Lịch sử Quân sự Việt Nam

Văn hoá - Thể thao - Giao lưu => Văn công => Tác giả chủ đề:: Trinhsat trong 30 Tháng Tám, 2008, 09:13:45 pm



Tiêu đề: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trinhsat trong 30 Tháng Tám, 2008, 09:13:45 pm
Đây là các mẩu chuyện của một người lính từng tham gia chiến đấu ở Biên giới Tây nam, thời đánh Polpot. Các câu chuyện do anh kể lại và được vợ anh, chị Hoa Hướng Dương viết lại

Đêm Noel năm ấy
[/b]
   
      Vào đầu tháng 12 năm 1977, đơn vị tôi đóng quân ở Bỉm Sơn -Thanh Hóa, thì được lệnh vào chiến trường Tây Nam  để chiến đấu. Cả đơn vị xôn xao, bàn tán suốt cả ngày. " Lại chiến tranh rồi ư? Vừa giải phóng Miền Nam xong, mới thống nhất đất nước, sao còn đánh nhau nữa? mà đánh nhau với ai kia chứ?". Cứ tưởng rằng đợt lính nhập ngũ năm 1976 chúng tôi chỉ còn là lính nghĩa vụ, đi để xây dựng một quân đội thật chính quy và hiện đại thôi. Ai ngờ ... Mà cũng đúng, chúng tôi là quân chủ lực mà. Chúng tôi nhập ngũ được biên chế vào quân đoàn 1, F320, E48. Đây là đơn vị có truyền thống trăm trận trăm thắng, nổi tiếng từ hồi chống Mỹ .
   Cho đến lúc này, cả đơn vị tôi, nhất là C11 toàn lính Hà nội. Cùng tiểu khu Quang Trung, quận Đống Đa, nên  một số đã quen biết nhau vì cùng học với nhau ở trường cấp 3 Đống Đa cả. Lúc này, chúng tôi mới bắt đầu theo dõi thời sự qua Đài tiếng nói Việt nam, mới vỡ lẽ là ở Xa Mát, Lò Gò, Tây Ninh vừa có một vụ thảm sát  cả cô lẫn trò trường tiểu học Xa Mát và dân thường ở đó, do quân Khơ Me đỏ tràn sang gây hấn.  Vậy là cả đơn vị tôi sục sôi. Ai cũng muốn mau  chóng được vào ngay chiến trường. Tôi cảm thấy trong đại đội tôi  không có ai tỏ ra lo sợ cả. Mặc dù chưa ai   biết đánh  nhau là gì và sẽ như thế nào. Trong những ngày chờ đợi, chúng tôi ai cũng tranh thủ viết thư về nhà, cho gia đình, bố mẹ, người yêu... là mình chuẩn bị  được vào Tây Ninh chiến đấu .
   Sốt ruột chờ đợi, rồi cũng có lệnh lên đường. Sáng ngày 15/12/1977, tất cả chúng tôi rời Bỉm Sơn - Thanh Hóa, nơi mà đã gắn bó chúng tôi gần một năm trời với bao kỷ niệm vui, buồn. Cả Trung đoàn 48 chúng tôi lên đường! Không, cả sư đoàn thì đúng hơn. Quân tư trang thật gọn nhẹ, chỉ một ba lô con cóc. Chúng tôi ra đi chiến đấu, rời miền Bắc thân yêu, nhẹ nhàng như là một buổi đi tập dã ngoại. Quả thật, chúng tôi  hiện đại hơn lớp cha anh thời chống Mỹ ở chỗ chúng tôi hành quân bằng ô tô. Không phải đi bộ hàng tháng trời mới vào tới chiến trường. Từng đoàn xe ô tô chở cả trung đoàn chúng tôi vào biên giới Tây ninh, nơi mà chiến trường mới rất ác liệt đang chờ đón chúng tôi. Trên suốt dọc đường hành quân, tất cả anh em chúng tôi lại càng gắn bó, thân thiết với nhau hơn bao giờ hết. Cùng nhau hát lên những bài ca "Đại đoàn đồng bằng" và " Tôi xa Hà nội năm tôi mười tám khi vừa biết yêu". Mãi cho đến tối  23/12/1977 thì chúng tôi vào tới Xa Mát, Lò Gò ,Tây Ninh. Chúng tôi đổ quân xuống một cánh rừng giáp biên giới Campuchia, phần vì mệt do đi đường xa, phần vì lần đầu tiên trong đời bộ đội nằm đất, ngủ rừng, chúng tôi túm tụm lại, rì rầm trò chuyện  rồi thiếp đi lúc nào không hay, mặc cho phía sau cánh rừng tiếng súng nổ đì đùng ...
   Sáng ngày hôm sau, ngày 24 tháng 12 /1977, tất cả trung đoàn chúng tôi được biên chế lại. Tôi cứ tưởng rằng thế nào tôi cũng được ở cùng với anh em trong đại đội C11 thân yêu của tôi, nhưng không, tất cả chúng tôi bị chia nhỏ để bổ xung vào các đơn vị khác nhau.  Một số vẫn ở lại E48, một số về E64, gần một nửa nữa về sư 10, một ít về E52 trong đó có tôi. Tôi phát khóc lên được vì toàn bộ số anh em thân thiết ở đại đội đều được ở với nhau và đi đơn vị khác.  Các đơn vị đến nhận quân, mọi người lần lượt về đơn vị mới. Tôi chỉ còn kịp ôm lấy Vọng con, Thái, Long Khùa, Vinh Kều gạt nước mắt mà chia tay. Lúc này, tôi mới thoáng nghĩ đến sự sống chết. "Không biết có còn gặp lại chúng mày nữa hay không". Cuối cùng chỉ còn lại một số ít anh em, tôi, Dũng con,  An, Minh sứt và mấy người nữa ...An và Minh sứt, Thỏa, chúng nó được ở với nhau về đại đội công binh, sướng thế!  Dũng con và mấy thằng nữa về bộ binh. Còn lại mỗi mình tôi về đơn vị mới thành lập ngày hôm đó, là C25 vận tải. Mặc dù tôi cố kìm, nhưng nước mắt vẫn trào ra.  Chỉ có mình tôi ở một đơn vị toàn người xa lạ. Phải nói là ở đơn vị cũ, tôi được anh em vô cùng quý mến, đi bất cứ chỗ nào cũng đựoc mọi người gọi: "Ê, Tuấn tròn, Tuấn tròn ... lại đây với bọn tao!". Nay, phải  ở một mình một đơn vị thì thằng tôi không khóc làm sao được ?
   Thế là tôi vác ba lô về đơn vị mới, đơn vị mà sau này là nhà của tôi, là đồng đội vào sinh ra tử với tôi. Khi về đơn vị mới, tôi được đề bạt làm tiểu đội trưởng tiểu đội 1. Thật quá bất ngờ! Tôi không hiểu sao lại được làm tiểu đội trưởng cơ chứ? Vì tôi rất nghịch và ngang bướng. "Kệ, cứ để xem sao", tôi nghĩ vậy. Tiểu đội tôi có 12 chiến sĩ,  khi nhận quân rồi tôi mới ngã ngửa ra ,tiểu đội của tôi toàn lính cựu:  3 ông lính 74, 8 ông lính 75, có mỗi mình tôi là lính 76 mà lại bé loắt choắt. Lúc này thì tôi lo thật sự.  "Không biết mình sẽ chỉ huy mấy ông anh thế nào đây ...". Khi tập trung tiểu đội lại, tôi hơi cuống, liền  một mạch giới thiệu: ''Tôi, Tuấn tròn, lính Hà nội, tiểu đội trưởng, còn ... các ông anh? Tên gì, ở đâu?".  Mọi người đưa mắt nhìn nhau, rồi nhìn tôi hơi có vẻ ngỡ ngàng. Bỗng có một anh đứng dậy hô rất to: " Tôi, binh nhất Trần Vòng, lính 75", rồi cứ thế ... "Sơn 75", Ần 75, Bình 75, Sáng 75, Soạn 75, Bình voi 75 ,Cường 75, Long Fulro 74, Khang 74, Hùng 74 ... báo cáo: Hết!". Điểm danh với nhau xong mội người phá lên cười, Cười vì cái cách của tôi cũng ngang tàng không kém gì các đàn anh. Tôi biết, vậy là ổn. Tôi liền phổ biến công việc  vận tải của chúng tôi phải làm là mang súng, đạn dược xuống tận các chốt chiến đấu, đưa thương binh tử sĩ về hậu phẫu trung đoàn. Tất cả sẵn sàng chuẩn bị cho chiến đấu! Tối ngày 24 /12/1977, chúng tôi hành quân vào sát biên giới. Đóng quân dọc con suối Đà Ha. Tiếng súng ngày càng gần, càng dữ dội hơn.  Chúng tôi ở bên này suối, địch ở bên kia.  Đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ đánh bật địch ra khỏi bản Không tên bên này bờ suối.  Hất chúng ra khỏi biên giới của ta. Tiểu đội tôi phụ trách tuyến tiểu đoàn 4. Chỉ có 12 người, gùi đạn xuống cho cả một tiểu đoàn và đưa thương binh về tuyến sau. Trận chiến bắt đầu từ nửa đêm cho tới trưa ngày hôm sau, ta bị thương và hy sinh nhiều. Tôi cùng toàn tiểu đội cứ như con thoi, tôi đã phải cõng gần chục ca thương binh rồi, bộ quần áo ướt sũng máu của đồng đội. Trong đầu tôi chỉ còn nghĩ được mỗi một điều: "Phải cõng các anh chạy thật nhanh, không các anh chết mất!". Và cứ thế, tôi quên đi cái cảm giác sợ hãi, thật lạ lùng! trong khi đạn vẫn cứ chiu chíu quanh tôi ...
   Lúc ấy tôi chỉ thấy mệt thôi, trong đời tôi, chưa bao giờ cảm thấy mệt như vậy. Cho đến chuyến cuối cùng, tôi vác một anh, nửa người trước, nửa người sau, cứ thế mà bước.  Anh ngất lịm trên vai tôi, toàn thân đầy vết thương. Về đến trạm quân y, tôi chỉ kịp trao anh cho y tá, rồi  thiếp đi lúc nào không biết .
   Vậy là đêm Noel năm 1977 chúng tôi bước vào cuộc chiến như thế đấy!

(Hoa Hướng Dương)


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: liua trong 30 Tháng Tám, 2008, 10:36:30 pm
Bác tiếp đi. ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 31 Tháng Tám, 2008, 05:44:29 am
Nghe HHD kể thì đây là chồng, thương binh, lính K.
(http://files.myopera.com/sadwomen/albums/563012/DSC00403.jpg)


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: dongminhkh trong 31 Tháng Tám, 2008, 07:37:27 am
Tiếp đi bác trinhsat! Để xem văn của nhà văn có hay như của bác Trungsi1 không?... ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: TQNam trong 31 Tháng Tám, 2008, 07:59:15 am
Xin thân ái chào đón.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: dongminhkh trong 31 Tháng Tám, 2008, 08:04:37 am
Nhân đọc mấy câu chuyện ở đây có nói về tiểu đội trưởng! Cho em hỏi các bác tý xíu: Hồi các bác còn trong lính, khi được đề bạt làm a trưởng, b phó, trưởng...có quyết định của cấp chỉ huy không vậy?


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trungsy1 trong 31 Tháng Tám, 2008, 09:14:09 am
Đơn vị lại được bổ sung tân binh rồi đây! Chào đ/c Trinh sát và đ/c Hoa Hướng Dương!

Đ/c lethaitho từ nay đưa B.41 cho đ/c Trinhsat. Đ/c ha anh để lại khẩu RPD cho đ/c Hoa Hướng Dương. Các đ/c sẽ mang AK. Rõ chưa?
Đ/c Trinhsat đêm nay gác ca giữa. Vừa gác địch vừa gác đ/c ha anh luôn nghen! Hết ca thì vào gác tiếp đ/c nằm chung mùng bởi vì.....Theo thông lệ đơn vị ta thì hai đồng chí tối nay ngủ chung một mùng cho nó đoàn kết! Còn cái mùng thừa kia chút mang đổi xì ke nhậu nhằm nâng cao ý chí chiến đấu.
Còn ai hỏi gì nữa không?
Bác dongminh ca hát! Thấy em giao nhiệm vụ rõ ràng chưa? Tiểu đội trưởng làm gì có cái quyết định nào? BCH gọi lên trong hội ý tối, giao mồm như vừa rồi. Thế là xong!



Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: dongminhkh trong 31 Tháng Tám, 2008, 10:00:32 am
Đơn vị lại được bổ sung tân binh rồi đây! Chào đ/c Trinh sát và đ/c Hoa Hướng Dương!

Đ/c lethaitho từ nay đưa B.41 cho đ/c Trinhsat. Đ/c ha anh để lại khẩu RPD cho đ/c Hoa Hướng Dương. Các đ/c sẽ mang AK. Rõ chưa?
Đ/c Trinhsat đêm nay gác ca giữa. Vừa gác địch vừa gác đ/c ha anh luôn nghen! Hết ca thì vào gác tiếp đ/c nằm chung mùng bởi vì.....Theo thông lệ đơn vị ta thì hai đồng chí tối nay ngủ chung một mùng cho nó đoàn kết! Còn cái mùng thừa kia chút mang đổi xì ke nhậu nhằm nâng cao ý chí chiến đấu.
Còn ai hỏi gì nữa không?
Bác dongminh ca hát! Thấy em giao nhiệm vụ rõ ràng chưa? Tiểu đội trưởng làm gì có cái quyết định nào? BCH gọi lên trong hội ý tối, giao mồm như vừa rồi. Thế là xong!

Vâng, đúng như vậy đó bác, hồi em ở bên đó cũng vậy, chỉ mặt đặt tên thôi, chứ có cái giấy tờ quái nào đâu! Thế mà hồi tối em cãi với mấy thằng cha bên huyện đội không nổi, tức quá! :-[
 Bác giao nhiệm vụ như vậy là OK quá rồi còn gì, gặp em là cứ phiên phiến thôi, chủ yếu nhậu là chính... ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: lethaitho trong 31 Tháng Tám, 2008, 10:35:34 am
Đơn vị lại được bổ sung tân binh rồi đây! Chào đ/c Trinh sát và đ/c Hoa Hướng Dương!

Đ/c lethaitho từ nay đưa B.41 cho đ/c Trinhsat. Đ/c ha anh để lại khẩu RPD cho đ/c Hoa Hướng Dương. Các đ/c sẽ mang AK. Rõ chưa?
Đ/c Trinhsat đêm nay gác ca giữa. Vừa gác địch vừa gác đ/c ha anh luôn nghen! Hết ca thì vào gác tiếp đ/c nằm chung mùng bởi vì.....Theo thông lệ đơn vị ta thì hai đồng chí tối nay ngủ chung một mùng cho nó đoàn kết! Còn cái mùng thừa kia chút mang đổi xì ke nhậu nhằm nâng cao ý chí chiến đấu.
Còn ai hỏi gì nữa không?
Bác dongminh ca hát! Thấy em giao nhiệm vụ rõ ràng chưa? Tiểu đội trưởng làm gì có cái quyết định nào? BCH gọi lên trong hội ý tối, giao mồm như vừa rồi. Thế là xong!


" Lẩm bẩm một mình ... Mẹ kiếp....Giao cầm AK thì đánh đấm cái nước mẹ gì??? lại còn cái đoạn ngủ chung mùng nữa...Không biết thằng cha này nó phân công mình ngủ chung với ai đây...??? "


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trungsy1 trong 31 Tháng Tám, 2008, 10:47:12 am
Tôi phân công đ/c trinhsat ngủ chung với "gác" đồng chí kia chứ có bảo ông đâu? Muốn xuống binh nhất phỏng? :'(


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: china trong 31 Tháng Tám, 2008, 10:55:43 am
E48 có phải là trung đòan Quang Sơn, nổi tiếng ở thành cổ với khẩu hiệu  "Quang Sơn còn Quảng Trị còn" không? anh nào biết trả lời dùm, cám ơn!


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: fanruot_mu™ trong 31 Tháng Tám, 2008, 11:42:22 am


Đ/c lethaitho từ nay đưa B.41 cho đ/c Trinhsat. Đ/c ha anh để lại khẩu RPD cho đ/c Hoa Hướng Dương. Các đ/c sẽ mang AK. Rõ chưa?
Đ/c Trinhsat đêm nay gác ca giữa. Vừa gác địch vừa gác đ/c ha anh luôn nghen! Hết ca thì vào gác tiếp đ/c nằm chung mùng bởi vì.....Theo thông lệ đơn vị ta thì hai đồng chí tối nay ngủ chung một mùng cho nó đoàn kết! Còn cái mùng thừa kia chút mang đổi xì ke nhậu nhằm nâng cao ý chí chiến đấu.
Còn ai hỏi gì nữa không?



Bác Trungsi1 biên chế gọn gàng hợp lý thật ý. Đúng như tác phong chỉ huy đơn vị cũ em. Cứ tân binh là nhận phần B 41, RPD bác ạh. Sướng phải biết  ;D

Bác Trinh sát đâu, tiếp đi bác  :'(


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 31 Tháng Tám, 2008, 12:02:40 pm
hehe , em phản đối vụ ngủ chung mùng nha ! lính thì lính chứ cũng có xăng pha nhớt đó , hãi lắm . Có bác nào đã từng đụng xăng pha nhớt chưa ?


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: dongadoan trong 31 Tháng Tám, 2008, 12:04:57 pm
Đậu phộng đề giờ! ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trinhsat trong 31 Tháng Tám, 2008, 05:13:49 pm
To: Tuaans
Cái ảnh bạn đưa lên đúng là ảnh của thằng cha Tuấn "tròn" đấy. "tròn" là ngày xưa thôi, chứ bây giờ bình thường rồi.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 31 Tháng Tám, 2008, 06:15:19 pm
tuaans = tuấn


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: TQNam trong 31 Tháng Tám, 2008, 06:17:47 pm
hehe , em phản đối vụ ngủ chung mùng nha !
Miệng lầm bầm (theo ông Thọ) ... Cái móc xì lù, không ngủ chung mùng, lấy gì đổi xì-ke? Nhậu không, trả lời đi rồi còn lấy sức đọc bài mới của trinhsat.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 31 Tháng Tám, 2008, 07:20:48 pm
hehe , từ lúc nhập ngũ tới lúc ra quân em chỉ được phát 1 cái mùng ở quân trường , về đơn vị lập tức nó được trưng dụng làm lưới bắt cá . Nhớ lại những lúc tác chiến ở biển hồ tối ngủ sáng dậy võng đỏ lòm máu vì muỗi chích .xì ke thì đổi đạn giá cả từ 30 v đến 90 v hoặc 1 tấm tăng đi mưa nhưng em không thích đô mà chỉ thích xum thôi tốn 3 viên là cùng ;D .


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: lethaitho trong 31 Tháng Tám, 2008, 07:27:56 pm
Tôi phân công đ/c trinhsat ngủ chung với "gác" đồng chí kia chứ có bảo ông đâu? Muốn xuống binh nhất phỏng? :'(

Ủa, sao thằng cha này thính tai thế??? Mình lầm bầm trong miệng mà nó cũng nghe thấy hà???


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 31 Tháng Tám, 2008, 08:00:35 pm
hehe , nói chuyện mùng em mới nhớ chuyện này liên quan đến cái mùng bác trinhsat cho em kể nhờ ở d8ây luôn nhé !
cái mùng được phát ở quân trường trắng tinh , lúc đó em chửi thầm lính mà phát cái mùng trắng để cho lộ mục tiêu à .
Có 1 lần tụi em nhận được lệnh đánh phum Salát , 1 cái phum nhỏ ở gữia rừng . Chiều tối đại đội xuất phát dự kiến hành quân suốt đêm đến nơi trời vừa sáng sẽ nổ súng . Đêm đó trời tối đen như mực , rừng cây dầy đặt mà lệnh không cho đi đường bò phải cắt rừng . Tụi em phải lấy lá khô giắt vào ba lô để nhờ ánh sáng lân tinh không bị lạc đội hình . Gần tới phum oải quá nên thằng đi đầu đánh liều cắt ra đường bò và đứng lại báo xuống là có địch , em và BCH C lên quan sát thì thấy 1 dãy mùng trắng lốp thấp thoáng dọc theo đường bò . Các xếp hội ý không đánh vì thấy địch có vẻ đông quá , trời tối rừng thì dầy khó triển khai đội hình , sợ bắn lầm nhau . Thế là án binh bất động chờ trời sáng mới đánh . Hình như lúc này phía bên kia nó cũng phát hiện ra mình thế là 2 bên canh nhau . Được khoảng 1 tiếng đồng hồ , trời sắp sáng  đã quan sát rỏ địa hình C trưởng cho lệnh xung phong thì tụi nó đã rút từ hồi nào ;D . Thế là cũng đánh vào phum bắn vài loạt vu vơ báo về có chạm phải mấy thằng địch mù . Dân trong phum nói địch về đông lắm hơn 100 tên nên không ngủ trong phum mà ra ngoài rừng ngủ . Thì ra thằng địch nó cũng chơi ngu sài mùng trắng như mình . lần đó ai cũng tiếc giá mà mình nổ súng trước thì ngon quá nhưng cũng ...


