Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:23:12 pm



Tiêu đề: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:23:12 pm
    
        - Tên sách: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu

        - Tác giả: Trần Trọng Trung

        - Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân

        - Năm xuất bản: 2004

        - Số hoá: ptlinh, chuongxedap

(https://scontent-sin6-1.xx.fbcdn.net/v/t1.0-9/91907910_626665368063347_6740227091125501952_n.jpg?_nc_cat=101&_nc_sid=8024bb&_nc_ohc=uamQq8_tNlkAX_dbTBB&_nc_ht=scontent-sin6-1.xx&oh=adc52bc17f4d62342192e0296e6b1d8e&oe=5EB0A02C)

MỤC LỤC

Lời nói đầu

Phần một: NHỮNG NƯỚC CỜ TÍNH SAI

        Chương một: NGỰA QUEN ĐƯỜNG CŨ

        Chương hai: MIỀN NAM TRƯỚC, MIỀN BẮC SAU

        Chương ba: NÉM LỬA VÀO KHO THUỐC SÚNG

Phần hai: CHUI SÂU VÀO ĐƯỜNG HẦM

        Chương bốn: LEO CAO NGÃ ĐAU

        Chương năm:SA LẦY

        Chương sáu: BƯỚC NGOẶT ĐI XUỐNG

Phần ba: THẾ THUA ĐÃ RÕ RÀNG

        Chương bảy: TƯỚNG GIÀ CỨU NGUY

        Chương tám: HÒA BÌNH “CANH BẠC LỚN”

        Chương chín: NGÕ CỤT

Phần bốn: ĐỈNH CAO CỦA THẤT BẠI

        Chương mười: “TÌM LỐI THOÁT DANH DỰ”

        Chương mười một: CUỘC ĐỌ SỨC CUỐI CÙNG

        Chương mười hai: VỠ MỘNG XÂM LĂNG

THAY LỜI KẾT LUẬN


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:26:20 pm

       
LỜI NÓI ĐẦU1

        Ngày 25 tháng 4 năm 1977, nhận lời mời của Chính phủ Cộng hòa Pháp, Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Văn Đồng đến Pari, chính thức thăm hữu nghị nước Pháp, một chuyến viếng thăm mà Tổng thống Pháp Đextanh (Valery Giscard DEestaing) gọi là “cuộc tái ngộ Việt – Pháp”.

        Dư luận Pháp và thế giới lại có dịp nhắc lại “một quá khứ nặng nề” trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Pháp, nhắc lại “một sự trùng hợp kỳ lạ” trong hai chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam. Các báo viết: Cũng ngày này ba mươi mốt năm trước (ngày 25-4-1946), ông Phạm Văn Đồng đến Pari, dẫn đầu phái đoàn Quốc hội nước Việt Nam sang thăm Pháp. Sau đó ông làm trưởng phái đoàn nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong cuộc hội nghị tay đôi ở Phôngtennơblô, một cuộc hội nghị mà “ông đã tỏ ra không khoan nhượng” trước những yêu sách nặng mùi thục dân của phía Pháp. Trong cuộc hội nghị này, mọi nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam đã bị khước từ. Cuối cùng, nhân dân Việt Nam đã buộc phải cầm súng... Mãi đến năm 1954, người Pháp mới hiểu rằng không thể đè bẹp được dân tộc Việt Nam... Người ta không làm lại lịch sử, nhưng người Mỹ không biết rút ra bài học của Pháp (mặc dù trước đây họ đã từng chê bai Pháp). Họ muốn biến Việt Nam thành một căn cứ chống cộng ở Đông Nam Á. Có sẵn một bộ máy quân sự khổng lồ, họ tưởng rằng không gì có thể chống cự nổi. Lịch sử đã chứng minh: cả Pháp và Mỹ đã lần lượt phạm sai lầm, lần lượt bị đánh bại ở Việt Nam. Từ chiến khu Việt Bắc năm 1946 đến phòng khách của khách sạn Marinhi2, “người cháu xuất sắc nhất của Bác Hồ đã trải qua một chặng đường đấu tranh lâu dài và cay đắng: ba mươi năm đau khổ và tàn phá của chiến tranh” (báo Người quan sát mới, ngày 23-4-1977). Ai mà có thể tin được rằng sau hai cuộc chiến tranh Đông Dương kết thúc bằng việc ký kết Hiệp định Giơnevơ ngày 20 tháng 7 năm 1954, một trong những địch thủ ghê gớm nhất một ngày nào đó lại đến thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ. Hơn hai mươi năm trôi qua đã không xóa nổi mà chỉ làm mờ đi những kỷ niệm xấu xa mà quân đội viễn chinh Pháp, theo lệnh của hàng chục chính phủ kế tiếp nhau đã để lại trên đất nước ông (báo Phigarô, ngày 26-4-1977). Là người đại diện cho nước Việt Nam mới, “ông Phạm Văn Đồng đến thăm nước Pháp với thế mạnh của hai chiến thắng lịch sử: năm 1954 đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu cũ của đế quốc Pháp, hai mươi năm sau đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ” (báo Rạng Đông, ngày 6-4-1977). Cuộc viếng thăm lần này là bằng chứng nổi bật về “một tinh thần độc lập tới mức cuồng nhiệt đã làm cho hai trong số các nước lớn phương Tây phải lần lượt cúi đầu bái phục” (báo Thế giới, ngày 26-4-1977). Là Thủ tướng của một dân tộc hùng mạnh và đầy tự hào đến Pari, không phải vì ông đã quên đi bất cứ điều gì. Mặc dù người ta sẽ nói với nhau về dầu lửa, về xe ô tô, về sự hợp tác để xây dựng lại trên đống tro tàn của chiến tranh, nhưng chưa ai quên hàng triệu người Việt Nam, người Pháp, người Mỹ đã chết. Nếu đối với Việt Nam, đó là sự hy sinh cần thiết thì đối với Pháp và Mỹ, đó là những cái chết vô ích. Ông đến Pháp để tìm kiếm lại quãng thời gian đã mất. Ông không khêu gợi lại chặng đường bốn mươi năm về trước, khi ông bị giam trong các nhà tù của Pháp. Nhưng ông biết lựa lời cần thiết để nhắc lại rằng: “hành động kiểu thuần túy cảnh sát” mà nước Pháp đã đề nghị với ông năm 1946 (ở Hội nghị Phôngtennơblô) thay cho lời hứa trả độc lập cho Việt Nam trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp, là một việc làm không xứng đáng. Hồi đó, ông đã từng nói với đại diện Pháp rằng: tương lai của Việt Nam sẽ diễn ra theo ba tình huống: 1- Với sự hợp tác với các ông, 2- Hoặc chống lại các ông; 3- Hoặc không có các ông.

        Tình huống thứ hai đã xảy ra mấy chục năm qua. Và ngày nay (tuy đã quá muộn), nước Pháp không muốn rơi vào tình huống thứ ba mà mong muốn trở lại tình huống thứ nhất, hợp tác với nước Việt Nam. Vì, như Tổng thống Đextanh đã nói: “Việt Nam là cường quốc quan trọng nhất ở Đông Nam Á” (báo Buổi sáng Pari, ngày 26-4-1977).

        Trong buổi chiêu đãi do Tổng thống Pháp tổ chức để chào mừng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trưa 26 tháng 4 năm 1977, buổi chiêu đãi mà báo Phigarô gọi là “bữa tiệc hòa giải”, ông Đextanh đọc diễn văn ca ngợi nước Việt Nam và coi cuộc viếng thăm của Thủ tướng “đã tạo cho chúng ta thời cơ mở ra một chương hoàn toàn mới trong lịch sử quan hệ giữa hai nước” (báo Rạng Đông, ngày 28-4-1977). Trong lời đáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Chính sách của chúng tôi là đúng. Lịch sử đã chứng minh sự đúng đắn đó” (báo Nhân Đạo, ngày 28-4-1977).

-------------------------
        1. Của lần xuất bản thứ nhất (năm 1979)

        2. Nơi Chính phủ Pháp dành riêng để tiếp các vị nguyên thủ quốc gia đến thăm nước Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:27:10 pm

        Một chi tiết được tờ Rạng Đông lưu ý là trong “bữa tiệc hòa giải” gồm 119 người dự, “có cả một số nhân vật Pháp, bằng nhiều cách khác nhau, đã có liên quan đến quá khứ Pháp - Việt Nam”. Ngoài bà Văngđécmét (Françoise Wandermeersch), nổi tiếng về những cố gắng không mệt mỏi trong việc vận động ủng hộ hai cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, người ta còn thấy có mặt Xanhtơny, người thay mặt Chính phủ Pháp quan hệ với Chính phủ Việt Nam trong những năm 1945-1946, tướng Bigia (Marcel Bigeard), thứ trưởng quốc phòng, nguyên trung tá chỉ huy quân dù ở Điện Biên Phủ, đã bị quân đội Việt Nam bắt làm tù binh khi tập đoàn cứ điểm này bị tiêu diệt. Khi đến dự tiệc, viên tướng đã tuyên bố với các nhà báo: “Gió lịch sử đã đổi chiều. Tôi không cảm thấy ngượng ngùng khi gặp lại đại diện của một dân tộc đã từng đánh bại quân viễn chinh Pháp”.

        Nhưng tiếc thay, biết bao sự việc xảy ra trong quá khứ và đang tiếp tục xảy ra vẫn chưa cho người ta thấy rõ triển vọng hứa hẹn sau những lời lẽ tốt đẹp của Tổng thống Pháp Gixca Đextanh.


        Nhìn lại từ quá khứ từ sau khi quân Pháp rút khỏi Việt Nam, chặng đường đi tới cuộc tái ngộ đó đã trải qua những bước gập ghềnh, khúc khuỷu, do thái độ thiếu tích cực của Chính phủ Pháp và lập trường ngoan cố của một số nhân vật ở Pari có trách nhiệm góp phần “lấy lại quãng thời gian đã mất” trong quan hệ giữa hai nước.

        Nếu một số chính khách và tướng lĩnh “cỡ đàn anh” như Đờ Gôn, Lơcléc, Míttơrăng, Métxme (Charles de Gaulle, Philippe Leclerc, François Mitterand, Pierre Messmer) đã nhận ra đường lối sai lầm của chính phủ Pháp khi đưa quân sang xâm lược Đông Dương để rồi “mất hết” từ quyền lợi, danh dự đến uy tín trên bán đảo này, thì vẫn còn không ít nhân vật trong Chính phủ Pháp và một số tướng lĩnh “cỡ đàn em” lại vẫn tỏ ra ngoan cố, lỗi thời trong thái độ đối với Việt Nam.

        Một số chuyện cũ mà người ta đã biết và được hãng thông tấn Pháp AFP nhắc lại ngày 17 tháng 4 năm 1977 là: “Trong lúc người Mỹ rút khỏi Việt Nam và đang cố gắng lãng quên (cuộc đụng đầu lịch sử) ở Việt Nam thì, thông qua các đại sứ quán của mình, Pari vẫn chơi “con bài hai nước Việt Nam”. Đó là thời kỳ mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhẹ nhàng nhắc nhở: “Thế nào, người Pháp (những người đã tính sai khá nhiều nước cờ) các ông đang làm gì vậy? Hãy coi chừng, khéo lại chậm chân một lần nữa đấy”.

        Nhiều tờ báo ở Pari (ngày 26-4-1977) cũng nhận xét: “Cho đến ngày thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã được bảo đảm (30-4-1975) với việc giải phóng Sài Gòn, thái độ của các chính phủ kế tiếp nhau ở Pari đã không tạo điều kiện cho các quan hệ tốt đẹp giữa hai bên - đó là điều ít nhất người ta có thể nói đến” (báo Nhân Đạo). “Trong nhiều năm đế quốc Pháp đã ngoan cố phát triển quan hệ kinh tế với bọn phát xít Sài Gòn để được hưởng quyền tô nhượng khai thác dầu mỏ. Ngày nay, nước Việt Nam tự do, làm chủ tài nguyên của mình, không thừa nhận những quyền tô nhượng đó và đế quốc Pháp sẽ phải thương lượng trong những điều kiện được coi là cứng rắn” (Nhật báo Nhân Dân).

        Trong số tướng lĩnh Pháp, kể cả những người đã trực tiếp nhúng bàn tay tội ác vào cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, cũng còn có những kẻ tỏ ra “bảo hoàng hơn cả vua chúa”. Có thể kể một ví dụ về trường hợp tướng Vanuyxem (Vanuxem), nguyên đại tá chỉ huy binh đoàn cơ động số 3 (GM3) người đã từng bị quân dân Việt Nam cho ăn đòn ở đồng bằng Bắc Bộ và chết hụt ở Vĩnh Yên đầu năm 1951.

        Qua báo Pháp Thế giới (9-6-1972), người ta biết rằng trong một cuộc tiếp xúc với đại diện ngoại giao Việt Nam tại Pari, tướng Đờ Cát (De Castries, chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ 18 năm về trước) đã tỏ lòng khâm phục tinh thần chiến đấu vì độc lập của quân dân Việt Nam. Đờ Cát cũng khuyên người Mỹ (khi đó đang đàm phán với ta ở Pari) hãy nên nhìn vào tấm gương của Pháp để khỏi trượt quá xa trên bước đường xâm lược. Tin về cuộc gặp gỡ đó và nhất là lời tuyên bố của Đờ Cát khiến Vanuyxem phản ứng. Ngay hôm đó (9-6-1972), hắn biên thư yêu cầu Đờ Cát công khai cải chính lời tuyên bố của mình trên báo, vì “không thể nói những lời có lợi cho những kẻ đã giết bao nhiêu chiến hữu của chúng ta” (!!!). Đồng tình với Vanuyxem là một tên Hôlen (Roger Holeindre) nào đó. Hắn viết thư ngỏ đăng trên tuần báo Minute (14 - 20-6-1972) đả kích Đờ Cát thậm tệ về lời tuyên bố của viên tướng này. Bức thư kết thúc bằng một lời thoá mạ: “Thưa ngài Đờ Cát, ngài là một tên khốn kiếp”.

        Chưa hết. Mùa xuân năm 1975, khi quân dân Việt Nam đang giáng đòn cuối cùng vào chủ nghĩa thực dân mới Mỹ ở miền Nam, người ta lại thấy Vanuyxem xuất hiện ở Sài Gòn hòng dựng dậy một thây ma bù nhìn đã rữa nát để chuẩn bị cho một mưu đồ chính trị đen tối của đế quốc Pháp và bè lũ phản động Trung Quốc trên mảnh đất này.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:28:11 pm

        Thế rồi vào những ngày cuối năm 1978 tức là hai mươi tháng sau “cuộc tái ngộ Việt – Pháp”, tại Pari lại dấy lên một chiến dịch vu khống và đả kích nước Việt Nam. Chiến dịch đó không những “nhằm bôi nhọ một dân tộc đã được tất cả những người lương thiện khâm phục vì cuộc đấu tranh anh hùng giành độc lập tự do của họ, mà nó còn làm hại uy tín và danh dự nước Pháp”1. Theo báo Nhân Đạo (30-11-1978), thời điểm thực hiện âm mưu chính trị vụng về này đã được lựu chọn một cách có dụng ý: đó là lúc “những tai họa do lụt lội và những mối đe dọa ở biên giới đang ngăn trở những cố gắng của nhân dân Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả của ba mươi năm chiến tranh”.

        Nhúng tay vào chiến dịch bỉ ổi này gồm cả “những kẻ đã thất bại trong việc khuất phục nhân dân Việt Nam bằng sắt thép, lửa và máu... Với lòng hận thù cao độ, chúng mưu toan rửa nhục cho thất bại về quân sụ bằng những thủ đoạn khác...”. Điểm mặt, người ta thấy Bécna Xtadi - phó chủ tịch Quốc hội, Liônen Xpanh - thu ký Đảng Xã hội... tức là những kẻ mà đồng chí Hăngri Máctanh - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, cho là “dường như còn luyến tiếc thời kỳ mà những bộ trưởng thuộc Đảng Xã hội tham gia điều hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam”. Ngoài những chính khách cánh hữu, người ta còn thấy những cái loa của giới tư sản phản động Pháp: Giăng Lacutuya (báo Người quan sát mới), Raymông Arông (báo Tin nhanh), Giăng Đoócmétxông (báo Phigarô), Giăng Phrăngxoa Can (Đài phát thanh Pari),... Chưa đủ. Họ còn mời cả những nhân vật ở bên kia đại dương tham gia bản hòa tấu ở Pari: I. Brao, R. Níchxơn... Brao là ai? Bà Phrăngxoadơ Văngđécmét đã vạch mặt tên nhân viên CIA đội lốt công đoàn này. Năm 1947, y đã tùng đem đôla Mỹ đến Mácxây hòng phá hoại cuộc đình công của công nhân ở cảng này. Níchxơn là ai? Loài người biết mặt viên cựu Tổng thống Hoa Kỳ này qua những tiếng bom ném ruộng đất nước Việt Nam và qua vụ Oatơghêt “nổi tiếng”2. Dù Pháp hay Mỹ, họ đều là những kẻ đang dùng những luận điệu xuyên tạc, vu cáo, để nói về “quyền con người” và đả kích nhân dân Việt Nam. Họ muốn làm rùm beng hòng lấp liếm tất cả những tội ác ngàn đời không xóa nổi mà chính họ và đồng lõa đã tùng trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra trên đất nước Việt Nam. Những kẻ đi cướp nước, những kẻ từng đem bom đạn đến tàn phá, hủy diệt từ con người cho đến cây cỏ trên đất nước Việt Nam, nay lại mở miệng nói đến “quyền làm người”. Câu kết với các thế lực phản động quốc tế, họ muốn trả thù những người đã đánh thắng họ và tống cổ họ đi để chấm dứt ách nô lệ giành lại quyền thiêng liêng nhất của con người là làm chủ đất nước và cuộc sống của mình. Nhân dân Việt Nam muốn quên chuyện cũ, nhanh chóng thiết lập những quan hệ mới với những kẻ thù ngày hôm qua, nhưng họ lại vẫn cứ muốn ôm ấp những mưu đồ xấu xa.

        Trước luồng gió độc của chiến dịch xuyên tạc và vu cáo bỉ ổi này, một lần nữa Đảng Cộng sản Pháp lại giương cao ngọn cờ chính nghĩa, bảo vệ chân lý, bảo vệ tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Bằng những bài diễn văn, bài báo, bằng những cuộc tranh luận công khai trên đài truyền thanh và truyền hình, nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp, nhiều nhà hoạt động xã hội nổi tiếng ở Pari, đã lên án mạnh mẽ những kẻ đại diện cho giới cầm quyền phản động Pháp - Mỹ, bác bỏ luận điệu đả kích và vu cáo của chúng đối với nước Việt Nam, khẳng định lập trường kiên quyết của Đảng Cộng sản và nhân dân Pháp đứng về phía nhân dân Việt Nam đang ra sức xây dựng lại đất nước sau ba mươi năm chiến tranh tàn phá, đòi Mỹ phải thực hiện nghĩa vụ góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam... Phong trào đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong Chiến dịch sự thật về Việt Nam do Đảng Cộng sản phát động, được các nhân sĩ tiến bộ và các tầng lớp nhân dân ủng hộ và hưởng ứng, đang phát triển rộng khắp trên đất Pháp.

        Những kẻ đại diện cho những luận điệu chống Việt Nam ngày càng bị cô lập trước sự thật chính nghĩa sáng ngời. Tuy nhiên, không ít kẻ vẫn tỏ ra ngoan cố đi ngược lại ý chí hòa bình và hữu nghị của nhân dân Pháp, làm hại uy tín và danh dự của nước Pháp, vốn đã từng bị tổn thương nghiêm trọng trong những năm đế quốc Pháp xâm lược Đông Dương (1945-1954). Uy tín và danh dự đó chỉ được khôi phục nếu giới cầm quyền Pháp tính lại nước cờ, tôn trọng những gì mà họ đã nói trong “cuộc tái ngộ Việt - Pháp “ năm 1977 (cuộc tái ngộ mà phía Việt Nam đã đi trước một bước quan trọng) để lấy lại quãng thời gian đã mất, nếu phía Pháp không muốn chậm chân..

----------------
        1. Tuyên bố ngày 23-11-1978 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp (báo Nhân Dân, ngày 25-11-1978).

        2. Điều đáng chú ý là khi được vời đến lên tiếng ở đài truyền hình Pháp (28-11-1978), cái thây ma chính trị này vẫn lấy làm tiếc vì... không đưa được nước Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá (báo Nhân đạo, 30-11-1978).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:29:02 pm

*

*       *

        Cuộc chiến tranh xâm lược mà đế quốc Pháp gây ra ở Đông Dương, cuộc chiến tranh mà Đảng Cộng sản Pháp và dư luận tiến bộ ở Pháp lên án là một cuộc “chiến tranh bẩn thỉu”, đã chấm dứt từ gần một phần tư thế kỷ. Kẻ chiến bại trong cuộc đọ sức đó là đội quân viễn chinh Pháp và các chính phủ tư sản Pháp đã điều hành cuộc chiến tranh xâm lược.

        Nhưng qua một số sự kiện trên đây, phải chăng trong các giới chính trị, quân sự và học thuật ở Pháp vẫn còn không ít người tỏ ra “chậm hiểu” về sai lầm của phía Pháp sau cuộc viễn chinh thất bại?

        Cho đến nay, đã có hàng trăm cuốn sách viết về cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương. Tác giả gồm những chính khách, tướng lĩnh, ký giả, sử gia Pháp Mỹ và một số người trước đây đã phục vụ chế độ Mỹ - ngụy ở Sài Gòn. Dưới dạng hồi ký, ký sự, công trình lịch sử,... các tác phẩm đó được viết với những động cơ khác nhau. Người này tỏ ra luyến tiếc vì đế quốc Pháp đã đề mất “bông hoa đẹp nhất của vườn hoa thuộc địa”. Người khác viết nhằm đề cao hoặc biện hộ cho mình, đổ lỗi thất bại cho kẻ khác. Người thứ ba chê bai Chính phủ và tướng lĩnh Pháp không biết điều hành cuộc chiến tranh nên đã đi đến thất bại. Cũng không ít người muốn giương lá cờ “khách quan”, phê phán bên này, vạch tội bên kia, v.v…

        Một số người trong các tác giả nói trên, chưa rời bỏ được lập trường thực dân của họ, đã cố tình xuyên tạc và bưng bít lịch sử, làm lẫn lộn vàng thau khi nói về “quá khứ nặng nề” trong quan hệ Việt - Pháp. Song, công bằng mà xét, cũng có không ít người tỏ ra đã dày công nghiên cứu và đưa ra ánh sáng được khá nhiều sự kiện xác thực cùng với những mối quan hệ phức tạp của nó. Cũng có người đã đưa ra được những nhận xét có ích. Tuy nhiên, phần lớn vẫn còn chưa vượt ra khỏi chỗ đứng và cách nhìn tư sản cũ kỹ, đầy thiên kiến của họ. Vì vậy, mặc dầu đã tốn khá nhiều giấy mực, họ vẫn bị chìm ngập và loay hoay trong đống sự kiện cùng những kết luận sai lạc, không giúp cho người đọc, nhất là người đọc ở Pháp, thấy được một cách đúng đắn và toàn diện các vấn đề chủ yếu, thuộc về bản chất chiến tranh, lý do chiến tranh và những nguyên nhân thắng bại của hai bên tham chiến.

        Còn về phía chúng ta? Rõ ràng, từ các sự kiện của cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta đã đi tới được những kết luận lịch sử. Trên thực tế, những kết luận đó đã trở thành những bí quyết giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

        Đương nhiên là chúng ta không dừng lại ở những công việc đã làm. Các cơ quan có trách nhiệm, các nhà nghiên cứu đang tích cực xây dựng và hoàn thành những tác phẩm lịch sử, viết một cách toàn diện, hoàn chỉnh về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945- 1954). Sau biết bao biến cố, giờ đây chúng ta đang có những điều kiện thuận lợi để nhìn lại quá khứ và tiếp tục nghiên cứu, khai thác sâu hơn nhằm đạt tới những kết quả mới mẻ, rõ ràng đầy đủ hơn những điều trước đây đã kết luận.

        Trong khi chờ đợi những tác phẩm có tầm cỡ như vậy ra đời chúng tôi sưu tầm một số tư liệu - chủ yếu rút ra từ sách báo Pháp, Mỹ và phương Tây – để xây dựng cuốn Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu này. Đúng như tên gọi của nó, cuốn sách không đề cập một cách toàn diện tới cả hai bên tham chiến mà chỉ cố gắng dựng lại một cách trung thực quá trình diễn biến của cuộc chiến tranh từ phía bên kia, tức là cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp ở Việt Nam từ 1945 đến 1954. Thông qua diễn biến của cuộc chiến tranh phi nghĩa này, chúng tôi muốn đóng góp với bạn đọc những tư liệu và ý kiên tham khảo về một số vấn đề mà không ít người trong giới chính trị, quân sự, học thuật,... phương Tây hiện chưa giải đáp được, hoặc giải đáp một cách sai lạc. Đó là các vấn đề sau:

        - Vì sao giới cầm quyền Pháp vội vã đem quân trở lại xâm lược Đông Dương, khi nước Pháp bại trận vừa thoát thỏi ách chiếm đóng còn đứng trước vô vàn khó khăn, khi nhân dân Việt Nam đã khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước từ tay phát xít Nhật và đã trở thành người chủ của một quốc gia độc lập, thống nhất?

        - Vì sao giới cầm quyền Pháp cố tình khước từ thiện chí của nhân dân Việt Nam muốn hợp tác bình đẳng với nhân dân Pháp trong hòa bình và hữu nghị, cố tình gây ra và kéo dài cuộc chiến tranh xâm lược suốt chín năm?

        - Vì sao đế quốc Pháp đã đưa sang Việt Nam hàng loạt tướng lĩnh, chính khách tài ba nhất của nền Đệ tứ Cộng hòa Pháp, đã dốc vào cuộc chiến tranh hàng chục vạn quân viễn chinh được Mỹ viện trợ phần lớn vũ khí trang bị trong nhũng năm cuối cuộc chiến, mà vẫn bị thất bại trước Việt Nam - một nước đất không rộng, người không đông, chính quyền nhân dân còn non trẻ, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và xơ xác sau hàng trăm năm nô lệ, lực lượng cũ trang nhỏ bé, vũ khí thô sơ?

        - Vì sao đế quốc Pháp lại ngoan cố đến mức chỉ sau “cuộc đọ sức cuối cùng” ở Điện Biên Phủ mà chịu từ bỏ ý chí xâm lược và buộc phải rút quân về nước?

        Thông qua các vấn đề nói trên, chúng tôi muốn cùng bạn đọc tìm hiểu một cách tổng quát về quy luật thất bại tất yếu của cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa mà không ít chính khách và tướng lĩnh tư sản Pháp đã phải cay đắng thú nhận rằng họ đã chọn lầm đối tượng.

        Mặt khác, qua những tư liệu về diễn biến của cuộc chiến tranh từ phía đế quốc Pháp, bạn đọc cũng có thể thấy thêm được một phần ý nghĩa to lớn và nguyên nhân thắng lợi của quân dân ta, cũng như sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh tài tình của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

        Mục đích của cuốn sách chỉ hạn chế trong phạm vi như vậy nhưng do trình độ người viết có hạn, việc sưu tầm, chọn lọc và sử dụng tư liệu lại gặp nhiều khó khăn nên cuốn sách khó tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi rất mong được sự đóng góp ý kiến của bạn đọc.

TÁC GIẢ       


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:30:58 pm
       
Phần một

NHỮNG NƯỚC CỜ TÍNH SAI

Chương một

NGỰA QUEN ĐƯỜNG CŨ

ĐÓA HOA THUỘC ĐỊA ĐẸP NHẤT

        Trong nhiều tác phẩm lịch sử hoặc hồi ký viết về Đông Dương sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhiều sử gia chính khách và tướng lĩnh Pháp thường nhắc tới năm 1939, một năm được các “quan cai trị” Pháp coi là “giấc mộng vàng khó quên”.

        Thành ngữ “chiến tiền nguyên trạng”1đã được khắc sâu trong trái tim đen của các ngài thực dân Pháp, những người “luyến tiếc sâu sắc đóa hoa đẹp nhất trong vườn hoa thuộc địa” đã tuột khỏi tay họ từ những năm 40 của thế kỷ này.

        Những gì xảy ra trên bán đảo Đông Dương trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai đã nói lên sự hèn nhát của những người tự nhận là “mẫu quốc bảo hộ”, đồng thời cũng nói lên tính chất bảo thủ, ngoan cố, cận thị của họ trước những thay đổi sâu sắc về chính trị và xã hội trên bán đảo này.

        Ngày 1 tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Hai ngày sau Chính phủ Pháp tuyên chiến với phát xít Đức cũng là ngày tướng Catơru (Catroux) được cử sang làm toàn quyền Đông Dương, với nhiệm vụ ổn định bằng được cái “hậu phương xa xôi” này để vét người, vét của dốc vào chiến tranh.

        Vừa tới nơi, Catơru đã vội vã phát xít hóa bộ máy thống trị của Pháp ở Đông Dương. Theo quan điểm của viên toàn quyền mới, nếu ở Đông Dương không có Đảng Cộng sản “rất kiên cường và rất đáng sợ” thì bán đảo này sẽ không còn là một mảnh đất “hiếu động và bất trị nữa”. Bởi vậy, Catơru nắm ngay lấy bộ máy bạo lực thuộc địa (gồm 60 000 lính Âu-Phi và khố đỏ, 30.000 lính khố xanh và một mạng lưới cảnh sát và mật thám dày đặc để bắt đầu kế hoạch đánh toàn diện, mau lẹ và không thương tiếc vào các tổ chức cộng sản.

        Trong khi Catơru và đồng bọn đang tập trung mũi nhọn khủng bố vào phong trào cách mạng thì tại “chính quốc”, ngày 10 tháng 5 năm 1940, quân phát xít Đức vượt qua biên giới, tiến công vào đất Pháp. Sau “những cuộc rút lui có trật tự” của quân đội Pháp, ngày 14 tháng 6, quân Đức đã đặt chân đến Khải Hoàn Môn của thủ đô Pari bỏ ngỏ. Một chính quyền tay sai của Đức được dựng lên, đứng đầu là thống chế Pêtanh (Pétain). Một tuần sau, ngày 22, tướng Đờ Gôn (Chales de Gaulle) trốn sang Anh. Ông ta lên tiếng ở đài phát thanh Luân Đôn, tự nhận là người lãnh đạo phong trào kháng chiến của nhân dân Pháp!, nhưng ngay sau đó, ông ta lại kêu gọi nhân dân trong nước “không đấu tranh chống bọn xâm lược Đức:.. mà hãy chờ quân đội Anh - Mỹ tiến công vào đất Pháp” (!)2

        Trong lúc Catơru và đồng bọn còn đang bàng hoàng vì tin sét đánh từ “chính quốc” bay sang thì ngày 19 tháng 6 năm 1940, phát xít Nhật đã lợi dụng cơ hội nước Pháp thua trận để gõ cửa Đông Dương. Yêu sách đầu tiên của phát xít Nhật là Pháp phải đình chỉ việc vận chuyển phương tiện chiến tranh của Mỹ từ cảng Hải Phòng lên vùng Hoa Nam cho quân Tưởng và phải đóng cửa biên giới Việt - Trung. Phủ toàn quyền Pháp ngoan ngoãn cúi đầu chấp nhận.

        Từ đó, bắt đầu cả một quá trình đầu hàng từng bước của bọn cầm quyền Pháp ở Đông Dương trước sức ép ngày càng tăng của phát xít Nhật. Các bước đầu hàng của Pháp càng công khai lộ liễu từ khi đô đốc Đờcu (Decoux) được chính quyền Vi-si (tay sai phát xít Đức) cử sang thay tướng Catơru làm toàn quyền Đông Dương (20-7-1940): từ việc buột phải để cho phát xít Nhật dùng đường xe lửa và các sân bay ở Bắc Kỳ chuyển quân và trú quân, đến việc đầu hàng nhục nhã ở Lạng Sơn (21-9-1940) và để cho quân Nhật đổ bộ lên Hải Phòng, Đồ Sơn (25-9-1940); từ việc thi hành mệnh lệnh của Nhật đem quân đàn áp các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (9-1940) và Nam Kỳ (11-1940) đến việc cắt 70.000 kilômét vuông đất lãnh thổ Campuchia và Lào dâng cho bọn quân phiệt Xiêm La (nay là Thái Lan, khi đó là chư hầu của Nhật) sau khi chịu thất bại trong cuộc chiến tranh Pháp - Xiêm (8-12-1940 - 22-1-1941).

        Cuộc chiến tranh xâm lược của phát xít Nhật càng phát triển thì Đông Dương ngày càng trở thành chiếc cầu quan trọng trên đường tiến quân của chúng xuống phía Nam. Với chiêu bài “phòng thủ chung”, bản hiệp ước Pháp - Nhật ký ngày 29 tháng 7 năm 1941 đã biến Đông Dương thành một căn cứ chiến lược của phát xít Nhật để chúng chuẩn bị phát động cuộc chiến tranh Thái Bình Dương (7-12-1941).

        Chính sách “phòng thủ chung” (thực chất là sự đầu hàng hoàn toàn của Pháp trước phát xít Nhật ở Đông Dương) và các hiệp ước kinh tế, quân sự tiếp theo đã dồn nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào vào cảnh một cổ hai tròng. Bọn cầm quyền Pháp đã biến thành những tên cai thầu tiếp tay cho phát xít Nhật, cùng chúng bóc lột và bần cùng hóa nhân dân ba nước Đông Dương3. Quân đội Pháp trên bán đảo này đã trở thành công cụ trong tay phát xít Nhật, được chúng dùng để “bảo vệ hậu phương”, cụ thể là đàn áp mọi hoạt động chống đối của nhân dân và khủng bố phong trào cách mạng. Chấp hành lệnh của bộ chỉ huy quân Nhật, phủ toàn quyền Pháp tung quân đội và cảnh sát đi vây ráp các chiến sĩ cách mạng ở vùng đồng bằng, đô thị và liên tiếp tổ chức các cuộc hành binh vào các căn cứ du kích ở Việt Bắc hòng tiêu diệt các đội vũ trang nhỏ bé của cách mạng Việt Nam.

--------------------
        1. Statu quo ante bellum: tình hình như trước chiến tranh, ý nói bọn thực dân Pháp mong mỏi trở lại thời kỳ hoàng kim của chế độ thuộc địa như trước Chiến tranh thế giới thứ hai.

        2. Lịch sử hiện đại, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, tập 2, tr. 11.


        3. Từ năm 1940 đến tháng 2 năm 1945 Pháp đã vơ vét của nhân dân Đông Dương để nộp cho phát xít Nhật 720 triệu đồng bạc Đông Dương. Riêng năm 1944, trung bình mỗi tháng 30 triệu; hai tháng đầu năm 1945, mỗi tháng 45 triệu. Giá cả tăng vọt. Nạn lạm phát trầm trọng (đầu năm 1945 số giấy bạc lưu hành đã tăng gấp mười lần so với năm 1941). Theo J. Decoux, A la barre de l’Indochine (Chèo chống ở Đông Dương), Nxb Plon, Paris, 1949, tr. 446.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:33:27 pm

        Một tháng sau khi quân Mỹ đổ bộ lên Bắc Phi (5-1943), tướng Đờ Gôn đến Angiêri và tổ chức ra Ủy ban giải phóng. Mưu đồ của ông ta là dựa vào Đồng minh để giải phóng nước Pháp. Một mục tiêu khác không kém phần quan trọng là làm sao duy trì được ách thống trị của đế quốc Pháp ở các thuộc địa trong đó có việc giành lại xứ Đông Dương giàu có từ tay phát xít Nhật.

        Nhưng làm thế nào để cứu vãn được tình hình khi mà quân đội Đại Pháp có “sứ mệnh bảo hộ” cho dân bản xứ nhưng lại liên tiếp cúi đầu và lùi bước? “Phải tổ chức kháng chiến”, nếu không sẽ mất hết. Đờ Gôn ghi lại trong hồi ký của ông ta như vậy.

        Từ cuối năm 1943, Đờ Gôn liên tiếp phái người bí mật sang Đông Dương để truyền đạt chỉ thị “tổ chức kháng chiến” cho tướng Moócđăng (Mordant, tổng chỉ huy quân đội Pháp). Đờ Gôn không hề biết rằng do lập trường đầu hàng của Đờcu và đồng bọn, mọi chỉ thị của Ủy ban giải phóng đã không có chút giá trị trong thực tế. Các “tổ chức kháng chiến” núp dưới mọi danh nghĩa (Ủy ban hành động giải phóng Đông Dương Hội đồng Đông Dương, v.v.) đều là những tổ chức ma. Mọi dự kiến chuẩn bị đối phó trong trường hợp quân Nhật tiến công chỉ là những kế hoạch trên giấy. Giữa bọn cầm quyền Pháp (trước hết là giữa Đờcu và Moócđăng) luôn luôn xảy ra những cuộc xung đột về chủ trương đối phó với quân đội Nhật.

        Điều đáng chú ý là ngay khi “tổ chức kháng chiến” ra đời, Mặt trận Việt Minh đã kêu gọi những người Pháp Đờ Gôn trong tổ chức này hãy hợp tác cùng nhân dân Việt Nam, lập thành một mặt trận dân chủ chống phát xít rộng rãi, chĩa mũi nhọn vào phát xít Nhật và tay sai, theo khẩu hiệu Bình đẳng, tương trợ - Việt Nam độc lập. Nhưng những người Pháp thuộc phái Đờ Gôn đã làm ngơ trước những lời kêu gọi đầy thiện chí của cách mạng Việt Nam.

        Mặc dù Đờcu và bè lũ đã cúi đầu tuân theo mọi mệnh lệnh của Nhật nhưng phát xít Nhật vẫn không ngừng lấn tới và mâu thuẫn giữa Pháp - Nhật vẫn ngày càng sâu sắc vì cả hai tên cướp đều tìm cơ hội độc chiếm Đông Dương.

        Từ cuối năm 1944, quân đội Nhật đã đứng trước cục diện chiến tranh Thái Bình Dương đang phát triển ngày càng không lợi cho chúng. Đường biển xuống phía nam đã bị cắt đứt. Trên bán đảo Đông Dương, chúng phải lo đối phó với ba đối thủ: trước hết là phong trào cách mạng đang nhành chóng lan rộng; thứ hai là quân Anh - Mỹ có thể sẽ đổ bộ vào Đồng Dương và thứ ba là nguy cơ quân Pháp hoạt động phối hợp khi quân Đồng minh tiến công. Nếu đối với phong trào cách mạng Việt Nam, phát xít Nhật không thể dập tắt thì việc hạ thủ quân đội Pháp đã trở nên một yêu cầu cấp thiết để tránh hậu họa bị đánh từ phía sau khi quân Đồng minh đổ bộ và để độc chiếm bán đảo này làm chiếc cầu nối liền xuống chiến trường phía nam.

        Cuộc đảo chính của phát xít Nhật nổ ra đêm 9 tháng 3 năm 1945. Chỉ trong đêm đó, toàn bộ bộ máy dân sự và quân sự của Pháp ở Đông Dương đã nhanh chóng bị đập tan. Toàn quyền Đờcu và tổng chỉ huy Moócđăng bị bắt. Khoảng 80.000 quân Pháp - bản xứ trên toàn Đông Dương (trong đó có 60.000 quân chính quy gồm Pháp, lê dương khố đỏ) hoàn toàn bị tan rã. Chỉ còn chừng 5.600 tên sống sót theo tướng Alécxăngđri (Alessandri) chạy trốn sang bên kia biên giới Việt Trung.

        Trong hoàn cảnh bi thảm mà sau này tướng Đờ Gôn gọi là “Thượng đế thì quá cao mà nước Pháp thì quá xa”, các tướng lĩnh Pháp đã bất lực không thực hiện được yêu cầu của thủ lĩnh Đờ Gôn là giữ bằng được “bông hoa đẹp nhất của vườn hoa thuộc địa”. Cũng theo ông ta, thất bại nhục nhã của Pháp đêm 9 tháng 3 năm 1945 là “những dòng cuối cùng của thiên anh hùng ca” (!) của quân đội Đệ tứ Cộng hòa Đại Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

        Đáng mỉa mai hơn nữa là mãi đến năm 1959, khi cho ra đời tập 3 cuốn Hồi ký chiến tranh của mình, Tổng thống Pháp Đờ Gôn còn hết lời ca tụng “các đơn vị xuất phát từ nhiều địa điểm thuộc bắc Bắc Kỳ, trong đó có binh đoàn quan trọng do tướng Alécxăngđri chỉ huy, với lính lê dương làm nòng cốt, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chạy trốn sang đất Trung Hoa” (!). Đờ Gôn không hề nói một lời về nguyên nhân dẫn tướng lĩnh và quân đội Pháp đến thảm cảnh khó quên đêm 9 tháng 3, điều mà ngay từ hồi đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã vạch trần. Trong số ra ngày 16 tháng 5 năm 1945, báo Cờ giải phóng - cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương - viết:

        “… Nguyên nhân thất bại cốt yếu của Pháp, Đờ Gôn ở Đông Dương chính là ở chỗ họ ưa hợp tác với bọn phát xít Đờcu hơn là thống nhất hành động với nhân dân Đông Dương trong việc chống Nhật.”

        “… Và trước sau họ vẫn tin rằng bọn Đờcu có thể dùng ngoại giao hòa hoãn được những mâu thuẫn Pháp - Nhật cho đến lúc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương.”

        “… Quyền lợi đế quốc của họ đã làm cho họ mù quáng... Họ không thèm đáp ứng lời kêu gọi của các đoàn thể cách mạng Đông Dương hô hào họ cùng lập Mặt trận thống nhất chống Nhật. Họ không thèm để ý đến lời cảnh cáo của Đảng Cộng sản Đông Dương báo trước cho họ biết rằng: nếu họ không thừa nhận quyền dân tộc độc lập của nhân dân Đông Dương thì nhất định họ sẽ chết chẹt giữa hai gọng kìm: nhân dân Đông Dương - phát xít quân phiệt Nhật...”.

        Ngay sau khi lật đổ đế quốc Pháp ở Đông Dương, khi “chính quyền” mới của chúng còn chưa đứng vững ở các địa phương, phát xít Nhật đã vội điều quân lên càn quét căn cứ địa cách mạng Việt Bắc. Trong cả mùa hè 1945, dù tập trung lực lượng và áp dụng mọi thủ đoạn tàn bạo của quân đội phát xít, chúng cũng không đủ sức chống lại phong trào cách mạng Việt Nam đang phát triển cao chưa từng thấy, nhất là ở miền Bắc nước ta.

        Nắm vững bản chỉ thị lịch sử Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, đề ngày 12 tháng 3 năm 1945, của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, các tầng lớp nhân dân Việt Nam ở cả miền núi và miền xuôi, ở nông thôn cũng như thành thị đã hướng theo lá cờ Việt Minh, đẩy mạnh cao trào chống Nhật, cứu nước, từ chiến tranh du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền địa phương, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong cả nước từ tay phát xít Nhật.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:35:02 pm

ĐẤT NƯỚC ĐIÊU TÀN, LÒNG DÂN CHUA XÓT

        Tháng 5 năm 1945, cuộc chiến tranh ở châu Âu chấm dứt. Ngày 8 tháng 5, tại Béclin, đại biểu bộ chỉ huy quân đội phát xít Đức ký hiệp ước đầu hàng Đồng minh không điều kiện.

        15 giờ 30 phút ngày hôm ấy, sau khi đọc diễn văn truyền thanh, công bố việc đầu hàng của nước Đức quốc xã, Đờ Gôn đến nhóm ngọn lửa ở Khải Hoàn Môn tại Pari, thủ đô nước Pháp vừa thua trận và vừa trải qua bốn năm chiếm đóng của quân đội phát xít Đức. Trong giờ phút lịch sử này, đối với mỗi người dân Pháp, vị trí, vai trò uy tín của đế quốc Pháp ngày 8 tháng 5 năm 1945 đâu còn được như ngày 11 tháng 11 năm 1918. Nếu sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất, đế quốc Pháp có vị trí nổi bật trong khối Đồng minh chiến thắng thì, sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai này, Pháp chỉ còn là một nước có vị trí rất thứ yếu, cả ở châu Âu cũng như trên thế giới.

        Trên trường quốc tế, nổi bật là sự lép vế của Pháp trong mối quan hệ với các nước “đồng minh” trong và sau Chiến tranh. Dẫn chứng đầu tiên là quan hệ Anh - Pháp tại Trung Đông.

        Mâu thuẫn và xung đột giữa Anh với Pháp ở Xyri và Libăng (trước đó vẫn thuộc quyền “bảo trợ” của Pháp) âm ỉ từ giữa năm 1941, đã bột phát quyết liệt vào tháng 11 năm 1943. Đờ Gôn đã buộc phải lùi bước sau khi Anh gửi tối hậu thư ngày 19 tháng 11 năm 1943 dọa quân đội Anh sẽ hành động nếu Pháp không nhượng bộ. Đờ Gôn lùi bước không những vì Pháp ở vào thế yếu tại Trung Đông mà còn vì nhiều lẽ khác. Trong tập 5 cuốn Hồi ký chiến tranh của mình, Thủ tướng Anh Sớcsin (Churchill) đã nói thẳng ra rằng: “Nếu khi đó Đờ Gôn không nhượng bộ, Anh sẽ quyết định không công nhận Ủy ban giải phóng Pháp và sẽ đình chỉ việc cung cấp vũ khí cho quân đội Pháp đang hoạt động ở châu Phi”.

        Trước sự suy yếu của Pháp, đế quốc Anh vẫn không ngừng lấn tới, và cuộc xung đột lại nổ vào đầu năm 1945 để rồi lại dẫn đến bước nhượng bộ mới của Đờ Gôn ngày 1 tháng 6 năm đó.

        Còn đối với nước Mỹ đàn anh, tuy Đờ Gôn không dám gây chuyện, nhưng không phải vì thế mà Tổng thống Mỹ, Rudơven (P. Rossevelt) không ra mặt coi thường Đờ Gôn.

        Tháng 11 năm I944 (tức ba tháng sau khi Đờ Gôn đã về Pháp và trở thành Tổng thống chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp), Đờ Gôn mời Tổng thống Mỹ đến thăm nước Pháp. Không những Rudơven không nhận lời mà còn “triệu tập” Đờ Gôn đến Angiê để gặp ông ta trên một chiến hạm Mỹ, nơi Tổng thống Mỹ đã từng tiếp nhiều người đứng đầu các nước Ả Rập, trong đó có cả nguyên thủ hai nước Xyri và Libăng. Tháng 2 năm 1945, đại diện các nước Đồng minh họp hội nghị Yanta, quyết định những vấn đề đối với nước Đức và châu Âu khi chiến tranh kết thúc. Pháp bị gạt ra khỏi hội nghị này vì “đã không góp phần gì đáng kể trong cuộc chiến tranh...”.

        Trên chiến trường châu Âu, quân đội Pháp cũng chịu lép vế bên cạnh quân Mỹ. Ngày 29 tháng 3 năm 1945, chấp hành lệnh Đờ Gôn, Đờ Tátxinhi (Delattre de Tassigny) đưa quân đoàn I Pháp vượt sông Ranh tiến vào Xtútga (Stuttgard - Tây Đức). Lập tức Aixenhao (Eisenhower) gửi thư phản đối, coi đó là một hành động vi phạm trắng trợn những điều đã được hai Chính phủ Mỹ - Pháp thỏa thuận, quy định các sư đoàn Pháp do Mỹ trang bị và tổ chức phải đặt dưới quyền của các cấp chỉ huy hỗn hợp, thực chất là của Mỹ. Tiếp đó, Pháp phải nhượng bộ Mỹ trong “sự kiện ở thung lũng Aoxtơ (Aoste)” ngày 8 tháng 5, và phải lui quân trong cuộc đọ súng ngày 7 tháng 6 giữa hai đơn vị “Đồng minh”. Thế nhưng Đờ Gôn vẫn nhận được thư của Tổng thống Mỹ nói rằng, do xảy ra những việc không hay nói trên, Mỹ không thể tiếp tục giúp quân đội Pháp về mặt trang bị được nữa. Và Mỹ đã thực hiện điều đó, khiến quân Pháp ở châu Âu cũng như các đơn vị đang được tổ chức lại trên đất Pháp đứng trước một sự khủng hoảng về trang bị mà nước Pháp kiệt quệ sau chiến tranh không đủ sức giải quyết.

        Trong lễ tiếp nhận sự đầu hàng của phát xít Đức ở Béclin ngày 8 tháng 5, Pháp cũng ở vào địa vị thấp kém như vậy. Chỉ khi đại diện Bộ thống soái Liên Xô, nguyên soái Giucốp, đích thân can thiệp, lá cờ ba sắc của Pháp mới được bổ sung đặt bên cạnh cờ của Liên Xô, Mỹ và Anh. Tiếp đến hội nghị Pôxđam tháng 7 năm 1945 (nội dung chủ yếu là quyết định những vấn đề liên quan đến nước Đức sau chiến tranh), nước Pháp lại cũng không được mời dự. Trong việc định các khu vực đóng quân của các nước đồng minh trên đất Đức, đế quốc Pháp cũng bị lép vế và sự có mặt của quân Pháp cũng là một “sự chiếu cố, xuất phát từ hảo tâm”, vì “nước Pháp đã không chiến đấu mà còn mở cửa đón quân thù, làm tăng thêm khó khăn và tổn thất cho Liên Xô và Anh”. Trong việc chuẩn bị tiến tới tổ chức Liên hợp quốc, Đờ Gôn cố vận động Anh - Mỹ để Pháp được công nhận là “cường quốc thứ tư”. Nhưng, nếu chính người Pháp đã nhìn nhận thấy sự suy yếu của nước họ, thì những người cầm đầu các nước Đồng minh hẳn cũng thấy điều đó.

        Tại châu Á, hành động đầu hàng phát xít Nhật của bọn cầm quyền Pháp ở Đông Dương đã góp phần làm cho “uy thế” của đế quốc Pháp bị tiêu vong. Không những Anh - Pháp lảng tránh mà Tưởng Giới Thạch cũng noi gương quan thầy Mỹ tỏ thái độ thiếu thiện chí với Pháp. Trên 5.600 tàn binh Pháp chạy trốn sang Hoa Nam sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, bị từ chối mọi sự giúp đỡ của Mỹ, thiếu thốn trăm bề, sống nghẹt thở bên cạnh quân Tưởng và trong không khí kình địch của quân Mỹ dưới quyền tướng Uydơmâyơ (Wedemeyer), tham mưu trưởng quân đội Mỹ ở Trung Quốc.

        Trong khi đó, trên “những lãnh thổ hải ngoại”, tức là trên những thuộc địa “trước đây tập hợp dưới lá cờ ba sắc”, sự suy yếu của đế quốc Pháp già cỗi đã tạo thêm điều kiện thuận lợi - cho phong trào giải phóng dân tộc phát triển.

        Tại Việt Nam, trên cơ sở những thắng lợi giành được trong những năm 1941 - 1944, nhân dân Việt Nam đã tiến hành tổng khởi nghĩa thắng lợi, giành được chính quyền trong cả nước từ tay phát xít Nhật, tháng 8 năm 1945. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, “tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” (Tuyên ngôn Độc lập).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:36:18 pm

        Tại Angiêri, nhân ngày chiến thắng phát xít (8-5-1945) nhân dân thủ đô Angiê và một số thị trấn lân cận xuống đường biểu tình, mang theo những khẩu hiệu chống chế độ thực dân Pháp, đòi Pháp phải trả lại nền độc lập cho Angiêri. Bọn cầm quyền Pháp huy động quân đội và cảnh sát đàn áp. Quần chúng chống trả quyết liệt và biến các cuộc biểu tình thành những cuộc nổi dậy công khai và trực tiếp chống lại chính quyền thực dân của Pháp. Đến tháng 6 năm 1945, cuộc nổi dậy đã lan từ các đô thị miền đông Angiêri sang nhiều vùng ở bắc châu Phi thuộc Pháp. Thêm nhiều đơn vị quân đội được bọn cầm quyền điều từ Tuynidi và Marốc đến để phối hợp với quân Pháp ở Angiêri nhằm dập tắt cuộc nổi dậy. Hành động khủng bố đẫm máu của đế quốc Pháp đã biến ngày 8 tháng 5 thành “ngày căm thù” của nhân dân Angiêri đối với thực dân Pháp.

        Trong lời tuyên bố ngày 13 tháng 8 năm 1945, Đờ Gôn trắng trợn nói rằng hành động đàn áp của Pháp ở Angiêri là nhằm “ngăn chặn không để cho Bắc Phi buột khỏi tay chúng ta, khi mà chúng ta đã thực hiện được công cuộc giải phóng nước Pháp”. Thật là mỉa mai khi lời tuyên bố đó lại chính là của con người đã từng lưu vong suốt bốn năm tại thủ đô Angiêri sau khi chạy trốn khỏi nước Pháp. Chính con người tự nhận là “đi đầu trong phong trào kháng chiến” giải phóng đất nước mình lại cũng là kẻ ra lệnh thẳng tay đàn áp dân tộc khác đã hoặc đang vùng lên tự giải phóng.

        Nếu sau Chiến tranh thế giới thứ hai, về mặt đối ngoại, thế và lực của đế quốc Pháp đã bị suy yếu nghiêm trọng khiến cho vị trí của nước Pháp bị sa sút rõ rệt trên trường quốc tế thì, ở trong nước, Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp của Đờ Gôn cũng ở vào một tình thế vô cùng bi đát.

        Sau mười tháng “kháng chiến”, liên tiếp diễn ra bằng “những cuộc rút lui có trật tự”, rồi tiếp đến là sự đầu hàng, chịu để cho quân phát xít Đức chiếm đóng trong hơn bốn năm, những người cầm đầu nước Pháp đã đem lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho nhân dân nước họ.

        Theo số liệu trong Hồi ký chiến tranh của Đờ Gôn1, thiệt hại trong chiến tranh rất lớn khiến cho nước Pháp sau ngày giải phóng đứng trước rất nhiều khó khăn: hơn ba triệu người bị chết, bị thương và bị bắt; nửa triệu nhà cửa và công trình kiến trúc bị phá hủy hoàn toàn, một triệu rưỡi công trình khác bị thiệt hại nặng; các tuyến giao thông bị hủy và tê liệt, làm cho việc lưu thông phân phối bị bế tắc (để phục hồi các công trình bị tàn phá, người ta trù tính phải mất 20 năm); về nông nghiệp, hàng triệu héc ta đất bị bỏ hoang, khắp nơi thiếu nông cụ, giống và phân bón; chăn nuôi chỉ còn một nửa so với trước chiến tranh; về tài chính, ngân sách năm 1945 thiếu hụt 55 phần trăm, nợ của Nhà nước tăng gấp bốn lần và tín phiếu cũng tăng gấp bốn lần; lợi tức sản xuất năm 1945 dự tính không đạt nổi một nửa so với năm 1938. Theo kế hoạch sáu tháng đầu năm 1945, nhu cầu nhập cảng lên tới trên năm triệu tấn (thực phẩm, nguyên liệu, nhiên liệu) nhưng việc thực hiện rất khó khăn vì các cảng lớn đều đã bị phá hủy.

        Riêng về mặt quân sự, theo báo cáo của Đờ Gôn đọc trước Quốc hội ngày 2 tháng 3 năm 1945, tổng quân số có khoảng 1,2 triệu nhưng trang bị không có, chưa sẵn sàng chiến đấu vì phần lớn gồm những đơn vị mới tan rã, hầu hết sĩ quan và binh lính mới thoát khỏi các trại tù binh của Đức vừa được tập hợp lại. Anh - Mỹ hứa hẹn trang bị cho một phần nhưng vì nhiều lý do nên lời hứa đó vẫn chưa được thực hiện.

        Về mặt chính trị trong nước, việc thông qua hiến pháp mới đã làm nổ ra một cuộc tranh chấp kịch liệt giữa các chính đảng. Đảng Tập hợp dân chúng Pháp (RPF, đảng của Đờ Gôn) ra sức bành trướng thế lực riêng (báo chí, trụ sở, đại diện trong chính quyền, cảnh sát,...) với mục tiêu số một là gạt các đại diện của Đảng Cộng sản Pháp ra khỏi Chính phủ đã, sau đó mới bàn đến hiến pháp trong tương lai như thế nào. Trong khi đó thì “lực lượng đặc biệt” của Xuxten (Soustelle), gồm 60.000 tên, đang ra sức lộng hành dưới chiêu bài “truy lùng bọn tay sai của Đức”. Đờ Gôn và Chính phủ lâm thời hết sức đau đầu vì tinh chất ô hợp và hành động vô chính phủ của “lực lượng đặc biệt” đã dẫn đến những vụ thảm sát chẳng khác gì trong các trại giam của thời kỳ đại khủng bố (1792)2.

        Đời sống vật chất của nhân dân Pháp sau chiến tranh là một vấn đề nan giải đối với Chính phủ lâm thời. Biết bao vấn đề cấp bách được đặt ra: lương thực, quần áo, ánh sáng, chất đốt, nhà ở (6 triệu người không có nhà ở), việc làm (400 nghìn người thất nghiệp hoàn toàn; 1,2 triệu người thất nghiệp từng phần), giao thông, tiền lương,... trong khi đồng phrăng mất giá hàng ngày.

        Trước tình hình rối loạn đó, trong Quốc hội lập hiến cũng như ngoài đường phố, nếu trước đây Đờ Gôn đã từng được người ta ngưỡng mộ phần nào vì những hoạt động trong quá khứ, thì ngày nay ông ta lại bị người ta chỉ trích đủ điều và về mọi vấn đề... “Sau giờ phút phấn khởi khi cuộc chiến tranh kết thúc, người dân Pháp cảm thấy lòng đầy chua xót. Không những người ta thấy rất rõ đất nước đã suy đồi mà ai nấy đều đang được chứng kiến một đường lối chính trị rối ren, chẳng có gì hứa hẹn một tương lai thanh bình, sáng sủa…”3[/sup].

        Lòng người dân Pháp càng thêm chua xót khi mà đất nước đang trong cảnh điêu tàn như vậy, Chính phủ của tướng Đờ Gôn đã vội phái quân viễn chinh lên đường sang xâm lược Đông Dương lần thứ hai.

-----------------
        1. Charles de Gaulle, Mémoires de guerre, tập 3, Nxb Plon, Paris, 1959, tr. 117, 233, 235, 403, 407, 424, 449, 451.

        2. Điều đáng chú ý là một bộ phận của “lực lượng đặc biệt” này đã gia nhập các đơn vị quân đội mà tướng Xalăng (Raoul Salan) được giao nhiệm vụ thành lập, trong đó có những đơn vị tham gia đội quân viễn chinh sang xâm lược Đông Dương sau này.

        3. Claude Paillat, Vingt ans qui déchirèrent la France (Hai mươi năm xâu xé nước Pháp) Nxb Laffont, Paris, 1969, tập 1, tr. 21.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:37:25 pm

THAM VỌNG VÀ KHẢ NĂNG

        Không phải như một số nhà viết sử và tướng lĩnh Pháp nói, là chỉ khi “chiến tranh chấm dứt ở châu Âu, Đờ Gôn mới vội nắm lấy hồ sơ Đông Dương”, càng không phải “khi chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc Pháp mới hướng về Đông Dương”. Thực ra thì, qua hồi ký của Đờ Gôn, ngay từ khi nước Pháp còn đang bị phát xít Đức chiếm đóng, từ mùa hè năm 1943, tức là khi Đờ Gôn và “phe kháng chiến Pháp” còn đang lưu vong ở Bắc Phi, “người ta đã sớm trù tính việc giải phóng Đông Dương”. “Giải phóng”, đối với đế quốc Pháp, từ ngữ đó có nghĩa là giành lại Đông Dương từ tay phát xít Nhật để rồi đặt lại ách thống trị thực dân trên bán đảo này. “Giải phóng”, từ ngữ đó còn có nghĩa là dùng bạo lực để buộc nhân dân Đông Dương phải chấp nhận những “quyền tự do theo kiểu của Pháp” như hồi trước chiến tranh.

        Từ năm 1943, vấn đề đặt ra với Đờ Gôn và Ủy ban Giải phóng ở An giê là làm thế nào để “giải phóng Đông Dương” khi mà chính “mẫu quốc” còn chưa được giải phóng, khi mà trong tay “phe kháng chiến Pháp” không có lực lượng gì đáng kể? Trông chờ ở Anh không phải là điều dễ dàng, vì chừng nào Pháp chưa chịu lùi bước về vấn đề Trung Đông thì mối quan hệ Pháp - Anh vẫn chưa có điều kiện cải thiện. Còn đế quốc Mỹ thì, nhân lúc Pháp thất thế, đã lộ rõ tham vọng muốn biến Đông Dương thành một vùng “công quản quốc tế”, thực chất là thành một vùng đặt dưới quyền kiểm soát của Mỹ - Tưởng Giới Thạch sau chiến tranh. Pháp đã sớm đánh hơi thấy mưu đồ đó của Rudơven từ năm 1943.

        Khi quan hệ Anh - Pháp tạm thời được cải thiện (do sự nhượng bộ bước đầu của Pháp về vấn đề Xyri và Libăng) cũng là lúc hội nghị Quêbếch1vừa kết thúc. Đô đốc Maobéttơn (Louis Mountbatten) được Chính phủ Anh cử đến Căngđy (Xây lan) tổ chức bộ tư lệnh hành binh ở vùng Đông Nam Á (South East Asia Command - SEAC). Nhiệm vụ trước mắt của SEAC là tiến hành các chiến dịch phá hoại trong những vùng có quân đội Nhật chiếm đóng ở Đông Nam Á. Để thực hiện nhiệm vụ đó, SEAC tổ chức ra một lực lượng đặc biệt, lấy tên là “lực lượng 136” đặt ở Canquyta (Ấn Độ) nhằm chỉ đạo các hoạt động biệt kích chống Nhật ở Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Nam Đông Dương... Theo yêu cầu của Pháp, đế quốc Anh đồng ý cho một số sĩ quan Pháp am hiểu về Đông Dương tham gia hoạt động trong SEAC. Tháng 9 năm 1943, Đờ Gôn trao nhiệm vụ cho Bledô (Blaizot, đang chỉ huy một lữ đoàn Pháp tại Bắc Phi) đến Xâylan để nghiên cứu và chuẩn bị cho Pháp tham gia hoạt động cùng với quân đội Anh trên chiến trường châu Á - Thái Bình Dương, nhằm tạo điều kiện cho Pháp trở lại Đông Dương sau này. Cuối năm đó, tiếp sau sự nhượng bộ mới của Pháp về vấn đề Trung Đông (sau những ngày xung đột căng thẳng tháng 11-1943), đế quốc Anh lại đồng ý cho một nhóm sĩ quan Pháp, do trung tá Crevơcơ (De Crèvecoeur) cầm đầu, đến Canquyta lập “phân bộ Pháp ở Ấn Độ” để phối hợp hành động với “lực lượng 136”. Tiếp đó, tháng 4 năm 1944, một phái bộ quân sự khác của Pháp, do Bledô cầm đầu, cũng được Anh chính thức cho phép thành lập ở Căngđy, bên cạnh SEAC. Nhưng Pháp ở cả Xâylan và Ấn Độ đều gặp khó khăn rất lớn là không có lực lượng. Nhất là từ đầu mùa hè năm 1944, khi Anh - Mỹ chuẩn bị mở mặt trận thứ hai2, Pháp phải gấp rút dồn lực lượng để quân đoàn 1 của Đờ Lát đờ Tátxinhi theo quân Anh - Mỹ trở về Pháp thì vấn đề lực lượng Pháp có thể rút ra để đưa sang chiến trường Viễn Đông càng trở nên gay cấn.

        Tình hình chuẩn bị “lực lượng từ ngoài vào” càng khó khăn thì Đờ Gôn càng thấy cần phải dựa vào “nhóm kháng chiến” và lực lượng sẵn có của Pháp ở Đông Dương. Vấn đề nhanh chóng bắt liên lạc trực tiếp với Moócđăng dần dần trở thành nhiệm vụ bức thiết và là phương sách duy nhất để tránh cho Pháp khỏi bị gạt ra rìa, tụt hậu và khỏi lỡ thời cơ may mắn khi quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương.

        Từ cuối năm 1943 đến giữa năm 1944, một số sĩ quan tình báo Pháp được lần lượt thả dù xuống vùng biên giới Bắc Việt Nam. Họ lẻn về Hà Nội bí mật liên lạc với Moócđăng và “nhóm kháng chiến” để truyền đạt “chỉ thị hành động” của Đờ Gôn. Để chỉ đạo kịp thời, ngày 26 tháng 12 năm 1944. Đờ Gôn quyết định tổ chức “Ban hành động”, đặt trụ sở ở Canquyta, dưới quyền điều khiển của Crevơcơ, với nhiệm vụ trước mắt là tổ chức mạng lưới thu lượm tin tức về Đông Dương và làm cái cầu liên lạc giữa người Pháp ở Đông Dương với Pari. Khi thời cơ đến, tức là khi đã có điều kiện tiến hành các chiến dịch quy mô lớn, ban này sẽ do Bledô trực tiếp chỉ huy để tiến hành các kế hoạch đưa quân đội Pháp trở lại Đông Dương.

        Từ tháng 9 năm 1944, Đờ Gôn và giới cầm quyền Pháp đã trù tính tổ chức lại hai sư đoàn bộ binh thuộc địa Viễn Đông (1ère DICEO và 2e DICEO) để đưa sang chiến trường châu Á. Nhưng do nước Pháp đứng trước quá nhiều khó khăn sau ngày giải phóng, nên trải qua một thời gian dài, sư đoàn 1ère DICEO chỉ có quân mà không có súng, còn sư đoàn 2e DICEO thì chỉ mới có một số sĩ quan “khung” mà chưa có lính.

        Như vậy là bước vào năm 1945, tại “chính quốc”, Pháp vẫn chưa tìm được lực lượng để đưa sang Đông Dương. Tại Canquyta, chừng 600 lính biệt kích được tổ chức thành binh đoàn ứng chiến nhẹ (CLI). Đây là những tên lính đầu tiên để tổ chức thành trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 5 (5e RIC) sau này. Tại Mã Đảo, từ cuối năm 1944, lữ đoàn Viễn Đông (còn gọi là lữ đoàn Mã Đảo - 1ère BMEO) được tổ chức, với thành phần hầu hết là lính thuộc địa, “một biểu tượng vô cùng sinh động của Khối Liên hiệp Pháp” (!). Lữ đoàn này thành hình được là nhờ có số súng quân Anh bỏ lại cho Pháp khi chúng rút khỏi căn cứ Điêgô Xuyarê (Diégo Suarez).

----------------
        1. Hội nghị giữa Mỹ và Anh, họp trong tháng 8 và 9 năm 1943 ở Québec (Canađa), quyết định việc phân chia chiến trường ở Viễn Đông và kế hoạch phản công quân đội Nhật ở vùng Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

        2. Ngày 6 tháng 6 năm 1944, quân Anh - Mỹ đổ bộ vào miền Tây Bắc nước Pháp, tiếp đến ngày 15 tháng 8 năm 1944 vào miền Nam nước Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:39:19 pm

        Đầu năm 1945, trước sự chuyển biến của chiến trường Thái Bình Dương, Đờ Gôn càng đốc thúc Bledô tổ chức “lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông” (FEFEO) để “sẵn sàng chiến đấu bên cạnh quân Anh - Mỹ, tạo điều kiện để làm chủ Đông Dương”.

        Nếu đối với Đờ Gôn, việc hạ lệnh chuẩn bị lực lượng dễ dàng bao nhiêu thì đối với Bledô, việc chấp hành lệnh đó lại khó khăn bấy nhiêu. Bởi vậy, mặc dù Đờ Gôn đã mấy lần thông qua kế hoạch, song cả mấy tháng đầu năm 1945, việc chuẩn bị lực lượng vẫn giẫm chân tại chỗ. Vấn đề gay cấn vẫn là lấy đâu ra lính khi mà ở “chính quốc”, lính Pháp đang đòi giải ngũ hàng loạt sau chiến tranh và lấy đâu ra súng khi mà các ông bạn đồng minh Anh - Mỹ vẫn hứa hẹn nhiều hơn là giúp đỡ thực tế để Pháp đủ sức trang bị cho một vài sư đoàn đưa sang chiến trường Viễn Đông?

        Tình hình trên càng làm nổi bật vai trò của 60.000 lính Pháp và lính thuộc địa chính quy hiện có mặt ở Đông Dương. Đờ Gôn đặt hy vọng thực sự vào số quân này. Thông qua BAD hành động ở Canquyta, Đờ Gôn không ngừng chỉ thị cho Moócđăng phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu phối hợp khi quân Pháp từ ngoài theo quân Anh - Mỹ đổ bộ vào. Qua Hồi ký chiến tranh của Đờ Gôn, người ta thấy ông ta đã nhiều lần nhấn mạnh với Moócđăng rằng “bất kỳ tình huống nào cũng không để quân đội bị loại khỏi vòng chiến”. Nhưng rồi cuộc đảo chính Nhật nổ ra đêm 9 tháng 3 năm 1945 đã làm cho toàn bộ lực lượng quân sự Pháp ở Đông dương, nguồn hy vọng để giữ cho được lá cờ ba sắc trên bán đảo này” nhanh chóng bị tan rã hoàn toàn. Trong hồi ký của mình1, tướng Moócđăng đã vận dụng rất đúng câu thành ngữ Việt Nam “kiếm củi ba năm, thiêu một giờ” để nói lên sự sụp đổ hoàn toàn của “lực lượng kháng chiến” Pháp trên đất Đông Dương.

        Nhưng có lẽ vì nước Pháp quá xa Đông Dương nên Đờ Gôn không thấy hoặc cố tình không muốn thấy điều đó. Chẳng thế mà chỉ nửa tháng sau ngày đảo chính của Nhật tức là ngày 24 tháng 3 năm 1945, ông ta lại tung ra một “bản tuyên bố nổi tiếng” về Đông Dương. Nội dung bản tuyên bố có thể tóm tắt như sau:

        1. Nước Pháp cho rằng Đông Dương giữ một “địa vị đặc biệt” trong tổ chức cộng đồng Pháp và được hưởng “một nền tự do hoàn chỉnh” phù hợp với sự tiến hóa và khả năng của mình, như đã nêu lên trong các bản tuyên bố tháng 12 năm 1943 ở Angiê và tháng 1 năm 1944 ở Bradavin.

        2. Ngay từ bây giờ cần xác định thể chế cho Đông Dương sau khi xứ này được giải phóng. Liên bang Đông Dương2sẽ cùng với nước Pháp xây dựng thành Khối Liên hiệp Pháp mà quyền đối ngoại sẽ do Pháp đại diện. Trong khuôn khổ của khối Liên hiệp Pháp đó. Đông Dương sẽ hưởng nền tự do riêng.

        3. Đông Dương sẽ có một chính phủ liên bang của mình, đứng đầu là một viên toàn quyền và gồm những bộ trưởng chịu trách nhiệm trước viên toàn quyền đó. Các bộ trưởng này được chọn trong người bản xứ cũng như trong những người Pháp ở Đông Dương. Bên cạnh viên toàn quyền có một hội đồng nhà nước gồm những nhân vật cao cấp nhất của liên bang. Một quốc hội được bầu ra phải phản ánh được quyền lợi của nước Pháp.

        4. Năm xứ3 của Liên bang Đông Dương, khác nhau về trình độ văn minh, về chủng tộc và truyền thống, sẽ giữ nguyên tính chất riêng biệt của mình trong liên bang. Chính phủ liên bang (thực chất vẫn là phủ toàn quyền) sẽ là người trọng tài giữa năm xứ...

        Không những chỉ nhân dân Đông Dương mà nhiều nhà viết sử và chính khách Pháp đã phê phán quan điểm thực dân lỗi thời được phản ánh trong bản tuyên bố 24 tháng 3 của Đờ Gôn.

        Đờvile (Philippe Devillers) nhận xét rằng bản tuyên bố đó đã “lỗi thời về mặt chính trị”. Không những nó chỉ lạc hậu vài tuần lễ, mà đã lạc hậu chừng 15 năm rồi4. Còn Xanhtơny (Jean Roger Sainteny), một nhân vật quan trọng của Pháp trong mối bang giao Việt - Pháp sau này, thì cho rằng bản tuyên bố “đã làm cho người Việt Nam nghi ngờ thái độ của nước Pháp Mới”. Người Việt Nam nghĩ rằng những thử thách mà nước Pháp đã phải chịu đựng trong chiến tranh đáng lẽ phải làm thay đổi quan điểm của (thực dân) Pháp về những quan hệ giữa Pháp với các đất đai hải ngoại (các thuộc địa). Thế nhưng, qua bản tuyên bố 24 tháng 3 năm 1945, Chính phủ của tướng Đờ Gôn biểu lộ quan điểm về một liên bang Đông Dương gồm năm quốc gia (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao Miên) với một chế độ tự trị nào đó, đã không thỏa mãn bất kỳ một lãnh tụ Việt Nam nào, vì nội dung bản tuyên bố đó còn quá xa so với một nền độc lập... Mặt khác, bản tuyên bố còn duy trì và khoét sâu thêm sự chia rẽ “ba kỳ” trong khi người Việt Nam mong muốn thống nhất lại5. Ngay viên cựu toàn quyền Đông Dương Anbe Xarô (Albert Sarraut) cũng tỏ ra không đồng tình với quan điểm của Đờ Gôn. Trong diễn văn đọc trước Quốc hội (3-1959), sau khi nhắc lại quá trình thủ tiêu chiến đấu, đầu hàng rồi chạy trốn của thực dân Pháp ở Đông Dương, Xarô nói: “Vậy mà đúng vào lúc đó, tiếp theo bản tuyên bố Bradavin (1-1944), một bản tuyên bố mà tôi cho rằng không thông minh, lại xuất hiện bản tuyên bố khác của Chính phủ lâm thời Pháp ngày 24 tháng 3 năm 1945. Bản tuyên bố đó vừa nói đến chính sách mới về thuộc địa của Pháp, lại vừa xác nhận một cách ảo tưởng về chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, cứ như trên mảnh đất đó từ năm 1939, không hề có sự thay đổi nào đã diễn ra6.

        (Xin lưu ý bạn đọc: bản tuyên bố 24-3 của Đờ Gôn đã trở thành vật chướng ngại không thể vượt qua được trong mối quan hệ Việt - Pháp những năm 1945-1947. Phản ánh đường lối chính trị lỗi thời của thực dân Pháp mà Đờ Gôn là đại biểu, bản tuyên bố đó nói lên nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh 9 năm giữa đế quốc Pháp và nhân dân Đông Dương).

------------------
        1. Mordant, Au service de la France en Indochine 1941-1945 (Phục vụ nước Pháp ở Đông Dương 1941-1945), I.F.O.M., Sài Gòn, 1950, tr. 129.

        2. Fédération indochinoise, một tổ chức chưa hình thành, mang tính chất lừa mị về chính trị mà Chính phủ Pháp định dùng để thay thế cho xứ Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Française) đã quá lộ liễu màu sắc thực dân.

        3. Đờ Gôn vẫn chia Đông Dương thành năm “xứ”. Ngoài hai “xứ” Lào và Campuchia, nước Việt Nam vẫn bị chia ra thành ba “xứ” riêng biệt (Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ).

        4. P. Devillers, Histoire du Viet Nam de 1940 à 1952, (Lịch sử nước Việt Nam từ 1940 đến 1952), Seuil, Paris, 1952, tr. 145.

        5. J. Sainteny, Au Việt Nam - Face à Hồ Chí Minh (Tại Việt Nam - Đối mặt với Hồ Chí Minh), Seghers, Paris, 1970, tr. 56.

        6. Trích dẫn của Henri Azeau trong cuốn Hồ Chí Minh, dernière chance, (Hồ Chí Minh - dịp may cuối cùng), Flammarion, Paris, 1968, tr. 294.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:42:14 pm
         
CHẠY ĐUA VỚI THỜI GIAN

        Sau cuộc đảo chính Nhật, chính quyền của Pháp ở Đông Dương bị hoàn toàn sụp đổ, vấn đề cấp thiết đặt ra với Pari là làm sao tiếp tục nắm được tình hình trên bán đảo này, kể cả tình hình phát xít Nhật và phong trào cách mạng của nhân dân Đông Dương. Xanhtơny được cử đến Côn Minh (Trung Quốc) phụ trách phái bộ quân sự Pháp, một tổ chức tình báo gồm một số sĩ quan và nhân viên kỹ thuật thuộc Tổng cục Nghiên cứu và sưu tầm tin tức (DGER) của Pháp, có nhiệm vụ tổ chức những nhóm biệt kích để tung vào Đông Dương hòng nắm tình hình và báo cáo về Pari qua phái bộ quân sự Pháp ở Canquyta.

        Tháng 5 năm 1945, khi nước Pháp còn chưa thoát khỏi những khó khăn chồng chất sau hơn nửa năm giải phóng, thì chiến tranh chấm dứt trên chiến trường châu Âu. Theo lời than phiền của Xanhtơny thì, đến lúc này “chính quốc” vẫn không có ý đồ cụ thể, không có chỉ thị rõ ràng “thể hiện quyết tâm của nước Pháp trở lại Đông Dương”, khiến cho người Pháp cả ở Côn Minh lẫn Canquyta đều có “thái độ mơ hồ và những hoạt động không hiệu quả”. Theo Xanhtơny, lúc này do nhiều vấn đề cấp thiết mà nội tình nước Pháp đặt ra và do những vấn đề nóng bỏng cần được giải quyết ở châu Âu cho nên đối với Pháp, “Đông Dương vẫn bị xếp vào hàng thứ yếu”. Thực ra, dù vấn đề châu Âu lúc này đang thu hút tâm trí các nhà cầm quyền Pháp, nhưng không phải vì thế mà Pari không “thực sự quan tâm đến những cuộc hành binh cần được tiến hành ở châu Á”, giữa lúc chiến trường Thái Bình Dương đang chuyển biến hết sức mau lẹ, giữa lúc Hồng quân Liên Xô đang chuẩn bị gấp rút mở mặt trận Viễn Đông để đánh đòn quyết định, tiêu diệt quân đội phát xít Nhật.

        Trong điều kiện mới đó, vấn đề đặt ra với Đờ Gôn là chọn ai đảm nhiệm việc gấp rút chuẩn bị lực lượng đưa sang Đông Dương khi mà tướng Bledô đã bị coi là bất lực. Sau khi tướng Lácmina (De Larminat) từ chối, Đờ Gôn đã vời tới tướng Lơcléc (Philippe Leclerc du Haute Cloque), viên tướng trẻ tuổi chỉ huy sư đoàn thiết giáp thứ 2 (2e DB) khi đó mới nhận ngôi sao thứ tư trên cầu vai (đã từng được Đờ Gôn hứa hẹn giao cho chỉ huy quân đoàn 3 nếu chiến tranh còn tiếp diễn ở châu Âu). Lơcléc là một viên tướng có tiếng tăm vì chiến công theo quân đội Mỹ vào giải phóng Pari. Nắm được nguyện vọng của ông ta (Lơcléc) là được trở lại Marốc, Đờ Gôn đã nhằm đúng tính hiếu thắng của viên tướng trẻ này mà hạ một câu có tính chất quyết định: “Tướng quân hãy sang Đông Dương, vì hiện nay chiến trường đó là nơi khó khăn nhất”. Thủ lĩnh đã nói vậy tất nhiên Lơcléc nhận lời và từ tháng 6 năm 1945, tại phòng làm việc ở quảng trường Phrăngxoa đệ nhất, ông ta đã cùng với một số sĩ quan tham mưu tính toán lực lượng có thể huy động được để đề đạt với Đờ Gôn.

        Kế hoạch xây dựng lại hai sư đoàn 1ère DICEO và 2e DICEO không được nhắc tới nữa.

        Thay thế 2e DICEO là sư đoàn bộ binh thuộc địa thứ 9 (9e DIC) thuộc quân đoàn 1 của Đờ Lát, do Valuy (Jean Etienne Valluy) chỉ huy, hiện đang ở Đức và chỉ có thể rút dần về Pháp để đưa sang Đông Dương bắt đầu từ cuối tháng 8 năm 1945. Quân số của 9e DIC gồm 19.000 tên, phần lớn là lính da đen, được coi là thiện chiến nhưng chỉ tình nguyện sang Đông Dương trong thời hạn một năm. Số quân ít ỏi của 1ère DICEO được dồn sang sư đoàn bộ binh thuộc địa thứ 3 (3e DIC) do tướng Nyô (Nyo) chỉ huy. Sư đoàn 3e DIC chưa sẵn sàng chiến đấu vì phần lớn sĩ quan của đơn vị này mới được điều động về sau khi được giải thoát khỏi các trại tập trung của phát xít Đức; tổ chức biên chế của sư đoàn chưa ổn định, thành phần binh lính rất ô hợp chắp vá, trang bị hầu như chưa có gì đáng kể vì còn phụ thuộc vào sự giúp đỡ của đế quốc Anh. Ngoài hai sư đoàn bộ binh (9e DIC và 3e DIC) trên đây, Lơcléc (vốn là một viên tướng thiết giáp) đã đặc biệt chú trọng ghi vào kế hoạch quân lực trung đoàn xe bọc thép do Mátxuy (Massu) chỉ huy. Trung đoàn này vốn trong biên chế của 2e DB dưới quyền của Lơcléc trước đây, nay vì quá xộc xệch nên phải trải qua vài ba tháng củng cố và huấn luyện cấp tốc.

        Như vậy là vào giữa tháng 6 năm 1945, khi Lơcléc nhận nhiệm vụ tổ chức, lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông (FEFEO) trên đất Pháp chưa có đơn vị nào sẵn sàng sang chiến trường châu Á: 9e DIC đang được rút dần từ Đức về: 3e DIC và trung đoàn xe bọc thép Mátxuy đều đang trong thời kỳ củng cố tổ chức và bổ sung trang bị. Trước mắt chỉ có thể trông vào lữ đoàn Mã Đảo và tiểu đoàn biệt kích 600 tên đang ở Canquyta, tiểu đoàn duy nhất tiền thân của trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 5 (5e RIC) sau này.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:42:56 pm

        Về không quân, cố tìm được một số phi công nhưng chưa có máy bay, mặc dù từ tháng 4 năm 1945, theo kế hoạnh của Bledô, đại tá không quân Phay (Fay) đã đề nghị tổ chức hai phi đội máy bay chiến đấu và năm phi đội máy bay vận tải. Về hải quân, chưa có chiếc tàu chiến nào sẵn sàng, vì mấy chiếc tàu còn chạy được vẫn phải hoạt động ở châu Âu theo kế hoạch của Anh - Mỹ, quy định trong “hiệp ước liên quân”.

        Về cấp chỉ huy chóp bu của FEFEO thì, một tháng sau khi giao nhiệm vụ cho Lơcléc, Đờ Gôn triệu hồi Bledô về Pháp, không một lời giải thích, khiến viên tướng này cũng chẳng hiểu vì sao bị bãi chức.

        Từ 17 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 1945, Liên Xô, Mỹ và Anh họp hội nghị Pôxđam (Béclin). Ngoài những nội dung chủ yếu là vấn đề nước Đức, vấn đề bồi thường chiến tranh, vấn đề biên giới phía tây Ba Lan..., hội nghị còn quyết định một vấn đề khác có quan hệ sinh tử đối với Pháp, đó là việc giao cho quân đội Anh vào nam vĩ tuyến 16 và quân đội Tưởng Giới Thạch vào bắc vĩ tuyến 16 để giải giáp quân đội Nhật ở Đông Dương khi cuộc chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc. Một lần nữa, Pháp không được dự hội nghị này và cũng không được tham khảo ý kiến.

        Hội nghị Pôxđam kết thúc chưa được mấy ngày thì, bằng một đòn chiến lược quyết định từ 8 đến 14 tháng 8, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt đội quân Quan Đông gần một triệu tên của Nhật, buộc phát xít Nhật phải đầu hàng không điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

        Đờ Gôn thú nhận rằng tin Nhật Bản thua trận và đầu hàng đã làm cho ông ta bị hoàn toàn bất ngờ và tình hình diễn biến quá mau lẹ càng “làm cho nước Pháp trở nên chậm chân”.

        Thế rồi, giữa lúc cuộc Tổng khởi nghĩa của nhân dân Việt Nam đang phát triển tới đỉnh cao, ngày 17 tháng 8, Đờ Gôn triệu tập Ủy ban Quốc phòng Pháp để quyết định “kế hoạch giải phóng Đông Dương”. Kế hoạch này gồm mấy điều chỉnh như sau:

        1. Cử đô đốc Đácgiăngliơ (Thierry D’ Argenlieu), một thầy tu phá giới làm cao ủy và tướng Lơcléc làm tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương.

        2. Cấp tốc chuẩn bị lực lượng để có thể đưa sang Đông Dương làm ba đợt, vào các tháng 9, 10 và 11 năm 1945. Theo ước tính của Đờ Gôn, tổng số quân cần thiết chừng 60.000 tên.

        3. Chính thức đổi tên “lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông” (FEFEO) thành “đạo quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông” (CEFEO).

        Cùng với quyết định trên đây, Đờ Gôn còn gửi điện cho Xanhtơny ở Côn Minh, nói rằng Chính phủ Pháp đã nhận được tin Nhật Bản đầu hàng và Pari tin tưởng Xanhtơny “biết nắm lấy thời cơ để hành động (?) gấp”. Ông ta cũng đốc thúc bọn Pháp ở Canquyta thả dù ngay các “quan cai trị” xuống một số vùng ở Bắc Bộ, miền Đông Nam Bộ và Thượng Lào “để kịp thời làm chủ tình hình”1. Điều đặc biệt là, đúng vào ngày nhân dân thủ đô Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền thì, từ Pari, Đờ Gôn gửi sang Đông Dương một bức điện vừa đầy vẻ bề trên, vừa sặc mùi thục dân, lừa bịp. Trong bức điện, ông ta nói: “Kẻ thù đã đầu hàng. Ngày mai, Đông Dương sẽ được tự do. Trong giờ phút quyết định này, Mẫu quốc (!) gửi đến những người con trong Liên bang Đông Dương niềm hân hoan và lòng biết ơn... Những người con Đông Dương đã tỏ ra xứng đáng với một thực thể quốc gia rộng rãi hơn và tự do hơn, do thái độ của họ trước đây đối với quân thù, do lòng trung thành của họ đối với nước Pháp (!)... Nước Pháp tuyên bố sẵn sàng thực hiện những điều cam kết, vì lợi ích to lớn của mọi người...”2.

        Do không nắm được thực chất tình hình, nhất là không đánh giá đúng khí thế cách mạng của nhân dân ta cho nên Đờ Gôn đã chủ quan cho rằng khi mà Nhật Bản đã đầu hàng, thì “việc lấy lại Đông Dương đã ở trong tầm tay và có thể thực hiện được ngày một ngày hai...”. Miễn là chỉ cần có những điều kiện sau đây là nước Pháp có thể gặp được những sự may mắn ở Đông Dương: quân Pháp kéo đến, quân Nhật về nước, quân ngoại quốc khác rút đi... Theo Đờ Gôn thì lúc này “nước Pháp phải biết mình cần làm gì? Cấp tốc gửi quân sang Đông Dương, đó là vấn đề có tính chất quyết định...”. Mặc dù việc gửi quân sang đang vấp phải những khó khăn rất lớn nhưng Đờ Gôn cho rằng: “rõ ràng là sau sự sụp đổ đầy nhục nhã vừa qua, quân đội Pháp phải tỏ cho người ta thấy sức mạnh và quyết tâm của nước Pháp... Vấn đề cấp thiết trước mắt là vấn đề quân sự...”3.

---------------------
        1. Trừ viên đại tá Xêđin (Jean Cédille) nhảy dù xuống Tây Ninh (22-8) được bọn Nhật đưa về Sài Gòn và Métxme (Pierre Messmer) trốn thoát sau khi bị bắt, còn các toán nhảy dù khác đều bị nhân dân Việt Nam tóm gọn.

        2, 3. Charles de Gaulle, Sđd, tr. 549, 231.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:43:25 pm

        Nhiều người Pháp cho rằng do Đờ Gôn không nắm được tình hình chính trị ở Đông Dương đã diễn biến ra sao, cho nên lúc này (8-1945) ông ta vẫn không định ra được một đường lối phù hợp với thực tế tình hình. Người ta chê trách Đờ Gôn rằng ông ta vội hy vọng: với bản tuyên bố 24 tháng 3, với các “quan cai trị” được thả dù xuống và nhất là với đạo quân viễn chinh đang được cấp tốc đưa sang, ông ta có thể nhanh chóng lập lại được trật tự trên bán đảo này. Người ta cũng phê phân Đờ Gôn và bọn cầm quyền phản động Pháp đã ôm ấp một sự lạc lõng về nhận thức, đã không hiểu được rằng những biến đổi sâu sắc về chính trị trong Chiến tranh thế giới thứ hai đã đặt đế quốc Pháp trước một xứ Đông Dương đã nhận thức được sức mạnh của chính mình và đang quyết tâm đứng lên giành quyền độc lập. Đế quốc Pháp cũng không thấy được rằng những nguyên tắc về chế độ thuộc địa mà người ta quan niệm trước đây đã không thể đứng vững trước những rung chuyển về mặt xã hội do cuộc chiến tranh vừa qua gây nên. Bốn năm chiếm đóng của quân đội phát xít Đức trên đất Pháp và phong trào giải phóng dân tộc đang sôi sục tại nhiều nước chưa giúp họ nhận thức đúng đắn về thời cuộc. Ngược lại, họ đã “tự tách ra khỏi những biến cố trên thế giới và cứ tưởng như mình đang sống vào năm 1939...”.

        Thực ra, sẽ không hoàn toàn đúng nếu nói rằng, vào tháng 8 năm 1945, Đờ Gôn không nắm được những biến cố đã xảy ra ở Đông Dương, vì chính ông ta đã viết trong Hồi ký chiến tranh rằng lúc này Việt Minh đã từ vùng căn cứ kéo về, đã tuyên bố nước Việt Nam độc lập và đòi thống nhất ba kỳ. Chính ông ta đã từng chỉ thị cho Xanhtơny gặp ngay đại diện của chính quyền cách mạng. Người ta còn được biết rằng trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ1ở Oasinhtơn vào ngày 22 đến 24 tháng 8, ông ta đã nói những lời vừa khôn ngoan, vừa ngoan cố và lừa bịp. Đề cập đến số phận của các dân tộc thuộc địa trên thế giới, Đờ Gôn nói: “thế kỷ 20 phải là thế kỷ của nền độc lập của họ..., phải là thời kỳ mới, đánh dấu bước đường mà họ đang tiến tới nền độc lập với những thể thức tiến bộ khác nhau... Phương Tây phải nhận thức được điều đó và phải chấp nhận điều đó... Nhưng các dân tộc thuộc địa phải tiến tới độc lập cùng với phương Tây, chứ không được chống lại phương Tây... vì những sự biến đổi trong các nước chậm tiến sẽ có thể dẫn đến sự bài ngoại, nạn nghèo đói và vô chính phủ...” (!). Đờ Gôn nói rằng lúc này ông ta chưa xác định được chế độ tương lai của Liên bang Đông Dương, nhưng ý định của nước Pháp là sẽ dàn xếp với các nước Đông Dương, “miễn sao thỏa mãn được ý nguyện của dân chúng các nước đó”2.

        Cũng qua hồi ký của Đờ Gôn, người ta còn biết thêm rằng chính trong lần gặp gỡ này, ông ta đã yêu cầu Mỹ không để cho Anh và Tưởng Giới Thạch tiếm quyền tay đôi ở Đông Dương mà nên can thiệp để cho quân đội Pháp được trở lại bán đảo này. Ông ta còn yêu cầu Mỹ “để cho Pháp có dấu ấn” trong thư Đồng minh trả lời về việc tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật, tức là làm sao để cho Pháp “có danh nghĩa vì đã góp phần vào chiến thắng”!, v.v… Tổng thống Mỹ đã hứa hẹn chấp thuận mọi đề nghị của Pháp.

        Những nhà viết sử Pháp cho rằng Tổng thống Mỹ Tơruman đã có thái độ “hảo tâm” hơn so với Rudơven trước đây. Thực ra điều đó không phải là không có nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân sâu xa là âm mưu của đế quốc Mỹ ở châu Âu. Nếu trong những năm 1943 đến giữa năm 1945, Mỹ tỏ thái độ thù địch với Pháp3, thì ngày nay trước yêu cầu phải tập hợp lực lượng các đế quốc đàn em để hòng cân bằng lực lượng với Liên Xô, trước hết là ở châu Âu, đế quốc Mỹ thấy cần phải nhân cơ hội này mà lôi kéo Pháp. Còn đối với Việt Nam, nếu trước đây Oasinhtơn cho rằng Việt Minh là một phong trào dân tộc chủ nghĩa có thể ve vãn được thì qua khí thế chính trị của nhân dân Việt Nam trong những ngày tháng Tám, đế quốc Mỹ đánh hơi thấy chúng đứng trước “nguy cơ chủ nghĩa cộng sản đang lan rộng ở Đông Nam Á”. Vì vậy âm mưu của chúng là dùng bàn tay của Pháp hòng tiêu diệt ngay chính quyền cách mạng còn non trẻ. Ủng hộ Pháp trở lại Đông Dương, trước mắt đối với Mỹ là một mũi tên nhằm hai đích. Chính vì vậy mà Đờ Gôn khoe cuộc gặp gỡ (22 - 24-8-1945) giữa ông ta với Tơruman đã kết thúc “trong không khí rất cởi mở”.

        Nếu đối với đế quốc Mỹ, Đờ Gôn đã “tranh thủ” được thì sự có mặt của quân đội Anh ở miền Nam Đông Dương càng không làm cho Pháp lo ngại lắm. Mặc dù quyết định của hội nghị Pôxđam không phải là không kích thích tham vọng thuộc địa của đế quốc Anh, nhưng như Đờ Gôn nhận xét, lúc này (8-1945) Anh còn “đang rối tinh ở Xâylan, Mã Lai, Miến Điện và cả ở Hồng Công nữa”. Đờ Gôn cho rằng trước sau họ cũng phải rút quân và trao lại miền Nam Đông Dương cho Pháp. Mặt khác, cần thêm rằng, sự có mặt của Pháp ở Đông Dương càng làm cho đế quốc Anh yên tâm về những thuộc địa của họ ở phía nam châu Á.

        Thái độ Anh sẵn sàng giúp Pháp đã được chứng minh bằng kết quả chuyến công cán của viên đại tá Pháp Uên (Jacques Weill) sang Luân Đôn giữa tháng 8 năm 1945.

-------------------------
        1. Tổng thống Mỹ lúc này là Tơruman (Harry Truman), Rudơven chết tháng 4 năm 1945.

        2. Charles de Gaulle, Sđd, tr. 213, 164, 554.

        3. Mỹ lên án Pháp đầu hàng phát xít Đức - Nhật; mưu toan đặt Đông Dương dưới chế độ “công quản quốc tế”; không đồng tình cho Pháp “góp phần” trên chiến trường Viễn Đông; gạt Pháp ra khỏi các hội nghị quốc tế quan trọng; không cho quân đội Mỹ ở Trung Quốc giúp tàn quân Pháp ở Hoa Nam, v.v…


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:44:03 pm

XUẤT TƯỚNG

        Được Uên từ Luân Đôn về báo cáo cho biết “thiện chí của Chính phủ hoàng gia Anh”, ngày 18 tháng 8, Đờ Gôn vội đốc thúc Lơcléc lên đường sang Đông Dương, với trọng trách lập lại chủ quyền của Pháp trên xứ này.

        Lơcléc và bộ tham mưu rời Pari “với lòng tự hào nhà binh” vì đã được thủ lĩnh tin cậy giao cho toàn quyền dùng mọi phương sách quân sự để “đem bằng được lá cờ ba sắc trở lại Đông Dương”. Viên tổng chỉ huy này tin rằng, với lòng hào hiệp kiểu ănglê mà Uên từ Luân Đôn về nói lại, đế quốc Anh sẽ giúp cho quân đội Pháp đủ mọi thứ (từ vũ khí đến chất đốt, từ chăn màn, đồ hộp đến thuốc sốt rét...). Lơcléc cũng tin những lời nhiều tướng lĩnh Pháp ở Pari nói rằng để chiếm lại một thuộc địa cũ như Đông Dương, cuộc viễn chinh do ông ta chỉ huy nếu không phải là một cuộc diễu hành quân sự thì cũng chỉ là một cuộc bình định trong vài ba tháng. Nhưng rồi càng suy nghĩ, tướng Lơcléc và đoàn tùy tùng càng không khỏi lo âu vì họ đứng trước quá nhiều ẩn số.

        Trước hết, tổng chỉ huy và Bộ tham mưu viễn chinh Pháp ra đi mà chưa ai biết gì về cái xứ Đông Dương xa xôi này. Chỉ khi ngồi trên máy bay rồi, Lơcléc mới đem một cuốn sách do cựu toàn quyền Đume (Paul Doumer) viết về Đông Dương ra đọc, với hy vọng cuốn sách của tay thực dân bậc tiền bối ấy giúp mình hiểu được điều gì bổ ích về mảnh đất “hiếu động” này chăng!

        Hai là chính Lơcléc cũng chưa hề biết gì về mưu đồ của Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc Đông Dương. Liệu bọn Quốc dân đảng Trung Hoa có tiếp tục giam lỏng đám tàn quân Pháp ở Hoa Nam, tiếp tục coi Đông Dương là “khu rừng cấm” đối với Pháp không? Lời hứa ngày 10 tháng 10 năm 1944 của Tưởng với tướng Pếchcốp (Pechkoff, đại diện Pháp ở Trung Quốc) về việc Tưởng giúp Pháp trở lại Đông Dương phải chăng chỉ là lời mở đầu của một cuộc mặc cả?

        Ba là (điều quan trọng bậc nhất đối với viên tướng viễn chinh), Lơcléc và bộ tham mưu ra đi với hai bàn tay trắng, với lời hứa ở Pari rằng quân đội sẽ sang sau. Quân đội đó hiện ở đâu và sẽ được đưa sang bằng cách nào. Khi còn ở Pari, từ tháng 6, Lơcléc đã từng tính toán, nhưng đó chỉ mới là sự tính toán trên giấy.

        Tình hình thực tế của đội quân viễn chinh vào ngày mà Lơcléc lên đường như thế nào? Sư đoàn 9e DIC, trung đoàn xe bọc thép Mátxuy và nhất là sư đoàn 3e DIC đều chưa được chấn chỉnh xong. Trung đoàn 5e RIC mới có một tiểu đoàn biệt kích. Lính da đen của lữ đoàn Mađagaxca điều trả về Trung Phi khiến cho đơn vị này càng xộc xệch. Ngoài khó khăn bao trùm là vấn đề quân số, tình hình trang bị cũng là một khó khăn to lớn khác. Các đơn vị rút từ chiến trường châu Âu về đều không được Mỹ trang bị tiếp nên vũ khí đã thiếu lại hư hỏng.

        Về không quân, với số máy bay Anh cho mượn, Pháp vội sơn cờ Pháp và phù hiệu CEFEO để tổ chức thành hai phi đội vận tải và một phi đội ném bom. Các tướng viễn chinh Pháp hy vọng rằng sắp có chừng 100 máy bay tung cánh trên vùng trời Đông Dương.

        Về hải quân, với số tàu chiến Pháp góp vào theo “kế hoạch liên quân” trước đây, dù chưa hết hạn sử dụng, Anh - Mỹ vẫn tạm giao lại để Pháp tổ chức thành ba hải đoàn, gồm các tàu tuần dương Tơriomphăng, Xuyphren và Gloarơ (Triomphant, Suffren, Gloire), tàu thiết giáp Risơliơ (Richelieu) và tàu vận tải Bêác (Béarn). Nhưng cũng vì lý do quân số, các tàu trên chưa thể lên đường sang Đông Dương trước tháng 9.

        Nếu việc tập trung 60.000 quân theo kế hoạch của Đờ Gôn thành sự thật thì việc vận chuyển số quân đó từ Pháp sang Đông Dương cũng không thể thực hiện được trong ba tháng như Pari trù tính, trong khi Pháp chỉ có một tàu vận tải Bêác. Trông chờ vào Anh thì đô đốc Maobéttơn đang phải tập trung tàu để đi giải giáp quân Nhật trên một vùng quá rộng ở Đông Nam Á và phải chuyển lính mãn hạn ở rải rác từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương.

        Bốn là, Lơcléc và bộ tham mưu viễn chinh chưa hình dung nổi “cuộc bình định” sẽ diễn ra như thế nào, khi mà đội quân viễn chinh chưa hề được huấn luyện về cách đánh đó trên một chiến trường nhiệt đới xa lạ. Ở Pari người ta chỉ nêu lên mấy nguyên tắc chung chung về cách đánh, mấy nguyên tắc rất mâu thuẫn đối với nhiệm vụ một quân đội đi xâm lược. Nào là “phải tránh những cuộc đụng độ đẫm máu” (để lực lượng khỏi bị tiêu hao), nào là “phải tránh phân tán binh lực ra nhiều nơi” (vì mỏng quá dễ bị tiêu diệt), v.v.

        Như sách báo Pháp và phương Tây đã nói, Lơcléc sắp dẫn đội quân viễn chinh “lao vào một tổ ong” mà chưa hình đung nổi tổ ong đó thế nào, cũng chưa biết “lao vào thế nào để cho khỏi sưng mặt”. Người ta đốc thúc Lơcléc lên đường và viên tướng này cũng vội vã ra đi vì “sợ nước Pháp chậm chân”.

        Và điều cuối cùng là, quan hệ giữa những người cầm đầu đội quân viễn chinh, trong đó nổi lên mối quan hệ không hay ho gì giữa cao ủy Đácgiăngliơ và tổng chỉ huy Lơcléc.

        Rời sân bay Buốcgiê ra đi, Lơcléc đinh ninh rằng Tổng thống Đờ Gôn đã gửi gắm ở ông ta lòng tin tưởng tuyệt đối. Ông ta không hề nghĩ rằng có một đô đốc Đácgiăngliơ nào đó trong số những người cầm đầu đội quân viễn chinh mà ông ta đã được giao quyền chỉ huy.

        Chỉ đến khi tới Căngđy (Xâylan), Lơcléc mới được biết Đờ Gôn đã cử Đácgiăngliơ làm cao ủy Pháp ở Đông Dương. Tin này làm cho tướng Lơcléc “không vui” vì ông ta cho rằng khi tổng thống đã tin tưởng trao cho ông ta nhiệm vụ đem quân sang Đông Dương, một nhiệm vụ trước tiên phải được giải quyết bằng quân sự thì đáng lẽ ông ta phải được rộng tay hành động. Vậy mà...

        Theo dư luận Pháp, việc Đờ Gôn chỉ định Đácgiăngliơ làm cao ủy đã khiến cho nhiều nhân vật cao cấp trong giới cầm quyền Pháp. (cớ cả bộ trưởng quân lực Pháp) ngạc nhiên, vì từ lâu người ta đã biết quan hệ căng thẳng giữa Lơcléc và Đácgiăngliơ. Với chức vụ cao ủy, Đácgiăngliơ sẽ nắm mọi quyền lực như một viên toàn quyền, kể cả mọi kế hoạch hành động của ba quân chủng hải, lục, không quân. Còn Lơcléc, nói cho cùng, chỉ là một phụ tá chịu trách nhiệm thực hiện các cuộc hành binh.

        Lơcléc không ưa gì viên cao ủy vì ông ta cho rằng Đácgiăngliơ là con người bất chính, nham hiểm, thủ đoạn. Ngược lại, cao ủy không ưa Lơcléc vì viên đô đốc coi thường viên tướng tổng chỉ huy vốn chỉ là một đại tá kỵ binh được người ta đề cao vì chiến tranh theo gót quân Mỹ vào giải phóng Pari.

        Tuy nhiên, còn biết bao nhiêu điều bí ẩn trong ý đồ của Đờ Gôn mà các nhân vật quân sự và dân sự cao cấp ở Pari không biết và không giải thích nổi. Thực ra, Đờ Gôn không cố ý nhốt hai con ngựa khác giống vào chung một chuồng. Nhưng sự có mặt của cả Đácgiăngliơ và Lơcléc đều cần đối với tổng thống Pháp trong những ngày ra quân đầu tiên này. Nếu Đờ Gôn tin tưởng vào tài thao lược của viên tướng kỵ binh trẻ tuổi Lơcléc thì ông ta cũng càng tin vào bộ óc thực dân bảo hoàng hơn cả vua chúa của viên đô đốc - cao ủy - thầy tu Đácgiăngliơ.

        Núp dưới cái ô của Đờ Gôn, sau này viên cao ủy mặc sức lộng hành và đó cũng là nguồn gốc của mọi sự lục đục trong hàng ngũ tướng lĩnh Pháp trong năm đầu của cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:44:51 pm

ĐẾ QUỐC ANH NỐI GIÁO CHO GIẶC

        Trên đường sang Đông Dương, qua Carasi (Pakixtan), Lơcléc nhận được điện của Maobéttơn mời đến Căngđy. Qua cuộc gặp gỡ đầu tiên này, viên đô đốc Anh chính thức cho Lơcléc biết rằng, theo quyết định ở Pôxđam, quân Tưởng sẽ vào bắc vĩ tuyến 16 và Pháp sẽ “khó mà bẩy được chúng đi”. Còn tại miền Nam Đông Dương, theo Maobéttơn, lúc này Lơcléc chưa thể đến Sài Gòn được. Quân Nhật chưa hạ vũ khí. Máy bay của Anh bay qua còn bị cao xạ Nhật bắn lên. Pháp phải đợi Anh rút dần sư đoàn 20 từ Miến Điện sang Sài Gòn thì quân đội Pháp mới có “cái ô che” để đặt chân vào miền Nam Đông Dương. Maobéttơn bảo đảm rằng Anh sẵn sàng giúp quân đội Pháp về mặt trang bị và cố khắc phục khó khăn về tàu vận tải để Pháp chuyển quân viễn chinh sang Đông Dương càng sớm càng tốt. Qua cuộc gặp gỡ “rất thân mật” này, viên tướng Pháp nhận rõ thêm rằng sở dĩ Maobéttơn sốt sắng giúp Pháp ở Đông dương là muốn dùng bàn tay Pháp cùng Anh hạn chế Mỹ bành trướng thế lực ở Đông Nam Á.

        Vấn đề quân Tưởng ở miền Bắc khiến tướng Lơcléc lo lắng. Sau cuộc gặp gỡ ngày 22 tháng 8 với Maobéttơn, Lơcléc vội đánh điện báo cáo cho Đờ Gôn (khi đó đang ở Mỹ) để Tổng thống Pháp vận động Tơruman can thiệp với Tưởng Giới Thạch.

        Được sự hứa hẹn giúp đỡ của Anh, ngày 24 tháng 8, Lơcléc cùng bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp vạch ra kế hoạch chiến lược gồm mấy điểm chính như sau:

        - Lợi dụng sự có mặt của quân đội Anh để làm chủ toàn bộ vùng lãnh thổ nam vĩ tuyến 16.

        - Thả dù càng nhiều càng tốt nhân viên dân sự và lực lượng quân sự xuống vùng quân Tưởng kiểm soát ở miền Bắc.

        - Tranh thủ mọi cơ hội để duy trì và xác nhận chủ quyền của Pháp, trước hết là đối với Đồng minh.

        - Từng bước giành lại vùng do quân Tưởng kiểm soát theo khả năng các đợt quân tăng viện.

        - Tùy hoàn cảnh mà thương thuyết, trên bình diện chính trị, với tất cả các nhân vật bản xứ.

        Về mặt lực lượng, bộ chỉ huy Pháp chủ trương cấp tốc đưa chừng 120 tên lính thuộc trung đoàn 5e RIC theo quân Anh đến Sài Gòn bằng máy bay ngay trong đợt đầu. Các đơn vị còn lại sẽ đưa dần sang bằng tàu biển. Để việc chuyển quân được nhanh chóng, ngoài chiếc tàu vận tải Bêác chúng sẽ tận dụng cả tàu tuần dương và tàu thiết giáp.

        Trong khi chờ có quân, được sự đồng ý của Anh - Mỹ để Pháp “có danh nghĩa là kẻ chiến thắng”, Lơcléc đi Tôkyô đại diện cho phía Pháp tham dự lễ tiếp nhận Nhật Bản đầu hàng vào ngày 2 tháng 9. Chính trong dịp này, qua việc thăm dò thái độ Mắc Áctơ (Mc Arthur, tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương) về việc quân đội Pháp trở lại Đông Dương, Lơcléc đã được viên tướng Mỹ này khuyên “hãy mang quân đội sang, mang nhiều hơn nữa, mang sang càng nhiều càng tốt”.

        Từ Nhật Bản trở về Căngđy, Lơcléc đứng ngồi không yên1vì tình hình Đông Dương thay đổi quá mau lẹ, trong khi đó bộ tư lệnh quân viễn chinh Pháp vẫn hai bàn tay trắng. Rõ ràng việc trở lại Đông Dương không dễ dàng như người ta đã và đang ảo tưởng ở Pari.

        Do quân sang chậm, lại do thái độ của Mỹ đối với việc Pháp trở lại miền Bắc chưa rõ rệt (ngoài lời khuyên chung chung của Mắc Áctơ), đầu tháng 9 Bộ tham mưu viễn chinh Pháp phải điều chỉnh lại kế hoạch chiến lược đã được vạch ra nửa tháng trước: Dựa vào quân Anh để nhanh chóng chiếm miền Nam. Chỉ khi đã đứng vững, mới lấy miền Nam làm bàn đạp để chiếm nốt phần còn lại của bán đảo Đông Dương.

        Trước những thực tế ngày càng kém lạc quan về tình hình Đông Dương, Lơcléc phải cho người về Pháp báo cáo “để phủ tổng thống bớt ảo tưởng”, vì những tin tức mà Pari nhận được hồi giữa tháng 8 nay đã trở nên những chuyện hoang đường. Người ta kể lại rằng, khi vừa nghe phái viên của Lơcléc báo cáo về tình hình Đông Dương, Đờ Gôn đã lập tức nổi khùng và cắt ngang: “Nếu tôi cứ nghe mãi những lời nhảm nhí như vậy thì chẳng bao lâu nước Pháp sẽ không còn đế quốc của nó nữa. Hãy đọc lại bản tuyên bố CỦA TÔI (ý nói bản tuyên bố 24-3-1945) và hãy nắm vững nội dung của nó”. Đến đây ngài tổng thống chấm dứt cuộc nói chuyện với phái viên của Lơcléc.

        Hăngri Adô, người kể lại câu chuyện trên đây đã đặt vấn đề: Phải chăng so với năm 1944, Đờ Gôn chưa hiểu biết thêm được điều gì và cũng chưa hề quên đi điều gì vì ông ta đã cố tình không đếm xỉa đến thực trạng ở Đông Dương. Nói một cách khác, ông ta đã cố tình “khoác cho quá khứ trọng trách của tương lai...”.

        Khi sự việc trên đây lọt ra khỏi phủ tổng thống Pháp, dư luận tiến bộ ở Pari cho rằng nhà cầm quyền Pháp đã tự trói chặt mình vào bản tuyên bố ngày 24 tháng 3, một bản tuyên bố chứa đựng khá nhiều điều mơ hồ và không có khả năng làm cơ sở cho việc thương thuyết.

----------------
        1. Theo nguyên văn của Clốt Paya: “giậm chân như ngựa”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:45:20 pm

        Để biện hộ cho bản tuyên bố của Đờ Gôn hòng lừa bịp dư luận, Lôrăngxi (Laurentie), giám đốc vụ chính trị bộ Thuộc địa Pháp, vội họp báo. Ngày 15 tháng 9, tờ báo tư sản Pháp Thế giới đăng những lời tuyên bố mơ hồ và lừa bịp của ông ta. Mặc dù phải công nhận rằng “Việt Minh, trước hết là một phong trào dân tộc...”, rằng “nếu người ta muốn tiến tới hòa giải thì phải thừa nhận những nguyện vọng về độc lập và bình đẳng của người Đông Dương...”, Lôrăngxi lại nhận xét một cách lập lờ: “Đó cũng là tinh thần bản tuyên bố ngày 24 tháng 3 của Chính phủ (Pháp), khi Chính phủ cam kết rằng sẽ không xác định bất cứ điều gì mà không hỏi ý kiến dân chúng Đông Dương...”1.

        Mấy ngày sau đó, tại Ấn Độ, đến lượt cao ủy Đácgiăngliơ lên tiếng. Theo số báo Thế giới ngày 21 tháng 9 thì viên đô đốc thầy tu này đã tuyên bố rằng ông ta “sẽ không thấy có sự chống đối nào của dân chúng Đông Dương, vì chúng ta (Pháp) không đến để chiếm lại xứ này... (!). Chúng ta đến với họ một cách hết sức chân thành (!), không hề có một dụng ý lừa dối họ. Chúng ta quyết trao trả cho họ việc điều hành chính quyền phù hợp với khả năng của họ...”2.

        Thực tế hành động của thực dân Pháp và phái bộ quân sự Anh ở Sài Gòn trong những ngày tháng 9 đã bác bỏ hoàn toàn những lời tuyên bố lừa bịp của những người đại diện giới cầm quyền Pháp.

        Cùng một số sĩ quan Pháp được máy bay quân đội hoàng gia Anh thả dù xuống Tây Ninh (22-8-1945) rồi được quân Nhật đưa về Sài Gòn, viên đại tá Xêđin đã nhân danh ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Nam Đông Dương bắt liên lạc với bọn thực dân Pháp có mặt ở Nam Bộ và bọn tù binh Pháp (bị Nhật bắt giam từ 9-3-1945) để gấp rút chuẩn bị thực hiện âm mưu đặt lại ách thống trị của Pháp ở miền Nam nước ta. Cũng chính trong những ngày này, nhân dân Việt Nam đang sôi nổi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa và ngày 25 tháng 8, tại hầu hết các tỉnh Nam Bộ, chính quyền đã về tay nhân dân.

        Trước tình hình đó, ngày 27, Xêđin đã buộc phải tìm đến gặp lại đại diện chính quyền cách mạng ở Sài Gòn và đề nghị phía cách mạng chấp nhận chế độ chính trị đã được nêu trong bản tuyên bố ngày 24 tháng 3 của Đờ Gôn. Đại diện chính quyền cách mạng đã kiên quyết bác bỏ và nhấn mạnh với người “đại diện của nước Pháp Mới” là: nếu Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam thì quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp trên đất nước Việt Nam mới được bảo đảm. Đó là điều kiện tiên quyết. Việt Nam không chủ trương bài ngoại, nhưng rõ ràng bản tuyên bố của Đờ Gôn không thể là cơ sở cho bất kỳ cuộc thương lượng nào.

        Cuộc tiếp xúc đầu tiên đã không đem lại kết quả. Âm mưu ép ta chấp nhận những điều kiện do chúng đề ra bị thất bại. Xêđin và đồng bọn mưu toan dựa vào sự bao che của quân Nhật để chuẩn bị lực lượng và hoạt động khiêu khích hòng phá hoại chính quyền cách mạng. Ngày 2 tháng 9, chúng cho bọn Pháp kiều phản động nấp trong nhà thờ xả súng bắn vào nhân dân Sài Gòn mít tinh mừng Ngày Độc lập. Quần chúng cách mạng đã kịp thời trừng trị bọn khiêu khích.

        Phái bộ quân sự Anh (lợi dụng hiệp định Pôxđam, nấp dưới danh nghĩa quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật ở miền Nam Đông Dương) cũng sớm lộ mặt là những kẻ cố tình can thiệp vào nội trị nước ta, trắng trợn tiếp tay cho thực dân Pháp trở lại xâm lược miền Nam Việt Nam.

        Viện cớ “tình hình trật tự ở Sài Gòn không được bảo đảm”, ngay từ khi còn đang trên đường sang Đông Dương, ngày 4 tháng 9, viên tướng Anh Grêxi (Gracey), đã gửi điện cho thống chế Nhật Têrôchi3, ra lệnh tăng lực lượng quân Nhật ở Sài Gòn lên 7 tiểu đoàn, thực chất là tiếp tay cho thực dân Pháp xâm lược ngay từ đầu.

        Ngày 6 tháng 9, phái bộ quân sự Anh đến Sài Gòn, đem theo một đại đội biệt kích (thuộc trung đoàn 5e RIC) của Pháp mặc quân phục Anh. Ngay sau khi theo gót phái bộ Anh đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bọn này được Anh cho thay thế quân Nhật chiếm đóng một số vị trí quan trọng: cảng, xưởng đóng tàu, kho thuốc súng... Phái bộ Anh còn hạ lệnh cho Têrôchi giải giáp lực lượng vũ trang Việt Nam (mà chúng gọi là quân phiến loạn). Từ 12 tháng 9, khi tướng Anh Grêxi cùng lữ đoàn Ấn Độ (thuộc sư đoàn 20 do hắn chỉ huy)4 đến Sài Gòn thì hành động can thiệp của phái bộ Anh càng trắng trợn hơn. Chúng cho thêm hai đại đội thuộc trung đoàn 5e RIC của Pháp đổ bộ lên Sài Gòn và cho bọn này chiếm đóng thêm nhiều vị trí quan trọng. Chúng trang bị cho kiều dân Pháp và dung túng cho bọn này khiêu khích ngoài đường phố.

        Những hành động can thiệp trắng trợn của phái bộ Anh và sự khiêu khích của bọn thực dân Pháp đã buộc nhân dân Việt Nam phải biểu thị thái độ. Cuộc tổng đình công bất hợp tác ngày 17 tháng 9 là đòn cảnh cáo đầu tiên khiến bọn Anh - Pháp phải dè chừng trước sức mạnh của quần chúng cách mạng. Lá cờ ba sắc vừa được phái bộ Anh cho bọn Pháp kéo lên một cách phi pháp ở dinh toàn quyền cũ đã lập tức bị hạ xuống trước thái độ công phẫn của nhân dân Sài Gòn. Bị dư luận thế giới lên án, bọn Anh ở Căngđy phải cử viên tướng Xlim (Slim) đến Sài Gòn để nhắc nhở Grêxi phải hành động kín đáo hơn. Cụ thể là không nên ra mặt tiếp tay cho Pháp mà bề ngoài cần làm ra vẻ chỉ hành động nhằm “thực thi nhiệm vụ duy nhất là giải giáp quân đội Nhật”, để Chính phủ hoàng gia Anh “khỏi mất mặt vì sự chống đối của dân chúng địa phương”.

-------------------------
        1. Henri Azeau, Sđd, tr. 79.

        2. Henri Azeau, Sđd, tr. 80.

        3. Douglas Gracey, tư lệnh sư đoàn 20 quân đội đế quốc Anh, được Mountbatten phái sang giải giáp quân Nhật; thống chế Térauchi, tư lệnh quân đội Nhật ở Đông Nam Á thời kỳ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai.

        4. Lúc này, Ấn Độ chưa giành được độc lập, còn là nước phụ thuộc vào đế quốc Anh. Trong sư đoàn 20 của quân đội hoàng gia Anh đóng ở Miến Điện bấy giờ có một lữ đoàn gurkhas Ấn Độ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:45:51 pm

        Xêđin và bọn thực dân Pháp ở Sài Gòn, trước hết là tên chủ đồn điền cao su Badê (William Bazé), tưởng rằng với sự có mặt của một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 5e RIC, với sự tiếp tay của Grêxi và phái bộ quân sự Anh, chúng có thể nhanh chóng vãn hồi trật tự, khôi phục chủ quyền của Pháp và sau đó tập hợp được bọn tay sai để lập lại chế độ cai trị của chúng. Dưới con mắt chúng “dân An Nam chỉ là những kẻ hèn nhát... Khi Pháp tỏ ra cương quyết, khi chiếc gậy đã được giơ lên thì chúng (chỉ dân An Nam) sẽ tan tác như bày chim sẻ”(!). Chính vì thế mà hành động của thực dân Pháp ngày càng hết sức trắng trợn.

