động trên một trục, coi đó là một trận tuyến. Bộ đội xe hơi thuộc trận tuyến chiến đấu như thuộc lòng bàn tay, đó là trận địa phải bám sát, giành giật với kẻ địch từng chặng đường, từng chuyến xe, từng thời điểm trong ngày/đêm, nên tư tưởng chiến thuật của binh chủng xe hơi là phải vận dụng tinh thần tiến công trên cơ sở có biện pháp phòng tránh tích cực và khoa học trong tiến công, đã ra quân là tiến công liên tục; nắm vững quy luật hoạt động của địch, khôn khéo lừa địch, lợi dụng thời cơ nhằm đúng chỗ sơ hở của địch mà đi, lấn địch từng chặng tiến lên giành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ. Nội dung đó được thể hiện trong ba hình thức chiến thuật: Một là, vận động tập trung đi một chiều thuận; hai là, vọt tiến từng chặng liên tiếp; ba là, đột kích vượt trọng điểm (sẽ có bài nói kỹ về vấn đề đội hình chiến thuật).


Kinh nghiệm đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của Mỹ - ngụy trên chiến trường Trường Sơn cho ta rút ra được kết luận: Để làm đúng vai trò trung tâm hiệp đồng chiến đấu trên mặt trận vận tải quân sự, tất yếu phải có chiến thuật của binh chủng vận tải. Việc xác định cung độ vận chuyển và đơn vị vận tải cơ bản phù hợp với cung độ vận chuyển, cung chiến thuật là binh trạm, cung chiến dịch là sư đoàn khu vực, cung dài, cung đi thẳng đến từng chiến trường là cung chiến lược của binh đoàn chi viện chiến lược cơ động; đem đến cho ta những kết luận chính xác về vận tải quân sự trong chiến tranh mà chúng ta đã đi qua. Chiến thuật cơ bản đã đúc kết được của vận tải trong chiến tranh là tổ chức chiến đấu binh chủng hợp thành lấy vận tải làm trung tâm.


7. Tổ chức các măt đảm bảo kỹ thuật, bảo đảm hậu cần cho binh chủng vận tải trở thành một nộỉ dung đặc biệt quan trong có ý nghĩa góp phần quyết định đối với hiệu suất công tác

Nếu việc xác định cung độ, tổ chức đơn vị vận tải cơ bản, tổ chức đội hình chiến thuật có ý nghĩa là cơ sở cho tổ chức hiệp đồng binh chủng trên cung chiến thuật, cung chiến dịch, cung chiến lược là vấn đề then chốt phát huy sức mạnh của thế trận vận tải thì việc tổ chức đúng các mặt đảm bảo chủ yếu sẽ có giá trị duy trì liên tục sức mạnh chiến đấu hiệp đồng của các binh chủng trong thế trận vận tải trên đường Hồ Chí Minh - chiến trường Trường Sơn.


Xây dựng cơ sở đảm bảo kỹ thuật xe có quy hoạch phân cấp phù hợp với chiến thuật vận tải. Trên tuyến vận chuyển chi viện chiến lược, thực chất là một chiến trường tổng hợp, có nhiều chủng loại kỹ thuật và chủng loại phương tiện, trên một không gian rộng, phối hợp hoạt đông vô cùng khẩn trương suốt ngày đêm này sang ngày đêm khác, suốt tháng năm này đến tháng năm khác, do đó việc tổ chức đảm bảo kỹ thuật cho từng binh chủng, từng lực lượng phải được hình thành hệ thống riêng từ trên Bộ tư lệnh chiến trường cho đến cơ sở, các cơ quan tham mưu binh chủng làm chức năng như một bộ chỉ huy binh chủng tương đối độc lập về mặt đảm bảo kỹ thuật của từng binh chủng trong toàn mạng lưới đảm bảo kỹ thuật của toàn chiến trường.


Trong chiến tranh, sự tiêu hao kỹ thuật thường xuyên diễn ra theo tỷ lệ thuận với sức đánh phá của địch, tỷ lệ nghịch giữa nhu cầu và khả năng đảm bảo. Nếu không xác định sự phân cấp quản lý sửa chữa trên tuyến thật rõ ràng và tổ chức cấp cứu trên các trọng điểm chu đáo thì ảnh hưởng lớn và có thể còn đe dọa đến khả năng thực hiện nhiệm vụ.


Trên thực tế đã áp dụng ba hình thức: Xưởng sửa chữa cố định cấp trung đại tu, trạm hoặc đội cấp cứu cơ động và tô sửa chữa đi cùng. Mỗi đơn vị tùy điều kiện và hoàn cảnh địa lý cũng như tình hình đánh phá của địch mà tổ chức các đội cấp cứu được trang bị công cụ, phương tiện đủ sức xử trí những trường hợp phức tạp. Ngoài ra, có các hình thức thành lập các tổ kiểm tra kỹ thuật đại đội, sau một chuyến công tác, đội kiểm tra kỹ thuật làm công tác kiểm tra sửa chữa nhẹ. Áp dụng quy tắc phân đoạn bảo dưỡng từng bộ phận theo thứ tự ưu tiên, kiên quyết thực hiện bảo dưỡng hai vào đợt kế hoạch công tác tháng.


Từ đó, dần dần hình thành được một mạng lưới đảm bảo kỹ thuật, hình thành một dây chuyền công nghệ trên tuyến. Được Tổng cục Hậu cần chi viện đắc lực nên các đơn vị trên tuyến đã thu hồi vật liệu để triển khai sửa chữa lớn tại chiến trường, tổ chức hợp lý khâu gia công tổng thành, tạo nguồn vật tư dự trữ chi viện kịp thời cho các đoàn xe của Bộ cơ động khẩn cấp vào chiến trường.


Kết quả đó đã phục vụ đắc lực những nhiệm vụ quân sự, nhất là trường hợp phải kịp thời bảo đảm thắng lợi của thời cơ chiến lược. Nói về vấn đề này ta nghĩ tới vai trò của đồng chí Dương Thế Thọ, người đứng đầu dây chuyền đảm bảo kỹ thuật, là một con người xông xáo, sáng tạo, quyết đoán, có trình độ tiên liệu công việc rất tốt.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 13 Tháng Tư, 2021, 02:43:09 pm
8. Hết sức coi trong viêc cải tiến công tác tổ chức nuôi dưỡng, giữ vững sức chiến đấu liên tục của binh chủng vận tải trên tuyến

Do đặc điểm thời tiết, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh phải hoạt động theo mùa. Các mặt chuẩn bị thế trận, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị cả về vật chất - kỹ thuật, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật nghiệp vụ..., đều phải khẩn trương tiến hành trong mùa mưa. Đến mùa khô là thời kỳ đòi hỏi huy động cường độ lao động cao nhất, tất cả mọi người phải dốc toàn bộ sức lực vào cuộc chiến đấu liên tục ngày đêm, tranh cướp thời gian với địch, với trời để hoàn thành mục tiêu chi viện. Với hoàn cảnh khí hậu và nguồn bệnh sốt rét lan tràn khắp Trường Sơn, Bộ đội Trường Sơn có lúc phải rút tiêu chuẩn ăn trong mùa mưa (chỉ mấy lạng gạo trong ngày, bổ sung bằng măng rừng làm độn, chẳng có sắn khoai), vì thế tình trạng sức khoẻ của Bộ đội Trường Sơn giảm sút rất nhanh. Những đơn vị trực tiếp chiến đấu thuộc các binh chủng xe, công binh, cao xạ, bộ binh sức khoẻ thường dưới mức quy định. Căn cứ vào các tài liệu thống kê cụ thể của từng phân đội, sức khoẻ trong mùa khô chỉ bảo đảm từ 70% đến 85%, sức khoẻ trong mùa mưa trung bình 60%, cá biệt có năm sức khoẻ chỉ trên dưới 50%, có đơn vị chỉ còn 35% quân số khoẻ.


Xu hướng theo tính quy luật gần cuối mùa khô vào khoảng tháng 4, do lao động chiến đấu cật lực để hoàn thành chỉ tiêu chi viện cho từng chiến trường ta và bạn, sức khoẻ của lái xe, chiến sĩ công binh, cao xạ tụt xuống tới mức khẩu đội cao xạ chỉ còn ba số, mỗi xe chỉ còn một lái, mỗi trạm điều chỉnh giao thông còn lại hai người, một tiểu đội công binh chỉ còn từ ba đến bốn chiến sĩ. Vì vậy, việc tổ chức nuôi dưỡng, phòng bệnh, chữa bệnh trở thành một nội dung trọng yếu. Đặc biệt đối với các đơn vị vận tải thường xuyên cơ động xa, cơ sở bảo đảm sinh hoạt thì khó khăn.


Trong thực tế đã có những biện pháp bảo đảm sức khoẻ có hiệu quả: đối với bộ đội xe, cần kiên quyết áp dụng loại bếp ổn định hai đầu cung cơ bản 2 ngày đêm một chuyến, cung cơ bản 4 ngày đêm một chuyến, tổ chức ăn nghỉ, ngủ ở vị trí tạm dừng trên cung chiến dịch, tổ chức ăn, nghỉ, ngủ trên cung chiến lược. Tổ chức nhà bếp đi cùng đội hình vận tải khi đơn vị có nhiệm vụ thọc sâu, vượt lên cung trước tăng cường cho binh trạm phía trước dứt điểm kế hoạch được giao trong năm.


9. Kho hàng là một bộ phận của binh chủng vận tải, có vai trò xứng đáng để nâng cao hiệu suất vận tải và bảo vệ nguồn hàng, là nguồn lực quan trong về mặt sức mạnh vật chất của tuyến vận chuyển chi viện chiến lược, là cơ sở vật chất kỹ thuật đưa vào chiến trường

Kho hàng bao gồm kho chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, thường được bố trí đầu cung vận tải cơ bản nằm trong phạm vi căn cứ chung của đơn vị vận tải cơ bản, gần căn cứ của đơn vị xe, gần sở chỉ huy cơ bản. Kho hàng phải đạt các tiêu chí: bố trí ở địa bàn kín đáo, bất ngờ, có nhiều tuyến đường nội bộ thuận chiều xe vào nhận hàng và xe ra nơi tập kết xuất phát tiến công; kho hàng được bố trí dưới hầm nửa âm, nửa dương đối với hàng vũ khí, trên sàn gỗ ngang với chiều cao của thùng xe để bốc dỡ xe nhanh; hàng xăng dầu được bố trí phân tán và ở xa kho chính; bộ đội kho hàng được huấn luyện động tác bốc dỡ xe nhanh; phải căn cứ yêu cầu từng chiến trường để bố trí hàng đồng bộ ở các phân kho riêng. Mỗi thứ hàng bố trí ở các phân kho riêng để dễ quản lý số lượng, bảo quản chất lượng, dễ xuất nhập gọn theo kế hoạch từng chuyến hàng. Bảo vệ an toàn kho hàng là một yêu cầu nghiêm ngặt, phải theo dõi thật chặt chẽ mọi dấu hiệu, hành tung của máy bay trinh sát, thám báo biệt kích; có khả nghi là phải di chuyển ngay. Bố trí lực lượng quân kho phải cân đối với lực lượng khác, thường chiếm 5 - 6% của binh chủng vận tải bộ đội kho bất cứ mùa mưa, hay mùa khô phải tổ chức bảo đảm hậu cần, quân y tốt để giữ vững quân số khoẻ thường xuyên.


10. Tổ chức các chiến dịch vận tải với quy mô ngày càng lớn, thông qua hoạt động chiến dịch để phát huy sức mạnh hiệp đồng binh chủng giành thắng lợi trong công cuộc chi viện chiến lược

Có mấy đặc điểm chi phối diễn ra có tính quy luật là địch tập trung đánh phá ngăn chặn quyết liệt nhất vào đầu mùa khô, cộng thêm thời tiết đầu mùa khô và cuối mùa khô cản trở lớn đối với hoạt động vận tải; thời gian hoạt động vận tải bị khống chế bởi quy luật thời tiết, khối lượng vật chất chi viện ngày càng tăng theo yêu cầu tác chiến luôn luôn mâu thuẫn với khả năng vận chuyển có hạn độ.


Phải tìm cho ra quyết sách có hiệu quả nhất để giành thắng lợi trong khoảng thời gian có hạn, trong khả năng có hạn độ, quyết sách tổ chức chiến đấu binh chủng hợp thành đã mở ra triển vọng, mở ra khả năng hoàn thành nhiệm vụ, còn đối với quyết sách để phát huy sức mạnh tổ chức chiến đấu hiệp đồng thì không có quyết sách nào khác ngoài việc phải tổ chức chiến dịch vận tải, chỉ có hình thức tổ chức chiến dịch mới tác động mạnh mẽ vào mọi mặt, thúc đẩy được mọi khâu, quy tụ tiềm năng các binh chủng vào một "hợp điểm", tạo nên những bước nhảy vọt về lượng, đạt được sự chuyển biến về chất.


Công tác chuẩn bị chiến dịch phải đặc biệt coi trọng chuẩn bị đường cầu, lực lượng vận tải, lực lượng phòng không, cơ sở đảm bảo kỹ thuật, tổ chức đảm bảo sức khoẻ cứu thương, điều trị, hoạt động văn hoá văn nghệ, mạng lưới quan sát, mạng thông tin liên lạc, sở chỉ huy và chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ.


Tổ chức vận tải của ta tổ chức theo một dây chuyền nối tiếp giữa các binh trạm trong thời gian trước năm 1971, dây chuyền nối tiếp giữa các sư đoàn khu vực, từ năm 1972 đến năm 1974; nằm trong một dây chuyền khép kín đi thẳng từ sư đoàn tập trung đến từng chiến trường trong những năm 1974-1975, tất cả đều từ phía ngoài vào phía trong. Kẻ địch hoạt động đánh phá ngăn chặn cũng theo kiểu "chuyển làn từ ngoài vào trong”. Thực tế đó đã buộc hoạt động chiến dịch của ta phải áp dụng phương pháp chia giai đoạn theo kiểu: "đột phá trọng điểm vượt khẩu, tập trung chuyển vào sâu đến các hướng chiến trường". Mỗi giai đoạn phải phấn đấu hoàn thành mục tiêu cơ bản của giai đoạn mình, mới tạo cơ sở chủ yếu để đạt được sự cân đối theo "hình tháp”, từ đó hình thành ra các loại chiến dịch vận tải khác nhau: chiến dịch tập đoàn "Binh trạm cửa khẩu" với cái tên là chiến dịch "Binh trạm vạn tấn/tháng", được tổ chức khá hoàn thiện từ năm 1968 đến hết năm 1971. Chiến dịch sư đoàn thọc sâu của các sư đoàn khu vực kết nối nhau thành một dây chuyền vận tải quy mô cao hơn từ năm 1972 đến giữa năm 1974. Chiến dịch vận chuyển chi viện chiến lược thần tốc, toàn chiến trường là một dây chuyền vận tải quy mô cực lớn của một binh đoàn vận chuyển chiến lược cơ động và từ tháng 3 năm 1975 Bộ đội Trường Sơn đã trở thành một binh đoàn dự bị chiến lược cơ động của Bộ vừa cơ động cơ sở vật chất, binh lực, vừa trực tiếp chở bộ binh tấn công truy kích địch, tham gia thực hành cuộc chiến tranh vận động quy mô lớn, thực hành các chiến dịch cơ động liên tiếp trên chiến trường miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam trong một thời gian ngắn.


Chiến dịch vận tải theo phương pháp chia giai đoạn "đột phá trọng điểm vượt khẩu, tập trung chuyển vào sâu đến các hướng chiến trường"; phải huy động được hoạt động đồng đều trên toàn tuyến "bằng sự tổng hợp hoạt động của mọi binh chủng kỹ thuật, trong tổ chức chiến đấu hiệp đồng, có chỉ huy thống nhất chặt chẽ, có hướng chính của chiến dịch, hướng phụ của chiến dịch, hướng chính của binh trạm cửa khẩu, nơi giành giật quyết liệt giữa ta và địch". Hướng phụ là các binh trạm phía trong tranh thủ kẻ địch đang dồn sức đánh phá quyết liệt vùng cửa khẩu, sơ hở vùng phía Nam tuyến, đẩy mạnh vận chuyển cho các chiến trường để các chiến trường có đủ điều kiện mở hoạt động chiến dịch tác chiến sớm hơn. Với ý nghĩa đó, chiến dịch vận tải của chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, đã thông qua hoạt động chiến dịch để phối hợp hướng chính và hướng phụ của chiến dịch vận tải nhằm tác động toàn diện phía sau và phía trước, hỗ trợ cho nhau trong những tháng trọng điểm nhằm dứt điểm kế hoạch vận chuyển chi viện chiến lược đến các chiến trường của ta và chiến trường của bạn.


Chiến dịch vận tải diễn ra theo một chu trình vận tải công kích tiến lên vận tải tổng công kích. Vận tải tổng công kích thường căn cứ vào ba điều kiện thời cơ có lợi, đó là: Gió mùa Đông Bắc hạn chế hoạt động của máy bay Mỹ, ta tranh thủ lấn sáng lấn chiều, Mỹ bị căng ra trên các chiến trường miền Nam khi các chiến dịch Đông Xuân được phát động, khi lực lượng trên toàn tuyến, lực lượng các binh chủng chiến đấu hiệp đồng đã phát triển đồng đều sau khi được "thử nghiệm" sau các đợt vận chuyển công kích.


Nói chung, từ khi vận dụng được nghệ thuật chiến dịch của quân đội ta vào mặt trận vận tải chiến lược đã khắc phục dần những hạn chế, khuyết điểm do chủ quan. Việc tổ chức chiến dịch càng hoàn thiện, sáng tạo được cách đánh tổng hợp, càng giành thắng lợi lớn hơn, nhất là giai đoạn tổng công kích bao giờ cũng vượt chỉ tiêu nhiệm vụ toàn diện so với thời gian tương tự trước đó.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 13 Tháng Tư, 2021, 02:44:51 pm
IV. LỰC LƯỢNG VẬN TẢl ĐA PHƯƠNG THỨC TRƯỜNG SƠN LÀM LỰC LƯỢNG DỰ BỊ CHIẾN LƯỢC TẠI CHỖ CỦA BỘ TRONG CÁC CHIẾN DỊCH LỚN CỦA TA VÀ BẠN TỪ NĂM 1968 ĐẾN NĂM 1975

Tùy theo quy mô và yêu cầu lực lượng vận tải ô tô vừa tham gia phục vụ chiến dịch, vừa trực tiếp làm nhiệm vụ cơ giới hoá lực lượng bộ binh hành tiến tấn công địch, truy kích địch.

Hầu hết các chiến dịch lớn, bộ đội trực tiếp phục vụ cơ động và cơ sở vật chất đến nơi tập kết của chiến dịch, có nơi đến tận trận tuyến chiến đấu.

Tại chiến dịch đường 9 - Khe Sanh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bộ đội vận tải Trường Sơn đã cơ động các sư đoàn bộ binh đi bằng xe ô tô từ Quảng Bình vào tận Đường 9 - Khe Sanh theo tuyến đường vận chuyển chi viện chiến lược Trường Sơn. Trong quá trình diễn biến chiến dịch, một bộ phận xe ô tô ở Trường Sơn đã trực tiếp làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu tại chiến trường; vận tải cơ sở vật chất kỹ thuật đến căn cứ A1 và căn cứ A3 hậu cần mặt trận; còn một bộ phận xe chuyên chở thương binh ra hậu phương.


Trong thời gian ta giải phóng và chiếm giữ thành phố Huế, Bộ đội Trường Sơn đã sử dụng 2 trung đoàn công binh mở đường 73 vào hướng Bình Điền, điều 3 tiểu đoàn xe vận tải, 2 tiểu đoàn phòng không phục vụ chiến đấu và chiến đấu.


Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức xây dựng tuyến hậu cần chiến dịch mở thêm đường mới để các đơn vị vận tải cơ giới đẩy mạnh vận chuyển vật chất vào các khu vực tập kết của bộ đội. Đến đầu tháng 1 năm 1971, dự trữ vật chất đến các hướng chiến dịch đã lên tới 6.000 tấn lương thực bảo đảm cho 5 đên 6 vạn quân tác chiến từ 4 đến 5 tháng. Ngoài ra, trên các tuyến vận tải Trường Sơn còn dự trữ 3 vạn tấn. Hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy chiến dịch do Bộ tư lệnh Trường Sơn đảm nhiệm, các bệnh viện, bệnh xá của Bộ đội Trường Sơn cũng tham gia một phần với B4, B5. Đặc biệt đánh địch ở phía Tây, Bộ giao cho Bộ tư lệnh Trường Sơn đảm nhiệm. Ngoài ra còn giao cho lực lượng phòng không Trường Sơn làm lực lượng chủ lực phòng không của toàn chiến dịch.


Trong chiến dịch tiến công Trị Thiên năm 1972, Bộ tư lệnh Trường Sơn thi hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, tổ chức sở chỉ huy tiền phương do Chính ủy và Phó chính ủy phụ trách cơ động Binh trạm 12, một binh trạm mạnh lật cánh từ Tây Trường Sơn về Đông Trường Sơn nhận toàn bộ cơ sở vật chất hậu cần chiến dịch từ Nam Bến Thủy đến Thành cổ Quảng Trị, sử dụng các tiểu đoàn, trung đoàn ô tô, tiểu đoàn thuyền, chuyển vật chất cho chiến dịch. Các tiểu đoàn thuyền chở vũ khí từ Bến Hải, từ Đông Hà đến chiến hào Thành cổ. Tăng cường 2 trung đoàn công binh mở tuyến đường trên 150km Tây quốc lộ 1A và 1 trung đoàn phòng không đánh địch bảo vệ tác chiến chiến dịch.


Trong chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh (Bắc Quảng Trị, Xuân - Hè 1968), ta chủ trương mở chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn ở mặt trận Đường 9 - Khe Sanh, xem đó là một mặt trận chính của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Đây là một đòn chính của bộ đội chủ lực ta nhằm thu hút quân cơ động Mỹ, tiêu diệt một bộ phận, vây hãm và giam chân tiêu hao chúng, tạo thế cho các chiến trường khác, nhất là Sài Gòn - Huế - Đà Nẵng, trực tiếp là Huế tiến công và nổi dậy thắng lợi.


Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Bộ tư lệnh Trường Sơn tổ chức xây dựng tuyến hậu cần chiến dịch, mở thêm đường mới để các đơn vị vận tải cơ giới đẩy mạnh vận chuyển vật chất vào các khu vực tập kết của bộ đội, đến đầu tháng 1 năm 1974 dự trữ vật chất đến các hướng chiến dịch đã lên tới 6 nghìn tấn, đủ bảo đảm cho từ 5 đến 6 vạn quân tác chiến từ 4 đến 5 tháng. Ngoài ra, trên các tuyến vận tải thuộc Trường Sơn còn dự trữ hơn 3 vạn tấn. Hệ thống thông tin liên lạc chỉ huy được bộ đội thông tin Trường Sơn đảm nhiệm, các bệnh viện, bệnh xá Trường Sơn cũng tham gia một phần với B4, B5.


Trong chiến dịch tiến công Trị - Thiên (1972), Bộ tư lệnh Trường Sơn thi hành mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh cơ động một binh trạm mạnh (Binh trạm 12) từ Tây Trường Sơn về Đông Trường Sơn, đảm nhận toàn bộ hậu cần chiến dịch từ Nam Bến Thủy (Hà Tĩnh) đến Thành cổ Quảng Trị, sử dụng các tiểu đoàn ô tô và Tiểu đoàn thuyền vận chuyển vật chất cho chiến dịch. Tiểu đoàn thuyền vận chuyển vũ khí từ Vĩnh Linh vào Quảng Trị, đến tận mặt trận Thành cổ.


Trong chiến dịch Tây Nguyên Xuân 1975, Sư đoàn công binh 470, Sư đoàn ô tô 471, Sư đoàn bộ binh 968 và 3 trung đoàn cao xạ của Bộ đội Trường Sơn chiếm gần một nửa lực lượng tham gia chiến dịch, trực tiếp tham gia chiến đấu, đảm nhiệm về cơ bản công tác đảm bảo hậu cần chiến dịch, mở đường chiến dịch bí mật vào thị xã Buôn Ma Thuột, dùng ô tô chở bộ binh tiếp cận thị xã trước giờ nổ súng. Sau khi giải phóng thị xã, xe Sư đoàn ô tô 471 đã cơ động các sư đoàn của Tây Nguyên, Sư đoàn 968 truy kích tiến công địch xuống đồng bằng Khu 5 thực hiện chia cắt chiến lược.


Trong chiến dịch Trị Thiên - Huế vỀ chiến dịch Đà Nẵng, hai chiến dịch vừa của Quân khu Trị Thiên, Quân đoàn 2 và Quân khu 5 nhằm tiêu diệt quân đoàn 1 quân khu 1 ngụy, một tập đoàn phòng ngự mạnh của địch ở đầu phía Bắc, Sư đoàn ô tô 571 đã cơ động Quân đoàn 2 hành tiến vào Đà Nẵng hợp điểm với Sư đoàn 2 Quân khu 5 và lực lượng địa phương giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng. Theo tinh thần "thần tốc", Bộ tư lệnh Trường Sơn đã tăng cường 2 sư đoàn công binh và 2 trung đoàn cầu bảo đảm nhanh chóng khôi phục cầu đường cho chiến dịch.


Để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng vận tải đa phương thức: bộ đội ô tô, bộ đội xăng dầu đã bảo đảm đầy đủ nhất, đồng bộ nhất vật chất cho chiến dịch, Bộ tư lệnh Trường Sơn còn sử dụng 2 sư đoàn xe ô tô cơ động các quân đoàn 1, 2, 3, Sư đoàn 341 (tăng cường cho Quân đoàn 4 trước đó) và Quân đoàn 4 hành tiến tấn công địch ở Sài Gòn - Gia Định đến tận dinh Độc Lập .


Vận tải đa phương thức trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đóng vai trò trung tâm, đồng thời là lực lượng chủ công trên tuyến chi viện chiến lược, đã cùng với các lực lượng khác hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 15 Tháng Tư, 2021, 03:15:41 pm
XÂY DỰNG VÀ BÀO ĐẢM THẾ TRẬN ĐƯỜNG CẦU KỲ HÌNH, ĐA DẠNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH


TÔ ĐA MẠN
Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần,
nguyên Phó Cục trưởng Cục Công binh Bộ tư lệnh Trường Sơn

PHẠM THỌ
Nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Công binh,
nguyên Tham mưu trưởng Cầu đường Binh trạm 14 - Bộ tư lệnh Trường Sơn

HOÀNG NGỌC CHÂU
Nguyên Viện trưởng Viện Thiết kế Binh đoàn 12, nguyên Trưởng phòng Thiết kế Cục Tham mưu công binh Bộ tư lệnh Trường Sơn


Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, Đảng ta đã xác định: Miền Nam là tiền tuyến lớn, miền Bắc là hậu phương lớn. Nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn được xây dựng như một cầu nối nằm trong không gian chiến lược được xác định là căn cứ hậu phương trực tiếp của các chiến trường.


Ban đầu căn cứ này còn nhỏ hẹp, theo yêu cầu của cuộc kháng chiến đã phát triển trở thành rộng lớn, bao gồm 21 tỉnh liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương: Việt, Lào, Campuchia, đã thực sự trở thành một hướng chiến trường tổng hợp.


Từ một tuyến đường dần dần đã trở thành một hệ thống đường chằng chịt được xây dựng với 17.000km đường ô tô, 500km đường sông, 3.000km đường giao liên gùi thồ, có các cụm kho chiến lược chiến dịch, các xưởng máy, bệnh viện, đội điều trị, phục vụ các tuyến chiến dịch. Còn có 1.400km đường ống xăng dầu từ Bắc vào Nam, một mạng đường thông tin tải ba 1.400km nối từ hậu phương lớn đến tận các chiến trường. Ngoài ra còn có sân bay dã chiến, các cảng sông, cảng biển ở Quảng Bình, Quảng Trị, đó là hạ tầng cơ sở vững chắc, là xương sống của căn cứ chiến lược đảm bảo vận chuyển liên tục trong suốt 16 năm chống Mỹ (từ năm 1959 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975).


Nhận rõ nguy cơ của con đường Hồ Chí Minh, đế quốc Mỹ đã tìm đủ mọi cách ngăn chặn. Hằng ngày, máy bay hiện đại đủ loại, trên bổn triệu tấn bom đạn cùng hàng trăm nghìn phương tiện vũ khí đổ xuống căn cứ, đổ xuống tuyến đường. Bộ đội Trường Sơn, với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc, đã chiến đấu liên tục, chịu đựng mọi gian khổ hy sinh, đứng vững trên chiến trường chống ngăn chặn và đã thắng lợi.


Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn thực sự là một chiến trường tổng hợp, một chiến trường vô cùng ác liệt, gian khổ.

Công binh, thanh niên xung phong - lực lượng quyết định đảm bảo cơ sở hạ tầng, ngày đêm liên tục chiến đấu trên mặt trận cầu đường, là một thành phần của binh chủng hợp thành, lấy vận chuyển làm trung tâm; là một lực lượng chiến đấu tại chỗ đông đảo nhất, trực tiếp nhất, đồng thời là lực lượng dự bị chiến lược tăng cường cho các chiến dịch lớn. Lực lượng đó đã "xẻ dọc Trường Sơn" làm nên chiến công rạng rỡ, cũng là lực lượng chịu nhiều tổn thất. Gần 9.000 cán bộ, chiến sĩ gồm công binh, thanh niên xung phong, cán bộ, công nhân giao thông ngã xuống. Hàng vạn người khác mang thương tích trong mình hoặc bị nhiễm chất độc điôxin da cam đã nói lên tinh thần dũng cảm hy sinh và chiến đấu ác liệt đó.


Trên mặt trận cầu đường, bộ đội công binh - lực lượng đông đảo nhất trong tổ chức binh chủng hợp thành là một lực lượng đa năng, đảm nhận nhiều nhiệm vụ: làm đường mới, chống phá hoại, bảo đảm giao thông, chiến đấu bắn máy bay bay thấp, đánh địch mặt đất bảo vệ hành lang, cứu xe, cứu hàng..., nhưng xác định có hai chức năng chủ yếu nhất, đó là:

- Xây dựng phát triển hệ thống cầu đường kỳ hình, đa dạng.

- Chống phá hoại, đảm bảo giao thông, đảm bảo cầu đường luôn thông suốt phục vụ vận chuyển an toàn, liên tục.


Từ hai chức năng trên, có hai phương thức tác chiến trên mặt trận cầu đường. Mỗi phương thức tác chiến do một lực lượng chuyên đảm nhiệm, với tổ chức khác nhau, trang bị, chiến thuật khác nhau, mục tiêu tác chiến cụ thể khác nhau, nhưng đều có một nhiệm vụ chung, cao nhất là đảm bảo cho nhiệm vụ trung tâm của toàn tuyến là vận chuyển được nhanh chóng, an toàn tới chiến trường.

- Lực lượng chuyên mở đường: Tổ chức thành các trung đoàn, sư đoàn cơ động và thường được giao mở các tuyến trọng yếu như hệ thống trục dọc, trục ngang mang tính chiến lược, chiến dịch, một số đường vòng tránh trọng điểm lớn, đường chuẩn bị cho các chiến dịch ở các chiến trường.

- Lực lượng chuyên bảo đảm giao thông: Được tổ chức thành các tiểu đoàn, nằm trong thành phần của binh chủng hợp thành ở binh trạm vận tải, thường được tổ chức thành trung đoàn nằm trong thành phần của binh chủng hợp thành sư đoàn khu vực với nhiệm vụ chủ yếu, đảm bảo giao thông thông suốt liên tục; xây dựng công sự, cứu lái xe, cứu xe, cứu hàng.

Cả hai lực lượng trên, tuy chức năng khác nhau, nhưng cũng dễ dàng chuyển hoá cho nhau, vì mở đường mới cũng là một phương thức bảo đảm giao thông, để vận chuyển được liên tục. Đã có những trung đoàn cơ động sau khi mở đường xong được giữ lại đảm bảo giao thông có nhiều thuận lợi. Lực lượng công binh thuộc các binh trạm vận tải cũng dành ra một lực lượng để mở các tuyến đường trong các căn cứ kho, đường tập kết tiếp cận tuyến vận tải xây dựng công sự cho kho hàng.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 15 Tháng Tư, 2021, 03:16:55 pm
I- XÂY DỰNG HỆ THỐNG GIAO THÔNG HOÀN CHỈNH, VỮNG CHẮC THEO HÌNH THỨC KỲ HÌNH, ĐA DẠNG, COI ĐÓ LÀ MỘT YÊU CẦU CẤP BÁCH TRONG CÔNG TÁC VẬN TẢI CHIẾN LƯỢC

Trong giai đoạn đầu, cầu đường ta ở thế độc đạo nên địch thực hiện được ý đồ ngăn chặn. Từ đó ta quy hoạch phát triển một mạng lưới cầu đường kỳ hình, đa dạng, liên hoàn đồng bộ, coi đó là biện pháp tối ưu để xoá thế độc đạo đơn tuyến nhằm đánh thắng cuộc chiến ngăn chặn chi viện của đế quốc Mỹ trên chiến trường Trường Sơn.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi kẻ địch tiến hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ" ở miển Nam, mở rông chiến tranh phá hoại ra miền Bắc; để đánh thắng cuộc chiến tranh hiện đại ấy, ta phải có mạng đường tương ứng với quy mô tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng. Trong toàn cục cuộc chiến tranh giải phóng cũng như trong phạm vi hoạt động hậu cần vận tải chiến lược, hệ thống giao thông giữ vị trí quyết định, chi phối mọi khâu thực hiện nhiệm vụ, nếu mạng cầu đường không phát triển hoặc không vững chắc thì không thể đạt bất cứ một chỉ tiêu kế hoạch nào đáng kể. Do đó, trên tuyến vận tải Trường Sơn, yêu cầu tất yếu phải có một mạng giao thông hoàn chỉnh, vững chắc mới đủ sức đối phó với kẻ địch chiếm ưu thế tuyệt đối về hoả lực không quân và có điều kiện sử dụng rộng rãi kỹ thuật điện tử vào chiến tranh ngăn chặn.


Trên địa bàn Trường Sơn, mạng cầu đường là trận tuyến cả chiều dài và chiều rộng, là thế trận chung của các binh chủng hợp thành trong một chiến trường tổng hợp, trong cơ cấu tổ chức vận tải quân sự chiến lược. Vì thế, việc xây dựng mạng giao thông phải quán triệt phương châm chỉ đạo bám sát mục tiêu quân sự và phải nắm thật vững sự so sánh thế và lực giữa ta và địch một cách toàn diện, trong phạm vi chiến tranh ngăn chặn chi viện của Mỹ để cải tạo địa hình Trường Sơn, từng bước xây dựng thành thế trận giao thông hoàn chỉnh, ngày càng vững chắc, phù hợp với vận chuyển binh lực, hoả lực, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các chiến trường ta và của bạn.


Hệ thống giao thông hoàn chỉnh vững chắc theo hình thức kỳ hình, đa dạng là một mạng đường gồm nhiều loại đường khác nhau như: hệ thống các trục đường vượt khẩu và các trục đường ra các chiến trường; hệ thống các trục đường dọc xuyên Bắc - Nam, đường liên hoàn Đông - Tây Trường Sơn, đường vòng tránh, đường ngang liên thông các trục dọc; hệ thống đường cầu quân sự dã chiến với đường cầu xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp 4 miền núi; hệ thống đường ống dẫn xăng dầu xuyên Trường Sơn; hệ thống đường sông, đường thông tin tải ba; hệ thống đường "hồ" - đường công khai, hệ thống đường "kín", đường bí mật, đường nghi binh thu hút địch; hệ thống đường chiến lược, đường chiến dịch, đường chiến thuật; đường vận tải vật chất kỹ thuật, đường cơ động binh lực và binh khí kỹ thuật; đường hành quân bộ, đường gùi thồ, đường hành quân giao liên cơ giới... Mạng đường, cầu kỳ hình, đa dạng là thành quả của cuộc chiến tranh chống ngăn chặn, là kết tinh sự sáng tạo đầy lý thú của bộ đội công binh Trường Sơn. Đó là một trong các biện pháp mang tính chiến lược góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược và cuộc chiến tranh ngăn chặn của Mỹ.


Thế trận giao thông đó đã đạt được các yêu cầu cơ bản sau đây:

1. Có chính diện rộng, bảo đảm triển khai được nhiều trục dọc, trục ngang liên hoàn phá thế độc đạo, đảm bảo đội hình chiến thuật của các binh chủng chuẩn bị bước vào chiến đấu, vượt hệ thống trọng điểm

Do đặc điểm về địa hình vùng tiếp giáp giữa hai tuyến vận tải quân sự hậu phương và Trường Sơn trong điều kiện không quân Mỹ đánh phá rất ác liệt, như là một thực nghiệm có tính chiến lược của Mỹ thì việc chuẩn bị để tổ chức vận chuyển "nhập tuyến" rất quan trọng. Hằng năm, toàn bộ khối lượng vật chất kỹ thuật chuyển lên cho các chiến trường đều tập trung tại khu vực tiếp giáp giữa hai tuyến là căn cứ cơ bản của tuyến phía trước, tức là tuyến Trường Sơn. Các lực lượng phòng không, công binh phải sẵn sàng đánh thắng mọi thủ đoạn oanh tạc đánh phá của Mỹ. Cuộc chiến đấu đó mang tính chất một chiến dịch "tiến công đột phá" lưới lửa ngăn chặn của địch. Thực tế chiến đấu đòi hỏi phải có một khu vực triển khai đội hình tác chiến, đội hình nhiều mũi cơ giới có thể cơ động thọc qua vùng địch ngăn chặn. Nếu không tổ chức được một "chính diện" rộng thì không thể tổ chức chiến đấu hiệp đồng, bảo đảm vượt khẩu trên nhiều hướng trong cùng một thời gian, thậm chí còn bị tổn thất nghiêm trọng.


Phạm vi "chính diện" của tuyến chi viện chiến lược phải đủ rộng để triển khai toàn bộ các đội hình cơ giới và các tổ chức cơ bản bao gồm nhiều vùng kho bố trí phù hợp để tiếp nhận được khối lượng hàng của tuyến hậu phương quốc gia chuyển lên, thông thường hai tháng đầu mùa khô đã tiếp nhận 25 - 30% tổng khối lượng hàng cả năm, các khu tập kết bộ binh hành quân và các đoàn binh khí kỹ thuật hành quân đi các hướng chiến trường, các khu vực triển khai được đội hình vận tải vượt khẩu theo thứ tự ưu tiên. Mạng cầu đường ngang dọc cơ động thuận lợi trong phạm vi "chính diện", các điểm tổ chức tác chiến bảo vệ "chính diện"; có hệ thống công sự và ngụy trang chống địch oanh tạc, bảo đảm an toàn lực lượng, phương tiện hàng hoá.


Căn cứ những yêu cầu cơ bản đó, dựa vào địa hình cho phép và địa hình địch thường đánh phá, tuyến vận chuyển chi viện chiến lược đã triển khai "chính diện" từ 90 - 150km có diện tích 250-270km2.


Mặc dù năm nào địch cũng liên tục đánh dữ dội, nhưng nhờ có "chính diện" rộng, chuẩn bị chu đáo, ta đã hạn chế tổn thất đến mức thấp nhất và hoàn toàn chủ động thay đổi các hướng đột phá vượt khẩu dễ dàng khi cần thiết, bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ ngay từ chặng đầu.


Phải có từ 4 đến 5 trục vượt khẩu trên "chính diện" mới phát huy được sức mạnh đồng đều của các lực lượng cơ giới. Trên mặt trận vận chuyển chi viện chiến lược, các hướng vận chuyển trong chiến tranh đều mang tính chất "trục tiến công" của binh chủng cơ giới. Đối với tuyến Trường Sơn, do điều kiện địa lý tự nhiên, các trục giao thông phải cắt ngang dãy Trường Sơn, từ phía Đông vượt sang phía Tây Trường Sơn và Tây Trường Sơn vượt qua Đông Trường Sơn; trong hoàn cảnh địch đánh ngăn chặn rất ác liệt, các đơn vị vận tải cơ giới, các đơn vị binh khí kỹ thuật đều phải tổ chức vượt qua vùng trọng điểm của không quân Mỹ. Mặt khác, trên các trục vượt khẩu, kẻ địch đặc biệt tập trung oanh tạc hủy diệt những địa hình hiểm yếu. Nếu chỉ có 1 đến 2 trục vượt khẩu thì hoàn toàn không thể tổ chức vận chuyển lớn, cũng không sao bảo đảm nổi cho các đơn vị binh khí kỹ thuật vào tới vị trí theo yêu cầu. Ví dụ những năm 1971-1972, địch đã tiến hành 11.036 phi vụ cường kích cộng 3.667 phi vụ B.52 đánh vào 4 cửa khẩu, nếu chỉ có 1 cửa khẩu thì phải chịu tới 226.233 quả bom, sẽ không một xe nào đi qua nổi trọng điểm.


Thực tiễn chiến đấu buộc tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn phải mở đến 5 trục vượt khẩu, sử dụng thường xuyên 4 trục trong cả năm mới thực hiện được nhiệm vụ chi viện. Do có nhiều trục vượt khẩu, cho phép công tác chỉ huy chiến dịch vận tải trong giai đoạn đầu mùa khô ta giành quyền chủ động, chọn trục đường có nhiều thuận lợi nhất làm hướng đột kích chủ yếu vượt trọng điểm ngăn chặn. Hoặc có thể cơ động chuyển hướng vượt khẩu khi cần thiết, cũng như có thể quy định riêng đường hành quân cho bộ binh, cho binh chủng kỹ thuật, riêng đường vận chuyển hàng hoá thích hợp với tính năng việt dã của phương tiện.


Khi đã có nhiều trục vượt khẩu, ta buộc địch phải phân tán hoả lực, không thể tập trung lực lượng đánh phá dài ngày với lực lượng bom đạn tương tự, trong cùng thời gian trên tất cả các cửa khẩu, đó là chỗ hạn chế của Mỹ, mặc dù Mỹ là một nước giàu mạnh nhất thế giới.


Trước năm 1965, ta mới cải tạo khôi phục được một con đường vượt khẩu là đường 12, có từ thời Pháp, từ Khe Ve qua Bãi Dinh, Mụ Giạ đến Lằng Khằng nhập vào trục 128 là trục dọc ta mới mở dài 88km.


Để phá thế độc đạo, ta mở thêm đường 20 Quyết Thắng từ Phong Nha (Bố Trạch, Quảng Bình) qua dốc Ba Thang, U Bò, Cà Roòng, cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, Ka Tốc đến Lùm Bùm nối trục dọc 128, là con đường vượt khẩu lớn, phải tổ chức chiến dịch mở đường, chỉ trong vòng 5 tháng mở xong đưa vào sử dụng ngay.


Những năm tiếp theo, ta mở tiếp đường vượt khẩu - đường 18 - từ đường 10 qua Trà Vinh, đến Huội Thôn, Kho Vinh nối với đường số 9; đồng thời, mở luôn đường vượt khẩu đường 16 từ Thạch Bàn, Quảng Bình, qua cầu Khỉ, Mường Trương, Cha Ky đến Bản Đông nối với đường 9, dài 112km.


Nhìn chung, việc xây dựng, phát triển mạng đường vượt khẩu là xuất phát từ nhận biết âm mưu thủ đoạn quy luật đánh phá ngăn chặn của Mỹ, từ tư tưởng chủ động tấn công, ta quyết giữ quyền chủ động trong mọi tình huống, do đó phải đầu tư công sức liên tục qua nhiều năm, năm trước phải chuẩn bị cho năm sau nhiều hơn so với mọi khu vực khác trên tuyến.


Phải dựa vào những phương án vận chuyển mà tổ chức chỉ huy hết sức chặt chẽ, tích cực tranh thủ cải tạo địa hình, đổi mới thế trận bảo đảm chống địch ngăn chặn bằng sức mạnh của các binh chủng hợp thành. Tuy nhiên, so với toàn tuyến, hầu hết các năm địch đánh ác liệt (1965-1972), các lực lượng trên những khu vực vượt khẩu vẫn chịu tổn thất lớn nhất.


Tuyến chi viện chiến lược do hoàn cảnh địa lý từ các trục dọc đi đến các chiến trường, ta phải xây dựng các trục ngang từ hành lang Tây Trường Sơn vượt đỉnh Trường Sơn sang phía Đông để tiếp cận hậu phương các quân khu. Trên các trục ngang ra chiến trường lại hình thành những trọng điểm vượt khẩu tương tự như ở hậu phương vượt lên Tây Trường Sơn. Kẻ địch ra sức ngăn chặn tại đây, không chỉ bằng không quân mà cả lục quân, thường xuyên tiến công lấn chiếm. Tuyến vận chuyển chiến lược phải phối hợp chặt chẽ với các quân khu để đánh trả địch, cải tạo các trục ngang thành đường hai chiều, hình thành mạng đường chiến dịch liên hoàn với mạng đường chiến lược.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 15 Tháng Tư, 2021, 03:18:10 pm
2. Xây dựng hệ thống đường cầu liên hoàn, đồng bộ Đông, Tây Trường Sơn đáp ứng yêu cầu vận chuyển lớn binh lực, hoả lực, cơ sở vật chất kỹ thuật cho các chiến trường ta và chiến trường bạn

Tuyến vận chuyển chi viện chiến lược có chiều sâu nằm dọc cao nguyên Trường Sơn. Xét về mặt chiến lược quân sự, nó là vùng hậu phương trực tiếp rộng lớn, vững chắc bảo đảm cho các đòn tiến công chiến lược của ta. Xét riêng góc độ chi viện, đây là địa bàn triển khai các binh chủng của một chiến trường tổng hợp tác chiến của các binh chủng vận tải đa phương thức, công binh xây dựng mạng cầu đường kỳ hình, đa dạng, bộ binh giải phóng đất đai xây dựng căn cứ chiến lược, phòng không triển khai tác chiến đánh địch trên không, hậu cần chiến lược triển khai kho tàng, cơ sở đảm bảo kỹ thuật, dự trữ chiến lược và chiến dịch...


Nhận rõ mối nguy cơ dẫn đến thất bại trên chiến trường miền Nam, trên chiến trường Đông Dương nếu không chặn được nguồn tiếp tế chủ yếu này, nên Mỹ đã sử dụng khối lượng bom đạn lớn nhất hòng xoá bằng được tuyến vận chuyển chiến lược của ta. Để chiến thắng âm mưu thâm độc của Mỹ, tuyến chi viện chiến lược không có cách nào khác phải tổ chức kiểu chiến đấu hiệp đồng binh chủng lấy vận tải làm trung tâm để đảm bảo vận chuyển liên tục cho các chiến trường, đồng thời đẩy nhanh tốc độ xây dựng cầu đường tạo thành một hệ thống giao thông đồng bộ liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn.


Đường Hồ Chí Minh có nhiều trục dọc, chạy song song từ các cửa khẩu xuống phía Nam. Những trục dọc được nối liền với nhau bằng nhiều đường ngang, dần dần xoá bỏ thế độc đạo trong chiều sâu của tuyến chi viện chiến lược. Trong tình hình địch đánh phá ngăn chặn cầu đường ngày càng quyết liệt, một trong những phương thức đánh phá nổi trội nhất của chúng là gây trọng điểm ở những địa hình hiểm yếu, phát triển từ trọng điểm đơn đến trọng điểm kép, trọng điểm liên hoàn đến trọng điểm liên hoàn cực lớn. Từ đầu mối các cửa khẩu đến đầu mút vào các chiến trường Mỹ đã mở ra trên 50 trọng điểm vừa và lớn kế tiếp nhau; chặt tuyến vận tải của ta ra từng đoạn. Phương thức giải toả trọng điểm của ta là nối các đường vòng tránh trên tuyến lại với nhau, lúc đầu chỉ là trục dọc chiến thuật từng đoạn, tiếp theo nối các trục dọc chiến thuật lại thành nhiều trục dọc bổ trợ chiến lược. Trục dọc 128A là một trục dọc xuyên Trường Sơn, bên cạnh có các trục 129 và 128B, 22, 23 và 24. Trục ngang cũng như vậy, trục ngang vượt các cửa khẩu cũng như trục ngang vào các đầu mút chiến trường, nối các đường vòng tránh trọng điểm trên các trục ngang thành nhiều trục ngang. Trục ngang 20A là một trục ngang từ Đông lên Tây Trường Sơn, bên cạnh đó có các trục 20B, 20C, 20Đ, 20E, 20K. Đến khi có một tập đoàn trục dọc chiến lược là lúc ta hoàn toàn vô hiệu hoá phương thức gây trọng điểm ngăn chặn của địch và đồng thời ta có một mạng đường đạt tỷ lệ thích ứng với mật độ lưu lượng xe của vận chuyển quy mô lớn.


Có như vậy mới thực hiện tốt chỉ tiêu nhiệm vụ vận tải chiến lược và bảo đảm được các binh chủng cơ giới vào chiến trường với quy mô trung đoàn, sư đoàn, quân đoàn. Trên thực tế ta đã xây dựng thành công hệ thống trục dọc hay là tập đoàn trục dọc chiến lược chạy dài hai sườn Đông - Tây Trường Sơn.


Do địa hình thời tiết, nhất là do tình hình đánh phá của địch, các trục dọc chiến lược phía Tây được hình thành trước, số lượng nhiều hơn phía Đông (phía Tây có 4 trục, phía Đông có 1 trục).


Trục dọc đầu tiên xuyên suốt trung tâm Trường Sơn là trục 128A. Với ý nghĩa một trục dọc mở đầu tiên trên toàn tuyến nên đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo rất chặt chẽ hướng tuyến và các biện pháp thực hiện. Đây là trục mang tính định hướng chiến lược làm cơ sở để mở các hướng tuyến khác.


Bằng các chiến dịch tiến công, liên quân Lào - Việt từ tháng 12 năm 1960 đã giải phóng một vùng đất đai rộng lớn từ Cam Cốt, Lạc Sao, Mường Phin, Sê Pôn, Bản Đông, tạo thành một hành lang dài với một chiều rộng từ Đông sang Tây dài 60km.

