Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 09:17:14 am



Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 09:17:14 am
Tên sách: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia
Năm xuất bản: 2013
Số hóa: macbupda

* Chỉ đạo nội dung:
- Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang - Huyện ủy Long Mỹ
* Tổ chức thực hiện:
ĐẢNG ỦY - BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ
HUYỆN LONG MỸ

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Trải qua 30 năm (1945 - 1975) vừa xây dựng, vừa chiến đấu trong điều kiện chiến tranh ác liệt, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) đã từng bước lớn mạnh và trưởng thành, sát cánh cùng với nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Ghi lại chặng đường 30 năm chiến tranh cách mạng của lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ là việc làm cần thiết nhằm tri ân những cống hiến to lớn của quân và dân địa phương trong hai cuộc kháng chiến, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống tất đẹp cho thế hệ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang cùng nhân dân địa phương hiện nay. Vì vậy, Đảng ủy - Bộ Chỉ huy Quân sự huyện Long Mỹ phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tổ chức biên soạn và xuất bản cuốn sách Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975).

Nội dung cuốn sách phác họa chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành trong chiến đấu của lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện, lực lượng vũ trang huyện đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tế địa phương một cách linh hoạt, sáng tạo, đúng đắn. Những thành tựu trong chiến đấu và lãnh đạo chiến đấu của lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ 30 năm đã phản ánh chân thực quá trình trưởng thành trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện và lực lượng vũ trang địa phương. Qua đó, giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau hiểu biết về truyền thống lịch sử của quê hương, phát huy truyền thống tốt đẹp, vững bước đi lên trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đường lối đổi mới của Đảng.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 11 năm 2013
                                                                                                             
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA – SỰ THẬT


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 09:21:14 am
LỜI NÓI ĐẦU

Long Mỹ được xác định là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Cần Thơ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (nay Long Mỹ thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang). Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch với quy mô chiến tranh ngày càng lớn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Huyện ủy Long Mỹ, sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân địa phương, lực lượng vũ trang huyện đã đoàn kết thống nhất, vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, anh dũng chiến đấu với quân thù, lập nên nhiều chiến công vẻ vang.

Trải qua 30 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1945 - 1975), lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ đã tổ chức đánh địch hàng ngàn trận lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng vạn tên địch, lập được nhiều thành tích xuất sắc, vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 6-11-1978).

Biên soạn lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ là việc làm có ý nghĩa quan trọng nhằm tái hiện lại quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang huyện trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, thể hiện sự ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, sự yêu thương, đùm bọc và gắn bó của quần chúng nhân dân. Qua đó, cung cấp tư liệu lịch sử phục vụ công tác giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương. Đồng thời, từ thực tiễn chiến đấu của lực lượng vũ trang rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn dọc, Đảng ủy - Ban Chỉ huy Quân sự huyện Long Mỹ xin chân thành cảm ơn các cơ quan chức năng đã hỗ trợ trong việc tổ chức biên soạn, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã từng sống và chiến đấu trên địa bàn huyện Long Mỹ đã cung cấp nhiều tư liệu quý cho việc hoàn thành cuốn sách này.

                                                                                                                                           
ĐẢNG ỦY - BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ
HUYỆN LONG MỸ


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 09:24:06 am
Mở đầu

ĐẤT VÀ NGƯỜI LONG MỸ

Trong thời kỳ Pháp thuộc, vùng đất Long Mỹ thuộc địa phận của tỉnh Rạch Giá(1). Phía bắc giáp quận Giồng Riềng, phía đông giáp quận Phụng Hiệp (tỉnh Cần Thơ), phía nam giáp quận Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) và quận Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), phía tây giáp quận Gò Quao và cách thị xã Cần Thơ 55km về hướng tây nam.

Quận Long Mỹ thời kỳ này có 17 làng: Hòa An, Hỏa Lựu, Long Bình, Vị Thủy, Vĩnh Thuận Đông, Vĩnh Tường, Lương Tâm, Thuận Hưng, Vĩnh Tuy, Vĩnh Viễn, Xà Phiên, An Lợi, Long Phú, Phương Bình, Phương Phú, Tân Long và Long Trị.

Cũng như các quận xung quanh thuộc tỉnh Rạch Giá và tỉnh Cần Thơ, Long Mỹ nằm trên dải địa hình phía tây nam của sông Hậu nên có địa hình thấp và tương đối bằng phẳng. Thuở xa xưa, khi con người vào đây khai phá, nơi đây là lùm bụi, có nhiều tràm và cây cỏ mọc dày đặc, xen lẫn là các ao hồ, bùn lầy, nước nhiễm phèn. Sau khi thực dân Pháp tiến hành đào các con kênh sổ phèn như: Xà No, Lái Hiếu, Nàng Mau… việc trồng lúa được tiến hành thuận lợi nên nhân dân mới tập trung sinh sống đông đúc cạnh các sông ngòi, kênh rạch và các trục giao thông đường bộ, còn khu vực nông thôn vẫn còn rất nhiều rừng tràm, bưng lầy xen kẽ các kênh mương chạy ngang dọc trên từng thửa ruộng, vườn cây của nhân dân. Chính địa hình chia cắt đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát động phong trào chiến tranh du kích trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Nơi đây có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm và mưa nhiều, thời tiết chia thành hai mùa mưa, nắng rõ rệt, rất thuận lợi cho sinh trưởng và phát triển của thực vật, nhất là cây lúa. Đây là điều kiện thuận lợi để bổ sung lương thực cho các đơn vị bộ đội chiến đấu va do địa bàn có địa thế về mặt chiến thuật nên được tỉnh, quân khu chọn làm địa bàn đứng chân của cơ quan lãnh đạo phong trào cách mạng trong thời gian dài.

Long Mỹ có hệ thống sông ngòi, kênh rạch khá chằng chịt. Ngoài hai con sông lớn tự nhiên là Nước Đục, Nước Trong, trên địa bàn còn có các con kênh do con người đào như: Xà No (1901 - 1903), Lái Hiếu (1906 - 1908), Nàng Mau (1925 - 1927), Trà Bang Lớn - Ngã Năm,... Trong đó, kênh xáng Xà No giữ vai trò quan trọng đối với ta và địch, là tuyến giao thông thủy huyết mạch ở cửa ngõ phía tây nam của tỉnh Cần Thơ. Bên cạnh đó, hệ thống giao thông đường bộ ở nơi đây cũng khá đa dạng gồm có các trục chính: Vị Thanh - Cần Thơ (liên tỉnh lộ 31) Long Mỹ - Cần Thơ,... và nhiều đường đất dọc theo các bờ kênh, bờ sông.

Long Mỹ có diện tích tự nhiên 39.611ha, dân số khoảng 109.000 người (năm 1954), đến năm 1975 tăng lên hơn 175.000 người. Trong đó, người Kinh là 164.000 người, người Hoa khoảng 4.000 người và khoảng 7.000 người Khmer.

Cư dân sống trên vùng đất Long Mỹ ngày nay phần đông là con cháu của những nông dân nghèo từ miền ngoài vào khai phá. Trải qua năm tháng cần cù lao động, cư dân người Việt đả đoàn kết với cộng đồng người Khmer, người Hoa khai phá đất hoang để xây dựng cuộc sống.

Khi thực dân Pháp đặt ách thống trị trên đất nước ta người dân Long Mỹ phải sống dưới chế độ thực dân và phong kiến, bị bóc lột hết sức nặng nể, đời sống vô cùng cơ cực, nghèo khổ. Nhân dân Long Mỹ ủng hộ và hưởng ứng rất tích cực cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Trung Trực (Rạch Giá), Đinh Sâm ở vùng Ba Láng (Cần Thơ), Đỗ Thừa Lũng, Đỗ Thừa Tự ở vùng U Minh,... Đồng thời, họ đã tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, yêu nước của các sĩ phu Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Lê Quang Chiểu, Nguyễn Thần Hiến,...

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra trang sử mới trong lịch sử dân tộc ta nói chung, trong đó có người dân Long Mỹ. Nhân dân địa phương sắt son một lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng nhau chung tay đóng góp sức người, sức của phục vụ cho cuộc kháng chiến trường kỳ, đầy gian khổ hy sinh nhưng cũng rất vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Đến cuối năm 1951, do yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tỉnh Rạch Giá được giải thể và sáp nhập vào ba tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Huyện Long Mỹ lúc này trực thuộc tỉnh Cần Thơ. Sau ngày Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, tỉnh Rạch Giá được tái lập, huyện Long Mỹ được giao về cho tỉnh Rạch Giá quản lý.

Bước sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước(2), tỉnh Rạch Giá bàn giao xã Vị Thanh từ huyện Giồng Riềng về huyện Long Mỹ quản lý (ngày 31-3-1955).

Năm 1957, tỉnh Rạch Giá giao huyện Long Mỹ về cho tỉnh Cần Thơ nhưng giữ lại xã Vị Thanh sáp nhập vào huyện Giồng Riềng. Đến năm 1960, huyện Giồng Riềng giao xã Vị Thanh về cho huyện Long Mỹ. Tháng 3-1961, huyện Long Mỹ tách một phần xã Vị Thanh ra thành lập thị trấn Vị Thanh. Đến năm 1964, do yêu cầu của cuộc kháng chiến, huyện Long Mỹ được chia ra thành hai huyện Long Mỹ A và Long Mỹ B(3). Đến năm 1965, hai huyện Long Mỹ A và Long Mỹ B sáp nhập lại thành huyện Long Mỹ. Năm 1966, huyện Long Mỹ cắt các xã: Phương Bình, Phương Phú, Hòa An giao cho huyện Phụng Hiệp, cắt một phần xã Vị Thanh thành lập thị xã Vị Thanh và thành lập mới thị trấn Long Mỹ.

Ngày 1-1-1978, thị xã Vị Thanh được sáp nhập vào huyện Long Mỹ. Đến tháng 2-1982, huyện Long Mỹ được chia ra hai huyện Long Mỹ và Vị Thanh. Tháng 11-2003, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa XI, kỳ họp thứ tư ra Nghị quyết số 22/2003/QH, ngày 26-11-2003 và Chính phủ ra Nghị định số 05/2003/NĐ-CP, ngày 2-1-2004 tách tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và thành lập tỉnh Hậu Giang. Theo đó Long Mỹ là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Hậu Giang(4).


(1) Sau khi đặt ách thống trị trên đất nước ta, thực dân Pháp đã đổi đạo Kiên Giang thành tỉnh Rạch Giá vào năm 1901.
(2) Về phía địch Long Mỹ là quận thuộc tỉnh Chương Thiện.
(3) Huyện Long Mỹ A gồm các xã: Xà Phiên, Lương Tâm, Hỏa Lựu, Vị Thanh, Vị Thủy, Vĩnh Thuận Đông, Vĩnh Tường Vĩnh Viễn, Thuận Hưng và thị trấn Long Mỹ. Huyện Long Mỹ B gồm các xã: Long Trị, Long Bình, Long Phú, Phương Phú, Phương Bình và Hòa An.
(4) Hiện nay, huyện Long Mỹ gồm có hai thị trấn Long Mỹ, Trà Lồng và các xã: Long Trị, Long Trị A, Long Bình, Long Phú, Tân Phú, Thuận Hưng, Thuận Hòa, Lương Tâm, Lương Nghĩa, Xà Phiên, Vĩnh Thuận Đông, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 09:27:51 am
Chương I

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HUYỆN LONG MỸ THAM GIA GIÀNH
CHÍNH QUYỀN VÀ CÙNG NHÂN DÂN TIẾN HÀNH CUỘC
KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC
(1945 - 1954)

I - LONG MỸ VỚI CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

Đầu năm 1936, một số đảng viên gồm: Ngô Tám (Minh Xuyến), Trần Văn Thành (Hồng Dân), Nguyễn Văn Bộ từ quận Phước Long đã đến làng Long Phú để tuyên truyền và xây dựng cơ sở cách mạng. Các đồng chí đã thành lập Hội ái hữu tương tế làng Long Phú(1) để tuyên truyền, giáo dục nhân dân, vận động họ giúp nhau trong sản xuất, cùng nhau đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Hoạt động của Hội ái hữu tương tế đã giúp cho quần chúng, hội viên nâng cao nhận thức chính trị và giác ngộ cách mạng. Sau thời gian vận động cách mạng và phát triển đảng viên, tháng 10-1937, cuộc họp thành lập chi bộ Đảng làng Long Phú được tổ chức tại ấp Trà Bang Nhỏ do đồng chí Nguyễn Văn Bộ làm Bí thư, đồng chí Phan Văn Biện làm Phó Bí thư, đồng chí Trương Văn Bộn là đảng viên. Ngay sau khi thành lập, chi bộ Đảng đã chỉ đạo Hội ái hữu tương tế phát triển hội viên và tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng trong nhân dân.

Đầu năm 1939, sau khi Chính phủ phản động lên nắm quyền ở Pháp đã thi hành hàng loạt biện pháp đàn áp phong trào cách mạng và các lực lượng tiến bộ ở trong nước, ở Đông Dương, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng, thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ mà nhân dân ta đã giành được trong thời kỳ 1936 - 1939. Địch đàn áp và bắt bớ những người yêu nước, tăng cường bắt lính để phục vụ cho cuộc chiến tranh. Bên cạnh đó, chúng còn vơ vét lúa gạo, tăng thu các loại thuế,... Do chính sách đàn áp và vơ vét của thực dân Pháp nên các tổ chức công khai của quần chúng đều bị thực dân Pháp giải tán, nhiều cán bộ hoạt động công khai trước đây đã bị giặc bắt, đời sống của nhân dân rơi vào bần cùng, đói khổ, càng làm tăng thêm lòng căm thù bọn thực dân, phong kiến và tay sai của các tầng lớp nhân dân.

Để đối phó với địch, Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương tiến hành cuộc khởi nghĩa trong toàn xứ Nam Kỳ. Thực hiện chủ trương trên, chi bộ Đảng ở Long Mỹ đã kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh, chỉ đạo in truyền đơn và tổ chức mít tinh, vận động nhân dân quyên góp để ủng hộ cuộc khởi nghĩa ở Hòa Tú, Phú Hữu và nhiều nơi trong tỉnh.

Ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Tuy nhiên, do điều kiện chưa chín muồi, kế hoạch bị bại lộ nên cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu.

Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Tỉnh ủy lâm thời Rạch Giá đã phân công một số cán bộ về quận Long Mỹ khôi phục lại phong trào cách mạng và củng cố lại các tổ chức đẳng đã bị thực dân Pháp đàn áp. Sau một thời gian gây dựng, đến năm 1943, nhiều chi bộ đã được khôi phục và thành lập mới ở các làng: Vĩnh Viễn, Hỏa Lựu, Lương Tâm, Long Bình,...

Đầu năm 1945, cục diện Chiến tranh thế giới thứ hai đã có nhiều thay đổi, phe Đồng minh đang phản công quyết liệt và giành nhiều thắng lợi trong khi phe phát xít (Đức - Ý - Nhật) bị thất bại ồ nhiều nơi. Trước tình hình đó, thực dân Pháp ở Đông Dương lăm le muốn đứng lên chống Nhật. Bọn Nhật ở Đông Dương đã nắm được ý đồ của Phốp và để loại trừ mối nguy cơ đó, ngày 9-3-1945, Nhật đã tiến hành đảo chính Pháp và độc chiếm Đông Dương.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp, tình hình ở Long Mỹ rất hỗn loạn, tinh thần của bọn tề trong các làng rất hoang mang, lo sợ, một số đã bỏ việc, một số hoạt động cầm chừng, chủ quận Long Mỹ cũng bỏ chạy. Dân ở chợ Long Mỹ đóng cửa nhà, nạn trộm cướp nổi lên khắp nơi.

Về phía quân Pháp, lo sợ phát xít Nhật tấn công, chúng đã sử dụng tàu thủy chở khoảng 200 quân từ thị xã Cần Thơ hành quân xuống Long Mỹ. Khi đến Long Mỹ, quân Pháp đóng tại dinh quận khoảng một tuần rồi tiếp tục xuống Tân Bằng, Cán Gáo (U Minh) để trốn quân Nhật. Đồng thời, quân Pháp đã đưa tên Phạm Văn Vịnh (Giáo Vịnh) lên làm Quận trưởng quận Long Mỹ.

Nắm bắt thời cơ quân Pháp bỏ chạy, quân Nhật chưa đến tiếp quản Long Mỹ, nhân dân đã bắt tên Giáo Vịnh giam tại Nhà việc Thuận Hưng và cử thầy giáo Võ Văn Nhân, một người yêu nước tiến bộ, có uy tín trong thanh niên, học sinh lên làm Quận trưởng quận Long Mỹ, đại diện cho nhân dân điều hành chính quyền. Việc bắt Giáo Vịnh là hành động tự phát cướp chính quyền của nhân dân, thể hiện lòng căm thù sâu sắc của nhân dân đối với bọn cường hào ác bá, tay sai của thực dân Pháp, đánh dấu sự chuyển biến về nhận thức chính trị trong nhân dân sau một thời gian được tuyên truyền, giác ngộ cách mạng.

Giữa tháng 4-1945, quân Nhật kéo về chiếm đóng Long Mỹ, chúng đưa tên Việt gian ác ôn Hồ Phong Hóa lên làm Quận trưởng. Bọn tay sai được sự hỗ trợ của quân Nhật nên rất hống hách, ngang tàng, thường xuyên bắt bớ, đàn áp và cướp bóc tài sản của nhân dân.

Về phía ta, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Kỳ, lực lượng Thanh niên tiền phong cũng được thành lập ở Long Mỹ và nhanh chóng đi vào hoạt động rộng khắp, thu hút đông đảo thanh niên và các tầng lớp nhân dân tham gia.

Trước những diễn biến nhanh chóng trên chiến trường, Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng thời phát động phong trào chống Nhật và kêu gọi nhân dân chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Trong những ngày này, cán bộ đảng viên và các đoàn thể ở Long Mỹ đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng tích cực chuẩn bị khi thời cơ đến khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, nhân dân sôi nổi tổ chức rèn dao mác, chuẩn bị tầm vông vạt nhọn, thanh niên hăng hái luyện tập võ nghệ.

Trước khí thế cách mạng sôi nổi của quần chúng, bộ máy tề ở các làng gần như bị tê liệt. Một số tên trong bộ máy chính quyền tay sai của Nhật ở quận, làng và lính mã tà đã bỏ trốn, số còn lại xin gia nhập lực lượng Thanh niên tiền phong, một số địa chủ không còn hống hách với nhân dân mà tỏ thái độ thân thiện với dân nghèo.

Cuối tháng 8-1945, tin khởi nghĩa giành thắng lợi khắp nơi trong cả nước được lan truyền đến các làng trong quận Long Mỹ. Ngày 27-8-1945, nhân dân Rạch Giá dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề đứng lên tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi ở tỉnh lỵ. Tại quận Long Mỹ, ngày 28-8-1945, được sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, lực lượng Thanh niên tiền phong làm nòng cốt hỗ trợ nhân dân các làng tổ chức cuộc biểu tình rầm rộ tiến về quận lỵ. Lực lượng “Xung phong đội” cùng đông đảo quần chúng với tầm vông, giáo mác xông vào dinh quận. Trước khí thế áp đảo của quần chúng, binh lính và bọn tay sai không dám chống cự. Lực lượng cách mạng bắt tên Quận trưởng đốc phủ Hiến và một số tên tay sai. Cùng lúc đó, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên cột cờ trước dinh quận. Đồng chí Ngô Tám(2) đại diện chính quyền cách mạng đứng lên tuyên bố trước đông đảo đồng bào: “Xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân”. Quần chúng nhân dân vô cùng phấn khởi hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”. Sau đó, lực lượng cách mạng chiếm lĩnh các công sở của địch, quần chúng tỏa đi khắp các ngả đường cổ vũ thắng lợi của cách mạng. Các làng trong quận cũng khởi nghĩa giành được chính quyền và thành lập chính quyền cách mạng. Ủy ban hành chính quận được thành lập do ông Lý Thanh Cần làm Chủ tịch. Cũng trong ngày 28-8-1945, Mặt trận Việt Minh quận Long Mỹ được thành lập.


(1) Long Phú là một làng thuộc tổng Thanh Giang, quận Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá.
(2) Cán bộ được tỉnh phái về lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở quận Long Mỹ.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 09:30:52 am
II - TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG, XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG VỮNG CHẮC,
PHÁT ĐỘNG DU KÍCH CHIẾN TRANH, TỪNG BƯỚC GIÀNH THẾ
CHỦ ĐỘNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG
(1945 - 1950)

Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã tô thắm thêm truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Long Mỹ trong công cuộc chống giặc ngoại xâm. Đây là bước tiến nhảy vọt đánh dấu sự biến đổi to lớn và sâu sắc của nhân dân Long Mỹ từ thân phận nô lệ, mất nước, trở thành người làm chủ quê hương, đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Tuy nhiên, sau khi giành được chính quyền, quân và dân Long Mỹ phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách. Hàng hóa khan hiếm nên giá cả tăng vọt ảnh hưởng đến đời sống của đại đa số nhân dân. Hơn 95% dân số không biết chữ, bệnh tật lan tràn nhưng thuốc men hầu như không có. Tệ nạn xã hội như: trộm cắp, cờ bạc, mê tín dị đoan rất nặng nề, cần phải giải quyết. Trong khi đó, bộ máy chính quyền, các đoàn thể do mới thành lập nên còn non yếu. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đa số xuất thân từ nông dân nên trình độ văn hóa thấp, chưa có kinh nghiệm trong quản lý, điều hành xã hội.

Bên cạnh những khó khăn Long Mỹ cũng có những thuận lợi cơ bản là tuyệt đại đa số nhân dân lao động có truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường và lòng căm thù giặc sâu sắc. Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng vừa mới giành được. Đội ngũ cán bộ, đảng viên thể hiện tinh thần tích cực, nhiệt tình trong công tác, không quản ngại hy sinh, gian khổ.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Rạch Giá, tháng 9-1945, quận Long Mỹ tiến hành tịch thu đất của điền chủ Tây, đất công điền và đất của địa chủ phản động để tạm cấp, tạm giao cho nông dân, ưu tiên chia cho nông dân nghèo không có đất, giáo dục địa chủ giảm tô, tức 25%. Vận động nông dân nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ người nghèo thiếu ăn, thiếu mặc. Nhờ đó nông dân trong quận đã khôi phục và mở rộng diện tích đất canh tác, cải thiện được đời sống.

Công tác chăm lo đời sống văn hóa, y tế, giáo dục cũng được địa phương quan tâm thực hiện tốt. Mạng lưới y tế phát triển rộng khắp đến tận thôn, xóm. Phong trào xây dựng nếp sống mới được phát động rộng rãi, nạn mê tín dị đoan đã được hạn chế. Phong trào bình dân học vụ phát triển khá sôi nổi và rộng khắp. Các buổi sinh hoạt của các đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân, được tổ chức thường xuyên, đã tạo không khí vui tươi, ấm áp trong các thôn, xóm. Nhân dân được tự do đi lại, hội họp, quyền bình đẳng giữa mọi công dân được thực hiện, người dân lao động đã thật sự trở thành người chủ đất nước. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất, nhưng về mặt tinh thần đầy phấn chấn, nên nhân dân càng hăng hái lao động sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, quyết tâm bảo vệ đất nước và đặt mọi niềm tin vào chế độ xã hội mới. Thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ và Bác Hồ, để ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Long Mỹ còn tích cực hưởng ứng thực hiện “Tuần lễ vàng”, đem vàng, bạc hiến cho Chính phủ và ủng hộ “Tuần lễ đồng, thau” để có nguyên liệu đúc súng đạn.

Ngày 23-9-1945, quân Pháp được sự hỗ trợ của quân Anh đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai.

Để chủ động đối phó địch, Tỉnh ủy Rạch Giá đề ra nhiều chủ trương, biện pháp tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó công việc ưu tiên cần làm ngay là tập trung xây dựng lực lượng vũ trang các cấp, lập công binh xưởng sản xuất vũ khí để đánh địch.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Rạch Giá, Quận ủy và Ủy ban hành chính quận Long Mỹ đã phát động phong trào toàn dân tích cực xây dựng lực lượng mọi mặt, nhất là lực lượng vũ trang từ quận đến các làng.

Ngày 8-10-1945, quận thành lập đơn vị Cộng hòa vệ binh gồm 50 chiến sĩ do đồng chí Ngô Hồng Giỏi làm Đại đội trưởng, đồng chí Hồ Văn Tốt làm Chính trị viên và đồng chí Tư Tân làm Đại đội phó. Đây là lực lượng vũ trang đầu tiên của quận, vũ khí trang bị chủ yếu lấy được của giặc, của địa chủ,... Thành phần của đơn vị Cộng hòa vệ binh bao gồm những thanh niên xuất thân từ nông dân, giáo viên, học sinh,... đã qua các lớp huấn luyện quân sự ngắn ngày.

Tháng 10-1945, lực lượng Cộng hòa vệ binh quận Long Mỹ cử một tiểu đội do hai đồng chí Ngô Hồng Giỏi và Tư Tân chỉ huy hành quân chi viện cho mặt trận thị xã Cần Thơ (khu vực Ba Láng, Cái Răng) nhằm mục đích kìm chân quân địch để các địa phương có đủ thời gian chuẩn bị kháng chiến.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 09:48:18 am
Lúc này, có nhiều thanh niên tuổi từ 18 đến 45 hăng hái đăng ký tham gia vào các đội du kích, ban ngày lao động sản xuất, ban đêm luyện tập quân sự, tuần tra canh gác bảo vệ xóm làng. Quận Long Mỹ xây dựng được một công trường sửa chữa, sản xuất vũ khí ở Bảy Ngàn, cung cấp cho đơn vị Cộng hòa vệ binh và du kích các làng trong quận. Vũ khí do công trường sản xuất lúc này chủ yếu là dao găm, mã tấu, đúc lựu đạn, nạp lại thuốc súng (còn gọi là rờ-sạt). Ngoài ra, các đội du kích còn tham gia chế tạo các loại vũ khí thô sơ như: tầm vông vạt nhọn, dao găm, mã tấu, phi tiêu, ná lãi(1),...

Lợi dụng tình hình quân Pháp chuẩn bị đánh chiếm Long Mỹ, một số địa chủ tỏ rõ thái độ chống đối lại chính quyền cách mạng và có hành động hà hiếp nhân dân, một số tề làng cũ móc nối hoạt động chống đối lại chính quyền cách mạng, nạn trộm cướp cũng thừa cơ hội nổi lên khắp nơi,... làm cho trật tự làng bị rối loạn, gây tâm trạng hoang mang, lo sợ trong nhân dân.

Trước những diễn biến phức tạp của phong trào cách mạng ở Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá tăng cường cán bộ xuống địa phương để huấn luyện quân sự, củng cố xây dựng lực lượng vũ trang. Huyện khẩn trương xúc tiến thành lập các đơn vị du kích ở các làng, các ấp, các đội lão dân quân ngày đêm canh gác phòng gian, bảo mật, phong trào thanh niên tình nguyện tòng quân, tham gia du kích làng, ấp diễn ra với khí thế sôi nổi, hăng hái sẵn sàng chiến đấu bảo vệ xóm làng. Các đội du kích được trang bị súng hai nòng, súng hơi, súng săn do công binh xưởng chế tạo. Trong đó, du kích làng Long Phú(2) do đồng chí Mai Viết Nhiều làm Đội trưởng đã làm rốt tốt công tác trừ gian, diệt tề, bảo đảm an ninh trật tự cho nhân dân. Với tinh thần chiến đấu mưu trí, dũng cảm, đội được nhân dân tin yêu đặt tên là “Đội Cọp Xám”.

Đi đôi với các hoạt động quân sự, một số công việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến cũng được địa phương tiến hành gấp rút như: phá lộ, làm vật cản trên sông để ngăn chặn bước tiến của quân địch, đào đắp công sự, ụ chiến đấu cho lực lượng Cộng hòa vệ binh và dân quân du kích đánh địch.

Trong bốn tháng cuối năm 1945, Đảng bộ, quân và dân Long Mỹ đã tạo được sự chuyển biến tích cực, toàn diện trên các mặt: quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội,... Đặc biệt, ta đã xây dựng được lực lượng vũ trang địa phương từ quận đến xóm, ấp, chuẩn bị sẵn sàng cho kháng chiến và đưa lực lượng đi hỗ trợ cho mặt trận thị xã Cần Thơ đánh quân Pháp xâm lược.

Tháng 1-1946, mặt trận phòng thủ của ta ở thị xã Cần Thơ bị phá vỡ, quân Pháp hành quân đánh xuống địa bàn quận Long Mỹ theo hai hướng: hướng hành quân bộ theo trục lộ Rạch Gòi - cầu Xáng tiến xuống Long Mỹ, hướng hành quân thủy xuất phát từ Phụng Hiệp, sử dụng tàu chiến phá vật cản trên tuyến kênh Lái Hiếu ở ngã tư Cây Dương đánh vào Long Mỹ.

Du kích các làng Hòa An, Hòa Lợi, Vĩnh Tường phối hợp với các đơn vị Cộng hòa vệ binh của tỉnh chiến đấu dũng cảm ngăn chặn đường tiến quân của địch. Du kích các làng Phương Bình, Long Bình, Long Trị cũng chiến đấu rất dũng cảm nhưng do lực lượng và vũ khí có hạn, trong khi quân địch đông lại được trang bị vũ khí mạnh nên ta buộc phải rút lui để bảo toàn lực lượng.

Tại làng Vị Thanh, đơn vị Cộng hòa vệ binh quận phối hợp với du kích làng chặn đánh địch trên trận tuyến từ Nàng Mau đến chợ Cái Nhum. Lực lượng ta chiến đấu rất dũng cảm, quyết liệt, giằng co với địch suốt một ngày. Dân quân du kích và nhân dân tiến hành phá cầu, đốn cây ngả ngang đường làm chướng ngại vật ngăn địch và triệt để thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”. Quân địch tăng viện thêm lực lượng và dùng hỏa lực mạnh tấn công vào lực lượng vũ trang của ta. Bọn địch hành quân đến đâu cũng gặp phải chướng ngại vật và cảnh vườn không nhà trống, gây cho chúng nhiều khó khăn, phải tốn nhiều công sức, thời gian mới tái chiếm được quận Long Mỹ.

Sau khi tái chiếm được chợ Cái Nhum, quân Pháp hành quân bộ đánh xuống Hỏa Lựu, kết hợp với mũi tấn công bằng tàu chiến từ Cầu Đúc đánh lên. Lực lượng ta án ngữ tại ngã ba sông ở chợ Hỏa Lựu đã nổ súng chặn đánh địch quyết liệt. Sau đó, lực lượng ta rút về Rạch Gốc để phòng thủ. Quân Pháp sau khi chiếm được Hỏa Lựu tiến hành đóng đồn Cầu Đúc (bên bờ xã Vĩnh Hòa Hưng, huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá). Trong thời gian đóng đồn Cầu Đúc, quân Pháp bị lực lượng Thanh niên tiền phong, Cộng hòa vệ binh làng Hỏa Lựu phối hợp với lực lượng Cộng hòa vệ binh quận Long Mỹ đánh liên tục. Ta tổ chức bắn tỉa, đánh lẻ, diệt và làm bị thương nhiều tên, gây cho chúng nhiều khó khăn, tổn thất. Từ Cầu Đúc (Hỏa Lựu), địch thường xuyên cho quân đi càn quét vào làng Vĩnh Viễn, nhưng lực lượng này bị du kích làng Vĩnh Viễn đánh trả quyết liệt, phải rút chạy về Hỏa Lựu.


(1) Phi tiêu làm bằng sắt mũi nhọn, phía sau gắn lông gà, dùng để phóng. Ná lãi giương lên như cây cung, bắn bằng tên tre nhọn.
(2) Du kích làng Long Phú được thành lập ngày 10-10-1945.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 09:49:01 am
Đi dôi với hoạt động hành quân chiếm đóng, địch triển khai xây dựng đồn bốt ở khắp nơi trên địa bàn quận Long Mỹ. Tại khu vực quận lỵ, địch bố trí hai chốt ở Thuận Hưng và kênh xáng Trà Bang, khôi phục lại tề làng và đội lính Bạctidăng. Địch đưa đại đội lính Pháp Lê dương và 1 đại đội lính Việt - Miên vào đóng tại các đồn Trà Bang Nhỏ, Vịnh Chèo (Vĩnh Thuận Đông), Nàng Mau (Vị Thủy), Cái Sình (Hỏa Lựu), Lái Niên (Vĩnh Tuy), Cái Rắn (Xà Phiên),...

Nhằm bảo toàn lực lượng phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài theo chủ trương của cấp trên, địa phương rút các đơn vị Cộng hòa vệ binh và đưa các đồng chí có sức khỏe yếu xuống chiến khu U Minh. Lúc này, ở Long Mỹ không còn chính quyền, không còn lực lượng vũ trang đứng chân hoạt động. Tuy nhiên, Tỉnh ủy Rạch Giả đã chỉ đạo các đảng viên ở các chi bộ bám trụ lại, kiên quyết bám dân, bám địa bàn, tiếp tục lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp.

Ngày 6-3-1946, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký kết với Chính phủ Pháp bản Hiệp định Sơ bộ. Sau khi Hiệp định Sơ bộ được ký kết, Khu có chủ trương đưa cán bộ, đảng viên quay về móc nối với cán bộ, đảng viên còn ở lại địa bàn, khôi phục lại phong trào cách mạng.

Thực hiện chủ trương của trên, quận Long Mỹ tập trung củng cố bộ máy chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng, khôi phục, phát triển lực lượng vũ trang và du kích các làng.

Tháng 5-1946, lực lượng vũ trang Long Mỹ phối hợp với đơn vị bộ đội do đồng chí Ngô Hồng Giỏi chỉ huy nổ súng tiêu diệt đồn địch ở Nàng Mau, thu toàn bộ vũ khí. Trong thời gian này, lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng do đồng chí Nguyễn Hùng Phước chỉ huy, trên đường hành quân trở về vùng địch hậu đã diệt 1 tiểu đội lính Pháp và Việt gian tại cống Cả Luyện (làng Long Trị) thu toàn bộ vũ khí và tiếp tục tiến hành hoạt động vũ trang tuyên truyền diệt tề, trừ gian ở ba làng: Long Phú, Long Trị, Phường Bình, gây được tiếng vang trong nhân dân. Trước khí thế cách mạng đang lên ở địa phương, nhân dân đã bắt tên Ba Đinh, tên Khải (tay sai của Lý Thanh Cần) giả danh cách mạng làm tổn hại uy tín của Đảng đem ra trừng trị tại Xà Phiên, được quần chúng rất đồng tình.

Giữa năm 1946, tình hình ở Long Mỹ đi vào ổn định, phong trào cách mạng có bước phát triển nên ta tiến hành khôi phục lại các chi bộ Đảng và đoàn thể như: thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, nông dân cứu quốc, Mặt trận Việt Minh và chính quyền từ quận đến làng,... Nhiều làng phát triển được từ 3 đến 5 đảng viên, thành lập được chi bộ hoặc chi bộ ghép liên làng. Do đó, vào tháng 6-1946, Quận ủy lâm thời Long Mỹ được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Khi (Bảy Biên) làm Bí thư và đồng chí Nguyễn Hùng Sơn làm Phó Bí thư. Từ dây, Đảng bộ quận Long Mỹ có sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất, là điều kiện cơ bản thuận lợi để phong trào cách mạng trong quận phát triển.

Sau khi Quận ủy lâm thời Long Mỹ được thành lập, hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và lực lượng vũ trang ngày càng phát triển. Các đơn vị vũ trang, tự vệ ngày càng trưởng thành, sử dụng được nhiều phương thức đánh địch như: trực tiếp đánh địch, giật súng địch, vận động gia đình và binh sĩ lấy súng đạn của địch để trang bị cho ta. Trong đó, nổi bật là tinh thần diệt địch của đơn vị đồng chí Nguyễn Văn Châu trong các tháng 7, 8, 9-1946. Trận đầu địch vào cướp heo, gà và tài sản của nhân dân, khi chúng đến gần vàm Nước Đục, bộ đội ta nổ súng diệt khoảng 10 tên, lấy lại tài sản cho đồng bào. Trận thứ hai, đơn vị phục kích ở Miễu Bà, Tràm Tróc (Thuận Hưng) đánh 1 trung đội địch đi tiếp tế lương thực cho đồn Cái Rắn. Trận thứ ba, ta đánh bọn lính đồn Tám Vịnh (Vị Thủy) bung ra cướp phá và hỗ trợ một số địa chủ thu tô, buộc chúng phải co lại trong đồn, tạo điều kiện thuận lợi để quần chúng yên tâm sản xuất. Ngoài ra, hàng đêm các đơn vị vũ trang hành quân ra vùng ven thực hiện vũ trang tuyên truyền, tổ chức nhân dân mít tinh. Sau trộn đánh Cái Dứa, địch không dám đóng đồn ở làng Vĩnh Viễn, từ đây làng Vĩnh Viễn được giải phóng hoàn toàn và trở thành vùng căn cứ của ta.

Ngày 14-9-1946, thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước Việt - Pháp, thỏa thuận một số điều về quan hệ kinh tế, văn hóa giữa hai nước, đình chỉ xung đột quân sự ở Việt Nam.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 09:49:32 am
Sau khi bản Tạm ước Việt - Pháp có hiệu lực, ngày 14-11-1946, quan ba Lotto - chỉ huy quân Pháp ở Long Mỹ, Vị Thanh mời đại diện của ta đến thương lượng thi hành Tạm ước. Tranh thủ cơ hội, huyện vận động gần 10.000 quần chúng tham gia cuộc biểu tình kéo ra thị trấn Long Mỹ ủng hộ đoàn đại diện của ta do đồng chí Nguyễn Hùng Sơn làm Trưởng đoàn. Sau cuộc gặp gỡ của đại diện hai bên, địch ra lệnh cho quân lính không được bung ra khỏi đồn và không được vào vùng ta kiểm soát. Nhân dân Long Mỹ rất phấn khởi trước kết quả đạt được đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, treo cờ đỏ sao vàng chào mừng thắng lợi của bản Tạm ước Việt - Pháp.

Tranh thủ thời gian tạm hòa hoãn với địch, ta tập trung củng cố, phát triển các tổ chức đoàn thể và chính quyền ở các làng, vận động cán bộ, đảng viên hăng hái, tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương.

Sau một thời gian hòa hoãn, quân Pháp đã phản bội lại bản Tạm ước Việt - Pháp, nổ súng đánh phá, càn quét vùng nông thôn ở quận Long Mỹ. Địch bố trí đại đội lính Pháp Lê dương, Khmer và lính Việt tại Trà Bang Lớn và khôi phục 15 đồn bốt các làng (trừ làng Vĩnh Viễn).

Về phía ta, Tỉnh ủy Rạch Giá chỉ đạo Quận ủy Long Mỹ tập trung xây dựng hệ thống quân - dân - chính - đảng vững mạnh, tạo bước chuyển biến mới về thế và lực để phối hợp chiến trường tỉnh đánh địch, mở rộng vùng kiểm soát của ta.

Cuối năm 1946, du kích làng Vị Thủy phối hợp với bộ đội do đồng chí Đăng chỉ huy, tấn công đồn Bảy Ngàn (Tân Hòa) liên tục một tuần lễ, hỗ trợ nhân dân thu hoạch lúa dự trữ phục vụ kháng chiến.

Tháng 2-1947, lực lượng Cộng hòa vệ binh làng Hỏa Lựu phối hợp với Liên trung đoàn 122 - 124 phục kích đánh địch tại đoạn lộ quẹo Cây Điệp thuộc ấp Mỹ Hiệp, diệt gọn 2 trung đội, trong đó có tên đại úy Dupoint và tên Hàm Hái (Phó Quận trưởng Gò Quao), thu toàn bộ chiến lợi phẩm và phá hủy 2 xe GMC.