        Ngày 19, Xêđin tuyên bố là Việt Minh không đại diện cho dư luận dân chúng và bất lực không duy trì được trật tự xã hội. Theo hắn thì trước hết trật tự phải được vãn hồi (ý nói phải chấm dứt mọi hoạt động phản đối của ta) để rồi “thiết lập một chính phủ phù hợp với bản tuyên bố 24 tháng 3”. Phụ họa với luận điệu của Xêđin, ngày 20 và 22, tướng Anh Grêxi đã “nhân danh đại diện Đồng minh” khẳng định mình có trách nhiệm duy trì trật tự. Ngay sau đó, Grêxi ra lệnh cấm báo chí, ban bố thiết quân luật và đòi kiểm soát lực lượng cảnh sát Việt Nam. Grêxi còn viện cớ kiểm soát Khám Lớn để thả hơn 1.400 tù binh Pháp1và trang bị cho bọn này. Có súng Anh trong tay, những tên lính Pháp này vừa ra khỏi nhà tù đã muốn tỏ cho mọi người biết rằng chúng không phải là “những phần tử Visi”. Khốn nỗi người dân Sài Gòn đã biết rất rõ rằng chúng chính là những kẻ đã nộp súng đầu hàng quân Nhật sau chưa đầy một đêm chiến đấu.

        Với sự có mặt của tiểu đoàn biệt kích thuộc trung đoàn 5e RIC, 1.400 tù binh được Anh thả ra và trang bị, hàng ngàn kiều dân được Anh trao súng, với sự dung túng của tướng Grêxi, bọn Pháp liên tiếp khiêu khích ngày càng trắng trợn trên các đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

        Sau này, trong cuốn Tấn kịch Đông Dương, tướng Pháp Mácsăng (Jean Marchand) viết: “Tất cả những điều đó làm cho những phần tử cách mạng vô cùng bực tức và thúc đẩy họ phải dùng đến bạo lực”. Còn cựu toàn quyền Đông Dương Anbe Xarô thì đặt vấn đề: “Họ (quân Pháp) đến (Việt Nam) để làm gì? Phải chăng họ mưu toan đặt xứ này trở lại chế độ của Pháp như trước chiến tranh? Phải chăng một cuộc chiến tranh lại sắp được nhóm lên ở các xứ Đông Dương vừa được giải phóng khỏi bọn Nhật?”. Dù sao, Việt Minh - và cùng với Việt Minh là cả nước Việt Nam - sẽ không để cho ý đồ phiêu lưu này tái diễn... Nếu người ta (ý nói thực dân Pháp) muốn chiến tranh thì người ta sẽ được trả lời bằng chiến tranh. Và Việt Minh, người đấu tranh cho độc lập, chỉ cần hô lên một tiếng ĐỘC LẬP2là lập tức họ tập hợp được toàn dân thành một khối đoàn kết chung quanh họ... Cuộc xung đột ắt sẽ nổ ra...”.

        Cũng như trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam thế kỷ trước, đế quốc Pháp lại áp dụng công thức cũ rích: đội quân viễn chinh xâm lược cộng với chính quyền bù nhìn tay sai.

        Đi đôi với chủ trương đưa quân đội núp sau cờ đế quốc Anh để xâm lược miền Nam nước ta, Đờ Gôn đã vời Vĩnh San (cựu hoàng Duy Tân)3 đến để làm một việc mà Tổng thống Pháp gọi là “cùng nhau trực tiếp bàn bạc để cựu hoàng tiến hành”.

        Cuộc đời biệt xứ bế tắc của Duy Tân ba chục năm ròng (1916-1945) đã kết thúc bằng cuộc gặp gỡ với Đờ Gôn ngày 14 tháng 12. Ông ta đã bằng lòng về nước làm bù nhìn cho Pháp đúng như ông tổ Gia Long đã làm hồi thế kỷ trước.

        Mười ngày sau khi gặp Đờ Gôn, Vĩnh San lên đường về Đông Dương, đem theo “chương trình hành động” và “lời kêu gọi nhân dân Việt Nam”, mà “đức vua dự định sẽ đọc khi ra mắt quốc dân ngay sau khi về nước”. Các “văn kiện” trên cho thấy Vĩnh San cũng lắp lại “ông chủ”, đưa ra những lời phỉnh phờ về “độc lập và thống nhất”, về khả năng “hợp tác với Việt Minh, trên cơ sở nhận thức một cách linh hoạt (?) về bản tuyên bố 24 tháng 3 của Chính phủ Pháp”. Điều đó càng dễ hiểu, khi người ta biết rằng các “văn kiện” trên đã được thảo ra với sự khêu gợi và sự đồng ý của Bộ Thuộc địa Pháp, nhằm đạt tới cái gọi là “giải pháp Vĩnh San”.

        Nhưng rồi chiếc máy bay chở Vĩnh San về Đông Dương đã nổ tung trên bầu trời Bắc Phi ngày 25 tháng 12 năm 1945, kết liễu cuộc đời con người lăm le theo gót ông tổ Nguyễn Ánh đi vào con đường làm tay sai cho bọn cướp nước.

        “Giải pháp Vĩnh San” không thành, điều đó không hề ảnh hưởng gì đến hành động của quân đội Pháp đang núp dưới bóng quân đội Anh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam.

-------------------
        1. Bọn này trước đây thuộc trung đoàn 11e RIC đóng ở Sài Gòn, bị Nhật bắt và giam ở Khám Lớn trong cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945.

        2. Tác giả viết bằng tiếng Việt, in đậm.

        3. Duy Tân: vua bù nhìn, được các sĩ phu yêu nước là Thái Phiên và Trần Cao Vân thuyết phục, có tham gia âm mưu khởi nghĩa chống Pháp ngày 3 tháng 5 năm 1916 ở Huế. Âm mưu bị lộ, khởi nghĩa không thành công. Thái Phiên và Trần Cao Vân bị đế quốc Pháp xử chém ở Huế. Còn Duy Tân bị Pháp bắt đưa đi đày ở đảo Rêuyniông.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:47:17 pm
           
Chương hai

MIỀN NAM TRƯỚC, MIỀN BẮC SAU

NẤP SAU CỜ ĐẾ QUỐC ANH

        Các cuộc xung đột lẻ tẻ đã diễn ra từ sáng 22 tháng 9, khi quân Pháp lợi dụng tình hình giới nghiêm do phái bộ Anh ban bố trái phép trong thành phố, nổ súng lấn chiếm thêm một số công sở và bị lực lượng vũ trang Việt Nam chống lại. Xêđin và viên thiếu tá Buýt (Buis) bèn quyết định dựa vào quân Anh nhanh chóng làm chủ thành phố Sài Gòn.

        Cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp chính thức nổ ra hồi 4 giờ sáng 23 tháng 9 bằng những trận đánh chiếm sở cảnh sát, kho bạc, trụ sở Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ. Đờvile kể lại: do bị chống cự quyết liệt và bị thiệt hại, quân Pháp đã dùng hành động trả thù rất dã man đối với bất kỳ người dân Việt Nam nào chúng gặp trên đường phố. Các phóng viên Anh - Mỹ có mặt ở Sài Gòn đánh đi những bản tin làm chấn động dư luận thế giới về hành động của quân Pháp núp sau quân Anh để gây hấn. Bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ, tướng Anh Grêxi bẽ mặt vội ra thông cáo tìm cách đổ tội cho sự bất lực của bộ chỉ huy quân Nhật, những người được phái bộ Anh trao nhiệm vụ duy trì trật tự trong thành phố.

        Bọn chỉ huy Pháp hy vọng rằng với dăm tiếng súng “xua đuổi đàn chim sẻ”, chúng sẽ kiểm soát được thành phố, trật tự sẽ được vãn hồi nhanh chóng và chúng sẽ dễ dàng ép đối phương phải chấp nhận những điều kiện do chúng đề ra. Còn bọn chủ đồn điền thì chuẩn bị để trở lại các đồn điền cao su.

        Nhưng chúng đã lầm. Nếu Đờvile nhận thấy hành động của quân Pháp là “bằng chứng đầu tiên của một cuộc tái xâm lược đã thúc đẩy đòng căm thù (của dân tộc Việt Nam) lên đến cực điểm...” thì Anbe Xarô cũng khẳng định rằng “chiến tranh đã được trả lời bằng chiến tranh...”.

        Từ sáng sớm ngày 23, nhiều tên Pháp đã phải đền tội. Nhà máy điện bị phá hủy, nhiều nơi đóng quân của Pháp bị tiến công. Chẳng bao lâu, tấn thảm kịch đã lên tới tột đỉnh. Trong bản tin ngày 30 tháng 9, phóng viên hãng Roitơ viết: “Quân đội Anh - Pháp phải chống với 7.000 lính Việt Nam có đủ khí giới và hàng vạn dân quân được trang bị bằng dao, gậy, giáo, lựu đạn, nhất định tử chiến...”. Chẳng những thế, từ khi lệnh tổng bãi công và bất hợp tác được ban ra, mọi nguồn lương thực và thực phẩm bị phong tỏa và toàn thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn nằm trong tình trạng không có điện nước, không có chợ..., thì cảnh khốn quẫn của người Pháp bị vây hãm trong thành phố đã trở nên “không chịu nổi”. Cũng trong bản tin trên, phóng viên hãng Roitơ viết: “Sau bảy ngày, tình thế càng nghiêm trọng thêm. Chúng tôi ở Sài Gòn lâm vào cảnh rất nguy ngập về lương thực, vì trên bộ thì quân và dân Việt Nam phong tỏa còn trên mặt biển thì trước đây quân Nhật đã thả quá nhiều thủy lôi, đến nỗi không một chiếc tàu Đồng minh (Anh - Mỹ) nào có thể cập bến Sài Gòn được. Các kho gạo của quân đội Nhật trước đây đều đã bị người Việt Nam đốt phá hết trận này đến trận khác. Đã hai lần máy bay (của quân đội Anh) phải ném lương thực xuống. Ngày càng khó kiếm thức ăn và nước uống, đến nỗi rất nhiều người khốn khổ vì nạn khát, nếu không nhờ thỉnh thoảng có một trận mưa...”.

        Không những tình hình quân sự đã diễn ra trái ngược với dự đoán của bọn Anh - Pháp, mà chúng còn ở vào thế bất lợi về mặt chính trị trên trường quốc tế. Chính phủ Công đảng Anh vừa lên cầm quyền được vài tháng bị bẽ mặt vì những sự kiện Đông Dương đã phải chỉ thị cho Maobéttơn triệu bọn Grêxi - Xêđin đến để ngăn đe về những hành động quá lộ liễu và trắng trợn của chúng ở Sài Gòn. Nhân lúc Pháp đang bị nguy khốn trong thế trong bị đánh, ngoài bị vây, Anh mưu toan đứng ra làm trung gian “hòa giải”, vừa nhằm mục đích lừa bịp và dẹp bớt dư luận, vừa tạo điều kiện đưa thêm quân vào nới rộng vòng vây trong thành phố.

        Trải qua ba lần gặp gỡ trong những ngày 2, 6 và 8 tháng 10 (diễn ra trong điều kiện tạm thời ngừng bắn), phía Pháp vẫn không chịu công nhận nền độc lập của Việt Nam và trước mắt, chúng không chấp nhận trở lại tình hình như trước ngày 23 tháng 9. Sau đợt ngừng bắn cuối cùng (được kéo dài trong những ngày 8 và 9) cuộc điều đình tan vỡ, tiếng súng lại nổ.

        Sau những ngày lưu lại ở Căngđy để yêu cầu Anh giúp về trang bị, về tàu biển để chuyển quân, và chỉ khi được tin quân Pháp được quân Anh che chở đã “đứng chân” được ở Nam Kỳ, ngày 5 tháng 10 viên tổng chỉ huy Lơcléc mới đến Sài Gòn. Trước đám kiều dân Pháp ra đón, Lơcléc tuyên bố lừa bịp: “Tôi đến đây để bắt tay vào tu sửa lại những gì đã bị chiến tranh tàn phá và xây dựng lại một xứ Đông Dương công bằng (?) trong khối cộng đồng Pháp...”.

        Theo nhận xét sau này của tướng Mácsăng thì khi tới nơi, Lơcléc tỏ ra rất lo lắng vì đứng trước “một tình hình rất khẩn trương, thành phố vắng ngắt, dân chúng bản xứ tản cư hết, cửa hàng, xưởng thợ, công sở đều đóng cửa, giao thông tê liệt, tiếp tế thiếu thốn... Ban đêm luôn luôn có tiếng súng và lựu đạn nổ... Mọi con đường dẫn đến Sài Gòn đều bị ngăn chặn... Một sự uy hiếp nặng nề đè lên toàn thành phố...”.

        Được sự đồng tình của Grêxi “trong tình thân hữu Anh - Pháp biểu hiện ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên”, tất nhiên Lơcléc không quan tâm gì đến cuộc đàm phán Việt - Pháp đang diễn ra, mà mối lo lắng đầu tiên của viên tổng chỉ huy này là làm sao dựa vào quân Anh để giải quyết vấn đề gay cấn nhất đối với Pháp lúc đó là tiếp tế cho quân đội đang bị vây hãm trong thành phố. Lơcléc được phái bộ Anh cho mượn tàu thủy để chở vũ khí và quân dụng từ biển vào Sài Gòn và được Grêxi hứa hẹn cho mượn thêm quân, khi 2 lữ đoàn còn lại của sư đoàn 20 tới nơi.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:49:05 pm

        Lơcléc rất mong có thêm lực lượng để nhanh chóng giải vây cho quân Pháp ở Sài Gòn. Mặc dù trước khi viên tướng này đến hai ngày (3-10) đã có thêm một tiểu đoàn của trung đoàn 5e RIC do tàu Risơliơ chở đến, nhưng trong những ngày đầu tháng 10, phần lớn lực lượng của Pháp còn đang trên đường sang Đông Dương. Vì thiếu tàu, phải chuyển tải theo lối nhỏ giọt bằng những chuyến tàu rất thất thường do Anh cho mượn, có khi lính một nơi, trang bị một nẻo, buộc bọn chỉ huy Pháp phải điều chỉnh và tập hợp từng chuyến sau mỗi lần đổ bộ để kịp có từng đơn vị ném vào chiến đấu. Giữa lúc Lơcléc đang lúng túng về quân số thì cuối thượng tuần tháng 10, hai lữ đoàn của sư đoàn 20 của Anh cập bến Sài Gòn. Nhờ có “thái độ sòng phẳng không khất nợ” của Grêxi, mà Lơcléc có quân để thực hiện kế hoạch quân sự trước mắt: trong khi chờ đợi binh đoàn xe bọc thép của Mátxuy đến, dựa vào quân Anh chiếm đóng Sài Gòn và “vùng then chốt” (Key area, tức khu tam giác Sài Gòn - Thủ Dầu Một - Biên Hòa, nơi Anh đang tập trung và giải giáp quân Nhật), Pháp sẽ theo gót quân Anh để nới rộng vòng vây quanh Sài Gòn, đồng thời sớm đưa lực lượng sang Campuchia và Hạ Lào. Khi đã có thêm viện binh, sẽ phối hợp với quân Anh, giải vây Sài Gòn, mở rộng “vùng then chốt”, tiến tới chiếm đóng vùng lúa gạo ở miền Tây, vùng cao su ở miền Đông, làm chủ các trục giao thông nối liền Nam Bộ và Campuchia, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

        Ngày 12 tháng 10, trong khi quân Anh chiếm Gia Định và Gò Vấp, Pháp cho một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 5e RIC tiến công lên Phù Mỹ. Ba ngày sau, một đại đội của 5e RIC theo chân một đại đội Anh - Ấn nhảy dù xuống Phnôm Pênh, chiếm thủ đô Campuchia. Ngày 23 và 25, quân Anh chiếm Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Một thông cáo được tung ra: vùng Ven phía bắc Sài Gòn “coi như được giải tỏa”.

        Cuối tháng 10, binh đoàn xe bọc thép của Mátxuy tới nơi. Có tin những đơn vị đầu tiên của sư đoàn 9e DIC cũng sắp cập bến. Một kế hoạch hành binh mới được thảo ra gồm “hai đòn chủ yếu và hiểm hóc” được bộ chỉ huy Pháp coi là có tính chất quyết định đối với chiến trường Nam Bộ:

        1. Trước mắt, đơn vị xe bọc thép của Mátxuy tiến theo đường bộ (lộ 4) qua Tân An, phối hợp với một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 5e RIC tiến theo đường sông (bằng phương tiện do quân Anh giúp) đánh chiếm Mỹ Tho (nơi chúng cho là có cơ quan lãnh đạo kháng chiến Nam Bộ) rồi từ đó tiến xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích: bảo đảm vấn đề tiếp tế cho quân ở Sài Gòn và từng bước nối liền đường sông lên Campuchia.

        2. Khi sư đoàn 9e DIC tới, sẽ tiến đánh Tây Ninh, “thủ phủ Cao Đài”, nhằm phá Mặt trận đoàn kết dân tộc, chiếm lại vùng cao su miền Đông và khai thông đường bộ sang Campuchia.

        Ngày 25 tháng 10, được sự phối hợp của quân Anh, hai cánh quân Pháp tiến theo đường bộ và đường sông từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho. Mấy ngày sau, tàu Risơliơ, cắm cờ Anh, dùng pháo yểm trợ cho quân Pháp chiếm Gò Công (28-10) rồi tiến về phía tây, phối hợp với quân ở Mỹ Tho theo đường bộ và thủy xuống Vĩnh Long (29-10) và Cần Thơ (31-10). Hai thị trấn này được dùng làm căn cứ xuất phát để tiến ngược dòng sông Tiền và sông Hậu từng bước nối liền với Campuchia.

        Đầu tháng 11, những đơn vị đầu tiên của sư đoàn bộ binh thuộc địa thứ 9 (9e DIC), gồm trung đoàn bộ binh thuộc địa Marốc (RICM)1và trung đoàn kỵ binh thiết giáp thứ 9e (9 Dragons) cùng một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 6e RIC, cập bến Ô Cấp. Vừa chân ướt phân ráo tới nơi, các đơn vị này đã bị ném ngay vào chiến đấu. Cuộc hành binh tiến lên Tây Ninh được thực hiện ngày 8 tháng 11 bằng sự phối hợp giữa bộ đội thiết giáp của Mátxuy và một phân đội kỵ binh thiết giáp của trung đoàn 9. Pôn Muýt2được phái đi theo đơn vị của Mátxuy nhằm đem “kiến thức thuộc địa” của một tiến sĩ xã hội học thực dân để thuyết phục đồng bào ta ở Tây Ninh “quy thuận”. Sau khi vào “thánh địa Cao Đài”, đoàn thiết giáp của Mátxuy tiếp tục tiến lên Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp hòng làm chủ vùng cao su. Ngày 11 tháng 11, Pháp tuyên bố là đã tiến sát phía Tây Nguyên và đánh thông đường bộ sang Campuehia.

        Đi đôi với việc tiếp tay cho quân Pháp mở rộng chiến sự ở Nam Bộ, từ cuối tháng 9, phái bộ quân sự Anh đã đưa một tiểu đoàn Anh - Ấn đổ bộ lên Nha Trang, viện cớ là để giải giáp quân đội Nhật ở Nam Trung Bộ. Thật ra chúng lên đấy để trang bị cho kiều dân và tù binh Pháp được chúng thả ra cùng quân Nhật chiếm giữ những địa bàn chiến lược quan trọng, chia cắt chiến trường của ta và chuẩn bị chỗ đứng chân cho quân Pháp mở rộng chiến tranh ra Nam Trung Bộ sau này.

        Bị các chiến sĩ Việt Nam đánh mạnh, quân Nhật ở nhiều nơi (Ninh Hòa, Ba Ngòi...) phải rút về cụm ở Nha Trang. Thị xã này trở nên hoàn toàn bị cô lập. Quân Anh - Ấn - Nhật ở đó bị bao vây và thường xuyên bị quân ta lọt vào tiến công.

        Để cứu vãn tình hình, ngày 19 tháng 11, Pháp cho một tiểu đoàn thuộc trung đoàn 6eRIC đổ bộ lên Nha Trang nhưng cũng không giải vây được cho liên quân Anh - Ấn - Nhật, Nha Trang trở thành nơi tập trung quân lớn nhất của chúng ở Nam Trung Bộ.

        Ngày 1 tháng 12, Pháp cho trung đoàn 5eRIC tiến lên Buôn Ma Thuộc nhằm thu hút lực lượng đối phương từ đồng bằng lên, đỡ đòn cho Nha Trang và chuẩn bị tiến về giải vây cho hơn 1.300 tù binh Pháp ở Đà Lạt, nhưng đến lượt trung đoàn này lại bị vây hãm giữa chiến trường rừng núi Tây Nguyên.

-----------------
        1. Theo Devillers và Salan thì đây là Régiment d’ Infanterie Coloniale du Maroc. Không phải là trung đoàn ứng chiến chiến xa hạng trung hay trung đoàn bộ binh thuộc địa cơ giới hóa như một số bạn đã dịch.

        2. Paul Mus (biệt hiệu Caille - chim cun cút) tiến sĩ xã hội học, khi còn là đại úy đã chạy thoát trong cuộc đảo chính của Nhật (9-3-1945), cùng viên đại úy Bouveret trốn sang Trung Quốc rồi về Pháp báo cáo với Đờ Gôn. Nay được thăng cấp thiếu tá, làm cố vấn chính trị cho Lơcléc, được coi là một sĩ quan “am hiểu về Đông Dương”. P. Mus là tác giả một cuốn sách về chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương nhan đề Sociologie d’une guerre (Xã hội học của một cuộc chiến tranh), mang nặng tư tưởng thực dân xâm lược.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:51:35 pm

MIỀN NAM “ĐÃ BÌNH ĐỊNH XONG”

        Với kết quả các cuộc hành binh trong hai tháng 10 và 11 (mở rộng chiến sự ở Nam Bộ, nối liền đường bộ và đường sông với Campuchia, đặt chân được lên Buôn Ma Thuộc ở Tây Nguyên và Nha Trang ở Nam Trung Bộ...), tổng chỉ huy Lơcléc tỏ ra lạc quan thực sự. Viên tướng này phán đoán rằng giai đoạn đánh chiếm Nam Bộ có thể hoàn tất trong thời gian ngắn và vào khoảng tháng 1 năm 1946 thì có thể chuyển quân ra Bắc. Chính trong tâm trạng lạc quan đó mà trong tháng 10 và tháng 11, Lơcléc liên tiếp cử phái viên (đại tá Phay rồi đại tá Uên) về Pari báo cáo và đốc thúc gửi gấp quân tăng viện.

        Nhiều tướng lĩnh Pháp theo sát chiến sự ở miền Nam Đông Dương trong thời kỳ này đã suy nghĩ khác tâm trạng lạc quan của tổng chỉ huy Lơcléc. Họ cho rằng, mặc dù dựa vào quân Anh, Ấn, Nhật và sau nhiều lần tăng viện, Pháp có mở rộng phạm vi chiếm đóng ở một số thành phố và thị trấn dọc các trục giao thông lớn nhưng vẫn không làm chủ được tình hình. Các lực lượng vũ trang Việt Nam, sau khi né tránh chỗ mạnh của các mũi tiến công ồ ạt bằng xe tăng - cơ giới địch, đã trở lại hoạt động, làm cho quân Pháp luôn luôn ở vào tình thế không ổn định. Theo nhận xét của tướng Mácsăng thì ngay vùng ven Sài Gòn, sau khi tiếp nhận các vị trí của quân Anh trao lại (ở vùng Gia Định), trung đoàn Marốc luôn vấp phải những cuộc tiến công khá mạnh, đôi khi rất nguy hiểm, khiến trung đoàn này chỉ giữ chặt các trận địa phòng ngự của mình mà vẫn không thiết lập được an ninh, cũng không bảo đảm giải tỏa cho Sài Gòn được, trong khi đó thì “vành đai đỏ (ý nói lực lượng vũ trang kháng chiến) vẫn thắt chặt thủ đô Nam Kỳ...”.

        Cuối tháng 11 đầu tháng 12, một số đơn vị của sư đoàn 9eDIC đến Sài Gòn (2 tiểu đoàn của 6e RIC, trung đoàn 23eRIC, một số đơn vị pháo và công binh). Lơcléc giao cho tướng Valuy (tư lệnh sư đoàn 9e DIC) nhiệm vụ càn quét những vùng mới đánh lướt qua và truy lùng Việt Minh để thiết lập cho được an ninh quanh Sài Gòn, một nhiệm vụ mà dư luận tướng tá Pháp coi là “đánh chiếm lại từ đầu”.

        Trong tháng 12 năm 1945, các cuộc hành quân càn quét quy mô lớn của các trung đoàn 6e RIC, 21e RIC, 23e RIC và một số tàu chiến đã diễn ra liên tiếp ở vùng ven Sài Gòn và ở một số vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Theo Mácsăng, ở hầu hết mọi nơi, quân Pháp đã vấp phải những trận đánh trả tuy không mãnh liệt nhưng liên tục của lực lượng vũ trang kháng chiến. Tại Chợ Lớn, từng người hoặc từng nhóm (ý nói các chiến sĩ du kích) tiến công các đội tuần tiễu và các đoàn xe bằng lựu đạn, súng ngắn hoặc súng trường... Hành động lúc ẩn lúc hiện, họ (các chiến sĩ du kích) thoát khỏi vòng vây của quân Pháp và trà trộn vào những nơi đông dân cư.... Tại Cần Giuộc, khắp vùng là một bầu không khí bất an, nguy hiểm... Trên các dòng sông Tiền và sông Hậu, nhiều đoàn tàu từ Phnôm Pênh xuống bị mất tích. Dù có các tàu chiến Béctanh và Xômali dùng hỏa lực yểm trợ, cuộc hành quân càn quét của trung đoàn 23e RIC ở vùng Nhà Bè (đông nam Sài Gòn) vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vì không có đường cái nên quân Pháp phải lội giữa bùn lầy, tiến từng bước rất khó nhọc và chậm chạp, lại luôn vấp phải hỏa lực tự động ở các ngã ba ngã tư kênh rạch... Từ thực tế hoạt động của các tổ du kích đối phương, Mácsăng rút ra kết luận: “Toàn bộ xứ sở này, với những xóm làng ngang dọc, những cây cối um tùm, những cánh đồng lúa chín không cao quá thân người, là mảnh đất thích hợp cho chiến tranh du kích”.

        Việc “bình định” của quân Pháp ở Nam Bộ không đem lại cho chúng kết quả mong muốn vì, mặc dù phải rút khỏi nhiều đô thị và trục giao thông lớn, lực lượng vũ trang kháng chiến vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định đã lui về xây dựng căn cứ và hoạt động giữa sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, tại một địa bàn rừng núi mà quân Pháp không thể nào đánh đến được. Tình hình Nam Trung Bộ cũng không sáng sủa hơn đối với Pháp. Hoạt động mạnh của các lực lượng kháng chiến trên chiến trường này buộc Lơcléc phải tập trung phần lớn lực lượng có trong tay (chừng 15.000 trong tổng số ngót 30.000 tên ở miền Nam cuối năm 1945) để mở cuộc hành quân Gô (Gaur) nhằm cứu nguy cho quân Pháp ở Nha Trang, Khánh Hòa, Đà Lạt... Cuộc hành binh quy mô lớn này, do viên tổng chỉ huy đích thân điều khiển, chia thành hai gọng kìm lớn, lấy Nha Trang làm hợp điểm:

        Cánh Nam (cánh chủ yếu)1xuất phát từ Biên Hòa ngày 25 tháng 1 năm 1946, tiến theo hướng Đà Lạt để lên Khánh Hòa, Nha Trang.

        Cánh Bắc2xuất phát cùng ngày từ Buôn Ma Thuột, vòng xuống Ninh Hòa về Nha Trang.

----------------
        1. Gồm trung đoàn RICM, 3 tiểu đoàn của các trung đoàn 21e RIC, 23e RIC và lữ đoàn Viễn Đông (BMEO), 2 đại đội pháo, 6 trung đội công binh, 1 tiểu đoàn biệt kích dù của 5e RIC, 2 chi đội tăng - thiết giáp.

        2. Gồm 1 trung đoàn tăng - thiết giáp, 1 tiểu đoàn của 21e RIC.

        3. Louis Lyautey (1854-1934), thống chế Pháp, Bộ trưởng chiến tranh Pháp (1916-1917). Simon Galliéni (1849-1916), thống chế Pháp, Bộ trưởng chiến tranh Pháp (1915-1916). Cả hai đều đã chỉ huy quân đội Pháp xâm lược Đông Dương lần thứ nhất.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:51:58 pm

        Để phối hợp cùng với cánh Nam, một tiểu đoàn bộ binh thuộc lữ đoàn Viễn Đông (BMEO) cùng một đại đội pháo, một trung đội công binh, một chi đội tăng - thiết giáp tiến từ Biên Hòa theo đường số 1 lên hướng Phan Thiết, Phan Ri, trong khi một chi đội thiết giáp khác từ đường 1 quặt xuống Hàm Tân tiến về hướng Bà Rịa - Long Thành.

        Ngày 5 tháng 2, cuộc hành binh Gô kết thúc, bộ chỉ huy Pháp vội ra tuyên bố là miền Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã được “chinh phục” xong, quân Pháp đã đạt được mục tiêu là “dứt điểm Nam Bộ để khỏi phải trở lại một lần nữa”. Nhưng thực tế chiến trường đâu phải như thế? Tướng Mácsăng đã nói thẳng ra rằng “đó chỉ là ảo tưởng, vì vấn đề bình định chưa hề giải quyết được chút gì cả”. Các cuộc hành binh kết thúc “vẫn không hề đem lại được an ninh trật tự”, cụ thể là “sau khi các cánh quân (Pháp) đi qua, Việt Minh lập tức quay trở lại, tập hợp lực lượng và sẵn sàng chờ thời cơ hoạt động”.

        Lơcléc đã áp dụng đúng hai bước của công thức chiếm đóng + bình định trong một cuộc chiến tranh xâm lược cổ điển theo kiểu Lyôtây và Galiêni3 trước đây. Nhưng viên tướng tổng chỉ huy này cũng như bộ tham mưu Pháp không giải thích nổi vì sao quân Pháp không “lập lại được trật tự” như họ mong muốn.

        Từ cuối tháng 1 năm 1946, quân Anh rút dần đi khiến Pháp mất hẳn chỗ dựa về mặt lực lượng. Hơn nữa, việc thay thế quân Anh còn làm cho Pháp càng bị giam chân và căng mỏng lực lượng trên một chiến trường quá rộng. Do đó, chúng không còn tập trung được lực lượng để tiếp tục mở các cuộc tiến công mở rộng phạm vi chiếm đóng, cũng không đủ lực lượng để liên tiếp tổ chức những cuộc hành quân bình định quy mô cỡ trung đoàn, kể từ sau cuộc hành binh Gô. Như Mácsăng nhận xét, do thiếu binh lực nên Pháp “không đủ sức tiến hành đồng thời cả hai nhiệm vụ có tác dụng hỗ trợ cho nhau (tiến công mở rộng phạm vi chiếm đóng và càn quét bình định) như đã vạch ra, điều đó cho phép quân phiến loạn (ý nói lực lượng kháng chiến) tăng cường hoạt động cả ở Nam Kỳ và Nam Trung Kỳ”.

        Rõ ràng, ngay từ đầu năm 1946, mâu thuẫn cổ truyền của cuộc chiến tranh xâm lược đã xuất hiện và ngày càng trở nên sâu sắc. Đó là mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung binh lực của đội quân xâm lược. Tập trung quân để tiếp tục tiến công mở rộng phạm vi chiếm đóng thì không còn lực lượng để giữ các vùng đất đã chiếm, ngược lại rải quân ra để giữ đất thì không còn lực lượng để tiến hành các chiến dịch tiến công. Các lực lượng vũ trang kháng chiến càng đẩy mạnh hoạt động thì càng khoét sâu thêm mâu thuẫn trên đây của đội quân xâm lược.

        Sau một thời gian tạm né tránh những mũi tiến công ồ ạt của xe tăng - cơ giới địch, từ tháng 1 năm 1946, các nhóm du kích đã từ các căn cứ bí mật xuất hiện, với lực lượng đã được củng cố, tăng cường các hoạt động tiến công và quấy rối các vị trí địch, phá hoại các đường giao thông và kho tàng của chúng, phục kích các đoàn vận tải trên bộ và trên sông, diệt tề trừ gian... làm cho lực lượng của địch không ngừng bị tiêu hao. Ngày 20 tháng 1, các chiến sĩ Việt Nam phục kích trên đường Châu Đốc - Hà Tiên đánh cho trung đoàn 6e RIC bị thiệt hại nặng và giết chết viên đại tá Đêxe (Dessert) - chỉ huy trung đoàn. Sự kiện này gây chấn động mạnh trong hàng ngũ chỉ huy Pháp khiến chúng không thể không thừa nhận sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Việt Nam. Chiến tranh du kích không những đã dần dần phát triển ở các vùng xa xôi (Long Xuyên, Châu Đốc, Đồng Tháp Mười...) mà còn từng bước lan về “khu then chốt” phía bắc Sài Gòn. Theo Mácsăng, quân du kích “luôn luôn cơ động, có tài phân tán trước những mũi càn quét của quân Pháp để rồi lại đột nhiên xuất hiện và tiếp tục những hoạt động không bao giờ chấm dứt...”.

        Chiến tranh du kích phát triển chứng tỏ rằng: với một đội quân viễn chinh đã lên tới 35.000 tên, với cách phòng ngự tĩnh tại dựa vào hệ thống đồn bốt trong vùng chiếm đóng với bộ máy ngụy quyền bước đầu hình thành ở vùng chúng kiểm soát, quân Pháp vẫn không làm chủ được tình thế.

        Tháng 2 năm 1946, sư đoàn 3eDIC tới Nam Bộ. Song, như nhận xét của tướng Xalăng, đây là một đơn vị được xây dựng vội vã chưa được huấn luyện, trang bị lại thiếu thốn. Một sư đoàn như vậy bị ném vào một chiến trường quá rộng ở miền Nam Đông Dương, rõ ràng là đuối sức trước nhiệm vụ thay thế cho sư đoàn 9e DIC và binh đoàn xe bọc thép Mátxuy đang được tập trung lại để chuẩn bị ra Bắc.

        Nếu trong những ngày đầu, khi Pháp mới gây hấn ở Nam Bộ, Đờvile đã từng kết luận rằng không thể có đàm phán vì lúc đó “chính trị phải nhường bước cho quân sự, thì cục diện chiến trường miền Nam sau 5 tháng đọ sức đã khiến cho chính ông ta phải rút ra kết luận khác, là Pháp không thể giải quyết vấn đề bằng sức mạnh”.

        Tuy nhiên, cả Đácgiăngliơ, Lơcléc và đồng bọn đều không thấy được sự thật đó. Thông qua thắng lợi giả tạo trên chiến trường miền Nam, họ vẫn dồn hết tâm trí vào bước thứ hai của cuộc chiến tranh xâm lược: đưa quân ra Bắc.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:52:51 pm
        
MỤC TIÊU TIẾP THEO: HÀ NỘI

        Trong hồi ký của mình, tướng Đờ Gôn nói rằng từ 1 tháng 10 năm 1944, ông ta đã được tướng Pếchcốp (đại diện Pháp ở Trùng Khánh) cho biết: “Tưởng Giới Thạch hứa sẽ giúp Pháp lập lại chủ quyền ở Đông Dương khi thời cơ đến”. Một năm sau, thông qua Tống Tử Văn, Trùng Khánh lại khẳng định với Đờ Gôn điều đó. Tuy vậy, vẫn theo Đờ Gôn, khi Lơcléc lên đường sang Đông Dương, Tổng thống Pháp đã chỉ thị cho viên tướng này chỉ được mang quân ra Bắc Việt Nam “khi nào có lệnh”, vì vấn đề rất phức tạp, phải tiến hành “trở lại từng bước”.

        Theo Đờ Gôn, tình hình được gọi là “phức tạp” trên đây không phải vì lý do nhân dân Việt Nam đã giành được chính quyền trong cả nước. Tuy biết sự kiện đó nhưng ông ta không đánh giá nổi tầm vóc lịch sử của những gì đã xảy ra ở Việt Nam hồi tháng 8 năm 1945. Điều khiến ông ta lo ngại hồi đó là sự có mặt của hàng chục vạn quân Tưởng. “Một khi quân đội Trung Hoa (Quốc dân đảng) đã rải ra thì bao giờ chúng mới chịu rút đi và muốn cho chúng rút đi thì phải đánh đổi bằng giá nào...?”.

        Đờ Gôn muốn tìm cách sớm giải quyết vấn đề phức tạp này vì “nước Pháp càng chậm chân bao nhiêu thì tình hình càng xấu đi (đối với Pháp) bấy nhiêu”. Bởi vậy, từ tháng 8, cùng với việc cho quân vào xâm lược miền Nam Đông Dương, ông ta đã đi nhiều nước cờ đối với miền Bắc.

        Biết rõ bọn Tưởng đang lợi dụng hiệp nghị Pôxđam để đưa quân vào hòng giành lợi thế trong âm mưu “công quản quốc tế”, của Mỹ đối với Đông Dương, Đờ Gôn vội cử người đi Trùng Khánh để mặc cả với Tưởng. Mặt khác, ông ta điện cho Xanhtơny (đang phụ trách cơ quan tình báo Pháp DGER ở Côn Minh) vào ngay Hà Nội để tùy cơ ứng biến, “hành động gấp”, nhằm đem tiếng nói và lá cờ của Pháp vào miền Bắc Đông Dương. Bọn Pháp ở Hoa Nam căn cứ vào chỉ thị của Đờ Gôn để trao nhiệm vụ cụ thể cho Xanhtơny vào Hà Nội nhằm: 1. Xác định khi nào phái bộ Pháp có thể đáp máy bay từ Côn Minh đến Hà Nội; 2. Tìm nơi hạ cánh của máy bay chở phái bộ; có thể chọn hai sân bay Gia Lâm hoặc Bạch Mai; 3. Kiểm tra đề phòng nơi máy bay hạ cánh bị đặt mìn hoặc vật chướng ngại; 4. Tìm hiểu thái độ chính trị của các đảng phái khác nhau của “người An Nam” ở Hà Nội; 5. Nếu ở Hà Nội đã có chính quyền (quân sự hoặc dân sự) rồi thì thông báo cho họ biết rằng đại diện có thẩm quyền của Chính phủ Pháp sẽ đến và chỉ thị cho họ duy trì trật tự; 6. Tiếp xúc với những người cầm đầu cảnh sát và an ninh, thông báo cho họ biết ý đồ của Pháp; 7. Xác định địa điểm sẽ dùng làm trụ sở của phái bộ, có thể chọn phủ toàn quyền hoặc một tòa nhà ở gần đài phát thanh Bạch Mai; 8. Tổ chức canh gác sân bay và nơi sẽ dùng làm trụ sở của phái bộ Pháp...

        Rõ ràng Pháp coi Hà Nội là một mảnh đất vô chủ chứ không phải là thủ đô một nước mà toàn dân vừa đứng lên tổng khởi nghĩa và đã giành được chính quyền.

        Ngày 22 tháng 8, Xanhtơny theo chân viên thiếu tá tình báo Mỹ Pátti (Patti) đến Hà Nội. Ông ta bàng hoàng vì “bị ngập trong một thủ đô rợp cờ đỏ sao vàng... bị hoàn toàn cô lập trong một thành phố kích thích đến cao độ...”. Đó là về phía cách mạng. Còn về bạn “đồng minh Quốc dân đảng” thì Xanhtơny nhận xét rằng: lúc này “quân Tàu (Tưởng) đang kéo vào miền Bắc đông như một đàn châu chấu, dày đặc như một đám mây đen...”. Ngài đại diện của Pháp quốc cảm thấy mình lạc lõng, thân cô thế cô, “thiếu mọi điều kiện để hoạt động, kể cả một danh nghĩa chính thức, đến nỗi (ngài) chỉ còn biết trông vào sự may rủi...”.

        Thực tế ở Hà Nội đã giúp cho Xanhtơny rút ra kết luận: Nếu đặt vấn đề “quân Tưởng rút” để thảo luận với bọn Lư Hán đã là một việc khó khăn thì đặt vấn đề “quân Pháp trở lại” để thảo luận với chính quyền cách mạng càng không phải là một việc dễ dàng. Hai việc đó đều nhằm một mục đích: đưa lá cờ ba sắc cắm lên giữa đất Hà Nội này. Bởi vì, “thật là hoài sức khi hy vọng rằng có thể khôi phục được chủ quyền của Pháp ở Đông Dương nếu chúng ta (quân đội Pháp) không trở lại Hà Nội, thủ đô hành chính và tinh thần của Liên bang Đông Dương, trung tâm đầu não của cái bán đảo hiếu động này”.

        Đứng trước tình hình miền Bắc mà ông ta cho rằng “ngày càng xấu đi” đối với Pháp, giữa tháng 9, Xanhtơny đi gặp Đácgiăngliơ (bấy giờ đang ở Ấn Độ) để xin chỉ thị. Đầu tháng 10, trở lại Hà Nội với danh nghĩa và quyền hạn của ủy viên Cộng hòa Pháp ở miền Bắc Đông Dương, theo chỉ thị của Đácgiăngliơ, Xanhtơny tìm gặp ngay bọn cầm đầu Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội và Việt Nam Quốc dân đảng (vừa theo gót quân Tưởng vào miền Bắc). Nhưng rồi (như sau này chính ông ta phải thừa nhận), Xanhtơny sớm hiểu ra rằng đó chỉ là những cuộc gặp gỡ “mang đầy tính chất lừa gạt”, rằng bọn Việt quốc - Việt cách chỉ là “những kẻ lá mặt lá trái”. Cuối cùng, ông ta mới tìm ra một kết luận đúng đắn là “chỉ có Cụ Hồ mới là người mà tôi phải gặp để đàm phán”. Ngày 15 tháng 10, được sự ủy nhiệm của cao ủy Đácgiăngliơ, Xanhtơny đã nhân danh Chính phủ Pháp xin gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:53:56 pm

        Nếu lúc này thực tế ở miền Bắc đã khiến Xanhtơny không thể không nhận thấy sức mạnh của chính quyền cách mạng và buộc ông ta phải giao thiệp với chính quyền ấy thì Đờ Gôn và bọn cầm quyền ở Pari vẫn mù quáng, chưa thấy được tình hình ở Việt Nam đã hoàn toàn thay đổi khác hẳn với sự suy nghĩ lỗi thời của họ.

        Các đại tá Phay và Uên (phái viên của Lơcléc) về báo cáo với Đờ Gôn rằng “tình hình (cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam đông Dương) tiến triển không đến nỗi xấu” và yêu cầu “sớm có quân tăng viện để có thể nhanh chóng đem quân đổ bộ ra Bắc Kỳ”. Vì vậy, dù đứng trước muôn vàn khó khăn về nội tình nước Pháp1, giới cầm quyền phản động vẫn phê chuẩn đề nghị của Lơcléc: dùng lực lượng quân sự để “đưa lá cờ Pháp ra đất Bắc Kỳ”.

        Thật ra đây chỉ là sự phê chuẩn chính thức của Đờ Gôn, vì ngay khi nghe tin không ép được ta trong cuộc gặp gỡ ở Sài Gòn hồi đầu tháng 10 và biết đế quốc Anh đã tiếp tay “một cách hữu hiệu” cho quân Pháp ở miền Nam Đông Dương, ngày 10 tháng 10, nhà cầm quyền Pháp đã vời tướng Xalăng đến trao nhiệm vụ sang Đông Dương giúp Lơcléc chuẩn bị cho bước tiếp theo của cuộc chiến tranh xâm lược.

        Gặp Đácgiăngliơ ở Săngđécnago (Ấn Độ), Xalăng được viên cao ủy cho biết rằng tại Đông Dương, Pháp “đang đi trên một sợi dây căng thẳng giữa hai cái trục lung lay là Sài Gòn và Hà Nội... Phải củng cố hai cái trục đó thì Pháp mới hòng thắng được...”. Đácgiăngliơ trao cho Xalăng nhiệm vụ nghiên cứu đưa gấp số quân Pháp ở Hoa Nam2trở về Đông Dương. Theo viên trung tá Crevơcơ mới ở Trùng Khánh về cho biết, bọn Tưởng đang gây khó khăn trong việc này “khiến người ta cảm thấy người Tàu mưu đồ một cuộc mặc cả”.

        Ngày 23 tháng 10, Xalăng đến Sài Gòn và được Lơcléc bổ nhiệm chỉ huy quân đội Pháp ở miền Bắc, bao gồm cả số quân Pháp đang ở Hoa Nam; được thay mặt tổng chỉ huy để giao thiệp với Lư Hán về việc đưa số quân ở bên kia biên giới trở lại Đông Dương.

        Theo chỉ thị số 164/C ngày 29 tháng 10 của Lơcléc, nhiệm vụ chủ yếu của Xalăng là chuẩn bị cho quân Pháp đặt chân lên đất Bắc Kỳ. Muốn vậy:

        1. Cần làm cho quân Tưởng đồng tình hoặc chí ít cũng làm ngơ trước việc quân Pháp vào miền Bắc. Trên nguyên tắc, đại diện của Mỹ là Mắc Áctơ đã đồng ý việc này. Điều quan trọng là tránh xảy ra xung đột với quân Tưởng khi Pháp kéo quân vào Bắc Kỳ.

        2. Phải nghiên cứu việc xâm nhập của số quân Pháp từ Hoa Nam vào Đông Dương (thời cơ, hướng vào, chiều sâu), đồng thời nghiên cứu việc đổ bộ của quân Pháp từ trong Nam ra (sẽ đổ bộ bằng những phương tiện hết sức hạn chế). Phải bảo đảm tính mạng cho người Pháp ở Hà Nội khi quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng.

        Sau khi nghiên cứu nhiệm vụ được trao, ngày 31, Xalăng trả lời hoàn toàn nhất trí: “Phải mang bằng được lá cờ Pháp ra Bắc Kỳ”.

        Hai viên tướng đã thống nhất kế hoạch đưa quân ra Bắc trên cơ sở ba lực lượng:

        1. Số quân có thể đưa từ miền Nam ra (họ dự kiến: sau khi sư đoàn 3e DIC sang, sẽ đưa sư đoàn 9e DIC, binh đoàn thiết giáp Mátxuy và trung đoàn 5e RIC ra Bắc).

        2. Bọn tù binh Pháp còn bị giam giữ ở Bắc Kỳ.

        3. Số quân ở Hoa Nam và số tàn binh đang hoạt động ở vùng duyên hải đông bắc Bắc Kỳ.

        Do khó khăn của “chính quốc”, ngoài sư đoàn 3e DIC, khó hy vọng có quân tăng viện thêm trong năm 1946.

        Sáng 1 tháng 11, Xalăng đáp máy bay ra Bắc, với nỗi lo lắng trước âm mưu của quân Tưởng. Lúc chia tay, Lơcléc dặn Xalăng: “Quá nhiều biến cố đã xảy ra rồi, không thể duy trì được một trật tự như cũ nữa đâu. Nghĩ lại lời dặn đó, Xalăng, có cảm giác rằng mình đang “hướng vào một cuộc phiêu lưu lớn...”. Nhưng rồi với đầu óc thực dân của một viên quan đồn Tây đã từng có mặt ở Đông Dương từ sau Đại chiến thứ nhất, Xalăng lại thấy “thật là đáng khích lệ, thật là vinh quang biết chừng nào khi góp phần vào việc làm cho nước Pháp trở lại được đất Bắc Kỳ, khi cắm lại lá cờ ba sắc lên mảnh đất hiện nay nó đang bị cấm không được tung bay...”.

---------------------
        1. Theo nguyên văn của Clốt Paya (Sđd, tr. 172): “ở Pari, người ta đang phải dùng roi để quất vào bao nhiêu con mèo khác”. Ý nói Đờ Gôn đang vấp phải quá nhiều khó khăn: chỉ hai ngày sau khi được chính thức bầu làm tổng thống, từ giữa tháng 11 bị dư luận đả kích mạnh, Đờ Gôn buộc phải cải tổ Chính phủ, để năm bộ trưởng cộng sản tham gia nội các (21-11); ngày 12 tháng 12, công chức tổng đình công; ngày 26 tháng 12 đồng phrăng sụt giá; ngày 31 tháng 12 cuộc xung đột nổ ra ở Quốc hội về ngân sách quân sự; ngày 20 tháng 1 năm 1946, Đờ Gôn buộc phải từ chức.

        2. Số quân Pháp bị Nhật đánh bại phải rút chạy sang bên kia biên giới Việt - Trung, sau cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3 năm 1945.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:54:50 pm

        Vừa tới Hà Nội, Xalăng đã luồn lọt được bọn chỉ huy quân Tưởng để vào trong thành nắm tình hình số tù binh Pháp đang bị giam giữ ở đây. Theo kế hoạch của Lơcléc, Pháp sẽ thả dù lính biệt kích vào trong thành Hà Nội để giải thoát cho bọn tù binh này. Vì vậy, sau khi nắm tình hình, Xalăng đã chỉ thị cho bọn này gấp rút chuẩn bị hành động. Tiếp đó, viên tướng đi Vân Nam chuẩn bị cho số quân ở bên kia biên giới trở lại Đông Dương. Được bọn cầm đầu chính quyền Tưởng giới Thạch ở Vân Nam bán cho một số vũ khí và lừa, ngựa, Xalăng chỉ thị cho bọn chỉ huy Pháp ở đây tổ chức lại thành các tiểu đoàn hoàn chỉnh, sau khi đã thanh lọc số lính không còn sức chiến đấu1. Tại Vân Nam, Xalăng còn gặp tướng Lư Hán, chỉ huy quân Tưởng ở miền Bắc Đông Dương và được viên tướng Quốc dân đảng này hứa sẽ để cho số quân Pháp ở Hoa Nam trở lại Đông Dương “khi có thời cơ thuận lợi”.

        Ngoài số quân ở Hà Nội và ở Vân Nam, Pháp còn tính đến một đám tàn binh khác cũng thoát chết hồi đảo chính Nhật, đang lén lút hoạt động ở vùng Thập Vạn Đại Sơn (Hoa Nam) và vùng duyên hải đông bắc Bắc Bộ. Xalăng giao cho viên đại tá Vike (Vicaire) tổ chức bọn này thành 6 đại đội và huấn luyện cấp tốc để chuẩn bị phối hợp đổ bộ lên Hải Phòng khi có lệnh.

        Viên đại tá tình báo Anh Uynxơn (Trevor Wilson) có mặt ở Hà Nội hồi ấy đứng ra làm trung gian để Pháp mua vũ khí của quân Tưởng.

        Xalăng, Xanhtơny và đồng bọn hy vọng rằng với chừng 8.000 quân2bước đầu được trang bị, họ có thể gặp nhiều thuận lợi trong việt thực hiện mưu đồ trở lại miền Bắc Đông Dương.

        Trong cuộc họp ngày 17 tháng 12 năm 1945 ở Sài Gòn, sau khi nghe Xalăng báo cáo, bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp nhận định:

        1. Trở ngại lớn nhất cho việc đưa quân ra Bắc vẫn là sự có mặt của quân Tưởng3. Nhưng theo nguồn tin người Pháp ở Trùng Khánh cho biết thì Tưởng Giới Thạch sắp phải rút quân về nước để đối phó với phong trào cách mạng Trung Quốc.

        2. Lực lượng cách mạng ở miền Bắc Việt Nam tiến bộ rất nhanh về mọi mặt. Rõ ràng, chính quyền cách mạng sẽ là “một đối thoại cứng rắn” trong cuộc đàm phán, nhất là nếu Pháp không được Tưởng “giúp đỡ”.

        Chỉ riêng cao ủy Đácgiăngliơ và bọn thực dân Pháp ở Sài gòn (với đại diện là Badê) vẫn “coi thường vấn đề Việt Minh”. Họ cho rằng Lơcléc và Xalăng đã “quá cường điệu khả năng của Việt Minh”. Họ kiên quyết chống lại chủ trương thương thuyết với chính quyền cách mạng. Người ta biết ngày 15 tháng 11 năm 1945, Badê đã thảo ra một bản kiến nghị 35 trang đánh máy, trong đó y đòi gạt bỏ mọi cuộc thương lượng với “đế quốc An Nam” và đòi kết tội Việt Minh như bọn quốc xã (!). Badê viết: “... chúng ta không nên lần lữa và để mất thì giờ vào những cuộc thăm dò vô ích... Đã đến lúc ta phải đổi vai súng vì thời cơ thuận lợi đã đến, nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ làm sụp đổ tòa lâu đài nguy nga mà Pháp đã tốn công xây dựng qua nhiều thế hệ... Nước Pháp sẽ không còn là một cường quốc nếu nó không duy trì được nền văn hóa, các thể chế và lá cờ của mình, nói tóm lại là chủ quyền trên các lãnh thổ hải ngoại...”.

        Dưới con mắt của Đácgiăngliơ, Badê và đồng bọn, cuộc Cách mạng tháng Tám của nhân dân Việt Nam chỉ là một cuộc “nổi loạn phi pháp”, sức mạnh của nhân dân là “không thành vấn đề...”. Tuy nhiên, dù có điểm bất đồng trong việc đánh giá sức mạnh của chính quyền cách mạng ở miền Bắc Việt Nam, những kẻ cầm đầu quân viễn chinh Pháp đều thống nhất rằng sự có mặt của quân Tưởng là trở ngại lớn nhất đối với viện quân Pháp trở lại miền Bắc. Bởi vậy, vấn đề đầu tiên đặt ra với họ là phải thương lượng ngay để Trùng Khánh sớm rút quân về nước và quân Pháp có thể thay thế vào khoảng cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1946.

        Xalăng được giao nhiệm vụ đi Trùng Khánh, mang theo thư riêng của Lơcléc gửi cho Via (Carton de Viart, đại diện Thủ tướng Anh bên cạnh Tưởng Giới Thạnh, “được Tưởng tín nhiệm”) để viên đại diện Anh vận động Trùng Khánh đồng tình cho Pháp đưa quân vào Bắc Việt Nam.

        Ngày 5 tháng 1 năm 1946, Xalăng lên đường đi Trùng Khánh và cuộc mặc cả Pháp - Hoa bắt đầu về những vấn đề quan hệ tới chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên ngày 8, Pháp yêu cầu Tưởng:

        1. Cho bọn lính Pháp ở Vân Nam trở lại Đông Dương qua hướng Lai Châu.

        2. Pháp được phép trang bị cho số tù binh hiện đang bị giam giữ ở Hà Nội “để bảo vệ Pháp kiều đang bị uy hiếp” (?), với điều kiện: súng sẽ đưa từ Sài gòn ra; sau khi được trang bị, Pháp bảo đảm không để bọn lính này ra khỏi thành Hà Nội; việc trang bị được giữ bí mật đối với Việt Minh.

        3. Cho phép quân đội Pháp được thường xuyên sử dụng các sân bay ở Bắc Đông Dương.

        Mãi đến ngày 16, phía Tưởng mới trả lời: chấp thuận cho quân Pháp từ Vân Nam trở về Thượng Lào theo đường Lai Châu. Điểm 2 và điểm 3 chưa được Trùng Khánh chấp thuận. Phía Pháp bắt đầu đánh hơi thấy bọn Tưởng muốn gây khó khăn (mặc dù Pháp chưa nêu vấn đề Tưởng rút quân và Pháp đưa lực lượng vào thay thế). Vấn đề đã khá rõ: Tưởng muốn kiếm chác trong cuộc mặc cả này.

        Qua đại sứ quán Hà Lan ở Trùng Khánh, Xalăng nắm chắc thế nào Tưởng sớm muộn gì cũng phải rút quân về nước; cho nên Pháp chủ trương để đại diện tiếp tục cuộc mặc cả với Tưởng, mặt khác, khẩn trương tổ chức lại số quân ở Vân Nam để đưa gấp về miền Bắc Đông Dương. Vấn đề đặt ra là làm sao cho hơn 3.500 quân đó thoát khỏi tình thế bị giam lỏng và đặt chân sang bên này biên giới càng sớm càng tốt.

        Ngày 22 tháng 1 năm 1946, sau hơn 10 tháng chạy trốn khỏi Đông Dương, đám tàn quân bại trận của Pháp được Tưởng bật đèn xanh lần lượt vượt biên giới xâm nhập miền Bắc Việt Nam (tất nhiên chúng bất chấp quy định của Tưởng là phải trở về Thượng Lào). Đến ngày 20 tháng 2, tên lính cuối cùng trong tổng số 3.561 tên lính Pháp và lính tay sai đã đặt chân vào Tây Bắc Bắc Bộ; chiếm đóng trái phép Phong Thổ, Lai Châu, Tuần Giáo, Điện Biên và một phần bắc tỉnh Sơn La.

---------------------
        1. Đến cuối năm 1945, số tàn binh Pháp (thoát chết trong cuộc đảo chính Nhật, chạy sang Côn Minh) còn khoảng 5.600 tên (239 sĩ quan, 2.140 lính Âu - Phi, 3.223 lính Đông Dương). Sau khi thanh lọc, còn lại 1.508 sĩ quan và lính Âu - Phi, 2.053 lính Đông Dương, được tổ chức thành một tiểu đoàn của trung đoàn lê dương 5e REI, một tiểu đoàn của trung đoàn 9e RIC, một tiểu đoàn lính Thượng, một tiểu đoàn khố đỏ của trung đoàn 4e RTT, một số đơn vị pháo cùng cơ quan chỉ huy và phục vụ.

        2. Ở Hà Nội: chừng 4.000, Hoa Nam: 3.560; vùng đông bắc và vịnh Hạ Long: chừng 900.

        3. Theo số liệu tình báo Pháp ở Hà Nội nắm được, quân Tưởng ở miền Bắc Đông Dương có tới 220.000 tên, bao gồm 80.000 lính chính quy ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, cộng với 130.000 lính tạp dịch và sư đoàn 93 (15.000 tên) ở Thượng Lào. Ngoài ra, ở miền Bắc còn 35.000 lính Nhật sẵn sàng theo lệnh quân Tưởng chống lại việc quân Pháp vào miền Bắc Đông Dương.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:55:40 pm

THIỆN CHÍ VÀ ĐẠI BÁC

        Theo dõi các cuộc tiếp xúc giữa Việt Nam và Pháp từ sau Cách mạng tháng Tám, qua báo chí, qua các lời tuyên bố của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhiều ký giả Pháp và phương Tây đều phải công nhận lập trường trước sau như một của Việt Nam là: độc lập, thống nhất và hợp tác bình đẳng với nước Pháp.

        Nhà báo Pháp Blăngsê (André Blanchet) kể lại: trong một cuộc phỏng vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố rằng nếu nước Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam thì Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẽ cử một đoàn đại biểu sang thăm hữu nghị và cảm ơn nước Pháp. Như vậy Chính phủ Pháp không hề mất thể diện vì công nhận Việt Nam độc lập mà trái lại, việc đó chỉ làm cho uy tín của nước Pháp được đề cao trên trường quốc tế. Blăngsê còn cho biết khi ông ta hỏi: “Thưa Chủ tịch, phải chăng như vậy có nghĩa là phía Việt Nam muốn đòi được tất cả mà không nhân nhượng chút gì?” thì ông ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rằng Việt Nam sẵn sàng nhân nhượng, nhất là về kinh tế. Nhân dân Việt Nam muốn tiếp đón những giáo viên chứ không tiếp đón những ông chủ. Người Việt Nam muốn mình là những người cộng tác, thậm chí là những người học trò nhưng quyết không muốn trở lại là những người nô lệ. Việt Nam rất cần những giáo sư, bác sĩ, kỹ sư... nhưng không cần những viên quan cai trị...

        Trong cuốn Hồ Chí Minh, dịp may cuối cùng, khi nói về thái độ của Pháp trong thời kỳ này, tác giả Hăngri Adô đặt vấn đề: đáp lại những lời kêu gọi đầy tinh thần hòa giải đó, chính sách của nước Pháp thế nào? Đáng lẽ phải thấy thiện chí của phía Việt Nam thì người ta lại đánh giá sai lầm đối phương. Ở Pari, người ta vẫn khư khư ôm lấy bản tuyên bố 24 tháng 3. Bản tuyên bố đó được Đờ Gôn nặn ra trên cơ sở một giả thuyết đầy ảo tưởng là “lòng trung thành không hề lay chuyển của Đông Dương đối với nước Pháp”. Giả thuyết đó đã được thực tế chứng minh là khó có thể tin được.

        Nhưng giới cầm quyền Pháp vẫn mù quáng. Triển vọng của cuộc mặc cả ở Trùng Khánh, trước mắt là hành động tiếp tay của Tưởng Giới Thạch để Pháp đưa số quân ở Hoa Nam vào Bắc Đông Dương, càng làm cho bọn thực dân Pháp ở Pari và Sài gòn tin rằng họ có thể dùng chính sách sức mạnh. Trong khi báo chí phản động ở Pari, nhất là tờ Chiến đấu (Combat), không ngừng đổi trắng thay đen, vu khống Mặt trận Việt Minh, kêu gào gạt bỏ thương lượng... thì cuối tháng 1 năm 1946. Chính phủ Pháp cử Mắc Ăngđrê (Max André) sang gây sức ép, buộc phía Việt Nam dân chủ cộng hòa chấp nhận những điều kiện do Pháp đề ra. Tiếp đó cao ủy Đácgiăngliơ tuyên bố: “Để biểu thị quan điểm riêng của mình, Nam Kỳ sẽ thành lập quốc hội”. Sau đó không lâu, bọn thực dân Pháp ở Sài Gòn cho ra đời cái gọi là “Hội đồng tư vấn Nam Kỳ”.

        Phải nhận rằng, trong thời kỳ này, ở Sài Gòn cũng như ở Hà Nội, có một số người Pháp (như Lơcléc, Xanhtơny) ít nhiều tỏ ra “thức thời” hơn. Thực tế tình hình kiệt quệ của nước Pháp sau chiến tranh, kết quả 5 tháng đọ sức trên chiến trường miền Nam Việt Nam, sức mạnh của chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa được toàn dân ủng hộ, tất cả những điều đó tuyệt đối không làm cho họ có “thiện chí” tới mức từ bỏ mưu đồ “đưa lá cờ ba sắc trở lại miền Bắc”, nhưng cũng buộc họ phải có những suy nghĩ khác, biết điều hơn những tên thực dân ngoan cố nhất.

        Qua các báo cáo của Lơcléc cũng như hồi ký của Xanhtơny viết sau này, người ta thấy mặc dù chính họ không muốn chấp nhận bất kỳ điều gì do phía Việt Nam đưa ra nhưng họ cũng phải thừa nhận rằng không thể dùng công thức Bản tuyên bố 24-3-1945 + đại bác mà đưa được quân ra đất Bắc Kỳ. Giành được sự tiếp tay của Tưởng chưa đủ mà nhất thiết phải thương lượng với Chính phủ Việt Nam (một đối thủ mà họ coi là “cứng rắn”, “đó là điều kiện tiên quyết để quân Pháp có thể đặt chân vào Hà Nội”. Họ thường nhấn mạnh những khó khăn của chính quyền cách mạng còn non trẻ, nhất là những khó khăn do quân Tưởng và bọn phản động Việt Nam Quốc dân đảng - Việt Nam Cách mệnh đồng minh gây ra. Nhưng mặt khác họ phải thừa nhận rằng “chính quyền đó rất vững chắc vì nó đại diện cho một phong trào quốc gia về thực chất rất mạnh, không thế lực nào có thể dập tắt nổi... Uy tín của chính quyền đó rất lớn... chính quyền đó có thể phát động một cuộc chiến tranh không gì chống lại được, nhưng nó có thể dẫn dắt nhân dân đi theo đường lối hòa bình...”. Thà rằng việc đàm phán và ký kết có “khiến cho một chính phủ do cộng sản lãnh đạo được chính thức hóa trên trường quốc tế, nhưng chính phủ đó vẫn ở Hà Nội và hợp tác với Pháp” còn hơn là dùng sức mạnh đưa quân vào miền Bắc, “khiến chính phủ đó rút lên miền rừng núi để tiến hành chiến tranh du kích chống lại Pháp...” Nước Pháp suy yếu và bị giằng xé sau 4 năm chiến tranh “dù có 500.000 quân cũng không đủ sức mạo hiểm đương đầu trong một cuộc xung đột quy mô lớn với cả một tập thể quốc gia 24 triệu dân đang anh dũng đấu tranh để bảo vệ một lãnh thổ rộng bằng 2/3 nước Pháp...”. Tóm lại theo quan điểm của những người được coi là “thức thời” này “vào Bắc Kỳ bằng sức mạnh là điều có thể dự kiến, nhưng rõ ràng việc đó sẽ dẫn đến tai biến... Thật chẳng dại gì mà lao đầu vào lửa bằng một cuộc đổ bộ theo kiểu thực dân trước đây...”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:56:06 pm

        Họ cũng đã từng đặt vấn đề: vì sao phía Việt Nam chủ trương đàm phán và hợp tác với Pháp? Rồi họ tự trả lời: “Cụ Hồ Chí Minh là người thực tiễn. Đường lối chính trị tiến chắc từng bước một của Cụ là đường lối đúng đắn nhất để tiến tới một nền độc lập hoàn toàn mà từ lâu Cụ khao khát đem lại cho đất nước mình”. Hơn nữa, “phía Việt Nam chủ trương hợp tác với Nước Pháp Mới là lôgích, là có lợi. Nếu bị thất vọng (ý nói nếu Pháp giở giáo) thì thời gian đã cho phép Việt Minh dùng chiến tranh du kích để đương đầu với những thử thách trong điều kiện thuận lợi hơn” (quân Tưởng đã rút, bọn tay sai của Tưởng đã bị tiêu diệt và nhân dân Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu chống kẻ thù duy nhất còn lại là quân đội Pháp xâm lược).

        Tiếc rằng những “suy nghĩ khôn ngoan” trên đây chỉ được họ nói lên trong những cuốn hồi ký viết ra hàng chục năm sau. Còn lúc đó (1946), sở dĩ họ tỏ ra “thức thời” vì so sánh lực lượng không cho phép họ tiêu diệt chính quyền cách mạng, mặc dù đó là điều họ rất mong muốn, cũng là mục đích cuối cùng của đạo quân viễn chinh dưới quyền chỉ huy của họ. Tuyệt đối không phải vì thiện chí mà do tình thế buộc họ phải gặp gỡ để thương lượng với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Cuộc đàm phán Việt - Pháp diễn ra từ hạ tuần tháng 9 năm 1945 đến cuối tháng 1 năm 1946 vẫn chưa đem lại kết quả tích cực nào. Theo nhận xét của H. Adô, từ Alécxăngđri và Pinhông (Lon Pignon) lúc đầu tiếp đến Xanhtơny và Xalăng, phía Pháp vẫn tỏ ra hết sức ngoan cố trên những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc. Trong khi về phía Việt Nam “hòn đá thử vàng của tình hữu nghị (Việt - Pháp) là nước Pháp phải công nhận nền độc lập của Việt Nam”... và “Chính phủ Hà Nội đòi ba kỳ phải được thống nhất”, thì về phía Pháp, họ vẫn bám lấy bản tuyên bố 24 tháng 3, đòi chia (Đông Dương) thành năm xứ riêng biệt và đối lập với nhau trong cái gọi là Liên bang Đông Dương chưa hình thành... “Đó là lập trường không lôgích (của Pháp) như Việt Minh đã nhận xét, vì Pháp thảo luận vấn đề Nam Kỳ với Chính phủ ở Hà Nội là chính phủ của cả ba kỳ”. Sau nhận xét trên đây, Adô đặt vấn đề: “nếu như Nam Kỳ là một xứ riêng biệt thì sao phía Pháp lại bàn vấn đề này với Chính phủ ở Hà Nội; hoặc Nam Kỳ không phải là một xứ riêng biệt mà Pháp từ chối việc thống nhất ba kỳ thì thật là vô lý...”.

        Về việc “quyết định số phận tương lai của Nam Kỳ”, Adô cho rằng “người Việt Nam không sợ một cuộc trưng cầu ý dân nếu việc đó được tiến hành tự do, không bị chính quyền địa phương (ý nói ngụy quyền ở Nam Bộ) gây sức ép. Còn người Pháp thì trù tính cuộc “trưng cầu ý dân sẽ được diễn ra dưới sự bảo vệ của lưỡi lê Pháp”.

        Trong cuộc gặp gỡ ngày 8 tháng 2 năm 19461, phía Pháp đưa vấn đề “quân Pháp sắp đổ bộ lên đất Bắc Kỳ” để hòng gây sức ép với đối phương. Đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trả lời thẳng thắn cho họ biết rằng: Việt Nam muốn giữ mối quan hệ hữu nghị và bình đẳng với nước Pháp. Nhưng Việt Nam cũng quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc, quyết không lùi bước nếu phía Pháp muốn dùng vũ lực. Pháp là một nước lớn. Chúng tôi yêu mến nước Pháp nhưng chúng tôi quyết không muốn sống nô lệ. Các ông có nhiều quân, trang bị đầy đủ. Chúng tôi có ít tay súng nhưng chúng tôi có sức mạnh của cả dân tộc. Một lính Pháp có thể giết mười người dân Việt Nam thì mười người dân Việt Nam cũng sẽ giết được một lính Pháp. Nếu Pháp đánh bại Việt Nam thì chiến thắng đó chẳng có gì đáng kể. Ngược lại, nếu Việt Nam đoàn kết mọi lực lượng đánh bại Pháp thì đó sẽ là một chiến công rất vĩ đại... Các ông đổ bộ, chúng tôi không thể cấm các ông điều đó. Nhưng rồi máu sẽ đổ và đó là điều không hay ho gì, chúng tôi cũng không muốn điều đó xảy ra. Chúng tôi không thể chấp nhận trở lại làm nô lệ. Nếu Pháp coi mình là đất nước của tự do thì Nước Pháp Mới phải để cho chúng tôi cũng có quyền hưởng tự do...

        Cứ như thế, do thái độ ngoan cố của phía Pháp, thêm một tháng nữa, tháng 2 năm 1946 trôi qua. Cuộc thương lượng vẫn không ra khỏi chỗ bế tắc.

------------------
        1. Lúc này sư đoàn 3e DIC đã đến Sài Gòn và đang chuẩn bị thay thế để sư đoàn 9e DIC của Valuy và binh đoàn xe bọc thép của Mátxuy ra Bắc.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:57:59 pm

KHÔNG THỂ KHÔNG KÝ KẾT

        Từ đầu tháng 2, tại bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp ở Sài Gòn, kế hoạch đưa quân ra Bắc được phê duyệt nhằm “nhanh chóng chiếm các đô thị và đường giao thông chiến lược ở Bắc Kỳ”. Theo kế hoạch đó:

        - Sư đoàn 9e DIC dưới quyền chỉ huy của tướng Valuy sẽ cùng với binh đoàn xe bọc thép của đại tá Mátxuy đổ bộ lên cảng Hải Phòng có sự phối hợp của số quân đã được Vike chuẩn bị ở vùng duyên hải Đông Bắc.

        - Lính biệt kích của trung đoàn 5e RIC sẽ nhảy dù xuống giải thoát và trang bị cho số quân Pháp còn bị quân Tưởng giam giữ trong thành Hà Nội, rồi cùng bọn này bao vây cô lập Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, chốt giữ những địa điểm xung yếu ở thủ đô, đợi quân từ Hải Phòng lên sẽ phối hợp đánh chiếm toàn thành phố Hà Nội.

        - Từ hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, sẽ phát triển dần ra chiếm các vị trí chiến lược trên toàn miền Bắc Việt Nam.

        Như nhiều sử gia Pháp đã nhận xét, thật là một kế hoạch hành quân “chỉ có thể thực hiện được trên một mảnh đất không người”, mà miền Bắc Việt Nam đâu phải là mảnh đất không người đó? Cho nên, dù kế hoạch đã được vạch ra, bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp vẫn thấy là quá mạo hiểm. Giải pháp duy nhất đối với họ trước sau vẫn là phải tiếp tục đàm phán, cả với bọn Tưởng, cả với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Bị thất bại trong âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam và buộc phải sửa soạn rút quân về đối phó với phong trào cách mạng trong nước, bọn Tưởng Giới Thạch mưu toan dùng bàn tay Pháp để đè bẹp phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Tuy vậy, trước yêu cầu cấp bách của Pháp muốn nhanh chóng đưa quân ra miền Bắc trước mùa mưa, bọn Tưởng cố tình trì hoãn, buộc Pháp phải nhân nhượng nhiều hơn nữa về quyền lợi kinh tế, đổi lấy việc quân Tưởng để cho quân Pháp vào thay thế. Do đó. cuộc mặc cả ở Trùng Khánh vẫn chưa đi đến ngã giá. Trong cuộc gặp gỡ với Lư Hán ở Hà Nội ngày 22 tháng 2, Pháp cố vin mọi cớ để nài xin bọn chỉ huy quân Tưởng cho phép đổ bộ lên Hải Phòng vào đầu tháng 3 nhưng Lư Hán, Tiêu Văn, Chu Phúc Thành nhất mực từ chối, “vì chưa có lệnh của Trùng Khánh”. Hơn nữa, cả Pháp và Tưởng đều thấy nếu không được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa chấp thuận, khi Pháp đổ bộ tất sẽ xảy ra xung đột, như vậy bọn Tưởng sẽ mất mặt và vấn đề sẽ trở nên phức tạp.

        Trong khi đó cuộc thương lượng Việt - Pháp vẫn tiếp diễn. Từ giữa tháng 2, hai bên đã thống nhất một số điểm cơ bản làm nền tảng cho một bản hiệp định. Nhưng rồi đánh hơi thấy triển vọng có thể đi đến ký kết với Tưởng, phía Pháp lại mưu toan ép phía Việt Nam một lần nữa. Trong chỉ thị đề ngày 25 tháng 2 gửi cho đại diện Pháp ở Trùng Khánh và ở Hà Nội, tướng Lơcléc đã nói rõ âm mưu đó:

        1. Trong khoảng từ 27 tháng 2 đến 10 tháng 3, khi nào có tin bản thỏa hiệp được ký kết ở Trùng Khánh, lập tức bộ chỉ huy Pháp ở Sài Gòn sẽ hạ lệnh cho tàu nhổ neo ra Bắc.

        2. Nếu không có điều kiện đổ bộ ồ ạt (do thủy triều và nhất là do vấp phải sự đánh trả của đối phương), quân Pháp sẽ đổ bộ phân tán bằng nhiều xuồng nhỏ trên nhiều hướng.

        3. Sau ngày 10 tháng 3, chỉ còn một đợt thủy triều (vào ngày 18 tháng 3). Dù chưa ký kết được với Trùng Khánh, Lơcléc cũng nhân lúc cao ủy Đácgiăngliơ về Pháp mà tiến hành đổ bộ, trừ trường hợp có sự ngăn cấm dứt khoát của Pari.

        4. Cần nhấn mạnh rằng việc quân Pháp đổ bộ không thể được coi là tiếp phòng (relève) quân đội Tưởng mà là sự trở lại (retour) của quân đội Pháp vào Bắc Kỳ.

        Ngày 27, tại Hà Nội, tướng Xalăng đưa ra những nội dung trên đây nhằm gây sức ép, nhưng đã vấp phải thái độ cứng rắn của đối phương. Đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã kiên quyết bác bỏ cái gọi là sự trở lại của quân Pháp và chỉ chấp nhận quân Pháp vào tiếp phòng quân đội Tưởng với quân số và khu vực đóng quân do hai bên sẽ thỏa thuận. Thái độ cứng rắn đó đi đôi với cả quá trình thực sự chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu của quân và dân Việt Nam (nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng, các đô thị khác và dọc các đường giao thông lớn) đã buộc Pháp phải dè chừng trong âm mưu ép đối phương về quân sự.

        Trước tình hình khẩn trương và căng thẳng vì gần đến “ngày thủy triều cho phép”, Pháp buộc phải nhân nhượng với Tưởng. Bản hiệp ước Pháp - Hoa được ký kết ở Trùng Khánh ngày 28 tháng 21.

---------------------
        1. Đây là sự ngã giá trong cuộc mặc cả kéo dài giữa Pháp và Tưởng, bất chấp chủ quyền dân tộc của ta. Theo hiệp ước Pháp - Hoa 28 tháng 2, Pháp trả lại cho Tưởng các tô giới và “đất mướn” trên lãnh thổ Trung Hoa; bán lại cho Tưởng đoạn đường sắt Vân Nam - Lao Cai; nhận với Tưởng coi Hải Phòng là cảng tự do, hàng hóa của Tưởng vào Bắc Kỳ qua cảng được miễn thuế. Đổi lại, Trùng Khánh đồng ý cho Pháp đem quân vào thay thế quân Tưởng ở miền Bắc Đông Dương. Việc thay quân hoàn tất trong vòng từ ngày 1 đến 15 tháng 3, chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm 1946.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:58:28 pm

        Ngay sau khi nhận được điện của Xalăng báo cáo về việc ký kết ở Trùng Khánh, ngày 1 tháng 3 Lơcléc hạ lệnh cho đoàn tàu chiến nhổ neo ra Bắc, trong khi đó thì lính biệt kích của trung đoàn 5eRIC túc trực ở sân bay Tân Sơn Nhất, sẵn sàng chờ lệnh xuất phát. Vì sao Lơcléc vội vã như vậy? Sau này Xalăng thú nhận trong Hồi ký rằng không phải vì lý do thủy triều. Trong tháng 3 có hai đợt thủy triều vào những ngày 6 và 18. Hơn nữa, tàu đổ bộ cỡ nhỏ của Pháp có thể tiến vào các cửa sông dễ dàng. Mà dù có lý do thủy triều, “ông tổng chỉ huy vẫn có thể chờ đến ngày 18, khi mà cuộc thương thuyết với Hà Nội rất có thể đã đưa đến một bản hiệp định”. Âm mưu của Lơcléc định dùng lực lượng quân sự để gây sức ép với chính quyền cách mạng Việt Nam trong cuộc thương lượng đã bị chính Xalăng vạch trần.

        Tuy vội vã hạ lệnh nhổ neo nhưng suốt cuộc hành trình 5 ngày trên biển, Lơcléc vẫn đốc thúc Xanhtơny gấp rút tiến tới ký kết với Việt Nam. Viên tướng thực dân được coi là “thức thời” này hẳn biết rằng nhân dân Việt Nam quyết không chịu “nhắm mắt nuốt chửng bản hiệp ước Pháp - Tưởng” để cho quân Pháp tự do hành động. Hơn nữa, chính bọn Tưởng cũng nhận thấy rằng chúng không dễ gì thực hiện được bản hiệp ước 28 tháng 2 nếu giữa Việt Nam và Pháp không đi đến chỗ ký kết, nhất là khi dư luận Việt Nam đã lên án Chính phủ Trùng Khánh bán đứng Đông -Dương cho Pháp.

        Ở Hà Nội cũng như ở Hải Phòng, ngày 4 tháng 3 là ngày căng thẳng đối với Pháp cũng như đối với bọn cầm đầu quân Tưởng. Tàu chiến Pháp sắp vào vịnh Bắc Bộ. Trùng Khánh chưa dám lệnh cho Lư Hán bật đèn xanh cho quân Pháp đổ bộ, trong khi đó thì quân dân Việt Nam ở các đô thị, nhất là Hải Phòng và Hà Nội đã ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Để đề phòng bị mất thể diện nếu để xảy ra xung đột, bọn Lư Hán - Tiêu Văn phải ra tuyên bố ngăn đe: nếu Pháp đổ bộ trước khi ký kết với Việt Nam thì quân Tưởng ở Hải Phòng sẽ nổ súng vào tàu Pháp.

        Thời hạn đổ bộ theo kế hoạch của Pháp chỉ còn một ngày (5-3), nhưng trong cuộc gặp gỡ chiều 4 tháng 3, phía Pháp vẫn chưa chấp nhận điều kiện do đại diện Chính phủ ta đưa ra. Trước tình hình đã trở nên rất khẩn trương, ngày 5 tháng 3, viên đại tá Lơcông, tham mưu trưởng quân viễn chinh pháp, đã nhân danh tổng chỉ huy Lơcléc biên thư cho Xanhtơny, thúc giục phải ký gấp, “dù sáng kiến đó có bị phản đối”. Theo Lơcông thì ngày đổ bộ đã quy định, không thể thay đổi nhưng cũng không được để nổ ra xung đột với Việt Nam vì như thế sẽ bất lợi cho cả Pháp lẫn Tưởng.

        21 giờ ngày 5 tháng 3 năm 1946, phía Pháp buộc phải chấp nhận giải pháp 5 điểm do phía Việt Nam đưa ra, làm cơ sở cho bản hiệp định sẽ được ký kết ngày hôm sau:

        1. Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ tự chủ (self government), có nghị viện riêng, quân đội riêng, tài chính riêng, đứng trong Liên bang Đông Dương.

        2. 15.000 quân Pháp và 10.000 quân Việt Nam sẽ tiếp phòng quân đội Tưởng.

        3. Người Việt Nam sẽ bỏ phiếu để quyết định chế độ tương lai của Nam Bộ bằng một cuộc trưng cầu ý dân.

        4. Tạm đình chiến ở miền Nam.

        5. Các vấn đề khác sẽ được quyết định trong các cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên sau này.

        Việt ký kết bản hiệp định dự định sẽ được tiến hành vào chiều 6 tháng 3 thì 9 giờ sáng hôm đó, Pháp vội vã cho tàu chiến tiến vào cảng Hải Phòng. Quân Tưởng nổ súng. Sau hơn hai mươi phút bị động lúng túng, tàu Pháp bắn trả. Cuộc đọ súng kéo dài trên hai giờ liền và kết quả là kho đạn của Tưởng ở cảng bị nổ tung, trên 70 tên Pháp trên tàu chiến bị chết và bị thương (trong số bị thương có tướng Valuy, chỉ huy sư đoàn 9eDIC).

        Trước nguy cơ một cuộc xung đột lớn có thể xảy ra (trước hết là giữa quân Pháp và quân Tưởng) việc ký kết bản hiệp định Việt - Pháp càng trở thành một yêu cầu cấp bách không những đối với Pháp mà cả với bọn chỉ huy quân đội Tưởng.

        16 giờ 30 phút ngày 6 tháng 3, ở vào “tình thế bị bức bách và không một phút danh dự”, như Adô nhận xét, đại biểu Chính phủ Pháp buộc phải cùng Chính phủ ta ký kết bản Hiệp định sơ bộ. Sau 24 giờ, Pháp được phép đổ bộ lên Hải Phòng. Một tuần lễ sau được sự dung túng và bao che của bọn chỉ huy quân Tưởng, Pháp trang bị cho số quân của chúng ở trong thành Hà Nội vừa được bọn Lư Hán thả ra. Sau 12 ngày chờ đợi ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, ngày 18 tháng 3, Lơcléc dẫn đầu 1.200 quân thuộc sư đoàn 9e DIC và binh đoàn xe bọc thép, gồm 200 xe vận tải và thiết giáp, từ Hải Phòng tiến lên Hà Nội. Điều làm cho bọn Pháp hết sức ngạc nhiên là thái độ bình tĩnh và lạnh nhạt của nhân dân Hải Phòng, Hà Nội và suốt dọc đường số 5.

        Đặt chân tới thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tuy bề ngoài Lơcléc huênh hoang tuyên bố “Hà Nội là chặng đường cuối cùng của công cuộc giải phóng” (!), nhưng trong thâm tâm, viên tổng chỉ huy Pháp lại hết sức lo ngại bất kỳ hành động khiêu khích nào dù nhỏ của quân Pháp cũng có thể dẫn đến kết quả “ném lửa vào kho thuốc súng”. Bởi vậy, trong chỉ thị gửi cho Xalăng ngay khi tới Hà Nội và trong nhật lệnh gửi quân đội Pháp ngày 22 tháng 3, Lơcléc nhấn mạnh: phải tránh mọi hành động xúc phạm đến tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam. Lơcléc cấm kiều dân Pháp biểu tình, cấm các cơ quan thông tin của Pháp nói đến “vấn đề Nam Kỳ”, đồng thời hạ lệnh cho quân Pháp “sẵn sàng đối phó với mọi tình thế bất trắc”. 


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:59:21 pm

GIỞ GIÁO

        Sau khi Hiệp định sơ bộ được ký kết, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tập trung mọi cố gắng nhằm đấu tranh để cùng phía Pháp thi hành những điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận và chuẩn bị điều kiện tiến tới cuộc đàm phán chính thức ở Pari. Trong khi đó, phía Pháp lại “nghĩ rằng họ đã đổ bộ được vào Bắc Kỳ và đứng vững chân rồi thì, với xe tăng và máy bay Spitfire, họ sẽ nói chuyện (!) thoải mái hơn rất nhiều”. Họ tìm mọi cách xuyên tạc và phá hoại ngay khi bản hiệp định còn chưa ráo mực.

        Ở Sài Gòn “nơi mà người ta (Pháp) cứ tưởng rằng mình đã là kẻ chiến thắng (!), chỉ riêng ý nghĩ về một cuộc thương lượng (chính thức trên đất Pháp) cũng đủ khiến cho họ lo ngại”. Chẳng thế mà một chiến dịch xuyên tạc đã sớm được tung ra ở Sài gòn, bắt đầu bằng bản tuyên bố ngày 12 tháng 3. Trong bản tuyên bố đó, Đácgiăngliơ và Xêđin trắng trợn nói: Hiệp định sơ bộ chỉ là “một bản hiệp định cục bộ giữa chính quyền Hà Nội với ủy viên Cộng hòa Pháp tại miền Bắc”... Họ còn tiết lộ rằng trong thời gian tới, “Nam Kỳ cũng sẽ có một chính phủ riêng, quốc hội riêng, tài chính riêng...”. Vài ngày sau đó, tại Pari, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mutê (Marius Moutet) cũng ra một bản tuyên bố lắp lại hầu như toàn văn lời Đácgiăngliơ và Xêđin, kèm theo những lời vừa lừa bịp, vừa ngăn đe.

        Được Pari khuyến khích, thực dân Pháp ở Sài Gòn tìm mọi thủ đoạn để trì hoãn cuộc đàm phán chính thức ở Pari. Ý đồ của họ là làm sao cuộc đàm phán không diễn ra trên đất Pháp hoặc bắt đầu càng chậm càng tốt để họ có thời gian tiếp tục những “việc đã rồi”. Họ hy vọng rằng, với kết quả cuộc bầu cử mùa hè sắp tới. Chính phủ Pháp sẽ có thêm nhiều phần tử thuộc phái hữu, Quốc hội Pháp sẽ bỏ phiếu bác bỏ việc tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề Nam Bộ khiến cho một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất của Việt Nam (vấn đề thống nhất đất nước) mà cuộc đàm phán chính thức sẽ phải bàn tới đã bị loại ngay từ đầu.

        Mặt khác, chỉ có trì hoãn cuộc đàm phán ở Pari thì bọn thực dân Pháp ở Sài Gòn mới có đủ thời gian để tìm những tên tay sai đứng ra cầm đầu cái “chính phủ tự trị” mà họ sắp nặn ra ở Nam Kỳ. Theo báo chí Sài Gòn, cho tới bấy giờ “Pháp vẫn chưa tìm được nhân vật nào sẵn sàng dấn thân vào cái trò mạo hiểm đó”. Những tên lăm le ra làm bù nhìn đều cảm thấy “nguy cơ phải đón lấy một sự trừng trị của cả một khối tập thể thống nhất, cũng tức là phải đương đầu với lãnh tụ của khối thống nhất đó là Mặt trận Việt Minh”.

        Hơn nữa nếu cuộc đàm phán chính thức tiến hành càng sớm bao nhiêu thì họ càng không đủ thời gian để tuyên truyền lừa bịp cho cái gọi là “chủ nghĩa tự trị”. Người ta biết rằng “cơ sở lý tưởng” của cái chủ nghĩa đó dựa theo một văn kiện được mệnh danh là “Thông cáo của phái đoàn điều tra về Nam Kỳ”, trong đó bọn thực dân Pháp ở Sài Gòn đã bịa đặt ra những dẫn chứng về lịch sử và nhân chủng, về kinh tế, chính trị và tầm quan trọng về chiến lược để kết luận rằng: Nam Kỳ là một xứ riêng biệt, không có quan hệ gì đến các lãnh thổ khác của Việt Nam (!).

        Một chi tiết đáng chú ý là, nếu trong hành động thực tế, Đácgiăngliơ tìm mọi cách phá hoại Hiệp định sơ bộ (vì trong thâm tâm, hắn cho rằng đây là “một vụ đầu hàng theo kiểu Muyních ở Đông Dương”), thì, để lừa bịp dư luận, hắn lại công khai uốn lưỡi tỏ ra “rất tán thành” bản hiệp định đó. Trong một bức điện gửi cho Varen (Alexandre Varenne đảng viên xã hội, cựu toàn quyền Pháp ở Đông Dương, khi đó là chủ tịch Hội Liên hiệp quốc gia Pháp vì Đông Dương), Đácgiăngliơ hết lời ca ngợi (!) việc ký kết một bản hiệp định “có lợi” cho Pháp về mọi mặt quốc gia và quốc tế, kinh tế và văn hóa cũng như... chủ quyền (!).

        Một biểu hiện cụ thể của mưu đồ trì hoãn và phá hoại cuộc đàm phán chính thức sắp tới là: trong cuộc đàm phán với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở vịnh Hạ Long ngày 24 tháng 3 Đácgiăngliơ đã nêu vấn đề cấp thiết phải tiến hành một cuộc hội nghị trù bị ở Đà Lạt nhằm “san phẳng mọi vấn đề”, mặc dù, như mọi người đều biết, Hiệp định sơ bộ không quy định phải có hội nghị trù bị trước khi đàm phán chính thức.

        Trong cuộc gặp gỡ ở vịnh Hạ Long, hai bên đã thỏa thuận:

        - Cuộc hội nghị trù bị sẽ tiến hành ở Đà Lạt. Thành phần mỗi bên gồm 12 người. Trong phái đoàn Pháp phải có người do Pari cử sang.

        - Một phái đoàn hữu nghị của Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ sang thăm chính thức nước Pháp.

        - Cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên sẽ tiến hành ở Pháp, nếu không ở Pari thì ít nhất cũng ở Phôngtennơblô.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:59:39 pm

        Chỉ một ngày sau cuộc gặp gỡ ở vịnh Hạ Long, phía Pháp đã cho ra đời cái gọi là “chính phủ lâm thời” ở sài Gòn. Báo chí tiến bộ Pháp chỉ rõ: chưa đầy ba tuần sau khi ký Hiệp định sơ bộ, “Chính phủ Pháp đã chấp thuận một chế độ tự trị ở Nam Kỳ và công khai ủng hộ chế độ đó” (Sau này, một đại biểu trong phái đoàn Việt Nam ở Pari đã thẳng thắn vạch ra rằng: cơ cấu tự trị đó không phù hợp với tinh thần và lời văn của Hiệp định sơ bộ và đó “chỉ đáng là một trò cười”). Để trả lời hành động vi phạm của Pháp và tay sai, ngày 29 tháng 3 các chiến sĩ Sài gòn đã trừng trị tên Trần Tấn Phát - một trong những kẻ cầm đầu cái chế độ “tự trị” do Pháp vừa nặn ra.

        Hành động vi phạm của Pháp còn biểu hiện trắng trợn ở chỗ họ từ chối không chịu thực hiện điều khoản về ngừng bắn ở miền Nam. Trong hội nghị quân sự Việt - Pháp đầu tháng 4 năm 1946, khi phái đoàn Việt Nam đòi phía Pháp phải cùng phía Việt Nam cử phái đoàn liên hiệp đình chiến vào miền Nam để thực hiện việc ngừng bắn đã được quy định trong điều 3 của Hiệp định sơ bộ thì phía Pháp đã nhất mực từ chối. Tướng Lơcléc viện cớ: “cho đến khi cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức, Chính phủ Hà Nội không phải quan tâm gì đến công việc ở Nam Kỳ” (!). Tiếp đến khi hai phái đoàn đàm phán về các điều khoản quân sự kèm theo bản Hiệp định sơ bộ, tướng Xalăng lại từ chối không chịu thảo luận về việc đình chiến ở trong Nam. Xalăng ngoan cố cho rằng “việc đó thuộc quyền hạn của hai chính phủ”.

        Trước những sự kiện kể trên, nhiều ký giả Pháp nhận xét: “rõ ràng Việt Minh (phía Việt Nam) có quyền nghi ngờ thái độ của Pháp, vì nếu Pháp từ chối đình chiến ở Nam Kỳ, có nghĩa là họ muốn chiến tranh cứ tiếp diễn ở đó” và một khi cuộc xung đột chưa chấm dứt, tất nhiên “phía Pháp không có lý do gì để trách cứ Hà Nội đã vi phạm hiệp định vì Pháp đã từng tuyên bố rằng Hiệp định sơ bộ chỉ là bản hiệp định cục bộ, có nghĩa là nó không được thi hành ở miền Nam”.

        Hành động giở giáo của Đácgiăngliơ, Lơcléc và đồng bọn đã khuyến khích thái độ thù địch của người Pháp ở ngay thủ đô Hà Nội, dân sự cũng như quân sự, kể cả bọn tù binh Pháp ở trong thành vừa được thả ra. Không ít người phương Tây có mặt ở Hà Nội hồi đó đã nhận xét rằng: Nếu trước đây, kiều dân và tù binh Pháp ở thành phố này cũng như trên toàn cõi Đông Dương đã cam chịu cúi đầu trước phát xít Nhật thì khi sau ngày 18 tháng 3 (ngày Lơcléc và quân Pháp được phép vào Hà Nội) “họ cứ tưởng rằng mình đã trở lại là người làm chủ và họ luôn luôn tỏ ra muốn chứng minh cái quyền làm chủ đó”. Còn binh lính Pháp, kể cả bọn mới ở “chính quốc” sang cũng như bọn tù binh mới được thả ra, “đã tỏ ra khó chịu khi thấy buộc phải hợp tác với quân thù”.

        Tất cả những việc làm và thái độ trên đây của phía Pháp đã bóc trần tính chất lừa bịp của bản nhật lệnh Lơcléc gửi cho quân đội Pháp ở Đông Dương ngày 22 tháng 3, khi ông ta đặt chân đến Hà Nội. Trong phần cuối của bản nhật lệnh, viên tướng này nói: “Một trang sử mới đã mở. Tương lai thuộc về một sự hợp tác chính trực giữa quân lực Pháp - Việt” (!)

        Đácgiăngliơ và đồng bọn hy vọng rằng, với cái gọi là hội nghị trù bị Đà Lạt do họ bày ra, mọi vấn đề “sẽ được san phẳng”, tương lai của mối quan hệ Việt - Pháp sẽ được định đoạt theo ý muốn của họ ngay tại Đông Dương. Và như vậy dư luận tiến bộ Pháp sẽ không còn lý do để “can thiệp” một cánh có hiệu lực vào vấn đề Việt Nam.

        Thành phần phái đoàn Pháp trong hội nghị Đà Lạt phản ánh âm mưu xấu xa của Pháp. Trong 6 thành viên do Sài Gòn chỉ định, người ta thấy có mặt những kẻ vốn là thực dân cáo già trên mảnh đất Đông Dương, nay lại là chân tay tin cậy của cao ủy Đácgiăngliơ. Đó là: Tôren (cố vấn pháp lý), Gônông (cố vấn tài chính), Pinhông (cố vấn chính trị), v.v…

        Điều đáng chú ý là không những Chính phủ Pháp đồng tình để bọn Pháp ở Sài Gòn bày ra cái trò “hội nghị trù bị Đà Lạt” mà còn vạch đường cho phái đoàn Pháp làm cho hội nghị thất bại nếu không đạt được mục đích chính trị của Pari. Trước ngày hội nghị khai mạc, phái đoàn Pháp nhận được một chỉ thị (đề ngày 14 tháng 4) từ Pari gửi sang, trong đó Chính phủ Pháp nhấn mạnh “sự cần thiết với lợi ích của nước Pháp là lập nên một Liên bang Đông Dương với số hội viên càng nhiều cũng tốt”. Điều đó có nghĩa là Pari ủy thác cho phái đoàn Pháp phải thực hiện bằng được ý đồ chia cắt Việt Nam thành nhiều “xứ” riêng biệt để cho Liên bang Đông Dương ít nhất cũng bao gồm 5 “xứ” như đã nói trong bản tuyên bố ngày 24 tháng 3 năm 1945 của Đờ Gôn. Trong khi đó thì, đối với phái đoàn Việt Nam đấu tranh để thực hiện một nước Việt Nam thống nhất gồm Bắc - Trung - Nam lại là một trong những vấn đề sinh tử.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Mười Một, 2016, 11:59:56 pm

        Để chấp hành chỉ thị 14 tháng 4 của Pari vấn đề đặt ra với phái đoàn Pháp là phải đưa ra những yêu sách đã được tính toán cân nhắc, sao cho những yêu sách đó trở thành không thể chấp nhận được đối với phía Việt Nam. Âm mưu sâu xa của Pháp là làm sao cho hội nghị đi đến chỗ tan vỡ, nhưng sự tan vỡ đó lại được coi là do phái đoàn Việt Nam gây ra, để rồi phía Pháp có lý do kết luận rằng không thể tiến hành bất kỳ một cuộc thương lượng nào với người Việt Nam và như vậy, Pháp buộc phải tiếp tục cuộc chiến tranh mà họ tin rằng họ có thể thắng được dễ dàng (!).

        Sự sắp đặt của Pháp tất nhiên không thể đem lại cho hội nghị Đà Lạt triển vọng gì tốt đẹp. Ngay trong phiên họp đầu tiên khi phía Việt Nam nêu vấn đề Nam Bộ thành một trong những nội dung quan trọng phải được thảo luận trước và yêu cầu ghi vào chương trình nghị sự vấn đề “cấp thiết phải tạo ra ở Nam Bộ một bầu không khí thuận lợi cho các cuộc thương thuyết”, thì phía Pháp cho rằng những đề nghị của phía Việt Nam là “quá khích”..., rằng “phái đoàn Pháp không đủ tư cách và quyền hạn” để thảo luận những vấn đề do phía Việt Nam nêu lên. Sự tránh né của phái đoàn Pháp thật ra chỉ là sự thực hiện những điều Pari đã vạch ra trong chỉ thị 14 tháng 4 mà thôi.

        Nhiều ký giả Pháp theo dõi hội nghị Đà Lạt ngay từ đầu đã sớm nhận định rằng những ý kiến do phía Pháp nêu lên chỉ là những vòi nước lạnh đối với phái đoàn Việt Nam, đúng như phái đoàn Việt Nam đã lên án. Họ (ký giả Pháp) nhận xét rằng: trong khi người Việt Nam mong muốn một nền độc lập trong khuôn khổ khối Liên hiệp Pháp (mà họ hình dung như khối thịnh vượng chung của Anh - Commonwealth) thì những đại biểu Pháp lại theo đuổi mưu đồ coi Đông Dương như trước năm 1900, một xứ Đông Dương vừa được lôi ra từ tập hồ sơ của quan toàn quyền Pôn Đume và vừa được phủi sạch bụi...

        Riêng về mặt quân sự, khi bàn đến vấn đề xây dựng quân đội mà phái đoàn Việt Nam khẳng định là quân đội riêng của nước Việt Nam độc lập và có chủ quyền, với sự cộng tác của sĩ quan Pháp trong việc huấn luyện, thì phía Pháp lại đòi quân đội đó phải được coi là quân đội của khối Liên hiệp Pháp, với những quy tắc không khác gì lính khố xanh, khố đỏ trước năm 1939.

        Thật quá nhiều dẫn chứng về lập trường ngang trái và ngoan cố của phái đoàn Pháp, những kẻ cố tình làm cho hội nghị Đà Lạt ngày càng bế tắc và cuối cùng đi đến chỗ hoàn toàn thất bại.

        Đi đôi với việc phá hoại trên bàn hội nghị là những hành động vi phạm trắng trợn và có hệ thống diễn ra từ Nam chí Bắc, cả về quân sự và chính trị.

        Ngày 18 tháng 4 năm 1946 tướng Valuy (chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc) đã gửi cho quân đội thuộc quyền một “chỉ thị về an ninh”, quy định quân Pháp ở mỗi vị trí đóng quân phải có kế hoạch phòng thủ, đồng thời có kế hoạch sẵn sàng đánh chiếm thành phố. Mục đích của kế hoạch tiến công đó nhằm: 1. Cô lập và nhanh chóng đánh chiếm các điểm đề kháng của đối phương; 2. Chiếm các vị trí trọng yếu về chiến thuật trong thành phố, các công trình công cộng; 3. Bảo vệ tính mạng tài sản cho người Pháp. Bản chỉ thị của Valuy còn quy định các viên chỉ huy phải thường xuyên nghiên cứu và bổ sung kế hoạch để sẵn sàng “biến tấn kịch của cuộc hành binh mang tính chất đơn thuần quân sự thành một màn đảo chính”.

        Khi âm mưu lấn chiếm trên đây bị báo chí Việt Nam vạch trần trước dư luận Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại vội dùng diễn đàn của Quốc hội Pháp để cải chính rằng bản dịch của chỉ thị đó đã bị cắt xén”. Nhưng nhiều nhà viết sử Pháp đã trích lại đoạn cuối bản chỉ thị của Valuy, kèm theo nhận xét rằng ít nhất người ta cũng thấy bản chỉ thị đó “chứa đựng một mưu đồ rất xấu xa”.

        Trong khi đó thì tại Sài Gòn, “đô đốc Đácgiăngliơ cứ tiếp tục đẩy tới lối làm ăn sở trường của ông ta”. Liên tiếp trong các tháng 4 và 5, viên cao ủy Pháp tổ chức ở Nam Bộ những cuộc biểu tình với chủ đề rất thích thú đối với ông ta lúc đó là: “xứ Nam Kỳ của người Nam Kỳ”. Cũng trong thời kỳ này, Đácgiăngliơ còn nặn thêm một “xứ tự trị Cao Nguyên”, lấy Đà Lạt làm “thủ đô”.

        Bắt nguồn từ âm mưu thâm độc nhằm chia cắt đất nước ta, những việc đã rồi trên đây của Đácgiăngliơ hoàn toàn phù hợp với tinh thần chỉ thị ngày 14 tháng 4 của Pari làm cho cái gọi là “Liên bang Đông Dương” càng có nhiều “xứ” thành viên càng tốt. Những hành động trắng trợn đó làm cho mối quan hệ Việt - Pháp bị tổn thương nghiêm trọng trước khi bắt đầu cuộc đàm phán chính thức giữa hai bên.

        Tất cả những hành động nói trên làm cho chính những người Pháp có ít nhiều thiện chí cũng phải kết luận rằng: Nếu kết quả thực sự và duy nhất của hội nghị Đà Lạt là ở chỗ, bắt đầu từ hội nghị đó, người Việt Nam đã thấy rõ âm mưu của Pháp như thế nào, thì những hành động của Pháp chỉ càng khiến cho những người lãnh đạo Việt Nam thận trọng hơn và khiến cho họ càng thêm nghi ngờ “thiện chí” của Pháp. Mặc dù bề ngoài, ở Bắc Kỳ, tướng Valuy vẫn tiếp tục đóng vở kịch hữu nghị, nhưng đối phương đã khẳng định rằng đó chỉ là những việc làm vô ích, không thể lừa gạt được họ. Và cũng thật là lôgích nếu từ sự nghi ngờ đó, “những người lãnh đạo Việt Nam thấy trước rằng những cuộc đàm phán có chăng cũng chỉ đưa lại kết quả không đáng kể và như vậy, điều cơ bản là phải chuẩn bị một giải pháp nhằm ứng phó khi tình thế thay đổi... Trường hợp mà người ta không đạt được mục đích hòa bình, tất người ta buộc phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh...”. Điều đó thật dễ hiểu.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:01:46 am

CHẶNG ĐƯỜNG BÍ ẨN

        Về phía nhân dân Việt Nam đề cao cảnh giác, xây dựng và phát triển lực lượng về mọi mặt, sẵn sàng đối phó với nguy cơ chiến tranh không có nghĩa là hoàn toàn loại trừ khả năng tranh thủ hòa bình nếu khả năng đó tồn tại, dù rất ít.

        Thế rồi cái ngày mà cả Pari lẫn Sài Gòn cố tình trì hoãn cũng đã đến. Ngày 31 tháng 5, phái đoàn Việt Nam lên đường sang Pháp để tiến hành cuộc đàm phán chính thức với Chính phủ cộng hòa Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh, thượng khách của Chính phủ Pháp cùng đi với phái đoàn.

        Nói về cuộc hành trình này, dư luận nhiều người Pháp cho rằng khi ra đi, không phải phái đoàn Việt Nam không biết là có một số ngài thực dân, ở Pháp cũng như ở Đông Dương, không tán thành chủ trương tiến tới một thỏa hiệp mới với phía Việt Nam, “những người được chúng ta bảo hộ trước đây nay lại dám đứng lên chống lại quyền lực của chúng ta” (!). Người ta nghĩ rằng những ngài thực dân đó tuy không nhiều, nhưng trước và trong quá trình cuộc đàm phán, họ vẫn có thể nhân cơ hội nào đó (tất nhiên cơ hội đâu có hiếm nếu họ cố tình tạo ra) để dùng ảnh hưởng của mình thúc ép quân đội Pháp ở Đông Dương - so với đối phương tuy tạm thời không ưu thế về số lượng nhưng có ưu thế về trang bị - dùng hành động quân sự để khôi phục lại tình trạng như trước chiến tranh (statu quo ante bellum), để rồi họ cứ lì lợm bám lấy tình trạng đó hòng gây sức ép với đối phương.

        Mặc dù có người nước ngoài nào đó đã từng đặt vấn đề như vậy nhưng, với lòng tự tin và thái độ thiện chí, phái đoàn Việt Nam vẫn lên đường sang Pháp đàm phán, để một lần nữa, tỏ rõ với nhân dân Pháp tình hữu nghị sẵn có giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Hồi đó, Xanhtơny cũng đã từng tự hỏi: “Liệu nước Pháp có bao giờ đánh giá đúng lòng thành thực của Cụ Hồ Chí Minh, khi Cụ chấp nhận đến một nước vốn là một cường quốc bảo hộ đã từng truy nã Cụ trong gần ba chục năm và đã từng kết án tử hình Cụ?”.

        Bằng việc chấp nhận sang Pháp đàm phán, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã biểu thị thái độ thiện chí và tình hữu nghị với nhân dân Pháp, đó là điều rõ ràng ai cũng thừa nhận. Người ta chờ đợi thái độ của phía Chính phủ Pháp. Vậy mà ngay trong những ngày phái đoàn Việt Nam đang trên đường đi đàm phán, bọn phản động Pháp ở Pari cũng như ở Sài gòn không những không giảm bớt mà càng xúc tiến gấp những hành động trắng trợn hòng phá hoại cuộc hội đàm chính thức sắp diễn ra.

        Một ngày sau khi phái đoàn Việt Nam rời Hà Nội, máy bay đang bay trên bầu trời Trung Đông, thì có tin Đácgiăngliơ cho ra đời cái gọi là “chính phủ cộng hòa Nam Kỳ tự trị”. Đây là một hành động được tính toán từ trước và được đưa ra đúng vào lúc viên cao ủy cho là thích hợp, nhằm chống lại bất kỳ một quyết nghị nào về vấn đề Nam Kỳ trong cuộc đàm phán sắp tới. Chỉ mấy ngày sau đó báo chí Sài Gòn đưa tin: cái “chính phủ tự trị” do Đácgiăngliơ nặn ra đã cùng đại diện Pháp ký một bản “hiệp định”, trong đó “chính phủ Nam Kỳ cam kết bảo vệ không một chút hạn chế bất kỳ quyền lợi nào của Pháp” (!).

        Điều đáng nói nữa là Xanhtơny, người tự nhận là hiểu biết nhiều về đất nước và con người Việt Nam, khi đề cập tới vấn đề này trong hai cuốn sách của mình1, đã tỏ ra đồng tình với hành động của Đácgiăngliơ. Xanhtơny mất khá nhiều lời để lập luận về “sự khác biệt” giữa Bắc Kỳ và Trung Kỳ (vốn được pháp coi là hai “xứ bảo hộ”) với Nam Kỳ (vốn được Pháp coi là “xứ thuộc địa” của chúng), để rồi biện hộ cho hành động chia cắt của viên cao ủy. Xanhtơny cho rằng “quyết định này (tức việc lập chính quyền tay sai ở Nam Kỳ) phù hợp với nguyện vọng một bộ phận quan trọng (?) của dân chúng Sài Gòn... Một bộ phận nhân dân miền Nam vừa muốn giữ cách sống riêng, lại vừa nghi kỵ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Điều đó đã khiến cho Đácgiăngliơ muốn bảo đảm cho Nam Kỳ một số phận đặc biệt (?)... Quyết định đó chỉ là một giai đoạn quá độ (?), v.v và v.v.”

---------------------
        1. Sainteny, Histoire d’ une paix manquée (Lịch sử một nền hòa bình bị bỏ lỡ) và Au Việt Nam - Face à Hồ Chí Minh (Tại Việt Nam - Đối mặt với Hồ Chí Minh). Điều đáng nhấn mạnh ở đây là những cuốn sách này được xuất bản hoặc tái bản vào những năm 1954, 1957 và nhất là 1970.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:03:47 am

        Tất nhiên, khi nghe tin về sự ra đời của cái quái thai chính phủ cộng hòa Nam Kỳ tự trị Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam đã cực lực phản đối hành động phá hoại của phía Pháp, vì đó là một “việc đã rồi” không thể chấp nhận được “cũng như nhân dân Pháp không thể nào chấp nhận việc chia cắt Andát - Loren (Alsace - Lorraine)1 ra khỏi nước Pháp.

        Khi nghe tin trên, có ký giả đặt vấn đề: Vì sao Pháp lại đặc biệt quan tâm “vấn đề Nam Kỳ” như vậy?

        Trên tờ tuần báo Hành động (Action), số ra ngày 4 tháng 7 năm 1946, ký giả Clôđơ (Henri Claude) đã vạch ra rằng: “Chính vì Nam Kỳ có tầm quan trọng đặc biệt đối với nước Việt Nam... Chiếm đóng Nam Kỳ tức là nắm yết hầu của Việt Nam. Qua đó, người ta thấy mọi sức ép mà Chính phủ Pháp vận dụng đều nhằm theo đuổi chính sách đế quốc chủ nghĩa của họ trong vùng này... Hơn nữa, người ta cần thấy là đường lối chính trị của Pháp (chia cắt Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam) gắn liền với quyền lợi của các công ty cao su (của pháp ở Đông dương, trước hết là ở Nam Kỳ). Thật vậy, trong tổng số 23 công ty, với tổng diện tích 139.000 hécta cao su trên toàn cõi Đông Dương, riêng Nam Kỳ đã chiếm 111.600 hécta thuộc 18 công ty cao su Pháp. Năm 1938, nếu tổng sản lượng cao su trên toàn cõi Đông Dương là 58.000 tấn thì riêng các công ty cao su ở Nam Kỳ đã đạt tới 44.600 tấn...”

        Chẳng thế mà chỉ mươi ngày sau khi thực dân Pháp ở Sài Gòn cho ra đời cái “chính phủ Nam Kỳ tự trị”, tờ Tạp chí Kinh tế - tài chính (Agence Economique et financière) của bọn tài phiệt Pháp số ra ngày 13 tháng 6 năm 1946 đã vội lên tiếng tán thưởng: “Sự công nhận nước Cộng hòa Nam Kỳ, một quyết định góp phần vào việc duy trì ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Pháp ở Đông Dương, đã mở ra tương lai rộng lớn cho các công ty cao su”.

        Thật ra, lòng tham của thực dân Pháp không phải chỉ dừng lại ở đường lối chính trị cao su (theo đúng nghĩa đen của nó) như có người đã nói. Những hành động vi phạm liên tiếp của Pháp ở Đông Dương trong thời kỳ ấy nói lên âm mưu của chúng đã vượt rất xa ra ngoài giới hạn của các đồn điền cao su Nam Bộ. Vài ví dụ: Việc bộ tham mưu Pháp ở Sài Gòn lập kế hoạch lấn chiếm nhiều địa bàn chiến lược ở Bắc Bộ; việc Lơcléc đưa cơ giới lên đánh chiếm Plây Cu - Công Tum (21-6); việc Sài Gòn ra lệnh cho quân đội Pháp ở Hà Nội (nhân khi bộ tham mưu của Lư Hán rút) nhanh chóng chiếm lại phủ toàn quyền cũ (25-6) nơi Pháp coi là “tượng trưng cho chủ quyền của Pháp ở Đông Dương”, v.v… Rõ ràng, quá trình từ khi Hiệp định sơ bộ được ký kết đến khi cuộc đàm phán chính thức được tiến hành, cũng là quá trình mà các giới thực dân Pháp ở Sài Gòn, những kẻ luyến tiếc một xứ Đông Dương béo bở, không những không bị cản trở mà còn được Pari khuyến khích để từng bước thi hành chính sách những việc đã rồi. Cuộc khủng hoảng nội các Pháp mùa hè 1946 không những không ảnh hưởng đến hành động vi phạm của họ, mà trái lại họ đã lợi dụng cuộc khủng hoảng đó để đẩy tới kế hoạch thâm độc đã tính toán từ trước.

        Ngày 19 tháng 6, nội các mới (nội các thứ ba trong vòng hai năm) được thành lập, với Biđôn làm thủ tướng kiêm ngoại trưởng, Misơlê (Edmont Michelet) Bộ trưởng Quân lực, Mutê (Marius Moutet) Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại, khiến so sánh lực lượng chính trị đã ngả về phe hữu, một phe hữu được trói chặt vào xe tăng Mỹ để từng bước đưa nước Pháp lao sâu vào một cuộc chiến tranh.

        Dư luận tiến bộ Pháp phán đoán rằng, nhìn vào nội tình chính trị nước Pháp và mồi quan hệ Việt - Pháp đang có chiều hướng ngày càng xấu đi trước khi cuộc đàm phán chính thức bắt đầu, cuộc thương thuyết mà Chính phủ dự định tiến hành với Cụ Hồ Chí Minh đã trở nên vô ích vì Pháp đã đơn phương giải quyết số phận của Nam Kỳ ngược hẳn với Hiệp định 6 tháng 3... Hành động của phía Pháp một lần nữa chứng tỏ rằng Chính phủ Pari không tôn trọng những điều cam kết của họ... Hiệp định 6 tháng 3 chỉ là một sự lừa gạt...

---------------------
        1. Vùng đất mà Đức chiếm của Pháp từ năm 1871, đến năm 1918 mới trả lại cho Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:04:15 am

        Một điều khiến dư luận chú ý là những hành động phá hoại không phải chỉ do bàn tay bọn Pháp ở Đông Dương và chỉ xảy ra ở Đông Dương. Trái lại, người ta thấy rõ sự phối hợp chặt chẽ giữa Đácgiăngliơ ở Sài Gòn và đồng bọn ở Pari, nhất là trong tháng 6. Trước hết, phải nói đến hành động thâm hiểm của Chính phủ Pháp âm mưu kéo dài cuộc hành trình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Việt Nam trên đường sang Pháp.

        Có ký giả theo dõi chuyến đi đã dựng lại chặng đường từ Trung Đông đến nước Pháp mà họ gọi là “chặng đường bí ẩn”. Họ không thể giải thích nổi vì sao mất đến 12 ngày (từ 1 đến 12 tháng 6) để bay từ thủ đô Xyri đến Biarít, một thị trấn ở bờ biển miền tây nam nước Pháp. Người ta khẳng định rằng, phái đoàn Việt Nam muốn đến Pari càng sớm càng tốt, vậy thì sự chậm trễ này tất nhiên không phải do phía Việt Nam gây nên. Sau khi tìm hiểu ngọn ngành qua những nguồn tài liệu riêng, ký giả này đã rút ra kết luận là chính cấp chóp bu trong giới cầm quyền Pháp đã đạo diễn bọn tay chân dựng lên màn kịch “chặng đường bí ẩn” này. Người ta còn biết thêm rằng sở dĩ đài phát thanh và báo chí Pháp không hề nói đến chuyến đi kéo dài đó bởi vì hoặc họ bị ngăn cấm, hoặc những bí mật trong hậu trường của màn kịch được bưng bít và ngụy trang khéo léo.

        Sau gần mười ngày dừng chân ở vùng bờ biển xứ Baxcơ để chờ đợi nước Pháp có chính phủ mới, ngày 22 tháng 6, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Biarít đi Pari.

        16 giờ hôm đó, máy bay bay trên bầu trời Pari. Sân bay Buốcgiê đông nghịt người ra đón vị thượng khách của nước Pháp. Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mutê, thay mặt Chính phủ pháp, cùng nhiều nhân vật quân sự và dân sự cao cấp có mặt ở sân bay. Cờ đỏ sao vàng tung bay bên cạnh cờ Pháp.

        Trước cảnh đón tiếp trọng thể dành cho một vị nguyên thủ quốc gia, Xanhtơny (người được Chính phủ Pháp cử đi cùng với tướng Xalăng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh), sau này nói lại suy nghĩ của mình. Theo ông ta: Sau hơn 30 năm ròng tận lực đấu tranh không mệt mỏi chống lại cường quyền mà một nước đã áp đặt lên Tổ quốc của Cụ, giờ đây trở lại thủ đô của chính nước đó với cương vị một nguyên thủ quốc gia, được đón tiếp chính thức với nghi lễ trang nghiêm nhất, điều đó đòi hỏi ở Cụ một sự tinh tế và khéo léo khác thường. Thế nhưng, với một tác phong giản dị và chủ động đặc biệt, Cụ đã hoàn toàn tự chủ, không bận tâm đến cái vỏ bề ngoài của một cuộc đón tiếp đầy đủ nghi thức ngoại giao.

        Ngay từ phút đầu tiên đặt chân trở lại Pari, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gây được ấn tượng sâu sắc và tình cảm tốt đẹp với mọi người. Theo tờ Chiến đấu (Combat) cũng như nhiều tờ báo khác ở Pari, nhân dân Pháp đã tìm thấy ở Chủ tịch Hồ Chí Minh “một người mảnh khảnh, thông minh, nhã nhặn và rất được cảm tình của mọi người... Cụ mặc bộ quần áo bằng dạ thô, rất đỗi giản dị, chẳng hề đính một phù hiệu hay một huy chương...”.

        Sau một tuần lễ vật lộn với những rối ren nội bộ nước Pháp, những rối ren đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nội các kéo dài hàng tháng, ngày 2 tháng 7, mấy ngày trước khi cuộc đàm phán bắt đầu, Thủ tướng Pháp Biđôn chính thức tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những người theo dõi cuộc gặp gỡ này đã nhận xét rằng: “Cũng giống như trong một số cuộc đón tiếp khác, người ta đọc những bài diễn văn với những nội dung hoàn toàn trái ngược nhau như nước với lửa... Biđôn trổ tài riêng bằng cách nói lên những chuyện vu vơ nhưng đầy dụng ý ám chỉ thế này thế khác, còn Cụ Hồ thì trả lời thẳng vào những điều ám chỉ đó một cách rất bình tĩnh nhưng lại rất đúng chỗ...”.

        Nếu người cầm đầu Chính phủ Pháp là Thủ tướng Biđôn tỏ ra không vội vã trong việc tiếp xúc với phái đoàn Việt Nam thì lại “có những kẻ hấp tấp đi trước trong việc này. Đó là các ngài cầm đầu Ngân hàng Đông Dương”.

        Đọc lại văn bản về cuộc gặp gỡ ngày 24 tháng 6 giữa đại diện các nhóm tài phiệt Pháp ở Đông Dương với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người ta không khỏi nhận xét rằng các ông chủ BIC (ngân hàng Đông Dương) “cố tình tránh né vấn đề ba kỳ”. Điều đó đối với họ không quan trọng lắm. Điều mà họ đặc biệt quan tâm là chuyện cho vay lãi, chuyện đầu tư, chuyện mở thêm các chi nhánh ngân hàng” (ở Đông Dương).