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: hoaimai trong 31 Tháng Tám, 2008, 08:35:18 pm
Bác tư lệnh ơi vụ xăng pha nhớt của bác haanh có vẻ hay lắm mà sao bác doạ đậu phộng đề.Vừa đọc truyện bác trinh sát vừa nghe các bác cựu bàn ra tán vào mấy chuyện ngoài lề nữa mới thú vị chớ.Cài này gọi là mâm cơm có món mặn món ngọt mà. ;D ;D ;D.Người Việt mình bao giờ chẳng khề khà vừa ăn vừa nhậu chớ.Chẳng lẽ bác haanh nghe anh em nói chuyện rồi nhờ thế nhớ ra chuyện khác để kể lại phải lọ mọ mò ra tận quán nước mới kể sao.Tư lệnh thỉnh thoảng mắt nhắm mắt mở cho anh em với.Có thế bọn cháu mới được hóng nhiều chuyện mà.
Cái này là xin xỏ nha,không phải spam,tư lệnh đừng lườm nha.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trinhsat trong 01 Tháng Chín, 2008, 07:04:37 am
Tiểu đội tôi
   
            Mưa. Mưa thối đất thối cát.
   Mùa mưa  của miền Tây nam bộ này ghê thật. Có vào đây tôi mới thấu hiểu được cái mùa mưa mà trong cuốn tiểu thuyết Mẫn và Tôi miêu tả nó thật như thế nào. Nằm giữa rừng già, chỉ có cái võng và cái tăng che ở trên đầu, một cơn gió nhẹ là mưa lại ào vào ướt hết cả. Cũng vì mưa mà cả 2 ngày hôm nay tiếng súng trên chốt đỡ hẳn. Thỉnh thoảng mới có vài tiếng AK nổ  Tằng. Tằng. Tằng... như muốn báo rằng ta vẫn luôn cảnh giác .
   - Này ông Vòng ơi! Dân Hải Hưng có cái gì nhỉ? -  tôi hỏi - suốt từ hôm vào chiến dịch tới giờ, tiểu đội chúng tôi mới có thời gian nằm kề bên nhau mà chuyện trò như thế này.
   Được dịp, Vòng ta liền khoe :
   - Nhiều lắm, xã thằng Sơn, thằng Bình chân Tiệp có nhãn lồng bổ ngập dao phay. Còn xã thằng Sáng, thằng Ần có táo Thiện phiến ăn ngon và giòn, lại thơm nữa .
   -Thế còn xã ông? - Tôi hỏi tiếp.
    - Ôi, xã tôi gọi là đất làng vàng. Đất làng vàng là nói thế thôi, người đông đất hiếm, mà là đất phèn chua nên chỉ trồng được mỗi khoai tây thôi. Củ nào to cũng chỉ được như hai  hạt dái chó. Cực lắm ông ạ.
   - Vậy là xã ông nghèo nhất à?
   - Ừ,  Vòng trả lời.
   - Mà ông  Vòng này, sao lại gọi là "Bình chân Tiệp''?
   Nghe tôi hỏi, Vòng ta cười ha hả trả lời:
   - Tại gần nhà nó có xưởng chân tay giả của TIệp, mà nghe người ta bảo, chân tay giả của Tiệp là tốt nhất.  Cho nên ngồi đâu, nói chuyện gì, nó cũng nói đến chân giả của Tiệp. Ngoài chuyện đó ra nó chẳng biết gì hơn. Thế nên, mọi người mới gọi nó là Bình chân Tiệp (sau này, chính Bình dẫm phải mìn, bị cụt mất một bàn chân... Lúc ấy nó cứ ôm chân mà kêu: "Ối chân Tiệp ơi là chân Tiệp").
   Tôi thầm nghĩ, cả tiểu đội mười mấy con người. Mỗi người một vẻ. Thằng Sáng thì lúc nào cũng láu  ta láu táu, thằng Soạn - tiểu đội phó của tôi thì cả ngày không nói được nửa câu. Vậy  mà khi vào trận thì làm lì không ai bằng. Ông Vòng thì không biết một chữ nào cả. Viết thư và đọc thư thì toàn phải nhờ tôi làm hộ, nhưng tục ngữ và ca dao thì Vòng thuộc không ai bằng.
   Đang mải nghĩ thì bỗng có tiếng gọi:
   - Ê, Tuấn tròn! Vòng ! Sang tao làm điều thuốc lào.
   Hóa ra nghe tôi và Vòng nói chuyện với nhau, anh Long fulro đồng hương Hà Nội với tôi chắc cũng không ngủ được, gọi với sang ...
    Tôi liền trêu:
   - Sang làm gì ? Em biết anh định nói gì rồi !
   Hì hì, tôi biết thừa anh lại gọi sang nghe chuyện Fulro đây mà. Lạ thật, đã mấy tháng ở với nhau, cực khổ muôn phần, cái sống, cái chết lúc nào cũng kè kè trong gang tấc, không thấy anh đả động gì đến, mà hễ có dịp ngồi với nhau là anh lại lôi chuyện hồi ở Tây Nguyên đánh nhau với Fulro. Thế mới biết, con người dù hiện tại có sung sướng hay cực khổ tới đâu cũng không màng, nhưng kỷ niệm xưa thì khó mà phai nhòa được. Hình  như những kỷ niệm xưa cũ ấy khiến cho con người sống có ý nghĩa hơn, mạnh mẽ hơn. Cũng như tôi bây giờ, mới ngày nào còn chưa lường hết sự ác liệt của chiến trường, nay đã trở thành một anh lính dày dặn.
   Mấy tháng qua, những trận chiến dai dẳng, triền miên nay lại tái hiện qua giây phút nghỉ ngơi này. Rất may mắn  là cả tiểu đội tôi chưa có thương vong nào. Ngày ngày đào hầm, nào thì hầm phẫu thuật, nào thì hầm sở chỉ huy. Hầm của chúng tôi  có kích thước rộng 3 m, dài 5m, sâu 1m8, trên lát gỗ để tránh pháo, rồi thì hầm cho thương binh nằm, lo đạn dược, gạo, thực phẩm cho cả trung đoàn. Tối đến, tải đạn xuống cho các Tiểu đoàn và lấy thương binh, tử sĩ về.  Với một núi công việc khổng lồ như vậy,  thật ngoài sức chịu đựng của con người. Vậy mà chúng tôi vẫn luôn luôn hoàn thành nhiệm vụ. Dù sao vẫn còn sướng hơn anh em bộ binh, cả ngày nằm dưới hầm chữ A, mưa ướt hết mà lúc nào cũng cận kề với cái chết.
   Hồi còn ở nhà tôi đã từng đọc cuốn Dấu chân người lính, cái khổ  cực, cái ác liệt của các anh, giờ tôi đã hiểu. Cũng nhờ có cuốn tiểu thuyết này mà tôi bước chân vào đời lính nhẹ nhàng như trong tiểu thuyết vậy. Tất cả mọi cái như sắp sẵn cho tôi, cũng những cánh rừng già đại ngàn, cũng những cây cổ thụ cao tít tắp, dây leo chằng chịt. Đi dưới  rừng già, nhiều lúc tôi đã quên đi thực tại, rừng đã cho tôi  cảm giác bình yên. Những giây phút ấy thật hiếm hoi. Trong trận chiến này, cái khốc liệt là dai dẳng, liên tục không có "điều nghiên", không có chuẩn bị cho trận đánh nào. Ta và địch ở giữa hai biên giới nên có lúc cả mấy ngày không ngớt tiếng súng, do vậy quân ta bị thương và hy sinh khá nhiều. Thương binh thì đưa ngay về tuyến sau, còn tử sĩ thì chúng tôi phải tập trung lại, khâm liệm đàng hoàng. Nói là đàng hoàng, nhưng cũng chỉ quấn vải trắng cho các anh, rồi cho vào nilon. Mấy chục ca hy sinh chưa đưa về tuyến sau được. Đêm nay lại phải  thay nhau gác cho các anh, sợ thú rừng đến  tha mất xác. Giữa rừng già, đêm mắc võng nằm ngang trên xác các anh trông chừng .
   Trời ! Hồi đầu dù có mệt đến mấy cũng không thể nào chợp mắt được vì chứng kiến các anh hy sinh có mấy ai lành lặn đâu .Thế là từ những vết thương cứ phát ra tiếng phì phì của ruột gan, tiếng xì xì  như tiếng thở dài ... Chúng tôi nằm đó như nghe được cái chết cuối cùng của từng tế bào trong cơ thể con người. Vậy mà không có được một nén nhang để thắp cho các anh.
   Thật may mắn cho tôi là tôi làm tiểu đội trưởng của một tiểu đội toàn người dũng cảm, đầy kinh nghiệm và  cũng không kém phần nghịch ngợm. Cho nên cứ mỗi lần đi phối thuộc với các Tiểu đoàn là tiểu đội tôi lại lãnh trách nhiệm lên đường. Lần ấy, tiểu đội tôi đi phối thuộc với  Tiểu đoàn 3, hành quân tiềm nhập suốt cả đêm. Đi đến 5h sáng thì nổ súng. Tất cả phải ngậm tăm không nói chuyện, xuyên rừng dưới ánh trăng lúc mờ, lúc tỏ. Tôi và Vòng đi cạnh nhau, thỉnh thoảng nhắc anh em bám sát kẻo lạc. Đi sau Vòng là tay trung đội trưởng của Đại đội 5, lúc nào hắn cũng làu bàu, vì thế Vòng ta có vẻ bực lắm. Đi được một lúc, qua một bãi trống dưới ánh trăng mờ mờ, tôi và Vòng thấy có bãi phân trâu to và tròn, thấp thoáng giữa tối và sáng, Vòng  liền lấy khẩu AK cọ vào cái xẻng nghe xoảng một tiếng nhỏ. Hắn ngoảnh lại phía sau tay trung đội trưởng bảo khẽ:
   - "Tôi rơi cái xoong, ông nhặt hộ tôi cái ".
   Tay  Trung đội trưởng tưởng thật, nên chẳng để ý, cứ nhằm chỗ đen đen  tròn tròn là cúi xuống nhặt. Ngờ đâu, bốc ngay phải bãi phân trâu. Tôi và Vòng ôm bụng mà cười,  mà nào dám cười to? Còn tay kia thì tức quá tay cứ vẩy lung tung, nhảy cẫng lên, thở hổn hà hổn hển vì tức quá mà không phát tiết ra được.
   Vòng thấy thế, lủi ngay ra phía sau. Thật ra chúng tôi biết, mới xuất phát được một đoạn, chưa có gì là nguy hiểm  lắm. Đã vậy mà cậu Vòng vẫn chưa tha, đi được một đoạn dài nữa, hắn lại lẩn lên đi đằng trước, đến chỗ từ bìa rừng đi vào, tranh tối tranh sáng giữa ánh trăng và bóng cây, hắn đang đi tự nhiên khựng lại, cúi xuống và bảo nhỏ người đằng sau: "Có hố đằng trước", thế rồi hắn lấy đà nhảy ào qua. Người đi sau cứ theo hắn mà nhảy. Oái oăm thay, tay Trung đội trưởng kia lại đi cuối. Anh ta nhảy thế nào mà lại rơi phịch ngay xuống "chỗ tối" mới biết là bị lừa.  Anh mới bật cười hinh hích vì biết ngay trò này chỉ có thằng Vòng bày ra.  Anh cũng không còn cáu nữa, kể ra không có mấy trò này làm anh em vui hơn thì cuộc hành quân chắc cũng  mệt mỏi lắm.
   Cứ sau mỗi trận đánh, ta lại có đợt bổ xung quân. Quân từ các tỉnh vào nhiều lắm, Thái bình, Thanh Hóa,  Nghệ An, Hà  Bắc, thôi thì đủ mọi miền tha hồ mà nhận đồng hương, cứ ồn cả một góc rừng.
   - Ai đồng hương Hải Hưng đây?
   - Ai Thanh Hóa nào?
   - Thái Bình đâu?
   Bỗng tôi  nghe tiếng thằng Xuân, tiểu đội trưởng tiểu đội 2 đang tìm đồng hương :
   - Đứa mô quê ở Nghệ An không hề? Kim Liên quê Bạc (Bác) đây !
   Tôi bắt giọng trêu luôn:
   - Tui! Tui ở Nghệ An nờ. Rứa mi ở Kim Liên, quê Bạc ở chộ mô hề ?
   Thằng Xuân mừng lắm bảo:
   - Tau, tau ở ngay đầu xạ (xã) nhà Bạc. Rứa mi ở mô?
   - Rứa mi còn ngái (xa) lắm! Tau ợ.. ợ .. ợ ....Tôi ngắc ngứ ...
   - Ở mô? Xuân hỏi dồn.
   - Tau ở ngay đâu chuồng hôi (toa-lét) nhà Bạ...c !  Gần hơn nhà mi nhiều.
   Đến lúc này thì tất cả chúng tôi không ai nhịn được cười nữa, cười lên ha hả. Tiếng cười của chúng tôi vang cả một góc rừng. Lúc này Xuân mới biết là tôi  trêu  nó,  nó chạy đuổi theo tôi, hô: "Cái đồ đồng hương mất gộc!( gốc ). Vì tôi quê ở Nghệ An, nhưng sinh ra tại Hà Nội nên nó không  chịu nhận tôi là đồng hương mà.
   Cứ như vậy chúng tôi sống và chiến đấu thật vô tư và hồn nhiên.

(Hoa Hướng Dương)


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 01 Tháng Chín, 2008, 08:34:11 am
Bác có chuyện của bác không bác? Chuện người khác nghe chán lắm!


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: TQNam trong 01 Tháng Chín, 2008, 08:37:41 am
Sao vậy tuaans, chuyện nào cũng quý mà, miễn thật là tốt.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 01 Tháng Chín, 2008, 09:03:25 am
Mời bác Nam ghe thăm 1 Blog, nơi có những bài của HHD viết về "lão gia" của mình:  ;D

_http://www.ngoisaoblog.com/m.php?u=sadwomen&p=109404


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: TQNam trong 01 Tháng Chín, 2008, 09:14:56 am
Ừ, cũng một thông tin. Nhưng tôi không đọc vì trình bày màu mè quá, nhức cái con mắt, hổng hợp cái gu bạc đầu râu.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: con_ech_gia trong 01 Tháng Chín, 2008, 09:29:50 am
Bác Trinhsat à, mưa trong Mẫn và tôi là mưa miền Trung chứ không phải mưa miền Đông đâu.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trinhsat trong 01 Tháng Chín, 2008, 10:37:18 am
Đôi lời cùng bác Tuaans và các anh em, đồng chí trong diễn đàn:
Đúng là những mẩu chuyện trong chủ đề này không phải là của tôi, như tôi đã nói ở phần mở đầu. Tôi quen Thuỷ (tên thật của HHD) và đã được xem các bài cô ấy viết về chuyện lính của người bạn đời của mình. Sinh sau năm 1970 (kém chồng hơn một Giáp), chỉ nghe chồng kể chuyện lúc rảnh rỗi thôi mà viêt được những mấu chuyện lính rất thật, như người trong cuộc, khiến tôi kinh ngạc và thán phục cô ấy. Những mẩu chuyện viết rất chân thật, mạch lạc và dễ cảm nhận.
Tôi không biết tí gì về chiến trường K. Xem "Biên giới Tây Nam" thấy xúc động và cảm phục tài viết của TS1, qua đó tôi hiểu thêm về cái mặt trận 479 này rất nhiều. Khoái nữa vì TS1 đã mô tả cuộc sống đời lính rất thật, muôn hình muôn vẻ, rất lính.
Thấy những chuyện HHD viết thay chồng, cũng là về Biên giới Tây Nam, cũng rất hay nên tôi tạo chủ đề này để gửi cho mọi ngưòi cùng xem, như là một cái râu tôm gắn vào cả một chiến hào dài rộng "Biên giới Tây Nam" của TS1. Cũng là làm phong phú thêm chuyện chiến trường K.
Có lỗi gì, mong bác Tuaans và các bạn lượng thứ, và xin cho phép tôi được gửi nốt 2 mẩu chuyện nữa của HHD cho tròn cái "râu tôm" này rồi hẵng khoá chủ đề này.
Xin cảm ơn và gửi lời chào trân trọng đến tất cả.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 01 Tháng Chín, 2008, 11:05:50 am
Ấy ấy, bác đừng vội!  ;D

Nó là thế này:
- Chuyện của mình, mình viết, hay lắm bác ạ! Cho dù nó không được văn vẻ nhưng nó được sự quan tâm của rất nhiều người. Anh em vào bàn tán, thêm bớt, kể thêm ... như là một chỗ bù khú với nhau. Các bạn khác tuy không trải qua (Tôi ở bên K cũng không ít năm, nhưng chưa oánh nhau bao giờ) cũng cảm thấy thú vị vì nhưng chuyện vụn vặt của lính, những chuyện mà lắm lúc nếu không co các bác ở đây thì tôi cứ ngỡ là chuyện của mình (!!!).
- Với chuyện của bác Thọ, bác ấy đi tìm mộ người thân, bác ấy trải qua, bác ấy viết lại. Tuy không trôi chảy lắm nhưng khối người vào tám xôm tụ ... chuyện sau, bác ấy post bài của ông Phương thì chán hẳn!  ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trungsy1 trong 01 Tháng Chín, 2008, 05:58:02 pm
Nghĩa là bac tuaans muốn giao lưu trực tuyến, muốn "tám" với người thực việc thực, không muốn qua trung gian, sợ tam sao thất bản. Bác ấy khó tính, đòi CHUYỆN chứ không phải là TRUYỆN. Bác trinhsat pót tiếp đê. Thỉnh thoảng có vài lời của bác thương binh kia thì hay bác ạ! Nó gần gũi hơn với anh em cựu binh  ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trinhsat trong 01 Tháng Chín, 2008, 07:13:26 pm
. Mẹ cũng là chiến sí
   