Trục dọc đường 128A.

Chuẩn bị cho việc xây dựng tuyến đường, Bộ tư lệnh Công binh đã cử các đội khảo sát vào tuyến, định tuyến trên thực địa xong đoạn Bản Đông đi Sê Kông (Bạc) theo đúng ý đồ của Bộ Tổng tham mưu qua các điểm khống chế đã định vị trên bản đồ. Đầu năm 1964, Bộ đã lệnh điều động Trung đoàn dự bị công binh 98 vào tuyến, giữa năm 1965 là Trung đoàn 279. Hai trung đoàn đã triển khai theo đội hình "cuốn chiếu", "nhảy cóc" bắt đầu từ Nam Bản Đông, Mường Noòng qua La Hạp, Đèo Long, Bô Phiên, Sê Ca Mán, Sê Sụ, Phi Hà, Tà Xẻng, Ngã ba Đông Dương. Để bảo đảm bí mật bất ngờ của trục dọc đầu tiên nên Trung đoàn 98 chủ yếu thi công bằng công cụ thô sơ. Qua 17 tháng (từ ngày 9 tháng 8 năm 1964 đến khi tới điểm cuối là Tà Xẻng ngày 31 tháng 12 năm 1965) trục dọc đầu tiên từ Nam đường số 9, dài 250km, đã được hình thành. Tiếp theo, năm 1965, đường nối từ Mụ Giạ đến đường số 9 tại Na Bo dài 176km. Năm 1966 thi công đường 35 (sau đó đổi là đường 128A) tính đến Tà Xẻng, đường có chiều dài 586km. Những năm sau, Trung đoàn 98 mở tiếp nối liền đến Sê Rê Pốc, toàn trục dọc có chiều dài 831km.


Trục dọc đường 23 Mường Phin đi Át Ta Pư.

Trục 23 phía Tây được xây dựng sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Ta tận dụng được một số đoạn đường đã có từ thời Pháp, tương đối bằng phẳng, mặt đường rộng hơn đáp ứng được đội hình vận chuyển lớn, binh khí kỹ thuật đi thẳng vào Nam Bộ gần hơn, an toàn hơn.


Đường 22 (Sa Đi - Tăng Cát C).

Là trục dọc nằm giữa trục đọc đường 128 và trục dọc đường 23. Trục này từ Sa Đi đến điểm cuối đường 35 qua Suối Hai, Hội Môn nối với trục dọc 128 tại K4 đi Tăng Cát C. Trục dọc 22 có các đường liên hoàn gọi là trục dọc chiến thuật ở phía Nam đường 9 hỗ trợ tích cực cho hai trục dọc 128 và 23 trong mùa vận chuyển.


Trục dọc đường "kín" 24 từ kilômét 54 đường 20 và từ kilômét 6 đường 18 đến kho K4 Binh trạm 37.

Trục đường 24 là một trục đường "kín", xe vận chuyển ban ngày xuyên suốt từ Tây Quảng Bình qua các tỉnh vùng Trung - Hạ Lào kéo dài đến Sê San (Tây Nguyên) do các trung đoàn công binh cơ động 10, 217, 98, 4 và các lực lượng của 9 binh trạm thi công trong một thời gian rất ngắn từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1972. Nếu tính cả đường tránh, đường đôi đi kín tổng số chiều dài là 3.000km, có nhiều đường liên thông qua các trục đường chính, đường ngang đường tránh, nhiều đoạn là kín. Đường "kín" xuyên Trường Sơn là một sáng tạo độc đáo chống chiến tranh ngăn chặn, thay đổi quy luật hoạt động vận chuyển của ta, vô hiệu hoá phương thức đánh phá bằng AC.130, phương thức cuối cùng của Mỹ trên chiến trường Trường Sơn.


Trục dọc đường Đông Trường Sơn xây dựng cơ bản có tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, từ Tân Kỳ, Nghệ An đến Chơn Thành, Bình Phước 1.200km.

Tuyến đường này qua hai giai đoạn thi công. Giai đoạn đầu: sau khi giải phóng Khe Sanh năm 1968; giai đoạn cuối: sau khi Hiệp định Pari được ký kết.

Để thoả mãn được nhu cầu vật chất phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới từ năm 1971-1972 trở đi, kịp thời phục vụ những chiến dịch của các chiến trường, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã liên tục nghiên cứu quy luật thời tiết khác nhau ở hai vùng Đông - Tây Trường Sơn vạ, nghiên cứu phương án mở thêm hệ thống phía Đông Trường Sơn, thực hiện chủ trương "lấn mùa" bằng phương pháp "lật cánh", đặt ra tiền để tăng khối lượng chi viện trên cơ sở tăng thời gian vận chuyển trong năm với tổng số phương tiện vận chuyển không đổi. Tuy nhiên, trong điều kiện so sánh lực lượng địch - ta chưa có lợi cho ta ở khu vực phía Đông, nên công binh mới chỉ xây dựng được những đoạn đường có tính chất bổ trợ. Nhưng sau khi Hiệp định Pari được ký kết, thế và lực của địch ở Tây Nguyên đã yếu đi, Bộ tư lệnh Trường Sơn chấp hành quyết tâm của trên, mở nhanh tuyến Đông Trường Sơn vào Nam Bộ theo tiêu chuẩn cấp 4 miền núi. Chỉ sau một thời gian tương đối ngắn, mạng cầu đường đã phát huy tác dụng tích cực, đạt được giá trị đặc biệt quan trọng là:


Về mặt quân sự: Trục phía Đông tạo được khả năng vận tải dồn dập khối lượng lớn vật chất kỹ thuật đến ngay hậu phương chiến dịch của các quân khu; sớm dứt điểm được chỉ tiêu nhiệm vụ trước mắt, tăng được khả năng tạo nguồn dự trữ chiến lược của Bộ; thúc đẩy các cấp chiến dịch xuống với cấp dưới một cách chắc chắn hơn, giảm được nhiều công gùi thồ của bộ đội chiến đấu.


Về mặt kinh tế: Tuyến vận tải phía Đông Trường Sơn ngắn hơn tuyến phía Tây Trường Sơn gần 400km, giảm được rất nhiều chi phí cho 1 tấn vận chuyển, tỷ lệ tiêu hao kỹ thuật cũng nhỏ hơn (từ 0,79% xuống 0,25%).


Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, để chuẩn bị tích cực đẩy nhanh công cuộc giải phóng miền Nam, với Quyết định so 247/TTg ngày 17 tháng 11 năm 1973 của Chính phủ, tuyến Đông Trường Sơn được xây dựng cơ bản đạt tiêu chuẩn cấp 4 miền núi, có đoạn đạt cấp 3 (vùng A Sầu, A Lưới) cầu cống bê tông cốt thép, trọng tải lớn, tổng chiều dài 1.200km.


Do yêu cầu tiến độ nên lực lượng xây dựng được huy động khá lớn, quân số (38.000 người) gồm các sư đoàn công binh 473, 472, 470, 565, lực lượng thanh niên xung phong một số tỉnh. Lực lượng các trường đại học Xây dựng, Giao thông vận tải, Mỏ - Địa chất, kỹ sư cầu đường các cơ quan nhà nước cũng được huy động bổ sung cho Trường Sơn. Xe máy, thiết bị thi công các loại của Nhà nước, quân đội, viện trợ của các nước Cu Ba, Thụy Điển được tăng cường, đặc biệt là của Cu Ba.


Trục dọc Đông Trường Sơn áp sát các căn cứ phía Đông của các quân khu đã trở thành một trong những tuyến cơ động các binh đoàn chủ lực và binh khí kỹ thuật hiện đại vào giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng Huế - Đà Nang, tiếp theo là chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam.


Tuy nhiên, trong tình hình chiến tranh đang diễn biến phức tạp, để giữ vững quyền chủ động, Bộ tư lệnh Trường Sơn chủ trương đẩy mạnh tốc độ hoàn thiện hệ thống chiến lược Đông Trường Sơn; đồng thời ra sức cải tạo nâng chất lượng hệ thống trục dọc Tây Trường Sơn, tranh thủ xây dựng tốt các trục đường ngang, củng cố thế liên hoàn vững chắc của tuyến vận tải chiến lược, bảo đảm chi viện ngày càng lớn cho các chiến trường Nam Đông Dương... Đây là chủ trương hết sức chính xác, vừa bảo đảm tính vững chắc lâu dài, đồng thời vẫn đạt được tính chủ động chuẩn bị lớn cho thời cơ chiến lược.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 15 Tháng Tư, 2021, 03:19:02 pm
3. Xây dựng công trình vượt sông, suối thích nghi với hoàn cảnh chiến tranh, bảo đảm đội hình xe lớn vượt liên tục, bí mật, an toàn

Do đặc điểm địa hình Trường Sơn, các trục vận chuyển phải vượt rất nhiều sông suối, kẻ địch thường xuyên tập trung đánh mạnh những bến vượt, cầu phà của ta, nên cuộc chiến đấu ở đây phải giành giật từng giờ, từng ngày đêm với địch.


Bộ đội công binh phải xây dựng trên mỗi khu vực vượt sông thành một trận địa vượt sông kiên cường, có diện tích rộng từ 5 đến 7km mới đủ cho lực lượng cơ giới triển khai vượt sông; ở những khu vực địch đánh mạnh phải có ít nhất từ 3 đến 4 bến vượt cách nhau khoảng 2km để có thể tập trung đội hình tranh thủ vượt sông nhanh gọn. Ở hai đầu bến vượt, nhất thiết phải tạo ra được khu tập kết xe và phải có những đường "kín" cơ động tới các bến vượt khác khi cần thiết như ở các bến vượt sông Sê Băng Hiên, năm 1972.


Công tác chỉ huy vượt sông đặc biệt quan trọng, trên những hướng chủ yếu phải do binh trạm trực tiếp chỉ huy các binh chủng hiệp đồng chiến đấu mới xử trí được các tình huống phức tạp.

Trên tuyến vận chuyển chi viện chiến lược Trường Sơn đã áp dụng 5 phương pháp vượt sông bằng: cầu nổi, phà, cầu quân sự, cầu cáp và đường ngầm đá. Tùy theo hoạt động cụ thể của địch và đặc điểm thiên nhiên ở từng nơi, từng lúc mà chọn phương pháp thích hợp. Dù chọn phương pháp nào cũng phải đạt yêu cầu "bảo đảm đội hình xe lớn vượt sông liên tục, an toàn".

- Vượt sông bằng ngầm (ngầm đá, ngầm rọ sỏi đá), là phương pháp dễ đảm bảo bí mật, địch khó phát hiện, bộ đội cơ giới vận động cả ngày đêm đều thuận tiện. Trong điều kiện địch đánh phá ác liệt cần phải tôn cao, mở rộng ngầm cho hai làn xe tránh nhau và làm nhẵn mặt ngầm, có như thế mới bảo đảm cho đội hình xe lớn vượt sông trong một thời gian ngắn nhất, lúc ấy hệ thống ngầm ở khu vực vượt sông không chỉ là để xe vượt sông theo nghĩa bình thường mà hệ thống ngầm là một phương thức chiến thuật vượt sông đầy đủ tác dụng quân sự của nó.

- Vượt sông bằng cầu nổi cũng là phương pháp bảo đảm cho đội hình xe lớn vượt liên tục trong mùa nước, hoặc trên khúc sông tương đối hẹp, nước sông sâu, không có khả năng làm ngầm (cầu nổi Sê Băng Hiên mùa khô 1972 của Binh trạm 32 là một ví dụ), cầu nổi là hình thức vượt sông có nhiều thuận lợi, không phụ thuộc vào chất đất đá lòng sông, nhưng lại phụ thuộc tình hình hoạt động của địch, không thể triển khai ban ngày, trừ thời cơ thuận lợi như địch không hoạt động, đoạn vượt sông rất kín, trời có sương mù dày đặc...

- Vượt sông bằng cầu quân sự là công trình có giá trị lớn về mặt kinh tế - kỹ thuật. Đối với địa hình có nhiều sông, suối cắt ngang thì loại cầu này là biện pháp tốt nhất để giữ được tốc độ bình quân cao nhất của cơ giới, có thể thực hiện phương thức tháo lắp như Đội cầu 10 anh hùng đã áp dụng rất tốt, nhưng trên Trường Sơn không thể sử dụng nó ở các sông, suối lớn. Đến giai đoạn chuẩn bị chiến lược và tiến công chiến lược (1973-1975), mức đánh phá bằng không quân của địch đã giảm thì phương pháp vượt sông bằng cầu quân sự chiếm địa vị chủ yếu.

- Cầu cáp và các loại cầu khác: Trên tuyến chi viện chiến lược có đặt cầu cáp một vài nơi như vượt sông Ta Lê, vượt nhánh thượng nguồn sông Long Đại...; không có điều kiện để áp dụng phổ biến trong chiến tranh ở Trường Sơn vì loại cầu này có nhiều nhược điểm và đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, khó khôi phục.

- Phà kéo tay hay gắn máy: Đều là hình thức vượt sông gián đoạn, không bảo đảm cho đội hình xe lớn vượt sông nhanh gọn và khi bị địch đánh, đội hình dễ bị chia cắt, phà bị phụ thuộc bến bãi và sức kéo, nên chỉ có thể hoạt động ban đêm và bảo đảm cho đơn vị nhỏ ở hướng thứ yếu.


Với năm phương thức vượt sông đã ứng dụng ở chiến trường Trường Sơn, qua thực tế kiểm nghiệm, chỉ có hai phương thức vượt bằng cầu nổi và ngầm là thích hợp với vận chuyển lớn, trong đó vượt bằng ngầm vẫn ưu việt nhất trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 15 Tháng Tư, 2021, 03:22:07 pm
II- BIỆN PHÁP TÁC NGHIỆP MỞ ĐƯỜNG

Tư tưởng chủ đạo được quán triệt trong việc mở đường mói là mở đường để phục vụ chiến đấu, mở đường để phục vụ vận chuyển. Tuyến đường được mở phải đáp ứng các yêu cầu:

- Các phương thức vận chuyển, các chiến thuật vận tải trong các chiến dịch vận tải, có tính đến trọng tải xe tăng dần và số lượng xe lưu thông cũng tăng dần.

- Các chủng loại binh khí kỹ thuật bao gồm cả xe xích, xe tăng, xe kéo pháo, kéo tên lửa cơ động vào chiến trường một cách an toàn nhất, khẩn trương nhất.

- Đáp ứng triển khai đồng bộ một hệ thống về chỉ huy, về bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm sức khoẻ cho con người.

Các yêu cầu trên phải được công binh thể hiện trong quá trình thiết kế đến thi công, đến công tác đảm bảo.

1. Về công tác chọn tuyến

- Tuyến cố gắng đi vào địa hình bằng phẳng, ít đèo dốc cao, đi sát vào các hang đá, hốc đá thiên nhiên để tận dụng cho công binh bám trụ đường, nơi đặt chỉ huy sở, kho tàng. Khi địch đánh cũng không ngại phải khắc phục khối lượng lớn.

- Để đảm bảo tuyến đường khô ráo, dễ thoát nước, tuyến cần bám vào đường phân thủy ở mỗi quả đồi, hoặc chọn tuyến để ta luy dương về phía có ánh sáng, độ nóng mặt trời lớn.

- Hạn chế tối đa điểm vượt sông, vượt suối; chọn nơi sông, suối dễ bắc cầu, tận dụng tối đa nơi có nhiều đá làm ngầm.

- Để đảm bảo được tốc độ xe, cố gắng đi trên địa hình bằng phẳng, địa chất tốt, các yếu tố kỹ thuật bán kính đường vòng độ mở rộng đường phải đạt tránh đổ xe, rệ xe, đảm bảo đội hình xe.

- Đảm bảo hướng tuyến bớt dốc, dễ làm, tận dụng đương mòn của dân, hay đường của thú rừng thường qua lại.

- Lực lượng công binh tại chỗ phải khảo sát địa hình để chuẩn bị mở các đường vòng, đường tránh trọng điểm chủ động khắc phục chông tắc đường. Các đường vòng, đường tránh khoảng cách có thể xa hoặc gần, càng nhiều đường dự bị càng tốt. Trọng điểm A.T.P có tới 4 đường tránh (20B, 20C, 20K, 20D); ngầm Tha Mé cũng có nhiều đường vòng tránh chằng chịt, tạo thêm được hàng chục bến vượt.


2. Một số chiến thuật mở đường

a. Chiến thuật nhiều mũi, nhiều hướng: Vận dụng phổ biến trong các trường hợp:

Đường dài, phải phân chia nhiều đoạn, nhiều giai đoạn để đạt mục đích triển khai đội hình được rộng và phân tán. Đã sử dụng hầu hết các tuyến như 128, đường 20... Đoạn đèo dài, độ dốc cao, dùng nhiều mũi công kích từ nhiều phía, gặp nhau ở đỉnh dốc, đỉnh đèo. Đường xuống ngầm cầu: dưới đánh lên, trên đánh xuống gặp nhau ở lưng chừng dốc hoặc ở một điểm nhất định.


b. Chiến thuật "3 nhanh 1 chắc''

Thi công nhanh, ngụy trang nhanh, rút quân nhanh, tổ chức đội chắc.

Vận dụng trong tác chiến thi công ở vùng chiến sự, nơi gần sát địch. Mục đích làm thật khẩn trương, dứt điểm gọn gàng, giữ được bí mật; điển hình là: đường 15N do Trung đoàn 217 thi công, đường C50 gần căn cứ Plây Cần do Trung đoàn 98 thi công...


c. Chiến thuật một hướng, nhiều đường, nhiều ngách

Chiến thuật này nhằm giữ bí mật, không có điều kiện mở rộng mặt đường, để đảm bảo cho xe đi theo một chiều, không ảnh hưởng đội hình xe khi bị địch đánh phá. Đường "kín" 24K mặt đường rộng 4,5m cho 1 làn xe nhưng có 2 đường song song, nhiều đường ngách tránh xe.


d. Chiến thuật thi công trong hành tiến (mở đường thần tốc)

Chiến thuật này áp dụng trong địa hình phẳng, dễ làm, cần thi công nhanh, giữ bí mật cho chiến dịch, cho tuyến đường. Vừa khảo sát vừa thi công, đội trinh sát chỉ cần phát cây vạch tuyến, đội thi công hạ ba lô làm ngay, rồi lại tiếp tục hành tiến theo chu trình trên. Trung đoàn 10 làm đường "kín", Trung đoàn 98 làm đường C4.


e. Chiến thuật nhiều mũi, nhiều tầng của máy ủi

Dùng cho đoạn đường nhiều tầng đất đá tập trung, có nhiều máy ủi, cần dứt điểm nhanh. Máy tạo tầng: theo kỹ thuật nhất định. Máy ủi phá lớn: Mỗi tầng có thể dùng từ 2 đến 3 máy ủi theo đội hình hàng ngang. Phương pháp này có hiệu suất cao. Trung đoàn 6 làm đoạn Đắc Cơ Rông - đường Hồ Chí Minh, Trung đoàn 217 làm đường Pê Ke - đường Hồ Chí Minh.


g. Chiến thuật thi công dây chuyền liên hoàn đồng bộ
   Áp dụng thi công đường tiêu chuẩn cơ bản phía Đông. Nền đi trước cùng với cầu, cống song song,
óng đường rồi mặt đường nhựa hoặc cấp phối. Mỗi đội thi công được chuyên môn hóa sâu, mỗi phân đội được chuyên môn hóa một công việc.


h. Chiến thuật phối hợp bốn sức mạnh: Thuốc nổ, mã lực, công cụ cải tiến và nhân lực

Dùng cho đoạn đường có khối lượng đất đá trong xây dựng cơ bản đường Hồ Chí Minh (những năm 1973-1975). Trang bị xe máy nhưng chưa đồng bộ hoàn toàn, tận dụng nhân lực và công cụ cải tiến. Thuốc nổ phá bung đất đá, máy ủi, máy san ủi đất, nhân lực hoàn thiện ta luy, rãnh đường, lề đường.


i. Chiến thuật, kỹ thuật sử dụng thuốc nổ

Trên tuyến đã áp dụng phương pháp kỹ thuật nổ nhỏ, nổ lớn, nổ vi sai. Mỗi phương pháp áp dụng cho một tình huống cụ thể, mục đích nâng cao hiệu quả bộc phá. Phương pháp "bộc phá nhỏ liên tục" là một sáng tạo mới. Khi mở đường 20 Quyết Thắng, Trung đoàn 10 áp dụng nổ lớn tại dốc Ba Thang, mở đường cơ bản phía Đông; Trung đoàn 98 tại Bù Lạch, A Đớt, Trung đoàn 29 áp dụng nổ lớn, tại A.T.P cho Trung đoàn 217 áp dụng nổ vi sai tại đèo Pê Ke... ở mỗi tình huống đều có thiết kế cụ thể do lực lượng kỹ thuật ở từng đơn vị phụ trách, rất chú ý đến khâu an toàn.


3. Vận dung nghệ thuật chiến dịch, chiến lược trên mặt trận cầu đường

Mạng đường chiến lược Trường Sơn lúc đầu là đường đi bộ, đường gùi thồ cho đến lúc xây dựng cơ bản đường cấp 4 miền núi Đông Trường Sơn. Đó là quá trình luân lưu phối hợp các lực lứợng mở đường để giải phóng đất đai, giải phóng đất đai để mở đường. Nhà nước và quân đội ta đã sử dụng một lực lượng rất lớn quân đội, thanh niên xung phong và dân công hoả tuyến thể hiện tính chất chiến tranh nhân dân trên mặt trận cầu đường. Để phục vụ kịp thời cho yêu cầu vận chuyển chi viện chiến lược ngày càng lớn, chỉ có một phương sách tốt nhất là mở thành các đợt hoạt động mang tính chất chiến dịch.


Đã có một số loại hình mở đường mang tính chất chiến dịch như sau:

- Chiến dịch "chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi" đầu tiên như mở đường 128, đường 20, đường 16 (1965); tiếp đến mở đường 10, đường 18, đường 16 kéo dài (1967-1969).

- Chiến dịch mở đường để khắc phục một thủ đoạn đánh phá hiểm hóc của địch bằng máy bay AC.130 như chiến dịch mở đường "kín" (1971).

- Chiến dịch xây dựng cơ bản đường Đông Trường Sơn được coi như một chiến dịch trọng điểm của Nhà nước (1973-1975).

Các chiến dịch mở đường ở Trường Sơn không giống như các chiến dịch của các binh đoàn chủ lực và cũng khác với các chiến dịch của các binh chủng bạn ở chiến trường Trường Sơn. Mùa mưa cũng là mùa làm đường cho vận chuyển mùa khô, theo tinh thần: cầu đường đi trước một bước. Chiến dịch cũng diễn ra liên tục và khẩn trương, trong khi đó cơ sở vật chất, đảm bảo vật tư, hậu cần thường không đầy đủ, kịp thời.


Chiến dịch cầu đường thường lấy cấp trung đoàn, liên trung đoàn, sư đoàn, liên sư đoàn làm lực lượng thực hành chiến dịch, lấy mục tiêu của một tuyến đường làm mục tiêu phấn đấu của chiến dịch. Thời gian của chiến dịch có thể dài hay ngắn tùy theo nhiệm vụ phải đạt được, nếu dài quá thì phân ra từng giai đoạn nhỏ.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 15 Tháng Tư, 2021, 03:23:03 pm
MỘT SỐ CHIẾN DỊCH TIÊU BlỂU

Chiến dịch mở đường 20 Quyết Thắng

Ở hậu phương từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn chỉ có một trục ngang (đường 12 từ Khe Ve đi Mụ Giạ) bị máy bay địch Mỹ đánh phá. Ở Tây Trường Sơn, đường vượt khẩu qua Seng Phan mùa mưa thành túi nước khổng lồ kéo dài đến tháng 12 hằng năm. Do vậy, phải mở thêm một tuyến thứ hai xuyên thẳng từ Đông Trường Sơn đến đường 128, dài 123km. Bộ tư lệnh Trường Sơn cùng Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Quảng Bình tổ chức hai mũi khảo sát tuyến, một mũi từ Phong Nha sang, một mũi từ Lùm Bùm về gặp nhau ở đỉnh U Bò. Tuyến này có 30km đi qua khu vực đá, khó thi công nhưng rất thuận lợi đảm bảo giao thông.


Ở phía Tây vượt đèo Phu La Nhích, tính theo đường chim bay chỉ có 20km, phải triển khai dài gấp đôi để bảo đảm độ dốc. Thời gian khởi công tháng Giêng (âm lịch) năm 1966, hoàn thành ngày 31 tháng 5 năm 1966. Lực lượng thi công gồm 8.000 người, phía Đông sử dụng 3 trung đoàn và 5 đội thanh niên xung phong. Phía Tây do 2 trung đoàn đảm nhiệm, có 3.000 quân và một giàn xe máy đưa từ hậu phương vào. Toàn tuyến sử dụng 270 tấn thuốc nổ. Giải pháp kỹ thuật là kết hợp xe máy, thuốc nổ và công cụ cầm tay kết hợp lượng nổ lớn với lượng nổ nhỏ ở những địa đoạn thích hợp. Tổ chức sẵn sàng chiến đấu đánh địch và ngụy trang triệt để. Ở phía Tây, ngoài các trung đoàn hiện có còn được tăng cường thêm Trung đoàn công binh 5.


Ngày 14 tháng 4 năm 1966, đường được mở thông nhưng phải đến ngày 31 tháng 5 năm 1966 mới chính thức thông xe.


Chiến dịch mở đường "kín" 24 trong mùa mưa hai năm 1971 và 1972   

Đến hết mùa khô 1970-1971, mạng đường Trường Sơn đã có 3 trục dọc, 4 trục vượt khẩu và nhiều trục ngang sang phía Đông. Địch đánh phá vô cùng quyết liệt kết hợp cường kích và B.52 rải thảm cùng bộ binh đánh chiếm vùng đường số 9 nhằm chặt đứt tuyến chi viện chiến lược của ta. Nhưng tất cả âm mưu ấy đều bị thất bại.


Nhờ vào một nền khoa học kỹ thuật tiên tiến, Mỹ đã nghiên cứu hệ thống khí tài điện tử khuếch đại ánh sáng mờ, máy cảm ứng nhiệt và các máy tính chuẩn xác dễ dàng phát hiện được phương tiện của ta từ tia lửa điện ở động cơ xe máy. Chúng dùng máy bay AC.130 săn lùng, khi bắt được mục tiêu dùng pháo 20mm và pháo 40mm bắn vào đoàn xe. Thủ đoạn đánh phá mới rất hiểm hóc này gây cho ta nhiều khó khăn, ta bị tổn thất nặng nề về phương tiện, người và hàng hoá.


Vì thế, qua thực tế vận chuyển, một số binh trạm mở đường "kín" chạy ngày thành công như Binh trạm 14 và Binh trạm 32, Binh trạm 27, Bộ tư lệnh Trường Sơn chủ trương mở chiến dịch làm đường "kín" cho xe chạy ngày trong mùa mưa năm 1971.


Đội hình mở đường như sau: Trung đoàn 6, Trung đoàn 217, Trung đoàn 10, Trung đoàn 98 và các binh trạm 14, 39, 9, 37, 50, 51, 53, 44, 46, 47. Sau khi đường "kín" hoàn thành, lập 5 binh trạm mới 29, 30, 45, 46, 47 và các binh trạm cũ: 37, 50, 51, 53 quản lý sử dụng đường "kín” 24. Xây dựng tốt các khu trú đậu xe tuyệt đối kín đáo. Tổ chức các trạm chỉ huy giao thông chặt chẽ. Tổ chức hệ thống vượt sông ngụy trang tuyệt đối giữ bí mật cầu ngầm. Trục dọc đường "kín" 24 là một sáng tạo có giá trị cao, bảo đảm xe chạy ngày theo đội hình lớn. Nhờ vậy, mùa khô 1971-1972 đã vận chuyển được 16 vạn tấn, đạt 130% kế hoạch, giao cho chiến trường đạt 200%. Từ đây, cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của Mỹ bị xoá sổ hoàn toàn, góp phần vào thắng lợi của quân và dân ta trên hai miền Nam - Bắc buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (1-1973).


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 15 Tháng Tư, 2021, 03:24:23 pm
III. BẢO ĐẢM ĐƯỜNG CẦU THÔNG SUỐT LÀ MỘT MẶT TRẬN CHIẾN ĐẤU LIÊN TỤC PHỨC TẠP, QUYẾT LIỆT VỚI KẺ ĐỊCH VÀ THIÊN NHIÊN

Do có tiềm lực quân sự lớn, không quân Mỹ thường mở rộng đánh phá nhiều nơi trong cùng một thời gian, tuy nhiên chúng không thể hoạt động cùng một cường độ ở khắp mọi nơi mà phải chọn những địa hình thích hợp với mục đích ngăn chặn chi viện của chúng mới phát huy được hiệu lực vũ khí của chúng.


Khái quát chung quy luật đánh phá ngăn chặn của địch như sau:

- Tập trung đánh dồn dập khi bắt đầu mùa khô ở Trường Sơn và tiếp tục duy trì đánh phá ở mức độ nhỏ bằng không quân và biệt kích trong mùa mưa.

Riêng hoạt động đánh phá bằng không quân có bốn thủ đoạn chúng sử dụng nhiều nhất là:

+ Gây trọng điểm ngăn chặn ở những địa đoạn hiểm yếu như đèo dốc, cua gấp, bến vượt, đầu mối giao nhau giữa các tuyến đường, vách đá...

+ Giăng bẫy bom mìn hỗn hợp diệt xe, diệt người, diệt hàng, đó là một cái "bẫy hoả lực" lớn để cắt giao thông, ngăn chặn lực lượng khôi phục đường, gây tắc giao thông kéo dài.

+ Đánh theo kiểu "săn đuổi, tìm diệt" xe hoạt động trên đường vận chuyển. Đối tượng săn đuổi, tìm diệt là xe, là hàng, là người theo quy luật vận chuyển của ta từ ngoài vào (từ 16 giờ đến 23 giờ), từ trong ra (từ 24 giờ đến 5 giờ sáng).

+ Chặn đầu, chặn đuôi, oanh kích diệt gọn đoàn xe bằng các loại bom phá, bom cháy, bom bi...

Trong đó, phần lớn bom đạn của Mỹ tập trung tối đa vào các trọng điểm. Trên các trục vận chuyển từ cửa khẩu vào đến khu vực hậu phương các chiến trường, nhất là vào các trận địa phòng ngự kiên cường ở các địa hình hiểm yếu đèo dốc cao, khu vực vượt sông thành những điểm then chốt, vùng "yết hầu" của toàn tuyến. Với cách đánh của địch như vậy, nếu tuyến vận chuyển độc đạo, chỉ đơn thuần có lực lượng bảo đảm giao thông thì không thể giữ nổi trận địa. Phải bằng phương thức tác chiến hiệp đồng các binh chủng dưới sự tổ chức chỉ huy tập trung thống nhất trực tiếp, tạo ra uy lực mới thắng được địch. Công binh, Cao xạ, Bộ binh, Vận tải là những binh chủng bám trụ chiến đấu ngoan cường, mưu trí, sáng tạo bẻ gãy hết mọi chiến thuật ngăn chặn của địch, giữ vững và phát triển mạng đường ngày càng có nhiều trục dọc, trục ngang, bảo đảm cho quy mô vận chuyển tập trung lớn, binh khí kỹ thuật hành quân vào chiến trường ngày càng nhiều.


Từ thực tiễn của nhiều năm chiến đấu, ta đã tìm ra những phương thức bảo đảm cầu đường thông suốt như sau:

a. Tổ chức thế trận chiến đấu hiệp đồng chống phá hoại trên cơ sở nhận thức con đường là thế trận

Đặc trưng nổi bật của chức năng chống phá hoại bảo đảm giao thông chiến lược trên chiến trường Trường Sơn là phải đối phó với một kẻ địch có sức đánh phá mạnh và rất cơ động trên không gian dài. Quân số, phương tiện kỹ thuật, tức là nhân lực và xe máy của lực lượng công binh so với mạng đường cần sử dụng rất thấp, lại không có lực lượng nhân dân địa phương hỗ trợ. Để tập trung được sức mạnh thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông, cần giải quyết thật tốt hai vấn đề sau:

- Phải tổ chức chiến đấu chống phá hoại trong thế trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng, chỉ huy tập trung, thống nhất trực tiếp và coi đó là uy lực nội tại của ta.

- Trên từng khu vực lấy binh trạm là đơn vị vận tải cơ bản với cung chiến thuật 100-120km.


Các binh trạm kế tiếp nhau như những mắt xích trong dây chuyền công nghiệp, hoạt động thống nhất trên toàn tuyến dưới sự chỉ đạo, chỉ huy của Bộ tư lệnh Trường Sơn, coi một ngày đêm là một trận chiến đấu.


Bộ đội công binh áp dụng chiến thuật chốt và cơ động trong nhiệm vụ bảo đảm giao thông chống địch phá hoại đường và đánh chặn xe. Lực lượng chốt gồm đài quan sát, trinh sát dọc tuyến, trực cấp cứu người và xe, giải quyết ách tắc trên đường; với khối lượng nhỏ, các lực lượng này có mặt thường xuyên ở hai đầu trọng điểm, có hầm chữ A vững chắc hoặc ở các hang hốc dọc đường; các trọng điểm dài khi cần phải có lực lượng chốt giữ trọng điểm mới kịp thời giải quyết ách tắc. Đại bộ phận còn lại là lực lượng cơ động; công việc thường xuyên là cải tạo đường, khi cần chuyển sang cấp cứu bảo đảm giao thông.


Tỷ lệ quân số giữa chốt và cơ động tùy thuộc vào mức độ đánh phá của địch trong từng thời gian mà điều chỉnh.

Để nâng cao năng suất và giảm mật độ người trên trọng điểm, các đơn vị công binh đã kết hợp tốt giữa nhân lực, bộc phá và xe máy công binh để cải tạo đường và khắc phục hư hại trên các trọng điểm địch đánh phá. Máy ủi là phương tiện phát huy tốt nhất trong việc san gạt đất sụt và lấp hố bom, kết hợp san gạt mà mở rộng thêm làm cho tuyến đường có mặt đường rộng, dẫu địch có thể ném bom trúng tim đường, đoàn xe tiến công vẫn vượt qua bình thường. Xe ben và máy khoan đá là phương tiện để sản xuất và vận chuyển đá xây dựng các ngầm vượt sông, suối, gia cố ngầm từ 1 làn xe lên 2 làn xe, khắc phục ngầm, gia cố mặt đường ở nơi nền đường yếu và thấp. Xe phóng từ gây nổ bom từ trường là sản phẩm sáng tạo của ngành khoa học kỹ thuật quân sự cùng với sử dụng mìn định hướng, bộc phá để diệt trừ thủ đoạn rải bom nổ chậm, bom hẹn giờ và bom mìn hỗn hợp của địch đã giăng bẫy diệt xe, diệt người, diệt hàng; giải phóng mặt đường nhanh, đảm bảo vận chuyển liên tục.


Trong thế chiến đấu binh chủng hợp thành, bộ đội cao xạ cũng vận dụng chiến thuật kết hợp chốt trận địa ở trọng điểm và cơ động phục kích bắn rơi máy bay địch, bảo vệ giao thông vận tải. Lực lượng cao xạ nghiên cứu sâu chiến thuật đánh phá của máy bay Mỹ, xác định các đường bay bổ nhào đánh trọng điểm, tìm ra cách đánh của ta có hiệu nghiệm để bắn rơi ngay máy bay Mỹ tại chỗ, nếu địch sợ bắn rơi tại chỗ mà né tránh cao xạ của ta thì chúng ném bom không trúng đường, không trúng xe.


Cũng trong thế trận chiến đấu binh chủng hợp thành, bộ đội xe rèn luyện thành thạo chiến thuật chạy xe bôn tập lúc đường thông suốt và chạy xe mật tập vượt nhanh gọn qua trọng điểm giữa hai đợt công kích trọng điểm của máy bay Mỹ.


Cơ quan chỉ huy và người chỉ huy thông qua đăng ký phương cách đánh phá của máy bay Mỹ, rút ra được các "bài bản” tác chiến của quân đội Mỹ - một quân đội chính quy, hiện đại, hành động nhất nhất theo điều lệnh chiến đấu, từ đó có thể đoán được các phương cách bài bản đánh phá của máy bay Mỹ trong ngày, trong đêm, biết cách đánh ngày như thế nào là đoán đúng cách đánh đêm đó sẽ diễn ra, nơi đánh và thời gian đánh của chúng, hoặc khi máy bay Mỹ đánh trận đầu tiên trong đêm ở địa bàn nào có thể đoán được toàn bộ cách đánh của chúng cả đêm ấy. Nắm được quy luật đánh phá của địch để điều hành xe chạy tránh nơi đánh và giờ đánh của chúng, vô hiệu hoá sự đánh phá của địch.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 15 Tháng Tư, 2021, 03:25:24 pm
b. Tổ chức giải toả các trọng điểm đánh phá của địch hữu hiệu nhất là mở đường vòng tránh qua trọng điểm, mở nhiều trục khác nhau qua trọng điểm

Trên thực tế, địch gây trọng điểm lớn, ta có khả năng giải toả bằng đường vòng tránh từ 1 đến 4 trục. Thực tế ở chiến trường Trường Sơn, Mỹ cũng đã mở loại trọng điểm cực lớn liên tiếp tăng cường độ đánh phá dữ dội, nhất là những địa bàn vượt sông, và đầu mối giao nhau của những trục đường liên hoàn. Trong tình huống đó, biện pháp hữu hiệu nhất là xoá bỏ ngay thế độc đạo bằng mở thêm đường vòng, đường tránh thích hợp để không lâm vào thế bị động đối phó với địch trên trọng điểm ác liệt mà đối phương đã chọn; địch đánh ta sửa, ta sửa xong địch lại đánh; lâm vào cảnh "dã tràng xe cát" chịu tổn thất mà đường vẫn tắc.


Về quân sự, có thời điểm ta mắc mưu địch, do địch nắm được quy luật hoạt động của ta, đẩy ta vào thế bị động phòng ngự. Nhưng ta cũng nhận thức rằng, đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế lớn, nếu ta tiếp tục mở thêm đường vòng, đường tránh công khai khác để giải toả trọng điểm vẫn có khả năng địch mở rộng khu vực trọng điểm. Trong tình huống này, biện pháp hữu hiệu nhất là ta mở một đường "kín" chiến thuật, giữ thật bất ngờ hai đầu vào - ra, địch không phát hiện được đường "kín" chiến thuật ấy như trường hợp đường "kín" chiến thuật QZ25 của Binh trạm 14 (1971-1972). Còn tại trọng điểm vận dụng phương pháp xác suất, ta mở một con đường giữa trọng điểm ở những nơi chưa có hố bom hoặc chỉ có rải rác hố bom cho một bộ phận xe nhỏ vượt trọng điểm bình thường, còn đại bộ phận xe luồn qua đường "kín" chiến thuật liên tục vận chuyển hàng lên phía trước.


Trường hợp mùa khô 1972, địch phong toả hệ thống vượt sông Sê Băng Hiên của Binh trạm 32 bằng máy bay AC.130 kết hợp với cường kích, một mặt ta vẫn tổ chức một lượng xe thích hợp đi trên ngầm công khai thu hút địch đánh phá vào đó; mặt khác, ta mở ngầm "kín", cầu bí mật cho đội hình xe lớn đi trên cầu. Đó là cách giải toả trọng điểm triệt để.


c. Cải tạo mạng cầu đường, rào đường "hở" thành đường "nửa kín, nửa hở”, mở đường "kín" xuyên Trường Sơn, thay đổi quy luật hoạt động của ta chạy đêm chuyển sang chạy ngày, làm thất bại thủ đoạn địch dùng AC. 130 ngăn chặn đội hình xe vận chuyển

Sau hàng loạt thủ đoạn đánh phá bằng máy bay cường kích, máy bay B.52 hủy diệt từng vùng rộng lớn tạo ra trọng điểm hoả lực bom mìn hỗn hợp, săn đuổi tìm diệt, chặn đầu khóa đuôi đoàn xe, rải hàng vạn máy trinh sát điện tử vẫn không ngăn chặn được tuyến vận tải chiến lược của ta, đế quốc Mỹ thay đổi chiến thuật mới: ban ngày liên tục tuần thám vũ trang dọc các trục giao thông, thả máy trinh sát tiếng động và đánh tức thời những mục tiêu phát hiện; ban đêm dùng AC.130 được trang bị hệ thống khí tài điện tử đuổi đánh các đoàn xe vận tải ở các khu vực. Do những hiệu quả đạt được, Bộ Quốc phòng Mỹ đề cao tuyệt đốì "thủ pháp màu nhiệm" này; chúng đã lập một ngân sách 562 triệu đô-la để tăng 50% loại máy bay AC.130 trong tháng.


Nhưng qua quá trình trực tiếp nghiên cứu thử nghiệm, ta đã phát hiện được những nhược điểm của thủ đoạn này: phi công phải bay với tốc độ chậm và phải giữ độ cao ổn định 3.000 - 3.500m mới có thể bắn chính xác mục tiêu di động ban đêm. Do tốc độ chậm, tầm cao ổn định dễ bị cao xạ 57mm bắn trúng, nên phải tránh hoạt động lúc trời sáng và khi pháo đối không của ta bắn bằng khí tài.


Để chiến thắng thủ đoạn kỹ thuật có giá trị chiến lược này của địch, ta đã xây dựng phương án tác chiến tổng hợp bằng thủ đoạn chiến thuật của các binh chủng.

- Xây dựng công trình hệ thống đường "kín", củng cố hệ thống đường "hở", đường nghi binh, mở các đường ngang chiến thuật nối các trục đường "kín" song song, tạo thành hệ thống đường "kín" liên hoàn trên toàn tuyến.

- Bộ đội cao xạ, bộ binh tăng cường đánh tiêu diệt và chế áp địch từ xa, tổ chức phục kích với hoả lực mạnh tên lửa kết hợp với pháo cao xạ có trang bị khí tài, bất ngờ tiêu diệt máy bay AC. 130, máy bay trinh sát vũ trang đẩy bật địch ra xa hệ thống đường "kín”.

- Công binh và một đội hình xe nhỏ trên đường "hở" liên tục chạy xe ban đêm, nghi binh thu hút địch vào đường "hở", lừa địch, kéo địch vào đánh phá đường "hở" nhằm mục đích giữ bí mật cho đường "kín”; để đội hình xe lớn chạy ngày trên đường "kín" đòi hỏi phải sáng tạo những biện pháp ngụy trang vô cùng nghệ thuật, kể cả mở ngầm "kín" cho xe chạy ngày, vượt sông.


Trên cơ sở những điều kiện cơ bản được tạo ra để thay đổi quy luật hoạt động, binh chủng xe nhanh chóng chuyển sang vận chuyển ban ngày, sử dụng đội hình xe chạy cung chiến dịch 350 - 400km thực hiện gọn chu kỳ vận tải. Các phân đội bảo đảm nhiên liệu, kỹ thuật, hậu cần, các khu kho đều di chuyển đến vị tri tương ứng cung độ mới và cũng thay đổi thời gian hoạt động thích hợp với phương án chiến đấu của binh chủng vận tải.


Với biện pháp tổng hợp đó, về căn bản ta đã làm thay đổi toàn bộ thế trận vận tải và phương án tác chiến thích hợp. Chỉ qua một mùa mưa dốc toàn lực chuẩn bị mùa khô năm sau, Bộ đội Trường Sơn đã vô hiệu hoá thủ đoạn chiến tranh điện tử mới của không quân Mỹ.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 15 Tháng Tư, 2021, 03:26:10 pm
IV. CÔNG BINH TRƯỜNG SƠN LỰC LƯỢNG DỰ BỊ CHIẾN LƯỢC TẠI CHỖ CỦA BỘ TRONG CÁC CHIẾN DỊCH LỚN TỪ NĂM 1968 ĐẾN NĂM 1975   

Trong kháng chiến chống Mỹ, ngoài nhiệm vụ thường xuyên chủ yếu là xây dựng cầu đường và bảo đảm giao thông phục vụ vận chuyển chi viện chiến lược, lực lượng công binh Trường Sơn còn là lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ trong các chiến dịch lớn. Trong đó, phải kể đến chiến dịch lỚn nhất là chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào (1971) và Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.


Mục đích cuộc hành quân "Lam Sơn 719" của địch là đánh phá, cắt đứt tuyến vận chuyển chiến lược từ gốc, tập trung hủy diệt cơ sở hậu cần chiến lược, làm cho quân chủ lực ở miền Nam không thể đánh lớn trong mùa khô năm 1972 và cả năm 1972, buộc phải quay về hoạt động du kích để quân Mỹ rút dần theo kế hoạch và quân ngụy vẫn mạnh lên, đưa quân ngụy miền Nam thực nghiệm vai trò thay quân Mỹ trong một kế hoạch tác chiến cao nhất của chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh".


Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, lực lượng công binh Trường Sơn được giao nhiệm vụ: củng cố các tuyến đường vận tải chiến lược luôn luôn thông suốt, bảo đảm cơ động binh khí đạn dược cho chiến dịch và chiến lược. Mở mới nhiều đường phục vụ chiến dịch triển khai lực lượng tác chiến, bổ sung thêm pháo tầm cao cho lực lượng phòng không Trường Sơn, tổ chức các đội súng máy 12,7mm của công binh tiêu diệt trực thăng đổ quân. Xây dựng các công trình trận địa cho các đơn vị hoả lực và trận địa tên lửa. Phá gỡ mìn, bảo đảm đường tiến công của quân ta. Gài mìn chống cơ giới của địch, đánh xe tăng, xe bọc thép M.113... Các nhiệm vụ trên bộ đội công binh Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc.


Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, với chiến dịch Tây Nguyên, Sư đoàn công binh 470 Trường Sơn đã thi công khẩn trương, bí mật trục đường 50B, 50C, 50D nối vào mạng đường do Trung đoàn công binh 7 mở để các đơn vị cơ động bí mật từ Bắc Tây Nguyên tiến vào Nam Tây Nguyên đánh trận mỏ màn then chốt vào thị xã Buôn Ma Thuột.


Trung đoàn công binh 575 phối thuộc chiến dịch hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mở đường đảm bảo cho các đơn vị tiến công và truy kích trên hướng tây bắc Buôn Ma Thuột về Phước An.

Sư đoàn công binh 470 đảm bảo giao thông đường 14 từ Đắc Công đến Chơn Thành, đường 19 từ Plây Ku đi Bình Định, đường 77 từ Mỹ Trạch đến Cheo Reo, đường 21 từ Buôn Ma Thuột về Ninh Hoà, đường 20 tới Gi Ri.


Trong chiến dịch Thừa Thiên - Huế, chiến dịch Đà Nẵng và chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn công binh 531, Trung đoàn cầu 509, Trung đoàn cầu 99, Sư đoàn công binh 473 đảm bảo giao thông và bắc cầu Belây dọc quốc lộ 1A.


Trung đoàn công binh 8 đảm bảo giao thông đường 14B để cơ động Sư đoàn bộ binh 324 đánh xuống quốc lộ 1A và Huế, khắc phục chướng ngại vật, các bãi mìn, làm đường vòng tránh, khắc phục cầu truồi và bắc cầu phao Bến Tuần, tây thành phố Huế.


Từ Đà Nẵng vào Nha Trang dài 640km địch phá hầu hết các cầu, các trung đoàn 99, 509, 531, 8 bảo đảm giao thông cho cánh quân Duyên Hải, cơ động từ Huế vào Nha Trang, Sài Gòn, Phan Rang, Đà Lạt, Sài Gòn - đường 13, Sài Gòn - Vũng Tàu, Sài Gòn - Tây Ninh..., đã khôi phục 96 cầu, trong đó có 93 loại vừa và lớn với tổng chiều dài 3.300m.


Trên hai hướng tiến quân: quốc lộ 1A và đường Trường Sơn, lực lượng công binh Trường Sơn đã đảm bảo cho các quân đoàn binh chủng hợp thành thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Như vậy, lực lượng công binh Trường Sơn đã làm tròn nhiệm vụ lực lượng dự bị tại chỗ của Bộ trong các chiến dịch lớn.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 20 Tháng Tư, 2021, 02:24:15 pm
NGHỆ THUẬT TÁC CHIẾN PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN BẢO VỆ TUYẾN VẬN CHUYỂN CHIẾN LƯỢC TRƯỜNG SƠN


NGÔ HUY BIÊN
Nguyên Tham mưu trưởng Phòng không Bộ tư lệnh Trường Sơn
NGUYỄN LY SƠN
Nguyên Cục trưởng Cục Chính trị Tổng cục Kỹ thuật,
nguyên Chính ủy Sư đoàn phòng không 377 - Bộ tư lệnh Trường Sơn

TRẦN BÚT
Nguyên Phó Tham mưu trưởng Tổng cục Xây dựng kinh tế,
nguyên Trưởng phòng Cục Tham mưu Phòng không - Bộ tư lệnh Trường Sơn


Tác chiến phòng không trên tuyến vận chuyển chiến lược Trường Sơn là một bộ phận của cuộc chiến tranh nhân dân chống lại cuộc chiến tranh ngăn chặn bằng hải, lục không quân Mỹ hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam và sự chi viện của quốc tế cho Việt Nam, hòng cô lập, chia cắt độc chiếm miền Nam nước ta.


Do tính chất phức tạp của cuộc chiến tranh nên đã diễn ra hết sức quyết liệt và dai dẳng, thực tế kéo dài 8 năm (1964-1972) ở miền Bắc và 16 năm (1959-1975) ở chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.


Vấn đề lớn nhất và phức tạp nhất của tác chiến phòng không là phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tiêu diệt địch và bảo vệ mục tiêu; phải căn cứ sự so sánh lực lượng giữa ta và địch, tính chất nhiệm vụ của bộ đội phòng không trên tuyến vận chuyển chiến lược mà vận dụng sao cho phù hợp.


Tuy cũng làm nhiệm vụ chống chiến tranh ngăn chặn phá hoại bằng không quân của Mỹ là chính, nhưng do đặc điểm của hai khu vực có nhiều khác biệt nên chức năng nhiệm vụ và tổ chức lực lượng, nghệ thuật tác chiến ở hai khu vực cũng khác nhau.