        Nhìn vào bối cảnh nước Pháp mùa hè năm 1946 và qua một số cuộc tiếp xúc đầu tiên ở Pari giữa hai bên Việt - Pháp, người ta không khỏi nghĩ rằng những người cầm đầu nước Pháp đã rắp tâm làm cho mối quan hệ Việt - Pháp phát triển theo chiều ngày càng xấu đi. Tình hình đó rõ ràng không thể tạo cho cuộc đàm phán chính thức sắp diễn ra ở Phôngtennơblô một triển vọng tốt đẹp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:05:58 am

ĐÀM PHÁN ĐỂ PHÁ HOẠI ĐÀM PHÁN

        Mặc dù phía Pháp tìm trăm phương nghìn kế để trì hoãn cuộc đàm phán, nhưng trước sức mạnh đấu tranh đầy thiện chí của phía Việt Nam được dư luận Pháp ủng hộ, họ buộc phải cùng phái đoàn Việt Nam định ngày khai mạc hội nghị Phôngtennơblô. Và phương châm phá hoại hội nghị Đà Lạt trước đây lại được họ vận dụng trong điều kiện mới.

        Trước ngày hội nghị khai mạc, Thủ tướng Pháp Biđôn đã chỉ thị cho phái đoàn Pháp phải làm sao bảo đảm được là về phương diện ngoại giao, nước Việt Nam không trở thành một đồng minh của Liên Xô.

        Một vấn đề khác đáng chú ý là thành phần phái đoàn Pháp. Điểm mặt, người ta thấy vẫn lại Mắc Ăngđrê làm trưởng đoàn, còn phần lớn đoàn viên vẫn là những nhân vật đã có “thành tích” trong việc phá hoại hội nghị trù bị ở Đà Lạt ba tháng trước, kể cả “nhóm Sài Gòn” cũng như những thành viên được gọi là “nhóm Pari”1. Về thành viên quân sự, người ta vẫn thấy tướng Xalăng, nhưng có điều viên tướng này đã từng bị nghi ngờ là “có khuynh hướng tư tưởng tự do” (!) theo kiểu Lơcléc, nên trong cuộc đàm phán chính thức này, Chính phủ Pháp đã “cài” viên đô đốc Bácgiô (Barjot) để kèm và giám sát Xalăng. Người ta biết rằng Bácgiô là “đại diện riêng và giấu mặt” của cựu Tổng thống Pháp Đờ Gôn. Điểm mặt những thành viên trong phái đoàn Pháp, cả tướng lĩnh và chính khách, người ta thấy phần lớn gồm những nhân vật đại diện trung thành cho bọn tài phiệt có nhiều quyền lợi ở Đông Dương, đã từng đối mặt với ta ở Đà Lạt ba tháng trước. Qua thành phần đó, rõ ràng cuộc đàm phán chính thức sắp diễn ra có rất ít triển vọng đưa đến kết quả tốt đẹp hơn cuộc hội nghị trù bị.

        Về phái đoàn Việt Nam, hồi đó có một số tờ báo thuộc cánh hữu ở Pari đã từng đăng những bài xuyên tạc hòng gây ấn tượng xấu trong dư luận Pháp. Nhưng ngay từ đầu, những người Pháp chân chính đã sớm thấy ở phía Việt Nam “một phái đoàn trẻ, tuổi từ 30 đến 43, đại biểu cho nhiều tầng lớp xã hội và đảng phái chính trị trong cả nước Việt Nam”. Đó là một phái đoàn đại biểu cho tiếng nói của toàn dân, do những người cộng sản lãnh đạo.

        Một ngày trước khi hội nghị Phôngtennơblô khai mạc, phái đoàn Pháp họp riêng. Sau khi nghe phổ biến chỉ thị của Thủ tướng Biđôn và biết âm mưu của phái đoàn Pháp rắp tâm phá hoại cuộc đàm phán theo chỉ thị đó, giáo sư Rivê (Paul Rivet) - một thành viên trong phái đoàn Pháp - đã tuyên bố tẩy chay không tham gia hội đàm. Ngay hôm đó, trong bức thư gửi Bộ trưởng Mutê, giáo sư vạch thẳng ra rằng: “Tôi cự tuyệt không tham gia các cuộc thảo luận ở Phôngtennơblô vì tôi không muốn biến mình thành một kẻ bị lừa gạt một kẻ đồng lõa...”. Theo giáo sư, qua kế hoạch được phổ biến, phía Pháp không thể hiện một chút tinh thần xây dựng nào, trong khi đó thì ngay từ những cuộc tiếp xúc đầu tiên trước khi hội nghị khai mạc, phía Việt Nam đã tỏ thiện chí muốn cuộc thương thuyết đi đến kết quả.

        10 giờ 40 ngày 6 tháng 7 năm 1946, cuộc đàm phán chính thức giữa hai phái đoàn Việt - Pháp bắt đầu tại lâu đài Phôngtennơblô.

        Đáp lại “lời chào mừng khách sáo chung chung và mơ hồ” của Mắc Ăngđrê, đồng chí Phạm Văn Đồng, trưởng phái đoàn Việt Nam đã đi thẳng vào những vấn đề thiết thực cần được giải quyết.

        Báo chí Pari thuật lại rằng: Sau khi lược lại quá trình đấu tranh của nhân dân Việt Nam trong suốt ba phần tư thế kỷ để đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, ông Phạm Văn Đồng đã kịch liệt lên án thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam, lên án mọi hành động của chúng vi phạm Hiệp định 6 tháng 3, trước hết là việc chúng không những không thực hiện ngừng bắn ở miền Nam mà còn tiếp tục dùng quân đội lấn chiếm trái phép nhiều vùng ở miền Bắc và từng bước thực hiện âm mưu chia cắt Nam Bộ ra khỏi Việt Nam... Ông đã chỉ rõ, những hành động ấy chỉ nhằm đặt hội nghị Phôngtennơblô trước những việc đã rồi và không hề góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc thương lượng và sự hợp tác lâu dài vì lợi ích chung của hai nước. Phía Việt Nam muốn thành thật hợp tác với Pháp, nhưng sự hợp tác đó chỉ có thể được thực hiện khi địa vị của nước Việt Nam được xác lập trên nền tảng tự do và bình đẳng với nước Pháp.

---------------------
        1. Tác giả nhấn mạnh cụm từ “được gọi là” vì có những người thực tế không thể liệt vào “nhóm Pari”; chẳng hạn Métxme hồi tháng 8 năm 1945 đã từng lén lút nhảy dù xuống Bắc Bộ. Sau khi bị bắt và trốn thoát, y vào hoạt động ở Sài Gòn, đã cùng viên đại tá Xêđin gây nhiều tội ác ở miền Nam cuối năm 1945.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:06:59 am

        Ngay trong những phiên họp đầu tiên, quan điểm của hai bên đã tỏ ra rất khác biệt nhau, trước hết là trên vấn đề thứ nhất của chương trình nghị sự: Địa vị của nước Việt Nam trong Khối Liên hiệp Pháp và quan hệ giữa nước Việt Nam với các nước khác.

        Theo các ký giả thường xuyên bám sát các phiên họp thì, đối với người Việt Nam, Khối Liên hiệp Pháp được hình dung như khối thịnh vượng chung của Anh, còn đối với Pháp thì đó là một đế quốc thuộc địa như hồi trước chiến tranh và đã được cắt bớt từ ngữ “thuộc địa” đi, không hơn không kém. Nhìn xa hơn nữa, người ta thấy thậm chí Chính phủ Pháp còn định áp đặt những điều quy định hà khắc hơn cả những điều đã được ghi trong đạo luật thuộc địa năm 1926...”.

        Thế rồi cuộc đàm phán cứ tiếp diễn, các cuộc tranh luận kéo dài ngày này qua ngày khác “như một cuộc tuần du”, từ cuộc họp toàn thể đến cuộc họp tiểu ban, nhưng thật ra hội nghị vẫn giậm chân tại chỗ. Và dần dần người ta thấy trong phái đoàn Pháp xuất hiện cái có thể gọi là “chủ nghĩa vắng mặt”. Một ví dụ: trong phiên họp toàn thể ngày 16 tháng 7, có tới trong số 13 đại biểu Pháp không đến dự.

        Giữa lúc hội nghị đang đứng trước ngõ cụt thì ngày 25 tháng 7 có tin cao ủy Đácgiăngliơ tuyên bố tại Sài Gòn rằng ông ta sẽ triệu tập (vào ngày 1 tháng 8 ) một “hội nghị Liên bang” tại Đà Lạt để thảo luận những vấn đề về cái gọi là “Liên bang Đông Dương”. Thành phần của “hội nghị” đó gồm “các đại biểu Lào, Cao Miên, Nam Kỳ và các quan sát viên Nam Trung Kỳ cùng các bộ lạc Mọi” (!). Về hành động quái gở ấy của Đácgiăngliơ, sau này Anbe Xarô nhận xét rằng đó là một “sáng kiến lỗi thời và trái khoáy”, nó đã bồi thêm cho phái đoàn Pháp những tai họa bất ngờ... Với “sáng kiến” đó, hình như người Pháp ở Sài Gòn tự cho mình cái quyền quyết định trước vấn đề tự trị của Nam Kỳ mà không hề quan tâm gì đến những nghị quyết có thể có ở Phôngtennơblô. Theo Xarô, chính Bộ trưởng Mutê cũng phải thừa nhận rằng dù cuộc hội nghị ở Đà Lạt có hợp lý (?) đến đâu chăng nữa người ta vẫn có thể đợi cho cuộc đàm phán ở Phôngtennơblô kết thúc đã. Nhiều tờ báo Pháp nhận xét rằng Đácgiăngliơ đã chơi một trò quá mạo hiểm. Ông ta không hiểu là trò chơi đó “sẽ dẫn đến một cuộc xung đột với cả một dân tộc”.

        Trong phiên họp ngày 26 tháng 7, phái đoàn Việt Nam đã giao cho phía Pháp một bản tuyên bố, kịch liệt lên án việc Pháp triệu tập “hội nghị Liên bang Đông Dương”. Nhưng mãi đến phiên họp ngày 1 tháng 8, phía Pháp vẫn không chịu trả lời phản kháng của phái đoàn ta. Do đó, cuộc đàm phán đình chỉ trong suốt tháng 8.

        Do thiện chí và hoạt động tích cực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3 tháng 9 hội nghị lại tiếp tục bằng một phiên họp hẹp. Trong phiên họp này, phía Pháp1 chỉ khăng khăng đòi thảo luận về các quyền lợi của Pháp ở Việt Nam. Do phía Việt Nam đi trước một bước trong việc nhân nhượng, nên một ban dự thảo tạm ước về các vấn đề trên đã được phác ra (và hoàn chỉnh vào ngày 10 tháng 9). Nhưng sau đó trong phiên họp ngày 7 tháng 9 khi phái đoàn Việt Nam đòi phía Pháp cũng phải có một cố gắng tương tự để thảo luận và đi đến thống nhất về nền độc lập của Việt Nam; việc trưng cầu ý dân về vấn đề Nam Bộ thì Mắc Ăngđrê, đến lượt chủ tọa phiên họp hôm đó, đã tỏ ra ngạc nhiên về những yêu cầu của phái đoàn Việt Nam và lập tức tuyên bố giải tán phiên họp.

        Do thái độ ngoan cố của phía Pháp, từ ngày 8 tháng 9 cuộc đàm phán bị tan vỡ và không bao giờ tiếp diễn nữa.

        Ngày 13 tháng 9, phái đoàn Việt Nam rời Pari lên đường về nước.

        Phân tích nguyên nhân thất bại của hội nghị Phôngtennơblô, nếu chúng ta không thể đồng ý với Xanhtơny khi ông ta cho rằng sai lầm của phía Pháp là đã không cử một nhân vật chính trị “cỡ chóp bu”, thì chúng ta lại có thể nhất trí với ông ta rằng điều chủ yếu là phía Pháp đã lộ chân tướng về những tham vọng chính trị của họ một cách trắng trợn trong cuộc hội đàm này.

        Tham vọng chính trị đó phản ánh những quan điểm cực kỳ phản động mà người ta thường nghe thấy ở Pari trong thời kỳ cuộc hội đàm đang diễn ra. Trong khi tại bàn hội nghị, phái đoàn Pháp luôn luôn khẳng định: “Có một thực tế: Nam Kỳ là lãnh thổ của Pháp” (?!) thì ở bên ngoài, từ cựu Tổng thống Đờ Gôn đến Chủ tịch Quốc hội Heriô (Herriot). từ Thủ tướng Biđôn đến chủ tịch cái gọi là Hội Liên hiệp quốc gia vì Đông Pháp (tức Varen, nguyên toàn quyền Đông dương), cũng đều nói lên những lời lẽ ngang ngược và lạc lõng như thế. Theo tờ Rạng đông (Aurore) số ra ngày 6 tháng 8 năm 1946, Varen trắng trợn đặt vấn đề: “Vì sao người Việt Nam đã từng được Pháp kéo ra khỏi cảnh dốt nát và thân phận tôi tớ mà nay lại dám đứng lên để kết án người Pháp?”.

        (Thế chưa đủ. Điều lạ lùng hơn nữa là tám năm sau, tức là khi mà số phận của đế quốc Pháp trên bán đảo Đông Dương sắp kết thúc trong một bài báo đăng trên tờ Tự do (Liberté) xuất bản ở Campuchia, số ra ngày 3 tháng 2 năm 1954, Mắc Ăngđrê vẫn hết lời ca tụng Biđôn là “con người rất xứng đáng với niềm vinh dự vì... sự sáng suốt của ông ta (qua chỉ thị cho phái đoàn Pháp ở Phôngtennơblô) đã tránh cho cả thế giới tự do một thảm họa: thành trì Đông Dương và cả vùng Đông Nam Á mà thế giới tự do phải bảo hộ đã không rơi vào tay chính quyền cộng sản Mátxcơva”).

---------------------
        1. Chỉ có mặt Pinhông, Tôren, Gônông, những kẻ đại diện cho lập trường phản động của Đácgiăngliơ, những kẻ đã từng lũng đoạn hội nghị Đà Lạt trước đây.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:08:43 am

        Thực tế lịch sử đã chứng minh hậu quả những luận điệu lỗi thời đến mức quái gở trên đây của tập đoàn phản động. Nếu đường lối chính trị thực dân “trói chặt vào xe tăng Mỹ” của những kẻ cầm đầu “Nước Pháp Mới” đã là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tan vỡ của cuộc đàm phán ở Phôngtennơblô, thì chính đường lối đó cũng là nguồn gốc sâu xa dẫn đến thất bại thảm hại của Pháp trên chiến trường Đông Dương sau này.

        Cuộc đàm phán ở Phôngtennơblô tan vỡ. Dư luận Pháp xôn xao nói đến một cuộc chiến tranh sắp có thể nổ ra. Nhưng, như nhận xét của Xanhtơny, “phải chăng đã có một sự may mắn là nhờ có thời gian Cụ Hồ Chí Minh lưu lại thêm ở Pháp mà đã tránh được một cuộc nổ súng?”.

        Nghiên cứu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, thực dân Pháp thừa hiểu rằng những người mà chúng quen gọi là “dân nhà quê của cái xứ An Nam” tuyệt đối không sợ một cuộc chiến tranh chống xâm lược vì lợi ích sống còn của mình. Chính trong những ngày ở trên đất Pari này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói thẳng với phía Pháp rằng nếu họ buộc nhân dân Việt Nam phải chiến đấu để tự vệ thì nhân dân Việt Nam sẵn sàng, nếu một lính Pháp có thể giết được mười người dân Việt Nam thì mười người dân Việt Nam cũng có thể giết được một lính Pháp và cuối cùng chính Pháp sẽ là những kẻ thoái chí và thua cuộc.

        Ngay hôm hội nghị Phôngtennơblô ngừng họp, phóng viên Pháp và phương Tây muốn thăm dò thái độ của phía Việt Nam nên họ xin phỏng vấn chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà báo Mỹ Sơnbrăn (David Schoenbrun) đã ghi lại ý kiến của Người trả lời ông ta trong cuộc phỏng vấn ngày 11 tháng 9 năm 1946.

        Theo ký giả này Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nhân tố mạnh nhất là tinh thần dân tộc. Dù là cộng sản, công giáo, nông dân, công nhân, toàn dân Việt Nam đều nhất trí về mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Nếu cần, toàn dân sẽ cùng nhau chiến đấu cho mục đích đó... Người Pháp đã ký một bản hiệp định (6 tháng 3). Nhưng đối với họ hiệp định ấy chỉ là một sự giả dối. Trên thực tế, nhân dân Việt Nam không có những quyền độc lập thực sự về kiểm soát thuế quan, về ngoại giao, về tài chính. Đất nước Việt Nam bị chia cắt. Người Pháp còn thiết lập chế độ bù nhìn, phân liệt ở miền Nam... Thật vậy, e rằng nhân dân Việt Nam cuối cùng sẽ buộc phải chiến đấu.

        Nhà báo Mỹ này ngạc nhiên hỏi: làm thế nào Việt Nam có thể duy trì được cuộc chiến tranh chống lại người Pháp khi mà Việt Nam không đủ vũ khí nhất là vũ khí tối tân? Cuộc chiến tranh như vậy phải chăng là vô vọng? Câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Sơnbrăn nhắc lại như sau: Không, nó không phải là không có hy vọng. Nó sẽ gian khổ, ác liệt, nhưng nhân dân Việt Nam sẽ thắng trong cuộc chiến tranh đó. Bởi vì Việt Nam có một thứ vũ khí cũng mạnh như loại pháo hiện đại nhất, đó là tinh thần dân tộc. Người ta không thể đánh giá thấp điều đó, đừng nên quên chủ nghĩa anh hùng của quân du kích Nam Tư chiến đấu chống lại quân Đức. Hơn nữa, Việt Nam còn có những vũ khí khác cũng hiệu nghiệm như cơ giới: Việt Nam có đầm lầy còn lợi hại hơn pháo chống tăng, có rừng rậm khiến máy bay không thể nhìn thấu được... Việt Nam có núi, có hang, nơi mà một người có thể chiến đấu chống lại trăm người... Việt Nam có hàng triệu túp lều tranh như những con ngựa thành Tơroa (Troie) phục sẵn ở phía sau đội quân xâm lược... Đây sẽ là một cuộc chiến tranh giữa một con hổ và một con voi. Nếu con hổ dừng lại, nó sẽ bị con voi dùng ngà đâm chết ngay. Có điều là con hổ không bao giờ dừng lại. Ban ngày nó sẽ lẻn vào rừng và chỉ ban đêm mới mò ra. Nó lao vào và xé từng mảng thịt lớn trên lưng voi, rồi nó lại lẻn vào rừng. Và cứ như thế, dần dần voi sẽ chết vì mất máu và kiệt sức. Cuộc chiến tranh Đông Dương sẽ như thế đó...

        Thể hiện ý chí yêu chuộng hòa bình của nhân dân Việt Nam, thể hiện quyết tâm kiên trì đấu tranh để ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh lan rộng, đồng thời cũng nhằm giành thêm thời gian cần thiết để chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đối phó nếu phía Pháp cố tình làm nổ ra chiến tranh toàn cục, ngày 14 tháng 9 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với phía Pháp một bản Tạm ước. Qua Tạm ước đó, một số điểm về quyền lợi của Pháp ở Việt Nam đã được cụ thể hóa, các Ủy ban hỗn hợp Việt - Pháp sẽ được thành lập để giải quyết những vấn đề còn lại. Riêng đối với Nam Bộ, phía Pháp vẫn từ chối việc tổ chức trưng cầu ý dân. Họ chỉ cam kết thực hiện việc đó “khi tình hình đã ổn định”. Để tạo điều kiện tiến tới ổn định tình hình, Pháp buộc phải chấp nhận thực hiện việc ngừng bắn. Theo dư luận báo chí Pháp hồi đó thì “đây là nội dung có tính chất xây dựng nhất của bản Tạm ước”. Việc ngừng bắn cũng như các điều khoản khác có hiệu lực từ ngày 30 tháng 10 năm 1946. Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục cuộc đàm phán vào tháng 1 năm 1947.

        Về bước nhân nhượng mới đó của Việt Nam, chính Xanhtơny sau này cũng phải nhận xét rằng bản Tạm ước 14 tháng 9 “còn quá xa so với điều mong ước của Cụ Hồ trong chuyến đi sang Pháp”.

        Nhưng do mù quáng vì quyền lợi thực dân, do chưa đánh giá nổi thế nào là sức mạnh của dân tộc ta, giới cầm quyền Pháp một lần nữa lại tính sai nước cờ. Và chỉ khoảng mười năm sau, Đờ Gôn (đại diện cho phe chủ chiến hồi đó) mới “lấy làm tiếc” rằng khi ông ta thấy được vấn đề thì đã muộn, quá muộn.

---------------------
        1. Chỉ có mặt Pinhông, Tôren, Gônông, những kẻ đại diện cho lập trường phản động của Đácgiăngliơ, những kẻ đã từng lũng đoạn hội nghị Đà Lạt trước đây.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:43:47 am
       
Chương ba

NÉM LỬA VÀO KHO THUỐC SÚNG

CHƯA THỂ ĐÁNH NGAY

        Ngày18 tháng 9 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Pari và hôm sau, từ cảng Tulông, Người xuống tàu về nước.

        Đúng một tháng sau, tại vùng biển vịnh Cam Ranh, trên chiếc tàu tuần dương Xuyphren, Người đã hội đàm với cao ủy Pháp Đácgiăngliơ. 16 giờ ngày 18 tháng 10, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục cuộc hành trình ra Bắc.

        Ngay khi đó, báo chí chưa biết những vấn đề gì đã được đề cập trong cuộc gặp gỡ ngắn ngủi này. Chỉ biết rằng trong bức điện đề ngày 19 tháng 10 gửi Tổng thống Pháp và tướng Gioăng, cao ủy Đácgiăngliơ đã lưu ý Pari rằng lúc này “thế và lực của Chính phủ Hà Nội ngày càng tăng”, trong khi đó thì người Pháp ở Đông Dương “đang trải qua một cơn khủng hoảng”. Xuất phát từ nhận định (với ý đồ gây sức ép với Pari) rằng “Việt Minh sẽ dùng hành động bạo lực, đó là điều không thể tránh khỏi”, Đácgiăngliơ yêu cầu Chính phủ Pháp cần chấp thuận các phương sách đối phó gấp. Theo viên cao ủy, phía Pháp cần đánh trước, không những chỉ ở Hà Nội mà cả ở miền Trung. Muốn vậy, viên cao ủy xin được tăng viện một sư đoàn 10.000 người. Số quân đó cần có mặt ở Đông Dương vào tháng 3 năm sau (1947) để bổ sung cho đủ số 75.000 quân đã được Chính phủ Pháp chấp thuận trước đây.

        Bức điện của Đácgiăngliơ “đã làm cho Pari ngạc nhiên” vì, dù có tán thành quan điểm của viên cao ủy, trước mắt Chính phủ Pháp vét túi sao cho đủ mười nghìn quân để ném sang Đông Dương?

        Có một chi tiết quan trọng liên quan đến bức điện của Đácgiăngliơ mà sau đó viên cao ủy mới tiết lộ là, trong cuộc hội đàm trên tàu Xuyphren, chính Đácgiăngliơ đã láo xược đòi phía Việt Nam phải “giải giáp và hồi hương (!) quân đội miền Bắc có mặt ở Nam Bộ”. Nhưng Đácgiăngliơ đã vấp phải lời phản kháng và cự tuyệt dứt khoát của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

        Âm mưu của Đácgiăngliơ, Valuy và đồng bọn là chờ viện binh để mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương. Trước mắt, họ chủ trương tìm mọi cách ngăn cản việc thực hiện những gì đã ký kết mà họ cho là bất lợi đối với Pháp, trước hết là việc ngừng bắn vào ngày 30 tháng 10 mà Tạm ước 14 tháng 9 đã quy định. Theo quan điểm của họ, việc ngừng bắn dù chỉ được thực hiện trên đại thể cũng là điều đáng lo ngại vì nó chứng tỏ một sự thật là “người ta (ý nói nhân dân miền Nam) không tuân theo ý đồ của cái chính phủ do đô đốc Đácgiăngliơ nặn ra mà người ta lại phục tùng mệnh lệnh của Chính phủ Hà Nội”.

        Thực dân Pháp ở Nam Bộ không những không chịu ngừng bắn mà còn công khai nói đến “một hành động quân sự đúng thời cơ cho phép ngăn chặn tình hình đang phát triển ngày càng có lợi cho Hà Nội”. Vấn đề là ở chỗ tạo cho được cơ hội để thực hiện ý đồ “quét sạch đám bụi Việt Minh”.

        Tướng Valuy, viên tướng ba sao được chỉ định thay thế Lơcléc từ tháng 7 năm 1946, đã công khai bộc lộ ý đồ muốn chấm dứt “mọi cuộc thương lượng nhùng nhằng”, thay vào đó là những hành động quân sự ngay khi có quân tăng viện. Trong một bức thư gửi về cho tướng Xalăng ở Pháp, Valuy đã nói thẳng ra rằng cái mà y cần lúc này là súng, nhiều súng, nếu không thì “tình hình sẽ trở nên kinh khủng và nước Pháp sẽ mất hết, kể cả cái xứ Đông Dương vô cùng hấp dẫn này”. Valuy viết: “trong khi tình hình đang xấu đi từng ngày, vậy mà các cuộc đàm phán nhùng nhằng cứ diễn ra mãi... Cuộc chiến tranh đã báo hiệu rồi, chúng tôi thấy rất rõ điều đó, vì hàng ngày hàng giờ chúng tôi mặt đối mặt với Việt Minh là những người không chịu nhẫn nhục trước việc quân đội chúng ta trở lại Bắc Kỳ”.

        Bécna Phôn (Bernard Fall, tác giả cuốn Con đường không vui) đã đưa ra một nhận xét kỳ quặc là “lực lượng quân sự Pháp đưa sang Đông Dương quá lớn đến nỗi làm cho các cấp chỉ huy Pháp không cưỡng nổi tâm lý muốn sử dụng nó” (!).

        Về thực chất chẳng qua đó chỉ là một sự đồng tình với bọn tướng viễn chinh Pháp đang muốn dựa vào ưu thế về trang bị kỹ thuật để kêu gào “phải đánh ngay, vì Việt Minh đang muốn ném chúng ta xuống biển” (!).

        Nhưng chúng vẫn chưa đánh ngay được. Trước hết vì chúng vấp phải phương thức đấu tranh của đối phương trên các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh lan rộng, đồng thời tranh thủ từng ngày khẩn trương chuẩn bị lực lượng sẵn sàng đối phó với kẻ thù khi tình thế buộc phải chiến đấu. Chúng khó có thể vin vào bất cứ cớ gì để mở rộng chiến tranh ngay được khi mà Cụ Hồ Chí Minh luôn luôn nói đến hòa bình, hòa giải và hợp tác. Không những trước khi sang Pháp mà ngay trong cuộc họp báo ở Hà Nội (ngày 21 tháng 10), khi vừa ở Pháp về, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyết tâm của toàn dân Việt Nam là giành cho được độc lập và thống nhất hoàn toàn, nhưng đồng thời vẫn chủ trương tham gia Khối Liên hiệp Pháp, hợp tác bình đẳng với nước Pháp. Những lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đã vạch trần những lời xuyên tạc và vu khống của bọn thực dân Pháp ở Đông Dương mà còn có tác dụng ngăn chặn bàn tay của các tướng lĩnh Pháp đang tìm mọi cớ để tiếp tục gây ra xung đột.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:44:39 am

        Mặt khác, cũng là mặt rất quan trọng, sở dĩ chúng chưa “đánh ngay” được vì lực lượng so sánh chưa cho phép và vì chúng đang ở vào tình thế bất lợi. Ngay tại chiến trường miền Nam, nơi chúng huênh hoang là đã “bình định” xong, lại là nơi mà cơ sở chính trị và vũ trang Việt Nam đã được phục hồi sau những ngày khó khăn; chiến tranh du kích đã bước đầu phát triển, nhiều khu du kích đã hình thành... buộc địch phải căng mỏng lực lượng ra để đối phó với một tình thế đã ngày càng có lợi cho ta.

        Những nhận xét dưới đây trong Hồi ký của tướng Xalăng, tuy còn chưa đầy đủ nhưng cũng phần nào nói lên tình thế của Pháp trên toàn cõi Đông Dương cuối năm 1946, một tình thế không cho phép chúng thực hiện chủ trương “đánh ngay”, mặc dù chúng rất muốn điều đó:

        Tại Nam Bộ, sư đoàn 3eDIC ngày càng tỏ ra đuối sức trước một nhiệm vụ vượt xa khả năng của nó trên một chiến trường quá rộng, kể cả nhiệm vụ chiếm đóng và bình định cũng như tổ chức lực lượng ứng chiến để đối phó với hoạt động của đối phương. Đây là một sư đoàn được thành lập vội vã, quân số đã thiếu lại gồm nhiều lính mới, trang bị kém và thiếu. Tuy vậy, Chính phủ Pháp vẫn phải đưa sư đoàn 3eDIC này sang để thay thế sư đoàn 9eDIC từ tháng 3 năm 1946.

        Trong khi đó thì, vẫn theo Xalăng, dù lực lượng của đối phương chỉ chừng vài vạn nhưng họ hoạt động có hiệu quả theo phương thức chiến tranh du kích: không những họ luôn luôn hạ sát “những người Nam Kỳ bạn của nước Pháp” (ý nói bọn Việt gian) mà họ còn đánh những trận phục kích lớn hàng mấy trăm người bằng những quả mìn điều khiển từ xa kết hợp với súng máy trên những đoạn đường dài khiến quân Pháp bị tổn thất nặng nề. Công tác phá hoại “đã làm cho mặt đường giao thông dày đặc những hố vuông như những phím đàn dương cầm”, khiến việc cơ động của các đoàn xe vận tải của quân Pháp bị cản trở.

        Xalăng còn nhận xét: Tại Nam Kỳ, Việt Minh chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh vũ trang lâu dài nên hoạt động của họ đã có chiều sâu. Một tổ chức mạnh và bí mật lãnh đạo dân chúng hành động theo đường lối mà Việt Minh đã vạch ra và trừng trị những người cộng tác với Pháp chống lại đường lối của họ. Trong khi đó thì về phía Pháp, sự thiếu kiên định trong chính sách “đã làm cho nhiều người lìa bỏ chúng ta” (Pháp) để về với hàng ngũ kháng chiến.

        Về mặt chính trị, tức âm mưu lập chính quyền tay sai ở Nam Bộ, Xalăng cho rằng dù “nước Cộng hòa Nam Kỳ” ra đời từ tháng 6, nhưng đến cuối năm vẫn chưa có hành động gì cụ thể và hữu hiệu. Đácgiăngliơ và thực dân Pháp vẫn chỉ coi Nam Kỳ là “một phần đất của chính quốc, chứ không phải là một nước cộng hòa tự do trong khuôn khổ của Pháp”. Ngán ngẩm vì thấy thân phận bị Pháp khinh thường (và đứng trước sự bế tắc trên bước đường làm tay sai cho giặc), “bác sĩ Thinh, thủ tướng Cộng hòa Nam Kỳ, người bạn cũ rất trung thành của nước Pháp”, đã tự sát.

        Còn ở ngoài Bắc, Xalăng than phiền: “mới chỉ trong vòng ba - bốn tháng mà đã bốn người1 thay nhau nắm quyền chỉ huy quân đội. Tình hình không ổn định cứ tồn tại mãi về phía chúng ta (Pháp) khác hẳn với sự gắn bó chặt chẽ của phía Chính phủ của Việt Minh... Đường lối chính trị của chúng ta (Pháp) ngày càng tỏ ra bất định, trong khi kẻ thù thống nhất thành một khối, họ biết rõ mục đích sẽ đạt tới và họ hành động có hiệu quả để đạt tới mục đích đó...”.

        Tất nhiên, đó là những nhận xét Xalăng viết trong Hồi ký xuất bản 15 năm sau. Còn vào cuối năm 1946, Xalăng và đồng bọn đâu đã thấy được sự thật ấy. Họ luôn luôn muốn “tỏ ra đối phương biết mình là kẻ đang chiến thắng”, kẻ đang có ưu thế lực lượng quân sự để gây sức ép. Chẳng thế mà khi đàm phán để thực hiện ngừng bắn ở miền Nam, họ vẫn khăng khăng đòi những người kháng chiến phải “giải giáp và hồi hương” lực lượng vũ trang ở Nam Bộ. Bị thất bại trong việc gây sức ép trên bàn hội nghị, Xalăng và đồng bọn lại chuyển sang dùng lực lượng quân sự để buộc đối phương phải chấp nhận những điều xúc phạm đến chủ quyền. Trong lúc chưa có điều kiện mở rộng chiến tranh ra cả nước, họ cố tìm cách gây ra những cuộc xung đột cục bộ, vì trước sau họ vẫn mong “có thời cơ để dùng sức mạnh cho Việt Minh một bài học” (!). Sau thất bại trong âm mưu làm cuộc chính biến2 ngày 14 tháng 7, họ lại tìm cách diễn lại thủ đoạn đen tối đó vào ngày 11 tháng 11, ngày kỷ niệm chiến thắng của Đồng minh trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất (11-11-1918). Hôm đó, họ chủ trương cùng quân đội Việt Nam tổ chức duyệt binh chung ở Hà Nội để rồi khiêu khích buộc đối phương phải nổ súng hòng kiếm cớ gây ra cuộc xung đột toàn cục. Nhưng chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa đã kịp thời phát hiện âm mưu đen tối đó và đã đấu tranh làm thất bại kế hoạch thâm độc của họ.

--------------------
        1. Salan, Valluy, Crépin, Morlière.

        2. Hồi ấy, Pháp bí mật câu kết với bọn phản động Quốc dân đảng ở Hà Nội, dự định cho bọn này ném lựu đạn vào cuộc diễu binh của Pháp, rồi lấy đó làm cớ gây ra cuộc chính biến, lật đổ Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

            Nhưng, các lực lượng an ninh Việt Nam đã phát hiện được âm mưu đó tóm gọn bọn Quốc dân đảng và tay sai trước ngày 14 tháng 7 nên cuộc chính biến không thành.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:46:44 am

23-11-1946: MỐC QUYẾT ĐỊNH

        Trước tình hình đang trở nên căng thẳng từng ngày, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã gửi công hàm lưu ý Thủ tướng Biđôn và Chính phủ Pháp. Nhưng Đácgiăngliơ và đồng bọn đã cố tình tìm những “lý do về chuyển đạt”1để trì hoãn công hàm của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa nhằm bưng bít hành động gây sức ép về chính trị và lấn chiếm về quân sự của họ.

        Sau này, nhiều sách báo Pháp đã tiết lộ rằng “những lý do về chuyển đạt” đã làm cho bức công hàm đề ngày 16 tháng 11 của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa chỉ đến Pari ngày 30 tháng ấy. Điều đó rất có ý nghĩa, vì chính vào dịp này, ngày 23 tháng 11, cái tổ chức gọi là Ủy ban Đông Dương2đã quyết định dùng biện pháp quân sự để giải quyết mối quan hệ Việt - Pháp, hòng đặt trước Chính phủ đang lung lay của Biđôn một việt đã rồi. Cũng trong dịp này, phối hợp hành động với bọn phản động Pháp ở Pari, Valuy và đồng bọn đã gây ra vụ xung đột ở Hải Phòng và Lạng Sơn, hai cửa ngõ của nước Việt Nam với nước ngoài.

        Cái gọi là “sự kiện Hải Phòng” bắt nguồn từ âm mưu sâu xa của Pháp muốn cướp đoạt thuế quan của Việt Nam ở cảng.

        Người ta biết rằng từ ngày 10 tháng 9, khi hội nghị Phôngtennơblô đã đứng trước nguy cơ tan vỡ hoàn toàn, Đácgiăngliơ quyết định thành lập trạm kiểm soát (?) thuế quan ở khu vực Hải Phòng bắt đầu từ 15 tháng 10. Tướng Moóclie (chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc và thay mặt Xanhtơny về Pháp vắng) đã trực tiếp thi hành chỉ thị đó của viên cao ủy.

        Hành động trên của Pháp đã vi phạm trắng trợn chủ quyền nước Việt Nam, đến nỗi sau này Xalăng cũng phải thừa nhận rằng “đối với người Việt Nam, quyết định đơn phương này là một việc làm tổn thương đến chủ quyền của họ... vì nó trái với hiệp định 6 tháng 3 mà theo tôi (Xalăng) là hiệp định công nhận nền tài chính riêng của họ và tất nhiên quyết định đó không được Việt Minh chấp nhận”. Xalăng còn nhận xét rằng nếu không có lời phản kháng của Việt Minh được Cụ Hồ dội sang Pari ngay sau khi Cụ về tới Hà Nội thì Chính phủ Pháp không thể biết gì (về quyết định này của Đácgiăngliơ) vì Pari không hề nhận được báo cáo nào của người Pháp ở Đông Dương về hành động vi phạm nghiêm trọng đó.

        Đácgiăngliơ và đồng bọn ngoan cố lập luận rằng việc lập trạm kiểm soát thuế quan ở Hải Phòng “chỉ là một giải pháp tạm thời để kiểm soát hàng hóa ra vào (?) chứ không nhằm một mục đích chính trị nào về sau này”. Họ phản đối cuộc gặp gỡ giữa đại biểu hai bên ở Hà Nội, viện cớ là vấn đề thuế quan về nguyên tắc liên quan đến toàn Đông Dương chứ không bó hẹp trong phạm vi cuộc tranh chấp cục bộ ở Hải Phòng, do đó nếu triệu tập hội nghị thì cuộc họp phải diễn ra ở Đà Lạt3 chứ không phải ở Hà Nội.

---------------------
        1. Do điều kiện cụ thể hồi đó, ta chưa có liên lạc trực tiếp với Pari, mọi công hàm đều qua Sài Gòn chuyển tiếp.

        2. Comité d’Indochine, một tổ chức bao gồm những phần tử có nhiều quyền lợi thuộc địa ở Đông Dương trước đây, làm “cố vấn” cho Chính phủ Pháp trong việc vạch ra đường lối đối với ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào.

        3. Đácgiăngliơ và đồng bọn coi thành phố Đà Lạt là “thủ đô” của cái gọi là “Liên bang Đông Dương” (!).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:47:21 am

        Trong thời kỳ này, dư luận Pháp lo ngại rằng “khi mà tinh thần và tâm trạng trước chiến tranh đang bị kích thích cao độ ở Đông Dương, vấn đề (mà Đácgiăngliơ coi là) cục bộ đó có nguy cơ trở thành tia lửa làm nổ tung cả kho thuốc súng... Sự căng thẳng ngày càng tăng ở cảng (Hải Phòng), nơi cả người Pháp và Việt Minh đều đã sẵn sàng nổ súng” (theo nguyên văn: đã đặt ngón tay lên cò súng).

        Thế rồi, ngày 20 tháng 11 “sự kiện Hải Phòng” đã diễn ra. Có những người Pháp viết hồi ký và viết sử đã mất nhiều công sức để chứng minh rằng các lực lượng tự vệ Việt Nam đã nổ súng trước vào quân Pháp khi chúng đang khám xét một thuyền buôn nước ngoài. Nhưng cũng có nhiều người Pháp khác đã vạch trần âm mưu của bọn cầm đầu quân đội viễn chinh Pháp, những kẻ cố tình gây ra vụ xung đột ở Hải Phòng. Theo Adô, bọn Pháp ở Sài Gòn luôn kêu gào dùng chiến tranh để “quét sạch bụi Việt Minh”. Riêng viên tổng chỉ huy Valuy đã ra lệnh cho bọn chỉ huy cấp dưới tìm mọi cơ hội để “cho Việt Minh một bài học đích đáng khi những mưu toan hòa giải không còn ý nghĩa gì nữa”. Bài học đích đáng đó “bắt đầu bằng cuộc pháo kích của ba tàu chiến Pháp”, tiếp đến là “cuộc càn quét rất đúng bài bản của lính Đức trong đội quân lê dương vào các khu dân cư ở Hải phòng”.

        Xalăng thì nhận xét rằng viên đại tá Đebơ (Dèbes, chỉ huy quân Pháp ở Hải Phòng) đã hành động bất chấp cả mệnh lệnh của tướng Moóclie. Viên tướng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ đánh điện khiển trách Đebơ và ra lệnh cho hắn thu quân về trại. Đebơ không chấp hành, vì đằng sau y là tướng Valy, kẻ đã “vượt qua đầu Moóclie để nắm bọn đại tá mà hắn tin cậy”. Chẳng thế mà, trong khi phái đoàn Việt Nam đang cùng phái đoàn Lami (Lami), do Moóclie phái xuống Hải Phòng dàn xếp để tránh cuộc xung đột mở rộng, thì từ Sài Gòn, Valuy đã điện trực tiếp cho Đebơ, hạ lệnh: “Bằng mọi lực lượng có trong tay, phải nhanh chóng làm chủ Hải Phòng... Dù thế nào cũng phải buộc phía Việt Nam rút quân ra khỏi thành phố...”.

        Đebơ chỉ đợi có thế. Ngày 25 tháng 11, y quyết định chiếm hẳn cảng Hải Phòng. Cuộc xung đột thực sự đã nổ. Từ ngoài khơi, hải quân Pháp bắn pháo dữ dội vào khu dân cư. Xlăng thú nhận “rất nhiều thường dân bị chết, đến nỗi hồi đó và cả bây giờ nữa, người ta đã dùng những lời lẽ cay độc để chê trách quân ta (Pháp) về việc làm đó...”.

        Điều đáng chú ý là trong dịp này đã có sự phối hợp hành động khá nhịp nhàng của những người Pháp ở Pari, Sài Gòn và Hải Phòng.

        Trong khi những sự kiện nóng bỏng đang diễn ra ở Hải Phòng thì từ Pari1, Đácgiăngliơ đã dựa vào quyết định ngày 23 tháng 11 của Ủy ban Đông Dương để đốc thúc Valuy ở Sài gòn “phải tiến tới những biện pháp cứng rắn”.

        Ngày 26 tháng 11, Xanhtơny vừa từ Pari sang tới Sài Gòn sau nửa năm về Pháp công cán. Để thực hiện chỉ thị của Pari và để bịt mọi khả năng tiếp tục “những cuộc đàm phán nhùng nhằng”, Valuy yêu cầu Xanhtơny tạm nán lại ít ngày ở Sài Gòn để nhận “thông báo tình hình”. Thực ra, theo Valuy, sự có mặt của Xanhtơny ở Hà Nội lúc này không những sẽ cản trở hành động vi phạm quân sự của bọn tướng lĩnh mà rất có thể còn làm cho ông ta (Xanhtơny) mất mặt, khi mà ông ta là “con bài duy nhất còn lại để liên hệ với phía Việt Minh”.

        Sau này, chính Xanhtơny đã nói thẳng ra rằng: “Tôi lưu lại ở Sài Gòn một tuần lễ (26-11 đến 2-12), nhưng ông ta (Valuy) cũng chẳng có tin tức gì để thông báo cho tôi, dù tôi đã vắng mặt ở Đông Dương bảy tháng”.

        Việc quân đội Pháp đánh chiếm Hải Phòng xảy ra đồng thời với việc chúng đánh chiếm Lạng Sơn.

        Ngày 20 tháng 11, viện cớ đi tìm mồ mả của binh lính chết trong cuộc đảo chính Nhật ngày 9 tháng 3 năm 1945, quân Pháp mò lên các điểm cao chung quanh các vị trí của bộ đội Việt Nam ở Lạng Sơn để chụp ảnh và trinh sát. Phía Việt Nam kịch liệt phản kháng và quân Pháp đã vin vào đó để gây xung đột và chiếm thị xã.

        Sau khi dùng vũ lực đánh chiếm cửa ngõ đường biển (Hải Phòng) và đường bộ (Lạng Sơn), Pháp tiếp tục đánh chiếm sân bay Đà Nẵng, chuẩn bị thực hiện âm mưu cắt đứt đường liên lạc giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam.

        Hành động liên tiếp vi phạm bằng quân sự của phía Pháp đã khiến cho quan hệ Việt - Pháp ngày càng căng thẳng. Ủy ban Liên kiểm Việt - Pháp2không còn tác dụng thực tế nữa.

---------------------
        1. Để tiện cho Valuy và Đebơ chiếm cảng Hải Phòng, Đácgiăngliơ đã lánh mặt về Pháp.

        2. Một tổ chức hỗn hợp có chức năng hóa giải các cuộc xung đột quân sự giữa hai bên Việt - Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:48:54 am

ĐOẠN DÂY CHÁY CHẬM CUỐI CÙNG

        Các tướng lĩnh Pháp ở Pari lúc này cũng đã nhận thấy quân đội của họ “đang tiến tới một cuộc thử sức” với nhân dân Việt Nam và họ đã từng đặt vấn đề trách nhiệm thuộc về ai. Qua báo cáo của Đácgiăngliơ, Valuy và đồng bọn, tất nhiên giới cầm quyền Pháp ở Pari cho rằng mọi việc xảy ra đều do phía Việt Nam. Kết luận mà bọn thực dân Pháp ở Sài Gòn đã báo cáo cho Chính phủ Pháp là: “Đà Lạt, Phôngtennơblô và bản Tạm ước đã trở thành vô nghĩa”... Theo họ, Việt Nam đã “gây ra một sự bế tắc có hệ thống”, làm tan vỡ sự cộng tác thành thật giữa Pháp và Việt Nam, một sự cộng tác do phía Pháp “đã đặt nền tảng và không được tiếp tục theo đuổi” (!). Họ còn lên án Chính phủ Việt Nam đã phát triển quân đội (của chính đất nước Việt Nam) lên đến gần 100.000 người “mà không có sự kiểm soát nào” (!?) và quân đội đó đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh du kích để chống lại quân đội Pháp.

        Ngồi ở Pari nhưng các tướng lĩnh Pháp vẫn lo không biết tướng Valuy có dám “dùng sức mạnh để trả lời sức mạnh không?”, trong lúc “Chính phủ Pháp đang bận rộn về những việc tranh chấp giữa các đảng phái và không làm hết trách nhiệm (?) đối với vấn đề Đông Dương thì liệu tướng Valuy có dám vượt lên trên kỷ luật (?) để hành động vì lợi ích của quân đội thuộc quyền không (?)”. Họ tin rằng Valuy sẽ làm như vậy và tỏ ra đồng tình nếu viên tướng tổng chỉ huy này biết hành động như vậy.

        Tuy nhiên, trong các tướng lĩnh Pháp, có những người đã từng ít nhiều hiểu biết thế nào là quyết tâm và sức mạnh của nhân dân Việt Nam. Họ tỏ ra lo ngại trước nguy cơ chiến tranh lan rộng. Đó là trường hợp tướng Lơcléc. Trong những lần trao đổi với tướng Xalăng về tình hình Đông Dương, Lơcléc thường đặt vấn đề: “Tại sao phía Pháp không tôn trọng Hiệp định 6-3 và Hiệp định 3-41? Tại sao không thực hiện trưng cầu ý dân (về vấn đề Nam Bộ), để đến nỗi xảy ra những sự việc tựa như ném lửa vào kho thuốc súng? Và trong kho thuốc súng đó, dây cháy chậm đã bắt đầu bén lửa...”.

        Không phải vì thiện chí hòa bình mà tướng Lơcléc lo chiến tranh lan rộng. Theo ông ta, chiến tranh lan rộng lúc bấy giờ làm cho Pháp ở vào thế bất lợi. Quan điểm trước sau như một của Lơcléc là “phải có quân, rất nhiều quân... khốn nỗi chúng ta lấy đâu ra người và phương tiện” trong lúc tình hình Mađagaxca và châu Phi không phải là không làm cho Pháp phải lo ngại.

        Xanhtơny than phiền: sau vụ đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn, các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương không được chỉ thị cụ thể của Pari để hành động, vì cao ủy Đácgiăngliơ cứ lì lợm ở lại bên Pháp. Tệ hại hơn nữa “theo truyền thống của nền Đệ tứ Cộng hòa”, ngày 28 tháng 11, nội các Biđôn lại bị đổ. Một lần nữa, gần ba tuần lễ nước Pháp lại không có chính phủ.

        Tất nhiên, lý do không phải hoàn toàn chỉ vì như vậy. Với bức điện ngày 24 tháng 11 của Đácgiăngliơ (truyền đạt quyết định của “Ủy ban Đông Dương” chuyển sang dùng vũ lực), các tướng lĩnh Pháp ở Sài Gòn và Hà Nội đã rộng tay hành động mà không cần biết nước Pháp có chính phủ hay không. Chẳng thế mà chúng đã liên tiếp gây ra hàng loạt vụ khiêu khích nghiêm trọng khác ở Cầu Đuống, Bắc Ninh và nhất là ở nhiều khu phố nội thành Hà Nội. Nếu “sợi dây đàm phán đã trở nên quá căng” như Xanhtơny nhận xét thì sự căng thẳng đó đâu phải do phía Việt Nam, đâu phải do không có chỉ thị của Chính phủ Pháp? Cái gọi là Ủy ban Đông Dương đã ra quyết định ngay khi nội các Pháp còn nguyên vẹn.

        Trước tình hình đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng, ngày 15 tháng 12 năm 1946, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa lại gửi một công hàm cho Chính phủ mới của Pháp. Nhưng một lần nữa bọn hiếu chiến Pháp ở Sài gòn lại tìm mọi thủ đoạn để trì hoãn khiến cho bức công hàm mãi mười một ngày sau mới đến Pari, khi mà tình hình đã trở nên không thể nào cứu vãn nổi.

-----------------
        1. Hiệp định tham mưu do phái đoàn quân sự hai bên ký ngày 3-4-1946, cụ thể hóa những điều khoản của Hiệp định 6-3 về mặt quân sự.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:49:55 am

        Bấy giờ ở Hà Nội giữa Việt Nam và Pháp vẫn có thư qua thư lại và các cuộc gặp gỡ nối tiếp nhau, nhưng do âm mưu đã được sắp đặt trước, Pháp cứ tiếp tục gây sức ép hòng buộc đối phương phải nhân nhượng.

        Nguy cơ một cuộc chiến tranh toàn cục đã đến gần.

        Ngày 17 tháng 12, quân Pháp bắn vào trụ sở của lực lượng tự vệ thành Hà Nội và gây ra vụ thảm sát ở các khu phố Yên Ninh, Hàng Bún. Ngày 18, chúng chiếm Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính.

        Thế nhưng, trong cuộc gặp gỡ hồi 11 giờ ngày 18, đại diện bộ chỉ huy Pháp vẫn khăng khăng đòi phía Việt Nam phải phá các ụ chướng ngại trên các đường giao thông để Pháp tiện bề chuyển quân và tiếp tế. Một mặt họ đưa những hình ảnh tàn phá của chiến tranh hòng dọa nạt, mặt khác lại ve vãn đối phương không nên làm đổ vỡ (?) khi mà nền độc lập đã đến gần... Đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lên án mọi hành động vi phạm của phía Pháp và thẳng thắn trả lời họ rằng: sau Nam Bộ, Hải Phòng và Lạng Sơn... thế là hết, nhân dân Việt Nam sẽ không nhân nhượng nữa. Nếu phía Pháp cố tình làm nổ ra chiến tranh, nhân dân Việt Nam sẵn sàng trả lời họ bằng chiến tranh. Hy sinh, tổn thất trong chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Nhân dân Việt Nam không muốn điều đó. Nhưng một khi phía Pháp buộc Việt Nam phải chiến đấu tự vệ, nhân dân Việt Nam không sợ bất kỳ hy sinh nào để giành cho được độc lập. Hơn nữa, trong cuộc chiến tranh sắp tới, không phải chỉ có phía Việt Nam mà phía Pháp cũng không thể tránh khỏi chết chóc, tổn thất.

        Đây là cuộc gặp gỡ cuối cùng trước ngày nổ súng.

        Đêm 18 tháng 12 năm I 946, Bộ chỉ huy Pháp gửi tối hậu thư đòi tước vũ khí của tự vệ Hà Nội đòi chiếm Sở Công an Hà Nội và đòi quyền “quản lý” thành phố. Sáng 19, Xanhtơny lại gửi Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa một văn thư. Sau khi vu cáo “phía Việt Nam đã gây ra một số vụ tàn sát ở Hà Nội”. Xanhtơny láo xược đòi phía Việt Nam, trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận được văn thư, phải truy lùng, bắt giữ và trừng trị những người đã gây ra những vụ đổ máu đó. “Quá thời hạn trên, Xanhtơny nói, tôi rất lấy làm tiếc về sự bất lực và dụng ý xấu của cơ quan an ninh của các ngài và tôi sẽ tự cho phép mình được quyền truy lùng hung thủ, để tránh tái diễn mọi vụ xung đột đổ máu như vậy...”.

        Thực tế hành động của phía Pháp chứng tỏ, nếu sau thất bại của hội nghị Phôngtennơblô, khả năng hòa hoãn ngày càng hạn chế thì, vào cuối trung tuần tháng 12 năm 1946, khả năng đó không còn nữa. Nguy cơ chiến tranh rõ ràng không thể tránh khỏi. Đã đến lúc nhân dân Việt Nam buộc phải cầm súng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền đã bị đế quốc Pháp xâm phạm hết sức nghiêm trọng.

        Tức nước ắt vỡ bờ. Bất kỳ một sự nhân nhượng chính đáng nào cũng đều có giới hạn của nó. Sợi dây cháy chậm do Pháp châm ngòi đã cháy tới đoạn cuối cùng. Kho thuốc súng tất phải nổ.

        20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, khi mà “nín nhịn đã nung nấu trong lòng dân tộc ta biết bao uất hận, nổ thành một sức mạnh xung thiên”1, quân dân Việt Nam trong cả nước đã chủ động nổ súng tiến công địch.

        Xanhtơny, một trong những kẻ bị thương nặng ngay từ những phút đầu tiên ở Hà Nội tối hôm đó, sau này chỉ dám nói lại một cách lập lờ rằng trong cơn hoảng loạn vì xe bị trúng mìn, ông ta chỉ nhận ra được một điều: Cuộc chiến tranh trên toàn cõi Đông Dương đã bắt đầu. Ông ta không dám nói rõ một sự thật là: sở dĩ Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ2 đến đây chấm dứt vì chính ông ta, tác giả “câu chuyện” và đồng bọn là những kẻ chịu trách nhiệm trực tiếp về sự “bỏ lỡ ấy”.

        Điều đó chỉ hàng chục năm sau ông ta mới nhận thấy và mới dám nói ra. Quá muộn!

-----------------
        1. Trường Chinh “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, Tác phẩm chọn lọc, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, t. 2, tr. 22.

        2. Histoire d’ une paix manquée, cuốn sách do Xanhtơny viết về quan hệ Việt - Pháp trong những năm 1945-1946, xuất bản ở Pari năm 1954, tái bản năm 1957.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:50:46 am

BẤT NGỜ VÀ BỊ ĐỘNG

        Từ ngày 17 và nhất là từ chiều 19 tháng 12 năm 1946, viên đại tá Tơrôca (Trocard), phụ trách Phòng nhì, đã cung cấp cho Bộ chỉ huy Pháp những “tin tức đáng lo ngại” về cuộc tiến công sắp tới của Việt Minh. Liên tiếp trong mấy ngày đó, luôn luôn có một bộ phận quân đội Pháp bị cấm trại. Nhưng rồi bọn Pháp vẫn bị bất ngờ trước cuộc tiến công quyết liệt nổ ra không những chỉ ở Hà Nội mà còn ở khắp mọi nơi có quân đội Pháp.

        Hai mươi giờ. Tiếng mìn của tự vệ công nhân Hà Nội phá nhà máy điện vừa nổ, cả thành phố chìm trong đêm tối. Pháo binh Việt Nam từ các pháo đài ngoại thành dồn dập rót vào các vị trí Pháp trong thành phố. Theo kế hoạch đã định sẵn, trong lúc các chiến sĩ Vệ quốc đoàn và tự vệ thành nổ súng tiến công các vị trí xung yếu của địch trong thành phố, cây cối và cột điện được hạ xuống, bàn ghế, giường tủ, quầy hàng... được tung ra đường. Phố xá đầy những vật chướng ngại, kể cả những toa tàu hỏa, tàu điện... Ngồi ở Pari, Xalăng nhận được tin tức nói rằng “việc chi viện của cơ giới và thiết giáp (của cấp trên) trở nên khó khăn... Các đơn vị thiết giáp xuất phát từ các căn cứ ở gần Hồ Tây không thể ứng cứu kịp thời cho quân Pháp ở những nơi cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra..., khiến cho mỗi vị trí, mỗi đơn vị, mỗi căn nhà đều bị cô lập trong nhiều giờ, không có sự chỉ huy của cấp trên...” (Hồi ký của Xalăng).

        Mãi đến sáng 20 các đơn vị cơ giới của sư đoàn 9è DIC, được coi là “có truyền thống chiến đấu trong thành phố, có sở trường phối hợp với bộ binh”, mới xuất hiện. Sự chi viện của cơ giới và “của ánh sáng mặt trời”1đã giúp cho quân Pháp ở Hà Nội “thoát khỏi nỗi kinh hoàng bao trùm toàn thành phố đêm trước”, một nỗi kinh hoàng khiến chúng hồi tưởng đến thảm cảnh đêm 9 tháng 3 năm 1945, khi bị Nhật đảo chính.

        Để trấn an tinh thần binh lính, ngày 20 tháng 12, tổng chỉ huy Valuy từ Sài Gòn tung ra một bản nhật lệnh, kêu gọi quân Pháp ở miền Bắc Đông Dương hãy “cùng nhau nghiến răng chịu đựng trước cuộc xung đột đang diễn ra ác liệt… hãy tiết kiệm phương tiện chiến đấu, nhất là đạn dược...”. Valuy hứa hẹn với quân lính ở miền Bắc rằng “chẳng bao lâu nữa các bạn sẽ được tăng viện, tiếp tế...”. Và đến khi đó thì “chúng ta sẽ tập trung mọi nỗ lực để tiêu diệt bọn quân ô hợp...”(!). Cuối cùng Valuy động viên: “Các bạn hãy dũng cảm lên, hỡi sư đoàn bộ binh thuộc địa thứ 9... Chúng ta hãy hành động như khi còn ở Pháp: luôn luôn là những người chiến thắng”(!).

        Theo nhận xét của Xalăng và nhiều tướng lĩnh Pháp, trong những ngày cuối tháng 12, mặc dù quân Pháp “đã bị tổn thất rất nhiều để chiếm một số vị trí ở Hà Nội và giải tỏa sân bay Gia Lâm nhưng trên đất Bắc Kỳ, tất cả nào đã xong xuôi. Quân Pháp ở Hà Nội vẫn bị bao vây và cô lập hoàn toàn. Đường chiến lược số 5 bị cắt đứt vì các vị trí Pháp ở khu vực cầu Lai Khê “đã bị tràn ngập và đánh chiến... sau đó Việt Minh lại phá mất cầu, phá cả đường sắt và đường bộ”. Bắc Ninh và Phủ Lạng Thương cũng bị bao vây, mãi đến ngày 26 tháng 12, các vị trí trên mới được các đơn vị của đại tá Giô (Giraud) từ Hà Nội đến giải vây.

        Nam Định, thành phố được Pháp coi là quan trọng vào hàng thứ ba ở Bắc Bộ, một vị trí gồm 450 tên thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 6 (2/6 RIC, thiếu một đại đội đóng ở Hải Dương), đã rơi vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn... Cuộc bao vây ở đây kéo dài...

        Không phải quân Pháp chỉ bị tiến công ở Bắc Kỳ, vì “ông Võ Nguyên Giáp đã ra lệnh khắp nơi nổ súng”.

        Tại Trung Bộ, “một trung tâm quan trọng là thành phố Vinh đã nhanh chóng bị chiếm, hầu như không có sự chống cự”. Sự thật là toàn bộ quân Pháp ở Vinh đã đầu hàng ngay khi bị tiến công. Chiến sự vừa xảy ra ở Hà Nội, quân Pháp ở Huế đã được báo động, nhưng chúng vẫn không khỏi bị bất ngờ khi những viên đạn súng cối Việt Nam rót vào vị trí của chúng ở trường trung học Khải Định lúc 2 giờ 15 phút ngày 20. Theo báo cáo của viên đại tá Bruygiơ (Bruge, chỉ huy quân Pháp ở Huế) thì ngay từ đầu, nhiều lính Pháp bị chết và bị thương. “Mọi người vội vồ lấy súng và cảnh rối loạn càng tăng khi tiếng lựu đạn và tiếng súng nổ ran trong khu phố Tây, khi cầu Clêmăngxô (tức cầu Tràng Tiền ở Huế) bị phá sập, tiếp đến toàn cố đô bị chìm đắm trong đêm tối vì điện tắt lúc 2 giờ 45...”. Viên đại tá Bruygiơ cũng thú nhận: chỉ sau mấy ngày chiến đấu, mặc dù quân Pháp giữ được một số vị trí trong thành phố và nối được liên lạc với Đà Nẵng, nhưng số lính Pháp bị chết, bị mất tích đã lên tới khoảng một trăm.

        “Những tuần lễ khó khăn bắt đầu”, đó là nhận xét của tướng Xalăng. Còn các ký giả Pháp và phương Tây có mặt ở Đông Dương cuối năm 1946 thì cho rằng quân Pháp đã “đâm đầu vào một tổ ong bầu vẽ”. Đó là cuộc chiến tranh tự vệ của cả một dân tộc, một cuộc chiến tranh “sẽ làm cho quân đội Pháp kiệt sức, sẽ làm cho nước Pháp trải qua một thời gian dài không ngóc đầu lên được” như tướng Lơcléc đã từng dự đoán.

-------------------
        1. Ý nói khi trời đã sáng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:51:25 am

CUỘC HÀNH TRÌNH VÔ ÍCH CỦA NGÀI BỘ TRƯỞNG

        Một ngày sau khi được cử ra lập nội các mới, một nội các mà thành phần chủ yếu thuộc đảng Xã hội Pháp, ngày 18 tháng 12, Thủ tướng Blom (Léon Blum) triệu tập cuộc họp của hội đồng bộ trưởng. Ngoài việc thúc giục cao ủy Đácgiăngliơ trở lại ngay Đông Dương, Chính phủ còn phái Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mutê sang để “nắm tình hình tại chỗ và tìm giải pháp thích nghi với thời cuộc”.

        Tin tức về cuộc chiến tranh lan rộng ở Việt Nam bay đến Pari trưa 20 tháng 12 đã gây xúc động mạnh trong dư luận công chúng cũng như trong Quốc hội Pháp. Báo chí tiến bộ Pháp, đặc biệt là các báo của Đảng Cộng sản Pháp, ngay từ số ra buổi chiều ngày 20, đã lên án “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” của đế quốc Pháp xâm lược Đông Dương.

        Để lừa bịp dư luận, Thủ tướng Blom nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng Bộ trưởng Mutê đã được chỉ thị “bằng bất kỳ giá nào cũng phải gặp và tiến tới hòa giải với Cụ Hồ Chí Minh”. Nhưng âm mưu thâm độc và thủ đoạn lừa bịp của phái hữu trong Chính phủ Pháp đã bị báo chí Pari đưa dần ra ánh sáng. Nhiều ký giả theo sát việc làm của cao ủy Đácgiăngliơ và Bộ trưởng Mutê đã sớm thấy rõ bộ mặt thật của giới cầm quyền Pháp1.

        Ngay sau khi đến Sài Gòn (20-12-1946), Đácgiăngliơ được tổng chỉ huy Valuy dẫn ra Hà Nội để “chứng kiến cường độ của cơn bão” mà chính họ là những kẻ gieo gió. Vội vã trở về Sài Gòn, viên cao ủy và tướng tổng chỉ huy hy vọng sớm gặp Bộ trưởng Mutê để gấp rút tìm phương sách đối phó với tình hình mà họ cho rằng “đã trở nên không thể nào cứu vãn nổi”.

        Vừa đặt chân đến Cairô (thủ đô Ai Cập) và nắm được tin tức về những gì đã xảy ra ở Việt Nam đêm 19, ngài Bộ trưởng Mutê đã tính chuyện bay trở lại Pari. Nhưng rồi nghĩ rằng động tác “đằng sau quay” quá vội vã như vậy có thể đem lại hậu quả tai hại cho bản thân trong cuộc bầu cử địa phương đang diễn ra ở Pháp, cho nên cuối cùng ngài đã bay tiếp sang Tân Sơn Nhất. Như những vai kịch thành thạo đã được đạo diễn chu đáo trước khi bước lên sâu khấu, trong lời phát biểu khi đón tiếp Mutê, Đácgiăngliơ nói: “Thưa ngài bộ trưởng, qua những sự kiện xảy ra mà ngài đã biết, tôi thấy rõ ràng là ngài không thể nào gặp được ông Hồ Chí Minh”. Mutê lập tức ứng khẩu trả lời: “Thật vậy, tôi thấy không thể mời được ông Hồ Chí Minh gặp tôi và cũng chẳng còn điều gì để nói chuyện nữa”.

        Thế rồi, trong khi một sĩ quan “quen biết miền Bắc” được phái ra Hà Nội để “thăm dò tình hình” thì ngài bộ trưởng “đầy thiện chí hòa giải” ấy bắt đầu một cuộc du ngoạn ở Báttambang, ở vùng Ăngco và Viêng Chăn. Mãi đến ngày 2 tháng 1 năm 1947, ngài mới ra Hà Nội, đúng vào lúc có tin nói rằng phía Việt Nam sẵn sàng gặp gỡ đại diện của Chính phủ Pháp để tìm giải pháp thỏa đáng chấm dứt cuộc xung đột. Thật là nan giải, vì thiện chí giả của ngài bộ trưởng đã vấp phải thiện chí thật của Việt Minh. Ngài bộ trưởng bỗng trở nên lúng túng và lập tức trở lại Sài Gòn vì ngài “cần có thời gian để suy nghĩ”. Thế nhưng, vừa đặt chân đến Sài Gòn và chưa kịp “suy nghĩ” thì ngài bộ trưởng đã nhận được bức điện từ Pari báo cho biết rằng ngài đã bị thất bại trong cuộc bầu cử ở Pháp. Thế là mất hết. Ngài bộ trưởng hy vọng rằng, với “cuộc công cán đầy thiện chí” sang Đông Dương, ngài sẽ hốt được một số phiếu cần thiết để trở thành ông nghị ở hạt Đrôm (Drôme). Nào ngờ!

        Không còn tâm địa nào để đóng nốt vở kịch mà Pari đã dàn cảnh, ngài bộ trưởng rời Sài Gòn với lời tuyên bố. “Trong khi chờ đợi tình hình chính trị phát triển (?), tôi phải đi thăm ông toàn quyền Anh ở Ấn Độ theo kế hoạch đã trù tính từ trước. Sau đó tôi sẽ trở lại đây và bấy giờ mọi việc quan trọng sẽ bắt đầu...”.

        Nhưng rồi sau mấy ngày yến tiệc ở Ấn Độ, ngài bộ trưởng đã bay thẳng về Pari, kết thúc cái mà dư luận báo chí Pháp gọi là “một cuộc hành trình vô tích sự”, một chuyến đi “điều đình để mà không điều đình”.

--------------------
        1. Tạp chí Tinh thần (Esprit) số ra tháng 4 năm 1947 vạch rõ: Trong đại hội lần thứ ba của Đảng Cộng hòa bình dân, Mắc Ăngđrê đã tiết lộ: do áp lực của phái hữu trong giới cầm quyền, Chính phủ Pháp đã chỉ thị cho Mutê sang Đông Dương “điều đình để mà không điều đình”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:52:16 am
        
KIẾN NGHỊ CỦA TƯỚNG LƠCLÉC

        Thật ra, khi giao cho Mutê sang công cán ở Đông Dương, Thủ tướng Pháp cũng chỉ đề ra những “yêu cầu chính trị hạn chế là tung ra một lớp hỏa mù về thiện chí hòa giải”. Còn muốn thực hiện ý đồ mà tờ Tin điện (La Dépêche) số ra ngày 21 tháng 12 đã nói toạc ra là “giải phóng Bắc Kỳ khỏi bọn giặc cỏ” (!), thì phải phái thêm một nhân vật quân sự “có kinh nghiệm về Việt Minh” sang Đông Dương vì lúc này “Đông Dương là vấn đề quân sự”.

        Vì vậy, ngày Mutê lên đường cũng là ngày Thủ tướng Pháp vời Lơcléc đến để “tham khảo ý kiến và giao nhiệm vụ sang thanh tra quân sự ở Đông Dương”. Lêông Blom hy vọng viên tướng đã từng “chỉ huy nổ những phát súng đầu tiên” (mở màn cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương) lại là người không kém phần “kinh nghiệm với Việt Minh”, có thể giúp cho Chính phủ Pháp tìm ra phương sách tiêu diệt được đối phương.

        Bạn bè của Lơcléc kể rằng, từ khi trở về Pháp (7-1946) viên tướng này “không ngừng nghĩ tới Đông Dương”. Không những ông ta theo dõi mà còn “nghiên cứu kỹ bước đường đã dẫn tới tấn thảm kịch”. Hơn ai hết, Lơcléc biết rằng “ở Bắc Kỳ, Pháp chỉ đủ lực lượng để bảo đảm an toàn cho kiều dân Pháp”, rằng “trong bất kỳ trường hợp nào, lực lượng hiện có của Pháp cũng không thể tiêu diệt được Việt Minh, không bẻ gãy được tinh thần dân tộc của người Việt Nam”.

        Khi được giao nhiệm vụ sang công cán ở Đông dương, Lơcléc đề nghị Chính phủ Pháp công khai tuyên bố hai điểm:

        “1. Nước Pháp quyết định chấp thuận cho các xứ An Nam (Lơcléc vẫn giữ quan điểm chia Việt Nam thành ba “kỳ”) mọi điều mà họ đáng được hưởng phù hợp với sự phát triển và sự trưởng thành của họ.

        2. Nước Pháp cũng cương quyết đàn áp mọi hành động nổi loạn (cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam)”.

        Về mặt quân sự, Lơcléc yêu cầu Chính phủ Pháp “cung cấp cho quân đội viễn chinh những phương tiện cần thiết để vãn hồi an ninh, vãn hồi lực lượng so sánh như trước ngày xảy ra những biến cố. Từ đó, sẽ cùng dân An Nam đạt tới một cuộc thương thuyết trên cơ sở chiếu cố đến sức mạnh tinh thần dân tộc của họ” (!).

        Ngày 25 tháng 12, Lơcléc lặng lẽ rời Pari, không những vì Blom đã nhắc khéo rằng cuộc công cán này rất tế nhị do sự có mặt của Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Mutê ở Đông Dương, mà còn vì Đácgiăngliơ đã nói thẳng với Thủ tướng Pháp rằng ông ta không muốn một viên tướng năm trước còn ở dưới quyền ông ta được giao nhiệm vụ sang thanh tra quân sự. Đácgiăngliơ dọa sẽ từ chức nếu cuộc thanh tra quân sự này xúc phạm đến danh dự cao ủy của ông ta.

        Lơcléc đến Sài Gòn không kèn không trống, không một lời diễn văn chào mừng và tất nhiên không được Đácgiăngliơ tiếp. Họp bàn với Valuy, Lơcléc thống nhất nhận định:

        1. “Việt Minh là linh hồn của cuộc kháng chiến. Họ sẽ chống lại Pháp đến cùng bằng một cuộc chiến tranh du kích lâu dài khiến cho Pháp hao mòn”.

        2. Mục đích của Pháp là “lập lại trật tự”, nhưng là một thứ trật tự “khiến cho người bản xứ không hồi tưởng lại năm 1939”1. Muốn vậy, phải dựng lên những chính phủ tự trị, trên cơ sở sự ủng hộ của các phong trào quốc gia, sự tin cậy giữa Pháp và bọn bù nhìn và sự bảo đảm tính mạng cho bọn này. Từ đó mới làm cho Việt Minh suy yếu và tiến tới tiêu diệt họ. “Tất cả những điều đó không đơn thuần là vấn đề quân sự nhưng cũng không hoàn toàn chỉ là vấn đề dân sự”.

        3. Phải thay đổi người cầm đầu của Pháp ở Đông Dương. Người đó phải là một nhân vật chính trị nhưng biết điều hành về quân sự, “như vậy mới áp dụng được những nguyên tắc bình định đã từng được áp dụng hàng thế kỷ nay”.

        4. Vì Pháp không đủ lực lượng để “nhận chìm” xứ này, mà nếu chỉ chiếm đóng vùng đồng bằng thôi thì không đủ. Bởi vậy công cuộc bình định phải được tiến hành trong nhiều năm và chỉ kết thúc khi chính quyền Pháp đủ sức mạnh để “giải giáp” và “loại trừ Việt Minh”. Chủ trương đó “đòi hỏi nhiều công sức vì tình hình đã trở nên quá nghiêm trọng”.

        5. Phải tập trung nỗ lực quân sự vào nơi nào “chắc chắn có thể thành đạt được”. Mong muốn “giải quyết đồng thời cả ở Trung - Nam - Bắc là một điều ngông cuồng”.

        6. Tóm lại, “nước Pháp phải hiểu rằng đây là vấn đề lâu dài và tốn kém”.

        Ngay sau cuộc họp với Valuy, Lơcléc vội vã ra Hà Nội, như để tránh mặt Đácgiăngliơ, người tỏ ra rất khó chịu vì sự có mặt của viên thanh tra quân sự ở Sài Gòn.

        Tại Hà Nội, sau khi nghe báo cáo tình hình, Lơcléc quyết định yêu cầu Pari triệu hồi Moóclie, tư lệnh quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương, người mà Lơcléc cho rằng phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì đã bất lực để cho quân Pháp lâm vào cảnh khốn quẫn. Song người ta cho rằng Moóclie chẳng qua chỉ là vật hy sinh, vì Lơcléc “giận cá chém thớt”, không dám động đến hai kẻ cầm đầu thực dân Pháp ở Đông Dương và cũng là hai kẻ chịu trách nhiệm chính về cuộc xung đột đang diễn biến. Thế lực của Đácgiăngliơ còn mạnh vì đằng sau Đácgiăngliơ là Đờ Gôn. Còn Valuy, vốn là bạn nối khố với Lơcléc và là quan thầy của Đebơ, y đã khéo dùng bàn tay của Lơcléc để gạt Moóclie và cất nhắc Đebơ lên thay quyền chỉ huy quân sự ở miền Bắc Đông Dương.

        Một trong những điều lo ngại nhất của Lơcléc là số phận của đám quân Pháp đang bị vây chặt ở thành phố Nam Định. Ngày 4 tháng 1, Lơcléc gửi cho bọn này bức điện động viên “tỏ lòng khâm phục” với lời hứa hẹn “mọi nỗ lực đều nhằm vào việc giải tỏa (Nam Định) càng sớm càng hay”. Theo lệnh của Lơcléc, ngày 6 tháng 1, quân Pháp tập trung một số đơn vị thủy đội xung kích (dinassaut) và quân dù để mở cuộc hành quân giải tỏa cho bọn Pháp ở Nam Định. Sau hai ngày, với 25 tên chết và hơn 60 tên bị thương, cuộc hành quân đã thất bại. Vòng vây của các chiến sĩ Việt Nam quanh thành phố vẫn siết chặt. Pháp chỉ dùng máy bay chuyển đi được một số tên lính hoặc bị thương hoặc không còn sức chiến đấu. Qua những trang nhật ký của viên thiếu tá Đabôvan (Daboval), chỉ huy quân Pháp ở Nam Định, người ta thấy hắn đã đánh giá cao cuộc hành quân giải tỏa, vì theo Đabôvan, mặc dù bị thất bại và phải trả bằng giá đắt, cuộc hành quân hỗn hợp thủy - không quân ấy đã nhắc khỏi vai viên thiếu tá này một gánh nặng trong lúc hắn đang ở vào thế nghẹt thở và hoàn toàn bị cô lập.

---------------------
        1. Ý nói “thời kỳ hoàng kim”, Pháp toàn quyền cai trị Đông Dương, chưa bị Nhật đe dọa.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:53:11 am

        Trở về Pháp ngày 12 tháng 1, tướng Lơcléc đã báo cáo tình hình với Thủ tướng Blom và hiến kế cứu vãn quân Pháp ở Đông Dương thoát khỏi cảnh bế tắc bấy giờ. Ý kiến của viên tướng này có thể tóm tắt như sau:

        Về tư tưởng chỉ đạo, Lơcléc cho rằng các cuộc hành binh không thể giải quyết được vấn đề Đông Dương. Giải pháp quân sự phải gắn với các nỗ lực về chính trị.

        Nhận xét đầu tiên của Lơcléc là, về mặt chính trị, “ảnh hưởng của ông Hồ Chí Minh và Đảng của ông (Lơcléc gọi Mặt trận Việt Minh là Đảng) đã lan rộng trên toàn cõi Đông Dương... Được sự ủng hộ ngày càng rộng rãi của dân chúng, Chính phủ Việt Nam đã tạo nên được thế mạnh để thực hiện đường lối chính trị của mình...”.

        Trong khi đó thì ngược lại, “nước Pháp chẳng hiểu rõ mình muốn gì và phải làm thế nào để đạt được mục đích đó”. Lơcléc cho rằng “một nỗ lực quân sự mạnh mẽ đi đôi với một chính sách chia rẽ” bằng cách lôi kéo các phong trào đối lập các dân tộc ít người ở vùng rừng núi để chống lại Việt Minh mới “làm cho đối phương nản lòng”, mới tạo điều kiện tiến tới thương lượng và lập “một chính phủ phù hợp với lợi ích (của Pháp) ở Đông Dương và lợi ích của Khối Liên hiệp Pháp hơn là Chính phủ Việt Minh hiện nay”.

        Về tình hình quân sự, Lơcléc cho rằng “ở khắp nơi, bản Tạm ước (14-9) ký kết tại Pari đã giúp cho Việt Minh củng cố thế đứng của họ, đồng thời đẩy lùi chúng ta (Pháp)”. So với miền Nam, “tình hình miền Bắc đã trở nên nghiêm trọng hơn nhiều” ... “nhất là ở Hà Nội và đường Hà Nội - Hải phòng”. Lơcléc phản đối chủ trương đánh thọc lên vùng rừng núi Bắc Việt, “một việc không thể làm được vì không đủ lực lượng, hơn nữa một cuộc hành binh như vậy là không cần thiết”. Vấn đề cấp thiết trước mắt theo Lơcléc là “trước tháng 4 (trước khi mùa mưa đến) phải khôi phục được tình hình”. Giai đoạn mười tháng vừa qua (ý nói từ tháng 3 đến tháng 12-1946 phải được coi là một thất bại (của Pháp). Trong giai đoạn sắp tới, một giai đoạn có thể kéo dài, phải chuẩn bị thêm lực lượng để đạt được các ý đồ cả về quân sự và chính trị”.

        Về lực lượng so sánh Lơcléc nhận xét: “với quân số đông, vũ khí nhiều và thường xuyên được cải tiến, đối phương có thể chiến đấu lâu dài...”. Còn về phía Pháp ngoài yêu cầu tăng viện binh lực1, không có vấn đề gì cấp bách phải giải quyết. Nhưng “điều sai lầm nghiêm trọng hơn cả là (Pháp) đã đánh giá thấp tinh thần kiên trì kháng chiến của Việt Minh”.

        Trên lĩnh vực hành chính, Lơcléc yêu cầu Chính phủ Pháp thay đổi một số nhân vật dân sự, những kẻ “cứng nhắc về mặt hiểu biết, cứ tưởng rằng tình hình vẫn không có gì thay đổi so với năm 1939”. Chỉ có như vậy mới “tạo nên một tinh thần mới, theo gương của Mỹ, mới tạo nên bước tiến trong mối quan hệ kinh tế, chính trị, tâm lý..., mới thấy được nguyện vọng của dân bản xứ...”.

        Cuối cùng, Lơcléc kết luận: “Không thể có biện pháp nửa vời trong nỗ lực quân sự, mặc dù Đông Dương trước hết là một vấn đề chính trị. Nếu nước Pháp không muốn những biến cố ở Đông Dương tác động tai hại đến phần còn lại của Khối Liên hiệp Pháp thì phải dứt điểm trong những thời cơ có lợi nhất”.

        Dư luận cho rằng những lời khuyên của Lơcléc “đã lọt tai Thủ tướng Pháp”. Chẳng thế mà sau khi nghe báo cáo, Blom liền yêu cầu tướng Lơcléc trở lại đảm nhiệm chức tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. “Đó chỉ là bước đầu. Tướng quân sẽ đi tiếp bước nữa, tức là sẽ thay thế cả đô đốc Đácgiăngliơ, kiêm chức cao ủy...”.

        Lơcléc từ chối. Thủ tướng Blom nằn nì. Lơcléc khất xin mười ngày “để suy nghĩ”.

        Được hỏi ý kiến, ngày 13 tháng 1, Đờ Gôn khuyên Lơcléc nên sang Bắc Phi mà không nên trở lại Đông Dương. Theo Đờ Gôn tình hình Đông Dương trở nên nghiêm trọng là do đường lối của Chính phủ Pháp chứ không phải do Đácgiăngliơ. “Triệu hồi đô đốc về Pháp là một sai lầm. Ngược lại, phải ủng hộ ông ta”. Đờ Gôn cho rằng chỉ cần gửi viện binh sang, “tình hình quân sự sẽ thay đổi, lúc đó sẽ áp dụng chính sách mới trên cơ sở mới vững chắc hơn”.

        Ý kiến của Đờ Gôn được tổng tham mưu trưởng Gioăng (Juin) tán thành.

        Ngày 16 tháng 1 năm 1947, khi tướng Lơcléc biên thư trả lời Thủ tướng Pháp, từ chối không trở lại Đông Dương, cũng là lúc Vanhxăng Ôriôn (Vincent Auriol, Tổng thống Pháp) chỉ định Ramađiê (Paul Ramadier) lập nội các mới, thay nội các Blom. Ngày 6 tháng 2, Ramađiê ra bản tuyên bố vu cáo Việt Nam đã “đáp lại chính sách hòa giải của Pháp bằng mọi hành động xâm lược (!) đã được chuẩn bị từ trước”, Ramađiê dọa: “Chính phủ Pháp sẽ không tiếc bất kỳ một cái gì để quân đội Pháp có mọi thứ cần thiết... nhằm giải tỏa các đồn binh, khôi phục các đường giao thông chủ yếu…”.

        Điểm mặt các tướng lĩnh Pháp có thể đưa sang Đông Dương để tiếp tục điều hành cuộc chiến tranh xâm lược Ramađiê vẫn thấy không còn viên tướng thực dân nào hơn Lơcléc, cho nên trong suốt thời gian từ 27 tháng 1 đến 10 tháng 2 năm 1947, Thủ tướng Pháp đã yêu cầu nhiều nhân vật có uy tín trong chính giới Pháp vận động để Lơcléc chấp nhận sang Đông Dương.

        Đánh hơi thấy Lơcléc đã “gần như sắp sẵn sàng nhận lời thay chân Đácgiăngliơ”, Đờ Gôn bèn nổi cơn thịnh nộ và một cuộc đối mặt đầy dông tố đã xảy ra đầu tháng 2 giữa Đờ Gôn và Lơcléc. Chưa quên cương vị là người đứng đầu phong trào kháng chiến Pháp, Đờ Gôn lên án Lơcléc đã bán đứng Đông Dương (ý nói đã chủ trương ký hiệp định sơ bộ 6-3-1946 với Chính phủ Việt Nam). Cũng chẳng vừa, con người tự nhận là có công đầu giải phóng thủ đô Pari đã đập tan chiếc gạt tàn thuốc lá trước mặt Đờ Gôn và hỏi vặn lại: “thế ai là người đã bán đứng Xyri và Libăng?”2.

        Nhưng rồi Lơcléc đã dứt khoát từ chối không trở lại Đông Dương. Một lần nữa. Đờ Gôn đã dùng cái uy tín bắt đầu tàn của ông ta để che chở cho viên cao ủy - đô đốc.

--------------------
        1. Lơcléc yêu cầu tăng viện thêm 90.000 quân trong vòng 2 năm 1947-1948; trước mắt cần gửi ngay sang 20.000 tên để giải tỏa các đô thị và các đường giao thông chiến lược.

        2. Xem chương một, về mối quan hệ Anh - Pháp ở Trung Cận Đông 1941-1945.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:54:53 am

GIẢI VÂY

        Nội các Ramađiê được thành lập chưa bao lâu đã đứng trước những thử thách của một cơn dông tố đang nổi lên trong đời sống chính trị Pháp. Với bài diễn văn cuối tháng 3 và với việc thành lập Đảng Tập hợp dân chúng Pháp (RPF) vào giữa tháng 4, Đờ Chôn lại xuất hiện trên vũ đài chính trị. Giới cầm quyền Pháp ngày càng ngả sang hữu. Các bộ trưởng đảng viên Đảng Cộng sản Pháp bị gạt ra khỏi Chính phủ. Phong trào đình công lan rộng, nhất là trong ngành xe hơi và trong giới báo chí. Tại các thuộc địa, nhân dân Mađagaxca nổi dậy rộng khắp chống lại ách thống trị của Pháp; vua Marốc cũng tuyên bố muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Pháp. Trong khi “từ mọi phía, chân trời đều đen tối” thì tại Đông Dương, quân đội viễn chinh “phải đơn độc đương đầu với số mệnh của mình” trước cuộc kháng chiến đang phát triển của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

        Giải pháp duy nhất mà Chính phủ Pháp cho rằng có thể cứu vãn được tình hình quân đội viễn chinh Pháp là tăng thêm viện binh, nhưng thật khó khăn vì vét đâu ra đủ số quân lính cần thiết để ném vào một chiến trường đang “ngốn quân như đất nẻ hút nước”. Cố gắng lắm, cuối tháng 1 năm 1947 Chính phủ Pháp mới quyết định gửi sang Đông Dương một vài tiểu đoàn đầu tiên trong số 14 tiểu đoàn lê dương và Bắc Phi được dự kiến tăng viện. Dù có được đưa sang đầy đủ, số quân này cũng chưa đáp ứng được yêu cầu tăng viện của Đácgiăngliơ hồi tháng 10 năm 1946, và lại càng quá ít ỏi so với số 90.000 quân mà Lơcléc đề nghị tăng viện sau chuyến công cán Đông Dương vừa qua. Thế nhưng, giữa lúc các tiểu đoàn trên đây đang được gửi sang Đông Dương theo kiểu nhỏ giọt, thì tình hình Mađagaxca bỗng trở nên căng thẳng, buộc Chính phủ Pháp phải giật gấu vá vai cắt xén ba tiểu đoàn để cấp tốc gửi sang đàn áp phong trào nổi dậy của nhân dân đảo này.

        Đầu năm 1947, vấn đề cấp thiết đối với bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương là giải tỏa các đô thị lớn và các trục giao thông chiến lược quan trọng, nhất là ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nhưng khả năng thực hiện chủ trương chiến lược đã hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ viện binh sang, nên chỉ có thể tiến hành từng bước.

        Trung tuần tháng 2, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bao vây, giam chân và tiêu hao quân địch ở Hà Nội, các đơn vị vũ trang tập trung Việt Nam được lệnh rút khỏi thủ đô với mục đích bảo toàn lực lượng, để lại “một thành phố đã trở nên vô cùng điêu tàn do những hậu quả phá hoại”, như nhiều ký giả phương Tây đã nhận xét. Trong hồi ký của mình, chính tướng Xalăng cũng phải thú nhận rằng, qua các tin tức nắm được, Hà Nội đã trở thành “một khoảng không hầu như tuyệt đối... Mãi đến tháng 3 mới dần dần xuất hiện khả năng có thể tiếp tế cho thành phố này bằng các đoàn xe vận tải”.

        Còn ở Nam Định, sau cuộc hành binh giải tỏa thất bại, ngày 6 tháng 1 năm 1947, quân Pháp ở đây “vẫn chưa dễ thở hơn” chút nào vì vòng vây vẫn siết chặt, quân số vẫn tiếp tục bị tiêu hao. Sau khi nghe báo cáo của Lơcléc, Chính phủ Pháp chỉ thị Valuy phải gấp rút cứu nguy cho Nam Định. Khi mà quân Pháp ở thành phố này luôn luôn kêu cứu vì bị vây chặt trong cảnh không có pháo binh cũng chẳng có xe tăng..., buộc phải chống đỡ hàng ngày và ngày nào cũng có người chết và bị thương, thì viên tổng chỉ huy của họ nghĩ nhiều đến việc rút đồn binh này về Hà Nội hơn là nghĩ đến việc giải vây, lấy cớ không đủ quân. Cuối tháng 2, tức là sau tháng 70 ngày bị vây hãm, viên thiếu tá Đabôvan, chỉ huy quân Pháp ở Nam Định, ghi trong nhật ký của hắn: “Lại thêm một ngày nữa, vẫn không có gì đáng khích lệ ở phía chân trời”.

        Chỉ sau những bức điện gay gắt của Pari, cuộc giải vây Nam Định mới được thực hiện vào tháng 3, bằng một cuộc hành quân tốn kém kéo dài ba ngày (9 đến 11-3-1947) với sự phối hợp của thủy, lục, không quân. Mười ngày sau, số quân Pháp còn lại ở Nam Định được thay thế và đưa về Hà Nội, thiệt hại trên 1/3 quân số (theo bộ chỉ huy Pháp).

        Mãi đến khi đã về đến Pháp, qua các trang nhật ký của mình, Đabôvan vẫn chưa giải đáp được một vấn đề mà không ít binh lính và sĩ quan Pháp ở Đông Dương lúc đó đã đặt ra: “Từ những tổn thất đó, người ta (chỉ bọn cầm đầu Chính phủ Pháp) nghĩ gì về lý tưởng và mục đích của cuộc chiến tranh mà vì nó, biết bao thanh niên đã phải ngã xuống?”. Tiếc rằng hàng chục năm sau, khi các chính khách và tướng lĩnh Pháp hiểu được ý nghĩa câu nói của Đabôvan thì đã quá muộn. Hơn thế nữa, còn không ít những viên tướng như Xalăng vẫn giữ nguyên quan điểm thực dân của họ. Chẳng thế mà mãi đến năm 1971, khi viết tập 2 cuốn Hồi ký của mình, viên bại tướng này còn hạ bút: “Tất cả vấn đề của tương lai chúng ta là ở những lời nói đó (của Đabôvan). Khốn nỗi Pari đã không biết nghe theo... Chính quốc đã không chấp thuận những cố gắng cần thiết để giữ cho xứ (Đông Dương) này mãi mãi thuộc về mình” (!).

        Thật ra, giới cầm quyền Pháp rất muốn tập trung mọi cố gắng cần thiết để “tiêu diệt cái tổ ong bầu vẽ” ở Đông Dương càng sớm càng tốt.

        Cuối tháng 2 năm 1947, Bộ trưởng chiến tranh Côxtơ Phlorê (Coste Floret) cùng với Bộ trưởng hải quân Giắckinô (Louis Jacquinot) sang Đông Dương nghiên cứu tình hình. Phái đoàn quân sự cao cấp này của Pháp nhận xét: “Mặc dầu tình hình đã được cải thiện một phần sau những ngày khốc liệt... nhưng những khó khăn rất lớn vẫn tồn tại...”. Về tới Pháp, hai ngài bộ trưởng cũng không có phép mầu nhiệm gì hơn so với Lơcléc hai tháng trước đó để hiến kế với Chính phủ. Vẫn lại chuyện xin “cấp tốc tăng thêm quân, tăng thêm cơ sở vật chất cho các chiến binh tuyệt diệu của chúng ta”.

        Bọn chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đặt rất nhiều hy vọng vào “những kiến nghị có đầy đủ sức nặng” của hai ngài bộ trưởng, những người đã được thấy tận mắt cảnh khốn quẫn của chúng sau ba tháng mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược. Chúng biết đâu rằng, giữa lúc Chính phủ Pháp đang đứng trước cảnh bị giằng xé trăm bề cả về kinh tế và chính trị thì tránh sao khỏi kết quả là sau khi hai ngài bộ trưởng trở về nước, vẫn chẳng có gì đáng kể được gửi sang Đông Dương.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:56:18 am

CAO ỦY MỚI, ĐƯỜNG LỐI CŨ

        Nếu “có gì đáng kể” thì đó chính là việc triệu hồi Đácgiăngliơ về Pháp và cử Bôla (Emile Bollaert) sang thay thế làm cao ủy để tiếp tục “duy trì sự có mặt của nước Pháp ở Đông Dương”.

        Để lừa bịp dư luận, dọn đường cho viên cao ủy mới, ngày 18 tháng 3, Thủ tướng Pháp tuyên bố trước Quốc hội rằng “vấn đề Đông Dương không thể giải quyết bằng vũ lực mà phải bằng giải pháp chính trị... Sự có mặt của Pháp ở Đông Dương không nhằm mục đích đô hộ mà là để hợp tác với các nước trong Liên bang Đông Dương...”. Ông ta còn đưa ra nhiều điều hứa hẹn, nào là “sẵn sàng để các dân tộc Đông Dương được hưởng độc lập, có quân đội và ngoại giao riêng...”, nào là “nếu toàn dân Việt Nam muốn thì nước Việt Nam sẽ được thống nhất...” v.v... (!).

        Báo chí tiến bộ ở Pari lập tức nhắc lại lập trường của Việt Nam là độc lập, thống nhất và vạch rõ: muốn tạo điều kiện thuận lợi để tiến tới một cuộc gặp gỡ giữa đại diện của hai chính phủ, trước hết phía Pháp phải tuyên bố ngừng bắn để cùng phía Việt Nam tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột. Trên cơ sở đó, mọi vấn đề khác sẽ được giải quyết dễ dàng, quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp sẽ được tôn trọng.

        Báo chí của Đảng Cộng sản Pháp và dư luận tiến bộ ở Pari đã nhắc lại cuộc tranh luận ở Quốc hội về vấn đề Việt Nam tuần lễ trước (11-3-1947).

        Người ta được biết rằng trong cuộc tranh luận, chỉ riêng Đảng Cộng sản Pháp và một số nhân sĩ tiến bộ như Pie Cốt (Pierre Cot) chủ trương dứt khoát: đình chỉ ngay cuộc chiến tranh để dàn xếp với Chính phủ Hồ Chí Minh. Đồng chí Lôdơray (Lozeray) tuyên bố tại diễn đàn Quốc hội: “Phải dàn xếp và dàn xếp với Cụ Hồ Chí Minh và Việt Minh, những người đại biểu thực sự của Việt Nam”. Đồng chí phản đối việc “người ta từ chối những khoản tiền để cải tạo nước Pháp và người ta sẽ bỏ phiếu tán thành hàng ngàn triệu để tạo ra một tình thế không thể cứu vãn...”. Cũng tại diễn đàn Quốc hội đồng chí Đuyclô (J. Duclos) Phó chủ tịch Quốc hội đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, “một cuộc chiến tranh làm cho nước Pháp hại người, hại của”. Đồng chí khẳng định: “Chính sách vũ lực sẽ đưa chúng ta (nước Pháp) đến chỗ sụp đổ... Chính sách dàn xếp sẽ cứu vãn khối Liên hiệp Pháp...”.

        Ngày 21 tháng 3 năm 1947, Quốc hội Pháp lại thảo luận về ngân quỹ chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp quyết nghị: “... không thể bỏ phiếu tán thành ngân quỹ quân sự để tiếp tục cuộc chiến tranh”. Ngoài các nghị sĩ cộng sản, có hai phái nữa cũng không bỏ phiếu tán thành ngân quỹ chiến tranh đánh Việt Nam. Đó là nhóm Hồi giáo độc lập (ở Bắc Phi) và nhóm Phục hưng Mangát (ở Mađagaxca). Phe tán thành ngân quỹ quân sự chỉ thu được chưa đầy hai phần ba số phiếu ở Quốc hội. Điều đó chứng tỏ rằng chủ trương dàn xếp với Việt Nam không những chỉ có ở nước Pháp mà cả thuộc địa Pháp nữa.

        Thái độ làm ngơ của Chính phủ Pháp đã khiến dư luận vạch ra rằng: việc tiếp tục tăng quân đi đôi với việc cử một nhân vật chính trị như Bôla sang làm cao ủy ở Đông Dương chứng tỏ giới cầm quyền Pháp âm mưu đẩy mạnh nỗ lực quân sự nhằm đạt tới mục tiêu trái ngược với yêu cầu ngừng bắn để đàm phán của Việt Nam.

        Tới Sài Gòn ngày 1 tháng 4, Bôla được Valuy cho biết tình hình mọi mặt ở Đông Dương, trong đó tổng chỉ huy đặc biệt lưu ý viên cao ủy mới về tình hình Bắc Bộ. Theo Valuy, “tại đây, mặc dù Việt Minh đã bị đẩy lùi (khỏi các đô thị), nhưng họ còn giữ được lực lượng, còn duy trì được khả năng tiến công chúng ta (Pháp) trên các trục giao thông... Điều nguy hiểm hơn cả là họ thường xuyên củng cố được lực lượng... Do thiếu binh lực nên chúng ta (Pháp) buộc phải dừng lại chiếm đóng tĩnh tại mà không thể bám sát đối phương được... Hiện nay nhu cầu về phương tiện cơ động của chúng ta rất lớn, đặc biệt là không quân và cơ giới…”.

        Để thực hiện chủ trương chiến lược ấp ủ từ lâu, song không được sự đồng tình của Lơcléc khi viên tướng này sang công cán ở Đông Dương hồi đầu năm, Valuy đề nghị với Bôla: “Để truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt của họ, tức là nơi họ đã lui quân về (ý nói vùng rừng núi Việt Bắc), chúng ta phải có thêm quân và ở Hà Nội (ý nói ở bộ chỉ huy chiến trường Bắc Bộ) phải có một cấp chỉ huy am hiểu xứ này, am hiểu miền thượng du. Tôi đề nghị tướng Xalăng được bổ nhiệm sang đây giúp tôi thực hiện kế hoạch này”.

        Một mặt đồng tình để Valuy xúc tiến chuẩn bị cho “đòn quân sự quyết định”, mặt khác Bôla luôn luôn tỏ ra muốn “tạo một bộ mặt mới, bộ mặt hòa bình của Pháp ở Đông Dương”. Người ta thấy viên cao ủy mới “công khai tỏ ra muốn thương lượng với Việt Minh”, tuyên bố bỏ chế độ kiểm duyệt báo chí, thay thế Pinhông và Tôren, “hai nhân vật nòng cốt cho chính sách thuộc địa của cao ủy cũ”...


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:57:00 am

        Nhưng rồi bỗng vào khoảng cuối tháng 4 năm 1947, nhân có lệnh bãi bỏ kiểm duyệt, báo chí Sài Gòn liền đăng tin về “bức công hàm 19 tháng 4 của Việt Minh gửi tân cao ủy”1.

        Không thể làm ngơ trước một vấn đề nóng bỏng mà báo chí đã tung ra, Bôla buộc phải có hành động lừa bịp là cử cố vấn chính trị Pôn Muýt “một nhà xã hội học có tiếng, một người am hiểu về Việt Minh” ra miền Bắc.

        Mặc dù Bôla nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng “Pôn Muýt ra công cán Bắc Kỳ để thăm dò đối phương về khả năng tiến tới một cuộc thương thuyết”, nhưng các ký giả bám sát tình hình chính trị ở Pari, Hà Nội cũng như ở Sài Gòn, bám sát lời nói và việc làm của viên cao ủy mới, đều tỏ ra nghi ngờ thiện chí của Bôla. Dư luận phán đoán rằng, thực tế một tháng qua cho thấy khó có thể có một cuộc thương thuyết đứng đắn, vì nhiều lẽ:

        Một là, khi Bôla vừa lên đường sang Đông Dương thì nội các Ramađiê bị cải tổ. Phe Đờ Gôn trở lại hoạt động và chiếm thế mạnh trong Chính phủ, công khai chống lại thương thuyết, nhất là sau khi các bộ trưởng cộng sản đã bị gạt ra ngoài chính phủ.

        Hai là, vừa đặt chân đến Sài Gòn, viên cao ủy mới đã bị những chủ đồn điền cao su, chủ nhà băng và hầm mỏ, tóm lại là những người “thuộc phái chống điều đình với Việt Minh” bao vây và khống chế.

        Ba là, phe “quốc gia”, được sự gợi ý của cao ủy, đang tích cực hoạt động “để mời quốc trưởng Bảo Đại trở về nước”.

        Chính vì vậy, dư luận không ngạc nhiên khi biết những “điều kiện” mà Bôla chỉ thị cho Pôn Muýt đặt ra với phía Việt Nam như sau:

        - Việt Minh phải ngừng ngay các cuộc xung đột.

        - Việt Minh phải hạ vũ khí và trao cho phía Pháp, một nửa số trang bị của mình.

        - Phải để cho quân Pháp được tự do đi lại trong khu vực hiện dưới quyền kiểm soát của Việt Minh.

        - Phải thả hết tù binh, con tin và lính Pháp đào ngũ.

        Đó là những điều kiện mà dư luận khẳng định rằng tất phải dẫn đến sự thất bại trong chuyến công cán của Pôn Muýt vì đó chẳng qua vẫn chỉ là thủ đoạn điều đình để mà không điều đình với Việt Minh như đã từng diễn ra dưới thời Thủ tướng Blom.

        Trung tuần tháng 5, người ta thấy một sự phối hợp khá chặt chẽ giữa hoạt động của Pôn Muýt, Bôla và Côxtơ Phlorê.

        Tại một địa điểm gần thị xã Thái Nguyên, trong những lần gặp gỡ với đại diện Chính phủ kháng chiến từ 9 đến 12 tháng 5, Pôn Muýt đã buộc phải ghi nhân những lời bác bỏ của phía Việt Nam về những điều kiện do phía Pháp nêu lên và buộc phải ghi nhận lập trường trước sau như một của nhân dân Việt Nam là độc lập và thống nhất.

        Cuộc “điều đình” không thành. Tại Pari, báo Pháp Lơ Phigarô số ra ngày 14 tháng 5 đăng lời tuyên bố lừa bịp của Bộ trưởng chiến tranh Pháp Côxtơ Phlorê sau chuyến công cán sang Đông Dương về (chuyến công cán thứ hai trong vòng không đầy ba tháng). Ông ta nói: “Tôi nghĩ rằng ở Đông Dương không còn vấn đề quân sự. Chúng ta đã hoàn toàn thắng lợi bằng súng đạn (!). Từ nay, tình hình sẽ phát triển trên bình diện chính trị. Các ủy viên cộng hòa đã quy tụ được dân chúng chung quanh lá cờ Pháp”(!)

        Trong khi đó thì, tại Hà Nội, ngày 15 tháng 5, cao ủy Bôla đọc một bài diễn văn, khẳng định lập trường của Pháp: một là, Pháp sẽ tiếp tục có mặt ở Đông Dương; hai là, Đông Dương sẽ ở trong Khối Liên hiệp Pháp. Viên cao ủy giải thích: “hai điều đó không hề có nghĩa là một sự áp đặt, vì kỷ nguyên đế quốc đã cáo chung và thay vào đó là kỷ nguyên của tình thân hữu... nền hòa bình sẽ đến với dân tộc Việt Nam... Nước Pháp sẽ chấp nhận sự hợp tác với tất cả các đảng phái và không công nhận một đảng phái nào có thể độc quyền đại diện cho cả dân tộc Việt Nam...

        Rõ ràng lời nói và việc làm của những kẻ đại diện giới cầm quyền Pháp, từ Bộ trưởng chiến tranh Phlorê, cao ủy Bôla đến phái viên Pôn Muýt, đều nhằm chuẩn bị cho một mưu đồ mới, sau khi đã cố tình chặt đứt cái cầu mong manh trong quan hệ với đại diện chân chính của nhân dân Việt Nam đang kháng chiến.

--------------------
        1. Theo báo chí Sài Gòn, bức công hàm đến đây vào ngày 26 tháng 4. Nội dung gồm mấy điểm như sau:

            - Chiến tranh tiếp diễn chỉ gây thêm thù hằn giữa hai bên.

            - Cao ủy mới đến hãy tỏ rõ thiện chí của người đại diện xứng đáng của Nước Pháp Mới như dư luận tiến bộ ở Pari mong muốn.

            - Phía Việt Nam sẵn sàng mở lại cuộc thương thuyết với Pháp.

            - Muốn tái thương thuyết phải chấm dứt các cuộc xung đột.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:58:58 am

Phần hai

CHUI SÂU VÀO ĐƯỜNG HẦM


Chương bốn

LEO CAO NGÃ ĐAU

CÔNG THỨC XALĂNG - BẢO ĐẠI

        “Hơn bốn tháng kháng chiến toàn quốc đã chứng tỏ địch không thể dùng vũ khí tối tân mà tiêu diệt quân chủ lực của ta. Chúng phải đổi một giá rất đắt mới chiếm được một ít thành phố”1.

        Nhận định quan trọng trên đây của Đảng vào lúc phần lớn bộ đội Vệ quốc đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ chiến lược trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc và đã rút khỏi các đô thị về giúp đỡ các địa phương triển khai thế toàn dân đánh giặc.

        Trong khi các cơ quan tuyên truyền của địch làm rùm beng về cái gọi là quân Pháp đã làm chủ được các thành phố, giới cầm quyền ở Pari đã sớm nhận thấy những khó khăn chồng chất của nước Pháp không cho phép họ kéo dài cuộc chiến tranh quá hao người tốn của. Tình hình nước Pháp đòi hỏi họ phải nhanh chóng đánh một đòn quyết định nhằm tiêu diệt lực lượng kháng chiến kết thúc giai đoạn thứ nhất của cuộc chiến tranh xâm lược cổ truyền – giai đoạn chiếm đóng, tạo điều kiện tập hợp bọn tay sai lập chính quyền bù nhìn trong cả nước, thực hiện giai đoạn thứ hai: giai đoạn bình định.

        Tại Pari một mưu đồ quân sự có tầm quan trọng về chiến lược đã được phác ra từ đầu mùa hè 1947. Viên tướng được trao nhiệm vụ thực hiện chủ trương chiến lược trên đây là Xalăng, người được coi là am hiểu Đông Dương vào bậc nhất trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp của nước Pháp.

        Trung tuần tháng 5, Xalăng được vời đến gặp Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại. Trước khi vào đề, Mutê hỏi:

        - Tướng quân đã từng quen biết Cụ Hồ Chí Minh, đã từng theo Cụ trong cuộc hành trình dài (Hà Nội - Pari tháng 6 năm 1946). Vậy theo ý tướng quân, tại sao tình hình lại xảy ra đến nông nỗi này?

        - Thưa ngài bộ trưởng, sau thất bại ở Đà Lạt và Phôngtennơblô, tất cả đã tan vỡ. Những sai lầm mà Sài Gòn phạm phải (ý nói hành động cố tình gây chiến của Đácgiăngliơ và Valuy), đường lối chính trị của Pari, sự thiếu hiểu biết của Chính phủ (Pháp) về Hiệp định 6 tháng 3, về tầm vóc của sự đảo lộn làm rung chuyển trật tự cũ ở châu Á và về quy mô của phong trào dân tộc... tất cả những điều đó đã trở thành tiền đề cho những biến cố dẫn chúng ta đến cuộc chiến tranh thực sự như hiện nay...

        Đề cập đến mưu đồ quân sự sắp tới, Mutê nói: “Những lực lượng cần ném vào cuộc chiến tranh lúc này quá lớn so với khả năng của Pháp...”. Theo ông ta, “nước Trung Hoa đỏ ngày càng lan rộng xuống phía Nam...” vì vậy, Xalăng phải sang Đông Dương để “đưa các đơn vị quân Pháp lên vùng biên giới Bắc Kỳ... (nhằm đè bẹp lực lượng kháng chiến của Việt Minh) trước khi quân cộng sản Trung Hoa đến cửa ngõ biên giới”.

        Nhớ lại hồi đầu năm, tướng Lơcléc sang thanh tra chiến trường Đông Dương về có nói lại ý kiến của tổng chỉ huy Valuy đề nghị mở cuộc hành quân lên “bịt biên giới” trước nguy cơ tràn ngập của những binh đoàn từ phương Bắc xuống. Hồi đó, trong giới quân sự và dân sự cỡ lớn ở Pari đã có những ý kiến phản đối chủ trương chiến lược đó của Valuy. Có người nói thẳng ra rằng: từ thực tế các cuộc đàm phán ở Trùng Khánh trước đây giữa Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch do Mỹ đứng ra làm trung gian, cần đánh giá cho đúng khả năng hòa hoãn giữa các thế lực lớn. Tình huống “biển người” từ phương Bắc vượt biên giới vào đọ súng với quân đội viễn chinh Pháp là một khả năng cần dự kiến, nhưng không nên quá lo lắng trước một sự kiện xa vời. Quân viễn chinh Pháp không được đánh giá thấp đối thủ trực tiếp đang tự lực và kiên trì chiến đấu không khoan nhượng ngay trên mảnh đất Đông Dương đang trong thế bị bao vây bốn phía này. Thực tế đã chỉ rõ, trong ba năm qua, những người kháng chiến Việt Nam không hề chờ đợi ai và chính họ lúc này đang làm cho quân Pháp bị tiêu hao liên tục. Những người lính Việt Minh đó mới là đối thủ bằng xương bằng thịt mà quân Pháp phải gờm sợ.

        Tất nhiên, hồi đó (đầu năm 1947) Xalăng không thể đồng tình với ý kiến trên đây. Tâm lý vô cùng chủ quan của một sĩ quan thực dân từng sống hơn hai mươi năm trên mảnh đất Đông Dương khiến viên tướng không thể tán thành bất cứ ai (kể cả Lơcléc) đánh giá cao lực lượng vũ trang kháng chiến. Xalăng cho rằng mấy chiến sĩ du kích chân đất ở cái xứ Đông Dương này đâu phải là mối nguy cơ ghê gớm. Một cuộc hành binh quy mô lớn cũng đủ tiêu diệt gọn bọn họ ở sào huyệt Việt Bắc. Còn đối với cái “biển người” phương Bắc thì y có phần ngại. Vì vậy, Xalăng chấp nhận ngay ý đồ chiến lược do Mutê đề ra. Viên tướng hứa sẽ bắn một mũi tên nhằm hai đích (diệt Việt Minh và chặn quân Trung Cộng) để nhanh chóng kết thúc chiến tranh, tránh cho nước Pháp khỏi lao sâu vào một cuộc chiến kéo dài mà (như Mutê vừa nói) tiềm lực không cho đế quốc Pháp theo đuổi.

        Đến gặp bộ trưởng chiến tranh, Xalăng được Côxtơ Phlorê hứa hẹn sẽ tăng viện binh để thực hiện nhiệm vụ chiến lược “bịt biên giới - tiêu diệt Việt Minh” mà Chính phủ vừa trao. Ngày 16 tháng 5, Xalăng vội vã lên đường vì tổng chỉ huy Valuy “đang ở vào tình thế cô độc... sau cái chết bất ngờ vì tai nạn máy bay của các đại tá Đebơ và Guýpphlê”2 (Dèbes và Gufflet).

        Trên đường bay sang Đông Dương, điều khiến Xalăng suy nghĩ nhiều chính là chiến trường Bắc Kỳ, một nơi đầu sóng ngọn gió. Chỉ mới một năm (6-1946 - 5-1947) đã bảy người3 thay nhau đứng mũi chịu sào trên mảnh đất nóng bỏng này.

        Vừa đặt chân đến Sài gòn, Xalăng đã được cao ủy Bôla giục khéo: “Tướng quân nên ra Bắc sớm và tôi hy vọng rằng tình hình ngoài đó sẽ mau chóng ổn định”. Về quân sự, Bôla tỏ ra tin tưởng vào “tài thao lược của viên tướng rất am hiểu miền thượng du Bắc Kỳ” trong đòn chiến lược quyết định sắp tới. Còn về chính trị, viên cao ủy đang chờ đợi một tiếng nói của “nhân vật quốc gia đầy uy tín” (!) từ Hồng Công vọng về. Chỉ có tiếng nói hưởng ứng của cựu hoàng Bảo Đại lúc bấy giờ đang nổi danh là “ông vua hộp đêm” ở Hồng Công thì công thức Xalăng + Bảo Đại do Pari xếp đặt mới hình thành.

        Từ đầu năm 1947, tại vùng tạm bị chiếm, người ta thấy ban hành một “mật lệnh” để các cấp chỉ huy Pháp xúc tiến những cuộc điều tra bí mật về “tình cảm của dân chúng đối với cựu hoàng Bảo Đại”. Người dân được hỏi: “Các người có muốn công dân Vĩnh Thụy (tên cúng cơm của Bảo Đại) trở về nắm chính quyền với cương vị là người đứng đầu nhà nước hay không?”. Kết quả cuộc thăm dò cho biết: “Chính những người lính được cử đi điều tra dư luận đã sớm thấy một sự thật là: Chẳng mấy người biết gì về công dân Vĩnh Thụy hoặc cựu hoàng Bảo Đại, trái lại, không một ai là không biết Cụ Hồ Chí Minh”... Sau khi vạch trần sự việc trên đây, Paya viết tiếp: “Mặc dù vậy, Pari vẫn quyết định chơi con bài (Bảo Đại) này...”4. Trong khi đó, tại Hồng Công, Bảo Đại cũng chuẩn bị lên tiếng hòng tạo sức nặng cho cuộc vận động của cao ủy Bôla bớt phần nhạt nhẽo và trơ trẽn.

---------------------
        1. Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ hai (4-1947), Văn kiện quân sự của Đảng, t.2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 122.

        2. Đebơ chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ; Guýpphlê - tham mưu trưởng quân viễn chinh Pháp.

        3. Xalăng, Valuy, Crêpanh, Moóclie, Đebơ, Gonnê, rồi lại Xalăng.

        4. Claude Paillat, Dossier secret de l’ I.C (Hồ sơ mật về Đông Dương), Les Presses de la Cité, Paris, 1964, tr. 148-149.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 12:59:46 am

TÌNH HÌNH KHÔNG ĐƠN GIẢN

        Qua tin tức thu lượm được từ Bộ tham mưu Pháp ở Sài gòn, ngay từ ngày đầu tiên trở lại Đông Dương, tướng Xalăng đã nhận thấy hình thái chiến trường đang diễn biến theo chiều hướng ngày càng không lợi cho quân đội viễn chinh Pháp.

        Tại Nam Bộ, mặc dù tướng Nyô có trong tay 21 tiểu đoàn, 9 cụm pháo, 5 chi đoàn thiết giáp với tổng số 25.000 lính Âu, 3.000 lính Bắc Phi, 10.000 lính ngụy chính quy, 4.800 lính ngụy địa phương, nhưng về chất lượng chiến đấu chủ yếu chỉ có thể trông vào 4 tiểu đoàn lê dương, 3 tiểu đoàn pháo. Số còn lại là những đơn vị lai tạp, tổ chức chắp vá sức chiến đấu kém. Kết luận của Xalăng: “Lực lượng như vậy là quá ít, binh lính lại quá mệt mỏi, sĩ quan thiếu, trang bị đã không đủ lại hư hỏng nhiều...”.

        Tại Trung Bộ, vẫn theo nhận xét của Xalăng, tướng Lơbrít (Lebris) chỉ đủ lực lượng để duy trì trật tự tối thiểu trong vùng quân Pháp kiểm soát.

        Nơi Xalăng cho rằng đáng lo ngại hơn cả là chiến trường miền Bắc, nơi có quá nhiều vấn đề phải được giải quyết. Viên tướng này đặc biệt lo ngại nhận thấy lực lượng của ta sau khi rút khỏi các đô thị đang không ngừng phát triển và lớn mạnh. Theo Xalăng, Pháp cần thiết và cấp bách tập trung nỗ lực vào vùng trung du và thượng du Bắc Bộ. Để thực hiện được điều đó, viên chỉ huy mới của chiến trường Bắc Đông Dương thấy nhất thiết phải được tăng viện 20 tiểu đoàn mà cao ủy Bôla và tổng chỉ huy Valuy đã hứa.

        Xalăng ra Hà Nội ngày 23 tháng 5. Ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên với những sĩ quan của sư đoàn bộ binh thuộc địa thứ 9, Xalăng đã nhận ngay ra “những bộ mặt mệt mỏi khiến người ta có cảm giác rằng họ vừa trải qua những ngày đau khổ...”.

        Sau đó một ngày, Xalăng vội vã đi kinh lý các địa bàn mà viên chỉ huy mới này cho là xung yếu ở Bắc Đông Dương.

        Nếu trước đây (khi còn ngồi ở Pari) Xalăng đã từng nghĩ rằng “một trong những kỳ công của quân đội Pháp” đã diễn ra ở Nam Định, thì lúc vừa đặt chân đến thành phố này và được “nghe thuật lại một cách chính xác về những trận chiến đấu ác liệt” đã xảy ra ở thành Nam, Xalăng mới biết rằng quân Pháp “đang đứng trước một đối thủ mà họ không thể coi thường”.

        Đến thăm quân Pháp ở Hải Phòng và qua báo cáo của viên đại tá Đômécgơ (Domergue), Xalăng lại thêm một nhận xét: “Tương lai khiến cho tôi lo lắng vì chúng ta có quá ít lực lượng”.

        Tại Lạng Sơn, khi viên chỉ huy mới của chiến trường miền Bắc đến thăm binh lính Pháp ở khu nhà ăn thì họ đã đón tiếp Xalăng bằng những tiếng hô đòi hồi hương. Lần đầu tiên nghe thấy thế, Xalăng tự an ủi rằng những tiếng hô ấy “không có gì là ác ý cả vì thời gian họ ở đây đã quá lâu rồi, và họ đang mong đợi được thay thế càng sớm càng tốt”1. Nhưng trong thâm tâm tướng Xalăng không khỏi lo lắng việc thay phiên sẽ đặt bộ chỉ huy Pháp trước một tình thế bất lợi là “mất đi những đơn vị có chất lượng tuyệt diệu” (!). Đến thăm giám mục Hétđơ (Hedde) ở địa phận Lạng Sơn, Xalăng được nghe những lời tâm tình không có gì đáng gọi là khích lệ: “Tướng quân không thể nào thắng được trong cuộc chiến tranh tàn khốc ở cái xứ này đâu...”.

        Sau mười ngày đi kinh lý, trở về Hà Nội, Xalăng rút ra một kết luận chung là: “Tình hình rõ ràng không giản đơn chút nào”. Chẳng những viên tướng này lo lắng về việc hồi hương của sư đoàn 9 mà điều khiến hắn ta phải suy nghĩ nhiều là quân đội Pháp đang đứng trước một đối thủ mà lực lượng đang không ngừng được củng cố và tăng cường. Đúng như giám mục Hétđơ ở Lạng Sơn đã nhận xét: Việt Minh có một sức mạnh thật đáng lo ngại.

        Đầu tháng 6, cực chẳng đã, Xalăng buộc lòng phải chuẩn bị cho sư đoàn 9 hồi hương. Là sư đoàn đầu tiên sang Đông Dương trong cuộc chiến tranh xâm lược thứ hai của đế quốc Pháp, 9e DIC được coi là đơn vị “đã trải qua những ngày chiến đấu ác liệt với một đối phương cứng rắn và bền bỉ”. Trong buổi lễ tống tiễn sư đoàn này (9 tháng 6), Xalăng bày đủ mọi trò, nào là duyệt binh, tuyên dương, nào là gắn mề đay... Nhưng cuối cùng, chính viên tướng này đã than thở: “Vấn đề ra đi của sư đoàn 9 đã để lại cho mọi người một ấn tượng không đẹp đẽ gì”, bởi vì, nếu kẻ đi không thể nào xua đuổi được hình ảnh những ngày tháng khủng khiếp đã qua thì kẻ mới đến đã sớm thấy gánh nặng ngày càng tăng.

        Quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương được khoác một tên mới: Quân đội Pháp ở Viễn Đông (TFEO). Bọn thực dân Pháp tưởng rằng tước bỏ cái vỏ “viễn chinh” đi thì chúng có thể lừa bịp mọi người về bản chất của đội quân xâm lược nhà nghề đang hàng ngày gây biết bao tội ác trên bán đảo Đông Dương này.

        Ngày sư đoàn 9 ra đi cũng là ngày Xalăng nhận được báo cáo của viên đại tá Xide (Sizaire, chỉ huy quân Pháp ở Lạng Sơn), về “những hoạt động của quân cộng sản ở vùng biên giới”, những hoạt động mà viên tướng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ coi là “một sự cảnh cáo đối với tương lai quân đội Pháp trên chiến trường miền Bắc”. Xalăng vội cử viên trưởng phòng quân vụ vào Sài Gòn để đốc thúc vấn đề tăng viện, hòng đối phó với những tháng khó khăn sắp tới. Mười ngày trôi qua không chút tin tức, viên tướng này phải đích thân lao vào Sài Gòn gặp Valuy để giãi bày về những nỗi lo âu đối với tình hình lực lượng quá ít ỏi có trong tay...

        Lúc này cao ủy Bôla đang có mặt ở Pháp để cố nài xin bằng được 20 tiểu đoàn và các phương tiện cần thiết cho cuộc hành binh sau mùa mưa mà Pari đã trao cho bọn tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương. Xalăng được Valuy cho biết mục tiêu của cuộc hành binh đó nhằm “bịt kín biên giới, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với (Quân giải phóng) Trung Quốc để loại trừ mọi sự viện trợ từ ngoài vào; truy lùng và tiêu diệt Việt Minh đến tận sào huyệt của họ, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ...”. Xalăng hết sức đồng tình và tình nguyện trực tiếp đảm nhiệm tổ chức cuộc hành binh quan trọng mà Sài Gòn và Pari đã đề ra. Dù sao, đó là công việc sau mùa mưa. Điều mong đợi trước mắt của Xalăng là có thêm binh lực để đối phó với tình hình đáng lo ngại lúc này khi mà số quân thay thế chỉ mới đủ bù vào sư đoàn 9 hồi hương.

---------------------
        1. Sư đoàn 9e DIC (trong đó có trung đoàn 21e RIC đóng ở Lạng Sơn) theo hợp đồng, chỉ tình nguyện sang Đông Dương một năm, đáng ra phải được hồi hương từ tháng 9 năm 1946.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:00:55 am

MỤC TIÊU VIỆT BẮC

        Qua những trang hồi ký của tướng Xalăng, ta thấy vào mùa hè năm 1947, những người chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương cũng như giới cầm quyền Pháp ở Pari đã cố tình làm ngơ trước những bức thư đầy thiện chí mà Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa gửi cho họ. Những bức thư đó một lần nữa kêu gọi Chính phủ Pháp hãy tìm cách chấm dứt chiến tranh - một cuộc chiến tranh chỉ đưa nước Pháp đến chỗ ngày càng thêm kiệt quệ - và lập lại hòa bình thực hiện chính sách đã được nêu lên trên tờ Bình dân số ra ngày 12 tháng 12 năm 1946, một chính sách hữu nghị và tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở tôn trọng nền độc lập thống nhất của Việt Nam trong Khối Liên hiệp Pháp. “Đó là một đường lối khôn ngoan mà Chính phủ Pháp cần theo đuổi. Và cũng chỉ có như vậy, quyền lợi của Pháp ở Việt Nam mới được tôn trọng và phát triển”.

        Giới cầm quyền Pháp im hơi lặng tiếng. Bọn đại diện của họ ở Đông Dương ra sức xuyên tạc thiện chí của phía Việt Nam. Thậm chí đến năm 1971, Xalăng vẫn chưa tỉnh ngộ và còn phun ra những lời cực kỳ phản động. Trong tập 2 cuốn Hồi ký (xuất bản năm 1971), Xalăng cho rằng lời lẽ trong những bức thư của Chính phủ Việt Nam “ngấm đầy thuốc độc, rằng nguồn hy vọng có thể hợp tác đã không còn nữa... vì Việt Minh đã trở thành đối thủ của tôi” (!). Chính với những ý nghĩ vô cùng ngoan cố đó mà từ tháng 6, Xalăng hung hăng bắt tay vào công việc chuẩn bị hòng đánh một đòn quân sự quyết định.

        Phối hợp với hành động quân sự của Pháp ở Đông Dương là những lời tuyên bố của Bảo Đại từ Hồng Công vọng về. Tháng 7 năm 1947, “vua hộp đêm” lên tiếng: “Nếu mọi người Việt Nam đặt tín nhiệm vào tôi, nếu sự có mặt của tôi ở Việt Nam có thể góp phần vào việc kiến lập những quan hệ tốt đẹp giữa người Việt Nam và người Pháp, tôi rất sẵn sàng trở về nước...”. Cũng trong dịp này, trên nhiều tờ báo ở Hà Nội và Sài Gòn, người ta thấy đăng những tin tức về những cuộc “biểu tình ủng hộ cựu hoàng”, những bức điện “của nhiều đoàn thể quần chúng” (?) gửi sang Hồng Công “thỉnh cầu cựu hoàng về nước để điều đình với Pháp...”.

        Giữa lúc hai vai kép chính của tấn tuồng (Xalăng và Bảo Đại) đang dạo những lời giáo đầu thì nhà đạo diễn Bôla từ Pari trở lại Đông Dương, mang theo kịch bản đã được giới cầm quyền Pháp chính thức phê duyệt.

        Đó là bản chỉ thị dày 20 trang, mang số 3739 được bộ Pháp quốc hải ngoại soạn thảo từ tháng 3, bao gồm 7 điểm:

        1. Nước Pháp muốn các quốc gia, các lãnh thổ hải ngoại (tức các thuộc địa Pháp) phải tôn trọng hiến chương của Khối Liên hiệp Pháp, phải nhận thức được nhiệm vụ do hiến chương đã quy định, phải tôn trọng quyền lợi của nước Pháp.

        2. Dù nước Pháp không muốn khôi phục chủ quyền dưới hình thức như trước đây, cũng không muốn chống lại nguyện vọng của các nước ở Đông Dương, quyền lợi của Pháp ở bán đảo này vẫn phải được bảo vệ. Đó là điều không thể bàn cãi, không thể nói đến chuyện hòa giải.

        3. Chính phủ nhận định rằng bản tuyên bố ngày 24 tháng 3 năm 1945 của tướng Đờ Gôn đã không có hiệu lực đối với Việt Nam cho nên đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như hiện nay.

        4. Bởi vậy quân đội Pháp ở Đông Dương có nhiệm vụ khôi phục và duy trì trật tự an ninh, chống lại âm mưu thôn tính và xâm lược của người An Nam (!), giữ vững các căn cứ của Pháp trên các địa bàn xung yếu: các đường giao thông chiến lược, các sân bay, hải cảng, các trung tâm kinh tế quan trọng.

        5. Vấn đề thống nhất của Việt Nam vẫn chỉ có thể được giải quyết bằng trưng cầu ý dân.

        6. Riêng tại Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, cuộc chiến càng kéo dài càng lợi cho Việt Minh, cho nên nước Pháp cần nhanh chóng tìm biện pháp có hiệu quả để thoát khỏi tình trạng ngày càng bất lợi đó.

        7. Đối với vùng thượng du Bắc Kỳ, phải tìm mọi cách ngăn cản không để Việt Minh tiếp xúc được với phong trào cách mạng ở Trung Quốc. Việc phát triển quân ngụy tại các vùng dân tộc ít người (sau khi chiếm đóng các vùng đó) là điều cần thiết để thực hiện chủ trương nói trên.

        Thế là rõ. Không dùng được bản tuyên bố 24 tháng 3, đế quốc Pháp tất phải tiếp tục dùng vũ lực. Chiến trường chủ yếu là miền Bắc Việt Nam và mục tiêu trọng điểm là vùng rừng núi Việt Bắc, căn cứ địa kháng chiến của nhân dân Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:01:46 am

        Ngày 24 tháng 7, nhận được bản chỉ thị từ tay cao ủy Bôla, Xalăng tỏ ra hài lòng và hứa sẽ “hoạt động trong phạm vi trách nhiệm ở miền Bắc để thực hiện một cách có hiệu quả nhất” ý đồ của giới cầm quyền Pháp. Được sự hướng dẫn của Bôla và Valuy, viên chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc đi sâu thêm một bước tìm hiểu đối tượng tác chiến và chiến trường hòng hoàn chỉnh kế hoạch cuộc hành binh mùa khô sắp tới.

        Ta hãy xem viên tướng này hiểu như thế nào về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, hiểu gì về căn cứ địa Việt Bắc.

        … “Thật là một điều thần bí khi cả một dân tộc đứng sau người lãnh đạo của mình và sẽ đi theo người lãnh đạo đến cùng... Quân đội, từ nhân dân mà ra, đã phục tùng người lãnh đạo đó... Họ cho rằng muốn xứng đáng được hưởng hòa bình, tuyệt đối không thể không chiến đấu... Và cuộc chiến tranh đã nổ ra, rất tàn khốc...”.

        “… Biết rằng không đủ sức giữ Hà Nội lâu dài, Chính phủ của họ đã áp dụng ngay một đường lối chỉ đạo khiến cho quân đội tránh khỏi bị tiêu diệt. Cuộc chuyển quân (để bảo toàn lực lượng) đã được chuẩn bị chu đáo và diễn ra trên trục đường chính: Hà Đông - Sơn Tây - Phú Thọ - Tuyên Quang... Từ đó, ông Giáp lặng lẽ xây dựng bộ đội của mình...”.

        “… Trong phạm vi khu tứ giác Chợ Chu - Tuyên Quang - Chiêm Hóa - Chợ Rã, đối phương tổ chức một căn cứ để điều khiển động viên kháng chiến. Bắc Cạn là thủ đô chính trị và tinh thần của căn cứ đó. Căn cứ quân sự được nối liền với Trung Quốc bằng hai đường: Bắc Cạn - Cao Bằng - Quảng Uyên và Tuyên Quang - Lao Cai - Hồ Khẩu...”.

        “… Nếu ở đồng bằng chỉ có một số ít dân quân đánh bằng cạm bẫy trên đường giao thông, thì ngược lại, ở phía Bắc này, lực lượng kháng chiến có chừng mười lăm tiểu đoàn. Họ tiếp tục tuyển mộ lính và đào tạo cán bộ. Kẻ thù đã tổ chức cả một hệ thống kháng chiến rất chặt chẽ, không những bảo vệ được ở mức cao nhất các cơ quan lãnh đạo mà hoàn toàn còn có thể tiến hành một cuộc chiến đấu phòng ngự bền bỉ, ác liệt...”.

        “… Vùng này dựa trên cơ sở các dân tộc ít người, đã trải qua hai năm dưới chính thể vững chắc của Việt Minh... Muốn lôi kéo dân chúng về phía chúng ta, chúng ta phải thể hiện quyết tâm và nêu lên những điều cam kết về chính sách của chúng ta sau này...”1.

        Có điều Xalăng và đồng bọn không thể ngờ tới là, trong lúc họ đang cố tìm hiểu căn cứ địa kháng chiến Việt Nam để định kế hoạch tác chiến sau mùa mưa thì, từ trung tuần tháng 6, Hội nghị quân sự lần thứ ba của các lực lượng kháng chiến Việt Nam đã phán đoán được âm mưu chiến lược sắp tới của địch và đề ra những biện pháp quan trọng về các mặt để tiêu diệt lực lượng địch, làm thất bại cuộc tiến công của chúng và bảo vệ hậu phương kháng chiến.

        Càng về cuối mùa mưa quân Pháp càng ráo riết chuẩn bị cho cuộc hành binh sắp tới.

        Muốn đọ sức với một đối thủ không thể coi thường, trên một chiến trường rừng núi bao la như Việt Bắc, điều lo lắng lớn nhất của Xalăng và bộ tham mưu Bắc Đông Dương là vấn đề lực lượng.

        Sau khi sư đoàn 9eDIC hồi hương và lá cờ hiệu của nó được đưa vào “bảo tàng truyền thống các chiến tích của quân đội thuộc địa”, các trung đoàn quân Pháp ở Đông Dương vẫn giữ phiên hiệu cũ, kể cả các trung đoàn của sư đoàn 9 đã giải tán.

        Theo báo cáo của cơ quan tham mưu Pháp, bước vào mùa khô 1947, binh lực Pháp ở Bắc Đông Dương gồm:

        - Từ Lạng Sơn đến vùng mỏ Đông Bắc có trung đoàn 21eRIC (2 tiểu đoàn), được tăng cường một số đơn vị ngụy ở vùng duyên hải, tương đương một tiểu đoàn.

        - Ở vùng Hải Phòng và đồng bằng ven biển có trung đoàn 23eRIC (2 tiểu đoàn), cộng thêm một số thân binh2công giáo.

        - Vùng Tây Bắc có hai tiểu đoàn ngụy Thái.

        - Tại Hà Nội, Nam Định và vùng phụ cận hai thành phố trên có trung đoàn 6eRIC (3 tiểu đoàn).

        - Trên chiến trường Thượng Lào (chủ yếu là ở vùng Sầm Nưa) có hai đơn vị biệt kích ngụy Lào, tương đương hai tiểu đoàn.

        - Trung đoàn 3e REI gồm ba tiểu đoàn rải ra trên các trục giao thông chính ở đồng bằng Bắc Bộ.

        - Bán lữ đoàn dù cơ động gồm ba tiểu đoàn, trong đó có một tiểu đoàn dù biệt kích. Đây là lực lượng dù cơ động chiến lược do viên đại tá Xôvanhắc (Sauvagnac) chỉ huy.

        - Bán lữ đoàn Marốc (nòng cốt lấy từ trung đoàn Marốc thứ 5 (5eRTM) và một số của trung đoàn RICM - tình nguyện ở lại - chuyển sang). Bán lữ đoàn này (gồm 2 tiểu đoàn) cũng là lực lượng cơ động chiến lược, do viên đại tá Bôphrơ (Beaufre) chỉ huy.

        - 13 chi đoàn cơ giới và 1 chi đoàn xe tăng.

        - 1 trung đoàn pháo binh thuộc địa Marốc (RACM) gồm 7 pháo đội 105 milimét và 2 trung đội 155 milimét.

        - 1 tiểu đoàn pháo độc lập, chuyển từ trung đoàn pháo binh Angiêri thứ 69 sang (69e RAA).

        Tổng cộng toàn bộ lực lượng chiếm đóng và cơ động chiến lược của Pháp trên chiến trường Bắc Đông Dương chỉ gồm khoảng 20 tiểu đoàn. Theo bọn chỉ huy Pháp nhận xét thì lực lượng này không đủ để vừa đối phó với đối phương vừa mở cuộc tiến công lên Việt Bắc, một cuộc tiến công mà Valuy và Xalăng trù tính phải dùng chừng 20.000 quân, kéo dài trong sáu tháng

--------------------
        1. Raoul Salan, Mémoires (Le Việt Minh - mon adversaire (Việt Minh đối thủ của tôi), Presse de la Cité, Paris, 1971, tập 2, tr. 60-70...101.

        2. Lực lượng vũ trang tay sai tại chỗ (chủ yếu là thanh niên công giáo). Chức năng chủ yếu là bảo vệ địa phương, giáo phận.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:04:33 am

LỰC LƯỢNG NHỎ, MƯU ĐỒ LỚN

        Để tìm lối thoát về quân số, tháng 7 năm 1947, tướng Valuy về Pháp xin quân tăng viện để thực hiện kế hoạch tiến công trong thu đông. Chính phủ Pháp cho viên tổng chỉ huy biết rằng tình hình khó khăn của nước Pháp chỉ cho phép tập trung một lực lượng chừng 12.000 để tiến hành một chiến dịch trong vòng ba tháng, với điều kiện là ngay sau khi cuộc hành binh chấm dứt, phải điều trả về “chính quốc” lực lượng cần thiết để Chính phủ gửi sang đối phó với phong trào nổi dậy ở Mađagaxca, nơi đang làm cho Pari lo lắng.

        Trở lại Đông Dương, Valuy không còn cách gì khác hơn là rút bớt lực lượng ở chiến trường miền Nam để đưa ra Bắc từ 3 đến 5 tiểu đoàn cùng với một số máy bay và phương tiện thả dù, nhằm đáp ứng yêu cầu của Xalăng trong cuộc hành binh sắp tới.

        Được lời hứa về binh lực của tổng chỉ huy, tướng Xalăng khẩn trương hoàn tất kế hoạch tác chiến mùa khô.

        Viên chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ nhiều lần dẫn bọn chỉ huy thuộc quyền bay đi trinh sát dọc quốc lộ số 1, 2, 3, 3b và 4, các con sông chính liên quan đến cuộc hành binh (sông Thao, sông Lô, sông Gâm) và các thị trấn Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Cao Bằng - những thị trấn chỉ còn là những đống gạch vụn. Tất nhiên, Xalăng cũng phải nhiều lần giật gấu vá vai để điều chỉnh lực lượng mỗi khi được thêm từng tiểu đoàn tăng viện theo lối nhỏ giọt. Hắn phác ra những nét lớn của cuộc tiến công lên Việt Bắc như sau:

        - Quân dù thiện chiến sẽ được ném thẳng xuống thị xã Bắc Cạn, trung tâm của căn cứ địa đối phương, với nhiệm vụ “bắt gọn Chính phủ kháng chiến”.

        - Hai gọng kìm lớn sẽ ôm lấy toàn bộ vùng rừng núi Việt Bắc, truy lùng và tiêu diệt lực lượng vũ trang của đối phương, phá hoại kho tàng, “làm tệ liệt tiềm lực chiến tranh của đối phương”.

        - Hướng Tây và Tây Bắc (Hòa Bình, Yên Bái, Lao Cai) sẽ là hướng vừa phối hợp vừa nghi binh.

        - Mọi nhu cầu vật chất của cuộc hành binh sẽ được huy động từ đồng bằng lên, vì ít có khả năng vơ vét tại chỗ.

        Được phổ biến dự kiến kế hoạch trên đây, bọn chỉ huy cấp dưới của Xalăng, nhất là những viên chỉ huy sẽ trực tiếp phụ trách các cánh quân trong cuộc hành binh, không khỏi ngạc nhiên và lo ngại. Họ thấy chỉ riêng trên hướng chính của chiến dịch, với một địa bàn rộng trên 60.000 kilômét vuông, với những gọng kìm dài từ khoảng 300 đến 400 kilômét, rõ ràng cuộc hành binh đòi hỏi một lực lượng lớn hơn rất nhiều so với số quân có thể huy động được.

        Đám cầm đầu dân sự và quân sự ở vùng duyên hải, Thượng Lào và Tây Bắc (những địa bàn không quan hệ trực tiếp đến chiến dịch) cũng tỏ ra nghi ngờ kết quả của cuộc hành binh. Mácsăng, khi ấy còn là đại tá chỉ huy quân Pháp ở Thượng Lào, phản đối chủ trương mở cuộc tiến công lên Việt Bắc, một việc quá sức quân đội Pháp. Còn Misôđen (Michodel), một viên “quan cai trị” thực dân cáo già đã từng ở Đông Dương với Xalăng hồi những năm 1925-1937, đã nói thẳng ra rằng cuộc hành binh không thể đạt kết quả vì “Việt Minh có tài bẻ gãy các mũi tiến công, làm rối loạn đội hình đối phương, lại có tài thoát khỏi thế bị bao vây... Họ có thể sống dài ngày trong rừng, biết nhận địa hình thông thạo, có thể xuất quỷ nhập thần... Tóm lại, họ là những người không thể nào tóm bắt được...”.

        Với binh lực hạn chế, chính Xalăng cũng cảm thấy cuộc hành binh lên Việt Bắc là một kế hoạch mạo hiểm, nhất là ở hướng trọng điểm (Bắc Cạn) sẽ diễn ra trong điều kiện thả dù rất khó khăn. Nhưng viên tướng này tin vào lời hứa tăng viện của Valuy, tin vào “đòn bất ngờ thọc thẳng vào tim quân thù” và cũng tin vào một “kế hoạch nghi binh chiến lược” để đánh lạc hướng đối phương, một kế hoạch Valuy đã phê chuẩn.

        Vào khoảng tháng 8, người ta thấy trên một số tờ báo ở Hà Nội, Sài gòn và cả ở Pari nữa, thường có những tin (do bộ tham mưu của Xalăng cố tình tung ra) nói rằng sau mùa mưa, quân Pháp chỉ còn chiếm đóng Nam Bộ, một phần biên giới Tây Bắc và Đông Bắc cùng với vùng duyên hải Bắc Bộ, còn phần lớn đất đai miền Bắc Đông Dương (kể cả Hà Nội) sẽ được trao trả cho chính quyền bù nhìn.

        Một việc làm, hai mục đích. Về quân sự, đánh lạc hướng chú ý của Việt Minh, tạo thêm thế bất ngờ. Về chính trị, một miếng mồi tung ra để nhử “cựu hoàng” đang còn do dự nửa ở nửa về.

        Xalăng và bộ tham mưu Pháp ở miền Bắc rất tin rằng “báo chí sẽ tiếp tay một cách vô ý thức” cho chúng và một khi đối phương đã bị lừa thì phần thắng sẽ nắm chắc trong tay.

        Nhận thấy trong việc vận dụng công thức Xalăng + Bảo Đại, phe quân sự có vẻ đứng trước triển vọng tốt đẹp, cao ủy Bôla thấy cần hành động mạnh tay hơn. Một hành động lừa bịp về chính trị càng trở nên cần thiết khi mà dư luận ngày càng bất lợi đối với việc lôi kéo Bảo Đại về nước. Tại Pháp báo chí tiến bộ không ngừng đòi Chính phủ phải điều đình với Cụ Hồ Chí Minh, phải chấm dứt cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Đông Dương. Ngay tại Sài Gòn, 300 nhà trí thức Việt Nam cũng ra kiến nghị đòi Pháp phải dàn xếp với Chính phủ kháng chiến để đình chỉ cuộc xung đột. Điều đáng chú ý là người đầu tiên ký vào bản kiến nghị lại là viên thư ký của cái gọi là “Hội đồng Nam Kỳ tự trị” do chính người Pháp nặn ra. Trong khi đó thì tin tức về việc Ấn Độ và Pakixtan chuẩn bị tuyên bố độc lập (vào ngày 15 tháng 8 năm 1947) đã gây một tiếng vang trong các đô thị do Pháp kiểm soát.

        Cái được gọi là “hành động mạnh tay” của Bôla là gì. Viên cao ủy dự định sẽ đọc một bài diễn văn ở Hà Nội vào đúng ngày 15 tháng 8, để tuyên bố lừa bịp rằng Pháp “sẽ ngừng bắn” vào trưa hôm đó để xúc tiến việc đàm phán trên cơ sở công nhận nền “độc lập của Việt Nam”

        Dù biết rằng ý đồ trên đây của viên cao ủy chỉ là một hành động bịp bợm, tổng chỉ huy vẫn thấy trò chơi của Bôla “sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, nguy hại đến tinh thần quân đội viễn chinh”. Để kịp thời chặn bàn tay của viên cao ủy, Valuy bí mật báo cáo về Pari và ngày 12 tháng 8 (ba ngày trước khi “trò chơi chính trị mạo hiểm” diễn ra) Bôla được gọi cấp tốc về Pháp để “trả lời những câu chất vấn của Chính phủ”.

        Gặp Bôla ngày 19, Thủ tướng Ramađiê nói toạc ra rằng không được đùa với lửa bằng một lời tuyên bố “ngừng bắn”. Hơn thế nữa “càng không được nghĩ đến chuyện điều đình với Việt Minh”. Theo Thủ tướng Pháp, điều đình sẽ thất bại vì: “một là, không dễ gì thuyết phục được Việt Minh trong các cuộc đàm phán; hai là, các đảng phái quốc gia (ý nói bọn tay sai mà Pháp đang lên tiếng tập hợp) sẽ bị tiêu diệt, Pháp sẽ không còn chỗ bám và như vậy sẽ mất hết quyền lợi” (?). Ramađiê chỉ thị: Bằng bất kỳ giá nào cũng phải kiên trì con bài Bảo Đại. Cựu hoàng là “một nhân vật quốc gia, tuy phải lưu vong nhưng chưa cạn chí” (!). Phải hỗ trợ cho “giải pháp Bảo Đại” bằng một nỗ lực quân sự, đánh đòn quyết định để chấm dứt phong trào kháng chiến. Chính phủ sẽ cố gắng đưa thêm lực lượng sang để Xalăng thành công trong cuộc hành binh sắp tới. Tóm lại, phải áp dụng thành công công thức mầu nhiệm: Xalăng + Bảo Đại. Không có con đường nào khác.

        Trở lại Đông Dương, cao ủy Bôla thấy mình như “lớn lên” sau trận xát xà phòng và những lời giáo huấn của Thủ tướng. Cuộc vận động chính trị tiếp tục diễn ra sôi nổi hơn, nhịp nhàng hơn trong sự phối hợp giữa Sài Gòn, Hồng Công và Pari.

        Chưa bao giờ ngài cao ủy tin tưởng vào thắng lợi cả về chính trị lẫn quân sự như những ngày tháng 9 đáng ghi nhớ ấy.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:05:39 am

ĐÒN ĐÁNH THẲNG VÀO TIM QUÂN THÙ

        Tin tức từ Hồng Công vọng về cho biết, ngày 5 tháng 9, Bảo Đại ra “tuyên bố báo chí” cho biết cựu hoàng sẵn sàng tiếp các đại diện dân chúng để bàn về việt đức vua về nước nếu quốc dân yêu cầu. Chỉ bốn ngày sau, một tốp gọi là “phái đoàn quốc gia gồm 24 người thuộc đủ mọi thành phần trong nước” (!) nhưng “do Pháp chọn lọc và sắp xếp” đáp máy bay sang Hồng Công để “trình lời thỉnh cầu của dân chúng lên cựu hoàng Bảo Đại”.

        Trong lúc các con rối đang múa may, kêu gào ầm ĩ trên đảo Hồng Công đàng điếm thì, ngày 10 tháng 9, tại Hà Đông, một thị trấn hầu như bị san phẳng, Bôla đọc một bài diễn văn do Văn phòng của Bộ Pháp quốc hải ngoại chuẩn bị sẵn trong dịp viên cao ủy về Pháp tháng trước, một bài diễn văn mà ngay báo chí của bọn tay sai cũng phải nhận là “đầy những lời mơ hồ và mâu thuẫn”.

        Để khỏi lộ mặt là cái loa của giới cầm quyền phản động Pháp, Bôla huênh hoang tuyên bố rằng đó là ý kiến “của cả dân tộc Pháp”. Mặc dù cố che đậy bằng những danh từ bóng bẩy và những luận điệu mơ hồ, bài diễn văn của viên cao ủy cấp tiến (!!) cũng lộ rõ những quan điểm phản động của thực dân Pháp đã bị báo chí tiến bộ Pari lên tiếng phản đối:

        Một là, không công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam, không công nhận Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh là người đại diện chân chính của toàn dân Việt Nam.

        Hai là, công khai ve vãn bọn tay sai hòng tiến tới thiết lập chế độ đối lập với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

        Ba là, thách thức nhân dân Việt Nam, nếu không chấp nhận “chế độ tự trị” được đưa ra dưới hình thức tối hậu thư trong bài diễn văn (hoặc chấp nhận hoặc không chấp nhận, không mặc cả), Pháp sẽ tổ chức chính quyền bù nhìn và quân đội tay sai để đánh lại nhân dân Việt Nam mà bọn thực dân Pháp quen gọi là “quân phiến loạn Việt Minh”.

        Tóm lại, như báo Sự thật của ta số ra ngày 15 tháng 9 đã kịp thời lên án, bài diễn văn của Bôla “vẫn một giọng trịch thượng, tỏ ra thực dân Pháp vẫn tham lam, mê muội... không tự biết mình”.

        Đúng vào ngày Bôla diễn thuyết ở Hà Đông, Thủ tướng Ramađiê tuyên bố trong cuộc họp báo ở Pari rằng, Chính phủ Pháp hoàn toàn nhất trí về những vấn đề do cao ủy đề ra. Ramađiê không ngần ngại tiết lộ rằng bài diễn văn đã được nghiên cứu kỹ ở Pari, rằng Thủ tướng và các bộ trưởng hoàn toàn đồng tình vì nội dung của nó “hoàn toàn phù hợp với truyền thống tự do của nước Pháp” (!).

        Trong khi Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam phát đi lời tuyên bố bác bỏ luận điệu lừa bịp và khiêu khích của Bôla và cho rằng bài diễn văn nói trên hoàn toàn không có giá trị thì tại Hồng Công, ngày 18 tháng 9, Bảo Đại lại lên tiếng: “Tôi vì hạnh phúc của dân (?) mà thoái vị. Nay nếu dân lại thuốn tôi ra giúp nước (?) và điều đình với Pháp thì tôi sẵn sàng chấp nhận cho hợp với nguyện vọng chung...”.

        Như nhiều ký giả Pháp hồi đó nhận xét, lời tuyên cáo Bảo Đại tung ra sau bài diễn văn của Bôla chứng tỏ cựu hoàng đã hoàn toàn chấp nhận những điều do Pari vạch ra...” vì lời tuyên cáo phát đi từ Hồng Công “phù hợp với khuôn khổ mà cao ủy đề xướng”.

        Trung tuần tháng 9, trong khi Bôla dàn những màn kịch ầm ĩ để dọn đường cho tên tay sai số một về nước và Xalăng đang hối hả chuẩn bị cho cuộc hành binh mùa khô thì trong cả nước, nhất là ở Việt Bắc và trung du, quân dân Việt Nam khẩn trương chuẩn bị mọi mặt theo tinh thần bản chỉ thị sửa soạn phá những cuộc tiến công lớn của địch.

        Sau các hội nghị quân sự lần thứ 4 và thứ 5, quân và dân các địa phương được lệnh phá hoại triệt để hơn nữa các thị trấn mà địch có thể đánh tới, các đường giao thông mà cơ giới địch có thể đi qua. Tại các vùng nông thôn, các làng chiến đấu được xây dựng và củng cố theo phương hướng “hình thành những hệ thống kháng chiến như những tấm lưới bổ vây quân địch”. Việc sơ tán kho tàng, làm “vườn không nhà trống” được xúc tiến khẩn trương. Vừa thực hiện chủ trương “từng địa phương tiến tới tự túc”, vừa triển khai rộng khắp công tác giao thông vận tải bằng phương tiện thô sơ, đề phòng trường hợp địch khống chế các đầu mối giao thông chủ yếu và chia cắt chiến trường. Việc phát triển dân quân du kích, bổ sung trang bị và huấn luyện cho lực lượng vũ trang các địa phương được xúc tiến khẩn trương nhận thực hiện “nhiệm vụ căn bản là phát động chiến tranh du kích”, không những ở Việt Bắc mà cả trong các địa phương để sẵn sàng phối hợp với Việt Bắc. Nhiều đơn vị Vệ quốc đoàn được điều về các địa bàn xung yếu để sẵn sàng đánh địch và dìu dắt dân quân, du kích, tự vệ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:06:26 am

        Cả nước gấp rút chuẩn bị về mọi mặt theo khẩu hiệu “sẵn sàng đập tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”. Sau bài diễn văn của Bôla, Thông cáo của Thường vụ Trung ương: cuộc tiến công đó không những đã trở nên một việc tất yếu mà nó sẽ diễn ra rất quyết liệt.

        Bộ chỉ huy Pháp không lường được điều khẳng định của đối phương. Họ đinh ninh rằng quân dân Việt Nam đã bị lừa vì “sáng kiến nghi binh chiến lược” mà Xalăng mất nhiều công phu tung ra trên báo chí.

        Vào khoảng hạ tuần tháng 9, kế hoạch tiến công được xây dựng hoàn chỉnh sau khi Bộ chỉ huy Pháp đưa thêm ra miền Bắc một lực lượng cao nhất, kể cả gần 30 máy bay khu trục và vận tải, 3 tiểu đoàn lính Âu - Phi, các phương tiện thả dù... Theo kế hoạch này:

        - Lực lượng tham gia gồm 16 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới, gần 800 xe vận tải các loại, 2 phi đội với khoảng 40 máy bay (một phi đội trinh sát và ném bom, một phi đội vận tải), 3 đơn vị thủy đội xung kích (dinassaut) với khoảng 40 tàu, xuồng LCT, LCM, LCVP. Tổng cộng toàn bộ lực lượng quân Pháp tham gia chiến dịch tiến công lên Việt Bắc lên tới khoảng 20.000 tên1.

        - Trung tâm của chiến dịch là thả quân dù thiện chiến của binh đoàn “S” xuống để “bắt gọn Chính phủ kháng chiến” mà chúng nghi là ở khu vực thị xã Bắc Cạn. Đây là “hướng quyết định” của toàn bộ cuộc hành binh do viên đại tá Xôvanhắc (Sauvagnac phụ trách.

        - Hai gọng kìm lớn mở ra trên hai hướng Đông và Tây:

        Hướng Đông do binh đoàn “B” dưới quyền chỉ huy của viên đại tá Bôphrơ (Beaufre). Nhiệm vụ của binh đoàn “B” là tiến quân từ Lạng Sơn theo đường số 4 lên chiếm đóng Cao Bằng sau đó đưa một bộ phận tiến về Bắc Cạn hỗ trợ cho binh đoàn “S”. Với kết quả đó, biên giới sẽ bị “bịt kín” thêm trên đoạn từ Lạng Sơn đến Cao Bằng và quân dù ở Bắc Cạn không bị cô lập.

        Hướng Tây do binh đoàn “C”, dưới quyền chỉ huy của viên đại tá Commuynan (Communal). Nhiệm vụ của binh đoàn “C” là theo các sông Hồng, sông Lô, sông Gâm, tiến từ Hà Nội, qua Việt Trì, Tuyên Quang lên Chiêm Hóa.

        - Vào khoảng trung tuần tháng 10, gọng kìm sẽ khép lại ở Đài Thị (đông bắc Chiêm Hóa 12km) tạo thành thế bao vây toàn bộ căn cứ địa kháng chiến, thực hiện trong đánh ra, ngoài đánh vào tiêu diệt bộ đội chủ lực, phá hủy kho tàng, làm tê liệt guồng máy kháng chiến, hủy diệt tận gốc mọi tiềm lực chiến tranh của nhân dân Việt Nam.

        - Tây Bắc và vùng Hưng Hóa - Sơn Tây được coi là hướng vừa nghi binh, vừa phối hợp với hướng chính (Việt Bắc).

        - Lực lượng dù dự bị sẵn sàng ở Hà Nội để tung vào hướng nào cần tăng viện, ứng cứu.

        Toàn bộ chiến dịch tiến công quy mô lớn này được mệnh danh là “Kế hoạch Clôclô (Cloclo)” do tướng hai sao Xalăng, chỉ huy quân Pháp ở Bắc Đông Dương, đích thân chỉ huy.

        Nếu trước đây, khi lực lượng huy động chưa đầy đủ đã có lúc Xalăng nghĩ rằng cuộc tiến công lên Việt Bắc là một chủ trương mạo hiểm thì khi đã có trong tay chừng 20.000 quân với những tin tức tình báo thu lượm được, viên tướng này lại tin tưởng có thể nắm chắc phần thắng. Chính vì vậy mà ngay từ đầu ngoài việc vạch kế hoạch cụ thể cho bước một của cuộc hành binh (bước một mang bí danh Lêa (Léa)2, Xalăng thấy chưa cần vạch bước tiếp theo cho chiến dịch tiến công. Viên tướng tin rằng với “Léa” (nhảy dù xuống Bắc Cạn, hợp điểm của hai gọng kìm ở Đài Thị, lùng quét trong vòng vây), quân Pháp chắc chắn đạt được mục tiêu chiến lược đề ra cho cuộc hành binh.

        Ngày 7 tháng 103 được Bộ chỉ huy quân Pháp chọn làm ngày xuất phát “đánh thẳng vào tim quân thù”.

        Khốn nỗi, mãi đến 23 tháng 9 khi viên đại tá Lécmít (Lhermitte) bắt đầu tung bọn ngụy Thái ra các hướng Lao Cai, Than Uyên, Nghĩa Lộ, Yên Bái để thực hiện kế hoạch nghi binh và phối hợp, thì việc chuẩn bị trên hướng đường số 4 của Bôphrơ vẫn chưa xong. Mãi đến ngày 4 tháng 10, ngày mà tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn Marốc thứ 6 (3/6 RTM) đã tiến lên Sơn Tây, Trung Hà, Hưng Hóa, binh đoàn “B” vẫn chưa hoàn tất việc chuẩn bị. Xalăng phải thân hành lên Lạng Sơn để đốc thúc viên đại tá Bôphrơ “phải phi nước đại” để chuẩn bị cho kịp tham gia chiến dịch. Điều lo ngại của Xalăng là nếu cánh quân hướng Đông tiến chậm so với kế hoạch, binh đoàn “S” sau khi nhảy dù xuống sẽ bị cô lập và uy hiếp trong một thời gian dài giữa vùng căn cứ bao la của đối phương.

--------------------
        1. Các binh đoàn lấy chữ cái đầu tiên người chỉ huy: S: Sauvagnac, B: Beaufre, C: Communal.

        2. Tên một ngọn đèo cao 1.400 mét trên đường số 3, giữa Nguyên Bình và Bắc Cạn.

        3. Ngày 13 tháng Chín âm lịch, đầu tuần trăng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:08:07 am

TỪ “LÊA” ĐẾN “XANHTUYA”

        Sáng sớm 7 tháng 10, sau khi được phân đội trinh sát khí tượng bay về báo cáo tình hình thời tiết thuận lợi, Xalăng hạ lệnh ngay cho viên thiếu tá Clôdông (Clauzon) chỉ huy toán quân dù đầu tiên xuất phát. Bọn này nhảy xuống thị xã Bắc Cạn lúc 8 giờ 15 phút.

        Từ 11 giờ hôm đó và liên tiếp nhiều lần ngày hôm sau (8 tháng 10), Xalăng đích thân đáp máy bay Catalina, có gắn máy vô tuyến điện liên lạc với quân dưới đất, bay lên Bắc Cạn. Ngay trong ngày đầu, viên chỉ huy cuộc hành binh đã liên tiếp nhận được “những tin vui lớn”. Xôvanhắc báo cáo: nào là binh đoàn “S” chiếm được nơi này nơi kia trong thị xã Bắc Cạn, nào là “đã bắt gọn được Chính phủ của ông Hồ Chí Minh”...

        Tin tức đặc biệt quan trọng là điện báo cáo hồi 11 giờ 35 phút ngày 7 tháng 10 của binh đoàn “S”. Xôvanhắc cho biết: “Ông Hồ Chí Minh bị bắt đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh”. Xalăng vội vã bay về Hà Nội để báo cáo một cách dè dặt cho (cao ủy Bôla) ở Sài Gòn về “tin vui kỳ lạ” đó. Nhưng rồi ngày hôm sau, cũng chính binh đoàn “S” của Xôvanhắc lại gửi cho viên tướng chỉ huy chiến dịch những bức điện nội dung hoàn toàn trái ngược. Ví dụ: “Yêu cầu tăng viện gấp... Chúng tôi đang bị tiến công...”. Những bức điện liên tiếp trong ngày 8 của binh đoàn Xôvanhắc yêu cầu cứu nguy khiến tướng Xalăng phải thay đổi kế hoạch: Đình chỉ việc ném quân dù xuống Chợ Đồn, dùng lực lượng lính dù dự bị chiến dịch do Phôxây Phrăngxoa (Fossey François) chỉ huy tung xuống Bắc Cạn để ứng cứu cho binh đoàn “S”.

        Mặc dù, cuối cùng Xalăng cũng thả được chừng 1.200 quân dù trong vài ngày đầu xuống Bắc Cạn, Chợ Mới, Chợ Đồn, nhưng chiến tích đó không làm cho cao ủy Bôla và quyền tổng chỉ huy Báttê1hài lòng. Số là ngày 8 tháng 10, ngay sau khi nhận được tin “đã bắt gọn Chính phủ kháng chiến”, hai ngài hấp tấp đáp máy bay ra Bắc. 14 giờ, vừa đáp xuống sân bay, hai ngài “rất tươi cười và chưa kịp nói lên lời chúc tụng chiến tích kỳ diệu chưa từng có” thì Xalăng đã vội cải chính: “Chúng tôi - chúng ta đã bị lừa”... Tất nhiên cao ủy và quyền tổng chỉ huy đành lóc cóc trở về Sài Gòn, “sau khi đã bỏ bữa cơm chiều và gửi lại cho Xalăng những lời không phải là... biểu dương”2.

        Trên hướng Đông, tức gọng kìm chủ yếu, Bôphrơ phải đợi sẩm tối ngày 7 mới cho xuất quân. Đường số 4 bị phá quá nhiều đến nỗi viên đại tá này không thể để toàn binh đoàn “B” hành quân theo đội hình đã dự kiến. Hắn buộc phải xé lực lượng ra thành 5 đơn vị, có công binh phối thuộc lần lượt tiến quân theo kiểu sâu đo, vừa đi vừa sửa đường, sửa cầu, lại vừa phải đề phòng bị quân ta phục kích. Cứ như thế, hành quân liên tục 24 giờ liền trong ngày đầu tiên, toàn binh đoàn “B” vẫn không đến được đích đã định trong kế hoạch. Trước nguy cơ việc chiếm thị xã Cao Bằng có thể bị chậm lại, ngày 9 tháng 10, Xalăng phải vội vã ném một tiểu đoàn dù dự bị xuống Cao Bằng, chốt một số vị trí xung yếu phía đông - nam thị xã này để yểm trợ và đón binh đoàn “B”.

        Sau gần 6 ngày hành quân căng thẳng, ngày 12 tháng 10, cánh quân do Bôphrơ chỉ huy mới đến thị xã Cao Bằng. Vừa tới nơi đã nhận được lệnh phải phái ngay lính da đen thuộc trung đoàn Marốc RICM theo hai đường số 3 và 3b, xuống Bắc Cạn để yểm trợ cho binh đoàn “S” và quân dù ở Chợ Đồn và Chợ Mới đang “bị cô lập như ba hòn đảo chơi vơi giữa biển cả”. RICM tiến về Bắc Cạn đâu có dễ dàng vì phải đối phó với các cuộc phục kích ở dọc đường, nhất là trên chặng từ Nguyên Bình và Ngân Sơn đến Phủ Thông. Không những lính Marốc không yểm trợ được cho đồng bọn ở Bắc Cạn mà RICM bị nguy ngập đến nỗi Xôvanhắc buộc phải tung một bộ phận quân dù đi ngược đường lên ứng cứu. Mãi đến ngày 16, hai toán quân mới gặp nhau và yểm trợ cho nhau tiến về Bắc Cạn.

        Trên hướng Tây, binh đoàn “C” không xuất phát được đúng thời gian quy định (ngày 7). Không những vì nước sông còn cao (tàu xuồng không chui qua cầu Long Biên được) mà việc chuẩn bị cũng chưa thật đầy đủ. Sau “hai ngày chờ đợi hết sức căng thẳng”, sáng ngày 9, toàn binh đoàn mới luồn qua cầu để tiến ngược sông Hồng. Nhưng ra khỏi thành phố Hà Nội chưa bao xa, nhiều tàu của thủy đội xung kích thứ 2 (2e dinassaut) đã mắc cạn. Chỉ còn lại hai phần ba lực lượng (thủy đội 1 và 3) tiếp tục hành quân, chật vật lắm 4 ngày sau (ngày 12) mới tới Phủ Đoan.

-------------------
        1. Từ đầu tháng 10, Valuy về Pháp công cán. Quyền chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương được trao cho đô đốc Báttê (Battet).

        2. Trong Hồi ký của mình, Xalăng dành cả một chương “Sự kiện Catalina” để nói rõ về cái tin vịt này. Theo Xalăng có thể đó là do dụng ý xấu của hiệu thính viên Tăngghi (Tanguy) nào đó. Mãi đến 1971, Xalăng vẫn không rõ nguồn gốc tin “bắt được Chính phủ kháng chiến” do đâu mà ra, nếu không phải do đối phương cố tình dùng kỹ thuật vô tuyến điện đưa hắn vào tròng?


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:09:33 am

        Theo kế hoạch, chỉ còn một ngày nữa, hai binh đoàn “B” và “C” đã phải hợp điểm ở Đài Thị. Vậy mà vào ngày đó, 13 tháng 10, gọng kìm đường sông của Commuynan mới đuổi tới Tuyên Quang, một thị xã chỉ còn là đống gạch vụn. Không thể tiếp tục cuộc hành quân với lực lượng lớn và trang bị nặng, viên đại tá chỉ huy binh đoàn “C” hạ lệnh để pháo và hai phần ba lực lượng ở lại Tuyên Quang. Hắn chọn lọc và biên chế một tiểu đoàn biệt kích, trang bị nhẹ, dùng tàu nhỏ, theo sông Gâm tiến gấp lên Chiêm Hóa.

        Vừa qua ngã ba sông được chừng vài chục kilômét, do nước sông chảy quá xiết, đoàn tàu chạy chậm dần và “trở thành những mục tiêu rất tốt của các mũi súng phục sẵn hai bên bờ (sông Gâm)”. Toàn tiểu đoàn biệt kích phải bỏ tàu, hành quân bộ theo đường rừng dọc sông. Tướng Xalăng sau này thú nhận rằng đây là một tình huống quá bất ngờ mà bộ chỉ huy Pháp không hề lường tới, một tình huống đã buộc “một đơn vị toàn lính da trắng phải hành quân lần đầu tiên trong vùng rừng núi hiểm trở” lại luôn luôn bị phục kích, một cuộc hành quân “vượt quá sức chịu đựng của con người...”.

        Sau gần một tuần lễ hành quân ròng rã, ngày 17, tiểu đoàn biệt kích đã sứt mẻ và mệt lả mới kéo đến Chiêm Hóa. Phải còn hàng ngày đường nữa mới tới Đài Thị. Mặc dù đã chậm gần một tuần so với kế hoạch “khép gọng kìm”, tiểu đoàn biệt kích không còn đủ sức lê bước tiếp tục cuộc hành quân. Kế hoạch hợp điểm ở Đài Thị hoàn toàn bị phá sản. Chẳng những quân Pháp không khép được gọng kìm quy mô binh đoàn vào ngày 13 mà thực tế không cho phép chúng hợp điểm với quy mô tiểu đoàn vào bất kỳ ngày nào trong trung tuần tháng 10. Dù sau đó chúng có thực hiện được thì việc hợp vây về mặt chiến dịch cũng không còn ý nghĩa và tác dụng thực tế nữa.

        Dù ngồi ở Hà Nội hay bay đi bay lại trên bầu trời Việt Bắc trong những ngày chiến dịch đang diễn biến, Xalăng cũng không thể hình dung nổi đối phương đã “đón tiếp” các cánh quân Pháp ra sao.

        Lính dù vừa đặt chân xuống thị xã Bắc Cạn, gần 80 tên đã ngã gục trước mũi súng của học sinh trường Võ bị Việt Nam. Tiếp đến chiếc máy bay chở viên đại tá Lămbe (Lambert) bị dính đạn của quân dân Cao Bằng ngày 9 tháng 10. Lămbe tham mưu trưởng quân viễn chinh Pháp ở miền Bắc Đông Dương, tan xác cùng với 10 sĩ quan tham mưu cao cấp. Toàn bộ kế hoạch cuộc hành binh mùa khô của Pháp lọt vào tay các chiến sĩ Việt Nam. Liên tiếp trong các ngày 12, 13, 14, nhiều tàu xuồng địch bị bắn đắm ở Đoan Hùng, Bình Ca, Khoan Dụ (Tuyên Quang). Cuộc đổ bộ của Pháp lên Bình Ca (13-10) bị đẩy lùi. Quân dù chưa đứng vững chân ở Chợ Mới đã bị tập kích (15-10).

        Tại nhiều chiến trường khác, quân Pháp và tay sai cũng được “chia lửa” với đồng bọn ở Việt Bắc. Trong khi quân Pháp ở Gia Lâm (đêm 11-10), Sơn Tây (ngày 13-10) và ở ngoại ô Sài Gòn - Chợ Lớn, ở Long Xuyên (trung tuần tháng 10) bị đánh mạnh thì một số tên tay sai đầu sỏ cũng bị đền tội trước mũi súng của các đội danh dự Việt Nam. Tên Việt gian Trương Đình Tri bị bắn ở Hà Nội ngày 10-10, tên Nguyễn Văn Sâm ở Sài Gòn ngày 11-10.

        Để kịp thời chỉ đạo hoạt động của quân và dân Việt Nam trong lúc chiến dịch của địch đang phát triển, ngày 15 tháng 10, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra chỉ thị “phải phá cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”. Sau khi biểu dương thành tích chiến đấu của quân dân Việt Bắc và các chiến trường phối hợp, vạch rõ âm mưu chiến lược và cách đánh của địch, Ban Thường vụ còn chỉ ra chỗ mạnh và chỗ yếu của chúng trong cuộc tiến công lên Việt Bắc, đồng thời nêu lên nhiệm vụ về quân sự và về các mặt khác để quân và dân cả nước đẩy mạnh hoạt động nhằm “làm cho địch thiệt hại để (chúng) không thể gượng lại được sau chiến dịch mùa đông này”1.

        Được sự chỉ đạo và uốn nắn của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng, các đơn vị bộ đội chủ lực đã cùng nhân dân và lực lượng vũ trang các địa phương ra sức giết giặc lập công.

        Những chỗ yếu, chỗ sơ hở của Pháp đã trở thành những mục tiêu của các lực lượng vũ trang kháng chiến. Nhiều vị trí Pháp mới chiếm đóng bị bộ đội Việt Nam tập kích (Chợ Mới, Bắc Cạn...). Nhiều đoàn tàu, đoàn xe Pháp bị phục kích. Trên sông Lô, sông Gâm, nhiều canô, tàu chiến Pháp bị bắn chìm cùng với hàng trăm tên bị giết ở Khoan Dụ, Đoan Hùng, Khe Lau... Tại Tuyên Quang, quân Pháp bị tiêu hao nhiều đến nỗi chúng phải gọi thị xã này là “nghĩa địa khổng lồ”.

-------------------------
        1. Văn kiện Đảng 1945-1947, Nxb Sự thật Hà Nội 1969, tr. 159.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:10:08 am

        Nếu việc vận chuyển tiếp tế bằng đường sông của Pháp hầu như bị nghẽn thì việc cơ động của chúng trên đường bộ, nhất là trên đường số 4, cũng gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Chẳng thế mà sau trận bị phục kích ngày 30 tháng 10 ở Bông Lau (trên 30 xe bị phá hủy, hàng trăm lính Âu - Phi bị chết), quan lính Pháp đã gọi đường số 4 là “con đường chết”.

        Liên tiếp trong những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11, Xalăng cùng Bôla bay đi Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn. Qua nhiều lần được gọi là “thị sát chiến trường”, họ đã rút ra những kết luận không có gì là sáng sủa:

        1. Việc chiếm đóng đã thực hiện được ở một số thị trấn, thị xã (Cao Bằng, Bắc Cạn, Chợ Đồn, Chợ Mới), nhưng lực lượng của Pháp đã bị dàn mỏng trên những vị trí cô lập quá xa nhau, thường xuyên bị đối phương bao vây quấy rối, tiến công.

        2. Tuy quân Pháp lùng sục được vào một vài kho tàng của đối phương ở Bắc Cạn, Chợ Đồn, nhưng mục tiêu chủ yếu của chiến dịch còn quá xa vời. Việc hợp điểm ở Đài Thị không thực hiện được như kế hoạch đã định.

        3. Quân Pháp bị thiệt hại quá nhiều về người và phương tiện, nhất là trên các trục giao thông trên bộ và trên sông, đến nỗi việc tăng viện và tiếp tế chỉ còn dựa vào đường không là chính, vừa rất tốn kém vừa rất khó khăn vì không đủ máy bay.

        Tóm lại, theo nhận xét của họ, bước thứ nhất của chiến dịch (kế hoạch “Lêa”) đã không đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, vì không những quân Pháp không tiêu diệt được cơ quan đầu não kháng chiến, không tiêu diệt được bộ đội chủ lực của đối phương mà chúng còn bị đánh liên tiếp và tổn thất nặng nề.

        Xalăng quyết định bổ sung bằng bước hai, được gọi là “kế hoạch Xanhtuya” (Ceinture), kế hoạch xiết vành đai hòng tiêu diệt đối phương.

        Bộ chỉ huy Pháp phán đoán rằng lực lượng chủ yếu của đối phương đã chuyển về phía nam Bắc Cạn, tập trung ở vùng trung du. Bởi vậy “Xanhtuya” nhằm dốc sức vào khu tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Phủ Lạng Thương - Việt Trì, hòng tiêu diệt chủ lực Việt Nam trong vòng một tháng (19-11 - 20-12-1947).

        Xalăng hạ lệnh rút quân ở một số vị trí thuộc đồng bằng Bắc Bộ, gom góp được thêm 5 tiểu đoàn bộ binh và dù cùng một số đơn vị biệt kích để có thêm lực lượng ném vào bước thứ hai của cuộc hành binh.

        Kết quả của bước này đối với quân Pháp cũng chẳng khả quan gì hơn so với bước trước. Trên thực tế đây không phải là bước “xiết chặt vành đai” như ý muốn của bộ chỉ huy Pháp mà là một cuộc lui quân, vừa tháo chạy vừa chống đỡ với những cuộc phục kích liên tiếp của đối phương trên đường rút lui của chúng.

        Bôphrơ cùng với quân dù rút khỏi Chợ Mới ngày 22 tháng 11 với ý định về càn quét vùng Chợ Chu, Phú Minh, Đại Từ, Phú Lương, trong khi một tiểu đoàn dù được thả xuống (26-11) để phối hợp hoạt động ở vùng Phú Minh, Cù Vân, Võ Nhai, Tràng Xá. Nhưng vì bị đối phương liên tiếp chặn đánh và bị thiệt hại nặng ở quán Ông Già (trên đường Chợ Chu - Phú Minh), ở Đại Từ, Phục Linh... cánh quân này phải vội vã rút chạy qua Thái Nguyên (14-12) để về cầu Đuống qua hướng Phủ Lỗ (19-12). Trước tình hình đó, Xalăng vội vàng lệnh cho viên đại tá Girô chỉ huy một trung đoàn từ Phả Lại lên Bắc Giang để cùng một tiểu đoàn từ Cầu Đuống lên Phủ Lỗ đón quân của Bôphrơ đang lâm nguy vì bị truy kích trên đường rút chạy.

        Cánh quân Commuynan rút khỏi Tuyên Quang ngày 21 tháng 11 để chạy về xuôi bằng hai đường: đường bộ qua Bình Ca, Sơn Dương, Thiện Kế, Vĩnh Yên; đường sông, theo sông Lô, sông Hồng, qua Việt Trì về Hà Nội. Lại thêm những trận phục kích của quân dân Việt Nam trên cả hai đường rút lui của cánh quân này.

        Trong khi đó, các vị trí Pháp đóng lại ở Việt Bắc, nhất là ở Phủ Thông và những đoàn xe của chúng vận chuyển trên các đường số 3 số 4 vẫn không ngừng bị tiến công. Tổn thất vẫn không ngừng tăng lên từ tháng 12, mặc dù đối với Pháp cuộc tiến công của chúng lên Việt Bắc chính thức chấm dứt vào ngày 19 tháng ấy, khi những tên lính cuối cùng của cả hai cánh quân của binh đoàn “B” và binh đoàn “C” về tới Hà Nội.

        Một sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử: ngày 19 tháng 12 năm 1947 đã cùng ngày 19 tháng 12 năm 1946 đặt mốc cho một chặng đường thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp.

        Bốn ngày sau đó, ngày 23 tháng 12 năm 1947, đại diện của các đơn vị vũ trang Việt Bắc, những người vừa đập tan một cuồng vọng chiến lược của bọn tướng lĩnh Pháp, đã tổ chức trọng thể lễ mừng chiến thắng tại sân vận động thị xã Tuyên Quang.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:11:16 am

MƯU SÂU HỌA CÀNG SÂU

        Ngày 10 tháng 12, tướng Xalăng ra một bản thông cáo nhằm dọn đường cho quân Pháp trở về Hà Nội. Trong thông cáo, Xalăng cố tình nêu ra những “chiến tích” giật gân: nào là quân Pháp đã tiêu diệt được cả bộ chỉ huy lẫn quân chủ lực của đối phương; nào là chúng đã phá hủy đài phát thanh, nhiều kho tàng, đã “giải phóng” (!) được dân miền núi Bắc Việt, đã bịt được biên giới Việt - Trung... Tóm lại theo Xalăng thì quân Pháp đã thắng lớn và sắp trở về dự một “lễ Giáng sinh hòa bình đầu tiên” với dân chúng Hà Nội.

        Tờ Sự thật số ra ngày 19 tháng 12 lập tức vạch trần giọng lưỡi tuyên truyền lừa bịp của bộ chỉ huy Pháp. Bài báo đặt vấn đề: “Địch đạt được mục đích như chúng đã khoe, sao (chúng) lại phải rút khỏi Chợ Đồn, Chợ Rã, Chợ Chu, Quảng Nạp, Phú Minh, Đầm Hồng, Bản Thi, Đài Thị, Chiêm Hóa, Tuyên Quang, Đoan Hùng, Tự Do (tức thâu Sơn Dương)? Tại sao trong khi hốt hoảng rút lui chúng bỏ lại nhiều vũ khí, không kịp đốt phá, và quân ta tiếp tục mò vũ khí dưới đáy sông Lô... ?”.

        Cần thêm rằng, bộ chỉ huy Pháp không thể giải thích được vì sao trong những cuộc hội nghị do Xalăng triệu tập sau khi chiến dịch tiến công kết thúc thất bại, viên tướng này lại rất chú trọng đặt vấn đề để các sĩ quan thuộc quyền trả lời về “những khó khăn đã gặp phải và đã vượt qua như thế nào?”1(Xalăng giao cho Bôphrơ tổng hợp các câu trả lời của các sĩ quan và biên soạn thành một bản tài liệu dày 300 trang đánh máy, với nhan đề “Nghiên cứu về những bài học rút ra từ các cuộc hành binh mùa thu 1947”). Vì sao trong các cuộc hội nghị đó, một số binh chủng chiến đấu và ngành phục vụ Pháp buộc phải nói ra những sự thật không hay ho gì trong cuộc tiến công lên Việt Bắc. Một vài ví dụ:

        Không quân:

        Khó khăn về các bãi nhảy dù (chủ yếu là do súng bộ binh đối phương từ dưới bắn lên) buộc các máy bay phải nhào lộn để tránh bị rơi. Vậy mà hầu như chiếc máy bay nào hạ cánh xuống Gia Lâm cũng “mang đầy vết đạn”.

        Vận tải:

        Các lái xe phải lái liên tục và căng thẳng 12 giờ liền trong một ngày trên những con đường gồ ghề mới được sửa chữa gấp vì bị phá hoại nặng nề. Chính những quãng đường nhiều hố nhiều ụ chướng ngại lại là những nơi thường bị đối phương phục kích, khi các đoàn xe buộc phải giảm tốc độ.

        Quân y:

        Dù có những xe cứu thương được thả dù xuống để lập những trạm cấp cứu lưu động, bọn lính bị thương thường chỉ được mổ xẻ sau 3 giờ...

        Người ta chỉ biết những sự thật trên đây qua lời thú nhận của Xalăng hơn hai chục năm sau, khi viên tướng này phơi bày trên những trang Hồi ký xuất bản năm 1971. Nếu đọc lại những tài liệu của cơ quan tham mưu Pháp hồi đó (ví dụ bản báo cáo đề ngày 25 tháng 12 năm 1947 của Xalăng gửi Valuy), người ta sẽ thấy những nội dung khác hẳn, mặc dù các tài liệu đó có nói đến “nhiều trận chiến đấu ác liệt”. Trong báo cáo gửi vào Sài Gòn, Xalăng đã khéo tô điểm cho “chiến tích” của các cánh quân trong chiến dịch, trong đó có cả “chiến tích” bắt được bộ trưởng tài chính Việt Minh (!). Hơn thế nữa, trong báo cáo gửi về Pari, Xalăng còn khẳng định là kết quả chiến dịch “đã thực hiện được chỉ thị của Chính phủ (Pháp) là khóa chặt (!) biên giới từ thượng nguồn sông Hồng tới vùng Đông Bắc”, tức là hầu như toàn bộ biên giới Việt – Trung!

        Tất nhiên tướng Xalăng chẳng dại gì mà vạch rõ để Pari thấy thất bại có ý nghĩa chiến lược của quân đội Pháp cuối năm 1947. Nhưng không phải vì thế mà giới cầm quyền Pháp không buộc phải chấp nhận điều đó vì báo chí Pari và nước ngoài nói đến quá nhiều.

--------------------
        1. Những đoạn dẫn lời nhận xét của ngụy trên đây trích trong Quân sử tập 4 do Quân lực Việt Nam Cộng hòa (ngụy Thiệu) xuất bản ở Sài Gòn năm 1972, tr. 34 và 98.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:12:39 am

        Nhiều số báo tiến bộ Pháp vạch ra rằng: với hàng ngàn tên lính bị chết, bị thương, bị bắt và đầu hàng, hàng trăm xe vận tải bị phá hủy, hàng chục máy bay bị bắn rơi, canô tàu chiến bị nhận chìm, quân Pháp vẫn không đạt được mục tiêu chiến lược mà bộ chỉ huy quân viễn chinh đã đặt ra là: bằng một “đòn đánh thẳng vào tim quân thù”, chúng sẽ tiêu diệt gọn cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt bộ đội chủ lực đối phương, làm tan nát hậu phương của Việt Minh, tạo điều kiện lôi kéo Bảo Đại về lập chính quyền bù nhìn toàn quốc, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

        Tờ Nhật báo Giơnevơ (Journal de Genève) vạch ra rằng thực dân Pháp đã thất bại, “mặc dù họ đã trở lại những công thức cũ rích từng được Galiêni và Lyôtây áp dụng ở xứ này từ cuối thế kỷ trước”.

        Nhà sử học Pháp Sênô nhận xét: “Chiến dịch Việt Bắc mở ra đã nhanh chóng tỏ rõ sự thất bại của Pháp. Quân đội Pháp phải bỏ nhiều đô thị đã chiếm được, triệt thoái trong những điều kiện chật vật, sau khi bị thiệt hại nặng nề về người và phải bỏ lại nhiều vũ khí, quân dụng là những thứ cần thiết để tăng cường trang bị cho lực lượng kháng chiến tại Việt Bắc”.

        Tướng Pháp Mácsăng cho rằng: “Vì quy mô chiến dịch bị hạn chế, quân Pháp không đánh được đòn quyết định tại Việt Bắc, không đạt được mục đích và đã bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để chấm dứt tấn bi kịch Đông Dương. Thắng lợi chỉ là bề ngoài và người ta đã đánh giá sai các sự kiện xảy ra. Cần có sự cố gắng hơn nữa về mặt quân sự và điều đó lại là vấn đề nan giải lúc này...”.

        Chính bọn tay sai Mỹ sau này cũng phải thừa nhận rằng Pháp đã phạm sai lầm về mặt chiến lược vì đã “tập trung lực lượng lớn để đấm vào chỗ không người, không nhà cửa, không còn thành thị... chỉ thấy toàn là rừng núi hoang vu và những đống gạch đổ nát... nên đã không thực hiện được ý đồ tiêu diệt quân chủ lực Việt Minh để hỗ trợ cho giải pháp Bảo Đại...”. Bọn ngụy cũng thấy rằng việc chiếm đóng được một số nơi ở Việt Bắc đã buộc Pháp phải giam chân một lực lượng quân sự quan trọng “mà vẫn không phong tỏa được quốc lộ 4, ngược lại đã biến nơi này thành mục tiêu cho Việt Minh tập đánh trận ngay từ 1948...”. Hơn nữa, “chính việc chiếm đóng miền Đông Bắc đã dẫn Pháp đến thất bại quân sự rất chua cay sau này...”.

        Xalăng và đồng bọn không thể đánh giá đúng đắn nguyên nhân thất bại của họ. Như báo chí Việt Nam đã vạch rõ, quân dân Việt Nam đã anh dũng và mưu trí, biết kiềm chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch, tiêu hao rộng rãi lực lượng của chúng trên khắp chiến trường Việt Bắc. Quân Pháp không những phải đối phó với các đơn vị chủ lực (mà chúng muốn tiêu diệt) mà còn phải đối phó với toàn thể nhân dân trên khắp địa bàn hành quân của chúng. Do phạm những sai lầm về chiến lược nên Pháp tự thuốc lấy những khó khăn không thể khắc phục nổi như thiếu lương thực, thuốc men, tiếp tế khó khăn trên một chiến trường quá rộng, tinh thần binh lính mau chán nản sa sút, thể lực bị mệt mỏi suy giảm vì thương vong, ốm đau, thiếu thốn. Trên tờ Sinh hoạt nội bộ số ra tháng 11 năm 1947, đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ: “Những nguyên nhân thất bại trên đây cố nhiên do ta gây ra, nhưng một phần cũng do chỗ chủ quan của bộ chỉ huy địch. Thật thế, địch đánh giá quá cao lực lượng của mình, khinh thường lực lượng ta. Nhưng chúng ước mong những kết quả tiến công Việt Bắc quá to. Đó là lỗi lớn của chúng...”.

        Cuộc hành binh mùa khô 1947 lên Việt Bắc là cố gắng cao nhất của đế quốc Pháp sau một năm mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn cõi Đông Dương. Thất bại có ý nghĩa chiến lược của chiến dịch đó đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cả về chính trị và quân sự.

        Về mặt chính trị do thất bại của Pháp ở Việt Bắc, Bảo Đại đã “lộ rõ thái độ ngán ngẩm”, cho nên ngày 23 tháng 12 Thủ tướng Pháp Suman (Robert Schuman) phải giao cho cao ủy Bôla “toàn quyền quyết định giải pháp Bảo Đại” vì, như báo chí Pháp đã chỉ rõ, “thất bại của Pháp ở Bắc Việt đã khiến công dân Vĩnh Thụy tỏ ra khôn ngoan (!) và ông ta vẫn trú chân ở Hồng Công”.

        Về mặt quân sự, với thất bại mùa đông 1947 ở Việt Bắc, âm mưu chiến lược “đánh nhanh giải quyết nhanh” của thực dân Pháp đã hoàn toàn bị phá sản. Thất bại đó đã đánh dấu một bước ngoặt chiến lược của Pháp, chấm dứt thời kỳ chúng dùng lực lượng quân sự to lớn, tiến công ồ ạt, hòng dùng “đòn quyết định đánh gục đối phương”, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Từ đây, cực chẳng đã, chúng buộc phải theo đuổi một cách bị động cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài, ngày càng hao người tốn của.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:14:14 am

Chương năm

SA LẦY

MÙA XUÂN ẢM ĐẠM

        Giữa lúc cuộc tiến công của quân Pháp lên Việt Bắc đang diễn ra thì nhiều nhân vật chính trị Pháp và tay sai đi lại như những con thoi giữa Sài Gòn và Hồng Công nhằm vận động Bảo Đại về nước lập chính quyền bù nhìn toàn quốc. Chúng đinh ninh “lực lượng kháng chiến nhất định sẽ bị tiêu diệt”. Nhưng tham vọng quân sự của Pháp bị tiêu tan trên chiến trường Việt Bắc khiến Bảo Đại trở nên ngán ngẩm, do dự. Các cuộc mặc cả giữa Bôla và Bảo Đại ở vịnh Hạ Long đầu tháng 12 năm 1947, ở Giơnevơ và ở Can tháng 1 và tháng 2 năm 1948 chưa đi đến ngã giá. Trước nội tình nước Pháp đang bị chia năm xẻ bảy và đánh hơi thấy rằng mình “bị lừa gạt”, đầu tháng 3, Bảo Đại trở về Hồng Công với “nỗi thất vọng thực sự” của con bài đang bị các phe cánh cầm quyền ở Pháp giằng xé và lợi dụng.

        Cố gắng quân sự mùa khô 1947 không hỗ trợ được giải pháp chính trị. Việc lập chính quyền bù nhìn toàn quốc “vẫn là một mục tiêu xa vời”. Cao ủy Bôla công khai lên án phe quân sự rằng thất bại quân sự cuối năm 1947 đã chặn tay không cho phép ông ta đẩy tới kế hoạch chính trị nhằm biến bài diễn văn ngày 10 tháng 9 năm 1947 ở Hà Đông thành hiện thực.

        Trong khi ở Đông Dương, thất bại quân sự đã kéo theo ý đồ chính trị vào con đường bế tắc, khiến cho mâu thuẫn giữa cao ủy Bôla và tổng chỉ huy Valuy trở nên sâu sắc thì tại Pháp, tình hình mọi mặt cũng không có gì đáng gọi là khích lệ. Các cuộc đình công liên tiếp của công nhân các ngành vận tải, luyện kim, than... kéo dài từ tháng 9 và phát triển đến đỉnh cao vào hạ tuần tháng 11 năm 1947 đã dẫn đến sự sụp đổ của nội các Ramađiê (19-11-1947). Thay vào đó là một nội các mới được thành lập ngày 22 tháng 11, thành phần chủ yếu thuộc đảng Cộng hòa bình dân do Suman (Robert Schuman) cầm đầu. Côxtơ Phlorê vẫn bám giữ và lũng đoạn bộ Pháp quốc hải ngoại. Vừa lên ghế thủ tướng, Suman đã tuyên bố loại trừ mọi khả năng thương thuyết với Chính phủ kháng chiến Việt Nam và giao cho Bôla toàn quyền nói chuyện với Bảo Đại để “lập lại hòa bình”.

        Chính phủ mới vừa thành lập được một tuần, còn đang lo đối phó với tình hình chính trị không ổn định ở Pari, thì cái chết đột ngột của tướng Lơcléc vì một tai nạn máy bay ngày 28 tháng 11 năm 1947 ở Côlông Bêsa (biên giới Marốc - Angiêri) đã làm dấy lên làn sóng dư luận vô cùng bất lợi cho giới cầm quyền Pháp. Người ta cho rằng vụ này tất phải có bàn tay của bọn “diều hâu” cỡ chóp bu ở Pari nhằm ngăn đe mọi khuynh hướng muốn giải quyết vấn đề Đông Dương trái với đường lối thực dân của chính phủ phản động Pháp.

        Về mặt quân sự, sau thất bại Việt Bắc, trong hàng ngũ những kẻ cầm đầu quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã xuất hiện những ý kiến trái ngược nhau về biện pháp chiến lược. Kẻ này chủ trương phải tập trung cố gắng để “làm chủ Nam Kỳ”. Kẻ khác lập luận: muốn giữ được Đông Dương, phải “chiếm lấy Bắc Việt bằng bất kỳ giá nào”. Ngay trong ý đồ “chiếm lấy Bắc Việt”, chủ trương cũng không thống nhất: chỉ chiếm vùng đồng bằng sông Hồng là đủ hay phải chiếm toàn bộ miền Bắc Đông Dương, hay chỉ cần tập trung vào vùng biên giới Việt - Trung...

        Dù chủ trương chiến lược mới như thế nào, trước mắt Bộ chỉ huy quân đội Pháp cũng không có khả năng thực hiện vì chúng vấp phải cái gọi là “chính sách tiêu cực của Pari”. Do khó khăn về nhiều mặt, Chính phủ Pháp không những không tăng viện mà còn “đòi trả lại” các đơn vị chính quốc đã “cho vay” trong năm 1947 để mở cuộc tiến công lên Việt Bắc.

        “Quan hệ không bình thường” với cao ủy Bôla sau thất bại Việt Bắc, ý kiến xung đột về chủ trương chiến lược trong các tướng lĩnh ở Đông Dương, “chính sách tiêu cực của Pari”... tất cả những chuyện không hay đó làm cho tướng tổng chỉ huy Valuy thêm “mệt mỏi và chán ngán”. Nắm cơ hội thuận lợi để gạt Valuy, Bôla đề nghị và được Pari chấp thuận cho viên tướng này về Pháp và để tướng Xalăng tạm thay quyền tổng chỉ huy.

        Ngày 10 tháng 2, trao đổi với Valuy khi chia tay ở sân bay Tân Sơn Nhất, Xalăng không giấu giếm nỗi lo âu vì “mùa xuân ảm đạm với những ngày dài dằng dặc cứ trôi qua mà nước Pháp thì quá xa xôi không hề biết tới”. Viên tổng chỉ huy mới than phiền rằng, trong khi quân đội viễn chinh Pháp đang bị ném vào một cuộc chiến tranh (xâm lược) tàn khốc thì “chính quốc lại luôn luôn mặc cả với họ về từng khoản chi tiêu, từng tiểu đoàn tăng viện...”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:14:46 am

        Dưới con mắt của nhiều tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương, từ Xalăng đến Mácsăng (Jean Marchand, chỉ huy phó miền Bắc Đông Dương), tướng Valuy ra đi, để lại một cục diện chiến tranh không có gì là sáng sủa đối với Pháp.

        Về binh lực, một số đơn vị bị giam chân ở mấy thị trấn mới chiếm được cuối năm 1947 (Cao Bằng, Bắc Cạn...) tiếp đến là việc hồi hương 7.000 lính đầu năm 1948 đã làm cho nạn thiếu quân số càng trở nên trầm trọng.

        Việc phát triển quân ngụy, tuy đã “đẩy lên đến cực điểm và đã vượt qua giới hạn của sự thận trọng”, nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không khắc phục được tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về quân số. Trên các chiến trường lực lượng dự bị đã “hao mòn và suy yếu dần”, lại bị bộ chỉ huy sử dụng chắp vá vào mọi nhiệm vụ nên không còn mang tính chất là lực lượng cơ động chiến lược. Trong khi đó thì lực lượng chiếm đóng bị căng ra và giam chân “trên một thế trận thiếu chiều sâu gồm những chuỗi đồn bốt dài liên miên”, đã không đủ sức giữ cho tình hình được ổn định, không đủ sức đối phó với chiến tranh du kích ngày càng phát triển mạnh trong vùng quân Pháp kiểm soát. Tình hình chung bi đát đến nỗi các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương phải nhận định rằng bộ máy chiến tranh của chúng “từ trạng thái mất thăng bằng dần dần đến chỗ được coi là tê liệt”.

        Tại Nam Bộ, ngay sau khi cuộc tiến công lên Việt Bắc kết thúc, Pháp vội điều ba tiểu đoàn vào để tăng cường càn quét và củng cố hệ thống tháp canh dọc các trục giao thông lớn. Nhưng chúng vẫn không làm chủ được tình hình, càng không bảo đảm an toàn cho các đoàn xe vận tải. Những trận phục kích vẫn liên tiếp diễn ra và như tướng Mácsăng thú nhận, đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại.

        Trong hồi ký của mình, quyền tổng chỉ huy Xalăng nói khá tỉ mỉ về trận phục kích của đối phương ngày 1 tháng 3 năm 1948 ở La Ngà, một trận đánh mà viên tướng này coi là “tuyệt diệu cả về tổ chức và chỉ huy nắm thời cơ nổ súng”, một trận đánh được coi là “cái mốc đáng chú ý trong cuộc chiến tranh Đông Dương”. Xalăng thú nhận rằng trận đánh đã quá đắt đối với quân đội Pháp vì ngoài bảy chục tên bị chết, bị thương và mất tích, viên đại tá Xerinhê, chỉ huy bán lữ đoàn lê dương thứ 13 (13eDBLE) cũng phải đền tội1. Đến ngày 4 tháng 3 thì tin tức về “sự kiện đau khổ” này đã gây chấn động quá lớn. Báo chí Sài Gòn và Pari trương lên những hàng tít lớn ở trang nhất về “trận đánh bất hạnh” ở La Ngà, đến nỗi tổng chỉ huy Xalăng phải than phiền rằng: “thật đáng thương cho quân đội Pháp ở Đông Dương, một quân đội chẳng được ai chăm sóc, trái lại chỉ bị đả kích khiến cho tinh thần và lòng tin bị suy sụp… ”.

        Trên chiến trường miền Bắc bọn tướng lĩnh Pháp thú nhận rằng quân đội của chúng phải thường xuyên đối phó với các trận phục kích các cứ điểm, các đợt phá hoại giao thông, các trận phục kích những đoàn xe vận tải và những đội tuần tiễu. Riêng trên vùng biên giới phía bắc, do hoạt động ngày càng mạnh của quân dân Việt Nam trên đường số 4, lại do bức điện ngày 22 tháng 2 năm 1948 của đại sứ Pháp ở Nam Kinh (báo tin về đà tiến của Quân giải phóng Trung Quốc), đám cầm đầu quân đội Pháp ở Đông Dương thấy cần phải nắm lại tình hình và đề nghị Pari gửi gấp lực lượng sang để đương đầu với nguy cơ nghiêm trọng đang đè nặng lên vùng biên giới.

        Trung tuần tháng 3, Bôla cùng Xalăng đi kiểm tra tình hình vùng duyên hải Bắc Bộ và vùng biên giới Đông Bắc. Chính trong cuộc kinh lý này, quyền chỉ huy phân khu Biên thùy đã chuyển từ tay Xide (Sizaire) sang tay Vike (Vicaire), cũng cấp đại tá nhưng vốn là một sĩ quan được coi là tay kỳ cựu ở Đông Dương.

        Trong suốt cuộc kinh lý, nỗi lo lắng nổi bật của Bôla và Xalăng là làm sao giữ cho việc vận chuyển trên đường số 4 được thường xuyên thông suốt trong khi “Việt Minh đã tỏ rõ sự nỗ lực của họ bằng cách lợi dụng rất nhiều đoạn đường đã bị phá hoại để phục kích các đoàn xe tiếp tế vận tải từ Lạng Sơn đi Cao Bằng”.

        Điều quan trọng rút ra sau cuộc kinh lý vùng biên giới là: quân số dự trữ và trang bị của Pháp đã ở vào tình trạng hết hơi, không đủ sức giữ được thành quả của cuộc hành binh mùa đông năm trước (ý nói cuộc tiến công lên Việt Bắc)...

        Vấn đề cấp thiết đặt ra là phải gấp rút có “biện pháp hữu hiệu để thoát ra khỏi mùa xuân ảm đạm này”...

-----------------
        1. Đây là kết quả do Xalăng ghi lại trong Hồi ký. Thật ra, trong trận La Ngà, các chiến sĩ Việt Nam đã tiêu diệt 150 tên, phần lớn là sĩ quan, trong đó có viên đại tá Paruýt (Parust), phó tham mưu trưởng quân đội viễn chinh Pháp. Còn viên đại tá Xerinhê bị bắt.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:15:29 am

NỖI BẤT BÌNH CỦA XALĂNG

        Mỗi khi đứng trước những khó khăn trong việc điều hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, những người cầm đầu quân đội viễn chinh Pháp thường coi vấn đề thiếu binh lực là nguyên nhân chủ yếu, nếu không phải là duy nhất.

        Theo tổng chỉ huy Xalăng, việc khép chặt vùng biên giới Việt - Trung cuối năm 1947 đã chôn chân thêm một số quân quá lớn khiến quân Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương ở vào thế căng như sợi dây đàn. Một khi bị đối phương tiến công ở bất kỳ đâu, bộ chỉ huy Pháp không còn một chút lực lượng dự bị nào để tung đi ứng cứu. Không những trên đường số 4 mà ở nhiều chiến trường khác cũng vậy. Miền Trung Trung Bộ là một ví dụ. Tuy tình hình chiến trường này không đến nỗi quá bi đát đối với Pháp, nhưng để bảo đảm an toàn cho các đoàn vận tải tiếp tế, (ví dụ như trên đường số 9 từ Đông Hà đến Xavanakhét), bộ chỉ huy Pháp đã phải dàn lực lượng ra quá mỏng trên các trục giao thông chiến lược.

        Theo tài liệu của cơ quan tham mưu Pháp thì vào cuối tháng 3 năm 1948, các đơn vị quân Pháp có thể tham gia chiến đấu gồm 68 tiểu đoàn bộ binh và biệt kích chính quy (trong đó có 38 tiểu đoàn ngụy), 5 cụm pháo binh, 25 phân đội trinh sát, 2 chi đội xe lội nước, một số đơn vị xe tăng. Ngoài ra còn 25 đơn vị địa phương quân (cỡ tiểu đoàn). Bộ tham mưu Pháp kết luận là lực lượng đó quá ít so với yêu cầu bình định vùng tạm chiếm và bảo vệ các đường chiến lược. Sức khỏe lính ngoại quốc, nhất là lính da trắng, đã bị bệnh sốt rét và bệnh kiết lỵ làm cho suy nhược nghiêm trọng. Do phải giữ lại quá nhiều lính đã hết hạn hợp đồng, cho nên số lính đáng lẽ phải được hồi hương đã lên tới mức báo động.

        Về mặt trang bị, phương tiện vận chuyển hư hỏng không được thay thế, đến nỗi cơ quan tham mưu Pháp phải kết luận rằng “hầu như không dùng được nữa”, vì phần lớn do Mỹ và Anh trang bị cho từ hồi cuối chiến tranh thế giới thứ hai. Máy bay vận tải thiếu quá nửa so với yêu cầu; máy bay chiến đấu chỉ dùng được 60% số hiện có; không có chiếc trực thăng nào. Những người có trách nhiệm về không quân ở Pari không giúp đỡ gì đáng kể.

        Trong bức điện đề ngày 9 tháng 4 gửi cho Bộ trưởng quân lực Pháp và tướng Valuy, tổng thanh tra quân đội thuộc địa, Xalăng than phiền rằng quân đội viễn chinh không được Pari chú ý thích đáng. Viên tổng chỉ huy đề nghị nâng quân số lục quân lên 115.000 tên, với ít nhất 48.000 người Pháp. Xalăng nhấn mạnh: “Nếu không được đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó, quân Pháp ở Đông Dương sẽ đứng trước một tình thế nguy ngập cả về tinh thần và vật chất”.

        Trong thư trả lời, tướng Valuy nhận xét rằng bức điện của Xalăng “đã làm mếch lòng nhiều người”. Ngót một tháng sau, Pari gửi điện triệu hồi Xalăng về Pháp và cử tướng Bledô (Blaizot) sang thay, điều đó làm cho Xaăng phản ứng kịch liệt.

        Vị đương kim tổng chỉ huy bất bình không phải chỉ vì Chính phủ Pháp cử tướng bốn sao Bledô sang thay thế mà chính là vì bức điện ngày 5 tháng 5 của Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại gửi cho cao ủy về việc thay thế này. Trong bức điện, Côxtơ Phlorê đã nói thẳng ra rằng mặc dù Xalăng kỳ cựu ở Đông Dương, nhưng “vì cấp thấp” (ba sao) nên khó có thể được bổ nhiệm chính thức vào cương vị chỉ huy nhiều sĩ quan cấp sư đoàn. Phlorê còn gợi ý là Pari sẵn sàng hoan nghênh nếu Xalăng chấp thuận trở về cương vị chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc Đông Dương.

        Trong Hồi ký của mình, Xalăng đã hết lời chê trách Pari về “cách đối xử lạ lùng” như vậy đối với một sĩ quan cấp tướng. Tất nhiên, viên tổng chỉ huy không chấp nhận “bị giáng chức” làm chỉ huy miền Bắc Đông Dương mà yêu cầu được trở về Pháp.

        Bledô đến Sài Gòn ngày 15 tháng 5. Viên tổng chỉ huy mới “khôn ngoan không nhận bàn giao vội” mà dành một tháng đi nắm tình hình. Nhờ đó, ngày 10 tháng 6 năm 1948 khi chính thức nhận quyền tổng chỉ huy, mặc dù Xalăng cố tô điểm cho “thành tích 4 tháng” của mình, Bledô cũng đã khẳng định tình hình mọi mặt “không có gì là sáng sủa”.

        Tại Nam Bộ, binh lực Pháp bị tiêu hao ngày càng nhiều. Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ tình hình chính trị ở Campuchia không ổn định. Tình hình Trung Trung Bộ đáng lo ngại vì đã xảy ra những trận tiến công ban ngày của đối phương, khiến cho một số đơn vị được cấp tốc điều đến để đối phó. Tại Nam Trung Bộ, liên tục xảy ra những hoạt động phá hoại ở vùng biển, trong khi tình hình vùng cao nguyên (Tây Nguyên) không được yên tĩnh, buộc Pháp phải liên tiếp tổ chức những cuộc hành quân bình định. Vùng Bắc Lào cũng là một địa bàn khiến Pháp không khỏi lo ngại.

        Nhưng chiến trường chính quyết liệt nhất vẫn là Bắc Bộ, “nơi có Chính phủ Hồ Chí Minh mà Pháp chưa làm sao tiêu diệt được” (!). Đối phương hoạt động mạnh ngay ở đồng bằng, kể cả vùng Pháp kiểm soát quanh Hà Nội, Hải Dương và dọc vùng phụ cận đường số 5. Khu vực giữa Hải Dương và Hải Phòng càng không được ổn định. Còn tình hình Hà Nội và Nam Định cũng đòi hỏi quân đội Pháp “phải thường xuyên tỉnh táo”.

        Hai viên tướng tổng chỉ huy cũ và mới thống nhất nhận định: một là, tình hình quân sự không cho phép rút bớt quân đang phòng giữ ở các vị trí để điều đi thực hiện bất kỳ hành động tiến công lớn nào; hai là, phải làm sao để những đề nghị về viện binh phải được Pari chấp nhận; ba là, về chính trị, một sự bế tắc tràn lan không những ở Bắc Bộ mà trên toàn Đông Dương; và bốn là, chưa thể lập được một chính quyền bù nhìn toàn quốc trong mùa xuân năm sau (l949) để có thể tổ chức được một đội quân ngụy đáng kể, do đó quân đội viễn chinh Pháp vẫn là lực lượng duy nhất hoặc gần như duy nhất để tiến hành các cố gắng quân sự.

        Ngày 4 tháng 7, Xalăng lên tàu về Pháp, vừa luyến tiếc “mảnh đất Đông Dương vô cùng hấp dẫn”, vừa nặng lòng oán trách “bọn viên chức cao cấp quan liêu ở Pari”, những kẻ sớm quên “chiến tích Việt Bắc” của mình!


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:16:10 am

CÁ BẢO ĐẠI CẮN CÂU

        Bledô sang Đông Dương được mấy tuần thì “một sự kiện chính trị quan trọng” (!) diễn ra ở vịnh Hạ Long và được viên tướng tổng chỉ huy mới “đánh giá cao”: Ngày 5 tháng 6, trên chiến hạm Đuygoay Tơroanh, ở vịnh Hạ Long, một bản “hiệp định” được ký kết giữa Bôla và Bảo Đại.

        Theo “hiệp định” này, đại diện Pháp công nhận “độc lập” của Việt Nam, còn Bảo Đại chấp thuận tham gia Khối Liên hiệp Pháp và sẽ “tự giải quyết vấn đề thống nhất của Việt Nam”.

        Ngay sau khi ký kết, Bôla và Bảo Đại dẫn nhau sang Pháp để “cụ thể hóa” những gì đã ngã giá ở vịnh Hạ Long. Vừa đặt chân tới Pari một điều bất ngờ lớn đã xảy ra đối với họ: Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại tuyên bố bác bỏ bản “hiệp định” mà họ vừa nặn ra vì bản “hiệp định” có đề cập tới một từ ngữ “mà nước Pháp không thể chấp nhận”: từ ngữ độc lập (dù chỉ là bánh vẽ).

        Nội bộ giới cầm quyền Pháp lúc này đang phân hóa sâu sắc, phái cực hữu đang chi phối mọi đường lối đối nội và đối ngoại của Pari. Côxtơ Phlorê, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại (phần tử hiếu chiến của đảng Cộng hòa bình dân, đại diện cho phe chủ trương dùng vũ lực lập lại chế độ cai trị Đông Dương như năm 1939) phản đối thương thuyết “với bất kỳ ai”, nếu phải đề cập tới vấn đề độc lập (dù chỉ là giả hiệu). Trước áp lực của phái hữu, Thủ tướng Suman không dám đưa bản “hiệp định” Bôla - Bảo Đại ra trước quốc hội vì sợ bị bác bỏ. Chán ngán trước tình hình đó, Bôla tuyên bố chỉ trở lại Đông Dương khi nào bản “hiệp định” được phê chuẩn.

        Trước tình hình chính trị không ổn định (trong đó nổi lên các cuộc đình công của công nhân, viên chức, kéo dài từ giữa tháng 6, đòi cải thiện đời sống và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương), ngày 19 tháng 7 nội các Suman buộc phải từ chức. Năm ngày sau, một nội các mới được thành lập do Mari (André Marie), lãnh tụ đảng Xã hội cấp tiến, cầm đầu. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Mari đã “soạn thảo lại” bản hiệp định Bôla - Bảo Đại để quốc hội có thể dễ dàng biểu quyết chấp thuận. Bất mãn vì thủ đoạn chính trị lừa lọc đó của Thủ tướng Pháp, Bôla tuyên bố không trở lại chức cao ủy Pháp ở Đông Dương nữa. Còn Bảo Đại vẫn lì lượm ở lại Pháp “để chờ cơ hội” (!).

        Nội các Mari bị đổ sau một tháng cầm quyền (24-7 – 27-8-1948). Suman cũng thất bại trong tham vọng trở lại lập chính phủ mới. Cuộc khủng hoảng nội các kéo dài nửa tháng và chấm dứt ngày 11 tháng 9, với sự ra đời của một nội các mới do Cơi (Henri Queuille) đứng đầu. Phlorê vẫn bám lấy Bộ Pháp quốc hải ngoại.

        Ngày 20 tháng 10, Pari cử cao ủy mới của Pháp ở Đông Dương: Pinhông, cố vấn chính trị của Đácgiăngliơ trước đây, con người đã từng góp phần làm tan vỡ hội nghị Việt - Pháp ở Phôngtennơblô năm 1946, “một người nổi tiếng là chống Việt Minh”, được phái Đờ Gôn và bọn cực hữu của đảng Cộng hòa bình dân cũng như đảng Dân chủ Thiên chúa giáo hết sức ủng hộ.

        Về “tài” của Pinhông, bọn bù nhìn ở Sài Gòn hồi đó cho rằng tân cao ủy chỉ là một quan cai trị dân sự, có kinh nghiệm hành chính và nhiều thủ đoạn về mặt tổ chức bộ máy thuộc địa, nhưng quá dốt về mặt quân sự đến nỗi không thấy những chuyển biến mau lẹ đang diễn ra trên chiến trường Đông Dương.

        Để cứu vãn tình hình chính trị đã trở nên quá tồi tệ, ngày 8 tháng 3 năm 1949, phái hữu trong Chính phủ Pháp phải thuận để cho Tổng thống Ôriôn (Vincent Auriol) lấy danh nghĩa chủ tịch Khối Liên hiệp Pháp ký với Bảo Đại một bản “hiệp định” mới. Từ ngữ độc lập lần này không được nhắc tới nữa. Còn vấn đề thống nhất, bản “hiệp định” ghi: Chính phủ Pháp cam kết thi hành mọi điều cần thiết để xứ Nam Kỳ “không còn chịu quy chế của một thuộc địa Pháp (?) và được chuyển sang quyền của Bảo Đại”.

        Bằng miếng mồi tung ra ngày 8 tháng 3, ngư ông Ôriôn đã ném được cá Bảo Đại vào giỏ. Sau đúng ba năm sốngcuộc đời đĩ bợm ở Hồng Công, để chờ thời cơ tiếp tục bước đường làm tay sai, ngày 28 tháng 4, “vua hộp đêm” đã trở về Đà Lạt, đúng vào dịp Pháp mở cuộc hành binh Pômôn, tiến công lên Phú Thọ và Tuyên Quang1. Hai tháng sau, một chính quyền bù nhìn toàn quốc ra đời. Cựu hoàng Bảo Đại sắm vai quốc trưởng.

-----------------
        1. Pháp hy vọng rằng, với cuộc hành binh này (bắt đầu từ 29 tháng 4 và diễn ra suốt tháng 5 năm 1949), chúng sẽ giành được một thắng lợi quân sự nhân dịp Bảo Đại “hồi loan” và dịp tướng Rơve sắp sang thanh tra Đông Dương. Nhưng với những thất bại nặng nề, nhất là ở Tràng São, Lệ Mỹ, Núi Hét, Tiên Du..., cuộc hành binh đã hoàn toàn thất bại.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:16:52 am

ĐỐI PHƯƠNG ĐÃ LỚN MẠNH

        Về tới Pari, việc đầu tiên của Xalăng là tìm đến tướng Rơve (Revers, tham mưu trưởng lục quân Pháp) để báo cáo tình hình và biện bạch cho việc xin viện binh sang Đông Dương. Cuộc gặp gỡ giữa hai viên tướng cho thấy: do đối phương hoạt động mạnh nên không một vùng nào được coi là đủ quân số trước nhiệm vụ đã trở nên quá nặng nề. Một ví dụ: 6 tiểu đoàn rải ra trên một tuyến 300 kilômét bờ biển Trung Trung Bộ là tình trạng chỉ có thể chấm dứt bằng viện binh, vì Việt Minh đã lợi dụng tình trạng hết sức phân tán của Pháp để tiến công... Một ví dụ khác: không tăng quân cho Bắc Bộ thì không thể khai thông trục Hà Nội - Tây Bắc... cũng không thể giải tỏa thủ đô đang bị du kích áp sát và vây hãm...

        Tướng Rơve cám ơn Xalăng đã cho biết nhu cầu về quân số viễn chinh, đồng thời nhận xét rằng Xalăng đã quá nhấn mạnh khó khăn của Pháp ở Đông Dương. Rơve hứa sẽ gửi sang 12 tiểu đoàn, rải ra trong 6 tháng, một điều khiến Xalăng thất vọng và coi là một giải pháp sai lầm vì điều cấp thiết là phải có ngay một lúc cả số quân đó để kịp thời đối phó với tình hình khó khăn, thậm chí nguy hiểm có thể xảy đến bất kỳ lúc nào. Không những chỉ Cao Bằng mà cả vùng biên giới phía Bắc Việt Nam là địa bàn Xalăng cho rằng cần được tăng cường gấp.

        Giữa lúc cuộc vận động xin viện binh chưa có kết quả thì tin tức về trận Phủ Thông (Bắc Cạn) đã dội về Pari. Phủ Thông là một cứ điểm có nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông trên đường Bắc Cạn - Cao Bằng. Vị trí này “được tổ chức chu đáo và vững chắc” trên một điểm cao. Theo báo chí Pháp tả lại đêm 25 tháng 7 năm 1948, hỏa lực súng cối của đối phương giội mãnh liệt xuống đồn, tiếp đến là những tiếng thét xung phong của bộ đội xông lên đánh giáp lá cà rất ác liệt. Đại úy Cácđinan (Cardinal) và trung úy Sáclốttông (Charlotton) bị chết ngay từ đầu. Toàn đại đội 21 thuộc trung đoàn lê dương thứ 3 (3èREI) bị tiêu diệt, đồn bị san phẳng. Mãi đến tối 28, quân ứng cứu từ Bắc Cạn, Nà Phạc, Cao Bằng mới tới nơi vì bị đối phương tiến công dữ dội suốt dọc đường...

        Qua trận Phủ Thông, điều khiến các tướng lĩnh Pháp suy nghĩ là đối phương đã lớn mạnh, có nhiều tiến bộ về kỹ thuật và chiến thuật, có khả năng dùng hỏa lực mạnh tiêu diệt các cứ điểm phòng ngự kiên cố của Pháp. (Tất nhiên họ không thể biết một chi tiết có ý nghĩa quan trọng là, với thành tích tiêu diệt trên 100 tên địch, san phẳng vị trí này, tiểu đoàn 11 đã mở đầu phong trào diệt cứ điểm và từ đó được vinh dự mang danh hiệu Tiểu đoàn Phủ Thông).

        Ở Pari, dư luận trong giới quân sự Pháp cho rằng trận Phủ Thông đã thúc đẩy người ta cố gắng hơn để gửi viện binh sang Đông Dương. Và cũng từ trận này, quân Pháp phải “ra sức chống đỡ với tình hình đang ngày càng xấu đi” nhất là trên chiến trường Bắc Bộ. Các báo cáo quân sự thường nói đến sự lớn mạnh của đối phương và các trận tiến công của họ, không những ở phía trước mà ngay cả trong vùng được coi là dưới quyền kiểm soát của quân Pháp, khiến cho các vị trí của Pháp “bị hủy hoại dần dần, bị tan rã dưới những đòn tiến công của một đối thủ ngày càng linh hoạt và có kinh nghiệm hơn...”.

        Ở khu Đông Bắc, đối phương vẫn giữ quyền chủ động tác chiến... Những trận phục kích liên tiếp xảy ra đã làm cho những đoàn xe quân sự của Pháp đi lại ngày càng khó khăn trên các đường số 3 và số 4. Vị trí Bắc Cạn đột xuất, “được duy trì với mục đích tranh thủ các dân tộc bản địa và uy hiếp căn cứ địa Việt Minh đã trở nên không có tác dụng”.

        Vùng đồng bằng sông Hồng ngày càng không ổn định vì chiến tranh du kích phát triển rộng khắp. Trước tình hình đó, tướng Bledô phải điều tướng Săngxông (Chanson) ở Nam Bộ ra để “bình định vùng đồng lầy đã bị đầu độc”. Một tiểu đoàn dù vừa được đưa từ Pháp sang đã bị ném vào càn quét dọc đường số 5, từ Hải Dương đến Hải phòng.

        Theo báo cáo của phòng nhì Pháp, tình hình Nam Bộ và Trung Bộ cũng thật đáng lo ngại, vì các nguồn tin tức đều cho thấy nhiều tổ chức chính trị bí mật đã phát triển và hoạt động mạnh ở những nơi trước đây vốn được coi là an toàn. Quân Pháp và ngụy ngày càng đuối sức trước nhiệm vụ duy trì an ninh tối thiểu.

        Những khó khăn về quân sự của Pháp đã dẫn đến những mâu thuẫn trong hàng ngũ bọn điều hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, trước hết là giữa cao ủy Pinhông và tổng chỉ huy Bledô. Viên tướng này chủ trương tăng cường cố gắng quân sự ở chiến trường Bắc Bộ, “cái nút của cuộc chiến Đông Dương”. Còn Pinhông lại cho rằng phải nhanh chóng cứu nguy cho Nam Bộ, “cái nhài quạt của toàn bán đảo”.

        Tướng Rơve được Thủ tướng Cơi và Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Phlorê vời đến giao nhiệm vụ sang công cán ở Đông Dương để nghiên cứu tình hình tại chỗ và tìm biện pháp chiến lược hòng cứu vãn tình thế. Đi theo Rơve có tướng Valuy, tổng thanh tra quân đội và một số nghị sĩ thuộc các đảng Xã hội cấp tiến và Cộng hòa bình dân.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:18:08 am

THANH TRA ĐẾN TRANH CÃI

        Tướng Rơve thuộc “phe kháng chiến” của Đờ Gôn được coi là có công trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng trong hàng ngũ tướng lĩnh Pháp, người ta cho rằng ông ta đã “tạo ra những thành tích đó bằng sự khôn ngoan hơn là bằng sự cống hiến”.

        Đối với cuộc chiến tranh Đông Dương, Rơve cho rằng nước Pháp không thể tự mình giành thắng lợi quân sự mà phải dùng đường lối ngoại giao (liên minh với Mỹ) càng sớm càng tốt mới hòng thoát khỏi “cái tổ ong” này.

        Đoàn thanh tra quân sự do tướng Rơve cầm đầu rời sân bay Oócly ngày 13 tháng 5 năm 1949 và đến Sài Gòn ngày 16. Ngồi trên máy bay sang Đông Dương, viên tướng này nhận được tin Chính phủ Pháp thăng cấp cho ông ta. Rơve đinh ninh rằng ngôi sao thứ năm mới được gắn lên cái lon tướng của ông ta đã xác định sự tín nhiệm của Chính phủ đối với mình.

        Sau những cuộc hội nghị liên tiếp với đám cầm đầu người Pháp ở Sài Gòn và những cuộc thăm viếng bọn tay chân đầu sỏ ở Đông Dương (trong đó có Bảo Đại), ngày 6 tháng 6 phái đoàn ra Hà Nội. Rơve và phái đoàn lên ngay vùng biên giới Đông Bắc, đặc biệt chú ý nghiên cứu tình hình Bắc Cạn, Cao Bằng và Lao Cai. Sau 10 ngày thanh tra ở Bắc Bộ, ngày 15 tháng 6, Rơve cùng Valuy triệu tập cuộc họp ở Sài Gòn để thống nhất chủ trương chiến lược theo quan điểm của phái đoàn. Cao ủy Pinhông, các tướng Alécxăngđri (tư lệnh lục quân), Cốc (Koch, chỉ huy quân Pháp ở Bắc Đông Dương) và các cố vấn chính trị của cao ủy đều có mặt1.

        Phát biểu ý kiến trong hội nghị, Rơve cho rằng trước hết phải tập trung mọi nỗ lực vào chiến trường Bắc Bộ. Cụ thể là trước tháng 9 năm 1949, phải hình thành một thế phòng ngự liên hoàn, hoàn chỉnh, nhằm cắt đứt mọi đường liên lạc giữa lực lượng kháng chiến Việt Nam với Quân giải phóng Trung Quốc. Điều đó không những có ý nghĩa thiết thực là đối phó với tình hình mà còn là thái độ duy nhất để đưa vấn đề phòng thủ Bắc Bộ vào khuôn khổ liên minh chiến lược với Mỹ”. Rơve cho rằng, điều tối quan trọng đối với Pháp là phải giữ cho được Bắc Bộ.

        Rơve yêu cầu quân đội Pháp ở chiến trường Bắc Việt phải tăng cường phòng thủ từ Móng Cái đến Thất Khê, phải làm chủ (hành quân tự do) trong khu chữ nhật lệch Thái Nguyên - Lạng Sơn - Hải Phòng - Hòa Bình. Chỉ khi đã đạt được hai mục tiêu đó thì mới mở rộng phạm vi kiểm soát tới phía nam đồng bằng sông Hồng. Đối với chiến trường biên giới, Rơve chủ trương rút quân khỏi Cao Bằng, một vị trí được tiếp tế trong điều kiện vô cùng bi đát, với những tốn kém mà Pháp không thể chịu nổi. Mặc dù đã phải giam chân một số lớn quân từ Cao Bằng đến Lạng Sơn, Pháp vẫn không đủ sức bảo đảm an toàn cho các đoàn vận tải trên con đường số 4, được lính lê dương gọi là “con đường máu”, càng không đủ khả năng phòng thủ nếu Cao Bằng bị tiến công. Muốn giữ Cao Bằng phải tốn thêm nhiều quân nữa song điều kiện thực tế không cho phép. Phương tiện vận tải đường bộ không đủ để tiếp tế đều đặn cho Đông Khê và Cao Bằng trên tuyến đường luôn luôn xảy ra những trận phục kính đẫm máu. Số máy bay vận tải Pháp hiện có không cho phép tiến hành việc tiếp tế bằng đường không. Cần trút bỏ gánh nặng đó cho không quân để có thể tập trung máy bay vận tải vào việc cơ động lực lượng. Để bù vào việc phải rút quân khỏi một đầu mối giao thông quan trọng như Cao Bằng và để hoàn chỉnh phía tây - bắc của khu chữ nhật lệch, có thể chiếm thêm một cái chốt khác, lui về phía nam, ở ngay cửa ngõ các trục giao thông xuống đồng bằng. Cái chốt mới đó là Thái Nguyên.

        Để bảo vệ quan điểm của mình, Rơve kết luận: rút khỏi Cao Bằng là để “tránh cho chúng ta một gánh nặng và một nguy cơ lớn sắp xảy ra”. Trước hết phải rút ngay các cứ điểm ngoại vi, sau đó rút cả Cao Bằng, bỏ cả phần đất phía trên Thất Khê và khi cần phải bỏ cả Thất Khê nữa, khi mà chúng ta (Pháp) đã đứng vững ở Thái Nguyên. Để thực hiện chủ trương trên đây, mỗi khi có quân tăng viện phải lập tức đưa ra Bắc. “Bắc Bộ là ưu tiên số một, là chiến trường quyết định”.

-------------------------
        1. Có nhiều dư luận về sự vắng mặt của tổng chỉ huy Bledô trong cuộc họp quan trọng này. Người ta cho rằng ông ta cố tình không giáp mặt “viên quan cai trị hành chính Pinhông, một người mù về quân sự để tránh xung đột khi tranh cãi về chủ trương chiến lược.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:19:05 am

        Biết rằng đây là một quyết định quan trọng, nhưng trước tình hình Rơve đã trình bày, các cố vấn của cao ủy cũng đành phải đồng tình. Cao ủy Pinhông cũng ủng hộ chủ trương rút Cao Bằng “để tránh những tổn thất ở quy mô tiểu đoàn..., tránh những hậu quả nghiêm trọng về tinh thần của quân đội viễn chinh”. Tướng Cốc thì cho rằng chỉ cần kiểm soát được Đồng Đăng hay Na Sầm cũng đủ để bảo vệ vùng tây - bắc Lạng Sơn, do đó viên tướng này cũng tán thành rút tất cả các vị trí từ Cao Bằng đến Thất Khê.

        Tuy nhiên, không ít ý kiến phản đối chủ trương chiến lược của Rơve. Valuy lo ngại rút Cao Bằng sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Anh - Mỹ. Theo Valuy, trong khi tình hình Bắc Bộ còn chưa rõ ràng, hãy tập trung cố gắng để “giành thắng lợi tích cực trên chiến trường miền Nam”. Alécxăngđri, viên tướng thực dân được coi là “dân Bắc Kỳ chính cống”, là người bác bỏ kiên quyết nhất chủ trương chiến lược của Rơve. Theo Alécxăngđri, “điều cốt yếu là chúng ta phải biểu thị cho được ý chí chiến đấu”. Trước một cuộc tiến công lớn từ phía bắc xuống, quân Pháp có thể cơ động lực lượng để ngăn chặn bên ngoài khu tam giác Thất Khê - Hà Nội - Lao Cai, không để cho đối phương lọt vào khu đó để xâm nhập vùng đồng bằng. Chỉ khi đó việc rút quân khỏi Cao Bằng mới cần đặt ra. Alécxăngđri còn chủ trương nhanh chóng mở rộng phạm vi chiếm đóng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Không làm như vậy tức là để cả miền Bắc cho Việt Minh, tức là để cho họ vựa thóc chính, kho vũ khí chính và nguồn bổ sung nhân lực quan trọng nhất. Nếu đến tháng 10 (1949), phía bắc không còn bị uy hiếp thì có thể dùng các tiểu đoàn tổng dự bị để đánh chiếm khu nam đồng bằng Bắc Bộ và bình định Nam Bộ.

        Điều qua tiếng lại, cuộc tranh cãi về chủ trương chiến lược không đi đến chỗ ngã ngũ, không những về chủ trương rút hay không rút Cao Bằng mà về nhiều vấn đề quan trọng khác, như việc mở rộng phạm vi chiếm đóng ở đồng bằng Bắc Bộ, việc phát huy vai trò của ngụy Bảo Đại...

        Phái quân nhân nghĩ rằng, trong một cuộc họp có nhiều nhân vật dân sự như vậy, khó mà nói hết ý kiến của mình. Mọi người đành chấp nhận trên nguyên tắc những kết luận cuối cùng của Rơve, nhưng đó là sự chấp nhận miễn cưỡng, mong manh. Những người phản đối, trước hết là Alécxăngđri, vẫn giữ nguyên quan điểm của họ.

        Ngày 17 tháng 6, Rơve rời Sài Gòn về Pháp, để lại cho các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương một cuộc tranh cãi kéo dài bất tận.

        Sau khi về tới Pari, Rơve vời ngay tướng Xalăng, “chuyên gia về Đông Dương” (!) để chia sẻ quan điểm quân sự của ông ta sau cuộc thanh tra. Theo Rơve, một mặt nước Pháp phải dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ để tập trung cố gắng, tiếp tục cuộc chiến; mặt khác, Pháp phải thể hiện rõ ý chí muốn ở lại Đông Dương và phải đóng vai trò người điều hành cuộc chiến tranh. Sau khi nói rõ ý định cho rút quân khỏi một số vị trí đột xuất không đủ sức chống đỡ khi bị tiến công như Cao Bằng, Bắc Cạn, Nguyên Bình, Rơve nhận định rằng trên toàn chiến trường Đông Dương, chỉ có đẩy mạnh việc phát triển quân ngụy thì mới tổ chức được các đơn vị cơ động chiến lược với nhiệm vụ ứng cứu một cách linh hoạt, do đó mới hy vọng bình định một cách hữu hiệu. Muốn vậy “chính quốc” phải tăng thêm viện binh và phải thay đổi trang bị đã quá cũ kỹ. Về cấp chóp bu, phải giải quyết mối bất đồng giữa cao ủy và tổng chỉ huy. Mối bất đồng đó không những bắt nguồn từ chỗ khác nhau về chủ trương chiến lược mà trước hết là từ quan hệ cá nhân, nên đã có hại cho sự điều hành mọi công việc1.

        Mọi quan điểm của Rơve đều được Xalăng đồng tình vì nó phù hợp với nhận định của “nguyên tư lệnh” Đông Dương: Pháp thua ở Đông Dương chỉ vì thiếu lực lượng (!).

-------------------------
        1. Năm 1945, khi Bledô tổ chức “binh đoàn ứng chiến nhẹ” (CLI) để đưa sang Đông Dương thì Pinhông là cấp dưới của ông ta. Đến năm 1949, Chính phủ Pháp cử Pinhông làm cao ủy, Bledô làm tổng chỉ huy, tức là đã xảy ra cảnh “sao đổi ngôi”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:19:50 am

KẾ HOẠCH RƠVE – VỤ ÁN RƠVE

        Tháng 7 năm 1949.

        Trong khi tại Pháp, quan điểm chiến lược của Rơve đang dần dần trở thành cái gọi là kế hoạch Rơve thì tại Đông Dương, Bledô tiếp tục các cuộc tranh luận để bênh vực cho quan điểm chiến lược đó hoặc ít nhất cũng làm giảm bớt sự chống đối của ba viên chỉ huy ba quân chủng.

        Tại cuộc họp ngày 23, nếu tướng Bôđê (Bodet, tư lệnh không quân) tán thành chủ trương rút Cao Bằng để tránh một thất bại tuy cục bộ nhưng nghiêm trọng thì ngược lại, tướng Alécxăngđri vẫn kiên quyết phản đối chủ trương đó.

        Là tư lệnh lục quân và cũng là người trực tiếp phải thực hiện kế hoạch rút Cao Bằng, Alécxăngđri cho rằng trước mắt có thể rút bớt các vị trí chung quanh Cao Bằng và chuẩn bị để - khi tình thế bắt buộc - sẽ rút quân khỏi các cứ điểm từ Cao Bằng đến bắc Thất Khê; đồng thời với việc rút Cao Bằng, phải chiếm đóng ngay vùng Việt Trì, Thái Nguyên, Lục Nam để củng cố thế phòng ngự vùng bắc châu thổ sông Hồng. Rút Cao Bằng ngay lúc này không những dẫn đến nguy cơ buộc Pháp phải rút khỏi Bắc Bộ mà còn bị dư luận lên án về “sự bất lực và thái độ bỏ rơi” của Pháp..., không khỏi ảnh hưởng xấu đến chính quyền Bảo Đại.

        Sau một ngày tranh cãi, Alécxăngđri vẫn không nhượng bộ, đến nỗi tổng chỉ huy Bledô phải lên án: “Trong cuộc chiến tranh này, nhiều hiện tượng vô kỷ luật đã bộc lộ trong quân đội (Pháp). Mỗi sĩ quan cấp tướng đều muốn điều hành cuộc chiến tranh theo sở thích của mình. Đã đến lúc phải chấm dứt hiện tượng đó... Nếu một khi đã có quyết định của cấp trên, thì cấp dưới chỉ có hai cách xử trí: một là chấp hành, hai là hãy từ chức đi cho rảnh...”.

        Đô đốc Oóctôli (Ortoli, tư lệnh hải quân), người vốn ăn cánh với Alécxăngđri, đến lúc này mới lên tiếng châm biếm: “Ở cấp tổng chỉ huy, đeo vào người một kế hoạch mà chính mình không tin tưởng là làm được thì đó không phải là một sự tuân lệnh mà là một cuộc tự sát”.

        Tổng chỉ huy Bledô nổi khùng kết thúc cuộc họp bằng một lời khẳng định: Cứ chấp hành lệnh của Rơve, rút Cao Bằng vào giữa tháng 9 (nếu khi đó Pari không phản đối), đồng thời sẽ đánh chiếm Thái Nguyên. Vấn đề mở rộng phạm vi chiếm đóng ở đồng bằng sông Hồng chưa đặt ra trong lúc này... Tướng Alécxăngđri buộc phải tạm thời tuân lệnh với thái độ bất mãn rõ rệt. Viên tướng cứng đầu này hy vọng sẽ có dịp trình bày quan điểm của mình với những nhân vật tai to mặt lớn ở Pari... hy vọng quan điểm của giới quân nhân thuộc địa kỳ cựu sẽ được Pari đánh giá cao hơn là những ý kiến của bọn tướng chính quốc.

        Mặc dù tổng chỉ huy đã kết luận, lại một lần nữa, vấn đề rút hay không rút quân khỏi Cao Bằng vẫn chưa thực sự ngã ngũ.

        Những người tham gia cuộc tranh cãi trên đây không hề biết rằng lúc này tại Pari, tác giả của đề tài tranh cãi - tướng Rơve - đang ngày càng bị thất thế và đang là nạn nhân của những sự tranh chấp giữa các giới cầm quyền Pháp chung quanh vấn đề chiến tranh Đông Dương.

        Từ mùa hè 1949, qua báo chí Pháp, người ta thấy sự phân hóa về đường lối chính trị của Chính phủ Pháp không những chỉ nảy nở trong hàng ngũ các tướng lĩnh mà cả trong giới dân sự và ngày càng lan rộng ở Pari. Những lời dèm pha, những chiến dịch chống đối, những cuộc cãi vã thường nổ ra chung quanh đề tài Đông Dương và Bắc Phi. Báo chí của thế giới tư bản coi nước Pháp như một “con bệnh ở châu Âu”. Họ không giải thích nổi vì sao “một trong tứ cường” (!) đã trút sang Đông Dương đủ loại máy bay, pháo binh và phương tiện thông tin hiện đại... là những thứ mà Việt Minh không có, vậy mà đội quân viễn chinh Pháp vẫn không sao rút chân ra khỏi “vũng bùn Đông Dương”. Báo chí Pari còn phản ánh những thực tế đáng buồn qua những bức thư của binh lính từ Đông Dương gửi về. Những bức thư đó đã vẽ lên bức tranh khá đậm nét về sự tiến bộ đều đặn của đối phương cả về trang bị, huấn luyện và cách đánh. Và sự tiến bộ đó đã dẫn đến ngày càng nhiều trận đánh đẫm máu mà quân đội viễn chinh Pháp không sao tránh khỏi. Những bức thư Đông Dương khiến dư luận Pháp ngày càng chú ý đến trạng thái tinh thần sa sút của binh lính viễn chinh Pháp, những người đã dám công khai thừa nhận rằng Pháp không thể giải quyết vấn đề Đông Dương bằng biện pháp quân sự.

        Giữa lúc bấy giờ, ngay tại thủ đô Pari bỗng lại nổ ra một sự kiện quá đặc biệt, làm cho nội tình nước Pháp đã rối lại càng rối thêm. Chính viên tham mưu trưởng lục quân, tướng Rơve, người vừa nhận ngôi sao thứ năm trong dịp đi công cán Đông Dương, đã sắm vai chính trong vụ bê bối này, một vụ bê bối đã buộc ông ta phải rút lui khỏi cuộc đời binh nghiệp.

        Trở về Pháp sau cuộc thanh tra quân sự, Rơve báo cáo chủ trương chiến lược của mình với Thủ tướng Cơi. Được Thủ tướng chấp thuận, Rơve soạn thảo ra cái gọi là “kế hoạch Rơve”, với hy vọng tướng Bledô, người thân tín của mình, sẽ sớm biến nó thành hiện thực trên chiến trường Đông Dương.

        Bỗng nhiên, khoảng hạ tuần tháng 8, Pari nhận được báo cáo của cao ủy Pinhông nói rằng kế hoạch Rơve đã bị lộ. Rơve và những người liên quan, trong đó có tướng Mát (Mast) và một nhân vật dân sự, một ông Pâyrê (Peyré) nào đó bị chất vấn. Tiền gửi nhà băng của họ bị kiểm soát (vì có nhiều nguồn tin nói chính Rơve đã bán bản kế hoạch mang tên mình).

        Vụ án từ chỗ đang được điều tra bí mật trong giới có thẩm quyền bỗng trở thành một đề tài công khai trên báo chí từ tháng 9, dưới đầu đề giật gân: Vụ bê bối của các vị tướng. Dư luận đặt vấn đề: phải chăng đã có bàn tay cỡ chóp bu ở Pari nhúng vào vụ này? Phải chăng người ta cố tình hạ bệ Rơve1. Dư luận nói nhiều đến Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Côxtơ Phlorê, người đã nhiều lần va chạm với Rơve và đã từng gán cho viên tướng này “tư tưởng hữu khuynh và bỏ rơi” muốn giải quyết vấn đề Đông Dương bằng con đường thương lượng (?).

        Bị cô lập và thất thế trước cả một “bầy bộ trưởng nô lệ của các đảng cực hữu” và tự thấy bị làm nhục, tướng Rơve yêu cầu ra khỏi quân đội. Tướng Mát cũng được về hưu. Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương - tướng Bledô - người thân tín của Rơve, bị triệu hồi.

        Trong một thời gian dài, vụ án Rơve bị phơi bày trên các cột báo, được đem ra tranh luận trong các phòng trà. Một ủy ban được Quốc hội Pháp cử ra để tiếp tục cuộc điều tra. Kết luận của ủy ban này là: sở dĩ có vụ án Rơve (cũng như các vụ bê bối khác trước đây: vụ buôn bạc, vụ buôn lậu rượu vang, vụ bán tin tức tình báo của một viên đại tá nào đó và cả vụ buôn thuốc phiện của tổng chỉ huy Xalăng... ) là do bộ máy điều hành của nước Pháp đã ruỗng nát, một sự ruỗng nát xuất hiện từ khi chiến tranh xâm lược Đông Dương bắt đầu.

        Cuối cùng vụ án Rơve rồi cũng bị chôn vùi trong các tập hồ sơ của Bộ Quốc phòng Pháp, nhưng nó đã để lại trong tâm trí quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương “một mối hoài nghi về sự lừa lọc và phản trắc của các tướng lĩnh”.

---------------------
        1. Theo nguyên văn: Cắt cỏ dưới chân tướng quân.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:21:20 am

PARI VÀ SÀI GÒN: BI QUAN - BẾ TẮC

        Từ cuối tháng 8, khi vụ án Rơve còn được giữ kín, Chính phủ Pháp đã nghĩ đến chuyện thay thế tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, vì Bledô đã bị liệt vào hàng những kẻ đồng lõa với Rơve. Ở Pari, có người nghĩ rằng Alécxăngđri có thể được cất nhắc vào chức vụ đó. Chính viên tướng này cũng hy vọng như vậy, vì tin rằng mình có ưu thế hơn người về “thâm niên ở Đông Dương”, trong đó nổi lên thành tích chỉ huy cuộc tháo chạy tháng 3 năm 1945 (!). Thế nhưng, Alécxăngđri lại không hề được ghi trong danh sách tiến cử của bộ Pháp quốc hải ngoại.

