Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Cha ông ta đánh giặc => Tác giả chủ đề:: chuongxedap trong 02 Tháng Mười Hai, 2016, 09:08:31 pm



Tiêu đề: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 02 Tháng Mười Hai, 2016, 09:08:31 pm
Tên sách: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2008
Số hoá: ptlinh, chuongxedap


Ban biên soan:
Thượng tá ĐẶNG VIỆT THỦY (Chủ biên)
Đại tá ĐỒNG KIM HẢI
Thượng tá ĐẬU XUÂN LUẬN
Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN
Trung úy NGUYỄN MINH THỦY

Hoàn chỉnh bản thảo:
Thượng úy PHAN NGỌC DOÃN



LỜI NÓI ĐẦU

Việt Nam là một đất nước năm ở ven biển Thái Bình Dương - cửa ngõ quan trọng của lục địa Đông Nam châu Á. Trải qua bao thế kỷ, bọn phong kiến, thực dân và đế quốc nhòm ngó và xâm lăng nhưng dân tộc Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục. Ngay từ ngày dựng nước đến nay, dân tộc ta đã phải bao phen đứng lên chiến đấu bảo vệ non sông đất nước, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, lập nên những chiến công oanh liệt: Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975...

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam là một kho tàng kiến thức vô cùng quý giá, xây đắp nên truyền thống quật cường, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Việc tìm hiểu lịch sử dân tộc vừa là nhu cầu, vừa là trách nhiệm trước lịch sử để tỏ lòng biết ơn đối với công lao to lớn của tổ tiên, vừa là đòi hỏi của thời cuộc để mỗi người dân Việt Nam tự tin hội nhập cùng bạn bè quốc tế với một bản sắc dân tộc mạnh mẽ.

Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức biên soạn và xuất bản "Tủ sách lịch sử Việt Nam". Tủ sách lịch sử Việt Nam gồm nhiều cuốn, mỗi cuốn sách trình bày một cuộc khởi nghĩa cụ thể, theo dạng hỏi đáp, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ và đảm bảo tính chính xác, khoa học.

Hy vọng "Tủ sách lịch sử Việt Nam" nói chung và cuốn sách "Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy” nói riêng sẽ là người bạn đồng hành thân thiết của mỗi bạn đọc trong cuộc hành trình tìm về lịch sử dân tộc.

Mặc dù những người biên soạn đã có nhiều cố gắng, nhưng bộ sách khó tránh khỏi những thiếu sót, chúng tôi rất mong được bạn đọc lượng thứ và đóng góp ý kiến.

Trân trọng giới thiệu!


NHÀ XUẤT BẢN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN



Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 02 Tháng Mười Hai, 2016, 09:09:41 pm

Câu hỏi 1: Bãi Sậy là một trong những trung tâm chống thực dân Pháp lớn nhất vào cuối thế kỷ XIX. Cho biết bối cảnh và các giai đoạn chính về cuộc khởi nghĩa?
Trả lời:


Từ tháng 6 năm 1885, phong trào kháng Pháp nổ ra khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ, trong đó đáng chú ý là cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Từ những đội quân nhỏ lẻ, văn thân, sĩ phu, thủ lĩnh, nông dân, những người yêu nước đã tập hợp lại tại vùng Bãi Sậy. Bãi Sậy là nơi có địa bàn hoang vu, lầy lội, thuận tiện cho phát triển cuộc khởi nghĩa. Theo ý kiến chung của một số người nghiên cứu thì cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy mở đầu từ năm 1885 và chấm dứt vào năm 1889. Nhưng thực ra cuộc khởi nghĩa ấy là cả một quá trình chống thực dân Pháp liên tục và lâu dài kể từ năm 1883 đến năm 1892 mới kết thúc.

Địa bàn hoạt động của nghĩa quân kéo dài khắp hai tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và một phần tỉnh Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Yên. Từ căn cứ Bãi Sậy, nghĩa quân hoạt động mở rộng ra vùng đồng bằng và khống chế luôn cả những tuyến giao thông quan trọng bằng đường bộ (đường số 5: Hà Nội - Hải Phòng; đường số 1: Hà Nội - Nam Định; đường Hà Nội - Bắc Ninh) và đường thủy (trên sông Thái Bình, sông Đuống, sông Hồng...)- Ngoài Bãi Sậy thì Hai Sông (thuộc huyện Kinh Môn, Hải Dương) là căn cứ thứ hai của nghĩa quân. Tại căn cứ này, nghĩa quân hoạt động lan ra khắp các vùng lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên.

Nghĩa quân Bãi Sậy có đặc thù là chia thành những đội quân với quy mô nhỏ, hoạt động phân tán, tác chiến theo kiểu đánh du kích. Mỗi đội chừng 20 đến 25 người, sống lẫn vào dân, vận động nhân dân giúp đỡ, tích cực ủng hộ tham gia nghĩa quân chống thực dân Pháp. Không chỉ vậy, nghĩa quân Bãi Sậy còn sử dụng công tác binh vận để kêu gọi binh lính ngụy quân quay trở về với nghĩa quân đánh thực dân Pháp.

Cuộc khởi nghĩa này diễn biến qua ba giai đoạn sau đây:
- Giai đoạn thứ nhất (1883-1885) do Đinh Gia Quế, tức Đổng Quế lãnh đạo.
- Giai đoạn thứ hai (1885-1889) do Nguyễn Thiện Thuật, tức Tán Thuật lãnh đạo.
- Giai đoạn thứ ba (1890-1892) do Nguyễn Thiện Kế, tức Hai Kế lãnh đạo.

Dưới quyền của ba lãnh tụ chính chỉ huy toàn bộ cuộc khởi nghĩa nói trên còn có vô số tướng lĩnh ở các địa phương, nếu chỉ tính từ Đề đốc, Lãnh binh đã có tới hàng trăm, tiêu biểu như: Lưu Kỳ, Nguyễn Thiện Dương, Đội Văn, Nguyễn Văn Sung, Đốc Cọp, Nguyễn Đình Tính, Nguyễn Đình Đề, Ba Sành, Nguyễn Đình Xuyên, Dương Văn Điển, Đốc Tít, Phạm Văn Ban, Đề Vinh, Nguyễn Đình Mai, Quyền Túc, Lê Văn Hanh... Họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp chịu sự chỉ đạo của các lãnh tụ chính và góp sức làm nên một phong trào Bãi Sậy chống Pháp rộng lớn trong nhiều phủ huyện ở tả ngạn sông Hồng.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 02 Tháng Mười Hai, 2016, 09:14:37 pm

Câu hỏi 2: Tên tuổi của Đinh Gia Quế gắn liền với giai đoạn thứ nhất của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Xuất phát từ đâu mà ông lại xưng là "Đổng Quân vụ" giương cao cờ "Nam đạo Cần Vương - Bình Tây phạt tội"? Ông đã tập hợp lực lượng nghĩa quân ra sao? Hãy cho biết vài nét về ông?
Trả lời:


Đinh Gia Quế sinh ngày 1 tháng 11 năm 1825, là con cụ Đinh Quý Công (hiệu Gia Phúc) và cụ bà Nguyễn Thị Bách, quê xã Nghiêm Xá, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Ông học đến Khóa sinh thì chuyển đến làng Thọ Bình, tổng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên dạy học, sau làm Chánh tổng rồi thăng Chánh tuần huyện Đông Yên1.

Ngày 27 tháng 3 năm 1883, quân Pháp do trung tá hải quân Henri Rivière chỉ huy từ Hà Nội theo sông Hồng hạ thành Nam Định rồi cho viên thiếu úy Trentinni đưa một toán bộ binh đi một chiếc tàu nhẹ tới đánh thành Hưng Yên. Tuần phủ Nguyễn Đức Đạt, án sát Tôn Thất Phiên sợ hãi không dám chống cự, đã bỏ thành chạy, sau đó về theo Pháp. Ngày 28 tháng 3 năm 1883, quân Pháp chiếm thành Hưng Yên không mất một viên đạn2.

Căm thù giặc Pháp xâm lược và bọn vua quan triều đình hèn nhát đầu hàng giặc, Đinh Gia Quế phất cờ khởi nghĩa.

Khi giặc Pháp chiếm tỉnh thành Hưng Yên, Đinh Gia Quế từ quan về quê, chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp.

Đinh Gia Quế lập căn cứ ngay tại ấp Thọ Bình, giữa các làng Yên Vĩnh, Đức Nhuận, Dương Trạch, trung tâm của vùng Bãi Sậy rộng mênh mông.

Xa xưa, sông Hồng chưa có đê thì từ Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động đến cửa biển chỉ là đầm lầy và một số gò đống, cồn cát nổi lên ở hai bờ tả và hữu ngạn sông Hồng. Một số cư dân đã đến cư trú trên các gò đống cao dọc theo bờ sông Hồng.

Đây là nơi vào đời Hùng vương thứ 18, nơi Chử Đồng Tử - chàng trai nghèo và cô công chúa - con gái yêu của Hùng Duệ vương - Tiên Dung gặp gỡ nhau, tạo nên một huyền thoại về tình yêu không phân biệt đẳng cấp. Cũng tại thôn Yên Vĩnh, tổng Yên Vĩnh, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, có đền thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung (Tây Cung tiên nữ), gọi là đền hóa Dạ Trạch nằm trên một cái gò cao giữa đầm Dạ Trạch bên bờ sông Hồng. Từ năm 545 đến năm 550, Triệu Quang Phục đã xây dựng căn cứ kháng chiến ở đầm Dạ Trạch, sử dụng chiến tranh du kích, giết chết chủ tướng giặc Dương Sàn, đánh đuổi quân Lương ra khỏi bờ cõi, lập nên triều đại nhà Triệu. Từ đó cho đến triều đại Tiền Lê (891-1009), vùng tây nam Hưng Yên ngày nay chỉ là vùng đất hoang. Đến đời Nguyễn, do chính sách phản động của bọn vua quan làm cho kinh tế suy thoái, nhân dân đói khổ lầm than. Dưới thời Tự Đức, đê Văn Giang vỡ 18 năm liền3 gây nên lụt lội, nhiều năm nước ngập sâu từ 2,5 đến 3 mét, làng xóm, đồng ruộng bị chìm trong biển nước mênh mông, dân cư tha phương cầu thực. Làng xóm điêu tàn, đồng ruộng bỏ hoang, lau sậy mọc lên mỗi năm một rậm rạp, lớp này đổ xuống, lớp khác mọc đè lên, tầng tầng lớp lớp. Sậy mọc thành bãi, thành rừng khắp miền tây Hưng Yên, phía tây nam Bắc Ninh, phía tây huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương.

Những người ở lại đều sống nghèo khổ bằng nghề gieo trồng rau màu vụ đông xuân trên bãi và cấy một ít lúa chiêm. Còn nghề chính của đồng bào là chài lưới, người không có vốn sắm thuyền, lưới thì đánh giậm, kéo vó, tát vét, mò cua, kiếm cá,..
_______________________________________
1. Anh Nguyễn Văn Ứng, cháu bốn đời cụ Đinh Gia Quế cung cấp theo gia phả (con cháu của Đinh Gia Quế đổi từ họ Đinh sang họ Nguyễn từ khi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại, nay vẫn mang họ Nguyễn) và tham khảo gia phả họ Nguyễn Lê - họ cụ bà Nguyễn Thị Duyên ở làng Thọ Bình.
    Đinh Gia Quế có ba người vợ: bà chính thất là Nguyễn Thị Duyên, bà kế là Nguyễn Thị Hương, bà thứ ba là Nguyễn Thị Thao. Bà chính thất sinh ra Nguyễn Thị Duyến, bà thứ hai sinh ra Nguyễn Thị Hướng, Nguyễn Thị Hường, bà thứ ba sinh ra Nguyễn Văn Vĩnh.
2. Trịnh Như Tấu trích dịch trong quyển Notice của A de Miribel và quyển Notice sur la Gardière du Tonkin dẫn trong quyển Hưng Yên địa chí xuất bản năm 1934.
3. Từ năm 1871 đến năm 1883, đê Phi Liệt (huyện Văn Giang) và đê huyện Kim Động, huyện Khoái Châu đều cùng bị vỡ trong 12 năm liền, còn lại 6 năm chỉ riêng đê Phi Liệt và đê sông Cửu Yên vỡ.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 02 Tháng Mười Hai, 2016, 09:16:52 pm

Dân vùng Bãi Sậy vốn có truyền thống đánh giặc giữ nước từ thuở các vua Hùng dựng nước, thời Hai Bà Trưng, thời Triệu Quang Phục đóng quân ở đầm Dạ Trạch, thời Trần ba lần lui quân về hạ lưu sông Hồng mà vùng Khoái Châu là căn cứ lớn... đã từng giúp quan quân đánh giặc, giải phóng đất nước, nên khi Đinh Gia Quế phất cờ khởi nghĩa mọi người đều hưởng ứng.

Để có danh nghĩa tập hợp lực lượng, ông tự xưng là "Đổng Quân vụ”1 vì vậy nhân dân và quân sĩ gọi ông là Đổng Quế. Ông cũng giương cao lá cờ đỏ hình vuông có tám chữ là "Nam đạo Cần Vương - Bình Tây phạt tội”2.

Cờ nghĩa phất lên, nhân dân trong vùng mến mộ ông từ khi ông còn dạy học, làm Chánh tổng rồi Tuần huyện vẫn giữ được lòng nhân nghĩa, tính cương trực của nhà Nho, luôn luôn đứng về phía dân nghèo, bảo vệ quyền lợi cho họ, nên theo về rất đông. Chẳng những chỉ có nhân dân huyện Đông Yên, mà nhân dân các huyện Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ thuộc phủ Khoái Châu; nhân dân huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương; nhân dân các huyện Văn Giang, Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh cũng hưởng ứng. Ở nhiều làng, toàn bộ trai tráng đều gia nhập nghĩa quân, tự trang bị một phần vũ khí, tự lo lương thực. Nhiều gia đình có từ 2 tới 5 anh em ruột như anh em ông Nguyễn Đình Tính ở An Vĩ, anh em ông Lãnh Điển ở Phù Sa cùng tham gia khởi nghĩa. Một số gia đình cả hai vợ chồng đều tham gia như ông Nguyễn Túc và bà Nguyễn Thị Biên, vợ chồng bà Đốc Huệ, vợ chồng Dương Văn Điển. Và có những gia đình mấy cha con cùng tham gia nghĩa quân.

Người già, trẻ em, phụ nữ không tham gia vào các đội quân thường trực tập trung thì chiến đấu ngay tại làng xã mình, tự nguyện rào làng, đào đắp công sự, xay giã thóc gạo, vận chuyển quân lương, canh gác, giao thông liên lạc... Nông dân còn quyên góp lương thực, đóng thuế cho nghĩa quân, có nơi mỗi mẫu nộp 3 phương. Nhiều gia đình còn cấy từ một sào ruộng trở lên để ủng hộ nghĩa quân.

Trong số những người tham gia khởi nghĩa Bãi Sậy còn có các trí thức như cử nhân Nguyễn Hữu Đức ở làng Mễ Xá, huyện Ân Thi, cùng con trai là Nguyễn Hữu Hạnh. Nhiều hào lý cũng tự nguyện gia nhập nghĩa quân như Chánh tổng Nguyễn Đình Tiêm, Lý trưởng Vũ Văn Cợp, Lý trưởng Phạm Văn Ban, Chánh tổng Sái Văn Vện...

Cờ nghĩa phất lên, các tướng lĩnh của triều Tự Đức chống lệnh bãi binh của triều đình như Tạ Hiện, Đốc Chính, Đề Dần ở Nam Định, Thái Bình cũng đến Bãi Sậy bàn kế hoạch phối hợp tác chiến.

Lực lượng nhân dân theo Đổng Quế rất đông, chính tên công sứ Hưng Yên Miribel đã phải thú nhận: "Tất cả những người nông dân ở vùng Bãi Sậy đều theo Đinh Gia Quế chống người Pháp".
_________________________________________
1. Các tài liệu của Pháp như Les provinces du Tonkin Hưng Yên của A de Miribel (bản đánh máy viết tháng 12-1904), Notice sur la province de Hưng Yên của Tòa sứ Hưng Yên (bản đánh máy tháng 1-1933) và sau đó là của các nhà sử học Việt Nam đều viết Đinh Gia Quế tự xưng là "Đổng Nguyên nhung". Nay chúng tôi căn cứ vào gia phả của dòng họ Đinh (con cháu vẫn mang họ Nguyễn) và lời kể của các bô lão ở làng Thọ Bình và con cháu cụ đều nói cụ xưng là "Đổng Quân vụ".
2. Từ trước tới nay, các tài liệu của Pháp cũng như của Việt Nam đều viết: "Cờ của ông có bốn chữ "Bình Tây phạt tội", không nói rõ cờ màu gì”. Thực ra cụm từ này chỉ là động từ, đứng trước nó phải là cụm danh từ. Cũng theo gia phả họ Đinh (nay con cháu vẫn mang họ Nguyễn) thì lá cờ của Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế màu đỏ, có tám chữ "Nam đạo Cần Vương - Bình Tây phạt tội". Chúng tôi viết theo tư liệu này.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Mười Hai, 2016, 09:10:46 pm

Câu hỏi 3: Đinh Gia Quế đã chọn địa hình nào để xây dựng căn cứ và ông đã tổ chức huấn luyện nghĩa quân chiến đấu như thế nào?
Trả lời:


Khi đã tập hợp được đông đảo lực lượng nghĩa quân, Đinh Gia Quế đã chọn vùng Bãi Sậy làm căn cứ. Bãi Sậy là một vùng rộng lớn mênh mông, bát ngát, thuộc huyện Đông Yên, một phần huyện Kim Động, Ân Thi của Hưng Yên, một phần huyện Văn Giang của tỉnh Bắc Ninh, một nửa huyện Mỹ Hào thuộc tỉnh Hải Dương mà trung tâm là đầm Dạ Trạch, một vùng đất đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Từ năm 547, Triệu Quang Phục đã về xây căn cứ thực hiện chiến thuật "Trì cửu chiến" đánh du kích mà làm nên nghiệp lớn, đánh đuổi được giặc Lương, giành độc lập cho dân tộc. Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, vùng này được đắp đê, đào sông tiêu nước, mở mang đồng ruộng, làng xóm đông vui, trù phú. Nhưng từ năm 1802, Gia Long lên cầm quyền không coi trọng đê điều, khuyến khích nông trang nên vùng này thường bị lũ lụt, hạn hán. Đặc biệt, dưới triều Tự Đức, chỉ riêng đê Phi Liệt ở Văn Giang vỡ 18 năm liền, dân chết đói, chết rét, tha phương cầu thực, cả một vùng rộng lớn trên trở thành bãi sậy. Sậy mọc chồng chất lên nhau, có chỗ cao tới 3 mét, đây cũng là nơi rắn rết sinh sôi nảy nở.

Đinh Gia Quế xây dựng tại ấp Thọ Bình một thành bằng gạch, chu vi 5 mẫu Bắc Bộ có tường gạch vây quanh; có một số nhà kho, trường tập bắn, sân luyện tập võ nghệ. Đồn xây dựng không kiên cố lắm và thực sự chỉ là nơi làm việc của Đổng Quế, nơi hội họp của các thủ lĩnh và là nơi đóng quân của đội quân thường trực. Trong đồn có đường địa đạo, nhiều đoạn được xây bằng gạch từ trong thành luồn ra đê sông Hồng, đến đền hóa Dạ Trạch, tỏa ra bãi sậy chung quanh. Đường hầm rộng, có các ngã tư, hai người tránh nhau dễ dàng. Trong địa đạo có kho lương, kho vũ khí, nơi làm việc, hội họp của bộ chỉ huy, nơi ăn ngủ của nghĩa quân. Hầm có các lỗ thông hơi rất bí mật, các cửa hầm cũng bí mật, có dấu riêng, chỉ nghĩa quân thân tín mới được biết và cũng chỉ được biết một nửa. Muốn vào được thành rất khó khăn vì phải vượt qua đầm lầy, qua nhiều trạm gác công khai, bí mật và qua các bãi sậy nối tiếp nhau cao tới 3 đến 4 mét, lớp nọ mọc đè lên lớp kia.

Đặc điểm của nghĩa quân Bãi Sậy là trừ đội quân cơ động còn lại đều không tập trung, không ở trong thành lũy như các cuộc khởi nghĩa đương thời khác. Quân ở làng xã nào biên chế theo từng xóm, làng, xã; chỉ huy cũng là người ở địa phương đó. Nghĩa quân vẫn ở nhà làm việc, sinh hoạt như những nông dân bình thường khác, giặc tới thì đánh, hoặc có lệnh đi đánh nơi khác mới tập trung, đánh xong lại về làng. Tuy không thoát ly, nhưng nghĩa quân được huấn luyện sử dụng vũ khí, kể cả súng bắn nhanh, học võ thuật, học tác chiến theo lối du kích. Nghĩa quân còn có các lò rèn sản xuất súng kíp (làm theo mẫu súng năm 1874 của Pháp), riêng thợ rèn ở làng Hoàng Vân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu, còn chế tạo được cả súng thần công bắn đạn ghém. Trong trận giếng Vàng (Bô Thời), nghĩa quân bắn một phát loại khỏi vòng chiến đấu một phân đội lính khố xanh đang tập hợp trên đường 39. Rất nhiều làng xây dựng thành làng chiến đấu: trồng tre, đắp lũy kín chung quanh làng, chỉ để hai cổng ra vào và đường rút lui bí mật.

Với phương châm "bất biến vi dân, biến vi binh'' nên làng nào cũng có người gia nhập nghĩa quân, kể cả các xã gần thị trấn, dọc đường 39.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Mười Hai, 2016, 09:14:20 pm

Ngày 6 tháng 3 năm Quý Mùi (ngày 8 tháng 4 năm 1883)1, Đổng Quế tế cờ khởi nghĩa ở văn chỉ Bình Dân. Tới dự lễ tế cờ có đông đủ các tướng lĩnh, đội danh dự nghĩa quân và còn có Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, Đốc binh Tạ Hiện, Đốc Chính, Đề Dần từ Hải Dương, Nam Định, Thái Bình đến dự.

Ngay sau lễ tế cờ, nghĩa quân Bãi Sậy do Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế chỉ huy đã tiến đánh quân Pháp ở nhiều nơi, nay ta còn biết được một số trận như sau:

Dân theo đạo Thiên Chúa ở thôn Sài Quất, tổng Đại Quân, thường đi do thám các hoạt động của nghĩa quân báo cho quân Pháp. Đổng Quế cho đội tuyên truyền đến giải thích thì chúng vũ trang đánh giết nghĩa quân. Vì vậy, Đổng Quế giao cho Lãnh Điển đưa quân tấn công đám dân công giáo phản động ở làng này.

Trong một trận đánh lớn ở làng Đức Nhuận, cạnh xã Yên Vĩnh, gần đền hoá Dạ Trạch, nghĩa quân mặc quần áo như nông dân, bọn Pháp chỉ nhận ra người chỉ huy là Lãnh Sậy (Nguyễn Đình Mai) vì ông chít khăn xanh và thắt lưng đỏ.

Những người chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ quyết định thành lập một binh đoàn mạnh tiến từ Hải Phòng lên đánh bật quân của Đổng Quế ra sông Hồng để tiêu diệt. Đại tá Donnier thuộc lữ đoàn Négrier chỉ huy binh đoàn này. Đại tá Donnier với đội quân hùng hậu, trang bị mạnh, nhưng vừa tấn công vào Bãi Sậy đã bị thiệt hại nặng nề, phải rút quân và cay đắng thú nhận: "Vì những lý do tôi nói ở trên cuộc hành quân này cũng không đạt được kết quả, mà chỉ làm cho dân chúng nghèo đói thêm".

Trước thất bại đó, bộ tư lệnh quân đội Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ liền giao cho Hoàng Cao Khải khi đó đang làm án sát Hưng Yên phối hợp với quân Pháp đánh Đổng Quế. Hoàng Cao Khải được quân Pháp hỗ trợ bằng công binh, pháo binh, tàu chiến trang bị đại bác diễu võ giương oai dưới sông Hồng. Hoàng Cao Khải hung hăng ra trận với mưu đồ chỉ trong một trận dồn nghĩa quân vào chỗ chết. Khải ra lệnh cho quân lính phải vượt Bãi Sậy mà tiến vào. Điều làm chúng hoảng sợ là rất nhiều hầm hào luồn dưới những thân sậy lớp nọ chồng lên lớp kia. Nhiều tên bò vào trinh sát bị rắn cắn chết. Đại tá Donnier cho một toán quân liều chết thọc sâu vào căn cứ, cả toán không một tên nào sống sót trở về mà không hề có một tiếng súng nổ. Cay cú, Hoàng Cao Khải cho lính dàn hàng ngang tiến vào. Bọn lính phải vượt qua những đám sậy cao tới 3 mét cùng những gai mỏ quạ, cà gai leo, gai dứa và những cây lá han đụng vào là sưng tấy nhức buốt đến tận xương. Khi chúng lội qua đầm lầy, kênh rạch thì vô vàn những con đỉa đói bám lấy mà hút máu. Quân giặc dò dẫm như đi vào mê hồn trận, đang lúc bàng hoàng chưa biết đi về hướng nào thì cờ đỏ phất lên, lập tức nghĩa quân nấp trong các hầm hào, địa đạo bí mật nổ súng.

Hơn ba chục tên đổ vật xuống giãy giụa trong vũng máu, bọn sống sót vừa nằm dán mình xuống đầm lầy tránh đạn thì nghĩa quân cầm kiếm, mã tấu, đoản đao xông ra đánh giáp lá cà. Trong trận hỗn chiến đó hàng chục tên lính Pháp, lính Nam bị giết chết bởi thứ vũ khí thô sơ mà chúng rất coi thường đó. Bọn còn lại bỏ những tên bị thương đang rên la cùng toàn bộ súng đạn để thoát thân. Bọn giặc nhìn thấy một hướng trống trải liền chạy xô cả về phía đó, chúng kinh hoàng khi đất lở dưới chân, cả bọn sa vào hố chông. Bị thiệt hại lớn, Hoàng Cao Khải điên khùng cho đốt Bãi Sậy thì chính lửa lại bao vây lấy chúng khiến chúng không có đường ra. Quá khiếp đảm, bọn lính Pháp, lính Nam không chờ lệnh chỉ huy đã tháo chạy như vịt. Trận này quân Pháp chết và bị thương tới bảy, tám phần mười quân số, súng hầu như mất gần hết. Nhưng thất bại lớn hơn cả là lính Pháp. Lính Nam rất kinh sợ nghĩa quân Bãi Sậy. Khi bị bắt đi đánh Bãi Sậy, nhiều tên bỏ trốn2.

Quân Pháp rút về đóng ở phủ lỵ Khoái Châu và nhiều lần xua quân đi đánh Bãi Sậy nhưng chúng không dám vào sâu vì sợ nghĩa quân phục kích, tập kích.
________________________________
1. Theo gia phả họ Đinh (Nguyễn) ở Thọ Bình.
2. Theo Lịch sử Việt Nam (tập I), Nguyễn Khánh Toàn chủ biên - Theo A de Miribel - Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Bãi Sậy, Lịch sử Quân sự số 46, tháng 12-1989.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Mười Hai, 2016, 09:18:16 pm

Nghĩa quân Bãi Sậy do Đổng Quế chỉ huy bị quân Pháp tấn công liên tục nhưng không bị tiêu diệt mà quân số ngày càng phát triển, được trang bị thêm nhiều súng bắn nhanh và dày dạn kinh nghiệm chiến đấu. Ban ngày nghĩa quân ở trong căn cứ, ban đêm đi tập kích các đồn địch. Nhân dân đã tự động làm công tác trinh sát, phát hiện các cuộc càn quét của giặc và báo cho nghĩa quân nên nghĩa quân đã kịp thời đón đánh chúng. Nghĩa quân không chỉ đánh giặc khi chúng xâm phạm vào căn cứ, mà còn tấn công các đồn binh Bình Phú, Lực Điền, Thụy Lân (Yên Mỹ), đồn Thứa (Mỹ Hảo), đồn phủ Ân Thi, đồn Thụy Lôi (Tiên Lữ), các đồn ở huyện Văn Giang và phục kích quân Pháp trên đường số 5, đường 391.

Bọn cầm đầu quân sự Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ phải thú nhận: "Nghĩa quân vẫn thật sự cai trị các làng, còn bọn quan cai trị Pháp đặt ở các phủ huyện để cai trị dân thì tỏ ra bất lực và hoảng sợ trước sự phát triển của nghĩa quân, chúng bỏ trốn vào các tỉnh lỵ. Phần đông các tổng lý lại có cảm tình hoặc ủng hộ quân khởi nghĩa"2.

Vì vậy, quân Pháp phải rút khỏi Bãi Sậy, nhưng vẫn luôn luôn chú ý đến vùng này.

Từ đó, quân Pháp, quân Nam chỉ nghe tiếng Bãi Sậy là đã sợ hãi trốn tránh, không dám liều mạng vào chỗ chết. Chính Dilleman cũng phải thú nhận: "Khu vực Bãi Sậy bọn phản nghịch đương đầu với lực lượng của chúng ta và né tránh được các cuộc truy lùng. Tướng De Courcy đích thân đi tuần tiễu thành công một phần"3.

Cuối năm 1883, đầu năm 1884, trên toàn mặt trận, thế lực của Đổng Quế ngày càng lớn mạnh. Những khi quân Pháp đưa quân từ Hải Dương, Hải Phòng đến uy hiếp căn cứ Bãi Sậy thì Nguyễn Thiện Thuật đưa quân về đóng ở huyện Mỹ Hào để chi viện cho Đổng Quế, quân Pháp e ngại không dám tấn công Bãi Sậy vì sợ Nguyễn Thiện Thuật đánh tập hậu.

Nhưng rồi tình hình chiến sự biến động, sau khi vua Hiệp Hòa ký hòa ước với Pháp ngày 6 tháng 6 năm 1884 đặt Bắc Kỳ, Trung Kỳ dưới sự bảo hộ của Pháp, khi đó Bắc Kỳ có 13 tỉnh4 thì quân Pháp tăng cường đàn áp các cuộc khởi nghĩa, hoàn chỉnh bộ máy cai trị từ huyện đến tổng, xã.
________________________________
1, 2. Dilleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc.
3. Hưng Yên địa chí của Trịnh Như Tấu.
4. Đại Nam thực lục chính biên, Quốc sử quán triều Nguyễn.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 03 Tháng Mười Hai, 2016, 09:22:39 pm

Tới tháng 11 năm 1884, Chính phủ Pháp đưa thêm 6.000 quân tiếp viện sang chiến trường Bắc Kỳ. Chiến sự ở Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn, Tuyên Quang có nhiều biến động. Nguyễn Thiện Thuật phải đưa quân lên các tỉnh đó phối hợp với các tướng Cai Kinh, Tổng Bưởi, Lưu Kỳ và quân Cờ Đen đánh Pháp. Thừa dịp đó, quân Pháp huy động quân tấn công căn cứ Bãi Sậy, nhưng Đổng Quế và các tướng lĩnh vẫn bảo vệ được căn cứ, đánh cho quân Pháp đại bại. Nghĩa quân còn liên tục tập kích các đồn địch ở Hưng Yên, vượt sông Hồng đánh sang Thường Tín, Thanh Trì, Phú Xuyên1.

Nhận xét về cuộc chiến đấu của Đinh Gia Quế, một quan chức Pháp viết trong quyển "La province de Hưng Yên" bằng tiếng Pháp, không ký tên tác giả, có đoạn như sau: "Từ năm 1883 đến năm 1885, giặc cướp nổi lên khắp nơi dưới sự chỉ huy của Đổng Quế. Lau sậy giúp họ có chỗ để ẩn nấp, lính tráng không vào được. Từ ngoài nhìn vào không thấy. Họ như đàn hổ náu sau bụi rậm. Bất thình lình nhảy ra vồ mồi. Điều đó giải thích tại sao các cuộc cố đánh dẹp, quân giặc thắng và đại nhân Hoàng Cao Khải lại thua”2.

Khoảng cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1885 (cuối tháng 6 đầu tháng 7 năm Ất Dậu), sau khi đánh thắng cuộc càn quét lớn của quân Pháp - Nam do Hoàng Cao Khải chỉ huy vào căn cứ Bãi Sậy, Đinh Gia Quế, Lãnh binh Nguyễn Đình Mai chỉ huy một cánh quân vượt sông Hồng đuổi theo quân Hoàng Cao Khải qua huyện Thường Tín đến tận làng Thanh Trì, huyện Thanh Trì (gần cảng Phà Đen, Hà Nội). Hoàng Cao Khải sắp bị bắt thì có kẻ đưa đi trốn, các ông liền dẫn quân quay về. Vì không phòng bị nên đến bến đò Vạn Phúc thì bị quân Pháp phục kích. Nghĩa quân thua to, tan rã; Đổng Quế phải chạy lên một làng ở gần bến đò Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Khoảng một tháng sau, ông trở về cùng một em bé khoảng bốn tuổi giả làm hai ông cháu về quê nhằm che mắt địch3. Quân Pháp truy sát ráo riết, ông phải lánh lên ấp Dương Trạch cũng ở trong tổng Bình Dân, huyện Đông Yên, trong căn cứ Bãi Sậy dưỡng bệnh. Khi đó ông đã tròn 60 tuổi, sức yếu nên bệnh ngày càng nguy kịch. Biết mình không cầm quân được, khó lòng qua khỏi, ông giao binh quyền cho Chánh đề đốc Nguyễn Đình Tính làm tổng chỉ huy nghĩa quân Bãi Sậy. Đổng Quế mất ngày 21 tháng 11 năm Ất Dậu (khoảng cuối tháng 12 năm 1885)4.

Còn Lãnh Sậy (Nguyễn Xuân Mai) bị quân Pháp truy kích ráo riết, ông phải cải trang làm nhà sư trốn vào đền Đại Lộ, huyện Thanh Trì. Vì có mật vụ chỉ điểm, ông bị giặc Pháp bắt chém đầu ở cửa đền Lộ, cắt đầu đem về Hưng Yên bêu, còn thân chôn dưới gốc gạo trước cửa đền5.

Sau khi Đinh Gia Quế bị ốm và Lãnh Sậy hy sinh, quân Pháp ráo riết đánh phá căn cứ Bãi Sậy, Chánh đề đốc Nguyễn Đình Tính cùng các tướng cố gắng duy trì được phong trào, nhưng chỉ giữ được căn cứ chính. Giữa lúc khó khăn đó thì Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật về trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, đưa cuộc khởi nghĩa lên quy mô lớn hơn trước.
___________________________________
1. La province de Hưng Yên, viết xong tháng 1-1933, không có tên tác giả.
2. Chúng tôi cho rằng tháng 7-1885, Đổng Quế vẫn rất mạnh, đánh bật Hoàng Cao Khải ra khỏi căn cứ Bãi Sậy còn vượt sông Hồng truy kích chúng đến tận làng Thanh Trì, huvện Thanh Trì, Hà Đông. Điều này phù hợp với gia phả họ Đinh (Gia Quế), họ Nguyễn (Xuân Mai) ở Thọ Bình.
3. Người đó sau trở thành con nuôi Đổng Quế, thành một chi họ ỏ Thọ Bình, nay cháu bốn đời mới tìm thấy quê quán ở Thuận Thành.
4. Tư liệu trên là do anh Nguyễn Văn Ứng, cháu bốn đời cụ Đinh Gia Quế cung cấp theo gia phả với tác giả.
    Tháng 7-1885, Nguyễn Thiện Thuật ở Long Châu về nước; tháng 8, ông đến căn cứ Bãi Sậy; tháng 9, ông làm lễ tế cờ khởi nghĩa ở văn chỉ Bình Dân, chắc chắn trước đó hai người đã gặp nhau bàn bạc công việc.
5. Theo gia phả họ Nguyễn Xuân do ông Nguyễn Đình Đối, cháu năm đời cụ Lãnh Sậy, thì gia đình vẫn cúng giỗ ông vào ngày 17-7 (âm lịch) là ngày ông đi đánh trận này. Trong bản "Danh sách nghĩa quân Bãi Sậy bị chặt đầu" của Phủ thống sứ Bắc Kỳ hiện lưu giữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ở Hà Nội cũng ghi: "Sậy, Lãnh binh, sinh ở Thọ Bình, tổng Bình Dân, bị chặt đầu ở Hà Nội" là phù hợp với Quốc triều chính biên toát yếu và gia phả họ Nguyễn Xuân.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 06:58:29 pm

Câu hỏi 4: Cho biết đôi nét về Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật - người chỉ huy giai đoạn thứ hai và củng là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc khởi nghĩa? Ông đã tổ chức lực lượng và phân công giao nhiệm vụ cho các tướng lĩnh như thế nào?
Trả lời:


Theo gia phả họ Nguyễn ở làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, tổng Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Xuân Dục, xã Lê Hồng Phong, huyện Mỹ Hào. tỉnh Hưng Yên) chép: Thủy tổ là Nguyễn Bặc - khai quốc công thần triều Đinh Tiên Hoàng. Tổ tiên gần là Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Anh Vũ, gốc tích ở làng Chi Ngãi, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, rồi chuyển về làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Thoạt đầu có một người trong chi họ Nhị Khê đi về làng Cổ Hiền, thôn Thái Công, sau một người trong chi họ Cổ Hiền tên là Nguyễn Gián đi về phường Hoè Nhai (Thăng Long) thành lập một chi. Nguyễn Gián có 3 người con trai. Người con thứ hai là Nguyễn Át khi lên 3 tuổi, Nguyễn Gián cho một người bạn thân ở làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, tổng Bạch Sam làm con nuôi. Năm 70 tuổi, Nguyễn Át còn làm Đồng tri phủ huyện Thăng Hoa. Nguyễn Át sinh ra Nguyễn Quý, tự Xuân Lan. Nguyễn Quý sinh ra Nguyễn Trọng. Nguyễn Trọng sinh được 3 con trai là Nguyễn Duy, Nguyễn Tuy, Nguyễn Trung. Người anh cả là Nguyễn Duy không có con trai, người em thứ ba là Nguyễn Trung chết trẻ. Nguyễn Tuy (hiệu Quảng Phường) lấy một bà họ Phạm, người làng Dị Sử, tổng Bạch Sam. Ông bà sinh được 4 người con trai là Nguyễn Thuật, Nguyễn Kế, Nguyễn Hiển, Nguyễn Dương.

Nguyễn Thuật sinh ngày 6 tháng 2 năm Giáp Thìn (23-3-1844), tự là Mạnh Hiếu tiên sinh. Nguyễn Thuật lấy bà chính thất là Nguyễn Thị Tuân, bà thứ là Trần Thị Thuần Tĩnh. Ông và 2 bà sinh được 2 con trai là Nguyễn Tuyển Chi, Nguyễn Thạc Chi, 2 người con gái, trong đó có một người là Nguyễn Thị Trúc.

Nguyễn Thuật thi Hương và đậu tú tài năm Canh Ngọ (1870), đỗ thủ khoa. Thấy ông là người thông minh, lanh lợi các quan tỉnh Hải Dương đưa về giúp việc quân.

Quan tỉnh giao cho Nguyễn Thuật đi dẹp giặc Tiên Viên. Ông cho quân vào đồn trinh sát, khi trở ra đụng quân tuần tiễu của Tiên Viên đi tuần về, hai bên bắn nhau, quân ông Thuật giết một số tên, bắt sống hai tên rồi rút. Vì mất yếu tố bất ngờ, ông Thuật cho quân bao vây triệt đường tiếp lương. Tiên Viên cho quân vào chợ cướp lương rồi phục quân của ông đổ ra đánh giết, thừa thắng tấn công vào đồn binh giết giặc, Tiên Viên cũng bị giết chết.

Nguyễn Thuật được triều đình thưởng Quân công bội tinh và được cử làm Bang biện phủ Kinh Môn. Nguyễn Thuật vừa làm việc quan vừa tự học. Khoa thi Bính Tý (1876), ông thi Hội ở Nam Định, đỗ cử nhân1, đỗ thủ khoa. Năm 1877, ông được bổ làm Tri phủ Từ Sơn (Bắc Ninh).

Vì có người cùng thời làm quan cũng tên là Nguyễn Thuật, ông làm sớ xin nhà vua cho đệm chữ Thiện, nhà vua ưng thuận, các em ông cũng đệm chữ Thiện.

Tháng 6 năm Kỷ Mão (8-1879), Nguyễn Thiện Thuật được thăng chức Tán tương quân thứ. Hai năm sau ông được thăng làm Sơn phòng chánh sứ, kiêm Tán tương quân thứ Sơn Tây. Ông cùng Thống đốc Hoàng Tá Viêm thu phục 16 châu từ Bắc Giang đến Sơn La, bình được Ba Bể, lập nhiều công to. Các em ông cũng theo việc quân và có tài như Nguyễn Thiện Hiển (sau được phong xuất đội, bị bệnh sốt rét chết ở đồn Vàng khi còn ít tuổi).
_________________________________________
1. Trong cuốn "Thi ca thời Cần Vương", Phan Canh và Đào Đức Chương viết: "Nguyễn Thiện Thuật sinh năm Tân Sửu (1841), người làng Xuân Dục, tổng Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Năm Nhâm Tý (1852), niên hiệu Tự Đức thứ 5, ông đỗ tú tài và được bổ làm Bang biện tỉnh Hưng Yên... Năm Tân Mùi (1871) niên hiệu Tự Đức thứ 24, ông đậu cử nhân, làm Tri phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chiến đấu bên cạnh Đô đốc Tạ Hiện, Tán lý Ngô Quang Huy, Tán lý Nguyễn Cao. Năm 1889, căn cứ Hai Sông bị quân của Hoàng Cao Khải vây rất chặt, nhưng ông được Đốc Tít đưa thoát khỏi vòng vây sang Trung Quốc. Từ đấy ông ở nhà Lưu Vĩnh Phúc tham gia đánh Pháp và ôm mối hận vong quốc cho đến ngày tạ thế".


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:00:19 pm

Ngày 10 tháng 7 năm Quý Mùi (9-8-1883), đại úy Briolval hạ thành Hải Dương, triều đình cử ông về làm Tổng đốc Hải Yên, đồng thời làm Phó Nguyên súy đạo binh đông bắc cho Thống đốc Hoàng Tá Viêm. Ông thành lập đạo quân gồm người Nam và người Khách ở huyện Đông Triều định thu phục Ninh Hải (Hải Phòng), nhưng việc không thành.

Ngày 20 tháng 8 năm 1883, triều đình ký với Pháp Hiệp ước Harmand ra lệnh cho các quân thứ Bắc Kỳ: "Phải lập tức triệt binh dũng lui để tỏ điều tin đối với nước đại Pháp ", đòi "quan lại đang đánh Pháp ở Bắc Kỳ về kinh đợi chỉ". Nguyễn Thiện Thuật kháng chỉ bỏ chức Tổng đốc Hải Yên về Đông Triều mộ quân đánh Pháp. Hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Thiện Thuật, nhiều bậc chí sĩ, quan lại, tổng lý, nông dân, dân nghèo, binh sĩ yêu nước đã nhiệt liệt tham gia và nổi dậy ở nhiều nơi.

Hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật làm cho quân Pháp chịu nhiều tổn thất nặng nề, chúng đã phải cay đắng thừa nhận: "Trong tất cả những kẻ thủ xướng, người quan trọng nhất, người mà tất cả những kẻ khác đều công nhận là bậc thầy của họ, người mà uy tín khiến cho tất cả đều tuân lệnh một cách mù quáng, người đó là tên phiến loạn cự phá hậu cần, thường gọi là Tán Thuật. Nếu Tán Thuật kêu gọi sự hợp tác của bọn giặc cướp để giúp đỡ ông trong cái nhiệm vụ cứu nước mà ông tiến hành chống chúng ta thì đó là ông cần phải có số đông người vì ông không được chọn lọc. Để đạt mục đích tất cả mọi phương tiện đối với ông đều tốt. Nhưng không vì thế mà không gọi ông là kẻ phiến loạn theo nghĩa chính trị của danh từ này. Trong những bản Tuyên cáo của ông, ông coi chúng ta như một kẻ thù tàn bạo, mọi rợ để đàn áp và dìm xứ sở này trong biển máu. Các thư từ giao dịch bắt được cho chúng ta biết ông có liên lạc với các thủ lĩnh nghĩa quân phiến loạn lớn khác ở Bắc Kỳ. Trong những bản Tuyên cáo của ông, ông thường xưng là "Đại tướng Đạo Tả quân", hay "Nguyên soái nghĩa binh Đông Đạo", hay "Bình Tây đại tướng". Nhân danh phái chủ chiến, ông ra lệnh cho những người trung nghĩa nổi lên và liên kết với nhau chiến đấu chống chúng ta ở bất cứ đâu có cơ hội tốt; ông hứa với họ sẽ có quân tiếp viện của Hoàng đế Trung Quốc liên tục gửi sang để giải phóng Bắc Kỳ”1

Nguyễn Thiện Thuật cũng quan hệ chặt chẽ với Đinh Gia Quế, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, ông về căn cứ Thọ Bình dự lễ tế cờ khởi nghĩa của Đổng Quân vụ Đinh Gia Quế.

Chiều ngày 12 tháng 11 năm 1883, Nguyễn Thiện Thuật giao cho Lãnh Giang ở lại giữ Đông Triều, còn ông cùng Nguyễn Thiện Kế, Đề Vinh dẫn quân về đánh thành Hải Dương. 8 giờ tối, nghĩa quân bí mật bao vây thành, sắp tới giờ nổ súng thì cánh quân bên ngoài do Hai Kế chỉ huy chạm trán với toán quân Pháp đi tuần về nên buộc lòng phải nổ súng. Bọn Pháp nghe thấy súng nổ, liền leo lên mặt thành bắn ra ngoài ngăn không cho nghĩa quân tiến công vào thành.

Mặc dù mất yếu tố bất ngờ, Nguyễn Thiện Thuật vẫn quyết tâm đánh thành. Nguyễn Thiện Kế dẫn quân săn đuổi bọn lính tuần và chặn đánh bọn ở nơi khác đến cứu viện.

Trước sức tấn công mãnh liệt của nghĩa quân, thành Hải Dương lâm vào thế nguy ngập. Trời gần sáng, thành sắp bị hạ thì ông Thuật hạ lệnh ngừng công phá thành, bắn thưa thớt rồi lui quân. Ông Thuật vừa rút khỏi thành thì quân Pháp ở Bắc Ninh tới tiếp viện, nhưng quân ông Thuật đi đã xa2.