Tháng 4-1947, các làng trong quận Long Mỹ tiến hành bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân để lập ra bộ máy chính quyền. Đi đôi với xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền, các đoàn thể, Mặt trận cũng được thành lập. Trong vùng cách mạng kiểm soát, các đoàn thể tích cực tham gia phong trào lao động sản xuất, đóng góp lương thực nuôi quân. Ngoài ra, quận Long Mỹ cũng quan tâm đến việc xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, kêu gọi được nhiều thanh niên gia nhập dân quân tự vệ, tham gia luyện tập quân sự.

Ngày 27-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, mục đích là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

Hưởng ứng Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Người, quân và dân Long Mỹ phát động phong trào thi đua sôi nổi trong toàn quận. Lực lượng vũ trang quận phối hợp một bộ phận của Liên trung đoàn 122 - 124 tiêu diệt hơn 1 đại đội lính Pháp và Lê dương, đánh chìm 1 chiếc tàu sắt của địch tại Cầu Đúc (Hỏa Lựu). Cũng trong năm 1948, du kích làng Thuận Hưng kết hợp với lực lượng vũ trang quận đánh 1 trung đội địch từ Long Mỹ hành quân bảo vệ bọn đi phát lương cho lính đồn Cái Rắn. Kết quả, địch bị thiệt hại nặng, số sống sót còn lại bỏ chạy về Long Mỹ. Tại quận lỵ Long Mỹ, các đơn vị au ninh xung phong và biệt động của ta nổ súng đánh liên tục, diệt tên Pháp râu đỏ gian ác, tên Cai Kèn và nhiều tên tay sai khác. Tại xóm Chừa ông, đại đội lính Pháp, lính Cao Đài và lính quận đóng tại nhà địa chủ Huỳnh Thiện Tích liên tiếp bị đơn vị cảm từ của ta ném lựu đạn làm chết và bị thương nhiều tên. Nhiều tên Pháp và Miên gian ác bị ta trừng trị và giật súng giữa ban ngày tại quận lỵ Long Mỹ, Nàng Mau và Trà Bang Nhỏ.

Giai đoạn này, phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh, lực lượng vũ trang tấn công một loạt đồn bốt địch như: Cái Rắn (Xà Phiên), Tám Vịnh (Vị Thủy), Trà Bang Nhỏ (Long Phú), Cái Su (Hòa Lựu),...Tiếp đó là trận đánh chìm tàu sắt địch trên sông Cái Trẩu càng làm cho địch hoang mang, chúng ngày càng lo sợ bị ta đánh bất ngờ.

Sau chiến thắng Tầm Vu IV (ngày 19-4-1948), bọn lính đóng trong các đồn bốt trên địa bàn huyện Long Mỹ co lại, không dám bung ra hoạt động như trước. Trước tình hình bất lợi đó, trong hai tháng (6 và 7- 1948), địch tập trung quân ở quận lỵ Long Mỹ, Ngã Năm hành quân vào chi viện cho các đồn Vịnh Chèo, Cái Rắn, Tám Vịnh.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 09:53:34 am
Tháng 9-1948, ta liên tục nổ súng tiến công, bao vây đồn bốt địch, buộc chúng phải ra lệnh tập trung quân ở Trà Bang Lớn để rút về quận lỵ Long Mỹ, tinh thần binh lính địch hết sức hoang mang và chúng bỏ đồn rút chạy vào ngày 10-10-1948. Tranh thủ thời cơ, lực lượng vũ trang quận cùng du kích các làng Thuận Hưng, Long Trị, Long Bình tổ chức bắn tỉa tiêu diệt và làm bị thương một số tên địch. Địch sử dụng pháo và đại liên 12,7mm bắn trả nhằm kìm chân quân ta, hỗ trợ cho đồng bọn rút quân. Đến 12 giờ trưa, quân địch vội vã xuống tàu, ghe để chạy thoát thân. Ta nổ súng truy kích, buộc địch phải bỏ lại một số ghe xuồng. Dân quân và quần chúng phấn khởi xông lên san bằng đồn bốt của địch, phá tuyến lộ Trà Bang Lớn - Ngã Năm, Trà Bang Lớn - Vị Thanh - Hỏa Lựu, Vĩnh Tường - Kinh Cùng, quyết không cho địch quay trở lại tái chiếm. Ta giải phóng cơ bản quận Long Mỹ(1), tạo thế liên hoàn giữa các vùng giải phóng rộng lớn, hình thành vùng hậu phương vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến.

Sau khi được giải phóng, các địa phương ở Long Mỹ vừa tập trung củng cố, khôi phục lại hoạt động sản xuất ở vùng nông thôn, vừa sẵn sàng đánh trả địch để bảo vệ vùng giải phóng và căn cứ cách mạng. Công việc cấp bách lúc này được xác định là đắp cản, ngăn sông,... nhằm ngăn chặn địch dùng tàu đánh sâu vào vùng giải phóng của ta. Quận Long Mỹ đã huy động hàng chục ngàn dân công để làm các cản kiên cố ở Lái Hiếu (Phụng Hiệp), Chủ Hàng (Vĩnh Tường), Trà Bang Nhỏ (Long Phú), Nước Trong (Vĩnh Viễn), Xẻo Chích (giáp Hồng Dân).

Tháng 3-1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Long Mỹ(2) được tổ chức tại kênh Ba Voi (Vĩnh Thuận Đông) đồng chí Nguyễn Hùng Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy Rạch Giá và đồng chí Nguyễn Thành Điểm - Bí thư Huyện ủy Long Mỹ chủ trì Đại hội. Đại hội nhận định: Từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, quân dân Long Mỹ đã vượt qua bao khó khăn, thử thách. Được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Huyện ủy, sự hỗ trợ tích cực của lực lượng vũ trang tỉnh và Quân khu 9, quân dân Long Mỹ đã đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, phát triển phong trào du kích chiến tranh, liên tục bao vây tiến công địch, làm cho chúng thiệt hại nặng nề về lực lượng, suy yếu về tinh thần, dẫn đến ta giải phóng cơ bản huyện Long Mỹ, mở ra một bước tiến mạnh mẽ của Đảng bộ, quân và dân Long Mỹ. Đồng thời, Đại hội đã xác định nhiệm vụ trong thời gian tới: Tiếp tục phát huy thắng lợi đã đạt được, tăng cường hơn nữa khối đoàn kết toàn dân. Tích cực xây dựng vùng nông thôn giải phóng phát triển về mọi mặt để bảo đảm cung cấp nhân, vật lực cho kháng chiến. Phát động rộng, mạnh phong trào du kích chiến tranh đánh bại những cuộc càn quét lấn chiếm của địch.

Ngày 19-12-1949, lễ kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến lớn nhất ở miền Tây được tổ chức ở Long Trị (ngang khu nhà lồng chợ Long Mỹ) với sự tham dự của gần 20.000 người. Trong buổi lễ này, lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Quân khu 9 đã tổ chức cuộc duyệt binh long trọng, có sự tham dự của phái đoàn Trung ương. Buổi lễ đã có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân và dân huyện Long Mỹ. Phong trào dân quân tự vệ và du kích phát triển mạnh ở các xã, ấp. Lực lượng dân quân thi đua luyện tập quân sự, làm cản, phá giao thông, sẵn sàng chống địch càn quét lấn chiếm.

Đầu năm 1950, Long Mỹ thành lập trung đội địa phương quân huyện, quân số gần 20 đồng chí, do đồng chí Đặng Hùng Cường (Hai Cường) làm Trung đội trưởng, đồng chí Trịnh Quốc Minh (Chín Minh hay Minh Bầu) làm Chính trị viên. Đây là đơn vị địa phương quân đầu tiên của huyện Long Mỹ.

Tháng 6-1950, địch từ Cần Thơ theo liên tỉnh lộ 31(3) hành quân xuống lấn chiếm Long Mỹ. Khi đội hình hành quân của địch đến cầu Nàng Mau (Vị Thủy) thì lọt vào trận địa phục kích của ta. Du kích các xã Vĩnh Tường, Vị Thủy phối hợp với trung đội địa phương quân huyện nổ súng đánh địch quyết liệt, buộc chúng phải rút quân về thị xã Cần Thơ.

Tháng 8-1950, địch sử dụng hai tiểu đoàn bộ binh được sự hỗ trợ của xe lội nước từ Rạch Giá hành quân đánh xuống Long Mỹ. Tuy nhiên, lực lượng này bị du kích xã Vĩnh Tuy và bộ đội huyện chặn đánh gây thiệt hại nặng phải rút quân về Rạch Giá.

Cuối năm 1950, địch sử dụng tàu sắt chở một tiểu đoàn tính từ Rạch Giá hành quân càn quét xuống Long Mỹ, Khi đội hình địch đến khu vực Cầu Đúc (Hỏa Lựu), bộ đội huyện kết hợp với du kích xã chặn đánh địch quyết liệt suốt 7 ngày liên tục, buộc địch phải bỏ dở cuộc càn quét.


(1) Chỉ còn đồn Kinh Cùng (làng Hòa An).
(2) Nghị định số 46, ngày 18-2-1949 của Ủy ban hành chính Nam Bộ đã đổi tên quận, làng bằng huyện, xã.
(3) Hiện nay là quốc lộ 61.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 10:24:53 am
III – GIỮ VỮNG ĐỊA BÀN, CÙNG CẢ NƯỚC
ĐÁNH BẠI THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1951-1954)

Đầu năm 1961, tiểu đoàn lính Lê dương Pháp càn quét vào địa bàn xã Long Trị, bộ đội huyện và du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 9 nổ súng đánh trả quyết liệt, địch bị thiệt hại nặng phải rút quân về Sóc Trăng để củng cố lực lượng.

Giữa năm 1951, địch tập trung hai trung đoàn từ Cần Thơ hành quân đánh xuống Long Mỹ. Lực lượng vũ trang huyện phối hợp với hai Tiểu đoàn 307 và 308 Quân khu 9 phục kích đánh địch đoạn từ ngã ba Vĩnh Tường đến Giồng Sao, địch bị ta đánh thiệt hại nặng, buộc chúng phải rút quân về Cần Thơ.

Sau thắng lợi ở trận Giồng Sao, lực lượng vũ trang huyện và du kích các xã đẩy mạnh hoạt động, tiến hành bao vây quân địch ở Kinh Cùng (Hòa An), buộc chúng phải rút chạy, huyện Long Mỹ hoàn toàn được giải phóng. Trong thời gian này, huyện Long Mỹ đã huy động được hàng ngàn dân công và cùng với dân công các huyện của hai tỉnh Cần Thơ, Rạch Giá làm cản lớn tại ngã ba Nước Trong, Mười Bốn Ngàn (Vị Thanh), Huỳnh Kỳ, Chắc Kha, ngăn chặn không cho tàu địch đánh phá vào vùng giải phóng. Ngoài ra, nhân dân Long Mỹ còn tham gia phá lộ Cái Sắn, phục vụ chiến dịch đánh địch tại Sóc Trăng,...

Cuối năm 1951, tỉnh Rạch Giá được giải thể, các huyện được sáp nhập vào các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Long Mỹ lúc này trở thành đơn vị hành chính cấp huyện, là căn cứ và hậu phương quan trọng của tỉnh Cần Thơ. Quân và dân Long Mỹ chuyển sang làm nhiệm vụ lao động sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế, y tế và giáo dục, góp phần ổn định đời sống nhân dân trong vùng giải phóng.

Tháng 7-1952, địch mở cuộc càn quét vào xã Hỏa Lựu, du kích xã phối hợp với Tiểu đoàn 307 Quân khu 9 phục kích đánh địch đoạn từ Cầu Lẫm đến Cái Sinh, diệt khoảng 100 tên lính Âu - Phi của Tiểu đoàn BMEO.

Tháng 12-1952, địch đã mở cuộc càn lớn đánh vào các xã Hỏa Lựu, Vị Thanh của huyện Long Mỹ nhằm mục đích tái chiếm lại vùng giải phóng của ta. Đội hình hành quân của địch chia ra làm hai hướng: hướng từ Cần Thơ xuống có ba tiểu đoàn khinh binh và 18 tàu chiến, càn quét theo trục kênh xáng Xà No - Cầu Đúc - Hỏa Lựu; hướng từ Rạch Giá lên gồm nhiều tàu chiến và bộ binh theo sông Cái Lớn - Gò Quao - ngã ba Nước Trong càn quét vào Long Mỹ.

Ngày 19-12-1952, cánh quân địch từ Cần Thơ tiến xuống đã phá cản Mười Bốn Ngàn và tiến đến nhà thờ Vị Thanh thì dừng lại đóng quân. Cánh quân thứ hai của địch từ Rạch Giá tiến vào có tàu chiến yểm trợ, khi đến Gò Quao cũng dừng lại đóng quân. Du kích các xã Hỏa Lựu và Vị Thanh đã phối hợp với Tiểu đoàn 410 của tỉnh tổ chức trận địa chặn đánh địch. Vào đêm 19-12-1952, Đội công binh thuộc Tiểu đoàn 410 đã đặt hai quả thủy lôi tại vàm Cái Sình trên kênh xáng Xà No (ấp Mỹ II, Hỏa Lựu). Sau đó, ta cử một tổ do đồng chí Trần Hiển Quang chỉ huy cùng đồng chí Nhữ và một đồng chí bảo vệ ở lại chờ địch đến đánh. Ngày 20-12-1952, quân địch từ Vị Thanh chia làm hai cánh, một cánh đánh vào Nàng Mau (Vị Thủy) rồi tiến xuống Vịnh Chèo (Vĩnh Thuận Đông), cánh thứ hai tiến xuống Hỏa Lựu. Khoảng 3 giờ chiều ngày 20-12-1952, cánh quân tiến xuống Hỏa Lựu khi đến cầu Cái Sình thì dừng lại chờ tàu sắt đưa qua rạch (vì lúc này cầu Cái Sình đã bị ta đánh sập). Khi chiếc tàu đã nằm đứng vị trí đặt thủy lôi, ta châm điện làm thủy lôi phát nổ, tàu giặc bị chìm ngay tại chỗ. Kết quả, ta tiêu diệt khoảng 400 tên (trong đó có một tên quan tư người Pháp). Tiểu đoàn 14 cơ động và một phân đội hải quân của địch bị xóa sổ. Sau khi địch bổ chạy, lực lượng ta mò lấy được hai khẩu súng 20mm, một khẩu 13,2mm, năm khẩu carbine, 12 súng trường. Đây là trận đánh chìm tàu LCT đầu tiên ở Tây Nam Bộ, góp phần bẻ gãy cuộc hành quân càn quét, khôi phục lại hệ thống đồn bốt của địch trên địa bàn huyện Long Mỹ.

Trong những năm 1952 - 1953, huyện Long Mỹ đã tiến hành cấp ruộng đất cho nông dân. Người nông dân được cấp đất để cày cấy nên vô cùng phấn khởi, ra sức tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống. Thời gian này, Trường Quân chính Quang Trung, Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đào tạo cán bộ quân sự cấp trung đội, đại đội thường xuyên mở lớp tại Long Mỹ. Địa bàn Long Mỹ còn là nơi các đơn vị của tỉnh, khu đến huấn luyện quân sự và được nhân dân Long Mỹ đùm bọc, bảo vệ chu đáo.

Tháng 10-1953, Đảng bộ huyện Long Mỹ tổ chức Đại hội lần thứ II tại Ba Doi (Vĩnh Thuận Đông). Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ những năm tới: Đẩy mạnh sản xuất, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Quan tâm phát triển lực lượng quân sự, làm tốt nhiệm vụ hậu phương vững chắc, phục vụ chiến trường, tấn công địch giành thắng lợi.

Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, Long Mỹ tập trung phát triển lực lượng vũ trang huyện, đẩy mạnh các hoạt động quân sự, hỗ trợ du kích các xã bao vây đồn bốt địch. Mỗi xã xây dựng được hai tiểu đội du kích và tiến lên xây dựng trung đội, huyện đã xây dựng được ba trung đội bộ binh.

Du kích các xã phối hợp với du kích huyện Phụng Hiệp bao vây bức rút nhiều đồn bốt trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, giải tán khoảng 300 tên lính bảo an Phật giáo Hòa Hảo, đắp mô gài chất nổ diệt trên 30 tên địch tại lộ Tầm Vu. Ngoài ra, các xã còn huy động hàng chục ngàn ngày công để xây dựng các cản trên các tuyến sông, lớn nhất là cản trên sông Cái Lớn để ngăn không cho tàu địch vào đánh phá.

Trong thời gian quân và dân Long Mỹ đang ra sức xây dựng hậu phương, dồn sức tiếp viện cho tiền tuyến thì trên chiến trường chung, quân và dân cả nước đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, vang dội nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 10:27:57 am
Chương II

LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HUYỆN LONG MỸ TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU
CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC (1954 -1968)

I - GIỮ GÌN, PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG, TIẾN HÀNH ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ
VÀ TIẾN LÊN KHỞI NGHĨA VŨ TRANG (1954 - 1960)

Hiệp định Giơnevơ được ký kết là thắng lợi to lớn của quân và dân ta, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đất nước tạm thời chia làm hai miền, sẽ tiến hành tổng tuyển cử, bầu quốc hội và chính phủ thống nhất theo tinh thần của Hiệp định. Tuy nhiên, với mưu đồ tấn công các nước xã hội chủ nghĩa, phá hoại phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đế quốc Mỹ đã thay chân Pháp nhảy vào chiến trường miền Nam, hòng biến Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, đưa Ngô Đình Diệm lên làm Thủ tướng chính phủ bù nhìn ở miền Nam.

Trước những âm mưu, thủ đoạn mối của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam, ngày 5-9-1954, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp cụ thể hóa và bổ sung Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa II của Đảng. Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ của Đảng ở miền Nam trong giai đoạn này là: “Lãnh đạo nhân dân miền Nam đấu tranh thực hiện Hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện tự do dân chủ..., cải thiện dân sinh, thực hiện thống nhất và tranh thủ độc lập”(1). Đồng thời, Bộ Chính trị đề ra phương châm hành động: “khéo công tác, khéo che giấu lực lượng”, “kết hợp công tác hợp pháp và công tác không hợp pháp” để tập trung lực lượng và lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh, chú trọng bảo tồn lực lượng ta.

Chủ trương đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị đã tạo ra sự chuyển hướng về nhiệm vụ, tổ chức và phương châm, sách lược cho cán bộ và đồng bào miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ trong tình hình mới.

Ở Cần Thơ, Long Mỹ là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng đối với địch, nếu kiểm soát được khu vực này sẽ bảo vệ vững chắc được cửa ngõ phía tây nam của thị xã Cần Thơ, tạo bàn đạp thuận lợi cho việc đưa lực lượng đánh phá vào vùng nông thôn giải phóng rộng lớn xung quanh như: Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận (Kiên Giang), Hồng Dân (Bạc Liêu),... đặc biệt là U Minh, địa bàn đứng chân của Khu ủy Tây Nam Bộ và Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Ngày 15-9-1954, địch sử dụng 17 chiếc tàu sắt, chở 2.000 quân từ Rạch Giá hành quân đánh chiếm Long Mỹ - Vị Thanh, địch đưa tên Thiếu tá Trần Hoàng Quân lên làm Chi khu trưởng.

Sau khi chiếm được Long Mỹ, địch khẩn trương xúc tiến việc xây dựng bộ máy ngụy quyền từ quận đến xã, ấp, đóng đồn bốt khắp nơi trên địa bàn huyện. Đầu năm 1955, địch thành lập Biệt khu U Minh tại khu vực chợ Cái Nhum (Vị Thanh) làm căn cứ xuất phát hành quân đánh phá vùng giải phóng xung quanh Long Mỹ. Ban Chỉ huy biệt khu gồm: Đại tá Trần Tử Oai, Thiếu tá Lâm Quang Phòng và Đại úy Lâm Quang Tấn.

Tháng 8-1954, Huyện ủy tổ chức cuộc họp tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Tốt (Bảy Thường) ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Đông để học tập tinh thần của Hiệp định Giơnevơ, triển khai tình hình, nhiệm vụ mới cho các chi, đảng bộ. Trong thời gian này, do thực hiện chủ trương đấu tranh chính trị nên các đơn vị vũ trang trong huyện được giải thể, vũ khí được chôn giấu, tổ chức cán bộ đưa đi tập kết ra Bắc, lựa chọn một số cán bộ bám trụ địa bàn chuyển vào hoạt động bí mật lãnh đạo, tập hợp quần chúng vào các tổ chức “vạn vần đổi công”, “hội tương tế”,...

Ngày 17-7-1955, chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên bố không thừa nhận hiệp thương tổng tuyển cử và hô hào “Bắc tiến”, lấp sông Bến Hải.

Ngày 23-10-1955, chính quyền Diệm tổ chức trưng cầu dân ý ở miền Nam, phế truất Bảo Đại. Tiếp đến, Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập nước Việt Nam Cộng hòa, thành lập Quốc hội, xây dựng Hiến pháp. Đồng thời, địch xúc tiến thực hiện chủ trương quân sự hóa bộ máy hành chính, chia nhỏ quận, xã để dễ dàng thực hiện việc bình định, quản lý,... Địch tập trung chấn chỉnh lại hội đồng hương chính xã, đưa những tên ác ôn làm ủy viên cảnh sát, trưởng ấp, đưa địa chủ, cán bộ bất mãn, đầu hàng, phản bội, có hận thù với cách mạng vào bộ máy chính quyền, sử dụng chiêu bài chiến tranh tâm lý, chiêu hồi để dụ dỗ, mua chuộc quần chúng, đẩy mạnh hoạt động đàn áp, bắt bớ cán bộ kháng chiến. Riêng đối với lực lượng quân đội, địch đưa lực lượng bảo an, dân vệ vào hệ thống quân đội Việt Nam Cộng hòa, có trách nhiệm phụ trách hoạt động bình định tại chỗ, đẩy mạnh xây dựng quân chủ lực. Đến cuối năm 1956, quân ngụy phát triển lực lượng lên đến 500.000 tên. Ngoài ra, chính quyền ngụy ban hành sắc lệnh điều chỉnh lại địa giới hành chính ở miền Nam gồm 44 tỉnh, chia miền Nam ra Trung phần, Cao nguyên Trung phần và Nam phần. Huyện Long Mỹ lúc này thuộc tỉnh Phong Dinh. Đồng thời, chính quyền ngụy lấy “chống cộng” làm quốc sách hàng đầu, ban bố tình trạng chiến tranh ở miền Nam, tập trung lực lượng đàn áp các giáo phái, thi hành chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” rất dã man, tàn bạo. Trong đó, đổi tượng mà chính quyền ngụy nhắm vào là những người có cảm tình với kháng chiến ở trong hàng ngũ của chúng và ngoài nhân dân, những người kháng chiến cũ, cán bộ, đảng viên không đi tập kết.


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 15, tr. 308.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 10:30:21 am
Qua hai năm tập trung xây dựng và củng cố quyền lực, đến cuối năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm đã loại trừ xong cốc lực lượng vũ trang giáo phái chống đối, thiết lập bộ máy ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở. Tháng 10-1956, Quốc hội Việt Nam Cộng hòa thông qua đạo luật đặt “cộng sản” ra ngoài vòng pháp luật, địch thẳng tay đàn áp, đánh phá ác liệt vào các cơ sở đảng và lực lượng quần chúng cách mạng, khủng bố đẫm máu những người kháng chiến cũ. Song song với việc thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, Mỹ - Diệm còn ban hành chính sách cải cách “nông thôn” nhằm mục đích không chế nông dân, kiểm soát chặt chẽ nông thôn. Trong đó, chính quyền ngụy lấy việc cải cách điền địa làm trung tâm để mua chuộc, lôi kéo nông dân nhằm làm suy yếu phong trào cách mạng ở nông thôn. Thực chất của chính sách này là xác nhận quyền sở hữu đất đai của giai cấp địa chủ, buộc nông dân mất đất phải trở lại làm thuê, nộp tô cho địa chủ.

Trước tình trạng Mỹ - Diệm vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơnevơ, phong trào cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn, ngày 18-8-1956, Bộ Chính trị chỉ thị cho Xứ ủy Nam Bộ cần tổ chức ra những đội tự vệ ở các thôn, xã, nhà máy, đường phố, trường học. Nhiệm vụ của những đội tự vệ này là giữ gìn trật tự và bảo vệ các cuộc đấu tranh của quần chúng, thông tin, báo hiệu, canh gác các cuộc họp, hội nghị của cán bộ và giải thoát cho cán bộ khi cần thiết,... Các đội viên phải là thanh niên lao động hoặc đảng viên tổ chức thành từng tổ và đội, có đội trưởng, đội phó.

Cũng trong thời gian này, đồng chí Lê Duẩn soạn thảo bản Đề cương cách mạng miền Nam, đề ra nhiệm vụ cho phong trào cách mạng ở miền Nam trong giai đoạn này là: “Trực tiếp đánh đổ chính quyền độc tài, phátxít Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách đế quốc, phong kiến, thiết lập ở miền Nam một chính quyền liên hiệp có tính chất dân tộc, dân chủ, để cùng với miền Bắc thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ nhân dân”(1). Thực hiện chỉ đạo của trên, Huyện ủy Long Mỹ chỉ đạo các xã lựa chọn những quần chúng cốt cán trong thanh niên lao động để huyện thành lập đơn vị “Thanh binh”(2), có nhiệm vụ trước mắt là diệt ác. Khi điều kiện cho phép, các đơn vị Thanh binh xây dựng thành du kích các xã hoặc đưa đi xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh. Đồng chí Sáu Phi được chỉ định làm Đội trưởng, các đồng chí Sáu Hoàng, Phan Văn Chơn (Năm Búa) làm Đội phó. Vũ khí trang bị thô sơ, chủ yếu là gậy gộc, mã tấu,...

Tại Long Mỹ, thực thi chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, bọn ngụy quân, ngụy quyền đã giết hàng ngàn người dân vô tội bằng các hình thức rất dã man như: chặt đầu, mổ bụng moi gan, lấy mật,... ở khu vực Chùa Ông (Vị Thanh), địch đào hố chôn sống hàng chục người, tại xã Vĩnh Thuận Đông, trong hai năm 1954 - 1955, địch đã giết 84 người dân vô tội.

Để đối phó với những hành động tàn bạo của địch, Tỉnh ủy dề ra chủ trương thành lập “Liên quân giáo phái chống Mỹ - Diệm”, về hình thức, các đơn vị mang danh nghĩa giáo phái nhưng thực chất là các đơn vị vũ trang của ta. Lúc này, trên địa bàn huyện Long Mỹ thường xuyên có hai tiểu đoàn Lê Lợi và Quang Trung hoạt động, nơi đứng chân là Lung Ngọc Hoàng và khu vực rừng tràm Sáu Yến (xã Hỏa Lựu), có nhiệm vụ hỗ trợ cho địa phương tiến hành hoạt động vũ trang tuyên truyền kết hợp diệt ác, trừ gian.

Đầu năm 1956, lực lượng Thanh binh huyện Long Mỹ kết hợp với xã Long Trị, Thuận Hưng tiêu diệt tên Đường - cảnh sát trưởng quận Long Mỹ, khét tiếng ác ôn. Ngày 10-2-1956, du kích mật đã dùng búa diệt bốn tên lính ác ôn là Trung úy Tiết, Thượng sĩ Banh, Thượng sĩ Lâm Dênh và Trung sĩ Ngọc của Tiểu đoàn 509 Bảo Hoàng tại ấp Mỹ Tân (xã Hỏa Lựu), thu 1 colt 12mm, 2 súng carbine và 3 quả lựu đạn. Ngày 14-4-1956, ta tổ chức treo khẩu hiệu ở cầu Cái Sình, thuộc ấp Mỹ Tân (xã Hỏa Lựu). Sáng hôm sau, địch cho quân từ Vị Thanh xuống tháo gỡ, ta phục kích tiêu diệt tên Trung úy Bình, Trung sĩ Lọ, thu 1 súng trường Mác. Tháng 10-1956, lực lượng tự vệ vũ trang với trang bị dao găm, mã tấu bí mật đột nhập tiêu diệt tên Cả Đá tại kênh Mười Ba (Vĩnh Viễn). Cũng trong tháng 10-1956, lực lượng liên quân tổ chức đánh địch càn quét vào khu vực Đập Đá (Hòa Ân), tiêu diệt và làm bị thương trên 50 lính ngụy, thu được 20 súng các loại. Nhìn chung, sự xuất hiện của các đơn vị vị quân đã hỗ trợ đắc lực cho phong trào diệt ác, trừ gian và đấu tranh chính trị của quần chúng ở Long Mỹ, đồng thời tạo tiền đề cho việc hình thành lực lượng vũ trang huyện sau này.

Được sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nhân dân diễn ra sôi nổi bằng nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền vạch trần bộ mặt bịp bợm, giả hiệu của địch, vận động quần chúng không đi bầu cử, đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ, chống địch đàn áp, bắt bớ cán bộ. Nổi bật, đêm 22, rạng sáng ngày 23-10-1956, ta tổ chức lực lượng thanh niên ở Vĩnh Viễn và các xã lân cận sử dụng súng làm bằng bập dừa hóa trang lực lượng vũ trang vừa đi vừa phát loa chống “trưng cầu dân ý”, đốt khí đá hù dọa bọn tề xã, nhân dân lấy cớ sợ cách mạng nên không đi bỏ phiếu. Phong trào “chống cướp” hình thành ở xã Vĩnh Thuận Đông được Huyện ủy nhân rộng ra trên địa bàn huyện hoạt động rất hiệu quả. Mỗi gia đình đểu chuẩn bị sẵn đuốc, gậy gộc khi có báo động nhanh chóng tập hợp lại đánh bọn cướp hoặc vây bọn lính rình rập ban đêm.


(1) Lê Duẩn: Tuyển tập (1950 - 1965), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.1, tr. 100.
(2) Thanh binh là tổ chức mang tính chất đoàn thể của những thanh niên trung kiên, nhiệt huyết với cách mạng được vũ trang hóa. Lúc này ở Long Mỹ, lực lượng Thanh binh có quân số khoảng một đại đội.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 10:31:08 am
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1956 đến tháng 2-1957, Mỹ - Diệm mở chiến dịch “Thoại Ngọc Hầu” tập trung các trung đoàn chủ lực, hải đoàn “xung phong” các đoàn chỉ đạo “tố cộng” cùng với quân ngụy tại Cần Thơ càn quét đánh phá các địa phương trong tỉnh nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng và tàn quân của giáo phái Hòa Hảo.

Tại huyện Long Mỹ, địch tập trung lực lượng càn quét vào các xã Hỏa Lựu, Vĩnh Viễn, Vĩnh Thuận Đông, Vĩnh Tường, Vị Thủy. Sau khi dẹp xong lực lượng giáo phái, địch chuyển sang tấn công vào lực lượng cách mạng, đẩy mạnh thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” nhằm tiêu diệt tận gốc cộng sản, những quần chúng yêu nước và tham gia khảng chiến trước đây ở Long Mỹ.

Đầu năm 1957, chính quyền ngụy ở Cần Thơ đưa Đại úy Lâm Quang Tấn lên làm Quận trưởng quận Long Mỹ. Khi nhận chức, tên Lâm Quang Tấn tuyên bố muốn chống cộng có hiệu quả phải chặt đầu rắn, tức là chặt đầu ban lãnh đạo cách mạng, trong đó trọng điểm là Huyện ủy, các chi ủy Đảng, các đơn vị vũ trang, đánh vào các cơ sở cách mạng ở xã, ấp, khủng bố các gia đình có con em đi tập kết và gia đình cách mạng tại địa phương, ly gián gia đình cách mạng với nhân dân, buộc nhân dân phải tham gia các tổ chức phản động do chính quyền Ngô Đình Diệm lập nên, tiến hành bắt lính, phát triển lực lượng bảo an, dân vệ.

Về phía ta, thực hiện chủ trương của Liên Tỉnh ủy miền Tây, huyện Long Mỹ được giao về tỉnh Cần Thơ. Riêng xã Vị Thanh giao về huyện Giồng Riềng, xã Vĩnh Tuy giao về huyện Gò Quao. Tỉnh Rạch Giá điều động đồng chí Trịnh Văn Chi (Ba Bạch), Bí thư Huyện ủy Gò Quao về làm Bí thư Huyện ủy Long Mỹ. Thời điểm này, huyện Long Mỹ có 15 xã, mỗi xã đều xây dựng được chi bộ Đảng. Đồng thời, huyện Long Mỹ được đồng chí Nguyễn Truyền Thanh (Bảy Lê), Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ trực tiếp chỉ đạo về mọi mặt, nhờ vậy mà Đảng bộ huyện Long Mỹ kịp thời đưa ra được các chủ trương kế hoạch đối phó hiệu quả trước những âm mưu, thủ đoạn mới của địch tại địa phương.

Song song với hoạt động đấu tranh chính trị, các chi bộ Đảng đã lãnh đạo lực lượng thanh binh tổ chức tiêu diệt được một số tên tay sai ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân. Ngày 10-1-1957, ta tiêu diệt tên Thượng sĩ Nhã, Trưởng đồn Nàng Mau tại sân bóng đá Nàng Mau (Vị Thủy). Tên Nhã bị tiêu diệt làm cho quần chúng ở Nàng Mau rất phấn khỏi, bọn binh lính chỉ biết co cụm trong đồn, không còn công khai hoạt động càn quét, sách nhiễu nhân dân như trước đây.

Sự phát triển đi lên của phong trào cách mạng tại địa phương đặt ra yêu cầu phải có các đơn vị vũ trang để hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Ngày 28-3-1957, Trung đội vũ trang huyện Long Mỹ được thành lập tại Lung Dừa Khô, rạch xẻo Đước, ấp 10, xã Vĩnh Viễn (đoạn nhà ông Hai Thường). Quân số đơn vị gồm 25 cán bộ, chiến sĩ. Đồng chí Sáu Hậu (Mười Mốc) được chỉ định làm Trung đội trưởng, các đồng chí Năm Mù, Năm Trinh làm Trung đội phó, đồng chí Trương Văn Tám (Tám Bành) làm Chính trị viên. Trung đội được trang bị súng trường Mác, súng trường Đức, mã tấu và một số vũ khí tự tạo.

Sự ra đời của Trung đội vũ trang huyện Long Mỹ đã kịp thời động viên tinh thần, hỗ trợ tích cực cho tổ tự vệ vũ trang các xã tiêu diệt địa chủ, tề điệp ác ôn như: Đường Lương, địa chủ Hoàng Hậu Thạch, tên Rốt - trưởng ấp Nhật Tảo, tên Vĩnh - trưởng ấp Thuận An B (xã Thuận Hưng), các tên Hậu, Hiếu tề xã ác ôn ở Long Trị, tên Huế Thuận - thám báo ác ôn ở ấp 4 (xã Vị Thủy), khiến bọn địch ở các đồn bốt rất hoang mang, lo sợ. Tuy nhiên, ta cũng mắc phải một số khuyết điểm, thiếu sót cần chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, đó là khi tình hình cách mạng đã chuyển biến tích cực thì một bộ phận cán bộ và quần chúng phấn khởi nên hoạt động lộ liễu, không giữ được thế hợp pháp, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động cách mạng ở địa phương sau này.

Tháng 7-1957, Huyện ủy triển khai đến các chi bộ Đảng bản dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam. Đề cương giúp cho cán bộ, đảng viên ở Long Mỹ hiểu rõ hơn về nhiệm vụ và con đường phát triển của phong trào cách mạng miền Nam, đồng thời tiếp thêm nghị lực để cán bộ, đảng viên vượt qua khó khăn, thử thách, lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương phát triển lên một bước mới.

Trước những diễn biến mau lẹ trên chiến trường, tháng 7-1958, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Truyền Thanh (Bảy Lê), Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ Huyện ủy Long Mỹ đã tổ chức cuộc họp tại Vĩnh Tường nhằm kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa II của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết của Tỉnh ủy Cần Thơ và uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, hoài nghi của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong đấu tranh chính trị, muốn đấu tranh vũ trang như thời kỳ chống thực dân Pháp, làm lộ lực lượng khi đấu tranh chính trị giành thắng lợi, khi địch tiến hành khủng bố ác liệt thì một bộ phận cán bộ, đảng viên hoang mang, dao động,... Từ đó, cuộc họp đã xác định nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ huyện Long Mỹ trong thời gian tới là: “Giữ gìn, củng cố lực lượng, qua thực tế thử thách chọn lọc những quần chúng cốt cán, có bản lĩnh chính trị vững vàng để phát triển đảng, xây dựng cơ sở cách mạng”.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 10:32:44 am
Tháng 10-1958, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ kết hợp với cơ sở bí mật đột nhập ấp 5 (Xà Phiên) diệt tên Lâm Văn Chúa - trưởng ấp ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân. Tháng 11-1958, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ diệt hai tên ác ôn trịnh Văn Thời và Trịnh Văn Trước tại ấp 7 (Xà Phiên), làm cho bọn địch ở Xà Phiên rất hoang mang, dao động.

Ngày 1-12-1958 xảy ra sự kiện địch đầu độc hàng ngàn từ nhân ở nhà lao Phú Lợi. Được sự chỉ đạo của trên, Huyện ủy Long Mỹ lãnh đạo các địa phương phát động nhân dân đấu tranh chống địch thảm sát tù nhân chính trị ở nhà lao Phú Lợi và được nhân dân nhiệt tình ủng hộ. Nhân dân phối hợp cùng các sư sãi kéo đến trụ sở tề xã, đồn bốt, dinh quận ở Long Mỹ đấu tranh đòi trừng trị kẻ sát nhân, đòi bồi thường nhân mạng, đưa kiến nghị đòi địch phải chữa trị cho những nạn nhân còn sống sót. Tại Vị Thanh, hơn 600 quần chúng kéo đến trụ sở tề xã yêu cầu thả những từ nhân chính trị còn sống sót, đòi bồi thường nhân mạng. Hoảng sợ trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, bọn chỉ huy hứa sẽ chuyển các kiến nghị của quần chúng lên trên.

Từ cuối năm 1958 đầu năm 1959, Biệt khu U Minh đóng tại Vị Thanh thường xuyên sử dụng quân ngụy tổ chức hành quân càn quét, đánh phá các cơ sở cách mạng nhưng không hiệu quả, Mỹ - Diệm ráo riết chuyển sang thực hiện kế hoạch lập khu trù mật nhằm mục đích tách dân ra khỏi cách mạng để dễ dàng tiêu diệt. Địch chọn Vị Thanh - Hỏa Lựu (Long Mỹ) làm địa điểm xây dựng khu trù mật điển hình ở miền Nam, biến nơi đây thành “trại giam trá hình khổng lồ”.

Sau thời gian tiến hành chuẩn bị, ngày 12-9-1959, Mỹ - Diệm đã khởi công xây dựng khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu. Trung bình mỗi ngày, địch huy động từ 10.000 - 12.000 dân công, lúc cao điểm lên đến 20.000 dân công. Ngoài dân địa phương, địch còn huy động dân công từ 18 - 45 tuổi ở các tỉnh miền Tây đến xây dựng khu trù mật. Dân công đi làm khu trù mật phải tự túc hoàn toàn nơi ăn, ở và phương tiện lao động.

Để gom dân vào khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, địch đưa những tên ác ôn đến nhà dân dọa nạt, buộc người dân phải bỏ nhà vào khu trù mật sinh sống, kết hợp quân ngụy thường xuyên hành quân càn quét, đốt nhà, dỡ nhà, phá hoại tài sản buộc người dân phải vào khu trù mật. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, địch đã mở trên 880 cuộc càn quét lớn nhỏ và hơn 100 cuộc biệt kích ở các huyện Long Mỹ, Giồng Riềng, Gò Quao để bắt lính, gom trên 13.000 gia đình vào khu trù mật.

Khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu gồm có bốn khu chính là khu Vị Thanh, khu Hỏa Lựu, khu giữa và khu bắc Vị Thanh với tổng chiều dài 7km, rộng 4km. Để kiểm soát dân, địch tiến hành kìm kẹp, giám sát gắt gao mọi hoạt động của người dân thông qua việc phân chia dân thành bốn loại A, B, C, D. Người dân muốn làm gì, đi đâu phải báo với liên gia trưởng và trưởng ấp. Địch quản lý lương thực, thực phẩm của nhân dân rất chặt chẽ, cho xây dựng khu chứa thóc công cộng, phát cho từng gia đình đủ ăn hằng tháng, mỗi người đi về ruộng vườn cũ canh tác chỉ được mang theo một suất cơm hoặc một chén gạo đủ để ăn một bữa. Ngoài ra, địch du nhập lối sống đồi trụy để đầu độc thanh niên, biến họ thành bia đỡ đạn cho chúng.

Mặc dù bị địch đàn áp dã man, khủng bố gắt gao để dồn dân vào khu trù mật sinh sống, nhưng với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, Đảng bộ Long Mỹ đã lãnh đạo lực lượng vũ trang và quần chúng đấu tranh quyết liệt với kẻ thù theo phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”. Ở xã Lương Tâm, trên 1.000 quần chúng đã biểu tình chống địch bắt xâu, chống đuổi nhà, đốt nhà, gom dân,... Tại Vị Thanh, ta tổ chức in và rải truyền đơn chống địch bắt nhân dân làm xâu, căng biểu ngữ trên bè chuối thả trên kênh xáng Xà No. Hưởng ứng phong trào, nhân dân trong khu trù mật đã đứng lên đấu tranh quyết liệt với quân địch, đòi trở về ruộng, vườn cũ sinh sống.

Để hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, tháng 9-1959, lực lượng vũ trang huyện tổ chức diệt tên Quẻn - Đại đội trưởng và tên Lựu - Trung đội trưởng Thanh niên Cộng hòa tại Tràm Cửa (Phường II(1)), diệt tên Quý - Liên toán trưởng Thanh niên Cộng hòa tại ấp Vị Thiện. Ngoài ra, các cơ sở của ta còn hóa trang thành lực lượng vũ trang đứng ở các ngã đường thủy, bộ giải thích cho nhiều toán dân công các nơi đến Vị Thanh xây dựng khu trù mật, cảnh báo bọn áp tải. Ta đã giải tán trên 100 xuồng, ghe chở dân công từ Phụng Hiệp, Châu Thành và trên 300 dân công từ Giồng Riềng đi Vị Thanh xây dựng khu trù mật. Ngoài việc tập trung công sức xây dựng khu trù mật VỊ Thanh - Hỏa Lựu, trong thời gian này, chính quyền ngụy ở Long Mỹ khẩn trương thi hành Luật 10/59. Địch tổ chức tòa án quân sự lê máy chém khắp các địa phương trong huyện, chém đầu bất cứ ai chống lại chính quyền Mỹ - Diệm. Bên cạnh đó, địch còn sử dụng các hình thức tra tấn, giết người hết sức dã man như: chặt đầu, mổ bụng, moi gan, lấy mật, lấy dây kẽm xâu tay, buộc đá thả xuống sông. Ở Vĩnh Thuận Đông có ngày địch giết chết 45 người dân, ở Vị Thủy, Hỏa Lựu, Vị Hòa chỉ trong mấy đêm địch giết chết 70 người, tại Voi Bần (ngang chợ Phường 7, thành phố Vị Thanh ngày nay), thiếu tá Trần Cửu Thiên - Quận trưởng Long Mỹ đã ra lệnh chôn sống và giết chết trên 300 người, tên ác ôn Minh Thành - Tổng đoàn trưởng Tổng đoàn dân vệ, giết chết hàng trăm người. Tại cầu tàu trước nhà lồng chợ Long Mỹ, hằng đêm, địch bắt tù nhân đập đầu thả xuống sông, có đêm địch giết đến 173 người.

Nhìn chung, chỉ trong khoảng thời gian từ giữa năm 1959 đến đầu năm 1960, địch đã đàn áp, sát hại trên 3.000 người, hàng ngàn người bị bắt, tra tấn, cầm tù ở Long Mỹ. Địch gieo rắc không khí kinh hoàng bao trùm trong quần chúng nhân dân, uy hiếp tinh thần cán bộ, đảng viên. Song song đó, địch đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, xuyên tạc, kết hợp mua chuộc nhằm mục đích ly gián quần chúng với cách mạng. Kết quả là ta bị tổn thất nghiêm trọng về lực lượng, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, trở ngại(2).


(1) Nay là xã Vị Tân.
(2) Trước lúc phân loại đảng viên, Long Mỹ có trên 200 đảng viên, nhưng đến khi địch thực hiện Luật 10/59, ta chỉ còn 75 đảng viên, chi bộ đảng ở Long Trị bị xóa sổ, phải xây dựng lại nhiều lần


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 10:39:01 am
II - PHỐI HỢP CÙNG QUÂN DÂN MIỀN NAM
TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG (1960 - 1965)

Trước tình hình phong trào cách mạng ở miền Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhân dân bị đàn áp khốc liệt, phải sống trong cảnh dầu sôi, lửa bỏng, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng bị núng thế, tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng dao động, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Tháng 7- 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị Trung ương lần thứ 15 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam. Nghị quyết Hội nghị khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”(1). Trong đó, tư tưởng chỉ đạo được xác định là: “Nhân dân miền Nam phải dùng con đường cách mạng bạo lực để tự giải phóng mình, ngoài ra không còn con đường nào khác”.

Tháng 12-1959, Tỉnh ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15, hạ quyết tâm phát động quần chúng đấu tranh mạnh mẽ, tiến lên cao trào đồng khởi chính trị, vũ trang trên toàn địa bàn tỉnh.

Để chuẩn bị cho phong trào Đồng khởi, Tỉnh ủy Cần Thơ điều các đồng chí Sáu Hậu, Năm Mù, Tám Bành, Ba Thông về tỉnh thành lập Tiểu đoàn Tây Đô. Đồng thời, tỉnh tăng cường đồng chí Phạm Văn Bé (Tám Tùng) - Tỉnh ủy viên làm Bí thư Huyện ủy Long Mỹ. Lúc này, đồng chí Phạm Văn Phục (Năm Phục) được Huyện ủy giao nhiệm vụ phụ trách lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ. Quân số trung đội vũ trang huyện lúc này có 40 chiến sĩ do đồng chí Bảy Bằng làm Trung đội trưởng, đồng chí Năm Tự làm Chính trị viên. Đơn vị đứng chân tại khu vực Xẻo Đước (Vĩnh Viễn) và Hốc Hỏa (Hỏa Lựu); vũ khí trang bị gồm có súng trường Mác, Laben, trung liên Gangt, carbine, tự động Mỹ.

Cuối tháng 12-1959, đồng chí Phạm Văn Bé (Tám Tùng) - Bí thư Huyện ủy trực tiếp triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 16 cho đảng viên chủ chốt của huyện. Ngay sau đó, Nghị quyết được triển khai rộng rãi đến đảng viên và các tổ chức quần chúng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 ra đời đã thổi một luồng sinh khí mới cho cán bộ, đảng viên và quần chúng trên địa bàn huyện Long Mỹ, tạo khí thế mới để đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng phát triển.

Nhằm kịp thời phối hợp với phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh, Huyện ủy chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện tổ chức nhiều đợt vũ trang tuyên truyền, hỗ trợ tích cực cho quần chúng đấu tranh chính trị phá khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, đưa nhân dân trở về quê cũ sinh sống. Vào lúc 21 giờ đêm 21-1-1960, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ dưới sự chỉ huy của đồng chí Phạm Văn Phục (Năm Phục) đã phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh do đồng chí Trương Văn Tám (Tám Bành) chỉ huy nổ súng đánh vào khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu. Qua hơn một giờ nổ súng, ta diệt được một trung đội địch, đánh thiệt hại nặng hai chiếc xáng, số quân địch còn sống sót bổ chạy tán loạn, ta thu được 10 súng và nhiều quân trang, quân dụng. Trong quá trình rút lui khỏi trận địa, đồng chí Võ Minh Lý trứng đạn hy sinh, đồng chí Bảy Bằng bị thương.

Ngày 25-2-1960, được sự giúp đỡ của nhân dân, lực lượng vũ trang huyện bí mật tập kích quân địch tại Hồ Sen, diệt hàng chục tên địch, thu 7 khẩu súng. Tranh thủ thời cơ, nhân dân trong khu trù mật viện lý do không bảo đảm an ninh đã đứng lên đấu tranh kiên quyết đòi trở về quê cũ sinh sống. Cũng trong đêm 25-2-1960, lực lượng vũ trang tuyên truyền đã bí mật luồn sâu vào khu vực gom dân ven sông Nước Đục (giáp ranh hai xã Vĩnh Viễn và Hỏa Lựu) diệt ác, phá tề và phát động trên 200 quần chúng nổi dậy phá khu dồn dân trở về quê cũ sinh sống.

Mặc dù chỉ mới hoàn thành 2/3 khối lượng công trình, nhưng do sức ép từ phong trào đấu tranh của quần chúng chống lại việc xây dựng khu trù mật, chống đuổi nhà diễn ra quyết liệt; bên cạnh đó, lực lượng vũ trang địa phương liên tục đánh vào khu vực Hồ Sen, Hỏa Lựu, buộc chính quyền Ngô Đình Diệm phải khánh thành khu trù mật Vị Thanh – Hỏa Lựu vào ngày 12-3-1960.

Tháng 4-1960, lực lượng vũ trang huyện do đồng chí Năm Phục chỉ huy phối hợp với đơn vị vũ trang của tỉnh đánh thiệt hại nặng chiếc xáng thổi tại Rạch Gốc (Hỏa Lựu), diệt gần một trung đội địch.


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chinh trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 20, tr. 82.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 10:39:38 am
Ngày 9-5-1960, du kích xã Long Phú phối hợp cùng Tiểu đoàn Tây Đô đánh địch tại Xẻo Cỏ, diệt trên 70 tên, làm bị thương 30 tên, trong đó có đại úy Diệp - Tiểu đoàn trưởng và tên Mười Viên – Trưởng chi cảnh sát quận Long Mỹ. Sau khi kết thúc trận đánh, ta vận động đồng bào chỗ xác địch ra vàm Xẻo Cỏ, Trà Lồng và Trại Dài kèm theo truyền đơn của ta, vận động một số gia đình có con em chết trận đến Chi khu Long Mỹ, đồn Cái Nai đấu tranh đòi xác và đòi bồi thường nhân mạng. Trận Xẻo Cỏ kết thúc thắng lợi đã tác động mạnh đến tinh thần binh sĩ ngụy, gây tâm lý hoang mang, dao động trong hàng ngũ địch ở các đồn bốt xung quanh.

Tháng 5-1960, lực lượng dân vệ của thị trấn Long Mỹ kết hợp binh lính đồn Cái Sắn (Xà Phiên) càn quét vào khu vực ấp 2 bị lực lượng địa phương quân huyện và du kích xã Xà Phiên phục kích tiêu diệt 27 tên, làm bị thương 19 tên, bắt sống 6 tên, ta thu 29 khẩu súng và hàng ngàn viên đạn. Đây là trận phục kích giành thắng lợi lớn của địa phương quân huyện và du kích xã, có ý nghĩa quan trọng đối với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân xã Xà Phiên.

Tháng 7-1960, xã Vị Thanh được giao về huyện Long Mỹ để thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân đấu tranh phá khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu.

Trong thời gian này, hoạt động diệt ác của lực lượng vũ trang và phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng giành được nhiều thắng lợi, làm cho hoạt động của bọn tề xã, tề ấp xung quanh khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu và các điểm gom dân hầu như bị tê liệt, lực lượng dân vệ, Thanh niên Cộng hòa hoang mang, dao động mạnh. Phong trào binh vận của ta có điều kiện thuận lợi phát triển, xây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến trong các đồn bốt địch cung cấp thông tin kịp thời cho ta, vận động nhiều binh sĩ mang vũ khí giao nộp cho cách mạng. Song song đó, ta còn tung tin bộ đội chủ lực về hoạt động, súng ống đủ loại, tin tên ác ôn này bị tiêu diệt, tên tay sai kia bị cảnh cáo nhanh chóng lan truyền đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần ngụy quân, ngụy quyền trên địa bàn huyện Long Mỹ.

Nhằm tăng cường hoạt động của lực lượng vũ trang huyện, Tỉnh đội Cần Thơ tăng cường cho huyện Long Mỹ 1 tiểu đội bộ binh và điều đồng chí Mười Sa về làm Trung đội trưởng địa phương quân huyện. Đồng thời, Huyện ủy Long Mỹ phân công cán bộ trực tiếp phụ trách công tác quân sự gồm các đồng chí: Bành Văn Chu (Tư Nhịn) - Thường vụ Huyện ủy, sau thời gian đồng chí Bảy Thuộc (Hai Lược) lên thay (đồng chí Bành Văn Chu chuyển về binh vận tỉnh). Lúc này, địa phương quân huyện có hai trung đội, các xã đều xây dựng được từ một tiểu đội đến một trung đội dân quân, du kích, trang bị chủ yếu súng trường, mã tấu,... Ngoài ra, ta vận động được nhiều thanh niên đăng ký tham gia du kích, dân quân phụ trách canh gác bảo vệ an ninh, trật tự xóm, ấp.

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ và phối hợp nhịp nhàng với cao trào Đồng khởi toàn miền Nam, đồng chí Phạm Văn Bé (Tám Tùng) thay mặt Tỉnh ủy Cần Thơ truyền đạt mệnh lệnh Đồng khởi cho Đảng bộ huyện Long Mỹ.

Hưởng ứng cao trào Đồng khởi, đúng 0 giờ ngày 14-9-1960, quân và dân huyện Long Mỹ đã đồng loạt tiến công vào các đồn bốt đóng trên địa bàn huyện. Lực lượng vũ trang đã hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, làm cho binh linh trong các đồn bót phải khiếp sợ.

Tại đồn Vàm Đinh (Long Phú), đồng bào đánh trống, mõ nổi dậy kêu gọi con em đi lính đánh thuê cho địch buông súng trở về với gia đình. Đến 13 giờ ngày 14- 9-1960, được sự giúp đỡ của đơn vị 1003 của tỉnh và sự phối hợp của cơ sở nội tuyến trong đồn Vàm Đinh ra mở cửa cho vợ con, người nhà vào đồn kêu gọi binh lính đầu hàng, lực lượng vũ trang và quần chúng xông vào chiếm đồn, thu 20 khẩu súng và 4 thùng đạn. Cùng thời gian trên, trung đội địa phương quân huyện phối hợp với đơn vị vũ trang tỉnh diệt gọn một đại đội địch ở cầu Rạch Gốc (Hỏa Lựu), thu nhiều vũ khí. Lực lượng vũ trang hỗ trợ nhân dân các xã tiêu diệt và bức rút các đồn Thạnh Phú (Hỏa Lựu), đồn Cái Rắn (Xà Phiên), đồn Nàng Mau (Vị Thủy), đồn Hội Đồng Sửu (Thuận Hưng) và đồn vàm Mười Ba (Vĩnh Viễn).

Ngày 15-9-1960, địa phương quân huyện Long Mỹ phục kích đánh bọn lính đồn Tô Ma (Lương Tâm) hành quân ra ngoài nắm tình hình, tã diệt tại chỗ 6 tên, bắt sống 2 tên, thu 3 khẩu súng. Quần chúng được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang đã đồng loạt nổi dậy giải phóng hoàn toàn xã Lương Tâm.

Trong 25 ngày đêm đấu tranh liên tục (từ ngày 14-9 đến ngày 8-10-1960), địa phương quân huyện phối hợp với cơ sở nội tuyến và quần chúng phá tan khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu, giải phóng trên 12.000 gia đình.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 10:41:13 am
Nhìn chung, qua hai cao điểm Đồng khởi, với tinh thần tiến công liên tục, đều khắp, cùng sự kết hợp nhịp nhàng các đòn tiến công chính trị, quân sự, binh vận, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ đã hỗ trợ kịp thời cho nhân dân bao vây, bức hàng, bức rút được tám đồn bốt, giải phóng hoàn toàn bốn xã: Vĩnh Viễn, Lương Tâm, Long Phú và Phương Phú; kiểm soát 2/3 đất đai và 4/5 dân số; giải tán hàng trăm toán Thanh niên Cộng hòa, thanh niên chiến đấu, phụ nữ liên đới; tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, thu nhiều súng đạn và quân trang, quân dụng. Hệ thống kìm kẹp của địch ở khu vực nông thôn huyện Long Mỹ cơ bản bị phá rã, bọn ngụy quân, ngụy quyền tinh thần hoang mang, dao động, co cụm lực lượng về khu vực thị trấn và các tuyến giao thông trọng yếu trên địa bàn huyện.

Giai đoạn 1954 - 1960, phong trào cách mạng miền Nam gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những năm 1956 - 1959, địch tập trung đánh phá phong trào cách mạng trên nhiều mặt bằng các thủ đoạn vô cùng thâm độc, tàn bạo nhằm mục đích tách cách mạng ra khỏi nhân dân để dễ dàng tiêu diệt. Lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ dũng cảm, kiên cường vượt qua khó khăn, thử thách từng bước xây dựng và phát triển lực lượng, hỗ trợ đắc lực cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, góp phần cùng nhân dân miền Nam giành thắng lợi trong phong trào Đồng khởi, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của Mỹ - ngụy ở miền Nam Việt Nam.

Phong trào Đồng khởi năm 1960 của quân và dân miền Nam đã góp phần làm phá sản quốc sách “tố cộng”, “diệt cộng”, lập khu trù mật của Mỹ - ngụy, làm tan rã phần lớn hệ thống kìm kẹp ở nông thôn của địch. Để cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm, đế quốc Mỹ buộc phải can thiệp sâu hơn vào miền Nam Việt Nam thông qua việc chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”. Trước tiên, Mỹ - ngụy xúc tiến thực hiện kế hoạch Stalây - Taylo nhằm bình định miền Nam trong vòng 18 tháng. Tiến hành dồn dân lập “ấp chiến lược”, cô lập lực lượng cách mạng tăng cường các hoạt động quân sự để tiêu diệt các căn cứ kháng chiến và lực lượng vũ trang của ta trong thời gian ngắn nhất.

Ngày 14-3-1961, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh số 98 tổ chức lại chiến trường ở miền Nam. Theo đó, địch bỏ cấp quân khu, thành lập vùng chiến thuật(1). Mỗi vùng chiến thuật có nhiều khu chiến thuật, tiểu khu và chi khu. Mỗi vùng chiến thuật do một quân đoàn ngụy phụ trách, khu chiến thuật do một sư đoàn phụ trách. Bộ Tư lệnh quân đoàn đồng thời là Bộ Tư lệnh vùng chiến thuật, Bộ Tư lệnh sư đoàn đồng thời là Bộ Tư lệnh khu chiến thuật. Trong đó huyện Long Mỹ thuộc khu chiến thuật 42(2), do Sư đoàn bộ binh 21 ngụy phụ trách.

Ở miền Nam Việt Nam, địch thành lập thêm tỉnh Chương Thiện, tỉnh lỵ đặt ở thị xã Vị Thanh nhằm mục đích chia cắt, ngăn chặn lực lượng cách mạng từ các lành đồng bằng U Minh - Cà Mau chi viện cho chiến trường Cần Thơ, nơi đặt Bộ Tư lệnh vùng IV chiến thuật của ngụy.

Trên địa bàn huyện Long Mỹ có tiểu khu Chương Thiện, hai quận Đức Long và Long Mỹ của ngụy. Trong đó, khu vực chợ Cái Nhum (Vị Thanh) được địch chọn làm nơi đặt tiểu khu, xây dựng sân bay, căn cứ Trung đoàn 31, Sư đoàn 21, hậu cứ Tiểu đoàn bảo an 406, Trung tâm huấn luyện quân sự dân vệ, Tòa hành chính tỉnh, Ty cảnh sát,... ở mỗi chi khu, địch bố trí một đại đội bảo an để bảo vệ chi khu, sẵn sàng hành quân chi viện cho các đồn bốt xung quanh. Lúc này, ở Long Mỹ do Đại đội bảo an 417 phụ trách.

Nhằm khôi phục lại quyển kiểm soát trên địa bàn Long Mỹ, địch ra sức củng cố bộ máy chính quyền cấp quận, tề xã, ấp, lực lượng dân vệ, tình báo bố trí đều khắp các xã, ấp. Đồng thời, địch tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét nhằm dồn dân vào các ấp chiến lược, tổ chức lực lượng Thanh niên Cộng hòa, thanh niên chiến đấu ngày đêm canh gác, kìm kẹp chặt chẽ nhân dân trong các ấp chiến lược. Địch bố trí các ấp chiến lược dọc theo các trục giao thông quan trọng như: Trà Bang Lớn - Trà Bang Nhỏ, ngã ba Vĩnh Tường, Vị Thanh - Hỏa Lựu,... tiến hành xây dựng các đồn bốt kiên cố có công sự, hầm hào chiến đấu, xung quanh được bao bọc bằng hàng rào kẽm gai và lựu đạn, chất nổ, đóng lại các đồn bốt trước đây bị ta san bằng như: Mười Ba (Vĩnh Viễn), cảng Chủ Hàng (Vĩnh Tường), Cái Sơn (Phương Bình),...


(1) Miền Nam được chia ra thành ba vùng chiến thuật: Vùng I bao gồm các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi; vùng II bao gồm các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận; vùng III bao gồm các tỉnh từ Đồng Nai đến Cà Mau. Đến ngày 1-1-1963, địch tách vùng III thành hai vùng: vùng III gồm các tỉnh Đông Nam Bộ, vùng IV gồm các tỉnh Tây Nam Bộ (riêng Long An vẫn thuộc vùng III chiến thuật).
(2) Khu chiến thuật 42 gồm các tiểu khu: Kiên Giang, Phong Dinh, Chương Thiện, Ba Xuyên, Bạc Liêu và An Xuyên.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 08 Tháng Mười Một, 2020, 10:42:55 am
Về phía ta, sau cao trào Đồng khởi, các khu gom dân, khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu và một số đồn bốt bị ta san bằng; một số xã, ấp được giải phóng, nhân dân phấn khởi trở về quê cũ ổn định cuộc sống. Để phong trào cách mạng ở địa phương phát triển rộng khắp, Huyện ủy Long Mỹ chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, hỗ trợ kịp thời phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.

Ngày 15-1-1961, du kích xã Hỏa Lựu phối hợp cùng cơ sở nội tuyến (anh Hai Lương) khởi nghĩa tại lô cốt cầu Rạch Gốc, bắt 13 tên, thu 13 khẩu súng. Địch từ đồn Hỏa Lựu hành quân xuống chi viện bị ta phục kích tiêu diệt 2 tên, thu 2 khẩu súng. Tháng 2-1961, địa phương quân huyện phục kích đoạn cuối Lộ Hoang (ấp 10, xã Thuận Hưng) đánh đại đội bảo an quận Long Mỹ hành quân vào can viện cho đồn Mười Ba (Vĩnh Viễn), làm thiệt hại nặng 1 trung đội, tiêu diệt 11 tên, làm bị thương 7 tên, thu 8 súng tự động Mỹ và cacbin. Trong trận đánh này, đồng chí Nàm Tự - Trung đội trưởng địa phương quân trúng đạn địch hy sinh.

Ngày 28-4-1961, du kích xã Hỏa Lựu phối hợp với Đơn vị 1003 của tỉnh tập kích đại đội công binh địch đang nạo vét kênh ở Vàm Xáng (Hỏa Lựu), diệt 62 tên, thu nhiều vũ khí. Cũng trong tháng 4-1961, địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã Vị Thủy đánh địch đoạn lộ ống Bọng - Nước Đục, nằm trên liên tỉnh lộ 31 (nay là Quốc lộ 61), diệt gọn 1 tiểu đội địch, thu toàn bộ vũ khí.

Trung tuần tháng 5-1961, địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã Vĩnh Tường phục kích đoàn xe địch từ ngã ba Vĩnh Tường đi về thị trấn Long Mỹ, diệt bốn xe, thu 41 súng. Ngày 28-5-1961, Đơn vị 1003 của tỉnh phục kích đánh đại đội công binh gần chợ Cái Nhum (Vị Thanh), đánh chìm 1 tàu, diệt 40 tên. Tháng 8-1961, cơ sở nội tuyến của ta ở lô cốt Cả Luyện (Long Trị) khởi nghĩa diệt 6 tên địch, thu 6 súng và nhiều đạn dược.

Tháng 10-1961, Huyện đội Long Mỹ được thành lập, đồng chí Trần Văn Thường (Bảy Thường) - Phó Bí thư Huyện ủy được chỉ định giữ chức Huyện đội trưởng, đồng chí Lê Văn Lược (Tám Hòa) - Chính trị viên phó, đồng chí Tư Lớn - Huyện đội phó phụ trách hậu cần. Địa phương quân huyện lúc này do đồng chí Bảy Bằng làm Trung đội trưởng, đồng chí Bùi Thanh Hải (Hai Hải) làm Chính trị viên, đồng chí Năm Cứ làm Trung đội phó, quân số có khoảng 100 tay súng. Sau thời gian hoạt động, địa phương quân huyện được chia ra làm hai trung đội 42 và 46(1). Mỗi xã đều xây dựng được từ một tiểu đội đến một trung đội dân quân, du kích. Để bảo đảm vũ khí cho lực lượng vũ trang đánh địch, huyện, xã đều thành lập công trường để sản xuất vũ khí như: súng kép, súng ngựa trời, lựu đạn,... nhiệm vụ của lực lượng vũ trang lúc này là phục kích đánh địch hành quân dã ngoại, chưa có khả năng đánh địch trú ở trong công sự kiên cố, đối tượng tác chiến là lực lượng dân vệ, bảo an, nghĩa quân, ác ôn, chỉ điểm,...

Để thực hiện kế hoạch Stalây - Taylo, ngày 15-10. 1961, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành sắc lệnh số 209 tuyên bố tình trạng khẩn cấp, kéo dài thời gian quân dịch, gọi binh sĩ trù bị nhập ngũ, mở nhiều lớp đào tạo sĩ quan nhằm phát triển lực lượng quân chủ lực lên 200.000 tên, bảo an lên 100.000 tên, dân vệ lên 100.000 tên và cảnh sát lên 500.000 tên. Quân ngụy được Mỹ viện trợ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại chuyển sang thực hiện các chiến thuật “trực thăng vận”“thiết xa vận”,...

Tại Long Mỹ, địch đưa một tiểu đoàn chủ lực ngụy từ Vị Thanh càn quét vào khu vực kênh Mười Bốn Ngàn (Vị Thanh) sang Vĩnh Tường để đuổi nhà, gom dân vào ấp chiến lược nhưng nhân dân Vĩnh Tường và một số gia đình binh sĩ ngụy kéo đến đấu tranh, thuyết phục được hai đại đội chống lệnh, bỏ dở cuộc càn quét kéo về Vị Thanh.

Trước những âm mưu, thủ đoạn mới của địch, Huyện ủy chỉ đạo địa phương đẩy mạnh hoạt động chiến tranh du kích, kết hợp phát triển phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng chống địch càn quét, gom dân vào ấp chiến lược.

Tháng 9-1961, địa phương quân huyện phục kích bọn lính dân vệ đồn Nước Đục (Vị Thủy) hành quân ra khỏi đồn, tiêu diệt 8 tên, thu 5 khẩu súng. Tháng 10-1961, địa phương quân huyện phối hợp du kích xã Hòa An phục kích đánh địch đoạn từ cầu Xẻo Trâm đến Cầu Móng, diệt 1 xe, bắt sống 5 tên (trong đó có tên Trung - Thư ký của Quận trưởng Long Mỹ), thu 17 súng. Cũng trong tháng 10-1961, nhân dân xã Long Trị kéo đến đồn Cả Nai đấu tranh đòi địch chấm dứt đuổi nhà gom dân vào ấp chiến lược. Địch bắn chị Nguyễn Thị Sáu, quần chúng đấu tranh quyết liệt đòi địch bồi thường nhân mạng, bọn chỉ huy đồn Cái Nai phải chấp nhận yêu sách của nhân dân. Tháng 11- 1961, các đồng chí Bảy Hải, Hai Lành thuộc du kích thị trấn Long Mỹ bố trí gài mìn diệt 6 tên phòng vệ dân sự tại khu vực nhà đèn thị trấn. Địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã Xà Phiên đánh đồn Cái Rắn, diệt 17 tên địch, làm bị thương 18 tên, thu 36 khẩu súng và trên 10.000 viên đạn.

Tháng 12-1961, lực lượng vũ trang huyện kết hợp với cơ sở nội tuyến khởi nghĩa tại đồn Vĩnh Tường diệt 1 tên ác ôn, thu 9 khẩu súng. Cũng trong thời gian này, địa phương quân huyện kết hợp nội tuyến tập kích đồn Nàng Mau (Vị Thủy) diệt 27 tên, thu toàn bộ vũ khí.


(1) Trung đội 42 địa phương quân do đồng chí Sơn Tòng (Út Chùa) làm Trung đội trưởng, đồng chí Bùi Thanh Hải (Hai Hải) làm Chính trị viên; Trung đội địa phương quân 46 do đồng chí Mười Hòa làm Trung đội trưởng, đồng chí Sáu Bé làm Chính trị viên, đồng chí Quảng Thành Be (Tư Be) làm Trung đội phó.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:36:15 am
Bước sang năm 1962, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy ở miền Tây Nam Bộ bước đầu thất bại nhưng địch vẫn ngoan cố thực hiện bằng nhiều biện pháp như: tăng cường trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, củng cố lực lượng phản kích, tập trung đánh có trọng điểm khôi phục lại vùng tranh chấp, đánh chiếm vùng giải phóng ở các tỉnh Phong Dinh, Chương Thiện. Ngoài ra, địch đưa Huỳnh Văn Tông, tuyên úy, linh mục xây dựng yếu khu Công giáo Trà Lồng.

Tại Long Mỹ, ngày 24-1-1962, địch đưa hai tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 21 ngụy càn quét vào xã Vĩnh Thuận Đông, địa phương quân phối hợp với du kích xã chặn đánh địch tại khu vực Xóm Chùa. Trận đánh diễn ra quyết liệt suốt mấy giờ liền, ta đánh thiệt hại nặng đại đội đi đầu của địch, tiêu diệt và làm bị thương trên 80 tên.

Tháng 2-1962, du kích xã Vĩnh Tường phối hợp với cơ sở nội tuyến khởi nghĩa đánh đồn Vĩnh Tường lần thứ hai, diệt gọn trung đội địch gồm 20 tên, thu 26 khẩu súng và toàn bộ quân trang, quân dụng. Trong trận đảnh, anh Hiệp - cơ sở nội tuyến đã anh dũng hy sinh. Ngày 29-2-1962, địa phương quân phối hợp với cơ sở nội tuyến tiêu diệt địch ở đồn tam giác (Long Bình), diệt 32 tên, thu 30 súng và nhiều quân trang, quân dụng. Du kích Hỏa Lựu phục kích đánh bọn lính đồn Cầu Lăm, Cái Sình đi mở đường, diệt 4 tên, thu 4 súng.

Tháng 4-1962, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam họp bàn thực hiện chủ trương của trên. Cuộc họp đi đến thống nhất là cần tập trung giải quyết ba vấn đề lớn thời kỳ này: tích cực phá ấp chiến lược; đánh bại kế hoạch Stalây - Taylo, ra sức mở rộng căn cứ địa; khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, trong đó, cuộc đấu tranh trung tâm hàng đầu quyết định cho việc duy trì và mở rộng phong trào là chống phá kế hoạch lập ấp chiến lược, gom dân của địch. Tiếp đến, Tỉnh ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị mở rộng quán triệt nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, thành phần gồm bí thư huyện ủy và các ban, ngành của tỉnh. Hội nghị quyết định:

- Phát động quần chúng dấy lên phong trào đấu tranh chính trị, binh vận hỗ trợ cho đòn tấn công quân sự trong toàn tỉnh, kiên quyết đánh bại các cuộc hành quân càn quét, gom dân lập ấp chiến lược; ra sức xây dựng ấp, xã chiến đấu.

- Xây dựng và phát triển mạnh lực lượng vũ trang bao gồm bộ đội tập trung của tỉnh, bộ đội địa phương quân huyện và du kích xã, ấp.

- Kiện toàn Ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội và xã đội. Các cấp ủy viên phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị vũ trang.

- Củng cố kiện toàn các ban, ngành, đoàn thể: nông hội, phụ nữ, thanh niên, binh vận; hệ thống giao liên, điện đài, cơ yếu, vận tải, xây dựng công trường tự chế tạo vũ khí thô sơ.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, khoảng giữa năm 1962, huyện Long Mỹ xây dựng trung đội đặc công (phiên hiệu 44) do đồng chí Năm Cường làm Trung đội trưởng, đồng chí Mười Quang làm Trung đội phó. Lúc này, địa phương quân huyện đã phát triển thành 3 trung đội độc lập 42, 44, 46. Ban chỉ huy huyện đội lúc này gồm các đồng chí: Sáu Huệ (Hai Đởm) - Huyện đội trưởng (do tỉnh tăng cường), Lê Văn Hòa - Chính trị viên phó, Nguyễn Văn Tốt (Bảy Thường) và Tư Lớn - Huyện đội phó. Theo yêu cầu của Quân khu, huyện đã lấy một tiểu đội thuộc Trung đội 46, do đồng chí Sáu Sét chỉ huy bố sung cho đại đội trợ thuộc Tiểu đoàn 96 của Khu.

Tháng 5-1962, địa phương quân huyện phục đánh lực lượng công dân vụ trên lộ xẻo Chèo, tiêu diệt và làm bị thương 10 tên địch, thu 2 súng, 1 loa phóng thanh. Sau đó, ta tổ chức lực lượng đánh bọn công vụ tại cống Cả Luyện (Long Trị), tiêu diệt một số tên địch. Cũng trong thời gian này, du kích Hỏa Lựu phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh phục kích đánh địch tại ấp Mỹ Hiệp và Tư Sáng, diệt gần 1 đại đội bảo an (trong đó có đại úy Đảnh), thu 20 khẩu súng và 32.000 viên đạn.

Tháng 6-1962, cơ sở nội tuyến của ta ở lô cốt Cựa Gà (Long Bình) khởi nghĩa tiêu diệt toàn bộ binh lính trong lô cốt, thu 6 khẩu súng. Du kích xã Vị Thủy phối hợp với địa phương quân huyện tập kích đồn Nàng Mau, tiêu diệt 1 trung đội dân vệ và 2 ban tề xã Vị Thủy và Vĩnh Tường. Tháng 8-1962, du kích Long Trị phối hợp với cơ sở nội tuyến khởi nghĩa chiếm lô cốt Cả Luyện, thu toàn bộ vũ khí.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:37:30 am
Tháng 9-1962, đồng chí Trần Văn Trò (Sáu Trò) sử dụng mìn, chông lò xo do công trường xã Long Trị chế tạo bố trí gài ở vàm kênh Lộ Tổng diệt và làm bị thương khoảng 60 tên địch từ Long Mỹ càn quét vào Long Trị. Ngày 26-10-1962, du kích Hỏa Lựu bố trí chất nổ đánh chìm chiếc phà chở 2 xe quân sự trên sông Cái Tư, tiêu diệt tên Quận trưởng Gò Quao đang trên đường đến Vị Thanh dự lễ. Cũng trong tháng 10-1962, địa phương quân huyện phối hợp với Tiểu đoàn 96 của Quân khu đánh thiệt hại nặng đồn Trà Lồng và đồn Trà Cú, diệt và làm bị thương hơn 60 tên địch. Theo kế hoạch phân công thì Tiểu đoàn 96 phụ trách đánh đồn Trà Lồng, địa phương quân Long Mỹ đánh đồn Đức Bà (Phương Phú). Trong quá trình thực hành nổ súng tiến công đồn, địch sử dụng đại liên ở lô cốt đầu cầu bắn ra dữ dội làm cho đội hình của địa phương quân huyện không phát triển lên được. Đồng chí Phan Văn Thanh, chiến sĩ thuộc Trung đội đặc công 44 đã dũng cảm dùng hai chân kẹp quả mìn đẩy vào lỗ châu mai tiêu diệt lô cốt địch và đã anh dũng hy sinh. Kết thúc trận đánh, địa phương quân huyện có ba chiến sĩ đặc công hy sinh, trong đó sự hy sinh của chiến sĩ Thanh là tấm gương điển hình về lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm sẵn sàng hy sinh tính mạng để tiêu diệt địch của địa phương quân huyện Long Mỹ.

Tháng 11-1962, ba du kích của ấp 11 (Vĩnh Viễn) dũng cảm chống càn với một đại đội địch, trong đó du kích Nguyễn Văn Bạch sử dụng súng trường bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay L19, làm bị thương 1 tên lính Mỹ. Với thành tích trên, xã Vĩnh Viễn được công nhận là ngọn cờ đầu trong phong trào bắn rơi máy bay Mỹ của tỉnh Cần Thơ.

Trong hai năm 1961 - 1962, quân và dân Long Mỹ đã liên tục đánh địch trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và binh vận thu được nhiều thắng lợi. Phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng hoạt động hiệu quả, rộng khắp, buộc địch phải cho nhân dân trở về ruộng vườn sản xuất vào ban ngày. Quần chúng thường xuyên tiến hành các cuộc biểu tình chống địch càn quét, khủng bố, đòi bồi thường nhân mạng và tài sản. Phong trào du kích chiến tranh diễn ra sôi nổi, nhân dân hăng hái tham gia làm bẫy chông, hầm chông, nuôi ong vò vẽ đánh địch càn quét. Các công trường huyện, xã đã sản xuất ra nhiều vũ khí cung cấp kịp thời cho du kích xà ấp chiến đấu. Đặc biệt, năm 1962, xã Vị Thủy(1) được chọn là địa phương tự lực xây dựng công trường sản xuất vũ khí thô sơ, chất nổ dẫn đầu trong tỉnh và miền Tây Nam Bộ. Ngoài ra, nhân dân tham gia xây dựng các bãi cọc, giăng dây, gài mìn chống trực thăng địch bất ngờ đổ quân vào vùng giải phóng. Các xã Vĩnh Viễn, Thuận Hưng, Vĩnh Thuận Đông,... có phong trào xây dựng xã, ấp chiến đấu mạnh. Phong trào binh vận phát triển mạnh mẽ, ta xây dựng được nhiều cơ sở trong các ấp chiến lược, Thanh niên Cộng hòa, thanh niên chiến đấu..., hỗ trợ kịp thời cho lực lượng vũ trang diệt ác, cung cấp thông tin, đưa bộ đội vào ấp chiến lược hoạt động. Vận động được 445 binh sĩ đào rã ngũ, mang 24 khẩu súng và nhiều đạn dược giao nộp cho cách mạng.

Về phía địch, sau khi củng cố xong hệ thống đồn bốt và bộ máy tề xã, ấp, chúng tập trung quân chủ lực kết hợp với lực lượng bảo an, dân vệ được hỗ trợ của pháo binh, tàu chiến, máy bay và xe bọc thép,... tổ chức các cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn, đánh phá ác liệt vào vùng giải phóng của huyện Long Mỹ. Địch tiến hành đuổi nhà, gom dân vào ấp chiến lược hoặc ra gần đồn bốt sinh sống nhằm mục đích tách dân ra khỏi cách mạng. Đến tháng 12-1962, địch đã đóng thêm được hàng chục đồn bốt, gom được 1/3 dân vào các ấp chiến lược ở Long Mỹ.

