Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: Giangtvx trong 11 Tháng Giêng, 2017, 11:44:37 pm



Tiêu đề: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 11 Tháng Giêng, 2017, 11:44:37 pm
     
        Vậy là đã gần 30 năm kể từ sự kiện CQ-88, 30 năm thật dài với một đời người nhưng với đất nước nó chỉ là một cái chớp mắt! 30 năm đã trôi qua nhưng năm nào những người lính Hải Quân cũng có hoạt động tưởng nhớ đến những đồng đội của mình - những người anh hùng đã lấy máu của mình tô thắm lá cờ của Tổ Quốc nơi mảnh đất nhỏ bé chập chùng sóng giữa ngàn khơi.

         Topic này xin thay một nén tâm nhang thắp lên cho những người đồng đội đã ngã xuống vì từng tấc đất của ông cha, cũng là một lời nhắc nhở, một lời thề của chúng ta:

(https://scontent.fhan3-1.fna.fbcdn.net/v/t1.0-9/95808790_646340446095839_60014003228770304_n.jpg?_nc_cat=111&_nc_sid=8024bb&_nc_ohc=ZDHeDTEQDHIAX-g-mYS&_nc_ht=scontent.fhan3-1.fna&oh=3dbde67207b734c9c0a041473b1a3153&oe=5ED74B99)

(http://i30.photobucket.com/albums/c330/dongadoan/cq88.jpg)

        Topic này giới thiệu quá trình xây dựng chiến đấu và trưởng thành của 9 đảo (Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, An Bang, Phan Vinh, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn, Trường Sa Đông và đảo Trường Sa) trên quần đảo Trường Sa trong khoảng thời gian từ 1975 dến 2007. Trong thực tế mỗi đảo trên là 1 cuốn sách độc lập, riêng rẽ, đều do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2007 do THƯỜNG VỤ ĐẢNG UỶ  VÀ THỦ TRƯỞNG CỤC CHÍNH TRỊ chỉ đạo nội dung, BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ tổ chức thực hiện.
        
        1. Truyền thống Đảo Song Tử Tây anh hùng 1975-2007
        2. Đảo Sơn Ca xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1975-2007
        3. Truyền thống đảo Nam Yết anh hùng 1975-2007
        4. Đảo An Bang xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1978-2007
        5. Đảo Phan Vinh xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1978-2007
        6. Đảo Sinh Tồn Đông xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1978-2007
        7. Đảo Sinh Tồn xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1975-2007
        8. Đảo Trường Sa Đông xây dựng chiến đấu và trưởng thành 1978-2007
        9. Truyền thống Đảo Trường Sa anh hùng-1975-2007


        Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
        Năm xuất bản: 2007
        Số hoá: ptlinh, hqnd, Giangtvx

       * Chỉ đạo nội dung:

        THƯỜNG VỤ ĐẢNG UỶ  VÀ THỦ TRƯỞNG CỤC CHÍNH TRỊ

        *Tổ chức thực hiện:

        BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ CÔNG TÁC ĐẢNG, CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ

        *Các thành viên trong nhóm biên soạn biên soạn:

        Thượng tá NGUYỄN ĐỨC THUNG
        Thượng tá CAO VĂN QUÝ
        Thượng tá PHẠM NGỌC KHUYẾN
        Thượng tá CAO VĂN QUÝ (Chủ biên)
         Đại tá PHAN VĂN THẢO
        Thượng tá  NHUYỄN HUY THÀNH
        
        Các cuốn sách đều có chung 1 cấu trúc giống nhau: gồm có 3 phần

        Phần một: Đặc điểm tự nhiên, vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa Do phần này có nội dung giống nhau trên cả 9 cuốn sách nên được topic đưa chung 1 lần duy nhất ở phần đầu. Như vậy trong mỗi đảo chỉ trình bày phần 2 và phần 3

        Phần hai Quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của đảo

        Phần ba Những thành tích tiêu biểu nguyên nhân và truyền thống.

        Xin trân trọng giới thiệu.

 


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Giêng, 2017, 11:05:52 pm
Phần một
 

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

        I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN

        Quần đảo Trường Sa còn được gọi với nhiều tên khác như Spratley... Ở khu vực này là nơi sinh ra các cơn bão ở biển Đông nên đôi khi còn gọi là “quần đảo bão tố”. Quần đảo Trường Sa gồm hơn 100 đảo, bãi đá, bãi cạn, bãi ngầm diện tích khoảng 160 đến 180 nghìn kilômét vuông, nằm ở phía Đông - Đông Nam bờ biển Nam Trung Bộ, trong giới hạn từ vĩ độ 06°30’N đến 12°00'00’’N và từ 111°30'00"E đến 117°30'00"E thuộc lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/images1201584_xu_phat_nang_neu_in_sai_ban_do_Phunutoday.vn_zpsbiab1hbu.jpg)
Vị trí quần đảo Trường Sa trên biển Đông

        Trong số hơn 100 đảo, bãi san hô, có 23 đảo và bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước. Thực chất đó là những đỉnh nhô cao của một cao nguyên ngầm với tổng diện tích khoảng 414.000km2. Các đảo, bãi đá, bãi ngầm ở đây có dạng hình vành khăn hay elíp. Bao quanh đảo là thềm san hô nước nông, ra khỏi thềm nước biển sâu đột ngột từ vài trăm đến vài ba nghìn mét. Các thềm thường có các rãnh hẹp sâu từ vài chục mét đến hàng trăm mét, chạy dọc theo hướng từ chân đảo hay trong lòng các hồ ra ngoài vùng nước sâu. Các rãnh được coi như luồng ra vào đảo và lòng hồ tự nhiên của đảo. Thềm san hô ngầm gây nguy hiểm cho tàu thuyền đi lại trong khu vực.

        Đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Thái Bình (Ba Bình), có diện tích 0,6km2, tiếp theo là các đảo Song Tử Tây, Trường Sa, Nam Yết, diện tích mỗi đảo khoảng 0,1 đến 0,2km2, các đảo khác có diện tích nhỏ hơn. Độ cao các đảo nhìn chung không lớn, khi thủy triều lên, những đảo có bình độ lớn nhất cao trên mặt nước chừng 1,5 đến 2 mét. Khi thủy triều xuống thấp nhất, độ cao của các đảo cũng chỉ cao hơn mặt nước từ 2 đến 5 mét. Có khoảng 18 đảo lớn, nhỏ không bị nước thủy triều lên cao làm ngập là có thể đóng quân, còn lại những bãi đá ngầm khác muốn đóng quân phải tốn nhiều công sức, vật liệu xây dựng nhà cửa trên nền san hô thường xuyên ngập nước.

        Do tác động của biển Đông, hình dạng các đảo nổi và các bãi đá ngầm thường xuyên bị biến dạng. Đảo nào cũng có một vành đai san hô bao quanh, rộng hàng trăm mét, có bãi rộng 1 đến 2km che chở cho đảo trước sự tàn phá của sóng, nhưng khi có bão lớn, sóng biển trào lên làm cho hình dáng của đảo thay đổi, bồi ở bên này, lở ở bên kia và phụ thuộc vào hướng gió hoặc dòng chảy. Có một số bãi nông, thoải, thềm rộng thuận tiện cho các tàu đổ bộ.

        Cấu trúc các bãi san hô thường trũng ở giữa tạo thành các hồ, ngăn cách với biển xung quanh. Độ sâu hồ trung bình từ 5 đến 40 mét. Do không bị tác động trực tiếp của sóng và dòng chảy bên ngoài nên mặt nước hồ khá tĩnh lặng, rất thuận tiện cho tàu thuyền neo đậu tránh gió bão.

        Trải qua biến đổi của thiên nhiên, san hô chết, lớp này chồng lên lớp kia, bị xâm thực gãy vụn thành cát nhỏ được sóng và dòng chảy mang đi vun lên thành các đảo. Độ dày trung bình của các lớp đá vụn từ 15 đến 40, 50cm gắn kết với nhau khá chặt chẽ. Trong các lớp đá vụn san hô còn có lớp phân chim lẫn mùn cây, có bề dày 5 đến 10cm. Tuy nhiên, nền địa chất của từng đảo cũng có sự khác nhau, gây không ít khó khăn cho việc xây dựng các công trình phòng thủ đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Giêng, 2017, 11:20:22 pm

        Trên một số đảo có nước ngầm. Nước ngầm ở quần đảo Trường Sa nói chung có nguồn gốc từ nước mưa, được chứa trong các tảng đá có lỗ hổng cao và nổi trên nền nước mặn. Cơ chế hình thành các túi nước ngầm ở đây giống như các đảo cát ven biển. Nước ngầm nằm ở độ sâu từ 1,7 đến 2,5 mét dưới mặt đảo ứng với tầng trên cùng của lớp san hô. Một số đảo lớn như: Thái Bình, Trường Sa, Nam Yết, Song Tử, Thị Tứ, Đảo Dừa, nước lợ tương đối nhiều, có thể tắm giặt. Khí hậu ở vùng biển quần đảo Trường Sa khác biệt lớn so với các vùng biển ven bờ, mùa hè mát hơn, mùa đông ấm hơn và có thể chia làm hai mùa, mùa mưa và mùa khô. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Ở vùng biển nước ta, quần đảo Trường Sa là nơi có lượng mưa hàng năm lớn nhất với 2.575mm, có ngày mưa tới 198mm, số ngày nắng 270 ngày trong năm. Một số hiện tượng thời tiết diễn ra theo những quá trình cũng khác so với lục địa.

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/lieng-9-jpg-1454749692_zpsicfa8iue.jpg)
Bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ Quốc

        Hàng năm, ở quần đảo Trường Sa có tới 131 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên, phân phối không đều trong các tháng. Thời kỳ gió mạnh xuất hiện từ tháng 11 đến tháng 1, 2 năm sau. Đây là thời kỳ thịnh hành của gió mùa Đông Bắc, mỗi tháng có 13 đến 20 ngày gió mạnh, các tháng 3, 4, 5 mỗi tháng chỉ có 2 đến 6 ngày có gió mạnh. Tháng 4 là tháng có ít gió mạnh nhất, đây là thời kỳ chuyển tiếp từ gió mùa Đông Bắc sang gió mùa Tây Nam gần như sóng yên biển lặng, rất thuận lợi cho việc đi biển. Từ tháng 6 đến tháng 9 là thời kỳ thịnh hành của gió Tây Nam, số ngày gió mạnh tăng lên, mỗi tháng tử 8, 9 ngày đến 13, 14 ngày. Hiện tượng giông trên vùng biển Trường Sa rất phổ biến, quanh năm tháng nào cũng có, từ tháng 1 đến tháng 3 số ngày có giông ít hơn.

        Thực vật ở quần đảo Trường Sa có hai nguồn gốc: sinh trưởng tự nhiên và do con người mang từ đất liền ra trồng. Thực vật sinh trưởng tự nhiên phổ biến là cây phong ba, cây bàng quả vuông, xương rồng, rau muống biển và một số cỏ sắc cạnh. Các loại mang từ đất liền ra như dừa, phi lao, bàng. Sinh trưởng của thực vật khó khăn vì đất cằn cỗi, thiếu nước ngọt, gió mạnh, hơi nước mặn. Một số đảo thấp không có cây hoặc cây thưa thớt.

        Căn cứ vào cấu tạo địa hình, địa chất, thủy văn, thảm thực vật và khoảng cách giữa các đảo, quần đảo Trường Sa được chia thành 8 cụm là: Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên. Trong đó, cụm Bình Nguyên có nhiều đảo, bãi đá ngầm nhất (42 đảo, bãi đá ngầm).


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Giêng, 2017, 11:24:15 pm

        II. VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

        Quần đảo Trường Sa nằm giữa biển Đông, phía Bắc là quần đảo Hoàng Sa, phía Đông giáp vùng biển Philíppin, phía Nam giáp vùng biển Malaixia, Brunây và Inđônêxia; phía Tây là vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải và tuyến đảo ven bờ của vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Từ trung tâm quần đảo Trường Sa đến vùng biển của Malaixia khoảng 250 hải lý, đến vùng biển của Philíppin khoảng 210 hải lý, đến vùng biển của Brunây khoảng 320 hải lý, đến đảo Hải Nam khoảng 600 hải lý, đến đảo Đài Loan khoảng 900 hải lý.

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/quan-dao-truong-sa_zpsh6kuki5r.jpg)
Vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa

        Về giao thông, quần đảo Trường Sa án ngữ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương, giữa châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản, với các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, một tuyến đường huyết mạch có lưu lượng tàu thuyền tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới (chỉ sau Địa Trung Hải). Trung bình mỗi ngày có từ 250 đến 300 tàu biển các loại đi qua biển Đông, trong đó có 15 đến 20% tàu lớn, trọng tải trên 30.000 tấn. Hiện nay, trên các đảo và bãi san hô đã có một số công trình kiên cố và nhà ở, một số đảo có đèn biển, có luồng vào. Trên luồng có thiết bị phao dẫn luồng và phao buộc tàu tạo thuận lợi cho tàu thuyền vào tránh giông bão. Tuy nhiên, việc điều động tàu vẫn khó khăn vì luồng hẹp, độ sâu hay thay đổi nên tàu thuyền ra vào phải nhằm thời tiết tốt và vào ban ngày.

        Về quân sự, quần đảo Trường Sa là lá chắn quan trọng bao quanh vùng biển và dải bờ biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Sự liên kết giữa các đảo, cụm đảo, tuyến đảo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn ngừa và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Vì thế từ lâu quần đảo Trường Sa luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao.

        Sau khi xâm lược nước ta, đánh giá cao vị trí chiến lược của quần đảo Trường Sa, người Pháp đã tổ chức khảo sát, đo đạc, biên vẽ bản đồ vùng biển Đông trong đó có quần đảo Trường Sa. Trước khi tiến hành chiến tranh ở Thái Bình Dương, Nhật Bản đã chiếm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa làm bàn đạp đánh chiếm Đông Dương, Xingapo, Inđônêxia. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, Mỹ can thiệp, đưa quân vào miền Nam Việt Nam đã ủng hộ và tạo điều kiện cho chính quyền ngụy Sài Gòn đóng giữ quần đảo Trường Sa; ép chính phủ Philíppin cho Mỹ lập căn cứ hải quân và không quân trên lãnh thổ Philíppin để khống chế lực lượng quân sự của các nước trong khu vực và đường hàng hải quốc tế qua biển Đông. Bàn về biển Đông, nhiều nhà quân sự thế giới cho rằng: Ai làm chủ Trường Sa sẽ làm chủ biển Đông.

        Về kinh tế, trên thềm san hô quần đảo Trường Sa có nhiều loài hải sản quý như hải sâm, rùa biển, cá ngừ, tôm hùm, rong biển, các loài ốc có giá trị dinh dưỡng, nếu được khai thác, chế biến tốt sẽ mang lại thu nhập lớn cho nhân dân và làm hàng hóa xuất khẩu thu lợi nhuận cao cho Nhà nước. Với vị trí ở giữa biển Đông, quần đảo Trường Sa có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt hải sản trong khu vực, đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn đối với quý khách trong và ngoài nước. Trong một vài thập kỷ tới, tốc độ phát triển kinh tế cao của các nước trong khu vực (dự báo khoảng 7% năm), khối lượng hàng hóa vận chuyển qua biển Đông sẽ tăng gấp hai, ba lần hiện nay, khi đó biển Đông nói chung, vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa nói riêng có vai trò to lớn trong thương mại quốc tế. Đặc biệt sau khi xây dựng xong kênh KRA ở Thái Lan sẽ thu hút một số tuyến đường biển quốc tế lớn đi qua đây, tạo cơ hội để chúng ta chia sẻ thị phần vận tải quốc tế, khi đó vùng biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa sẽ trở thành chiếc “cầu nối" cực kỳ quan trọng để phát triển thương mại quốc tế và mở rộng giao lưu với các nước trong khu vực và trên thế giới.

        Quần đảo Trường Sa có nguồn dầu khí là tài nguyên lớn và quan trọng nhất ở biển, ta đã và sẽ khai thác hàng triệu tấn dầu thô và hàng tỷ mét khối khí phục vụ cho mục đích kinh tế. Hiện Việt Nam đã trở thành nước lớn thứ ba trong khu vực về khai thác dầu khí (sau Inđônêxia và Malaixia).

        Rõ ràng, quần đảo Trường Sa có vị trí địa lý quan trọng và ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Giêng, 2017, 11:25:53 pm

        III. QUÁ TRÌNH LÀM CHỦ VÀ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

        Quần đảo Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có đầy đủ căn cứ khoa học một cách vững chắc cả về lịch sử và pháp lý phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.

        Theo luật pháp và tập quán quốc tế khi xem xét chủ quyền quốc gia đối với một hải đảo hay quần đảo người ta dựa vào các cơ sở về mặt địa lý, lịch sử và pháp lý. Trong 3 yếu tố đó, yếu tố địa lý là để tham khảo; cơ sở về mặt lịch sử chỉ được tính đến khi đó là hành động chiếm hữu và khai thác của Nhà nước đối với đất vô chủ, còn yếu tố về mặt pháp lý mới là cơ sở chủ yếu để xác định chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia đối với các đảo.

        Nhà nước Việt Nam từ lâu đã chiếm hữu thật sự quần đảo Trường Sa khi quần đảo chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào và liên tục thực hiện chủ quyền thực sự của mình đối với quần đảo này.

        1. Thời kỳ trước năm 1884

        Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu trước tiên và thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

        Trong các tài liệu và bản đồ cổ của Việt Nam và nước ngoài từ nhiều thế kỷ trước đã ghi rõ quần đảo Trường Sa là lãnh thổ và nằm trong hệ thống địa lý hành chính của Việt Nam.

        Trong bản đồ xứ Đàng Trong do Bùi Thế Đạt vẽ năm 1774 và “Đại Nam nhất thống toàn đồ" vẽ vào khoảng năm 1838 thì “Bãi Cát Vàng" Hoàng Sa, vạn lý Trường Sa đều được thể hiện là lãnh thổ Việt Nam.

        Lê Quý Đôn, trong tác phẩm “Phủ biên tạp lục" viết năm 1776 đã ghi: “Phủ Quảng Ngãi , ở ngoài cửa biển xã An Vinh, huyện Bình Sơn có núi gọi là Cù Lao Ré, phía ngoài đó có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến". Địa điểm Lê Quý Đôn nói tới là quần đảo Trường Sa ngày nay.

        Trong “Bản đồ biển Đông" của anh em Van Lang Ren người Hà Lan in năm 1595 và trong bản đồ Méccato in năm 1693 đã vẽ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa thành một dải liền nhau hình lá cờ đuôi nheo nằm sát bờ biển miền Trung Việt Nam.

        Qua các tài liệu và bản đồ lược kê trên đều khẳng định quần đảo Trường Sa từ lâu đã là một bộ phận lãnh thổ cụ thể, có tên tuổi, có người quản lý, làm chủ, thuộc Nhà nước Việt Nam.

        Với tư cách người làm chủ, Nhà nước Việt Nam trong nhiều thế kỷ đã liên tiếp điều tra, khảo sát, khai thác, lập bản đồ quần đảo Trường Sa.

        Triều Tây Sơn tuy phải đối phó liên miên với quân xâm lược vẫn luôn quan tâm đến việc duy trì và sử dụng các đội Hoàng Sa để khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Hoàng Sa và Trường Sa. Năm 1786, Nguyễn Huệ sai cai Hội Đức Hầu dẫn đội Hoàng Sa gồm 4 chiếc thuyền câu vượt biển thu lượm đồ vàng bạc, đồ đồng, đồi mồi, hải ba cùng cá gáy mang về kinh đô dâng nộp. Kết quả khảo sát, điều tra quần đảo Trường Sa được ghi chép tỷ mỷ trong các sách địa lý và lịch sử của Việt Nam. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí" viết năm 1821, "Việt sử cương giám khảo lược" năm 1876, “Hoàng Việt dư địa chí" năm 1883, “Đại Nam thực lục tiền biên” viết năm 1884 ghi chép về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của ông cha ta cách đây hơn 2 thế kỷ trùng hợp với các số liệu trong các tài liệu khảo sát hàng hải hiện đại ngày nay.

        Sử sách các triều đại nhà Nguyễn còn ghi chép tỷ mỷ các đội Hoàng Sa hàng năm được cử ra hai quần đảo để khảo sát, vẽ bản đồ và thực hiện chủ quyền của mình. Năm 1815, vua Gia Long cử Phạm Quang Ảnh chỉ huy đội Hoàng Sa; năm 1816 cho thủy quân và đội Hoàng Sa ra khảo sát và đo đạc đường biển.

        Vào tháng cuối mùa đông mỗi năm, nhà Nguyễn đưa từ 5 đến 10 hoặc 18 đến 20 chiếc thuyền đến các đảo xa lấy hoá vật và thuỷ hải sản quý hiếm.

        Nhà nước phong kiến Việt Nam luôn chăm lo bảo đảm an toàn cho tàu thuyền các nước qua lại và củng cố chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa.

        Trách nhiệm của một Nhà nước về chủ quyền của mình và về nghĩa vụ đối với hàng hải quốc tế trong khu vực, Nhà nước phong kiến Việt Nam đều đặn cho quân tiến hành việc đo đạc, khảo sát tỷ mỷ toàn diện - hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

        Việc thực hiện chủ quyền và nghĩa vụ của Nhà nước Việt Nam còn thể hiện ở sự giúp đỡ, cứu nạn tàu bè qua lại và thường xuyên tiến hành tuần tiễu bảo vệ hai quần đảo. Tháng 10 năm 1714, ba tàu buồm Hà Lan bị đắm ở Hoàng Sa, thủy thủ các tàu này đã được ngư dân Việt Nam cứu và dẫn vào đất liền trình diện chúa Nguyễn. Họ đã được giúp đỡ ăn, ở chu đáo cho đến ngày về nước. Những tài liệu lịch sử nghĩa cử, hoạt động nói trên và các văn kiện chính thức của Nhà nước phong kiến Việt Nam đã ghi chép đầy đủ các mặt địa lý hành chính, kinh tế của quần đảo và việc thực hiện chủ quyền với danh nghĩa Nhà nước đối với quần đảo đó đã có giá trị pháp lý vững chắc, không ai có thể thay đổi được. Việc thành lập đội Hoàng Sa, hàng năm có mặt đều đặn ở hai quần đảo để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao chứng tỏ rằng Nhà nước Việt Nam thực sự thực hiện quyền làm chủ, củng cố và giữ vững chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa.

        Trong lịch sử trước đây, việc chiếm hữu và khai thác quần đảo Trường Sa của Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ gặp sự chống đối của bất cứ quốc gia nào. Ngay cả với nước láng giềng từ thế kỷ XIX trở về trước vẫn thừa nhận và tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Giêng, 2017, 11:27:57 pm

        2. Thời kỳ từ năm 1884 đến tháng 1 năm 1950

        Sau khi ký Hiệp ước ngày 6 tháng 6 năm 1884 giữa Pháp và triều đình nhà Nguyễn về việc nhà Nguyễn đồng ý cho Pháp thay mặt Nhà nước Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại, ký các văn bản ngoại giao và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Từ đó, trong khuôn khổ cam kết chung, Pháp tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.

        Năm 1887, Pháp và triều đình Mãn Thanh ký công ước về hoạch định biên giới cả trên bộ và trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

        Năm 1909, nhà cầm quyền Pháp cho các pháo hạm tuần tiễu trên vùng biển hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Từ năm 1920, các tàu của Sở hải quân Đông Dương cũng được tăng cường để làm nhiệm vụ tuần tiễu chống bọn buôn lậu ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

        Năm 1933, để tiếp tục củng cố chủ quyền, chính phủ Pháp đã phái lực lượng đến dựng bia chủ quyền trên 7 hòn đảo lớn của quần đảo Trường Sa. Ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc Nam Kỳ Grơthayme đã ký Nghị định số 4762/S-P đặt quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa.

        Ngày 15 tháng 6 năm 1938, toàn quyền Đông Dương Brêviê đã ký Nghị định số 156/S-P xây dựng một đèn biển, trạm khí tượng thủy văn, đài vô tuyến điện ở đảo Ba Bình trong quần đảo Trường Sa.

        Suốt thời gian đại diện cho Nhà nước Việt Nam về đối ngoại, chính phủ Pháp luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời phản kháng những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo đó.

        Sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi trở lại chiếm đóng Việt Nam, nhà cầm quyền Pháp đã phái chiến hạm ra quần đảo Hoàng Sa, xây dựng lại trạm khí tượng trên đảo Hoàng Sa, từ đó luôn cử các tàu chiến liên tục làm nhiệm vụ kiểm soát và thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

        3. Thời kỳ từ tháng 10 năm 1950 đến tháng 4 năm 1975

        Ngày 14 tháng 10 năm 1950, chính phủ Pháp chính thức bàn giao việc quản lý và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính phủ Bảo Đại. Tổng trấn Trung phần Phan Văn Giáo đã ra Hoàng Sa chủ trì việc bàn giao. Ngày 9 tháng 7 năm 1951, tại Hội nghị Xan Phranxixcô, sau khi Nhật tuyên bố từ bỏ mọi quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà họ đã chiếm đóng trái phép từ trước chiến tranh thế giới thứ hai, Trần Văn Hữu, Thủ tướng chính phủ của chính quyền Bảo Đại đã tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lời khẳng định này được đưa ra trước Hội nghị có đại diện của 51 nước tham dự nhưng không có đại biểu nào lên tiếng phản đối.

        Sau khi Hiệp định Giơnevơ năm 1954 được ký kết, ngày 28 tháng 4 năm 1956, quân đội viễn chinh Pháp rút khỏi Đông Dương, chính quyền Sài Gòn vẫn còn duy trì các lực lượng đồn trú bảo vệ, khảo sát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 20 tháng 10 năm 1956, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 143/NV về việc đổi tên các tỉnh miền Nam, trong đó có đảo Trường Sa được đưa về tỉnh Phước Tuy.

        Năm 1957, các lực lượng thủy quân lục chiến của quân đội Sài Gòn đã được đưa ra quần đảo Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ các đảo thay các đơn vị đồn trú trước đây.

        Năm 1963, chính quyền Sài Gòn đã dựng bia chủ quyền trên các đảo Trường Sa, An Bang, Song Tử Tây... Trong các năm từ 1961 đến 1973 liên tục phái các đội tàu làm nhiệm vụ tuần tiễu, kiểm soát và tiến hành khảo sát ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

        Ngày 6 tháng 9 năm 1973, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 420-BNV/HCDP/26 sáp nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải thuộc quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy.

        Như vậy, từ sau khi Pháp rút khỏi Đông Dương cho đến tháng 4 năm 1975 chính quyền Sài Gòn và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tiến hành những hoạt động thực hiện chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa một cách hoà bình, thực sự và liên tục.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Giêng, 2017, 11:28:56 pm

       4. Thời kỳ từ tháng 4 năm 1975 đến nay

        Tháng 4 năm 1975, trong hào khí của cuộc Tổng tiến công nổi dậy của quân và dân ta giải phóng miền Nam, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Hải quân nhân dân Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi trọn vẹn.

        Được giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa là lực lượng Đặc công Hải quân phối hợp với lực lượng Đặc công Quân khu 5. Các tàu 673, 674, 675 của Đoàn 125 làm nhiệm vụ chở bộ đội giải phóng đảo Song Tử Tây ngày 14 tháng 4, đảo Sơn Ca ngày 25 tháng 4, đảo Nam Yết ngày 27 tháng 4, đảo Sinh Tồn ngày 28 tháng 4, đảo Trường Sa ngày 29 tháng 4 năm 1975 hoàn thành thắng lợi một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chiến lược do Quân ủy Trung ương giao cho Hải quân. Từ đó đến nay chúng ta tiếp tục tổ chức bảo  vệ và thực hiện chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa.

        Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Tại Điều 5 trong tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 của Chính phủ ta về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tại Điều 4 trong tuyên bố ngày 12 tháng 11 năm 1982 của Chính phủ ta về đường cơ sở để tính bề rộng của lãnh hải đều có những quy định cụ thể về các vấn đề liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa.

        Ngày 9 tháng 12 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28 tháng 12 năm 1982, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá VII đã ra Nghị quyết tách huyện Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sáp nhập vào tỉnh Phủ Khánh. Năm 1990, khi Phú Khánh tách thành hai tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên thì huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà. Như vậy, cùng với huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh; Cát Hải, Bạch Long Vĩ thuộc thành phố Hải Phòng; Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị; Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng; Lý Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi; Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận; Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Kiên Hải, Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang; Trường Sa là một trong 12 huyện đảo của đất nước có ý nghĩa cực kỳ quan trọng về quốc phòng - an ninh, đang được cả nước quan tâm đầu tư để từng bước trở thành trung tâm kinh tế, giao thông trong công cuộc chinh phục biển cả.

        Ngày 23 tháng 6 năm 1994, tại kỳ họp thứ 5 (Quốc hội khóa IX) Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982 đã nhấn mạnh: "Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trưởng Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa". Quốc hội cũng nêu rõ quan điểm: "Cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với các vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam căn cứ vào các nguyên tắc và những tiêu chuẩn của Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982".

        Ngày 18 tháng 3 năm 1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 171/TTG về các công việc cần triển khai để phát triển kinh tế biển và ngày 22 tháng 9 năm 1997, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 20/CT-TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó có quần đảo Trường Sa.

        Ngày 14 tháng 10 năm 2004, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 34/2004/CT-TTg "Về tăng cường phối hợp công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam". Trong Chỉ thị, Thủ tướng giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Thủy sản, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành khác có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ quản lý, bảo vệ chủ quyền và an ninh trật tự trên các vùng biển, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Giêng, 2017, 11:30:13 pm

        Quần đảo Trường Sa và các vùng biển, thềm lục địa nhạy cảm dễ bị các quốc gia khác yêu sách tranh chấp, cần được ưu tiên hàng đầu củng cố vị trí vững chắc, nâng cao sức mạnh phòng thủ, đồng thời đầu tư thích đáng xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ hậu cần nhằm thu hút các hoạt động kinh tế góp phần củng cố thế và lực của Việt Nam.

        Quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta đối với vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ được thể hiện trong giai đoạn hiện nay mà còn ở trong các giai đoạn trước.

        Năm 1985, công ty viễn thông của năm nước là Ôxtrâylia, Inđônêxia, Philíppin, Xingapo, Nhật Bản và hai khu vực là Đài Loan, Hồng Lông muốn đặt cáp ngầm đi qua vùng đặc quyền kinh tế của quần đảo Trường Sa đã phải làm đơn xin phép và được Chính phủ ta cho phép mới tiến hành.

        Việc nước ngoài chiếm trái phép một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa và thông qua Luật biển, vùng lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, quy định Trường Sa là lãnh thổ của họ đã vi phạm chủ quyền của Nhà nước ta đối với quần đảo này, trái với Luật biển quốc tế năm 1982, luật pháp và tập quán quốc tế, ảnh hưởng đến truyền thống hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc. Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, quân và dân ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời tìm mọi biện pháp nhằm giải quyết tranh chấp bằng thương lượng hoà bình.

        Như vậy, việc xác lập chủ quyền và làm chủ quần đảo Trường Sa được thể hiện trên những điểm sau:

        Một là, Nhà nước phong kiến Việt Nam là người đầu tiên trong lịch sử đã làm chủ và thực hiện quyền kiểm soát, quản lý và khai thác quần đảo Trường Sa.

        Trước đó quần đảo này chưa có ai chiếm giữ, chưa hề nằm trong địa lý hành chính và chịu sự quản lý của bất cứ quốc gia nào. Không một quốc gia đương thời nào phản đối sự chiếm hữu của Việt Nam đối với quần đảo này và cũng chưa bao giờ xảy ra sự tranh chấp nào về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo kể từ khi được hình thành.

        Hai là, quyền làm chủ của các chính quyền kế tiếp nhau ở Việt Nam đối với quần đảo là thực sự rõ ràng, cụ thể, có văn bản pháp lý và được tuyên bố công khai cho các nước biết, có tổ chức lực lượng khai phá, bảo vệ, không ngừng củng cố và giữ vững quyền làm chủ của Việt Nam, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế. Ngay từ đầu và qua các thời kỳ, quần đảo đã được tổ chức thành những đơn vị hành chính, có bộ máy quản lý phù hợp với quy mô, phạm vi của từng đảo và yêu cầu của công cuộc bảo vệ.

        Ba là, việc thực hiện chủ quyền trên quần đảo được tiến hành tuần tự, có các bước đi chặt chẽ, phù hợp, diễn ra như một quy trình tự nhiên từ phát hiện, khảo sát, thăm dò, đo đạc, vẽ bản đồ, dựng bia, trồng cây, xây đèn biển, đặt đài khí tượng thủy văn, hệ thống liên lạc, xây dựng nhà cửa, hầm hào, đê bao quanh đến tổ chức cung ứng, tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược bảo đảm cho các hoạt động trên đảo diễn ra bình thường.

        Bốn là, Nhà nước Việt Nam liên tục kế tiếp nhau bảo vệ các quyền của mình trước mọi âm mưu và hành động xâm chiếm của kẻ thù đối với quần đảo.

        Năm là, chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với quần đảo đã được nhiều nhà hàng hải, nhà địa lý, nhà nghiên cứu phương Tây xác nhận từ nhiều thế kỷ trước, các triều đình phong kiến phương Bắc cũng đã trực tiếp hoặc gián tiếp công nhận quyền làm chủ, quyền khai thác quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhiều luật gia quốc tế nổi tiếng cũng thừa nhận Việt Nam hoàn toàn đủ cơ sở pháp lý, căn cứ lịch sử và thực tế để chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo.

        Chúng ta khẳng định: quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc ta. Từ xa xưa, ông cha ta đã phát hiện, khai thác, làm chủ một cách hoà bình, thực sự, liên tục đối với quần đảo và đã được thế giới công nhận. Với ý thức dân tộc và tinh thần yêu nước, quân và dân ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách giữ gìn, bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất, từng mét san hô, từng sải biển trước âm mưu, hành động của kẻ thù. Nhà nước Việt Nam đã, đang và mãi mãi là chủ nhân của quần đảo Trường Sa.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 12 Tháng Giêng, 2017, 11:46:54 pm
   
(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Truongsa_zpsnnxh1t5z.jpg)
Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề

       


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 13 Tháng Giêng, 2017, 12:20:16 am
     
TRUYỀN THỐNG ĐẢO SONG TỬ TÂY ANH HÙNG 1975-2007

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Song%20t%20tay_zps4spltwyg.jpg)
        
LỜI NÓI ĐẦU

        Trong hào khí cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta, ngày 14 tháng 4 năm 1975, đảo Song Tử Tây hoàn toàn được giải phóng. Hơn 30 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 Hải quân mà trực tiếp là Đảng ủy và chỉ huy Lữ đoàn 146, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã khắc phục khó khăn, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, chiến đấu anh dũng, xây dựng đảo trưởng thành và phát triển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với những chiến công và thành tích đó, đảo Song Tử Tây được Đảng, Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng Huân chương Chiến công các hạng, Bằng khen, Giấy khen.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân về việc biên soạn truyền thống các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Cục Chính trị tổ chức biên soạn cuốn sách: "Truyền thống đảo Song Tử Tây Anh hùng (1975-2007)" nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, quân dân huyện đảo Trưởng Sa nói chung, đảo Song Tử Tây nói riêng và làm tài liệu tuyên truyền.

        Trong quá trình biên soạn, vì tài liệu lưu trữ không đầy đủ nên khó tránh khỏi thiếu sót, Cục Chính trị mong độc giả thông cảm, góp ý kiến để khi tái bản sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

        Nhân dịp này, Cục Chính trị xin chân thành cám ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tập thể, cá nhân và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tạo điều hiện để cuốn sách được xuất bản đúng dịp kỷ niệm lần thứ 32 ngày giải phóng đảo (14-4-1975 - 14-4-2007).  

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN        

Phần một
 

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA


Phần hai


QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO SONG TỬ TÂY (1975 - 2007)

       I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CỦA ĐẢO SONG TỬ TÂY

        Đảo Trường Sa ở vĩ độ 11°25'55"N, kinh độ 114°19'44"E, cách Cam Ranh (Khánh Hoà) khoảng 305 hải lý. Đảo có có hình bầu dục, chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, dài khoảng 630 mét, rộng 270 mét. Diện tích ước chừng 0,17km2. Khi thuỷ triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao từ 4 đến 6 mét. Mặt đảo có hình lòng chảo, trũng ở giữa cao dần ra xung quanh. Độ chênh lệch giữa lòng chảo và vành đai bao quanh từ 1,5 đến 2 mét.

        Đảo được hình thành bởi quá trình vôi hoá hàng triệu năm của san hô, lớp này trồng lên lớp kia. Thổ nhưỡng trên đảo chủ yếu là cát san hô pha với xác lá cây phân huỷ, tạo thành một lớp mùn khá màu mỡ, thuận lợi cho cây cối phát triển. Dưới mặt đất khoảng 2 mét là nước ngầm lợ, nguồn nước chủ yếu cho tắm giặt, tưới cây.

        Nằm trong quần đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây mang đặc điểm khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, số ngày nắng chiếm hơn 300 ngày trong năm và chia làm hai mùa, mùa mưa và mùa khô như các đảo khác trong quần đảo, song mùa mưa đến sớm hơn, thường bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc vào tháng 12.

        Là đảo ở phía Bắc, có vĩ độ địa lý cao nhất so với các đảo trong quần đảo Trường Sa, khí hậu thời tiết của đảo mang đậm đặc điểm của khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm không khí cao tạo ra kiểu thời tiết nóng, ẩm, đỡ khắc nghiệt, oi bức so với các đảo khác. Thời tiết nóng ẩm cộng với thổ nhưỡng có độ màu mỡ làm cho thảm thực vật trên đảo dễ sinh trưởng, phát triển nhất là các loại cây cỏ thân mềm và cây bóng mát. Tận dụng triệt để điều kiện thiên nhiên thuận lợi này, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây tổ chức nuôi bò với số lượng từ 10 đến 15 con.

        Đây là đảo duy nhất trong quần đảo Trường Sa nuôi được bò. Đảo Song Tử Tây có vị trí chiến lược về chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng. Nằm trong cụm Song Tử, từ Song Tử Tây sang Song Tử Đông thuộc Philíppin chỉ có 1,5 hải lý và cách các đảo trong cụm không xa, thuận tiện cho việc giao lưu, tiếp xúc, tăng cường được sự hiểu biết, mối quan hệ hữu nghị giữa các lực lượng trong khu vực phía Bắc của quần đảo. Nằm ở phía Bắc của quần đảo, đảo Song Tử Tây quan sát, phát hiện sớm từ xa tàu thuyền, máy bay từ phía Bắc xuống phía Nam, từ Đông sang Tây, kịp thời báo cáo cho cấp trên biết và xử lý. Khoảng cách giữa đảo Song Tử Tây và các đảo không xa, dễ tạo được mối liên kết trong cụm đảo và tuyến đảo, làm lá chắn vững chắc từ xa bảo vệ sườn phía Đông của đất nước.

        Về kinh tế. đảo Song Tử Tây cùng với các đảo trong quần đảo án ngữ đường hàng hải quốc tế từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, giữa châu Âu, châu Phi, với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, với Đông Nam Á và Đông Bắc Á, là địa điểm thuận lợi để làm dịch vụ hàng hải giữa biển Đông. Thực tế những năm qua, đèn biển của đảo đã phát huy tác dụng, góp phần thu ngoại tệ cho đất nước. Xung quanh đảo có nhiều loài hải sản quý hiếm, lại dễ đánh bắt, khai thác, chế biến phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Rõ ràng, đảo Song Tử Tây có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 07:55:11 pm

        II. GIẢI PHÓNG, XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG, HUẤN LUYỆN, SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ ĐẢO

        1. Vài nét về trận đánh của Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng đảo Song Tử Tây


        Trong Chiến dịch Tổng tiến công mùa Xuân 1975 lịch sử, ngày 29 tháng 3 năm 1975, Đội 1 thuộc Trung đoàn 126 được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ Đội 1 được tăng cường một bộ phận lực lượng của Tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5, khẩn trương làm công tác chuẩn bị để tập kết xuống tàu. Đúng 4 giờ ngày 11 tháng 4 năm 1975, lực lượng đánh chiếm đảo do Trung tá Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn 126 làm chỉ huy trưởng và đồng chí Dương Tấn Kịch, Đoàn 125 làm chỉ huy phó được lệnh lên 3 tàu vận tải 673, 674, 675 của Lữ đoàn 125 đã rời Quân cảng Đà Nẵng, tiến đánh giải phóng đảo Song Tử Tây.

        Chỉ huy Đoàn xác định đây là một trận chiến đấu gay go ác liệt, vì quân số, trang bị và bố phòng của địch trên đảo ta không nắm được, lực lượng của ta phân tán ở 3 tàu.

        Tàu 673 chở Phân đội 1 do đồng chí Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy, trực tiếp đổ bộ đánh đảo; tàu 674 chở Phân đội 2 do đồng chí Đỗ Viết Cường, Đội phó chỉ huy; tàu 675 chở Phân đội 3 do đồng chí Minh tham mưu của Đoàn chỉ huy; chỉ huy trận đánh là đồng chí Mai Năng ở trên tàu 675 án ngữ phía Bắc đảo. 19 giờ ngày 13 tháng 4 năm 1975, tàu 673 chở phân đội tiếp cận đảo, hai tàu 674, 675 vòng ra ngoài án ngữ ở phía Bắc, phía Nam đảo và sẵn sàng chi viện khi cần thiết. Với kinh nghiệm đi biển, cán bộ, chiến sĩ tàu 673 đã khôn khéo cho tàu ém sát đảo tìm vị trí thuận lợi nhất để đổ bộ. 2 giờ ngày 14 tháng 4 năm 1975, tàu 673 cách đảo chừng 5km, Phân đội 1 đã bí mật dùng xuồng bơi vào áp sát đảo. Sau hơn 2 giờ vật lộn với dòng nước xoáy, với những cơn sóng lớn, những mỏm san hô quanh đảo, lực lượng Phân đội 1 đã đổ bộ lên đảo, nhanh chóng triển khai chiếm lĩnh các vị trí chiến đấu theo phương án.

        Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14 tháng 4 năm 1975, sau phát súng ĐKZ đầu tiên nổ báo hiệu lệnh hiệp đồng, toàn đơn vị bắt đầu tiến công. Bị đánh bất ngờ, địch vội vàng triển khai đội hình chống trả, chúng dùng súng 12,7mm, cối 82mm, ĐKZ bắn vào đội hình của ta. Các cán bộ, chiến sĩ Phân đội 1 lập tức đánh chia cắt đội hình địch. Sau 30 phút chiến đấu, địch không thể chống cự lại được, buộc phải tháo chạy toán loạn. Thừa thắng, quân ta vừa truy lùng vừa kêu gọi địch ra đầu hàng. 5 giờ 15 phút ngày 14 tháng 4 năm 1975, toàn bộ số địch còn lại trên đảo đã ra đầu hàng, quân ta hoàn toàn làm chủ đảo, chiến sĩ Lê Xuân Phát đã kéo lá cờ đỏ sao vàng báo hiệu đảo Song Tử Tây được giải phóng.

        Trong trận chiến đấu này, ta đã tiêu diệt 7 tên và bắt sống 33 tên sĩ quan và binh lính địch, thu 1 khẩu ĐKZ, 2 súng cối 60mm, 2 đại liên, 2 trung liên, 45 súng bộ binh.

        Song Tử Tây bị mất, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Địch vội điều 2 tàu HQ 16 và HQ 402 từ Vũng Tàu ra định phản kích chiếm lại. Nhưng trước sự bố phòng chặt chẽ và tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao của cán bộ, chiến sĩ Hải quân cùng với những thất bại nặng nề dồn dập của chúng trên khắp các chiến trường, đặc biệt là tuyến phòng thủ Phan Rang của chúng bị vỡ, đã làm cho tinh thần bọn sĩ quan đi chi viện hoang mang, dao động, không dám tiến ra đánh đảo Song Tử Tây mà phải quay về tăng cường phòng thủ cho đảo Nam Yết nơi đặt trung tâm chỉ huy của địch ở quần đảo Trường Sa. Chiến thắng giải phóng đảo Song Tử Tây là chiến thắng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó tiếp thêm sức mạnh và ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ của đơn vị tiếp tục tiến lên chiến đấu giải phóng các đảo còn lại.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:03:25 pm

        2. Xây dựng phát triển lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu phòng thủ bảo vệ đảo

        Ngay sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây (ngày 14 tháng 4 năm 1975), một bộ phận cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 126 đặc công Hải quân được giao nhiệm vụ ở lại chốt giữ và phòng thủ đảo. Chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy Xuân 1975 kết thúc, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, do yêu cầu nhiệm vụ mới, Trung đoàn 126 đặc công Hải quân đã tổ chức bàn giao các đảo thuộc quần đảo Trường Sa vừa được giải phóng (trong đó có đảo Song Tử Tây) cho lực lượng Tiểu đoàn 4 bộ binh thuộc Quân khu 5.

        Biên chế lúc đầu của đảo chỉ là một bộ phận, tương đương cấp đại đội, do đồng chí Lê Văn An làm đảo trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Quyền làm chính trị viên với nhiệm vụ chủ yếu là: Tập trung nghiên cứu địa hình và nắm tình hình mọi mặt của đảo sau giải phóng để lập phương án chốt giữ, tác chiến phòng thủ đảo; xây dựng và khắc phục nơi ăn ở, sinh hoạt, bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ trong một môi trường mới, môi trường đầy khắc nghiệt, khó khăn gian khổ và khác lạ so với cuộc sống ở đất liền.

        Tháng 11 năm 1975, Bộ Tư lệnh Hải quân cử một đoàn cán bộ của Quân chủng ra thăm và kiểm tra đảo lần đầu tiên kể từ sau ngày giải phóng để nắm tình hình mọi mặt ở đảo. Cùng đi với đoàn có đồng chí Trần Trí Cường, Lữ đoàn trưởng và đồng chí Ngô Sĩ Ta, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 126. Sau chuyến đì kiểm tra đảo lần này, Quân chủng và chỉ huy Lữ đoàn đã hình thành phương án xây dựng đảo trong năm 1976 và kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng trong Quân chủng, kế hoạch bảo đảm đời sống cho bộ đội trên đảo lúc thường cũng như lúc xảy ra chiến đấu.

        Trên cơ sở đó, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đầu năm 1976, biên chế, tổ chức của đảo được bổ sung, chấn chỉnh một bước quan trọng. Từ chỗ tương đương cấp đại đội, theo biên chế mới, đảo có đủ thành phần lực lượng gồm 3 phân đội chiến đấu, 1 phân đội phục vụ (thông tin, ra đa, quân y), tương tương với cấp tiểu đoàn. Ban Chỉ huy đảo gồm 3 đồng chí, đồng chí Nguyễn Chính, đảo trưởng; đồng chí Phí Công Tưởng, chính trị viên; đồng chí Nguyễn Công Thắng, đảo phó.

        Đầu năm 1978, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp. Máy bay và tàu thuyền một số nước xâm phạm và tiến hành trinh sát các đảo của ta. Philíppin tăng cường lực lượng trên các đảo đã chiếm đóng, một số nước khác trong khu vực cho tàu thuyền giả dạng tàu đánh cá xuất hiện ở vùng Đá Giữa (Đá Đông), Hòn Sập (Phan Vinh), Thuyền Chài. Máy bay của Mỹ và Philíppin có những hoạt động thăm dò trên quần đảo Trường Sa.

        Nhằm bảo vệ vững chắc các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc trong tình hình mới, đảo Song Tử Tây được trên bổ sung tăng cường thêm lực lượng. Ban Chỉ huy đảo và các phân đội đều được tăng cường cán bộ chỉ huy.

        Những năm tiếp theo, biên chế tổ chức của đảo cơ bản ổn định, hàng năm chỉ thực hiện thay quân và bổ sung trang bị. Đến năm 1995, theo Quyết định số 67/QĐ-QP, ngày 7 tháng 1 năm 1995 của Tổng Tham mưu trưởng nâng cấp tổ chức đảo Song Tử Tây lên đảo cấp I (tương đương cấp trung đoàn).

        Song song với công tác xây dựng, phát triển lực lượng, công tác sẵn sàng chiến đấu được đặc biệt coi trọng, thời kỳ đầu (1975-1976) đơn vị đã đề cao trách nhiệm, tích cực, chủ động vượt mọi khó khăn gian  khổ, tổ chức nghiên cứu, xây dựng phương án, kế hoạch chiến đấu bảo vệ đảo; làm mới và sửa chữa được 23 trận địa pháo và hầm trú ẩn, nạo vét được 700 mét hào, với 1.560 ngày công, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong thời gian đầu mới giải phóng đảo.

        Quán triệt sâu sắc chỉ thì của đồng chí Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng khi ra thăm và kiểm tra đảo lần đầu tiên (ngày 11 tháng 5 năm 1977), đồng thời tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn, Lữ đoàn và Vùng, từ năm 1977-1986, công tác sẵn sàng chiến đấu được tăng cường cả về lực lượng, trang bị; các phương án, kế hoạch chiến đấu bảo vệ đảo được bổ sung, chấn chỉnh sát với tình hình thực tế của đảo; hệ thống công trình chiến đấu cũng được hoàn thiện và vững chắc hơn, bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu phòng thủ đảo. Đã phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng công binh của Trung đoàn 83 Hải quân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, cơm không đủ no, nước không đủ uống để bốc dỡ vận chuyển hàng nghìn tấn bê tông và vật liệu xây dựng. Làm mới các trận địa pháo 85mm, ĐKZ 75, pháo 37, 12,7, H12 và các hầm để đạn pháo, bảo quản kiên cố, vững chắc; tự khai thác được hàng nghìn mét khối đá san hô làm vật liệu xây dựng hầm, hào; làm mới và sửa chữa hàng mét giao thông hào và tường rào kẽm gai, mái nhà, vướng chân, đắp ụ làm vật cản quanh đảo để chống địch đổ bộ lên đảo bằng xuồng và xe tăng. Đặc biệt, chỉ trong 20 ngày đêm năm 1978, cán bộ, chiến sĩ của đảo đã thi công xong một sân bay dã chiến, góp phần tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu phòng thủ đảo.

        Giai đoạn từ năm 1978 đến năm 2006: tình hình vùng biển quần đảo Trường Sa trở nên hết sức phức tạp; với âm mưu thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, đối phương đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập ở vùng biển phía Nam, cho nhiều lượt tàu đánh cá, tàu chiến, tàu nghiên cứu tiến hành hoạt động thăm dò ở khu vực quần đảo Trường Sa, có thời điểm họ vào sát khu vực đảo của ta đóng giữ.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:03:43 pm

        Trước tình hình đó, ngày 24 tháng 10 năm 1987, Tư lệnh Hải quân đã ra lệnh cho các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Song Tử Tây chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

        Đầu tháng 1 năm 1988, Đảng ủy Quân chủng nhận định: "Tình hình trên biển ngày càng phức tạp, đối phương sẽ tăng cường hoạt động thăm dò, trinh sát tranh chấp chủ quyền, xâm lấn một số đảo chìm xen kẽ với các đảo của ta hoặc hoạt động vũ trang khiêu khích đánh chiếm một số đảo của ta", Đảng ủy Quân chủng chỉ rõ: “Nhiệm vụ bảo vệ vùng biển và quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ quan trọng và cũng vinh quang nhất trong năm 1988".

        Quán triệt nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng, chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh Hải quân, thực hiện nghị quyết của Đảng ủy và chỉ thị của chỉ huy Lữ đoàn, các lực lượng của đảo đã tập trung mọi khả năng vào chuẩn bị công tác sẵn sàng chiến đấu, với sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ ở đảo cùng với đảo bạn, không kể ngày đêm đã tu sửa và làm mới hàng chục trận địa pháo, công sự trú ẩn, hầm, nhà kho để đạn, hàng trăm mét hào giao thông, hoàn chỉnh thế bố trí phòng thủ đảo theo phương án, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ đảo. Những năm tiếp theo, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, đầu tư của Nhà nước, quân đội, sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Công binh cùng với sự ủng hộ của đồng bào cả nước, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã vượt qua muôn vàn gian khổ, thử thách xây dựng được nhiều công trình chiến đấu kiên cố, bảo đảm cho các loại vũ khí, trang bị không bị phơi nắng, phơi mưa, hạn chế sự nhiễm mặn của nước biển. Công trình kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế như: xây dựng đèn hải đăng (năm 1993), duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động tổ chức luyện tập, thực hiện các phương án chiến đấu, tham gia các cuộc diễn tập của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn đạt kết quả tốt Tăng cường khả năng quan sát nắm tình hình, trong nhiều trường hợp đã phát hiện sớm, kịp thời máy bay, tàu đánh cá, tàu thăm dò của nước ngoài vi phạm vào khu vực biển do đảo quản lý, đồng thời bằng nhiều biện pháp tổ chức lực lượng bình tĩnh đấu tranh ngăn chặn, xua đuổi tàu nước ngoài cố tình vào gần đảo, thực hiện đúng đối sách và 6 điều cấm của Vùng, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, làm thất bại ý đồ của nước ngoài, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

        Là một đơn vị đảo, xa đất liền hàng trăm hải lý, độc lập tác chiến là chủ yếu. Do vậy, để hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ đảo trong mọi tình huống, công tác huấn luyện chiến đấu, giáo dục chính trị được cấp ủy, chỉ huy đảo đặc biệt chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ.

        Thời gian đầu khi đảo mới được giải phóng (1975- 1976), công tác huấn luyện còn gặp nhiều khó khăn. Năm 1976, Quân chủng tổ chức cuộc diễn tập đổ bộ và chống đổ bộ đầu tiên trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Qua lần diễn tập này, đảo hình thành việc soạn thảo nội dung huấn luyện cơ bản sát thực tế chiến đấu của đảo xa bờ. Bám sát phương châm huấn luyện "Cơ bản, thiết thực, vững chắc", đồng bộ và chuyên sâu, xuất phát từ tính độc lập tác chiến cao của đảo, Đảng ủy, chỉ huy đảo đề ra những yêu cầu cụ thể như: Giỏi sử dụng một loại vũ khí, thành thạo các loại vũ khí khác hiện có trên đảo. Hàng năm, đảo đều tiến hành xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình huấn luyện cho từng đối tượng cụ thể sát thực tiễn; công tác chuẩn bị cho huấn luyện chu đáo, tỷ mỷ, đầy đủ như: mô hình học cụ, thành lập tổ giáo viên, tập huấn cán bộ, soạn giáo án, tổ chức giảng thử, tổ chức huấn luyện chặt chẽ, từ đơn giản đến phức tạp, từ phân đoạn đến tổng hợp. Phương pháp huấn luyện được thường xuyên đổi mới trong từng bài giảng, trong từng buổi ôn luyện; đánh giá, rút kinh nghiệm cuối buổi, cuối ngày và tổng kết cuối năm được thực hiện thường xuyên có nền nếp, hiệu quả. Do đó, hàng năm đảo đều hoàn thành 100% nội dung chương trình, thời gian, quân số huấn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, khả năng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng trên đảo. Kết quả kiểm tra (tính từ năm 1996 đến năm 2006) trên tất cả các nội dung, khoa mục chiến đấu bộ binh; chiến thuật binh chủng hợp thành; kỹ thuật pháo binh, xe tăng; diễn tập tổng hợp; bắn đạn thật các loại vũ khí hiện có; điều lệnh, thể lực, hóa học, công binh, hậu cần, chính trị đều đạt 100% yêu cầu, trong đó có trên 80% khá giỏi. Đặc biệt là 3 năm liền (từ năm 1996 đến năm 1998) được trên tặng Bằng khen đơn vị đạt thành tích huấn luyện giỏi.

        Kết hợp giữa công tác huấn luyện với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, đảo thường xuyên giáo dục, quán triệt thực hiện nghiêm các điều lệnh, điều lệ của quân đội, các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn về tăng cường rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, bài trừ các tệ nạn đánh cờ, bài ăn tiền, uống rượu bia say, vận dụng cụ thể hóa thành những quy định sát với tình hình thực tiễn của đảo, được cán bộ, chiến sĩ nắm và chấp hành nghiêm túc, nâng cao trách nhiệm của chỉ huy các cấp trong quản lý bộ đội, thực hiện chế độ, chức trách, duy trì lễ tiết tác phong, thời gian làm việc có nền nếp và chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Tỷ lệ vi phạm kỷ luật (tính từ năm 1997 đến năm 2005) giảm rõ rệt, nhiều năm liền đảo không có vụ việc nghiêm trọng, góp phần xây dựng đảo đạt vững mạnh toàn diện, đến vị quyết thắng nhiều năm liền.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:08:22 pm

        III THƯỜNG XUYÊN DUY TRÌ VÀ BẢO ĐẢM TỐT CÔNG TÁC HẬU CẦN, KỸ THUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG, BẢO VỆ ĐẢO

        1. Bảo đảm hậu cần


        Công tác bảo đảm hậu cần ở đảo Song Từ Tây có điều kiện thuận lợi hơn so với các đảo khác của quần đảo Trường Sa (có nguồn nước ngọt, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt rau xanh). Tuy vậy thời gian đầu mới giải phóng đảo (năm 1975 đến năm 1977), công tác bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội cũng đặt ra không ít khó khăn cho lãnh đạo, chỉ huy của đảo như: ăn ở, sinh hoạt còn nhiều thiếu thốn. Quán triệt sâu sắc quan điểm tự lực, tự cường, chủ động, tích cực, bằng nhiều biện pháp giữ vững và không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, Đảng ủy, chỉ huy đảo đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên duy trì và bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn định lượng trên cấp, ngoài ra đảo còn chủ động tăng gia tự túc, trồng rau xanh, chăn nuôi lợn, gà, khai thác đánh bắt hải sản. Từ năm 1977 đến năm 1986, hàng năm đưa vào bữa ăn cho bộ đội được hàng nghìn kilôgam rau xanh các loại, 500 đến 600kg thịt lợn, gà, cá. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của trên, sự phối hợp, giúp đỡ tạo điều kiện của các đơn vị bạn, sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ, đảo đã sửa chữa, làm mới được hàng nghìn mét vuông nhà ở tuy chưa khang trang, vững chắc nhưng cũng bảo đảm cơ bản nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập cho bộ đội tạm ổn định. Từ năm 1990 tới nay, được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm đầu tư cùng với sự giúp đỡ có hiệu quả của nhân dân các địa phương tỉnh, thành trong cả nước, thực hiện phương thức mới về bảo đảm hậu cần; thực hiện phong trào thi đua: “Ngành Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy”, đời sống bộ đội trên đảo được bảo đảm tốt hơn, bộ đội không phải ăn gạo kém chất lượng, lượng dự trữ sẵn sàng chiến đấu cũng được định kỳ luân phiên đổi hạt, duy trì bảo đảm đầy đủ vật chất hậu cần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ đảo. Phối hợp chặt chẽ với đơn vị bạn, chủ động khắc phục mọi khó khăn, bốc dỡ, vận chuyển hàng nghìn tấn xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng lên đảo. Thường xuyên củng cố, sửa chữa và làm mới được hàng trăm mét vuông nhà cấp 1, cấp 2, cấp 3 bảo đảm kiên cố và vững chắc. Môi trường cảnh quan của đảo được bổ sung tu chỉnh thường xuyên, bảo đảm doanh trại khang trang, sạch đẹp, những trang bị phục vụ cho sinh hoạt như điện nước được tăng cường, đời sống sinh hoạt, học tập, công tác của bộ đội được nâng lên.

        Phong trào tăng gia sản xuất quanh bếp, quanh nhà được đẩy mạnh, với nhiều biện pháp và hình thức cụ thể, đa dạng, phong phú, đúng hướng. Đến nay đảo đã nuôi được một đàn bò thường xuyên duy trì từ 8 đến 10 con, chăn nuôi gà, lợn cũng được phát triển mạnh mẽ, ngoài ra còn tích cực khai thác đánh bắt cá, bảo đảm tự túc được một phần về thực phẩm, rau xanh. Bình quân hàng năm thu hoạch đưa vào bữa ăn từ 12.000 đến 12.550kg rau xanh các loại. Vệ sinh phòng bệnh được chú trọng, khám và điều trị tại chỗ chu đáo, kịp thời, an toàn, không để xảy ra dịch bệnh, tử vong do thiếu trách nhiệm hoặc yếu về chuyên môn, bảo đảm quân số khỏe học tập và công tác đạt từ 98,5% đến 99%.

        2. Công tác bảo đảm kỹ thuật

        Là đơn vị đảo được trên trang bị nhiều loại vũ khí, công tác bảo quản, bảo dưỡng gặp không ít khó khăn do tác động của môi trường biển. Nắm chắc tình hình, đặc điểm trên, quán triệt sâu sắc cuộc vận động "Quản lý khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông" và 2 đột phá của ngành kỹ thuật là: “Xây dựng nền nếp chính quy và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, cấp ủy, chỉ huy đảo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; thường xuyên giáo dục cho bộ đội nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, giữ gìn vũ khí, trang bị. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, cán bộ, chiến sĩ đảo cùng với đội sửa chữa của Nhà máy Z753, cán bộ kỹ thuật của Vùng 4, Lữ đoàn 146 tiến hành bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên và định kỳ, kịp thời sửa chữa được nhiều hạng mục vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện khi có hỏng hóc xảy ra, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Đã chú trọng tu sửa, củng cố hệ thống nhà kho, hầm để đạn, nhà xe, nhà pháo. Đặc biệt là được sự quan tâm của trên, nhiều công trình khoa học về niêm cất vũ khí trang bị được ứng dụng ở đảo có tác dụng tốt, góp phần đưa phong trào giữ tốt dùng bền an toàn, tiết kiệm đi vào nền nếp, có chất lượng. Các nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật như: quản lý, đăng ký theo dõi, thống kê điểm nghiệm, cấp phát thu hồi chặt chẽ, chất lượng; bảo quản, bảo dưỡng ngày, tuần, tháng được duy trì thường xuyên, nghiêm túc. Những việc làm trên đã góp phần hạn chế sự xuống cấp của các loại vũ khí, không ngừng nâng cao hệ số kỹ thuật hàng năm đạt 0,98 trở lên.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:09:39 pm

        IV XÂY DỰNG ĐẢO VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ, LÀM CƠ SỞ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỔNG HỢP, SỨC CHIẾN ĐẤU, LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ HOÀN THÀNH MỌI NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO

        Là đơn vị xa đất liền hàng trăm hải lý, điều kiện sinh hoạt, đời sống vật chất và tinh thần của cho bộ đội có nhiều khó khăn và gian khổ. Để hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ vững chắc đảo trong mọi tình huống, cấp ủy, chỉ huy đảo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung công tác đảng, công tác chính trị.

        Về công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng: Ngay sau khi đảo được giải phóng, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng được lãnh đạo, chỉ huy đảo đặt lên hàng đầu. Ngoài việc giáo dục quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới; chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Tổ quốc. Đặc biệt trong giai đoạn này, lãnh đạo, chỉ huy đảo đã tập trung giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ trên đảo nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, việc xác lập chủ quyền quần đảo Trường Sa nói chung, đảo Song Tử Tây nói riêng; nhiệm vụ quân đội, Quân chủng, Trung đoàn và đảo; giáo dục động viên bộ đội vượt qua khó khăn gian khổ, thiếu thốn trong thời kỳ đầu ở đảo để hoàn thành nhiệm vụ trên giao.

        Giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1984: tập trung giáo dục, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khoá IV, Nghị quyết của Đảng ủy Quân sự Trung ương về xác định tình trạng vừa có hoà bình vừa có chiến tranh trên một bộ phận đất nước; lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nêu cao cảnh giác, quyết tâm chiến đấu giữ vững chủ quyền biên cương của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Lệnh tổng động viên trong cả nước của Chủ tịch nước; các chỉ thị, nghị quyết, quyết tâm chiến đấu của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng về chiến đấu bảo vệ vùng biển đảo, biên giới của Tổ quốc và giúp bạn Campuchia giải phóng đất nước; giáo dục cho bộ đội tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong chiến đấu, chuẩn bị chiến đấu, xây dựng và bảo vệ đảo.

        Giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1989: công tác giáo dục chính trị tư tưởng đi sâu làm rõ những diễn biến của tình hình thế giới, khu vực, tình hình khó khăn của nền kinh tế trong nước; âm mưu, hành động của nước ngoài xâm chiếm quần đảo Trường Sa, độc chiếm biển Đông; những chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chỉ thị, nghị quyết, quyết tâm chiến đấu của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy và chỉ huy Vùng, Lữ đoàn về chiến đấu bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.

        Giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2006: tập trung giáo dục, tuyên truyền về những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước; những thời cơ, nguy cơ và thách thức trong công cuộc xây dựng đất nước; âm mưu, thủ đoạn diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch; tình hình các vùng biển, hải đảo, âm mưu thủ đoạn của nước ngoài đối với Trường Sa, biển Đông, DKI; chủ trương, quan điểm, đối sách của Đảng, Nhà nước; nhiệm vụ quân đội, Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn và đảo; các chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

        Qua giáo dục, quán triệt, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ của đảo đều nhất trí cao với quan điểm, đường lối của Đảng. ở từng thời điểm, từng giai đoạn khó khăn của đất nước, cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng, kiên định về lập trường chính trị, không bi quan, dao động, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, đối tượng tác chiến, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của quần đảo Trường Sa nói chung, đảo Song Tử Tây nói riêng; nắm chắc tình hình nhiệm vụ của quân đội, Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn và nhiệm vụ giao cho đảo, có ý thức trách nhiệm chính trị cao trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết bảo vệ đảo sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Không lùi bước trước những khó khăn, gian khổ, yên tâm xây dựng đảo, coi đảo là nhà. Đoàn kết trên dưới, gắn bó với nhau như ruột thịt, đây chính là nguồn sức mạnh lớn nhất của toàn đảo để thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

        Giai đoạn từ năm 1989 đến năm 2006: quân dân cả nước dồn sức cho Trường Sa nói chung, đảo Song Tử Tây nói riêng bằng những việc làm, sự hỗ trợ giúp đỡ cụ thể, thiết thực đã tiếp thêm cho cán bộ, chiến sĩ sức mạnh tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác chuẩn bị cho sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ đảo luôn chủ động, cảnh giác, bảo vệ đảo vững chắc trong mọi tình huống, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài cho tàu xuồng, người vào gần đảo trinh sát, thăm dò. Nhiều phong trào thi đua được phát động như: “Phát huy bản chất tốt đẹp, nâng cao sức mạnh chiến đấu”, “Vì Trường Sa, tất cả cho Trường Sa”, đã tạo ra khí thế sôi nổi trong học tập, huấn luyện, nâng cao trình độ kỹ chiến thuật; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trên đảo được bảo đảm đầy đủ và chất lượng ngày càng được nâng cao.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:10:02 pm

        Có thể nói dù khó khăn gian khổ nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây vẫn luôn kiên định vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xứng đáng với mềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

        Về xây dựng tổ chức đảng, những năm từ 1975 đến 1980, đảo Song Tử Tây được thành lập chi bộ, trực thuộc Đảng bộ Trung đoàn, Lữ đoàn 146, với số đảng viên trung bình hàng năm từ 12 đến 16, đồng thời tỷ lệ lãnh đạo đơn vị chỉ chiếm 1,6%. Giai đoạn từ năm 1981 đến năm 1990, mặc dù đảo được nâng cấp lên thành quy mô tiểu đoàn, nhưng tổ chức đảng vẫn là chi bộ. Từ năm 1991 đến năm 1994, đảo được thành lập Đảng bộ bộ phận. Ngày 7 tháng 1 năm 1995, Tổng Tham mưu trưởng ra Quyết định số 67/QĐ-QP, nâng cấp đảo Song Tử Tây lên đảo cấp I (tương đương cấp trung đoàn). Về tổ chức đảng, đảng bộ đảo gồm 4 chi bộ: Cụm chiến đấu 1, 2, 3 và chi bộ ghép (Phân đội cối 82, Phân đội cối 85, Phân đội tăng, Trung đội thông tin, Bộ phận ra đa, sửa chữa súng pháo và cơ quan đảo bộ). Ban chấp hành Đảng bộ bộ phận gồm 5 đồng chí, 100% chi bộ có chi ủy.

        Thông qua các kỳ đại hội chi bộ, Đảng bộ, cấp ủy các cấp được kiện toàn đủ số lượng, bảo đảm chất lượng; củng cố bổ sung kịp thời khi có sự biến động về nhân sự, gắn việc kiện toàn cấp ủy, chi bộ với việc điều chỉnh, sắp xếp đội ngũ cán bộ, chỉ huy các cấp, đến nay 100% chi bộ cụm chiến đẩu có chi ủy vững chắc. Năng lực và sức chiến đấu của cấp ủy các cấp được nâng lên. Nội dung cho các kỳ họp của chi bộ, Đảng ủy ngắn gọn, cụ thể, không dàn trải, có tính thực tiễn cao. Mối quan hệ giữa lãnh đạo với chỉ huy được thực hiện tốt, bảo đảm sự đoàn kết thống nhất, đội ngũ bí thư, cấp ủy viên các cấp phần lớn đều gương mẫu trong lời nói và việc làm, được quần chúng tín nhiệm, góp phần xây dựng chi bộ, Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy các cấp, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

        Đảng bộ đảo thường xuyên quán triệt và thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII, tập trung bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tổ chức chặt chẽ các đợt quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Vùng 4, Đảng ủy Lữ đoàn. Giáo dục âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, đối tượng tác chiến, đối sách của ta, tình hình thế giới, khu vực, trong nước. Do đó, vào những thời điểm nhạy cảm, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, nhất là diễn biến về tranh chấp chủ quyền trên biển, đảo, yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn đảo luôn giữ vững phẩm chất, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu con đường xã hội chủ nghĩa, đoàn kết, kỷ luật, có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ; luôn nêu cao ý thức độc lập, sáng tạo, tự lực, tự cường, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

        Các chế độ, nền nếp sinh hoạt đảng được duy trì và thực hiện nghiêm túc. Đảng ủy và các chi bộ hàng tháng đều có nghị quyết lãnh đạo đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao, nội dung sinh hoạt ra nghị quyết được cải tiến và không ngừng nâng cao chất lượng, đi vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần phải giải quyết trong tháng, trong quý. Trong sinh hoạt chấp hành nghiêm các nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, nêu cao tính chiến đấu tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ, trí tuệ của chi bộ, đề xuất nhiều biện pháp lãnh đạo sát, đúng, phù hợp với tình hình thực tiễn của đảo, nhất là những biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tổ chức triển khai thực hiện có phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, kiểm tra đôn đốc thường xuyên sơ tổng kết kịp thời, những kết quả trên đã khẳng định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng ở đảo được giữ vững; đội ngũ đảng viên có phẩm chất chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, đạo đức lối sống trong sáng lành mạnh, gương mẫu, trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ, nói và làm theo nghị quyết của Đảng. Phân tích, đánh giá chất lượng đảng viên và tổ chức đảng hàng năm, tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm sau cao hơn năm trước, số đảng viên đủ tư cách nhưng có mặt hạn chế giảm; Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm liền (1997-2006). Đã chú trọng làm tốt công tác phát triển đảng, riêng trong 10 năm (1995-2005) toàn Đảng bộ đã kết nạp được 34 đảng viên mới, nâng tỷ lệ lãnh đạo từ 46,2% năm 1999 lên 52% năm 2005.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:10:19 pm

        Công tác kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng thường xuyên được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm đúng phương châm, phương hướng của Đảng trong công tác kiểm tra. Căn cứ vào Điều lệ Đảng, chức trách, nhiệm vụ của đảng viên, Đảng ủy, chi bộ đều xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kỳ đối với tổ chức đảng và đảng viên. Ngoài ra còn kiểm tra đột xuất khi có tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Căn cứ vào kế hoạch kiểm tra hàng năm, cấp ủy các cấp đã tiến hành hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách cụ thể, đúng thủ tục, nguyên tắc và các bước tiến hành trong công tác kiểm tra. Số tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra hàng năm, nhất là tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm kỷ luật đều thấy rõ được khuyết điểm, trách nhiệm của mình có hướng phấn đấu tốt, phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng cuối năm đều đạt đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ và tổ chức đảng trong sạch vững mạnh.

        Xác định công tác cán bộ là khâu quyết định đến chất lượng hoàn thành mọi nhiệm vụ của đảo, do vậy Đảng ủy Vùng, Lữ đoàn và Đảng ủy bộ phận đảo đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có số lượng phù hợp, chất lượng cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ và năng lực tổ chức chỉ huy, quản lý điều hành đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

        Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1990: là thời kỳ đảo có nhiều khó khăn, gian khổ, vất vả, xa hậu phương gia đình, đời sống sinh hoạt vật chất và tinh thần còn nhiều thiếu thốn, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công tác ở đảo chưa được quan tâm đầy đủ, tình hình đó đã tác động trực tiếp đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ nói chung. Có thể nói phần lớn số cán bộ khi được điều ra đảo chưa thực sự an tâm với nhiệm vụ được giao. Nắm bắt được tâm tư tình cảm của cán bộ, cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ khâu chọn cán bộ ra đảo đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng trình độ năng lực tổ chức chỉ huy và bằng nhiều biện pháp cụ thể đã bảo đảm đủ đội ngũ cán bộ cho đảo, từng bước nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phần đông cán bộ từ phân đội trưởng trở lên được đào tạo cơ bản, chỉ huy đảo 100% đã trải qua chiến đấu, có cán bộ ra đảo 2-3 lần, đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng kiên định, có ý thức trách nhiệm chính trị cao. Trong những lúc khó khăn, gian khổ, căng thẳng vẫn xác định tốt trách nhiệm, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

        Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2006: được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân, đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội trên đảo được cải thiện rõ rệt, nhiều chế độ, chính sách đối với bộ đội ở đảo được ban hành, nhất là chính sách luân phiên cán bộ Trường Sa của Bộ Quốc phòng đã góp phần động viên cán bộ yên tâm công tác Căn cứ vào tình hình thực tiễn, theo đề nghị của đảo và Lữ đoàn, Vùng, hàng năm Quân chủng đã điều động, bố trí sắp xếp đủ số lượng và chất lượng cán bộ cho đảo, đặc biệt đã phối hợp chặt chẽ với Bộ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt việc luân phiên cán bộ. Công tác bồi dưỡng cán bộ được chú trọng, nhất là số cán bộ mới được điều ra đảo lần đầu tiên với phương châm: yếu đến đâu bồi dưỡng đào tạo đến đó, thực hiện bồi dưỡng tại chỗ, cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới, người chưa có kinh nghiệm học người có kinh nghiệm. Qua đó, chất lượng chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực tổ chức chỉ huy của đội ngũ cán bộ các cấp ở đảo không ngừng được nâng cao. Có nhiều cán bộ viết đơn tình nguyện xin được ra đảo làm nhiệm vụ và gắn bó với đảo, nguyện đem hết sức mình xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

        Về công tác bảo vệ - an ninh: Đã thường xuyên làm tốt công tác giáo dục nâng cao cảnh giác, tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, quân đội và Quân chủng về phòng gian giữ bí mật quân sự, bí mật quốc gia, các nội dung quy định về giữ bí mật lực lượng, trang bị vũ khí, kế hoạch, phương án chiến đấu của đảo cho các đối tượng. Đặc biệt là tập trung giáo dục cho số cán bộ, chiến sĩ đã hết thời gian phục vụ ở đảo được chuyển vào đất liền. Qua đó đã bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật quân sự, không để phần tử xấu, bọn phản động lợi dụng, lôi kéo và mua chuộc tin tức nội bộ của đảo. Thường xuyên rà soát chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, bồi dưỡng nguồn phát triển đảng, nguồn đào tạo cán bộ có chất lượng chính trị cao. Bằng nhiều biện pháp bảo đảm an toàn các đoàn cán bộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, quân đội, chính quyền địa phương các tỉnh và các đoàn khách ra thăm, kiểm tra, giao lưu với đảo. Nội bộ luôn trong sạch về chính trị tư tưởng, 100% đầu mối cơ quan, đơn vị của đảo an toàn tuyệt đối về chính trị, đảo nhiều năm liền đạt đơn vị an toàn tuyệt đối, góp phần xây dựng đảo vững mạnh toàn diện.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:10:52 pm

        Về công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt: Thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, những quy định, hướng dẫn của trên về công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt. Hệ thống chiến sĩ dân vận - tuyên truyền đặc biệt luôn được củng cố, kiện toàn sau mỗi đợt thay quân, đồng thời gắn với việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng hoạt động. Thường xuyên giữ vững mối quan hệ đoàn kết thống nhất với đảng bộ, chính quyền, đoàn thể huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà là đơn vị kết nghĩa từ năm 1984. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng đơn vị bạn đứng chân trên đảo như Trung đoàn 83, đơn vị nhà đèn, các ngành kinh tế biển để tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, đảo. Đã tổ chức khám chữa bệnh cho hàng trăm lượt ngư dân ven biển miền Trung Nam Bộ ra khai thác đánh bắt hải sản; vận động cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia ủng hộ các phong trào “đền ơn đáp nghĩa", chương trình “xoá đói giảm nghèo", quỹ vì trẻ em nghèo của tỉnh Khánh Hoà, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, đồng bào bị thiên tai bão lụt, các gia đình chính sách của xã Hải Đông, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà hàng trăm triệu đồng, góp phần tăng cường mối đoàn kết quân dân.

        Về công tác tuyên truyền đặc biệt: từ năm 1990 đến nay, trang bị phương tiện từng bước được bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, chế độ bảo quản, bảo dưỡng, quản lý, sử dụng chặt chẽ, đúng quy định. Thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ được phân công làm nhiệm vụ tuyên truyền đặc biệt về các nội dung, nhất là cách sử dụng loa đài, băng cát sét đường lối quan điểm đối ngoại của Đảng, các phương án đối sách trên biển, hình thức và biện pháp tiến hành tuyên truyền. Gắn công tác tuyên truyền đặc biệt với diễn tập, luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu. Bằng nhiều hình thức và biện pháp tuyên truyền đã góp phần giữ vững môi trường hoà bình, củng cố mối quan hệ truyền thống hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trong khu vực và các nước láng giềng.

        Công tác chính sách được cấp ủy các cấp coi trọng đúng mức, giải quyết từng bước có hiệu quả. Những năm 1975-1990, do đất nước còn nhiều khó khăn, sự quan tâm, chăm lo bảo đảm các chế độ chính sách cho cán bộ, chiến sĩ ở đảo chưa được nhiều. Do đó, cán bộ, chiến sĩ khi được điều động ra đảo tư tưởng không thật an tâm. Từ năm 1991 đến nay, ngoài các chế độ chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước dành cho quân nhân ở đảo, cấp ủy, chỉ huy đảo, Lữ đoàn, Vùng đã tích cực, chủ động làm tham mưu cho Đảng ủy và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng đề nghị trên ban hành nhiều chế độ, chính sách phù hợp với đặc thù của đảo. Làm tốt chính sách thương binh liệt sĩ, bảo đảm chu đáo, tận tình, góp phần làm giảm bớt nỗi đau mất mát của gia đình thân nhân thương binh, liệt sĩ đã vì Tổ quốc, vì nhân dân mà hy sinh. Kết quả đó đã động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ yên tâm, phấn khởi công tác, có ý chí quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        Tổ chức Đoàn thanh niên luôn được cấp ủy đảng, người chỉ huy và cán bộ chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Về tổ chức được thành lập chi đoàn ngay từ ngày đầu mới được giải phóng. Từ năm 1981 đến nay, cùng với sự phát triển của đảo, tổ chức đoàn được nâng cấp thành Liên chi đoàn gồm 4 chi đoàn trực thuộc, là lực lượng đông đảo, chủ yếu triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Trong những năm qua, hoạt động của Đoàn thanh niên luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực, sát thực tiễn, có nhiều phong trào thi đua sôi nổi như: “xung kích làm chủ vùng biển”; “Giành 3 đỉnh cao quyết thắng"; “Đảo thanh niên quản lý"; "Vọng gác thanh niên"; "Vườn rau thanh niên"... được phát triển rộng khắp, thực sự là lực lượng xung kích quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Kết quả phân tích chất lượng đoàn viên thanh niên từ năm 2000 đến năm 2006 đạt 96,5% khá và xuất sắc, không có đoàn viên yếu kém; 4 năm liên tục có 4/4 chi đoàn và liên chi đoàn đạt vững mạnh (2002- 2005); giới thiệu sang chi bộ xét kết nạp được 52 đoàn viên ưu tú vào Đảng; hàng trăm đoàn viên ưu tú là đối tượng phát triển Đảng. Liên chi đoàn được tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn và của Vùng 4 Hải quân, thực sự góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đảo vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt chức năng là lực lượng xung kích làm chủ vùng biển, đảo của Tổ quốc.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:12:39 pm
             
Phần ba

NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU NGUYÊN NHÂN VÀ TRUYỀN THỐNG

        I. NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

        1. Về chính trị, tư tưởng: cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây luôn có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu con đường xã hội chủ nghĩa, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vì sự bình yên của biển đảo; có lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc; có lòng nhân ái, nhân văn, yêu đồng chí, quý đồng đội, kính trọng nhân dân, yêu biển, yêu đảo. Tích cực học tập, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, các quy định của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng và đơn vị; nắm vững đường lối đối ngoại quân sự, quan điểm quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng; xác định rõ đối tượng, đối tác; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ hải quân góp phần quan trọng tô thắm truyền thống quân đội, Quân chủng anh hùng. Tuy ở xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây luôn nắm vững và thực hiện đúng đường lối đối ngoại quân sự của Đảng, Nhà nước. Những năm qua hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xung quanh khu vực đảo diễn ra thường xuyên, tăng cả về số lượng, cường độ và thời gian hoạt động, có lúc khá phức tạp, song đảo vẫn thực hiện đúng đối sách vừa bảo vệ được đảo, vừa giữ vững được môi trường hoà bình, không để xảy ra xung đột. Để tăng cường khả năng bảo vệ đảo lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đảo thường xuyên tuyên truyền vận động ngư dân các địa phương ra sản xuất trong khu vực đảo quản lý, có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, sẻ chia với nhân dân những khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân yên tâm làm ăn và cùng sát cánh với bộ đội bảo vệ đảo. Xa đất liền, xa hậu phương gia đình, sự thiếu thốn về đời sống văn hoá, tinh thần, tình cảm là thử thách thường xuyên đối với mọi cán bộ, chiến sĩ, song ý thức được trách nhiệm cao cả trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, vận mệnh của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất giữ vững bản lĩnh chính trị, lối sống. Dù khó khăn gian khổ vẫn một lòng, một dạ theo Đảng, tin vào tương lai, tiền đồ của đất nước, dân tộc; chấp nhận hy sinh, thiếu thốn, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, gác việc nhà, lo việc nước; tự động viên bản thân và gia đình gương mẫu làm tròn trách nhiệm với Tổ quốc Nội bộ đoàn kết thống nhất; dân chủ tốt, kỷ luật nghiêm; quý trọng nhân cách, quý trọng con người, gắn bó với đồng chí, đồng đội, kính trên nhường dưới, tôn trọng phụ nữ. Kiên quyết loại trừ văn hoá xấu độc, tích cực xây dựng môi trường văn hoá phong phú, lành mạnh, xây dựng đảo là điểm sáng văn hoá. Có thể nói, tuy còn những khó khăn, thiếu thốn, nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa thực sự là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ hải quân ưu tú. Trong giai đoạn hiện nay họ là người góp phần quan trọng tô thắm truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng, hình ảnh cao đẹp bộ đội Cụ Hồ. Đủ tư cách đại diện cho thế hệ mới, những người Việt Nam yêu nước cầm súng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:13:51 pm

        2. Từ khi được giải phóng đến nay, chi bộ, đảng bộ, chi ủy, Đảng ủy thường xuyên đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ, cấp ủy yếu kém. Đảng bộ đảo liên tục các năm từ 2000 đến 2006 đạt Đảng bộ trong sạch vững mạnh, được nhận Bằng khen của Đảng ủy Quân chủng về thành tích xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ lý luận và nhận thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, xây dựng Đảng bộ đảo trong sạch vững mạnh; có kiến thức quân sự, chính trị toàn diện, gương mẫu trong lời nói, việc làm, lối sống, thực sự là tấm gương trong sáng cho quần chúng noi theo. Đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm, đội ngũ đảng viên của đảo luôn dẫn đầu Đảng bộ Lữ đoàn 146 về tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liên tục không có đảng viên vi phạm tư cách đảng viên.

        Noi theo đảng viên, đoàn viên thanh niên của đảo luôn có hoài bão, lý tưởng, biết hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, chịu khó học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có kiến thức, sức khỏe, ý chí quyết tâm đóng góp nhiều sức lực trí tuệ xây dựng đơn vị, xây dựng Đảng bộ, xây dựng tổ chức đoàn, xứng đáng là lực lượng tin cậy, là cánh tay đắc lực của Đảng, con cháu của Bác Hồ. Nhiều đoàn viên vinh dự được đứng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.

        3. Phát huy truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng, hơn 30 năm qua cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây nêu cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, tinh thần độc lập, tự chủ, ý thức tự lập, tự cường, kiên trì khắc phục khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi gian nan thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt - bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo. Từ buổi đầu với muôn vàn khó khăn đến nay, bằng trí tuệ, mồ hôi, công sức của bộ đội, đảo đã xây dựng hàng trăm mét giao thông hào, hàng chục trận địa, hàng nghìn mét kè chống xói lở kiên cố đáp ứng yêu cầu chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, cơ động lực lượng, luyện tập các phương án chiến đấu. Nhận thức đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ đảo, ngày đêm cán bộ, chiến sĩ miệt mài luyện tập, nâng cao chất lượng huấn luyện, quan sát quản lý vùng biển, bảo đảm thông tin liên lạc, kịp thời phát hiện, nắm chắc tình hình, báo cáo chính xác, kiên quyết ngăn cản, xua đuổi, làm thất bại mọi hành vi xâm phạm của các lực lượng nước ngoài. Với tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao cho nên dù ở xa đất liền, xa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây luôn giữ vững được chủ quyền biển đảo. Ngay cả khi tình hình trong khu vực quần đảo Trường Sa có những thời điểm diễn biến rất phức tạp, căng thẳng nhưng đảo vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

        4. Tích cực khắc phục khó khăn bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

        Vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, cán bộ, chiến sĩ tích cực lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường, xây dựng doanh trại, xây dựng đảo xanh - sạch - đẹp, nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, giữ gìn bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Không khuất phục trước khó khăn, không trông chờ, ỷ lại vào hoàn cảnh, với tinh thần dựa vào sức mình là chính, bằng sức lao động của bộ đội, bộ mặt của đảo đã có sự thay đổi căn bản, khác xa so với những năm đầu mới giải phóng. Doanh trại khang trang, sạch đẹp, chính quy, xanh mát với hệ thống nhà ở, nhà làm việc, hội họp, sinh hoạt, học tập, nhà ăn, nhà bếp, vườn rau, cây cảnh, cây bóng mát, bến cảng, sân bay, công trình vệ sinh bảo đảm cho bộ đội có cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ, phong phú, vui tươi, lành mạnh.

        Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 1 1 tháng 6 năm 1999, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 204/KT-CTN tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:14:20 pm

        II NGUYÊN NHÂN

        Có những thành tích nói trên, trước hết là do sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, của Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 mà trực tiếp, thường xuyên là của Đảng ủy và chỉ huy Lữ đoàn 146. Thông qua chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết Đảng, Nhà nước, quân đội đã định hướng chính trị, tư tưởng và hành động làm cho bộ đội có nhận thức đúng đắn về tình hình, nhiệm vụ, có ý chí và quyết tâm cao, có hành động đúng, phù hợp mọi diễn biến của tình hình, những tình huống xảy ra, bảo đảm cho mọi hoạt động của đảo đúng hướng, có chất lượng và hiệu quả.

        Có sự đầu tư của Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở, của các đơn vị trong toàn quân, của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương ven biển, các tỉnh thành phía Nam, sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh, sự ủng hộ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài. Chính có sự đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ ủng hộ của mọi cấp mọi ngành, mọi tổ chức, mọi người, nhờ đó mọi mặt của đảo từng bước được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội được cải thiện, đó là nguồn động viên lớn, cổ vũ bộ đội cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh.

        Có sự hy sinh, phấn đấu, nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảng viên, đoàn viên, những người ngày đêm chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, vất vả, chịu đựng hy sinh mất mát để làm nên thành tích to lớn của đảo. Từ ngày đầu mới giải phóng đến nay, sự khó khăn thiếu thốn luôn là thử thách đối với bộ đội trên đảo. Có những thời điểm tình hình khu vực quần đảo Trường Sa rất căng thẳng. Song với ý chí, nghị lực, trách nhiệm, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, mọi khó khăn đều được vượt qua, đảo vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:15:05 pm

        III. TRUYỀN THỐNG

        Hơn 30 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây đã xây nên truyền thống:

        “Đoàn kết, chủ động.
        Khắc phục khó khăn.
        Kiên trì, cảnh giác.
        Giữ vững chủ quyền".

        “Đoàn kết, chủ động" là truyền thống tiêu biểu, xuyên suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đảo.

        Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công" và quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân, từ khi được giải phóng đến nay đảo Song Tử Tây luôn đoàn kết thống nhất thành một khối, lấy đoàn kết làm điểm tương đồng trong xây dựng và bảo vệ đảo.

        Đó là đoàn kết trong tập thể Đảng ủy, đoàn kết giữa Bí thư với Phó Bí thư với các ủy viên và giữa các ủy viên với nhau. Đó là đoàn kết giữa Bí thư với đảo trưởng và các phó đảo trưởng, giữa đảo trưởng với tập thể Đảng ủy và các phó đảo trưởng. Đoàn kết giữa cấp trên và cấp dưới, giữa Ban Chỉ huy đảo với Ban Chỉ huy cụm, phân đội, đội. Đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa cán bộ với cán bộ, chiến sĩ với chiến sĩ, giữa cán bộ cùng ngành với cán bộ khác ngành, giữa cơ quan đảo bộ với các đơn vị và giữa các đơn vị với nhau.

        Đó là đoàn kết giữa đảo với cán bộ, nhân viên nhà đèn, với ngư dân của các địa phương ra sản xuất, đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản và giữa đảo với các đoàn khách ra thăm, kiểm tra, nắm tình hình, tham quan du lịch.