        Nhiều viên tướng loại “cỡ” như Manhăng (Magnan) hoặc Guyôm (Guillaume) thì khước từ thẳng thừng vì “không muốn đụng đến cái tổ ong Đông Dương”, nơi mà từ bốn năm nay nhiều tướng lĩnh Pháp loại đàn anh như Lơclée đã kết luận rằng dù có 50 vạn quân, Pháp cũng không hy vọng giành thắng lợi về quân sự.

        Được Thủ tướng Cơi vời đến, lúc đầu tướng Cácpăngchiê (Marcel Carpentier) cũng từ chối vì lý do sức khỏe không phù hợp với khí hậu nhiệt đới vì không hiểu biết gì về chiến trường Đông Dương và nhất là vì không phải là lính thuộc địa kỳ cựu, tuy lúc bấy giờ ông ta đang chỉ huy quân đội Pháp ở Marốc (!). Thế nhưng, được lời khích lệ của Thủ tướng, rồi của Tổng thống, Cácpăngchiê tự nhiên “bỗng tin rằng mình sẽ quen với chiến trường Đông Dương, và cuối cùng viên tướng này đã nhận lời, cũng tức là đã gỡ cho Chính phủ Pháp thoát khỏi cảnh bối rối.

        Dư luận Pari tỏ ra lo ngại về việc tướng Cácpăngchiê được cử sang Đông Dương. Chính những người vốn cho rằng viên tướng này luôn luôn thành công trên mọi cương vị công tác lại được tướng Gioăng ủng hộ, cũng tỏ ra nghi ngờ rằng giờ đây được ném vào một cuộc phiêu lưu rất xa lạ, liệu Cácpăngchiê có làm nên trò trống gì không? Còn số khá đông tướng lĩnh Pháp thì cho rằng một viên tướng đa nghi, xảo trá, nhiều thủ đoạn như Cácpăngchiê e khó điều khiển nổi bọn tướng thực dân già đời ở Đông Dương (như loại Alécxăngđri), những kẻ coi quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương như “của riêng họ”.

        Ngày 3 tháng 9 năm 1949, vừa đến Sài Gòn và chưa kịp nhận bàn giao1, Cácpăngchiê đã nhận được một tin không vui: một đoàn xe vận tải của quân Pháp, trên đường từ Lạng Sơn lên tiếp tế cho Cao Bằng bị phục kích và thiệt hại nặng: 30 xe GMC bị phá hủy, trên 60 tên bị chết và bị thương, trên 40 tên mất tích. Tân tổng chỉ huy vội vã bay đi Lạng Sơn và sau khi đã nắm tình hình, tướng Cácpăngchiê chỉ biết ngao ngán rút ra một kết luận “do thiếu sự phối hợp hành động” (?).

        Một tiểu đoàn lính da đen được cấp tốc điều lên tăng cường cho các cứ điểm dọc đường số 4, một số tiểu đoàn khác cũng được lệnh lên tiếp sau. Tuy nhiên, một chi tiết đáng chú ý là, trong báo cáo đề ngày 15 tháng 10 gửi về Pari, Cácpăngchiê nói ông ta vẫn “không thể bảo đảm với Chính phủ rằng rồi đây sẽ không còn những trận phục kích gây cho chúng ta (Pháp) những tổn thất tương tự”.

        Một trong những việc được Cácpăngchiê quan tâm trước tiên là cải tổ guồng máy chỉ huy quân viễn chinh. Chức chỉ huy lục quân bị bãi bỏ. Alécxăngđri được giao chức chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc Đông Dương. Săngxông (Chanson) thay Đờ Latua (Boyer de Latour du Moulin) ở Nam Bộ.

        Khoảng trung tuần tháng 10, giữa lúc người Pháp ở Sài Gòn đinh ninh rằng kế hoạch Rơve đã trở thành tờ giấy lộn (vì đã bị lộ), giữa lúc mọi nỗ lực quân sự của Pháp đang hướng vào việc củng cố và mở rộng phạm vi chiếm đóng ở đồng bằng Bắc Bộ, thì báo chí Pari lại nói nhiều đến việc Việt Minh không ngừng mạnh tay trên đường số 4. Chính phủ Pháp đã nhân đó đốc thúc cả cao ủy và tổng chỉ huy phải rút quân khỏi Cao Bằng và đánh chiếm Thái Nguyên vào tháng 11 như Hội đồng Quốc phòng Pháp đã quyết nghị.

---------------------
        1. Thật ra, Bledô lánh mặt rồi chuồn thẳng về Pháp, không chịu bàn giao công việc cho tổng chỉ huy mới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:21:51 am

        Lập tức cái gọi là Hội đồng phòng thủ Đông Dương được triệu tập ở Sài Gòn. Sau khi phân tích tình hình, bọn cầm đầu quân đội Pháp nhất trí không chấp hành lệnh rút quân khỏi Cao Bằng vì: 1. Đối phương chưa trực tiếp uy hiếp vị trí này; 2. Không nên bỏ trống một địa bàn quan trọng ở biên giới trong khi quân Tưởng đang rút chạy hỗn loạn ở Hoa Nam; 3. Rút Cao Bằng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần bọn ngụy; 4. Việc chiếm đóng Thái Nguyên là “điều mong ước”, nhưng chưa đủ sức thực hiện trong lúc này.

        Do quyết định trên đây, sân bay Cao Bằng được mở rộng và củng cố, một cầu hàng không Lạng Sơn - Cao Bằng được thành lập để tiếp tế cho các cứ điểm phía bắc Thất Khê, bắt đầu từ giữa tháng 1 năm 1950. Bọn Pháp hy vọng cầu hàng không dọc đường số 4, tuy rất tốn kém nhưng sẽ giúp chúng khắc phục được khó khăn trước đây là phải mất trên dưới 20 ngày đi và về mới thực hiện được một chuyến tiếp tế bằng xe vận tải, khiến cho số hàng vận chuyển bị tiêu thụ đi một phần trên đường và nhất là khiến cho đối phương luôn tổ chức những trận phục kích trên “con đường máu”.

        Từ cuối năm 1949, trong cơ quan tham mưu quân viễn chinh Pháp dư luận bàn tán nhiều về tâm trạng bi quan của tướng tổng chỉ huy trước tình hình không có dấu hiệu gì đáng gọi là sáng sủa. Bảo Đại không dám “công khai thách thức với Việt Minh” như Cácpăngchiê yêu cầu. Tướng Alécxăngđri thì cứ ngồi lỳ trong sở chỉ huy ở Hà Nội với thái độ bất hợp tác rõ rệt. Do chưa tìm được người thay thế nên vẫn đành phải để đại tá Côngxtăng (Constans), một người có dáng dấp lính văn phòng hơn là lính chiến, chỉ huy khu biên thùy Đông Bắc (Z.F.N.E.), một chiến trường được coi là “có tầm vóc quốc tế”.

        Nỗi bi quan của Cácpăngchiê bộc lộ rõ rệt đến nỗi nhiều bạn bè ở Pari đã khuyên viên tổng chỉ huy nên từ chức vì thấy ông ta quá nhu nhược không dám quyết định cả những việc thấy cần phải làm. Cácpăngchiê không nghe theo những lời khuyên đó vì hy vọng rằng chính quốc sẽ sáng suốt chấp thuận những chủ trương chiến lược do mình đề đạt.

        Trong một dịp về Pháp tháng 12 năm 1949, được Tổng thống Pháp hỏi về triển vọng cuộc chiến tranh Đông Dương. Cácpăngchiê thẳng thắn trả lời là Pháp không có hy vọng gì để giành thắng lợi về mặt quân sự. Viên tướng tổng chỉ huy đề đạt một giải pháp chính trị. Tổng thống Ôriôn khẳng định lại với Cácpăngchiê rằng “nước Pháp không nên biến mình thành những kẻ bỏ rơi mất Đông Dương”.

        Nhưng làm thế nào để khỏi “mất” Đông Dương? Đó là điều bế tắc, là bài toán không có lời giải, không những đối với Cácpăngchiê và bọn chỉ huy quân viễn chinh Pháp mà cả với Ôriôn và Chính phủ Pháp do ông ta đứng đầu.

        Trong những ngày lưu lại ở Pari, Cácpăngchiê được nghe quá nhiều tin tức không có lợi cho sự nghiệp viễn chinh của mình. Công nhân khuân vác không chịu xếp dụng cụ chiến tranh lên tàu sang Đông Dương. Công nhân các xưởng đóng tàu ở Brét, Lôriăng, Tulông đình công. Thủy thủ tàu Paxtơ chống lại lệnh trưng tập. Ở Nixơ, 2.000 người biểu tình chống cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Đông Dương đã xung đột với cảnh sát và vứt tung các kiện hàng quân sự ra đường phố. Ở Grơnôblơ, một khẩu pháo bị bẩy ra khỏi toa tàu. Nhiều đám cháy xảy ra ở các nhà ga và bến cảng, nơi xuất phát của các chuyến tàu chở dụng cụ chiến tranh sang Đông dương. Các gia đình Pháp giữ không cho con em họ tòng quân...

        “Căn bệnh bi quan” của Cácpăngchiê càng tăng khi viên tướng này trở lại Đông Dương và nhận được nghị quyết mới của hội đồng các tham mưu trưởng Pháp đề ngày 4 tháng 2 năm 1950. Hội đồng nhận định: không phải chờ đến 1951 mà ngay trong năm 1950 này “chính quốc” đã không thể đài thọ nổi nếu quân số viễn chinh Pháp vẫn đông như hiện nay. Đông Dương đã ngốn 85% sĩ quan và 75% hạ sĩ quan Pháp. Việc bòn rút quân Pháp ở Bắc Phi đưa sang Đông Dương đã khiến cho nền an ninh của Pháp ở Tuynidi, Marốc và Angiêri xuống tới giới hạn thấp nhất. Theo ý kiến của hội đồng, một mặt phải duy trì những nỗ lực quân sự ở Nam Bộ, mặt khác (dù phải chịu cay đắng) cũng cần rút bỏ một số vị trí ở Bắc Bộ, lui về giữ những vùng có giá trị cả về quân sự và chính trị. Cụ thể là hãy rút quân khỏi Cao Bằng, củng cố thế chiếm đóng trên trục đường số 5, thu hẹp phạm vi kiểm soát ở đồng bằng về tới Nam Định...

        Tuy Cácpăngchiê và bọn cầm đầu quân đội Pháp ở Đông Dương đều thấy trước nguy cơ nếu tiếp tục chiếm đóng Cao Bằng nhưng trong thâm tâm họ chưa muốn rút bỏ cứ điểm này. Rút hay không rút khỏi Cao Bằng? Câu hỏi đó phản ánh mâu thuẫn gay gắt giữa tập trung và phân tán binh lực, giữa tham vọng mở rộng kiểm soát trên chiến trường rừng núi và yêu cầu co về để giữ vững đồng bằng... Những mâu thuẫn có tính quy luật trong cuộc chiến tranh xâm lược luôn luôn giằng xé bất kỳ viên tướng viễn chinh nào ở Đông Dương.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:22:16 am

        Những mâu thuẫn đó ngày càng tăng khi đối phương không ngừng đẩy mạnh hoạt động trên đường số 4, nơi thiệt hại của quân Pháp ngày càng nặng nề. Ngân sách được Pari chấp thuận chỉ đủ cho một đội quân viễn chinh chừng 120 nghìn tên, trong khi đó thì trên thực tế quân số Pháp ở Đông Dương đã lên tới 150 nghìn mà vẫn không đủ sức đối phó với đối phương trên các chiến trường, trước hết là Bắc Bộ. Quân ngụy thì tiến triển quá chậm và chưa phát huy tác dụng gì đáng kể để giảm bớt gánh nặng cho quân đội Pháp.

        Biện pháp Cácpăngchiê cho rằng có ích là: gửi một tờ trình lên Thủ tướng Pháp giãi bày nỗi ưu tư của kẻ đứng mũi chịu sào ở Đông Dương sau khi nghiên cứu nghị quyết đầu tháng 2 năm 1950 của hội đồng tham mưu trưởng Pháp. Trong tờ trình viên tổng chỉ huy nhận định rằng năm 1950 bắt đầu với những triệu chứng không có gì là tốt đẹp đối với Pháp. Liên Xô và Trung Quốc đã công nhận và ủng hộ nước Việt Nam kháng chiến. Lực lượng của họ đã mạnh hẳn lên, trong khi đó thì Pháp và tay sai ngày càng đuối sức. Quân Pháp, mặc dù thiếu nhiều sĩ quan có năng lực, vẫn phải đảm nhiệm cả công việc bình định vì quân ngụy quá yếu. Nếu quân Pháp và quân Âu - Phi bị rút bớt đi thì sẽ dẫn đến nguy cơ sụp đổ. Trước mắt và cả năm tới (1951), hai nhiệm vụ bảo vệ biên giới và càn quét bình định vẫn là những vấn đề đau đầu với bộ chỉ huy quân đội Pháp. Theo Cácpăngchiê, nếu Pháp muốn tiếp tục ván bài Đông Dương, chỉ có xin viện trợ của Mỹ mới cứu vãn được tình thế đã quá bi đát. Viên tướng tổng chỉ huy cho rằng “khối lượng viện trợ không quan trọng bằng thời hạn mà sự viện trợ được tiến hành” tức là càng sớm càng tốt. Cácpăngchiê hy vọng rằng trong một thời gian hết sức ngắn (nếu có thể được thì trong khoảng tháng 3, tháng 4 năm 1950) sự có mặt của tàu chiến Mỹ chở phương tiện chiến tranh vào cảng Hải Phòng hoặc Sài Gòn sẽ “gây nên một sự kích động tâm lý rất lớn” đối với Bảo Đại và các phần tử lừng chừng khác, đồng thời sẽ “làm nản lòng Việt Minh” (!).

        Nếu tờ trình của Cácpăngchiê đã có tác dụng thúc đẩy Chính phủ Pháp gấp rút xin viện trợ quân sự Mỹ cho quân đội Pháp ở Đông Dương thì nó cũng khiến cho Bộ tham mưu Pháp tỏ ra kiên quyết hơn đối với thái độ do dự của viên tướng này. Ngày 22 tháng 3, trong chỉ thị gửi Cácpăngchiê, Bộ tham mưu nhắc lại biện pháp chiến lược mà hội đồng tham mưu trưởng đã quyết nghị. Cụ thể là phải gấp rút tăng cường quân ngụy để giảm bớt gánh nặng cho quân đội Pháp, để có thể nhanh chóng tập trung quân Pháp và Âu - Phi về giữ đồng bằng nhằm tránh xảy ra những tai biến lớn do sự lớn mạnh quá nhanh của đối phương.

        Mùa hè 1950, báo chí Pháp và phương Tây thường dẫn lời tuyên bố của tướng Alécxăngđri nói quân Pháp ở Bắc Bộ đã làm chủ được đồng bằng và đang chuẩn bị hướng nỗ lực quân sự lên vùng rừng núi. Vì chủ quan ngạo mạn hoặc vì thiển cận về chiến lược, Alécxăngđri không thấy được một thực tế là tám chiến dịch mở rộng và củng cố thế chiếm đóng của quân Pháp ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ1 tuy có gây cho đối phương ít nhiều khó khăn nhưng đồng thời cũng đem lại hậu quả là, vào giữa năm 1950, khi phạm vi chiếm đóng của Pháp đã mở rộng nhất thì cũng là lúc lực lượng của chúng căng ra mỏng nhất và lực lượng cơ động chiến lược hầu như không còn nữa nên đã không đủ sức đối phó với lực lượng vũ trang của đối phương. Chẳng thế mà nhiều ký giả Pháp và phương Tây đã châm biếm: Nếu hỏi rằng trên thực tế quân viễn chinh Pháp đã “kiểm soát” được gì ở đồng bằng sông Hồng thì ít nhất ai ai cũng thống nhất một điểm: ban đêm, quyền làm chủ hầu như thuộc về Việt Minh.

        Khốn nỗi, Alécxăngđri lại đang nuôi tham vọng quân sự đầy phiêu lưu: nhanh chóng hoàn thành bình định ở đồng bằng trong một thời gian ngắn để dồn toàn bộ lực lượng lên vùng rừng núi hòng truy lùng đối phương ở tận sào huyệt của họ (!).

        Song, Alécxăngđri còn chưa kịp thi thố tài năng thì từ biên giới Đông Bắc “một tin không vui” bay về: cứ điểm Đông Khê bị đối phương tiêu diệt, ngày 25 tháng 5.

---------------------
        1. Tám chiến dịch nhằm kiểm soát thêm một số vùng thuộc các tỉnh trung du và đồng bằng: 1) 7-1949 Bastille: Bắc - Bắc; 2) 8-1949 Canigou: Vĩnh Phúc; 3) 10-1949 Anthracite: Bùi Chu - Phát Diệm; 4) 12-1949 Diabolo: Hải Dương - Hưng Yên; 5) 2-1950 Tonneau: Thái Bình; 6) 4-1950 Davide: Vân Đình, 7) 4-1950 Nine: Ninh Bình; 8 ) 5-1950 Foudre: Phủ Lý.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:23:30 am

SÔNG XEN HÒA VỚI SÔNG HỒNG

        Mất Đông Khê là một sự kiện được nhiều tướng lĩnh Pháp gọi là một tin sét đánh, không những vì hai đại đội Âu Phi nhanh chóng bị tiêu diệt mà còn vì lần đầu tiên đối phương dùng pháo binh chi viện cho bộ binh tiến công trong một trận đánh mãnh liệt quy mô trung đoàn. Cứ điểm Đông Khê, một “bậc thang quan trọng” trên tuyến đường Lạng Sơn - Cao Bằng, nhanh chóng bị san phẳng.

        Các ký giả Pháp, nhất là những người có mặt ở vùng biên giới Đông Bắc cuối tháng 5 năm 1950, có dịp mô tả về “sức chống đỡ tuyệt vọng” của quân Pháp chiếm đóng Đông Khê (hai đại đội 2 và 3 của tiểu đoàn 1/8 RTM và một đại đội ngụy) những kẻ dựa vào pháo binh, súng cối, súng máy và công sự cũng không tránh khỏi bị tràn ngập. Họ cũng mô tả về sự chỉ huy tuyệt vời của cán bộ Việt Minh đã nhanh chóng làm câm họng các khẩu pháo 105 và 75 milimét, tạo điều kiện tiêu diệt quân Pháp trong cứ điểm. Nhiều bài tường thuật được kết thúc bằng những lời nhận xét: Trận đánh chứng tỏ Việt Minh đã có lực lượng mạnh để đọ sức với quân Pháp... rõ ràng họ đủ sức tiêu diệt bất cứ vị trí nào của Pháp trên đường số 4... Vậy thì có lý do gì họ sẽ không tiêu diệt cứ điểm Cao Bằng? Cũng có ký giả đặt vấn đề: Phải chăng đây chỉ là một cuộc tổng diễn tập bằng thực binh của đối phương để tiến tới một trận đánh lớn hơn?1.

        Quân Pháp còn chiếm đóng Cao Bằng, do đó “phải lấy lại Đông Khê”. Đó là quyết tâm của Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp.

        Ngày 27 tháng 5, một tiểu đoàn dù (3e BPC) được ném xuống cứ điểm đã bị san phẳng này. Mặc dù đối phương đã rút ra khỏi vị trị, quân Pháp cũng phải qua 6 giờ đối phó kịch liệt với súng phòng không, tiểu đoàn dù này mới đặt chân được xuống Đông Khê. 25 máy bay Pháp bị dính đạn trong cuộc thả dù là một “tình hình mới” khiến cho tướng lĩnh Pháp phải suy nghĩ: lần đầu tiên súng phòng không của Việt Minh xuất hiện.

        Để tiểu đoàn mới được ném xuống có thể đứng vững từ cuối tháng 5, năm tiểu đoàn khác được lần lượt điều lên để thay nhau càn quét thung lũng Đông Khê và các vùng chung quanh. Công sự bê tông cốt sắt và hầm ngầm được xây dựng khẩn trương. Kế hoạch ứng biến cấp tốc được vạch ra. Và từ cuối tháng 6, một đại đội tăng cường gồm toàn lính lê dương được coi là thiện chiến bị chôn chân trong cái cứ điểm trơ trọi này.

        Ném quân xuống chiếm lại (!) Đông Khê chỉ là giải pháp đối phó trước mắt. “Điều khiến tổng chỉ huy đau đầu là đối phương đã lớn mạnh”. Làm sao bảo vệ cho được phòng tuyến đường số 4, vấn đề đó đã chiếm toàn bộ tâm trí của Cácpăngchiê. Viên tướng này nhất trí với đề nghị của Bộ tham mưu quân viễn chinh là phải khẩn trương củng cố các vị trí trên con đường chiến lược quan trọng đó. Khốn nỗi, ngân sách đã hết mà quỹ đen cũng chẳng còn. Do cao ủy Pinhông gợi ý, tướng Cácpăngchiê thân hành về Pháp xin tiền nhưng bộ trưởng tài chính Pétsơ (Petche) “đã quay lưng lại”: Chính phủ cần tiêu nhiều khoản cấp bách hơn xi măng và dây thép gai cho quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

        Nếu lần này về Pháp, tướng Cácpăngchiê không gặt hái được gì đáng kể cho việc củng cố phòng tuyến đường số 4 thì ông ta lại tiếp nhận được khá nhiều tin tức không vui có quan hệ tới cuộc đời binh nghiệp của viên tướng viễn chinh ở bán đảo Đông Dương xa xôi này. Trong những ngày ngắn ngủi lưu lại ở Pari, Cácpăngchiê được bạn bè thuật lại không khí chính trị nóng bỏng ở thủ đô Pháp từ hồi tháng 4 năm trước (1949), khi viên tướng này còn ở Marốc. Cái gọi là không khí chính trị nóng bỏng đó chính là thái độ chống đối ngày càng gay gắt của nhân dân lao động Pháp đối với cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.

        Hưởng ứng các nghị quyết của Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp và của Đại hội hòa bình thế giới họp lần đầu tiên ở Pari (tháng 4 năm 1950), nhân dân Pháp đã dấy lên trong cả nước một phong trào đấu tranh mạnh mẽ chống đường lối tiếp tục chiến tranh của điện Êlydê. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Đoàn thanh niên Cộng hòa và Hội Liên hiệp phụ nữ Pháp đã vận dụng nhiều hình thức đấu tranh sinh động, phong phú. Nổi lên trong phong trào phản chiến ở Pháp thời kỳ này là Hăngri Máctanh (Henri Martin) người thanh niên 22 tuổi, thủy thủ giải ngũ, công nhân xưởng đóng tàu ở Tulông. Trong suốt nửa cuối năm 1949, hầu như tháng nào anh cũng tổ chức rải truyền đơn kêu gọi lính thủy Pháp phản chiến, kêu gọi công nhân khuân vác đình công, không chuyên chở vũ khí và quân dụng xuống tàu sang Việt Nam.

        Bước sang năm 1950, phong trào đòi hòa bình ngay tức khắc ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, công khai hơn, quyết liệt hơn, bắt đầu bằng bài diễn văn của bà Vécmét (Jeanneette Vermeersch), ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, tại Quốc hội ngày 27 tháng 1 năm 1950. Như báo chí Pháp đã nói, với bài diễn văn “mang nặng tính chất bùng nổ”, vị nữ đại biểu Quốc hội thành phố Pari đã tố cáo chính sách thuộc địa của Pháp, lên án chính sách tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi điều đình ngay với Chính phủ Hồ Chí Minh, chấm dứt chiến tranh, đưa quân đội viễn chinh Pháp về nước...

        Cùng với bài diễn văn của Vécmét là lời tuyên bố của Tôrê (Maurice Thorez), Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp, lên án “cuộc chiến tranh phi nghĩa và tàn bạo... đang đào sâu hố ngăn cách giữa nhân dân hai nước (Việt - Pháp)”.

        Trong lúc dư luận Pháp đang lên tiếng ủng hộ những lời nói đầy chính nghĩa trên đây thì báo chí bỗng đua nhau đưa tin về hành động anh hùng của Raymông Điêng (Raymonde Dien). Người nữ thanh niên Pháp này đã dũng cảm nằm chắn ngang đường sắt ở nhà ga Tua, ngăn chuyến xe lửa chở vũ khí xuống tàu sang Việt Nam. Tất nhiên, giới cầm quyền ở Pari chỉ có thể dùng biện pháp duy nhất là cảnh sát + nhà tù hòng đàn áp những hoạt động phản chiến của nhân dân Pháp. Raymông Điêng đã bị bắt và bị kết án một năm tù2.

---------------------
        1. Đây là trận tiêu diệt cứ điểm Đông Khê lần thứ nhất do trung đoàn 174 thực hiện ngày 25 tháng 5 năm 1950.

        2. Do phong trào đấu tranh rầm rộ của nhân dân Pháp đòi thả Raymông Điêng vào trước ngày lễ Chúa giáng sinh, tối 24 tháng 12 năm 1950 nhà cầm quyền Pháp buộc phải trả lại tự do cho chị.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:23:55 am

        Mặc dù Chính phủ Pháp ra sức lừa phỉnh và khủng bố, giai cấp công nhân Pháp vẫn giương cao ngọn cờ hòa bình hữu nghị, bền bỉ cùng nhân dân lao động cả nước đấu tranh đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.

        Riêng tại Tulông, những lá truyền đơn kêu gọi phản chiến của Hăngri Máctanh tiếp tục xuất hiện ngày càng nhiều. Và đến ngày 11 tháng 3 năm 1950, đến lượt người thanh niên Pháp anh hùng đó bị chính quyền Pari hèn hạ bắt giam. Trước tòa án, Hăngri đã dũng cảm vạch mặt chính quyền phản động Pháp, những kẻ... “nói đến bảo vệ tổ quốc nhưng thật ra chỉ bảo vệ các nguồn lợi của tư bản Pháp và giữ gìn các căn cứ của Mỹ... Quân đội viễn chinh Pháp đang tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, một cuộc chiến tranh không đem lại cho nhân dân Pháp cái gì khác ngoài hàng triệu phrăng tốn kém hàng ngàn thanh niên ngã xuống... Nếu tôi không đấu tranh chống cuộc chiến tranh đó, tôi sẽ không làm tròn nghĩa vụ của một công dân Pháp...”1.

        Bạn bè thân thuộc đã kể lại cho Cácpăngchiê nghe tất cả “những câu chuyện không vui” trên đây trong những ngày viên tướng này lưu lại ở Pari. Người ta nhắc lại lời khuyên: hãy từ chức đi “để thanh danh khỏi bị chôn vùi trong cuộc chiến tranh vô vọng này...”. Mặc dù không chấp nhận lời khuyên nhưng viên tướng này đã phải buồn rầu nói lên một sự thật: cả ở Đông Dương và ở Pháp, hai dòng sông Hồng và sông Xen như đã hòa với nhau và tạo nên một sức mạnh khiến cho Chính phủ ở Pari đau đầu và bộ tham mưu ở Sài Gòn ngạt thở...

        Một sự kiện quan trọng mà viên tướng tổng chỉ huy Pháp không hề hay biết là, cùng với dịp ông ta rời Pari trở lại Đông Dương thì Lêô Phighe (Léo Figuères), ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, thư ký Đoàn thanh niên Cộng hòa Pháp, sang thăm Việt Nam. Nếu sự có mặt của Lêô trên đất nước Việt Nam khói lửa là một biểu hiện sinh động tinh thần đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân và nhân dân hai nước Việt - Pháp chống kẻ thù chung thì, đối với giới cầm quyền và tướng lĩnh Pháp, đó lại là điều bất hạnh.

        Tình hình chính trị không thuận lợi cho cuộc chiến tranh xâm lược đã khiến cho viên tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp trở lại Đông Dương với tâm trạng không vui.

        Điều an ủi đối với Cácpăngchiê là từ giữa năm, viện trợ quân sự đã đến. Ngoài số “viện trợ có tính chất tượng trưng” của Anh, sau cuộc viếng thăm của Mắc Đônen, đại diện Anh ở Mã Lai, Pháp đã nhận được của Mỹ một số phương tiện đáng kể: 48 máy bay Hencát, 8 máy bay Đacôta, 36 tàu xuồng nhỏ, tiện cho việc cơ động trên sông. Ngoài ra Mỹ còn gửi sang một số vũ khí với lời dặn: để trang bị cho 12 “tiểu đoàn Việt Nam” (ngụy Bảo Đại). Một điều “may mắn” khác đối với Bộ chỉ huy Pháp là: mấy tháng đầu năm 1950, Pháp đã “hót” được một cách yên ổn chừng ba vạn tàn quân Quốc dân đảng Tưởng Giới Thạch mà “chẳng vấp phải một phản ứng nào của phía Trung Cộng”. Nhân đó, bộ chỉ huy Pháp đã chỉ thị cho các cấp chỉ huy Pháp ở vùng biên giới phía Bắc là không sợ bóng sợ gió nữa mà phải lợi dụng cơ hội thu nạp quân Tàu trắng càng nhiều càng tốt. Số tàn quân Tưởng ba vạn tên nói trên sau khi được chỉnh đốn biên chế và trang bị, đã được Pháp đưa vào chiếm đóng đảo Phú Quốc và vùng duyên hải tây - nam Nam Bộ.

        Tất cả những “may mắn” đó không làm cho Cácpăngchiê bớt phần lo ngại. Từ tháng 7 năm 1950, ngày càng nhiều tin tức về sự phát triển lực lượng của đối phương. Nhiều tiểu đoàn bộ binh trang bị hoàn chỉnh, huấn luyện chu đáo, đã xuất hiện trên chiến trường Bắc Bộ. Rõ ràng chiến trường này bị đe dọa nặng nề. Nhưng ai mà biết trước được rằng đối phương sẽ tập trung nỗ lực vào hướng nào?

        Trong huấn lệnh riêng và mật (I.P.S.) đề ngày 18 tháng 8 gửi các tướng lĩnh thuộc quyền, Cácpăngchiê nói rõ dự kiến chiến lược của mình. Từ thực tế chiến đấu thắng lợi của Quân đội nhân dân Triều Tiên, viên tổng chỉ huy Pháp phán đoán rằng Quân đội Việt Minh cũng sẽ xuất hiện với điều kiện chỉ huy tốt, trang bị mạnh, hiệp đồng giỏi... Họ có thể sẽ từ Việt Bắc kéo về hướng Hà Nội... Cácpăngchiê hạ lệnh cho quân đội Pháp phải “tăng cường bảo vệ cho kỳ được vùng đồng bằng có ích”, nơi Pháp sẽ có thể phải tiếp nhận giao chiến. Trên trục đường số 4, vị trí Cao Bằng và toàn bộ phòng tuyến Lạng Sơn - Đồng Đăng, với những binh lực tuyệt đối cần thiết phải được giữ đến cùng... Các vị trí Thất Khê, Na Sầm, Lộc Bình, Đình Lập, Tiên Yên, sau khi chống cự tại chỗ, có thế rút chạy nếu có nguy cơ bị tràn ngập. Các vị trí khác trên đường số 4, khi bị tiến công, phải rút chạy đúng lúc để bảo toàn quân số ở mức tối đa.

        Một vài ký giả Pháp vội tin chủ trương chiến lược trên đây của Cácpăngchiê nên đã bình luận: Nếu lúc này, Alécxăngđri mà có mặt ở Đông Dương2thì sẽ phấn khởi biết bao vì lần đầu tiên được tổng chỉ huy tán thành quan điểm của mình, tức là không rút quân khỏi Cao Bằng.

        Nhưng, bọn chỉ huy cấp dưới của Cácpăngchiê thì lại cho rằng, hoặc bản huấn lệnh của tổng chỉ huy chỉ nhằm trấn an tinh thần ba quân sau thất bại ở Đông Khê ba tháng trước, hoặc nó chỉ nhằm đánh lạc hướng đối phương. Qua bản huấn lệnh bọn sĩ quan thuộc quyền khó mà biết được quyết tâm của tổng chỉ huy là hướng vào bảo vệ vùng “đồng bằng có ích” hay giữ tuyến biên giới Đông bắc. Riêng trên “con đường máu” nơi nào là điểm xung yếu nhất thiết phải giữ? Cứ điểm ở giữa đoạn đường từ Cao Bằng đến Thất Khê (cụ thể là Đông Khê) phải chăng đã được củng cố vững mạnh tới mức không cần được nêu lên trong bản huấn lệnh?

        Cácpăngchiê và bộ chỉ huy Pháp không ngờ chỉ một tháng sau khi bản huấn lệnh được tung ra, cái cứ điểm không được trực tiếp nhắc đến đó lại chính là trang đầu của cuốn sổ khai tử toàn bộ quân Pháp trên con đường số 4 nổi tiếng.

---------------------
        1. Mặc dù Hăngri Máctanh chống án, ngày 19 tháng 7 năm 1951 chính quyền Pháp vẫn kết án anh năm năm tù. Do các tầng lớp nhân dân Pháp kiên trì đấu tranh đòi thả anh, giới cầm quyền Pari buộc phải trả lại tự do cho Hăng Mác tanh 19 tháng trước hạn định.

        2. Bấy giờ tướng Alécxăngđri đang nghỉ phép ở Pari.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:27:15 am

Chương sáu

BƯỚC NGOẶT ĐI XUỐNG

PHÒNG TUYẾN BỊ CHẶT ĐỨT

        Càng về cuối mùa mưa 1950, Bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp càng ra sức phán đoán hướng hoạt động sắp tới của đối phương. Có ý kiến cho rằng Việt Minh đang dồn sức vào việc chuẩn bị cho một trận đánh lớn và đã thành công trong việc tạo nên một “quả đấm chiến lược”1, chiến trường Bắc Bộ sẽ đứng trước một thử thách lớn. Ngược lại cũng không ít ý kiến cho rằng quân Pháp đã được tăng về số lượng2, lại bắt đầu được Mỹ viện trợ, cho nên tình thế sẽ đỡ khó khăn hơn.

        Chính trong những ngày chiến trường miền Bắc đang sắp bước vào thời kỳ sôi động thì viên chỉ huy quân Pháp ở chiến trường này tướng Alécxăngđri lại vắng mặt. Nhiều người đinh ninh rằng ông ta đã “hết nhiệm kỳ Đông Dương”, vì có tin tướng Gácbay (Garbay) đã được chỉ định thay thế; trong khi chờ đợi Gácbay nhậm chức, tướng Mácsăng, chỉ huy phó, tạm thay quyền. Riêng tổng chỉ huy Cácpăngchiê thì biết chắc chắn rằng, do mâu thuẫn về chủ trương chiến lược nên Alécxăngđri đã cố tình “xin nghỉ phép” để về Pháp vận động cho quan điểm quân sự của mình, cụ thể là vận động để không rút quân khỏi Cao Bằng.

        Nghe tin Alécxăngđri đã có những cuộc gặp gỡ riêng tư với tổng thống và bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại, tiếp đến là tin viên tướng này lại được vời đến để báo cáo trước Hội đồng Quốc phòng Pháp về tình hình chiến sự ở Đông Dương, Cácpăngchiê đã tỏ ra bất bình không những với viên tướng thuộc quyền mà cả với “cách làm ăn kỳ lạ của Pari”. Ngày 25 tháng 8, Cácpăngchiê biên thư trách Alécxăngđri về những ngày nghỉ phép khó hiểu ở Pari và yêu cầu viên tướng này trở lại Đông Dương trước ngày 20 tháng 9 vì tình hình chiến trường miền Bắc chẳng ra sao.

        Trong lúc Alécxăngđri còn đang nấn ná ở Pari, thì trong cuộc họp ngày 2 tháng 9 ở Sài gòn, cao uỷ Pinhông, tổng chỉ huy Cácpăngchiê và tham mưu trưởng Lennuyơ (Lennuyeux, đại tá), đã có những quyết định quan trọng làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch tác chiến trên chiến trường Bắc Bộ. Hội nghị quyết định rút quân Pháp khỏi Cao Bằng và Đông Khê, đồng thời đánh chiếm thị xã Thái Nguyên. Chủ trương “giữ Cao Bằng đến cùng” mới được đề ra trước đó hai tuần đã chuyển thành chủ trương rút chạy khỏi thị trấn này sau khi có tin về hoạt động sắp tới của đối phương sẽ nhằm vào vùng biên giới.

        Một vấn đề được đặt ra là rút bằng đường nào. Phương án rút theo đường số 3 về Thái Nguyên (2 tiểu đoàn dù sẽ được ném xuống Bắc Cạn để phối hợp và đón quân ở Cao Bằng về) đã nhanh chóng bị bác bỏ vì không đủ máy bay và chặng đường lại quá dài. Chỉ còn một phương án rút theo đường số 4 qua Thất Khê về Lạng Sơn.

        Ngày 16 tháng 9, Cácpăngchiê ký “lệnh đặc biệt” số 46. Theo lệnh này:

        1. Việc rút khỏi các vị trí Cao Bằng và Đông Khê là để phối hợp với toàn bộ hoạt động tác chiến ở Bắc Bộ và để bảo đảm tăng cường phòng thủ khu vực bắc Hà Nội.

        2. Trước khi rút quân khỏi các vị trí trên phải hoàn tất cuộc hành binh đánh chiếm thị xã Thái Nguyên. Khoảng đầu tháng 10, cuộc hành binh lên Thái Nguyên phải được thực hiện.

        3. Sau khi đánh chiếm xong Thái Nguyên, phải lập tức tiến hành việc rút quân khỏi Cao Bằng và Đông Khê. Hạn chậm nhất là 15 tháng 10.

        4. Để bảo đảm việc rút quân trên đường số 4:

        a) Một tiểu đoàn lê dương hoặc hai tiểu đoàn Bắc Phi sẽ được vận chuyển bằng đường không lên tăng cường cho Cao Bằng trước khi rút khỏi vị trí này.

        b) Khi trở về Lạng Sơn, các máy bay trên sẽ vận chuyển trang bị quý và gia đình nhân viên dân sự hiện ở Cao Bằng.

        c) Sẽ có kế hoạch cụ thể phối hợp việc rút khỏi Cao Bằng với rút khỏi Đông Khê.

        d) Các trang bị nặng và cơ sở hậu cần phải được phá hủy tại chỗ trước khi rút. Doanh trại và các công sự đều phải được giữ nguyên vẹn.

---------------------
        1. Theo tài liệu tổng kết của Pháp thì bước vào thu - đông 1950, chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam có 2 sư đoàn, 22 trung đoàn và 12 tiểu đoàn độc lập.

        2. Theo số liệu của tướng Xalăng, vào mùa hè 1950, quân Pháp và tay sai ở Đông Dương có 315.000 tên, bao gồm 48.000 Pháp, 142.000 Âu - Phi, 125.000 ngụy (39%). Ngoài ra còn 30.000 tàn quân Tưởng được Pháp trang bị và sử dụng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:27:53 am

        Một sự trùng hợp kỳ lạ: Ngày Cácpăngchiê hạ bút ký “lệnh đặc biệt” nói trên cũng là ngày các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nổ súng tiến công cứ điểm Đông Khê, một mắt xích quan trọng của phòng tuyến đường số 4, mở màn chiến dịch Biên Giới.

        Quân Pháp ở Đông Khê có trên 300 tên, gồm 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn lê dương 3eREI, 5 khẩu đội pháo 57 và 105 milimét.

        Theo báo cáo tướng Mácsăng nhận được, pháo binh và súng cối của đối phương đã nhanh chóng phá hủy các lô cốt ngoại vi, phá hủy các khẩu pháo và một số công sự trong cứ điểm, sau đó xung phong vào khu trung tâm bằng nhiều hướng. Lính lê dương ngoan cố dựa vào công sự để chống lại nhưng cuối cùng, ngày 18 “cứ điểm đã bị tràn ngập sau khi đối phương chuẩn bị hỏa lực dồn dập, tiếp đến là những làn sóng các chiến sĩ xung kích ào lên”. Hầu hết quân Pháp trong cứ điểm bị tiêu diệt trừ vài chục tên thoát chết chạy về hướng Thất Khê.

        Mácsăng nhận xét rằng phía Pháp đã hoàn toàn bị bất ngờ trước một trận tiến công được chuẩn bị chu đáo, hợp đồng binh hỏa lực nhịp nhàng... Trận đánh đã chứng minh một nghệ thuật tác chiến mới của đối phương. Nếu sau trận Đông Khê lần thứ nhất (tháng 5-1950), bộ chỉ huy Pháp ra thông cáo nói rằng trận đánh “chỉ là một sự kiện riêng lẻ” thì lần này trận tiến công tiêu diệt cứ điểm đã có ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn..., nó “báo hiệu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh” đã bắt đầu. Nếu sau trận Đông Khê lần trước, Bộ chỉ huy Pháp vội ném quân dù xuống để chiếm lại vị trí sau khi đối phương đã rút quân, thì sau trận tiến công lần này, trên chiến trường Bắc Bộ, Pháp chỉ còn một tiểu đoàn dù, một lực lượng mà tướng Mácsăng cho rằng thật quá ít ỏi để ném vào một trận giao chiến mà ngay từ đầu, Pháp đã ở vào thế bất lợi nghiêm trọng.

        Được tin phòng tuyến đường số 4 bị tiến công, tổng chỉ huy Cácpăngchiê vội đáp máy bay ra Hà Nội rồi đi Lạng Sơn. Ngày 18, vừa tới sở chỉ huy khu biên giới Đông Bắc, Cácpăngchiê được đại tá Côngxtăng báo cáo: cứ điểm Đông khê đã bị đối phương tràn ngập. Bộ chỉ huy Pháp thấy rất rõ: Việc mất Đông Khê đã “tạo nên một lỗ hổng khiến cho tuyến phòng ngự bị phá tung..., hệ thống cứ điểm ở biên giới Đông Bắc mà Pháp đã bỏ ra biết bao tiền của để xây dựng hòng cô lập Việt Minh với Trung Quốc đã trở nên vô hiệu quả”. Sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam qua cuộc đọ sức ở Đông Khê, đã buộc Cácpăngchiê rút ra kết luận: Ném vài tiểu đoàn xuống (như hồi tháng 5) chỉ là một cuộc hành binh tự sát.

        Do phán đoán sau Đông Khê, đối phương sẽ tiến công Cao Bằng và Lạng Sơn, viên tổng chỉ huy Pháp hạ quyết tâm: Phải gấp rút cho quân tháo chạy khỏi Cao Bằng.

        Cũng ngày 18, trong mệnh lệnh hạ đạt cho đại tá Côngxtăng, chỉ huy khu biên giới, Cácpăngchiê chỉ rõ:

        1. Việc rút khỏi Cao Bằng phải được tiến hành hết sức khẩn trương (dù thời tiết xấu, mưa nhiều, đường ngập lụt), vì nhất định đối phương sẽ truy kích.

        2. Sau ba ngày (tức vào ngày 21-9-1950), phải tổ chức xong một cầu hàng không để vận chuyển chừng 3.500 dân thường1từ Cao Bằng về Lạng Sơn “để tránh bị Việt Minh sát hại” (?).

        3. Tổ chức gấp một binh đoàn, xuất phát từ Thất Khê tiến lên hướng Đông Khê để vừa nghi binh thu hút đối phương, vừa đón cánh quân từ Cao Bằng rút về.

        Là một viên đại tá mà các sĩ quan bên dưới cho là chỉ biết làm chiến tranh trên giấy, lại không thích đi máy bay, nên tất nhiên Côngxtăng không đi Cao Bằng để hướng dẫn cho trung tá Sáctông (Charton, chỉ huy cứ điểm này) về cuộc hành binh sắp tới.

        Chính Cácpăngchiê là người bay đi Cao Bằng. Để giữ hoàn toàn bí mật cho cuộc hành binh, viên tướng tổng chỉ huy không lộ cho Sáctông biết ý đồ rút quân khỏi cứ điểm này. “Tôi sẽ tăng cường cho ông tiểu đoàn Tabo thứ 3 do thiếu tá Sécgiê (Chergé) chỉ huy để ông có đủ lực lượng chiến đấu phòng thủ”2.

        Trên đường bay về, nghe tin tướng Alécxăngđri (con người vốn chống đối việc rút chạy khỏi Cao Bằng) đã có mặt ở Hà Nội, Cácpăngchiê như chợt nhận ra một điều: Vậy thì ai là người phải trách nhiệm chính về cuộc hành binh sắp tới trên đường số 4? Tướng tổng chỉ huy, tướng chỉ huy Bắc Bộ hay đại tá chỉ huy khu biên giới? Suốt dọc đường, Cácpăngchiê suy nghĩ nhiều về cuộc gặp gỡ sắp tới với viên tưởng cứng đầu ở Hà Nội.

---------------------
        1. Gia đình bọn ngụy quân, ngụy quyền địa phương.

        2. Sau này, nhiều tướng lĩnh Pháp đã lên án Cácpăngchiê về hành động trên đây. Họ cho rằng thật là khó hiểu khi khái niệm về bí mật được áp dụng tuyệt đối đến nỗi nó trở thành một sự thiếu tin tưởng đối với những sĩ quan có nhiệm vụ trực tiếp điều hành cuộc rút quân. Do đó “bí mật đã trở thành một thứ vũ khí kinh khủng chống lại các chiến binh của chúng ta (Pháp)”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:28:36 am

LẠI TRANH CÃI VỀ CAO BẰNG

        Tin cứ điểm Đông Khê bị tiêu diệt khiến dư luận trong bộ tham mưu Pháp càng bàn tán nhiều về nội bộ bọn chỉ huy chóp bu.

        Trước hết người ta đạt vấn đề: tại sao Cácpăngchiê vẫn để Côngxtăng, “viên đại tá da thỏ” như lính lê dương thường gọi, giữ chức chỉ huy khu biên giới Đông Bắc? Côngxtăng đã từng nói toạc ra rằng hắn ở vị trí này với hy vọng duy nhất là đạt cho được ngôi sao cấp tướng. Chính con người luôn luôn tỏ ra coi thường đối phương lại là người chỉ biết bám lấy bàn giấy mà không có biện pháp gì để đối phó một cách hữu hiệu sau thất bại ở Đông Khê.

        Dư luận còn cho thấy, không chỉ riêng Côngxtăng mà rất nhiều sĩ quan cao cấp khác (trừ Săngxông, chỉ huy ở Nam Bộ) cũng muốn “sớm hát bài ca chiến thắng” (!). Trong khi đó thì các sĩ quan cấp dưới do trực tiếp cọ xát với thực tế chiến trường, lại không hề đánh giá thấp đối phương. Bất kỳ một sĩ quan Pháp nào, nhất là sĩ quan cao cấp cũng sẽ bị lên án nếu dám công khai nói rằng Việt Minh có một lực lượng quân sự đáng gờm. Ai cũng thấy người ta đã dùng tòa án binh để duy trì tinh thần quân đội.

        Tướng Mácsăng, người tạm thay Alécxăngđri trong mấy tháng hè, tuy không dám nói ra nhưng đã tự thú nhận rằngnhiệm vụ vượt quá khả năng của mình. Còn tướng tổng chỉ huy thì ngày càng tỏ ra chán ngán đối với chiến trường Đông Dương, một chiến trường chẳng có gì hấp dẫn đối với ông ta, nhất là khi nhận thấy mình ngày càng bị cô lập. Cácpăngchiê thấy Alécxăngđri luôn luôn tỏ ra “tự hào rằng mình là lính thuộc địa chính cống, đã từng lừng danh (!) vì cuộc rút lui thần kỳ (tháng 3) năm 1945”. Sự có mặt của Cácpăngchiê làm cho tham vọng tổng chỉ huy của Alécxăngđri bị tiêu tan. Đó chính là nguyên nhân khiến viên tướng này luôn luôn tỏ ra cứng đầu cứng cổ trước tổng chỉ huy Cácpăngchiê.

        Cuộc gặp gỡ ngày 20 tháng 9 một lần nữa lại chứng minh quan hệ đã quá căng thẳng giữa hai viên tướng, mặc dù cao ủy Pinhông đã phải từ Sài Gòn bay ra để tham dự cuộc họp nảy lửa này.

        Sau khi biết quyết định rút quân khỏi Cao Bằng vào ngày 30 và trước đó sẽ đánh chiếm Thái Nguyên vào ngày 26, Alécxăngđri đưa ra những lời nhạo báng chỉ thị 18 tháng 8 của Cácpăngchiê (tức chỉ thị “giữ Cao Bằng đến cùng”). Tất nhiên, Alécxăngđri viện mọi lẽ để phản đối việc rút quân: nào là vị trì này được tổ chức phòng ngự chu đáo nhất khu biên thùy và đã trở thành một mục tiêu rất khó tiến công; nào là việc rút bỏ thị trấn này sẽ đem lại những hậu quả nghiêm trọng... Alécxăngđri còn yêu cầu Cácpăngchiê hãy về Pháp để báo cáo tình hình, xin chỉ thị và đòi Pari tăng viện gấp nhằm tập trung hơn nữa lực lượng hòng đối phó với những cuộc tiến công quy mô ngày càng lớn của đối phương trên chiến trường Bắc Bộ.

        Nhưng, với Cácpăngchiê, sự lựa chọn đã dứt khoát. Viên tướng tổng chỉ huy phản đối việc rút quân ở các chiến trường khác để đưa ra Bắc, phản đối việc về Pháp khi mà tình hình không cho phép vắng mặt..., hơn nữa hy vọng chính quốc tăng viện lúc này là vô ích, vì Pari đã khống chế quân số (lính viễn chinh) ở Đông Dương.

        Cuộc tranh luận kéo dài đến chiều. Lời qua tiếng lại mỗi lúc một gay gắt. Cuối cùng, khi Alécxăngđri sắp lên tiếng thì Cácpăngchiê cắt ngang: “Chúng tôi đã biết lập luận của ông rồi. Không cần nhắc lại làm gì, vô ích, vì mọi việc đã được quyết định. Đối với tôi, tôi sẽ thở phào khi được tin tên lính cuối cùng của Sáctông rút khỏi Cao Bằng...”. Vẫn không chịu lùi bước, Alécxăngđri yêu cầu cao ủy báo cáo về Pari quan điểm của mỗi bên trong việc xử trí với cục diện chiến tranh đang diễn biến, tuy trước mắt, viên tướng này vẫn phải thực hiện kế hoạch đã được quyết định.

        Ngày 24 tháng 9, Alécxăngđri bay đi Cao Bằng và nói nhỏ cho Sáctông biết điều mà viên trung tá này chưa biết: “rút quân khỏi cứ điểm”. Dưới con mắt của Alécxăngđri, Sáctông là “một chiến binh chính cống, một lính lê dương thực thụ rất đáng được coi trọng...”.

        Alécxăngđri đã phổ biến cho viên trung tá biết kế hoạch mang tên Têredơ (Thérèse)1, một kế hoạch mà kết quả tùy thuộc vào tốc độ rút chạy của binh đoàn Cao Bằng do Sáctông chỉ huy. Nội dung kế hoạch Têredơ gồm: 1. Binh đoàn Baya (Bayard) do trung tá Lơpagiơ (Le page) chỉ huy sẽ đánh chiếm lại Đông Khê (dự kiến vào ngày 2 tháng 10). 2. Sau đó, Lơpagiơ sẽ đưa quân lên đón binh đoàn Sáctông ở đường ngầm Nậm Nàng; 3. Dưới quyền chỉ huy chung của Lơpagiơ, cá hai binh đoàn yểm trợ lẫn nhau để rút về Thất Khê. 4. Để thu hút lực lượng đối phương, giảm sức ép trên đường số 4 và tạo điều kiện cho việc triệt thoái được dễ dàng, một cánh quan sẽ từ Hà Nội theo đường số 3 lên đánh chiếm Thái Nguyên.

        Sáctông chỉ đề nghị thay đổi một chi tiết: Lơpagiơ đón binh đoàn Sáctông ở kilômét 22 chứ không phải ở đường ngầm Nậm Nàng. Đề nghị đó được chấp nhận.

        Trên đường bay về Hà Nội Alécxăngđri qua hướng Lạng Sơn, báo cho Côngxtăng biết kế hoạch trên.

        Thế là chủ trương rút Cao Bằng được tướng Rơve đề xuất từ giữa năm 1949 đến nay mới được thực hiện mà lại thực hiện trong điều kiện rất nhiều khó khăn. Đối phương đã lớn mạnh và đang bắt đầu một chiến dịch tiến công quy mô lớn đầu tiên, một đòn quyết định có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhằm tạo nên bước ngoặt cơ bản cho cuộc kháng chiến.

        Nhưng đòn quyết định sẽ diễn ra như thế nào, điều đó đối với bọn chỉ huy Pháp là một bài toán khó giải. Có viên tướng (như Mácsăng) khẳng định rằng, sau trận Đông Khê, “quân địch đã bỏ chạy và yên tĩnh đã trở lại”. Nhưng buồn thay, cái sự “yên tĩnh” mà Mácsăng nhận xét ấy chẳng qua chỉ là sự báo trước của cơn bão táp sắp nổ ra dữ dội nhất trên chiến trường Đông Bắc mà thôi.

        Tướng Alécxăngđri cũng không hề nghĩ rằng lúc bất giờ “lưới đã tung ra trên đường số 4”. Đối với viên tướng này, cuộc cãi vã vẫn chưa chấm dứt. Chẳng thế mà ngày 1 tháng 10, được sự khuyến khích của đô đốc Oóctôli, Alécxăngđri còn biên thư cho cao ủy Pinhông để vạch những sai lầm chiến lược của “viên tướng chính quốc” Cácpăngchiê. Ngày 5 tháng 10, khi cao ủy biên thư trả lời Alécxăngđri thì cũng là lúc “tấn thảm kịch đẫm máu” trên đường số 4 đang diễn ra màn chót.

---------------------
        1. Tên thánh rơi vào ngày 3 tháng 10 năm 1950, ngày quân Pháp ở Cao Bằng bắt đầu cuộc triệt thoái. Têredơ là tên chung của kế hoạch nhằm rút chạy an toàn khỏi Cao Bằng. Để thực hiện kế hoạch đó, cuộc triệt thoái của binh đoàn Cao Bằng được gọi là Dông tố (Orage), cuộc hành binh của binh đoàn lên đón cánh quân Cao Bằng được gọi là Tidơnít (Tiznit), cuộc hành binh trên hướng phối hợp (Thái Nguyên) được gọi là Hải cẩu (Phoque).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:30:33 am

TỪ “TIDƠNÍT” ĐẾN “HẢI CẨU”

        Ngày 29 tháng 9, Côngxtăng hạ lệnh cho trung tá Lơpagiơ tổ chức binh đoàn Baya1với nhiệm vụ lên đánh chiếm lại Đông Khê. Nhiệm vụ tiếp theo của Baya sẽ được thông báo sau (!). Binh đoàn sẽ xuất phát từ Thất Khê ngày 1 tháng 10 để bắt đầu cuộc hành binh mang tên Tidơnít.

        Nhận được lệnh chuẩn bị thử lửa với Việt Minh, Lơpagiơ đã sớm thấy mình đuối sức trước một nhiệm vụ quá nặng nề. Viên trung tá vội điện đi Lạng Sơn báo cáo với Côngxtăng mọi lý do để trì hoãn cuộc hành binh (nào là binh đoàn không có pháo; đối phương quá mạnh lại đang uy hiếp Thất Khê là nơi xuất phát của binh đoàn; nào là thời tiết xấu khiến không quân không thể chi viện...). Không một lý do nào được Lạng Sơn chấp nhận, kể cả đề nghị hoãn cuộc hành binh lại 24 giờ.

        Trong cuộc họp ngày 30 tháng 9 với các tiểu đoàn trưởng, Lơpagiơ phổ biến kế hoạch của cuộc hành binh: Đông Khê phải được chiếm lại ngày 2 tháng 10. Sau đó một tiểu đoàn bảo vệ chặng đường Đông Khê - Thất Khê, một tiểu đoàn giữ Đông Khê, hai tiểu đoàn còn lại sẵn sàng nhận nhiệm vụ tiếp theo mà chính Lơpagiơ cũng chưa được phổ biến.

        Dù truyền đạt cho cấp dưới như vậy, nhưng (như lời Lơpagiơ thú nhận sau này) chính viên trung tá này cùng chưa biết sẽ chiếm lại Đông Khê như thế nào nếu cứ điểm đó được đối phương bảo vệ vững chắc... Nếu cuộc tiến công bị thất bại, không hiểu rồi sẽ xử trí ra sao... Nhưng cấp trên của hắn, cụ thể là Côngxtăng, hình như coi việc chiếm lại Đông Khê không thành vấn đề gì đáng kể... Ở Lạng Sơn (sở chỉ huy khu Biên Giới) cũng như ở Hà Nội chẳng ai nghĩ đến trường hợp bị thất bại...

        13 giờ ngày 1 tháng 10, với tiểu đoàn dù 1ère BEP dẫn đầu, binh đoàn Baya xuất phát từ Thất Khê tiến theo đường số 4 lên hướng Đông Khê.

        Suốt bốn giờ hành quân không gặp bóng người “sự yên tĩnh lạ lùng đã gây nên một cảm giác ghê rợn lan truyền khắp binh đoàn...”.

        Người ta những tưởng rằng đường tiến lên Nà Pá “ngỏ cửa”. Nhưng bỗng đạn cối và súng máy từ bốn phía bất ngờ trút xuống đội hình hành quân. Cả binh đoàn rối loạn. Giữa lúc đó có lệnh dừng lại, mà dừng lại để hứng đạn ngay ở một địa điểm đã từng diễn ra quá nhiều trận phục kích. Đêm ập xuống nhanh trên chiến trường rừng núi. Các khẩu cối không sao “khóa miệng” được mấy khẩu súng máy của đối phương đang quét rất trúng vào đội hình hỗn độn dọc tuyết đường.

        Có lệnh chuyển đội hình về phía đông - nam để chuẩn bị hành động vào hôm sau. Trời tối. Đường dốc và rậm rạp. Bọn lính chẳng còn biết chúng đang ở đâu, chẳng biết những người bên cạnh là ai. Tiếng súng khắp nơi. Dựa vào đêm tối, binh đoàn rút được về khu đồi phía đông nam nơi vừa bị phục kích.

        Sáng hôm sau, 2 tháng 10, Lơpagiơ đốc thúc các tiểu đoàn bất ngờ lao vào cứ điểm Đông Khê trên các hướng đông, tây và nam. Các mũi tiến công đều bị chặn đứng. Cuộc chiến đấu kéo dài tới chiều. Cho tới khi Lơpagiơ nhận được lệnh (từ trên máy bay ném xuống) nói phải đình chỉ cuộc tiến công vào Đông Khê và chuyển quân sang phía tây đường số 4 để đón Sáctông, thì cũng là lúc binh đoàn Baya đã lâm vào thế bất lợi. Tiểu đoàn Marốc báo cáo mất một nửa đại đội và đang cùng tiểu đoàn 11 Tabo rút chạy về hướng Nà Kéo, Nà Pá. Quân dù không thực hiện được nhiệm vụ chiếm mỏm 615 và không có cách nào để thu được 2 đại đội đang rải ra trên một vùng quá rộng đến nỗi toàn tiểu đoàn không yểm trợ nổi cho nhau trên đường rút. Trong khi đó, tiểu đoàn 1 Tabo không sao tiếp cận được phía tây Đông Khê như kế hoạch đã định.

        Vừa chập tối, tiểu đoàn 11 Tabo ở Nà Kéo bị pháo kích ác liệt, tiếp đến là các đợt tiến công của bộ binh đối phương. Đơn vị Tabo này bị thiệt hại nặng. Trong tình thế đã trở nên nguy kịch, Lơpagiơ hạ lệnh cho quân dù ứng cứu tiểu đoàn Tabo nhưng BEP tự nhận là bất lực. Đến nửa đêm thì sự liên lạc giữa các đơn vị bị gián đoạn. Lơpagiơ cố dùng vô tuyến điện để hạ lệnh toàn binh đoàn chuyển sang vùng núi đá Cốc Xá. Pháo binh đối phương bắn không ngớt. Nhiều lính Pháp ngã gục vì đạn pháo, cối trong đó có hai viên trung úy Híppe (Hippert) và Misen (Michel) “cùng chia nhau một quả đạn trái phá”. Trên đường chuyển quân trong đêm tối, đơn vị đi đầu của tiểu đoàn 11 Tabo bị phục kích ngay sát đường quốc lộ. Những tên sống sót, đứa thì chạy thục mạng về phía nam hòng thoát về Thất Khê, đứa thì chạy theo quân dù. Lính BEP thấy bọn Tabo “chạy theo với vẻ vừa hung hãn vừa hoảng loạn của những kẻ tìm đường tẩu thoát hơn là để chiến đấu”.

---------------------
        1. Binh đoàn này gồm 4 tiểu đoàn được lâm thời ghép lại: 1 tiểu đoàn dù (1ère BEP) mới được thả xuống, 1 tiểu đoàn dã chiến của trung đoàn Marốc (l/8 RTM), 2 tiểu đoàn lính da den (1ère và 11ère Tabo).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 02 Tháng Mười Một, 2016, 01:30:59 am

        Cả quan và lính binh đoàn Baya đều chung một hy vọng là “không phải chờ đợi cánh quân Cao Bằng quá lâu, khi mà tình thế đã trở nên quá khốn quẫn giữa một đối phương đông đặc thế này”. Chúng làm sao biết được rằng lúc bấy giờ ở sở chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam, một quyết tâm đã được bộ chỉ huy chiến dịch xác định: chặn bước tiến của binh đoàn Sáctông, không để cho hai cánh quân cụm lại với nhau, tiêu diệt binh đoàn Lơpagiơ trước, sau đó tiêu diệt nốt binh đoàn Sáctông.

        Với quyết tâm đó, số phận của cả hai binh đoàn đã được quyết định.

        Nhiều tướng lĩnh và ký giả Pháp không muốn nhắc lại một sự kiện quân sự khác diễn ra ở Thái Nguyên vào những ngày mà bước thứ nhất của kế hoạch Têredơ (tức cuộc hành binh Tidơnít) thất bại.

        Ngày 1 tháng 10, năm tiểu đoàn bộ binh và dù, một cụm pháo binh, một số đơn vị công binh chia thành ba hướng (đường số 3, dọc theo sông Cầu và bằng đường không - thả dù) tiến lên chiếm thị xã Thái Nguyên. Cuộc hành binh này mang tên Hải cẩu (Phoque). Bộ chỉ huy Pháp lòng đầy hy đọng sẽ đánh lừa được đối phương vì cho rằng “thủ đô kháng chiến” bị chiếm, quân chủ lực của đối phương nhất định sẽ từ biên giới kéo về đối phó, như vậy Hải cẩu sẽ đỡ đòn được cho quân Pháp đang lâm vào thế rất hiểm nghèo trên mặt trận Đông Bắc. Sức ép của đối phương trên đường số 4 sẽ giảm, cánh quân Cao Bằng sẽ rút chạy an toàn.

        Nhưng chúng đã sai lầm, một sai lầm mà mãi sau này tướng Mácsăng mới dám thú nhận. Mặc dù quân Pháp tiến vào thị xã Thái Nguyên “hầu như bỏ ngỏ”, nhưng ý định tiến công của đối phương (trên đường số 4) đã được khẳng định họ không hề bị động bởi kế hoạch của Pháp. Vì vậy cuộc hành binh lên Thái Nguyên rõ ràng đã rơi vào chỗ trống và chỉ đóng vai trò thứ yếu, thậm chí vô ích. Mácsăng than phiền: thật là đau xót vì đáng lẽ đưa lực lượng đó lên mặt trận Đông Bắc, nơi trận giao chiến ác liệt đang diễn ra thì bộ chỉ huy Pháp lại đưa quân lên Thái Nguyên để chẳng gây được phản ứng nào của đối phương.

        Trải qua 10 ngày chạm súng với một trung đoàn địa phương và dân quân du kích, 500 tên Pháp đã bị loại khỏi vòng chiến. Ngày 10 tháng 10, tức là khi quân Pháp đã nếm mùi thất bại trên đường số 4 rồi, quân Pháp ở Thái Nguyên mới hấp tấp kéo về vị trí xuất phát của chúng để tăng cường các trận địa phòng ngự, hòng chặn đối phương tiến về đồng bằng.

        Khi mà ý đồ “chiếm lại” Đông Khê đã thất bại và binh đoàn Baya đang giẫm chân tại chỗ với những tổn thất chồng chất quanh Đông Khê thì ở Cao Bằng, viên trung tá Sáctông còn đang khẩn trương chuẩn bị cho cuộc rút chạy. Không nắm được tình hình của Lơpagiơ, Sáctông vẫn tin rằng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp. Trinh sát cho biết không có bóng quân đối phương trong vòng 5 kilômét bán kính quanh Cao Bằng. Sáctông đinh ninh rằng cánh quân Lơpagiơ sẽ lên đón ở kilômét 22.

        Lực lượng do Sáctông chỉ huy rút chạy khỏi Cao Bằng gồm một tiểu đoàn lê dương (3/3 REI) 500 tên, với những sĩ quan mới tới Đông Dương chừng một tháng; một tiểu đoàn da đen (3e Tabor) mới được tăng cường; một tiểu đoàn ngụy được coi là “khá vững vàng”; một số đơn vị pháo và công binh.

        Sáctông nắm khá vững địa hình dọc đường số 4. Riêng chặng đường từ Cao Bằng đến Đông Khê có rất nhiều núi cao, rừng dày, chỗ nào cũng có thể bị phục kích, mà nguy hiểm hơn cả là “thường đến phút cuối cùng mới phát hiện được đối phương”. Từ Cao Bằng đến kilômét 18 có thể đi xe được, vì không có chỗ nào bị phá hoại đáng kể. Đường mòn từ Nậm Nàng đến Thất Khê không thấy ghi trên bản đồ. Nếu thoát khỏi đường lớn, các đơn vị buộc phải đi hàng một, vừa đi vừa phát đường. Nếu không có máy bay trinh sát giúp định hướng, đơn vị lớn hành quân sẽ gặp nhiều khó khăn. Càng không thể hành quân ban đêm vì rất dễ dàng “mất đi ba phần tư quân số”.

        Kế hoạch cuộc triệt thoái mà Sáctông phổ biến cho sĩ quan trong binh đoàn gồm mấy điểm chính:

        1. Phá hủy toàn bộ tranh bị không cần thiết kể cả 150 tấn quân nhu các loại. Mang theo xe vận tải để chở một phần lương thực, đạn dược và người ốm cùng với hai khẩu pháo 105 và 37 ly để sẵn sàng đối phó nếu bị phục kích. Dự kiến số xe pháo này ít nhất cũng đưa được tới kilômét 18.

        2. Nhanh chóng rút khỏi 15 vị trí vành ngoài, không để đối phương kịp tiến công và chia cắt trong quá trình tập trung quân.

        3. Mang theo chừng 500 thường dân1. Nếu hành quân theo đường số 4 thì không có gì đáng ngại. Nếu phải vào đường mòn thì số thường dân này sẽ thành vấn đề nan giải.

        4. Hết sức giữ bí mật không để đối phương phát hiện trước khi đến kilômét 22, để tránh tăng thêm số lính bị thương trong quá trình hành quân.

        5. Cuộc hành binh được mang tên Dông tố (một cái tên mà binh lính cho là một “điềm gở” vì không hứa hẹn gì tốt đẹp)

        0 giờ ngày 3 tháng 10, cuộc tháo chạy khỏi cứ điểm Cao Bằng bắt đầu.

---------------------
1.   Gia đình ngụy quyền tỉnh Cao Bằng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:43:50 am
        
MỘT CUỘC HẸN HÒ KỲ LẠ

        Dù được viết trong những điều kiện khác nhau, những trang báo cáo hoặc nhật ký của Lơpagiơ, Sáctông và nhiều sĩ quan thuộc quyền họ đều nói lên một sự thật bi thảm diễn ra trong vòng một tuần lễ, đã quyết định số phận của 7 tiểu đoàn Pháp trên “con đường máu”.

        Ngày 3 tháng 10

        Ngày hành quân đầu tiên không gặp khó khăn gì đáng kể đối với binh đoàn Sáctông. Tiểu đoàn 3 Tabo mở đường và dừng lại ở kilômét 15. Tiểu đoàn ngụy vượt lên và dừng lại ở kilômét 18. Sau cùng là tiểu đoàn lê dương. Hành quân theo lối cuốn chiếu như vậy đã chậm, số thường dân lại sớm trở thành gánh nặng đối với binh đoàn.

        Không quân không yểm trợ vì rừng núi và vì thời tiết.

        Càng tiến xuống phía nam binh lính càng có cảm giác là họ đang “bị dẫn vào con đường chết”.

        Sau thất bại vì không chiếm lại được Đông Khê, lại bị đánh mạnh ở Nà Kéo và Nà Pá (tiểu đoàn 1 Marốc và tiểu đoàn 11 Tabo thiệt hại nặng, riêng tiểu đoàn 1 Marốc chết 1 đại úy và 60 lính), từ tảng sáng, Lơpagiơ cho hai tiểu đoàn (tiểu đoàn 1 Marốc và tiểu đoàn 1 Tabo) chuyển sang phía tây đường, lên hướng các điểm cao 760-765 để đón binh đoàn Sáctông, theo lệnh nhận được hôm trước. Bọn lính bị thương đã gây quá nhiều khó khăn cho hai tiểu đoàn này suốt dọc đường.

        Hai tiểu đoàn 11 Tabo và 1 dù được lệnh trụ lại ở khu vực Nà Kéo, bị đối phương tiến công ác liệt suốt ngày. Số thương vong tăng lên. Pháo bị phá hủy, lừa ngựa bị chết đến nỗi hai viên thiếu tá tiểu đoàn trưởng phải cho đơn vị tháo chạy lúc nửa đêm. Vừa tới đường lớn lại bị phục kích, thiếu tá Đencrô (Delcros), chỉ huy tiểu đoàn 11 Tabo chạy lạc đơn vị.

        Ngày 4 tháng 10

        Nhận được điện của Lạng Sơn báo cho biết tình cảnh khó khăn của binh đoàn Lơpagiơ (đang giẫm chân ở vùng Đông Khê), Sáctông hạ lệnh phá xe pháo và phát cho mỗi người nửa cơ số đạn, một ngày lương thực.

        Đến klômét 22, không tìm được đường mòn để tiến quân về phía nam. Mất nhiều thì giờ đối chiếu bản đồ, định hướng, tìm đường.

        Tới trưa, bắt đầu bỏ đường lớn. Tiểu đoàn ngụy đi trước binh đoàn, bắt đầu “dở chứng”. Phải cho tiểu đoàn 3 lê dương vượt lên. Chưa đi được bao nhiêu đêm đã ập xuống. Phải dừng lại ở một nơi không xác định được trên bản đồ.

        Sau một đêm hành quân bắt buộc, 10 giờ sáng số quân thoát chết ở Nà Kéo mới đến phía nam điểm cao 765. Thiếu tá Đencrô, sau một đêm lạc đơn vị đã mò được đến sở chỉ huy binh đoàn.

        Lính mệt mỏi, hao mòn. Số lính bị thương mà binh đoàn phải mang theo đã tới hơn một trăm. Tình hình đó buộc Lơpagiơ phải dừng lại ở khu vực từ núi đá Cốc Xá tới các điểm cao 760-765.

        14 giờ mới bắt đầu triển khai được đội hình thì đối phương đã bám sát gót. Toán đầu của đoàn thương binh rơi vào ổ phục kích. Viên đại úy áp tải thương binh bị mất tích. BEP và số còn lại của tiểu đoàn 11 Tabo bị tụt lại, cắt rời khỏi đội hình toàn binh đoàn.

        Đã qua 4 ngày đêm không ngủ, 36 giờ không một giọt nước vào miệng.

        Không biết binh đoàn Sáctông hiện ở đâu.

        Ngày 5 tháng 10

        Sáctông quyết định đi nhanh hơn, nhưng vẫn phải vừa đi vừa tìm đường. Trật tự hành quân về hướng Quang Liệt: tiểu đoàn 3 lê dương (3/3 REI), tiểu đoàn 3 Tabo (3e Tabor), thường dân, cuối cùng là quân ngụy.

        Vừa xuất phát chưa bao lâu, 3/3 REI đã lạc đường. Sáctông phải thân hành lên giúp tiểu đoàn này xác định phương hướng. Chưa tới thung lũng Quang Liệt đã bị hỏa lực của đối phương từ xa chặn lại, tiểu đoàn 3 Tabo tạt sang một bên. Đội hình hành quân xáo trộn. 3/3 REI tụt xuống cuối binh đoàn.

        Chưa tới được khu vực điểm cao 590 thì trời đã tối. Không biết tiểu đoàn 3 Tabo đi hướng nào. Mất liên lạc với tiểu đoàn này. Buộc phải dừng lại vì đêm tối. Chặng đường đi được trong ngày quá ngắn.

        Điều may mắn: lần đầu tiên Sáctông gặp Lơpagiơ trên máy bộ đàm.

        Sáng sớm, BEP và số còn lại của tiểu đoàn 11 Tabo vừa tới thung lũng Cốc Xá thì nhận được lệnh phải chiếm ngay Quý Chân (đông bắc 477) nhưng lính đã kiệt sức sau một đêm tìm kiếm binh đoàn.

        Buổi sáng máy bay thả dù xuống lòng chảo Cốc Xá. Súng máy của đối phương ở vùng điểm cao 765 và quanh Cốc Xá bắn lên ác liệt. Nhiều dù ném vội vã, rơi vào khu vực đối phương.

        Buổi chiều, BEP mới chấp hành được lệnh chuyển quân lên hướng Quý Chân. Vừa triển khai thì đơn vị đi đầu bị tiến công mạnh. Tiểu đoàn trưởng cho đơn vị lui về sát binh đoàn, trên đường mòn 765 - Cốc Xá.

        Cả ngày sức ép đè xuống phía bắc và phía đông đội hình binh đoàn.

        Được biết Sáctông còn cách 10 kilômét về hướng tây bắc

        Suốt đêm tiểu đoàn 1 Tabo bị liên tiếp tiến công.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:45:08 am

        Ngày 6 tháng 10

        Phát hiện thấy tiểu đoàn 3 Tabo tiến về hướng 590 - 477 (sau một đêm lạc đội hình binh đoàn), Sáctông đốc thúc sở chỉ huy tiến về hướng đó. Đến 11 giờ, những người sống sót của sở chỉ huy mới về tới điểm cao 590. Tiếp đến là quân ngụy. Sáctông đẩy bọn này về hướng Tan Be để cố gặp binh đoàn Lơpagiơ, nhưng bị phục kích dọc đường. Chừng một đại đội bị tiêu diệt. Một đại đội khác tách khỏi binh đoàn chạy dọc theo suối về phía nam 477. Số còn lại chạy tháo về hướng Quý Chân.

        Sáctông dự định sẽ từ 590 cố tiến nhanh về phía nam, trong tầm pháo chi viện của Thất Khê. Nhưng bọn dân sự đi quá chậm, cản bước 3/3 REI.

        15 giờ nghe tin binh đoàn Lơpagiơ yêu cầu dừng lại và phái lực lượng đến Quý Chân để yểm trợ cho họ giải vây khỏi khu vực Cốc Xá sáng hôm sau (7-10). Đúng lúc đó, lính lê dương (3/3 REI) bị đối phương cắt đứt đội hình ở phía sau. 18 giờ 3/3 REI vẫn bị giam chân ở khu vực 590. Sáctông yêu cầu Thất Khê đưa pháo lên sát cầu Bông Lau để yểm trợ cho 3/3 REI tiến về phía nam. Nhưng trời đã tối, lính lê dương đã mệt lả.

        Đêm đó, đội hình binh đoàn Sáctông rải ra:

        - 3/3 REI và một số ngụy ở đông nam cao điểm 590 hai kilômét.

        - Tiểu đoàn 3 Tabo quanh vùng cao điểm 477.

        - Sở chỉ huy ở bắc cao điểm 477.

        - Chừng 1 đại đội ở Bản Ca, điểm chốt tận cùng phía nam của cả hai binh đoàn.

        - Hai đại đội ngụy ở các mỏm quanh Quý Chân, sát binh đoàn Lơpagiơ.

        - Bọn dân sự lác đác khắp nơi giữa hai cao điểm 590-477.

        Lại nhận được thông báo của Lơpagiơ: họ sẽ phá vây vào 3 giờ sáng hôm sau.

        Sáctông tự nhận thấy bất lực trước yêu cầu chi viện của Lơpagiơ vì đã quá muộn, tai biến đã trở nên khó tránh khỏi với quân bạn. Vấn đề đặt ra cho Sáctông là làm sao nhích nhanh về phía nam để được pháo từ Thất Khê yểm trợ.

        Sáng sớm, máy bay đang thả dù thì đối phương thâm nhập vào phía nam đội hình binh đoàn Lơpagiơ. Một khẩu súng máy (“như từ trên trời rơi xuống”, xuất hiện ở vách đá dựng đứng, một nơi tưởng chừng như không sao có chỗ để đặt súng) quét chặn lối ra vào lòng chảo Cốc Xá. 1/8 RTM và tiểu đoàn 1 Tabo cố gắng mà cũng không “bẩy” được nó đi.

        Lạng Sơn ra lệnh cho Lơpagiơ phải tháo chạy khỏi Cốc Xá. Nhưng bằng đường nào? Lạy Chúa, chỗ nào cũng thấy địch. Toàn bộ số quân còn lại của binh đoàn cùng với 150 tên bị thương, như bị chôn chân ở Cốc Xá. Chỉ có bỏ thương binh lại mà tháo chạy trong đêm tối mới có cơ thoát chết. Lơpagiơ quyết định dùng quân dù làm vật hy sinh, yểm trợ cho bộ phận còn lại của binh đoàn phá vây.

        Súng cối của đối phương bắn liên tiếp vào lòng chảo Cốc Xá, suốt từ chiều đến tối, cản trở việc tổ chức đội hình phá vây.

        Đinh ninh rằng binh đoàn Sáctông “còn nguyên vẹn”, Lơpagiơ hy vọng được quân bạn giúp giải vây và hai binh đoàn cụm lại sẽ tạo thành sức mạnh. Lời yêu cầu tung đi lúc 17 giờ không được trả lời, mặc dầu có tin một bộ phận của Sáctông đã đến 477.

        Ngày 7 tháng 10

        Khoảng ba giờ sáng chỉ cần nghe tiếng súng từ xa, Sáctông cũng phán đoán được rằng việc phá vây của Lơpagiơ đã diễn ra rất khó khăn, đến nỗi viên trung tá này tự hỏi: liệu sau cuộc phá vây này (dù có thành công) người ta có còn trông đợi được gì ở binh đoàn đã tơi tả của Lơpagiơ không? Dù sao, Sáctông vẫn nuôi hy vọng nếu đám tàn binh của cả hai cánh quân cùng lê được về hướng Nà Kéo thì vẫn có thể “tạo nên một sức mạnh hành động vững vàng”.

        Nhưng mối hy vọng quá mỏng manh đó đã tan biến nhanh. Bắt đầu từ 6 giờ, tình hình đã trở nên nghiêm trọng một cánh đáng sợ: tất cả các vị trí của binh đoàn Sáctông đều nằm dưới tầm hỏa lực mãnh liệt và chính xác của đối phương. Đại đội ngụy giữ điểm chốt Bản Ca nhanh chóng bị tiêu diệt. Chốt khống chế này quan trọng tới mức mất nó, toàn bộ diễn biến của trận đánh sẽ bị ảnh hưởng. Tiếp đó điểm tựa chữ “a” của Quang Liệt (bắc 477: 1,5km) do tiểu đoàn 3 Tabo chốt giữ cũng bị đối phương đánh chiếm. Thiếu tá Phoócgiê bị chết trong trận phản kích không kết quả của 3/3 REI.

        Sau hai lần Sáctông cố dồn bọn tàn binh tràn về phía tây không thành công thì một thảm họa mới đã đến: một số lính của bính đoàn Lơpagiơ thoát chết từ Tan Be và 649 chạy ùa sang và ập vào các vị trí của 3/3 REI. Tình hình bỗng trở nên rối loạn và tinh thần bọn lính đã “xuống tới mức thấp nhất”. Lính Marốc, lính dù của BEP, lính Tabo, tất cả, tất cả trà trộn và chất đống vào các vị trí của Sáctông.

        Trước cảnh hỗn loạn đang diễn ra (đúng vào lúc Lơpagiơ thoát chết chạy được đến chỗ Sáctông), một hạ sĩ quan ngụy chạy về sở chỉ huy Sáctông báo cáo rằng quân ngụy ở Quý Chân đã đào ngũ hết, tất cả các sĩ quan Pháp ở khu vực đó đều bị loại khỏi vòng chiến. Tình thế đã trở nên quá bi đát. Sáctông chỉ còn biết dùng vô tuyến điện yêu cầu Lạng Sơn cho thả dù một tiểu đoàn ứng chiến xuống Bản Ca, hy vọng tiểu đoàn này sẽ nâng cao tinh thần bọn lính còn sống sót và sẽ làm “tê liệt tinh thần quân Việt” (!), tạo điều kiện cho tàn quân của cả hai binh đoàn chạy thoát về Thất Khê. Nhưng, Lạng Sơn không trả lời.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:45:36 am

        16 giờ. Lại thêm một tai họa: đối phương đánh chiếm điểm cao 477 do tiểu đoàn 3 Tabo chốt giữ.

        Đến lúc này, tình hình rõ ràng đã trở nên tuyệt vọng. Tàn quân của hai binh đoàn giẫm đạp lên nhau trên một khoảng đất dài chừng 1 kilômét sát ngay điểm cao 477. Chỉ cần đối phương đặt đại liên, súng cối và ngay cả trung liên trên đỉnh 477 cũng đủ biến số quân còn lại thành những bia thịt.

        Cụm lại nhưng không tạo nên được “sức mạnh hành động” vì đơn vị nào cũng đã tơi tả. Sáctông tính chuyện dựa vào 3/3 REI, đơn vị duy nhất còn có thể chiến đấu được để mở đường cho đám tàn quân của binh đoàn Cao Bằng tháo chạy.

        Chạy được 2 kilômét về phía nam, quân Sáctông không gặp trở ngại gì. Nhưng vừa tiến gần khu vực Nà Kéo, vấp phải một đơn vị nhỏ của đối phương đón sẵn chặn lại. Chỉ kịp nghe vài băng tiểu liên của quân Pháp bắn trả, Sáctông đã bị thương ở bụng và “bỗng thấy mình trơ trọi” vì quân lính đã tan biến đâu cả!

        Viên trung tá chỉ huy cánh quân Cao Bằng bị các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam bắt làm tù binh lúc 18 giờ 30.

        Đúng như Sáctông phán đoán, việc phá vây hồi 3 giờ sáng của Lơpagiơ không dễ dàng chút nào. BEP đang im lặng triển khai đội hình thì bỗng tiếng lựu đạn, súng cối, súng máy... vọng vào núi đá tạo nên một sự huyên náo nhức tai. Và đối phương từ bốn phía xung phong tới.

        Tảng sáng, tiểu đoàn dù BEP chỉ còn chừng 100 tên, tất cả sĩ quan cấp đại đội, quá nửa sĩ quan cấp trung đội đã bị chết. Tiểu đoàn 1 Tabo lợi dụng trời gần sáng mở đường tháo chạy, số sống sót của BEP chạy theo. Tất cả ùn lại ở chỗ ra vào phía bắc lòng chảo Cốc Xá. Đối phương bám sát đằng sau. Trước cảnh “bị dồn vào chân tường”, nhiều tên phải vứt bỏ trang bị, dùng dây tụt xuống vách đứng thành vại phía trước mặt, bỏ mặc số phận bọn bị thương đang la thét.

        Nhưng cũng không thoát. Đối phương đã đón sẵn dưới chân vách đá. Mạnh ai nấy chạy và những tên sống sót tràn vào khu vực của binh đoàn Sáctông.

        Một thời điểm khó quên được ghi lại trong lịch sử chiến bại của đạo quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương: 13 giờ ngày 7 tháng 10 năm 1950, hai viên trung tá chỉ huy hai binh đoàn gặp nhau bằng cái bắt tay mệt mỏi kèm theo nụ cười tuyệt vọng ở sườn bắc điểm cao 477, khi mà binh đoàn Baya của Lơpagiơ chỉ còn khoảng một phần tư quân số (chừng 550 tên, kể cả quan và lính)1.

        Cuộc gặp gỡ kỳ lạ giữa hai binh đoàn càng làm cho tình hình thêm rối loạn. Lơpagiơ vội chia tay với Sáctông để chuẩn bị cho đám tàn binh của mình tháo chạy về hướng đông - đông nam, với hy vọng gặp quân ứng cứu của Thất Khê lên đang ở khu vực Lũng Phầy. BEP muốn tách khỏi đội hình binh đoàn để đi thành tốp nhỏ hòng tự tháo thân.

        Chẳng mấy chốc, phân đội bảo vệ và ban tham mưu cùng Lơpagiơ bị tụt lại phía sau trong khi bốn bề tiếng súng không ngớt. Các đơn vị đang vấp phải đối phương chặn phía trước hoặc bám sát đằng sau.

        Đêm đến Lơpagiơ cùng với hai bộ phận tham mưu và cảnh vệ dừng lại cách Nà Kéo chừng vài trăm mét. Viên trung tá không nắm được những gì đã xảy ra với đám tàn binh của 4 tiểu đoàn thuộc quyền và cũng chẳng biết rằng lúc này ông bạn Sáctông đã bị bắt làm tù binh.

        Trước sáng, Lơpagiơ cùng nhóm tàn quân tiếp tục tiến theo hướng nam - đông nam. Dù chỉ chạy từng tốp nhỏ cũng khó mà thoát được vì mỗi bước đều có nguy cơ bị phát hiện.

        Khoảng nửa đêm, được Lạng Sơn thông báo: chừng bốn đại đội lê dương và Tabo do Bôm (De la Beaume) chỉ huy, xuất phát từ Thất Khê ngày 7 tháng 10 đã đến nam Lũng Phầy để đón quân từ phía bắc về, Lơpagiơ vội vã cho ban tham mưu tiến nhanh về hướng nam - đông nam với hy vọng sớm gặp “đội quân cứu hỏa” của Bôm.

        Từng tốp nhỏ, lần bước trong đêm tối, tiến chậm chạp.

        Trời sáng hẳn. Trước nguy cơ bị phát hiện Lơpagiơ cùng quân lính đành phải náu mình trong bụi rậm, chờ đêm đến.

        Chừng nửa đêm, nhờ định hướng bằng địa bàn, họ lại tiếp tục cuộc hành trình tuyệt vọng trong rừng rậm. Luôn luôn phải dừng lại ẩn nấp mỗi khi nghe tiếng súng. Đã hai ngày đêm, viên trung tá không được tin về số phận đám tàn binh của bốn tiểu đoàn thuộc quyền.

        Buổi chiều, vừa ra khỏi rừng thì bị đối phương phát hiện. Trong thế bị bao vây quá nhanh mọi ý định chống cự hoặc chạy trốn đều không thể thực hiện được.

        Cùng bị bắt với Lơpagiơ, ngoài các sĩ quan tham mưu, còn có trung tá bác sĩ Đuyrít (Thomas Duris).

        Mãi đến lúc này, tìm hiểu qua đối phương, Lơpagiơ mới sáng tỏ một số điều quan trọng: trừ một số rất ít lọt lưới chạy thoát về Thất Khê hoặc còn ẩn nấp trong rừng, toàn bộ hai binh đoàn đã bị tiêu diệt; Sáctông đã may mắn được “nghỉ ngơi” sớm hơn Lơpagiơ hai ngày đêm ở trại tù binh; cánh quân “cứu hỏa” do Bôm (De la Beaume) chỉ huy bị chặn đứng ở khu vực Lũng Phầy - 608 - 703, vội quay đầu tháo chạy, khi thấy tình thế đã tuyệt vọng.

---------------------
        1. BEP: ngót: 100; 1/8 RTM: 140; 1e Tabor: 170; 11e Tabor: 50; linh tinh: 100.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:46:35 am

TÁC ĐỘNG DÂY CHUYỀN

        Trao cho Bôm chỉ huy 4 đại đội Âu - Phi hành quân lêu hướng Đông Khê, Côngxtăng hy vọng rằng ít nhất cánh quân này cũng tạo nên một thế mới, buộc đối phương phải phân tán binh lực, tạo điều kiện cho hai binh đoàn (dù đã sứt mẻ nghiêm trọng) có thể lê được về tới Thất Khê. Nhưng nguồn hy vọng đó đã bị hoàn toàn tan vỡ. Hai binh đoàn bị chôn chân ở vùng Cốc Xá - 477 để rồi bị tiêu diệt. Cánh quân Đờ la Bôm bị đánh tan tác ở khu vực Lũng Phầy. Một số ít tàn binh “bơ phờ, mệt lử, mang theo dấu vết của một cuộc chiến đấu ác liệt”, ngày 8 tháng 10, chạy thoát được về tới Thất Khê, gây nên một không khí hoang mang cực điểm ở vị trí này. Đến ngày 10 tháng 10, cứ điểm Thất Khê lại mở đầu một cuộc tháo chạy mới, hỗn loạn hơn, trên chặng phía nam đường số 4.

        Sau này, trong bản tường trình của mình, trung tá Sáctông lấy làm tiếc rằng tại sao quân Pháp lại rút chạy khỏi Thất Khê vội vã như vậy. Sáctông cho rằng nếu về kịp Thất Khê vào ngày 7 hoặc 8 tháng 10, hắn ta sẽ đề nghị được tổ chức phòng thủ Thất Khê, một vị trí mà hắn cho là vững chắc, có đủ lương thực đạn dược và được không quân chi viện dễ dàng. Về binh lực, theo Sáctông, ngoài lực lượng ở Thất Khê, cứ điểm này có thể được tăng cường bằng số quân từ phía bắc thoát chết chạy về hoặc đưa từ mặt trận Thái Nguyên lên.

        Nhưng khốn nỗi, đây chỉ là phương án mà viên trung tá này đề ra vào cuối năm 1954, khi chiến tranh đã kết thúc và hắn đã được ta trao trả cho phía Pháp. Còn vào hồi trung tuần tháng 10 năm 1950, cuộc tháo chạy khỏi Thất Khê đã diễn ra nhanh đến nỗi ngày 16, một số tàn binh từ phía bắc cố lủi về đến vị trí này đã bị Quân đội nhân dân Việt Nam tước vũ khí và đưa vào trại tù binh.

        Trên chặng đường khoảng 60 kilômét từ Thất Khê đến Lạng Sơn, dù quân Pháp có tài rút chạy khá nhanh, những đơn vị phía sau vẫn bị các chiến sĩ Việt Nam đuổi đánh. Mãi ngày 15, bọn quan quân thoát chết mới về tới Lạng Sơn, nơi đặt bản doanh khu Biên Giới của đại tá Côngxtăng. Một cảnh tượng hỗn loạn lại diễn ra ở đây khiến chính viên đại tá này cũng nghĩ rằng bản doanh của hắn sắp bị tiến công đến nơi. Và ngày 16, Côngxtăng đã đề nghị với tướng Alécxăngđri (khi đó cũng có mặt ở sở chỉ huy khu Biên Giới) cho phép cấp tốc rút chạy khỏi Lạng Sơn “để tránh bị bao vây buộc phải đầu hàng”.

        Thật ra, không phải mãi đến lúc này, Côngxtăng mới lộ rõ là một “viên đại tá da thỏ” (như lính lê dương vẫn thường gọi). Theo tin tức bay về Pháp mà báo chí Pari thuật lại, khi cứ điểm Đông Khê bị tiêu diệt (ngày 18 tháng 9), một không khí kinh hoàng đã tràn ngập đồn binh Lạng Sơn. Từ quan đến lính đều có cảm giác “chỗ nào cũng có Việt Minh và bất kỳ lúc nào cũng có thể bị bắt làm tù binh”.

        Sau khi “đồng ý trên nguyên tắc” cho Côngxtăng chuẩn bị rút chạy, Alécxăngđri bay thẳng từ Lạng Sơn vào Sài Gòn. Đêm 16, trong một cuộc họp “đầy vẻ bi ai”, tướng Cácpăngchiê (lúc đó đã tỏ ra “mệt mỏi, chán chường và bất lực”) đành chấp nhận giải pháp mà Alécxăngđri đã quyết định: rút quân khỏi Lạng Sơn.

        Nhận được điện của Alécxăngđri đánh thẳng từ Sài Gòn ra, Côngxtăng vội vã thực hiện kế hoạch rút chạy đã được trù liệu. Khi Alécxăngđri bay ra tới Hà Nội thì Cácpăngchiê được tin phái đoàn thanh tra của Pari sắp tới Sài Gòn. Viên tướng tổng chỉ huy vội điện cho tướng Alécxăngđri đình chỉ việc rút quân khỏi Lạng Sơn để chờ ý kiến phái đoàn.

        Dù nhận được lệnh đình chỉ do Hà Nội truyền đạt, đại tá Côngxtăng, “người lúc này đã như mất trí và không đủ bản lĩnh để hoàn thành nhiệm vụ của mình” vẫn tiếp tục bật đèn xanh để cuộc rút chạy khỏi Lạng Sơn được bắt đầu đêm 17 rạng 18, khi phái đoàn Pari vừa đạt chân đến Sài Còn. Ba ngày sau, tại tổng hành dinh quân viễn chinh Pháp, viên sĩ quan trực ban tác chiến ghi lên bản đồ chiến sự: các đơn vị trên đường số 4 đã rút về đến vùng Chũ, Kép, An Châu, “ngay sát mép đồng bằng”. Còn trên hướng biên giới Tây Bắc, quân Pháp ở Hoàng Su Phì, Bắc Hà và nhiều vị trí khác trong vùng đã rút chạy về Lao Cai.

        Nhiều viên tướng Pháp ngồi ở Pari (những người ngoài cuộc) đã hết lời chê trách bọn cầm đầu quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương vì “tất cả mọi chuyện đã xảy ra quá nhanh chóng và được quyết định trong bầu không khí hoảng loạn”. Họ than phiền các tướng lĩnh ở Đông Dương thực hiện rút Cao Bằng quá muộn nhưng lại hấp tấp bỏ chạy khỏi Lạng Sơn quá sớm, ngay cả khi chưa có triệu chứng về cuộc tiến công của đối phương. Tướng Xalăng (nguyên trung úy đồn trưởng đồn Đình Lập 25 năm trước) quả quyết rằng nếu bị tiến công, quân Pháp ở Lạng Sơn có thể chống đỡ được vì có không quân yểm trợ, binh lực ở đó có bốn tiểu đoàn lê dương thiện chiến, có thiết giáp, công binh, pháo binh, tóm lại có thể phản kích gây cho đối phương tổn thất nặng nề nếu họ tiến công.

        Ngồi ở Pari, cánh Đông Dương 14.000 kilômét, Xalăng nói như vậy quả không có gì là khó hiểu. Nếu chưa bị triệu hồi và còn giữ cương vị chỉ huy ở Bắc Bộ, chắc chắn viên tướng này cũng chẳng có mưu kế gì hay ho hơn ngoài cái kế “tẩu vi thượng sách”.

        Cuộc rút chạy vội vã của quân Pháp khỏi Lạng Sơn khiến nhiều tướng thực dân kỳ cựu ở Đông Dương hồi tưởng lại sự kiện lịch sử 65 năm trước: năm 1885, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ nhất. Lạng Sơn đã từng là “biểu tượng của sự kinh hoàng quân sự” của quan đội viễn chinh Pháp1.

        Đáccua (Pierre Darcourt, tác giả cuốn Đờlát ở Việt Nam) lên án việc rút chạy vội vã khỏi Lạng Sơn như sau: “Với việc mất Lạng Sơn, quân đội Pháp đã sa xuống vực thẳm... Thành phố được phòng thủ kiên cố này đã rơi vào tay quân thù khi còn nguyên vẹn, với 1.500 tấn trang bị, 2.000 tấn quân nhu, 4.000 khẩu tiếu liên mới còn niêm phong trong hòm, 10.000 viên đạn pháo 75 milimét, 150 tấn thuốc... Với số trang bị đó, Việt Minh có thể tổ chức thêm được 8 trung đoàn”2.

-----------------
        1. Ngày 28 tháng 3 năm 1885, sau bị thiệt hại nặng ở Kỳ Lừa, một lữ đoàn quân Pháp do viên thiếu tướng De Négrier chỉ huy đã phải vứt toàn bộ pháo, đạn dược, lương thực và 130.000 đồng bạc trắng xuống sông Kỳ Cùng, bỏ Lạng Sơn chạy về Chũ.

        2. Pierre Darcourt, Delattre au Việt Nam, Table ronde, Paris, 1965, tr. 15.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:47:20 am

TIẾNG VANG CHIẾN BẠI

        Lính Pháp và Âu - Phi bị bắt và được quân ta thả ngay tại trận, khi về Hà Nội đã trở thành những cái loa tuyên truyền về “thiên anh hùng ca biên giới”. Họ nói về cuộc “hẹn hò kỳ lạ” giữa Sáctông và Lơpagiơ, về những ngày rút chạy hầu như không nghỉ của hai binh đoàn, về toàn bộ cơ sở vật chất dự trữ phải bỏ lại Lạng Sơn, trong đó có chừng 600.000 lít xăng. Câu chuyện lan truyền dai dẳng về việc không quân không dám bay lên ném bom phá hủy các kho tàng như kế hoạch đã định.

        Về tới Hà Nội. họ tỏ ra bất bình khi nghe tin Côngxtăng trút mọi trách nhiệm về việc để mất các kho tàng ở Lạng Sơn lên đầu một viên trung úy vì anh ta không kịp phá hủy trước khi rút chạy. Theo họ, viên trung úy nọ không hề nhận được lệnh phá hủy bằng mìn, vì Côngxtăng hy vọng vào những quả bom của không quân lên phá hủy. Động lòng thương hại viên trung úy bất hạnh, họ phải giấu anh ta vào một tiệm cà phê ở phố Pôn Be (tức phố Tràng Tiền ngày nay) để anh ta khỏi bị đưa ra tòa án binh. Sau đó họ đã nói hết sự thật khi phái đoàn Pari tới Hà Nội.

        Phẫn nộ trước sự đần độn của các mệnh lệnh mà họ phải chấp hành khi ở biên giới, nhiều sĩ quan thoát chết từ “địa ngục đường số 4” trở về đã kéo đến khách sạn Mêtơrôpôn (tức khách sạn Thống Nhất ngày nay) để nói với phóng viên báo chí về những gì đã xẩy ra và dẫn các ký giả đến nhà thương Lanétxăng (ngày nay là Viện Quân y 108) để tìm hiểu sự thật qua những người bị thương.

        Trong thành phố Hà Nội, từ giữa tháng 9, một không khí hoảng hốt bao trùm cơ quan tham mưu Pháp ở Bắc Đông Dương khiến nhiều người hồi tưởng lại quang cảnh rối loạn mười năm trước, khi quan phát xít Nhật tiến đến biên giới Đông Bắc.

        Giờ nọ tiếp giờ kia, các tin tức về sự sụp đổ của phòng tuyến biên giới cứ bay về bộ tham mưu. Nhiều sĩ quan ở đây mừng thầm rằng quân Pháp đã chạy nhanh đến nỗi đối phương không đuổi kịp nhất là từ Lạng Sơn trở đi. Nhiều người phán đoán Hà Nội sắp bị tiến công. Và việc bố phòng được triển khai gấp rút để bảo vệ thành phố này. Một hệ thống dây thép gai dày nhiều lớp được tung ra để bảo vệ cầu Dume (tức cầu Long Biên ngày nay). Từng đoàn xe nhà binh ngày đêm vội vã chuyển các hồ sơ và vật quý ra khỏi thành phố. Nhiều gia đình Pháp hấp tấp tản cư xuống Hải Phòng.

        Trong một chỉ lệnh, do Cácpăngchiê phê duyệt và Alécxăngđri ký tên, gửi quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương, các tướng lĩnh Pháp công nhận rằng Pháp không đủ sức để chống giữ ở khắp nơi nếu tiếp tục bị tiến công. Một điều cụ thể được đề ra trong bản chỉ lệnh là phải ngăn chặn càng lâu càng tốt, không để cho thiết giáp (!) của đối phương lọt qua nếu họ từ Việt Bắc tiến về đánh... Hà Nội.

        Quan sát bầu không khí đầy hốt hoảng, nhiều ký giả Pháp có mặt ở thành phố này nói mỉa mai: từ chỗ đánh giá quá thấp kẻ thù, chỉ sau một tháng nếm mùi thất bại ở Đông Bắc người ta đã quá run sợ và khuếch đại sức mạnh của Việt Minh.

        Mặc dù đế quốc Pháp cố tình bưng bít, thảm họa đường số 4 vẫn gây nên những phản ứng tâm lý sâu sắc ở Bắc Phi cũng như ở nhiều thuộc địa khác của Pháp. Trong lúc Chính phủ Pháp lo ngại việc rút thêm quân để tăng viện cho chiến trường Đông Dương càng làm cho “nền an ninh ở Bắc Phi bị uy hiếp, thì dư luận tiến bộ ở vùng thuộc địa này của Pháp đã tìm ra một chân lý: những quân đội nhà nghề được huấn luyện chu đáo và trang bị đầy đủ vẫn có thể bị đánh bại trong một cuộc chiến tranh xâm lược khi mà nhân dân quyết tâm chiến đấu chống lại.

        Nơi dư luận xôn xao nhiều nhất về tin tức chiến sự ở biên giới Việt Nam vẫn là thủ đô Pari.

        Tại phố Xanh Đôminích, nơi đặt cơ quan chuyên theo dõi các quân đội thuộc địa, một nỗi lo âu đè nặng căn phòng làm việc có treo ảnh Galiêni và Mănggianh1, những “vĩ nhân (!) đã xây dựng Đế quốc Pháp”. Các bức điện liên tiếp chuyển về Pari nặng trĩu những thiệt hại mà quân đội viễn chinh Pháp phải chịu đựng ở Đông Dương, chứng tỏ rằng đế quốc đó đang sụp đổ từng mảng ở chính nơi mà các vị tướng lĩnh thực dân bậc cha chú đó đã rèn đúc nên nó. Cũng tại căn phòng này, bọn cầm đầu quân sự nước Pháp - những con bạc khát nước - đã bàn tính đến việc vét túi để đổ thêm quân sang Đông Dương nhằm cứu vãn tình thế, vì thiệt hại một tháng qua quá nặng nề. Các bản báo cáo trình bày trong các cuộc họp ở đây đã làm đậm nét bức tranh về “những dòng người bi ai như những kẻ đi theo xe tang, kiệt sức vì thiếu ngủ, rã rời tơi tả sau những ngày chiến đấu liên tục căng thẳng... đang lê bước dưới lưỡi lê của đối phương để về các trại tù binh”.

        Trong khi Chính phủ Pháp đang chìm ngập trong những bức điện ngày càng bi đát thì một không khí nặng nề bao trùm lên quốc hội. Một vấn đề cũ lại được đặt ra trong hoàn cảnh mới: Chúng ta (Pháp) bám lấy cái xứ Đông Dương đó để làm gì? Cuối trung tuần tháng 10, quốc hội họp phiên bất thường. Vấn đề Đông Dương ghi trên hàng đầu chương trình nghị sự. Nội các đương thời của Plêven cũng như mười hai nội các trước đó2 đều bị đả kích về đường lối chính trị lỗi thời, nguyên nhân sâu xa của những thất bại ngày càng lớn trong cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu ở Đông Dương. Dĩ nhiên, những nghị sĩ cộng sản trong quốc hội vẫn luôn luôn là những người cất cao tiếng nói chính nghĩa, kịch liệt lên án cuộc chiến tranh bẩn thỉu mà bọn “lái súng tham tàn, bọn bán thịt người vô liêm sỉ” đã gây ra ở Việt Nam. Măngđét Phrăng (Mendès France) xuất hiện với chủ trương rút quân đội Pháp về nước. Cuộc tranh cãi ở quốc hội (mà tờ báo này cho là thảm kịch, tờ báo khác lại cho là đầy lý thú) đã làm cho “Plêven và công ty” hết sức bối rối. Phe chủ hòa cũng nhân dịp này mà nhắc lại “vụ bê bối của các vị tướng” (ý nói vụ án Rơve) và đòi các nhân vật cao cấp, cả quân sự và dân sự dính líu đến vụ đó phải ra trước Tòa án tối cao.

        Theo “thói quen đáng kính” (!) của nền Đệ tứ Cộng hòa Pháp, cứ mỗi khi vấp phải một thất bại có ý nghĩa chiến lược ở Đông Dương, thì Chính phủ Pháp lại cử một phái đoàn sang để “nghiên cứu tình hình tại chỗ”.

        Ngày 15 tháng 10, “thói quen” đó lại tái diễn.

        Phái đoàn được Pari cử sang Đông Dương lần này không những do cấp bộ trưởng cầm đầu3 mà còn có tướng Gioăng (Juin), viên tướng số 1 của Pháp và tướng Valuy, cố vấn quân sự của Chính phủ về Đông Dương.

---------------------
        1. Joseph Galliéni (1849-1916): thống chế Pháp đã từng tham gia chiến tranh xâm lược Xuđăng, Bắc Việt Nam, Mađagátxca. Charles Mangin (1866-1925), tướng Pháp đã từng đem quân xâm lược Bắc Việt Nam những năm đầu thế kỷ này.

        2. Trong 5 năm xâm lược Đông Dương (9-1945 - 9-1950) nước Pháp đã 13 lần thay đổi thủ tướng: 1945: Đờ Gôn; 1946: Goanh, Biđôn; 1947: Blom, Ramađiê; 1948: Suman, Mari, Suman; 1949: Cơi, Mốtsơ, Mayê; 1950: Biđôn, Plêven...

        3. Lơtuốcnô, Bộ trưởng Bộ “Các Quốc gia liên kết”, nguyên gọi là Bộ “Pháp quốc hải ngoại”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:48:19 am

LỜI PHÁN XÉT CỦA PHÁI ĐOÀN

        Ngày 17, vừa đặt chân đến Sài Gòn, phái đoàn hết sức ngạc nhiên về quyết định rút chạy khỏi Lạng Sơn. Việc này đang được xúc tiến và không thể đình chỉ được nữa. Phái đoàn đặt vấn đề: Tại sao lại quyết định như vậy và liệu chúng ta (Pháp) còn rút chạy đến đâu nữa trong cảnh hoảng loạn này. Nhưng đứng trước việc đã rồi, ngài bộ trưởng và hai vị tướng quân cũng đành phải bỏ qua một việc đang được xúc tiến trái hẳn với ý muốn của mình.

        Nhưng không phải chỉ có thế.

        Phái đoàn được biết rằng lúc này tại Hà Nội, các cuộc hội nghị đang diễn ra tại bản doanh quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương. Trong các cuộc hội nghị đó, người ta đang bàn đến chuyện “tổng rút chạy” khỏi Móng Cái, Tiên Yên, Cẩm Phả, Hòn Gai, nhằm vét thêm được một số tiểu đoàn về giữ “vùng đồng bằng có ích”. Tệ hại hơn nữa là có kẻ còn dám gợi ý đến chuyện rút chạy khỏi Hà Nội, một điều báo hiệu sự tan vỡ hoàn toàn của giấc mộng xâm lăng. Từ chỗ ngạc nhiên đến chỗ nổi khùng, phái đoàn cấp tốc đáp máy bay ra Hà Nội và hạ những mệnh lệnh nghiêm khắc để xua tan bầu không khí kinh hoàng đang tràn ngập.

        Sau khi đã cố tỏ ra bình tĩnh để làm gương cho cấp dưới (!), phái đoàn bắt đầu xét đến các vị cầm đầu quân đội Pháp ở Đông Dương, những người mà phái đoàn cho là đã làm cho tình hình trở nên nát bét.

        Đích danh thủ phạm, đứng đầu sổ được xét đến là tướng Cácpăngchiê, người trước đây vốn được tướng Gioăng “đánh giá cao”.

        Theo nhận xét của phái đoàn, Cácpăngchiê không phải là viên tướng không có đầu óc tổ chức, nhưng thực tế những gì đã diễn ra trong năm qua chứng tỏ rằng ông ta không đủ bản lĩnh để ứng phó với cục diện chiến tranh đã trở nên hiểm nghèo đối với Pháp. Có mặt ở Đông Dương đã một năm nay và ngay từ đầu đã thấy “mầm mống của một cơn khủng hoảng trầm trọng”, sao ông tổng chỉ huy không nhanh chóng rút quân khỏi Cao Bằng, trái lại, đã thỏa hiệp với viên tướng cứng đầu Alécxăngđri, tổ chức cầu hàng không rất tốn kém để tiếp tục giữ vị trí này, từ đầu năm 1950.

        Cácpăngchiê sát tình hình hơn Hội đồng Quốc phòng ở tận Pari, vậy mà vào giữa tháng 9, khi quyết định rút quân khỏi Cao Bằng, sao ông ta không cho rút theo đường khác mà lại máy móc theo đường số 4 như đã được Chính phủ dự kiến trước đó hàng năm? Là tổng chỉ huy, sao ông ta bỏ đại bản doanh của mình để đi xa hàng ngàn kilômét, trực tiếp đốc thúc cuộc triệt thoái mà không tin tưởng rằng những sĩ quan cao cấp phụ trách khu vực có thể hoàn thành một công việc thuộc quyền chỉ huy của họ?

        Để cứu vãn tình thế, cần triệu hồi viên tướng tổng chỉ huy và thay thế bằng người khác, tài cán hơn. Nhưng để tránh điều bất lợi về tinh thần và tâm lý, trước mắt hãy tạm để ông ta ở vị trí hiện nay cho đến khi tình hình chứng tỏ rằng “sự xúc động (vì thất bại vừa qua) đã dịu đi”.

        Dù Alécxăngđri đã từng phản đối việc rút quân khỏi Cao Bằng, nhưng trong tấn thảm kịch vừa qua, viên tướng này được phái đoàn xét là vô tội vì cuộc hành binh được quyết định lúc ông ta vắng mặt. Đến nay, khi mọi điều bất hạnh đã xảy ra, nên chấp nhận để ông ta trở về Pháp theo yêu cầu của con người đã “vỡ mộng tổng chỉ huy”.

        Tướng Mácsăng tỏ ra thiếu trách nhiệm vì vừa thấy Alécxăngđri trở lại Đông Dương đã vội trút mọi gánh nặng cho viên tướng mà mình tạm thay quyền. Trong những ngày liên tiếp xảy ra biết bao biến cố bi thảm vừa quan Mácsăng tỏ thái độ như người đứng ngoài cuộc. Cần cử ngay Đờ Latua ở Nam Bộ ra thay thế và cho Mácsăng về Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:48:46 am

        Đại tá Côngxtăng chỉ biết ngồi ở sở chỉ huy Lạng Sơn để làm chiến tranh bằng bản đồ và máy bộ đàm, trong khi tình hình đòi hỏi một đức tính kiên định và một tác phong sâu sát. Đáng lẽ Côngxtăng phải tự mình đảm nhiệm chỉ huy binh đoàn Baya. Bị kích động hơn ai hết trước sự tan rã, ông ta chỉ nghĩ đến việc tháo chạy càng nhanh càng tốt. Ông ta phải phịu trách nhiệm về “cuộc rút chạy không nghỉ” khỏi các cứ điểm phía nam Đông Khê, nhất là Lạng Sơn, vị trí của chính ông ta, nơi mà cuộc rút chạy vội vã đến nỗi một phương sách tầm thường nhất cũng không được áp dụng để phá hủy các kho tàng. Ông ta đừng hy vọng ngôi sao cấp tướng để ở lại đất Bắc Bộ này. Tốt nhất là hãy cho ông ta hồi hương.

        Trong báo cáo gửi Chính phủ Pháp sau khi trình bày mọi lý do để yêu cầu xóa sổ hàng loạt cấp chỉ huy quân sự cao nhất ở Bắc Bộ và Đông Dương, tướng Gioăng đã nhân danh tổng tham mưu trưởng nói rõ quan điểm của mình về cục diện chiến tranh Đông Dương và đề đạt với Chính phủ phương sách giải quyết.

        Vấn đề trước tiên cần được xem xét là những quyền lợi mà xứ Đông Dương mang lại liệu có bù đắp được những khoản chi tiêu khổng lồ và những tổn thất về nhân mạng mà nước Pháp phải gánh chịu trong những năm qua?1. Cuộc chiến tranh (xâm lược Đông Dương) đã làm cho địa vị của nước Pháp ở châu Âu bị sa sút nghiêm trọng, nền an ninh của Khối Liên hiệp Pháp bị đe dọa.

        Đối phương lớn mạnh đã đánh cho quân đội viễn chinh Pháp một đòn cay đắng chưa từng thấy, trong khi đó thì triển vọng bình định các vùng Pháp kiểm soát vẫn còn là một điều quá xa tầm tay.

        Theo viên tổng tham mưu trưởng Pháp, trên chiến trường Đông Dương, trước hết là ở Việt Nam, đã xuất hiện một tình hình trái ngược về lực lượng so sánh. Một bên, sức mạnh của đối phương là ở chỗ họ có một tổ chức chính trị mạnh, một lực lượng vũ trang dựa trên một nền tảng đầy đủ màu sắc dân tộc. Còn một bên là nước Pháp, đã suy yếu lại phải một mình chịu đựng mọi gánh nặng chiến tranh vì “những phần tử quốc gia (ý nói bọn tay sai) chỉ là một chính phủ bù nhìn vô dụng được người Pháp o bế”.

        Cuối cùng, tướng Gioăng nêu lên hai giải pháp để Chính phủ Pháp lựa chọn.

        Một là thương lượng với Cụ Hồ Chí Minh. Chính Cụ cũng không phải là không muốn kết thúc cuộc chiến để đi đến chỗ hợp tác trên cơ sở tin cậy lẫn nhau2. Giải pháp này có thể bị coi là điều thú nhận một sự bất lực và sẽ gây tiếng vang lớn trên tất cả các đất đai ngoại quốc (ý nói các thuộc địa) của Pháp, ấy là chưa nói đến những hậu quả chính trị của một cuộc bỏ rơi như vậy, chưa nói đến những suối máu sẽ còn có thể chảy ở Đông Dương (?). Tóm lại, đây là một giải pháp nửa vời, bỏ thì tiếc, nuốt không trôi.

        Hai là đưa cuộc chiến tranh Đông Dương ra thành bình diện quốc tế, cụ thể là đưa ra trước Liên hợp quốc. Giải pháp này cho phép rút dần phần lớn binh lực Pháp ra khỏi Đông Dương song song với việc tiếp phòng (?) của quân lực các nước thường trực Liên hợp quốc. Gioăng cho rằng giải pháp này chẳng qua cũng chỉ là một sự bỏ rơi về mặt tinh thần và chắc chắn rằng phải một thời gian mới kéo được Hội đồng bảo an tuyên bố về một “hành động xâm lược rất khó mà xác định được tính chất”.

        Phái hữu cầm đầu Chính phủ Pháp không chọn giải pháp nào do tướng Gioăng đề nghị, vì thương lượng với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa hoặc quốc tế hóa cuộc chiến tranh “nước Pháp đều mất hết quyền lợi” (!).

        Trong khi lực lượng phe chủ hòa chưa đủ mạnh để chặn tay Chính phủ Pháp, giới cầm quyền hiếu chiến ở Pari vẫn chủ trương tiếp tục lao sâu vào cuộc chiến tranh xâm lược. Họ tin rằng với một tướng tổng chỉ huy mới, chủ trương chiến lược mới và bàn tay của chú Sam, họ sẽ làm đảo lộn tình thế, lấy lại được những gì đã mất sau năm năm qua.

---------------------
        1. Theo một bản tường trình của W. Bullit (trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ) viết đầu năm 1951, trung bình mỗi năm nước Pháp mất vào cuộc chiến tranh Đông Dương ít nhất 450 triệu đô la, 7.000 lính Pháp và Âu - Phi, 400 sĩ quan (bằng tổng số sĩ quan mà nước Pháp đào tạo hàng năm).

        2. Theo nguyên văn: “Kết thúc cuộc chiến bằng một nụ cười và bàn tay để lên trái tim”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:49:53 am

*

*      *

        1945 - 1950 - Năm năm, nhìn lại một chặng đường xâm lược

        Năm năm đã trôi qua. Đó là năm năm mà dư luận tiến bộ Pháp không ngừng lên án giới cầm quyền ở Pari đã tỏ ra mù quáng, ngày càng tính sai nước cờ.

        Ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, đã có lúc người Pháp tự hào rằng họ “đã khôn ngoan, biết đánh giá đúng ý nghĩa của những biến đổi về chính trị và xã hội ở châu Á, đã đi trước tất cả các nước phương Tây” để tiến hành đàm phán và ký kết với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa (3-1946). “Sự hòa giải đó là kết quả khiến cả châu Âu và thế giới khâm phục”.

        Nhưng rồi, như nhận xét của báo Người quan sát mới (6-11-1972), điện Êlydê và phủ cao ủy đã hành động mù quáng, “khiến cho thiện chí hòa giải của Việt Minh không thành”. Cuộc chiến tranh Pháp - Việt nổ ra cách nước Pháp hàng vạn kilômét và đã kéo dài năm năm.

        Trong suốt năm năm đó, mục đích của cuộc chiến tranh (xâm lược) được ngụy trang dưới những lý lẽ ngược đời. Nào là “chúng ta không thể bỏ rơi những người bản xứ... họ chưa thể tự cai trị được... Chúng ta có nghĩa vụ khai hóa cho họ...”, nào là “chúng ta không thể để cho dân tộc đáng yêu ấy sa vào cảnh bị đọa đày... không thể để cho cơ nghiệp đế quốc mà Galiêni và Đume đã xây dựng nên bị đổ vỡ tan tành”…

        Cũng trong năm năm đó, những Đờ Gôn và Đácgiăngliơ, những Ôriôn, Biđôn và Lơtuốcnô... đã liên tiếp đánh giá sai đối phương cả về mục tiêu chính trị và thực lực. Năm năm, đó là thời gian mà các chính phủ kế tiếp nhau ở Pari ngoan cố “kiên trì chờ đợi và hy vọng thực sự vào giải pháp Bảo Đại”, họ không chịu công nhận Chính phủ kháng chiến Việt Nam là một thực tại chính trị, chỉ vì “đó là kẻ thù của nước Pháp”1(!).

        Kết quả là, như thống tướng Mỹ Anđriu nhận xét trong lời tựa cuốn Con đường không vui2, cuộc chiến tranh ngày càng dẫn đế quốc Pháp đến chỗ bế tắc về chính trị và tâm lý, tuyệt vọng về chiến lược. Trong khi, về mặt chính trị, nội tình nước Pháp ngày càng bị phân hóa sâu sắc và vụ án Rơve chỉ là một dịp để đảng Cộng hòa Bình dân gạt nốt ảnh hưởng cuối cùng của đảng Xã hội về vấn đề Đông Dương thì, về mặt quân sự, “tính chất rất mới lạ của cuộc chiến tranh cách mạng ngày càng làm đau đầu các bộ tham mưu Pháp”. Tướng Mỹ Anđriu và tướng Pháp Rơve đều thống nhất một nhận định là: “Mọi cố gắng của quân đội viễn chinh Pháp nhằm đối phó với kiểu chiến tranh của Việt Nam thường là vô ích. Quân đội Liên hiệp Pháp ngày càng lún sâu trong vùng đồng lầy và rừng rậm nhiệt đới... Vấn đề quân sự (trải qua năm năm chiến tranh) vẫn còn nguyên vẹn”.

        Chính phủ ở Pari và bộ tham mưu ở Sài Gòn không thể giải thích nổi vì sao, trong suốt năm năm chiến đấu trong thế đất nước bị bao vây bốn phía và trong điều kiện không cân sức, dân tộc Việt Nam vẫn tồn tại và không ngừng lớn lên. Mãi vài chục năm sau, có người3 mới giải thích giúp họ rằng: sở dĩ Việt Minh (xin hiểu là dân tộc Việt Nam) tồn tại được là do họ có “nghị lực thần diệu, tính ngoan cường, sự khéo léo và thiên tài mưu lược...”. Chính nhờ những đặc tính đó mà, mặc dù “trong hoàn cảnh hoàn toàn bị ngăn cách với thế giới bên ngoài, người Việt Nam vẫn kiên trì bám vững những triền núi đá để ngoan cường chiến đấu và xây dựng đất nước...”.