Đối với miền Bắc, đế quốc Mỹ không thể tự do đánh phá bất cứ nơi đâu và áp dụng bất cứ thủ đoạn, phương tiện gì của chúng, nên chúng phải áp dụng cách đánh leo thang từng mục tiêu, từng khu vực, từng phương tiện chiến tranh... về ta, lực lượng phòng không - không quân miền Bắc mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; lấy việc đánh tập trung là chủ yếu, bảo vệ từng khu vực mục tiêu trọng điểm với phương châm: "Đánh kết hợp với phòng tránh sơ tán”, lấy việc đánh rơi càng nhiều máy bay, càng nhiều giặc lái càng tốt, khiến cho đế quốc Mỹ "bị thiệt hại nhiều máy bay, không đạt được mục đích ngăn chặn mà phải xuống thang chịu thất bại.


Tuyến vận chuyển chi viện chiến lược nằm trên hành lang Tây Trường Sơn, trên đất nước Lào là chủ yếu. Địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, lại nằm ở khu vực thuộc chiến tranh xâm lược do đế quốc Mỹ chi phối, nên chúng đã không từ một thủ đoạn nào để thực hiện âm mưu ngăn chặn, kể cả rải chất độc hoá học và sử dụng các loại phương tiện trinh sát điện tử, máy bay hiện đại nhất... Vì vậy, cuộc chiến tranh xâm lược và cuộc chiến tranh ngăn chặn đan xen vào nhau rất ác liệt, phức tạp. Lực lượng phòng không của ta trên tuyến cũng phát triển từng bước theo yêu cầu của hai nhiệm vụ vận chuyển chi viện và đánh địch ngăn chặn chi viện.


Do đặc điểm tuyến đường và so sánh lực lượng mà cách đánh của Trường Sơn cũng không thể giống như miền Bắc được. Lực lượng phòng không ở đây chủ yếu là cao xạ cỡ nhỏ, hoạt động cả ngày lẫn đêm, lấy hoạt động đêm là chính (trong thời gian đầu), phương châm chỉ đạo tác chiến của lực lượng phòng không Trường Sơn là: Đánh kết hợp với phòng tránh ngụy trang nghi binh, đánh địch mà đi, mở đường mà tiến.


Lực lượng cao xạ chiến đấu không phải chỉ nhìn vào máy bay địch, mà còn phải nhìn vào con đường, từng chiếc xe, chuyến hàng mà bắn rơi máy bay địch mới hoàn thành nhiệm vụ; như vậy có nghĩa là lực lượng cao xạ Trường Sơn nếu bắn rơi được nhiều máy bay địch cũng tốt, nhưng nếu để địch đánh tắc đường, cháy xe và hàng là không hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy, lực lượng cao xạ Trường Sơn phải làm sao tiêu diệt được máy bay địch ngay trên mục tiêu bảo vệ hoặc ít nhất cũng đánh bật địch ra khỏi khu vực bảo vệ hoặc bắt chúng phải bay lên cao, không ném bom trúng mục tiêu bảo vệ, mới hoàn thành nhiệm vụ. Quan điểm vận dụng sức mạnh tổng hợp của chiến trường Trường Sơn cũng khác miền Bắc. Chiến trường Trường Sơn không có dân ta mà chỉ có các lực lượng phòng không chuyên trách, phải tận dụng các lực lượng phòng không chuyên đánh máy bay địch bằng các loại súng bộ binh và tổ chức ngụy trang, phòng tránh nghi binh thật tốt - là những biện pháp đánh địch có hiệu quả.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 20 Tháng Tư, 2021, 02:25:06 pm
I. SỰ PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG KHÔNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN

Lực lượng phòng không Trường Sơn là một trong bốn lực lượng chủ yếu của Bộ đội Trường Sơn, là lực lượng chính đánh trả máy bay địch, bảo vệ giao thông vận tải chiến lược, nằm trong thế trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng lấy vận tải làm trung tâm. Lực lượng phòng không Trường Sơn góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ và cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của địch. Ngoài ra còn là lực lượng tác chiến làm nhiệm vụ dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ tăng viện cho các chiến dịch lớn từ năm 1971 đến năm 1975.


Sự phát triển và trưởng thành của lực lượng phòng không Trường Sơn gắn liền với sự hình thành, phát triển của tuyến chi viện chiến lược và quá trình đánh phá ngăn chặn của máy bay Mỹ trên chiến trường Trường Sơn.


Từ năm 1959 đến năm 1964, phương thức chi viện cho chiến trường là lấy gùi thồ hành quân bộ nên chưa có lực lượng phòng không.


Từ năm 1965 đến năm 1966 bắt đầu vận chuyển cơ giới với quy mô nhỏ và máy bay địch bắt đầu oanh tạc một số điểm Bắc đường 9. Lực lượng phòng không mới có 3 tiểu đoàn và 7 đại đội súng máy 12,7mm. Tiểu đoàn cao xạ 20 vào tuyến sớm nhất và bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên ngày 24 tháng 7 năm 1965.


Mùa khô 1966-1967, vận chuyển cơ giới vươn vào đến Bạc, xe vận tải đi theo đội hình trung đội. Địch hoạt động mạnh hơn, tập trung đánh phá một số điểm từ Bạc trở ra. Lực lượng phòng không phát triển lên 6 tiểu đoàn cao xạ 37mm và 14 đại đội súng máy 12,7mm. Bảo vệ một số điểm giao thông hiểm yếu trên tuyến.


Mùa khô 1967-1968, vận tải cơ giới tiếp tục phát triển lên quy mô vừa, các đường ô tô B45, B46 đến các chiến trường được mở ra. Địch đánh phá giao thông vận tải với cường độ cao hơn, lực lượng phòng không được tăng lên 14 tiểu đoàn. Các đại đội súng máy 12,7mm biên chế vào các tiểu đoàn cao xạ hoặc tăng cường cho các đơn vị công binh đảm bảo giao thông.


Mùa khô 1968-1969, vận tải cơ giới tiến lên quy mô lớn lấy chạy đêm và lấn sáng, lấn chiều là chính.

Đặc biệt, sau khi Mỹ tạm ngừng đánh phá miền Bắc, hoạt động của không quân Mỹ trên chiến trường Trường Sơn tăng vọt, tập trung ngăn chặn các cửa khẩu và một số điểm Bắc đường 9. Máy bay B.52 rải thảm hủy diệt bắt đầu hoạt động mạnh, gây ra những trọng điểm lớn trên cửa khẩu đường 12, đường 20 và đường 128 cũng như Bắc - Nam đường 9.


Đánh máy bay địch ở khu vực cửa khẩu, Bộ giao cho Quân chủng Phòng không - Không quân đảm nhiệm. Lực lượng phòng không trên tuyến phát triển lên 20 tiểu đoàn và Trung đoàn cao pháo 591.


Mùa khô 1969-1970, vận chuyển cơ giới đi đội hình tiểu đoàn tập trung, các binh trạm lớn đi đội hình 2 tiểu đoàn tập trung, ngoài lực lượng phòng không do Quân chủng phối thuộc cho các cửa khẩu, lực lượng phòng không trực thuộc ngoài Trung đoàn cao pháo 591 phát triển lên 23 tiểu đoàn.


Mùa khô 1970-1971, vận chuyển cơ giới tiến lên quy mô lớn, hàng đêm có trên 3.000 xe hoạt động trên tuyến. Lực lượng phòng không có Sư đoàn 377 phối thuộc với 4 trung đoàn cao pháo và 1 trung đoàn tên lửa và có 2 trung đoàn (591, 210) trực thuộc cơ động, tất cả có 27 tiểu đoàn đã có pháo 57mm. Trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, tổ chức thêm 30 trung đội súng máy 12,7mm đánh máy bay trực thăng đổ bộ.


Mùa khô 1971-1972, tuyến chi viện chiến lược tổ chức thành 4 sư đoàn khu vực và vận chuyển lớn ban ngày trên đường "kín". Lực lượng phòng không có Sư đoàn 377 phối thuộc với 4 trung đoàn pháo và 1 trung đoàn tên lửa. Lực lượng phòng không trực thuộc có 38 tiểu đoàn và 3 trung đoàn cao xạ cơ động là Trung đoàn 591, Trung đoàn 593, Trung đoàn 210.


Mùa khô 1972-1973, trước khi ký kết Hiệp định Pari, địch tiếp tục đánh phá ác liệt. Lực lượng phòng không Trường Sơn được Bộ điều động tăng cường cho chiến trường Tây Nguyên Trung đoàn cao pháo 593, tăng cường cho chiến trường Nam Bộ Trung đoàn cao pháo 210 và 18 tiểu đoàn cao pháo độc lập. Lực lượng còn lại tổ chức thành những trung đoàn cao xạ phiên chế trong đội hình các sư đoàn binh chủng hợp thành khu vực là Trung đoàn 595, Trung đoàn 245, Trung đoàn 546, Trung đoàn 528, Trung đoàn 531... Sư đoàn 377 trực thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn với 3 trung đoàn (224, 218, 227) giao cho Sư đoàn 377 chỉ huy các trung đoàn 545, 591, 528 (trả về Quân chủng Phòng không - Không quân Trung đoàn 224, Trung đoàn 227 và Trung đoàn tên lửa 275). Lực lượng phòng không lúc này có 1 sư đoàn, 9 trung đoàn và 30 tiểu đoàn. Riêng Sư đoàn bộ binh 968 có 2 tiểu đoàn cao xạ.


Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả lực lượng phòng không giao cho Quân chủng Phòng không - Không quân bảo vệ vùng giải phóng.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 20 Tháng Tư, 2021, 02:28:25 pm
II. TỔ CHỨC CHỈ HUY LỰC LƯỢNG PHÒNG KHÔNG TRƯỜNG SƠN

Từ năm 1965 trở về trước, lực lượng phòng không chiến đấu trên cửa khẩu do Quân khu 4 chỉ huy. Sau khi lực lượng phòng không Quân khu 4 rút về, lực lượng phòng không Trường Sơn được tăng cường, đến tháng 10 năm 1966 mới thành lập phòng tác chiến cao xạ để giúp Bộ tư lệnh thống nhất chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng phòng không trên toàn tuyến.


Lực lượng cao xạ được phân đi bảo vệ các trọng điểm của 8 binh trạm trên toàn tuyến. Các binh trạm cửa khẩu và từ đường 9 trở ra có 1 tiểu đoàn 37mm và 1 đại đội 12,7mm. Các binh trạm phía trong chỉ có 1 đến 3 đại đội 12,7mm; ngoài ra có các súng máy của lực lượng công binh chiến đấu trong đội hình tác nghiệp. Các tiểu đoàn pháo và súng máy sau khi được các binh trạm giao nhiệm vụ bố trí vào mục tiêu phải bảo vệ, Phòng Cao xạ chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, các tiểu đoàn và đại đội căn cứ vào tình hình địch và nhiệm vụ được giao, tự chỉ huy bắn. Cách tổ chức chỉ huy như vậy hiệu quả không cao. Tùy theo nhận thức và quán triệt nhiệm vụ của từng đơn vị, có đơn vị đánh rất tốt, có đơn vị đánh kém, phần lớn chỉ chú trọng bắn máy bay, chưa coi trọng đúng mức đến bảo vệ mục tiêu, nên có những đường bị tắc, xe bị cháy, có đơn vị bắn xua, bắn đuổi không hiệu quả và rất tốn đạn, có đơn vị bị địch đánh thiệt hại.


Từ tháng 10 năm 1970 thành lập Cục Tham mưu Phòng không có các cơ quan tác chiến, quân báo, huấn luyện, quân giới và có sở chỉ huy phòng không trong sở chỉ huy của Bộ tư lệnh; các bộ tư lệnh khu vực có cơ quan tham mưu phòng không riêng, các binh trạm có binh trạm phó phụ trách phòng không, thì việc chỉ huy tác chiến phòng không được chặt chẽ và toàn diện hơn, đặc biệt là khâu nắm và nghiên cứu địch, chỉ huy tác chiến, huấn luyện cán bộ, đảm bảo kỹ thuật pháo, khí tài tốt hơn. Tác chiến phòng không đã gắn chặt giữa việc tiêu diệt địch với nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu hơn.


Lực lượng phòng không Trường Sơn không có rađa trinh sát nhưng đã được lập một hệ thống các đài quan sát mắt và nghe tiếng động của máy bay, đặt trên các cao điểm được lựa chọn trên toàn tuyến, có hệ thống thông tin thông báo về sở chỉ huy. Trong sở chỉ huy của Bộ tư lệnh có bản tiêu đồ đánh số các đài quan sát và thu tín hiệu thông báo bằng VTP của các đài quan sát về tình hình địch. Trên cơ sở đó mà nắm địch chỉ huy cho các lực lượng phòng không, các binh trạm đánh hoặc phòng tránh. Việc tổ chức chỉ huy trên đã có nhiều tiến bộ, nhưng việc chỉ huy chiến đấu vẫn chưa được chặt chẽ khi lực lượng phòng không các binh trạm tăng lên 2 - 3 tiểu đoàn, các đại đội súng máy vẫn tác chiến độc lập. Sang mùa khô 1971-1972 đã đưa các đại đội súng máy vào các tiểu đoàn cao xạ và các tiểu đoàn cao xạ vào thành lập các trung đoàn và sư đoàn phòng không bảo vệ từng khu vực trọng điểm và làm nhiệm vụ dự bị cơ động thì việc chỉ huy mới chặt chẽ và hiệu suất chiến đấu mới cao.


III. TÁC CHIẾN PHÒNG KHÔNG BẢO VỆ VẬN CHUYỂN

1. Đảng ủy - Bộ tư lệnh Trường Sơn xác định nhiệm vụ tác chiến của lực lượng phòng không trên tuyến Trường Sơn là:

Tiêu diệt các loại máy bay địch, bảo vệ vận chuyển thông suốt, an toàn. Cụ thể là bảo vệ các trọng điểm giao thông thông suốt, bảo vệ đội hình xe vận chuyển an toàn, theo phương châm "quay nòng pháo theo bánh xe lăn”.


2. Quán triệt nhiệm vụ của Đảng ủy - Bộ tư lệnh Trường Sơn giao cho lực lượng phòng không xác định các mục tiêu phải tập trung bảo vệ là:

- Các trọng điểm giao thông dễ gây tắc đường gồm các đèo hiểm yếu: Cua chữ A, đèo Văng Mu, đốc Con Mèo, động Con Tiên, Seng Phan... các ngầm (Pac Pha Năng, Ta Lê, Chà Là, Bản Đông, suối Hai Ông Bà; các bến phà Tha Mé, Thà Khống, Bạc...)

- Các trọng điểm địch thường chặn đánh đoàn xe: Ngã ba Lùm Bùm, ngã ba Na Bo, ngã ba La Hạp, ngã ba Phi Hà...

- Các kho hàng, sở chỉ huy chủ yếu là giữ bí mật.

3. Vận dụng nguyên tắc tác chiến phòng không vào cách đánh trên tuyến chi viện chiến lược[/i

Trên cơ sở quán triệt tư tưởng chiến lược "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” của Bộ Tổng tư lệnh, tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy và Bộ tư lệnh Trường Sơn là "Tích cực chủ động tiến công địch", phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng đánh địch rộng rãi mọi lúc, mọi nơi, với tất cả các loại vũ khí được trang bị từ súng trường đến tên lửa phòng không; kết hợp chặt chẽ cả ba mặt đánh địch, phòng tránh và nghi binh lừa địch; tích cực đánh ngày, đánh đêm, bắn rơi máy bay địch trên mục tiêu bảo vệ (trọng điểm giao thông, đội hình xe); vận dụng linh hoạt nguyên tắc sử dụng bố trí lực lượng giữa tập trung đúng lúc với phân tán hợp lý, giữa tập trung bảo vệ trọng điểm với cơ động trên tuyến phù hợp với hoạt động của ta và đánh phá của địch từ cửa khẩu ra đến các chiến trường.

- Yêu cầu đánh tiêu diệt với đánh bảo vệ đội hình xe.

- Lực lượng phòng không cho rằng, để đánh tiêu diệt máy bay, phải tập trung lực lượng và hoả lực bảo vệ các trọng điểm giao thông; vì không quân địch đánh ban ngày dễ ngắm bắn. Đội hình xe là mục tiêu di động, lực lượng phòng không ta không thể bố trí rải dọc theo đường; vả lại máy bay bay ban đêm khó nhìn thấy, ngắm bắn ít trúng, nếu tổ chức bắn cản thì tốn rất nhiều đạn, chưa chắc máy bay rơi, không thể thực hiện đánh tiêu diệt.

- Phía chỉ huy binh trạm cho rằng phải vừa bảo vệ được trọng điểm giao thông vừa phải tập trung bảo vệ đội hình xe vì xe vận chuyển có ba đối tượng phải bảo vệ cùng lúc là chiếc xe (phương tiện chở hàng) hàng trên xe và người lái xe đều phải được bảo vệ an toàn.

Qua thực tế chiến đấu đánh tiêu diệt và đánh bảo vệ đã được kết luận nhưng lại nảy sinh hiện tượng bố trí bảo vệ đội hình xe quá phân tán đến từng khẩu đội. Sau đó uốn nắn lại bố trí bảo vệ đội hình xe chỉ được phân tán đến một trung đội (2 khẩu) chọn các điểm địch dễ phát hiện đội hình xe để bố trí đánh bảo vệ.

Từ mùa khô 1967-1968 về sau, qua kinh nghiệm vận dụng, nguyên tắc chiến thuật trong cách đánh được thống nhất ổn định như sau:

- Bố trí tập trung binh, hoả lực tại các trọng điểm giao thông chủ yếu, khu vực chủ yếu; bố trí lực lượng thích hợp trên toàn tuyến.

- Kết hợp trận địa chốt tại các trọng điểm với cơ động một bộ phận lực lượng phục kích đánh tiêu diệt địch ở ngoài chốt, gắn với ngụy trang, nghi binh, cơ động giữ bí mật trận địa.

- Kết hợp bố trí tập trung tại các chốt giao thông trọng điểm với bố trí phân tán đến đội hình trung đội pháo phòng không bảo vệ đội hình xe tại các nơi địa hình trống trải.

- Kết hợp bố trí pháo phòng không đánh tiêu diệt tại các chốt giao thông trọng điểm với cơ động đại đội súng máy phục kích đón lõng tiêu diệt địch.


4. Kết quả chiến đấu bắn rơi máy bay Mỹ từ năm 1965 đến năm 1974

Tiểu đoàn phòng không 20 vào tuyến sớm nhất từ năm 1965, ngày 24 tháng 7 năm 1965 đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên tuyến.

Từ năm 1965 đến hết năm 1974, lực lượng phòng không Trường Sơn đã đánh 113.576 trận gồm 56.521 trận ngày, 57.055 trận đêm; bắn rơi 2.479 máy bay, trong đó có 1.245 bị bắn rơi tại chỗ, 290 chiếc rơi đêm; bắn bị thương 3.743 chiếc khác; trong đó có 512 chiếc do công binh và bộ binh bắn rơi.


Năm bắn rơi nhiều nhất là năm 1971 với 643 chiếc. Đơn vị bắn rơi máy bay nhiều nhất 157 chiếc các loại của Bộ đội Trường Sơn là Tiểu đoàn phòng không 36 Binh trạm 42, tiểu đoàn này sau biên chế vào Trung đoàn phòng không 528. Đại đội súng máy phòng không 4 anh hùng đã bắn rơi 156 chiếc. Mùa khô 1969-1970, đồng chí Bùi Văn Nơ - chiến sĩ công binh bằng 9 viên đạn trung liên bắn rơi tại chỗ 1 máy bay Mỹ. Ngày 18 tháng 2 năm 1974, đồng chí Nguyễn Văn Thể và đồng chí Lê Văn Thái (Sư đoàn 470) bắn hạ tại chỗ 1 máy bay phản lực bằng 2 loạt AK.


Đạn phòng không tiêu thụ trong 9 năm đánh trả không quân Mỹ trên tuyến Trường Sơn là 5.036.717 viên, trung bình 2.054 viên đạn bắn rơi 1 máy bay Mỹ. Với kết quả đó, Bộ tư lệnh Trường Sơn biểu dương bộ đội phòng không "đánh giỏi bắn trúng".


5. Kết quả bảo vệ vận chuyển

Được sự phối hợp của bộ đội phòng không cộng với tinh thần "gan vàng da ngọc" của bộ đội vận tải nên công tác vận chuyển đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Một đêm vận chuyển trên toàn tuyến, bộ đội vận tải thường xuất kích từ 3.000 đến 3.500 chiếc xe, nhiều đêm an toàn, có đêm bị tổn thất 3 - 5 chiếc xe hàng, cao nhất là 7 xe hàng, cả cháy và hư hỏng. Nhìn chung không có tắc vận chuyển toàn tuyến, chỉ có mùa khô 1970-1971 có một số ngày địch bắn phá quá căng thẳng, ban đêm có thêm loại AC. 130 đánh đội hình xe làm cho công việc vận chuyển bằng cơ giới bị ảnh hưởng. Trong một thời gian ngắn, Đảng ủy và Bộ tư lệnh đã lãnh đạo khắc phục xong, vận chuyển cơ giới được tiếp tục, có thêm đường "kín", đường chạy ngày cục bộ.

- Một mùa khô, trung bình vừa cháy vừa hư hỏng khoảng 150 - 200 xe (xấp xỉ 5 - 7% tổng số xe hoạt động). Trong 3 mùa khô của các năm 1969, 1970, 1971, địch đánh phá ngăn chặn ác liệt, ban đêm AC. 130 đánh đội hình xe khi bộ đội phòng không chưa khống chế được AC. 130 thì sự thiệt hại về xe lên tối xấp xỉ 10%. Bộ đội phòng không đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vận chuyển mà Đảng ủy và Bộ tư lệnh giao cho.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 20 Tháng Tư, 2021, 02:29:33 pm
IV. MỘT SỐ HÌNH THỨC CHIẾN THUẬT CỦA LỰC LƯỢNG PHÒNG KHÔNG TRƯỜNG SƠN

A. ĐÁNH MÁY BAY TRINH SÁT

Trinh sát là một thủ đoạn đặc biệt cần thiết đối với không quân địch. Đánh máy bay trinh sát là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với lực lượng phòng không ta trên tuyến đường. Việc trinh sát của địch và bắn máy bay trinh sát của ta đã diễn ra liên tục và thường xuyên trong suốt quá trình diễn biến của cuộc chiến tranh ngăn chặn và chống ngăn chặn trên toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.

Trinh sát của địch có nhiều loại: Trinh sát chiến lược, trinh sát chiến thuật, trinh sát chiến đấu.

1. Trinh sát chiến lược.

Nhằm mục đích phát hiện toàn cảnh hệ thống, hình thái chiến trường của ta, chúng thường dùng các loại máy bay chiến lược như: U.2, SR.71, EC.121 trinh sát điện tử, máy bay không người lái bay cao... Loại này ta không có khả năng đánh, ta phải ngụy trang che giấu thật kỹ và tổ chức nghi binh với quy mô lớn, thu phá các cây nhiệt đới.


2. Đánh máy bay trinh sát chiến thuật.

Trinh sát chiến thuật nhằm phát hiện hệ thống kho tàng, bến bãi, nơi trú quân, hệ thống đường sá, cung đường vận chuyển để chúng định ra cách đánh, sử dụng lực lượng, phương tiện, chọn bãi đổ bộ, định thời gian đánh phá... Với trinh sát chiến thuật, chúng thường dùng các loại máy bay RF, không người lái bay thấp, OV.10, L.19 trinh sát ban ngày, ban đêm, bay đi lại nhiều lần chụp ảnh, có khi dùng trinh sát vũ trang để phát hiện mục tiêu...


Để đánh được máy bay trinh sát chiến thuật, ta phải thường xuyên quan sát, theo dõi, nắm vững quy luật hoạt động của chúng ban ngày, ban đêm, loại máy bay, tính năng chiến thuật, kỹ thuật của chúng mà bố trí đánh.


Loại máy bay RF trinh sát ban ngày thường bay thấp (trên dưới 1.000m), tốc độ trung bình, vừa bay vừa lạng lách để quan sát phát hiện mục tiêu bằng mắt, có khi bắn phá để thăm dò hoặc bay bằng qua mục tiêu để chụp ảnh, vòng đi vòng lại nhiều lần trên mục tiêu. Ban đêm, chúng thường bay trên trục đường để phát hiện xe ta bằng cách thả pháo sáng để quan sát hoặc chụp ảnh để phát hiện tốc độ và cung đường của xe ta, chúng thường chụp ảnh có định giờ, bao nhiêu thời gian chụp một ảnh trên quãng đường chúng định chụp. Chúng thường chụp vào lúc từ 18 giờ đến 24 giờ và 5 giờ sáng.


Đánh máy bay trinh sát chiến thuật, ta thường chọn trận địa trên bình độ cao, gần mục tiêu bảo vệ không quá 300m hướng về hướng máy bay bay tới, ngụy trang kín đáo, cảnh giới chặt chẽ, phát hiện mục tiêu sớm, không để bị bất ngờ, bắt mục tiêu kịp thời, đến cự ly bắn phải hạ lệnh dứt khoát, điểm xạ đồng loạt mới có hiệu quả.

- Ban đêm, ta chọn đoạn đường thẳng "hở" mà địch hay đến chụp ảnh, cơ động lực lượng đến bố trí trên địa hình cao hướng về hướng máy bay bay tới, chuẩn bị trận địa chu đáo, cảnh giới chặt chẽ, phát hiện mục tiêu sớm qua lần loé sáng chụp ảnh của chúng, bắt mục tiêu vào lúc loé sáng để xác định đường bay, ước lượng cự ly, tốc độ bắn có hiệu quả, hạ lệnh bắn dứt khoát, bắn một điểm xạ dài, nếu chưa trúng mục tiêu, địch cũng không dám quay lại chụp ảnh nữa.


3. Đánh máy bay trinh sát chiến đấu

Loại máy bay này thường là máy bay cánh quạt, tốc độ chậm, bay hàng tiếng đồng hồ, vòng lượn rất hẹp, luôn cơ động - lúc bay cao, lúc bay thấp để quan sát phát hiện mục tiêu. Khi phát hiện mục tiêu, máy bay bổ nhào bắn đạn khói để chỉ điểm cho máy bay chiến đấu đánh phá.

Thời cơ bắn tốt nhất đối với loại máy bay này là lúc nó đang bổ nhào bắn đạn khói chỉ mục tiêu hoặc di chuyển từ mục tiêu này sang mục tiêu khác.

Để lừa địch, ta bố trí một hệ thống mục tiêu giả để chúng di chuyển tạo thời cơ cho ta bắn. Do công phu nghiên cứu hoạt động của máy bay trinh sát, Tiểu đoàn 6 và Tiểu đoàn 14 đã từng bắn rơi máy bay trinh sát trên khu vực đường 9 và Ngã ba Sa Đi - Mường Noòng. Tính đến tháng 1 năm 1973, trên toàn tuyến ta đã bắn rơi 153 máy bay trinh sát các loại của địch.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 20 Tháng Tư, 2021, 02:30:20 pm
B. CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ CỬA KHẨU CỦA CAO XẠ VÀ TÊN LỬA

Kể từ tháng 8 năm 1964, không quân Mỹ bắt đầu đánh ra miền Bắc nhằm phá tiềm lực kinh tế, quốc phòng của ta. Đến năm 1968, tạm ngừng ném bom miền Bắc, địch tập trung đánh phá từ Nghệ Tĩnh - Quảng Bình trở vào các cửa khẩu. Gần như hầu hết các đơn vị cao xạ và tên lửa trong Quân chủng Phòng không - Không quân đều có mặt trên tuyến đường trực tiếp bảo vệ các trọng điểm cầu đường, bảo vệ các đoàn xe vào lập các chân hàng tiếp giáp các cửa khẩu, hình thành một hậu phương bảo đảm trực tiếp cho các đơn vị phía trước từ cửa khẩu đi sâu vào chiến trường miền Nam.


Tháng 7 năm 1971, Bộ thành lập Bộ tư lệnh Phòng không cửa khẩu (sau này lấy tên là Sư đoàn 377) phối thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn bao gồm cả cao xạ và tên lửa với nhiệm vụ tham gia trực tiếp bảo vệ các cửa khẩu nơi địch ngày đêm tập trung đánh phá ác liệt. Các đơn vị nhanh chóng làm quen chiến trường có những đặc điểm mới chi phối tổ chức hành động chiến đấu, nhanh chóng thích ứng với điều kiện mới để làm tròn nhiệm vụ thực hiện trực tiếp bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược. Không quân cũng đã phối hợp chiến đấu với cao pháo và tên lửa ở cửa khẩu, có tác dụng bảo vệ đội hình xe lớn, vượt khẩu an toàn.


Những đặc điểm đó là: ở đây không sử dụng được mạng rađa quốc gia để thường xuyên nắm được tình hình hoạt động của không quân địch mà chỉ dựa vào các trạm quan sát mắt; không có sự phối hợp chiến đấu của đông đảo lực lượng tự vệ dân quân du kích khắp các địa phương bố trí thành một "thiên la địa võng" ngăn cản có hiệu quả khi địch bay vào đánh phá.


Về địa hình, tuyến đường Trường Sơn kéo dài theo dải Trường Sơn là loại địa hình hiểm trở, nhiều đèo cao dốc đứng, đường hẹp, cua ngắn, nhiều sông suối cắt ngang, gây nhiều trở ngại cho hành quân của các đơn vị cao xạ, tên lửa, xe pháo, vũ khí, khí tài vừa nặng, vừa dài quá khổ. Thời tiết hai mùa có độ ẩm cao, ảnh hưởng nhiều tới việc hỏng hóc vũ khí, làm sai lệch độ chính xác của khí tài điện tử, nhất là khí tài tên lửa.


Trong chiến đấu hiệp đồng với xe và công binh thực hiện nhiệm vụ được giao trước hết là bảo vệ đội hình xe chở hàng an toàn vào chiến trường, bộ đội phòng không phải nhanh chóng hiểu rõ tình hình địch - ta và vận dụng các nguyên tắc tác chiến phòng không giành thắng lợi trong hoàn cảnh mới. Nguyên tắc tác chiến phòng không nêu lên là: "Tiêu diệt địch, bảo vệ mục tiêu, bồi dưỡng lực lượng ta" phải được nhận thức và vận dụng sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các đoàn xe vượt được trọng điểm với yêu cầu cao nhất. Quán triệt sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh Trường Sơn: Người chiến sĩ phòng không khi ngồi trên mâm pháo luôn phải tâm niệm rằng: mục tiêu phải chiến đấu bảo vệ là các xe chở đầy hàng do các đồng đội mình lái, họ không có khả năng tự bảo vệ. Người bảo vệ họ chính là các chiến sĩ phòng không được trang bị vũ khí đánh địch. Hiệu quả từng trận đánh phải tính đến số lượng xe vượt cửa khẩu đến đích an toàn nên có lúc phải chấp nhận cách đánh không đảm bảo tốt cho việc bắn trúng, bắn rơi mà lấy việc "đổi đầu đạn lấy đầu xe, quay nòng pháo theo bánh xe lăn". Trong thực hành bắn bình thường, người pháo thủ phải nhìn thẳng máy bay để biết là loại gì, tốc độ bay, để tính toán phần tử bắn mới mong có khả năng bắn trúng, bắn rơi địch, nhưng ở đây từ kinh nghiệm thực tế, người pháo thủ, nhất là trong chiến đấu đêm, phải nghe qua tiếng động cơ máy bay mà phán đoán được địch vào hướng nào, tốc độ bay, cự ly để bắn tạo nên một màn đạn theo những phần tử bắn tính sẵn, dù biết là hiệu quả không cao, nhưng có tác dụng cổ vũ đồng đội vững tay lái vượt trọng điểm, mặt khác cũng buộc địch phải bay cao lên chuyển hướng đánh, ném bom trật đường, đánh theo cách này phải tốn nhiều đạn pháo. Trong quý IV năm 1971, các đơn vị trong Sư đoàn 377 đã tiêu thụ đến hàng vạn viên đạn, có trận bắn hết nhiều đạn mà không rơi máy bay nhưng xe đi an toàn.


Ở cửa khẩu là nơi địch thường xuyên sử dụng B.52 rải thảm, dùng cường kích tập trung đánh vào từng thời điểm từ chập tối đến đêm - lúc xe xuất phát và rạng sáng lúc xe về căn cứ; ban ngày dùng OV.10 trinh sát chỉ điểm cho F.4 cường kích bắn vào các trận địa phòng không, nên việc sẵn sàng chiến đấu của phòng không là cả ngày và đêm, phải phân công nhau trực chiến, kết hợp giữa đánh tập trung và phân tán khẩu đội, trung đội đón lõng các đường bay nhất thiết địch phải bay qua để tiến công vào trọng điểm bắn phá.


Với Trung đoàn 224, đơn vị bố trí tập trung khu vực trọng điểm ATP phải sẵn sàng chiến đấu ngày đêm, bám sát kế hoạch vận chuyển của Binh trạm 14, hỗ trợ bảo vệ các đoàn xe cả lúc xuất phát và quay về căn cứ. Tiểu đoàn 13 trụ vững ở khu vực Chà Là, chịu đựng bom B.52 rải thảm hằng ngày. Chính ở đây cán bộ, chiến sĩ đã tìm được cách đối phó với thủ đoạn dùng tia la-de điều khiển bom rơi trúng đích đến từng khẩu đội đề xuất được cách đánh có hiệu quả là tập trung hoả lực bắn chiếc máy bay bay vòng chiếu tia la-de, trong khi chỉ để một bộ phận nhỏ nhằm bắn vào chiếc thả bom. Việc sử dụng lực lượng pháo thủ cũng nghiên cứu xác định biên chế tối thiểu cần có mặt trên mâm pháo, đảm bảo chiến đấu theo các phần tử tính sẵn để số người còn lại trong khẩu đội được ẩn nấp trong các công sự vững vàng gắn liền với trận địa, sáng kiến này vừa ổn định tư tưởng trong pháo thủ, vừa đảm bảo giữ gìn lực lượng chiến đấu lâu dài.


Trung đoàn cũng bố trí từng khẩu đội pháo 100mm dựa vào vách núi, có công sự chắc, ngắm bắn thẳng vào máy bay OV.10, 0.2A, trinh sát, hạn chế được hoạt động của loại trinh sát này chỉ điểm cho cường kích đánh phá ban ngày.


Kết hợp chiến đấu và nghi binh, Trung đoàn 228 ở cửa khẩu đường 12 cũng đã có trận thu hút địch ném hàng trăm quả bom vào trận địa giả. Các đơn vị phòng không bố trí trụ vững trên bốn cửa khẩu đã góp phần đắc lực bảo vệ an toàn các đoàn xe vượt cửa khẩu đi sâu vào tung thâm.


Về phần chiến đấu của tên lửa phòng không bảo vệ cửa khẩu cũng có những nét riêng thể hiện ý chí chiến đấu, sức sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 275 vượt qua thử thách hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trung đoàn là một đơn vị thọc sâu vào chiến trường rừng núi, cơ động trên cả Đông và Tây Trường Sơn, có mặt trên cả 4 cửa khẩu, đây cũng được coi là một kỳ tích của một đơn vị tên lửa.


Tên lửa phòng không của quân đội ta là loại tên lửa bảo vệ yếu địa, nay sử dụng ở một địa hình rừng núi, trận địa có nhiều góc che khuất, lại không có rađa cảnh giới từ xa, phải dựa chủ yếu vào rađa nhìn vòng của từng tiểu đoàn trực tiếp phục vụ cho chiến đấu khi máy bay đã vào gần. Tiểu đoàn lại là một tổ chức hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa các xe chỉ huy, tính toán, máy nổ với các bệ phóng vừa dài, vừa nặng (nặng trên dưới 20 tấn, dài từ 15 - 20m) vũ khí khí tài đòi hỏi luôn có các thông số kỹ thuật chính xác trong chiến đấu; ngoài ra còn phải có sự quan hệ về hậu phương để tiếp đạn, có phụ tùng thay thế dự trữ, sửa chữa phục hồi khí tài hư hỏng.


Cuộc hành quân nhập tuyến cửa khẩu cuối năm 1971 là cuối mùa mưa, lúc đường sá mới đang được sửa sang chỉ đáp ứng được từng chuyến xe nhỏ đi vào, địch dùng B.52 bắt đầu đánh phá, năm đó lại trùng gặp 3 cơn bão liên tiếp. Từ ngày 17 tháng 12 năm 1971 đến ngày 30 tháng 12 năm 1971 đã có 4 trận đánh trên cửa khẩu đường 12 và đường 20, có một trận của pháo cao xạ bảo vệ đi cùng trong biên chế, bắn rơi 3 máy bay cường kích và 1 máy bay trinh sát O.2A. Ba tháng tiếp theo (từ ngày 1 tháng 1 năm 1972 đến cuối tháng 3 năm 1972), Trung đoàn tên lửa 275 tiếp tục đánh được 13 trận, có 7 lần bị địch đánh vào trận địa bằng tên lửa Shrike (loại tên lửa của không quân phóng theo cánh sóng của tên lửa phòng không) gây thương vong và hỏng hóc khí tài. Cũng có lúc bố trí được 2 tiểu đoàn yểm trợ cho nhau, kịp thời phóng đạn hai lần trong một đêm và sáng hôm sau ngay trên cao của đội hình xe, yểm hộ kịp thời cho đoàn xe lớn cả lúc đi và về căn cứ. Trong thời gian này, đêm 29 tháng 3 năm 1972, lực lượng phòng không đã bắn rơi một AC.130 tại trận địa máy húc, 13 tên địch trên máy bay chết tại chỗ, đã có tác dụng buộc AC.130 phải ngừng hoạt động 1 tuần lễ, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch vận chuyển tổng công kích. Các tiểu đoàn cao xạ trong biên chế đi cùng cũng tham gia chiến đấu bắn rơi 5 máy bay địch có chiếc rơi tại chỗ, góp công sức vào nhiệm vụ bảo vệ tuyến vận chuyển chiến lược.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 20 Tháng Tư, 2021, 02:31:01 pm
C. ĐÁNH ĐỊCH, BẢO VỆ TRỌNG ĐIỂM TRÊN TOÀN TUYẾN

Đánh địch, bảo vệ trọng điểm là hình thức chiến thuật phổ biến của ta trên toàn tuyến; đồng thời cũng làm thất bại một trong những thủ đoạn đánh phá chính của địch trên tuyến vận chuyển. Những nơi địch đánh phá hình thành trọng điểm thường là: các cửa khẩu, nơi giao hàng cho các chiến trường, ngầm, bến phà, đèo dốc hiểm trở, ngã ba, thung lũng... Những nơi này nếu bị đánh phá thường dễ bị tắc hoặc rất khó khắc phục. Có những trọng điểm chúng đánh dai dẳng nhiều ngày liền, có nơi dài hàng kilômét đường. Khi lực lượng phòng không của ta còn ít, máy bay địch thường chỉ dùng chiếc lẻ, tốp nhỏ đánh phá cũng dễ gây tắc đường. Khi lực lượng phòng không của ta nhiều và mạnh, địch phải dùng nhiều chiếc, nhiều tốp mới có thể đến đánh một trọng điểm. Tổng sổ máy bay địch đến đánh trên tuyến của ta lúc cao nhất khoảng trên dưới 200 lần chiếc/ngày. Với số lượng ấy, chúng cũng chỉ có thể đến đánh được khoảng trên dưới 10 trọng điểm một ngày trong tổng số gần 50 trọng điểm trên toàn tuyến.


Thủ đoạn đánh phá trọng điểm của địch thường là: Sau khi trinh sát phát hiện nơi hiểm yếu, chúng dùng B.52 và máy bay cường kích ném bom làm đảo lộn, biến dạng địa hình và uy hiếp tinh thần của ta; tiếp theo chúng dùng máy bay cường kích đánh vào các trận địa cao xạ, rồi ném bom phá, bom nổ chậm, bom từ trường vào trọng điểm.


Trước khi trời tối, chúng cho máy bay bay thấp rải mìn vướng, bom bi, mìn lá để ngăn cản, làm chậm công tác khắc phục của công binh ta.


Sau khi gây tắc, ban đêm địch cho máy bay trinh sát thả pháo sáng liên tục trước và sau điểm tắc, rồi dùng máy bay cường kích hoặc AC. 130 đến phát hiện đánh xe ta bị ùn tắc ở đó.


Trong điều kiện địa hình rừng núi phức tạp, muốn đánh vào một trọng điểm có hiệu quả (nguy hại nhất là để địch ném bom trúng tim đường và đường lên xuống ngầm) địch thường phải chọn đường bay bổ nhào dễ trúng mục tiêu nhất và đường rút ra sau bổ nhào, không vướng núi, chính vì vậy ta phải nghiên cứu rất kỹ thủ đoạn này của địch để bố trí trận địa bảo vệ trọng điểm.


Đối với B.52 pháo cao xạ không bắn được, ta phải làm trận địa thật vững chắc có hầm ẩn nấp, ngụy trang kín đáo. Trên các cửa khẩu, từ những năm 70 trở đi, ta kết hợp với lực lượng phòng không - không quân của Bộ, có tên lửa phòng không, pháo trung cao có khí tài và không quân tiêm kích hoạt động mới hạn chế được B.52 của địch ở các cửa khẩu và từ đường 9 trở ra.


Đối với máy bay cường kích, ta phải đưa được 1 - 2 trận địa vào chốt cách nơi hiểm yếu không quá 200m, có thể bắn đối đầu với đường bay bổ nhào để ném bom trúng mục tiêu nhất, đồng thời bố trí các trận địa chuyên bắn máy bay sau bổ nhào lách khe núi bay ra, kiên quyết bắn rơi trước khi chúng cắt bom hoặc khi chúng rút ra, buộc chúng phải chọn đường bay khác khó trúng mục tiêu hơn. Để bảo vệ các trận địa chốt, phải bố trí các trận địa chung quanh đánh máy bay đánh phá trận địa chốt. Để tiêu diệt máy bay bay thấp ném bom bi, mìn vướng, tốt nhất là bố trí súng máy 12,7mm bắn đối đầu hoặc đón bắn đường máy bay địch bay ra.


Khi địch áp dụng thủ đoạn ném bom điều khiển bằng tia la-de, ta phải công phu nghiên cứu phát hiện quy luật và tìm ra chỗ yếu của địch để bố trí đánh và phòng tránh. Ban đầu, địch dùng máy bay bay vòng quanh mục tiêu chiếu tia la-de cho máy bay cường kích bổ nhào ném bom; ta phải bố trí các trận địa chuyên bắn máy bay bổ nhào ném bom và các trận địa chuyên bắn máy bay chiếu tia la-de làm cho máy bay không ổn định để chiếu, máy bay ném bom sẽ ném chệch mục tiêu, về sau, địch cải tiến kỹ thuật dùng máy bay vừa chiếu la-de vừa ném bom. Dùng thủ đoạn này, địch thường phải bay cao trên 4.000m, lượn vòng quanh mục tiêu, đến điểm bổ nhào la-de, góc bổ nhào thường trên 40°, đường bổ nhào phải rất ổn định để chiếu la-de khoảng 10" đến 15” rồi mới cắt bom.


Để đối phó với thủ đoạn này của địch, ta phải bố trí trận địa chốt sát mục tiêu bảo vệ cách 50 đến 70m và các trận địa chung quanh cách khoảng 500m. Trận địa chốt phải làm rất chắc, sâu, góc bắn bổ nhào trên 40°, có hầm ẩn nấp ngoài trận địa pháo từ 20 đến 30m, có giao thông hào từ trận địa pháo qua hầm ẩn nấp. Khi thực hành bắn, trên pháo chốt chỉ cần để 4 pháo thủ (tầm, hướng, đường bay, nạp đạn kiêm chỉ huy); nạp sẵn 2 băng đạn. Phát hiện mục tiêu, các pháo thủ bắt mục tiêu, khi địch bổ nhào, người chỉ huy ra lệnh bắn, các pháo thủ trận địa chốt bắn một điểm xạ dài rồi nhanh chóng chạy xuống hầm ẩn nấp, các trận địa chung quanh đều bắn bình thường. Với cách đánh này, Tiểu đoàn 14 khi bảo vệ ngầm Tha Mé đã đánh có hiệu quả, địch chưa bao giờ ném bom trúng ngầm, ta cũng đã có lần bắn rơi máy bay địch, có lần bom trúng trận địa chốt hỏng pháo nhưng các pháo thủ đều an toàn. Sau ta bố trí pháo 57mm và 37mm hỗn hợp trong 1 tiểu đoàn bảo vệ trọng điểm hiệu quả, đánh địch, bảo vệ mục tiêu cao hơn.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 20 Tháng Tư, 2021, 02:32:14 pm
D. ĐÁNH ĐÊM

Khi có đường vận chuyển bằng cơ giới, hoạt động vận chuyển của ta chủ yếu vào ban đêm. Từ mùa khô 1970-1971, ta kết hợp vận chuyển cả đêm và ngày đêm trên đường ngụy trang "kín". Từ năm 1973 trở đi, ta lấy vận chuyển ngày là chính.


Khi ta thực hành vận chuyển đêm, địch đã kết hợp đánh ngày và đánh đêm để ngăn chặn ta. Ban ngày, địch tiến hành trinh sát, đánh phá kho tàng, bến bãi, đánh gây tắc trọng điểm. Ban đêm, chúng săn đuổi đánh xe là chủ yếu. Thủ đoạn thường dùng đánh đêm là: Trinh sát phát hiện đoàn xe đang chạy trên đường, xe bị ùn tắc lại trước sau các điểm tắc, tiếp tục đánh phá các điểm đã gây tắc ban ngày, gây cản trở việc khắc phục của ta. Khi phát hiện xe bị ùn tắc ở trọng điểm, chúng thả pháo sáng liên tục, ném bom, bắn rốc-két, bắn trọng liên. Khi phát hiện đoàn xe ta đang chạy, chúng dùng cường kích ném bom chặn lại, dùng AC. 130 bắn phá. Đối với thủ đoạn này của địch, bộ đội cao xạ ta thường dùng chiến thuật chốt ở trọng điểm kết hợp với cơ động lực lượng đến bảo vệ đội hình xe bị ùn tắc cho đến khi điểm tắc được giải toả. Để bảo vệ đoàn xe đang chạy, ta dùng chiến thuật cơ động phục kích trên những đoạn đường dễ bị địch đánh phá. Lực lượng thường dùng là từng trung đội 2 khẩu pháo kết hợp với súng máy 12,7mm do một cán bộ đại đội chỉ huy; có trường hợp dùng cả đại đội bố trí thành hai trận địa nhưng hoả lực bắn tập trung vào mục tiêu, hiệu suất bắn sẽ cao hơn. Lực lượng cơ động phục kích lấy ra ở các trọng điểm không bị đánh phá gần sáng lại cơ động về trọng điểm. Có khi lấy ở lực lượng cơ động của binh trạm hoặc của Bộ tư lệnh. Trường hợp có đoàn xe quan trọng, ta thường bố trí súng máy 12,7mm đặt ngay trên xe hàng, có khi bố trí từng đội pháo tư thế bắn trong hành tiến xen kẽ vào đội hình xe để bảo vệ trong suốt cung đường vận chuyển.


Kỹ thuật bắn đêm, kể cả bảo vệ trọng điểm hay cơ động phục kích rất phức tạp, ta không có rađa bắt mục tiêu nên bộ đội phải tăng cường luyện tập rất công phu. Ban đêm nếu địch thả pháo sáng hoặc trăng sáng rõ, pháo thủ có thể bắt được mục tiêu thì bắn theo phương pháp bình thường. Nếu không bắt được mục tiêu thì bắn theo phương pháp nghe tiếng động cơ máy bay. Người chỉ huy, trinh sát viên và pháo thủ phải công phu luyện tập để có thể nghe phân biệt được các loại máy bay, bay cao, bay thấp, xa hay gần, bay thẳng đến hay bay chếch, tốc độ nhanh hay chậm, bổ nhào hay bay bằng, lượn vòng, thời cơ cắt bom... để quyết định phần tử và thời cơ bắn. Đánh địch, bảo vệ trọng điểm để công binh khắc phục thông đường và bảo vệ xe đang vận chuyển trên đường ban đêm là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng nhất của bộ đội phòng không Trường Sơn. Bộ đội phòng không đã phải thường xuyên trinh sát nắm địch, làm công tác chuẩn bị trận địa và huấn luyện bộ đội giỏi, chuẩn bị vũ khí phương tiện xe cộ tốt nên đã có nhiều đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc mục tiêu và bắn rơi máy bay địch ban đêm, có nhiều chiếc rơi tại chỗ. Tính đến tháng 1 năm 1973, máy bay địch bị bắn rơi ban đêm chiếm 11,6% tổng số máy bay địch bị bắn rơi trên toàn tuyến.


E. ĐÁNH MÁY BAY ĐẾN CỨU GIẶC LÁI VÀ ĐỔ BỘ QUÂN

Khi ta bắn rơi máy bay, giặc lái còn sống nhảy dù, địch thường tổ chức đến cứu. Đây là một thời cơ để ta có thể tiêu diệt thêm nhiều máy bay của địch. Khi biết có giặc lái nhảy dù, địch cho máy bay trinh sát đến xác định vị trí giặc lái nhảy xuống và liên lạc với giặc lái. Tiếp theo, chúng thường cho máy bay AD.6 đến ném bom bắn phá xung quanh khu vực giặc lái để khống chế lực lượng không cho ta đến bắt giặc lái và khống chế lực lượng cao xạ của ta gần khu vực chúng đến cứu; dùng máy bay trực thăng đến liên lạc với giặc lái, hướng dẫn giặc lái ra nơi có thể hạ trực thăng xuống cứu.


Để đánh bại thủ đoạn này của địch, đơn vị bắn rơi máy bay cần xác định khu vực địch nhảy dù, báo ngay cho bộ đội công binh hoặc binh trạm gần khu vực giặc lái nhảy xuống để cơ động đến vây bắt và sẵn sàng huy động tất cả các loại vũ khí để bắn máy bay thấp đến cứu giặc lái.