        Đó là đoàn kết giữa đảo với các đảo trong quần đảo Trường Sa, với các tàu trực, với các đơn vị đóng quân, đứng chân trên vùng biển và thềm lục địa phía Nam.

        Chính nhờ có đoàn kết đó mà đảo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

        Quán triệt quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đảo luôn luôn chủ động triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ, giải quyết mọi yêu cầu, nhu cầu, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, không ỷ lại hoàn cảnh, không trông chờ ở trên. Đó là truyền thống, là nét đẹp văn hoá trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ có chủ động mà các phương án chiến đấu, các kế hoạch phòng thủ, các chương trình huấn luyện, các yêu cầu bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, các nhu cầu về cuộc sống vật chất, tinh thần, về thưởng thức văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, đọc sách báo, xem truyền hình, nghe đài, băng đĩa , khám chữa điều trị bệnh tật, hoạt động thể dục thể thao, tăng gia sản xuất đạt hiệu quả, ý nghĩa thiết thực và ngày càng khởi sắc.

        “Khắc phục khó khăn" là một truyền thống tiêu biểu xuyên suốt trong chiến đấu, xây dựng, bảo vệ và phát triển của đảo.

        Khó khăn là đặc điểm lớn, bao trùm lên mọi hoạt động của đảo. Khó khăn về điều kiện thiên nhiên như độ mặn, hơi nước cao dễ làm hư hỏng vũ khí, trang thiết bị, không thuận lợi cho rau, cây cối phát triển; mưa nắng không điều hoà, mùa khô nắng nóng gay gắt, mùa mưa kéo dài ảnh hưởng đến mọi hoạt động; gió, nước làm xói lở đê kè, đe dọa đến cuộc sống của đảo. Khó khăn về công tác bảo đảm như cung ứng, vận chuyển lương thực, thực phẩm, rau xanh, nguyên vật liệu, vũ khí, đạn dược, xăng dầu, tài liệu, sách báo. Khó khăn về bảo đảm thông tin liên lạc, truyền thông, truyền hình phủ sóng. Thấy hết những khó khăn, dựa vào sức mình là chính, cán bộ chiến sĩ không lùi bước, nỗ lực khắc phục, hoàn thành nhiệm vụ.

        Không có máy móc, chỉ có những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, bằng lao động chân tay, từ những ngày đầu mới giải phóng, cán bộ, chiến sĩ đã đào đắp sửa chữa hầm hố, hào giao thông, công sự, trận địa, san lấp mặt bằng, sửa chữa nhà cửa, thu dọn doanh trại, tổng vệ sinh làm cho bộ mặt của đảo thay đổi. Sau này, lực lượng công binh đưa máy móc, phương tiện và bộ đội ra, song cán bộ, chiến sĩ trên đảo không ỷ lại vào lực lượng công binh mà bằng lao động chân tay phối hợp với công binh đào hào, xây hầm, hố, lô cốt, công sự, trận địa, bến cảng, sân bay, nhà ở kiên cố làm thay đổi căn bản bộ mặt của đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:15:30 pm

        Trong điều kiện xa đất liền, việc bảo đảm đời sống bộ đội gặp nhiều khó khăn. Không khoanh tay trước khó khăn, cán bộ, chiến sĩ tận dụng từng mét đất, chắt chiu từng bát nước ngọt, từng hạt gạo, miếng cơm, thời gian trồng rau xanh, nuôi gia cầm, gia súc, đánh bắt tôm cá tự túc một phần thực phẩm tươi sống, nâng cao đời sống bộ đội. Nhà ở, giường nằm dột nát, xộc xệch bộ đội tự sửa chữa. Vũ khí, đạn dược bộ đội tự sắp xếp, lau chùi, bảo quản, niêm cất nhờ công sức bỏ ra mà chống được sự xuống cấp, phục vụ kịp thời cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu.

        Để nâng cao đời sống tinh thần, tình cảm của bộ đội, đảo tự tổ chức các buổi liên hoan văn hoá, văn nghệ, thi báo tường, báo liếp, đọc sách báo, nghe đài, xem ti vi, đọc thơ, xem băng đĩa tập thể, tự sáng tác, tự biên, tự diễn thơ ca, hò vè, nhạc kịch góp phần làm không khí trên đảo thêm sôi động, giảm bớt sự buồn tẻ, tản mạn, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.

        Hiện nay việc vận chuyển từ đất liền có thuận lợi hơn trước, việc đi lại tương đối thuận tiện, song khó khăn vẫn còn nhiều, cán bộ, chiến sĩ đảo tiếp tục động viên nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

        “Kiên trì, cảnh giác" là truyền thống vẻ vang của đảo.

        Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện xa sự lãnh đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, đòi hỏi tính độc lập cao. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đảo luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết, kiên trì thực hiện chủ trương, kế hoạch, đối sách.

        Giữa biển khơi, xung quanh nước bao bọc, xa các đảo trong khu vực, xa đất liền, nằm trong khu vực có sự tranh chấp, việc đề cao cảnh giác đập tan âm mưu của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nội bộ là vấn đề sống còn đối với đảo. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đảo, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ đảo, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đập tan âm mưu xâm chiếm, xâm lấn, đóng xen kẽ, các hoạt động trinh sát, khảo sát, thăm dò, các thủ đoạn khiêu khích của nước ngoài. Do đó, dù điều kiện bảo đảm cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hạn chế, đảo đã đối phó thắng lợi với các âm mưu phá hoại, xâm chiếm từ bên ngoài, không để xảy ra bất ngờ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đảo. Bảo vệ chính trị nội bộ trong sạch, đủ sức đánh bại mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch và các hành động phá hoại của nước ngoài; cán bộ, chiến sĩ có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có quan điểm giai cấp, ý thức địch, ta rõ ràng, phân biệt rõ bạn thù, đối tượng, đối tác Không làm bất cứ một việc gì ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn của đảo, xây dựng đảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

        Thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển rộng, thường xuyên diễn ra các hoạt động tranh chấp, đảo luôn kiên trì thực hiện đối sách, bám sát tình hình, bám sát chủ trương đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, bám sát chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, bám biển, bám đảo, kiên trì luyện tập các kế hoạch, đề án, nội dung chương trình xây dựng và bảo vệ đảo. Nhờ kiên trì mà đảo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

        “Giữ vững chủ quyền" là truyền thống vẻ vang, xuyên suốt của đảo.

        Hơn 30 năm qua, tình hình vùng biển, quần đảo Trường Sa luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ.

        Nhận thức sâu sắc, giữ vững chủ quyền là nhiệm vụ chính trị trọng tâm số 1 xuyên suốt của đảo, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, trực chiến, trực ban, trực chỉ huy, luyện tập, huấn luyện, củng cố, xây dựng công sự, trận địa, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Song song với nhiệm vụ quân sự, đảo không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động xây dựng và bảo vệ đảo như củng cố, kiện toàn tổ chức chỉ huy, tổ chức đảng, đoàn; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng đảo vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, Đảng bộ trong sạch vừng mạnh, tổ chức đoàn vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Với những cố gắng, nỗ lực đó đảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững chủ quyền đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:16:09 pm

        KẾT LUẬN

        Là đảo lớn trong quần đảo Trường Sa, có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự, giao thông; dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội; sự giúp đỡ của các Bộ, các ngành, các đơn vị trong và ngoài Quân chủng, của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương, của đồng bào, chiến sĩ cả nước; sự nỗ lực, phấn đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, quân nhân chuyên nghiệp, đảo Song Tử Tây đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, Đảng bộ trong sạch vững mạnh, lập nhiều thành tích xây đắp nên truyền thống vẻ vang của đảo Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

        Phát huy truyền thống, trong giai đoạn mới, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Song Tử Tây cần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

        1. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, đơn vị; âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch. Không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lêmn, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đôi mới; kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng mét san hô, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

        2. Nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện về mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo.

        3. Tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng thay thế cho nhau khi cần thiết. Trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ" và truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng Anh hùng.

        4. Chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đảo thành khối vững chắc, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân dân một ý chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi gian nguy, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ đảo thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, là niềm tin và chỗ dựa vững chắc của quần chúng. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        6. Tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược kinh tế biển, dự án đưa dân ra Trường Sa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết., cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây nêu cao trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, đáp ứng niềm tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Giữ vững và phát huy truyền thống đảo Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:31:54 pm
   
(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Truongsa_zpsnnxh1t5z.jpg)
Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề



ĐẢO SƠN CA XÂY DỰNG CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH 1975-2007

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/dao%20son%2015-1_zpsajtwshnh.jpg)

LỜI NÓI ĐẦU

        Cách Cam Ranh 331 hải lý về phía Đông là đảo nổi Sơn Ca, đảo có diện tích vào loại trung bình trong cụm Nam Yết. Trong hào khí của cuộc Tổng tiến công Xuân 1975, cùng với giải phóng miền Nam, giải phóng quần đảo

        Trường Sa, ngày 25 tháng 4 năm 1975, đảo Sơn Ca được giải phóng. Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển duỗi sự lãnh đạo của Đảng, sự giúp đỡ của nhân dân, sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của quân đội, Quân chủng Hải quân, đảo Sơn Ca đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao: bảo vệ vững chắc chủ quyền, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, đảng bộ trong sạch vững mạnh, được Đảng, Nhà nước, quân đội, Quân chủng tặng nhiều phần thưởng cao quý.

        Từ 48 cán bộ, chiến sĩ, với trang bị vũ khí thô sơ, nhà cửa tạm bợ đến nay đảo có lực lượng cán bộ, chiến sĩ quân nhân chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, xây dựng, bảo vệ đảo, được trang bị vũ khí nhiều chủng loại hiện đại, nhà cửa, doanh trại tương đối khang trang, sạch sẽ, thoáng mát, nền nếp, của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân về biên soạn truyền thông của quần đảo Trưởng Sa, Cục Chính trị tổ chức biên soạn cuốn sách: “Đảo Sơn Ca xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1975 - 2007)" nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca nói riêng, quần đảo Trưởng Sa nói chung vở làm tài liệu tuyên truyền.

        Trong quá trình biên soạn, Cục Chính trị nhận được sự giúp đỡ của các đồng chí trong Đảng ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca, của các đồng chí trong Đảng uỷ và chỉ huy Lữ đoàn 146. Tuy nhiên, thời gian đã hơn 30 năm kể từ ngày đảo được giải phóng, tài liệu lưu trữ không đầy đủ nên việc biên soạn khó tránh khỏi những thiếu sót.

        Nhân dịp này, Cục Chính trị Hải quân chân thành cảm ơn các đơn vị, cơ quan, tập thể, cá nhân và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã giúp đỡ để cuốn sách được in, xuất bản, phát hành đúng dịp kỷ niệm lần thứ 32 ngày đảo được giải phóng (5-4-1975 - 25-4-2007).

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN        




Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:35:56 pm

Phần một

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC  CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Phần hai

QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO SƠN CA (1975 - 2007)

        I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CỦA ĐẢO SƠN CA

        Đảo Sơn Ca nằm ở vĩ độ 10°22'42"N và kinh độ 114°28'33"E; cách đảo Ba Bình 6,2 hải lý về phía Đông. Đảo hình bầu dục, hẹp ngang, nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, nhưng thường thay đổi tùy thuộc vào mùa gió. Đảo dài khoảng 450 mét, rộng chừng 130 mét, khi thủy triều xuống thấp nhất, đảo cao từ 3,5 đến 3,8 mét. Trên đảo có nhiều cây cối xanh tốt, nhiều cây sống lâu năm lá xum xuê, rợp bóng mát rất thích nghi với điều kiện sinh sống của loài chim sơn ca. Do nhu cầu bản năng, chim sơn ca thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống nên người ta đặt tên cho đảo là Sơn Ca.

        Là đảo nổi, mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô, được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim, không có đất màu nên việc trồng rau xanh khó khăn. Nằm trên nền san hô ngập nước, nhưng đảo không có nước ngọt. Địa hình đảo tương đối đơn giản, nhô cao ở giữa, thoải dần về thềm san hô bao quanh đảo.

        Khí hậu, thủy văn ở đảo Sơn Ca mang đặc trưng khí hậu thủy văn của đảo Trường Sa, mùa hè mát, mùa đông ấm. Tuy nhiên do ở vĩ độ thấp nên thời tiết buổi trưa hơi oi bức. Mùa khô ở đảo bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Những tháng mùa khô, thời tiết rất khắc nghiệt, ngày nắng, nóng kéo dài từ sáng sớm đến sẩm tối. Tuy nhiên, đây lại là thời kỳ sóng yên, biển lặng rất thuận lợi cho tàu thuyền đi lại, làm ăn trong khu vực, nhất là các đoàn khách từ đất liền ra đảo không mấy khi gặp sóng to, gió lớn. Vì thế, tuy có nắng, nóng, chật chội và thiếu nước ngọt nhưng là những tháng mọi hoạt động của đảo trở nên sôi động. Thủy triều trên đảo là chế độ nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống. Số ngày nắng trên đảo thường dao động trên dưới 300 ngày trong năm. Đảo chịu sự chi phối của 3 khối gió mùa Đông Bắc, Đông Nam và Tây Nam, mạnh và hoạt động dài ngày là gió mùa Đông Bắc về mùa đông và gió mùa Tây Nam về mùa hè, mang hơi nước từ biển gây hư hại cho vũ khí, trang thiết bị và sinh trưởng của cây cối. Những tháng mùa mưa thời tiết mát mẻ hơn, nhưng hay có giông gió bão ảnh hưởng đến các hoạt động trên đảo.

        Thực vật ở đảo khá phong phú, đa dạng về chủng loại song nhiều hơn cả là cây bàng vuông, sồi, phi lao, muống biển và một số loài cỏ thân mềm có nguồn gốc tự nhiên và do cán bộ, chiến sĩ mang từ đất liền ra đảo, lâu ngày phù hợp với điều kiện thời tiết, thiên nhiên của đảo nên phát triển tốt, xanh mát quanh năm. Có thể nói, cùng với Song Tử Tây, Sơn Ca là một trong hai đảo có thảm thực vật phong phú, xanh tốt Xung quanh đảo, biển có nhiều loài ốc, cá, hải sâm. Chim có một số loài, nhiều hơn cả là chim sơn ca và một số loài chim di cư theo mùa. Do hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và sự săn bắt của con người nên hiện nay các loài chim, cá ngày càng ít đi.

        Cùng với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đảo Sơn Ca là lá chắn vòng ngoài bảo vệ sườn phía Đông của các tỉnh Nam Trung Bộ. Nằm trong cụm Nam Yết đảo Sơn Ca phối hợp với các đảo trong cụm và trong quần đảo tạo thành thế trận liên hoàn, bảo vệ cho mình và các đảo khác chống lại sự xâm chiếm, đóng xen kẽ của lực lượng nước ngoài. Từ đảo Sơn Ca có thể quan sát, phát hiện từ xa âm mưu, ý đồ của kẻ thù trước khi chúng đổ bộ vào đất liền, có phương án đối phó, ngăn cản, kìm chân địch, tạo điều kiện cho đất liền chuẩn bị thế trận chiến đấu với kẻ thù.

        Xung quanh đảo Sơn Ca, phía sát ngoài rìa của thềm san hô có nhiều loài cá quý như chim, thu, ngừ, mú và một số loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Mùa sóng yên biển lặng, tàu thuyền tập thể, cá nhân các địa phương ven biển Việt Nam và các nước trong khu vực đến đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản tương đối đông đúc. Một số loài cá xuất khẩu mang lại lợi nhuận kinh tế cao như cá ngừ đại dương, cá mú đã cho thấy giá trị kinh tế của khu vực đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:38:39 pm

        II XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, HUẤN LUYỆN, SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU

        Trong chiến dịch Tổng tiến công Xuân 1975 lịch sử sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn đảo Song Tử Tây, rạng sáng ngày 25 tháng 4 năm 1975, cán bộ, chiến sĩ Đội 1, Đoàn đặc công Hải quân 126 và Tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5 đi trên hai tàu 673 và 641 của Đoàn 125 do Thiếu úy Đỗ Viết Cường chỉ huy bí mật đổ bộ, tiến công tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 25 tên địch cùng vũ khí, phương tiện, giải phóng đảo Sơn Ca. Sáng sớm ngày 25 tháng 4 năm 1975, lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trước gió báo hiệu Sơn Ca được hoàn toàn giải phóng góp phần cùng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa mang đại thắng lợi trọn vẹn cho nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từ đây,ngày 26 tháng 4 hàng năm trở thành ngày truyền thống của đảo.

        Giữ vững thành quả đã đạt được, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng, cán bộ, chiến sĩ của Hải quân và Quân khu 5 được bổ sung quân từ đất liền tiếp tục ở lại bảo vệ đảo. Tình hình trên đảo lúc này có nhiều khó khăn, mọi thứ đều thiếu thốn, vượt qua khó khăn, 48 cán bộ, chiến sĩ của phân đội dưới sự chỉ huy của đồng chí Trung úy Nguyễn Đức Hải, đảo trưởng và đồng chí Chuẩn uý Nguyễn Đức Hùng, chính trị viên vừa củng cố nơi ăn, chốn ở, doanh trại, công sự, trận địa, hầm hố cá nhân, giao thông hào, vừa bắt tay vào huấn luyện chiến đấu, luyện tập các phương án phòng thủ, tổ chức tuần tra, canh gác, trực chiến, chuẩn bị khí tài, vũ khí, phương tiện thông tin liên lạc, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Người ít, nhiệm vụ nặng nề, song nhờ có ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo. Họ là những người có công lớn xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và phát triển của đảo Sơn Ca.

        Về tổ chức chỉ huy, lúc đầu, đảo chỉ có một phân đội chiến đấu gồm 2 trung đội và 1 trung đội thông tin liên lạc phục vụ cho chỉ huy chiến đấu. Đến năm 1979, đảo được nâng lên tương đương cấp tiểu đoàn gồm Ban chỉ huy đảo, Phân đội 1, Phân đội 2 và Trung đội thông tin. Từ năm 1981 đến năm 1987, đảo chính thức được nâng cấp thành tiểu đoàn. Tổ chức lực lượng có Ban chỉ huy đảo, các đại đội 1, 2, 3 và Trung đội thông tin. Trang bị vũ khí, ngoài các loại súng bộ binh, các loại mìn, các khí tài quan sát, phòng hoá, phòng không, năm 1987 được tăng cường một trung đội xe tăng. Từ năm 1988 đến năm 2006, theo yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, tổ chức lực lượng của đảo có bước phát triển. Đại đội 1 nâng thành Cụm chiến đấu I, Đại đội 2 nâng thành Cụm chiến đấu II, khẩn trương củng cố các phân đội trực thuộc. Các loại súng pháo, khí tài được chấn chỉnh phù hợp với tổ chức biên chế và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của đảo.

        Kết hợp chặt chẽ việc xây dựng phát triển lực lượng, đảo không ngừng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm thường xuyên là xây dựng và bảo vệ chủ quyền đảo. Trong đó, công tác nắm địch, bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện được chú trọng và đạt được nhiều thành tích tốt.

        Về công tác nắm địch, ngay từ những ngày đầu giải phóng, việc trang bị phương tiện, công cụ nắm địch còn thô sơ, chưa có máy móc tinh vi, chủ yếu là bằng mắt thường và ống nhòm, song hàng ngày vẫn phát hiện hàng chục lần tàu thuyền, máy bay nước ngoài hoạt động trong khu vực. Trong giai đoạn hiện nay, được trang bị phương tiện, khí tài tương đối hiện đại kết hợp với quan sát bằng mắt thường nên khả năng nắm địch được nâng lên, không chỉ đếm được số lượng tàu thuyền mà còn phân biệt được chủng loại. Năm 2006, đảo đã quan sát phát hiện được 2.924 lần chiếc máy bay nước ngoài hoạt động ở các bãi cạn xung quanh khu vực và bay qua vùng trời của đảo. Có nhiều tàu cá vào cách đảo từ 1,5 đến 2 hải lý thả xuồng đánh bắt hải sản và trinh sát, đảo đã dùng nhiều biện pháp kiên quyết xua đuổi. Các lực lượng quan sát, canh gác ngày đêm đăng ký thống kê số lượng, số hiệu, kiểu loại, chủng loại, diễn biến hành động, kịp thời báo cáo cấp trên và xử lý.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:38:58 pm

        Thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, lực lượng trực chiến 24/24 giờ, sẵn sàng xử lý các tình huống bất thường xảy ra. Tích cực, chủ động tổ chức luyện tập các phương án chiến đấu phòng ngự, phương án đánh địch tập kích người nhái, tập kích đường không, đổ bộ đường biển, phòng chống cháy nổ, bão lũ, cứu nạn cả ngày lẫn đêm, thời tiết tốt, xấu. Hàng tháng, toàn đảo báo động diễn tập các phương án chiến đấu một lần, cụm chiến đấu một đến hai lần, phân đội ba đến bốn lần. Thông qua luyện tập, cán bộ, chiến sĩ nâng cao ý thức địch tình, tư thế, động tác, tác phong chỉ huy chiến đấu được nâng lên, sự hiệp đồng giữa các lực lượng, đơn vị, cơ quan, bộ phận chặt chẽ sát với từng phương án chiến đấu, bảo đảm khả năng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu thắng lợi.

        Trung đội thông tin liên lạc được tổ chức ngay từ ngày đầu đảo mới giải phóng, trình độ thông tin liên lạc ngày càng được nâng lên bảo đảm nhanh, chính xác, tin cậy, bí mật, an toàn, thông suốt, nhất là chấp hành nghiêm chế độ và kỷ luật thông tin liên lạc, bảo đảm liên lạc giữa đảo với bờ, đảo với đảo, chuyển điện đi đến đúng nguyên tắc. Năm 2006, chuyển hơn 5.000 công điện đi đến, 11.000 công điện đối hải, tỷ lệ liên lạc điện tín thường xuyên đạt 98,98% điện thoại đạt 99,99%. Quản lý, khai thác, sử dụng các loạt khí tài thông tin có chất lượng ngày càng cao.

        Công tác huấn luyện được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao. Đảo thường xuyên giáo dục, quán triệt sâu sắc các mệnh lệnh, chỉ thị huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện; kiện toàn biên chế tổ chức, quân số, xây dựng kế hoạch nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện cho các đối tượng; bảo đảm vũ khí, trang bị, phương tiện, khí tài, giáo án, mô hình học cụ sát, đúng, phù hợp; hoàn chỉnh hệ thống bảng, biểu, sổ sách chính quy, đúng mẫu quy định, sát với tình hình thực tế, yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Hàng năm tổ chức tập huấn cán bộ các cấp từ khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng đến phân đội, cụm chiến đấu và đạt 100% về thời gian, quân số, củng cố, bổ sung hệ thống sổ sách, tài liệu, giáo án, mô hình học cụ, bảo đảm cho cán bộ đủ các yếu tố huấn luyện theo yêu cầu chính quy.

        Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, công tác bảo đảm còn nhiều khó khăn song cán bộ, chiến sĩ đã bám sát nhiệm vụ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, liên tục ngày đêm luyện tập, huấn luyện, bảo đảm thông tin liên lạc, khí tài, vũ khí trang bị, thao trường, bãi tập, mô hình học cụ để hoàn thành các nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện, có chất lượng, kết quả năm sau cao hơn năm trước. Bộ đội nắm vững kỹ thuật, chiến thuật các yếu lĩnh động tác, xử lý chính xác các tình huống, làm chủ vùng biển, đảo, không để xảy ra bất ngờ, an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Được Bộ Tư lệnh Hải quân, Vùng 4, Lữ đoàn 146 tặng Cờ thưởng, Bằng khen, Giấy khen về thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị.

        Về rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, đổi mới phong cách tác phong công tác theo tinh thần Nghị quyết 1438 của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảng viên, đoàn viên được quán triệt đầy đủ, sâu sắc Nghị quyết 1438, Chỉ thị 37, 85, 733 của Quân chủng; các nghị quyết, chỉ thị của Vùng 4, Lữ đoàn 146 và các quy định cụ thể của Ban chỉ huy đảo.

        Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết chuyên đề của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng, đảo thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 1438 gồm 5 đồng chí do đồng chí đảo trưởng làm Trưởng ban đã kiên quyết nhắc nhở uốn nắn những hành vi thiếu đúng đắn trong thực hiện nghị quyết của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng và chỉ thị của Bộ Tư lệnh. Những nội dung về “5 xây, 5 chống, 5 không” được cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm.

        Đảo thường xuyên duy trì chặt chẽ, nghiêm túc chế độ học tập, công tác, sinh hoạt ngày, tuần, tháng. Hàng ngày tổ chức giao ban tình hình giữa Ban chỉ huy đảo với Ban chỉ huy các cụm, phân đội. Hàng tháng tổ chức chào cờ, diễu duyệt đội ngũ toàn đảo Lễ tiết, tác phong, mang mặc, xưng hô, chào hỏi thực hiện đúng quy định. Từ cơ quan đảo bộ đến phân đội, nơi ăn, ở thường xuyên gọn gàng, ngăn nắp. Cán bộ đảo luôn sâu sát đơn vị, nắm chắc tình hình ở các cụm, phân đội, nhất là tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, có biện pháp tích cực giải quyết những vướng mắc bảo đảm giữ vững sự ổn định thường xuyên.

        Mọi quân nhân từ cán bộ đến chiến sĩ đều chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội. Trong quan hệ đồng đội, đồng chí, quan hệ quân dân, cấp trên, cấp dưới thực hiện đúng lời thề danh dự của quân nhân. Đảo là một trong các đơn vị nhiều năm không có các vụ vi phạm kỷ luật.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:41:02 pm

        III BẢO ĐẢM TỐT CÔNG TÁC HẬU CẦN, KỸ THUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ CHIẾN ĐẤU, SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG, BẢO VỆ ĐẢO VÀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VẬT CHẤT, TINH THẦN CỦA BỘ ĐỘI

        1. Công tác hậu cần.


        Nằm giữa biển Đông, quanh năm chịu sự chi phối của thời tiết biển, nắng, nóng, gió mạnh thường xuyên ảnh hưởng đến hoạt động chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng, bảo vệ đảo và đời sống bộ đội. Những vấn đề về bảo đảm nhu cầu ăn, ở, mặc, chăm sóc sức khỏe bộ đội luôn là thách thức với lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đảo.

        Nhận thức sâu sắc đặc điểm, điều kiện thiên nhiên và nhu cầu cuộc sống bộ đội, ngay từ ngày đầu đảo được giải phóng, công tác bảo đảm hậu cần được đặt ra một cách khẩn trương và có nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp, mang lại kết quả tốt.

        Về bảo đảm ăn cho bộ đội, trong những năm 1975-1990, trong điều kiện khó khăn chung của đất nước, nên khả năng bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bộ đội nói chung, cho bộ đội ở đảo và Trường Sa nói riêng rất khó khăn; việc vận chuyển từ đất liền không mấy thuận lợi, tàu thiếu, máy cũ kỹ lạc hậu, không bảo đảm cho hành trình, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu, nhiều tháng không có tàu ra đảo. Quyết tâm khắc phục khó khăn, với ý thức tự lực, dựa vào sức mình là chính, cán bộ, chiến sĩ thực hiện triệt để tiết kiệm lương thực, thực phẩm đồng thời đẩy mạnh tăng gia quanh đảo, quanh nhà, cố gắng bảo đảm thành phần dinh dưỡng, nâng cao chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Có thể nói, trong điều kiện khó khăn, song đảo Sơn Ca là một đơn vị bảo đảm đời sống bộ đội tốt, được Quân chủng đánh giá cao. Từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 5 năm 1979, đoàn cán bộ của Vùng 4 và Bộ Tư lệnh Quân chủng do đồng chí Nguyễn Đình Tạc và đồng chí Trịnh Tuần dẫn đầu ra thăm và kiểm tra đã nhận xét: "Các đồng chí có nhiều cố gắng đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng bầu bí, chăn nuôi, đánh bắt hải sản, nâng cao đời sống bộ đội". Giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2006, điều kiện kinh tế đất nước phát triển, cung cấp lương thực, thực phẩm, rau xanh từ đất liền có thuận lợi hơn trước, tàu thuyền ra đảo nhiều và thuận lợi hơn, song quán triệt sâu sắc quan điểm hậu cần tại chỗ và phong trào: “Ngành hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy”, đảo vẫn đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tự túc một phần thực phẩm, rau xanh, tích cực trồng cây xanh bóng mát, tạo cho đảo có môi trường thiên nhiên dịu mát. Đảo thường xuyên duy trì đàn lợn hàng chục con, gà hàng trăm con, trồng rau muống, rau cải, bầu, bí, mướp. Năm 2006, thu hoạch được hơn 9.000kg rau xanh các loại, đạt 5,8kg/người/tháng, giá trị tính theo đầu người đạt 10.540 đồng/người/năm, 5,5 tấn cá, đạt 3kg/người/tháng, thịt các loại 3 tấn, đạt 1,5kg/người/tháng, thành tiền đạt 583.000 đồng/người/năm. Nước ngọt bảo đảm 15 lít/người/ngày. Cùng với nguồn cung cấp, bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định, việc đẩy mạnh phong trào tăng gia đã tiếp tục cải thiện, bữa ăn hàng ngày của bộ đội được cải thiện.

        Về bảo đảm quân trang, sau giai đoạn kinh tế đất nước khủng hoảng, việc bảo đảm mặc cho bộ đội khó khăn, từ năm 1990 đến nay, bộ đội có đủ quân trang dùng chung, quân trang cá nhân. Có quân trang thường dùng trong học tập, huấn luyện, công tác, sinh hoạt, có quân trang trong luyện tập, trong hành quân dã ngoại và trong thao tác.

        Về bảo đảm doanh trại, quán triệt sâu sắc quan điểm tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính. Ngày đầu mới giải phóng, nhà ở dột nát, thiếu thốn, cán bộ, chiến sĩ đã bỏ hàng trăm ngày công lợp lại mái nhà; quét sơn giường tủ, tu sửa nhà bếp, nhà ăn từng bước cải thiện. Từ năm 1990 đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của nhân dân cả nước, hệ thống nhà ở, nhà ăn, nhà bếp, doanh trại của đảo được đổi mới nâng cấp, khang trang, sạch, đẹp và chính quy hơn.

        Tổ chức tiếp nhận, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý, đúng mục đích các loại hàng hoá, cơ sở vật chất hậu cần như lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc quân y, dụng cụ cấp dưỡng bảo đảm đủ chế độ, tiêu chuẩn, ổn định thường xuyên sinh hoạt của bộ đội và dự trữ sẵn sàng chiến đấu theo quy định, không để xảy ra lãng phí, thất thoát. Kho tàng sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, thông thoáng, không để hàng hoá bỉ ẩm ướt, mục nát; bảo đảm chất lượng phục vụ đời sống của bộ đội.

        Đảo duy trì nền nếp công tác phòng dịch, vệ sinh. Hàng tuần, từ cơ quan đảo đến đơn vị tổ chức tổng vệ sinh, bảo đảm môi trường luôn trong lành, thoáng mát, sạch sẽ.

        Tổ quân y thường xuyên kiểm tra vệ sinh nhà ăn, nhà ở, nhà làm việc, khu vực sinh hoạt công cộng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều năm liên tục không để xảy ra dịch bệnh. Đồng thời có kế hoạch khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho 100% cán bộ, chiến sĩ. Chủ động khám, điều trị bệnh, tất cả cán bộ đến chiến sĩ đều được chăm sóc sức khỏe, hưởng các dịch vụ y tế, quân số khỏe luôn đạt từ 98,7% trở lên. Ngoài việc bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội, tổ quân y của đảo đã cấp cứu, điều trị cho nhiều ngư dân các địa phương ra sản xuất. Đặc biệt năm 2003, đảo đã cứu 2 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị lực lượng nước ngoài bắn trọng thương thoát khỏi tử vong, được Bộ Tư lệnh Quân chủng gửi điện khen; cứu 1 ngư dân vận hành máy bị giập tay và 1 ngư dân viêm ruột thừa cấp được phẫu thuật kịp thời. Tổ quân y của đảo liên tục được công nhận danh hiệu Quân y 5 tốt.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:41:45 pm

        2. Công tác bảo đảm kỹ thuật

        Quản lý, khai thác, sử dụng một khối lượng lớn vũ khí, máy móc, xe pháo, cơ sở vật chất, kỹ thuật trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt. Được lãnh đạo, chỉ huy của đảo quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, được cán bộ, chiến sĩ tự giác thực hiện, công tác bảo đảm kỹ thuật đạt được kết quả tốt. Hơn 30 năm qua, đảo đã tập trung bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, lau chùi, niêm cất, sử dụng đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng và bảo vệ đảo. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, đảo động viên cán bộ, chiến sĩ tiết kiệm dầu mỡ, giẻ lau, thực hiện nghiêm ngày kỹ thuật, giờ bảo quản nên hệ số bảo đảm kỹ thuật luôn đạt cao.

        Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa tác dụng to lớn cuộc vận động "Quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông" và khâu đột phá “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật", Đảng ủy bộ phận có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện cuộc vận động. Ban chỉ huy, trực tiếp thường xuyên là đồng chí đảo trưởng chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ thực hiện. Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật ở các cụm chiến đấu, các phân đội xe tăng, pháo, trung đội thông tin, tổ quân y trung bình mỗi năm đầu tư hàng trăm ngày công cho việc sửa chữa phương tiện, máy móc, xe pháo. Nhiều hạng mục hư hỏng của xe tăng theo phân cấp, phải sửa ở nhà máy, anh em tự khắc phục sửa chữa bảo đảm xe luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, lợi cho công quỹ hàng triệu đồng. Hai năm 2005, 2006, cùng với Nhà máy Z753, Phòng Kỹ thuật Vùng 4, Lữ đoàn 146, đảo đã bảo dưỡng, sửa chữa được 48 lượt cho 24 khẩu pháo (trung bình pháo mặt đất, pháo phòng không, pháo tăng được 2 lượt trên 1 khẩu). Nhà xe, kho vũ khí đạn được che đậy, sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát. Thực hiện theo quy định của trên, đảo đã tiến hành các nguyên tắc, thủ tục hủy 9 tấn đạn cấp 5, đổi 20 tấn đạn bị ngập nước mặn vào bờ an toàn. Hệ số bảo đảm sẵn sàng chiến đấu của vũ khí, trang bị kỹ thuật đạt 100%, hệ số hoạt động của xe máy đạt 96% phục vụ kịp thời yêu cầu huấn luyện, bắn đạn thật, cơ động, di chuyển lực lượng, báo động chiến đấu, giữ vững thông tin liên lạc, quản lý vùng biển ngày càng có hiệu quả hơn.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:43:45 pm

        IV. XÂY DỰNG ĐẢO VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ, LÀM CƠ SỞ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỔNG HỢP, SỨC CHIẾN ĐẤU, LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ HOÀN THÀNH XUẤT SẮC MỌI NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO

        Nhận thức đúng vai trò của công tác đảng, công tác chính trị trong toàn bộ hoạt động xây dựng và - bảo vệ đảo, hơn 30 năm qua, đảo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện đầy đủ, chất lượng hiệu quả các hoạt động của công tác đảng, công tác chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của đảo.

        Về giáo dục chính trị, tư tưởng. Đảo đã tổ chức quán triệt sâu sắc nghị quyết của các đại hội Đảng toàn quốc; các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, của Vùng, Lữ đoàn; các tài liệu giáo dục cơ bản cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, các chương trình bổ trợ; các tài liệu, đề cương giáo dục tình hình nhiệm vụ của Quân chủng, của Vùng, Lữ đoàn; các vấn đề nảy sinh có tính khẩn trương đối với vùng biển, đảo của Tổ quốc; các nội dung thời sự, nghe đài, xem truyền hình; các nội dung về xây dựng môi trường văn hoá, truyền thống, lịch sử cho cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên thanh niên đạt mục đích, yêu cầu, chất lượng, hiệu quả.

        Qua giáo dục quán triệt, cán bộ, chiến sĩ biểu thị sự nhất trí cao với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp đổi mới đất nước, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định độc lập dân tộc, mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Có trình độ và bản lĩnh chính trị vững vàng. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, trong nước, trung khu vực, trên biển, âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, cán bộ, chiến sĩ luôn sáng suốt, bình tĩnh phân tích, đánh giá tình hình, làm chủ bản thân, không hoang mang, dao động, bi quan, xác định tốt trách nhiệm, phân biệt rõ bạn thù, đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn hoạt động phá hoại, xâm lấn của các lực lượng nước ngoài đối với đất nước và vùng biển của ta. Nắm vững đối sách, nguyên tắc, xử lý đúng các tình huống và đối phó thắng lợi các diễn biến phức tạp của tình hình. Nêu cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vì chủ quyền vùng biển, đảo. Yên tâm với vị trí, nhiệm vụ được giao, gắn bó với đảo, coi đảo là nhà, biển là quê hương, mang hết khả năng, nhiệt tình, sức lực bảo vệ và xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt, làm cho bộ mặt đảo ngày càng đổi mới. Có thể nói, mặc dù điều kiện ở đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, bất cập nhưng những quân nhân của đảo luôn giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng, bản sắc văn hoá dân tộc, đạo lý, nhân cách người Việt Nam. Họ xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ, người cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú. Đúng như lời khen của đồng chí Tư lệnh Giáp Văn Cương và đồng chí Chính ủy Hoàng Trà dẫn đầu đoàn cán bộ của Quân chủng ra thăm và kiểm tra đảo từ ngày 24 đến ngày 27 tháng 4 năm 1978, nhân dịp 3 năm ngày đảo được giải phóng đã ghi vào sổ truyền thống của đảo: Chúng tôi rất phấn khởi thấy cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã tiến bộ rất nhiều trong việc chuẩn bị chiến đấu bảo vệ đảo, cũng như xây dựng đảo về mọi mặt toàn diện vững chắc; Bộ Tư lệnh Quân chủng nhiệt liệt khen ngợi, biểu dương thành tích của tập thể cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Mong rằng các đồng chí tiếp tục giữ vững và phát huy thành tích của đảo, truyền thống của Quân chủng".

        Về công tác bảo vệ - an ninh. Nằm trong khu vực có nhiều lực lượng nước ngoài thường xuyên hoạt động, xa đất liền, xa người thân, hậu phương gia đình, sự thiếu thốn về tình cảm là thử thách đối với cán bộ, chiến sĩ của đảo. Nhận rõ đặc điểm này, ngay từ ngày đầu đảo được giải phóng, cấp ủy, chỉ huy luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, giáo dục, kiểm tra thường xuyên, hệ thống chiến sĩ bảo vệ nắm chắc mọi diễn biến tư tưởng, hành vi, kịp thời đề xuất biện pháp giải quyết nên không để xảy ra những vấn đề phức tạp về an ninh, bảo đảm đảo luôn trong sạch về chính trị, tình hình mọi mặt của đảo ổn định. Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảng viên, đoàn viên thanh niên tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Tình hình chính trị nội bộ đảo luôn trong sạch. Qua tổng kết 10 năm xây dựng môi trường văn hoá (1995-2005), 5 năm công tác bảo vệ an ninh, 5 năm tuyên truyền, phổ biến pháp luật (2000-2005) đảo được công nhận là đơn vị an toàn tuyệt đối.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:44:24 pm

        Về công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt. Đứng chân trên vùng biển thường xuyên có tàu thuyền của ngư dân các địa phương ra sản xuất, đánh bắt hải sản, có nhiều lực lượng tàu cá, tàu chiến, tàu vận tải của nước ngoài hoạt động vi phạm chủ quyền biển đảo của ta. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt, đảo thường xuyên có mối quan hệ chặt chẽ với ngư dân các địa phương, nắm chắc tình hình, xây dựng quan hệ quân dân gắn bó, tạo điều kiện ủng bộ, giúp đỡ lẫn nhau. Qua dân, bộ đội nắm thêm được tình hình vùng biển và tạo điều kiện giúp đỡ nhân dân. Những năm gần đây, ngư dân ra sản xuất trên vùng biển ngày càng nhiều, dài ngày, đảo hỗ trợ nước ngọt, lương thực, rau xanh, cấp cứu, điều trị cho dân khi ốm đau, hoạn nạn. Năm 2003, đảo đã cấp cứu 3 ngư dân Quảng Ngãi bị tàu nước ngoài bắn bị thương, 1 ca viêm ruột thừa cấp, đã để lại trong lòng dân hình ảnh cao đẹp về người lính Bộ đội Cụ Hồ. Thường xuyên đề cao ý thức địch tình, nắm vững các hoạt động của tàu thuyền nước ngoài, có đối sách xử lý đúng đắn, quản lý, khai thác, sử dụng, phát huy có hiệu quả các phương tiện, công cụ tuyên truyền, thuyết phục lực lượng tàu thuyền nước ngoài tử bỏ âm mưu xâm lấn, phá hoại, tự giác rút khỏi vùng biển của ta.

        Về công tác cán bộ, chính sách. Những năm qua, đảo thường xuyên có biến động cả về tổ chức, biên chế, lực lượng, song đội ngũ cán bộ đảo luôn được kiện toàn củng cố bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời điểm, từng giai đoạn. Từ khi được giải phóng đến nay, Ban chỉ huy đảo, cụm chiến đấu, phân đội luôn được kiện toàn, từ một số cán bộ do đồng chí Nguyễn Đức Hải, đảo trưởng và đồng chí Nguyễn Đức Hùng, chính trị viên phụ trách, đến nay đội ngũ sĩ quan của đảo được phát triển về cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy gồm đảo trưởng, đảo phó quân sự, chính trị viên đảo, cụm trưởng, cụm phó quân sự, chính trị viên cụm chiến đấu. Ngoài ra có đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp hoạt động ở các lĩnh vực, ngành nghề chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật, hậu cần, tài chính, thông tin, báo vụ, quan sát. Qua thực tiễn học tập công tác, quản lý, chỉ huy điều hành, đội ngũ cán bộ có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có ý thức trách nhiệm trước công việc, có quan điểm đúng đắn, có tâm, có đức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Nhiều đồng chí hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn vẫn xác định tốt trách nhiệm, yên tâm phục vụ Chấp hành và thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, trong điều kiện khó khăn, đảo tích cực giải quyết các chế độ, chính sách cho bộ đội và hậu phương quân nhân, góp phần động viên bộ đội yên tâm thực hiện nhiệm vụ.

        Cùng với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bảo vệ an ninh, bảo vệ chính trị nội bộ, dân vận tuyên truyền đặc biệt, chính sách, xây dựng đội ngũ cán bộ có số lượng phù hợp, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong các giai đoạn, công tác xây dựng đảng bộ đảo trong sạch vững mạnh làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị được Đảng bộ đặt ra ngay từ đầu và triển khai từng bước đạt kết quả tết.

        Năm 1975, chi bộ đảo chỉ có 5 đảng viên trên tổng số 48 cán bộ, chiến sĩ, tỷ lệ lãnh đạo là 10,2%. Quán triệt sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, chi bộ đã tập trung lãnh đạo khắc phục khó khăn nhanh chóng ổn định tình hình mọi mặt, tập trung củng cố công sự, trận địa, dọn dẹp tu sửa doanh trại, sắp xếp nơi ăn, ở, tổ chức tuần tra, canh gác, giữ vững chủ quyền. Đến năm 1979, do chú trọng công tác phát triển đảng nên tỷ lệ lãnh đạo được nâng lên 18,2%.

        Năm 1997, chi bộ đảo được nâng cấp lén đảng bộ bộ phận gồm 3 chi bộ. Đảng ủy bộ phận có 5 đảng ủy viên, đồng chí Thiếu tá Vũ Xuân Tuấn, đảo phó chính trị làm Bí thư; đồng chí Thiếu tá Vũ Bá Minh, đảo trưởng làm Phó Bí thư Đảng ủy. Tình hình đội ngũ đảng viên và hệ thống tổ chức đảng của đảo cơ bản được giữ vững cho đến nay. Tuy nhiên, do đảo thực hiện luân phiên cán bộ theo quy định của Bộ Quốc phòng và chỉ đạo của Quân chủng nên nhân sự của Ban Chấp hành Đảng bộ và chi bộ thường thay đổi. Hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ bộ phận của đảo có 4 đồng chí, do đồng chí Trung tá Đỗ Văn Thức, chính trị viên đảo làm Bí thư; đồng chí Trung tá Lê Văn Viện, đảo trưởng làm Phó Bí thư.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:45:36 pm

        Kể từ khi được nâng cấp lên Đảng bộ bộ phận, Đảng bộ đảo đã qua 4 kỳ đại hội. Mỗi đại hội là một mốc son đánh dấu sự phát triển, trưởng thành của đảo và kết quả lãnh đạo của Đảng bộ. Trong Báo cáo chính trị của Đảng ủy tại Đại hội Đảng bộ lần thứ IV tháng 5 năm 2005 đã đánh giá: "Trong hơn 2 năm qua, tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của đảo nặng nề, khẩn trương, song cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên thanh niên luôn tin tưởng vào sụ lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Nhận thức sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, đối tượng tác chiến. Chấp hành nghiêm chỉ thị, nghị quyết của cấp trên. Nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng huấn luyện, chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của đảo lên một bước mới vững chắc, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đảo trong mọi tình huống. Xây dựng nền nếp chính quy có nhiều tiến bộ, tích cực, chủ động khai thác, sử dụng có hiệu quả vũ khí trang bị kỹ thuật, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, trồng rau, chăn nuôi, đời sống bộ đội được cải thiện tốt. Nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng nâng lên, bộ mặt của đảo ngày càng đổỉ mới".

        Đánh giá về kết quả lãnh đạo của Đảng bộ, Báo cáo chính trị của Đảng ủy nhấn mạnh: “Quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên và cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, qua 2 năm sơ kết đã rút ra nhiều bài học thiết thực trong xây dựng Đảng bộ. Trong đó việc xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, tổ chức đoàn vững mạnh, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ, tăng cường công tác phát triển đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, cấp ủy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nặng nề của đảo là những bài học có ý nghĩa sâu sắc".

        Tại đại hội, các đại biểu đều thể hiện sự nhất trí cao với Báo cáo chính trị của Đảng ủy và nhất trí đánh giá: Tuyệt đại đa số đảng viên trong Đảng bộ nhận thức được tình hình nhiệm vụ và lý giải được những vấn đề do thực tiễn đặt ra, trách nhiệm, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực vận động quần chúng được nâng lên. Có ý chí quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, không có quan điểm, tư tưởng sai trái; hoàn thành tốt cương vị chức trách được giao ở mức khá và tốt, yên tâm gắn bó xây dựng đảo, gương mẫu trước quần chúng, được quần chúng tín nhiệm. Kết quả đánh giá chất lượng đảng viên năm sau cao hơn năm trước.

        Đảng bộ thường xuyên duy trì nghiêm túc, có nền nếp các chế độ sinh hoạt, học tập. Đảng ủy luôn đổi mới việc chuẩn bị và ra nghị quyết lãnh đạo đúng quy trình, phát huy được dân chủ, trí tuệ tập thể, bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách tạo được sự thống nhất cao trong tổ chức thực hiện nghị quyết. Cấp ủy các cấp đã cụ thể hoá, đề ra nội dung, biện pháp lãnh đạo sát, đúng với từng nhiệm vụ, từng giai đoạn, có trọng tâm, trọng điểm, tính khả thi cao. Xây dựng Đảng bộ mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. 3/3 chi bộ có chi ủy và thường xuyên được kiện toàn đủ số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý. Đảng bộ thường xuyên đoàn kết, thống nhất cả về ý chí và hành động, hiệu lực lãnh đạo được nâng lên rõ rệt, nhất là lãnh đạo huấn luyện, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng nền nếp chính quy, bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, đời sống văn hoá, tinh thần, cảnh quan môi trường ngày càng tiến bộ vững chắc.

        Những nhận định, đánh giá đó không chỉ được Đại hội của Đảng bộ đảo nêu ra mà trên thực tế, sau đại hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chi bộ, của Đảng ủy, chi ủy đảo tiếp tục giữ vững ý chí quyết tâm, tích cực xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường". Cán bộ, chiến sĩ ngày càng nhận thức sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, ý thức được vận mệnh dân tộc, trách nhiệm chính trị của bản thân, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2006 đã phát hiện hơn 2.000 lượt máy bay, tàu chiến, tàu cá, tàu vận tải, tàu buôn của các nước hoạt động, qua lại trong khu vực quản lý của đảo. Có nhiều lần tàu, xuồng của người nước ngoài hoạt động gần bãi san hô, bộ đội kiên trì thực hiện đối sách, đã xua đuổi ra khỏi vùng biển do ta quản lý. Tích cực huấn luyện, thực hiện đúng đủ nội dung, chương trình, thời gian và bảo đảm quân số cao. Kiểm tra các nội dung về huấn luyện quân sự, hậu cần, kỹ thuật hàng năm kết quả đạt yêu cầu 100%, có trên 80% khá giỏi; về giáo dục chính trị đạt 100% yêu cầu, có 96% khá giỏi; bắn các loại hoả lực 100% đạt giỏi. Đảo đạt đơn vị huấn luyện giỏi, đơn vị an toàn tuyệt đối, không có vụ việc vi phạm kỷ luật phải xử lý. Kết quả đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên năm 2006 tiến bộ và vững chắc hơn năm 2005. Năm 2006, Đảng bộ đảo và 3/3 chi bộ được công nhận trong sạch, vững mạnh, Đảng ủy bộ phận và 3/3 chi ủy đạt trong sạch, vững mạnh. Có 65% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, 35% đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ. Không có tổ chức đảng yếu kém, không có đảng viên vi phạm tư cách đảng viên.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:46:02 pm

        Đảo được công nhận vững mạnh toàn diện, được Bộ Tư lệnh Quân chủng tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, tặng Bằng khen về thành tích xây dựng, bảo vệ đảo. Cụm I được tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, Hàng chục cán bộ, chiến sĩ được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Bằng khen, Giấy khen.

        Chi đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được thành lập ngay từ ngày đầu giải phóng đảo gồm 39 đoàn viên. Năm 1977, chi đoàn được nâng cấp thành Liên chi đoàn với hơn một trăm đoàn viên. Dưới tổ chức Liên chi đoàn là các chi đoàn ở các cụm chiến đấu và cơ quan đảo bộ. Tuy nhiên do sự thay đổi về tổ chức biên chế lực lượng nên số lượng đoàn viên thanh niên cũng luôn thay đổi, song cơ cấu tổ chức đoàn được giữ nguyên cho đến nay. Từ khi được nâng cấp, Liên chi đoàn đã qua 4 lần đại hội. Đại hội lần thứ IV tháng 9 năm 2004 đã bầu Ban chấp hành Liên chi đoàn gồm 5 đồng chí.

        Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, Liên chi đoàn, chi đoàn đã bám sát tình hình, nhiệm vụ của đảo, quán triệt sâu sắc nghị quyết của Đảng ủy, chi bộ, hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan nghiệp vụ cấp trên, bám sát tình hình tổ chức đoàn, đội ngũ cán bộ, đoàn viên thanh niên của đảo, chức năng nhiệm vụ của tổ chức đoàn, phát huy trách nhiệm, chủ động tổ chức phong trào, nhiều hoạt động có kết quả tốt góp phần xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, Liên chi đoàn, chi đoàn vững mạnh, hoạt động sáng tạo, đúng chức năng, hiệu quả.

        Về hoạt động giáo dục, đoàn viên thanh niên được học tập đầy đủ các chương trình giáo dục chính trị cơ bản hàng năm cho hạ sĩ quan, chiến sĩ theo quy định của Tổng cục Chính trị. Được giáo dục về tình hình, nhiệm vụ của đất nước, quân đội, Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, tình hình, nhiệm vụ của đảo; được học tập, thảo luận Điều lệ sửa đổi của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; được tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc, toàn quân, của Đảng bộ Quân. chủng và Đại hội Đoàn toàn quốc qua các kỳ đại hội. Qua học tập quán triệt, đoàn viên thanh niên luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đi theo Đảng, nguyện là đội hậu bị, lực lượng đắc lực bổ sung cho Đảng; xác định rõ đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn của lực lượng nước ngoài; nêu cao ý chí, quyết tâm. tinh thần trách nhiệm, xung kích đi đầu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; yên tâm với nhiệm vụ, gắn bó với đảo, thực sự coi đảo là nhà, biển là quê hương.

        Các phong trào do Liên chi đoàn, chi đoàn phát động có sức sống và đi vào chiều sâu. Nắm vững chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò của tổ chức đoàn, Liên chi đoàn đã phát động hàng chục phong trào với tên gọi phù hợp với đặc điểm thanh niên, có chủ đề, nội dung, mục tiêu cụ thể thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của đoàn viên thanh niên. Các phong trào: “Ụ đá Bạch Đằng, lũy thành Chi Lăng”, “Đoạn hào truyền thống”, "Thanh niên Hải quân giành ba đỉnh cao quyết thắng”, "Tất cả vì Trường Sa thân yêu, vì hòn đảo yêu dấu" đã được đoàn viên thanh niên nhiệt tình hưởng ứng, triển khai thực hiện hiệu quả. Hàng ngàn mét giao thông hào được tu sửa vững chắc, sạch sẽ, hàng chục lô cốt, công sự trận địa được củng cố vững chắc, kiên cố, hàng trăm cây bóng mát được trồng và phát triển tươi tốt. Từ bàn tay khối óc, sức lực của thanh niên, nhà bếp, nhà ăn sạch sẽ, ngăn nắp. Hàng trăm tờ báo ảnh, báo tường, báo liếp ra đời phản ánh các hoạt động phong phú của đảo, biểu lộ tâm tư nguyện vọng, tâm tình của đoàn viên thanh niên đã thực sự góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của đảo.

        Về xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh xuất sắc được Đảng ủy, chi ủy, chi bộ lãnh đạo chặt chẽ, được Ban chấp hành Liên chi đoàn, chi đoàn và đội ngũ cán bộ đoàn tích cực thực hiện. Đảng ủy bộ phận đã cử những đồng chí đảng viên có năng lực, trách nhiệm, nhiệt tình, sức khỏe tham gia sinh hoạt đoàn giữ chức vụ Bí thư, Phó Bí thư Liên chi đoàn, chi đoàn. Ban chấp hành Liên chi đoàn thường xuyên được kiện toàn, bảo đảm đủ 5/5 ủy viên, Ban chấp hành các chi đoàn đủ 3/3 ủy viên. Qua phân tích chất lượng tổ chức đoàn và đoàn viên thanh niên hàng năm, tổ chức đoàn của đảo luôn đạt vững mạnh xuất sắc Năm 2006, 3/3 chi đoàn và Liên chi đoàn được công nhận vững mạnh. Liên chi đoàn được công nhận danh hiệu “Ba đỉnh cao quyết thắng”, 68% đoàn viên được công nhận đoàn viên xuất sắc, 32% đoàn viên khá, 18 đồng chí được tặng danh hiệu "Thanh niên 3 đỉnh cao quyết thắng”, không có tổ chức đoàn và đoàn viên thanh niên yếu kém.

        Hơn 30 năm với nhiều khó khăn thử thách, nhận thức được vai trò, vị trí của đảo, tình hình, nhiệm vụ của đơn vị, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp của đảo phát huy trách nhiệm, nhiệt tình, ý chí, quyết tâm, tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên trì thực hiện đối sách đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, Đảng bộ đảo trong sạch vững mạnh, tổ chức đoàn vững mạnh, hoạt động sáng tạo, đúng chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, của đồng bào và chiến sĩ cả nước.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:47:16 pm

Phần ba

NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU NGUYÊN NHÂN VÀ TRUYỀN THỐNG

        I NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

        1. Về chính trị, tư tưởng, cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu con đường xã hội chủ nghĩa, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vì sự bình yên của biển đảo; có lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc; có lòng nhân ái, nhân văn, yêu đồng chí, quý đồng đội, kính trọng nhân dân, yêu biển, yêu đảo Tích cực học tập, nắm vững chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, các quy định của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng và đơn vị; nắm vững đường lối đối ngoại quân sự, quan điểm quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng; xác định rõ đối tượng, đối tác; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân góp phần quan trọng tô thắm truyền thống quân đội, Quân chủng Anh hùng. Tuy ở xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca luôn nắm vững và thực hiện đúng đường lối đối ngoại quân sự của Đảng, Nhà nước. Những năm qua, hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xung quanh khu vực đảo diễn ra thường xuyên, tăng cả về số lượng, cường độ và thời gian hoạt động, có lúc khá phức tạp, song đảo vẫn thực hiện đúng đối sách vừa bảo vệ được đảo, vừa giữ vững được môi trường hoà bình không để xảy ra xung đột. Để tăng cường khả năng bảo vệ đảo, lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đảo thường xuyên tuyên truyền vận động ngư dân các đi a phương ra sản xuất trong khu vực đảo quản lý, có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, sẻ chia với nhân dân những khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân yên tâm làm ăn và cùng sát cánh với bộ đội bảo vệ đảo. Xa đất liền, xa hậu phương gia đình, sự thiếu thốn về đời sống văn hoá, tinh thần, tình cảm là thử thách thường xuyên đối với mọi cán bộ, chiến sĩ, song ý thức được trách nhiệm cao cả trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, vận mệnh của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Dù khó khăn gian khổ vẫn một lòng, một dạ theo Đảng, tin vào tương lai, tiền đồ của đất nước, dân tộc; chấp nhận hy sinh, thiếu thốn, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng,, gác việc nhà, lo việc nước; tự động viên bản thân và gia đình gương mẫu làm tròn trách nhiệm với Tổ quốc. Nội bộ đoàn kết thống nhất, dân chủ tốt, kỷ luật nghiêm; quý trọng nhân cách, quý trọng con người, gắn bó với đồng chí, đồng đội, kính trên nhường dưới, tôn trọng phụ nữ. Kiên quyết loại trừ văn hoá xấu độc, tích cực xây dựng môi trường văn hoá phong phú, lành mạnh, xây dựng đảo là điểm sáng văn hoá. Có thể nói, tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca thực sự là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân ưu tú. Trong giai đoạn hiện nay, họ là người góp phần quan trọng tô thắm truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng, hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng đại diện cho thế hệ mới - những người Việt Nam yêu nước, cầm súng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

        2. Xây dựng Đảng bộ đảo trong sạch, vững mạnh cũng đạt được nhiều thành tích to lớn. Từ khi được giải phóng đến nay, chi bộ, Đảng bộ, chi ủy, Đảng ủy thường xuyên đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ, cấp ủy yếu kém. Đảng bộ đảo liên tục các năm từ 2000 đến 2006 đạt Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, được nhận Bằng khen của Đảng ủy Quân chủng về thành tích xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ lý luận và nhận thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, xây dựng Đảng bộ đảo trong sạch vững mạnh; có kiến thức quân sự, chính trị toàn diện, gương mẫu trong lời nói, việc làm, lối sống, thực sự là tấm gương trong sáng cho quần chúng noi theo. Đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm, đội ngũ đảng viên của đảo luôn dẫn đầu Đảng bộ Lữ đoàn 146 về tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ nhiều năm liên tục không có đảng viên vi phạm tư cách đảng viên.

        Noi theo đảng viên, đoàn viên thanh niên của đảo luôn có hoài bão, lý tưởng, biết hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, chịu khó học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có kiến thức, sức khỏe, ý chí, quyết tâm đóng góp nhiều sức lực, trí tuệ xây dựng đơn vị, xây dựng Đảng bộ, xây dựng tổ chức đoàn, xứng đáng là lực lượng tin cậy, là cánh tay đắc lực của Đảng, con cháu của Bác Hồ. Nhiều đoàn viên vinh dự được đứng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.

        3. Phát huy truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng, hơn 30 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca nêu cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, tinh thần độc lập, tự chủ, ý thức tự lập, tự cường, kiên trì khắc phục khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi gian nan thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Từ buổi đầu với muôn vàn khó khăn, đến nay, bằng trí tuệ, mồ hôi, công sức của bộ đội, đảo đã xây dựng hàng trăm mét giao thông hào, hàng chục trận địa, hàng ngàn mét kè chống xói lở kiên cố kịp thời cho yêu cầu chiến đấu sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, cơ động lực lượng, luyện tập các phương án chiến đấu. Nhận thức đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ đảo, ngày đêm cán bộ, chiến sĩ miệt mài luyện tập, nâng cao chất lượng huấn luyện, quan sát quản lý vùng biển, bảo đảm thông tin liên lạc, kịp thời phát hiện, nắm chắc tình hình, báo cáo chính xác, kiên quyết ngăn cản, xua đuổi, làm thất bại mọi hành vi xâm phạm của các lực lượng nước ngoài. Với tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao cho nên mặc dù ở xa đất liền, xa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn nhưng không để bất ngờ, chủ quyền đảo luôn được giừ vững. Ngay cả khi tình hình trong khu vực quần đảo Trường Sa có nhưng thời điểm diễn biến rất phức tạp, căng thẳng nhưng đảo vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

        4. Tích cực khắc phục khó khăn bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

        Vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, cán bộ, chiến sĩ tích cực lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường, xây dựng doanh trại, xây dựng đảo xanh - sạch - đẹp, nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, giữ gìn bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm, không ngửng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Không khuất phục trước khó khăn, không trông chờ, ỷ lại hoàn cảnh, với tinh thần dựa vào sức mình là chính, bằng sức lao động của bộ đội, bộ mặt của đảo đã có sự thay đổi căn bản, khác xa so với những năm đầu mới giải phóng. Doanh trại khang trang, sạch đẹp, chính quy, xanh mát với hệ thống nhà ở, nhà làm việc, hội họp, sinh hoạt, học tập, nhà ăn, nhà bếp, vườn rau, cây cảnh, cây bóng mát, bến cảng, sân bay, công trình vệ sinh bảo đảm cho bộ đội có cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ, phong phú, vui tươi, lành mạnh.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:48:33 pm

        II NGUYÊN NHÂN

        Có những thành tích nói trên, trước hết là do sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy và bộ Tư lệnh Quân chủng, của đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 mà trực tiếp, thường xuyên là của Đảng ủy và chỉ huy Lữ đoàn 146. Thông qua chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết Đảng, Nhà nước, quân đội đã định hướng chính trị, tư tưởng và hành động làm cho bộ đội có nhận thức đúng đắn về tình hình, nhiệm vụ, có ý chí và quyết tâm cao, có hành động đúng, phù hợp mọi diễn biến của tình hình, những tình huống xảy ra, bảo đảm cho mọi hoạt động của đảo đúng hướng, có chất lượng và hiệu quả.

        Có sự đầu tư của Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở, của các đơn vị trong toàn quân, của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương ven biển, các tỉnh thành phía Nam, sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh, sự ủng hộ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài. Chính có sự đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ ủng hộ của mọi cấp mọi ngành, mọi tổ chức, mọi người, nhờ đó mọi mặt của đảo từng bước được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội được cải thiện, đó là nguồn động viên lớn, cổ vũ bộ đội cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh.

        Có sự hy sinh, phấn đấu, nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảng viên, đoàn viên, những người ngày đêm chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, vất vả, chịu đựng hy sinh mất mát để làm nên thành tích to lớn của đảo. Từ ngày đầu mới giải phóng đến nay, si.ì khó khăn thiếu thốn luôn là thử thách đối với bộ đội trên đảo.Có những thời điểm tình hình khu vực quần đảo Trường Sa rất căng thẳng, song với ý chí, nghị lực, trách nhiệm, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, mọi khó khăn đều vượt qua, đảo vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

        III TRUYỀN THỐNG

        Hơn 30 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca đã xây dựng nên truyền thống:

        “Đoàn kết, chủ động.
        Khắc phục khó khăn.
        Kiên trì, cảnh giác.
        Giữ vững chủ quyền”.

        Đoàn kết, chủ động, là truyền thống tiêu biểu, xuyên suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đảo.

        Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" và quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân, từ khi được giải phóng đến nay, đảo Sơn Ca luôn đoàn kết thống nhất thành một khối, lấy đoàn kết làm điểm tương đồng trong xây dựng và bảo vệ đảo.

        Đó là đoàn kết trong tập thể Đảng ủy, đoàn kết giữa Bí thư với Phó Bí thư với các ủy viên và giữa các ủy viên với nhau. Đó là đoàn kết giữa Bí thư với Đảo trưởng và các Phó đảo trưởng, giữa Đảo trưởng với tập thể Đảng ủy, với chính trị viên và các Phó đảo trưởng. Đoàn kết giữa cấp trên và cấp dưới, giữa Ban chỉ huy đảo với Ban chỉ huy cụm, phân đội, đội. Đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa cán bộ với cán bộ, chiến sĩ với chiến sĩ, giữa cán bộ cùng ngành với cán bộ khác ngành, giữa cơ quan Đảo bộ với các đơn vị và giữa các đơn vị với nhau.

        Đó là đoàn kết giữa đảo với ngư dân của các địa phương ra sản xuất, đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản và giữa đảo với các đoàn khách ra thăm, kiểm tra, nắm tình hình, tham quan du lịch.

        Đó là đoàn kết giữa đảo với các đảo trong quần đảo Sơn Ca, với các tàu trực, với các đơn vị đóng quân, đứng chân trên vùng biển và thềm lục địa phía Nam.

        Chính nhờ có sự đoàn kết đó mà đảo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

        Quán triệt quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đảo luôn luôn chủ động triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ, giải quyết mọi yêu cầu, nhu cầu, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, không ỷ lại hoàn cảnh, không trông chờ ở trên. Đó là truyền thống, là nét đẹp văn hoá trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ có chủ động mà các phương án chiến đấu, các kế hoạch phòng thủ, các chương trình huấn luyện, các yêu cầu bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, các nhu cầu về cuộc sống vật chất, tinh thần về thưởng thức văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, đọc sách báo, xem truyền hình, nghe đài, băng đĩa, khám chữa điều trị bệnh tật, hoạt động thể dục thể thao, tăng gia sản xuất đạt hiệu quả, ý nghĩa thiết thực và ngày càng khởi sắc.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:48:54 pm

        “Khắc phục khó khăn" là một truyền thống tiêu biểu xuyên suốt trong chiến đấu, xây dựng, bảo vệ và phát triển của đảo.

        Khó khăn là đặc điểm lớn, bao trùm lên mọi hoạt động của đảo. Khó khăn về điều kiện thiên nhiên như độ mặn, hơi nước cao dễ làm hư hỏng vũ khí, trang thiết bị, không thuận lợi cho rau, cây cối phát triển; mưa nắng không điều hoà, mùa khô nắng nóng gay gắt, mùa mưa kéo dài ảnh hưởng đến mọi hoạt động; gió, nước làm xói lở đê kè, đe dọa đến cuộc sống của đảo. Khó khăn về công tác bảo đảm như cung ứng, vận chuyển lương thực, thực phẩm, rau xanh, nguyên vật liệu, vũ khí, đạn dược, xăng dầu, tài liệu, sách báo. Khó khăn về bảo đảm thông tin liên lạc, truyền thông, truyền hình phủ sóng. Thấy hết những khó khăn, dựa vào sức mình là chính, cán bộ, chiến sĩ không lùi bước, nỗ lực khắc phục, hoàn thành nhiệm vụ.

        Không có máy móc, chỉ có những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, bằng lao động chân tay, từ những ngày đầu mới giải phóng, cán bộ, chiến sĩ đã đào đắp, sửa chữa hầm hố, hào giao thông, công sự, trận địa, san lấp mặt bằng, sửa chữa nhà cửa, thu dọn doanh trại, tổng vệ sinh làm cho bộ mặt của đảo thay đổi. Sau này, khi lực lượng công binh đưa máy móc, phương tiện và bộ đội ra, song không ỷ lại lực lượng công binh, cán bộ, chiến sĩ bằng lao động chân tay phối hợp với công binh đào hào, xây hầm, hố, lô cốt công sự, trận địa, bến cảng, sân bay, nhà ở kiên cố làm thay đổi căn bản bộ mặt của đảo.

        Trong điều kiện xa đất liền, việc bảo đảm đời sống bộ đội gặp nhiều khó khăn. Không khoanh tay trước khó khăn, cán bộ, chiến sĩ tận dụng từng mét đất, chắt chiu từng bát nước ngọt, từng hạt gạo, miếng cơm, thời gian trồng rau xanh, nuôi gia cầm, gia súc, đánh bắt tôm cá, tự túc một phần thực phẩm tươi sống, nâng cao đời sống bộ đội. Nhà ở, giường nằm, bộ đội tự sửa chữa. Vũ khí, đạn dược bộ đội tự sắp xếp, lau chùi, bảo quản, niêm cất nhờ công sức bỏ ra mà chống được sự xuống cấp, phục vụ kịp thời cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu.

        Để nâng cao đời sống tinh thần, tình cảm của bộ đội đảo tự tổ chức các buổi liên hoan văn hoá, văn nghệ, thi báo tường, báo liếp, đọc sách báo, nghe đài xem ti vi, đọc thơ, xem băng đĩa tập thể, tự sáng tác, tự biên, tự diễn thơ ca, hò vè, nhạc kịch góp phần làm không khí trên đảo thêm sôi động, giảm bớt sự buồn tẻ, tản mạn, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.

        Hiện nay, việc vận chuyển từ đất liền có thuận lợi hơn trước, việc đi lại tương đối thuận tiện, song khó khăn vẫn còn nhiều, cán bộ, chiến sĩ đảo tiếp tục động viên nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

        “Kiên trì, cảnh giác” là truyền thống vẻ vang của đảo.

        Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện xa sự lãnh đạo của Quân chủng, Vùng, lữ đoàn, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có tính độc lập cao. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đảo luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết, kiên trì thực hiện chủ trương, kế hoạch, đối sách.

        Giữa biển khơi, xung quanh nước bao bọc, xa các đảo trong khu vực, xa đất liền, nằm trong khu vực có sự tranh chấp, việc đề cao cảnh giác đập tan âm mưu của các thế lực thù địch, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nội bộ là vấn đề sống còn đối với đảo. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đảo, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ đảo, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đập tan âm mưu xâm chiếm, xâm lấn, đóng xen kẽ, các hoạt động trinh sát, khảo sát, thăm dò, các thủ đoạn khiêu khích của nước ngoài. Do đó, dù điều kiện bảo đảm cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hạn chế, đảo đã đối phó thắng lợi với các âm mưu phá hoại, xâm chiếm từ bên ngoài, không để xảy ra bất ngờ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đảo; bảo vệ chính trị nội bộ trong sạch, đủ sức đánh bại mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch và các hành động phá hoài của nước ngoài; cán bộ, chiến sĩ có lập trường, bản linh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có quan điểm giai cấp, ý thức địch, ta rõ ràng, phân biệt rõ bạn thù, đối tượng, đối tác, không làm bất cứ một việc gì ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn của đảo, xây dựng đảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

        Thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển rộng, thường xuyên diễn ra các hoạt động tranh chấp, đảo luôn kiên trì thực hiện đối sách, bám sát tình hình, bám sát chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, bám sát chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, bám biển, bám đảo, kiên trì luyện tập các kế hoạch, đề án, nội dung chương trình xây dựng và bảo vệ đảo. Nhờ kiên trì mà đảo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

        “Giữ vững chủ quyền" là truyền thống vẻ vang, xuyên suốt của đảo.

        Hơn 30 năm qua, tình hình vùng biển, quần đảo Trường Sa luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ.

        Nhận thức sâu sắc, giữ vững chủ quyền là nhiệm vụ chính trị trọng tâm số 1 xuyên suốt của đảo cán bộ, chiến sĩ ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, trực chiến, trực ban, trực chỉ huy, luyện tập, huấn luyện, củng cố, xây dựng công sự, trận địa; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Song song với nhiệm vụ quân sự, đảo không những nâng cao chất lượng các hoạt động xây dựng và bảo vệ đảo như củng cố, kiện toàn tổ chức chỉ huy, tổ chức đảng, đoàn; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng đảo vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, đảng bộ trong sạch vững mạnh, tổ chức đoàn vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Với những cố gắng, nỗ lực đó, đảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững chủ quyền đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 08:49:22 pm

        KẾT LUẬN

        Là một đảo trong quần đảo Trường Sa, đảo Sơn Ca có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự, giao thông; dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội; sự giúp đỡ của các Bộ, các ngành, các đơn vị trong và ngoài Quân chủng, của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương, của đồng bào, chiến sĩ cả nước; sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, quân nhân chuyên nghiệp đảo Sơn Ca đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, đảng bộ trong sạch vững mạnh, lập nhiều thành tích xuất sắc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của đảo "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

        Phát huy truyền thống, trong giai đoạn mới, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Sơn Ca cần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

        1. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, đơn vị; âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch. Không ngừng nâng cao trình độ toàn diện và bản lĩnh chính trị. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới; kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đề cao trách nhiệm, nỗ lúc phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng mét san hô, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

        2. Nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo.

        3. Tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng thay thế cho nhau khi cần thiết. Trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, có đời sống nội tâm phong phú, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng Anh hùng.

        4. Không ngửng củng cố, nâng cao đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đảo thành khối vững chắc, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân dân một ý chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi gian nguy, thừ thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ đảo thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, niềm tin và chỗ dựa vững chắc của quần chúng. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        6. Tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược kinh tế biển, dự án đưa dân ra Trường Sa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca nêu cao trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, đáp ứng niềm tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang đảo Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 09:42:18 pm

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Truongsa_zpsnnxh1t5z.jpg)
Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề


TRUYỀN THỐNG ĐẢO NAM YẾT ANH HÙNG 1975-2007

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/daoNamYet_8cf2e_zps8nnxjukr.jpg)

LỜI NÓI ĐẦU


       
       
       

        Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trưởng Sa ở biển Đông là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này.

        Từ tháng 4 năm 1975 đến nay, Hải quân nhân dân Việt Nam vượt qua bao khó khăn, dũng cảm, ngoan cường đấu tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền 9 đảo nổi và 12 đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.

        Đảo Nam Yết nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền (Cam Ranh) gần 320 hải lý, có vị trí chiến lược quan trọng trong xây dựng và phòng thủ quần đảo. Ngày 27 tháng 4 năm 1975, bộ đội ta giải phóng, đóng giữ đảo Nam Yết. 32 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy - chỉ huy Vùng 4 mà trực tiếp là Đảng ủy - chỉ huy Lữ đoàn 146 Hải quân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, bền bỉ khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ hy sinh, xây dựng đơn vị lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đảo được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân, Cục Chính trị phối hợp với Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân tổ chức biên soạn cuốn sách “Truyền thống đảo Nam Yết Anh hùng (1975-2007)” nhằm tuyên truyền, giáo dục cho quân, dân huyện đảo Trường Sa nói chung, đảo Nam Yết nói riêng về lòng yêu nước, ý chí kiên cường, xây dựng, bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc của các thế hệ cha anh; qua đó nâng cao niềm tự hào truyền thống của dân tộc, của đơn vị, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tình hình mới.

        Trong quá trình biên soạn, mặc dù Ban biên soạn đã có nhiều cố gắng, song do hạn chế về tài liệu lưu trữ, thời gian và khả năng thể hiện nên cuốn sách không tránh khỏi thiếu sót, rất mong bạn đọc góp ý kiến phê bình!

        Cục Chính trị Hải quân xin chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tập thể, cá nhân và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tạo điều kiện giúp đỡ để cuốn sách được xuất bản đúng theo kế hoạch.

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN       


        NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ ĐẢNG VÀ NHÀ NƯỚC TẶNG THƯỞNG

                + Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, tuyên dương ngày 22-12-2004.

                + Huân chương Chiến công hạng Nhất, năm 1984.

                + Huân chương Chiến công hạng Ba, năm 2003.

                + Bác Tôn tặng Lẵng hoa, năm 1979.

        THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẶNG

                + Bằng khen các năm 1997, 1998, 1999.

        TƯ LỆNH HẢI QUÂN TẶNG CỜ THƯỞNG

                + “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua” các năm 1997, 1999, 2000, 2002.

                + "Đơn vị huấn luyện giỏi 5 năm 1996-2000”.

                + Đơn vị hoàn thành xuất sắc cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa 1992-2002".

                + Bằng khen về thành tích cứu hộ, cứu nạn năm 2005.

                + Danh hiệu "Đơn vị quyết thắng" (1997-2001 và 2004, 2005).


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 09:56:21 pm
         
Phần một

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA


Phần hai

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU, TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO NAM YẾT (4-1975 - 4-2007)

        I. TIỂU ĐOÀN NAM YẾT VƯỢT MỌI KHÓ KHĂN THỬ THÁCH, XÂY DỰNG Ý CHÍ QUYẾT TÂM VỮNG CHẮC, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ PHÒNG THỦ BẢO VỆ ĐẢO GIAI ĐOẠN 1975-1987

        1. Điều kiện tự nhiên của đảo Nam Yết


        Đảo Nam Yết nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, toạ độ 10°11'00" vĩ độ bắc; 114°21'42" độ kinh đông, cách đảo Sơn Ca khoảng 12 hải lý về phía Tây Nam, cách đảo Ba Bình (Đài Loan đang chiếm giữ) khoảng 6 hải lý về phía Đông, là một trong những đảo có vị trí chiến lược quan trọng trên quần đảo.

        Đảo Nam Yết có dáng hình bầu dục hơi hẹp bề ngang, nằm theo hướng Đông - Tây dài khoảng 650 mét, chiều rộng khoảng 170 mét, diện tích khoảng 96.500m2. Khi thủy triều thấp nhất, đảo cao khoảng từ 3 đến 4 mét. Đất trên đảo là cát san hô nên hầu như không trồng được các loại cây ăn quả, rau, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như mù u, bàng quả vuông, phong ba, dừa và các loại cây leo, cỏ dại. Đất qua cải tạo có thể trồng được rau muống, bầu, bí. Đảo không có nước ngọt. Bãi san hô ngập nước bao quanh đảo, lan ra cách bờ từ 300 đến 1.000 mét. Khi thủy triều thấp nhất, bãi san hô nhô lên khỏi mặt nước từ 0,2 đến 0,4 mét.

        Về thời tiết, mùa mưa liên tục từ tháng 6 đến tháng 1 năm sau, thời gian kéo dài từ 6 đến 8 tháng, lượng mưa trung bình hàng năm từ 2.848mm đến 3.235mm. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5, thời gian kéo dài 4 tháng, (có năm kéo dài 5 tháng).

        Nhiệt độ trung bình hàng năm ở đảo Nam Yết từ 25 đến 29ºC, cao nhất 35ºC, thấp nhất từ 14ºC đến 21ºC.

        Gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 10, gió Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Từ tháng 7 đến tháng 12 thường xuyên hay có bão đổ bộ vào đảo.

        Khi biển lặng, sóng cao từ 0,2 đến 0, 5 mét. Biển động, sóng cao từ 4 đến 5 mét. Từ tháng 8 đến tháng 12 là thời kỳ cao điểm mưa to, gió lớn, gây khó khăn cho tàu ta neo đậu làm nhiệm vụ tại đảo.

        Độ ẩm trung bình hàng năm trên đảo Nam Yết là 79%; độ ẩm cao nhất là 96%; thấp nhất là 61%. Độ ẩm cao mang theo nhiều hơi sương muối, làm cho trang bị vũ khí, khí tài nhanh xuống cấp và lương thực, thực phẩm nhanh hư hỏng.

        2. Xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu phòng thủ bảo vệ đảo.

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, lực lượng đặc công, tàu vận tải Hải quân có sự tham gia của bộ đội Tiểu đoàn 471 Quân khu 5 đổ bộ đánh chiếm giải phóng đảo Song Tử Tây vào ngày 13 tháng 4 năm 1975. Tiếp đến ngày 21 tháng 4 năm 1975, hai tàu 641, 673 xuất phát từ cảng Đà Nẵng chở lực lượng đặc công hải quân và bộ binh của Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 2, Quân khu 5 ra đảo Song Tử Tây chuẩn bị đánh chiếm giải phóng các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn. Ngày 25 tháng 4, ta tiến công giải phóng đảo Sơn Ca và ngày 26 tháng 4, nhận được tin địch rút chạy khỏi các đảo trên Trường Sa, lập tức ta điều tàu 673 chở bộ đội từ đảo Song Tử Tây tiến về đảo Nam Yết. 1 giờ 30 phút ngày 27 tháng 4 năm 1975, bộ đội trên tàu 673 đổ bộ giải phóng hoàn toàn đảo Nam Yết. Ngày 27 tháng 4 năm 1975 trở thành ngày truyền thống của bộ đội đảo Nam Yết.

        Thừa thắng ta nhanh chóng triển khai lực lượng, giải phóng các đảo còn lại trên quần đảo Trường Sa. 11 giờ 30 ngày 28 tháng 4, quân ta đổ bộ, làm chủ đảo Sinh Tồn và 9 giờ ngày hôm sau, ngày 29 tháng 4, ta giải phóng làm chủ đảo Trường Sa, kết thúc thắng lợi nhiệm vụ giải phóng làm chủ quần đảo.

        Ngay sau khi giải phóng, làm chủ 5 đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, theo lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, Tiểu đoàn 4 bộ binh, Sư đoàn 2, Quân khu 5 chuyển sang làm nhiệm vụ chốt giữ bảo vệ các đảo trên quần đảo Trường Sa. Sở chỉ huy của tiểu đoàn đóng tại đảo Nam Yết. Tiểu đoàn trưởng là đồng chí Trường, chính trị viên tiểu đoàn là đồng chí Nhân. Chốt giữ bảo vệ đảo Nam Yết do Đại đội 2 đảm nhiệm, dưới sự chỉ huy của đồng chí Ca, đại đội trưởng.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 09:57:48 pm

        Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Nam Yết, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 khẩn trương bắt tay vào việc thu dọn chiến trường, sắp xếp nơi ăn, chốn ở; nghiên cứu địa hình, địa vật trên đảo, xây dựng các phương án tác chiến phòng thủ; nhanh chóng sửa sang củng cố các công sự cũ và xây dựng các công sự, trận địa mới; bố trí các chốt canh gác, quan sát và tuần tra ngày đêm để kịp thời phát hiện, đánh trả, ngăn chặn mọi hành động xâm nhập đảo của bọn phản động trong nước gián điệp và biệt kích nước ngoài, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo của Tổ quốc. Để duy trì sẵn sàng chiến đấu cao, Đại đội 2 triển khai thực hiện các chế độ trực ban, trực chỉ huy, giữ vững thông tin liên lạc với các đảo và sở chỉ huy Lữ đoàn, Quân chủng.

        Sau ngày 30 tháng 4 năm 19 75, đất nước thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ vùng biển, hải đảo rộng lớn tử Móng Cái đến Hà Tiên của Quân chủng Hải quân trở nên hết sức nặng nề, đòi hỏi phải nhanh chóng xây dựng và phát triển rất lớn các thành phần lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, trong đó quần đảo Trường Sa là một trong những trọng điểm cần tăng cường các lực lượng xây dựng và phòng thủ.

        Đáp ứng yêu cầu đó, cuối tháng 5 năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu điều Trung đoàn bộ binh 46, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Tiểu đoàn 4 được chuyển sang trực thuộc Quân chủng Hải quân, biên chế vào Trung đoàn 46. Ngày 5 tháng 9 năm 1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126, gồm lực lượng của 2 Trung đoàn 46 và Trung đoàn 126 Đặc công Hải quân, làm nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa và sẵn sàng cơ động chiến đấu bảo vệ vùng biển. Ngày 23 tháng 3 năm 1976, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục điều động Trung đoàn Công binh 83 thuộc Quân khu 5 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân làm nhiệm vụ xây dựng các công trình chiến đấu phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa.

        Tháng 11 năm 1975, Đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân và của Lữ đoàn 126 do đồng chí Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, Đại tá Hoàng Hữu Thái làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của các đảo trên quần đảo Trường Sa và nghiên cứu việc tổ chức các lực lượng phòng thủ đảo. Trên cơ sở nghiên cứu khảo sát thực tế tình hình các đảo Quân chủng xác định biên chế tổ chức lực lượng chiến đấu bảo vệ các đảo Nam Yết, Trường Sa, Song Tử Tây là cấp đại đội tăng cường, các đảo còn lại biên chế tổ chức cấp đại đội thiếu.

        Bộ đội đảo Nam Yết thời kỳ đầu tiếp quản chốt giữ bảo vệ đảo là những ngày tháng hết sức khó khăn gian khổ. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ là những cựu binh đã trải qua chiến đấu trên các chiến trường Quân khu 5 ác liệt, có bản lĩnh chiến đấu kiên cường, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu bộ binh trên địa bàn rừng núi, đồng bằng ở đất liền, chuyển sang làm nhiệm vụ phòng thủ chiến đấu, bảo vệ đảo xa bờ, hết sức mới lạ không khỏi ngỡ ngàng. Họ bước vào thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ chủ quyền của đất nước trong một môi trường, không gian hoạt động cách biệt với đất liền, với xã hội, điều kiện sống gặp muôn vàn khó khăn, không có rau xanh, thiếu nước ngọt, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ đời sống văn hoá, tinh thần gần như không có gì. Song, chi bộ đảo Nam Yết đã nắm chắc yêu cầu nhiệm vụ mới, tìm hiểu các đặc điểm địa lý của đảo, nhận rõ những thuận lợi, khó khăn... Xác định quyết tâm và tìm mọi biện pháp để bảo vệ bằng được chủ quyền đảo, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mới giành lại được sau 30 năm chiến đấu kiên cường bất khuất, hy sinh của quân và dân ta.

        Đại đội tập trung vào công tác quan trọng hàng đầu là triển khai các hoạt động tuần tra, canh gác, quan sát ngày đêm bảo đảm 24 trên 24 giờ; dự kiến các tình huống địch đổ bộ tấn công đảo, nghiên cứu cách đánh phòng thủ, cả ban ngày và ban đêm, từng bước xây dựng nội dung huấn luyện theo các phương án tác chiến. Đặc biệt, hết sức chú trọng công tác bảo quản giữ gìn vũ khí, trang bị, phòng chống cháy nổ. Năm 1975, 1976, không để xảy ra mất an toàn trong sử dụng, bảo quản vũ khí, chất nổ và luôn bảo đảm kỹ thuật tốt cho yêu cầu sẵn sàng chiến đấu.

        Bảo đảm hậu cần là một vấn đề lớn và cũng là vấn đề khó khăn thường nhật của bộ đội. Các nguồn thực phẩm, lương thực đều đưa từ trong đất liền ra, kể cả nước ngọt, trong đó, khó khăn lớn nhất là nước ngọt và rau xanh. Lượng nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt và dự trữ cho cả đảo chủ yếu trông chờ vào nguồn nước ngọt trong bờ cung cấp do các tàu vận tải chở ra, chứa trong 2 téc sắt thể tích gần 60m3. Vì vậy nước ngọt chỉ đáp ứng cho nhu cầu ăn, uống hàng ngày của đơn vị là chính.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 09:58:24 pm

        Để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đã tổ chức đánh bắt cá. Phát hiện cây rau bí mọc hoang, anh em tổ chức thu gom nguồn phân chim rải rác trên đảo làm thành các khu vườn trồng cây bí leo, ra quả, giải quyết được một phần tình trạng thiếu rau xanh trên đảo. Ngoài việc tích cực tăng gia, khai thác hải sản tại chỗ, bộ đội đảo Nam Yết còn được sự chi viện của đảo bạn trên tình cảm đồng chí, đồng đội, đồng cam cộng khổ hết sức cảm động. Thời gian này, đảo Trường Sa có nguồn trứng chim dồi dào và bộ đội trồng được nhiều rau cải xanh nên mỗi lần có tàu vận tải ra công tác ngoài đảo, anh em đảo Trường Sa lại gửi trứng chim, rau xanh tặng bộ đội Nam Yết.

        Về mặc, do khí hậu nóng ẩm, môi trường nước mặn nên trong sinh hoạt bộ đội chủ yếu mặc quần đùi. Rồi sử dụng trong điều kiện ẩm mặn cũng mau mục nát, anh em phải tự tạo bằng cách tháo các bao vải đựng đạn thu được của địch, khâu thành quần để mặc. Trong đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân và Lữ đoàn 126 do đồng chí Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng, Đại tá Hoàng Hữu Thái làm đoàn trưởng ra nghiên cứu, khảo sát và kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của bộ đội đảo Nam Yết (tháng 11 năm 1975), nhìn thấy anh em mặc quần đùi bằng bao đạn khâu tay, người nào cũng đen cháy, nhiều đồng chí trong đoàn không cầm được nước mắt. Đây là chuyến đầu tiên ra đảo, thủ trưởng Quân chủng và thủ trưởng Lữ đoàn hết sức cảm phục và đánh giá cao ý chí khắc phục khó khăn, thành tích xây dựng đơn vị của bộ đội đảo Nam Yết. Đồng thời cũng động viên cán bộ, chiến sĩ đảo tiếp tục phát huy tinh thần chịu đựng gian khổ, sáng tạo khắc phục các trở ngại khó khăn để bảo đảm đời sống và sức khoẻ cho bộ đội, duy trì sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Quân chủng giao.

        Bắt đầu từ năm 1976, Quân chủng tiến hành thực hiện các kế hoạch phòng thủ bảo vệ Trường Sa với quyết tâm: “Khẩn trương tập trung tăng cường khả năng cho các đảo về mọi mặt và huy động các lực lượng trong Quân chủng hiệp đồng với các lực lượng khác tích cực chi viện cho đảo, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao, đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, không để bị đánh bất ngờ”.

        Thực hiện quyết tâm trên, Quân chủng nhanh chóng bổ sung trang bị vũ khí cho đảo các loại súng, pháo mặt đất, pháo cao xạ để tăng cường hoả lực chống đổ bộ, chống tập kích đường không vào đảo. Đồng thời xác định lại biên chế tổ chức lực lượng chiến đấu trên đảo cho phù hợp với dự kiến các phương án tác chiến phòng thủ. Tháng 4 năm 1976, Quân chủng lần đầu tiên tổ chức diễn tập thực binh đổ bộ chi viện quần đảo Trường Sa để trên cơ sở thực tế đó tiếp tục hoàn chỉnh một bước về phương án phòng thủ, chi viện Trường Sa. Cùng với việc gấp rút triển khai lực lượng phòng thủ đảo, Bộ Tổng Tham mưu phê chuẩn "Kế hoạch Z76" xây dựng các công trình phòng thủ Trường Sa. Kế hoạch này được giao cho Trung đoàn 83 Công binh thực hiện ngay từ năm 1976. Tháng 5 năm 1976, Đoàn cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu do Phó Tổng Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền dẫn đầu đi kiểm tra tình hình phòng thủ quần đảo Trường Sa và khảo sát một số đảo mới mà ta chưa tổ chức chốt giữ để xây dựng kế hoạch bảo vệ các đảo này trong những năm sau đó.