Năm 1963, Long Mỹ được chính quyền ngụy chọn là trọng điểm bình định trên địa bàn tỉnh Chương Thiện.

Lực lượng quân ngụy ở Long Mỹ được tăng lên gấp đôi, bao gồm bảo an, dân vệ, biệt kích, Thanh niên Cộng hòa,... Địch mở rộng sân bay và các căn cứ quân sự ở Vị Thanh. Quân chủ lực, quân bảo an, dân vệ với vũ khí trang bị hiện đại, được sự hỗ trợ của máy bay, xe thiết giáp tăng cường hoạt động càn quét, đánh phá vùng giải phóng, kết hợp gom dân vào các ấp chiến lược tuyến Vị Thanh - Long Mỹ - Trà Bang Nhỏ. Đồng thời, địch đẩy mạnh hoạt động chiêu dụ hàng, sử dụng bọn đầu hàng, chỉ điểm đánh phá cơ sở cách mạng và nơi đơn vị vũ trang đóng quân, gây cho ta nhiều thiệt hại về lực lượng ở các xã Long Bình, Long Trị và Lương Tâm.

Để đối phó với âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù, Huyện ủy Long Mỹ chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện đẩy mạnh việc xây dựng xã, ấp chiến đấu rộng khắp nhằm đối phó có hiệu quả các hoạt động hành quân càn quét của địch, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân. Thực hiện chủ trương của Huyện ủy, Ban Chỉ huy Huyện đội chỉ đạo lực lượng địa phương quân phân tán thành trung đội, tiểu đội xuống các xã hỗ trợ du kích đánh địch.


(1) Công trường xã Vị Thủy sản xuất được 21 loại vũ khí và chông.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:37:56 am
Tháng 3-1963, Tiểu đoàn 96 chủ lực của khu phối hợp địa phương quân huyện Long Mỹ tiến công đồn Tô Ma (Lương Tâm). Theo kế hoạch, địa phương quân huyện có nhiệm vụ phục kích tiêu diệt lực lượng hành quân ở ngoài ấp chiến lược. Tuy nhiên, trong quá trình thực hành đánh chiếm đồn, do địch nổ súng đánh trả quyết liệt trong nhiều giờ liền làm bộ đội bị thương vong nhiều, Tiểu đoàn 96 chỉ chiếm được 2 lô cốt. Trước tình hình đó, ban chỉ huy trận đánh quyết định điều động lực lượng địa phương quân Long Mỹ vào làm nhiệm vụ tấn công đồn Tô Ma. Đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, ta chiếm được đồn, thu nhiều súng đạn và đồ dùng quân sự. Trong quá trình hành quân khỏi trận địa, địa phương quân huyện bắn rơi 1 máy bay Đakôta của địch tại khu vực vàm rạch Ngang Mồ (Lương Tâm).

Tháng 4-1963, huyện thành lập Trung đội bộ binh 52 do đồng chí Ân làm Trung đội trưởng. Lúc này, lực lượng địa phương quân huyện có bốn trung đội độc lập 42, 44, 46 và 52. Vũ khí trang bị chủ yếu thu được của địch như Thomson, carbine tự động Mỹ, trung liên Bar, cối 60mm và trường bá đỏ (của Liên Xô). Tháng 5-1963, Quân khu điều 1 tiểu đội (khoảng 10 chiến sĩ) của Trung đội 52 địa phương quân huyện về bổ sung lực lượng cho Quân khu.

Ngày 8-5-1963, Đại đội 31 của tỉnh phối hợp với cơ sở nội tuyến dụ địch ở Trung tâm huấn luyện Hỏa Lựu ra khỏi căn cứ, ta phục kích tiêu diệt 1 đại đội địch, thu 50 khẩu súng các loại. Ngày 16-5-1963, địa phương quân huyện phối hợp với du kích chống càn tại xã Vĩnh Thuận Đông, diệt 27 tên, thu 15 súng và nhiều đồ dùng quân sự. Ngày 24-6-1963, địa phương quân huyện tập kích vào khu vực Trà Lồng (Long Phú), hỗ trợ cho 500 quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược trở về quê cũ sinh sống.

Tháng 6-1963, Đại đội 31 của tỉnh phối hợp với địa phương quân huyện đánh lực lượng địch càn quét tại khu vực kênh Đập Đá, Xẻo Sành (Hòa An). Tuy nhiên, do công tác hiệp đồng chưa chặt chẽ dẫn đến ta bị thiệt hại nặng về lực lượng (13 đồng chí hy sinh).

Tháng 7-1963, địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã Xà Phiên đánh đồn Cái Rắn, diệt 5 tên, làm bị thương 7 tên địch. Sau trận đánh, lợi dụng tinh thần binh lính đang hoang mang, dao động, binh vận đả vận động làm rã ngũ thêm 7 tên địch. Địa phương quân và du kích hai xã Lương Tâm, Vĩnh Viễn diệt đồn Mười Ba và hỗ trợ 7.000 quần chúng phá ấp chiến lược trở về quê cũ sinh sống. Du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lực khu bức rút đồn Cảng Chủ Hàng (Vĩnh Tường).

Cùng với đòn tiến công quân sự, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng được diễn ra thường xuyên. Ta vận động được nhiều binh sĩ địch đấu tranh chống lệnh càn quét, đi chi viện và chống chế độ hà khắc của bọn sĩ quan ngụy. Điển hình là việc ta vận động 1 đại đội bảo an ở Vị Thanh chống lệnh đi càn quét vào dịp tết năm 1963. Tiếp đến, cuối năm 1963, hơn 400 binh sĩ ở Trà Lồng (Long Phú) đấu tranh đòi tăng lương.

Trong năm 1963, hoạt động của du kích các xã, ấp phát triển rộng khắp, lực lượng du kích liên tục đánh địch trong các đồn bốt, đi hành quân càn quét gây cho chúng nhiều thiệt hại. Trong đó, du kích xã Thuận Hưng chống càn 62 trận, tiêu diệt và làm bị thương khoảng 100 tên địch. Du kích xã Vị Thanh chống được 32 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 96 tên địch du kích xã Vĩnh Viễn bắn thiệt hại nặng 2 chiếc trực thăng của địch,... Huyện Long Mỹ có ba xã được giải phóng là Xà Phiên, Vĩnh Viễn, Vĩnh Tường và 28 ấp chiến lược bị phá hoàn toàn.

Ngày 1-11-1963, dưới sự chỉ đạo của Mỹ, cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm được tiến hành. Mỹ đã ủng hộ phe đối lập do Dương Văn Minh cầm đầu với hy vọng sau cuộc đảo chính, tình hình ngụy quân, ngụy quyền miền Nam sẽ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để Mỹ tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, trước những đòn tiến công quân sự, chính trị, binh vận mạnh mẽ của quân và dân miền Nam, quân ngụy ngày càng suy sụp. Để cứu vãn tình thế, Mỹ thay kế hoạch Stalây - Taylo bằng kế hoạch Giônxơn - Mắc Namara, tiến hành bình định miền Nam trong vòng hai năm 1964 - 1965.

Đầu năm 1964, địch tăng cường quân chủ lực và lực lượng cố vấn Mỹ cho quận Long Mỹ, mở nhiều cuộc hành quân càn quét quy mô lớn, đánh phá dài ngày vào vùng giải phóng, vùng ven thị xã, thị trấn và các trục lộ giao thông để bảo vệ các căn cứ quân sự của chúng Ngoài ra, địch còn sử dụng máy bay ném bom, pháo binh bắn phá làng mạc, rải chất độc hóa học hủy diệt ruộng vườn, đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn đứng chân, đồng thời địch tổ chức gom dân vào ấp chiến lược sinh sống.

Thực hiện quyết tâm của Tỉnh ủy là “ tiếp tục phá tan ấp chiến lược đi đôi với không ngừng tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, làm thay đổi so sánh lực lượng tại chỗ có lợi cho ta”, Huyện ủy Long Mỹ đề ra chủ trương: Kiên quyết bám đất, bám dân, xây dựng và phát triển cơ sở. Đẩy mạnh ba mũi giáp công, làm thất bại âm mưu đánh phá, tách dân lập ấp chiến lược của địch. Riêng đối với lực lượng vũ trang, Huyện ủy đề ra phương thức hoạt động của lực lượng địa phương quân huyện theo hướng “tập trung, phân tán linh hoạt”.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:40:37 am
Ngày 12-3-1964, du kích xã Vị Thanh bắn rơi 1 máy bay trực thăng UH-1A đi đổ quân trở về đang chuẩn bị đáp xuống sân bay Vị Thanh. Đêm 18-3-1964, du kích xã Vị Thanh bí mật đột nhập vào nội ô thị xã Vị Thanh đốt cháy 52 trại lính, gây cho địch nhiều thiệt hại.

Ngày 16-4-1964, địa phương quân kết hợp với du 1 kích xã Vĩnh Thuận Đông tập kích đồn Vịnh Chèo, diệt một trung đội địch, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 28-4-1964, địa phương quân huyện kết hợp với du kích xã Vĩnh Tường phục kích diệt một đại đội bảo an địch tại ngã ba Vĩnh Tường. Tháng 4-1964, lực lượng vũ trang huyện phục kích đánh một đại đội địch tại Lộ Quẹo (nằm trên đoạn đường từ Vị Thanh đi Hỏa Lựu), phá hủy một xe GMC.

Tháng 4-1964, Đại đội địa phương quân huyện Long Mỹ được thành lập tại kênh Sáu Xuân (Vĩnh Thuận Đông). Ban Chỉ huy gồm có: đồng chí Bảy Bằng - Đại đội trường, đồng chí Ba Sơn (Sơn Lộ) - Chính trị viên, đồng chí Tư Dân - Đại đội phó. Đến đây, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ chính thức có đơn vị tập trung đủ khả năng đánh địch tập trung cấp đại đội trên địa bàn huyện.

Đêm 14-5-1964, 12 cơ sở nội tuyến của ta tại Trung tâm huấn luyện của địch gần chợ Vàm Xáng (Hỏa Lựu) phối hợp với các đại đội 23, 31 tỉnh khởi nghĩa chiếm lĩnh trung tâm, diệt 1 trung đội địch (trên 30 tên) và 2 tiểu đội địch đóng tại cầu Hạch Gốc, thu trên 100 khẩu súng, 1 cối 60mm, 1 thùng súng ngắn 12mm, 1 tấn đạn, 2 máy thông tin PRC10 và PRC25. Bên cạnh đó, do tác động của cuộc khởi nghĩa làm cho binh lính thuộc đại đội bảo an Chi khu Đức Long lần lượt tan rã gần hết.

Địa phương quân huyện phục kích đánh địch hai trận trên đoạn lộ từ Vĩnh Tường đi Nàng Mau, diệt 5 xe quân sự, 1 xe nồi đồng, thu 19 khẩu súng (trong đó có 1 khẩu đại liên và 3 trung liên). Ngày 29-5-1964, địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã Phương Phú phục kích lực lượng địch trong đồn Đức Bà hành quân ra bên ngoài, diệt 7 tên, thu 4 khẩu súng. Tháng 6-1964, 5 cơ sở nội tuyến của ta tổ chức khởi nghĩa diệt đồn và Ban tề xã Vĩnh Tường (đóng trên địa bàn xã Long Bình), giết nhiều tên địch, thu hàng chục khẩu súng.

Đêm 10, rạng sáng ngày 11-7-1964, Trung đội 45 phối hợp với Tiểu đoàn 306 Quân khu 9 đánh thiệt hại nặng đồn Vịnh Chèo (Vĩnh Thuận Đông). Hôm sau, địch điều Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 31 và 1 đại đội bảo an từ Vị Thanh hành quân vào chi viện cho đồn Vịnh Chèo. Ta phục kích đánh địch tại Kênh Ngang (Vĩnh Thuận Đông) và khu vực Chùa Miên (Hỏa Lựu), đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn chủ lực ngụy và tiêu diệt đại đội bảo an, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 200 tên (trong đó có Đại úy Ê chỉ huy cuộc hành quân), bắt sống 50 tên, thu 50 khẩu súng các loại (có 3 khẩu đại liên).

Theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, tháng 7-1964, Long Mỹ được tách ra thành hai huyện Long Mỹ A và Long Mỹ B(1). Ban Chỉ huy Huyện đội và địa phương quân cũng được chia ra làm hai. Trong đó, Huyện đội Long Mỹ A có các đồng chí Bùi Bạch Quang (Năm Tuấn) - Bí thư Huyện ủy làm Chính trị viên. Huyện đội Long Mỹ B có các đồng chí Phan Văn Lập (Bảy Bén) - Bí thư Huyện ủy làm Chính trị viên, đồng chí Ba Sơn - Chỉ huy trưởng, đồng chí Tư Dân - Chỉ huy phó. Sau khi chia tách thành hai huyện, do lực lượng địa phương quân mỏng nên hoạt động theo phương thức phân tán thành từng trung đội độc lập(2).

Ngày 30-9-1964, địa phương quân huyện kết hợp với du kích xã Long Phú phục kích đánh bọn lính đồn Vàm Đinh, diệt 8 tên, trong đó có tên Tư Già - Trưởng ban đại diện hội đồng xã, thu 3 khẩu súng. Ngày 20-10-1964, 7 du kích xã Vĩnh Tường bố trí gài trái nổ diệt và làm bị thương 62 tên địch thuộc Trung đoàn 33 ngụy càn quét vào địa bàn xã Vĩnh Tường, địch phải bỏ dở cuộc hành quân. Tháng 11-1964, địa phương quân phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 9 phục kích trên tuyến lộ Vị Thanh - Long Mỹ đánh lực lượng địch thuộc Trung đoàn 31 ngụy hành quân chi viện cho Chi khu Ngã Năm (huyện Thạnh Trị), diệt và làm bị thương gần 200 tên địch, bắt sống hàng chục tên, trong đó có 1 tên cố vấn Mỹ, phá hủy 10 xe quân sự.

Đêm 27, rạng sáng ngày 28-11-1964, địa phương quân huyện và du kích xã Phương Bình kết hợp với Tiểu đoàn Tây Đô cùng cơ sở nội tuyến diệt đồn Cái Sơn, phá vỡ toàn bộ ấp chiến lược và giải phóng hoàn toàn xã Phương Bình. Du kích xã Long Bình phối hợp với đơn vị thuộc Tiểu đoàn Tây Đô diệt đồn xã Long Bình, phá mảng ấp chiến lược Long Bình - Long Trị, đoạn từ Cái Su đến tiếp giáp xã Phương Bình. Thắng lợi trên đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần nhân dân và du kích hai xã Long Bình và Hòa An.

Cuối năm 1964, Quân khu trang bị cho huyện Lon Mỹ 1 khẩu pháo 75mm(3). Đồng thời, theo sự điều động của Quân khu, huyện lấy một bộ phận của Trung đội và Trung đội 52 địa phương quân thành lập một trung đội do đồng chí Năm Ẩn làm Trung đội trưởng bổ sung cho Tiểu đoàn 306 Quân khu 9.

Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc. Để đối phó với địch, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra Lời kêu gọi toàn quân, toàn dân từ thành thị đến nông thôn dấy lên phong trào “Giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 5- 1-1965, địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã Vĩnh Tường phục kích đánh đoàn xe chở lực lượng bảo an của địch từ Vị Thanh hành quân càn quét vào Long Mỹ tại ngã ba Vĩnh Tường, diệt 3 xe GMC, thu 15 khẩu súng các loại. Cũng trong thời gian này, lực lượng vũ trang huyện phục kích tiêu diệt 1 trung đội bảo an tại cống Hai Lai, thu 15 khẩu súng; phục kích tại Trà Lồng (Long Phú) diệt 1 trung đội bảo an, trong đó có tên trưởng đồn. Lực lượng ba mũi giáp công bao vây các đồn Tô Ma (Lương Tâm), Mười Một Ngàn (Vị Thanh), cảng Chủ Hàng (Vĩnh Tường)..., hỗ trợ hàng ngàn quần chúng ở xung quanh các đồn bốt phá ấp chiến lược, trở về quê cũ sinh sống.


(1) Huyện Long Mỹ A gồm các xã Xà Phiên, Lương Tâm, Hỏa Lựu, Vị Thanh, Vị Thủy, Vĩnh Thuận Đông, Vĩnh Viễn, Vĩnh Tường và thị trấn Long Mỹ. Huyện Long Mỹ B gồm các xã Long Trị, Long Bình, Long Phú, Phương Phú và Phương Bình.
(2) Đồng chí Năm Trí làm Trung đội trưởng địa phương quân Long Mỹ A.
(3) Khẩu pháo được Huyện đội giao Trung đội 52 quản lý, sử dụng (Trung đội 52 mang tên Trung đội pháo).


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:43:43 am
Ngày 24-2-1965, địa phương quân huyện tổ chức chống càn ở khu vực từ vàm kênh Chủ Tỉnh đến doi Hai Nghiệp, bẻ gãy cuộc hành quân càn quét của 1 tiểu đoàn bộ binh thuộc Trung đoàn 31 ngụy, có 2 xe thiết giáp M113 yểm trợ. Trong trận đánh này, đồng chí Lê Văn Bỉnh, Trung đội phó Trung đội 42 đã dũng cảm, mưu chí chỉ huy tiểu đội chiến đấu cả ngày với địch. Bản thân đồng chí Bỉnh sử dụng khẩu tự động Mỹ và 100 viên đạn di chuyển linh hoạt giữa các ụ chiến đấu(1) nổ súng diệt 25 tên địch.

Bên cạnh đòn tiến công quân sự, phong trào xây dựng xã, ấp chiến đấu diễn ra sôi nổi. Nhân dân các ấp trên địa bàn huyện tích cực tham gia đào kênh ngăn xe lội nước, mở đường giao thông cho bộ đội hành quân thu lượm bom đạn lép của địch cung cấp cho công trường xã chế tạo vũ khí đánh địch, làm bãi chông, bì lửa,... chống địch càn quét. Các mẹ, các chị nhiệt tình nuôi chứa, đùm bọc cán bộ, chiến sĩ. Phong trào đấu tranh chính trị, binh vận được tiến hành bằng các hình thức phong phú, thu hút được hàng ngàn quần chúng kéo về thị trấn, thị xã đấu tranh, đưa yêu sách đòi địch thực hiện tự do dân chủ, cải thiện dân sinh, chống càn quét, đuổi nhà và gom dân vào ấp chiến lược.

Giữa năm 1965, hai huyện Long Mỹ A và LongMỹ B sáp nhập thành huyện Long Mỹ. Huyện giao ba xã Hòa An, Phương Phú, Phương Bình về huyện Phụng Hiệp. Theo chủ trương của trên, Huyện đội lấy một số cán bộ, chiến sĩ của Trung đội 42, rút du kích các xã lên thành lập một đại đội do đồng chí Sơn Tòng (Út Chùa) và đồng chí Hai Quới chỉ huy bổ sung cho bộ đội chủ lực Miền.

Phong trào cách mạng của quân và dân miền Nam phát triển nhanh chóng đã làm suy yếu thế và lực của quân ngụy, hệ thống kìm kẹp ở cơ sở hầu hết bị tan rã, nội bộ chính quyền Sài Gòn chia rẽ, thường xuyên xẩy ra các cuộc đảo chính. Để cải thiện tình hình, đế quốc Mỹ chủ trương chuyển hướng chiến lược từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, thông qua việc thực hiện kế hoạch Oétmolen(2).

Thời kỳ này, Mỹ - ngụy tập trung nhiều lực lượng và phương tiện chiến tranh trên địa bàn huyện Long Mỹ chuẩn bị cho cuộc hành quân lớn vào vùng giải phóng. Ngoài lực lượng bộ binh thuộc Trung đoàn 31 ngụy, bảo an, dân vệ, biệt kích hiện có, địch tăng cường hai tiểu đoàn biệt động quân 42 và 44 (thuộc lực lượng tổng trù bị của quân đội Sài Gòn), đưa thêm cố vấn Mỹ và xe thiết giáp, pháo binh, tàu chiến xuống tỉnh lỵ Chương Thiện. Các xã Vị Thanh, Vĩnh Tường, Vĩnh Thuận Đông được chính quyền ngụy ở Long Mỹ chọn làm thí điểm thực hiện kế hoạch lấn chiếm. Mỗi xã địch cho một tiểu đoàn thường xuyên hành quân càn quét, chà đi xát lại nhiều lần để củng cố, đóng mới đồn bốt, đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi dân. Trong quá trình càn quét, nơi nào nhân dân chống lại lệnh đuổi nhà thì địch cho binh lính đốt nhà, dỡ nhà hoặc dùng chất nổ hủy diệt nhà cửa, phá hủy tài sản của dân nhân, buộc người dân phải tập trung vào sinh sống ở các khu vực địch kiểm soát. Ngoài ra, địch tăng cường hoạt động của lực lượng tình báo, gián điệp chỉ điểm để phi pháo bắn phá vào vùng căn cứ kháng chiến, kết hợp chiến tranh tâm lý, bố trí cơ sở cài cắm vào hàng ngũ cách mạng để tuyên truyền xuyên tạc, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Những hành động đánh phá ác liệt của địch vào vùng giải phóng buộc nhân dân phải di chuyển ra vùng ven thị xã, thị trấn để lánh nạn, hoạt động sản xuất bị đình trệ, việc đóng góp sức người, sức của cho cách mạng của nhân dân suy giảm, ảnh hưởng đến hoạt động của phong trào cách mạng tại địa phương. Trước tình hình đó, Huyện ủy chỉ đạo cán bộ, đảng viên, các đơn vị vũ trang kiên cường bám đất, bám dân, từng bước lãnh đạo nhân dân đánh bại âm mưu thâm độc của địch.

Tháng 9-1965, du kích xã Vĩnh Viễn phối hợp cùng Tiểu đoàn 306 Quân khu 9 tập kích lực lượng thuộc Trung đoàn 31 ngụy tại Cầu Ván (ấp 10, Vĩnh Viễn), tiêu diệt và làm bị thương gần 200 tên địch.
 
Ngày 22-12-1965, Đại đội 23 của Tiểu đoàn Tây Đô đang đóng quân ở Vịnh Chùa (Long Bình) thì có một đơn vị của Sư đoàn 21 ngụy và một đại đội bảo an được sự hỗ trợ của trực thăng chiến đấu, xe thiết giáp M113 càn quét vào. Đại đội 23 phối hợp cùng du kích xã Long Bình triển khai đội hình đánh địch. Qua một ngày chiến đấu liên tục với quân địch đông hơn ta gấp ba lần, ta đã đẩy lui hàng chục đợt xung phong, tiêu diệt và làm bị thương 309 tên địch, thu 1 trung liên Bar, 2 Garant, 2 carbine, 1 máy PRC10. Tuy nhiên, ta cũng bị thiệt hại khá nặng, nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh.

Qua hai năm (1964 - 1965) liên tục tiến công địch, quân và dân Long Mỹ đã từng bước đánh bại kế hoạch lập ấp chiến lược của Mỹ - ngụy trên địa bàn huyện. Ta tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, phá hủy, bức rút được nhiều đồn bốt, giải phóng hoàn toàn bốn xã: Vĩnh Viễn, Xà Phiên, Vĩnh Tường và Phương Bình; phá rã, phá lỏng 2/3 ấp chiến lược, mở rộng vùng kiểm soát ra sát đồn địch, đưa hàng chục ngàn nhân dân về vùng giải phóng sinh sống. Lực lượng vũ trang các cấp được củng cố, kiện toàn hoạt động có hiệu quả. Địa phương quân huyện có hai trung đội, gồm 72 tay súng, riêng thị trấn Vị Thanh có một trung đội, gồm 29 tay súng, 11 du kích và bốn tổ du kích mật. Du kích xã có 137 đội viên, mỗi xã xây dựng được một tiểu đội, mỗi ấp đều xây dựng được du kích và dân quân, trang bị vũ khí thô sơ và vũ khí thu được của địch.


(1) Tiểu đội do đồng chí Bỉnh chỉ huy xây dựng ba ụ chiến đấu, mỗi ụ cách nhau 30m.
(2) Kế hoạch Oétmolen có ba giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ tháng 7 đến tháng 12-1965), đưa nhanh lực lượng quân Mỹ, quân chư hầu vào miền Nam ngăn chặn chiều hướng thất bại của chính quyền Sài Gòn, gấp rút triển khai lực lượng, chuẩn bị tiến hành phản công chiến lược. Giai đoạn 2 (từ tháng 1 đến tháng 6- 1966), mở các cuộc hành quân “tìm diệt” chủ lực Quân Giải phóng, phá chiến tranh du kích, giành chủ động trên chiến trường, hỗ trợ chương trình “bình định”. Giai đoạn 3 (từ tháng 7-1966 đến cuối năm 1967), tiến công tiêu diệt những đơn vị còn lại của Quân Giải phóng và những căn cứ du kích, tiêu diệt cơ quan lãnh đạo của cuộc kháng chiến ở miền Nam, hoàn tất chương trình “bình định”.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:45:53 am
III - LÀM CHỦ NÔNG THÔN, PHÁT TRIỂN TIẾN CÔNG
CÙNG TOÀN MIỀN NAM TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY
XUÂN MẬU THÂN NĂM 1968 (1966 - 1968)

Tháng 12-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Họp Hội ngHị lần thứ 12 đã đề ra quyết tâm: “Kiên quyết đánh bại cuộc chiến, tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến tới thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”(1).

Do thị trấn Vị Thanh có vị trí chiến lược rất quan trọng đối với địch ở Chương Thiện, là nơi đứng chân làm bàn đạp tổ chức lực lượng đánh phá vào căn cứ địa cách mạng ở U Minh và các vùng xung quanh, là hành lang bảo vệ từ xa cơ quan đầu não của địch ở thị xã Cần Thơ, vì vậy, đầu năm 1966, Tỉnh ủy Cần Thơ chủ trương thành lập Đảng bộ thị xã Vị Thanh trên cơ sở Chi bộ thị trấn Vị Thanh, tăng cường cán bộ từ tỉnh xuống nhằm mục đích hình thành mối tương quan về lực lượng giữa ta và địch, từng bước lãnh đạo nhân dân đấu tranh làm thất bại kế hoạch “bình định” nông thôn của Mỹ - ngụy ở Chương Thiện. Ngày 28-6-1966, Đảng bộ thị xã Vị Thanh được thành lập, tách khỏi huyện Long Mỹ và trực thuộc Tỉnh ủy Cần Thơ.

Giữa năm 1966, Huyện ủy triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 xuống các chi bộ. Huyện ủy chỉ đạo “Phải xây dựng, củng cố, phát triển Đảng, Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, các đoàn thể, Mặt trận, dân quân du kích. Tăng cường số lượng, chất lượng hoạt động của địa phương quân huyện; đồng thời có nhiệm vụ đưa tân binh xây dựng quân chủ lực của tỉnh, khu và Trung ương Cục. Sáng tạo, linh hoạt phương châm, phương pháp sử dụng ba mũi giáp công tấn công địch. Trước mắt là giáo dục, động viên gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu và vận động nhân dân quyết tâm bám ruộng vườn, xây dựng hầm tránh pháo, công sự, xây dựng xã, ấp chiến đấu, làm chiến hào, hầm chông, bãi lửa đánh địch để khôi phục và phát triển sản xuất”.

Cũng trong thời gian này, Huyện ủy quyết định thành lập đại đội địa phương quân (lần 2) trên cơ sở lực lượng các trung đội độc lập của huyện. Đồng chí Bảy Sâm (cán bộ được tỉnh điều về) được chỉ định làm Đại đội trưởng, đồng chí Hồ Thanh Bình (Huyện ủy viên) làm Chính trị viên.

Đêm 14-6-1966, du kích xã Long Trị tập kích đồn Cái Nai gây cho địch nhiều tổn thất, sau đó đơn vị rút về kênh Ba Tích đóng quân. Ngày 15-6-1966, du kích Long Trị phục kích đánh lực lượng địch hành quân vào tìm kiếm dấu vết của ta, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch. Đây là trận đánh hay của du kích Long Trị được Huyện đội tuyên dương và nhân rộng trong toàn huyện.

Cuối tháng 6-1966, địa phương quân huyện tổ chức trận địa phục kích đánh địch trên con lộ đá đoạn từ Hỏa Lựu đi Cầu Đúc. Đồng chí Hồ Thanh Bình hy sinh trong trận đánh này. Sau trận đánh, đồng chí Bảy Sâm được điều về tỉnh, đại đội địa phương quân chuyển sang hoạt động phân tán.

Đêm 19, rạng sáng ngày 20-8-1966, du kích xã Long Trị phối hợp với các đơn vị thuộc Tiểu đoàn Tây Đô tiêu diệt đồn Cái Nai, ta san bằng đồn, tiêu diệt l9 tên, làm bị thương 6 tên, bắt sống 8 tên, thu 1 trung liên Bar, 1 cối 60mm, 1 máy PRC10 và nhiều đạn dược.

Ngày 23-10-1966, du kích xã Vị Thanh phục kích đánh bọn lính đồn Mười Bốn Ngàn đang đi tuần tra tại ấp 6, diệt tại chỗ 5 tên, làm bị thương 18 tên, thu 2 khẩu súng và nhiều đạn dược.

Đêm 8, rạng sáng ngày 9-12-1966, du kích xã Lương Tâm phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô tập kích đồn Tô Ma, tiêu diệt và làm bị thương 60 tên địch, trong đó có tên Huỳnh Văn Thám là đại đội trưởng ác ôn, bắt sống 24 tên, thu 37 khẩu súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự.

Đến cuối năm 1966, Huyện ủy quyết định giải tán đại đội địa phương quân. Lực lượng vũ trang huyện lúc này được biên chế thành bốn trung đội độc lập (42, 44, 52, 54), quân số trên 100 người. Du kích xã có 185 chiến sĩ, du kích ấp có 205 chiến sĩ. Vũ khí trang bị tương đối đầy đủ, phần lớn lực lượng vũ trang huyện được trang bị tiểu liên, súng trường tự động, carbine, M79 (1 khẩu) và súng trường; du kích được trang bị súng trường, đạp lôi, lựu đạn...


(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sdd, t. 26, tr. 634.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:47:32 am
Trong năm 1966, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ đã phối hợp với bộ đội chủ lực của Quân khu, tỉnh đánh 829 trận lớn nhỏ, diệt 6 đồn, đánh thiệt hại 9 đồn, loại khỏi vòng chiến đấu 1.972 tên địch, thu 216 khẩu súng các loại(1).

Tháng 2-1967, chính quyền ngụy ở Chương Thiện tiếp tục thực hiện kế hoạch hai gọng kìm và bình định có trọng điểm trên địa bàn huyện Long Mỹ. Địch sử dụng bốn đại đội bộ binh hành quân lấn chiếm tuyến kênh xáng Nàng Mau - Vĩnh Tường, đóng đồn tại Cảng Chủ Hàng, khôi phục lại lực lượng tề ấp, tề xã. Bên cạnh đó, địch tập trung củng cố các ấp chiến lược (tên gọi mới là “ấp tân sinh”, “ấp đời mới”) đã bị tan rã, phá lỏng trên các tuyến lộ Long Mỹ - Vị Thanh, Long Mỹ - Trà Bang Nhỏ, Vị Thanh - Hỏa Lựu, tuyến kinh xáng Xà No. Địch sử dụng phi pháo, máy bay ném bom đánh phá liên tục khu vực nông thôn giải phóng, vùng ven và vùng tranh chấp, hỗ trợ binh lính trong các đồn bốt, lực lượng biệt kích mở rộng phạm hoạt động.

Để đối phó địch càn quét, Huyện ủy Long Mỹ chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện và du kích xã, ấp phối hợp chặt chẽ với mũi đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng tổ chức đánh lực lượng địch thuộc tiểu khu Chương Thiện và Sư đoàn 21 ngụy đang hành quân càn quét trên địa bàn huyện.

Ngày 8-2-1967, địch bắn phi pháo làm chết 6 người dân ở Vĩnh Thuận Đông, ta vận động nhân dân chở xác chết ra thị trấn Long Mỹ đấu tranh chống địch thảm sát.

Ngày 15-2-1967 (mùng 7 Tết Đinh Mùi), địch huy động lực lượng bộ binh thuộc Trung đoàn 31 sử dụng 30 chiếc trực thăng đổ quân tại khu vực Xẻo Giá (Vĩnh Viễn). Lực lượng vũ trang huyện và du kích xã Vĩnh Viễn phối hợp cùng Tiểu đoàn 303 thuộc Trung đoàn 1 Quân khu 9 triển khai đội hình, nổ súng đánh địch càn quét, bắn rơi 17 máy bay trực thăng UH-1A, tiêu diệt trên 200 tên địch. Trận này, ta hy sinh 60 chiến sĩ. Thắng lợi của trận đánh tại Xẻo Giá (Vĩnh Viễn) đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân huyện Long Mỹ thời kỳ này.

Vài ngày sau, địch sử dụng trực thăng đổ một đại đội biệt kích ở ngọn Cái Su (Hỏa Lưu) bất ngờ tập kích vào địa bàn đứng chân của đội giao liên huyện và du kích xã Hỏa Lưu. Ta lợi dụng vào hệ thống công sự trận địa được xây dựng sẵn nổ súng đánh trả quyết liệt, diệt 17 tên và thu 6 khẩu súng.

Phát huy thắng lợi đã đạt được, lực lượng vũ trang huyện phối hợp cùng Đội biệt động thị xã Vị Thanh, du kích các xã, ấp bao vây các đồn bốt, bất ngờ tập kích vào các “ấp tân sinh”, “ấp đời mới” trên tuyến lộ 31, lộ 62, tuyến kênh xáng Nàng Mau – Vĩnh Tường, Nàng Mau - Vịnh Chèo, ngã tư Nước Đục diệt ác, phá kìm và giải tán phòng vệ dân sự. Du kích xã Long Trị phối hợp với cơ sở nội tuyến đột nhập vùng ven thị trấn Long Mỹ diệt 5 tên địch thuộc Đoàn bình định số 6, thu 5 khẩu súng, 1 máy thông tin và 1 thùng đạn.

Ngày 10-4-1967, du kích xã Long Phú tập kích tiêu diệt một tiểu đội bình định trên đoạn lộ giữa cống Cả Luyện – Trà Bang Nhỏ, đột nhập “ấp tân sinh” giải tán một toán phòng vệ dân sự.

Ngày 4-5-1967, lực lượng vũ trang huyện phối hợp cùng một trung đội thuộc Tiểu đoàn 303 Quân khu 9 pháo kích vào đội hình Tiểu đoàn 1 ngụy đang cụm quân hỗ trợ các “ấp tân sinh”, “ấp đời mới” trên tuyến kênh xáng Nàng Mau và Xà No, diệt và làm bị thương khoảng 70 tên địch.

Đêm 15-5-1967, du kích xã Lương Tâm đột nhập “ấp tân sinh” ở Tô Ma, diệt 2 tên tề, chỉ điểm và tổ chức bao vây bắn tỉa binh lính trong đồn Tô Ma. Cùng ngày, du kích xã Long Phú bao vây bắn tỉa đồn trà Bang nhỏ, diệt 3 tên địch. Đêm 21-5-1967, du kích xã Long Bình kết hợp cùng lực lượng vũ trang huyện pháo kích đồn Nước Đục, diệt 5 tên địch. Du kích xã Thuận hưng đột nhập “ấp tân sinh”, “ấp đời mới” Cái Trầu, diệt Đoàn bình định số 14, thu 4 khẩu súng.

Đầu tháng 6-1967, sau khi diệt một số đồn bốt trên liên tỉnh lộ 31 thuộc xã Tân Bình (Phụng Hiệp), một bộ phận của Tiểu đoàn 309 Quân khu 9 phối hợp cùng lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ và du kích các xã Hòa An, Long Bình, Vĩnh Tường phá rã trên 10 “ấp tân sinh”, “ấp đời mới”, diệt và làm tan rã 15 liên toán và toán phòng vệ dân sự (khoảng 300 tên), bắt 15 tên bình định, tề xã, tề ấp, thu 36 khẩu súng, hỗ trợ 120 gia đình trở về ruộng vườn cũ sinh sống.


(1) Trong đó chống càn 126 trận, 3 lần tập kích đánh vào chi khu và thị trấn Vị Thanh, 32 lần đột nhập phá tề, phá ấp chiến lược, 520 lần bao vây đồn bốt, 3 lần đánh phá cầu, tiêu diệt 394 tên địch, bị thương 480 tên, bắt sống 76 tên, vận động đào rã ngũ 760 tên.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:49:02 am
Ngày 31-7-1967, du kích xã vị Thanh phục kích đánh trung đội địch thuộc Đại đội 657 bảo an gần đồn Mười Bốn Ngàn, diệt 6 tên, thu 6 khẩu súng (có 2 trung liên).

Tháng 9-1967, Tỉnh ủy đề ra nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ, quân và dân huyện Long Mỹ thời kỳ này là: "phát động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân khẩn trương xốc tới tấn công địch dồn dập, ngày càng cao bằng hai cao trào, bằng ba mũi giáp công, tiêu diệt, tiêu hao, làm tan rã ngụy quân; đồng thời gây thiệt hại nặng cho quân Mỹ đến mức chúng không còn khả năng phản công cũng như phòng ngự. Ra sức công kích khởi nghĩa liên tục, dồn dập giành dân, mở rộng địa bàn, xây dựng chính quyền cách mạng ngày càng vững chắc, nhất là ở các trọng điểm chiến lược, củng cố vùng giải phóng mọi mặt để góp người, của tạo ưu thế quân sự trên các địa bàn cơ động, tiếp tục đánh bại hoàn toàn kế hoạch hai gọng kìm của địch. Đẩy mạnh phong trào chính trị, vũ trang trong huyện Long Mỹ lên một bước mới với khí thế bạo lực được nâng cao. Nhanh chóng phát triển thực lực cách mạng về số lượng và chất lượng để làm chuyển biến tương quan mau lẹ. Tạo điều kiện, tranh thủ thời cơ tiến lên giành thắng lợi quyết định". Chủ trương của Tỉnh ủy là tập trung lực lượng vũ trang huyện, tỉnh mở đợt tiến công địch trên tuyến kênh xáng Xà No.

Thực hiện chủ trương của trên, Huyện ủy rút du kích ở các xã tăng cường cho lực lượng vũ trang huyện, thành lập đại đội địa phương quân (lần thứ ba), gồm các trung đội 42, 44, 46, 52 và 54, quân số gần 100 chiếc sĩ. Đồng chí Lê Quốc Tri (Năm Tri) làm Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên, đồng chí Năm Cường làm Đại đội phó, đồng chí Quảng Thành Be làm Chính trị viên phó. Đội du kích ấp bổ sung cho lực lượng du kích xã nhằm xây dựng lực lượng vũ trang huyện vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phối hợp nhịp nhàng với chiến trường tỉnh tiến công địch liên tục, toàn diện.

Tháng 9-1967, du kích Vĩnh Tường phối hợp với một tiểu đội địa phương quân huyện tập kích lực lượng bình định giữa ban ngày tại ngã ba kênh Mười Ba Ngàn, diệt một số tên, thu 3 khẩu súng. Nhân dân Vị Thanh, Hỏa Lựu được du kích hỗ trợ đã phá lộ, đánh sập cầu,

Trung tuần tháng 11-1967, đại đội địa phương quân huyện kết hợp với cơ sở nội tuyến tập kích đồn Xẻo Chèo (Long Bình), tiêu diệt và làm bị thương hơn 20 tên (trong đó có ban tề xã), thu 12 súng, 2 máy đánh chữ, 1 loa phóng thanh. Trước sự vây ép, tấn công liên tục của lực lượng cách mạng vào các đồn bốt trên địa bàn huyện Long Mỹ, bọn địch ở Chương Thiện đã mở hai đợt cao điểm phản công(1) nhằm khôi phục lại các đồn bốt đã mất, giành quyền kiểm soát trên chiến trường.