Bộ đội cao xạ nhanh chóng cho cơ động lực lượng đến gần khu vực có giặc lái nhảy dù, bắn các loại máy bay trinh sát, AD.6 và dự đoán đường bay đến và khu vực địch có thể hạ trực thăng cứu giặc lái, để cơ động lực lượng đến đánh. Lực lượng cơ động có thể dùng trung đội pháo 2 khẩu 37mm, thậm chí 1 khẩu trên xe cõng súng máy 12,7mm nhanh chóng cơ động đến triển khai bắn tất cả các loại máy bay đến cứu giặc lái. Bằng chiến thuật này, ngày 19 tháng 4 năm 1969, Tiểu đoàn 36 Binh trạm 42 đã bắn rơi thêm 22 máy bay địch. Ngày 5 tháng 3 năm 1971, Tiểu đoàn 24 Trung đoàn 591 đã bắn rơi 20 máy bay ở đường 9 và Tiểu đoàn pháo 37 Binh trạm 39 đã bắn rơi 6 chiếc AD.6 ở Thác Hài.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 20 Tháng Tư, 2021, 02:33:06 pm
G. ĐÁNH MÁY BAY AC.130

Máy bay AC. 130 là loại máy bay vận tải hạng trung của Mỹ, loại máy bay này có tính năng bay ổn định thời gian bay lâu (7 - 8 tiếng/lần), tốc độ tương đối chậm, chở được nhiều, nên Mỹ đã cải tiến, trang bị vũ khí và máy móc điện tử, dùng làm máy bay chiến đấu chuyên săn đuổi đánh xe ta ban đêm trên đường vận chuyển. Mùa khô 1966-1967, máy bay AC. 130 được trang bị pháo liên thanh 20mm bắn cả ban ngày, ban đêm, chủ yếu bắn đêm, chúng phát hiện mục tiêu bằng ánh sáng trắng, thả pháo sáng, bằng quan sát ánh đèn xe, từng bước chúng trang bị máy khuếch đại ánh sáng mờ, rồi rađa hồng ngoại; đến mùa khô 1969-1970, chúng trang bị máy thu tín hiệu tia lửa điện của ô tô, rồi tự động điều khiển pháo liên thanh 40mm bắn xe ta đang chạy, kể cả xe chạy trên đường "kín" và đường mới mở, với độ chính xác khá cao. Máy bay AC. 130 đã gây cho ta nhiều thiệt hại và uy hiếp tinh thần lái xe ta.


Chống lại AC. 130 của địch, cơ quan tham mưu phòng không Trường Sơn đã tích cực nghiên cứu và từng bước tìm ra được các biện pháp đánh và phòng tránh có hiệu quả.


Để đánh lại địch trên các trọng điểm máy bay AC. 130 hay đến bắn phá, ta bố trí các trận địa pháo 37mm và súng máy trên các cao điểm và tích cực bắn khi chúng bay tới, nhưng hiệu quả không cao, một phần vì chúng bay cao vút tầm pháo 37mm và súng máy; phần vì vòng lượn của AC. 130 rất hẹp, khó bắn đón, nhưng vẫn phải tích cực bắn để chúng không dám hạ thấp độ cao, hạn chế phần nào hoạt động của chúng. Từng bước rút kinh nghiệm, ta cũng tìm ra được nhược điểm của chúng là muốn bắn trúng mục tiêu phải hạ thấp độ cao. Từ đó, ta chọn thời cơ AC. 130 hạ thấp độ cao hoặc lúc chúng bay thẳng chuyển mục tiêu để bắn, nên cao xạ ở khu vực ngầm Bạc đã bắn trúng 1 chiếc AC. 130, về đến căn cứ mới rơi. Ngoài ra, sau 2 năm trên tuyến, Mỹ công nhận có 10 chiếc AC. 130 đã bị trúng đạn pháo 37mm nhưng về được căn cứ. Mùa khô 1969-1970, chúng cải tiến kỹ thuật bắt mục tiêu và trang bị pháo 40mm và 150mm nâng độ cao bay trên tầm pháo 37mm đã gây cho ta nhiều khó khăn hơn. Để đối phó lại, ta phải dùng biện pháp tổng hợp kết hợp giữa đánh và phòng tránh tích cực tăng tỷ lệ pháo 57mm.

1. Đánh địch: Lực lượng phòng không Trường Sơn được trang bị thêm pháo 57mm và trung cao có khí tài rađa và có cả lực lượng phòng không và không quân tiêm kích của Bộ phối hợp bố trí đánh địch trên các cửa khẩu đã bắn rơi 2 chiếc AC. 130 (1 chiếc rơi tại chỗ) ngày 27 và 29 tháng 3 năm 1972, nên đã loại trừ được AC. 130 địch hoạt động từ Nam đường 9 trở ra.


2. Phòng tránh: Lực lượng công binh làm đường "kín" cho xe chạy ban ngày, biện pháp này đã loại trừ hẳn được AC. 130 đánh trên toàn tuyến ban ngày.

Để bảo đảm xe chạy ban đêm, ta đã bố trí một hệ thống các đài quan sát mắt và nghe tiếng động cơ máy bay trên các núi cao có hệ thống thông tin thông báo báo động máy bay AC. 130 hoạt động về sở chỉ huy và các binh trạm sở chỉ huy có bản tiêu đồ đánh dấu khu vực có AC. 130 hoạt động, kịp thời thông báo cho các trạm điều chỉnh giao thông ngăn xe, tắt máy tạm ngừng chạy, ẩn nấp vào các đường "xương cá", Các lực lượng cao xạ phục kích trên đường tích cực bắn AC. 130, lái xe đang chạy nghe cao xạ bắn cũng tạm ngừng ẩn nấp. Xe trên khu vực khác chưa có AC. 130, tăng tốc chạy bình thường. Các xe vận tải được che chắn bằng các bó tre nứa chung quanh và trên mũi xe, hạn chế sức công phá của pháo địch. Được mặc áo giáp và đội mũ sắt chống đạn làm cho bộ đội lái xe cũng an tâm hơn khi chạy trên đường. Biện pháp này rất có hiệu quả, đã hạn chế nhiều thiệt hại do AC. 130 bắn phá.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 20 Tháng Tư, 2021, 02:34:16 pm
H. TÁC CHIẾN PHÒNG KHÔNG TRONG CHIẾN DỊCH ĐƯỜNG 9 - NAM LÀO

Cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta của đế quốc Mỹ đã bước sang năm 1971, địch ngày càng thất bại, sa lầy trên các chiến trường; tất cả các thủ đoạn ngăn chặn bằng không quân, chất độc hoá học, hàng rào điện tử, biệt kích thám báo trên tuyến vận chuyển chiến lược đều thất bại; miền Nam ta càng đánh càng thắng to. Năm 1970, chúng thực hiện đảo chính ở Campuchia, lật đổ Xihanúc, hòng cắt đứt con đường tiếp tế cho B2 của ta cũng bị thất bại. Để thực hiện "Việt Nam hoá chiến tranh", đế quốc Mỹ đã thúc ép bọn ngụy mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719" ra Đường 9 - Nam Lào, phối hợp với ngụy Lào ở phía Tây hòng cắt đứt hoàn toàn sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam của ta. Chúng đã huy động 16 lữ đoàn bộ binh, hàng chục tiểu đoàn pháo binh và thiết giáp, xe tăng yểm trợ cùng với một lực lượng không quân lớn của Mỹ, ngụy chi viện, chở quân (gồm 45 chiếc B.52, 300 máy bay chiến thuật, 800 trực thăng, 100 máy bay vận tải, đã xuất kích 1.295 lần/chiếc B.52, 2.245 lần/chiếc cường kích, 4.027 lần/chiếc trực thăng). Ngày 8 tháng 2 năm 1971, chúng dùng hàng trăm lần/chiếc B.52 và máy bay cường kích ném bom dọn bãi ở khu vực Bản Đông; đồng thời hành quân bộ từ Lao Bảo - đường 9 ra Bản Đông và đổ bộ trực thăng xuống các cao điểm Bắc Nam Bản Đông, mở đầu cho chiến dịch "Lam Sơn 719".


Các lực lượng của ta dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng tư lệnh đã phán đoán đúng âm mưu của địch và đã có sự chuẩn bị sớm từ tháng 10 năm 1970: thành lập Bộ tư lệnh chiến trường, hiệp đồng tác chiến giữa các sư đoàn bộ binh với các quân - binh chủng, chuẩn bị đường sá, hậu cần rất chu đáo.


Sáng ngày 1 tháng 2 năm 1971, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã được biết ngày giờ, địa điểm địch sẽ thực hành mở chiến dịch và cử ngay một Bộ tư lệnh tiền phương đến Bản Đông để tổ chức và chỉ huy các lực lượng tại chỗ. Chuẩn bị thế trận tại chỗ, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã nhanh chóng sơ tán kho tàng vào nơi an toàn; chuyển các binh trạm ở Bắc - Nam đường 9 cùng các lực lượng phòng không của Trường Sơn thành 7 khu vực tác chiến tại chỗ:

1. Khu vực Bản Đông;

2. Khu vực Chà Lỳ, Mường Trương;

3. Khu vực Tam Luông, Pe Luông;

4. Khu vực Thà Khống;

5. Khu vực Sa Đi - Mường Noòng.

6. Khu vực Tha Mé, Na Bo;

7. Khu vực La Hạp.

Mỗi khu vực có từ 2 tiểu đoàn cao xạ, 2 - 3 đại đội, đến trung đoàn cao xạ. Ở đường 16 Bắc Bản Đông còn có Trung đoàn tên lửa phòng không và Trung   đoàn   cao xạ 230 (pháo 57mm) của Bộ.


Khi địch đổ bộ, lực lượng tại chỗ của Bộ tư lệnh Trường Sơn đánh rất tốt, từng bước ngăn chặn, giữ chân địch để chủ lực đánh những trận then chốt tiêu diệt từng tiểu đoàn, thiết đoàn, căn cứ lữ đoàn địch. Đặc biệt, bộ đội phòng không ngay từ những ngày đầu đã bắn rơi 50 trực thăng của địch, điển hình như đại đội 12,7mm của Tiểu đoàn công binh 75 ngày 8 tháng 2 năm 1971 đã bắn rơi 10 trực thăng. Ngày 11 tháng 2 năm 1971, Đại đội 4 Tiểu đoàn cao xạ 4 bắn rơi 8 trực thăng.


Ngoài việc bắn máy bay trực thăng địch đổ bộ, bộ đội phòng không Trường Sơn đã áp sát các cứ điểm địch, bắn chi viện cho bộ binh và xe tăng ta tiến công rất có hiệu lực, tạo điều kiện cho bộ binh và xe tăng ta diệt cứ điểm địch. Bị bao vây ngăn chặn ở Bản Đông, địch không thể dùng đường bộ tiến về Sê Pôn được, chúng cho 2 trung đoàn của sư đoàn 1 ngụy đổ quân bằng trực thăng xuống các cao điểm Nam sông Sê Băng Hiên. Nơi đây toàn là bãi đá, không có quân ta bố trí, nhưng cũng không thể chiếm được Sê Pôn. Địch cho 1 đội biệt kích vào thị trấn Sê Pôn đã bỏ hoang từ lâu tổ chức quay phim, chụp ảnh rồi tung dư luận lừa gạt là đã chiếm được Sê Pôn. Bảo vệ khu vực Sê Pôn, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã sớm chủ động thành lập một Bộ tư lệnh Trường Sơn ở phía Tây do Phó Tư lệnh Nguyễn Hoà và Phó Chính ủy Hoàng Thế Thiện trước khi chúng định đổ bộ chiếm đèo Tha Mé, Nam Sê Pôn, đó là một địa điểm rất mạnh vận chuyển hàng vào miền Nam. Ở khu vực Sê Pôn, ta có Sư đoàn bộ binh 2 của Quân khu 5 phối thuộc và 1 tiểu đoàn xe tăng của Bộ bố trí trên đường 9, Bắc Sê Pôn. Lực lượng phòng không khu vực này ta có 12 tiểu đoàn cao xạ và súng máy 12,7 của các binh trạm chung quanh. Trực tiếp giữ đèo Tha Mé, lực lượng bộ binh ta có Trung đoàn 48 độc lập mới cơ động từ sân bay Sê Nô (Lào) về, lực lượng phòng không có Tiểu đoàn 14 anh hùng và Tiểu đoàn 20 đi cùng các đại đội súng máy của công binh trực tiếp giữ đèo.


Địch đổ bộ xuống đèo Tha Mé, lực lượng cao xạ ta đánh tốt, đã bắn rơi 10 trực thăng đổ bộ, trong đó có 1 "cần cẩu bay". Không đổ bộ được xuống Tha Mé, địch đổ bộ xuống đèo Yên Ngựa, các cao điểm 748, 723 phía Đông đèo Tha Mé. Sư đoàn bộ binh 2 phối thuộc cơ động sang diệt địch ở đèo Yên Ngựa, cao điểm 748 rồi đến 723. Tiếp theo, sư đoàn cùng các lực lượng khác của Bộ đội Trường Sơn diệt cao điểm 660, 651 và bao vây chúng ở Bản Đông cho đến hết chiến dịch. Lực lượng cao xạ Trường Sơn đã cơ động áp sát chi viện cho bộ binh ta tiến công các cao điểm rất có hiệu quả. Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào thành công rất tốt đẹp. Riêng lực lượng phòng không Trường Sơn đã đánh 481 trận diệt 356 máy bay, trong đó có 310 trực thăng. Điển hình là Tiểu đoàn 24, ngày 5 tháng 3, đã bắn rơi 20 máy bay, cả chiến dịch Tiểu đoàn 24 đã bắn rơi 76 máy bay.


Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào được đánh giá là một chiến dịch phản công điển hình trong lý luận và thực tiễn của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, trong đó nổi lên là vai trò của các lực lượng tại chỗ. Các binh chủng Bộ đội Trường Sơn giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ chân địch, tạo thế triển khai lực lượng chủ lực cơ động Đông và Tây Trường Sơn đánh các trận then chốt và then chốt quyết định giành thắng lợi cho chiến dịch.


Hệ thống phòng không Trường Sơn đã giữ một vai trò rất quan trọng có tính chất quyết định trong việc bắn rơi nhiều trực thăng địch, đánh bại thủ đoạn đổ bộ đường không bằng trực thăng của chúng, bảo vệ binh chủng hợp thành chiến đấu, đặc biệt là ở khu vực Bản Đông và Sê Pôn.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 20 Tháng Tư, 2021, 02:35:04 pm
I. TÁC CHIẾN PHÒNG KHÔNG TRONG CÁC CHIẾN DỊCH CỦA BỘ

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, đế quốc Mỹ ngừng đánh phá miền Bắc và Lào, từng bước rút quân viễn chinh ở miền Nam, nhưng chúng vẫn duy trì một lực lượng máy bay để chi viện cho quân ngụy lấn chiếm vùng giải phóng của ta, phá Hiệp định Pari. Quân ngụy còn nhiều máy bay nhưng máy bay chiến đấu ít (510/1.850) hoạt động đánh phá trên tuyến vận chuyển của ta giảm hẳn, chủ yếu là trinh sát bằng các loại RF.4, OV.10, L.19, C.47, KNL..., số lượng khoảng 15 đến 20 lần/chiếc/ngày, chụp ảnh, quan sát mắt và trinh sát vũ trang. Khi phát hiện ta có vận chuyển lớn, chúng vẫn dùng B.52 hoặc từng tốp nhỏ cường kích đánh phá, nhưng không hình thành trọng điểm, số lượng cao nhất trong ngày khoảng 30 đến 50 lần/chiếc; đánh đêm giảm hẳn, chúng tránh đối đầu với lực lượng cao xạ ta. Tuy nhiên, nếu ta sơ hở, thiếu sẵn sàng chiến đấu chúng vẫn bất ngờ đánh vào trận địa cao xạ.

Về ta: Từng bước chuyển tuyến vận chuyển chiến lược từ bên Tây Trường Sơn sang Đông Trường Sơn. Hoàn thành đường Đông Trường Sơn có tiêu chuẩn cấp 4 miền núi trên đất ta từ Quảng Bình đến Nam Bộ thành mạng đường liên hoàn Đông - Tây Trường Sơn dài 17.000km. Các Bộ tư lệnh khu vực chuyển thành các sư đoàn hỗn hợp, tham gia các chiến dịch bảo đảm đường sá và vận chuyển với quy mô lớn giao hàng cho các chiến trường chuẩn bị đón thời cơ chiến lược lớn. Các tiểu đoàn cao xạ của các binh trạm hình thành các trung đoàn cao xạ trong sư đoàn khu vực sẵn sàng cơ động trên toàn tuyến. Tổng số có 1 sư đoàn, 30 tiểu đoàn, 105 đại đội làm nhiệm vụ bảo vệ cả 2 tuyến Đông, Tây, cụ thể: Sư đoàn 377 có 5 trung đoàn triển khai tuyến Đông Trường Sơn từ đường 9 vào đến Trao, bến Giàng. Bốn trung đoàn của 4 sư đoàn khu vực triển khai bảo vệ tuyến Tây Trường Sơn, trong đó có Trung đoàn 546 từ tháng 5 năm 1973 chuyển sang phía Đông triển khai ở phà 8 Ya Đrăng bảo vệ tuyến vận chuyển phía Nam.


Các lực lượng phòng không ta một mặt vẫn triển khai sẵn sàng chiến đấu đánh máy bay địch; một mặt ra sức huấn luyện nâng cao sức chiến đấu, sửa chữa bảo dưõng vũ khí trang bị, xe cộ, sẵn sàng làm lực lượng dự bị chiến lược cơ động chi viện cho các chiến trường.

Việc đánh máy bay địch, nhiều đơn vị do tích cực nghiên cứu nắm được quy luật hoạt động của chúng, sẵn sàng chiến đấu tốt nên đã bắn rơi máy bay địch như: Tiểu đoàn 12 Trung đoàn 565 ngày 6 tháng 2 năm 1974 đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc 0.2 và 1 chiếc D6; Tiểu đoàn 100 trong 2 ngày bắn rơi liên tục 3 máy bay địch, v.v... Tuy nhiên, có đơn vị do sơ hở mất cảnh giác, thiếu sẵn sàng chiến đấu để địch đánh vào trận địa tổn thất như Đại đội 18 Tiểu đoàn 14 Trung đoàn 232,...


Tháng 5 năm 1974, Tiểu đoàn 112 Trung đoàn 545 được phái đi chi viện cho bộ binh ta đánh Đắc Pét thắng lợi, sau đó vào bảo vệ sân bay Đắc Pét.

Hai năm 1973-1974, địch hoạt động trên các tuyến giảm hẳn, không gây được cản trở cho công tác vận chuyển của ta. Ta đã đánh 115 trận (có 1 trận đêm) bắn rơi 10 máy bay (7 chiếc rơi tại chỗ), nhưng còn nhiều đơn vị do nghiên cứu địch không kỹ, phương án tác chiến quá sơ sài, tổ chức chỉ huy thiếu chặt chẽ còn bỏ lỡ nhiều thời cơ tiêu diệt địch, hiệu suất chiến đấu không cao.


Bước sang mùa khô 1974-1975, nhiệm vụ chi viện chiến trường ngày càng đòi hỏi lớn, địch có thể tăng cường hoạt động đánh phá ngăn chặn. Bộ đội phòng không vẫn phải sẵn sàng chiến đấu trên cả hai tuyến Đông - Tây, mặt khác phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ tham gia các chiến dịch binh chủng hợp thành và chuyển thuộc cho các chiến trường trực tiếp bảo vệ đội hình chiến đấu của bộ đội hợp thành. Bảo vệ vận chuyển vẫn phải vận dụng linh hoạt sáng tạo hai hình thức chặt chẽ các trận đánh tập trung cỡ tiểu đoàn và trung đoàn trong bảo vệ vận chuyển và bảo vệ bộ đội hợp thành chiến đấu.


Chuẩn bị chiến dịch Tây Nguyên, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã chuyển thuộc Trung đoàn 232 cho mặt trận Tây Nguyên. Ngày 19 tháng 3 năm 1975, Trung đoàn 595 hành quân cấp tốc chuyển thuộc cho Nam Bộ. Sư đoàn 377 tiến sâu vào phía Nam. Sư đoàn 375 Quân chủng Phòng không - Không quân vào triển khai ở khu vực Hướng Hoá thay Sư đoàn 377. Thời gian này, địch tăng cường đánh phá sự chuẩn bị chiến dịch tiến công của ta trên các mặt trận.
   

Sau ngày 18 tháng 3, khi ta đã giải phóng Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Plây Ku, địch chuyển sang đánh các kho tàng cũ của chúng và các cầu đường khu mới giải phóng. Sư đoàn 377 cơ động vào bảo vệ Kon Tum, Plây Ku, Buôn Ma Thuột và tiến xuống đường 1A. Trung đoàn 528 bảo vệ Cam Ranh, Trung đoàn 527 bảo vệ Nha Trang, Trung đoàn 232 tham gia chiến dịch Tây Nguyên, bảo vệ tốt cho binh chủng hợp thành chiến đấu đã cùng các trung đoàn 234, 593 bắn rơi 51 máy bay (19 rơi tại chỗ) bắn cháy 11 chiếc khác. Các trung đoàn 545, 591, 218 chuyển thuộc cho B2 chỉ huy. Khi các chiến trường đánh lớn, không quân hầu như ngừng hoạt động trên tất cả các tuyến vận chuyển.


Các lực lượng phòng không bảo vệ tuyến vận chuyển mùa khô 1974-1975 đã đánh 64 trận (15 trận đêm) bắn rơi 4 máy bay chi viện đắc lực cho đội hình vận chuyển, bảo vệ an toàn các trọng điểm giao thông quan trọng, giữ vững tuyến vận chuyển chiến lược từ hậu phương đi các chiến trường thông suốt liên tục.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 20 Tháng Tư, 2021, 02:35:40 pm
J. BỘ ĐỘI PHÒNG KHÔNG TRƯỜNG SƠN THAM GIA CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH

Ngày 11 tháng 3 năm 1975, sau khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã lệnh cho Sư đoàn 377 hành quân ngay vào Tây Nguyên và chỉ mấy ngày sau cơ quan sư đoàn bộ đã vào Kon Tum; các trung đoàn 218 và 591 cũng được lệnh lên đường và ngày 19 tháng 3 năm 1975 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 218 và Trung đoàn 591 cũng được lệnh lên đường và ngày 19 tháng 3 năm 1975 Tiểu đoàn 6 Trung đoàn 218 đã kịp thời triển khai đội hình bảo vệ cầu Đăk La ở Kon Tum, chống lại cuộc không kích của 8 máy bay A37 đến đánh, một quả bom xuyên qua mặt cầu không nổ, toán máy bay địch bất ngờ bị đánh, đội hình chững lại, bom ném đều cách cầu trên 100m, cầu giữ được an toàn để các đơn vị Quân đoàn 3 tiếp tục truy kích địch. Trung đoàn 218 vào thay Sư đoàn bộ binh 968 tiếp quản Kon Tum giải phóng. Trung đoàn 591 vào tiếp quản Plây Ku và cơ quan sư đoàn bộ cũng chuyển sang Plây Ku vào những ngày cuối tháng 3 nàm 1975. Lúc này, Trung đoàn 545 ở bến Giàng được Bộ tư lệnh Trường Sơn giao trực tiếp nhiệm vụ bảo vệ Quân đoàn 2 cùng với lực lượng tỉnh Thừa Thiên hành tiên đánh địch trên đường 1A dọc theo miền duyên hải. Nhưng sau đó lại được lệnh trở về đội hình sư đoàn. Đơn vị đã vượt qua 1.000km về Bù Đăng ngày 18 tháng 4. Đầu tháng 4, sư đoàn nhận lệnh trực thuộc Bộ tư lệnh chiến dịch làm nhiệm vụ phòng không dự bị, có nhiệm vụ bảo vệ các cầu, ngầm, bến vượt an toàn cho đội hình của Quân đoàn 1 tiếp cận Sài Gòn từ phía Bắc và Đông Bắc, Quân đoàn 3 tiếp cận từ Tây Bắc. Lúc này, trong biên chế Quân đoàn 2 đã có Sư đoàn phòng không 673, Quân đoàn 1 đã có Sư đoàn phòng không 367, còn Quân đoàn 3 có Trung đoàn 234. Tình hình đang diễn biến mau lẹ; điện: thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, giải phóng miền Nam... của Bộ Tổng tư lệnh đã được truyền đạt đến các đơn vị. Nhiều đơn vị để lại xe pháo hỏng dọc đường, cử người trông, lấy xe Gát 63 kéo pháo 57 (nặng trên 4 tấn) vượt khả năng kéo của xe thế mà cứ băng băng xốc tới; đường sá, địa hình chưa hề biết vừa hành quân vừa tìm trận địa bố trí chiến đấu theo những mệnh lệnh luôn luôn thay đổi. Trong những ngày này, tuy không quân địch đã yếu đi nhiều, không sử dụng hết các sân bay như trước, nhưng vẫn có những hoạt động bắn phá và vẫn có các trận đánh của Trung đoàn 545 bảo vệ cầu 38, Trung đoàn 218 bảo vệ cầu Cây Cái, Trung đoàn 591 bảo vệ cầu Bến Củi, giữ an toàn cho Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3 vào chiếm lĩnh khu vực, bao vây Sài Gòn, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Nhưng ngày 25 tháng 4, 2 tiểu đoàn của Trung đoàn 218 trên đường hành quân đã bị một tốp A37 ném bom toạ độ làm 6 chiến sĩ hy sinh, 1 pháo hỏng.


Bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, các trung đoàn đều đã cơ động về chiếm lĩnh trận địa xung quanh Sài Gòn: Trung đoàn 218 từ Đồng Xoài về ngầm Sông Bé áp sát Biên Hoà, bảo vệ trận địa một tiểu đoàn của Trung đoàn 263 tên lửa ở Cây Gáo; Trung đoàn 591 ở cầu Võ Tùng, cầu Bến Củi, bảo vệ cụm pháo binh ở Bến Cát.


Lúc này, không quân địch đã hầu như tê liệt, các sân bay bị pháo binh ta không chế, nhưng ngày 26 tháng 4, Trung đoàn 591 vẫn có trận chiến đấu đánh trả các tốp F.5 và A.37 ở cầu Bến Củi, mãi đến ngày 28 tháng 4 sau trận không quân ta dùng máy bay chiếm được của địch tấn công Tân Sơn Nhất, pháo binh 130mm từ Nhơn Trạch nã vào sân bay thì hoạt động của không quân địch mới ngừng. Ngày 29 tháng 4, Trung đoàn 545 vào Đồng Dù rồi sang khu vực Trảng Bàng, Củ Chi. Sáng 30 tháng 4 năm 1975, các quân đoàn đồng loạt từ các hướng tổng tiến công vào nội đô. Lúc này, sở chỉ huy Sư đoàn 377 ở Tri Tâm. Khoảng gần 12 giờ hôm ấy, cán bộ, chiến sĩ trong sở chỉ huy sư đoàn qua đài phát thanh vui sướng, xúc động nghe lòi tuyên bố đầu hàng của tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh. Cuộc tổng tiến công giải phóng Sài Gòn kết thúc. Sáng 1 tháng 5 năm 1975, sở chỉ huy Sư đoàn 377 tiến về Hóc Môn.


Kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, các đơn vị cao xạ Trường Sơn lần lượt chuyển thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân bảo vệ các thành phố mới giải phóng.

Nhìn lại chặng đường 16 năm trưởng thành của bộ đội phòng không Trường Sơn đã từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại. Nghệ thuật sử dụng lực lượng với quy mô nhỏ từng đại đội đến tiểu đoàn, trung đoàn, đến quy mô lớn cấp sư đoàn; nghệ thuật tác chiến cũng luôn được phát triển, phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Phòng không - Không quân trong các chiến dịch vận chuyển quy mô lớn ở các cửa khẩu, thông thạo các hình thức chiến thuật, đánh ngày đánh đêm; bảo vệ trọng điểm, cơ động phục kích, đánh trong hành tiến, bảo vệ đội hình chiến đấu trong các chiến dịch binh chủng hợp thành của Bộ. Đánh bại các âm mưu, thủ đoạn, các hình thức chiến thuật của địch, bắn rơi nhiều máy bay địch.


Bộ đội phòng không Trường Sơn giữ một vai trò rất quan trọng, đã hoàn thành xuất sắc cả ba nhiệm vụ: Bảo vệ đắc lực tuyến chi viện chiến lược, phối hợp với các binh chủng khác, quân và dân bạn và các chiến trường chống chiến tranh xâm lược, tham gia chiến đấu các chiến dịch trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 25 Tháng Tư, 2021, 08:12:05 am
BỘ BINH CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN


HOÀNG XIỂN
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng - Đảng ủy Binh đoàn 12,
nguyên Phó phòng Cán bộ mặt trận Trung - Hạ Lào



Lực lượng bộ binh thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn có ba nhiệm vụ:

- Bộ binh chiến trường Trường Sơn là lực lượng chủ lực phối hợp với quân và dân Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia, các chiến trường của ta, các binh chủng trên chiến trường Trường Sơn giúp bạn đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở chiến trường Trung - Hạ Lào.

- Là chủ lực phối hợp với các lực lượng trên, đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ vào tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh.

- Là một bộ phận dự bị chiến lược tại chỗ, tham gia các chiến dịch lớn trên chiến trường miền Nam.

Để hoàn thành ba nhiệm vụ trên, bộ binh thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn đã thừa kế truyền thống đoàn kết chiến đấu, cùng chung chiến trường, chung chiến hào trong công cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ba nước. Đơn cử một trong nhiều sự kiện đoàn kết phối hợp chiến đấu có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ba nước anh em là chiến dịch Điện Biên Phủ, hai nước anh em Lào - Việt chọn Trung - Hạ Lào là một trong các hướng chiến dịch phối hợp trọng yếu kìm giữ lực lượng của địch, 2 đại đoàn chủ lực quân Việt Nam cùng với Trung đoàn 280 tình nguyện Trung Lào đã phối hợp chặt chẽ với quân, dân Trung - Hạ Lào mở chiến dịch vận động tập kích vào lực lượng chủ lực của Pháp và ngụy Lào, ngụy Campuchia, nhanh chóng tiêu diệt nhiều sinh lực của địch, giải phóng nhiều tỉnh của bạn từ suốt đường số 8 xuống đến Đông Bắc Campuchia. Sau khi ta giải phóng thị xã Thà Khẹt, thực dân Pháp vội vã đưa 2 binh đoàn Âu - Phi ở đồng bằng Bắc Bộ sang ứng cứu và chôn chân tại đó. Đòn phối hợp đó đã góp phần thuận lợi cho chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải chấp nhận đàm phán chấm dứt chiến tranh, rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Hiệp định Giơnevơ được ký, ba nước trên bán đảo Đông Dương được thừa nhận nền độc lập chủ quyền của mỗi quốc gia.


Đế quốc Mỹ không thừa nhận Hiệp định Giơnevơ, đã thay chân thực dân Pháp tiếp tục xâm lược miền Nam Việt Nam, Campuchia và Lào.

Một lần nữa, ba nước anh em lại đoàn kết giúp nhau cùng chiến đấu, chung chiến trường, chung chiến hào chống kẻ thù chung. Lần này, nhiệm vụ chiến đấu nặng nề hơn các lần trước, bởi kẻ thù giàu mạnh bậc nhất thế giới. Nhưng, cũng có thuận lợi lớn, theo Hiệp định Giơnevơ, nước nào cũng có vùng giải phóng rộng lớn. Riêng Việt Nam có cả nửa nước giải phóng hoàn toàn, có chủ quyền độc lập tự do của một quốc gia, trở thành một hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam và hai nước bạn. Từ đây, công cuộc tổ chức chi viện cho các chiến trường đã trở thành vấn đề chiến lược.


Thực hiện Nghị quyết 15 (1-1959) của Trung ương Đảng, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương tổ chức tuyến chi viện chiến lược 559 Trường Sơn.

Những năm đầu mới chỉ có con đường mòn đi bộ ở Đông Trường Sơn, làm nhiệm vụ giao liên và một phần gùi thồ vũ khí nhẹ cho miền Nam, nhưng do địa hình quá phức tạp, địch lại tập trung ngăn chặn nên tuyến đường không phát triển được.


Ở Tây Trường Sơn, địa hình tương đối tốt hơn, địch yếu hơn. Được sự thoả thuận của ba Đảng, ba nước anh em, tuyến chi viện được phép lật cánh sang sườn Tây Trường Sơn để mở đường vận tải cơ giới. Bộ đội tình nguyện Việt Nam do Quân khu 4 phụ trách, đang hoạt động ở Trung - Hạ Lào được lệnh phối hợp với quân, dân bạn đánh địch, giải phóng hành lang Tây Trường Sơn từ Lạc Sao thuộc tỉnh Bu Li Khăm Xay trên đường 8 cho đến Đông Bắc Campuchia. Đoàn 559 mở tuyến đường vận tải ô tô, lúc đầu chỉ hoạt động quy mô nhỏ.


Cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ do đế quốc Mỹ điếu khiển đã diễn ra ở Lào, chúng mở các cuộc tiến công vào vùng giải phóng của ta ở Trung - Hạ Lào, đưa cuộc "chiến tranh đặc biệt tăng cường" ở Lào lên một bước mới.


Quân ủy Trung ương ta và bạn chủ trương tăng cường lực lượng quân sự ở Trung - Hạ Lào nhằm đánh bại cuộc tiến công lấn chiếm vùng giải phóng và mở rộng căn cứ địa hành lang cả chính diện và chiều sâu, bảo vệ tuyến chi viện chiến lược.


Đầu năm 1965, Bộ Tổng tư lệnh đã lệnh cho Quân khu 4 thành lập mặt trận Nam Lào (thống nhất Quân khu Hạ Lào và Trung Lào thành Quân khu Nam Lào). Lực lượng quân tình nguyện Việt Nam lấy tên là Đoàn 565, có các trung đoàn và các tiểu đoàn độc lập, đã đứng chân ở Trung - Hạ Lào từ những năm trước, lực lượng được tổ chức chặt chẽ, tăng cường đặc công, pháo binh, công binh, thông tin đủ sức mạnh để phối hợp với Quân khu Nam Lào tác chiến. Đồng chí Đồng Sĩ Nguyên - nguyên Chính ủy Quân khu 4 được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh cử làm Chính ủy kiêm Tư lệnh mặt trận.


Đầu năm 1966, Đoàn 565 mở chiến dịch tác chiến tiêu diệt một loạt cứ điểm của địch, mở rộng vùng giải phóng từ đường 8 Bu Li Khăm Xay đến đường 12 Khăm Muộn, đường 9 Xa Vẳn Na Khẹt vào Đông Sa Ra Van, Tà Ven Oọc, Át Ta Pư, phát triển sâu vào đường 13, Pha Lan... bảo vệ vùng giải phóng, giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang, đấu tranh chính trị phát triển chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân lên một bước mới. Cuối năm 1966, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên về nước, đồng chí Hà Tuấn Khanh - Phó Tư lệnh, đồng chí Trần Quyết Thắng - Phó Chính ủy tiếp tục chỉ huy đơn vị mở các đợt tiến công mùa khô 1967-1968, giải phóng thị trấn Pha Lan, Tùm Lan, Lào Ngam, Bản Phồn, Mường Cầu, Tha Teng, Át Ta Pư, mở rộng chính diện và chiều sâu tuyến hành lang chiến lược từ đường 128, đường 23 Trung Lào xuống Hạ Lào đến tận Ngã ba Biên giới.


Phương thức tác chiến trong thời kỳ này, mặt trận lấy đơn vị tiểu đoàn làm đơn vị độc lập chiến đấu và thực hiện chiến thuật: "Kết hợp chốt giữ và cơ động linh hoạt". Xuất phát từ lực lượng của địch và tuyến bảo vệ rất dài, đã bố trí Tiểu đoàn 5 phụ trách khu vực Pha Lan, Tiểu đoàn 4 phụ trách Tùm Lan - đường 23, Tiểu đoàn 1 phụ trách Sa Ra Van - Lào Ngam, Tiểu đoàn 2 phụ trách Tha Teng, Lào Ngam, tiểu đoàn 3 Át Ta Pư. Tiểu đoàn 46, Tiểu đoàn đặc công S4 là đơn vị cơ động.


Xuất phát từ nhận định địch không thể tiến hành lấn chiếm đồng loạt trên toàn tuyến, chỉ có khả năng nống ra trên một vài địa bàn. Khi gặp địch nống ra trên một địa bàn nào đó thì đơn vị chốt chống trả kịp thời, các đơn vị cơ động đến quét địch ra khỏi địa bàn, cần mở thêm vùng giải phóng nào đó thì tập trung lực lượng lại để thực hiện.

Nhờ có phương thức tác chiến thích hợp nên đã giành thắng lợi trong giải phóng đất đai cũng như bảo vệ tốt căn cứ chiến lược và tuyến vận chuyển chiến lược được an toàn.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 25 Tháng Tư, 2021, 08:13:15 am
Trong năm 1968, phối hợp với cuộc Tổng tiến công và I nổi dậy Mậu Thân ở miền Nam Việt Nam, ở Nam Lào quân ta tiến công sâu vào Pha Lan, Không Sê Đôn, bẻ gãy các cuộc hành quân lấn chiếm của địch. Phối hợp với Thừa Thiên - Huế, Binh trạm 42, Binh trạm 44 đánh bại cuộc đổ bộ của quân Mỹ và ngụy lên khu vực A Sầu, A Lưới, Đông Sơn, bảo đảm an toàn khu tập kết cơ sở vật chất kỹ thuật của ta ở Tây Thừa Thiên. Sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ và lữ đoàn dù số 3 của ngụy vấp phải lực lượng tại chỗ của Bộ đội Trường Sơn vừa đông, vừa mạnh, được trang bị tốt, đánh phủ đầu quân địch trong khi đang đổ quân, bắn rơi hàng loạt máy bay trực thăng, buộc địch phải co cụm trên nhiều địa điểm phân tán; tiếp đó bị các đơn vị cơ động của ta bao vây chặt, tập kích liên tục, địch bị tiêu hao và tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh, nên phải rút. Đó là chiến quả của phương thức tác chiến kết hợp lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động.


Để đáp ứng với xu thế phát triển của mặt trận Nam Lào, tất yếu cần phải có một đơn vị bộ binh cơ động cấp sư đoàn, nên tháng 6 năm 1968, Bộ đã tách các đơn vị bộ binh tình nguyện ỏ Đoàn 565 thành lập Đoàn bộ binh 968 tương đương cấp sư đoàn. Đoàn 565 chuyên phụ trách công tác chuyên gia giúp bạn bên cạnh Quân khu Nam Lào. Sự chấn chỉnh nói trên nhằm tăng cường lực lượng bộ binh mạnh vừa giúp bạn đánh địch, mở rộng thêm vùng giải phóng, mở rộng căn cứ chiến lược Nam Đông Dương và bảo vệ an toàn tuyến vận chuyển chi viện chiến lược, vừa giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân phát triển chiến tranh du kích trên địa bàn.


- Mùa khô 1968-1969, Đoàn 968 mở chiến dịch phối hợp với quân dân bạn giải phóng thị trấn Tha Teng - một căn cứ quan trọng của địch, mở toang cánh cửa tiến vào cao nguyên Bô Lô Ven trên trục đường 23 và tiến công vào căn cứ Không Sê Đôn, nhằm cô lập thị xã Sa Ra Van - một chi khu quân sự quan trọng của vùng chiến thuật 4 ngụy Lào, vây ép chi khu Át Ta Pư ở Hạ Lào. Để giành thắng lợi trong chiến dịch này, Đoàn 968 đã vận dụng chiến thuật đánh đặc công kết hợp với sử dụng hoả lực pháo kích và sử dụng bộ binh bao vây, áp sát chia cắt địch.


- Mùa khô 1969, đế quốc Mỹ mở chiến dịch "Cù Kiệt" ở Bắc Lào; ở Trung Lào, địch dùng 8 tiểu đoàn ngụy Lào và quân Thái Lan của vùng chiến thuật 3, đánh chiếm Pha Lan, tiến công lấn chiếm thị trấn Mường Phin, đường 9, đường 23 gần sát tuyến chi viện chiến lược nhằm cắt tuyến vận chuyển của ta ở Hạ Lào; phải đánh bại cuộc lấn chiếm này của địch trước mùa khô 1969 để bảo đảm nhiệm vụ chi viện chiến trường trong mùa khô 1969-1970, các lực lượng của ta cùng với chủ lực quân khu bạn mở chiến dịch phản công tiêu diệt địch ở Mường Phin, thừa thắng truy kích địch giải phóng Pha Lan, giải phóng Đồng Hến, mở một hướng tiến công vào La Ha Nậm phía Tây đường 23 tiến vào Tà Leo, Keng Koọc, uy hiếp Xê Nô và thị xã Xa Vẳn Na Khẹt suốt mùa khô 1970.


Cách đánh của ta là ép các căn cứ vòng ngoài, pháo kích vào tung thâm Mường Phin, đồng loạt tiêu diệt các bộ phận ngoại vi, thọc sâu chia cắt địch, tiêu diệt địch, truy kích, đẩy địch ra xa.

Địch tháo chạy ở Pha Lan, Đồng Hến, quân ta bám đội hình tháo chạy của chúng để tiêu diệt, giải phóng Tà Leo, Keng Koọc.


Năm 1970, Sư đoàn 9681 (Lúc này Đoàn 968 đã phát triển thành Sư đoàn 968) còn phối hợp với mặt trận Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia đánh địch đổ quân vào khu vực Ngã ba Biên giới (trong chiến dịch Chenla 2 của Mỹ - ngụy). Nhân thời cơ Mỹ và ngụy Sài Gòn đang sa lầy ở Campuchia, thực hiện chỉ thị của trên, Bộ tư lệnh Trường Sơn mở chiến dịch giải phóng thị xã Mường Mày tỉnh lỵ Át Ta Pư, thành lập Bộ chỉ huy mặt trận X, do đồng chí Hoàng Kiện và đồng chí Trần Quyết Thắng chỉ huy, Bộ tăng cường cho mặt trận, Trung đoàn bộ binh 24 của mặt trận Tây Nguyên và Tiểu đoàn đặc công 10 của Bộ, sử dụng 2 tiểu đoàn tình nguyện, đặc công của Sư đoàn 968, tiểu đoàn chủ lực của quân khu bạn và lực lượng của Tỉnh đội Át Ta Pư bạn. Lực lượng địch có 4 tiểu đoàn ở thị xã phía dưới chân Phù Luổng (Nha Hón) có sông Sê Kông và sông Sê Ka Mán bao quanh thị xã. Ở vòng ngoài thị xã có trận địa pháo chiếm cao điểm khống chế được toàn bộ thị xã, bốn xung quanh đều có các vị trí bảo vệ.


Phương thức tác chiến của quân ta là: sử dụng đặc công luồn vào áp sát chiếm lĩnh khu tỉnh trưởng, khu cảnh sát, hành chính, cho hoả lực pháo bắn cấp tập vào sân bay và các chỉ huy sở các tiểu đoàn địch, bộ binh tiến công dùng B40, B41, bộc phá diệt các hoả điểm địch, quân ta làm chủ khu tỉnh trưởng, làm chủ đồn Sê Ka Mán, làm chủ Phu Xa Phong, đánh chiếm trận địa pháo địch trên cao điểm. Địch ở sân bay chống trả kịch liệt, nên trận đánh phải kéo sang ngày tiếp theo ta mới làm chủ hoàn toàn thị xã Mường Mày. Quân ta truy kích đến Phu Luổng cao nguyên Bô Lô Ven.


Đầu tháng 5 năm 1970, Bộ quyết tâm mở chiến dịch giải phóng thị xã Sa Ra Van - một chi khu quân sự vùng 4 chiến thuật của địch, chế ngự vùng giải phóng Hạ Lào, sát tuyến vận chuyển chi viện chiến lược. Quân địch ở thị xã Sa Ra Van bố trí lực lượng vòng trong liên kết với lực lượng vòng ngoài.


Kế hoạch tác chiến của ta lấy việc tiêu diệt sinh lực địch, dứt điểm từng khu vực; trước hết dứt điểm trung tâm tỉnh lỵ, tiếp đến dứt điểm Bản Khộc và các cao điểm phụ cận, cuối cùng tiến công dứt điểm Noọng Bùa.


Sáng ngày 6 tháng 6 năm 1970, với cách đánh kết hợp đặc công, pháo kích, xung kích ta làm chủ hoàn toàn thị xã, 2 tiểu đoàn địch chạy co cụm về Bản Khộc cùng với lực lượng tại chỗ hòng chấn chỉnh lại tái chiếm thị xã Sa Ra Van. Quân ta và bạn bao vây chia cắt địch không cho chúng hợp quân, tiến công căn cứ Bản Khộc và cao điểm Kà Tè, địch tháo chạy về Tha Teng. Quân ta tiến công Noọng Bùa, địch cố chống cự nhưng trước sức tiến công mạnh của ta chúng phải bỏ chạy. Ta hoàn toàn giải phóng thị xã Sa Ra Van. Vùng giải phóng Hạ Lào được mở rộng thêm, chính diện hành lang vận chuyển chiến lược được mở rộng thêm và bảo đảm vững chắc hơn.


Để xây dựng căn cứ chiến lược Nam Đông Dương vững mạnh bao gồm vùng giải phóng Nam Lào, vùng giải phóng Đông Bắc Campuchia, vùng giải phóng miền Nam Việt Nam; đẩy mạnh hơn nữa công cuộc chi viện chiến trường I và để xây dựng và phát triển Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lớn mạnh, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh quyết định sáp nhập lực lượng quân tình nguyện Đoàn 565 và Sư đoàn 968 vào Bộ tư lệnh Trường Sơn. Bộ tứ lệnh Trường Sơn đã đề nghị Bộ xây dựng Sư đoàn 968 thành một sư đoàn bộ binh mạnh khu vực Hạ Lào, xây dựng Đoàn 565 thành một cơ quan giúp bạn xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân để đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến tranh chống xâm lược và cuộc chiến tranh chống ngăn chặn của Mỹ.


Riêng Sư đoàn 968, Bộ tư lệnh Trường Sơn tăng cương Trung đoàn bộ binh 9, thành lập Trung đoàn hoả lực pháo mặt đất, pháo phòng không và đơn vị tăng - thiết giáp.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 25 Tháng Tư, 2021, 08:14:48 am
Năm 1971, Binh chủng bộ binh Trường Sơn cùng với các binh chủng khác tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân "Lam Sơn 719" của Mỹ và quân đội Sài Gòn, quân đội Lào, quân Thái Lan.


Lực lượng bộ binh Trường Sơn được Bộ tăng cường Trung đoàn 48 Sư đoàn 320, Sư đoàn 2 Quân khu 5, 1 trung đoàn xe tăng, 1 trung đoàn pháo mặt đất do Bộ tư lệnh Trường Sơn chỉ huy.


Như vậy, ngoài lực lượng tại chỗ, các binh trạm vận tải, các đơn vị phòng không, các đơn vị công binh, các đơn vị thông tin, Bộ tư lệnh Trường Sơn có một lực lượng bộ binh khá mạnh.


Bộ Tổng tư lệnh giao cho Bộ tư lệnh Trường Sơn phụ trách cánh Tây của chiến dịch, thành lập Sở chỉ huy Tiền phương do Phó Tư lệnh Nguyễn Hoà và Phó Chính ủy Hoàng Thế Thiện phụ trách; phạm vi cánh Tây là từ Bản Đông lên Sê Pôn - Mường Phin - Pha Lan, đường 9 và khu vực Bô Lô Ven - Hạ Lào. Toàn bộ cánh Tây hình thành ba bộ phận:

Tại bộ phận phía Đông của chiến dịch, quân ta cùng với đơn vị bạn đã tiêu diệt, bắt hầu hết quân địch, tiêu diệt phần lớn máy bay trực thăng đổ quân, đánh bại cuộc hành quân, nhiều đơn vị địch bị tiêu diệt hoàn toàn.

Tại bộ phận thứ hai hướng Tây - đường 9, quân ta đánh bại cánh quân của ngụy Lào, quân Thái Lan tận nơi chúng xuất phát là Pha Lan, Đồng Hến, La Hả Nậm; dồn quân địch về Xê Nô và thị xã Xa Vẳn Na Khẹt, giữ vững Mường Phin bảo đảm cho tuyến chi viện chiến trường vẫn hoạt động bình thường, liên tục vận chuyển vật chất kỹ thuật vào các chiến trường ta và bạn.


Bộ phận thứ ba là hướng Bô Lô Ven do Phó Tư lệnh Hoàng Kiện chỉ huy mặt trận Y tiến công mãnh liệt vào Bô Lô Ven, đánh bại âm mưu tái chiến thị xã Sa Ra Van và Át Ta Pư của địch; bao vây Pắc Xoòng.


Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, Bộ tư lệnh Trường Sơn điều Trung đoàn 102 Sư đoàn 2 và Trung đoàn 9 tăng cường cho mặt trận Y, tiêu diệt địch và hoàn toàn giải phóng thị xã Pắc Xoòng, đẩy quân địch về Y Tu, Bản Nhích, cách thành phố Pắc Xế 18km.


Cách đánh vẫn vận dụng lối đánh truyền thống của bộ binh Trường Sơn là bao vây áp sát địch, pháo kích cấp tập vào cứ điểm địch, xung kích thọc sâu tung thâm, dùng B40, B41 bộc phá diệt hoả điểm của địch, chia cắt địch để diệt địch gọn, tổ chức súng máy 12,7mm đánh máy bay địch, bảo vệ đội hình chiến đấu bộ binh.


Bộ tư lệnh chiến trường Trường Sơn thành lập Trung đoàn bộ binh 29 độc lập tác chiến ở đường 9 - Trung Lào trực thuộc Bộ tư lệnh chiến trường.


Cuối năm 1972, phối hợp với chiến dịch Bắc Tây Nguyên, Sư đoàn 968 mở chiến dịch tiến công vào đường 23 cách thành phố Pắc Xế 10km, diệt trung đoàn bộ binh Thái Lan và trận địa pháo của chúng.