        Nằm trong kế hoạch tổ chức lực lượng của Quân chủng, tháng 6 năm 1976, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đảo Nam Yết được thay thế lực lượng mới của Lữ đoàn 126. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đảo Nam Yết trở về bờ, sau những năm tháng chiến đấu xa quê hương và sau hơn một năm làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, đất nước đã hoà bình, thống nhất, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 2 đảo Nam Yết mới được trở về với gia đình, quê hương. Phần lớn số cán bộ, chiến sĩ ở đảo về bờ theo nguyện vọng được giải quyết chính sách phục viên, chuyển ngành tiếp tục xây dựng đất nước trong hoàn cảnh mới.

        Lực lượng phòng thủ mới thay thế bảo vệ đảo Nam Yết nhanh chóng kiện toàn biên chế tổ chức thành lập các phân đội pháo phòng không, pháo mặt đất và bộ binh, các bộ phận phục vụ chiến đấu, tiếp tục xây dựng hoàn thiện các phương án chiến đấu và bắt tay vào tập luyện sử dụng binh khí, chiến thuật phòng thủ đảo.

        Tháng 5 năm 1977, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết vui mừng đón đoàn cán bộ của Quân chủng do đồng chí Tư lệnh, Thiếu tướng Giáp Văn Cương và Chính ủy, Thiếu tướng Hoàng Trà dẫn đầu kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đây là lần đầu tiên đồng chí Tư lệnh và Chính ủy đi nắm tình hình trên đảo Nam Yết.

        Sau khi kiểm tra các mặt hoạt động của đơn vị, khảo sát nghiên cứu thực tế đảo, đồng chí Tư lệnh kết luận và quyết định một loạt vấn đề về tổ chức lực lượng của đảo, về xây dựng hệ thống các công trình chiến đấu phòng thủ, cách đánh phòng thủ và về trang bị các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật cho đảo. Trong đó, đồng chí Tư lệnh xác định hình thức tổ chức đảo Nam Yết tương đương cấp tiểu đoàn, biên chế có các phân đội hoả lực bộ binh, pháo binh, pháo cao xạ, các bộ phận thông tin, ra đa.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 09:58:41 pm

        Thực hiện quyết định của Tư lệnh, tiểu đoàn đảo Nam Yết khẩn trương được chấn chỉnh về lực lượng, trang bị vũ khí, điều chỉnh bổ sung các phương án tác chiến, bố trí lại các trận địa hoả lực và phân chia các cụm chiến đấu phòng thủ các khu vực đảo; xây dựng kế hoạch huấn luyện kỹ thuật các ngành thông tin, công binh, hậu cần, kỹ thuật; kế hoạch huấn luyện cá nhân, tổ chiến đấu, cụm và toàn đảo chiến đấu. Cũng từ năm 1977, theo quyết định của Tư lệnh, hàng năm cán bộ, chiến sĩ được giải quyết chế độ đi phép, không thực hiện chế độ thay quân trên đảo.

        Về tổ chức lực lượng phòng thủ Trường Sa thời gian này cũng có những thay đổi. Xuất phát từ vị trí, đặc điểm quần đảo Trường Sa và yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ quần đảo, từ cuối năm 1977, Quân chủng chủ trương và tiến hành tách một bộ phận lực lượng, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 46 cũ của Lữ đoàn 126 tổ chức thành một trung đoàn chuyên trách làm nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ Trường Sa. Theo đề nghị của Quân chủng Hải quân, ngày 8 tháng 5 năm 1978, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định 391/QĐ-QP thành lập Trung đoàn 145 phòng thủ Trường Sa. Sau đó, thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn, để ghi dấu truyền thống các đơn vị tiền thân là Trung đoàn 126 và Trung đoàn 46, Trung đoàn 145 được đổi phiên hiệu thành Trung đoàn 146 phòng thủ Trường Sa. Đồng chí Trung tá Cao Anh Đặng được bổ nhiệm Trung đoàn trưởng; đồng chí Trung tá Vũ Quang Chinh là Chính ủy Trung đoàn. Ngày 12 tháng 2 năm 1979, Bộ Quốc phòng ra Quyết định nâng cấp Trung đoàn 146 thành Lữ đoàn 146. Đến tháng 6 năm 1981, Bộ Tổng Tham mưu quyết định chuyển Lữ đoàn 146 trực thuộc Quân chủng về trực thuộc Vùng 4 Hải quân.

        Đầu năm 1978, tình hình trên khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp. Tháng 2 năm 1978, Philíppin đưa quân ra chiếm đóng đảo Ponata, đồng thời tăng cường các hoạt động thăm dò, trinh sát quanh các khu vực đảo của ta đã đóng giữ. Trước tình hình đó, Quân chủng một mặt tập trung các lực lượng tàu vận tải, tàu đánh cá, Trung đoàn 146, Trung đoàn 83 Công binh ra chốt giữ bảo vệ các đảo Trường Sa Đông (Đá Giữa), đảo An Bang, đảo Phan Vinh (Hòn Sập), đảo Sinh Tồn Đông (Grigân), mặt khác chỉ thị cho các đơn vị đang đóng giữ đảo nâng cấp sẵn sàng chiến đấu, quan sát nắm chắc tình hình trên biển, sẵn sàng chiến đấu và đánh thắng ngay từ trận đầu khi địch xâm phạm tiến công đảo. Từ ngày 14 tháng 4 đến 21 tháng 5 năm 1978, Quân chủng tổ chức một đoàn cán bộ gồm có các thành phần Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Kỹ thuật, Cục Hậu cần và Trung đoàn 146 do đồng chí Tư lệnh và Chính ủy làm trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của các đảo. Nội dung kiểm tra gồm kiểm tra các công trình phòng thủ, báo động chiến đấu, bắn đạn thật và diễn tập trên bản đồ.

        Ngày 30 tháng 4 năm 1978, 2 tàu 610, tàu 608 của Hải đoàn 125 chở đoàn cán bộ Quân chủng cập đảo Nam Yết. Đi theo đoàn còn có Đội văn nghệ quần chúng của Hạm đội 171 và Đội chiếu phim của Cục Chính trị ra phục vụ bộ đội đảo. Đây là lần đầu tiên bộ đội đảo Nam Yết được xem biểu diễn văn nghệ và xem chiếu bóng trên đảo.

        Tại đảo Nam Yết, ngày 1 tháng 5, Quân chủng tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 và từ ngày 1 tháng 5 đến 5 tháng 5 năm 1978, đoàn tiến hành nắm tình hình và kiểm tra đơn vị theo kế hoạch. Kết quả kiểm tra bắn đạn thật pháo mặt đất 85 ly, pháo cao xạ 37 ly đơn vị đạt khá, diễn tập trên bản đồ đạt yêu cầu. Qua nắm tình hình và kiểm tra thực tế, đồng chí Tư lệnh kết luận, đảo Nam Yết sau một năm kiện toàn biên chế tổ chức lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu có nhiều tiến bộ đã xây dựng được các phương án tác chiến, bố trí các công sự trận địa, huấn luyện đi vào nền nếp; trình độ sẵn sàng chiến đấu được nâng lên một bước, duy trì nghiêm các chế độ trực chiến đấu, tuần tra canh gác ngày đêm, theo dõi nắm chắc tình hình mặt biển, các công trình bảo đảm chiến đấu được thi công khẩn trương đúng kế hoạch, như công sự hoả lực, hào giao thông, các hầm chỉ huy, thông tin, quân y, giấu pháo, ẩn nấp; các hầm kho đạn dược, lương thực... đáp ứng được yêu cầu chiến đấu trước mắt và lâu dài. Về phương hướng, đồng chí nhấn mạnh đảo Nam Yết cần đẩy mạnh hơn nữa việc nâng cao chất lượng huấn luyện, thuần thục các cách đánh ban ngày, ban đêm và trong mọi tình huống... Ngày 6 tháng 5 năm 1978, đoàn cán bộ Quân chủng rời đảo tiếp tục đợt công tác.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 09:59:00 pm

        Các năm tiếp theo 1979, 1987, khả năng phòng thủ của đảo không ngừng được nâng nên, vũ khí trang bị mới tiếp tục được bổ sung cho đảo. Trong đó, đặc biệt có sự giúp đỡ của Hải quân Liên Xô. Tháng 4 năm 1980, Bộ Tổng Tham mưu đã cử đoàn cố vấn Liên Xô gồm các chuyên gia lục quân, pháo binh, hải quân do đồng chí Đại tá Hải quân Len Kốp làm trưởng đoàn và Đoàn Bộ Thàm mưu Hải quân Việt Nam, do đồng chí Đại tá Bùi Ủy làm trưởng đoàn đi khảo sát nghiên cứu tình hình quần đảo Trường Sa. Giữa tháng 4 năm 1980, đoàn đến khảo sát nghiên cứu tình hình phòng thủ đảo Nam Yết. Đoàn đã được nghe báo cáo kế hoạch phòng thủ của đảo, xem xét thực địa, tham quan diễn tập và bắn đạn thật của một số loại vũ khí. Đồng chí trưởng đoàn cố vấn rất cảm kích trước ý chí quyết tâm vững chắc và tinh thần tự lực, tự cường của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết trong xây dựng và bảo vệ đảo - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí phát biểu khẳng định Liên Xô giúp đỡ tích cực Hải quân Việt Nạm nhanh chóng tăng cường sức mạnh phòng thủ của quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Nam Yết nói riêng.

        Thực hiện kế hoạch tăng cường sức mạnh phòng thủ bảo vệ đảo, đẩy mạnh công tác nắm địch, quan sát phát hiện và xây dựng cách đánh địch từ xa, từ nơi xuất phát tấn công đảo, từ năm 1981 đến năm 1987, đảo Nam Yết được tiếp tục bổ sung vũ khí, trang bị thích hợp, tăng cường hoả lực tầm xa. Sự thay đổi cách đánh nâng cao khả năng phòng thủ, cơ cấu tổ chức biên chế lực lượng chiến đấu của đảo cũng thay đổi. Thành lập tiểu đoàn phòng thủ hỗn hợp mang phiên hiệu Tiểu đoàn 3 bao gồm các lực lượng bộ binh, pháo mặt đất, pháo cao xạ, thiết giáp. Từ 3 phân đội phòng thủ ban đầu, đảo phát triển thành 5 đại đội hoả lực mạnh, quân số từ hơn 100 người tăng lên hơn 200 người.

        Thời kỳ này, huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu luôn là công tác trọng tâm hàng đầu của đơn vị. Hàng năm tiểu đoàn thực hiện nghiêm các chỉ lệnh huấn luyện của Lữ đoàn giao cho. Trong huấn luyện, chú trọng huấn luyện cán bộ, huấn luyện chiến thuật bộ binh, kỹ thuật cá nhân, hiệp đồng chiến đấu tiểu đội, trung đội đại đội, bảo đảm cho bộ đội thuần thục các phương án chiến đấu ban ngày, ban đêm, sử dụng thành thạo từ 1 đến 2 loại vũ khí an toàn. Đặc biệt huấn luyện thực hành bắn đạn thật luôn là nội dung trọng tâm số một của đảo để không ngừng nâng cao chất lượng, trình độ sẵn sàng chiến đấu, phấn đấu đánh trúng ngay từ loạt đạn đầu, trận đầu; giành thắng lợi. Bởi vậy, hàng năm, 100% các loại hoả khí của tất cả các đơn vị đều được tham gia bắn đạn thật. Kết quả kiểm tra bắn đạn thật hàng năm đảo thường xuyên có 95% đạt yêu cầu, trong đó có 50-60% khá, giỏi.

        Để đủ điều kiện, khả năng sẵn sàng chiến đấu tốt đảo được lữ đoàn điều chỉnh số lượng, chất lượng bộ đội đảm bảo luôn có 1/3 quân số bộ đội một tuổi quân; 1/3 quân số bộ đội hai tuổi quân và 1/3 quân số bộ đội ba tuổi quân. Chiến sĩ được bố trí một lần đi phép năm ở ngoài đảo và một lần ở trong bờ, sau đó ra quân trở về địa phương (thực hiện nghĩa vụ quân sự của hạ sĩ quan chiến sĩ theo luật năm 1981 là 3 năm).

        Cùng với việc phát triển lực lượng, hệ thống công sự trận địa phòng ngự trên đảo Nam Yết tiếp tục được đầu tư xây dựng. Trung đoàn 83 sau khi hoàn thành xây dựng các công tình quân sự của kế hoạch "Z76" năm 1980 tiếp tục được Quân chủng giao nhiệm vụ xây dựng các công trình quân sự lâu bền, kiên cố trên đảo Nam Yết, bao gồm hệ thống lô cốt, hầm trú ẩn, hầm chỉ huy. Lúc này, bộ đội công binh Trung đoàn 83 đã có hơn 5 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa xây dựng các công trình, nêu cao tinh thần khắc phục mọi khó khăn về điều kiện ăn, ở, phương tiện, chịu đựng sự thiếu thốn vật chất, tinh thần, tranh thủ mùa khô, mùa biển lặng vận chuyển ra đảo hàng trăm mét khối cấu kiện bê tông, hàng nghìn tấn vật liệu xây dựng và tập trung lực lượng thi công. Đến cuối năm 1984, Trung đoàn hoàn thành xây dựng xong các công trình trên đảo, có hạng mục xong trước thời gian kế hoạch 3 tháng.

        Song song với xây dựng các công trình chiến đấu kiên cố, do công binh đảm nhận, tiểu đoàn Nam Yết được phân công xây dựng các công trình quân sự dã chiến. Ban chỉ huy tiểu đoàn đã biết phát huy trí tuệ tập thể của các ngành, các đơn vị, phối hợp với Trung đoàn 83 dân chủ bàn bạc tìm các biện pháp tổ chức thi công các công trình. Năm 1983, 1984, bằng khai thác nguồn vật liệu đá san hô sẵn có trên đảo, tiểu đoàn đã kè được hơn 2.000 mét giao thông hào và các đường cơ động liên hoàn quanh đảo, làm được hàng chục hầm pháo các loại, hàng trăm hố chiến đấu; đào lấy được hơn 2.000m3 đá san hô xây kè chống xói lở ở 2 đầu đảo. Những năm tiếp theo, tiểu đoàn tập trung chủ yếu vào công tác củng cố, tu sửa các công trình phục vụ cho các hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:03:30 pm

        3. Công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần cho nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ bảo vệ đảo.

        Tiến hành công tác kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ đảo trong điều kiện ở xa đất liền, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm cao, nhiều hơi nước mặn, mưa bão lớn kéo dài 4, 5 tháng trong năm, thiếu các cơ sở đảm bảo kỹ thuật là một trở ngại rất lớn cho việc duy trì hệ số kỹ thuật súng pháo, đạn dược trang bị khí tài phục vụ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Chấp hành sự lãnh đạo của Đảng ủy Lữ đoàn và chỉ đạo của ngành kỹ thuật, chi bộ, chỉ huy tiểu đoàn xác định công tác bảo quản kỹ thuật là trọng tâm của công tác kỹ thuật. Hàng năm, tiểu đoàn tổ chức tốt việc giáo dục nâng cao nhận thức của bộ đội về tầm quan trọng của công tác bảo quản, giữ gìn vũ khí, trang bị kỹ thuật đối với các hoạt động sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và việc nâng cao sức mạnh phòng thủ bảo vệ đảo. Cán bộ, chỉ huy các cấp tích cực đôn đốc kiểm tra công tác kỹ thuật, duy trì các chế độ bảo quản, bảo dưỡng. Trong huấn luyện, hàng năm có 100% các loại hoả khí của đảo được đưa vào diện thực hành bắn đạn thật vừa bảo đảm nâng cao chất lượng huấn luyện đồng thời vừa là một biện pháp hiệu quả để duy trì giữ vững hệ số kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu. Về mùa mưa bão, tiểu đoàn chủ động tổ chức tu sửa chống dột, chống ngập nước cho các hầm cất giấu nòng pháo, trang bị kỹ thuật, các kho tàng dự trữ chiến đấu. Tuy nhiên, hoạt động trong môi trường khắc nghiệt, nóng ẩm, hơi nước mặn cao và với điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật cất giữ dã chiến, bán kiên cố, công tác bảo quản, giữ gìn vũ khí, trang bị kỹ thuật của bộ đội đảo Nam Yết cũng chỉ đáp ứng được phần nào việc ngăn chặn tình trạng xuống cấp chất lượng vũ khí, trang bị do sự tác động của môi trường tự nhiên.

        Về công tác bảo đảm hậu cần, thời kỳ 1975-1987, đảo gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, do các chế độ cung cấp chưa phù hợp với đặc thù, điều kiện sống, sinh hoạt, sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện của bộ đội ở quần đảo Trường Sa. Ngoài 45% phụ cấp khu vực bộ đội ở đảo không được bổ sung hoặc tăng thêm gì trong các nhu cầu bảo đảm về ăn, mặc, ở và sức khoẻ. Bởi vậy, đời sống của bộ đội rất thiếu thốn, trong khi nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo luôn nặng nề, căng thẳng. Năm nào cũng vậy, các đoàn cán bộ của Quân chủng, của Vùng 4 và của Lữ đoàn ra kiểm tra tình hình thực hiện các mặt công tác của đảo đều có chung một nhận xét: "đời sống của bộ đội đảo quá khó khăn". Bộ đội thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước ngọt, rau xanh, thiếu thông tin, giao lưu tình cảm. Có hiện tượng một số chiến sĩ không chịu đựng nổi, đi phép vào bờ, bỏ ngũ luôn không trở lại đảo. Cảm thông, thấu hiểu nỗi vất vả, thiếu thốn của bộ đội, từ năm 1977, Quân chủng đã có nhiều đề nghị nghiên cứu vận chuyển đất ra đảo trồng rau xanh, mỗi đảo từ 200 đến 300m3 đất trồng trọt; đề nghị trên bảo đảm tốt hơn số lượng, chất lượng các nhu yếu phẩm, quân trang, quân dụng thiết yếu cho bộ đội. Song hoàn cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn, hơn nữa công tác bảo đảm hậu cần cho bộ đội quần đảo Trường Sa là vấn đề mới mẻ nên không thể một sớm, một chiều có thể đáp ứng và giải quyết được.

        Không trông chờ vào trên, quán triệt sự lãnh đạo của Đảng ủy Trung đoàn, (Lữ đoàn), chi bộ và chỉ huy Tiểu đoàn Nam Yết đã nêu cao quyết tâm, phát huy trách nhiệm chính trị, chủ động lãnh đạo đơn vị với tinh thần tự lực, tự cường nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, giảm bớt dần những thiếu thốn, từng bước cải thiện đời sống cho bộ đội.

        Hàng năm, ngành hậu cần của Trung đoàn (Lữ đoàn) tích cực chỉ đạo các mặt công tác tăng gia, đồng thời mạnh dạn cải tiến phương thức bảo đảm cho phù hợp với thực tế ở đảo. Về phía đơn vị tổ chức tốt việc trồng rau xanh, đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:03:47 pm

        Năm 1980, ngành hậu cần Trung đoàn cấp cho đảo bếp dầu hoá hơi thay cho bếp than, bếp củi đã khắc phục được tình trạng về mùa mưa bão, gió lớn, bếp than không cháy được nên bộ đội thường xuyên phải ăn cơm sống, khê, tỷ lệ mắc bệnh đường tiêu hoá rất cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sức chiến đấu của đơn vị.

        Hoạt động trong điều kiện thời tiết mùa khô thì nắng như đổ lửa, mùa mưa thì triền miên những trận mưa kéo dài, bộ đội vừa huấn luyện, vừa tham gia xây dựng, củng cố công sự, trận địa, tăng gia sản xuất nên quần, áo rất nhanh rách, mục, nhiều cán bộ, chiến sĩ không còn đủ quần áo lành để mặc. Tiểu đoàn đã tổ chức bộ phận may, vá, sửa chữa quần áo cho bộ đội, máy móc và vật tư do Lữ đoàn bảo đảm. Mỗi năm trung bình đảo sửa chữa hơn 100 bộ quần áo; may vá được 200 chiếc quần, áo, cơ bản khắc phục hiện tượng bộ đội thiếu quần áo, phải mặc quần áo rách.

        Trồng rau xanh là công tác quan trọng trong tổ chức tăng gia bảo đảm đời sống, sức khoẻ cho bộ đội; đồng thời cũng là vấn đề không đơn giản, dễ dàng mốt chút nào. Thực tế ở đảo về mùa khô thì thiếu nước ngọt; mùa mưa, gió bão lớn, nhiều hơi nước mặn nên việc trồng rau xanh đều gặp khó khăn. Song, với quyết tâm cao, tiểu đoàn tổ chức cải tạo đất, tìm nguồn giống rau, chủ yếu là bầu, bí phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở đảo; phát động phong trào thi đua trồng rau xanh ở tất cả các đơn vị, bộ phận trên toàn đảo Bởi vậy, khối lượng rau tăng gia của đảo hàng năm đạt trên dưới 3 tấn, có năm thời tiết thuận lợi thu nhập được gần 4 tấn bầu bí, giải quyết được một phần rất quan trọng việc bảo đảm rau xanh trong bữa ăn của bộ đội. Về đánh bắt hải sản và chăn nuôi, hàng năm bộ đội đảo đánh bắt được gần 3 tấn cá các loại, đặc biệt là rùa biển, bắt được hơn 2 tấn/năm. Năm 1984, bắt 141 con, khối lượng 2.862kg; chăn nuôi nhập bếp được hơn 6 tạ thịt lợn hơi là nguồn bổ sung thực phẩm khá dồi dào của đơn vị. Ngoài ra tiểu đoàn còn được sự chi viện thực phẩm là trứng chim của bộ đội đảo Trường Sa gửi tặng.

        Nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống của bộ đội đảo Nam Yết là vấn đề nan giải và khó khăn. Về mùa mưa anh em tận dụng nguồn nước mưa tự nhiên, còn về mùa khô luôn trong tình trạng thiếu nước trầm trọng. Hệ thống chứa nước của đảo gồm bể xây và bể téc sắt chỉ bảo đảm lượng chứa hơn 200 khối, chia theo mỗi đầu người 1m3 sử dụng thường xuyên và dự trữ. Bể nước xây trên đảo thường hay bị lún và nứt rò chảy do xây trên nền san hô yếu, bị rung do các loại pháo lớn bắn đạn thật thường xuyên trên đảo nên cũng chỉ dùng một thời gian lại phải xây, sửa. Còn nước chứa trong téc sắt bị ô xi hoá, bị vàng, bẩn không bảo đảm vệ sinh nhất là về mùa khô, đơn vị phải lọc nước mới sừ dụng được. Vì vậy việc quản lý và sử dụng nước ngọt đơn vị quy định rất chặt chẽ, phân phối theo định lượng đầu người trong ngày để duy trì cho sinh hoạt và dự trữ sẵn sàng chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn nêu cao ý thức tự giác chấp hành, cùng nhau san sẻ, chấp nhận thiếu thốn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ lữ đoàn giao cho.

        Bộ phận quân y tích cực tham gia cho chỉ huy đảo, chỉ đạo tốt công tác vệ sinh môi trường đảo, an toàn thực phẩm, theo dõi, quản lý sức khoẻ của bộ đội. Thời kỳ này do ăn uống thiếu thốn, cùng với sự tác động của khí hậu, thời tiết, bộ đội đảo Nam Yết hay bị mắc bệnh kiết lỵ, sốt xuất huyết nhiều đợt thành dịch lây lan khắp các đơn vị trên đảo. Tổ quân y đã tiến hành nhiều biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh, xử lý giải quyết tốt các ca cấp cứu tiêu chảy, sốt xuất huyết, ngộ độc thức ăn và hàng trăm ca cấp cứu khác trong phạm vi khả năng chuyên môn cấp trên quy định, bảo đảm quân số khoẻ cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu.

        Từ năm 1978, đơn vị bắt đầu triển khai trồng và chăm sóc cây xanh để cải thiện môi trường sống trên đảo. Giống cây từ bờ đưa ra đảo chủ yếu là cây phi lao, bàng quả vuông, dừa, mù u là những loại cây phù hợp với đảo Nam Yết. Mặc dù tỉ lệ cây sống thấp và thường xuyên bị bão nhưng sau nhiều năm số lượng cây xanh không ngừng tăng lên, đảo luôn giữ được màu xanh.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:04:49 pm

        4. Công tác đảng, công tác chính trị tích cực góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        Công tác đảng, công tác chính trị luôn là công tác quan trọng hàng đầu, quyết định đến quá trình thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của đảo. Thời kỳ 1975-1987, quy mô tổ chức đảng của đảo Nam Yết là cấp chi bộ cơ sở. Chi bộ có trên dưới 10 đảng viên, những năm 1982, 1987, số lượng đảng viên tăng lên trên dưới 25 đảng viên, kể cả chưa chính thức. Tỷ lệ lãnh đạo của đơn vị khoảng từ 9% đến 12%. Dưới chi bộ là các tổ đảng, lãnh đạo các phân đội sau đó là đại đội. Quán triệt nghị quyết của Đảng ủy Lữ đoàn, nắm chắc nhiệm vụ của đơn vị, chi bộ đảo luôn đề cao vai trò trách nhiệm, không ngừng củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong xây dựng đơn vị và phòng thủ bảo vệ đảo. Đặc biệt là vai trò của cấp ủy và các tổ đảng trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác cụ thể của đơn vị. Mọi vấn đề trong hoạt động sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo đảm đời sống trước khi quyết định đều thông qua bàn bạc thống nhất trong cấp ủy, chi bộ và trong tổ đảng để phát huy cao nhất năng lực trí tuệ tập thể. Mọi cán bộ, đảng viên luôn tiên phong trong mọi công việc, xả thân, quên mình trong những hoàn cảnh gian khổ, khó khăn nhất, là tấm gương để lôi cuốn quần chúng, khích lệ quần chúng hành động hướng vào mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

        Để duy trì sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảm bảo khả năng lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, chi bộ đảo thường xuyên được kiện toàn về số lượng, nâng cao về chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng, củng cố chi ủy mạnh ngang tầm với nhiệm vụ Công tác phát triển đảng luôn được chú trọng, hàng năm chi bộ kết nạp từ 5 đến 6 đảng viên mới bổ sung, tăng cường sức lãnh đạo đơn vị. Từ năm 1981 đến năm 1984, chi bộ đảo liên tục đạt trong sạch vững mạnh, 100% đảng viên đủ tư cách.

        Thời kỳ này đảo Nam Yết tập trung vào công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, cán bộ và quần chúng. Trong đó đi sâu vào quán triệt, giáo dục cho bộ đội về đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước; nhiệm vụ của đơn vị, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm xây dựng đơn vị; xây dựng ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo, đề cao tinh thần đoàn kết, thương yêu, chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau gắng sức để vượt qua khó khăn thử thách; đặc biệt giáo dục về ý thức tổ chức, chấp hành kỷ luật quân đội và các quy định của Lữ đoàn, của đảo. Ngay từ năm 1977, đảo Nam Yết được cấp “sổ truyền thống" để ghi chép lại những thành tích, chiến công hàng năm của đơn vị, làm tài liệu giáo dục, tổng kết truyền thống của đảo. Năm 1978, lần đầu tiên bộ đội đảo Nam Yết được xem chiếu phim, xem biểu diễn văn nghệ do Quân chủng tổ chức. Những năm sau đó, vào mùa biển lặng, Quân chủng đều tổ chức văn công ra đảo phục vụ bộ đội và đội chiếu bóng của Vùng 4 đi theo các tàu vận tải ra chiếu phim. Từ năm 1983, Quân chủng đầu tư xây dựng tủ sách cho đảo từng bước hình thành thư viện đảo sau này, đáp ứng nhu cầu đọc sách, nâng cao nhận thức chính trị, xã hội, bồi dưỡng tâm hồn cao đẹp cho bộ đội. Được sự quan tâm của Quân chủng, của Lữ đoàn, đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội từng bước được cải thiện, góp phần quan trọng trong việc bồi dưỡng tình cảm cách mạng, phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ".

        Thời kỳ này, công tác cán bộ chưa có chủ trương, chính sách luân phiên nên các đồng chí cán bộ làm nhiệm vụ ở .đảo luôn xác định tư tưởng công tác lâu dài với đảo, với Lữ đoàn, đại đa số cán bộ đảo Nam Yết là các sĩ quan tốt nghiệp các trường quân sự, chính trị, kỹ thuật và nghiệp vụ được điều động bổ sung cho đảo và phát triển, trưởng thành thông qua đảm đương các chức vụ chủ yếu trong phạm vi Lữ đoàn để bảo đảm chất lượng, số lượng cán bộ theo quy luật phát triển từ cấp trung đội lên đại đội, từ chỉ huy đảo nhỏ lên chỉ huy đảo lớn và Lữ đoàn.

        Đảo chú trọng huấn luyện, giáo dục bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng, năng lực chỉ huy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức cách mạng làm nòng cốt xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt. Thời gian này hầu hết cán bộ của đảo đã trải qua nhiều năm gắn bó với các đơn vị trên quần đảo Trường Sa, trải qua thử thách của cuộc sống thiếu thốn, gian khổ, hy sinh nên dày dạn kinh nghiệm trên các mặt công tác, luôn thể hiện sự tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, có ý chí kiên định, lập trường vững vàng, đoàn kết và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:05:10 pm

        Lực lượng đoàn viên thanh niên của đảo Nam Yết chiếm 80% quân số. Toàn đảo thành lập 1 liên chi đoàn. Mỗi đại đội thành lập 1 chi đoàn. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, liên chi đoàn đảo vừa coi trọng công tác giáo dục, rèn luyện đội ngũ đoàn viên thanh niên vừa tổ chức tốt các phong trào thi đua xung kích trong các nhiệm vụ trọng tâm là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện; các phong trào tăng gia, sản xuất, thể thao, văn hoá, văn nghệ. Thời kỳ này, bộ đội khi mới ra đảo làm nhiệm vụ, tỷ lệ quần chúng chưa phải là đoàn viên thanh niên chiếm khá cao, như năm 1983, 1984, đảo có tới 40% quần chúng chưa là đoàn viên. Sau khi ra đảo, số quần chúng chưa là đoàn viên tiếp tục được chi bộ, liên chi đoàn bồi dưỡng, giáo dục mục tiêu lý tưởng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hướng họ phấn đấu, gia nhập tổ chức đoàn. Hàng năm các chi đoàn đảo tổ chức kết nạp hàng chục đoàn viên mới, tăng cường sức mạnh cho các hoạt động của đoàn. Kết quả bình xét thi đua hàng năm, tỷ lệ đoàn viên được bầu danh hiệu chiến sĩ thi đua, khen thưởng bằng khen, giấy khen chiếm đến 80% tổng số được khen thưởng của đơn vị. Đó là sự biểu dương động viên kịp thời, tích cực đối với lực lượng trẻ - động lực mạnh mẽ trong xây dựng và bảo vệ đảo. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ hầu hết số thanh niên chưa là đoàn viên đều phấn đấu trở thành đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiều đồng chí đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, họ là những nhân tố tích cực trở về địa phương tiếp tục học tập, công tác, xây dựng quê hương, đất nước. Phát biểu trước khi rời đảo, tất cả các đồng chí đoàn viên thanh niên đều nói nên niềm tự hào đã có những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi được sống, học tập, rèn luyện và công tác ở đảo tiền tiêu, nơi đầu sóng, ngọn gió, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

        Ngày 28 tháng 12 năm 1982, Quốc hội nước ta ra nghị quyết sáp nhập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai cũ vào tỉnh Phú Khánh (sau này là tỉnh Khánh Hoà). Từ đây, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết lại tiếp tục được sự chăm lo, đùm bọc của nhân dân tỉnh Phú Khánh. Năm 1984, ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh tổ chức kết nghĩa giữa các huyện, thị trong tỉnh với các đảo của huyện Trường Sa, trong đó nhân dân thị xã Tuy Hoà kết nghĩa với bộ đội đảo Nam Yết. Sau ngày kết nghĩa, hàng năm khi có dịp, nhân dân thị xã Tuy Hoà lại gửi thư, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, chỗ dựa tinh thần vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ hăng hái phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo một nhiệm vụ vinh quang đầy khó khăn gian khổ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

        Có thể nói, giai đoạn năm 1975 đến 1987 là những năm tháng đầy thử thách đối với bộ đội đảo Nam Yết, về vật chất, tinh thần thiếu thốn hơn cả thời chiến tranh giải phóng. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng, của Vùng 4 và Lữ đoàn 146, sự chi viện của các cấp, các ngành, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đã bền bỉ khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng, củng cố đảo vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo. Có nhiều năm liên tục đảo đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng". Năm 1984, đảo được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, ghi nhận những cố gắng vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết, cũng như những thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ đảo của một thời kỳ lịch sử hết sức khó khăn gian khổ.

        Điểm nổi bật chủ yếu của đảo ở thời kỳ này:

        Một là, Quân chủng đã khẩn trương tập trung các lực lượng xây dựng và hoàn thành hệ thống công trình phòng thủ dã chiến, bán kiên cố và kiên cố đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ đảo trước mắt, đồng thời quan tâm đầu tư phát triển nhanh chóng về lực lượng nhằm tăng cường khả năng và sức phòng thủ, đẩy mạnh huấn luyện nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm đánh thắng kẻ địch xâm phạm ngay từ trận đầu.

        Hai là, thời kỳ này chưa có các chế độ, chính sách, phương thức mới bảo đảm hậu cần cho bộ đội Trường Sa nên điều kiện ăn, ở của bộ đội chủ yếu mang tính chất dã ngoại, đời sống khó khăn. Song với quyết tâm bảo vệ đảo trong mọi hoàn cảnh của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đã thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, chịu đựng gian khổ, hy sinh, giữ vững ý chí chiến đấu, kiên cường bám đảo, đoàn kết thương yêu nhau, đồng cam cộng khổ, tìm mọi cách khắc phục giảm bớt khó khăn, duy trì xây dựng củng cố sức chiến đấu phòng thủ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Ba là, chi bộ, chi ủy và chỉ huy tiểu đoàn đảo Nam Yết có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, biết phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, đoàn kết, chủ động lãnh đạo tốt các mặt công tác, đồng thời là nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh, cán bộ, đảng viên đề cao tinh thần trách nhiệm gương mẫu, đi đầu trong mọi công tác gian khổ, khó khăn.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:07:34 pm

        II. PHÁT TRIỂN LÊN ĐƠN VỊ ĐẢO CẤP I, RA SỨC XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, TỔNG HỢP SỨC MẠNH CHIẾN ĐẤU PHÒNG THỦ BẢO VỆ VỮNG CHẮC ĐẢO TRONG TÌNH HÌNH MỚI (1988-2007)

        1. Tiếp tục phát triển lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tăng cường rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong tình hình mới.


        Từ cuối năm 1986 đến năm 1988, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến mới phức tạp, căng thẳng, xảy ra tranh chấp chủ quyền trên một số bãi đá ngầm giữa các nước ở xung quanh khu vực quần đảo.

        Tháng 12 năm 1986, Malaixia đưa lực lượng đóng giữ bãi đá Kỳ Vân và tháng 1 năm 1987 đóng giữ bãi đá Kiều Ngựa ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Đầu năm 1988, nước ngoài đưa lực lượng lớn hải quân xuống Trường Sa, ngang nhiên chiếm đóng bãi đá Chữ Thập, Gơ Ven, Huy Gơ, Xu Bi và sử dụng sức mạnh quân sự cưỡng chiếm bãi đá Châu Viên và Gạc Ma, gây thương vong cho một số phương tiện và hàng chục cán bộ, chiến sĩ hải quân ta.

        Để đối phó với âm mưu, hành động lấn chiếm đảo và mở rộng sự chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa của nước ngoài, bảo vệ chủ quyền của ta, Quân chủng đã tiến hành tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ các đảo đang đóng giữ, đồng thời huy động, tập trung các lực lượng ra đóng giữ thêm một số bãi đá ngầm xung quanh các đảo nổi nhằm tạo nên sức mạnh phòng thủ của từng cụm đảo.

        Với sự cố gắng vượt bậc, từ giữa năm 1987 đến giữa năm 1988, ta đã tổ chức chốt giữ thắng lợi các đảo Thuyền Chài, Đá Tây, Đá Lớn, Tốc Tan, Tiên Lữ, Núi Le, Đá Thị, Đá Nam, Đá Đông, Đá Lát, Cô Lin, Len Đao. Đồng thời lực lượng công binh khẩn trương xây dựng các công trình phòng thủ trên các đảo bãi đá ngầm này.

        Thực hiện chủ trương tăng cường sức phòng thủ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, tháng 4 năm 1988, Quân chủng quyết định thành lập 5 khu vực đảo phòng thủ và thành lập các tiểu đoàn pháo binh, phòng không trên các đảo Trường Sa, Nam Yết, Song Tử Tây. Trong đó, đảo Nam Yết được xác định là trung tâm chỉ huy khu vực 2.

        Như vậy, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đầu năm 1988, đảo Nam Yết có bước phát triển mạnh về tổ chức các lực lượng chiến đấu cả về chất lượng và số lượng, quân số cao nhất năm 1989 lên tới gần 400 cán bộ, chiến sĩ, quy mô tổ chức của đảo Nam Yết là đảo cấp I tương đương trung đoàn. Ban chỉ huy đảo gồm có đảo trưởng, đảo phó chính trị, đảo phó - tham mưu trưởng, đảo phó Pháo binh, đảo phó phòng không, đảo phó bộ binh (lục lăng đột kích). Về tổ chức lãnh đạo, thành lập Đảng bộ bộ phận đảo trực thuộc Đảng bộ Lữ đoàn.

        Sau năm 1988 đến những năm đầu 2000, tình hình trên quần đảo Trường Sa thường xuyên có những diễn biến phức tạp, căng thẳng, luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột tranh chấp chủ quyền trên một số đảo chìm - bãi đá ngầm. Một số nước đẩy mạnh xây dựng nâng cấp kiên cố hoá các công trình trên các đảo chiếm đóng trái phép, tàu thuyền của họ không ngừng và tăng cường ngày càng nhiều các hoạt động thăm dò nghiên cứu tài nguyên, khai thác hải sản vào sâu vùng biển chủ quyền của ta.

        Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa của Lữ đoàn 146 nói chung và bảo vệ đảo của bộ đội đảo Nam Yết nói riêng tiếp tục nặng nề, khó khăn phức tạp. Đặt ra yêu cầu chất lượng xây dựng lực lượng và sức mạnh chiến đấu phòng thủ bảo vệ đảo ngày càng cao và cấp bách.

        Từ năm 1991 đến 1996, để phù hợp với cách đánh, với các phương án tác chiến mới, tiểu đoàn pháo binh, tiểu đoàn phòng không của đảo Nam Yết được giải thể, thành lập các cụm chiến đấu và các phân đội hoả lực cơ động. Những năm tiếp theo đến năm 2006, tổ chức lực lượng các đảo tiếp tục được tinh hoá theo hướng gọn, mạnh, giảm dần số lượng, nâng cao chất lượng phòng thủ, chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội. Cơ cấu tổ chức chỉ huy, tổ chức lực lượng ngày càng được kiện toàn củng cố và hoàn thiện, bao gồm lực lượng phòng ngự chiến đấu tại chỗ, lực lượng cơ động, lực lượng bảo đảm và cơ quan đảo bộ gồm có đội ngũ trợ lý tham mưu, chính trị, kỹ thuật, hậu cần và các bộ phận bảo đảm.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:07:53 pm

        Về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, những năm 1988-2006, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo: "Tích cực, chủ động, mưu trí, kiên cường, vững chắc", Đảng ủy và chỉ huy đảo đã tiến hành thường xuyên, liên tục việc giáo dục, quán triệt cho mọi cán bộ, chiến sĩ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, xác định rõ đối tượng tác chiến, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo và phạm vi được phân công. Đảo duy trì thực hiện nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến đấu của các lực lượng tại chỗ và lực lượng cơ động, bảo đảm hoạt động liên tục ngày đêm. Sở chỉ huy của đảo được nâng cấp xây mới cùng với việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho chỉ huy tác chiến ngày càng hiện đại, hiệu quả cao. Công tác quan sát phát hiện và tuần tra, canh gác được hết sức chú trọng. Hệ thống quan sát đối không, đối hải được nâng cấp và tổ chức ngày càng chặt chẽ, bảo đảm quan sát liên tục ngày đêm 24/24 giờ, theo dõi và quản lý mọi mục tiêu hoạt động ban ngày và ban đêm. Hệ thống vọng gác xung quanh đảo luôn giữ được yếu tố bí mật, thực hiện quan sát tốt các mục tiêu xâm nhập, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu khi có tình huống xảy ra. Trung bình hàng năm đảo phát hiện theo dõi trên 1.500 lần chiếc máy bay hoạt động trên không, trên 800 lần tàu thuyền hoạt động trên biển, khả năng nhận dạng chính xác mục tiêu cũng ngày càng tiến bộ. Đảo luôn chủ động xử lý các tình huống tàu, thuyền nước ngoài vi phạm đúng đối sách, an toàn và báo cáo kịp thời không để xảy ra bất ngờ.

        Công tác thông tin, liên lạc thông suốt, luôn giữ vững liên lạc với sở chỉ huy và các đảo.

        Hàng năm, đảo tập trung làm tốt việc bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện theo các phương án chiến đấu phòng ngự; hiệp đồng chiến đấu; đánh địch tập kích ban đêm ở các cấp toàn đảo, cụm và phân đội. Tổ chức luyện tập, toàn đảo tháng 1 lần, cụm một tháng 2 lần, phân đội một tháng 3 lần. Kết quả luyện tập thường xuyên đạt khá, giỏi. Trong luyện tập phương án, chú trọng luyện tập các phương án đánh địch ban đêm, đánh biệt kích người nhái, chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Bên cạnh đó, đảo tổ chức thực hiện tốt các kế hoạch luyện tập thực hành bắn xua đuổi các tàu thuyền xâm phạm khu vực biển đảo quản lý. Hàng năm, các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Quân chủng, Vùng và Lữ đoàn về huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đảo luôn đạt yêu cầu, có nhiều năm liên tục đạt khá, giỏi như các năm 1993- 1995 và liên tục các năm 1998-2005. Việc tăng cường kiểm tra của cấp trên, nhất là của Vùng và Lữ đoàn là cơ sở để đánh giá đúng thực chất chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu đã tác động mạnh tới công tác chấn chỉnh, nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cũng như việc duy trì thực hiện nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu của các cấp đơn vị đảo.

        Sau năm 1990, thực hiện chế độ cán bộ công tác luân phiên trên quần đảo Trường Sa và Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nên thời gian công tác thực tế ở đảo của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp từ 12 đến 18 tháng, hạ sĩ quan, chiến sĩ thường từ 24 tháng đến 30 tháng. Để bảo đảm chất lượng sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu cũng như việc duy trì nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu thường xuyên, liên tục của đảo, việc thay quân luôn đảm bảo tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ cũ và mới hợp lý, khoa học.

        Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ đảo trong tình hình mới, những năm 1988-2006, công tác huấn luyện chiến đấu tiếp tục được đẩy mạnh, được Lữ đoàn, Quân chủng đầu tư mạnh về vật chất và tích cực đổi mới phương pháp, nội dung huấn luyện sát với những diễn biến mới của thực tiễn. Công tác huấn luyện của đảo luôn thực hiện đúng phương châm "toàn diện, cơ bản, thiết thực và vững chắc", coi trọng huấn luyện thực hành, huấn luyện ban đêm và trong điều kiện thời tiết phức tạp. Quan tâm huấn luyện bồi dưỡng nâng cao chất lượng toàn diện của đội ngũ cán bộ từ khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng trở lên làm nòng cốt nâng cao chất lượng huấn luyện và trình độ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Bảo đảm mỗi cán bộ, chiến sĩ phải phấn đấu có đủ trình độ sử dụng thành thạo 2 đến 3 loại vũ khí, trang bị hiện có trên đảo; cán bộ có trình độ chỉ huy thực hành chiến đấu thuần thục, giỏi phần việc chức trách của mình và sẵn sàng thay thế, kiêm nhiệm được ở các vị trí khác nhau khi cần thiết.

        Ban chỉ huy đảo đã có nhiều biện pháp huấn luyện như rút kinh nghiệm trong từng bài học, môn học, đẩy mạnh công tác kiểm tra, hội thao, sơ kết, tổng kết đánh giá đúng chất lượng huấn luyện, kết quả huấn luyện ở từng bộ phận từ khẩu đội, tiểu đội, phân đội đến các cụm. Bởi vậy, chất lượng huấn luyện và trình độ sẵn sàng chiến đấu của đơn vị luôn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ vững chắc đảo Đặc biệt từ năm 1996 đến 2000, kiểm tra các nội dung huấn luyện đảo Nam Yết đều đạt 100% yêu cầu có trên 79,5% khá, giỏi; luôn bảo đảm 100% cán bộ huấn luyện theo phân cấp, trong đó có 85% cán bộ khá, giỏi, có trên 40% giỏi.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:08:14 pm

        Cùng với việc khẩn trương tổ chức lực lượng, nâng cao sức mạnh trình độ sẵn sàng chiến đấu, từ năm 1989 đến 2006, hệ thống công trình phòng thủ chiến đấu của đảo Nam Yết không ngừng được Quân chủng, cùng với sự chi viện tích cực của các ngành, các tổng cục trong toàn quân đầu tư nâng cấp, xây mới kiên cố, lâu bền, đáp ứng yêu cầu phòng ngự vững chắc, lâu dài.

        Lực lượng xây dựng gồm công binh Trung đoàn 83, Trung đoàn 131 và công binh của Vùng 4 Hải quân là các Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, có sự phối hợp của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam yết tham gia vận chuyển vật liệu xây dựng các công trình cấp 4. Những năm 1989, 1995 vào mùa khô, đảo như một công trường xây dựng lớn với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công binh cùng các trang thiết bị công trình miệt mài lao động. Các tàu vận tải chở hàng ra vào đảo như con thoi. Bộ mặt của đảo mỗi năm một đổi mới như một pháo đài mỗi ngày một thêm vững chắc. Bộ đội đảo Nam Yết tổ chức đóng gạch, xây dựng được 1.000m2 nhà cấp 4, tham gia vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu tu sửa, kè đá được hàng nghìn mét hào dã chiến. Năm 1992, khánh thành 2 nhà đảo bộ 2 tầng và sau đó hàng loạt các công sự, trận địa hoàn thành đưa vào sử dụng. Những năm 1996-2005, hàng chục công trình kiên cố tiếp tục được xây dựng. Hệ thống kè bê tông vòng quanh đảo; cầu cảng cho xuồng chuyển tải hoàn thành là những điểm nhấn đánh dấu sức vươn lên không ngừng của đảo Nam Yết, xứng đáng với vị trí tiền tiêu, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

        Để tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố nâng cao sức mạnh chiến đấu, từ năm 1996, đảo triển khai thực hiện cuộc vận động rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Đảng ủy đảo xác định đây là mặt công tác lớn, quan trọng của Đảng bộ, là một trong những yếu tố góp phần quyết định xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và nâng cao sức mạnh chiến đấu của đảo. Những năm 1996-2000, tình hình chấp hành kỷ luật của đảo từng bước được chấn chỉnh, các chế độ trong ngày, trong tuần được thực hiện ngày càng nghiêm túc; trật tự nội vụ, vệ sinh khu vực nơi ăn ở của bộ đội ngày càng gọn gàng, thống nhất, tình hình vi phạm kỷ luật giảm đáng kể.

        Những năm 2001-2007, công tác rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy của đảo tiếp tục được đẩy mạnh, Đảng ủy ra nghị quyết chuyên đề để đi sâu lãnh đạo đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ và là một trong những mặt công tác chuyển biến nổi bật nhất của đảo thời kỳ này. Đảng ủy và chỉ huy đảo làm tốt việc quán triệt các nghị quyết chỉ thị của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn về rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Đảo tập trung thực hiện nội dung 5 xây, 5 chống của Chỉ thị 733 của Ban chỉ đạo 1.438 Quân chủng và các chỉ thị cấm uống rượu, bia say, cấm bán rượu trong đơn vị của Tư lệnh Hải quân. Bằng nhiều biện pháp giáo dục, động viên bộ đội chấp hành đi đôi với thường xuyên sâu sát kiểm tra chấn chỉnh kịp thời; đồng thời chỉ đạo Đoàn thanh niên phát động các đợt thi đua kết hợp phát huy vai trò của Hội đồng quân nhân, mở rộng dân chủ ở cơ sở hướng vào khắc phục những khâu yếu, mặt yếu; thực hiện việc chấm điểm thi đua hàng tuần, tháng của các đơn vị một cách chính xác, biểu dương khen thưởng kịp thời đã có tác dụng mạnh cổ vũ tinh thần hăng hái hưởng ứng của cán bộ, chiến sĩ toàn đảo trong chấp hành các quy định rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Các chế độ trong ngày được duy trì thực hiện nghiêm túc, tác phong công tác của cán bộ, ý thức chấp hành mệnh lệnh và các quy định của cán bộ, chiến sĩ ngày càng chính quy và nghiêm minh. Đặc biệt là việc cấm hạ sĩ quan, chiến sĩ uống rượu, bia được thực hiện triệt để trên toàn đảo, cán bộ, chỉ huy đảo, cụm và các phân đội gương mẫu chấp hành. Doanh trại các đơn vị, bộ phận luôn giữ được sạch, đẹp, trật tự nội vụ, lễ tiết tác phong của bộ đội luôn bảo đảm đúng quy định. Nền nếp huấn luyện được duy trì thực hiện nghiêm, đủ nội dung và thời gian theo quy định của Lữ đoàn. Công tác quản lý vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất chặt chẽ, an toàn. Hàng năm, các vụ vi phạm kỷ luật thông thường chỉ còn dưới 0,6%; ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả các vụ vi phạm nghiêm trọng có thể xảy ra ở đơn vị, nhất là cháy nổ, mất an toàn về người và vũ khí trang bị.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:17:37 pm
         
        2. Không ngừng nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, hậu cần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phòng thủ và đời sống của bộ đội

        Những năm 1988-2006, số lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài tăng cường cho đảo rất lớn với nhiều chủng loại, do nhiều nước sản xuất. Trong khi đó khả năng tiến hành công tác kiểm tra, bảo quản, sửa chữa, cung ứng vật tư của ngành kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện và kinh phí. Đảo ở vùng biển thường xuyên có bão; khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm cao, hơi nước mặn dày đặc làm cho vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài nhanh xuống cấp, hư hỏng. Bởi vậy, công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ cho huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu luôn luôn là công tác lớn nặng nề và khó khăn đối với ngành kỹ thuật của cấp trên nói chung và của đảo nói riêng. Trước năm 1988, hàng năm có các đội bảo quản, sửa chữa kỹ thuật đủ các chuyên ngành của Lữ đoàn và của Vùng ra đảo tiến hành kiểm tra và tổ chức bảo quản sửa chữa. Sau năm 1988, để bảo quản, sửa chữa cho số lượng lớn vũ khí trang bị kỹ thuật, ngoài lực lượng kỹ thuật của Lữ đoàn, Vùng, đảo còn được tăng cường lực lượng kỹ thuật Nhà máy Z753 của Quân chủng, Nhà máy Z133, Z201 của Tổng cục Kỹ thuật và Binh chủng xe tăng thiết giáp.

        Đi đôi với việc tăng cường các lực lượng kỹ thuật của Quân chủng và đơn vị bạn, bộ phận lực lượng kỹ thuật tại chỗ của đảo được thành lập và từng bước được kiện toàn làm nhiệm vụ theo dõi kiểm tra, quản lý các loại vũ khí, trang bị vật tư kỹ thuật, tổ chức huấn luyện, bảo quản, niêm cất, sửa chữa khôi phục những hư hỏng thông thường, sửa chữa nhỏ, đôn đốc giám sát các cụm, các phân đội thực hiện các chế độ “ngày kỹ thuật”, “giờ kỹ thuật”. Đảng ủy và chỉ huy đảo Nam Yết tập trung lãnh đạo công tác bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ tại đơn vị, chỉ huy phối hợp hiệp đồng giữa đơn vị với các lực lượng kỹ thuật của cấp trên và binh chủng bạn tiến hành các mặt công tác kỹ thuật.

        Bộ phận kỹ thuật, trợ lý kỹ thuật và đội ngũ cán bộ, chiến sĩ các đơn vị giữ vai trò rất quan trọng có ý nghĩa quyết định chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đảo. Hàng năm, bám sát sự chỉ đạo của ngành kỹ thuật, bộ phận kỹ thuật của đảo tiến hành quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng vũ khí trang bị, đưa dần công tác quản lý sử dụng vào nền nếp, chính quy, có hệ thống sổ sách đăng ký và ghi chép tình trạng kỹ thuật từ đảo xuống các cụm, các phân đội, thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ kiểm kê đánh giá số lượng, chất lượng; duy trì nghiêm các chế độ bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ, chủ động và tìm biện pháp sửa chữa khắc phục hỏng hóc thông thường; sắp xếp kiện toàn các kho, hầm cất giấu, phòng chống cháy nổ, bảo đảm an toàn. Hàng năm đảo tổ chức tiếp nhận và bàn giao hàng chục tấn vật tư, đạn, vũ khí; sửa chữa nhỏ từ 55-70 lần vũ khí, trang bị, đảm bảo hệ số kỹ thuật vũ khí 0,9; đạn 1, tổ chức huấn luyện kỹ thuật bổ sung được hàng trăm giờ về bảo quản, sử dụng vũ khí, trang bị.

        Thời kỳ này thực hiện cuộc vận động “quản lý khai thác - sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm" và sau đó là cuộc vận động 50, đảo chú trọng vào công tác giáo dục cho bộ đội, nâng cao nhận thức về đặc điểm tình hình công tác kỹ thuật ở môi trường đảo và hoàn cảnh của đất nước, duy trì nghiêm nền nếp công tác kỹ thuật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thực lực vũ khí, trang bị; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên, công nhân kỹ thuật cả về chuyên môn và phẩm chất đạo đức tinh thần trách nhiệm. Những năm 1988-2006, các thiết bị bảo quản bao gói, nhà che, hầm chứa, kho cất giữ vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện của đảo không ngừng được trên nghiên cứu, tích cực đầu tư nâng cấp chất liệu và kiên cố hoá theo hướng bền chắc, cơ bản, lâu dài. Các công trình này đảo tiếp nhận sử dụng và quản lý tốt đã hạn chế được rất nhiều sự xuống cấp của vũ khí, trang bị do tác động bất lợi của điều kiện môi trường.

        Như vậy, thời kỳ 1988-2007, công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ sẵn sàng chiến đấu được đầu tư lớn, cùng với sự tích cực, chủ động của lực lượng kỹ thuật các cấp và của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đã góp phần rất lớn vào tăng cường sức mạnh và khả năng phòng thủ của đảo, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới về công tác .kỹ thuật trên quần đảo Trường Sa của Quân chủng Hải quân nói chung và đảo Nam Yết nói riêng.

        Cùng với công tác bảo đảm kỹ thuật, từ năm 1988 đến 2007 công tác bảo đảm hậu cần cho đảo Nam Yết được tiến hành một cách toàn diện trên các mặt với cả chiều rộng và chiều sâu, mang tính đặc thù sát với thực tế yêu cầu xây dựng và bảo vệ đảo.

        Ngày 11 tháng 12 năm 1989, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị 316 về bảo đảm hậu cần cho bộ đội Trường Sa và sau đó là các chỉ thị hướng dẫn thực hiện đánh dấu một thời kỳ đầu tư mạnh mẽ và đổi mới phương thức bảo đảm của Nhà nước trên các mặt công tác hậu cần cho đảo, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của bộ đội đảo Nam Yết.

        Để phù hợp với cường độ hoạt động sẵn sàng chiến đấu và công tác, cán bộ, chiến sĩ đảo được cấp quân trang, quần áo, mũ, giày dép tăng thêm hàng năm. Đặc biệt, chiến sĩ được cấp thêm quần, quần sóc, áo ngắn tay, đệm vai, giày chống san hô, mũ rộng vành, găng tay bạt, khẩu trang đáp ứng được nhu cầu thiết thực cuộc sống công tác của bộ đội ở đảo. Từ đây, bộ đội không phải mặc quần áo rách, vá, có đủ các loại quân trang và bảo hộ thích hợp cho các hoạt động của đơn vị.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:18:42 pm

        Được Nhà nước bảo đảm cho bộ đội chế độ ăn cao không tính vào lương và được điều chỉnh theo thời giá thị trường, để đáp ứng tối đa lượng cao phù hợp với điều kiện hoạt động ở đảo, căn cứ vào tiêu chuẩn ăn của bộ đội trên đảo, hàng năm ngành hậu cần của Lữ đoàn tổ chức mua sắm và nhận của trên, đóng bao gói hàng hoá lương thực, thực phẩm vận chuyển ra đảo. Thực phẩm chủ yếu là đồ hộp do Tổng cục Hậu cần bảo đảm, gạo do Lữ đoàn hợp đồng với tỉnh Phú Yên và các tỉnh Nam Bộ mua loại chất lượng tốt. Bếp dầu hoá hơi tiếp tục đước Tổng cục Hậu cần cải tiến và trang bị cho đảo sau khi thí nghiệm một số bếp cơ động của Liên Xô cũ không phù hợp.

        Công tác tăng gia được tiến hành có tính cơ bản, lâu dài, trên đầu tư xây dựng các khu vườn trồng rau xanh; nguồn đất màu chở ra đảo từ bờ (mua của nhân dân huyện Diên Khánh, Khánh Hoà) số lượng cấp theo chỉ tiêu đầu người trên đảo; nguồn giống rau do Cục Trồng trọt, Tổng cục Hậu cần cung cấp là những loại giống rau chất lượng tốt thích nghi với khí hậu thời tiết ở đảo. Ngoài ra đảo kết hợp tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt hải sản để tăng thêm chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Hàng năm đảo thu hoạch được từ 7 đến 12.tấn rau xanh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, trung bình 8kg rau/1 tháng/1người. Cụm 2 có năm đạt 13kg rau/đầu người. Mô hình tổ chức tăng gia phân theo từng phân đội, bộ phận, tận dụng nguồn nước thải tưới rau hàng ngày và phát huy được trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nước phục vụ đời sống và sinh hoạt của bộ đội ngày càng được bảo đảm nhiều hơn. Hệ thống bể ngầm kiên cố được xây mới tăng khối lượng dự trữ; téc sắt được thay dần bằng téc I-nốc, nên chất lượng nước dự trữ bảo đảm vệ sinh hơn. Cho đến năm 2003, hệ thống bể chứa nước của đảo cung cấp cho nhu cầu thường xuyên và dự trữ lên gần 1.200m3, lớn hơn gấp 5 lần trước năm 1988.

        Nơi ăn ở của bộ đội không ngừng được cải thiện, từ nhà tạm, nhà cấp 4 được thay dần bằng nhà kiên cố cấp 1, nhà gỗ. Nhà gỗ có ưu việt là mát, thời gian xây dựng nhanh, giá thành rẻ hơn nhà cấp 1 đến 40%. Năm 1993, đảo xây dựng 3 nhà gỗ cho các kho hậu cần và nhà quân y. Song thực tế ở đảo khí hậu rất khắc nghiệt, nhiều bão lớn thường xuyên hoành hành. Cơn bão số 9 gió mạnh cấp 11 đổ bộ vào đảo cuối tháng 10 năm 1994 làm một số nhà kho, nhà ở bằng gỗ bị đổ, tốc mái không an toàn nên hướng đầu tư tập trung vào xây dựng nhà kiên cố, bảo đảm chắc chắn, an toàn và lâu dài. Cùng với việc nâng cấp điều kiện ăn, ở, sinh hoạt đường lưu thông đi lại trên đảo từ nguồn đầu tư của trên, Đảng ủy và chỉ huy đảo chỉ huy các đơn vị tận dụng tốt vật liệu tại chỗ làm đường cơ động, các đường ngách trên đảo và hàng năm thường xuyên sửa chữa, củng cố các loại đường này với số lượng hơn 2.000 mét. Trồng cây phủ xanh đảo là một chủ trương cực kỳ đúng đắn của Quân chủng tiến hành từ năm 1978 và thực tế nó ngày càng phát huy hiệu quả chống xói mòn, chống bão, gió, cải tạo đất, điều hoà môi trường sinh thái. Trong xây dựng, củng cố đảo, sau năm 1988, phong trào trồng cây xanh tiếp tục được đẩy mạnh và là một phong trào quan trọng trong các hoạt động hàng năm của đảo. Ngoài một số giống cây từ bờ cung cấp, đảo tổ chức gây giống cây tại chỗ như phi lao, bão táp, bàng quả vuông, mù u, những năm sau này thí nghiệm trồng thêm cây ăn quả. Hàng năm đảo triển khai trồng từ 1.500 đến 2.000 cây xanh các loại, có 30-40 cây dừa, tỷ lệ sống đạt 15-20%. Cho nên dù khí hậu khắc nghiệt, bão gió hàng năm ảnh hưởng lớn, song đảo luôn luôn giữ được màu xanh, số lượng các loại cây xanh thường xuyên được nhân lên, được chăm sóc phát triển tươi tốt, rợp bóng trên đảo, mang đậm hình bóng của đất hến, ấm áp tình cảm quê hương đất nước.

        Từ tháng 10 năm 1991, công tác quân y trên đảo cũng được đổi mới phương thức bảo đảm để đảm bảo duy trì ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cao của đơn vị. Từ năm 1991, lực lượng bác sĩ y tá y sĩ các kíp công tác quân y luân phiên trên đảo Nam Yết do Bệnh viện 103, Học viện Quân y đảm nhiệm. Mọi trang bị quân y do Quân chủng bảo đảm; công tác vệ sinh phòng dịch do tổ vệ sinh phòng dịch của Vùng và Viện Vệ sinh phòng dịch Trung ương Quân đội thực hiện. Đảo xây dựng bệnh xá để chăm sóc điều trị bệnh binh, thương binh. Hàng năm, theo định kỳ hoặc đột xuất, các đội vệ sinh phòng dịch của cấp trên ra đảo kiểm tra và thực hiện việc phun thuốc xử lý các loại côn trùng có hại; quân y của đảo chỉ đạo các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường, chấp hành nghiêm 10 điều quy định vệ sinh trên đảo của Bộ Quốc phòng ban hành năm 1990; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho bộ đội, khám kiểm tra sức khoẻ bộ đội lúc mới ra đảo; xử lý kịp thời các ca cấp cứu bộ đội tại đảo, cấp cứu hàng chục lần ngư dân bị nạn trên biển và của đơn vị bạn được cán bộ, chiến sĩ hết sức tin tưởng và ngư dân cảm phục.

        Nhiều năm liền liên tục đảo không để xảy ra dịch bệnh, quân số khoẻ của đơn vị luôn luôn đạt 98% trở lên, một số bệnh lỵ, sốt xuất huyết, viêm đại tràng giảm nhiều. Tháng 11 năm 2006, Bộ trưởng Quốc phòng ra quyết định thành lập bệnh xá đảo Nam Yết, một trong ba bệnh xá lớn trên 3 đảo cấp 1 (Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa) với chức năng nhiệm vụ cấp cứu điều trị thương, bệnh binh đảo Nam Yết và các đảo ở đảo Sơn Ca, Đá Thị, Sinh Tồn... tạo điều thuận lợi cho việc chủ động và nâng cao hiệu quả cấp cứu điều trị thương, bệnh binh tại chỗ.

        Như vậy, giai đoạn 1988-2006, với sự đầu tư đổi mới phương thức bảo đảm, công tác hậu cần phục vụ cho các nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo ngày càng được nâng cao chất lượng về mọi mặt. Cơ sở vật chất bảo đảm hậu cần ngày càng đồng bộ và hoàn thiện mang tính cơ bản, lâu dài, đời sống cũng như việc chăm sóc sức khoẻ, duy trì sức chiến đấu của bộ đội được cải thiện rất nhiều. Có thể nói đảo Nam Yết đã có một bước phát triển thay đổi về chất trong công tác hậu cần, tạo điều kiện cho đảo thực hiện tốt cuộc vận động của ngành Hậu cần quân đội phát động: “Ngành Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy".


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:21:41 pm

        3. Đẩy mạnh công tác đảng, công tác chính trị, tích cực góp phần xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.

        Để phù hợp với yêu cầu lãnh đạo đơn vị đảo cấp 1, Đảng bộ bộ phận đảo Nam Yết được thành lập vào tháng 7 năm 1988. Sau một thời gian ngắn thành lập đảng bộ bộ phận, ngày 19 tháng 8 năm 1988, Đảng bộ đảo Nam Yết tiến hành Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất. Tham dự đại hội có 28 đảng viên chính thức và 2 đảng viên dự bị. Đại hội đã thảo luận các biện pháp lãnh đạo công tác quân sự, chính trị, kỹ thuật, hậu cần để hoàn thành 4 nhiệm vụ Lữ đoàn giao cho lúc này là "độc lập tác chiến, nắm chắc địch, nắm chắc thời cơ, kịp thời nổ súng chiến đấu tiêu hao, tiêu diệt địch, đánh bại các đợt tiến công của chúng, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo và phạm vi đảm nhiệm; thường xuyên quan sát phát hiện địch, cảnh giác sẵn sàng đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, giữ vững thông tin liên lạc với sở chỉ huy trong mọi tình huống, báo cáo kịp thời diễn biến của địch về sở chỉ huy, thường xuyên củng cố kiện toàn biên chế tổ chức, nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chi bộ, đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện.

        Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ đảo gồm 5 đồng chí: Mạc Anh Thực; Trần Đức Chính; Trần Đăng Mịch; Nguyễn Văn Thanh. Ban chấp hành bầu đồng chí Trần Đức Chính làm Bí thư, đồng chí Mạc Anh Thực làm Phó Bí thư.

        Từ năm 1988 đến năm 2006, Đảng bộ đảo Nam Yết đã tiến hành qua 11 kỳ đại hội. Mặc dù công tác điều động, bổ nhiệm thay thế cán bộ luôn luôn diễn ra hàng năm, song cấp ủy các cấp trong Đảng bộ luôn luôn được kiện toàn đủ số lượng, chất lượng cấp ủy viên, bảo đảm sức lãnh đạo các mặt công tác của Đảng bộ, thực hiện tốt nghị quyết của Đảng ủy cấp trên và Nghị quyết của Đảng bộ đảo.

        Đảng bộ luôn luôn giữ vững nguyên tắc lãnh đạo tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ sức mạnh lãnh đạo tập thể đi đôi với nâng cao trách nhiệm cá nhân phụ trách. Duy trì nghiêm nền nếp chế độ sinh hoạt, từng bước chấn chỉnh nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng các cấp. Đặc biệt là Đại hội Đảng của các chi bộ hàng năm được tiến hành đúng kế hoạch thời gian, nội dung chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, trong đại hội đề cao tính chiến đấu, nói thẳng, nói thật, tự phê bình và phê bình. Công tác phát triển đảng được chú trọng, hàng năm trung bình đảng bộ kết nạp được từ 7 đến 12 đảng viên mới.

        Những năm 1988, 1999, Đảng bộ đảo luôn đạt Đảng bộ phấn đấu khá. Những năm 1995-2006, Đảng bộ thường xuyên được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

        Thời kỳ 1988-2006, công tác giáo dục chính trị lãnh đạo tư tưởng tiếp tục được đẩy mạnh với yêu cầu phải nâng cao trình độ nhận thức của bộ đội luôn theo kịp trước những diễn biến mới của tình hình, nhận thức đúng bạn, thù, đối tượng tác chiến, âm mưu thủ đoạn của địch, xây dựng và củng cố bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn luôn cảnh giác, giữ vững ý chí, quyết tâm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đánh thắng kẻ thù xâm lược, xâm phạm chủ quyền Tổ quốc.

        Cán bộ, chiến sĩ ra đảo công tác được lựa chọn kỹ càng, từng bước nâng cao chất lượng về mọi mặt. Trong đó, trình độ văn hoá và sức khoẻ là yếu tố hàng đầu. Đó là cơ sở của nhận thức, là điều kiện để giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, định hướng tư tưởng. Trước năm 1993, tỷ lệ chiến sĩ trình độ học vấn thấp, thậm chí có nhiều chiến sĩ không biết chữ chiếm đáng kể trong đơn vị. Tình hình đó làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác giáo dục. Sau năm 1993, chất lượng chiến sĩ được nâng dần, không có chiến sĩ chưa biết chữ. Đội ngũ cán bộ của đảo được đào tạo cơ bản, chính quy, có trình độ cao đẳng, đại học, tuổi đời trẻ và sức khoẻ tốt được bổ sung hàng năm từ các đơn vị trong toàn quân. Trong đó chiếm số đông là cán bộ đã kinh qua các cương vị công tác ở Trường Sa, đã được thử thách về bản lĩnh, trình độ năng lực.

        Về nội dung giáo dục, ngoài thực hiện các nội dung, kế hoạch giáo dục hàng năm của trên như thông báo thời sự, quán triệt nghị quyết, quán triệt nhiệm vụ của đơn vị, học các chuyên đề chính trị, công tác giáo dục, đề cập sâu đến nội dung trong các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, kỹ thuật, hậu cần; trong hoạt động tuần tra canh gác, trong thực hiện các đối sách trên biển, trên không; công tác đảm bảo bí mật, an toàn, công tác phòng cháy nổ và trong xây dựng môi trường văn hoá đảo. Kiểm tra nhận thức chính trị hàng năm đảo luôn đạt 100% yêu cầu, có trên 80% khá, giỏi.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:22:04 pm

        Những năm 1988-2000, công tác bảo đảm vật chất, vật tư chính trị cho đảo được tăng thêm cả về số lượng, chất lượng, đặc biệt việc đổi mới nâng cấp các phương tiện thông tin nghe, nhìn đã làm cho đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội nhanh chóng được cải thiện. Năm 1991, hoàn thành xây dựng hệ thống mạng lưới điện sinh hoạt trên đảo. Tháng 5 năm 1992, ăng ten Parabôn thu tín hiệu truyền hình được lắp đặt đưa vào sử dụng. Kể từ năm 1975, đây là lần đầu tiên bộ đội đảo Nam Yết được xem truyền hình trực tiếp. Những năm sau đó, đảo tiếp tục lắp đặt hệ thống loa truyền thanh đến các cụm. Hàng ngày theo giờ quy định, bộ đội được xem, nghe, các chương trình thời sự, văn hoá, khoa học, xã hội và thể thao của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, các bản tin thi đua tuần, tháng của đơn vị, các tài liệu tuyên truyền nhân dịp các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, của quân đội, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức chính trị, sự hiểu biết nhiều mặt về đời sống xã hội của đất nước. 
        Phòng Truyền thống, thư viện của đảo tiếp tục được củng cố, mở rộng phục vụ cho các nhu cầu giải trí, học tập, nghiên cứu của mọi cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

        Các phong trào thi đua, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao được đảo duy trì có nền nếp và hoạt động sôi nổi với nhiều hình thức giao lưu hội thi và thi đấu. Đầu năm 2006, đảo đã tổ chức tốt phối hợp với VTV3 Đài truyền hình Việt Nam làm chương trình truyền hình trực tiếp tại đảo.

        Ban Chấp hành Đoàn thanh niên và Hội đồng quân nhân thường xuyên được kiện toàn sau các đợt thay quân hàng năm, để luôn luôn bắt nhịp với các hoạt động theo kế hoạch và phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức này hướng vào thực hiện tốt các công tác trọng tâm như huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, các phong trào xây dựng đảo có môi trường xanh, sạch, đẹp... Hàng năm bình xét thi đua các chi đoàn đều đạt danh hiệu "Vững mạnh xuất sắc", có trên 70% đoàn viên xuất sắc, 20% đoàn viên khá, 5% đoàn viên trung bình, không có đoàn viên yếu kém.

        Hội đồng quân nhân các cụm và đảo bộ hàng tháng ra chương trình hành động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội phát huy dân chủ trong quân sự, chính trị và kinh tế. Đã tổ chức cho Hội đồng tham gia đóng góp xây dựng các phương án chiến đấu sát với thực tế của đảo, đóng góp phê bình trong công tác tuần tra canh gác; bảo đảm cho bộ đội đầy đủ quyền lợi về nhu cầu thông tin chính trị, khoa học, kinh tế, xã hội, thưởng thức văn hoá, đúng, đủ các chế độ tiêu chuẩn hậu cần, cấp phát đến tận tay. Bởi vậy, trong các đơn vị của đảo luôn luôn có không khí thẳng thắn, cởi mở, đoàn kết giữa các quân nhân, giữa cán bộ với chiến sĩ. Đó là một trong những yếu tố quan trọng trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị xây dựng, củng cố và bảo vệ đảo.

        Sau khi xảy ra các sự kiện trên quần đảo Trường Sa năm 1988, nhân dân các địa phương, các ngành, các cấp các tổ chức trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ phong trào "Tất cả vì Trường Sa”, “Hướng về Trường Sa" đã gửi thư động viên, gửi quà tặng ủng hộ bộ đội Trường Sa. Từ đó cho đến những năm sau này, bộ đội Trường Sa luôn nhận được sự chi viện bằng vật chất và tinh thần hết sức có ý nghĩa của nhân dân cả nước, của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hoà góp phần cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội trên các đảo Trường Sa, trong đó có bộ đội đảo Nam Yết. Hàng năm, ngoài các đoàn của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng ra kiểm tra và thăm đảo, còn có các đoàn của Quốc hội, Nhà nước, của các địa phương, đoàn thể xã hội ra thăm động viên bộ đội. Trong đó có chuyến thăm của đồng chí Phó Thủ tướng Trần Đức Lương ra thăm đảo Nam Yết, tháng 4 năm 1993. Ra thăm đảo, các đoàn hết sức cảm động trước sự chịu đựng gian khổ, hy sinh và tinh thần đoàn kết quyết tâm giữ vững chủ quyền đảo của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết; đồng thời cũng rất tự hào, tin tưởng trước sự lớn mạnh không ngừng của đảo. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết luôn ghi lòng tạc dạ, biết ơn những tình cảm thắm thiết thương yêu và sự chi viện vật chất của nhân dân và các đoàn thể trong cả nước đã dành cho đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:22:18 pm

        Từ tháng 4 năm 1989, các đoàn tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Khánh Hoà ra Trường Sa đánh bắt hải sản và tiếp sau đó là ngư dân một số tỉnh ven biển Nam Bộ cũng tổ chức các đoàn tàu ra đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa, mở ra thời kỳ mới khai thác hải sản xa bờ, xây dựng thế trận an ninh, quốc phòng trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

        Hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ, các đảo trên quần đảo Trường Sa luôn luôn là chỗ dựa tin cậy của các ngư dân, là nơi che chở, giúp đỡ, cấp cứu trong những hoàn cảnh tàu thuyền gặp bão, gió lớn, tai nạn cạn kiệt nguồn hậu cần. Thực hiện nghiêm các quy định về quan hệ với nhân dân đánh cá trên biển, đảo Nam Yết luôn giữ mối liên lạc chặt chẽ, nắm chắc tình hình các tàu đánh cá trên khu vực biển quản lý. Những năm 1992-2006, đảo đã giúp đỡ hàng trăm tàu thuyền dân với hàng vạn lít nước ngọt, hàng nghìn lít dầu; kịp thời cứu chữa hàng chục ngư dân bị bệnh, tai nạn trên biển, nuôi dưỡng tạm thời và cung cấp hàng trăm viên thuốc các loại. Cuối năm 2002, đảo kịp thời tổ chức cứu nạn 1 tàu ngư dân bị sự cố kỹ thuật bảo đảm an toàn cho người và phương tiện; đầu năm 2006, quân y của đảo kịp thời cấp cứu sống một số ngư dân bị thương khi đang sản xuất được Quân chủng tặng Bằng khen.

        Với tình cảm cộng đồng, tình cảm quân dân sâu sắc, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song bộ đội đảo Nam Yết luôn hướng về đất liền, cùng chia sẻ giúp đỡ đồng bào gặp hoạn nạn thiên tai, bão, lũ lụt Hàng năm, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đã trích từ phần lương của mình ủng hộ giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt từ 5 đến 7 triệu đồng, riêng năm 1999, ủng hộ đồng bào miền Trung 10 triệu đồng; đồng thời tích cực hưởng ứng ủng hộ xây dựng quỹ "Vì người nghèo”, quỹ ủng hộ người nhiễm chất độc màu da cam. Trong nội bộ đảo, các cụm tổ chức quyên góp quỹ hàng triệu đồng giúp đỡ các gia đình cán bộ, chiến sĩ gặp rủi ro, tạo điều kiện động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác.

        Có thể nói, công tác đảng, công tác chính trị thời kỳ 1988-2006 tiếp tục được đẩy mạnh và điều kiện vật chất, kỹ thuật bảo đảm cho các mặt hoạt động cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều, được các cấp, các Ngành trong, ngoài quân đội quan tâm giúp đỡ, chi viện. Trọng tâm của công tác đảng, công tác chính trị hướng vào việc xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rõ rệt, luôn đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau và đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đảo trong mọi tình huống. Các tổ chức quần chúng tiếp tục phát huy chức năng nhiệm vụ trong các hoạt động của đơn vị. Công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt ngày càng được củng cố và phát triển.

        Năm 1988-2006 là thời kỳ đảo Nam Yết có bước xây dựng phát triển vượt bậc trên mọi mặt công tác, diện mạo của đảo không ngừng đổi mới, đảo ngày càng vững chắc trên mọi phương diện. Năm 1991-1993, đảo Nam Yết 3 năm liên tục đạt đơn vị vững mạnh toàn diện. Những năm 1996-2000, đảo được Lữ đoàn chọn làm điểm xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Cán bộ, chiến sĩ ra sức phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đảo được Quân chủng tặng cờ “Đơn vị huấn luyện giỏi 5 năm 1996-2000" và liên tục được công nhận là 'Đơn vị vững mạnh toàn diện". Những năm 1998-2006, đảo Nam Yết luôn luôn là đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua của Lữ đoàn. Đảng bộ và 4 chi bộ đảo hàng năm đều được công nhận “trong sạch vững mạnh", tổ chức quần chúng vững mạnh, đơn vị tuyệt đối an toàn; là tập thể có thành tích tiêu biểu, liên tục xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị. Đảo được tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng, tặng cờ các năm 1998, 1999, 2000, 2001, 2003, 2004, 2005, được Quân chủng tặng cờ thưởng “Đơn vị xuất sắc tiêu biểu 10 năm xây dựng môi trường văn hoá 1992-2002" và nhiều bằng khen trong các nhiệm vụ; có gần 100 đơn vị (tập thể) được khen thưởng các loại cùng hơn một trăm cá nhân được công nhận Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng (1988-2006).

        Ngày 1 tháng 7 năm 2003, đảo Nam Yết được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 1998 đến năm 2002 và ngày 22 tháng 12 năm 2004, đảo Nam Yết được Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Đó là sự ghi nhận những đóng góp to lớn và xuất sắc của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết trong gần 30 năm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:23:23 pm

Phần ba

NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU NGUYÊN NHÂN VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẢO NAM YẾT

        I. NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

        Trải qua 32 năm kể từ ngày giải phóng đảo 27 tháng 4 năm 1975, bộ đội đảo Nam Yết không ngừng trưởng thành, xây dựng và phòng thủ đảo ngày càng vững chắc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những thành tích đó thể hiện trên một số mặt sau đây:

        Một là, hơn ba mươi năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ của quân đội, Quân chủng, của Vùng, Lữ đoàn và đơn vị được thường xuyên giáo dục truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng; trung thành vô hạn với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, lập trường kiên định vững vàng trước mọi hoàn cảnh, khó khăn, gian khổ, phức tạp, luôn luôn nhận thức đúng kẻ thù, xác định rõ đối tượng, đối tác, chấp nhận chịu đựng gian khổ, hy sinh trên dưới một lòng đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, gắn bó với đảo, với đơn vị, giữ vững ý chí, quyết tâm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ bằng được chủ quyền đảo và phạm vi được phân công; tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường văn hoá, phong trào xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan”.

        Hai là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp tập trung xây dựng các tổ chức đảng, Đoàn thanh niên và Hội đồng quân nhân vững mạnh, trong đó lấy xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh làm nòng cốt, xây dựng đội ngũ cán bộ làm khâu then chốt để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đảng bộ đảo và cấc chi bộ thường xuyên được công nhận là tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. Tổ chức Đoàn thanh niên luôn đạt "vững mạnh", phần lớn là đoàn viên xuất sắc Hội đồng quân nhân hoạt động hiệu quả, phát huy tốt chức năng nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ Nam Yết thực hiện đúng các đối sách trên biển, trên không, bảo đảm an ninh, an toàn cho đảo, cho đơn vị; chấp hành nghiêm các quy định quan hệ quân dân, thực sự là chỗ dựa tin cậy của ngư dân đánh bắt cá xa bờ trên vùng biển Trường Sa. 
        Ba là, đảo duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị; quan sát nắm chắc tình hình trên biển, trên không, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống; luyện tập thành thục các phương án tác chiến phòng thủ và thực hành thường xuyên các cấp, báo động chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu; chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu không ngừng được nâng cao.

        Đảo thường xuyên xây dựng, tu sửa hàng nghìn mét hào giao thông; đào đắp củng cố hàng nghìn mét đường cơ động, hàng trăm công sự, hố chiến đấu cá nhân; vận chuyển hàng ngàn tấn nguyên vật liệu xây dựng công trình, khai thác hàng ngàn khối đá san hô kè chống xói lở, đóng hơn 3 vạn bao cát chống nóng cho hầu hết công sự.

        Trong tổ chức huấn luyện chiến đấu, thực hiện chặt chẽ, đúng phương châm, phương hướng, đúng, đủ nội dung, thời gian từng bước nâng cao chất lượng mọi mặt; tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp luôn bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ có trình độ thực hành chiến đấu thuần thục, giỏi phần việc chức trách của mình và đủ khả năng kiêm nhiệm ở các vị trí khác khi cần thiết, biết sử dụng nhiều loại vũ khí; luôn bảo đảm cho đảo đủ sức phòng ngự, đánh thắng địch từ xa tới gần, bảo đảm cho các lực lượng đủ khả năng đánh liên tục, đánh dài ngày; đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua; “Luyện giỏi, rèn nghiêm sẵn sàng chiến đấu cao", kết quả luôn giữ vững 100% đạt yêu cầu, có gần 80% khá, giỏi; liên tục nhiều năm liền đảo được Quân chủng tặng cờ đơn vị huấn luyện giỏi.

        Đảo thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định về rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong quân đội, Quân chủng và không ngừng tiến bộ về nền nếp, lễ tiết, tác phong trên các mặt công tác của đơn vị Cán bộ, chiến sĩ sống đoàn kết, thân ái và kỷ luật.

        Bốn là, công tác kỹ thuật không ngừng nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Duy trì có nền nếp các chế độ bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật trong ngày, trong tuần. Công tác quản lý sử dụng, cung ứng vật tư ngày càng chặt chẽ; thiết bị bảo quản, cất giữ vũ khí, trang bị từng bước được nâng cấp, hạn chế thấp nhất tác hại do môi trường. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ngày càng được kiện toàn, nâng cao về mọi mặt chuyên môn r.nghiệp vụ ý thức trách nhiệm đáp ứng hiệu quả yêu cầu công tác kỹ thuật. Hàng năm, hệ số kỹ thuật vũ khí, trang bị thường xuyên đạt 0,9 đảm bảo tốt cho các nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đảo. Công tác hậu cần đã duy trì tốt vật chất hậu cần bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên và lượng dự trữ bảo đảm trong các tình huống dự kiến. Đời sống của bộ đội không ngừng được cải thiện về mọi mặt cả về ăn, mặc, ở và chăm sóc sức khoẻ; đã phát huy hiệu quả phương thức bảo đảm trên, dưới cùng tiến hành, cùng lo. Phong trào tăng gia, sản xuất, chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng cây xanh trên đảo ngày càng phát huy hiệu quả, thiết thực. Công tác quân y theo dõi, kiểm tra chặt chẽ tình hình sức khoẻ của bộ đội, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, quân số khoẻ đạt từ 98% trở lên. Các công trình phục vụ cho sinh hoạt như nhà ở, bể nước, mạng lưới điện, hệ thống loa truyền thanh, thiết bị vô tuyến được đầu tư xây dựng nâng cấp ngày càng bảo đảm cho đời sống của bộ đội đầy đủ hơn, tốt hơn.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:24:51 pm

        II. NGUYÊN NHÂN

        Đảo Nam Yết đạt được những thành tích nêu trên do nhiều nguyên nhân tập trung vào một số điểm sau đây:

        1. Trước hết bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn sáng tạo kịp thời của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân; Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 Hải quân mà trực tiếp thường xuyên là Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146. Thông qua các chủ trương, chính sách, nghị quyết về quân sự, kỹ thuật, hậu cần phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa của các cấp lãnh đạo đã định hướng, hướng dẫn cho bộ đội từ nhận thức đúng đắn tình hình nhiệm vụ đến tổ chức thực hiện các mặt công tác phù hợp với tình hình bảo vệ chủ quyền đảo của từng thời kỳ, phù hợp với đặc thù quần đảo Trường Sa, cùng với việc không ngừng đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật bảo đảm cho quá trình xây dựng phòng thủ đảo ngày càng hiệu quả, thiết thực và vững chắc.

        2. Đảng bộ đảo Nam Yết luôn quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường; tinh thần cách mạng tiến công, tích cực chủ động tập trung lãnh đạo các mặt công tác trọng tâm của từng thời kỳ, tập trung xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng vững mạnh làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng mối đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới, giữa cấp trên và cấp dưới, đảng viên với quần chúng, giữa cán bộ với chiến sĩ, đồng cam cộng khổ quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

        3. Với ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp - đảo Nam Yết đã nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh khắc phục mọi khó khăn vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí, trang bị, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội ngày càng được cải thiện.

        4. Đảo luôn nhận được sự giúp đỡ chi viện có hiệu quả của các ngành cấp trên, của các đơn vị bạn trong và ngoài Quân chủng; sự chi viện của các cơ quan nhà nước, đảng bộ, chính quyền Nhân dân nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt từ năm 1988 đến nay, sự giúp đỡ của nhân dân cả nước ngày càng thiết thực, hiệu quả có tác dụng hỗ trợ quan trọng cả vật chất và tinh thần góp phần giảm bớt những khó khăn của đảo, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

        III. TRUYỀN THỐNG

        Trải qua 32 năm, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết đã lập nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ chủ quyền đảo, được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đã xây đắp cho đơn vị một truyền thống rất vẻ vang, đó là:

        “Đoàn kết, chủ động
        Khắc phục khó khăn
        Kiên trì cảnh giác
        Giữ vững chủ quyền".

        Truyền thống của bộ đội đảo Nam Yết là sự kế thừa truyền thống của Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân và của Lữ đoàn 146 Hải quân Anh hùng. Nó kết tinh những giá trị lịch sử trong quá khứ, hiện tại và hướng phát triển tương lai, đồng thời thể hiện được tính đặc thù của đơn vị nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách.

        Truyền thống đảo Nam Yết là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, những người đã để lại nơi đây những năm tháng oanh liệt, những kỷ niệm không thể nào quên của cuộc đời mình. Nó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đảo ngày hôm nay và mai sau không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và nhân dân.

        1. Đoàn kết, chủ động: là nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua mọi trở ngại, thử thách; là yếu tố để phát huy cao nhất mọi tiềm năng sức mạnh tinh thần của con người. Đoàn kết, chủ động là truyền thống. tiêu biểu của đảo Nam Yết được hình thành và xuyên suốt trong quá trình giải phóng, xây dựng và bảo vệ đảo.

        Ba mươi hai năm qua, đoàn kết, chủ động luôn được đặt lên hàng đầu trong sinh hoạt lãnh đạo, chỉ huy, trong các hoạt động và trong các mồi quan hệ công tác của đảo, là một trong những yếu tố quyết định mọi thắng lợi, thành công của đơn vị.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:25:11 pm

        Đứng chân ở đảo cách xa bờ hàng trăm hải lý, không có nguồn nước ngọt; thiếu thực phẩm, rau xanh, khí hậu thời tiết khắc nghiệt; nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo nặng nề, căng thẳng, phải độc lập công tác là những thách thức rất lớn đồi với mỗi cán bộ, chiến sĩ Nam Yết. Trước khó khăn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ luôn thể hiện lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, quyết tâm hoàn thành bằng được nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xiết chặt đội ngũ, đoàn kết xung quanh chi bộ, kiên cường bám đảo, xây dựng củng cố đơn vị. Chi bộ và sau này phát triển thành đảng bộ luôn luôn là trung tâm đoàn kết của đơn vị. Tổ chức đảng các cấp của đảo luôn phát huy tính độc lập, tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đề cao tính chiến đấu, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trong các thời kỳ.

        Bộ đội Nam Yết thực hiện đoàn kết rộng rãi trên cơ sở vì nhiệm vụ chung, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội, truyền thống đồng cam cộng khổ, sướng vui có nhau, gian nan vất vả cùng chia sẻ cả trong Đảng, ngoài Đảng, cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với chiến sĩ; đoàn kết trong nội bộ cán bộ, chiến sĩ; đoàn kết với các đảo bạn, với các đơn vị bạn trong hiệp đồng xây dựng đảo; đoàn kết với nhân dân sản xuất kinh tế trên biển để xây dựng đơn vị thành một khối thống nhất, vững mạnh về ý chí và hành động, không ngừng nâng cao sức mạnh phòng thủ khu vực 2 trong quần đảo Trường Sa.

        2. Khắc phục khó khăn: là truyền thống hết sức vẻ vang của bộ đội Nam Yết trong quá trình xây dựng, sẵn sàng chiến đấu và trưởng thành.

        Khắc phục khó khăn là một đặc điểm bao trùm lên các lĩnh vực, các mặt công tác của đảo, như một yêu cầu mang ý chí quyết tâm và trách nhiệm lớn của cán bộ, chiến sĩ để tồn tại, xây dựng và phát triển, để hoàn thành nhiệm vụ cao cả bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

        Khắc phục khó khăn trong công tác bảo đảm hậu cần, với trí tuệ năng động sáng tạo, bộ đội Nam Yết đã tạo dựng nguồn hậu cần tại chỗ, tổ chức ăn ở phù hợp với thực tế, cùng với sự chi viện, giúp đỡ bảo đảm của trên, đời sống của đảo từng bước giảm bớt những khó khăn, xây dựng môi trường đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp.