       Mấy tháng trời, không ngày nào ngớt tiếng súng. Bạn bè cùng đợt vào đã có hơn chục thằng hy sinh rồi. Noel ... rồi cái Tết qua nhanh quá. Tôi chỉ nhớ cả đơn vị phải ăn Tết sớm, mỗi người được một cái bánh tét, hai bao thuốc lá Lao động, mấy gói kẹo, thế là xong cái tết.
   Cả Trung đoàn chốt giữ dọc biên giới dài khoảng 15 km. Trong cánh rừng già Tây Ninh, dọc theo sông Vàm Cỏ Tây. Rừng ở đây khác với rừng ngoài Bắc nhiều, không ẩm thấp, cheo leo mà bằng phẳng đẹp tuyệt. Những lúc ngớt tiếng súng hoặc đi tải đạn về, tôi lại lang thang trong rừng, ngắm những cây to mà cả mấy người ôm không xuể. Cây cối, dây leo  ở đây chằng chịt, rậm rạp mà lại khô ráo, dưới chân toàn cát. Có thể nằm lăn ra ngay dưới cát mà nghe chim kêu, vượn hú mỗi khi trời về chiều hoặc trong lúc tiếng súng tạm thời im lặng, cái im lặng  của không gian chết chóc ập tới lúc nào không hay. Rừng ở đây thật kỳ thú, những đêm trăng có loài đom đóm to như ngón tay út cứ sáng xanh, bay nhanh như sao đổi ngôi, chứ không lập lòe như đóm đóm ngoài Bắc. Còn những con mối thì mới to làm sao. Đêm ngủ, nếu không treo balô cẩn thận thì sáng hôm sau nó ăn hết sạch. Nó ăn nghe cứ rào rào như một đoàn quân ra trận vậy.
   Cuộc chiến ngày càng căng thẳng, suốt ngày đêm không lúc nào được nghỉ ngơi, ngày nào cũng có  thương binh tử sĩ. Lúc thì một hai ca, lúc thì ba ca nên chỉ 4 đến 6 người đi là đủ. Những lúc ấy tôi thường dẫn mọi người đi. Còn tiểu đội phó Soạn ở nhà, nếu có việc gì thì đi tiếp. Chính vì vậy mà mọi người thương tôi lắm, có lúc còn bắt tôi ở nhà nghỉ cho đỡ mệt. Vào thời điểm này Tây Ninh vẫn còn những trận mưa như trút nước, mưa cũng chẳng dai dẳng lắm, nhưng khổ một nỗi nhiều khi đưa thương binh về, cả mình và thương binh đều  ướt như chuột lột, mệt đứt cả hơi không dám nghỉ. Chẳng may có vấp ngã thì cũng phải cố ngóc cái đầu lên để cho cáng khỏi chạm đất, sợ thương binh bị đau thêm. Mệt quá, cực quá, đến nỗi ông Vòng phải thốt lên :" Thà khiêng tử sĩ còn sướng hơn! Có ngã các ông ấy cũng chẳng kêu đau gì cả !"  Nghe hắn buột miệng nói thế, tôi bực mình HỪ một tiếng, nhưng rồi nghĩ lại thương anh em và cũng thương cho cả cái thân tôi nữa.
   Càng mưa, ta và địch càng đánh nhau quyết liệt hơn. Vào cuối tháng 3, sau một chuyến đi tải thương về, Trung đoàn bộ gọi tôi lên. Không biết có chuyện gì? cả Tiểu đội, Trung đội đều đoán già đoán non: "Chắc Tuấn tròn được cử đi học hay là chuyển đơn vị khác đây mà".  Ai cũng đoán như thế vì từ ngày vào chiến đấu, tiếng tăm của tôi nổi như cồn, Trung đoàn bộ ai cũng biết đến Tuấn tròn. Tôi hồi hộp lên Trung đoàn bộ, Ban quân lực mới đưa cho tôi một giấy triệu tập, giấy viết: Ra ngày Sư đoàn bộ có việc gấp! Tôi giật mình, không hiểu có chuyện gì? Tôi hỏi, nhưng cũng không ai biết có chuyện gì cả? chỉ biết Sư đoàn gọi điện vào báo đích danh tôi phải ra ngay Sư đoàn  đóng ở Lò Gò cách Trung đoàn khoảng 10km. Cầm tờ lệnh trên tay, khoác khẩu AK và mấy băng đạn tôi đi ngay buổi trưa. Thôi kệ, cứ ra rồi sẽ biết. !
    Khi tôi tìm đến được Sư đoàn bộ thì trời đã về chiều. Được các anh trên này chỉ cho xuống nhà khách, bảo tôi cứ về đó nghỉ ngơi. Tôi xách balô về phía nhà khách. Gọi là nhà  khách chứ thực ra đó là căn hầm dã chiến, rộng chừng 5 m2 là cùng. Tôi dè dặt chui xuống hầm. Khi đã quen với bóng tối và nhìn rõ mọi vật trong hầm thì tôi chỉ còn kịp thốt lên nghẹn ngào: "Mẹ !"  Tôi không thể ngờ được,  người đang đứng trước mặt tôi đây lại là Mẹ tôi . Tôi ào đến, sà vào lòng mẹ, mãi tôi mới lắp bắp được mấy câu: "Sao mẹ lại vào tận đây? Nguy hiểm quá !" Đạn pháo vẫn nổ ầm ầm vọng lại,  còn mẹ thì cứ lặng yên xoa đầu tôi như lúc tôi  mới lên 3. Mẹ bảo: "Trông con gầy  nhưng mà có vẻ cứng cỏi  hơn nhiều !". Tôi chỉ biết cười ngượng nghịu. Đang chưa biết đón tiếp mẹ thế nào thì anh Quân lực bảo: "Thôi, đồng chí đưa mẹ về Trung đoàn kẻo tối !" Nghe vậy, tôi chẳng còn kịp nghĩ ngợi gì, gặp được mẹ lúc này là mừng quá rồi. Hai mẹ con vội vã cảm ơn và tạm biệt Sư đoàn. Thế là đi ngay. Ôi,  tôi chẳng biết sao   mình lại khờ đến thế? Hay tại tôi quá tự tin bào bản lĩnh của mình? Hay tôi đang tự hào về Mẹ, một người mẹ vì nhớ con mà dám đi vào chỗ súng đạn để tìm và thăm con? Mà hai mẹ con cứ tự nhiên như không hề có chiến trận xảy ra, vừa đi vừa trò chuyện.
   - Mẹ, mẹ vào đây bằng gì ạ?
   Mẹ nói : -Mẹ đi công tác vào thành phố Hồ Chí Minh, rồi nhân tiện xin xe cơ quan vào đây tìm thăm con. - Thế anh lái xe đâu rồi mẹ? - Vào đến gần Sư đoàn, nghe tiếng súng nổ dữ quá, thấy anh ta sợ nên mẹ bảo anh ấy quay về. Mẹ tự tìm được mà.
   Bỗng  nhiên tôi bực mình: Khỉ thật!
   - Thôi mà con, anh ấy đưa mẹ vào được đến đây là tốt lắm rồi, - mẹ nói. - Vâng.
   Mải nói chuyện mà hai mẹ con tôi không hề biết bìa rừng phía trước mặt cách chúng tôi không còn xa nữa. Trời đã sẩm tối, cảnh hoàng hôn của rừng già mới náo nhiệt làm sao? Tiếng chim về tổ, tiếng vượn hú gọi nhau, thỉnh thoảng  tiếng súng lại rộ lên làm cho những chú chim hoảng sợ bay tán loạn. Bây giờ tôi mới thật sự lo lắng. Càng về gần Trung đoàn, tiếng súng lại càng dữ dội hơn. Tôi lại càng lo "bọn thám báo mà lởn vởn quanh đây thì mẹ làm sao mà an toàn được?". Trong lòng thì nghĩ vậy nhưng tôi nào có dám tỏ ra lo lắng? Tôi chỉ dám nói với mẹ: "Con sẽ đi lên phía trước, còn mẹ đi sau con một đoạn, nếu có gì mẹ cứ nằm sát xuống đất nhé!''.
   Tôi vô cùng lo lắng, lúc chiến đầu với quân thù tôi cũng không lo như bây giờ, tôi lo cho mình thì ít mà lo cho mẹ thì nhiều . Mẹ có bao giờ đi giữa nguy hiểm thế này đâu? Không biết mẹ có lo lắng không? Tôi không dám hỏi mẹ, chỉ thấy mẹ mỉm cười an ủi tôi. Tôi hơi yên tâm. Chắc mẹ tin tưởng con mẹ lắm. Vừa tối,  hai mẹ con  kịp tới Trung đoàn bộ. Lúc này tôi mới thở phảo nhẹ nhõm.
   Biết tin mẹ tôi vào thăm, nhưng vì đang chiến đấu nên cả Đại đội tôi hân hoan chào đón mẹ bằng cách cứ  chốc chốc lại mấy anh chạy đến nắm tay mẹ, hỏi han vài câu rồi lại ngay lập tức quay trở lại vị trí. Tiếng súng  càng lúc càng dữ dội hơn, khẩu DKZ cứ Dzoành ! Dzoành cách hầm mẹ con tôi vài chục mét, liên tục, liên tục... Cả đại đội ai cũng tự hào về Mẹ. Mẹ là của cả đại đội. Mọi người cứ mắng tôi: "Sao lại dám đưa Mẹ vào chốn nước sôi, lửa bỏng thế này?". Tôi cãi: Tôi đã được nghỉ đâu?" Thằng Vòng mới đỏ mặt lên nói: "Đáng lẽ Trung đoàn phải bố trí cho hai mẹ con ra thị trấn Tân biên mới phải! "Mẹ nghe mọi người bàn cãi thế chỉ cười: "Các con đừng lo, tại mẹ muốn vào xem các con chiến đấu như thế nào mà".
   Tôi được ở lại với mẹ. Thật là sung sướng! Ngoài kia súng vẫn nổ ầm ầm!Mặc ! Tôi cứ thản nhiên ngủ trong lòng mẹ. Hàng tuần nay có được ngủ đâu?  Cứ gà gật được lúc nào hay lúc ấy. Cả đêm hôm ấy chắc mẹ tôi không tài nào ngủ được. Mẹ cũng như chiến sĩ thực sự. Đạn pháo  xung quanh cứ nổ ầm ầm mà tôi thì ngủ ngon lành như hồi còn bé. Tôi cứ có cảm giác mẹ xoa đầu tôi hoài lúc tôi ngủ.
   Sáng hôm sau, tôi được Trung đoàn cho nghỉ phép 3 ngày ra thị trấn Tân Biên. Thật bất ngờ, cả ban chỉ huy Trung đoàn đứng lên chào mẹ. " Mẹ đã vào thăm và động viên cả Trung đoàn chúng con chiến đấu. Cảm ơn mẹ thật nhiều."
   Thế là nhờ mẹ tôi đã được nổi tiếng cả Trung đoàn vì được mẹ vào thăm tận nơi chiến trường ác liệt nhất. Trong thâm tâm tất cả những người lính chúng tôi đều khâm phục mẹ. Còn tôi thì thật hạnh phúc và tự hào. Ba ngày nghỉ với mẹ ở nhà khách thị trấn Tân Biên, viêc của tôi là ngủ,  được 3 ngày nghỉ thì tôi ngủ mất 2 ngày. Mẹ chỉ ngồi  ngắm nhìn đứa con mà mẹ thương yêu nhất cho đến ngày thứ 3 thì trời lại mưa rả rích. Chiều nay mẹ đã phải về rồi. Tôi lại phải về đơn vị chiến đấu. Mãi cho đến lúc mẹ ra bến xe về thành phố Hồ chí Minh. Mẹ chỉ dặn: "Con cứ yên tâm làm nhiệm vụ, nhớ giữ gìn sức khỏe! Mẹ tin ở con". Mẹ đi rồi,  tôi liền vác balô tạm biệt thị trấn nhỏ, trở về đơn vị.  Tâm trạng tôi lúc này thật lẫn lộn. Buồn phải xa mẹ,  tôi thưong mẹ đã vì tôi mà tìm vào tận nơi hòn tên mũi đạn thăm con. Vui vì mẹ đã an toàn trở về Sài gòn. Tự hào vì tôi là con của Mẹ. Cả đoạn đường dài mà tôi cứ vừa đi vừa nhảy chân sáo y như ngày bé chạy ra đón mẹ đi chợ về được mẹ cho nửa cái bánh đa vậy. Tôi cứ vừa cười vừa hát một mình  mãi cho lúc về tới đơn vị. Cả đại đội tôi ra đón tôi hỏi thăm về mẹ. Suốt mấy ngày liền ai cũng chỉ nói chuyện về mẹ tôi và tôi. Mẹ ơi, con tự hào về mẹ lắm. Mẹ cũng là chiến sĩ của đơn vị con rồi!


(Hoa Hướng Dương)


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 01 Tháng Chín, 2008, 09:58:17 pm
Đúng là bà mẹ VN anh hùng .


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: liua trong 02 Tháng Chín, 2008, 12:23:56 am
Rơi nước mắt.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: dongminhkh trong 02 Tháng Chín, 2008, 02:26:39 pm
Bác Tuaans với bác Tuấn tròn trong này là  gì nhỉ?  ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: ThangLong69 trong 02 Tháng Chín, 2008, 03:50:28 pm
Bác Tuaans với bác Tuấn tròn trong này là  gì nhỉ?  ;D
Là hai ông Tuấn.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: china trong 02 Tháng Chín, 2008, 07:51:44 pm
bất kỳ bà mẹ nào có con đi bộ đội đều anh hùng cả


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trinhsat trong 03 Tháng Chín, 2008, 09:49:31 pm
Lằn ranh giữa hèn nhát và dũng cảm
   

      Cho đến tháng 6 năm 1978, giai đoạn này đã hết mùa mưa. Ta đã quyết định không giằng co ở biên giới nữa, mà đưa chiến trận sang đất của quân Khme đỏ. Nghĩa là trận chiến sẽ ở trên đất của địch, tránh cho dân ở vùng giáp biên giới không bị thiệt mạng vô ích.  Lúc này trung đoàn đã đánh bật địch ra khỏi suối Đà Ha, đẩy lui chúng vào sâu đất Campuchia khoảng 15-20 km. Toàn tuyến biên giới giữa ta và quân Khme đỏ càng khốc liệt hơn bao giờ hết.
      Khoảng giữa tháng 6, tiểu đội tôi được lệnh đi phối thuộc với tiểu đoàn 4. Lần này nhiệm vụ của chúng tôi thật rõ ràng. Tôi được Đại đội và Trung đoàn gọi lên giao nhiệm vụ:
   - Hiện nay ta có hai đồng chí bị địch phục kích đã hy sinh 14 ngày rồi mà vẫn chưa lấy được xác. Chính sách của Đảng và Nhà nước ta là không được để đồng chí nào hy sinh mà bị mất xác. Dù  thương vong bao nhiêu cũng phải  lấy về!
   Nhận nhiệm vụ xong, tôi  về triển khai ngay với anh em. Lần đầu tiên chúng tôi đi phối thuộc không phải cõng đạn dược, chỉ mang một khẩu AK  với 2 cái võng theo người. Còn gọn nhẹ hơn cả lính trinh sát.
   Đúng 3 giờ sáng, chúng tôi xuất phát. Đến tiểu đoàn 4, chúng tôi được trinh sát Tiểu đoàn đưa xuống chốt đại đội 5. Nói là nhanh, nhưng thực ra đến 5 giờ sáng chúng tôi mới đến được đại đội 5. Tôi vội nắm tình hình. Vì nửa tiếng nữa đã tới giờ nổ súng rồi. Do rừng rất rậm rạp, lúc này ta chỉ định hướng được  chỗ các đồng chí hy sinh của mình nằm ở khu vực phía trước theo mùi tử sĩ bốc lên. Định hướng xong, ta đặt một quả mìn DH30, quả mìn này có tính chất phát quang chướng ngại vật trong vòng 100m, có như vậy chúng tôi mới thấy rõ chỗ của đông chí mình nằm ở đâu. Tiếng mìn nổ cũng là lúc ta khai hỏa. Bấy giờ tôi mới quay lại phân công anh em. Vòng, Sơn, Sáng, Bình ở lại với tôi. Còn Soạn ở lại phía sau cùng với các anh em khác chờ tiếp ứng và lo cho thương binh nếu có.
   Đúng 5 rưỡi sáng, với đường kính 50cm, quả mìn định hướng DH30 bùng lên một vòng sáng, vì quá gần chúng tôi chỉ nghe ào lên một tiếng, rồi tất cả  các loại súng đều đồng loạt khai hỏa. Phía địch bị bất ngờ mất một lúc mới phản công lại một cách dữ dội. Hình như chúng đoán biết được bên ta bằng mọi giá phải đưa được đồng đội của mình về, nên chúng cũng có chuẩn bị sẵn. Lúc này tôi mới để ý, toàn bộ anh em trong tiểu đội tôi đều thiếu kinh nghiệm chiến đấu, nên tất cả đều nằm phơi mình trên mặt đất.  Tôi phải bò lại gần, dặn anh em đừng bắn trả mà lộ mục tiêu. Nhiệm vụ của ta là lên đưa tử sĩ về. Cứ tìm chỗ nằm yên, chờ bộ binh đánh bật địch lui bớt về phía sau rồi mình hãy lên.
   Trước mặt tôi đã lộ ra một khoảng trống do mìn nổ. Đã nhìn thấy xác của đồng đội ở phía trước. Trời đã sáng, 7 giờ, 8 giờ, 9 giờ, tiếng súng càng ngày càng dữ dội, ta vẫn chưa đánh bật được chúng ra khỏi điểm chốt. Cả mấy anh em tôi nằm giữa 2 luồng đạn. Trước là địch, sau là ta. Ta mới chỉ đẩy lui được hai bên cánh phải và cánh trái. Còn phía trước địch vẫn bắn trả quyết liệt. Tôi chỉ còn  biết nằm dán mình xuống đất nghe tiếng đạn nổ để phân biệt phía nào là địch, phía nào là ta. Tiếng AK của ta bắn  thì nghe: tằng tằng! tằng tằng! Tiếng Trung liên thì Đoành đoành, đoành đoành! B40 thì Pình pàng! 12ly 7 thì cùng cùng, cùng cùng. Còn phía địch bắn lại thì cứ toang toác! toang toác! Do đạn va vào thân cây. Cứ vỡ toác ra. Chiu chiu!  Ùng oàng! Lựu đạn thì cứ oàng oành. Tôi loay hoay thế nào mà lại nằm giữa họng trung liên phía trước tôi. Đạn cứ toang toác  đốn cây ngã gục. Nằm dưới nhìn lên cứ như nằm dưới hào giao thông vậy . "Không biết chúng có nhìn thấy tôi không mà bắn rát thế". Tôi bắt đầu lo lắng, từ lo lắng chuyển dần sang hoảng sợ. Cứ nằm đây thì chết mất. Đường đạn bay cứ mát cả tóc. Tôi thầm nghĩ, bây giờ chỉ cần giơ tay lên một chút hoặc co chân lên là dính đạn ngay lập tức.
   Chợt trong đầu tôi bỗng lóe lên một ý nghĩ hèn nhát: "Hay là mình co  chân lên, hứng đạn để bị thương và sẽ được lui về tuyến sau? Sẽ không có ai biết cả, mà có ai nhìn thấy cũng không sao ... Do sơ xuất mà bị thương chứ có phải tự mình bắn mình đâu mà sợ?" Tôi vội liếc nhìn sang hai bên thì thấy Sơn cũng đang nằm run lên từng chặp. Sáng thì úp mặt xuống đất không động đậy. Tôi càng lo lắng, tưởng thằng Sáng bị trúng đạn rồi. Nhìn chếch về phía sau thì bắt gặp ánh mắt của Vòng đang nhìn tôi. Nó cười với tôi mà như mếu. Tôi đưa mắt nhìn tiếp mà không thấy Bình đâu  cả. Nhưng chắc ánh mắt của họ ở đâu đó đang theo dõi tôi, nguời tiểu đội trưởng mà họ luôn tin tưởng.
   Thoáng chốc, tôi cảm thấy xấu hổ với họ, với bản thân tôi, và với mẹ tôi nữa. Mới ngày nào mẹ vào thăm tôi tận nơi chiến trường. Mẹ đâu có sợ? Mẹ đã tự hào về tôi. Tôi bỗng rùng mình thoát khỏi cơn sợ hãi đang bao trùm lên con người tôi. Phải thoát khỏi chỗ này. Tôi quay sang bên phải, cách tôi mấy mét. Có hai gốc cây rất to. Nếu tối đến được đó thì không sợ gì nữa. Tôi vội ra hiệu cho anh em, tôi cầm nắm đất ném vào người Sáng thấy cu cậu  cựa quậy nhìn tôi. Tôi cười vì nó... vẫn sống. Tôi bò quay người về phía gốc cây và chờ cho tiếng súng dứt, lúc chúng thay băng đạn. Không hiểu sao, lúc này tôi lại tưởng tượng tôi là chiến binh Tokaito trong phim "Những đứa con của Gấu mẹ vĩ đại" mà tôi đã được xem.  Nhổm người lên và dường như là bay về phía gốc cây. Vì sức bật cuả tôi quá vội và không để ý đến cái dây leo như đang mắc võng trước mặt thế là tôi cứ vắt vẻo  ở trên đó như một tấm bia, tôi cứ lủng lắng như thế chắc cũng chỉ mấy giây thôi mà tôi cảm giác như cả một thế kỷ. Toàn thân tôi như có một tia chớp chạy qua, bủn rủn hết cả người. Một trăm phần trăm là tôi sẽ hứng trọn băng đạn tiếp theo. Tôi vội lăn ra sau gốc cây thì đạn cũng vừa vặn găm vào đó. Thật hú vía!
   10 giờ, ta vẫn chưa đầy lùi được chúng. Nếu cứ đà này thì gay quá, ta đã có thương vong khá nhiều. "Không khéo thì chết hết". Tôi nghĩ bụng, quay sang bảo Vòng và Sơn:
   - Tôi lên, hai ông bám theo sau tôi nhé! Yểm hộ cho tôi!
   Tôi bỏ súng lại, bò lên cho dễ. Bò lên đã thấy đồng đội nằm kia. Hai người cách nhau mấy mét. Bò lại gần, ruồi nhặng bay lên vù vù. Đã mười mấy ngày rồi còn gì ...  Tới nơi, tôi quan sát thì thấy xung quanh tử sĩ toàn lựu đạn rơi vãi quanh người. Kheo chân cũng có lựu đạn.
   Trong cái tĩnh lặng đến rợn người, nghe tiếng động của đám nhặng xanh phát ra, địch lại ném lựu đạn. Bịch...! Oành ! Bất đắc dĩ tôi vội chúi đầu vào xác tử sĩ. Không việc gì ...  tôi thở phào vội chạy về nhảy xuống cái hố gặp ngay hai lính bộ binh . Một đang ôm bụng kêu đau, một trắng trẻo thư sinh có vẻ trầm tĩnh hơn. Lúc thấy động thì địch lại càng bắn dữ dội hơn. Tôi sốt ruột cứ ngóc đầu lên để nhìn, thì tay bộ binh thư sinh kia liên tục nhắc tôi là thấp đầu xuống. Bực mình tôi quát:
   - Ông im đi cho tôi nhờ ! Để yên cho tôi nhìn.
   Được một lát tôi quay sang hỏi:
   - Ông có đoạn dây võng nào ở đây không?
   - Để làm gì? Anh ta hỏi.
   - Để tôi lên buộc dây vào chân tử sĩ, kéo xem chúng có gài mìn vào xác tử sĩ không?, rồi mới đưa về đựợc.
   Anh ta đập tay vào cậu đang ôm bụng nói anh ấy đưa cho tôi những thứ mà tôi yêu cầu.
   Cầm dây dù, tôi lại bò lên. Chúng lại bắn. Mặc kệ, tôi cứ bò. Lên đến nơi, tôi buộc dây dù vào chân tử sĩ. Rồi cứ thế chạy ào về hố. Đạn cứ như tránh tôi. Kéo thử mấy cái, không có tiếng nổ nào.  Yên tâm là không có gì. Lần này cả Vòng và Sơn bò theo tôi. Tôi kịp nhận ra quần Sơn ướt hết, có lẽ vì quá sợ nên tè cả ra quần. Tôi trải võng ra bên cạnh xác. Tôi nằm một bên, cầm cổ áo tử sĩ lật úp anh vào võng. Vì đã hy sinh lâu ngày, tóc và da mặt anh tuột hết. Từ trong hốc mắt  và miệng ròi cứ nhung nhúc rơi ra.  Ruồi nhặng bay ra ào ào. Thế là chúng lại ném lựu đạn. Vẫn không sao. Sơn và Vòng một đầu võng, ghì vào vai mà bò. Tôi ở đầu sau, bò ngửa để căng võng ra, không cho võng quệt xuống đất và cành cây. Khỏi gây tiếng động.
   Xong! Một đồng chí! 11 giờ trưa. Thật khủng khiếp!
   Tất cả chúng tôi như trút được gánh nặng. Thương vong và hy sinh đã quá lớn (cả đại đội 5 gần 70 người nay còn có 25 người) mới đưa được một tử sĩ về. Tôi quay lại cái hố khi nãy, thì tay thư sinh vỗ vai tôi và cười, móc túi đưa cho tôi bao thuốc lá Sông Cầu bảo tôi chia cho anh em hút. Tôi giật thót cả mình, vì thuốc lá Sông Cầu chỉ cấp cho Tiểu đoàn trưởng trở lên! Hóa ra anh là Tình - chính trị viên tiểu đoàn. Thế có chết tôi không? Thấy tôi hơi bối rối, anh vỗ vai bảo:
   - Không sao! ông cừ lắm!
   Ca tử sĩ thứ 2, tôi bình tĩnh hơn và cũng rút kinh nghiệm hơn. Nhưng cũng phải lên xuống mấy lượt vì chúng bắn rát quá. Tôi quyết định, một mình tôi lên. Bò lên tới nơi. Tôi luồn tay vào cổ  tử sĩ, một tay ở dưới kheo chân, tôi bế thốc anh lên và chạy ào về.  Đạn bắn vãi như mưa, mà tôi không hề bị dính phát nào. Hình như các anh đã phù hộ cho tôi thì phải.
   Toàn thắng! Tiểu đội tôi không ai bị thương. Đồng hồ chỉ 6 giờ chiều.
    Anh Tình ôm chặt lấy tôi mà cám ơn:
   - Không có các cậu thì thương vong còn nhiều nữa.
   Sau này anh Tình lên chính ủy Trung đoàn, nhưng hễ gặp tôi ở đâu, giữa chỗ đông người, anh tranh thủ giới thiệu tôi với mọi người về trận đánh đầy kỷ niệm. Còn tôi, tôi thấy buồn cười và cứ phân vân mãi đấy có phải là hành động dũng cảm không? Hay là sợ quá hóa liều? Cái ranh giới giữa sự dũng cảm và hèn nhát thật mong manh.