Để đối phó với địch, ngày 25-11-1967, lực lượng vũ trang huyện đồng loạt nổ súng đánh vào hậu phương của chúng. Ta sử dụng súng cối pháo kích vào nội ô thị trấn Long Mỹ, cơ sở của ta tổ chức ném lựu đạn vào bọn cảnh sát dã chiến, gây cho địch nhiều thiệt hại. Ở Thuận Hưng, du kích bao vây đồn, làm chủ tình hình hai ấp Thuận Mỹ, Bình Thuận, giải tán tề và phòng vệ dân sự, thu 3 khẩu súng. Tại Vĩnh Tường, tiểu đội địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã diệt đồn địch giữa ban ngày, thu 3 khẩu súng (có 2 khẩu trung liên). Ngày 27-12-1967, lực lượng địa phương quân phối hợp với du kích thị trấn Long Mỹ đánh Đại đội bảo an 417 tại Láng Dừa - Lộ Hoang, diệt 5 tên, làm bị thương 9 tên.

Trong thời gian này, Tiểu đoàn Tây Đô mở đợt tấn công vào các đồn bốt trên tuyến kênh xáng Xà No, đoạn từ Một Ngàn đến Mười Bốn Ngàn, từ Hội Đồng Thụ đến Chệt Súng, Những đòn tiến công liên tục của Tiểu đoàn Tây Đô đã bóc dỡ một loạt các đồn bốt như: Đồn Hội Đồng Thụ, Chệt Súng, Bảy Ngàn, Tám Ngàn, Mười Ba Ngàn,... Phối hợp với chiến trường chung, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ đẩy mạnh hoạt động trên các tuyến lộ Vị Thanh - Nàng Mau, Vị Thanh - Bảy Ngàn. Vị Thanh - Hỏa Lựu, Trà Bang Lớn - Trà Bang Nhỏ làm gián đoạn giao thông, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của địch trong thời gian dài. Ta chuyển các vùng tranh chấp yếu ở Hỏa Lựu, Vị Thanh, Vĩnh Tường,... lên tranh chấp mạnh.

Cùng với đòn tiến công vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng diễn ra mạnh mẽ. Hàng ngàn người dân với băng rôn, khẩu hiệu kéo vào thị trấn Long Mỹ đấu tranh chống địch bắt thân nhân đi lính, chống bắn pháo bừa bãi làm chết dân. Nhiều lần, quần chúng chỗ tử thi, những người bị thương do phi pháo địch gây ra kéo ra thị xã Vị Thanh, thị trấn Long Mỹ và Nàng Mau (mỗi đoàn có hàng trăm, hàng ngàn người tham gia) đấu tranh đòi địch bồi thường nhân mạng. Trước sức mạnh đấu tranh của quần chúng, địch buộc phải nhận đơn kiến nghị và hứa bồi thường. Ngoài ra, nhân dân còn tham gia đấu tranh trực diện với địch đòi giảm thuế, công chức đòi tăng lương, binh sĩ chống đi càn quét, phòng vệ đòi trả súng không chịu đi canh gác.


(1) Đợt 1 từ ngày 25 đến ngày 30-11-1967, địch tổ chức 67 cuộc càn quét, trong đó có một cuộc càn quét cấp trung đoàn, 14 cuộc càn quét cấp tiểu đoàn. Địch sử dụng 37 lượt máy bay ném bom, 32 lần trực thăng làm chết 67 người, bị thương 66 người, bắt 34 người và bắt 37l thanh niên đi lính. Đợt 2 vào đầu tháng 12-1967, địch mở 33 càn quét, có 2 cuộc càn quét cấp sư đoàn, 29 cuộc càn quét cấp tiểu đoàn, làm chết 116 người, bị thương 79 người, bắt 89 người.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:51:00 am
Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 đã khẳng định: “Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”(1). Hội nghị xác định nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện trong thời gian tới là: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”(2).

Đầu năm 1968, đồng chí Nguyễn Văn Hiểu (Bảy Thương), Tỉnh ủy viên được Tỉnh ủy điều về làm Bí thư Huyện ủy Long Mỹ. Quán triệt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Đảng bộ huyện Long Mỹ xác định nhiệm vụ quan trọng của địa phương thời kỳ này là bảo đảm tuyến hành lang giao thông, đón nhận các đơn vị chủ lực Quân khu, bộ phận hậu cần tiền phương đứng chân để tiến về thành phố Cần Thơ. Một mặt, quân và dân Long Mỹ phải bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho tuyến trước, mặt khác vừa phải hoàn thành nhiệm vụ tấn công vào các đồn, bốt và căn cứ địch trên địa bàn, nhất là hai chi khu Long Mỹ và Đức Long.

Cũng trong thời gian này, tỉnh điều động đồng chí Lê Quốc Tri (Năm Tri) - Đại đội trưởng địa phương quân huyện Long Mỹ cùng bốn trung đội 42, 46, 52, 54 (bao gồm vũ khí trang bị) để thành lập Tiểu đoàn Tây Đô II, địa phương quân huyện lúc này chỉ còn Trung đội 44 đặc công, Lúc này, Ban Chỉ huy huyện đội gồm các đồng chí: Chín Minh Hương - Chính trị viên, Tư Tuồng - Huyện đội phó phụ trách hậu cần. Nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Long Mỹ, Huyện ủy rút đồng chí Nguyễn Văn Bưa (Tám Bưa), Bí thư Chi bộ xã Vị Thủy lên làm Huyện đội trưởng, đồng chí Bảy Hăng (Xã đội trưởng Vị Thanh) Huyện đội phó, đồng chí Chín Núi (Bí thư Chi bộ xã Long Trị) làm Huyện đội phó. Lực lượng tham gia Tổng tiến công bao gồm địa phương quân huyện, an ninh vũ trang huyện và du kích thị trấn làm chủ công.

Về phía địch, biết ta sắp mở đợt tiến công lớn nhưng chúng không phán đoán được hướng tấn công, lực lượng tham gia cũng như thời gian diễn ra. Quân địch ở Long Mỹ ra lệnh hủy bỏ lệnh ngừng bắn trong dịp Tết, báo động các đồn trực ngày đêm.

Đêm 30, rạng sáng ngày 31-1-1968 (tức đêm Mùng 1, rạng sáng Mùng 2 Tết ám lịch), quân và dân ta đồng loạt nổ súng đánh vào các đồn địch trên toàn miền Nam, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Trong đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, lực lượng vũ trang huyện đã đồng loạt nổ súng đánh vào các đồn bốt trên địa bàn huyện. Tại thị trấn Long Mỹ và chi khu Đức Long(3), lực lượng địa phương quân và dư kích thị trấn tổ chức thành nhiều mũi tiến công liên tục vào chi khu, chi cánh sát, trụ sở tề..., tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 167 tên địch, ở Thuận Hưng, du kích xã nổ súng đánh địch 13 trận, diệt 49 tên địch, thu 4 khẩu súng, làm chủ hai ấp Thuận Bình và Thuận Mỹ. Du kích xã Long Trị và Long Phú đánh chiếm và làm chủ trục giao thông lộ 42, cắt đứt nhiều đoạn trên tuyến lộ Long Mỹ - Trà Bang Nhỏ. Du kích xã Vị Thanh nổ súng tiến công các đồn bốt dọc tuyến kênh xáng Xà No nhưng gặp phải sự chống trả quyết liệt của địch. Sáu du kích xã Vị Thanh dựa vào bãi chông, bãi lửa đánh bại cuộc hành quân của một đại đội bảo an, tiêu diệt một số tên, thu 6 khẩu súng. Du kích xã Vĩnh Thuận Đông đánh địch liên tục 5 ngày đêm trên tuyến kênh Nàng Mau - Vịnh Chèo, diệt 17 tên địch. Tiêu biểu là du kích ấp 3 (Vĩnh Thuận Đông), dựa vào bãi lửa đẩy lùi đợt càn quét của một tiểu đoàn địch, tiêu diệt và làm bị thương 29 tên địch. Du kích xã Lương Tâm tổ chức bao vây đồn Tô Ma, Giồng Cấm, diệt 10 tên địch phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược trở về quê cũ sinh sống.

Ngày 27-2-1968, lực lượng quân ngụy ở thị xã Vị Thanh chia làm hai mũi càn quét vào địa bàn các ấp Mỹ 1, Mỹ 2 (Hỏa Lựu). Trong quá trình hành quân vào ấp Mỹ 2, lực lượng du kích do Tư Tà chỉ huy (có ý định đầu hàng địch) nên không nổ súng, địch nổ súng làm hy sinh 9 đồng chí du kích, đồng chí Chữ bị địch bắt sống. Địch dẫn đồng chí Chữ ra kênh Sáu Thước, trước mặt đông đảo đồng bào cùng nhiều binh lính, đồng chí Chữ đã lớn tiếng tố cáo đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược và đồng chí bị tên lính Mỹ bắn chết ngay tại chỗ.

Trong đợt 1 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Long Mỹ, lực lượng vũ trang tuy chưa đánh dứt điểm được các mục tiêu quan trọng ở thị trấn, nhưng các đòn tiến công quân sự của ta đã gây địch nhiều thiệt hại, nhiều kho tàng, phương tiện chiến tranh của chúng bị phá hủy. Ta làm chủ nhiều ngày trên các tuyến giao thông thủy bộ, làm tan rã nhiều ban tề ấp, tề xã và ấp chiến lược, buộc địch ở vào thế bị động đối phó, tinh thần binh lính sa sút nghiêm trọng.


(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 29, tr. 47, 50.
(3) Chi khu Đức Long được chính quyền ngụy xây dựng tại Nàng Mau.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:51:48 am
Tháng 3-1968, Huyện ủy Long Mỹ tổ chức cuộc họp quán triệt Nghị quyết của Khu ủy và Tỉnh ủy Cần Thơ (tháng 2-1968), Nghị quyết xác định nhiệm vụ cách mạng trong thời gian tới là: “Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân không sợ mệt mỏi, ky sinh gian khổ, sẵn sàng tiếp nhận mọi nhiệm vụ dù khó khăn đến mức nào, bất cứ giá nào. Ra sức giữ vững thắng lợi vừa giành được, phát triển thắng lợi từng giờ; từng phút, liên tục tấn công, truy kích địch, kiên quyết đánh bại mọi cuộc phản kích của chúng. Tập trung đẩy mạnh công kích, khởi nghĩa ở các thị trấn, thị xã, nhất là các trọng điểm; đồng thời giải phóng toàn bộ nông thôn, nhất là nông thôn tiếp cận thị trấn, thị xã và các đường giao thông. Vừa công kích, khởi nghĩa, vừa phát động quần chúng xây dựng và phát triển nhanh chóng lực lượng ta (cả về vũ trang, chính trị, binh vận). Ra sức xây dựng hậu phương, đảm bảo cung cấp cho tiền phương, tăng cường vận tải, tiếp tế, dân công và bổ sung gấp rút chấn chỉnh chỉ đạo, chỉ huy,...”.

Thực hiện nghị quyết của trên, toàn Đảng bộ huyện Long Mỹ khẩn trương thực hiện những công cấp bách chuẩn bị cho đợt cao điểm 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (từ ngày 5-5-1968 đến ngày 15-6-1968) như: phát triển đảng viên, đoàn viên, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương,... Huyện thành lập Đại đội 1 (c96) địa phương quân trên cơ sở Trung đội 44 đặc công, rút một số chiến sĩ của đội giao liên và du kích các xã Vị Thanh, Vĩnh Thuận Đông, Thuận Hưng. Đại đội phương quân được biên chế thành bốn trung đội (2 trung đội bộ binh, 1 trung đội ĐKZ 75mm, 1 trung đội đặc công) do đồng chí Bảy Hăng làm Huyện đội phó kiêm Đại đội trưởng Đại đội 1 địa phương quân. Rút du kích các xã Long Bình, Long Phú và Long Trị lên thành lập Đại đội 2 (c97) địa phương quân, quân số hơn 50 chiến sĩ, do đồng chí Chín Núi (Huyện đội phó) kiêm Đại đội trưởng, đồng chí Ba Lắm làm Đại đội phó. Mỗi xã giải phóng xây dựng bốn đội du kích, xã tranh chấp xây dựng hai đội du kích. Bên cạnh đó huyện đưa về khu 1 trung đội thanh niên xung phong đưa 120 tân binh bổ sung xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh, khu. Chuyển hai xã từ tranh chấp yếu thành vùng tranh chấp mạnh. Mục tiêu đặt ra của quân và dân Long Mỹ trong đợt 2 là giải phóng thị trấn Long Mỹ và các xã trong huyện.

Trung tuần tháng 5-1968, địa phương quân và du kích phối hợp cùng Tiểu đoàn Tây Đô II tấn công vào các mục tiêu tại thị trấn Long Mỹ như: Chi khu, doanh trại đại đội bảo an, Chi cảnh sát, Chi chiêu hồi. Qua hai giờ chiến đấu liên tục với địch, ta làm chủ được Chi chiêu hồi, Chi cảnh sát, đánh thiệt hại nặng đại đội bảo an, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, thu 2 máy PRC10, 4 máy HT1, cùng nhiều súng và đồ dùng quân sự. Ngoài ra, địa phương quân phối hợp với du kích thị trấn và xã Thuận Hưng đột nhập vào chợ Long Mỹ (7 lần) để vũ trang tuyên truyền, tiêu diệt ác ôn, chiêu hồi, giải tán phòng vệ dân sự, thu 21 súng.

Trong hai ngày 5 và 6-5-1968, địch hành quân càn quét vào ấp Mỹ Tân và kênh Ông Cả, ấp Thạnh Bình (Hỏa Lựu). Du kích Hỏa Lựu kết hợp với lực lượng vũ trang của tỉnh chặn đánh liên tục, tiêu diệt 32 tên địch. Địa phương quân huyện phối hợp với du kích các xã Lương Tâm, Vĩnh Tường, Phương Bình, Hòa An bao vây bức rút đồn bốt, đánh địch càn quét được 35 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, quân trang và quân dụng. Trên trục lộ 31 du kích các xã đã tổ chức đánh địch trên 10 trận, phá hủy 6 xe quân sự.

Phối hợp với đòn tiến, công quân sự, hoạt động binh vận trong thời gian này hoạt động rất hiệu quả, các cơ sở nội tuyến trong đồn bốt địch tranh thủ thời cơ khởi nghĩa tiêu diệt địch ở nhiều nơi như: trận đánh sập lô cốt Lộ Hoang, diệt 22 tên, thu 16 khẩu sáng; bố trí gài mìn diệt 4 tên thuộc đại đội bảo an ở tâm thị trấn Long Mỹ; khởi nghĩa diệt đồn Năm Khai, thu toàn bộ vũ khí và quân trang, quân dụng. Ngày 8-5-1968, cơ sở nội tuyến khởi nghĩa tại Cái Bần (Long Trị), diệt 1 tên ác ôn, thu 15 súng, 1 máy PRC10. Tiếp đến, tháng 5-1968, cơ sở của ta trong đoàn bình định tại xã Vĩnh Tường sử dụng mìn tiêu diệt 3 tên, làm bị thương 2 thu 1 súng carbine và 1 máy HT1.

Tháng 5-1968, đồng chí Bảy Hăng - Đại đội trưởng Đại đội 1 (c96) địa phương quân trên đường đi công tác trúng đạn pháo của địch đã hy sinh, Huyện đội điều động đồng chí Sáu Sậu - Xã đội trưởng Vĩnh Thuận Đông lên giữ chức Đại đội phó, đồng chí Ba Khỏe - cán bộ Văn phòng Huyện ủy làm Đại đội phó phụ trách hậu cần. Đồng chí Chín Núi - Đại đội trưởng Đại đội 2 (c97) địa phương quân trên đường đi công tác rơi vào ổ phục kích của địch đã hy sinh. Đồng chí Ba Lắm - Đại đội phó được Huyện đội chỉ định làm Đại đội trưởng Đại đội 2 (c97) địa phương quân.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:57:45 am
Giữa tháng 6-1968, đồng chí Lê Quốc Tri (Năm Tri) -Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Tây Đô II được tỉnh điều về Long Mỹ giữ chức Huyện đội phó. Huyện điều đồng chí Nguyễn Văn Biển (Ba Biển), Bí thư chi bộ xã Long Bình giữ chức Chính trị viên phó Huyện đội, đồng chí Năm Ân - Huyện đội phó phụ trách tham mưu, đồng chí Tư Công phụ trách chính trị, đồng chí Bảy Nhung phụ trách thanh niên, đồng chí Tiễn phụ trách thi đua, đồng chí Chín Sửu làm Trợ lý tham mưu.

Trong cao điểm 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 ở Long Mỹ, lực lượng vũ trang huyện đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.903 tên địch, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự, trong đó du kích các xã tiêu diệt trên 200 tên địch, ta tiêu diệt nhiều đồn bốt và mở rộng được vùng giải phóng ở nhiều nơi. Kết hợp đòn tiến công quân sự, binh vận, nhân dân đã nổi dậy phá hủy nhiều khu gom dân, ấp chiến lược của địch, có hàng ngàn quần chúng tham gia đấu tranh chính trị chống địch càn quét, bắn giết người dân vô tội. Tuy nhiên, do yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, địch có thời gian chuẩn bị, củng cố lực lượng nên khi ta nổ súng tiến công vào các đồn bốt gặp phải sự chống cự quyết liệt của địch, gây cho ta nhiều tổn thất lớn về lực lượng(1).

Ngày 22-6-1968, Tỉnh ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết đợt 2 của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 đã đưa ra nhận định: “Xu thế phát ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch, thời cơ chiến lược hiện nay rất thuận lợi cho quân dân ta trong tỉnh xốc tới giành thắng lợi to lớn hơn nữa, tiến lên giành thắng lợi quyết định”. Đồng thời, Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cách mạng trong sáu tháng cuối năm 1968 là: “Với tinh thần khẩn trương kết thúc giai đoạn, động viên lớn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh liên tục tiến công, liên tục nổi dậy. Ra sức xây dựng lực lượng ta mọi mặt, nhất là ở thị trấn, thị xã, vùng ven, toàn lực xốc tới dứt điểm đồn bốt thị trấn, thị xã để giải phóng tỉnh nhà, góp phần giải phóng miền Tây và hoàn toàn miền Nam, sẵn sàng đánh bại địch trong mọi tình huống chiến tranh”.

Về phía địch, sau hai đợt tiến công của ta, địch tập trung củng cố lực lượng, ổn định các đồn bốt vùng ven thị trấn, các trục lộ giao thông, tăng cường quân ngụy chi viện cho các đồn bốt, các khu vực bị ta chiếm đóng lại một số vùng đã bị mất. Ngoài ra, địch ráo riết bắt lính, đôn quân, phát triển lực lượng bảo an, dân vệ,...

Trung tuần tháng 6-1968, địch sử dụng một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 31 kết hợp với đại đội bảo an của Chi khu Long Mỹ càn quét vào xã Thuận Hưng, Đại đội 1 địa phương quân huyện kết hợp với Tiểu đoàn Tây Đô II chặn đánh địch tại khu vực ổ Mối (Thuận Hưng). Qua nhiều giờ chiến đấu giằng co với địch, ta sử dụng một trung đội thuộc Đại đội 1 địa phương quân dùng vỏ lãi vận động từ hướng kênh Nhật Tảo bất ngờ đánh vu hồi vào phía sau lưng đội hình địch. Kết quả, ta diệt 60 tên địch, trong đó có thiếu tá Võ Trường Hỷ - Quận trưởng Long Mỹ. Địch bị thiệt hại nặng về lực lượng buộc phải bỏ dỡ cuộc càn quét, rút quân về thị trấn Long Mỹ củng cố lực lượng.

Tiếp đến, địa phương quân huyện phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô II nổ súng đánh đồn Nước Đục (gần Chi khu Long Mỹ), đồng thời triển khai xây dựng trận địa phục kích đoạn từ vàm kênh Quản Tấn đến đập Ba Doi (xã Thuận Hưng). Sáng hôm sau, địch cho hai tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 31 cùng với đại đội bảo an của Chi khu Long Mỹ hành quân vào can viện cho đồn Nước Đục, bị lực lượng ta chặn đánh quyết liệt. Từ sáng đến trưa, bộ đội ta đã đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại, buộc quân phải lui quân về tuyến sau củng cố lực lượng. Địch sử dụng pháo binh và máy bay bắn phá hủy diệt trận địa, làm nhiều cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh, trong đó có đồng chí Tư Tuấn - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô II, các đồng chí Sáu Sậu, Ba Khỏe - Đại đội phó Đại đội 1 địa phương quân huyện.

Qua hai trận đánh ở ổ Mối, Ba Doi, quân số của Đại đội 1 địa phương quân huyện giảm sút nghiêm trọng. Ban Chỉ huy Huyện đội quyết định phân công đồng chí Lê Quốc Tri (Năm Tri) - Huyện đội phó làm Đại đội trưởng kiêm Chính trị viên Đại đội 1 địa phương quân, điều động đồng chí Đoàn Văn Bồi (Ba Bồi) - Thị đội trưởng thị trấn Long Mỹ làm Đại đội phó, đồng chí Trần Hẩu (Út Hoàng) làm Chính trị viên phó Đại đội. Lúc này, nhiệm vụ của địa phương quân huyện và du kích thị trấn Long Mỹ là tiêu diệt các đồn bốt vành đai xung quanh thị trấn Long Mỹ, buộc chúng phải co cụm lực lượng lại, tạo điều kiện thuận lợi để du kích các xã hoạt động.


(1) Địch mở 133 cuộc càn quét lớn nhỏ (trong đó có 2 cuộc cấp sư đoàn, 29 cuộc cấp tiểu đoàn, 42 cuộc biệt kích...), làm chết 116 người (có 26 đảng viên, 7 đoàn viên, 11 du kích), bị thương 79 người, 89 người bị địch bắt (có 1 du kích), ta mất 40 khẩu súng, cháy 80 ngôi nhà.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 07:58:23 am
Tháng 7-1968, cơ sở nội tuyến của ta trong lực lượng thanh niên chiến đấu ở Bình Thạnh (Long Bình) tiến hành khởi nghĩa và vận động làm rã ngũ 64 tên địch, thu 8 khẩu súng.

Thực hiện kế hoạch Tổng tiến công, tổng khởi nghĩa đợt 3 của Tỉnh ủy Cần Thơ (từ ngày 13-8 đến ngày 30-9-1968), Đảng bộ, quân và dân huyện Long Mỹ tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh, đẩy mạnh hoạt động tiến công đồn bốt địch, nhất là khu vực vùng ven thị trấn, các trục lộ giao thông,...

Ngày 14-9-1968, Đại đội 1 địa phương quân nổ súng tiến công đồn Tám Thứ nằm trên vành đai bảo vệ Chi khu Long Mỹ do 15 lính nghĩa quân trấn giữ. Sau 10 phút nổ súng, ta hoàn toàn làm chủ đồn, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thu toàn bộ vũ khí, trong đó có 1 cối 60mm, 1 máy thông tin HT1. Tháng 10-1968, địa phương quân huyện diệt đồn Hai Trí, nằm trên vành đai bảo vệ Chi khu Long Mỹ. Cõng trong tháng 10-1968 huyện thành lập trung đội nữ gồm 20 chiến sĩ, do đồng chí Mai Thị Thạnh làm Trung đội trưởng và trung đội nữ được biên chế thuộc Đại đội 1 địa phương quân huyện

Tháng 11-1968, địa phương quân diệt đồn Ba Cô do lính nghĩa quân trấn giữ, thu được 13 khẩu súng AR15. Đêm 20, rạng sáng ngày 21-11-1968, hai đại đội địa phương quân huyện và du kích thị trấn Long Mỹ được tỉnh tăng cường 1 khấu ĐKZ75mm, 3 khẩu B40 nổ súng đánh đồn Cái Nai và trụ sở tề xã Long Trị. Sau 15 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ các mục tiêu, tiêu diệt và làm bị thương hơn 40 tên địch, thu 36 khẩu súng các loại, trong đó có 1 cối 60mm, 1 máy PRC10 và 1 máy HT1. Sau trận đánh, đồng chí Lê Quốc Tri (Năm Tri) - Đại đội trưởng Đại đội 1 (c96) địa phương quân huyện được Tỉnh đội Cần Thơ tặng bằng khen vì đã lập thành tích: “Chỉ huy, lãnh đạo đơn vị chiến đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trận diệt đồn Cái Nai đêm 20, rạng sáng 21-11-1968”.

19 giờ 45 phút ngày 26-12-1968, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy và Ban Chỉ huy Huyện đội Long Mỹ, hai cơ sở mật là các chị Lê Thị Minh (Hai Minh) và Nguyễn Thị Lầu (Chín Kiệt) sử dụng ghe máy bên dưới có bố trí quả mìn nặng khoảng 500kg có gắn kíp nổ hẹn giờ di chuyển đến khu vực cầu Long Mỹ, lợi dụng sơ hở của địch đã cắt mìn đúng mục tiêu, đánh sập cây cầu Long Mỹ, diệt 6 tên lính gác, làm bị thương hàng chục tên địch. Đây là trận đánh tiêu biểu, nổi bật trong đánh phá giao thông của lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn huyện Long Mỹ, đã gây được tiếng vang lớn trong quần chúng nhân dân. Ta cắt đứt giao thông của địch từ thị trấn Long Mỹ đi Cần Thơ, Vị Thanh, ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét của địch từ Chi khu Long Mỹ xuống các xã Thuận Hưng, Vĩnh Thuận Đông, Vị Thủy, Vĩnh Tường..., tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang huyện hoạt động, mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn huyện Long Mỹ.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 là thắng lợi to lớn của Đảng bộ, quân và dân huyện Long Mỹ, đã giáng một đòn chí mạng vào ngụy quân, ngụy quyền trên địa bàn huyện, làm tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, góp phần cùng toàn miền Nam đánh bại kế hoạch “bình định và tìm diệt” của địch, buộc Mỹ -ngụy phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Pari. Tuy nhiên, ta cũng chịu nhiều hy sinh, tổn thất do chưa dứt điểm được các mục tiêu quan trọng mang tính quyết định, công tác chuẩn bị chưa chu đáo, lực lượng, vũ khí trang bị, đạn dược chưa được bổ sung kịp thời nên không đủ sức tiến công địch liên tục, địch có đủ thời gian để củng cố lực lượng tiến hành phản kích đánh lại ta quyết liệt, làm cho cán bộ, chiến sĩ trong đánh lại ta quyết liệt, làm cho cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị vũ trang hy sinh nhiều, buộc ta phải di chuyển lực lượng ra vùng ven hoạt động.

Tóm lại, trong giai đoạn 1966 - 1968, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, trực tiếp là Ban Chỉ huy Huyện đội, lực lượng vũ trang huyện được xây dựng ngày càng lớn mạnh, đã kiên cường đánh địch, hỗ trợ đắc lực cho quần chúng tiến hành đấu tranh chính trị, binh vận làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của Mỹ - ngụy. Trong đó, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần cùng quân và dân miền Nam làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. đưa phong trào cách mạng ở miền Nam chuyển sang giai đoạn mới.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 08:32:13 am
Chương III

KIÊN CƯỜNG BÁM TRỤ ĐÁNH ĐỊCH BÌNH ĐỊNH, LẤN CHIẾM
VI PHẠM HIỆP ĐỊNH PARI, TẠO THỂ VÀ LỰC MỚI
TIẾN HÀNH TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN
HUYỆN LONG MỸ (1969 -1975)

I- KIÊN CƯỜNG BÁM TRỤ ĐÁNH ĐỊCH BÌNH ĐỊNH,
THAM GIA ĐỢT TIẾN CÔNG TỔNG HỢP NĂM 1972

Thắng lợi của quân và dân miền Nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 buộc đế quốc Mỹ phải điều chỉnh chiến lược chiến tranh từ “Chiến tranh cục bộ” sang “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chiến lược được chia thành ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từng bước chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu trên bộ cho quân ngụy, rút dần quân chiến đấu trên bộ của Mỹ ra khởi miền Nam Việt Nam.

Giai đoạn 2: Chuyển giao nhiệm vụ trên không cho quân đội Sài Gòn, làm cho quân ngụy đủ sức đương đầu với lực lượng cách mạng, giữ vững được Việt Nam và Đông Dương trong quỹ đạo của Mỹ.

Giai đoạn 3: Hoàn tất những mục tiêu của “Việt Nam hóa chiến tranh”, củng cố kết quả đã đạt được. Việt cộng suy yếu và chiến tranh sẽ tàn lụi(1).

Để thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” theo tính toán của chính quyền Mỹ, mỗi năm phải tăng từ 50.000 - 100.000 quân ngụy, đến cuối năm 1971, quân đội chính quy Việt Nam Cộng hòa đạt 1.100.000 tên. Trong đó, chú trọng phát triển ba quân chủng hải, lục, không quân. Đồng thời, Mỹ tăng cường trang bị vũ khí cho quân đội Sài Gòn(2). Địch tập trung bình định vùng nông thôn giải phóng, lấp dày hệ thống đồn bốt nhằm mục đích lấn đất, giành dân, đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi dân, đẩy lực lượng vũ trang ta ra xa địa bàn đứng chân.

Tại Cần Thơ, địch lấy địa bàn huyện Long Mỹ làm trọng điểm bình đinh, sử dụng thị xã Vị Thanh làm căn cứ xuất phát hành quân đánh chiếm vùng giải phóng nhằm mục đích biến nơi đây thành vùng trắng, tạo thành lá chắn vững chắc bảo vệ cơ quan đầu não vùng IV chiến thuật ở Cần Thơ. Đồng thời, cắt đứt hành lang vận chuyển đưa lực lượng, vũ khí từ căn cứ U Minh lên Cần Thơ.

Đầu năm 1969, địch đưa về Long Mỹ 15.000 quân của 2 sư đoàn bộ binh (9, 21) ngụy, 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 1 thiết đoàn xe thiết giáp M113, 1 giang đoàn tàu, 2 đội cảnh sát dã chiến, 2 đại đội biệt kích, nhiều tiểu đoàn bảo an,... Ngoài ra, địch còn tăng cường các trận địa pháo 105mm, xe thiết giáp M113, trực thăng vũ trang hỗ trợ cho bộ binh bình định vùng nông thôn, vùng giải phóng ở các xã Vĩnh Viễn, Xà Phiên, Hỏa Lựu,...

Hoạt động bình định, lấn chiếm của quân ngụy làm cho 80% dân số phải chạy ra vùng địch kiểm soát để tránh đạn pháo, vùng giải phóng của ta bị thu hẹp dần, gây nhiều khó khăn cho ta trong việc tiếp tế lương thực, thực phẩm, bổ sung vũ khí đạn dược, buộc lực lượng vũ trang ta phải lui về vùng hậu cứ để củng cố, xây dựng lực lượng. Huyện đội và lực lượng địa phương quân lúc này đang bám trụ cản cứ lõm ở ấp 10 (Thuận Hưng) và khu vực Xẻo Giá (Vĩnh Thuận Đông), địa bàn hoạt động chủ yếu là xung quanh thị trấn Long Mỹ như: khu vực Tràm Trốc, Nước Đục, Quản Tấn,... của hai xã Thuận Hưng và Vĩnh Thuận Đông.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trên địa bàn, Huyện ủy Long Mỹ phát động toàn Đảng bộ mở đợt học tập chính trị sâu rộng, giải quyết kịp thời những băn khoăn trong tư tưởng chính trị, nhận thức rõ đặc điểm tình hình, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và giáo dục tinh thần yêu nước của cán bộ đảng viên và quần chúng cốt cán với cách mạng. Đồng thời, Huyện ủy chỉ đạo các ngành, các cấp và đia phương tích cực xây dựng xã, ấp chiến đấu, đào hầm chông, làm bãi chông, bãi lửa,... phát động phong trào chiến tranh du kích, phong trào cán bộ, đảng viên và quần chúng thu nhặt bom lép để công trường làm chất nổ tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.

Tháng 1-1969, địa phương quân huyện nổ súng đánh đồn Vàm Đinh (Long Phú). Trong quá trình tấn công, do thủ pháo lép không nổ, các mũi tiến công không phát triển lên được nên không dứt điểm được đồn, ta hy sinh 5 chiến sĩ, bị thương 4 chiến sĩ.


(1) Xem Lịch sử quân sự Việt Nam - Tập 11: Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 253.
(2) Trang bị thêm 600 khẩu pháo từ 105 - 175mm, 482 chiếc xe tăng, thiết giáp, 70.000 khẩu súng M16 - 1 loại súng trường nhanh và hiện đại nhất của quân đội Mỹ lúc bấy giờ và 30.000 súng phóng lựu, 10.000 súng máy các loại.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 08:34:11 am
Ngày 18-2-1969, biệt động thị trấn Long Mỹ gồm ba đồng chí dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Thanh Bảnh (Út Bảnh) phục kích đánh trung đội bảo an địch tại vàm Giồng Kè (Vĩnh Thuận Đông), diệt 21 tên, làm bị thương 32 tên, thu 1 khẩu súng AR15 và 140 viên đạn. Địch cho quân vào chi viện, ba đồng chí biệt động bám trụ trận địa đánh địch suốt cả ngày, buộc địch phải rút quân về thị trấn Long Mỹ.

Ngày 5-3-1969, địch đưa quân càn quét vào địa bàn hai ấp 6 và 7 (Xà Phiên), du kích xã phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô II chặn đánh quyết liệt, diệt 106 tên, làm bị thương 47 tên, bắn rơi 1 máy bay Fl05, thu 63 khẩu súng và hàng ngàn viên đạn.

Tháng 3-1969, địch đưa 800 quân thuộc Sư đoàn 21 ngụy được pháo binh, máy bay ném bom yểm trợ càn quét vào ấp 4 (Xà Phiên), đóng các đồn Bảy Tiên, Ngã Bát. Tại Hỏa Lựu, địch sử dụng 2 trung đoàn chủ lực, 2 chi đội xe thiết giáp M113 và các đơn vị bảo an đánh phá ác liệt vào vùng giải phóng. Ở Vĩnh Viễn, địch sử dụng lực lượng của Sư đoàn 9, Sư đoàn 21 ngụy, 1 chi đoàn xe M113 cùng thủy quân lục chiến càn quét, đóng đồn và tiến hành phát quang địa hình. Sau khi bình định xong các xã Xà Phiên, Vĩnh Viễn, Hỏa Lựu, địch tập trung lực lượng càn quét khu vực Long Bình, Long Trị, Long Phú, Vĩnh Tường,... Đến cuối tháng 7-1969, trên địa bàn huyện Long Mỹ, địch đóng mới được 52 đồn và 16 lô cốt, nâng tổng số đồn bốt trên địa bàn huyện lên 137 đồn bốt. Song song với hoạt động hành quân bình định, càn quét, địch ra sức xây dựng bộ máy tế xã, ấp, lực lượng phòng vệ dân sự ở những nơi mới chiếm đóng, đẩy mạnh hoạt động bắt lính, đôn quân nhằm phát triển lực lượng quân ngụy.

Tháng 4-1969, địch đưa quân càn quét vào ấp 5 (Xà Phiên), du kích xã phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh chặn đánh tiêu diệt 63 tên, làm bị thương 27 tên, thu 32 khẩu súng và hàng ngàn viên đạn.

Tháng 5-1969, lực lượng vũ trang huyện phục kích đánh địch càn quét tại kênh Nước Đục (đoạn vườn ông Chín Sơn). Ta sử dụng tiểu liên và M79 bắn vào đội hình địch, làm chứng hoảng sợ bỏ chạy lọt vào khu vực ta bố trí bãi trái nổ diệt 21 tên, làm bị thương 17 tên.

Tháng 6-1969, địa phương quân huyện phối hợp với đội biệt động thị trấn phục kích đánh địch từ thị trấn Long Mỹ hành quân chi viện cho đồn Miễu Bà (Thuận Hưng) tại đầu Lộ Hoang, diệt tại chỗ 2 tên, làm bị thương 4 tên, thu 3 khẩu súng AR15 và 15 quả lựu đạn.

Tháng 7-1969, bọn lính bảo an của Chi khu Long Mỹ đi càn quét đạp trúng đầu đạn cối 106,7mm do biệt động thị trấn gài gần vàm kênh Nước Đục, đầu đạn nổ làm chết 11 tên và bị thương 14 tên, buộc địch phải bỏ dở cuộc càn quét.

Trong ba tháng (từ tháng 5 đến tháng 7-1969), du kích các xã Long Bình, Long Trị, Long Phú phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 9 đánh địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên. Du kích xã Thuận Hưng phối hợp với đội biệt động thị trấn Long Mỹ và địa phương quân đột nhập vào nội ô thị trấn 12 lần, đánh thiệt hại nặng Chi cảnh sát, 3 đoàn bình định, phá rã 109 tên phòng vệ dân sự. Du kích Vĩnh Thuận Đông đánh 1 trung đội phòng vệ dân sự, thu 6 khẩu súng.

Giữa lúc quân và dân huyện Long Mỹ đang quyết tâm đánh bại các cuộc hành quân càn quét, bình định của địch thì nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu qua đời. Ngay trong đêm, Huyện ủy Long Mỹ tổ chức lễ truy điệu Bác tại ấp 7 (xã Vị Thủy) và phát động phong trào biến đau thương thành hành động cách mạng tiêu diệt quân thù.

Trong ba tháng (từ tháng 9 đến tháng 11-1969), lực lượng địa phương quân huyện, du kích các xã chiến đấu độc lập và phối hợp tác chiến với lực lượng vũ trang tỉnh đánh nhiều trận, loại khỏi vòng chiến đấu trên 400 tên địch, thu 106 khẩu súng các loại. Trong đó, du kích xã Vĩnh Tường đã phối hợp với một đại đội của Tiểu đoàn Tây Đô II và hai cơ sở nội tuyến tiến công diệt gọn đồn tam giác Nhà Thờ, thu 19 súng, giải tán 1 liên toán phòng vệ dân sự, diệt tên Nhựt, Phó Trưởng ấp ác ôn trên kênh xáng Nàng Mau. Tháng 11-1969, du kích xã Hỏa Lựu bố trí trận địa trái nổ bẻ gãy trận càn quét của địch vào khu vực Vịnh Cây Bàng và Doi Giếng thuộc ấp Thạnh Quới trong nhiều ngày liền. Ta tiêu diệt khoảng 60 tên và làm bị thương nhiều tên địch.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 08:35:57 am
Qua một năm chiến đấu liên tục với kẻ thù, lực lượng địa phương quân huyện hao hụt nghiêm trọng, chưa được bổ sung kịp thời(1). Huyện đội quyết định giải tán trung đội nữ, ghép hai đại đội địa phương quân thành một đại đội, mang tên Đại đội 1 địa phương quân. Vũ khí trang bị cho Đại đội chủ yếu là lấy từ địch trang bị cho ta gồm có AR15, M79, cối 60mm, còn AK, B40 thì xin Trung đoàn 1 Quân khu 9. Địa bàn hoạt động của đơn vị lúc này chủ yếu là khu vực Tràm Tróc, Quản Tấn, Nước Đục,...