        Từ năm 1947, Thủ tướng Ramađiê và Chính phủ Pháp hy vọng rằng việc gạt các bộ trưởng cộng sản ra khỏi chính phủ sẽ hạn chế được tiếng nói ủng hộ của nhân dân Pháp đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì “Việt Minh không còn có đồng minh trong chính quyền ở Pháp nữa”. Họ không ngờ rằng trước sau nhân dân Việt Nam vẫn được sự ủng hộ ngày càng rộng khắp và thiết thực của nhân dân Pháp và của cả loài người tiến bộ. Trong hoàn cảnh đất nước bị bao vây bốn phía, nhân dân Việt Nam vẫn vững bước theo đường lối kháng chiến được vạch ra đúng đắn ngay từ đầu. Bộ tham mưu và các tướng lĩnh Pháp ngày càng tỏ ra thất vọng trước một thực tế là “những người kháng chiến Việt Nam, vững bền ý chí, không chịu rơi vào chủ nghĩa du kích”. Trái lại, từ những đội quân nhỏ bé ban đầu (những đội quân mà tướng Valuy tưởng rằng có thể tiêu diệt dễ dàng bằng “cuộc hành binh cảnh sát” cuối năm 1947), họ đã từng bước lớn lên và không ngừng tiến vững chắc từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy. Chính “sức mạnh của đội quân mũ lá chân đất” đó đã dẫn đến “thảm cảnh đường số 4” vừa qua, một thảm cảnh được coi là “lớn nhất của nước Pháp ở hải ngoại từ sau cái chết của Môngcan tại Kêbéc” 4 gần hai trăm năm trước.

        Vào những ngày cuối năm 1950, khi điện Êlydê đang xúc tiến việc thay tướng thêm quân, báo chí Pháp đã thẳng thừng vạch ra rằng: Nhìn vào cục diện chiến trường biến đổi ngày càng bất lợi (cho Pháp) trong năm năm qua, nhìn vào cuộc đối mặt đầu tiên của dân chúng Sài Gòn với quân đội Mỹ hồi tháng Ba5 và nhìn vào cuộc chiến tranh mà Mỹ mới phát động ở Triều Tiên hồi tháng Sáu (1950), người ta thấy rõ ràng nước Pháp đang cùng Mỹ lao sâu vào “cuộc thập tự chinh chống cộng” ở châu Á. Hai gọng kìm của Mỹ (ở Đông Bắc Á - Triều Tiên) và của Pháp (ở Đông Nam Á - Đông Dương) ngày càng chứng tỏ “một sự thật không thể chối cãi là cuộc thập tự chinh chống cộng của phương Tây đã bước vào giai đoạn thoái trào”.

        Riêng trên chiến trường Việt Nam, mặc dù Mỹ đang từng bước can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh Pháp - Việt, sự thật năm năm qua ngày càng khẳng định: cuộc chiến tranh đó không đem lại cho giới cầm quyền ở Pari một tia hy vọng nào nếu họ ngoan cố tiếp tục chui sâu vào “đường hầm không lối thoát”.

---------------------
        1. Tuyên bố của Đờ Gôn trong cuộc họp báo 17 tháng 11 năm 1948.

        2. Bernard Fall, Stackpole Books, New York, 1967.

        3. J. Lacouture, tác giả cuốn Hồ Chí Minh, Seuil, Paris, 1967.

        4. P. Darcourt, Đờlát ở Việt Nam (Delattre au Việt Nam), Nxb Leronde, Paris, 1965. tr. 13. Louis Montcalm là danh tướng Pháp (1712-1759) chết tại Canađa trong cuộc giao chiến với quân đội Anh.

        5. Ý nói cuộc biểu tình của 50 vạn nhân dân Sài Gòn ngày 19 tháng 3 năm 1950 phản đối hai tàu chiến Mỹ đến cảng. Trước sức mạnh của nhân dân ta, tàu chiến Mỹ buộc phải nhổ neo rời cảng. Ngày 19 tháng 3 hàng năm trở thành Ngày toàn quốc chống Mỹ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:51:40 am

Phần ba

THẾ THUA ĐÃ RÕ RÀNG


Chương bảy

TƯỚNG GIÀ CỨU NGUY

THAY TƯỚNG, VÉT QUÂN

        Trong lúc dư luận Pháp đang bị chấn động mạnh mẽ về thất bại của quân viễn chinh trên chiến trường biên giới, thì Chính phủ Pháp triệu hồi những viên chỉ huy chóp bu theo kiến nghị của tướng Gioăng. Việc làm đó không dẹp yên được dư luận. Ở Pari, người ta nói nhiều đến thái độ bao che của phái đoàn Lơtuốcnô - Gioăng. Qua bản tường trình của phái đoàn, dư luận cho rằng mặc dù tướng Gioăng cố dùng những lời mạnh mẽ để lên án bọn chỉ huy Pháp ở Đông Dương, nhưng thật ra ông ta đã khéo léo gỡ tội cho phần lớn những nhân vật chính trong vụ thảm bại ở đường số 4. Hơn thế nữa, ông ta còn tạo điều kiện cho họ hồi hương, tức là thoát khói “cái tổ ong Đông Dương”.

        Không thể làm ngơ trước dư luận, Chính phủ Pháp buộc phải cử ra một ủy ban do tướng Buýtxông (Buisson) cầm đầu để tiếp tục cuộc điều tra hòng tìm ra đích danh kẻ có tội. Nhưng vì thế lực của tướng Gioăng quá lớn trong giới quân nhân cao cấp ở Pari cho nên sau một thời gian “làm việc âm thầm trong sự quên lãng”, ủy ban của Buýtxông ngày càng chui sâu vào bụi rậm1. Cuối cùng cả Cácpăngchiê, Mácsăng và Côngxtăng, những kẻ được quan thầy Gioăng che chở, không những vô can mà còn được vinh thăng2. Chỉ riêng tướng Alécxăngđri bị kết tội chống lại chủ trương rút ngắn phòng tuyến biên giới, một việc đáng lẽ phải được thực hiện từ giữa năm 1949.

        Sau này, trong tài liệu tổng kết cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp, bọn ngụy quyền tay sai cũng phải nhận rằng cách giải quyết trên đây là vô lý. Chính phủ Pháp không thể quy trách nhiệm cho bất kỳ viên chỉ huy nào ở Đông Dương, kể cả Alécxăngđri. Là cơ quan tối cao quyết định đường lối chiến tranh xâm lược Đông Dương, lại am hiểu mọi khó khăn của đạo quân viễn chinh, đáng lẽ Chính phủ Pháp phải tự kết tội về trách nhiệm thất bại ở biên giới (cũng như mọi thất bại khác mà quân Pháp phải chịu đựng trên bán đảo này). Bọn ngụy quyền tay sai còn nói lên một sự thật (và cũng là một nguyên nhân, tất nhiên chưa phải là nguyên nhân chủ yếu nhất) là giới cầm quyền Pháp ở Pari đã không đánh giá đúng sức mạnh của nhân dân Việt Nam chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp. Chính phủ Pháp không ngờ rằng đối phương có khả năng mở một chiến dịch lớn như chiến dịch Biên Giới. Sự lớn mạnh của lực lượng kháng chiến tất sẽ dẫn đến kết quả như cuối năm 1950, đó là điều không thể tránh khỏi.

        Khách quan mà xét, trong bản tường trình của mình, tướng Gioăng đã nói lên được một phần sự thật về cục diện chiến tranh Đông Dương hồi đó. Điểm nổi bật là thế phân tán binh lực cao độ của quân viễn chinh Pháp sau tám cuộc hành binh ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ mà tướng Alécxăngđri đã tiến hành từ giữa năm 1949 đến giữa năm 1950. Nếu các cuộc hành binh đó đem lại kết quả là đến mùa hè 1950, phạm vi chiếm đóng của quân đội Pháp mở rộng hơn bao giờ hết thì thời kỳ này cũng là thời kỳ mà binh lực của chúng bị căng mỏng hơn bao giờ hết. Do phải rải quân ra kiểm soát một vùng quá rộng nên lực lượng cơ động chiến lược của Pháp chỉ còn khoảng mười phần trăm tổng số binh lực ở Đông Đương (9/91 tiểu đoàn). Đây cũng là thời kỳ mà mâu thuẫn giữa phân tán và tập trung binh lực của Pháp đã trở nên sâu sắc nhất. Đơn vị lớn, tập trung, có ý nghĩa quả đấm chiến lược, không còn nữa.

        Do binh lực bị phân tán để chiếm đóng và bình định, cho nên việc huấn luyện cũng bị tê liệt vì không có thời gian. Nội dung huấn luyện về phương pháp bình định và chống chiến tranh du kích không còn thích hợp khi trên chiến trường đã xuất hiện những binh đoàn mạnh của đối phương cùng với những chiến dịch tiến công quy mô ngày càng lớn, tính chất tập trung và chính quy ngày càng tăng.

        Tổ chức chỉ huy tê liệt, cứng đờ, binh lực thiếu thốn - đó là hai vấn đề sống còn của bộ máy chiến tranh xâm lược mà phái đoàn Lơtuốcnô - Gioăng đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh trong báo cáo của mình khi trở về Pari.

        Theo yêu cầu của Gioăng và Valuy, tướng Xalăng (phụ trách theo dõi việc phân phối quân lực hải ngoại) đã lần lượt gửi sang Đông Dương tất cả lực lượng có thể vét được ở Pháp. Chính Xalăng sau này phải thú nhận rằng: nhiều lắm là hắn cũng chỉ dốc túi lấy được chừng 10 tiểu đoàn và chẳng bao lâu đã thấy mình trắng tay. Tính sổ 5 năm chiến tranh xâm lược, Xalăng nhận thấy rằng mặc dù Chính phủ Pháp đã dồn rất nhiều binh lực (của các thuộc địa và của cả “chính quốc”) sang Đông Dương, nhưng chiến trường này đã ngốn quá nhiều quân, thiệt hại của Pháp ngày càng nặng nề. Đã đến lúc nước Pháp thấy mình kiệt sức, nhất là với “thảm họa đường số 4”, quân Pháp phải gánh lấy những thiệt hại quá sức chịu đựng.

        Nếu vấn đề binh lực đối với nước Pháp đã trở thành chuyện sống còn trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương thì việc cử viên tướng viễn chinh nào đủ tài ba để tiến hành cuộc chiến tranh đó lại càng không kém phần quan trọng, nhất là trong những ngày đen tối cuối năm 1950.

        Ngay trong lúc tấn thảm kịch biên giới đang diễn ra, cả Tổng thống, Thủ tướng và các tướng lĩnh Pháp ở Pari đều thấy cần phải cử một viên tướng “có tài năng và uy tín nhất” sang thay cặp Phinhông - Cácpăngchiê, đứng mũi chịu sào ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Sau 5 năm chiến tranh xâm lược Đông Dương, lần đầu tiên Quốc hội Pháp đề cập đến vấn đề tập trung quyền hành quân sự và dân sự vào tay một viên tướng tổng chỉ huy kiêm cao ủy.

        Một tháng đã trôi qua và hai viên tướng đã lắc đầu thoái thác.

        Người đầu tiên được vời đến là tướng Gioăng - viên tướng số 1 của nền Đệ tứ cộng hòa Pháp. Vừa đi kinh lý Đông Dương về, hiểu rõ thực trạng cuộc chiến tranh hơn bất cứ viên tướng nào ở Pari, Gioăng đã khéo léo từ chối, với lý do đơn giản là “xứ Marốc hấp dẫn và quen thuộc hơn” đối với ông ta. Khi tâm sự với bạn bè. Gioăng nói thẳng ra rằng: vì không chịu nổi một cuộc chiến tranh quá hao người tốn của, trước sau nước Pháp cũng phải nhả miếng mồi Đông Dương vừa quá xa xôi lại vừa khó nuốt. Theo Gioăng, trong tình thế này nhận trách nhiệm cầm đầu quân đội Pháp ở Đông Dương là “tự hủy hoại uy tín của mình...”.

        Người thứ hai được Tổng thống tiến cử là tướng Cơních (Koenig), so với Gioăng còn là một bậc đàn em, nhưng cũng đã từng có chiến tích đáng kể. Cơních không từ chối thẳng thừng như Gioăng, nhưng lại đưa ra quá nhiều điều kiện mà chính phủ không thể nào chấp nhận: nào là Quốc hội phải ra luật tổng động viên thanh niên Pháp đưa sang Đông Dương; nào là “chính quốc” phải thỏa mãn kịp thời về quân số theo yêu cầu của chiến trường, v.v…

        Trong thế bí, Quốc hội phải họp phiên bất thường. Ngày 22 tháng 11, với 345 phiếu thuận và 226 phiếu chống, Quốc hội tuyên bố tín nhiệm Chính phủ và trao cho Thủ tướng Plêven quyền hạn tăng cường lực lượng viễn chinh Pháp ở Đông Dương tới mức cao nhất. Ngay sau phiên họp của Quốc hội, viên tướng thứ ba được Tổng thống vời đến. Đó là tướng năm sao Đờlát đờ Tátxinhi (Jean Delattre de Tassigny), nguyên tư lệnh quân đoàn 1, một viên tướng nổi tiếng là hợm hĩnh, hiếu thắng và nóng nảy. Đờlát đã từng được tặng biệt hiệu “vua Giăng”, một biệt hiệu mà ông ta không công khai từ chối mà cũng chẳng công khai thừa nhận.

---------------------
        1. Tiếng Pháp: Buisson nghĩa là bụi rậm.

        2. Sau đó, Cácpăngchiê được thăng lên tướng năm sao, viên “đại tá da thỏ” Côngxtăng cũng được thăng lên cấp tướng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:52:57 am

“VUA GIĂNG” RA MẮT

        Người đồng nghiệp thân tín đầu tiên được Đờlát báo tin rằng mình sẽ sang Đông Dương là tướng Xalăng - người trước kia đã từng dưới trướng của Đờlát ở quân đoàn 1. Với căn bệnh kiêu ngạo sẵn có, Đờlát cứ tưởng rằng ông ta là người đầu tiên nếu không phải là người duy nhất xứng đáng được Chính phủ tin cậy giao nhiệm vụ cầm đầu đội quân xâm lược Đông Dương. Ngoài ông ta ra, không còn ai đủ tài cán đảm đương nhiệm vụ trọng đại đó trong lúc này. Chẳng thế mà khi nói chuyện với Xalăng, Đờlát cho biết con trai mình là Bécna (Bernard Delattre) và biết bao thanh niên như hắn đang chiến đấu trong điều kiện không tin tưởng vì cấp chỉ huy chóp bu của họ ở Đông Dương quá tồi. Họ cầu cứu ông ta sang vì họ muốn “được chỉ huy cho ra trò”. Và ông ta không thể bỏ qua lời thỉnh cầu chính đáng của họ v.v… Xalăng còn được biết mình cũng được liệt vào danh sách những người sẽ cùng sang Đông Dương với viên tổng chỉ huy mới.

        Mặc dù vốn rất phục tài của Đờlát, nhưng với kinh nghiệm mấy chục năm ở Đông Dương từ khi còn mang lon quan hai và nhất là với kinh nghiệm sốt dẻo trong những năm 1946 - 1948, Xalăng đã phải nói để viên tổng chỉ huy mới biết rằng phải sẵn sàng chờ đón những thảm họa trên chiến trường nhiệt đới còn quá xa lạ đối với viên tướng họ Đờ.

        Có lẽ cũng do lời cảnh cáo của Xalăng mà trong những ngày chuẩn bị lên đường, Đờlát đã đi tầm sư học đạo, nhằm trau dồi thêm bản lĩnh cho phù hợp với điều kiện châu Á.

        Cựu Tổng thống Đờ Gôn tuy đã lui vào hậu trường nhưng đôi khi vẫn xuất đầu lộ diện để làm thầy dùi trong nhiều vấn đề quốc sự. Tướng họ Đờ năm sao (Đờlát) được tướng họ Đờ hai sao (cựu Tổng thống Đờ Gôn) củng cố quyết tâm để vững bước lên đường: “Chúng ta vừa chịu một tổn thất quá nặng nề ở Bắc Bộ, nhưng vẫn phải duy trì cuộc chiến tranh này vì nó quyết định sự sống còn toàn vẹn của khối Liên hiệp Pháp”1.

        Viên cựu toàn quyền Xarô - chủ tịch cái tổ chức ma “khối liên hiệp Pháp” thì khuyên Đờlát phải dựa hẳn vào Bảo Đại, giúp Bảo Đại xây dựng bằng được một đội quân tay sai có thể thay thế cho quân viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh chống lại Việt Minh. Đờlát đã đánh giá cao những lời khuyên có tính chất phương châm hành động của Anbe Xarô.

        Tướng tổng chỉ huy - cao ủy còn đến gõ cửa cựu đô đốc Đờcu, người đã từng “chèo chống ở Đông Dương” trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai. Khốn nỗi, kinh nghiệm của viên cựu toàn quyền - lính thủy này chỉ xoay quanh các bước đầu hàng phát xít Nhật trong những năm 1941 - 1945. Đờcu tặng Đờlát cuốn sách nói về những bài học không có gì là vinh quang của mình2.

        Ngày 15 tháng 12, tức hai tháng sau “thảm họa biên giới” chính phủ Pháp chính thức xuất tướng một tướng họ Đờ cỡ bự, hơn hẳn bại tướng Cácpăngchiê một sao.

        Lên đường cùng với Đờlát ngoài bộ trưởng bộ “các Quốc gia liên kết” Lơtuốcnô (sang để chứng kiến cuộc bàn giao) còn có cả một bộ sậu gồm nhiều tướng tá, trong đó có nhiều vị đã từng nếm đòn ở Việt Bắc cuối năm 1947, như tướng ba sao Xalăng, đại tá Bôphrơ, v.v... Có điều khác là lần này họ trở lại Đông Dương không phải với hy vọng “khóa chặt biên giới” như trước đây 3 năm, bởi vì không những phòng tuyến biên giới đã bị phá tung mà lúc này chủ lực đối phương đang áp sát đồng bằng sông Hồng. Phải chăng thấy trước viễn ảnh không có gì sáng sủa cho nên, ngồi trong chiếc Côngxtenlaxiông cất cánh từ sân bay Oócly đêm 15, Xalăng đã có cảm giác là đang theo tổng chỉ huy mới “cất cánh bay đi, phó mặc cho số phận...”.

        Đờlát lợi dụng hơn một ngày đêm trên máy bay, trao đổi với phụ tá Xalăng về những mưu đồ chiến lược mà ông ta từng ấp ủ lâu ngày.

---------------------
        1. Xalăng, sách đã dẫn, t.2, tr.179.

        2. Những “kinh nghiệm” đó được Đờcu viết thành cuốn sách mang tên Chèo chống ở Đông Dương (À la barre de l’ Indochine), xuất bản ở Pari, năm 1949


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:53:45 am

        Viên tổng chỉ huy - cao ủy nghĩ rằng phải làm sao “hòa hợp được về mặt tư tưởng” giữa nhân dân “chính quốc” với đội quân viễn chinh ở Đông Dương để nhân dân Pháp ủng hộ (!) cuộc chiến tranh chống cộng sản này. Nước Pháp sẽ thể hiện một sự cố gắng cao nhất (mặc dù trước mắt, sự cố gắng đó đang bị hạn chế) nhưng nước Pháp quyết không tha thứ cho những viên tướng viễn chinh đưa quân Pháp đến những tổn thất. Cuộc chiến tranh (xâm lược) Đông Dương phải đạt tới tầm vóc quốc tế, nghĩa là phải tranh thủ cho được sự đồng tình và giúp đỡ nhiều hơn nửa của các ông bạn Anh - Mỹ. Về phần mình, những người cầm đầu quân Pháp ở Đông Đương phải có trong tay một bộ máy vững vàng để có thể chỉ huy cho ra trò và tránh những thất bại như vừa qua: phải bám sát chiến trường Bắc Bộ vì đó là nơi mà Việt Minh đang đem lại cho quân đội Pháp “những nguy cơ nghiêm trọng”. Phải dồn mọi cố gắng vào việc xây dựng cho Bảo Đại một quân đội bản xứ để sẵn sàng “bịt những lỗ hổng” về binh lực của Pháp vì chính phủ đã yêu cầu phải sớrn tạo điều kiện để giảm bớt gánh nặng cho “chính quốc”.

        Xalăng chỉ còn biết cúi đầu chấp nhận những lời chỉ giáo của tổng chỉ huy mới, với một lời bàn chung chung rằng “ở cái xứ Đông Dương này, phải biết chọn đúng thời cơ để mạnh tay hành động (!), vì sự dũng cảm bao giờ cũng sẽ buộc Việt Minh phải trả giá đắt!”.

        Việc bàn giao được tiến hành ngày 18 tháng 12 tại Sài Gòn, với sự chứng kiến của bộ trưởng bộ các Quốc gia liên kết Lơtuốcnô.

        Phinhông rồi đến Cácpăngchiê (những kẻ sắp cuốn gói ra đi) cố chọn những lời chải chuốt nhằm làm yên lòng những kẻ mới đến. Cuối cùng, viên tổng chỉ huy cũ kết luận: “Sau những cuộc rút lui liên tiếp, chúng tôi đã tiến hành hàng loạt biện pháp cần thiết và chúng ta đang giữ vững đồng bằng… Ra đi, chúng tôi để lại một tình hình sáng sủa...”.

        Lơtuốcnô cám ơn họ về những cố gắng vừa qua rồi nhân danh chính phủ giới thiệu và chào mừng tướng Đờlát người mà nước Pháp tin cậy là “sẽ giữ cho Đông Dương không tuột ra khỏi Khối Liên hiệp Pháp”. Còn viên tổng chỉ huy mới thì, ngay sau cuộc bàn giao nặng chịch không khí ảm đạm, liền kéo Xalăng về phòng làm việc để hạ một nhận xét rằng “bọn cũ” nói khoác, vì đằng sau cái được gọi là “tình hình sáng sủa” là cả một mớ bòng bong.

        Nhận xét đó của Đờlát lập tức được chứng minh bằng bức điện ngày 18 tháng 12 của Đờ Latua, người mới thayAlécxăngđri chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ. Không phải Đờ Latua chào mừng tổng chỉ huy mới mà báo cáo về việc... rút quân khỏi Đình Lập. Xalăng thấy Đờlát “tái người đi vì tức giận” khi đọc bức điện. Ông ta quyết định phải ra ngay Hà Nội vào “ngày 19 tháng 12 lịch sử” để... củng cố tinh thần tướng sĩ đang trong cảnh hoang mang cao độ.

        Hôm sau, trước giờ xuất phát, tại sân bay Tân Sơn Nhất, viên tổng chỉ huy mới nổ ra cơn thịnh nộ đầu tiên. Đờlát la thét để chỉnh đốn cách ăn mặc quá luộm thuộm của phi hành đoàn. những người “chẳng coi tổng chỉ huy ra gì”. Cơn giận còn chưa nguôi thì bỗng tổng chỉ huy họ Đờ phát hiện trên thân máy bay sắp chở ông ta ra Hà Nội chỉ sơn có... bốn ngôi sao. Thế là “tấn thảm kịch mới” lại diễn ra. Và, máy bay chỉ được Đờlát cho phép cất cánh sau khi nó đã được người ta bôi thêm lên một ngôi sao, ngôi sao thứ năm, tương ứng với quân hàm của viên tướng họ Đờ.

        Qua Đà Lạt, máy bay hạ cánh. Đờlát muốn nhân danh cao ủy gặp Bảo Đại và đưa Bảo Đại ra Hà Nội để cùng dự “kỷ niệm” ngày 19 tháng 12. Nhưng “nhà vua” cho người trả lời rằng mình còn “bận” ở Buôn Ma Thuộc. Xalăng nhận thấy cao ủy Đờlát lộ vẻ cay đắng qua lần quan hệ đầu tiên với nhà chính khách hộp đêm ham chơi hơn là lo “quốc sự” này.

        Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống Hà Nội một cuộc duyệt binh đã diễn ra cạnh Hồ Gươm. Mặt hồ, dưới con mắt của Xalăng, như đượm màu tang trong cảnh tranh tối tranh sáng của cái đêm 19 tháng 12 “rất đáng ghi nhớ” đối với quân Pháp 4 năm về trước. Đờ Latua cố thu xếp để cuộc duyệt binh được xôm trò, vì tổng chỉ huy đã điện hạ lệnh phải làm sao để ông ta được duyệt quân lính “càng đông càng tốt”.

        Tiếp đến là cuộc gặp gỡ với các sĩ quan và hạ sĩ quan (cũng lại “càng đông càng tốt”). Ngay trong buổi ra mắt đầu tiên này, Đờlát đã nói với mọi người: “Tôi sang đây để cứu các ông vì chính các ông đã và đang tự giết mình. Từ nay tôi sẽ luôn luôn ở bên cạnh các ông. Phải chấm dứt tình trạng tháo chạy. Bắc Bộ phải được giữ vững. Chúng ta sẽ đứng vững, vì từ nay các ông sẽ được chỉ huy ra trò...”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:54:06 am

        Không biết những lời lên dây cót đầy hợm hĩnh của viên tướng tổng chỉ huy đã tác động đến tinh thần các sĩ quan cấp dưới tới mức nào, mà Xalăng vội nhận xét rằng đó là những lời bất hủ của “một nhà ảo thuật có tài”.

        Mới tới Đông Dương và ra mắt ba quân có mấy ngày mà “vua Giăng - nhà ảo thuật” đã làm lan truyền khá nhiều giai thoại về cá tính của mình. Người ta nói về trận lôi đình của tổng chỉ huy đối với viên sĩ quan phụ trách quân nhu vì anh ta không biết kịp thời mở kho phát quần áo mới cho mọi người ăn mặc tươm tất hơn trong buổi duyệt binh đón vị chỉ huy tối cao vừa đặt chân ra đất Bắc Việt. Người ta nói đến những lời nhiếc móc của Đờlát đối với bọn chỉ huy tàn binh vừa ở đường số 4 thoát chết chạy về, đến chào tổng chỉ huy khi ngài tới thăm Hải Phòng. Một trong những người “được” nhận những lời đáp lễ “không lịch sự” của Đờlát là viên sĩ quan chỉ huy pháo binh Pirốt (Piroth). Và người ta cũng nói đến thân phận của viên thiếu tá chỉ huy vệ binh ở sân bay Tân Sơn Nhất trong buổi tiễn bộ trưởng Lơtuốcnô trở về Pháp. Do không nắm được đặc tính hiếu danh (đến nỗi bất chấp cả điều lệnh) của vị tổng chỉ huy mới của mình, nên viên sĩ quan nọ đã không cho đội kèn budích thổi bài Mácxâye (quốc thiều Pháp) khi Đờlát đến sân bay. Viên sĩ quan đó viện lý do rằng bản quốc thiều chỉ được cử một lần nên phải dành để chào bộ trưởng Lơtuốcnô khi nhân vật cao cấp nhất này tới nơi. Đờlát cho việc làm đó là điều lăng mạ đối với mình, người quyền cao chức trọng nhất Đông Dương (!). Thế rồi, chỉ nửa giờ sau khi máy bay của Lơtuốcnô cất cánh, viên thiếu tá bất hạnh kia đã bị cách chức. Thay vào đó là một viên đại tá “xuất sắc”, thân tín của tướng quân.

        Những chuyện tương tự về cá tính của “vua Giăng” quá nhiều, nhiều đến nỗi trong tiệm cà phê, trong câu lạc bộ, trong phòng ăn,... các sĩ quan luôn có những giai thoại bất tận về ngài tổng chỉ huy để rỉ tai nhau. Họ cũng tự nhủ hãy coi chừng để khỏi biến mình thành những nạn nhân của kẻ đã từng hứa sẽ chỉ huy họ “ra trò” (!). Và ai cũng lặng lẽ theo dõi xem hành động thực tế của viên tướng họ Đờ sẽ dẫn họ đến đâu.

        Người ta thấy mối quan tâm đầu tiên của Đờlát là tổ chức lại cơ quan chỉ huy và bổ sung quân số.

        Nhiều viên đại tá (trước đây ở quân đoàn 1, “vừa mắt” tổng chỉ huy) đều được liệt vào danh sách yêu cầu Pari điều sang Đông Dương để cầm đầu các cơ quan tổng hành dinh và các quân chủng.

        Xalăng được Đờlát giao nhiệm vụ bịt lỗ hổng về quân số. Kết quả nghiên cứu của viên tướng này cho thấy vấn đề nổi lên là thiệt hại về binh lực của Pháp quá lớn. Mặc dù con số đã bị Xalăng vo nhỏ đi khá nhiều, sau 5 năm chiến tranh xâm lược (23.9.1945 - 1.11.1950) quân Pháp đã mất 920 sĩ quan, 2.930 hạ sĩ quan (2.700 Pháp và lê dương), 11.150 lính (9.300 Pháp và lê dương), số bị thương lên tới trên 21.000. Số đơn vị bị tiêu diệt gọn gồm 10 tiểu đoàn lê dương và Bắc Phi, 2 tiểu đoàn dù (gần 3/4 số các đơn vị này mới bị tiêu diệt trên đường số 4 cuối năm 1950). Tổng số quân bị loại khỏi vòng chiến đấu là gần 40.000 tên, đó là “một tổn thất nặng nề”, như Xalăng kết luận. Để gấp rút bịt lỗ hổng này, Đờlát yêu cầu Pari gửi ngay sang 20 nghìn tên (mà Chính phủ Pháp đã hứa khi viên tổng chỉ huy mới nhậm chức), với lời bảo đảm là sẽ “hoàn lại ngay khi tình hình đã được cải thiện”.

        Cuối tháng 12, khi những dự kiến chấn chỉnh đầu tiên đã được phác ra trên giấy rồi, những dư âm cuối cùng của “thảm họa biên giới” vẫn tiếp tục bay vào Sài Gòn.

        Ngày 29, tướng Đờ Latua điện vào yêu cầu được rút quân khỏi vùng duyên hải Đông Bắc, từ Tiên Yên đến Móng Cái theo chỉ thị trước đây của Cácpăngchiê.

        Viên tổng chỉ huy lại nổi lôi đình và lập tức cử Xalăng ra nắm quyền chỉ huy thay Đờ Latua, đồng thời kiêm chức cao ủy Pháp ở Bắc Việt Nam. Một bức điện khẩn được gửi ra Bắc bộ lệnh phải giữ vững thế bố trí và không được thực hiện bất kỳ cuộc rút lui nào.

        Đón Xalăng ở sân bay Bạch Mai là một Đờ Latua đã quá mệt nhọc vì trải qua những ngày đối phó với một tình hình đen tối do Alécxăngđri để lại.

        Khi bàn giao quyền hành cho Xalăng, Đờ Latua tỏ ra lo ngại vì sau lễ Noen, đối phương đã áp sát và tiến công nhiều vị trí ven đồng bằng, cả ở vùng Chũ và vùng Vĩnh Yên, Việt Trì. Mặc dù GM3 ra sức chống đỡ nhưng quân Pháp bị chết và nhất là bị mất tích khá nhiều. Nếu không có lệnh của Sài Gòn thì việc rút khỏi Việt Trì đã được thực hiện. Đờ Latua lưu ý Xalăng về nguy cơ đang uy hiếp vùng duyên hải Đông Bắc - nơi mà vị trí Bình Liêu vừa bị đối phương đánh chiếm (25-12-1950)


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:55:25 am
       
TRUNG DU BÙNG CHÁY

        Mặc dù đã cử viên phụ tá số 1 của mình - tướng Xalăng, ra chèo chống ở đất Bắc, Đờlát vẫn chưa yên tâm. Ngày 31 tháng 12, viên tổng chỉ huy lại thân chinh ra Hà nội, dẫn cả Xalăng lẫn Bôphrơ đi thanh tra vùng Hải Phòng - Tiên Yên. Kết luận rút ra sau chuyến đi là quá thiếu quân. Đây không phải là tình hình riêng của vùng duyên hải. Đờlát thấy như vậy và tự xác định cho mình trách nhiệm phải đích thân về Pháp xin cứu viện.

        Tết dương lịch.

        Nỗi ưu tư về những “lỗ hổng quân số” như tạm lắng xuống khi các tướng lĩnh chóp bu nâng cốc chúc nhau những lời hoa mỹ. Họ nói đến “hòa bình giữa các dân tộc và sự đoàn kết vĩnh cửu giữa nước Việt Nam và nước Pháp trong một Khối Liên hiệp Pháp hòa thuận và hùng cường” (!). Họ nói đến “sự nhất trí giữa hai nước biểu hiện ở chỗ con em hai dân tộc đang sát cánh chống kẻ thù chung” (?). Họ cũng tỏ lòng tin tưởng và quyết tâm không để mất thêm một tấc đất, v v và v v

        Tiệc tàn, hơi men vừa nhạt đi cùng với những lời chúc tụng thì những “tin tức đáng lo ngại” đã tới tấp từ phía bắc Hà Nội bay về: đối phương tập trung quân ở vùng Vĩnh Yên - Phúc Yên. Ngày 10 tháng 1, toàn khu vực hành binh Bắc Bộ (ZOT) ở vào tình trạng báo động. Binh đoàn cơ động số 3 (GM3) do viên trung tá Vanuyxem (Vanuxem) chỉ huy, binh đoàn cơ động Bắc Phi (GMNA) do viên đại tá Êđông (Édon) chỉ huy được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Một binh đoàn bộ binh cơ giới có nhiệm vụ cơ động ứng chiến, đã triển khai ở phía bắc Hà Nội để đối phó với tình huống đối phương lợi dụng trục đường số 3 từ Thái Nguyên chọc vào Hà Nội1.

        Khoảng nửa đêm 12, tướng Xalăng - tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ bị dựng dậy vì có tin vị trí Cẩm Lý, trên hướng đông bắc vùng ven đồng bằng bị tiến công. Hầu hết quân Pháp ở đây (gồm một phần lực lượng rút từ Lạng Sơn về hồi tháng 10) bị tiêu diệt. Bộ chỉ huy Bắc Bộ phán đoán: chiến dịch mùa khô của đối phương đã bắt đầu. Nhưng sao lại bắt đầu từ Cẩm Lý? Khi binh đoàn cơ động của Êruylanh (Erulin) được điều đến ứng cứu thì “đối phương đã biến đâu cả”. Phải chăng Cẩm Lý chỉ là một đòn vừa để thăm dò vừa để kéo bớt lực lượng cơ động của Pháp ra ngoài vùng châu thổ sông Hồng? Đâu sẽ là hướng tiến công chủ yếu của đối phương? Dù Cẩm Lý đã bị tiêu diệt, dù Êruylanh đã “đấm xuống nước”, Đờlát vẫn thấy cần triệt để phát huy kết quả của sự kiện này trên báo chí, vì đây là “chiến tích đầu tiên sau thảm bại biên giới... chiến tích đầu tiên của quân đội Pháp dưới quyền chỉ huy của tướng quân”.

        Giữa lúc tấn hài kịch báo chí đang được Đờlát đích thân từ Sài Gòn ra đạo diễn thì 1 giờ 30 sáng 14 tháng 1, vị trí Bảo Chúc, cách Vĩnh Yên 12 kilômét về hướng tây bắc bị tiến công. Toàn bộ quân Pháp ở đồn này bị tiêu diệt: Vanuyxem được lệnh đi ứng cứu. Binh đoàn đã rơi vào trận địa phục kích ở vùng Đạo Tú. Một tiểu đoàn lính da đen bị tiêu diệt gọn. Nhờ có pháo binh và máy bay yểm trợ, Vanuyxem mới đưa được GM3 “đã bị đánh tan tác” quay trở lại Vĩnh Yên.

        Những tin tức chẳng lành liên tiếp bay về cơ quan tham mưu ZOT (khu hành quân Bắc Bộ). Nhiều điểm cao tây bắc Vĩnh Yên bị mất. Một bộ phận quân đối phương đã tiến sát thị xã Vĩnh Yên. Một kho xăng bị nổ tung. Quân Vanuyxem chật vật giữ từng mảnh đất vùng ngoại ô thị xã. Tại Hương Canh, đối phương tiếp cận các vị trí của binh đoàn Êđông. Phía bên phải của Êđông “bị lũng đoạn”, khiến cho đường Vĩnh Yên - Hà Nội bị uy hiếp nghiêm trọng.

        Xalăng đi tìm Đờlát để báo cáo toàn bộ tình hình trên đây. Nhưng viên tổng chỉ huy còn đang bị mắc kẹt trong vòng vây phóng viên ở “Nhà Pháp quốc”2. Viên đại tá Êruylanh, “con người hùng” trong trận Cẩm Lý (!) đang được (đúng hơn là đang bị) Đờlát đẩy ra trước các nhà báo để “tuyên bố vài lời về chiến tích vừa qua”. Khốn nỗi viên đại tá “rất đồ sộ nhưng cũng rất đần độn” này đã không nắm được ý đồ của nhà đạo diễn, tức vị tổng chỉ huy của mình. Chẳng thế mà anh ta cứ đứng chôn chân và ngậm miệng trước những máy ghi âm và ống kính của các ký giả. Hơn nữa, Êruylanh còn có gì để nói, khi mà “chiến tích” của anh ta chỉ bắt nguồn từ trí tưởng tượng của nhà ảo thuật Đờlát? Thế là viên tổng chỉ huy vội đỡ lời. Ông ta tường thuật, tuyên bố... một cách say sưa đến nỗi không để ý đến những nụ cười nhạo báng của nhiều ký giả, cũng chẳng hề biết rằng Xalăng đang đợi mình ở sau lưng, nóng lòng như lửa đốt.

        Khi tấn kịch báo chí đã hạ màn và tình hình chiến sự lọt tới tai ngài tổng chỉ huy thì trời đã về chiều. Các mệnh lệnh khẩn cấp được phát ra. Xalăng bị thúc đi Vĩnh Yên để xem xét tình hình tại chỗ. Đại tá Rơđông (Redon) được cử lên chỉ huy cả hai binh đoàn GM3 và GMNA để giữ thị xã Vĩnh Yên, sau khi các đơn vị này được tăng cường hai tiểu đoàn dù. Đại tá Clêmăng (Clément) nhận lệnh tập trung ba tiểu đoàn quanh vùng Cầu Đuống, sẵn sàng yểm trợ bên sườn của binh đoàn Bắc Phi và phối hợp với binh đoàn cơ giới của Bôphrơ bảo vệ phía bắc Hà Nội.

        Vừa đến sân bay Bạch Mai, Xalăng đã được nghe các phi công từ mặt trận về cho biết: quân Pháp vừa bị đánh tơi bời và đang tập hợp một cách vất vả chung quanh Vĩnh Yên. Quang cảnh mà các phi công quan sát thấy ở mặt trận “thật chẳng đẹp mắt chút nào...”.

        Máy bay cất cánh và bay đến không phận Phúc Yên. Ở đây Xalăng được chứng kiến sự thật; mạng lưới lửa của các khẩu súng máy từ dưới bắn lên “chứng tỏ đối phương đã xuống sát đồng bằng”. Viên tướng này vội báo cho Đờlát ở Hà Nội biết rằng “đồi phương đang uy hiếp sông Hồng” (!).

-----------------
        1. Binh đoàn này mới ra đời, được tăng cường xe tăng và xe bọc thép, do viên đại tá Bôphrơ chỉ huy.

        2. Maison de France, một khu nhà được xây dựng cấp tốc và do chính Đờlát đặt tên. Nay là Đại sứ quán Cộng hòa Pháp, đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:56:46 am

        Đội hình của GM3 lộn xộn và rối loạn đến nỗi Xalăng vừa đến sở chỉ huy đã phải hạ lệnh cho Vanuyxem “lấy lại trật tự”, trước hết là ở ngay sở chỉ huy của binh đoàn.

        Nắm vội tình hình tổn thất của binh đoàn 3, cùng Vanuyxem phán đoán hoạt động sắp tới của đối phương và thống nhất biện pháp đối phó, Xalăng vội vã bay về Hà Nội. Chưa kịp gặp Đờlát để báo cáo thì viên tổng chỉ huy đã ập tới ban tham mưu với bộ mặt phẫn nộ. Xalăng bị khiển trách đủ điều. Nào là đã không kịp thời cách chức viên thiếu tá nọ vì anh ta chỉ huy quá tồi, nào là đã để cho viên đại tá tham mưu trưởng ZOT than phiền nhiều lời về những chuyện không hay xảy ra ở Vĩnh Yên v.v… Sau này, trong Hồi ký của mình, Xalăng thú nhận rằng, quang cảnh hỗn loạn (của quân Pháp) trên chiến trường Vĩnh Yên và sự thiếu bình tĩnh của Đờlát khiến cho vị tướng phụ tá (Xalăng) phải trải qua một đêm “trong cảnh bối rối khác thường”.

        Cho đến lúc nguôi cơn thịnh nộ, ngài tổng chỉ huy mới sực nhớ ra rằng phải ném thêm quân, thêm nhiều quân lên Vĩnh Yên. Đại tá tham mưu trưởng Ala (Allard) lập tức được phái vào Nam để “vay” tướng Lôriô (Lorillot) ở Trung Bộ một tiểu đoàn, “mượn” của tướng Săngxông (Chanson) ở Nam Bộ một tiểu đoàn dù và hai tiểu đoàn bộ binh thiện chiến nhất. Đờlát chỉ thị: phải động viên để họ (Săngxông và Lôriô) thấy rằng sự chi viện của Nam Kỳ và Trung Kỳ sẽ góp phần cứu nguy được cho (quân Pháp ở) Bắc Kỳ. Hãy gặp Háctơman (Hartemann, phụ trách không quân) và Oóctôli (Ortoli, phụ trách hải quân) để tập trung mọi phương tiện vận chuyển ngay các đơn vị đó ra Bắc càng sớm càng tốt.

        Binh đoàn lính Tabo của Đờ Cát (De Castries) được lệnh tạm bỏ vùng Lục Nam, hành quân gấp lên Vĩnh Yên, tham gia đánh chiếm lại các điểm cao đã mất, không cho đối phương dùng làm chỗ đứng chân thọc thẳng về hướng Hà Nội.

        Thấy các lực lượng tăng viện chưa đủ chặn bước đối phương. Đờlát đã quyết định một biện pháp đối phó dã man chưa từng thấy trên chiến trường Đông Dương: dùng bom xăng đặc (napalm). Viên đại tá Maricua (Maricourt, chi huy không quân Bắc Bộ), được lệnh chuẩn bị sẵn sàng các thùng các (của Mỹ, vừa được đem từ Nhật Bản sang hôm trước) để ném xuống Vĩnh Yên khi có lệnh.

        Ngày 15 tháng 1 trôi qua một cách nặng nề và căng thẳng đối với bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp.

        Từ sáng sớm, binh đoàn cơ động Bắc Phi của Êđông từ Hương Canh tiến theo quốc lộ số 2 lên phối hợp với binh đoàn cơ động số 3 của Vanuyxem hòng giữ thị xã Vĩnh Yên. Suốt dọc đường, GMNA bị chặn đánh ác liệt. Mặc dù được máy bay và pháo binh yểm trợ ở mức cao nhất, mãi đến 15 giờ Êđông mới triển khai được đội hình bên cạnh GM3.

        Nhận lệnh cấp tốc hành quân ban đêm từ Lục Nam lên, binh đoàn cơ động số 1 (Tabo) do viên đại tá Lơvê (Levé) chỉ huy1, mãi 15 giờ 30 phút mới tới khu vực điểm cao 157.

        Binh đoàn số 3 chiến đấu liên tục đến chiều thì gần hết đạn. Xe đạn từ Hà Nội vừa lên tới cũng là lúc đối phương đã tiến sát gần. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt đêm quanh thị xã Vĩnh Yên.

        Được phái lên nắm quyền chỉ huy chung, Rơđông cố gắng “lấy lại trật tự” ở các vị trí. Nhưng đến khoảng 10 giờ, Xalăng được Đờlát phái lên đốc chiến vẫn thấy quân Pháp đang ở vào “tình thế rối loạn, trận địa ngổn ngang”.

        15 giờ, Đờlát lại thúc Xalăng bay lên Vĩnh Yên lần thứ hai. Mặc dù được báo cáo rằng cả ba binh đoàn (GM1, GM3, GMNA) đã triển khai xong đội hình ở phía bắc Vĩnh Yên, Đờlát vẫn không yên tâm. Xalăng vừa trở về đến Hà Nội, viên tổng chỉ huy lại dẫn cả viên tướng này và tướng Lơ Cốc (Le Coq vừa ở Pháp sang) bay lên Vĩnh Yên. Nếu tình hình buổi sáng còn cho phép Rơđông phần nào giữ được “phong thái chững chạc” thì lúc 17 giờ, khi Đờlát lên đến Vĩnh Yên, tình hình đã khác hẳn. Tất cả các vị trí đều trở nên quá lộn xộn. Bọn lính bị thương đưa về quá đông để ngổn ngang khắp trận địa.

        Cho rằng Rơđông non tay tình hình có thể tiến triển bất lợi, Đờlát hạ lệnh gọi tướng Baiíp (Baillif) tư lệnh phó ở Nam Bộ ra cùng với một ban tham mưu cấp sư đoàn, để lên nắm quyền chỉ huy trực tiếp ở Vĩnh Yên vì “tình hình đòi hỏi sự có mặt của một sĩ quan cấp tướng”. Cả ba binh đoàn của Vanuyxem, Êđông và Lơvê được thống nhất thành sư đoàn cơ động Bắc Bộ thứ nhất (1ère DMT) dưới quyền chỉ huy của tướng Baiíp.

        Theo lệnh của viên chỉ huy mới, việc chỉnh đốn đội hình, củng cố công sự chiến đấu đang được xúc tiến gấp thì đối phương đã bắt đầu các cuộn tiến công mới. Trận đánh chiều và đêm 16 tháng 1 ác liệt đến nỗi sau này, tướng Xalăng phải nhận rằng trong nhiều đợt phản kích để cứu nguy các vị trí bị tiến công và giữ vững trận địa, quân Pháp đã “bị diệt gọn từng đơn vị”. Đối phương chia thành những tốp nhỏ, được hỏa lực súng máy và súng cối yểm trợ, từng bước tiếp cận rồi bất ngờ lao vào các vị trí quân Pháp, tạo thành một thế “trộn trấu” khiến cho trên 40 khẩu pháo 105 milimét của Pháp không thể nào xác định nổi mục tiêu.

        Trước thế khốn quẫn, viên tướng già Đờlát liền dùng đến con bài cuối cùng. Sẩm tối 16 tháng 1, chừng một trăm máy bay phóng pháo Kinh Cobra và máy bay vận tải được huy động để thả hàng loạt bom các xuống các điểm cao 210, 101, 47, khu vực quân hai bên đang ở vào thế “trộn trấu” trong một cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Đúng là đối phương có bị bất ngờ đôi chút vì thứ vũ khí mới nói trên, song ngay cả những binh lính Pháp trong trận đánh ác liệt này cũng được tận mắt trông thấy những quả bom xăng đặc của Mỹ rơi thả cửa xuống đội hình chiến đấu của chính họ. Những hình ảnh dữ dội của cái đêm 16 ấy, đã chứng minh rằng quân đội viễn chinh Pháp quả đã “được chỉ huy một trận ra trò” đúng như Đờlát từng hứa hẹn khi viên tổng chỉ huy mới đặt chân sang đất Đông Dương.

        Đờlát và quân tướng những tưởng rằng bom napan sẽ cứu cho quân Pháp ở Vĩnh Yên thoát khỏi những thiệt hại nặng nề thêm. Nào ngờ đâu hôm sau, trước khi đối phương lui quân để tránh tình thế bất lợi, lại thêm một tiểu đoàn của Vanuyxem bị diệt gọn trong trận phản kích hòng giải tỏa khu vực các điểm cao 210 và 63.

---------------------
        1. Do xe vấp phải mìn, viên đại tá Đờ Cát, chỉ huy GM1 bị thương ngay khi đang hành quân, Lơvê thay thế.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:58:21 am

BIỆN PHÁP CHIẾN LƯỢC MỚI

        Báo chí Pháp và phương Tây nhận xét rằng: sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng địch, quân đội Việt Nam đã kết thúc chiến dịch để tránh thế bất lợi trên một chiến trường trống trải trước xu thế về pháo binh và máy bay của quân Pháp, theo họ, đó là một sự thật. Nhưng còn một sự thật khác nữa là: kết quả trận Vĩnh Yên đã để lại cho Đờlát và bộ chỉ huy Pháp những vấn đề quan trọng không thể xem nhẹ: sự thiệt hại về người, về trang bị của quân Pháp và sức mạnh của đối phương.

        Theo Xalăng, ngày 17 tháng 1, khi từ chiến trường Vĩnh Yên trở về Hà Nội, “tướng quân (chỉ Đờlát) đã tỏ ra lo lắng về số thương vong”. Số lính Pháp bị chết, bị mất tích và bị thương, cũng như số trang bị rơi vào tay đối phương, quá lớn. Riêng GM3 - binh đoàn của Vanuyxem đã mất gọn hai phần ba quân số. Binh đoàn GMNA của Êđông bị sứt mẻ rất nghiêm trọng. Trong Hồi ký của mình, tướng Xalăng thú nhận rằng tuy bề ngoài, Đờlát “khuếch trương thắng lợi trên báo chí và đài phát thanh với sự hăng hái thường có của ông ta”, nhưng rõ ràng phải nghiên cứu kỹ kết quả thực tế của trận đánh vì nó “rất nặng nề và rất đáng học tập”.

        Về phía đối phương, vẫn theo Xalăng, họ có thể dùng một lực lượng lớn tới 24 tiểu đoàn quân chính quy, chưa kể lực lượng địa phương. Họ được trang bị nhiều súng cối, Badôka, pháo 75 milimét để tiến hành một “trận đánh thực thụ, mặt đối mặt”. Kết luận mà viên tướng này rút ra là: “Quân đội Việt Minh đại diện cho một sức mạnh mà chúng ta (Pháp) phải xem trọng... Tất cả các chiến binh của họ được giáo dục để đạt tới một tinh thần chiến đấu kỳ lạ... Điều đó đã gây một ấn tượng sâu sắc và ảnh hưởng lớn đến tinh thần lính Bắc Phi, tức là hơn một nửa lực lượng Pháp tham chiến ở Vĩnh Yên... Chính tướng quân (chỉ Đờlát) cũng bị kích động bởi nhiệt tình chiến đấu, lối đánh thông minh và ác hiểm của người lính Việt Minh trong tiến công cả ban ngày và ban đêm...”. Xalăng hy vọng rằng qua kinh nghiệm Vĩnh Yên, bộ chỉ huy Pháp phải suy nghĩ để “chuẩn bị tốt hơn về tinh thần chiến đấu cho lính Bắc Phi” (!) trong những trận chiến đấu sắp tới.

        Đờlát là một viên tướng không những rất thích để cho các phóng viên vây quanh mình mà còn rất thích duyệt binh. Tháng trước, một cuộc duyệt binh vừa diễn ra ở bờ Hồ Gươm khi viên tổng chỉ huy lần đầu tiên đặt chân đến Hà Nội, vào cái ngày 19 tháng 12 “đáng ghi nhớ”. Tất nhiên, cuộc duyệt binh ấy là cần thiết để “vua Giăng” ra mắt quần thần. Còn sau trận Vĩnh Yên, khi mà nhà thương Đồn Thủy1 không đủ sức chứa hết bọn lính bị thương mới đưa từ mặt trận về, và ban tham mưu của ZOT chưa thống kê được hết số lính bị chết và mất tích quá nhiều, nếu như có thêm một cuộc duyệt binh nữa cũng là điều cần thiết, hơn thế, rất cần thiết. Đối với Đờlát, đó còn là “một đòn lớn”, một đòn tâm lý chiến để... khuếch trương chiến quả trong dịp Tết âm lịch.

        Thế là đêm 6 tháng 2, trước mặt chủ tịch khối Liên hiệp Pháp (Anbe Xarô vừa sang kinh lý Đông Dương) và đại diện Anh, Mỹ... đứng trước “Nhà Pháp quốc”, một cuộc diễu binh khác, rất dài, gồm các đơn vị thiết giáp và lính dù lại diễn ra dọc đại lộ Gămbétta (tức đường Trần Hưng Đạo ngày nay) và nhiều phố lớn ở Hà Nội. Các tướng lĩnh Pháp đánh giá rằng trò tâm lý này đã “mang lại ấn tượng tốt, khiến cho người An Nam hiểu biết về sức mạnh của Pháp”(!).

        Ngày vui phô trương lực lượng qua đi rất mau và sự phiền muộn lại xâm chiếm tâm trí viên tướng già cùng bộ tham mưu của ông ta.

---------------------
        1. Tức Viện quân y 108 hiện nay.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:58:42 am

        Từ thực tế Vĩnh Yên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đối phó lại một địch thủ đã lớn mạnh như vậy? Làm thế nào để giữ cho được “vùng đồng bằng có ích”, đông người nhiều của? Chôn chân binh đoàn ứng chiến cơ giới hóa của Bôphrơ ở bắc Hà Nội chỉ là biện pháp tạm thời, có ý nghĩa chiến thuật.

        Phải tăng quân và lập phòng tuyến. Đó là hai đáp số của bài toán có tầm chiến lược mà tình thế đặt ra cho Đờlát.

        Tăng quân, nhưng không thể trông chờ gì ở “chính quốc”, nơi người ta đang phải “dùng một cái gậy để đuổi mấy con mèo cùng một lúc”. Phải làm theo lời chỉ giáo của bậc tiền bối Xarô: gấp rút lập một đội quân ngụy đủ sức đỡ gánh nặng đang đè lên vai đội quân viễn chinh. Các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương cho rằng quân ngụy đã từng chứng minh “lòng dũng cảm và mọi khả năng” (!) bên cạnh quân viễn chinh Pháp. Vậy thì phát triển đám quân bản xứ rẻ tiền này quả là một chủ trương đúng đắn (!). Đờlát yêu cầu cựu toàn quyền Anbe Xarô hãy nhân cuộc kinh lý này, quá bộ đi Đà Lạt và dùng “uy tín” của ông chủ cũ để thuyết phục Bảo Đại.

        Nếu các tướng lĩnh Pháp dễ dàng thống nhất với nhau về chủ trương và biện pháp phát triển quân ngụy thì ngược lại, nhiều người trong bọn họ đã tỏ ra hoài nghi tác dụng của phòng tuyến bê tông vây quanh đồng bằng Bắc Bộ mà Đờlát trù tính xây dựng. Họ dùng những thực tế quân sự thế giới để chứng minh rằng nhiều phòng tuyến, kể cả “chiến tuyến Maginô nổi tiếng” của Pháp, đã không ngăn nổi những cuộc tiến công được chuẩn bị chu đáo. Mặc dù có ý kiến qua lại nhưng người quyết định cuối cùng vẫn là cao ủy - tổng chỉ huy.

        Theo viên tướng già, trước hết phải bảo vệ cho được Hà Nội và Hải Phòng, phải biến hai trung tâm này thành những pháo đài kiên cố làm hạt nhân để bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ, nơi mà “lá cờ Pháp phải được bảo vệ, nước Pháp phải có mặt”(!).

        Phòng tuyến sẽ không phải là một hệ thống phòng ngự cứng nhắc. Hơn nữa nếu có một thực tế là sự bất lực của chiến tuyến Maginô thì cũng có một thực tế khác là đối phương không thể có đủ sức mạnh để vượt qua phòng tuyến để thâm nhập vào đồng bằng được.

        Cuối cùng hai chủ trương chiến lược đã được quyết định:

        1. Tập trung các tiểu đoàn ngụy tổ chức thành bốn sư đoàn bộ binh tương đối hoàn chỉnh, thay thế quân Âu - Phi làm nhiệm vụ chủ yếu là chiếm đóng và bình định, trên cơ sở đó mà tổ chức các tiểu đoàn Âu - Phi thành những binh đoàn cơ động chiến lược, những con chủ bài dùng để đối phó với chủ lực đối phương và tiến tới giành lại quyền chủ động chiến lược đã mất.

        2. Xây dựng một phòng tuyến (được mệnh danh là phòng tuyến Đờlát), gồm trên 110 vị trí với trên 1.200 công sự bê tông cốt sắt nửa chìm nửa nổi, chạy từ Hòn Gai, Đông Triều qua Bắc Giang, Bắc Ninh sang Sơn Tây và quặt xuống đến Ninh Bình.

        Dự kiến cần chi tiêu cho việc xây dựng phòng tuyến là 3.000 triệu quan (franc). Riêng số ximăng cần 51 triệu mét khối. Kế hoạch rất tốn kém trên đây chỉ có thể thực hiện nếu được sự chi viện của “chính quốc” và sự giúp đỡ của Mỹ. Đó là điều mà các tướng lĩnh Pháp khẳng định.

        Cuối tháng 1 năm 1951, tham mưu trưởng Ala (Allard) được tổng chỉ huy cử về Pháp, mang theo mọi dự trù cần thiết để thực hiện kế hoạch nói trên. Sau một tuần theo Thủ tướng Plêven và tướng Gioăng sang công cán ở Oasinhtơn, Ala trở lại Đông Dương gần như với hai bàn tay trắng. Mỹ đang sa lầy ở Triều Tiên nên tuy không hoàn toàn từ chối nhưng sự giúp đỡ được coi là quá ít ỏi. Còn Chính phủ Pháp thì hứa hẹn nhưng liệu những lời hứa sẽ đi đến đâu?

        Đờlát thấy tự mình phải thân hành gõ cửa điện Êlydê và Nhà trắng. Khốn nỗi tình hình trước mắt chưa cho phép viên tổng chỉ huy rời Đông Dương trong tháng 2 không những vì hướng tiến công sắp tới của đối phương chưa rõ mà cục diện các chiến trường đều chưa có gì là thuận lợi.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 05:59:00 am

        Tại chiến trường Trung Đông Dương, tướng Lôriô phải dàn mỏng lực lượng dọn đường số 9 từ Đông Hà đến Xavannakhét tới sát bờ sông Mê Công, trên một tuyến dài 300 kilômét mà vẫn không sao bảo đảm an toàn cho những đoàn tiếp tế sang Lào. Từ khi hai tiểu đoàn bị rút ra Bắc để cứu nguy cho Vĩnh Yên thì rõ ràng Lôriô đã lâm vào tình thế bất lợi trước hoạt động ngày càng tăng của đối phương. Viên tướng chỉ huy miền Trung đã cảnh cáo bộ tham mưu của Đờlát rằng, nếu lực lượng còn bị rút đi thì không thể nào đứng vững được. Phía đông địa bàn do Lôriô phụ trách vẫn bị đối phương cắt làm ba mảnh: Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Cao Nguyên. Viên tướng này chưa có biện pháp hiệu nghiệm đối phó với tình trạng chia cắt đó.

        Tướng Săngxông, chỉ huy ở Nam Bộ, cũng ở vào tình thế không sáng sủa hơn. Từ khi sang Đông Dương và nhất là trong lúc hoảng hốt đối phó với chiến sự ở Vĩnh Yên, Đờlát đã thẳng tay cắt xén để đưa ra Bắc 4 tiểu đoàn Bắc Phi, 2 tiểu đoàn lê dương, 1 tiểu đoàn dù, 1 tiểu đoàn công binh, 1 cụm pháo và phần lớn không quân. Săngxông lo ngại nếu việc cắt xén không thương tiếc cứ tiếp tục diễn ra thì tình hình sẽ trở nên không chịu đựng nổi nếu đối phương hoạt động mạnh, vì lực lượng ứng chiến tại chỗ cố gom góp cũng chỉ được chừng 5 tiểu đoàn. Săngxông hy vọng rằng cuộc công cán sắp tới của Đờlát sẽ thành công để có lực lượng “trả nợ” cho Nam Bộ ít nhất là 6 tiểu đoàn.

        Trên chiến trường Cao Miên, tướng Điô (Dio) cũng đang đuối sức trước hoạt động của những người Khơme tự do có liên hệ mật thiết với dân chúng. Được nhân dân giúp đỡ, họ đã đánh nhiều trận phục kích, khiến cho an toàn của Pháp trên các đường giao thông thủy bộ đều không được bảo đảm.

        Đờlát nắm được tất cả tình hình rất ít thuận lợi trên đây qua báo cáo của các viên tướng chỉ huy các chiến trường. Trong một cuộc họp tháng 2 năm 1951, viên tổng chỉ huy chỉ còn biết hứa hẹn sẽ giúp đỡ khi có thể được. Ông ta khẳng định: trước mắt, quan trọng hơn cả là Bắc Bộ, “Bắc Bộ quyết định số phận Đông Dương, vì chính đây là điểm xuất phát của những dòng thác muốn hất chúng ta xuống biển”. Mọi cố gắng của quân đội Pháp phải hướng vào Bắc Bộ. Trước mắt, các chiến trường khác phải tự lo liệu lấy khi mà cao ủy còn chưa “tháo gỡ được cơn khủng hoảng chính trị Bảo Đại”, cụ thể là việc vàng hóa (phát triển quân ngụy) chưa đem lại kết quả đáng kể. Công trình bê tông (phòng tuyến) phải được gấp rút dựng lên để tạo được một bức trường thành “ngăn chặn những dòng nước lũ”. Đờlát tin rằng đến lúc đó tình hình sẽ sáng sủa hơn.

        Cũng chính với niềm tin đó mà trung tuần tháng 3 năm 1951, “vua Giăng” lên đường đi Pari, mang theo một tập hồ sơ đồ sộ (về yêu cầu tăng viện và ngân sách). Cơ quan tổng hành dinh than phiền tướng tổng chỉ huy cứ bắt làm đi làm lại rất nhiều lần để có một tập hồ sơ hấp dẫn có thể “lọt qua những cặp mắt xanh của những kẻ có thẩm quyền ở Pari và nhất là ở Oasinhtơn”.

        Từ đầu tháng 3, tướng Xalăng được lệnh giao quyền chỉ huy miền Bắc cho tướng Đờ Linaret (De Linarès) để trở lại cương vị phụ tá của tổng chỉ huy và tạm thay quyền khi Đờlát vắng mặt.

        Các ký giả đi theo “vua Giăng” về Pháp muốn tìm hiểu xem ngài nghĩ gì khi lên đường? Người ta kể lại rằng ông ta cố tỏ ra yên tâm về Đông Dương, thậm chí còn dám tuyên bố rằng: đối phương có tiến công hay không điều đó không quan trọng lắm (!). Phòng nhì đã dự kiến mọi tình huống có thể xảy ra và ngài tổng chỉ huy đã phác ra mọi kế hoạch đối phó về mặt chiến lược. Mọi việc đều đã được dự kiến, quân đội Pháp không thể nào bị bất ngờ. Hơn nữa, “cuộc đấu tranh thực thụ không phải là ở Đông Dương mà ở nước Pháp, trước Bộ Quốc phòng”. Phải thắng ở Pari, đó mới là điều quan trọng hàng đầu, bởi vì kẻ thù chính (ý nói những người muốn bó tay Đờlát) lại ở ngay chính quốc. Vậy thì có thể vắng mặt ở Đông Dương để giành bằng được phần thắng ở Pari.

        Đờlát đặt rất nhiều hy vọng có thể vét thêm quân, xin thêm tiền (để đổ vào “cái thùng không đáy” Đông Dương), khốn nỗi ngài tổng chỉ huy rời Hà Nội đúng vào lúc xẩy ra cuộc khủng hoảng nội các ở Pari. Nội các Plêven, nội các thứ 13 sau 6 năm chiến tranh xâm lược Đông Dương, bị đổ ngày 28 tháng 2 năm 1951.

        Ai sẽ lên làm thủ tướng và ai sẽ là bộ trưởng quốc phòng để được Đờlát coi là “kẻ thù chính” trong cuộc đấu tranh thực thụ” ở Pari?


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:00:07 am

ĐỠ ĐÒN VÀ LỪA BỊP

        Sau khi Đờlát đi Pháp, nỗi lo lắng của Xalăng và Đờ Linarét là sự yên tĩnh giả tạo của chiến trường. Đâu sẽ là hướng tiến công sắp tới của chủ lực đối phương? Các tổ chức tình báo kỹ thuật, các mạng chỉ điểm, các đội tuần tiễu... đều bất lực không giúp gì cho cơ quan tham mưu Pháp, đến nỗi Xalăng phải kêu lên là sự “yên lặng” của đối phương đã làm cho các tướng lĩnh Pháp lo ngại vì họ như lần mò trong đêm tối. Họ thường nhắc lại với nhau điệp khúc mà tổng chỉ huy của họ thường dùng: “Nếu tôi là ông Giáp, tôi sẽ làm gì? Sẽ đánh ở đâu? Có thể thế này, cũng có thể thế kia...”

        Giữa lúc câu hỏi chưa có lời đáp thì bỗng đêm 23 tháng 3, bộ tham mưu Pháp được tin “quân đội đối phương mở cuộc tiến công lớn ở vùng mỏ Đông Bắc. Bảy đồn bị tiêu diệt, 200 súng bị mất, nguồn nước ngọt tiếp tế cho Hải Phòng bị cắt; đồng thời trên hướng đường số 5, nhiều đoạn đường sắt Hà Nội - Hải Phòng bị phá...”.

        Ý định chiến lược của đối phương là gì? Uy hiếp Hải Phòng từ hướng Đông Bắc? Làm chủ vùng mỏ vì mục đích kinh tế? Trước tình hình toàn bộ mặt trận Đông Bắc bị tiến công, Xalăng vội vã điện báo cáo cho tổng chỉ huy Đờlát (khi ấy đang ở Pari) và... chờ đợi.

        Giữa lúc đó, tại thủ đô Pháp, nơi được Đờlát coi là “chiến trường số 1”, cao ủy - tổng chỉ huy đang thất vọng về kết quả quá nghèo làn của chuyến công cán. Pari chỉ chấp nhận tăng viện tiếp cho đủ số 20.000 quân theo đề nghị của ông ta trước khi sang Đông Dương nhậm chức. Hơn nữa, Thủ tướng Cơi (Queuille) còn ra điều kiện: số quân đó phải được hoàn lại chậm nhất là tháng 7 năm sau (1952). Thế là trong “cuộc đấu tranh thực thụ với... kẻ thù chính” cao ủy đã chịu nhận phần thua.

        Nhận điện của Xalăng và đọc báo chí Pari (không hiểu sao tin nhanh thế) nói về “vùng mỏ bùng cháy”, viên tướng già lại lật đật lên đường để có mặt ở Hà Nội tối 26 tháng 3, sau đó lao xuống Hải Phòng để trực tiếp điều binh khiển tướng đối phó với cuộc tiến công đã lan rộng của đối phương.

        Không dám đem quân chiếm lại các cứ điểm đã mất, viên tổng chỉ huy chủ trương tập trung lực lượng giữa Mạo Khê, bảo vệ đường 18, con đường huyết mạch chạy dọc phòng tuyến bê tông. Sư đoàn cơ động Bắc Bộ thứ 2 (2è DMT) do viên đại tá Xide chỉ huy (mặc dù chưa thành lập xong) cùng tất cả mọi phương tiện có thể huy động được, kể cả pháo trên tàu của hải quân và thủy đội xung kích số 1 (dinassaut 1) trên sông Bạch Đằng, đều được cấp tốc điều đến giữ cho Mạo Khê “đứng vững”.

        Sau khi thêm hai vị trí (Bí Chợ và Tràng Bạch) bị tiêu diệt, Đờlát hạ lệnh cho các cứ điểm còn lại phải cố thủ, chờ viện binh.

        Trước tình hình đồn Mạo Khê bị uy hiếp nghiêm trọng, đêm 29 rạng 30 tháng 3, ông ta ra lệnh cho pháo trên tàu chiến từ cửa sông Bạch Đằng cùng máy bay chi viện để một tiểu đoàn dù của sư đoàn 2è DMT giải vây. Quân dù bị chặn đứng. Một máy bay Hencát bị bắn rơi. Mãi đến đêm 30, việc giải vây vẫn chưa thực hiện được. Cuối cùng, nhân lúc đối phương tập trung lực lượng diệt quân viện, bọn lính sống sót trong đồn Mạo Khê rút chạy. Cũng sáng 30, trước cuộc tiến công của đối phương vào khu phố Mạo Khê, hai lô cốt và ba xe tăng bị phá hủy, Đờlát vội tung thêm một tiểu đoàn dù xuống cứu nguy. Quân viện phải “chiến đấu dưới hỏa lực quá dày đặc để giải vây cho quân Pháp trong các vị trí đang chống cự với sức mạnh của sự tuyệt vọng”.

        Từ chiều ngày 1 tháng 4, trong lúc cơ quan tham mưu Pháp đang ngạc nhiên không hiểu vì sao đối phương bỗng ngừng hoạt động, thì đột nhiên đến lượt hàng loạt vị trí ở phía tây Đông Triều bị tiến công. Lại một lần nữa viên tổng chỉ huy ra lệnh điều lực lượng về cứu nguy. Các sĩ quan tham mưu vừa chấp hành lệnh điều quân vừa bàn tán về tình cảnh “giật gấu vá vai của vị thống soái đáng thương”.

        Cho đến ngày 6, Đờlát vẫn chưa dám bỏ lệnh cho viên đại tá Xide và đô đốc Oóctôli sẵn sàng viện binh và hỏa lực để đối phó với đối phương mà không hề biết rằng sau các trận tiến công các vị trí Bến Tắm, Bãi Thảo, Hoàng Xá, Hà Chiều..., đối phương đã kết thúc chiến dịch. Mãi mấy ngày sau đó, trong mệnh lệnh gửi binh lính ở chiến trường Bắc Đông Dương, Đờlát mới dám khẳng định sức ép của đối phương ở vùng địa đầu của phòng tuyến không còn nữa.

        Nếu sau “sự kiện Vĩnh Yên”, tổng chỉ huy Đờlát vội dùng mọi thủ đoạn chiến tranh tâm lý để tuyên truyền chiến tích napan, thì lần này, với kết quả nghèo nàn của chuyến công cán Pari, tiếp đó là hoạt động khó hiểu của gần 10 trung đoàn chính quy đối phương ở vùng mỏ và tình hình không ổn định ở biên giới Tây Bắc từ trung tuần tháng 3, tất cả, những điều đó làm cho “vua Giăng” trở về Hà Nội với bộ mặt không vui khác thường.

        Một cuộc họp được triệu tập để nghe những lời oán trách của viên cao ủy - tổng chỉ huy về thái độ của Chính phủ Pháp mà ông ta vừa vấp phải trong chuyến đi Pari vừa qua. Theo Đờlát, sở dĩ ông ta xoay xở được một ít quân, phương tiện và một khoản tiền nào đó là vì “phòng tuyến bê tông của tôi đã hấp dẫn một số người” ở thủ đô Pháp. Nhưng điều khiến cho viên tướng này ngạc nhiên là Chính phủ muốn kết thúc sớm cuộc chiến tranh Đông Dương. Thậm chí một số nhân vật tai to mặt lớn ở Pari còn nói với ông ta những lời đáng sợ (?): “Xin tướng quân đừng lao sâu vào cuộc chiến tranh ở bên đó nữa”. Đờlát nhận thấy rõ ràng giới cầm quyền Pháp đã tỏ ra thối chí. Phải chăng nội các mới vừa thành lập đã phải đương đầu với quá nhiều khó khăn đến nỗi tỏ ra run tay trước đối thủ Việt Minh?


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:00:24 am

        Nếu Đờlát phải thừa nhận rằng “chiến tích đầu tiên” đã không đủ giúp cho ông ta giành được thắng lợi lớn trong chuyến đi Pháp vừa qua thì ông ta lại tin rằng ba tấc lưỡi của cao ủy cộng với hai cánh tay nhà binh của tổng chỉ huy, chắc chắn sẽ giúp ông ta đẩy được bọn bù nhìn bản xứ tiến tới. Yêu cầu đặt ra trước mắt là làm sao lôi kéo được bọn tay sai góp sức bịt cái lỗ hổng về người và của mà chính quốc bất lực không đáp ứng nổi.

        Ngày 19 tháng 4, tại thị xã Vĩnh Yên, trước mặt rất nhiều quan chức dân sự và quân sự bù nhìn, rất nhiều phóng viên trong và ngoài nước, nhà ảo thuật họ Đờ đọc một bài diễn văn dài. Mục đích chủ yếu của lần ra mắt này là kích động “những con rối lớn” trong tay cao ủy: Bảo Đại, Trần Văn Hữu, quốc trưởng và thủ tướng bù nhìn, để đám này sớm đồng tình cho ra đời đội quân tay sai chính hiệu.

        Biết rằng cựu hoàng quá bận vì những cuộc truy hoan, nên trước đó vài ngày, cao ủy đã cử phó tướng Xalăng mang bài diễn văn vào Đà Lạt để “tranh thủ sự đồng tình”.

        Bài diễn văn tám trang của Đờlát đặc những nội dung lừa mị, những lời mập mờ đánh lận con đen. Nào là: Việt Nam là một quốc gia tự do, độc lập, có chủ quyền. Quân và tướng Pháp sang đây là để hoàn chỉnh nền độc lập của Việt Nam chứ không phải để hạn chế nền độc lập ấy (!). Nào là: quan hệ Pháp - Việt (đế quốc Pháp và bọn tay sai) không phải chỉ là quan hệ bạn bè mà là quan hệ giữa những người rất thân thuộc. Nước Pháp đang đem toàn bộ sức mình ra giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến đấu vì tự do, chống lại chế độ độc tài chuyên chế (!). Bằng chứng hùng hồn về sự cố gắng của Pháp là những công trường xây dựng hệ thống phòng thủ bằng bê tông bao quanh đồng bằng Bắc Bộ, v.v… Và tất nhiên Đờlát không quên điều chủ yếu cần nói là đốc thúc bọn tay sai hãy nhanh tay góp sức xây dựng “một quân đội quốc gia... đủ sức đáp lại ước vọng lớn lao nhất của chúng ta trong cuộc chiến đấu sống còn đang diễn ra trên đất nước này...”.

        Ít nhất, bằng những lời đường mật đã được cân nhắc chọn lọc, thầy phù thủ Đờlát đã cám dỗ thêm được không ít kẻ trong đám tay sai lớn nhỏ có mặt trong bữa tiệc. Chẳng thế mà khi diễn giả họ Đờ vừa dứt lời, thủ tướng bù nhìn Trần Văn Hữu bỗng “như người bị mê hoặc”, nước mắt lưng tròng, chạy bổ đến ôm chầm lấy viên tướng già, miệng lắp bắp “Mẹcxì... mẹcxì...” (cám ơn, cám ơn), trong khi toàn thể cử tọa đứng lên vỗ tay nhiệt liệt tán thưởng bài đítcua của viên tướng. Và, tất nhiên Hữu đã thay mặt cựu hoàng để nói lên những lời tri ân và hứa hẹn.

        Trong bữa tiệc, giữa những tiếng cốc to, cốc nhỏ khua vang, các tướng tá Pháp đi theo Đờlát đã chỉ thị thẳng cho bọn tay sai có mặt hãy đốc thúc Bảo Đại, để “cựu hoàng tỏ ra thông minh hơn, biết nắm lấy thời cơ này, biến những lời hay ý đẹp (!) của cao ủy thành những con người bằng xương bằng thịt trong cái gọi là quân đội quốc gia”.

        Bài diễn văn của Đờlát ngày 19 tháng 4 được coi là một hành động chính trị tung ra đúng lúc. Sau đó bọn tướng tá Pháp lao vào cố thúc đẩy sự ra đời của một đội quân chính quy bù nhìn. Mỗi trung đoàn quân viễn chinh Pháp được giao nhiệm vụ kèm cặp một tiểu đoàn bản xứ, với vũ khí do Mỹ viện trợ và sĩ quan do Pháp đào tạo.

        Khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề quân số. Mặc dù cao ủy đã thúc bách Bảo Đại ra “đạo dụ tổng động viên” nhưng khốn nỗi báo chí lại kêu rằng thanh niên quá thờ ơ với đạo dụ của cựu hoàng.

        Đối với các tướng lĩnh Pháp, tình thế đã quá khẩn trương, không thể đợi cho “đạo dụ” phát huy được tính chất lừa bịp của nó. Một cuộc hội nghị quân sự cao cấp được triệu tập ở Hà Nội ngày 28 tháng 4 để bàn kế hoạch đẩy mạnh các cuộc càn quét nhằm gỡ thế ngạt thở ở đồng bằng và nhất là để bắt lính. 

        Một sự kiện không may xảy ra: trên đường về dự cuộc họp, tướng không quân Háctơman đã tan xác vì máy bay bị dính đạn của các chiến sĩ phòng không Việt Nam. Đây là viên tướng viễn chinh đầu tiên được Bộ chỉ huy Pháp xác nhận là bỏ mạng trên chiến trường Đông Dương.

        Trong cuộc họp, tổng chỉ huy Đờlát nhận xét rằng tình thế ở đồng bằng Bắc Bộ ngày càng khiến ông ta lo ngại, vì những chấm đỏ xuất hiện quá nhiều trên bản đồ. Điều đó chứng tỏ đối phương thâm nhập ngày càng đông. Ông ta “không chịu nổi” những chấm đỏ đó. Phải tổ chức gấp nhiều cuộc càn quét nữa, với binh lực cao nhất có thể huy động được nhằm tiêu diệt những chấm đỏ nói trên càng sớm càng tốt, đồng thời vây bắt thanh niên cho cái gọi là quân đội quốc gia của Bảo Đại. Ngoài việt triệt phá kinh tế, mỗi cuộc càn phải đạt hai mục đích chiến lược đó. Nhận xét về các cuộc càn quét vừa qua, viên tổng chỉ huy tỏ ra không hài lòng vì kết quả quá hạn chế. Ví dụ cuộc càn Con sứa (Méduse) do tướng Đờ Linarét đích thân chỉ huy trong tháng 4 ở vùng Hải Dương - Thái Bình. Với binh lực 14 tiểu đoàn, tiến hành trong vòng nửa tháng, cuộc càn chỉ bắt được mấy ngàn thanh niên mà không sao dẹp được “bọn phiến loạn”. Cuộc càn lướt qua quá nhanh, không biết trụ lại để tổ chức dân vệ. Điều quan trọng nữa là quân Pháp tham gia cuộc càn đã bị sứt mẻ khá nhiều. Tóm lại, đó là cuộc hành binh được không bù mất.

        Viên tổng chỉ huy chỉ thị cho bọn đàn em phải tổ chức thêm những cuộc càn liên tiếp ở đồng bằng trong suốt mùa hè, phải chuẩn bị chu đáo, chỉ huy đúng bài bản.

        Để thử tài Bécsu (Henri de Berchoux), một viên tướng vừa chân ướt chân ráo sang chiến trường Đông Dương, Đờlát giao cho gã chỉ huy cuộc càn Bò sát (Reptile), với binh lực 14 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo, ở vùng Bình Giang, Kẻ Sặt (nam đường số 5) là khu vực mà viên tướng này phụ trách.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:01:49 am

SỰ BẤT LỰC CỦA CHA CON HỌ ĐỜ

        Đúng lúc các tướng lĩnh Pháp lao vào những cuộc càn quét vùng đồng bằng Bắc Bộ và tướng Đờlát đi đi về về Xingapo và Malaixia cùng Anh - Mỹ bàn “kế hoạch phòng thủ Đông Nam Á”, thì quân Việt lại mở một chiến dịch mới ở phía nam châu thổ sông Hồng. Bộ chỉ huy Pháp phải thừa nhận rằng “trận chiến đấu diễn ra trên toàn phòng tuyến sông Đáy hoàn toàn bất ngờ” đối với họ. Còn bọn ngụy quân, trong tài liệu tổng kết chiến tranh, đã chê trách tình báo Pháp không nắm được tin tức gì về một trận đánh quy mô lớn được đối phương chuẩn bị rất chu đáo, vì phía Pháp quá tin rằng những cuộc càn trong hai tháng 4 và 5 đã làm cho vùng đồng bằng Bắc Việt trở lại yên tĩnh.

        Qua tin tức tình báo thu lượm được, bộ tham mưu Pháp không thể ngờ rằng những đơn vị đang “nghỉ ngơi” ở Thanh Hóa (sư đoàn 304), ở trung du (sư đoàn 308) và ở vùng Nho Quan (sư đoàn 320) lại có thể dùng phương pháp hành quân mà họ gọi là theo kiểu Napôlêông1 để bất ngờ lao vào một chiến dịch tiến công nhanh chóng như vậy. Họ đinh ninh rằng Trung đoàn 64 được đưa vào vùng Nam đồng bằng là để phối hợp với Trung đoàn 42 đối phó với các cuộc càn quét chứ không phải là để cùng lực lượng vũ trang địa phương kìm chân quân tiếp viện của Pháp khi mặt trận phía trước nổ súng. Rõ ràng, Việt Minh đã khéo giấu kín được ý định chiến lược của mình, khiến cho một số vị trí của quân Pháp nhanh chóng bị tiêu diệt ngay từ đầu, mặc dù được hỏa lực pháo binh của các thủy đội xung kích yểm trợ.

        Tại Ninh Bình, đêm 28 rạng ngày 29 tháng 5, chỉ sau khi quân dân Việt Nam tiêu diệt một số vị trí phía ngoài, tiếp đó tiêu diệt thêm một đại đội biệt kích và làm chủ thị xã rồi vượt sông Đáy và kiểm soát quốc lộ số 1, viên đại tá Gămbiê (Gambiez, chỉ huy khu Nam đồng bằng) mới phát hiện được hướng tiến công của đối phương. Hai đại đội biệt kích, một thủy đội xung kích và pháo tăng cường được vội vã điều đến bằng đường sông để ứng cứu (vì đường bộ đã bị cắt đứt; riêng quãng đường Nam Định - Phủ Lý bị cắt 110 chỗ, 3 cầu bị phá). Xalăng phải thừa nhận rằng viện binh chưa đến nơi đã sớm chịu những tổn thất nặng nề vì rơi vào trận địa phục kích cách Ninh Bình 4 kilômét. Một trong hai đại đội biệt kích bị tiêu diệt hoàn toàn (trừ hai tên bị thương sống sót).

        Hai giờ sáng ngày 30, đối phương tiến đánh các mỏm núi đá phía tây và phía nam Ninh Bình bằng những đợt xung kích dữ dội. “Quân Việt Minh tới quá gần đến nỗi các khẩu pháo của GM4 và của thủy đội xung kích số 3 phải hạ nòng để bắn thẳng”. Từ 6 giờ 30 đến 9 giờ, các điểm cao trên lần lượt lọt vào tay bộ đội Việt Nam. Toàn bộ quân Pháp ở đây bị tiêu diệt, trong đó có viên trung úy Bécna Đờlát, đại đội trưởng, đứa con độc nhất của viên tổng chỉ huy Giăng Đờlát. Bécna và viên đại đội phó Mécxiê (Mercier) bị chết cùng một lúc vì một viên đạn cối rơi trúng sở chỉ huy. Viên thượng sỹ Menlô (Mellot) cũng ngã gục ngay sau khi lên nắm quyền chỉ huy đại đội.

        10 giờ 40, thêm một đại đội biệt kích được điều đến và phải trả giá đắt (1/3 quân số bị diệt) mới chiếm lại được mỏm núi đá phía nam.

        11 giờ, GM Bắc Phi của Êđông được điều đến và phải dùng hỏa lực rất mạnh để chiếm lại thị xã Ninh Bình. Quá trưa, khi trận đánh kết thúc thì tiểu đoàn xung kích số 1 (đơn vị được điều đến tăng viện đầu tiên, với quân số 800 người, trong đó có đại đội của Bécna) chỉ còn 30 tên sống sót.

        Các “sử gia” của ngụy Thiệu sau này cũng phải thú nhận rằng trong trận Ninh Bình, quân Pháp bị thua lớn: trên 1.000 tên bị chết và bị thương, nhiều đại bác bị phá hủy, nhiều tàu xuồng bị hư hại, nhiều vũ khí bị mất.

        Không ít ký giả và sử gia Pháp đã tốn khá nhiều giấy mực viết về cái chết của Bécna - đứa con cuối cùng của dòng họ Đờlát - ở mỏm núi Thúy (Hồi Hạc).

        Mãi 17 giờ hôm đó (30.5), viên tổng chỉ huy mới được nhìn thấy xác chết của đứa con, đã được đưa về Hà Nội cùng với xác của Mécxiê và Menlô. Ông ta chỉ còn biết đánh điện về Pháp cho vợ, “xin tha tội vì đã không bảo vệ được tính mạng đứa con duy nhất của chúng ta” (như người vợ đã ủy thác trước khi về Pháp).

        Suốt đêm túc trực bên xác con, tướng Đờlát hồi tưởng lại ý kiến của Bécna trong cuộc gặp gỡ cuối cùng hai tháng trước khi gã vào Đà Lạt với gia đình trước khi bố về Pháp công cán.

--------------------
        1. Napoléon Bonaparte (1769-1821): Hoàng đế và danh tướng Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:03:01 am

        Tuy mới 23 tuổi nhưng mang trong người dòng máu lính thực dân chính cống, Bécna sớm có cách nhìn đôi khi còn thâm hiểm hơn bố về cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Trong cuộc tranh luận ở Đà Lạt, Bécna nói thẳng: “Hẳn ba cũng hiểu rằng không thể chỉ biết đến những khẩu đại bác và những trung đoàn đẹp mã, những đơn vị cơ động và những trận đánh, danh vọng và những chiến tích đã được thổi phồng lên để lừa bịp. Điều quan trọng khác cần phải biết, đó là những con người, hàng triệu con người ở vùng đồng bằng, những người nhà quê. Đối với những người cùng khổ đó, điều quan trọng cũng là cuộc sống. Ba càng giết hại họ ít bao nhiêu, họ càng theo ba nhiều bấy nhiêu (!). Số người bị giết hại càng nhiều thì số người nổi dậy càng tăng. Con có thể nói với ba rằng con hiểu họ. Cuộc chiến tranh của ba phải tỏ ra “nhân đạo” (!) hơn”1.

        Mặc dù có những ý kiến đối nghịch với con, tướng Đờlát vẫn rất tự hào về dòng họ binh nghiệp thực dân của mình, tự hào về đứa con sớm nối gót cha xông pha lửa đạn như trong cuộc chiến tranh (xâm lược) Đông Dương này. Chẳng thế mà khi Bảo Đại đề nghị đưa Béena về làm việc ở “võ phòng” của mình, thì viên tướng tổng chỉ huy đã kiêu hãnh trả lời: “Khi mà người ta thuộc dòng họ Đờlát thì người ta chỉ biết lao vào lửa đạn”2.

        Gieo gió thì gặt bão. Kết quả là lửa đạn chính nghĩa của cuộc chiến tranh tự vệ của “những người nhà quê cùng khổ” đã bắt gia đình Đờlát trả giá quá đắt, đến nỗi viên tướng này phải thốt lên với Xalăng những lời vừa ngậm ngùi, vừa tuyệt vọng: “tôi sang Đông Dương để bảo vệ thanh niên (!). Vậy mà tôi đã không bảo vệ nổi chính đứa con độc nhất của tôi”. Một lời thú nhận sự bất tài của một viên tướng, đồng thời cũng là lời thú nhận nỗi bất lực của một người cha.

        Chúng ta hãy trở lại vùng chiến sự nam đồng bằng Bắc Bộ.

        Bốn ngày sau trận Ninh Bình, đến lượt Yên Cư Hạ bị bộ đội Việt Nam tiến công. Vị trí này được Pháp coi là một cứ điểm kiên cố do một đại đội đóng giữ; khi xảy ra chiến sự ở Ninh Bình, được tăng cường một đại đội biệt kích.

        Sau khi pháo binh chuẩn bị hỏa lực, “quân Việt Minh tiến sát cứ điểm. Bộc phá. Lưỡi lê. Giáp lá cà...”. Pháo của GM4 từ Ninh Bình bắn ngay vào hàng rào dây thép gai. Nhưng “pháo vừa dứt, Việt Minh đã khai thác ngay sơ hở”, xung phong mãnh liệt lên chiếm lô cốt chính và một lô cốt phụ. Quân Pháp dựa vào lô cốt phụ còn lại và bức tường phía sát sông để chống cự một cách tuyệt vọng.

        Trước nguy cơ đó, một đoàn tàu chở quân tiếp viện từ Ninh Bình sang tiếp cứu, khi hai đại đội Pháp trong đồn chỉ còn vài chục người sống sót.

        Ngay hôm sau, 8 tháng 6, đến lượt quân Pháp ở Phát Diệm bị tiến công. Một số lớn bị tiêu diệt, số quân ngụy còn lại bỏ chạy, bỏ mặc bọn chỉ huy Pháp mắc kẹt rồi chết trong thị xã. Sáng ngày 9, khi viên đại tá Êruylanh đưa binh đoàn đến cứu thì đối phương đã thu toàn bộ vũ khí và lui quân từ lâu!

        Bộ chỉ huy Pháp đang phán đoán chưa biết đối phương chuyển hướng hoạt động về đâu thì ngày 16 có tin nhiều vị trí trên đường Phủ Lý - Ninh Bình lại bị tiến công. Trong một trận phục kích ở gần Thái Bình, thêm 13 xe quân sự của Pháp bị diệt.

        Sợ đối phương làm ruỗng nát vùng đông bắc Phủ Lý, Đờlát ra lệnh tập trung 3 GM, 1 liên đoàn thiết giáp, 5 chi đội xe lội nước, nhiều đại đội biệt kích trang bị súng phun lửa để mở cuộc càn từ ngày 20 tháng 6. Nhưng một lần nữa, “quả đấm lớn đã giáng xuống nước”. Quân chủ lực của ta đã kết thúc chiến dịch từ ngày 18. Trong khi đó các lực lượng địa phương tiếp tục hoạt động và trở thành những mục tiêu “không thể bắt được” của Đờ Linarét - kẻ chỉ huy cuộc càn.

        Kết luận cuối cùng mà các “sử gia” của chế độ Sài Gòn sau này rút ra trong trận nam đồng bằng là: Việt Minh không những đã thành công trong việc tiêu diệt lực lượng địch ở mặt trận phía trước, mà các trung đoàn 42 và 64 đã cùng lực lượng địa phương hoạt động mạnh cả ở Nam Định và Thái Bình, làm cho vùng này bị “ruỗng nát”, công cuộc bình định trước đó của Pháp ở vùng này đã thất bại.

        Còn tướng Xalăng - phụ tá của Đờlát, chỉ ghi một nhận xét vắn tắt nhưng đầy ý nghĩa trong Hồi ký của mình: “Tình hình đánh đấm của chúng ta (ở phòng tuyến sông Đáy) chẳng ra sao cả...”.

        Về phần mình, trải qua nửa năm sang Đông Dương, cao ủy - tổng chỉ huy phải chịu đựng quá nhiều thử thách: sau trận Vĩnh Yên là thất bại trong cuộc công cán ở Pari, rồi vùng mỏ và cuối cùng là phòng tuyến sông Đáy. Trong khi đó thì việc xây dựng “quân Bảo Đại” và “phòng tuyến Đờlát” tiến triển quá chậm.

        Những thất bại diễn ra liên tục đến nỗi “vua Giăng” bỏ mất thói quen là duyệt binh và họp báo.

        Điều day dứt đối với Đờlát không phải chỉ ở chỗ “nhà ảo thuật” tự thấy mình không đủ phép màu để cứu sống đội quân viễn chinh (như đã hứa) mà còn ở chỗ người cha không đủ sức để giữ cho dòng họ Đờlát khỏi tuyệt tự.

        Tất cả quy lại là do cao ủy - tổng chỉ huy không ngờ rằng đối phương lớn mạnh đến thế.

--------------------
        1, 2. Lucien Bodard, sách đã dẫn, t.5, tr. 265-271.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:04:55 am

Chương tám

HÒA BÌNH, “CANH BẠC LỚN”

KHI PARI ĐÃ KIỆT SỨC

        Sau thất bại của chuyến công cán xin tăng viện ở Pari hồi tháng 3, Đờlát tự hỏi: đâu là lối thoát để có người, có súng tiếp tục cuộc chiến tranh? Nước Pháp đuối sức quá rồi. Ngân sách năm 1951 hụt 317 tỷ phrăng (tức là hụt hơn năm trước 70 tỷ phrăng). Thực tế đó không cho phép ông ta hy vọng có thể tiếp tục ép Pari để có thêm nhiều quân, nhiều súng tăng viện.

        Đáp số cuối cùng vẫn là: súng Mỹ trong tay lính bản xứ, giải pháp duy nhất trong điều kiện lúc bấy giờ.

        Lính bản xứ! Những tên lính tay sai rẻ tiền, đối với viên tổng chỉ huy Pháp mới hấp dẫn làm sao! Bảo Đại đã cho ra cái “đạo dụ động viên”. Bài diễn văn 19 tháng 4 của cao ủy đã gây tiếng vang vài ngày trên mặt báo chí. Những trận càn quét vây ráp đã bắt về được một số thanh niên đáng kể, nhưng so với yêu cầu xây dựng “quân đội quốc gia” cho ngụy quyền Bảo Đại thì còn quá ít. Đờlát thấy còn phải “lên dây cót” nhiều hơn nữa.

        Ngày 11 tháng 7, lại thêm một lần ra mắt của cao ủy trước đám học sinh trường trung học Lôba (Chasseloup Laubat) ở Sài Gòn. Sau những lời phỉnh nịnh, tỏ lòng yêu mến và cảm phục thanh niên Việt Nam, “những người dũng cảm, cần cù, hăng hái, xứng đáng với sự ủy thác của tổ tiên và sự đòi hỏi của lịch sử”, v.v… là những lời cứng rắn để dọa nạt, mềm mỏng để quyến rũ:

        “Các anh hãy là những con người, nghĩa là nếu các anh là cộng sản thì các anh hãy đi theo Việt Minh cho rảnh,... Còn nếu như các anh là những người quốc gia thì các anh phải chiến đấu cho Tổ quốc của các anh, bởi vì cuộc chiến tranh này là của chính các anh (!!!). Các anh hãy góp phần xây dựng quân đội quốc gia, quân đội đó sẽ dần dần thay thế quân Pháp, đảm nhiệm trọng trách của quân Pháp hiện nay...

        Thời cơ đã đến để các anh bảo vệ xứ sở của mình... Dưới ánh sáng mặt trời của nền độc lập, các anh phải đổ mồ hôi và đổ máu để gia tăng thành tựu của những người tự do...”.

        Sau bài diễn văn mà viên cao ủy tin rằng đã “chinh phục được bọn trẻ”, Đờlát chuyển sang một mục tiêu mới: cựu hoàng Bảo Đại, lúc ấy đang chu du Bắc Phần, đúng vào dịp Quốc khánh của Đại Pháp. Nhân ngày 14 tháng 7, Đờlát bày ra trước mặt Bảo Đại mọi thứ trò: lính ngụy điểm binh, gắn mề đay, lính dù mang theo thuyền cao su từ trên máy bay nhảy xuống hồ Hoàn Kiếm... Muốn đốc thúc Bảo Đại động viên thanh niên vào lính tất phải bày ra những trò chơi nhà binh. Điều đó cũng dễ hiểu.

        Suốt trong buổi trình diễn, “Bảo Đại nhiều lần mỉm cười, cao ủy và cựu hoàng gật gù trao đổi những lời tâm đắc”.nhìn cảnh đó, nhiều nhân vật cao cấp Pháp - ngụy, dân sự cũng như quân sự đều cảm thấy như được hưởng “những giây phút tuyệt vời (!) của tình thân hữu Pháp - Việt”.

        Với bước thứ nhất diễn ra ở Sài Gòn và Hà Nội, cao ủy Đờlát hy vọng sẽ hót được một số thanh niên vào lính. Bước thứ hai, muốn có súng Mỹ, phải sang bờ bên kia Thái Bình Dương, phải đến Oasinhtơn.

        Các tướng lĩnh cầm đầu quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương thường đặt vấn đề: Cuộc đàm phán đang diễn ra ở Bàn Môn Điếm, đáng lẽ nhẹ tay một phần ở Triều Tiên rồi, Mỹ phải tỏ ra sốt sắng hơn với vấn đề Đông Dương. Nhưng tại sao họ vẫn tỏ thái độ lạnh nhạt? Rõ ràng họ muốn ép Pháp nới rộng quyền hơn nữa cho Bảo Đại để đổi lấy viện trợ quân sự và tài chính. Tệ hại hơn nữa là họ muốn vượt qua đầu Pháp để viện trợ trực tiếp cho Bảo Đại và cái “quân đội quốc gia” do chính Pháp nặn ra.

        Như vậy Pháp làm sao đủ sức để “bảo vệ” Đông Dương theo chiến lược chống cộng của Mỹ ở Đông Nam Á mà kế hoạch đã được trù liệu nhiều lần, bắt đầu từ hội nghị giữa tổng thống Mỹ - Tơruman và thủ tướng Pháp - Plêven ở Xanhgapo ngày 29 tháng 1 năm 1951!


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:05:49 am

        Nếu Đờlát là viên tổng chỉ huy hy vọng nhiều ở viện trợ của Mỹ để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương thì ông ta cũng là người thẳng tay gạt bọn tay sai thân Mỹ (như Phan Văn Giáo, Nguyễn Hữu Trí, Phan Huy Quát) và đưa bọn thân Pháp (như Nguyễn Đệ, Nguyễn Văn Hinh) vào những vị trí quan trọng trong ngụy quyền để giám sát và kiềm chế Bảo Đại, nhằm ngăn chặn không để ảnh hưởng của Mỹ phát triển. Mọi hành động tuyên truyền cho cái gọi là nới quyền cho Bảo Đại1chẳng qua chỉ nhằm làm vừa lòng Mỹ để câu viện trợ theo phương châm “thả săn sắt, bắt cá rô”.

        Thấy không thể thông qua Pari mà xin được viện trợ Mỹ một cách nhanh chóng và đầy đủ, Đờlát chủ trương dùng danh nghĩa cá nhân tư lệnh quân đoàn 1 của Pháp, vốn quan hệ nhiều với các tướng lĩnh Mỹ ở mặt trận châu Âu trước đây, để gõ cửa giới quân sự ở Oasinhtơn - những người mà tiếng nói có trọng lượng ở Lầu năm góc và Nhà trắng. Lòng tràn đầy hy vọng, ngày 27 tháng 7, Đờlát rời Sài Gòn về Pháp để sang Mỹ.

        Ngày 9 tháng 9, khi viên cao ủy cùng với vợ đang đi trên tàu Ile de France sang Mỹ, Bảo Đại gửi theo một bức điện tỏ lòng tri ân “người quân nhân vĩ đại của dân tộc Pháp” (!). “Quốc trưởng” bù nhìn cũng không quên hứa hẹn gấp rút bắt lính, tổ chức “quân đội quốc gia”, một quân đội sẵn sàng thay thế quân Pháp “theo trình tự các phương tiện trang bị (của Mỹ) được trao cho nó”.

        Ngày 13, Đờlát đặt chân đến Niu Oóc. Các tàu ở cảng đua nhau rú còi. “Đó là cách đón tiếp theo kiểu Mắc Áctơ”. Ngày 14 đến Oasinhtơn. Tổng thống Mỹ - Tơruman, rồi bộ trưởng chiến tranh và tham mưu trưởng liên quân Mỹ lần lượt tiếp Đờlát. Kết quả đầu tiên sau mấy ngày gặp gỡ giữa lái súng Mỹ và xâm lược Pháp được coi là khả quan: trước mắt, Mỹ gửi sang chiến trường Đông Dương 600 máy vô tuyến điện, 9.000 súng tiểu liên, 500 súng máy, 5.000 xe vận tải. Các thứ khác (xe tăng, máy bay, tàu chiến… ) sẽ gửi tiếp sau.

        Báo chí phái hữu ở Pari hí hửng lên tiếng: Với sự giúp đỡ đó, hãy mau tổ chức “quân đội quốc gia” để nhanh chóng cân bằng lực lượng với Việt Minh nhằm “đương đầu với cơn ác mộng do đối phương gây ra”. Tại Đông Dương, tướng Xalăng hết lời ca ngợi “vị sứ thần tầm cỡ quốc tế đã vì lợi ích Đông Dương mà thắng một keo phi thường...”.

        Qua Luân Đôn từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 10, Đờlát được đế quốc Anh cho thêm một số trang bị, phần lớn là súng tự động loại nhẹ “rất cần thiết cho các cuộc càn quét ở vùng kênh rạch Nam Bộ”.

        Tuy nhiên, trở lại đất Pháp, Đờlát vẫn vấp phải sự chống đồi về việc gửi quân tăng viện. Nước Pháp đã tỏ ra kiệt sức thật sự.

        Một tháng rong ruổi trên Đại Tây Dương cũng là một tháng Đờlát liên tiếp gửi cho Xalăng những bức điện: Phòng tuyến bê tông đã làm đến đâu? Các cuộc càn quét bắt lính kết quả ra sao?... Ông Giáp sắp đánh ở hướng nào?, v.v… Họ không ngờ rằng, đúng vào dịp chuyến tàu thứ 66 của Mỹ, chở viện trợ sang Đông Dương, cặp bến Sài Gòn, một đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã nổ súng tiến công Nghĩa Lộ.

        Do không phán đoán được ý định chiến lược của đối phương (chỉ đưa một đơn vị lên Tây Bắc, tranh thủ tiêu diệt một bộ phận lực lượng địch trong khi phần lớn các sư đoàn chủ lực đang chuẩn bị cho chiến dịch thu - đông), bộ chỉ huy Pháp đặt vấn đề: Phải chăng sự có mặt của chủ lực đối phương ở Ca Vịnh là dấu hiệu mở màn cuộc tiến công lớn của Việt Minh trong thu - đông? Liệu Nghĩa Lộ, nơi chỉ có một tiểu đoàn đóng giữ, có trở nên “một thứ Đông Khê” như trước đây một năm?

        Mọi biện pháp cần thiết được đem ra đối phó: tăng cường hệ thống phòng thủ ở Nghĩa Lộ; báo động toàn khu Tây Bắc; không quân Bắc Bộ ở vào trạng thái sẵn sàng ứng eứu; đẩy mạnh càn quét ở đồng bằng để đỡ đòn cho Tây Bắc...

        Ngày 30 tháng 9, khi Xalăng cùng với tham mưu trưởng Graxiơ (Gracieux) ra Hà Nội để lo việc đối phó, cũng là lúc quân Pháp bắt đầu cuộc tháo chạy và quân ta đang quét các vị trí địch từ Ca Vịnh về phía lòng chảo Nghĩa Lộ. Một tiểu đoàn dù được vội vã ném xuống Gia Hội để đỡ đòn cho phân khu Nghĩa Lộ.

--------------------
        1. Cuối năm 1950 và đầu năm 1951, Pháp tuyên bố trao trả cho ngụy quyền một số ngành như Cảnh sát, Bưu điện, Đài phát thanh, Ngân khố, v.v… nhưng lại đặt cố vấn có thực quyền bên cạnh các viên chức ngụy.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:06:17 am

        Đêm 2 tháng 10, Nghĩa Lộ rồi Sơn Búc lần lượt bị tiến công. Trời vừa sáng, Xalăng đích thân bay lên không phận khu vực đang diễn ra chiến sự. Từ trên cao được tận mắt nhìn các máy bay chở binh lính bị chết và bị thương từ Nghĩa Lộ về Hà Nội, Xalăng hạ lệnh thả thêm hai tiểu đoàn dù xuống cứu nguy.

        Mãi đến ngày 15, tức là bốn ngày sau khi quân ta kết thúc đợt hoạt động ngắn trên chiến trường Tây Bắc, đường Nghĩa Lộ - Sơn Búc mới được giải tỏa và tướng Xalăng mới dám gửi báo cáo cho tổng chỉ huy Đờlát bấy giờ đã từ Luân Đôn trở về Pari.

        Mặc dù trong điện báo cáo gửi cho Đờlát, Xalăng đã khéo vo nhỏ số lính bị chết, bị thương và mất tích1, nhưng trong tập II Hồi ký viết sau đó 20 năm, chính viên tướng này lại thừa nhận rằng mình đã “phải trải qua 10 ngày đêm căng thẳng đến mệt lử... Cuộc vật lộn gay gắt biết chừng nào... Những thiệt hại nạng nề khiến tôi phải suy nghĩ về sự ác liệt của trận chiến đấu... Thật đáng mừng khi thấy nó kết thúc sớm...”2.

        Ngày 19 tháng 10, Đờlát trở lại Sài Gòn. Hai ngày sau, tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng Côlin (Collins) đến Đông Dương. Để làm vừa lòng viên tướng lái súng Huê Kỳ, Đờlát cho bắn đại bác như đón chào một nguyên thủ quốc gia. Không phải là không có sự tính toán. Mất vài chục viên trái phá giả để “câu” được hàng ngàn hàng vạn viên trái phá thật. Vẫn lại thủ thuật “thả săn sắt, bắt cá rô”. Viên tướng Mỹ xúc động. Và hai ngày lưu lại của hắn là hai ngày bàn bạc xoay quanh vấn đề viện trợ. Các tướng lĩnh Pháp kháo nhau: chuyến thăm viếng của Côlin thật quý giá. Cả Đờlát và Xalăng đều hỉ hả trước những lời hứa hẹn của Côlin. Riêng Xalăng tỏ ra rất tự hào khi Đờlát dùng tiếng Anh giới thiệu viên phụ tá của mình với Côlin: “Ông ấy giống y như tôi vậy” (He is another me).

        Tuy nhiên, sau khi tống tiễn Côlin, Xalăng thấy tổng chỉ huy tỏ ra mệt mỏi, chán chường, mặc dù viên tướng Mỹ đã hứa hẹn viện trợ rất nhiều so với những gì đã bàn bạc ở Oasinhtơn hồi tháng 9. Nguyên nhân vì “chính quốc”. Nếu Đờlát tự hào vì đã “thắng một keo phi thường” ở Mỹ thì ông ta lại thú nhận là đã thất bại ở Pháp: “Các nhân vật chính trị của chúng ta đã không giấu giếm nói với tôi rằng phải giảm quân đội viễn chinh, nhiều lắm cũng chỉ giữ mức độ như hiện nay thôi... Phải làm cho quân Việt Nam (ugụy) gánh bớt gánh nặng về nhân lực, một việc đã tỏ ra quá nặng nề (đối với nước Pháp)... điều đó đối với chúng ta thật là khó khăn gian khổ vì lúc này đối phương không ngừng tổ chức thêm những sư đoàn mới...”.

        Điều làm cho Đờlát lo ngại hơn cả là những tin tức mới nhất về phong trào phản chiến đang ngày càng dâng cao ở “chính quốc”.

        Từ cuối tháng 10 năm 1951, báo chí Pháp nói nhiều đến từng đoàn các bà mẹ có con chết trận ở Việt Nam, mặc áo tang kéo đến Bộ Hải quân và phòng Quân vụ Bộ Tham mưu Pháp đòi trả xác con, đòi thả Hăngri Máctanh. Cảnh binh đã làm ngơ khi các bà hô khẩu hiệu “Hòa bình ở Việt Nam!”, phân phát truyền đơn và lấy chữ ký vào các bản kiến nghị đòi chấm dứt chiến tranh. Truyền đơn nói gì? Đó là hàng loạt danh sách thanh niên Pháp đã vĩnh viễn nằm lại trong rừng rậm và trên đầm lầy Việt Nam. Đó là những lời phân tích, so sánh số phận con trai của những bà mẹ vô phúc với số phận Bécna Đờlát, con trai viên đương kim tổng chỉ huy. Nếu hàng vạn thanh niên khác “bị bỏ mạng một cách vô nghĩa và thầm lặng như những con giun” thì Bécna Đờlát, sau khi chết trận, được đưa về chôn ở nghĩa trang Văngđê (Pari) như một vị anh hùng...

        Chưa hết.

        Cũng vào khoảng cuối tháng 10 này, nhân dịp chính quyền Pháp buộc phải trả lại tự do cho bà Cốttông (Eugénie Cotton), Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp, trên tờ Phụ nữ Pháp đã xuất hiện những bài báo của “một tác giả đáng sợ”, đả kích đích danh tổng chỉ huy Đờlát. Đó là bà Lơcléc (Françoise Leclerc), người vợ góa của viên tổng chỉ huy đầu tiên Philip Lơcléc (Philippe Leclerc) và cũng là người mẹ đáng thương của Hăngri Lơcléc, viên trung úy “ra đi không có tin về”. Bà Lơcléc viết: Giữa lúc tướng Đờlát bắt thanh niên Pháp tiếp tục đổ máu một cách nhục nhã và xin thêm vũ khí, bom đạn và máy bay Mỹ để tiếp tục tàn sát thường dân Việt Nam, phụ nữ Pháp chúng ta phải hô lớn khẩu hiệu mà các bà mẹ Pháp đã nói với các con mình “Nhất định không đi lính sang Việt Nam...”.

        Chính với nỗi ưu tư nặng trĩu trong lòng do các tin tức từ Pari bay sang mà, đầu tháng 11 năm 1951, “vua Giăng” đáp máy bay tuần du Bắc phần.

        Ra Hà Nội ngày 3 tháng 11, việc đầu tiên của viên tổng chỉ huy là cùng phụ tá Xalăng vùi đầu vào những con số thống kê, những biểu đồ ghi các đơn vị ngụy mới được hình thành. Tiếp đến là những buổi bay đi thị sát phòng tuyến boong ke.

        Ngụy quân và phòng tuyến, hai vấn đề chế ngự bộ óc quân sự thực dân của Đờlát ngay cả trong giấc ngủ.

---------------------
        1. Xalăng báo cáo chỉ có 36 chết (1 thiếu tá chỉ huy Nghĩa Lộ, 1 đại úy), 96 bị thương (6 sĩ quan cấp úy), 163 mất tích (3 sĩ quan cấp úy) tổng cộng 295. Sự thật, Pháp bị tiêu diệt trên 1.000 tên, đa số là lính nhảy dù xuống ứng cứu.

        2. Xalăng, sách đã dẫn, tr. 257, 258.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:06:53 am
     
NẠN “VÀNG HÓA” TRÊN NHỮNG BIỂU ĐỒ QUÂN LỰC

        Mặc dù được các giới cầm quyền ở Pari đánh giá là một viên tướng có tài làm xoay chuyển cục diện chiến trường, Đờlát cũng không thoát khỏi thói quen thường tình của năm viên tổng chỉ huy trước, tức là đặt vấn đề giải quyết nạn khủng hoảng quân số lên hàng đầu chương trình hành động của mình. Người ta nhận thấy ông ta đã có nhiều cố gắng trong việc này và (đứng về con số mà nói) ông ta đã đạt được ít nhiều kết quả đáng kể.

        Bằng mọi cách thúc ép Pari vét quân sang, nhất là bằng những cuộc hành binh vây ráp để bắt lính phát triển quân ngụy, Đờlát đã nâng tổng số quân từ 239.400 tên cuối năm 1950 lên 338.000 tên cuối năm 1951. Toàn bộ lực lượng trên được tổ chức thành 160 tiểu đoàn bộ binh chính quy (gồm 88 tiểu đoàn Âu - Phi, 27 tiểu đoàn lính ngụy trong biên chế quân đội Pháp và 45 tiểu đoàn lính nguỵ “tổ chức riêng” trong cái gọi là quân đội quốc gia của bù nhìn Bảo Đại), 18 tiểu đoàn pháo 105 và 155 milimét, 7 chi đoàn cơ giới - thiết giáp, 7 tiểu đoàn công binh, 5 tiểu đoàn vận tải.

        Với số quân tăng viện từ Pháp sang và số lính Âu - Phi rút khỏi nhiệm vụ chiếm đóng ở các địa phương (do quân ngụy thay thế), Đờlát đã tổ chức được 7 binh đoàn cơ động (groupement mobile, gọi tắt là GM) và 9 tiểu đoàn dù dự bị chiến lược, nâng tổng số lực lượng cơ động chiến lược từ 6% lên 18% so với toàn bộ binh lực Pháp - ngụy ở Đông Dương (8/118 tiểu đoàn hồi tháng 11 năm 1950 lên 29/160 tiểu đoàn hồi tháng 10 năm 1951).

        Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp hy vọng rằng các đơn vị dự bị chiến lược này “hoàn toàn không phụ thuộc vào đồn bốt, có thể cơ động dễ dàng, có điều kiện sẵn sàng tiến công nhưng đồng thời cũng có thể bảo đảm an toàn cho một khu vực chiếm đóng trong một thời gian nhất định”. Nhưng trong nửa đầu năm 1951, khi quân đội Việt Nam liên tiếp mở các chiến dịch tiến công ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, Đờlát phải đem các GM tổ chức thành các sư đoàn, gọi là các “sư đoàn cơ động Bắc Bộ” (DMT) để đối phó với quân chủ lực Việt Nam trên địa bàn chiến dịch. Do phải gắn với nhiệm vụ bảo vệ từng địa phương nên các sư đoàn không phát huy được tính cơ động đầy đủ. Từ nửa cuối năm 1951, 40% các GM vẫn bị giam chân trong từng khu vực để đối phó với chiến tranh du kích trong vùng tạm chiếm, vì lực lượng cơ động chiến thuật (có nhiệm vụ hỗ trợ cho việc chiếm đóng và bình định) đã giảm sút1, không đủ sức “đứng vững” ở địa phương trước sự phát triển của chiến tranh du kích. Do thiếu các binh chủng bảo đảm, các GM lại thường hoạt động độc lập nên từ tháng 10 năm 1951, bộ chỉ huy Pháp phải bỏ tổ chức các sư đoàn cơ động.

        So với các tướng tổng chỉ huy trước, Đờlát là người mạnh tay hơn cả trong việc xây dựng cho ngụy quyền một “quân đội quốc gia”, đúng như cựu toàn quyền Anbe Xarô, chủ tịch Khối Liên hiệp Pháp, đã chỉ bảo. Song dù sao thì cả Xarô lẫn Đờlát cũng vẫn chỉ là các ngài thực dân bảo thủ, và tính bảo thủ đó đã thể hiện rõ nét trong cái “quân đội quốc gia” do họ nặn ra.

        Đến cuối năm 1951, 28 trong tổng số 45 tiểu đoàn bộ binh chính quy của “quân đội quốc gia” được “sơ bộ” tổ chức thành 4 sư đoàn, nhưng đều đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của sĩ quan... Pháp!2. Do chất lượng chiến đấu kém, binh chủng chuyên môn thiếu, sĩ quan chỉ huy không đủ (cuối năm 1951, tổng số sĩ quan ngụy mới có 1.100 tên) và nhất là do tư tưởng muốn trút gánh nặng chiến tranh lên đầu quân ngụy nhưng lại hạn chế sự phát triển của nó nên “quân đội quốc gia” vẫn đóng vai trò phụ thuộc vào quân đội viễn chinh Pháp. Vì vậy tướng Pháp Nava sau này đã phải kết luận: không thể gọi các đơn vị “các quốc gia liên kết” (ngụy Đông Dương) là những quân đội thật sự được, vì chúng chỉ là những lực lượng bổ trợ cho quân Pháp mà thôi.

        Một điểm nổi lên trong năm 1951 là “nạn vàng hóa” làm cho chất lượng quân đội giảm sút rõ rệt. Bằng các cuộc càn quét để cưỡng bức bắt lính3, Pháp đã nâng tỷ lệ lính ngụy trong tổng quân số trên toàn Đông Dương từ 51% (122.400/239.400) cuối năm 1950 lên 62% (210.000/338.000) cuối năm 1951. Trong biên chế nhiều tiểu đoàn Âu - Phi, quân ngụy đã chiếm từ 1/3 đến 1/2.

        Mặt khác, do tập trung lính Âu - Phi để tổ chức các binh đoàn cơ động và dùng quân ngụy thay thế nhiệm vụ chiếm đóng và bình định nên chất lượng quân chiếm đóng cũng ngày càng thấp kém. So với mùa hè năm 1950, phạm vi chiếm đóng của Pháp trong thu đông 1951 đã thu hẹp lại, nhưng do quân dân Việt Nam đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch nên buộc Pháp phải tăng lực lượng chiếm đóng từ 77 tiểu đoàn lên 109 tiểu đoàn chính quy, tức 67% tổng số lực lượng của Pháp trên toàn Đông Dương. Riêng lực lượng chiếm đóng của quân ngụy đã từ 35 tiểu đoàn tháng 11 năm 1950 tăng lên 65 tiểu đoàn tháng 12 năm 1951, tức 59% tổng số lực lượng chiếm đóng của Pháp trên toàn Đông Dương.

        Quá say sưa với kết quả một năm xây dựng lực lượng, Đờlát không hề biết rằng ngay từ hồi đó, đối phương đã sớm phát hiện chỗ yếu rất cơ bản của những con số được Bộ tham mưu quân viễn chinh tô vẽ trên những biểu đồ quân lực:

        1. Pháp đã đạt được kết quả đáng kể trong việc phát triển quân số, nhưng số lượng càng tăng thì chất lượng càng giảm vì thành phần quân ngụy đã chiếm gần hai phần ba tổng số lực lượng Pháp - ngụy.

        2. Pháp đã nhanh chóng xây dựng được một đội quân cơ động chiến lược tương đối lớn gồm 29 tiểu đoàn bộ binh và lính dù chính quy, chiếm 18% tổng quân số, nhưng số quân cơ động chiến thuật lại giảm (do phải “đôn” lên để xây dựng các GM) và chất lượng quân chiếm đóng cũng giảm (do thành phần quân ngụy thay thế quân Âu - Phi chiếm đóng tăng lên).

        3. Quân chính quy cơ động đối phó với chủ lực đối phương ở mặt trận phía trước tăng lên, nhưng khả năng đối phó tại chỗ với chiến tranh du kích trong vùng tạm chiếm lại giảm đi.

---------------------
        1. Từ tháng 11 năm 1950 đến tháng 12 năm 1951, lực lượng cơ động chiến thuật của địch giảm từ 27% xuống 15% tổng binh lực Pháp - ngụy toàn Đông Dương, tức giảm từ 33 tiểu đoàn xuống 22 tiểu đoàn.

        2. Ở Nam Bộ: sư đoàn 1 gồm 7 tiểu đoàn BVN, 1 đại đội thông tin, 1 đại đội công binh do đại tá Xomperắc (Sompairac) chỉ huy; ở Trung Bộ: sư đoàn 2 gồm 4 tiểu đoàn BVN, 1 đại đội thông tin, 1 đại đội công binh, do đại tá Ơgierơ (Euzière) chỉ huy; ở Bắc Bộ: sư đoàn 3 gồm 11 tiểu đoàn BVN, 1 đại đội thông tin, 1 đại đội công binh, do đại tá Viđan (Vidal) chỉ huy; ở Tây Nguyên, sư đoàn 4 gồm 6 tiểu đoàn người Thượng (BM), 1 đại đội thông tin, do trung tá Canmông (Calmon) chỉ huy.

        3. Riêng tại Bắc Bộ, chỉ trong tháng 9 năm 1951, Pháp đã càn bắt 10.000 thanh niên đưa vào lính ngụy.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:08:11 am

VIÊN TƯỚNG GIÀ VÀ VÙNG “ĐỒNG BẰNG CÓ ÍCH”

        So với các viên tổng chỉ huy trước, Đờlát là người đặc biệt coi trọng chiến trường Bắc Bộ.

        Để “đứng vững ở khu then chốt cửa ngõ Đông Nam Á” trong chiến lược chống cộng của Mỹ tại vùng lục địa Tây Thái Bình Dương, Đờlát tập trung ra Bắc Bộ một lực lượng rất lớn. Viên tổng chỉ huy hy vọng rằng với quân số đông, quân Pháp không những có thể đối phó hữu hiệu với chủ lực đối phương mà còn nhanh chóng thực hiện được ý đồ “tẩy hết những chấm đỏ ngày càng phát triển ngay trong vùng đồng bằng có ích, những chấm đỏ khiến cho tướng quân không chịu nổi”, như Bộ tham mưu Pháp thường nói.

        Đến cuối năm 1951, chiến trường Bắc Bộ đã thu hút 54% lực lượng bộ binh và lính dù (chính quy) của Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương, 50% lực lượng pháo binh, 42% lực lượng cơ giới - thiết giáp, 71% lực lượng công binh, 40% lực lượng vận tải.