(Hoa Hướng Dương)


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: taydoc711 trong 03 Tháng Chín, 2008, 11:35:53 pm
Thương vong và hy sinh đã quá lớn (cả đại đội 5 gần 70 người nay còn có 25 người) mới đưa được một tử sĩ về.
Tổn thất lớn quá các bác ơi!!!thật là đau sót


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: taydoc711 trong 03 Tháng Chín, 2008, 11:38:01 pm
bất kỳ bà mẹ nào có con đi bộ đội đều anh hùng cả
Em đồng nhất quan điểm với bác china


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: taydoc711 trong 03 Tháng Chín, 2008, 11:42:01 pm
Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
« Trả lời #19 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2008, 08:00:35 pm » Trích dẫn 

--------------------------------------------------------------------------------
hehe , nói chuyện mùng em mới nhớ chuyện này liên quan đến cái mùng bác trinhsat cho em kể nhờ ở d8ây luôn nhé !
cái mùng được phát ở quân trường trắng tinh , lúc đó em chửi thầm lính mà phát cái mùng trắng để cho lộ mục tiêu à .
Có 1 lần tụi em nhận được lệnh đánh phum Salát , 1 cái phum nhỏ ở gữia rừng . Chiều tối đại đội xuất phát dự kiến hành quân suốt đêm đến nơi trời vừa sáng sẽ nổ súng . Đêm đó trời tối đen như mực , rừng cây dầy đặt mà lệnh không cho đi đường bò phải cắt rừng . Tụi em phải lấy lá khô giắt vào ba lô để nhờ ánh sáng lân tinh không bị lạc đội hình . Gần tới phum oải quá nên thằng đi đầu đánh liều cắt ra đường bò và đứng lại báo xuống là có địch , em và BCH C lên quan sát thì thấy 1 dãy mùng trắng lốp thấp thoáng dọc theo đường bò . Các xếp hội ý không đánh vì thấy địch có vẻ đông quá , trời tối rừng thì dầy khó triển khai đội hình , sợ bắn lầm nhau . Thế là án binh bất động chờ trời sáng mới đánh . Hình như lúc này phía bên kia nó cũng phát hiện ra mình thế là 2 bên canh nhau . Được khoảng 1 tiếng đồng hồ , trời sắp sáng  đã quan sát rỏ địa hình C trưởng cho lệnh xung phong thì tụi nó đã rút từ hồi nào  . Thế là cũng đánh vào phum bắn vài loạt vu vơ báo về có chạm phải mấy thằng địch mù . Dân trong phum nói địch về đông lắm hơn 100 tên nên không ngủ trong phum mà ra ngoài rừng ngủ . Thì ra thằng địch nó cũng chơi ngu sài mùng trắng như mình . lần đó ai cũng tiếc giá mà mình nổ súng trước thì ngon quá nhưng cũng ...
 
 
 trận đó bác haanh thu chiến lợi phẩm quy đổi được bao nhiêu chú xìke hả bác???
 


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trungsy1 trong 04 Tháng Chín, 2008, 07:10:30 am
Thương vong và hy sinh đã quá lớn (cả đại đội 5 gần 70 người nay còn có 25 người) mới đưa được một tử sĩ về.
Tổn thất lớn quá các bác ơi!!!thật là đau sót
Cối 6, cối 8 đâu bác trinhsat? Sao lúc đó không giọng cấp tập hỗ trợ các bác vài chục trái cho nó chúi mịa nó xuống mà kéo anh em về.  :'(


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: TQNam trong 04 Tháng Chín, 2008, 07:49:31 am
Mỹ họ làm phim "Giải cứu binh nhì", ta có thể dưa vào việc thật, người thật nầy là phim được không? Có lẽ khó vì hình ảnh 1 CTV thư sinh và câu hỏi của TS1 chăng? Tôi cứ băng khoăng, tại sao một trận đánh kéo dài đến vậy mà không được yểm trợ hoả lực? Một trận đánh có ý nghĩa như vậy và sẳn sàng hy sinh vì nghĩa tình đồng đội nhưng cái giá quá cao như vậy ... tôi thấy nó cứ chênh vênh. Giá như ... giá như ...


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 04 Tháng Chín, 2008, 08:20:34 am
@taydơc711 :Thu cái giề mà đổi ? tụi nó rút mang theo cả mùng , không chạm súng trong tình huống đó là mừng thấy bà rồi ;D. Chuyến đó đi coi như công cóc vào phum bé tí không chó , không gà mà cũng chẳng có dừa thốt nốt gì cả .


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 04 Tháng Chín, 2008, 08:37:39 am
câu chuyện lấy xác đọc hay quá nhưng mà tác giả hơi cường điệu tí  ;D Không có ông chỉ huy nào khùng đến độ nướng 50 quân đổi lấy 2 liệt sỹ cả . Đấy chỉ là 1 trận đánh kết hợp việc lấy xác và trận đánh này không được chuẩn bị tốt , chỉ huy kém nên thương vong nhiều - chính trị viên tiểu đoàn mà chui dưới hố thì đánh đấm đếch gì  ;D. Nói chung đọc truyện này xong tội nghiệp cho các bác Thọ , TS1 , tran479 quá ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 04 Tháng Chín, 2008, 08:42:53 am
"Lão gia" kể chuyện, phu nhân ghi lại!  ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 04 Tháng Chín, 2008, 08:50:31 am
"Lão gia" kể chuyện, phu nhân ghi lại!  ;D
Thế mới thấy bác chí lý ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tran479 trong 04 Tháng Chín, 2008, 08:59:41 am
Nhắc lại thời điểm tháng 06-1978 ,mùa mưa gồng mình chốt chặn :"đưa chiến tranh ra khỏi biên giới :" ,tụi Pốt đưa cả quân từ phía tây sang đông ,bu lại các chốt mình lập ra cách biên giới 15-20 km ,đánh lấn hàng giờ ,hàng ngày; trên trời mưa ,dưới đất pốt thay phiên bám sát ;ở Snoul thời gian trên ,01 chiếc tăng mất tích khiến cả C thương vong khi đánh mở rộng tìm nhưng cũng tìm không được ,,hỏa lực tụi Pốt ở thời điểm này nhiều khi hơn hẳn mình vì nó đánh tập trung ,mình chơi nó 01 trái lựu đạn cầu VN ,bên kia nó la lên chọc quê bằng tiếng Việt hẳn hỏi rồi đáp trả bằng 03-04 quả lựu đạn chày TQ ;đội hình hai bên cách nhau chỉ có vài chục mét .Chốt kéo dài hai ba tháng trời ,các đơn vị mình thay phiên nhau vào chốt ,ra củng cố ;lúc vô thì 70 mạng ,lúc ra thì...20 như đã kể ;có những chốt mang danh là  ...:"cối xay thịt :" vì thời gian còn 20 mạng chỉ trong vòng 1 tuần ,Sư 5 vào lúc những tháng cuối năm 78 phải cho D 25 công binh và  lính vệ binh Sư ra chốt để rút các đơn vị bộ binh ra củng cố chuẩn bị đánh thọc sâu .


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: lethaitho trong 04 Tháng Chín, 2008, 09:40:06 am
Thời điểm tháng 6/1978 thật khốc liệt. Đối mặt với F9 là 03 F của địch. Tiếng hò la " trô, trô, trô " còn vang mãi đến tận...bây giờ !!! Quân số của đơn vị tôi ( C11 ) khi đó có lẽ chưa bao giờ qua được con số 25. Trung đội thường xuyên chỉ 3, 4 tay súng ( kể cả B trưởng ). Mỗi đợt bổ sung vào chỉ thấy " ấm " được chừng 1 tuần rồi lại vắng teo như cũ. Cả năm 1978 bổ xung tổng cộng 12 đợt mà như đá nén xuống ao bèo tấm.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trungsy1 trong 04 Tháng Chín, 2008, 09:58:24 am
Chiến tranh nó muôn mặt các bác ạ! Đặc điểm tác chiến từng vùng địa hình, từng đơn vị nó cũng khác nhau nhiều. Tâm lý chung trong anh em cựu binh mình là khi trải qua rồi thì ai cũng muốn chứng minh là đơn vị mình, hoặc mình là đã ở đỉnh của ác liệt, của gian khổ và từng trải. Ngay trong trung đoàn em bây giờ nhậu ngày 7/1 hàng năm vẫn tranh cãi nhau sứt đầu mẻ trán cái chuyện này! Hề hề! Có thể đơn vị các bác không có tổn thất nhiều như thế, giành xác tử sỹ ác liệt như thế nhưng ở đơn vị bác trinhsat kể nó đã diễn ra như thế. Phải biết tin anh em chứ!
Tuy là vợ bác ấy viết lại không thể mộc như bác ấy trực tiếp viết nhưng em tin! Với lại nhỡ bác thương binh ấy không còn ngón tay như anh em ta để mà gõ phím thì sao?


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tran479 trong 04 Tháng Chín, 2008, 10:11:18 am
Có thật chứ không cường điệu đâu ,CTV tiểu đoàn có mặt ở tận tuyến trên vì đã mất tuyến trước ,nên tử sỷ không lấy được ,chiếm lại dãy hầm đã mất mãi mà không được ,hầm D bộ thành tiền duyên ,chắc là Pốt nó ủi mạnh quá nên 01 C tốc hầm nhưng D còn trụ được ,CTV tiểu đoàn mà ngồi sát trên như vậy là ...lỳ đòn lắm rồi bác Haanh ơi ,sau này lên chính ủy E thì cũng phải sao chớ ???.Chắc lúc này cả D đang gồng mình chốt chặn mùa mưa chứ không phải đánh vận động đâu ,bác Haanh có thấy bao giờ CTV tiểu đoàn bác nằm sát bộ binh trên phía trước như vậy chưa ,never !!! ,thậm chí cả khi đang đánh vận động ,D bộ bị úp thì cũng cách vài chục mét vì còn các B trực thuộc xung quanh ,đằng này CTV trên ở sát tụi pốt ,phía trước không còn hầm nào nửa .
Chiếc tăng mất thời điểm 1978 ở Snoul cũng giống giống trường hợp như vậy ,nhưng cã D bị tốc hầm  ,đội hình chốt bị hở sườn ,quân khu phải cho tăng lên đánh chiếm lại chốt ,phải đánh vòng và lúc đánh ...mất liên lạc 01 chiếc ,cho cả tiểu đoàn đánh mở rộng ra kiếm nhưng tổn thất cả đại đội nữa cũng không thấy ,sau quân khu phải lịnh bỏ ,không tìm nữa vì là T 59 cũa TQ ,không sợ nó chụp hình tuyên truyền là VN xâm lược  ,lúc này sao mà Pốt nó đông thế .


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: TQNam trong 04 Tháng Chín, 2008, 10:17:46 am
À, dần dần nó sáng ra. Ban đầu đọc thấy xót không chịu nỗi. Một Bi-Tráng ca.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 04 Tháng Chín, 2008, 10:25:07 am
Không phải là không tin, bác TS1 ạ!

"Lão gia" của Hoa Hướng Dương vẫn còn hai tay;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trungsy1 trong 04 Tháng Chín, 2008, 10:34:19 am
Ngoài tình đồng đội ra, công tác tử sỹ làm không tốt thì kể cả tiểu đoàn trưởng, CTV cũng toi ngay. Trận C1 chạy, bỏ lại người, TĐT em thời đó cũng phải nghiến răng tổ chức đánh lại cướp xác đấy. Nguyên văn:
"....Đ...cần biết các anh diệt bao nhiêu! Mang xác 5 thằng kia về đây ngay chiều nay cho tôi!"
May mà gom đủ ! :'(


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 04 Tháng Chín, 2008, 10:37:01 am
hehe , em tin chứ , giai đoạn đó thì khốc liệt và mất mát nhiều là chuyện đương nhiên nhưng do tác giả nhận định chỉ vì lấy 2 xác đồng đội mà gánh tổn thất quá nặng thì là cường điều . Chả lẽ các vị chỉ huy mà các bác từng nể phục lại đầu đất đến vậy , để lính mình chết lãng nhách vậy ? Như bác Tuaans nhận định người kể 1 đằng người viết một nẻo nên cái hào hùng , bi tráng của các cựu binh 78 bị bóp méo . Hãy tưởng tượng 1 người chưa từng kinh qua trận mạc lại không có thiện cảm với ta đọc truyện này sẽ nói :ồ chết nhiều quá ,ác liệt quá và ...đánh nhau dỡ quá  ;D ( đến như em mà còn nghĩ anh CTV hèn nhát nữa là )
Thế mới biết viết về chiến tranh về sự hy sinh của người lính rất khó , không giống như viết tiểu thuyết hay là các bài báo lên gân  ;D



Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tranlam99 trong 04 Tháng Chín, 2008, 10:47:32 am
Về chuyện đánh K, nhiều người nói với tôi là nếu không đánh chiếm hẳn Campuchia năm 1979 thì máu VN còn đổ nhiều hơn nhiều lần nữa vì Pot có hẳn 1 hậu phương là 1 nước, mỗi năm tuyển được hơn 30.000 lính đánh ta.  Mà hình như số thương vong của quân ta từ trong khoảng thời gian từ 6/77 - 12/78 là cao (chưa tính nhân dân), hơn cả 10 năm sau ở K.

Không biết các bác đã đánh qua 78-79-80-81 như TS1, LTT, Tran479, TQN, DKSG, VB, Ytá ... có thấy vậy không.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 04 Tháng Chín, 2008, 10:48:01 am
hê hê , em thấy có 1 tay , còn tay kia đặt ở chổ nào zậy ta ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 04 Tháng Chín, 2008, 10:49:23 am
Tiêu chí: "bạn chính là phóng viên"

Blogger rất nổi tiếng của ngoisaoblog.com

Tui chỉ mong viết được cho nó xuôi xuôi một tí để kể lại chuyện của mình mà chả được!  ;D

Hình như các bác ngoài Bắc trời lạnh teo tai hay sao mà viết hay thế, sâu sắc thế. Trong Nam nóng chảy mỡ, người ngợm, xe cộ nhạy nhắng nhít, viết chả được!


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 04 Tháng Chín, 2008, 10:51:39 am
Tay trái bác ấy có cái nhẫn xịn nên giấu!  ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trungsy1 trong 04 Tháng Chín, 2008, 10:57:06 am
Mà hình như số thương vong của quân ta từ trong khoảng thời gian từ 6/77 - 12/78 là cao (chưa tính nhân dân), hơn cả 10 năm sau ở K

Theo cảm nhận cá nhân, tôi sửa lại là thời gian từ 1977 - 1979. Sang năm 1980 đỡ hẳn.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: con_ech_gia trong 04 Tháng Chín, 2008, 11:10:41 am
Trời ơi, toàn thấy nhậu thế này  ;D

Hơi rượu ngút trời như khói pháo ngày nào ...
Chỉ khác là hồi xưa là khói pháo với khẩu súng, còn bây giờ thì rượu một bên và em một bên. Đúng không các bác?


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: OldBuff trong 04 Tháng Chín, 2008, 11:14:37 am
Không phải là không tin, bác TS1 ạ!

"Lão gia" của Hoa Hướng Dương vẫn còn hai tay;D

(http://www.quansuvn.net/index.php?action=dlattach;topic=3092.0;attach=1020;image)

Ơ cái bác đầu cua túi có phong bao này nom quen lắm bác tuaans ah! Bác cho vài dòng tiểu sử nhỉ?