        Khắc phục khó khăn trong công tác kỹ thuật là tăng cường công tác bảo quản, bảo dưỡng, kết hợp trên dưới hiệp đồng tiến hành công tác kỹ thuật. Cán bộ, chiến sĩ Nam Yết đề cao tinh thần trách nhiệm học tập vươn lên quản lý sử dụng tốt vũ khí, trang bị, nâng cao trình độ bảo quản sửa chữa kỹ thuật, giữ gìn vũ khí, trang bị, hạn chế tối đa sự xuống cấp do tác động xấu của môi trường, bảo đảm hệ số kỹ thuật đáp ứng cho các yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

        Trong huấn luyện, chiến đấu luôn tìm tòi sáng tạo đổi mới các phương pháp huấn luyện, các biện pháp rèn luyện bộ đội, chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất huấn luyện từ vật chất sẵn có trên đảo; tích cực tu sửa hầm, hào, công sự, xây dựng kè chống xói lở đảo Vượt lên những cản trở, khó khăn về điều kiện ăn, ở, thiên tai bão, gió triền miên, giữ vững nền nếp sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống.

        Đề cao ý chí tự lực cánh sinh, đảo quan tâm tổ chức tốt các hoạt động văn hóa quần chúng làm cho đời sống tinh thần của đảo ngày càng được cải thiện, phong phú.

        Khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh là một phẩm chất của cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết và nó trở thành một truyền thống mang tính đặc thù của các đơn vị trên quần đảo Trường Sa. Có thể nói sự gian khổ, hy sinh của bộ đội Nam Yết khác với sự gian khổ, hy sinh của các lực lượng vũ trang ở mọi miền biên giới, hải đảo trên đất nước ta. Đó là một cuộc sống cách biệt với xã hội, với gia đình, kham khổ, thiếu thốn mọi bề, một cuộc sống thường xuyên đối mặt với môi trường tự nhiên khắc nghiệt và hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ngày đêm căng thẳng. Đã 32 năm qua, đảo Nam Yết đã có nhiều đổi thay và phát triển, nhưng cuộc sống ở nơi đày vẫn đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp phải biết tiếp tục vượt qua mọi gian nan, hy sinh mọi nhu cầu riêng tư để giữ vững ý chí chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:25:29 pm

        Khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh của bộ đội Nam Yết bắt nguồn từ tình yêu Tổ quốc, lòng trung thành vô hạn với Đảng và nhân dân; từ sự giác ngộ lý tưởng cách mạng sâu sắc, từ ý chí vì độc lập tự do, vì sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; mọi cán bộ chiến sĩ luôn đặt lợi ích của tập thể, của đơn vị lên trên lợi ích cá nhân, là sự nhường cơm, sẻ áo vì đồng chí, đồng đội, vì nhiệm vụ chung cao cả.

        Ngày nay truyền thống khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh tiếp tục được phát huy trong hoàn cảnh mới là yếu tố của sức mạnh vật chất, tinh thần góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo trong mọi tình huống căng thẳng, khó khăn.

        3. Kiên trì cảnh giác: là truyền thống vẻ vang mang tính đặc thù của quần đảo Trường Sa nói chung và của đảo Nam Yết nói riêng.

        Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện xa sự lãnh đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, ở giữa biển Đông, xa các đảo bạn trong khu vực biển phức tạp, luôn có sự hoạt động đi lại, nghiên cứu thăm dò, đánh bắt hải sản thường xuyên của nhiều loại phương tiện nước ngoài, nơi xảy ra các hành động tranh chấp và tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, xâm chiếm của nước ngoài đối với các bãi đá ngầm, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có lập trường bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn xâm chiếm, lấn chiếm; các mánh khóe khiêu khích, dụ dỗ, mua chuộc của nước ngoài, kiên trì thực hiện đúng đắn các đối sách, xây dựng đảo an toàn về mọi mặt. 32 năm, qua các thời kỳ lúc khó khăn gian khổ, lúc đấu tranh căng thẳng quyết liệt bảo vệ chủ quyền, cán bộ, chiến sĩ Nam Yết luôn thể hiện sự bình tĩnh, tự tin, kiên trì, cảnh giác cao độ, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh đối phó thắng lợi với mọi âm mưu phá hoại, lấn chiếm từ bên ngoài, không để xảy các tình huống bất ngờ, giữ vững toàn vẹn chủ quyền đảo.

        4. Giữ vững chủ quyền: là truyền thống vẻ vang của bộ đội đảo Nam Yết, xuyên suốt 32 năm qua; là kết quả của sự đoàn kết, chủ động, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi thử thách để xây dựng và bảo vệ vững chắc đảo của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Nam Yết.

        Truyền thống giữ vững chủ quyền thể hiện sự quán triệt sâu sắc nhiệm. vụ chính trị trọng tâm số 1 là bảo vệ bằng được chủ quyền đảo trong mọi tình huống; là luôn luôn nắm chắc tư tưởng chỉ đạo xây dựng, tổ chức lực lượng phòng thủ đảo, thực hiện nghiêm chỉnh các đối sách trên không, trên biển, giữ vững môi trường hoà bình không để xảy ra xung đột, duy trì chặt chẽ chế độ sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện toàn diện, lấy xây dựng đơn vị mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu. Lấy xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện là động lực, là sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 10:26:06 pm

        KẾT LUẬN

        Nam Yết là đảo lớn, có vị trí chiến lược quan trọng về xây dựng và phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Trải qua 32 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146, được sự giúp đỡ, chi viện của các ngành, các cấp, các đoàn thể và nhân dân các địa phương, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Nam Yết đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo, xây dựng nên truyền thống vẻ vang của đơn vị, góp phần cùng lữ đoàn và Quân chủng bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa.

        Thời kỳ những năm 1975-1987, đảo Nam Yết nhanh chóng xây dựng, củng cố các công trình phòng thủ dã chiến, bán kiên cố, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo. Lực lượng chiến đấu của đảo phát triển nhanh chóng, khả năng phòng thủ đảo không ngừng được tăng cường; công tác huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu được đẩy mạnh với quyết tâm đánh thắng kẻ địch xâm phạm ngay từ trận đầu. Đây là thời kỳ rất khó khăn về các điều kiện bảo đảm đời sống, công tác của đơn vị, song cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Nam Yết nêu cao tinh thần tự lực tự cường, ý chí quyết chiến quyết thắng, đoàn kết thương yêu nhau, kiên cường bám đảo, vượt qua gian khổ, thực hiện mọi biện pháp để giảm bớt những thiếu thốn khó khăn, xây dựng đơn vị, duy trì củng cố sức mạnh chiến đấu phòng thủ đảo, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Những năm 1988-2007 là thời kỳ xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa trong một tình hình mới phức tạp, căng thẳng xảy ra tranh chấp chiếm đóng bất hợp pháp của nước ngoài trên một số khu vực quần đảo ta chưa tổ chức đóng giữ. Những năm này đảo Nam Yết có bước phát triển vượt bậc về xây dựng đảo và tăng cường chất lượng phòng thủ; đảo ngày càng vững chắc trên mọi phương diện. Cán bộ, chiến sĩ quân nhân chuyên nghiệp đảo Nam Yết luôn thể hiện lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, ra sức xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ vững mạnh, phát huy có hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội đồng quân nhân làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành xuất sắc nhiêm vụ. Đảo được Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới, ghi nhận những thành tích to lớn và xuất sắc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Nam Yết trong thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

        Tiếp tục phát huy truyền thống, trong giai đoạn cách mạng mới, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Nam Yết cần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

        1. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; tình hình nhiệm vụ cách mạng, quân đội, Quân chủng, đơn vị; âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc. Không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng mét san hô, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

        2. Nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù. Tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo.

        3. Tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng thay thế cho nhau khi cần thiết. Trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, có đời sống nội tâm phong phú, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ", truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng Anh hùng.

        4. Không ngừng củng cố, nâng cao đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đảo thành một khối vững chắc, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân dân một ý chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi gian nguy, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ đảo thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, là niềm tin và chỗ dựa vững chắc của quần chúng. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        6. Tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược kinh tế biển, dự án đưa dân ra Trường Sa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ đảo Nam Yết nêu cao trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, đáp ứng niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 11:32:35 pm
      
(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Truongsa_zpsnnxh1t5z.jpg)
Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề

ĐẢO AN BANG XÂY DỰNG CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH 1978-2007

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/An%20Bang_zpsiuatnfmp.jpg)

LỜI NÓI ĐẦU


        Sau giải phóng miền Nam, giải phóng quần đảo Trưởng Sa, thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh Hải quân, ngày 10 tháng 3 năm 1978, đồng chí Cao Ánh Đăng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 146 (Lữ đoàn 146 hiện nay) chỉ huy bộ đội và triển khai lực luợng đóng giữ, bảo vệ đảo An Bang thuộc quần đảo Trưởng Sa. Từ đó, ngày 10 tháng 3 hàng năm trở thành ngày lễ kỷ niệm thành lập đảo.

        Trải qua gần 30 năm xây dựng, chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo An Bang luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, tiến bộ về mọi mặt.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân về biên soạn truyền thông các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Cục Chính trị tổ chức biên soạn cuốn sách: “Đảo An Bang xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1978-2007)” nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo An Bang nói riêng, quần đảo Trường Sa nói chung và làm tài liệu tuyên truyền.

        Trong quá trình biên soạn, Cục Chính trị nhận được sự giúp đỡ của các đồng chí cán bộ đã và đang công tác ở đảo An Bang, của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146. Tuy nhiên, do tài liệu không đầy đủ nên việc biên soạn khó tránh khỏi những khiếm khuyết, mong độc giả cảm thông và cung cấp tư liệu để cuốn sách khi tái bản có chất lượng tốt hơn.

        Nhân dịp này, Cục Chính trị Hải quân chân thành cám ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tạo điều kiện để cuốn sách được xuất bản đúng dịp kỷ niệm lần thứ 29 ngày truyền thông của đảo (10/3/1978 – 10/3/2007).

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN        

        PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ: Huân chương Chiến công hạng Ba - năm 1985



Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 11:42:06 pm
         
Phần một

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Phần hai

QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO AN BANG (1978 - 2007)

        I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CỦA ĐẢO AN BANG

        Đảo An Bang có tọa độ địa lý 07°52'10"N và 112054'10"E, cách đảo Trường Sa 71 hải lý về phía Đông Nam, cách đảo Thuyền Chài 20 hải lý về phía Tây Nam. Đảo nằm dài theo hướng Bắc - Nam, chiều dài khoảng 220 mét, chiều rộng phân bố không đều, chỗ rộng nhất khoảng 100 mét, chỗ hẹp nhất khoảng 15 đến 20 mét.

        Đảo An Bang nằm trên thềm san hô ngập nước. Khi thủy triều xuống thấp nhất, độ cao của đảo khoảng 3 mét, mép bờ đảo xa thêm khoảng 50 mét. Đảo do các tảng đá san hô liên kết với nhau tạo nên. Bờ đảo được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Bờ Tây là một dải cát hẹp. Bờ Nam bãi cát thường thay đổi theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm cát được bồi thêm thành một bãi cát dài, đến tháng 8 bãi cát này biến mất và dịch sang bờ phía Đông của đảo.

        Là đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa, đảo An Bang mang đặc điểm, tính chất khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa: Mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Số ngày nắng, nóng, giông tố lớn. Độ mặn trong hơi nước và không khí cao. Đảo không có nước ngọt. Thổ nhưỡng là cát san hô, bề mặt có phủ một lớp mùn mỏng, nghèo chất dinh dưỡng, rất khó cho cây cối phát triển. Mùa hè nắng, nóng, oi bức, ảnh hưởng đến chất lượng học tập, huấn luyện, sinh hoạt của bộ đội. Nằm ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, đảo An Bang có vị trí chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng.

        Về chính trị: đảo An Bang như cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực dầu khí nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

        Về quân sự: cùng với các đảo trong quần đảo Trường Sa, An Bang tạo thành lá chắn vòng ngoài, ngăn chặn các hoạt động chống phá, tiến công của kẻ thù trên hướng biển; khống chế các máy bay quân sự, các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền an ninh quốc gia; kết hợp với ngư dân các địa phương xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, trận địa chiến tranh nhân dân trên khu vực Nam Trường Sa.

        Về kinh tế, nằm gần đường hàng hải quốc tế tấp nập vào hàng thứ hai trên thế giới, nếu được đầu tư, An Bang là địa điểm làm dịch vụ hàng hải mang lại lợi nhuận cao. Hiện nay, đèn biển trên đảo đã xây dựng xong từ năm 1996 và đưa vào khai thác góp phần vào nguồn thu ngoại tệ của Nhà nước. Trên các hố của thềm san hô có nhiều loài tôm, cá quý hiếm như cá ngừ, cá mú, tôm hùm, rùa biển, rất thuận tiện cho đánh bắt, chế biến, xuất khẩu.

        II. XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, HUẤN LUYỆN, SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU BẢQ VỆ ĐẢO

        Sau thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, trên khu vực quần đảo Trường Sa xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp. Đầu tháng 3 năm 1978, Philíppin đưa lực lượng, phương tiện đóng giữ đảo Ponata, tăng cường kiểm soát, trinh sát các đảo trong khu vực Bắc Trường Sa; tàu cá giả dạng của Malaixia, Hồng Kông, Trung Quốc thường xuyên hoạt động xung quanh khu vực đảo Thuyền Chài, Phan Vinh và một số đảo trong khu vực Nam Trường Sa.

        Trước tình hình đó, ngày 16 đến ngày 20 tháng 2 năm 1978, Đảng ủy Quân chủng họp ra Nghị quyết số 504/ĐU-B đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ ba năm từ 1975 đến năm 1977 và quyết nghị những chủ trương, biện pháp nhằm tăng cường khả năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển của Quân chủng, nhất là trên những vùng biển trọng điểm. Trong nghị quyết này, Đảng ủy Quân chủng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết triển khai lực lượng đóng giữ, bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng nhấn mạnh: “Phải khẩn trương tập trung mọi nỗ lực cao nhất bảo đảm đánh thắng liên tục, giành thắng lợi ngay từ trận đầu, bảo vệ vững chắc vùng biển, hải đảo của Tổ quốc”.

        Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng, đồng chí Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân lệnh cho Vùng 4, Trung đoàn 146 chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vũ khí thực hiện nhiệm vụ đóng giữ các đảo trong quần đảo Trường Sa theo kế hoạch đã được Bộ Quốc phòng phê chuẩn. Ngày 10 tháng 3 năm 1978, một lực lượng đóng giữ đảo của Trung đoàn 146 do đồng chí Cao 'ánh Đăng, Trung đoàn trưởng chỉ huy cùng với các chiến sĩ Phân đội đặc công nước Lữ đoàn 126 đi trên tàu 601 của Lữ đoàn 125 thực hiện nhiệm vụ đóng giữ đảo An Bang. Chỉ huy trưởng của lực lượng đóng giữ là đồng chí Đào Minh Thu, Phó chỉ huy là đồng chí Đinh Xuân Ngát. Đó là những cán bộ, chiến sĩ đầu tiên xây dựng và bảo vệ đảo. Trong quá trình xây dựng và phát triển, lực lượng cán bộ, chiến sĩ thay đổi phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đảo từng giai đoạn, từng thời điểm. Hiện nay, quân số của đảo được biên chế thành các phân đội chiến đấu, trung đội thông tin, bộ phận trợ lý, bộ phận nuôi quân, bộ phận quân y, bộ phận cơ yếu, bộ phận ra đa và tổ sửa chữa súng pháo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 11:45:29 pm

        Đi đôi với xây dựng lực lượng, đảo thường xuyên nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo. Mặc dù điều kiện có nhiều khó khăn, song ngay từ ngày đầu đóng giữ đảo, lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đã xác định việc bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo là nhiệm vụ chính trị trung tâm số một xuyên suốt không một phút lơ là. Trong tổ chức thực hiện, đảo luôn duy trì nghiêm các chế độ sẵn sàng chiến đấu như trực chỉ huy, trực chiến, trực ban, tuần tra canh gác 24/24 giờ, giao ban, hội ý, kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của lực lượng nước ngoài, phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không, nhất là lực lượng tàu quân sự, tàu cá nước ngoài gần khu vực đảo quản lý, báo cáo cấp trên và xử lý theo đối sách quy định, giữ vững được toàn vẹn chủ quyền đảo. Tháng 11 năm 1978, chỉ sau hơn hai chục ngày các lực lượng của ta ra đóng giữ đảo, Hải quân Malaixia cho tàu hoạt động liên tục 11 ngày đêm, trước tình hình đó cán bộ, chiến sĩ ta luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bám sát trận địa, hào giao thông, từng vị trí chiến đấu, vũ khí, trang bị sẵn sàng đối phó thắng lợi với âm mưu đe dọa của đối phương, buộc họ phải rút khỏi khu vực. Với thành tích đó, tập thể đảo được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

        Liên tục từ đó, đảo không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu không để xảy ra bất ngờ; chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự của đảo được giữ vững. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, mưa bão, song nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ vinh dự và trách nhiệm là người chiến sĩ canh giữ nơi đảo xa, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang đã đào hàng trăm mét hào, xây dựng hàng chục hầm đạn, công sự, trận địa kiên cố với hàng nghìn ngày công bảo đảm cho cơ động lực lượng bảo vệ đảo; tích cực luyện tập xử lý các tình huống, phương án chiến đấu như chống đổ bộ đường biển, tập kích đường không, tập kích người nhái, dùng hỏa lực mạnh tấn công, vây ép dài ngày, cắt đứt mối liên hệ của đảo với đất liền, với các đảo trong khu vực, nhờ đó trình độ chiến đấu bảo vệ đảo được nâng lên. Trung bình một tháng bộ đội luyện tập các phương án chiến đấu cấp đảo từ một đến hai lần, cấp phân đội ba đến bốn lần. Qua luyện tập, khả năng sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật được nâng lên, trình độ kỹ, chiến thuật của bộ đội ngày càng thành thục, trình độ bảo đảm thông tin liên lạc, mạng tín, mạng thoại ngày càng thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ cho lãnh đạo, chỉ huy. Trong những năm qua, mặc dù vẫn trong tình trạng còn nhiều khó khăn, nhưng đảo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xây dựng thế trận phòng ngự vững chắc, sẵn sàng đánh địch trong mọi tình huống.

        Về huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ luôn xác định là nhiệm vụ trung tâm thường xuyên, coi việc làm thật tốt công tác huấn luyện là biện pháp quan trọng nhất để ngăn ngừa chiến tranh, là yếu tố cơ bản để thực hiện quyết tâm ' “còn người, còn đảo”. Ngay từ ngày đầu đóng giữ, đảo có nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện sát đối tượng, sát tình hình thực tế, sát các phương án chiến đấu bảo vệ đảo và trình độ của cán bộ, chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ mới ra đảo đủ khả năng để tiếp thu kiến thức, theo kíp chương trình huấn luyện. Trước khi bước vào huấn luyện theo nội dung của năm, của từng giai đoạn, đảo tổ chức tập huấn cán bộ từ khẩu đội trưởng, tiểu đội trưởng trở lên, chuẩn bị tốt các mặt bảo đảm như mô hình học cụ, giáo án, thao trường, bãi tập, sổ sách đăng ký, bản đồ, sơ đồ, biểu đồ, bia, vũ khí, trang bị và cơ sở bảo đảm khác với khả năng cao nhất nhằm đạt kết quả cao và đưa công tác huấn luyện đi vào nền nếp thường xuyên. Năm 2005, đảo huy động tiềm năng trí tuệ, sức lực của cán bộ, chiến sĩ đã làm được hơn 200 mô hình học cụ, bia, bảng, sơ đồ, biểu đồ sa bàn phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện của đảo. Quán triệt sâu sắc phương châm: "Cơ bản, thiết thực, vững chắc" trong huấn luyện đảo kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực tế, kết hợp với hội thi, hội thao, thi đua chấm điểm, biểu dương, khen thưởng, phổ biến kinh nghiệm, tuyên truyền kết quả, nhân lên các tập thể, cá nhân có thành tích cao. Bằng các biện pháp, hình thức phong phú, đa dạng, có ý nghĩa nên kết quả huấn luyện luôn đạt cao, nhiều năm liên tục là một trong các đơn vị được Lữ đoàn 146 đánh giá dẫn đầu về thành tích huấn luyện. Năm 2006, kiểm tra các nội dung huấn luyện 100% đạt yêu cầu, có 80 đến 85% khá giỏi, nhiều nội dung đạt giỏi. Đặc biệt các bài bắn đạn thật đều đạt khá giỏi. Tiêu biểu là các phân đội ĐKZ, 12,7mm, 37mm, 82mm, các bài bắn đều đạt giỏi. Đảo được công nhận là đơn vị huấn luyện giỏi năm 2006. Quá trình huấn luyện luôn kết hợp gắn chặt huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, sức khỏe, xây dựng nền nếp chính quy, môi trường văn hóa, thực hiện nghiêm các chế độ quy định, nhất là thực hiện tốt các quy định về “5 xây, 5 chống”, “5 không" trong Chỉ thị 733 của Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 1438 của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng. Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội và các quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng, của Vùng, Lữ đoàn và của Ban chỉ huy đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 11:47:02 pm

        III. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM HẬU CẦN, KỸ THUẬT LUÔN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU, NHIỆM VỤ XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU, BẢO VỆ ĐẢO

        1. Bảo đảm hậu cần


        Xa đất liền, việc bảo đảm ăn, mặc, chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt cho bộ đội có nhiều khó khăn, hạn chế. Ngay từ đầu đảo đã tích cực, chủ động tìm nhiều biện pháp khắc phục khó khăn bảo đảm nhu cầu cuộc sống của bộ đội. Phong trào “Ngành Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy" được quán triệt, triển khai thực hiện từng bước đạt hiệu quả cao.

        Về bảo đảm lương thực, thực phẩm, rau xanh: Trong giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1990, việc cung cấp lương thực, thực phẩm từ đất liền khó khăn, với tinh thần tự chủ, tự lực, dựa vào sức mình là chính, đảo đã phát động phong trào tiết kiệm, chống lãng phí, kết hợp với đẩy mạnh tăng gia sản xuất quanh đảo, quanh nhà nhằm bảo đảm mức ăn bình thường cho bộ đội. Phong trào được cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình hưởng ứng, biến thành hành động thường ngày của bộ đội. Việc bảo quản lương thực được lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, nhờ đó tuy chất lượng gạo không cao nhưng chậm xuống cấp. Đảo tổ chức nuôi lợn, gà, đánh bắt hải sản, trồng rau xanh nên mức ăn của bộ đội được cải thiện tốt. Trong giai đoạn từ năm 1990 trở lại đây, điều kiện bảo đảm cung cấp từ đất liền có thuận lợi hơn, tàu ra đảo nhiều hơn, song phong trào tăng gia sản xuất, tự túc vẫn được đẩy mạnh. Đàn gà, lợn của đảo vẫn duy trì bảo đảm phù hợp với thực tiễn của đảo. Việc trồng cây xanh, rau xanh được đẩy mạnh. Trung bình mỗi năm cán bộ, chiến sĩ trên đảo tăng gia được 3.000kg rau xanh. Riêng năm 2006, tăng gia được 5.200kg rau xanh, 630kg thịt. Hiện trên đảo có trên 100 cây bóng mát, trong đó tới hai phần ba là số cây do anh em mang từ đất liền ra được phát triển tương đối tốt.

        Việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội được chú ý. Tổ quân y của đảo luôn theo dõi, nắm chắc tình hình sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, tổ chức kiểm tra việc dọn vệ sinh nhà ở, nhà ăn, công trình vệ sinh công cộng, định kỳ khám sức khỏe, chủ động đề xuất biện pháp phòng dịch, diệt ruồi, muỗi, gián, chuột và những động vật độc hại. Lãnh đạo, chỉ huy có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu khám, điều trị, ổn định sức khỏe bộ đội. Nhờ có lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chỉ huy các cấp sự tham gia nhiệt tình và ý thức phòng ngừa của cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp nên công tác vệ sinh phòng dịch được bảo đảm. Ngoài ra, tổ quân y còn phục vụ khám, điều trị, cấp cứu cho cán bộ, nhân dân, bà con ngư dân ra đảo sản xuất, đánh bắt hải sản.

        Hệ thống nhà làm việc, nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, nhà kho được quy hoạch bảo đảm thuận tiện, liên hoàn, ngăn nắp, sạch sẽ. Nhà vệ sinh được cải tạo bảo đảm vệ sinh môi trường. Vấn đề nước ngọt được lãnh đạo, chỉ huy quan tâm giải quyết. Về mùa khô, nhiều tháng liên tục không có mưa nhưng bộ đội vẫn đủ nước ngọt bảo đảm sinh hoạt. Có thể nói, rau xanh và nước ngọt được bảo đảm, cơ bản đáp ứng nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của bộ đội.

        2. Bảo đảm kỹ thuật

        Là đơn vị quản lý khai thác, sử dụng nhiều vũ khí, trang bị, cơ sở vật chất, kỹ thuật, ngay từ đầu đảo đã giáo dục bộ đội có ý thức giữ gìn vũ khí, trang bị phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo Trải qua năm tháng, ý thức đó đã trở thành việc làm tự giác của mọi cán bộ, chiến sĩ. Từ khi có cuộc vận động 50 "Quản lý, khai thác sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, và phong trào đột phá: “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị, kỹ thuật”, công tác bảo đảm kỹ thuật thực sự đi vào nền nếp và có hiệu quả tốt. Các loại vũ khí, trang bị, khí tài, dụng cụ, phụ tùng được bảo quản, sửa chữa, lau chùi, bảo dưỡng, niêm cất đúng quy trình, quy định. Ngày kỹ thuật, giờ kỹ thuật thực hiện nghiêm, cán bộ, chiến sĩ nêu cao trách nhiệm, ý thức trân trọng giữ gìn, quản lý từ viên đạn đến khẩu súng, không để vũ khí han rỉ, hư hỏng. Quản lý nhiều chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật trong môi trường độ ẩm cao, không khí có độ mặn lớn, song các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật luôn sử dụng từ 90% trở lên, đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

        Trong những năm qua, kết hợp với lực lượng kỹ thuật của Nhà máy Z753 và Phòng Kỹ thuật của Lữ đoàn 146, đảo đã sửa chữa hàng chục lần xe tăng, hàng trăm lần súng, pháo, bảo đảm xe, pháo luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao, khi có lệnh có thể cơ động, nổ súng được ngay. Các loại vũ khí bộ binh được lau chùi sạch sẽ, sắp xếp ngăn nắp, tiện cho việc kiểm tra đánh giá chất lượng và sẵn sàng chiến đấu Năm 2006, đảo đã tổ chức sửa chữa 41 khẩu súng các loại, niêm cất đồng bộ 12 khẩu pháo, 38 tấn đạn, trả trên 8,5 tấn, sắp xếp luân chuyển 7 tấn.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 11:48:28 pm

        IV. XÂY DỰNG ĐẢO VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ, LÀM CƠ SỞ NÂNG CAO CHẤT LUỢNG TỔNG HỢP SỨC CHIẾN ĐẤU, LÃNH ĐẠO ĐƠN Vị HOÀN THÀNH XUẤT SẮC MỌI NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO

        Là đơn vị độc lập, xa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, thường xuyên chịu đựng thiên nhiên khắc nghiệt và những hoạt động phức tạp của lực lượng nước ngoài, để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đảo tập trung xây dựng vững mạnh, tinh nhuệ về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của đảo. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đảo tổ chức giáo dục, quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, những quy chế, quy định, kỷ luật của quân đội, Quân chủng. Trọng tâm là giáo dục, quán triệt các nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, chương trình giáo dục chính trị cho các đối tượng hàng năm theo quy định của Tổng cục Chính trị; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, đơn vị; âm mưu thủ đoạn của lực lượng nước ngoài, những diễn biến bất thường, những động thái mới của đối phương; yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm của mọi người; những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

        Được giáo dục, quán triệt, cán bộ, chiến sĩ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tin tưởng vào sự nghiệp đổi mới đất nước, vào tương lai, tiền đồ của dân tộc. Có ý thức bảo vệ Đảng, bảo vệ chân lý, lẽ phải, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng lệch lạc, sai trái, phản động, thói hư, tật xấu. Chấp hành và thực hiện nghiêm đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; các quy định của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng và đơn vị; có trách nhiệm động viên gia đình thực hiện tốt mọi chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và nghĩa vụ công dân đối với Tổ quốc.

        Tuy còn nhiều khó khăn, song cán bộ, chiến sĩ luôn xác định tốt trách nhiệm chính trị, quyết tâm hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao; xây dựng, bảo vệ đảo, coi đảo là nhà, biển là quê hương. Xác định rõ đối tượng, đối tác, đề cao cảnh giác, đối phó thắng lợi các tình huống. Có tinh thần đoàn kết trên, dưới, đoàn kết quân dân; tình thương yêu đồng chí, đồng đội, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau mọi nơi, mọi lúc. Có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, tuy thiếu thốn về tinh thần, tình cảm nhưng vẫn lạc quan yêu đời, tích cực góp phần xây dựng môi trường văn hóa phong phú, lành mạnh, giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống, đạo lý của người Việt Nam. Xứng đáng là chiến sĩ xung kích của Đảng trên mặt trận chính trị, tư tưởng.

        Cùng với việc xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tinh thần, đảo thường xuyên kiện toàn đội ngũ cán bộ có số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của nhiệm vụ, nhất là đồi với cán bộ chủ trì quân sự, chính trị luôn được kiện toàn đủ khả năng chỉ huy, lãnh đạo ngày càng nâng cao. Ngày đầu triển khai lực lượng đóng giữ số lượng, chất lượng cán bộ còn hạn chế, đến nay đội ngũ cán bộ của đảo được kiện toàn về số lượng, có cơ cấu hợp lý và nâng cao chất lượng. Đội ngũ cán bộ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lãnh đạo chỉ huy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có phẩm chất đạo đức, tư cách mẫu mực; xác định tốt trách nhiệm, hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao.

        Công tác bảo vệ - an ninh, dân vận - tuyên truyền đặc biệt được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; công tác Chính sách được tổ chức triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả. Các nghị quyết, chỉ thị, quy định về bảo vệ an ninh được thực hiện nghiêm. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ bảo vệ được củng cố, kiện toàn. Chi bộ có nhiều biện pháp lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ tự giác thực hiện và có ý thức phòng ngừa cao nên tình hình an ninh chính trị của đảo luôn ổn định. Cán bộ, chiến sĩ luôn vững vàng về chính trị, đấu tranh chống lại các quan điểm phản động, chiến tranh tâm lý của địch. Nội bộ đảo luôn trong sạch, ổn định về chính trị.

        Trong quan hệ với nhân dân, đảo thường xuyên tạo được sự tin tưởng, yêu quý của nhân dân thông qua những việc làm và quan hệ ứng xử. Đảo luôn xác định việc đoàn kết các lực lượng trên đảo là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Trên thực tế, đảo thường xuyên giữ vững mối liên hệ mật thiết, đúng mức với lực lượng nhà đèn, với nhân dân ra đánh bắt hải sản, với các đoàn khách ra thăm, kiểm tra. Đối với nhân dân ra đánh bắt, khai thác hải sản, đảo tạo điều kiện để nhân dân yên tâm sản xuất. Khi có người bị đau yếu, bệnh tật, tai nạn, đảo giúp đỡ chữa, điều trị, cấp cứu. Đối với các đoàn khách, dù ở ít hay dài ngày, đảo tổ chức đón tiếp niềm nở, tận tình, chu đáo. Thấm nhuần đạo lý "Thương người như thể thương thân", quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, cán bộ, chiến sĩ đảo đã quyên góp ủng hộ quỹ vì người nghèo, vì nạn nhân chất độc da cam - điôxin. vì đồng bào bị thiên tai bão lũ hàng chục triệu đồng. Riêng năm 2006, đảo đã đóng góp vào quỹ từ thiện cho đồng bào cả nước 4, 5 triệu đồng. Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ đã góp phần tô thắm truyền thống quân dân cá nước, bản chất Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh người chiến sĩ Hải quân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên vùng biển, đảo.

        Trong xử lý các tình huống đối với lực lượng nước ngoài, nhất là những tàu cá vào gần khu vực đảo, cán bộ, chiến sĩ thực hiện đúng đối sách, những quy định của Nhà nước, của Bộ Quốc phòng và Quân chủng. Cán bộ, chiến sĩ nắm vững cách xử lý các tình huống góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo.

        Trong thực hiện các chế độ chính sách, đảo luôn nắm vững quy định, giải quyết đúng, đủ, công bằng, chính xác các tiêu chuẩn, quyền lợi cho cán bộ, chiến sĩ; không để tồn đọng, sai sót, thiếu công bằng, tạo được không khí dân chủ, thống nhất; cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, hăng hái nhiệt tình xây dựng đảo ngày càng vững mạnh.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 11:48:50 pm

        Nhận thức sâu sắc quan điểm xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh là nhân tố cơ bản, quan trọng hàng đầu lãnh đạo đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Những năm qua, chi bộ thường xuyên lãnh đạo chặt chẽ, kịp thời, đúng đắn mọi nhiệm vụ, hoạt động của đảo, đồng thời củng cố, kiện toàn cấp ủy, chi bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của chi bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

        Chi bộ đảo được thành lập ngay sau khi triển khai lực lượng đóng giữ, có 7 đảng viên do đồng chí Đào Minh Thu làm Bí thư, đến nay số lượng đảng viên tăng nhiều so với lúc mới thành lập. Hàng tháng chi bộ ra nghị quyết lãnh đạo, chương trình hành động, sinh hoạt ngày đảng nền nếp. Nghị quyết của chi bộ ngắn gọn, sát, đúng, phân công tổ chức thực hiện cụ thể, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ, khả năng của cán bộ, đảng viên. Trong khi lãnh đạo toàn diện, chi bộ luôn đặt nhiệm vụ chính trị trọng tâm xuyên suốt là bảo vệ chủ quyền đảo Trong sinh hoạt phát huy dân chủ, trí tuệ, sức chiến đấu, tinh thần tự phê bình, phê bình, thẳng thắn chỉ ra ưu, khuyết điểm, nguyên nhân, quy rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, đề ra chỉ tiêu, biện pháp phấn đấu, khắc phục.

        Nhờ có lãnh đạo của chi bộ, cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên luôn có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, tin vào mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa, vào công cuộc đổi mới đất nước, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; xác định tốt trách nhiệm chính trị, yên tâm với cương vị đảm nhiệm, gắn bó với đảo, có ý thức trách nhiệm xây dựng, bảo vệ đảo, đề cao trách nhiệm, nhiệt tình, luôn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

        Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chất lượng sinh hoạt đảng được nâng lên. Chi bộ đề ra các giải pháp có tính khả thi, sát với tình hình thực tế, nhiệm vụ của đảo. Trong giai đoạn vùng biển, quần đảo Trường Sa phức tạp, một số cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng lo lắng đến khả năng bảo vệ vùng biển, đảo, có tư tưởng hoang mang, cá biệt có người thoái thác nhiệm vụ, song chi bộ đảo chủ động lãnh đạo chặt chẽ công tác tư tưởng, ý chí quyết tâm nên không có trường hợp cán bộ, chiến sĩ đảo hoang mang dao động xin về đất liền, tất cả đều viết đơn xin ở lại, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ đảo. Vừa lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, chi bộ vừa lãnh đạo toàn diện các mặt công tác khác nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của đảo. Trong sinh hoạt thường xuyên kết hợp các hình thức sinh hoạt, đảng viên phát huy vai trò tiền phong, đề xuất nhiều biện pháp lãnh đạo sát, đúng. 5 năm liên tục, từ năm 2001 đến năm 2006 chi bộ đảo đạt trong sạch vững mạnh, 100% đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ, không có đảng viên vi phạm kỷ luật, vi phạm tư cách đảng viên, số đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt cao. Năm 2002, 100% đảng viên đạt mức I; năm 2003, 2004 có 66% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ; năm 2005, 2006 tỷ lệ này đạt trên 70%. Công tác phát triển đảng được chi bộ thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm đảng viên vào Đảng có chất lượng, đúng đối tượng, thực sự tiêu biểu trong quần chúng.

        Chi đoàn đảo được thành lập ngay từ khi đảo đóng giữ năm 1978, với hơn chục đoàn viên, đến nay có 22 đoàn viên, gấp 2 lần lúc mới thành lập. Thực hiện vai trò vận động, giáo dục, động viên đoàn viên thanh niên đi đầu, xung kích xây dựng và bảo vệ đảo, chi đoàn đã giáo dục đoàn viên thanh niên nhận thức đúng tình hình, nhiệm vụ quân đội, Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, nhiệm vụ của đảo; Điều lệ, nhiệm vụ của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nghị quyết đại hội đoàn các cấp, chương trình hành động cách mạng của thanh niên Hải quân, của đoàn cơ sở Lữ đoàn 146 và chương trình hành động của chi - đoàn. Qua học tập, giáo dục đoàn viên thanh niên thấy rõ yêu cầu khẩn trương của nhiệm vụ Quân chủng, vai trò, vị trí của tổ chức đoàn, yêu cầu đòi hỏi đối với lực lượng đoàn viên thanh niên trong thực hiện các nhiệm vụ.

        Chi đoàn luôn bám sát tình hình nhiệm vụ, thực tiễn của đảo; nội dung, mục đích, yêu cầu, mục tiêu của phong trào thanh niên Hải quân đã phát động nhiều phong trào thi đua với những nội dung, chỉ tiêu cụ thể, phù hợp với điều kiện của đảo và khả năng của tuổi trẻ, được đoàn. viên thanh niên nhiệt tình hưởng ứng. Các phong trào "Ụ đá Bạch Đằng - Lũy thành Chi Lăng”, “Đoạn hào truyền thống”, “Ba đỉnh cao quyết thắng" đã lôi cuốn đoàn viên thanh niên hăng hái tham gia làm cho phong trào thực sự đi vào cuộc sống của thanh niên và có sức sống bền vững.

        Đội ngũ cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, xác định tốt trách nhiệm chính trị, nhiệm vụ, vị trí được phân công, gắn bó, tha thiết với sự nghiệp xây dựng đảo, yêu biển, yêu đảo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, chủ động, nhanh nhạy, thích ứng với đổi mới, đề xuất nhiều biện pháp xây dựng, nuôi dưỡng, thúc đẩy phong trào đoàn, đi đầu xung kích bảo vệ đảo; tích cực tham gia xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, chi bộ đảo trong sạch vững mạnh, chi đoàn vững mạnh, hoạt động sáng tạo, đúng chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng là đội hậu bị đắc lực của Đảng. Trong phong trào đoàn xuất hiện nhiều đoàn viên thanh niên ưu tú, tiên tiến xuất sắc bổ sung, trong đó đã có hàng chục thanh niên được kết nạp vào Đảng. Qua phân tích chất lượng tổ chức đoàn, đoàn viên thanh niên hàng năm đều có chuyển biến tiến bộ. Chi đoàn liên tục vững mạnh xuất sắc, 100% đoàn viên đủ tư cách, có 65% đoàn viên xuất sắc 35% đoàn viên khá, không có đoàn viên trung bình và yếu.

        Tổ chức Hội đồng quân nhân hoạt động có nền nếp, mở rộng và phát huy dân chủ, thảo luận đề xuất nhiều biện pháp tích cực tham gia xây dựng đảo về quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật; thúc đẩy phong trào thi đua quyết thắng; xây dựng nền nếp chính quy thực sự là diễn đàn dân chủ của quân nhân trên đảo.

        Phát huy truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng, gần 29 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang ra sức khắc phục khó khăn, đoàn kết thành khối vững chắc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, chi bộ đảo trong sạch vững mạnh, chi đoàn vững mạnh, hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc quần đảo Trường Sa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội giao phó.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 11:50:15 pm
         
Phần ba

NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU, NGUYÊN NHÂN VÀ TRUYỀN THỐNG

        I. NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

        1- Về chính trị, tư tưởng, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang là người có giác ngộ chính trị cao, có lý tưởng, mục tiêu chiến đấu rõ ràng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu con đường xã hội chủ nghĩa, một lòng đi theo Đảng, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vì sự bình yên của biển, đảo; có lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc; có lòng nhân ái, nhân văn, yêu đồng chí, quý đồng đội, kính trọng nhân dân, yêu biển, yêu đảo; tích cực học tập, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội các quy định của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng và đơn vị; nắm vững đường lối đối ngoại quân sự, quan điểm quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng; xác định rõ đối tượng, đối tác; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân góp phần quan trọng tô thắm truyền thống quân đội, Quân chủng anh hùng. Tuy ở xa đất liến hàng trăm hải lý nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang ngoài chủ trương đường lối chung luôn nắm vững và thực hiện đúng đường lối đối ngoại quân sự của Đảng, Nhà nước. Những năm qua, hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xung quanh khu vực đảo diễn ra thường xuyên, tăng cả về số lượng, cường độ và thời gian hoạt động, có lúc khá phức tạp, song đảo vẫn thực hiện đúng đối sách vừa bảo vệ được đảo, vừa giữ vững được môi trường hoà bình; có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, xẻ chia với nhân dân những khó khăn, thiếu thốn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân yên tâm làm ăn và cùng phối hợp với bộ đội bảo vệ đảo. Xa đất liền, xa hậu phương gia đình, sự thiếu thốn về đời sống văn hoá, tinh thần, tình cảm là thử thách thường xuyên đối với mọi cán bộ, chiến sĩ, song ý thức được trách nhiệm cao cả trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, vận mệnh của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống. Dù khó khăn gian khổ, không lùi bước, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, làm tròn trách nhiệm với Tổ quốc Nội bộ đoàn kết thống nhất, dân chủ tốt, kỷ luật nghiêm; quý trọng nhân cách, quý trọng con người, gắn bó với đồng chí, đồng đội, kính trên nhường dưới, tôn trọng phụ nữ; tích cực xây dựng môi trường văn hoá phong phú, lành mạnh, xây dựng đảo là điểm sáng văn hoá. Có thể nói, tuy còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhiều nhu cầu của cuộc sống không được đáp ứng nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang thực sự là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân ưu tú. Trong giai đoạn hiện nay, họ là người góp phần quan trọng tô thắm truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng, hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Đủ tư cách đại diện cho thế hệ mới - những người Việt Nam yêu nước, cầm súng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

        2- Xây dựng chi bộ đảo trong sạch vững mạnh cũng đạt được nhiều thành tích to lớn. Từ khi được giải phóng đến nay, chi bộ, chi ủy thường xuyên đạt trong sạch vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ lý luận và nhận thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, xây dựng chi bộ đảo trong sạch vững mạnh; có kiến thức quân sự, chính trị toàn diện, gương mẫu trong lời nói, việc làm, lối sống thực sự là tấm gương trong sáng cho quần chúng noi theo. Đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm, đội ngũ đảng viên của đảo luôn đạt cao về tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liên tục không có đảng viên yếu kém, vi phạm tư cách đảng viên.

        Noi theo đảng viên, đoàn viên thanh niên của đảo luôn có hoài bão, lý tưởng, biết hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, chịu khó học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có kiến thức, sức khỏe, ý chí quyết tâm đóng góp nhiều sức lực, trí tuệ xây dựng đơn vị, xây dựng chi bộ, xây dựng tổ chức đoàn, xứng đáng là lực lượng tin cậy, là cánh tay đắc lực của Đảng, con cháu của Bác Hồ.

        3- Phát huy truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng, gần 30 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang luôn nêu cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, tính độc lập, tự chủ, ý thức tự lập, tự cường, kiên trì khắc phục khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi gian nan thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm xuyên suốt - bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo. Từ buổi đấu với muôn vàn khó khăn đến nay, bằng trí tuệ, mồ hôi, công sức của bộ đội, đảo đã xây dựng hàng trăm mét giao thông hào, hàng chục trận địa, bảo đảm chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, cơ động lực lượng, luyện tập các phương án chiến đấu. Nhận thức đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ đảo, ngày đêm cán bộ, chiến sĩ miệt mài luyện tập, nâng cao chất lượng huấn luyện, quan sát quản lý vùng biển, bảo đảm thông tin liên lạc kịp thời phát hiện, nắm chắc tình hình, báo cáo chính xác, kiên quyết ngăn cản, xua đuổi, làm thất bại mọi hành vi xâm phạm của các lực lượng nước ngoài. Với tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao, mặc dù ở xa đất liền, xa sự lãnh đạo, chỉ huy của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, nhưng không để bất ngờ, chủ quyền đảo luôn được giữ vững, ngay cả khi tình hình trong khu vực quần đảo Trường Sa có nhưng thời điểm diễn biến rất phức tạp, căng thẳng, nhưng đảo vẫn vững vàng.

        4- Tích cực khắc phục khó khăn bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

        Vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, cán bộ, chiến sĩ tích cực lao động, tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường, xây dựng doanh trại, xây dựng đảo xanh - sạch - đẹp, nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, giữ gìn bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Không quản ngại khó khăn, không ỷ lại hoàn cảnh, với tinh thần dựa vào sức mình là chính, bằng sức lao động của bộ đội, bộ mặt của đảo đã có sự thay đổi lớn. Doanh trại khang trang, sạch đẹp, xanh mát với hệ thống nhà ở, nhà làm việc, sinh hoạt, học tập, nhà ăn, nhà bếp, vườn rau, cây cảnh, cây bóng mát, công trình vệ sinh bảo đảm cho bộ đội có cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ, phong phú, vui tươi, lành mạnh.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 11:51:51 pm

        II. NGUYÊN NHÂN

        Có những thành tích nói trên, trước hết là do sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, của Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 mà trực tiếp, thường xuyên của Đảng ủy và chỉ huy Lữ đoàn 146; thông qua chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết Đảng, Nhà nước, quân đội đã định hướng chính trị, tư tưởng và hành động làm cho bộ đội có nhận thức đúng đắn về tình hình, nhiệm vụ, có ý chí và quyết tâm cao, có hành động đúng, phù hợp mọi diễn biến của tình hình, những tình huống xảy ra, bảo đảm cho mọi hoạt động của đảo đúng hướng, có chất lượng và hiệu quả.

        Có sự đầu tư của Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở, của các đơn vị trong toàn quân, của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương ven biển, các tỉnh thành phía Nam, sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh ủy, thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Khánh Hoà, thành phố Hồ Chí Minh, sự ủng hộ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài. Chính có sự đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ ủng hộ của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, mọi người, nhờ đó mọi mặt của đảo từng bước được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội được cải thiện, đó là nguồn động viên lớn, cổ vũ bộ đội cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh.

        Có sự hy sinh, phấn đấu, nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảng viên, đoàn viên, những người ngày đêm chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, vất vả, chịu đựng hy sinh mất mát để làm nên thành tích to lớn của đảo. Từ ngày đầu mới giải phóng đến nay, sự khó khăn thiếu thốn luôn là thử thách đối với bộ đội trên đảo; có những thời điểm tình hình khu vực quần đảo Trường Sa rất căng thẳng, song với ý chí, nghị lực, trách nhiệm, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ mọi khó khăn đều vượt qua, đảo vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

        III. TRUYỀN THỐNG

        Trong chặng đường gần 30 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang đã xây nên truyền thống:

        “Đoàn kết, chủ động.
        Khắc phục khó khăn.
        Kiên trì, cảnh giác.
        Giữ vững chủ quyền”.

        “Đoàn kết, chủ động" là truyền thống tiêu biểu, xuyên suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đảo.

        Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công" và quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân, từ khi được giải phóng đến nay đảo An Bang luôn đoàn kết thống nhất thành một khối, lấy đoàn kết làm điểm tương đồng trong xây dựng và bảo vệ đảo.

        Đó là đoàn kết trong chi bộ, chi ủy, đoàn kết giữa Bí thư với Phó Bí thư với các ủy viên và giữa các ủy viên với nhau. Đó là đoàn kết giữa Bí thư với Đảo trưởng và các Phó đảo trưởng, giữa Đảo trưởng chính trị viên và các Phó đảo trưởng. Đoàn kết giữa cấp trên và cấp dưới, giữa Ban Chỉ huy đảo với Ban Chỉ huy, phân đội, đội. Đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa cán bộ với cán bộ, chiến sĩ với chiến sĩ, giữa cán bộ cùng ngành với cán bộ khác ngành.

        Đó là đoàn kết giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân với cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân, giữa bộ đội với Trạm Khí tượng thủy văn là những đơn vị đều đứng chân trên cùng một đảo.

        Đó là đoàn kết giữa đảo với ngư dân của các địa phương ra sản xuất, đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản, giữa đảo với cán bộ, nhân viên nhà đèn và giữa đảo với các đoàn khách ra thăm, kiểm tra, nắm tình hình, tham quan du lịch.

        Đó là đoàn kết giữa đảo với các đảo trong quần đảo Trường Sa, với các tàu trực, với các đơn vị đóng quân, đứng chân trên vùng biển và thềm lục địa phía Nam.

        Chính nhờ có đoàn kết đó mà đảo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

        Quán triệt quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, đảo luôn luôn chủ động triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ, giải quyết mọi yêu cầu, nhu cầu, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, không ỷ lại hoàn cảnh, không trông chờ ở trên. Đó là truyền thống, là nét đẹp văn hoá trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ có chủ động mà các phương án chiến đấu, các kế hoạch phòng thủ, các chương trình huấn luyện, các yêu cầu bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, các nhu cầu về cuộc sống vật chất, tinh thần về thưởng thức văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, đọc sách báo, xem truyền hình, nghe đài, băng đĩa, khám chữa điều trị bệnh tật, hoạt động thể dục thể thao, tăng gia sản xuất đạt hiệu quả, ý nghĩa thiết thực và ngày càng khởi sắc.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 11:52:17 pm

        “Khắc phục khó khăn" là một truyền thống tiêu biểu xuyên suốt trong chiến đấu, xây dựng, bảo vệ và phát triển của đảo. Khó khăn là đặc điểm lớn, bao trùm lên mọi hoạt động của đảo.

        Khó khăn về điều kiện thiên nhiên như độ mặn, hơi nước cao dễ làm hư hỏng vũ khí, trang thiết bị, không thuận lợi cho rau, cây cối phát triển; mưa nắng không điều hoà, mùa khô nắng nóng gay gắt, mùa mưa kéo dài ảnh hưởng đến mọi hoạt động; gió, nước làm xói lở đê kè, đe dọa đến cuộc sống của đảo. Khó khăn về công tác bảo đảm như cung ứng, vận chuyển lương thực, thực phẩm, rau xanh, nguyên vật liệu, vũ khí, đạn dược, xăng dầu, tài liệu, sách báo. Khó khăn về bảo đảm thông tin liên lạc, truyền thông, truyền hình phủ sóng. Thấy hết những khó khăn, dựa vào sức mình là chính, cán bộ, chiến sĩ không lùi bước, nỗ lực khắc phục, hoàn thành nhiệm vụ.

        Không có máy móc, chỉ có những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, bằng lao động chân tay, cán bộ, chiến sĩ đã đào đắp, sửa chữa hầm hố, hào giao thông, công sự, trận địa, san lấp mặt bằng, sửa chữa nhà cửa, thu dọn doanh trại, tổng vệ sinh làm cho bộ mặt của đảo thay đổi.

        Trong điều kiện xa đất liền, việc bảo đảm đời sống bộ đội gặp nhiều khó khăn. Không khoanh tay trước khó khăn, cán bộ, chiến sĩ tận dụng từng mét đất, chắt chiu từng bát nước ngọt, từng hạt gạo, miếng cơm, thời gian trồng rau xanh, nuôi gia cầm, gia súc, đánh bắt tôm cá tự túc một phần thực phẩm tươi sống, nâng cao đời sống bộ đội. Nhà ở, giường nằm bộ đội tự sửa chữa. Vũ khí, đạn dược bộ đội tự sắp xếp lau chùi, bảo quản, niêm cất nhờ công sức bỏ ra mà chống được sự xuống cấp, phục vụ kịp thời cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu.

        Để nâng cao đời sống tinh thần, tình cảm của bộ đội đảo tự tổ chức các buổi liên hoan văn hoá, văn nghệ, thi báo tường, báo liếp, đọc sách báo, nghe đài, xem ti vi, đọc thơ, xem băng đĩa tập thể, tự sáng tác, tự biên, tự diễn thơ ca, hò vè, nhạc kịch góp phần làm không khí trên đảo thêm sôi động, giảm bớt sự buồn tẻ, tản mạn, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.

        Hiện nay, việc vận chuyển từ đất liền có thuận lợi hơn trước, việc đi lại tương đối thuận tiện, song khó khăn vẫn còn nhiều, cán bộ, chiến sĩ đảo tiếp tục động viên nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

        “Kiên trì, cảnh giác" là truyền thống vẻ vang của đảo.

        Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện xa sự lãnh đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, đòi hỏi tính độc lập cao. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đảo luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết, kiên trì thực hiện chủ trương, kế hoạch, đối sách.

        Giữa biển khơi, xung quanh nước bao bọc, xa các đảo trong khu vực, xa đất liền, nằm trong khu vực có sự tranh chấp, việc đề cao cảnh giác đập tan âm mưu của kẻ thù, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nội bộ là vấn đề sống còn đối với đảo. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đảo, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ đảo, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đập tan âm mưu xâm chiếm, xâm lấn, đóng xen kẽ, các hoạt động trinh sát, khảo sát, thăm dò, các thủ đoạn khiêu khích của kẻ thù và các lực lượng nước ngoài. Do đó, dù điều kiện bảo đảm cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hạn chế đảo đã đối phó thắng lợi với các âm mưu phá hoại, xâm chiếm từ bên ngoài, không để xảy ra bất ngờ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đảo. Bảo vệ chính trị nội bộ trong sạch, đủ sức đánh bại mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch và các hành động phá hoại của nước ngoài; cán bộ, chiến sĩ có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đồi với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có quan điểm giai cấp, ý thức địch, ta rõ ràng, phân biệt rõ bạn thù, đối tượng, đối tác. Không làm bất cứ một việc gì ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn của đảo, xây dựng đảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

        Thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển rộng, thường xuyên diễn ra các hoạt động tranh chấp, trong xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển, đảo kiên trì thực hiện đối sách, bám sát tình hình, bám sát chủ trương đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, bám sát chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, bám biển, bám đảo, kiên trì luyện tập các kế hoạch, đề án, nội dung chương trình xây dựng và bảo vệ đảo. Nhờ kiên trì mà đảo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

        “Giữ vững chủ quyền" là truyền thống vẻ vang, xuyên suốt của đảo.

        Những năm qua tình hình vùng biển, quần đảo Trường Sa luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ.

        Nhận thức sâu sắc, giữ vững chủ quyền là nhiệm vụ chính trị trọng tâm số 1 xuyên suốt của đảo, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, trực chiến, trực ban, trực chỉ huy, luyện tập, huấn luyện, củng cố, xây dựng công sự, trận địa; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Song song với nhiệm vụ quân sự, đảo không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động xây dựng và bảo vệ đảo như củng cố, kiện toàn tổ chức chỉ huy, tổ chức đảng, đoàn; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; xây dựng đảo vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, chi bộ trong sạch vững mạnh, tổ chức đoàn vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Với những cố gắng, nỗ lực đó đảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững chủ quyền đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 14 Tháng Giêng, 2017, 11:52:49 pm

        KẾT LUẬN

        Là một đảo trong quần đảo Trường Sa, An Bang có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội, sự giúp đỡ của các Bộ, các ngành, các đơn vị trong và ngoài Quân chủng, của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương, của đồng bào, chiến sĩ cả nước; sự phấn đấu nỗ lực của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, quân nhân chuyên nghiệp đảo An Bang đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, chi bộ trong sạch vững mạnh, lập nhiều thành tích to lớn, truyền thống vẻ vang.

        Phát huy truyền thống trong giai đoạn mới, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo An Bang cần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

        1- Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, đơn vị; âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc. Không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới; kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng mét san hô, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

        2- Nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù. Tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện về mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo.

        3- Tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu, giỏi một nghề, biết nhiều nghề. Trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, có đời sống nội tâm phong phú, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống vẻ vang quân đội, Quân chủng anh hùng.

        4- Không ngừng củng cố, nâng cao đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đảo thành khối vững chắc, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân dân một ý chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi gian nguy, thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5- Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng chi bộ đảo thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, niềm tin và chỗ dựa vững chắc của quần chúng. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        6- Tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược kinh tế biển, dự án đưa dân ra Trường Sa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang nêu cao trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, đáp ứng niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:08:56 am
       
(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Truongsa_zpsnnxh1t5z.jpg)
Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề

ĐẢO PHAN VINH XÂY DỰNG CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH 1978-2007

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Phan%20Vinh_zpsfthurdm7.jpg)

LỜI NÓI ĐẦU

        Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở biển Đông là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này.

        Từ tháng 4 năm 1975 đến nay, Hải quân nhân dân Việt Nam vượt qua biết bao khó khăn, dũng cảm ngoan cuờng đấu tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền 9 đảo nổi và 12 đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.

        Đảo Phan Vinh nằm ở khu vực phía Nam quần đảo Trường Sa, cách đất liền (Cam Ranh) gần 300 hải lý. Ngày 30 tháng 3 năm 1978, bộ đội ta ra đóng giữ đảo Phan Vinh. Hơn 29 năm qua, duỗi sự lãnh đạo của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 Hải quân mà trực tiếp là Đảng ủy và chỉ huy Lữ đoàn 146, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, bền bỉ khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ hy sinh, xây dựng đơn vị lớn mạnh và bảo vệ đảo ngày càng vững chắc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với những thành tích đạt được trong xây dựng chiến đấu và trưởng thành, đảo Phan Vinh cùng nhiều tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng cờ, bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân, Cục Chính trị tổ chức biên soạn cuốn sách “Đảo Phan Vinh xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1978-2007)”, nhằm tuyên truyền, giáo dục cho quân, dân huyện đảo Trường Sa nói chung, đảo Phan Vinh nói riêng về lòng yêu nước, ý chí kiên cường xây dựng, bảo vệ đảo của các thế hệ cha anh, qua đó nâng cao niềm tự hào về truyền thống của dân tộc và đơn vị, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, phẩm chất năng lực về mọi mặt, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.

        Trong quá trình biên soạn, do hạn chế về tài liệu lưu trú, thời gian và khả năng, nên cuốn sách không thể thỏa mãn đầy đủ nhu cầu bạn đọc.

        Nhân dịp này, Cục Chính trị Hải quân xin chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã giúp đỡ về mọi mặt, tạo điều kiện để cuốn sách được biên soạn, xuất bản và phát hành đúng theo kế hoạch.

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN        

        NHỮNG PHẦN THƯỞNG

        TƯ LỆNH HẢI QUÂN TẶNG: Danh hiệu "Đơn vị Quyết thắng" năm 1980; 1981; 1984; 1991; 1993; 2003; 2004.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:13:42 am

Phần một

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Phần hai

QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO PHAN VINH (3-1978 – 4-2007)

        I. ĐẠI ĐỘI ĐẢO PHAN VINH VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN THỬ THÁCH, XÂY DỰNG Ý CHÍ QUYẾT TÂM VỮNG CHẮC, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ ĐẢO GIAI ĐOẠN 1978 - 1987

        1. Vài nét về điều kiện tự nhiên đảo Phan Vinh


        Đảo Phan Vinh hay còn gọi là đảo Hòn Sập, có tọa độ 08°58’00"N và kinh độ 113°41'30"E, nằm cách bãi đá Tốc Tan khoảng 1 3 hải lý về phía Tây Bắc và cách bãi đá Châu Viên khoảng 47 hải lý về phía Đông.

        Đảo có dạng gần tròn, đường kính khoảng 50 mét, nằm ở đầu cuối phía Đông Bắc trên một nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý, theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Ở phía Tây của vành san hô này có 1 xác tàu đắm luôn nhô cao trên mặt nước biển. Đảo không có giếng nước ngọt, không có cây xanh. Lúc thủy triều xuống thấp nhất, người có thể lội bộ từ đảo đến xác tàu đắm. Ở giữa vành đai san hô là một hồ nước sâu. Rìa ngoài của vành san hô ở hướng Bắc và Đông Bắc đến bờ đảo dài khoảng 200 mét.

        Khi không có sóng gió lớn, tàu thuyền thường đổ bộ lên đảo theo hướng từ phía Nam đi lên và tiếp cận đảo Tại điểm này có một lạch được dọn sạch đá san hô, rất tiện cho việc chèo xuồng ra vào đảo; khi thủy triều xuống còn 0,4 đến 0,5 mét, người có thể lội qua thềm san hô để vào đảo mà nước cũng chỉ sâu đến đầu gồi chân.

        Tại thềm san hô tận cùng phía Tây của vành san hô hình vành khuyên, cách mép sóng khoảng 200 mét có một bãi san hô, khi thủy triều xuống còn 1,7 mét thì bãi này bắt đầu nhô lên khỏi mặt nước và khi thủy triều còn khoảng 1,5 mét thì bãi đá nổi cao thành hình một bãi san hô dài khoảng 50 mét, rộng từ 5 mét đến 10 mét.

        2. Xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu phòng thủ bảo vệ đảo

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các lực lượng Hải quân có sự phối hợp của bộ đội Quân khu 5 chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa; đồng thời tổ chức lực lượng đóng giữ bảo vệ 5 đảo, gồm: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa. Còn một số đảo khác như Đá Giữa, Hòn Sập, An Bang và đảo Grigân... do điều kiện mới giải phóng, gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm sinh hoạt, ăn ở nên ta chưa đưa bộ đội ra đóng ở các đảo này.

        Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, các năm 1976, 1977, Bộ Tổng Tham mưu cùng với Bộ Tư lệnh Hải quân đã tiến hành kiểm tra tình hình và khảo sát thực tế các đảo đang đóng giữ và chưa đóng giữ trên quần đảo Trường Sa, đã nhanh chóng chấn chỉnh các lực lượng và xây dựng các phương án tác chiến phòng thủ bảo vệ quần đảo.

        Đầu năm 1978, tình hình trên khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến mới phức tạp. Tháng 2 năm 1978, Philíppin đưa quân ra chiếm đóng đảo Ponata, đồng thời tăng cường các hoạt động thăm dò, trinh sát quanh khu vực các đảo của ta đang đóng giữ. Trước tình hình đó, Quân chủng một mặt tập trung lực lượng tàu vận tải, tàu đánh cá của hai Trung đoàn 125, 128, lực lượng bộ binh đảo của Trung đoàn 146, Lữ đoàn 126, công binh của Trung đoàn 83 ra đóng giữ bảo vệ các đảo Trường Sa Đông (Đá Giữa), Sinh Tồn Đông (Grigân), Phan Vinh (Hòn Sập), An Bang và bãi đá ngầm Thuyền Chài. Mặt khác, chỉ thị cho các đơn vị đang đóng giữ đảo đẩy mạnh các hoạt động sẵn sàng chiến đấu, quan sát nắm chắc tình hình trên biển, sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu nếu nước ngoài xâm phạm tiến công đảo.

        Cũng trong thời gian này, từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 21 tháng 5 năm 1978, Quân chủng tổ chức một đoàn cán bộ gồm có các thành phần của Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật và Trung đoàn 146 do đồng chí Tư lệnh và Chính ủy làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình xây dựng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các đảo trên quần đảo Trường Sa.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:14:07 am

        Về tổ chức lực lượng đóng giữ đảo Hòn Sập, gồm 31 đồng chí hạ sĩ quan, chiến sĩ Trung đoàn 146 do đồng chí Vũ Xuân Hà chỉ huy, đi trên tàu 680 thuộc Đoàn 128 ra đóng giữ đảo ngày 30 tháng 3 năm 1978, cùng ngày này đồng chí Trung đoàn trưởng Cao ánh Đăng lên đảo kiểm tra nghiên cứu tình hình, trực tiếp chỉ đạo việc bố trí lực lượng, các trận địa phòng thủ bảo vệ Hòn Sập. Đồng chí Thiếu úy Vũ Xuân Hà được trên bổ nhiệm chức Chỉ huy trưởng đảo.

        Ngày 7 tháng 5 năm 1978, tàu 610, 608 của Hải đoàn 125 chở đoàn cán bộ Quân chủng cập đảo Hòn Sập Đồng chí Tư lệnh, Thiếu tướng Giáp Văn Cương và Chính ủy, Thiếu tướng Hoàng Trà đi kiểm tra tình hình đảo. Thủ trưởng Quân chủng rất phấn khởi thấy cán bộ chiến sĩ xác định tốt nhiệm vụ, có nhiều cố gắng trong tổ chức đời sống và chuẩn bị chiến đấu bảo vệ đảo. Thay mặt Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, đồng chí Tư lệnh đã biểu dương thành tích bước đầu của đảo và chỉ thị: “Nhiệm vụ bảo vệ đảo là lâu dài, nặng nề và phức tạp, tập thể cán bộ, chiến sĩ trên đảo tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống của Quân chủng ra sức xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt và cần kiệm xây dựng đảo; cảnh giác cao, sẵn sàng đánh thắng bất cứ kẻ nào dám xâm phạm chủ quyền đảo, bảo vệ vững chắc vị trí tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Thay mặt cán bộ chiến sĩ đảo, đồng chí Chỉ huy trưởng đảo xin hứa với Thủ trưởng Quân chủng “Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh giao cho, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ đảo đến cùng trong bất cứ tình huống nào”. Cũng tại buổi kiểm tra tình hình đảo này, đồng chí Tư lệnh đề nghị đổi tên đảo Hòn Sập mang tên người Thuyền trưởng anh hùng Trung úy Nguyễn Phan Vinh của Hải quân trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước (gọi tắt là đảo Phan Vinh) để ghi công và tôn vinh lịch sử truyền thống oanh liệt của Hải quân nhân dân Việt Nam. Từ đây, tên đảo Phan Vinh mãi mãi được ghi trên bản đồ biển, đảo Việt Nam. Nó là niềm tự hào và nguồn cổ vũ cán bộ, chiến sĩ xây dựng, bảo vệ đảo Phan Vinh luôn chắc tay súng, vững vàng trong mọi thử thách.

        Trong thời gian này, lực lượng công binh Trung đoàn 83 đã khẩn trương xây dựng nhà ở cho bộ đội và các trận địa, công sự dã chiến trên đảo Phan Vinh. Lần đầu tiên công binh Hải quân xây dựng nhà cao chân trên đảo, mô phỏng theo kiểu nhà sàn trên miền núi, tận dụng khả năng nguyên vật liệu sẵn có, làm cột nhà bằng các cây cột điện gỗ, mái nhà làm bằng mái tôn vòm kim loại là các vật tư thu được của địch sau ngày giải phóng miền Nam. Đây là một sáng tạo hết sức phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đảo Phan Vinh, với khả năng của ta và tình hình khẩn trương lúc này.

        Những năm 1978-1981, lực lượng chiến đấu của đảo được biên chế thành một phân đội hỗn hợp độc lập gồm các khẩu đội hoả lực ĐKZ, cối, pháo phòng không 12,7mm và một bộ phận phục vụ, tổng quân số khoảng 32 cán bộ, chiến sĩ. Trong thời gian này, vào giữa tháng 4 năm 1980, đảo được đón tiếp đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô do đồng chí Đại tá Len Kốp làm Trưởng đoàn và đoàn cán bộ Quân chủng Hải quân ra khảo sát, nghiên cứu tình hình tổ chức phòng thủ đảo Phan Vinh. Đoàn rất cảm phục cán bộ, chiến sĩ đảo trong điều kiện sống khó khăn, gian khổ nhưng vẫn luôn vững vàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Những năm 1982-1987, lực lượng chiến đấu của đảo tiếp tục được phát triển và chấn chỉnh. Để phù hợp với cách đánh đáp ứng yêu cầu nâng cao sức phòng thủ đảo, từ tổ chức lực lượng chiến đấu cấp phân đội phát triển lên thành đại đội chiến đấu hỗn hợp (đại đội đủ), có các bộ phận lực lượng pháo binh, pháo phòng không và bộ binh mạnh.

        Thời kỳ này, công tác nổi lên hàng đầu của đơn vị là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu Hàng năm, đại đội thực hiện nghiêm các nội dung huấn luyện của Lữ đoàn giao, đi sâu huấn luyện chiến thuật bộ binh, kỹ thuật cá nhân, hiệp đồng chiến đấu cấp tiểu đội, trung đội, bảo đảm cho bộ đội thuần thục các phương án chiến đấu đánh địch đổ bộ đường biển, tập kích đường không, các phương án đánh ban ngày, ban đêm; chú trọng huấn luyện thực hành ban đêm. Đặc biệt là thực hành bắn đạn thật, hàng năm 100% các loại vũ khí của đơn vị được tham gia bắn đạn thật, kết quả kiểm tra thường xuyên đạt 95% yêu cầu trở lên.

        Cùng với việc phát triển lực lượng chiến đấu, hệ thống công sự trận địa phòng ngự trên đảo Phan Vinh nhanh chóng được trên đầu tư xây dựng các công trình dã chiến, bán kiên cố.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:16:11 am

        3. Bảo đảm kỹ thuật, hậu cần cho nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ bảo vệ đảo

        Những năm 1978-1987, công tác kỹ thuật của đảo Phan Vinh tập trung chủ yếu vào công tác bảo quản, bảo dưỡng tại chỗ các loại súng pháo, đạn dược. Lực lượng làm công tác kỹ thuật là các đồng chí nhân viên, hạ sĩ quan kỹ thuật làm nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn và tổ chức bảo quản vũ khí. Hàng năm, ngành kỹ thuật Lữ đoàn tổ chức lực lượng ra đảo kiểm tra tình trạng kỹ thuật, đưa súng pháo vào bờ sửa chữa, đồng thời trực tiếp hướng dẫn tổ chức bảo dưỡng súng pháo tại đơn vị.

        Nhận thức sâu sắc ý nghĩa quan trọng của công tác kỹ thuật, các cấp lãnh đạo chi bộ, tổ đảng, chỉ huy đảo đến các trung đội đã có nhiều biện pháp lãnh đạo duy trì nghiêm các chế độ bảo quản, giữ gìn vũ khí, giáo dục động viên mọi cán bộ đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ nêu cao trách nhiệm trong việc giữ gìn vũ khí. Hàng năm, đảo tổ chức bảo quản nhiều lần các loại vũ khí, củng cố chống dột, chống nước mặn tràn vào các hầm vũ khí, các kho đạn. Tuy nhiên, hoạt động trong môi trường thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nhiều hơi nước mặn, điều kiện cất giữ bảo quản dã chiến, bán kiên cố nên chất lượng kỹ thuật vũ khí xuống cấp nhanh. Việc tăng cường công tác bảo quản thường xuyên và định kỳ tại đảo cũng chỉ hạn chế được một phần sự hỏng hóc của vũ khí, trang bị do sự tác động xấu của môi trường tự nhiên.

        Công tác bảo đảm hậu cần của đảo Phan Vinh là vấn đề hết sức khó khăn phức tạp so với các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa, là đảo nhỏ, cát san hô trắng trơ trọi, mong manh, không có nước ngọt, không có cây xanh, giữa bốn bề đại dương sóng gió, mọi nguồn bảo đảm hậu cần đều từ bờ đưa ra. Đời sống vật chất tinh thần, văn hoá, tình cảm và sinh hoạt của đảo vô cùng thiếu thốn, khó khăn. Bộ đội thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước ngọt, rau xanh, 6 tháng đến 12 tháng mới nhận được thư nhà.

        Yêu cầu đầu tiên của đảo là làm sao phải tổ chức duy trì được đời sống, bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội hoạt động xây dựng và bảo vệ đảo, để luôn luôn đủ sức sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ thắng lợi chủ quyền của Tổ quốc trong mọi tình huống. Cùng với sự tích cực bảo đảm, chi viện của ngành hậu cần Lữ đoàn, tổ đảng và những năm sau này là chi bộ với tinh thần tự lực, tự cường, nêu cao trách nhiệm chính trị, giữ vững quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tích cực chủ động lãnh đạo đơn vị phấn đấu khắc phục khó khăn, từng bước cải thiện điều kiện ăn ở, đời sống sinh hoạt, duy trì, nâng cao sức khỏe sẵn sàng chiến đấu của bộ đội.

        Những năm đầu từ 1978 đến 1981, bộ đội ở nhà tạm cao chân, mái tôn kim loại, chật chội, nóng bức, từ năm 1981 chuyển sang ở nhà xây cấp 4 có diện tích sử dụng hơn 100m2 rộng rãi và thoáng mát hơn. Đó là kết quả của cán bộ, chiến sĩ đảo đã bỏ ra hàng trăm ngày công khắc phục nguyên vật liệu tại chỗ phối hợp với bộ đội công binh Trung đoàn 83 thi công bằng tinh thần cố gắng, hăng hái, nhiệt tình, quyết tâm vươn lên khắc phục mọi khó khăn. Năm 1980, 1982 đảo được trên đầu tư xây dựng thêm bể nước cố định và cấp các téc chứa nước cơ động. Hàng năm, tàu 931 của Vùng 4 Hải quân chở nước ngọt từ bờ ra cung cấp cho đảo, song hệ thống chứa nước chỉ có dung tích gần 70m3 nên bộ đội thường xuyên sống trong tình trạng thiếu nước, nhất là về mùa khô phải triệt để tiết kiệm. Đơn vị đề ra các các quy định sử dụng nước chặt chẽ, phân phối theo định mức đầu người cụ thể hàng ngày cho các tiểu đội, trung đội và các bộ phận của đảo. Đối mặt với những thiếu thốn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ luôn tự giác chấp hành cùng nhau san sẻ chịu đựng để vượt qua.

        Việc tổ chức trồng rau xanh ở đảo là vấn đề vô cùng khó khăn. Đảo cát san hô không có nước ngọt, muốn trồng được rau xanh phải cải tạo đất, che chắn gió, ngăn nước mặn, phải tận dụng hiệu quả nước thải để trồng rau. Với nỗ lực rất lớn, các chiến sĩ đảo cũng đã làm được các khu vườn của các trung đội, bộ phận, tổ chức trồng rau xanh, chủ yếu là giống rau leo, bầu, bí, hàng năm thu hoạch từ 3 đến 5 tạ rau các loại phấn đấu cho bộ đội trong một tuần có từ 1 đến 2 bữa ăn có rau xanh. Cùng với việc tích cực trồng rau xanh tại chỗ, đảo tổ chức đánh bắt hải sản và chăn nuôi lợn, chó. Đây là nguồn thực phẩm tươi sống rất quan trọng của đảo, hàng năm thu hoạch trên dưới 1 tấn thịt các loại.

        Từ năm 1979, đảo triển khai trồng cây xanh, chủ yếu là cây phi lao, cây bàng, dừa từ đất liền đưa ra nhưng tỷ lệ sống rất thấp.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:18:17 am

        4. Công tác đảng, công tác chính trị góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo

        Từ những năm 1978 đến 1981, tổ chức đảng của đảo Phan Vinh là một tổ đảng thuộc chi bộ đảo Nam Yết; tổ chức quần chúng thành lập một chi Đoàn thanh niên và một Hội đồng quân nhân. Đến năm 1982 thành lập chi bộ đảo trực thuộc Đảng bộ Lữ đoàn 146. Chi bộ gồm có các tổ đảng trung đội hoả lực, bộ binh, cao xạ và đảo bộ (có các bộ phận bảo đảm). Tỷ lệ lãnh đạo của đảo từ 10 đến 12%.

        Quán triệt nghị quyết của Đảng ủy Lữ đoàn, nắm vững yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, chi bộ đảo Phan Vinh thường xuyên củng cố, kiện toàn, tập trung xây dựng, không ngừng nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo toàn diện và tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm. Trong điều kiện công tác gian khổ, nhiệm vụ nặng nề, căng thẳng, xa hậu phương, phải độc lập chỉ huy, xử lý mọi tình huống, các tổ đảng và cấp ủy đã phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ một cách hiệu quả. Cán bộ, đảng viên luôn luôn tiền phong trong mọi công việc khó khăn vất vả, miệng nói tay làm; là tấm gương để quần chúng noi theo hành động, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đảo.

        Trong xây dựng đảng, tổ đảng, chi bộ đảo duy trì nghiêm các chế độ sinh hoạt chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt lãnh đạo và chất lượng đại hội chi bộ nhiệm kỳ hàng năm cấp ủy luôn luôn được kiện toàn đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu lãnh đạo các nhiệm vụ của đơn vị; hết sức coi trọng công tác phát triển đảng viên mới nhằm tăng cường khả năng, sức mạnh lãnh đạo của các tổ đảng và chi bộ, đồng thời nó cũng là một yếu tố tác động cổ vũ quần chúng tích cực phấn đấu được đứng trong hàng ngũ Đảng. Trung bình hàng năm chi bộ kết nạp được 2 đảng viên mới và bồi dưỡng đưa vào diện đối tượng cảm tình Đảng 5 quần chúng ưu tú.

        Công tác chính trị thời kỳ này đảo tập trung vào việc giáo dục bộ đội nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lập trường tư tưởng cách mạng, vững vàng kiên định trong mọi hoàn cảnh khó khăn gian khổ, mọi tình huống căng thẳng phức tạp, xây dựng ý chí sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ bằng được chủ quyền đảo, mảnh đất thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ đều thể hiện một lòng đoàn kết, thương yêu nhau, cùng nhau chia sẻ và khắc phục mọi khó khăn, gian khổ của cuộc sống ở đảo, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Ngày 29 tháng 10 năm 1978, trong lúc đang công tác, 3 chiến sĩ bị nước biển cuốn trôi, đồng chí đảo trưởng Vũ Văn Hà trực tiếp tổ chức cấp cứu, nhưng dòng nước chảy mạnh tiếp tục cuốn trôi 4 đồng chí đi cứu, trong đó có đảo trưởng. 7 cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh bị trôi dạt đến một bãi cạn cách đảo mấy chục hải lý. Trong những ngày trôi dạt lênh đênh trên biển và sống thoi thóp trên đảo lạ giữa trời nước đại dương mênh mông, cái chết đến dần, 7 cán bộ, chiến sĩ bình tĩnh, tin tưởng vào ngày được cứu trở về với đồng đội, đã động viên lẫn nhau, đồng chí khỏe giúp đồng chí yếu tìm mọi cách cùng nhau vượt qua đói khát, bệnh tật, giành lấy sự sống. Sau 8 ngày đêm bị trôi dạt, 7 cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh được tàu 641 phát hiện cấp cứu đưa về đơn vị an toàn. Ngay sau khi tàu 641 cập quân cảng Sài Gòn, chương trình phát thanh quân đội của Đài tiếng nói Việt Nam đã phát bài phóng sự dài về sự kiện này gây xúc động mạnh trong toàn quân và Quân chủng. Đồng chí Vũ Văn Hà được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

        Giai đoạn này việc bảo đảm đời sống văn hoá, tinh thần của bộ đội gặp nhiều khó khăn. Báo chí sáu tháng một lần chuyển ra đảo, rađiô cả đảo được cấp ba chiếc, chất lượng kém và hay hỏng hóc do môi trường ẩm, hơi nước mặn. Tuy nhiên, Quân chủng đã có nhiều cố gắng, từ sau năm 1982, hàng năm cử đội văn nghệ xung kích ra đảo phục vụ bộ đội một lần; Vùng 4 Hải quân tổ chức từ 1 đến 2 lần đội chiếu bóng ra phục vụ. Từ năm 1984, Quân chủng đầu tư xây dựng tủ sách, từng bước bổ sung số lượng hình thành thư viện của đảo sau này, đáp ứng nhu cầu đọc sách nâng cao nhận thức, tri thức và bồi dưỡng tâm hồn cao đẹp cho bộ đội.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:18:33 am

        Những năm 1978-1987, Bộ Quốc phòng chưa có chủ trương luân phiên cán bộ công tác ở đảo Trường Sa, nên các đồng chí cán bộ xác định tư tưởng gắn bó công tác lâu dài với đảo, với lữ đoàn. Đội ngũ cán bộ đảo Phan Vinh là các sĩ quan ở các đơn vị lục quân chuyển sang; các sĩ quan mới tốt nghiệp các trường quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật được bổ sung cho đảo, phần lớn là những cán bộ trưởng thành đã trải qua nhiều năm gắn bó với các đơn vị trên quần đảo Trường Sa, đã trải qua thử thách của cuộc sống, thiếu thốn, cực khổ ở đảo, nhiều kinh nghiệm trên các mặt công tác, luôn luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc giữ vững ý chí chiến đấu, lập trường kiên định, có quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ của đảo kể từ tiểu đội trưởng trở lên được chú trọng bồi dưỡng về mọi mặt, về nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực chỉ huy là lực lượng nòng cốt trong xây dựng đơn vị, cũng như giữ vai trò quyết định trong thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

        Đoàn viên, thanh niên của đảo Phan Vinh chiếm trên 80% quân số. Toàn đảo thành lập một chi đoàn. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chi đoàn đảo Phan Vinh phát huy tốt chức năng, tổ chức các phong trào thi đua, xung kích trong các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong các phong trào tăng gia sản xuất văn hoá, thể thao. Đặc điểm của thời kỳ này là bộ đội ra đảo làm nhiệm vụ có tỷ lệ thanh niên chưa là đoàn viên chiếm khá cao. Sau khi ra đảo, được chi bộ bồi dưỡng, giáo dục mục tiêu, lý tưởng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, họ đã phấn đấu gia nhập tổ chức đoàn. Hàng năm chi đoàn kết nạp được nhiều đoàn viên mới. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hầu hết số thanh niên chưa là đoàn viên đều phấn đấu được đứng trong đội ngũ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiều đồng chí đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được cử đi đào tạo nguồn cán bộ phục vụ quân đội lâu dài. Trước khi rời đảo trở về địa phương, các đồng chí đoàn viên đều nói lên niềm tự hào đã có những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi được sống, học tập và công tác ở đảo tiền tiêu - nơi đầu sóng ngọn gió, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trở về địa phương, họ là những nhân tố tích cực tiếp tục phấn đấu học tập, công tác góp, phần xây dựng quê hương đất nước.

        Ngày 28 tháng 2 năm 1982, Quốc hội nước ta quyết định sáp nhập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai cũ vào tỉnh Phú Khánh (sau này là tỉnh Khánh Hoà). Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh tiếp tục được sự chăm lo, đùm bọc của nhân dân Phú Khánh và của nhiều tỉnh thành trong đất liền. Năm 1984, ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà tổ chức kết nghĩa giữa các huyện, thị trong tỉnh với các đảo thuộc huyện Trường Sa, trong đó nhân dân huyện Diên Khánh (Khánh Hoà) kết nghĩa với đại đội đảo Phan Vinh. Sau ngày kết nghĩa, hàng năm, khi có dịp nhân dân huyện Diên Khánh lại gửi thư, tặng quà, cùng với quà của các tỉnh Thuận Hải, Lâm Đồng (cũ), thành phố Hải Phòng... cho đảo. Đó là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn với cán bộ, chiến sĩ ngày đêm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo, một nhiệm vụ vinh quang nhưng đầy gian khổ, khó khăn mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

        Có thể nói, giai đoạn 1978-1987 là những năm tháng đầy thử thách đối với bộ đội đảo Phan Vinh, có những mặt về vật chất tinh thần thiếu thốn, cực khổ hơn cả thời chiến tranh giải phóng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng, của Vùng 4 và Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn, cùng với sự chi viện của các cấp, các ngành, sự động viên của nhân dân tỉnh Phú Khánh, chi bộ, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã đoàn kết, chủ động, kiên trì khắc phục vượt qua khó khăn, xây dựng, củng cố đảo vững mạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các năm 1980, 1981, 1984 đảo được công nhận “Đơn vị Quyết thắng", nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Bằng khen...

        Điểm nổi bật chủ yếu của đảo ở giai đoạn này là Quân chủng đã khẩn trương tập trung các lực lượng xây dựng và từng bước củng cố hệ thống các công trình phòng thủ dã chiến, bán kiên cố và kiên cố, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trước mắt và lâu dài. Lực lượng của đảo được phát triển nhanh chóng, tăng cường hoả lực đánh địch từ xa, đẩy mạnh công tác huấn luyện nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu, nâng cao sức mạnh phòng thủ để đảm bảo bắn trúng kẻ địch xâm phạm ngay từ loạt đạn đầu và đánh thắng địch ngay từ trận đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo.

        Trong những năm này ta chưa có các chế độ, chính sách, phương thức bảo đảm hậu cần cho bộ đội Trường Sa và Nhà nước cũng chưa có điều kiện đầu tư lớn xây dựng tuyến đảo xa bờ, cho nên đời sống của bộ đội đảo Phan Vinh rất khó khăn, thiếu thốn. Song với quyết tâm bảo vệ đảo trong mọi hoàn cảnh, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã thể hiện lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, chịu đựng gian khổ, hy sinh, giữ vững ý chí chiến đấu, kiên cường bám đảo, đoàn kết thương yêu nhau, tìm mọi biện pháp khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Chi bộ, chi ủy và chỉ huy đảo có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, phát huy trí tuệ tập thể, đoàn kết thống nhất lãnh đạo tốt các mặt công tác, đồng thời là nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh; cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong mọi nhiệm vụ.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:20:00 am

        II. PHÁT TRIỂN LÊN ĐƠN VỊ ĐẢO CẤP III, RA SỨC XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TổNG HỢP SỨC MẠNH CHIẾN ĐẤU PHÒNG THỦ, BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN ĐẢO TRONG TÌNH HÌNH MỚI (1988-2007)

        1. Tiếp tục phát triển lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và tăng cường rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong tình hình mới

        Từ cuối năm 1986 đến năm 1988, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp căng thẳng, xảy ra tranh chấp chủ quyền trên một số bãi đá ngầm giữa các nước xung quanh khu vực quần đảo.

        Tháng 12 năm 1986, Malaixia đưa lực lượng chiếm đóng bãi đá Kỳ Vân và tháng 1 năm 1987 tiếp tục chiếm đóng bãi Kiều Ngựa ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Đầu năm 1988, nước ngoài đưa lực lượng lớn hải quân xuống Trường Sa ngang nhiên chiếm đóng bãi đá Chữ Thập, Ga Ven, Huy Gơ, Xu Bi và sử dụng sức mạnh quân sự cưỡng chiếm bãi đá Châu Viên, Gạc Ma gây thương vong cho một số phương tiện và hàng chục cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam.

        Đối phó với âm mưu và hành động lấn chiếm đảo và mở rộng sự chiếm đóng quần đảo Trường Sa của nước ngoài, bảo vệ chủ quyền của ta, Quân chủng đã tiến hành tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ các đảo ta đang đóng giữ, đồng thời huy động các lực lượng tàu vận tải, chiến đấu, công binh, bộ binh của các đơn vị trực thuộc Quân chủng, trực thuộc Vùng 4 Hải quân ra đóng giữ bảo vệ một số bãi đá ngầm ở xung quanh các đảo nổi của ta, nhằm tạo nên sức mạnh phòng thủ của từng cụm đảo trên quần đảo Trường Sa.

        Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Quân chủng, các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã tổ chức đóng giữ và bảo vệ thắng lợi chủ quyền các bãi đá Thuyền Chài (tháng 3- 1987); Đá Tây tháng 10-1987); Đá Lớn (tháng 11-1987); Tiên Nữ (tháng 1 - 1988); Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le (tháng 2- 1988); Cô Lin, Len Đao, Đá Thị, Đá Nam (tháng 3-1988).

        Về tình hình đảo Phan Vinh, từ cuối tháng 2 năm 1988, thực hiện mệnh lệnh của Quân chủng, toàn đảo chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên cao. Các trung đội hoả lực, bộ binh, cơ quan đảo bộ chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu chi viện cho các đảo trong khu vực.

        Trong chiến dịch CQ-88, đảo Phan Vinh đã khẩn trương tiếp nhận an toàn nhiều vũ khí, trang bị bổ sung cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho đơn vị triển khai hiệu quả công tác quan sát trên không, trên biển, nắm chắc các hoạt động của nước ngoài trên khu vực phân công; đẩy mạnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và xây dựng, củng cố các công sự trận địa, đáp ứng yêu cầu chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu bảo vệ đảo thắng lợi trong mọi tình huống.

        Để phù hợp với yêu cầu chiến đấu phòng thủ trong tình hình mới, tháng 4 năm 1988 đảo được tổ chức biên chế vào khu vực chiến đấu 3. Sở chỉ huy khu vực chiến đấu 3 đặt tại đảo Phan Vinh. Đây là khu vực có các bãi đá ngầm Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ ta đang đóng giữ, nơi có nhiều tàu thuyền nước ngoài hoạt động đánh bắt hải sản, đi lại và luôn sử dụng các thủ đoạn tiến sâu vào khu vực ta quản lý, như dùng các tàu lớn neo đậu ở ngoài xa thả hàng chục, có lúc hàng trăm xuồng nhỏ vào lòng hồ và khu vực quanh đảo đánh bắt hải sản trái phép. Cho nên tình hình hoạt động của đảo luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

        Đáp ứng yêu cầu bảo vệ đảo trong tình hình mới, những năm 1988-1997, đảo Phan Vinh không ngừng phát triển, tăng cường lực lượng chiến đấu và khả năng sẵn sàng chiến đấu phòng thủ theo các phương án tác chiến mới của quy mô đảo cấp III. Lực lượng chiến đấu hình thành các trung đội hoả lực hỗn hợp. Quy mô tổ chức đảng của đảo vẫn duy trì cấp chi bộ cơ sở. Từ năm 1997 trở đi, tổ chức lực lượng chiến đấu của đảo lại có sự thay đổi, thành lập các phân đội chiến đấu hỗn hợp và các bộ phận phục vụ, bảo đảm chiến đấu để phù hợp với cách đánh mới. Cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy của đảo được kiện toàn ngày càng chặt chẽ và hoạt động hiệu quả.