        Tuy nhiên, do lấy việc bảo vệ “vùng đồng bằng có ích” làm nhiệm vụ hàng đầu, nên trong bố trí binh lực, Đờlát vẫn tạo ra những sơ hở trên các chiến trường khác ngay trên địa bàn Bắc Bộ. Chẳng hạn Tây Bắc là một chiến trường rừng núi rộng gấp hai lần đồng bằng Bắc Bộ, có tầm chiến lược quan trọng ở vùng biên giới nối liền ba nước Việt - Trung - Lào, nhưng Pháp chỉ bố trí ở đây có 8 tiểu đoàn chính quy, tức gần 10% toàn bộ lực lượng của chúng ở Bắc Bộ.

        Từ trung tuần tháng 1 năm 1951, khi chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam mở chiến dịch tiến công vào Vĩnh Yên, một vấn đề đặt ra với Đờlát là liệu lực lượng cơ động chiến lược hạn chế của Pháp có đủ sức giữ vững đồng bằng Bắc Bộ trước một đối phương đã lớn mạnh và đang hướng về vùng châu thổ sông Hồng? Sau khi dùng quyền tối hậu quyết định của tổng chỉ huy để gạt bỏ mọi ý kiến bàn ra tán vào, Đờlát giao cho tướng Đờ Linarét trực tiếp điều hành việc xây dựng phòng tuyến boong ke bao quanh đồng bằng Bắc Bộ. Để gắn chặt số phận của mình với số phận phòng tuyến do chính mình nặn ra, viên tổng chỉ huy đã không do dự đặt cho nó một cái tên: phòng tuyên Đờlát.

        Phản ánh âm mưu thâm độc của Bộ chỉ huy Pháp cố bám lấy vùng đồng bằng đông người nhiều của, phòng tuyến Đờlát là một công trình quy mô lớn, một hệ thống phòng ngự hoàn chỉnh từ ngoài vào trong nhằm mục đích ngăn chặn đối phương từ xa đến gần.

        Bên ngoài cùng của phòng tuyến là một “vành đai không an toàn”, do không quân đảm nhiệm, với mục đích làm rối loạn đội hình và ngăn chặn từ xa các cánh quân của đối phương trên đường tiến vào đồng bằng. Tiếp đến là một “vành đai trắng”, còn được gọi là “vùng đất không người” (no man’s land), rộng chừng 5 kilômét, do các đội tuần tiễu cùng với máy bay và pháo binh đảm nhiệm, nhằm phát hiện và tiêu hao lực lượng đối phương vận động tiếp cận. Ngay sau vành đai trắng là phòng tuyến chính, bao gồm hàng loạt vị trí kéo dài từ vùng mỏ Đông Bắc, lên Sơn Tây ở trung du xuống Ninh Bình - Phát Diệm ở phía nam hạ lưu sông Hồng. Mỗi vị trí gồm một lô cốt “mẹ” ở giữa với 5-7 lô cốt “vệ tinh” chung quanh. Các lô cốt được xây dựng bằng ximăng cốt sắt, nửa chìm nửa nổi, đủ sức chịu đựng hỏa lực pháo 105 milimét. Một hệ thống đường giao thông ngầm nối liền các lô cốt. Một mạng lưới hỏa lực chéo cánh sẻ khiến cho các lô cốt trong từng vị trí có thể yểm trợ lẫn nhau. Mỗi lô cốt đều có hàng rào dây thép gai bao bọc, quanh mỗi vị trí là một bãi mìn rộng chừng 100 mét kết hợp với 3-4 lớp dây thép gai. Pháp bố trí ở mỗi vị trí chừng một đại đội Âu - Phi. Dựa vào công sự vững chắc và hỏa lực mạnh, lực lượng này có nhiệm vụ chặn đứng các cuộc tiến công và thâm nhập của đối phương vào đồng bằng. Bên trong phòng tuyến chính chừng 4-5 kilômét là các đơn vị cơ động có nhiệm vụ ứng cứu khi phòng tuyến bị đối phương uy hiếp.

        Trải qua mười tháng xây dựng gấp rút, phòng tuyến đã hình thành với trên 80 vị trí, khoảng 800 lô cốt. Gần 25 tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ (16% tổng số binh lực Pháp - ngụy trên toàn Đông Dương) bị chôn chân trên phòng tuyến cùng với 1.200 khẩu cối, 500 khẩu pháo từ 37 đến 105 milimét, trên 10.000 súng tự động...

        Đờlát hy vọng với ba yếu tố chủ yếu (công sự vững chắc, hỏa lực mạnh, quân ứng chiến đông và cơ động), chắc chắn phòng tuyến sẽ hoàn thành được chức năng của nó là bịt đường đối phương tiến vào đồng bằng. Nhưng ngay từ cuối năm 1951, thực tế chiến trường Bắc Bộ đã sớm chứng minh những nhược điểm của phòng tuyến Đờlát. Từ thực tế đó, sau này tướng Nava vạch rõ: Việc thiết lập một phòng tuyến giống như chiến lũy Maginô thu nhỏ lại, với tiền bạc đổ vào vô kể1 đã không đem lại tác dụng gì như ý định vạch ra khi xây dựng nó. Quân Pháp chưa phải dùng đến phòng tuyến này để đánh lui một cuộc tiến công quy mô lớn nào của đối phương, nhưng phòng tuyến lại tỏ ra hoàn toàn bất lực không ngăn chặn nổi các đơn vị quân đội và các đoàn tiếp tế của Việt Minh đã lợi dụng các khe hở để bí mật ra vào đồng bằng một cách tự do. Các đơn vị quân đội Pháp bị giam chân bất động trong các công sự đã giảm sút tinh thần nhanh chóng…

---------------------
        1. Để xây dựng phòng tuyến Đờlát, Pháp đã phải chi tiêu ba tỷ phrăng. Số ximăng được sử dụng lên tới 51 triệu mét khối.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:08:56 am

        Dùng phòng tuyến để bảo vệ đồng bằng Bắc Bộ chưa đủ, vì khi mà đối phương chủ trương “đánh cả ở sau lưng, bên sườn và ngay trong ruột quân địch”, thì “vùng đồng bằng có ích vẫn luôn luôn đứng trước nguy cơ bị ruỗng nát”. Một yêu cầu chiến lược đặt ra với Đờlát là làm sao xóa cho được “những chấm đỏ” ngày càng sinh sôi nảy nở ngay trong vùng tạm chiếm. Yêu cầu đó càng trở nên cấp thiết để làm sao, khi phòng tuyến hình thành, bên trong của nó không còn bị “ung thối”(!)

        Năm 1951, trong khi ra sức phát triển lực lượng, xây dựng phòng tuyến và đối phó với các chiến dịch tiến công của chủ lực Quân đội nhân dân Việt Nam thì quân Pháp cũng đồng thời tiến hành các cuộc hành binh càn quét quy mô ngày càng lớn. Và, vùng tạm chiếm ở đồng bằng Bắc Bộ vẫn nổi lên là mục tiêu quan trọng vì nó bị những “chấm đỏ” uy hiếp nặng nhất.

        Nếu trong mỗi cuộc hành binh bình định ở Trung và Nam Bộ, Pháp thường chỉ dùng nhiều nhất là 3-4 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn pháo binh, càn quét 2-3 ngày, thì trên chiến trường Bắc Bộ, trong mỗi trận chúng thường dùng từ 6 đến 18 tiểu đoàn bộ binh, 3-4 tiểu đoàn pháo binh, càn quét dài ngày, có khi chà đi xát lại một địa phương liên tục trong 2-3 tuần.

        Năm 1951, chỉ riêng trong vùng tạm chiếm ở Việt Nam, địch đã mở 119 trận càn, gấp hai lần năm 1950 (Bắc Bộ 49, Trung Bộ 44, Nam Bộ 26)

        Với binh lực lớn, càn đi quét lại nhiều lần, nhằm tàn sát nhân dân, triệt phá kinh tế và bắt lính, các cuộc hành binh nói trên đã làm cho cuộc đấu tranh trong vùng tạm chiếm diễn ra vô cùng ác liệt về nhiều mặt. Thế nhưng, tất cả vẫn chỉ đem lại cho quân Pháp những kết quả rất hạn chế về mặt quân sự. Nhiều tướng lĩnh Pháp phải thừa nhận rằng những phương tiện chiến tranh hiện đại của họ triển khai rầm rộ nhằm tiêu diệt những chiến sĩ du kích lúc ẩn lúc hiệu đã tỏ ra bất lực trước hàng trăm ngàn tai mắt của dân chúng. Hơn thế nữa, tập trung lực lượng để càn quét nơi này, làm cho nơi khác trở nên sơ hở, cũng tức là tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương đẩy mạnh các mặt hoạt động.

        Chính vì vậy mà Đờlát và đồng bọn đều cho rằng quân sự không thể và không phải là mục tiêu chủ yếu trực tiếp trong các cuộc hành binh càn quét của chúng. Kinh nghiệm của các tướng thực dân tiền bối, như thống chế Ácnô (Saint Arnaud) trong cuộc chiến tranh xâm lược Mađagaxca, thống chế Lyôtây trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, đã dạy cho các tướng lĩnh Pháp lớp con cháu phải chiếm lấy nguồn sức người, sức của không để lọt vào tay đối phương, phải giết hại trâu bò, phá hủy nông cụ, cướp phá lương thực với mục đích “đập vỡ nồi cơm của mọi người dân”. Các chỉ thị ngày 14 tháng 3 năm 1951 của tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ, 13 tháng 6 của thủ hiến Bắc phần, 3 tháng 9 của phòng tham mưu vùng Nam sông Hồng,... đều nhấn mạnh yêu cầu dùng mọi thủ đoạn dã man nhất như đổ xăng vào thóc để đốt, dùng xe bọc thép triệt phá lúa chín ngoài đồng, không để một con trâu bò chạy thoát trước mũi súng...

        Đờlát và đồng bọn không những hài lòng về những cuộc vây ráp bắt lính trong các trận càn quét để tổ chức đội quân tay sai rẻ tiền mà còn tự hào về những con số thống kê các cuộc tàn sát dân chúng, số đê điều và nông cụ bị phá, số lúa gạo bị chúng đốt cháy hoặc cướp bóc1.

        Tất nhiên, Đờlát không thể nào hình dung được rằng kẻ đã lập nên những “chiến tích” ấy lại chính là kẻ đổ thêm dầu vào ngọn lửa căm thù ngùn ngụt của dân tộc Việt Nam. Bécna Đờlát đã có lý khi nói với viên tổng chỉ huy, bố gã ta rằng: “Số người bị sát hại càng nhiều thì số người nổi dậy càng tăng”. Gần một năm sau, cho đến lúc về chầu Chúa, viên tướng già có lẽ vẫn chưa thấy hết ý nghĩa của chân lý giản đơn đó.

---------------------
        1. Mấy con số làm ví dụ:

            - Trận càn “Quả quýt” (Mandarine) ở vùng Tiên - Duyên - Hưng (Thái Bình) tháng 9 năm 1951, Pháp bắt 8.000 dân, giết 2.000 người, giết và cướp 2/3 trâu bò.

            - Những vụ tàn sát ở Quỳnh Lang, Thái Bình (giết 3.000 người), Chợ Cạn, Bình Trị Thiên (giết 1.000 người), vụ thảm sát ở bốt Đởm, Hưng Yên,... đều diễn ra trong các cuộc càn quét khốc liệt của Pháp.

            - Năm 1951, trong các cuộc càn quét, Pháp đã cướp của nhân dân Việt Nam 359.000 tấn gạo, trong đó có 40% vụ lúa chiêm ở nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ (tỉnh Hà Đông 4.246 tấn; Thái Bình và Nam Định, mỗi tỉnh khoảng 5.000 tấn).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:12:18 am
     
KHẨU SÚNG NGẮN CHĨA THẲNG VÀO TIM QUÂN THÙ

        Sau chuyến đi Mỹ và Anh, khi trở lại Đông Dương và kiểm điểm tình hình mọi mặt, Đờlát tỏ ra hài lòng.

        Về chính trị, tuy nhiều nhân vật tai to mặt lớn ở Pari có phần tỏ ra “thối chí” trước xu thế phát triển của chiến trường, nhưng số vũ khí mà Mỹ chấp nhận viện trợ cho quân Pháp ở Đông Dương đã khiến phái hữu trong chính phủ Pháp tỏ ra “cứng rắn” hơn. Không những thế, họ còn đốc thúc các tướng lĩnh Pháp ở đây hãy nhân cơ hội này mà mau “đẩy tới” cuộc chiến tranh càng sớm càng tốt, miễn là đừng đòi Pari tăng viện binh lực, một việc mà nước Pháp không đáp ứng nổi. Viện trợ của Mỹ và sự ra đời của “quân đội quốc gia” làm cho ngụy quyền Bảo Đại phấn chấn và tỏ thái độ dễ chịu hơn.

        Về quân sự, tốc độ xây dựng các binh đoàn cơ động chiến lược cũng như các đơn vị chính quy “quốc gia” được coi là nhanh. Việc càn quét vùng đồng bằng tiến triển khá tốt, tuy yêu cầu “xóa sạch những chấm đỏ” trong vùng Pháp kiểm soát còn là mục tiêu xa vời. Việc xây dựng phòng tuyến tuy có chậm so với kế hoạch nhưng kết quả bước đầu đã đem lại lòng tin đối với những người lính sống trên “mảnh đất bất trị” của vùng châu thổ sông Hồng.

        Trên chiến trường Tây Bắc, mặc dù binh lính bị thiệt hại vì phải chống trả một cuộc tiến công nhỏ nhưng khá ác liệt trong suốt mười ngày, đồn binh Nghĩa Lộ vẫn cố gắng đứng vững được.

        Sau các chiến dịch Xuân Hè, các đơn vị chủ lực Việt Minh đang trong thời kỳ nghỉ ngơi và củng cố. Ý định sắp tới của đối phương ra sao? Chưa thăm dò được động tĩnh của họ. Dù mùa khô này Việt Minh có hướng hoạt động của họ vào vùng đồng bằng (giả thuyết: nếu họ vượt qua được phòng tuyến) thì với trang bị được tăng cường, với lực lượng dự bị chiến lược hùng hậu gồm 30 tiểu đoàn, bộ chỉ huy Pháp tin rằng họ sẽ “bẻ gãy” được mọi ý đồ của đối phương. Tuy vậy, xét khả năng các sư đoàn chủ lực của Việt Nam, Đờlát cho rằng trước sau nỗ lực quân sự của Pháp vẫn phải dốc nhiều hơn nữa vào Bắc Bộ, “cái chiến trường cứng đẩu cứng cổ” mà ông ta chưa hề gặp suốt trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Còn chiến trường miền Trung, sau tổn thất hồi tháng 7 trên “con đường không vui” gần Huế, tướng Lôriô đã thành công trong việc tổ chức các đoàn xe vận tải tiếp tế cho quân Pháp ở Lào. Hoạt động bất ngờ của Việt Minh ở Cao Nguyên (tiến công Complong ngày 6 và Comphong ngày 25 tháng 8) làm cho các đơn vị địa phương của tướng Lơ Cốc bị thiệt hại nặng. Tại Nam Bộ, mặc dù vùng cao su Lộc Ninh nhiều lần bị uy hiếp nhưng Pháp đã lôi kéo được các giáo phái nên tình hình không đến nỗi nghiêm trọng, dù từ đầu năm nhiều tiểu đoàn chính quy đã bị điều ra Bắc. Chỉ đáng buồn là sáng 31 tháng 7, tướng Săngxông - tư lệnh quân Pháp ở Nam Bộ - đã bị bỏ mạng cùng “thủ hiến Nam Việt” Thái Lập Thành trong một cuộc đi thị sát chiến trường ở Sa Đéc.

        Trên mặt trận ngoại giao, việc đồng minh Anh - Mỹ công nhận “chính phủ” Bảo Đại, Oasinhtơn gọi Thibô về và cử Hít1 sang làm đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ ở Sài Gòn, tất cả những sự kiện đó là những thắng lợi quan trọng, tạo điều kiện cho chuyến công cán sang Mỹ vừa qua đạt kết quả.

        Tóm lại, theo nhận định của bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp, “nhìn chung, cán cân đã nghiêng về phía Pháp... Đã đến lúc có thể dứt khoát từ bỏ thái độ phòng ngự mà Pháp đã phải chịu đựng từ năm 1948, nhất là từ cuối năm 1950, để chuyển sang tiến công...”

        Ông Giáp sẽ tiến công trên hướng nào mùa khô sắp tới? Nếu Pháp ra quân trước thì nên chọn mục tiêu nào? Câu hỏi chưa có lời đáp thì chiều 4 tháng 11, từ Pari bay sang một công văn mật: Chính phủ giục tiến công! Ngồi đối diện với tổng chỉ huy trong đại bản doanh, Xalăng thấy Đờlát “mặt tối sầm lại”.

---------------------
        1. Thibaut de Saint Phalle, nhân viên CIA, sang Đông Dương cùng Pháp xúc tiến kế hoạch chống cộng từ 1950. Nhưng vì hành động lộ liễu khiến cho Pháp đánh hơi thấy Mỹ muốn nhúng tay sâu vào nội bộ Pháp - ngụy ở Đông Dương, Đờlát đã vận động để Oasinhtơn triệu hồi Thibaut về nước và cử Heath sang làm đại sứ Mỹ ở Việt Nam. Donalt Heath vốn là sĩ quan liên lạc giữa quân đội Mỹ và quân đoàn 1 của Đờlát trên chiến trường châu Âu hồi cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Chuyến công cán của Đờlát sang Mỹ hồi tháng 9 cũng do Heath đứng ra làm môi giới.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:13:31 am

        Vừa đưa cho Xalăng xem tờ công văn, Đờlát vừa tỏ nỗi bất bình:

        - Ở Pari họ chẳng hiểu gì cả. Họ cho rằng tôi án binh bất động, không có tinh thần tiến công và bỏ phí thì giờ không biết kết thúc sớm... Họ không biết rằng tôi còn cần vài tuần nữa để hoàn tất phòng tuyến bê tông và xây dựng một đội quân Việt Nam cũng đông như quân của ông Giáp. Họ muốn rằng tôi tiến công, rằng tôi phải kết thúc sớm cuộc chiến tranh này đi... Tiến công, tiến công... Được, đồng ý. Tôi sẽ tiến công... Ông cho tìm ngay Đờ Linarét...

        Một quyết định chiến lược khiến cho Xalăng và Đờ Linarét “nhìn nhau, sửng sốt, nếu không nói là bàng hoàng”:

        - Tôi sẽ đánh ra Hòa Bình, sẽ bẻ Việt Minh ra làm đôi!

        Trong lúc cùng cơ quan tham mưu nghiên cứu bản đồ và chuẩn bị phương án, hai viên tướng không dám nói ra nhưng đều không tán thành ý đồ chiến lược của tổng chỉ huy. Xalăng chủ trương chờ đợi và phát hiện hướng tiến công của đối phương đã, sau đó mới buộc họ phân tán lực lượng và dồn họ vào chỗ thất bại. Còn Đờ Linarét thì muốn dùng các đơn vị cơ động tiếp tục càn quét đồng bằng vì nguy cơ “ung thối” ngày càng tăng. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ của hai viên tướng cấp dưới. Còn thái độ của Đờlát đã rõ ràng rồi. “Tướng quân đã quyết định chơi một canh bạc lớn...”.

        - Trước hết là Chợ Bến, tiếp theo là Hòa Bình. (Hai viên tướng im lặng)... Các ông hãy tin ở tôi, phải hành động như vậy thôi. Cho đến nay, chúng ta chưa hề bao giờ nắm được quyền chủ động. Chúng ta đã tự bằng lòng với việc dập tắt những ngọn lửa do Việt Minh nhóm lên (ý nói bị động đối phó với các chiến dịch tiến công của quân chủ lực Việt Nam). Tôi thách tướng Giáp đấy, để xem ông ta có chấp nhận lời thách thức này không...”.

        Kết luận cuối cùng: 1. Dùng tới mức tối đa quân Việt (ngụy) vào chiến dịch tiến công; 2. Tuyệt đối bí mật, phải giành cho được hoàn toàn bất ngờ; 3. Ngày 10 đánh ra Chợ Bến; 4. Phân công: “Linarét, phần ông Chợ Bến; Xalăng, ông điều khiển đánh ra Hòa Bình...”.

        Hai viên tướng ra khỏi phòng của tổng chỉ huy lúc ba giờ sáng.

        “Canh bạc lớn” bắt đầu.

        Vì sao Đờlát chọn Hòa Bình làm mục tiêu của cuộc tiến công chiến lược? Ngay trong bộ tham mưu Pháp, câu hỏi này cũng được đặt ra.

        Trước đó, vào cuối tháng 10 năm 1951, viên tổng chỉ huy Pháp đã thất bại trong kế hoạch tiến công Thanh Hóa. 10 tiểu đoàn bộ binh và các phương tiện kỹ thuật cần thiết được huy động để bất ngờ đổ bộ lên vùng bãi biển Sầm Sơn, trong khi 8 tiểu đoàn dù sẵn sàng được ném xuống để đánh chiếm thị xã Thanh Hóa và vùng phụ cận. Giữa đường hành quân gặp bão năm ngày liền, đoàn tàu phải quay mũi trở lại Hải Phòng. Cuộc tiến công không thành nhưng Đờlát vẫn “ôm mộng lớn là đánh bật Việt Minh ra khỏi vùng họ đang kiểm soát” (!).

        Nếu Thanh Hóa là một vùng tự do trù phú mà Đờlát đã chú ý từ lâu và chỉ chờ cơ hội thuận tiện để đánh chiếm thì Hòa Bình lại có tầm quan trọng khác về mặt chiến lược.

        Về quân sự, Hòa Bình nằm trên hành lang vận chuyển chủ yếu của đối phương giữa Việt Bắc với đồng bằng và vùng tự do Khu 4. Chiếm Hòa Bình, “nếu không hoàn toàn chắc chắn ngăn chặn được nguồn tiếp tế của cộng sản thì ít nhất cũng gây khó khăn cho việc vận chuyển các trang bị nặng của họ”. Chiếm Hòa Bình, mở rộng phạm vi kiểm soát của quân Pháp từ dãy Ba Vì đến sát đồng bằng, sẽ tạo điều kiện mở rộng phòng tuyến từ hữu ngạn sông Đà đến trục đường số 6, Xuân Mai - Hòa Bình. Đờlát còn hy vọng rằng với việc chiếm đóng Hòa Bình, ông ta sẽ “thu hút được đối phương đến một chiến trường đã chọn và đã chuẩn bị sẵn” để làm suy yếu, thậm chí “nghiền nát” lực lượng của họ, sau đó sẽ dùng các vị trí mới chiếm được làm căn cứ xuất phát, “chọc những mũi thật sâu vào sào huyệt đối phương”.

        Về mặt chính trị, đánh chiếm thị xã Hòa Bình, “thủ phủ của Xứ Mường” sẽ thu hút được dân chúng địa phương, “duy trì được lòng trung thành của họ đối với nước Pháp” (!).

        Một mục đích khác không kém phần quan trọng là gây tiếng vang ở Pari và Oasinhtơn. Quốc hội Pháp sắp họp bàn về Ngân sách chiến tranh cho Đông Dương năm 1952-1953 và chính phủ rất cần có một chiến thắng để vượt qua những khó khăn nội bộ”. Mặt khác, “một chiến thắng của Pháp ở Đông dương sẽ kích thích các nghị sĩ Mỹ trong việc bỏ thêm vốn đầu tư vào gánh vác chung với Pháp trong cuộc chiến tranh này”. Đó là nguồn gốc của “bức điện thúc giục tiến công” mà Đờlát nhận ngày 4 tháng 11.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:13:50 am

        “Canh bạc lớn” của Đờlát quả là mang nhiều ý nghĩa.

        Mở màn, “cuộc dạo mát ra Chợ Bến” bịt được “một lỗ hổng giữa Hòa Bình và Phủ Lý mà Việt Minh đã lợi dụng để thâm nhập đến tận sông Đáy, phía nam đồng bằng”. Cuộc hành binh chớp nhoáng bắt đầu ngày 9, kết thúc ngày 10, đã làm cho “đối phương bị ngất lịm” (!).

        Để kịp thời khuếch trương chiến quả, ngày 11, bản mệnh lệnh số 2 được tung ra: lợi dụng những điều kiện thuận lợi do cuộc hành binh ra Chợ Bến tạo nên, cuộc tiến công ra Hòa Bình phải được tiến hành chậm nhất vào ngày 14 tháng 11.

        Với 15 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 7 tiểu đoàn pháo binh, 2 liên đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn công binh, 2 thủy đội xung kích (dinassaut), Pháp tiến quân làm hai cánh: Cánh Bắc từ Sơn Tây và Trung Hà theo hai đường thủy bộ tiến về Ấp Đá Chông, Tu Vũ. Cánh Nam, từ Xuân Mai tiến theo đường số 6, kết hợp với quân dù chiếm thị xã Hòa Bình. Giữa hai cánh Bắc Nam là một “cánh quân liên lạc” từ Yên Lệ lên Bãi Vàng, Trại Khoa, rồi tiến về Hòa Bình.

        Cuộc hành binh không gặp trở ngại gì đáng kể, mặc dù lực lượng biệt kích lính thủy đánh bộ phải dùng tàu tiến ngược dòng sông Đà ngoằn ngoèo lởm chởm thác ghềnh, mặc dù đường bộ bị phá hoại “đã biến mất trong rừng cây cối um tùm hoặc chỉ còn là một vết mòn vắt qua những dãy núi; cầu cống chỉ còn trơ lại những tảng đá hoặc những khối xi măng...” khiến cho bộ binh Pháp phải “trèo đèo, lội suối, băng đường, vượt rừng rậm hoặc luồn trong những bãi lau sậy cao hơn đầu người...”.

        Ngày 14, ba tiểu đoàn dù nhảy xuống, đến 17 giờ thì chiếm xong thị xã Hòa Bình “đã tiêu thổ”. Các mục tiêu khác trên đường số 6 và hai bờ sông Đà đều nhanh chóng rơi vào tay quân Pháp, đến nỗi tướng Mácsăng phải thốt lên rằng quân Pháp chẳng phải đánh chác gì mà cũng chiếm được một khu vực đồi núi chạy ven sông Đà đến Hòa Bình. Theo Bécna Phôn, các ký giả phương Tây đã đưa lên mặt báo những lời giật gân, khen “chiến dịch Hòa Bình là một khẩu súng ngắn chĩa thẳng vào tim quân thù...”.

        Ngày 15, chiến dịch tiến công ra Hòa Bình được coi là kết thúc thắng lợi. Cùng ngày, tại Hà Nội, Đờlát họp báo, tuyên bố: “Tôi đã tóm cổ quân địch” (!). Vậy mà hôm sau khi cùng tướng Xalăng hạ cánh xuống Hòa Bình, viên tổng chỉ huy lại ra lệnh cho quân lính: “Bây giờ mới sắp đến lúc khó khăn. Các anh hãy chờ đợi cuộc đụng độ với Việt Minh... Hãy đào công sự”.

        Sau những lời động viên và ra lệnh, Đờlát trở về Hà Nội để rồi bốn ngày sau đi Pháp chữa bệnh. Theo nhận xét của tướng Xalăng, cuộc chiến tranh ở cái xứ Đông Dương khắc nghiệt này, cộng thêm cái chết của Bécna và bệnh hoạn... tất cả đang đục khoét tinh thần và thể xác của viên tướng già. Coi việc đưa được đám quân ra Hòa Bình là một “chiến tích” để họp báo theo thói quen và sở trường, tiếp đến mấy lời dặn dò, sau đó phó thác sinh mạng hàng vạn binh lính cho sự may rủi, tướng quân về nước (và sẽ chẳng bao giờ trở lại cái xứ Đông Dương “tổ ong vò vẽ” này nữa). Người ta trách tướng quân đã đem con bỏ chợ, điều đó cũng không phải là quá đáng.

        Nếu đối với Đờlát, kẻ ra đi dễ dàng bao nhiêu thì đối với những kẻ ở lại, từ Xalăng, Đờ Linarét đến mỗi tên lính, vấn đề khó khăn đặt ra là: Việt Minh ở đâu, họ sẽ đánh thế nào? Bởi vì “dưới bầu trời xanh nhạt, máy bay ra sức tìm kiếm suốt ngày nhưng vô hiệu quả, không phát hiện một dấu vết của quân thù”.

        Theo Bécna Phôn, ông Giáp có phương pháp riêng của mình. Ông không giao chiến ngay nếu không ưu thế về lực lượng. Khi đã để cho quân Pháp tung hết sức đánh vào chỗ không người trên chiến trường rừng núi, tức là tạo cho ông một khả năng chiến thắng như ở đường số 4 năm 1950, ông Giáp mới điều gần hết quân chính quy ra mặt trận Hòa Bình “với một sự nhanh chóng kinh khủng”.

        Chấp hành lệnh của tổng chỉ huy Đờlát, mọi công tác chuẩn bị trận địa phòng ngự được xúc tiến khẩn trương. Công sự mọc lên giữa những lớp dây thép gai và bãi mìn. Pháo binh, súng cối chuẩn bị sẵn phần tử bắn để bảo vệ từng vị trí và theo kế hoạch yểm trợ hỏa lực chung trong từng khu vực. Một đài quan sát cao 1.200 mét được thiết lập trên núi Ba Vì. Các vị trí dọc đường số 6 (từ Hòa Bình đến Xuân Mai) và trên hai bờ sông Đà, nhất là Tu Vũ, Xóm Pheo, Đèo Kẽm... được gấp rút củng cố để hai đường thủy bộ này được dùng làm hai trục tiếp tế chính cho “cái dạ dày Hòa Bình”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:14:59 am

ĐỐI PHƯƠNG KHÔNG CHỊU NGỒI YÊN

        Quân Pháp vừa gấp rút củng cố trận địa phòng ngự vừa theo dõi động tĩnh. Nhưng họ không phải chờ đợi lâu, vì, như tướng Mácsăng nhận xét, “quân địch không thể ngồi yên... Bằng bất kỳ giá nào, họ cũng phải trả lời hành động tiến công của quân Pháp”.

        Quân đội nhân dân Việt Nam không những đã xuất hiện mà còn sớm phát hiện những điểm yếu rất cơ bản của quân Pháp trong chiến dịch tiến công ra Hòa Bình.

        Bộ tham mưu Pháp báo cáo: không những đối phương đã điều ba sư đoàn chủ lực lên mặt trận Hòa Bình mà hai sư đoàn khác “coi như không có phòng tuyến Đờlát”, đã tiến vào đồng bằng để giúp đỡ cho các đội du kích đang kiên trì hoạt động ngay trong những vùng mà quân Pháp vừa càn quét. Để đưa khí tài, vũ khí, lương thực ra tiền tuyến, đối phương đã huy động hàng vạn dân công vận tải, đi thành từng đoàn người vô tận. Gồng gánh trên vai, cả ngày lẫn đêm, đoàn người đó đi mãi, đi mãi theo những đường mòn mà không quân Pháp không sao đủ sức để đánh phá cho xuể…

        Mácsăng viết: “Đối phương quyết vượt chúng ta về tốc độ. Họ lợi dụng thời cơ khi các cứ điểm của ta đứng chân chưa vững để tiêu diệt binh lực ta... Tiêu diệt lực lượng ta, đó là nhân tố quan trọng nhất trong chiến lược của họ...”. Điều đó càng trở nên thuận lợi khi quân Pháp vượt khỏi phòng tuyến để ra một địa bàn rừng núi, xa hẳn và cô lập với đồng bằng là nơi lực lượng cơ động của Pháp tập trung đông, binh khí kỹ thuật có điều kiện phát huy tác dụng.

        Đòn đầu tiên xảy ra trong những ngày 25-26 tháng 11 ở Thu Cúc - Lai Đồng. Một đơn vị quân chủ lực Việt Nam đang chuẩn bị chiến trường thì tiểu đoàn ngụy Thái 1er BAT do thiếu tá Vôđrây (Vaudrey) chỉ huy từ Quang Huy nhận lệnh “tiến về phía sau của sư đoàn 312 để phá rối công việc tiếp tế và trú quân của họ”. Đại bộ phận tiểu đoàn ngụy này đã bị tiêu diệt.

        Quyền tổng chỉ huy Xalăng sau này viết rằng, trận đánh đầu tiên của đối phương đã làm cho ông ta “lo sợ, vì để giữ các vị trí mới chiếm được, ắt phải trải qua những trận ác liệt… Phần lớn lực lượng (Pháp) ở Bắc Bộ, bao gồm số đông quân dù, đã được ném vào chiến trường (Hòa Bình) này... trong vài tuần tới, nếu đối phương tiến công ở nơi khác thì (Pháp) không còn lực lượng dự bị để đối phó...”. Nhưng rồi Xalăng lại tự an ủi: May mà đối phương dùng hai sư đoàn 304 và 312 vào các trận tiến công các đoàn vận tải trên sông và trên bộ, một sư đoàn ở mặt trận Hòa Bình - mặt trận trước mắt chưa được họ coi trọng. Rõ ràng, Việt Minh đang dồn sức vào đánh giao thông của Pháp trên sông Đà...

        Trong lúc bộ chỉ huy Pháp đang theo dõi hướng hoạt động chủ yếu của đối phương, thì ngày 10 tháng 12 tiểu đoàn dù 1er BEP (một trong những đơn vị tham gia cuộc càn lớn vào Làng Sui để ngăn chặn hoạt động của đối phương ở ven sông Đà) bị tiêu diệt.

        21 giờ đêm hôm đó, cứ điểm Tu Vũ bị tiến công.

        Đây là một trong những vị trí quan trọng nhất của quân Pháp trên tuyến sông Đà, do một tiểu đoàn Marốc (l/1 RTM) được tăng cường 1 đại đội xe tăng đóng giữ. Theo cách nói của Bécna Phôn, Tu Vũ được bố phòng “vững như một bàn thạch” và người ta hy vọng rằng cứ điểm này có thể chống lại “một sức ép phải chăng” của đối phương.

        Quyền tổng chỉ huy Xalăng tỏ ra “rất buồn phiền” khi nhận được báo cáo của đại tá Đôđơliê, chỉ huy phân khu sông Đà. Viên tướng “rất lấy làm tiếc” rằng quân pháp đã phải bắn tới 5.000 viên đại bác để yểm trợ cho Tu Vũ mà cứ điểm này vẫn bị tràn ngập.

        Gần như đồng thời với tin cứ điểm Tu Vũ bị tiêu diệt là tin đối phương đã thành công trong việc đưa sư đoàn 320 vào Phát Diệm và những trận chiến đấu ác liệt đang diễn ra ở vùng này. Tất cả máy bay được cấp tốc huy động để ném hai tiểu đoàn dù xuống cứu nguy cho Phát Diệm.

        Theo báo cáo của đại tá Clêmăng từ mặt trận Hòa Bình gửi về cho tướng Xalăng ở Hà Nội, ngay sau trận Tu Vũ, đối phương đang dồn lực lượng đánh mạnh trên các trục giao thông thủy bộ thuộc phân khu sông Đà, bắt đầu bằng trận đánh ngày 11 tháng 12 trên đường Yên Cư - Ấp Đá Chông. Lại một tiểu đoàn dù và một phân đội xe tăng được phái đến ứng cứu. Quân Pháp bị chết trên 100 nhưng mãi sáu ngày sau, con đường mới thông suốt. Sau đó, các trận khác liên tiếp xảy ra ở vùng Ấp Đá Chông - Núi Chẹ. Trong những ngày 22 tháng 12 năm 1951 và 12 tháng 1 năm 1952, hàng chục tàu vận tải (có lực lượng biệt kích lính thủy đánh bộ của các thủy đội xung kích hộ tống) bị đánh đắm; ngày 25 tháng 12, một đại đội Âu - Phi bị diệt gọn ở mỏm 564 Bắc Ba Vì...

        Đờlát rất mong đối phương “húc vào chỗ cứng” của quân Pháp là tập đoàn cứ điểm mới được xây dựng ở lòng chảo Hòa Bình. Nhưng quân ta lại nhằm vào hai trục giao thông thủy bộ mà đánh mạnh, đồng thời bao vây cô lập địch ở thị xã Hòa Bình. Điều bất ngờ đó hoàn toàn trái ngược với sự mong đợi của các tướng lĩnh Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:15:19 am

        Trên tuyến sông Đà.

        Mặc dù có lúc Pháp tập trung 12 tiểu đoàn bộ binh, 4 cụm pháo, 1 thiết đoàn tăng cường để bảo vệ tuyến vận chuyển đường sông này, nhưng cuối cùng “cái ống thực quản ướt” đó đã bị bóp nghẹt. Từ đầu tháng 12 năm 1951 đến giữa tháng 1 năm 1952, trước “lối đánh kinh khủng”, dẻo dai liên tục của quân ta (các ký giả ngoại quốc gọi là “chiến dịch kéo cưa”), quân Pháp đã bị thiệt hại quá nhiều về tàu tiếp tế và lính thủy đánh bộ. Bécna Phôn nhận xét rằng: Về mặt tác chiến trên sông, chắc chắn là từ cuộc nội chiến ở Mỹ đến nay mới thấy những trận đánh đẫm máu nhất ở khúc sông Đà nhỏ hẹp thuộc vùng núi Chẹ, với những “pha” chiến thuyền bị súng hoặc mìn hoặc cả người nhái nữa đánh đắm... Trong 150 năm qua, chưa bao giờ trường Đại học hải quân ở Pháp dạy cho học viên bất cứ một chiến thuật nào có thể áp dụng được trên chiến trường Đông Dương, dù chỉ là áp dụng một cách đại khái.

        Trên trục đường số 6 (40 kilômét, Xuân Mai - Hòa Bình)

        Để bảo đảm an toàn cho các đoàn xe vận tải, quân Pháp sửa 30 kilômét đường, bắc 12 cầu và phát quang hai bên đường số 6. Nhưng ngay từ đầu, chúng đã vấp phải những trận mà báo chí Pháp gọi là “phục kích không có cự ly của đối phương” làm cho chúng thiệt hại nặng nề. Theo số liệu của Bécna Phôn, riêng trong tháng 12, trên con đường chỉ dài bằng một phần ba tuyến sông Đà, chừng 100 xe các loại của Pháp đã bị phá hủy. Các ký giả ngoại quốc theo dõi chiến trường Hòa Bình nhận xét: nếu “ống thực quản ướt” (sông Đà) tồn tại được đến giữa tháng 1 năm 1952 thì “ống thực quản khô” (đường số 6) đã bị thắt chặt sớm hơn, từ cuối tháng 12 năm 1951, khiến cho “cái dạ dày Hòa Bình” cuối cùng đã bị hoàn toàn cô lập. Mọi cố gắng của tướng lĩnh Pháp nhằm đánh thông con đường huyết mạch này đều bị thất bại. Từ giữa tháng 1 năm 1952, 40 kilômét đường số 6 đã thu hút 12 tiểu đoàn bộ binh và dù, 3 cụm pháo, hàng trăm máy bay chiến đấu và vận tải, trong đó có 3 tiểu đoàn dù cơ động chiến lược có pháo và công binh tăng cường do đại tá Gin chỉ huy, tiếp đến GM1, được lần lượt điều tới để giải tỏa đường số 6. Nhưng tất cả các lực lượng trên đều bất lực, “không bảo đảm tiếp tế nổi cho 5 tiểu đoàn bộ binh đang bị trói chặt trong một cái túi không có giá trị gì về mặt chiến lược phản công”.

        Để cứu nguy cho Hòa Bình, tướng Xalăng quyết định tổ chức một cầu hàng không nối liền tập đoàn cứ điểm này với Hà Nội. Nhưng khốn nỗi lúc này quân dân Việt Nam đã kiểm soát các điểm cao chung quanh thị xã. Sân bay của tập đoàn cứ điểm Hòa Bình đã lọt vào ống kính trinh sát pháo binh Việt Nam. Nhiều ký giả Pháp ghi nhận rằng súng phòng không và pháo mặt đất của đối phương có hôm đã tiêu diệt nửa tá máy bay đậu trên đường băng hoặc bay trên không phận thị xã Hòa Bình.

        Cảnh khốn quẫn của quân đội Pháp đâu chỉ diễn ra và kéo dài trên vùng rừng núi Hòa Bình, nơi bộ chỉ huy Pháp đã phải điều lên một phần ba số lực lượng cơ động vốn được tập trung ở vùng châu thổ sông Hồng.

        Theo báo cáo Xalăng nhận được của tướng Đờ Linarét, đối phương đã nhân cơ hội Pháp sơ hở ở vùng đồng bằng để “thực thi một lối đánh ác hiểm khác”. Sư đoàn 316 tràn về vùng Bắc Ninh để xuống Hải Dương, sư đoàn 320 rải quân ra vùng Nam Định và lưu vực sông Hồng. Họ đã thu hút về đồng bằng một phần binh lực đã quá thiếu thốn của Pháp đang phải đối phó trên vùng sông Đà và đường số 6. Hai sư đoàn trên của đối phương đã đi vào dân chúng để tranh thủ lại các thôn xóm, giúp đỡ du kích ở địa phương tiến công vào bộ máy an ninh của Bảo Đại, tiêu diệt các đồn bốt, phá hoại giao thông... Bằng phương pháp vết dầu loang, họ lan dần trên hai bờ sông Luộc, cắt đôi đồng bằng, tạo nên một hành lang rộng rãi nối liền Đông Triều với vùng bờ biển Phát Diệm. Trong vùng hành lang đó, họ tuyển quân, quyên góp lương thực và xây dựng lại căn cứ với những làng chiến đấu có hầm ngầm để tránh đạn pháo và bom cháy. Từ những căn cứ đó, đầu tháng 2 năm 1952, các sư đoàn 316 và 320 cùng một bộ phận của sư đoàn 304 ở mặt trận Hòa Bình về và các trung đoàn độc lập ở địa phương (42, 46...) tiến công vào hàng loạt đồn bốt, phá hoại đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, phục kích trên các đường giao thông, v.v… Các đơn vị dự bị cuối cùng của Pháp (2 GM và 1 thiết đoàn tăng cường) liên tục bị điều đi đối phó ở những nơi nguy kịch nhất. Nhưng các đơn vị Pháp này “hoặc đã đấm vào chỗ không người hoặc ngược lại, bị đối phương bất ngờ chặn đánh kịch liệt”.

        Trong một trận chiến đấu với Quân đội nhân dân Việt Nam tại một làng phía nam sông Đáy thuộc địa phận Ninh Bình, viên trung úy Hăngri Lơcléc (con viên tổng chỉ huy đầu tiên của quân viễn chinh Pháp) đã bỏ mạng. Cái chết của viên sĩ quan thuộc dòng họ lính thực dân chính cống này khiến cho tướng Xalăng nhớ lại câu nói của bố Hăngri là tướng Philíp Lơcléc hồi tháng 10 năm 1945: “Để biểu thị lòng biết ơn của tôi đối với các ngài thực dân, tôi xin hiến dâng thằng Hăngri của tôi cho quân đội thuộc địa”. Cũng như Bécna Đờlát và cũng trên mảnh đất Ninh Bình, Hăngri đã ngã gục trước mũi súng của quân dân Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:16:08 am

TƯỚNG CHẾT ĐÚNG LÚC, QUÂN RÚT CHẬM CHÂN

        Giữa lúc ấy từ Pari lại dội sang những tin tức thật bi đát.

        Ngày 17 tháng 12, tướng Đờlát gửi thư sang báo tin rằng ông ta đã kiệt sức và chắc chắn “còn phải chôn chân một cách tuyệt vọng trong một thời gian dài nữa ở Pari”. Đờlát còn đốc thúc Xalăng hãy yêu cầu Bảo Đại ra Hà Nội “vào ngày 19 tháng 12 đầy ý nghĩa” để đi thăm Hòa Bình nhằm tạo nên một tác dụng tâm lý và chính trị với quân sĩ đang bị giam chân trên đó. Khốn nỗi, như sau này Xalăng than phiền, “nhà vua đâu có gắn bó với những ngày kỷ niệm tới mức độ như tướng quân”. Tuy nhiên, ngày 20, Bảo Đại cũng ra Hà Nội và hôm sau cùng Xalăng đi Hòa Bình. Ở cả hai nơi, mọi trò chiến tranh tâm lý lại diễn ra nhằm xốc tinh thần của binh lính Pháp - ngụy đang sa lầy trong cái mà họ gọi là “địa ngục Hòa Bình”.

        Ngoài những tin tức về cuộc vật lộn giữa tướng Đờlát với Thần chết là tin về cuộc tranh cãi về vấn đề Đông Dương ở Quốc hội Pháp, nơi bộ trưởng Lơtuốcnô bị đả kích mạnh mẽ khi ông ta trình bày dự án ngân sách (chiến tranh Đông Dương). Nhiều nghị sĩ muốn trì hoãn việc thông qua ngân sách để chờ đợi sự can thiệp của Liên hiệp quốc vì nước Pháp đã quá đuối sức.

        Trong những ngày cuộc tranh luận đang diễn ra gay gắt ở Quốc hội thì báo chí cứ chọc gậy bánh xe bằng những hàng tít lớn, phơi bày những chi tiết chẳng hay ho gì, “khiến cho chính phủ phải chịu đựng những lời công kích nảy lửa từ mọi phía”. Dư luận ngày càng khẳng định rằng cuộc chiến tranh này rõ ràng là quá đắt về nhân mạng đối với nước Pháp. Bộ trưởng Lơtuốcnơ càng ra sức biện hộ cho phái hữu thì tiếng nói của ông ta càng chìm nghỉm trong làn sóng dư luận tiến bộ lên án “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” kéo dài. Đến nỗi tướng Xalăng phải thốt lên rằng các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương không chịu đựng nổi những cuộc tranh cãi ở Quốc hội vì càng vạch áo cho người xem lưng thì chỉ càng lợi cho Việt Minh.

        Đầu tháng 1 năm 1952, lại thêm những tin tức chẳng lành. Valăngtanh (François Valentin), cố vấn và là người thân cận của viên tổng chỉ huy báo cho Xalăng biết rằng tướng Đờ lát đang sống những giờ phút cuối cùng của đời mình. Trước khi nhắm mắt, ông ta vẫn không yên tâm về số phận quân Pháp ở Hòa Bình, nơi ông ta từng coi là “chiến tích cuối cùng” của cuộc đời làm tướng.

        Từ ngày 8, tướng Xalăng được chỉ định thay Đờlát đảm nhiệm quyền tổng chỉ huy. Ba ngày sau, tức ngày 11 tháng 1, Đờ lát chết. Xalăng bùi ngùi thương tiếc “con người đến tận ngày cuối cùng của đời mình vẫn dốc sức đưa hai cánh tay cương nghị ra để dẫn dắt đội quân viễn chinh nhằm giữ cho được Đông Dương tồn tại trong lòng Khối Liên hiệp Pháp”(!). Thế nhưng đó không phải là thái độ của tất cả tướng lĩnh Pháp có mặt ở Đông Dương lúc ấy. Bécna Phôn trích lời một sĩ quan cao cấp Pháp nói với ông ta rằng: “Tôi nghĩ tướng Đờlát đã chết đúng lúc để khỏi bị buộc phải về vườn”.

        Đờlát chết đi, để lại cho Xalăng món nợ Hòa Bình chưa trả.

        Viên tổng chỉ huy mới lo ngại vì đối phương ngày càng có lối đánh kỳ lạ, không lường nổi. Một ví dụ: ngay đêm cứ điểm Xóm Pheo bị tiến công (7-1-1952), một nhóm biệt động Việt Minh lọt vào tập đoàn cứ điểm Hòa Bình và phá hủy 2 khẩu pháo 105 milimét nòng dài. Hành động này, hành động nguy hiểm đối với Pháp, đã được tiến hành dưới sự yểm trợ đắc lực của hỏa lực pháo binh và súng cối bắn dày đặc vào tận sân bay (Hòa Bình).

        Viên đại tá Clêmăng - chỉ huy tập đoàn cứ điểm - tỏ ra ngày càng dao động. Tướng Đờ Linarét thì chẳng úp mở gì, cứ nói thẳng với Xalăng về nỗi lo lắng cho tương lai của đồng bằng Bắc Bộ. Còn tại bệnh viện Đồn Thủy, tình trạng tinh thần sa sút của binh lính bị thương được đưa từ mặt trận Hòa Bình về càng làm cho bộ chỉ huy Pháp thêm bi quan. Theo Xalăng, những người lính bị thương này thoát khỏi cái địa ngục Hòa Bình vẫn còn giữ mãi một kỷ niệm đã hằn sâu trong ký ức của họ... Ban đêm họ thường bị những cơn ác mộng xâu xé làm cho kiệt sức,... khiến cho các thầy thuốc phải kinh ngạc.

        Từ tháng 1 năm 1952, quân dân Việt Nam lại đẩy mạnh hoạt động hơn bao giờ hết. Ở chiến trường Hòa Bình, họ cứ nhằm vào các lực lượng cơ động chiến lược của Pháp mà tiêu diệt; còn ở đồng bằng thì hai sư đoàn chủ lực và các trung đoàn địa phương đã làm cho vùng châu thổ sông Hồng ngày càng bị “ruỗng nát”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:16:32 am

        Tất cả tình hình trên đây, “ngày cũng như đêm từng giờ từng phút đặt ra cho tôi biết bao vấn đề nan giải”. Đó là lời thú nhận của viên tổng chỉ huy mới, tướng Xalăng, viết trong Hồi ký của mình. Và, ngày 17 tháng 1 năm 1952, tức là chưa đầy một tuần sau khi Đờlát chết, tướng Xalăng buộc phải quyết định thu hẹp thế bố trí để chuẩn bị rút toàn bộ quân Pháp khỏi khu vực Hòa Bình.

        Từ thượng tuần tháng 2 năm 1952, mọi việc chuẩn bị được xúc tiến một cách bí mật, sau khi ý định rút quân được chính thức thông qua ngày 31 tháng 1. Cuộc hành binh rút chạy khỏi chiến trường Hòa Bình - sông Đà được mang mật danh Amarăng (Amarante). Theo bộ chỉ huy Pháp, yếu tố quyết định thành công (!) của Amarăng phụ thuộc vào việc giữ bí mật đến phút cuối cùng, vì theo Xalăng, đây là một “cuộc hành binh rất nguy hiểm”.

        Không thể trao quyền chỉ huy “cuộc hành binh rất nguy hiểm” đó cho viên đại tá đã mất tinh thần là Clêmăng, Xalăng chỉ định đại tá Gin chỉ huy toàn bộ cuộc rút lui và cử trung tá Đuycuốcnô (Ducourneau) lên thay Clêmăng chỉ huy quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm Hòa Bình rút chạy. Không thể hạ cánh xuống tập đoàn cứ điểm này được, viên trung tá buộc phải nhảy dù xuống lòng chảo Hòa Bình để nhận quyền chỉ huy1.

        Sau ba tuần chuẩn bị, ngày 20 tháng 2, mọi việc đã hoàn tất, trừ việc ban bố lệnh lui quân. Binh lính chỉ biết lệnh đó vào ngày bắt đầu cuộc hành binh Amarăng, tức là ngày 22 tháng 2 năm 1952.

        Quá trình rút các vị trí còn lại trên hai bờ sông Đà cũng là quá trình diễn ra những trận đánh của Quân đội nhân dân Việt Nam “khi các tàu nhỏ lách qua những nơi có quân phục kích... Quân Việt Nam (ngụy), quân Pháp, Marốc, lê dương, tóm lại tất cả đã phải chiến đấu một cách tuyệt vọng để phá vòng vây”.

        19 giờ 30 ngày 22 tháng 2, quân Pháp bắt đầu rút khỏi tập đoàn cứ điểm Hòa Bình. Vì phương tiện vượt sông thiếu, sau một đêm toàn bộ lực lượng chưa chuyển hết sang bờ phía đông. Sáng 23, trong lúc mọi người đinh ninh rằng đối phương bị bất ngờ thì bỗng trung đoàn 36 của đối phương tràn vào đội hình hành quân đang dồn lại ở bờ phía tây. Bị đánh bất ngờ ở ngoài công sự lúc đội hình đang rối loạn (để chờ vượt sông), quân Pháp bị tổn thất nặng, buộc phải gọi không quân lên yểm hộ, nhưng mãi đến 13 giờ 30, số quân còn lại mới vượt sang được bờ phía đông sông Đà.

        Theo báo cáo Xalăng nhận được hàng ngày của Gin, suốt dọc đường hành quân trên đường số 6 trong những ngày 22-24 tháng 2, đối phương không ngừng bám sát và tiến công liên tục.

        Theo Mácsăng mô tả, cả một khối 20.000 quân dàn thành một hàng dọc vô tận, luôn luôn bị đối phương lợi dụng mọi thời cơ để tiến công ngăn chặn đường hành quân ở phía trước mặt hoặc thúc vào hai bên sườn, nhất là đêm 23 ở khu vực Đồng Bến. Đến vùng Mộ Thôn, khi sắp tiếp cận với tuyến boong ke, đội hình phía sau lại bị tiến công dữ dội. Đối phương đánh chiếm các điểm cao hai bên đường cái và từ đó lao xuống chia cắt đội hình hành quân. Máy bay được gọi đến, bay sát đường uy hiếp tinh thần đối phương nhưng cũng không sao ổn định được tình thế. Cuộc chiến đấu diễn ra giữa hai bên ở cách nhau một cự ly rất gần. Lính lê dương và Marốc phải cố gắng đến phút cuối cùng mới lọt được vào bên trong phòng tuyến.

        Một chi tiết được Bécna Phôn phát hiện: trong ba ngày hành quân rút chạy, quân Pháp đã bắn tới trên 30.000 viên đạn đại bác để yểm trợ cho cuộc hành binh.

        6 giờ sáng ngày 25, dưới hỏa lực chi viện của pháo binh ở cứ điểm Xuân Mai và của máy bay, toàn đội hình rút chạy cùng hàng ngàn dân bị quân Pháp thúc ép đi theo mới qua được ngã tư Xuân Mai.

        Theo Xalăng, ba ngày diễn biến của cuộc hành binh Amarăng quả là “quá đắt”. Bằng những số liệu đã bị vo nhỏ đi một cách có dụng ý, viên tướng tổng chỉ huy thống kê gần 340 tên chết, bị thương và mất tích, hàng chục xe bị phá, nhiều tàu xuồng bị đắm. Nhưng rồi Xalăng cũng tự an ủi: “Tôi thở phào nhẹ nhõm vì vừa trút được một gánh nặng... Tôi đã có một lực lượng cần thiết để dùng vào việc chống “ruỗng nát” ở đồng bằng...”

---------------------
        1. Theo tướng Mácsăng, khi Xalăng quyết định rút quân khỏi Hòa Bình, lực lượng Pháp trên chiến trường này gồm 16 tiểu đoàn bộ binh, 4 trung đội thiết giáp, 8 đại đội pháo binh rải ra trên các vị trí dọc đường số 6 (xóm Pheo, Bến Ngọc, Ao Trạch, Đèo Kẽm, Mộ Thôn) và 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội pháo ở lòng chảo Hòa Bình.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:17:09 am

LỜI BÀN VỀ “VÁN BÀI PHIÊU LƯU”

        “Chiến dịch 100 ngày” của quân đội Pháp gây nên những “phản ứng các loại” trên các trang báo, các tác phẩm lịch sử, hồi ký... Mỗi tác giả đứng trên một góc cạnh khác nhau để kết luận nhưng nhìn chung đều thống nhất trên một điểm: Pháp đã phải chịu đựng một thất bại có ý nghĩa chiến lược.

        Hai mươi năm sau, khi viết tập 2 Hồi ký, Xalăng xác nhận: phải coi việc quân Pháp rút chạy và để mất vùng đất đai đó (Hòa Bình) là một thất bại.

        Bécna Phôn, tác giả cuốn Con đường không vui, nhận xét: chiến dịch Hòa Bình, đối với Pháp, cũng tổn thất về nhân mạng và trang bị không kém gì chiến dịch Biên giới năm 1950 và chiến dịch Điện Biên Phủ sau này. Do pháp tập trung quân cơ động chiến lược lên vùng Hòa Bình cho nên các chiến trường khác ngày càng bị sơ hở. Điều đáng chê trách là bộ chỉ huy tối cao Pháp đã biết đây là “một ván bài phiêu lưu” nhưng do quá cay cú nên họ cứ làm, vì hy vọng sẽ đạt thắng lợi lớn trong việc tiêu diệt quân chính quy của đối phương.

        Còn bộ chỉ huy quân ngụy thì nặng lời phê phán Đờlát và cho rằng viên tổng chỉ huy đã quá cố là người phải chịu trách nhiệm về toàn bộ thất bại của Pháp trong chiến dịch Hòa Bình. Theo họ, Đờlát không thấy sở trường của quân đội Việt Nam trên chiến trường rừng núi. Ông ta đã khinh thường khả năng đối phương và quá chủ quan không lường nổi sức mạnh của họ (thật ra, đây không phải chỉ là căn bệnh của riêng Đờlát mà của tất cả 7 viên tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương, từ Lơcléc đến Nava, và đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn quân đội Pháp đi từ thất bại này đến thất bại khác ngày càng sâu cay hơn). Theo tài liệu tổng kết của quân ngụy, chiến dịch Hòa Bình là một thất bại của quân đội Pháp, mặc dù họ chưa dám từ Hòa Bình dấn sâu thêm vào vùng Việt Bắc như Đờlát đã dự kiến. Đưa quân lên chiến trường rừng núi Hòa Bình, Đờlát đã tước bỏ mất chỗ dựa quan trọng của quân đội Pháp là không quân để chuốc lấy một cuộc sống kham khổ trong rừng rậm mà họ (quân Pháp) không thể chịu nổi, trong khi đó thì quân đối phương lại rất thích nghi với chiến trường này cả về địa hình địa thế, lối đánh và điều kiện sinh hoạt. Tài liệu tổng kết của quân ngụy còn phán đoán nếu Đờlát còn sống thì, do cá tính đặc biệt kiêu ngạo của ông ta, có thể cuộc chiến sẽ còn diễn ra khốc liệt hơn và giả thử quân Pháp có giữ được Hòa Bình thì lực lượng còn bị hao mòn nhiều hơn nữa. Qua tài liệu đó, người ta thấy những kẻ cầm đầu quân ngụy không dám khẳng định việc Xalăng cho quân tháo chạy khỏi Hòa Bình “có phải là một điều khôn ngoan không, nhưng điều chắc chắn là việc rút lui này đã làm tiêu tan ý chí chiến thắng cuối cùng (?) của quân Pháp”. Rút quân về đối phó ở đồng bằng, Pháp đã tạo cho đối phương những yếu tố thuận lợi trên chiến trường miền Tây Bắc và Thượng Lào những năm sau này.

        Trên một khía cạnh khác, tướng Pháp Nava cũng khẳng định thất bại của quân đội Pháp ở Hòa Bình. Theo viên tướng này, Pháp bị thất bại về chiến lược và không thu được kết quả gì, trong khi đó thì phía Việt Nam đã giành được thắng lợi quan trọng. Tiến công ra Hòa Bình, bộ chỉ huy Pháp đã giam chân các binh đoàn chiến lược cách xa đồng bằng trong một thời gian dài để cho đối phương lọt vào vùng châu thổ sông Hồng khá đông và bám chặt lấy vùng này... Sự khẳng định đó cũng là lời thú nhận sự bất lực của chừng hai chục tiểu đoàn quân Pháp - ngụy ở chiến trường Hòa Bình và sự vô dụng của hơn hai chục tiểu đoàn khác có nhiệm vụ canh giữ phòng tuyến Đờlát trên cửa ngõ đồng bằng.

        Kết quả quan trọng nổi bật là tham vọng giành lại quyền chủ động chiến lược của bộ chỉ huy Pháp bị đập tan; phòng tuyến Đờlát đã chịu chung số phận với chiến lũy Maginô năm 1940, trước một đối phương có phương pháp riêng của mình để lọt vào vùng đồng bằng; nỗ lực bình định trong cả năm 1951 của Đờlát ở vùng châu thổ sông Hồng trở nên vô ích: không những quân Pháp không xóa được những “chấm đỏ” mà ngược lại, các căn cứ du kích và các khu du kích đã phát triển hơn bao giờ hết, làm cho tấm bản đồ đồng bằng Bắc Bộ biến thành cái mà sau này Nava gọi là “bản đồ bệnh sởi”.

        Tóm lại, nếu Đờlát và Xalăng coi cuộc tiến công ra Hòa Bình là một “canh bạc lớn”, thì trong canh bạc này họ đã thua cháy túi.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:19:08 am

Chương chín

NGÕ CỤT

LĂN THEO VẾT XE CỦA “VUA GIĂNG”

        Trong những ngày quân Pháp còn đang bị giam chân ở Hòa Bình và tổng chỉ huy Đờlát đang hấp hối trên giường bệnh thì tại Pháp lại dấy lên những cuộc tranh cãi về cuộc chiến tranh Đông Dương. Trong quốc hội cũng như ngoài đường phố, người ta ngày càng nói đến sự bất lực của quân đội viễn chinh Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược đã kéo dài suốt “bảy năm mù quáng” và chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.

        Nhiều báo chí công khai vạch ra rằng: do cuộc chiến tranh đó mà một bộ phận quan trọng quân đội Pháp đã mắc kẹt ở Đông Dương1, làm cho “nền an ninh” của đế quốc Pháp ở châu Phi không được bảo đảm; 12 sư đoàn của Pháp tham gia vào cái gọi là Tổ chức phòng thủ châu Âu luôn luôn bị thiếu hụt về quân số và trang bị. Hơn thế nữa, nhiều đơn vị ở ngay trên đất Pháp cũng luôn luôn bị xộc xệch, không hoàn chỉnh về cơ cấu tổ chức.

        Từ cựu Thủ tướng Đalađiê đến đương kim Thủ tướng Plêven đều than phiền rằng binh lực Pháp bị giằng xé và đuối sức trước mấy nhiệm vụ đặt ra cùng một lúc. Báo Rạng Đông (số ra ngày 17-1-1952) nói thẳng ra rằng, bước vào năm 1952, chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ nước Pháp có thể vừa đưa thêm lực lượng sang Đông Dương (nhất là những đơn vị có chất lượng chiến đấu), lại vừa tiếp tục góp phần đắc lực vào kế hoạch của Mỹ nhằm cân bằng lực lượng với các nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu.

        Đầu năm 1952, nội các Plêven đổ (18-1) sau khi thất bại trong việc thông qua ngân sách2, tiếp đó là việc quân Pháp buộc phải rút chạy khỏi Hòa Bình..., dư luận tiến bộ càng công khai lên án mạnh mẽ đường lối của Chính phủ Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương.

        Tình trạng sa lầy ngày càng sâu của quân đội viễn chinh Pháp đã làm cho sự phân hóa trong chính giới Pháp trở nên sâu sắc và nội các Pháp liên tiếp lập lên đổ xuống3.

        Trong lúc các lực lượng cánh tả, đứng đầu là Đảng Cộng sản Pháp, đòi phải đàm phán với Chính phủ kháng chiến Việt Nam để tiến tới chấm dứt xung đột thì những phần tử cực hữu thuộc các đảng Cộng hòa bình dân, tập hợp dân chúng Pháp và Xã hội cấp tiến chủ trương quốc tế hóa cuộc chiến tranh, thực chất là, bằng một minh ước Thái Bình Dương hoặc một mặt trận Đông - Nam Á nào đó... Mỹ sẽ công khai đỡ gánh nặng chiến tranh đang đè lên vai nước Pháp suy nhược. Lập trường của các đảng đó là không chấp nhận một “Muyních kiểu Á Đông”, không chịu thất bại và từ bỏ Đông Dương để tránh cho phòng tuyến chống cộng ở Đông Nam Á bị đứt một mắt xích xung yếu, nhưng cũng không đơn độc bám lấy Đông Dương để chịu đựng vết thương đang hàng ngày đục khoét cơ thể đã hết máu của nước Pháp. Mâu thuẫn nổi lên trong lập trường phản động của cánh hữu là: vừa muốn chia sẻ chiến phí ở Đông Dương cho nước khác lại vừa muốn duy trì đặc quyền đặc lợi của nước Pháp trên bán đảo này.

---------------------
        1. Đến năm 1952, chiến trường Đông Dương đã thu hút của đế quốc Pháp 23% lục quân, 20% hải quân, 26% sĩ quan, 42% hạ sĩ quan.

        2. Ngân sách quân sự của Pháp năm 1952 lên tới 1.500 tỷ phrăng, tăng 550 tỷ phrăng so với năm 1951 và chiếm khoảng 40% tổng ngân sách. Chính phủ Pháp dự kiến chi vào cuộc chiến tranh Đông Dương 330 tỷ, tức 21% ngân sách quân sự toàn nước Pháp.

        3. Trong hai năm 1951-1952, Pháp đã năm lần thay đổi Chính phủ:

            Cơi (Queuille) 9.3.1951 - 10.7.1951;

            Plêven (Pléven) 8.8.1951 - 18.1.1952;

            Phôrơ (Faure) 7.2.1952 - 29.2.1952;

            Pinay (Pinay) 6.3.1952 - 22.12.1952;

            Mayê (Mayer) 7.1.1953.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:19:32 am

        Để lừa bịp dư luận, Bộ trưởng ngoại giao Suman cũng như Bộ trưởng Các quốc gia liên kết Lơtuốcnô đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng điều đình “với điều kiện nước Pháp không bị mất mặt”. Ngày 25 tháng 2, Lơtuốcnô nhắc lại lập trường của Pari: “Nước Pháp không từ chối đàm phán với Việt Minh, nhưng Pháp sẽ không chịu đi bước trước”. Thật ra, những lời tuyên bố đó chỉ là bức màn ngụy trang để chính phủ Pháp tiếp tục đường lối chiến tranh xâm lược, được áp dụng trong điều kiện tình hình Đông Dương đã xấu đi một cách nghiêm trọng. Những nét lớn trong đường lối đó là:

        1. Buộc chính quyền ngụy phải đẩy mạnh hơn nữa thủ đoạn bắt người, cướp của tại chỗ để san sẻ bớt gánh nặng cho nước Pháp vì, như Lơtuốcnô đã tuyên bố (28-4-1952), nước Pháp đã cố gắng đến mức cao nhất và không thể vượt qua giới hạn đó được nữa.

        2. Về quân sự, đẩy mạnh các cuộc hành binh bình định hòng khôi phục lại hình thái chiến lược như cuối năm 1951 ở vùng Pháp tạm chiếm, nhất là trong vùng châu thổ sông Hồng.

        3. Trên cơ sở xin thêm viện trợ của Mỹ, nhanh chóng phát triển quân ngụy lên thành 6 đến 8 sư đoàn, vẫn cho Pháp trực tiếp chỉ huy và sử dụng.

        Tất nhiên đường lối đó được Lơtuốcnô và Xalăng nhất trí tán thành và ra sức thực hiện.

        Ba tháng sau khi Đờlát chết, ngày 1 tháng 4, tướng Xalăng được chính thức bổ nhiệm làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

        Vừa nhậm chức, Xalăng đã đệ trình lên Chính phủ Pháp một kiến nghị về đường lối điều hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Viên tổng chỉ huy mới nhận xét rằng trong bảy năm qua, cuộc chiến tranh đó đã làm cho đội quân viễn chinh Pháp tổn thất quá nhiều và “cứ cái đà đó, không bao lâu nữa, cả vùng Đông Nam Á sẽ bị nhuộm đỏ”.

        Nội dung kiến nghị của Xalăng không có gì mới so với Đờlát trước đây. Vẫn là chủ trương tập trung nỗ lực vào chiến trường miền Bắc, phát triển quân ngụy để cho lực lượng Pháp và tay sai không những ưu thế tuyệt đối về số lượng so với đối phương mà còn phải thiện chiến “ít nhất cũng bằng các đơn vị chủ lực Việt Minh” mới đập tan được các sư đoàn của họ và mới bình định một cách có hiệu quả vùng Pháp chiếm đóng. Mục tiêu mà tướng Xalăng đặt ra là: Đến mùa thu 1955, “phải thực sự làm chủ vùng đồng bằng Bắc Việt”.

        Đi đôi với kiến nghị quân sự trên đây là cuộc vận động tích cực của Xalăng với các nhân vật quân sự và dân sự tai to mặt lớn ở Pari để hòng giành bằng được chiếc ghế cao ủy. Viên tướng này hy vọng rằng, với tiếng nói đầy trọng lượng của tổng tham mưu trưởng Gioăng, với 30 năm “thâm niên Đông Dương” của mình, ông ta sẽ được giao trọn vẹn quyền hành như Đờlát trước đây. Nhưng rồi ngài tổng chỉ huy mới đã sớm thất vọng. Trong suốt mấy tháng đầu năm 1952, Pari vẫn để cho viên toàn quyền Gôchiê (Gauthier) tạm thời đảm nhiệm công việc chính trị và hành chính dưới sự điều khiển trực tiếp của bộ trưởng Các quốc gia liên kết Lơtuốcnô. Và ngày 19 tháng 4, Chính viên bộ trưởng này được chỉ định kiêm chức cao ủy Cộng hòa Pháp ở Đông Dương, với Gôchiê làm phụ tá.

        Trong Hồi ký của mình, tướng Xalăng than phiền: sau cái chết của cao ủy kiêm tổng chỉ huy Đờlát, “chúng ta lại trở về những thói quen của quá khứ (tức là phân quyền quân sự và dân sự)... trong khi đó thì chúng ta phải đương đầu với Việt Minh là một đối thủ mà nội bộ rất gắn bó trong một tập thể thống nhất lãnh đạo cả về chiến tranh và chính trị...”. Viên tướng này chỉ còn biết tự an ủi rằng, mặc dù đôi lúc có những sự va chạm, nhưng với hai nhân vật chính trị mới được bổ nhiệm (Lơtuốcnô và Gôchiê), chắc chắn sẽ tâm đồng ý hợp và sẽ được Lơtuốcnô ủng hộ trong việc thực thi nhiệm vụ trong hoàn cảnh khó khăn sắp tới.

        Cả cao ủy lẫn tổng chỉ huy mới đều không hề biết rằng lúc này ở Pari báo chí đã thẳng thừng vạch rõ: với việc chỉ định Lơtuốcnô, một “nhân vật nổi tiếng vì chống đối mọi cuộc thương lượng với phía kháng chiến”, đường lối tiếp tục chiến tranh của Chính phủ Pháp đã quá rõ ràng. Không phải vô tình mà báo chí kháng chiến Việt Nam đã chọn đúng lúc để đặt cho viên cao ủy mới một cái tên rất sát: Lơ Nhuốc Nhơ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:20:42 am

        Ngày nhậm chức, viên cao ủy gửi cho quân đội Pháp - ngụy một lời kêu gọi, hô hào mọi người hãy đem hết sức “để tạo nên một bản anh hùng ca vĩ đại trên chiến trường hẻo lánh này...” (!).

        Khốn nỗi, với cương vị tổng chỉ huy, tất nhiên tướng Xalăng có cách nhìn sát với tình hình thực tế chiến trường hơn và “bản anh hùng ca vĩ đại” đối với viên tướng này cũng xa vời hơn. Đờlát chết đi, không những để lại một đồng bằng Bắc Việt đã “bị ruỗng nát nghiêm trọng”, một đội quân ngụy “chưa cai sữa”..., mà còn để lại một món nợ 20 nghìn quân mà chính quốc “cho vay” từ 20 tháng 3 năm 1951 và đang thúc bách phải trả, hạn chậm nhất là đầu tháng 7 sắp tới (1952).

        Điều đáng khích lệ đối với Xalăng và các tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương là, giữa lúc đội quân viễn chinh đang kiệt sức thì hai chuyến tàu vũ khí viện trợ thứ 100 và 101 của Mỹ cập bến Sài Gòn vào những ngày đầu năm 1952.

        Để tỏ lòng biết ơn ông bạn lái súng sòng phẳng đã kịp thời hà hơi tiếp sức cho mình, tổng chỉ huy Xalăng vội gửi một bức điện tán dương “nước cầm đầu thế giới phương Tây đã quyết tâm theo đuổi một cách không ngã lòng sự nghiệp đấu tranh chống lại kẻ thù của tự do ở bất cứ nơi nào trên trái đất”. Bằng những số liệu được dẫn ra cụ thể1, Xalăng nhận xét rằng nhờ có viện trợ của Mỹ nên Pháp đã tổ chức được những đơn vị quân bản xứ trang bị hiện đại và có khả năng đọ sức với những đơn vị thiện chiến nhất của đối phương... Viên tổng chỉ huy Pháp kêu gọi bọn lái súng Mỹ hãy gia tăng viện trợ nhiều hơn nữa vì quân đội viễn chinh Pháp đang đứng trước một đối phương mà sức mạnh không ngừng phát triển. “Nước Mỹ có thể được bảo đảm rằng: những hy sinh mà họ gánh lấy để cùng thế giới tự do chặn đứng bước tiến của chủ nghĩa cộng sản, những hy sinh ấy không phải là vô ích”.

        Bức điện được kết thúc bằng những lời lừa phỉnh, nhằm hướng vào bọn lính đánh thuê bản xứ: “Đoàn kết trong một quyết tâm chung, quân đội Pháp ở Đông Dương sẽ cùng quân đội trẻ tuổi của các nước Việt Nam, Lào và Cao Miên vươn lên xứng đáng với tầm vóc sứ mạng của mình và chuẩn bị để một ngày kia khi khẩu súng đã bỏ sang một bên, con người lại cầm cái cày cái bay, mà không sợ rằng thành quả lao động của mình bị kẻ thù của văn minh xoá sạch...” (!).

        Noi gương Đờlát trước đây, viên tổng chỉ huy mới đã ra sức hoạt động để đội quân tay sai sớm phát huy tác dụng. Việc Xalăng thân hành đến thăm mẹ Bảo Đại cuối tháng 3 năm 1952 cũng không ngoài mục đích trên. Xalăng không khỏi ngạc nhiên khi thấy người vợ góa của vua Khải Định nắm được nhiều chuyện thực tế và nói lên điều lo lắng của mình:

        - Thưa tướng quân, các ngài đang đương đầu với một kẻ địch khác thường. Ban ngày họ biến mất, các ngài không thể nào thấy được bóng họ... Vậy mà ban đêm, mặc dù bố phòng nghiêm mật, họ vẫn mặc sức ra vào bất cứ nơi nào... Thật là xuất quỷ nhập thần khiến cho người người phải phát khiếp...

        Xalăng đã tìm lời giải thích cho người quả phụ trong hoàng cung nhà Nguyễn yên tâm, nhưng cũng không quên nhắc nhở khéo “mẫu hậu đốc thúc nhà vua xúc tiến gấp việc bắt lính để quân đội quốc gia sớm trở nên hùng mạnh...”.

        Do áp lực của Pháp, ngày 8 tháng 3, Bảo Đại phải thăng cấp tướng hai sao cho viên đại tá ngụy Nguyễn Văn Hinh (một tên sĩ quan thân Pháp có vợ đầm, con thủ tướng ngụy Nguyễn Văn Tâm) mà Bảo Đại vốn không ưa, và giao cho hắn chức tham mưu trưởng quân đội ngụy. Để hỗ trợ cho Hinh và cũng để tăng cường giám sát Bảo Đại, Pháp đã bố trí viên đại tá Rơđông vào làm việc trong “võ phòng” của quốc trưởng bù nhìn. Cố nhiên, tất cả những viện trên đây đã được Pháp tiến hành khéo léo với những lý do khiến Bảo Đại không thể phản ứng và ông bạn Mỹ cũng không có cớ gì để lo ngại.

        Với các chuyến vũ khí viện trợ của Mỹ, suốt cả năm 1952, Bộ chỉ huy Pháp ráng sức phát triển quân ngụy ở mức cao nhất cũng chỉ đạt được chừng 50% so với cùng khoảng thời gian dưới thời Đờlát: Số quân ngụy phát triển (38.000) cộng với số quân tăng viện (2.000) đã nâng tổng số quân Pháp - ngụy trên toàn chiến trường Đông Dương vào cuối năm 1952 lên 378.000 tên, trong đó có 248.000 lính ngụy, tức 66%.

        Ngay từ đầu năm 1952, Pháp gấp rút tổ chức thêm hai sư đoàn “quân đội quốc gia” và giao thêm cho quân ngụy nhiệm vụ chiếm đóng một số địa bàn, nhất là ở Nam Bộ, để tập trung quân Âu - Phi vào nhiệm vụ cấp bách số 1 là càn quét bình định vùng tạm chiếm đã trở nên ruỗng nát nghiêm trọng trong quá trình diễn biến của chiến dịch Hòa Bình.

---------------------
        1. Xalăng tiết lộ: trong 17 tháng qua (từ giữa năm 1950 đến đầu năng 1952), Mỹ đã đưa vào các cảng ở Việt Nam để viện trợ cho Pháp 120.000 tấn dụng cụ chiến tranh gồm 178 máy bay, 170 tàu xuồng các loại, nhiều xe tăng, phương tiện thông tin, quân nhu...


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:21:14 am

        Trong cả năm 1952, Bộ chỉ huy Pháp đã huy động chừng 60-70% lực lượng cơ động chiến lược để tiến hành gần 100 trận càn quét trên toàn chiến trường Việt Nam (Bắc Bộ 21, Trung Bộ 46, Nam Bộ 28).

        Ý đồ chiến lược của các tướng lĩnh Pháp là trước mắt phải làm sao đẩy lùi được nguy cơ đang ngày càng đè nặng lên vùng châu thổ sông Hồng. Trong cơ quan tham mưu quân viễn chinh, người ta cho rằng chính những viên đại tá chỉ huy các binh đoàn cơ động (GM) là những người đưa vai ra chịu đựng sức nặng của tình hình đang xấu đi ở đồng bằng Bắc Bộ. Họ là những sĩ quan cao cấp vốn được Đờlát rất “cưng” và đặt cho cái tên: các vị thống chế của Đế chế (les maréchaux de l’Empire). Chiến dịch Hòa Bình vừa kết thúc, các vị đại tá riêng biệt hiệu “thống chế” này cùng các GM của họ chưa kịp xả hơi đã phải lao vào hàng chục cuộc hành binh càn quét với binh lực hỗn hợp quy mô lớn hòng đối phó gấp với chiến tranh du kích đang làm cho phía trong “phòng tuyến Đờlát” không ổn định, các đường giao thông chiến lược không được an toàn.

        Về phương thức tiến hành bình định, rút kinh nghiệm những năm trước, ngoài việc sử dụng binh lực lớn1, càn đi quét lại dài ngày, Bộ chỉ huy Pháp đặc biệt chú trọng kết hợp hành động quân sự với những thủ đoạn lừa mị về chính trị. Đi theo các đơn vị Âu - Phi, chủ lực trong các trận càn, là những đội “quân thứ hành chính lưu động”2 (groupement administratif mobile opérationnel, viết tắt là GAMO), gồm bọn gián điệp, tề dõng, nhân viên chiêu hồi, có nhiệm vụ “khuếch trương chiến quả”, hòng đạt mục tiêu cuối cùng của công cuộc bình định. Bằng các thủ đoạn chiến tranh tâm lý núp dưới chiêu bài “chăm sóc đời sống dân chúng”, bọn Pháp và tay sai nuôi hy vọng có thể lung lạc được tinh thần nhân dân vùng tạm chiếm, tiến tới “giải phóng dân chúng khỏi ảnh hưởng của Việt Minh”(!).

        Mặc dù sau này trong Hồi ký của mình, tướng Xalăng nói rằng hắn ta đã chỉ thị cho bọn chỉ huy thuộc quyền phải “tránh mọi hành động tàn sát, ngược đãi và tàn phá vô ích... để gây ảnh hưởng chính trị tốt trong dân chúng...”, nhưng thực tế hành động của quân Pháp trong các trận càn quét đã vạch trần bản chất của đội quân viễn chinh xâm lược. Hành động tàn sát, bắt bớ nhân dân, triệt hạ làng mạc, cướp phá thóc lúa... không những không giảm đi mà còn trắng trợn tàn ác hơn dưới thời Đờlát3.

        Điều đáng chú ý là thủ đoạn chiến tranh tâm lý của GAMO không những không lừa gạt được ai mà hành động khủng bố của các đơn vị Âu - Phi trong các trận càn quét chỉ càng khoét sâu lòng căm thù của nhân dân vùng tạm chiến. Trong khi các đơn vị Âu - Phi liên tiếp bị lực lượng vũ trang địa phương tiêu hao hàng ngày thì các đội GAMO cũng không sao thực hiện được những thủ đoạn chiến tranh tâm lý thâm độc. Và khi các đơn vị chủ lực của Pháp rời khỏi địa phương, GAMO cũng phải vội rút theo để khỏi bị tiêu diệt.

        Điều đó sau này đã được tướng Xalăng thú nhận. Trong Hồi ký, viên tổng chỉ huy nhận xét rằng, trong các trận càn Crasanh, Uragan, Ămphibi,... do tướng Bécsu chỉ huy từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 3 năm 1952, cuộc càn Mécquya do tướng Đờ Linarét chỉ huy từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4,... ở các vùng Thái Bình, Nam Định, Phủ Lý, Hưng Yên..., với lực lượng bộ binh và pháo binh rất lớn, lại được sự yểm trợ của không quân và thủy quân, các đơn vị chủ lực của Pháp đã gặp nhiều khó khăn trong các cuộc hành binh qua những đoạn đường bị phá hoại, những dòng sông lớn và ngòi lạch chằng chịt để tiếp cận một cách chật vật các trung đoàn 48, 52, 64 của đối phương trên các địa bàn thực tế do họ làm chủ. Theo sự thú nhận của Xalăng, quân Pháp bị tổn thất hàng ngày. Chỉ trong vòng hai tháng (từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 4 năm 1952) đã có 660 tên chết và bị thương, trên 60 tên mất tích trong một số trận càn ở đồng bằng. Vẫn theo viên tướng này, “điều đáng phiền muộn” là trong các cuộc càn quét, thường xuyên xảy ra những vụ đào ngũ của cả lính Âu - Phi và lính ngụy mang theo vũ khí sang hàng ngũ đối phương.

        Về kết quả của các trận càn quét, tướng Pháp Mácsăng nhận xét rằng sự cố gắng của các vị “đại tá - thống chế” đã trở nên hoàn toàn vô ích vì không bao giờ họ “lập lại được trật tự” ở cái vùng đồng bằng vừa “có ích” lại vừa “bất trị” này. Khi quân Pháp vừa lướt qua thì các đội du kích đã nhanh chóng xuất hiện và họ bám rất chắc vào các căn cứ ở Thái Bình, Phát Diệm, Ninh Bình... Còn Bécna Phôn thì phác ra một bức tranh đậm nét nói lên hình thái vùng đồng bằng Bắc Bộ vào năm 1952: Cứ mỗi buổi chiều, khi màn đêm bắt đầu buông xuống 4.000 xã thuộc châu thổ sông Hồng, mỗi cấp chỉ huy Pháp (tất nhiên trong đó có các vị “đại tá - thống chế” nói trên) đều có chung một cảm giác là: quyền làm chủ đã bắt đầu chuyển sang tay Việt Minh.

        Thật ra, tình hình trên đây không phải chỉ diễn ra ở đồng bằng Bắc Bộ, phía sau “phòng tuyến Đờlát”. Mặc dù đã tập trung lực lượng, tiến hành liên tiếp nhiều trận càn lớn nhỏ, Bộ chỉ huy Pháp vẫn không khỏi lo ngại trước “tình trạng ung thối” đang không ngừng phát triển trên các địa bàn khác cũng được coi là đã đặt dưới quyền kiểm soát của quân Pháp. Đó cũng là nguyên nhân khiến tổng chỉ huy Xalăng phải đích thần “chống chiếc gậy của người hành hương” đi đốc thúc bọn tay sai (kể cả Bảo Đại) tìm phương sách đối phó.

--------------------
        1. Ngoài không quân, cơ giới, công binh, thủy đội xung kích, Bộ chỉ huy Pháp đã huy động lực lượng lớn vào các trận càn quét trong năm 1952. Lực lượng càn quét ở Trung Bộ và Nam Bộ thường từ 7 đến 10 tiểu đoàn bộ binh, 2 đến 3 tiểu đoàn pháo binh.

        2. Theo cách gọi trong tài liệu tổng kết của ngụy quyền Bảo Đại.

        3. Một vài ví dụ: trong trận càn Porto Polo Turco, địch bắt 7.000 dân, giết và bắt đi 382 trâu bò; trong trận càn Mercure, địch bắt 5.000 dân; trong trận càn Boléro (28-6-1952, Quảng Yên - Hải Dương) địch bắt 3.000 dân, đốt 9.000 thùng thóc, giết và bắt đi 800 trâu bò, v.v…


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:22:32 am

        CHUYẾN ĐI CỦA NGƯỜI HÀNH HƯƠNG BẤT HẠNH

        Mỗi chiến trường có những đặc điểm riêng, nhưng tình hình ở bất cứ nơi nào cũng đặt trước ngài tổng chỉ huy những chuyện đau đầu.

        Vừa đặt chân đến Lào, Xalăng đã không giấu nổi sự phiền muộn vì viên đại tá Xide trầy trật mãi vẫn chưa xây dựng nổi mấy tiểu đoàn ngụy theo kế hoạch đã định. Tại Phnôm Pênh, mặc dù viên tổng chỉ huy được nhà cầm quyền bù nhìn Cao Miên bảo đảm sớm cho ra đời cái gọi là “quân đội hoàng gia Khơme (ARK)”, nhưng hoạt động của đối phương trong những tháng đầu năm nhất là những trận phục kích trên sông Mê Công, đã khiến cho tướng Điô (Dyo) phải “đương đầu với những khó khăn nghiêm trọng”. Không những thế, tình hình thực tế ở Campuchia còn đòi hỏi Xalăng phải căn dặn các sĩ quan thuộc quyền “bám sát tình hình chính trị (không ổn định) ở đất nước này”.

        Đến chiến trường Nam Bộ, Xalăng nhận thấy rằng tướng Bôngđít (Bondis) đã nắm được bọn cầm đầu các lực lượng vũ trang giáo phái phản động và đội quân Bình Xuyên. Nhưng viên tổng chỉ huy Pháp lại lo ngại trước những mâu thuẫn về quyền lợi giữa thủ tướng bù nhìn với bọn cầm đầu Bình Xuyên và các giáo phái.

        Là một viên sĩ quan thực dân đã từng có mặt ở Đông Dương từ hơn một phần tư thế kỷ nay, Đờlát không lạ gì các tổ chức giáo phái phản động. Nhưng trước tình hình lục đục giữa bọn cầm đầu tay sai, viên tổng chỉ huy đã phải dành khá nhiều thời gian để cùng tướng Bôngđít nghiên cứu lại lịch sử và đặc điểm của từng tổ chức vũ trang đánh thuê này, hòng tìm ra nguồn gốc mâu thuẫn nội bộ của chúng để có phương sách giải quyết.

        Những người cầm đầu quân viễn chinh Pháp cho rằng, với kinh nghiệm thực dân lâu đời, họ đã sớm “quy tụ dưới lá cờ ba sắc” các đội quân giáo phái phản động để biến chúng thành “những đồng minh chống cộng quan trọng đầu tiên” ở miền Nam Việt Nam. Bọn lãnh tụ giáo phái đã trở thành những tên tay sai đắc lực của Pháp ngay từ những năm 1948-1949, khi “giải pháp Bảo Đại” xuất hiện, khi tướng lĩnh Pháp đẩy mạnh chính sách “dùng người Việt đánh người Việt...”: Nguyễn Văn Thinh (Cao Đài) “quy thuận” Pháp ngày 8 tháng 1 năm 1947; Trần Văn Soái tức Năm Lửa (Hòa Hảo) ngày 15 tháng 3 năm 1947; Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt (Hòa Hảo) ngày 30 tháng 1 năm 1948; tháng 4 năm 1950, lãnh tụ Cao Đài Phạm Công Tắc chính thức chuyển giao các đơn vị vũ trang còn lại của giáo phái Cao Đài cho ngụy quyền Bảo Đại. Riêng Nguyễn Giác Ngộ (Hòa Hảo) do mâu thuẫn với Năm Lửa và Ba Cụt nên “ly khai” một thời gian dài và chỉ “quy thuận” quân Pháp năm 1952; Lơ Roa1, cầm đầu đội quân Thiên chúa giáo chống cộng, năm 1949 là tỉnh trưởng kiêm chỉ huy trưởng tiểu khu Bến Tre, năm 1952 được thăng cấp đại tá, chỉ huy trưởng khu Tiền Giang, đặc trách bình định vùng châu thổ sông Cửu Long.

        Ngoài các đội quân giáo phái trên đây, Pháp còn sử dụng các đơn vị vũ trang Bình Xuyên do Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) dẫn về đầu hàng chúng từ năm 1948.

        Để phát triển và nắm được các đội quân tay sai trên đây, Pháp nới rộng quyền hạn cho bọn cầm đầu, đồng thời dùng thần học để lừa bịp, dùng vật chất để mua chuộc, hòng biến những thanh niên giáo dân thành những người cầm súng đánh thuê đắc lực.

        Từ cuối năm 1951, các tướng lĩnh Pháp ở Sài Gòn đã nhận thấy việc sử dụng các lực lượng vũ trang giáo phái (Cao Đài và Hòa Hảo) như những đơn vị phụ lực quân trong  chức Vệ binh Cộng hòa Nam Kỳ2không còn thích hợp nữa. Phụ lực quân giáo phái là một tổ chức vũ trang được Pháp coi là vô cùng phức tạp về nhiều mặt. Ngay từ những năm 1948-1949, các tướng lĩnh Pháp muốn trực tiếp nắm các đội quân này nhưng đã vấp phải sự chống đối của bọn lãnh tụ giáo phái. Bọn này chịu để cho các đội quân của họ trong hệ thống chỉ huy của Pháp (chứ không phải của ngụy quyền) nhưng lại không cho Pháp nắm số quân cụ thể, mặc dù Pháp vẫn trả lương cho binh lính giáo phái qua tay bọn cầm đầu..

---------------------
        1. Jean Léon Le Roy, tây lai, năm 1940 là chuẩn úy trong trung đoàn 9e RIC đóng ở vùng biên giới Việt - Trung (đường số 4). Bị Nhật bắt trong cuộc đảo chính 9 tháng 3 năm 1945, Lơ Roa được phái bộ Anh thả ra và được Pháp giao nhiệm vụ tổ chức đội quân Thiên chúa giáo chống kháng chiến từ tháng 7 năm 1947.

        2. Garde républicaine de la Cochinchine, một hình thức tổ chức vũ trang tay sai của Pháp mà “Chính phủ Nam Kỳ tự trị” lập ra từ ngày 1 tháng 10 năm 1946, do Pháp trả lương.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:23:07 am

        Qua nghiên cứu, Xalăng và Bôngđít đều nhận thấy rằng nếu những năm trước đây, Pháp đã từng coi các đội quân giáo phái là “một lực lượng tinh thần đáng kể”, một tiềm lực to lớn có tác dụng quan trọng góp phần vào việc hình thành sức mạnh của “quân đội quốc gia” (ngụy), thì ngày nay trước viễn ảnh của một cuộc chiến tranh kéo dài và trước yêu cầu “tổng động viên” để phát triển quân ngụy, Pháp càng phải coi trọng các đội quân giáo phái. Với sự ra đời của bộ tham mưu ngụy từ tháng 2 năm 1952, Pháp đã chuyển giao các đơn vị vũ trang giáo phái và quân Bình Xuyên sang hệ thống quân đội ngụy. Nhưng mấy tháng qua, việc thực hiện chủ trương trên đây gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là do mâu thuẫn về quyền lợi ngày càng tăng giữa “chính phủ” Trần Văn Hữu với bọn cầm đầu quân Thiên chúa giáo và quân Bình Xuyên. Xalăng và Bôngđít đã đi sâu nghiên cứu hai đối tượng này hòng tìm phương sách hạn chế sự lục đục giữa các tên tay sai.

        Quân Thiên chúa giáo Lơ Roa:

        Tháng 7 năm 1947, khi giao cho Lơ Roa tổ chức ba đại đội biệt kích Thiên chúa giáo đầu tiên, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho lực lượng vũ trang chống kháng chiến này nấp dưới cái tên “các đơn vị cơ động bảo vệ Thiên chúa giáo” (Unités mobiles de défense de la Chrétienté, viết tắt là UMDC). Đến cuối năm 1947, lực lượng biệt kích này đã phát triển lên thành 10 đại đội (600 tên) và mở rộng hoạt động ra vùng đông giáo dân thuộc nhiều tỉnh đồng bằng Nam Bộ, nhất là ở các tỉnh Bến Tre, Mỹ Tho.

        Từ năm 1949, tức là khi Lơ Roa làm tỉnh trưởng Bến Tre, hắn đã công khai lộ ý đồ chính trị của hắn. Dựa vào các chữ tắt UMDC, tên tây lai này đã đổi tên lực lượng vũ trang thuộc quyền thành “Liên hiệp dân quân bảo vệ Thiên chúa giáo” (Union des milices pour la défense de la Chrétienté). Lực lượng vũ trang Thiên chúa giáo đã từ một tổ chức mang tính chất đơn thuần quân sự chuyển thành một tổ chức có ý nghĩa rộng rãi hơn. Điều đó nói lên tham vọng của Lơ Roa muốn đẩy mạnh hoạt động sang lĩnh vực chính trị, ngoài sự kiểm soát của ngụy quyền Sài Gòn.

        Cũng từ đó, lực lượng vũ trang Thiên chúa giáo của Lơ Roa có “quân kỳ” riêng mang dòng chữ lừa bịp “Vì Chúa và Tổ quốc” (Pro Deo ét Patria). Hoạt động của chúng chủ yếu tiến hành vào ban đêm, nhằm tiêu diệt các cơ sở kháng chiến ở các địa phương, hỗ trợ cho kế hoạch bình định của quân Pháp. Theo phương châm “bàn tay sắt, bàn tay nhung, quân biệt kích Thiên chúa giáo vừa dùng thần quyền và chiến tranh tâm lý để lừa bịp và mua chuộc vừa mặc sức tàn sát bất kỳ người dân lương thiện nào bị chúng gán cho cái tên Việt Minh để có cớ khủng bố. Do tội ác của chúng, nhân dân vừa căm ghét vừa khinh miệt gọi đội quân công giáo Lơ Roa là quân Uống Máu Dân Chúng (UMDC).

        Cậy thế là tây lai, Lơ Roa ra sức vơ vét ở vùng Hậu Giang, coi như không có chính quyền Trần Văn Hữu. Mâu thuẫn quyền lợi giữa UMDC với ngụy quyền Sài Còn ngày càng sâu sắc, khiến Xalăng và các tướng lĩnh Pháp không thể không có biện pháp giải quyết.

        Quân Bình Xuyên.

        Trước đây vốn là một lực lượng chống Pháp, quân Bình Xuyên dần dần bị phân hóa, nhất là sau khi người đứng đầu là Dương Văn Dương (Ba Dương) chết, quyền chỉ huy lọt vào tay Lê Văn Viễn (Bảy Viễn). Năm 1948, Bảy Viễn đưa số lính còn lại trong lực lượng Bình Xuyên về đầu hàng Pháp. Được Pháp giao nhiệm vụ khủng bố, truy nã các chiến sĩ biệt động, phá cơ sở kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn và bảo vệ giao thông đường thủy từ biển vào cảng Sài Gòn, Bảy Viễn dùng khu Rừng Sát làm căn cứ.

        Để nắm chắc quân Bình Xuyên, Pháp đã dung túng cho Bảy Viễn và đồng bọn mở các sòng bạc Đại Thế Giới (ở Chợ lớn), Kim Chung (ở Sài Gòn) và nhà chứa Bình Khang (ở Vườn Lài). Mâu thuẫn giữa ngụy quyền Trần Văn Hữu với Bảy Viễn bắt nguồn từ sự tranh giành những món lời thu được từ những ổ cờ bạc và đĩ bợm trên đây. Hơn thế nữa để có tiền tụ tập bọn phỉ Mẹo vào các đội biệt kích hỗn hợp không vận (GCMA), tổng chỉ huy Xalăng đã dùng nhiều chuyến máy bay đặc biệt chở thuốc phiện từ Thượng Lào về Sài Gòn để Bảy Viễn tung ra thị trường Nam Bộ. Các chuyến áp phe này đã đem lại cho Bảy Viễn (và tướng Xalăng) những khoản tiền rất lớn. Điều đó càng khơi sâu mâu thuẫn giữa ngụy quyền và bọn cầm đầu Bình Xuyên. Núp dưới cái ô của bọn chỉ huy quân viễn chinh Pháp, tất nhiên Bảy Viễn coi “thủ tướng” Trần Văn Hữu và “chính phủ” Sài gòn dưới tầm mắt.

        Trước nguy cơ có thể xảy ra xung đột giữa “quân đội quốc gia” (ngụy) với các đội quân Bình Xuyên và giáo phái, Xalăng đã gọi Nguyễn Văn Thành (Cao Đài), Trần Văn Soái (Hòa Hảo), Lơ Roa (Thiên chúa giáo) và Bảy Viễn (Bình Xuyên) đến để cùng “thủ tướng” Trần Văn Hữu dàn xếp việc tranh giành ảnh hưởng và quyền lợi.

        Sau một ngày cãi lộn nhằm tâng công với chủ và đổ lỗi cho nhau, bọn cầm đầu các lực lượng vũ trang và chính quyền tay sai đã phải chấp nhận một mệnh lệnh của viên tổng chỉ huy Pháp: ngày 1 tháng 12 năm 1952, các đội quân giáo phái và Bình Xuyên phải chính thức thuộc quyền bộ tham mưu “quân đội quốc gia” (ngụy) với chức năng chủ yếu là bình định theo kế hoạch chung của viên chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Nam Bộ.

        Hoàn thành một việc được coi là “thuần hóa bầy ngựa khác giống nhốt chung một chuồng”, Xalăng vẫn chưa dám rời Sài Gòn để tiếp tục cuộc kinh lý. Tình hình không ổn định ở chiến trường Nam Bộ đã níu áo viên tổng chỉ huy lại. Không những các trận đánh của các đơn vị chính quy đối phương mà chỉ riêng hoạt động của các đội du kích cũng khiến cho các tướng lĩnh Pháp ở Nam Bộ lo ngại. Xalăng phải dành thêm khá nhiều thời gian để cùng đồng bọn nghiên cứu quá trình phát triển của quân du kích ở từng địa phương vài năm qua hòng tìm phương sách đối phó với các đội quân lúc ẩn lúc hiện này.

        Từ dưới thời Đờlát, bằng các cuộc hành binh càn quét liên tiếp vào các vùng Đồng Tháp Mười, Tây Ninh, Bạc Liêu, Rạch Giá... quân Pháp vẫn không sao bình định được Nam Bộ. Điều đó càng rõ nét mỗi khi quân Pháp bị điều thêm ra đối phó ở chiến trường miền Bắc. Hơn 100 trận càn trong mấy tháng cuối năm 1951 đã đem lại cho phía Pháp “những tổn thất không nhỏ”. Tiếp đến là các trận càn ba tháng đầu năm vừa qua vào các vùng Long Xuyên, Gia Định,... với gần một ngàn quân bị bỏ mạng, Pháp vẫn không sao xóa nổi “các chấm đỏ ngày càng mọc dày” ở trong các địa bàn được coi là do quân Pháp kiểm soát. Thất bại điển hình là các cuộc hành binh vào vùng Đồng Tháp Mười một địa bàn “tràn vào đã khó, rút chân ra lại càng khó hơn”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:24:20 am

        Ngoài hoạt động chống càn và các trận phục kích trên các đường giao thông thủy bộ của các đội du kích, Xalăng còn nhận thấy tình hình đáng lo ngại là các trận đánh táo bạo của các đội biệt động ở Cầu Gio, Giồng Lô, Tân Thành Đông, Trà Vinh,... đặc biệt là trận đánh vào cơ quan đầu não của quân giáo phái Cao Đài ở Tây Ninh, khiến viên tham mưu trưởng của đội quân này là Dương Quảng Đăng phải bỏ mạng.

        Từ thực tế tình hình Nam Bộ, Xalăng chỉ thị cho các tướng lĩnh chỉ huy chiến trường này phải tìm biện pháp thoát khỏi mấy khó khăn nổi lên bấy giờ: 1. Tinh thần quân đội Việt Nam (ngụy) sa sút (bảy tháng cuối năm 1951 đầu năm 1952, chỉ riêng ở vùng Bến Tre, hơn 400 lính trở về với phe kháng chiến. Đó là “một cơn sốt tinh thần phải mau chấm dứt”); 2. Vùng kiểm soát của Pháp quá sơ hở. Phải sớm củng cố “quân đội quốc gia” (ngụy) và chấn chỉnh các đội quân giáo phái để bù vào những nơi binh lực bị căng ra quá mỏng; 3. Việc giao thông tiếp tế không bảo đảm. Đối phó với các trận phục kích trên đường bộ và đường sông phải là một nhiệm vụ được đặc biệt coi trọng. Ngoài ra, phải tăng cường bố phòng, chấm dứt những trận phá hoại lớn như trận đối phương phá sập cầu Bến Lức tháng hai vừa qua...

        Tóm lại, theo Xalăng, sức mạnh tiến công của đối phương đã đạt tới đỉnh cao; Đồng Tháp Mười, “sào huyệt của Việt Minh ở Nam Kỳ” là một mảnh đất không thể coi thường...

        Rời Sài gòn, Xalăng “chống chiếc gậy của người hành hương” ra miền Trung, tiếp tục cuộc thanh tra quân sự.

        Sau khi nghe báo cáo của tướng Lơblăng (Leblanc, chỉ huy quân Pháp ở Trung Trung Bộ) và sau khi nắm toàn bộ tình hình. Xalăng hiểu rằng viên chỉ huy chiến trường miền Trung đang đứng trước một tình hình không thuận lợi. Trung đoàn 95 của đối phương vừa liên tiếp tiến công các vị trí Nam Tây, Nam Đông, Vạn Kim, Sơn Tùng,... vừa đánh viện binh Pháp trên đường số 74 và đường số 1, gây rất nhiều khó khăn cho việc tiếp tế sang chiến trường Lào qua con đường chiến lược số 9. Trong khi đó thì các đội du kích luôn luôn lật các đoàn xe lửa tiếp tế và chuyển quân của Pháp trên suốt đoạn đường từ Thừa Thiên ra Quảng Trị. Trận phục kích ngày 7 tháng 3 vừa qua ở vùng Phú Bài, Phú Lộc (lật 2 đoàn tàu 43 toa, trong đó có 18 toa bị nhào xuống biển) là một ví dụ gần nhất. Tại Nam Trung Bộ, tướng Lơ Cốc (Lecoq) cũng chứng minh rằng chính vì hoạt động của các đội du kích Cao Nguyên mà cuộc hành binh Lắctêrít đang gặp khó khăn. Có nhiều triệu chứng cho thấy việc “cấy” người Rhê (tàn quân của cuộc phiến loạn ở Sơn Hà) ít có khả năng thực hiện được.

        Trước khi rời Huế, Xalăng hứa với hai viên tướng chỉ huy miền Trung và miền Nam Trung Bộ: sẽ cố gắng đưa một số lực lượng ngoài Bắc vào để hỗ trợ công cuộc bình định và củng cố hệ thống phòng thủ dọc các trục giao thông lớn.

        Kết thúc cuộc thị sát chiến trường dài ngày trên đường ra Bắc, Xalăng cố tìm lời giải đáp một câu hỏi ngày càng xoáy sâu vào đầu óc của viên tướng thực dân tự coi là am hiểu Đông Dương hơn ai hết: Vì sao đối phương, những nông dân đã từng được tướng lĩnh và chính khách thuộc địa đánh giá là “nhát như bầy chim sẻ”, lại lớn mạnh nhanh như vậy? Họ đương đầu ngày càng hữu hiệu với gần 400 nghìn quân Pháp - Việt (ngụy) được Mỹ viện trợ ngày càng nhiều. Lối đánh của họ thật là “kỳ lạ, khó hiểu và không chịu đựng nổi” đối với đội quân viễn chinh nhà nghề của Pháp.

        Từ viên tướng hai sao chỉ huy cuộc tiến công (thất bại) lên Việt Bắc gần 6 năm về trước, nay đã trở thành viên tướng với bốn sao trên cầu vai, Xalăng vẫn dừng lại ở cách giải thích duy nhất: vì phía Pháp thiếu quân. Nguy cơ “lỗ hổng quân số sẽ càng tăng nếu Hội đồng quốc phòng Pháp buộc phải trả lại số 20.000 quân mà Đờlát đã “vay” chính quốc hồi tháng 3 năm ngoái.

        Giải pháp cổ truyền mà Xalăng thấy vẫn cần áp dụng là phải tiếp tục phát triển nhanh hơn nữa đội quân tay sai. Ngày 10 tháng 5, viên tổng chỉ huy lại thân hành vào Nha Trang gặp Bảo Đại để đốc thúc việc bắt lính.

        Trong cuộc gặp gỡ nếu cả chủ lẫn tớ vui mừng nhận thấy các chuyến tàu viện trợ của Mỹ cập bến khá đều đặn, bình quân khoảng 2-3 ngày một chuyến1, thì họ lại lo lắng trước những khó khăn trong việc “tổng động viên”. Hơn thế nữa, Bảo Đại còn than phiền với quan thầy rằng “quân đội quốc gia” đang bế tắc trước nạn khủng hoảng sĩ quan. Điều đó cũng có nghĩa là đội quân đánh thuê vẫn còn phải đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của sĩ quan Pháp. Trong khi đó thì, theo Xalăng cho biết, rất nhiều sĩ quan và nhân viên kỹ thuật Pháp đã được liệt vào danh sách mãn hạn và hồi hương nhưng chưa biết bao giờ mới được xuống tàu về nước (vì quân Bảo Đại còn lâu mới “bước vào thời kỳ cai sữa”).

        Một phương án tuyển mộ gấp rút sinh viên và nhân viên kỹ thuật người bản xứ được đặt ra, kể cả thợ thủ công, nhân viên truyền tin, kỹ thuật viên cầu đường, lái xe,...

-------------------------
        1. Cuối tháng 1 năm 1952, chuyến thứ 100; đầu tháng 5, chuyến thứ 150. Cứ theo nhịp độ đó, chuyến tàu viện trợ thứ 200 sẽ đến cảng Sài Gòn vào tháng 1 năm 1952.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:25:15 am

NHỮNG CHUYỆN CÔNG KHAI VÀ BÍ MẬT Ở PARI

        Sau cuộc bàn tính với Bảo Đại, tổng chỉ huy Xalăng vội vã trở về Sài Gòn để chuẩn bị cho tướng Ala về Pháp. Viên tham mưu trưởng được Xalăng cử đi Pari để yêu cầu tướng Grốtxanh (Paul Grossin, tổng thư ký võ phòng của tổng thống) vận động ủy ban quốc phòng Pháp (sắp họp ngày 23 tháng 5) nới tay đôi chút về vấn đề đòi trả số quân mà bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương còn đang “nợ”.

        Trong thư đề ngày 14 tháng 5 gửi tướng Grốtxanh, Xalăng cảnh cáo: nếu Tổng thống và ủy ban quốc phòng buộc phải hồi hương số 20.000 quân nói trên trong điều kiện quân ngụy chưa phát huy tác dụng thực tế trên chiến trường, bộ chỉ huy quân đội viễn chinh buộc phải thu hẹp phạm vi chiếm đóng tương ứng với số quân còn lại. Thực chất đó sẽ là sự tháo chạy, sự bỏ rơi hoàn toàn và vĩnh viễn sự nghiệp mà nước Pháp đang theo đuổi. Điều đó tất nhiên sẽ làm cho các quốc gia liên kết (ngụy Đông Dương) nản lòng và làm cho tiềm lực chiến tranh chuyển sang tay Việt Minh để đối phương có thêm khả năng chiến thắng và chấm dứt cuộc chiến trong điều kiện có lợi cho họ... Như vậy, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương sẽ biến thành kẻ đào huyệt chôn vùi địa vị của nước Pháp ở xứ này. Xalăng đảm bảo rằng nếu số quân trên đây không phải hồi hương thì bộ chỉ huy Pháp sẽ “nắm mọi thời cơ thuận lợi để giáng cho đối phương những đòn nặng nề khi có điều kiện, mặc dù đã có nhiều triệu chứng chắc chắn rằng họ sẽ hoạt động mạnh trong mùa khô sắp tới”. Bức thư được kết thúc bằng một câu khá hấp dẫn: “Dù sao tôi (Xalăng) cũng không thể chấp nhận thái độ của kẻ ngồi nhìn nước Pháp bỏ cuộc đúng vào lúc mà cán cân đang nghiêng về phía chúng ta...” (!).

        Ala ra đi và Ala trở lại Đông Dương với những tin tức không có gì đáng khích lệ. Ở Pari, người ta đang tỏ ra lo lắng và bối rối về vấn đề Đông Dương. Không ít người trong giới cầm quyền “lộ rõ tâm trạng hoài nghi, chán ngán và thốt ra những lời chỉ làm cho nao núng tinh thần đội quân viễn chinh”.

        Với quyết tâm “không để cho mình bị đánh bại”, ngày 29 tháng 7, tổng chỉ huy Xalăng đích thân về Pháp mang theo hy vọng “sẽ thắng một keo ngay ở Pari”, như trước đây một năm Đờlát đã từng ảo tưởng.

        Cũng như Đờlát, Xalăng đến gõ cửa mọi vị quyền cao chức trọng ở thủ đô Pháp, từ Bộ trưởng quốc phòng Plêven, Thủ tướng Pinay đến Tổng thống Ôriôn. Khốn nỗi đó lại chính là những người luôn miệng nói đến “một giải pháp nhanh chóng”, vì quốc hội đang ngày càng phân hóa sâu sắc về cuộc chiến tranh Đông Dương. Trong những ngày lưu lại Pari, chính Xalăng đã chứng kiến sự phân hóa đó.

        Những người cộng sản tiếp tục lên án “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” của Pháp ở Đông Dương. Xalăng bực tức cho rằng đó là những lời thóa mạ khả ố đối với những người “đang vì danh dự và uy tín của nước Pháp (?) mà chiến đấu ở bên kia”... Các đảng viên xã hội Pháp thì chủ trương lập lờ: không tái xâm lược, cũng không bỏ rơi. Họ chờ đợi sự can thiệp của các cường quốc (phương Tây). Đối với viên tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp, loại ý kiến này “không độc địa và có thể là một chỗ dựa”. Những người thuộc đảng Cấp tiến thì cho rằng châu Á là một mục tiêu hấp dẫn nhưng xa vời và khó nuốt. Trong bọn họ kẻ thì muốn hướng nỗ lực vào châu Âu, kẻ lại khuyên không được bỏ rơi châu Phi. Còn phe cực hữu mà đại diện là đảng Tập hợp dân chúng Pháp (RPF) và đảng Cộng hòa bình dân (MRP) thì chủ trương thành lập một mặt trận liên minh với Mỹ (thực chất là mở cửa cho Mỹ trực tiếp nhảy vào Đông Dương). Đối với bọn họ việc Mỹ chỉ gánh vác chừng 40% chiến phí ở Đông Dương là… quá ít.

        Trong khi tình trạng chia năm xẻ bảy đang diễn ra trong Quốc hội thì dư luận phần lớn dân chúng Pháp cho rằng “sự dính líu của Pháp ở Đông Dương là một sự suy đồi về phẩm chất, một sự gia tăng về thuế má, một nỗi buồn phiền sâu sắc…”. Xalăng được nghe những người dân Pháp, kể cả những người lính bị tàn phế, đang bị bỏ rơi ở các nhà thương, nói thẳng ra rằng: hãy rút quân viễn chinh về, hãy để mặc nước Việt Nam cho người Việt Nam.

        Kém xa chuyến công cán của Đờlát năm trước, cuộc hành trình Sài Gòn - Pari của Xalăng đem lại kết quả là con số không, nếu không kể chiếc mề đay Bắc đẩu bội tinh mà Tổng thống Pháp gắn cho ngày 20 tháng 8, trước khi viên tổng chỉ huy trở lại chiến trường. Hai mươi năm sau, khi viết tập Hồi ký, tướng Xalăng vẫn chưa hết tự hào nhắc lại rằng đối với hắn, đây “thật là một phần thưởng tuyệt vời...”. (!).

        Đầu tháng 9 năm 1952, Xalăng trở lại Sài Gòn. Viên tướng này không hề biết rằng ở thủ đô Pháp người ta đang bí mật trù tính một việc mà chẳng ai thèm tham khảo ý kiến vị tổng chỉ huy trong những ngày ngài có mặt ở Pari. Xalăng lại càng không bao giờ nghĩ rằng chính sự kiện bí mật đó đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến thái độ thờ ơ của Pari đối với cuộc chiến tranh Đông Dương. Câu chuyện đó, sau này vỡ lở ra, được các ký giả và sử gia Pháp mệnh danh là một cuộc điều đình bị bỏ lỡ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:25:33 am

        Từ tháng 8, nhiều nhân vật quân sự và dân sự tai to mặt lớn ở Pari đã tổ chức những cuộc họp bàn bí mật để tìm lối thoát ra khỏi vũng bùn Đông Dương. Điểm mặt trong các cuộc họp đó, người ta thấy có cựu toàn quyền Anbe Xarô (bấy giờ là chủ tịch cái gọi là Hội đồng Liên hiệp Pháp) ;Măngđét Phrăngxơ, một nhân vật được coi là “bồ câu”; Xanhtơny và Bôla, những người đã từng nếm mùi sóng gió trong những năm đầu của cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương; Phrăngxoa Valăngtanh với bộ óc đặc sệt quan điểm của Đờlát; tướng ba sao Pôn Grốtxanh, tổng thư ký võ phòng của tổng thống, cùng một số nhân vật trí thức và chính trị Pháp.

        Người ta bàn đến việc tiếp xúc với Chính phủ kháng chiến Việt Nam. Người được chọn đi làm môi giới cho cuộc thương lượng là Bửu Hội, anh em họ của cựu hoàng Bảo Đại và là con bài dự trữ của Pháp đang chờ thời ở Pari từ cuối năm 1946. Người ta thỏa thuận với nhau: Bửu Hội sẽ lên đường sang châu Á dưới danh nghĩa công khai của một nhà khoa học đi công cán với sự tài trợ của Chính phủ Pháp. Người được chỉ định đi gặp đại diện Chính phủ kháng chiến Việt Nam có thể là Xanhtơny, “chuyên gia về Việt Minh”, địa điểm được lựa chọn cho cuộc thương lượng là Rănggun, thủ đô Miến Điện, nơi họ cho là Chính phủ kháng chiến có thể qua lại dễ dàng.

        Thủ tướng Pháp Pinay được tham khảo ý kiến cũng không phản đối, “miễn là xin các ngài xúc tiến bí mật cho”. Tổng thống Pháp cũng ngấm ngầm chấp thuận và yêu cầu mọi người “không giấu giếm Bảo Đại điều gì trong quá trình tiếp xúc với Việt Minh”.

        Suốt mùa thu 1952, sau nhiều cuộc họp, chưa có vấn để gì được ngã ngũ, nhất là trong việc cử ai là đại diện của phía Pháp đi gặp Chính phủ Việt Nam và điều kiện có thể chấp nhận trong cuộc gặp gỡ đó. Người này cho rằng chọn Xanhtơny sẽ làm phật ý những người trong Chính phủ trực tiếp có trách nhiệm về quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Kẻ khác giữ quan điểm: đàm phán nhưng không phải là để đầu hàng đối phương, không phải là để rút quân. Người ta cũng đặt ra một vấn đề cần thảo luận là liệu Việt Minh có đòi quân Pháp phải rời bỏ Việt Nam không, v.v… Tóm lại các ngài chính khách này thấy đã đến lúc cần phải đàm phán với phía kháng chiến nhưng đầu óc thực dân thủ cựu đã trói chặt họ vào hai vấn đề khiến họ không thoát ra nổi: sĩ diện của Chính phủ Đại Pháp và quyền lợi thực dân ích kỷ trên mảnh đất Đông Dương béo bở. Trải qua một thời gian dài, sáng kiến vĩ đại về thương lượng cứ thai nghén mãi trong những bộ óc đen tối.

        Thế rồi (cũng không hiểu vì sao) câu chuyện bí mật ở đại lộ Phrêđêrích Lơ Phay bỗng bay đến tai Lơtuốcnô, Bộ trưởng bộ Các quốc gia liên kết, đương kim cao ủy Pháp ở Đông Dương, nhân vật “phản đối đến cùng mọi cuộc thương thuyết với Việt Minh, dù chỉ trên nguyên tắc”. Nham hiểm và xảo trá, Lơtuốcnô chủ trương không phản đối công khai và trực diện, mà bỏ ra một khoản tiền lớn để phá theo kiểu ném đá giấu tay. Khi có người thăm dò thái độ, viên bộ trưởng - cao ủy trả lời gượng gạo: “Nếu Pinay đồng ý, xin các ngài cứ thử xem. Riêng tôi, tôi đứng ngoài cuộc”. Trong thâm tâm, Lơtuốcnô chờ đợi một sự tan vỡ trong cuộc gặp gỡ với đối phương. Và chỉ đến khi đó, y mới lên tiếng: Tôi đã nói với các ngài từ lâu rồi! Không thể thương lượng được với bọn ấy đâu!

        Sau này người ta được biết rằng chuyến đi của Bửu Hội chưa được thực hiện thì nội các Pinay đổ (22-12-1952). Nước Pháp không có Chính phủ, cũng tức là không có ai dám chi tiền cho chuyến đi tốn kém đó. Phải đợi đến khi May (René Mayer) lập được nội các (7-1-1953) Bửu Hội mới lên đường sang châu Á. Theo các ký giả thạo tin tiết lộ thì cuộc gặp gỡ đầu tiên với đại diện Chính.phủ kháng chiến Việt Narn diễn ra ở Rănggun vào cuối tháng 2 năm 1953. Hai bên chỉ mới thống nhất được một điểm: ai là người thay mặt Chính phủ Pháp trong cuộc đàm phán sắp tới. Qua cuộc gặp gỡ đó, Bửu Hội thấy nổi bật một điều trong thái độ của phía kháng chiến là họ quyết tâm chiến đấu đến cùng nếu chưa đạt được mục tiêu độc lập và thống nhất.

        Trên đường trở lại Pari đầu tháng 3, Bửu Hội nghe tin Lơtuốcnô (với danh nghĩa người được Thủ tướng Mayê ủy thác giải quyết mọi vấn đề về Đông Dương) tuyên bố. “Nước Pháp sẽ không bao giờ đàm phán trước khi giành thắng lợi hoàn toàn về quân sự và sẽ khước từ bất kỳ giải pháp nào khác...”. Cũng như vào mùa hè năm 1946, Sài Gòn đã nói và làm những gì mà giới cầm quyền Pháp “không tiện” nói và làm ở thủ đô Pari.

        Khi Bửu Hội đặt chân lên đất Pháp cũng là lúc Mayê đã đích thân lên đường sang Oasinhtơn để xin thêm viện trợ. Và muốn dựa vào Mỹ để có viện trợ nhằm tiếp tục chiến tranh, tất nhiên Chính phủ Pháp phải bóp chết mọi khả năng thương thuyết ngay từ khi tia sáng đầu tiên vừa lóe lên ở cuối đường hầm. Điều đó không có gì là khó hiểu.

        Thêm một dịp tan biến mọi cơ hội sớm chấm dứt cuộc xung đột Việt - Pháp. Sau này, người ta được biết thêm rằng Quốc hội Pháp chỉ dám trút mọi “trách nhiệm lên đầu Lơtuốcnô mà không dám đả động đến Mayê, sau đó là Lanien (Joseph Laniel), “những người thay nhau bám chặt vào xe tăng Mỹ để tiếp tục mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương”.