Sau trận hạ thành Hải Dương không thành, Nguyễn Thiện Thuật phối hợp với quân của Lưu Kỳ, với Đề đốc Tạ Hiện hoạt động ở vùng sông Thái Bình, Kinh Thầỵ, với nghĩa quân do Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hoè chỉ huy tấn công quân Pháp đang chiếm đóng Phả Lại. Phả Lại lọt vào tay quân Pháp, ông đưa quân lên tham gia giữ thành Bắc Ninh, thành Hưng Hóa. Hai thành trên thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật lên Lạng Sơn cùng Tổng Bưởi, Cai Kinh, Lưu Kỳ và quân Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy đánh quân Pháp ở Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn, Tuyên Quang.
________________________________
1, 2. Dilleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:03:44 pm

Ngày 26 tháng 10 năm 1884, Nguyễn Thiện Thuật cùng Lã Xuân Oai (tuần phủ Cao Bằng - Lạng Sơn), Đề đốc Tạ Hiện, Ngự sử Phạm Huy Quang, cùng 18 thân hào tỉnh Hải Dương phối hợp với quân Cờ Đen do các tướng Đường Cảnh Tùng, Hoàng Quế Lan chỉ huy phục kích quân Pháp ở cầu Quan Âm (Bắc Lệ, Lạng Sơn) giết chết 21 tên Pháp, trong đó có các tên trung úy Zannin, Clécou, bắn bị thương 71 tên, bắt 2 quan tư, 1 quan hai, 200 lính, trong đó có 40 lính Pháp. Tàn quân Pháp phải lùi về giữ thành Bắc Lệ.

Trận thắng ở cầu Quan Âm khiến cho khí thế của nghĩa quân ở Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Ninh lên cao, các tầng lớp nhân dân nô nức gia nhập nghĩa quân, tiếp tế cho nghĩa quân. Nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật thắng nhiều trận ở Hải Dương, Bắc Ninh, Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn.

Ngày 28 tháng 3 năm 1885, nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật, Cai Kinh, Tổng Bưởi, Lưu Kỳ phối hợp với quân Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy chặn đánh quân Pháp. Quân Pháp đại bại, chết 100 tên, tướng Négrier bị thương nặng ở ngực tại Kỳ Lừa, quân Pháp phải rút chạy về Chũ.

Cuối tháng 3 năm 1885, Chính phủ Pháp ký với triều đình Mãn Thanh Hiệp ước "Hòa bình", tướng Lưu Vĩnh Phúc buộc phải rút quân về nước. Quân Pháp huy động tổng lực đánh phá Lạng Sơn, Nguyễn Thiện Thuật và các cánh quân khác thế yếu phải rút vào rừng. Bị quân Pháp truy kích gắt gao, Nguyễn Thiện Thuật giao cho Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương trở về Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Yên tập hợp lực lượng, Đề Vinh ở lại Lạng Sơn giữ mối liên lạc với ông, còn ông tạm lánh sang Long Châu (Trung Quốc)1.

Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị, hạ chiếu Cần Vương, liền về căn cứ Tiên Động gặp Nguyễn Quang Bích, được vua Hàm Nghi phong là Lễ bộ thượng thư, sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần đại diện nhà vua chống Pháp ở Bắc Kỳ. Ông được Nguyễn Quang Bích trao cho chiếu Cần Vương và giao trách nhiệm tổ chức phong trào chống Pháp ở đồng bằng sông Hồng. Ít ngày sau, theo lời tâu của Nguyễn Quang Bích, vua Hàm Nghi phong ông là Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, Gia chấn trung tướng quân. Sau đó Đề Vinh đưa ông về căn cứ của Nguyễn Thiện Kế, ông nhận được tin Đinh Gia Quế lâm bệnh nặng đang nằm dưỡng bệnh ở làng Dương Trạch trong căn cứ Bãi Sậy. Căn cứ Bãi Sậy bị quân Pháp và quân Nam do Hoàng Cao Khải chỉ huy liên tục đánh phá, ông liền mời cử nhân Ngô Quang Huy ở xã An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang, cử nhân Nguyễn Hữu Đức ở làng Mễ Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bàn bạc, 3 vị thống nhất khôi phục phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy và phát triển lực lượng mới.

Tháng 9 năm 1885, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật tổ chức lễ tế cờ khởi nghĩa và hội nghị tướng sĩ ở văn chỉ xã Bình Dân, tổng Bình Dân, huyện Đông Yên, phủ Khoái Châu. Tới dự có Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ Ngô Quang Huy, Tán tương quân vụ Nguyễn Hữu Đức, Đô thống Tạ Hiện, Đốc binh Nguyễn Ngọc Tiết (Đốc Tít), Đề đốc Lưu Kỳ, Chánh đề đốc Nguyễn Đình Tính, Đề đốc Phạm Văn Ban, Lãnh binh Nguyễn Đình Xuyên, Lãnh binh Nguyễn Thiện Dương (Lãnh Giang), Đề đốc Nguyễn Văn Sung, Đề đốc Trương Đình Tuyển, Đốc Khuy, bà Đốc Huệ, Lãnh binh Nguyễn Túc, Lãnh binh Nguyễn Thị Biên, Đề đốc Vũ Văn Đồng, Hành tả tướng quân Nguyễn Đình Tiêm, Đề đốc Vương Văn Vang (Đội Văn), Đề Tập, Lãnh binh Nguyễn Đình Mai và nhiều tướng lĩnh khác2.

Sau lễ tế cờ, tuyên đọc chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật hội nghị với các tướng lĩnh nghe các tướng phát biểu về lực lượng của nghĩa quân, của địch ở từng vùng, từng địa phương: Ông giao nhiệm vụ cho các tướng củng cố vững chắc căn cứ địa Bãi Sậy, căn cứ cù lao Hai Sông và nhiều căn cứ khác; các tướng đóng ở đâu chiêu mộ quân ở đó, tự túc hoàn toàn lương thực, tự trang bị một phần vũ khí; mở các trận tập kích vào đồn địch, chặn đánh các toán quân tuần tiễu, tăng cường công tác binh vận, tiễu trừ Việt gian.
_______________________________________
1. Long Châu thuộc tỉnh Quảng Tây, cách Lạng Sơn 50 kilômét.
2. Vua Hàm Nghi phong cho Ngô Quang Huy là Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ; phong cho Nguyễn Hữu Đức là Tán tương quân vụ, phong cho Tạ Hiện chức Đô thống, phong cho Nguyễn Thiện Kế chức Hồng Lô tự khanh Tán tương quân vụ.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:08:12 pm

Câu hỏi 5: Sau khi đã ổn định lực lượng, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy nghĩa quân tiến công địch như thế nào? Cho biết diễn biến một số trận đánh chính và kết quả của nó?
Trả lời:


Sau lễ tế cờ và giao nhiệm vụ cho các tướng lĩnh, Nguyễn Thiện Thuật đã cho quân vượt sông Hồng đánh sang các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Cao Xuân Dục đem lính từ Hà Nội tới đánh bị thua phải bỏ chạy về Hà Nội1.

Đêm 28 rạng ngày 29 tháng 9 năm 1885, quân Bãi Sậy tấn công thành Hải Dương. Bọn chỉ huy Pháp ở Hải Dương phải đưa quân ra ngoài thành chặn đường nghĩa quân. Nghĩa quân đụng độ với pháo hạm La Massue ở làng Mao Điền. Quân Pháp phải điều thêm hai pháo hạm tuần tiễu trên sông Thái Bình để bảo vệ thành phố Hải Dương. Tháng 10 năm 1885, thống tướng De Courcy giao cho thiếu tướng Négrier, trung tá Donnier, trung tá Godard, Hoàng Cao Khải mở cuộc càn quét lớn vào căn cứ Bãi Sậy.

Nguyễn Thiện Thuật lệnh cho các tướng bí mật đồng loạt tấn công vào các đồn bốt địch, chặn đường hành quân của chúng, mặt khác tăng cường phòng thủ căn cứ Bãi Sậy nhiều vòng. Sau đó, các tướng nhử địch vào sâu nơi đặt trận địa mai phục, khi địch biết bị mắc lừa, rút thì cờ đỏ phất lên, nghĩa quân từ các hầm ngầm, địa đạo trong các đám lau sậy um tùm nhất tề nổ súng; quân địch đang rối loạn đội hình thì nghĩa quân xông ra dùng đoản đao, mã tấu đánh giáp lá cà. Négrier phải liều chết mở đường máu, nhờ quân Hoàng Cao Khải dẫn đường chạy thoát; để lại trận địa nhiều xác chết và vũ khí.

Quân Pháp trả thù bằng hành động tàn sát dã man nhân dân các huyện Mỹ Hào, Văn Giang.

Không khuất phục được Nguyễn Thiện Thuật bằng vũ lực, cuối năm 1885, giặc Pháp đến huyện Mỹ Hào dùng một người làm gián điệp để phá cuộc khởi nghĩa từ bên trong, tìm cơ hội ám sát Nguyễn Thiện Thuật. Chúng đến làng Xuân Dục tập trung dân làng hỏi lý trưởng mộ tiền nhân họ Nguyễn ở đâu. Lý trưởng không trả lời, chúng bắn chết ông. Chúng bắt một thiếu niên 16 tuổi kề gươm vào cổ mà hỏi mồ mả họ Nguyễn ở đâu. Thiếu niên lắc đầu không đáp, giặc vung gươm đâm, chém thiếu niên, máy chảy ròng ròng từ đầu đến gót chân. Chàng thiếu niên anh dũng thét lên: "Đồ giặc dữ. Quan Hiệp thống Nguyễn Thiện Thuật hết lòng vì nước, ta tiếc rằng không thể cầm roi ngựa mà đi theo ngài lẽ nào lại giúp bay làm điều bạo ngược".

Quân giặc không khai thác được gì ở chàng thiếu niên dũng cảm, lại bị chàng sỉ nhục, bọn dã man lấy vải quấn quanh người thiếu niên tẩm dầu, châm lửa đốt. Chàng thiếu niên anh dũng bất khuất vẫn chửi mắng giặc cho tới lúc chết2.

Dư luận Pháp sôi nổi bàn cãi về vấn đề Bắc Kỳ và Trung Kỳ "cho đến trước thế kỷ XX vấn đề Bắc Kỳ đã chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của nền "Đệ tam cộng hòa Pháp"3. “Việc xâm lược Bắc - Trung Kỳ cũng gây ra sự xáo trộn mạnh mẽ trong đời sống chính trị của nước Pháp”4. Vì vậy, ngày 16 tháng 2 năm 1886, thống tướng De Courcy đã bị Chính phủ Pháp bãi chức tổng chỉ huy quân đội Pháp kiêm tổng trú sứ Trung và Bắc Kỳ, Chính phủ Pháp cử tướng Varnet sang đảm nhiệm hai chức vụ đó.

Tướng Varnet đã phải thay đổi chiến thuật càn quét quy mô lớn của tướng De Courcy bằng chiến lược phân tán quân đội, thiết lập các đồn binh nhỏ ở khắp nơi, dùng chính sách "người Việt đánh người Việt”. Varnet cũng chuyển chế độ cai trị quân sự sang dân sự. Công sứ đầu tiên của Hưng Yên là Thureau, công sứ đầu tiên của Hải Dương là Aumoitte.
_____________________________________
1. Quốc triều chính biên toát yếu, quyển VI, xuất bản ở Huế năm 1923.
2. Nguyễn Thượng Hiền: Giọt lệ bể dâu.
3, 4. Những cuộc tiếp xúc của Pháp ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ từ năm 1885 đến năm 1886 (Lés conlacrs Française VietNamien et du Tonkin de 1885-1886).


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:10:42 pm

Nguyễn Thiện Thuật còn phái các đội vũ trang tuyên truyền đi dán các bản tuyên cáo ở khắp các thôn xóm, kêu gọi lính An Nam đào ngũ, bắn vào đầu bọn chỉ huy Pháp, bọn quan chức Việt Nam theo Pháp lập công trở về với hàng ngũ kháng chiến.

Qua hai tháng nhận chức, không đánh bại được cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và các cuộc khởi nghĩa khác ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Chính phủ Pháp đã cách chức Varnet. Ngày 8 tháng 4 năm 1886, tổng thống Pháp phải cử Paubert - Bộ trưởng Bộ Giáo dục sang làm tổng trú sứ dân sự Trung Kỳ và Bắc Kỳ do Varnet bàn giao. Varnet phải bàn giao chức tổng chỉ huy quân đội Pháp Trung - Bắc Kỳ cho trung tướng Zamont và bị triệu hồi về Pháp, kết thúc cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi ở Việt Nam.

Ngày 1 tháng 5 năm 1886, Zamont đã ra lệnh bổ sung lính, vũ khí cho các tên Rouchaud, Fouque, Bellemare, Bazné chỉ huy. Bốn đạo quân này có tới 27.539 tên. Hai tỉnh Hải Dương, Hưng Yên thuộc đạo quân thứ tư do tên Bazenet chỉ huy có 6.860 tên, trong đó có 5.000 tên là lính tập, 1.860 tên lính phục dịch1. Quân Pháp liên tục đánh phá Lục Ngạn, căn cứ của Đề đốc Lưu Kỳ, không thu được kết quả, nhưng chúng đóng quân ở chung quanh để khống chế hoạt động của nghĩa quân2.

Dưới sự lãnh đạo của Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật và Bộ Tham mưu, nghĩa quân vẫn đánh thắng nhiều trận lẫy lừng như các trận do Đốc Tít, Lưu Kỳ, Hai Kế, Lãnh Giang, Đội Văn, Đốc Cọp, Đốc Sung chỉ huy. Quân Pháp phải thú nhận: "Trong khi đó ngày lại ngày bọn phản nghịch đã thu được thắng lợi. Các quan chức và những viên chức phản nghịch chiến đấu nhằm đích lật đổ vị Hoàng đế do Pháp lập nên (Đồng Khánh) có hại cho Hàm Nghi - một ông vua hợp pháp của họ. Ở Bắc Kỳ, lũ phản nghịch sống trong vùng đầm lầy bãi sậy gồm những tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. Từ nơi này họ có thể tổ chức và chuẩn bị cho những vụ thâm nhập vào địa bàn của những tỉnh lân cận"3.

Tháng 1 năm 1887, Kinh lược sứ Bắc Kỳ Nguyễn Trọng Hợp xin với Đồng Khánh đổi Tổng đốc Hưng Yên Phạm Văn Chuẩn là vị quan rất tâm huyết với cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, cho Hoàng Cao Khải thăng từ Tuần phủ Hưng Yên lên Tổng đốc Hưng Yên kiêm Tuần phủ hai tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, kiêm chức Tiễu phủ sứ đặc trách đàn áp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy4.

Hoàng Cao Khải trổ tài đánh phá điên cuồng cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, nhưng hắn cũng chịu nhiều đắng cay. Có lần Khải cùng tên Blanchat đánh vào Bãi Sậy, bị thua chạy đến cánh đồng Bông (Kim Động) may có người đàn bà tên là Bông đem giấu; để trả ơn, Khải đã lấy người đàn bà đó.

Ngày 9 tháng 2 năm 1888, Lãnh Giang trên đường về Bãi Sậy họp, tới Bần Yên Nhân xảy ra cuộc tao ngộ chiến, Lãnh Giang hy sinh.

Ngay đêm đó, Nguyễn Thiện Thuật lệnh cho Tuần Vân, Đề Tính tấn công đồn Ghênh và đồn Bần Yên Nhân. Nghĩa quân giết chết 21 tên, nhưng Filippi và Sorle trốn thoát. Nghĩa quân còn tấn công nhiều đồn bốt khác. Các hoạt động của nghĩa quân mạnh mẽ đến nỗi tháng 6 năm 1888, Nuynét được bổ nhiệm làm công sứ Hải Dương (từ tháng 8-1887), hắn là tên tàn ác khét tiếng đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đã phải báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương: "Tôi về nhậm chức ở Hải Dương là một tỉnh rối loạn cực độ".
____________________________________
1, 2. Báo L'avenir du Tonkin, tháng 5-1886.
 3. R. Ronnal: ở Bắc Kỳ 1872-1881-1886.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:12:37 pm

Hoàng Cao Khải mượn danh Đồng Khánh viết thư dụ hàng, thư đại ý: "Khải đại diện cho hai Chính phủ Pháp và Nam triều khuyên ông Thuật nên đem tướng sĩ ra hàng để nhân dân được yên ổn làm ăn và hứa đề nghị với hai chính phủ khôi phục lại chức vụ cũ cho ông". Nguyễn Thiện Thuật viết thư đại ý: "Tôi không thể tuân theo lời khuyên của Khải hứa dành cho và quyết chí theo đuổi mục đích tới cùng”. Ông nhờ Khải gửi mấy chữ về kinh "Bất khẳng thụ chỉ" (Không chịu nhận chỉ) vào tờ thư dụ hàng của triều đình kèm theo thư trả lời của Khải"1.

Không khuất phục được ông, giặc Pháp và Hoàng Cao Khải đã trả thù một cách hèn hạ "Đơn hẹn ra hàng của Tham Tán Thuật không được Thuật thực hiện, mặc dù có sự phúc đáp ưng thuận của ngài tổng trú sứ, người ta xử trí bằng cách hành hình hai người cháu của Tán Thuật bị bắt giam tại nhà lao ngày 2 tháng 9 năm 1888, ngày hết hạn chờ Tán Thuật của ngài tổng trú sứ"2.

Tối 11 tháng 11 năm 1888, Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin Hoàng Cao Khải cùng giám binh Louis Ney chỉ huy đồn Mỹ Hào đưa lính về gặt lúa ở làng Liêu Trung, tổng Liêu Xá, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương. Ông lập tức lệnh cho các tướng Nguyễn Thiện Kế, Ngô Quang Huy, Đề đốc Nguyễn Văn Sung, Đề Vinh, Đốc binh Vũ Văn Đồng, Lãnh binh Lưu Ngọc Tháu... đưa 800 quân, trang bị 400 súng bắn nhanh bố trí trận địa phục kích ở cánh đồng Liêu Trung. Trận địa vừa bố trí xong thì Hoàng Cao Khải, bang tá Hải Dương Nguyễn Hữu Hào, giám binh Louis Ney đem quân đến gặt lúa của dân. Quân ta nổ súng giết chết 31 tên, trong đó có Louis Ney và Nguyễn Hữu Hào. Vì có lệnh của Nguyễn Thiện Thuật bắt sống Hoàng Cao Khải, hắn được lính Pháp, lính Nam bảo vệ, nghĩa quân không tiếp cận được nên hắn chạy vào chùa Liêu Trung lột quần áo của người đánh giậm trốn thoát về đồn Mỹ Hào. Nghĩa quân đuổi đến nơi hắn chạy vào nhà thờ Kẻ Sặt và được dân công giáo thân Pháp đưa đường chạy về tỉnh lỵ Hải Dương.

Một tuần sau hoàn hồn, Hoàng Cao Khải điều quân 5 tỉnh, 2 đại đội Ả Rập, một đại đội lê dương về tàn sát, đốt phá 28 làng, giết hàng trăm người dân, riêng ở làng Trai Trang chúng giết 62 người.

Nguyễn Thiện Thuật viết hai lá thư giao cho thân tín đưa đến cho toàn quyền Đông Dương Piqueut và Nha Kinh lược sứ Bắc Kỳ cực lực lên án hành động tàn sát dân thường, đốt phá làng mạc của giặc Pháp, tay sai và tuyên bố: "Không phải cứ đốt nhiều, giết nhiều mà bức được ta hàng đâu, ta sẽ không ngừng chiến đấu, không bao giờ khuất phục, nguyện trung thành mãi mãi với nhà vua” (chỉ vua Hàm Nghi).

Toàn quyền Piequet phải ra lệnh rút quân, ngừng cuộc tàn sát.

Quân Pháp thay đổi chiến thuật, cuối tháng 2 năm 1889, thông sứ Bắc Kỳ Parreau ra sắc lệnh thành lập đạo quân bình định để thay thế cho các binh đoàn Âu - Phi, lê dương, lính khố xanh, lính khố đỏ, và giao cho Hoàng Cao Khải làm tư lệnh trưởng có hai giám binh Branchard và Laura chỉ huy. Dưới quyền bộ tư lệnh có 14 viên quản người Pháp, 600 lính khố xanh, 800 lính cơ. Thông sứ Bắc Kỳ còn cho Hoàng Cao Khải được mộ thêm quân. Binh đoàn còn được sự chi viện đắc lực của các binh chủng pháo binh, công binh, các pháo hạm gắn đại bác và lính thủy đánh bộ đóng ở Hà Nội, Hải Dương, Phả Lại, Hải Phòng.
_____________________________________
1, 2. Báo Tương lai Bắc Kỳ, ra ngày 8-9-1888.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:15:08 pm

Tổ chức quân sự mới của Pháp làm cho thủ lĩnh Nguyễn Thiện Thuật không tập trung được những toán quân lớn, mà phải phân tán lực lượng nhỏ hơn, tiến hành chiến tranh du kích, đồng thời bao vây các vị trí, chặn đánh các toán quân tuần tiễu, chỉ riêng trong tháng 3 năm 1889 đã diễn ra một số cuộc tấn công như ngày 3 tháng 3, đánh đồn Lực Điền, chặn đánh Sorle ở gần căn cứ Bãi Sậy1. Ngày 20 tháng 3, nghĩa quân đánh trả dữ dội quân bố chánh Bắc Ninh ở làng Phổ Lộng và làng Đẩu Thao. Quân bố chánh mất một phó quản và một lính khố xanh. Ngày 20 tháng 3, tấn công quân Pháp do cai Sorle chỉ huy ở làng Hoàng Trạch, tổng Mễ Sở, Khoái Châu. Ngày 23 tháng 3, chặn đánh vệ binh đồn Đào Xá, tổng Huệ Lai, Hoàng Cao Khải đưa quân từ Bắc Ninh đến cứu viện thì bị nghĩa quân do Lãnh Phong, Lãnh Bay chặn đánh. Hoàng Cao Khải sợ nghĩa quân tấn công lên Bắc Ninh đã phải tăng cường lính, vũ khí cho các đồn Đống Mối, Đình Tổ, cầu Bà Sinh, lại cho xà lúc Doudard de Ladrée tuần tiễu trên sông Đuống từ Hà Nội đến Ba Tổng2. Ngày 24 tháng 3 năm 1889, một toán quân do Tán Thuật chỉ huy được quân của Đốc Sung tăng cường đóng ở Mẫn Xá, Quan Đình, Quan Độ trong phủ Từ Sơn đem 100 lính, súng tốt và điều đội tuần tra cảnh sát do hai viên vệ binh chính chỉ huy có 150 lính đến Mẫn Xá với lệnh chỉ được trở về khi đánh tan Tán Thuật hoặc Tán Thuật phải ra hàng. "Nhưng từ đó cho tới ngày 31 tháng 3 năm 1889 và sang cả đầu tháng 4 năm 1889, Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Sung thoắt ẩn, thoắt hiện, liên tục đánh quân Pháp ở Bắc Ninh, Phúc Yên, Thái Nguyên, Sơn Tây khiến cho quân Pháp khốn đốn rồi kéo xuống mạn Thanh Trì, Thường Tín vượt sông Hồng về căn cứ Bãi Sậy an toàn”3.

Trong tháng 6 năm 1889, quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải mở nhiều chiến dịch lớn tấn công vào các căn cứ của nghĩa quân ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Phúc Yên, Lục Ngạn. Nghĩa quân đánh bại nhiều cuộc tấn công của địch gây cho chúng tổn thất nặng nề, song nghĩa quân cũng bị tiêu hao lực lượng, một số thủ lĩnh xuất sắc hy sinh như Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ Ngô Quang Huy hoạt động ở phía nam Bắc Ninh, phía bắc Hải Dương, phía bắc Hưng Yên. Bị quân Pháp tấn công bao vây, quân ông tan tác, ông phải chạy lên Bắc Giang. Địch truy bức, ông tự vẫn vào ngày 1 tháng 4 âm lịch (khoảng ngày 1-5-1889)4.

Tháng 6 năm 1889, thống sứ Bắc Kỳ Briere ra sắc lệnh thành lập "Binh đoàn Cảnh sát" do Hoàng Cao Khải khi đó được Đồng Khánh thăng chức khâm sai Bắc Kỳ làm tư lệnh trưởng, Museller với danh nghĩa ủy viên chính phủ, binh đoàn có cả tòa án quân sự để xét xử "những vụ án phản loạn”. Binh đoàn có 1.000 dân vệ, 500 lính cơ do các cai đội Pháp chỉ huy.
___________________________________
1. Báo Tin tức Hải Phòng, số 250 ngày 7-3-1889.
2. Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ - Báo Tương lai Bắc Kỳ, ngày 6-4-1889.
3. Piglowsiki: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ - Báo Tương lai Bắc Kỳ, số 147 ngày 6-4-1889; Báo Tin tức Hải Phòng, số 258 ngày 4-4-1889.
4. Theo gia phả họ Ngô Quang ở thôn Thái Lạc, xã Trưng Trắc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:16:21 pm

Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1889, quân Pháp đem bốn đạo quân lớn đánh phá căn cứ Hai Sông ở huyện Thủy Nguyên, tỉnh Quảng Yên (sau cắt về Hải Phòng). Đốc Tít cầm cự được từ ngày 8 tháng 6 đến ngày 12 tháng 8 năm 1889 thì phải giải tán nghĩa quân rồi ra hàng. Pháp đày ông đi Algéri. Ngày 17 tháng 9, Đội Văn đưa 200 quân, 100 súng bắn nhanh lên Yên Thế phối hợp với Đề Nắm đánh Pháp. Cuối tháng 10 năm 1889, Đội Văn bị ốm nặng rồi lọt vào tay bọn công giáo phản động. Chúng bắt ông nộp cho Pháp, ngày 17 tháng 11 năm 1889, chúng xử chém ông ở Hà Nội, Lưu Kỳ cũng bị quân Pháp đánh bật khỏi Lục Ngạn, quân Pháp liền tập trung 3 binh đoàn do thiếu tướng Négrier, trung tá Godard, Hoàng Cao Khải chỉ huy có công binh, pháo binh, hạm tầu yểm trợ tấn công căn cứ Bãi Sậy.

Nguyễn Thiện Thuật đang ốm vẫn cùng các tướng chỉ huy nghĩa quân đánh bật nhiều đợt tấn công của quân Pháp. Tên quản Legllere bị giết chết, quản Aubert bị trọng thương. Quân Pháp tháo chạy, quân ta thừa thắng truy kích. Bỗng quân Pháp được tăng viện đánh mạnh vào phía sau quân ta. Quân ta bị kẹp giữa hai luồng đạn, phải mở đường máu rút về căn cứ Bãi Sậy. Quân Pháp không đánh chiếm được Bãi Sậy phải rút quân, song nghĩa quân cũng bị tổn thất nặng nề.

Đầu năm 1890, nghĩa quân đã được phục hồi. Tháng 3 năm 1890, Đốc Sung, Lãnh Mỹ, Quản Dây hoạt động mạnh mẽ ở Thuận Thành, Từ Sơn, Tiên Du, Lang Tài, Quế Võ, Gia Bình. Tại Hải Dương, Đề Quý cùng Lãnh Pha, Lãnh Hai, tướng của Đốc Tít hoạt động mạnh ở Đông Triều, Chí Linh, chung quanh tỉnh lỵ Hải Dương. Nghĩa quân Bãi Sậy cũng hoạt động ráo riết, các đồn binh đóng trong tỉnh, đường số 5, đường 39 bị nghĩa quân khống chế. Trước tình hình đó, ngày 25 tháng 12 năm 1890, toàn quyền Đông Dương Piquet ra Nghị định thành lập đạo Bãi Sậy. Đạo có 3 huyện mới cắt từ Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Văn Lâm, Yên Mỹ, Cẩm Lương và huyện Mỹ Hào của tỉnh Hải Dương. Quyền cai trị đạo do công sứ Hưng Yên Maselier nắm, trực tiếp là phó công sứ Morel, dưới quyền có 2 phó quản đạo, 1 thanh tra lữ đoàn, 1 giám binh, 8 quản chỉ huy, 380 lính cơ. Nhiệm vụ của nó là đánh phá cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Quân Pháp còn thiết lập nhiều đồn bốt mới quanh căn cứ Bãi Sậy, các toán quân lưu động mạnh không ngừng truy kích các thủ lĩnh Lãnh Điển, Chánh Tín, Đốc Sung, Đề Ban...

Tháng 10 năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật thấy tình thế có nhiều khó khăn, ông trao binh quyền cho em là Nguyễn Thiện Kế rồi sang Trung Quốc mưu tính một cuộc vận động mới. Song tình thế đã khác trước, việc không thành, ông đành ở lại nhà tướng Cờ Đen Lưu Vĩnh Phúc.

Nơi ông ở cũng là nơi các nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Hàm, Mai Lão Bang... sang Đông du ở Nhật dừng chân và lập hội Duy Tân ăn, ở, hội họp tại đó. Tháng 2 năm 1908, Nguyễn Thiện Thuật cùng Phan Bội Châu, Nguyễn Hàm in và phát hành "Chương trình hội Duy Tân" và cuốn "Việt Nam vong quốc sử” do Phan Bội Châu sáng tác gửi về nước1.

Nguyễn Thiện Thuật còn là nhà thơ, ông để lại nhiều tác phẩm như "Cảm tác", "Đề đền Yên Mô", "Đề đền Trần Hưng Đạo", "Vịnh bánh trôi", "Á tế Á ca", "Gửi bạn trong nước"...

Nguyễn Thiện Thuật mất ngày 26 tháng 5 năm 1926 (tức ngày 15 tháng 4 âm lịch). Hiện nay, ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, trên đỉnh núi Vạn Hoa Cương còn có di tích ngôi mộ Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật. Trên tấm bia đá có dòng chữ: "Việt Nam cố tướng quân Nguyễn công Thiện Thuật chi mộ".
_________________________________________
1. Theo Gia phả họ Nguyễn Xuân Dục và có đối chiếu với nhiều tư liệu khác.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:17:36 pm

Câu hỏi 6: Cho biết đôi nét về quan hệ dòng họ giữa Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Văn Cừ?
Trả lời:


Năm 1442, Nguyễn Trãi và cả họ đều bị giết, duy nhất chỉ có một người thiếp của Nguyễn Trãi là Phạm Thị Mẫn, đương có mang đang đi chợ xa vắng nhà nên may mắn thoát khỏi nạn tàn sát khủng khiếp đó. Sau đó, bà Phạm Thị Mẫn sinh ra Nguyễn Anh Vũ, đó cũng là người con duy nhất còn nối dõi trong gia đình Nguyễn Trãi. Từ đấy đến các đời sau, con cháu ngày càng nhiều, dòng họ Nguyễn Trãi đông mãi lên, dần dần tách thành nhiều chi họ, di cư và lập nghiệp ở nhiều nơi.

Về dòng dõi trực hệ của Nguyễn Trãi, ngoài chi chính ở Nhị Khê (Hà Tây), còn có các chi ở Phù Khê (Hà Bắc), Xuân Dục (Hải Hưng), Dự Quần (Thanh Hóa) và một chi ở Thụy Phú (Hà Tây). Chi ở Thụy Phú, quê hương của bà Phạm Thị Mẫn, đã đổi thành họ Phạm, theo họ bà Phạm Thị Mẫn, để ghi nhớ công ơn bà, người đã phục hồi dòng họ Nguyễn Trãi.

Ngoài những chi trong dòng họ trực hệ Nguyễn Trãi, còn có chi họ gốc của tổ tiên dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngại (Côn Sơn, Chí Linh, Hải Hưng) và các chi họ là con cháu của các em Nguyễn Trãi như các chi ở Cẩm Nga, Lan Trà, Hào Vịnh, làng Bông, làng Mía (Thanh Hóa), Phổ Môn (Nghệ An), v.v...

Dòng họ Nguyễn Trãi không những ngày càng đông đúc mà trong quá trình đấu tranh đánh giặc cứu nước của dân tộc từ sau Nguyễn Trãi, nhất là trong thời kỳ chống đế quốc xâm lược, dòng họ Nguyễn Trãi cũng đã cung cấp cho Tổ quốc nhiều người con ưu tú, đã hy sinh cho độc lập tư do của dân tộc, tên tuổi còn mãi mãi ghi trong lịch sử, như Nguyễn Văn Cừ - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, là con cháu Nguyễn Trãi thuộc chi Phù Khê, Nguyễn Thiện Thuật - lãnh tụ khởi nghĩa Bãi Sậy, là người chi Xuân Dục, v.v...

* Chi họ Nguyễn Văn Cừ ở Phù Khê và đồng chí Nguyễn Văn Cừ:

Trước Cách mạng tháng Tám, những bản gia phả của chi họ Nguyễn Trãi ở Phù Khê, ghi khá kỹ về thời kỳ chuyển cư từ Nhị Khê sang Phù Khê. Nhưng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vùng này bị giặc chiếm đóng, con cháu trong chi họ Phù Khê phần đông đi công tác hoặc tản cư nơi khác, những bản gia phả đầy đủ ấy đã bị thất lạc. Hiện nay, chưa kê cứu lại được chính xác thời kỳ chuyển cư này mà chỉ áng chừng khoảng đời thứ 3 hoặc thứ 4, sau Nguyễn Trãi, trong dòng họ có một người, hiệu là Huệ Tính, đã di cư từ Nhị Khê sang Phù Khê. Có lẽ ông sang Phù Khê làm nghề dạy học, rồi ở hẳn lại đó, lập thành chi họ Nguyễn Trãi ở Phù Khê. Về sau, con cháu đời đời vẫn giữ nghiệp Nho, nhưng là một dòng họ rất nghèo trên đất Kinh Bắc xưa. Hiện nay, con cháu trong chi họ này đã tới gần 20 đời (tính từ Nguyễn Trãi là đời thứ nhất), ở đời thứ 15, nhiều người trong dòng họ này đã tham gia các phong trào yêu nước chống Pháp khoảng đầu thế kỷ XX, như các ông cử Linh, cả Châu v.v..., đều hy sinh, hoặc mất tích, hoặc bị thực dân Pháp cầm tù đến chết. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là con cháu Nguyễn Trãi ở đời thứ 16 (kể từ Nguyễn Trãi trở xuống) thuộc chi họ Phù Khê.

Thân thế và hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được nhiều tập hồi ký cách mạng ghi lại. Ở đây chỉ nói thêm một vài chi tiết về thuở nhỏ của đồng chí Cừ.

Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 25 tháng 5 năm Nhâm Tý, tức ngày 9 tháng 7 năm 1912, được ghi theo gia phả của chi họ Nguyễn Trãi ở Phù Khê. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là con cụ Nguyễn Văn Quán, thường gọi là cụ Hai Quán hay cụ Đồ Quán. Mẹ là cụ Nguyễn Thị Khuyến, người thôn Cẩm Giang, xã Đồng Nguyên, huyện Tiên Sơn. Gia đình đồng chí Nguyễn Văn Cừ rất nghèo, không có một thước ruộng và cũng không có một nghề nghiệp gì đủ sinh sống hàng ngày, mặc dầu cha mẹ đồng chí Cừ chỉ có hai người con, là đồng chí Cừ và một người em trai nữa. Người em trai này đã phải bỏ học từ nhỏ để đi làm phó nhỏ thợ mộc. Lớn lên, người em làm thợ mộc và đi lang bạt sang tận Campuchia để kiếm ăn. Còn đồng chí Nguyễn Van Cừ, nhờ sự cố gắng phi thường của gia đình và với nỗ lực bản thân đã chật vật lắm mới học được tới trường Bưởi, là trường cấp II ở Hà Nội thời bấy giờ. Trước ngày đồng chí Cừ vào trường Bưởi, cụ Hai Quán đã chạy vạy khắp nơi trong họ mới có được món tiền vài chục đồng để mua sắm giấy bút, sách vở và may mặc lành lặn cho đồng chí Cừ vào ở nội trú trong trường, theo như quy chế của nhà trường. Trường Bưởi học 4 năm, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Cừ học tới nửa chừng thì bị thực dân Pháp đuổi ra khỏi trường, vì hoạt động cách mạng. Từ đấy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hoàn toàn thoát ly trường học và gia đình để hoạt đông cho Đảng. Có tài liệu ghi rằng: Khi đương học ở Bưởi, vào hồi tháng 3 năm 1926, đồng chí Cừ đã tham gia vận động tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và lãnh đạo cuộc bãi khóa để phản đối nhà trường đã đuổi một số học sinh. Có lẽ ghi như thế là lầm. Năm 1926, đồng chí Cừ mới 14 tuổi, làm thế nào lãnh đạo được một cuộc bãi khóa của học sinh trường Bưởi thời bấy giờ, phần đông là lớn hơn tuổi 14 rất nhiều. Vào khoảng năm 1927-1928, đồng chí Cừ mới bắt đầu vào học trường Bưởi. Đồng chí bị đuổi vì những hoạt động cách mạng khác, chắc không phải vì lãnh đạo bãi khóa nhân dịp lễ truy điệu Phan Chu Trinh năm 1926. Khi được bầu làm Tổng Bí thư Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ mới khoảng 26, 27 tuổi, một lãnh tụ rất trẻ của Đảng.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:18:20 pm

* Chi họ Nguyễn Trãi ở Xuân Dục và Nguyễn Thiện Thuật:

Gia phả chi họ Xuân Dục có ghi rõ gốc tích họ là ở Chi Ngại, rồi chuyển về Nhị Khê, sau dần dần mới tách thành một chi về Xuân Dục. Gia phả cũng ghi các tổ tiên xa đời là Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Tổ Giám, v.v... như các chi họ khác. Theo gia phả thì chi họ này không phải một lúc chuyển thẳng từ Nhị Khê và Xuân Dục mà đã di cư dần dần qua nhiều nơi. Thoạt đầu, một người trong chi họ Nhị Khê di cư về làng Cổ Hiền, thôn Thái Công (tức Phụng Công). Về sau, một người trong chi họ Cổ Hiền, tên là Nguyễn Gián di cư về phường Hòe Nhai, Thăng Long, tức phố Hòe Nhai, Hà Nội bây giờ, lập thành một chi ở đây. Nguyễn Gián có 3 con trai. Người con thứ hai tên là Nguyễn Át, khi lên 3 tuổi, Nguyễn Gián đem cho làm con nuôi một người bạn thân ở Xuân Dục. Nguyễn Át về ở hẳn Xuân Dục với cha mẹ nuôi, lập thành một chi họ Nguyễn Trãi tại đây. Nguyễn Át lớn lên, được đi học và ra làm quan. Năm 70 tuổi, Nguyễn Át còn làm Đồng tri phủ phủ Thăng Hoa. Chi họ Xuân Dục từ khi thành lập tới Nguyễn Thiện Thuật mới được 5 đời.

Nguyễn Thiện Thuật có 3 em trai là Nguyễn Kế, Nguyễn Hiển và Nguyễn Dương. Nguyễn Thiện Thuật, lúc trẻ tên là Nguyễn Thuật, cũng không có chữ đệm ở giữa như tên các em. Theo gia phả thì khi đi thi ông có thêm một chữ đệm vào tên là Nguyễn Văn Thuật. Cách đặt tên của chi họ Xuân Dục từ xưa cho tới mấy anh em Nguyễn Thiện Thuật cũng giống như chi họ Nhị Khê, vốn chỉ có hai chữ: họ và tên, không có chữ đệm ở giữa. Thí dụ: cha sinh ra Nguyễn Thiện Thuật tên là Nguyễn Tuy, ông nội là Nguyễn Trọng, cụ nội là Nguyễn Quý, đi ngược lên nữa là Nguyễn Át, Nguyễn Gián như đã nói ở trên, cho tới ông tổ 4 đời ở Nhị Khê là Nguyễn Giáp, tức cháu gọi Nguyễn Trãi bằng cụ, cách đặt tên chỉ có hai chữ, không có đệm, giống như cách đặt tên Nguyễn Trãi. Sau khi đã ra làm quan, Nguyễn Thiện Thuật quyết định đặt thêm chữ đệm là "Thiện" vào tên của mình và cùng các em trai nhất trí đề ra một thể thức quy định chặt chẽ cách đặt tên cho chi họ mình, kể từ Nguyễn Thiện Thuật trở đi.

Nguyễn Thiện Thuật lúc nhỏ tên là Nguyễn Thuật, khi đi thi đã đổi là Nguyễn Văn Thuật, nay muốn đổi là Nguyễn Thiện Thuật thì phải xin phép triều đình và việc này đã được triều đình chuẩn y. Không rõ Nguyễn Thiện Thuật đã lấy lý do như thế nào để xin đổi tên, nhưng biết rằng trong triều lúc ấy có một người cũng tên là Nguyễn Thuật, đương làm quan tại nội các. Có lẽ sự trùng tên trùng họ ấy đã khiến triều đình chuẩn y việc đổi tên của Nguyễn Thiện Thuật. Sở dĩ đi sâu vào việc đổi tên và thể thức đặt tên của Nguyễn Thiện Thuật là vì những sử sách của ta từ mấy chục năm nay, khi ghi tên các em, con, cháu của Nguyễn Thiện Thuật, phần nhiều là sai chệch, không đúng với tên thật, theo như thể thức đặt tên của chi họ này.

Sau khi Nguyễn Thiện Thuật đã được phép đổi tên thì các em Nguyễn Thiện Thuật cũng đặt thêm chữ "Thiện" vào tên mình, thành Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Hiển, Nguyễn Thiện Dương. Nguyễn Thiện Thuật và Nguyễn Thiện Kế đã quy định thể thức đặt tên rất cụ thể, chi tiết, cho từng ngành, từng phân chi họ. Thí dụ: ngành con cả của Nguyễn Thiện Thuật sẽ đặt tên theo bộ tẩu; ngành con thứ của Nguyễn Thiện Thuật theo bộ mã; ngành con cả của Nguyễn Thiện Kế theo ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; ngành con thứ của Nguyễn Thiện Kế, theo bộ mịch, v.v... Cách đặt chữ đệm thì căn cứ vào một câu thơ bảy chữ, mỗi đời lấy một chữ làm đệm, lần lượt tới hết bảy chữ, lại quay trở lại chữ đầu trong câu thơ. Câu thơ bảy chữ ấy là: "Thiện chi gia tất hữu dư khương".

Mấy anh em Nguyễn Thiện Thuật đều lấy chữ đệm là "Thiện". Các con của mấy anh em Nguyễn Thiện Thuật đều lấy đệm là "Chi". Các cháu lấy đệm là "Gia", các chắt lấy đệm là "Tất"..., các đời sau cứ lần lượt theo thứ tự như thế mà đặt chữ đệm.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:18:51 pm

Nguyễn Thiện Thuật sinh ngày 6 tháng 2 năm Giáp Thìn, tác ngày 24 tháng 3 năm 1844. Sau này, Nguyễn Thiện Thuật chết tại Trung Quốc, các con cháu không biết rõ ngày chết nên từ bấy đến nay vẫn lấy ngày sinh của Nguyễn Thiện Thuật làm ngày giỗ. Sinh năm Giáp Thìn 1844, ghi trong gia phả chi họ Xuân Dục là phù hợp với năm sinh của Nguyễn Thiện Thuật ghi trên bia mộ của ông. Khi Nguyễn Thiện Thuật chết, mộ đặt tại gần thành Nam Ninh về phía tây. Trên mộ có dựng một tấm bia đá, khắc dòng chữ: "Việt Nam cố tướng quân Nguyễn công Thiện Thuật chi mộ". Trên bia có ghi năm sinh Nguyễn Thiện Thuật là 1844, năm chết là 1926. Như vậy, theo năm ghi trong bia, Nguyễn Thiện Thuật thọ 82 tuổi.

Nguyễn Thiện Thuật lấy tự là Mạnh Hiếu. Vì thế trong thơ văn Nguyễn Thượng Hiền, mỗi khi nói tới Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Thượng Hiền thường viết là Nguyễn Mạnh Hiếu hoặc Mạnh Hiếu tiên sinh. Trong sách Việt Nam nghĩa liệt sử của Đặng Đoàn Bằng, bản dịch tiếng Việt, xuất bản năm 1959, ở truyện "Khởi nghĩa Móng Cái" có chú thích một câu, đại ý là: theo Phan Bội Châu niên biểu, sau khi nhận được tiền viện trợ thì Nguyễn Mạnh Hiếu được phân công về Đông Hưng đánh Móng Cái. Chú thích như thế là lầm lẫn. Nguyễn Mạnh Hiếu là Nguyễn Thiện Thuật, khi ấy đã ngoài 70 tuổi, không thể hoạt động quân sự được nữa, mà người nhận nhiệm vụ đó, như Phan Bội Châu niên biểu đã nói rõ, là Nguyễn Trọng Thường, tức con Nguyễn Thiện Thuật.

Nguyễn Thiện Thuật đỗ tú tài năm Canh Ngọ 1870, đỗ cử nhân năm Bính Tý 1876 và được bổ Tri phủ Từ Sơn. Năm 1879 thăng Tán tương quân thứ, năm 1881 thăng Hưng Hóa Sơn phòng chánh sứ kiêm Tán tương quân thứ.

Năm 18B3, thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, ông được lệnh về Hải Dương, chiêu mộ thêm quân sĩ, mưu phục Hải Phòng, nhưng việc không thành, ông lại đem quân lên Đan Phượng trợ chiến cho Hoàng Tá Viêm. Trong khi đó triều đình nhà Nguyễn thương nghị đầu hàng với Pháp và hạ lệnh cho các tướng lĩnh ở ngoài Bắc phải rút quân để mặc cho quân Pháp tự do hành động. Nguyễn Thiện Thuật không nhận lệnh, cương quyết kháng chiến. Ông phối hợp với Lưu Vĩnh Phúc đem quân về Đông, mộ thêm nghĩa dũng, đánh thành Hải Dương, lấy được thành nhưng thế không giữ được nên phải rút. Cuối năm 1883, triều đình lại hạ lệnh cho Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Thiện Thuật và một số tướng lĩnh khác phải về kinh (Huế). Bất chấp mệnh lệnh triều đình, Nguyễn Thiện Thuật đem quân bản bộ lên giúp sức giữ thành Bắc Ninh. Tháng 3 năm 1884, thành Bắc Ninh thất thủ, ông lui quân lên đóng giữ Lạng Sơn. Tháng 4 năm 1884, triều đình nhà Nguyễn lại hạ lệnh bắt buộc các quan lại tướng lĩnh yêu nước chống nhau với Pháp ở Bắc Kỳ lúc bấy giờ phải lập tức về kinh. Bọn Hoàng Tá Viêm, Lương Tư Thứ, Ngô Tất Ninh đã tuân lệnh về kinh. Nhưng các ông Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Đình Nhuận cương quyết chống lại lệnh triều đình, vẫn tiếp tục chiến đấu tại các mặt trận của mình. Mấy tháng sau, Lạng Sơn thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật phải tạm lánh sang Long Châu. Tháng 7 năm 1885, tin Huế thất thủ và Hàm Nghi xuất bôn tới Long Châu, Nguyễn Thiện Thuật lập tức từ Long Châu lên đường về nước, vận động nhân dân vũ trang khởi nghĩa đánh Pháp, lấy Bãi Sậy làm căn cứ địa. Trong 5 năm hoạt động, nghĩa quân Bãi Sậy dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thiện Thuật đã làm cho quân Pháp phải nhiều phen khốn đốn. Năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật thấy tình thế kháng chiến có nhiều điều không thuận lợi, nên tháng 10 năm ấy, ông tạm giao binh quyền cho em là Nguyễn Thiện Kế và một số tướng lĩnh nghĩa quân, sang Trung Quốc mưu tính một cuộc vận động mới để phục hồi lực lượng. Nhưng sang tới nơi, thấy chí nguyện khó thành mà trở lại nước cũng khó khăn, ông đành ở lại Trung Quốc cho đến ngày chết. Trong thời gian ông ở Trung Quốc, nhiều nhà hoạt động cách mạng ở các thế hệ sau như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, v.v... khi sang Trung Quốc đều có tới thăm ông và đều được ông khuyến khích động viên rất nhiều.