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tran479 trong 04 Tháng Chín, 2008, 11:17:09 am
Năm 77-78 thôi ,79 thương vong bớt hẳn vì vừa giải phóng ,Pốt chưa tỉnh hồn ,các lực lượng khác cũa Kam chưa tổ chức lại kịp nhưng 80-81 tăng lên rất nhiều ở những đơn vị sát biên giới Thái ,Sư nào áp sát biên giới ,đánh qua Thái năm 80-81 thì ....má nhìn không ra !!??!! ,nhưng địa danh như Cao Mê Lai ,Đăng Cum .... đám lính con c..bự nhớ mãi không quên ,như tiếng ...Trô ,Trô ,Trô  ám ảnh bác Thọ vậy.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: yta262 trong 04 Tháng Chín, 2008, 11:20:26 am
Về chuyện đánh K, nhiều người nói với tôi là nếu không đánh chiếm hẳn Campuchia năm 1979 thì máu VN còn đổ nhiều hơn nhiều lần nữa vì Pot có hẳn 1 hậu phương là 1 nước, mỗi năm tuyển được hơn 30.000 lính đánh ta.  Mà hình như số thương vong của quân ta từ trong khoảng thời gian từ 6/77 - 12/78 là cao (chưa tính nhân dân), hơn cả 10 năm sau ở K.

Không biết các bác đã đánh qua 78-79-80-81 như TS1, LTT, Tran479, TQN, DKSG, VB, Ytá ... có thấy vậy không.
Ytá cũng chỉ là ếch ngồi đáy giếng. Năm 1978 thời gian huấn luyện rất ngắn, giữa tháng 9 ytá mới là lính tò te, chưa kịp bắn đạn thật bài 1, mới học lắp ráp RPD thì đầu tháng 11 ytá đã có mặt ở Sa Mát, trong đội hình của trung đoàn pháo 262. Pháo thì nằm ở tuyến sau chớ không có nằm chốt nên vào thời điểm đó thương vong của E262 không đáng kể. Khi đó ytá chỉ đơn giản nghĩ là bên mình đang chuẩn bị chiến dịch giải phóng nên cần quân gấp, nên huấn luyện vội vàng. Có lẽ thiếu huấn luyện cũng là yếu tố làm tăng thương vong chăng? Có thể vì số thương vong cao nên cần quân nhanh như thế? Dù sao ytá cũng tin lời các bác TS1, tran479, lethaitho, danngoc va trinhsat đã nói thật về con số những đồng đội đã vĩnh viễn ra đi như thế ... VN mình có vấn đề đó, không có sẵn thống kê chính xác (nói trắng ra con số thống kê chính xác từ bên quân lực của bộ quốc phòng & của bộ thương binh xã hội thì chỉ được lưu hành nội bộ thôi!), bao nhiêu chiến sĩ vô danh đã yên nghỉ trong trong mỗi cuộc chiến tranh? Các anh ấy ra đi đã yên, người ở lại ray rứt ... Xin mượn lời bác TS1: "Đường vinh quang xây xác quân thù" và cả quân ta nữa, tranlam99.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 04 Tháng Chín, 2008, 11:21:25 am
@haanh: tay trái của "lão gia" để trên bàn


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 04 Tháng Chín, 2008, 11:23:24 am
Ơ cái bác đầu cua túi có phong bao này nom quen lắm bác tuaans ah! Bác cho vài dòng tiểu sử nhỉ?

Trần Phi Anh, nick: Phi Chan


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trinhsat trong 04 Tháng Chín, 2008, 11:49:23 am
Trước tiên rât cảm ơn bác Tuaans, sau đó xin cảm ơn các bác TS1, Tran479. Lethaitho, Haanh ... Các bác đúng là những người lính chân chính, thẳng thắn và trung thực. Qua các bác trao đổi mà tôi rõ ra được nhiều điều. Thú thực là tôi không biết tí gì về chiến trường K. Chỉ nghe nói là có 3 giai đoạn. Trước 1979 thì ác liệt và hy sinh nhiều lắm và rất khó chịu vì ta cứ phải vừa đánh vừa nghe ngóng, lại phải bảo vệ cả dân mình. Giai đoạn 1979 thì đánh to, ác liệt nhưng thoải mái tư tưởng hơn, vì lực lượng ta đông được xả láng đánh. Giai đoạn từ 1980 về sau tuy ít ác liệt hơn trên toàn mặt trận, nhưng biên giới Thái-Miên lại vất vả, và các trục đường giao thông bất ổn vì chiến tranh du kích của bọn Polpot.
Qua hồi ức của các bác mà tôi hiểu được chiến trường K.
Trở lại chuyện của Tuấn "tròn". Bác Tuaans post mấy cái ảnh lên rất chính xác, cả ảnh của Tuấn "tròn" và vợ hắn là Hoa Hướng Dương. Đúng là hắn kể chuyện và vợ hắn viết lại. HHD viết hay đấy chứ. Tôi tin là cô ấy không bịa đâu, vì bịa thì qua mắt thế nào được các bác CCB. Tôi xem chuyện cũng thấy xúc động, nhưng không hiểu chiến trường K nên không dám bàn. Tôi chỉ nghĩ như các bác TS1 và Tran479 nói, trong chiến tranh thì mọi chuyện có thể xảy ra.
HHD viết có 4 mẩu chuyện thôi, tôi đã post cả rồi. Cũng tiếc là không làm cách nào để "ép" Tuấn "tròn" nhập cuộc vào diến đàn này để trao đổi trực tiếp cùng các bác.
Tôi biết bác Tuaans có nhiều điều không bằng lòng với tôi, nhưng xin được lượng thứ khi tôi lại đi post chuyện không phải của mình. Tôi chỉ nghĩ là HHD đã viết ra cho mọi người xem, thì tôi post đây để thêm nhiều người nữa được xem nữa mà thôi.
Thân ái


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: danngoc trong 04 Tháng Chín, 2008, 11:53:15 am
Bác yta ôi, em có phải lính đâu, lại chỉ trẻ cỡ tuổi em motthoang và lizzy thui.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: liua trong 04 Tháng Chín, 2008, 12:00:52 pm
Bác Trinh sat ơi,bác cứ tiếp tục đi.Chiến tranh khắc nghiệt như vậy đó.Thời 77-79,em đã chứng kiến xe tang lễ quân đội đi quay vòng nhiều lần trong ngày từ 108.(nhà em ở phố Trần hưng Đạo).


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: OldBuff trong 04 Tháng Chín, 2008, 12:05:52 pm
@ tuaans: À! Đ/c này là dân thi pháp đây! Cảm ơn bác tuaans!


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trungsy1 trong 04 Tháng Chín, 2008, 12:28:15 pm
Rơi nước mắt.

Sắp thành cái vòi nước mất gồi! Tránh xa cái nồi súp đang nấu ra không mấy thằng tóc vàng nó kêu mặn giờ! Hí hí hí! Thảo nào mù soa Tiệp trứ danh thị trường!
Chọc chơi chút cho tình hình Osetchia đỡ nghiêm trọng, thưa d/c Liua !  ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: yta262 trong 04 Tháng Chín, 2008, 01:08:48 pm
Bác yta ôi, em có phải lính đâu, lại chỉ trẻ cỡ tuổi em motthoang và lizzy thui.
Vậy sao danngoc? Thì ytá tui cũng có cho danngoc là lính đâu, ytá nói là tin câu chuyện của danngoc trong "hồi ức các bác otosg" kể đó mà. Ytá rất quí các bạn trẻ như danngoc có lòng quan tâm tới những người lính & CCB ở đây.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: danngoc trong 04 Tháng Chín, 2008, 01:19:41 pm
Tụi em phải cám ơn các bác, chứ làm ngược lại thì buồn quá ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tranlam99 trong 04 Tháng Chín, 2008, 06:13:58 pm
Đây là thông tin tôi nghe được, đưa ra để các bác tham khảo thôi nhé - nếu các bác có thông tin khác thì bổ xung, hoặc MOD thấy nhậy cảm thì cứ xóa.

Trong cuộc chiến với Campuchia, quân ta hy sinh khoảng 50.000 chiến sỹ, trong đó riêng năm 1978 là khoảng 23.000 chiến sỹ. Có lẽ vậy nên nhiều người kể lại là năm 1978 là năm đẫm máu nhất - đồng thời chỉ ra là lúc đó  chúng ta chỉ có 1 lựa chọn duy nhất đúng là phải tiêu diệt chế độ Pot.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: liua trong 04 Tháng Chín, 2008, 06:35:12 pm
Rơi nước mắt.

Sắp thành cái vòi nước mất gồi! Tránh xa cái nồi súp đang nấu ra không mấy thằng tóc vàng nó kêu mặn giờ! Hí hí hí! Thảo nào mù soa Tiệp trứ danh thị trường!
Chọc chơi chút cho tình hình Osetchia đỡ nghiêm trọng, thưa d/c Liua !  ;D
Do em nhớ lại cảnh ông già lên Hương canh thăm lần đầu,em cũng khóc tu tu.(Tự mình thương mình) ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: nvanlebinh trong 04 Tháng Chín, 2008, 08:14:53 pm
Lằn ranh giữa hèn nhát và dũng cảm
   

   
   Được một lát tôi quay sang hỏi:
   - Ông có đoạn dây võng nào ở đây không?
   - Để làm gì? Anh ta hỏi.
   - Để tôi lên buộc dây vào chân tử sĩ, kéo xem chúng có gài mìn vào xác tử sĩ không?, rồi mới đưa về đựợc.
   Anh ta đập tay vào cậu đang ôm bụng nói anh ấy đưa cho tôi những thứ mà tôi yêu cầu.
   Cầm dây dù, tôi lại bò lên. Chúng lại bắn. Mặc kệ, tôi cứ bò. Lên đến nơi, tôi buộc dây dù vào chân tử sĩ. Rồi cứ thế chạy ào về hố. Đạn cứ như tránh tôi. Kéo thử mấy cái, không có tiếng nổ nào.  Yên tâm là không có gì. Lần này cả Vòng và Sơn bò theo tôi. Tôi kịp nhận ra quần Sơn ướt hết, có lẽ vì quá sợ nên tè cả ra quần. Tôi trải võng ra bên cạnh xác. Tôi nằm một bên, cầm cổ áo tử sĩ lật úp anh vào võng. Vì đã hy sinh lâu ngày, tóc và da mặt anh tuột hết.

Cái này thì đúng kiểu lấy xác ở K rồi.
Tôi đã gặp những người đi lấy xác đồng đội. Đêm đến phải lần mò vào tận nơi. Lấy dây một đầu buộc vào chân liệt sỹ, rồi lùi ra xa kéo thử. Nếu yên tĩnh thì buộc vào chân mình mà bò ra xa Tới chỗ an toàn rồi mới gói ghém xác khiêng về. Có lần không có dây, phải nối thắt lưng lại làm dây kéo. Các xác bị gài mình là thường xuyên. Có nhiều lần mìn nổ phải kéo dây chạy thục mạng dưới các tầm đạn địch bắn ra. Lúc quay được đầu lại nhìn thì xác liệt sĩ chỉ còn cái chân nối với đoạn dây.
Bản thân tôi cúng đứng hàng giờ nhìn lính mình gài mìn dưới các xác Miên và quanh đấy.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 04 Tháng Chín, 2008, 09:29:45 pm
thời bọn em thì không có vụ gài mìn , bắn bồi cho má nó nhìn không ra rồi thôi vài ngày sau mối đùn lên là xong vì đồng bọn cũng chả thèm lấy xác . 1 số thằng là dân địa phương thì trời tối người nhà ra lấy xác đem vào rừng thiêu .


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: nvanlebinh trong 04 Tháng Chín, 2008, 10:03:37 pm
thời bọn em thì không có vụ gài mìn , bắn bồi cho má nó nhìn không ra rồi thôi vài ngày sau mối đùn lên là xong vì đồng bọn cũng chả thèm lấy xác . 1 số thằng là dân địa phương thì trời tối người nhà ra lấy xác đem vào rừng thiêu .
Ờ, lúc này thì nó làm gì còn hậu phương và nghĩa trang.
Còn lúc trước, nó cũng như mình, thương binh tử sĩ lấy bằng hết.
Nhưng lấy bằng mọi giá giữa ban ngày ban mặt như HHD kể thì tôi mới thấy lần đầu.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 04 Tháng Chín, 2008, 11:14:58 pm
tụi nó chỉ bỏ xác lại thôi chứ thương binh nó kè đi mất , em chưa bao giờ thấy thằng nào bị thương cả , chỉ có mấy thằng ngáp ngáp là bị bỏ lại . Khi vào cứ tụi nó em thấy nó có cả giường phẩu thuật dã chiến , bãi hoả thiêu những thằng chết


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: NguoiTotbung trong 05 Tháng Chín, 2008, 09:22:53 am
bất kỳ bà mẹ nào có con đi bộ đội đều anh hùng cả

Em cũng luôn nghĩ như Bác!

Bất kỳ người nào cầm súng ra trận đánh giặc, vệ quốc cũng đều xứng đáng là anh hùng!

Bất kỳ người Mẹ nào có con ra trận, đều là Bà Mẹ Anh hùng!


Đọc truyện của Chị Hướng Dương viết theo lời kể của Anh nhà chân thực như chính Chị tham chiến vậy .....


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: danngoc trong 05 Tháng Chín, 2008, 09:42:51 am
Ông này khoái hô khẩu hiệu nhể, đúng là hợp giọng với các bác min mod trên này. Giản dị chút đê...


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: NguoiTotbung trong 05 Tháng Chín, 2008, 10:10:42 am
Ông này khoái hô khẩu hiệu nhể, đúng là hợp giọng với các bác min mod trên này. Giản dị chút đê...

Em xin rút kinh nghiệm ạ! Dưng mà em cứ nghĩ sao thì nói vậy thôi, chả khẩu hiệu gì đâu Bác ạ


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: motthoang_hn02 trong 05 Tháng Chín, 2008, 10:45:07 am
nhà anh có ai là liệt sỹ hay thương binh chưa?

Liệt sĩ hay thương binh thì sao ạ?

Mẹ em kia, là nữ thanh niên xung phong, CCB, thương binh, chiến sĩ Trường Sơn những năm chống Mỹ (huân huy chương cũng chả kém cạnh ai mỗi lần có đại hội gì đó ) Nhưng nói thật, chả thấm vào đâu so với chiến công của những người khác, chỉ là hạt muối trong lòng đại dương.

Người ta nói : Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác. Mình giản dị, trân trọng quá khứ bằng hành động, việc làm của mình còn hơn " thùng rỗng kêu to ". Đây là em không nói riêng 1 ai cả nhé !

Còn tham gia forum này người ta có rất nhiều lý do, có người muốn sống lại những năm tháng ra chiến trường, có người muốn tìm hiểu về chiến tranh, về lịch sử quân đội VN..........em nghĩ chúng ta nên dừng lại ở mức học hỏi lẫn nhau, trau dồi kiến thức chứ không phải hỏi nhau cái giọng như bố đời thế kia ạ !

Em nói vậy có gì không phải, mong bác bỏ qua để giữ hoà khí chung ạ !


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: vaxiliep trong 05 Tháng Chín, 2008, 10:58:42 am
Ông này khoái hô khẩu hiệu nhể, đúng là hợp giọng với các bác min mod trên này. Giản dị chút đê...

Ăn nói kiểu gì thế?!  >:( Bịt mồm lại bi giờ! Nói xấu min mod là một tội rất lớn, cho dù nói ...đúng đi chăng nữa! Mà ku thử dẫn chứng min mod nào hô khẩu hiệu xem! Không chứng minh được sẽ phải tạ tội 01 thùng bia đấy! Tháng 10 tau vào lấy!  ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: danngoc trong 05 Tháng Chín, 2008, 11:04:28 am
Ku mần báo mà không học tiếng Vịt hử? Tau nói mod min hô khẩu hiệu hồi nào, nhưng hợp giọng mod min thì đúng qué rùi. Ku thua chầu bia nhé. Tháng 10 dô đây đê, thèng béo.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: NguoiTotbung trong 05 Tháng Chín, 2008, 03:46:49 pm
Ku mần báo mà không học tiếng Vịt hử? Tau nói mod min hô khẩu hiệu hồi nào, nhưng hợp giọng mod min thì đúng qué rùi. Ku thua chầu bia nhé. Tháng 10 dô đây đê, thèng béo.

Vầng, nhất trí! Từ nay em sẽ không hô gì nữa, ngậm tăm mà hau háu chờ các bài của các Bác ... một ngày mà không vào đây là em không chịu được  ... hụ hụ... Dạo trước, em cũng đã theo từng bài, từng bước chân Bác Danngoc cùng bác gái du lịch K mà


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: lethaitho trong 05 Tháng Chín, 2008, 03:52:37 pm
....em cũng đã theo từng bài, từng bước chân Bác Danngoc cùng bác gái du lịch K mà  

Bài ấy đăng ở đâu vậy bạn?


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: NguoiTotbung trong 05 Tháng Chín, 2008, 04:38:46 pm
....em cũng đã theo từng bài, từng bước chân Bác Danngoc cùng bác gái du lịch K mà  

Bài ấy đăng ở đâu vậy bạn?

Cũng khá lâu rồi Bác ạ, ở bên ttvnol, có lẽ giờ nằm ở Kho 5 năm. Em cũng không nhớ rõ là loạt bài ấy Bác Dangoc post bên KTQS hay GDQP, nhưng chắc chắn loanh quanh đâu đó Vệ phủ lưỡng box hoặc cùng lắm là Lịch sử văn hoá. Để đêm nay em về lục xem, có gì em gửi link Bác Thọ ạ.


Em đang đọc loạt bài của Bác Thọ về tìm mộ liệt sĩ, việc những hiện tượng tồn tại như có một âm cảnh hiện hữu thì có thật, đúng là không giải thích được, ngáy như những việc mà em đã trực tiếp chứng kiến cũng vậy!


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: danngoc trong 05 Tháng Chín, 2008, 07:24:47 pm
Tại, sáng nay thất lễ, đang đà nóng giận vu vơ của tuổi chưa già, tại hạ xin cáo lỗi với Bác Tốt!


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: chienthanh trong 21 Tháng Chín, 2008, 11:55:12 am
Đơn vị lại được bổ sung tân binh rồi đây! Chào đ/c Trinh sát và đ/c Hoa Hướng Dương!

Đ/c lethaitho từ nay đưa B.41 cho đ/c Trinhsat. Đ/c ha anh để lại khẩu RPD cho đ/c Hoa Hướng Dương. Các đ/c sẽ mang AK. Rõ chưa?
Đ/c Trinhsat đêm nay gác ca giữa. Vừa gác địch vừa gác đ/c ha anh luôn nghen! Hết ca thì vào gác tiếp đ/c nằm chung mùng bởi vì.....Theo thông lệ đơn vị ta thì hai đồng chí tối nay ngủ chung một mùng cho nó đoàn kết! Còn cái mùng thừa kia chút mang đổi xì ke nhậu nhằm nâng cao ý chí chiến đấu.
Còn ai hỏi gì nữa không?
Bác dongminh ca hát! Thấy em giao nhiệm vụ rõ ràng chưa? Tiểu đội trưởng làm gì có cái quyết định nào? BCH gọi lên trong hội ý tối, giao mồm như vừa rồi. Thế là xong!




Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: songvedem trong 21 Tháng Chín, 2008, 12:31:24 pm
Đây là thông tin tôi nghe được, đưa ra để các bác tham khảo thôi nhé - nếu các bác có thông tin khác thì bổ xung, hoặc MOD thấy nhậy cảm thì cứ xóa.

Trong cuộc chiến với Campuchia, quân ta hy sinh khoảng 50.000 chiến sỹ, trong đó riêng năm 1978 là khoảng 23.000 chiến sỹ. Có lẽ vậy nên nhiều người kể lại là năm 1978 là năm đẫm máu nhất - đồng thời chỉ ra là lúc đó  chúng ta chỉ có 1 lựa chọn duy nhất đúng là phải tiêu diệt chế độ Pot.

Đây là thông tin lần đầu em mới biết. Chỉ biết là quân ta hy sinh nhiều. Vfa em cũng không ngờ là năm 78 ta lại hy sinh nhiều như vậy, gần 1/2 rôi còn gì. Bác có thể giải thích kỹ cho em tại sao năm 78 lại hy sinh nhiều như vậy được không. Và sự lựa chọn tiêu diẹt chế độ Pot sau khi mất 23000 chiến sỹ là hoàn toàn đúng đắn


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: hiephoa2000 trong 03 Tháng Mười, 2008, 08:52:22 pm
nói thật với các bác, em về vấn đềnày chỉ ngồi há mồm ra mà đọc thôi ạh ???