Cuối năm 1969, bọn lính thủy quân lục chiến sau khi tham gia bình định U Minh đã hành quân về Long Mỹ. Do nắm được kế hoạch hành quân của địch, lực lượng biệt động thị trấn phục kích chặn đánh chúng trên sông Cái Lớn (khoảng giữa kênh Quản Tấn và kênh Nước Đục). Ta nổ súng làm chìm 2 ghe máy lớn, diệt 18 tên và làm bị thương 11 tên địch.

Những cuộc tấn công của lực lượng vũ trang địa phương góp phần làm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực nhưng quân số của chúng được bổ sung rất nhanh và tăng cường hoạt động đánh phá ta một cách toàn diện nhằm mục đích thực hiện âm mưu giành đất, giành dân với ta. Bên cạnh đó, địch tăng cường hoạt động gián điệp trong các chiến dịch Phương Hoàng, củng cố các tổ chức phản động, tiếp tục bình định theo hướng cũ và mở rộng lấn chiếm một số điểm mới. Đối với vùng giải phóng, địch thực hiện chiến tranh tâm lý; bằng nhiều thủ đoạn tinh vi kết hợp gieo rắc tư tưởng cầu an, rải truyền đơn tuyên truyền trong các cuộc càn quét, làm cho quần chúng không an tâm, từ đó làm hạn chế hoạt động của phong trào cách mạng, gây tư tưởng nghi ngờ trong quần chúng, ở vùng nông thôn tạm chiếm, địch tập trung phòng thủ nhằm đối phó với sự tấn công của ta. Chúng ra sức tổ chức bộ máy kìm kẹp ở cơ sở để kiểm soát quần chúng tại chỗ, tiến hành phân loại nhân dân để phát hiện các gia đình cách mạng. Mặt khác, địch ra sức mua chuộc, dụ dỗ quần chúng, nhất là những gia đình có người thân tham gia kháng chiến.

Ngày 18-1-1970, địch tăng cường thêm Chiến đoàn 11 A hành quân đánh phá xuống U Minh, địa phương quân huyện và du kích xã Hỏa Lựu kết hợp với Tiểu đoàn 303 Quân khu 9 tổ chức phục kích đánh địch trên bờ sông Cái Tư, bắn chìm 5 chiếc tàu, làm hư hại nhiều chiếc khác. Đây là trận đánh tàu lớn nhất của quân ta ở miền Tây trong thời điểm này.

Đêm 28, rạng sáng ngày 29-1-1970, du kích xã Vĩnh Thuận Đông phục kích đánh bọn tề và liên toán phòng vệ dân sự tại kênh Cựa Gà (ấp 1), diệt tại chỗ 2 tên (1 trưởng ấp, 1 mật báo viên), làm bị thương 3 tên, bắt sống 17 tên. Trận đánh đã cho ta nhiều kinh nghiệm trong diệt ác, phá kìm, làm cho bọn tề ngụy trên địa bàn huyện Long Mỹ hoang mang, lo sợ.

Tháng 2-1970, địch điều hai đại đội với quân số trên 200 tên đánh vào căn cứ của đội biệt động thị trấn ở ấp 7 (xã Thuận Hưng). Lúc này, lực lượng biệt động thị trấn đi công tác, chỉ còn đồng chí Nguyễn Thanh Bảnh bị bệnh được giao nhiệm vụ ở lại giữ căn cứ. Khi đội hình địch đánh vào, đồng chí Bảnh dựa vào hệ thống giao thông hào và bãi trái nổ bố trí trước trận địa nổ súng đánh trả quyết liệt suốt một ngày liền, bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt 7 tên, làm bị thương 17 tên, bảo vệ an toàn căn cứ.

Ngày 17-4-1970, lực lượng địa phương quân huyện phối hợp với Tiểu đoàn 303 Quân khu 9 nổ súng đánh đồn Xà Phiên. Địch đưa quân từ Long Mỹ hành quân vào chi viện, ta chặn đánh tiêu diệt và làm bị thương trên 100 tên địch.

Tháng 5-1970, du kích xã Vĩnh Viễn phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 9 tập kích lực lượng địch thuộc Trung 33 ngụy tại cánh đồng Chà Là - Lung Dừa Khô (địa bàn ấp 8 và ấp 10), đánh thiệt hại năng một tiểu đoàn ngụy.

Tháng 7-1970, Ban Chỉ huy Huyện đội có sự thay đổi: đồng chí Lê Quốc Tri (Năm Tri) được bổ nhiệm làm huyện đội trưởng, đồng chí Tô Văn Tiên (Tư Tiên) sau khi đi học về được bổ nhiệm làm Chính trị viên Huyện đội, đồng chí Nguyễn Văn Biển (Ba Biển) làm Chính trị viên phó, đồng chí Năm Ẩn làm Huyện đội phó.

Tháng 10-1970, du kích xã Xà Phiên kết hợp với cơ sở nội tuyến đánh đồn Tám Mau (ấp 4), diệt 19 tên, thu 21 súng, 1 máy thông tin HT1 và trên 12.000 viên đạn. Tháng 11-1970, 5 du kích xã Vĩnh Viễn và 6 chiến sĩ địa phương quân huyện do đồng chí Huỳnh Ngọc Lành (Hai Lành) chỉ huy bố trí trận địa phục kích ở vàm kênh Bảy Kỷ chặn đánh chiếc võ lãi chở quân địch đi càn quét. Khi địch lọt vào trận địa phục kích, ta đồng loạt nổ súng bắn chìm chiếc võ lãi, diệt tại chỗ 9 tên, thu 5 khẩu súng AR15 và 1 khẩu M79.


(1) Hai đại đội địa phương quân, kể cả trung đội nữ chỉ còn khoảng 60 người.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 08:38:05 am
Tháng 12-1970, địch sử dụng một tiểu đoàn bộ binh càn quét vào địa bàn ấp 2 (Xà Phiên), đồng chí Mười Tình - du kích ấp 2 với khẩu súng trường cùng với chất nổ đã mưu trí, dũng cảm chống càn. Kết quả, đồng chí Mười Tình diệt được 13 tên địch và bẻ gãy cuộc càn quét của chúng. Sau trận đánh, đồng chí Mười Tình được cấp trên tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt ngụy” cấp ba.

Trong năm 1970, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, phá hỏng 3 tàu, 7 xe quân sự, 7 khẩu pháo, bắn rơi 10 máy bay và thu 130 khẩu súng các loại. Phong trào đấu tranh chính trị chống địch đôn quân, bắt lính, chống đuổi nhà gom dân,... diễn ra sôi động trên tuyến kênh xáng Xà No, Vịnh Chèo, Nàng Mau, Vĩnh Tường,... Ta tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, nhưng do chiến đấu liên tục, quân số lực lượng địa phương quân và du kích các xã hao hụt chưa được bổ tung kịp thời . Mặt khác, trong giai đoạn này, địch tăng cường lực lượng tiến hành bình định rất ác liệt, đóng đồn bốt dày đặc ở vùng nông thôn, buộc phần lớn nhân dân phải chạy ra vùng địch kiểm soát sinh sống, việc tiên hệ giữa cách mạng với quần chúng gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan, lực lượng vũ trang phải bám trụ tại các căn cứ lõm cách đồn bốt địch vài trăm mét để hoạt động, thực hiện nghiêm khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng” để tránh địch phát hiện đánh phá. Cán bộ các xã Long Phú, Long Trị, Vĩnh Tường, Vị Thanh phải ly hương sang địa bàn xã khác hoạt động. Một bộ phận cán bộ, đảng viên không chịu đựng nổi gian khổ, ác liệt đã ra đầu hàng giặc. Có thể nói đây là thời kỳ quân và dân huyện Long Mỹ chịu nhiều khó khăn, tổn thất nhất về lực lượng.

Cuối năm 1970, Mỹ - ngụy ngày càng bị cô lập về chính trị, cùng với những khó khăn về kinh tế, tài chính buộc Mỹ phải rút dần quân ra khỏi miền Nam. Kế hoạch bình định nông thôn của địch trở nên bấp bênh, khó giành thắng lợi. Trước tình hình đó, Đảng bộ Long Mỹ lãnh đạo lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân quyết tâm đánh bại kế hoạch bình định của địch trên địa bàn huyện, làm chuyển biến tình thế cách mạng theo chiều hướng có lợi cho ta.

Đầu năm 1971 (mùng 5 Tết Nguyên đán), lợi dụng bon địch thường xuyên đi ăn nhậu, la cà bên ngoài đồn ở ấp 3 (Xà Phiên), ta tổ chức cho cơ sở công khai mang rượu, thịt đến mời tên lính gác giữ đồn nhậu. Sau đó du kích bất ngờ tiến công làm chủ đồn, đồng thời tổ chức lực lượng truy kích những tên địch ở bên ngoài đồn, diệt 1 tên ác ôn, bắt sống 23 tên, thu 24 súng, 1 máy PBR25, khoảng 30.000 viên đạn và toàn bộ quân trang, quân dụng. Đây là trận đánh hay, diễn ra nhanh chóng, có sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng du kích và cơ sở làm cho quân địch bị bất ngờ, không kịp đối phó.

Tháng 1-1971, du kích xã Hỏa Lựu phối hợp cơ sở nội tuyến tiêu diệt đồn Vườn Cô và Rạch Gốc, diệt 2 trung đội địch, thu 22 khẩu súng. Tháng 3-1971, lực lượng địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã Long Trị và biệt động thị trấn nổ súng đánh đồn Năm Tiếng (Long Trị), làm chết và bị thương trên 50 tên địch, thu 38 khẩu súng cùng nhiều đạn dược và đồ dùng quân sự.

Trong ba tháng đầu năm 1971, lực lượng chủ lực Khu, bộ đội tỉnh và lực lượng vũ trang huyện đã tiến công vào các đồn bốt địch trên địa bàn huyện Long Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu 840 tên địch, thu 87 khẩu súng các loại. Tháng 4-1971, Tỉnh ủy Cần Thơ họp mở rộng tại xã Vĩnh Viễn để kiểm điểm, đánh giá tình hình và quán triệt Chỉ thị số 01 của Trung ương Cục. Sau đó, Huyện ủy Long Mỹ(1) tổ chức quán triệt chi thị của Trung ương Cục, của Tỉnh ủy và đề ra nhiệm vụ trước mắt của địa phương: “Phút huy những thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn, nắm vững thời cơ, liên tục tiến công địch bằng ba mũi (vũ trang, chính trị, binh vận). Khẩn trương xây dựng lực lượng ta về mọi mặt, nhất là xây dựng lực lượng vũ trang tập trung của huyện. Từng bước đánh bại kế hoạch bình định, sẵn sàng đánh bại kế hoạch mùa khô của địch, giành thắng lợi toàn diện, làm chuyển biến tương quan lực lượng có lợi cho ta, tạo thế và lực mới, đưa phong trào cách mạng tiến lên một cách vững chắc”.

Trong đợt tiến công Đông - Xuân năm 1971, lực lượng địa phương quân huyện, du kích các xã phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô II, Tiểu đoàn 309 Quân khu 9 và lực lượng chính trị, binh vận liên tục tấn công, bao vây các đồn bốt địch đóng trên địa bàn, trong đó nổi bật có đồn bị ta diệt đến 2 lần như đồn Ông Vèo, Long Bình, Xẻo Trâm,...

Trước những thắng lợi của quân và dân ta ở khắp các chiến trường, Huyện ủy Long Mỹ xác định kế hoạch trong quý II năm 1971 là: Tiếp tục đẩy mạnh tấn công địch bằng ba mũi, làm thất bại kế hoạch bình định của địch trên chiến trường Long Mỹ.


(1) Từ tháng 12-1970 đến tháng 12-1971, đồng chí Lê Văn Sáu (Sáu A) làm Bí thư Huyện ủy Long Mỹ.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 08:38:59 am
Thực hiện kế hoạch của Huyện ủy, lực lượng địa phương quân, du kích các xã đã phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô II tiến công tiêu diệt đồn ngã ba Vĩnh Tường và đồn Cái Nhào Nhỏ (Xà Phiên), loại khỏi vòng chiến đấu 2 trung đội địch, đánh thiệt hại đồn Giao Đu (Xà Phiên), đồn Thanh Long (Vĩnh Viễn), đồn Ba Voi (Vĩnh Thuận Đông). Du kích các xã Xà Phiên, Vĩnh Thuận Đông, Long Phú, Vĩnh Tường, Vị Thủy bung ra diệt ác, phá rã phòng vệ dân sự, bao vây đồn bốt, hỗ trợ cho đồng bào nổi dậy đấu tranh đòi trở về ruộng vườn cũ sinh sống.

Tháng 6-1971, du kích xã Xà Phiên phối hợp Tiểu đoàn 303 Quân khu 9 chặn đánh bọn lính Sư đoàn 21 ngụy càn quét vào ấp 3, diệt 77 tên (có 1 cố vấn Mỹ và 1 đại úy), bắn rơi 1 máy bay.

Ngày 15-8-1971, địa phương quân huyện phối hợp cùng du kích xã Vĩnh Thuận Đông chặn đánh một tiểu đoàn bảo an của tỉnh Chương Thiện tại Bờ Chuối. Trận đánh diễn ra giằng co, quyết liệt suốt từ sáng sớm đến chiều, ta diệt và làm bị thương khoảng 150 tên địch. Tuy nhiên, lực lượng địa phương quân huyện cũng chịu nhiều thương vong (ta hy sinh gần 30 chiến sĩ).

Ngày 25-8-1971, du kích xã Long Trí phục kích đánh trung đội địch trên kênh Xẻo Su, làm chìm 1 chiếc vỏ lãi, tiêu diệt tại chỗ 8 tên địch, làm bị thương 3 tên. Ta thu 1 đại liên, 2 khẩu AR15 và 1 máy PRC25.

Ngày 20-11-1971, đồng chí Nguyễn Hữu Ngượt (Tám Ngượt), du kích ấp 9 (xã Vĩnh Viễn) gài 1 đầu đạn 105mm và một số lựu đạn tại kênh Lò Than. Địch sử dụng tàu để quân càn quét ngay chỗ ta bố trí đầu đạn 105mm, đạn nổ làm chết và bị thương 52 tên, trong đó có 2 tên Mỹ.

Ngày 30-11-1971, du kích xã Vĩnh Viễn phối hợp với Tiểu đoàn 309 Quân khu 9 phục kích đánh địch tại Kênh Năm (ấp 8), làm thiệt hại nặng 1 đại đội địch, tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống hàng chục tên địch. Du kích ấp 1 (xã Vĩnh Viễn) dùng trái nổ đánh xe thiết giáp M113 làm chết 4 tên địch, du kích ấp 11 (Vĩnh Viễn) gài mìn nơi máy bay trực thăng thường đáp, mìn nổ làm tan xác 1 chiếc trực thăng, diệt và làm bị thương cả chục tên địch. Cũng trong năm 1971, du kích xã Xà Phiên kết hợp với cơ sở nội tuyến khởi nghĩa diệt đồn Bảy Tiên, thu toàn bộ vũ khí. Thời gian này, biết được tên trưởng đồn Cái Nhum ở ấp 3 (Xà Phiên) dẫn lính đi ra quận Long Mỹ nên cơ sở hợp pháp của ta tổ chức tiệc nhậu làm cho 3 tên lính giữ đồn say, thu toàn bộ vũ khí của đồn này.

Tháng 12-1971, quân ngụy được sự hỗ trợ của xe thiết giáp M113 càn quét vào xã Xà Phiên nhằm mục đích đánh bật Việt cộng ra khỏi địa bàn. Tại ấp 1, lực lượng du kích xã gài chất nổ phá hủy được 1 xe thiết giáp M113, làm hư hỏng nặng 2 chiếc khác, tiêu diệt 22 tên, làm bị thương trên 40 tên. Trong trận này, chiến sĩ Nguyễn Văn Còn là du kích xã đã bắn rơi 1 chiếc máy bay cán gáo.

Cuối năm 1971, anh Sáu Hoàng ở Cái Dứa (Vĩnh Viễn) có sáng kiến dùng hình một cô gái đẹp trong tranh dán nơi chuồng trâu, bên dưới bức tranh có gài chất nổ. Bọn địch đi càn nhìn thấy bức tranh liền xông vào giành giật, đạp lên trái nổ làm chết và bị thương 18 tên. Anh Nguyễn Văn Nuôi, du kích xã Vĩnh Thuận Đông cùng với 4 du kích tổ chức bao vây đồn địch ở ấp 5, dùng nạng giàn thun bắn lựu đạn vào đồn. Binh lính trong đồn lo sợ điện báo về cấp trên “Việt cộng sử dụng một loại vũ khí mới” và bỏ đồn tháo chạy ngay trong đêm.

Nhìn chung, trong ba năm (1969 - 1971), địch tiến hành bình định và đánh phá rất ác liệt, nhưng lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ đã dũng cảm từng bước vượt qua khó khăn, kiên cường bám đất, bám dân, vừa chiến đấu, vừa củng cố, xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh, tạo tiền đề vững chắc cùng quân và nước bước tiếp vào giai đoạn mới.   
Sau những thất bại liên tiếp trong kế hoạch bình định nông thôn ở miền Nam Việt Nam, Mỹ - ngụy tập trung mọi khả năng, lực lượng đưa cuộc chiến tranh lên mức độ cao nhất với hy vọng giành thắng lợi bằng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Tuy nhiên, mọi cố gắng của Mỹ - ngụy đều vấp phải sự đánh trả quyết liệt của quân và dân ta.

Đầu năm 1972, Tỉnh đội Cần Thơ điều động đồng chí Hồ Phú Hữu (Bảy Hén) về làm Huyện đội trưởng Long Mỹ.

Ngày 18-1-1972, bọn địch ở Tiểu khu Chương Thiện cho máy bay đổ quân của Tiểu đoàn bảo an 406 xuống địa bàn ấp 6 (Xà Phiên) ngay khu vực bố trí đội hình của Tiểu đoàn 303 Quân khu 9 và lực lượng du kích xã. Qua gần nửa giờ chiến đấu quyết liệt, ta đã diệt gọn 1 đại đội địch gồm 87 tên, thu toàn bộ vũ khí và 3 máy PRC25. Tranh thủ thời cơ, ngày 20-1-1972, du kích xã Xà Phiên bao vây đồn Dao Phay trong bốn ngày liền, bắn bị thương 3 tên địch. Địch bỏ đồn chạy về Ngang Dừa, ta san bằng đồn và làm chủ ấp(1).


(1) Theo kế hoạch xuân - hè năm 1972 của Quân khu và tình Cần Thơ, huyện Long Mỹ cần kết hợp chặt chẽ ba mũi giáp công để tạo thành sức mạnh tổng hợp bao vây các đồn bốt đóng trên địa bàn huyện, mở thông tuyến hành lang đi qua các xã Long Bình, Vĩnh Thuận Đông, Thuận Hưng, Vĩnh Viễn.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 08:42:06 am
Tháng 3-1972, Huyện ủy Long Mỹ họp tại Vĩnh Viễn đánh giá tình hình cách mạng trong thời gian qua.

Huyện ủy đề ra chủ trương: Đẩy mạnh tiến công địch ba mũi (vũ trang, chính trị và binh vận) nhằm tiêu hao, tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch; bức hàng bức rút đồn bốt địch, mở rộng vùng giải phóng. Huyện chọn các xã Vĩnh Viễn, Xà Phiên, Thuận Hưng, Vĩnh Thuận Đông, Long Bình làm trọng điểm. Riêng xã Thuận Hưng được chọn làm điểm tấn công của lực lượng địa phương quân. Đồng thời, chuẩn bị cho đợt tiến công chiến lược xuân - hè năm 1972, Huyện ủy tổ chức một đợt học tập, quán triệt nghị quyết của cấp trên nhằm làm thông suốt tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân, tạo ra một khí thế cách mạng mới, quyết tâm đánh bại âm mưu bình định của địch, đẩy chúng vào tình thế bị động, giành quyền làm chủ ở nông thôn.

Để chỉ đạo kịp thời phong trào cách mạng, Huyện đội quyết định tổ chức thành ba bộ phận: Ban Tham mưu do đồng chí Năm Diễn phụ trách, Tổ Chính trị do đồng chí Tư Công phụ trách, Hậu cần do đồng chí Tư Truyện phụ trách, đồng chí Ba Thọ phụ trách bộ phận sưu tầm vũ khí lép của địch cho công binh xưởng chế tạo vũ khí đánh địch.

Đại đội 1 (c96) địa phương quân thời kỳ này quân số có 14 chiến sĩ, do đồng chí Tư Đặng làm Đại đội trưởng, đồng chí Hai Lành làm Chính trị viên. Du kích mỗi xã có một tiểu đội, quân số từ 7 - 8 chiến sĩ. Chuẩn bị cho trận đánh mở màn đợt cao điểm, Huyện ủy điều một số đồng chí của Đội bảo vệ Huyện ủy và Đội thông tin bổ sung cho đại đội địa phương quân huyện (quân số đại đội địa phương quân lúc này được 20 chiến sĩ)

Đêm 6, rạng sáng ngày 7-4-1972, quân và dân Long Mỹ được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực tỉnh, Quân khu đã mở đợt tấn công đồng loạt vào các đồn bốt địch đóng trên địa bàn huyện, hưởng ứng đợt tiến công xuân - hè 1972 ở miền Nam. Đại đội địa phương quân được đội giao nhiệm vụ phối hợp với du kích xã Thuận Hưng tiến công đồn Hội Đồng Sửu (ấp 9), khai thông tuyến hành lang liên lạc của ta. Sau khi hoàn thành mọi công tác chuẩn bị, đúng 1 giờ ngày 7-4-1972, các mũi tiến công của ta đồng loạt nổ súng tiến công đồn Hội Đồng Sửu. Qua 15 phút chiến đấu, địa phương quân huyện đã làm chủ được đồn, diệt tại chỗ 3 tên, bắt sống 13 tên (có tên trưởng đồn), thu toàn bộ vũ khí. Địa phương quân huyện khẩn trương rời khỏi trận địa hành quân về điểm tập kết, chuẩn bị sẵn sàng đánh địch vào can viện. Đúng như dự đoán của ta, sáng hôm sau, Chi khu Long Mỹ điều một đại đội bảo an hành quân vào chi viện cho đồn Hội Đồng Sửu. Địa phương quân huyện chặn đánh tiêu diệt được nhiều tên, số còn sống sốt tháo chạy về Chi khu.

Tiếp đến, lực lượng vũ trang huyện bức hàng đồn Ba Phát (Thuận Hưng), đồn Đường Đào và đồn Ba Voi (Vĩnh Thuận Đông). Ngày 9-4-1972, quân và dân xã Vĩnh Thuận Đông được sự hỗ trợ của lực lượng địa phương quân đã nổi trống mõ áp đảo tinh thần binh lính ngụy và chiếm đồn Bến Ruộng giữa ban ngày. Quân và dân xã Vĩnh Tường làm súng giả hành quân nghi binh làm cho bọn địch ở đồn Cảng Chủ Hàng hoảng sợ bỏ chạy, ta đã xông lên chiếm đồn. Du kích xã Long Bình kết hợp với cơ sở nội tuyến khởi nghĩa tiêu diệt đồn Giồng Sao. Quân và dân xã Xà Phiên cùng với sư sãi bao vây, bức rút đồn Cây Me và đồn Ngã Bát. Nhân dân xã Vĩnh Tường vận động hai toán phòng vệ dân sự khởi nghĩa, mang 32 súng giao nộp cho cách mạng. Ở xã Vĩnh Thuận Đông, cơ sở của ta bố trí trong phòng vệ dân sự là anh Phan Văn Ửng phối hợp với du kích xã phá rã một trung đội phòng vệ dân sự ở Kênh Ngang, thu toàn bộ vũ khí (trong đó có 2 khẩu M79). Quân và dân xã Lương Tâm bao vây bức rút các đồn bốt trên địa bàn xã, giải tán nhiều toán phòng vệ dân sự, thu 104 khẩu súng các loại, giải phóng hoàn toàn xã Lương Tâm. Quân và dân xã Long Phú tiêu diệt đồn Vàm Đinh, du kích xã Thuận Hưng bức rút đồn Tràm Tróc. Địa phương quân Long Mỹ và du kích xã Vĩnh Tường phối hợp cùng Đại đội pháo binh tỉnh (H37) tiêu diệt đồn Kênh Giữa, hỗ trợ nhân dân nổi dậy giải tán tề, phòng vệ dân sự, giải phóng sáu ấp với trên 6.000 dân. Ngoài ra, quân và dân các xã đã bao vây, bức rút loạt đồn bốt như Xẻo Giá, Chà Là, Đầu Lá, Mười Cái Dứa (Vĩnh Viễn); Nhà Lầu, Kênh Tắc, Bầu Rán, Giồng Cấm (Lương Tâm), Cái Nhào Nhỏ (Xà Phiên); Cả Sắt (Vĩnh Thuận Đông), Cả Đĩa (Vị Thủy),...

Trong đợt tấn công xuân - hè từ ngày 7 đến ngày 25-4-1972, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang tỉnh, Quân khu và quần chúng nhân dân đã bức hàng, bức rút được 47 đồn bốt, đánh thiệt hại nặng 2 chi khu, diệt 2 tiểu đoàn, một số đại đội bảo an, loại khỏi vòng chiến đấu 6.119 tên địch (trong đó có 1.080 tên phòng vệ dân sự), bắt sống 78 tên, thu 692 súng các loại. Riêng lực lượng vũ trang, chính trị, binh vận huyện đã tiêu diệt, bức hàng, bức rút được 32 đồn, loại khỏi vòng chiến đấu 4.350 tên địch. Du kích các xã đã tấn công 120 lần vào 89 ấp, diệt 27 tên, làm bị thương 12 tên, phá rã, phá lỏng 18 ấp. Ta vận động nhiều đại đội bảo an chống lệnh đi càn quét, làm rã ngũ 500 phòng vệ dân sự và có nhiều ấp được giải phóng như: Lương Tâm (6 ấp), Xà Phiên (3 ấp), Vĩnh Thuận Đông (2 ấp), Thuận Hưng (2 ấp) Vĩnh Tường (2 ấp), Vị Thủy (1 ấp).

Ngày 10-7-1972, lực lượng bảo an kết hợp với binh lính của Sư đoàn 21 ngụy tổ chức khai hoang ở ấp 8 (Xà Phiên). Du kích xã Xà Phiên gài đầu đạn 105mm lép đã được cải tiến, địch vướng mìn nổ làm chết và bị thương 35 tên, buộc chúng phải hủy bỏ cuộc khai hoang.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 08:43:21 am
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương, chuẩn bị tốt cho đợt 2 cao điểm tiến công địch trên địa bàn Long Mỹ, tháng 7-1972, Huyện ủy mở đợt vận động thanh niên lên đường tòng quân nhằm bổ sung lực lượng cho bộ đội chủ lực Quân khu 9, tỉnh và địa phương quân huyện để đánh địch(1). Mặt khác, huyện chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng, phát triển lực lượng du kích xã, ấp. Huyện đội lập thêm một đại đội địa phương quân với tên gọi là c97, lực lượng lấy từ du kích các xã Vị Thủy, Hỏa Lựu, do đồng chí Bùi Thanh Cầm (Hai Cầm) làm Đại đội trưởng. Tiếp đến tháng 8-1972, Huyện đội thành lập thêm một đại đội địa phương quân với tên gọi là c98, lực lượng lấy từ du kích các xã Xà Phiên, Vĩnh Viễn, Long Bình, Long Trị, do đồng chí Tám Cọp làm Đại đội trưởng, đồng chí Năm Diễn làm Chính trị viên, quân số khoảng 70 quân. Lúc này, Huyện đội có ba đại đội địa phương quân c96, c97 và c98.

Bước vào đợt 2 chiến dịch xuân - hè năm 1972, bằng ba mũi giáp công, quân và dân huyện Long Mỹ đã đồng loạt nổ súng đánh vào các đồn bốt địch trên địa bàn huyện. Du kích các xã Long Phú, Thuận Hưng tổ chức đánh địch trong các đồn bung ra càn quét diệt 30 tên, thu 6 khẩu súng. Du kích xã Vĩnh Tường phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô III đánh thiệt hại nặng 1 đại đội bảo an địch, thu 16 khẩu súng.

Ngày 18-9-1972, trung đội dân vệ cơ động và lực lượng tề ấp tổ chức cuộc hành quân vào khu vực rạch Ổ Bịp (Vị Thủy), Trung đội 1 (thuộc Đại đội 97 địa phương quân huyện) phối hợp với du kích xã nổ súng tiêu diệt 5 tên địch (trong đó có tên trưởng ấp), làm bị thương 3 tên, bắt sống 3 tên (có tên Phương là Trung đội trưởng dân vệ), thu 1 máy PRC25, 1 khẩu M79, 1 col 45 và 6 khẩu súng AR15.

Bước vào cao điểm tháng 10-1972, Đại đội 96 địa phương quân huyện do đồng chí Phạm Minh Nữa (Út Nữa) làm Đại đội trưởng, đồng chí Huỳnh Ngọc Lành (Hai Lành) làm Chính trị viên chỉ huy phối hợp với kích xã Vĩnh Thuận Đông, Vị Thủy bám trụ 14 ngày đêm trên tuyến kênh xáng Nàng Mau đoạn từ Đường Đào đến Trà Sắt đánh địch, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, cắt đứt tuyến giao thông của địch từ Nàng Mau đi Vịnh Chèo. Đại đội 97 địa phương quân do đồng chí Bùi Thanh Cầm (Hai Cầm) làm Đại đội trưởng bám trụ khu vực từ Sóc Bà Mai đến Kinh Ngang đánh lực lượng bình định và bọn tề ấp, giải tán phòng vệ dân sự. Đại đội 98 địa phương quân do đồng chí Tám Cọp làm Đại đội trưởng, đồng chí Năm Diễn làm Chính trị viên bám trụ tuyến kênh Hội Đồng Sửu (Thuận Hưng), tổ chức bao vây đồn Hội Đồng Sửu, đánh lực lượng bảo an Chi khu Long Mỹ vào can viện. Trong đợt cao điểm, địa phương quân huyện Long Mỹ đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn, 1 đại đội bảo an, 1 đoàn bình định, giải tán 3 toán phòng vệ dân sự, tiêu hao, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí. Ngoài ra, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ còn được sự hỗ trợ của bộ đội chủ lực Quân khu 9, bộ đội tỉnh đã tổ chức đánh địch liên tục, bức rút đồn Nước Đục (Vĩnh Thuận Đông), đồn Sáu Thọ (Long Bình), đồn Ngang Mồ (Lương Tâm), đồn Mười Ba (Vĩnh Viễn) và bao vây 20 đồn khác, chuyển 5 ấp từ thế yếu lên thế mạnh ở các xã Lương Tâm, Vĩnh Viễn, Vị Thủy, Xà Phiên.

Cuối tháng 10-1972, Huyện đội giao nhiệm vụ cho Đại đội 96 địa phương quân chuyển sang hoạt động tại khu vực kênh xáng Xà No đoạn từ Tám Ngàn đến Mười Một Ngàn, tổ chức bao vây đồn Tám Ngàn và Mười Ngàn Rưỡi, phục kích đánh tàu sắt địch từ thị xã Vị Thanh hành quân lên chi viện. Đại đội 97 địa phương quân hoạt động trên tuyến kênh xáng Nàng Mau đoạn từ Nàng Mau đi Vịnh Chèo, bao vây đồn Trà Sắt và Đường Đào. Đại đội 98 địa phương quân phối hợp cùng Trung đoàn 10 (Sông Hương) đánh Chi khu Long Mỹ, bám trụ trên tuyến kênh Trà Bang đoạn từ chùa Tịnh Độ đến Kinh ranh. Trong đợt này, địa phương quân huyện đã tiêu hao, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch,…

Ngày 20-11-1972, bọn lính ở các đồn Cái Cao và vàm xáng Lái Hiếu càn quét vào kênh Cái Su. Du kích xã Long Trị có sáu đồng chí do đồng chí Nguyễn Văn Út (Út Cao) - Xã đội phó chỉ huy, tổ chức phục kích trung đội địch, diệt 9 tên (trong đó có 2 tên trưởng đồn), làm bị thương 1 tên, thu 2 khẩu M79, 2 súng ngắn Colt 45 và 1 máy PRC25. Trận đánh được Huyện đội chọn là trận đánh hay và được Quân khu 9 nêu gương điển hình. Sau trận đánh, đồng chí Nguyễn Văn út được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Trong hai tháng cuối năm 1972, quân và dân huyện long Mỹ đã tiêu diệt, bức rút, bức hàng sáu đồn, loại khỏi vòng chiến đấu 112 tên địch, thu 62 khẩu súng các loại, giải phóng hoàn toàn năm ấp. Song song với hoạt động vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị và binh vận của quần chúng diễn ra rất sôi nổi. Địa phương đã huy động được trên 8.000 lượt quần chúng đấu tranh trực diện với quân địch tại các đồn bốt, trụ sở tề xã, chống địch càn quét, bắn pháo bừa bãi giết hại nhân dân. Hơn 900 lượt gia đình binh sĩ ngụy đấu tranh đòi 200 thanh niên khỏi đi lính, buộc địch bồi thường thiệt hại trên 1 triệu đồng,…

Tóm lại, trong giai đoạn 1969 - 1972 trên địa bàn Long Mỹ, quân ngụy tiến hành bình định, đánh phá liên tục, đồn bốt đóng dày đặc, nhân dân bị chúng kìm kẹp rất gắt gao, vùng giải phóng của ta bị thu hẹp, lực lượng vũ trang phải phân tán nên hoạt động gặp nhiều khó khăn, phong trào cách mạng có lúc bị lắng xuống. Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp trên, vận dụng sáng tạo và phù hợp đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, từng bước vượt qua khó khăn, củng cố và xây dựng lực lượng, phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực Quân khu 9 và tỉnh đánh địch bình định, góp phần vào thắng lợi chung của đợt tiến công chiến lược xuân - hè năm 1972 ở miền Nam, giải phóng được vùng nông thôn rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi đưa phong trào cách mạng phát triển đi lên.


(1) Trong đợi này, huyện Long Mỹ đưa một trung đội địa phương quân bổ sung lực lượng cho Tiểu đoàn Tây Đô 1.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 08:46:21 am
II - LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HUYỆN LONG MỸ PHỐI HỢP CÙNG
QUÂN VÀ DÂN MIỀN TÂY NAM BỘ ĐÁNH ĐỊCH LẤN CHIẾM VI PHẠM
HIỆP ĐỊNH PARI (27-1-1973 - 12-1973)

Sau những thất bại nặng nề về quân sự trên chiến trường miền Nam Việt Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc, cùng với những tác động từ phong trào đấu của nhân dân Mỹ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đế quốc Mỹ buộc phải ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam ngày 27-1-1973. Tuy nhiên, với âm mưu tiếp tục thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam, nhằm chia cắt lâu dài nước ta, ngay từ đầu, Mỹ đã tăng viện trợ cho chính quyền Sài Gòn; củng cố, phát triển lực lượng quân đội, tăng cường dự trữ vật chất, trang thiết bị chiến tranh(1) để phá hoại Hiệp định Pari.

Được sự hậu thuẫn của đế quốc Mỹ, quân đội Sài Gòn ngang nhiên vi phạm các điều khoản của Hiệp định Pari vừa mới được ký kết, địch triển khai thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”(2) trên toàn chiến trường miền Nam nhằm lấn chiếm vào vùng giải phóng của ta.

Trong đợt 1 của kế hoạch bình định, lấn chiếm Chương Thiện, bọn ngụy quân, ngụy quyền ở Cần Thơ xác định Long Mỹ là trọng điểm bình định, lấn chiếm, làm bàn đạp để tấn công đánh chiếm U Minh. Ngay sau khi Hiệp định Pari vừa ký kết, địch ở Long Mỹ đã tập trung bắt lính, đôn quân, phát triển bảo an dân phòng vệ dân sự lên đến 6.350 tên, đưa 11 đoàn bình định gồm 360 tên, đóng 83 đồn bốt,... Ngoài ra địch đưa Trung đoàn 31 ngụy và ba tiểu đoàn bảo an kết hợp lực lượng của hai chi khu Đức Long và Long Mỹ thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” nhằm thực hiện âm mưu lấn đất, giành dân và đánh phá lực lượng cách mạng. Một mặt, địch ra sức xuyên tạc thắng lợi của Hiệp định Pari và chống lại chủ trương hòa hợp dân tộc của ta. Mặt khác, địch triển khai thực hiện quốc sách vơ vét lúa gạo trong nhân dân, xúc tiến triển khai kế hoạch bình định mới nhằm tái chiếm lại những khu vực đã mất và lấn chiếm những địa bàn xung yếu tại địa phương.

Quán triệt sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy Long Mỹ chỉ đạo lực lượng vũ trang huyện chủ động nổ súng tiêu diệt địch ngay từ đầu khi chúng chuẩn bị tấn công ta, trừng trị đích đáng những hành động vi phạm Hiệp định Pari của địch.

Chấp hành sự chỉ đạo của Huyện ủy, Ban Chỉ huy Huyện đội chỉ đạo lực lượng địa phương quân, du kích các xã, ấp chuẩn bị sẵn sàng đánh tiêu diệt địch khi chúng vì phạm Hiệp định Pari.

Đêm 27, rạng sáng ngày 28-1-1973, du kích xã Long Trị phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 9 đánh chiếm đồn Cái Nai, tiêu diệt gần hết lực lượng địch tại đây (trong đó có tên Vinh ác ôn). Sau đó, địch cho quân từ thị trấn Long Mỹ hành quân vào tái chiếm đã bị lực lượng du kích xã Long Trị kết hợp với bộ đội chủ lực chặn đứng.

Ngày 2-2-1973, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 - Quân khu 4 ngụy họp ở thành phố Cần Thơ và ra tuyên bố: “Trên hòa bình, dưới chiến tranh, ngoài hòa hợp, trong bình định”. Điều đó cho thấy âm mưu của địch là kiên quyết phá hoại Hiệp định Pari, tiếp tục đẩy mạnh bình định chiếm đóng vùng giải phóng nhằm đẩy lùi lực lượng ta để chiếm đất, giành dân.

Kiên quyết trừng trị địch vi phạm Hiệp định Pari, lực lượng địa phương quân huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp và du kích xã Long Trị phối hợp với Trung đoàn 1 Quân khu 9 đánh địch càn quét lấn chiếm trên tuyến kênh xáng Lái Hiếu - Cái Nai (Long Trị), gây cho chúng nhiều thiệt hại. Tháng 2-1973, du kích xã Vĩnh Viễn phối hợp với Trung đoàn 10 Quân khu 9 (Đoàn Sông Hương) tập kích chi đoàn xe thiết giáp M113 và bọn lính thuộc Trung đoàn 31 ngụy tại Lung Kỳ Đà (ấp 5, 6), phá hủy và làm hư hỏng nặng 4 xe M113, diệt trên 100 tên địch.

Ngày 21-2-1973, Huyện ủy Long Mỹ tổ chức cuộc họp mở rộng đề ra nhiệm vụ cách mạng trong những tháng tiếp theo của năm 1973 là: “Nắm vững tư tưởng tấn công và biện pháp bạo lực cách mạng, đánh địch bằng ba mũi giáp công kết hợp chặt với pháp lý Hiệp định, mũi quân sự vẫn là chủ yếu, đòn xeo cho mũi chính trị, binh vận; kiên quyết đánh bại kế hoạch bình định lấn chiếm, lấn đất, giành dân, phá hoại Hiệp định của địch”.