Quá trình hoạt động chống Pháp của Nguyễn Thiện Thuật ghi trong gia phả, tuy sơ lược nhưng tương đối chính xác, phù hợp với những điều ghi chép trong chính sử của nhà Nguyễn như Đại Nam thực lục, Quốc triều chánh biên toát yếu và những tài liệu của bọn thực dân Pháp thời bấy giờ biên chép.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 06 Tháng Mười Hai, 2016, 07:20:03 pm

Câu hỏi 7: Gia đình Nguyễn Thiện Thuật có một điểm rất đặc biệt là cả nhà đánh giặc, cả nhà quyết tâm cứu nước. Tất cả các em và con của ông đều vũ trang chiến đấu chống Pháp và phần lớn đã hy sinh vì nước. Cho biết đôi nét về các em, con, cháu Nguyễn Thiện Thuật?
Trả lời:


Nguyễn Thiện Thuật có 3 em:

1. Nguyễn Thiện Kế, thường gọi là Hai Kế. Ông đã cùng anh trai của mình là Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo phong trào nghĩa quân Bãi Sậy. Năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc, còn Nguyễn Thiện Kế tiếp tục lãnh đạo phong trào cho tới cuối năm 1892 là lúc phong trào tan rã hẳn. Theo Huỳnh Thúc Kháng, người đã gặp Nguyễn Thiện Kế tại nhà tù Côn Đảo thuật lại trong Thi tù tùng thoại thì sau khi cuộc khởi nghĩa bị dìm trong máu, Nguyễn Thiện Kế cải danh, cải dạng làm người bán thuốc rong, bôn tẩu khắp nơi. Ông nhiều lần qua lại Trung Quốc thăm anh và đã từng dẫn đường cho nhiều người yêu nước xuất dương, Đông du. Nguyễn Thiện Kế sống bôn ba như thế khoảng 30 năm. Tới ngoài 70 tuổi, ông sa vào tay giặc. Thực dân Pháp đưa ông ra đày ở Côn Đảo. Tới khi ông ngoài 80 tuổi, chúng mới đem ông về an trí ở quê nhà. Theo gia phả thì Nguyễn Thiện Kế chết ngày 22 tháng 9 năm Đinh Sửu, tức 25 tháng 10 năm 1937, thọ 88 tuổi (tính theo dương lịch). Như vậy, Nguyễn Thiện Kế sinh năm 1849.

2. Nguyễn Thiện Hiển, giỏi võ nghệ, dũng cảm, mưu trí, tính tình độ lượng, rộng rãi. Mọi việc nhà, việc nước đều không quản ngại khó khăn, vất vả. Nguyễn Thiện Hiển thường theo anh là Nguyễn Thiện Thuật đi quân thứ các nơi, lập nhiều chiến công xuất sắc. Khi Nguyễn Thiện Thuật đi làm sơn phòng chánh sứ Hưng Hóa, Nguyễn Thiện Hiển cũng đi theo và bị ốm chết trong lúc đi quân thứ Đồn Vàng khi tuổi còn rất trẻ.

3. Nguyễn Thiện Dương, thường gọi là Lãnh Giang, em út Nguyễn Thiện Thuật. Lãnh Giang đã cùng các anh trai tham gia chống Pháp và là một tướng giỏi của nghĩa quân Bãi Sậy. Mùa xuân Kỷ Sửu năm 1889, ông đi đánh trận Yên Phú, bị thương vào đùi rồi chết. Theo tài liệu của Pháp, cuốn Lịch sử quân sự Đông Dương (Histoire militaire de l’Indochine): trận đánh diễn ra vào ngày 9 tháng 2 năm 1889, một toán quân Pháp bị Lãnh Giang và 300 nghĩa quân vây đánh tại đây trong 3 giờ liền, sau nhờ có hai toán quân Pháp khác tới cứu nguy, toán quân này mới chạy thoát. Để trả thù cho em bị tử thương, mấy ngày sau, Nguyễn Thiện Thuật mở một cuộc tiến công mạnh vào một toán quân địch, do tên Ney, đồn trưởng Pháp ở Mỹ Hào chỉ huy và giết tại trận tên đồn trưởng Ney, tên thượng tá ngụy Hải Dương và 21 lính ngụy.

Nguyễn Thiện Thuật có 2 con trai là Nguyễn Tuyển Chi và Nguyễn Thạc Chi. Theo thể thức đặt tên như đã nói trên, các con của mấy anh em Nguyễn Thiện Thuật đều lấy đệm là "Chi" và chữ đệm đặt ở sau tên.

1. Nguyễn Tuyển Chi, thường gọi là Cả Tuyển, tự là Thận Sinh hoặc Thận Sinh phủ quân. Vì thế, Nguyễn Thượng Hiền trong Nam chi tập của ông, gọi Cả Tuyển là Nguyễn Thận Sinh, cũng như gọi Nguyễn Thiện Thuật là Nguyễn Mạnh Hiếu, về tên Nguyễn Tuyển Chi, các sách của ta trước đây thường viết chệch. Phan Bội Châu niên biểu viết là Nguyễn Tuyển, Việt Nam nghĩa liệt sử viết là Nguyễn Bá Tuyển. Như thế không đúng với thể thức đặt tên của gia đình Nguyễn Thiện Thuật.

Năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc, Nguyễn Tuyển Chi mới 18 tuổi. Theo Việt Nam nghĩa liệt sử kể lại thì sau khi phong trào Bãi Sậy tan rã, Nguyễn Tuyển Chi đã thay tên đổi họ, trốn đi học với một ông thầy ở Đông Thành. Mãi sau thực dân Pháp dò biết và bắt được Nguyễn Tuyển Chi, đem ra đày ở Côn Đảo 10 năm. Hết hạn tù, Pháp đưa ông về quản thúc ở quê nhà. Mặc dù vậy, Nguyễn Tuyển Chi vẫn nung nấu chí tiếp tục sự nghiệp cứu nước của cha. Năm 1908, Nguyễn Tuyển Chi cùng một số đồng chí tìm đường lên gia nhập nghĩa quân Yên Thế và trở thành một tướng lĩnh tin cậy của Hoàng Hoa Thám. Mùa hè năm Kỷ Dậu 1909, trong một trận đánh, vì hết thuốc đạn, Nguyễn Tuyển Chi bị giặc bắt và đem giết. Theo gia phả thì Nguyễn Tuyển Chi hy sinh ngày 21 tháng 3 năm Kỷ Dậu, tức ngày 10 tháng 5 năm 1909, thọ 37 tuổi. Như vậy, Nguyễn Tuyển Chi sinh năm 1872.

2. Nguyễn Thạc Chi là con thứ Nguyễn Thiện Thuật, thường gọi là Hai Thạc. Nguyễn Thạc Chi còn tên nữa là Nguyễn Quýnh Chi, tự là Thường Sinh hoặc Thường sinh phủ quân, về tên Nguyễn Thạc Chi, các sách thường viết chệch là Nguyễn Trọng Thường, hoặc Nguyễn Trọng Thạc. Năm 1911, Nguyễn Thạc Chi sang Trung Quốc cùng Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Hoàng Trọng Mậu thành lập Việt Nam Quang Phục hội. Theo Phan Bội Châu niên biểu, mùa thu năm 1912, Nguyễn Thạc Chi cùng Nguyễn Hải Thần đem tiền 300 đồng và 6 quả tạc đạn theo đường Lạng Sơn về Bắc Kỳ để vận động vũ trang khởi nghĩa ở trong nước. Theo gia phả thì trong một hội nghị với các đồng chí của mình họp tại xã Đồng Trung, Nguyễn Thạc Chi đã bị thực dân Pháp bắt và đày đi Côn Đảo. Sau đó Nguyễn Thạc Chi chết tại Côn Đảo.

Khi sang Trung Quốc, Nguyễn Thạc Chi có đem theo một con trai là Nguyễn Gia Câu và để ở với ông là Nguyễn Thiện Thuật tại Quảng Đông. Nguyễn Gia Câu lúc ấy 11 tuổi. Phan Bội Châu niên biểu có nói đến người con này của Nguyễn Thạc Chi, nhưng viết là Nguyễn Văn Cầu (Tên cháu, đệm chữ "Gia'' mới đúng với thể thức đặt tên của gia đình Nguyễn Thiện Thuật). Theo Phan Bội Châu niên biểu, khoảng những năm 1908-1909, Nguyễn Gia Câu đang học tiếng Anh ở Hương Cảng nhưng sau không thấy sử sách nói gì thêm nữa.

Phan Bội Châu niên biểu cũng nói tới một người cháu nữa, tên là Nguyễn Thiện Tổ, cháu đích tôn Nguyễn Thiện Thuật. Nếu là cháu đích tôn thì tức là con trai Nguyễn Tuyển Chi. Nhưng gia phả chỉ nói tới một người con của Nguyễn Tuyển Chi sinh năm 1906 là Nguyễn Gia Đích, không nói tới Nguyễn Thiện Tổ. Có thể Nguyễn Thiện Tổ là con lớn Nguyễn Tuyển Chi, nhưng tên viết ở đây chắc không đúng chữ đệm phải là chữ "Gia". Theo Phan Bội Châu niên biểu, Nguyễn Thiện Tổ theo học trường sĩ quan học hiệu Bắc Kinh, học xong đã giữ chức thượng hiệu (tức thượng tá) trong quân đội Trung Quốc, sau đó bị chết vì bệnh phổi.

Như vậy là cả gia đình Nguyễn Thiện Thuật đều tham gia chống Pháp và tất cả mấy anh em, con, cháu đều hy sinh hoặc mất tích.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Mười Hai, 2016, 10:59:40 pm

Câu hỏi 8: Với vai trò lãnh tụ giai đoạn thứ ba của cuộc khởi nghĩa, cho biết đôi nét về Nguyễn Thiện Kế?
Trả lời:


Nguyễn Thiện Kế là em thứ hai Nguyễn Thiện Thuật, quê làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, tổng Bạch Sam, tỉnh Hải Dương, nay là thôn Xuân Dục, xã Lê Hồng Phong, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.

Nguyễn Thiện Kế sinh ngày 28 tháng 6 năm Kỷ Dậu (1849) tự là Trung Khả, hiệu là Đường Dân tiên sinh.

Nguyễn Thiện Kế theo anh làm việc quân từ năm Bính Tý (1877) khi Nguyễn Thiện Thuật đỗ cử nhân được bổ làm Tri phủ Từ Sơn. Ngay từ khi đến Từ Sơn, ông được biết có một tên cường hào ỷ thế quen biết nhiều quan to, ức hiếp dân, vơ vét của dân thường thượng vàng hạ cám. Dân oan ức không biết kêu vào đâu vì quan trên che chở cho hắn. Trong nhà hắn có đủ kho tàng lụa vải, thóc gạo, tiền bạc không biết bao nhiêu mà kể. Hắn còn là con quỷ dâm dục, hễ thấy nhà nào có gái đẹp dù có chồng hay chưa có chồng là hắn cho đàn em đến cắm chiếc gậy trước cửa nhà. Đêm hôm đó, cha mẹ, chồng con người con gái đó phải đi nơi khác và phải để lại cô gái cho hắn chiếm đoạt. Nhà nào trái lệnh lập tức bị tàn hại, người bị bắt về tra khảo, gia tài bị tịch biên.

Ông Thuật một mặt bẩm lên quan trên, một mặt cho Nguyễn Thiện Kế họp dân thu thập tội ác của tên cường hào, bảo dân kiện tên cường hào rồi ký tên vào. Sau đó ông cho Nguyễn Thiện Kế đem quân vây nhà tên cường hào, bắt được rồi giết ngay. Các kho tàng được giữ lại làm chứng cứ để khép tội ngấm ngầm mưu phản. Những tên cường hào, trộm cướp bắt được cũng giết luôn. Từ đó dân cư mới được yên ổn làm ăn. Khi Nguyễn Thiện Thuật được thăng Hưng Hóa Sơn phòng chánh sứ kiêm Tán tương quân thú Sơn Tây, Nguyễn Thiện Kế cùng Nguyễn Thiện Hiển giúp anh tiễu trừ giặc Khách từ Bắc Giang đến Sơn La. Khi Nguyễn Thiện Thuật được phong chức Khanh sứ coi việc 16 châu thuộc hai tỉnh Sơn Tây, Hưng Hóa, ông lại giúp anh chiêu tập dân nghèo li tán, kể cả những thổ phỉ giặc cướp đã đầu hàng, giúp đỡ cấp tiền, gạo để họ khai hoang lập làng bản, an cư lạc nghiệp, nhờ đó kinh tế phát triển, dân được sống bình an, không còn trộm cướp.

Khi thành Hải Dương thất thủ, Nguyễn Thiện Thuật được vua Tự Đức phong chức Tổng đốc Hải Yên ông lại theo anh về dẹp giặc Khách, đánh quân Pháp. Cuối tháng 8 năm 1883, quân Pháp tấn công cửa Thuận An. Triều đình phải ký Hiệp ước Harmand nghị hòa với Pháp, đòi quan lại đang kháng chiến ở Bắc Kỳ "phải lập tức triệt binh dũng lui để tỏ điều tin đối với đại Pháp"1, Nguyễn Thiện Thuật chống lệnh, bỏ chức Tổng đốc Hải Yên về Đông Triều chiêu mộ quân đánh Pháp. Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương lại sát cánh cùng anh đánh Pháp. Chiều ngày 12 tháng 11 năm 1883, Nguyễn Thiện Thuật cùng Nguyễn Thiện Kế về đánh thành Hải Dương. Quân ta đã áp sát chân thành thì cánh quân bên ngoài do Nguyễn Thiện Kế chỉ huy chạm trán với quân Pháp đi tuần nên buộc phải bắn nhau. Trận chiếm thành Hải Dương không thắng, Nguyễn Thiện Thuật, Hai Kế phải rút quân. Từ đó ông theo sát bên anh đánh quân Pháp ở Hải Dương, Hà Nội, Phả Lại, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn.

Ông không những chỉ giỏi việc quân mà còn là người hiếu thuận, dũng cảm, tài năng xuất chúng, võ nghệ siêu cường, độ lượng, rộng rãi, giao nạp rất rộng.
____________________________________
1. Đại Nam thực lục, tập 35 - Hưng Yên địa chí của Trịnh Như Tấu


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Mười Hai, 2016, 11:03:39 pm

Khi thành Lạng Sơn thất thủ (3-1885) Nguyễn Thiện Thuật lánh sang Long Châu (Trung Quốc) để mưu tính cuộc vận động cách mạng mới thì Nguyễn Thiện Kế cùng Đề Vinh ở lại trong nước phối hợp với nghĩa quân ở Ninh Giang (Hải Dương), Ba Báo ở vùng sông Kinh Thầy, Đốc Tít ở vùng Hai Sông, Lưu Kỳ ở Lục Nam, Lục Ngạn, Nguyễn Cao ở Bắc Ninh... tấn công các đồn binh, các toán quân tuần tiễu Pháp và chuẩn bị lực lượng, vũ khí, lương thực chờ Nguyễn Thiện Thuật ở Trung Quốc về là phát động cuộc kháng chiến chống Pháp mới.

Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật ở Long Châu nhận được chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, mặt khác Đổng Quế - thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đang bị ốm nặng nằm tại Dương Trạch1 liền về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.

Ông cùng với em trai Nguyễn Thiện Dương (Lãnh Giang) và các ông cử nhân Ngô Quang Huy, Nguyễn Hữu Đức đã hết lòng cùng Nguyễn Thiện Thuật khôi phục phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy và đưa lên quy mô rộng lớn hơn, quyết liệt hơn.

Nguyễn Thiện Kế trực tiếp phụ trách phía nam Bắc Ninh, bắc Hưng Yên, tây bắc Hải Dương. Với tài thao lược của mình, ông lập được nhiều chiến công, có uy tín rất lớn với các tướng lĩnh, nghĩa quân và nhân dân.

Khoảng cuối năm 1885, đầu năm 1886, vua Hàm Nghi phong ông chức Hồng Lô tự khanh, sung Bắc Kỳ Tán lý quân vụ, ông dâng sớ cáo từ, nhận lấy chữ Đường Dân làm hiệu2.

Khi Tổng Khấu ở xã Ngọc Cục làm phản nghĩa quân, Nguyễn Thiện Kế lệnh cho Đốc Khuy giết chết. Tháng 1 năm 1890, căn cứ Bãi Sậy bị bao vây, Nguyễn Thiện Kế, Đề Ban, Đốc Sung tấn công đồn Kẻ Sặt. Ngày 21 tháng 2 năm 1890 Nguyễn Thiện Kế ở lại cùng Đốc Sung, Lãnh Mỹ tấn công đồn Iakmon (Hải Dương).

Ngày 4 tháng 4 năm 1890, Nguyễn Thiện Kế cho quân trừng trị tên tri huyện Nguyễn Như Bích thường đem quân đánh phá nghĩa quân3.
_____________________________________
1. Từ trước tới nay, các tài liệu của Pháp đều viết Đổng Quế ốm chết vào giữa năm 1885. Các công trình nghiên cứu của ta cũng viết như vậy. Tài liệu Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Minh Thành đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử viết: “Đến tháng 7-1885, sau khi kinh thành Huế thất thủ, Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần Vương thì ở khắp 2 xứ Trung - Bắc Kỳ, các văn thân, sĩ phu yêu nước hưởng ứng chiếu Cần Vương đã nổi lên mạnh mẽ. Riêng ở Hưng Yên, lãnh tụ nghĩa quân Bãi Sậy lại ốm chết". Khi về Thọ Bình quê Đinh Gia Quế dọc gia phả thì ông chết vào ngày 22-11-1885 (âm lịch), tức là cuối tháng 12-1885. Như vậy, Nguyễn Thiện Thuật về trong lúc ông Quế ốm nặng.
2. Theo gia phả họ Nguyễn Xuân Dục.
3. Trịnh Như Tấu, Hưng Yên địa chí.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Mười Hai, 2016, 11:10:43 pm

Tháng 10 năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc giao cho Nguyễn Thiện Kế quyền Tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa, tuy các tướng lĩnh hy sinh, bị bắt nhiều, song quân Pháp cũng phải thừa nhận dưới quyền Nguyễn Thiện Kế còn bảy tướng chủ yếu là: Đề đốc Nguyễn Văn Sung người làng Dịch Trì (Yên Mỹ); Đề đốc Ban, người làng Bối Khê (Ân Thi); Đề đốc Nguyễn Đình Tính, người làng An Vĩ (Khoái Châu); Đề đốc Cọp, người làng An Xá (Kim Động); Lãnh binh Dương Văn Điển, người làng Phù Sa (Khoái Châu); Tuần Vân1, người làng Như Quỳnh (Văn Lâm); Đề đốc Mỹ, người làng Xuân Cầu (Văn Giang).

Bảy người này có trên 600 khẩu súng. Súng của họ phần lớn có Carabine, Wunchester, súng trường Carabine, Mile 1894 kiểu Mỹ, súng Remainton, súng Mauser dùng đạn Mile 1873 và một số súng hỏa mai2.

Từ tháng 10 năm 1890, Nguyễn Thiện Kế và các tướng vẫn lấy Bãi Sậy làm căn cứ chính, nhưng hoạt động quân sự chủ yếu ở các huyện Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành, Quế Võ, Lang Tài (nam Bắc Ninh), Cẩm Giàng, Thanh Miện, Bình Giang (bắc Hải Dương), Ân Thi, Mỹ Hào (Hưng Yên).

Nguyễn Thiện Kế vẫn cho dán các bản Thông cáo, Tuyên cáo kể tội giặc Pháp và tay sai, kêu gọi nhân dân tham gia nghĩa quân và tiếp tục thu thuế của nhân dân. Nghĩa quân cũng nhận được vũ khí của Lưu Kỳ chuyển đến sau thời gian bị gián đoạn. Nghĩa quân vẫn uy hiếp đường 5, đường 39, đường 38 Quán Gỏi - Sặt - Trương Xá; và phục kích các toán quân Pháp đi tuần tiễu, đánh úp các đồn bốt.

Để dễ vận động, Nguyễn Thiện Kế chia quân thành các toán nhỏ từ 20 người đến 25 người hoạt động lưu động từ làng này qua làng khác. Chính các toán quân nhỏ này đã liên tục tập kích vào các đồn địch ở Khoái Châu, Hà Tiên (giáp ranh huyện Ân Thi của Hưng Yên và Thanh Miện của Hải Dương), Phúc Trạch (tổng Mễ Sở, Khoái Châu), gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại.

Trong các giấy tờ quân Pháp bắt được của Hai Kế thường có chữ ký, có dấu là "Thượng biên biện nguyên”.

Sang năm 1891, giặc Pháp tập trung quân điên cuồng khủng bố phong trào Bãi Sậy, nhưng chính lúc đó nghĩa quân do Nguyễn Thiện Kế lãnh đạo vẫn hoạt động mạnh mẽ. Trước sự hoạt động mạnh mẽ của nghĩa quân đến nỗi Kinh lược sứ Bắc Kỳ là Nguyễn Hữu Độ đã phải mật báo với quân Pháp là: "Phải đón trước một cuộc tấn công bất ngờ của nghĩa quân Bãi Sậy ngay tại Hà Nội"3.
______________________________________
1. Tuần Vân,người làng Xuân Quan, Văn Giang, Bắc Ninh.
2. Miribel: La Pronnes de Hưng Yên, xuất bản năm 1901.
3. Đại nam thực lục chính biên.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 07 Tháng Mười Hai, 2016, 11:13:33 pm

Nghĩa quân đã được sự ủng hộ tích cực của nhân dân và của các hào lý. Để cắt đứt sợi dây liên lạc này, "chỉ trong vòng 15 ngày của tháng 2 năm 1891 viên thanh tra dân binh đã hành hình 75 hào mục ở khu vực Bãi Sậy"1. Chúng còn tàn phá nhiều làng xóm như Lê Xá, Hành Lạc, khu đền Ghềnh, các đình Ngọ Cầu, An Xuyên thuộc tổng Như Quỳnh (Văn Lâm); tàn sát các gia đình có người tham gia nghĩa quân như Quản Chén, Bang Chu, Trương Đình Tuyển, Nguyễn Văn Cốc thuộc xã Như Quỳnh2. Quân Pháp cũng đốt phá đình Muồng, nay thuộc xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ngay các quan chức Pháp đương thời cũng phải thừa nhận: "Nhiều làng xã bị đốt cháy bốn bề. Nhiều người nhà quê bị bắt, bị giết và những đồn binh của chúng ta thì bị tấn công. Nhìn chung tình hình không ổn định. Chính thức thì chúng ta nói không bị cướp bóc, xứ này đã bình định được rồi!"3"Giữa vùng đồng bằng trong khu Bãi Sậy, bọn cướp bóc lại tổ chức và đe dọa nghiêm trọng các con đường giao thông chính như Hà Nội - Hải Dương và Nam Định - Hà Nội. Đầu năm 1891 một toán quân này đã dám tấn công Hà Nội phía tả ngạn sông Hồng, tức là giữa đồn binh từ Bắc Ninh về Hà Nội"4.

Địch còn thú nhận: "Sau tết âm lịch, nghĩa quản tập trung lực lượng lớn tại căn cứ Bãi Sậy đến hợp tác với quân Lưu Kỳ. Có rất nhiều toán nghĩa quân đi lại từ Hưng Yên sang Hải Dương, Bắc Ninh. Các đội quân trên, khi đi riêng biệt, khi được những người nông dân che chở, họ trở thành những người nông dân chất phác, khiến bọn lính không sao phân biệt nôi đâu là nghĩa quân, đâu là dân thường. Tên tuổi, hành động của họ các quan chức An Nam đều biết rất rõ nhưng sợ không dám báo cho quân Pháp vì họ sợ bị trả thù"5.

Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Thiện Kế, nghĩa quân Lưu Kỳ, Tiền Đức đã tấn công các tàu thuyền của quân Pháp trên sông Thái Bình và sông Văn Úc. Lãnh Quý cũng trở lại chiến trường cũ là Thanh Hà, Tứ Kỳ, Kim Thành tổ chức lại đội ngũ liên tục đánh quân Pháp. Tại huyện Năng Yên, Thanh Lâm lại xuất hiện các đạo quân khác liên tục sẵn sàng chiến đấu6.

Để đối phó với nghĩa quân do Nguyễn Thiện Kế chỉ huy, tòa sứ Hải Dương thực hiện gợi ý của Paubert tổng trú sứ Trung - Bắc Kỳ đã có ý định tổ chức lực lượng dân binh người bản xứ như người Anh và đã có kết quả ở Ấn Độ, Miến Điện, tòa sứ thành lập đạo quân này gọi là "lính cơ"; lại cho quan phủ, huyện được tuyển lính, được trang bị vũ khí, sẵn sàng đánh phá nghĩa quân, đàn áp các làng ủng hộ nghĩa quân.

Việc xuất hiện đội lính cơ ở tỉnh là lính của các quan phủ, huyện gây khó khăn cho nghĩa quân. Chúng còn tung nhiều toán thám báo, mật vụ vào vùng nghĩa quân kiểm soát và dụ dỗ, mua chuộc nghĩa quân ra đầu hàng.

Nghĩa quân đã vượt qua những khó khăn đó, tiếp tục tấn công địch, tiêu biểu là trận "đêm 4 tháng 3 năm 1891, nhờ có nội ứng, một toán nhỏ nghĩa quân lọt được vào một đồn địch ở Khoái Châu, giết chết 1 lính, làm bị thương 1 lính, lấy 12 súng, 50 bao đạn”7.

Ngày 17 tháng 3 năm 1891 nghĩa quân chịu một tổn thất là Đề đốc Nguyễn Văn Sung bị Lãnh Vắn và tên Kha làm phản đưa đường cho quân Pháp do tên Moliuer chỉ huy bao vây chùa Đống Long, nơi Đốc Sung đóng quân, ông trúng đạn, bị thương nặng và đã tự tử.

Để trả thù cho Đốc Sung, Nguyễn Thiện Kế lệnh cho các tướng dồn dập tấn công quân Pháp. Tiêu biểu là các trận: "Ngày 24 tháng 3 năm 1891, Hai Kế đã đánh nhau quyết liệt với thanh tra Lamber với sự hỗ trợ của các đồn Mỹ Hào, Đỗ Mỹ, Phong Cốc. Cùng ngày, đồn binh Phong Cốc đụng độ với 5 nghĩa quân đi trên một cái thuyền". "Đầu tháng 4 năm 1891 nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Hai Kế, Đề Vinh, Đốc Mỹ, Đề Quý kéo đi rất đông tấn công các đồn binh Pháp"8. "Đầu tháng 7 năm 1891, Nguyễn Thiện Kế phái Ba Giang phối hợp với Đề Hiệu, tướng cũ của Tạ Hiện và Đốc Nhưỡng, Đề Gạo mặc quần áo lính khố xanh tiến đánh tỉnh lỵ Thái Bình. Nghĩa quân đóng quân ở đình Thần Khê (huyện Duyên Hà) thì bị Việt gian báo cho quân Pháp chặn đường. Đốc Nhưỡng, Đề Gạo bị thương. Đốc Nhưỡng rút quân lên Sơn Tây thì bị quân Pháp bắt xử tử, Ba Giang trở lại Hưng Yên hoạt động"9.

Quân Pháp tập trung lực lượng quân sự mạnh đàn áp dữ dội hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, nhưng phong trào chỉ tạm thời lắng xuống. Hai Kế, Đề Ban, Đề Vinh vẫn duy trì phục hồi phong trào, phát triển lực lượng nghĩa quân ở một số vùng, bẻ gẫy nhiều cuộc càn quét của chúng.
____________________________________
1. Sabronne: Những cuộc bình định tại Bắc Kỳ.
2. Lịch sử Đảng bộ xã Như Quỳnh.
3. Sabronne: Những kỷ niệm ở Trung Quốc và Bắc Kỳ.
4. Đại Nam thực lục chính biên, Quốc sử quán triều Nguyễn.
5, 6. Dilleman: Nhiệm vụ bình định và cuộc chiến đấu chống cướp bóc
7. Albert de Pouvourville: Classeur de Pirtes, xuất bản ở Paris, 1928 - Báo cáo chính trị của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương năm 1891.
8, 9. Nghiên cứu lịch sử số 6-1989.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Mười Hai, 2016, 07:37:35 pm

Câu hỏi 9: Cuối giai đoạn thứ ba của cuộc khởi nghĩa, do lực lượng và vũ khí không cân sức, nghĩa quân do Nguyễn Thiện Kế chỉ huy đã gặp khó khăn. Trước khi đưa ông về quản thúc ở quê nhà, bọn quan cai trị Pháp và Nam triều dụ dỗ, mua chuộc, ông đã có những hành động gì làm cho quân Pháp kinh hoàng?
Trả lời:


Mặc dù Hai Kế, Đề Ban, Đề Vinh vẫn duy trì, phục hồi phong trào, phát triển lực lượng nghĩa quân ở một số vùng để bẻ gẫy nhiều cuộc càn quét của chúng. Song có những đợt chúng huy động lực lượng lớn như: "Ngày 10 tháng 10 năm 1891, nghe tin nghĩa quân do Hai Kế chỉ huy hoạt động ở Mao Điền (huyện Cẩm Giàng), lập tức Lambert, Fourré và Filippi vội mang 80 lính đến đánh. Nhưng lực lượng nghĩa quân ở đây khá mạnh, quân Pháp phải lấy thêm lính ở đồn Trâu Quỳ (thuộc tổng Tràng Kỹ, huyện Cẩm Giàng) đến tiếp viện, lúc đó nghĩa quân mới chịu rút lui".

Đầu năm 1892, nhiều tướng như Đốc Cọp, Đề Tính, Đốc Sung, Lãnh Điển hy sinh, Lưu Kỳ bị đánh bật ra khỏi Đông Triều, Lục Ngạn, Nguyễn Thiện Kế và các tướng phải luôn luôn di chuyển từ làng này qua làng khác, từ tỉnh Hưng Yên đến Bắc Ninh, sang Hải Dương rất vất vả. Lực lượng và vũ khí ngày càng hao hụt, có những trận nghĩa quân phải rút lui.

Tuy bị địch truy bức liên tục nhưng chỉ trong tuần lễ đầu tháng 4 năm 1892, nghĩa quân Hai Kế, Đề Vinh đã hạ liền 5 đồn lính khố xanh và uy hiếp nhiều đồn binh khác.

Hoàng Cao Khải và thanh tra Blanchard được tin báo vô cùng hốt hoảng, vội vàng điều 600 dân binh, 800 lính lệ đi chặn đánh nghĩa quân.

Ngày 10 tháng 4 năm 1892, Hai Kế cùng Đề Vinh chỉ huy hơn 200 quân đóng ở đình Mậu Duyệt, huyện Văn Lâm. Được bọn gián điệp mật báo, công sứ Hưng Yên Muselier cùng các tên Lambert, Mitiler, Simon đưa 409 lính đến bao vây, nhưng nghĩa quân đã chia làm hai hướng rút lui, Hai Kế rút theo hướng khác, Đề Vinh rút về làng Ngô Phần. Hai bên kịch chiến suốt ngày 11 tháng 4 năm 1892, quân Pháp bao vây Ngô Phần, hai bên xung chiến, viên đội Desmot tử trận, cai Lambert bị trọng thương. Quân Pháp được tiếp viện tiếp tục tấn công. Song lợi dụng mưa to, gió lớn, đêm đó nghĩa quân đã rút sang Bích Khê (Lang Tài). Ngày 12 tháng 4 năm 1892, quân Pháp đưa đại bác từ Bắc Ninh đến bắn phá. Đề Vinh chỉ huy một đội quân cảm tử xông ra, ông cùng trên 30 chiến sĩ tử trận. Nguyễn Thiện Kế gặp nhiều khó khăn, buộc lòng phải giải tán nghĩa quân1.

Sau trận này quân Pháp tung toàn bộ lực lượng truy quét nghĩa quân. Nguyễn Thiện Kế phải cải trang trốn tránh. Theo tài liệu của quân Pháp: "Năm 1895, Hai Kế cùng Ba Giang chỉ huy một lực lượng khoảng 80 tay súng trở lại đánh Pháp ở huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh".

Từ đó Nguyễn Thiện Kế cải trang làm người bán thuốc bôn tẩu khắp nơi, thường qua lại Trung Quốc thăm anh, đưa đường cho nhiều người trong nước xuất dương Đông du.
_______________________________________
1. Theo Miribel và Trịnh Như Tấu - Theo Dilleman viết trong cuốn Nhiệm vụ bình định... và cuốn Tán Thuật - Bãi Sậy của Vân Hà thì “Trong vòng tháng 8-1897, Tán Thuật, Hai Kế vẫn còn ở Mỹ Hào". Theo chúng tôi thì chỉ có khả năng có Hai Kế.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Mười Hai, 2016, 07:38:26 pm

Ngày 14 tháng 3 năm 1913 và ngày 26 tháng 4 năm 1913 xảy ra hai vụ ném lựu đạn giết chết tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn và làm bị thương một số sĩ quan Pháp khác ở Hà Nội. Hội đồng đề hình Pháp họp ngày 5 tháng 9 năm 1913 nghi ông tham gia vào vụ này và đã kết án chung thân vắng mặt. Năm 1914, khi ông đã ở tuổi 65, nhà cầm quyền Pháp bắt được ông ở chợ Sơn, Từ Sơn, Bắc Ninh. Ông tự tử nhưng có người cứu nên không chết, Pháp đầy ông đi Côn Đảo. Khi ông ngoài 80 tuổi, chúng mới đưa ông về an trí ở quê nhà1. Theo Huỳnh Thúc Kháng trong "Thi tù tùng thoại" thì năm 1921 ông được tha, vài năm sau Hai Kế cũng được tha2.

Trước khi đưa ông về quản thúc ở quê nhà, bọn quan cai trị Pháp và Nam triều dụ dỗ ông ra làm quan với chúng. Họ nói: "Ông không thức thời, ruột còn tối tăm". Căm giận và khinh ghét thái độ của chúng, ông tự tay cấu rốn rút ruột cho chúng xem, miệng quát lớn: "Chúng bay xem, ruột ta trắng như ngó cần đây!". Bọn chúng kinh hoàng bỏ chạy. Sau ông được cứu thoát, con cháu kể lại rốn ông có cái sẹo to bằng cái bát ăn cơm.

Khi ở Côn Đảo về, nhà cửa bị tàn phá, tài sản bị cướp hết, ông lại bị quản thúc, cứ 7 ngày phải lên đồn Bần Yên Nhân trình diện một lần, ông phải sống trong cảnh bần hàn, nhưng ông vẫn thường nói với con cháu: “Nếu ta còn sức khỏe ta sẽ tiếp tục đánh Tây đến cùng!“3

Khi ông bị quản thúc ở quê, Phạm Văn Thụ, người làng Bạch Sam, tổng Bạch Sam, huyện Mỹ Hào đỗ cử nhân khoa Tân Mão (1891), đỗ Phó bảng năm Thành Thái thứ 4 (1892) được bổ làm Liêm phong sứ ở phủ Thống sứ Pháp, Thượng thư bộ Hộ, Thượng thư bộ Binh triều Khải Định thường qua lại biếu quà, ông không nhận. Có lần ông sai con cháu đun nước lá dâu để mời, ông nói: “Quan lớn thiếu gì trà ngon, tôi mời quan lớn uống nước lá dâu cho sáng mắt!”, còn ông Cửu Vòi cắp tráp theo hầu thì cụ lại pha trà mời uống.

Ông là một nhà hung biện thuyết phục được nhiều quan lại theo hoặc ủng hộ nghĩa quân và còn là một nhà thơ sáng tác nhiều thơ văn, trong đó có bài thơ dài “Chinh phụ ngâm” ca ngợi Nguyễn Thị Tú là vợ Lãnh Giang, chồng chết trẻ vẫn ở lại nuôi mẹ chồng ốm yếu, gia tài khánh kiệt, giặc luôn khủng bố mà không tái giá. Nay con cháu còn nhớ được một phần bài thơ.

Khi sắp mất, ông viết vào gia phả như sau: “Anh em ta mồ côi từ thuở nhỏ, nhờ mẹ dạy bảo… Khi trưởng thành nhà cửa ở chung. Trong nhà anh em có lầm lỗi điều gì cũng đều bảo nhau, khoan thứ bỏ qua. Trong lòng chỉ biết có trung, tín, hiếu, nghĩa, từ ái, hữu cung. Gặp lúc phú quý thì xử cách phú quý, gặp lúc bần hàn thì xử cách bần hàn, gặp lúc hoạn nạn thì xử cách hoạn nạn... Vậy con cháu sau này nên bắt chước tấm lòng của anh em ta mà liệu cư xử với nhau. Phải vui với cảnh ngộ, thề chớ tha tâm. Đối với gia đình phải lấy chữ nhân, chớ có tranh giành, đối với thân mình phải lấy chữ kính, chớ có gian tà. Đối với họ hàng phải tương kính, tương ái. Đối với hàng xóm phải hết lòng hòa nhượng: Ấy là lòng mong muốn của chúng ta vậy!"4.

Nguyễn Thiện Kế mất ngày 22 tháng 9 năm Đinh Sửu (25-10-1937) hưởng thọ 88 tuổi tại làng Xuân Đào, xã Xuân Dục, an táng tại làng Xuân Dục.
________________________________________
1. Đông Dương tạp chí, số 18 ngày 11-8-1913.
2. Phan Bội Châu: Thi tù tùng thoại.
3, 4. Theo gia phả họ Nguyễn Xuân Dục.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:09:12 pm

Câu hỏi 10: Một trong những tướng lĩnh xuất sắc được Nguyễn Thiện Thuật giao cho phụ trách phía nam Bắc Ninh, phía bắc Hưng Yên và phía bắc Hải Dương là Ngô Quang Huy, ông được nghĩa quân và nhân dân coi là nhân vật số hai của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Cho biết đôi nét về Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ Ngô Quang Huy và diễn biến, kết quả một số trận đánh do ông chỉ huy?
Trả lời:


Ngô Quang Huy biệt hiệu Quang Hiên, sinh năm 1835, ở xã An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, nay là thôn An Lạc, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Ngô Quang Huy là người thông minh, nổi tiếng hay chữ một vùng. Năm 17 tuổi ông đỗ cử nhân khoa Nhâm Tý, Tự Đức thứ 5 (1852) tại trường thi Hà Nội1. Tài học của ông truyền đến kinh đô Huế nên ông vừa thi đỗ, vua Tư Đức triệu ông vào kinh. Trên đường đi, người hầu của ông bị chết, ông cho đó là điềm gở, dâng sớ về triều xin tạ tội không vào kinh được. Vua Tự Đức ban thưởng ông 6 đồng tiền vàng. Ngô Quang Huy được bổ làm Đốc học tỉnh Bắc Ninh.

Năm 1883, triều đình Huế ký Hòa ước với Pháp và ra lệnh bãi binh. Nguyễn Thiện Thuật đang giữ chức Tổng đốc Hải Yên cùng một số quan lại phe chủ chiến như Ông Ích Khiêm, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Huy Quang, Nguyễn Cao... chống lệnh bãi binh. Nguyễn Thiện Thuật bỏ quan về huyện Đông Triều chiêu mộ nghĩa quân đánh Pháp. Ngô Quang Huy cùng em trai là Ngô Quang Chước, đỗ cử nhân khoa Đinh Mão, Tự Đức thứ 20 (1867) tại trường thi Hà Nội đang làm Huấn đạo huyện Mỹ Đức đều bỏ quan chiêu mộ được hơn 100 quân đến Đông Triều gia nhập đội quân khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật.

Ngô Quang Huy là nhà nho từng làm đốc học nên ông hiểu rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục. Ông đã thành lập một đội tuyên truyền do các nho sinh là đội viên đi khắp vùng Đông Triều, Chí Linh, Kinh Môn hô hào đồng bào gia nhập nghĩa quân, tiếp tế lương thực cho nghĩa quân. Nghĩa quân do các ông chỉ huy hoạt động mạnh ở các huyện Đông Triều, Chí Linh, Kinh Môn, Thanh Hà, Cẩm Giàng, Mỹ Hào và vùng chung quanh tỉnh lỵ Hải Dương. Chiều 12 tháng 11 năm 1883, nghĩa quân do Nguyễn Thiện Thuật, Hai Kế, Đề Vinh chỉ huy xuất phát từ Đông Triều về hạ thành Hải Dương. Đánh nhau đến gần sáng ngày 13 tháng 11, nghĩa quân không hạ được thành, phải rút lui. Ngô Quang Huy trở về An Lạc cùng một số người yêu nước thành lập "Tam tỉnh nghĩa quân"2 còn gọi là "Đại nghĩa đoàn". Nghĩa quân có 5.000 người. Tam tỉnh nghĩa quân có nhiều tướng giỏi như Đội Văn (Vương Văn Vang). Nghĩa quân Tam tỉnh đánh quân Pháp nhiều trận như trận ở làng Ngọc Trì, huyện Lang Tài, tỉnh Bắc Ninh. Nghĩa quân lập đồn trại ở Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) uy hiếp khu vực sông Cà Lồ (Phúc Yên), xây dựng căn cứ ở núi Nham Biền (Yên Dũng, Bắc Giang) và các căn cứ ở Trúc Ty, Vân Cốc, Trung Đồng khống chế vùng ngã ba Phượng Nhỡn, nơi hợp lưu của các sông Lục Nam - sông Thương - sông Cầu.

Sau vài tháng bị quân Pháp liên tục tấn công, lực lượng nghĩa quân suy yếu, thiếu súng đạn, bị quân Pháp truy kích, nghĩa quân tan rã, ông trở về An Lạc, tổng Thái Lạc, huyện Văn Giang chờ thời, bí mật liên kết với các nghĩa sĩ.
________________________________
1. Tính đến Ngô Quang Huy là dòng họ có 12 đời đỗ từ cử nhân đến tiến sĩ ra làm quan, tên được ghi ở bia văn chỉ thôn An Lạc. Cụ bà Ngô Quang Huy tên là Nguyễn Thị Quý, hiệu An Trai, người Thị Trung.
2. Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:11:33 pm

Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật đang ở Long Châu (Trung Quốc) nhận được tin vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, ông lập tức về nước. Ông đến căn cứ Tiên Động (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) gặp Nguyễn Quang Bích và được vua Hàm Nghi phong là Lễ bộ thượng thư, sung Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, tước Thần trung hầu đai diện nhà vua chủ trương phong trào chống Pháp tại Bắc Kỳ để nhận chiếu Cần Vương. Nguyễn Thiện Thuật trở về vùng giáp ranh ba tỉnh Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh cho người mời cử nhân Ngô Quang Huy và Nguyễn Hữu Đức tới bàn bạc. Nhận được tin, Ngô Quang Huy lập tức đến gặp Nguyễn Thiện Thuật. Ba ông đã nhất trí phải khôi phục phong trào Bãi Sậy và mở rộng phạm vi hoạt động của nghĩa quân sang Bắc Ninh, Hải Dương và các tỉnh khác. Nguyễn Thiện Thuật giao cho Ngô Quang Huy phụ trách miền nam Bắc Ninh, bắc Hưng Yên và bắc Hải Dương.

Sau đó không lâu, năm Bắc Hồng Kỳ niên hiệu Hàm Nghi, Ngô Quang Huy nhận được sắc của vua Hàm Nghi phong cho ông là "Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ". Nghĩa quân và nhân dân coi Ngô Quang Huy là nhân vật số hai của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy nên thường gọi ông là “ông Tán Bắc", "ông Tán Thái Lạc", "ông Tán Ngô".

Tháng 9 năm 1885, tại văn chỉ Bình Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Nguyễn Thiện Thuật họp các tướng tế cờ khởi nghĩa và bàn định kế sách đánh Pháp, chia các tướng đi đóng giữ các nơi. Ngô Quang Huy vẫn phụ trách nam Bắc Ninh, bắc Hải Dương, bắc Hưng Yên.

Ngô Quang Huy cùng em trai là Ngô Quang Chước, Tuần Vân người xã Xuân Quan, huyện Văn Giang đã dấy binh từ năm 1883 theo Đổng Quế, Đốc Sung, trợ thủ của Tuần Vân, Đội Văn (Vương Văn Vang) vốn là tướng giỏi của Tam tỉnh nghĩa quân năm 1884, cả hai ông đều được Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật phong là Đề đốc.

Với lòng căm thù giặc Pháp cướp nước và bọn vua quan Nam triều bán nước, nhân dân trong vùng, kể cả tổng lý đương chức, các nhà địa chủ cũng gia nhập lực lượng nghĩa quân, nhiều sinh đồ từng là học trò của Ngô Quang Huy vốn chỉ ngâm thơ đọc sách, nay cũng "xếp bút nghiên theo việc đao cung", quân đông tới vài ba nghìn. Các làng đều rào làng, trồng thêm tre vào lũy cho dày, đắp lũy, đào hào, các lò rèn đỏ lửa rèn vũ khí.

Trong quá trình huấn luyện, chiến đấu, nhiều nghĩa quân trở thành tướng lĩnh xuất sắc được phong chức tước để chỉ huy nghĩa quân.