Hướng đường 9 - Trung Lào, quân ngụy Lào với GM.33 lấn chiếm lại Pha Lan. Ở Hạ Lào, vùng chiến thuật 4, địch dùng trực thăng đổ hai GM.41 và 42 đánh thị xã Sa Ra Van.


Ngày 24 tháng 10 năm 1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng điện cho Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Chính ủy Đặng Tính, Phó Tư lệnh Hoàng Kiện phải chiếm giữ các khu vực quan trọng như Sa Ra Van, Pắc Xoòng, Tha Teng, Pha Lan, Đồng Hến... kiên quyết tập trung lực lượng sử dụng một bộ phận xe tăng - thiết giáp, pháo nòng dài liên tục đánh địch, buộc địch phải từ bỏ ý đồ lấn chiếm Sa Ra Van, Pha Lan và các vùng giải phóng của bạn. Bộ tư lệnh Trường Sơn mở chiến dịch phản công chiếm lại thị xã Sa Ra Van, Pắc Xoòng, Tha Teng, Không Sê Đôn, Pha Lan, Đồng Hến trước lúc có giải pháp chính trị ở Lào. Chiến dịch phản công cuối năm 1972 đầu năm 1973 diễn ra trên hai hướng: Sa Ra Van và Pha Lan.


Hướng Sa Ra Van có Sư đoàn bộ binh 968, Sư đoàn khu vực 471, Sư đoàn khu vực 470 phối hợp với quân, dân bạn do Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn - Hoàng Thế Thiện chỉ huy. Hướng Pha Lan - đường 9 có Sư đoàn 472; các trung đoàn 29, 19, 49 phối hợp với quân, dân bạn do Phó Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn Trần Quyết Thắng chỉ huy.


Chính ủy Đặng Tính và Phó Tư lệnh - Hoàng Kiện thay mặt Thường vụ Đảng ủy và Bộ tư lệnh Trường Sơn chỉ đạo chung.

Ở hướng chủ yếu, Sư đoàn 968 tập trung tiến công biệt khu Sa Ra Van, Pắc Xoòng, Huội Coòng.

Ngày 18 tháng 10, ta tiến công ngã ba Lào Ngam, đánh tung thâm Không Sê Đôn, Phúc Khổng. Ngày 19 tháng 10, GM.41 địch được trực thăng đổ xuống Tây Nam thị xã Sa Ra Van, quân ta đánh bại các đợt phản kích của địch, đến chiều ngày 26 tháng 10 địch chiếm được thị xã Sa Ra Van. Ta chuyển hướng chiến dịch, lấy Sa Ra Van là hướng chủ yếu, tập trung lực lượng tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, thọc sâu vào khu trung tâm, làm cho đội hình địch tan rã; sau đó tiêu diệt, truy kích địch ra khỏi thị xã, ta đã giải phóng thị xã Sa Ra Van. Để giữ chắc thị xã Sa Ra Van và để tiếp tục đánh thị xã Pắc Xoòng, thị trấn Tha Teng, cao nguyên Bô Lô Ven, Không Xê Đôn..., Bộ tư lệnh Trường Sơn tăng cường cho Sư đoàn 968 Trung đoàn 59 (rút từ các đơn vị bộ binh sư đoàn khu vực 470, 471), nâng lực lượng tại Hạ Lào lên 6 trung đoàn bộ binh. Sư đoàn bố trí các trung đoàn 102, 19, 39 bảo vệ thị xã Sa Ra Van; các trung đoàn 9, 52, 59, tiến đánh bao vây thị xã Pắc Xoòng. Địch dùng máy bay cường kích B.52 đánh khu vực ngoại vi thị xã Pắc Xoòng, tổ chức các mũi phản kích, Trung đoàn 59 cắt đường 23, cô lập thị xã Pắc Xoòng. Quân ta kết hợp xe tăng, pháo kích bộ binh áp sát, thọc sâu vào trung tâm làm rối loạn đội hình của địch, địch hoang mang tháo chạy về, ta bao vây tiến công, địch chạy về Pắc Xế.


Phương thức tác chiến của Sư đoàn 968 là: kết hợp cách đánh đặc công, hoả lực các pháo côi, có xe tăng phối hợp đánh địch, sử dụng pháo nòng dài, pháo kích căn cứ pháo của địch, pháo kích các căn cứ hậu phương của địch, sử dụng pháo cao xạ và súng 12,7mm cơ động đánh máy bay địch, xung kích sử dụng B40, B41 bộc phá diệt các hoả điểm, làm chủ chiến trường.


Ở hướng đường 9 - Pha Lan, Bộ tư lệnh Sư đoàn 472 thi hành lệnh của Bộ tư lệnh Trường Sơn thành lập Trung đoàn bộ binh 49 cùng với các trung đoàn bộ binh tình nguyện 29, 19 và Trung đoàn 9 bạn, với chiến thuật tiến công đồng loạt các điểm chốt của địch, phát triển thê bao vây áp sát khép kín, pháo kích, thọc sâu, truy kích địch. Quân địch hoảng loạn luồn rừng chạy thoát về Sê Nô - đường 13. Máy bay B.52 Mỹ ném bom rải thảm chặn cuộc truy kích của quân ta, quân ta bám sát quân địch nên B.52 ném bom dữ dội nhưng không trúng mục tiêu.


Chiến dịch phản công của bộ đội Trường Sơn và bạn Lào giành thắng lợi to lớn, loại khỏi vòng chiến đấu 5.538 tên, 1 trung đoàn và 1 trận địa pháo quân Thái Lan. Ba GM (41, 42, 33) bị tiêu hao nặng, các cụm pháo của địch bị diệt gọn, 57 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Một vùng đất rộng lớn với hàng loạt vị trí chiến lược của địch từ Pha Lan xuống Sa Ra Van, Bô Lô Ven, Át Ta Pư được giải phóng.

Phương thức tác chiến bộ binh Trường Sơn có sắc thái riêng, không giống các chiến trường khác, đó là:

Kết hợp tốt ba hình thức tác chiến, lực lượng tại chỗ các binh chủng trên tuyến, các đại đội, tiểu đoàn bộ binh trong đội hình binh chủng hợp thành, các binh trạm, các sư đoàn khu vực bảo vệ vòng trong đường tuyến; các trung đoàn độc lập, sư đoàn bộ binh cơ động bảo vệ vòng ngoài tuyến chi viện chiến lược và mở các chiến dịch tiến công, các chiến dịch phản công mở rộng vùng giải phóng, mở rộng căn cứ chiến lược Nam Đông Dương.


Việc vận dụng nghệ thuật quân sự trong tác chiến bộ binh xuất phát từ lợi thế chiến lược, chiến thuật địa bàn Trường Sơn, đối tượng tác chiến là quân ngụy Lào, Thái Lan, từ đó đã chỉ ra những cách đánh thích hợp: Phát huy uy lực của cách đánh đặc công, uy lực của pháo kích, uy lực của pháo binh, của xe tăng, của pháo phòng không và uy lực tác chiến bao vây áp sát thọc sâu của xung kích. Một số chiến dịch quan trọng đã vận dụng thành công nghệ thuật tác chiến của bộ đội hợp thành.

Hai năm 1973-1974, Sư đoàn bộ binh 968 và Đoàn chuyên gia 565 tiếp tục cùng bạn mở rộng, xây dựng, củng cố vùng giải phóng về mọi mặt.


Từ đây, chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã có một chính diện và chiều sâu lớn nhất, an toàn nhất. Vùng giải phóng của bạn nối liền với vùng giải phóng Tây Nguyên, Đông Bắc Campuchia tạo thành một căn cứ chiến lược vững chắc của ba nước Đông Dương.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 25 Tháng Tư, 2021, 08:16:19 am
Sư đoàn 968 làm nhiệm vụ dự bị chiến lược của Bộ trở về Tây Nguyên tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Sư đoàn 968 được giao làm nhiệm vụ một bộ phận dự bị chiến lược của Bộ, trở về Tây Nguyên tham gia chiến dịch Tây Nguyên.

Đầu năm 1975, đồng chí Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng giao cho Bộ tư lệnh Trường Sơn tăng cường cho Sư đoàn 968: 1 trung đoàn hoả lực pháo mặt đất, pháo phòng không, 1 đại đội xe tăng, 1 đội xe vận tải. Bước vào nhiệm vụ mới, ngày 20 tháng 1 năm 1975, Sư đoàn 968 thay phiên Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 làm nhiệm vụ nghi binh chiến dịch trên chiến trường Tây Nguyên.


Tháng 2 năm 1975, ta mở một mạng thông tin giả được tung lên không. Ở Plây Ku xuất hiện cụm điện đài của Bộ chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên và cụm điện đài của Sư đoàn 968, cụm điện đài Sư đoàn 10, Sư đoàn 320. Khi cụm điện đài của sư đoàn phát lên không trung, lập tức máy bay OV.10 thay phiên nhau ngày đêm đan chéo trên bầu trời. Máy bay B.52 liên tiếp ném bom tọa độ xuống xung quanh Plây Ku. Các tổ trinh sát của ta luồn sâu vào thị xã Plây Ku bắt cóc các toán địch đi lẻ để khai thác thêm tình hình. Pháo binh của ta thỉnh thoảng lại bắn ĐKB vào sân bay Cù Hanh, căn cứ La Sơn. Công binh Trường Sơn tiến hành mở gấp ba tuyến đường chiến dịch: tuyến thứ nhất ở Bắc Kon Tum, tuyến thứ hai ở Đức Cơ, tuyến thứ ba từ Đức Cơ qua Nam Lệ Ngọc, xuyên đường 14. Hai tuyến đường này hình thành thế gọng kìm khép chặt thị xã Plây Ku. Hàng nghìn nhân dân các huyện tham gia cùng bộ đội mở đường, trung đoàn xe vận tải thuộc Sư đoàn 470 Trường Sơn rầm rập nối đuôi nhau chạy suốt đêm. Lúc này địch đã phát hiện được Sư đoàn 968 của ta đang có mặt ở Nam Plây Ku.


Vậy là từ chỗ mò mẫm thăm dò, phán đoán, chỉ huy quân đoàn 2 ngụy đã khẳng định: "Việt cộng đã chuẩn bị đủ lực lượng để mỏ chiến dịch ở Tây Nguyên, hướng chính sẽ do Sư đoàn 320 và Sư đoàn 968 đánh vào Plây Ku, hướng phụ sẽ do Sư đoàn 10 đánh vào Kon Tum" - Phạm Văn Phú - tư lệnh quân đoàn 2 ngụy cấp tốc triệu tập bọn chỉ huy cấp cao về La Sơn họp bàn kế hoạch đối phó và ra lệnh báo động cấp 1 trong toàn quân đoàn, điều thêm một tiểu đoàn lên chốt ở Nam Plây Ku.


Kế hoạch nghi binh bước một đã thành công. Quân chủ lực ngụy ở Bắc Tây Nguyên còn 8 trung đoàn bộ binh, 4 thiết đoàn; ở hướng chiến dịch của ta, chúng chỉ để 2 trung đoàn.

Sư đoàn 968 tiếp tục triển khai bước hai nghi binh chiến dịch. Trên hướng Kon Tum, Trung đoàn 29 đưa Tiểu đoàn 5 ra cài ở quốc lộ 14.

Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 6 triển khai lực lượng ở hướng Tây Bắc và Đông Bắc thị xã. Tiểu đoàn 5 sẽ đón đánh địch rút chạy về phía Nam, Tiểu đoàn 4 sẽ chiếm Ngọc Bay, Tiểu đoàn 6 sẽ đánh chiếm Ngọc Quăn.

Trung đoàn hoả lực bố trí, củng cố xong các trận địa pháo mặt đất, phòng không, xe tăng để đánh các kho quân sự trong thị xã.

Trên hướng Plây Ku, Sư đoàn 968 sử dụng một lực lượng của Trung đoàn 19 tiến công ở phía Tây thị xã. Trung đoàn 19 chủ trương lấy cứ điểm Chốt Mỹ làm mục tiêu tiến công đầu tiên, đồng thời đây là trận đánh quan trọng nhất để buộc địch phải tung lực lượng tại chỗ ra đối phó, lôi kéo lực lượng địch từ Nam Tây Nguyên lên. Tại căn cứ Chốt Mỹ, ngay từ loạt 85mm bắn thẳng làm sập lô cốt tung thâm, phá sập khu thông tin, cối 120mm, ĐKZ75, pháo 105 giội vào lô cốt tiền tiêu. Sau 35 phút đánh cấp tập dồn dập, ta cho chuyển làn, bộ binh xông lên. Địch trong căn cứ bị bất ngờ không kịp phản ứng nên bị tiêu diệt hoàn toàn, quân ta cắm cờ mặt trận vào giữa tung thâm sở chỉ huy địch. 17 giờ cùng ngày, sở chỉ huy nhẹ tiểu đoàn 67 địch cũng bị Tiểu đoàn 4 và Tiểu đoàn 2 tiến công tiêu diệt. Quân ta phát triển tiên công tiêu diệt địch cao điểm 535, địch chạy về co cụm cao điểm 605 (cao điểm Chư Gối), quân ta tiến công cao điểm 605; sau một ngày chiến đấu, quân ta tiêu diệt gọn cao điểm 605, giải phóng một đoạn đường dài 4km trên quốc lộ 14.


Địch xác định: "Việt cộng đã mở màn chiến dịch" và mục tiêu là thị xã Plây Ku, hướng chính là đánh từ Thành An. Chúng chỉ thị cho các trung đoàn phải tập trung lực lượng để ngăn chặn ở hướng đó, liên đoàn 4 biệt động quân phải bỏ dở cuộc càn ở Tây Nam Chư San (Bắc đường 5A) về đứng chân ở La Đôn. Trung đoàn 45 từ Thuần Mẫn lên Thành An.


Thấy tình hình chiến dịch phát triển, địch đã vào thế "mắc câu", Đại tướng Văn Tiến Dũng chỉ thị: "Đánh mạnh hơn nữa". Bộ đội Trường Sơn tăng thêm đạn cho Sư đoàn 968 đánh vào sân bay Cù Hanh. Đại tướng còn lệnh cho đồng chí Thanh Sơn - Tư lệnh sư đoàn là phải thực hiện "đánh 1 la 10”.


Trung đoàn 19 cử ngay 1 khẩu đội ĐKZ và một trung đội trinh sát bí mật luồn sâu vào trong Thanh An, Bầu Cạn, bắn vào sân bay Cù Hanh. Tiểu đoàn pháo 13 bắn chế áp pháo địch ở Hòn Rồng, Bầu Cạn, Thanh An; Tiểu đoàn đặc công 19 tiến công vào sân bay Cù Hanh. Địch hoàn toàn bị tê liệt dưới tầm pháo của ta, chúng không ngờ súng lớn của ta đã vào gần sở chỉ huy quân đoàn 2 của chúng.


Phối hợp với Sư đoàn 968 trên hướng Bắc Tây Nguyên, ngày 4 tháng 3, Trung đoàn 95 Sư đoàn 3 Quân khu 5 tiêu diệt một loạt vị trí, cắt đường 19 trên hai đoạn phía Đông và phía Tây An Khê, địch phải điều 2 trung đoàn của sư đoàn 22 từ Bình Định lên giải toả.


Thế bao vây Thanh An đã hình thành, Trung đoàn 19 phát triển nhanh về Đông Bắc đường 19, tập trung đánh các cao điểm 708, 767, Chư Boi, tiến thẳng đường 19 khép chặt địch vào Thanh Bình 1, Thanh Bình 2.


Địch tổ chức phản kích vào Thanh Bình 1 và Thanh Bình 2 đều bị Trung đoàn 19 tiêu diệt, kể cả toán địch luồn rừng tiếp cận phía sau chốt Thanh Bình 1, Thanh Bình 2, nhưng đều bị quân ta đánh bật ra khỏi chốt, tiêu diệt 60 tên, thu 50 súng, giữ vững trận địa ...


Thấy Kon Tum và Plây Ku bị de dọa nghiêm trọng, địch phải điều liên đoàn 7 biệt động quân thuộc lực lượng tổng dự bị Sài Gòn đến Plây Ku để sẵn sàng làm lực lượng cơ động.

Trên hướng chính của chiến dịch Tây Nguyên, sáng ngày 8 tháng 3, Sư đoàn 320 đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn, cắt đường số 14.

Ngày 9 tháng 3 một số đơn vị ở Nam Tây Nguyên đánh chiếm quận lỵ Đức Lập, Đắc Song, Núi Lở, mở thông hoàn toàn hành lang đường Hồ Chí Minh Bắc - Nam (trước đó phải đi vòng qua Campuchia).

Thế là đến hết ngày 9 tháng 3, ta đã triển khai lực lượng cài xong thế cờ chia cắt Tây Nguyên, hoàn toàn bao vây thị xã Buôn Ma Thuột.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 25 Tháng Tư, 2021, 08:17:00 am
Ở hướng nghi binh chiến dịch, Sư đoàn 968 của Bộ tư lệnh Trường Sơn đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Bộ Tổng tư lệnh và mặt trận B3 (Tây Nguyên) giao, đang tích cực tiến công buộc địch lùi dần về thế phòng ngự. Sư đoàn 968 kéo thêm được một trung đoàn chủ lực và một liên đoàn biệt động của địch từ hướng chiến dịch về hướng nghi binh, bước đầu đánh thắng cuộc giải tỏa ở Tây Thanh An.


Ngày 16 tháng 3, Trung đoàn 19 nhanh chóng bao vây Thanh An; 5 giờ sáng ngày 17 tháng 3, các mũi tiến công vào Thanh An gần như toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, 100 tên bị bắt, bọn còn lại chạy về Bầu Cạn, Trung đoàn 19 đuổi đánh địch, giải phóng Bầu Cạn, Hòn Rồng.


Cùng ngày, Trung đoàn 29 cắt đường 14 đoạn Tân Phú đi Chư Thoi, chặn đánh tiểu đoàn 253 bảo an địch, diệt tại chỗ 52 tên, bắt 14 tên, thu 23 súng; 11 giờ 30 ngày 17 tháng 3, Trung đoàn 29 Sư đoàn 968 cùng Trung đoàn 95A Quân khu 5 tiến vào giải phóng thị xã Kon Tum.


Ngày 18 tháng 3, Sư đoàn 968 để lại Trung đoàn 29 làm nhiệm vụ tiếp quản thị xã Buôn Ma Thuột. Đồng chí Nguyễn Lang - Phó Tư lệnh Trường Sơn đồng thời là Phó Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên phối hợp với Sư đoàn 320 mặt trận Tây Nguyên, Sư đoàn xe ô tô 471 Bộ tư lệnh Trường Sơn, dùng xe ô tô chở bộ binh truy kích địch.


Theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Sư đoàn 968 để lại Trung đoàn 29 làm nhiệm vụ tiếp quản thị xã Buôn Ma Thuột, trên điều Trung đoàn 95 thay Trung đoàn 29 trong đội hình Sư đoàn 968, và Sư đoàn 968 được tăng cường cho Quân khu 5 tham gia cánh Duyên Hải đánh vào Bình Định, Nha Trang, Phú Yên.


Chấp hành mệnh lệnh của Quân khu 5, Trung đoàn 19 tiến công đánh sân bay Phù Cát. Tại đây, cuộc chiến đấu diễn ra gay go, quyết liệt giữa quân ta và quân địch; đến 5 giờ sáng ngày 1 tháng 4, ta hoàn toàn làm chủ sân bay Phù Cát, đã tiêu diệt 229 tên, gọi hàng, bắt sống 2.783 tên, thu 38 máy bay chiến đấu F.5 còn nguyên vẹn, 12 khẩu pháo 105mm, 12 xe tăng, 12 xe M.113 (xe trang bị 12,7mm có 4 nòng), 500 xe ô tô và nhiều vật chất kỹ thuật khác.


Cùng thời gian trên, Trung đoàn bộ binh 9 Sư đoàn 968 truy kích địch ở phía Tây Phú Bổn, giải phóng quận lỵ Phú Nhơn, Phú Tiên, rồi tiến về đánh thị xã Tuy Hoà và tỉnh Phú Yên. 7 giờ 30 phút ngày 1 tháng 4 năm 1975, ta hoàn toàn làm chủ thị xã Tuy Hoà và tỉnh Phú Yên. Trung đoàn 9 đã phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương đập tan 3 tiểu đoàn bảo an, diệt 239 tên, gọi hàng 609 tên, giải thoát 500 người bị địch bắt, thu trên 5.000 súng các loại, phá hủy trên 100 xe các loại và nhiều phương tiện khác.


Trung đoàn bộ binh 9 đã áp dụng cách đánh tập trung sức mạnh của hoả lực pháo binh cấp tập liên tục vào các mục tiêu quan trọng, phát huy tốt sức đột kích của xe tăng cùng các mũi tiến công của bộ binh lần lượt tiêu diệt các mục tiêu quan trọng, tiến tới làm chủ hoàn toàn thị xã Tuy Hoà.


Ngày 2 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn 9 giao thị xã cho Ủy ban quân quản để sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.


Đầu tháng 4 năm 1975, Bộ ủy nhiệm cho Quân khu 5 thành lập một trung đoàn pháo cho Sư đoàn 968. Ngày 4 tháng 4 năm 1975, Trung đoàn pháo binh 4 được thành lập, sau đó đã cùng các đơn vị trong sư đoàn giải phóng sân bay Gò Quánh, thị xã Phan Rang, tham gia phòng thủ, bảo vệ quân cảng Cam Ranh, Nha Trang trong những ngày quân ta đang tiến công vào sào huyệt địch ở Sài Gòn. Trung đoàn bộ binh 9 Sư đoàn 968 được lệnh nhập vào đội hình của Sư đoàn 320 cùng với Trung đoàn 48 đánh căn cứ Đồng Dù. Trước đây, Trung đoàn 9 và Trung đoàn 48 đã cùng nhau tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Được sự chi viện mãnh liệt của pháo binh, các mũi tiến công của Trung đoàn 9 hành quân cơ giới đã xốc tới hình thành thế bao vây căn cứ. Ở đây, địch phản kích quyết liệt, cản phá các mũi tiến công của trung đoàn bằng pháo, bằng xe tăng, bằng đại liên. Quân ta tổ chức các mũi tiến công bằng xe tăng, diệt các hoả điểm của địch, đồng thời sử dụng xung kích, lợi dụng khói đạn mù mịt, tiếp cận mục tiêu, dùng B.40, B.41 tiêu diệt 3 xe tăng địch; 2 chiếc xe tăng còn lại tháo chạy vào trung tâm căn cứ. Cả đội hình trung đoàn đồng loạt công kích đánh thẳng vào trung tâm căn cứ, cùng đơn vị bạn làm chủ hoàn toàn căn cứ Đồng Dù. Tiếp theo, quân ta tiến giải phóng Tân Quy, quận lỵ Củ Chi, tạo điều kiện cho các đơn vị đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và đánh thẳng vào bộ tổng tham mưu địch. Quân đoàn 4 đánh chiếm sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy ở Hốc Bà Thức, Hố Nai, Tam Hiệp. Quân đoàn 2 vượt sông Sài Gòn vào nội đô, đánh chiếm dinh Độc Lập.


11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân ta đã cắm cờ trên dinh Độc Lập; Dương Văn Minh - Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu hàng, Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng, chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh đã toàn thắng.


Sư đoàn 968 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một sư đoàn quân tình nguyện, một sư đoàn bộ binh của chiến trường Trường Sơn, một sư đoàn bộ binh cơ động của Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, xứng đáng là sư đoàn anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân anh hùng, với truyền thống: "Cơ động liên tục, khắc phục khó khăn, đoàn kết lập công, trọn vẹn nghĩa tình dân tộc - quốc tế".


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 25 Tháng Tư, 2021, 08:31:43 am
TỔ CHỨC CHỈ HUY BINH CHỦNG HỢP THÀNH VẬN TẢI Ô TÔ TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH


HOÀNG TRẢ
Nguyên Cục trưởng Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và kinh tế,
nguyên Tư lệnh Sư đoàn ô tô Bộ tư lệnh Trường Sơn


Tổ chức hiệp đồng chiến đấu tạo ra sức mạnh tổng hợp để chuyển đổi tương quan lực lượng làm cho ta mạnh lên và mạnh hơn để đánh thắng địch. Song hiệu quả của tổ chức hiệp đồng chiến đấu lại tùy thuộc vào tổ chức chỉ huy. Với lĩnh vực vận tải quân sự, hiệu quả tổ chức chỉ huy lại tùy thuộc vào người chỉ huy trong việc chọn xác định mô hình tổ chức vận chuyển thích hợp.


Trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã chọn ba mô hình tổ chức chỉ huy binh chủng hợp thành vận tải ô tô. Đó là:

Mô hình tổ chức chỉ huy binh chủng hợp thành trên cung phân đoạn 100 - 120km đối với đơn vị vận chuyển cơ bản là binh trạm.

Mô hình tổ chức chỉ huy binh chủng hợp thành trên cung khu vực 300 - 400km với đơn vị vận chuyển cơ bản là sư đoàn khu vực binh chủng hợp thành.

Mô hình binh đoàn vận chuyển chi viện chiến lược binh chủng hợp thành vận tải ô tô trên cung đi thẳng trực tiếp đến các chiến trường.

Việc xác định cung vận chuyển và đơn vị vận chuyển cơ bản xuất phát từ thực tế tương quan lực lượng giữa địch và ta trên chiến trường.

Thời kỳ đầu đi vào vận chuyển cơ giới, đường còn độc đạo, địch lại đánh phá ác liệt, liên tục, tương quan lực lượng giữa ta và địch ở thế giằng co, ta có mặt yếu hơn địch, có mặt thuận lợi hơn địch, người chỉ huy tất yếu phải chọn cung phân đoạn và tổ chức đơn vị vận chuyển cơ bản là binh trạm. Binh trạm có khả năng thực hiện tổ chức chỉ huy trực tiếp hợp đồng chiến đấu giữa các đơn vị binh chủng ngày một chặt chẽ, khắc phục có hiệu quả sự đánh phá ngăn chặn của địch, duy trì và phát triển nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến lược tiến lên.


Sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (1971) và ta chuyển chạy xe ban đêm sang chạy xe ban ngày trên đường nửa "hở", nửa "kín" và đường '’kín" thì tương quan lực lượng giữa ta và địch thay đổi căn bản, đã nghiêng hẳn về ta. Ta đã nhạy bén kịp thời chuyển từ cung phân đoạn lên cung khu vực và lấy sư đoàn khu vực binh chủng hợp thành là đơn vị vận chuyển cơ bản.


Sau khi Hiệp nghị Pari được ký kết (1-1973) cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ, xâm lấn hành lang và cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của Mỹ đã phá sản. Trên chiến trường Trường Sơn, ta làm chủ hoàn toàn, thêm một lần nữa ta đã nhạy bén kịp thời chuyển cung khu vực lên cung đi thẳng đến các chiến trường và chuyển các sư đoàn khu vực binh chủng hợp thành thành binh đoàn vận chuyển chi viện chiến lược... Đến đây cấp chỉ huy trực tiếp binh chủng hợp thành là Bộ tư lệnh chiến trường.


Sự chuyển đổi nhạy bén, kịp thời là một quyết sách sắc bén của Bộ tư lệnh Trường Sơn, đây là một tư duy quân sự có giá trị về lý luận và thực tiễn.


I. TỔ CHỨC CHỈ HUY BINH CHỦNG HỢP THÀNH - VẬN TẢI Ô TÔ TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH CẤP BINH TRẠM

1. Biên chế lực lượng chiến đấu hiệp đồng như sau:

- Có 1 đến 2 tiểu đoàn xe ô tô, có binh trạm có lúc 3 tiểu đoàn ô tô;

- Có 1 đến 3 tiểu đoàn công binh;

- Có 1 đến 2 tiểu đoàn pháo cao xạ;

- Có 1 tiểu đoàn kho hàng;

- Có 1 tiểu đoàn giao liên hành quân;

- Có 1 đến 2 đại đội bộ binh;

- Có 1 đại đội thông tin;

- Có 1 đội điều trị, bệnh xá, 1 đến 2 đội phẫu thuật. Ở các cửa khẩu chính được phối thuộc 1 trung đoàn cao xạ, cửa khẩu chủ yếu có phối thuộc thêm 1 trung đoàn tên lửa.

Các cơ quan giúp việc có tham mưu vận chuyển, tham mưu cầu đường, tham mưu tác chiến, chính trị và hậu cần.


2. Để đảm bảo yêu cẩu tổ chức chỉ huy hiệp đồng chiến đấu, tất yếu phải hình thành đồng bộ hệ thống tổ chức chỉ huy, bao gồm:

Chỉ huy sở cơ bản, chỉ huy sở tiền phương, chỉ huy tại trọng điểm, các trạm chỉ huy, điều chỉnh giao thông trên đường, cứ 3 đến 5km đặt 1 trạm, các trạm quan sát trên không có tầm quan sát rộng và chính xác trong không gian được phân giao; mạng lưới thông tin liên lạc kết hợp dây trần và dây bọc tỏa khắp trên địa vực của binh trạm. Bộ máy chỉ huy hoạt động liên tục 24/24 giờ/ngày đêm, thông qua 3 giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thực hành và giai đoạn kết thúc một trận vận chuyển - chiến đấu (hiểu một chuyến vận chuyển như một trận chiến đấu).


a) Trong giai đoạn chuẩn bị vận chuyển, các đơn vị xe tổ chức tốt công tác đảm bảo kỹ thuật xe máy đạt hệ số kỹ thuật cao; cho xe đi lấy hàng sớm; sẵn sàng tập kết đội hình tiếp cận đường tuyến. Các đơn vị công binh kiểm tra tình hình đường, cầu, ngầm sau các trận oanh tạc ban ngày của địch, khắc phục hậu quả thông đường nhanh.

Các đơn vị phòng không chuẩn bị các phương án tác chiến và sẵn sàng chiến đấu;

Các đơn vị thông tin liên lạc kiểm tra toàn bộ mạng thông tin liên lạc trên tuyến; chuẩn bị nhân lực và phương tiện khôi phục thông tin liên lạc kịp thời;

Các phân đội bộ binh kiểm soát chặt chẽ ngoại vi đường vận chuyển và đánh địch trên các mỏm núi cao.

Mọi hoạt động được báo cáo về tổng trực ban để Ban chỉ huy binh trạm quyết định quyết tâm và truyền đạt quyết tâm đến các cấp.


b) Trong giai đoạn thực hành vận chuyển - chiến đấu.

Chỉ huy sở binh trạm tiến hành các công việc: Lệnh cho đơn vị xe tập kết vị trí xuất phát tiến công; lệnh cho các đơn vị đảm bảo chiến đấu chuyển trạng thái sẵn sàng chiếu đấu cấp 1. Phát lệnh cho xe xuất phát tiến công; theo dõi tốc độ hành tiến của xe ghi trên bản đồ chiến đấu - vận tải của binh trạm thông qua các trạm chỉ huy giao thông chỉ huy xe bôn tập trên đường, tập kết và mật tập qua trọng điểm, nắm xe đầu và xe cuối đến trả hàng, tổ chức cho xe quay vòng tăng chuyến và dừng lại trú đậu tại khu vực binh trạm phía trước. Trong quá trình vận chuyển - chiến đấu, chỉ huy binh trạm xử trí các tình huống xảy ra về xe cháy, xe hỏng, bộ đội thương vong trong chiến đấu; khắc phục hậu quả phá hoại cầu đường của địch.


c) Trong giai đoạn kết thúc vận chuyển - chiến đấu.

Chỉ huy sở cơ bản sau khi nắm chiếc xe cuối cùng về căn cứ và tổng số xe chuẩn bị cho chuyến vận chuyển tiếp theo, thông báo cho các đơn vị đảm bảo chiến đấu chuyển trạng thái về cấp 2, nắm lại toàn bộ diễn biến và kết quả chuyến vận chuyển ngày/đêm, tác nghiệp trên bản đồ; tiến hành giao ban binh trạm; tổng trực ban báo cáo, nhận xét. Chỉ huy binh trạm kết luận đánh giá chuyến vận chuyển; dự kiến quyết tâm trận vận chuyển - chiến đấu tiếp theo, thông báo quyết tâm sơ bộ xuống các cấp và chính thức báo cáo lên cấp trên. Cuộc giao ban thường diễn ra từ 7 giờ sáng đến 8 giờ sáng hằng ngày là kết thúc. Kíp trực ban mới bắt đầu vào việc.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 25 Tháng Tư, 2021, 08:33:16 am
3. Những thủ đoạn đánh phá ngăn chặn của địch trên đường vận tải. Hình thức chiến thuật của địch và phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta

a) Những thủ đoạn chiến thuật của địch đánh phá ngăn chặn chi viện

- Gây trọng điểm ở những địa đoạn hiểm yếu: các đèo dốc, các cua gấp, các bến vượt sông, các đầu mối giao thông, các vách đá... Từ gây trọng điểm đơn đến gây trọng điểm kép, gây trọng điểm lớn đến gây trọng điểm liên hoàn cực lớn. Địch cho máy bay cường kích oanh tạc, cho B.52 rải thảm, kết hợp cả cường kích oanh tạc với B.52 rải thảm, đánh liên tục dài ngày, đánh hủy diệt trên một khu vực lớn.

- Đánh theo kiểu "săn đuổi tìm diệt" xe hoạt động dọc đường vận chuyển; đối tượng gồm cả xe, hàng và người, theo quy luật vận chuyển của ta: từ ngoài vào từ 16 giờ đến 23 giờ, từ trong ra từ 24 giờ đến 5 giờ sáng.

- Giăng bẫy bom mìn hỗn hợp diệt xe, diệt người, diệt hàng: bom nổ chậm, bom hẹn giờ, bom từ trường, bom bi nổ chậm, các loại mìn vướng nổ, mìn lá, cây nhiệt đới...

- Chặn đầu, chặn đuôi oanh kích diệt gọn đoàn xe bằng các loại bom phá, bom cháy, bom bi.

- Đánh vào địa điểm tập kết xuất kích, bãi trú đậu trên đường, kho tàng, chỉ huy sở. Theo quy luật hoạt động của ta mà địch nhận thấy được qua hoạt động trinh sát.

Trên chiến trường Trường Sơn, địch đã sử dụng đến trên 4 triệu tấn bom đạn các loại, về sau chúng sử dụng tia la-de đánh vào mục tiêu ngầm, hang đá, trận địa cao xạ, trạm rađa tên lửa.


b) Phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta là sử dụng phương thức chiến đấu hiệp đồng binh chủng để tạo ra sức mạnh tổng hợp, từng bước chuyển đổi tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường, đẩy lùi địch, từng bước vô hiệu hoá sự đánh phá ngăn chặn của địch, tiến lên đánh bại địch.

Trên thực tế chúng ta tiến hành các phương thức sau đây:

❖ Đối với thủ đoạn gây trọng điểm.

Bộ đội công binh: Tổ chức trận địa chốt tại trọng điểm, sử dụng nhân lực, thuốc nổ, xe máy khắc phục nhanh hậu quả đánh phá của địch; dùng xe phóng từ phá bom từ trường; mở đường vòng, đường tránh giải tỏa trọng điểm. Mở thành nhiều trục dọc, trục ngang bảo đảm cầu đường luôn luôn thông suốt trong mọi tình huống, vô hiệu hoá hoàn toàn gây trọng điểm của địch.

Bộ đội phòng không: Xây dựng trận địa phòng không tại vùng trọng điểm, nghiên cứu các thủ đoạn đánh phá của địch và cách đánh của ta để bắn rơi máy bay Mỹ tại chỗ hoặc máy bay Mỹ sợ bắn rơi nên ném bom không trúng đường, trúng xe. Đánh chế áp máy bay bằng các loại cao pháo, tên lửa, đánh trực tiếp vào đội hình của địch, đẩy địch lên cao, ra xa, ném bom không trúng đường, trúng xe. Cơ động trên đường phục kích máy bay địch bay thấp.

Bộ đội thông tin: Xây dựng mạng lưới thông tin khép kín, khi địch oanh tạc mất liên lạc, kịp thời xuất kích nối lại, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Các đài quan sát nắm địch tốt, chính xác. Các trạm điều chỉnh giao thông điều chỉnh xe chặt chẽ, kịp thời báo cáo thường xuyên về sở chỉ huy và chuyển lệnh của sở chỉ huy nhanh chóng, chính xác.

Bộ đội xe: Sử dụng đội hình hành tiến tập trung, đi gọn, đường thông dùng chiến thuật bôn tập, đường tắc tập kết gọn ở hai đầu trọng điểm, khi đường thông dùng chiến thuật mật tập qua trọng điểm nhanh gọn nhất.


* Đối với thủ đoạn địch đánh theo kiểu "săn tìm đuổi diệt" dọc đường.

Bộ đội công binh: Tổ chức những mũi nhọn trang bị bộc phá, địch đánh phá gây tắc ở đâu xung kích khắc phục hậu quả ngay ở đó.

Bộ đội phòng không: Cơ động lực lượng theo đội hình xe, đánh trả máy bay địch; bố trí rải lực lượng phòng không trên dọc đường đánh địch bảo vệ đội hình xe tiến công.

Bộ đội xe: Thực hiện chiến thuật đi phân tán từng tốp nhỏ; đi trên nhiều tuyến, nhiều trục khác nhau, tránh địch oanh tạc, luồn lách vượt qua vùng đánh phá của địch.


* Đối vớỉ thủ đoạn địch tập kích đoàn xe, chặn đầu, chặn đuôi, oanh kích diệt gọn

Phương thức đối phó của ta là khi xe hành tiến trên đường có hình dạng thùng đấu hoặc bên ta luy dương bên ta luy âm thì phải dãn đội hình, khi có máy bay địch nhanh chóng cho xe chui vào các khe cạn, lái xe vào ẩn các hầm dọc đường. Chỉ huy pháo 57mm, 100mm đánh cứu vây, hất máy bay địch lên cao, ra xa, hạn chế tối đa bom trúng đường, trúng xe, trúng hầm.

Thường xuyên đăng ký tổng hợp, phân tích cách đánh phá của địch rút ra quy luật đánh phá ngăn chặn của địch, phán đoán được cách đánh của địch để cho xe đi nơi địch chưa đánh, tránh nơi địch sắp đánh, cho xe đi giờ địch không đánh, tránh cho xe đi vào giờ địch sắp đánh, để vô hiệu hoá sự đánh phá của địch. Đây là biện pháp tốt nhất để vô hiệu hoá sự đánh phá của địch, bảo đảm vận chuyển an toàn.

Trong loại hình tổ chức chỉ huy binh chủng hợp thành cấp binh trạm đã rút ra những kết luận sau đây:

- Một binh trạm vận tải chiến đấu hiệp đồng binh chủng phải có một binh lực đồng bộ đủ mạnh, trang bị hiện đại về phương tiện và vũ khí tương đương một lữ đoàn.

- Phải có một hệ thống tổ chức chỉ huy tập trung thống nhất trực tiếp đến mọi nơi, mọi lúc 24/24 giờ một ngày đêm.

- Phải nắm được đầy đủ và kịp thời âm mưu thủ đoạn quy luật đánh phá ngăn chặn của địch.

- Phải có một hệ thống đường cầu kỳ hình, đa dạng bảo đảm vận chuyển liên tục trong mọi tình huống.

- Bộ đội chiến đấu binh chủng hợp thành phải có chiến thuật thích hợp đối phó với từng thủ đoạn đánh phá ngăn chặn của địch có bản lĩnh chiến đấu ngoan cường, có kỹ năng chiến đấu giỏi.

- Phải có một cung độ thích hợp đó là cung độ phân đoạn 100 - 120km phù hợp với tương quan lực lượng giữa ta và địch trong thời kỳ đầu địch đánh phá ác liệt.

Đó là những vấn đề cơ bản nhất để giành thắng lợi trong tổ chức chỉ huy chiến đấu hiệp đồng binh chủng của một binh trạm vận tải chiến đấu trong chiến tranh hiện đại; đó cũng là những kinh nghiệm quý giá được đúc kết trong thực tiễn chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 25 Tháng Tư, 2021, 08:36:24 am
II. BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN KHU VỰC BINH CHỦNG HỢP THÀNH TỔ CHỨC CHỈ HUY VẬN CHUYỂN CHIẾN ĐẤU

Sau chiến thắng Đường 9 - Nam Lào (1971) và khi xuất hiện đường "kín", xe đi ban ngày thì cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của Mỹ cơ bản bị phá sản, tương quan lực lượng địch - ta trên chiến trường Trường Sơn có sự chuyển đổi quan trọng, tương quan lực lượng đã nghiêng hẳn về ta. Lúc này, cung vận tải khu vực thay thế cho cung vận tải phân đoạn. Sư đoàn khu vực binh chủng hợp thành được thành lập và trở thành đơn vị vận tải cơ bản trên tuyến chi viện chiến lược.

1. Biên chế lực lượng chiến đấu

Ban đầu tạm duy trì hệ thống binh trạm, nhưng sau đó giải tán binh trạm, thành lập các trung đoàn binh chủng đặt dưới sự tổ chức chỉ huy hiệp đồng chiến đấu của Bộ tư lệnh sư đoàn.

- Lực lượng xe có từ 1 đến 2 trung đoàn.

- Lực lượng công binh có 1 đến 2 trung đoàn.

- Lực lượng phòng không có 1 trung đoàn.

Riêng khu vực đường số 9 và sông Sê Băng Hiên thuộc Sư đoàn 472, được phối thuộc 1 trung đoàn tên lửa.

- Các đơn vị trực thuộc khác: có 1 tiểu đoàn kho, 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn thông tin, 1 tiểu đoàn sửa chữa xe pháo, khí tài công binh, 1 tiểu đoàn quân y.

Cơ quan chỉ huy của sư đoàn khu vực binh chủng hợp thành có các phòng tham mưu tác chiến, phòng tham mưu vận chuyển, phòng tham mưu cầu đường, phòng chính trị và phòng hậu cần.

Cung độ vận chuyển từ 300 đến 400km với sức việt dã của bộ đội xe, đi 2 ngày 1 chuyến khép kín trên cung 4 ngày chuyến, hiệu suất vận tải tăng lên rõ rệt: cung phân đoạn binh trạm xe trọng tải 5 tấn chỉ đạt được 540 - 900 tấn/km/ngày đêm. Cung khu vực sư đoàn khu vực binh chủng hợp thành đạt 1.220 - 1.650 tấn/km/ngày đêm, lực lượng kho giảm, thời gian bốc dỡ hàng giảm từ 6 đến 8 lần.


2. Thủ đoạn, hình thức đánh phá ngăn chặn của địch trên khu vực vận chuyển của sư đoàn và phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta.

a) Thủ đoạn, hình thức đánh phá ngăn chặn của địch

Sau thất bại của những thủ đoạn đánh phá trước đây, Mỹ tập trung chuyển hướng vào 2 hình thức đánh phá ngăn chặn mới:

- Dựng tuyến đánh phá, ngăn chặn dọc các tuyến sông lớn như Sê Băng Hiên, sông Sê Kông... Mục tiêu đánh chặn các bến vượt của ta và chủ yếu bằng sử dụng máy bay AC.130 đánh xe trên các bến vượt.

- Tập trung máy bay AC.130 trang bị điện tử khuếch đại ánh sáng mờ, sử dụng pháo 20mm, 40mm đánh vào đội hình xe ban đêm. Ban đầu, thủ đoạn này gây nhiều khó khăn cho ta; ngoài ra, ở tuyến trong, chúng sử dụng máy bay trinh sát vũ trang phát hiện mục tiêu là chuyển sang đánh phá mục tiêu ngay.


b) Phương thức tác chiến hiệp đồng binh chủng của ta

* Đối với thủ đoạn dựng tuyến ngăn chặn vượt sông:

Ta xây dựng một thế trận vượt sông có nhiều điểm vượt, bằng các phương thức: ngầm cầu kết hợp, công khai và bí mật kết hợp, thật và giả kết hợp.

Ngầm cầu bí mật thực hành ngụy trang và che giấu triệt để, các bến vượt dùng sảo cỏ xanh xếp liền bắc ngầm, nam ngầm, xoá hết dấu vết xe trên bến vượt, ngụy trang đường phía Bắc, đường phía Nam ngầm bằng trồng cây che hẳn con đường, che hẳn chiếc xe, địch không phát hiện được.

Có nhiều ngầm, cầu bí mật xây dựng dọc triền sông, cứ 5 đến 8km có 1 bến vượt. Đường lên xuống bến vượt là đường "kín", cấu tạo hết sức bất ngờ hoàn toàn trái quy luật thông thường, địch không tìm ra được đầu mối của đường, đầu mối của ngầm.

Nắm rất chặt chẽ, chính xác hoạt động đánh phá của máy bay Mỹ, rút ra được quy luật hoạt động của địch về thời gian và điểm oanh tạc, chỉ huy xe tập kết bến vượt chờ khi địch ngừng oanh tạc hoặc thời điểm địch chưa đánh phá hoặc đã đánh phá xong chuyển sang nơi khác, cho xe mật tập vượt sông.


* Đối với thủ đoạn dùng AC. 130 đánh vào đội hình xe ban đêm.

Sau khi nắm được thủ đoạn của địch, chúng ta đã có những phương thức đối phó đặc biệt có hiệu quả như sau:

* Chia cung vận chuyển thành nhiều cung ngắn, lợi dụng thời gian máy bay AC. 130 chưa đến, lợi dụng thời gian máy bay AC. 130 rút về, tổ chức cho xe chạy việt dã đến nơi giao hàng và quay về căn cứ trong đêm. Cách này đạt kết quả tốt, nhưng chỉ sử dụng được một thời gian, về sau địch thay đổi giờ hoạt động.

- Rào đường "hở" thành đường nửa "hở", nửa "kín", tổ chức chỉ huy chặt chẽ cho xe chạy ngày lấn từng đoạn.

- Mở đường "kín" một tuyến liền với tuyến đường "hở" cho xe chạy ngày đường "kín" và cho xe chạy đêm trên đường "hở".

- Cải tạo đường "hở" thành đường nửa "kín", nửa "hở" cho xe chạy ngày.

- Mở một tuyến đường "kín” xuyên Trường Sơn cho đội hình xe lớn chạy ngày, đồng thời duy trì một lượng xe nhỏ tiếp tục chạy trên đường "hở" để giữ bí mật cho đường "kín".

Dưới đây xin trình bày 2 phương thức tổ chức chỉ huy vận tải ô tô trên đường nửa "kín”, nửa "hở" và phương thức tổ chức chỉ huy đội hình xe lớn chạy ngày trên đường "kín" xuyên Trường Sơn.


* Tổ chức chỉ huy vận tải ô tô trên đường nửa "hở", nửa "kín".

Mùa khô 1971-1972, có nhiều phương thức tổ chức chỉ huy vận tải ô tô đối phó với thủ đoạn dùng máy bay AC. 130 đánh đội hình xe ban đêm có hiệu quả như đã nói ở trên.

Dưới đây xin diễn giải hai phương thức điển hình ở Sư đoàn khu vực 472.

Một là, tổ chức chỉ huy xe chạy ngày là chủ yếu trên đường "kín" và đường nửa "hở", nửa "kín".

Hai là, tiếp tục tổ chức chỉ huy xe chạy đêm trên đường "hở" chỉ nhằm mục đích nghi binh, lừa địch, giữ bí mật bất ngờ cho đội hình xe lớn chạy ngày trên đường "kín".


* Tổ chức chỉ huy tiểu đoàn, trung đoàn ô tô chạy ngày trên đường "kín" và tổ chức chỉ huy tiểu đoàn ô tô chạy ngày trên đường nửa "hở” nửa ’’kín".

Bộ tư lệnh Trường Sơn huy động một lực lượng lớn công binh mở một tuyến đường "kín” dài 3.000km xuyên Trường Sơn từ cửa khẩu đường 20 và đường 18 vào Tây Nguyên (sử dụng 4 trung đoàn công binh và lực lượng công binh của 9 binh trạm). Đường đi dưới tán cây rừng đại ngàn Trường Sơn cứ khoảng 20km có một "ga" cho xe tránh nhau, cũng có một số đoạn ngắn đường "hở" phải trồng cây ngụy trang che đường "hở", phải thật khôn khéo khi cho xe vượt qua những đoạn này. Ở đây công binh tích cực duy tu mặt đường để tăng tốc độ xe, dùng xe téc phun nước giữ độ ẩm cho tuyến đường khắc phục bụi khi xe đi qua; chỉ huy xe vào, ra tại các "ga" tránh nhau; dùng pháo 37mm bắn báo động khi có máy bay trinh sát trên không.


Tại các binh trạm khi chưa có tuyến đường "kín" xuyên Trường Sơn, cũng tìm cách cải tạo đường "hở" thành đường nửa "kín", nửa "hở", bằng cách mở đường vòng ở nơi rừng có tán lá tốt, hoặc lợi dụng các lùm cây xanh làm nơi giấu xe khi có máy bay địch trên không, hoặc lấy cây rào kín những đoạn hoàn toàn trống trải che mặt đường, che xe khi đi qua, hoặc cho xe tiếp cận khoảng đường trống không thể cải tạo được rồi tranh thủ lúc không có máy bay địch cho xe vượt nhanh qua được đường trống; bố trí đơn vị cao xạ chốt hai đầu ngầm trống dài và đoạn đường trống dài để đánh địch trên quãng đường ấy, bảo đảm cho xe vượt qua. Cũng dùng xe téc phun nước chống bụi mù khi xe đi qua, tổ chức các trạm chỉ huy giao thông điều chỉnh xe chạy lấn từng đoạn ban ngày.


Binh chủng Phòng không bố trí trận địa cao xạ, tên lửa ở các đoạn đường trống trải xen kẽ trên đường "kín" hoặc nửa "kín", nửa "hỏ" bắt buộc xe chạy ngày phải vượt qua để chui vào tuyến đường "kín". Các trận địa này có nhiệm vụ đánh tiêu diệt máy bay, bảo vệ đội hình xe chạy ngày và ban đêm.
Bộ binh có nhiệm vụ truy quét biệt kích thám báo, đẩy chúng ra xa tuyến đường và cùng công binh thu nhặt cây nhiệt đới (trinh sát tiếng động) địch rải thả trên khu vực tuyến đường "kín".