        Đi đôi với xây dựng và chấn chỉnh lực lượng chiến đấu, từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức lãnh đạo chỉ huy, công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; xây dựng các hệ thống công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu của đảo Phan Vinh được chú trọng và đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

        Về công tác sẵn sàng chiến đấu, nắm vững yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo "Tích cực, chủ động, mưu trí, ngoan cường, vững chắc" của Đảng ủy Lữ đoàn, chi ủy, chi bộ và chỉ huy đảo đã tiến hành thường xuyên, liên tục việc quán triệt, giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ quân nhân chuyên nghiệp âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài, xác định phân biệt rõ đối tượng và đối tác yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo và phạm vi được phân công. Đảo duy trì nghiêm 24/24 giờ các chế độ công tác sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban các cấp, trực thông tin, ra đa, trực phòng không; luôn đảm bảo số lượng, chất lượng phương tiện và lực lượng sẵn sàng xừ lý tốt mọi tình huống có thể xảy ra. Sở chỉ huy đảo được nâng cấp xây dựng mới cùng với việc đầu tư trang bị kỹ thuật khí tài phục vụ cho chỉ huy tác chiến ngày càng hiện đại. Hệ thống các trạm quan sát đồi không, đối hải được nâng cấp và tổ chức quan sát ngày càng chặt chẽ, theo dõi và quản lý được mọi mục tiêu trên biển, trên không cả ban ngày và ban đêm. Hàng năm, đảo quan sát phát hiện được hàng trăm lần máy bay, bắn xua đuổi 10 đến 15 lần tàu thuyền các loại của nước ngoài xâm phạm đánh bắt hải sản, nghiên cứu thăm dò trái phép, đảm bảo an toàn cho đơn vị và khu vực biển phụ trách. Công tác tuần tra, canh gác ban đêm được đảm bảo bí mật, giữ tuyệt đối an toàn cho đảo. Thông tin liên lạc thông suốt với Sở chỉ huy Quân chủng, Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn, đảo bạn và với các đơn vị xây dựng, chi viện đảo. Hiệu suất thông tin liên lạc cả hai mạng tín và thoại thường xuyên đạt trên 95%.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:20:20 am

        Hàng năm, đảo làm tốt việc bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện về các phương án tác chiến phòng ngự; hiệp đồng chiến đấu, phương án đánh địch tập kích ban đêm ở cấp phân đội và toàn đảo; đồng thời tổ chức tốt việc luyện tập các phương án, thực hiện các đối sách xử lý các tình huống cụ thể trên biển và thường xuyên báo động sẵn sàng chiến đấu cấp phân đội Hàng năm, các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Quân chủng, của Vùng và Lữ đoàn kiểm tra tình hình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đảo. Kết quả kiểm tra các mặt công tác quân sự, chính trị, kỹ thuật, hậu cần, đảo Phan Vinh luôn đạt yêu cầu trở lên và được trên đánh giá là đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội và các quy định của Vùng.

        Từ sau năm 1990, thực hiện việc luân phiên cán bộ trên quần đảo Trường Sa và Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nên thời gian công tác thực tế ở đảo của cán bộ, chiến sĩ thường từ 6 tháng đến 12 tháng. Để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện một cách liên tục của các bộ phận, đơn vị, đảo quan hệ hiệp đồng chặt chẽ với Lữ đoàn tiến hành thay quân hàng năm, giữ vững tỷ lệ hợp lý giữa cán bộ, chiến sĩ cũ và mới; giữa người có nhiều kinh nghiệm và ít kinh nghiệm một cách hài hoà.

        Huấn luyện chiến đấu là công tác quan trọng hàng đầu của đảo. Những năm 1988-2006, công tác huấn luyện tiếp tục được đẩy mạnh cùng với sự đầu tư mạnh về mọi mặt của Quân chủng và Lữ đoàn, đảo từng bước đổi mới nội dung, sát thực tiễn và đi vào nền nếp chính quy. Tổ chức huấn luyện luôn bám sát phương châm "Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện thực hành ban đêm và trong những điều kiện thời tiết phức tạp. Đặc biệt quan tâm huấn luyện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ khẩu đội trưởng trở lên làm lực lượng nòng cốt để nâng cao chất lượng của đơn vị. Nắm chắc cách đánh phòng thủ của đảo và yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới, công tác huấn luyện tập trung nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật của cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm mỗi cán bộ, chiến sĩ có trình độ khai thác sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị của đơn vị; đồng thời cán bộ của đảo phấn đấu có trình độ chỉ huy thực hành chiến đấu thuần thục, giỏi phần việc chức trách được giao và có khả năng sẵn sàng thay thế, kiêm nhiệm được ở các vị trí khi cần thiết; thường xuyên rút kinh nghiệm từng môn học, bài học, tăng cường công tác kiểm tra, hội thao huấn luyện, sơ kết, tổng kết ở các cấp đơn vị từ tiểu đội trở lên, nên chất lượng huấn luyện bảo đảm đạt được các yêu cầu đề ra và ngày càng tiến bộ vững chắc. Các năm 2000, 2003 và 2005, đảo được Lữ đoàn và Tư lệnh Hải quân tặng Bằng khen về thành tích huấn luyện sẵn sàng chiến đấu.

        Song song với tổ chức xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu từ năm 1988 đến 2005, hệ thống các công trình phòng thủ trên đảo tiếp tục được nâng cấp và xây mới theo hướng kiên cố, lâu bền để bảo đảm khả năng phòng thủ ngày càng vững chắc, cơ bản lâu dài. Ngoài các đơn vị công binh Trung đoàn 83, Trung đoàn 131 thi công các công trình, còn có sự tham gia vận chuyển vật liệu, tu sửa các công sự dã chiến của bộ đội đảo Phan Vinh. Đầu những năm 1990, nhiều công trình chỉ huy chiến đấu và chiến đấu được đưa vào sử dụng. Các năm tiếp theo 1995-2002 hàng loạt các công trình nâng cấp kiên cố, liên hoàn tiếp tục được xây dựng và đưa vào sử dụng, trong đó có hệ thống kè bê tông chống xói lở quanh đảo được hoàn thành, phát huy tốt hiệu quả củng cố đảo. Những năm này bộ mặt của đảo mỗi năm một đổi mới kiên cố và vững chắc hơn, cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, tin tưởng vào khả năng sức mạnh phòng thủ của đảo trong mọi tình huống.

        Chấp hành nghị quyết của lữ đoàn, từ năm 1996, đảo hướng mạnh vào công tác rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng chính quy. Chi bộ đảo xác định đây là mặt công tác quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định nâng cao sức mạnh chiến đấu của đảo và là một yêu cầu tất yếu trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Bởi vậy, những năm 1996-2000, tình hình chấp hành kỷ luật của đảo đi dần vào nền nếp. Các chế độ công tác, học tập, sinh hoạt từng bước được chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc, trật tự nội vụ, vệ sinh doanh trại, nơi ăn ở có nhiều tiến bộ, các hiện tượng vi phạm kỷ luật thông thường giảm đáng kể. Các năm tiếp theo 2001-2006, công tác rèn luyện, chấp hành kỷ luật xây dựng nền nếp chính quy được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, đã tạo ra sự chuyển biến mạnh trên mọi mặt công tác và sinh hoạt của đảo. Chỉ huy đảo đã thường xuyên làm tốt việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Quân chủng, của Vùng về rèn luyện kỷ luật xây dựng chính quy, chi bộ đã ra các nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Năm 2004-2007, đảo tập trung thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 733 về "5 xây, 5 chống" của Trưởng ban chỉ đạo 1438 Quân chủng và các chỉ thị về cấm uống rượu, bia say, cấm bán rượu bia trong đơn vị. Bằng nhiều biện pháp giáo dục, động viên đi đôi với kiểm tra thường xuyên, chấn chỉnh kịp thời đã tạo nên một khí thế mới trong rèn luyện chấp hành kỷ luật của toàn đảo. Đảo tổ chức chấm điểm thi đua hàng tuần, hàng tháng, cụ thể đến từng phân đội một cách chính xác; biểu dương những tiến bộ, chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót đã có tác dụng cổ vũ động viên mạnh mẽ tinh thần rèn luyện chấp hành kỷ luật của mọi cán bộ, chiến sĩ. Những năm này, doanh trại các đơn vị luôn giữ được vệ sinh sạch sẽ, bộ đội thể hiện đúng lễ tiết, tư thế tác phong quân nhân; công tác huấn luyện chuyển biến mạnh, luôn bảo đảm đúng, đủ nội dung, thời gian huấn luyện; công tác quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật, vũ khí, khí tài chặt chẽ, an toàn. Nơi làm việc từ đảo bộ xuống tới các phân đội có đầy đủ bảng, biểu theo quy định của trên; các chế độ thực hiện trong ngày, tuần, tháng được thực hiện nghiêm túc; các vụ vi phạm kỷ luật thông thường giảm hẳn và không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng. Nhiều năm đảo được công nhận Đơn vị vững mạnh toàn diện, Đơn vị Quyết thắng (như các năm 1993-1995, 1998-2000, 2003-2005).


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:22:49 am

        2. Không ngừng nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, hậu cần, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phòng thủ và đời sống của bộ đội

        Những năm 1988-2006, số lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài tăng cường cho đảo rất lớn với nhiều chủng loại do nhiều nước sản xuất và đi kèm theo là công tác bảo đảm duy trì khả năng hoạt động của vũ khí, trang bị cũng rất lớn. Trong khi đó, đảo ở xa bờ, việc tiến hành công tác kiểm tra, bảo quản, sửa chữa, cung ứng vật tư của ngành kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện, do điều kiện thời tiết phức tạp, hạn chế khả năng hoạt động của phương tiện từ bờ ra đảo phục vụ công tác kỹ thuật, hơn nữa hoạt động trong môi trường khí hậu có độ ẩm cao, hơi nước mặn dày đặc, làm cho vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài nhanh xuống cấp, hư hỏng. Bởi vậy, công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện luôn là một công tác lớn, nặng nề, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với ngành kỹ thuật của cấp trên nói chung và của đảo Phan Vinh nói riêng.

        Từ năm 1988, để tiến hành các khâu bảo quản sửa chữa cho một số lượng lớn vũ khí, trang bị, ngoài lực lượng của Vùng 4 và Lữ đoàn 146, đảo còn được tăng cường lực lượng kỹ thuật Nhà máy Z753 của Quân chủng và Nhà máy Z133, Z201 của Tổng cục Kỹ thuật và Binh chủng Tăng - Thiết giáp.

        Đi đôi với việc tăng cường các lực lượng kỹ thuật của các cấp và đơn vị bạn, tổ kỹ thuật của đảo được thành lập và từng bước được kiện toàn làm nhiệm vụ theo dõi kiểm tra, quản lý các loại vũ khí, trang bị vật tư kỹ thuật, tổ chức huấn luyện kỹ thuật, bảo quản, niêm cất, sửa chữa khôi phục những hư hỏng thông thường, sửa chữa nhỏ, đôn đốc, giám sát các phân đội thực hiện các chế độ “ngày kỹ thuật”, “giờ kỹ thuật". Tổ kỹ thuật, và cán bộ chiến sĩ của đảo giữ vai trò rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Hàng năm, bám sát sự chỉ đạo của ngành kỹ thuật, công tác kỹ thuật của đảo tiến hành quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng vũ khí trang bị, đưa dần công tác quản lý sử dụng vào nền nếp chính quy, có hệ thống sổ sách đăng ký và ghi chép tình trạng kỹ thuật từ đảo xuống các phân đội; thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ kiểm kê đánh giá số lượng, chất lượng; duy trì nghiêm các chế độ bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ; chủ động phối hợp với đơn vị, với lực lượng kỹ thuật cấp trên và tìm biện pháp sửa chữa khắc phục hỏng hóc thông thường; các kho, hầm luôn luôn được sắp xếp gọn gàng, khoa học, bảo đảm an toàn chống cháy nổ. Hàng năm, đảo tổ chức tiếp nhận và bàn giao hàng chục tấn vật tư, đạn, vũ khí; sửa chữa nhỏ hàng chục lần vũ khí, trang bị, đảm bảo hệ số kỹ thuật vũ khí đạt 0,9; hệ số kỹ thuật đạn là 1, tổ chức huấn luyện kỹ thuật bổ sung được hàng trăm giờ về bảo quản, sử dụng vũ khí, trang bị.

        Thực hiện cuộc vận động "Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm" và phong trào đột phá “Xây dựng nền nếp chính quy, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật”, bảo chú trọng vào công tác giáo dục cho bộ đội nâng cao nhận thức về vị trí công tác kỹ thuật ở môi trường đảo và về tình hình của đất nước; nâng cao chất lượng chuyên môn và phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cùng với việc duy trì nghiêm nền nếp công tác kỹ thuật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thực lực vũ khí, trang bị đã góp phần quan trọng việc duy trì giữ vững chỉ tiêu hệ số kỹ thuật bảo đảm cho các nhiệm vụ.

        Những năm 1988-2006, các thiết bị bảo quản bao gói, nhà che, hầm chứa, kho cất giữ vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện của đảo không ngừng được trên tích cực nghiên cứu, đầu tư nâng cấp chất liệu và kiên cố hoá theo hướng bền chắc, cơ bản, lâu dài. Các công trình này đảo tiếp nhận sử dụng và quản lý tốt đã hạn chế được rất nhiều sự xuống cấp của vũ khí trang bị do tác động bất lợi của điều kiện môi trường.

        Như vậy, giai đoạn 1988-2006, công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ sẵn sàng chiến đấu được đầu tư lớn cùng với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành và cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã góp phần rất lớn vào tăng cường sức mạnh và khả năng phòng thủ của đảo, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới về công tác kỹ thuật trên quần đảo Trường Sa của Quân chủng Hải quân.

        Đi đôi với công tác bảo đảm kỹ thuật, công tác bảo đảm hậu cần cho đảo Phan Vinh được tiến hành một cách toàn diện trên các mặt với cả chiều rộng và chiều sâu, mang tính đặc thù, sát với thực tế yêu cầu xây dựng và bảo vệ đảo.

        Ngày 11 tháng 12 năm 1989, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị 316 về bảo đảm hậu cần cho bộ đội Trường Sa và sau đó là các chỉ thị hướng dẫn thực hiện phương thức bảo đảm mới trên các mặt công tác hậu cần cho đảo đánh dấu một thời kỳ hoạt động hậu cần sôi nổi và đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội Trường Sa nói chung và đảo Phan Vinh nói riêng đáp ứng yêu cầu huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trong tình hình mới.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:23:08 am

        Về bảo đảm quân trang để phù hợp với cường độ hoạt động sẵn sàng chiến đấu và công tác, cán bộ, chiến sĩ đảo được cấp quân trang, quần áo, mũ, giày dép tăng thêm hàng năm. Đặc biệt chiến sĩ được cấp thêm quần, áo ngắn tay, đệm vai, giày chống san hô, mũ rộng vành, găng tay bạt, khẩu trang, đáp ứng được nhu cầu thiết thực trong cuộc sống, công tác của bộ đội ở đảo. Từ đây, bộ đội có đủ các loại quân trang và bảo hộ thích hợp cho các hoạt động của đơn vị.

        Về bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng, chất lượng ăn của bộ đội, Nhà nước ban hành chế độ ăn cao không tính vào lương và được điều chỉnh theo thời giá thị trường để đáp ứng tối đa lượng cao phù hợp với điều kiện hoạt động ở đảo. Căn cứ vào tiêu chuẩn ăn của bộ đội trên đảo, hàng năm ngành hậu cần của lữ đoàn tổ chức mua sắm và nhận của trên, đóng bao gói hàng hoá lương thực, thực phẩm vận chuyển ra đảo. Thực phẩm chủ yếu là đồ hộp do Tổng cục Hậu cần bảo đảm, gạo do Lữ đoàn hợp đồng với tỉnh Phú Yên và các tỉnh Nam Bộ mua loại chất lượng tốt.

        Công tác tăng gia tại đảo được trên đầu tư rất cơ bản lâu dài, xây dựng các khu vườn trồng rau xanh; nguồn đất màu chở ra đảo từ đất liền (mua của nhân dân huyện Diên Khánh (Khánh Hoà) với số lượng cấp theo chỉ tiêu đầu người trên đảo; nguồn giống rau do Cục Trồng trọt - Tổng cục Hậu cần cung cấp là những loại giống rau chất lượng tốt thích nghi với khí hậu thời tiết ở đảo. Ngoài ra, đảo tích cực tổ chức chăn nuôi đa dạng hóa gia súc, gia cầm, đánh bắt hải sản để tăng thêm chất lượng bữa ăn cho bộ đội. Hàng năm, đảo nhập bếp 500kg thịt tươi (lợn, gà, chó); hơn 1 tấn cá và thu hoạch được trung bình 5 tấn rau xanh các loại, một tuần bảo đảm cho bộ đội có từ 3 đến 5 bữa cơm có rau xanh. Mô hình tổ chức tăng gia chia theo từng phân đội, bộ phận, tận dụng nguồn nước thải tưới rau hàng ngày; đồng thời đề cao trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ trong công tác tăng gia trên đảo. Nước phục vụ đời sống và sinh hoạt của bộ đội ngày càng được bảo đảm hơn trước nhiều lần. Hệ thống bể ngầm kiên cố được xây cất tăng khối lượng dự trữ, bể nổi, téc sắt được thay dần bằng téc I-nốc, nên chất lượng nước dự trữ bảo đảm vệ sinh hơn.

        Doanh trại, nơi ăn ở của bộ đội không ngừng được cải thiện, từ nhà tạm, nhà cấp 4 được thay dần bằng nhà kiên cố cấp 1, nhà gỗ. Nhà gỗ có ưu việt là mát, thời gian xây dựng nhanh, giá thành rẻ hơn nhà cấp 1 đến 40%. Năm 1993, đảo xây dựng nhà quân y. Song thực tế ở đảo thời tiết rất khắc nghiệt, nhiều bão lớn thường xuyên hoành hành. Cơn bão số 9 gió mạnh cấp 11 đổ bộ vào đảo cuối tháng 10 năm 1994 làm một số nhà kho, nhà ở bằng gỗ bị đổ, bay tốc mái không an toàn, nên phương hướng đầu tư doanh trại trên đảo tập trung vào xây dựng nhà kiên cố, bảo đảm chắc chắn, an toàn và lâu dài.

        Trồng cây phủ xanh đảo là một chủ trương rất đúng đắn của Quân chủng tiến hành từ năm 1979 để chống xói mòn, chống bão, gió, cải tạo đất, điều hoà môi trường sinh thái đảo. Sau năm 1988, phong trào trồng cây xanh tiếp tục được đẩy mạnh và là một phong trào quan trọng trong các hoạt động hàng năm của đảo. Giống cây từ bờ cung cấp như cây phi lao, dừa... cho nên dù là đất cát cằn cỗi, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, bão gió hàng năm ảnh hưởng nhiều, tỷ lệ cây sống rất thấp, song đảo luôn luôn giữ được màu xanh, mang đậm hình bóng của đất liền, ấm áp tình cảm quê hương đất nước.

        Từ tháng 10 năm 1991, công tác quân y trên đảo cũng được đổi mới phương thức bảo đảm để duy trì ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cao của đơn vị, lực lượng bác sĩ, y tá, y sĩ - các kíp quân y tiến hành luân phiên công tác trên đảo Phan Vinh do Viện 5, Viện 7 thuộc Quân khu 3 đảm nhiệm. Mọi trang bị quân y do Quân chủng bảo đảm; công tác vệ sinh phòng dịch do tổ vệ sinh phòng dịch của Vùng và Viện Vệ sinh phòng dịch Trung ương Quân đội thực hiện. Đảo xây dựng bệnh xá để chăm sóc điều trị bệnh binh, thương binh. Hàng năm, theo định kỳ hoặc đột xuất, các đội vệ sinh phòng dịch của cấp trên ra đảo kiểm tra và thực hiện việc phun thuốc xử lý các loại côn trùng có hại; quân y của đảo chỉ đạo các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường, chấp hành nghiêm các quy định vệ sinh trên đảo của Bộ Quốc phòng; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho bộ đội, khám kiểm tra sức khoẻ bộ đội lúc mới ra đảo; xử lý kịp thời hàng chục ca cấp cứu bộ đội tại đảo, cấp cứu ngư dân Bình Thuận bị nạn trên biển được cán bộ, chiến sĩ hết sức tin tưởng và ngư dân cảm phục.

        Đảo luôn giữ sạch không để xảy ra dịch bệnh, quân số khoẻ của đơn vị luôn luôn đạt 98% trở lên, một số bệnh đường ruột, thần kinh giảm nhiều.

        Như vậy, giai đoạn 1988-2006, với sự đầu tư đổi mới phương thức bảo đảm, công tác hậu cần phục vụ cho các nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo ngày càng được nâng cao chất lượng về mọi mặt. Cơ sở vật chất bảo đảm hậu cần ngày càng đồng bộ và hoàn thiện mang tính cơ bản, lâu dài, đời sống cũng như việc chăm sóc sức khoẻ, duy trì sức chiến đấu của bộ đội được cải thiện rất nhiều. Có thể nói đảo Phan Vinh đã có một bước phát triển thay đổi về chất trong công tác hậu cần, tạo điều kiện cho đảo thực hiện tốt cuộc vận động “Ngành Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy".


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:24:06 am

        3. Đẩy mạnh công tác đảng, công tác chính trị góp phần xây dựng đảo vững mạnh toàn diện

        Giai đoạn 1988-2006, công tác đảng, công tác chính trị của đảo Phan Vinh tiếp tục được phát huy, các tổ đảng và chi bộ luôn luôn được xây dựng, củng cố bảo đảm được khả năng lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ; các mặt công tác chính trị ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả.

        Chi bộ đảo gồm các tổ đảng phân đội hỏa lực và đảo bộ. Hàng năm, chi bộ đảo thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao vai trò tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách; tiến hành Đại hội Đảng đúng nguyên tắc và các quy định của Điều lệ Đảng; tiến hành tốt các biện pháp xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng cấp ủy gắn với xây dựng chỉ huy mạnh. Hàng năm, chi bộ kết nạp được từ 2 đến 3 đảng viên mới đảm bảo chất lượng, đối tượng chủ yếu là các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp.

        Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng tiếp tục được đẩy mạnh để nâng cao trình độ nhận thức của bộ đội luôn theo kịp trước những diễn biến mới của tình hình, xác định đúng đắn đối tác, đối tượng tác chiến, âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, xây dựng và củng cố bản linh chính trị vững vàng, cảnh giác, giữ vững ý chí, quyết tâm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đánh thắng kẻ thù xâm lược, xâm phạm chủ quyền Tổ quốc. Nội dung giáo dục, ngoài thực hiện các nội dung, kế hoạch giáo dục hàng năm của trên như thông báo thời sự, quán triệt nghị quyết các cấp quán triệt nhiệm vụ của đơn vị, học các chuyên đề chính trị, công tác giáo dục đề cập sâu đến nội dung quán triệt các nhiệm vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện chấp hành kỷ luật, công tác kỹ thuật, hậu cần; trong hoạt động tuần tra canh gác, thực hiện các đối sách trên biển, trên không; công tác đảm bảo bí mật, an toàn, công tác phòng, chống cháy nổ và xây dựng môi trường văn hoá đảo. Chiến sĩ ra đảo công tác được lựa chọn và từng bước đảm bảo tốt về chất lượng, trong đó, trình độ văn hoá và sức khoẻ là yếu tố được chú trọng hàng đầu Bởi vậy, tình hình tư tưởng của bộ đội luôn ổn định, xác định tốt nhiệm vụ và trách nhiệm xây dựng, bảo vệ đảo, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành mọi công tác được giao. Kiểm tra nhận thức chính trị hàng năm đảo luôn đạt 100% yêu cầu, có trên 75% khá, giỏi.

        Đội ngũ cán bộ của đảo được đào tạo cơ bản, chính quy, có trình độ cao đẳng, đại học, tuổi đời trẻ và sức khoẻ tốt. Trong đó chiếm số đông là cán bộ được tăng cường từ các đơn vị trong toàn quân đã kinh qua các cương vị công tác và đã được thử thách cả về bản lĩnh chính trị và trình độ năng lực. Đó là những yếu tố thuận lợi để xây dựng đảo vững mạnh về chính trị.

        Những năm 1988-2000, công tác bảo đảm vật chất, vật tư chính trị cho đảo được tăng thêm cả về số lượng, chất lượng; đặc biệt, việc đổi mới nâng cấp hiện đại hóa các phương tiện thông tin nghe, nhìn đã làm cho đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội nhanh chóng được cải thiện. Năm 1993, ăngten parabôn thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh được lắp đặt đưa vào sử dụng. Kể từ năm 1978, đây là lần đầu tiên bộ đội đảo Phan Vinh được xem truyền hình trực tiếp. Những năm sau đó, đảo tiếp tục lắp đặt hệ thống loa truyền thanh đến các phân đội, các bộ phận. Hàng ngày, theo giờ quy định, bộ đội được nghe, xem các chương trình thời sự, văn hoá, khoa học, xã hội và thể thao của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, được nghe tin tức của quê hương. Phòng truyền thống, thư viện của đảo tiếp tục được củng cố, mở rộng phục vụ các nhu cầu đọc nghiên cứu, tuyên truyền cho mọi cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

        Chi đoàn thanh niên và Hội đồng quân nhân thường xuyên được kiện toàn ban chấp hành, kiện toàn hội đồng sau các đợt thay quân hàng năm, để luôn luôn bắt nhịp với các hoạt động theo kế hoạch và phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức này hướng vào thực hiện tốt các công tác huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, các phong trào xây dựng đảo có môi trường xanh, sạch, đẹp Các phong trào thi đua, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao được đảo duy trì đều đặn và hoạt động rất sôi nổi với nhiều hình thức giao lưu hội thi và thi đấu. Nhiều năm chi đoàn đạt danh hiệu “Vững mạnh”, có trên 50% đoàn viên xuất sắc, 100% đoàn viên thanh niên phấn đấu tốt. Hội đồng quân nhân đảo hàng tháng ra chương trình hành động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội phát huy dân chủ trong quân sự, chính trị và kinh tế. Bởi vậy, tình hình hoạt động trong các phân đội của đảo luôn luôn có không khí thẳng thắn, cởi mở, đoàn kết giữa các quân nhân, giữa cán bộ và chiến sĩ. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng đơn vị đảo Phan Vinh vững mạnh toàn diện. Từ năm 1993-1995 và các năm 2000, 2003, 2004, 2005 đảo đạt danh hiệu “Đơn vị vững mạnh toàn diện".


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:24:48 am

        Sau khi xảy ra các sự kiện trên quần đảo Trường Sa năm 1988, nhân dân các địa phương, các ngành, các cấp các tổ chức dân, chính, đảng, xã hội trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ phong trào "Tất cả vì Trường Sa”, “Hướng về Trường Sa”, đã gửi thư động viên, bươi quà tặng ủng hộ bộ đội Trường Sa. Tử đó cho đến nay, bộ đội Trường Sa luôn nhận được sự chi viện bằng vật chất hết sức có ý nghĩa của nhân dân trong cả nước, của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hoà đã giúp đỡ về nhiều mặt, góp phần cải thiện nâng cao đời sống tinh thần của bộ đội trên các đảo Trường Sa, trong đó có bộ đội đảo Phan Vinh. Hàng năm, ngoài các đoàn của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng ra kiểm tra và thăm đảo, còn có các đoàn của Nhà nước, của các địa phương, đoàn thể xã hội, thanh niên, phụ nữ ra thăm động viên bộ đội. Ra thăm đảo, các đoàn hết sức cảm động trước sức chịu đựng gian khổ, hy sinh và tinh thần đoàn kết quyết tâm giừ vững chủ quyền đảo của cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh; đồng thời cũng rất tự hào, tin tưởng trước sự lớn mạnh không ngừng của đảo. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh luôn ghi sâu lòng biết ơn những tình cảm thắm thiết thương yêu và sự giúp đỡ cua nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong cả nước đã dành cho đảo.

        Từ tháng 4 năm 1989, các đoàn tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Khánh Hoà ra Trường Sa đánh bắt hải sản và tiếp sau đó là ngư dân của tỉnh Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh ven biển Nam Bộ cũng tổ chức các đoàn tàu ra đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa, mở ra thời kỳ mới khai thác hải sản xa bờ, xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

        Đảo luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với ngư dân, nắm chắc tình hình và quản lý tốt hoạt động của các tàu đánh cá trên khu vực biển quản lý. Những năm 1992-2006, đảo đã giúp đỡ hàng chục tàu thuyền với hàng trăm khối nước ngọt, hàng nghìn lít dầu, hàng trăm kilôgam gạo và thực phẩm kịp thời cứu chữa, nuôi dưỡng và phục hồi sức khỏe cho ngư dân bị bệnh, tai nạn trên biển.

        Mặc dù đời sống còn muôn vàn thiếu thốn, nhưng bộ đội đảo Phan Vinh luôn hướng về đất liền với ý thức cộng đồng, tình cảm quân dân sâu sắc cùng chia sẻ, giúp đỡ đồng bào gặp hoạn nạn thiên tai, bão, lũ. Cuối năm 1999, cán bộ, chiến sĩ đảo đã trích từ phần lương của mình ủng hộ giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt hơn 6 triệu đồng; những năm sau này đảo tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng quỹ "Vì người nghèo”, ủng hộ quỹ nạn nhân chất độc da cam; mua công trái xây dựng Tổ quốc. Trong nội bộ đơn vị tổ chức quyên góp hàng chục triệu đồng quỹ giúp đỡ các gia đình cán bộ, chiến sĩ gặp rủi ro, tạo điều kiện động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác.

        Có thể nói, công tác đảng, công tác chính trị thời kỳ 1988-2006 tiếp tục được đẩy mạnh. Trọng tâm hướng vào việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện là cơ sở nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Các tổ chức quần chúng vững mạnh tiếp tục phát huy tốt chức năng nhiệm vụ trong các hoạt động của đơn vị. Công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt ngày càng được củng cố, phát triển và tiến hành có hiệu quả. Chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rõ rệt, luôn luôn đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau và đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đảo trong mọi tình huống.

        Giai đoạn 1988-2006, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành trong toàn quân, sự giúp đỡ chi viện của nhân dân trong cả nước cùng với sự cố gắng phấn đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảo Phan Vinh đã có bước xây dựng phát triển vượt bậc trên mọi mặt công tác, diện mạo của đảo không ngừng đổi mới, ngày càng vững chắc trên mọi phương diện.

        Trong giai đoạn này, cán bộ, chiến sĩ, đảo Phan Vinh tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết khắc phục khó khăn ra sức xây dựng phát triển củng cố các lực lượng, không ngừng nâng cao khả năng phòng thủ, chất lượng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; đời sống mọi mặt của bộ đội được cải thiện nâng cao. Năm 1993, 1995, đảo liên tục được công nhận là “Đơn vị vững mạnh toàn diện" và năm 2000 đến năm 2006, nhiều năm đạt chi bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức quần chúng vững mạnh và đơn vị an toàn tuyệt đối; được tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng"; hàng chục tập thể, cá nhân được tặng thưởng Bằng khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:26:00 am

Phần ba

NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU, NGUYÊN NHÂN VÀ TRUYỀN THỐNG

        I. THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

        Trải qua 29 năm kể từ ngày đóng giữ bảo vệ đảo (30-3-1978), bộ đội đảo Phan Vinh không ngừng trưởng thành, xây dựng và phòng thủ đảo ngày càng vững chắc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những thành tích đó thể hiện khái quát trên một số mặt sau đây:

        1. Luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ của quân đội, Quân chủng, của Vùng, Lữ đoàn và đơn vị, truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng; nêu cao lòng trung thành vô hạn với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng, sự nghiệp đổi mới, lập trường kiên định vững vàng, nhận thức đúng kẻ thù, xác định rõ đối tượng, đối tác sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, kiên trì cảnh giác, trên dưới một lòng, đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, gắn bó với đảo, với đơn vị, giữ vững ý chí, quyết tâm chiến đấu bảo vệ bằng được chủ quyền đảo, tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường văn hoá, phong trào xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường". Chi bộ thường xuyên được công nhận là tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, tổ chức đoàn thanh niên luôn đạt "Vững mạnh”, phần lớn là đoàn viên xuất sắc, Hội đồng quân nhân hoạt động hiệu quả, phát huy tốt chức năng nhiệm vụ.

        Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh chấp hành nghiêm các quy định quan hệ quân dân, thực sự là chỗ dựa tin cậy của ngư dân đánh bắt cá xa bờ.

        2. Đảo duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị; quan sát nắm chắc tình hình trên biển, trên không; xử lý đúng đối sách, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống; luyện tập tốt các phương án chiến đấu; các cấp báo động chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu phòng thủ.

        Đảo thường xuyên tu sửa hầm hào, công sự dã chiến, đã đào hàng trăm mét hào giao thông, xây dựng, củng cố hàng nghìn mét đường cơ động, đào hàng trăm công sự, hố chiến đấu cá nhân; vận chuyển hàng nghìn tấn nguyên vật liệu xây dựng công trình, khai thác hàng trăm khối đá san hô kè chống xói lở, đóng hàng ngàn bao cát chống nóng cho hầu hết công sự.

        Trong huấn luyện chiến đấu, tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng phương châm, phương hướng, đúng, đủ nội dung, thời gian, từng bước nâng cao chất lượng huấn luyện; tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện ban đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp luôn bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ có trình độ thực hành chiến đấu thuần thục, giỏi phần việc chức trách của mình và đủ khả năng kiêm nhiệm ở các vị trí khác khi cần thiết, biết sử dụng nhiều loại binh khí; luôn bảo đảm cho đảo đủ sức phòng ngự, đánh thắng địch từ xa tới gần, bảo đảm được lực lượng, đủ khả năng đánh liên tục, đánh dài ngày, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua "luyện giỏi, rèn nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao", kết quả huấn luyện luôn luôn giừ vững 100% đạt yêu cầu, có 75% khá, giỏi. Đảo thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của các cấp trên và rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong quân đội, Quân chủng và không ngừng tiến bộ về lễ tiết, tác phong, nền nếp trên các mặt công tác của đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ sống đoàn kết, thân ái và kỷ luật.

        3. Về công tác kỹ thuật, cán bộ, chiến sĩ đảo không ngừng nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Duy trì có nền nếp các chế độ bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật trong ngày, trong tuần. Công tác quản lý sử dụng, cung ứng vật tư ngày càng chặt chẽ; thiết bị bảo quản, cất giữ vũ khí, trang bị từng bước được nâng cấp, hạn chế thấp nhất tác hại do môi trường. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ngày càng được kiện toàn, nâng cao về mọi mặt chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm đáp ứng hiệu quả yêu cầu công tác kỹ thuật. Hàng năm, hệ số kỹ thuật vũ khí, trang bị thường xuyên đạt 0,9, đảm bảo tốt cho các nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đảo.

        4. Công tác hậu cần đã duy trì tốt vật chất hậu cần bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên và lượng dự trữ bảo đảm trong các tình huống dự kiến. Đời sống của bộ đội không ngừng được cải thiện về mọi mặt như ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khoẻ; đã phát huy hiệu quả phương thức bảo đảm trên dưới cùng tiến hành, cùng lo. Phong trào tăng gia sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây xanh trên đảo ngày càng phát huy hiệu quả và thiết thực luôn đạt các chỉ tiêu đề ra. Công tác quân y theo dõi, kiểm tra chặt chẽ tình hình sức khoẻ của bộ đội, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, quân số khoẻ đạt từ 98% trở lên. Các công trình phục vụ cho sinh hoạt như nhà ở, bể nước, mạng lưới điện, hệ thống loa truyền thanh, thiết bị vô tuyến được đầu tư xây dựng nâng cấp, ngày càng bảo đảm đầy đủ hơn, tốt hơn cho đời sống của bộ đội.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:26:57 am
 
        II. NGUYÊN NHÂN

        Trước hết, bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân, Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 Hải quân mà trực tiếp thường xuyên là Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146. Thông qua các chủ trương, chính sách, nghị quyết chỉ thị về chính trị, quân sự, kỹ thuật, hậu cần trong phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa đã định hướng, hướng dẫn đúng đắn cho bộ đội từ nhận thức chính trị, tình hình nhiệm vụ đến tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với tình hình bảo vệ chủ quyền đảo của từng thời kỳ, phù hợp với đặc thù quần đảo Trường Sa, cùng với việc không ngừng đầu tư đồng bộ bảo đảm cho quá trình xây dựng phòng thủ đảo ngày càng hiệu quả, thiết thực và vững chắc.

        Hai là, chi bộ đảo luôn quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; tinh thần cách mạng tiến công, tích cực chủ động lãnh đạo các mặt công tác trọng tâm của từng thời kỳ, tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, tổ chức quần chúng vững mạnh làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng mối đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới, giữa cấp trên và cấp dưới, đảng viên với quần chúng, giữa cán bộ với chiến sĩ, đồng cam cộng khổ, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

        Ba là, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp của đảo đã nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, khắc phục mọi khó khăn vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí, trang bị, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội ngày càng được cải thiện.

        Bốn là, đảo luôn luôn nhận được sự giúp đỡ hiệp đồng xây dựng và chiến đấu của các ngành cấp trên, của các đơn vị bạn trong và ngoài Quân chủng; sự chi viện của các cơ quan nhà nước, đảng bộ, chính quyền nhân dân nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt tử năm 1988 đến nay, sự giúp đỡ của nhân dân cả nước ngày càng thiết thực, hiệu quả có tác dụng hỗ trợ quan trọng cả vật chất và tinh thần, góp phần giảm bớt những khó khăn của đảo, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

        III. TRUYỀN THỐNG

        Trải qua 29 năm, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã lập nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ chủ quyền đảo, xây đắp cho đơn vị mình một truyền thống rất vẻ vang. Truyền thống đó là:

        “Đoàn kết, chủ động.
        Khắc phục khó khăn.
        Kiên trì, cảnh giác.
        Giữ vững chủ quyền".

        Truyền thống của bộ đội đảo Phan Vinh là sự kế thừa truyền thống của Quân chủng Hải quân, của Vùng 4 Hải quân và của Lữ đoàn 146 Hải quân Anh hùng. Nó kết tinh những giá trị tốt đẹp trong quá khứ, hiện tại và hướng phát triển tương lai, đồng thời thể hiện được tính đặc thù của đơn vị - nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách.

        Truyền thống đảo Phan Vinh là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, những người đã để lại nơi đây những năm tháng oanh liệt, đầy kỷ niệm không thể nào quên của cuộc đời mình. Nó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đảo ngày hôm nay và mai sau không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và nhân dân.

        Nội dung truyền thống của bộ đội đảo Phan Vinh khái quát như sau:

        1. Đoàn kết, chủ động là truyền thống tiêu biểu của bộ đội Phan Vinh, được hình thành và xuyên suốt trong quá trình 29 năm xây dựng và bảo vệ đảo.

        Đứng chân ở đảo cách xa bờ hàng trăm hải lý, không có nguồn nước ngọt, thiếu thực phẩm rau xanh, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo nặng nề, căng thẳng, là những thách thức rất lớn đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh. Trước khó khăn, gian khổ, ngay từ ngày đầu tiên, cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, quyết tâm hoàn thành bằng được nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đã siết chặt đội ngũ, đoàn kết xung quanh chi ủy, chi bộ, kiên cường bám đảo, xây dựng củng cố đơn vị và chi bộ luôn luôn là trung tâm đoàn kết của đơn vị, biết phát huy hiệu quả sức mạnh trí tuệ tập thể, chủ động lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trong các thời kỳ.

        Bộ đội đảo Phan Vinh thắt chặt mối quan hệ, đoàn kết với cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương, với cấp dưới, giữa cán bộ với chiến sĩ; đoàn kết trong nội bộ cán bộ, chiến sĩ; đoàn kết với các đảo bạn, với các đơn vị bạn trong hiệp đồng xây dựng đảo; đoàn kết với nhân dân sản xuất kinh tế trên biển trên cơ sở vì nhiệm vụ chung, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội, truyền thống đồng cam cộng khổ, sướng vui có nhau, gian nan vất vả cùng chia sẻ để xây dựng đơn vị thành một khối thống nhất, vững mạnh về ý chí và hành động, không ngừng nâng cao sức mạnh phòng thủ đảo và khu vực.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:27:24 am

        2. Khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh là một phẩm chất của cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh và nó trở thành một truyền thống mang tính đặc thù của các đơn vị trên quần đảo Trường Sa. Có thể nói sự gian khổ, hy sinh của bộ đội đảo Phan Vinh khác với sự gian khổ, hy sinh của các lực lượng vũ trang ở mọi miền biên giới, hải đảo trên đất nước ta. Đó là một cuộc sống cách biệt với xã hội, với gia đình, kham khổ, thiếu thốn mọi bề, một cuộc sống thường xuyên đối mặt với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ngày đêm căng thẳng. Cuộc sống ở nơi đây đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp biết vượt qua mọi gian nan, hy sinh mọi nhu cầu riêng tư để giữ vững ý chí chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

        Khắc phục khó khăn là một đặc điểm bao trùm lên các mặt công tác thể hiện ý chí quyết tâm và trách nhiệm lớn của cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

        Trong công tác bảo đảm hậu cần, với trí tuệ năng động, sáng tạo, bộ đội đảo Phan Vinh đã tạo dựng nguồn hậu cần tại chỗ, tổ chức ăn, ở phù hợp với thực tế, cùng với sự chi viện, giúp đỡ bảo đảm của trên, đời sống của đảo từng bước giảm bớt những khó khăn, xây dựng môi trường đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp.

        Trong công tác kỹ thuật, luôn tăng cường công tác bảo quản, bảo dưỡng, kết hợp trên dưới hiệp đồng tiến hành công tác. Cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh đề cao tinh thần trách nhiệm học tập vươn lên quản lý sử dụng tốt vũ khí trang bị, nâng cao trình độ bảo quản sửa chữa, giữ gìn vũ khí trang bị, hạn chế tối đa sự xuống cấp do tác động xấu của môi trường, bảo đảm hệ số kỹ thuật đáp ứng cho các yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

        Trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đảo luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới các phương pháp, biện pháp huấn luyện, chủ động chuẩn bị cơ sở huấn luyện tận dụng vật chất sẵn có trên đảo; tích cực tu sửa hầm, hào, công sự, xây dựng kè chống xói lở đảo; vượt lên những cản trở, khó khăn về điều kiện ăn, ở, thiên tai bão, gió lớn, giữ vững nền nếp sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống.

        Khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh của bộ đội đảo Phan Vinh bắt nguồn từ tình yêu Tổ quốc lòng trung thành vô hạn với Đảng và nhân dân; từ sự giác ngộ lý tưởng cách mạng sâu sắc, từ ý chí vì độc lập tự do, vì sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

        Ngày nay, truyền thống khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh, tiếp tục được phát huy trong hoàn cảnh mới, nó là một yếu tố của sức mạnh tinh thần góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo trong mọi tình huống căng thẳng, khó khăn.

        3. Kiên trì, cảnh giác là truyền thống mang tính đặc thù của quần đảo Trường Sa nói chung và của đảo Phan Vinh nói riêng.

        Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện xa sự lãnh đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, ở giữa biển Đông, xa các đảo bạn trong khu vực biển phức tạp, luôn có sự hoạt động thường xuyên của các loại phương tiện nước ngoài, xảy ra các hành động tranh chấp và luôn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp xâm chiếm của nước ngoài đối với các bãi đá ngầm trong khu vực, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ đảo, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận rõ các âm mưu, thủ đoạn xâm chiếm, lấn chiếm, các mánh khóe khiêu khích, dụ dỗ mua chuộc của nước ngoài, kiên trì thực hiện đúng đắn các đối sách, xây dựng đảo an toàn về mọi mặt. 29 năm, qua các thời kỳ lúc khó khăn gian khổ, lúc tranh chấp chủ quyền căng thẳng quyết liệt, cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh luôn thể hiện lòng kiên trì, cảnh giác cao độ, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu phá hoại, lấn chiếm từ bên ngoài, không để xảy các tình huống bất ngờ, giữ vững toàn vẹn chủ quyền đảo.

        4. Giữ vững chủ quyền là truyền thống vẻ vang, xuyên suốt hơn 29 năm qua của bộ đội đảo Phan Vinh. Nó là kết quả của sự đoàn kết, chủ động; khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên trì cảnh giác vượt qua mọi thử thách để xây dựng và bảo vệ vững chắc đảo của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh. Truyền thống giữ vững chủ quyền, thể hiện sự quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm số 1 là bảo vệ bằng được chủ quyền đảo trong mọi tình huống; luôn luôn nắm chắc tư tưởng chỉ đạo xây dựng, tổ chức lực lượng phòng thủ đảo, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu thực hiện nghiêm chỉnh các đối sách trên không, trên biển, giữ vững môi trường hoà bình, không để xảy ra xung đột, duy trì chặt chẽ chế độ sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện toàn diện, lấy xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu. Lấy xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện là động lực, là sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:27:47 am
       
       KẾT LUẬN

        Trải qua hơn 29 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146, được sự đầu tư của Nhà nước; sự giúp đỡ, chi viện của các ngành, các cấp, các đoàn thể và nhân dân các địa phương; sự lao động, đoàn kết, phấn đấu học tập, rèn luyện, công tác hy sinh quên mình của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảo Phan Vinh ngày càng được xây dựng vững chắc; khả năng phòng thủ, sức chiến đấu ngày càng tăng cường, góp phần cùng Lữ đoàn và Quân chủng bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa và xây dựng nên truyền thống hết sức vẻ vang của đơn vị. Ngày nay, trong giai đoạn cách mạng mới, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Phan Vinh tiếp tục phát huy truyền thống, cần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

        1. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, đơn vị; nhận rõ âm mưu thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới; kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng mét san hô, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

        2. Nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện về mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo.

        3. Tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng thay thế cho nhau khi cần thiết. Trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, có đời sống nội tâm phong phú, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng Anh hùng.

        4. Không ngừng củng cố, nâng cao đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đảo thành một khối vững chắc, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân dân một ý chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi gian nguy, thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng đảng bộ đảo thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, niềm tin và chỗ dựa vững chắc của quần chúng. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        6. Tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược kinh tế biển, dự án đưa dân ra Trường Sa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh luôn nêu cao trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, đáp ứng niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 12:36:33 am
     
(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Truongsa_zpsnnxh1t5z.jpg)
Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề

ĐẢO SINH TỒN ĐÔNG XÂY DỰNG CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH 1978-2007

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Sinh%20ton%20dong_zpsefeypeul.jpg)

LỜI NÓI ĐẦU


        Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở biển Đông là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này.

        Từ tháng 4 năm 1975 đến nay, Hải quân nhân dân Việt Nam vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ dũng cảm ngoan cường đấu tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền 9 đảo nổi và 12 đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.

        Đảo Sinh Tồn Đông nằm ở, phía Bắc quần đảo Trưởng Sa, cách đất liền (Cam Ranh) 332 hải lý. Ngày 15 tháng 3 năm 1978, bộ đội ta ra đóng giữ đảo Sinh Tồn Đông. 29 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy - chỉ huy Vùng 4 mà trực tiếp là đảng ủy - chỉ huy Lữ đoàn 146 Hải quân, các thế cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, bền bỉ khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ hy sinh, xây dựng đơn vị lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với những thành tích đạt được trong xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đảo Sinh Tồn Đông cùng nhiều tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thương huân chương chiến công các loại; Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng cờ, bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân, Cục Chính trị phối hợp với Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân tổ chức biên soạn cuốn sách: “Đảo Sinh Tồn Đông xây dựng, chiến đấu và trưởng thành” (1978- 2007)” làm tài liệu tuyên truyền, giáo dục cho quân, dân huyện đảo Trường Sa nói chung, đảo Sinh Tồn Đông nói riêng về lòng yêu nước, ý chí kiên cường xây dựng, bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc của các thế hệ cha anh, qua đó nâng cao niềm tự hào truyền thông của dân tộc, của đơn vị, không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, phẩm chất năng lực về mọi mặt, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.

        Mặc dù Ban Biên soạn đã có nhiều cố gắng, song do hạn chế về tài liệu lưu trữ, thời gian và khả năng thể hiện nên cuộn sách không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Mong bạn đọc góp ý kiên phê bình.

        Cục Chính trị Hải quân xin chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã quan tâm giúp đỡ về mọi mặt, tạo điều kiện để cuốn sách được biên soạn, in, xuất bản và phát hành đúng theo kế hoạch.

        Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN        

        NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

        CHỦ TỊCH NƯỚC TẶNG THƯỞNG: Huân chương Chiến công hạng Nhất, năm 1982.

        TƯ LỆNH HẢI QUÂN TẶNG: Danh hiệu "Đơn vị quyết thắng" các năm 1981; 1982; 1986; 1992; 1995; 2003 và 2004.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 10:52:37 pm
         
Phần một

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA

Phần hai

QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO SINH TỒN ĐÔNG (3-1978 - 3-2007)
[/size][/color]

        I. ĐẠI ĐỘI SINH TỒN ĐÔNG VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN THỬ THÁCH, XÂY DỰNG Ý CHÍ QUYẾT TÂM VỮNG CHẮC, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ ĐẢO GIAI ĐOẠN 1978-1987

        1. Điều kiện tự nhiên


        Đảo Sinh Tồn Đông tên cũ là Grigân, ở tọa độ gần đúng vĩ độ 9°52'30"N, kinh độ 114°34'45"E, cách đảo Sinh Tồn 15 hải lý về phía Đông. Đảo chạy dài theo hướng Bắc Tây Bắc - Nam Đông Nam, dài khoảng 200 mét, rộng 40 mét. Khi thủy triều thấp nhất, đảo cao khoảng 2,5 đến 3 mét, mặt đảo là các mỏm san hô. Đảo không có nước ngọt.

        Hai đầu cuối của đảo có bãi cát, bãi ở đầu Bạc dài hơn đầu Nam, các bãi này di chuyển theo mùa.

        Đảo Sinh Tồn Đông nằm trên nền san hô ngập nước trong đó có nhiều đá mồ côi. Nền san hô kéo dài từ chân đảo ra khoảng 300 đến 400 mét. Khi thủy triều thấp nhất, nền san hô nhô cao hơn lên khỏi mặt nước khoảng 0,5 đến 0,6 mét.

        2. Xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu phòng thủ bảo vệ đảo

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, các lực lượng Hải quân có sự phối hợp của bộ đội Quân khu 5 chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa đồng thời tổ chức lực lượng đóng giữ bảo vệ 5 đảo, gồm: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn và Trường Sa. Còn một số đảo khác là Đá Giữa, Hòn Sập, An Bang và đảo Grigân do điều kiện mới giải phóng, gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm sinh hoạt, ăn ở nên ta chưa đưa bộ đội ra đóng ở các đảo này.

        Sau ngày thống nhất đất nước (30 tháng 4 năm 1975), thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, các năm 1976, 1977, Bộ Tổng Tham mưu cùng với Bộ Tư lệnh Hải quân đã tiến hành kiểm tra tình hình và khảo sát thực tế các đảo đang đóng giữ và chưa đóng giữ trên quần đảo Trường Sa, nhanh chóng chấn chỉnh các lực lượng và xây dựng các phương án tác chiến phòng thủ bảo vệ quần đảo.

        Đầu năm 1978, tình hình trên khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp. Tháng 2 năm 1978, Philíppin đưa quân ra chiếm đóng đảo Ponata, đồng thời tăng cường các hoạt động thăm dò, trinh sát quanh khu vực các đảo của ta đang đóng giữ. Trước tình hình đó, Quân chủng một mặt tập trung lực lượng tàu vận tải, tàu đánh cá của Trung đoàn 125, 128, lực lượng bộ binh đảo của trung đoàn 146, Lữ đoàn 126, Công binh của Trung đoàn 83 ra đóng giữ bảo vệ các đảo Trường Sa Đông (Đá Giữa); Sinh Tồn Đông (Grigân); Phan Vinh (Hòn Sập); An Bang và bãi đá ngầm Thuyền Chài. Mặt khác, chỉ thị cho các đơn vị đang đóng giữ đảo nâng cấp sẵn sàng chiến đấu, quan sát nắm chắc tình hình trên biển, sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu khi địch xâm phạm tiến công đảo.

        Cũng trong thời gian này, từ ngày 14 tháng 4 đến ngày 21 tháng 5 năm 1975, Quân chủng tổ chức một đoàn cán bộ gồm có các thành phần của Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật và Trung đoàn 146 do đồng chí Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của các đảo trên quần đảo Trường Sa.

        Về tổ chức lực lượng đóng giữ bảo vệ đảo Sinh Tồn Đông, ngày 15 tháng 3 năm 1978, tàu 679 thuộc Hải đoàn 128 đưa lực lượng gồm có đoàn cán bộ của Bộ Tham mưu Hải quân do đồng chí Thiếu tá Võ Xuân Triều, Phó trưởng Phòng Quân báo phụ trách, cán bộ Trung đoàn 146 do đồng chí Đại úy Ngô Sĩ Ta, chủ nhiệm chính trị phụ trách cùng 15 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 146 do đồng chí Thiếu úy Phan Đình Truyện chỉ huy đổ bộ lên đảo an toàn và nhanh chóng triển khai nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng đảo. Lúc này đồng chí Thiếu úy Phan Đình Truyện được chỉ định làm chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 10:53:21 pm

        Ngày 19 tháng 3 năm 1978, đảo Sinh Tồn Đông tiếp tục được tăng cường lực lượng chiến đấu gồm 12 đồng chí hạ sĩ quan, chiến sĩ từ đảo Sinh Tồn và 4 chiến sĩ công binh thuộc Trung đoàn Công binh 83. Đồng chí Trung sĩ Nguyễn Thanh Sơn được bổ nhiệm phó chỉ huy đảo.

        Ngày 3 tháng 4 năm 1978, Quân chủng tiếp tục điều tàu 154 thuộc Lữ đoàn 172 ra neo trực cùng với lực lượng trên đảo làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Sinh Tồn Đông.

        Ngày 25 tháng 4 năm 1978, tàu 610, 608 của Hải đoàn 125 chở đoàn cán bộ Quân chủng cập đảo Sinh Tồn Đông. Đồng chí Thiếu tướng, Tư lệnh Giáp Văn Cương và Thiếu tướng, Chính ủy Hoàng Trà đã kiểm tra tình hình đảo. Thủ trưởng Quân chủng phấn khởi thấy cán bộ, chiến sĩ xác định tốt nhiệm vụ, có nhiều cố gắng trong tổ chức đời sống và chuẩn bị chiến đấu bảo vệ đảo. Thay mặt Thủ trưởng Bộ Tư lệnh, đồng chí Tư lệnh đã biểu dương thành tích bước đầu của đảo và chỉ thị: “Nhiệm vụ bảo vệ đảo là lâu dài, nặng nề và phức tạp, tập thể cán bộ, chiến sĩ trên đảo tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống của Quân chủng ra sức xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt và cần kiệm xây dựng đảo; cảnh giác cao, sẵn sàng đánh thắng bất cử kẻ nào dám xâm phạm chủ quyền đáo bảo vệ vững chắc vị trí tiền tiêu của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Thay mặt cán bộ, chiến sĩ đảo đồng chí Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông xin hứa với Thủ trưởng Quân chủng "Quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh giao cho, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ đảo đến cùng trong bất cứ tình huống nào". Cũng tại buổi kiểm tra tình hình đảo này, đồng chí Tư lệnh đề nghị đổi tên đảo Grigân thành Sinh Tồn Đông để phù hợp với tập quán văn hoá đặt tên địa danh của dân tộc Việt Nam. Từ đây tên đảo Sinh Tồn Đông mãi mãi được ghi trên bản đồ biển, đảo Việt Nam.

        Trong thời gian này, lực lượng công binh Trung đoàn 83 đã khẩn trương xây dựng nhà ở cho bộ đội và các trận địa, công sự dã chiến trên đảo. Lần đầu tiên Công binh Hải quân xây dựng nhà cao chân trên đảo, mô phỏng theo kiểu nhà sàn miền núi, tận dụng khả năng nguyên vật liệu sẵn có, làm cột nhà bằng các cây cột điện gỗ, mái nhà làm bằng mái tôn vòm kim loại, là các vật tư thu được của địch sau ngày giải phóng miền Nam. Đây là một sáng tạo hết sức phù hợp với điều kiện tự nhiên ở đảo Sinh Tồn Đông, với khả năng của ta và tình hình khẩn trương lúc này.

        Những năm 1978-1981, lực lượng chiến đấu của đảo được biên chế thành một phân đội độc lập trực thuộc đảo Nam Yết, gồm các khẩu đội hoả lực ĐKZ, cối, pháo phòng không 12,7 ly và một bộ phận phục vụ tổng quân số khoảng 32 cán bộ, chiến sĩ. Trong thời gian này, vào ngày 27 tháng 4 năm 1980, đảo được đón tiếp đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô do đồng chí Đại tá Len Kốp làm Trưởng đoàn và đoàn cán bộ Quân chủng Hải quân ra khảo sát, nghiên cứu tình hình tổ chức phòng thủ đảo Sinh Tồn Đông. Đoàn rất cảm phục cán bộ, chiến sĩ đảo trong điều kiện đời sống khó khăn, gian khổ nhưng vẫn luôn vững vàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Những năm 1982-1987, lực lượng chiến đấu của đảo tiếp tục được phát triển và chấn chỉnh. Để phù hợp với cách đánh bảo vệ đảo, đáp ứng yêu cầu nâng cao sức phòng thủ từ tổ chức chiến đấu cấp phân đội, phát triển lên thành đại đội chiến đấu hỗn hợp (đại đội thiếu), có các bộ phận lực lượng pháo binh, pháo phòng không và bộ binh mạnh và tách ra khỏi đảo Nam Yết, trực thuộc Lữ đoàn 146.

        Thời kỳ này, công tác nổi lên hàng đầu của đơn vị là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu Hàng năm đại đội thực hiện nghiêm các nội dung huấn luyện của Lữ đoàn giao, đi sâu huấn luyện chiến thuật bộ binh, kỹ thuật cá nhân, hiệp đồng chiến đấu cấp tiểu đội, trung đội, bảo đảm cho bộ đội thuần thục các phương án chiến đấu đánh địch đổ bộ đường biển, tập kích đường không, các phương án đánh ban ngày, ban đêm; chú trọng huấn luyện ban đêm, huấn luyện thực hành. Đặc biệt là thực hành bắn đạn thật, hàng năm 100% hoả khí của đơn vị được tham gia bắn đạn thật, kết quả kiểm tra thường xuyên đạt 95% yêu cầu trở lên.

        Cùng với việc phát triển lực lượng chiến đấu, hệ thống công sự trận địa phòng ngự trên đảo Sinh Tồn Đông nhanh chóng được trên đầu tư xây dựng các công trình dã chiến; bán kiên cố.

        Kết hợp với lực lượng công binh Trung đoàn 83, cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn Đông đã đào và củng cố hàng trăm mét hào giao thông; tu sửa hàng chục lần trận địa, hầm súng pháo, kho đạn dược.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 10:57:43 pm

        3. Công tác bảo đảm kỹ thuật, hậu cần cho nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ bảo vệ đảo

        Những năm 1978-1988, công tác kỹ thuật của đảo Sinh Tồn Đông tập trung chủ yếu vào công tác bảo quản, bảo dưỡng tại chỗ các loại súng pháo, đạn dược. Lực lượng làm công tác kỹ thuật là các đồng chí nhân viên, hạ sĩ quan kỹ thuật làm nhiệm vụ theo dõi hướng dẫn và tổ chức bảo quản vũ khí. Hàng năm ngành kỹ thuật Lữ đoàn ra đảo kiểm tra tình trạng kỹ thuật, đưa súng pháo vào bờ sửa chữa, đồng thời trực tiếp hướng dẫn tổ chức bảo dưỡng súng pháo tại đơn vị. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa quan trọng của công tác kỹ thuật, các cấp lãnh đạo tử chi bộ, tổ đảng, cấp chỉ huy đảo đến các trung đội, đã có nhiều biện pháp lãnh đạo duy trì nghiêm các chế độ bảo quản, giữ gìn vũ khí, giáo dục, động viên mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, chiến sĩ nêu cao trách nhiệm trong việc giữ gìn vũ khí. Hàng năm đảo tổ chức bảo quản hàng trăm lần các loại vũ khí, củng cố các hầm cất giấu, các kho đạn, chống dột, chống nước mặn tràn vào. Tuy nhiên hoạt động trong môi trường khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nhiều hơi nước mặn, điều kiện cất giữ bảo quản dã chiến, bán kiên cố nên chất lượng vũ khí trang bị kỹ thuật xuống cấp nhanh. Việc tăng cường công tác bảo quản thường xuyên và định kỳ tại đảo cũng chỉ hạn chế được một phần sự hỏng hóc của vũ khí, trang bị do sự tác động xấu của môi trường tự nhiên.

        Công tác bảo đảm hậu cần của đảo Sinh Tồn Đông là vấn đề hết sức khó khăn phức tạp so với các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa. Là đảo nhỏ, cát san hô trắng trơ trọi, mong manh, không có nước ngọt, không có cây xanh, giữa bốn bề đại dương sóng gió, mọi nguồn bảo đảm hậu cần đều từ bờ đưa ra. Đời sống vật chất, tinh thần văn hoá, tình cảm và sinh hoạt của đảo Sinh Tồn Đông gặp nhiều khó khăn, bộ đội thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước ngọt, rau xanh, thiếu thốn tình cảm gia đình, vợ con, quê hương; 6 tháng đến 12 tháng mới nhận được thư nhà.

        Yêu cầu đầu tiên của đảo là làm sao phải tổ chức duy trì được đời sống, bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội để hoạt động xây dựng và bảo vệ đảo, luôn luôn đủ sức sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.

        Cùng với sự tích cực bảo đảm, chi viện của ngành Hậu cần Lữ đoàn, tổ đảng và những năm sau này là chi bộ với tinh thần từ lực, tự cường, nêu cao trách nhiệm chính trị, giữ vững quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao, tích cực chủ động lãnh đạo đơn vị phấn đấu khắc phục khó khăn, từng bước cải thiện điều kiện ăn ở, đời sống sinh hoạt cho bộ đội để duy trì nâng cao sức khỏe sẵn sàng chiến đấu.

        Những năm đầu 1978 đến 1982, bộ đội ở nhà tạm cao chân, mái tôn kim loại, chật chội, nóng bức, từ tháng 10 năm 1982 chuyển sang ở nhà xây cấp 4 có diện tích sử dụng 90m2 rộng rãi và thoáng mát hơn. Đó là kết quả của tinh thần cố gắng, hăng hái, nhiệt tình, quyết tâm vươn lên khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông đã bỏ ra hàng trăm ngày công khắc phục nguyên vật liệu tại chỗ phối hợp với bộ đội công binh Đại đội 6, Trung đoàn 83 thi công trong thời gian hơn 1 tháng. Năm 1980, 1982, đảo được trên đầu tư xây dựng thêm bể nước cố định và cấp các téc chứa nước cơ động. Hàng năm, tàu 931 của Vùng 4 chở nước ngọt từ bờ ra cung cấp cho đảo, song hệ thống chứa nước chỉ có dung tích gần 50m3 nên bộ đội thường xuyên sống trong tình trạng thiếu nước, nhất là về mùa khô phải triệt để tiết kiệm. Đơn vị đã đề ra các quy định sử dụng nước chặt chẽ, phân phối theo định mức đầu người cụ thể hàng ngày cho các tiểu đội, trung đội và các bộ phận của đảo. Chấp nhận những thiếu thốn, gian khổ của điều kiện ở đảo, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông luôn tự giác chấp hành cùng nhau san sẻ chịu đựng để vượt qua.

        Việc tổ chức trồng rau xanh ở đảo là vấn đề vô cùng khó khăn. Đảo cát san hô không có nước ngọt, muốn trồng được rau xanh phải cải tạo đất, che chắn gió, ngăn nước mặn, phải tận dụng hiệu quả nước thải để trồng rau. Với nỗ lực rất lớn, đảo cũng đã làm được các khu vườn của các trung đội, bộ phận, tổ chức trồng rau xanh, chủ yếu là giống rau leo, bầu, bí... hàng năm thu hoạch từ 3 đến 5 tạ rau các loại, đáp ứng được một phần nhu cầu rau xanh trong bữa ăn của bộ đội. Cùng với việc tích cực trồng rau xanh tại chỗ, đảo tổ chức chăn nuôi lợn, chó và đánh bắt hải sản, đây là nguồn thực phẩm tươi sống rất quan trọng của đảo, hàng năm thu hoạch trên dưới 1 tấn thịt các loại.

        Từ năm 1979, đảo triển khai trồng cây xanh trên đảo, chủ yếu là cây phi lao, cây bàng, dừa từ đất liền đưa ra, mặc dù tỷ lệ sống rất thấp lại bị bão gió, nhưng hàng năm đảo tiến hành đều đặn việc trồng và chăm sóc cây xanh. Một số cây phi lao, cây bàng sống và phát triển đã đem lại màu xanh, sức sống mới cho đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 10:59:15 pm
   
        4. Công tác đảng, công tác chính trị góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo

        Những năm đầu 1978 đến 1981, đảo Sinh Tồn Đông cơ cấu một tổ đảng trực thuộc chi bộ đảo Nam Yết; tổ chức quần chúng thành lập một chi đoàn thanh niên và một Hội đồng quân nhân. Đến năm 1982 thành lập chi bộ đảo trực thuộc Đảng ủy Lữ đoàn. Chi bộ gồm có các tổ đảng trung đội hoả lực, bộ binh, cao xạ và đảo bộ (có các bộ phận bảo đảm). Tỷ lệ lãnh đạo của đảo từ 10 đến 12%.

        Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng ủy Lữ đoàn, nắm vững yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, tổ đảng, sau là chi bộ đảo Sinh Tồn Đông đã đề cao vai trò trách nhiệm, luôn củng cố nâng cao sức chiến đấu trong lãnh đạo các nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo. Trong điều kiện công tác gian khổ, nhiệm vụ nặng nề, căng thẳng, xa hậu phương, phải độc lập trong lãnh đạo, chỉ huy, xử lý mọi tình huống cả trong dự kiến cũng như ngoài dự kiến, các tổ đảng và cấp ủy đã phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể, lãnh đạo các nhiệm vụ một cách hiệu quả. Mọi vấn đề trong hoạt động sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm đời sống đều phải được bàn bạc thống nhất trong tổ đảng, trong cấp ủy, chi bộ trước khi ra quyết định tiến hành. Cán bộ, đảng viên luôn tiền phong trong mọi công việc khó khăn vất vả, miệng nói tay làm; luôn là tấm gương để quần chúng noi theo, phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đảo.

        Tổ đảng, chi bộ đảo duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, chú trọng nâng cao chất lượng đại hội chi bộ nhiệm kỳ hàng năm, bảo đảm cấp ủy luôn được kiện toàn đủ số lượng, có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu năng lực và kinh nghiệm lãnh đạo đơn vị. Trong xây dựng Đảng, chi bộ đảo hết sức coi trọng công tác phát triển đảng viên mới nhằm tăng cường khả năng, sức mạnh lãnh đạo của các tổ đảng và chi bộ. Trung bình hàng năm chi bộ kết nạp được từ 2 đến 3 đảng viên mới và bồi dưỡng đưa vào diện đối tượng cảm tình Đảng được từ 3 đến 4 quần chúng ưu tú.

        Công tác chính trị thời kỳ này, đảo tập trung vào việc giáo dục bộ đội nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, củng cố lập trường cách mạng, vững vàng kiên định trong mọi hoàn cảnh khó khăn gian khổ, mọi tình huống căng thẳng phức tạp, xây dựng ý chí sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ bằng được chủ quyền đảo, dù chỉ là đảo cát cằn cỗi nhưng đó là mảnh đất thiêng liêng bất khả xâm phạm của Tổ quốc Việt Nam. Cán bộ, chiến sĩ đều thể hiện một lòng đoàn kết, thương yêu nhau, cùng nhau chia sẻ mọi nỗi cực khổ của cuộc sống ở đảo, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

        Những năm 1978-1987, đời sống văn hoá, thông tin của bộ đội vô cùng thiếu thốn. Báo chí sáu tháng một lần chuyển ra đảo đã ít lại thất thường, đài rađiô cả đảo được cấp 1 chiếc, chất lượng kém, hay hỏng hóc do môi trường ẩm hơi nước mặn. Từ sau năm 1982, Quân chủng đã cố gắng hàng năm cử đội văn nghệ xung kích ra đảo phục vụ bộ đội một lần và Vùng 4 từ một đến hai lần đưa đội chiếu bóng ra phục vụ đảo và từ năm 1984, đảo được trên đầu tư xây dựng tủ sách, từng bước bổ sung số lượng hình thành thư viện của đảo sau này, đáp ứng nhu cầu đọc sách nâng cao nhận thức, tri thức và bồi dưỡng tâm hồn cao đẹp cho bộ đội.

        Thời kỳ này công tác cán bộ chưa có chủ trương chính sách luân phiên, nên các đồng chí cán bộ làm nhiệm vụ ở đảo luôn xác định tư tưởng gắn bó công tác lâu dài với đảo, với lữ đoàn. Đội ngũ cán bộ đảo Sinh Tồn Đông là các sĩ quan ở các đơn vị lục quân chuyển sang; các sĩ quan mới tốt nghiệp các trường quân sự, chính trị, kỹ thuật được bổ sung cho đảo. Phần lớn là những cán bộ đã trải qua nhiều năm gắn bó với các đơn vị trên quần đảo Trường Sa, trải qua những thử thách của cuộc sống khó khăn, thiếu thốn ở đảo dày dạn kinh nghiệm trên các mặt công tác, luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, luôn giữ vững ý chí chiến đấu, lập trường kiên định, có quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ, tiêu biểu như các đồng chí Thượng úy Đỗ Trọng Loan, Đại úy Đoàn Công Sự là cán bộ chỉ huy có 4, 5 năm liên tục công tác ở đảo. Đặc biệt, đồng chí Đỗ Trọng Loan sau này trưởng thành là Thượng tá, Đảo trưởng Nam Yết (năm 2004) có hơn 20 năm công tác gắn bó với với Trường Sa. Các đồng chí đã gửi gắm tư tưởng, tình cảm của mình bằng các câu thơ giản dị mộc mạc:

                        “Thiếu thốn nhiều không khuất phục khó khăn
                        Vì Tổ quốc mà giữ lòng tin
                        Vì cuộc sống mà không nản chí..."

(Đỗ Trọng Loan, tháng 10-1982)        

        Đội ngũ cán bộ của đảo kể từ tiểu đội trưởng trở lên được chú trọng bồi dưỡng về mọi mặt, về nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực chỉ huy, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng đơn vị, cũng như giữ vai trò quyết định trong thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 10:59:36 pm

        Đoàn viên, thanh niên của đảo Sinh Tồn Đông chiếm trên 80% quân số. Toàn đảo thành lập một chi đoàn. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, chi đoàn, đảo Sinh Tồn Đông đã phát huy tốt vai trò trong các hoạt động của đảo, đã tổ chức tốt các phong trào thi đua xung kích trong các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; trong các phong trào tăng gia sản xuất, văn hoá, thể thao. Đặc điểm của thời kỳ này là bộ đội ra đảo làm nhiệm vụ có tỷ lệ quần chúng chưa là đoàn viên thanh niên chiếm khá cao. Sau khi ra đảo, số quần chúng chưa là đoàn viên tiếp tục được chi bộ, chi đoàn bồi dưỡng, giáo dục mục tiêu, lý tưởng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí linh, định hướng họ phấn đấu gia nhập tổ chức đoàn. Ngay năm đầu tiên tổ chức lực lượng chốt giữ bảo vệ đảo và thành lập chi đoàn thì 6 tháng sau, ngày 5 tháng 10 năm 1978, chi đoàn đã tổ chức lễ kết nạp 2 đoàn viên mới. Đây là đợt phát triển đoàn viên mới đầu tiên của đảo. Hàng năm chi đoàn đảo kết nạp được 6 đến 8 đoàn viên mới. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hầu hết số thanh niên chưa là đoàn viên đều phấn đấu trở thành đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiều đồng chí đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được cử đi đào tạo nguồn cán bộ phục vụ quân đội lâu dài. Trước khi rời đảo trở về địa phương, các đồng chí đoàn viên đều nói lên niềm tự hào đã có những năm tháng tuổi trẻ được sống, học tập và công tác ở đảo tiền tiêu, nơi đầu sóng ngọn gió, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trở về địa phương họ là những nhân tố tích cực tiếp tục phấn đấu học tập, xây dựng quê hương đất nước.

        Ngày 28 tháng 12 năm 1982, Quốc hội nước ta ra nghị quyết sáp nhập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai cũ vào tỉnh Phú Khánh (sau này là tỉnh Khánh Hoà). Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông tiếp tục được sự chăm lo, đùm bọc của nhân dân tỉnh Phú Khánh và của nhiều tỉnh thành trong cả nước. Năm 1984, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà tổ chức kết nghĩa giữa các huyện, thị trong tỉnh với các đảo, các huyện Trường Sa, trong đó nhân dân huyện Đồng Xuân (Phú Yên) kết nghĩa với đại đội đảo Sinh Tồn Đông. Sau ngày kết nghĩa, hàng năm khi có dịp nhân dân huyện Đồng Xuân lại gửi thư, tặng quà, có cả quà của các tỉnh Thuận Hải, Lâm Đồng (cũ), thành phố Hải Phòng cho đảo. Đó là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn cho cán bộ, chiến sĩ đảo ngày đêm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo, một nhiệm vụ vinh quang nhưng đầy gian khổ, khó khăn mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

        Có thể nói, giai đoạn 1978-1987 là những năm tháng đầy thử thách đối với bộ đội Sinh Tồn Đông, có những mặt về vật chất tinh thần thiếu thốn hơn cả thời chiến tranh giải phóng. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng, của Vùng 4 và Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146, sự chi viện của các cấp, các ngành, sự động viên của nhân dân tỉnh Phú Khánh, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông đã đoàn kết chủ động, kiên trì khắc phục vượt qua khó khăn xây dựng, củng cố đảo vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.

        Điểm nổi bật chủ yếu của đảo ở thời kỳ này là Quân chủng đã khẩn trương tập trung các lực lượng xây dựng và từng bước củng cố hệ thống các công trình phòng thủ dã chiến, bán kiên cố và kiên cố kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trước mắt và lâu dài. Lực lượng của đảo được phát triển nhanh chóng, đẩy mạnh công tác huấn luyện nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu với quyết tâm đánh thắng kẻ địch xâm phạm ngay từ trận đầu.

        Thời kỳ này ta chưa có các chế độ, chính sách, phương thức mới bảo đảm hậu cần cho bộ đội Trường Sa và Nhà nước cũng chưa có điều kiện đầu tư lớn xây dựng tuyến đảo xa bờ, cho nên đời sống của bộ đội còn nhiều khó khăn. Song với quyết tâm bảo vệ đảo trong mọi hoàn cảnh, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông đã thể hiện lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, chịu đựng gian khổ, hy sinh, giữ vững ý chí chiến đấu, kiên cường bám đảo, đoàn kết thương yêu nhau, tìm mọi biện pháp khắc phục giảm bớt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Chi bộ, chi ủy và chỉ huy đảo có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, biết phát huy trí tuệ tập thể, đoàn kết thống nhất lãnh đạo tốt các mặt công tác, đồng thời là nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh; cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong mọi công tác.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:04:24 pm

        II. PHÁT TRIỂN LÊN ĐƠN VỊ ĐẢO CẤP III, RA SỨC XÂY DỰNG LỤC LƯỢNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỔNG HỢP SỨC MẠNH CHIẾN ĐẤU PHÒNG THỦ, BẢO VỆ VỮNG CHẮC CHỦ QUYỀN ĐẢO TRONG TÌNH HÌNH MỚI (1988-2007)

        1. Tiếp tục phát triển lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và tăng cường rèn luyện chấp hành kỷ luật xây dựng nền nếp chính quy trong tình hình mới


        Từ cuối năm 1986 đến năm 1988, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp căng thẳng xảy ra tranh chấp chủ quyền trên một số bãi đá ngầm giữa các nước xung quanh khu vực quần đảo.

        Tháng 12 năm 1986, Malaixia đưa lực lượng chiếm đóng bãi đá Kỳ Vân và tháng 1 năm 1987 tiếp tục chiếm đóng bãi Kiều Ngựa ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Đầu năm 1988, nước ngoài đưa lực lượng lớn hải quân xuống Trường Sa ngang nhiên chiếm đóng bãi đá Chữ Thập, Gơ Ven, Huy Gơ, Xu Bi và sử dụng sức mạnh quân sự cưỡng chiếm bãi đá Châu Viên, Gạc Ma gây thương vong cho một số phương tiện và hàng chục cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta.

        Đối phó với âm mưu, hành động lấn chiếm đảo và mở rộng sự chiếm đóng quần đảo Trường Sa của nước ngoài, bảo vệ chủ quyền của ta, Quân chủng đã tiến hành tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ các đảo đang đóng giữ, đồng thời huy động các lực lượng tàu vận tải, chiến đấu, công binh, bộ binh của các đơn vị trực thuộc Quân chủng, trực thuộc Vùng 4 Hải quân ra đóng giữ bảo vệ một số bãi đá ngầm xung quanh các đảo nổi, nhằm tạo nên sức mạnh phòng thủ của từng cụm đảo trên quần đảo Trường Sa.

        Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Quân chủng, các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã tổ chức đóng giữ và bảo vệ thắng lợi chủ quyền các bãi đá Thuyền Chài (tháng 3- 1987); Đá Tây tháng 10-1987); Đá Lớn (tháng 11-1987); Tiên Nữ (tháng 1-1988); Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le (tháng 2-1988); Cô Lin, Len Đao, Đá Thị, Đá Nam (tháng 3-1988).

        Về tình hình cụm đảo Sinh Tồn và đảo Sinh Tồn Đông, từ cuối tháng 2 năm 1988, thực hiện mệnh lệnh của Quân chủng, toàn đảo chuyển từ trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên lên cao. Các trung đội hoả lực, bộ binh, cơ quan đảo bộ chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu chi viện cho các đảo bạn trong khu vực. Đầu tháng 3 năm 1988, các lực lượng của Quân chủng tổ chức chốt giữ, bảo vệ bãi đá Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma thuộc khu vực cụm đảo Sinh Tồn. Ngày 14 tháng 3, tại khu vực này, tàu quân sự nước ngoài đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền bắn chìm 2 tàu vận tải HQ 604, HQ 605, bắn bị thương tàu HQ 605, làm 72 cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh và mất tích khi đang làm nhiệm vụ, đồng thời đưa quân lên chiếm đóng đảo Gạc Ma.

        Trong chiến dịch CQ-88, đảo Sinh Tồn Đông đã khẩn trương tiếp nhận an toàn vũ khí, trang bị, bổ sung cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho đơn vị triển khai hiệu quả công tác quan sát trên không, trên biển, nắm chắc các hoạt động của nước ngoài trên khu vực phân công; đẩy mạnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và xây dựng, củng cố các công sự trận địa đáp ứng yêu cầu chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu bảo vệ đảo thắng lợi trong mọi tình huống.

        Để phù hợp với yêu cầu chiến đấu phòng thủ trong tình hình mới, tháng 4 năm 1988, đảo Sinh Tồn Đông được tổ chức biên chế vào khu vực chiến đấu 2. Đây là khu vực có nhiều bãi đá ngầm, đan xen một số đảo ta đang đóng giữ với một số đảo nước ngoài chiếm đóng trái phép, nên tình hình ở đây luôn căng thẳng, tàu thuyền nước ngoài hoạt động đánh bắt hải sản, đi lại nhiều và luôn có ý đồ tranh chấp các bãi đá ngầm chưa có người ở.

        Trước tình hình mới, những năm 1988-1997, đảo Sinh Tồn Đông không ngừng được phát triển, tăng cường lực lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu phòng thủ theo các phương án tác chiến mới. Hình thức quy mô gọi là đảo cấp III. Lực lượng chiến đấu hình thành các trung đội hoả lực hỗn hợp. Quy mô tổ chức đảng của đảo vẫn duy trì cấp chi bộ. Sau đó, từ năm 1997 trở đi, tổ chức lực lượng chiến đấu của đảo lại có sự thay đổi, thành lập các phân đội chiến đấu hỗn hợp và các bộ phận phục vụ, bảo đảm chiến đấu để phù hợp với cách đánh. Cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy của đảo được kiện toàn ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:04:44 pm

        Thời kỳ 1988-2007, đi đôi với xây dựng và chấn chỉnh lực lượng chiến đấu, từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy đảo, công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; xây dựng các hệ thống công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu được chú trọng và đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

        Đảo Sinh Tồn Đông nằm trong khu vực có nhiều bãi đá ngầm, nước ngoài đóng giữ trái phép và chưa có người ở, luôn luôn có nguy cơ bùng nổ tranh chấp vào bất cứ lúc nào và có nhiều loại tàu thuyền nước ngoài hoạt động đánh bắt hải sản qua lại. Cho nên công tác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của đảo rất nặng nề, căng thẳng, phải thường xuyên hiệp đồng với đơn vị tàu trực quản lý theo dõi chặt chẽ các mục tiêu các hoạt động trên khu vực được phân công. Nắm vững yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy Lữ đoàn, “Tích cực chủ động, mưu trí, ngoan cường, vững chắc" chi ủy chi bộ và chỉ huy đảo đã tiến hành thường xuyên, liên tục việc quán triệt, giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp những âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài, xác định phân biệt rõ đối tượng và đối tác, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo và phạm vi được phân công. Đảo duy trì nghiêm 24/24 giờ các chế độ công tác sẵn sàng chiến đấu trực chỉ huy, trực ban các cấp, trực thông tin, ra đa, trực phòng không; luôn đảm bảo số lượng, chất lượng phương tiện và lực lượng, sẵn sàng xử lý tốt mọi tình huống dự kiến có thể xảy ra.

        Sở chỉ huy đảo được nâng cấp xây dựng mới cùng với việc đầu tư cấp trang bị kỹ thuật, khí tài phục vụ cho chỉ huy tác chiến ngày càng hiện đại. Hệ thống các trạm quan sát đối không, đối hải được nâng cấp và tổ chức quan sát ngày càng chặt chẽ, theo dõi và quản lý tốt mọi mục tiêu trên biển, trên không cả ban ngày và ban đêm. Hàng năm, đảo quan sát phát hiện được hàng ngàn lần chiếc máy bay, tàu thuyền các loài; bắn xua đuổi 15 đến 20 lần chiếc tàu nước ngoài xâm phạm đánh bắt hải sản, nghiên cứu thăm dò trái phép, đảm bảo an toàn cho đơn vị và khu vực biển phụ trách. Đặc biệt là quan sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các mục tiêu được hết sức chú ý. Công tác tuần tra, canh gác ban đêm được đảm bảo bí mật, giữ tuyệt đối an toàn cho đảo. Thông tin liên lạc thông suốt với Sở chỉ huy Quân chủng, Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn, đơn vị tàu trực chiến, đảo bạn và với các đơn vị xây dựng, chi viện đảo. Hiệu suất thông tin liên lạc cả 2 mạng tín và thoại thường xuyên đạt trên 95%.

        Hàng năm, đảo làm tốt việc bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện về các phương án tác chiến phòng ngự; hiệp đồng chiến đấu, phương án đánh địch tập kích ban đêm ở cấp phân đội và toàn đảo; đồng thời tổ chức tốt việc luyện tập các phương án, trong đó chú trọng luyện tập thực hành đánh địch bí mật tập kích ban đêm, luyện tập bắn xua đuổi các tàu thuyền xâm nhập, thực hiện các đối sách, xử lý các tình huống cụ thể trên biển và huấn luyện báo động sẵn sàng chiến đấu cấp phân đội. Hàng năm, các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Quân chủng, của Vùng và Lữ đoàn kiểm tra tình hình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đảo. Kết quả kiểm tra các mặt công tác quân sự, chính trị, kỹ thuật, hậu cần, đảo Sinh Tồn Đông luôn đạt yêu cầu trở lên và được trên đánh giá là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật. quân đội và các quy định của Vùng.

        Từ sau năm 1990, thực hiện chế độ cán bộ luân phiên công tác trên quần đảo Trường Sa và Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nên thời gian công tác thực tế ở đảo của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp thường từ 12 đến 18 tháng, hạ sĩ quan, chiến sĩ thường từ 24 tháng đến 30 tháng. Để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện một cách liên tục của các bộ phận, đơn vị, đảo quan hệ hiệp đồng chặt chẽ với Lữ đoàn tiến hành thay quân hàng năm, giữ vững tỷ lệ hợp lý giữa cán bộ, chiến sĩ cũ và mới khoa học.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:05:13 pm

        Huấn luyện chiến đấu là công tác quan trọng hàng đầu của đảo. Những năm 1988-2006, công tác huấn luyện tiếp tục được đẩy mạnh cùng với sự đầu tư mạnh về mọi mặt của Quân chủng và Lữ đoàn, đảo từng bước đổi mới nội dung, sát thực tiễn và đi vào nền nếp chính quy. Huấn luyện luôn bám sát phương châm "toàn diện, cơ bản, thiết thực và vững chắc”, coi trọng huấn luyện thực hành ban đêm và trong những điều kiện thời tiết phức tạp. Đặc biệt quan tâm huấn luyện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ khẩu đội trưởng trở lên làm lực lượng nòng cốt để nâng cao chất lượng của đơn vị. Nắm chắc cách đánh phòng thủ của đảo và yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới, công tác huấn luyện tập trung nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật của cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm mỗi cán bộ, chiến sĩ có trình độ khai thác sử dụng thành thạo 2 đến 3 loại vũ khí, trang bị của đơn vị Đồng thời cán bộ của đảo phấn đấu có trình độ chỉ huy thực hành chiến đấu thuần thục, giỏi phần việc chức trách được giao và có khả năng sẵn sàng thay thế, kiêm nhiệm được ở các vị trí khi cần thiết. Thường xuyên rút kinh nghiệm từng môn học, bài học, tăng cường công tác kiểm tra, hội thao huấn luyện, sơ kết, tổng kết ở các cấp đơn vị từ tiểu đội trở lên, nên chất lượng huấn luyện bảo đảm đạt được các yêu cầu đề ra và ngày càng tiến bộ vững chắc. Các năm 2000 đến 2006, kết quả kiểm tra các nội dung huấn luyện cấp phân đội, cụm, kiểm tra kỹ thuật chuyên ngành luôn đạt khá giỏi, góp phần quan trọng nhiều năm đảo đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng". Liên tục có nhiều năm liền phúc tra huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của Bộ Quốc phòng, đảo đạt đơn vị giỏi, được tặng Bằng khen.

        Song song với tổ chức xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, từ năm 1988 đến 2005, hệ thống các công trình phòng thủ trên đảo tiếp tục được nâng cấp và xây mới theo hướng kiên cố, lâu bền để bảo đảm khả năng phòng thủ ngày càng vững chắc, cơ bản, lâu dài.

        Ngoài các đơn vị công binh, Trung đoàn 83, Trung đoàn 131, Tiểu đoàn 1, 2 Vùng 4 Hải quân thi công các công trình, còn có sự tham gia vận chuyển vật liệu, tu sửa các công sự dã chiến của bộ đội đảo Sinh Tồn Đông. Đầu những năm 1990, hoàn thành sở chỉ huy mới và hàng chục công trình kiên cố được đưa vào sử dụng. Các năm tiếp theo - (1995-2002), hàng loạt các công trình kiên cố, liên hoàn tiếp tục được xây dựng và đưa vào sử dụng, trong đó có hệ thống kè bê tông quanh đảo được hoàn thành, phát huy tốt hiệu quả củng cố đảo. Những năm này, bộ mặt của đảo mỗi năm một đổi mới thêm kiên cố, vững chắc. Cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, tin tưởng vào khả năng sức mạnh phòng thủ của đảo trong mọi tình huống.

        Chấp hành sự lãnh đạo của lữ đoàn, từ năm 1996, đảo hướng mạnh vào công tác rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng đảo chính quy. Chi bộ đảo xác định đây là mặt công tác quan trọng, là một yếu tố quan trọng, quyết định nâng cao sức mạnh chiến đấu của đảo và là một yêu cầu tất yếu trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Bởi vậy những năm 1996-2000, tình hình chấp hành kỷ luật của đảo đi dần vào nền nếp. Các chế độ công tác, học tập, sinh hoạt từng bước được chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc, trật tự nội vụ, vệ sinh doanh trại, nơi ăn ở có nhiều tiến bộ, các hiện tượng vi phạm kỷ luật thông thường giảm đáng kể. Các năm tiếp theo (2001-2006), công tác rèn luyện, chấp hành kỷ luật xây dựng nền nếp chính quy được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu đã tạo ra sự chuyển biến mạnh trên mọi mặt công tác và sinh hoạt của đảo. Duy trì và chỉ huy đảo đã làm tốt việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Quân chủng, của Vùng về rèn luyện kỷ luật xây dựng chính quy, chi bộ đã ra các nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Năm 2004-2006, đảo tập trung vào thực hiện nội dung "5 xây, 5 chống" của Chỉ thị 733, của Ban chỉ đạo 1438 Quân chủng và các chỉ thị về cấm uống rượu, bia say, cấm bán rượu bia trong đơn vị; bằng nhiều biện pháp giáo dục, động viên đi đôi với kiểm tra thường xuyên, chấn chỉnh kịp thời. Đồng thời chỉ đạo Đoàn thanh niên phát động các đợt thi đua kết hợp phát huy vai trò của Hội đồng quân nhân, mở rộng dân chủ ở cơ sở hướng vào khắc phục các khâu yếu, mặt yếu của đơn vị tạo nên một khí thế mới trong rèn luyện chấp hành kỷ luật của toàn đảo. Đảo tổ chức chấm điểm thi đua hàng tuần, hàng tháng, cụ thể đến từng phân đội một cách chính xác, biểu dương, chấn chỉnh kịp thời những tiến bộ và thiếu sót, đã có tác dụng cổ vũ động viên mạnh mẽ tinh thần rèn luyện chấp hành kỷ luật của mọi cán bộ, chiến sĩ các phân đội và bộ phận. Những năm này, doanh trại các đơn vị luôn giữ được vệ sinh sạch sẽ, bộ đội thể hiện đúng lễ tiết, tư thế tác phong quân nhân; công tác huấn luyện chuyển biến mạnh, luôn bảo đảm đúng, đủ nội dung, thời gian huấn luyện; công tác quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật, vũ khí, khí tài chặt chẽ, an toàn. Nơi làm việc từ đảo bộ xuống tới các phân đội có đầy đủ bảng, biểu theo quy định của trên; các chế độ thực hiện trong ngày, tuần, tháng được thực hiện nghiêm túc; các vụ vi phạm kỹ thuật thông thường giảm hẳn và không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:06:48 pm

        2. Không ngừng nâng cao chất lượng bảo đảm kỹ thuật, hậu cần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phòng thủ và đời sống của bộ đội

        Những năm 1988-2006, số lượng vũ khí trang bị kỹ thuật khí tài tăng cường cho đảo rất lớn với nhiều chủng loại do nhiều nước sản xuất và đi kèm theo là công tác bảo đảm duy trì khả năng hoạt động của vũ khí, trang bị cũng rất lớn. Trong khi đó, đảo ở xa bờ, việc tiến hành công tác kiểm tra, bảo quản, sửa chữa, cung ứng vật tư của ngành kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện, do điều kiện thời tiết phức tạp, môi trường khí hậu có độ ẩm cao, hơi nước mặn dày đặc, làm cho vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài nhanh xuống cấp, hư hỏng. Bởi vậy công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ cho sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện luôn là một công tác lớn, nặng nề và khó khăn đối với ngành kỹ thuật của cấp trên nói chung và của đảo Sinh Tồn Đông nói riêng.