Ngô Quang Huy thành lập một đội quân tuyên truyền do các nho sinh là đội viên trống giong, cờ mở đi dọc đường số 5 từ chợ Đường Cái tới gần Như Quỳnh, Ghênh Sủi, Dâu Keo, từ chợ Đường Cái tới gần Bần Yên Nhân, sang Kênh Cầu, Tráng Vũ, Giai Phạm gọi loa tố cáo tội ác của giặc Phalang (Pháp) và quan lại Nam triều, họp các kỳ hào và dân chúng, tuyên đọc chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi1.

Ngô Quang Huy cho đắp đê, trồng tre dọc sông Nghĩa Trụ kéo dài từ xã Ngọc Kinh, qua Tuấn Dị, Vĩnh Bảo đến các xã Đông Khúc, Vĩnh Khúc, Tráng Vũ, Kênh Cầu dài gần 20 cây số, một con đê khác từ Nghĩa Trai đến cầu Ghênh (Nhạc Miếu) dài 4 cây số làm tuyến phòng thủ2. Ông cho đắp nhiều gò đống, đắp nhiều bờ ruộng cao, khơi sâu kênh mương ở dọc đường 5 để quân sĩ ẩn núp phục kích quân Pháp Nhiều làng đã xây dựng thành làng chiến đấu như Đại Từ (Văn Lâm), Đông Khúc, Khúc Lộng, Xuân Quan (Văn Giang)... quân Pháp đánh nhiều trận không vào được.
_______________________________________
1. Theo gia phả dòng họ Ngô Quang ở Thái Lạc.
2. Con đê trên đến năm 1956 khi làm công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải mở rộng sông Nghĩa Trụ mới phá. Các gò đống dọc đường 5 phá khi cải tạo đồng ruộng cho cơ giới hóa.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:14:20 pm

Nghĩa quân do Ngô Quang Huy chỉ huy đánh nhiều trận như trận tấn công đồn Bần Yên Nhân, nhiều trận phục kích quân Pháp ở đồn Ghênh, đồn Bần Yên Nhân, đồn Đống Mối (Nghĩa Lộ, Đại Từ, Văn Lâm). Các trận càn của quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải vào An Lạc, Đình Dù, Đại Từ, Nghĩa Trai, Đông Khúc, Khúc Lộng... đều bị nghĩa quân đánh bật ra và bảo vệ được căn cứ. Song cũng có những trận nghĩa quân bị thua như trận tấn công vào đồn Bần Yên Nhân lần thứ hai, nghĩa quân chém phải ngựa gỗ, bị lộ, quân Pháp bắn ra dữ dội, nghĩa quân phải rút. Có trận Hoàng Cao Khải đóng ở đình Tam Liên, Ngô Quang Huy cho đốt đình, nhưng trời mưa, đình không cháy. Trận đánh quân Pháp ở đình Như Phương, Ngô Quang Huy sai Quản Huống đánh. Quản Huống cho quân cưa ống tre và trẩy ổi xanh đổ ra đường để chúng chạy trượt chân ngã rồi xông ra chém. Quản Huống còn lấy mâm thau làm lá chắn đạn nhưng đạn từ súng bắn nhanh của địch bắn thủng mâm làm một số nghĩa quân hy sinh.

Ngày 12 tháng 11 năm 1888, khi vừa nhận được lệnh của chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy cùng các tướng dẫn hơn 200 quân về cánh đồng Liêu Trung để đánh quân Pháp và bắt sống Hoàng Cao Khải về tế vong hồn Lãnh Giang bị quân Pháp giết ngày 9 tháng 2 năm 1888. Đội quân của Ngô Quang Huy cùng các đội quân khác chỉ thực hiện được mục tiêu giết chết tên giám binh Louis Ney, còn Hoàng Cao Khải thì may mắn chạy thoát, nhưng quân ta cũng giết chết 27 tên lính Pháp, lính Nam, trong đó có cả tên bang tá tỉnh Hải Dương Nguyễn Hữu Hào.

Từ đầu năm 1889, khi căn cứ Bãi Sậy bị quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải tấn công liên tục, Ngô Quang Huy cùng các tướng Tuần Vân, Đốc Sung, Lãnh Mỹ, Trương Đình Tuyển, Hiệp Hanh... đã tăng cường các hoạt động quân sự ở nam Bắc Ninh, Phúc Yên và ở bắc Hải Dương để phân tán lực lượng của quân địch.

Hoàng Cao Khải viết thư dụ hàng, ông khảng khái vạch mặt hắn là kẻ phản bội Tổ quốc, tiếp tay cho giặc tàn sát đồng bào, còn ông vẫn giữ vững ý chí kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược tới cùng.

Tháng 3 năm 1889, Hoàng Cao Khải được bọn mật vụ báo tin lực lượng nghĩa quân do ông chỉ huy đang hoạt động ở nam Bắc Ninh liền báo cho quân Pháp tập trung binh lực ở đồng bằng Bắc Kỳ, Hoàng Cao Khải đưa toàn bộ đạo quân bình định do hắn làm tư lệnh đến đánh phá với mưu đồ bắt hoặc diệt được ông và các tướng dưới quyền ông như Đội Văn, Tuần Văn, Lãnh Mỹ, Trương Đình Tuyển, chia làm nhiều cánh quân bao vây, liên tục tấn công.

Trước sức mạnh của các binh chủng bộ binh, công binh, pháo binh có sự yểm trợ của các chiến hạm gắn đại bác, đạo quân bình định và toàn bộ quân lính ở tỉnh Bắc Ninh lại được trang bị mạnh và tàn bạo nên chỉ sau một tuần tác chiến, nghĩa quân bị đánh bật ra khỏi các căn cứ. Để chặn đường nghĩa quân rút về căn cứ Bãi Sậy, quân Pháp lập thêm nhiều đồn bốt mới, tung nhiều toán quân lưu động mạnh chặn các ngả đường từ Hải Dương, Hưng Yên tới Bắc Ninh để cô lập cánh quân của Ngô Quang Huy. Vì thế nhiều cánh quân từ căn cứ Bãi Sậy do chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật phái đi, cánh quân của Nguyễn Thiện Kế, Đề Vinh, Quan Bá Học đang hoạt động ở Cẩm Giàng (Hải Dương), Lang Tài, Gia Bình (Bắc Ninh) tới cứu viện đều bị quân Pháp chặn lại. Riêng cánh quân của Ba Phi, con út Lý Tích ở Ngọc Truyền đánh sang tới gần phủ lỵ Thuận Thành thì bị tri phủ Từ Sơn và viên vệ binh chính Chiapadi chỉ huy 50 lính chặn lại1.

Nguyễn Thiện Thuật liều thân đi cứu, ông vượt qua các toán quân chặn đường, các tháp canh của quân Pháp tới Đình Tổ, trên bờ tả ngạn sông Đuống, huyện Thuận Thành thì bị bọn mật thám báo cho quân Pháp. Giám binh Branchard, Hoàng Cao Khải sai phân đội Phú Thị (Gia Lâm, trước thuộc Bắc Ninh, nay thuộc Hà Nội) và phân đội Corre hỗn hợp tiên đánh làng Đình Tổ mà chúng xác định là làng này thông đồng với nghĩa quân2. Hoàng Cao Khải còn đe nếu làng xã nào chứa nghĩa quân, để nghĩa quân xây dựng làng chiến đấu, tiếp tế cho nghĩa quân, thấy nghĩa quân mà không báo, quân Pháp sẽ triệt hạ làng. Mặc cho quân Pháp đe dọa và đốt phá, tàn sát một số làng, đồng bào vùng nam Bắc Ninh vẫn tiếp tế lương thực, cứu chữa thương binh, báo cho nghĩa quân biết nơi địch mai phục. Nhiều làng thấy nghĩa quân đến, người già, đàn bà, trẻ em đã rời khỏi làng, nhường làng cho nghĩa quân xây dựng thành pháo đài chiến đấu, trai tráng đều ở lại cùng nghĩa quân xây dựng công sự và chiến đấu như các làng Tam Á, Hà Mãn, Lệ Chi, Đình Tổ (Thuận Thành), Quan Đình, Quan Độ, Thúy Lâm (huyện Yên Phong).

Ngô Quang Huy cùng các tướng đã chỉ huy nghĩa quân dũng cảm đánh trả quân Pháp, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của chúng. Ông phái nhiều toán quân đi liên lạc với đội quân cứu viện do Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Sung chỉ huy, nhưng đều bị quân Pháp bắt và giết.

Các toán quân cứu viện do Nguyễn Thiện Thuật, Đốc Sung chỉ huy cũng bị quân Pháp bao vây, chặn đánh như ở Nghĩa Lộ, Đại Từ, Mễ Đậu (Thuận Thành). Các ông đã khôn khéo tránh các mũi tấn công chính diện, tập kích các đồn binh, phục kích các toán quân đi lùng sục, nghi binh, lừa địch rồi quay về đánh phá hậu phương của chúng. Khi chúng quay trở lại thì nghĩa quân đã rút lui an toàn và lại tấn công chúng ở nơi khác, khiến chúng phải phân tán lực lượng, không tập trung đánh nghĩa quân Ngô Quang Huy được.

Mặc dù đã nhiều cố gắng, song các cánh quân do Nguyễn Thiện Thuật và Đốc Sung chỉ huy không sao tiếp cận được để giải vây cho Ngô Quang Huy. Bị quân Pháp liên tục bao vây, truy kích, nhiều chiến sĩ hy sinh, bị thương, bị bắt, lạc đơn vị. Đạn dược, lương thực cũng cạn kiệt, Ngô Quang Huy đành phải giải tán nghĩa quân rồi cùng em là Ngô Quang Chước và mươi nghĩa quân thân tín chạy lên phía Phủ Lạng Thương (tỉnh Bắc Giang ngày nay). Quân Pháp vẫn đuổi sát phía sau, để giữ trọn danh tiết không sa vào tay giặc, ngày 1 tháng 4 năm Kỷ Sửu (khoảng 1-5-1889), Ngô Quang Huy đã tự tử. Ngô Quang Chước cùng mấy nghĩa quân chôn cất, rồi san bằng mặt ruộng cho mất dấu tích. Mươi năm sau, ông Chước quay lại tìm mộ thì không thấy3.
______________________________________
1, 2. Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ.
3. Theo gia phả họ Ngô Quang do ông Ngô Quang Vi cung cấp.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:17:47 pm

Câu hỏi 11: Đinh Gia Quế khi đang làm Chánh tuần huyện Đông Yên, căm thù giặc Pháp và quan lại triều đình Huế, ông bỏ quan về chuẩn bị khởi nghĩa, Nguyễn Hữu Đức là người ủng hộ và tham gia ngay từ đầu. Cho biết đôi nét về Tán tương quân vụ Nguyên Hữu Đức và những công lao của ông về vận động, tập hợp, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức lực lượng nghĩa quân trong quá trình khởi nghĩa?
Trả lời:


Nguyễn Hữu Đức còn gọi là Nguyễn Đức, người làng Mễ Xá, tổng Nhân Vũ, huyện Ân Thi. Ông đậu cử nhân nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học, ngấm ngầm nuôi chí đánh Pháp. Vợ ông là Nguyễn Thị Âu, người thôn Đệu (Xuân Dục), cùng quê với Nguyễn Thiện Thuật. Con trai ông là Nguyễn Hữu Hạnh lấy con gái ông Nguyễn Thiện Thuật là Nguyễn Thị Trúc.

Ông Hạnh cũng có chí hướng chống Pháp như cha.

Ngày 28 tháng 3 năm 1883, thành Hưng Yên bị quân Pháp hạ một cách dễ dàng vì quan quân ươn hèn không dám đánh chúng. Đinh Gia Quế đang làm Chánh tuần huyện Đông Yên, căm thù giặc Pháp và quan lại triều đình Huế, ông bỏ quan về chuẩn bị khởi nghĩa. Nguyễn Hữu Đức là người ủng hộ và tham gia ngay từ đầu. Con trai ông cũng tham gia cuộc khởi nghĩa của Đinh Gia Quế. Nguyễn Hữu Đức đã vận động con cháu, môn sinh và trai tráng trong vùng gia nhập nghĩa quân.

Đầu tháng 8 năm 1885 Hoàng Cao Khải đưa quân tấn công căn cứ Bãi Sậy, Đổng Quế chỉ huy nghĩa quân đánh bật chúng sang bên kia sông Hồng, sau đó Đinh Gia Quế, Lãnh binh Nguyễn Xuân Mai vượt sông Hồng đuổi Hoàng Cao Khải tới tận làng Thanh Trì, huyện Thanh Trì. Khi các ông đưa quân về đến bến đò Vạn Phúc thì bị quân Pháp phục kích, nghĩa quân tan rã. Lợi dụng cơ hội đó Hoàng Cao Khải ráo riết đánh phá phong trào Bãi Sậy, Nguyễn Hữu Đức ẩn náu chờ thời.

Cuối tháng 6 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật đang ở Long Châu (Trung Quốc) nhận được chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi đã trở về nước gặp Lễ bộ thượng thư Nguyễn Quang Bích nhận sắc vua Hàm Nghi phong cho là Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần. Sau đó Nguyễn Thiện Thuật trở về vùng giáp ranh Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh mời ông và cử nhân Ngô Quang Huy và Nguyễn Hữu Đức đến bàn cách khôi phục cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Nguyễn Hữu Đức được Nguyễn Thiện Thuật giao cho phụ trách miền nam Hưng Yên và làm sớ dâng vua Hàm Nghi phong ông là Tán tương quân vụ. Vì thế, nghĩa quân và nhân dân gọi ông là ông "Tán Nam". Từ khi nhận trách nhiệm phụ trách nam Hưng Yên, ông đã cùng con trai là Cả Hạnh, Lãnh binh Nguyễn Đình Tiêm ở Mão Cầu, Lãnh binh Lê Công Trứ ở xã Gạo Bắc và những tướng lĩnh của Đổng Quế trước đây tập hợp các tướng lĩnh cùng nghĩa quân đang trốn tránh ở các nơi hoặc nằm im đợi thời để khôi phục và mở rộng phong trào. Nguyễn Hữu Đức còn cùng các ông Cù Văn Hiên, Trần Văn Biền, Quản Lâu, Quản Nhân cùng chỉ huy nghĩa quân các xã Nhân Vũ, Nhân Lý, ấp Nhân Lý củng cố liên làng chiến đấu mà các ông vẫn giữ vững được khi phong trào Bãi Sậy bị khủng bố dữ dội.

Lực lượng nghĩa quân được phục hồi và còn phát triển mạnh ở các xã phía Nam Ân Thi. Ngoài liên làng chiến đấu Mễ Xá - Nhân Lý - Nhân Vũ còn có căn cứ Thủy Trúc - Trúc Cầu-Tượng Cước nằm giữa vùng Bãi Sậy tiếp giáp với Hoàng Vân, nơi cả làng làm nghề rèn đã trở thành xưởng quân giới sản xuất vũ khí cho nghĩa quân. Tại đây, những người thợ rèn còn chế tạo được súng thần công bắn đạn ghém đạt hiệu quả sát thương địch cao. Phong trào kháng chiến ở nam huyện còn liên kết được với các xã phía bắc do Đề đốc Phạm Văn Ban chỉ huy.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 08 Tháng Mười Hai, 2016, 09:18:13 pm

Với trách nhiệm chỉ huy các huyện phía nam Hưng Yên, Tán tương quân vụ Nguyễn Hữu Đức còn tới các huyện Tiên Lữ, Phù Cừ, Kim Động và cả phía nam huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương vượt sông Luộc sang các huyện Hưng Nhân, Duyên Hà khi đó còn thuộc tỉnh Hưng Yên để phát triển lực lượng, xây dựng làng chiến đấu, giúp các tướng như Đề Tập ở Kim Động, giúp xã Tam Nông ở Tiên Lữ chống càn quét của giặc Pháp, bảo vệ được làng xóm, liên tục tập kích các đồn giặc, phục kích giặc trên đường 39, 38, đường đê sông Luộc. Ông còn tổ chức các trận đánh lớn ở đoạn giữa Dốc Lã - thị xã Hưng Yên.

Nguyễn Hữu Đức không chỉ tổ chức lực lượng kháng chiến, đột kích, tập kích, phục kích quân giặc, ông còn rất coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục, vì ông hiểu rõ muốn nhanh chóng đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi thì cả dân tộc Việt Nam không phân biệt giàu nghèo, sang hèn đều phải đồng tâm nhất trí nên rất coi trọng công tác tuyên truyền, vạch trần tội cướp nước của giặc Phalang (Pháp) và đám vua quan nhà Nguyễn đầu hàng giặc, ông đã cùng cử nhân Ngô Quang Huy dẫn học trò của mình đi khắp các vùng họp các kỳ hào, tộc biểu, họp dân đọc chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, dán bố cáo ở khắp nơi kêu gọi mọi người góp sức, góp công của xây dựng căn cứ Bãi Sậy, các căn cứ ở vòng ngoài Bãi Sậy, các làng chiến đấu, các liên làng - liên xã chiến đấu. Ông không những là người đề ra chủ trương, chỉ đạo chung mà tự ông đã cùng các tướng Lãnh Tiêm, Lãnh Trứ, Đề Tập, Đề Ban, Đốc Khuy… xây dựng các làng chiến đấu, cùng các chiến sĩ xông pha nơi trận mạc.

Cuối tháng 11 năm 1889, nhận được tin vua Hàm Nghi bị tên phản bội Trương Quang Ngọc bắt nộp cho Pháp, nghĩa quân Bãi Sậy lúc đó cũng bị lâm vào tình thế nguy khốn: Ngô Quang Huy bị bao vây, truy bức đến phải tự tử, Đốc Tít cùng đường phải ra hàng, Đội Văn bị quân Pháp bắt được ở Bắc Ninh đưa về Hà Nội chặt đầu, Lưu Kỳ bị quân Pháp đánh bật khỏi Đông Triều, Lục Ngạn, phải chạy tới tận Tiên Yên, Bình Liêu, tỉnh Quảng Yên, căn cứ Bãi Sậy, các căn cứ của Hai Kế, Đốc Sung, Đốc Mỹ ở nam Bắc Ninh, bắc Hải Dương, căn cứ của Đề Ban ở bắc Ân Thi liên tục bị quân Pháp tấn công. Lực lượng chủ lực sau lần đưa đại quân đi hạ thành Hải Dương bị quân Pháp chặn đánh ở vùng Mao Điền rồi truy kích ráo riết, Nguyễn Thiện Thuật cùng các tướng phải rút vào vùng núi đá Đông Triều.

Khi cuộc khởi nghĩa thoái trào vào cuối năm 1890, Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc mưu cầu viện trợ để tổ chức lực lượng kháng chiến mới, giao binh quyền cho Nguyễn Thiện Kế giữ chức Tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Trong hoàn cảnh khó khăn, ông vẫn cùng các tướng Đốc Cọp, Đề Tính, Đề Ban... tổ chức những trận tập kích vào đồn giặc, phục kích những toán quân tuần tiễu, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của quân Pháp và tay sai.

Khi cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thất bại (tháng 4 năm 1892) ông phải chạy sang các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hà Nam trong nhiều năm. Giặc Pháp bắt bớ, giam cầm nhiều người trong gia đình ông nhằm ép ông phải về hàng. Biết rõ uy tín của ông trong các tầng lớp nhân dân và giới khoa bảng, giặc Pháp và bọn quan lại dụ dỗ ông ra làm quan, nhưng trước sau ông đều từ chối, ở nhà dạy học.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:08:05 pm

Câu hỏi 12: Đề đốc Lưu Kỳ là một trong những thủ lĩnh đánh du kích rất giỏi, biến hóa khôn lường, thông thạo lối tác chiến phục kích bất ngờ. Cho biết đôi nét về Đề đốc Lưu Kỳ và diễn biến, kết quả một số trận đánh do ông chỉ huy?
Trả lời:


Bố Lưu Kỳ là người Hoa, mẹ là người Việt, quê ở huyện Lục Ngạn thuộc tỉnh Bắc Ninh. Ông là người võ nghệ giỏi, giao du rộng rãi trong giới quan lại người Việt và người Hoa ở tỉnh Hải Dương, vùng đông bắc tỉnh Bắc Ninh và cả quan lại Trung Hoa ở vùng biên giới Quảng Yên, Lạng Sơn - Quảng Tây. Ông cũng quen biết cả những tay anh chị trong giới lục lâm thảo khấu người Hoa ở miền núi và miền biển. Ông có ý chí căm thù giặc Pháp, khi giặc Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất (1873), ông đã tập hợp các chiến hữu ở vùng Lục Ngạn, Đông Triều bàn kế đánh Pháp.

Sau khi quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai (25-4-1882), tháng 3 năm 1883, quân Pháp chiếm đóng vùng mỏ than Hòn Gai, Cẩm Phả, tiếp đó đánh chiếm thành Hải Dương và nhiều tỉnh thành khác ở Bắc Kỳ.

Sau khi thành Hải Dương bị hạ lần thứ hai (ngày 9-8-1883, tức ngày 10-7 năm Quý Mùi) vua Tự Đức điều động Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật ở tỉnh Hưng Hóa về làm Tổng đốc Hải Yên kiêm Phó tướng miền Đông cho Thông tướng Hoàng Tá Viêm1. Nguyễn Thiện Thuật đóng đại bản doanh ở huyện Chí Linh và huyện Đông Triều rồi cùng hai em là Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương, Đề Vinh đi các nơi chiêu mộ anh hùng hào kiệt, quan lại, binh lính hãy đoàn kết đánh Pháp.

Cũng trong thời gian này, các sĩ phu phe chủ chiến như Lã Xuân Oai, Nguyễn Quang Bích, Phạm Huy Quang cũng đến vùng người Hoa và các dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn, Hưng Hóa tuyên truyền chống Pháp.

Trong số các thủ lĩnh người Hoa, Nguyễn Thiện Thuật đặc biệt quan tâm đến Lưu Kỳ. Ông đã đến Lục Ngạn bàn bạc với Lưu Kỳ về việc thành lập một đội quân hỗn hợp người Việt, người Hoa, người dân tộc thiểu số ở vùng đông bắc thành một đạo quân để chiến đấu chống Pháp trên địa bàn quan trọng này. Nguyễn Thiện Thuật biết rõ mối quan hệ mật thiết giữa Lưu Kỳ với các quan chức hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và các thương nhân Trung Hoa nên đã bàn với ông thiết lập một đường dây mua vũ khí từ Hồng Kông, Quảng Đông, Quảng Tây về vùng biên giới Móng Cái - Tiên Yên - Lộc Bình rồi theo đường mòn vùng rừng núi đưa về Lục Ngạn để trang bị cho nghĩa quân.

Sau khi gặp Tán tương quân vụ Nguyễn Thiện Thuật, Lưu Kỳ đã khẩn trương thực hiện cả hai nhiệm vụ trên. Nghĩa quân Lưu Kỳ là những người đã từng quen với chiến thuật, biết võ thuật, thông thạo vùng rừng núi nên ngay khi mới thành lập đã tổ chức các trận tấn công quân Pháp. Nhờ có nguồn súng mua từ Trung Quốc, đội vũ trang của ông được trang bị nhiều súng bắn nhanh. Địa bàn hoạt động của ông là vùng Đông Triều, Lục Ngạn. Trong đội quân của ông có nhiều tướng lĩnh xuất sắc như Hoàng Tài Ngạn, Hoàng Thái Nhân, Đề Kỳ, Đô đốc Quý… Vợ Lưu Kỳ cũng là viên tướng xuất sắc.
______________________________________
1. Còn gọi là Hoàng Kế Viêm.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:13:05 pm

Trong buổi đầu xây dựng lực lượng vũ trang, Nguyễn Thiện Thuật đã cử các tướng lĩnh giúp Lưu Kỳ biên chế đơn vị, huấn luyện quân sự cho tân binh, giúp đỡ lương thực. Đội quân của Lưu Kỳ được tổ chức rất chặt chẽ, có kỷ luật, thiện chiến.

Chính vì ông được Nguyễn Thiện Thuật khi đó là Tổng đốc Hải Yên kiêm Phó tướng miền Đông hết lòng ủng hộ, là đội quân có kỷ luật, thiện chiến nên ngay từ khi mới thành lập ông đã chủ động tìm giặc mà đánh và giành được những thắng lợi như:

Ngày 15 tháng 10 năm 1883, Triều đình Huế ký với Pháp Hiệp ước Harmand đầu hàng, lệnh cho Nguyễn Thiện Thuật và các quân thứ ở Bắc Kỳ đang kháng Pháp phải giải tán quân đội, về kinh đợi chỉ, Nguyễn Thiện Thuật chống lệnh, từ chức về Đông Triều mộ quân đánh Pháp, chẳng bao lâu ông đã có đội quân người Việt, người Hoa hùng mạnh. Mỗi khi Nguyễn Thiện Thuật đưa quân đi đánh các trận lớn, Lưu Kỳ đều cho quân đến phối hợp, trận đánh thành Hải Dương là một ví dụ.

"Ngày 17 tháng 11 năm 1883 Lưu Kỳ lại chỉ huy 3.500 quân Tàu tấn công quân Pháp do trung úy hải quân Bouet chỉ huy có tàu chiến Carbin yểm trợ. Trong khi đó, 2.000 quân Việt tấn công đại úy Bertin. Bertin cố mở một đường ra để cứu cho quân ta nhưng ông lại phải buộc quay về phía pháo đài"1.

Khi Nguyễn Thiện Thuật cùng các tướng lên giữ thành Bắc Ninh, Hưng Hóa, Lạng Sơn, tập kích quân Pháp ở Tuyên Quang và đánh trận cầu Quan Âm (Lạng Sơn) đều có đội quân của Lưu Kỳ tham gia.

Ngày 2 tháng 10 năm 1884, trên sông Lục Nam, quân pháp dùng hai pháo thuyền Lahase, Lamashu khi đang xoay khẩu Hốtkít về phía địch (nghĩa quân) đã bị một viên đan bắn trúng cổ2 vội cầu cứu pháo thuyền Mutcơtông3, giặc bị giết 33 tên. Tướng Brière de Linni vội tung vào một binh đoàn gồm 4.800 quân do thiếu tá hải quân Donnier chỉ huy rời Đáp Cầu theo đường sông Chũ phối hợp với quân của thiếu tá De Miribel đang hoạt động ở Bảo Lộc và của tướng Négrier ở Kép4.

Ngày 5 tháng 10 năm 1884, các pháo thuyền Lahase, Lamashu yểm trợ, Donnier dẫn quân lên Chũ, bị chặn đánh ở Lầm "bởi một hỏa lực khủng khiếp"5 và bị diệt 41 lính, De Miribel phải đem quân đến cứu. Đến ngày 10 tháng 10 năm 1884, quân Pháp mới mở được đợt tấn công cao điểm ở Chũ để lại 110 xác chết. Cuộc tấn công của quân Pháp lên Lạng Sơn hoàn toàn bị bẻ gãy ở Kép bởi quân của Cai Biều, Tổng Bưởi và ở Chũ bởi quân của Lưu Kỳ, Hoàng Thái Nhân6.

Négrier vẫn đeo đuổi mục đích đánh chiếm Lạng Sơn. Tướng Brière de Linni phải sang tận Thượng Hải (Trung Quốc) mộ phu vì không mộ được phu ở Bắc Ninh, Lạng Thương. Ngày 4 tháng 1 năm 1885, Négrier đem quân tấn công Lạng Sơn thì bị chặn lại ở núi Bóp, bị chết 100 tên, trong đó có 3 sĩ quan7.

Trước tình hình đó, quân Pháp phải rút lực lượng các nơi về Chũ tới 7.186 lính, 4.500 phu giao cho các tướng Négrier, Zovamenli, Crétin,... chỉ huy. Suốt 5 ngày, từ 3 tháng 2 năm 1885, nghĩa quân do Lưu Kỳ chỉ huy luôn luôn chặn đánh, tiêu hao giặc làm cho quân Pháp không tiến được, đến ngày 8 tháng 2 năm 1885, giặc Pháp chỉ tiến được 30 cây số. Ngày 28 tháng 3 năm 1885, quân Pháp phải rút chạy về Chũ.
______________________________________
1. P. Vital: Những năm đầu ở Bắc Kỳ.
2. Lịch sử quân sự Đông Dương.
3. Pháo thuyền này bị nghĩa quân chặn đánh ở Đức La.
4, 5. Lịch sử quân sự Đông Dương.
6, 7. Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần: Khởi nghĩa Yên Thế, Sở Văn hóa - Thông tin Bắc Giang - Hội Khoa học Lịch sử xuất bản.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:16:21 pm

Quân Pháp bị Lưu Kỳ đánh cho thua liên tiếp mặc dù binh lực và vũ khí hơn quân Lưu Kỳ gấp nhiều lần. Quân Pháp phải thú nhận: "Lưu Kỳ là một thủ lĩnh đánh du kích rất giỏi, biến hóa khôn lường, thông thạo lối tác chiến phục kích bất ngờ. Đội ngũ nghĩa quân phức tạp phần nào ảnh hưởng đến niềm tin trong nhân dân. Mặc dù vậy cuộc khởi nghĩa này vẫn làm cho kẻ thù "biết bao công sức, biết bao kiên nhẫn, biết bao thời gian đã tiêu phí một cách vô ích"1.

Ngoài Lục Ngạn, Lưu Kỳ còn trải địa bàn hoạt động của mình sang Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Yên Bác, Đông Triều2.

Nghĩa quân của Lưu Kỳ hoạt động mạnh mẽ liên tục tấn công quân Pháp ở Lục Ngạn, Đông Triều. Ông xây dựng một số cứ điểm ở vùng Bảo Đài, Đông Triều, phía đông tỉnh Bắc Giang. Đội quân của Lưu Kỳ đã nhiều lần phối hợp với các toán quân Bãi Sậy do Đội Văn, Đốc Tít, Ba Báo... chỉ huy hoặc các đội quân khởi nghĩa độc lập như Tổng Bưởi, Cai Kinh, Cai Biều ở Phủ Lạng Thương, Lạng Sơn.

Tháng 4 năm 1885, binh đoàn Nevy càn quét vùng núi giữa Quynh và Mai Sưu nhưng bị nghĩa quân Lưu Kỳ đánh cho đại bại. Nghĩa quân vẫn làm chủ trong vùng thu thuế, tuyển mộ quân lính, cắt đặt người cai trị.

Tháng 6 năm 1885, Chính phủ Pháp bắt tay với triều đình Mãn Thanh ký "Hiệp ước Pháp - Thanh". Hiệp ước này buộc Lưu Vĩnh Phúc phải rút quân về nước, nhưng một số tướng lĩnh như Lục Đống Hoàn, Vương Ngọc Châu, Thanh Tông Chính, Chu Băng Thanh, Lục Văn Khiêm, Lưu Chí Hùng, Hoàng Tuấn Phương, Lương Mậu Lâm, Tả Bình An, Diệp Thanh Lâm đều bỏ Lưu và tự hùng3.

Ngày 5 tháng 7 năm 1885 (23-5 Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn tấn công quân Pháp ở đồn Mang Cá và Tòa khâm sứ Huế không thành liền hộ giá vua Hàm Nghi ra Quảng Trị. Ngày 2 tháng 6 năm Hàm Nghi thứ nhất (13-7-1885), vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương thông báo cho các khanh sĩ, bá quan văn võ lớn nhỏ và cho nhân dân trong nước mọi người đều biết.

Nhận được chiếu Cần Vương, Nguyễn Thiện Thuật từ Long Châu (Trung Quốc) về nước. Ông đến căn cứ Tiên Động gặp Nguyễn Quang Bích, được vua Hàm Nghi phong Lễ bộ thượng thư Hồng Lô tự khanh, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần nhận chiếu Cần Vương về phát động phong trào Cần Vương ở vùng châu thổ sông Hồng và vùng đông bắc Bắc Kỳ. Sau cuộc gặp gỡ với hai cử nhân Ngô Quang Huy và Nguyễn Hữu Đức, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật đã gặp Lưu Kỳ và phong Lưu Kỳ chức Đề đốc. Các tướng dưới quyền Lưu Kỳ được phong lãnh binh, phó lãnh binh, suất đội... Nguyễn Thiện Thuật chính thức giao cho Lưu Kỳ, vẫn đóng quân ở Lục Ngạn, Đông Triều, trấn giữ vùng đông Bắc Kỳ và bổ sung lực lượng cho đường dây mua và vận chuyển vũ khí từ miền Nam Trung Quốc về cung cấp cho nghĩa quân.
_______________________________________
1. Chabrone: Những cuộc hành quân tại Bắc Kỳ.
2. Huyện Phượng Nhỡn khi đó có 10 tổng.
3. Tức là các tướng trên chỉ huy một số quân không về Trung Quốc mà ở lại Việt Nam cùng nhân dân Việt Nam đánh Pháp. Phần lớn các toán quân trên nhập vào đội quân của Lưu Kỳ.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:19:52 pm

Tháng 9-1885 Lưu Kỳ nhận lệnh của chủ tướng Nguyễn Thiện Thuật về văn chỉ Bình Dân dự cuộc họp tướng lĩnh và tế cờ khởi nghĩa, Lưu Kỳ chính thức trở thành một thủ lĩnh xuất sắc trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chiến đấu dưới ngọn cờ Cần Vương.

Với danh nghĩa Cần Vương cứu nước, bảo vệ vua Hàm Nghi, Lưu Kỳ đã tập hợp thêm được nhiều người dân tộc Hoa, dân tộc thiểu số, dân tộc Việt ở vùng đông bắc và cả quân lính, quan lại trong quân đội Pháp và Nam triều vào hàng ngũ kháng chiến. Một số toán tàn dư của các phong trào nông dân khởi nghĩa ở Trung Quốc như Thiên Địa hội, Thái Bình Thiên quốc bị quân đội nhà Thanh đánh đuổi tràn sang Việt Nam cũng được ông thu nạp vào nghĩa quân. Được sự giúp đỡ tích cực của các thổ ty và nhân dân các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Yên, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Dương, Lưu Kỳ đã nhanh chóng xây dựng được đội quân mạnh, và có đủ lương thực cho đội quân đông đảo. Lưu Kỳ cũng đã tổ chức được đường dây mua, vận chuyển vũ khí từ đất Quảng Đông, Quảng Tây vượt qua đường biên vào hai tỉnh Quảng Yên, Lạng Sơn, rồi từ đó chuyển về Lục Ngạn để cung cấp cho nghĩa quân.

Những người tham gia vào đường dây vận chuyển vũ khí chỉ biết cung đoạn của mình, không biết đến các cung đoạn khác. Lưu Kỳ còn tổ chức một đội quân hộ tống được trang bị mạnh để tiêu diệt các toán quân Pháp, thổ phỉ chặn đường cướp vũ khí.

Về việc này chính quân Pháp cũng phải thừa nhận: "Đặc biệt cũng chính do Lưu Kỳ mà Bãi Sậy đã nhận được nhiều súng ống từ Trung Quốc chuyển sang với giá rẻ".

Từ khi Nguyễn Thiện Thuật về nước, tham gia vào cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thì thế lực của Lưu Kỳ ngày càng lớn mạnh, khiến quân Pháp phải thừa nhận: "Mặc dù khác dân tộc, khác khuynh hướng, hai người thủ lĩnh (Nguyễn Thiện Thuật và Lưu Kỳ) đã phối hợp chặt chẽ trong mọi hành động""Ông có mối liên hệ rất mật thiết với Tán Thuật và đã được Tán Thuật phong chức Đề đốc".

Nghĩa quân Lưu Kỳ mở rộng phạm vi hoạt động khắp vùng đông bắc Bắc Kỳ và Quảng Yên (bao gồm Quảng Ninh ngày nay), Đông Triều tới Móng Cái, tới sông Kỳ Cùng (Lạng Sơn) và từ Lục Nam, Lạng Sơn đến Thái Nguyên. Và trong một chừng mực nhất định, ông cũng phối hợp với những toán nghĩa quân ở vùng Thái Nguyên, Cao Bằng1.

Tháng 5 năm 1886, nghĩa quân Lưu Kỳ ráo riết hoạt động, chủ động tấn công địch như trong trận đánh điểm De la Forge, nghĩa quân chỉ có 50 người vẫn thắng.

Ngày 9 tháng 9 năm 1886, Lưu Kỳ chỉ huy khoảng 1.100 nghĩa quân người Tàu và người An Nam đã lọt vào một làng gần Đông Triều. Nghĩa quân đã tung một cái tin giả dụ viên thiếu tá chỉ huy đồn điều quân đi đàn áp ở một nơi khác. Viên thiếu tá mắc mưu đi khỏi thì nghĩa quân tấn công đồn. Tên đại úy Bertrand thuộc đơn vị số 4 Bắc Kỳ chỉ huy đồn có khoảng 160 tay súng lại được sự hỗ trợ tích cực của thiếu úy Haroun thuộc đơn vị hải quân số 1 và toán quân của viên đội nhất Poulet, Blanchau Ricton thuộc đơn vị số 4 Bắc Kỳ chống lại quyết liệt nên sau vài giờ chiến đấu, nghĩa quân phải rút khỏi thị trấn Đông Triều2.

Ngày 3 tháng 1 năm 1888, Lưu Kỳ giết trung úy Marrou.

Ngày 10 tháng 7 năm 1888, một toán quân người Tàu đã tấn công đồn binh Đông Triều. Toán này từ An Châu kéo tới3.

Ngày 4 tháng 10 năm 1888, Lưu Kỳ tấn công Lạc Đạo. Các đạo quân Pháp do Servière Pretel Pégna đi đánh Lưu Kỳ không thắng.

Năm 1888, Lưu Kỳ hoạt động mạnh ở Mai Sưu, Đá Bạc, Lầm, An Châu, Biển Động.

Ngày 3 tháng 11 năm 1888, Lưu Kỳ đánh phá, cướp Biển Động. Để đối phó với nghĩa quân Lưu Kỳ, toàn quyền Đông Dương phải ra Nghị định thành lập đạo Lục Nam.

Hoàng Cao Khải đem quân đánh Lưu Kỳ không được phải rút lui.

Du Marde có 150 quân do các quản Monpayrát, Fèrrien Arlhac, Marsal chỉ huy tiến đánh Lưu Kỳ. Trong trận ở Bãi Táo, Arlhac bị thương nặng.
________________________________________
1. Đặng Huy Vận, Hoàng Đình Bình: Đề đốc Lưu Kỳ và những hoạt động chống Pháp của ông ở vùng đông bắc Bắc Kỳ cuối thế kỷ XIX, đăng trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử.
2. Báo Tương lai Bắc Kỳ, số 15 ra ngày 25-9-1886.
3. Piglowski: Lịch sử lính khố xanh An Nam ở Bắc Kỳ (An Châu là căn cứ của Lưu Kỳ).


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:21:15 pm

Ngày 4 tháng 5 năm 1889, quân Pháp lại tấn công Lang Sa nhưng cũng như lần trước nghĩa quân làm chủ vùng Lục Ngạn, Bảo Đài. Địch phải thú nhận sự bất lực của chúng: "Ở đây Lưu Kỳ có 300 quân cùng với những đội quân người Việt của Tổng Bưởi, Đốc Nghi, Đốc Tiến hoạt động. Họ được nhân dân địa phương che chở, cung cấp tiền nong, lương thực. Nhiều đoàn xe địch bị chặn đánh, nhiều trạm liên lạc của địch bị phá. Họ làm chủ nhiều đồn trên đường giao thông và trên những đường vào căn cứ Bảo Đài đều có quân bố trí mai phục và có hầm chông cạm bẫy1.

Bọn xâm lược Pháp và tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải tập trung quân lực tấn công căn cứ Hai Sông đồng thời chúng mở một chiến dịch tấn công vào căn cứ Bảo Đài để hai cánh quân này bị động, không chi viện được cho nhau.

Cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm 1889, quân Pháp mở chiến dịch lớn tấn công vào căn cứ của Lưu Kỳ. Lực lượng của chúng gồm hai binh đoàn:

Binh đoàn thứ nhất do thiếu tá Pretet chỉ huy gồm 350 tên đi từ Lầm đến đèo Quán để càn quét vùng Bắc Lệ cắt đứt đường rút lui của nghĩa quân về phía đông.

Binh đoàn thứ hai do đại úy Pégna chỉ huy gồm 230 tên đi từ Kép tấn công vào vùng Bảo Lộc cũng nhằm chặn đường rút lui của nghĩa quân về phía đông.

Đồng thời chúng cho một đội quân ngụy canh gác ở phía bắc, không cho nghĩa quân tiến sang hữu ngạn sông Thương. Ở phía nam, chúng dùng tàu chiến kiểm soát trên sông vùng Lục Ngạn.

Biết được tin này Lưu Kỳ đã tích cực chuẩn bị đối phó. Chủ trương của ông là hãy rút lui khi địch mạnh, hãy đợi cho chúng hành quân mệt mỏi trong núi rừng hiểm trở lúc đó mới đánh.

Đúng như dự tính của ông, địch đã phải len lỏi trong rừng rậm, dưới trời mưa to gió lớn chỉ tìm thấy những căn cứ bỏ không của nghĩa quân. Vì Đề đốc Lưu Kỳ chủ trương xây dựng căn cứ ở nơi hiểm yếu song đó chỉ là những nơi nghỉ chân sau các đợt hành quân dài ngày chứ không phải những doanh trại quy mô cố định.Nó gần giống như căn cứ của Đốc Ngữ, song khác với các căn cứ cố định kiên cố của Đề Thám, Phan Đình Phùng. Trong thực tế đó chỉ là những điểm tựa về phương diện tác chiến mà thôi. Còn con đường hành quân của ông cũng hoàn toàn bí mật, bất ngờ, chúng đã phải thú nhận: "Đó là một kẻ thù không sao nắm được".

Cũng chính vì chiến thuật của Lưu Kỳ như vậy nên quân Pháp không tìm thấy quân đội của ông. Chúng khủng bố nhân dân hòng buộc những người dân yếu đuối không tấc sắt trong tay khai ra nơi đóng quân của ông, khai ra những người tiếp tế lương thực, che giấu quân của ông. Nhưng dân chúng một lòng bảo vệ ông nên quân Pháp không thu được kết quả. Chúng đang thất vọng thì nhận được tin Lưu Kỳ vẫn còn ở căn cứ Bảo Đài. Ngày 27 tháng 8 năm 1889, quân Pháp tiến công Bảo Đài, Lưu Kỳ vận động nhân dân làm vườn không, nhà trống, còn ông thì rút quân khỏi Bảo Đài, nhưng cho người bám sát từng bước hành quân của chúng. Quân giặc tiến vào gần căn cứ không bắt được phu phục dịch, không tìm được người dẫn đường nên đi lạc trong rừng chịu đựng đói khát mệt mỏi. Lúc đó Lưu Kỳ mới chọn một địa hình hiểm trở là một con đường nhỏ, một bên là vách núi dựng đứng có cây cối um tùm, một bên là vực thẳm mà quân Pháp bắt buộc phải đi qua chỉ cách căn cứ Bảo Đài có 500 mét làm trận địa phục kích. Bọn giặc không ngờ đang dò dẫm trên đường thì bị tấn công, súng của nghĩa quân nổ dữ dội. Ngay từ loạt đạn đầu, tên trung úy Monterce đã bị thương ở tay, nhiều tên bị giết chết, số còn lại tháo chạy. Quân giặc sau phút kinh hoàng phản công lại một cách yếu ớt, song chúng càng đánh càng tổn thất nên buộc phải rút lui. Bọn chỉ huy sợ bị phục kích lần nữa nên không dám rút theo đường cũ mà đi đường xuyên qua rừng, nhưng rừng núi là địa bàn hoạt động của nghĩa quân nên chúng đi tới đâu cũng bị đánh. Trận phục kích thứ hai ác liệt không kém gì trận trước, quân Pháp lại bị giết, bị thương một số nữa.
________________________________________
1. Đặng Huy Vận, Hoàng Đình Bình: Tài liệu đã dẫn.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:22:46 pm

Ngày 31 tháng 8 năm 1889, toán quân Pháp hành quân ở Đèo Quán cũng bị phục kích trên một đoạn đường hiểm trở, vách núi dựng đứng, khi chúng vượt qua ngọn đèo cao 500 mét thì bị nghĩa quân nổ súng làm cho hàng ngũ rối loạn. Khi quân Pháp hoàn hồn tổ chức phản công thì nghĩa quân đã bí mật rút đi để rồi lại tổ chức một trận phục kích mới đón đầu chúng.

Quân Pháp liên tục bị phục kích, muốn tìm quân Lưu Kỳ đánh, nhưng không đánh được, nên hai binh đoàn do thiếu tá Pretet chỉ huy và binh đoàn do Pégna chỉ huy không gặp được nhau như kế hoạch tác chiến vạch ra.

Hai đạo quân Pháp vẫn tiếp tục càn quét đến giữa tháng 9 với hy vọng tiêu diệt được quân của Lưu Kỳ, vì chúng đã gặp phải một đối thủ có tài đánh du kích thiên biến, vạn hóa, lai vô ảnh, khứ vô hình. Khi địch mạnh, hung hăng thì ông khôn khéo rút lui để bảo toàn lực lượng cũng để cho địch khinh thường không phòng bị hoặc đã mệt nhoài, đói khát vì phải hành quân lâu trong rừng rậm, đến lúc đó ông mới tung quân ra đánh, khiến giặc trở tay không kịp.

Một trận đánh nữa diễn ra giữa nghĩa quân Lưu Kỳ với quân Pháp ở chùa Thượng Lẫm, kết quả là hai tên trung úy Pháp bị giết chết, hai tên trung úy khác bị trọng thương, còn lính Pháp và lính An Nam bị chết và bị thương rất nhiều.

Sau trận thắng bẻ gãy hoàn toàn hai đạo quân lớn mạnh của quân Pháp tấn công vào căn cứ Bảo Đài, nghĩa quân rút khỏi Bảo Đài về xây dựng căn cứ mới ở Lục Nam.

Ngày 28 tháng 3 năm 1890, quân Pháp đánh Lục Nam, Lưu Kỳ phải chạy tới Bảo Đài, ông đóng quân ở làng Vòi.

Trong tháng 10 năm 1890, trong khi Hai Kế và các tướng đánh địch quyết liệt ở Ân Thi, Khoái Châu, Bình Giang, nam Bắc Ninh thì Lưu Kỳ cũng có những hoạt động quân sự mạnh mẽ ở Lục Nam, Đông Triều, Uông Bí và vùng phụ cận, tiêu biểu như:

Ngày 11 tháng 10 năm 1890, nghĩa quân Lưu Kỳ tiến đánh thị xã Lục Nam. Nghĩa quân chia làm hai cánh, một cánh kiểm soát các làng vùng ven, một cánh đánh vào toà Công sứ.