Bộ đội ô tô chạy ngày trên đường "kín" theo đội hình tiểu đoàn, trung đoàn tập trung bôn tập, khi phải vượt qua các đoạn trống trải dài phải mở rộng dãn cách từng xe trong tiểu đội, từng tiểu đội trong trung đội, từng trung đội trong đại đội theo sự chỉ dẫn của công binh để nhanh chóng vượt qua an toàn, sẵn sàng dụng cụ sửa chữa xe mang theo xe, dụng cụ công binh cũng mang theo xe trong trường hợp xe chạy cùng chiều bị hỏng hóc đột xuất, mở lối vòng tránh thông đường cho đoàn xe tiếp tục hành tiến.


Trên đường nửa "hở", nửa "kín", xe chạy đội hình đại đội, dãn cách thưa giữa các xe, bôn tập nhanh khi trên đường không có máy bay địch, nghe tiếng báo động máy bay, nhanh chóng lẩn vào rừng thưa theo đường công binh đã dọn sẵn. Xử trí rất nghiêm các xe không nghiêm chỉnh thực hiện quy định.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 25 Tháng Tư, 2021, 08:36:58 am
* Tổ chức chỉ huy xe chạy đêm trên đường "hở” nhằm mục đích nghi binh thu hút địch, đánh lừa địch, giữ bí mật bất ngờ cho đội hình xe lớn chạy ngày trên đường "kín", đường nửa "hở", nửa "kín”.

Ở các đơn vị có tuyến đường "hở” trước đây bố trí một lượng xe nhỏ, chuyên chạy đêm trên đường "hở", phải tạo ra dấu vết trên đường như thể có lượng xe lớn chạy, có nhiều lằn xe chạy xen kẽ nhau trên đường, đặc biệt là các ngầm lên xuống phải bộc lộ rõ có đoàn xe lớn đi qua.


Bộ đội công binh thực hiện nghi binh thu hút địch tạo ra nhiều dấu vết xe hoạt động trên đường và kéo xe đã bị đánh cháy hỏng, làm xe "bằng gỗ cây rừng" để nghi binh thu hút địch. Khi địch đánh vào đường thì gây thêm đám cháy, cháy càng to để kéo địch đến đánh phá. Cũng có những trường hợp máy bay phát hiện được "xe thật" đang chạy trên đường thì nhanh chóng cho xe chui vào rừng, tắt máy hoặc lúc xe đang đi đội hình tốp thì các trận địa pháo cao xạ đánh máy bay địch tức khắc thu hút địch về phía trận địa cao xạ, tạo điều kiện cho xe vượt lên phía trước an toàn.


Trong loại hình tổ chức chỉ huy binh chủng hợp thành cấp sư đoàn khu vực đã rút ra những kết luận sau đây:

- Khi đã có điều kiện cho phép thay đổi cung độ, nhất thiết không thể dừng lại, kéo dài hơn nữa quy mô binh trạm vận tải chiến đấu trên cung ngắn hay là cung chiến thuật mà phải chuyển ngay lên quy mô vận tải chiến đấu cao hơn: cung khu vực hay là cung chiến dịch với hình thức tổ chức đơn vị vận tải cơ bản là sư đoàn khu vực bộ đội hợp thành.

- Khi thay đổi cung độ vận tải thì phải thay đổi toàn bộ các mặt bảo đảm kỹ thuật, nhiên liệu, kho hàng, tổ chức đời sống phù hợp với cung độ mới.

- Phải thực hành vận tải đội hình trung đoàn tập trung, tiểu đoàn đi gọn, kết hợp chạy đêm và chạy ngày trên đường "hở" và đường "kín", để một bộ phận nhỏ đi trên đường "hở" thu hút địch để lực lượng xe lớn hoạt động trên đường "kín".

- Các trung đoàn công binh, pháo cae xạ tên lửa vận dụng chiến thuật kết hợp chốt với cơ động trên địa bàn phụ trách theo yêu cầu tổ chức đánh tập trung.

- Phải có một mạng đường cầu nhiều trục kết hợp đường "hờ" và đường "kín" có đường ngang liên thông giữa các trục, có đường công khai và bí mật.

- Phải kiến tạo mạng thông tin liên lạc từ chỉ huy sở sư đoàn đến các đầu mối, đối với sư đoàn phía sau và sư đoàn phía trước đối với các nơi tiếp nhận hàng, quân.


Những vấn đề nêu trên là cơ bản nhất để giành thắng lợi trong tổ chức chỉ huy chiến đấu hiệp đồng binh chủng của một sư đoàn khu vực trong chiến tranh hiện đại. Đó cũng là những kinh nghiệm quý giá được đúc kết trong thực tiễn trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 25 Tháng Tư, 2021, 08:38:20 am
III. BỘ TƯ LỆNH TRƯỜNG SƠN, TỔ CHỨC CHỈ HUY HIỆP ĐỒNG BINH CHỦNG VẬN TẢI Ô TÔ ĐI THẲNG ĐẾN TỪNG CHIẾN TRƯỜNG, THAM GIA CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔi DẬY XUÂN 1975

1. Chuẩn bị gấp rút thế và lực mới

Sau Hiệp định Pari được ký kết, tương quan lực lượng giữa ta và địch thay đổi về căn bản, từ đây ta có thể tạo ra thời cơ chiến lược mới để giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.


Sự thật Mỹ đã thua ta trên chiến trường Trường Sơn mặc dù Mỹ đã huy động sức mạnh của các quân - binh chủng tập trung đánh phá hết sức ác liệt, liên tục đường Trường Sơn; chúng coi đó là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện chính sách xâm lược miền Nam nước ta.


Sự thất bại của đế quốc Mỹ trên chiến trường Trường Sơn nhất định sẽ đi đến sự thất bại hoàn toàn của chúng trên chiến trường miền Nam Việt Nam và trên chiến trường Đông Dương.


Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà sớm hay muộn tùy thuộc hoàn toàn vào nỗ lực chủ quan của ta, trước hết là sự nỗ lực chủ quan của chiến trường Trường Sơn.


Nhận thức nhạy bén thời cơ chiến lược đó, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã kịp thời phát huy nỗ lực chủ quan, sức mạnh nội tại của mình cùng với khai thác tối đa lợi thế chiến lược, chiến thuật của Trường Sơn chủ động tạo ra thế mới và lực mới thúc đẩy thời cơ chiến lược phát triển ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch.


Thế mới, lực mới mà Bộ tư lệnh Trường Sơn tạo ra là tạo cho kỳ được, một hạ tầng cơ sở đồng bộ đủ đáp ứng cho một cuộc chiến tranh quy mô lớn, vì thế đã gấp rút, hoàn thành xây dựng hệ thống cầu đường liên hoàn, đồng bộ Đông - Tây Trường Sơn, vừa cải tạo nâng cấp tuyến Tây Trường Sơn, vừa xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn, vừa nhanh chóng kéo dài tuyến đường ống đến chiến trường Nam Bộ để chiến trường Nam Bộ có đủ nhiên liệu, vừa kéo dài và mở rộng hệ thống thông tin tải ba đến các chiến trường, phục vụ trước mắt cho tổ chức chỉ huy vận tải hiệp đồng binh chủng và phục vụ sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp cho cấp chiến lược; vừa xây dựng hệ thống hậu cần chiến lược và chiến dịch tiếp cận các chiến trường. Tất cả các công trình đó đã được khai thác từ năm 1973 trở đi và đã hoàn tất vào cuối năm 1974.


Để thích ứng với thế trận mới, thêm một lần nữa Bộ tư lệnh Trường Sơn đã cải hoán tổ chức lực lượng thành một binh đoàn vận chuyển chi viện chiến lược mạnh nhằm hoàn thành nhiệm vụ bản thân và sẵn sàng làm lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ cho Bộ khi thời cơ chiến lược xuất hiện. Sự cải hoán được tiến hành từng bước chắc chắn: Tháng 6 năm 1973 thành lập Sư đoàn ô tô 571 và Sư đoàn công binh 473; đến tháng 6 năm 1974 thành lập thêm Sư đoàn ô tô 471 và các trung đoàn ô tô độc lập, chuyển các sư đoàn khu vực 470, 472 và Đoàn 565 thành các sư đoàn công binh đứng chân trên hai tuyến Đông - Tây Trường Sơn. Kiện toàn lực lượng phòng không thành 1 sư đoàn phòng không - tên lửa mạnh và 6 trung đoàn cao pháo bảo vệ tuyến Đông Trường Sơn, kiện toàn Sư đoàn bộ binh 968 sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới. Kiện toàn Cục Đường ống xăng dầu, 2 trung đoàn giao liên cơ giới và 2 trung đoàn thông tin liên lạc...


Như vậy, đến tháng 6 năm 1974, thế và lực mới phục vụ cho thời cơ chiến lược đã sẵn sàng.



2. Trên cơ sở thế và lực mới, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã phát động chiến dịch vận chuyển chi viện chiến lược thần tốc, chiến dịch này kéo dài liên tục 16 tháng (từ tháng 11 năm 1973 đến tháng 2 năm 1975).

Hai sư đoàn ô tô và 2 trung đoàn giao liên cơ giới vận chuyển liên tục, không có ngày nghỉ. Từ tháng 11 năm 1973 đến tháng 6 năm 1974 hoạt động liên tục trên tuyến Tây Trường Sơn, cùng với các trung đoàn công binh thuộc các sư đoàn khu vực nắn thẳng tuyến đường, mở rộng mặt đường, hạ độ dốc, nâng cấp các công trình vượt sông, suối, tăng tốc độ xe. Từ tháng 5 năm 1974 đến tháng 10 năm 1974 lật cánh về tuyến Đông Trường Sơn. Các sư đoàn công binh 473 và 472, 470 cải tạo và xây dựng cơ bản tuyến Đông Trường Sơn đến địa bàn Nam Bộ theo tiêu chuẩn đường cấp 4 miền núi, có đoạn tiêu chuẩn cấp 3 miền núi.


Từ tháng 11 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975 hoạt động liên tục vận tải cả năm trên hai tuyến Đông - Tây Trường Sơn, chủ yếu trên tuyến Đông Trường Sơn.

Cho đến tháng 2 năm 1975 đã giao cho các chiến trường 51 vạn tấn, trước ba tháng.

Chở quân bằng ô tô giao cho các chiến trường 40 vạn quân, đưa vào chiến trường 25 đoàn binh khí kỹ thuật.

Sau khi hoàn thành kế hoạch vận chuyển cơ sở vật chất kỹ thuật và binh hỏa lực, Bộ đội Trường Sơn chuyển từ một binh đoàn vận chuyển chi viện chiến lược thành một binh đoàn dự bị chiến lược cơ động tại chỗ của Bộ, phối hợp cùng toàn quân tiến hành cuộc -Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 25 Tháng Tư, 2021, 08:39:23 am
3. Bộ đội Trường Sơn tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà, kết thúc thắng lợi, trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy 55 ngày đêm diễn ra trên một thế trận hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh với ba tuyến Tây Trường Sơn, Đông Trường Sơn, quốc lộ 1A, tuyến đường ống dẫn xăng dầu dọc Trường Sơn đến tận Nam Bộ. Tất cả hạ tầng cơ sở bảo đảm tối ưu cho một cuộc chiến tranh vận động quy mô lớn và các chiến dịch cơ động nối tiếp nhau. Bộ đội ô tô Trường Sơn vừa vận tải bổ sung các thứ vũ khí mà các chiến dịch yêu cầu, vừa cơ động lực lượng chiến đấu các quân đoàn bộ binh liên tiếp mở các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng tiếp theo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.


Trong chiến dịch Tây Nguyên, Bộ đội Trường Sơn đã tham gia gần một nửa lực lượng của chiến dịch, mở đường ô tô bí mật tiếp cận thị xã Buôn Ma Thuột (cây cao chỉ cưa ba phần tư) chở bộ binh triển khai chiếm lĩnh trận địa, thực hành nghi binh chiến dịch kéo quân địch ra Bắc Tây Nguyên, bảo đảm hậu cần chiến dịch. Các trung đoàn xe Sư đoàn 471 chở bộ binh truy kích địch tháo chạy từ Tây Nguyên về đồng bằng.


Sư đoàn ô tô 571 cơ động Sư đoàn bộ binh 341 từ Quân khu 4 vào Đồng Xoài bổ sung cho Quân đoàn 4; cơ động sư đoàn bộ binh 325 từ tuyến Đông Trường Sơn vào tham gia chiến dịch Trị Thiên và chiến dịch Đà Nẵng; cơ động Quân đoàn 1 từ Vĩnh Linh vào Đồng Xoài, Nam Bộ tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh; cơ động Quân đoàn 2 từ Đà Nẵng hành quân tác chiến dọc duyên hải vào Xuân Lộc, Đồng Nai, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.


Sư đoàn ô tô 471 cơ động Quân đoàn 3 từ Tây Nguyên về Lộc Ninh - Bình Phước, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, các tiểu đoàn ô tô Trường Sơn được tăng cường cho các quân đoàn 1, 2, 3, 4 cơ động tiến công vào sào huyệt quân địch, như cơ động Quân đoàn 2 đánh chiếm dinh Độc Lập, đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chiếm Đài phát thanh Sài Gòn; cơ động Quân đoàn 3 đánh chiếm Bến Cát, vượt cầu Sông Bé vào nội thành Sài Gòn đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, Hóc Môn, sân bay Tân Sơn Nhất...


Trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh không những đã đáp ứng kịp thời cơ sở vật chất kỹ thuật, binh lực và hỏa lực cho các chiến trường từ Trị Thiên, đến Quân khu 5, Tây Nguyên, Nam Bộ, chiến trường Campuchia, mà còn làm nhiệm vụ lực lượng dự bị chiếm lược tại chỗ bảo đảm các hướng tiến công chiến lược và cơ động các quân đoàn hành tiến tiến công địch từ chiến dịch mở màn Tây Nguyên đánh lực lượng địch ở vùng chiến thuật 2 và quân đoàn 2 ngụy, giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, đến chiến dịch Trị Thiên, chiến dịch Đà Nẵng đánh bại vùng chiến thuật 1 và quân đoàn 1 ngụy, đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.


Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, bộ đội ô tô Trường Sơn đã biến các quân đoàn bộ binh trở thành các quân đoàn bộ binh cơ giới.

Trong loại hình tổ chức vận chuyển binh chủng hợp thành toàn tuyến đem đến cho chúng ta những kết luận như sau.

- Khi tình thế mới xuất hiện, Mỹ đã thất bại hoàn toàn trong cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện, ta đã làm chủ hoàn toàn trên phạm vi chiến trường Trường Sơn thì phải chuyển ngay từ một chiến trường tổ chức chiến đấu tổng hợp sang một binh đoàn vận chuyển chi viện hiệp đồng binh chủng trên toàn tuyến.

- Phải kết thúc sớm cung vừa hay là cung chiến dịch, thực hiện cung đi thẳng hay là cung chiến lược đến từng chiến trường, tranh thủ vận tải cả năm trên hai tuyến Đông và Tây Trường Sơn.

- Phải chọn tuyến Đông Trường Sơn liền kề với hậu phương các quân khu để đáp ứng sớm nhất, đầy đủ nhất, đồng bộ nhất các yêu cầu vật chất kỹ thuật và binh lực cho từng chiến trường.

- Phải bỏ hành quân đi bộ chuyển sang hành quân bằng cơ giới, binh lực, hoả lực bổ sung cho các chiến trường, làm cho các chiến trường ta mạnh lên một cách đột biến để sớm tạo thời cơ chiến lược.

- Khi công cuộc chi viện chiến lược đã thoả mãn yêu cầu của chiến lược, của chiến dịch và của chiến đấu rồi thì phải chuyển từ binh đoàn vận chuyển chi viện sang đội hình binh đoàn dự bị chiến lược cơ động tại chỗ của Bộ để vừa cơ động các quân đoàn, sư đoàn chiến đấu và đảm bảo hạ tầng cơ sở đường bộ, đường ống, đường sông trên toàn chiến trường miền Nam trong thế bao vây chia cắt địch về chiến lược, chiến dịch.

- Trong tình hình này, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trở thành một lực lượng phối hợp với toàn quân thực hành cuộc chiến tranh vận động quy mô lớn, thực hành các chiến dịch cơ động khác nhau, vừa phục vụ chiến đấu vừa trực tiếp chiến đấu đánh bại quân địch trong thời gian ngắn nhất, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà.


Đó là những vấn đề cơ bản nhất để giành thắng lợi trong tổ chức chỉ huy chiến đấu hiệp đồng binh chủng của Bộ tư lệnh Trường Sơn trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Đó cũng là những bài học quý giá mà Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam.


Trong phạm vi tổ chức chỉ huy vận tải ô tô chiến đấu hiệp đồng binh chủng đã tạo ra sức mạnh; bằng sự kết hợp hai mặt uy và lực. Lực là lực lượng chiến đấu hiệp đồng của các binh chủng xe, công binh, pháo... trên từng cung độ vận chuyển nhất định. Uy là sự thống nhất chỉ huy chiến đấu tập trung trực tiếp.


Tuy nhiên, uy và lực muốn phát huy tốt phải có những điều kiện nhất định, đó là đơn vị được tổ chức và chiến đấu theo phương thức chiến đấu hiệp đồng binh chủng lấy vận tải làm trung tâm; được triển khai trên một hệ thống cầu đường kỳ hình, đa dạng; trên phương thức tổ chức vận tải đa phương thức, trên sức mạnh chiến đấu bảo vệ giao thông vận tải của bộ đội phòng không, được bảo vệ an toàn khu vực đường tuyến của bộ binh và sự phục vụ đắc lực của các lực lượng khác.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 26 Tháng Tư, 2021, 01:08:18 pm
NHỮNG CHIẾN THUẬT VẬN TẢI CƠ GIỚI TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH


NGUYỄN THUẬN QUẢNG
Nguyên Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh cơ giới, nguyên giảng viên Học viện Quốc phòng, nguyên Phó Tư lệnh Sư đoàn ô tô Bộ tư lệnh Trường Sơn


Bộ đội vận tải ô tô trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là binh chủng chủ công trong 4 binh chủng hợp thành (Vận tải ô tô, Công binh, Phòng không và Bộ binh) của Bộ đội Trường Sơn; lấy nghệ thuật và phương pháp tác chiến chung của Quân đội nhân dân Việt Nam làm nền tảng.


Nhưng do đặc thù của công tác vận chuyển, bộ đội vận tải phải triển khai chiến đấu trên trận tuyến với chính diện hẹp, chiều sâu lớn (thường từ 80 - 100km) có khi còn lớn hơn nhiều; thời gian một trận chiến đấu có thể 1 ngày đêm hoặc 2 - 4 ngày đêm..., nhưng liên tục hàng 6 tháng có khi cả năm, nên vận dụng nghệ thuật và phương pháp tác chiến phải phù hợp với đặc thù đó; đồng thời kết hợp nhuần nhuyễn với nguyên tắc tác chiến của bộ đội vận tải quân sự. Có như vậy mới hoàn thành được nhiệm vụ vận chuyển vật chất kỹ thuật, chuyển quân vào chiến trường - cơ động các binh đoàn chủ lực vào mặt trận, mở các chiến dịch lớn và chuyển thương binh, bệnh binh ra hậu phương, trong điều kiện đánh phá ác liệt bằng nhiều thủ đoạn nham hiểm của không quân Mỹ trên chiến trường Trường Sơn. Đội hình tiến công của bộ đội vận tải không chỉ hành tiến chiến đấu trên chiều sâu lớn mà còn liên tục phải chọc thủng những khu vực ngăn chặn bằng các loại hỏa lực rất ác liệt của chúng, để hoàn thành mục tiêu trận tác chiến của mình. Chính trong những năm tháng chiến đấu vô cùng ác liệt đó, bộ đội vận tải ô tô trên chiến trường Trường Sơn, với trí thông minh và lòng dũng cảm đã sáng tạo ra những hình thức chiến thuật cực kỳ thông minh, hiệu quả trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến đấu hiệp đồng binh chủng, để đối phó với mọi âm mưu, thủ đoạn đánh phá ngăn chặn bằng các chiến lược "cắt cổ", "bịt miệng", "khoét đáy" của đế quốc Mỹ. Các hình thức chiến thuật đó là:


1. Chiến thuật tiến công theo từng thê đội gọn:

Đại đội đi gọn trong đội hình tiểu đoàn tập trung, tiểu đoàn gọn trong đội hình trung đoàn và trung đoàn đi gọn trong từng hướng tiến công của sư đoàn ô tô vận tải.

Thực tế 10 năm thực hành vận tải ô tô trên chiến trường Trường Sơn - Binh chủng Vận tải ô tô Trường Sơn đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo "Tiến công và liên tục tiến công" của nghệ thuật quân sự Việt Nam vận dụng vào chiến trường, kiên trì và sáng tạo thực hành "chiến thuật tiến công theo từng thê đội gọn" đã khẳng định chiến thuật đó là đúng đắn.


Bài học của chiến dịch vận chuyển mùa khô 1965-1966 khi chúng ta mới đưa vận tải ô tô lên Trường Sơn là: vì bước đầu chưa hiểu rõ quy luật, tính ác liệt của các thủ đoạn đánh phá ngăn chặn đội lính xe vận chuyển của không quân Mỹ; mặc dù địa hình rừng núi che phủ, số lượng xe vận chuyển không nhiều, chỉ tiêu kế hoạch chỉ là đáp ứng nhu cầu tối thiểu của chiến trường.


Nhưng do đội hình chạy xe không có chiến thuật, xe đi không tập trung, chiến đấu đơn độc, chỉ huy không chặt chẽ, nên hiệu suất vận tải không cao, còn bị tổn thất phương tiện và hàng hoá lớn. Riêng xe ô tô tổn thất tới 47,3% so với biên chế (thống kê của Cục Tham mưu vận chuyển Bộ tư lệnh 559).


Đến chiến dịch vận chuyển mùa khô 1967-1968, sau thắng lợi của cuộc tập huấn và diễn tập thực binh ở Hương Đô - Hà Tĩnh do Bộ tư lệnh 559 tổ chức: Bước vào chiến dịch ngay từ những ngày tháng đầu Tiểu đoàn ô tô vận tải 102 Binh trạm 32 tiến công trên cung AX.43 (Lùm Bùm) đi S1 rồi vươn tới Nam đèo Tha Mé trả hàng cho kho KG4 thuộc Binh trạm 33, với chiều sâu từ 80 đến 130km. Trên cung đường có nhiều trọng điểm ác liệt nổi tiếng của không quân Mỹ như: Ngã ba Lùm Bùm, đèo Cốc Mạc, kilômét 70, 80 đường 128A, đèo Văng Mu, ngã ba đường số 9, ngầm Sê Băng Hiên, đèo Tha Mé... Nhưng do đơn vị thực hiện tốt chiến thuật đội hình đại đội gọn trong tiểu đoàn tập trung, cán bộ, chiến sĩ mưu trí dũng cảm. Được các binh chủng bạn hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, sở chỉ huy binh trạm chỉ huy liên tục, kiên quyết, sáng tạo; nên đã tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 102 luôn luôn đạt hiệu suất chiến đấu cao, đưa hàng tới đích ngày một tăng, đơn vị không chỉ chọc thủng các khu vực ngăn chặn bằng các loại hoả lực của không lực Hoa Kỳ, mà còn thường xuyên đạt và vượt cung, tăng chuyến. Do vậy, kết thúc chiến dịch vận chuyển mùa khô 1967-1968, Tiểu đoàn ô tô vận tải 102 được mệnh danh "Tuấn mã Trường Sơn". Cũng từ đây chiến dịch tiến công đi đội hình từng thê đội gọn, đã được thực hiện ở khắp các lực lượng vận tải ô tô Bộ đội Trường Sơn.


Từ chiến dịch mùa khô 1972-1973, khi đường "kín" được đưa vào sử dụng, tác chiến hiệp đồng binh chủng của Bộ đội Trường Sơn đã bước sang giai đoạn phát triển mới, mạng đường Đông - Tây Trường Sơn đã hoàn chỉnh và được nâng cấp; các bàn đạp tiến công của bộ đội vận tải ô tô được xây dựng quy mô lớn, thật sự đảm đương chức năng là căn cứ chiến lược, là hậu phương vững chắc của các hướng chiến trường, có trường hợp còn bảo đảm là căn cứ hậu cần trực tiếp của một số chiến dịch.


Binh chủng vận tải ô tô thời gian này về tổ chức biên chế đã hình thành các trung đoàn ô tô vận tải, đồng thời tiến tới thành lập các sư đoàn ô tô vận tải chiến lược.


Trước yêu cầu bảo đảm khối lượng vật chất lớn cho chiến trường, bộ đội vận tải đã đẩy chiến thuật đi đội hình theo từng thê đội gọn lên cấp "tiểu đoàn gọn" trong đội hình trung đoàn tập trung.


Đặc biệt sau khi Hiệp định Pari và Hiệp định Viên Chăn về Lào được ký kết, thế chiến lược của ba nước Đông Dương có bước phát triển mới. Chiến thuật đi đội hình theo từng thê đội gọn cấp trung đoàn trên từng hướng tiến công của sư đoàn vận tải ô tô chiến lược cũng được thực hiện; chính chiến thuật đó đã thực sự mang lại hiệu quả lớn, thoả mãn yêu cầu vật chất kỹ thuật cho các chiến trường và còn có dự trữ cho nhiệm vụ tiếp theo.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 26 Tháng Tư, 2021, 01:09:35 pm
Nhưng để tổ chức và thực hành được chiến thuật tiến công theo từng thê đội gọn từng cấp, trong điều kiện địch đánh phá ngăn chặn ác liệt trên chiến trường Trường Sơn, Binh chủng Vận tải ô tô ngoài thế tác chiến hiệp đồng binh chủng (Phòng không, Công binh, Bộ binh, Vận tải) còn cần có những yếu tố sau:

a) Có số lượng, chất lượng đường, cầu đạt tiêu chuẩn, cân đối với số lượng phương tiện vận hành trên từng cung đường, bảo đảm liên hoàn đạt công suất phương tiện đã xác định.

Mặc dù ô tô là phương tiện có sức việt dã cao, có thể thích ứng với nhiều địa hình phức tạp, nhưng số lượng, chất lượng đường cầu không đảm bảo tối thiểu thì cũng không tổ chức đi đội hình tập trung được. Nếu tổ chức đội hình tập trung cấp đại đội thôi, chỉ cần một xe trong đội hình có sự cố kỹ thuật nhỏ cũng gây ùn tắc, trường hợp này khi bị địch đánh phá thì hậu quả khó lường. Chính vì vậy yếu tố số lượng, chất lượng đường, cầu; tính vững chắc đường, cầu quyết định tới quy mô tổ chức thực hành chiến thuật vận tải.


b) Về phía đơn vị vận tải: Trước hết phải xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt quan tâm xây dựng chiến sĩ lái xe có quyết tâm cao trước yêu cầu nhiệm vụ đơn vị và toàn chiến trường Trường Sơn, đồng thời thường xuyên phổ biến hướng dẫn để họ nắm vững âm mưu, thủ đoạn, quy luật đánh phá của không quân địch, trên cơ sở đó mà chuẩn bị thật đầy đủ về mọi mặt cho mỗi trận xuất kích (nội dung này phần công tác chính trị tư tưởng sẽ đề cập sâu hơn).


c) Trình độ chiến thuật, kỹ thuật, ý thức tổ chức kỷ luật của chiến sĩ lái xe: Đội hình tác chiến trên một chiều sâu lớn, dưới làn hoả lực ngăn chặn quyết liệt của không quân địch có khi cả pháo hạm ngoài biển của chúng; ở địa hình đèo dốc đường quân sự làm gấp đòi hỏi người chiến sĩ lái xe phải có trình độ chiến thuật, kỹ thuật điêu luyện, có tinh thần dũng cảm, mưu trí; đồng thời còn phải có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, tự giác chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định đã được người chỉ huy đội hình ra mệnh lệnh trước và trong quá trình hành quân chiến đấu.


d) Công tác bảo đảm kỹ thuật: Những trận chiến đấu của bộ đội vận tải ô tô Trường Sơn diễn ra liên tiếp với thời gian dài, ngày nối ngày, đêm nối đêm suốt mùa chiến dịch. Vì vậy, công tác bảo đảm kỹ thuật quyết định trực tiếp tới số lượng phương tiện tham gia đội hình, đồng thời có ảnh hưởng quá trình hành tiến của đội hình. Quy mô đảm bảọ kỹ thuật phụ thuộc với đội hình từng cấp. Trong thực hành vận chuyển, Bộ đội Trường Sơn đã rút ra bài học về bảo đảm kỹ thuật, đó là bảo đảm kỹ thuật phải theo phân cấp phù hợp với đội hình và chiến thuật vận tải.

Trong thực tế chiến đấu của bộ đội vận tải Trường Sơn thì sự tiêu hao kỹ thuật và thương vong diễn ra tỷ lệ thuận với cường độ đánh phá ngăn chặn của địch và tỷ lệ nghịch với nhu cầu và khả năng bảo đảm. Do đó, việc phân cấp bảo đảm kỹ thuật phải được rõ ràng và phù hợp với tổ chức đội hình chiến thuật vận tải. Mặt khác lại phải tổ chức cấp cứu kịp thời, hiệu quả trên các trọng điểm đánh phá ngăn chặn của địch, có như vậy mới không ảnh hưởng tới quy mô tổ chức đội hình và tốc độ tiến công của binh chủng.

Để hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật theo yêu cầu tác chiến, trong những năm qua, các đơn vị (tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn ô tô vận tải) trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã tổ chức kết hợp 3 hình thức (xưởng sửa chữa cố định, trạm hoặc đội sửa chữa cơ động và tổ sửa chữa đi cùng) đạt kết quả tốt. Ngoài ra, ở cấp đại đội, các đơn vị còn tổ chức các tổ kiểm tra kỹ thuật, để giúp người lái xe kiểm tra và sửa chữa các hư hỏng nhỏ, bảo đảm hệ số sử dụng cao.


e) Có khu căn cứ xuất phát đủ diện tích triển khai đội hình cho từng cấp, bảo đảm bí mật tiếp cận sát trục tiến công trước giờ xuất kích. Đây là nơi người chỉ huy triển khai đội hình, ra các chỉ thị, mệnh lệnh, kỷ luật hành quân và phổ biến những dự kiến xử trí tình huống đối phó với âm mưu thủ đoạn đánh phá ngăn chặn đội hình tiến công của địch, hoặc những tình huống bất trắc do kỹ thuật, do đường, cầu... xảy ra đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền trước giờ xuất kích; tất cả những vấn đề nêu trên phải quán triệt tới từng chiến sĩ có mặt trong đội hình.

Là binh chủng cơ giới của quân đội hoạt động trong chiến tranh, quá trình tiến công với chiều sâu trận địa lớn, bị không quân địch đánh phá ngăn chặn ác liệt, thì mệnh lệnh, kỷ luật hành quân cũng như phương án xử trí các tình huống diễn ra trong hành tiến, kết hợp với mệnh lệnh từ sở chỉ huy binh chủng hợp thành, thông qua mạng chỉ huy dọc trục hành quân là điều kiện tiên quyết để đơn vị vượt qua mọi âm mưu thủ đoạn đánh phá của địch. Trong mệnh lệnh hành quân, ngoài giờ xuất kích và dự kiến tình huống địch - ta, phương án xử trí, người chỉ huy đội hình còn quy định tốc độ, cự ly, thứ tự hành quân và vị trí người chỉ huy đội hình cũng như người thay thế khi cần; đồng thời phổ biến ký, tín hiệu chỉ huy trong quá trình hành tiến. Trong quy định vị trí chỉ huy đội hình cần nói rõ cấp mình và dưới một cấp (từ cấp đại đội tới tiểu đoàn và trung đoàn đều như vậy). Thông thường ở từng cấp, người chỉ huy cao nhất của đội hình đi ở vị trí xe thứ hai, xe thứ nhất là một cán bộ chỉ huy dưới hai cấp.

Xếp sắp đội hình như trên là xuất phát từ tính chất địa hình, tình hình đánh phá của địch và chức năng nhiệm vụ của người chỉ huy, tạo cho người chỉ huy có điều kiện quan sát đội hình, âm mưu thủ đoạn đánh phá của địch, quản lý chặt chẽ đội hình tiến công của đơn vị; đồng thời còn động viên khích lệ cán bộ, chiến sĩ quyết tâm vượt qua khu vực đánh phá ngăn chặn bằng mọi loại hoả lực của địch, đặc biệt khi đội hình tiến công vượt qua trọng điểm; kịp thời hiệp đồng chặt chẽ với các binh chủng bạn trong quá trình tiến công, cũng như với các đơn vị bạn trên đường hành tiến và tói đích trả hàng.

Riêng với công tác quản lý đội hình và giải quyết các sự cố về kỹ thuật xảy ra trong quá trình hành quân chiến đấu, trong đội hình từng cấp, mệnh lệnh của người chỉ huy còn quy định cấp phó của từng cấp đều đi ỏ xe cuối đội hình cấp ấy, xe đó có thợ kỹ thuật và phụ tùng vật liệu dự phòng, để bảo đảm kỹ thuật khi có những xe hư hỏng trong hành quân chiến đấu.


h) Tổ chức bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, đặc biệt đội ngũ lái xe cũng là yếu tố quyết định tới đội hình, khi thực hiện chiến thuật tiến công theo thê đội gọn. Do phải tranh cướp thời gian với thời tiết, với địch, để hoàn thành mục tiêu chi viện cao nhất cho chiến trường, nên ngay từ ngày đầu bước vào chiến dịch, cường độ lao động của Bộ đội Trường Sơn, nhất là đội ngũ lái xe phải huy động tới mức tối đa. Vì vậy, việc tổ chức nuôi dưỡng, phòng bệnh cho bộ đội phải được đặc biệt quan tâm.

Để giữ vững quân số chiến đấu, bộ đội vận tải ô tô Trường Sơn có các hình thức bảo đảm như sau:

- Đối với đội hình tiến công trên cung 2 ngày đêm/chuyến, thường tổ chức bếp ăn, nghỉ ở hai đầu cung (nơi lấy hàng và nơi trả hàng).

- Đối với đội hình tiến công trên cung 4 ngày đêm/chuyến, hoặc dài hơn, thường tổ chức bếp ăn, nghỉ ở giữa cung. Nơi ăn, nghỉ giữa cung phải chọn vị trí có đủ các điều kiện: có nguồn nước, kín đáo, có diện tích triển khai được các thành phần: hậu cần, kỹ thuật, chính trị...; vì ngoài việc ăn, nghỉ, vệ sinh cá nhân của bộ đội còn việc chăm sóc sức khoẻ khi có cán bộ, chiến sĩ ốm đau, đồng thời còn giải quyết sửa chữa kỹ thuật cho những xe hư hỏng. Khi có điều kiện còn tổ chức vui chơi giải trí để động viên tinh thần bộ đội.

Từ khi triển khai thực hiện "chiến thuật tiến công theo từng thê đội gọn", trên chiến trường Trường Sơn, bộ đội vận tải không chỉ đem lại hiệu suất vận chuyển cao, mà chính trong thực hiện nguyên tắc tác chiến đó, bộ đội vận tải ô tô Trường Sơn đã sáng tạo ra các hình thức chiến thuật khác, để đối phó có hiệu quả với các thủ đoạn đánh phá ngăn chặn của không quân Mỹ trên chiến trường Trường Sơn.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 26 Tháng Tư, 2021, 01:11:06 pm
2. Chiến thuật lợi dụng sương mù và địa bàn xuất kích, tổ chức cho đội hình tiến công lấn sớm, lấn chiều để tăng thời gian xe lăn bánh và tốc độ tiến công của đội hình xe vận tải

Khi thực hiện chiến thuật trên, người chỉ huy binh chủng hợp thành trước hết phải chọn địa bàn để xây dựng khu căn cứ, bảo đảm sao cho việc tiếp nhận lên xuống hàng thuận lợi, đáp ứng yêu cầu triển khai được đội hình đơn vị ô tô vận tải tiến công.


Trên cơ sở nắm vững quy luật hoạt động của không quân địch, đặc biệt khi thời tiết xuất hiện gió mùa Đông Bắc, mây mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế, ra lệnh cho đội hình xuất kích ngay từ 15 - 16 giờ và về muộn tới 8 - 9 giờ sáng hôm sau. Như vậy, đội hình xe có thể vận hành từ 14 tới 16 giờ trong một ngày đêm, do đó đoạn đường tiến công có khi tăng gấp đôi, nên hiệu suất vận tải cũng tăng theo, đồng thời lại tránh được quy luật đánh phá ngăn chặn của không quân địch.


Yêu cầu để thực hiện chiến thuật:

a) Về phía người chỉ huy, phải nhạy bén, táo bạo, quyết đoán, biết thời cơ và nắm vững thời cơ địch - ta, địa hình, thời tiết để ra lệnh chính xác cho tất cả các lực lượng dưới quyền. Mặt khác, triển khai các trạm chỉ huy giao thông để hướng dẫn, chỉ huy đội hình xe tránh ùn tắc và thông báo cho đội hình xe tình hình hoạt động của máy bay địch.

b) Lực lượng công binh, phải hiệp đồng tác chiến chặt chẽ, sẵn sàng đường, cầu. Lực lượng phòng không đánh phủ đầu, đánh áp đảo không quân địch, hỗ trợ đội hình xe tiến công.

c) Về lực lượng ô tô vận tải, ngoài chuẩn bị đầy đủ về kỹ thuật và duy trì nghiêm kỷ luật hành quân, đội ngũ lái xe phải mưu trí dũng cảm giữ vững tốc độ tiến công, tuyệt đối không để ùn tắc trong bất cứ trường hợp nào.

Phải khẳng định đây là thời cơ thuận lợi, nhưng diễn ra trong thời gian rất ngắn, đặc biệt thường diễn ra ở đầu mùa chiến dịch vận chuyển.

Do vậy, người chỉ huy binh chủng hợp thành phải thường xuyên theo dõi tình hình, nắm vững địch - ta, thời tiết, để rút ra kết luận chính xác, chớp thời cơ giành thắng lợi.


3. Chiến thuật tiến công một chiều thuận hoặc hai chiều đi và về tránh nhau ở vị trí quy định

Chiến thuật tiến công một chiều thuận hoặc hai chiều đi và về, tránh nhau ở một điểm quy định, được đề xuất và thực hiện trong trường hợp đường quá hẹp và xấu, mặt đường chỉ đủ cho một xe đi, còn xe về phải dừng lại để tránh nhau. Với chiến thuật tiến công theo từng thê đội gọn, lại bảo đảm nâng được tốc độ vận hành của xe cơ giới, tránh ùn tắc, chỉ có giải pháp cho đội hình tiến công đi theo một chiều thuận tuyệt đối, đó là giải pháp duy nhất đúng.


Trường hợp ở những binh trạm có nhiều tiểu đoàn xe hoạt động thì không thể cùng đi theo một chiều thuận, vì đội hình quá dài. Do vậy, phải đi theo chiến thuật "Thuận hai đầu sẽ tránh nhau ở một điểm quy định". Nơi tránh nhau là đoạn đường rộng đi được hai chiều. Ở chiến trường Trường Sơn, do địa hình hiểm trở và để tận dụng độ che kín cho con đường, nên những đoạn đường rộng ít có, do đó bộ đội công binh thường phải mở thêm đường vòng đủ cho đội hình tránh nhau. Chính vì thực hiện thành công chiến thuật này nên sự ùn tắc được giải quyết, tốc độ tiến công bộ đội vận tải ô tô được duy trì và phát triển.
   

4. Chiến thuật sử dụng đội hình mật tập vượt trọng điểm nhỏ và vừa

Trên chiến trường Trường Sơn, ngoài thủ đoạn đánh phá săn đuổi đội hình xe tiến công, không quân Mỹ còn đánh phá có tính hủy diệt vào những địa hình hiểm yếu, nhất là nơi vượt sông, suối, các đoạn đường đèo dốc, nơi giao điểm các trục đường hay nơi vách núi cao vực sâu, để ngăn chặn đội hình xe. Thủ đoạn đánh tắc trọng điểm của địch rất tinh vi, xảo quyệt. Chúng thường chọn thời điểm vào chiều, sắp tối để đánh, gây khó khăn cho việc khôi phục đường của ta.


Trước hết, chúng dùng máy bay B.52 hoặc bom phát quang đánh vào trọng điểm, tiếp sau chúng ném bom đào làm đảo lộn địa hình; ban đêm ném bom nổ chậm hoặc bom từ trường làm cho ta khó xác định điểm rơi. Cuối cùng chúng ném hàng loạt mìn vướng nổ làm cản trở, kéo dài thời gian tiếp cận của lực lượng công binh.


Đối phó với thủ đoạn đánh phá ngăn chặn của địch, bộ đội công binh phải chốt giữ ngay trọng điểm để sau tiếng bom cuối cùng rơi nổ là xuất kích, lấp hố bom bằng các thủ đoạn chiến đấu của binh chủng (sẽ nói kỹ ở phần bảo đảm giao thông) khắc phục nhanh, thông đường cho đội hình xe mật tập vượt qua trọng điểm giữa hai đợt công kích của máy bay địch. Đợt công kích tiếp sau cũng hành động như vậy.


Bộ đội phòng không thường chọn những đường bay nguy hại nhất để nổ súng, hạn chế tối đa bom trúng tim đường; các đài quan sát đánh dấu điểm rơi của bom từ trường, bom nổ chậm để có biện pháp gây nổ hoặc hất bom xuống vực sâu; theo dõi các đường bay thấp rải mìn vướng, đánh hất chúng lên cao, ra vòng ngoài, hạn chế mìn vướng rải trúng mặt đường cùng công binh phá mìn vướng.


Bộ đội xe ô tô vận tải phải được chuẩn bị đầy đủ về kỹ thuật, được phổ biến nắm vững quy luật đánh phá của địch và địa hình khu vực phải vượt qua. Người chỉ huy chia đội hình thành các thê đội đi gọn trung đội trong đại đội tập trung. Tính toán sao cho phù hợp với thời gian bảo đảm thê đội vượt qua trọng điểm trước khi địch đến đánh đợt tiếp sau. Theo lệnh của chỉ huy sở, cho đội hình tiêp cận bàn đạp xuất kích, sẵn sàng chờ lệnh mật tập vượt trọng điểm, khi nghe thấy tín hiệu bằng súng nổ thông đường, lập tức người chỉ huy đội hình xe cho đội hình xe lao nhanh qua trọng điểm.


Riêng khi tổ chức đội hình vượt qua trọng điểm là sông, suối, việc tổ chức và chỉ huy đội hình vượt sông, suối cũng tương tự như tổ chức chỉ huy đội hình vượt trọng điểm trên đường. Nhưng do đoạn đường phải vượt qua thường ngắn, hai đầu bến vượt là dốc trơn, mặt ngầm thường không bằng phẳng, lại hẹp, có trường hợp nước sâu, nên khi tổ chức, chỉ huy đội hình vượt, nhất thiết phải tổ chức ra đội ứng cứu hộ tống để đề phòng khi có trường hợp do sự cố kỹ thuật, hoặc trình độ người lái gây ra, mà tiến hành cứu kéo kịp thời (tổ hộ tống cứu kéo gồm xe cứu kéo và thợ sửa chữa kỹ thuật).


Trên tuyến đường Trường Sơn ở những nơi trọng điểm quan trọng, cấp trên thường tổ chức ra đội cứu kéo chuyên nghiệp chốt giữ tại trọng điểm. Người chỉ huy đội hình cơ giới chỉ cần liên hệ hiệp đồng, không cần tổ chức đội cứu kéo riêng của đơn vị mình.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 26 Tháng Tư, 2021, 01:13:23 pm
5. Chiến thuật tiến công giãn cự ly từng xe, từng phân đội đi trên các trục đường, để đối phó với thủ đoạn của không quân địch "săn tìm - đuổi diệt" đội hình xe tiến công

Với thủ đoạn này, ban đêm địch dùng máy bay AD.6 hoặc AC.130 thả pháo sáng, kết hợp rải "cây nhiệt đới" trinh sát phát hiện đội hình xe tiến công trên đường, lập tức đánh chặn đầu và khoá đuôi bằng bom phá đường và bom sát thương. Tiếp đến dùng B.52 và cường kích đánh tiêu diệt đội hình xe trong nhiều giờ (đường 20, địch dùng phổ biến thủ đoạn này trong mùa chiến dịch 1969-1970). Để đối phó với thủ đoạn "săn tìm - đuổi diệt" của địch, ta đã chuyển bộ đội công binh từ tập trung giữ trọng điểm sang rải lực lượng công binh ra toàn tuyến, đào công sự, hang hầm dày đặc trên toàn tuyến đường, có nơi có cả hầm trú ẩn cho xe ô tô, làm đường "xương cá" nơi có điều kiện. Ban đêm, đốt cháy nhiều đốm lửa trên toàn tuyến, làm xe giả, để địch khó phát hiện chính xác đội hình xe đang hoạt động. Bộ đội phòng không chuyển trận địa tác chiến bảo vệ trọng điểm sang cơ động phục kích đánh máy bay địch trên toàn tuyến, có trường hợp cơ động đến đánh trả địch, bảo vệ đội hình xe.


Bộ đội vận tải ô tô dùng các loại tre nứa kẹp bảo vệ buồng lái, lốp xe, làm giàn cây bảo vệ đầu máy "như công sự di động"; lái xe mặc áo giáp, đội mũ sắt.


Chỉ huy sở ra lệnh thay đổi chiến thuật tiến công của lực lượng ô tô vận tải: Từ đội hình tiến công từng thê đội gọn cấp đại đội - tiểu đoàn sang đội hình trung đội đi gọn cự ly dãn xa 100m/xe. Từng đội cách nhau 300m, các đại đội trong tiểu đoàn từ 2 đến 3km. Khi xuất kích, mỗi tiểu đoàn đi theo một trục riêng, hoặc đơn vị chạy từ ngoài vào, đơn vị chạy ngược lại từ trong ra. Trên các trục tiến công, nơi nào cũng có xe chạy kết hợp với lửa nghi binh, chỗ nào cũng có đốm sáng, màn khói dày đặc, đồng thời công binh phải quét sạch "cây nhiệt đới". Thực hiện chiến thuật "săn tìm - đuổi diệt", bước đầu ta chưa kịp đối phó có bị tổn thất; nhưng sau rút ra quy luật, ta thay đổi chiến thuật tiến công, đã tránh được tổn thất và duy trì nhịp độ tiến công bình thường của lực lượng ô tô vận tải.


6. Chiến thuật đột kích nghi binh

Sử dụng đội hình xe nhỏ tiến công trên đường "hở", bảo đảm cho đội hình lớn tiến công trên đường "kín". Bắt đầu từ những tháng gần giữa mùa chiến dịch vận chuyển năm 1971 trở đi, các đơn vị vận tải ô tô của Bộ tư lệnh 559 đã thực hiện chiến thuật nghi binh, sử dụng đội hình nhỏ chạy nghi binh, để giữ bí mật; ta đã thay đổi quy luật hoạt động của lực lượng vận tải ô tô "từ chạy đêm sang chạy ngày".


Bằng tất cả các thủ đoạn đánh phá của các loại máy bay cường kích hay "Pháo đài bay" B.52, để hủy diệt từng khu vực lớn, tạo ra các trọng điểm hoả lực bom mìn hỗn hợp và đến các "Tên gác đường", chúng rải xuống tuyến đường chiến lược Trường Sơn cũng không ngăn nổi các đơn vị vận tải ô tô Trường Sơn đưa hàng ngày càng nhiều, đáp ứng yêu cầu chiến đấu của quân và dân ta ở miền Nam. Đế quốc Mỹ chuyển sang dùng máy bay phản lực tuần thám vũ trang dọc trục giao thông ban ngày, khi phát hiện mục tiêu, bổ nhào công kích ngay hoặc dùng máy bay cánh quạt OV.10, L.19 trinh sát phát hiện nơi nghi ngờ tức thời chỉ thị mục tiêu để bọn phản lực đánh phá.


Ban đêm, chúng dùng AC.130 được trang bị hệ thống khí tài điện tử hiện đại (thiết bị truyền hình khuếch đại ánh sáng mờ, máy cảm ứng nhiệt và các loại máy tính chuẩn xác...) để đánh phá các đoàn xe dọc tuyến đường. Với chiến thuật này, bước đầu chúng đã gây cho lực lượng vận tải ô tô Trường Sơn nhiều tổn thất cả người và phương tiện, hàng hoá.


Sau chiến dịch toàn tuyến mở đường "kín", cải hoán đường "hở" thành đường "kín" thắng lợi và qua việc tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình tiến công của lực lượng ô tô vận tải đối phó với thủ đoạn dùng máy bay AC.130 đánh phá đội hình xe ban đêm, ta đã thay đổi hoàn toàn quy luật hoạt động: Chuyển từ tiến công ban đêm sang tiến công ban ngày của lực lượng vận tải ô tô trên đường "kín" có nhiều thuận lợi: vì không có sự ngăn chặn đánh phá của không quân địch, đường sá được lực lượng công binh duy tu, tầm quan sát của người lái mở rộng; từ đó tốc độ tiến công nhanh, việc bảo đảm ăn nghỉ cho lái xe tốt, sức khoẻ được nâng lên, năng suất vận chuyển tăng vọt, tổn thất xe cộ, hàng hoá giảm tới mức tối thiểu. Hiệu suất vận chuyển từ năm 1971 đến 1973 đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch Bộ giao, mặc dù không quân Mỹ vẫn áp dụng phổ biến chiến thuật dùng AC.130 có trang bị khí tài đánh phá ngăn chặn đội hình xe tiến công và là những mùa chiến dịch Bộ đội Trường Sơn đạt cao nhất gấp 14,5 lần tổng số kilômét đã thực hiện những năm trước.


Thực hiện thành công chiến thuật "đột kích nghi binh", Bộ đội Trường Sơn tiến một bước dài trong nghệ thuật chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng; quán triệt nhuần nhuyễn phương thức tác chiến "đánh, phòng tránh, nghi binh lừa địch".