        Trước năm 1988, hàng năm có các tổ bảo quản, sửa chữa kỹ thuật của Vùng, Lữ đoàn ra tiến hành kiểm tra kỹ thuật, tổ chức bảo quản, sửa chữa nhỏ các trang bị, vũ khí của đảo. Sau năm 1988, để tiến hành các khâu bảo quản sửa chữa cho một số lượng lớn vũ khí, trang bị, ngoài lực lượng của Vùng, Lữ đoàn, đảo còn được sự tăng cường lực lượng kỹ thuật Nhà máy Z753 của Quân chủng và Nhà máy Z133, Z201 của Tổng cục Kỹ thuật và Binh chủng Tăng - Thiết giáp.

        Đi đôi với việc tăng cường các lực lượng kỹ thuật của các cấp và đơn vị bạn, tổ kỹ thuật của đảo được thành lập và từng bước được kiện toàn làm nhiệm vụ theo dõi kiểm tra, quản lý các loại vũ khí, trang bị vật tư kỹ thuật, tổ chức huấn luyện kỹ thuật, bảo quản, niêm cất, sửa chữa khôi phục những hư hỏng thông thường, sửa chữa nhỏ, đôn đốc giám sát các phân đội thực hiện các chế độ "ngày kỹ thuật”, "giờ kỹ thuật”. Tổ kỹ thuật và cán bộ, chiến sĩ của đảo giữ vai trò rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Hàng năm, bám sát sự chỉ đạo của ngành kỹ thuật, công tác kỹ thuật của đảo tiến hành quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng vũ khí trang bị, đưa dần công tác quản lý sử dụng vào nền nếp chính quy, có hệ thống sổ sách đăng ký và ghi chép tình trạng kỹ thuật từ đảo xuống các phân đội; thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ kiểm kê đánh giá số lượng, chất lượng; duy trì nghiêm các chế độ bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ; chủ động phối hợp với đơn vị, với lực lượng kỹ thuật cấp trên và tìm biện pháp sửa chữa khắc phục hỏng hóc thông thường; các kho, hầm luôn luôn được sắp xếp kiện toàn đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Hàng năm, đảo tổ chức tiếp nhận và bàn giao hàng chục tấn vật tư, đạn, vũ khí; sửa chừa nhỏ hàng chục lần vũ khí, trang bị, đảm bảo hệ số kỹ thuật vũ khí 0,9; hệ đạn 1, tổ chức huấn luyện kỹ thuật bổ sung được hàng trăm giờ về bảo quản, sử dụng vũ khí, trang bị.

        Thời kỳ này, thực hiện cuộc vận động "Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm" và sau đó là cuộc vận động 50, đảo chú trọng vào công tác giáo dục cho bộ đội nâng cao nhận thức về vị trí công tác kỹ thuật ở môi trường đảo và về tình hình của đất nước; nâng cao chất lượng chuyên môn và phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cùng với việc duy trì nghiêm nền nếp công tác kỹ thuật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thực lực vũ khí, trang bị đã góp phần quan trọng việc duy trì giữ vững và vượt chỉ tiêu hệ số kỹ thuật đề ra từ 3 đến 5%.

        Những năm 1988-2007, các thiết bị bảo quản bao gói, nhà che, hầm chứa, kho cất giữ vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện của đảo không ngừng được trên tích cực nghiên cứu, đầu tư nâng cấp chất liệu và kiên cố hoá theo hướng bền chắc, cơ bản, lâu dài. Các công trình này đảo tiếp nhận sử dụng và quản lý tốt đã hạn chế được rất nhiều sự xuống cấp của vũ khí trang bị do tác động bất lợi của điều kiện môi trường.

        Như vậy, thời kỳ 1988-2007, công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ sẵn sàng chiến đấu được đầu tư lớn cùng với sự tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, và cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông đã góp phần rất lớn vào tăng cường sức mạnh và khả năng phòng thủ của đảo, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới về công tác kỹ thuật trên quần đảo Trường Sa của Quân chủng Hải quân.

        Đi đôi với công tác bảo đảm kỹ thuật, công tác bảo đảm hậu cần cho đảo Sinh Tồn Đông được tiến hành một cách toàn diện trên các mặt với cả chiều rộng và chiều sâu, mang tính đặc thù sát với thực tế yêu cầu xây dựng và bảo vệ đảo.

        Ngày 11 tháng 12 năm 1989, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị 316 về bảo đảm hậu cần cho bộ đội Trường Sa và sau đó là các chỉ thị hướng dẫn thực hiện phương thức bảo đảm mới trên các mặt công tác hậu cần cho đảo, đánh dấu một thời kỳ hoạt động hậu cần sôi nổi và đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội Trường Sa nói chung và đảo Sinh Tồn Đông nói riêng, đáp ứng yêu cầu huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trong tình hình mới.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:07:05 pm

        Về mặc, để phù hợp với cường độ hoạt động sẵn sàng chiến đấu và công tác, cán bộ, chiến sĩ đảo được cấp quân trang, quần áo, mũ, giày dép tăng thêm hàng năm. Đặc biệt, chiến sĩ được cấp thêm quần áo, đệm vai, giày chống san hô, mũ rộng vành, găng tay bạt, khẩu trang, đáp ứng được nhu cầu thiết thực cuộc sống công tác của bộ đội ở đảo. Từ đây, bộ đội không phải mặc quần áo rách, vá, có đủ các loại quân trang và bảo hộ thích hợp cho các hoạt động của đơn vị.

        Về ăn, được Nhà nước bảo đảm cho bộ đội một chế độ ăn cao không tính vào lương và được điều chỉnh theo thời giá thị trường để đáp ứng tối đa lượng calo phù hợp với điều kiện hoạt động ở đảo. Căn cứ vào tiêu chuẩn ăn của bộ đội trên đảo, hàng năm ngành hậu cần của Lữ đoàn tổ chức mua sắm và nhận của trên, đóng bao gói hàng hoá lương thực, thực phẩm vận chuyển ra đảo. Thực phẩm chủ yếu là đồ hộp do Tổng cục Hậu cần bảo đảm, gạo do Lữ đoàn hợp đồng với tỉnh Phú Yên và các tỉnh Nam Bộ mua loại chất lượng tốt. Công tác tăng gia tại đảo được trên đầu tư rất cơ bản lâu dài, xây dựng các khu vườn trồng rau xanh; nguồn đất màu chở ra đảo từ đất liền (mua của nhân dân huyện Diên Khánh - Khánh Hoà) với số lượng cấp theo chỉ tiêu đầu người trên đảo; nguồn giống rau do Cục Trồng trọt, Tổng cục Hậu cần cung cấp là những loại giống rau chất lượng tốt thích nghi với khí hậu thời tiết ở đảo. Ngoài ra, đảo tích cực tổ chức chăn nuôi đa dạng hóa gia súc, gia cầm, đánh bắt hải sản để tăng thêm chất lượng bữa ăn cho bộ đội Hàng năm đảo thu hoạch được trung bình 4,5 tấn rau xanh các loại và gần 1 tấn thịt tươi lợn, gà, chó). Mô hình tổ chức tăng gia chia theo từng phân đội bộ phận, tận dụng nguồn nước thải tưới rau hàng ngày; đồng thời đề cao trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ trong công tác tăng gia trên đảo. Nước phục vụ đời sống và sinh hoạt của bộ đội ngày càng được bảo đảm nhiều hơn. Hệ thống bể ngầm kiên cố được xây cất tăng khối lượng dự trữ; bể nổi, tác sắt được thay dần bằng tác I-nốc, nên chất lượng nước dự trữ bảo đảm vệ sinh hơn.

        Doanh trại, nơi ăn ở của bộ đội không ngừng được cải thiện, từ nhà tạm, nhà cấp 4 được thay dần bằng nhà kiên cố cấp 1, nhà gỗ. Nhà gỗ có ưu việt là mát, thời gian xây dựng nhanh, giá thành rẻ hơn nhà cấp 1 đến 40%. Năm 1993, đảo xây dựng nhà quân y. Song thực tế ở đảo thời tiết rất khắc nghiệt, nhiều bão lớn thường xuyên hoành hành. Cơn bão số 9 gió mạnh cấp 11 đổ bộ vào đảo cuối tháng 10 năm 1994 làm một số nhà kho, nhà ở bằng gỗ bị đổ, bay tốc mái, không an toàn. Nên hướng đầu tư tập trung vào xây dựng nhà kiên cố, bảo đảm chắc chắn, an toàn và lâu dài.

        Trồng cây phủ xanh đảo là một chủ trương cực kỳ đúng đắn của Quân chủng tiến hành từ năm 1979 để chống xói mòn, chống bão, gió, cải tạo đất, điều hoà môi trường sinh thái. Sau năm 1988, phong trào trồng cây xanh tiếp tục được đẩy mạnh và là một phong trào quan trọng trong các hoạt động hàng năm của đảo. Ngoài một số giống cây từ bờ cung cấp, đảo tổ chức gây giống cây tại chỗ như cây phi lao, bàng, cây bàng quả vuông. Cho nên dù thời tiết khí hậu khắc nghiệt, bão gió hàng năm ảnh hưởng mạnh, song đảo luôn luôn giữ được màu xanh, mang đậm hình bóng của đất liền, ấm áp tình cảm quê hương đất nước.

        Từ tháng 10 năm 1991, công tác quân y trên đảo cũng được đổi mới phương thức để đảm bảo duy trì ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cao của đơn vị. Từ năm này, lực lượng bác sĩ, y tá, y sĩ các kíp quân y tiến hành luân phiên công tác trên đảo Sinh Tồn Đông do Viện 354, Viện 105, Cục Quân y đảm nhiệm. Mọi trang bị quân y do Quân chủng bảo đảm; công tác vệ sinh phòng dịch do tổ vệ sinh phòng dịch của Vùng và Viện Vệ sinh phòng dịch Trung ương Quân đội the hiện. Đảo xây dựng bệnh xá để chăm sóc điều trị bệnh binh, thương binh. Hàng năm, theo định kỳ hoặc đột xuất, các đội vệ sinh phòng dịch của cấp trên ra đảo kiểm tra và thực hiện việc phun thuốc xử lý các loại côn trùng có hại; quân y của đảo chỉ đạo các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường, chấp hành nghiêm các quy định vệ sinh trên đảo của Bộ Quốc phòng; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho bộ đội, khám kiểm tra sức khoẻ bộ đội lúc mới ra đảo; xử lý kịp thời hàng chục ca cấp cứu bộ đội tại đảo, cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển được cán bộ, chiến sĩ hết sức tin tưởng và ngư dân cảm phục.

        Đảo luôn giữ sạch không để xảy ra dịch bệnh, quân số khoẻ của đơn vị luôn luôn đạt 98% trở lên, một số bệnh đường ruột giảm nhiều.

        Như vậy, giai đoạn 1988-2007, với sự đầu tư đổi mới phương thức bảo đảm, công tác hậu cần phục vụ cho các nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo ngày càng được nâng cao chất lượng về mọi mặt. Cơ sở vật chất bảo đảm hậu cần ngày càng đồng bộ và hoàn thiện mang tính cơ bản, lâu dài, đời sống cũng như việc chăm sóc sức khoẻ, duy trì sức chiến đấu của bộ đội được cải thiện rất nhiều. Có thể nói đảo Sinh Tồn Đông đã có một bước phát triển thay đổi về chất trong công tác hậu cần, tạo điều kiện cho đảo thực hiện tốt cuộc vận động "Ngành Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy" do ngành Hậu cần Quân đội phát động.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:08:09 pm

        3. Đẩy mạnh công tác đảng, công tác chính trị, góp phần xây dựng đảo vững mạnh toàn diện

        Thời kỳ 1988-2007, công tác đảng, công tác chính trị của đảo Sinh Tồn Đông tiếp tục được phát huy, các tổ đảng, chi bộ luôn được xây dựng, củng cố bảo đảm khả năng lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ; các mặt công tác chính tí! ngày càng đi vào nền nếp và hiệu quả.

        Chi bộ đảo Sinh Tồn Đông gồm các tổ đảng phân đội hỏa lực và đảo bộ. Hàng năm chi bộ đảo Sinh Tồn Đông thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao vai trò tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách; tiến hành Đại hội Đảng đúng nguyên tắc và các quy định của Điều lệ Đảng; tiến hành tốt các biện pháp xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng cấp ủy gắn với xây dựng chỉ huy mạnh. Hàng năm, chi bộ kết nạp được tử 2 đến 3 đảng viên mới, đối tượng chủ yếu là các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng tốt.

        Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng tiếp tục được đẩy mạnh để nâng cao trình độ nhận thức của bộ đội luôn theo kịp trước những diễn biến mới của tình hình, xác định đúng đắn đối tác, đối tượng tác chiến, âm mưu thủ đoạn của kẻ địch, xây dựng và củng cố bản lĩnh chính trị vững vàng, cảnh giác, giữ vững ý chí, quyết tâm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đánh thắng kẻ thù xâm lược, xâm phạm chủ quyền Tổ quốc. Nội dung giáo dục, ngoài thực hiện các nội dung, kế hoạch giáo dục hàng năm của trên như thông báo thời sự, quán triệt nghị quyết các cấp, quán triệt nhiệm vụ của đơn vị, học các chuyên đề chính trị, công tác giáo dục đề cập sâu đến nội dung quán triệt các nhiệm vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện chấp hành kỷ luật, công tác kỹ thuật, hậu cần; trong hoạt động tuần tra canh gác, thực hiện các đối sách trên biển, trên không; công tác đảm bảo bí mật, an toàn, công tác phòng cháy nổ và xây dựng môi trường văn hoá đảo. Chiến sĩ ra đảo công tác được lựa chọn và từng bước đảm bảo tốt về chất lượng, trong đó, trình độ văn hoá và sức khoẻ là yếu tố hàng đầu. Bởi vậy, tình hình tư tưởng của bộ đội luôn ổn định, xác định tốt nhiệm vụ và trách nhiệm xây dựng, bảo vệ đảo, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành mọi công tác được giao. Kiểm tra nhận thức chính trị hàng năm đảo luôn đạt 100% yêu cầu, có trên 80% khá, giỏi.

        Đội ngũ cán bộ của đảo được đào tạo cơ bản, chính quy, có trình độ cao đẳng, đại học, tuổi đời trẻ và sức khoẻ tốt. Trong đó chiếm số đông là cán bộ được tăng cường từ các đơn vị trong toàn quân đã kinh qua các cương vị công tác và đã được thử thách về bản lĩnh, trình độ năng lực. Đó là những yếu tố thuận lợi để xây dựng đảo vững mạnh về chính trị. Một số cán bộ chỉ huy đảo qua năm tháng rèn luyện phấn đấu không mệt mỏi đã phát triển trưởng thành là những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy lữ đoàn như đồng chí Đại úy Nguyễn Bá Ngọc; Thượng úy Biện Xuân Phương (năm 1989).

        Những năm 1988-2000, công tác bảo đảm vật chất, vật tư chính trị cho đảo được tăng thêm cả về số lượng, chất lượng, đặc biệt việc đổi mới nâng cấp các phương tiện thông tin nghe, nhìn đã làm cho đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội nhanh chóng được cải thiện. Năm 1993, ăngten parabôn thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh được lắp đặt đưa vào sử dụng. Kể từ năm 1978, đây là lần đầu tiên bộ đội đảo Sinh Tồn Đông được xem truyền hình trực tiếp. Những năm sau đó, đảo tiếp tục lắp đặt hệ thống loa truyền thanh đến các phân đội, các bộ phận. Hàng ngày theo giờ quy định, bộ đội được nghe, xem các chương trình thời sự, văn hoá, khoa học, xã hội và thể thao của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, được nghe tin tức của quê hương. Phòng Truyền thống, thư viện của đảo tiếp tục được củng cố, mở rộng phục vụ các nhu cầu đọc, nghiên cứu, tuyên truyền cho mọi cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

        Các phong trào thi đua, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao được đảo duy trì có nền nếp và hoạt động sôi nổi với nhiều hình thức giao lưu hội thi và thi đấu.

        Ban chấp hành chi đoàn thanh niên và Hội đồng quân nhân thường xuyên được kiện toàn sau các đợt thay quân hàng năm, để luôn luôn bắt nhịp với các hoạt động theo kế hoạch và phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức này hướng vào thực hiện tốt các công tác trọng tâm như huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, các phong trào xây dựng đảo có môi trường xanh, sạch, đẹp... Nhiều năm chi đoàn Sinh Tồn Đông đạt danh hiệu "vững mạnh xuất sắc” có trên 50% đoàn viên xuất sắc, 100% đoàn viên thanh niên phấn đấu tốt. Hội đồng quân nhân đảo hàng tháng ra chương trình hành động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội phát huy dân chủ trong quân sự, chính trị và kinh tế. Bởi vậy tình hình hoạt động trong các phân đội của đảo luôn luôn có không khí thẳng thắn, cởi mở, đoàn kết giữa các quân nhân, giữa cán bộ và chiến sĩ. ĐÓ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng đơn vị đảo Sinh Tồn Đông vững mạnh toàn diện. Từ năm 1991 đến 1993, ba năm liền đảo đạt danh hiệu “Đơn vị vững mạnh toàn diện".


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:08:26 pm

        Sau khi xảy ra các sự kiện trên quần đảo Trường Sa năm 1988, nhân dân các địa phương, các ngành các cấp, các tổ chức trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ phong trào "Tất cả vì Trường Sa"; "Hướng về Trường Sa" đã gửi thư động viên, gửi quà tặng, ủng hộ bộ đội Trường Sa. Tử đó cho đến nay, bộ đội Trường Sa luôn nhận được sự chi viện bằng vật chất và tinh thần hết sức có ý nghĩa của nhân dân cả nước, của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hoà; góp phần cải thiện nâng cao đời sống tinh thần của bộ đội trên các đảo Trường Sa, trong đó có bộ đội đảo Sinh Tồn Đông. Hàng năm, ngoài các đoàn của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng ra kiểm tra và thăm đảo, còn có các đoàn của Nhà nước, của các địa phương, đoàn thể xã hội thanh niên, phụ nữ ra thăm động viên bộ đội Trong đó có chuyến thăm của Đoàn đại biểu ủy ban nhân dân tỉnh Phú Khánh do đồng chí Chủ tịch Võ Hòa làm Trưởng đoàn, cùng đi có Đoàn ca múa Hải Đăng biểu diễn phục vụ bộ đội ngày 24 tháng 4 năm 1990; chuyến thăm của Đoàn Tổng cục Chính trị do đồng chí Thượng tướng Lê Khả Phiêu làm Trưởng đoàn ra đảo ngày 25 tháng 4 năm 1993. Ra thăm đảo, các đoàn hết sức cảm động trước sự chịu đựng gian khổ, hy sinh và tinh thần đoàn kết quyết tâm giữ vững chủ quyền đảo của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông; đồng thời cũng rất tự hào, tin tưởng trước sự lớn mạnh không ngừng của đảo. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông luôn ghi sâu lòng biết ơn những tình cảm thắm thiết thương yêu và sự chi viện vật chất của nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong cả nước đã dành cho đảo.

        Từ tháng 4 năm 1989, các đoàn tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Khánh Hoà ra Trường Sa đánh bắt hải sản và tiếp sau đó là ngư dân của tỉnh Nghĩa Bình và một số tỉnh ven biển Nam Bộ cũng tổ chức các đoàn tàu ra đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa, mở ra thời kỳ mới khai thác hải sản xa bờ, xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ, các đảo trên quần đảo Trường Sa luôn luôn là chỗ dựa tin cậy của các ngư dân, là nơi che chở, giúp đỡ cấp cứu trong những hoàn cảnh tàu thuyền gặp bão, gió lớn, tai nạn, cạn kiệt nguồn hậu cần. Thực hiện nghiêm các quy định về quan hệ với ngư dân đánh cá trên biển đảo, đảo Sinh Tồn Đông luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ, nắm chắc tình hình và quản lý tốt hoạt động của các tàu đánh cá trên khu vực biển quản lý. Những năm 1992-2006, đảo đã giúp đỡ hàng chục tàu thuyền dân với hàng nghìn lít nước ngọt, lít dầu; kịp thời cứu chữa hàng chục ngư dân bị bệnh, tai nạn trên biển, nuôi dưỡng tạm thời và cung cấp hàng trăm viên thuốc các loại.

        Mặc dù đời sống có nhiều khó khăn, song bộ đội đảo Sinh Tồn Đông luôn hướng về đất liền với ý thức cộng đồng, tình cảm quân dân sâu sắc cùng chia sẻ, giúp đỡ đồng bào gặp hoạn nạn thiên tai, bão lũ. Hàng năm, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông đã trích từ phần lương của mình ủng hộ giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt từ 3 đến 4 triệu đồng. Riêng năm 1999, ủng hộ đồng bào miền Trung 5 triệu đồng. Đồng thời tích cực hưởng ứng ủng hộ xây dựng quỹ "vì người nghèo”, quỹ ủng hộ người nhiễm chất độc màu da cam; mua công trái xây dựng Tổ quốc... Trong nội bộ đơn vị tổ chức quyên góp hàng triệu đồng quỹ giúp đỡ các gia đình cán bộ, chiến sĩ gặp rủi ro, tạo điều kiện động viên cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác.

        Có thể nói, công tác đảng, công tác chính trị thời kỳ 1988-2007 tiếp tục được đẩy mạnh và điều kiện bảo đảm cho các mặt hoạt động cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều, được các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội quan tâm giúp đỡ, chi viện. Trọng tâm của công tác đảng, công tác chính trị hướng vào việc xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện - cơ sở nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Các tổ chức Đoàn, Hội đồng quân nhân luôn được quan tâm xây dựng và định hướng hoạt động đúng chức năng, hiệu quả. Công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt ngày càng được củng cố và phát triển. Chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rõ rệt, luôn đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau và đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đảo trong mọi tình huống.

        Thời kỳ 1988-2007, là thời kỳ đảo được sự đầu tư lớn của Nhà nước, của các cấp, các ngành, các địa phương, của đồng bào, chiến sĩ cả nước, cùng với sự cố gắng phấn đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảo Sinh Tồn Đông có bước xây dựng phát triển vượt bậc trên mọi mặt công tác, diện mạo của đảo không ngừng đổi mới, đảo ngày càng vững chắc trên mọi phương diện.

        Trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết khắc phục khó khăn ra sức xây dựng củng cố các lực lượng, không ngừng nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; đời sống mọi mặt của bộ đội được cải thiện nâng cao về chất. Những năm 1991, 1995, đảo liên tục được công nhận là “Đơn vị vững mạnh toàn diện" và năm 2000 đến 2006, nhiều năm đảo được công nhận chi bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, tổ chức quần chúng vững mạnh, đơn vị an toàn tuyệt đồi; được tặng danh hiệu "Đơn vị quyết thắng"; hàng chục tập thể, cá nhân được tặng thưởng Bằng khen, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:10:02 pm

Phần ba

NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU, NGUYÊN NHÂN VÀ TRUYỀN THỐNG  ĐẢO SINH TỒN ĐÔNG

        I. THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

        Trải qua hơn 29 năm kể từ ngày đóng giữ bảo vệ đảo 15 tháng 3 năm 1978, bộ đội Sinh Tồn Đông không ngừng .trưởng thành, xây dựng và phòng thủ đảo ngày càng vững chắc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những thành tích đó thể hiện khái quát trên một số mặt sau đây:

        Một là, 29 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ của quân đội, Quân chủng, của Vùng, Lữ đoàn và đơn vị được thường xuyên giáo dục truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng; trung thành vô hạn với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, lập trường kiên định vững vàng trước mọi hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, phức tạp, luôn luôn nhận thức đúng kẻ thù, xác định rõ đối tượng, đối tác, chấp nhận chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên trì cảnh giác, trên dưới một lòng đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau gắn bó với đảo, với đơn vị, giữ vững ý chí, quyết tâm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ bằng được chủ quyền đảo và phạm vi được phân công; tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường văn hoá, phong trào xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan".

        Hai là, lãnh đạo, chỉ huy các cấp tập trung xây dựng chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên và Hội đồng quân nhân vững mạnh, trong đó lấy xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh làm nòng cốt, xây dựng đội ngũ cán bộ làm khâu then chốt để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Chi bộ thường xuyên được công nhận là tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. Tổ chức Đoàn thanh niên luôn đạt "vững mạnh”, phần lớn là đoàn viên xuất sắc, Hội đồng quân nhân hoạt động hiệu quả, phát huy tốt chức năng nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông chấp hành nghiêm các quy định quan hệ quân dân, thực sự là chỗ dựa tin cậy của ngư dân đánh bắt cá xa bờ; thực hiện đúng đắn các đối sách trên biển, trên không, bảo đảm an ninh, an toàn cho đảo, cho đơn vị.

        Ba là, đảo duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị; quan sát nắm chắc tình hình trên biển, trên không; xử lý đúng đối sách, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống; luyện tập thành thục các phương án chiến đấu và thực hành thường xuyên các cấp báo động chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu phòng thủ. Đảo thường xuyên tu sửa hầm hào, công sự dã chiến, đã đào hàng trăm mét hào giao thông, xây dựng, củng cố hàng trăm mét đường cơ động, đào hàng trăm công sự, hố chiến đấu cá nhân; vận chuyển hàng nghìn tấn nguyên vật liệu xây dựng công trình, khai thác hàng trăm khối đá san hô kè chống xói lở, đóng hàng ngàn bao cát chống nóng cho hầu hết công sự.

        Trong huấn luyện chiến đấu, tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng phương châm phương hướng, đúng, đủ nội dung, thời gian, từng bước nâng cao chất lượng huấn luyện; tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện ban đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp luôn bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ có trình độ thực hành chiến đấu thuần thục, giỏi phần việc chức trách của mình và đủ khả năng kiêm nhiệm ở các vị trí khác khi cần thiết, biết sử dụng nhiều loại vũ khí; luôn bảo đảm cho đảo đủ sức phòng ngự, đánh thắng địch từ xa tới gần, bảo đảm được lực lượng, đủ khả năng đánh liên tục, dài ngày, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua "luyện giỏi, rèn nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao", kết quả huấn luyện luôn luôn giữ vững 100% đạt yêu cầu, có gần 75% khá, giỏi. Đảo thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của các cấp trên và rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong quân đội, Quân chủng và không ngừng tiến bộ về nền nếp, lễ tiết, tác phong trên các mặt công tác của đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ sống đoàn kết, thân ái và kỷ luật.

        Bốn là, công tác kỹ thuật, không ngừng nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Duy trì có nền nếp các chế độ bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật trong ngày, trong tuần. Công tác quản lý sử dụng, cung ứng vật tư ngày càng chặt chẽ; thiết bị bảo quản, cất giữ vũ khí, trang bị từng bước được nâng cấp, hạn chế thấp nhất tác hại do môi trường. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ngày càng được kiện toàn, nâng cao về mọi mặt chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm đáp ứng hiệu quả yêu cầu công tác kỹ thuật. Hàng năm, hệ số kỹ thuật vũ khí, trang bị thường xuyên đạt 0,9, đảm bảo tốt cho các nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đảo...

        Công tác hậu cần, đã duy trì tốt vật chất hậu cần bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên và lượng dự trữ trong các tình huống dự kiến. Đời sống của bộ đội không ngừng được cải thiện về mọi mặt như cả về ăn, mặc, ở và chăm sóc sức khoẻ; đã phát huy hiệu quả phương thức bảo đảm trên, dưới cùng tiến hành, cùng lo. Phong trào tăng gia, sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây xanh trên đảo ngày càng phát huy hiệu quả và thiết thực luôn đạt các chỉ tiêu đề ra, đảm bảo được khoảng 6,5kg rau xanh/người/tháng. Công tác quân y theo dõi, kiểm tra chặt chẽ tình hình sức khoẻ của bộ đội, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, quân số khoẻ đạt từ 98% trở lên. Các công trình phục vụ cho sinh hoạt như nhà ở, bể nước, mạng lưới điện, hệ thống loa truyền thanh, thiết bị vô tuyến được đầu tư xây dựng nâng cấp, ngày càng bảo đảm đầy đủ hơn, tốt hơn cho đời sống của bộ đội.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:11:00 pm

        II. NGUYÊN NHÂN

        Đảo Sinh Tồn Đông đạt được những thành tích nêu trên do nhiều nguyên nhân tập trung vào một số điểm sau đây.

        1. Trước hết bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn sáng tạo kịp thời của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Hải quân, Đảng ủy - chỉ huy Vùng 4 mà thường xuyên, trực tiếp là Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146. Thông qua các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị nhiệm vụ phù hợp với điều kiện đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo của từng thời kỳ. Quan tâm đầu tư đồng bộ bảo đảm cho quá trình xây dựng phòng thủ đảo ngày càng hiệu quả, thiết thực và vững chắc.

        2. Chi bộ đảo luôn quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực tự cường; tinh thần cách mạng tiến công, tích cực chủ động lãnh đạo các mặt công tác trọng tâm của từng thời kỳ, tập trung xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, chi đoàn thanh niên và Hội đồng quân nhân vững mạnh làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng mối đoàn kết thống nhất từ trên xuống, giữa cấp trên và cấp dưới, đảng viên với quần chúng, cán bộ với chiến sĩ, cùng đồng cam cộng khổ quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

        3. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp của đảo đã nêu cao ý chí quyết chiến quyết thắng, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh khắc phục mọi khó khăn vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí, trang bị, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được cải thiện.

        4. Đảo luôn luôn nhận được sự giúp đỡ có hiệu quả của các ngành, các đơn vị, các cơ quan Đảng, Nhà nước và nhân dân các địa phương trong cả nước. Đặc biệt từ năm 1988 đến nay, sự giúp đỡ càng có tác dụng hỗ trợ quan trọng cả vật chất và tinh thần góp phần giảm bớt những khó khăn của đảo, cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

        III. TRUYỀN THỐNG

        Trải qua 29 năm, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông đã lập nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ chủ quyền đảo, xây dựng nên truyền thống rất vẻ vang:

        “Đoàn kết, chủ động
        Khắc phục khó khăn
        Kiên trì cảnh giác
        Giữ vững chủ quyền”

        Truyền thống đó là sự kế thừa truyền thống của Quân chủng, của Vùng 4 và của Lữ đoàn 146 Hải quân Anh hùng. Nó kết tinh những giá trị trong quá khứ, hiện tại và định hướng phát triển tương lai, đồng thời thể hiện được tính đặc thù của nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách.

        Truyền thống đó là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, những người đã để lại nơi đây những năm tháng oanh liệt, đầy kỷ niệm không thể nào quên. Nó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đảo ngày hôm nay và mai sau không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và nhân dân.

        1. Đoàn kết, chủ động là truyền thống tiêu biểu được hình thành và xuyên suốt trong quá trình hơn 29 năm xây dựng và bảo vệ đảo của bộ đội Sinh Tồn Đông.

        Đứng chân ở đảo cách xa bờ hàng trăm hải lý, không có nguồn nước ngọt; thiếu thực phẩm rau xanh, khí hậu thời tiết khắc nghiệt; nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo nặng nề, căng thẳng là những thách thức lớn đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn Đông. Trước khó khăn, gian khổ, ngay từ ngày đầu tiên, cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, siết chặt đội ngũ, đoàn kết xung quanh tổ đảng, chi bộ, kiên cường bám đảo, xây dựng củng cố đơn vị. Chi bộ luôn là trung tâm đoàn kết, phát huy hiệu quả trí tuệ tập thể, chủ động lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trong các thời kỳ.

        Thực hiện đoàn kết rộng rãi các mối quan hệ trong nội bộ đảo với các đảo bạn, các đơn vị xây dựng đảo; với nhân dân sản xuất kinh tế trên biển trên cơ sở vì nhiệm vụ chung, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong tình thương yêu giai cấp, tình đồng chí, đồng đội, truyền thống đồng cam cộng khổ, sướng vui có nhau, gian nan vất vả cùng chia sẻ để xây dựng đơn vị thành một khối thống nhất, vững mạnh về ý chí và hành động, không ngừng nâng cao sức mạnh phòng thủ đảo và khu vực.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:11:21 pm

        2. Khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh là một phẩm chất của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông trở thành truyền thống vẻ vang mang tính đặc thù của các đơn vị trên quần đảo Trường Sa. Có thể nói, sự gian khổ, hy sinh của bộ đội Sinh Tồn Đông khác với sự gian khổ, hy sinh của các lực lượng vũ trang ở mọi miền biên giới, hải đảo trên đất nước ta. Đó là cuộc sống cách biệt với xã hội, với gia đình, kham khổ, thiếu thốn mọi bề, một cuộc sống thường xuyên đối mặt với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu căng thẳng. Đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo biết vượt qua mọi gian nan, hy sinh, mọi nhu cầu riêng tư để giữ vững ý chí chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là đặc điểm bao trùm thể hiện ý chí quyết tâm và trách nhiệm lớn của cán bộ, chiến sĩ đảo đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

        Trong công tác bảo đảm hậu cần, với trí tuệ năng động sáng tạo, bộ đội Sinh Tồn Đông đã có nhiều cố gắng tạo dựng nguồn hậu cần tại chỗ, tổ chức ăn ở phù hợp với thực tế, cùng với sự chi viện, giúp đỡ bảo đảm của trên, đời sống của đảo từng bước giảm bớt được những khó khăn, xây dựng môi trường đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp.

        Trong công tác kỹ thuật, cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn Đông đề cao tinh thần trách nhiệm trong học tập vươn lên quản lý sử dụng tốt vũ khí trang bị, nâng cao trình độ bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa kỹ thuật, giữ gìn vũ khí trang bị, hạn chế tối đa sự xuống cấp do tác động xấu của môi trường, bảo đảm hệ số kỹ thuật đáp ứng cho các yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

        Trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đảo luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới phương pháp huấn luyện, chủ động, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có trên đảo; tích cực tu sửa hầm, hào, công sự, xây dựng kè chống xói lở đảo; vượt lên những cản trở, khó khăn về điều kiện ăn, ở, thiên tai bão, gió, giữ vững nền nếp sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo tuyệt đồi an toàn trong mọi tình huống.

        Khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh của bộ đội Sinh Tồn Đông bắt nguồn từ tình yêu Tổ quốc, lòng trung thành vô hạn với Đảng và nhân dân; từ sự giác ngộ lý tưởng cách mạng sâu sắc, từ ý chí vì độc lập tự do, vì sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mọi cán bộ, chiến sĩ luôn đặt lợi ích của tập thể, của đơn vị lên trên lợi ích cá nhân, sự nhường cơm, sẻ áo vì đồng chí, đồng đội, vì nhiệm vụ chung cao cả.

        Ngày nay, truyền thống khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh tiếp tục được phát huy trong hoàn cảnh mới, là sức mạnh tinh thần to lớn góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        3. Kiên trì cảnh giác là truyền thống vẻ vang mang tính đặc thù của bộ đội quần đảo Trường Sa nói chung và của đảo Sinh Tồn Đông nói riêng.

        Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện xa sự lãnh đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, xa các đảo bạn trong khu vực biển phức tạp, luôn có sự hoạt động thường xuyên của các loại phương tiện nước ngoài và luôn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp xâm chiếm của nước ngoài, song cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ đảo, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có lập trường bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận rõ các âm mưu, thủ đoạn xâm chiếm, lấn chiếm; các mánh khóe khiêu khích, dụ dỗ mua chuộc, kiên trì thực hiện đúng đắn các đối sách, xây dựng đảo an toàn về mọi mặt. 29 năm, qua các thời kỳ lúc khó khăn gian khổ, lúc tranh chấp chủ quyền căng thẳng, quyết liệt, cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn Đông luôn thể hiện lòng kiên trì, cảnh giác cao độ, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu phá hoại, lấn chiếm từ bên ngoài, giữ vững toàn vẹn chủ quyền đảo.

        4. Giữ vững chủ quyền là truyền thống vẻ vang, xuyên suốt 29 năm qua của bộ đội đảo Sinh Tồn Đông. Nó là kết quả của sự đoàn kết, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên trì cảnh giác vượt qua mọi thử thách để xây dựng và bảo vệ vững chắc đảo của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ.

        Truyền thống giữ vững chủ quyền thể hiện sự quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm số 1 là bảo vệ bằng được chủ quyền đảo trong mọi tình huống; luôn luôn nắm chắc tư tưởng chỉ đạo xây dựng, tổ chức lực lượng phòng thủ đảo, thực hiện nghiêm chỉnh các đối sách trên không, trên biển, giữ vững môi trường hoà bình không để xảy ra xung đột, duy trì chặt chẽ chế độ sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện toàn diện, lấy xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh làm cơ sở, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nòng cốt để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện là động lực để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:11:48 pm

        KẾT LUẬN

        Sinh Tồn Đông là một đảo cát san hô nhỏ của quần đảo Trường Sa ở khu vực luôn có những diễn biến căng thẳng, phức tạp. Trải qua 29 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146, được sự đầu tư của Nhà nước; sự giúp đỡ, chi viện của các ngành, các cấp, các đoàn thể và nhân dân các địa phương; sự lao động, đoàn kết phấn đấu học tập, rèn luyện, hy sinh quên mình của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảo Sinh Tồn Đông ngày càng được xây dựng vững chắc; khả năng phòng thủ, sức chiến đấu ngày càng tăng cường. Bộ đội Sinh Tồn Đông đã lập nhiều thành tích xây dựng, bảo vệ đảo, góp phần cùng Lữ đoàn và Quân chủng bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa và xây dựng nên truyền thống của đơn vị hết sức vẻ vang.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, phát huy truyền thống, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Sinh Tồn Đông cần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

        1- Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, đơn vị; âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và những thế lực thù địch. Không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới; kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc và tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng mét san hô, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

        2- Nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu và hành động xâm lấn, phá hoại của kẻ thù. Tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện về mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo.

        3- Tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng thay thế cho nhau khi cần thiết. Trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, có đời sống nội tâm phong phú, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng Anh hùng.

        4- Không ngửng củng cố, nâng cao đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đảo thành khối vững chắc, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân dân một ý chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5- Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng đảng bộ đảo thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        6- Tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược kinh tế biển, dự án đưa dân ra Trường Sa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, đáp ứng niềm tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:16:27 pm
       
(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Truongsa_zpsnnxh1t5z.jpg)
Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề

ĐẢO SINH TỒN XÂY DỰNG CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH 1975-2007

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Sinh%20ton_zpssk8hhojr.jpg)

LỜI NÓI ĐẦU
       
        Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ở biển Đông là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo này.

        Từ tháng 4 năm 1975 đến nay hơn ba mươi năm, Hải quân nhân dân Việt Narn vượt qua biết bao khó khăn, dũng cảm ngoan cường đấu tranh, xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền 9 đảo nổi và 12 đảo chìm trên quần đảo Trường Sa.

        Đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền (Cam Ranh) gần 320 hải lý. Ngày 28 tháng 4 năm 1975, bộ đội ta giải phóng, đóng giữ đảo Sinh Tồn. Hơn 31 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 Hải quân, trực tiếp là Đảng ủy và chỉ huy Lữ đoàn 146, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, bền bỉ khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ hy sinh, xây dựng đơn vị lớn mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với những thành tích đạt được trong xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đảo Sinh Tồn cùng nhiều tập thể và cá nhân được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công; Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng cờ, bằng khen và nhiều danh hiệu cao quý khác.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân, Cục Chính trị phối hợp với Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân tổ chức biên soạn cuốn sách:”Đảo Sinh Tồn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1975-2007)" nhằm tuyên truyền, giáo dục cho quân, dân huyện đảo Trường Sa nói chung, đảo Sinh Tồn nói riêng về lòng yêu nước, ý chí kiên cường xây dựng, bảo vệ đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam của các thế hệ cha, anh, qua đó nâng cao niềm tự hào truyền thống của dân tộc, của đơn vị, không những phấn đấu học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.

        Mặc dù Ban Biên soạn đã có nhiều cố gắng, song do hạn chế về tài liệu lưu trữ, thời gian và khả năng thể hiện, nên cuốn sách không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định, rất mong bạn đọc góp ý kiến, phê bình.

        Cục Chính trị Hải quân xin chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã quan tâm giúp đỡ về mọi mặt, tạo điều kiện để cuốn sách được biên soạn, xuất bản và phát hành đúng theo kế hoạch.

        Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN       

        NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

        CHỦ TỊCH NƯỚC TẶNG THƯỞNG

                + Huân chương Chiến công hạng Nhì, năm 1980.

                + Lẵng hoa Bác Tôn, năm 1980.

                + Huân chương Chiến công hạng Ba, năm 1988.

        THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẶNG

                + Bằng khen, năm 2004 về thành tích đơn vị nhiều năm liền vững mạnh toàn diện.

        TƯ LỆNH HẢI QUÂN TẶNG

                Danh hiệu "Đơn vị quyết thắng" các năm 1976; 1977; 1980; 1981; 1986; 2000; 2001; 2004 và 2005.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:24:54 pm
       
Phần một

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA


Phần hai

QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO SINH TỒN (1975 - 2007)

        I. TIỂU ĐOÀN ĐẢO SINH TỒN VƯỢT QUA MỌI KHÓ KHĂN THỬ THÁCH XÂY DỰNG Ý CHÍ QUYẾT TÂM VỮNG CHẮC, HOÀN THÀNH TỐT NHIỆM VỤ PHÒNG THỦ BẢO VỆ ĐẢO GIAI ĐOẠN 1975 - 1987

        1. Vài nét về điều kiện tự nhiên của đảo Sinh Tồn

        Đảo Sinh Tồn nằm ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách đảo Sinh Tồn Đông khoảng 15 hải lý về phía Tây; toạ độ gần đúng là 9°52'26" vĩ độ Bắc 114°19'10" kinh độ Đông. Đảo chạy dài theo hướng Đông - Tây và nằm trên một nền san hô ngập nước đường kính khoảng gần 2km. Rìa ngoài của nền san hô ngập nước cách bờ đảo từ 300 đến 600 mét. Đảo có chiều dài và chiều rộng ngang nhau, mỗi chiều khoảng 100 mét. Xung quanh đảo có bờ cát rộng từ 5 đến 10 mét; phía hai đầu đảo theo hướng Đông – Tây có hai doi cát. Doi cát phía Đông dài hơn doi cát phía Tây và có kích thước khoảng 140m x 45m, cả hai doi cát này thường di chuyển theo mùa sóng gió. Đất trên đảo là cát san hô nên hầu như không trồng được cây ăn quả, rau xanh, chỉ phù hợp với các loại cây nước lợ như mù u, phong ba, phi lao, rau muống biển, cây bàng vuông, cây bão táp, cỏ dại..., đất qua cải tạo có thể trồng được rau xanh. Đảo không có nước ngọt.

        2. Xây dựng lực lượng, huấn luyện sẵn sàng chiến dấu phòng thủ bảo vệ đảo

        Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, các đảo Trường Sa, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây, Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa do hải quân ngụy Sài Gòn đóng giữ, phòng thủ bảo vệ. Sở chỉ huy địch đặt tại đảo Nam Yết Lực lượng đóng trên đảo Sinh Tồn có khoảng 20 tên là lính bảo an của tỉnh Phước Tuy (miền Nam cũ), vũ khí chủ yếu là súng bộ binh và bố trí công sự dã chiến. Ngoài lực lượng đồn trú trên các đảo, hải quân ngụy thường xuyên có từ 1 đến 2 tàu chiến làm nhiệm vụ tiếp tế và sẵn sàng chiến đấu chi viện đảo. Chu kỳ cứ 3 tháng địch lại tổ chức thay quân trên các đảo.

        Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu, lực lượng đặc công, vận tải Hải quân, có sự tham gia của một bộ phận lực lượng bộ đội Quân khu 5 đã đổ bộ đánh chiếm giải phóng các đảo Song Tử Tây (ngày 14-4-1975), đảo Sơn Ca ngày 26 tháng 4, đảo Nam Yết ngày 27 tháng 4, đảo Sinh Tồn ngày 28 tháng 4 và đảo Trường Sa ngày 29 tháng 4.

        Ngày 28 tháng 4 năm 1975 được xác định là ngày truyền thống của bộ đội đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa.

        Ngay sau khi giải phóng 5 đảo trên quần đảo Trường Sa, Tiểu đoàn 4 thuộc Sư đoàn 2 của Quân khu 5 được giao nhiệm vụ chốt giữ và bảo vệ các đảo này và sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tiểu đoàn 4 chuyển về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân.

        Lực lượng của Tiểu đoàn 4 chốt giữ, bảo vệ đảo Sinh Tồn, gồm 2 trung đội bộ binh và bộ phận thông tin, quân số gần 100 người.

        Sau ngày đất nước thống nhất, nhiệm vụ bảo vệ vùng biển. đảo và thềm lục địa rộng lớn từ Móng Cái đến Hà Tiên của Quân chủng Hải quân trở nên hết sức nặng nề, đòi hỏi phải xây dựng và phát triển rất lớn các thành phần lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu hải quân. Trong đó, quần đảo Trường Sa là một trong những trọng điểm cần tăng cường tổ chức các lực lượng bảo vệ và xây dựng các công trình phòng thủ. Đáp ứng yêu cầu đó, tháng 5 năm 1975, Bộ Tổng Tham mưu điều Trung đoàn 46, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa. Tiểu đoàn 4 được biên chế vào lực lượng của Trung đoàn 46. Tiếp sau đó, ngày 5 tháng 9 năm 1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Lữ đoàn Hải quân đánh bộ 126 làm nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa và sẵn sàng cơ động chiến đấu bảo vệ vùng biển. Lực lượng Lữ đoàn 126 được biên chế từ lực lượng của 2 Trung đoàn 46 và 126 Đặc công Hải quân. Ngày 23 tháng 3 năm 19 76, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục ra quyết định điều động Trung đoàn Công binh 83 thuộc Quân khu 5 về trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân làm nhiệm vụ xây dựng các công trình chiến đấu phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:26:13 pm

        Về tổ chức lực lượng phòng thủ bảo vệ các đảo trên quần đảo Trường Sa, tháng 11 năm 1975, Đoàn cán bộ Quân chủng và Lữ đoàn 126 do đồng chí Đại tá Hoàng Hữu Thái, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu và nghiên cứu tổ chức biên chế các lực lượng phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Trên cơ sở khảo sát nghiên cứu thực tế tình hình các đảo, Quân chủng xác định biên chế tổ chức lực lượng chiến đấu bảo vệ các đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Trường Sa là cấp đại đội tăng cường, còn các đảo Sơn Ca, Sinh Tồn biên chế tổ chức lực lượng cấp đại đội thiếu.

        Thời kỳ đầu tiếp quản, chốt giữ bảo vệ đảo Sinh Tồn, hầu hết cán bộ, chiến sĩ là những cựu binh đã trải qua chiến đấu trên các chiến trường đất liền Quân khu 5 ác liệt, có bản lĩnh chiến đấu vững vàng và dày dạn kinh nghiệm. Chuyển sang làm nhiệm vụ mới sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ đảo xa bờ, bảo vệ chủ quyền của đất nước trong một không gian, môi trường hoạt động cách biệt với đất liền, với xã hội, điều kiện sống gặp muôn vàn trở ngại, không có rau xanh, thiếu nước ngọt, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đời sống văn hoá, tinh thần gần như không có gì, họ không khỏi ngỡ ngàng. Mặc dù mới lạ và đầy khó khăn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn 4, chi bộ, chỉ huy đảo Sinh Tồn đã nêu cao ý chí tìm mọi biện pháp, quyết tâm lãnh đạo đơn vị khắc phục giảm bớt đi những thiếu thốn để đảm bảo đời sống, duy trì các hoạt động, hoàn thành tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ bằng được chủ quyền đảo, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mới giành lại được sau 30 năm chiến đấu hy sinh, gian khổ.

        Đại đội Sinh Tồn khẩn trương bắt tay vào thu dọn chiến trường, sắp xếp nơi ăn, chốn ở, nghiên cứu địa hình trên đảo, xây dựng các phương án tác chiến phòng thủ đảo; tổ chức tu sửa củng cố các công sự cũ, xây dựng thêm các công sự trận địa mới, các chòi canh gác, trạm quan sát và triển khai lực lượng canh gác tuần tra ngày đêm đảm bảo cho việc kịp thời phát hiện, đánh trả ngăn chặn mọi hành động xâm nhập đảo của bọn phản động trong nước và gián điệp biệt kích nước ngoài.

        Năm 1975-1976, đảo Sinh Tồn tập trung vào công tác quan trọng hàng đầu là tuần tra, canh gác, quan sát ngày đêm 24/24 giờ, thực hiện chế độ sẵn sàng chiến đấu, trực ban, trực chỉ huy, giữ vững thông tin liên lạc với các đảo, với Sở chỉ huy Lữ đoàn và Quân chủng. Chỉ huy đảo dự kiến các tình huống địch đổ bộ tấn công đảo, nghiên cứu cách đánh phòng thủ cả ban ngày và ban đêm, trên cơ sở đó xây dựng nội dung huấn luyện theo các phương án tác chiến của đơn vị. Thời kỳ này công tác bảo quản vũ khí trang bị, phòng chống cháy nổ được đại đội hết sức chú trọng, duy trì tốt tình trạng kỹ thuật, vũ khí trang bị đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

        Công tác bảo đảm hậu cần là vấn đề lớn và cũng là vấn đề khó khăn thường nhật của bộ đội Sinh Tồn. Các nguồn thực phẩm, lương thực và nước ngọt đều do đất liền cung cấp. Khó khăn lớn nhất là thiếu nước ngọt, rau xanh và lượng nước ngọt cung cấp cho ăn uống sinh hoạt và dự trữ cho đảo chủ yếu trông chờ vào nguồn nước trong bờ cung cấp do các tàu vận tải chở ra, chứa trong các tác sắt có thể tích vài chục khối, nên chỉ đáp ứng cho nhu cầu ăn, uống của đơn vị là chính. Vào mùa mưa thì còn tranh thủ hứng được nước mưa nhưng sang mùa khô thì rất thiếu. Để đảm bảo nước hàng ngày phục vụ cho đời sống của bộ đội, đại đội đề ra các quy định rất chặt chẽ định mức sử dụng nước hàng ngày của mỗi cán bộ, chiến sĩ và ở các bộ phận. Về rau xanh, đơn vị nỗ lực cải tạo đất, thu gom nguồn phân chim, rác trên đảo làm thành các khu vườn cây trồng bí song cũng chi cải thiện được chút ít về nhu cầu rau ăn hàng ngày của bộ đội. Đảo tích cực tổ chức đánh bắt hải sản, đây là nguồn thực phẩm tươi rất quan trọng nâng cao chất lượng bữa ăn của bộ đội. Ngoài việc tích cực các biện pháp tăng gia, khai thác hải sản tại chỗ, bộ đội đảo Sinh Tồn còn được sự chi viện giúp đỡ của các đảo bạn. Thời gian này, đảo Trường Sa có nguồn trứng chim tự nhiên dồi dào và trồng được rau xanh thu hoạch khá hơn các đảo khác, nên mỗi lần có tàu vận tải ra công tác ngoài đảo, anh em đảo Trường Sa lại gửi trứng chim, rau xanh, còn đảo Nam Yết thì gửi hạt giống rau bí cho đảo Sinh Tồn trong tình cảm thương yêu đồng chí, đồng đội đồng cam cộng khổ hết sức cảm động.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:26:49 pm

        Về mặc, do khí hậu nóng ẩm, hơi sương muối có độ mặn cao nên quần áo của bộ đội rất mau mục, rách. Để có đủ quần áo công tác, anh em ở đảo khắc phục tự tìm cách khâu, vá tay. Cuối năm 1975, đoàn cán bộ của Quân chủng và Lữ đoàn 126 ra kiểm tra tình hình thực tế của đảo. Đoàn rất xúc động, cảm phục và đánh giá cao ý chí khắc phục khó khăn, chịu đứng gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ của bộ đội đảo Sinh Tồn. Trưởng đoàn Quân chủng đã biểu dương và động viên bộ đội đảo Sinh Tồn tiếp tục phát huy tinh thần sáng tạo khắc phục khó khăn, bảo đảm đời sống; duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược của Quân chủng giao cho.

        Từ năm 1976, Quân chủng bắt đầu triển khai các kế hoạch xây dựng, phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa với tinh thần quyết tâm là: “Khẩn trương tập trung tăng cường khả năng phòng thủ cho các đảo về mọi mặt và huy động lực lượng trong Quân chủng với các lực lượng thác tích cực chi viện cho đảo đảm bảo sẵn sàng chiến đấu cao, không bị địch đánh bất ngờ".

        Thực hiện quyết tâm trên, Quân chủng nhanh chóng trang bị cho đảo pháo mặt đất, pháo phòng không và các loại hoả khí bộ binh bắn thẳng để tăng cường hoả lực chống địch đổ bộ đường biển, tập kích đường không vào đảo.

        Tháng 4 năm 1976, Quân chủng tổ chức diễn tập thực binh đổ bộ chi viện bảo vệ quần đảo Trường Sa để trên cơ sở thực tế đó tiếp tục hoàn chỉnh một bước xây dựng phương án phòng thủ và chi viện bảo vệ đảo. Cũng tháng 4 năm 1976, Bộ Tổng Tham mưu phê chuẩn “Kế hoạch Z76" xây dựng các công trình chiến đấu phòng thủ trên quần đảo Trường Sa. Kế hoạch này được giao cho Trung đoàn Công binh 83 thi công ngay từ năm 1976.

        Tháng 5 năm 1976, đoàn cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu do Thiếu tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình phòng thủ quần đảo Trường Sa và khảo sát một số đảo ta chưa tổ chức chốt đóng để xây dựng kế hoạch bảo vệ các đảo này trong những năm sau đó.

        Thực hiện kế hoạch thay quân của Quân chủng, tháng 5 năm 1976, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn thuộc Tiểu đoàn 4 trước đây được thay thế lực lượng mới của Lữ đoàn 126. Gần 100 cán bộ, chiến sĩ tiếp quản, bảo vệ đảo Sinh Tồn từ ngày 28 tháng 4 năm 1975 được trở về bờ. Phần lớn số cán bộ, chiến sĩ này theo nguyện vọng được giải quyết chính sách phục viên, chuyển ngành, tiếp tục tham gia xây dựng đất nước trong hoàn cảnh mới.

        Lực lượng phòng thủ mới thay thế bảo vệ đảo Sinh Tồn nhanh chóng kiện toàn biên chế tổ chức các phân đội pháo mặt đất, phòng không và bộ binh, các bộ phận phục vụ; tiếp tục xây dựng hoàn thiện các phương án chiến đấu và bắt tay vào huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật phòng thủ đảo.

        Tháng 5 năm 1977, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn vui mừng đón đoàn cán bộ của Quân chủng do đồng chí Thiếu tướng, Tư lệnh Giáp Văn Cương và đồng chí Thiếu tướng, Chính ủy Hoàng Trà dẫn đầu đến kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đây là lần đầu tiên đồng chí Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng đi nắm tình hình trên đảo Sinh Tồn. Sau khi kiểm tra các mặt hoạt động của đơn vị, khảo sát, nghiên cứu thực địa, đồng chí Tư lệnh kết luận và quyết định một loạt vấn đề mới về cách đánh phòng thủ bảo vệ đảo, về biên chế trang bị vũ khí cho đảo, về tổ chức lực lượng chiến đấu... Đồng chí xác định hình thức tổ chức đảo Sinh Tồn tương đương cấp tiểu đoàn (thiếu) biên chế gồm 2 phân đội hoả lực và bộ binh, cùng bộ phận phục vụ thông tin, ra đa và hàng năm cán bộ, chiến sĩ được giải quyết chế độ đi phép, không thực hiện chế độ thay quân mỗi năm một lần.

        Thực hiện quyết định của Tư lệnh Tiểu đoàn, đảo Sinh Tồn khẩn trương được điều chỉnh về lực lượng, trang bị vũ khí, điều chỉnh bổ sung các phương án tác chiến, bố trí các trận địa dã chiến, tổ chức các cụm chiến đấu phòng thủ trên các hướng, xây dựng kế hoạch huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành thông tin, công binh, hậu cần, súng pháo, kế hoạch huấn luyện chiến thuật cá nhân, tổ chiến đấu và toàn đảo chiến đấu.

        Sau chuyến kiểm tra tình hình phòng thủ 5 đảo trên quần đảo Trường Sa của đồng chí Tư lệnh và Chính ủy Quân chủng, cuối năm 1977 tổ chức lực lượng bảo vệ Trường Sa cũng có sửa thay đổi rất cơ bản. Xuất phát từ vị trí có ý nghĩa chiến lược của Quần đảo Trường Sa và yêu cầu nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ quần đảo, Quân chủng chủ trương tách một bộ phận lực lượng, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 46 cũ của Lữ đoàn 126 tổ chức thành một trung đoàn trực thuộc Quân chủng chuyên trách làm nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ Trường Sa. Theo đề nghị của Quân chủng, ngày 8 tháng 5 năm 1978, Bộ trưởng Quốc phòng ra Quyết định số 391/QĐ-QP thành lập Trung đoàn 146 phòng thủ Trường Sa. Đồng chí Trung tá Cao Ánh Đăng, nguyên Lữ phó 126, được bổ nhiệm chức Trung đoàn trưởng; đồng chí Trung tá Vũ Quang Chinh là Chính ủy Trung đoàn. Ngày 12 tháng 2 năm 1979, Trung đoàn 146 được Bộ Quốc phòng nâng cấp thành Lữ đoàn 146 và đến tháng 6 năm 1981, Bộ Tổng Tham mưu quyết định chuyển Lữ đoàn 146 về trực thuộc Vùng 4 Hải quân.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:27:07 pm

        Đầu năm 1978, tình hình trên khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến mới phức tạp. Tháng 2 năm 1978, Philíppin đưa quân ra chiếm đóng đảo Ponata, đồng thời tăng cường các hoạt động thăm dò, trinh sát quanh khu vực các đảo của ta đang đóng giữ. Trước tình hình đó, Quân chủng một mặt tập trung lực lượng tàu vận tải, tàu đánh cá của Trung đoàn 125, 128, lực lượng đảo của Lữ đoàn 146, Công binh của Trung đoàn 83 ra đóng giữ bảo vệ các đảo Trường Sa Đông. Sinh Tồn Đông, Phan Vinh, An Bang và bãi đá ngầm Thuyền Chài. (Riêng đóng giữ bảo vệ đảo Thuyền Chài do điều kiện bảo đảm cho sinh hoạt của bộ đội trên đảo này gặp nhiều khó khăn nên một thời gian sau đó ta rút bộ đội ở đảo này về bờ). Mặt khác, chỉ thị cho các đơn vị đang đóng giữ đảo đẩy mạnh các hoạt động sẵn sàng chiến đấu cao, quan sát nắm chắc tình hình trên biên, sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm đánh thắng ngay từ trận đầu nếu nước ngoài tiến công đảo.

        Cũng trong thời gian này, từ ngày 14 tháng 4 đến 21 tháng 5 năm 1978, Quân chủng tổ chức một đoàn cán bộ gồm có các thành phần của Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật và Trung đoàn 146 do đồng chí Tư lệnh và Chính ủy làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện của các đảo.

        Ngày 27 tháng 4 năm 1978, tàu 608 và 610 của Đoàn 125 chở đoàn cán bộ Quân chủng cập đảo Sinh Tồn. Đi theo đoàn có đội văn nghệ quần chúng của Hạm đội 171 và đội chiếu phim của Cục Chính trị ra phục vụ bộ đội đảo. Đây là lần đầu tiên bộ đội đảo Sinh Tồn được xem biểu diễn văn nghệ và xem chiếu bóng trên đảo. Hai ngày 28, 29 tháng 4, Đoàn Quân chủng đã được nghe chỉ huy đảo báo cáo tình hình và kết quả hoạt động trên các mặt của đảo trong năm vừa qua. Sau đó, đoàn đi kiểm tra địa hình, trận địa; báo động kiểm tra sẵn sàng chiến đấu của đảo và bắn đạn thật của một số khẩu đội pháo phòng không pháo mặt đất, súng bộ binh (AK). Kết quả kiểm tra các mặt, đảo đều đạt yêu cầu trở lên. Qua nắm tình hình và kiểm tra thực tế, đồng chí Tư lệnh đã kết luận đánh giá đảo Sinh Tồn sau một năm kiện toàn biên chế tổ chức lực lượng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đã có nhiều tiến bộ trên nhiều mặt bảo đảm đời sống và sẵn sàng chiến đấu, đã xây dựng được phương án tác chiến, tổ chức huấn luyện đi vào nền nếp, trình độ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội được nâng lên, duy trì nghiêm các chế độ trực chiến đấu, tuần tra, canh gác ngày đêm, theo dõi và nắm chắc tình hình mặt biển. Các công trình chiến đấu dã chiến, bán kiên cố xây dựng đúng kế hoạch, đáp ứng được yêu cầu chiến đấu trước mắt. Về phương hướng, đồng chí Tư lệnh nhấn mạnh, đảo Sinh Tồn cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng và củng cố các công trình chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện bộ đội, thuần thục các phương án đánh địch ban ngày, ban đêm và trong mọi tình huống.

        Những năm tiếp theo 1979-1987, vũ khí trang bị mới tiếp tục được bổ sung, khả năng và sức phòng thủ của đảo không ngừng được nâng lên. Trong đó, có sự giúp đỡ to lớn của Hải quân Liên Xô.

        Tháng 4 năm 1980, Bộ Tổng Tham mưu đã cử đoàn cố vấn quân sự Liên Xô gồm có các chuyên gia lục quân, pháo binh, hải quân do Đại tá Hải quân Len Kốp làm Trưởng đoàn và Đoàn cán bộ Bộ Tham mưu Hải quân do đồng chí Đại tá Bùi Uỷ làm Trưởng đoàn đi khảo sát thực tế, nghiên cứu quần đảo Trường Sa. Giữa tháng 4 năm 1980, Đoàn cố vấn và Đoàn Bộ Tham mưu đến nghiên cứu đảo Sinh Tồn. Tại Sinh Tồn, đoàn được nghe chỉ huy đảo báo cáo kế hoạch phòng thủ của đảo, đi xem xét thực địa, thực hành diễn tập chiến đấu bảo vệ đảo và bắn đạn thật kiểm tra một số loại vũ khí. Các đồng chí trong đoàn cố vấn rất cảm động trước ý chí quyết tâm vững chắc và tinh thần tự lực, tự cường vượt lên mọi nỗi gian khổ vất vả, chịu đựng hy sinh khắc phục khó khăn của cán bộ, chiến sĩ trong xây dựng và bảo vệ đảo - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí trưởng đoàn phát biểu khẳng định sự giúp đỡ tích cực của Hải quân Liên Xô nhằm nhanh chóng tăng cường sức phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Sinh Tồn nói riêng.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:27:29 pm
 
        Thực hiện kế hoạch tăng cường sức phòng thủ bảo vệ đảo, xây dựng cách đánh địch từ xa, từ nơi xuất phát tấn công đảo, từ năm 1981 đến 1987, đảo Sinh Tồn tiếp tục được bổ sung các loại vũ khí trang bị thích hợp, tăng cường hoả lực tầm xa, đẩy mạnh công tác nắm địch, quan sát phát hiện địch từ xa. Để phù hợp với cách đánh, cơ cấu tổ chức lực lượng chiến đấu phòng thủ đảo Sinh Tồn cũng thay đổi, thành lập tiểu đoàn hỗn hợp (thiếu), mang phiên hiệu Tiểu đoàn 5 gồm các lực lượng pháo binh, pháo cao xạ, bộ binh, quân số từ 84 người phát triển lên 157 cán bộ chiến sĩ. Thời kỳ này, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu luôn luôn là công tác quan trọng hàng đầu của đơn vị Tiểu đoàn thực hiện nghiêm chỉ lệnh huấn luyện hàng năm của Lữ đoàn giao cho. Trong đó, chú trọng công tác huấn luyện cán bộ; huấn luyện chiến thuật, bộ binh, kỹ thuật cá nhân, hiệp đồng chiến đấu tiểu đội, trung đội, đại đội bảo đảm cho bộ đội thuần thục các phương án chiến đấu ban ngày, ban đêm, sử dụng thành thạo từ 1 đến 2 loại vũ khí. Đặc biệt thực hành bắn đạn thật luôn là nội dung trọng tâm số một của đảo nhằm đánh giá đúng thực chất chất lượng huấn luyện và trình độ chiến đấu của đơn vị. Trên cơ sở đó đảo xây dựng các chỉ tiêu, quyết tâm phấn đấu nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu, đánh thắng địch ngay từ trận đầu. Bởi vậy, hàng năm 100% các loại hoả khí của các đại đội đều được tham gia bắn đạn thật. Kết quả kiểm tra bắn đạn thật hàng năm đảo thường xuyên có trên 90% đạt yêu cầu, trong đó có trên 50% khá, giỏi. Để bảo đảm đủ điều kiện, khả năng sẵn sàng chiến đấu tốt, số lượng, chất lượng bộ đội luôn được điều chỉnh thường trực tại đảo có 1/3 quân số bộ đội một tuổi quân, 1/3 quân số bộ đội 2 tuổi quân và 1/3 quân số bộ đội 3 tuổi quân. Chiến sĩ mới bố trí một lần đi phép năm ở ngoài đảo và một lần ở trong bờ, sau đó ra quân trở về địa phương.

        Đi đôi với phát triển lực lượng chiến đấu, hệ thống công sự, trận địa phòng ngự trên đảo Sinh Tồn không ngừng được củng cố, nâng cấp chất lượng. Giai đoạn từ năm 1976 đến 1981 xây dựng hệ thống công sự phòng thủ dã chiến và bán kiên cố, từ năm 1981 đến năm 1986 từng bước nâng cấp xây dựng các công trình kiên cố, lâu bền bao gồm hệ thống lô cốt, hầm chỉ huy, hầm trú ẩn, hầm thông tin, quân y...

        Xây dựng công trình bán kiên cố và kiên cố do Trung đoàn Công binh 83 và Công binh Vùng 4 đảm nhiệm. Từ năm 1976 đến 1984, bộ đội công binh đã nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn về điều kiện ăn, ở, phương tiện, vận chuyển ra đảo hàng trăm khối cấu kiện bê tông, hàng nghìn tấn vật liệu, tranh thủ mùa khô tập trung lực lượng thi công. Đến cuối năm 1984, Trung đoàn 83 cơ bản đã hoàn thành xây dựng xong các công trình trên đảo Sinh Tồn. Còn một số hạng mục được bàn giao cho Tiểu đoàn 1 Công binh Vùng 4 thực hiện.

        Đi đôi với xây dựng các công trình bán kiên cố, lâu bền, các công trình dã chiến gồm hào giao thông, hầm pháo, đường cơ động trên đảo do Tiểu đoàn Sinh Tồn đảm nhiệm thi công. Từ năm 1976 đến 1986, bộ đội đã đào, kè và thường xuyên củng cố hơn 1.000 mét hào, gần 1.000 mét đường cơ động liên hoàn quanh đảo, làm được hàng chục hầm pháo, hố chiến đấu phục vụ tốt cho các hoạt động huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu của đơn vị.

        3. Công tác bảo đảm kỹ thuật hậu cần cho nhiệm vụ xây dựng phòng thủ bảo vệ đảo

        Tiến hành công tác kỹ thuật đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ bảo vệ đảo Sinh Tồn trong điều kiện hoạt động ở xa đất liền, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, độ ẩm cao, nhiều sương muối, mưa, bão lớn kéo dài 4, 5 tháng trong năm, thiếu các cơ sở kỹ thuật bảo đảm là một trở ngại rất lớn cho việc duy trì hệ số kỹ thuật, súng pháo, đạn dược, trang bị khí tài phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng ủy Lữ đoàn về công tác kỹ thuật, sự hướng dẫn của ngành kỹ thuật, chi bộ và chỉ huy đảo Sinh Tồn tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện các mặt công tác kỹ thuật, trong đó xác định công tác bảo quản, bảo dưỡng là trọng tâm của công tác kỹ thuật. Hàng năm, 'chi bộ và chỉ huy tiểu đoàn tổ chức tốt việc giáo dục nâng cao nhận thức của bộ đội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kỹ thuật đối với các nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ bảo vệ đảo, đồng thời tìm các biện pháp để hạn chế sự xuống cấp của vũ khí trang bị. Đội ngũ cán bộ các cấp từ khẩu đội trưởng trở lên đề cao trách nhiệm, tích cực đôn đốc và tổ chức tiến hành công tác kỹ thuật, duy trì các chế độ bảo quản, bảo dưỡng. Hàng năm, 100% các loại hoả khí của đảo được đưa vào diện thực hành bắn đạn thật vừa là biện pháp đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng huấn luyện, vừa là điều kiện thúc đẩy công tác bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ, duy trì hệ số kỹ thuật súng pháo, đạn dược phục vụ cho các nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của đơn vị.

        Về mùa mưa bão, đảo chủ động tu sửa chống dột, chống ngập nước cho các hầm cất giấu vũ khí, các kho dự trữ chiến đấu.

        Mặc dù có nhiều cố gắng, song công tác bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật chỉ hạn chế được một phần sự xuống cấp nhanh chóng của vũ khí, trang bị, bởi thực tế rất khách quan là môi trường quá khắc nghiệt và hạ tầng cơ sở kỹ thuật thời kỳ này chủ yếu mang tính chất dã chiến, bán kiên cố.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:29:42 pm

        Về công tác bảo đảm hậu cần, thời kỳ 1976-1987, bộ đội đảo Sinh Tồn cũng như các đảo khác trong quần đảo Trường Sa gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, điều kiện ăn, ở dã chiến, tạm bợ, điều kiện tự nhiên môi trường, thời tiết khắc nghiệt. Lúc này, chưa có các chế độ chính sách bảo đảm chó bộ đội Trường Sa. Ngoài 45% phụ cấp khu vực, bộ đội ở đảo không được bổ sung các nhu cầu về ăn, mặc, bảo đảm sức khoẻ. Bởi vậy, đời sống của bộ đội rất thiếu thốn, ăn. ở, sinh hoạt rất gian khổ, trong khi đó nhiệm vụ trên giao luôn nặng nề, căng thẳng. Hàng năm, các đoàn cán bộ của Quân chủng của Vùng và Lữ đoàn ra kiểm tra các mặt công tác của đơn vị đều có chung nhận xét “đời sống của bộ đội đảo quá khó khăn". Bộ đội luôn luôn trong tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước ngọt, rau xanh, thiếu thông tin. Thấu hiểu nỗi gian nan vất vả của bộ đội ở đảo, ngay từ năm 1979 và những năm sau này, Quân chủng đã nhiều lần đề nghị về việc nghiên cứu tăng cường công tác bảo đảm hậu cần để cải thiện đời sống cho bộ đội Trường Sa. Song hoàn cảnh kinh tế của đất nước thời kỳ này cũng đang gặp khó khăn, hơn nữa công tác bảo đảm hậu cần cho Trường Sa mang tính đặc thù, là vấn đề mới mẻ nên không thể một sớm, một chiều đáp ứng và giải quyết được mọi vấn đề trong công tác bảo đảm đời sống.

        Không ỷ lại khó khăn, chấp hành sự lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn về công tác hậu cần, sự chỉ đạo của ngành hậu cần, chi bộ, chỉ huy đảo Sinh Tồn đề cao trách nhiệm chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, luôn chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn của Lữ đoàn tìm mọi biện pháp lãnh đạo đơn vị nỗ lực khắc phục để giảm bớt những khó khăn, thiếu thốn, từng bước cải thiện đời sống của bộ đội.

        Về trồng rau xanh, đây là một công tác quan trọng trong tăng gia sản xuất bảo đảm đời sống và sức khoẻ bộ đội nhưng cũng là vấn đề phức tạp. Đất ở đảo là cát san hô, muốn trồng được rau xanh phải mất rất nhiều công sức cải tạo. Còn thời tiết, mùa khô thì thiếu nước ngọt, mùa mưa thì thường xuyên có bão và gió lớn quanh năm. Với quyết tâm cao, đảo tổ chức cải tạo đất, tìm nguồn giống rau chủ yếu là bầu, bí phù hợp với môi trường đảo; phát động phong trào thi đua trồng rau xanh ở tất cả các đơn vị, bộ phận trên đảo; đề ra các chỉ tiêu phấn đấu một tuần bộ đội có từ 2 đến 4 bữa cơm có rau xanh. Bởi vậy, hàng năm đảo thu hoạch được gần 2 tấn rau xanh (chủ yếu là bầu, bí), giải quyết được một phần quan trọng vào đảm bảo chất lượng bữa ăn, duy trì sức khoẻ của bộ đội.

        Cùng với tăng gia rau xanh, đảo tích cực đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia cầm, gia súc, bổ sung rất đáng kể nguồn thực phẩm tươi sống cho bộ đội.

        Về nước ngọt phục vụ ăn uống và sinh hoạt của bộ đội cũng là vấn đề nan giải. Những năm 1978- 1984, đảo được trên cấp bổ sung các téc chứa nước và xây mới thêm bể cố định. Hệ thống chứa nước ngọt của đảo khoảng 160m3 phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt hàng ngày và dự trữ. Về mùa mưa, anh em tận dụng nguồn nước tự nhiên nhưng về mùa khô thì luôn trong tình trạng thiếu nước. Nước ngọt từ bờ do tàu chở ra đảo hàng năm chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu của bộ đội. Chất lượng nước chứa trong các téc sắt không bảo đảm vệ sinh do téc bị ôxy hoá, phải lọc mới dùng được. Việc quản lý sử dụng nước được quy định rất chặt chẽ, phân phối tính theo tiêu chuẩn đầu người sử dụng hàng ngày, cấp phát bằng can nhựa loại 10 lít, 20 lít cho các tiểu đội và bộ phận. Khó khăn là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ luôn thể hiện ý thức tự giác chấp hành, cùng nhau chia sẻ chấp nhận sự thiếu thốn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

        Từ năm 1980, hậu cần Lữ đoàn cấp cho đảo bếp dầu hóa hơi, đây là một sự năng động, sáng tạo và rất thực tế của Phòng Hậu cần Lữ đoàn. Sử dụng bếp dầu hoá hơi đã khắc phục được tình trạng về mùa mưa, bão, gió thổi mạnh làm bếp than, bếp củi nấu không chín gạo và thức ăn, bộ đội thường xuyên phải ăn cơm sống, cơm khê, nên tỷ lệ mắc bệnh đường ruột rất cao.

        Về bảo đảm quân trang, sống trong môi trường tự nhiên, mùa khô nắng như đổ lửa, mùa mưa triền miên những trận mưa kéo dài, bộ đội hoạt động căng thẳng, vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa tham gia xây dựng củng cố công sự, trận địa, tăng gia sản xuất nên quần áo rất mau rách. Đảo tổ chức bộ phận may vá, sửa chữa quần áo, máy may, vật tư do hậu cần Lữ đoàn cung cấp. Mỗi năm trung bình đảo sửa chữa được gần 100 bộ quần áo, may vá 200 quần, áo, cơ bản khắc phục được tình hình bộ đội thiếu quần áo, phải mặc quần áo rách.

        Bộ phận quân y tích cực tham mưu cho chỉ huy đảo chỉ đạo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, theo dõi về quản lý chặt chẽ tình hình sức khoẻ của bộ đội, hạn chế được các dịch bệnh. Song, thời kỳ này do điều kiện ăn uống sinh hoạt kham khổ cùng với sự tác động của thời tiết khí hậu, bộ đội đảo Sinh Tồn thường hay mắc bệnh đường ruột, bệnh ngoài da, tê phù, viêm đại tràng... Tổ quân y đã tiến hành nhiều biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh, xử lý giải quyết kịp thời hàng trăm ca cấp cứu trong khả năng chuyên môn cấp trên quy định, duy trì quân số khoẻ của đơn vị trên 90%.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:30:30 pm

        4. Công tác đảng, công tác chính trị góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo

        Từ năm 1975 đến 1987, quy mô tổ chức đảng của đảo Sinh Tồn là cấp chi bộ cơ sở, dưới chi bộ là các tổ đảng đại đội hoả lực, bộ binh và tổ đảng đảo bộ. Tỷ lệ lãnh đạo khoảng từ 9 đến 12%. Quán triệt nghị quyết của Đảng ủy Lữ đoàn, nắm chắc yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, chi bộ không ngừng củng cố, nâng cao sức lãnh đạo các nhiệm vụ xây dựng, phòng thủ đảo, đi sâu lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trong đó đặc biệt là vai trò lãnh đạo của cấp ủy và tổ đảng trong các nhiệm vụ cụ thể của đơn vị. Cán bộ, đảng viên luôn thể hiện tiên phong trong mọi công việc, mọi hoàn cảnh gian khổ, khó khăn nhất, là tấm gương để lôi cuốn, khích lệ quần chúng noi theo.

        Xây dựng các tổ chức đảng vững mạnh là công tác quan trọng hàng đầu của chi bộ để đảm bảo sức lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hàng năm, Sau các đợt thay quân, thay cán bộ, chi bộ luôn được kiện toàn về số lượng, chất lượng đảng viên, gối đầu, đan xen đảng viên cũ đảng viên mới đi đôi với phát triển kết nạp đảng viên mới đê đảm bảo đủ năng lực, sức chiến đấu trong lãnh đạo các nhiệm vụ của đơn vị. Hàng năm chi bộ kết nạp được từ 2 đến 3 đảng viên mới. Từ năm 1975 đến 1980, chi bộ luôn đạt chỉ tiêu chi bộ vững mạnh, lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhân dịp đầu Xuân mới năm 1980, đảo Sinh Tồn vinh dự được Bác Tôn tặng lẵng hoa. Cũng năm 1980, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì về thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ đảo.

        Giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng luôn luôn là vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác chính trị, chi bộ và chỉ huy đảo bám sát sự chỉ đạo của trên và thực tế tình hình của đảo, đi sâu quán triệt đường lối của Đảng, Nhà nước về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của đơn vị; đi sâu giáo dục bộ đội nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm xây dựng đơn vị, xây dựng ý chí quyết tâm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo; động viên tinh thần đoàn kết, thương yêu chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau gắng sức vượt qua mọi khó khăn, nêu cao ý chí tự lực, tự cường. Đặc biệt đảo hết sức chú trọng công tác giáo dục cán bộ, đảng viên, chiến sĩ về ý thức chấp hành kỷ luật quân đội và chấp hành các quy định của Lữ đoàn.

        Những năm 1975-1987, đời sống văn hoá, tinh thần của bộ đội vô cùng thiếu thốn. Báo chí sáu tháng một lần chuyển ra, rađiô cả đảo được cấp 3 chiếc, chất lượng kém, hay hỏng hóc do môi trường ẩm, nhiều hơi nước mặn. Từ năm 1982, hàng năm Quân chủng cử đội văn nghệ xung kích ra đảo phục vụ bộ đội một lần và Vùng 4 hàng năm đưa đội chiếu bóng ra phục vụ đảo. Năm 1984, đảo được trên đầu tư xây dựng tủ sách, các năm sau từng bước bổ sung số lượng hình thành thư viện của đảo sau này, đáp ứng nhu cầu đọc sách nâng cao nhận thức và bồi dưỡng tâm hồn cao đẹp cho bộ đội.

        Giai đoạn này, Bộ Quốc phòng chưa có chủ trương luân phiên cán bộ Trường Sa, nên các đồng chí cán bộ xác định tư tưởng gắn bó công tác lâu dài với đảo, với lữ đoàn. Đội ngũ cán bộ đảo Sinh Tồn là các sĩ quan ở các đơn vị lục quân chuyển sang; các sĩ quan mới tốt nghiệp các trường quân sự, chính trị, kỹ thuật, hậu cần được bổ sung cho đảo. Phần lớn là những cán bộ trưởng thành đã trải qua nhiều năm gắn bó với các đơn vị trên quần đảo Trường Sa, đã trải qua thử thách của cuộc sống, kham khổ ở đảo, dày dạn kinh nghiệm trên các mặt công tác, luôn luôn thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, luôn giữ vững ý chí chiến đấu, lập trường kiên định, có quyết tâm cao để hoàn thành nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ của đảo kể từ tiểu đội trưởng trở lên được chú trọng bồi dưỡng nâng cao về mọi mặt nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực chỉ huy, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng đơn vị.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:30:52 pm

        Đoàn viên, thanh niên của đảo Sinh Tồn chiếm trên 80% quân số. Toàn đảo thành lập một liên chi đoàn, gồm 3 chi đoàn (chi đoàn đảo bộ, chi đoàn đại đội hỏa lực và chi đoàn bộ binh). Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, liên chi đoàn tổ chức tốt các phong trào thi đua, xung kích trong các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; trong các phong trào tăng gia, sản xuất văn hoá, thể thao. Đặc điểm giai đoạn này, bộ đội ra đảo làm nhiệm vụ có tỷ lệ thanh niên chưa là đoàn viên chiếm khá cao. Sau khi ra đảo, số thanh niên chưa là đoàn viên tiếp tục được chi bộ bồi dưỡng, giáo dục mục tiêu, lý tưởng của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, định hướng họ phấn đấu gia nhập tổ chức đoàn. Hàng năm các chi đoàn đảo kết nạp được hàng chục đoàn viên mới. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, hầu hết số thanh niên chưa là đoàn viên đều phấn đấu được đứng trong đội ngũ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, nhiều đồng chí đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, được cử đi đào tạo cán bộ phục vụ lâu dài trong quân đội. Trước khi rời đảo trở về địa phương, các đồng chí đoàn viên đều phát biểu cảm tưởng nói lên niềm tự hào đã có những năm tháng tuổi trẻ sôi nổi được sống, học tập và công tác ở đảo tiền tiêu, nơi đầu sóng ngọn gió, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trở về địa phương, họ là những nhân tố tích cực tiếp tục phấn đấu học tập, xây dựng quê hương đất nước.

        Ngày 28 tháng 2 năm 1982, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định sáp nhập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai cũ vào tỉnh Phú Khánh (sau này là tỉnh Khánh Hoà). Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn tiếp tục được sự chăm lo, đùm bọc của nhân dân tỉnh Phú Khánh. Năm 1984, Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà tổ chức kết nghĩa giữa các huyện, thị trong tỉnh với các đảo về huyện Trường Sa, trong đó nhân dân huyện Tây Sơn kết nghĩa với đại đội đảo Sinh Tồn. Sau ngày kết nghĩa, hàng năm khi có dịp, nhân dân huyện Tây Sơn lại gửi thư, tặng quà cho đảo Sinh Tồn. Đó là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn cho cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn ngày đêm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo - một nhiệm vụ vinh quang nhưng đầy gian khổ, khó khăn mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

        Có thể nói, giai đoạn 1975-1987 là những năm tháng đầy thử thách đối với bộ đội Sinh Tồn. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân chủng, của Vùng 4 và Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146, cùng với sự chi viện của các cấp, các ngành, sự động viên của nhân dân tỉnh Phú Khánh và nhiều địa phương khác, chi bộ, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn đã đoàn kết chủ động, kiên trì khắc phục vượt qua khó khăn xây dựng, củng cố đảo vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo. Từ năm 1975 đến 1980, đảo liên tục phấn đấu đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng"; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì là sự ghi nhận những cố gắng vượt bậc, cũng như những thành tích xuất sắc của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn trong một giai đoạn hết sức khó khăn, gian khổ của sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa.

        Điểm nổi bật chủ yếu của đảo ở giai đoạn này là Quân chủng đã khẩn trương tập trung các lực lượng xây dựng và từng bước hoàn thành hệ thống các công trình phòng thủ kiên cố, bán kiên cố và dã chiến, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo trước mắt và lâu dài. Lực lượng của đảo được phát triển nhanh chóng, tăng cường hoả lực đánh địch từ xa, đẩy mạnh công tác huấn luyện nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu, nâng cao sức mạnh phòng thủ để đảm bảo bắn trúng kẻ địch xâm phạm ngay từ loạt đạn đầu và đánh thắng địch ngay từ trận đầu, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo.

        Mặc dù chưa có các chế độ, chính sách, phương thức bảo đảm hậu cần cho bộ đội Trường Sa và chưa có điều kiện đầu tư lớn xây dựng tuyến đảo xa bờ của Đang, Nhà nước, song với quyết tâm bảo vệ đảo trong mọi hoàn cảnh, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn đã thể hiện lòng trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, chịu đựng gian khổ, hy sinh, giữ vững ý chí chiến đấu, kiên cường bám đảo, đoàn kết thương yêu nhau, tìm mọi biện pháp khắc phục giảm bớt khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Chi bộ, chi ủy và chỉ huy đảo có bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm cao, biết phát huy trí tuệ tập thể, đoàn kết thống nhất lãnh đạo tốt các mặt công tác, đồng thời là nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh; cán bộ, đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong mọi công tác.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:32:46 pm

        II. PHÁT TRIỂN LÊN ĐƠN VỊ ĐẢO CẤP II, RA SỨC XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỔNG HỢP, SỨC MẠNH CHIẾN ĐẤU, PHÒNG THỦ, BẢO VỆ VỮNG CHẮC ĐẢO TRONG TÌNH HÌNH MỚI (1988-2007)

        1. Tham gia chiến dịch CQ-88, tiếp tục phát triển lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tăng cường rèn luyện chấp hành kỷ luật xây dựng nền nếp chính quy trong tình hình mới


        Từ cuối năm 1986 đến năm 1988, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa có những diễn biến phức tạp, căng thẳng, xảy ra tranh chấp chủ quyền trên một số bãi đá ngầm giữa các nước xung quanh khu vực quần đảo.

        Tháng 12 năm 1986, Malaixia đưa lực lượng chiếm đóng bãi đá Kỳ Vân và tháng 1 năm 1987 tiếp tục chiếm đóng bãi Kiều Ngựa Ở phía Nam quần đảo Trường Sa. Cuối năm 1987, đầu năm 1988, nước ngoài đưa lực lượng lớn hải quân xuống Trường Sa ngang nhiên chiếm đóng bãi đá Chữ Thập, Gơ Ven, Huy Gơ, Xu Bi vÀ sử dụng sức mạnh quân sự cưỡng chiếm bãi đá Châu Viên, Gạc Ma gây thương vong cho một số phương tiện và hàng chục cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta.

        Đối phó với âm mưu và hành động lấn chiếm đảo và mở rộng sự chiếm đóng quần đảo Trường Sa của nước ngoài, Quân chủng đã tiến hành tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ các đảo ta đang đóng giữ, đồng thời huy động các lực lượng tàu vận tải, chiến đấu công binh, bộ binh của các đơn vị trực thuộc Quân chủng, trực thuộc Vùng 4 Hải quân ra đóng giữ bảo vệ một số bãi đá ngầm ở xung quanh các đảo nổi, tạo nên sức mạnh phòng thủ của từng cụm đảo trên quần đảo Trường Sa.

        Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Quân chủng, các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã tổ chức đóng giữ và bảo vệ thắng lợi chủ quyền các bãi đá Thuyền Chài (tháng 1-1987); Đá Lớn (tháng 11-1987); Tiên Nữ (tháng 1-1988); Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le (tháng 2-1988); Cô Lin, Len đảo Đá Thị, Đá Nam (tháng 3-1988); Đá Tây (tháng 10-1988).

        Về tình hình đảo Sinh Tồn, cuối tháng 2 năm 1988, thực hiện mệnh lệnh của Quân chủng, toàn đảo chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu từ thường xuyên lên cao. Các đại đội hoả lực, bộ binh, cơ quan đảo bộ chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu cao và sẵn sàng nhận lệnh chiến đấu chi viện cho các đảo trong khu vực. Đầu tháng 3 năm 1988, các lực lượng của Quân chủng tổ chức chốt giữ, bảo vệ bãi đá Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma thuộc khu vực cụm đảo Sinh Tồn. Ngày 14 tháng 3, tài khu vực này tàu quân sự nước ngoài đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền bắn chìm 2 tàu vận tải HQ 604, HQ 605, bắn bị thương tàu HQ 505 của ta làm 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh và mất tích khi đang làm nhiệm vụ, đồng thời đưa quân lên chiếm đóng đảo Gạc Ma. Thời gian này, đảo Sinh Tồn trở thành hậu phương căn cứ tiếp tế phục vụ cho các lực lượng của Quân chủng và Lữ đoàn làm nhiệm vụ xây dựng bảo vệ các bãi đá ngầm Cô Lin, Len Đao, Đá Lớn.

        Các ngày từ 14 đến 17 tháng 3 năm 1988, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn không quản ngày đêm tổ chức tiếp nhận, cấp cứu chăm sóc cho 11 đồng chí thương binh mai táng truy điệu 1 liệt sĩ, cùng với việc đón nhận, bố trí nơi ăn nghỉ, nuôi dưỡng cho hơn 100 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị bạn.

        Trong chiến dịch CQ-88, đảo đã khẩn trương tiếp nhận an toàn mọi vũ khí, trang bị bổ sung cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho đơn vị, triển khai hiệu quả công tác quan sát trên không, trên biển, nắm chắc các hoạt động của nước ngoài trên khu vực phân công, đẩy mạnh huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và xây dựng, củng cố các công sự trận địa đáp ứng yêu cầu chuẩn bị chiến đấu và chiến đấu bảo vệ đảo thắng lợi trong mọi tình huống. Đồng thời đảo cũng làm tốt công tác cấp cứu thương binh, an táng các liệt sĩ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trên khu vực cụm đảo Sinh Tồn.

        Do hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong chiến dịch CQ-88, ngày 6 tháng 8 năm 1988, đảo Sinh Tồn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:33:05 pm

        Để phù hợp với yêu cầu chiến đấu phòng thủ trong tình hình mới, tháng 4 năm 1988, đảo Sinh Tồn được tổ chức biên chế vào khu vực chiến đấu 2. Đây là khu vực có nhiều bãi đá ngầm, đan xen một số đảo ta đang đóng giữ với một số đảo nước ngoài chiếm đóng trái phép, nên tình hình ở đây luôn căng thẳng, tàu thuyền nước ngoài hoạt động nhiều và luôn có ý đồ tranh chấp các bãi đá ngầm chưa có người ở.