Ngày 13 tháng 10 năm 1890, nghĩa quân chặn đánh quân của Duffoure.

Để đối phó với nghĩa quân Lưu Kỳ từng gây bao nỗi kinh hoàng cho quân Pháp, bộ chỉ huy quân sự Pháp ở Trung - Bắc Kỳ phải thiết lập hàng loạt đồn bốt ở Chi Ngãi, Lục Nam, Lầm, Biển Động, Vi Loại, Uông Bí, Đông Triều, đưa sáu pháo thuyền ngày đêm tuần tra trên sông Lục Nam để cắt đứt đường tiếp tế của nghĩa quân và mở nhiều cuộc hành quân càn quét. Lưu Kỳ chuyển địa bàn hoạt động về Đông Triều.

Cuối năm 18911 quân Pháp lại tập trung lực lượng tổ chức một chiến dịch lớn tấn công vào căn cứ của Lưu Kỳ.
______________________________________
1. Từ tháng 10-1890, khi Nguyễn Thiện Thuật đi Trung Quốc thì Nguyễn Thiện Kế chỉ huy các đơn vị nghĩa quân ở Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, Phúc Yên, Hà Đông, còn lực lượng nghĩa quân do Lưu Kỳ chỉ huy ở Lục Ngạn, Phủ Lạng Thương, Quảng Yên, Lạng Sơn do Lưu Kỳ trực tiếp vạch kế hoạch tác chiến và chỉ huy. Nguyễn Thiện Kế chỉ có sự phối hợp với Lưu Kỳ trong một số trận.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:23:22 pm

Các binh đoàn này do Raffanel, binh đoàn Dominé chỉ huy, lại được các công sứ Hải Dương, Quảng Yên, Lục Ngạn đưa quân đến giúp, dẫn đường, tiếp tế quân lương, song vẫn không thu được kết quả nào đáng kể.

Do được tên đại Việt gian Hoàng Cao Khải mách nước cho bọn xâm lược Pháp rằng Lưu Kỳ là viên dũng tướng mưu lược, lại có quan hệ mật thiết với dân, được nhân dân các dân tộc thiểu số vùng đông bắc hết lòng giúp đỡ, che chở nên phải vừa càn quét, bao vây tiêu diệt sinh lực, vừa phải triệt đường tiếp tế, tách nghĩa quân ra khỏi dân.

Quân Pháp đề ra kế hoạch tác chiến là tìm mọi cách chiếm được vùng núi rừng Yên Tử, xây dựng một hệ thống đồn bốt nhằm thực hiện âm mưu nói trên.

Một loạt đồn bốt của quân Pháp được dựng lên ở Phả Lại, Chí Ngãi, Lục Ngạn, Lầm, Biển Động, An Châu, Na Peo, Keo Cô, Quán La, Đông Triều, Vĩ Loại... Quân Pháp còn thành lập các đội quân nhỏ khoảng 150 đến 200 tay súng liên tục tuần tra, thám báo, phục kích, khủng bố nhân dân ở vùng Lầm, Kép Ba, Vĩ Loại, Quán La, Đông Triều, bản Phung. Chúng còn cho tàu chiến trang bị đại bác hạng nhẹ ngày đêm tuần tiễu trên sông Lục Nam.

Sau khi đóng các đồn binh chung quanh căn cứ, thành lập các đội quân lưu động, quân Pháp điều động một lực lượng lớn với 600 quân giao cho trung tá Terrillon và thiếu tá Perraux chỉ huy. Lực lượng quân sự trên được bố trí như sau:

- Đạo quân thứ nhất do thiếu tá Tane chỉ huy.
- Đạo quân thứ hai do thiếu tá Duffbure chỉ huy.
- Đạo quân thứ ba do thiếu tá Morel chỉ huy.
- Đạo quân thứ tư do đại úy Lemoine chỉ huy.

Ngày 5 tháng 12 năm 1891, cả bốn đạo quân trên tập trung ở Công Lược. Chúng chia quân đi các ngả tấn công vào căn cứ của nghĩa quân. Quân Pháp tàn sát người và gia súc, cướp thóc lúa, trâu bò, lợn gà, đốt phá nhà cửa của nhân dân, không từ một thủ đoạn tàn bạo nào, riêng tại Công Lược, giặc Pháp đốt 54 nóc nhà.

Từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 12, quân Pháp càn quét vùng núi nằm giữa Lục Nam và sông Kỳ Cùng. Lưu Kỳ đã khôn khéo tránh được các mũi tấn công của quân Pháp và rút về đóng trên núi Cơ Bằng, xây dựng trận địa phòng thủ. Quân Pháp dò biết lập tức kéo tới tấn công. Terrillon trực tiếp chỉ huy trận này. Hắn chia quân làm hai cánh Mê Sơn và Gia Mô tiến vào Kim Sen ngày 15 tháng 12 rồi đại bộ phận kéo vào Lam Xá, còn bộ phận nhỏ men dọc theo sườn núi Đông Sơn vượt qua núi, bí mật tấn công vào căn cứ.

Lưu Kỳ bố trí sẵn quân trên bốn cao điểm bình tĩnh đợi giặc đến thật gần mới nổ súng. Quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, hai tên trung úy cùng nhiều binh lính bị giết chết, nhiều tên bị thương. Trận đánh giằng co kéo dài đến 19 giờ, quân Pháp phải rút về Lam Xá.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:24:45 pm

Trong thời gian diễn ra trận đánh ở núi Cơ Bằng thì ngày 4 tháng 12 năm 1891 ở phía tây nam thiếu tá Tuornier nghe tin nghĩa quân Lưu Kỳ xuất hiện ở Uông Bí, lập tức đem một đạo quân nhỏ có 183 lính do 4 tên sĩ quan chỉ huy xuất phát từ Quán La tiến đánh. Quân Pháp phải nghỉ lại ở làng Đông Tham rồi hành quân tiến vào căn cứ. Đến 1 giờ chiều Tuornier dẫn quân vượt dãy núi cao làng Đông Tham, cho quân đốt làng này để uy hiếp nhân dân.

Nghĩa quân mai phục sẵn ở sườn núi đợi quân giặc đến sát gần mới nổ súng. Toán phu khuân vác đi đầu bỏ chạy tán loạn, 35 tên giặc ngã gục ngay từ loạt đạn đầu, trong số đó có tên trung uý Bethouard bị trọng thương. Ngay đêm đó, quân Pháp phải tháo chạy, chịu đựng đói khát tới 10 giờ đêm mới về tới nơi xuất phát.

Sau khi thất trận ở núi Cơ Bằng, trung tá Terrillon vẫn hành quân truy tìm đội quân do Lưu Kỳ chỉ huy trực tiếp. Ngày 25 tháng 12 năm 1891, Terrillon nhận được tin Lưu Kỳ trở về núi Quynh, hắn liền phái thiếu tá Guyonne phối hợp càn quét. Trong hai ngày 30 và 31 tháng 12 năm 1891, Terrillon tập trung quân đánh vào căn cứ Hố Thuội và Kem An. Ở Hố Thuội, Lưu Kỳ đánh trả mãnh liệt gây cho chúng nhiều thiệt hại rồi rút lui.

Sang năm 1892, vẫn diễn ra những trận chiến đấu ác liệt. Ngày 12 tháng 1 năm 1892, quân Pháp bao vây căn cứ Chồi Xuân. Đội quân Morel từ Đông Triều đánh lên, đội quân của Galle từ Lục Nam đánh xuống.

Lưu Kỳ xét thấy lực lượng quân Pháp tuy mạnh nhưng phải hành quân nhiều ngày trên đường núi vất vả nên rất mệt mỏi liền bố trí trận địa phục kích. Đội quân Morel bị tổn thất nặng, tên đại úy Lemoine và tên trung úy Esierhazi đi đầu bị trúng đạn tử trận. Đội quân Galle khốn đốn mới chạy được đến nơi ứng cứu đem quân đi đánh trả thù, nhưng nghĩa quân đã rút lui an toàn.

Cuối tháng Giêng năm 1892, nghe tin báo nghĩa quân xuất hiện ở Hố Thuội, tên thiếu tá Guyonnet lập tức đem quân đi bao vây, song nghĩa quân đã rút lui, nhưng đến trận sau diễn ra tại Na Mâu thì tên trung úy Letardif đã bị tử trận.

Quân Pháp nhận được tin Lưu Kỳ chuyển quân về đóng trong thung lũng Cao Lão, núi Mẫu Sơn, binh đoàn Serviere liền tập trung 250 quân càn quét. Nghĩa quân rút về Ba Sơn. Ngày 22 tháng 4, quân Pháp tiến đánh Ba Sơn. Để tránh bị tổn thất như những trận trước, Serviere phái hai đội tiền vệ đi trước sục sạo, thám thính. Đội thứ nhất do thiếu tá Chabrol chỉ huy tiến về Cô Tam rồi theo đường Nachi đến gần vùng Bản Ngõa. Ở đây chúng có trách nhiệm thu nhập tin tức về nghĩa quân Lưu Kỳ. Đội tiền vệ thứ hai do trung úy Bertrand chỉ huy có nhiệm vụ thám sát vùng núi phía tây.

Đội tiên vệ do Chabrol chỉ huy bị nghĩa quân chặn đánh hồi 7 giờ sáng ở ngã ba đường Côn Lam - Bản Ngõa - Khô Khi. Nghĩa quân mai phục trên một mỏm núi rất có lợi thế, trận đánh kéo dài 9 giờ liền. Ngay từ loạt đạn đầu, một phần tư toán quân tiền vệ này bị tiêu diệt, loại ra ngoài vòng chiến đấu. Quân giặc hoảng sợ, phải ra lệnh rút quân.

Lưu Kỳ thoát khỏi vòng vây lại tiếp tục hoạt động. Ngày 22 tháng 2 năm 1892, ông đã phục kích thắng lợi đoàn xe địch tại cầu Bắc Lệ. Con đường Lạng Sơn thường xuyên có 500 lính gác, song địch vẫn không được yên ổn. Lần này đoàn xe 45 chiếc, trong đó có 5 xe chở vũ khí, các xe khác chở quân trang quân dụng và binh lính bị thương, có 70 con ngựa và một đội quân có 46 tên dưới quyền chỉ huy của đại úy Lamey và trung úy Renard rời Than Muội sáng sớm ngày 22. Khi chúng qua chiếc cầu thì nghĩa quân nổ súng tiêu diệt được một số tên, nhưng trước hỏa lực mạnh của địch, họ đã rút về Bảo Đài1.
______________________________________
1. Đặng Huy Vận, Hoàng Đình Bình: tài liệu đã dẫn.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 09 Tháng Mười Hai, 2016, 10:25:59 pm

Ngày 3 tháng 4 năm 1892, nghĩa quân Lưu Kỳ được công nhân (bị ngươi Pháp cưỡng bức) làm đường sắt Lạng Sơn phối hợp đã tập kích đội quân của tên đội Pháp trên tuyến đường từ Suối Ghềnh đi Bắc Lệ. Trong trận này, phía nghĩa quân hy sinh 2 người, trong đó có viên cai đường sắt.

Ngày 1 tháng 7 năm 1892 nghĩa quân Lưu Kỳ lại phối hợp với công nhân đường sắt Lạng Sơn bố trí các trận phục kích bắt cóc tên thầu khoán công trường Vezin ngay trên công trường đổi lấy 60.000 đồng tiền chuộc để mua vũ khí1.

Ngày 9 tháng 7 năm 1892, nghĩa quân Lưu Kỳ lại đánh một trận lớn ở Bắc Lệ do Lưu Kỳ trực tiếp chỉ huy, có 18 xe chở vũ khí và một đạo quân hộ vệ do bốn viên sĩ quan chỉ huy: thiếu tá Bonnard, đại úy Charpentier, trung úy Valton và bác sĩ quân y Menier. Ngay loạt đạn đầu tiên, thiếu tá và tên đại úy đã tử trận. Trời còn sớm, sương mù bao phủ núi đồi và địch không ngờ Lưu Kỳ lại dám phục kích ở ngay một địa điểm cũ và ngay sau khi chúng xuất phát lên đường. Trận đánh diễn ra ác liệt, địch gần như hoàn toàn bị tiêu diệt, 2 sĩ quan, 30 lính bị giết. Nhưng không may Lưu Kỳ cũng trúng đạn hy sinh trong khi chỉ huy trận đánh.

Lưu Kỳ hy sinh nhưng vợ ông, em trai ông và các tướng lĩnh vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp. Thời kỳ này quân Pháp đã tiêu diệt được các thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, vùng Lục Ngạn, Đông Triều... căn cứ cũ của Lưu Kỳ đã bị quân Pháp chiếm đóng đặt các đồn binh, khủng bố nhân dân. Vợ Lưu Kỳ và các tướng phải chuyển địa bàn hoạt động lên trục đường số 4 đoạn Lạng Sơn - Đông Khê - Thất Khê. Từ căn cứ mới này, nghĩa quân liên tục tổ chức các trận tấn công quân Pháp.

Đầu năm 1894, quân Pháp tập trung 3 đạo quân lớn tấn công vào căn cứ, bị thiệt hại nặng. Nghĩa quân cũng bị tổn thất, thủ lĩnh Hoàng Tài Ngạn và một số chỉ huy xuất sắc hy sinh, nghĩa quân phân tán nhỏ rồi tan rã.
_____________________________________
1. Theo Quenec: Les provinces du Tonkin Bắc Giang, tạp chí Reveue Indochinoise, số 8 ngày 30-4-1904.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Mười Hai, 2016, 10:53:04 pm

Câu hỏi 13: Lãnh binh Nguyễn Thiện Dương (Lãnh Giang) là người đức độ, võ nghệ siêu cường, một viên tướng xuất sắc của nghĩa quân Bãi Sậy. Cho biết đôi nét về Nguyễn Thiện Dương và diễn biến, kết quả một số trận đánh do ông chỉ huy?
Trả lời:


Lãnh Giang tên thật là Nguyễn Thiện Dương, em thứ tư của Nguyễn Thiện Thuật, ông đã cùng với hai anh là Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Hiển theo giúp việc quân cho anh cả từ năm 1881 khi Nguyễn Thiện Thuật làm Sơn phòng chánh sứ Hưng Hóa.

Lãnh Giang là người đức độ, võ nghệ siêu quần. Hồi còn ở tuổi thiếu niên, có lần ông đi trên con đường độc đạo, chợt thấy một con ngựa phi như bay về phía mình, đợi ngựa đến trước mặt, ông xuống tấn, dùng sức hai tay đẩy vào cổ ngựa. Ngựa đang chạy bị bật ngửa về phía sau, hai chân trước chới với. Ông bồi thêm một quả đấm thật mạnh vào bụng ngựa, ngựa mất thăng bằng ngã lộn nhào về phía sau.

Trong thời gian Nguyễn Thiện Thuật làm Tổng đốc Hải Yên, ông cũng theo giúp việc quân, góp phần quan trọng trong việc huấn luyện quân sĩ, chiêu tập các anh hùng hào kiệt, đưa họ vào con đường cứu nước. Khi Nguyễn Thiện Thuật phải lánh sang Long Châu (Trung Quốc), Nguyễn Thiện Dương ở lại trong nước, cùng Nguyễn Thiện Kế hô hào nhân dân các phủ, huyện ở tỉnh Hải Dương bất cộng tác với Pháp, lên án bọn vua quan Tự Đức đầu hàng giặc, bán từng phần đất đai của Tổ quốc cho giặc Pháp. Nhờ đó, mặc dù Nguyễn Thiện Thuật không có mặt ở trong nước nhưng phong trào yêu nước chống Pháp do ông phát động từ năm 1883 vẫn như ngọn lửa âm ỉ cháy.

Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin vua Hàm Nghi xuất bôn, xuống chiếu Cần Vương, trở về nước đến căn cứ Tiên Động gặp Nguyễn Quang Bích rồi về vùng giáp ranh ba tỉnh Hải Dương - Hưng Yên - Bắc Ninh chuẩn bị cho việc phục hồi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy vì Đổng Quế ốm nặng, phong trào đang sa sút. Lãnh Giang đã có mặt trong lễ tế cờ khởi nghĩa ở văn chỉ Bình Dân tháng 9 năm 1885, ông được phong chức lãnh binh1 và được Nguyễn Thiện Thuật giao cho phụ trách vùng Đáp Cầu, thị xã Bắc Ninh, phía thượng lưu và hạ lưu sông Cầu và vùng phụ cận. Ông chỉ huy nghĩa quân ở các làng xã mà người chỉ huy, nghĩa quân đều là người địa phương không thoát ly sản xuất, chiến đấu ngay tại quê hương, sống tập trung làm nhiệm vụ tác chiến lưu động suốt một dải từ Văn Giang qua Thuận Thành, Từ Sơn, Tiên Du tới thị xã Bắc Ninh, Đáp Cầu. Đội quân thường trực này làm nhiệm vụ tấn công các đồn bốt, chi viện cho các làng xã bị tấn công. Ngoài nhiệm vụ xây dựng lực lượng và tổ chức tác chiến, ông còn lãnh trách nhiệm bảo vệ con đường bí mật chuyên chở vũ khí từ vùng biển Đông Hưng (Trung Quốc), vùng biên giới đông bắc do Lưu Kỳ mua và vận chuyển về căn cứ Đáp Cầu. Từ đây vũ khí được phân phối về căn cứ Bãi Sậy và các căn cứ ở Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Khoảng cuối năm 1886 đầu năm 1887, mẹ ông là người họ Phạm ở làng Dị Sử, tổng Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hải Dương qua đời. Ông cùng hai anh về chịu tang. Khi hai anh và các tướng lĩnh Bắc Kỳ trở về căn cứ, ông còn ở lại để chặn đánh quân Pháp. Hàng trăm quân Pháp kéo theo đến bủa vây kín chung quanh, một con chuột không qua lọt. Nghĩa quân tuy ít nhưng có lợi thế ở trên cao, nhìn rõ quân Pháp nên mỗi viên đạn là giết chết một tên. Quân Pháp liền phóng hỏa đốt đồi và thắt chặt vòng vây. Cỏ tranh gặp gió hanh bốc cháy đùng đùng, tưởng như chỉ trong chốc lát là thiêu hủy quả đồi cùng với Lãnh Giang và 20 nghĩa quân. Lãnh Giang tương kế, tựu kế, đốt một bãi lau sậy lớn ở giữa đồi cuối hướng gió cho cỏ tranh trụi hẳn đi một khoảng rộng. Nghĩa quân ẩn núp cả về phía ngược gió. Lửa ở trên đồi cao nhờ có sức gió cháy lan nhanh xuống chân đồi và gặp hỏa bên dưới cháy ở lưng chừng đồi nên không thể lan lên mặt đồi được nữa.

Nghĩa quân bò ra chỗ cháy ban đầu, lửa đã tắt ngấm, bắn quân Pháp không sai một phát nào. Quân Pháp chỉ bao vây không dám mạo hiểm leo lên đồi vì lửa cháy và những phát đạn của nghĩa quân bắn trúng đích. Quân pháp bị thiệt hại nặng nề, trời lại tối, đành khiêng những tên chết và bị thương rút lui. Lãnh Giang đưa quân về căn cứ an toàn.
__________________________________
1. Gia phả họ Nguyễn Xuân Dục chép ông được vua Hàm Nghi phong là Hải An Đề đốc.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Mười Hai, 2016, 10:54:03 pm

Trong năm 1887, Lãnh Giang hoạt động mạnh mẽ ở vùng bắc và tây Hải Dương, nam Bắc Ninh, bắc Hưng Yên gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, quân lính hoang mang không dám càn quét.

Pháp và Hoàng Cao Khải nhiều lần đem quân đánh Lãnh Giang, nhưng không đánh được ông mà còn bị tiêu hao lực lượng, vì thế năm 1887 quân Pháp tăng cường lính khố xanh, riêng ở Hải Dương đưa lên 800 tên đóng ở các đồn bốt và hợp thành "đội Bảo an dân sự bản xứ” rải ra các bốt cố định và bốt lưu động. Công sứ Hải Dương còn rút lính chính quy ở các đồn về lập các đội quân cơ động. Bọn lính này đàn áp nghĩa quân, khủng bố các làng ủng hộ nghĩa quân, giúp quan huyện thu thuế.

Để chống lại lực lượng quân sự mới của quân Pháp, Tán Thuật, Lãnh Giang kết hợp với các toán khác hợp thành sức mạnh diệt nhiều đồn bốt Pháp.

Điển hình là ngày 6 tháng 10 năm 1887, Lãnh Giang, Đội Văn chỉ huy 300 quân vũ trang bằng 120 súng bắn nhanh đánh nhau dữ dội với lính của Ôbe.

Quân Pháp nghe tin Tán Thuật và Lãnh Giang hoạt động ở vùng giáp ranh Hải Dương - Bắc Ninh chiêu mộ quân liền đem quân đến đánh. Lãnh Giang cho quân tản ra tránh xung đột với lực lượng mạnh của quân Pháp, rồi cùng Đốc Lang, Đội Quý luồn về đánh phá các đồn binh Pháp ở huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Quân Pháp phải gấp rút thành lập hai đội quân lưu động để đánh Lãnh Giang. Bọn này vừa đặt chân đến vùng nghĩa quân hoạt động đã bị Lãnh Giang đánh cho thua phải tháo chạy, sau đó nhanh chóng rút đi nơi khác. Khi hai đội quân lưu động rút khỏi huyện Thanh Hà, Lãnh Giang quay trở lại chặn đánh toán dân binh của Toà sứ Hải Dương và của quan huyện Thanh Hà ở làng Cay Nhất.

Về tài thao lược của Lãnh Giang, kẻ thù cũng phải thừa nhận: "Tán Thuật có hai tướng giúp việc là anh em của ông ta là Lãnh Giang và Hai Kế. Hai người này thực sự là những chỉ huy có tài, đã khiến cho cuộc nổi dậy này phải khó khăn và lâu dài mới đàn áp nổi"1.

Căn cứ vào các tin tức của trinh sát, Bộ Tham mưu nghĩa quân biết tin địch đang tập trung quân càn quét vào căn cứ Bãi Sậy và các căn cứ khác, Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần Nguyễn Thiện Thuật quyết định triệu tập các tướng về bàn kế hoạch tác chiến đối phó với quân Pháp.

Ngày 9 tháng 2 năm 1888, nhận được lệnh của chủ soái, Lãnh Giang cùng 15 nghĩa quân từ Thị Cầu về gấp căn cứ Bãi Sậy. Trời sẩm tối, ông về tới Bần Yên Nhân, thấy quân mệt mỏi, ông vào nghỉ trong ngôi chùa Bần Yên Nhân. Bất chợt toán quân tuần tiễu Pháp do Filippi chỉ huy từ Kẻ Sặt về qua Bần Yên Nhân phát hiện ra toán của Lãnh Giang đang đóng trong ngôi chùa liền bao vây. Bọn Pháp nấp sau những cái mả người Trung Quốc cao tới 1 mét, rộng 2 - 3 mét và bắn vào trong chùa. Nghĩa quân bắn trả kịch liệt. Mấy tên lính Pháp đi đầu bị trúng đạn chết ngay, trận chiến đấu kéo dài đến 30 phút, quân Pháp đã núng thế thì tình cờ gặp hai toán quân do tên quản Sorle và tên quản Sumaren chỉ huy đi qua liền kéo tới vây chặt ngôi chùa, tấn công liên tục. Lãnh Giang chỉ huy quân sĩ nhiều lần đánh bật quân Pháp ra xa ngôi chùa, nhưng bọn chúng đông, nhiều súng đạn vẫn không ngừng tấn công, không may Lãnh Giang bị trúng đạn hy sinh. Nghĩa quân mở đường máu đưa xác ông vào trong làng, được nhân dân giấu trong đống rơm, quân Pháp không tìm ra. Khi quân Pháp rút, nghĩa quân đưa xác ông về Bãi Sậy.

Tại đại bản doanh ở căn cứ Bãi Sậy vừa họp được một lúc thì quân canh cửa vào bẩm báo có một toán nghĩa quân khiêng một cái cáng đi vào. Nguyễn Thiện Thuật nhìn thấy viên tùy tướng vẫn đi bảo vệ Lãnh Giang đã đoán ra có việc không lành với em mình. Tuy vậy, ông vẫn nén lòng nghe viên tùy tướng bẩm báo. Đoạn ông lảo đảo bước đến bên cáng mở chiếc chiếu ra thì nhận ra đó là Lãnh Giang, ông thét lên một tiếng "Lãnh Giang" rồi ngất đi.

Tang lễ Lãnh Giang được cử hành trọng thể tại căn cứ, có đông đủ các tướng lĩnh, nghĩa quân và nhân dân trong vùng đến dự và đội khăn tang. Lửa đốt suốt đêm, sáng rực cả một vùng, quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải ở các đồn chung quanh biết nhưng không dám đem quân đến đánh. Mộ của ông được đắp to trên một khu đất cao tại căn cứ2.

Nguyễn Thị Tú, vợ Lãnh Giang là một phụ nữ thủy chung như nhất. Bà lấy chồng, rồi ông đi chiến đấu, vợ chồng ít gần gũi nhau, lại chưa có con, nhưng được tin chồng tử trận, bà đã khôn khéo vượt qua các trạm kiểm soát vào căn cứ Bãi Sậy chịu tang chồng. Bà còn trẻ, nhiều người khuyên tái giá, bà vẫn một mực ở lại thờ chồng, nuôi mẹ già đau yếu.
_______________________________________
1. A de Miribel: La Pronnes de Hưng Yên.
2. Sau lại thiên di đi nơi khác, về sau con cháu đưa về táng tại khu Mả Quan, xã Xuân Dục.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Mười Hai, 2016, 10:55:32 pm

Câu hỏi 14: Một trong những đề đốc khiến quân Pháp rất hoảng sợ đó là Đề đốc Đội Văn - ông được Nguyễn Thiện Thuật giao nhiệm vụ hoạt động ở nam Bắc Ninh. Cho biết đôi nét về Đề đốc Đội Văn và diễn biến, kết quả một số trận đánh do ông chỉ huy?
Trả lời:


Đội Văn tên thật là Vương Văn Giang, trong các bản Thông cáo của ông gửi nhân dân Yên Dũng (Bắc Giang) vào tháng 10 năm 1889 ông cũng thường xưng là "Đề đốc họ Vương". Chức Đề đốc là do ông Tán Thuật phong, ở quê ông, vùng nam Bắc Ninh gọi ông là Tuần Vang, Đề Vang, Đề đốc Vương Văn Vang. Ông là con cụ Vương Văn Gốc, quê ở thôn Thuận An, xã Chạm Lộ, tổng Tam Á, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 25 tháng 4 năm 1882, quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai, rồi đánh rộng ra các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương. Nhiều lần tiến đánh Bắc Ninh không được, Nguyễn Cao, Hoàng Văn Hoè, Tạ Hiện, Nguyễn Thiện Thuật, Ngô Quang Huy xây dựng Tam tỉnh nghĩa quân (Bắc Ninh - Hưng Yên - Hải Dương).

Khi gia nhập Tam tỉnh nghĩa quân, vũ khí chỉ là giáo mác, gậy gộc, Đội Văn cùng một số tráng đinh phải lội xuống sông từ Chạm Lộ đội bèo tây lên đầu tới tấn công bọn lính gác ở Cống Vực giết lính, cướp súng. Trong một trận đánh khác, ông cùng dăm nghĩa quân dùng đòn càn vót nhọn hai đầu gánh rơm đi nghênh ngang trên đường, gặp lính rút đòn càn, đoản đao ra giết, cướp súng. Ông còn tổ chức trận đánh lớn vào đồn Hồ cướp súng của quân Pháp trang bị cho nghĩa quân.

Cuối năm 1884, Tam tỉnh nghĩa quân tan rã, Đội Văn cùng Tuần Xô vẫn hoạt động ở nam Bắc Ninh. Khi Tuần Xô hy sinh trong trận Hà Mẫn thì Đội Văn vẫn hoạt động. Song để cung cấp quân lương cho gần 200 quân rất khó khăn, Đội Văn thường phải đi "làm lương", tức là thu thuế của dân, vận động nhân dân ủng hộ và cướp bóc của nhà giàu. Tại các xã Chạm Lộ, Ninh Xá, Gia Đông... nhân dân còn kể nhiều chuyện "Ông Đê Vang làm lương" như: "Ông bắt trẻ con lại cho chúng nhịn đói từ sáng đến trưa, nấu cháo nóng và múc vào bát cho chúng ăn. Đứa nào húp chung quanh, không xuýt xoa, chứng tỏ con nhà nghèo, ông tha ngay. Đứa nào húp một hơi dài bị bỏng, đó là con nhà giàu thì ông giữ lại, bắt gia đình đem tiền, thóc gạo đến chuộc". Các làng ở hai huyện Gia Bình, Lang Tài đều đóng thuế cho nghĩa quân, riêng làng Giao Phó, huyện Lang Tài lợi dụng có lũy tre, có thành đất cao, chỉ có hai cổng ra vào, không chịu nộp lương mà còn treo ở cổng một lọ kẹo, một lọ cứt, rêu rao: "vào được thì ăn kẹo, không vào được thì ăn cứt". Đề Vang tức giận lắm, liền cùng mươi nghĩa quân đóng giả làm phường chèo xin vào hát trong hội đình. Khi lên giáo đầu, ông xưng danh:

      "Trời cao lồng lộng
      Đất rộng thênh thang
      Ta đây chính thực Đề Vang...".


Vào thời đó, nhà thờ Xuân, xã Kim Trân, huyện Quế Võ, cha đạo người Tây Ban Nha thường xúi giục giáo dân chống nghĩa quân, không nộp thuế cho nghĩa quân, lại dò la các hoạt động của nghĩa quân báo cho giặc Pháp. Đề Vang chia quân làm ba toán, một toán đóng là phường chèo, một toán đóng là thợ gặt, còn một toán đóng người đi xem. Vào gần làng, hai toán, toán phường chèo và toán đi xem đánh nhau, toán thứ ba xúm vào can ngăn không được liền báo chánh tổng. Chánh tổng thấy họ đánh nhau trong địa phận mình liền đưa vào cha xứ xét xử. Vào tới nơi cha xứ ở, nghĩa quân rút đoản đao không chế cha xứ chặn các cửa ra vào, bắt cha xứ phải nộp hết tiền, bạc trắng. Không còn cách nào khác, cha xứ đành phải tuân lệnh. Lấy xong tiền bạc, nghĩa quân còn bắt cha xứ tiễn ra khỏi cổng làng mới tha.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Mười Hai, 2016, 11:01:06 pm

Tháng 7 năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật đang ở Long Châu (Trung Quốc) nhận được tin vua Hàm Nghi đã rời khỏi kinh thành Huế ra Sơn Phòng, Quảng Trị, hạ chiếu Cần Vương, ông liền về nước, đến căn cứ Tiên Động gặp Nguyễn Quang Bích, được vua Hàm Nghi phong là Lễ bộ thượng thư sung Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần nhận chiếu Cần Vương và được Nguyễn Quang Bích giao cho chủ trương đánh Pháp ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tháng 8, ông về vùng giáp ranh Hải Dương - Bắc Ninh - Hưng Yên gặp cử nhân Ngô Quang Huy và cử nhân Nguyễn Hữu Đức bàn kế hoạch phát triển cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, vì Đinh Gia Quế thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa đang bị ốm nặng mà quân Pháp thì liên tục tấn công vào căn cứ Bãi Sậy. Cũng trong tháng 8 năm 1885, vua Hàm Nghi phong Nguyễn Thiện Thuật là Bắc Kỳ Hiệp thống quân vụ đại thần, Gia chấn trung tướng quân, Ngô Quang Huy là Hồng Lô tự khanh Tán lý quân vụ, Nguyễn Hữu Đức là Tán tương quân vụ. Ba ông đã triệu tập các tướng lĩnh đang chống Pháp ở Bãi Sậy và các phong trào khác cùng chống Pháp. Vương Văn Vang (Đội Văn) từng là viên dũng tướng trong Tam tỉnh nghĩa quân đã gia nhập cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy và ông về dự lễ tế cờ khởi nghĩa ở văn chỉ Bình Dân, Nguyễn Thiện Thuật phong cho Đội Văn chức Đề đốc và giao cho ông hoạt động ở nam Bắc Ninh dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Ngô Quang Huy.

Tháng 7 năm 1887, Đội Văn tấn công Phố Bạc (Hưng Yên). Đội Văn cùng Lãnh Giang, Lãnh Khoát, Đội Quý phối hợp với nghĩa quân Ba Báo thành một đạo quân lớn tấn công các hạm tàu, xà lúc của quân Pháp, vận chuyển quân lính, khí tài, lương thực, thư từ trên sông Luộc. Kết quả ba chiếc xà lúc trên sông Luộc bị tấn công. Tất cả thủy thủ sợ hãi bỏ trốn, nghĩa quân chèo thuyền ra thu hết vũ khí, quân trang, lương thực, đốt phá xà lúc.

Trong một trận quân Pháp càn vào Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, Hải Dương), Đội Văn ở lại chặn giặc cho Tán Thuật rút lui an toàn.

Ngày 6 tháng 10 năm 1887, nghĩa quân Đội Văn có 300 người trang bị 150 súng bắn nhanh đã đánh nhau với 40 lính của Aubert gần căn cứ Bãi Sậy.

Tại làng Lang Khê ở ngã ba sông Thái Bình và sông Đuống, đội quân của trung úy Monghiô gặp một toán quân của Đội Văn, hai bên đánh nhau.

Ngay từ ngày 21 tháng 7 năm 1888, toán quân của thủ lĩnh Đội Văn (100 người, trong đó có 20 tay súng) đã cướp một cái trạm ở chỗ sông Đuống cắt ngang con đường Hải Dương đi Bắc Ninh1. Ngày 22 tháng 7 năm 1888, viên công sứ Bắc Ninh báo tin ngay trong vùng lân cận trung úy Teyssandier Laubarede cùng với 30 lính khố đỏ thuộc tiểu đoàn Bắc Kỳ số 3 và 40 lính khố xanh lập tức được cử đi thám sát vùng này2. Ngày 23 tháng 7 năm 1888, nghĩa quân Đội Văn có 500 quân, 200 tay súng đang tiến về làng Quảng Bố3 thì gặp một toán quân do trung úy Teyssandier Laubarede chỉ huy gồm có 40 lính khố đỏ và 30 lính khố xanh cũng đang đi "tìm và diệt". Hai bên đánh nhau ngay, quân Pháp bị thiệt hại nặng nề, trung úy Teyssandier Laubarede tử trận cùng với 1 trung sĩ Pháp. Ngày 31 tháng 9 năm 1888, Đội Văn chỉ huy 30 nghĩa quân cải trang làm lính khố xanh hoạt động ở vùng Dương Vi, huyện Tiên Du.

Đề Vang (tức Đội Văn) cho quân khai hoang được 300 mẫu đất hoang ở tổng Tam Á cấy lúa tự túc lương thực. Với âm mưu triệt nguồn lương thực của nghĩa quân, viên Tổng đốc (Bắc Ninh) dùng phu có lính khố xanh bảo vệ đến gặt. Ngày 4 tháng 11 năm 1888, một số người cải trang thành lính tập nói là từ đồn Lực Điền gửi lên tăng cường đến gần gí súng vào Tổng đốc và lính khố xanh giết chết 27 người, trong đó có phó quản Givener4.
____________________________________
1, 2. Lịch sử quân sự Đông Dương.
3. Huyện Lang Tài (Bắc Ninh).
4. Về số ruộng trên, cụ Hiện (tức Hiển) cán bộ Tiền khởi nghĩa 76 tuổi ở thôn Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cho biết cánh đồng đó nay gọi là Đồng Trầm, nghĩa quân khai hoang một ít còn là dân các xã cho nghĩa quân gặt lúa nuôi quân.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Mười Hai, 2016, 11:02:29 pm

Ngày 22 tháng 11 năm 1888, trung úy Monghiô lại gặp một toán khác ở làng Đại Vi có lũy bọc cách phủ Từ Sơn 5 kilômét về phía đông nam. Thiếu tướng chỉ huy Lữ đoàn 2 lúc đó hạ lệnh cho thiếu tá Servière đang hành quân cách làng ấy 12 kilômét về phía phủ Thuận Thành phải chuyển quân về Đại Vi để chỉ huy cuộc tác chiến. Thiệt hại của địch trong vụ này là 1 viên đội bị giết, 3 lính thủy đánh bộ và 1 xạ thủ bị thương. Monghiô bị thương nhẹ.

Trước sự truy kích ráo riết của quân Pháp và quân Hoàng Cao Khải, nghĩa quân do Đội Văn chỉ huy bị tổn thất nặng nề, một số vị thủ lĩnh dưới quyền ông và nhiều nghĩa quân hy sinh, dân chúng ở các làng ủng hộ nghĩa quân bị tàn sát, nhà cửa, đình chùa bị đốt phá. Hoàng Cao Khải biết Đội Văn lâm vào tình thế nguy ngập liền viết thư dụ hàng. Cùng đường, ngày 27 tháng 2 năm 1889, Đội Văn viết thư cho Hoàng Cao Khải xin đầu hàng. Hoàng Cao Khải chấp nhận, ngày 1 tháng 3 và ngày 14 tháng 3 năm 1889, (có tài liệu viết ngày 16-3-1889), do sự trung gian của một cố đạo người Tây Ban Nha ở thị xã Bắc Ninh, Đội Văn đưa 237 nghĩa quân và vũ khí ra hàng giặc Pháp.

Pháp và Hoàng Cao Khải rất mừng trao lại toàn bộ số vũ khí trên cho ông và cấp thêm 50 khẩu súng trường để ông đánh nghĩa quân1. Địch rất hí hửng vì Đội Văn ra hàng là coi như đã bình định xong Bắc Ninh vì Đội Văn chỉ huy số quân lớn nhất tỉnh Bắc Ninh2. Quân Pháp và Hoàng Cao Khải rất mừng, chúng dự đoán Nguyễn Thiện Thuật cũng sẽ theo gương Đội Văn ra hàng. Ngày hôm sau tùy tướng của Đội Văn là Đốc Quang cũng đem 55 người về hàng. Vì thế, quân Pháp càng tích cực mua chuộc Đội Văn hòng biến ông làm tay sai để đánh phá phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy. Quân Pháp trả lương tháng cho Đội Văn 100 quan tiền, một số thủ lĩnh khác 30 quan, mỗi hiệp quản 25 quan, mỗi nghĩa quân 15 quan. Quân Pháp còn cấp thêm 15 súng bắn nhanh nữa3.

Đội Văn về hàng Pháp, chúng đưa ông đi đàn áp một số thủ lĩnh nghĩa quân, song điều ông quan tâm là chiến thuật bố trí binh lực của các sĩ quan Pháp theo chiến thuật hiện đại của Tây phương, nghĩa là trận địa có mũi chính diện, mũi phụ, có quân dự bị, khi tấn công có mũi chính diện, mũi vu hồi, tập hậu. Ông còn giao cho một số thủ lĩnh tin cậy học cách sửa chữa, chế tạo súng...

Với con mắt của người cầm quân có kinh nghiệm chỉ trong một thời gian ngắn, ông cùng một số thủ lĩnh đã học được cách chỉ huy quân đội trong tác chiến cũng như trong phương pháp huấn luyện quân sĩ một cách toàn diện.
_________________________________
1. Báo Tin tức Hải Phòng, số 250 thứ năm ngày 7 tháng 3 năm 1889.
2, 3. Minh Thành: Về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Mười Hai, 2016, 11:04:28 pm

Quân Pháp sau khi đẩy Đốc Tít vào thế cùng đường buộc ông phải ra hàng và đày ông đi Algéri, phá được căn cứ Trại Sơn, căn cứ Hai Sông, đẩy Lưu Kỳ ra khỏi Đông Triều, rồi chuẩn bị lực lượng tấn công vào căn cứ Bãi Sậy thì một sự kiện bất ngờ xảy ra với chúng. Đó là ngày 17 tháng 9 năm 1889, Đội Văn sau 6 tháng trá hàng, trong một trận quân Pháp sai ông đi đàn áp nghĩa quân, ông đã hẹn trước với một số đồng chí rồi bí mật đem 200 quân, 100 tay súng vượt sông Đuống nhập với toán quân của Lãnh Đội đã chờ sẵn theo mật ước từ trước. Nghĩa quân mặc quần áo lính theo đường số 1 qua sông Cầu để lên Yên Thế gia nhập nghĩa quân Đề Nắm (Lương Văn Nắm) tiếp tục đánh Pháp1.

Được tin Đội Văn đưa quân trở lại hàng ngũ kháng chiến, lập tức các tướng lĩnh cũ như Lãnh Giám, Lãnh Giới, Lãnh Thiết, Lãnh Bôi... cũng bỏ quân Pháp chạy lên Yên Thế đưa lực lượng của Đội Văn lên trên 400 người với trên 200 súng bắn nhanh.

Trong một thông báo gửi nhân dân Bắc Ninh, Đội Văn tuyên bố rằng mình đã trá hàng để tạo khả năng nghiên cứu kỹ càng hơn tổ chức và chiến thuật của quân đội Pháp, do đó sẽ bảo đảm đánh được họ khi thời cơ đến nhằm đánh đuổi bọn dã man phương Tây ra khỏi xứ sở Bắc Kỳ. Đội Văn thông báo rằng thời cơ ấy đã đến và đã quyết định với các bộ hạ trung thành với mình nơi tập hợp là khu rừng xứ Hữu Thượng mà Đội Văn sẽ đi đến để cầu cứu sự giúp đỡ của các toán giặc vùng Yên Thế mà từ lâu đã có sự liên lạc bí mật2.

Bọn chỉ huy quân sự Pháp ở Bắc Kỳ lập tức ra lệnh cho đồn binh Phủ Lạng Thương phải dò tìm đường hành quân của ông. Tên trung úy Meyer chỉ huy đồn Phủ Lạng Thương lập tức cho lính lùng sục vùng Phú Khê, Liên Bộ, Lán Tranh.

Đội Văn trở về Bắc Ninh là trở về quê hương của mình. Trong một bức thư gửi nhân dân Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh đề ngày 25 tháng 8 âm lịch năm Hàm Nghi thứ 5, Đội Văn nêu rõ: "Mục đích chiến đấu của ông là nhằm để đánh đuổi giặc xâm lược Pháp, khôi phục lại đất nước, mang lại hòa bình, yên tĩnh thực sự cho nhân dân và chấm dứt những nỗi đau khổ đang đè nặng lên mọi người. Cũng để đạt được mục đích trên, Văn đã chiêu mộ nghĩa quân tổ chức lực lượng quân sự chống Pháp. Văn kêu gọi nhân dân tích cực ủng hộ nghĩa quân"3.

Chiều ngày 18 tháng 9 năm 1889, quân trinh sát của Đội Văn phát hiện quân của Meyer có 51 lính đang đóng ở chùa Lang Tài bên bờ sông Thương thuộc huyện Yên Dũng. Ông quyết định phải tấn công bọn lính này, sau đó bình tĩnh dẫn nghĩa quân vẫn mặc quần áo lính khố đỏ tiến đến cách chùa 100 mét thì xung phong đánh vào chùa. Quân Pháp chống trả dữ dội, nghĩa quân chiếm được hai gò đất và bắn mãnh liệt vào chùa buộc quân Pháp phải cố thủ trong đó. Sau đó nghĩa quân chia làm ba mũi lợi dụng những mô đất tránh đạn tiến vào chùa. Cuộc chiến kéo dài đến nửa đêm, tên đội Gaudin phải mở đường máu rút ra ngoài, còn Meyer phải đợi trời sáng mới dám rút tàn quân chạy về Phủ Lạng Thương.

Quân Đội Văn cũng tranh thủ thời gian vượt lên Yên Thế Thượng.
____________________________________
1. Tập thể Bộ Tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương. Năm 1889 Pháp chưa thành lập tỉnh Bắc Giang, phần đất của Bắc Giang ngày nay thuộc tỉnh Bắc Ninh.
2. Fơrây: Giặc giã và thổ phỉ ở xứ Bắc Kỳ.
3. Theo bản dịch chữ Pháp, bức thư Đội Văn gửi nhân dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang) - Theo Paul Isoart: Le phènomère national Việt Nam Miên, xuất bản ở Paris năm 1961.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Mười Hai, 2016, 11:06:28 pm

Cũng trong ngày 18 tháng 9 năm 1889, nghĩa quân Yên Thế do Đề Nắm chỉ huy đã bị một đạo quân Pháp do đại úy Gorse chỉ huy tấn công đang đóng ở trong làng Sặt. Sau một ngày kịch chiến, nghĩa quân Yên Thế đuối sức phải rút về Hữu Thượng lập chiến lũy trong rừng.

Nghĩa quân Đội Văn phải trải qua chặng đường hành quân vất vả, chịu đựng đói khát, phải né tránh quân Pháp đuổi theo, lại kịch chiến với quân Pháp nên vô cùng mệt mỏi. Song tình thế không cho nghĩa quân được nghỉ ngơi, ông lập tức tấn công quân Pháp. Được quân Đội Văn hỗ trợ, Đề Nắm tung quân ra đánh, hai bên không hẹn mà hợp đồng chặt chẽ, vì thế đại úy Gorse phải ngừng cuộc tấn công Hữu Thượng để đối phó với Đội Văn.

Cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 1889, Đội Văn phối hợp với nghĩa quân Yên Thế thượng, thế lực nghĩa quân mạnh hẳn lên. Mặc dù lực lượng nghĩa quân Yên Thế khi đó có khoảng 500 quân nhưng đã bị tổn thất nặng nề sau các đợt tấn công của quân Pháp; lực lượng Đội Văn có 500 quân, trang bị 250 súng bắn nhanh, nhưng cơ số đạn ít, quân lính mệt mỏi vì phải đối phó với các đợt truy kích liên tục của quân Pháp.

Mặc dù vậy, quân Pháp rất hoảng sợ vì "sự có mặt của Đội Văn đứng đầu một toán lớn và trang bị vũ khí đầy đủ đã đem lại cho bọn giặc (chỉ nghĩa quân Yên Thế) một chỗ dựa rất quan trọng khiến cho những đội quân nhỏ bé của ta (Pháp) từ nay khó lòng ứng chiến với chút thắng lợi. Vì thế đại úy Gorse được lệnh cắt những hoạt động chống các toán ở Hữu Thượng các đội quân phải rút lui về các đồn lính”1.