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: wolf07 trong 01 Tháng Sáu, 2009, 03:36:06 pm
Xin cảm tạ những người lính đã cho tôi hiểu thêm một phần sự thật bi hùng, những chuyện mà tôi đã và vẫn đang luôn thần tượng từ ngày thơ ấu nhưng chưa từng có dịp được tìm hiểu


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trinhsat trong 10 Tháng Tám, 2009, 08:51:32 am
       Chào tất cả các CCB và các bạn,

      Trong phần đầu của topic này, tôi đã post giùm 4 cấu chuyện của Hoa Hướng Dương viết theo lời kể của chồng mình. Tuấn "tròn", tên người lính tình nguyện CPC, là một người lính vận tải thuộc c25, trung đoàn 52, sư 320. Anh không trực tiếp cầm súng, nhưng câu chuyện tác chiến ở CPC dưới góc nhìn của một người lính vận tải cũng rất đáng để chúng ta quan tâm.

     Lần này, TS lại post tiếp 1 câu chuyện (tiếp theo mạch 4 câu chuyện trên) của Tuấn "tròn", được thể hiện dưới ngòi bút của Hoa hướng Dương, vợ anh.


 MẤT MÁT VÀ HY SINH

      

      Lúc này là giữa mùa khô, cái nắng thật gay gắt. May mà  chúng tôi vẫn ở trong cánh rừng già nên vẫn còn được chút mát mẻ. Mấy ngày nay tiếng súng tạm lắng xuống và lại những đợt bổ sung quân. Trong cánh rừng đại ngàn bỗng chốc lại ồn ào vui vẻ. Tiểu đội tôi cũng được bổ sung thêm lính  mới. Toàn lính 78, trẻ măng. Lính Hà bắc, Thái Bình , Hưng Yên , Hải phòng. Ba lính mới tò te: Thằng Giảng, Thằng Hùng người Hà Bắc, đặc biệt có thằng Thao người Hưng Yên cũ, trẻ quá. Tôi hỏi:

        - Thế chú mày bao nhiêu tuổi rồi? làm gì đã đủ tuổi mà đi lính?
          Nó bảo:

      - Em phải đi thay cho chị em, để cho chị em ở nhà. Em 17 tuổi rồi.

      - Sao chị mày là con gái mà cũng phải đi lính à? - Tôi hỏi tiếp.

      - Em chả biết. Thấy xã họ bảo phải đi cho đủ chỉ tiêu của xã nên em  xung phong đi thay chị em .

      Trông cậu ta quá trẻ mà thật xinh trai. Hai hàng lông mi cứ cong vút như con gái và nụ cười thật hồn nhiên. Tôi liền nói:
          - Thôi chú mày nằm cạnh anh. Anh đi đâu phải đi theo đấy nghe chưa? Kẻo mày bị sao, chị mày lại trách anh. Thế chị  chú mày có xinh không?
          Cu cậu toét mồm cười thật thà :
          - Chị em xinh nhì làng đấy ạ.
          - Thế thì phải bảo chị chú mày chờ anh nhé.


  
                          ***

      Sắp xếp cho 3 lính mới xong, tôi lên đại đội họp giao ban. Lại chuẩn bị chiến dịch rồi. Lần này ta đánh lớn. Có tin là mặt trận giải phóng dân tộc Campuchia đã được thành lập để lật đổ chính quyền Pô pốt. Họ đang tìm cách bắt liên lạc với ta. Không khí chuẩn bị cho chiến dịch thật chu đáo. Đạn dược, luơng thực, thực phẩm được chuyển đến  không thiếu thứ gì.      

      Chiến dịch. Hai từ "chiến dịch " tôi chỉ được xem trong phim và đọc truyện nên đã biết và hình dung nó ra thế nào đâu. Suốt từng ấy thời gian, chúng tôi chỉ có mỗi việc từ Trung đoàn xuống các tiểu đoàn rồi thì xuống chốt lấy thương binh tử sĩ, có gặp được mấy ai? Vậy mà nay vào chiến dịch, cả trung đoàn rầm rập chuyển quân. Các đơn vị thuộc trung đoàn bộ cùng các tiểu đoàn từ trong rừng túa ra... Sao mà đông đến thế! Cả khu rừng như vỡ òa ra. Cảm giác lúc đó thật là náo nức như ngày hội .
 
           Chúng tôi không còn cảm thấy  bị lẻ loi nữa. Gặp gỡ bao nhiêu anh em bạn bè cũ từ ngoài Bắc vào. Dũng con bị thương nhẹ ngay từ những  ngày đầu, được chuyển về làm vệ binh trung đoàn bộ. Hai thằng chúng tôi gặp nhau mừng quá chả nói được gì, cứ ôm nhau cười.  
 
           Bỗng có tiếng gọi:

      - Tuấn tròn! Tuấn tròn!  
           Tôi quay lại :
           - Ôi !Vinh lãng tử!

      Rồi An, rồi Minh sứt, Thỏa ở công binh trung đoàn bộ. Trời ạ! ở với nhau  trong cùng một khu rừng suốt gần một năm trời mà bây giờ chúng tôi mới được gặp nhau. Mừng mừng, tủi tủi...

      Thằng Vinh nói oang oang:  
           - Trận đầu… mẹ kiếp! Tao đ. bắn được phát nào. Trận  thứ 2 bắn được có nửa băng.
           - “Kém tắm” thế! – Bọn tôi cười rộ lên.
           Nó lại hềnh hệch:  
           - Mẹ… Lúc ấy, chúng nó bắn  như mưa tối tăm cả mặt mũi, có biết đằng nào mà bắn lại đâu. Còn bây giờ ấy à, tao cởi trần mà xung phong. Bắn đã thì thôi. Mẹ... cho chúng biết thế nào là lính Hà Nội. - Nói xong, nó nháy mắt cười thật tươi ...


           Hút với nhau chưa hết điếu thuốc, chỉ kịp thông tin cho nhau biết thằng còn thằng mất, chúng tôi lại phải  vội vã chia tay nhau về đơn vị của mình chuẩn bị cho trận đánh mới...
 
            Lần đầu tiên đánh lớn, hợp đồng binh chủng. Thật là khí thế! Tiếng súng của ta đã nổ rộ lên kèm với tiếng hô xung phong ào ào như lốc từ các đơn vị ở gần đấy vọng lại. Tin tức báo về liên tục, ta phát triển thuận lợi, đã chiếm được cao điểm 13. Tiểu đoàn 5 báo về: “thời cơ thuận lợi xin được đột kích tiếp”. Hầu như tất cả các hướng báo về đều tốt. Cho đến 10 g sáng thì ở tất cả các hướng tiếng súng nổ càng lúc càng dữ dội. Đặc biệt ở hướng tiểu đoàn 5 thương binh và tử sĩ đã có rất nhiều. Cả đại đội tôi lao vào tải thương, tải đạn. Lúc này tôi mới nhận ra  rằng tất cả thương binh nặng hay nhẹ, câu đầu tiên tôi nghe thấy đều là: “Mẹ ơi, con đau quá! Mẹ ơi con chết mất!". Có anh bị mìn cụt mất bàn chân, chỉ còn trơ xương ống chân. Anh đau quá cứ đạp cái ống chận cồng cộc xuống đất mà kêu Mẹ. Chúng tôi phải buộc  ống chân  anh vào một cành cây và nẹp chặt  lại cho anh khỏi đạp. Thế mới biết, trong những lúc đau đớn, kề cận với cái chết hai tiếng  "Mẹ ơi " mới kỳ diệu làm sao , có lẽ nó làm cho bất cứ nỗi đau nào cũng đều cảm thấy êm dịu và ngọt ngào.


           12 giờ trưa .

      Tin xấu báo về: “Tiểu đoàn 4 bị vây hãm”. Hóa ra tiểu đoàn 4 đánh nhanh quá nên bỏ xa các tiểu đoàn bạn và bị chúng vây chặt. Chúng tôi vừa mới ở đấy về, vừa mang đạn xuống và lấy thương binh tử sĩ. Lúc nãy, gặp Long Khùa – bạn tôi bị thương, bị một viên găm vào phổi .Đã kịp nói chuyện gì với nhau đâu. Tôi chỉ kịp nói với bạn: "Tiểu đoàn mày bị vây rồi. Thôi ra ngoài chóng lành nhé!". Long nắm chặt tay tôi, thều thào:

"Cố mà sống Tuấn tròn nhé!". Thương bạn, tôi gượng cười, gật đầu.
       Vậy là cả trung đoàn tôi bị kẹt ở cao điểm 13. Các đơn vị bạn, E64 , E48 cử các tiểu đoàn cùng với trung đoàn tôi đi  phá vây cho tiểu đoàn 4. Bọn Pôn pốt đã dùng cả một sư đoàn định vây trung đoàn 52 chúng tôi, nhưng vì tiểu đoàn 4 thọc sâu quá, nên chúng chỉ vây được tiểu đoàn 4. Tình hình vô cùng căng thẳng. Không tiếp tế được đạn dược cho tiểu đoàn 4, mà thương binh tử sĩ cũng không thể nào mang về được.  

***


          Hai ngày…  rồi năm ngày.  

          Tình hình vẫn không mấy sáng sủa. Giữa mùa khô nóng nực này cả trung đoàn bộ  nằm giữa cánh rừng khoọc nắng như thiêu như đốt mà chỉ có mỗi một  hố bom nước dành cho cả mấy trăm con người. Mọi người dùng hết sức tiết kiệm nhưng cũng chỉ sang ngày thứ 6 thì nước ở hố bom đã cạn sạch. Chỉ còn một thứ nước sền sệt những bùn là bùn, để cả ngày cũng không lắng được chút nào nước trong. Tất cả những ai còn nước ở trong bình tông  đều phải để dành cho thương binh. Thiếu gì còn được chứ thiếu nước thì thật khốn khổ. Đưa đạn xuống các tiểu đoàn phá vây, khiêng thương binh về  rất mệt mỏi, cổ họng chúng tôi khát khô rang, đi nhiều mồ hôi vã ra lại càng khát. Khát kinh khủng! Cảm giác như muốn phát điên lên. Môi người nào người nấy nứt nẻ hết cả .


         Sang đến ngày thứ 9,  lúc này hầu như ai cũng đã gần mất hết sức chiến đấu thì may mắn làm sao có xe của trung đoàn đi lấy nước đã về kịp. Nước về, cơn khát của chúng tôi phần nào cũng dịu bớt.


          Mãi sang ngày  thứ 11. Bên ta phá được vòng vây, đánh mạnh buộc chúng phải rút về phía sau. Cả trung đoàn đã di chuyển lên phía trước, chiếm được trận địa của chúng bên cạnh một dòng suối. Chúng tôi  sung sướng vô cùng, nhảy ào xuống tắm rửa thỏa thích. Chưa tắm xong thì đã có lệnh của  Trung đoàn: “Toàn bộ đại đội C25 chuẩn bị mỗi người mang ít nhất phải được 20 lít nước đem xuống các chốt cho các chiến sĩ bộ binh tắm rửa”. Huy động cả cán bộ chiến sĩ trong trung đoàn bộ  gùi  nước xuống. Chúng tôi đùm nước vào túi nilon, rồi cho vào balô. Đây là phần thưởng  quý nhất cho  các chiến sĩ bộ binh thời điểm này.


          Xuống đến nơi, C25 ở lại lấy tử sĩ. Lần này ta tổn thất quá lớn. Cả tiểu đoàn 4 chỉ sống sót được vài chục người. Lại đi! Đi cả đêm. Các chiến sĩ bộ binh nhìn thấy nước mà cứ run run, không ai có thể nói nổi một tiếng cảm ơn vì quá khát. Khi mọi người uống no nê, chúng tôi bảo anh em rửa ráy cho mát, nhưng ai cũng ngần ngại không dám rửa. Phải để dành thôi! có cho cả trăm lít cũng chả ai dám phung phí, vì anh em đã phải đái ra mà uống mất mấy hôm rồi.


          Sau khi đã lấy lại sức, chúng tôi được anh em ở chốt đưa đi tiền nhập luôn. 4 giờ sáng, chúng tôi đến sát khu vực anh em tử sĩ nằm. Lại cái mùi tử sĩ quen thuộc bốc lên nồng nặc. Mệt đứt cả hơi, muốn nhắm mắt một tí để lấy lại sức mà không tài nào ngủ được vì mùi nặng quá. Xác định rất gần đây thôi, thế nào cũng có anh em mình hy sinh nằm, tôi quay sang hỏi tay trinh sát tiểu đoàn 3: “Địch ở phía nào?”. Anh chỉ: “Ở bên kia bãi trống, anh em hy sinh nằm cả phía trước và có thể ở quanh đây”. Quả như anh nói, tờ mờ sáng, khi đã thấy được mọi vật, lần theo mùi tử sĩ chỉ cách tôi 5m, tôi đã thấy một cái mũ cối và một ba lô. Tôi tiến gần đến và nhặt được một cái gương nhỏ, lật đằng sau có ghi hàng chữ: “Nguyễn văn Trung - Kim Động, Hải Hưng”. Tôi huýt sáo khẽ gọi Thao lại nhặt các thứ đó và theo tôi. Cách 10 m nữa thì thấy khẩu AK, không thấy người đâu cả. Đi tiếp mấy bước nữa và nhìn sang bên kia bờ suối cạn, tôi thấy một anh đang nằm ở tư thế bò lên bờ suối. Anh nằm với một tư thế thật tự nhiên, đầu nghiêng một bên, tay phải nắm lấy một gốc cây nhỏ, tay trái đang cầm quả lựu đạn. Nhìn tư thế bất động của anh, tôi đoán: "Chắc anh đã cố hết sức để dành lấy sự sống mà không được". Anh bị quá nhiều vết thương. Tôi miên suy nghĩ trong lúc tiếng súng đã nổ từ lúc nào mà tôi không hay. Tôi và Thao vội lấy tăng võng liệm anh lại  rồi để  anh luôn đấy làm điểm tập kết tử sĩ . Lần này đã có kinh nghiệm và đã quá quen với công việc. Chúng tôi cho mấy trung đội tản ra xung quanh tìm. Còn ngoài bãi trống, cứ bò lên nhằm chỗ nào có nhặng xanh bay lên là đúng chỗ anh em mình nằm. Rất nhiều chiến sĩ ta bị thương, bị chúng bắt được trói chặt và chôn sống. Chúng lấy thắt lưng trói tay chân lại ở tư thế ngồi xổm và đào cái hố vừa người ngồi rồi chúng chôn các anh ở tư thế như vậy. Nhìn anh em hy sinh như vậy thật đau lòng. Chúng tôi cứ thế dùng tay moi, cào đất rồi bế các anh lên, vì các anh hy sinh  đã nhiều ngày nên chúng tôi không biết làm thế nào mà để các anh nằm thẳng ra được, đành cứ để các anh ngồi tập trung lại. Chúng tôi người đứng, người ngồi lẫn với các anh cứ như thể các anh vẫn còn sống và đang  ngồi nói chuyện cùng chúng tôi vậy.

Nghĩ thế tôi bỗng thấy ngồ ngộ.  
 
         Trận này, chúng chống trả  không quyết liệt lắm, vì thế đến 2, 3 giờ chiều thì chúng tôi đã  đưa được toàn bộ mấy chục anh em  hy sinh về tuyến sau.


 
 ***



Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trinhsat trong 10 Tháng Tám, 2009, 08:52:24 am
(Tiếp...)

          Trung đoàn tôi vẫn vừa đánh vừa vận động tiến sâu về phía địch. Bắt đầu tấn công về phía có bản làng. Nhưng lạ, đánh vào bản  không thấy một bóng người  dân nào. Không phải vì dân họ bỏ chạy, mà tôi nhìn thấy  tất cả các nhà dân ở đây đều đã hoang phế. Dây leo và cỏ đã mọc bò hết vào trong nhà. Chắc họ đã đi khỏi đây từ lâu lắm rồi . Bản làng thật tiêu điều hoang tàn. Thì ra bọn Pôn pốt đã xua họ đi trại tập trung  từ năm 75. Chúng tôi tạm thời dừng chân và đóng quân ở rừng cao su, cánh rừng cao su bạt ngàn .Ngoài mấy bản bỏ hoang thì chỉ có mấy căn nhà nhỏ , có vẻ là có người ở. Xác lính Pônpốt chết nằm rải rác khắp nơi. Vẫn còn lại mấy con bò, mấy con ngựa. Cả xe bò và xe ngựa nữa. Thấy xe bò chỉ có mỗi một càng xe ở giữa, lính Bắc chúng tôi lạ lắm, chửi thề lung tung: “Xe kiểu này thì biét mắc kiểu gì hả?". Nhìn ngắm một hồi, tôi mới chợt nhớ và à lên một tiếng bảo thằng Thao:

Mày dắt hai con bò lại đây cho anh!
Thằng Thao ngơ  ngác dắt bò lại. Tôi đóng bò có vẻ ngon lành làm cả Trung đội

cứ tròn xoe mắt ngạc nhiên. Thằng Vọng tròn mắt lên:

Ông này ở Hà Nội sao lại biết mắc bò kiểu này  nhỉ?
Tôi cười, vênh mặt lên nói:
- Tao xem trong phim cao bồi Mỹ, nó làm như thế nên tao bắt chước  thôi". Có gì mà không biết.

 Sướng quá, bây giờ mà dùng xe bò chở đạn, gạo xuống các tiểu đoàn thì khỏe re. Đang vui vì chuyện cái xe bò, chợt thấy anh em  xục xạo đi lại khắp nơi. Tôi hoảng hốt, quát to :
           - Không ai được đi lại lung tung! tôi nói chưa dứt lời thì: "Ầm!" và tiếp theo đó là tiếng thằng Bình kêu: "Mẹ ơi! Ối chân tiệp ơi là chân tiệp!"
          Tôi vội chạy lại, thấy Bình "chân Tiệp" đang ôm lấy chân vì dẫm phải mìn. Thật tôi không thể tưởng tượng nổi, lính già như nó lại bị thương một cách quá đơn giản như vậy.Vừa tức, lại vừa xót xa cho bạn. Garô xong đưa nó lên xe bò chở về, thằng Vòng làm một câu:
         - Sướng nhất mày, được ngồi xe bò đầu tiên nhá!"
         Đang đau mà thằng Binh cũng phải bật cười hinh hích.

 *****

 
 
 
        Vậy là không còn phải ở trong rừng sâu nữa, đã ra ngoài có đường có xá hẳn hoi . Cứ chở đạn và gạo xuống tiểu đoàn bằng xe bò, xe ngựa tha hồ nhàn nhã. Mấy ngày liền xe bò chở đạn, không mệt nhọc gì, chúng tôi  tha hồ ngó nghiêng, chuyện trò. Lúc về, tôi đang lững thững đi, vừa đi ngắm hàng cây cao su thẳng tắp, chợt nghĩ đến câu ca dao xưa: "Cao su đi dễ khó về ... " thì nhìn thấy một con dao găm Trung Quốc rất đẹp ở một cái hố rất rộng ven đường -  cái hố này có một lớp đất mỏng có vẻ mới phủ lên. 
          Vì Ần đi phía trước, tôi mới gọi :  "Ần ơi, xuống kia nhặt con dao găm đẹp quá! 
           Ần ta nhìn thấy chạy xuống liền. Nhưng hắn đi được mấy bước thì cứ thấy bập bùng dưới chân. Ra gần đến nơi, hắn không dám bước nữa vì có lẽ hắn thấy ghê ghê bởi mùi thối bắt đầu bốc lên nồng nặc. Hắn vội co một chân, cúi xuống nhặt con dao. Vì phải với, nên chân Ần thụt sâu tới tận háng. Hoảng quá  nó vội vàng  vùng vẫy lung tung. Trời ơi! Kinh khủng quá, dưới lớp đất mỏng… tôi không thể ngờ.  Ần  cứ đạp đến đâu, xương cốt, đầu lâu đã phân hủy thi nhau trồi lên đến đó. Tôi sợ, đứng bất động như trời trồng. Thằng Ần cứ như bơi trên cái thứ nước sình lầy đen kịt lẫn với đầu lâu, xương xẩu đó . Có mấy mét mà không  đếm được bao nhiêu cái  đã trồi lên như vậy. Tôi thò tay kéo  được Ần lên , thiếu chút xíu nữa là nó ngất xỉu vì quá kinh sợ. Hóa ra đó là hố chôn người của bọn Pônpốt. Lúc ấy chúng tôi mới đưa  mắt nhìn xung quanh. Còn mấy hố nữa nhưng bởi dọc đường cũng có nhiều xác lính Pônpốt chết nên không ai để ý đến sự hôi thối cả . 
     