(1) Từ cuối năm 1972 đến đầu năm 1973, phía Mỹ đã viện trợ 2,67 tỷ USD cho chính quyền Sài Gòn, phát triển quân ngụy lên gần 2 triệu quân, 140.000 cảnh sát; chuyển 700 máy bay, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép và bổ sung vật chất dự trữ chiến tranh lên 2.000 tấn.
(2) Trong năm 1973, quân đội Sài Gòn đã mở 10.072 cuộc hành quân từ cấp tiểu đoàn trở lên, lấn chiếm được nhiều vùng giải phóng, kiểm soát được 11.430 ấp, trong đố có 5.008 ấp loại A với số dân là 19.049.000 người


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 08:52:36 am
Ngay sau Hội nghị, Đảng bộ Long Mỹ đã tích cực củng cố, xây dựng lực lượng cách mạng, đặc biệt là lực lượng vũ trang. Lực lượng địa phương quân huyện lúc này có 3 đại đội và 2 trung đội trinh sát. Các xã đều xây dựng được 1 trung đội du kích, mồi ấp có kích, trên địa bàn huyện có khoảng 30 000 dân bám trụ ở vùng giải phóng.

Ngày 20-3-1973, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 – Quân khu 4 ngụy họp và đề ra kế hoạch bình định trong năm 1973 ở đồng bằng sông Cửu Long. Kế hoạch được chia làm ba bước:

Bước 1: Từ tháng 3 đến tháng 5-1973 tiến hành bình định Chương Thiện, trọng tâm là huyện Long Mỹ và một phần huyện Phụng Hiệp.

Bước 2: Từ tháng 6 đến tháng 8-1973, bình định lấn chiếm U Minh.

Bước 3: Từ tháng 9-1973 đến tháng 2-1974, bình định phía nam Cà Mau, trên cơ sở đó giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Âm mưu của địch là phá hoại Hiệp định ngừng bắn, huy động một lực lượng quân sự lớn, liên tiếp mở các cuộc hành quân lấn chiếm, bình định các vùng nông thôn giải phóng, nhất là các vùng tiếp giáp thị trấn, thị xã nhằm mục tiêu xóa thế “da beo”.

Theo kế hoạch bình định, lấn chiếm bước 1 (tháng 4-1973) của quân ngụy ở Chương Thiện, huyện Long Mỹ được chọn làm trọng điểm đánh phá và thị xã Vị Thanh là căn cứ xuất phát hành quân. Địch sử dụng bốn tiểu đoàn (Sư đoàn 21 ngụy), quân bảo an và Thiết đoàn 9 đánh vào tuyến kênh Mười Ba (Vĩnh Viễn, Long Mỹ) và Lái Hiếu (Phụng Hiệp). Cuộc hành quân này bị địa phương quân huyện Long Mỹ, Phụng Hiệp, du kích các xã và bộ đội chủ lực Quân khu 9 chộn đánh, gây thiệt hại nặng. Song song đó, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng ở khu vực đô thị phát triển mạnh, buộc địch phải phân tán lực lượng ra đối phó, không thực biện được kế hoạch bình định đã đề ra.

Tháng 4-1973, du kích xã Vị Thanh gài mìn trên tuyến kênh xáng Xà No đánh chìm 2 chiếc tàu và làm bị thương 1 chiếc khác, thu 5 máy PRC25, 2 khẩu đại liên, giết chết và làm bị thương hàng chục tên địch, gây hoang mang trong hàng ngũ quân địch.

Cuối tháng 5-1973, một bộ phận của Đoàn đặc công Quân khu 9 tiêu diệt các đồn Giồng Cấm, Ngang Mồ (bương Tâm), buộc địch phải bỏ dỏ kế hoạch hành quân giải tỏa đông bắc Long Mỹ, đưa lực lượng về cứu nguy cho quân ngụy tại đây. Ngoài ra, du kích còn tổ chức đánh các đồn Nhà Thờ, Đường Đào (Vĩnh Thuận Đông), làm cho bọn địch ở đồn Cái Nhào (Thuận Hưng) lo sợ bỏ chạy về thị trấn Long Mỹ. Cùng lúc đó, du kích xã Vị Thủy kết hợp với lực lượng an ninh vũ trang và địa phương quân huyện diệt 1 trung đội dân vệ và tề xã Vị Thủy ở kênh xáng Vịnh Chèo - Nàng Mau, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 17-5-1973, du kích xã Vĩnh Tường phục kích đánh địch tại kênh Cơ Nhĩ (ấp 1), diệt tại chỗ 6 tên, bắt sống 2 tên, thu 1 khẩu M79, 6 khẩu súng AR15, 1 máy PRC25.

Ngày 5-6-1973, địch triển khai kế hoạch bình định bước 2. Địch điều Liên đoàn 41 biệt động quân về Chương Thiện, nâng tổng số lực lượng lên tương đương 48 tiểu đoàn. Hướng tiến công chủ yếu là tuyến sông Bà Lớn và khu vực Ba Hồ, hướng thứ yếu ở đông bắc Long Mỹ. Tuy nhiên, các cánh quân của địch bị các trung đoàn đoàn 1, 2, 10 và 20 của Quân khu 9 chặn đánh gây thiệt hại nặng. Phối hợp với chiến trường chung, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với các tiểu đoàn của tỉnh liên tục tiến công vào các mục tiêu quan trọng của địch trên địa bàn huyện Long Mỹ buộc chúng phải phân tán lực lượng ra đối phó, không cho địch tập trung trên hướng chủ yếu.

Địa phương quân huyện và du kích xã Hỏa Lựu phối hợp với Tiểu đoàn Tây Đô III đẩy mạnh hoạt động ở khu vực sát thị xã Vị Thanh, buộc quân ngụy phải rút một phần lực lượng đang đi lấn chiếm ở Ba Hồ về phòng thủ bảo vệ vùng ven thị xã. Địa phương quân huyện Long Mỹ phối hợp với Trung đoàn 10 của Quân khu 9 nổ súng đánh vào lực lượng tề xã Vĩnh Thuận Đông ở Vịnh Chèo, Trà Sắt, Trà Lồng,... Du kích xã Vĩnh Viễn phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 9 tập kích vào Sở Chỉ huy hành quân của Trung đoàn 31 ngụy tại kênh Mười Ba, diệt 70 tên, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, bắn cháy 4 xe thiết giáp M113, buộc địch phải rút chạy về Vịnh Chèo (Vĩnh Thuận Đông) để củng cố lực lượng.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 08:55:15 am
Trong thời gian này, lực lượng pháo binh của Khu tiến hành pháo kích vào các trận địa pháo của địch ở thị trấn Long Mỹ, Hỏa Lựu gây cho chúng nhiều thiệt hại. Bộ đội tấn công tiêu diệt đồn Thạnh Phú, Cái Su (Hòa Lựu), diệt 1 đại đội bảo an địch. Ở phía bắc Long Mỹ, ta tiêu diệt 2 đồn địch, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn bảo an ở Lái Hiếu, buộc địch phải điều Trung đoàn 33 ngụy đi ứng phó.

Ngày 8-6-1973, du kích xã Long Bình phối bợp Tiểu đoàn 309 Quân khu 9 diệt 1 tiểu đoàn bảo an địch lấn chiếm vào rạch Cái Cao (xã Long Bình). Ngày 30-6- 73 biệt động thị trấn Long Mỹ do đồng chí Nguyễn Thanh Bảnh chỉ huy đã hóa trang làm cảnh sát dã chiến ngụy thọc sâu vào nội ô thị trấn Long Mỹ đánh ác ôn tại ngã ba Lộ Quẹo, diệt tại chỗ 5 tên, bắn bị thương 3 tên, bắt 7 tên địch (trong đó có những tên ác ôn như Trung úy Sinh, tên Chơn, tên Chín Thích, tên Khải) thu 1 khẩu M72, 2 khẩu súng AR15, 10 quả lựu đạn và nhiều đạn dược. Trận đánh tuy chưa đạt theo kế hoạch đề ra nhưng đã thể hiện tinh thần dũng cảm, ý chí quyết tâm của các chiến sĩ biệt động thị trấn đánh thẳng vào nơi mà địch cho là bất khả xâm phạm, làm cho quần chúng rất vui mừng và cảm phục.

Cùng với đòn tiến công quân sự, phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng trong thời gian này ở địa phương cũng phát triển khá mạnh. Ta tổ chức cho nhiều phụ nữ và gia đình binh sĩ ra các chợ Long Mỹ, Hỏa Lựu,... gặp gỡ, vận động, tuyên truyền binh sĩ ngụy phản đối đi càn quét, lấn chiếm, bỏ súng trở về làm ăn lương thiện. Riêng phụ nữ xã Vĩnh Viễn đã vận động được 24 binh sĩ địch rã ngũ về với nhân dân.

Ngày 15-7-1973, biệt động thị trấn Long Mỹ do đồng chí Nguyễn Thanh Bảnh (Út Bảnh) chỉ huy tổ chức hóa trang lính cảnh sát dã chiến của tiểu khu Chương Thiện ngụy đến đồn Long Bình, mạo danh tên Hồ Ngọc Cẩn - Tỉnh trưởng Chương Thiện, mời bọn lính về tiểu khu làm việc gấp. Lúc đầu, địch chưa nghi ngờ, ta bắt được một số tên thì bị lộ, 3 tên lính bỏ chạy ra ta nổ súng bắn chết tại chỗ. Kết quả, ta tiêu diệt được 3 tên, bắt sống 17 tên, làm bị thương 14 tên. Ngày 21-7-1973, du kích xã Vị Thanh phục kích bọn lính dân vệ đồn Mười Ba Ngàn tại cánh đồng gần kênh Mười Ba Ngàn, diệt 2 tên (có tên trưởng đồn) thu 3 khẩu súng AR15,1 khẩu Col 45, 4 quả lựu đạn và hơn 300 viên đạn.

Cuối tháng 7-1973, địch tập trung rất đông quân ngụy trên địa bàn huyện Long Mỹ chuẩn bị bình định, lấn chiếm lớn. Địch tạm thời Long Mỹ ra làm ba vùng:

Vùng 1 gồm bảy xã: Vĩnh Viễn, Vị Thủy, Vĩnh Thuận Đông, Hỏa Lựu, Lương Tâm, Xà Phiên và Thuận Hưng. Tại đây, địch bố trí Trung đoàn 31 và Trung đoàn 33 (Sư đoàn 21 ngụy) cùng với 22 tiểu đoàn bảo an từ Long Xuyên, Sa Đéc tăng cường xuống, 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 2 tiểu đoàn biệt động quân số 44 và 46, 2 chiến đoàn A và B gồm 60 tàu lớn nhỏ, 1 giang đoàn tàu thuyền gồm 18 chiếc, 1 tiểu đoàn công binh, Thiết đoàn 19 gồm 48 chiếc xe thiết giáp M113, 2 tiểu đoàn pháo binh. Địch bố trí đội hình thành ba hướng: hướng thứ nhất: Trung đoàn 33 yểm trợ cho năm tiểu đoàn bảo an đóng chốt ở hai xã Vị Thủy và Vĩnh Thuận Đông(1); hướng thứ hai: Trung đoàn 31 yểm trợ cho chín tiểu đoàn bảo an đóng đồn chốt ở bốn xã(2); hướng thứ ba: một tiểu đoàn thủy quân lục chiến và năm tiểu đoàn bảo an chốt chặn ở các điểm(3).

Vùng 2 gồm năm xã: Long Bình, Long Trị, Long Phú (huyện Long Mỹ) và Hòa An, Phương Bình (huyện phụng Hiệp); do Trung đoàn 16 (Sư đoàn 9 ngụy) và 6 tiểu đoàn bảo an phụ trách(4).

Vùng 3 gồm hai xã Vị Thanh và Vĩnh Tường, do Trung đoàn 15 (Sư đoàn 9 ngụy) yểm trợ cho ba tiểu đoàn bảo an(5).


(1) Một tiểu đoàn đóng ở khu vực Nước Đục - Quản Tấn, Ba Voi. Một tiểu đoàn đóng ở gần ngã ba Bến Ruộng, Cây Bàng, Xẻo Sóc. Một tiểu đoàn ở tuyến Trà Sắt - Trà Lồng. Một tiểu đoàn ở Kênh Tắt Nhà Thờ và Cái Nhum. Một tiểu đoàn ở Kinh Ngang, Nhà Thờ Đất Mới - Vườn Cò thuộc xã Vĩnh Thuận Đông và một góc của xã Hỏa Lựu.
(2) Ba tiểu đoàn ở tuyến Cái Rắn, Cây Me, Đường Cộ (xã Xà Phiên) và một góc xã Ninh Quới. Hai tiểu đoàn ở lộ xe Năm Căn, Bần Quì, Tô Ma, kênh Nhà Lầu (xã Lương Tâm). Một tiểu đoàn ở tuyến Tràm Tróc, út Hồng Vân (xã Thuận Hưng). Một tiểu đoàn ở Cao Hột, ổ Mối (xã Thuận Hưng) và một góc của xã Vĩnh Quới (huyện Thạnh Trị). Một tiểu đoàn ở kênh Tám Hưng, Cái Nhào (xã Thuận Hưng) và một góc của xã Vĩnh Viễn. Một tiểu đoàn bảo an ở tuyến kênh Mười Ba và Đầu Lá (xã Vĩnh Viễn).
(3) Hai tiểu đoàn ở Cái Dứa, Chà Là, Thanh Long, Xẻo Giá (xã Vĩnh Viễn). Một tiểu đoàn ở kênh Mới, Sóc Miên, Thanh Phú (xã Hòa Lựu). Một tiểu đoàn ở tuyến cầu Đúc, sông Cái Lớn (xã Hòa Lựu). Một tiểu đoàn ở tuyến Bàu Ráng, Cả Đĩa (xã Lương Tâm) và một phần của xã Vĩnh Tuy (huyện Gò Quao).
(4) Hai tiểu đoàn ở tuyến Cái Cao, Sáu Thọ, Lộ Làng (xã Long Bình). Một tiểu đoàn ở tuyến vàm Xẻo Su - ngã tư kênh Xẻo Su, kênh Giải Phóng (xã Long Trị). Hai tiểu đoàn ở tuyến Cái Sắn, Lái Hiếu, Xẻo Sành thuộc 2 xã Phương Bình và Hòa An (Phụng Hiệp). Một tiểu đoàn ở ngã ba Ba Muôn, Cả Lóc, Xẻo Trâm (xã Long Phú).
(5) Hai tiểu đoàn ở kênh Giữa, kênh Hảng, Cảng Chủ Hàng vàm kênh Mười Ba, Bàu Kiến, Long Điền (xã Vĩnh Tường). Một tiểu đoàn ở tuyến kênh xáng Xà No, kênh Chín Ngàn, kênh Sáu Thước tiếp giáp với xã Hòa Hưng (huyện Giồng Riềng).


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Mười Một, 2020, 08:58:02 am
Trong thời gian này, hai chiến đoàn A và B sử dụng chiến thuật hạm đội nhỏ trên sông kết hợp với một trung đoàn thủy quân lục chiến từ Vị Thanh đánh xuống Cầu Đúc, ngã ba Nước Trong, Nước Đục, ngã ba Dinh Hạng Xáng Cục xuống Ba Đình. Giang đoàn 18 của địch đánh theo hai con sông Nước Đục và Nước Trong (Vĩnh Viễn). Cồn một tiểu đoàn công binh đóng trên tuyến Cầu Đúc- ngã ba Dinh Hạng để sửa chữa các tàu bị hư hỏng. Thiết đoàn xe số 19 gồm 48 chiếc MI 13 yểm trợ cho bộ binh cào quét vào các xã Vĩnh Viễn, Xà Phiên, Thuận Hưng và một số xã xung quanh. Các tiểu đoàn biệt động quân 44 và 46 cũng thường xuyên đánh phá ở khu vực này. Trong các cuộc càn quét, địch được yểm trợ hỏa lực từ pháo binh và máy bay.

Đầu tháng 8-1973, địch sử dụng Trung đoàn 31 (Sư đoàn 21 ngụy) cùng 40 xe thiết giáp M113, 1 hạm đội nhỏ (29 tàu chiến) mở cuộc hành quân lấn chiếm vào xã Vĩnh Viễn, đóng 13 đồn bốt, xây dựng căn cứ dã chiến của Trung đoàn 31. Lực lượng địch bị du kích xã, ấp và bộ đội chủ lực Quân khu 9 chặn đánh liên tục làm cho bọn chúng phải chịu thất bại nặng nề.

Tháng 8-1973, du kích hai xã Vị Thủy và Vĩnh Thuận Đông phối hợp chống địch càn quét suốt 17 ngày đêm, buộc địch phải rút chạy, bọn lính đồn Cây Bàng cũng hoảng sợ bỏ chạy, lực lượng ta xông lên san bằng đồn.

Ngày 3-9-1973, Quân đoàn 4 - Quân khu 4 ngụy điều chỉnh kế hoạch “Hoàn thành lấn chiếm Chương Thiện, cô lập, phong tỏa U Minh”. Trước mắt, địch tập trung lấn chiếm Ba Hồ (Giồng Riềng), Lái Hiếu (Phụng Hiệp), sau đó chuyển sang hướng tây nam Long Mỹ. Đồng thời, địch thực hiện kế hoạch phong tỏa kinh tế và cướp lúa, sử dụng Sư đoàn 21 đánh phá Chương Thiện, Rạch Giá, Cà Mau,...

Tháng 9-1973, lực lượng vũ trang Quân khu 9 phối hợp với các địa phương tiến công mạnh vào các đồn bốt địch ở Thạnh Trị, Châu Thành, Giồng Riềng..., buộc địch phải lấy quân từ chiến trường Chương Thiện đi ứng cứu, giải tỏa. Nắm bắt thời cơ, địa phương quân huyện, du kích xã Vĩnh Thuận Đông phối hợp với Trung đoàn 1 Quân khu 9 và Tiểu đoàn Tây Đô tiến công vào 16 đồn, chốt của địch, tiêu diệt đồn Trà Lồng, bức rút đồn Nhà Thờ, đồn Kênh Ngang.

Tháng 10-1973, Tỉnh ủy Cần Thơ tổ chức Hội nghị mở rộng để đánh giá tình hình và đề ra nhiệm vụ mới là: Tập trung mọi nỗ lực đẩy mạnh ba mũi giáp công kết hợp với pháp lý Hiệp định, với tinh thần cách mạng tiến công và bạo lực cách mạng, kiên quyết tiến công đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, đánh bại âm mưu lấn chiếm, bình định của địch.

Tháng 10-1973, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với bộ đội tỉnh, chủ lực Quân khu 9 tiến công tiêu diệt bốn đồn bốt địch ở xã Vĩnh Thuận Đông, buộc địch phải điều Trung đoàn 15 (Sư đoàn 9 ngụy) về bảo vệ Chi khu Long Mỹ. Ta tập kích tiêu diệt 1 chi đoàn xe thiết giáp M113, đánh thiệt hại 2 chi đoàn khác, phá bảy 22 xe M113 ở tuyến sông Cái Bé. Đồng thời, lực lượng ta tiến công mở tuyến La Bách (Phụng Hiệp) và tuyến kênh xáng Ô Môn ở Hòa Hưng, buộc địch phải căng đội hình ra đối phó, không thực hiện được kế hoạch lấn chiếm tây nam Long Mỹ.

Tháng 11-1973, địch điều thêm lực lượng tăng cường cho chiến trường Chương Thiện, nâng tổng số quân địch lên tương đương 75 tiểu đoàn, chuẩn bị cuộc hành quân lớn vào U Minh. Hướng tiến công chủ yếu là Lương Tâm, Vĩnh Viễn (Long Mỹ), nhưng cánh quân này bị bộ đội chủ lực Quân khu 9 chặn đánh và pháo kích gây thiệt hại nhiều ở căn cứ Xẻo Rô, Vĩnh Thuận, Ngan Dừa,... Lực lượng vũ trang huyện kết hợp với Tiểu đoàn Tây Đô III đẩy mạnh hoạt động khu vực Vĩnh Tường, Vịnh Chèo, kênh xáng Xà No,... Địa phương quân phối hợp với du kích xã Vị Thủy bức rút đồn Bảy Nghĩa, đồn kênh Hai Sửu và đồn ngọn kênh Hai Lai, tiêu diệt đồn kênh Hai Cừ, giải phóng một mảng nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng ta hoạt động. Kế hoạch hành quân lớn bị thất bại, cùng với việc phải căng kéo lực lượng đi đối phó khắp nơi trên chiến trường miền Nam buộc địch phải rút bớt lực lượng ra khỏi trọng điểm Chương Thiện.

Nhìn chung, qua gần một năm chiến đấu liên tục, quân và dân Long Mỹ đã phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị bộ đội chủ lực Quân khu 9, của tỉnh đứng chân trên địa bàn, đã bẻ gãy các đợt hành quân bình định, lấn chiếm sau Hiệp định Pari của địch, trong đó chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch trên chiến trường Chương Thiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, làm cơ sở để Trung ương Đảng đề ra Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 21, tạo tiền đề cho sự chuyển hướng chiến lược của phong trào cách mạng ở miền Nam sang giai đoạn mới.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:09:06 am
III- TẠO THẾ VÀ LỰC MỚI TIẾN HÀNH CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG
VÀ NỔI DẬY GIẢI PHÓNG QUÊ HƯƠNG (1-1974 - 30-4-1975)

Phát huy những thắng lợi đạt được trong năm 1973, ngày 17-12-1973, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 quyết định mở đợt tấn công mùa khô 1973 - 1974. Hưởng ứng đợt tấn công của Quân khu, địa phương quân Long Mỹ và du kích các xã phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 9 đánh sáu đồn: Kênh Hảng, Bàu Kiến (Vĩnh Tường), Giồng Sao (Long Bình), Phó Phẩm (Long Trị), Cá Lóc (Long Phú), Cao Hột Bé (Thuận Hưng), bao vây bức rút hai đồn Trại Dài và Xẻo Cỏ (Long Phú).

Ngày 14-2-1974, du kích xã Vĩnh Tường phục kích đánh bọn lính ở đồn Bàu Kiến đang hành quân tuần tra bên ngoài, tiêu diệt 7 tên (có tên Thân - Phó đồn), thu 2 khẩu M79, 27 khẩu AR15,1 máy PRC10 và 1 máy PRC 25. Biệt động thị trấn Long Mỹ phục kích đánh địch phát quang trên tuyến Nước Đục, diệt tại chỗ 9 tên và làm bị thương 18 tên, buộc địch phải bỏ dở cuộc phát quang.

Ngày 18-3-1974, Đại đội 97 địa phương có 11 chiến sĩ, do đồng chí Bùi Thanh Cầm (Hai Cầm) - Đại đội trưởng chỉ huy phục kích đánh bọn lính thuộc Tiểu đoàn bảo an 406 tuần tra bảo vệ an ninh cho lực lượng tiếp tế lương thực, thực phẩm và đạn dược cho đồn kênh Mười Ba (Vĩnh Viễn) tại khu vực Trà Sắt, cập tuyến kênh xáng Nàng Mau (Vĩnh Thuận Đông), diệt tại chỗ 11 tên (có tên trung úy đại đội trưởng), phá hủy 1 cối 81mm, thu 1 khẩu M79, 15 khẩu súng AR15, 1 máy PRC25. Ta cắt đứt tuyến đường thủy tiếp tế cho đồn kênh Mười Ba của địch.

Đêm 11-4-1974, Đại đội 98 địa phương quân huyện phối hợp phân đội trinh sát tập kích đồn Hai Lai (Vị Thủy). Sau 10 phút nổ súng ta làm chủ được đồn, tiêu diệt 5 tên, làm bị thương 3 tên địch và thu toàn bộ vũ khí trang bị.

Trong bốn tháng đầu năm 1974, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ đã bức rút được 13 đồn bốt, giải phóng 43 ấp với gần 30.000 dân.

Tháng 5-1974, địa phương quân, du kích các xã phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 9 tiêu diệt các đồn kênh Mười Ba (Vĩnh Viễn), đồn Cây Me (Xà Phiên), Tô Ma (Lương Tâm), diệt bốn đồn ở Xà Phiên, buộc phải điều quân từ thị trấn Long Mỹ hành quân vào giải tỏa. Ngày 17-5-1974, du kích xã Vĩnh Viễn do đồng chí Giang Minh Tám chỉ huy nổ súng tiêu diệt đồn Tu Hú, sau đó giải phóng hoàn toàn xã Vĩnh Viễn.

Trước tình thế cách mạng phát triển thuận lợi, Đảng bộ Long Mỹ đã đề ra nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 1974 là: “Nỗ lực phát huy những thắng lợi đã giành được, khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh đấu tranh ba mũi kết hợp với pháp lý Hiệp định, tiếp tục đánh bại bình định cướp lúa mùa khô 1974 - 1975 của địch. Tiêu diệt, tiêu hao và làm tan rã quân ngụy cấp dưới, đánh thiệt hại quân cơ động can viện, làm giảm hiệu lực quân yểm trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho ta gỡ đồn bốt và phá rã các đoàn bình định, tiến tới phá rã bộ máy tề, điệp ở ấp, xã, chi khu. Giữ vững vùng căn cứ giải phóng, tạo thành hành lang giao thông liên hoàn giữa các huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho trên mở cuộc tiến công giành thắng lợi to lớn trong mùa khô 1974 -1975”.

Chấp hành mệnh lệnh của Huyện ủy, du kích xã Vĩnh Tường tiến công tiêu diệt các đồn Bàu Kiến, Kênh Hảng. Địa phương quân huyện phối hợp với du kích xã Long Bình, Long Phú bao vây bức rút các đồn Cây Gừa, Trại Dài, Trụ Đá, Xẻo Cỏ, giải phóng ấp Bình Hiếu (Long Bình) với hơn 1.000 dân. Du kích xã Xà Phiên bao vây búc rút được sáu đồn, giải phóng hoàn toàn xã Xà Phiên. Tháng 8.1974, lực lượng địa phương quân huyện và du kích xã Vị Thanh phối hợp với cơ sở nội tuyến nổ súng tiêu diệt, bao vây bức rút các đồn Mười Hai Ngàn, Mười Ba Ngàn và Chín Thước.

Tháng 11-1974, huyện Long Mỹ tiến hành Đại hội Đảng bộ tại xã Lương Tâm, đồng chí Tô Văn Tiên được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Đại hội đã thống nhất đề ra kế hoạch của chiến dịch mùa khô 1974 -1975 trên địa bàn huyện.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:09:34 am
Việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện kế hoạch chiến dịch mùa khô 1974 - 1975 được Huyện ủy Huyện đội Long Mỹ chủ động chuẩn bị tích cực, khẩn trương vào những tháng cuối năm 1974 và kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong những tháng đầu năm 1975 để phù hợp với cục diện chiến trường miền Nam.

Do yêu cầu nhiệm vụ, một số đồng chí trong Ban Chỉ huy Huyện đội được Quân khu và tỉnh điều động làm nhiệm vụ khác. Vì vậy, Huyện đội tiến hành điều động du kích các xã bổ sung cho các đại đội địa phương quân và các bộ phận trực thuộc, đồng thời điều một số lực lượng du kích ấp bổ sung cho xã. Huyện mở đợt vận động thanh niên tòng quân để bổ sung cho các đơn vị chủ lực Quân khu 9, tỉnh, địa phương quân huyện.

Mở màn chiến dịch mùa khô 1974 - 1975, đêm 21, rạng sáng ngày 22-11-1974, địa phương quân huyện nổ súng tiến công phân chi khu Mười Bốn Ngàn (Vị Thanh). Đây là căn cứ quân sự của địch cặp tuyến kênh xáng Xà No, có nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường thủy chiến lược từ Cần Thơ đi Chương Thiện. Quân số địch ở phân chi khu 1 Mười Bốn Ngàn có 33 tên, được trang bị 1 đại liên 60mm, 1 cối 60mm, M79, tiểu liên AR15 và cacbin. Lực lượng địa phương quân huyện tham gia trận đánh có 48 đồng chí của Đại đội 1, Đại đội 2 và bộ phận trinh sát, do đồng chí Hồ Phú Hữu (Bảy Hén) - Huyện đội trưởng chỉ huy. Sau 15 phút nổ súng, ta tiêu diệt tại chỗ 15 tên, làm bị thương 6 tên, thu toàn bộ vũ khí và đồ dùng quân sự. Kết thúc trận đánh phân chi khu Mười Bốn Ngàn, ta đạt mục đích, yêu cầu của cấp trên là đánh vào nơi tổ chức hành quân của địch và ngăn chặn không cho địch nối tuyến giao thông đường thủy từ Chương Thiện đến Cần Thơ hỗ trợ cho các xã bao vây bức rút đồn bốt địch, mở rộng vùng giải phóng trên tuyến kênh xáng Xà No. Đồng thời đây là trận đánh đạt hiệu suất chiến đấu cao của địa phương quân huyện, thực hiện được quyết tâm mà cấp ủy và Ban Chỉ huy Huyện đội đề ra là: đánh một trận mẫu mực, qua đó rút kinh nghiệm cho những trận đánh phân chi khu tiếp theo.

Tháng 12-1974, địa phương quân, du kích các xã phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 9 và Tiểu đoàn Tây Đô III tiêu diệt đồn Hốc Hỏa (Hỏa Lựu), bức rút đồn Tràm Tróc, đồn Nhật Tảo (Thuận Hưng), tiêu diệt đồn Mười Ba, đồn vàm Mười Ba và đồn ngang Vịnh Chèo (Vĩnh Viễn), giải phóng hoàn toàn hai xã Vĩnh Viễn và Thuận Hưng. Đồng thời, địa phương quân huyện phối hợp với du kích các xã phá rã hệ thống tề điệp, chỉ điểm, công khai hóa hàng trăm tên trước quần chúng trên tuyến kênh xáng Xà No, Nàng Mau, tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng đứng chân hoạt động.

Qua hai năm (1973 - 1974) đánh địch, lực lượng vrũ tang huyện phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 9 và tỉnh đã loại khỏi vòng chiến đấu 11.500 tên địch, tiêu diệt, bức rút, bức hàng 116 lượt đồn bốt, bắn rơi và làm bị thương 13 máy bay, bắn cháy và làm hư hỏng 12 tàu, phá hủy, phá hỏng 26 xe thiết giáp M113. Riêng lực lượng địa phương quân huyện đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.660 tên, bắn rơi 8 máy bay, bắn chìm 5 tàu,... Giải phóng hoàn toàn ba xã Vĩnh Viễn, Thuận Hưng, Xà Phiên và giải phóng hơn một nửa các xã Long Phú, Long Trị, Long Bình, Vị Thủy.

Ngày 27-1-1975, đại đội bảo an địch phối hợp với phông vệ dân sự (quân số khoảng 80 tên) tổ chức hành quân tuần tra dọc theo hai bên bờ kênh xáng Xà No từ hướng thị xã Vị Thanh đi lên, có sự hỗ trợ của bốn chiếc tàu sắt. Nắm được ý đồ hành quân của địch, trung đội địa phương quân huyện Long Mỹ (do đồng chí Bùi Thanh Cầm chỉ huy) phối hợp với Đại đội 33 thuộc Tiểu đoàn Tây Đô III (do đồng chí Phạm Hồng Thấy - Tiểu đoàn trưởng chỉ huy) xây dựng trận địa phục kích cặp kênh xáng Xà No, đoạn từ Chín Ngàn Rưỡi đến Mười Ngàn. Đến 10 giờ ngày 27-1-1975, khi đội hình hành quân của địch lọt hết vào trận địa phục kích, bộ đội được lệnh đồng loạt nổ súng. Sau 30 phút chiến đấu, ta hoàn toàn làm chủ trận địa, diệt tại chỗ hơn 30 tên địch, bắn chìm 2 tàu sắt, bắn bị thương 2 chiếc khác, thu được 6 khẩu đại liên 30mm, 1 khẩu M79, 7 khẩu AR15, hơn 2.000 quả lựu đạn M67 và 10 tấn đạn dược các loại. Trận đánh giành thắng lợi đã tác động mạnh đến tinh thần binh sĩ ngụy đóng trong các đồn bốt trên tuyến kênh xáng Xà No, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn huyện.

Giữa tháng 3-1975, lực lượng vũ trang huyện đồng loạt tiến công vào các đồn bốt Trà Sắt, Bảy Hấu (Vĩnh Thuận Đông), Trà Bang Nhỏ, Cống Cả Luyện (Long Phú), Chi khu Long Mỹ và Chi khu Đức Long. Ta bao vây, bức rút được 48 đồn, phá rã 5 ban tề, 1 cuộc cảnh sát, 6 trung đội bảo an và dân vệ, loại khỏi vòng chiến đấu 1.320 tên, bắt sống 55 tên địch.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:09:59 am
Tháng 4-1975, Đảng bộ, quân và dân huyện Long Mỹ đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 15 của Trung ương Cục miền Nam về tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Cuối tháng 4-1975, quân và dân Long Mỹ ráo riết chuẩn bị cho cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng của thị xã Vị Thanh và hai tiểu đoàn Quyết Thắng 1 và 2 của Quân khu 9 đánh chiếm thị xã Vị Thanh (tỉnh lỵ Chương Thiện), Chi khu Long Mỹ, cắt đứt tuyến Vị Thanh - Cần Thơ (liên tỉnh lộ 31), không cho địch ở Vị Thanh và Cần Thơ chi viện cho nhau. Ban chỉ đạo mặt trận Vị Thanh do đồng chí Trần Nam Phú - Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ làm Trưởng ban.

Ban Chỉ huy Huyện đội Long Mỹ lúc này gồm các đồng chí: Hồ Phú Hữu (Bày Hén) - Huyện đội trưởng, Huỳnh Ngọc Lành (Hai Lành) - Chính trị viên, Đoàn Văn Bồi (Ba Bồi), Bùi Thanh Cầm (Hai Cầm), Năm Diễn là Huyện đội phó. Lúc này, lực lượng địa phương quân huyện có ba đại đội (96, 97, 98).

Thao kế hoạch của tỉnh, Huyện đội Long Mỹ sử dụng hai đại đội 97, 98 địa phương quân và phân đội trinh sát, đặc công do đồng chí Hồ Phú Hữu (Bảy Hén) và Bùi Thanh Cầm (Hai Cầm) chỉ huy tham gia giải phóng thị xã Vị Thanh. Ngoài ra, huyện sử dụng Đại đội 96 địa phương quân huyện và du kích xã Vị Thủy do đồng chí Huỳnh Ngọc Lành (Hai Lành) và đồng chí Ba Bồi chỉ huy đánh chiếm Phân chi khu Nàng Mau, Phân chi khu Long Bình và đồn Nước Đục, cắt đứt liên tỉnh lộ 31 đoạn từ Nàng Mau di ngã ba Vĩnh Tường, sau đó phối hợp lực lượng cồn lại đánh chiếm Chi khu Long Mỹ. Đội phòng thủ Huyện ủy, biệt động thị trấn và du kích hai xã Thuận Hưng, Xà Phiên do đồng chí Tô Văn Tiên - Bí thư Huyện ủy và đồng chí Nguyễn Văn Mạnh chỉ huy có nhiệm vụ đánh chiếm Chi khu Long Mỹ và Phân chi khu Thuận Hưng.

Ngày 30-4-1975, sau khi địch ở Sài Gòn và thành phố Cần Thơ đầu hàng Quân Giải phóng, ở thị trấn Long Mỹ, địch vẫn ngoan cố chưa chịu đầu hàng. Chiều ngày 30-4- 1975, ta đã liên lạc trực tiếp với tên Thiếu tá Nguyễn Văn Bình - Quận trưởng Long Mỹ, kêu gọi hắn ra lệnh cho binh lính đầu hàng, nhưng hắn còn đang phân vân do có lệnh “tử thủ” của Đại tá Hồ Ngọc Cẩn - Tỉnh trưởng Chương Thiện. Trong đêm 30-4-1975, đồng chí Tô Văn Tiên - Bí thư Huyện ủy Long Mỹ, trực tiếp nói chuyện với tên Bình qua máy vô tuyến điện. Đồng chí đã nêu rõ tình thế bất lợi của chúng, chính sách khoan hồng của cách mạng và kêu gọi địch đầu hàng. Lúc này, ta cũng đã thành lập Ban Tiếp quản thị trấn Long Mỹ gồm các đồng chí Phạm Ngọc Hùng, Huỳnh Thanh Bình, Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Văn Năm, Võ Thành Phương. Ban Tiếp quản đề ra kế hoạch tiếp quản thị trấn Long Mỹ. Cơ sở của ta trong thị trấn Long Mỹ cũng phát động quần chúng sẵn sàng nổi dậy cướp chính quyền. Ta cũng đã tranh thủ mục sư Tin lành Nguyễn Văn Tuấn trực tiếp đến gặp tên Nguyễn Văn Bình để tác động tinh thần, kêu gọi hắn đầu hàng cách mạng.

Khoảng 6 giờ sáng ngày 1-5-1975, Ban Tiếp quản đã có mặt tại xã Thuận Hưng (nay là Khu thương mại thị trấn Long Mỹ). Lực lượng quần chúng trong thị trấn đã nổi dậy cùng với nhân dân các xã Long Bình, Long Trị, Vĩnh Thuận Đông, Thuận Hưng,... trương băng rôn, cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hô vang khẩu hiệu “Giải phóng miền Nam”, Nguyễn Văn Bình đầu hàng, giao chính quyền cho cách mạng”. Trước khí thế sục sôi cách mạng và sức mạnh áp đảo của quần chúng nhân dân, Nguyễn Văn Bình buộc phải đầu hàng cách mạng vào lúc 8 giờ sáng ngày 1-5-1975. Trong ngày 1-5-1975, các xã trong huyện cũng được giải phóng. Riêng yếu khu Trà Lồng (Long Phú - nay là thị trấn Trà Lồng) do Tuyên úy Chuẩn tướng Huỳnh Văn Tông chỉ huy vẫn ngoan cố tử thủ. Để tránh thương vong cho nhân dân, ta đã kiên trì đấu tranh chính trị, tranh thủ các linh mục và Hội đồng giáo xứ phát động giáo dân lên án Mỹ - Thiệu, kêu gọi linh mục Huỳnh Văn Tông về với đạo và nhân dân. Cuối cùng, trước nguy cơ yếu khu Trà Lồng bị tiêu diệt, cùng sức ép của lực lượng quần chúng và lực lượng vũ trang của ta, Huỳnh Vãn Tông buộc phải đầu hàng. Đến 13 giờ chiều ngày 1-5-1975, chính, quyền cách mạng đã tiếp quản yếu khu Trà Lồng và Long Mỹ được giải phóng hoàn toàn.

Tại mặt trận thị xã Vị Thanh, sáng ngày 1-5-1975 hai đại đội địa phương quân huyện Long Mỹ (được trên tăng cường cho thị xã Vị Thanh) đã phối hợp với lực lượng biệt động thị xã đánh chiếm căn cứ giang thuyền, khu vực phi trường và Trung tâm yểm trợ tiếp vận của địch vào lúc 8 giờ ngày 1-5-1975, góp phần giải phóng hoàn toàn thị xã Vị Thanh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:10:27 am
KẾT LUẬN

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp là Đảng bộ huyện Long Mỹ, lực lượng vũ trang huyện đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng vào thực tiễn phong trào đấu tranh cách mạng tại địa phương; kiên cường bám đất, bám dân, từng bước vượt qua khó khăn, thử thách xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh, hỗ trợ có hiệu quả cho phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lực lượng vũ trang cùng với Đảng bộ và nhân dân Long Mỹ bắt tay vào công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương. Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Mặt khác, huyện điều lực lượng Cộng hòa vệ binh tham gia chiến đấu chống thực dân Pháp ở thị xã Cần Thơ

Khi mặt trận thị xã Cần Thơ bị phá vỡ, lực lượng trang huyện được trang bị các loại vũ khí thô sơ đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị Cộng hòa vệ binh của tỉnh đứng chân trên địa bàn chiến đấu, ngăn chặn đà tiến công của quân địch xuống Long Mỹ, ta tranh thủ thời gian để di chuyển lực lượng vào vùng căn cứ, chuẩn bị thực lực mọi mặt phục vụ cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Trong giai đoạn 1947 - 1952, địch đẩy mạnh hoạt động lấn chiếm vùng nông thôn, xây dựng hệ thống đồn bốt trên địa bàn huyện Long Mỹ. Để đối phó với địch, lực lượng vũ trang huyện tập trung xây dựng lực lượng, phát động phong trào du kích chiến tranh, tiến hành bao vây đồn bốt, đánh phá giao thông, đánh địch càn quét.