Sự vận dụng phương châm tư tưởng chỉ đạo "tiến công, liên tục tiến công" tiêu diệt địch bảo vệ lực lượng ta một cách mưu trí sáng tạo.

Lực lượng vận tải tổ chức đội hình nhỏ chạy đường "hở" vào ban đêm, cùng với hình thức nghi binh lừa địch, để chúng không phát hiện, chúng ta đã đổi quy luật hoạt động của đại bộ phận lực lượng vận tải ô tô sang ban ngày.

Lực lượng pháo phòng không đưa địch vào khu vực ta đã chuẩn bị sẵn để đánh tiêu diệt, kéo chúng ra xa trục đường "kín”.

Lực lượng công binh, ngoài nhiệm vụ duy tu bảo vệ đường, còn tăng cường ngụy trang làm kín đường, nhất là những đoạn đường cải hoán từ đường "hở" thành đường "kín", có đoạn đường còn phải dùng xe téc phun nước để chống bụi khi xe chạy.


Để thực hiện tốt chiến thuật đột kích nghi binh ở cả hai đội hình, đòi hỏi người chỉ huy phải thực hiện đầy đủ và có nền nếp, nguyên tắc tác chiến của bộ đội vận tải cơ giới, duy trì kỷ luật đội hình hành quân gọn, tuyệt đối không đi phân tán, rời rạc. Đặc biệt, với đội hình tiến công trên đường "hở", lại phải chặt chẽ về kỷ luật và kỹ thuật, chọn đơn vị thiện chiến; cán bộ, chiến sĩ mưu trí sáng tạo, dũng cảm mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Khi toàn bộ đội hình xe Binh trạm 32 chạy đường "kín", vẫn phải dành ra Đại đội 6 Tiểu đoàn 102 là đơn vị giỏi, cán bộ và chiến sĩ dũng cảm, mưu trí ra chạy đường "hở".


Cũng phải khẳng định một điều: đơn vị làm nhiệm vụ chạy đường "hở" là sẵn sàng chấp nhận sự nguy hiểm hy sinh. Như trên đã nói, thủ đoạn dùng AC.130 đánh đêm săn đuổi đội hình xe của địch là rất ác liệt và rất hiệu quả với chúng, đã gây cho bộ đội vận tải ô tô Trường Sơn nhiều tổn thất đáng kể. Dù chúng ta có vận dụng phương châm "đánh, phòng tránh, nghi binh" tốt đến đâu, cũng chỉ phần nào hạn chế thiệt hại; vì nhiệm vụ của toàn tuyến chiến lược Trường Sơn, vì mục tiêu chi viện thoả mãn nhu cầu vật chất cho các chiến trường, mà đội hình nhỏ sẵn sàng làm nhiệm vụ chạy nghi binh, biết rằng đó là nhiệm vụ nguy hiểm. Thật sự bộ đội vận tải cơ giới Trường Sơn đã đạt hiệu suất chiến đấu cao; đồng thời đánh bại thủ đoạn dùng máy bay AC.130 đánh phá, săn đuổi, ngăn chặn, đội hình tiến công của lực lượng vận tải cơ giới Trường Sơn - một thủ đoạn mà trước đó ít ngày lầu Năm Góc (Hoa Kỳ) đã đề cao tuyệt đối (thủ pháp màu nhiệm) này. Chúng đã chi tới 562 triệu đô-la để tăng 50% loại máy bay AC.130 trong thời gian ngắn, để đưa vào sử dụng đánh phá đội hình vận tải cơ giới của Bộ đội Trường Sơn, nhưng cũng đành chịu thất bại.


Cùng với áp dụng chiến thuật "đột kích nghi binh", Bộ đội Trường Sơn không chỉ đánh thắng thủ đoạn dùng AC.130 săn đuổi, đánh phá, ngăn chặn, diệt đội hình xe tiến công trên dọc tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn; Bộ đội Trường Sơn còn thực hành chiến thuật "đột kích nghi binh" để đánh bại cả âm mưu thủ đoạn đánh phá gây trọng điểm lớn và cực lớn "còn gọi là liên hoàn trọng điểm" trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn.


Tháng 11 năm 1970, trước khi mở chiến dịch "Lam Sơn 719" đánh ra Đường 9 - Nam Lào, hòng cắt đứt tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, địch mở ngay trọng điểm rất lớn ở Chà Là (đường 20), cắt đứt con đường vượt khẩu chủ yếu. Chúng tăng cường độ đánh phá đến mức cao nhất, đánh dồn dập, đánh liên tục hủy diệt một vùng rộng lớn, nơi tiếp nối của ba trục đường 20A, 20C, 20D. Ta tập trung lực lượng công binh mỏ một con đường tránh phía Tây (ký hiệu là QA6) dài 6km, mở đường tránh phía Đông dài 25km (gọi là QZ25). Khi cường độ và tầm hướng oanh kích của địch đã đến đỉnh cao, căn cứ vào quy luật và tính xác suất, ta chọn những chỗ không có hoặc ít hố bom, mở một con đường ngay trong lòng trọng điểm, công binh tới bám trụ chiến đấu, lấy lá khô ngụy trang cho xe húc, xe ben, xe tải; đào hầm hào sinh hoạt và cấp cứu; đưa pháo phòng không đến bám trụ dưới công sự kiên cố để đánh địch. Dùng đường này cho xe chạy thường xuyên nhằm giữ bí mật cho đường "kín" QZ25, bảo đảm cho đội hình lớn xe chạy lấn ngày, chạy đêm kết hợp lấn ngày.


Địch không chặn được tại đây, chúng bèn mở rộng vùng trọng điểm ra thành trọng điểm liên hoàn tam giác: "Chà Là, Phu La Nhích, Tam Đảo" (Chà Là: 20C, Tam Đảo: 20D và Phu La Nhích: 20A), dùng B.52 đánh phá rải thảm các đoạn đường trên nhiều ngày.


Kết thúc từng đợt đánh, lực lượng công binh bám trụ lại khôi phục thông đường, đồng thời con đường "kín" (QZ25 và 20B), ta vẫn giữ được an toàn, đội hình xe lớn vẫn tiến công bình thường. Địch hoàn toàn thất bại trong chiến thuật mở trọng điểm lớn và cực lớn.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 26 Tháng Tư, 2021, 01:14:12 pm
7. Chiến thuật vượt cung tăng chuyến trên cung độ cơ bản (Từ 80 đến 120km hoặc từ 250 đến 350km)

Kẻ thù hiểu được vị trí và tầm quan trọng của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, nên chúng coi hủy diệt đường Hồ Chí Minh là một trong những mục tiêu chiến lược quan trọng, có tính chất quyết định đến sự thành công của chính sách "Việt Nam hoá chiến tranh” của chúng.


Để giành thắng lợi, đế quốc Mỹ không còn cách lựa chọn nào khác là phải xoá bỏ cái "cuống nhau" nối liền miền Bắc Việt Nam với các lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Chính vì hiểu như vậy mà các đời Tổng thống của Hoa Kỳ đã thực hiện nhất quán chủ trương đó, liên tục gia tăng cường độ đánh phá bằng đủ các loại binh chủng từ bộ binh tới không quân, cho tới khi Mỹ buộc phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam. Chỉ tính trong 10 năm (từ 1966 đến 1975), không kể các cuộc hành quân bằng bộ binh, không quân Mỹ đã đánh phá tuyến đường Trường Sơn: trên 7.526.700 quả bom phá, 44.400 quả bom từ trường, 22.113 quả bom nổ chậm, 17.100 quả bom cháy, 67.000 loạt bom bi và 419.800 loạt rốic-két từ 40mm đến 105mm. Tính trung bình cứ 1km đường Trường Sơn phải chịu 48,20 quả và loạt bom đạn (thống kê của Bộ Tham mưu tác chiến và Bộ Tham mưu công binh Bộ tư lệnh 559).


Với số lượng bom đạn như vậy, cùng các thủ đoạn đánh phá mang tính chất hủy diệt môi sinh của chúng, đã tạo nên không ít những khu vực trọng điểm trên toàn bộ tuyến đường trên 50 trọng điểm vừa và lớn. Trong khi đó, về phía ta, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho chiến trường lại phải vận chuyển qua một cung đường dài, vượt bao địa hình hiểm trở, thời gian vận chuyển phụ thuộc theo mùa (mỗi năm chỉ vận chuyển được hơn 5 tháng mùa khô, còn mùa mưa hơn 6 tháng không vận chuyển được).


Qua đọ sức quyết liệt với đủ loại thủ đoạn đánh phá ngăn chặn của không quân Mỹ và nghiên cứu phân tích quy luật một cách khoa học về địa hình, thời tiết trên tuyến Trường Sơn, kết hợp với sử dụng đúng sức việt dã của phương tiện, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã chia tuyến vận tải ra từng cung vận chuyển, lấy phương tiện ô tô làm chủ đạo, định ra cung vận chuyển cho từng thời kỳ, "cung đó gọi là cung cơ bản". Trong vận tải quân sự, cung độ vận chuyển là chiều sâu chiến dịch hoặc chiến thuật của đơn vị vận tải cơ giới và cũng là chu kỳ vận chuyển tính theo đơn vị thời gian một ngày đêm, hoặc hơn.


Trong suốt 10 năm (1966-1975), đối với cung vận tải ô tô, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã có 3 lần thay đổi cung cơ bản. Giai đoạn đầu là 50-60km. Sau do các yếu tố cầu đường, bàn đạp xuất phát tiến công và tính việt dã của cơ giới đã được củng cố vững chắc và phát triển; đồng thời phân tích đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn đánh phá ngăn chặn của địch, cung cơ bản đã nâng 80 đến 120km cho cấp tiểu đoàn đi gọn. Tới giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh ngăn chặn của không quân địch, lực lượng so sánh có lợi cho ta, địch không còn đủ sức gây tắc trọng điểm; mạng đường trên tuyến phát triển nhiều trục dọc, ngang; hệ thống đường "kín" được đưa vào sử dụng, "cung cơ bản" của trung đoàn ô tô vận tải lên tới 250 - 350km thực hiện chu kỳ 3 - 4 ngày/chuyến.


Trong từng mùa chiến dịch, các đơn vị vận tải ô tô đã thực hiện khá tốt "cung cơ bản"; trên cơ sở hiệp đồng chặt chẽ của các đơn vị và binh chủng bạn. Đặc biệt ở giai đoạn các tiểu đoàn xe còn tiến công trên cung 80 đên 120km thực hiện 2 ngày đêm/chuyến đã ổn định, các biện pháp phòng tránh, đánh địch và nghi binh lừa địch có hiệu quả, đường cầu thông suốt, các yếu tố: lấy, trả hàng thuận lợi, nhanh gọn, công tác bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm đời sống sinh hoạt đi vào nền nếp; khí thế thi đua của bộ đội được phát động, đây là thời cơ để người chỉ huy đẩy phong trào thi đua lên cao trào vượt cung tăng chuyến hay còn gọi là "chiến thuật vượt cung tăng chuyến" trên cung cơ bản.


Binh trạm 32 (mùa chiến dịch 1967-1968 tiến công trên cung AX43 đi S1) đã thực hiện thành công "chiến thuật vượt cung tăng chuyến". Tuy thời gian này địch đánh phá đã tăng gấp 2,5 lần so với năm 1966, nhưng đường cầu thông suốt, binh trạm lại có tới 3 con đường dọc song song và 4 con đường ngang nối các trục song song đó. Khu căn cứ đầu cung không chỉ bốc hàng nhanh gọn cho từng đội hình xe mà còn tạo điều kiện cho đội hình xe vận chuyển tiếp cận trục đường tiến công, tranh thủ thời cơ lấn sớm lấn chiều thuận lợi. Các lực lượng tác chiến phòng không của binh trạm đánh địch có hiệu quả, sự phối hợp hiệp đồng của binh trạm phía trước giải phóng xe nhanh, vì vậy hai tháng cao điểm (2 và 3 năm 1968) có tới 60 - 70% số xe trong đội hình tiểu đoàn quay vòng khép kín 1 đêm chuyến trên cung 2 đêm/chuyến. Nhưng đến khi vươn cung sang trả hàng Nam đèo Tha Mé chỉ còn 5 - 10% ngày đêm/chuyến, bởi vì vượt Nam đèo Tha Mé thì đội hình phải vượt thêm 3 trọng điểm đánh phá ngăn chặn ác liệt của địch, đó là: Trọng điểm ngã ba đường số 9, ngầm sông Sê Băng Hiên và đèo Tha Mé, đoạn đường kéo dài ra 40km, điều kiện để đội hình xe lấn sớm, lấn chiều phía cuối cùng không có, đội hình tiến công bắt buộc phải qua ngầm, vượt đèo ngay từ khi bắt đầu xuất phát, nơi địch thường xuyên khống chế, không mấy khi ngớt tiếng bom rơi đạn nổ.


Để tận dụng những đội hình xe không đạt cung 1 ngày đêm/chuyến, nhưng thời gian lấy trả hàng xong nếu chờ để tới giờ xuất kích chuyến sau thì thời gian ngưng xe lăn bánh quá dài, Binh trạm 32 đã hiệp đồng với binh trạm phía trước chọn khu vực cách đích trả hàng từ 30 đến 40km làm kho trung gian; đồng thơi binh trạm tổ chức trạm chỉ huy tại đây để điều chỉnh những đội hình xe xét thấy nếu để vượt sang đích cuối cùng trả hàng, thì không thể quay về căn cứ ngay trong đêm được, quyết định "bẻ ghi" cho đội hình đó vào trả hàng ở kho trung gian và cho xe quay về căn cứ trong đêm. Đội hình này tuy không đạt cung 1 ngày đêm/chuyến với chiều dài cung 120km, nhưng tạo được chân hàng cho đội hình khác đạt 1, 1/2 ngày đêm/chuyến. Trong khi điều chỉnh "bẻ ghi" cho đội hình xe vào trả hàng thì đồng thời "bẻ ghi" cho đội hình xe ra còn sớm vào lấy hàng tại kho trung gian, để đội hình nhanh chóng vượt sang đích trả hàng và lại quay về căn cứ ngay trong đêm, để sáng ngày sau lấy hàng đi chuyến tiếp. Như vậy, đội hình này có thể đạt 3 ngày đêm/2 chuyến trên cung cơ bản 120km.


Thực hiện chiến thuật "vượt cung tăng chuyến" trên cung cơ bản là cả một quá trình vận dụng tổng hợp các chiến thuật vận tải và tác chiến hiệp đồng binh chủng của Bộ đội Trường Sơn. Từ bảo đảm cầu đường đến đánh địch và nghi binh lừa địch của tất cả các lực lượng toàn binh trạm; công tác bảo đảm, kỹ thuật đến công tác bốc vác lên xuống hàng của các khu căn cứ trong binh trạm và binh trạm phía trước, việc tiếp nhận nhiên liệu cũng phải được giải quyết thật hợp lý mới giành thắng lợi. Công tác chỉ huy của người chỉ huy binh chủng hợp thành phải khoa học, nhạy bén, bám sát đội hình tiến công của đơn vị vận tải ô tô, đồng thời các lực lượng phòng không, công binh, bộ binh, kho hàng... tất cả nhất nhất hành động theo đội hình tiến công của binh chủng chủ công. Người chỉ huy trực tiếp của đội hình xe phải quản lý chặt chẽ đội hình; ngoài việc duy trì kỷ luật hành quân, tổ chức bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm đời sống tinh thần, vật chất cho bộ đội chu đáo, còn phải hiệp đồng chặt chẽ với các chốt chỉ huy giao thông trên trục đường hành quân để đôn đốc, động viên bộ đội tranh thủ thời gian, tăng tốc độ tiến công mới thực hiện được chiến thuật "vượt cung tăng chuyến"; ngoài ra còn cần hiệp đồng với lực lượng kho hàng giải phóng xe nhanh, đặc biệt là những đội hình có thể thực hiện 1 đêm/1 chuyến hoặc 3 ngày đêm/2 chuyến trên cung 2 ngày đêm/1 chuyến.


Đối với "cung cơ bản" của trung đoàn xe từ 250 đến 350km với thời gian 3 đến 4 ngày đêm/chuyến khép kín. Tuy khả năng đánh phá ngăn chặn của không quân địch giảm nhiều, xe lại chạy trên đường "kín"; nhưng chất lượng đường cầu xấu, hẹp, tổ chức lên xuống hàng, công tác bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm ăn nghỉ cho bộ đội có nhiều khó khăn, nên tốc độ tiến công của bộ đội thường chậm. Vì vậy, chỉ có thể duy trì đội hình tiến công gọn trung đoàn là cơ bản, khi có điều kiện có thể tổ chức cho một số đội hình mũi nhọn vượt cung nhưng không phổ biến.


Nếu triệt tiêu hết những khâu yếu về chất lượng đường, cầu, lên xuống hàng ở hai đầu cung được nhanh gọn; công tác bảo đảm kỹ thuật, tiếp nhiên liệu hợp lý; đời sống sinh hoạt bộ đội giải quyết chu đáo, sức khoẻ con người và phương tiện tốt, vai trò người chỉ huy các cấp được phát huy, chắc chắn chiến thuật vượt cung tăng chuyến ở cấp trung đoàn, sư đoàn cũng sẽ thực hiện được.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 26 Tháng Tư, 2021, 01:14:56 pm
8. Chiến thuật tiến công đội hình lớn, cung dài đột kích liên tục trên đường "kín" hoặc trên đường "hở" địch không đánh phá

Sau mùa mưa năm 1971, Bộ đội Trường Sơn đã dốc toàn lực vào việc xây dựng hệ thống đường "kín", nối liền với cửa khẩu (Quảng Bình) vào tới Ngã ba Biên giới; đồng thời nghiên cứu quy luật và thủ đoạn hoạt động của địch, tiến hành nghi binh lừa địch, "lôi" chúng ra xa trục đường vận chuyển chính. Trên cơ sở đó, ta đã thay đổi hoàn toàn quy luật hoạt động của lực lượng bảo đảm kỹ thuật và kho tàng nhằm phục vụ đắc lực cho các đơn vị vận tải ô tô chạy ngày là chính, trừ một lực lượng nhỏ sử dụng chạy nghi binh trên đường "hở". Chiến thuật đó đã mang lại hiệu suất lớn, kết quả kế hoạch vận chuyển vật chất cho các chiến trường tăng vọt, đáp ứng đầy đủ yêu cầu đánh to thắng lớn của quân và dân miền Nam. Cùng với thắng lợi của chiến tranh chống phá hoại ở miền Bắc, buộc Mỹ - ngụy phải ký kết Hiệp định Pari, quân Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam Việt Nam; thế và lực ngụy quyền Sài Gòn yếu hẳn. Trên chiến trường Trường Sơn từ Tà Xẻng trở vào, không quân ngụy có hoạt động nhưng chỉ bằng 10 đến 12% không quân Mỹ. Sau khi Hiệp định Viên Chăn về Lào được ký kết, giữa tháng 2 năm 1973, từ đường số 9 trở vào tối Tà Xẻng cũng là vùng không có chiến sự. Đây là thời cơ cho binh chủng vận tải cơ giới Bộ đội Trường Sơn thực hiện ngay chiến thuật tiến công đội hình lớn, cung dài. Thực chất đây là làm nhiệm vụ vận tải ô tô trong điều kiện bình thường, không có địch đánh phá ngăn chặn.


Để thực hiện có hiệu quả chiến thuật tiến công đội hình lớn, cung dài, ngoài những nội dung công việc như trong tổ chức thực hiện chiến thuật tiến công đội hình gọn ở các cấp đại đội - tiểu đoàn - trung đoàn và sư đoàn ô tô vận tải; ở đây còn chú trọng giải quyết các vấn đề sau:


Căn cứ vào mục tiêu nhiệm vụ, sức việt dã của từng loại phương tiện để đề ra chỉ tiêu tiến công cho một ngày đêm và cho cả một chu kỳ vận chuyển. Trong tính toán một chu kỳ vận chuyển phải tính cụ thể thời gian dành cho từng công việc:

Lấy công việc của một ngày làm ví dụ:

- Thời gian nghỉ và ngủ của người lái;

- Thời gian vệ sinh cá nhân;

- Thời gian ăn uống;

- Thời gian chuẩn bị kỹ thuật và tiếp nhiên liệu;

- Thời gian sinh hoạt và truyền đạt mệnh lệnh của người chỉ huy;

- Thời gian để người lái hoàn thành chỉ tiêu chặng đường hành quân 1 ngày;

- Thời gian lấy và trả hàng.


Nếu một chu kỳ vận chuyển là 4 hoặc 5 ngày, thường có 2 vị trí tạm dừng, tạm dừng sau 1 ngày hành quân và tạm dừng sau 3 hoặc 4 ngày hành quân (nội dung cụ thể về yêu cầu tổ chức các khu vực tạm dừng cũng tương tự như tổ chức nơi tạm dừng trong thực hành chiến thuật tiến công từng thê đội gọn).


Ngoài những nội dung tổ chức bảo đảm hành quân trên đây, để thực hiện chiến thuật đi đội hình lớn, cung dài thì vấn đề giải quyết bảo đảm chất lượng đường cầu của lực lượng công binh có ý nghĩa quyết định số một tới tốc độ tiến công của đội hình vận tải, còn góp phần tăng tuổi thọ của phương tiện và sức khoẻ cho lực lượng vận tải.


Để tăng thời gian lăn bánh cho đội hình xe, phải được bố trí hợp lý tiếp nhiên liệu cho xe, thời gian tiếp nhiên liệu cho một xe không được quá từ 5 đến 7 phút.


Trong những năm cuối của cuộc đọ sức quyết liệt giữa Bộ đội Trường Sơn với không quân Mỹ - ngụy trên chiến trường, Binh chủng Vận tải cơ giới của Bộ đội Trường Sơn đã thực hiện thành công chiến thuật đi đội hình lớn cung dài, đột kích liên tục trên đường "kín", hoặc trên đường "hở", không bị địch ngăn chặn; "tạo được khối lượng vật chất lớn để đảm bảo cho nhiệm vụ cả năm 1975 và chuẩn bị cơ sở vật chất khi có thời cơ phát triển, để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc" (trích đánh giá của Đại tướng Văn Tiến Dũng về tuyến 559). Thắng lợi đó đã chứng minh một chân lý khi chúng ta vận dụng sáng tạo và nhuần nhuyễn đường lối quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam vào việc chống chiến tranh ngăn chặn bằng không quân của đế quốc Mỹ, thì dù kẻ địch có mạnh đến đâu, âm mưu thủ đoạn có thâm độc thế nào, mặc cho chúng có áp dụng tất cả những thành tựu khoa học tiên tiến nhất của loài người cũng vẫn bị thất bại và thất bại thảm hại.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 28 Tháng Tư, 2021, 01:34:06 pm
PHÁT HUY SỨC MẠNH LÃNH ĐẠO CHÍNH TRỊ - YẾU TỐ THEN CHỐT ĐỂ GIÀNH THẮNG LỢI CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH


VÕ SỞ
Nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Binh đoàn 12,
nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Trường Sơn


Giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giữ một vai trò quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ chi viện chiến lược của tuyến chi viện, quyết định thắng địch ngay trên chiến trường Trường Sơn.


Tuyến 559, chiến trường 559 là một chiến trường nối liền hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam, với chiến trường Trung - Nam Lào và Campuchia, là một mắt xích quan trọng của toàn bộ chiến trường Việt Nam và cả ba nước Đông Dương.


Tuyến 559 là mục tiêu chiến lược mà đế quốc Mỹ và tay sai chọn làm tâm điểm để ra sức đánh phá quyết liệt liên tục, bằng nhiều thủ đoạn để ngăn chặn hòng cắt đứt sự chi viện của miền Bắc vào Nam, ngăn chặn sức mạnh của quân và dân miền Bắc tăng sức mạnh cho miền Nam và bạn. Cuộc chiến đấu chống ngăn chặn của Bộ đội Trường Sơn chống đế quốc Mỹ và tay sai cả trên không, mặt đất diễn ra quyết liệt và vô cùng ác liệt. Chiến trường 559 gắn bó mật thiết với các chiến trường. Thắng lợi, thất bại, tổn thất nhiều hay ít của Bộ đội Trường Sơn đều ảnh hưởng trực tiếp đến các chiến trường, về phần mình, những biến động tình hình địch - ta, những khó khăn tổn thất, những khó khăn khắc nghiệt của địa hình, thời tiết Trường Sơn đều ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng; hành động của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn.


Quá trình phát triển của tuyến chi viện chiến lược ngay từ sơ khai đã là một tổ chức thực hiện quyết tâm chiến lược mới của Đảng với cách mạng miền Nam. Sự phát triển của nó đi từ chỗ là những người lính dẫn quân, gùi thồ và tránh địch trong một phạm vi ngắn và hẹp ở các tỉnh phía Tây Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên đến trở thành một chiến trường rộng lớn xuyên suốt Đông - Tây dãy Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Nó phát triển, tồn tại và gắn bó với các chiến trường, phục vụ cho các chiến trường khác. Lực lượng chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn từng bước và nhanh chóng hình thành binh đoàn chiến đấu hiệp đồng binh chủng, lấy binh chủng xe làm trung tâm, lấy kết quả vận tải, hành quân làm mục tiêu.


Tuyến 559 - bộ đội 559 chiến đấu mang đầy đủ tính chất chiến đấu cách mạng của chiến tranh nhân dân, tính chất khoa học quân sự, nghệ thuật vận tải chiến lược phục vụ cho cuộc chiến tranh giải phóng, sử dụng lực lượng có quy mô lớn, hiện đại và mang tính kinh tế rõ rệt, vì bản thân nó trực tiếp quản lý một khối lượng vật chất kỹ thuật khổng lồ phục vụ cho chiến tranh hiện đại và cũng sử dụng một phần vật chất kỹ thuật đó để chiến đấu thực hiện nhiệm vụ chi viện và đánh thắng kẻ địch ngay trên chiến trường mình phụ trách.


Chiến trường 559 ở trên một địa bàn của dãy Trường Sơn xuyên suốt Bắc - Nam thuộc vùng nhiệt đới, khí hậu khắc nghiệt, thời tiết luôn tác động đến sức khoẻ của người chiến đấu dài ngày và liên tục.

Từ những đặc điểm đó, sự phát huy sức mạnh lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò công tác đảng, công tác chính trị là yếu tố then chốt để giành thắng lợi.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 28 Tháng Tư, 2021, 01:36:44 pm
I. TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO TRỰC TIẾP CỦA ĐẢNG, CHĂM LO CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG, LÀM CHO ĐẢNG BỘ VỮNG MẠNH ĐỦ SỨC LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN THẮNG LỢI

Từ khi thành lập theo quyết định của Quân ủy Trung ương "Đoàn quân sự đặc biệt" đã lập ra Ban Cán sự rồi Đảng ủy. Ở cơ sở có tổ đảng, chi bộ; mọi đường lối, chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Quân ủy Trung ương, mệnh lệnh cấp trên đều được Đảng ủy 559 quán triệt và ra nghị quyết thi hành. Đảng ủy từ khi quy mô tuyến 559 còn nhỏ đến khi phát triển thành một chiến trường - Đảng ủy Đoàn, rồi Đảng ủy Bộ tư lệnh, đểu giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách, rồi một Bộ tư lệnh trực tiếp chỉ huy đến mọi nơi, mọi lúc. Đảng ủy luôn duy trì sinh hoạt định kỳ hằng năm và khi bước vào mùa khô vận chuyển, những chiến dịch của các mặt trận ở Nam Lào đều có nghị quyết của Đảng ủy, Thường vụ Đảng ủy. Các vấn đề quan trọng đều có nghị quyết chuyên đề như tổ chức lực lượng vận chuyển, chiến đấu phòng không, cầu - đường, giúp bạn, công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, việc nghiên cứu vê địch. Đảng ủy luôn đê ra yêu cầu nắm thật chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, mạnh yếu của chúng từng thời kỳ để đề ra chủ trương, biện pháp đối phó. Trong những lúc địch đánh phá ác liệt từ việc rải chất độc hoá học, mỏ các cuộc hành quân lớn ngăn chặn ở Tây Nguyên, Trị Thiên, Khu 5 và cả Lào, ở phía Tây đến việc chúng tiến hành chiến tranh bằng không quân hiện đại, sử dụng bom đạn có tính hủy diệt lớn để ngăn chặn ta, Đảng ủy - Bộ tư lệnh Trường Sơn, các tổ chức đảng đều bàn bạc tập thể ra nghị quyết và phân công thực hiện rõ ràng. Khi gặp khó khăn tổn thất, thậm chí thất bại, Đảng ủy đều rút kinh nghiệm, bổ cứu kịp thời. Bên cạnh sự vững vàng, sáng tạo của Đảng ủy chiến trường, các Đảng ủy sư đoàn, trung đoàn, binh trạm, tiểu đoàn cũng luôn vững vàng, luôn tìm cách tháo gỡ khó khăn. Nhiều lúc địch đánh ác liệt, gần như bế tắc, thì chính vai trò của Đảng ủy, chi bộ, bí thư, cấp ủy viên càng nổi lên, luôn giữ vững được sự bình tĩnh, tin tưởng, quyết tâm cao, trực tiếp tìm cách tháo gỡ, giao nhiệm vụ, trực tiếp xuống trận địa, mặt đường, đi trên đường với lái xe rồi cùng chiến sĩ khắc phục khó khăn.


Sự lãnh đạo sáng tạo, đúng đắn, kịp thời của Đảng ủy - Bộ tư lệnh ở những giai đoạn quyết định để thực hiện những quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và sự chỉ huy trực tiếp nhanh nhạy, quyết đoán của Bộ tư lệnh đã đem lại nhiều thắng lợi to lớn.


Đầu năm 1967, toàn tuyến đẩy mạnh vận chuyển bằng cơ giới, tình hình đánh phá của địch ngày một ác liệt hơn, do đó nhiệm vụ vận chuyển chi viện gặp khó khăn, yêu cầu của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương tuyến chi viện phải đảm bảo kế hoạch để miền Nam thực hiện quyết tâm chiến lược mới. Lúc ấy, ở tuyến 559 chưa thực sự thực hiện nhiệm vụ bằng trực tiếp chỉ huy mà mới dừng lại sự chỉ đạo theo việc lập kế hoạch và chương trình rồi giao cho cấp dưới thực hiện. Do đó, kết quả đạt rất thấp. Trước tình hình đó, các đồng chí trong Bộ tư lệnh là Đảng ủy viên, mà chính đồng chí Tư lệnh trực tiếp xuống các đơn vị, các địa bàn trọng điểm để nghiên cứu cụ thể tình hình, sau đó Đảng ủy họp ra quyết nghị mới về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ủy và thực hiện việc tổ chức chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh đến mọi lúc mọi nơi, đến tận cơ sở, kể cả chỉ huy trực tiếp từng binh trạm, trung đoàn thực hành nhiệm vụ trong ngày; đặc biệt coi trọng chỉ huy chiến đấu chốhg máy bay địch ngăn chặn. Kết quả là mùa khô 1967, Bộ đội Trường Sơn đã đảm bảo các yêu cầu của trên giao, thiết thực phục vụ được cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.


Thực tiễn sinh động trong mùa khô 1966-1967 theo báo cáo của đồng chí Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên - người đã trực tiếp xuống cơ sở và đi trên tuyến trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy mọi mặt công tác, đúc kết ra những kinh nghiệm được Đảng ủy và Bộ tư lệnh xác định thành những quan điểm và nội dung lãnh đạo cho toàn tuyến. Đó là:

- Trong chiến tranh, muốn thắng địch, phải đánh giá địch một cách toàn diện và cụ thể ở từng nơi, từng lúc; đánh giá cả mặt mạnh lẫn mặt yếu. Phải nắm được âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động đánh phá của địch, hạn chế chỗ mạnh của địch, khoét sâu chỗ yếu của chúng. Khai thác chỗ mạnh của ta để phát huy thế và lực, đồng thời tìm ra cách đánh thích hợp có hiệu quả. Nhận định rằng không phải kẻ địch dừng lại mức đánh phá như đã qua mà địch còn tăng cường đánh phá ác liệt hơn nữa; cần theo dõi chặt chẽ để chủ động đối phó làm thất bại âm mưu đánh phá ngăn chặn của địch.

- Vận tải quân sự trong chiến tranh, dưới điều kiện đánh phá ngăn chặn ngày càng ác liệt của địch nhất thiết phải quán triệt tư tưởng tiến công, kiên quyết chủ động và liên tục tiến công theo phương hướng đánh địch mà đi, mở đường mà tiến. Chủ động xây dựng thế trận vận chuyển, trước hết là thế trận cầu đường, khắc phục thế độc đạo, bảo đảm cầu, đường liên tục thông suốt; tích cực đánh không quân và lục quân địch, bảo vệ giao thông vận tải. Chống sự ngăn chặn của địch có hiệu quả bao nhiêu thì nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ vận tải chi viện chiến trường bấy nhiêu.

Quán triệt quan điểm chiến tranh nhân dân, vận dụng thích hợp vào chiến trường Trường Sơn để phát huy sức mạnh tổng hợp, nhất là phát huy sức mạnh của chiến đấu hiệp đồng binh chủng dưới sự chỉ huy tập trung thống nhất trực tiếp vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật phù hợp với đặc điểm từng binh cbủng, hướng vào nhiệm vụ trung tâm là vận chuyển chi viện thắng lợi.

- Vận chuyển chi viện chiến lược phải vận dụng nghệ thuật tác chiến binh chủng hợp thành và nghệ thuật tổ chức chiến dịch để đẩy mạnh khâu vận chuyển và chiến đấu từ quy mô nhỏ tiến lên quy mô vừa, từ quy mô vừa tiến lên quy mô lớn, xoá bỏ hình thức hoạt động nhỏ lẻ, rời rạc, khoán trắng cho cấp dưới.

- Nắm vững phương châm chủ động tiến công kết hợp với phòng tránh và nghi binh; chốt bảo vệ trọng điểm với cơ động mở đường mới; chốt đánh máy bay địch ở trọng điểm với cơ động phục kích máy bay địch; xác định đúng cung độ vận tải thích hợp và tranh thủ lấn sáng, lấn chiều, quay vòng tăng chuyến nâng cao hiệu suất vận chuyển. Tác chiến bộ binh cần kết hợp chốt bảo vệ địa bàn với tập trung lực lượng mở các đợt tác chiến nhằm mở rộng chính diện và chiều sâu hành lang chiến lược.

- Đổi mới phong cách chỉ huy, kết hợp công tác chỉ đạo và tổ chức chỉ huy trực tiếp. Xây dựng tác phong chỉ huy bốn trực tiếp: trực tiếp giao nhiệm vụ, trực tiếp tổ chức chỉ huy kiểm tra đôn đốc, trực tiếp đánh giá và trực tiếp động viên cổ vũ khí thế. Coi đó là một trong những bí quyết của người cầm quân.

- Tăng cường công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị tư tưởng trong chiến đấu, coi xây dựng yếu tố con người, trước hết là đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì là những vấn đê hàng đầu có ý nghĩa quyết định giành thắng lợi.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 28 Tháng Tư, 2021, 01:37:28 pm
Năm 1970, trước yêu cầu ngày càng phát triển của nhiệm vụ và sự trưởng thành của các binh chủng, Đảng ủy - Bộ tư lệnh Trường Sơn ra nghị quyết tổ chức lại lực lượng, trong đó đề nghị Bộ Quốc phòng ra quyết định cho thành lập các bộ tư lệnh khu vực tương đương cấp sư đoàn, trước tiên lập Sư đoàn 470 ở phía Nam để vừa làm nhiệm vụ tại khu vực vừa đại diện Bộ tư lệnh Trường Sơn trực tiếp quan hệ với chiến trường Tây Nguyên, Nam Bộ và Campuchia. Sau đó, năm 1971 lần lượt thành lập tiếp các sư đoàn khu vực 471, 472, 473 và 571, đồng thời xác định bộ đội tình nguyện là Sư đoàn bộ binh 968, Sư đoàn phòng không 367 và Đoàn chuyên gia quân sự 565, các trung đoàn đường ống, thông tin, giao liên cơ giới, trung đoàn kho.


Từ năm 1967-1968, Đảng ủy đã có nghị quyết về tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng và nghị quyết xây dựng từng binh chủng hợp thành của Bộ đội Trường Sơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.


Ở cơ quan, để thực hiện chỉ huy hiệp đồng binh chủng, ngoài các cơ quan có chức năng chung của các đơn vị quân đội như Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần còn có các cục chuyên trách như: Cục Tham mưu vận chuyển, Cục Tác chiến phòng không, Cục Tham mưu xăng dầu. Các tổ chức này đã thực sự nâng cao sức mạnh cơ động xuyên suốt tuyến, bám sát trực tiếp từng chiến trường xa nhất.


Năm 1972, không quân địch sử dụng loại khí tài mới (la-de) để thực hiện việc đánh phá ngăn chặn, nhất là ngăn chặn xe vận chuyển trên đường gây cho ta nhiều thiệt hại, Đảng ủy đã ra nghị quyết về chiến đấu hạ bằng được máy bay AC.130 của địch để nghiên cứu việc sử dụng khí tài của chúng và ra nghị quyết vể mở đường "kín" xuyên suốt tuyến (trước đây chỉ có đương "kín" cục bộ) để tổ chức vận chuyển ngày. Do đó, hạn chế được tổn thất và bộ đội vận tải lại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cũng năm 1972, Đảng ủy cũng có nghị quyết chuyên đề về tổ chức đảm bảo cho chủ lực của Bộ mở chiến dịch giải phóng Quảng Trị, kể cả chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Lực lượng của Bộ đội Trường Sơn đã phục vụ cao nhất các yêu cầu của chiến dịch.


Nghị quyết của Đảng ủy về chuyển hướng hoạt động của Bộ đội Trường Sơn cả Đông và Tây Trường Sơn năm 1973, mở ra hành lang, mặt trận Trường Sơn rộng lớn, phát huy được cao độ sức mạnh của chiến trường 559.


Đặc biệt, việc quán triệt quyết tâm chiến lược mới của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương về giải phóng hoàn toàn miền Nam, Đảng ủy - Bộ tư lệnh Trường Sơn đã nhiều lần họp ra các nghị quyết về nhiệm vụ đảm bảo vật chất, về chuẩn bị thế trận cầu đường, kho tàng và lực lượng cơ động để thiết thực phục vụ cho nhiệm vụ chiến lược mới của Đảng, Nhà nước ta.


Trên đây là nói về sự lãnh đạo của Đảng ủy - Bộ tư lệnh Trường Sơn luôn kịp thời đáp ứng những nhiệm vụ và sự phát triển của Bộ đội Trường Sơn, thể hiện ở một số nghị quyết sáng tạo đúng đắn của Đảng ủy. Vấn đề quan trọng là khi đã có nghị quyết, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả cao phải có một Bộ tư lệnh mạnh, đủ sức triển khai, tổ chức chỉ huy chặt chẽ liên tục; và có đội ngũ cán bộ các cấp vững vàng, có trình độ tổ chức chỉ huy tốt. Do đó, trong những năm khó khăn ác liệt nhất của chiến trường 559 Bộ đội Trường Sơn đều vượt qua được, giành liên tiếp thắng lợi.


Để vai trò lãnh đạo Đảng được giữ vững và phát huy cao là phải có một Đảng bộ mạnh, công tác xây dựng Đảng bộ mạnh, xây dựng nền móng của tổ chức đảng từ đảng viên, chi bộ trở lên. Ở tiểu đội có từ 1 đến 3 đảng viên, trung đội có tổ đảng, đại đội có chi bộ, chi bộ có chi ủy. Các cấp từ tiểu đoàn đến sư đoàn và Bộ tư lệnh có Đảng ủy. Đảng ủy, chi ủy, chi bộ được chỉ định và đại hội đại biểu bầu cử. Số lượng đảng viên ở Bộ đội Trường Sơn thường chiếm tỷ lệ cao, có từ 20 - 25%, có lúc 35%. Đảng viên thường được kết nạp từ những cán bộ, chiến sĩ được rèn luyện trong chiến đấu. Cấp ủy, đảng viên luôn nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu, đi đầu trong lúc khó khăn nhất. Sức mạnh của Đảng không chỉ giới hạn ở vai trò của Đảng ủy chiến trường mà ở các cấp đến từng đảng viên, ở mỗi cấp đều có những nghị quyết đúng đắn sáng tạo, phù hợp với cấp mình, đơn vị mình. Ở một đơn vị binh trạm (tương đương trung đoàn) trong mùa khô 1968-1969 Đảng ủy Binh trạm đã tự rút ra được những bài học rất thiết thực, phong phú đi từ thắng lợi, tổn thất của đơn vị trong suốt 8 tháng mùa khô.


Những bài học đó là:

Một là, đánh giá đúng đắn mạnh yếu của địch - ta, ở trên địa bàn binh trạm phụ trách, địch có nhiều máy bay, bom đạn, có lợi thế trên không, chúng biết chọn những khu vực hiểm yếu để đánh phá ngăn chặn, rồi mở rộng ra các khu vực khác, thường xuyên dùng các phương pháp trinh sát, phát hiện lực lượng ta lại tiếp tục tập trung đánh phá. Chúng đã gây cho binh trạm nhiều khó khăn, thậm chí có thời gian bị ách tắc và tổn thất lớn trong vòng 1 - 2 tháng đầu mùa khô. Song Đảng ủy đã ra nghị quyết là dù chúng mạnh về không quân nhưng người làm chủ dưới đất trong một không gian rộng lớn là ta; ta có thể tích cực đánh địch, vẫn tìm mọi phương pháp khắc phục như mở đường mới, đường vòng, đường tránh kết hợp vừa khắc phục hậu quả do địch đánh phá với tinh thần người ở dưới đất là người làm chủ. Do đó, binh trạm đã giải thoát được ách tắc và làm tốt hơn, mạnh hơn nhiệm vụ được giao. Muốn vậy, trong lãnh đạo chỉ huy phải trang bị cho chiến sĩ tư tưởng tiến công không dao động thoái lui, bỏ nhiệm vụ.


Hai là, trong chiến đấu tạo được dũng khí cho từng người lính, luôn động viên phát huy được tính sáng tạo của tập thể. Muốn sáng tạo, cán bộ phải bám sát thực tế (sát bộ đội, sát địa hình), có mặt nơi diễn ra cuộc chiến ác liệt nhất để trực tiếp nắm được mạnh yếu của địch, của ta và trực tiếp chỉ huy chiến đấu. Thực tiễn những cuộc chiến trên các trọng điểm, trong việc khắc phục bom đạn địch, người lính có rất nhiều sáng kiến, giải pháp tốt giúp cán bộ tháo gỡ khó khăn.


Ba là, biết chớp thời cơ dù nhỏ nhất, thời gian ngắn nhất, không gian hẹp nhất, lợi dụng sơ hở của địch để vượt lên. Để có thể tranh thủ thời cơ mới, phải chủ động xây dựng thế trận, tạo thế trận. Khi có điều kiện chín muồi thì tiến hành công kích, tổng công kích. Thực tiễn cho thấy khi bộ đội, thanh niên xung phong đã nhập cuộc với khí thế cao thì năng suất, hiệu quả không chỉ tính bằng phép số cộng mà là cấp số nhân.


Bốn là, không chỉ biết động viên sự nỗ lực của bộ đội mà còn phải biết thương yêu chăm sóc anh chị em, nhất là khi cấp dưới gặp khó khăn, thiếu thốn, tổn thất; phải biết vui với niềm vui, buồn với nỗi buồn của anh chị em. Có như vậy anh em chiến sĩ mới thật sự gắn bó máu thịt với đơn vị, với nhiệm vụ và với người chỉ huy, lãnh đạo của mình.


Năm là, đoàn kết trong lãnh đạo, chỉ huy, dân chủ, đảm bảo phát huy trí tuệ tập thể để thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Khi đã có nghị quyết, có quyết tâm rồi phải tích cực thi hành theo chức trách cá nhân đảm nhiệm. Quá trình thực hiện gặp trở ngại khó khăn cần được tiếp tục thảo luận, xác định và có biện pháp mới khắc phục.


Đó là kinh nghiệm rút ra từ một Đảng ủy binh trạm trong một mùa khô. Với Đảng ủy và Bộ tư lệnh Trường Sơn thì Đảng ủy luôn tổng kết những vấn đề ở quy mô cấp chiến lược, chiến dịch, có tính chất tổng thể, có tác dụng làm chuyển biến tình hình của chiến trường. Từ những khó khăn, tổn thất chuyển thành thế trận thuận lợi mới và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ năm 1966 đến năm 1975.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 28 Tháng Tư, 2021, 01:38:58 pm
II. ĐỂ HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ CỦA BỘ ĐỘI TRƯỜNG SƠN - ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRONG MỌI TÌNH HUỐNG PHẢI NẮM VỮNG CÔNG TÁC TƯ TƯỞNG LÀ CÔNG TÁC CƠ BẢN ĐI TRƯỚC, KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO GIÁC NGỘ LÒNG YÊU NƯỚC, YÊU CHẾ ĐỘ, SẴN SÀNG XẢ THÂN HY SINH VÌ GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC VÀ HOÀN THÀNH NGHĨA VỤ QUỐC TẾ

Chiến trường 559 là một bộ phận của toàn chiến trường cả nước và của Đông Dương. Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng, lại có những tính chất đặc điểm, nhiệm vụ riêng nên cuộc chiến đấu giữa ta và địch thực chất là cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ và tay sai với cuộc chiến tranh chống ngăn chặn của Bộ đội Trường Sơn. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, liên tục trong một không gian rộng lớn (bao gồm trên đất ta, bạn Lào - Campuchia) và thời gian liên tục, lâu dài. Suốt 16 năm ròng rã, mọi lực lượng, mọi binh chủng phải chiến đấu lâu dài, quyết liệt, đi trước về sau, vật lộn gay gắt với khí hậu thời tiết khắc nghiệt, với bệnh tật ở núi rừng Trường Sơn, để đánh thắng địch, chinh phục thiên nhiên, cải tạo địa hình để chiến đấu, xây dựng, trưởng thành và chiến đấu.


1. Trong cuộc chiến đấu lâu dài và ác liệt đó, tư tưởng bộ đội luôn diễn biến phát triển tốt, xấu với mức độ khác nhau trong từng người, từng lúc. Qua những năm liên tục đó, những biểu hiện thường diễn ra khi thắng lợi, khi tổn thất hoặc tạm thời thất bại thường là:

- Giữa chiến đấu lâu dài, liên tục với nhanh chóng, giữa sướng và khổ, sống và chết, lợi ích chung và lợi ích riêng.

- Giữa kiên quyết liên tục tiến công tiến lên phía trước hay dừng lại phòng ngự, cố thủ cho qua ngày, tránh né, chần chừ, do dự; giữa tư tưởng dám đánh lớn, làm lớn, với vận chuyển quy mô lớn hiện đại hay làm nhỏ lẻ phân tán để bớt tổn thất hy sinh.

- Giữa vận chuyển, hành quân liên tục hay chỉ làm theo mùa thuận lợi.

Nổi bật nhất là cuộc đấu tranh tư tưởng trong nội tại của mỗi cán bộ, chiến sĩ giữa cái sống và cái chết, dám xả thân hy sinh hay chùn bước thoái lui trước bom đạn địch và thời tiết khắc nghiệt.

Trong khi đó, yêu cầu nhiệm vụ của Bộ đội Trường Sơn là phải thắng địch, thắng trời để làm tốt nhiệm vụ chi viện cho chiến trường ngày càng lớn, càng khẩn trương; tuyến chi viện chiến lược phải thực sự trở thành hậu cứ vững chắc cho các chiến trường, phục vụ tốt nhất cho các chiến trường, phục vụ tốt nhất theo yêu cầu của từng giai đoạn chiến lược, kể cả các chiến dịch.


Công tác tư tưởng phải tiến hành với Bộ đội Trường Sơn theo các yêu cầu sau đây:

- Giác ngộ giai cấp, dân tộc, quán triệt nhuần nhuyễn đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng để suy nghĩ hành động đúng đắn là tất cả cho miền Nam ruột thịt, cho đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; thể hiện được sức mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương vững chắc cho miền Nam. Vì vậy mà giải quyết thoả đáng giữa cái chung và cái riêng, đặc biệt nâng cao được lòng dũng cảm chiến đấu, dám xả thân hy sinh vì nhiệm vụ, đẩy lùi sợ hãi dao động trước bom đạn địch, đẩy lùi tư tưởng sợ chết, sợ gian khổ, thoái lui.

- Giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng cần kiên trì, liên tục để đào tạo cho mọi người có ý chí cao, có bản lĩnh chiến đấu vững vàng, luôn gắn bó với Trường Sơn, với cách mạng miền Nam, cách mạng Lào và Campuchia, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn, phát huy tinh thần chủ động, kiên quyết tiến công, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới và dám chịu trách nhiệm; làm cho cán bộ, chiến sĩ có phẩm chất và tác phong chiến đấu tốt đẹp, luôn nêu cao tinh thần làm chủ, bảo vệ của công, cần, kiệm, liêm, chính, không mảy may tơ hào đến của cải vật chất phục vụ cho chiến trường.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 28 Tháng Tư, 2021, 01:40:30 pm
2. Một trong những nội dung của công tác tư tưởng là quán triệt vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng quân sự, phương châm chỉ đạo tác chiến của Đảng vào điều kiện cụ thể của tuyến chi viện chiến lược và của một chiến trường có không gian rộng lớn, có quan hệ mật thiết với chiến trường ba nước Đông Dương. Tư tưởng quân sự của Đảng, phương châm chỉ đạo tác chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam được thể hiện trên chiến trường 559 là bằng cách xây dựng các binh chủng có tư tưởng cách mạng tiến công, tư tưởng đánh tập trung tiêu diệt địch; trong việc thực hiện tư tưởng chỉ đạo chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn là lấy tiến công, phản công địch là chủ yếu, đồng thời chủ động phòng tránh bằng các loại công sự, ngụy trang, nghi binh...