Trở lại hàng ngũ kháng chiến giải phóng dân tộc, Đội Văn coi đó là niềm tự hào của mình. "Trong một thông cáo chung gửi nhân dân Bắc Ninh, Đội Văn tuyên bố rằng mình đã giả vờ hàng phục để tạo khả năng nghiên cứu kỹ càng hơn tổ chức và chiến thuật của quân đội Pháp, do đó sẽ bảo đảm đánh được họ khi thời cơ đến nhằm đánh đuổi bọn dã man phương Tây ra khỏi xứ Bắc Kỳ. Đội Văn thông báo rằng thời cơ ấy đã đến và quyết định với các bộ hạ trung thành với mình nơi tập hợp là khu rừng xứ Hữu Thượng mà Đội Văn sẽ đi đến để cầu cứu sự giúp đỡ của các toán giặc (tức nghĩa quân) vùng Yên Thế mà từ lâu đã có sự liên lạc bí mật"2.

Nguyễn Thiện Thuật nhận được tin cấp báo ngày 17 tháng 9 năm 1889 Đội Văn cùng số thủ lĩnh ra hàng Pháp 6 tháng trước đã bỏ hàng ngũ quân Pháp lên Yên Thế tiếp tục cuộc chiến đấu chống Pháp và đang bị quân Pháp truy kích, ông lập tức lệnh cho các tướng đánh mạnh vào quân Pháp ở khắp nơi để "chia lửa" với Đội Văn.
_______________________________________
1. Tập thể Bộ Tham mưu: Lịch sử quân sự Đông Dương.
2. Fơrây: Giặc giã và thổ phỉ ở xứ Bắc Kỳ.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 12 Tháng Mười Hai, 2016, 11:08:28 pm

Quân Pháp đã điều động một lực lượng lớn tràn lên Yên Thế để tiêu diệt lực lượng Đội Văn trước khi tập hợp được lực lượng từ đồng bằng lên hòa nhập vào phong trào Yên Thế, triệt phá các đồn lũy, các làng chiến đấu, chiếm lại đồn binh Tỉnh Đạo; triệt phá các cơ sở của nghĩa quân Yên Thế dọc sông Thương và ở khu vực Phủ Mọc, cầu Chay.

Đội Văn buộc phải chiến đấu ở vùng rừng núi mà quân của ông chưa quen, ngay từ khi đặt chân đến, cơ sở trong nhân dân không có, việc tiếp tế lương thực vô cùng khó khăn lại bị quân Pháp truy kích từ nhiều hướng rất dữ dội ở thượng Yên Thế nên trong các ngày 22 và 23 tháng 10 năm 1889 Đội Văn phải dẫn quân về huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Khi tới Sen Hồ, lỵ sở của huyện Yên Dũng khi đó, Đội Văn đã gửi thông cáo cho nhân dân huyện Yên Dũng, trong đó có lời tuyên bố sắt đá: "Không chịu sống đội trời chung với bọn quỷ Tây Dương" và kêu gọi tất cả mọi người ủng hộ và đứng vào hàng ngũ nghĩa quân. Bên dưới ký tên: "Đề đốc họ Vương”, chức do ông Tán Thuật phong cho.

Nhân dân huyện Yên Dũng cũng như nhân dân Bắc Ninh lại gia nhập nghĩa quân của ông, tiếp tế lương thực, nhường làng xóm của mình cho nghĩa quân xây dựng căn cứ chống Pháp. Nghĩa quân của ông hoạt động mạnh trong một vùng rộng lớn giữa Phủ Lạng Thương - Bắc Ninh và Tỉnh Đạo. Địch phải thừa nhận: "Cách đây hai tháng người ta có thể ung dung đi trên con đường Hà Nội - Lạng Sơn, nhưng nay thì người ta phải "vũ trang đến tận răng" thế mà cũng phải là người táo bạo lắm mới dám đi từ Đáp Cầu lên Phủ Lạng Thương”1.

Thấy địch không ngừng truy kích khắp nơi, Đội Văn phái 14 thủ lĩnh dưới quyền ông trở về đồng bằng để xây dựng lại lực lượng nghĩa quân làm cơ sở phát động một phong trào khởi nghĩa mới, nhưng tiếc thay cả 14 người ông phái đi đều bị quân Pháp chặn bắt. Đội Văn bị ốm từ lâu, lại bị thương trong chiến đấu với giặc, lực lượng nghĩa quân thì suy yếu, tan tác. Trước tình hình đó, Đội Văn đành rút về đồng bằng chờ thời cơ, nhưng ông về tới ngang tỉnh lỵ Bắc Ninh thì phát bệnh nặng rồi bị lọt vào tay bọn công giáo phản động. Ngày 31 tháng 10 năm 1889, cố đạo Tây Ban Nha Lê Vátcô làm trung gian, chúng đem nộp ông cho đồn binh Pháp ở Bắc Ninh. Mặc dù ông bị thương, bị ốm nặng chúng vẫn nhốt ông vào cũi, đeo gông cổ, xiềng tay chân giải về Hà Nội.

Bắt được Đội Văn, bọn xâm lược Pháp xử chém ông vào ngày 7 tháng 11 năm 1889 tại bãi đất trống cạnh hồ Hoàn Kiếm, nay là chỗ nhà kèn vườn hoa Găngđi Hà Nội. Khi ông chết, giặc Pháp vẫn sợ, chúng chặt đầu ông đưa về bêu ở Bắc Ninh, còn xác ném xuống sông Hồng. Sự kiện trên được báo Tương lai Bắc Kỳ viết lại như sau: "Nếu người ta trả xác Đội Văn cho gia đình ông thì sẽ có những cuộc tang lễ long trọng để làm vẻ vang cho Đội Văn. Người ta sẽ xây cho ông một đài kỷ niệm và sau này ngôi mộ của ông sẽ trở thành nơi hành hương, một nơi trung tâm tập hợp những cuộc khởi nghĩa mới. Chính vì những lý do này mà Thống sứ Bắc Kỳ Briviere dám kiên quyết trị Đội Văn theo luật An Nam"2.

Con cháu Đội Văn cúng giỗ ông vào ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm. Tại làng Bún, thôn Đông Côi, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành vẫn cúng giỗ ông vào ngày 15 tháng 10, vì khi còn sống ông mua gửi 15 mẫu ruộng vào đình để cúng hậu3.
_______________________________________
1. Báo Le Courieu d' Hải Phòng, năm 1889.
2. Báo Tương lai Bắc Kỳ (L'avenir du Tonkin), số 178 ra ngày 9-11-1889.
3. Tương truyền ở làng Xuân Lai (huyện Lang Tài) có đền thờ ông vì khi Pháp chém ông ở Hà Nội chặt đầu về bêu ở Bắc Ninh còn xác chặt làm mấy khúc vứt xuống sông Hồng. Nghĩa quân của ông bí mật đi theo, có một phần xác của ông dạt vào sông Đuống rồi trôi tới xã Xuân Lai, đến đây không sợ địch theo dõi, các nghĩa quân của ông vớt lên chôn cất rồi lập miếu thờ gọi là "Đền thờ ông Đề Vang". Hiện nay, ở thành phố Hải Phòng có phố Đội Văn theo Quyết định số 666-QĐ/UB ngày 28-11-1996 về việc đặt, đổi tên một số đường phố mới ở Hải Phòng.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 13 Tháng Mười Hai, 2016, 11:12:24 pm

Câu hỏi 15: Cho biết đôi nét về cách vận động, tập hợp lực lượng nghĩa quân của các thủ lĩnh?
Trả lời:


Cũng như các cuộc khởi nghĩa chống Pháp diễn ra cuối thế kỷ XIX, phong trào Bãi Sậy đã tranh thủ được sự tham gia hết sức đông đảo của quần chúng nông dân nghèo khổ, nhất là trong những năm 1885-1889 khi cuộc khởi nghĩa phát triển khá mạnh mẽ, sâu rộng ở ba tỉnh vùng tả ngạn sông Hồng. Thực vậy, thời ấy hầu như ở bất cứ làng nào trong tỉnh Hưng Yên cũng có rất đông người tham gia nghĩa quân Bãi Sậy và thậm chí ở nhiều làng tất cả những người đàn ông khỏe mạnh đều trở thành nghĩa quân1. Ngoài ra, còn có một số phụ nữ cũng tham gia khởi nghĩa; trong đó có một số người đã lập được nhiều thành tích chiến đấu khá xuất sắc mà đến nay nhân dân địa phương còn truyền tụng hoặc chính bọn sĩ quan Pháp phải thừa nhận2 như các bà Đốc Khuy3, Lãnh Túc, Cai Sinh, v.v...

Bên cạnh đội quân nông dân chủ lực trên, nghĩa quân Bãi Sậy còn thu hút được cả một số sĩ phu, tổng lý, kỳ hào và địa chủ yêu nước nữa như các ông cử nhân Ngô Quang Huy, Nguyễn Hữu Đức, chánh tổng Nguyễn Đình Tiêm4, địa chủ Sái Văn Vện, v.v... Về số lượng nghĩa quân Bãi Sậy là bao nhiêu, hiện nay chưa biết rõ cụ thể, nhưng có một điều chắc chắn rằng số nghĩa quân ấy rất đông, hầu như ở các phủ huyện ở Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đều có. Ví như Đốc Sung, Đốc Quý và Đội Văn mỗi người thường xuyên có 300 nghĩa quân, Đốc Khoát có 500, Đốc Tích có 800, v.v...

Lại có nhiều trận, số nghĩa quân trực tiếp tham gia đánh địch cũng khá đông đảo, thí dụ ở Thanh Trì: 600 người, Quảng Bố: 500 người, Liêu Trung: 800 người, Hoàng Trạch: 700 người, v.v... Còn những trận chạm súng giữa hàng trăm nghĩa quân với địch trên đường đi hoặc trong làng xóm thì xảy ra thường xuyên.

Ở đây chúng ta cần chú ý thêm một điểm nữa là nghĩa quân Bãi Sậy thường sống phân tán trong nhân dân, làng xóm chứ không tập trung ở các công sự, pháo đài, thành lũy cố định nên càng không thể phân biệt được nghĩa quân với nhân dân. Thực ra nghĩa quân cũng chỉ là những người nông dân nghèo khổ sống ở ngay nơi quê hương mà thôi. Họ đều phải sản xuất lương thực để nuôi sống bản thân và gia đình. Khi cần đi đánh nơi nào hoặc chống địch đến càn quét, đốt phá làng xóm, nghĩa quân mới tập trung lại theo lệnh của các thủ lĩnh chỉ huy. Sau khi hoàn thành xong nhiệm vụ, họ lại phân tán sống lẫn trong nhân dân, hoặc nói đúng hơn lúc ấy họ lại trở thành người nông dân bình thường. Động là quân, tĩnh là dân là một chủ trương rất tài giỏi và hiệu quả của nghĩa quân, nó được xuất phát từ hoàn cảnh thực tế chiến đấu của phong trào.

Nói về tình hình nghĩa quân Bãi Sậy thời ấy, một tác giả khuyết danh đã ghi lại trong mấy câu vè như sau:

      "Khắp mười tỉnh Bắc Kỳ sĩ thứ,
      Bất đế Tần5 mấy chữ không nao,
      Một lòng theo ngọn cờ đào,
      Thề cùng bạch quỷ, có tao không mày"6.


Qua đó chúng ta có thể thấy các tầng lớp nhân dân ở đồng bằng Bắc Kỳ đã hăng hái tham gia phong trào Bãi Sậy như thế nào, chính vì vậy mà lực lượng nghĩa quân rất đông đảo và ngày một lớn mạnh.
______________________________________
1. Theo De Miribel: tài liệu đã dẫn: tất cả những người nông dân vùng Bãi Sậy đều đi theo Đinh Gia Quế khởi nghĩa chống Pháp.
2. Theo Frey: "Pirates et rebelles au Tonkin" (Nos soldats au Yên Thế), Nhà xuất bản Hachette, Paris, năm 1892: trong nghĩa quân Đội Văn có một người phụ nữ là vợ của Đội Văn. Bà đã cải trang thành đàn ông, cũng đeo súng, cưỡi ngựa, theo sát nghĩa quân trong từng trận đánh để úy lạo và cùng chiến đấu với họ.
3. Bà tên thật là Trần Thị Khuy, người làng Tiên Kiều (huyện Ân Thi, Hưng Yên), là con gái cả ông Lãnh Khuy (một lãnh tụ nghĩa quân Bãi Sậy, không rõ tên thật của ông). Trong một trận đánh ở cầu Hà (giữa vùng giáp giới hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, nay không còn di tích), Lãnh Khuy bị tử trận, bà Khuy đã lên thay cha chỉ huy nghĩa quân và sau được phong chức Đốc binh. Vì vậy, nhân dân gọi bà là Đốc Khuy hoặc Đốc Huệ (Huệ là tên chồng bà). Sau khi nghĩa quân Bãi Sậy tan rã, bà trở về quê hương.
4. Nguyễn Đình Tiêm, người làng Mão Cầu (huyện Ân Thi, Hưng Yên), đã từng làm chánh tổng. Sau ông từ chức, tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy được phong chức Lãnh binh nên thường gọi là Lãnh Tiêm. Hoạt động đánh Pháp của ông chủ yếu là ở huyện Ân Thi (Hưng Yên). Cuộc khởi nghĩa thất bại, Nguyễn Đình Tiêm chạy ra Hải Dương, rồi chết.
5. "Bất đế Tần" không chịu khuất phục nhà Tần, đây ám chỉ không chịu khuất phục giặc Pháp.
6. Khuyết danh: trích trong bài "Vè Tán Thuật" trong cuốn Vè yêu nước chống đế quốc Pháp xâm lược của Vũ Ngọc Khánh (Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, năm 1967).


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Mười Hai, 2016, 10:57:03 pm

Câu hỏi 16: Khi đã vận động, tập hợp được lực lượng thì các thủ lĩnh phong trào đã tổ chức, trang bị cho nghĩa quân về y phục, vũ khí ra sao?
Trả lời:


Vào thời ấy, trong nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp, nghĩa quân thường được chia thành từng cơ, từng quân thứ có hàng mấy trăm người. Trái lại, nghĩa quân Bãi Sậy chỉ bao gồm từng toán nhỏ từ 15, 20, 25, 30 hoặc 50 người là nhiều nhất. Thí dụ mỗi toán nghĩa quân của Đốc Sung, Lãnh Điển có 50 người, còn mỗi toán của Đề Ban lại chỉ có 30. Với một tổ chức gọn nhẹ nói trên, nghĩa quân đã có thể dễ dàng đánh địch và hoạt động được trong nhân dân ở một vùng đồng bằng chỉ toàn là lau sậy. Chẳng hạn khi nhân dân cho biết tin Hoàng Cao Khải và Louis Ney đem quân tới gặt ở cánh đồng làng Liêu Trung (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên), Nguyễn Thiện Thuật đã nhanh chóng tập trung được các toán nghĩa quân của Đốc Sung, Lãnh Tháu1, Đề Ban, Hai Kế, Ngô Quang Huy, Đề Tính, v.v... ở trong tỉnh Hưng Yên tới ngay Liêu Trung. Rồi sau khi đánh thắng địch, 800 nghĩa quân ấy lại rút đi nơi khác. Và mãi tới ngày 24 tháng 11 năm 1888, tức là 13 ngày sau, trong một cuộc truy kích, 500 lính của đại tá Serviere mới gặp một vài toán nghĩa quân nhỏ ở tỉnh Hải Dương. Nhưng kết quả là sau một trận giao chiến dữ dội, Serviere chỉ bắt được mấy người và thu được một vài khẩu súng vứt dưới ao. Trong các trận đánh đồn Delaforge (1886), đồn Bình Phú (6-4-1889), v.v... chỉ với 50 người mà nghĩa quân cũng thắng2.

Đặc biệt là trong năm 1889, khi bị quân Hoàng Cao Khải không ngừng truy kích thì những toán nghĩa quân nhỏ của Đốc Sung, Đề Ban, Lãnh Điển, Lãnh Bảy, v.v... đã dễ dàng di chuyển được nay làng này mai làng khác và không ở đâu lâu quá một ngày đêm. Nhờ đó lực lượng nghĩa quân vẫn được duy trì để có thể tiếp tục đánh địch lâu dài hơn.

Về y phục của nghĩa quân cũng không giống nhau. Theo lời thuật lại của các phụ lão ở Hưng Yên thì nghĩa quân ai có gì mặc nấy và thông thường là quần áo nâu sồng của nông dân ta. Ở nơi này nơi khác, có cụ còn nói thêm một vài chi tiết nữa như khi ra trận nghĩa quân buộc một miếng vải đỏ hoặc thắt một cái thắt lưng màu đỏ để dễ nhận nhau; hoặc nghĩa quân mặc một cái áo giáp bằng giấy bản bồi rất dày, chân đi hải sảo, đầu chít khăn đầu rìu bằng vải đỏ. Nhưng về đại thể, y phục của nghĩa quân chỉ là những thứ quần áo của nông dân ta thời ấy.

Trong một bài viết đăng trên báo L' Avenir du Tonkin xuất bản ở Hà Nội, năm 1889, một tác giả người Pháp cũng nói rằng nghĩa quân Đề Tính, Đốc Cập ăn mặc như người nông dân bình thường. Còn Piglowski thì nói trong một trận đánh ở làng Đức Nhuận (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), bọn Pháp chỉ phân biệt được người chỉ huy tên là Sậy với nghĩa quân ông ở chỗ Sậy chít khăn xanh và thắt thắt lưng màu đỏ3.

Để trang bị vũ khí, nghĩa quân đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực như tự sản xuất lấy, cướp súng đạn của địch, hoặc mua lại của bọn ngụy binh, của nghĩa quân Lưu Kỳ từ biên giới Trung Việt chở sang và của thương gia Tây phương ở Hải Phòng4. Vì thế, bên cạnh những thứ vũ khí thô sơ là chủ yếu, nghĩa quân đã có thêm khá nhiều súng đạn kiểu mới. Ví như Đốc Khoát, Quý và Ba Giang có tới 700 nghĩa quân và 400, 500 súng, Đốc Sung cũng có 200, 300 nghĩa quân với hàng trăm súng. Nghĩa quân Đốc Tích thì đông hơn với 800 người và 500 súng. Ngoài ra, trong một số trận đánh, nghĩa quân đã không những hơn hẳn địch về số lượng người mà cả về vũ khí nữa như ở trận đánh Aubert (ngày 6-10-1887), Đội Văn có 300 người với 120 súng, trận đánh huyện Thanh Trì (ngày 8-7-1888) có 600 nghĩa quân với 300 súng, trận đánh Hoàng Cao Khải với Louis Ney (ngày 11-11-1888), nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật lên tới 800 người được vũ trang bằng 400 súng, v.v...

Tóm lại, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy đã tập hợp được đông đảo quần chúng nông dân nghèo khổ, kể cả một số phụ nữ, ở hầu khắp các phủ huyện tả ngạn sông Hồng tham gia nghĩa quân. Không những thế còn thu hút được nhiều người trong giai cấp phong kiến cũng trực tiếp đứng trong hàng ngũ chiến đấu hoặc thiết thực ủng hộ phong trào. Chính vì thế mà cuộc khởi nghĩa càng có tính chất nhân dân rộng rãi.
____________________________________
1. Ông tên là Lưu Ngọc Tháu, quê ở làng Liêu Trung (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) thuộc gia đình nông dân nghèo. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy dưới quyền của Đốc Sung. Sau khi Sung chết, Tháu ra hàng và bị đày ra Côn Đảo.
2. Theo Masson: Souvenirs de l’Annam et du Tonkin (Nhà xuất bản Lavavuzelle, Paris, không có năm xuất bản) và báo L' Avenir du Tonkin, năm 1889.
3. Theo Piglowski: Histoire de la garde indigène du Tonkin (tome I) xuất bản ở Hà Nội, không có năm xuất bản.
4. Theo E. Bévin - Au Tonkin: "Milices et piraterie" (Nhà xuất bản Charles Lavauzelle, Paris, năm 1891).
    Theo Claude Bourrin: "Le vieux Tonkin Le Théatre - Le sport - la vic mondaine de 1884 à 1889" - Nhà xuất bản Aspar, Saigon năm 1935, L. Bonnafont: Trente ans de Tonkin xuất bản ở Paris năm 1933 và các báo Le Courrier d'Haiphong, L' Avenir du Tonkin ra năm 1889 và năm 1890 thì Gustave Oberg, một thương gia Thụy Điển trong một thời gian dài cũng cung cấp nhiều vũ khí, đạn dược cho Đốc Tích với giá 4 đồng một trăm viên đạn, 40 đồng một khẩu súng Carabine, và từ 8 đồng đến 10 đồng một khẩu súng lục. Việc buôn bán vũ khí này của Oberg lại được một số người Việt Nam và Trung Quốc làm trung gian như Lê Bá Bút... Và đặc biệt là nó cũng được bọn quan lại cao cấp Pháp ở Hải Phòng che chở để kiếm lợi. Khi việc "buôn bán lậu" nói trên bị phát giác ra, Oberg đã bỏ trốn về Hồng Kông.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Mười Hai, 2016, 10:58:29 pm

Câu hỏi 17: Cho biết đôi nét về địa bàn hoạt động của nghĩa quân?
Trả lời:


Cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy gồm có ba giai đoạn chính và trong đó giai đoạn thứ hai là quan trọng nhất, cho nên địa bàn hoạt động của nghĩa quân cũng thay đổi theo từng giai đoạn.

Vào những năm 1883-1885 khi Đinh Gia Quế đang lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thì căn cứ địa chính của nghĩa quân là ở vùng Bãi Sậy với khu vực trung tâm của nó là "tam thiên mẫu" nằm trong huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Đổng Quế đã xây dựng ở làng Thọ Bình (quê hương ông) một cái đồn chu vi rộng khoảng 5 mẫu, có tường gạch vây quanh và một số nhà kho, trường tập bắn, tập luyện võ nghệ. Đồn xây dựng không kiên cố lắm và thực sự nó chỉ là nơi làm việc của Đổng Quế, nơi hội họp của các thủ lĩnh trong vùng, nơi tập luyện và đồn trú của một số nghĩa quân. Xung quanh đồn có đào nhiều hầm hố và giao thông hào tỏa rộng ra khắp các nơi để giúp nghĩa quân có thể ẩn nấp, vận động mỗi khi tấn công, hoặc phòng ngự, bảo vệ căn cứ địa. Còn đại bộ phận lực lượng nghĩa quân vẫn đóng ở khắp các làng trong vùng Bãi Sậy, kể cả những nơi sát tỉnh lỵ hoặc đồn bốt địch. Tuy lấy khu "tam thiên mẫu" làm căn cứ chính, nhưng nghĩa quân đã hoạt động lan rộng ra nhiều phủ huyện ở Hưng Yên như Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, v.v... Nghĩa quân còn khống chế được cả con đường số 5 Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng.

Lúc ấy mặc dù đã chiếm được tỉnh Hưng Yên, Pháp mới chỉ làm chủ được tình thế ở một số nơi, còn đại bộ phận vùng nông thôn rộng lớn vẫn do nghĩa quân kiểm soát: thu thuế má, chiêu mộ nghĩa quân, quyên góp lương thực. Thí dụ, về thuế ruộng, có nơi nhân dân nộp một mẫu 1 hộc thóc, có nơi là 3 phương1.

Nói chung lại, hoạt động của nghĩa quân Đổng Quế mới chỉ phát triển được trong một số phủ huyện ở Hưng Yên.

Nhưng từ khi Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, tuy vẫn lấy Bãi Sậy làm căn cứ chính, nghĩa quân đã mở rộng hoạt động ra hầu khắp ba tỉnh tả ngạn sông Hồng và nhiều trận đánh cũng diễn ra trong vùng này như Lực Điền, Bình Phú, Liêu Trung, Hoàng Trạch, v.v... (Hưng Yên); Quảng Bô, Mẫn Xá, Quan Đình, Quan Độ, Mễ Đao, v.v... (Bắc Ninh); An Định, Đông Triều, v.v... (Hải Dương). Ngoài ra, nghĩa quân còn hoạt động mạnh ở các huyện Thanh Trì, Thanh Oai, các phủ Ứng Hòa, Thường Tín (Hà Đông) và có nhiều lần đã tiến sát đến Gia Lâm (gần Hà Nội) (năm 1888). Các con đường giao thông chính như Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng và Hà Nội - Hưng Yên - Thái Bình cũng bị nghĩa quân kiểm soát. Các đoàn xe vận tải của Pháp đi trên hai con đường này luôn bị phục kích.

Nếu so sánh với giai đoạn khởi nghĩa trước của Đổng Quế thì nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật đã có một địa bàn hoạt động khá rộng lớn ở nhiều phủ huyện, bao gồm cả vùng đồng bằng lẫn vùng rừng núi như Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Chí Linh, Đông Triều, v.v... Nhờ vậy, Nguyễn Thiện Thuật đã có điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển lực lượng nghĩa quân, tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, đặng duy trì được cuộc khởi nghĩa dài hơn mặc dù trong giai đoạn này phong trào Bãi Sậy bị địch khủng bố rất ác liệt.

Đến cuối năm 1889, khi cuộc khởi nghĩa bước vào thời kỳ thoái trào và Nguyễn Thiện Kế lên thay Tán Thuật chỉ huy phong trào thì nghĩa quân cũng phải thu hẹp địa bàn hoạt động. Trong giai đoạn này, nghĩa quân chỉ còn hoạt động mạnh ở tỉnh Hưng Yên và trong một số phủ huyện Bắc Ninh và Hải Dương, ví như các trận Kẻ Sặt, Đồng Ngư, Quang Xá, Phù Sa, Ninh Võ, La Mát, Đào Xá, Tiểu Quan, v.v...

Một điểm đáng chú ý thêm là vì đường số 5 và số 39 đều đi qua vùng lau sậy tỉnh Hưng Yên nên nghĩa quân Hai Kế cũng thường xuyên uy hiếp hai con đường này để hạn chế địch hành quân càn quét, đàn áp.
_____________________________________
1. Theo tài liệu dân gian sưu tầm ở Hưng Yên.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Mười Hai, 2016, 10:59:20 pm

Câu hỏi 18: Khi đã mở rộng được địa bàn hoạt động, nghĩa quân đã có lợi thế và thu được những kết quả gì trong quá trình khởi nghĩa?
Trả lời:


Trong 10 năm hoạt động chống Pháp từ Đinh Gia Quế, Nguyễn Thiện Thuật cho đến Nguyễn Thiện Kế, mỗi khi thấy lực lượng nghĩa quân lớn mạnh, các ông đều quan tâm đến vấn đề mở rộng địa bàn hoạt động để phát triển quy mô, thanh thế của phong trào. Cho nên trong thực tế không phải bọn thực dân Pháp chỉ phải đánh nhau với nghĩa quân ở khu trung tâm Bãi Sậy và một vài vùng lân cận; trái lại địch đã thực sự phải đàn áp cả một phong trào đấu tranh khắp trong ba tỉnh. Nếu theo dõi những cuộc hành quân "bình định" và "trị an" của Hoàng Cao Khải trong năm 1889 và 1891, chúng ta sẽ thấy rất rõ điều này.

Không ngừng mở rộng địa bàn hoạt động là một ưu điểm lớn của phong trào Bãi Sậy. Nhờ đó nghĩa quân thoát được khỏi tình trạng bó hẹp, cô độc, không bị địch tiêu diệt nhanh chóng khi chúng thẳng tay khủng bố. Hơn nữa, nghĩa quân còn có thể xây dựng lại phong trào để tiếp tục đánh Pháp. Ví như, gần cuối năm 1889, sau khi đánh bại được một số lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy ở Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên, Pháp cho rằng đã đàn áp xong cuộc khởi nghĩa, nên vội giải tán ngay đạo quân Hoàng Cao Khải.

Nhưng thực ra ở những nơi khác, lực lượng nghĩa quân vẫn chưa bị giảm sút hẳn, nên các thủ lĩnh địa phương đã tranh thủ thời gian xây dựng lại lực lượng, rồi từ đó tiến lên khôi phục được phong trào. Sự hoạt động trở lại của nghĩa quân Hai Kế trong những năm 1890-1891 đã chứng minh sự thực trên.

Có một lực lượng mạnh, lại có một địa bàn khá rộng, nghĩa quân Bãi Sậy đã đánh Pháp rất tích cực ở khắp nơi, gây nên một phong trào khởi nghĩa sôi nổi nhất ở đồng bằng Bắc Kỳ trong nửa thế kỷ XIX.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 14 Tháng Mười Hai, 2016, 11:00:55 pm

Câu hỏi 19: Cho biết quá trình chiến đấu của nghĩa quân ở giai đoạn thứ nhất (1883-1885) cuộc khởi nghĩa của Đinh Gia Quế?
Trả lời:


Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai và triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng giặc, thì lập tức một phong trào kháng Pháp của nhân dân nổi lên rất rầm rộ ở khắp nơi, trong đó có cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của Đinh Gia Quế.

Lợi dụng những cánh đồng lau sậy hoang vu của Hưng Yên, nghĩa quân Đổng Quế đã xây dựng căn cứ địa chính ở vùng Bãi Sậy và dùng chiến thuật du kích để đánh địch.

Để đàn áp phong trào Đổng Quế, Pháp bèn đóng một số đồn bốt ở Hưng Yên như Úng Lôi, Đình Cao, Bằng Ngang, Phó Nham, An Vỹ, Bình Phú, Lực Điền và Thổ Hoàng1. Đồng thời Pháp có nhiều đạo quân mở những cuộc tấn công vào vùng Bãi Sậy hòng tiêu diệt nghĩa quân. Nhưng vì không hiểu tình hình trong vùng, lại không được nhân dân cung cấp tin tức và bị nghĩa quân dùng chiến thuật du kích chống lại nên chúng đều bị thất bại nặng nề. Còn nghĩa quân không những không bị tiêu diệt mà ngược lại đã hoạt động mạnh hơn, luôn luôn tấn công các đồn bốt lẻ, phục kích các đoàn xe và các toán quân tuần tiễu thám báo của địch. Pháp đã phải thú nhận rằng nghĩa quân vẫn thực sự cai trị các làng, còn bọn quan lại phủ huyện do Pháp đặt lên để cai trị nhân dân thì tỏ ra bất lực và hoảng sợ trước sự phát triển của nghĩa quân, chúng đều bỏ trốn vào trong tỉnh lỵ. Phần đông các tổng lý lại có cảm tình hoặc ủng hộ cuộc khởi nghĩa.

Sau đó Pháp giao cho Hoàng Cao Khải đang làm tuần phủ Hưng Yên đi đàn áp nghĩa quân. Khải đã chỉ huy cả quân ngụy và quân Pháp mở cuộc tấn công vào căn cứ Bãi Sậy. Nhưng khi vào đến nơi địch chỉ thấy những cánh đồng lau sậy hoang vu rộng mênh mông với thân sậy cao vút đến 3 mét và một màng lưới giao thông hào hầm hố chằng chịt chạy khắp vùng, chứ không tìm thấy một nghĩa quân nào. Địch như lạc vào một "mê hồn trận" và chúng luôn luôn bị nghĩa quân nấp kín trong giao thông hào, bụi rậm, hầm hố bắn ra, giết chết nhiều tên. Bị thất bại, Hoàng Cao Khải phải rút quân về phủ lỵ Khoái Châu.

Rút kinh nghiệm, một mặt địch tăng cường khủng bố nhân dân để ly gián giữa nghĩa quân với nhân dân; mặt khác chúng đánh phá ác liệt, triệt phá căn cứ Bãi Sậy bằng cách đốt cháy cả vùng.

Vì thế, đến năm 1885, cuộc khởi nghĩa tạm thời bị lắng xuống.
____________________________________
1. Theo Trịnh Như Tấu: Hưng Yên địa chí (Nhà in Ngô Tử Hạ, Hà Nội, năm 1937).


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Mười Hai, 2016, 07:35:22 pm

Câu hỏi 20: Cho biết những bước đầu của quá trình chiến đấu ở giai đoạn thứ hai (1885-1889) cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Thiện Thuật? Nguyễn Thiện Thuật đã xây dựng phong trào, tập hợp nghĩa quân như thế nào và những hành động đối phó của địch?
Trả lời:


Chính trong lúc nghĩa quân Đổng Quế đang thiếu người chỉ huy thì Nguyễn Thiện Thuật trở về nước, hợp lực cùng với một số người thân tín để xây dựng lại phong trào, tiếp tục sự nghiệp của họ Đinh.

Sẵn có uy tín lớn nên Nguyễn Thiện Thuật đã nhanh chóng tranh thủ được nhiều thủ lãnh nghĩa quân ở Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đi theo, kể cả những người đã từng khởi nghĩa chống Pháp từ năm 1883, 1884 như Đốc Khoát, Đốc Tích, v.v... Số thủ lãnh nghĩa quân tăng lên nhiều và bất cứ ở huyện, tổng, xã nào cũng có người chỉ huy nghĩa quân. Họ đều trực tiếp hoặc gián tiếp chịu sự lãnh đạo chung của Nguyễn Thiện Thuật1. Cũng trong giai đoạn này, nhiều thủ lĩnh nghĩa quân xuất sắc đã xuất hiện như Đốc Sung, Đề Tính, Đề Ban, Đội Văn, Hai Kế, Lãnh Điển, Đốc Cập, v.v... Khác với giai đoạn trước, trong những năm này (1885-1889) nhiều trận đánh nhau với địch có hàng trăm nghĩa quân tham gia đã diễn ra ở nhiều nơi. Nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật đã thực sự đóng quân và hoạt động khắp trong ba tỉnh tả ngạn sông Hồng.

Trước tình hình đó, địch tìm cách đối phó lại. Ngày 1 tháng 5 năm 1886, theo lệnh của tướng Jamont, hàng loạt đồn bốt đã được thành lập ở Hưng Yên, Hải Dương, Kẻ Sặt và Bắc Ninh như các đồn Phó Nham, Cao Xá, Phù Cừ, Cửa Luộc, Định Đào, phủ Ninh Giang, Tống Long, chợ Huyền, Ghềnh, Văn Giang, Bình Phú, phủ Khoái Châu, Lực Điền, Bần Yên Nhân, Cẩm Giàng, phủ Thuận Thành, Phú Dương, Hương Gia, phủ Đa Phúc, Hà Châu, v.v... 2. Những đồn này đều do lính Pháp, lính Phi châu và ngụy binh đóng giữ. Pháp còn thường xuyên cho quân tuần tiễu khắp trong vùng và tổ chức nhiều toán quân cơ động để sẵn sàng đi đàn áp bất cứ nơi nào khi chúng phát hiện thấy nghĩa quân. Đồng thời các đạo quân của Négrier, Donnier, Mourlan, Neny, Falcon - Faure (năm 1885), Rouchaud, Fouquet, Bellemare, Bazinet (năm 1886), Pyot (năm 1887), Spitzer, Monguillot, Servière (năm 1888), Blanchard - Hoàng Cao Khải, Picquet - Dumont (năm 1889) luôn truy kích nghĩa quân, càn đi quét lại khắp tả ngạn sông Hồng.

Để phối hợp với Pháp, năm 1887, quyền Kinh lược sứ Bắc Kỳ là Nguyễn Trọng Hợp đã xin Đồng Khánh cho tuần phủ Hưng Yên là Hoàng Cao Khải được thăng chức Tổng đốc và kiêm chức Tiễu phủ sứ mang quân đi đánh nghĩa quân Bãi Sậy3.

Còn bọn quan phủ huyện thì được giao quyền chỉ huy các toán lính lệ, lính cơ và bọn tổng lý cũng được cấp phát súng, cùng với "quân chính phủ" - đánh dẹp "giặc".

Đối với nhân dân và các kỳ hào yêu nước, địch vừa dụ dỗ, mua chuộc vừa đàn áp khủng bố.
____________________________________
1. Theo Journal officiel de l'Indochine Française 2è partie: Annam et Tonkin, số 72 (ngày 9-9-1889) thì cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy "tuân theo một khuynh hướng chính trị và đặt dưới quyền chỉ huy chung của Tán Thuật".
2. Theo báo L' Avenir du Tonkin, tháng 5-1886.
3. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn: Quốc triều chính biên toát yếu, quyển VI, Nhà xuất bản Đắc Lập, Huế, năm 1923.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 15 Tháng Mười Hai, 2016, 07:36:29 pm

Tháng 8 năm 1888, tên Parreau, quyền Tổng sứ Trung - Bắc Kỳ sau khi thảo luận với bọn quan lại cao cấp Pháp và Nam triều đã ra thông tri quyết định cấp phát không phải trả tiền những đất hoang cho bất cứ ai muốn xin để canh tác. Bằng biện pháp trên, Parreau muốn ngăn cản nhân dân ta tham gia nghĩa quân và lôi kéo nghĩa quân mau chóng rời bỏ hàng ngũ chiến đấu trở về quê hương. Hắn cũng kêu gọi nhân dân hãy cộng tác với Pháp trong việc tiêu diệt nghĩa quân để mọi người được "an cư lạc nghiệp". Parreau còn nêu lên những biện pháp mị dân như giảm bớt nạn phu phen, tạp dịch, phù thu lạm bổ; cho nhân dân có quyền khiếu nại về sự lộng hành của bọn tay sai, v.v... Nhưng mặt khác chính hắn lại thi hành một loạt hình phạt khắc nghiệt như phạt tiền, triệt hạ làng xóm, bắt đi đày từ 2 đến 20 năm, v.v... để khủng bố những làng xóm và những cá nhân nào, kể cả các tổng lý, kỳ hào đã ủng hộ nghĩa quân chống Pháp1.

Những thủ đoạn tàn bạo ấy đã được thực hiện đối với một số làng như Châu Cầu, Đào Viên, Long Khám, Văn Trinh, Trúc Ổ, Nghĩa Chi, Phù Lập, v.v... (Bắc Ninh), Văn Xuyên, Quảng Xuyên, Lập Lễ, Mai Động, v.v... (Hải Dương), Ông Đình, Dị Sử, v.v... (Hưng Yên). Dã man hơn, sau thất bại ở trận Liêu Trung, Hoàng Cao Khải đã triệt hạ toàn bộ 28 làng trong vùng để trả thù. Đến tháng 7 năm 1889, khi mang quân ra đánh Đốc Tích, Khải lại thẳng tay đốt phá 50 làng nữa ở vùng Hai Sông và bắt nhân dân ở đây phải tản cư đi nơi khác, nếu ai không tuân lệnh sẽ bị coi như là kẻ "nổi loạn".

Nhưng chưa đủ, nhiều nông dân, nhiều kỳ hào yêu nước còn bị địch bắt giam, tra tấn, giết hại dã man. Tháng 12 năm 1888, khi kéo về làng An Vỹ (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) nhằm bắt Đề Tính nhưng không được, địch đã bắt giam luôn 15 kỳ hào ở làng này. Nhân dân và 60 kỳ hào ở huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) bị tàn sát cũng vì "tội" "là quân ông Tán Thuật". Theo lời thuật lại của nhân dân làng Lôi Cầu (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), thì vào ngày 21 tháng 10 âm lịch, địch về càn quét làng này đã giết đến 221 người. Hiện nay, nhân dân Lôi Cầu vẫn tổ chức "giỗ trận" hàng năm để tưởng nhớ2.

Song, vượt qua những thử thách ác liệt nói trên, nghĩa quân Bãi Sậy vẫn tồn tại và hoạt động ngày một mạnh.
___________________________________
1. Theo báo L' Avenir du Tonkin, tháng 8 và tháng 10-1888.
2. Theo tài liệu dân gian sưu tầm ở Hưng Yên.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Mười Hai, 2016, 08:41:39 am

Câu hỏi 21: Nguyễn Thiện Thuật đã chỉ huy nghĩa quân từ năm 1885 đến năm 1888 như thế nào? Khi Lãnh Giang hy sinh, nghĩa quân Bãi Sậy và Nguyễn Thiện Thuật đã báo thù vào dịp nào, thu được những kết quả gì?
Trả lời:


Năm 1885:

Tháng 9 âm lịch, nghĩa quân kéo về hoạt động ở Hà Nội, bố chánh Cao Xuân Dục phải mang quân đi đánh1.

Cuối năm ấy, địch bắt đầu mở cuộc tấn công lớn vào nghĩa quân Đốc Tích ở căn cứ Trại Sơn. Vùng này có nhiều núi đá, hang đá, lại có 3 con sông bao bọc là sông Kinh Thầy, sông Hán và sông Con nên địa thế rất hiểm trở. Ngày 30 tháng 11, hai đại úy Falcon và Faure được lệnh mang quân đánh vào Trại Sơn. Địch bắn đại bác trước, cho công binh sửa sang đường sá, rồi bộ binh mới dám tiến vào. Để tránh bị phục kích, địch chiếm đóng các dốc đá hiểm trở, đóng quân lại, sau mới tỏa đi đánh nghĩa quân. Trong 12 ngày đêm, 600 nghĩa quân đã chiến đấu hết sức dũng cảm, sau phải rút đi nơi khác. Ngày 11 tháng 12, địch phá được căn cứ Trại Sơn2.

Năm 1886:

Ngày 10 tháng 6, nghĩa quân mang một lực lượng lớn (1.100 người) tấn công vào đồn Đông Triều do đại úy Berbrand chỉ huy, có 160 lính đóng giữ. Trước đó, nghĩa quân đã đánh lừa được địch, dụ chúng đem một toán quân đi đàn áp nơi khác. Cuộc chiến đấu kéo dài trong 4 tiếng đồng hồ. Địch còn tiếp tục truy kích nghĩa quân thêm 3 giờ nữa. Cuối cùng nghĩa quân phải rút.

Vào cuối năm này, nhân một phiên chợ, 50 nghĩa quân giả làm phu khuân vác, mỗi người mang một bó củi đến đồn của Delaforge để "cung cấp" củi cho binh lính dùng trong mùa đông. Nhờ đó "anh em phu" được tên gác cổng cho "ung dung" đi vào đồn. Khi vào tới bên trong, nghĩa quân vứt bó củi xuống, rút gươm giáo đã giấu kín xông vào chém giết bọn lính ở trong đồn, rồi tới kho vũ khí địch cướp súng đạn3.

Năm 1887:

Trong năm này, phong trào bị sút kém.

Ngày 6 tháng 10, 300 nghĩa quân Đội Văn được vũ trang bằng 120 súng đã đánh nhau với 40 tên lính của Aubert4.
____________________________________
1. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn: tài liệu đã dẫn.
2. Theo Hồ Sanh: Việt Nam dưới cờ Cần Vương (xuất bản ở Sài Gòn, năm 1948).
3. Theo Masson: Souvenirs de l’ Annam et du Tonkin: trận này xảy ra ở vùng Bãi Sậy. Theo De Minbel: tài liệu đã dẫn: trận này xảy ra ở đồn Ứng Lôi (hay còn gọi là "poste des Bambous") thuộc huyện Tiên Lữ (Hưng Yên).
4. Theo Daufès: La garde indigène de l' Indochine de sa création à nos jours (tome I) (Le Tonkin), Nhà xuất bản Séguin-Avignon, năm 1933.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Mười Hai, 2016, 08:56:49 am

Năm 1888:

Nghĩa quân Bãi Sậy lại hoạt động mạnh, đánh địch ở khắp nơi và đã có những trận thắng lợi vẻ vang như ở Thủy Động, Quảng Bố, Liêu Trung, v.v...

Chính Parreau cũng phải thú nhận rằng trong năm 1888, tình hình ở Hải Dương và Bắc Ninh luôn luôn bị "rối   loạn", nghĩa quân đã hoạt động mạnh trong hai tỉnh này và các đạo quân đàn áp của địch thì đều bất lực1.

Sau đây là mấy trận chính:

Trong tháng 4, ở Hưng Yên cùng lúc nghĩa quân tấn công cả ba đồn lính cơ là Lực Điền, Thung Linh và Bình Phú. Riêng ở Bình Phú, 20 nghĩa quân mặc giả làm cu ly, giấu kín súng trong người đã vào đồn "làm việc". Địch không một chút ngờ vực. Bất thình lình, một mật hiệu giơ lên, 20 nghĩa quân bèn xông vào tước vũ khí bọn lính đang trông coi "cu ly" làm việc. Có 2 tên lính bị chết. Đồn bị chiếm và đốt cháy. Địch ở Lực Điền và Thung Linh phải đến cứu viện. Nghĩa quân và địch đánh nhau, lại có 3 lính cơ bị chết, 3 tên bị thương và 1 tên bị bắt sống, mất một số súng. Sau trận tấn công này, báo chí Pháp đề nghị phải tăng cường lực lượng lính cơ ở các đồn bốt thì mới có khả năng chống lại nghĩa quân, mỗi đồn phải có khoảng 50 - 60 lính cơ2.

Tiếp theo đó là trận Thủy Động ở vùng Hai Sông.

Ngày 8 tháng 6, 102 lính cơ ở Hải Dương và Quảng Yên đã tấn công nghĩa quân Đốc Tích ở Thủy Động. Hai bên đánh nhau trong 8 giờ liền và nghĩa quân bắn hết 20.000 viên đạn. Đốc Tích tự mình chỉ huy trận đánh. Địch bị thất bại: 4 tên chết, 13 tên bị thương và quân lương bị cạn. Nhưng sợ địch tấn công lần thứ hai, Đốc Tích phải rút về Lục Nam, Đông Triều để hợp lực với nghĩa quân Lưu Kỳ đang đóng ở đây.

Sang tháng 7 có hai trận đáng chú ý:

Ngày 8 tháng 7, 600 nghĩa quân có 300 súng mặc giả làm ngụy binh do ba "sĩ quan Pháp" chỉ huy, xuất phát từ căn cứ Bãi Sậy đã vượt qua sông Hồng tấn công vào một đồn lính ở huyện Thanh Trì (nay là ngoại thành Hà Nội). Chỉ có một số địch dám chống lại, còn phần lớn đều chạy trốn. Nghĩa quân chiếm được kho vũ khí, rồi nhờ đêm tối và sự giúp đỡ của nhân dân địa phương đã rút lui an toàn.

Ngày 23 tháng 7, nghĩa quân lại thắng một trận lớn nữa ở làng Quảng Bố (huyện Lang Tài, Bắc Ninh).

Hôm ấy, 500 nghĩa quân Đội Văn có 200 súng đang tiến về làng Quảng Bố thì gặp một toán quân do trung úy Teyssandier Laubarede chỉ huy gồm có 30 lính khố đỏ và 40 tên lính khố xanh cũng trên đường đi "tìm diệt" nghĩa quân. Hai bên đánh nhau ngay và địch bị thiệt hại nặng. Chính tên Teyssandier Laubarede cũng phải đền tội ác3.

Tháng 11 được đánh dấu bằng trận Liên Trung thắng lợi rất vẻ vang.