        Trước tình hình mới, những năm 1988-1997, đảo Sinh Tồn không ngừng được phát triển, bổ sung lực lượng và tăng cường khả năng chiến đấu phòng thủ theo các phương án tác chiến quy mô đảo cấp II. Lực lượng chiến đấu hình thành các phân đội hoả lực hỗn hợp. Tổ chức đảng của đảo vẫn duy trì cấp chi bộ cơ sở. Từ năm 1997 trở đi, biên chế tổ chức lực lượng chiến đấu của đảo có sự thay đổi. Để phù hợp với cách đánh, đảo thành lập các cụm chiến đấu và lực lượng chiến đấu cơ động. Cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy của đảo được kiện toàn ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Riêng về tổ chức đảng từ cấp chi bộ cơ sở phát triển lên thành đảng bộ bộ phận.

        Giai đoạn 1988-2006, đi đôi với xây dựng và chấn chỉnh lực lượng chiến đấu, từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức lãnh đạo, chỉ huy đảo, công tác sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện chiến đấu, rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy; xây dựng các hệ thống công trình chiến đấu, phục vụ chiến đấu được chú trọng và đẩy mạnh.

        Về công tác sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, chi ủy sau này là Đảng ủy đảo và chỉ huy đảo quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của Đảng ủy Lữ đoàn 146:

        “Tích cực, chủ động, mưu trí, ngoan cường, vững chắc" đã tiến hành thường xuyên, liên tục việc quán triệt, giáo dục cho mọi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp âm mưu, thủ đoạn của nước ngoài, xác định phân biệt rõ đối tượng và đối tác, yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, nêu cao tinh thần cảnh giác, luôn sẵn sàng chiến đấu và quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi, bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo và phạm vi được phân công. Đảo duy trì nghiêm 24/24 giờ các chế độ công tác sẵn sàng chiến đấu, trực chỉ huy, trực ban các cấp, trực thông tin, ra đa, trực phòng không; luôn đảm bảo số lượng, chất lượng phương tiện và lực lượng sẵn sàng xử lý tốt mọi tình huống có thể xảy ra. Sở chỉ huy đảo được nâng cấp xây dựng mới cùng với việc đầu tư cấp trang bị kỹ thuật, khí tài phục vụ cho chỉ huy tác chiến ngày càng hiện đại. Hệ thống các trạm quan sát đối không, đối hải được nâng cấp và tổ chức quan sát ngày càng chặt chẽ, theo dõi và quản lý tốt mọi mục tiêu trên biển, trên không cả ban ngày và ban đêm. Trung bình hàng năm đảo quan sát phát hiện được 3.500- 4.500 lần máy bay; 2.200-2.500 lần tàu thuyền các loại; bắn xua đuổi trên dưới 30 lần tàu nước ngoài xâm phạm đánh bắt hải sản, nghiên cứu thăm dò trái phép, đảm bảo an toàn cho đơn vị và khu vực biển phụ trách. Công tác tuần tra, canh gác ban đêm được hết sức chú ý luôn đảm bảo bí mật, giữ tuyệt đối an toàn cho đảo. Thông tin liên lạc thông suốt với Sở chỉ huy Quân chủng, Vùng 4 Hải quân, Lữ đoàn, đảo bạn và với các đơn vị xây dựng, chi viện đảo. Hiệu suất thông tin liên lạc cả hai mạng tín và thoại thường xuyên đạt trên 98%.

        Hàng năm, đảo làm tốt việc bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện về các phương án tác chiến phòng ngự; hiệp đồng chiến đấu, phương án đánh địch tập kích ban đêm ở các cấp phân đội, cụm và toàn đảo; đồng thời tổ chức tốt việc luyện tập các phương án. Hàng năm các đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng, Quân chủng, của Vùng và Lữ đoàn kiểm tra tình hình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đảo. Kết quả kiểm tra các mặt công tác quân sự, chính trị, kỹ thuật, hậu cần, đảo Sinh Tồn luôn đạt yêu cầu trở lên và được trên đánh giá là đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội và các quy định của Vùng.

        Từ sau năm 1990, thực hiện chế độ luân phiên cán bộ trên quần đảo Trường Sa và Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nên thời gian công tác thực tế ở đảo của cán bộ, chiến sĩ thường từ 6 tháng đến 12 tháng. Để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện một cách liên tục của các bộ phận, đơn vị, đảo quan hệ hiệp đồng với Lữ đoàn tiến hành thay quân hàng năm giữ vững tỷ lệ hợp lý giữa cán bộ, chiến sĩ cũ và mới; giữa người có nhiều kinh nghiệm và ít kinh nghiệm một cách hài hoà, luôn bảo đảm chất lượng, số lượng.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:33:24 pm

        Huấn luyện chiến đấu là công tác quan trọng hàng đầu của đảo. Những năm 1988-2006, công tác huấn luyện tiếp tục được đẩy mạnh cùng với sự đầu tư mạnh về mọi mặt của Quân chủng và Lữ đoàn, đảo từng bước đổi mới nội dung huấn luyện sát thực tiễn và đi vào nền nếp chính quy. Tổ chức huấn luyện luôn bám sát phương châm "toàn diện, cơ bản, thiết thực và vững chắc", coi trọng huấn luyện thực hành, ban đêm và trong những điều kiện thời tiết phức tạp. Đặc biệt quan tâm huấn luyện nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ từ khẩu đội trưởng trở nên làm lực lượng nòng cốt để nâng cao chất lượng của đơn vị. Nắm chắc cách đánh phòng thủ của đảo và yêu cầu chiến đấu trong tình hình mới, công tác huấn luyện tập trung nâng cao trình độ kỹ, chiến thuật của cán bộ, chiến sĩ, bảo đảm mỗi cán bộ, chiến sĩ có trình độ khai thác sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị của đơn vị, đồng thời cán bộ có trình độ chỉ huy thực hành chiến đấu thuần thục, giỏi phần việc chức trách được giao và có khả năng sẵn sàng thay thế, kiêm nhiệm được ở các vị trí khi cần thiết. Thường xuyên rút kinh nghiệm từng môn học, bài học, tăng cường công tác kiểm tra, hội thao huấn luyện, sơ kết, tổng kết ở các cấp đơn vị từ tiểu đội trở lên, nên chất lượng huấn luyện bảo đảm đạt được các yêu cầu đề ra và ngày càng tiến bộ vững chắc. Các năm 2000 đến 2006, kết quả kiểm tra các nội dung huấn luyện cấp phân đội, cụm, kiểm tra kỹ thuật chuyên ngành đảo luôn đạt khá giỏi góp phần quan trọng đạt danh hiệu "Đơn vị quyết thắng" liên tục 6 năm liền.

        Song song với tổ chức xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, từ năm 1988 đến 2005, hệ thống các công trình phòng thủ trên đảo tiếp tục được nâng cấp và xây mới theo hướng kiên cố, lâu bền để bảo đảm khả năng phòng thủ ngày càng vững chắc, cơ bản lâu dài.

        Ngoài các đơn vị công binh Trung đoàn 83, 131, Tiểu đoàn 1, 2 Vùng 4 hải quân thi công các công trình, còn có sự tham gia vận chuyển vật liệu, tu sửa các công sự dã chiến của bộ đội đảo Sinh Tồn. Đầu những năm 1990, hoàn thành sở chỉ huy mới và hàng chục công trình kiên cố được đưa vào sử dụng. Các năm tiếp theo 1995-2002, hàng loạt các công trình kiên cố, liên hoàn tiếp tục được xây dựng và đưa vào sử dụng, trong đó có hệ thống kè bê tông chống xói lở quanh đảo được hoàn thành, phát huy tốt hiệu quả củng cố đảo. Bộ mặt của đảo mỗi năm một đổi mới thêm kiên cố, vững chắc. Cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, tin tưởng vào khả năng sức mạnh phòng thủ của đảo trong mọi tình huống.

        Chấp hành chỉ thị của cấp trên, từ năm 1996, đảo hướng mạnh vào công tác rèn luyện chấp hành kỷ luật, xây dựng chính quy. Đảng ủy đảo xác định đây là mặt công tác quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định nâng cao sức mạnh chiến đấu của đảo và là một yêu cầu tất yếu trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Bởi vậy, những năm 1996-2000, tình hình chấp hành kỷ luật của đảo đi dần vào nền nếp. Các chế độ công tác, học tập, sinh hoạt từng bước được chấn chỉnh và thực hiện nghiêm túc, trật tự nội vụ, vệ sinh doanh trại, nơi ăn ở có nhiều tiến bộ, các hiện tượng vi phạm kỷ luật thông thường giảm đáng kể. Các năm tiếp theo 2001-2006, công tác rèn luyện, chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy được đẩy mạnh đi vào chiều sâu đã tạo ra sự chuyển biến mạnh trên mọi mặt công tác và sinh hoạt của đảo. Chỉ huy đảo đã thường xuyên làm tốt việc quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Quân chủng, của Vùng về rèn luyện kỷ luật xây dựng chính quy, đã ra các nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Năm 2004-2006, đảo tập trung vào thực hiện Chỉ thị 733 về "5 xây, 5 chống", “5 không" của trưởng Ban chỉ đạo 1438 Quân chủng và các chỉ thị về cấm uống rượu, bia say, cấm bán rượu bia trong đơn vị. Đoàn thanh niên và Hội đồng quân nhân đã tích cực tham gia phát động các đợt thi đua khắc phục các khâu yếu, mặt yếu của đơn vị tạo nên một khí thế mới trong rèn luyện chấp hành kỷ luật của 'toàn đảo. Đảo tổ chức chấm điểm thi đua hàng tuần, hàng tháng, cụ thể đến từng phân đội; từng cụm một cách chính xác; biểu dương, chấn chỉnh kịp thời những tiến bộ và thiếu sót đã có tác dụng cổ vũ động viên mạnh mẽ tinh thần rèn luyện chấp hành kỷ luật của mọi cán bộ, chiến sĩ. Những năm này, doanh trại các đơn vị luôn giữ được vệ sinh sạch sẽ, bộ đội thể hiện đúng lễ tiết, tác phong quân nhân; công tác huấn luyện chuyển biến mạnh, luôn bảo đảm đúng, đủ nội dung, thời gian huấn luyện; công tác quản lý cơ sở vật chất kỹ thuật, vũ khí, khí tài chặt chẽ, an toàn. Nơi làm việc từ đảo bộ xuống tới các phân đội có đầy đủ bảng, biểu theo quy định của trên; các chế độ thực hiện trong ngày, tuần, tháng, được thực hiện nghiêm túc; các vụ vi phạm kỷ luật thông thường giảm rõ rệt và không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:34:36 pm
         
       2. Không ngừng nâng cao chất lượng bảo dám kỹ thuật, hậu cần đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phòng thủ và đời sống của bộ đội

        Những năm 1988-2006, số lượng vũ khí trang bị kỹ thuật khí tài tăng cường cho đảo rất lớn với nhiều chủng loại do nhiều nước sản xuất và đi kèm theo là công tác bảo đảm duy trì khả năng hoạt động của vũ khí, trang bị cũng rất lớn. Trong khi đó, đảo ở xa bờ; việc tiến hành công tác kiểm tra, bảo quản, sửa chữa, cung ứng vật tư của ngành kỹ thuật gặp rất nhiều khó khăn do thiếu phương tiện, do điều kiện thời tiết phức tạp, hạn chế khả năng hoạt động của phương tiện từ bờ ra đảo phục vụ công tác kỹ thuật, hơn nữa hoạt động trong môi trường khí hậu có độ ẩm cao, hơi nước mặn dày đặc, làm cho vũ khí, trang bị kỹ thuật, khí tài nhanh xuống cấp, hư hỏng. Bởi vậy công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ cho sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện luôn là một công tác lớn, nặng nề đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết đối với ngành kỹ thuật của cấp trên nói chung và của đảo Sinh Tồn nói riêng.

        Từ năm 1988, để tiến hành các khâu bảo quản sửa chửa cho một số lượng lớn vũ khí, trang bị, ngoài lực lượng của Vùng, Lữ đoàn, đảo còn được tăng cường lực lượng kỹ thuật của Nhà máy Z753, của Quân chủng và Nhà máy Z133, Z201 của Tổng cục Kỹ thuật và Binh chủng Tăng - Thiết giáp.

        Đi đôi với việc tăng cường các lực lượng kỹ thuật của các cấp và đơn vị bạn, tổ kỹ thuật của đảo được thành lập và từng bước được kiện toàn làm nhiệm vụ theo dõi kiểm tra, quản lý các loại vũ khí, trang bị vật tư kỹ thuật, tổ chức huấn luyện kỹ thuật, bảo quản, niêm cất, sửa chữa khôi phục những hư hỏng thông thường, sửa chữa nhỏ, đôn đốc giám sát các cụm, các phân đội thực hiện các chế độ "ngày kỹ thuật”, “giờ kỹ thuật". Bộ phận kỹ thuật và trợ lý kỹ thuật và cán bộ, chiến sĩ của đảo giữ vai trò rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Hàng năm, bám sát sự chỉ đạo của ngành kỹ thuật, công tác kỹ thuật của đảo tiến hành quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng vũ khí trang bị, đưa dần công tác quản lý sử dụng vào nền nếp, chính quy, có hệ thống sổ sách đăng ký và ghi chép tình trạng kỹ thuật từ đảo xuống các cụm, các phân đội, thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ kiểm kê đánh giá số lượng, chất lượng; duy trì nghiêm các chế độ bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên, định kỳ, chủ động và tìm biện pháp sửa chữa khắc phục hỏng hóc thông thường; các kho, hầm luôn luôn được sắp xếp gọn gàng, khoa học, đảm bảo phòng chống cháy nổ, an toàn. Hàng năm, đảo tổ chức tiếp nhận và bàn giao hàng chục tấn vật tư, đạn, vũ khí; sửa chữa nhỏ từ 55 đến 70 lần vũ khí, trang bị, đảm bảo hệ số kỹ thuật vũ khí đạt 0,9; hệ số kỹ thuật đạn là 1, tổ chức huấn luyện kỹ thuật bổ sung được hàng trăm giờ về bảo quản, sử dụng vũ khí, trang bị.

        Thời kỳ này, thực hiện cuộc vận động "Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm" và phong trào đột phá: “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật", đảo chú trọng vào công tác giáo dục cho bộ đội nâng cao nhận thức về tình hình, vị trí công tác kỹ thuật ở môi trường đảo và hoàn cảnh của đất nước; nâng cao chất lượng chuyên môn và phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm cùng với việc duy trì nghiêm nền nếp công tác kỹ thuật, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý thực lực vũ khí, trang bị.

        Những năm 1988-2006, các thiết bị bảo quản bao gói, nhà che, hầm chứa, kho cất giữ vũ khí, trang bị kỹ thuật, phương tiện của đảo không ngừng được trên tích cực nghiên cứu, đầu tư nâng cấp chất liệu và kiên cố hoá theo hướng bền chắc, cơ bản, lâu dài. Các công trình này, đảo tiếp nhận sử dụng và quản lý tốt đã hạn chế được rất nhiều sự xuống cấp của vũ khí trang bị do tác động bất lợi của điều kiện môi trường.

        Như vậy, từ năm 1988 đến năm 2006, công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ sẵn sàng chiến đấu được đầu tư lớn, cùng với sự tích cực, chủ động của các cấp các ngành, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn đã góp phần rất lớn vào tăng cường sức mạnh và khả năng phòng thủ của đảo, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới về công tác kỹ thuật trên quần đảo Trường Sa của Quân chủng Hải quân.

        Cùng với công tác bảo đảm kỹ thuật, từ năm 1988 đến 2006, công tác bảo đảm hậu cần của đảo được tiến hành một cách toàn diện trên các mặt với cả chiều rộng và chiều sâu, mang tính đặc thù sát với thực tế yêu cầu xây dựng và bảo vệ đảo.

        Ngày 11 tháng 12 năm 1989, Bộ Quốc phòng ra Chỉ thị 316 về bảo đảm hậu cần cho bộ đội Trường Sa và sau đó là các chỉ thị hướng dẫn thực hiện phương thức bảo đảm mới trên các mặt công tác hậu cần cho đảo, đánh dấu một thời kỳ hoạt động hậu cần sôi nổi và đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống bộ đội Trường Sa nói chung và đảo Sinh Tồn nói riêng đáp ứng yêu cầu huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo.

        Về bảo đảm quân trang, để phù hợp với cường độ hoạt động sẵn sàng chiến đấu và công tác, cán bộ, chiến sĩ đảo được cấp quân trang quần áo, mũ, giày dép tăng thêm hàng năm. Đặc biệt, chiến sĩ được cấp thêm quần, áo ngắn tay, đệm vai, giày chống san hô, mũ rộng vành, găng tay bạt, khẩu trang, đáp ứng được nhu cầu thiết thực cuộc sống công tác của bộ đội ở đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 15 Tháng Giêng, 2017, 11:35:10 pm

        Về bảo đảm định lượng, chất lượng ăn của bộ đội, Nhà nước ban hành chế độ ăn cao không tính vào lương và được điều chỉnh theo thời giá thị trường, đáp ứng đủ lượng cao phù hợp với điều kiện hoạt động ở đảo. Căn cứ vào tiêu chuẩn ăn của bộ đội trên đảo, hàng năm ngành hậu cần của lữ đoàn tổ chức mua sắm và nhận của trên, đóng bao gói hàng hoá lương thực, thực phẩm vận chuyển ra đảo. Thực phẩm chủ yếu là đồ hộp do Tổng cục Hậu cần bảo đảm, gạo do Lữ đoàn hợp đồng với tỉnh Phú Yên và các tỉnh Nam Bộ mua loại chất lượng tốt. Bếp dầu hoá hơi tiếp tục được Tổng cục Hậu cần cải tiến và trang bị cho đảo sau khi thí nghiệm một số bếp cơ động của Liên Xô cũ không phù hợp.

        Công tác tăng gia tại đảo được trên đầu tư xây dựng các khu vườn trồng rau xanh; nguồn đất màu chở ra từ đất liền với số lượng cấp theo chỉ tiêu đầu người trên đảo; nguồn giống rau do Cục Trồng trọt, Tổng cục Hậu cần cung cấp là những loại giống rau chất lượng tốt thích nghi với khí hậu thời tiết ở đảo. Ngoài ra, đảo tích cực tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt hải sản để tăng thêm chất lượng bửa ăn cho bộ đội. Hàng năm, đảo thu hoạch được trung bình 7,5 tấn rau xanh các loại; đạt 9kg/người/tháng và gần 1 tấn thịt tươi. Mô hình tổ chức tăng gia chia theo từng phân đội, bộ phận, tận dụng nguồn nước thải tưới rau hàng ngày; đồng thời đề cao trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ trong công tác tăng gia trên đảo. Nước phục vụ đời sống và sinh hoạt của bộ đội ngày càng được bảo đảm hơn trước nhiều lần. Hệ thống bể ngầm kiên cố được xây cất tăng khối lượng dự trữ, bể nổi, téc sắt được thay dần bằng téc I-nốc, nên chất lượng nước dự trữ bảo đảm vệ sinh hơn.

        Doanh trại, nơi ăn ở của bộ đội không ngừng được cải thiện, từ nhà tạm, nhà cấp 4 được thay dần bằng nhà kiên cố cấp 1, nhà gỗ. Nhà gỗ có ưu việt là mát, thời gian xây dựng nhanh, giá thành rẻ hơn nhà cấp 1 đến 40%. Năm 1993, đảo xây dựng nhà quân y. Song thực tế ở đảo thời tiết rất khắc nghiệt, nhiều bão lớn thường xuyên hoành hành. Cơn bão số 9 gió mạnh cấp 11 đổ bộ vào đảo cuối tháng 10 năm 1994 làm một số nhà kho, nhà ở bằng gỗ bị đổ, bay tốc mái không an toàn, nên phương hướng đầu tư doanh trại trên đảo tập trung vào xây dựng nhà kiên cố, bảo đảm chắc chắn, an toàn và lâu dài. Cùng với việc nâng cấp điều kiện ăn, ở, sinh hoạt đường lưu thông đi lại trên đảo từ nguồn đầu tư của trên, Đảng ủy và chỉ huy đảo chỉ huy các đơn vị tận dụng tốt vật liệu tại chỗ làm đường cơ động, các đường ngách trên đảo và hàng năm thường xuyên sửa chữa, củng cố các loại đường này.

        Trồng cây phủ xanh đảo là một chủ trương rất đúng đắn của Quân chủng tiến hành từ năm 1978 và thực tế ngày càng phát huy hiệu quả chống xói mòn, chống bão, gió, cải tạo đất, điều hoà môi trường sinh thái trong xây dựng, củng cố đảo. Sau năm 1988, phong trào trồng cây xanh tiếp tục được đẩy mạnh và là một phong trào quan trọng trong các hoạt động hàng năm của đảo. Ngoài một số giống cây từ bờ cung cấp, đảo tổ chức gây giống cây tại chỗ như cây bão táp, phong ba, bàng. Hàng năm đảo triển khai trồng từ 100 đến 200 cây xanh các loại, tỷ lệ sống đạt 15 - 20%. Cho nên dù thời tiết khắc nghiệt, bão gió hàng năm ảnh hưởng mạnh, song đảo luôn giữ được màu xanh, số lượng các loại cây xanh thường xuyên được nhân lên được chăm sóc phát triển tươi tốt, rợp bóng trên đảo, mang đậm hình bóng của đất liền, ấm áp tình cảm quê hương đất nước.

        Từ tháng 10 năm 1991, công tác quân y trên đảo cũng được đổi mới phương thức để đảm bảo duy trì ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc sức khoẻ cho bộ đội đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu cao của đơn vị. Lực lượng bác sĩ, y tá, y sĩ - các kíp quân y luân phiên công tác trên đảo Sinh Tồn do Viện Quân y 108 đảm nhiệm. Mọi trang bị quân y do Quân chủng bảo đảm; công tác vệ sinh phòng dịch do tổ vệ sinh phòng dịch của Vùng và Viện Vệ sinh phòng dịch Trung ương Quân đội thực hiện. Đảo xây dựng bệnh xá để chăm sóc điều trị bệnh binh, thương binh. Hàng năm, theo định kỳ hoặc đột xuất, các đội vệ sinh phòng dịch của cấp trên ra đảo kiểm tra và thực hiện việc phun thuốc xử lý các loại côn trùng có hại; quân y của đảo chỉ đạo các đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường, chấp hành nghiêm các quy định vệ sinh trên đảo của Bộ Quốc phòng; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho bộ đội, khám kiểm tra sức khoẻ bộ đội lúc mới ra đảo; xử lý kịp thời hàng chục ca cấp cứu bộ đội tại đảo, cấp cứu ngư dân bị nạn trên biển được cán bộ, chiến sĩ hết sức tin tưởng và ngư dân cảm phục. Đảo luôn giữ sạch không để xảy ra dịch bệnh, quân số khoẻ của đơn vị luôn luôn đạt 98% trở lên, một số bệnh lỵ, sốt xuất huyết, viêm đại tràng giảm nhiều.

        Như vậy giai đoạn 1988-2006, với sự đầu tư đổi mới phương thức bảo đảm, công tác hậu cần phục vụ cho các nhiệm vụ xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo ngày càng được nâng cao chất lượng về mọi mặt. Cơ sở vật chất bảo đảm hậu cần ngày càng đồng bộ và hoàn thiện mang tính cơ bản, lâu dài, đời sống cũng như việc chăm sóc sức khoẻ, duy trì sức chiến đấu của bộ đội được cải thiện rất nhiều. Có thể nói đảo Sinh Tồn đã có một bước phát triển thay đổi về chất trong công tác hậu cần, tạo điều kiện cho đao thực hiện tốt cuộc vận động: “Ngành Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy".


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 11:24:03 am

        3. Đẩy mạnh công tác đảng, công tác chính trị, góp phần tích cực xây dựng dào vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới

        Giai đoạn 1988-2006, công tác đấng, công tác chính trị của đảo Sinh Tồn tiếp tục được phát huy, các tổ chức đảng luôn luôn được xây dựng, củng cố bảo đảm khả năng lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ; các mặt công tác chính trị ngày càng đi vào nền nếp và có hiệu quả.

        Xuất phát từ cách đánh phòng thủ, đến năm 1996 đảo thành lập các cụm chiến đấu đảm nhiệm bảo vệ đảo trên các hướng và lực lượng chiến đấu cơ động trực thuộc chỉ huy đảo theo quy mô đảo cấp 2. Để phù hợp với biên chế tổ chức lực lượng chiến đấu mới, cũng như việc tăng cường khả năng lãnh đạo của các tổ chức đảng, năm 1997, thành lập Đảng bộ bộ phận. Đảng bộ đảo Sinh Tồn gồm 3 chi bộ: chi bộ cụm 1, chi bộ cụm 2 và chi bộ đảo bộ. Tháng 9 năm 1997, Đảng bộ bộ phận đảo Sinh Tồn tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất và từ năm 1997 đến 2006, Đảng bộ đảo Sinh Tồn đã tiến hành 5 kỳ đại hội đúng nguyên tắc và các quy định của Điều lệ Đảng.

        Đảng bộ đảo Sinh Tồn đã phát huy tốt chức năng nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị, duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao vai trò tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách. Những năm 1999, 2003, thực hiện sự chỉ đạo của Đảng ủy Lữ đoàn, Đảng ủy đảo đã tăng cường đảng viên của chi bộ đảo bộ xuống cụm để thực hiện xây dựng chi bộ cụm chiến đấu có chi ủy, có tác dụng tốt nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo toàn diện của chi bộ các cụm bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc của chi bộ trong mọi tình huống. Hàng năm, Đảng bộ kết nạp được trung bình từ 5 đến 7 đảng viên mới đảm bảo chất lượng.

        Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng tiếp tục được đẩy mạnh để nâng cao trình độ nhận thức của bộ đội luôn theo kịp những diễn biến mới của tình hình, xác định rõ đối tác, đối tượng tác chiến, âm mưu thủ đoạn của kẻ địch, xây dựng và củng cố bản linh chính trị vững vàng, cảnh giác, giữ vững ý chí, quyết tâm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đánh thắng kẻ thù xâm lược, xâm phạm chủ quyền Tổ quốc. Nội dung giáo dục, ngoài thực hiện các nội dung; kế hoạch giáo dục hàng năm của trên như thông báo thời sự, quán triệt nghị quyết các cấp quán triệt nhiệm vụ của đơn vị, học các chuyên đề chính trị, công tác giáo dục đề cập sâu đến nội dung trong các nhiệm vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện chấp hành kỷ luật, công tác kỹ thuật, hậu cần; trong hoạt động tuần tra canh gác, trong thực hiện các đối sách trên biển, trên không; công tác đảm bảo bí mật, an toàn, công tác phòng, chống cháy nổ và trong xây dựng môi trường văn hoá đảo. Chiến sĩ ra đảo công tác được lựa chọn và từng bước đảm bảo tốt về chất lượng, trong đó, trình độ văn hoá và sức khoẻ là yếu tố hàng đầu. Bởi vậy, tình hình tư tưởng của bộ đội luôn ổn định, xác định tốt nhiệm vụ và trách nhiệm xây dựng, bảo vệ đảo, chấp nhận mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành mọi công tác được giao. Kiểm tra nhận thức chính trị hàng năm đảo luôn đạt 100% yêu cầu, có trên 80% khá, giỏi.

        Đội ngũ cán bộ của đảo được đào tạo cơ bản chính quy, có trình độ cao đẳng, đại học, tuổi đời trẻ và sức khoẻ tốt. Trong đó chiếm số đông là cán bộ được tăng cường từ các đơn vị trong toàn quân đã kinh qua các cương vị công tác và đã được thử thách về bản lĩnh, trình độ năng lực. Đó là những yếu tố thuận lợi để xây dựng đảo vững mạnh về chính trị.

        Những năm 1988-2000, công tác bảo đảm vật chất, vật tư chính trị cho đảo được tăng thêm cả về số lượng, chất lượng, đặc biệt việc đổi mới nâng cấp các phương tiện thông tin nghe nhìn đã làm cho đời sống văn hoá tinh thần của bộ đội nhanh chóng được cải thiện. Năm 1992, hoàn thành xây dựng hệ thống mạng lưới điện sinh hoạt trên đảo; nạm 1993, ăng ten parabôn thu tín hiệu truyền hình từ vệ tinh được lắp đặt đưa vào sử dụng. Kể từ năm 1975, đây là lần đầu tiên bộ đội đảo Sinh Tồn được xem truyền hình trực tiếp Những năm sau đó, đảo tiếp tục lắp đặt hệ thống loa truyền thanh đến các cụm, các bộ phận. Hàng ngày theo giờ quy định, bộ đội được nghe, xem các chương trình thời sự, văn hoá, khoa học, xã hội và thể thao của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, được nghe các bản tin thi đua tuần, tháng của đơn vị, các tài liệu tuyên truyền nhân dịp các ngày lễ lớn, sự kiện của đất nước, của quân đội, được nghe tin tức của quê hương. Phòng truyền thống, thư viện của đảo tiếp tục được củng cố, mở rộng phục vụ các nhu cầu đọc, nghiên cứu tuyên truyền cho mọi cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

        Các phong trào thi đua, các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao được đảo duy trì đều đặn và hoạt động rất sôi nổi với nhiều hình thức giao lưu, hội thi và thi đấu.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 11:24:25 am

        Đoàn thanh niên và Hội đồng quân nhân thường xuyên được kiện toàn ban chấp hành, kiện toàn hội đồng sau các đợt thay quân hàng năm, để luôn luôn bắt nhịp với các hoạt động theo kế hoạch và phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức này hướng vào thực hiện tốt các công tác như huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, các phong trào xây dựng đảo có môi trường xanh, sạch, đẹp... Hàng năm bình xét thi đua các chi đoàn đều đạt danh hiệu "vững mạnh", có trên 70% đoàn viên xuất sắc, trên 25% đoàn viên khá, không có đoàn viên yếu kém.

        Hội đồng quân nhân của các cụm và đảo bộ hàng tháng ra chương trình hành động, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ bảo đảm cho bộ đội phát huy dân chủ trong quân sự, chính trị và kinh tế. Bởi vậy tình hình trong các đơn vị của đảo luôn luôn có không khí thẳng thắn, cởi mở, đoàn kết giữa các quân nhân, giữa cán bộ và chiến sĩ. Đó là một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng đơn vị đảo Sinh Tồn vững mạnh toàn diện.

        Sau khi xảy ra các sự kiện trên quần đảo Trường Sa năm 1988, nhân dân các địa phương, các ngành, các cấp, các tổ chức dân, chính, đảng, xã hội trong cả nước hưởng ứng mạnh mẽ phong trào "Tất cả vì Trường Sa”, “Hướng về Trường Sa”, đã gửi thư động viên, gửi quà tặng ủng hộ bộ đội Trường Sa. Từ đó cho đến nay, bộ đội Trường Sa luôn nhận được sự chi viện bằng vật chất hết sức có ý nghĩa của nhân dân trong cả nước, của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hoà đã chi viện vật chất rất quan trọng góp phần cải thiện nâng cao đời sống tinh thần của bộ đội trên các đảo Trường Sa, trong đó có bộ đội đảo Sinh Tồn. Hàng năm, ngoài các đoàn của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng ra kiểm tra và thăm đảo, còn có các đoàn của Quốc hội, Nhà nước, của các địa phương, đoàn thể xã hội ra thăm động viên bộ đội. Trong đó eo chuyến thăm của đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm đảo Sinh Tồn ngày 4 tháng 4 năm 2004. Ra thăm đảo, các đoàn hết sức cảm động trước sự chịu đựng gian khổ, hy sinh và tinh thần đoàn kết quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn; đồng thời cũng rất từ hào, tin tưởng trước sự lớn mạnh không ngừng của đảo Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn luôn ghi sâu lòng biết ơn những tình cảm thắm thiết thương yêu và sự chi viện vật chất của nhân dân và các tổ chức đoàn thể trong cả nước đã dành cho đảo.

        Từ tháng 4 năm 1989, các đoàn tàu đánh cá của ngư dân tỉnh Khánh Hoà ra Trường Sa đánh bắt hải sản và tiếp sau đó là ngư dân của tỉnh Bình Định và một số tỉnh ven biển Nam Bộ cũng tổ chức các đoàn tàu ra đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa, mở ra thời kỳ mới khai thác hải sản xa bờ, xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đảo Sinh Tồn luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với ngư dân, nắm chắc tình hình và quản lý tốt hoạt động của các tàu đánh cá trên khu vực biển quản lý. Những năm 1992-2006, đảo đã giúp đỡ hàng chục tàu thuyền dân với hàng trăm lít nước ngọt, hàng nghìn lít dầu; hàng trăm kilôgam gạo và thực phẩm, kịp thời cứu chữa hàng chục ngư dân bị bệnh, tai nạn trên biển.

        Với tình cảm cộng đồng, tình cảm quân dân sâu sắc, mặc dù đời sống còn muôn vàn thiếu thốn, bộ đội đảo Sinh Tồn luôn hướng về đất liền, cùng chia sẻ, giúp đỡ đồng bào gặp hoạn nạn thiên tai, bão lũ. Cuối năm 1999, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn đã trích từ phần lương của mình ủng hộ giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lũ lụt hơn 8 triệu đồng, đồng thời tích cực hưởng ứng ủng hộ xây dựng quỹ "vì người nghèo”, quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam; mua công trái xây dựng Tổ quốc... Trong nội bộ đơn vị tổ chức quyên góp hàng chục triệu đồng gây quỹ giúp đỡ các gia đình cán bộ, chiến sĩ gặp rủi ro, tạo điều kiện động viên cán bộ, chiên sĩ yên tâm công tác.

        Có thể nói, công tác đảng, công tác chính trị thời kỳ 1988-2006 tiếp tục được đẩy mạnh. Trọng tâm hướng vào việc xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện - cơ sở nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Các tổ chức quần chúng vững mạnh tiếp tục phát huy tốt chức năng nhiệm vụ trong các hoạt động của đơn vị. Công tác dân vận tuyên truyền đặc biệt ngày càng được củng cố phát triển và tiến hành có hiệu quả, chất lượng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được nâng lên rõ rệt, luôn luôn đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau và đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đảo trong mọi tình huống.

        Giai đoạn 1988-2006, là thời kỳ đảo được sự đầu tư lớn của Nhà nước, của các cấp, các ngành trong toàn quân, sự giúp đỡ chi viện của nhân dân trong cả nước cùng với sự cố gắng phấn đấu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đào Sinh Tồn có bước xây dựng phát triển vượt bậc trên mọi mặt công tác, diện mạo của đảo không ngừng đổi mới, đảo ngày càng vững chắc trên mọi phương diện. Trong thời kỳ mới, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết khắc phục khó khăn xây dựng đảo trưởng thành lớn mạnh. Những năm 1997, 2000 đến 2006, đảo liên tục được công nhận là "Đơn vị vững mạnh toàn diện" và tặng danh hiệu Đơn vị quyết thắng.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 11:31:08 am

Phần ba

THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU, NGUYÊN NHÂN VÀ TRUYỀN THỐNG ĐẢO SINH TỒN

        I. THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

        Trải qua 32 năm kể từ ngày giải phóng đảo 28 tháng 4 năm 1975, bộ đội đảo Sinh Tồn không ngừng trưởng thành, xây dựng và phòng thủ đảo ngày càng vững chắc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những thành tích đó thể hiện trên một số mặt sau đây:

        Một là, cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, tình hình nhiệm vụ của quân đội, Quân chủng, của Vùng, Lữ đoàn và đơn vị được thường xuyên giáo dục truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng; nêu cao lòng trung thành vô hạn với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, củng cố niềm tin vào Đảng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, lập trường kiên định vững vàng trước mọi hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, phức tạp, luôn luôn nhận thức đúng kẻ thù, xác định rõ đối tượng, đối tác, chấp nhận chịu đựng gian khổ, hy sinh, trên dưới một lòng đoàn kết thương yêu đùm bọc lẫn nhau gắn bó với đảo, với đơn vị, giữ vững ý chí, quyết tâm sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ bằng được chủ quyền đảo và phạm vi được phân cấp; tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường văn hoá, phong trào xây dựng đảo “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường".

        Hai là, Đảng ủy, chỉ huy đảo và các chi bộ đã tập trung xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng vững mạnh trong đó lấy xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh làm nòng cốt xây dựng đội ngũ cán bộ làm khâu then chốt, để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Đảng bộ đảo và các chi bộ thường xuyên được công nhận là tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. Tổ chức Đoàn thanh niên luôn đạt "vững mạnh", phần lớn là đoàn viên xuất sắc, Hội đồng quân nhân hoạt động hiệu quả, phát huy tốt chức năng nhiệm vụ.

        Cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn chấp hành nghiêm các quy định quan hệ quân dân, thực sự là chỗ dựa tin cậy của ngư dân đánh bắt cá xa bờ; thực hiện đúng đắn các đối sách trên biển, trên không, bảo đảm an ninh, an toàn cho đảo, cho đơn vị.

        Ba là, đảo duy trì nghiêm các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đơn vị; quan sát nắm chắc tình hình trên biển, trên không, xử lý đúng đối sách, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống; luyện tập tốt các phương án chiến đấu; các cấp báo động chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao chất lượng và trình độ sẵn sàng chiến đấu phòng thủ.

        Đảo thường xuyên tu sửa hầm hào, công sự dã chiến, đã đào hàng trăm mét hào giao thông; xây dựng củng cố hàng trăm mét đường cơ động, hàng trăm công sự, hố chiến đấu cá nhân, vận chuyển hàng ngàn tấn nguyên vật liệu xây dựng công trình, khai thác hàng trăm khối đá san hô kè chống xói lở.

        Trong huấn luyện chiến đấu, tổ chức thực hiện chặt chẽ, đúng phương châm, phương hướng, đúng, đủ nội dung, thời gian, từng bước nâng cao chất lượng huấn luyện; tăng cường huấn luyện thực hành, huấn luyện ban đêm, huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp luôn bảo đảm cho mọi cán bộ, chiến sĩ có trình độ thực hành chiến đấu thuần thục, giỏi phần việc chức trách của mình và đủ khả năng kiêm nhiệm ở các vị trí khác khi cần thiết, biết sử dụng nhiều loại binh khí; luôn bảo đảm cho đảo đủ sức phòng ngự, đánh thắng địch từ xa tới gần, bảo đảm được lực lượng, đủ khả năng đánh liên tục, đánh dài ngày, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua "luyện giỏi, rèn nghiêm sẵn sàng chiến đấu cao", kết quả huấn luyện luôn luôn giữ vững 100% đạt yêu cầu, có gần 80% khá, giỏi; liên tục nhiều năm liền đảo được Quân chủng tặng cờ đơn vị huấn luyện giỏi.

        Đảo thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của các cấp trên và rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong quân đội, Quân chủng và không ngừng tiến bộ về nền nếp, lễ tiết, tác phong trên các mặt công tác của đơn vị. Cán bộ, chiến sĩ sống đoàn kết, thân ái và kỷ luật.

        Bốn là, công tác kỹ thuật không ngừng nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Duy trì có nền nếp các chế độ bảo quản, bảo dưỡng kỹ thuật trong ngày, trong tuần. Công tác quản lý sử dụng, cung ứng vật tư ngày càng chặt chẽ; thiết bị bảo quản, cất giữ vũ khí, trang bị từng bước được nâng cấp, hạn chế thấp nhất tác hại do môi trường. Đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ngày càng được kiện toàn, nâng cao về mọi mặt chuyên môn nghiệp vụ ý thức trách nhiệm đáp ứng hiệu quả yêu cầu công tác kỹ thuật. Hàng năm, hệ số kỹ thuật vũ khí, trang bị thường xuyên đạt 0,9, đảm bảo tốt cho các nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đảo...

        Công tác hậu cần đã duy trì tốt vật chất hậu cần bảo đảm cho các nhiệm vụ thường xuyên và lượng dự trữ bảo đảm trong các tình huống dự kiến. Đời sống của bộ đội không ngừng được cải thiện về mọi mặt ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khoẻ; đã phát huy hiệu quả phương thức bảo đảm trên, dưới cùng tiến hành, cùng lo. Phong trào tăng gia, sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây xanh trên đảo ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Công tác quân y theo dõi, kiểm tra chặt chẽ tình hình sức khoẻ của bộ đội, kịp thời ngăn chặn dịch bệnh, quân số khoẻ đạt từ 98% trở lên. Các công trình phục vụ cho sinh hoạt như nhà ở, bể nước, mạng lưới điện, hệ thống loa truyền thanh, thiết bị vô tuyến được đầu tư xây dựng nâng cấp, ngày càng bảo đảm đầy đủ hơn, tốt hơn cho đời sống của bộ đội.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 11:33:42 am

        II. NGUYÊN NHÂN

        1. Trước hết bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn sáng tạo kịp thời của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân; Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 Hải quân mà trực tiếp thường xuyên là Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146. Thông qua các chủ trương, chính sách, nghị quyết, quân sự, kỹ thuật, hậu cần phòng thủ bảo vệ quần đảo Trường Sa đã định hướng, hướng dẫn đúng đắn cho bộ đội từ nhận thức chính trị, tình hình nhiệm vụ đến tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với tình hình bảo vệ chủ quyền đảo của từng thời kỳ phù hợp với đặc thù quần đảo Trường Sa, cùng với việc không ngừng đầu tư đồng bộ bảo đảm cho quá trình xây dựng phòng thủ đảo ngày càng hiệu quả, thiết thực và vững chắc.

        2. Đảng bộ Sinh Tồn luôn quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; tinh thần cách mạng tiến công, tích cực chủ động tập trung lãnh đạo các mặt công tác trọng tâm của từng thời kỳ, tập trung xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng vững mạnh làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng mối đoàn kết thống nhất từ trên xuống dưới, giữa cấp trên và cấp dưới, đảng viên với quần chúng, giữa cán bộ với chiến sĩ, đồng cam cộng khổ, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

        3. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp của đảo đã nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng, tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh khắc phục mọi khó khăn vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, làm chủ vũ khí, trang bị, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội ngày càng được cải thiện.

        4. Đảo Sinh Tồn luôn luôn nhận được sự giúp đỡ hiệp đồng xây dựng và chiến đấu của các ngành cấp trên, của các đơn vị bạn trong và ngoài Quân chủng; sự chi viện của các cơ quan nhà nước, đảng bộ, chính quyền, nhân dân nhiều địa phương trong cả nước, đặc biệt từ năm 1988 đến nay, sự giúp đỡ của nhân dân cả nước ngày càng thiết thực, hiệu quả có tác dụng hỗ trợ quan trọng cả vật chất và tinh thần góp phần giảm bớt những khó khăn của đảo, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

        III. TRUYỀN THỐNG

        Trải qua 32 năm, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn đã lập nhiều thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ chủ quyền đảo đã xây dựng cho đơn vị mình một truyền thống rất vẻ vang. Truyền thống đó là:

        “Đoàn kết, chủ động
        Khắc phục khó khăn
        Kiên trì, cảnh giác
        Giữ vững chủ quyền”.

        Truyền thống của bộ đội đảo Sinh Tồn là sự kế thừa truyền thống của Quân chủng Hải quân, của Vùng 4 Hải quân và của Lữ đoàn 146 Hải quân Anh hùng. Nó kết tinh những giá trị trong quá khứ, hiện tại và hướng phát triển tương lai, đồng thời thể hiện được tính đặc thù của đơn vị - nơi đầu sóng ngọn gió ngày đêm đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách.

        Truyền thống đảo Sinh Tồn là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, những người đã để lại nơi đây những năm tháng oanh liệt, đầy kỷ niệm không thể nào quên của cuộc đời mình. Nó là động lực tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ bảo vệ đảo ngày hôm nay và mai sau không ngừng phấn đấu vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vinh quang, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng và nhân dân.

        1. Đoàn kết, chủ động là nguồn sức mạnh to lớn để vượt qua mọi trở ngại, thử thách; là yếu tố để phát huy cao nhất mọi tiềm năng sức mạnh tinh thần của con người. Truyền thống đoàn kết chủ động được hình thành và xuyên suốt trong quá trình giải phóng, xây dựng và bảo vệ đảo Sinh Tồn hơn 30 năm qua.

        Đứng chân ở đảo cách xa bờ hàng trăm hải lý, không có nguồn nước ngọt; thiếu thực phẩm rau xanh, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt; nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo nặng nề, căng thẳng là những thách thức rất lớn đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn. Trước khó khăn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao lòng trung thành với Đảng, với nhân dân, quyết tâm hoàn thành bằng được nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đã siết chặt đội ngũ, đoàn kết xung quanh chi bộ, kiên cường bám đảo, xây dựng củng cố đơn vị. Chi bộ và sau này phát triển thành Đảng bộ luôn luôn là trung tâm đoàn kết của đơn vị, phát huy hiệu quả sức mạnh trí tuệ tập thể, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị trong các thời kỳ.

        Bộ đội Sinh Tồn thực hiện đoàn kết rộng rãi trong các mối quan hệ trong Đảng, ngoài Đảng, cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ với chiến sĩ; đoàn kết trong nội bộ cán bộ, chiến sĩ; đoàn kết với các đảo bạn, với các đơn vị bạn trong hiệp đồng xây dựng đảo; đoàn kết với nhân dân sản xuất kinh tế trên biển trên cơ sở vì nhiệm vụ chung, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trong tình thương yêu giai cấp, đồng chí, đồng đội, đồng cam cộng khổ, sướng vui có nhau, gian nan vất vả cùng chia sẻ để xây dựng đơn vị thành một khối thống nhất, vững mạnh về ý chí và hành động, không ngừng nâng cao sức mạnh phòng thủ đảo, phòng thủ khu vực 2 trong quần đảo Trường Sa.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 11:35:04 am

        2. Khắc phục khó khăn là truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung và là truyền thống vẻ vang của bộ đội Sinh Tồn trong quá trình xây dựng, sẵn sàng chiến đấu và trưởng thành.

        Khắc phục khó khăn là một đặc điểm bao trùm lên các lĩnh vực, các mặt công tác như một yêu cầu tự nhiên mang ý chí quyết tâm và trách nhiệm lớn của cán bộ, chiến sĩ để tồn tại, xây dựng và phát triển, để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cao cả.

        Khắc phục khó khăn trong công tác bảo đảm hậu cần, với trí tuệ năng động sáng tạo của bộ đội tạo dựng nguồn hậu cần tại chỗ, tổ chức ăn ở phù hợp  với thực tế, cùng với sự chi viện, giúp đỡ bảo đảm của trên, đời sống của đảo từng bước giảm bớt những khó khăn, xây dựng môi trường đảo ngày càng xanh, sạch, đẹp.

        Khắc phục khó khăn trong công tác kỹ thuật, luôn tăng cường công tác bảo quản, bảo dưỡng, kết hợp trên dưới hiệp đồng tiến hành công tác kỹ thuật. Cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn đề cao tinh thần trách nhiệm học tập vươn lên quản lý sử dụng tốt vũ khí trang bị, nâng cao trình độ bảo quản sửa chữa kỹ thuật giữ gìn vũ khí trang bị, hạn chế tối đa sự xuống cấp do tác động xấu của môi trường, bảo đảm hệ số kỹ thuật đáp ứng cho các yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

        Trong huấn luyện, chiến đấu, luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới các phương pháp huấn luyện, các biện pháp rèn luyện bộ đội, chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất huấn luyện từ vật chất sẵn có trên đảo; tích cực tu sửa hầm, hào, công sự, xây dựng kè chống xói lở đảo. Vượt lên những cản trở, khó khăn về điều kiện ăn, ở, thiên tai, bão, gió triền miên, đảo Sinh Tồn giữ vững nền nếp sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo tuyệt đồi an toàn trong mọi tình huống.

        Khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh là một phẩm chất của cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn và nó trở thành một truyền thống mang tính đặc thù của các đơn vị trên quần đảo Trường Sa. Có thể nói sự gian khổ, hy sinh của bộ đội Sinh Tồn khác với sự gian khổ, hy sinh của các lực lượng vũ trang ở mọi miền biên giới, hải đảo trên đất nước ta. Đó là một cuộc sống cách biệt với xã hội, với gia đình, kham khổ, thiếu thốn mọi bề, một cuộc sống thường xuyên đối mặt với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ngày đêm căng thẳng. Qua 32 năm, đảo Sinh Tồn đã có nhiều đổi thay và phát triển, nhưng cuộc sống ở nơi đây đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp biết vượt qua mọi gian nan, hy sinh mọi nhu cầu riêng tư để giữ vững ý chí chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

        Khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh của bộ đội Sinh Tồn bắt nguồn từ tình yêu Tổ quốc, lòng trung thành vô hạn với Đảng và nhân dân; từ sự giác ngộ lý tưởng cách mạng sâu sắc, từ ý chí vì độc lập tự do, vì sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Mọi cán bộ, chiến sĩ luôn đặt lợi ích của tập thể, của đơn vị lên trên lợi ích cá nhân, nhường cơm, sẻ áo cho nhau, chia sẻ khó khăn vì nhiệm vụ chung cao cả.

        Ngày nay, truyền thống khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh tiếp tục được phát huy trong hoàn cảnh mới là một yếu tố của sức mạnh tinh thần góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo trong mọi tình huống căng thẳng, khó khăn.

        3. Kiên trì, cảnh giác là truyền thống mang tính đặc thù của bộ đội quần đảo Trường Sa nói chung và của đảo Sinh Tồn nói riêng.

        Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện xa sự lãnh đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, ở giữa biển Đông, xa các đảo bạn trong khu vực biển phức tạp, luôn có sự hoạt động thường xuyên của các loại phương tiện nước ngoài, xảy ra các hành động tranh chấp và luôn tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp xâm chiếm của nước ngoài đối với các bãi đá ngầm, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn luôn nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ đảo, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, có lập trường bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận rõ các âm mưu, thủ đoạn xâm chiếm, lấn chiếm; các mánh khóe khiêu khích, dụ dỗ, mua chuộc của nước ngoài, kiên trì thực hiện đúng đắn các đối sách, xây dựng đảo an toàn về mọi mặt. 32 năm, qua các thời kỳ lúc khó khăn gian khổ, lúc đấu tranh căng thẳng quyết liệt bảo vệ chủ quyền, cán bộ, chiến sĩ Sinh Tồn luôn thể hiện lòng kiên trì, cảnh giác cao độ, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, xây dựng nội bộ trong sạch, vững mạnh, đối phó thắng lợi với mọi âm mưu phá hoại, lấn chiếm từ bên ngoài, không để xảy các tình huống bất ngờ, giữ vững toàn vẹn chủ quyền đảo.

        4. Giữ vững chủ quyền là truyền thống vẻ vang của bộ đội đảo Sinh Tồn xuyên suốt 32 năm qua. Nó là kết quả của sự đoàn kết, chủ động; khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, hy sinh, vượt qua mọi thử thách để xây dựng và bảo vệ vững chắc đảo của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn.

        Truyền thống giữ vững chủ quyền, thể hiện sự quán triệt sâu sắc nhiệm vụ chính trị trọng tâm số một là bảo vệ bằng được chủ quyền đảo trong mọi tình huống; là luôn luôn nắm chắc tư tưởng chỉ đạo xây dựng, tổ chức lực lượng phòng thủ đảo, thực hiện nghiêm chỉnh các đối sách trên không, trên biển, giữ vững môi trường hoà bình không để xảy ra xung đột, duy trì chặt chẽ chế độ sẵn sàng chiến đấu, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện toàn diện, lấy xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu. Lấy xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm nòng cốt xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, là động lực, là sức mạnh bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao cho.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 11:35:26 am
 
       KẾT LUẬN

        Trải qua 32 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146, được sự đầu tư của Nhà nước; sự giúp đỡ, chi viện của các ngành, các cấp, các đoàn thể và nhân dân các địa phương; sự lao động, đoàn kết phấn đấu học tập, rèn luyện, hy sinh quên mình của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảo Sinh Tồn ngày càng được xây dựng vững chắc; khả năng phòng thủ, sức chiến đấu ngày càng tăng cường. Bộ đội Sinh Tồn đã lập nhiều thành tích xây dựng, bảo vệ đảo, góp phần cùng Lữ đoàn và Quân chủng bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa và xây dựng nên truyền thống của đơn vị hết sức vẻ vang.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, phát huy truyền thống, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Sinh Tồn cần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

        1. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lồl của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, đơn vị; nêu cao cảnh giác trước âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí linh, sự nghiệp đổi mới; kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng mét san hô, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

        2. Nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù. Tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện về mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo.

        3. Tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng thay thế cho nhau khi cần thiết. Trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, có đời sống nội tâm phong phú, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng Anh hùng.

        4. Không ngừng củng cố, nâng cao đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đảo thành khối vững chắc, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân dân một ý chí, tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi gian nguy, thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5. Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ đảo thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, niềm tin và chỗ dựa vững chắc của quần chúng. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        6. Tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược kinh tế biển, dự án đưa dân ra Trường Sa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết, cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn nêu cao trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, đáp ứng niềm tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 03:22:49 pm
       
(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Truongsa_zpsnnxh1t5z.jpg)
Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề

ĐẢO TRƯỜNG SA ĐÔNG XÂY DỰNG CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH 1978-2007

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/Linh%20tinh/Truong%20sa%20dong_zpsvahoa2db.jpg)

LỜI NÓI ĐẦU


        Sau giải phóng miền Nam, giải phóng quần đảo Trường Sa, ngày 4 tháng 4 năm 1978, tàu 681 của Lữ đoàn 125 đưa 19 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 145 do đồng chí Nguyễn Trung Cang - Tham mưu trưởng Trung đoàn chỉ huy đổ bộ đóng giữ đảo Trường Sa Đông. Nửa tháng sau, ngày 19 tháng 4 năm 1978, một lực lượng khác gồm 17 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Bùi Xuân Nhã chỉ huy tiếp nhận bàn giao của lực lượng đổ bộ. Sau gần một tháng lao động vất vả, hệ thống công sự trận địa căn bản hoàn thành, các vị trí chiến đấu được triển khai, đời sống bộ đội cơ bản được ổn định, tạo điều kiện bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ giữ vững chủ quyền đảo. Từ đó, ngày 4 tháng 4 hàng năm trở thành truyền thông của đảo.

        Trải qua gần 30 năm xây dựng và bảo vệ, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Trường Sa Đông đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh, tiến bộ về mọi mặt.

        Thực hiện chỉ thị của Tư lệnh Hải quân về biên soạn truyền thống các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Cục Chính trị tổ chức biên soạn cuốn sách “Đảo Trường Sa Đông xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (1978-2007)” nhằm giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ quân nhân chuyên nghiệp đảo Trường Sa Đông nói riêng, quần đảo Trường Sa nói chung, đồng thời làm tài liệu tuyên truyền.

        Trong quá trình biên soạn, Cục Chính trị nhận được sự giúp đỡ của các đồng chí cán bộ đã và đang công tác ở đảo Trường Sa Đông, của Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146. Tuy nhiên, do tài liệu không đầy đủ nguồn tư liệu có nhiều khó khăn, việc biên soạn khó tránh khỏi những hạn chế, mong độc giả, nhất là những cán bộ, chiến sĩ của đảo Trường Sa Đông thông cảm và góp ý kiên để cuốn sách khi tái bản đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc.

        Nhân dịp này, Cục Chính trị chân thành cám ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tạo điều kiện để cuốn sách được xuất bản đúng dip kỷ niệm lần thứ 29 ngày truyền thông của đảo (4-4-1978 - 4-4-2007).

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN        


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 03:47:39 pm
       
Phần một

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA


Phần hai

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO TRƯỜNG SA ĐÔNG (1978-2007)

        I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ ĐỊA LÝ CỦA ĐẢO TRƯỜNG SA ĐÔNG

        Đảo Trường Sa Đông nằm ở vĩ độ 08˚55'00"N và kinh độ 112˚21'00"E cách Cam Ranh, Khánh Hòa khoảng 290 hải lý, cách đảo Đá Tây khoảng 8,5 hải lý về phía Đông Bắc, cách Đá Đông khoảng 12 hải lý về phía Tây Bắc.

        Chiều dài của đảo khoảng 200 mét theo hướng Đông Tây; chiều rộng ở nửa phía Đông khoảng 60 mét, ở nửa phía Tây khoảng 5 đến 15 mét; diện tích toàn đảo khoảng 10.000m2. Đảo nằm trên bãi san hô ngập nước dài khoảng 1 hải lý. Phía Tây có một bãi cát nhỏ. Khi thủy triều thấp nhất toàn bộ đảo và bãi cát đều khô nước.

        Thềm san hô xung quanh đảo độ dốc lớn, chỗ nhô ra, chỗ thụt vào. Bề mặt san hô không bằng phẳng, chỗ cao, chỗ thấp, khi nước thủy triều lên cao ngập bãi rất khó xác định độ nông, sâu, gây nguy hiểm cho tàu, xuồng ra vào. Bãi san hô phía Đông rộng hơn phía Tây, nhưng không có cát nên việc đi lại khó khăn. Bãi phía Tây hẹp, có doi cát nhỏ, nhưng ngắn. Bãi phía Nam rộng, ít dốc, có nhiều cát sỏi hơn các phía khác. Lớp mùn san hô trên đảo mỏng, rất khó cho việc trồng cây xanh.

        Tương tự như các đảo khác trong quần đảo Trường Sa, thời tiết trên đảo Trường Sa Đông rất khắc nghiệt, nắng, mưa, giông gió thất thường, diện tích đảo lại hẹp nên việc ăn, ở, sinh hoạt của bộ đội khó khăn.

        Cùng với các đảo trong quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa Đông có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, quốc phòng - an ninh.

        Nằm ở phía Đông Đông Bắc của đảo Trường Sa, từ Trường Sa Đông đến các đảo trong quần đảo Trường Sa không xa, thuận tiện cho việc giao lưu, trao đổi, học tập, xây dựng đảo không ngừng tiến bộ về mọi mặt, bảo vệ đảo trước âm mưu xâm chiếm của kẻ thù và tạo thành lá chắn vững chắc bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Trong thềm san hô có nhiều loài hải sản quý như tôm hùm, cá ngừ, hải sâm, rùa biển và một số loài ốc có giá trị dinh dưỡng cao. Là một trong các đảo ở trung tâm của quần đảo Trường Sa, hàng năm số lượng tàu thuyền đi qua khu vực đảo Trường Sa Đông rất lớn, trong đó có nhiều tàu trọng tải từ 30.000 tấn trở lên, việc thực hiện các dịch vụ hàng hải sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Do vị trí thuận lợi, hàng năm ngư dân các địa phương ven biển Trung Bộ, Nam Trung Bộ ra sản xuất, khai thác, đánh bắt hải sản tương đối đông, tạo thành thế trận quốc phòng - an ninh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, tài nguyên, môi trường và trật tự an ninh chính trị trong khu vực.  


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 03:49:52 pm

        II. TRIỂN KHAI LỰC LƯỢNG ĐÓNG GIỮ HUẤN LUYỆN, SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ ĐẢO

        Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài, gian khổ, chịu nhiều hy sinh, mất mát của nhân dân ta: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Hải quân nhân dân Việt Nam vinh dự được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển từ địa đầu Móng Cái đến Kiên Giang. Song hoà bình chưa được bao lâu trên khu vực biển, quần đảo Trường Sa lại xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp.

        Tháng 3 năm 1978, Philíppin đưa lực lượng, phương tiện đóng giữ đảo Ponata, tăng cường kiểm soát, trinh sát các đảo ở khu vực phía Bắc của quần đảo Trường Sa. Malaixia, Hồng Kông, Trung Quốc cho lực lượng tàu, xuồng tăng cường hoạt động trinh sát, khảo sát, đánh bắt hải sản ở khu vực phía Nam quần đảo, xuống sâu tới các đảo Thuyền Chài, Phan Vinh.

        Để đối phó thắng lợi với diễn biến phức tạp của tình hình trên, từ ngày 20 tháng 2 năm 1978, Đảng ủy Quân chủng họp ra Nghị quyết số 504/ĐU-B đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ trong 3 năm từ năm 1975 đến năm 1978 và quyết định những chủ trương biện pháp lớn nhằm tăng cường khả năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển của Quân chủng, nhất là trên những vùng biển trọng điểm, Đảng ủy Quân chủng đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải khẩn trương triển khai lực lượng đóng giữ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Nghị quyết xác định: “Phải khẩn trương tập trung mọi nỗ lực cao nhất bảo đảm đánh thắng liên tục, giành thắng lợi ngay từ trận đầu, bảo vệ vững chắc vùng biển, hải đảo của Tổ quốc".

        Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy Quân chủng, đồng chí Giáp Văn Cương, Tư lệnh Hải quân lệnh cho Vùng 4, Trung đoàn 146 chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vũ khí thực hiện việc đóng giữ thêm các đảo trong quần đảo Trường Sa theo kế hoạch đã được Bộ Quốc phòng phê chuẩn.

        Chấp hành mệnh lệnh của Tư lệnh, đầu tháng 3 năm 1978, Trung đoàn 146 tổ chức 4 trung đội tăng cường cùng các tàu vận tải của Lữ đoàn 125, Hải đoàn 128, Trung đoàn 83 công binh, chia thành 4 phân đội lên đường làm nhiệm vụ đóng giữ 4 đảo: An Bang, Phan Vinh, Sinh Tồn Đông và Trường Sa Đông.

        Ngày 4 tháng 4 năm 1978, một phân đội gồm 19 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 146 dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Trung Càng - Tham mưu trưởng trung đoàn đi trên tàu 681 của Lữ đoàn 125 đã khẩn trương đổ bộ đóng giữ đảo Trường Sa Đông. Ngày 19 tháng 4 năm 1978, một lực lượng khác gồm 17 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn do đồng chí Bùi Xuân Nhã chỉ huy ra thay cho lực lượng đổ bộ và triển khai kế hoạch, phương án xây dựng, bảo vệ đảo. Sau gần một tháng nỗ lực lao động, cán bộ, chiến sĩ đã căn bản hoàn thành việc xây dựng công sự trận địa dã chiến, triển khai các vị trí trực canh, trực chiến, tuần tra canh gác và ổn định đời sống bộ đội, bước đầu hoàn thành nhiệm vụ do Bộ Tư lệnh và trung đoàn giao.

        Như vậy trong một thời gian ngắn, được sự phối hợp của Lữ đoàn 125, phân đội chiến đấu của Trung đoàn 146 đã triển khai đóng giữ đảo Trường Sa Đông kịp thời, bí mật, an toàn. Mùa hè năm 1978, đoàn cán bộ của Bộ Tư lệnh Hải quân do đồng chí Giáp Văn Cương - Tư lệnh Hải quân và đồng chí xoàng Trà, Chính ủy Hải quân ra thăm đã biểu dương, khen ngợi những thành tích của cán bộ, chiến sĩ và chỉ rõ: “Nhiệm vụ bảo vệ đảo là lâu dài, nặng nề và phức tạp. Mong cán bộ, chiến sĩ phải giữ gìn và phát huy truyền thống của Quân chủng Hải quân; ra sức xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt, cần kiệm xây dựng đảo, cảnh giác sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm phạm chủ quyền đảo, bảo vệ vững chắc vị trí tiền tiêu của Tổ quốc”.

        Nhận rõ vai trò, vị trí của đảo trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao ý chí, quyết tâm, ra sức khắc phục khó khăn, gian khổ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng giao.

        Trong những ngày đầu, lực lượng đóng giữ đảo đã đào đắp hai trận địa pháo 12,7mm và 14,5mm, hơn 50 mét hào giao thông, 20 công sự cá nhân, đồng thời triển khai vị trí canh gác ở đầu phía Bắc và phía Nam. Sau gần một tháng, khi tàu 681 trở về đất liền, lực lượng đóng giữ tiếp tục xây dựng các công trình chiến đấu, doanh trại, tu sửa, củng cố công sự, trận địa, hầm hố cá nhân, tổ chức huấn luyện, tuần tra, canh gác bảo vệ đảo và ổn định đời sống bộ đội.

        Tháng 10 năm 1987, nước ngoài cho tàu Hải Dương 4 đi qua khu vực đảo, có lúc vào sát mép san hô 1 hải lý răn đe lực lượng của ta. Nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng triển khai lực lượng, sẵn sàng đánh trả hành động vi phạm chủ quyền của đối phương. Trước tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao của đảo, tàu Hải Dương 4 không dám lại gần đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 03:50:16 pm

        Những năm tiếp theo, lực lượng của đảo được bổ sung. Từ trung đội năm 1978 phát triển nâng cấp thành đại đội năm 1981. Từ 19 cán bộ, chiến sĩ lúc đầu đến thời điểm cao nhất quân số của đảo có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp. Hiện nay, theo yêu cầu biên chế phù hợp với diễn biến tình hình vùng biển và nhiệm vụ của đảo được biên chế thành 3 phân đội hoả lực, 1 trung đội thông tin. Vũ khí được trang bị từ súng bộ binh đến hoả lực mạnh. Phát huy sức mạnh của vũ khí, thực hiện nghiêm việc bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất theo đúng quy trình, quy định kết hợp với đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố công sự, trận địa, hầm hào, hố cá nhân và luyện tập thành thục các phương án chiến đấu. Với phong trào "Ụ đá Bạch Đằng - Lũy thành Chi Lăng" và “Đoạn hào truyền thống" đảo đã khai thác hàng ngàn mét khối đá san hô để xây thành, đắp lũy công sự bao quanh đảo và hàng trăm ụ đá dưới nước chống địch đổ bộ đường biển. Tạo thế liên hoàn vững chắc giữa các vị trí chiến đấu và tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ đảo.

        Với tinh thần "tất cả vì Trường Sa", tất cả vì toàn vẹn chủ quyền biển, đảo, cán bộ, chiến sĩ không quản vất vả miệt mài lao động hoàn thành nhiều hạng mục, công trình bảo vệ đảo. Kết hợp lực lượng của đảo với lực lượng công binh của quân chủng, giữa lao động chân tay giản đơn với máy móc, đảo đã cơ bản hoàn thành công sự kiên cố các trận địa pháo, giao thông hào, hố cá nhân, hầm đạn đều được bê tông hoá. Việc xây dựng bố trí hệ thống công trình chiến đấu cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ đảo và phù hợp với cách đánh. Các phương án chiến đấu từng bước được hoàn chỉnh và tổ chức luyện tập thường xuyên cả ban ngày lẫn ban đêm. Trung bình 1 tháng đảo tổ chức báo động luyện tập phương án chiến đấu toàn đảo 2 đến 3 lần, cấp phân đội 3 đến 4 lần. Qua luyện tập, bộ đội nâng cao được trình độ chỉ huy, tác chiến, cách đánh hiệp đồng, trình độ sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, khả năng cơ động, vận động, tổ chức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, băng bó, cấp cứu thương binh, chuyển tải liệt sĩ và các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị.

        Công tác huấn luyện chiến đấu được đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả. Chi bộ đảo luôn coi lãnh đạo nhiệm vụ huấn luyện là nhiệm vụ thường xuyên và hàng năm đều có Nghị quyết lãnh đạo thường kỳ và chuyên đề về công tác huấn luyện, do đó mọi quy trình, quy tắc, quy chế, quy định, nền nếp, nội dung, chương trình, thời gian, quân số huấn luyện luôn được thực hiện nghiêm túc, đúng yêu cầu quy định của Bộ Tổng Tham mưu, của Quân chủng, Vùng. Trước khi bước vào huấn luyện, đảo tập trung tập huấn cán bộ để thống nhất về nội dung, những điểm mới, bổ sung trong chương trình huấn luyện, về mẫu biểu, sổ sách, tài liệu và những yêu cầu đạt được trong huấn luyện. Đồng thời phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng, hiệu quả huấn luyện chiến đấu và làm lễ ra quân huấn luyện với khí thế, quyết tâm cao. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của chi bộ - chỉ huy đảo, sự quyết tâm của đội ngũ cán bộ và sự nhiệt tình tham gia của cán bộ, chiến sĩ, công tác huấn luyện chiến đấu của đảo thu được nhiều kết quả tốt Về nhận thức, bộ đội luôn coi huấn luyện là nhiệm vụ trung tâm thường xuyên nên đã dành thời gian công sức, trí tuệ và tập trung tư tưởng cho công tác huấn luyện. Vì thế, mặc dù khó khăn vất vả, bộ đội vẫn hoàn thành nội dung, chương trình huấn luyện; bám sát thao trường, bãi tập, chiến hào, mâm pháo thao tác chính xác, thành thục các động tác. Và thực tế, chất lượng huấn luyện luôn được nâng lên, năm sau cao hơn năm trước. Qua kiểm tra của cấp trên, đảo Trường Sa Đông luôn là đơn vị bắn pháo, súng bộ binh giỏi 100% cán bộ, chiến sĩ đều biết sử dụng thành thạo từ 2 đến 3 loại vũ khí, thành thạo về chiến thuật cá nhân và trình độ hợp đồng tổ, khẩu đội. Thông tin liên lạc cả mạng thoại, mạng tín luôn thông suốt, chính xác, an toàn Công tác giáo dục chính trị đã bám sát tình hình thực tiễn của đảo, kết hợp giữa tổ chức lên lớp với thảo luận ở tổ, ở lớp bảo đảm cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc nội dung, nâng cao được trình độ lý luận. Dù điều kiện đảm bảo còn khó khăn nhưng đảo vẫn tổ chức học hết, học đủ, học đúng nội dung, chương trình theo quy định của Tổng cục Chính trị và Quân chủng. Kết quả kiểm tra nhận thức chính trị hàng năm đạt 100% yêu cầu có 75% khá giỏi. Công tác huấn luyện kỹ thuật, hậu cần được triển khai thực hiện đầy đủ, đạt mục đích, yêu cầu, chất lượng, hiệu quả. Năm 2005, Đoàn kiểm tra về huấn luyện của Lữ đoàn 146 ra kiểm tra đã đánh giá kết quả huấn luyện của đảo đạt đơn vị huấn luyện giỏi.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 03:56:36 pm

        III. BẢO ĐẢM TỐT CÔNG TÁC HẬU CẦN, KỸ THUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ CHIẾN ĐẤU, SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU, XÂY DỰNG, BẢO VỆ ĐẢO VÀ NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CHO BỘ ĐỘI

        1. Bảo đảm hậu cần


        Là đảo nhỏ, không có nước ngọt, ít cây xanh, quanh năm chịu sự chi phối của thời tiết biển, nắng, nóng thất thường, Trường Sa Đông là một trong những đảo có thời tiết khắc nghiệt nhất của quần đảo Trường Sa, vì thế bảo đảm nhu cầu ăn, ở, mặc, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe bộ đội luôn được lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đảo quan tâm, thực hiện có kết quả tốt.

        Về bảo đảm ăn cho bộ đội: Trong những năm từ 1978 đến năm 1990 điều kiện kinh tế đất nước còn trong tình trạng khủng hoảng, khả năng bảo đảm lương thực, thực phẩm, nước uống, rau xanh khó khăn, nhất là việc cung cấp, vận chuyển thực phẩm từ đất liền ra không thường xuyên, có lúc gặp trở ngại, để bảo đảm duy trì mức ăn của bộ đội không bị sút kém, đảo đã phát động phong trào tiết kiệm, quản lý, sử dụng hợp lý nguồn cung cấp của trên như: tiết kiệm trong ăn uống, tránh lãng phí; cất giữ gạo, ngô, thịt hộp nơi thoáng mát, đúng quy trình, tránh để hư hỏng, thất thoát, đồng thời đẩy mạnh đánh bắt hải sản, tạo nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ, nhờ đó bữa ăn của bộ đội được bảo đảm, bộ đội ít phải ăn gạo, thực phẩm kém chất lượng.

        Giai đoạn từ năm 1991 đến nay: Điều kiện cung cấp, vận chuyển từ đất liền có thuận lợi hơn, tàu ra đảo nhiều hơn, song đảo vẫn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý, sử dụng lương thực, thực phẩm hợp lý, không để hư hỏng, thất thoát, xuống cấp. Đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, duy trì thường xuyên đàn lợn 3 đến 5 con, đàn gà hàng trăm con. Tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ đánh bắt hải sản, trồng rau xanh bằng đất và phân vi sinh được chở từ đất liền ra, nhờ đó, mức ăn của bộ đội được nâng lên. Năm 2006, thu hoạch được hơn 2.000kg thịt và 3.500kg rau xanh, nước ngọt bảo đảm 15 lít/người/ngày.

        Về bảo đảm quân trang:

        Trải qua giai đoạn khó khăn, từ sau năm 1990 trở lại đây việc bảo đảm quân trang cơ bản đáp ứng yêu cầu học tập, lao động, công tác, huấn luyện, sinh hoạt của bộ đội. Ngoài quân trang theo tiêu chuẩn quy định, cán bộ, chiến sĩ được cấp thêm quân trang cá nhân, quân trang thường dùng cho công tác, huấn luyện dã ngoại, diễn tập.

        Về xây dựng doanh trại:

        Quán triệt sâu sắc quan điểm tự lực, ý thức tự chủ, dựa vào sức mình là chính, bộ đội đã bỏ hàng ngàn ngày công xây dựng, cải tạo, củng cố hệ thống nhà ở, làm việc, nhà ăn, nhà bếp, nhà kho, công trình vệ sinh thoáng mát, sạch sẽ.

        Để bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội, đảo duy trì thường xuyên công tác phòng dịch, vệ sinh môi trường. Hàng ngày, các phân đội tổ chức quét dọn, làm vệ sinh nhà ở, nhà ăn, nhà vệ sinh, diệt ruồi, diệt chuột, diệt muỗi. Hàng tuần, toàn đảo tổng vệ sinh, quét dọn hệ thống hào giao thông, công sự, trận địa pháo, trận địa xe tăng, hầm đạn, hố cá nhân, đánh rửa dụng cụ cấp dưỡng bảo đảm môi trường đảo luôn trong sạch. Bộ phận quân y thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh doanh trại; tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho 100% cán bộ, chiến sĩ quân nhân chuyên nghiệp; điều trị, cấp thuốc cho bệnh nhân, bảo đảm quân số khỏe luôn đạt từ 98,5% trở lên. Ngoài việc bảo đảm sức khỏe cho bộ đội, bộ phận quân y của đảo còn cấp cứu, điều trì, cấp thuốc cho ngư dân các địa phương ra sản xuất, đánh bắt hải sản, liên tục nhiều năm liền bộ phận quân y của đảo được công nhận danh hiệu quân y 5 tốt.

        2. Công tác bảo đảm kỹ thuật

        Quản lý, khai thác, sử dụng nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật khác nhau, trong khi người ít, thời tiết khắc nghiệt, song từ nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của vũ khí, trang bị kỹ thuật, đảo tập trung bảo quản, bảo dưỡng, lau chùi, niêm cất, khai thác, sử dụng phương tiện, vũ khí, cơ sở vật chất kỹ thuật đúng quy trình, thời gian, nguyên tắc luôn đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng và bảo vệ đảo. Trong khi khả năng bảo đảm của trên có hạn, đảo động viên bộ đội tiết kiệm dầu, mỡ, giẻ lau, duy trì và thực hiện có hiệu quả ngày kỹ thuật, giờ bảo quản, giờ thao tác nên hệ số bảo đảm kỹ thuật luôn đạt cao. Hưởng ứng cuộc vận động: “Quản lý, khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông" và phong trào đột phá: “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật" do quân đội, Quân chủng phát động, chi bộ đảo đã ra nghị quyết chuyên đề thực hiện cuộc vận động. Ban chỉ huy, trực tiếp, thường xuyên là đồng chí đảo trưởng triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ, đôn đốc, kiểm tra, phân công, phân nhiệm đến từng bộ phận, trung đội, tiểu đội. Cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình tham gia. Trung đội xe tăng, pháo 23mm, tiểu đội hoả lực, tiểu đội thông tin mỗi năm đầu tư hàng trăm ngày công sửa chữa xe, pháo, máy móc, bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất phương tiện, vũ khí. Có hạng mục của xe tăng, pháo hư hỏng theo quy định phải sửa chữa ở nhà máy, song bộ đội tự sửa chữa, bảo đảm xe, pháo luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu, làm lợi cho ngân sách hàng triệu đồng. Năm 2005, cùng với cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Nhà máy Z753, Phòng Kỹ thuật của Vùng 4 và Lữ đoàn 146, đảo đã bảo dưỡng, sửa chữa được 23 lượt cho xe tăng và pháo (trung bình pháo 23mm, 12,7mm, pháo tăng được bảo dưỡng 2 lần/khẩu/năm). Xe, pháo, kho vũ khí đạn được che đậy, sắp xếp gọn gàng ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, thuận tiện cho cơ động và bảo quản. Qua kiểm tra của cấp trên, hệ số sử dụng xe, pháo đạt 90% và luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 03:57:01 pm

        IV. XÂY DỰNG ĐẢO VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ, LÀM CƠ SỞ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỔNG HỢP, SỨC CHIẾN ĐẤU, LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ HOÀN THÀNH MỌI NHIỆM VỤ

        Nhận thức đúng vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị trong toàn bộ hoạt động xây dựng và bảo vệ đảo, gần 30 năm qua đảo đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện, chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của đảo.

        Về giáo dục chính trị, tư tưởng: Đảo đã tổ chức quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng; các tài liệu học tập chính trị của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, các chương trình bổ trợ, đề cương giáo dục tình hình nhiệm vụ của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn và đơn vị; các vấn đề nảy sinh phức tạp đối với vùng biển, đảo của Tổ quốc; các nội dung thời sự, nghe đài, xem truyền hình, xây dựng môi trường văn hoá, truyền thống, lịch sử, âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, đối tượng, đối tác cho cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên đạt mục đích, yêu cầu, không ngừng nâng cao tính hiệu quả.

        Qua giáo dục, quán triệt, cán bộ, chiến sĩ biểu thị sự nhất trí cao với quan điểm, chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới đất nước. Luôn giữ vững lập trường, bản chất giai cấp công nhân, không chao đảo, dao động trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức, tin vào tương lai, tiền đồ của đất nước, dân tộc; kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa; một lòng, một dạ đi theo Đảng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Xác định tốt trách nhiệm, ý chí, quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chủ quyền biển, đảo. Yên tâm với vị trí, nhiệm vụ được giao, thiết tha với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đảo, coi đảo là nhà, biển là quê hương, quyết mang hết tinh thần và nghị lực, sức lực và trí tuệ xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt, giữ vùng biển bình yên. Có quan điểm nhân văn sâu sắc, đúng đắn, yêu đồng chí, đồng đội, kính trên, nhường dưới, kính già, yêu trẻ, tôn trọng phụ nữ, giàu lòng nhân ái, vị tha; trọng lẽ phải, ghét bất công, sẵn sàng đấu tranh vạch trần cái xấu, bảo vệ lẽ phải và sự công bằng. Có nếp sống văn hoá, nói lời hay, làm việc tốt, khiêm tốn, giản dị, chân thành, lời nói đi đôi với việc làm. Có thể nói, mặc dù điều kiện ở đảo có nhiều khó khăn, mọi thứ đều thiếu thốn nhưng bộ đội luôn giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng; bản sắc văn hoá dân tộc, đạo lý con người Việt Nam, xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ", người cán bộ, chiến sĩ Hải quân ưu tú, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng anh hùng.

        Công tác bảo vệ - an ninh: Được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc góp phần xây dựng đảo vững mạnh về chính trị; cấp ủy, chỉ huy, chiến sĩ bảo vệ thường xuyên nắm chắc tình hình chính trị nội bộ, nhất là tình hình tư tưởng và các mối quan hệ của bộ đội. Khi phát hiện những vấn đề liên quan về chính trị kịp thời đề ra nhiều biện pháp giải quyết đúng đắn bảo đảm cho đảo luôn trong sạch về chính trị. Thực tiễn gần 30 năm qua, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp luôn đề cao cảnh giác cách mạng, phòng chống có hiệu quả mọi âm mưu thủ đoạn phá hoại của kẻ thù, có ý thức bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân và tự bảo vệ mình, không để kẻ địch lợi dụng cài cắm, móc nối, dụ dỗ, lôi kéo; không để nảy sinh tư tưởng lệch lạc, sai trái, các hành vi vi phạm về an mình chính trị; không để văn hoá xấu độc và tệ nạn xã hội thẩm lậu vào đơn vị. Tổng kết 10 năm xây dựng môi trường văn hoá (1995-2005), 5 năm công tác bảo vệ an ninh, 5 năm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (2000- 2005) đảo được công nhận là đơn vị an toàn tuyệt đối.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 03:58:54 pm

        Công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt: Luôn bám sát tình hình nhiệm vụ, diễn biến tình huống và thực tiễn của đảo triển khai thực hiện có kết quả tốt. Nằm trong khu vực thường xuyên có tàu thuyền của ngư dân các địa phương ra đánh bắt hải sản, đảo luôn quan hệ chặt chẽ với ngư dân để nắm tình hình vùng biển và giúp đỡ dân, tạo điều kiện cho dân yên tâm sản xuất. Những năm gần đây, mật độ ngư dân đông, đánh bắt liên tục trong thời gian dài không có điều kiện vào đất liền lấy nước ngọt, rau xanh, lương thực, thực phẩm, khám, điều trị bệnh tật. Chia sẻ với dân những thiếu thốn này, tuy điều kiện của đảo còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn san sẻ cho dân lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men chữa bệnh góp phần động viên nhân dân yên tâm, tiếp tục sản xuất và cung cấp cho đảo nhiều tin tức về tình hình vùng biển, nhất là hoạt động của tàu thuyền nước ngoài để có biện pháp đối phó kịp thời, giữ vững chủ quyền đảo. Đối với huyện Tuy An kết nghĩa, đảo thường xuyên giữ mối liên hệ, trao đổi thông tin giữa đảo với huyện, vận động cán bộ, chiến sĩ quyên góp, ủng hộ nhân dân khi gặp thiên tai, bão lũ. Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ đảo để lại trong lòng nhân dân hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ, tô thắm truyền thống quân dân cá nước, được dân mến, dân tin.

        Xung quanh khu vực đảo Trường Sa Đông có nhiều tàu chiến, tàu vận tải, tàu đánh cá, tàu thăm dò nghiên cứu của nước ngoài hoạt động xâm phạm chủ quyền, đe doạ sự bình yên vùng biển. Để đối phó thắng lợi âm mưu, thủ đoạn phá hoại của lực lượng nước ngoài, đảo thường xuyên đề cao ý thức cảnh giác, nắm vững chủ trương, đối sách, kiên quyết ngăn chặn xua đuổi bằng nhiều biện pháp buộc các lực lượng nước ngoài từ bỏ ý định, tự giác rút khỏi vùng biển của ta góp phần bảo vệ chủ quyền đảo, giữ vững môi trường hoà bình trong khu vực quần đảo Trường Sa, vùng biển và thềm lục địa phía Nam.

        Về công tác cán bộ, chính sách: Những năm qua đảo thường xuyên có sự thay đổi về tổ chức biên chế, lực lượng, lúc phát triển, khi thu hẹp, song đội ngũ cán bộ luôn được kiện toàn, củng cố bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời điểm, từng giai đoạn. Khi mới triển khai lực lượng đóng giừ, cán bộ của đảo ít, không đồng bộ, hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo, trong đó có đảo trưởng, chính trị viên đảo, phó chỉ huy - tham mưu trưởng, chính trị viên phó, các trợ lý phòng không, xe tăng, thông tin, công binh, hậu cần, quân khí, bác sĩ, phân đội trưởng, phân đội phó các Phân đội 1, 2, 3, trung đội trưởng trung đội thông tin. Ngoài ra còn đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật, hậu cần, tài chính, thông tin, báo vụ, ra đa tăng cường cho đảo. Qua học tập, công tác, phấn đấu, tu dưỡng đội ngũ cán bộ có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, có trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, yêu mến, gắn bó với đảo, không quản ngại khó khăn gian khổ quyết tâm xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt và bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo. Nhiều đồng chí hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ già yếu, con nhỏ, kinh tế thiếu thốn vẫn xác định tốt trách nhiệm. Công tác chính sách được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng theo quy định của Đảng, Nhà nước. Với khả năng cao nhất, đảo bố trí, sắp xếp giải quyết các chế độ cho bộ đội và hậu phương gia đình quân nhân góp phần động viên bộ đội yên tâm thực hiện nhiệm vụ, góp phần xây dựng, bảo vệ đảo. Cùng với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bảo vệ an ninh, dân vận tuyên truyền đặc biệt, chính sách, xây dựng đội ngũ cán bộ có số lượng phù hợp, chất lượng cao, thì công tác xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo trong mọi hoàn cảnh, tình huống.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 03:59:16 pm

        Lúc đầu, tổ chức đảng ở đảo chỉ có 1 tổ đảng thuộc Chi bộ đảo Trường Sa, đến cuối tháng 10 năm 1978 do yêu cầu nhiệm vụ và do số lượng đảng viên tăng, chi bộ đảo được thành lập. Mặc dù điều kiện mọi mặt của đảo còn nhiều khó khăn, nhất là việc bảo đảm điều kiện hoạt động huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và bảo đảm đời sống cho bộ đội, song chi bộ đã luôn có chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát, đúng, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy Trung đoàn 146 ngày 19 tháng 1 năm 1979: “Khẩn trương tập trung nỗ lực cao nhất làm chuyển biến tình hình trên 3 mặt: chính trị, quân sự, hậu cần, hoàn thành tốt công tác chiến đấu sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết bảo vệ từng tấc đất từng sải biển, từng vỉa san hô của Tổ quốc". Chi bộ đã lãnh đạo tổ chức quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, đồng thời ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề thực hiện nhiệm vụ. Theo chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn 146, chi bộ tập trung lãnh đạo kiện toàn hệ thống thông tin liên lạc giữa đảo với bờ, giữa đảo với sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn tại đảo Trường Sa nhằm bảo đảm chỉ huy chiến đấu liên hoàn giữa các đảo trong khu vực; xây dựng phương án tác chiến phòng thủ đảo; xây dựng hầm hào, công sự, trận địa. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, cán bộ, chiến sĩ toàn đảo đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, đầu tư hàng trăm ngày công đào hầm cá nhân, hào giao thông, công sự hỏa lực, củng cố hệ thống thông tin liên lạc, bảo đảm 100% các phiên liên lạc giữa đảo với Sở chỉ huy tiền phương của Trung đoàn thông suốt, chính xác, an toàn. Tháng 4 năm 1979, Đoàn kiểm tra của Bộ Tư lệnh Hải quân và Vùng 4 do đồng Trịnh Tuần - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng và đồng chí Nguyễn Đình Tạc - Chỉ huy trưởng Vùng 4 phụ trách thăm và kiểm tra đảo. Đoàn kiểm tra đã biểu dương cán bộ, chiến sĩ đảo có nhiều cố gắng quán triệt và thực hiện nghiêm nhiệm vụ quân chủng giao và nhắc nhở toàn đảo phải tiếp tục đề cao cảnh giác, nêu cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo và chăm lo đời sống bộ đội.

        Thực hiện chỉ thị của Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và Vùng, chi bộ tập trung lãnh đạo nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, bảo đảm kỹ thuật, hậu cần, đẩy mạnh phong trào tăng gia trồng rau xanh, đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thực hành tiết kiệm. Tháng 12 năm 1979, đảo tổng kết phong trào thi đua quyết thắng 2 năm 1978, 1979 đã nhất trí khẳng định: Trong điều kiện khó khăn, song đảo đã tích cực vận chuyển, bốc dỡ hàng nghìn tấn hàng hoá, khai thác hàng ngàn tấn san hô, kè, đắp tường chắn sóng, chống xói lở. Cùng với lực lượng công binh của Quân chủng, của Vùng 4, Lữ đoàn 146, cán bộ, chiến sĩ đảo đã hoàn thành hàng chục hạng mục công trình phục vụ cho kế hoạch phòng thủ; trình độ huấn luyện được nâng lên; 100% chiến sĩ đều biết sử dụng thành thạo từ 2 đến 3 loại vũ khí, bắn các loại pháo, súng bộ binh đều đạt giỏi; củng cố hoàn thành cơ bản nhu cầu nhà ở cho bộ đội, lương thực, thực phẩm, cơ số đạn, xăng dầu bảo đảm dự trữ 9 đến 12 tháng, nước ngọt 10 lít/người/ngày, đạn dược đủ cơ số theo yêu cầu và được bảo quản đáp ứng sẵn sàng chiến đấu thường xuyên. Đời sống của bộ đội được cải thiện một bước, nhất là bảo đảm ăn cho bộ đội được chú ý hơn, khẩu phần thực phẩm tươi, rau xanh được tăng lên. Đảo được Đảng ủy, Thủ trưởng Vùng 4 tặng giấy khen về thành tích xây dựng, chi bộ được Đảng ủy Lữ đoàn 146 công nhận đạt trong sạch vững mạnh.

        Liên tục từ đó đến nay chi bộ thường xuyên được kiện toàn, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu được nâng lên bảo đảm lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Hiện nay, chi bộ có 5 tổ đảng, 3 tổ đảng ở 3 phân đội chiến đấu hỗn hợp, 1 tổ đảng thông tin, 1 tổ đảng cơ quan đảo bộ. Cấp ủy gồm 5 đồng chí. Năm 2006, chi bộ và chi ủy của đảo được Đảng ủy Lữ đoàn 146 công nhận đạt trong sạch vững mạnh.

        Chi đoàn của đảo có 20 đoàn viên. Phát huy truyền thống quân đội, Quân chủng, truyền thống vẻ vang của Đoàn, những năm qua chi đoàn phát động nhiều phong trào, nhiều hoạt động thiết thực xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, xây dựng chi bộ đảo trong sạch vững mạnh, chi đoàn vững mạnh xuất sắc. Với phong trào "Ụ đá Bạch Đằng - Lũy thành Chi Lăng" và “Đoạn hào truyền thống”, đoàn viên thanh niên của đảo đã làm được hàng chục ụ đá dưới nước chống xuồng đổ bộ của địch, hơn 100 mét đường cơ động cho loại pháo, xe tăng, hơn 50 bàn chông sắt và khai thác hàng nghìn mét khối đá san hô để xây thành, đắp lũy, công sự xung quanh đảo.