Với các binh chủng, việc vận dụng tư tưởng quân sự, tư tưởng chỉ đạo tác chiến cũng có đường nét riêng như:

Bộ đội vận tải ô tô chủ động tiến công, chiến đấu với đội hình tập trung, mưu trí, linh hoạt, lấy tinh thần tất cả cho chiến trường, thà hy sinh trên vành tay lái, gắn bó sống chết với xe, với hàng, còn xe còn vượt bom đạn đưa hàng lên phía trước, tắc đường này đi đường khác, khi tắc đường thì tranh thủ tiếp cận trọng điểm và cùng công binh sửa đường để đi, tranh thủ thời cơ xuất kích, vượt trọng điểm, khi hàng đến đích cùng lực lượng kho bốc dỡ nhanh, tranh thủ quay vòng tăng chuyến để kịp chi viện cho chiến trường. Khi cơ động các binh đoàn chủ lực vào chiến trường hay vào chiến dịch thì tập trung nhanh, cơ động, linh hoạt trong hành tiến, đảm bảo an toàn cho bộ binh.


Bộ đội công binh bám trụ kiên cường, giữ đường luôn thông suốt liên tục, lấy khẩu hiệu "Ba bám, bốn nhanh, một vững chắc” làm tư tưởng chỉ đạo tác chiến của binh chủng (bám địch, bám đường, bám xe; phải trinh sát nhanh, hạ quyết tâm nhanh, tiếp cận nhanh, khắc phục nhanh, chuẩn bị thế trận cầu đường vững chắc), có nhiều đường "hở", đường "kín" liên hoàn, các công trình vượt sông, cầu, ngầm, phà linh hoạt tập trung dứt điểm, phát huy cao độ năng lực của xe máy, thuốc nổ, đảm bảo có đường mới nhanh, kịp phục vụ cho yêu cầu vận chuyển và chiến đấu.


Bộ đội pháo cao xạ, súng máy phòng không, súng trường bắn máy bay địch luôn phát huy tư tưởng đánh tiêu diệt, "quay nòng pháo theo bánh xe lăn", nhằm thẳng quân thù mà bắn, đưa súng pháo lên đỉnh núi đón đường bay của địch để bắn, bắn rơi máy bay địch ngay trên mục tiêu bảo vệ, chốt kiên cường, cơ động nhanh, còn người còn pháo còn chiến đấu cho đến thắng lợi, đánh ngày đánh đêm đều giỏi. Với tư tưởng chỉ đạo trên, suốt hàng chục năm Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi hàng nghìn máy bay, bắn rơi cả B.52 và AC.130 của địch.


Bộ đội tình nguyện lấy tư tưởng đánh tiêu diệt địch, làm chủ đạo kết hợp đánh tiêu diệt địch để giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ cho bạn, cho chiến trường, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện, lấy tinh thần đoàn kết hiệp đồng cùng bạn chiến đấu, bám địch mà đánh, đã đánh là tiêu diệt gọn, làm chủ chiến trường.


Bộ đội giao liên luôn thể hiện tư tưởng: "Tất cả để đưa quân ra chiến trường an toàn, tất cả để phục vụ thương bệnh binh với tình thương yêu đồng chí đồng đội, tận tình với miền Nam, hết lòng vì nghĩa vụ quốc tế". Mười sáu năm liên tục kiên trì, bộ đội giao liên luôn thể hiện được phong cách lâu dài, không nản, gian khổ không sờn, ác liệt không chùn bước, phát huy truyền thống đôi vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm.


Bộ đội đường ống xăng dầu tuy sinh sau đẻ muộn hơn các binh chủng khác (từ năm 1968 trở đi) nhưng đã lấy tư tưởng tiến công với tinh thần luôn vượt khó dù núi cao, suối sâu, sông rộng đều vượt qua, nêu cao trách nhiệm tiếp máu cho bộ đội xe, pháo, công binh chiến đấu tảng sức mạnh cho các binh chủng khác hoàn thành nhiệm vụ.


Bộ đội thông tin liên tục chiến đấu ngày đêm, vượt khó khăn ác liệt, đảm bảo cho chỉ huy từ Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh và các đơn vị trực tiếp, kịp thời, liên tục.

Trong cán bộ lãnh đạo, chỉ huy từ Bộ tư lệnh đến cán bộ các cấp luôn nghiên cứu vận dụng sáng tạo tư tưởng quân sự trong việc tổ chức xây dựng lực lượng, trong việc chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ.

Việc vận dụng tư tưởng, quan điểm quân sự của Đảng ỏ Bộ đội Trường Sơn luôn được tổng kết rút kinh nghiệm qua các thời kỳ và bổ sung liên tục.


3. Công tác tư tưởng ở Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh có nội dung và phương pháp tổng hợp thường xuyên liên tục, nhằm bồi dưỡng, xây dựng lòng yêu nước, yêu chế độ, căm thù địch xâm lược gây tội ác đối với nhân dân ta; yêu chế độ, căm thù địch sâu sắc, tạo cho cán bộ, chiến sĩ có lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, ở tuyến chi viện không chỉ có giáo dục, động viên thường xuyên mà đã tạo những yếu tố vật chất để ý chí được duy trì và phát huy. Bộ đội xe được trang bị áo giáp, có mũ sắt, xe phải có ngụy trang, có giàn gỗ che chắn trần xe, xung quanh chỗ ngồi; có hệ thống đèn gầm, có đường tốt và được pháo cao xạ, súng máy phòng không yểm trợ. Nhất là khi xe qua các trọng điểm, bộ đội công binh bám trụ trọng điểm phải có hầm chữ A, có khí tài để khắc phục hậu quả địch đánh phá và được đồng đội quan sát, chỉ dẫn cách phòng tránh khi có máy bay địch tới đánh phá.

Mỗi chiến sĩ, mỗi đơn vị, mỗi binh chủng vừa được bồi dưỡng ý chí vừa tạo điều kiện về vật chất để thực hiện nhiệm vụ. Do đó, ý chí quyết thắng được duy trì và phát huy cao độ. Trong thực tế chiến đấu, bản thân từng người tích luỹ được kinh nghiệm để vừa làm tròn nhiệm vụ vừa bảo vệ được mình. Cán bộ các cấp đã biết tổng hợp, tổng kết thành những kinh nghiệm, khái quát thành bài học thiết thực giúp bộ đội thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo thắng lợi, ít tổn thất.


4. Động viên thi đua giết giặc lập công là nội dung của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy có sức động viên phát huy cao độ sức mạnh chiến đấu của bộ đội, phong trào thi đua được phát động thường xuyên, có yêu cầu thiết thực cho từng thời kỳ và từng binh chủng.

Bộ đội xe có chỉ tiêu vượt cung tăng chuyến, đạt và vượt khối lượng hàng vào chiến trường, vừa đảm bảo an toàn xe và người.

Bộ đội công binh nếu là đơn vị mở đường thì lấy khối lượng, lấy chiều dài làm chỉ tiêu; nếu là đơn vị đảm bảo giao thông lấy đảm bảo đường thông suốt, cứu được người, cứu được xe, cứu được hàng khi có sự cố.

Bộ đội pháo cao xạ lấy chỉ tiêu bảo vệ được trọng điểm, bảo vệ được xe, bảo vệ được công binh, bắn rơi được máy bay địch và an toàn về người và vũ khí.

Các binh chủng khác, các cơ quan cũng có nội dung chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu.

Tổng hợp nhất của phong trào thi đua giết giặc lập công của Bộ đội Trường Sơn là phong trào thi đua đạt các danh hiệu dũng sĩ và giành cờ thi đua của Bác Hồ.

Trong chỉ đạo phong trào thi đua, điểm nổi bật là tổ chức "đột kích, tổng công kích” các đợt đột kích do các binh trạm, trung đoàn, sư đoàn tổ chức. Tổng công kích do Bộ tư lệnh phát động và huy động tất cả các lực lượng tham gia mỗi khi tổ chức phát động tổng công kích đều có sự chuẩn bị kỹ mọi mặt, về tư tưởng, thế trận cầu đường, sự sẵn sàng chiến đấu của bộ đội phòng không, bộ binh, kho hàng. Mỗi mùa khô ở Trường Sơn có từ 3 - 4 đợt đột kích, 2 - 3 đợt tổng công kích. Do chuẩn bị chu đáo, tổ chức điều hành chặt chẽ, biểu dương kịp thời nên kết quả các đợt công kích, tổng công kích đều giành thắng lợi lớn và thường vượt chỉ tiêu gấp nhiều lần so với thường ngày; có đơn vị, cá nhân đạt hiệu quả nảng suất gấp 5 - 6 lần.

Hội nghị thi đua được thường xuyên tổ chức từ 2 - 3 năm 1 lần, nhất là khi có sự chuyển biến nhiệm vụ mang tính chiến lược. Đại hội liên hoan thi đua toàn chiến trường Trường Sơn đã đúc kết được những bài học có ích cho phong trào thi đua lập công của chiến trường, vừa ghi nhận những đơn vị, cá nhân lập công xuất sắc vừa biểu dương tại chiến trường và đề nghị Nhà nước xem xét khen thưởng. Việc tổ chức khen thưởng trong chiến đấu được tiến hành thường xuyên, kịp thời, từ những danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" với các binh chủng đến khen thưởng các loại huân chương, huy chương và đề nghị xét tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đơn vị và cá nhân đã có tác dụng khích lệ, động viên, làm cho phong trào thi đua giết giặc lập công liên tục sôi nổi.


5. Thông tin báo chí và văn học nghệ thuật ở Trường Sơn đã thực sự trở thành vũ khí sắc bén, nâng cao sức chiến đấu của Bộ đội Trường Sơn; phản ánh sống động cuộc chiến đấu anh hùng của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến và nhân dân các dân tộc ở các địa phương trên dãy Trường Sơn.

Báo chí và văn học nghệ thuật đã dựng nên bức tranh toàn cảnh trên Trường Sơn vô cùng gian khổ ác liệt với bao hy sinh to lớn, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất nước và giúp cách mạng bạn phát triển.

Báo chí ở Trường Sơn được đảm bảo đến cơ sở; bộ đội được đảm bảo tiếp nhận thường xuyên các thông tin về chiến đấu, xây dựng, vể văn học nghệ thuật qua Đài tiếng nói Việt Nam của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đài phát thanh Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên chiến trường đã lập ra các đội văn nghệ ở cấp binh trạm, trung đoàn, sư đoàn và đoàn nghệ thuật Trường Sơn (văn công Trường Sơn).

Báo Trường Sơn làm tốt vai trò tiêng nói của Đảng bộ, của cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn. Qua nhiều năm gian khổ cho đến ngày đại thắng, đã có một khối lượng sáng tác đồ sộ về Trường Sơn, trong đó nhiều tác phẩm có sức sống lâu bền của nhiều tác giả là người lính Trường Sơn. Tuyến chi viện chiến trường Trường Sơn có một đội ngũ văn nghệ sĩ đông đảo trên nhiều loại hình nghệ thuật, có nhiều nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nhà thơ, hoạ sĩ, nhiếp ảnh, phóng viên có tên tuổi. Ngoài ra, chiến trường Trường Sơn còn là điểm hẹn của các văn nghệ sĩ cả nước đến thăm hỏi, nghiên cứu, sáng tác và phục vụ bộ đội. Nhiều đoàn nghệ thuật của Trung ương, của các tỉnh vào biểu diễn phục vụ.

"Tiếng hát át tiếng bom" cũng là phong trào của người lính Trường Sơn, góp phần tạo nên sức sống chiến đấu lạc quan cho dù cuộc chiến ở Trường Sơn rất dài ngày và rất ác liệt.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 28 Tháng Tư, 2021, 01:43:12 pm

III. QUÁN TRIỆT, CHẤP HÀNH ĐÚNG ĐẮN ĐƯỜNG LỐI CÁN BỘ CỦA ĐẢNG TRONG QUÂN ĐỘI

Chiến trường 559 đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ lớn mạnh, có đủ số lượng và chất lượng cao, có nguồn dồi dào vững chắc đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ ngày càng phát triển to lớn và nặng nề cho đến khi giành thắng lợi hoàn toàn.


Từ chỗ chỉ có không quá 100 cán bộ các cấp ban đầu, vốn là cán bộ bộ binh làm nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy gùi thồ và giao liên, lực lượng phân tán nhỏ lẻ, trang bị thấp; đến khi cuộc chiến tranh ở miền Nam ngày càng phát triển, yêu cầu chi viện càng nhiều nên Đoàn 559 phát triển thành một chiến trường rộng lớn với quy mô cấp quân khu, lực lượng đông đảo làm cả hai nhiệm vụ vận chuyển, chi viện và chiến đấu, đối với chiến trường ba nước Đông Dương.


Nguồn cán bộ ban đầu của tuyến 559 lấy từ các cơ quan, đơn vị phía Bắc, cơ quan Bộ Quốc phòng, các quân - binh chủng, có cả cán bộ dân - chính - Đảng. Từ năm 1965 trở đi trở thành một đội ngũ đông đảo cán bộ có nhiều binh chủng hợp thành. Ngoài số cán bộ được tăng cường bổ sung, chiến trường 559 đã tự đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ cũng khá lớn, chiếm phần đông trong hàng ngũ cán bộ các cấp ỏ cơ sở trở lên. Đảng ủy và Bộ tư lệnh Trường Sơn đã có nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ và qua các thời kỳ tổ chức kiểm tra thực hiện và rút kinh nghiệm bổ sung. Do nhiệm vụ phát triển to lớn, quy mô bộ đội hình thành các binh chủng, thực hành chiến đấu hiệp đồng binh chủng ở cấp sư đoàn và chiến trường mang tính chất chiến dịch, chiến lược nên Bộ tư lệnh Trường Sơn quan tâm bồi dưỡng cho cán bộ các cấp, nhất là cán bộ trung đoàn, sư đoàn có trình độ chỉ huy hiệp đồng binh chủng. Phương pháp chủ yếu là tổ chức giao nhiệm vụ, chỉ đạo việc chỉ huy thực hành nhiệm vụ và tổ chức rút kinh nghiệm thiết thực, bồi dưỡng cho cán bộ khi kết thúc nhiệm vụ.


Điểm qua những nét phát triển của đội ngũ cán bộ các binh chủng để thấy sự đúng đắn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ của chiến trường suốt 16 năm bám trụ Trường Sơn. Từ một đội xe ô tô vận chuyển nhỏ từ đường 9 đi La Hạp đến khi có đội ngũ cán bộ chỉ huy các sư đoàn xe ô tô có hàng nghìn chiếc; từ chỉ huy trung đội, đại đội là chủ yếu đến chỉ huy cả trung đoàn xe, sư đoàn xe tập trung vận chuyển lớn theo cung dài, cơ động hành quân đoàn bộ binh vào các chiến dịch lớn; từ chỉ có 1 - 2 phân đội súng máy 12,7mm, 20mm bắn máy bay, bảo vệ phà Thà Khống đến khi đủ cán bộ chỉ huy sư đoàn phòng không, các trung đoàn pháo cao xạ, các tầng hoả lực 37mm, 57mm, 100mm đã có cả đơn vị tên lửa phòng không. Từ chỉ có phân đội công binh làm đường, gùi thồ phát triển thành các trung đoàn công binh, sư đoàn công binh mở đường vào bảo đảm giao thông trên 5 tuyến dọc, hàng chục tuyến ngang trên 16.000km xuyên suốt từ Bắc vào Nam lại đủ sức cơ động phục vụ cả Đông - Tây Trường Sơn, cả đường số 1 từ Quảng Trị vào Thành phố Hồ Chí Minh. Từ chỉ có 1, 2 phân đội bộ binh bảo vệ Nam - Bắc đường 9 đến khi hình thành Bộ tư lệnh tình nguyện rồi sư đoàn chủ lực đã độc lập mở một số chiến dịch giải phóng, một số vùng rộng lớn ở Nam Lào, đến phối hợp chiến dịch với Bộ như chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch giải phóng Tây Nguyên Xuân 1975.


Bộ đội thông tin đã phát triển với tốc độ nhanh, xây dựng được mạng lưới thông tin tải ba thông suốt, suốt từ Bộ Quốc phòng xuống chiến trường 559 và đến từng chiến trường, mạng lưới thông tin vô tuyến điện, hữu tuyến điện của Bộ tư lệnh 559 đã phục vụ đắc lực cho lãnh đạo chỉ huy, liên tục suốt tuyến cho đến từng trận địa, từng trạm chỉ huy giao thông, đến các phân đội xe chạy trên đường và đã hình thành các trung đoàn thông tin mạnh.


Bộ đội đường ống, tuy mới ra đời từ năm 1968 nhưng đã phát triển nhanh chóng, từ năm 1973 đến năm 1975 đã hình thành tuyến đường ống xuyên suốt Đông - Tây vào đến tận chiến trường xa nhất với đội ngũ cán bộ chỉ huy 4 trung đoàn.

Ở các đơn vị khác, từ kho tàng, quân y, giao liên, giúp bạn đều trưởng thành đủ sức làm các nhiệm vụ nặng nề.

Ở cơ quan Bộ tư lệnh hình thành các cơ quan giúp lãnh đạo chỉ huy, biến cơ quan Bộ tư lệnh thành trung tâm tổ chức chỉ huy chiến đấu thực sự trong mọi tình huống, mọi thời gian với đông đảo đội ngũ cán bộ có trình độ tham mưu và lãnh đạo xây dựng đội ngũ theo 3 thê đội ở mỗi cấp.


Để xây dựng được đội ngũ cán bộ đông đảo có số lượng phong phú và chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nặng nề của chiến trường 559, Đảng ủy, Bộ tư lệnh đã có nghị quyết lãnh đạo về công tác cán bộ qua các thời kỳ, đã coi trọng việc xây dựng hệ thống nhà trường từ bổ túc cán bộ trung, cao cấp đến đào tạo cán bộ cơ sở (đại đội, trung đội) đến việc chăm lo đội ngũ nhân viên chuyên môn kỹ thuật, nhà trường đào tạo lái xe, thợ sửa chữa, trung cấp quân y...


Việc bồi dưỡng tại chức cũng rất quan trọng, đặc biệt là việc tổ chức rút kinh nghiệm thường xuyên và qua các chiến dịch, các đợt công kích, tạo điều kiện cho cán bộ các cấp học tập và nhanh chóng trưởng thành, trưởng thành từ trong thực tiễn chiến đấu công tác.


Thắng lợi của công tác cán bộ to lớn là do Đảng ủy 599 luôn quán triệt đường lối chính sách cán bộ của Đảng, biết bồi dưõng, sử dụng đúng đắn năng lực của cán bộ, cho dù không ít cán bộ lúc đầu bỡ ngỡ với nhiệm vụ, có đồng chí thuộc loại khó bố trí ở các nơi khác nhưng khi về chiến trường 559 đã được các cấp lãnh đạo chỉ huy bồi dưỡng sử dụng đúng năng lực nên đại bộ phận yên tâm phấn khởi và hoàn thành nhiệm vụ. Cán bộ Bộ đội Trường Sơn đã trưởng thành ngay trong chiến đấu ác liệt. Trong đội ngũ cán bộ của chiến trường 559 lúc đầu chỉ có hơn 100 người đã từng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp; sau phát triển lên hàng vạn cán bộ, trong đó có đến 1/2 trưởng thành từ chiến sĩ lên. Số lượng cán bộ ở Bộ đội Trường Sơn chiếm tỷ lệ từ 12 - 13% so với tổng quân số, cao nhất là các năm 1972-1973 có trên 1,2 vạn cán bộ, trong đó hơn 1/2 là cán bộ do Bộ tư lệnh Trường Sơn đào tạo.


Nét riêng về cán bộ của Bộ đội Trường Sơn là mỗi cán bộ ở cấp nào đều phấn đấu thực hiện phong cách bốn trực tiếp. Đó là trực tiếp nghiên cứu tình hình, trực tiếp giao nhiệm vụ, trực tiếp thực hành và trực tiếp kiểm tra. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Trường Sơn rất quan tâm đến xây dựng sự đoàn kết nhất trí trong đội ngũ cán bộ, tạo sự nhất trí cao trong khi tổ chức chiến đấu hiệp đồng binh chủng và khi thực hiện nhiệm vụ độc lập khó khăn, Vê đoàn kết chiến đấu còn phải làm cho cán bộ biết đoàn kết với các chiến trường khác, với bạn.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 28 Tháng Tư, 2021, 01:44:59 pm

IV. LÃNH ĐẠO HOÀN THÀNH TỐT CÁC CHÍNH SÁCH TRONG CHIẾN ĐẤU, MỘT NỘI DUNG QUAN TRỌNG CỦA CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ

Chiến trường 559 nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam Việt Nam và hai nước bạn Lào và Campuchia. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, liên tục đêm ngày nên Bộ đội Trường Sơn phải chấp hành nhiều chính sách lớn, vừa đảm bảo cho nội bộ chiến trường 559, vừa đảm bảo cho các chiến trường khác, cho bộ đội hành quân cơ động của Bộ, đảm bảo đưa thương binh ở các chiến trường ra và các cháu thiếu niên ở miền Nam ra Bắc để nuôi dưỡng học tập, phải quan hệ với nhiều chiến trường, kể cả với lực lượng vũ trang và nhân dân bạn. Số tù hàng binh cũng nhiều. Do đó phải coi trọng lãnh đạo thực hiện nghiêm túc, đúng đắn và kịp thời các chính sách.


Về chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, số lượng thương binh, liệt sĩ của chiến trường 559 ngày càng nhiều nên phải quan tâm tổ chức hệ thống các trạm cấp cứu, các trạm phẫu thuật, các bệnh viện chung của chiến trường và từng khu vực. Hệ thống quân y của chiến trường 559 được tổ chức chặt chẽ, xuyên suốt, đảm bảo khi chiến đấu có thương binh đều cứu chữa kịp thời, kể cả nơi xa nhất như ở các tỉnh Nam Lào (Át Ta Pư, Bô Lô Ven, Chăm Pa Sắc và miền Tây các tỉnh của Việt Nam. Trong việc cứu chữa thương binh, cán bộ và nhân viên quân y Bộ đội Trường Sơn nỗ lực phát huy trách nhiệm, tình thương đồng chí đồng đội nên đã cứu chữa kịp thời, ít để xảy ra trương hợp tử vong. Do điều kiện chiến trường xa, cuộc chiến đấu ác liệt liên tục, vận chuyển thương binh thuộc loại nặng thường không thực hiện được và mặc dù dụng cụ kỹ thuật y tế rất thiếu thốn nhưng hệ thống quân y cấp cứu, cứu chữa của tuyến 559 đều phải làm vượt khả năng của mình và đã thành công trong nhiều ca hiểm nghèo. Thương binh từ chiến trường chuyển ra Bắc cũng được đảm bảo chu đáo, ít trường hợp để xảy ra tử vong, quá trình chuyển thương binh bằng cơ giới hoặc bằng phương tiện thô sơ. Số lượng thương binh qua từng năm, từng mùa của chiến trường 559 và của các chiến trường có lúc lên trên 5.000 - 6.000 người, nhưng được đảm bảo an toàn.


Về cứu chữa các bệnh tật trên khu vực rừng núi nhiệt đới, nhất là bệnh sốt rét ác tính, ngành quân y đã thành công trong việc xử lý môi trường, tổ chức việc diệt muỗi trên suốt tuyến nên từ 1971 trở đi đã khắc phục được cơ bản bệnh sốt rét ác tính - một bệnh hiểm nghèo có năm cướp đi tính mạng hàng trăm chiến sĩ. Đặc biệt là năm 1973, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Trường Sơn đã sớm thấy yêu cầu cần thiết làm tốt việc quy tập mồ mả liệt sĩ trên đất bạn và những vùng sâu vùng xa của Trường Sơn về nước để chôn cất và chăm lo hương khói đồng chí đồng đội mình; đã bốc được trên 10.000 thi hài liệt sĩ về nước. Đầu năm 1975, mặc dù đất nước còn đang chiến tranh, nhưng Đảng ủy, Bộ tư lệnh đã bắt đầu tổ chức xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ở Quảng Trị, sau này được Nhà nước xác định là Nghĩa trang Quốc gia.


Đối với tù hàng binh địch, Bộ đội Trường Sơn đã nghiêm chỉnh chấp hành chính sách của Nhà nước ta. Số tù hàng binh bị ta bắt được trên đất bạn đều được chuyển giao cho bạn và cùng giúp bạn thực hiện đúng đắn chính sách tù hàng binh của ta và bạn.


Công tác dân vận và công tác giúp bạn.

Từ khi tuyến chi viện chiến lược chuyển sang phía Tây Trường Sơn ở trên đất bạn Lào và một phần trên đất Campuchia, Bộ đội Trường Sơn đã giúp bạn về mọi mặt, từ việc trực tiếp cùng quân, dân bạn chiến đấu mở rộng vùng giải phóng trên dọc hành lang chiến lược đến việc giúp bạn xây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở kháng chiến. Công tác dân vận và công tác giúp bạn được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.


Ban đầu, công tác này trên giao cho Đoàn 565 đảm nhiệm tất cả, gắn với nhiệm vụ chiến đấu mở rộng và bảo vệ địa bàn. Về sau Đoàn 565 trực thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn thì Đảng ủy và Bộ tư lệnh Trường Sơn trực tiếp chỉ huy chỉ đạo trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng ta và Đảng bạn, có hai nhiệm vụ như sau:

Một là, làm chuyên gia giúp địa phương bạn xây dựng lực lượng từ tỉnh đến các đại đội hoạt động chiến đấu trên địa bàn, xây dựng cơ sở cách mạng và kháng chiến trong vùng giải phóng cũng như trong vùng địch hậu.

Hai là, bộ đội tình nguyện phối hợp với lực lượng địa phương đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng, diệt phỉ, bảo vệ và mở rộng địa bàn, bảo vệ tuyến hành lang chiến lược. Cùng bạn triển khai các đợt hoạt động quân sự tiến hành thu phục phỉ ở các tỉnh Khăm Muộn, Xa Vẳn Na Khẹt, các tỉnh ven đường 13.


Về mặt tổ chức, ban đầu Đoàn 565 có các tiểu đoàn, trung đoàn quân tình nguyện và các đoàn chuyên gia quân sự cấp tỉnh, về mặt quân sự là vậy, về Đảng lại có các chuyên gia của các cấp ủy từ tỉnh xuống huyện, các chuyên gia cấp ủy do Ban Cán sự chuyên gia của Trung ương Đảng ta trực tiếp chỉ đạo. Sự phối hợp giữa chuyên gia Đảng và chuyên gia quân sự luôn có sự phối hợp chặt chẽ trên cơ sở Đảng ta và Đảng bạn nhất trí từ trên Trung ương đến các địa phương.


Từ năm 1970 trở đi, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh giao cho Bộ tư lệnh Trường Sơn đảm nhiệm quân tình nguyện và đoàn chuyên gia. Quân tình nguyện hình thành Sư đoàn bộ binh cơ động 968; Đoàn 565 chỉ làm nhiệm vụ chuyên gia quân sự và làm công tác dân vận. Riêng 17 huyện trên tuyến hành lang đường Hồ Chí Minh giao cho các binh trạm và các sư đoàn khu vực phụ trách.


Quán triệt lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giúp nhân dân bạn tức là giúp mình” nên công tác dân vận và công tác giúp bạn đã đạt nhiều thành tích, góp phần vào thắng lợi chung của chiến trường.

Đối với nhân dân Việt Nam ở các tỉnh phía Tây Trung Trung Bộ và Tây Nguyên - nơi có tuyến hành lang 559 đi qua là các căn cứ địa của tỉnh, huyện đó nên việc phối hợp hoạt động được chặt chẽ. Nhân dân ở vùng này thường gặp khó khăn về đời sống, thường thiếu đói, nên các đơn vị có trách nhiệm giúp đỡ về lương thực, vải mặc và tổ chức phối hợp chiến đấu chống địch càn quét hòng tái lấn chiếm hoặc dùng máy bay đánh phá; sự phối hợp hoạt động đạt hiệu quả tốt, đảm bảo an toàn cho các kho tàng của các chiến trường do Bộ đội Trường Sơn vận chuyển và đảm bảo cung ứng.


Mười sáu năm liên tục chiến đấu chống ngăn chặn, thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường và giúp bạn, chiến trường 559 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vừa là tuyến chi viện chiến lược vừa là một hướng chiến trường quan trọng, góp phần quan trọng vào thắng lợi hoàn toàn của công cuộc chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và giúp bạn giành thắng lợi hoàn toàn.


Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương khác. Đặc biệt, nhân 40 năm kỷ niệm ngày thành lập, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lại được phong tặng Huân chương Sao Vàng - huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta. Chiến trường Trường Sơn đã sản sinh ra nhiều đơn vị Anh hùng, đơn vị Quyết thắng đã có 77 đơn vị được tuyên dương Anh hùng gồm 4 sư đoàn, 15 trung đoàn, 30 tiểu đoàn; trong đó có 2 tiểu đoàn được tuyên dương lần thứ hai, 27 đại đội, trung đội, đội là đơn vị Anh hùng; 46 cán bộ, chiến sĩ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Trên đây là những nội dung, phương pháp của công tác đảng, công tác chính trị, phản ánh tổng thể các hoạt động của Bộ đội Trường Sơn, là một phần của nhiệm vụ, công tác mà Đảng bộ và cả chiến trường Trường Sơn phấn đấu suốt 16 năm và giành thắng lợi hoàn toàn.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 28 Tháng Tư, 2021, 01:46:41 pm
NGHỆ THUẬT TỔ CHỨC, XÂY DỰNG, SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG
TRÊN CHIẾN TRƯỜNG TRƯỜNG SƠN


BÙI THẾ TÂM
Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế Bộ Quốc phòng, nguyên Chính ủy - Tư lệnh sư đoàn, nguyên Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ tư lệnh Trường Sơn


Quá trình hình thành và phát triển lực lượng Bộ đội Trường Sơn từ 1959-1975

Từ tháng 5 năm 1959 đến tháng 12 năm 1964, từ hai tiểu đoàn ban đầu với quân số 569 người đã phát triển lên quy mô 2 trung đoàn, 11 tiểu đoàn, 42 đại đội và trên 3.0000 xe đạp thồ, 1 đại đội ô tô Gát 63.


Bắt đầu năm 1965 trở đi, chuyển từ cấp tương đương sư đoàn lên cấp tương đương quân khu đến cấp Bộ tư lệnh chiến trường. Tổ chức, biên chế quân số, trang bị mỗi năm mỗi phát triển, về cơ cấu lúc đầu chỉ có một lực lượng vận tải đơn thuần đã phát triển thành lực lượng tổng hợp chiến đấu hiệp đồng binh chủng bao gồm vận tải, cầu đường, pháo phòng không, tên lửa, bộ binh, thông tin, hậu cần và kỹ thuật.

- Năm 1965, có 8 trung đoàn, 28 tiểu đoàn, 91 đại đội, quân số 16.706 người, trang bị xe ô tô cho binh chủng xe 1.336 chiếc, cho binh chủng khác 433 chiếc; xe máy khí tài công binh 138 chiếc; khí tài thông tin 140 chiếc; hỏa lực phòng không gồm 90 khẩu pháo cao xạ, 94 súng máy 12,7mm.

- Năm 1966, có 12 trung đoàn, 65 tiểu đoàn, 308 đại đội, quân số 23.391 người, trang bị ô tô cho binh chủng xe 936 chiếc, cho các binh chủng khác 551 chiếc; xe máy khí tài công binh 129 chiếc; khí tài thông tin 300 chiếc; hỏa lực phòng không gồm 116 pháo cao xạ, 166 súng 12,7mm.

- Năm 1967 có 12 trung đoàn, 65 tiểu đoàn, 342 đại đội, quân số 33.281 người, trang bị xe ô tô cho binh chủng xe 2.048 chiếc, cho binh chủng khác 852 chiếc; xe máy khí tài công binh 215 chiếc; khí tài thông tin 1.399 chiếc; hỏa lực phòng không gồm 204 pháo cao xạ, 260 súng 12,7mm.

- Năm 1968, có 16 trung đoàn, 74 tiểu đoàn, 476 đại đội, quân số 38.127 người. Trang bị xe ô tô cho binh chủng xe 2.057 chiếc, các binh chủng khác 1.066 chiếc; xe máy khí tài công binh 288 chiếc; khí tài thông tin 2.392 chiếc, có 8 tiếp sức; hỏa lực phòng không gồm 272 pháo cao xạ, 329 súng máy 12,7mm.

- Năm 1969, có 18 trung đoàn, 98 tiểu đoàn, 579 đại đội, quân số 51.588 người, trang bị xe ô tô cho binh chủng xe 2.623 chiếc, cho các binh chủng khác 1.979 chiếc; xe máy khí tài công binh 296 chiếc; khí tài thông tin 3.217 chiếc; 18 tiếp sức; hỏa lực phòng không gồm 252 pháo cao xạ, 310 súng máy 12,7mm.

- Năm 1970, có 1 sư đoàn, 26 trung đoàn, 119 tiểu đoàn, 722 đại đội, quân số 62.992 người, trang bị xe ô tô cho binh chủng xe 2.623 chiếc, cho binh chủng khác 2.293 chiếc; xe máy khí tài công binh 461 chiếc; khí tài thông tin 3.657 chiếc, 28 tiếp sức; hỏa lực phòng không gồm 568 pháo cao xạ, 416 súng 12,7mm.

- Năm 1971, có 7 sư đoàn, 46 trung đoàn, 173 tiểu đoàn, 795 đại đội, quân số 82.499 người, trang bị xe ô tô cho binh chủng xe 4.108 chiếc, cho các binh chủng khác 2.293 chiếc; xe máy khí tài công binh 461 chiếc; khí tài thông tin 8.443 chiếc, 34 tiếp sức; hỏa lực phòng không gồm 419 pháo cao xạ, 423 súng 12,7mm.

- Năm 1972, có 7 sư đoàn, 50 trung đoàn, 217 tiểu đoàn, 819 đại đội, quân số 90.514 người, trang bị xe ô tô cho binh chủng xe 5.756 chiếc, cho các binh chủng khác 2.578 chiếc; xe máy khí tài công binh 1.175 chiếc; khí tài thông tin 9.366 chiếc, 34 tiếp sức; hỏa lực phòng không gồm 728 pháo cao xạ, 474 súng 12,7mm.

- Năm 1973, có 8 sư đoàn, 55 trung đoàn, 166 tiểu đoàn, 940 đại đội, quân số 100.495 người. Trang bị ô tô cho binh chủng xe 6.592 chiếc, cho các binh chủng khác 2.791 chiếc; xe máy khí tài công binh 1.010 chiếc; khí tài thông tin 10.635 chiếc, 18 tiếp sức; hỏa lực phòng không gồm 431 pháo cao xạ, 190 súng 12,7mm.

- Đến tháng 4 năm 1975, có 7 sư đoàn (sư đoàn 968 tăng cường cho mặt trận Tây Nguyên) 55 trung đoàn, 160 tiểu đoàn, 983 đại đội, quân số 94.506 người. Trang bị ô tô cho binh chủng xe 8.218 chiếc, cho các binh chủng khác 7.721 chiếc; xe máy khí tài công binh 1.010 chiếc; khí tài thông tin 9.703 chiếc, 18 tiếp sức; hỏa lực phòng không gồm 431 pháo cao xạ, 190 súng 12,7mm.


Riêng bộ đội đường ông có 4 trung đoàn, trang bị khá đầy đủ về mọi mặt.

Trung đoàn 671 chuyển tiếp dầu điêzen tổng chiều dài 380km, có 10 kho trữ lượng thường xuyên 6.800 khối với 36 trạm bơm đẩy đi các hướng và cấp phát.

Trung đoàn 592 chuyển tiếp xăng với tổng tuyến dài 354km, có 13 kho, trữ lượng thường xuyên 6.900 khôi, với 18 trạm bơm đẩy.

Trung đoàn 532 chuyển tiếp xăng với chiều dài 340km có 12 kho trữ lượng 7.600 khối với 26 trạm bơm đẩy và cấp phát.

Trung đoàn 537 chuyển tiếp xăng dài 326km có 11 kho trữ lượng 5.750 khối với 23 trạm bơm đẩy và cấp phát.

Tổng cộng toàn tuyến xăng dầu có chiều dài là: 1.400km, trữ lượng tổng cộng 27.050 tấn, hệ thống bơm đẩy cấp phát 114 trạm.

(Trong này không kể tổ chức trang bị các lực lượng phối thuộc)


Như vậy, Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã phát triển từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh, từ du kích đến chính quy, từ thô sơ đến hiện đại. Suốt 16 năm chiến đấu vô cùng gian khổ khó khăn và ác liệt đã làm tròn chức năng, nhiệm vụ một chiến trường tổng hợp đặc biệt; cùng cả nước và hai nước bạn xây dựng thành công căn cứ chiến lược Nam Đông Dương; xây dựng thành công tuyến vận tải chiến lược; xây dựng thành công hệ thống hạ tầng cơ sở cầu đường, đường ống dẫn xăng dầu mạng thông tin tải ba, hệ thống căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch; giúp cách mạng Lào và Campuchia giành thắng lợi. Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh đã phốỉ hợp với các nước bạn, các chiến trường ta đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược lãnh thổ và cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của Mỹ. Với những nhiệm vụ quan trọng Đảng, Nhà nước và quân đội giao đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bản thân và làm tốt lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ cho Bộ. Là một trong những nhân tố góp phần quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.


Về phạm vi lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự, từ trong thực tiễn chiến đấu đã có những thành công quan trọng đóng góp cho nghệ thuật quân sự Việt Nam, như: Đã sáng tạo một phương thức tác chiến binh chủng hợp thành lấy vận tải làm trung tâm và nghệ thuật tác chiến của các binh chủng như: Nghệ thuật vận tải đa phương thức, nghệ thuật xây dựng cầu đường kỳ hình, đa dạng, nghệ thuật tác chiến phòng không bảo vệ vận chuyển chi viện chiến lược, nghệ thuật tác chiến bộ binh, nghệ thuật tổ chức chỉ huy hợp thành vận tải ô tô, chiến thuật vận tải cơ giới, nghệ thuật lãnh đạo chính trị tư tưởng tổ chức.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 28 Tháng Tư, 2021, 01:48:14 pm
Trong những thành công mang tính nghệ thuật quân sự có thành công vể nghệ thuật tổ chức xây dựng và sử dụng lực lượng.

Một nguyên tắc có tính chỉ đạo xuyên suốt về tổ chức xây dựng và sử dụng lực lượng phải luôn luôn phát triển, đổi mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ vận chuyển và chiến đấu trên chiến trường, nổi lên những nội dung như sau:

1. Việc chọn địa bàn Trường Sơn là nơi có lợi thế chiến lược và chiến thuật. Trên toàn tuyến, ta đã mở được 16.000km đường ô tô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 500km đường sông, 1.500km đường thông tin tải ba; ở đây là địa bàn rộng lớn, trọng yếu là căn cứ địa chiến lược Nam Đông Dương, là hậu cứ đứng chân vững chắc và xuất phát tiến công các chiến dịch lớn, là địa bàn yận động tác chiến quy mô lớn của các binh đoàn chiến lược, chia cắt địch về chiến lược. Việt Nam đã làm chủ Trường Sơn từ những năm đầu chống Mỹ, xây dựng thế trận bao vây chiến lược và đẩy quân địch đến sụp đổ hoàn toàn.

2. Việc cụ thể hoá, lượng hoá, tiêu chuẩn hoá, định mức hoá các nhiệm vụ, mục tiêu chiến đấu của từng binh chủng là một thành quả lớn trong công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Ta đã cụ thể hoá nhiệm vụ bằng các mục tiêu thật rõ ràng cho từng binh chủng. Đối với bộ đội phòng không, trong hành động chiến đấu phải hướng vào hai mục tiêu cụ thể: vừa bảo vệ được giao thông vận tải, vừa tiêu diệt được nhiều máy bay Mỹ. Đối với bộ đội bộ binh, trong hành động chiến đấu phải hướng vào hai mục tiêu cụ thể: vừa bảo vệ vững chắc hành lang chiến lược, vừa mở rộng vùng giải phóng, xây dựng căn cứ địa chiến lược. Đối với bộ đội công binh trong hành động chiến đấu hướng vào hai mục tiêu cụ thể: vừa xây dựng phát triển mạng đường cầu chiến lược, chiến dịch, vừa bảo đảm giao thông liên tục thông suốt. Đối với bộ đội vận tải, trong hành động chiến đấu hướng vào hai mục tiêu cụ thể: vừa áp dụng vận tải đa phương thức, thực hành chuyển tải cơ sở vật chất kỹ thuật cho các chiến trường, vừa cơ động binh lực, hoả lực ra mặt trận.

Trên cơ sở cụ thể hoá nhiệm vụ, mục tiêu chiến đấu còn tiến lên một bước sâu hơn là lượng hoá, định mức hoá các mục tiêu chiến đấu. Ví dụ: Đánh máy bay Mỹ theo "bài bản" như thế nào để bắn trúng máy bay Mỹ hoặc máy bay Mỹ ném bom không trúng đường, trúng xe. Mỗi ngày mở đường thần tốc được bao nhiêu cây số, một tuyến đường mở trong bao nhiêu ngày/đêm, khắc phục hậu quả đánh phá của địch bao nhiêu phút thì thông đường. Xe thực hành quay vòng tăng chuyến 1 đêm/chuyến trên cung 2 đêm/chuyến, xe hành tiến 2 ngày/chuyến trên cung 4 ngày/chuyến; bốc dỡ một xe hàng bao nhiêu phút...

Với lượng hoá như vậy, hiệu suất chiến đấu đã tăng gấp đôi, gấp ba chỉ tiêu chung, làm cho sức mạnh tổng hợp tăng lên không ngừng trong hoàn cảnh chiến tranh mà vẫn đạt cả ba yếu tố: quân sự, kinh tế và kỹ thuật.


3. Kết hợp xây dựng tổ chức và tăng cường trang bị. Việc cân đối quân số, trang bị giữa các lực lượng trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh diễn biến sôi động nhưng vẫn phải cố gắng để cân đối quân số, trang bị giữa các lực lượng để tạo ra sự đồng đều giữa các lực lượng, làm cho sức mạnh tổng hợp được tăng lên không ngừng.

Lực lượng công binh 20 - 21% tổng quân số, trang bị bình quân mỗi người 1,5 công cụ thô sơ, 7km đến 7,5km có một công cụ cơ giới, có mạng đường bảo đảm mật độ một ô tô trên 1,4 - l,5km.

Lực lượng xe 19 - 20% tổng quân số, trung bình một xe có 2 lái và 1,3 nhân viên bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, chỉ huy.

Lực lượng cao xạ 10 - 11% tổng quân số, trung bình 7km đường có một pháo; 3,5 đến 4 khẩu có một khí tài, nếu kể cả súng phòng không 12,7mm thì 3 đến 4km có 1 pháo hoặc 1 súng.

Lực lượng bộ binh 10 - 11% tổng quân số, trang bị từ 2 đến 3 người có một B.40, B.41, 2 đến 3 người có 1 khẩu cối, 1 đến 2 người có 1 khẩu trung liên hoặc 1 khẩu đại liên.

Lực lượng công binh và xe xấp xỉ quân số ngang nhau so với tổng quân số, phản ánh mối quan hệ giữa xe và đường, xe tăng thì đường tăng, muốn đạt tới vận chuyển lớn, cơ động lớn thì phải có một mạng đường đồng bộ, liên hoàn.

Lực lượng cao xạ và bộ binh xấp xỉ quân số, ngang nhau trong tổng quân số thể hiện cường độ hoạt động của địch và sức chiến đấu của ta trên mặt trận trên không và mặt đất ngang nhau.

Khi đạt tới tính cân đối về quân số giữa các lực lượng là lúc đạt hiệu quả chiến đấu cao nhất trên chiến trường.


4. Việc hướng mọi hoạt động đi vào hoạt động theo phương thức công nghiệp để kết hợp cả yếu tố quân sự và yếu tố kinh tế - kỹ thuật trên tuyến vận tải chi viện chiến lược là điều tất yếu phải làm để đạt tới năng suất cao, hiệu suất lớn. Trong xây dựng cầu đường đã thực hiện chuyên sâu, dây chuyền, liên hoàn, đồng bộ. Trong vận tải thực hiện vận chuyển tập trung đi đội hình gọn, tổ chức chỉ huy trực tiếp. Trong công tác kho hàng, thực hiện đường thuận chiều, kho chuyên chủng, bốc dỡ dây chuyền.


5. Việc xác định cung độ tương ứng với tổ chức đơn vị vận tải cơ bản là xuất phát từ so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch. Cung chiến thuật thích ứng với tổ chức đơn vị vận tải hiệp đồng chiến đấu cơ bản là binh trạm. Với cung độ 100 - 120km, binh trạm có khả năng phát huy uy và lực: lực tức là lực lượng các binh chủng hiệp đồng chiến đấu, uy tức là sức mạnh tổ chức chỉ huy tập trung, thống nhất trực tiếp. Căn cứ quy luật phát triển tác động chủ quan và khách quan khác nhau với khả năng kết hợp uy và lực có thể đạt trên 50% xe có thể thực hiện 1 đêm/chuyến trên cung cơ bản 2 đêm/chuyến, thực hiện 2 ngày chuyến trên cung cơ bản 4 ngày/chuyến của cung chiến dịch 300 - 400km của sư đoàn khu vực. Cung chiến lược đi thẳng đến các chiến trường thì tương ứng với binh đoàn chi viện chiến lược thì trong vòng từ 3 - 4 ngày đối với chiến trường có độ xa trung bình; từ 5 - 7 ngày đối với chiến trường xa nhất (Nam Bộ).


6. Kết hợp lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động trên chiến trường Trường Sơn làm cho việc sử dụng lực lượng được linh hoạt. Các đơn vị binh trạm, sư đoàn khu vực gắn với một nhiệm vụ hoàn chỉnh và một địa đoạn hoàn chỉnh thì phải có đầy đủ các binh chủng cần thiết, các bộ phận bảo đảm cần thiết mới làm được nhiệm vụ. Lực lượng cơ động là lực lượng chuyên binh chủng có nhiệm vụ thực thi các nhiệm vụ đột xuất, nhiệm vụ cấp bách cơ động tăng cường cho một khâu nào đó đối với lực lượng tại chỗ hoặc là khắc phục khó khăn cho lực lượng tại chỗ hoặc tăng thêm thuận lợi cho lực lượng tại chỗ là một việc làm thường xuyên có nhiều tác dụng lớn của Bộ tư lệnh Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.


7. Kết hợp xây dựng con người, xây dựng tổ chức và xây dựng thế trận chiến đấu gắn với nhau trong một thể thống nhất đã tạo ra sức mạnh nội tại để đối phó và chiến thắng kẻ thù tàn bạo nhất thế giới là đế quốc Mỹ. Chỉ có sức mạnh nội tại của Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh cộng với lợi thế chiến lược và chiến thuật của địa bàn Trường Sơn mới nhanh chóng chuyển đổi tương quan lực lượng từ thế yếu sang thế quân bình, từ thế quân bình sang thế hơn hẳn để đánh bại kẻ địch là một kinh nghiệm lớn của chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.


8. Kết hợp chặt chẽ chiến đấu và xây dựng, xây dựng tốt để chiến đấu giỏi, thông qua chiến đấu để xây dựng, lấy chiến trường làm thao trường, tích tụ lực lượng để phát triển lực lượng từ 50 binh trạm và trung đoàn mạnh, đồng đều trên khắp các binh chủng để tổ chức thành 8 sư đoàn và 18 trung đoàn binh chủng mạnh trên toàn chiến trường nhằm thực hiện việc chuyển đổi mau lẹ kịp thời từ quy mô tổ chức chiến trường tổng hợp sang quy mô tổ chức một binh đoàn tập trung vận chuyển chi viện chiến lược, rồi từ một binh đoàn tập trung chi viện chiến lược thành một binh đoàn dự bị chiến lược cơ động tại chỗ của Bộ tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.


Tư duy sâu sắc thêm, ta còn thấy rõ một số chủ đề chi phối nhiều nhất trong tổ chức xây dựng sử dụng lực lượng trên chiến trường Trường Sơn như: Kết hợp thế và lực, kết hợp tư tưởng và tổ chức, kết hợp tổ chức và trang bị, kết hợp khoa học và kỹ thuật, kết hợp nghị lực và sáng tạo, kết hợp tiến công và phòng tránh, kết hợp tích tụ và phát triển, kết hợp đoàn kết và hiệp đồng, tranh thủ thời cơ và vận hội... Đó là những luận cứ xuất phát để chỉ đạo công tác tổ chức lực lượng, xây dựng lực lượng cũng như trong việc sử dụng lực lượng. Đó là những nguyên lý chỉ đạo để vận dụng vào nghệ thuật tổ chức xây dựng lực lượng và sử dụng lực lượng nhằm giành thắng lợi trên mặt trận chi viện chiến lược và hơn thế nữa là những bài học quý giá được đúc kết của chiến trường Trường Sơn trên con đường trưởng thành và chiến thắng.

Những vấn đề nói trên là những vấn đề rất then chốt trong quá trình tổ chức xây dựng và sử dụng lực lượng mà Bộ tư lệnh chiến trường đã làm và đem đến kết quả lớn.

Những bài học trên chắc còn sống mãi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Tiêu đề: Cuộc chiến trên chiến trường Trường Sơn đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến
Gửi bởi: quansuvn trong 28 Tháng Tư, 2021, 01:48:38 pm
MẤY LỜI KẾT


Chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh suốt 16 năm là cầu chuyển tải sức mạnh của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhân tố quyết định nhất cùng với sức mạnh tại chỗ miền Nam - nhân tố quyết định trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.


Bộ đội Trường Sơn - Hồ Chí Minh là lực lượng đã trực tiếp phục vụ chiến đấu và chiến đấu đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược và cuộc chiến tranh ngăn chặn chi viện của đế quốc Mỹ và tay sai trên khắp chiến trường ba nước Đông Dương.


Trường Sơn là một chiến trường tổng hợp, đặc biệt, là căn cứ chiến lược vững chắc của ba nước Đông Dương anh em.

Bộ đội Trường Sơn là lực lượng dự bị chiến lược tại chỗ của Bộ trong các chiến dịch lớn và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 lịch sử.

Trường Sơn mãi mãi là điểm tựa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đi tới tương lai: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’'.