Sau khi Lãnh Giang bị hy sinh, nghĩa quân Bãi Sậy cũng như Nguyễn Thiện Thuật hết sức thương xót và luôn tìm dịp báo thù. Dịp đó đã đến.

Ngày 11 tháng 11, tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải và trưởng đồn Mỹ Hào (Hưng Yên), Louis Ney đem 100 lính về gặt lúa của nghĩa quân trồng ở làng Liêu Trung (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Khi được nhân dân địa phương báo tin, Nguyễn Thiện Thuật rất vui mừng, bèn trực tiếp chỉ huy 800 nghĩa quân có 100 súng cải trang là lính tập và thợ gặt tiến về Liêu Trung tấn công địch. Nghĩa quân đã thắng lợi lớn, giết chết 31 tên, trong đó có tên "tây cạp dâm" Louis Ney (một danh từ khinh miệt mà nhân dân Hưng Yên đương thời đặt cho nó) và tên bang tá Nguyễn Xuân Hào, làm bị thương 16 tên khác và lấy được 23 súng các loại; lại suýt bắt sống Hoàng Cao Khải. Sau đó nghĩa quân còn tấn công đồn Mỹ Hào4.

Vào tháng 12, 500 nghĩa quân đã tấn công đồn Voi (Hải Dương) suốt từ 4 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
________________________________________
1. Theo báo L'Avenir du Tonkin, tháng 8 và tháng 10-1888.
2. Theo báo Le Courrier d' Hai Phong, tháng 4-1888.
3. Theo Daufès: sách đã dẫn. Theo Trần Văn Giàu – Chống xâm lăng... quyển thứ ba: Phong trào Cần Vương (Nhà xuất bản Xây dựng, Hà Nội, năm 1957) và Lịch sử cận đại Việt Nam tập II (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, năm 1961); trận đánh xảy ra ở làng Quan Độ (phủ Từ Sơn, Bắc Ninh), chưa được đúng.
4. Theo Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, quyển I (in lần thứ hai, Nhà xuất bản Văn - Sử - Địa, Hà Nội, năm 1957) Chống xâm lăng, Phong trào Cần VươngLịch sử cận đại Việt Nam (tập II), thì trận đánh xảy ra ở làng Sài Trang (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) và "đã tiêu diệt hoàn toàn một toán quân đi tuần của địch". Có sách còn ghi trận đánh xảy ra vào tháng 3, tháng 4-1889, hoặc ghi trong trận này có 300 nghĩa quân tham gia chống với quân của tên Louis Ney, trưởng đồn Dương Hòa (Hưng Yên) và tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải; đều chưa được đúng.
    Qua một số sách báo của Pháp để lại và tài liệu dân gian sưu tầm ở làng Liêu Trung (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) thì trận đánh đã xảy ra ở làng này với những diễn biến chính như đã nêu trên.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:07:04 pm

Câu hỏi 22: Năm 1889 là năm cuối giai đoạn thứ hai của cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Đây là năm có nhiều diễn biến phức tạp trong quá trình chiến đấu. Cho biết diễn biến những trận chính và kết quả của nó?
Trả lời:


Sang năm 1889, hoảng sợ trước những hoạt động mạnh mẽ của nghĩa quân Bãi Sậy, đầu tháng 2 năm ấy, thống sứ Bắc Kỳ phải ra lệnh thành lập "đạo quân bình định" giao cho tổng đốc Hải Dương Hoàng Cao Khải và hai giám binh Blanchard, Laune chỉ huy. Dưới quyền ba tên này lại có 14 viên quản người Pháp với 600 lính khố xanh và 800 lính lệ. Về nhiệm vụ của "đạo quân bình định” thì thông sứ Bắc Kỳ đã nêu rõ trong bức thư gửi cho toàn quyền Đông Dương như sau: "Hắn (chỉ Hoàng Cao Khải) được đứng đầu một đội quân do tự hắn tuyển mộ và được sự giúp đỡ của lính khố xanh để đi càn quét những tỉnh rối loạn, một mặt tập hợp dân chúng lại, mặt khác ra sức khủng bố và truy kích không ngừng những toán nghĩa quân để tiêu diệt hoặc bắt đầu hàng; sau đó thu thuế ở những nơi chưa thu được"1.

Kể từ ngày 8 tháng 2 năm 1889 đến khoảng tháng 9 năm 1889, sau khi đàn áp xong nghĩa quân Đốc Tích, đạo quân này đã đi khắp trong ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên. Vì thế, cũng trong năm này, ta và địch đánh nhau rất nhiều trận lớn nhỏ suốt từ Bắc Ninh, Hưng Yên cho tới vùng Hai Sông.

Vào tháng 2, có hai trận chính như sau:

300 nghĩa quân đã bao vây tấn công đội quân Filippi khi bọn này trở về đồn Ghềnh. Hai viên quản Aubert và Sorle phải cứu viện.

Đến ngày 16 tháng 2, trung úy Le Corre chỉ huy 225 tên lính đến bao vây nghĩa quân ở làng Liêu Trung (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Không rõ số lượng nghĩa quân là bao nhiêu và trận đánh diễn ra ác liệt như thế nào, nhưng địch buộc phải cho Aubert, Sorle, Perraudin và Vincillioni mang thêm lính đến tiếp ứng.

Trong tháng 3 lại xảy ra hàng chục trận đánh nhau ở Mẫn Xá, Quan Đình, Quan Độ (phủ Từ Sơn, Bắc Ninh), Hoàng Trạch (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), Phổ Lộng, Đan Tảo (phủ Đa Phúc, Phúc Yên), v.v... Nhưng đáng kể nhất là trận tấn công của 300 nghĩa quân Đội Quý vào 30 tên lính của Soler đang tuần tiễu vùng Bãi Sậy; trận đánh ở Hoàng Trạch với 700 nghĩa quân tham gia và trận tấn công của 300 nghĩa quân vào chùa Phương Lâm.

Đến tháng 4 có 4 trận chính ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) (ngày 3-4), ở đồn Bình Phú (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) (ngày 6-4), ở làng Mễ Đao (phủ Thuận Thành, Bắc Ninh) (ngày 23-4) và ở Thung Quan (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) (ngày 25-4).
___________________________________
1. Theo Báo cáo chính trị số 2, ngày 27-3-1889 của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương, bản viết tay.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:09:39 pm

Song đáng chú ý là hai trận ở Bình Phú và ở Thung Quan.

Ngày 6 tháng 4, nhân tên Soler, trưởng đồn Bình Phú đi vắng, giao quyền chỉ huy cho tên cai ngụy binh, 50 nghĩa quân đã cải trang làm phụ nữ mang rau khoai đến chợ bán, gần sát đồn. Một người trong bọn lại giả vờ trò chuyện với tên lính gác rồi bất thình lình cướp súng của hắn. Lập tức những người khác nhanh chóng xông vào chiếm đồn và cướp được 12 khẩu súng. Địch ở các đồn lân cận phải đến giải vây cho đồn Bình Phú, lúc đó nghĩa quân mới chịu rút lui.

Tiếp theo ngày 25 tháng 4, vào khoảng 9 giờ tối, 300 nghĩa quân có vũ trang đầy đủ lại tấn công làng Thung Quan, cách một đồn địch đóng ở phủ lỵ Khoái Châu (Hưng Yên) chừng 600 mét. Trong khi đó một số nghĩa quân khác mai phục ở cách đồn 100 mét và bắn vào trong đồn, ngăn cản địch không cứu viện được cho Thung Quan.

Sang tháng 7, xảy ra mấy trận nhỏ ở Thanh Trì, Hải Dương và Hoàng Vân.

Đêm 7 rạng ngày 8 tháng 7, từ căn cứ Bãi Sậy, lần thứ hai nghĩa quân lại đánh chiếm một đồn lính ở huyện Thanh Trì (nay là ngoại thành Hà Nội).

Ngày 23 tháng 7, 300 nghĩa quân Hai Kế tiến sát đến tỉnh lỵ Hải Dương, định tấn công nhưng không thành vì địch được tin báo trước đã chuẩn bị đón đánh.

Nhưng một ngày sau ngày 24 tháng 7, nghĩa quân Đốc Sung lại thắng địch trong trận Hoàng Vân (huyện Khoái Châu, Hưng Yên)1, giết được viên quản Escot. Sau đó quân của Samaran, Sorle và Aubert phải đến cứu viện.

Cũng trong tháng 7, ngày 14, "đạo quân bình định" bắt đầu bao vây và tấn công nghĩa quân Đốc Tích bằng bốn mặt:

- Đạo quân thứ nhất của Tán lý Cao Xuân Dục đóng đồn ở xã Mai Động, chặn một đường ra vào của nghĩa quân.

- Đạo quân thứ hai của Tán lý Đào Trọng Kỳ đóng đồn ở xã Quỳ Khê chặn đường sau lưng của nghĩa quân, ngăn lối Đốc Tích rút vào rừng núi Đông Triều.

- Đạo quân thứ ba của Tán tương Nguyễn Hữu Vịnh đóng đồn ở xã Dương Động, chặn đường cửa sông.

- Đạo quân thứ tư của Hoàng Cao Khải đóng phía trước mặt của nghĩa quân.

Ngoài ra, địch còn sử dụng 10 pháo hạm để trợ chiến nữa2.
_____________________________________
1. Pigolowski: sách đã dẫn và theo tài liệu dân gian sưu tầm ở Hưng Yên. Theo Lịch sử tám mươi năm chống Pháp quyển I thì trận Hoàng Vân xảy ra ở tỉnh Bắc Giang và do Đốc Súng chỉ huy, chưa đúng.
2. Theo Lịch sử cận đại Việt Nam, tập II. Dẫn theo báo cáo của Trần Lưu Huệ, tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, quyển Kinh lược sứ Bắc Kỳ, gửi thống sứ Bắc Kỳ về việc bắt Đốc Tích.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:11:33 pm

Suốt trong một tháng, địch liên tiếp tấn công nghĩa quân bằng những đợt xung phong hoặc những loạt đạn đại bác bắn dữ dội vào căn cứ. Nhưng dựa vào địa thế hiểm trở, lại có những núi đá, hang đá che chở nên nghĩa quân đã đánh bật được địch ra ngoài. Ngày 26 tháng 7, ở hang Hoàng Tranh, 500 nghĩa quân có vũ trang đầy đủ đánh thắng địch, làm hai tên chết, viên quản Dominic và 7 tên khác bị thương. Đến đêm ngày 2 tháng 8, lợi dụng đêm tối, 200 nghĩa quân lại bất thình lình tấn công một đồn địch khi bọn lính đang ngủ say. Cuộc chiến đấu kéo dài trong một tiếng rưỡi đồng hồ, rồi Đốc Tích nổi hiệu kèn thu quân. Trong trận này, giám binh Laune chỉ huy cuộc "bình định" Hai Sông bị thương nặng phải đưa về Hải Phòng và giao quyền chỉ huy lại cho Vincillioni. Ngoài ra, còn có 6 tên lính bị chết, 3 tên bị thương nặng và 11 tên nữa bị thương nhẹ, một số súng bị gãy vì trúng đạn của nghĩa quân.

Sau đó địch phải chuyển sang hình thức vừa tấn công vừa dụ hàng Đốc Tích. Cuối cùng ngày 12 tháng 8, Đốc Tích và Đốc Lan (tức Nguyễn Hữu Lan) phải mang 200 nghĩa quân với 120 súng trường, 15 súng lục và hơn 300 viên đạn ra hàng1.

Còn một số thủ lĩnh khác như Đề Hải, Đề Quý, Đốc Bẩm, Quản Bảo đã mang nghĩa quân rút về Đông Triều (Hải Dương) tiếp tục đánh Pháp.

Tuy phá được nghĩa quân Đốc Tích, song địch cũng bị thiệt hại khá lớn; tiêu tốn từ 6.000 đến 7.000 đồng, viên quản bị chết và 100 tên lính chết và bị thương.

Sau khi cánh quân Đốc Tích bị tan rã, địch lại chuyển sang tiêu diệt nốt nghĩa quân Đội Văn.
___________________________________
1. Đốc Tích tên thật là Nguyễn Tất Thắng, còn có tên là Nguyễn Ngọc Tích hoặc Nguyễn Đức Thiệu, người làng Yên Lưu thượng (phủ Kinh Môn, Hải Dương). Từ năm 1882, ông đã bắt đầu khởi nghĩa chống Pháp ở vùng Hai Sông. Có lần ông lại cùng với Nguyễn Thiện Thuật diệt trừ những bọn giặc cướp ở phủ Kiến Thụy (Hải Phòng) và huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) nên được triều đình nhà Nguyễn phong chức Hiệp quản tinh binh suất đội rồi Cấm binh suất đội, Đốc binh. Khi Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần Vương, Tích lại tham gia phong trào Bãi Sậy và đến tháng 10 âm lịch năm 1886, nhà vua phong chức cho ông là Chưởng vệ, Lãnh đề đốc quân vụ tỉnh Hải Dương; nhân dân vẫn gọi ông là Đốc Tích. Ông chuyên hoạt động ở vùng Hai Sông. Đốc Tích đã tiến hành thu thuế của nhân dân trong vùng để nuôi nghĩa quân và tích trữ được rất nhiều vũ khí, quân nhu trong các hang đá. Nhờ đó, Tích đã đánh nhau được với Pháp trong nhiều năm và sau này khi chiếm được căn cứ Hai Sông, Pháp vẫn còn tìm thấy một số lớn lương thực, vũ khí của Tích trong các hang đá. Trải qua 7, 8 năm chống Pháp quyết liệt, đến năm 1889, khi thấy phong trào Bãi Sậy bắt đầu thoái trào và lực lượng nghĩa quân Tích cũng giảm sút nhiều, Đốc Tích và Đốc Lan phải ra hàng. Nhưng lúc ấy nói chung phong trào chống Pháp ở Trung, Bắc Kỳ vẫn tồn tại nên Pháp rất sợ nếu để Đốc Tích ở lại trong nước thì nghĩa quân sẽ lợi dụng danh nghĩa của ông để tuyên truyền tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp trong nhân dân, đặng phát triển những cuộc khởi nghĩa Cần Vương ở khắp nơi. Mặt khác, Pháp lại sợ Đốc Tích có thể trốn thoát khỏi nhà tù của chúng, quay trở lại kháng Pháp. Vì hai lý do trên, tháng 1-1890, Pháp phải đẩy Đốc Tích và gia đình ông sang Algéri. Sau ông chết ở đây.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:13:44 pm

Ngày 14 tháng 3 năm 1889, do sự trung gian của một cố đạo Tây Ban Nha ở Bắc Ninh, Đội Văn và 273 nghĩa quân của ông đã mang theo 113 súng trường, 16 súng lục và một số gươm giáo ra hàng Pháp. Địch rất mừng và cho rằng đã bình định xong phong trào Bãi Sậy ở tỉnh Bắc Ninh vì cuộc khởi nghĩa Đội Văn là một cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở tỉnh này. Hơn nữa, chúng còn dự đoán là Nguyễn Thiện Thuật sẽ theo gương Đội Văn ra hàng. Vì thế, địch càng hết sức mua chuộc Đội Văn hòng biến ông thành tay sai đắc lực của chúng trong việc đàn áp phong trào Bãi Sậy như chúng đã từng lôi kéo được các đề đốc Nguyễn Văn Quan, Phạm Văn Khoát, v.v... trước đây. Nhưng địch đã lầm to. Vốn là một thủ lĩnh có tài trí, mưu lược hơn ngươi nên Đội Văn chỉ tạm thời trá hàng Pháp nhằm mục đích để học tập phương pháp tổ chức quân đội và chiến thuật của Pháp đặng đánh thắng địch, rồi khi có điều kiện thuận lợi, Văn sẽ sẵn sàng quay lại đánh Pháp ngay, vả lại ông vẫn thề "không chịu sống đội trời chung với bọn quỷ Tây dương"1.

Sau 6 tháng tạm thời trá hàng địch, ngày 17 tháng 9 năm 1889, lợi dụng lúc chúng sơ hở, Đội Văn cùng với 200 nghĩa quân đã mang theo 40 súng chạy lên vùng Yên Thế gia nhập nghĩa quân Đề Nắm (Lương Văn Nắm) để đánh Pháp. Cùng lúc ấy, các ông Lãnh Giám, Lãnh Giới, Xuất Ly, Lãnh Thiết và Lãnh Bôi cũng chạy lên Yên Thế hợp tác với Đội Văn. Lực lượng nghĩa quân của Văn, Giám Giới, v.v... lên đến 400 người.

Lúc này Đội Văn lại hoạt động mạnh trong một vùng rộng lớn giữa Phủ Lạng Thương, Bắc Ninh và Tỉnh Đạo. Địch phải thừa nhận rằng: "Cách đây 2 tháng (chỉ thời gian trước khi Đội Văn trở lại đánh Pháp) người ta có thể ung dung đi lại trên con đường Hà Nội - Lạng Sơn, nhưng ngày nay thì người ta đã phải "vũ trang đến tận răng" thế mà cũng phải là người táo bạo lắm mới chỉ dám đi từ Đáp Cầu đến Phủ Lạng Thương".

Trong tháng 9 và tháng 10, nghĩa quân Đội Văn đã giao chiến với địch ở chùa Lang Tài, huyện Yên Dũng, v.v...

Ngày 18 tháng 9, trong khi trung úy Meyer và 51 lính đang đóng ở chùa Lang Lai bên hữu ngạn sông Thương thì hồi 1 giờ 30 chiều, 400 nghĩa quân Đội Văn mặc giả làm lính khố đỏ đã tiến đến cách chùa 100 mét, nổ súng bắn vào bọn địch ở trong chùa. Sau đó nghĩa quân lại chiếm hai cao điểm gần đấy để tiếp tục bắn vào chùa trong khoảng 2 giờ nữa, buộc địch phải cố thủ ở đây. Rồi nghĩa quân chia thành ba nhóm tiến về phía chùa và lợi dụng những mô đất ruộng để tránh hỏa lực của địch. Cuộc chiến đấu kéo dài đến nửa đêm, viên đội Gaudin phải mở một đường máu thoát ra ngoài. Sáng hôm sau thì Meyer cũng đem tàn quân về Phủ Lạng Thương2.

Tiếp theo đó, ngày 22 và 23 tháng 10, trên đường đi về huyện Yên Dũng (Bắc Giang), 100 nghĩa quân Đội Văn lại đánh nhau với địch ở đây. Thấy địch không ngừng truy kích khắp nơi, Đội Văn vội phái 14 thủ lĩnh dưới quyền ông trở về đồng bằng để xây dựng lại lực lượng nghĩa quân làm cơ sở phát động một phong trào khởi nghĩa mới. Nhưng đáng tiếc, họ đều bị địch bắt, còn Đội Văn cũng bị trọng thương trong chiến đấu và lại bị ốm nặng ở Hữu Thượng (huyện Yên Thế, Bắc Giang). Lực lượng nghĩa quân thì ngày một suy yếu, nhiều người đã ra hàng. Trước tình hình đó, Đội Văn định rút về đồng bằng chờ đợi thời cơ khác.
___________________________________
1. Theo bản dịch chữ Pháp bức thư của Đội Văn gửi nhân dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
2. Theo Chabrol: Opérations militaires au Tonkin (xuất bản ở Paris, năm 1896) và Quence: Les provinces du Tonkin: "Bắc Giang” (Revue Indochinoise, tome I no8-1994).


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:16:18 pm

Để ngăn cản nghĩa quân Đội Văn, tháng 10 năm 1889, Hoàng Cao Khải bèn chia lực lượng "đạo quân bình định" thành 2 cánh quân: một cánh do giám binh Chiappini chỉ huy hợp lực với quân của Piequet - Dumont gồm có 650 người và 100 ngựa; cánh thứ hai do giám binh Vincillionni chỉ huy; truy kích khắp vùng thượng, hạ Yên Thế và Bắc Ninh. Đến lúc thế cùng sức kiệt, ngày 31 tháng 10 năm 1889, Đội Văn bị bắt ở Bắc Ninh và bảy ngày sau, hồi 5 giờ chiểu ngày 7 tháng 11 năm 1889 ông bị địch xử chém trên một bãi đất trống ở Hà Nội (nay là vườn hoa Chí Linh)1.

Đội Văn đã chết với một thái độ hết sức dũng cảm: Ông hiên ngang mỉm cười trước lưỡi đao kẻ thù2.

Thế là sau hàng loạt trận đánh kể trên giữa ta và địch trong năm 1889, lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy bắt đầu bị suy giảm, một số thủ lĩnh nghĩa quân bị bắt hoặc ra hàng, vũ khí cũng bị tịch thu.

Nhìn chung lại, trong 5 năm khởi nghĩa, nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật đã xây dựng được một địa bàn hoạt động khá rộng lớn ở hầu khắp ba tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ và có một ảnh hưởng chính trị trong quần chúng nhân dân, khiến thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn rất lo sợ.

Nghĩa quân lại chủ động đánh địch ở khắp nơi, trong các làng xóm, đồn bốt, các phủ huyện, tỉnh lỵ, trên các con đường giao thông chính, các đường đi tuần tiễu của địch. Có thể nói, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy do Nguyễn Thiện Thuật trực tiếp lãnh đạo (1885-1889) là đỉnh cao nhất trong cả ba giai đoạn của cuộc khởi nghĩa ấy. Nếu xét về quy mô khởi nghĩa, địa bàn hoạt động và lực lượng nghĩa quân thì nó cũng trở thành một cuộc khởi nghĩa lớn nhất ở đồng bằng Bắc Kỳ trong nửa cuối thế kỷ XIX.

Mặc dù đến cuối năm 1889, cuộc khởi nghĩa có tạm thời thoái trào, nhưng quần chúng vẫn không chịu khuất phục địch, một lòng hướng theo ngọn cờ Cần Vương của nghĩa quân Bãi Sậy, tiếp tục đứng lên chống Pháp. Mặt khác, thì các thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy như Hai Kế, Đốc Cập, Đề Tính, Lãnh Điển, Đề Ban, v.v... còn duy trì được một phần lực lượng đáng kể của họ và vẫn hoạt động đánh địch. Nhờ đó, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lại chuyển sang được giai đoạn thứ ba.
_____________________________________
1. Căn cứ theo tài liệu của Pháp thì trong phong trào Bãi Sậy ở Bắc Ninh có hai thủ lĩnh nghĩa quân là Tuần Văn (hoặc Tuần Vân) và Đội Văn (hoặc Đội Vang). Sau khi Tuần Văn chết, nghĩa quân ông bị tan rã, nhưng có một bộ phận đã gia nhập nghĩa quân Đội Văn, tiếp tục kháng Pháp. Đội Văn tên thật là Vương Văn Vang, trong các bản thông cáo của ông gửi nhân dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang) và tháng 10-1889, ông cũng thường tự xưng là Đề đốc họ Vương. Chức Đề đốc của ông là do Tán Thuật phong.
    Lực lượng nghĩa quân Văn có tới 300 người được vũ trang bằng 150 súng mà phần lớn là loại súng trường kiểu năm 1874 của địch. Nghĩa quân đều là những người rất khỏe mạnh, can đảm và có kỷ luật. Đội Văn đã khởi nghĩa chống Pháp từ năm 1887 trên một địa bàn bao gồm 6 phủ huyện Tiên Du, Quế Hương, Gia Bình, Lang Tài, phủ Thuận Thành và Siêu Loại, có 275 làng. Trong một bài vè sưu tầm được ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) (trước kia Văn Giang thuộc tỉnh Bắc Ninh) cũng có một đoạn nói đến tên hai ông "Tuần" Vân và Vang; có lẽ ám chỉ vào Tuần Vân và Đội Văn.
    "Trên trời có hai sao dài,
    Ở dưới hạ giới có hai ông "Tuần".
    Vân, Vang lừng lẫy xa gần,
    Đánh Tây để cứu thần dân khỏi hàn".
2. Theo Albert de Pouvourville: Chasseur de pirates (Les livres de la Brousse) (xuất bản ở Paris, năm 1928).


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 16 Tháng Mười Hai, 2016, 10:17:09 pm

Câu hỏi 23: Cho biết những bước đầu của quá trình chiến đấu ở giai đoạn thứ ba (1890-1892), Nguyễn Thiện Kế đã xây dựng phong trào, tập hợp nghĩa quân như thế nào trước sự thi hành ráo riết những biện pháp đàn áp, khủng bố dã man của địch?
Trả lời:


Trong giai đoạn cuối cùng này, trừ những thủ lĩnh nghĩa quân đã bị bắt, ra hàng hoặc tử trận; số còn lại đều tập trung lực lượng xung quanh người lãnh tụ mới là Nguyễn Thiện Kế.

Theo De Miribel, lúc ấy ở Hưng Yên chỉ còn lại bảy thủ lĩnh chính là các ông Đốc Sung (làng Dịch Trì, huyện Yên Mỹ), Đề Ban (làng Bối Khê, huyện Ân Thi), Đề Tính (làng An Vỹ, huyện Khoái Châu), Đốc Cập (làng An Xá, huyện Kim Động), Lãnh Điển (làng Phù Sa, huyện Khoái Châu), Tuần Vân (làng Như Quỳnh, huyện Văn Lâm) và Đề Mỹ (làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang) với hơn 600 khẩu súng.

Nhưng thực ra lực lượng nghĩa quân còn lớn hơn nhiều và cũng chỉ cần căn cứ theo tài liệu Pháp, chúng ta sẽ thấy Đốc Sung có từ 200 đến 300 nghĩa quân với hàng trăm súng, hoặc trong trận Quang Xá, Chaigneau phải đánh nhau với nghĩa quân Đề Ban có 150 súng, trong trận Đồng Ngư, hàng 500 lính đã được huy động để đánh Đốc Sung và Lãnh Mỹ, ở đồn Kẻ Sặt, có tới 300 nghĩa quân kéo đến tấn công, v.v... Một vài sự kiện trên cũng gián tiếp cho chúng ta thấy quần chúng nông dân vẫn một lòng một dạ tin theo, ủng hộ, tham gia cuộc khởi nghĩa. Nhờ thế, lực lượng nghĩa quân mới đông đảo như vậy.

Theo các báo cáo chính trị của thông sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương thì lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy vẫn được tổ chức, trang bị vũ khí tốt và ngày càng lớn mạnh.

Cũng như giai đoạn khởi nghĩa trước, nghĩa quân vẫn chia thành những toán nhỏ và lấy Bãi Sậy làm căn cứ địa chính để tỏa ra hoạt động đánh địch ở khắp tỉnh Hưng Yên và trong một số phủ huyện ở Bắc Ninh và Hải Dương. Đến đầu năm 1891, nghĩa quân còn tấn công cả Hà Nội.

Các con đường giao thông chính như Hà Nội - Hải Dương - Hải Phòng và Hà Nội - Hưng Yên - Thái Bình đều bị uy hiếp. Nghĩa quân cũng luôn tấn công các đồn bốt và phục kích các toán quân địch đi tuần tiễu.

Để kịp thời đối phó với phong trào, ngay từ tháng 2 năm 1890, Pháp lại vội vàng thành lập đạo Bãi Sậy bao gồm các phủ huyện Mỹ Hào, Văn Lâm và Yên Mỹ với trung tâm của đạo là Bần Yên Nhân, nhằm đặt cả vùng này dưới chế độ quân sự để có thể đàn áp nghĩa quân Bãi Sậy có kết quả hơn.

Đạo do Muselier phụ trách và dưới quyền hắn có hai "chánh phó quản đạo", về quân sự, đạo có 380 tên lính và 8 viên quản, tất cả do một giám binh chỉ huy. Nhưng chưa đủ, Muselier còn thành lập thêm những đồn bốt nhỏ ở những vùng giáp giới của ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên nữa; mỗi đồn có 50 lính đóng giữ. Hắn cũng tổ chức những đội quân cơ động tuần tiễu trong vùng. Còn bọn quan phủ huyện thì được quyền chỉ huy những đội lính cơ giúp Pháp đàn áp nghĩa quân, khủng bố nhân dân. Đặc biệt là "đạo quân bình định" vừa mới được giải tán cách đấy không lâu, thì nay Pháp lại phải tổ chức một đạo quân mới tên là "đạo quân trị an" gồm có 1.000 lính khố xanh và 500 lính cơ do Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải và Muselier chỉ huy để tiêu diệt phong trào. Ngoài ra đi theo "giúp việc" cho Khải còn có một số viên quan lại Việt và một "tòa án quân sự thường trực" để xét xử những "vụ án phiến loạn".

Nhưng mặc dù địch đã thi hành ráo riết những biện pháp đàn áp, khủng bố dã man nói trên, trong ba năm 1890-1892, phong trào Bãi Sậy vẫn tồn tại và nhất là trong hai năm đầu, có nhiều trận đánh đã xảy ra.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:41:44 am

Câu hỏi 24: Cho biết quá trình chiến đấu diễn ra trong năm 1890 - năm đầu tiên của giai đoạn thứ ba cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Thiện Kế lãnh đạo?
Trả lời:


Vào tháng 1, đồn Kẻ Sặt (Hải Dương) do giám binh Bellissen, phó quản Tích và 60 lính đóng giữ bị nghĩa quân tấn công.

Đêm hôm ấy, nghĩa quân cải trang làm lính địch do một "sĩ quan Pháp” chỉ huy kéo đến đồn. Tên gác cổng ngăn lại, lập tức hắn bị bắn gãy tay, rồi nghĩa quân xông luôn vào đồn, giao chiến. Sau đó, ta và địch tạm ngừng đánh, nghĩa quân rút ra khỏi đồn. Nhưng chỉ hai giờ sau, 300 nghĩa quân lại tấn công vào đồn lần thứ hai. Cho đến 4 giờ sáng, nghĩa quân mới rút.

Sang tháng 2, có một trận lớn ở Đồng Ngư. Ngày 20 tháng 2, khi được tin Đốc Sung và Lãnh Mỹ đang đóng ở làng Đồng Ngư (phủ Thuận Thành, Bắc Ninh), địch vội huy động lực lượng ở các đồn xung quanh mang theo hơn 140 khẩu súng đến bao vây nghĩa quân. Nhưng chúng bị thất bại; hai viên quản Pháp là Leglée bị chết và Aubert thì trọng thương. Sau đó chúng phải tăng viện thêm 500 quân nữa tới Đồng Ngư, nhưng Sung và Mỹ đã rút đi nơi khác1.

Đến ngày 17 tháng 3 địch lại bao vây nghĩa quân Đốc Sung ở một làng thuộc phía nam tỉnh Bắc Ninh và trong trận này Sung bị viên trưởng đồn Miliner giết chết2.

Tiếp theo đó, trong tháng 5 có hai trận như sau: Vào ngày 24 tháng 5, 300 nghĩa quân Đề Ban có 150 súng đã giao chiến với một toán quân Chaigneau ở làng Quang Xá (huyện Phù Cừ, Hưng Yên). Nghĩa quân đều mặc quân phục của lính khố đỏ và lính khố xanh3.

Rồi ngày 27 tháng 5, nghĩa quân ở Hà Nội xuống phối hợp với nghĩa quân Lãnh Điển đã phục kích quân của Aubert ở hai làng Phù Sa và Ninh Võ (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), Aubert phải bỏ chạy, để lại 1 tên chết, 2 tên bị thương nặng và 1 tên bị bắt sống.

Đến ngày 2 tháng 9, một lần nữa nghĩa quân ở Hải Dương và nghĩa quân Lãnh Điển lại phối hợp với nhau định tấn công tỉnh lỵ Hải Dương. Nhưng tên công sứ Pháp biết tin trước đã sai Chaigneau mang 70 lính đi đánh nghĩa quân. Hai bên gặp nhau và giao chiến quyết liệt từ 3 giờ đến 6 giờ chiều ở làng Yên Lưu (huyện Kinh Môn, Hải Dương). Địch có 2 tên chết và 2 tên bị thương.
______________________________________
1. Theo "Lịch sử tám mươi năm chống Pháp”, quyển I.
2. Ông tên thật là Nguyễn Văn Sung hoặc Nguyễn Đức Sung, sinh trưởng trong một gia đình nghèo ở làng Dịch Trì (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Ông tham gia phong trào Bãi Sậy và được phong chức Đề đốc nên nhân dân vẫn gọi ông là Đốc Sung hoặc Đề Sung. Theo tài liệu của Pháp và tài liệu dân gian ở Hưng Yên thì Đốc Sung là một trong những tỳ tướng giỏi của Tuần Văn, một thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy hoạt động ở Bắc Ninh. Sau Sung đem nghĩa quân về đánh Pháp ở Hưng Yên (Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu) và ở một số phủ huyện thuộc tỉnh Hải Dương (Bình Giang, Cẩm Giàng). Sau khi Đốc Tích ra hàng (12-8-1889), ông vẫn còn 200, 300 nghĩa quân với hàng trăm súng và tiếp tục chống Pháp ở một số huyện giáp giới giữa ba tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên. Ông bị địch giết trong một trận bao vây và khi khám trong người ông, chúng còn tìm thấy đồng kim tiền của triều đình mà Tôn Thất Thuyết thường giao cho các lãnh tụ nghĩa quân ở Bắc Kỳ. Địch chém đầu ông gửi lên Hà Nội để xác minh và sau đó mang về bêu ở Bần Yên Nhân (Hưng Yên).
    Theo lời thuật lại của các phụ lão và gia đình Đốc Sung ở làng Dịch Trì (quê hương Sung) thì trong một cuộc bao vây làng này vào một buổi sáng sớm có sương mù, do tên phản bội Lãnh Vắn - một thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy, sau trận tấn công của địch ở Mễ Đao (phủ Thuận Thành, Bắc Ninh) (ngày 23-4-1889) đã ra hàng và quay lại chống phong trào - chỉ điểm, Đốc Sung bị địch bắn bị thương. Biết không thể sống được và cũng không muốn lọt vào tay Pháp, Sung dùng súng lục tự sát. Sau địch tìm thấy xác ông đem chém, bêu đầu ở Bần Yên Nhân. Nay gia đình giỗ Sung vào ngày 27-2 âm lịch (tức là ngày 17-3-1890).
3. Theo các sách Hưng Yên địa chí, La Garde indigne de sa création à nos jours (tome I) Histoire de la garde indigène de l'Annam et du Tonkin (tome I), Nomenclature des communes du Tonkin (Ngô Vi Liễn), xuất bản ở Hà Nội, năm 1928, v.v...
    Theo Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, quyển I thì nghĩa quân Đề Ban đã đánh nhau với địch ở làng Quang Xá (Hưng Yên) và trận này cũng nằm trong thời kỳ 1885-1889. Như vậy chưa được đúng.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:42:10 am

Trong ba tháng cuối năm, đáng chú ý nhất là trận Lamát (hai lần xảy ra) và trận đánh ở Gia Lâm (ngày 26-10-1890).

Trận LaMát lần thứ nhất.

Ngày 18 tháng 10, Montillon và phó quản Tích mang quân ở đồn Kẻ Sặt cùng với quân của Breton và Peti Jean đóng ở các đồn lân cận, mở một cuộc tấn công lớn vào vùng Kẻ Sặt. Suốt từ 5 giờ sáng đến 6 giờ chiều ngày hôm đó, nghĩa quân phải chống cự với địch rất dữ dội ở làng Lamát (huyện Ân Thi, Hưng Yên). Đến chiều, thấy quân lương đã cạn, Montillon phải vừa đánh vừa tìm cách rút lui về đồn Kẻ Sặt. Nhưng khi địch vừa tới bến đò Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) thì bị nghĩa quân từ trong một ngôi chùa ở gần đấy đánh lại. Sau một hồi giao chiến, địch chiếm được chùa, nghĩa quân đành phải rút ra ngoài, tổ chức bao vây. Lần này địch lại bị nguy khốn. Song lúc đó có một tên giáo dân phản động đi báo tin cho Garcia là cha cố người Tây Ban Nha ở Kẻ Sặt biết nên Garcia vội thông báo ngay cho Genella ở đạo Bãi Sậy. Lập tức, Genella đem 100 súng đến giải vây cho Montillon. Địch được thoát chết, nhưng Montillon cũng bị thương nặng.

Trận LaMát lần thứ hai.

Gần 2 tháng sau, ngày 8 tháng 12, để báo thù, giám binh Soubran và hai viên quản Chaigneau, Breton đem theo một lực lượng lớn lại tấn công vào vùng Kẻ Sặt. Hai bên lại đánh nhau ở Lamát. Nghĩa quân bị chết một số người và mất 8 khẩu súng; còn địch bị thương 9 tên.

Trận đánh huyện Gia Lâm.

Vào khoảng 9 giờ tối ngày 26 tháng 10, một lực lượng nghĩa quân 150 người có 40 - 50 súng đã bất ngờ tập kích một đồn địch ở huyện Gia Lâm, ngay sát cạnh Hà Nội. Đồn này do 25 tên lính Pháp và khố đỏ đóng. Địch phải cho quân ở Hà Nội đến tiếp viện cho bọn lính ở Gia Lâm.

Trong trận này, địch bị 1 tên chết và 1 tên bị thương. Về phía ta, có 4 nghĩa quân bị thương.

Sau đó, nghĩa quân đã rút lui.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:43:45 am

Câu hỏi 25: Cho biết quá trình chiến đấu diễn ra trong năm 1891 - năm thứ hai của giai đoạn thứ ba cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Thiện Kế lãnh đạo?
Trả lời:


Trong năm 1891, theo nhận định của địch, thì lực lượng nghĩa quân Bãi Sậy khá đông đảo và được vũ trang tương đối tốt.

Trong tháng 3, nghĩa quân Lãnh Điển đã vượt sông Hồng, tấn công một đồn lính ở huyện Phú Xuyên (Hà Đông).

Đêm 4 tháng 3, nhờ có nội ứng trước, một toán nhỏ nghĩa quân sau khi lọt vào được một đồn địch ở phủ lỵ Khoái Châu (Hưng Yên) đã giết chết 1 tên lính, làm bị thương 4 tên khác và lấy được 12 khẩu súng cùng 50 bao đạn. Sự việc trên diễn ra rất nhanh chóng và bí mật đến nỗi bọn lính đóng ở một đồn cách đấy chừng 250 mét vẫn không biết một chút gì. Trong khi đó, đại bộ phận nghĩa quân này trong làng An Vỹ (sát bên cạnh phủ lỵ Khoái Châu) đợi cho toán nghĩa quân ở trong đồn rút ra xong mới bắn hàng loạt đạn yểm hộ để ngăn cản địch truy kích. Nghe tiếng súng nổ, địch ở đồn bên cạnh mới biết, nhưng sợ đêm tối, chúng cũng không dám đuổi theo. Sau trận này, sợ bị khiển trách, viên trưởng đồn phải tự sát, còn viên tuần phủ Hưng Yên và viên tri phủ Khoái Châu thì bị bắt giải về Hà Nội để xét hỏi về tội "có liên quan" tới cuộc tập kích nói trên.

Đến 9 tháng 4, trên đường đi đến làng Đào Xá (huyện Ân Thi, Hưng Yên), giám binh Porto Carrero, phó quản Chung và 60 lính khố xanh bất ngờ gặp nghĩa quân đang đóng ở đây. Ngay từ những loạt đạn đầu, Porto Carrero và Chung đã tử trận. Hoảng sợ, viên quản Pointis lên thay Carrero, phải vừa đánh vừa lui, nhưng chúng cũng bị thiệt hại thêm: có 2 tên chết và 2 tên bị thương1.

Sang tháng 5, chỉ có hai sự kiện lớn là nghĩa quân Đốc Tích hoạt động trở lại ở vùng Hai Sông và Đốc Cập bị chết.
____________________________________
1. Theo Báo cáo chính trị, số 396 ngày 16-4-1891 của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương, bản viết tay: Khi đến làng Đào Xá, địch gặp một lực lượng nghĩa quân đông tới 300, 400 người. Porto Carrero bèn dẫn 50 lính tiến lên trước "nghênh chiến". Ngay loạt đạn đầu, Carrero đã bị chết, viên phó quản bị thương nặng. Viên quản người Pháp lên thay chỉ huy, phải cùng với tên quan án Hải Dương, mang quân rút lui.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:46:18 am

Sau một thời gian tạm ngừng hoạt động ở Hai Sông, ngày 15 tháng 5, nghĩa quân Đốc Tích đã xuất hiện, hoạt động ở vùng này, tấn công một đồn lính.

Thấy thế ngày 17 tháng 5, địch cho ngay 125 lính khố xanh chia thành 4 toán đổ bộ lên Hai Sông, tiêu diệt nghĩa quân. Nhưng với một lực lượng đông khoảng 300, 400 người lại chiếm được các hang núi đá cũ của Đốc Tích ở Pháp Cổ, Phi Liệt và Đoàn Lễ (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), nghĩa quân đã chống cự quyết liệt với địch suốt trong 4 tiếng đồng hồ, rồi rút về hang Trại Sơn (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Đánh xong ở Hai Sông, Pháp quay sang tiêu diệt nghĩa quân Đốc Cập là một trong những lực lượng chính của phong trào Bãi Sậy ở Hưng Yên mà chúng vẫn sợ. Vì thế, ngày 21 tháng 5, khi được tin có 300 quân Đốc Cập đang đóng ở làng Tiểu Quan (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), lập tức Muselier cho các cánh quân của Vincillioni, Pointis và Breton bao vây Tiểu Quan. Trong suốt ngày hôm ấy, cuộc chiến đấu diễn ra khá ác liệt và cuối cùng địch mới chiếm được Tiểu Quan. Nghĩa quân bị thiệt hại nặng, có 30 người chết, mất 10 khẩu súng trường, 3 khẩu súng lục và 10 người bị bắt, kể cả Cập1. Riêng Đốc Cập sau một ngày chiến đấu dũng cảm, khi thấy địch kéo vào làng, ông bèn nấp xuống một cái ao sâu, chỉ ngửa mặt lên mặt nước để thở. Nhưng địch phát hiện thấy ông, bắt giải về Hà Nội, giết ngày 23 tháng 5 năm 1891 ở vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Chí Linh). Đầu Cập thì gửi về Hưng Yên để bêu, còn xác ông bị ném xuống sông Hồng2.

Đến tháng 6 thì xảy ra trận My Đông (huyện Thanh Miện, Hải Dương) giữa Đề Ban, Đề Quý với địch vào ngày 4 tháng 6 và hai trận đánh lớn ở Hưng Yên của 100 nghĩa quân Lãnh Ngư và Lãnh Lộ với giám binh Riou và án sát Hải Dương trong ngày 15 và 22 tháng 6. Ngư và Lộ đều tử trận.

Tiếp theo ngày 27 tháng 6, được tin nghĩa quân Lãnh Hiềm đóng ở làng Quỳnh Bội (huyện Gia Bình, Bắc Ninh), Lesage và Picard vội đem hai toán quân đến bao vây. Nhưng khi mới xuất trận, Lesage cưỡi ngựa vượt lên trước, bị 3 nghĩa quân nấp trong đám lau sậy xông ra giao chiến, Lesage bị tử thương. Đội Nguyễn Văn Long và 2 tên lính khố xanh vội nhảy vào cướp xác hắn.
_______________________________________
1. Theo các tài liệu của Daufès, Piglowski, Ngô Vi Liễn, v.v... và báo L' Avenir du Tonkin năm 1891, cùng với tài liệu dân gian sưu tầm ở Hưng Yên.
    Theo Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, quyển I: trận đánh xảy ra ở làng Điểu Nha (thuộc Hưng Yên), trong thời kỳ 1885-1889, do Đốc Cọp chỉ huy; chưa được đúng.
2. Ông chính tên là Vũ Văn Cập, quê ở làng An Xá (huyện Kim Động, Hưng Yên), thuộc một dòng họ giàu có, quyền thế nhất làng. Riêng họ ông đã chiếm đến 600 mẫu ruộng trong làng. Ông có học, đi thi Hương và đậu nhị trường, rồi về An Xá làm phó lý. Khi phong trào Bãi Sậy bùng nổ, ông đã tham gia khởi nghĩa và được phong chức Đề đốc. Từ đó nhân dân thường gọi là Đốc Cập hoặc Đề Cập. Ông còn xuất của riêng và vận động gia đình họ hàng quyên góp được rất nhiều lương thực, tiền bạc để nuôi nghĩa quân. Trong trận Tiểu Quan, ông bị địch bắt, giết ở Hà Nội.
    Về cái chết của Đốc Cập, gia đình ông cũng như nhân dân ở nhiều làng thuộc huyện Kim Động, Khoái Châu, v.v... (Hưng Yên) đều thuật lại rằng, trong trận Tiểu Quan bị địch bao vây chặt, Cập phải nhảy xuống nấp dưới một cái ao sâu, đậy bè rau muống lên đầu. Nhưng khi địch vào làng đuổi bắt gà, tình cờ có một con gà đậu trên bè rau muống nên chúng đã phát hiện ra Cập. Ông bị địch bắt giết ngày 16-4 âm lịch (tức là ngày 23-5-1891), bêu đầu ở Hưng Yên, còn xác bị buộc vào cối đá ném xuống sông Hồng.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:48:13 am

Sau tháng 7 và tháng 8, Đề Tính và Lãnh Điển đều hy sinh và nghĩa quân của hai ông cũng tan rã.

Trước hết là Đề Tính.

Bị đạo quân Hoàng Cao Khải không ngừng truy kích, Đề Tính phải đem 300 nghĩa quân vượt sông Hồng, sang Hà Đông để liên hệ với nghĩa quân của hai thủ lĩnh là Đôn và Tây đang hoạt động ở vùng này. Rồi trong tháng 7 năm 1891 nghĩa quân có 200 súng đã tấn công huyện Phú Xuyên (Hà Đông), giết tên tri huyện.

Sau nghĩa quân Đề Tính bị địch truy kích lại phải rút trở về Hưng Yên.

Trong một cuộc bao vây, Đề Tính bị Lãnh Vắn - tên phản bội nghĩa quân, ra hàng - chỉ huy đồn Đông Mai (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) bắt, giao cho Pháp. Ông bị giải về Hà Nội, giết vào ngày 21 tháng 8 năm 1891.

Đồng thời với sự hy sinh trên của Đề Tính, cũng trong thời gian này, nghĩa quân Bãi Sậy còn bị mất một thủ lĩnh nữa là Lãnh Điển.

Sau nhiều năm hoạt động chống Pháp ở phía bắc Hưng Yên và Hà Nội, đến năm 1891, khi thấy phong trào Bãi Sậy dần dần thất bại và biết không thể nào hoạt động trên địa bàn cũ được nữa, tháng 8 năm 1891, Lãnh Điển cùng với 3 nghĩa quân thân tín đã lên Hưng Hóa định liên hệ với Đề Kiều đang chống Pháp ở vùng này, nhưng khi đến làng Phương Cách, ông bị lính ở đồn phủ Quốc Oai (Sơn Tây) và tri phủ sở tại là Phạm Hữu Đại bao vây. Lãnh Điển vội nhảy xuống nấp dưới ao sâu, nhưng ông vẫn bị bọn lính phu bắt giết1. 3 nghĩa quân đi theo ông đều bị bắt.