        Từ buổi đầu, 19 cán bộ, chiến sĩ thực hiện kế hoạch đóng giữ với muôn vàn khó khăn gian khổ, trải qua gần 30 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển đảo Trường Sa Đông đã từng bước trưởng thành, lập nhiều thành tích to lớn, xây nên truyền thống vẻ vang. Nhiều năm đảng Trường Sa Đông là Đơn vị Quyết thắng, nhiều cán bộ, chiến sĩ được tặng những phần thưởng cao quý, là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của Lữ đoàn 146 và Vùng 4 Hải quân. Đảo đã được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, Đảng ủy, chỉ huy Vùng 4, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 146, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Khánh Hoà và huyện đảo Trường Sa tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, Bằng khen, Giấy khen.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 04:00:14 pm
 
Phần ba

NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU, NGUYÊN NHÂN VÀ TRUYỀN THỐNG

        I. NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

        1- Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông giác ngộ chính trị cao, có lý tưởng, mục tiêu chiến đấu rõ ràng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu con đường xã hội chủ nghĩa, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vì sự bình yên của biển đảo; có lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc; có lòng nhân ái, nhân văn, yêu đồng chí, quý đồng đội, kính trọng nhân dân, yêu biển, yêu đảo. Tích cực học tập nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, các quy định của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng và đơn vị; nắm vững đường lối đối ngoại quân sự, quan điểm quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng; xác định rõ đối tượng, đối tác; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân góp phần quan trọng tô thắm truyền thống quân đội, Quân chủng anh hùng. Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông luôn nắm vững và thực hiện đúng đường lối đối ngoại quân sự của Đảng, Nhà nước. Những năm qua, hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xung quanh khu vực đảo diễn ra thường xuyên, tăng cả về số lượng, cường độ và thời gian hoạt động, có lúc khá phức tạp, song đảo vẫn thực hiện đúng đối sách vừa bảo vệ được đảo, vừa giữ vững được môi trường hoà bình, tình hình trên đảo ngày càng yên ổn hơn. Để tăng cường khả năng bảo vệ đảo, lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đảo thường xuyên tuyên truyền vận động ngư dân các địa phương ra sản xuất trong khu vực đảo quản lý, có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, sẻ chia với nhân dân những khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân yên tâm làm ăn và cùng sát cánh với bộ đội bảo vệ đảo. Xa đất liền, xa hậu phương gia đình, sự thiếu thốn về đời sống văn hoá, tinh thần, tình cảm là thử thách thường xuyên đối với mọi cán bộ, chiến sĩ song ý thức được trách nhiệm cao cả trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, vận mệnh của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa Đông luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, dù khó khăn gian khổ văn một lòng, một dạ theo Đảng, tin vào tương lai, tiền đồ của đất nước, dân tộc; chấp nhận hy sinh, thiếu thốn, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng; tự động viên bản thân và gia đình gương mẫu làm tròn trách nhiệm với Tổ quốc; nội bộ đoàn kết thống nhất, dân chủ tốt, kỷ luật nghiêm; quý trọng nhân cách con người, gắn bó với đồng chí, đồng đội, kính trên nhường dưới, tôn trọng phụ nữ; tích cực xây dựng môi trường văn hoá phong phú, lành mạnh, xây dựng đảo là điểm sáng văn hoá. Có thể nói, tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông luôn xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân ưu tú, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

        2- Từ khi được giải phóng đến nay, chi bộ, thường xuyên đạt trong sạch vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ lý luận và nhận thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đảo vừng mạnh toàn diện, xây dựng chi bộ đảo trong sạch vững mạnh; có kiến thức quân sự, chính trị toàn diện, gương mẫu trong lời nói, việc làm, lối sống thực sự là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo. Đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm, đội ngũ đảng viên của đảo luôn dẫn đầu Đảng bộ Lữ đoàn 146 về tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tất nhiệm vụ, nhiều năm liên tục không có đảng viên yếu kém, vi phạm tư cách đảng viên.

        Noi theo đảng viên, đoàn viên thanh niên của đảo luôn có hoài bão, lý tưởng, biết hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, chịu khó học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có kiến thức, sức khỏe, ý chí quyết tâm đóng góp nhiều sức lực, trí tuệ xây dựng đơn vị, xây dựng đảng bộ, xây dựng tổ chức đoàn, xứng đáng là lực lượng tin cậy, là cánh tay đắc lực của Đảng, con cháu của Bác Hồ.

        3- Phát huy truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng, gần 30 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông nêu cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, tinh thần độc lập, tự chủ, ý thức tự lực tự cường, kiên trì khắc phục khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi gian nan thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm xuyên suốt - bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo. Từ buổi đầu với muôn vàn khó khăn đến nay, bằng trí tuệ, mồ hôi, công sức của bộ đội, đảo đã xây dựng hàng trăm mét giao thông hào, hàng chục trận địa, hàng nghìn mét kè chống xói lở kiên cố bảo đảm chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, cơ động lực lượng, luyện tập các phương án chiến đấu. Nhận thức đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ đảo, ngày đêm cán bộ, chiến sĩ miệt mài luyện tập nâng cao chất lượng huấn luyện, quan sát quản lý vùng biển, bảo đảm thông tin liên lạc, kịp thời phát hiện, nắm chắc tình hình, báo cáo chính xác, kiên quyết ngăn cản, xua đuổi, làm thất bại mọi hành vi xâm phạm của các lực lượng nước ngoài. Với tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao cho nên mặc dù ở xa đất liền, xa sự lãnh đạo, chỉ huy của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông luôn giữ vững được chủ quyền biển, đảo. Ngay cả khi tình hình trong khu vực quần đảo Trường Sa có những thời điểm diễn biến rất phức tạp, căng thẳng nhưng đảo vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, toàn vẹn chủ quyền đảo được giữ vững.

        4- Tích cực khắc phục khó khăn bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, cán bộ, chiến sĩ tích cực lao động, tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường, xây dựng doanh trại, xây dựng đảo xanh - sạch - đẹp, nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, giữ gìn bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Không khuất phục trước khó khăn, không ỷ lại hoàn cảnh, với tinh thần dựa vào sức mình là chính, bằng sức lao động của bộ đội, bộ mặt của đảo đã có sự thay đổi căn bản.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 04:01:39 pm

        II. NGUYÊN NHÂN

        Có những thành tích nói trên, trước hết là do sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của Đảng ủy Quân sự Trung ương - Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân chủng, của Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 mà trực tiếp, thường xuyên là Đảng ủy, chỉ huy Lừ đoàn 146. Thông qua chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết Đảng, Nhà nước, quân đội đã định hướng chính trị, tư tưởng và hành động làm cho bộ đội có nhận thức đúng đắn về tình hình, nhiệm vụ, có ý chí và quyết tâm cao, có hành động đúng, phù hợp mọi diễn biến của tình hình, những tình huống xảy ra, bảo đảm cho mọi hoạt động của đảo đúng hướng, có chất lượng và hiệu quả.

        Có sự đầu tư của Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở, của các đơn vị trong toàn quân, của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương ven biển, các tỉnh thành phía Nam, sự ủng hộ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài. Chính có sự đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ ủng hộ của mọi cấp mọi ngành, mọi tổ chức, mọi người, nhờ đó mọi mặt của đảo từng bước được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội được cải thiện, đó là nguồn động viên lớn, cổ vũ bộ đội cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh.

        Có sự hy sinh, phấn đấu, nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảng viên, đoàn viên, những người ngày đêm chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, vất vả, chịu đựng hy sinh mất mát để làm nên thành tích to lớn của đảo. Từ ngày đầu mới giải phóng đến nay, sự khó khăn thiếu thốn luôn là thử thách đối với bộ đội trên đảo. Có những thời điểm tình hình khu vực quần đảo Trường Sa rất căng thẳng. Song với ý chí, nghị lực, trách nhiệm, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ mọi khó khăn đều vượt qua, đảo vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

        III. TRUYỀN THỐNG

        Hơn 30 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông đã xây nên truyền thống:

        “Đoàn kết, chủ động.
        Khắc phục khó khăn.
        Kiên trì, cảnh giác.
        Giữ vững chủ quyền”.

        “Đoàn kết, chủ động" là truyền thống tiêu biểu, xuyên suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đảo.

        Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công" và quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân, đảo Trường Sa Đông luôn đoàn kết thống nhất thành một khối, lấy đoàn kết làm điểm tương đồng trong xây dựng và bảo vệ đảo.

        Đó là đoàn kết trong chi bộ, chi ủy, đoàn kết giữa bí thư với phó bí thư với các ủy viên và giữa các ủy viên với nhau. Đó là đoàn kết giữa bí thư với đảo trưởng và các phó đảo trưởng, giữa đảo trưởng với chính trị viên các phó đảo trưởng. Đoàn kết giữa cấp trên và cấp dưới, giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa cán bộ với cán bộ, chiến sĩ với chiến sĩ, giữa cán bộ cùng ngành với cán bộ khác ngành, giữa cơ quan đảo bộ với các đơn vị và giữa các đơn vị với nhau.

        Đó là đoàn kết giữa đảo với ngư dân của các địa phương ra sản xuất, đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản và giữa đảo với các đoàn khách ra thăm, kiểm tra, nắm tình hình, tham quan du lịch.

        Đó là đoàn kết giữa đảo với các đảo trong quần đảo Trường Sa, với các tàu trực, với các đơn vị đóng quân, đứng chân trên vùng biển và thềm lục địa phía Nam.

        Chính nhờ có sự đoàn kết đó mà đảo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

        Quán triệt quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đảo luôn luôn chủ động triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ, giải quyết mọi yêu cầu, nhu cầu, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, không ỷ lại hoàn cảnh, không trông chờ ở trên. Đó là truyền thống, là nét đẹp văn hoá trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ có chủ động mà các phương án chiến đấu, các kế hoạch phòng thủ, các chương trình huấn luyện, các yêu cầu bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, các nhu cầu về cuộc sống vật chất, tinh thần về thưởng thức văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, đọc sách báo, xem truyền hình, nghe đài, băng đĩa, khám chữa điều trị bệnh tật, hoạt động thể dục thể thao, tăng gia sản xuất đạt hiệu quả.

        “Khắc phục khó khăn" là một truyền thống tiêu biểu xuyên suốt trong chiến đấu, xây dựng, bảo vệ và phát triển của đảo. Khó khăn là đặc điểm lớn, bao trùm lên mọi hoạt động của đảo.

        Khó khăn về điều kiện thiên nhiên như độ mặn cao dễ làm hư hỏng vũ khí, trang thiết bị, không thuận lợi cho rau, cây cối phát triển; mưa nắng không điều hoà, mùa khô nắng nóng gay gắt, mùa mưa kéo dài ảnh hưởng đến mọi hoạt động; gió, nước làm xói lở kè, đe dọa đến cuộc sống của đảo. Khó khăn về công tác bảo đảm như cung ứng, vận chuyển lương thực, thực phẩm, rau xanh, nguyên vật liệu, vũ khí, đạn dược, xăng dầu, tài liệu sách báo. Khó khăn về bảo đảm thông tin liên lạc truyền thông, truyền hình phủ sóng. Thấy hết những khó khăn, dựa vào sức mình là chính, cán bộ, chiến sĩ không lùi bước, nỗ lực khắc phục, hoàn thành nhiệm vụ.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 04:02:09 pm

        Không có máy móc, chỉ có những công cụ thô sơ như cuốc xẻng, xà beng, bằng lao động chân tay, chiến sĩ đã đào đắp, sửa chữa hầm hố, hào giao thông, công sự, trận địa, san lấp mặt bằng, sửa chữa nhà cửa, thu dọn doanh trại, tổng vệ sinh làm cho bộ mặt của đảo thay đổi.

        Trong điều kiện xa đất liền, việc bảo đảm đời sống bộ đội gặp nhiều khó khăn, không khoanh tay trước khó khăn, cán bộ, chiến sĩ tận dụng từng mét đất chắt chiu từng bát nước ngọt, từng hạt gạo, miếng cơm, thời gian trồng rau xanh, nuôi gia cầm, gia súc, đánh bắt tôm cá tự túc một phần thực phẩm tươi sống, nâng cao đời sống bộ đội. Nhà ở, giường nằm bộ đội tự sửa chữa; vũ khí, đạn dược bộ đội tự sắp xếp, lau chùi, bảo quản, niêm cất nhờ công sức bỏ ra mà chống được sự xuống cấp, phục vụ kịp thời cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu.

        Để nâng cao đời sống tinh thần, tình cảm của bộ đội đảo quan tâm tổ chức các buổi liên hoan văn hoá, văn nghệ, thi báo tường, báo liếp, đọc sách báo, nghe đài xem ti vi, đọc thơ, xem băng đĩa tập thể, tự sáng tác tự biên, tự diễn thơ ca, hò vè, nhạc kịch góp phần làm không khí trên đảo thêm sôi động, giảm bớt sự buồn tẻ, tản mạn, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân.

        Hiện nay, việc vận chuyển từ đất liền có thuận lợi hơn trước, song khó khăn vẫn còn nhiều, cán bộ, chiến sĩ đảo tiếp tục động viên nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

        “Kiên trì, cảnh giác" là truyền thống vẻ vang của đảo.

        Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện xa sự lãnh đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, đòi hỏi tính độc lập cao. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đảo luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết, kiên trì thực hiện chủ trương, kế hoạch, đối sách.

        Giữa biển khơi, xung quanh nước bao bọc, xa các đảo trong khu vực, xa đất liền, nằm trong khu vực có sự tranh chấp, việc đề cao cảnh giác đập tan âm mưu của kẻ thù, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nội bộ là vấn đề sống còn đối với đảo. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đảo, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ đảo, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đập tan âm mưu xâm chiếm, xâm lấn, đóng xen kẽ, các hoạt động trinh sát, khảo sát, thăm dò, các thủ đoạn khiêu khích của kẻ thù và các lực lượng nước ngoài. Do đó, dù điều kiện bảo đảm cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hạn chế, đảo đã đối phó thắng lợi với các âm mưu phá hoại, xâm chiếm từ bên ngoài, không để xảy ra bất ngờ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đảo. Bảo vệ chính trị nội bộ trong sạch, đủ sức đánh bại mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch và các hành động phá hoại của nước ngoài; cán bộ, chiến sĩ có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có quan điểm giai cấp, ý thức địch, ta rõ ràng, phân biệt rõ bạn thù, đối tượng, đối tác; không làm bất cứ một việc gì liên quan, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn của đảo, xây dựng đảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

        Thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển rộng, thường xuyên diễn ra các hoạt động tranh chấp, trong xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển, đảo kiên trì thực hiện đối sách, bám sát tình hình, bám sát chủ trương đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, bám sát chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, bám biển, bám đảo, kiên trì luyện tập các kế hoạch, đề án, nội dung chương trình xây dựng và bảo vệ đảo. Nhờ kiên trì mà đảo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

        “Giữ vững chủ quyền" là truyền thống vẻ vang, xuyên suốt của đảo.

        Gần 30 năm qua, tình hình vùng biển, quần đảo Trường Sa luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ.

        Nhận thức sâu sắc, giữ vững chủ quyền là nhiệm vụ chính trị trọng tâm số 1 xuyên suốt của đảo, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, trực chiến, trực ban, trực chỉ huy, luyện tập huấn luyện, củng cố, xây dựng công sự, trận địa; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Song song với nhiệm vụ quân sự, đảo không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động xây dựng và bảo vệ đảo như củng cố, kiện toàn tổ chức chỉ huy, tổ chức đảng, đoàn; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng đảo vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, chi bộ trong sạch vững mạnh, tổ chức đoàn vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Với những cố gắng, nỗ lực đó đảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững chủ quyền đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 18 Tháng Giêng, 2017, 04:03:08 pm

        KẾT LUẬN

        Là một đảo trong quần đảo Trường Sa, có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự, giao thông; dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội; sự giúp đỡ của các Bộ, các ngành, các đơn vị trong và ngoài Quân chủng, của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương, của đồng bào, chiến sĩ cả nước; sự phấn đấu nỗ lực của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, quân nhân chuyên nghiệp đảo Trường Sa Đông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, chi bộ trong sạch vững mạnh, lập nhiều thành tích to lớn, truyền thống vẻ vang.

        Phát huy truyền thống, trong giai đoạn mới, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Trường Sa Đông cần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

        1- Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, đơn vị; âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc. Không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới; kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng mét san hô, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

        2- Nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù. Tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện về mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo.

        3- Tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng thay thế cho nhau khi cần thiết. Trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, có đời sống nội tâm phong phú, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, truyền thống vẻ vang quân đội, Quân chủng anh hùng.

        4- Không ngừng củng cố, nâng cao đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đảo thành khối vững chắc, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân dân một ý chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi gian nguy, thử thách hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5- Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng chi bộ đảo thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, niềm tin và chỗ dựa vững chắc của quần chúng. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        6- Tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược kinh tế biển, dự án đưa dân ra Trường Sa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông luôn nêu cao trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, đáp ứng niềm tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 11:52:16 am
       
(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Truongsa_zpsnnxh1t5z.jpg)
Vị trí của 9 đảo được nêu trong chủ đề


TRUYỀN THỐNG ĐẢO TRƯỜNG SA ANH HÙNG-1975-2007

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/To%20Quoc%20noi%20dau%20song/Truong%20Sa_zpsb9oft8nz.jpg)

LỜI NÓI ĐẦU

        Đảo Trường Sa là đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa, có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự. Trong hào khí của cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975, ngày 29 tháng 4 năm 1975 đảo Trường Sa được giải phóng. Trải qua hơn 30 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa lập nhiều chiến công to lớn, thành tích vẻ vang. Đảo được tuyên dương danh hiệu cao quý "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, 96 tập thể, 198 cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen.

        Nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa tiếp tục học tập, công tác, lao động góp phần xây dựng đảo "Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường", Cục Chính trị tổ chức biên soạn cuốn sách 'Truyền thống đảo Trường Sa Anh hùng (1975- 2007)" làm tài liệu giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa nói riêng, quần đảo Trường Sa nói chung.

        Việc biên soạn cuốn sách có nhiều khó khăn vì quần đảo Trường Sa và đảo Trường Sa có quá trình hình thành phát triển từ rất lâu và trải qua nhiều biến cố lịch sử, việc ghi chép lại không đầy đủ, nhất là giai đoạn từ năm 1975 về trước, mong độc giả cảm thông.

        Nhân dịp này Cục Chính trị Hải quân chân thành cảm ơn các cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân và Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tạo điều kiện để cuốn sách được xuất bản, phát hành đúng dịp kỷ niệm lần thứ 32 ngày giải phóng đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2007).

        Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN        

        PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

        - "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"   Năm 1985

        - Huân chương Chiến công hạng Hai Năm 2001

        - Huân chương Chiến công hạng Ba Năm 1982

        - Lẵng hoa của Bác Tôn Năm 1977

        - Lẵng hoa của Chủ tịch nước Lê Đức Anh Năm 1993

        - Thủ tướng Chính phủ tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua" Năm 2001, 2002

        - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng cờ "Đơn vị hoàn thành xuất sắc cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa (1992-2002)" Năm 2002

        - Tư lệnh Hải quân tặng cờ "Đơn vị 4 năm liền dẫn đầu phong trào thi đua" Năm 2002, 2003, 2004, 2005

        - Năm 2006 được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng đề nghị lên trên tặng "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng Nhất   

        - 96 tập thể, 98 cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen.   


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 11:55:58 am
       
Phần một

ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC CỦA QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA


Phần hai

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, CHIẾN ĐẤU VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢO TRƯỜNG SA (4/1975 - 4/2007)

        I. ĐẶC ĐIỂM TỰ NHIÊN, VỊ TRÍ CỦA ĐẢO TRƯỜNG SA

        Đảo Trường Sa ở vĩ độ 08°38'25"N, kinh độ 111°5500 E, nằm ở phía Nam và là đảo lớn của quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh (Khánh Hoà) khoảng 254 hải lý.

        Đảo có có hình dáng gần như một tam giác vuông, có cạnh huyền nằm theo hướng Đông Bắc - Tây Nam dài 630 mét, chiều rộng nhất khoảng 300 mét, diện tích toàn đảo khoảng 0,2km2. Là đảo nổi, mặt đảo bằng phang, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim của nhiều loài chim sinh sống như hải âu, hải yến, vịt biển. So với mực nước biển lúc thủy triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao khoảng 2,4 đến 2,8 mét.

        Đảo nằm trên nền san hô ngập nước. Nền san hô ở phía Đông rộng, thoai thoải, phía Tây hẹp, dốc.

        Trên đảo có giếng nước lợ nằm ở độ sâu khoảng 2 mét thuận tiện cho tắm, giặt, tưới cây, là một sự ưu đãi của thiên nhiên cho con người của đảo. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo có trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới, thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết, khí hậu, khí tượng ở khu vực biển Đông.

        Điều kiện khí hậu, thủy văn ở đảo Trường Sa mang đặc trưng khí hậu, thủy văn của quần đảo Trường Sa, có mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 5, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Những tháng mùa khô khí hậu rất khắc nghiệt, ngày nắng, nóng, oi bức kéo dài từ 04 giờ 30 phút đến 19 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, đây là thời kỳ sóng yên, biển lặng rất thuận lợi cho các đoàn khách từ đất liền ra kiểm tra, nắm tình hình, thăm hỏi, tham quan, động viên bộ đội và nhân dân trên đảo. Đồng thời cũng là mùa đánh bắt hải sản của ngư dân các tỉnh ven biển Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Vì thế, tuy có nắng, nóng, chật chội và thiếu nước ngọt nhưng là những tháng mọi hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, dân và quân trên đảo trỏ nên sôi động hơn. Thủy triều trên đảo là chế độ nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống.

        Ở vĩ độ thấp, gần đường xích đạo, số ngày nắng trên đảo nhiều, trên dưới 300 ngày trong năm. Nằm giữa biển khơi, chịu sự chi phối của 3 khối gió mùa Đông Bắc, Đông Nam và Tây Bắc thường xuyên thay

        nhau mang hơi nước từ biển thổi vào, gây hư hại cho các trang thiết bị, vũ khí và sự sinh trưởng của cây cối. Những tháng mùa mưa thời tiết mát mẻ hơn nhưng lại hay có giông gió bất thường ảnh hưởng đến các hoạt động trên đảo.

        Thực vật ở đảo chủ yếu là cây phong ba, bàng vuông, xương rồng, phi lao, muống biển và một số loài cỏ lau thân mềm, cỏ lá kim, nhưng sự phát triển, sinh trưởng kém do sự khắc nghiệt của khí hậu. Xung quanh đảo có nhiều loài ốc, cá, hải sâm. Chim có một số loài, nhiều hơn cả là cò và một số loài chim di cư theo mùa. Sự săn bắt của con người làm cho các loài chim, cá ngày càng ít đi.

        Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió. Trên thực tế, nhiều năm qua, ngư dân các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và một số địa phương ven biển Nam Bộ mỗi khi xa bờ, ra khơi sản xuất, bất ngờ có bão, giông, đau ốm, bệnh tật phần nhiều đã đến Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh. Với vị trí thuận lợi, Trường Sa hoàn toàn có thể trở thành địa chỉ cung ứng dịch vụ nghề cá, cảng biển.

        Xung quanh đảo Trường Sa, phía sát ngoài rìa của thềm san hô có nhiều loài cá quý như chim, thu, ngừ và một số loài hải sâm có giá trị dinh dưỡng cao.

        Mùa biển lặng, tàu thuyền tập thể, cá nhân của các cơ sở đánh bắt xa bờ và các nước trong khu vực đến Trường Sa đánh bắt hải sản. sản lượng cá ngừ ở Trường Sa khá lớn, dễ đánh bắt, dễ tiêu thụ.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 11:57:12 am

        II. XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG, HUẤN LUYỆN, SẴN SÀNG CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ ĐẢO

        Cùng với giải phóng miền Nam, giải phóng quần đảo Trường Sa, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, của Bộ Tư lệnh Hải quân, sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, 9 giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975, phân đội chiến đấu của Trung đoàn Đặc công Hải quân 126 và Quân khu 5 hoàn thành nhiệm vụ đổ bộ, đánh chiếm giải phóng hoàn toàn đảo Trường Sa, đảo cuối cùng trong quần đảo Trường Sa, kết thúc một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chiến lược do Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

        Những cán bộ, chiến sĩ của lực lượng Đặc công Hải quân và Quân khu 5 sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đảo được giao nhiệm vụ ở lại bảo vệ đảo. Họ là những cán bộ, chiến sĩ có công lớn bảo vệ, xây dựng và phát triển đảo Trường Sa. về tổ chức lực lượng, số cán bộ, chiến sĩ này được biên chế thành một đại đội gồm 3 phân đội. Những năm tiếp theo quân số tăng dần, đại đội phát triển thành tiểu đoàn. Đến năm 1988, tiểu đoàn được nâng cấp, phát triển tương đương trung đoàn. Lực lượng trên đảo lúc này có 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại đội phòng không, 1 đại đội xe tăng và 1 trung đội bộ binh cơ động. Đến tháng 5 năm 1996, lực lượng trên đảo được tổ chức thành 3 cụm chiến đấu, mỗi cụm có trang bị, quân số tương đương với một tiểu đoàn. Ngoài bộ đội Hải quân, trên đảo có bộ đội phòng không trực thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân và cán bộ, nhân viên của trạm Khí tượng thủy văn thuộc đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ. Từ năm 1988 đến năm 2006, đảo Trường Sa tiếp tục được nâng cấp phát triển về lực lượng, tính chất, nhiệm vụ. Ban chỉ huy gồm đảo trưởng, chính trị viên đảo, các phó đảo trưởng; cơ quan đảo bộ có các trợ lý tham mưu, tác chiến, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, có bệnh xá trung tâm của khu vực Nam Trường Sa. Các cụm chiến đấu có cụm trưởng, các phó cụm trưởng, chính trị viên cụm; các phân đội chiến đấu thuộc cụm và trung đội thuộc Ban chỉ huy đảo. Quân số tăng hàng trăm cán bộ, chiến sĩ so với ngày đầu mới giải phóng đảo.

        Về tính chất, nhiệm vụ, theo Nghị quyết ngày 28 tháng 12 năm 1982 của kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VII, đảo Trường Sa vừa có chức năng bảo vệ, vừa có chức năng xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại cho cả khu vực quần đảo Trường Sa.

        Cùng với việc xây dựng, phát triển lực lượng, đảo tập trung củng cố hệ thống công sự trận địa, từng bước hoàn chỉnh phương án chiến đấu, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nề nếp chính quy đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đảo vững mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo.

        Sau khi được giải phóng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trước yêu cầu, tính chất của nhiệm vụ bảo vệ đảo, cán bộ, chiến sĩ tập trung củng cố công sự, trận địa, hào giao thông. Trên các hướng Đông Nam, Đông Bắc, Tây Bắc, cán bộ, chiến sĩ bỏ hàng ngàn ngày công sửa chữa lại các trận địa pháo, giao thông hào, hố cá nhân, hầm cất giữ đạn. Năm 1988, tập trung xây dựng trận địa xe tăng và pháo đáp ứng yêu cầu cơ động chiến đấu của các loại vũ khí hiện đại. Giai đoạn từ năm 1988 đến năm 2006, bên cạnh các công sự, trận địa dã chiến, lộ thiên, đảo đã huy động hàng vạn ngày công phối hợp với lực lượng công binh của Quân chủng xây dựng các công trình kiên cố. Hàng trăm mét hào giao thông có nắp, hàng chục công sự xe tăng, pháo có mái che, hàng ngàn mét kè chống xói lở được bê tông hoá phù hợp với cách đánh và chống sự xâm thực của nước biển, sự tàn phá của gió. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội, sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Công binh và công sức của cán bộ, chiến sĩ năm 1994 đảo hoàn thành việc xây dựng cầu cảng dài 150 mét làm nơi neo đậu cho tàu thuyền. Từ đây việc bốc xếp hàng hoá, vũ khí, đạn được thuận tiện. Những công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng, phục vụ dân sinh như sân bay, trạm điện thoại qua vệ tinh, trạm khí tượng thủy văn, trạm thu phát truyền hình VTVl, VTV3, trạm thu phát sóng FM, trong đó sân bay được đầu tư nâng cấp năm 2005 góp phần thực hiện chương trình vươn ra biển xa trong chiến lược biển của Đảng, Nhà nước.

        Tinh thần lao động nhiệt tình, sáng tạo, trách nhiệm của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ, các công trình trên đảo Trường Sa được xây dựng, củng cố vững chắc, đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đảo. Xa đất liền hàng trăm hải lý, xa các đảo trong khu vực hàng chục hải lý, việc chi viện từ bờ và các đảo lân cận rất khó khăn. Nêu cao tinh thần tự lực, tự chủ, độc lập tác chiến, ngày đêm cán bộ, chiến sĩ tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, huấn luyện quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, không ngừng nâng cao trình độ, khả năng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu. Các phương án chống đổ bộ đường biển, tập kích đường không, hiệp đồng giữa các lực lượng trên đảo, giữa sở chỉ huy với các cụm chiến đấu, các đơn vị độc lập được huấn luyện thường xuyên giúp cho cán bộ, chiến sĩ thực hành cơ động chiến đấu nhanh, chính xác, kịp thời cơ.

        Là đơn vị chiến đấu, nhiệm vụ huấn luyện được Đảng ủy, chỉ huy thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, được cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc và nhiệt tình hưởng ứng. Dù khó khăn, vất vả đảo vẫn bảo đảm huấn luyện hết chương trình, đúng, đủ nội dung, thời gian và quân số. Kết quả huấn luyện quân sự hàng năm đều đạt khá giỏi. Riêng về bắn đạn thật, qua tự kiểm tra của đơn vị và kiểm tra của Vùng 4, Lữ đoàn 146, Quân chủng và Bộ Quốc phòng, đảo Trường Sa luôn được đánh giá là đơn vị bắn giỏi.

        Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nề nếp chính quy, trong hơn 30 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa luôn chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật, quy chế, quy định của quân đội, Quân chủng, của Vùng 4, của Lữ đoàn 146 và chỉ huy đảo.

        Việc thực hiện nề nếp chính quy được triển khai sớm và đồng bộ. Khắp các đơn vị, từ Ban chỉ huy đảo đến cụm chiến đấu, phân đội đều có hệ thống biển, bảng thống nhất. Chức trách, nhiệm vụ của từng người được thực hiện đầy đủ. Chấp hành Nghị quyết 1438 của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng và Chỉ thị 733 của Ban Chỉ đạo 1438, Đảng ủy và Ban chỉ huy đảo đã cụ thể hoá thành những quy định sát với tình hình thực tiễn của đảo, được cán bộ, chiến sĩ nắm và chấp hành triệt để góp phần xây dựng đảo vững mạnh vê mọi mặt. Cuộc sống ở đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song cán bộ, chiến sĩ tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm mệnh lệnh của người chỉ huy và những quy định của đảo; liên tục nhiều năm không có vụ việc vi phạm kỷ luật.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 11:57:56 am

        III. BẢO ĐẢM TỐT CÔNG TÁC HẬU CẨN, KỸ THUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG, BẢO VỆ ĐẢO

        1. Bảo đảm hậu cẩn.

        Nằm giữa biển Đông, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết biển, xa đất liền hàng trăm hải lý, việc bảo đảm hậu cần cho chiến đấu, huấn luyện, học tập, sinh hoạt, đòi sống của bộ đội là một nhiệm vụ quan trọng và không ít khó khăn đối với lãnh đạo, chỉ huy của đảo Trường Sa. Nắm vững đặc điểm và hưởng ứng phong trào "Ngành Hậu cần làm theo lời Bác Hồ dạy”, ngay từ khi được giải phóng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp chủ động tìm mọi biện pháp để giải quyết nhu cầu ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao của bộ đội.

        Trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn, kinh tế chưa phát triển, lương thực, thực phẩm thiếu thốn. Đảng ủy có Nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác hậu cần, Ban chỉ huy đảo động viên bộ đội sử dụng lương thực, thực phẩm tiết kiệm, hợp lý, kết hợp giữa nguồn cung cấp từ đất liền với khả năng tự túc, đẩy mạnh trồng rau, chăn nuôi gia cầm, gia súc, đánh bắt hải sản, do đó vẫn bảo đảm tiêu chuẩn, chế độ ăn thường xuyên cho bộ đội và có dự trữ cho chiến đấu. Từ năm 1990 trở lại đây, điều kiện bảo đảm của Nhà nước khá hơn, việc chuyên chở từ bờ ra đảo tương đối thuận lợi, việc bảo đảm lương thực, thực phẩm tốt hơn giai đoạn trước, song bộ đội trên đảo vẫn luôn có ý thức sử dụng lương thực, thực phẩm hợp lý, tiết kiệm, vừa bảo đảm đủ calo, bữa ăn được cải thiện, vừa bảo đảm cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo. Chất lượng bữa ăn của bộ đội được nâng lên.

        Qua giai đoạn thiếu thốn cả về quân trang thường dùng, quân trang dã chiến, hiện nay bộ đội được trang bị đủ các loại quân trang, có quân trang dùng cho học tập, huấn luyện, sinh hoạt thường ngày, có loại dùng cho diễn tập, dã ngoại, huấn luyện chuyên ngành, có lễ phục sử dụng trong ngày lễ, tết, đón nhận phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, tiếp đón cấp trên. Như vậy, về mặc, bộ đội ở đảo được trang bị đầy đủ, đúng và nhiều chủng loại.

        Về xây dựng doanh trại, sau nhiều năm sửa chữa, củng cố, xây dựng mới, đến nay nhà ở của bộ đội tương đối thoáng mát, sạch sẽ, cơ bản đáp ứng yêu cầu về ở theo quy định của Bộ Quốc phòng. Nhà ở của các cụm, phân đội được sửa chữa, củng cố vững chắc, rộng và thoáng. Nhà của Ban chỉ huy và cơ quan đảo bộ được xây dựng theo tiêu chí của doanh trại cấp trung đoàn, có phòng nghỉ, làm việc, có phòng đọc sách báo, trưng bày hiện vật, hình ảnh truyền thống của đảo. Hệ thống nhà ăn, bếp nuôi quân được chỉnh sửa gọn gàng, sạch sẽ.

        Phong trào tăng gia quanh nhà, quanh đảo được đẩy mạnh. Đảo duy trì thường xuyên hàng chục con lợn, đàn gà hàng trăm con, tăng cường nguồn thực phẩm tươi sống, góp phần cải thiện bữa ăn cho bộ đội và các nhu cầu đột xuất. Việc trồng rau xanh được đặc biệt chú ý. Đất, phân vi sinh, giống cây chở từ đất liền được cán bộ, chiến sĩ tổ chức gieo trồng, chăm bón đầy đủ, nhờ đó rau xanh trên đảo được phát triển. Giàn bầu, bí, vườn rau muống, rau cải quanh năm xanh tốt trở thành nguồn cung cấp rau xanh thường xuyên cho đảo. Trung bình hàng năm đảo thu hoạch được khoảng 10 tấn rau xanh, 4 tấn thịt gia súc, gia cầm, đưa vào bữa ăn 1.000 đồng/người/ngày. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đường giao thông trên đảo được nâng cấp. Hệ thống đường giao thông từ Sở chỉ huy đảo đến các cụm, phân đội, bến cảng được quy hoạch, sửa chữa, nâng cấp bảo đảm cho việc cơ động lực lượng và đi lại trên đảo thuận tiện. Hệ thống cây bóng mát được phát triển. Tuy thời tiết khắc nghiệt nhưng các cây tự nhiên và cây mang ra từ đất liền được chăm sóc tưới tắm thường xuyên nên độ che mát được mở rộng. Doanh trại tương đối khang trang, sạch sẽ, xanh mát, gọn và thống nhất thể hiện nề nếp chính quy trong ăn, ở, sinh hoạt, học tập.

        Cơ sở chăm sóc sức khỏe của bộ đội được đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu về khám, chữa bệnh cho bộ đội, cho nhân dân. Bệnh xá của đảo được Viện 175 trang bị máy móc, dụng cụ y tế, thuốc phục vụ khám, cấp cứu, điều trị bảo đảm sức khỏe cho bộ đội. Những năm qua, các bác sĩ, nhân viên y tá của đảo đã cấp cứu, phẫu thuật, điều trị nhiều ca hiểm nghèo cho người bệnh là bộ đội và nhân dân. Đảo thường xuyên làm tốt công tác vệ sinh, môi trường bảo đảm sạch sẽ, thoáng mát, hợp vệ sinh, nhất là những nơi công cộng. Kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động của thầy thuốc với sự tự giác chấp hành các quy định về vệ sinh và sự tích cực rèn luyện của bộ đội nên sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo luôn bảo đảm được tỷ lệ khỏe từ 98,5% trở lên, không để xảy ra dịch bệnh là yếu tố quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 11:59:56 am

        2. Bảo đảm kỹ thuật.

        Được cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, được bộ đội nhiệt tình tham gia với ý thức trách nhiệm cao nên mặc dù quản lý, khai thác, sử dụng nhiều loại vũ khí, vật tư, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật đa dạng nhưng công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và xây dựng đảo luôn đạt chất lượng, hiệu quả cao. Vũ khí được lau chùi, sửa chữa, bảo quản đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu thường xuyên và đột xuất. Cuộc vận động 50 "Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông"; phong trào đột phá vào "Xây dựng nề nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật" được triển khai thực hiện có hiệu quả tốt. Ý thức làm chủ khoa học kỹ thuật của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên, nhất là làm chủ xe, pháo, trang bị, vũ khí đã trở thành việc làm tự giác của mọi cán bộ, chiến sĩ, nhờ đó tình trạng kỹ thuật luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Đạn các loại được bảo quản, phân loại chất lượng, cất giữ, niêm cất chống lại sự xuống cấp nhanh và sự hủy hoại của hơi nước, của gió biển. Các trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật được giữ gìn, bảo quản đung quy trình, quy định. Cán bộ, chiến sĩ đảo kết hợp với cán bộ, nhân viên, công nhân kỹ thuật của Nhà máy Z753, Phòng Kỹ thuật Vùng 4, Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn 146 sửa chữa khắc phục hư hỏng của xe tăng, pháo, các trang bị kỹ thuật, khí tài bảo đảm luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Hệ số sử dụng xe, pháo thường xuyên đạt 90%; vũ khí, đạn đạt 88%. Tuy điều kiện thiên nhiên, thời tiết khắc nghiệt nhưng công tác bảo đảm kỹ thuật của đảo có nhiều cố gắng bảo đảm phục vụ chỉ huy chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu và huấn luyện; những thiết bị bảo đảm phục vụ đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội luôn ở trạng thái làm việc hiệu quả, kịp thời đáp ứng mệnh lệnh của người chỉ huy và các hoạt động của bộ đội.

        IV. XÂY DỰNG ĐẢO VỮNG MẠNH VỂ CHÍNH TR|, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TỔNG HỢP, SỨC CHIẾN ĐẤU, LÃNH ĐẠO ĐƠN VỊ HOÀN THÀNH MỌI NHIỆM VỤ ĐƯỢC GIAO

        Với vị trí là trung tâm của quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa luôn tự xác định phải nỗ lực phấn đấu về mọi mặt xây dựng đảo, thật sự vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

        Ngay sau khi được giải phóng, lãnh đạo, chỉ huy của đảo tập trung giáo dục tình hình, nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, đơn vị và nhiệm vụ của từng người; vị trí, vai trò, quá trình hình thành, phát triển, việc xác lập, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa nói chung, đảo Trường Sa nói riêng; âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, của các nước trong khu vực, các nước láng giềng; yêu cầu, khả năng bảo vệ của ta; truyền thống bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc, quân đội, Quân chủng, truyền thống, kinh nghiệm, trình độ đánh giặc trên chiến trường sông biển của cha ông; chủ trương, quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo, thêm lục địa; nghị quyết, chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa.

        Qua các giai đoạn cách mạng, những nội dung trên được tiếp tục giáo dục quán triệt và bổ sung những vấn đề mới nổi lên ở từng giai đoạn cho cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên. Giai đoạn từ năm 1985 đến năm 1990, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng tập trung giáo dục về tình hình đất nước, những khó khăn, yếu kém của nền kinh tế, diễn biến của tình hình thế giới; sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Ảu, sự thoái trào của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; âm mưu và hành động của lực lượng nước ngoài trong việc xâm chiếm, đóng xen kẽ với ta trong khu vực quần đảo Trường Sa; chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh giải quyết những tranh chấp trong khu vực; quyết tâm của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa, khu vực biển và thềm lục địa phía Nam (DKI), trong xây dựng và bảo vệ đảo Trường Sa; tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ, nhân dân, bộ đội đối với những vấn đề xảy ra trên thế giới, trong nước, trong quân đội và Quân chủng. Giai đoạn từ năm 1991 đến năm 2006, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng tập trung giáo dục những thành tựu của công cuộc đối mới đất nước, những vận hội, cơ hội, thời cơ, nguy cơ, thách thức đe dọa sự phát triển của xã hội và sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa; âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thực hiện; tình hình vùng biển, âm mưu của các nước đối với Trường Sa, biển Đông, DKI; chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước; nhiệm vụ của quân đội, Quân chủng, của Vùng 4, Lữ đoàn 146 và nhiệm vụ của đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 12:00:13 pm

        Được giáo dục, quán triệt, học tập, nghiên cứu và tự nhận thức của bản thân, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảng viên, đoàn viên thanh niên toàn đảo thể hiện sự nhất trí cao với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thấy rõ quy luật của sự phát triển xã hội những khó khăn thách thức trên con đường đổi mới, những nhận định đánh giá tình hình, quan điểm, chủ trương, giải pháp thực hiện. Làm cho cán bộ, chiến sĩ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thành công của sự nghiệp đổi mới; có trình độ và bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, một lòng một dạ đi theo Đảng, có ý thức trách nhiệm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo; kiên quyết đấu tranh vối các quan điểm tư tưởng sai trái, lệch lạc, những biểu hiện hoài nghi, dao động, thiếu vững vàng trước khó khăn, thách thức. Trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nắm vững tình hình, nhiệm vụ, yêu cầu của cách mạng, quân đội, Quân chủng, của Vùng, Lữ đoàn và đơn vị; vị trí, vai trò của biển Đông, Trường Sa, khu vực biển và thềm lục địa phía Nam, ý nghĩa của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền hòn đảo; xác định rõ kẻ thù, đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn, những động thái mới của lực lượng nước ngoài đối với khu vực quần đảo Trường Sa và vùng biển, đảo của Tổ quốc.

        Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, bất cập, nhưng cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp luôn nêu cao ý chí quyết tâm, kiên quyết, kiên trì bảo vệ đảo, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự bình yên của biển cả, vì toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; không lùi bước trước khó khăn, quyết vượt qua gian khổ, hiểm nguy, dám nghĩ, dám làm; xác định tốt trách nhiệm, nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ, yên tâm xây dựng đảo, coi đảo là nhà, biển là quê hương, tự hào và vinh dự được cầm súng bảo vệ chủ quyền hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc; yêu quý đồng chí, đồng đội, quý trọng nhân dân; có tình đoàn kết, kính trên, nhường dưới, gắn bó với nhau như ruột thịt; biết nâng niu, giữ gìn, phát huy truyền thống, coi đó là nguồn mạch của sức mạnh; có văn hoá và quan điểm nhân văn sâu sắc.

        Tiêu biểu cho tinh thần, ý chí, quyết tâm đó là những tập thể, cá nhân Cụm chiến đấu một, Cụm chiến đấu hai, Cụm chiến đấu ba, các phân đội hỏa lực, xe tăng đều đồng loạt đăng ký xung phong ra mặt trận chiến đấu lập công, trả thù cho các đồng chí cán bộ, chiến sĩ hy sinh, mất tích trong trận chiến đấu ngày 14 tháng 3 năm 1988 trên đảo Gạc Ma. Tập trung củng cố giao thông hào, công sự trận địa, chuẩn bị vũ khí, triển khai các vị trí chiến đấu, luyện tập các phương án đánh địch đổ bộ đường biển, đường không, hiệp đồng chiến đấu chi viện đảo, Ban chỉ huy đảo, Ban Chấp hành Liên chi đoàn phát động phong trào thi đua "Vì Trường Sa, tất cả cho Trường Sa" tạo được khí thế sôi nổi hướng ra tiền tuyến, tinh thần quyết tâm chiến đấu bảo vệ đảo. Tinh thần đó tiếp tục được hun đúc sau chuyên thăm, kiểm tra trên quần đảo Trường Sa của Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng. Tháng 5 năm 1988, trong bài phát biểu quan trọng tại lễ kỷ niệm 33 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5-1955 - 7-5-1988) tại đảo Trường Sa, trước đông đảo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh Phú Khánh, đồng chí biểu dương: "Hải quân đã tích cực, kiên trì thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng về bảo vệ quần đảo Trường Sa. Mặc dù có nhiều khó khăn, song đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao". Đại tướng nhấn mạnh: "Hôm nay, nhân kỷ niệm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam, trên đảo chính của quần đảo Trường Sa có mặt đông đủ đại diện của các tổng cục, các quân chủng, đại biểu tỉnh Phú Khánh, chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa trước đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa, một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta".


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 12:00:36 pm

        Thấm nhuần và thực hiện lời căn dặn của Đại tướng, toàn đảo tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, giết giặc, nâng cao chất lượng huấn luyện, chuẩn bị mọi mặt cho đảo bước vào chiến đấu, sẵn sàng đập tan mọi hành động phiêu lưu, liều lĩnh của các lực lượng nước ngoài xâm phạm chủ quyền đảo và quần đảo. Tinh thần đó được tiếp tục hun đúc, giữ vững trong suốt chặng đường xây dựng, phát triển của đảo. Không ít lần lực lượng nước ngoài cho tàu, máy bay, xuồng, người vào gần đảo trinh sát, thăm dò nhưng cán bộ, chiến sĩ đã nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tuần tra, canh gác nghiêm ngặt nên không để bất ngờ xảy ra, đảo được bảo vệ và được phát triển từng bước vững chắc.

        Dù khó khăn gian khổ và tình hình luôn phức tạp nhưng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì chủ quyền của hòn đảo, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

        Có tư tưởng chính trị vững vàng, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảng viên, đoàn viên tỏ rõ quyết tâm xây dựng Đảng bộ Trường Sa trong sạch vững mạnh, lãnh đạo đơn vị hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

        Sau giải phóng, chi bộ đảo chỉ có hơn chục đảng viên, số đảng viên mới được kết nạp trong chiến đấu còn hạn chế về nhiều mặt, song nhờ nỗ lực phấn đấu, không ngừng rèn luyện, kiên định ý chí và quyết tâm, nên dù ở vị trí nào đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, làm tấm gương cho quần chúng noi theo. Trong sinh hoạt chi bộ giữ vững nguyên tắc lãnh đạo, phát huy trí tuệ tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân trong tổ chức thực hiện nghị quyết nên đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, nhất là khi mọi mặt trên đảo còn khó khăn, nhà cửa, hầm hào còn sơ sài, lương thực, thực phẩm, rau xanh, nước ngọt thiếu, tư tưởng bộ đội có lúc bị phân tán nhưng chi bộ có nhiều biện pháp lãnh đạo sát, đúng, cụ thể, nhờ đó các khó khăn, trở ngại được khắc phục, bộ đội xác định được trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đảo.

        Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở phát triển của lực lượng và số lượng đảng viên, ngày 25 tháng 8 năm 1988 Đảng ủy Lữ đoàn 146 ra Quyết định số 175/ĐU nâng cấp chi bộ đảo Trường Sa thành Đảng bộ bộ phận gồm các chi bộ của cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Kỹ thuật, Cụm chiến đấu một, Cụm chiến đấu hai, Cụm chiến đấu ba, Phân đội xe tăng, Phân đội pháo 130mm và 85mm. Đồng thời chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ đảo gồm 5 đồng chí do đồng chí Lại Văn Toan làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Thắng làm Phó Bí thư. Đây là những đảng viên có nhiều năm công tác ở đảo, nắm chắc tình hình, nắm vững phương án tác chiến, diễn biến tư tưởng và quyết tâm của bộ đội, có khả năng chỉ huy chiến đấu, kinh nghiệm quản lý, do đó trong lãnh đạo, Đảng ủy bộ phận đề ra nhiều chủ trương, phương hướng, biện pháp lãnh đạo sát, đúng, phù hợp với thực tiễn và khả năng của bộ đội, phát huy được sức mạnh của toàn đảo, tạo thuận lợi cho ngươi chỉ huy thực hiện chức trách nhiệm vụ, nâng cao trình độ chỉ huy chiến đấu và xây dựng đảo. Trong giai đoạn này, tình hình trên đảo còn nhiều khó khăn như doanh trại xuống cấp, nhà ở, nhà ăn dột nát, lương thực, thực phẩm thiếu và chất lượng kém, quân trang không đủ mặc, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội khó khăn, công sự trận địa chủ yếu là lộ thiên, không bảo đảm cho chiến đấu lâu dài, hệ thống chống xói lở chưa được đầu tư sửa chữa, ảnh hưởng đến cơ động lực lượng và sinh hoạt trên đảo. Song nhờ có sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng ủy, sự tiền phong gương mẫu của đội ngũ đảng viên, những khó khăn từng bước được tháo gỡ, tình hình mọi mặt của đảo nhanh chóng được ổn định và có bước phát triển tốt.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 12:01:03 pm

        Trong lãnh đạo tư tưởng, Đảng bộ đề ra nhiều giải pháp lãnh đạo sát, đúng diễn biến tình hình tư tưởng của bộ đội, tạo được sự thống nhất về nhận thức, ý chí, quyết tâm, thu hút, lôi cuốn mọi đảng viên, đoàn viên thanh niên tham gia các phong trào, các hoạt động chung của đảo, chống được sự tản mạn, thiếu tập trung, suy nghĩ lệch lạc. Đặc biệt, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa vào những năm 1987, 1988 khi lực lượng nước ngoài tăng cường các hoạt động trinh sát, khảo sát, thăm dò gần các đảo ta đang đóng giữ và đặc biệt nghiêm trọng khi họ ngang nhiên chiếm 6 bãi đá ngầm của ta, nổ súng bắn chìm ba tàu, bắn vào chiến sĩ đang giữ đảo làm 64 đồng chí của ta hy sinh và mất tích. Lường trước những diễn biến tư tưởng có thể xảy ra đối với bộ đội của đảo, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo tư tưởng đối với từng tổ, từng nhóm, từng người, từng cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên. Trong lãnh đạo Đảng bộ chú trọng nhiều đến biện pháp sinh hoạt tập trung. Ban Chỉ huy đảo tập trung cán bộ, chiến sĩ quán triệt tình hình, thống nhất nhận định đánh giá âm mưu, thủ đoạn, ý đồ của đối phương, phân tích thuận lợi, khó khăn, yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, xác định quyết tâm, tinh thần chiến đấu, sẵn sàng xả thân để bảo vệ đảo và chi viện cho các đảo khác, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào, đi bất cứ đâu theo yêu cầu của Quân chủng. Cùng với việc tổ chức sinh hoạt tập trung toàn đảo, tại các cụm chiến đấu, các phân đội, tiểu đội, tổ chiến đấu cũng tổ chức trao đổi, bàn bạc xây dựng quyết tâm. Đảng ủy, chi bộ phân công các đồng chí đảng viên kèm cặp, giúp đỡ, tìm hiểu, nắm tình hình, động viên quần chúng, đặt ra yêu cầu cho quần chúng suy nghĩ và hứa hẹn phấn đấu. Bằng nhiều biện pháp tích cực, phù hợp, Đảng bộ đã lãnh đạo tốt tình hình tư tưởng của bộ đội. Qua sinh hoạt, học tập, nhiều đảng viên, quần chúng xác định được trách nhiệm, phấn khởi, yên tâm, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ được giao, sẵn sàng hy sinh, chiến đấu bảo vệ đảo. 100% cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đều đăng ký đi chiến đấu, không có trường hợp nào thoái thác nhiệm vụ.

        Từ năm 1988 đến năm 2006, Đảng bộ đảo tiếp tục được củng cố kiện toàn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu, chất lượng sinh hoạt, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo đảo hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, giữ vững chủ quyền hòn đảo. Từ năm 1988 đến năm 2000, tuy số lượng đảng viên có lúc tăng, lúc giảm nhưng Ban Chấp hành thường xuyên được kiện toàn với 5 đảng ủy viên. Các chi bộ của Cụm chiến đấu một, Cụm chiến đấu hai, Cụm chiến đấu ba và chi bộ cơ quan đảo bộ có chi ủy, các chi bộ còn lại có bí thư, phó bí thư. Từ năm 2000 đến năm 2006, Đảng bộ bộ phận của đảo gồm 4 chi bộ, trong đó có 3 chi bộ ở 3 cụm chiến đấu và 1 chi bộ ở cơ quan đảo bộ. Số lượng cấp ủy gồm 5 đảng ủy viên Đảng bộ bộ phận và 12 chi ủy viên của các chi bộ.

        Tổ chức đảng và cấp ủy các cấp thường xuyên giữ vững nề nếp, chế độ sinh hoạt. Đảng ủy bộ phận, các chi bộ hàng tháng ra nghị quyết lãnh đạo, tổ chức sinh hoạt ngày đảng đúng quy định. Nội dung sinh hoạt kết hợp chặt chẽ cả 3 hình thức sinh hoạt ra nghị quyết lãnh đạo, sinh hoạt học tập, sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt đảng viên phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn chỉ rõ khuyết điểm, tồn tại, thực trạng tình hình của đơn vị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng, quy rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân từ lãnh đạo, chỉ huy đến cơ quan, đơn vị, đề xuất nhiều biện pháp lãnh đạo sát, đúng, phù hợp, nhất là những biện pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm thường xuyên, bảo vệ, giữ vững chủ quyền đảo được thảo luận, bàn bạc kỹ, sôi nổi, nên mặc dù điều kiện của đảo còn nhiều khó khăn, tình hình vùng biển diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn những yếu tố khó lường nhưng chủ quyền đảo vẫn luôn được giữ vững, mọi mặt của đơn vị ngày càng ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội được cải thiện. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đảng bộ, chi bộ, chi ủy được nâng lên, chất lượng đội ngũ đảng viên có bước chuyển biến tiến bộ. Năm 2006, Đảng bộ bộ phận đảo được công nhận trong sạch vững mạnh, 4/4 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 70% đảng viên đạt đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, số còn lại đạt đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ, không có tổ chức đảng, cấp ủy yếu kém, không có đảng viên vi phạm tư cách đảng viên, vi phạm kỷ luật.

        Được thành lập từ năm 1988, Đảng bộ đảo đã qua 9 kỳ đại hội. Mỗi đại hội đánh dấu một bước phát triển về chất của Đảng bộ, sự tiến bộ chung của đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 12:01:48 pm

        Đại hội Đảng bộ lần thứ IX diễn ra từ ngày 13 đến ngày 14 tháng 5 năm 2005. Đại hội sôi nổi tham gia đóng góp vào các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị báo cáo tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X. Đại hội cũng dành thời gian tham gia vào Báo cáo chính trị của Đảng ủy Lữ đoàn 146. Trong báo cáo kiểm điểm lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ nhiệm kỳ năm 2003-2005 của Đảng ủy bộ phận trình bày trước Đại hội đảng bộ đảo đã đánh giá: "Những năm qua, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp, nhiệm vụ của đảo nặng nề, tổ chức biên chế, lực lượng thu gọn và không thật ổn định nhưng Đảng bộ đã lãnh đạo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền hoàn thành xuất sắc. Tư tưởng bộ đội ổn định, cán bộ, chiến sĩ yên tâm, phấn khởi, nêu cao ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo. Đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, môi trường bảo đảm, sức khỏe bộ đội được củng cố. Năm 2003, 2004, đảo được công nhận đơn vị vững mạnh toàn diện, được Bộ Tư lệnh Quân chủng tặng cờ thưởng "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua”. Đảng bộ và 4 chi bộ được công nhận là tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có trình độ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đi đầu, tiền phong, gương mẫu, lôi cuốn quần chúng, được quần chúng tin tưởng. Cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đề cao trách nhiệm hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, có tinh thần quyết tâm bảo vệ chủ quyền đảo”. Qua thảo luận, Đại hội thể hiện sự nhất trí cao với báo cáo của Đảng ủy và cho rằng đó là những đánh giá chính xác, đúng mức, khách quan, có tác dụng động viên cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên tiếp tục phấn đấu xây dựng và bảo vệ đảo. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 5 đồng chí.

        Cùng với việc xây dựng Đảng bộ đảo trong sạch vững mạnh, việc xây dựng đội ngũ cán bộ có số lượng phù hợp, chất lượng cao, có bản lĩnh, trình độ lãnh đạo, chỉ huy vững vàng được Đảng ủy các cấp, trực tiếp là Đảng ủy Vùng 4, Lữ đoàn 146 và Đảng bộ bộ phận của đảo thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ mang lại nhiều kết quả tốt.

        Nắm vững quan điểm, cán bộ là khâu quyết định đến khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Đối với Trường Sa, xa đất liền, xa hậu phương gia đình, thời tiết khắc nghiệt, việc sắp xếp, điều động đủ các vị trí và động viên cán bộ yên tâm công tác trên đảo dài ngày là vấn đề quan tâm hàng đầu của cán bộ các cấp. Trong giai đoạn 1975-1990, đặc biệt trong những năm đầu mới giải phóng, đội ngũ cán bộ của Quân chủng thiếu nhiều, nhất là cán bộ binh chủng hợp thành, song bằng nhiều biện pháp, nhiều nguồn, đội ngũ cán bộ của đảo cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức biên chế lực lượng, các đại đội, phân đội đều bố trí 3 (2 quân sự, 1 chính trị). Những cán bộ này phần đông đều qua chiến đấu, có đồng chí trực tiếp tham gia giải phóng đảo, có kinh nghiệm thực tế, có bản lĩnh lãnh đạo, chỉ huy, phẩm chất chính trị, đạo đức tác phong sâu sát, xông xáo, miệng nói tay làm, xác định tốt trách nhiệm, tuy hậu phương gia đình ở xa, có nhiều khó khăn, nhất là hoàn cảnh kinh tế thiếu thốn nhưng vẫn xác định yên tâm tư tưởng, quyết tâm xây dựng, bảo vệ đảo. Trong thời điểm tình hình ở Trường Sa căng thẳng, xảy ra sự kiện ngày 14 tháng 3 năm 1988, các đồng chí vẫn một lòng một dạ sắt son gắn bó với đảo, lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, huấn luyện bộ đội, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Một số đồng chí được điều động vào đất liền đã tình nguyện ở lại tiếp tục công tác, mang hết khả năng cống hiến xây dựng, bảo vệ đảo. Trong giai đoạn 1990-2006, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội trên đảo bớt phần khó khăn, chính sách đối với cán bộ ở đảo có sự đổi mới, đáp ứng một phần căn bản nhu cầu cuộc sống, nhất là thực hiện quy trình luân thay phiên cán bộ Trường Sa được ban hành theo Quyết định của Bộ Quốc phòng đã góp phần động viên cán bộ yên tâm công tác. Việc sắp xếp, bổ trí cán bộ theo yêu cầu nhiệm vụ tiếp tục được thực hiện nghiêm túc hơn. Căn cứ vào tình hình thực tế, Quân chủng đã điều động đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ đảo. Thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị (khoá IX) "Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam". Từ tháng 5 năm 2006, chính trị viên đảo, chính trị viên các cụm chiến đấu được sắp xếp, bố trí phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 12:02:33 pm

        Nằm ở vị trí là cầu nối giữa đất liền với các đảo trong khu vực, các đoàn cán bộ của Đảng, Nhà nước, quân đội, tỉnh thành, các tổ chức chính trị, xã hội mỗi khi ra thăm quần đảo Trường Sa phần lớn đều đến Trường Sa, được đảo đón tiếp chu đáo, tận tình. Cán bộ, chiến sĩ đảo luôn thể hiện tình cảm kính trọng, hiếu khách và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn khách. Tổ chức canh gác chặt chẽ, giữ bí mật quân sự. Những năm qua, tàu thuyền nước ngoài, trong nước hoạt động xung quanh khu vực đông nhưng bí mật quân sự của đảo được giữ vững. Cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm những quy định về phòng gian, bảo mật, những điều cấm và tự bảo vệ mình. Không để người ngoài móc nối, mua chuộc, dụ dỗ, không để văn hoá xấu độc thẩm lậu vào đơn vị, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, nhận thức lệch lạc, mơ hồ, bảo vệ đảo trong sạch về chính trị. Có sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo của người chỉ huy các cấp, liên tục nhiều năm đảo được công nhận đơn vị an toàn tuyệt đối về chính trị.

        Vừa làm tốt công tác bảo vệ - an ninh, đảo vừa làm tốt công tác dân vận - tuyên truyền đặc biệt và công tác chính sách, nhân dân đến với Trường Sa chủ yếu là ngư dân của các địa phương ra sản xuất, đánh bắt, chế biến hải sản và cán bộ, nhân viên trạm khí tượng thủy văn. Quán triệt sâu sắc quan điểm dân vận của Đảng, truyền thống quân dân cá nước, cán bộ, chiến sĩ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân được đến cấp cứu, điều trị tại đảo. Những năm qua hàng chục người dân mắc bệnh hiểm nghèo đột xuất được đảo cấp cứu kịp thời, hàng trăm lượt ngư dân được khám, điều trị, cấp thuốc miễn phí. Trong điều kiện xa đất liền, song cán bộ, chiến sĩ đã quyên góp ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt hơn 100 triệu đồng. Với những việc làm đó, cán bộ, chiến sĩ đảo thực sự góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, người cán bộ, chiến sĩ Hải quân, bản chất, truyền thông Quân đội nhân dân Việt Nam - Quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Trong tình hình hiện nay, những nghĩa cử đó góp phần củng cô nền quốc phòng, thế trận chiến tranh nhân dân và an ninh nhân dân trên quần đảo Trường Sa.

        Công tác tuyên truyền đặc biệt được đẩy mạnh, được hướng dẫn và trang bị phương tiện, công cụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ của đảo thường xuyên bám sát tình hình, quản lý chặt chẽ khu vực xung quanh đảo, khi phát hiện đối tượng có ý định, hành vi xâm phạm chủ quyền đã chủ động, tích cực vận động, thuyết phục làm cho họ nhận rõ việc làm sai trái, tự rút lui; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn của đảo được giữ vững, mối quan hệ, tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trong khu vực, các nước láng giềng tiếp tục được củng cố.

        Công tác chính sách được coi trọng đúng mức. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song với tinh thần tích cực, chủ động, đảo đã giải quyết từng bước có hiệu quả công tác chính sách góp phần động viên cán bộ, chiến sĩ phấn khởi, yên tâm công tác. Trên cơ sở các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho quân nhân ở đảo, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tích cực giải quyết bảo đảm cho bộ đội được hưởng đầy đủ theo quy định, không để sót, không để sai, nhất là các chế độ ăn, nghỉ, lương, phụ cấp được thực hiện chu đáo. Đối với những quân nhân hy sinh khi làm nhiệm vụ được khâm liệm, truy điệu, chôn cất chu đáo, đúng nghi thức quân đội và báo tử về địa phương theo quy định, đồng thời làm văn bản đề nghị Nhà nước công nhận liệt sĩ. Những quân nhân bị thương được cứu chữa tận tình, tích cực đề nghị giải quyết theo chính sách ban hành. Những bia, mộ của quân nhân đang nằm tại đảo được trông coi, tu sửa. Chính những việc làm đó góp phần động viên bộ đội quyết tâm xây dựng, cầm chắc tay súng bảo vệ đảo.

        Đoàn viên thanh niên là lực lượng đông, chiếm hai phần ba quân số, được cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực tham gia xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, tổ chức đoàn vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, xung kích đi đầu bảo vệ chủ quyền đảo. Chi đoàn được thành lập ngay từ ngày đầu đảo mới được giải phóng với hơn ba chục đoàn viên. Từ năm 1978, Chi đoàn được nâng cấp phát triển thành Liên chi đoàn. Đến nay Liên chi đoàn có 4 chi đoàn ở các cụm chiến đấu và cơ quan đảo bộ. Được sống trong hoà bình, được rèn luyện trong môi trường quân đội, đoàn viên thanh niên đảo luôn khắc sâu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", tích cực học tập công tác, huấn luyện, rèn luyện đóng góp trí tuệ, công sức xây dựng, bảo vệ đảo và quyên góp hàng chục triệu đồng cho quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo. Thấm sâu lời dạy "Không có việc gì khó; Chỉ sợ lòng không bền; Đào núi và lấp biển; Quyết chí ắt làm nên" của Bác Hồ, ngay từ ngày đầu mới được giải phóng, đoàn viên thanh niên đã bắt tay sửa chữa nhà cửa, hầm hào, công sự, trận địa, dọn dẹp vệ sinh tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai nhiệm vụ bảo vệ đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 12:03:19 pm

        Trong thời điểm nóng bỏng ở quần đảo Trường Sa, thực hiện khẩu hiệu: "Tất cả cho Trường Sa, vỉ Trường Sa thân yêu”, 100% đoàn viên, thanh niên tình nguyện ghi tên đăng ký đi chiến đấu bảo vệ quần đảo. Các phong trào do tổ chức Đoàn phát động như: "Ụ đá Bạch Đằng - lũy thành Chi Lăng", "Đoạn hào truyền thống", "Ba đỉnh cao quyết thắng”, "Đảo thanh niên quản lý", "Vọng gác thanh niên", "Vườn cây thanh niên" và nhiều phong trào khác đều được đoàn viên thanh niên của đảo nhiệt tình hưởng ứng, tham gia hoạt động có hiệu quả thiết thực. Các vườn rau xanh, các hàng cây bóng mát, các vọng gác, các công sự trận địa đều ghi dấu chân, bàn tay, là sản phẩm của trí tuệ thanh niên đảo. Họ thực sự là người đóng góp công sức xây dựng hòn đảo ngày càng: "Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, môi trường". Qua hoạt động thực tiễn, nhiều đoàn viên, thanh niên được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, họ là những người góp phần xây dựng Đảng bộ đảo trong sạch vững mạnh, xây dựng Liên chi đoàn đảo vững mạnh, hoàn thành tốt chức năng là lực lượng xung kích làm chủ vùng biển, đảo.

        Trải qua năm tháng, cùng với sự phát triển của đất nước, đoàn viên thanh niên của đảo từng bước trưởng thành, hết thế hệ này đến thế hệ khác thay nhau bảo vệ, làm chủ hòn đảo.

*

*       *

        Hơn ba mươi năm qua, kể từ ngày đảo Trường Sa được hoàn toàn giải phóng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ kế tiếp nhau, người trước hoàn thành nghĩa vụ trở về, người sau tiếp bước nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí quyết tâm, kiên quyết và bền bỉ liên tục giữ vững chủ quyền hòn đảo mang hết tinh thần, sức lực, mồ hôi, trí tuệ xây dựng đảo "Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường", xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, đảng bộ trong sạch vững mạnh, tổ chức đoàn thanh niên vững mạnh. Dù khó khăn gian khổ nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn một lòng đi theo Đảng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vào sự nghiệp đổi mới đất nước, kiên định nơi đầu sóng, ngọn gió, cầm chắc tay súng bảo vệ đảo Trường Sa, góp phần bảo vệ vùng biển, quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 12:05:04 pm
         
Phần ba

NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU, NGUYÊN NHÂN VÀ TRUYỀN THỐNG

        I. NHỮNG THÀNH TÍCH TIÊU BIỂU

        1. Về chính trị, tư tưởng, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa là người có giác ngộ chính trị cao, có lý tưởng, mục tiêu chiến đấu rõ ràng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu con đường xã hội chủ nghĩa, một lòng đi theo Đảng, trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, vì toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vì sự bình yên của biển đảo; có lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc; có lòng nhân ái, nhân văn, yêu đồng chí, quý đồng đội, kính trọng nhân dân, yêu biển, yêu đảo. Tích cực học tập, nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội, các quy định của Bộ Quốc phòng, của Quân chủng và đơn vị; nắm vững đường lối đối ngoại quân sự, quan điểm quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng; xác định rõ đối tượng, đối tác; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân góp phần quan trọng tô thắm truyền thống quân đội, Quân chủng Anh hùng.

        Tuy ở xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng cán bộ, chiến sĩ Trường Sa ngoài chủ trương đường lối chung luôn nắm vững và thực hiện đúng đường lối đối ngoại quân sự của Đảng, Nhà nước. Những năm qua hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xung quanh khu vực đảo diễn ra thường xuyên, tăng cả về số lượng, cường độ và thời gian hoạt động, có lúc khá phức tạp, song đảo vẫn thực hiện đúng đối sách vừa bảo vệ được đảo, vừa giữ vững được môi trường hoà bình, tình hình trên đảo ngày càng yên ổn hơn. Để tăng cường khả năng bảo vệ đảo, lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ đảo thường xuyên tuyên truyền vận động ngư dân các địa phương ra sản xuất trong khu vực đảo quản lý, có mối liên hệ mật thiết với nhân dân, sẻ chia vối nhân dân những khó khăn, thiếu thốn, hiểm nguy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhân dân yên tâm làm ăn và cùng sát cánh với bộ đội bảo vệ đảo. Xa đất liền, xa hậu phương gia đình, sự thiếu thốn về đòi sống văn hoá, tinh thần, tình cảm là thử thách thường xuyên đối với mọi cán bộ, chiến sĩ, song ý thức được trách nhiệm cao cả trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, vận mệnh của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất giữ vững bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Dù khó khăn gian khổ vẫn một lòng, một dạ theo Đảng, tin vào tương lai, tiền đồ của đất nước, dân tộc; chấp nhận hy sinh, thiếu thốn, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, gác việc nhà, lo việc nước; tự động viên bản thân và gia đình gương mẫu làm tròn trách nhiệm với Tổ quốc. Nội bộ đoàn kết thống nhất, dân chủ tốt, kỷ luật nghiêm; quý trọng nhân cách, quý trọng con người, gắn bó vói đồng chí, đồng đội, kính trên nhường dưới, tôn trọng phụ nữ. Kiên quyết loại trừ văn hoá xấu độc, tích cực xây dựng môi trường văn hoá phong phú, lành mạnh, xây dựng đảo là điểm sáng văn hoá. Có thể nói, tuy còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, nhiều nhu cầu của cuộc sống không được đáp ứng nhưng cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa thực sự là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân ưu tú. Trong giai đoạn hiện nay họ là người góp phần quan trọng tô thắm truyền thông vẻ vang của quân đội, Quân chủng, hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Đủ tư cách đại diện cho thế hệ mới - những người Việt Nam yêu nước, cầm súng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Họ xứng đáng được tặng thưởng Huy chương "Tuổi trẻ dũng cảm bảo vệ Tổ quốc".

        2.   Xây dựng Đảng bộ đảo trong sạch vững mạnh cũng đạt được nhiều thành tích to lớn. Từ khi được giải phóng đến nay, chi bộ, đảng bộ, chi ủy, đảng ủy thường xuyên đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ, cấp ủy yếu kém. Đảng bộ đảo liên tục các năm từ 2000 đến 2006 đạt đảng bộ trong sạch vững mạnh, được nhận Bằng khen của Đảng ủy Quân chủng về thành tích xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng vững vàng, có trình độ lý luận và nhận thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, xây dựng Đảng bộ đảo trong sạch vững mạnh; có kiến thức quân sự, chính trị toàn diện, gương mẫu trong lời nói, việc làm, lối sống thực sự là tấm gương trong sáng cho quần chúng noi theo. Đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm, đội ngũ đảng viên của đảo luôn dẫn đầu Đảng bộ Lữ đoàn 146 về tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liên tục không có đảng viên yếu kém, vi phạm tư cách đảng viên.

        Noi theo đảng viên, đoàn viên thanh niên của đảo luôn có hoài bão, lý tưởng, biết hy sinh phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, chịu khó học tập, rèn luyện, tu dưỡng; có kiến thức, sức khỏe, ý chí quyết tâm đóng góp nhiều sức lực, trí tuệ xây dựng đơn vị, xây dựng đảng bộ, xây dựng tổ chức đoàn, xứng đáng là lực lượng tin cậy, là cánh tay đắc lực của Đảng, con cháu của Bác Hồ. Nhiều đoàn viên vinh dự được đứng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng. Từ năm 1975 đến nay đã có hàng trăm đoàn viên được kết nạp Đảng, thực sự góp phần tăng cường sức chiến đấu của Đảng bộ đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 12:05:57 pm

        3.   Phát huy truyền thống dân tộc, quân đội, Quân chủng, hơn 30 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa nêu cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, tinh thần độc lập, tự chủ, ý thức tự lập, tự cường, kiên trì khắc phục khó khăn, gian khổ, vượt qua mọi gian nan thử thách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm xuyên suốt - bảo vệ vững chắc chủ quyền đảo. Từ buổi đầu với muôn vàn khó khăn đến nay, bằng trí tuệ, mồ hôi, công sức của bộ đội, đảo đã xây dựng hàng trăm mét giao thông hào, hàng chục trận địa, hàng ngàn mét kè chống xói lở bảo đảm kiên cố, chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, cơ động lực lượng, luyện tập các phương án chiến đấu. Nhận thức đầy đủ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ đảo, ngày đêm cán bộ, chiến sĩ miệt mài luyện tập, nâng cao chất lượng huấn luyện, quan sát quản lý vùng biển, bảo đảm thông tin liên lạc, kịp thời phát hiện, nắm chắc tình hình, báo cáo chính xác, kiên quyết ngăn cản, xua đuổi, làm thất bại mọi hành vi xâm phạm của các lực lượng nước ngoài. Với tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu cao, cho nên mặc dù ở xa đất liền, xa sự lãnh đạo, chỉ huy của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn nhưng không để bất ngờ, chủ quyền đảo luôn được giữ vững. Ngay cả khi tình hình trong khu vực quần đảo Trường Sa có những thời điểm diễn biến rất phức tạp, căng

        thẳng nhưng đảo vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, toàn vẹn chủ quyền đảo được giữ vững. Đảo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu cao quý "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân".

        4.   Tích cực khắc phục khó khăn bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

        Vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, cán bộ, chiến sĩ tích cực lao động, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao sức khỏe, bảo vệ môi trường, xây dựng doanh trại, xây dựng đảo xanh -  sạch - đẹp, nề nếp chính quy, chấp hành kỷ luật, giữ gìn bảo quản vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Không khuất phục trước khó khăn, không trông chờ ở chi viện, đầu tư, không ỷ lại hoàn cảnh, với tinh thần dựa vào sức mình là chính, bằng sức lao động của bộ đội, bộ mặt của đảo đã có sự thay đổi căn bản, khác xa so với những năm đầu mới giải phóng. Doanh trại khang trang, sạch đẹp, quy củ, xanh mát với hệ thống nhà ở, nhà làm việc, hội họp, sinh hoạt, học tập, nhà ăn, nhà bếp, vườn rau, cây cảnh, cây bóng mát, bến cảng, sân bay, công trình vệ sinh bảo đảm cho bộ đội có cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ, phong phú, vui tươi, lành mạnh.

        Với những thành tích to lớn nói trên, ngày 29 tháng 8 năm 1985 Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 735/LCT tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" cho đảo. Năm 1982 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, năm 2001 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai. Năm 2001, 2002 được Thủ tướng tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua". Năm 2002 được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng cờ "Đơn vị hoàn thành xuất sắc cuộc vận động xây dựng môi trường văn hoá (1992- 2002)". Bốn năm liên tục: 2002, 2003, 2004, 2005 được Tư lệnh Hải quân tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua" và "Đơn vị 4 năm liền dẫn đầu phong trào thi đua". Năm 2006 được Lữ đoàn, Vùng và Quân chủng đề nghị Nhà nước tặng "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất". 96 tập thể, 198 cá nhân được khen thưởng dưới nhiều hình thức vì đã xây dựng nên truyền thống: "Đoàn kết, chủ động, khắc phục khó khăn, kiên trì, cảnh giác, giữ vững chủ quyền”.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 12:06:59 pm

        II. NGUYÊN NHÂN

        Có những thành tích nói trên, trước hết là do sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, của Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng, của Đảng ủy và chỉ huy Vùng 4 mà trực tiếp, thường xuyên là của Đảng ủy và chỉ huy Lữ đoàn 146.

        Thông qua chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, quân đội đã định hướng chính trị, tư tưởng và hành động làm cho bộ đội có nhận thức đúng đắn về tình hình, nhiệm vụ, có ý chí và quyết tâm cao, có hành động đúng, phù hợp mọi diễn biến của tình hình, những tình huống xảy ra, bảo đảm cho mọi hoạt động của đảo đúng hướng, có chất lượng và hiệu quả.

        Có sự đầu tư của Nhà nước, sự ủng hộ, giúp đỡ của Bộ, ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở, của các đơn vị trong toàn quân, của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, nhất là các địa phương ven biển, các tỉnh thành phía Nam, sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh ủy, thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh, sự ủng hộ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ở nước ngoài. Chính có sự đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ ủng hộ của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức, mọi người, nhờ đó mọi mặt của đảo từng bước được đổi mới, đòi sống vật chất, tinh thần của bộ đội được cải thiện, đó là nguồn động viên lớn, cổ vũ bộ đội cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo ngày càng vững mạnh.

        Có sự hy sinh, phấn đấu, nỗ lực vượt bậc của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, đảng viên, đoàn viên, những người ngày đêm chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ, vất vả, chịu đựng hy sinh mất mát để làm nên thành tích to lớn của đảo.

        Từ ngày đầu mới giải phóng đến nay, sự khó khăn thiếu thốn luôn là thử thách đối với bộ đội trên đảo, có những thời điểm tình hình khu vực quần đảo Trường Sa rất căng thẳng. Song với ý chí, nghị lực, trách nhiệm, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, mọi khó khăn đều vượt qua, đảo vẫn vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

        III.   TRUYỀN THỐNG

        Hơn 30 năm qua, cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đã xây nên truyền thống:

        "Đoàn kết, chủ động.
        Khắc phục khó khăn.
        Kiên trì, cảnh giác.
        Giữ vững chủ quyền".

        "Đoàn kết, chủ động" là truyền thống tiêu biểu, xuyên suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đảo.

        Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công" và quan điểm của Đảng về đại đoàn kết toàn dân, từ khi được giải phóng đến nay đảo Trường Sa luôn đoàn kết thống nhất thành một khối, lấy đoàn kết làm điểm tương đồng trong xây dựng và bảo vệ đảo.

        Đó là đoàn kết trong tập thể Đảng ủy, đoàn kết giữa bí thư, phó bí thư với các ủy viên và giữa các ủy viên với nhau. Đó là đoàn kết giữa bí thư với đảo trưởng và các phó đảo trưởng, giữa đảo trưởng với tập thể Đảng ủy và các phó đảo trưởng. Đoàn kết giữa cấp trên và cấp dưới, giữa Ban chỉ huy đảo với Ban chỉ huy cụm, phân đội, đội. Đoàn kết giữa cán bộ và chiến sĩ, giữa cán bộ với cán bộ, chiến sĩ với chiến sĩ, giữa cán bộ cùng ngành với cán bộ khác ngành, giữa cơ quan Đảo bộ với các đơn vị và giữa các đơn vị với nhau.

        Đó là đoàn kết giữa cán bộ, chiến sĩ Hải quân với cán bộ, chiến sĩ Phòng không - Không quân, giữa bộ đội với trạm Khí tượng thủy văn là những đơn vị cùng đứng chân trên một đảo.

        Đó là đoàn kết giữa đảo với ngư dân của các địa phương ra sản xuất, đánh bắt, khai thác, chế biến hải sản và giữa đảo với các đoàn khách ra thăm, kiểm tra, nắm tình hình, tham quan du lịch.

        Đó là đoàn kết giữa đảo với các đảo trong quần đảo Trường Sa, với các tàu trực, với các đơn vị đóng quân, đứng chân trên vùng biển và thềm lục địa phía Nam.

        Chính nhờ có đoàn kết đó mà đảo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

        Quán triệt quan điểm độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đảo luôn luôn chủ động triển khai thực hiện mọi nhiệm vụ, giải quyết mọi yêu cầu, nhu cầu, tháo gỡ mọi khó khăn vướng mắc, không ỷ lại hoàn cảnh, không trông chờ ở trên. Đó là truyền thống, là nét đẹp văn hoá trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ có chủ động mà các phương án chiến đấu, các kế hoạch phòng thủ, các chương trình huấn luyện, các yêu cầu bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, các nhu cầu về cuộc sống vật chất, tinh thần về thưởng thức văn hoá, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, đọc sách báo, xem truyền hình, nghe đài, băng đĩa, khám và điều trị bệnh tật, hoạt động thể dục thể thao, tăng gia sản xuất đạt hiệu quả ý nghĩa thiết thực và ngày càng khởi sắc.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 12:07:52 pm

        "Khắc phục khó khăn" là một truyền thống tiêu biểu xuyên suốt trong chiến đấu, xây dựng, bảo vệ và phát triển của đảo.

        Khó khăn là đặc điểm lớn bao trùm lên mọi hoạt động của đảo. Khó khăn về điều kiện thiên nhiên như độ mặn, hơi nước cao dễ làm hư hỏng vũ khí, trang thiết bị, không thuận lợi cho rau, cây cối phát triển; mưa nắng không điều hoà, mùa khô nắng nóng gay gắt, mùa mưa kéo dài ảnh hưởng đến mọi hoạt động; gió, nước làm xói lở đê kè, đe dọa đến cuộc sống của đảo. Khó khăn về công tác bảo đảm như cung ứng, vận chuyển lương thực, thực phẩm, rau xanh, nguyên vật liệu, vũ khí, đạn dược, xăng dầu, tài liệu, sách báo. Khó khăn về bảo đảm thông tin liên lạc, truyền thông, truyền hình phủ sóng. Thấy hết những khó khăn, dựa vào sức mình là chính, cán bộ, chiến sĩ không lùi bước, nỗ lực khắc phục, hoàn thành nhiệm vụ.

        Không có máy móc, chỉ có những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, bằng lao động chân tay, từ những ngày đầu mới giải phóng cán bộ, chiến sĩ đã đào đắp, sửa chữa hầm hố, hào giao thông, công sự, trận địa, san lấp mặt bằng, sửa chữa nhà cửa, thu dọn doanh trại, tổng vệ sinh làm cho bộ mặt của đảo thay đổi. Sau này, khi lực lượng công binh đưa máy móc, phương tiện và bộ đội ra, song không ỷ lại lực lượng công binh, cán bộ, chiến sĩ, bằng lao động chân tay phối hợp với công binh đào hào, xây hầm, hố, lô cốt, công sự, trận địa, bến cảng, sân bay, nhà ở kiên cố làm thay đổi căn bản bộ mặt của đảo.

        Trong điều kiện xa đất liền, việc bảo đảm đời sống bộ đội gặp nhiều khó khăn. Không khoanh tay trước khó khăn, cán bộ, chiến sĩ tận dụng từng mét đất, chắt chiu từng bát nước ngọt, từng hạt gạo, miếng cơm, thời gian trồng rau xanh, nuôi gia cầm, gia súc, đánh bắt tôm cá tự túc một phần thực phẩm tươi sống, nâng cao đời sống bộ đội. Nhà ở, giường nằm dột nát, xộc xệch bộ đội tự sửa chữa. Vũ khí, đạn dược bộ đội tự sắp xếp, lau chùi, bảo quản, niêm cất nhờ công sức bỏ ra mà chống được sự xuống cấp, phục vụ kịp thời cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu.

        Để nâng cao đời sống tinh thần, tình cảm của bộ đội, đảo tự tổ chức các buổi liên hoan văn hoá, văn nghệ, thi báo tường, báo liếp, đọc sách báo, nghe đài, xem ti vi, đọc thơ, xem băng đĩa tập thể, tự sáng tác, tự biên, tự diễn thơ ca, hò vè, nhạc kịch góp phần làm không khí trên đảo thêm sôi động, giảm bớt sự buồn tẻ, tản mạn, nỗi nhớ nhà, nhó người thân.

        Hiện nay, việc vận chuyển từ đất liền có thuận lợi hơn trước, việc đi lại tương đối thuận tiện, song khó khăn vẫn còn nhiều, cán bộ, chiến sĩ đảo tiếp tục động viên nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.

        "Kiên trì, cảnh giác" là truyền thống vẻ vang của đảo.

        Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện xa sự lãnh đạo của Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn, đòi hỏi tính độc lập cao. Để hoàn thành nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đảo luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết, kiên trì thực hiện chủ trương, kế hoạch, đối sách.

        Giữa biển khơi, xung quanh nước bao bọc, xa các đảo trong khu vực, xa đất liền, nằm trong khu vực có sự tranh chấp, việc đề cao cảnh giác đập tan âm mưu của kẻ thù, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nội bộ là vấn đề sông còn đối với đảo. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của đảo, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ đảo, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đập tan âm mưu xâm chiếm, xâm lấn, đóng xen kẽ, các hoạt động trinh sát, khảo sát, thăm dò, các thủ đoạn khiêu khích của kẻ thù và các lực lượng nước ngoài.

        Do đó, dù điều kiện bảo đảm cho chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu hạn chế đảo đã đối phó thắng lợi với các âm mưu phá hoại, xâm chiếm từ bên ngoài, không để xảy ra bất ngờ, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền đảo. Bảo vệ chính trị nội bộ trong sạch, đủ sức đánh bại mọi âm mưu đen tối của các thế lực thù địch và các hành động phá hoại của nước ngoài; cán bộ, chiến sĩ có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có quan điểm giai cấp, ý thức địch, ta rõ ràng, phân biệt rõ bạn thù, đối tượng, đối tác. Không làm bất cứ một việc gì liên quan, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn của đảo, xây dựng đảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt.

        Thực hiện nhiệm vụ trên vùng biển rộng, thường xuyên diễn ra các hoạt động tranh chấp, trong xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển, đảo kiên trì thực hiện đối sách, bám sát tình hình, bám sát chủ trương đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, bám sát chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, bám biển, bám đảo, kiên trì luyện tập các kế hoạch, để án, nội dung chương trình xây dựng và bảo vệ đảo. Nhờ kiên trì mà đảo đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

        "Giữ vững chủ quyền" là truyền thống vẻ vang, xuyên suốt của đảo.

        Hơn 30 năm qua tình hình vùng biển, quần đảo Trường Sa luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ.

        Nhận thức sâu sắc, giữ vững chủ quyền là nhiệm vụ chính trị trọng tâm số 1 xuyên suốt của đảo, cán bộ, chiến sĩ ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, trực chiến, trực ban, trực chỉ huy, luyện tập, huấn luyện, củng cố, xây dựng công sự, trận địa; bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Song song với nhiệm vụ quân sự, đảo không ngừng nâng cao chất lượng các hoạt động xây dựng và bảo vệ đảo như củng cố, kiện toàn tổ chức chỉ huy, tổ chức đảng, đoàn; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng đảo vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, đảng bộ trong sạch vững mạnh, tổ chức đoàn vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Với những cố gắng, nỗ lực đó đảo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững chủ quyền đảo.


Tiêu đề: Re: Trường Sa trong trái tim tôi, bạn và chúng ta!
Gửi bởi: Giangtvx trong 24 Tháng Giêng, 2017, 12:09:18 pm

        KẾT LUẬN

        Là đảo lớn trong quần đảo Trường Sa, có vị trí quan trọng về chính trị, quân sự, giao thông; dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, quân đội; sự giúp đỡ của các Bộ, các ngành, các đơn vị trong và ngoài Quân chủng, của đảng bộ, chính quyền, nhân dân các địa phương, của đồng bào, chiến sĩ cả nước; sự phấn đấu nỗ lực của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, quân nhân chuyên nghiệp đảo Trường Sa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện, đảng bộ trong sạch vững mạnh, lập nhiều thành tích to lớn, truyền thống vẻ vang.

        Phát huy truyền thống, trong giai đoạn mới, cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đảo Trường Sa cần thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ sau:

        1. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; tình hình nhiệm vụ cách mạng, đất nước, quân đội, Quân chủng, đơn vị; âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của chủ nghĩa đế quốc. Không ngừng nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp đổi mới; kiên định mục tiêu, con đường xã hội chủ nghĩa. Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân, vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đề cao trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc từng mét san hô, từng sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

        2.   Nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu đập tan mọi âm mưu phá hoại của kẻ thù. Tích cực luyện tập các phương án chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, hậu cần, xây dựng đảo vững mạnh toàn diện về mọi mặt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo.

        3.   Tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ; không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, kiến thức toàn diện và chuyên sâu, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, sẵn sàng thay thế cho nhau khi cần thiết. Trau dồi

        phẩm chất đạo đức, lối sống, suy nghĩ và hành động trong sáng, lành mạnh, có đời sống nội tâm phong phú, xứng danh "Bộ đội Cụ Hồ", truyền thống vẻ vang của quân đội, Quân chủng Anh hùng.

        4.   Không ngừng củng cố, nâng cao đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, xây dựng đảo thành khối vững chắc, cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, quân dân một ý chí tạo nên sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi gian nguy, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

        5.   Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ đảo thực sự trong sạch vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu làm hạt nhân lãnh đạo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, niềm tin và chỗ dựa vững chắc của quần chúng. Xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh, đội ngũ đoàn viên, thanh niên tiên tiến xuất sắc đi đầu xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đảo.

        6.   Tích cực, chủ động triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chiến lược kinh tế biển, dự án đưa dân ra Trường Sa, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

        Trong giai đoạn cách mạng mới, tình hình biển, đảo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, hơn lúc nào hết cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa luôn nêu cao trách nhiệm, ý chí quyết tâm, đoàn kết xây dựng đảo thành pháo đài vững chắc, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng, đáp ứng niềm tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.



PHỤ LỤC

CÁC ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, QUÂN ĐỘI ĐẾN THĂM ĐẢO TRƯỜNG SA

        - Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Chủ tịch nước Năm 1988

        - Đồng chí Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Năm 1989

        - Đồng chí Trung tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Năm 1992

        - Đồng chí Đỗ Mười nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng chúc Tết qua điện thoại   Năm 1993

        - Đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Năm 1993

        - Đồng chí Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Năm 1994

        - Đồng chí Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Năm 1995

        - Đồng chí Thượng tướng Phùng Quang Thanh, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Năm 1995

        - Đồng chí Thượng tướng Lê Văn Dũng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Năm 1998

        - Đồng chí Nguyễn Phúc Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Năm 1999

        - Đồng chí Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị   Năm 2000

        - Đồng chí Nguyễn Minh Triết, ủy viên Bộ Chính trị, nay là Chủ tịch nước   Nãm 2004

        - Đồng chí Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.   Năm 2005

HẾT