Giai đoạn 1953 - 1954, lực lượng vũ trang huyện tập trung xây dựng hậu phương vững mạnh, kết hợp đẩy mạnh các hoạt động quân sự, hỗ trợ tích cực cho quần chúng bao vây đồn bốt địch, mở rộng vùng giải phóng.

Trước những thắng lợi vang dội của quân và dân ta ở Điện Biên Phủ đả buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ kết thúc chiến tranh. Nhân dân Long Mỹ cùng với nhân dân cả nước bước tiếp vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai với ưu thế vượt trội về lực lượng, phương tiện chiến tranh hiện đại đã triển khai thử nghiệm các chiến lược chiến tranh kiểu mới với âm mưu thủ đoạn vô cùng thâm độc, tàn bạo nhằm đàn đàn áp đẫm máu phong trào cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, giai đoạn từ giữa năm 1959 đến đầu năm 1960, 1969 - 1970, Mỹ - ngụy tăng cường hoạt động hành quân càn quét, bình định rất khốc liệt vùng nông thôn miền Nam nói chung, huyện Long Mỹ nói riêng, gây cho ta tổn thất nghiêm trọng về lực lượng, hoạt động của phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, với tinh thần yêu nước sâu sắc, Huyện đội Long Mỹ đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, quán triệt kịp thời đường lối chính trị, quân sự của Đảng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tập trung củng cố, phát triển lực lượng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương châm, phương thức tiến hành cách mạng, phát động nhân dân đứng lên đấu tranh chính trị, binh vận với địch.

Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, quân ngụy triển khai thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” trên toàn chiến trường miền Nam nhằm lấn chiếm vào vùng giải phóng của ta. Lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ đã phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực của Quân khu 9, các tiểu đoàn địa phương của tỉnh Cần Thơ từng bước đánh bại các đợt bình định, lấn chiếm của địch. Đỉnh điểm là thắng lợi của quân dân Long Mỹ đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm của 75 lượt tiểu đoàn địch trên chiến trường Chương Thiện, tạo ra thế và lực mới để lực lượng vũ trang huyện phát động quần chúng mở các đợt tiến công vào hệ thống đồn bốt địch đóng trên địa bàn, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương vào ngày 1-5-1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trong quá trình chiến đấu, lực lượng vũ trang huyện đã vận dụng sáng tạo, mưu trí chiến thuật du kích chiến tranh, đánh trên 2.000 trận lớn nhỏ với quân địch; tiêu diệt, bức hàng, bức rút trên 200 lượt đồn bốt (có 1 chi khu, 1 yếu khu, 12 phân chi khu, 1 căn cứ hậu cần, 1 căn cứ giang thuyền, 1 sân bay và 3 trận địa pháo), tiêu diệt trên 27.000 tên, làm bị thương trên 15.000 tên, bắt sống 5.750 tên địch (có 1 chuẩn tướng, 3 thiếu tá), thu trên 10.000 khẩu súng các loại (có 8 khẩu pháo 105mm và 155mm) và hơn 200 tấn đạn dược. Trên địa bàn huyện có 16 tập thể, 9 cá nhân vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 192 Mẹ Việt Nam anh hùng, 11.000 gia đình có công và nhiều tập thể, cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương. Trong quá trình chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ với kẻ thù, xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, kiên cường như: Nguyễn Thị Sáu, Phan Văn Thành, Lê Văn Bình, Nguyễn Thanh Bảnh, Giang Minh Tám,... là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ hôm nay học tập và noi theo.

Tuy nhiên, để quê hương có được hòa bình, thống nhất, Long Mỹ phải đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu của hơn 3.000 liệt sĩ, 750 thương binh, 10.251 người bị địch giết chết, 5.583 người bị địch bắt bớ, từ đày.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:11:21 am
Thực tiễn sinh động của quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược đã để lại những bài học pháp và kinh nghiệm quý sau:

1. Cần nắm vững đường lối chiến tranh nhân dân và phương châm cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, vận dụng sáng tạo và phù hợp vào tình hình thực tế tại địa phương

Long Mỹ là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Cần Thơ, trong suốt 30 năm kháng chiến (1945 - 1975), địch tập trung lực lượng và phương tiện chiến tranh hiện đại tiến hành nhiều cuộc càn quét, bình định, lấn chiếm nhằm vơ vét sức người, sức của phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược của chúng.

Cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược của quân và dân Long Mỹ là cuộc đọ sức giữa một bên là những người nông dân yêu nước với vũ khí thô sơ đứng lên đấu tranh chống lại bè lũ đế quốc, tay sai được sự hỗ trợ của vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại... Trong quá trình xây dựng chiến đấu, lực lượng vũ trang huyện luôn kiên định đường lối chiến tranh nhân dân và quan điểm cách mạng của Đảng, tổ chức nghiên cứu nắm rõ bản chất, âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương thức chiến tranh du kích phát triển từ thấp đến cao, lấy lực lượng vũ trang nhân dân địa phương làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc. Trong đó, xác định rõ nhân dân là nền tảng cơ bản, là chỗ dựa vững chắc để lực lượng vũ trang hoạt động, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng kiên quyết bám đất, bám dân, phát động phong trào cách mạng phù hợp với khả năng, nguyện vọng của quần chúng nên giành được thắng lợi to lớn qua các giai đoạn chiến tranh.

2. Quán triệt quan điểm bạo lực cách mạng và tư tưởng tiến công của Đảng

Trước thực trạng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ dùng bạo lực phản cách mạng để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân ta, lực lượng vũ trang đã sớm quán triệt và nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1945, lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ, trong đó nòng cốt là lực lượng Thanh niên tiền phong đã hỗ trợ tích cực cho quần chúng nhân dân đứng lên giành chính quyền trong cuộc Cách mạng Tháng Tám. Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Đảng bộ đã nhận thức được vấn đề bạo lực cách mạng nên chỉ đạo lực lượng vũ trang chôn cất vũ khí, cài cắm cán bộ ở lại hoạt động. Ngày 28-3-1957, Trung đội vũ trang huyện Long Mỹ được thành lập trong bối cảnh trên chưa có chủ trương đấu tranh vũ trang, điều đó chứng tỏ quan điểm bạo lực cách mạng và tư tưởng tiến công của Đảng được Đảng bộ và lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ quán triệt sâu sắc.

Để tiến hành bạo lực cách mạng, ta sử dụng lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân tiến công kẻ thù trong phong trào Đồng khởi 1960 - 1961, phá tan khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu các khu gom dân và bộ máy kìm kẹp của địch ở vùng nông thôn. Phối hợp cùng quân và dân miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, tiêu hao và tiêu diệt nhiều sinh lực địch,...

Qua thực tiễn chiến đấu với địch trên chiến trường Long Mỹ cho thấy, chỉ có tiến công và tiến công địch liên tục mới giành thắng lợi ngày càng lớn cho phong trào cách mạng. Ngược lại, nếu ta do dự, không dám sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, hy vọng vào thiện chí hòa bình của kẻ thù là sai lầm, làm lỡ mất thời cơ, thậm chí gây tổn thất lớn cho phong trào cách mạng. Ở miền Nam Việt Nam, mặc dù Hiệp định Pari được ký kết, song địch vẫn tập trung lực lượng bình định, lấn chiếm vùng giải phóng, làm ta mất đất, mất dân. Riêng ở chiến trường Tây Nam Bộ, do sớm nắm bắt được âm mưu, thủ đoạn của địch nên Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 chỉ đạo các địa phương phối hợp nhịp nhàng giữa đòn tiến công quân sự và phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng, làm thất bại kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” của địch, giữ vững được vùng giải phóng là minh chứng sáng ngời, bài học kinh nghiệm quý báu trong vận dụng quan điểm bạo lực cách mạng và tư tưởng tiến công liên tục phù hợp với tình hình thực tế chiến trường.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:12:07 am
3. Quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng ở địa phương

Để đối phó với kẻ thù vượt trội hơn ta về tiềm lực kinh tế và quân sự, đòi hỏi Đảng bộ cần quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng ở địa phương.

Trong điều kiện cụ thể của Long Mỹ, thành công của việc xây dựng lực lượng cách mạng là do biết tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, trong đó liên minh công - nông được xác định là nền tảng và căn cứ vào thực tiễn chiến trường, yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch để xây dựng lực lượng cách mạng cho phù hợp. Địa phương đã thực hiện tốt phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, sử dụng linh hoạt lực lượng chính trị, binh vận và lực lượng vũ trang theo phương châm “ càng tiến công càng mạnh, càng trưởng thành”, hình thành sức mạnh tổng hợp bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng tại địa phương.

Từ những Thanh niên tiền phong trong Cách mạng Tháng Tám, đến đơn vị Cộng hòa vệ binh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi phát triển lên thành trung đội, đại đội địa phương quân trong kháng chiến chống Mỹ, có thể thấy rằng quá trình phát triển của lực lượng vũ trang huyện là quá trình gắn liền với cơ sở chính trị và phong trào toàn dân đánh giặc. Chiến tranh du kích phát triển tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng vũ trang huyện xây dựng ngày càng lớn mạnh, đủ sức chiến đấu giành thắng lợi trước kẻ thù xâm lược.

Khi lực lượng vũ trang càng trưởng thành, lớn mạnh càng thúc đẩy phong trào toàn dân đánh giặc phát triển lên tầm cao mới.

Ở các xã ấp, tổ chức dân quân tự vệ mà nòng cốt là các đội du kích, tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ hỗ trợ pho quần chúng đấu tranh chính trị, binh vận, đánh địch bằng ba mũi giáp công, bao vây đồn bốt địch, chống càn..., bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và chính quyền cách mạng ở cơ sở. Dân quân du kích phát triển là cơ sở để bổ sung lực lượng cho bộ đội địa phương huyện phát triển lớn mạnh, đảm đương nhiệm vụ tiêu diệt quân địch với số lượng lớn và là lực lượng nòng cốt trong phong trào chiến tranh du kích trên chiến trường Long Mỹ.

Sự kết hợp hiệu quả giữa hai hình thức đấu tranh chính trị của quần chúng và đấu tranh vũ trang, hai lực lượng chính trị và quân sự, giữa bộ đội địa phương và dân quân du kích ở Long Mỹ đã tạo thành sức mạnh to lớn để giành chiến thắng trước kẻ thù. Điều này được minh chứng trên chiến trường, có những thời điểm, bộ đội địa phương huyện gặp khó khăn về lực lượng, khả năng chiến đấu chưa được phát huy hết, làm ảnh hưởng đến việc hỗ trợ du kích đánh địch càn quét bình định. Ngược lại, khi lực lượng du kích còn non yếu thì không bảo đảm được nhiệm vụ diệt ác phá kìm, không kịp thời hỗ trợ cho bộ đội địa phương tiêu diệt quân địch với số lượng lớn. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với cấp ủy Đảng là thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng cách mạng vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng ở địa phương.

4. Dựa vào dân để xây dựng phong trào cách mạng phát động nhân dân đứng lên đánh bại các âm mưu thủ đoạn của địch giành thắng lợi

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địch đã dừng nhiều thủ đoạn để đánh vào quần chúng, tìm mọi cách tách quần chúng ra khỏi Đảng. Chính trong điều kiện khó khăn đó, cán bộ đảng viên đã kịp thời tuyên truyền, giáo dục những chủ trương, đường lối của Đảng đến với quần chúng, giúp khơi dậy được tinh thần yêu nước trong quần chúng nhân dân, giúp họ thấy rõ được những âm mưu, thủ đoạn chiến tranh tâm lý bịp bợm, nham hiểm và tàn bạo của kẻ thù, từ đó nâng cao quyết tâm đấu tranh.

Người dân Long Mỹ vốn có truyền thống cách mạng kiên cường, bất khuất. Được sự chăm lo, bồi dưỡng kịp thời của Đảng bộ nên nhân dân giữ vững và phát huy được truyền thống tốt đẹp, cùng với Đảng bộ, lực lượng vũ trang tạo nên những chiến công trước kẻ thù xâm lược. Trong chiến tranh, đã có hàng ngàn bà mẹ động viên, tiễn đưa những đứa con thân yêu của mình vào bộ đội; những người nông dân cần cù, lam lũ, chịu nhiều gian khổ, hy sinh, kiên cường bám ruộng, bám vườn để sản xuất và chiến đấu. Những tấm gương hy sinh cao đẹp của các anh hùng, liệt sĩ đã đi vào lịch sử, mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Long Mỹ.

Qua thực tế chiến đấu, chính nhân dân là lực lượng thường xuyên giáp mặt với quân thù nên hiểu rõ được địch. Cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang có bám quần chúng thì mới hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ, mới đứng vững được trong lòng dân để hoạt động. Thông qua dân mới nắm được chỗ mạnh, chỗ yếu của địch để từ đó đề ra phương thức hoạt động cách mạng phù hợp, hiệu quả. Trong những năm 1957 -1959 nhân dân Long Mỹ bị địch đàn áp, khủng bố rất ác liệt, nhưng người dân không sợ gian khổ, hy sinh, một lòng, một dạ nuôi chứa, đùm bọc cán bộ, đảng viên. Tiếp đến, khi địch thực hiện chính sách “tát nước bắt cá”, gom dân vào ấp chiến lược, ấp tân sinh (từ những năm 1969 - 1971), nhân dân tích cực che chở cho cán bộ, đảng viên. Nhờ biết dựa vào dân và bám dân, cán bộ, đảng viên đã tồn tại, lãnh đạo nhân dân từng bước khôi phục, phát triển phong trào cách mạng.

5. Đề cao tinh thần tích cực, chủ động, tự lực tự cường khắc phục khó khăn, xây dựng căn cứ địa, xây dựng hậu phương vững mạnh về mọi mặt để tiến hành kháng chiến lâu dài

Trên địa bàn Long Mỹ, địch dựa vào lực lượng quân đông, khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh và bộ máy kìm kẹp lớn để khống chế quần chúng, bao vây, phong tỏa lực lượng cách mạng từ nhiều phía. Đặc biệt trong những năm 1969 - 1970, địch thường xuyên hành quân càn quét, gây cho ta nhiều khó khăn trong việc tiếp tế, bảo đảm vũ khí, đạn dược cho bộ đội chiến đấu. Để khắc phục khó khăn, địa phương chủ động tổ chức, xây dựng hậu cần tại chỗ, vận động nhân dân giúp đỡ bộ đội trên nhiều mặt, bảo đảm cho lực lượng vũ trang có thể đứng chân hoạt động hiệu quả. Cùng với sự đóng góp dân, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang luôn tích cực chủ động, tự lực tự cường khắc phục khó khăn, thể hiện ở chỗ cấp dưới không ỷ lại vào cấp trên không ỷ lại cấp trên, cá nhân không ỷ lại vào sự cung cấp của đơn vị, địa phương tự mình giải quyết những vấn đề có thể giải quyết được trong phạm vi, khả năng có thể. Bên cạnh đó, lực lượng vũ trang huyện rất coi trọng việc xây dựng hậu phương xây dựng căn cứ để đánh địch lâu dài. Cán bộ, chiến sĩ thường xuyên giáo dục quần chúng, bồi dưỡng sức dân, hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống lại kẻ thù. Nhân dân Long Mỹ vốn sẵn có lòng yêu nước và căm thù địch, được Đảng bồi dưỡng, giáo dục kịp thời nên tuyệt đại đa số nhân dân đúng về phía cách mạng. Trong chiến tranh, mỗi người dân là một chiến sĩ, nhân viên hậu cần tiếp tế, nuôi quân, chăm sóc thương binh, bệnh binh.

Ngoài việc xây dựng căn cứ địa trong dân, lực lượng vũ trang còn tiến hành xây dựng nhiều căn cứ địa ngoài địa hình. Ở mỗi xã, ấp đều bố trí căn cứ lõm, xây dựng lực lượng, chuẩn bị sẵn hậu cần nhân dân để bổ sung kịp thời cho lực lượng chiến đấu khi có nhu cầu. Việc kết hợp chặt chẽ căn cứ địa trong dân và căn cứ địa ngoài địa hình là nét độc đáo trong xây dựng hậu phương tại chỗ của chiến tranh nhân dân. Trong xây dựng hậu phương, địa phương thực hiện tốt phương châm vừa sản xuất, vừa chiến đấu, vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Sản xuất lương thực để nuôi sống nhân dân và bộ đội, sản xuất vũ khí để có phương tiện chiến đấu lâu dài với địch.


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:13:10 am
PHỤ LỤC

I - DANH SÁCH CÁC ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO, CHỈ HUY LỰC LƯỢNG
VŨ TRANG HUYỆN LONG MỸ QUA CÁC THỜI KỲ

Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

STT
Họ và tên
Chức vụ
Thời gian
1
Nguyễn Minh ThôngỦy viên phụ trách quân sự8-1945
2
Ngô Hồng GiỏiChỉ huy đơn vị Cộng hòa vệ binh huyện Long Mỹ10-1945
3
Hồ Quang ChiểuTrưởng ban quân sự huyện1946
4
Mai Viết NhiêuỦy viên phụ trách quân sự1947
5
Đặng Hùng Cường (Hai Cường)Trung đội truởng địa phương quân huyện Long Mỹ1950
6
Hoàng Mai ThớiHuyện đội trưởng10-1953

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

STT
Họ và tên
Chức vụ
Thời gian
1
Sáu PhiChỉ huy đơn vị Thanh binh huyện Long Mỹ1956
2
Sáu Hậu (Mười Mốc)Trung đội trưởng vũ trang huyện Long Mỹ3-1957
3
Phạm Văn Phục (Năm Phục)Ủy viên phụ trách quân sự12-1939
4
Bành Văn Chu (Tư Nhịn)Ủy viên phụ trách quân sự7-1960
5
Mười SaTrung đội trưởng địa phương quân huyện Long Mỹ7-1960
6
Hai Lược (Bảy Thuộc)Phụ trách quân sự huyện9-1960
7
Trần Văn Thường (Bảy Thường)Huyện đội trưởng1961 - 1962
8
Lê Văn LượcChính trị viên phó10-1961 - 1962
(Tám Hòa)Huyện đội trưởng1966 - 1967
9
Tư LớnHuyện đội phó10-1961
10
Sáu Huệ (Hai Đởm)Huyện đội trưởng1962 - 1964
11
Nguyễn Văn TốtHuyện đội phó1962 - 1964
12
Ba SơnHuyện đội truởng7-1964
13
Phan Văn Lập (Bảy Bén)Chính trị viên7-1964
14
Tư DânHuyện đội phó7-1964
15
Nguyễn Văn Bưa (Tám Bưa)Huyện đội trưởng1968 - 1970
16
Cao Minh Hương Huyện đội phó1963-1966
(Chín Minh Hương)Chính trị viên1968
17
Tư TuồngHuyện đội phó1968
18
Bảy HăngHuyện đội phó1968
19
Lê Quốc Tri (Năm Tri)Huyện đội phó6-1968 - 6-1970
Huyện đội trưởng7-1970 - 1972
20
Nguyễn Văn Biển (Ba Biển)Chính trị viên phó1968 - 1973
21
Năm ẨnHuyện đội phó6-1968
22
Tô Văn Tiên (Tư Tiên)Chính trị viên7-1970
23
Hồ Phứ Hữu (Bảy Hén)Huyện đội trưởng1972 - 1976
24
Đặng Văn ẨnHuyện đội phó1972 - 1974
25
Trương Văn ỬngHuyện đội phó1974 - 1975
26
Huỳnh Ngọc Lành (Hai Lành)Chính trị viên4-1975
27
Đoàn Văn Bồi (Ba Bồi)Huyện đội phó4-1975
28
Bùi Thanh Cầm (Hai Cầm)Huyện đội phó4-1975
29
Năm DiễnHuyện đội phó4-1975


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:14:04 am
II - DANH SÁCH MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG HUYỆN LONG MỸ

STT
Họ và tên
Năm sinh
Quê quán
Ghi chú
1Phạm Thị Diệp1921Long Bình, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Trương Văn Quỳnh, Trương Văn Sông, Trương Hồng Trang
2Nguyễn Thị Lời1913Long Bình, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Nguyễn Quốc Việt
3Võ Thị Sửu1909Long Bình, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Trần Văn Trò, Trần Văn Truyện, Trần Văn Cần
4Trần Thị Tư1923Long Bình, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Phan Văn Hộ, hai con là Phan Văn Hải, Phan Hoàng Đông
5Nguyễn Thị Mười1929Long Bình, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Ngô Văn E
6Trần Thị Nghinh1905Long Bình, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Trịnh Văn Huyền, Trịnh Văn Miên, Trịnh Văn Ảnh
7Nguyễn Thị Phải1906Long Bình, Long Mỹ, Hậu GiangCó hai con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Dày, Nguyễn Văn Tròn
8Lê Hồng Quân1932Long Bình, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Điền, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Văn Nông
9Lê Thị Xinh1918Long Bình, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Trần Văn Khoái
10Nguyễn Ngọc Ánh1935Long Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Lê Văn Phèn
11Trương Thị Hai1913Long Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là tiệt sĩ: Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Phú Hường, Nguyễn Phú Tài
12Trần Thị Hường1911Long Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Đoàn Văn Tư, Đoàn Văn Nhúc, Đoàn Thị Hồng
13Lê Thị Nang1912Long Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Trương Văn Vàng, Trương Văn Đỏ, Trương Văn Út Chín
14Lê Thị Nở1910Long Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Tưởng, Nguyễn Văn Hết, Nguyễn Văn Séc
15Nguyễn Thi Lũy1922Long Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Phạm Văn Thạch, Phạm Văn Ba, Phạm Văn Năm
16Ngô Thị Sửu1892Long Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Huỳnh Văn Huynh, Huỳnh Văn Liêm, Huỳnh Văn Đệ
17Trần Thị Tám1922Long Trị, Long Mỹ, Hậu GiangCó hai con là liệt sĩ: Trần Văn Nhu, Trần Văn Lắm
18Hồ Thị Đời1913Long Trị, Long Mỹ, Hậu GiangCó hai con là liệt sĩ: Lâm Vãn Sáng, Lâm Văn Sáu
19Hồ Thị Gấm1906Long Trị, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Lê Văn Tùng, Lê Văn Đậu, Lê Văn Hóa
20Trần Thị Giàu1909Long Trị, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Lê Văn Hung, Lê Văn Quang, Lê Văn Chờ
21Trương Thị Hởi1904Long Trị, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Huỳnh Văn Truyện, Huỳnh Bá Nhung, Huỳnh Văn Bé
22Lê Thị Huê1909Long Trị, Long Mỹ, Hậu GiangCó bốn con là liệt sĩ: Bùi Văn Lộc, Bùi Văn Khâm, Bùi Văn Phước, Bùi Văn Sâm
23Phan Thi Sen1920Lương Nghĩa, Long Mỹ, Hậu GiangCó hai con là liệt sĩ: Đinh Văn Thật, Đinh Văn Thà
24Nguyễn Thị Tượng1891Lương Nghĩa, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Thêu, Nguyễn Văn Điền, Nguyễn Văn Tùng
25Võ Thị Bé1925Lương Tâm, Long Mỹ, Hậu GiangCó bốn con là liệt sĩ: Huỳnh văn Lợi, Huỳnh Thị Nga Huỳnh Văn Thế, Huỳnh Văn Trân
26Nguyễn Thị Dệt1930Lương Tâm, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Đầy
27Nguyễn Thị Lắm1912Lương Tâm, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Ngô Văn Hơn, Ngô Văn Tài, Ngô Văn Lực
28Lê Thị Ngày1910Lương Tâm, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Trần Vãn Gần, Trần Văn Tuôi, Trần Văn Chia
29Nguyễn Thị Sảnh1912Lương Tâm, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Bùi Văn Em, Bùi Quốc Minh, Bùi Quốc Việt
30Tràn Thị Tư1892Lương Tâm, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Lăm, Nguyễn Văn Bạn, Nguyễn Văn Khoái
31Hồ Thị Bông1921Tân Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó hai con là liệt sĩ: Huỳnh Văn Lâu, Huỳnh Văn Sơn
32Lê Thị Huệ1906Tân Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Phan Văn Hề, Phan Văn Vẹn, Phan Văn Tiến
33Lê Thị Hợi1910Tân Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Đạt, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Phận
34Nguyễn Thị Kiểm1908Tân Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ; Trần Văn Bá
35Nguyễn Thị Lụa1911Tân Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Bé, Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Văn Quang
36Đỗ Thị Sáu1922Tân Phú, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và ba con là liệt sĩ: Chồng: Nguyễn Văn Hưng, ba con là Nguyễn Văn Chệt, Nguyễn Văn Giữ, Nguyễn Văn Chùm
37Phạm Thị Chạy1909Thị trấn Long Mỹ, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Trần Thanh Quân, Trần Minh Châu,
38Nguyễn Thị Thông1904Thị trấn Long Mỹ, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Nguyễn Văn Chần, hai con là Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Phi Long
39Nguyễn Thị Nghĩa1906Thuận Hòa, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Chuông, Nguyễn Văn Giàu, Nguyễn Văn Diện.
40Trần Thị Ngươn1905Thuận Hòa, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Võ Văn Hữu, Võ Văn Phước, Võ Văn Hôn
41Trần Thị Thông1918Thuận Hòa, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Nguyễn Văn Công, hai con là Nguyễn Văn Thăng, Nguyễn Văn Trận
42Trần Thị Tròn1934Thuận Hòa, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Thật
43Lê Thị Uôi1921Thuận Hòa, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Trần Văn Hiền
44Lê Thị Hồng Châu1922Thuận Hưng, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Dương Văn Có, hai con là Dương Văn Đình, Dương Văn Hằng
45Nguyễn Thị Dương1908Thuận Hưng, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Cao Thị Bé, Cao Hữu Nghĩa, Cao Văn Thắng
46Nguyễn Thị Hiếu1916Thuận Hưng, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Trần Văn Vui
47Võ Thi Sáng1913Thuận Hòa, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Chiến, Nguyễn Văn Út, Nguyễn Thị Thu Hà
48Ngô Thi Tám 1922Thuận Hòa, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Ngô Văn Trước, Ngô Văn Le. Ngô Văn Chưa
49Phạm Thị Tám1913Thuận Hưng, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Tống Văn Sành, Tống Văn Bửu, Tống Văn Sao
50Nguyễn Thị Tâm1912Thuận Hưng, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Mai Văn Vui, Mai Văn Hòa, Mai Văn Quận
51Nguyễn Thị Tư1923Thuận Hưng, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Mai
52Đặng Thị Ba1922Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và ba con là liệt sĩ: Chồng Ngô Văn Tư, và ba con Ngô Văn Lộc, Ngô Văn Trung, Ngô Văn Dân
53Lê Thi Bảy1900Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Huỳnh Văn Bụng, hai con là Huỳnh Văn Việt, Huỳnh Quang Nghiệp
54Tăng Thị Cùa1907Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Sáu, Nguyễn Văn Đáng, Nguyễn Văn Tám
55Lê Thị Dàng1912Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Tấn
56Đồng Thị Dương1923Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó hai con là liệt sĩ: Lê Văn Thắng, Lê Văn Sơn
57Nguyễn Thị Hạnh1920Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó hai con là liệt sĩ: Lưu Hiền Ánh, Lưu Thi Chi
58Võ Thị Lai1906Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Ngô Văn Đại, Ngô Văn Việt, Ngô Văn Năm
59Nguyễn Thị Lượm1919Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Trần Văn Đức, hai con là Trần Văn Lộc, Trần Văn Thọ
60Trần thi Lướt1919Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Đặng Văn Tửng, hai con là Đặng Văn Đởm, Đặng Văn Mười
61Nguyễn Thị Năm1907Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Lê Văn Mùi, hai con là Lê Minh Hoàng, Lê Văn Nghĩa
62Phạm Thị Nhiệm1914Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Lê Văn Hai
63Hồ Thị Nhiều1905Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Văn Xinh, Nguyễn Văn Lưỡng
64Nguyễn Thị Thanh1928Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và ba con là liệt sĩ: Chồng Nguyễn Văn Lương, ba con là Nguyễn Văn Sang, Nguyễn Văn Thu, Nguyễn Văn Quýt
65Lâm Thị Thảo1920Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Trương Văn Sơ, Trương Minh Tiếng, Trương Văn Tới
66Nguyễn Thị Thầm1907Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và ba con là liệt sĩ: Chồng Đặng Bá Trứ, hai con là Đặng Văn Tiện, Đặng Văn Trí
67Trần Thị Trài1905Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Bạch Văn Ý, Bạch Văn Quảng, Bạch Văn Tính
68Lê Văn Tư1914Vĩnh Thuận Đông, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Võ Văn Nhàng, Võ Văn Nhì, Võ Văn Nhu
69Nguyễn Thị Nguyệt Ánh1917Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Thị Thanh Thủy, Nguyễn Minh Thuận, Nguyễn Văn Hùng
70Trần Thị Cảnh1900Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Trương Văn Tinh, Trương Văn Bình, Trương Văn Ký
71Trịnh Thị Cảnh1915Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Trương Văn Phận, Trương Thị Đẹp, Trương Đình Giáp
72Nguyễn Thị Cúc1939Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Lê Văn Trung, hai con là Lê Thị Mỹ, Lê Văn Nhựt
73Ngô Thị Điếu1920Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Dương Văn Quân, Dương Văn Thủy, Dương Văn Sang
74Phạm Thị Gạo1910Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó 5 con là liệt sĩ: Dương Văn Ru, Dương Thanh Quang, Dương Thành Tường, Dương Thị Loan Anh, Dương Văn Hùng
75Lê Thị Hảnh1931Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Nguyễn Quang Tập
76Lê Thị Hường1924Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó bốn con là liệt sĩ: Phan Văn Chiến, Phan Vin Nhu, Phan Văn Lịnh, Phan Quốc Thắng
77Đoàn Thị Lầu1918Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Võ Văn Hia, Võ Văn Điểm, Võ Văn Bá
78Huỳnh Thị Liễu1905Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Giang Minh Đáng, Giang Thinh, Giang Minh Đức
79Nguyễn Thị Mười1923Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con lá liệt sĩ: Chồng Trần Văn Khuê, hai con là Trần Văn Sang, Trần Văn Bình
80Cao Thị Nguyệt1902Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Huỳnh Phong Thang, Huỳnh Hữu Nghị, Huỳnh Vãn Sinh
81Nguyễn Thị Nguyệt1915Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Phan Văn Chính, hai con là Phan Văn Vinh, Phan Minh Hùng
82Dương Thị Nhung1915Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Lê Vãn Thê, Lê Văn Suôl, Lê Văn Tâm
83Nguyễn Thị Tám1908Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Lê Văn Ngọt
84Đinh Thị Xa1934Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Võ Văn Rớt, hai con là Võ Văn Tươi, Võ Văn Chiến
85Nguyễn Thị Chờ1920Vĩnh Viễn A, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Lê Văn Đài, hai con là Lê Văn Hiền, Lê Văn Thảo
86Lê Thị Chính1902Vĩnh Viễn A, Long Mỹ, Hậu GiangCó bốn con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Văn Hà, Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Minh Phước
87Nguyễn Thị Đính1928Vĩnh Viễn A, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Trương Văn Lắm, hai con là Trương Văn Beo, Trương Văn Gấu
88Trần Thị Huệ1911Vĩnh Viễn A, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Bạch, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Vãn Du
89Đào Thị Ngàn1915Vĩnh Viễn A, Long Mỹ, Hậu GiangCó bốn con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Văn Hộ, Nguyễn Văn Phẩm, Nguyễn Văn Giáp
90Đồng Thị Phu1913Vĩnh Viễn A, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Văn An, Nguyễn Văn Bình
91Đồ Thị Trung1901Vĩnh Viễn A, Long Mỹ, Hậu GiangCó bốn con là liệt sĩ: Trương Văn Vinh, Trương Văn Hiếu, Trương Văn Cọp, Trương Văn Lắm
92Nguyễn Thị Bình1924Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Nguyễn Văn Giang, Nguyền Thị Bé, Nguyễn Văn Tung
93Trương Thị Chử1929Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Lê Văn Giám, Lê Văn Sáu, Lê Văn Bày
94Nguyễn Thị Điệp1904Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Đỗ Văn Long
95Tô Thị Định1910Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu GiangCó một con là liệt sĩ: Nguyễn Vãn Xưa
96Huỳnh Thị Mỹ1923Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sĩ: Chồng Nguyễn Văn Huyện, hai con là Nguyễn Văn A, Nguyễn Văn Chiên
97Võ Thị Năm1923Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Trịnh Văn Của, Trịnh văn Bền, Trịnh Văn Dững
98Lê Thị Tân1907Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Phạm Văn Họa, Phạm Văn Lành, Phạm Văn Phúc
99Nguyễn Thị Tươi1917Xà Phiên, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Phạm Văn Tao, Phạm Văn Núi, Phạm Văn Mâu
100Dương Thị Mười1921Thuận Hưng, Long Mỹ, Hậu GiangCó chồng và hai con là liệt sỉ: Chồng Võ Văn Hưng, hai con là Võ Văn Bồng, Võ Văn Thức
101Lê Thị Tư1917Long Trị, Long Mỹ, Hậu GiangCó ba con là liệt sĩ: Trần Văn Lến, Trần Văn Mừng, Trần Văn Mến


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:21:17 am
III. DANH SÁCH TẬP THỂ, CÁ NHÂN ĐƯỢC PHONG TẶNG DANH HIỆU
ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN
TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LONG MỸ

* TẬP THỂ

1. Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ (6-11-1978)

2. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Thuận Đông (6-11-1978)

3. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Tường (6-11-1978)

4. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Vĩnh Viễn (20-10-1978)

5. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Long Bình (20-1-1996)

6. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Thuận Hưng (29-10-1996)

7. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Lương Tâm (11-6-1999)

8. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Xà Phiên (11-6-1999)

9. Ban An ninh huyện Long Mỹ (28-8-1981)

* CÁ NHÂN

1. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Hữu Trí (10-2-1970).

2. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Phạm Văn Nhờ (28-8-1981).

3. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thị Sáu (28-11-2000).

4. Anh hùng Lực lượng võ trang nhân dân, liệt sĩ Trịnh Minh Thì (22-2-2010).

5. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Thành Đô (… … …).

6. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thanh Bảnh (15-1-1976).

7. Anh hừng Lực lượng vũ trang nhân dân Chiêm Thành Tấn (6-11-1978).

8. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Hoàng (6-11-1978).

9. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đắc Thắng (6-11-1978).

10. Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thanh (17-10-2011).


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:27:54 am
MỘT SỐ ĐỒNG CHÍ LÀ LÃNH ĐẠO, CHỈ HUY LỰC LƯỢNG VŨ TRANG
HUYỆN LONG MỸ QUA CÁC THỜI KỲ

1. Huyện đội trưởng

(https://i.imgur.com/9LWrHRJ.jpg)
Đồng chí Trần Văn Thường
Huyện đội trưởng
1961-1965

(https://i.imgur.com/FVcMLj7.jpg)
(https://i.imgur.com/4oK7Z8x.jpg)
Đồng chí Lê Văn Lược
Đồng chí Nguyễn Văn Bưa
Huyện đội trưởng
Huyện đội trưởng
1966-1967
1968-1970

(https://i.imgur.com/zB7okgV.jpg)
(https://i.imgur.com/i2DjcEm.jpg)
Đồng chí Lê Quốc Tri
Đồng chí Hồ Phú Hữu
Huyện đội trưởng
Huyện đội trưởng
1970-1972
1972-1976

2. Huyện đội phó

(https://i.imgur.com/pfxWW4M.jpg)
(https://i.imgur.com/ZMR1CsK.jpg)
Đồng chí Cao Minh Hương
Đồng chí Nguyễn Văn Biền
Huyện đội phó 1963-1966
Chính trị viên phó
Chính trị viên 1968
1968-1973

(https://i.imgur.com/FXqawIX.jpg)
(https://i.imgur.com/8f0BVVg.jpg)
Đồng chí Đặng Văn Ẩn
Đồng chí Trương Văn Ửng
Huyện đội phó
Huyện đội phó
1972-1974
1974-1975


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:31:24 am
MỘT SỐ HÌNH ẢNH TIÊU BIỂU VỀ LỰC LƯỢNG VŨ TRANG HUYỆN LONG MỸ
TRONG KHÁNG CHIẾN

(https://i.imgur.com/a3hyrDA.jpg)

Địa phương quân huyện Long Mỹ đánh chiếm sân bay Vị Thanh

(https://i.imgur.com/hBGojlP.jpg)

Địa phương quân huyện Long Mỹ đánh chiếm căn cứ Đại đội 18 giang thuyền của ngụy ở thị xã Vị Thanh

(https://i.imgur.com/BLRFLHe.jpg)

Mỹ - Diệm bắt nhân dân xây dựng khu trù mật Vị thanh - Hỏa Lựu

(https://i.imgur.com/lpFFXb0.jpg)
   
Khu gia cư trong khu trù mật Vị Thanh - Hỏa Lựu


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:31:51 am
(https://i.imgur.com/brkI2nG.jpg)

Nhân dân tham gia phong trào phát động xây dựng xã chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng ở Long Mỹ

(https://i.imgur.com/g8AJsQ0.jpg)

Nhân dân vùng giải phóng Long Mỹ nghe tin chiến thắng của quân ta ở miền Nam

(https://i.imgur.com/5ETfYZ2.jpg)

Du kích xã Vị Thủy thu hết chiến lợi phẩm sau khi tiêu diệt đồn Nóc Mít, năm 1970

(https://i.imgur.com/7dz9MSo.jpg)

Lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ tấn công, bức hàng chốt phòng vệ dân sự tại cầu Gốc Mít, năm 1970

(https://i.imgur.com/dmAtHM9.jpg)

Thu chiến lợi phẩm từ máy bay của địch bị bắn rơi tại Xẻo Vẹt, xã Lương Tâm


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:32:19 am
(https://i.imgur.com/JVEnnAq.jpg)

Du kích xã Vĩnh Tường (huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ) vừa chiến đấu, vừa sản xuất, năm 1971

(https://i.imgur.com/3AaPHyj.jpg)

Lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ tiến quân về giải phóng xã Vĩnh Tường, năm 1972

(https://i.imgur.com/FrcHFCe.jpg)

Quân dân xã Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ) san bằng Đồn 13, giải phóng hoàn toàn xã nhà, năm 1972

(https://i.imgur.com/u7XEnXj.jpg)

Nữ du kích xã Vĩnh Tường luyện tập chiến đấu, năm 1973

(https://i.imgur.com/bD4ahrp.jpg)

Khẩu đội pháo Quân khu 9 tập trận chuẩn bị đánh đồn Ngã Năm Trụ Đá, xã Long Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ, năm 1973


Tiêu đề: Lịch sử lực lượng vũ trang huyện Long Mỹ - 30 năm kháng chiến (1945 -1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Mười Một, 2020, 06:32:37 am
(https://i.imgur.com/oA5Q29z.jpg)

Du kích xã Vị Thủy (huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ) “lên sa bàn” chuẩn bị trận đánh

(https://i.imgur.com/26HWQ9b.jpg)

Đoàn cán bộ cấp trên đến kiểm tra lực lượng vũ trang xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ

(https://i.imgur.com/4uq7gZl.jpg)

Quân và dân Long Mỹ mừng Ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975

(https://i.imgur.com/9nWk2xc.jpg)

Giải phóng Chi khu Long Mỹ sáng ngày 1-5-1975