Sự tan rã của ba lực lượng nghĩa quân lớn nói trên trong 8 tháng đầu năm 1891, cũng như sự hy sinh của ba thủ lĩnh xuất sắc: Đốc Cập, Đề Tính và Lãnh Điển đã thực sự có ảnh hưởng đến phong trào Bãi Sậy. Từ đó trở đi cuộc khởi nghĩa càng mau chóng suy yếu, thất bại.
_______________________________________
1. Ông tên thật là Dương Văn Điển, người làng Phù Sa (huyện Khoái Châu, Hưng Yên), thuộc một gia đình nông dân nghèo. Từ năm 1885, Điển đã tham gia phong trào Bãi Sậy và được phong chức Lãnh binh nên thường gọi là Lãnh Điển. Địa bàn hoạt động chủ yếu của ông là ở phía bắc Hưng Yên và Hà Nội. Điển đã lập được nhiều thành tích chống Pháp xuất sắc nên địch rất sợ và vẫn coi ông là một trong những thủ lĩnh nghĩa quân nguy hiểm nhất đối với chúng. Vì thế, vào tháng 6 năm 1889, địch đóng ở các đồn phủ lỵ Khoái Châu và Phù Sa ra sức truy kích nghĩa quân ông. Đồng thời, Morel, phó sứ Hưng Yên, lại viết thư dụ hàng ông. Nhưng Điển không chịu hàng. Morel bèn bắt thân nhân ông và hẹn trong 5 ngày nữa ông phải mang nghĩa quân ra hàng chúng ở làng Kênh Khê (huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Morel còn đe dọa nếu Điển không chịu hàng theo đúng thời hạn trên thì hắn sẽ đánh Phù Sa cho đến khi tiêu diệt xong hoàn toàn nghĩa quân. Thấy vậy, Lãnh Điển phải trá hàng địch (tháng 6-1889). Sau Điển bỏ trốn và tiếp tục chống Pháp. Đến gần cuối năm 1890, tên quan án Hưng Yên bèn sai 2 tên đầy tớ trung thành và 2 tên cựu ngụy binh trà trộn vào nghĩa quân Điển với âm mưu ám sát Lãnh Điển. Nhưng hắn cũng không thành công. Tháng 8-1891, trên đường đi liên hệ với nghĩa quân Đề Kiều, đến Sơn Tây. Điển bị bắt và bị giết.
    Về cái chết của Lãnh Điển, trong tài liệu dân gian ở Hưng Yên hiện nay còn có hai ý kiến khác nhau: một ý kiến cho rằng ông bị địch bắt, giết. Ý kiến thứ hai nói ông bị địch vây bắt, rồi tự sát.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:50:04 am

Trong tháng 10, chỉ có hai trận lớn sau đây:

Ngày 10 tháng 10, khi nghe tin nghĩa quân đang hoạt động ở làng Mao Điền (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương), Lambert, Bonnel, Fourré và Filippi vội mang ngay 80 tên lính đến đánh. Nhưng lực lượng nghĩa quân ở đây khá mạnh, địch phải lấy thêm bọn lính đóng ở đồn Trân Kỳ (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đến tiếp viện. Lúc đó nghĩa quân mới chịu rút.

Ngày 12 tháng 10, Lambert, Simon cùng 50 lính lại đến bao vây nghĩa quân Đề Hưng và Để Mỹ ở một làng thuộc tỉnh Hưng Yên. Địch vừa đến nơi, nghĩa quân nấp trong một ngôi chùa có nhiều lỗ châu mai đã bắn ra.   

Cuộc chiến đấu kéo dài từ 9 giờ sáng đến tối. Địch dần dần yếu thế. Filippi, Delouard, Bonnel vội mang thêm quân để sáng hôm sau tiếp tục tấn công nữa. Nhưng đến khoảng 2 giờ sáng rạng ngày 13 tháng 10, nghĩa quân rút đi nơi khác. Trong trận này, có 3 nghĩa quân bị địch chặt đầu, bêu ở Bần Yên Nhân. Còn địch bị chết 5 tên và bị thương 2 tên.

Sau đó để đàn áp phong trào và triệt phá hết những công sự do nghĩa quân xây dựng ở làng này, địch phải đóng thêm quân ở các đồn: Bonnel ở Mỹ Hào (Hưng Yên), Filippi ở Đông Mai (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) và Simon ở Đỗ Mỹ (huyện Ân Thi, Hưng Yên).

Đến cuối năm 1891, được đánh dấu bằng sự tan rã của nghĩa quân Đề Ban và cái chết của vị thủ lĩnh tài giỏi này.

Trong hai ngày 19 và 23 tháng 11, nghĩa quân Đề Ban đã hai lần đánh nhau với Pierrot, Moulin, Simon, Fourré ở làng Hòa Đam (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) và làng Cao Trai (huyện Ân Thi, Hưng Yên).

Đến ngày 12 tháng 12, Lambert, Bellisen, Durban, Pierrot, Breton, Bonnel và Simon lại bao vây 100 nghĩa quân Đề Ban và Hai Kế ở làng Chu Xá (huyện Ân Thi, Hưng Yên). Lần này, nghĩa quân có 6 người chết, mất 4 súng trường và 1 súng lục. Đề Ban bị thương nặng. Sau đó nghĩa quân phải vượt qua một cái kênh chạy sang huyện Bình Giang (Hải Dương). Nhưng địch vẫn không ngừng truy kích và nghĩa quân lại chạy sang làng Đoàn Lâm (huyện Thanh Miện, Hải Dương). Song Đề Ban vừa mới đến đây được vài ngày, thì ngày 17 tháng 12, Broussiac, Julliard, Masseboeuf và Ménerd đã đem 100 lính khố xanh phối hợp với quân của Phạm Văn Khoát, một thủ lĩnh Bãi Sậy, ra hàng, làm tay sai cho Pháp từ năm 1888 đến bao vây. Địch đến Đoàn Lâm đúng lúc 100 nghĩa quân vừa đi ra. Thế là hai bên đánh nhau ngay trên mặt đê. Nghĩa quân bị thất bại nặng và Đề Ban hy sinh1.

Cho tới đây, lực lượng nghĩa quân Đề Ban cũng tan rã.

Tóm lại, đến khoảng cuối năm 1891, các lực lượng nghĩa quân lớn của Bãi Sậy đều lần lượt bị suy yếu, tan rã và cuộc khởi nghĩa đã thực sự thoái trào.

Tháng 12 năm ấy, "đạo quân trị an" đã giải tán và sau đó đạo Bãi Sậy cũng bãi bỏ nốt để sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên, Muselier thì được cử làm công sứ tỉnh này.

Tuy vậy, đến tháng 4 năm sau, địch còn phải chạm trán một lần nữa với nghĩa quân Đề Vinh và Hai Kế ở Ngô Phần - Bích Khê. Sau hai trận này, Pháp mới có thể thực sự kết thúc xong "giặc Bãi Sậy".
_________________________________________
1. Ông tên thật là Phạm Văn Ban, sinh ở làng Bối Khê (huyện Ân Thi, Hưng Yên), thuộc một gia đình địa chủ phong kiến. Ban đã làm lý trưởng ở làng. Khi tham gia phong trào Bãi Sậy, Ban được phong chức Đề đốc nên còn gọi là Đề Ban, hoặc Đốc Ban. Ông hoạt động trên một địa bàn khá rộng ở Hưng Yên và Hải Dương như Khoái Châu, Mỹ Hào, Ân Thi, Phù Cừ, Bình Giang, Ninh Giang, Cẩm Giàng, Thanh Miện, v.v... Sau khi Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc (năm 1890), Đề Ban đã cùng với Hai Kế và các thủ lĩnh khác cố gắng duy trì cuộc khởi nghĩa. Ông bị thương nặng ở trận Chu Xá (ngày 12-12-1891) và chết ở Đoàn Lâm (ngày 17-12-1891).
    Theo lời thuật lại của gia đình Đề Ban và các cụ phụ lão Bối Khê thì Ban bị bắn gãy chân trong một trận đánh nhau với địch (nhân dân không nhớ ra là trận nào). Sau đó, có một nghĩa quân thân tín cõng Ban chạy đến làng Đoàn Lâm (huyện Thanh Miện, Hải Dương). Nhưng địch lại bao vây, tấn công và nghĩa quân bị thua nặng. Thấy rõ nguy cơ thất bại và biết mình không thể sống được, Ban đã từ chối không chịu để cho nghĩa quân cõng ông chạy nữa. Rồi ông chết ở Đoàn Lâm. Gia đình vẫn giỗ Ban vào ngày 18-11 âm lịch (tức là ngày 18-12-1891) (theo lời cụ Dậu và cụ Kiển, 70 tuổi, quê ở Bối Khê).


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:52:02 am

Câu hỏi 26: Cho biết quá trình chiến đấu diễn ra trong năm 1892, năm cuối của giai đoạn thứ ba cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Thiện Kế lãnh đạo?
Trả lời:


Khi được tin báo có Hai Kế và Đề Vinh cùng với 200 nghĩa quân đang ở làng Mậu Duyệt (huyện Văn Lâm, Hưng Yên), lập tức Lambert, Moliner và Simon đem 409 lính đến bao vây. Nhưng địch vừa đến Mậu Duyệt thì nghĩa quân đã rút sang làng Ngô Phần (huyện Lang Tài, Bắc Ninh) rồi. Cho nên ngày 11 tháng 1, chúng lại vội vàng chuyển sang Ngô Phần. Làng này đã được nghĩa quân phòng thủ rất vững chắc và mỗi nhà đều có tường đất, lũy tre dày bao quanh. Khi đến nơi, Moliner được quân Fourré trợ lực bèn mở ngay cuộc tấn công vào Ngô Phần. Đồng thời Desmot và Lambert cũng tấn công vào một mặt khác của làng này. Nhưng cả hai tên đều phải đền tội ác: Desmot bị thương nặng (đến ngày 13-4-1892 hắn chết), còn Lambert cũng bị thương nhẹ. Thấy nguy, Lambert vội vã lệnh ngừng tấn công và chuyển sang hình thức bao vây. Vừa lúc ấy, Pierro, Simon, Filippi và Villain lại mang thêm các cánh quân đến tiếp viện nên địch bèn tổ chức ngay một đợt tấn công thứ hai nữa vào Ngô Phần. Nhưng nghĩa quân nấp ở hai bên lũy tre đã bắn ra như mưa khiến địch không thể nào chiếm được làng. Chúng lại phải rút ra bao vây nghĩa quân chặt chẽ hơn. Đồng thời chúng còn chủ trương mang đại bác từ Bắc Ninh đến bắn vào Ngô Phần để tàn phá triệt hạ cả làng, giết hại nghĩa quân rồi sau đó mới cho lính xung phong vào làng tiêu diệt nốt số nghĩa quân còn lại.

Đêm hôm đó, lợi dụng lúc gió bão nổi lên, nghĩa quân rút ra khỏi Ngô Phần và về đóng ở làng Bích Khê (huyện Lang Tài, Bắc Ninh). Còn địch thì gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển đại bác và tiếp tế đạn dược nên chúng cũng không thực hiện được ngay âm mưu tấn công của chúng.

Song nghĩa quân vừa mới đến Bích Khê được vài giờ thì ngày 12 tháng 4, địch đã nhanh chóng chuyển quân sang bao vây làng này. Và trưa hôm đó, dưới sự chỉ huy của trung úy Gaumard, từng loạt đạn đại bác của địch bắn vào Bích Khê như mưa, làm đổ nát nhiều nhà cửa và triệt phá làng xóm. Tiếp theo đó, địch bắt đầu xung phong vào làng. Không thể đương đầu nổi với hỏa lực mạnh mẽ nói trên, nửa đêm hôm ấy, nghĩa quân phải rút ra khỏi Bích Khê. Thế là sau hai trận chiến đấu, nghĩa quân bị chết 30 người, trong đó có Đề Vinh, mất 10 khẩu súng và một số đạn dược. Sau địch tìm thấy xác Đề Vinh, chặt đầu ông đem bêu.

Tới đây, cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy hoàn toàn chấm dứt sau 10 năm chiến đấu vô cùng anh dũng, tài trí, vẻ vang1. Một số thủ lĩnh và nghĩa quân còn lại thì ra hàng hoặc chạy lên vùng Yên Thế gia nhập nghĩa quân Hoàng Hoa Thám để tiếp tục chống Pháp2.
__________________________________________
1. Theo Piglowski: sách đã dẫn, thì sau 3 năm tạm thời ngừng hoạt động (1892-1895), đến năm 1895 hai thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy là Hai Kế và Ba Giang với một lực lượng khoảng 80 khẩu súng đã trở lại đánh Pháp ở huyện Lang Tài (Bắc Ninh); nhưng hoạt động cụ thể của hai ông ra sao không thấy Piglowski nói thêm gì nữa.
2. Các cụ phụ lão ở Hưng Yên có thuật lại rằng, sau khi cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy thất bại, hầu hết các thủ lĩnh nghĩa quân còn lại đã chạy lên vùng Yên Thế gia nhập nghĩa quân Hoàng Hoa Thám để tiếp tục thực hiện nguyện vọng của mình là đánh Pháp đến cùng. Vả lại Hoàng Hoa Thám nguyên gốc tích ở làng Dị Chế (huyện Tiên Lữ, Hưng Yên) nên khi phất cờ khởi nghĩa ở Yên Thế, Thám thường cho người về Hưng Yên để chiêu mộ lực lượng. Ông đã được số nghĩa quân Bãi Sậy còn lại và nhân dân địa phương nhiệt liệt hưởng ứng. Con trai cả của Nguyễn Thiện Thuật là Nguyễn Thiện Tuyển cũng tham gia khởi nghĩa Yên Thế và hy sinh ở núi Ham Lợn (năm 1909).


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:53:32 am

Câu hỏi27: Mặc dù trải qua nhiều năm phải chiến đấu ở vùng lau sậy, lại bị địch khủng bố đàn áp, bao vây rất dữ, nhưng nghĩa quân Bãi Sậy vẫn đảm bảo được lương thực trong quá trình chiến đấu. Cho biết những hoạt động tự cung tự cấp về sản xuất lương thực của nghĩa quân?
Trả lời:


Tổ chức của nghĩa quân Bãi Sậy có khác với một số nghĩa quân chống Pháp đương thời ở chỗ họ không sống tập trung trong những thành lũy, công sự hoặc trên vùng núi cao, hầu như tách rời khỏi sản xuất nông nghiệp. Trái lại, nghĩa quân Bãi Sậy sống ngay trong làng xóm cùng với nhân dân. Cho nên ngoài nhiệm vụ chủ yếu là chiến đấu, họ còn sản xuất thêm một phần lương thực để tự túc. Hoặc nói đúng hơn khi cần tập trung lực lượng để chiến đấu thì họ là nghĩa quân; nếu không họ lại là người nông dân cần cù sản xuất trên đồng ruộng. Ví như nghĩa quân Đinh Gia Quế đã khai phá được rất nhiều đất hoang ở cánh đồng vùng Bãi Sậy thường gọi là "vùng tam thiên mẫu" (3.000 mẫu) ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) và trồng được nhiều thứ lúa. Đáng chú ý thêm là trong các thủ lĩnh dưới quyền họ Đinh lại có một người chuyên trách vấn đề khai hoang. Vì lúc ấy khắp cả vùng chỉ là những cánh đồng lau sậy hoang vu nên cần phải đốt sậy, khai phá đất hoang mới có thể trồng trọt được. Ông này được gọi là ông "Lãnh Sậy"1, ông lãnh binh chuyên việc đốt sậy.

Đến thời Nguyễn Thiện Thuật, nghĩa quân cũng trồng lúa, ví như ở cánh đồng làng Liêu Trung - Dịch Trì (huyện Yên Mỹ - Hưng Yên), ở huyện Văn Lâm (Hưng Yên) nhân dân cho biết nghĩa quân đóng ở đây cũng trồng hàng chục mẫu rau muống, cũng đơm tôm bắt cá để ăn.

Nghĩa quân Bãi Sậy thực sự có chủ trương tự cung tự cấp về lương thực. Chính nhờ đó, mặc dù đã trải qua nhiều năm phải chiến đấu ở vùng lau sậy, lại bị địch khủng bố, đàn áp phong trào, bao vây kinh tế rất dữ; nhưng đời sống của nghĩa quân Bãi Sậy không đến nỗi khó khăn lắm mà vẫn đảm bảo được sức chiến đấu lâu dài.
____________________________________
1. "Lãnh Sậy" tên thật là Nguyễn Đình Mai, người làng Bình Quỹ (huyện Khoái Châu, Hưng Yên).


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:54:09 am

Câu hỏi 28: Không những tự cung tự cấp được lương thực mà nghĩa quân còn tự sản xuất, tự sửa chữa vũ khí thô sơ và hiện đại. Cho biết đôi nét về ý thức tự lực, tự cường của nghĩa quân trong lĩnh vực này?
Trả lời:


Ngoài sản xuất lương thực ra, nghĩa quân Bãi Sậy cũng chú trọng đến vấn đề sản xuất những thứ vũ khí các loại.

Trong thời ấy, ở từng vùng nhỏ, thậm chí ở một vài làng như ở huyện Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, v.v... (Hưng Yên), nghĩa quân đã thành lập những lò rèn nhỏ lưu động để sản xuất những thứ vũ khí thô sơ tự trang bị cho mình. Những người thợ rèn, thợ đúc này được chiêu mộ ở ngay trong làng hoặc ở các làng xung quanh đến làm việc. Còn nguyên liệu do nhân dân quyên góp các thứ nông cụ, các thứ đồ vật bằng sắt, gang, đồng, v.v... bị hư hỏng hoặc do nghĩa quân đi mua ở các chợ xa.

Không những chỉ chuyên việc sản xuất những thứ vũ khí thô sơ mà có nhiều lò rèn còn kiêm cả việc sửa chữa một vài bộ phận đơn giản của súng trường bị hư hỏng nữa; ví như những lò rèn của nghĩa quân Đề Ban ở làng Nhân Đồng (huyện Ân Thi, Hưng Yên). Đề Ban lại có một nghĩa quân rất giỏi nghề đẽo báng súng bằng gỗ quê ở làng Bối Khê (huyện Ân Thi, Hưng Yên) chuyên việc sửa chữa các báng súng trường kiểu năm 1874. Ông này được mệnh danh là "Cai Binh".

Tuy nhiên, muốn đánh địch không thể chỉ có gậy gộc, giáo mác, thiết lĩnh, v.v... là đủ mà còn phải tìm cách tự sản xuất được các loại súng như của địch để tăng thêm hiệu lực chiến đấu. Nghĩa quân Hương Khê đã tự trang bị những khẩu súng trường kiểu năm 1874 do Cao Thắng sáng chế khiến kẻ địch rất khâm phục. Nhưng trước đó, nghĩa quân Bãi Sậy lần đầu tiên đã sản xuất được loại súng trường này rồi.

Trong nhiều lần đi càn quét ở Vạn Lai, Yên Tập, v.v... địch thường tìm thấy những nơi sản xuất súng trường kiểu năm 1874 của nghĩa quân Bãi Sậy. Hoặc chúng còn thấy có nơi nghĩa quân vừa sản xuất vừa sửa chữa vũ khí đạn dược như ở vùng Hai Sông. Nhận xét về những khẩu súng trường nói trên do nghĩa quân Bãi Sậy sản xuất thời ấy, Pháp đã phải thừa nhận rằng nếu đem so sánh với những khẩu súng trường kiểu năm 1874 của chúng thì súng của ta không thiếu một thứ gì từ cái quy lát di động được cho tới những đồ phụ thuộc của súng. Nhưng chỉ có một điểm khác là nòng súng của ta bằng đồng, độ bắn không được chính xác lắm và người ta lại có thể bắn nó bằng đạn của súng trường kiểu Gras. Địch phải thốt lên: "Qua việc này một lần nữa lại chứng tỏ trí thông minh và tài khéo léo của người thợ Việt Nam".

Rõ ràng việc tự sản xuất ra những vũ khí thô sơ và súng trường kiểu năm 1874 của địch cũng như việc tự sửa chữa lấy các loại súng đạn bị hư hỏng là những biểu hiện của ý thức tự lực tự cường của nghĩa quân.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 08:57:04 am

Câu hỏi 29: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tập hợp được đông đảo nghĩa quân, cũng như mở rộng được địa bàn hoạt động đó là công tác tuyên truyền chính trị trong quần chúng nhân dân. Cho biết đôi nét về hoạt động này của nghĩa quân?
Trả lời:


Từ khi mới trở về nước tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, Nguyễn Thiện Thuật đã đi khắp nơi để tuyên truyền trong nhân dân rằng kẻ thù chủ yếu của dân tộc ta lúc này là bọn thực dân Pháp. Chúng đến đất nước ta với mục đích duy nhất là để xâm chiếm Tổ quốc ta, thống trị nhân dân ta. Chúng chỉ gieo rắc những cảnh tàn phá cho đất nước ta và nhân dân ta mà thôi. Ông cũng kêu gọi nhân dân hãy đoàn kết nhau lại và tìm mọi cơ hội thuận lợi để diệt địch.

Đến năm 1886, vị lãnh tụ chỉ huy nghĩa quân Bãi Sậy ấy một lần nữa lại dán thông cáo ở các làng kêu gọi nhân dân hãy tích cực tham gia khởi nghĩa chống Pháp.

Sang năm 1887, cả vùng Bắc Ninh, Hải Dương đều bị mất mùa, nhân dân lâm vào cảnh đói khổ. Nhưng cũng chính nhân dịp này Nguyễn Thiện Thuật càng đẩy mạnh việc tuyên truyền chính trị trong nhân dân và phát động nhân dân khởi nghĩa.

Một người Pháp đã nhận xét về Tán Thuật như sau: Những lãnh tụ các cuộc khởi nghĩa chống Pháp đương thời thường ít quan tâm đến những hoạt động chính trị trong quần chúng nông dân. Chỉ có Tán Thuật là người đã cố gắng tập hợp quần chúng nông dân Bắc Kỳ vào cuộc đấu tranh dân tộc1.

Ngoài Nguyễn Thiện Thuật thì Đội Văn và Đốc Tích cũng là những thủ lĩnh rất chú ý đến việc tuyên truyền tinh thần yêu nước trong nhân dân, nêu bật lên chính nghĩa của nghĩa quân để giác ngộ nhân dân và đả phá luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch thường cho nghĩa quân chỉ là bọn "giặc cỏ".

Trong một bức thư gửi cho nhân dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đề ngày 24 tháng 8 âm lịch năm Hàm Nghi thứ 5 (1889), Đội Văn đã nêu rõ mục đích chiến đấu của ông là nhằm đánh đuổi giặc Pháp xâm lược, khôi phục lại đất nước, mang lại hòa bình thực sự cho nhân dân và chấm dứt những nỗi đau khổ đang đè nặng lên mọi người. Cũng để đạt được mục đích trên, Văn đã chiêu mộ nghĩa quân, tổ chức lực lượng quân sự chống Pháp. Văn còn kêu gọi nhân dân hãy tích cực ủng hộ nghĩa quân2.

Đốc Tích cũng hết sức chống lại luận điệu xuyên tạc của địch cho rằng nghĩa quân ông chỉ chuyên nghề cướp bóc và một lần nữa Tích đã khẳng định rằng mục đích khởi nghĩa của ông là vì nước, vì vua Hàm Nghi: "Tôi không bao giờ để nghĩa quân của tôi cướp bóc, tôi chỉ có một mục đích duy nhất là phục vụ trung thành cho Tổ quốc và nhà của tôi"3.
______________________________________
1. Theo Paul Isoart: Le phénomène national vietnamien (xuất bản ở Paris, năm 1961).
2. Theo bản dịch chữ Pháp bức thư của Đội Văn gửi nhân dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang).
3. Theo bản dịch chữ Pháp bức thư của Đốc Tích gửi Hoàng Cao Khải đề ngày 7-5 âm lịch năm Hàm Nghi thứ 5 (1889).


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:00:20 am

Đi đối với việc vạch trần dã tâm xâm lược nói trên của Pháp, nghĩa quân đã nêu cao quyết tâm chống Pháp đến cùng của họ để nhân dân càng thêm tin tưởng, ủng hộ.

Ví như năm 1888, khi thống sứ Pháp giết hại thân nhân của Nguyễn Thiện Thuật bị bắt làm "con tin" và viết thư định dụ hàng Nguyễn thì ông đã không vì tình riêng mà gác bỏ nghĩa chung, vẫn tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp.

Đội Văn cũng là một người có lòng yêu nước rất cao. Trong thời gian ông phải tạm thời trá hàng, Pháp đã hết sức dụ dỗ mua chuộc Văn1 để biến ông thành tay sai trung thành của chúng. Còn các báo chí, bọn thương gia và sĩ quan Pháp thì "phát ghen" lên với Văn vì những sự ưu đãi đặc biệt này2. Nhưng trái với âm mưu của Pháp, Văn đã biết "lợi dụng" thời gian trá hàng để học tập phương pháp tổ chức quân đội và chiến thuật địch, rồi khi có điều kiện thuận lợi ông lại nhanh chóng quay trở lại kháng Pháp với quyết tâm sắt đá hơn. Văn đã chiến đấu đến phút cuối cùng.

Đốc Sung, Đề Tính, Đốc Cập, Lãnh Điển, Đề Ban, v.v... cũng không chịu ra hàng địch và cuối cùng tử trận, bị bắt hoặc xử tử.

Bên cạnh việc tuyên truyền chính trị, nghĩa quân còn chú ý đáp ứng một số nguyện vọng, quyền lợi nhỏ của quần chúng nhân dân đương thời bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Xuất phát từ sự thông cảm với nỗi khổ của nhân dân vì thiên tai, địch họa nên mỗi khi cần đến lương thực, tiền bạc, nghĩa quân thường chỉ tổ chức quyên góp, dán yết thị để kêu gọi nhân dân ủng hộ chứ không dùng hình thức cưỡng bức. Những vụ "cướp" của "giặc Bãi Sậy" thời ấy như bọn địch vẫn thường rêu rao chính là những vụ nghĩa quân bắt bọn cường hào, địa chủ, bọn nhà giàu phải nộp quân lương cho họ. Vì bọn này đã không chịu giúp đỡ phong trào lại còn có những hành động cấu kết với giặc để phá hoại nghĩa quân.

Đối với quần chúng nông dân nghèo khổ, nghĩa quân Bãi Sậy không những không bao giờ cướp bóc, ức hiếp; trái lại mỗi lần "cướp" được thứ gì của bọn tổng lý, nhà giàu nghĩa quân đều chia một phần cho nông dân nghèo trong vùng và số còn lại thì dùng làm quân lương.

Kỷ luật của nghĩa quân cũng khá nghiêm minh, nếu ai vi phạm đều bị trừng trị. Lãnh Tiêm phải giết Phó Ruộm, một nghĩa quân thân tín của ông vì Ruộm chặt cả cây cau của nhân dân đem về nhà.

Những sự thực trên đây ngày nay vẫn được nhân dân Hưng Yên truyền tụng, ca ngợi.
_____________________________________
1. Sau khi Đội Văn ra hàng, địch đã trả lương tháng cho nghĩa quân ông như sau:
    - Mỗi nghĩa quân: 15 quan tiền.
    - Mỗi hiệp quản: 25 quan tiền.
    - Một số thủ lĩnh khác: 30 quan tiền.
    - Riêng Đội Văn: 100 quan tiền.
    Lại cấp phát cho: 50 khẩu súng.
    (Theo Báo cáo chính trị ngày 27-3-1889 của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương), bản viết tay.
2. Theo Albert de Pouvourville: Le Tonkin actue! 1887-1890 (xuất bản ở Paris năm 1891) và báo Le Courrier d’ Hai Phong năm 1889.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:01:36 am

Nhưng đáng chú ý nhất là có nơi nghĩa quân còn sung công ruộng đất "thừa" của bọn địa chủ để quân cấp cho nông dân nghèo. Nhân dân làng Dịch Trì (quê hương Đốc Sung) đã thuật lại rằng trong thời gian Đốc Sung đang khởi nghĩa chống Pháp, Sung có thi hành "chính sách đạc điền" tức là bắt bọn địa chủ ở Dịch Trì và các làng xung quanh phải khai báo lại diện tích ruộng đất của chúng. Sau đó, Sung "đạc điền", nếu còn thừa, ông sẽ tịch thu số ruộng đất này để làm công điền rồi chia đều cho nông dân nghèo. Nhờ biện pháp trên, Sung đã tịch thu được khá nhiều ruộng đất của bọn địa chủ trong vùng. Lúc ấy, sợ thế lực của Sung, bọn địa chủ không dám chống lại. Nhưng sau khi Sung chết, nông dân buộc phải trả lại ruộng đất cho địa chủ.

Nói tóm lại, nhờ có những công tác chính trị nói trên, nghĩa quân Bãi Sậy đã tranh thủ được sự ủng hộ tích cực của nhân dân với nhiều hình thức rất phong phú, nhiều mức độ khác nhau và đó cũng là nguyên nhân chủ yếu quyết định cho sự tồn tại lâu dài của cuộc khởi nghĩa.

Ngoài việc tích cực tham gia nghĩa quân, nhân dân ba tỉnh đồng bằng Bắc Kỳ và nhất là nhân dân Hưng Yên còn nộp thuế ruộng cho Đinh Gia Quế (Đổng Quế), Ngô Quang Huy (Tán Ngô), Phạm Văn Ban (Đề Ban), v.v... Trong một cuộc tuần tra, địch đã bắt được một toán nghĩa quân đang thu thuế của nhân dân làng Bình Cách (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). Chính Pháp cũng phải thú nhận rằng cho đến cuối năm 1889 sau khi nghĩa quân Đội Văn tan rã, đây là lần đầu tiên kể từ khi Pháp xâm chiếm tỉnh Bắc Ninh, chúng mới thu thuế được đều đặn ở tỉnh này. Điều đó chứng tỏ là nhân dân Bắc Ninh đã không chịu nộp thuế cho Pháp, hoặc chỉ nộp một phần nào, số còn lại nộp cho Đội Văn.

Ở Hai Sông, có lần địch bắt được hàng chục thuyền của nhân dân chở đầy thóc gạo tiếp tế cho nghĩa quân Đốc Tích. Ngoài ra, ở chợ Mỹ Giang, nhân dân địa phương còn thường xuyên trao đổi mua bán lương thực với nghĩa quân.

Phụ nữ và những người già yếu còn tham gia cả việc xay giã, vận chuyển lương thực cho nghĩa quân.

Trong những trận đánh ở huyện Thanh Trì (ngoại thành Hà Nội), ở làng An Định (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương), v.v... mỗi khi nghĩa quân đến đóng ở các làng xung quanh đồn địch trước lúc tấn công hoặc sau khi rút lui đều được nhân dân che giấu, bảo vệ rất chu đáo mà địch không thể nào phát hiện được. Nhân dân, nhất là phụ nữ còn là người cung cấp đắc lực nhất tình hình của địch cho nghĩa quân biết. Nhờ đó, trong nhiều trận đánh, do biết trước tin tức nên nghĩa quân đã bố trí sẵn lực lượng chờ địch đến hoặc rút lui an toàn trước khi địch đi càn quét.

Ở phủ Ninh Giang (Hải Dương) nhân dân không chịu tiếp tế lương thực và cung cấp tin tức cho địch.

Còn ở làng Xuân Dục (quê hương Tán Thuật), có một em thiếu niên 16 tuổi bị giặc bắt trói, đâm gươm vào mặt, tẩm dầu quấn vào người rồi đốt chỉ vì em không chịu chỉ phần mộ tổ tiên của Nguyễn Thiện Thuật để giặc đào bới. Em đã chửi thẳng vào mặt giặc: "Đồ ăn cướp! Quan Hiệp thống là người hết lòng vì nước, tao chỉ tiếc không được theo ngài, chứ có đâu tao lại giúp chúng bay làm bậy"1.

Sự ủng hộ của nhân dân thực phong phú, lớn lao, cảm động biết chừng nào!
_______________________________________
1. Theo Nguyễn Thượng Hiền: trích trong bài "Giọt lệ bể dâu".


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:03:09 am

Tình hình trên đây đã được phản ánh rất rõ trong một bức thông tri của Parreau, quyền tổng sứ Trung - Bắc Kỳ gửi công sứ các tỉnh vào tháng 10 năm 1888. Trong thông tri này, sau khi phải thừa nhận rằng nghĩa quân Bãi Sậy đang hoạt động mạnh ở các tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương, Parreau còn cho biết chính quyền và nhân dân địa phương không chịu cung cấp tin tức của nghĩa quân cho địch mà thường bỏ trốn hàng loạt trước khi địch kéo đến làng. Nhưng đối với nghĩa quân thì nhân dân lại tích cực ủng hộ về lương thực, vũ khí, đóng góp thuế má, cung cấp người, v.v... Mỗi làng đều là nơi nghĩa quân có thể đóng lại, hoặc nghỉ ngơi.

Ngoài sự ủng hộ của nhân dân, thì ngay cả một số người tuy ra làm việc cho Pháp vẫn có cảm tình hoặc ủng hộ nghĩa quân.

Trước hết là một số tổng lý kỳ hào ở nông thôn là những người trực tiếp cai trị nhân dân ở địa phương mình thì thái độ chính trị của họ nói chung là có giúp đỡ ít nhiều cho nghĩa quân như nộp thuế má, đóng góp quân lương. Vả lại, đại bộ phận vùng nông thôn đều do nghĩa quân thực sự kiểm soát, cho nên dù muốn hay không, họ cũng phải tỏ ra có cảm tình với phong trào, có ý thức Cần Vương chống Pháp.

Chính thống sứ Bắc Kỳ cũng phải thừa nhận trong thời ấy đã có hình thức song song tồn tại của hai thứ "chính quyền bảo hộ" và "chính quyền bí mật" của nghĩa quân:

"Nghĩa quân, là chủ nhân thực sự của đất nước, đã thành lập một "chính quyền bí mật" song song tồn tại cùng với chính quyền của kẻ xâm lược. "Chính quyền bí mật" này được nhân dân rất phục tùng và kính trọng hơn hẳn chính quyền chính thức" (chỉ chính quyền bù nhìn do Pháp đặt tên)1.

"Huyện Mỹ Hào hoàn toàn do nghĩa quân chiếm đóng và không có một ông lý trưởng hoặc một ông chánh tổng nào lại không nghe theo mệnh lệnh cửa Tán Thuật"2.

Các ông chánh tổng, phó tổng, lý trưởng và kỳ hào đều được bầu ra ở các làng dưới áp lực của nghĩa quân, nên trước hết họ đều trung thành với Tán Thuật. Chính những người này đã hình thành nên một chính quyền cách mạng thực sự trong hệ thống chính quyền cấp dưới"3. Ngoài ra, có một số tổng lý kỳ hào còn trực tiếp tham gia nghĩa quân. Thí dụ có một kỳ hào trong nghĩa quân Đội Văn, khi bị địch bắt ở Hữu Thượng (huyện Yên Thế, Bắc Giang) đem ra tra hỏi, ông đã trả lời thẳng vào mặt chúng rằng vì Đội Văn kêu gọi khởi nghĩa vũ trang chống Pháp, như vậy nhiệm vụ của ông đã được vạch rõ nên ông phải tham gia hàng ngũ chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đội Văn.

Lại có một số viên quan phủ huyện cũng ủng hộ nghĩa quân như cung cấp lương thực, báo cho nghĩa quân biết kế hoạch hành quân đàn áp của địch, v.v... như ở các huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), Đông Triều, Cẩm Giàng (Hải Dương), Yên Mỹ, Mỹ Hào (Hưng Yên), v.v... Trong số các viên phủ huyện yêu nước nói trên, có người đã bị Pháp xử tử vì "tội có liên quan với bọn phiến loạn”.
__________________________________
1-3. Theo Báo cáo chính trị tháng 3-1891 của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương, bản viết tay.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:06:51 am

Câu hỏi 30: Một trong những nguyên nhân làm cho phong trào khởi nghĩa ngày càng lớn mạnh, đó là công tác binh vận của nghĩa quân. Cho biết đôi nét về lĩnh vực này của nghĩa quân trong quá trình khởi nghĩa?
Trả lời:


Nghĩa quân Bãi Sậy đã tiến hành một số hoạt động ngụy vận trong anh em binh lính người Việt theo Pháp.

Năm 1886, Nguyễn Thiện Thuật cho dán yết thị ở khắp nơi kêu gọi ngụy binh hãy đào ngũ cùng với nhân dân tham gia khởi nghĩa chống Pháp, hãy lấy đầu bọn sĩ quan Pháp và quan lại Việt Nam để lập công với nghĩa quân1.

Đến năm 1891, Pháp cũng nói rằng vẫn xuất hiện những bản thông cáo của nghĩa quân Bãi Sậy luôn kêu gọi ngụy binh nổi dậy chống Pháp2.

Mỗi khi bắt được ngụy binh, nghĩa quân chỉ giữ lại giáo dục trong một thời gian rồi lại cho họ trở về quê hương gia đình; trừ những kẻ ngoan cố lắm mới bị giết. Nghĩa quân còn thông qua các gia đình ngụy binh để vận động gia đình khuyên bảo con em họ trở về quê làm ăn như cũ; hoặc nhờ ngụy binh mua giúp súng đạn của địch. Nói chung, công tác binh vận cũng đạt được một số kết quả nhất định.

Có ngụy binh đã lấy súng đạn của địch bán cho nghĩa quân. Thí dụ, vào tháng 8 năm 1888, Parreau đã kết tội 3 người ngụy binh là đội Nguyễn Văn Quyên, bếp Nguyễn Văn Khắc và lính Nguyễn Văn Trung đem giao cho tòa Nam án xử đày chung thân ra Côn Đảo và tịch ký gia sản của họ vì họ "phạm tội" lấy vũ khí bán cho nghĩa quân với giá 600 quan tiền. Parreau còn phải công nhận "sự kiện" trên rất quan trọng và đòi hỏi phải có những biện pháp trừng trị nghiêm khắc nhất để ngăn ngừa sự tái diễn.

Tháng 3 năm 1889, sau khi Đội Văn ra hàng, trong một cuộc thẩm vấn Văn về những "nguồn cung cấp vũ khí, quân nhu" cho nghĩa quân, Đội Văn đã nói cho Pháp biết rằng một phần vũ khí, quân nhu của nghĩa quân là do ông mua của anh em ngụy binh. Thí dụ, có một nghĩa quân Văn đã mua lại của một người lính khố đỏ ở đồn Bạch 5 bao đạn với giá 3 đồng.

Nhưng không phải chỉ dừng lại ở đó, khi anh em ngụy binh đã được giác ngộ tinh thần yêu nước thì họ không những chỉ lấy vũ khí bán cho nghĩa quân mà tiến lên một bước cao hơn có người đã rời bỏ hàng ngũ địch mang theo cả vũ khí và trực tiếp tham gia hàng ngũ chiến đấu với nhân dân. Năm 1888, ở một đồn thuộc phủ Thường Tín (Hà Đông) có một người lính đã đánh lừa được tên lính gác cổng rồi bỏ trốn theo nghĩa quân. Nhưng khi ra khỏi đồn, anh bị bọn kỳ hào trong làng bắt được nộp cho Pháp. Sang năm 1889, ở đồn Kẻ Sặt (Hải Dương) lại có một người cai và một người lính cũng đào ngũ, mang cả vũ khí theo Bãi Sậy. Vào tháng 6 năm 1889, trong trận Vân Lai (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) bọn lính ở đồn Bần Yên Nhân đã bắt được một nghĩa quân đem ra tra hỏi nên mới biết trong hàng ngũ của Đốc Sung có một người lính khố đỏ nữa trong nghĩa quân Bãi Sậy. Nhưng đáng chú ý hơn cả là theo lời khai của De Clausade, một lính Pháp đào ngũ theo Đốc Tích trước tòa án quân sự Pháp năm 1889 thì trong tổng số nghĩa quân là 800 người đã có khoảng một phần ba là những người lính khố đỏ và lính cơ đào ngũ hoặc bị bắt đã được phóng thích, nay tự nguyện ở lại. Có một số người cũng nói được một chút tiếng Pháp và nhờ họ mà De Clausade giao thiệp được với nghĩa quân Tích cũng như hiểu biết tình hình chung.

Một nghĩa quân khác ở vùng Hai Sông bị địch bắt cũng khai rằng có khoảng 250 ngụy binh đi theo Đốc Tích. Họ được Đốc Tích vũ trang bằng súng và trong các trận đánh, họ bắn rất giỏi, rất dũng cảm.

Nghĩa quân Bãi Sậy đã thực sự khơi dậy được trong lòng một số ngụy quân tinh thần yêu nước chân chính quay súng lại đánh Pháp để khôi phục lại nền độc lập cho Tổ quốc.

Một ngụy binh ở Hà Đông đào ngũ khi bị bắt đem ra tra hỏi, trước mặt địch, anh vẫn công khai tuyên bố rằng anh đào ngũ để đi theo nghĩa quân Bãi Sậy. Địch bèn tập trung tất cả lính ta ở Hà Nội đến cửa Sơn Tây rồi đem anh ngụy binh này ra chém để uy hiếp tinh thần những người có mặt.

Cũng trong thời gian ấy, có ngụy binh còn dám sẵn sàng làm cả nội ứng cho nghĩa quân đánh vào đồn địch, rồi gia nhập luôn phong trào khởi nghĩa; ví như anh cai Tuyến ở Khoái Châu (Hưng Yên)3.
______________________________________
1. Dillemann: Province de Hải Dương, tài liệu đánh máy viết ngày 25-12-1932.
2. Theo Báo cáo chính trị tháng 3-1891 của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương, bản viết tay.
3. Theo Piglowski: sách đã dẫn và theo Báo cáo chính trị ngày 18-3-1891 của thống sứ Bắc Kỳ gửi toàn quyền Đông Dương, bản viết tay.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:08:13 am

Đặc biệt là còn phải kể đến hai người lính Pháp là Martin và De Clausade đóng ở đồn Đáp Cầu đã đi theo nghĩa quân Đốc Tích.

Vì không chịu đựng nổi sự trừng phạt bất công của tên thiếu tá Dumont đã nhiều lần bỏ tù họ nên tối ngày 23 tháng 3 năm 1889, lợi dụng lúc tên gác ngục sơ hở, Martin và De Clausade ở trong nhà tù đã trốn ra. Rồi nhờ quen biết trước một người phu tên là Nam vẫn làm việc ở trong đồn hướng dẫn nên mấy ngày sau họ được gặp viên lý trưởng làng Cao Quan là người thân cận của Đốc Tích. Sau nhờ ông này làm trung gian, ngày 3 tháng 4 năm 1889 họ được gặp Đốc Tích ở làng Trúc Động (Quảng Yên). Ngay trong buổi tiếp kiến đầu tiên, De Clausade đã cung cấp cho Đốc Tích biết rõ tình hình các đồn lính Pháp ở giữa Đáp Cầu và Bắc Ninh là những nơi mà anh đã đóng quân. Đốc Tích rất khen ngợi và cung cấp quần áo, thực phẩm cho họ. De Clausade còn tuyên bố rằng hai người cũng rất sẵn sàng đi theo Đốc Tích để chiến đấu chống Pháp và họ đã được toại nguyện. Thế rồi trong các trận đánh ở vùng Hai Sông vào ngày 16 và 27 tháng 7 và 2 tháng 8 năm 1889, chính De Clausade đã chiến đấu rất dũng cảm bên cạnh nghĩa quân và bắn hết 40, 50 viên đạn. Martin bị ốm không tham chiến. Ngoài ra cũng trong thời gian theo Đốc Tích, Martin và De Clausade còn giúp nghĩa quân sửa chữa vũ khí và sản xuất đạn dược. Khi ra hàng, Đốc Tích phải nộp Martin cho địch, còn De Clausade bị Pháp bắt ở đồn Yên Lưu (huyện Kinh Môn, Hải Dương).

Sau Martin ốm chết, Pháp bèn đưa De Clausade ra tòa án quân sự xét xử. Trong phiên tòa họp ngày 17 tháng 9 năm 1889, De Clausade đã bị kết án vào tội "đào ngũ theo nghĩa quân Đốc Tích", "phản bội lại tổ quốc" và "cầm súng bắn lại đồng bào ruột thịt của mình". Tên đại tá chánh án còn đe dọa De Clausade rằng chỉ có một cách cứu thoát khỏi tội chết, cứu lấy danh dự của gia đình và của bản thân anh nữa (hắn vin vào lý do là De Clausade có một người anh ruột hiện là thiếu úy trong quân đội Pháp và bản thân De Clausade cũng tình nguyện nhập ngũ) nếu anh chỉ cho Pháp biết địa chỉ và tên những người đã cung cấp vũ khí cho Đốc Tích. Nhưng mặc dù đã nhiều lần làm công tác trung gian về giấy tờ giữa Đốc Tích với Oberg và những người cung cấp vũ khí cho nghĩa quân, anh vẫn không chịu khai. Cuối cùng tòa phải tuyên án xử tử anh. Một lần nữa, anh cũng không thèm van xin lòng thương hại của bọn quan tòa. Vào một buổi sáng sớm tháng 10 năm 1889, địch dẫn anh ra pháp trường xử bắn. Anh đã chết với một thái độ vô cùng dũng cảm khiến kẻ địch hết sức ngạc nhiên. Năm ấy, anh ngoài 20 tuổi (1868-1889)1.
______________________________________
1. Tài liệu viết về Martin và De Clausade là dựa theo Clause de Bourrin, Piglowski, Daufès: các sách đã dẫn; các báo Le Courrier d' Hai Phong, L' Avenir du Tonkin và Journal 2è officiel de l'Indochine Française, 2è partie: Annam et Tonkin năm 1889 và năm 1890.


Tiêu đề: Re: Hỏi đáp về cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy
Gửi bởi: chuongxedap trong 17 Tháng Mười Hai, 2016, 09:09:45 am
TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Tập san Nghiên cứu lịch sử, Viện sử học, số 119, tháng 2 năm 1969.
2. Vũ Thanh Sơn, Tướng lĩnh Bãi Sậy, Nxb Văn hóa dân tộc, 2001.
3. Đại cương lịch sử Việt Nam, nhiều tác giả, tập 2, Nxb Giáo dục, 2006.


Hết