        Tôi  khẩn trương cho người về báo cáo trung đoàn đến xem xét. Thế là chúng tôi đã phát hiện hố chôn người tập thể đầu tiên trên đất Campuchia. Hàng trăm  xác chết trong một hố. Tất cả trẻ con lẫn người già, phụ nữ… đều bị chúng  đập chết bằng cuốc, vì chúng tôi nhận thấy tất cả các hộp sọ đều bị vỡ. Lúc ấy chưa ai hiểu được sự dã man của  bọn Pônpốt mãi cho tới khi sư đoàn điện xuống: "Phải chụp ảnh. Đó là sự diệt chủng của Pônpốt Iêng xari !" thì chúng tôi mới thấy rõ được bản chất tàn bạo của chúng.

 
 
  ****

 
         Cũng từ hôm đó Ần thấy ít nói hơn, nó có vẻ lầm lì suy tư. Thỉnh thoảng nó lại lầm bầm: "Việt Nam, Việt Nam tứ đời chiến tranh". Tôi nghĩ nó vẫn còn ghê vì cảm giác bơi trong đám sọ người nên tôi thường kéo nó đi mỗi khi có việc gì đó. Hôm đó, chúng tôi đưa hai xe bò đạn gạo xuống tiểu đoàn , lúc quay về chúng tôi ngồi trên xe vừa đi vừa nghêu ngao hát .Chợt tôi nhìn thấy bên đường có bụi tre, nhiều măng lắm. Tôi bảo: "Thao và Sáng, theo tao bẻ mấy cái măng về xào ăn đi!". Nghe tôi nói thế, bọn nó hào hứng đi ngay, để lại thằng Ần ngồi một mình trên xe sau. Ần thấy buồn lại nhảy lên xe trước ngồi. Sáu thằng lại hát hò với nhau như không hề có chiến trận. Bẻ được lưng ba lô măng, chúng tôi vui mừng vừa chạy, vừa gọi với theo: " Bọn mày ơi! Chờ bọn tao với!" . Gọi chưa kịp dứt câu thì: "Rầm"  một tiếng,  rồi sau đó là tiếng ào của gió bạt... cách gần 5, 6 chục mét mà tôi cũng bị sức gió đẩy ngửa ra sau. Trúng mìn rồi. Tôi chỉ kịp nhìn cả sáu đồng đội của tôi trên xe bò trước đã như những cánh vạc bay vút lên không trung. Tôi cố nhổm dậy thật nhanh trong cột khói đen mịt mù. Vấp ngã. Tôi lại vấp ngay phải thằng Ần. Tôi gào lên: "Ần ơi ! mày có sao không? Tất cả chúng mày có  đứa nào còn sống không?". Tôi gào lạc cả giọng...

 
            Không thấy thằng nào trả lời tôi, cả không gian tĩnh lặng  kéo dài tưởng chừng như vô tận, còn thời gian như ngưng lại, đứng im đến tê dại. Thằng gần nhất cũng cách quả mìn cỡ 25 m. Tôi hoảng hốt ngẩng lên, xác thằng Giảng vẫn còn mắc trên ngọn cây cao su. Bánh xe bò đã đè lên quả mìn chống tăng. Tôi ngồi chết lặng bên thằng Ần. Bỗng nghe Ần rên lên yếu ớt. Tôi vội hô  Sáng và Thao  bế Ần lên chiếc xe bò còn lại. Tôi ngồi ôm chặt lấy Ần,  còn Ần – chắc nó cố chút sức tàn còn lại mấp máy: "Mẹ ơi! Việt nam tứ đời chiến tranh thế hả mẹ?”. Thế là Ần lịm đi, nó đã hy sinh  trong vòng tay của tôi như vậy. Tôi chợt như một người mộng du, gào lên: "Sao mày bỏ tao? sao chúng mày bỏ tao? Không thằng nào ăn măng tao vừa kiếm được à? Thằng Bình  thì cụt chân, rồi đến bọn mày, cả 6 thằng chê tao không thèm ở  với tao nữa. Mà toàn những thằng hiền lành cả. Sao mấy thằng ngổ ngáo như tao, Vòng, Sáng thì vẫn không việc gì, lại trơ trơ như thổ địa? Sao chúng mày bỏ ta..o...o ?". Tôi cứ gào lên như thế giữa cánh rừng...
 
          Tôi buồn bã thiếu hụt mất mấy ngày. Đành rằmg tôi đã tiễn đưa biết bao người hy sinh, nhưng tại sao cùng một lúc cả 6 người  vào sinh ra tử với tôi bao ngày lại ra đi cùng một lúc chứ? Lúc nào tôi cũng thấy chúng nó như đang quanh quẩn bên mình, cả tuần liền tôi vẫn gọi nhầm tên chúng nó.
           Anh Long Funro cứ động viên tôi mãi: "Thôi số chúng nó như vậy, buồn làm gì nhiều ..." Nếu có việc phải đi, anh lại bảo : "Thôi mày ở nhà để tao đi cho "
           Vậy là anh đi thay tôi, rồi cũng vì đi thay tôi mà anh cũng bỏ tôi đi mãi. Khi xuống tới tiểu đoàn, anh Long Funro của tôi đã bị đạn 37ly bắn tà âm vào giữa ngực. Toàn bộ lồng ngực của anh mất hết. Xuống khiêng anh về mà nứoc mắt tôi cứ trào ra trong tiếng nấc ầng ậc... 

           Tình trạng của tôi lúc đó thật thảm hại. Không phải vì tôi sợ, mà  tôi buồn vì hẫng hụt và mất mát đến với tiểu đội tôi quá lớn. Trung đoàn muốn giúp tôi nguôi ngoai nên đã cử tôi đi học lớp tập huấn một tháng . Đợt tập huấn này là để chuẩn bị cho một chiến dịch mới trong nay mai...
 
 
Thủy Hướng Dương. (tức Hoa Hướng Dương)




Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: bigradeon trong 10 Tháng Tám, 2009, 02:46:47 pm
Chiến tranh tàn ác quá, đúng là Việt Nam tứ đời chiến tranh, âu cũng vì lẽ con nhân nước Việt thông minh anh dũng kiên cường, đất nước oai hùng trung kiên bất khuất, giặc ngoại xâm hết đứa này đến đứa khác, vì  sợ cái oai linh và nòi giống tiên rồng, nên ngày đêm mưu toan gây chiến, kìm hãm thời khắc hóa rồng của dân tộc ta. Đọc lại cháu có cảm tưởng là Pốt nó tính hết rồi, nó để xe lại, để bò lại, nó biết mình sẽ tận dụng chuyên chở hàng, nên gài sẵn mìn chống tăng, đúng là thời đó thiếu thốn đủ bề, không thì cho công binh lên rà hết.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 10 Tháng Tám, 2009, 03:17:36 pm
hehe , nếu đây là chuyện sáng tác thì đề nghị đưa xuống box văn công còn nếu là chuyện thật thì ném cục đá chơi : ở K nên gọi là phum , sóc cho nó đúng chứ không nên gọi là bản làng , trớt he à ;D, đạp trúng mìn không thằng nào kêu la ngay được vì lúc đó bị sốc , choáng và cũng chẳng có chuyện ôm nổi cái chân trúng mìn . Chuyện cười càng không có , lúc đó hoặc là nằm im thiêm thiếp hoặc gào khóc chửi bới . Vận chuyển thương binh trúng mìn bằng xe bò là 1 cực hình vì thương binh nằm dài trên xe cái chân cụt bị treo cao lủng lẳng dằn xóc cực kỳ , thằng lì thì nghiến răng trào nước mắt , thằng nhát thì khóc lóc kêu la nghe nẫu cả ruột . Anh em tụi tui ngáng nhất là vụ cáng mấy ca này , nó tra tấn mình về tâm lý dữ lắm .


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tai_lienson trong 10 Tháng Tám, 2009, 03:37:21 pm
Tôi đã đọc cơ bản các bài ở mục này ,  các bác cũng bàn tán nhiều nhất là chuyện lấy tử sỹ ,xin mạn phép các bác có vài ý thế này : nếu là hồi ức thì có lẽ đã được cường điệu , gọi  là truyện ngắn thì đúng hơn
 - Khi tử sỹ đang nằm phía trên tôi cam đoan với các bác không ai dùng DH để quét cây mà quan sát  vì như vậy là giết anh em lần thứ hai , nếu dùng DH để đánh mở cửa thì BB phải bám vào đó để xung phong , nếu đã đặt được mìn Dh thì cũng đồng nghĩa với bí mật bò lên cột dây vào chân anh em kéo về được
 _Ở chiến trường có chỉ huy và phân cấp đàng hoàng , Vận tải E thường chỉ vác đạn đến D và đưa thương binh ở đó về không thể có việc vận tải E bò lên lấy tử sỹ mà vận tải D ngồi uống trà được và tử sỹ của đơn vị nào đơn vị đó tổ chức lấy đưa về sau  cho vận tải D ,chứ vận tải D nó cũng không bò lên trước BB để lấy đâu , ( trừ trường hợp được tăng cường vận tải nhưng bao giờ cũng xuống một cấp :tức là e xuống D, D xuống C và đương nhiên thằng vận tải không bao giờ bò trước bộ binh
 _ Làm D v mà không hiểu lấy tử sỹ phải dùng dây kéo để tránh bị bẫy thì lạ quá
 _ Giữa 2 làn đạn mà bình tĩnh trải võng  , khênh anh em đặt vào đó thì bái phục ,
_ Tôi tiếp xúc với anh em cán bộ f320 nhiều nhưng cũng chưa bao giờ nghe chuyện P bắt được thương binh ta rồi chôn sống.Trên Tây nam không bao giờ lính ta chịu để bắt tù binh ,thường là cùng quá thì tự sát
   Đôi lời với tác giả
    Trân trọng

 


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 10 Tháng Tám, 2009, 04:34:09 pm
Hehe, haanh, mỗi lần thấy xe ngựa hay xe bò ghé vô cổng bệnh viện 7D là có chuyện!  ;D

Tội nghiệp mấy thằng lính đi chuyển thương. Nhìn tụi nó hốc hác, bụi bám vào vết mồ hôi bợt bạt, ánh mắt mệt mỏi nhưng vẫn không quên quan tâm đến đồng đội nằm lịm trên xe bò!

Cũng may là hồi đấy đơn vị tớ có hẳn 1 e kíp cấp cứu ngon lành, ít ra là về tinh thần nhiệt tình, khẩn trương. Xe vừa đến cổng là vệ binh nhào ra đón vào, y tá y sĩ trực phòng khám có mặt ... từ xa thấy mấy bố ấy quơ quơ tay là rồi ... máy điện khởi động, phòng mổ cấp cứu nhao nhác, y tá chạy đi chạy lại, tiếng gọi nhau, tiếng la kiếm bác sĩ (  ;D ) í ới ... phần bọn tớ cũng mệt vì mỗi lần như thế thì dịch truyền dùng nhiều lắm, lại phải è lưng, cởi trần ra mà đốt lò nấu nước cất pha "nước biển" bổ sung ...



Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 10 Tháng Tám, 2009, 04:42:15 pm
Hehe, bệnh viện 7D của tớ đây! Bọn gu gồ ớt mới đưa hình lên. Thấy rõ cổng vệ binh, đường chạy dọc ở giữa và 6 dãy trại bệnh 1 bên. 7D nằm cạnh nhà máy dệt, thị trấn Công pông Xiêm.

Tiếc là hình không rõ hơn được để thấy cái lò đun trấu của tớ!  ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: khanhhuyen trong 10 Tháng Tám, 2009, 07:25:55 pm
.....đạp trúng mìn không thằng nào kêu la ngay được vì lúc đó bị sốc , choáng và cũng chẳng có chuyện ôm nổi cái chân trúng mìn . Chuyện cười càng không có , lúc đó hoặc là nằm im thiêm thiếp hoặc gào khóc chửi bới . .....

Vụ đạp mìn,tôi có thể kể chính sác 03 trường hợp mà tay tôi tự băng bó và xác dịnh rõ được luôn vị trí đạp mìn chỗ nào của bàn chân.

Người thứ nhất,đó là thằng Dũng sứt.Nhà ở,nhà máy gỗ diêm cầu Đuống.Khi bị thương do mìn cụt chân phải,nó còn đứng khom trong hào có nắp để tôi băng cho nó.Quả mìn nổ,cắt ngọt cả bàn chân lên tới 1/3 ống chân,vát từ trong lòng bắp chân lên phía ngoài bên phải bắp chân.Để lòi một khúc xương ngà ngà vàng,có vết phớt đỏ của máu.Theo kinh nghiệm,nó đạp phải mìn có sát thương nhỏ.Vị trí quả mìn khi đạp phải,gót chân lệch về bên phải tạo thành vết thương vạt chéo,bên bắp ngoài của chân phải.
Lúc tôi băng cho nó,nó đứng khom khom chìa cái hàm răng khểnh ra nhìn tôi có ý lo lắng,dò hỏi,không tỏ vẻ đau đớn gì.

Người thứ 02,đó là thằng Võ Nguyễn Hồng Nha.Nhà ở,trường trung cấp quản lý kinh tế bộ công nghiệp Châu Quỳ,Gia Lâm.Khi bị thương do mìn cụt chân trái,vết thương tiện đứt bàn chân.Bay nguyên phần trước của cẳng chân,vát từ gót trên lên hướng đầu gối,tới quá nửa ống chân,còn nguyên cái gân to bằng ngón tay cái chạy từ bắp chân xuống gót.Theo dự đoán của tôi,nó đạp phải mìn có sát thương nhỏ.Khi đạp phải mìn,vị trí đạp phải là ở giữa bàn chân,đang ở tư thế chạy thấp.Khi tôi băng cho nó,nó nằm như chết rồi.Người nó từ chân lên tóc,nhuốm đen thuốc và những cục đất nám đen khói thuốc nổ,xen lẫn máu,thịt và xương vụn.Quanh ống xương bị đứt bắt đầu ứa máu,giống như bị ra máu ở chân răng,lý do là nó bị thương cỡ hơn 30 phút rồi.Sau khi bị sức ép của trái nổ,máu đã lưu thông chở lại.Bắt buộc tôi phải garo trước khi băng phần dưới,khi băng phần dưới vì vương cái ngân chân thò ra khoảng 20 cm.Tôi kêu lấy cho tôi con dao,con dao làm bàng mảnh pháo rất sắc.Cầm con dao tôi cứa,chặt cái gân đó mấy cái không được.Tôi vừa tiếp tục cứa tiếp,nó từ từ chậm dãi nói: tao đau lắm,....đừng cắt....
Sau khi băng xong,tôi kiểm tra lần cuối khắp người nó và bảo anh em,chuẩn bị 02 người đưa nó xuống.Thấy ở đúng cái cục uyết hầu của nó đầy đất,quện khói thuốc có dòng máu chảy nhẹ ra.Tôi lấy ngón tay ngạt xem,bàn tay chạm vào một vật màu sám hơi tròn một bên và một bên là vết vỡ tương đối phẳng.Rút miếng đó ra để lên ngực nó,tôi lấy quận băng quấn quanh cổ mấy vòng.Sau đó mới nhìn cái mảnh đã cắm vào cổ nó,đó là mẩu xương mắt cá chân.

Người thứ 03 va là người cuối cùng bị thương của đơn vị.Đó là thằng Mai,người làng Vân,Hà Bắc.Bị thương do mìn nhỏ,vị trí đạp phải mìn gót chân.Vết thương do quả mìn nổ,thổi bay ngót tới mắt cá chân.Cái ngân trước của bàn chân còn nguyên,treo lủng lẳng cái bàn chân mềm rũ như tầu là chuối bị cháy nắng rủ xuống,năm ngón chân duỗi tự do như lớn hơn,phần nối với ngót còn mỗi cá ngân.
Nó nằm ngửa dưới hào mặt hơi tái có phần bàng hoàng,vết thương chưa ra máu.Tôi gập phần bàn chân sát vào với bắp chân và băng lại,nó bị thương ở 1050,chỗ này là phạm vị của vận tải D hoặc có thể nếu có anh em cùng C lên thì gửi đi kèm không chờ vận tải D.Trường hợp bị thương của cậu Mai,đúng lúc có cậu Xá người Dương Xá,Gia Lâm lên tôi yêu cầu cõng xuống.
Về vấn đề tải thương xuống,cậu Dũng bị thương ở tổ phục,cử 01 người dìu xuống tới hầm chỉ huy.Từ hầm chỉ huy sẽ có anh em từ 1050 cùng đơn vị sẽ chuyển tiếp tới sườn 1050,ở đây sẽ có anh em vận tải phía sau được phái vận động lên cáng về phía sau.Trường hợp của cậu Nha,bị thương ở tiền tiêu,bị nặng cần 02 người đưa xuống hầm chỉ huy,trình tự tiếp theo như trường hợp của cậu Dũng.
Tại sao không có vận tải,tải thương lên sát tuyến.
Theo tôi thứ nhất,anh em không quen với địa hình,với tình hình địch dễ bị thương vong hơn,sẽ gây khó khăn thêm cho đơn vị.
Thứ hai là,địa hình chật hẹp không thể dồn đông người lên được.
Thứ ba là,cách vận động của anh em tải thương sẽ không phù hợp với nơi giáp tuyến,dễ gây lộ vị trí,dễ bị địch phát hiện,dễ bị trúng đạn hay mảnh pháo găm.
Có lẽ vì lẽ đó,tổ chức và phân tuyến tải thương rất rõ ràng.Còn khi bị trúng mìn chưa thấy ai la,thét,khóc.Tuyệt đại đa số tự vận động bằng cách lăn,bò,trườn về nơi,về vị tri an toàn.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: nguyen dinh thang trong 10 Tháng Tám, 2009, 07:47:24 pm
 Bác Tài nói chính xác, đi lấy tử sỹ nếu là lấy trên cửa mở thì đơn vị đánh ở đó tổ chức đi lấy như C của em hồi đánh 772. Lính vận tải của E chỉ đưa tử sỹ từ nơi tập kết của D về tuyến sau khâm liệm thôi.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 10 Tháng Tám, 2009, 07:55:10 pm
@khanhuyen: hehe , 1100 mà cũng đạp mìn nhiều vậy bác , em tưởng mình nằm chốt thì đở được khoản đạp mìn . Nghe mô tả thì giống đạp 652a quá .


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: khanhhuyen trong 10 Tháng Tám, 2009, 08:03:41 pm
Thời gian đầu bị mìn nhiều lắm,nhiều trái do pháo bắn hắt vào.Giữa bãi mìn phân định ta và địch,phần ngoài về phía địch.Mỗi khi trời mù trắng xóa,thì anh em mò ra theo những vị trí đã nhớ sẵn trong đầu,bứt cỏ làm rau chẳng hề đạp phải mìn.Đến khi mò về gần hào,thì đạp phải mìn của ta cài chống bộ binh ????? ??? ??? ??? ??? ???. Có đứa dính hai trái liền nhau ngay thành hào,đó là trường hợp của thằng Liệu lùn,Trần Đức Liệu cũng người Gia Lâm.Nó đạp một trái,ngã quỵ xuống và bị trái khác bốc lên... :o thảm.. ::)


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: binhyen1960 trong 10 Tháng Tám, 2009, 10:23:23 pm
 Khanhhuyen tả vụ Liệu lùn giống y như vụ thằng Vinh Tôm bạn tôi nhà ở 17 hàng Buồm cũng bị dính mìn đúng như vậy, đạp 1 quả , ngã xuống ngồi lên 1 quả, Vận tải chuyển nó về D để dưới cây thốt nốt ,đúng hôm đó tôi lên D lấy gạo về cho C, nghe nói lính HN bên C1 tôi hoảng quá linh tính mách bảo là thằng Vinh vì mấy ngày trước tôi nghe tin nó đi phục kích bên bờ mương.
 Lật tấm tôn lên , đúng nó, chia ra nhiều mảnh, thương tâm hơn những gì mình biết trên cuộc đời này .
 Khóc cho nó và khóc luôn cho cả mình nữa.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: binhyen1960 trong 11 Tháng Tám, 2009, 06:29:36 pm
Tôi đã đọc cơ bản các bài ở mục này ,  các bác cũng bàn tán nhiều nhất là chuyện lấy tử sỹ ,xin mạn phép các bác có vài ý thế này : nếu là hồi ức thì có lẽ đã được cường điệu , gọi  là truyện ngắn thì đúng hơn
 - Khi tử sỹ đang nằm phía trên tôi cam đoan với các bác không ai dùng DH để quét cây mà quan sát  vì như vậy là giết anh em lần thứ hai , nếu dùng DH để đánh mở cửa thì BB phải bám vào đó để xung phong , nếu đã đặt được mìn Dh thì cũng đồng nghĩa với bí mật bò lên cột dây vào chân anh em kéo về được
 _Ở chiến trường có chỉ huy và phân cấp đàng hoàng , Vận tải E thường chỉ vác đạn đến D và đưa thương binh ở đó về không thể có việc vận tải E bò lên lấy tử sỹ mà vận tải D ngồi uống trà được và tử sỹ của đơn vị nào đơn vị đó tổ chức lấy đưa về sau  cho vận tải D ,chứ vận tải D nó cũng không bò lên trước BB để lấy đâu , ( trừ trường hợp được tăng cường vận tải nhưng bao giờ cũng xuống một cấp :tức là e xuống D, D xuống C và đương nhiên thằng vận tải không bao giờ bò trước bộ binh
 _ Làm D v mà không hiểu lấy tử sỹ phải dùng dây kéo để tránh bị bẫy thì lạ quá
 _ Giữa 2 làn đạn mà bình tĩnh trải võng  , khênh anh em đặt vào đó thì bái phục ,
_ Tôi tiếp xúc với anh em cán bộ f320 nhiều nhưng cũng chưa bao giờ nghe chuyện P bắt được thương binh ta rồi chôn sống.Trên Tây nam không bao giờ lính ta chịu để bắt tù binh ,thường là cùng quá thì tự sát
   Đôi lời với tác giả
    Trân trọng

 
Bác nhận định và bình luận rất đúng như nhận định của em . Ở đây có điều em muốn bổ xung thêm :
 Chính chủ của những ký ức này không tự viết và kể lại cho vợ tức Hoa hướng Dương.
 Hoa hướng Dương kể lại cho Trinh Sát , trinh sát không phải là những người lính trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận.
 Trinh Sát viết lại và đưa lên cho chúng ta xem và bình luận .
   Tôi nhận định thế này , tam sao thất bản , cường điệu nhiều quá nếu không muốn nói rằng bốc phét cả từ những tình tiết nhỏ ngay từ đầu bài , cái thằng tân binh lớ nga lớ ngớ vừa vào chiến trường làm chỉ huy ngay mấy thằng lính già , kể cả lính già bị kỷ luật cũng chẳng bao giờ có chứ đừng có nói toàn lính 74 75. Kể cả anh là sỹ quan học hành đầy đủ cũng liệu trừng với lính già khi ra trận , kinh nghiệm chiến trường họ mang cùng mình , học họ còn chưa xong nữa là chỉ huy họ.
 Đúng như anh em nhận định , C tôi cuối 78 cả anh nuôi còn khoảng trên chục người , ta bổ xung liên tục không kịp với những hy sinh mất mát của từng đơn vị lúc bấy giờ .
 Cụ thể những thắc mắc của trận đánh bác tai-lienson đã thắc mắc rồi , tôi không có ý kiến gì hơn.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Haitanphongthu trong 11 Tháng Tám, 2009, 08:53:43 pm
Các bác thứ lỗi cho em hỏi 1 câu trật chìa nhé. loại mìn sát thương bằng nhựa của Trung Quốc (Nó chỉ to hơn 3 ngón tay 1 tí) khi nổ nó xé tướp đùi thôi. Tên nó là gì ?.Em có chứng kiến người và bò bị dính nó. Mà chưa biết tên. ???


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tuaans trong 11 Tháng Tám, 2009, 09:35:45 pm
Các bác thứ lỗi cho em hỏi 1 câu trật chìa nhé. loại mìn sát thương bằng nhựa của Trung Quốc (Nó chỉ to hơn 3 ngón tay 1 tí) khi nổ nó xé tướp đùi thôi. Tên nó là gì ?.Em có chứng kiến người và bò bị dính nó. Mà chưa biết tên. ???
Mìn 652A có ở trong đám này:

(http://www.gizmag.com/pictures/gallery/6155_150906121315.JPG)

PS:có mấy cái hình người ta đang khâu giò, các bác có xem không?


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: haanh trong 11 Tháng Tám, 2009, 10:27:44 pm
hehe , có cả mìn dứa hốt mấy thằng lính B em nữa kìa , bác tuaans đừng phọt mấy cái chân lên , ám ảnh lắm ;D


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Haitanphongthu trong 12 Tháng Tám, 2009, 08:05:37 am
Á à! em thấy nó rồi,cái cục nhựa bé tí thế mà ghê gớm quá.Mỗi khi trời mưa to, là hôm sau bọn em phải đi theo mấy ông Công binh để gon nó về. Vì bãi mìn phòng thủ của đảo là bãi cát,mưa xói trôi dạt ra biển nhiều. Mà em nghe nói gài nhiều lớp,khi bàn giao cho đơn vị sau sơ đồ chi tiết  bị thất lạc.Giờ muốn gỡ cũng rất mệt. ??? ??? ???


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: dungthanhcong trong 05 Tháng Chín, 2009, 10:32:16 am
chào các bác Tuaans, TS1, Tran479. Lethaitho, Haanh, Ts và Chị hướng dương

Đọc các bài này, tôi chắc các bác đã từng là chiến sĩ E52, f320 tôi và Bác Đào phụng Hiểu và nhiều anh em cùng đơn vị cũng đã từng là lính E52, f320 và cũng tham gia chiến đấu tại  BGiới Tây Nam từ 12/ 1978. Rất vui được biết và mong được liên hệ thường xuyên với các Bác để trao đổi thông tin và giao lưu.
Địa chỉ liên lạc: ntdung56@yahoo.com


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: hp10/76 trong 13 Tháng Chín, 2009, 12:40:14 am
 - Cái f320 ở Bỉm Sơn Thanh Hóa là sư đoàn của Quân Đoàn 1 . Quân Đoàn 1 bắt buộc phải bổ sung quân cho biên giới phía Tây Nam . Cho nên quân đoàn phải lấy lính của tất cả các đơn vị , gồm 3 Sư , 4 Lữ , 1 Trung . Các đơn vị khác thì em không biết rõ . Nhưng riêng đơn vị em thì em chứng kiến đầy đủ . Em đoán là có cả đơn vị của bác Trinh Sát và Lê Thái Thọ .
 - Các doanh trại bị cấm cửa , và được phổ biến tình hình chỉ trong vòng 3 ngày là xong . Tên và danh sách cũng đã duyệt đủ . Bọn em thì ngáo ngác đoán già đoán non , không khí trong trại buồn tẻ , lính tráng vật vờ tụm 5 tụm 3 bàn tán . Rồi cái gì phải đến thì nó cũng sẽ đến . Cơm chiều xong là các tiểu đoàn tuýt còi gọi tập trung . Cán bộ quán triệt tình hình xong , rồi đọc tên các đồng chí phải chuẩn bị quân tư trang hành lý để 10 giờ ra sân bóng của lữ đoàn tập trung . Để lên đường đi Campuchia . Thế là bọn em vội vã tìm đến nhau để hỏi thăm nhau và chào nhau và chúc nhau lên đường may mắn . Đúng 10 giờ tối tất cả chúng em đều bỏ trại để đi ra sân bóng . Những anh phải ra đi thì ba lô trên vai , đứng về 1 phía . Để cán bộ đọc tên và chỉ các anh đứng vào từng hàng . Rồi cán bộ điểm danh và đếm lại 1 lần nữa . Khi đủ quân rồi thì cán bộ cho các anh lên xe . Khoảng 12 giờ đêm thì giao quân xong . Rồi xe từ từ chạy đi . Bọn em chỉ còn biết vẫy tay nhau qua ánh đèn của xe . Thế là khoảng 350 chiến đã ra đi . Còn em và 1 số anh em không phải nằm trong số đó . May quá là may .
 - Nhưng giữa năm 1979 thì lại phải đưa tiễn gần 400 lính nữa bổ xung lên Lạng Sơn .
 - Còn em và 1 số được xuất ngũ và đi học đại học .
 - Khi được về nhà thì em gặp được rất nhiều bạn đã phải đi Cămp quá . Hỏi ra thì các bác ấy bị lạc đơn vị và tự về với mẹ . Rồi phải đi lao động bắt buộc 3 tháng . Riêng chỉ có 3 bạn là được ăn nằm ở trại ăn dưỡng . Còn những số bạn còn lại mà đã đi cùng bác Trinh Sát và Lê Thái Thọ sang Campuchia thì chắc chắn chẳng bao giờ về quê với mẹ được nữa . Em có gặp 1 bà mẹ của 1 thằng bạn đi Cămp . Bà nhìn em rồi rơm rớm nước mắt và nói phụng phịu . Nó mất rồi .
 - Còn các bác phải đi Lạng Sơn thì bị thương nhiều nhưng liệt sĩ thì ít . có bác còn mang theo cả vợ từ Lạng Sơn về khoe mẹ nữa kìa .
 - Các bác thử nghĩ hộ em xem . Đơn vị em toàn pháo thủ 57 , 37 . 23 ly . Trinh Sát Đo Xa rồi Thông Tin mà cho đi Cămp cầm AK ngay thì sao mà không đi nhiều về thì ít cho được
 -


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trongc6 trong 13 Tháng Chín, 2009, 05:18:28 pm
 Cái này phải nhờ các bác TS1, VovanHa và QuyênKH chia sẻ:

    Có một bác E28 F10 kể chuyện cuối 1979 đánh nhau ở biên giới Thái Lan. Ấn tượng nhất đối với bác ấy là Vắt và ruồi.

      Bác ấy bảo đi vào đoạn rừng mới lúc mùa mưa, thấy vắt ngóc đầu dậy rào rào cả nghìn con trông như nong tằm đón lá dâu. Về nhà phải dùng tay vuốt từng nắm ném vào lửa nổ đôm đốp.

      Còn ngoài vùng đồng bằng thì ruồi nhiều hơn quân Nguyên. Lính soong cơm bê về A mà ruồi bâu kín như xôi đỗ (dù cơm còn nóng). Còn nước mặn (nước cháy rang pha muối) thì dứt khoát có ruồi chết đuối trong đó, phải gạt ra mà ăn. Khi ăn cơm phải ngồi trong màn, nghe bọn ruồi bu đen quanh màn khóc rưng rức như biểu tình.

      Tôi ở chiến trường, gặp vắt nhiều (tuy không khiếp đến thế), nhưng ruồi thì không gặp. May thiệt.



Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: vovanha trong 13 Tháng Chín, 2009, 08:26:03 pm
Cái này phải nhờ các bác TS1, VovanHa và QuyênKH chia sẻ:
Vắt thì em cũng gặp nhiều, nhưng không đến mức độ như Bác nêu.
Còn ruồi thì em chỉ gặp một lần ở Rovieng - Preah vihear ( huyện giáp với tỉnh Congpong Thom ) thì như Bác nói...nhưng chưa chứng kiến cảnh ruồi bu thau cơm, vì lúc đó chúng em dùng lương khô. Thấy động rừng chúng nó bay lên : Đen nghịt một vùng...kinh khủng!


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: binhyen1960 trong 13 Tháng Chín, 2009, 08:42:05 pm
 Thế đã bao giờ cái khu vực ruồi đó được lính ta đặt thành tên chưa bác Hà ? Bên tôi có vị trí trên đường hành quân vào Âm leeng có khu vực núi ruồi nhiều vô kể , thằng lính mình đi trước mình đi sau nhìn thấy thằng đi trước mặc đồ đen như Pốt , không còn thấy màu xanh của lính nữa , ruồi bâu vào quần áo , ba lô nhiều quá nên chuyển màu , đã mang vác nặng rồi lại còn phải cõng thêm mỗi người 5kg ruồi nữa , càng nặng .
 Từ đó địa danh đó thành tên của lính . Núi ruồi .
 Có thể đám ruồi đó bay từ bên đền Pret vihia của bác Hà rồi về Âm leeng chỗ TS1 rồi bay xuống chỗ chúng tôi . Hiện tượng của tự nhiên báo hiệu một sự ô nhiễm môi trường trầm trọng cùng chết chóc và bệnh tật , quy luật sau chiến tranh nước nào cũng bị như vậy.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: vovanha trong 13 Tháng Chín, 2009, 10:11:38 pm
Các bác kể ra sao kinh thế ! Chuyện có tên hay không để em hỏi bác @bmtthaoanh đoàn 5504 xem sao. Khu đấy là tử địa của Pốt đầu năm 1979. E29 đánh ở đó hình như kiếm đâu hơn trăm thằng Pốt .


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: binhyen1960 trong 14 Tháng Chín, 2009, 02:42:27 pm
hp10/76 ơi ! Các bác được huấn luyện vậy là kỹ lắm rồi , ít nhất cũng toàn pháo thủ  , thông tin, trinh sát pháo , chứ như chúng tôi thì huấn luyện cũng chỉ được bắn bài 1 với 3 viên đạn rồi tập bài 2 với chiến thuật tác chiến bộ binh cơ bản thôi , bài 2 của bộ binh đã bắn đâu là phải ra chiến ngay rồi , làm gì có cái gì hơn nữa mà học , nếu có học thì cũng là vào trong đó rồi anh em tự hướng dẫn cho nhau cả , con người lúc đó tự thân phải vận động , bộ não cũng tự tư duy lấy cả mà chiến đấu mà tồn tại mà trở về . Một tháng trên thao trường với bao mồ hôi của lính cũng không bằng một phút học được của thực tế bom rơi đạn nổ bên mình , thao trường là học cái cơ bản còn chiến trường là cái thực tế , đôi khi hai cái lại không hề giống nhau , cái thực tế ta áp dụng được lại rất cần cho người lính khi đạn các loại nổ quanh người .
 Cái chết luôn bình đẳng với mọi người lính trên chiến trường , bởi vậy mới có chuyện tướng tư lệnh QD3 Kim Tuấn tử trận trên đất K , trong khi thằng lính chơn như tôi lại trở về , cũng hên sui may rủi là nhiều , nhiều chuyện sống hay chết của lính tưởng chừng hết sức vô lý lại là chuyện có thật , thật tới mức phản khoa học , phản lại cả chính cái nguyên lý của nó mà đã là lính chiến thì ít nhất ai ai cũng gặp một lần . Đó là số phận của người lính bác ạ .


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Trongc6 trong 21 Tháng Chín, 2009, 01:52:55 pm
Các bác CCB ở K đã góp mặt khá đông đủ và đã vẽ nên một bức tranh tổng thể về chiến trường K mười năm máu và hoa. Bây giờ mọi người đã có thể hình dung khá rõ nét về cuộc chiến này.
Nhưng tôi vẫn còn thấy thiếu các bác của Quân đoàn 3. Dù gì thì Tư lệnh Kim Tuấn hy sinh trên mặt trận này cũng là một điểm nhấn mà nhiều người nhắc. Dù thời gian chỉ rất ngắn (vì QĐ 3 phải ra mặt trận phía Bắc, nhưng chắc chuyện của các bác Sư 10, Sư 320 sẽ rất hấp dẫn.
Tôi đang vận động 1 trinh sát sư 10 vào đây kể chuyện.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: Hungnt_E1F2 trong 21 Tháng Chín, 2009, 01:55:05 pm
Các bác CCB ở K đã góp mặt khá đông đủ và đã vẽ nên một bức tranh tổng thể về chiến trường K mười năm máu và hoa. Bây giờ mọi người đã có thể hình dung khá rõ nét về cuộc chiến này.
Nhưng tôi vẫn còn thấy thiếu các bác của Quân đoàn 3. Dù gì thì Tư lệnh Kim Tuấn hy sinh trên mặt trận này cũng là một điểm nhấn mà nhiều người nhắc. Dù thời gian chỉ rất ngắn (vì QĐ 3 phải ra mặt trận phía Bắc, nhưng chắc chuyện của các bác Sư 10, Sư 320 sẽ rất hấp dẫn.
Tôi đang vận động 1 trinh sát sư 10 vào đây kể chuyện.
Bác tai_lienson là người Quân đoàn 3 thứ thiệt, bác coi thêm phần/bài viết của bác tai_lienson đi!


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: vovanha trong 21 Tháng Chín, 2009, 02:27:48 pm
Tôi đang vận động 1 trinh sát sư 10 vào đây kể chuyện.
Cái khoản này thì riêng em sẽ chi 5 lít Bầu đá - Bình Định... và 2 con gà thả vườn chính hiệu. Lại trinh sát...Có bạn tám thoải mái rồi.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: tai_lienson trong 21 Tháng Chín, 2009, 03:32:45 pm
Các bác CCB ở K đã góp mặt khá đông đủ và đã vẽ nên một bức tranh tổng thể về chiến trường K mười năm máu và hoa. Bây giờ mọi người đã có thể hình dung khá rõ nét về cuộc chiến này.
Nhưng tôi vẫn còn thấy thiếu các bác của Quân đoàn 3. Dù gì thì Tư lệnh Kim Tuấn hy sinh trên mặt trận này cũng là một điểm nhấn mà nhiều người nhắc. Dù thời gian chỉ rất ngắn (vì QĐ 3 phải ra mặt trận phía Bắc, nhưng chắc chuyện của các bác Sư 10, Sư 320 sẽ rất hấp dẫn.
Tôi đang vận động 1 trinh sát sư 10 vào đây kể chuyện.
Bác tai_lienson là người Quân đoàn 3 thứ thiệt, bác coi thêm phần/bài viết của bác tai_lienson đi!
[/quotddax   Tôi cũng mong có ai đó ở f10 hoặc 320 vào đây nhưng không thấy , chuyện của các bác đó tôi cũng nghe nhiều nhưng không dám kể vì không chính xác .F 10 có e 66, f320 có e 48 đánh nhau cực hay


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: ongbom_f2 trong 23 Tháng Chín, 2009, 11:58:09 pm
(vì QĐ 3 phải ra mặt trận phía Bắc, nhưng chắc chuyện của các bác Sư 10, Sư 320 sẽ rất hấp dẫn.

* Nhưng rồi QĐ3 lại về Tây nguyên rồi, có  e31 đang nằm chỗ bố Tống Đức Vượng ( 860) ngày xưa, Bác Hà có ở đó rồi mới đi tiếp phải không. Nghe nói thời đánh Mỹ, f10 hoành tráng lắm ( phía KolTum)
* Bác Hà bắn pháo hiệu đi, ongbom_f2 xin rửa nòng bằng 5 lít Bầu đá -Nhơn hòa-An Nhơn.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: khanhhuyen trong 24 Tháng Chín, 2009, 12:18:59 am
Các bác thứ lỗi cho em hỏi 1 câu trật chìa nhé. loại mìn sát thương bằng nhựa của Trung Quốc (Nó chỉ to hơn 3 ngón tay 1 tí) khi nổ nó xé tướp đùi thôi. Tên nó là gì ?.Em có chứng kiến người và bò bị dính nó. Mà chưa biết tên. ???
Mìn 652A có ở trong đám này:

(http://www.gizmag.com/pictures/gallery/6155_150906121315.JPG)

PS:có mấy cái hình người ta đang khâu giò, các bác có xem không?

Hôm nay mới sông xênh thời gian và nghía vào tới đây.

Ở biên giới phía bắc,mìn có hình dạng giống 04 trái ở trong tấm hình này.Quả thứ nhất màu xanh,có chữ FFF trắng in đậm,loại này nhiều nhất.Quả thứ hai màu xanh,to ngang và thấp thành nằm ở cái cán gỗ rời,loại này cực nguy hiểm,sát thương cao.Quả thứ 3 và 4,kích thước giống quả thứ nhất,đều có khuyên sắt.


Tiêu đề: Re: Chuyện của một người lính ở Biên giới Tây nam
Gửi bởi: vitính trong 24 Tháng Chín, 2009, 08:22:10 am
Chuyển sang Quán nhậu...