        Chỉ riêng tổng chỉ huy Xalăng là không biết những gì đã và đang xảy ra ở Pari khi y trở lại Đông Dương với hai bàn tay trắng để chuẩn bị đón lấy những đòn sấm sét mà đối phương sắp giáng xuống đầu đội quân viễn chinh mùa đông 1952 này.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:26:28 am

MỘT ĐỐI THỦ KỲ LẠ VÀ ĐÁNG SỢ

        Nếu trong những năm 1955-1975, đế quốc Mỹ và tay sai đã gọi từ em bé đến cụ già ở miền Nam Việt Nam (những người chiến đấu chống lại chúng) bằng một danh từ riêng nhưng rất chung: Vixi (V.C. - Việt Cộng) thì, vào những năm 1945-1954, thực dân Pháp cũng dùng một loại danh từ tương tự để gọi các lực lượng kháng chiến: Việt Minh.

        Năm 1971, tức 17 năm sau khi quân đội viễn chinh Pháp đã bị “Việt Minh” đánh bại, tướng Xalăng viết tập 2 cuốn Hồi ký, trắng trợn đặt cho nó một cái tên giật gân: Việt Minh, đối thủ của tôi. Nhưng “quân đội Việt Minh” là như thế nào thì vào năm 1946 y chưa hiểu rõ, mặc dù viên tướng này khoe rằng từ hồi đó y đã nghiên cứu tư tưởng quân sự của vị tổng chỉ huy đối phương. Sáu năm sau tức là năm 1952, khi chính thức được chỉ định cầm đầu quân đội viễn chinh Pháp, viên tướng này mới nghiên cứu kỹ đối thủ của mình.

        Đọc cuốn Hồi ký của Xalăng, người ta thấy rằng “công trình nghiên cứu của viên tướng này (với sự cộng tác của đại tá Broayen (Broyelle) và một số sĩ quan tham mưu khác) đã giúp cho bộ chỉ huy quân viễn chinh “thu hoạch” được khá nhiều điều bổ ích về “bộ đội Việt Minh”, một đối thủ mà họ cho là kỳ lạ.

        Mặc dù sự hiểu biết của Xalăng còn rất hạn chế và không ít lệch lạc, nhưng công bằng mà nói, qua cuốn Hồi ký (từ trang 320 đến trang 326), viên tướng này đã buộc phải kể đến khá nhiều mặt thuộc bản chất cách mạng của quân đội Việt Nam. Dưới đây là mấy điểm chủ yếu do chính Xalăng viết trong cuốn sách nói trên, đã được sắp xếp lại.

        Một quân đội của nhân dân.

        Quân đội Việt Minh từ nhân dân mà ra, gắn bó hữu cơ với nhân dân và thu hút những phần tử tinh túy nhất trong nhân dân.

        Đó là một quân đội năng nổ, trẻ trung, giản dị và được thử thách. Họ xuất thân từ quần chúng nông dân quen lao động nặng nhọc và quen chịu đựng gian khổ.

        Quân đội đó “cuồng tín” (ý nói có tinh thần quyết chiến quyết thắng) vì được cổ vũ bằng một lý tưởng (cách mạng), một lòng căm thù địch và vì thường xuyên đặt dưới sự lãnh đạo của hàng ngàn chi bộ Đảng.

        Một nét nổi bật là sự kết hợp giữa quân sự và chính trị ở tất cả các cấp để hoàn thành nhiệm vụ.

        Là một binh sĩ có ý thức chính trị về mục đích cách mạng, người chiến binh Việt Minh lấy những điều răn sau đây làm tôn chỉ hành động của mình:

        - Bằng bất kỳ giá nào cũng phải đem tinh thần chiến đấu dũng cảm, mãnh liệt để tiêu diệt quân địch.

        - Trong suốt quá trình các trận đánh, phải chiến đấu liên tục, quyết liệt, không đầu hàng địch.

        - Giải thích không mệt mỏi cho quần chúng nhân dân về đường lối chính trị của Chính phủ, động viên dân chúng tham gia kháng chiến và không bao giờ xâm phạm của cải của họ.

        - Thực hiện hoàn toàn đoàn kết, hoàn toàn nhất trí giữa các cấp, giữa chỉ huy và chiến sĩ, giữa đảng viên và người ngoài Đảng. Hồ Chủ tịch đã từng dạy quân đội: là anh em của chiến sĩ, người tiểu đội trưởng, người chính ủy phải lo lắng đến đời sống của chiến sĩ và nắm được mọi sự buồn rầu, lo lắng của họ...

        Sự giáo dục, được tiến hành từ cơ sở, đã hoàn toàn thấm xuống tận các đơn vị nhỏ nhất và đã làm chủ tinh thần và ý chí của quân đội.

        Một quân đội lớn mạnh nhanh chóng.

        Vào giữa năm 1952, quân đội Việt Minh đã đạt tới trình độ phát triển rất cao. Nó bao gồm những lực lượng tổng dự bị và những trung đoàn và tiểu đoàn độc lập, nhất là ở các vùng châu thổ.

        Lực lượng tổng dự bị gồm 7 sư đoàn (6 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn vũ khí nặng), được tổ chức và trang bị hoàn chỉnh, đó là những binh đoàn có chức năng san bằng các đồn bốt của Pháp và tiêu diệt các lực lượng ứng chiến trong những trận đánh ngoài công sự. Nhưng khi cần hoạt động phân tán, các binh đoàn đó cũng hoàn toàn phù hợp với chiến tranh du kích, để đưa chiến tranh từ du kích đến chính quy một cách tuyệt diệu.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:26:54 am

        Một sư đoàn bộ binh tổng dự bị có thể tự mình đảm nhiệm một chiến dịch và đưa chiến dịch đến mục đích của nó. Còn các trung đoàn, với cơ cấu như hiện nay, thực chất là những sư đoàn thu nhỏ lại.

        Ngoài lực lượng bộ binh, quân đội Việt Minh còn có các đơn vị pháo binh, công binh, cao xạ, trinh sát...

        Tổ chức thấp nhất là tiểu đội. Mỗi tiểu đội lại chia làm ba tổ 3 người, một tổ chức được các cấp chỉ huy rất coi trọng. Tất cả đều đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của hệ thống công tác chính trị.

        Xalăng và bộ tham mưu Pháp phán đoán rằng: vào khoảng giữa năm 1952, trong cả nước, lực lượng vũ trang kháng chiến gồm 108.000 quân chính quy, 53.000 bộ đội địa phương, 115.000 du kích, tổng cộng là 276.000 tay súng. So sánh với tổng số quân mà bộ chỉ huy Pháp có trong tay, viên tướng này than phiền rằng, sau khi phải trả về “chính quốc” 18.000 lính, quân viễn chinh chỉ còn 165.000 tên. Nếu cộng tất cả các loại quân ngụy Đông Dương, tổng số lính Pháp và tay sai cũng chỉ đạt tới 260.000 tên. “Như vậy, ưu thế hình như thuộc về ông Giáp, tuy ông ấy không có không quân, cơ giới. Ưu thế đó (của phía kháng chiến) thật là điều đáng kể trong so sánh lực lượng”. (Có một điều quan trọng khác mà tướng Xalăng không nói đến là, vào mùa hè 1952, trong khi quân chủ lực của đối phương hoàn toàn cơ động trên các chiến trường thì khoảng 85% chủ lực của Pháp - ngụy phải giam chân trong các vùng tạm chiếm để đối phó với chiến tranh du kích, lực lượng cơ động chiến lược trong tay Bộ chỉ huy Pháp chỉ còn trên dưới 15%).

        Một bộ máy chỉ đạo chiến tranh hoàn chỉnh.

        Về tổ chức cơ quan quân sự, ông Giáp có một Bộ tham mưu đúng với chức năng của nó, một Tổng cục Cung cấp, một Tổng cục Chính trị. Dưới ánh sáng của thực tế chiến tranh, đối phương không ngừng cải tiến bộ máy chỉ đạo kháng chiến của mình.

        Nhiệm vụ chính của các cơ quan trên đây là động viên tinh thần chiến đấu, chủ nghĩa anh hùng (cách mạng), tính dũng cảm, lòng tin tưởng theo quan điểm mác-xít, lòng căm thù địch; duy trì trong binh sĩ của họ tinh thần bền bỉ và tác phong giản dị ở trình độ cao; không ngừng cải tiến kỹ thuật và chiến thuật; hoàn chỉnh một chế độ cung cấp hợp lý cho bộ đội...

        Việc tiếp tế được các đoàn dân công “đông như kiến” vận chuyển từ hậu phương ra mặt trận cho bộ đội. Tuy vậy, trong hành quân chiến đấu, các chiến binh vẫn mang trên người một bao đựng số gạo đủ ăn trong ba ngày như người ta thường thấy ở châu Âu những năm 1914-1918.

        Để giữ được tính liên tục giữa chiến đấu, bổ sung và phát triển lực lượng đột kích chủ yếu (theo nguyên văn: các mũi lao - fers de lance) trong các trận đánh, bộ tư lệnh đối phương quan tâm đặc biệt đến việc bố trí các đợt nghỉ ngơi và củng cố bộ đội. Họ chú trọng đi sâu vào chất lượng để không ngừng tạo nên sức mạnh và hiệu quả chiến đấu cho bộ đội.

        Sau các trận đánh (ngoài việc khẳng định những ưu điểm đưa đến thắng lợi), Bộ Tổng tư lệnh thường chỉ đạo việc tự phê bình bằng cách nêu lên hàng loạt khuyết điểm, ví dụ: tư tưởng chủ quan tự mãn, phương pháp chỉ huy thiếu khẩn trương và đôi khi cứng nhắc, việc chấp hành mệnh lệnh thiếu nghiêm túc... đã hạn chế tầm vóc của thắng lợi đáng lẽ phải giành được lớn hơn. Một khi lời tự phê bình thẳng thắn của thủ trưởng cấp trên được phổ biến xuống sĩ quan cấp dưới và bộ đội lập tức liên hệ và rút ra những kinh nghiệm của chính mình để áp dụng ngay vào các trận đánh sau.

        Chính vì vậy mà quân đội Việt Minh đã không ngừng nỗ lực và liên tục tiến bộ.
        …
        “Quân đội Việt Minh là một bộ đội lục quân tuyệt vời... một công cụ chiến đấu không gì có thể so sánh được... một đối thủ đáng sợ...”.

        Đó là những kết luận mà viên tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp Xalăng rút ra sau khi nghiên cứu quân đội nhân dân Việt Nam, đối thủ của y.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:28:04 am

ĐỠ ĐÒN CHO XỨ THÁI

        Vào mùa thu năm 1952, bắt chước điệp khúc mà Đờlát thường dùng trước đây, tướng Xalăng cũng đặt vấn đề: Mùa mưa sắp hết, từ 20 tháng 9, những ngày nắng ráo đã xuất hiện, vậy cái gì sắp xảy ra? Liệu ông Giáp sẽ tập trung nỗ lực trên hướng nào...?

        Viên tổng chỉ huy than phiền rằng phòng nhì bất lực, không cung cấp được tài liệu gì đáng kể về ý định của đối phương.

        Cuối tháng 9, một số triệu chứng bắt đầu xuất hiện. Sự đi lại và vận chuyển trên sông Hồng ở vùng Yên Bái tỏ ra khác thường trên một tuyến dài khoảng 60 kilômét. Các phiên liên lạc vô tuyến điện của đối phương tăng lên.

        Từ ngày 4 tháng 10, toàn khu Tây Bắc nhận lệnh báo động. Một đại đội Tabo được điều từ Lai Châu về tăng cường cho phân khu Nghĩa Lộ1. Sở chỉ huy phân khu dời lên đồn cao Pú Chạng. Công sự ở Nghĩa Lộ được tăng cường. Máy bay trinh sát và các đội tuần tiễu thường xuyên theo dõi đối phương từ hữu ngạn sông Hồng đến tả ngạn sông Đà.

        Đối với bộ chỉ huy Pháp, những biện pháp đối phó đầu tiên trên đây được coi là tạm đủ, khi mà họ chưa tin rằng hướng tiến công của đối phương là xứ Thái2. Từ kinh nghiệm cuối tháng 9 năm trước, họ tin rằng. Nghĩa Lộ có thể “đứng vững”, nhất là sau khi đã được tăng cường cả về binh lực và công sự.

        Sau khi phát hiện một số triệu chứng của đối phương, hàng ngày máy bay trinh sát chỉ điểm để không quân và pháo binh bắn phá những khu vực chung quanh Nghĩa Lộ. nghi là có đối phương tập kết. Đêm đến, máy bay Đacôta thả dù chiếu sáng, máy bay B26 ném bom nổ và bom cháy quanh cứ điểm.

        Tuy nhiên, mãi đến đầu tháng 10, một vấn đề chiến lược vẫn được đặt ra với các tướng lĩnh Pháp là đối phương chọn đồng bằng hay vùng rừng núi Tây Bắc làm hướng tiến công. Phải chăng họ thấy không đủ điều kiện giành thắng lợi lớn ở chiến trường địa hình trống trải nên đã chuyển hướng lên xứ Thái, nơi mà chỗ mạnh về binh khí kỹ thuật của quân đội Pháp bị hạn chế, nơi mà họ dễ dàng phát huy sở trường trong các trận đánh “với tốc độ vận động việt dã”? Như vậy họ sẽ buộc không quân Pháp hoạt động xa căn cứ để đánh một đối phương phân tán trong rừng... Rồi họ bất ngờ tập trung mau lẹ từ nhiều địa điểm xuất phát khác nhau, với “trình độ ngụy trang đã trở thành một nghệ thuật cả trong hành quân và trú quân”.

        Nhiều ký giả và tướng lĩnh Pháp tỏ ra lo lắng nhận xét rằng: trong năm qua, so sánh lực lượng chưa thay đổi gì có lợi cho Pháp trên chiến trường xứ Thái, một chiến trường mỗi chiều khoảng 200 kilômét, từ sông Hồng đến biên giới Lào, từ Vạn Yên đến Phong Thổ. Đó là điều thuận lợi để đối phương thực hiện ý định chiến lược của họ là lần lượt quét các vị trí trơ trọi và mỏng yếu của Pháp viền dọc sông Hồng và sông Đà, tạo điều kiện tiêu diệt quân ứng chiến để tiến tới làm chủ vùng rừng núi bao la này và nhanh chóng tiến sang vùng biên giới phía Tây. Đối phương cũng sẽ đánh mạnh ở đồng bằng Bắc Bộ để giam chân một bộ phận quan trọng lực lượng dự bị của Pháp, tức là thực hiện “chủ trương tác chiến trên hai mặt trận” như đã từng xảy ra cuối năm trước (ý nói trong chiến dịch Hòa Bình). Khó khăn nổi bật của đối phương là vấn đề tiếp tế đảm bảo cho hàng vạn binh sĩ chiến đấu dài ngày trên một chiến trường xa, giao thông không thuận tiện, lương thực tại chỗ khan hiếm. Mới nêu vấn đề hậu cần của Việt Minh, nhiều người đã vội nghĩ rằng hình như việc đưa binh lực lớn lên tiến công xứ Thái là một điều mạo hiểm, hầu như không kham nổi, nhất là các tuyến đường thường bị không quân Pháp oanh tạc, ngăn chặn. Nhưng không ít người cho rằng với những đoàn dân công dài vô tận, dựa vào rừng núi kín đáo đối phương sẽ thành công trong việc bố trí các kho trạm, các căn cứ hậu cần ở sát và ở cả phía trong phòng tuyến của Pháp...

-------------------------
        1. Đại đội lính da đen này (5/10 Tabor) bị diệt ở Bản Tú ngày 15 tháng 10, khi vừa ở Lai Châu xuống.

        2. Xuất phát từ âm mưu chính trị (lập xứ “tự trị”), Pháp gọi vùng Tây Bắc Việt Nam là “xứ Thái”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:28:32 am

        Từ những nhận xét trên đây, một số tướng lĩnh Pháp, trong đó có tướng Mácsăng, đã rút ra kết luận: chỉ cần suy nghĩ như vậy cũng đủ để thấy thắng lợi hình như đã nằm trong tay đối phương.

        Điều đó giải thích vì sao tổng chỉ huy Xalăng sau này phải thú nhận rằng, vào đầu tháng 10 năm 1952, hắn ta “rất lo lắng cho số phận vùng tây - bắc Bắc Kỳ”. Lo lắng nhưng không có phương sách đối phó nào khác hơn khi mà chiến trường quá rộng và lực lượng dự bị trong tay không nhiều. Thói quen của viên tướng này là chờ đợi khi nào đối phương lộ rõ ý định chiến lược mới hạ quyết tâm xử trí.

        Từ ngày 5 tháng 10, mặc dù bận rộn vì phải đón tiếp và dẫn Bộ trưởng chiến tranh Sơvinhê (De Chevigné) đi thăm “những nơi yên tĩnh” ở miền Nam, tướng Xalăng vẫn không quên đốc thúc Đờ Linarét “báo cáo tin tức hàng ngày, nếu không phải là hàng giờ”.

        Thế rồi từ ngày 11 tháng 10, các sự kiện cứ dồn dập xảy ra trên chiến trường Tây Bắc. Các đơn vị tuần tiễu vừa tiếp xúc với quân đối phương thì ngay sau đó, các đồn bốt phía ngoài của phân khu Nghĩa Lộ, trên đường tiến quân của quân đội Việt Nam, lần lượt bị quét sạch. Một số vị trí đầu hàng, một số khác chống đỡ yếu ớt để rồi rút chạy.

        Viên tổng chỉ huy (vốn là người chậm hiểu) tuy phán đoán đối phương có thể tiến công Nghĩa Lộ, nhưng lại không dám khẳng định để có phương sách đối phó.

        22 giờ ngày 15, từ Sài Gòn, Xalăng thảo một chỉ thị mật, giao cho đại tá Bútxari (Boussarie) ra Hà Nội chuyển cho Đờ Linarét, chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ. Theo chỉ thị đó, “Nghĩa Lộ và Sơn La đang bị uy hiếp nặng nề... nhưng các yếu tố nắm được chưa cho phép chúng ta có chủ trương... Phải đợi cho Việt Minh lộ rõ ý định của họ”. Địa hình rừng núi đang buộc đối phương phải phân tán. Đó là nhân tố thuận lợi cần chú ý. Để tăng cường cho Nghĩa Lộ và bảo vệ Sơn La, không cần phải ném quân xuống Gia Hội hay Tú Lệ vì hai nơi này quá xa Nghĩa Lộ. Trước mắt, phải dành phần lớn không quân yểm trợ cho Tây Bắc...

        Chỉ thị tới nơi quá chậm. Sáng 16, tiểu đoàn dù thứ 6 (6è BPC) do thiếu tá Bigia (Bigeard) chỉ huy đã được ném xuống Tú Lệ.

        Tung tiểu đoàn dù ra phía trước, Đờ Linarét chủ trương “hy sinh con cừu non” để thu hút đối phương hòng tạo điều kiện cho các đồn binh phía sau có đủ thời gian rút chạy về phía sông Đà. Để đạt mục đích đó, “sự hy sinh (của tiểu đoàn dù) cũng xứng đáng”.

        Biết mình được đem đi làm vật hy sình, quân dù “tỏ ra lo lắng khác thường”. Chính Bigia cũng nhận thấy “những sự vui đùa hàng ngày biến đâu mất” mặc dù cố đạo Giăngđen (Jeandel), tuyên úy của tiểu đoàn cũng có mặt trong máy bay với bộ quần áo biệt kích dù. Người ta chỉ phân biệt được viên cố đạo khi thấy ngay trên túi đựng dù trước ngực hắn ta lủng lẳng bức tượng Chúa bằng bạc trên chiếc thánh giá đen sì. Khi Giăngđen nhảy dù xuống, tất nhiên tượng Chúa cũng nhảy theo.

        Tại Sài Gòn, vào hồi 22 giờ ngày 17 tháng 10, tổng chỉ huy Xalăng đang cùng hai ngài bộ trưởng Sơvinhê và Lơtuốcnô chén tạc chén thù thì viên đại tá Broayen bỗng xuất hiện và thì thầm bên tai tổng chỉ huy: Nghĩa Lộ bị tiến công lúc 17 giờ. Xalăng “bị kích động mạnh nhưng cố trấn tĩnh” quay sang báo tin không lành đó cho hai vị cấp trên và ngỏ ý sẽ bay ra Hà Nội sáng mai. Hai ngài bộ trưởng yêu cầu cùng đi.

        Như sau này Xalăng thú nhận, đêm hôm đó đối với viên tổng chỉ huy là “một đêm đầy lo âu, vì những tin tức hàng giờ bay vào Sài Còn luôn mâu thuẫn nhau...”. Viên tướng tổng chỉ huy chỉ lo “tình hình diễn biến xấu nhất”, khi mà ngài bộ trưởng chiến tranh mới từ Pari quá bộ sang kinh lý.

        Tới Hà Nội trưa ngày 18, họ gặp Đờ Linarét vừa từ Tây Bắc bay về báo tin: “Thế là hết!”. Nội dung ngắn gọn thôi, nhưng mọi người đều hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ai nấy vội vã về bộ tham mưu để nghe Đờ Linarét báo cáo.

        Theo viên tướng này thuật lại thì từ 17 giờ ngày 17, khi quân phòng ngự ở Nghĩa Lộ “còn đang chịu đựng đến mê muội đi vì mật độ và tính chính xác đến ghê rợn của hỏa lực pháo binh và súng cối đối phương bắn vào hệ thống dây thép gai, đào thành những lối đi trên bãi mìn và hạ sát các xạ thủ súng máy và súng cối trong đồn..., thì ngay sau đó, khi màn đêm vừa ập xuống, từng lớp người đã xung phong vào đồn cao. Súng không giật và bộc phá nổ nhức tai. Không đầy một giờ, đồn cao bị tiêu diệt, cũng có nghĩa là “bản án tử hình đối với phân khu Nghĩa Lộ đã ký xong”. Sáng hôm nay (18-10), đến lượt đồn thấp bị tràn ngập. Khi trên nền trời xuất hiện chiếc máy bay vận tải đầu tiên chở quân dụng và máu khô (những thứ được yêu cầu gửi lên gấp), thì lá cờ ba sắc đã biến mất trên cứ điểm Nghĩa Lộ, chỉ còn lại dấu vết những công sự đã bị phá tan tành và đang bốc khói...


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:28:48 am

        Thêm một chi tiết (do Bécna Phôn bổ sung sau này), từ trên máy bay, các phi công còn nhìn thấy rất rõ từng đoàn tù binh kéo đi, “tay giơ quá đầu lê bước giữa hai hàng lính Việt Minh”.

        Kết luận được viên tổng chỉ huy rút ra sau khi nghe báo cáo là: ông Giáp đã bất ngờ tập trung sư đoàn 308 vào Nghĩa Lộ. Các hướng khác: Sầm Nưa, Mường Hét, Mường Hum... chỉ là nghi binh. Nghĩa Lộ đã không đứng vững được thì các vị trí khác ở phía tây sông Đà sẽ tiếp tục trở thành những mồi ngon cho đối phương. Sau đó 1à một quyết định có tầm chiến lược: phải rút tất cả về Nà Sản, một vị trí trên đường liên tỉnh 41 (đường số 6 Hà Nội - Lai Châu). Nà Sản có sẵn sân bay cho máy bay Đacôta hạ cánh. Đại tá Gin (Gilles) được cử làm chỉ huy cứ điểm Nà Sản, thiếu tá Vôđrây (Vaudrey) làm phó. Tướng Ala và đại tá Đơbenácđy (Debernardy) phải giải quyết việc chi viện của không quân vì đó là “vấn đề sinh tử của tổng chỉ huy lúc này”. Điện gấp cho Bigia: phải rút chạy ngay khỏi Tú Lệ, vét theo các đồn nhỏ quanh vùng đưa nhanh về Nà Sản, để “tránh đòn thứ hai của đối phương”.

        Không chậm trễ, tổng chỉ huy Xalăng dẫn hai ngài bộ trưởng bay lên Tây Bắc. Vòng qua không phận Nghĩa Lộ, từ trên máy bay, các ngài tận mắt chứng kiến cảnh tan hoang của cứ điểm còn đang bốc khói. Sau đó máy bay mới hạ cánh xuống Nà Sản. Mọi biện pháp tổ chức phòng ngự được hạ đạt trực tiếp cho tướng Đờ Linarét và hai viên chỉ huy cứ điểm Nà Sản: phải củng cố vị trí này thành một tập đoàn cứ điểm với những điểm tựa đủ sức chịu đựng được đạn pháo. Phải bảo vệ bằng được sân bay trước bất kỳ cuộc tiến công nào của đối phương. Nhiệm vụ đặt ra cho Nà Sản là đập tan ý định của đối phương muốn giành lại xứ Thái, “một vùng rất mực trung thành với nước Pháp từ 70 năm qua”(!), cũng tức là ngăn chặn đối phương thâm nhập vào đất Lào. Không những Nà Sản phải chờ đón các cuộc tiến công của Việt Minh mà sẽ còn là căn cứ xuất phát để đánh lại họ. Tiểu đoàn dù của Bigia sẽ là đơn vị đầu tiên được điều về đây “không một phút chậm trễ”...

        Mệnh lệnh trên xem chừng “lọt tai hai vị bộ trưởng” nhưng chưa được thực hiện thì đã có tin Tú Lệ bị tiến công, “số phận của tiểu đoàn dù của Bigia coi như đã được định đoạt vì không có một sức chi viện nào khi mà họ đang ở vào thế hoàn toàn bị cô lập...”.

        Trước nguy cơ “con cừu non” (tiểu đoàn dù của Bigia) bị tiêu diệt, ngày 20 tháng 10, tổng chỉ huy Xalăng phải hai lần đích thân bay lên không phận Tú Lệ và Mường Chen để đốc thúc tiểu đoàn này rút chạy từ Tú Lệ về Nà Sản. Sau 4 ngày vượt qua 60 kilômét đường rừng, được sự yểm trợ của 50 lần chiếc máy bay và được thiếu tá Vôđrây đưa một tiểu đoàn ngụy đi đón, ngày 24 tháng 10, Bigia mới dẫn một phần ba số quân dù sống sót chạy về đến Nà Sản. Dọc đường, gần 70 tên lính ngụy ở đồn Mường Chen đã bỏ xác vì được lệnh chặn đối phương truy kích để cho những tên lính dù sống sót chạy thoát. Để tình cảnh tan tác của đám tàn quân dù này không ảnh hưởng đến tinh thần bọn lính ở Nà Sản, Xalăng hạ lệnh cho máy bay bốc số lính dù về Hà Nội.

        Vị trí Nghĩa Lộ bị tiêu diệt. Ý định đưa tiểu đoàn dù 6è BPC của Bigia và các đồn binh ở sát sông Đà về Nà Sản không thực hiện được. Vậy mà Xalăng vẫn cố bám lấy thói quen huênh hoang biến bại thành thắng của hắn. Nào là “tôi đã thắng một ván ở xứ Thái”, nào là “phân khu Nghĩa Lộ bị mất là một đòn đau đớn đối với chúng ta (Pháp) nhưng không phải là đòn quyết định” v.v… Điều đáng lo sợ đối với viên tướng này là để cho tiểu đoàn dù bị xóa sổ. “Pari sẽ không tha thứ cho tôi điều đó”. Bởi vậy, mặc dù số lính bị thương và bị vứt lại Tú Lệ đã khoảng 100, số bị bắt dọc đường đã lên tới 110 tên, viên tổng chỉ huy Pháp vẫn coi đó là “một bản anh hùng ca của một đội quân có khả năng đặc biệt...”.

        Trong cuộc họp tại bộ tham mưu Pháp ở Hà Nội, trước mặt Bộ trưởng - cao ủy Lơtuốcnô, Xalăng tuyên bố. “Chúng ta đã lấy lại được tính tự chủ. Một con đê chắn sóng vững chắc, đồng thời cũng là một căn cứ hành quân đã được thiết lập chung quanh sân bay Nà Sản. Ván cờ chỉ mới bắt đầu. Bây giờ đến lượt chúng ta hành động. Trong những trận vừa qua, quân địch đã thất bại nghiêm trọng. Bởi thế, tôi có cơ sở để nghĩ rằng diễn biến của những hoạt động sắp tới sẽ có lợi cho ta...”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:29:39 am

        Sau này trong cuốn Con đường không vui và cuốn Đông Dương 1946-1962, Bécna Phôn đã nhiều lần vạch trần tính chất bịp bợm của trò chiến tranh tâm lý rẻ tiền trên đây của tổng chỉ huy Xalăng. Theo B. Phôn thì sự “hy sinh” của tiểu đoàn dù 6è BPC (con cừu non) và lính ngụy Thái (ở Mường Chen) không thay đổi được số phận của vùng thượng du (Tây Bắc) Bắc Kỳ.

        “Ván cờ chỉ mới bắt đầu”! Đúng như Xalăng nói, vì đối phương mới qua đợt một của chiến dịch Tây Bắc1. Để chuẩn bị đối phó với nước cờ tiếp theo của đối phương; Xalăng vội vã điều lên Tây Bắc sáu tiểu đoàn (Nà Sản: bốn; Lai Châu: một; Điện Biên Phủ: một)2, đồng thời xây dựng “con đê ngăn sóng” Nà Sản để hỗ trợ cho Lai Châu và Sơn La “chặn đối phương tràn sang đất Lào”.

        Từ cuối tháng 10, việc xây dựng tập đoàn cứ điểm Nà Sản được xúc tiến gấp, dưới sự điều hành trực tiếp của đại tá Gin. Hàng ngày, Xalăng, Đờ Linarét, Ala... thay nhau bay lên đôn đốc “để việc xây dựng công trình không quá chậm trước khi đối phương đánh đòn thứ hai”.

        Mặc dù tập trung nỗ lực vào việc xây dựng “con đê ngăn sóng”, nhưng “suốt trong tháng 11 dài dằng dặc và đầy lo âu này, Nà Sản đâu phải là mối lo duy nhất” của Xalăng và bộ chỉ huy Pháp? Tuy đã điều từ đồng bằng lên khá nhiều lực lượng tổng dự bị nhưng Xalăng vẫn chưa yên tâm, vì trên chiến trường Tây Bắc, với diện tích rộng gấp hai lần đồng bằng Bắc Bộ, lực lượng Pháp - ngụy bố trí rất phân tán, sơ hở. Hơn thế nữa, lại chưa biết trong đòn tiếp theo đối phương sẽ tiến công vào đâu? Liệu Nà Sản có phải là một mục tiêu hấp dẫn đối với quân đội Việt Nam, một quân đội rất khôn ngoan biết tạm thời tránh chỗ mạnh để đánh chỗ yếu? Kinh nghiệm mặt trận Hòa Bình năm ngoái đã chứng minh quá rõ điều đó.

        Nếu đối phương không tập trung vào Nà Sản thì các vị trí khác, phân tán và cô lập trên vùng rừng núi bao la này làm sao đứng vững được trước sức tiến công của ba sư đoàn thiện chiến một khi họ vượt sông Đà?

        Phải đi thêm một nước cờ để đỡ đòn cho xứ Thái, phải mở một cuộc hành binh đánh vào hậu phương của Việt Minh nhằm buộc họ phải điều chủ lục từ chiến trường miền Tây về để đối phó. Đó là suy nghĩ của viên tổng chỉ huy hồi đầu tháng 10.

        Chủ trương chiến lược vừa nảy ra, được Xalăng cho là thượng sách, đã không làm cho tướng Đờ Linarét và bộ tham mưu Pháp yên tâm. Người ta nghi ngờ kết quả của một cuộc hành binh như vậy. Người ta còn lo cho số phận của “vùng đồng bằng có ích” khi mà lực lượng tổng dự bị tiếp tục bị điều đi ra khỏi “phòng tuyến Đờlát”.

        Để thuyết phục cấp dưới, viên tổng chỉ huy phải nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phá hủy các căn cứ hậu cần của đối phương” ở vùng Phủ Đoan - Yên Bái mà họ đang dùng để tiếp tế cho Tây Bắc, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đỡ đòn cho xứ Thái và Bắc Lào. Tại sao lại bỏ qua một cuộc hành binh nhằm hai mục tiêu chiến lược quan trọng như vậy?

---------------------
        1. Trong đợt 1 (14-10 - 20-10-1952), Quân đội nhân dân Việt Nam đã quét sạch các vị trí của Pháp từ hữu ngạn sông Hồng đến tả ngạn sông Đà, từ Vạn Yên đến Quỳnh Nhai, diệt và bắt 1.500 tên địch, trong đó có chừng 300 lính và sĩ quan Âu - Phi.

        2. Trước khi đợt 2 chiến dịch Tây Bắc của ta bắt đầu, trên chiến trường này Pháp đã có 16 tiểu đoàn và 32 đại đội lẻ (bao gồm cả quân chiếm đóng và quân cơ động, cả quân chính quy và quân địa phương) và 9 khẩu pháo từ 75 đến 105 milimét.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:30:38 am

        Một kế hoạch hành binh được vội vã vạch ra để đánh vào “một vùng sinh tử của đối phương”. Không thể hành binh lên tận Yên Bái vì quá xa và binh lực đòi hỏi “quá tầm tay”. Mục tiêu được coi là thích hợp: Phủ Đoan, “nơi phát hiện có kho tàng của đối phương”. Tướng Đờ Linarét, chỉ huy chiến trường Bắc Bộ trực tiếp điều hành Loren (Lorraine), cuộc hành binh được coi là lớn nhất từ đầu cuộc chiến tranh (30.000 quân)1.

        Từ đêm 29 tháng 10, các GM1 và 4 vượt sông Đà rồi tiến lên hướng Phú Thọ, trong khi GM3 từ Việt Trì theo đường số 2 lên để hợp điểm với hai GM1 và 4 ở Ngọc Tháp và cùng tiến lên Phủ Đoan.

        Sau mười ngày hành quân “chiếm” được 1.300 kilômét vuông mà không gặp chủ lực đối phương, nhiều viên chỉ huy tỏ ra chủ quan và tự hào về “chiến tích”. Song những người lính “thâm niên Đông Dương” đã nói nhỏ với các ký giả đi theo Loren rằng: theo kinh nghiệm của họ, “một khi quân Việt Minh được tung ra thì khó mà chặn họ lại được và họ càng chậm hành động thì cuộc tiến công sắp tới của họ càng ác liệt”.

        Ngày 9 tháng 11, khi ba GM đã tới Phủ Đoan và ba tiểu đoàn dù của 1er GAP đã được ném xuống, “cuộc lùng sục các kho tàng bắt đầu”. Nhưng rồi người ta sớm kết luận rằng Phủ Đoan không phải là “chân hàng đáng kể”. Linarét đốc quân tiến lên hướng Phù Hiên rồi Phủ Yên Bình. Vẫn vắng bóng chủ lực đối phương, trong khi quân du kích dọc đường “làm cho quân số (của Pháp) tiêu hao hàng ngày”.

        Ngày 14, khi Loren đã duỗi dài, cách xa phòng tuyến Đờlát chừng 150 kilômét, một vấn đề được khẳng định: đối phương không rút chủ lực từ xứ Thái về đối phó. Trong những bài báo gửi về tòa soạn, các ký giả nhận định: ông Giáp tin rằng khi đã kiệt sức, quân Pháp sẽ “chững lại” và đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan (dilemme). Bởi vậy ông tiếp tục cuộc tiến công ở Tây Bắc, hướng chính trong chiến dịch thu - đông của ông.

        Sau nửa tháng mở cuộc “hành binh trong chân không”, đuối sức trước việc tiếp tế cho 30.000 quân bị lọt thỏm trên địa bàn “chơ vơ giữa đồng bằng và xứ Thái”, chiều 14, Xalăng buộc phải hạ lệnh lui quân vì “ba tiểu đoàn cơ động chiến lược còn lại ở châu thổ sông Hồng đang kêu cứu”. Nhưng tiến sâu vào hậu phương kháng chiến đã khó thì rút quân ra khỏi nơi này càng không phải là chuyện dễ.

        Cuộc triệt thoái đã diễn ra chậm chạp trên con đường mà Loren vừa đi qua, con đường đầy những hố phá hoại “như những phím đàn dương cầm”. Đến ngày 17, một “địa ngục thực thụ” đã diễn ra trên một quãng đường dài chừng bốn kilômét ở vùng Chân Mộng, “một địa điểm mà chỉ nhìn các đường bình độ trên bản đồ cũng hình dung thấy như một con dao cứa cổ”.

        Các ký giả ghi lại: 9 giờ 30 phút, ngoài sự mong đợi của mọi người, “đội quân chính quy, áo xanh ôliu ngắn tay, mũ lá ngụy trang, bỗng như từ trên trời ập xuống, từng đợt, từng đợt lao đến mặt đường”. Tiểu liên, lựu đạn, dao găm, chai cháy... giáp lá cà. Đội hình của Loren bị chặt thành nhiều khúc. Các viên chỉ huy, từ Kécgeravát (Kergaravat) đến Baxtiani (Bastiani) như bị chôn chân trên mặt đường cùng với các GM đang ở trong tình trạng rối loạn.

        Chịu đòn cho đến khi đối phương lui quân, các GM gấp rút chạy về đến Ngọc Tháp. GM1 chưa kịp xả hơi đã có lệnh điều ngay hai tiểu đoàn Bắc Phi lên Nà Sản để cứu nguy cho xứ Thái. Các đơn vị còn lại tiếp tục phải đối phó với những trận tiến công mới ở Phụ Dực, Cổ Tích.

---------------------
        1. Ba GM1, 3, 4; một binh đoàn không vận (1er GAP gồm 3 tiểu đoàn); hai tiểu đoàn bộ binh và năm đơn vị biệt kích độc lập; hai thiết đoàn; hai phân đội trinh sát cơ giới hóa; hai thủy đội xung kích; hai cụm pháo; hai tiểu đoàn công binh.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:31:07 am

        Ngày 1 tháng 12, khi những đơn vị cuối cùng, mang theo vết tích của một sự sứt mẻ nghiêm trọng, lọt vào bên trong phòng tuyến boong ke, cũng là lúc cuộc tranh cãi về Loren lan tràn. Kết luận rút ra từ các cuộc tranh cãi đó là: Với việc làm tê liệt trong một thời gian dài phần lớn lực lượng cơ động chiến lược và buộc không quân phải phục vụ “ở mức không thể chịu đựng nổi”, cuộc hành binh hao người tốn của đã không buộc đối phương phải thay đổi quyết tâm chiến lược của họ, cũng tức là không cứu nguy được cho xứ Thái. Cũng như “Hải cẩu” hai năm trước đây1, Loren chỉ là một cuộc hành binh tiến sâu thêm vào ngõ cụt.

        Giấc mộng Loren vừa tan vỡ thì thảm họa xứ Thái đã ập đến, nhanh đến nỗi tổng chỉ huy Xalăng không kịp trở tay đối phó.

        Ngày 15, viên tướng này bay lên Mộc Châu. Tiếp đó, thêm một tiểu đoàn Bắc Phi (3/1 RTM) được ném xuống tăng cường cho Mộc Châu - Bản Hoa để “chế ngự các đường mòn mà Việt Minh có thể dùng để thâm nhập nước Lào qua hướng Sầm Nưa”. Tiểu đoàn này đứng chân chưa vững đã bị xóa sổ ngay sau khi đối phương vượt sông Đà bắt đầu đợt hai của chiến dịch, đúng vào ngày 17, ngày Loren đang giãy giụa ở “địa ngục Chân Mộng”. Thêm hai tiểu đoàn dù (1er và 2è BEP từ Phủ Đoan về) được đưa lên Nà Sản rồi tung ra khu vực Cò Nòi để cùng ba tiểu đoàn tại chỗ tổ chức tuyến đề kháng Cò Nòi - Chiềng Đông - Yên Châu. Nhưng không kịp. Đối phương đã tiếp cận Yên Châu. Một tiểu đoàn ngụy và một đại đội dù bị diệt. Ngót bốn tiểu đoàn còn lại bỏ Chiềng Đông - Cò Nòi tháo chạy.

        Sáng 20, Xalăng lại bay lên Tây Bắc, trong khi quân Pháp - ngụy đang rút khỏi hàng loạt vị trí ven sông Đà từ Hát Tiếu tới Tạ Khoa và dọc đường 41 từ Chiềng Pan tới Yên Châu. Trở về Hà Nội, viên tổng chỉ huy than thở: “Rõ ràng không thể chối cãi được rằng quá nhiều đơn vị của chúng ta (Pháp) không thích ứng với cuộc chiến đấu trong rừng rậm, nơi mà Việt Minh làm chủ... và điều đó khiến tôi (Xalăng) đau đầu... Hàng ngày, tôi luôn nhận được những tin tức đáng ưu phiền”2.

        Trước nguy cơ Nà Sản bị uy hiếp, ngày 23, Xalăng điều vội hai tiểu đoàn Bắc Phi (2/1 RTA và 2/6 RTM thuộc GM1 vừa tham gia Loren) lên tăng cường cho Nà Sản, nâng binh lực của tập đoàn cứ điểm này lên tới bảy tiểu đoàn.

        Cũng trong thời gian này, hàng loạt vị trí ở bắc Sơn La liên tiếp bị tiêu diệt, bức hàng, bức rút (Nậm Đin, Luân Châu, Bản Tanh, Tuần Giáo, Mường Sài, Mường Piêng...), khiến Xalăng lại phải vét thêm quân lên tăng cường cho Lai Châu (hai tiểu đoàn) và Thuận Châu (một tiểu đoàn). Khi có tin quân chủ lực đối phương đã áp sát Nà Sản, quân Pháp - ngụy ở dọc đường Tuần Giáo - Điện Biên bỏ đồn chạy dồn về lòng chảo Mường Thanh. Ngày 25, thêm một tiểu đoàn biệt kích ngụy Lào (58è BCL) được điều đến Điện Biên Phủ để cùng các lực lượng mới rút về đây “ngăn chặn bước tiến của đối phương sang hướng Thượng Lào”. Nhưng lại không kịp. Ngày 30, quân Việt Minh đã tiến vào cánh đồng Mường Thanh, giải phóng Điện Biên Phủ. Đám tàn quân chạy thoát từ Điện Biên Phủ vượt biên giới sang “tổ chức một cái chốt ở Mường Khoa nhằm chặn không cho đối phương đưa chiến cuộc đến bờ sông Mê Công” (!).

        Trong bộ tham mưu Pháp, người ta xì xào về tài chỉ huy của tướng Xalăng. Có người nói thẳng ra rằng viên tổng chỉ huy lúc này “không còn tâm trí mà cũng chẳng tìm đâu ra quân để trở lại Điện Biên Phủ... Từ nay mọi cố gắng của ngài đã vượt sang bên kia biên giới (Lào Việt)”. Chính Xalăng cũng thú nhận rằng hắn ta lo ngại về những tin tức tình báo cho biết đối phương không ngừng dồn ép quân Pháp ở vùng Sầm Nưa. Vấn đề đặt ra với Xalăng là liệu có phải “chuẩn bị để chấp nhận chiến đấu một cách bắt buộc ngay trên đất Lào”?

        Xalăng lo lắng, điều đó cũng dễ hiểu vì nước cờ của đối phương đã dồn bộ chỉ huy Pháp vào thế bí. Cuộc đấu trí trong tháng 11 đã đem lại cho những vị cầm đầu quân viễn chinh Pháp phần thua quá đậm.

        Loren từ chỗ đấm vào khoảng trống đến chỗ bị sa vào “bẫy chuột” với thiệt hại không thể lường trước được, trong đó có chuyện đau đầu là tiểu đoàn lê dương 2/2 REI thuộc loại sừng sỏ được xem như bị xóa sổ. Tiếp đến là đòn thứ hai của đối phương trên “xứ Thái”, khiến cho trên 2.000 lính Pháp - ngụy bị tiêu diệt (trong đó có 2 tiểu đoàn cơ động chiến lược - 3/1 RTM và 55 BVN - bị diệt gọn). Lá cờ ba sắc vắng bóng trên toàn tỉnh Sơn La (trừ cứ điểm Nà Sản cùng vài vị trí còn lại ven sông Mã) và trên một phần quan trọng tỉnh Lai Châu.

        Một nỗi ưu phiền khác là tình trạng “ruỗng nát” ở vùng châu thổ sông Hồng nơi rất nhiều vị trí vừa bị tiêu diệt, trong đó có hơn 10 vị trí cỡ đại đội. Những trận đánh quy mô không lớn nhưng trên địa bàn quá rộng ở cả tả - hữu ngạn sông Hồng đã loại trên 3.000 lính Pháp - ngụy ra ngoài vòng chiến. Đất đai dưới quyền kiểm soát của đối phương trong “vùng đồng bằng có ích” không ngừng mở rộng.

        Nguồn an ủi và cũng là hy vọng cuối cùng của tướng Xalăng trên chiến trường Tây Bắc là “công trình Nà Sản - con đê ngăn sóng”, một tập đoàn cứ điểm, với binh lực trên 30 đại đội bộ binh và 2 cụm pháo cối. Nà Sản ở phía nam cùng với Lai Châu ở phía bắc trở thành hai hòn đảo chơi vơi, lọt thỏm giữa cả một vùng rừng núi trùng điệp trên “xứ Thái”.

        Viên tổng chỉ huy Pháp quả đã trải qua những đêm lo âu căng thẳng khi những tiếng súng đầu tiên của đối phương tiến công vào Nà Sản.

        Thật ra, lúc bấy giờ các tướng lĩnh Pháp đã không nắm được ý định của đối phương.

        Sau mấy trận tiến công tiêu diệt một số cứ điểm vành ngoài của tập đoàn cứ điểm Nà Sản (đêm 30-11, diệt Pú Hồng, Bản Hời; đêm 1 tháng 12 tiến công Nà Xi, Bản Vậy), thấy không ưu thế về binh lực, nhất là về binh khí kỹ thuật, không bảo đảm chắc thắng lại bị thương vong cao, đối phương đã chấm dứt trận đánh. Một bộ phận ở lại tiếp tục bao vây và tiêu hao địch. Các đơn vị khác nhận nhiệm vụ giúp đỡ địa phương củng cố vùng giải phóng rộng lớn ở Tây Bắc và chuẩn bị cho đòn tiếp theo, một đòn chắc thắng có tầm chiến lược trên một hướng khác.

        Chỉ gần 10 năm sau, Xalăng mới dám thừa nhận rằng: không tiếp tục tiến công Nà Sản nhưng đối phương chẳng hề giảm quyết tâm tiến tới tiêu diệt các cứ điểm mạnh của Pháp, “khi họ đã có những phương tiện vật chất và trang bị nặng mà lúc này họ chưa có, ví dụ một lực lượng pháo binh mạnh và có chất lượng” (cộng với một cách đánh mà lúc này họ chưa nhận thức được).

        Thực tế những năm cuối của cuộc chiến tranh đã chứng minh: đó là một cách đánh giá “biết điều” của một viên tướng hiểu biết về đối phương quá muộn.

---------------------
        1. Ý nói cuộc hành binh Hải cẩu (Phoqul) đánh lên Thái Nguyên khi chủ lực ta mở chiến dịch Biên giới cuối năm 1950.

        2. Raoul Salan, sách đã dẫn, tr. 363, 364.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:32:51 am

BƯỚC SANG NĂM THỨ TÁM

        Sau “sự kiện xứ Thái”, một yêu cầu được đặt ra với tổng chỉ huy Xalăng là phải làm sao hạn chế tiếng vang thắng lợi của đối phương để gỡ thể diện với Pari và trấn an tinh thần quân viễn chinh. Muốn vậy, biện pháp hay nhất là phải thổi phồng tác dụng của “con đê ngăn sóng” vừa được xây dựng và nằm trơ trọi trên vùng rừng núi Tây Bắc.

        Ngày 10 tháng 12 năm 1952, tại tập đoàn cứ điểm Nà Sản, tổng chỉ huy cho tổ chức một cuộc duyệt binh để gắn mề đay cho đại tá Gin, chỉ huy tập đoàn cứ điểm, cho tiểu đoàn dù biệt kích 3 (3è BPC) và tiểu đoàn lê dương 3 (III/3è REI), những đơn vị được coi là có “chiến tích” trong các đêm 30 tháng 11 và 1 tháng 12.

        Cuốn phim Trận Nà Sản do một số phóng viên điện ảnh Pháp - Mỹ quay, tuy được coi là “một tài liệu thực tế bậc nhất”, nhưng vẫn không nói lên được “tầm vóc vĩ đại” của Nà Sản. Xalăng thấy cần phải lợi dụng mọi cuộc viếng thăm của các vị khách thập phương để tuyên truyền cho tạp đoàn cứ điểm này. Đó là Mắc Mahông (Mac Mahon), bộ trưởng không quân và hải quân Úc, con người đang đi truyền bá thuyết chống cộng ở Đông Nam Á, theo nguyên tắc chủ đạo: “trên bờ Thái Bình Dương, phải làm thất bại mọi ách thống trị đỏ” (!); đó là Parôđi (Alexandre Parodi), tổng thư ký phủ tổng thống Pháp, và nhà báo Mỹ Luxơ (Luce) mà tiếng nói có nhiều sức nặng trong dư luận phương Tây v.v…

        Trong các cuộc viếng thăm, các vị khách thường hỏi về lý do khiến Nà Sản có thể “đứng vững”. Đó là những dịp để tổng chỉ huy Xalăng nói lên những số liệu và vai trò của không quân1. Trong thâm tâm viên tướng này muốn nhắc khéo cả Pari lẫn Oasinhtơn rằng: muốn cho các nơi khác cũng “đứng vững” như Nà Sản, các ngài hãy tăng viện không quân nhiều hơn nữa. “Không quân là chủ bài, nhưng khốn nỗi hiện nay chúng tôi lại thiếu quá nhiều...”.

        Việc tuyên truyền cho vai trò của không quân ở Nà Sản càng trở nên cần thiết đối với các tướng lĩnh Pháp khi họ bị bộ trưởng chiến tranh Đờ Sơvinhê nêu lên một nhận xét cay độc sau khi đi thăm tập đoàn cứ điểm: “Tôi thấy: để tiến công một bụi tre, quân đội của các ông cần đến sự yểm trợ của cả một phi đội...”. Chính vì vậy nên chỉ cần vị khách vãng lai nào đó vô tình hay hữu ý nói đến Nà Sản là lập tức được tổng chỉ huy Xalăng mời lên “viếng thăm con đê ngăn sóng” ở sâu trên vùng Tây Bắc xa xôi. Thêm một nhân vật được tận mắt nhìn thấy “con nhím khổng lồ” là thêm những lời nói khích lệ đối với các tướng lĩnh Pháp. Họ cho rằng những lời nói đó trên thực tế đã bác bỏ “nhận xét lạc lõng” của Bộ trưởng chiến tranh Sơvinhê, “con người mù tịt về quân sự”. Vài ví dụ: Ngài Phôca (Jacques Foccart), cố vấn của Khối Liên hiệp Pháp và là phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng của khối này, hứa khi về nước sẽ vận động tất cả những người quen biết ủng hộ cuộc chiến tranh (xâm lược) Đông Dương, nhất là trong cuộc bỏ phiếu về ngân sách sắp tới ở quốc hội; ngài Môngten (André Montel), Bộ trưởng không quân, khi từ Pari ra đi còn “chưa có thái độ rõ rệt” đối với việc tăng viện máy bay cho Đông Dương, vậy mà chỉ sau một buổi đi thăm Nà Sản đã hứa sẽ gửi thêm nhiều nhân viên kỹ thuật sang và sẽ tạo mọi điều kiện để không quân phát huy tác dụng hơn nữa trên chiến trường; ngài Hít (Donalt Heath), đại sứ Hoa Kỳ, sau khi “bị tập đoàn cứ điểm Nà Sản làm cho say mê hoàn toàn”, đã hứa sẽ nói cho công chúng Mỹ biết về những gì mà quân đội Pháp đã làm ở Đông Dương cho “thế giới tự do”, v.v…

---------------------
        1. Theo số liệu của bộ chỉ huy Pháp, từ ngày 16 tháng 10 đến 30 tháng 11 năm 1952, Nà Sản “sống” được là nhờ cầu hàng không hoạt động liên tục, có ngày suốt trong 6 giờ liền với nhịp độ 6 phút một chuyến. Với 1.473 phi vụ vận tải, máy bay quân sự và dân sự đã chở 20.000 lượt người, 3.000 tấn hàng, 250 xe các loại. Ngày 30 tháng 11 và ngày 1 tháng 12 năm 1952, trung bình mỗi ngày có 90 lần chiếc máy bay lên ném bom và bắn phá yểm trợ. Việc chiếu sáng bằng dù được tiến hành trong hầu hết các đêm. Kết luận mà Xalăng rút ra là: không có không quân, không giữ được Nà Sản.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:33:22 am

        Khách đến thăm Đông Dương, thăm Nà Sản, rồi khách đi. Thế nhưng, lời hứa lúc chia tay, dù nhiệt tình mấy cũng chỉ mới là lời hứa thôi. Các tướng lĩnh Pháp vẫn ở lại “với mối ưu tư nặng trĩu” khi cuộc chiến tranh không lối thoát của họ bước sang năm thứ tám.

        Năm 1952 đã qua. Theo tổng chỉ huy Xalăng, đó là một năm mà Pari quan tâm quá ít đến Đông Dương khiến cho quân viễn chinh Pháp “phải chịu đựng nặng nề vì bị đánh liên tiếp”. Chỉ riêng số lính bị coi là “mất tích” trong hơn hai tháng cuối năm1cũng đủ nói lên thế bất lợi của Pháp trêu chiến trường. Vậy mà các tướng lĩnh Pháp còn nhận định rằng có nhiều triệu chứng cho thấy sang năm mới, họ sẽ đứng trước những khó khăn chưa lường trước được.

        Điều khiến họ quan tâm trước hết là quân số. Theo số liệu của Bộ tham mưu Pháp bước vào năm 1953, quân số Pháp và tay sai trên toàn Đông Dương đã lên tới 401.400 tên, trong đó quân ngụy chiếm 58% (231.000 tên)2, nhưng phần lớn bị căng ra trên các vùng do Pháp kiểm soát. Lực lượng cơ động chiến lược chỉ còn khoảng 15 phần trăm tổng số binh lực. Theo nhận xét của Xalăng thì lực lượng trên đây là quá ít trước các nhiệm vụ chiếm đóng, bình định và nhất là đối phó với các chiến dịch tiến công của quân đội Việt Nam. Chiến trường rừng núi miền Tây ngày càng thu hút lực lượng của Pháp làm cho nạn khủng hoảng quân số càng trầm trọng. Nà Sản là một ví dụ đậm nét về sự giằng xé binh lực giữa chiến trường đồng bằng và chiến trường rừng núi.

        Chính quốc đã tỏ ra quá kiệt sức, không thể tiếp tục gửi quân tăng viện sang. Lá bùa tổng động viên của Bảo Đại tỏ ra không có hiệu lực. Muốn bịt lỗ hổng về quân số, biện pháp duy nhất vẫn là vây ráp để bắt lính cho đội quân mang nhãn hiệu “Quân lực các quốc gia liên kết” (ngụy Đông Dương).

        Về mặt chính trị, tin tức trong những ngày cuối năm từ chính quốc bay sang thật đáng lo ngại. Sự phân hóa giữa các chính đảng về chính sách đối với Đông Dương ngày càng sâu sắc. Trong kỳ họp Quốc hội cuối năm càng có nhiều nghị sĩ nặng lời chỉ trích cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài. Không riêng các đại biểu cộng sản mà những nghị sĩ thuộc đảng Xã hội như loại Nagiơlen (Naegelen) cũng không tiếc lời đem thất bại của quân đội Pháp ở Tây Bắc phơi bày trước Quốc hội. Cuộc thảo luận về ngân sách năm 1953 đã lật nhào nội các Pinay (ngày 22 tháng 12). Theo ngân sách đó, nhu cầu chiến phí cho Đông Dương đã lên tới 370 tỷ phrăng, tức là mỗi ngày một tỷ. Con số đó đã trở thành đề tài cho báo chí chỉ trích. Theo cao ủy Lơtuốcnô mới từ Pháp trở về Sài Gòn thì nhiều phần tử “thoái chí” đang vận động để tiến tới một cuộc hòa đàm hòng tìm lối thoát ra khỏi “tổ ong bầu vẽ Đông Dương”. Ở Pari, người ta dự kiến cuộc đàm phán ở Bàn Môn Điếm có nhiều khả năng dẫn đến một thỏa ước. Cuộc đình chiến ở Triều Tiên không những sẽ khuyến khích phe chủ hòa ở Pháp mà còn là một đòn đánh mạnh vào tinh thần số đông tướng lĩnh Pháp ở Đông Dương, những người ngày càng không tin rằng Pháp có thể giành được một thắng lợi quân sự. Một điều đáng lo ngại hơn nữa đối với các tướng lĩnh Pháp là cuộc đấu tranh phản chiến của nhân dân Pháp đã chuyển sang hình thức mới: phá hoại các trang bị được gửi sang Đông Dương. Theo một báo cáo của Ủy ban điều tra của Quốc hội trong năm 1952, 40% chiến cụ gửi từ Pháp sang đã bị phá hoại ngay trong quá trình vận chuyển; trong các bồn xăng có đường, các thùng dầu máy có cát, máy móc, đồ điện, vũ khí... bị phá ngầm bên trong. Ngay cả những trang bị gửi thẳng từ Mỹ sang Đông Dương cũng bị phá hoại trước khi cập bến.

----------------
        1. Theo số liệu của bộ chỉ huy Pháp, từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 31 tháng 12 năm 1952 quân Pháp và tay sai bị “mất tích” 2.840 tên, trong đó có 1.210 lính, sĩ quan Pháp và Âu - Phi.

        2. Lục quân: 164 tiểu đoàn bộ binh, 64 đại đội pháo, 66 chi đoàn thiết giáp, 38 đại đội công binh, 29 đại đội vận tải; Hải quân: 51 tàu biển các loại (trong đó có 1 tàu sân bay), 8 thuỷ đội xung kích; Không quân: 270 máy bay các loại (trong đó có 96 máy bay chiến đấu).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:33:44 am

        Những người cầm đầu quân đội viễn chinh Pháp cho rằng một trong những nguyên nhân khiến Pari ngày càng tỏ ra “thoái chí” là các bài báo từ Đông Dương bay về Pháp. Các biện pháp được ban hành để đối phó với các phóng viên quân sự ở Đông Dương. Nhưng sự đi lại của các phóng viên càng bị hạn chế, việc kiểm duyệt càng khắt khe thì ký giả các báo Pháp và phương Tây càng tỏ ra bực tức. Chán ngấy những lời quanh co đầy mâu thuẫn mà viên đại tá Bútxari thuộc phòng nhì Pháp nêu lên trong các buổi thông báo chiến sự, họ tìm đến các bệnh viện để phỏng vấn binh lính bị thương từ các mặt trận đưa về. Với thuốc lá và rượu sâm banh được tung ra một cách hào phóng, các ký giả đã thu lượm được khá nhiều sự thật. Thế rồi những bài báo “nhiễm độc” bay về các thủ đô phương Tây qua đường Hồng Công để tránh bị kiểm duyệt. Cơ quan an ninh của quân đội Pháp chỉ còn biết bó tay than phiền: “Thật là tai hại khi mà báo chí phản ánh những điều trái với ý muốn của chúng tôi”!

        Từ đầu năm, có tin thống chế Gioăng sắp sang kinh lý Đông Dương. Xalăng và các tướng lĩnh Pháp đặt nhiều hy vọng vào cuộc thăm viếng này. Họ cố dàn cảnh để chuyến đi của thống chế đem lại cho chiến trường Đông Dương những lợi ích thiết thực vì đây là một nhân vật mà tiếng nói rất có sức nặng, không những trong giới quân nhân Pháp mà cả trong chính giới ở Pari và Oasinhtơn.

        Viên tướng số 1 của nước Pháp đặt chân đến Sài Gòn ngày 15 tháng 2 năm 1953.

        Đến thăm mẹ Bảo Đại ở Huế, Gioăng tỏ ra khó chịu về thái độ hờ hững của người phụ nữ già trong hoàng cung. Từ kinh nghiệm tiếp xúc với mẹ Bảo Đại, ngài thống chế đã thẳng thừng khước từ lời yêu cầu của Xalăng mời lên thăm vua Lào Sisavang Vông, mặc dù ngày 2 tháng 3, Gioăng cùng Xalăng hạ cánh xuống thủ đô Viêng Chăn. Sau buổi gặp Bảo Đại ở Buôn Mê Thuộc, Gioăng càng bất mãn đến nỗi thốt lên: “Đáng lẽ ông ta (Bảo Đại) phải bớt thì giờ đi săn để lo lắng đến việc điều khiển quân đội (ngụy) chứ!”.

        Chỉ dừng chân ở một số thành phố lớn và thăm một đoạn phòng tuyến bê tông, Gioăng không chú ý lắm đến việc đi thị sát chiến trường. Tình thế của quân đội viễn chinh ở Đông Dương không có gì là hấp dẫn đối với viên thống chế Pháp. Ngay trong những buổi tiếp xúc với các tướng lĩnh Pháp, những người đang chờ đón những lời khích lệ, viên thống chế cũng chỉ nói những chuyện đâu đâu. Khối cộng đồng phòng thủ châu Âu (CEF), cuộc chiến tranh Triều Tiên, tình hình Marốc,... là những vấn đề quá xa lạ đối với những viên tướng đang ở vào thế gà mắc tóc trên chiến trường Đông Dương. Chính tổng chỉ huy Xalăng cũng phải thốt ra những lời thất vọng vì thấy vị thống chế chẳng đả động gì đến cuộc chiến tranh của quân đội Pháp đang tiến hành, “một cuộc chiến tranh đã làm cho họ hao mòn về thể xác, suy sụp về tinh thần, đến nỗi họ không còn dám nghĩ gì đến quê hương, xứ sở... Một vị thống chế nước Pháp đến thăm mà không hề mang đến cho họ một lời động viên nào xứng đáng với họ” (!)

        Chỉ mãi đến buổi chia tay Gioăng mới thổ lộ với Xalăng nỗi lòng cửa mình: Cuộc chiến tranh Đông Dương đã làm cho quân đội Pháp mất mát phần tinh túy nhất của mình là sĩ quan, hạ sĩ quan và lính chuyên nghiệp. Cuộc chiếu tranh đó đã dẫn đến tình trạng nước Phép bị thiếu hụt quân số triền miên, trước hết là ở châu Âu. Riêng trên chiến trường Đông Dương này, theo Gioăng, nếu trong hai tháng tới (trước mùa mưa) không có gì đáng lo ngại lớn thì càng phải đặc biệt đề phòng cuộc tiến công của ông Giáp vào mùa thu. Mãi đến khi sắp lên máy bay, Gioăng còn ngăn đe tướng Xalăng về tập đoàn cứ điểm Nà Sản: “Tướng quân hãy coi chừng đối với những “con nhím”... Chúng ta không nên quên Xtalingrát...”.

        Theo Xalăng và các tướng lĩnh Pháp cuộc kinh lý của Gioăng đem lại cho họ một “thu hoạch” không đáng kể... “Ông ta là một nhà chiến lược vĩ đại (!) nhưng lại rất xa lạ đối với chúng tôi. Ông ta chỉ quen chỉ huy các tập đoàn lớn trên những chiến trường không có những trận phục kích ác liệt không có những tai họa từ trên trời ập xuống... Còn ở chiến trường Đông Dương, cuộc chiến tranh hoàn toàn khác hẳn. Địa hình rừng núi rậm rạp với những trận phục kích bất ngờ; địa hình đồng bằng với bùn lầy và những đường giao thông bị phá hoại. Tóm lại, đây là một chiến trường mà người Âu không thể chịu đựng nổi...”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:34:43 am

CHIẾN CÔNG CUỐI CÙNG CỦA BẠI TƯỚNG

        Ngay trong những ngày chiến dịch tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam đang phát triển thắng lợi trên chiến trường Tây Bắc, Bộ chỉ huy Pháp đã rất lo ngại và vội vã hướng sự cố gắng sang phía Lào.

        Đầu tháng 12, do sự đốc thúc của Pari, Xalăng phải thân hành sang Luông Pha Băng để khẳng định với vua Lào rằng quân đội viễn chinh Pháp “sẽ làm hết sức mình để Chính phủ Lào thoát khỏi cái thế phải chấp nhận cuộc xâm lăng (?) mà chính họ là nạn nhân”.

        Suốt ba tháng đầu năm 1953, việc điều động lực lượng và củng cố công sự được xúc tiến khẩn trương. Ngoài các đơn vị bộ binh và lính dù đã điều thêm lên chiến trường Thượng Lào, bộ tham mưu Pháp còn gấp rút xây dựng Sầm Nưa thành một tập đoàn cứ điểm do ba tiểu đoàn chiếm đóng ngay trên cửa ngõ đông - bắc Lào. Một lực lượng sẵn sàng cơ động bằng đường hàng không từ đồng bằng Bắc Bộ đi ứng cứu khi “vương quốc đứng trước nguy cơ bị tràn ngập”. Một trong những lực lượng tại chỗ được Xalăng tin cậy là các đội biệt kích Mẹo hoạt động bí mật trên các rẻo cao được Pháp thường xuyên yểm trợ và tiếp tế bằng máy bay. Đó là khoảng 1.000 tên phỉ thuộc binh đoàn biệt kích hỗn hợp không vận (GCMA), những tay súng “lợi hại” được Pháp rất coi trọng và luôn luôn được dùng vào những nhiệm vụ đặc biệt.

        Việc bảo vệ Thượng Lào được bộ chỉ huy Pháp chuẩn bị chu đáo tới mức, nhân dịp sang “thăm” Đông Dương, viên tướng Mỹ Clác (Clark) phải khen rằng đó là một kế hoạch hoàn chỉnh. Lời khen đó càng có ý nghĩa thực tiễn đối với các tướng lĩnh Pháp khi nó được kèm theo lời hứa hẹn của ông bạn Hoa Kỳ là sẽ tăng thêm viện trợ, trước hết là máy bay, để bảo đảm chắc chắn hơn nữa yêu cầu bảo vệ vương quốc Lào.

        Những tin tức về hoạt động sắp tới của đối phương ngày càng khiến cho bộ chỉ huy Pháp nơm nớp lo sợ và chờ đợi. Từ cuối tháng 3, hầu như ngày nào Xalăng, Đờ Linarét và nhiều sĩ quan cao cấp Pháp cũng thay nhau đi Luông Pha Băng, Cánh Đồng Chum và Sầm Nưa để lo bảo đảm hoàn tất công việc phòng thủ ở mức cao nhất.

        Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất đối với các tướng lĩnh Pháp vẫn là tình hình ở phân khu Sầm Nưa. Không biết lượm lặt tin tức từ đâu mà binh lính ở tập đoàn cứ điểm này bàn tán khá nhiều về cuộc tiến công sắp tới của hai binh đoàn đối phương, trong khi hai binh đoàn khác đã sẵn sàng chặn đường quân Pháp rút chạy khỏi Sầm Nưa... Tuy chưa hoàn toàn tin vào những lời đồn đại trên đây, nhưng Xalăng cũng lo ngại: đứng trước một đối thủ lớn mạnh và điêu luyện, ba tiểu đoàn Pháp và ngụy Lào sẽ khó tránh khỏi bị tiêu diệt hoặc tan rã, nếu đối phương nhằm hướng Sầm Nưa để mở chiến dịch tiến công. Kinh nghiệm Tây Bắc cuối năm 1952 cho thấy, càng kịp thời rút chạy bao nhiêu, càng hạn chế được tổn thất bấy nhiêu.

        Vì vậy, ngày 5 tháng 4, khi Malơplát (Maleplatte, chỉ huy phân khu Sầm Nưa) về Hà Nội báo cáo, tổng chỉ huy Xalăng đã cùng viên trung tá này bàn tính kế hoạch rút quân khỏi Sầm Nưa khi cần..

        Thời tiết ở Thượng Lào vào đầu tháng 4 rất xấu. Việc yểm trợ bằng máy bay gặp rất nhiều khó khản. Xalăng chỉ thị cho viên chỉ huy Sầm Nưa phải dựa vào các toán biệt kích Mẹo chốt trên các điểm xung yếu để yểm trợ cho cuộc rút chạy về Cánh Đồng Chum.

        Tình hình đã trở nên hết sức khẩn trương. Khi có tin đối phương đang tiến quân về hướng Sầm Nưa, Xalăng hạ lệnh cấp tốc rút quân khỏi cứ điểm này ngay trong đêm 12 tháng 4. Mọi việc phá hoại được xúc tiến vội vã đến nỗi một số lính công binh bị chết ngay trong khi thừa hành nhiệm vụ.

        Phần lớn số lính thuộc tiểu đoàn 8 quân đội hoàng gia Lào (8e BIL) đào ngũ ngay trong đêm đầu tiên, mặc dù cấp chỉ huy từ trung đội trở lên của tiểu đoàn này là người Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:35:29 am

        Cuộc rút lui khỏi vị trí bắt đầu từ nửa đêm và đến 6 giờ sáng hôm sau (13-4-1953), đơn vị cuối cùng đã ra khỏi cứ điểm Sầm Nưa. Toàn bộ binh lực Pháp - ngụy Lào vội vã tháo chạy về hướng tây - nam gồm khoảng 2.000 tên1 dưới quyền chỉ huy của trung tá Malơplát.

        Khi những tên lính cuối cùng ra khỏi Sầm Nưa thì đơn vị đầu tiên của các lực lượng vũ trang cách mạng Lào - Việt còn đang trên đường hành quân cách thị trấn khoảng 15 kilômét. Cuộc hành quân tiếp cận để tiến công Sầm Nưa nhanh chóng chuyển thành cuộc truy kích kéo dài và hết sức khẩn trương về hướng Cánh Đồng Chum.

        Chặng đường rút chạy của quân Pháp - ngụy Lào từ Sầm Nưa đến Mường Hàm - Nà Noọng tương đối an toàn vì đối phương chưa đuổi kịp. Nhưng rồi trận đụng độ đầu tiên xảy ra sáng sớm 14 tháng 4 và đội hình đoàn quân rút chạy bắt đầu tan tác. Đó là báo cáo đầu tiên và cũng là báo cáo cuối cùng mà Bộ tham mưu Pháp nhận được của viên trung tá chỉ huy. Xalăng rất bực bội trước hành động của “bọn lính ngu xuẩn đã dừng lại ở Mường Hàm một đêm, trong khi tình thế chỉ cho phép nghỉ chân vài giờ...”. Viên trung tá chỉ huy cuộc rút chạy đã bám lấy một cái chốt của bọn phỉ Mẹo, để mặc cho các đơn vị thuộc quyền tiếp tục tháo chạy về hướng tây nam. Viên tổng chỉ huy Pháp phải ra lệnh cho máy bay lên thẳng thay phiên nhau bay đi theo dõi “cuộc hành binh kỳ lạ”. Hà Nội đã mất liên lạc với Malơplát.

        Suốt mấy ngày, đám loạn quân bị một tiểu đoàn đối phương bám sát. Các cuộc đụng độ liên tiếp xảy ra, nhất là trong những ngày 16 và 19 tháng 4.

        Ngày 19, tình thế của quân Pháp - ngụy Lào đã trở nên rất nguy ngập. Máy bay lên thẳng điện về cho biết: sau một tuần vừa tháo chạy vừa chống đỡ trên chặng đường khoảng 250 kilômét, cả đoàn quân gần 2.000 người chỉ còn sống sót chừng 10% quân số. Mặc dù tốc độ đuổi đánh của đối phương có chậm lại nhưng số tàn quân Pháp - ngụy Lào đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Xalăng vội vã ném một đại đội thuộc tiểu đoàn dù biệt kích 3 (3e BPC) xuống vùng tây - nam Bản Ban để cùng bọn biệt kích Mẹo yểm trợ cho số tàn quân chạy thoát về Cánh Đồng Chum.

        Sau khi nghe bộ tham mưu tổng hợp tình hình cuộc rút quân khỏi Sầm Nưa, viên tổng chỉ huy Pháp kết luận rằng đây là một cuộc hành binh bất hạnh, được kết thúc bằng một giá quá đắt. Nếu đối phương không vấp phải những khó khăn về thể lực, hậu cần và tổ chức chỉ huy thì khoảng 200 quân Pháp - ngụy Lào còn lại khó thoát chết trên chặng đường từ Bản Ban đến Cánh Đồng Chum.

        Tiếp theo “sự kiện Sầm Nưa”, hàng loạt vị trí trên khu vực sông Nậm U lần lượt bị tiêu diệt (Mường Ngòi, Bản Sẻ: 25 tháng 4, Pác Seng: 26 tháng 4, Nậm Bạc: 27 tháng 4…), đặt bộ chỉ huy Pháp trước một tình thế rất gay cấn. Biết nói thế nào với Pari khi mà Ủy ban tham mưu cứ điện hỏi đi hỏi lại về những gì đã xảy ra trên chiến trường Bắc Lào.

        Viên tổng chỉ huy Pháp cố tìm cách “giải thích cho những người chậm hiểu” ở Pari rằng: từ cuối tháng 2, vấn đề đối phó về mặt chiến lược trên chiến trường Bắc Lào đã được đem ra nghiên cứu với cao ủy Lơtuốcnô và thống chế Gioăng. Mọi người đều thống nhất chủ trương rút quân khỏi Sầm Nưa nếu cứ điểm này bị đối phương uy hiếp, để tránh những thiệt hại không thể lường được về người và trang bị. Xalăng muốn nhấn mạnh để Ủy ban tham mưu ở Pari hiểu rằng không phải tổng chỉ huy là người trực tiếp chịu trách nhiệm về “sự kiện Sầm Nưa” mà chính thống chế Gioăng, cách đây hàng tháng, cũng đành phải bó tay chấp nhận kế hoạch rút chạy như vừa diễn ra. Sở dĩ buộc phải quyết định thủ tiêu chiến đấu vì không thể chấp nhận một trận đánh không cân sức. Hơn nữa, quân Pháp rút chạy là để “đối phương lao vào một vùng không thể đứng chân được vì xa mọi nguồn tiếp tế” (!).

        Ngồi tận Pari xa xôi, Ủy ban tham mưu hiểu sao được nỗi lo ngại của vua Lào đối với thủ đô Viêng Chăn và cố đô Luông Pha Băng trước việc quân đội Pháp phải buộc lòng bỏ phân khu Sầm Nưa. Ngày 18 tháng 4, Xalăng phải bay sang an ủi người cầm đầu vương quốc Lào về “sự tổn thất to lớn nhất kể từ đầu chiến tranh”. Ủy ban tham mưu và Chính phủ Pháp chỉ biết dựa vào “những bài báo nhiễm độc” để đòi hỏi người cầm đầu quân đội viễn chinh phải báo cáo đủ điều. Nào là vì sao sau khi rút chạy khỏi Sầm Nưa, quân Pháp còn phải bỏ phân khu Xiêng Khoảng; vì sao hàng loạt vị trí khác ở Bắc Lào liên tiếp bị tiêu diệt để vùng lưu vực sông Nậm U giàu có lọt vào tay phe kháng chiếu Lào? Nào là việc điều lực lượng từ Nà Sản và đồng bằng sông Hồng sang để xây dựng Cánh Đồng Chum và Luông Pha Băng thành những tập đoàn cứ điểm1 liệu có chặn được bước tiến của đối phương? v.v…

---------------------
        1. Gồm 1 tiểu đoàn dù, 1 tiểu đoàn bộ binh ngụy Lào, 1 tiểu đoàn bộ binh liên hiệp Pháp (40% là lính Âu - Phi) cùng 2 đại đội bộ binh ngụy Lào ở Mường Pơn, Hứa Mường, và bộ máy ngụy quyền (tỉnh Sầm Nưa, kể cả tỉnh trưởng và phó tỉnh trưởng).

        2. Trước thắng lợi của liên quân Lào - Việt trong chiến dịch Thượng Lào, Pháp phải điều lực lượng sang xây dựng thành hai tập đoàn cự điểm: Cánh Đồng Chum gồm 7 tiểu đoàn bộ binh và 2 đại đội pháo; Luông Pha Băng gồm 3 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn dù, 2 đại đội pháo.



Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:40:26 am

        Thật ra còn biết bao nhiêu điều mà Pari không biết để hỏi và tổng chỉ huy Xalăng cũng “không tiện” báo cáo. Chẳng dại gì mà cho Ủy ban tham mưu biết sự thật là số quân bị tiêu diệt từ 13 đến 30 tháng 4 (kể cả hướng Sầm Nưa - Bản Ban và hướng sông Nậm U) đã lên tới 23% tổng số quân Pháp - ngụy trên toàn chiến trường Lào (2.800/12.000). Cũng chẳng dại gì mà công khai thừa nhận rằng chỉ trong vòng nửa tháng, liên quân Lào - Việt đã giành lại một vùng rộng hơn 28.500 kilômét vuông, gồm toàn tỉnh Sầm Nưa và một phần tỉnh Xiêng Khoảng, với 40.000 dân. Ủy ban tham mưu ở tận Pari ắt phải nhận thấy một hình thái chiến lược bất lợi đã xuất hiện trên chiến trường Bắc Lào: lực lượng kháng chiến Lào đã có một căn cứ rộng lớn trên địa bàn chiến lược tiếp giáp với vùng Tây Bắc Việt Nam. Thế uy hiếp từ lâu nay đối với “xứ Thái” đối với vùng Hòa Bình và vùng tây Thanh Hóa, Nghệ An không còn nữa. Cửa ngõ Bắc Lào đã rộng mở. Tập đoàn cứ điểm Nà Sản càng bị cô lập nghiêm trọng. Ý đồ của bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp định dùng Nà Sản làm bàn đạp để mở rộng phạm vi chiếm đóng “xứ Thái” và vùng Bắc Lào đá bị phá sản.

        Thế chiến lược mới do chiến dịch tiến công của liên quân Lào-Việt tạo nên là hoàn toàn ngoài dự kiến của Bộ tham mưu Pháp ở Đông Dương và Ủy ban tham mưu ở Pháp. Sự thật đó nếu cuối tháng 3 năm 1953, Xalăng “chưa tiện” nói ra thì sau đó đã lần lượt bị Bécna Phôn và các tướng Mácsăng, Nava (Henri Navarre) vạch trần.

        Theo họ, hàng loạt vị trí đóng rải trên vùng Bắc Lào đáng lẽ phải kéo dài cuộc chiến đấu như kế hoạch đã định để làm chậm bước tiến của đối phương. Một số đồn khác có nhiệm vụ đặc biệt là cố thủ trong một thời gian tối thiểu để bộ chỉ huy Pháp có thể thiết lập phòng tuyến thứ hai. Một trong những cứ điểm đó là Mường Khoa, một vị trí chìa khóa ở ngã ba sông, trên hướng từ Điện Biên Phủ xuống. Đáng lẽ “vị trí lý tưởng” này (với 300 quân, được không quân yểm trợ đắc lực và tiếp tế bằng dù) phải chiến đấu trì hoãn trong vòng vài tuần. Vậy mà, theo thông cáo số 14 của bộ chỉ huy tối cao Pháp, chỉ sau “đêm 17 rạng 18 tháng 5, đồn Mường Khoa đã bị sụp đổ dưới sức nặng áp đảo của quân tiến công”. Ngày 19, toàn bộ 300 quân phòng thủ bị tiêu diệt hoặc bị bắt.

        Tướng Mácsăng còn phải công nhận một điều là thắng lợi của đối phương đã vượt khỏi phạm vi Bắc Lào vì “họ đã thành công trong việc phối hợp hoạt động trên mọi “xứ”... và đã tiến hành một trận giao chiến trên phạm vi toàn Đông Dương”. Theo viên tướng này, tại Trung Bộ, Nam Bộ và Campuchia, địa lôi chiến phát triển mạnh nhất, do đó đối phương đã làm cho tình trạng mất an ninh ngày càng tăng thêm... Tại chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, sư đoàn 320 từ hướng Thanh Hóa lên đã thúc đẩy các lực lượng vũ trang địa phương hoạt động mạnh mẽ. Nhờ hoạt động tích cực, nhờ tinh thần chiến đấu dẻo dai, nhờ cách đánh tài tình các đơn vị địa phương ở đồng bằng đã dựa vào các căn cứ vững chắc để đánh chiếm nhiều đồn bốt, đánh nhiều trận tập kích lợi hại... Kho đạn 4.000 tấn ở Kiến An bị phá hủy đêm 20 tháng 4; 1 tiểu đoàn Âu - Phi ở Nam Định bị diệt gọn đêm 29; nhiều đồn bốt ở Phủ Lý bị san bằng ngày 16 tháng 5; vị trí Yến Vĩ kiên cố bị tiêu diệt, quân Pháp “không sao chống lại được một cách có hiệu quả vì thiếu quân dự bị cơ động...”.

        Bước vào mùa hè năm 1953, trên toàn chiến trường Bắc Đông Dương, thế bố trí binh lực của Pháp càng lộ rõ mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán, giữa đồng bằng sông Hồng và vùng rừng núi miền Tây. “Quả đấm chiến lược” mà bộ chỉ huy Pháp cố gắng tạo nên ở đồng bằng Bắc Bộ đã bị suy yếu nghiêm trọng: 18 tiểu đoàn trong tổng số 30 tiểu đoàn cơ động chiến lược đã dần dần bị điều đi chôn chân trên chiến trường rừng núi1. Do lực lượng cơ động bị giảm sút (chỉ còn 40% tổng số quân cơ động ở Bắc Đông Dương được tập trung ở châu thổ sông Hồng: 12/30 tiểu đoàn) đến nỗi khi sang nhận chức tổng chỉ huy quân viễn chinh ở Đông Dương, tướng Nava phải than phiền rằng “đồng bằng Bắc Bộ không còn đóng nổi vai trò cái chìa khóa của vùng Đông Nam Á nửa”.

---------------------
        1. Lai Châu: 1 tiểu đoàn; Nà Sản: 6 tiểu đoàn; Cánh Đồng Chum: 7 tiểu đoàn; Luông Pha Băng; 4 tiểu đoàn.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:42:13 am
       
Phần bốn

ĐỈNH CAO CỦA THẤT BẠI


Chương mười

TÌM “LỐI THOÁT DANH DỰ”

CUỘC CHIẾN ĐẤU CHUNG PHÁP-MỸ

        Từ đầu năm 1953, ngày càng có nhiều dư luận về những cuộc “viếng thăm” liên tiếp của chính khách và tướng lĩnh Hoa Kỳ trên mảnh đất Đông Dương.

        Cuối tháng 10 năm trước, viên đô đốc Rátpho (Arthur Radford; tư lệnh hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương) đến Đông Dương và được Xalăng dẫn lên thăm tập đoàn cứ điểm Nà Sản. Hai tháng sau, vào ngày 19 tháng 12, đến lượt đại sứ Hoa Kỳ Đônan Hít ra thăm Bắc Bộ và cũng bay đi Nà Sản.

        Dư luận cho rằng trong mối quan hệ Pháp - Mỹ, uy tín cá nhân của tổng chỉ huy Xalăng chưa đủ để tác động đến các ông bạn lái súng. Chẳng thế mà trong chuyến đi kinh lý Đông Dương hồi tháng 2, vừa đặt chân đến Sài Gòn, thống chế Gioăng đã vội bay đi Tôkyô để gặp tướng Mỹ Clác chỉ huy quân Mỹ ở Nam Triều Tiên và Nhật Bản. Gioăng chính thức báo cho viên tướng Mỹ biết rằng nước Pháp đã quá đuối sức khi cuộc chiến tranh (xâm lược Đông Dương) bước sang năm thứ tám và yêu cầu Clác trực tiếp sang nghiêu cứu tình hình tại chỗ để có kế hoạch tăng cường viện trợ cho quân viễn chinh Pháp đang ở vào thời kỳ hết hơi.

        Ngày 19 tháng 3, tướng Clác bay sang Đông Dương đúng vào lúc quân Pháp đang lo đối phó trên chiến trường Lào. Dư luận cho rằng, chuyến viếng thăm của Clác đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong mối quan hệ giữa bọn cầm đầu quân viễn chinh Pháp và bọn lái súng Mỹ.

        Theo Xalăng, sau cuộc đón tiếp được tổ chức với tất cả các hình thức “nghi lễ đầy đủ và tôn kính” sau khi nghe tường trình về tình hình mọi mặt, Clác lần lượt đi thăm các chiến trường. Tiếp đó là các cuộc gặp gỡ “các bạn đồng minh bản xứ từ Bảo Đại đến các tỉnh trưởng, từ cơ quan tham mưu của Nguyễn Văn Hinh đến một binh đoàn cơ động “quân đội quốc gia”. Trong thâm tâm các tướng lĩnh Pháp không muốn tướng Clác lấy danh nghĩa đại diện Lầu Năm Góc trực tiếp gặp gỡ quá rộng rãi như vậy nhưng sức hấp dẫn của đôla và sức mạnh của các chuyến viện trợ máy bay, xe tăng, đại bác Mỹ đã buộc Xalăng phải ngậm bồ hòn làm ngọt chịu để cho Clác thực hiện quyền hành của kẻ lắm tiền, nhiều súng.

        Trong các cuộc họp bàn tay đôi ở Sài Gòn và Hà Nội (20 và 23 tháng 3), lần đầu tiên hai viên tướng đại diện cho hai quân đội đế quốc Mỹ - Pháp chính thức xem xét lại cả quá trình quan hệ giữa hai bên trong cái mà Clác gọi là “cuộc chiến đấu chung của chúng ta”. Sau này, Xalăng khoe rằng những buổi cùng nhau kiểm điểm tình hình là những cuộc trao đổi “giữa những con người cùng làm chiến tranh nên chúng tôi rất hiểu nhau”.

        Trước hết họ nói về “thái độ bỏ rơi” của cố Tổng thống Mỹ Rudơven trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, những năm mà thế và lực của đế quốc Pháp bị chôn vùi xuống đất đen từ Âu sang Á. Clác đã giải thích về cuộc vận động của Hoa Kỳ trong các cuộc hội nghị Têhêran, Cai rô (1943) và Yanta (1945) nhằm đặt Đông Dương dưới “quyền ủy trị quốc tế”. Thực chất mưu đồ đó là để các nước đồng minh phương Tây chiếm đa số hòng tạo điều kiện thực hiện chủ trương “giao trả các lãnh thổ vốn là thuộc địa trở về tay các chủ cũ”. Khi cuộc vận động ấy không thành vì bị đế quốc Anh phản đối thì, từ tháng 4 năm 1946, khi việc giải giáp quân đội Nhật đã hoàn tất, Hoa Kỳ đã công nhận (trái phép) để toàn bộ Dông Dương “trở lại dưới quyền kiểm soát của Pháp”. Từ đó, mọi chính sách của Mỹ đối với Đông Dương đều được giải quyết trong khuôn khổ mối quan hệ Mỹ - Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:47:52 am

        Hai viên tướng cũng nói đến “thái độ bàng quan và trung lập” của Tổng thống Hoa Kỳ Tơruman trong những năm đầu chiến tranh Đông Dương (1946-1949), khi mà quân lực Mỹ chỉ còn khoảng trên 10% so với hồi Chiến tranh thế giới thứ hai, đồng thời ngân sách chiến tranh của Mỹ đã bị cắt giảm nghiêm trọng. Hoa Kỳ có cớ để trách Pháp đã cố tình bưng bít không cho thế giới bên ngoài biết về tính chất ác liệt của cuộc chiến tranh Đông Dương và những khó khăn mà quân đội viễn chinh Pháp vấp phải trong những năm đó. Chủ trương “bưng kín miệng bình” chỉ làm cho Pháp thiệt thòi, vì các quan chức Mỹ thiếu cả tư liệu lịch sử và cả những tin tức chi tiết hàng ngày để đánh giá tình hình Đông Dương. Bởi thế, viện trợ của Mỹ cho Pháp trong ba năm (7.1945 - 7.1948) được coi là chỉ có ý nghĩa về kinh tế hơn là trực tiếp giúp đỡ Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương.

        Cho đến năm 1949, vấn đề an ninh tập thể châu Âu (đối phó với cái gọi là sự đô hộ của cộng sản) và vấn đề “phục hồi kinh tế” (thực chất là dùng kế hoạch Mácsan để lũng đoạn các nước đế quốc phương Tây) đối với Mỹ vẫn còn hấp dẫn hơn vấn đề Việt Nam. Chỉ đến khi Pháp đã chính thức tham gia khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), và khi bọn Quốc dân đảng đã bị đánh bật khỏi lục địa Trung Hoa, lập trường chống cộng của Mỹ ở Đông Nam Á mới công khai bộc lộ. Từ đó “thuyết Đôminô” ra đời và trở thành gốc rễ chính sách đối ngoại của Mỹ ở Đông Nam Á. Cũng từ đó mối quan hệ Mỹ - Pháp về cuộc chiến tranh Đông Dương mới chính thức được đặt ra, bắt đầu bằng thái độ đồng tình của Nhà trắng đối với “giải pháp Bảo Đại”.

        Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn ban đầu không phải là giản đơn vì sự xung đột về mục tiêu chính trị sớm xuất hiện. Cuộc gặp gỡ ở Pari hồi tháng 9 năm 1949 giữa bộ trưởng ngoại giao Mỹ Akixơn (Acheson) và bộ trưởng ngoại giao Pháp Suman đã chứng minh điều đó. Phía Mỹ muốn ép Pháp sớm thực hiện hiệp ước Ôriôn - Bảo Đại. Còn phía Pháp lại tỏ ra không tha thiết với điều đó mà chỉ yêu cầu Mỹ viện trợ tài chính và quân sự cho cuộc chiến tranh Đông Dương (vì lúc này Pháp đã “hụt hơi”).

        Từ đầu năm 1950, khi Mỹ khẳng định mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh mưu đồ ngăn chặn cộng sản ở Đông Nam Á, Bộ ngoại giao Mỹ chính thức đề nghị quốc hội chuẩn y viện trợ cho Pháp và ép Pháp nhanh chóng giao quyền “độc lập” cho Bảo Đại. Ngày 2 tháng 2 năm 1950, quốc hội Pháp chính thức phê chuẩn hiệp ước 8 tháng 3 năm 19491, công nhận “độc lập” của Việt Nam (ngụy), cũng là ngày Tổng thống Tơruman chuẩn y việc công nhận Bảo Đại. Vài tuần sau, Pháp nhắc lại yêu cầu viện trợ cho cuộc chiến tranh Đông Dương.

        Kết quả là tháng 5 năm 1950, Tổng thống Tơruman phê chuẩn chương trình viện trợ quân sự và kinh tế cho Pháp ở Đông Dương. Thông cáo chung Pháp - Mỹ tháng 6 năm 1950 thừa nhận cuộc chiến tranh Đông Dương là “một bộ phận của cuộc chiến đấu chung Pháp - Mỹ chống lại sự chinh phục và lật đổ của cộng sản”. Yếu tố vật chất để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu đó là đô la và vũ khí Mỹ cộng với lính của Khối Liên hiệp Pháp. Nước Pháp không có lý do gì để giảm bớt cố gắng trong cuộc chiến tranh này.

        Từ giữa năm 1950, hàng loạt sự kiện đã diễn ra liên tiếp: Đại sứ Đônan Hít được cử sang Việt Nam; phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ được thành lập ở Sài Gòn; Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn ngân sách viện trợ trong tài khóa tháng 7 năm 1950 đến tháng 7 năm 1951 (23,5 triệu đô la) và cuối cùng, tháng 12 năm 1950, một bản hiệp ước “phòng thủ chung” được ký kết giữa Mỹ - Pháp và các quốc gia liên kết Đông Dương.

        Điều đáng chú ý là, trong những buổi “trao đổi tình hình”, cả Clác và Xalăng đều không dám nói thẳng ra một sự thật mâu thuẫn Pháp - Mỹ nảy sinh ngay từ khi những chuyến viện trợ đầu tiên đến Việt Nam (sự thật đó mãi sau này mới được phơi bày trong bản tài liệu mật của Lầu năm góc).

---------------------
        1. Hiệp ước ký ngày 8 tháng 3 năm 1949 giữa Tổng thống Pháp và bù nhìn Bảo Đại, quy định Pháp nới quyền “tự trị” cho ngụy Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:48:42 am

        Ngay từ giữa năm 1950, Mỹ đã yêu cầu Pháp nhanh chóng biến các “hiệp nghị” ký kết với Bảo Đại thành những “giải pháp quốc gia có hiệu lực”. Các nhà ngoại giao Mỹ ở Việt Nam được Oasinhtơn chỉ thị: dùng biện pháp thuyết phục hoặc gây sức ép với sự tính toán cân nhắc kỹ càng nhất để Pháp mau chóng và dứt khoát chấp nhận nguyên tắc Việt Nam “độc lập”. Nhà trắng dễ dàng nhận thấy Chính phủ Bảo Đại không được dân ủng hộ mà cũng chẳng có hiệu lực, còn quân đội (ngụy) thì phụ thuộc vào sự chỉ huy của Pháp và cũng không có sức mạnh. Để nâng cao vai trò của Chính phủ và “quân đội quốc gia” (thực chất là để trực tiếp nắm chính quyền và quân đội ngụy), Mỹ muốn giao thẳng viện trợ cho “một Chính phủ quốc gia Việt Nam” (tay sai của Mỹ) chứ không phải cho một chính phủ bù nhìn của Pháp.

        Tướng Đờlát cố chống lại sức ép của Mỹ bằng cách không ngừng nói đến “một quân đội thật sự Việt Nam, một quân đội được Mỹ trang bị đang tiến hành chiến tranh một cách có hiệu lực...”. Các tướng lĩnh Pháp cố hạn chế vai trò của phái đoàn cố vấn quân sự Mỹ (không cho MAAG vượt quá chức năng tiếp tế, không cho các sĩ quan Mỹ can thiệp vào nội bộ quân đội Pháp và quân đội Bảo Đại)1.

        Cho đến mùa hè năm sau, khi cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương đã làm mất lòng nhiều người (ở Pháp và trên thế giới) và khi nhiều tướng lĩnh Pháp đã không còn tin vào thắng lợi quân sự nữa, Nhà trắng mới chỉ thị cho các quan chức Mỹ không nên quá mạnh tay ép Pháp phải nhượng bộ các chính quyền (ngụy) Đông Dương. Điều quan trọng lúc này (1952) đối với Mỹ là làm sao để Pháp không “ngã lòng” trong cuộc chiến tranh chống cộng ở Đông Dương; làm sao cho Pháp dốc sức vào một trong hai mặt trận chống cộng ở châu Á (ý nói Đông Dương và Triều Tiên).

        Tại quốc hội Hoa Kỳ, những cuộc tranh luận về sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh Đông Dương đã dẫn đến sự nhất trí cho rằng: Trên nguyên tắc cơ bản, tầm quan trọng của Đông Dương đối với nền an ninh của Mỹ (?) được coi là điều tất nhiên. Và từ tháng 2 năm 1952, sau bị vong lục số 124 của chính quyền Tơruman gửi cho Pari, Mỹ đã không ngừng dốc tiền và súng đạn vào Đông Dương để tiếp sức cho quân đội viễn chinh Pháp. Kết quả là trong cả năm 1952, tổng số viện trợ của Mỹ cho Pháp ở Đông Dương đã lên tới 200 tỷ phrăng, gồm 110 tỷ bằng tiền và 90 tỷ trang bị.

        Một năm đã trôi qua, kể từ ngày có bị vong lục đến ngày tướng Mỹ Clác bằng xương bằng thịt có mặt ở Việt Nam theo yêu cầu của thống chế Gioăng, để cùng Xalăng bàn mưu tính kế giành thắng lợi trong “cuộc chiến đấu chung Pháp-Mỹ”. Hai viên tướng nhẩm tính rằng vào cuối tháng 3 năm 1953, chuyến tàu viện trợ thứ 300 sẽ cập bến Sài Gòn.

        Clác vừa rời Việt Nam ngày 23 tháng 3 thì một tháng sau, ngày 25 tháng 4, đến lượt đô đốc Rátpho, tân chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Hoa Kỳ, đến Sài Gòn. Đây là cuộc viếng thăm thứ hai trong vòng nửa năm của Rátpho tại Đông Dương. Viên đô đốc Mỹ này ra thăm Hà Nội đúng vào lúc các chiến hữu Pháp quốc đang chạy dài dọc sông Nậm U về hướng Luông Pha Băng. Đối với tổng chỉ huy Pháp Xalăng, thất bại ở Thượng Lào là một thực tế để tiện nói chuyện với ông bạn lái súng Mỹ. Chẳng thế mà ngay trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, khi Rátpho vừa tới, Xalăng đã nói toạc ra ràng, cuộc chiến đấu của Pháp ở trên toàn Đông Dương cũng như ở riêng Thượng Lào hiện nay “bị chi phối chủ yếu bởi những khả năng về không quân” mà bộ chỉ huy Pháp cho là quá thiếu thốn...

        Sau mấy ngày thăm viếng, viên đô đốc Hoa Kỳ chấp nhận mọi yêu cầu của bộ chỉ huy Pháp với lời hứa sẽ trình lên Chính phủ. Trước mắt, Rátpho sẽ gửi ngay cho Xalăng sáu máy bay vận tải C119, thứ mà viên tướng Pháp tha thiết yêu cầu.

        Trong những màn chót của “tấn thảm kịch Đông Dương” được họ mệnh danh là “cuộc chiến đấu chung”, cả Pháp lẫn Mỹ đều muốn tỏ cho đồng minh biết rằng mình không tiếc sức để cùng nhau giành bằng được phần thắng!2.

---------------------
        1. Như bản tài liệu mật của Lầu Năm góc đã nhận xét, mâu thuẫn Pháp - Mỹ là mâu thuẫn không thể dung hòa được và đã có lúc trở nên khá gay gắt trong năm 1951.

        2. Về hậu quả đường lối của chính quyền Pari và bọn cầm đầu quân viễn chinh Pháp (từ Đờlát đến Xalăng... ) dựa vào Mỹ để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, sau này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong Đường tới Điện Biên Phủ (Nxb Quân đội nhân dân - 1999, tr. 328) như sau: “Những chủ trương mà ông ta (chỉ Đờlát) tưởng là khôn ngoan, trao “độc lập” (cho Bảo Đại) và dựa vào Mỹ để xây dựng một quân đội cho ngụy quyền, đã dẫn tới sự ra đi vĩnh viễn của quân đội viễn chinh (Pháp). Đó là bi kịch của Đờlát. Chiến tuyến boongke ở đồng bằng Bắc Bộ không phải là khó khăn lớn nhất mà Đờlát để lại cho ta. Với việc mở đường cho chủ nghĩa thực dân mới vào Việt Nam, Đờlát đã mang đến cho ta một hiểm họa lâu dài.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:53:39 am

THÊM MỘT NỘI CÁC CHỦ CHIẾN

        Tuy được những kẻ đại diện của Lầu năm góc hứa hẹn viện trợ nhưng tướng Xalăng vẫn thấy cần để cho Chính phủ biết rằng đội quân viễn chinh đang ở trong tình trạng giật gấu vá vai về mặt trang bị. Thật ra từ lâu, ở Pari người ta không lạ gì thói quen của viên tướng này: sau mỗi thất bại có ý nghĩa chiến lược hoặc trước yêu cầu mới của chiến trường, việc đầu tiên của tổng chỉ huy là đặt vấn đề xin thêm lực lượng và phương tiện. Người ta cũng chưa quên rằng năm 1948, thói quen đó đã dẫn đến việc triệu hồi Xalăng (khi ấy đang tạm quyền chỉ huy sau khi Valuy về nước) và cử Bledô sang thay. Lần này, sau thất bại ở Thượng Lào, thói quen đó lại tái diễn.

        Ngày 24 tháng 4, bằng một bức điện dài (từ số 40.568 đến số 40.578), viên tổng chỉ huy lại đặt điều kiện với Pari, phải có thêm 5.000 giờ bay vận tải mới thực hiện được kế hoạch bảo vệ Thượng Lào; phải có máy bay lên thẳng mới giữ vững được tinh thần binh lính vì đã có quá nhiều trường hợp lính bị thương và bị bỏ rơi trong rừng vì không có máy bay lên thẳng đến cứu...

        Bốn ngày sau, Thủ tướng Mayê đánh điện trả lời, tiếp đến là bức thư riêng của tướng Gioăng. Điện và thư cùng mang một nội dung: không có phương tiện bổ sung, phải tùy khả năng mà hành động; nếu cần, phải điều chỉnh lại bố trí binh lực, bỏ bớt đi một số căn cứ lục quân - không quân để làm nhẹ gánh về phương tiện vận chuyển đường không hiện đã vượt quá khả năng của Chính phủ. Thái độ của Pari đã quá rõ ràng: “Lúc này để một bộ phận lực lượng của chúng ta bị tiêu diệt là điều đáng sợ hơn nhiều so với việc buộc phải bỏ một vùng đất đai nào đó”.

        Thư và điện chưa đủ. Đầu tháng 5, Pari còn cử tướng Lơse (Lechères), phái viên quân sự của Chính phủ sang khẳng định quan điểm chiến lược của Bộ tham mưu Pháp lúc này đối với chiến trường Đông Dương.

        Cũng chính trong cuộc công cán này, Lơse đã tiết lộ cho Xalăng biết khá nhiều điều vừa bí mật vừa công khai ở Pari.

        Kết quả thăm dò thái độ công chúng vừa qua cho thấy trên 70% dư luận tỏ ra thiếu quan tâm đến cuộc chiến tranh Đông Dương và muốn đi đến giải pháp thương lượng. Trong quốc hội, phái chủ trương đàm phán để giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam ngày càng chiếm được nhiều phiếu. Các lãnh tụ cánh hữu và cả Thủ tướng Mayê cũng đã nhận thấy quân Pháp không thể tiêu diệt được đối phương. Nhưng lập trường hiện nay của điện Matinhông1là chỉ kết thúc chiến tranh trong danh dự, cụ thể là chỉ tiến tới đàm phán khi đối phương đã thấy họ cũng không thể giành được thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định và khi tình hình quân sự cho phép thương lượng với điều kiện có thể chấp nhận được... Sắp tới, tướng Nava sẽ được cử sang làm tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương để tạo ra tình hình quân sự có lợi cho cuộc thương lượng.

        Đối với Xalăng, những tin tức trên đây thật là quan trọng, đặc biệt là tin tức về chủ trương “thay tướng” của Pari, một việc mà dư luận bàn tán từ nhiều tháng nay. Qua Lơse, việc ra đi của tổng chỉ huy Xalăng thế là được xác nhận. Nhớ lại thái độ hờ hững của tướng Gioăng khi sang kinh lý Đông Dương mấy tháng trước, nhớ lại những bức điện và thư vừa qua của Pari, Xalăng càng thấy rõ: từ lâu Chính phủ đã có ý đồ phủi tay về vấn đề Đông Dương. Điều đáng chú ý hơn nữa là ý đồ đó lại quan hệ đến cá nhân ngài đương kim tổng chỉ huy.

        Bất chấp cả phái viên của Bộ tham mưu, Xalăng phản ứng ra mặt: “Tôi hiểu rất rõ vì sao ông Mayê cố tình hạn chế công việc chỉ huy của tôi. Ông ta muốn loại trừ tôi bằng bất kỳ giá nào vì tôi là con người say đắm cái xứ Đông Dương này và tôi muốn giữ mãi mảnh đất mà tôi yêu mến(!). Tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi nó. Nhưng tôi không thể tiếp tục làm theo lệnh của Chính phủ mà Đông Dương đối với họ chỉ là một gánh nặng và họ chỉ muốn giũ đi cho rảnh... Không thể như thế được, nhất là đối với tôi...”. Ba chục năm “thâm niên Đông Dương” quả đã làm cho ngài tổng chỉ huy quá “nặng lòng” đối với mảnh đất béo bở này.

        Cơn thịnh nộ của ngài nguôi dần khi được Lơse cho biết: Thủ tướng Mayê khó mà đứng vững trước cơn sóng gió chính trị hiện nay ở Pari.

        Xalăng bỗng thấy còn chưa đến nỗi tuyệt vọng. Nhưng rồi ai sẽ lên ngồi ghế thủ tướng? Và người đó liệu có đồng tình với việc cử viên tướng Nava nào đó sang cái chiến trường xa lạ này không?

---------------------
        1. Trụ sở Hội đồng bộ trưởng Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:54:03 am

        Đúng như dư luận phán đoán, sau hơn bốn tháng cầm quyền và tiếp tục cuộc chiến tranh Đông Dương theo đường lối của 17 chính phủ trước, ngày 21 tháng 5 năm 1953, Thủ tướng Mayê buộc phải từ chức vì không giải quyết được những khó khăn nghiêm trọng về chính trị và tài chính. Từ hạ tuần tháng 5, nước Pháp lâm vào một cuộc khủng hoảng nội các dài nhất kể từ sau ngày giải phóng.

        Việc vận động lập nội các mới kéo dài hàng tháng nhưng chưa đảng nào giành được tối thiểu 314 phiếu tán thành (theo quy định của hiến pháp). Cuộc tranh giành ghế thủ tướng đã diễn ra gay gắt giữa Râynô (Paul Reynaud, thuộc đảng Độc lập), Măngđét Phrăngxơ và Mari (thuộc đảng Cấp tiến) và Biđôn (thuộc đảng Cộng hòa bình dân). Người được ít phiếu nhất (Mari: 272 phiếu) cũng như người được nhiều phiếu nhất (Biđôn: 313 phiếu) đều lần lượt vỡ mộng tân thủ tướng.

        Dư luận tiến bộ Pháp cho rằng cuộc khủng hoảng nội các lần này càng phản ánh rõ rệt tình trạng khó khăn về nhiều mặt của giới cầm quyền Pháp. Những khó khăn về tài chính đã kéo theo khủng hoảng về chính trị. Nửa năm trước, ngày 22 tháng 12 năm 1952, việc thông qua dự án ngân sách đã lật nhào nội các Pinay. Lần này, sau khi con thuyền Mayê bị những cơn sóng gió tài chính nhận chìm, đã có nhiều dự án ngân sách được đưa ra. Người ta đã trù tính giảm ngân sách quân sự của nước Pháp từ 1.607 tỷ phrăng (1952) xuống 1.399 tỷ phrăng (1953), nhưng con số đó vẫn còn quá lớn vì phiếm 37% tổng số ngân sách. Nếu theo dự án đó, chiến phí của Pháp ở Đông Dương cũng buộc phải giảm từ 369 tỷ phrăng (1952) xuống 320 tỷ phrăng (1953) tức là 23% ngân sách quân sự toàn nước Pháp. Để dự án trên đây đứng vững được, giới cầm quyền Pháp dự kiến: trong năm 1953, phải thu 2.597 tỷ phrăng thuế, lạm phát thêm khoảng 50 tỷ phrăng. Riêng trên chiến trường Đông Dương, viện trợ của Mỹ phải nâng lên 46% chiến phí, tức là khoảng 270 tỷ phrăng.

        Qua cuộc tranh chấp ghế thủ tướng, các đảng phái cánh hữu, trước hết là Cộng hòa bình dân, một lần nữa tỏ rõ lập trường ngoan cố của họ đối với cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Họ hy vọng tìm ra biện pháp chấm dứt tấn thảm kịch để nước Pháp thoát ra khỏi cái ngõ cụt, nhưng chính họ lại phản đối mọi chủ trương đàm phán để chấrn dứt cuộc chiến tranh trên cơ sở tôn trọng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam là độc lập và thống nhất. Lập trường của Chính phủ Mayê hồi tháng 3 “dập tắt tia lửa vừa xuất hiện ở cuối đường hầm”1đã nói lên một thực tế là: Trên sân khấu chính trị, nước Pháp vẫn còn không ít kẻ âm mưu tiếp tục thực hiện “đường lối của Đờ Gôn không có Đờ Gôn”. Họ vẫn chủ trương lao sâu hơn nữa vào cuộc chiến tranh xâm lược, bất chấp sự phản đối ngày càng quyết liệt của nhân dân lao động Pháp. Ngay trong hàng ngũ tướng lĩnh Pháp, những người đã từng nếm mùi chiến tranh Đông Dương, cũng còn nhiều kẻ tỏ ra luyến tiếc miếng mồi thuộc địa khó nuốt này, mặc dù trong thâm tâm họ đã thấy Pháp hết hy vọng giành được thắng lợi quân sự. Điều đáng chú ý là quan điểm thực dân lỗi thời của những kẻ đã hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp chinh phục thuộc địa lại được phơi bày vào năm 1953 này, khi mà đội quân viễn chinh Pháp đang đứng trước vực thẳm của thất bại.

        Các chính khách cánh hữu (đại diện là Biđôn, Lơtuốcnô) và các viên tướng chủ chiến (đại diện Xalăng, Mácsăng...) đều cho rằng chủ trương “bỏ rơi” Đông Dương là một điều sai trái với “truyền thống nhân đạo chủ nghĩa” (!) trong chính sách thuộc địa của Pháp. Theo họ, từ thế kỷ trước, khi đặt chân lên bán đảo này, “người Pháp (thực dân) đã tự đề ra cho mình nhiệm vụ giáo dục dân chúng (Đông Dương) nhằm nâng họ lên ngang tầm trình độ của chính quốc... Nếu bỏ rơi họ giữa đường, ắt không khỏi ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của nước Pháp...” (!). Các chính khách và tướng lĩnh thực dân tìm mọi cách biện bạch rằng, sở dĩ họ theo đuổi cuộc chiến tranh (xâm lược) Đông Dương bảy năm qua “không phải vì quyền lợi ích kỷ như người ta nói mà là vì nền tự do mà các dân tộc (trên bán đảo này) đã giao phó cho chúng ta” (!).

        Thật dễ hiểu nếu họ phản đối chủ trương rút quân viễn chinh Pháp khỏi Đông Dương, vì như vậy có nghĩa là “chấm dứt sự có mặt của nước Pháp ở châu Á”. Họ cũng không tán thành bỏ Bắc Bộ hoặc thu hẹp phạm vi chiếm đóng trên chiến trường này vì đó là “những dấu hiệu đầu tiên của chủ trương thu quân về nước... Bắc Bộ là chìa khóa của toàn Đông Dương. Không thể đứng vững được ở Đông Dương nếu Bắc Bộ không dưới sự kiểm soát của quân đội Pháp...”. Tóm lại, theo quan điểm của họ, phải phản đối mọi ý định thương lượng với Việt Minh, phải dựa vào súng viện trợ của Mỹ và lính bản xứ để đánh đến cùng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:54:39 am

        Bước vào năm 1953, trên đất Pháp ngày càng có nhiều chính khách (già như Anbe Xarô, trẻ như Pie Métxme) đã nhận rõ cuộc chiến tranh Đông Dương đã và đang đưa nước Pháp đến đâu. Chính vì vậy nên những nhân vật này tán thành chủ trương tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh, hòng vớt vát chút ít quyền lợi và danh dự của nền đệ tứ cộng hòa. Khốn nỗi lúc này phe chủ hòa chưa hoàn toàn chiếm ưu thế, lại bị phân hóa bởi những bất đồng cả về phương hướng và biện pháp tiến tới chấm dứt chiến tranh. Họ không muốn và không dám dựa vào sức mạnh phản chiến ngày càng tăng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp, những người mà Lacutuya (Jean Lacouture) nhận xét rằng đang có “sự mong muốn không sao dập tắt được là chấm dứt cuộc viễn chinh ám muội và xa xôi ở Đông Dương”. Sự mong muốn đó đã biến thành những hành động cụ thể và như nhận xét của tướng Nava sau này, đã dẫn đến “tình trạng hỗn loạn ngày càng sâu sắc... Chiến dịch chống chiến tranh (xâm lược) Đông Dương ngày càng được đẩy mạnh... Tình hình ấy là một nhân tố có tầm quan trọng đáng sợ...”.

        Thế lực chủ hòa trong chính giới Pháp không muốn phối hợp hành động với phong trào phản chiến đang phát triển sâu rộng trong nhân dân lao động Pháp để tạo nên ưu thế trong quốc hội cũng như ngoài đường phố, nhằm ngăn chặn bàn tay của phe hiếu chiến Pháp. Điều đó giải thích vì sao ngày 28 tháng 6, một lần nữa phe chủ hòa lại bị thiểu số. Thêm một nội các chủ chiến lên cầm quyền với Lanien (Joseph Laniel) làm thủ tướng. Bản tuyên bố nhậm chức của Lanien có hai điểm được dư luận chú ý: 1. Chính phủ mới hứa sẽ dùng biện pháp thương lượng “với điều kiện có thể chấp nhận được để chấm dứt cuộc đổ máu và sự hy sinh những tinh hoa tuổi trẻ của nước Pháp”. 2. Chính phủ nguyện bảo vệ nền “độc lập” của các quốc gia liên kết nhưng các quốc gia đó phải cùng với Mỹ gánh vác nhiều hơn nữa gánh nặng chiến tranh vì nước Pháp đã đuối sức.

        Về mặt đối nội, trên diễn đàn quốc hội, Lanien cố nhấn mạnh giải pháp thương lượng hòng giành đủ số phiếu tín nhiệm và xoa dịu quần chúng lao động Pháp đang đấu tranh gay gắt đòi chấm dứt ngay cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu ở Đông Dương. Về mặt đối ngoại, trước hết là với Mỹ, Lanien đặt nhiều hy vọng vào sự viện trợ mạnh mẽ hơn nữa như Nhà trắng đã hứa khi cựu Thủ tướng Mayê sang Oasinhtơn hồi tháng 3, lời hứa đã được tướng Clác cụ thể hóa trong chuyến sang Đông Dương gặp tổng chỉ huy Pháp Xalăng vài tuần sau đó. Theo lập luận của Thủ tướng Lanien, nước Pháp đang chiến đấu ở Đông Dương không phải chỉ nhằm bảo vệ ảnh hưởng và trận địa của mình ở đó mà còn góp phần bảo vệ “thế giới tự do” chống lại các cuộc tiến công của thế giới cộng sản. Cho nên, trong điều kiện chiến tranh đã phát triển, Pháp có quyền đòi hỏi Mỹ viện trợ nhiều hơn nữa về tài chính và quân sự để có thể tiếp tục cuộc chiến tranh. Đối với Lanien, 46% chiến phí mà Mỹ gánh vác ở Đông Dương là... “quá ít”.

        Nội các mới của Pari dự kiến rằng dù Mỹ đổ thêm đôla và vũ khí vào cũng không thể giúp Pháp thoát khỏi những khó khăn về mặt binh lực. Sau hơn bảy năm dốc sức vào cuộc chiến tranh Đông Dương2, giới cầm quyền Pháp ngày càng cảm thấy đuối sức, đòi hỏi phải có sự đóng góp nhiều hơn nữa về của và người của các nước “mà quyền lợi đang được nước Pháp che chở ở Đông Dương” (!). Chính vì vậy mà trong cuộc họp đầu tiên với các đại diện ngụy quyền Việt Nam, Campuchia và Lào (ngày 3 tháng 7 năm 1953), tân Thủ tướng Lanien đã lớn tiếng hô hào các chính quyền tay sai ở cả ba nước hãy cùng Pháp nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến đấu “chống kẻ thù chung”. Vị Thủ tướng Pháp dùng đến nhiều từ hoa mỹ, nào là “độc lập chủ quyền...”, nào là “tình chiến hữu”,... nhằm hướng bọn tay sai vào mục tiêu đã định. Mục tiêu đó, như sau này tướng Catơru đã vạch rõ là nhằm làm cho bộ máy chiến tranh được tăng cường, làm cho Việt Minh hết hy vọng chiến thắng, hòng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cả Pháp và các quốc gia liên kết có thể tiến tới một cuộc đàm phán trên thế mạnh với đối phương.

        Tóm lại, những hoạt động đầu tiên của nội các mới ở Pari cho thấy, tuy đứng trước muôn vàn khó khăn, giới cầm quyền phản động Pháp vẫn bám lấy ý đồ xâm lược Đông Dương. Họ tiếp tục đi theo vết xe đổ của 18 chính phủ cũ: dựa vào đô la và vũ khí Mỹ ép các chính quyền tay sai dốc túi để cùng chính quốc đánh canh bạc cuối cùng trong những năm tới.

        Đường lối đã được xác định. Vấn đề đặt ra với Chính phủ mới của nước Pháp là chọn một viên tướng có đủ tài năng đứng mũi chịu sào để biến đường lối đó thành hiện thực trên bán đảo Đông Dương. 

---------------------
        1. Ý nói phá vỡ cuộc vận động tiến tới gặp đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ở Rănggun (xem mục 3, chương chín).

        2. Chiến phí của Pháp ở Đông Dương trong bảy năm (1945-1952) đã lên tới 2.130 tỷ phrăng. Chiến trường này đã thu hút trên một phần tư lục quân, một phần năm hải quân của Khối Liên hiệp Pháp, làm ảnh hưởng sâu sắc đến địa vị của Pháp trong khối NATO và “nền an ninh” của Pháp châu Phi. Khả năng tăng viện cho cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã ở vào thời kỳ khó khăn nhất.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:57:01 am

TIẾN TỚI “MỘT VÁN BÀI TOÀN HỒNG”

        Ngay sau khi ngồi vào ghế thủ tướng, một trong những việc đầu tiên của Lanien là soát lại danh sách các tướng lĩnh Pháp. Mặc dù lúc này tướng Xalăng đã bị triệu hồi về Pari, Thủ tướng mới vẫn luôn tìm hiểu vì sao “con ngựa thứ sáu này bị thay giữa dòng”? Qua tìm hiểu Lanien được biết rằng trước đây, tướng Đờlát đã từng khen Xalăng là “con cáo tinh khôn, không bao giờ đặt một chân lên trước nếu không biết mình đặt chân lên chỗ nào...”. Là một viên tướng “thâm niên Đông Dương lại không bao giờ làm việc cẩu thả”, nhưng Xalăng bị dư luận trong giới quân sự cao cấp cho là quá non tay, tiến hành cuộc chiến tranh một cách thụ động, luôn luôn chờ đối phương ra tay rồi mới đối phó. Đối với chính quốc, Xalăng không nhạy bén với cảnh giật gấu,vá vai của Chính phủ nên luôn luôn yêu sách này nọ về vấn đề quân lực. Ba mươi năm đã nhiều lần qua lại Đông Dương từ cấp trung úy đồn trưởng leo lên đến cấp tướng bốn sao tổng chỉ huy, thật khó mà tìm cho ra một chiến công đáng kể trong cuộc đời binh nghiệp của Xalăng trên bán đảo này. Dư luận cho rằng, khoe khoang về cuộc tiến công lên Việt Bắc (1947), đối phó với cuộc tiến công của đối phương ở Nghĩa Lộ (1951)... chỉ là những chuyện phản ánh bản chất của con người Xalăng. Kết quả của việc tìm hiểu là Lanien đồng tình với cựu Thủ tướng Mayê? Xalăng không đủ sức chèo chống để con thuyền viễn chinh khỏi bị chìm nghỉm trước những cơn sóng cả của lực lượng kháng chiến đang ngày càng dâng cao.

        Nava, phải, đúng như thống chế Gioăng đã đề cử và Mayê đã chấp thuận ngày 7 tháng 5 năm 1953, chỉ con người xuất thân từ nghề tình báo lại có nhãn quan chiến lược và sức bật như tướng Hăngri Nava (Henri Navarre) mới làm xoay chuyển được nước cờ, mới làm đảo lộn được thế chiến lược bất lợi đối với Pháp hiện nay ở Đông Dương.

        Lanien thấy không cần thay đổi quyết định của Chính phủ cũ, nhất là khi tướng Nava đã nhận lời và đang tỏ ra “khẩn trương và hào hứng lạ thường” trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược để đệ trình Chính phủ.

        Trong khi ở Pari, Thủ tướng Lanien hạ quyết tâm “thay con ngựa thứ bảy vào cỗ xe chiến tranh” thì tại Đông Dương, sự khôn ngoan của tướng Nava đã sớm biểu hiện ở chỗ biết thừa kế dự kiến của người đi trước, nắm chắc tình hình, bám ý đồ của Pari và thái độ của Oasinhtơn để vạch kế hoạch chiến lược sát hợp theo phương châm “uốn một lưỡi câu vừa cả hai miệng cá”.

        Ít nhất tướng Xalăng cũng có một phương hướng chiến lược nào đó để người thay thế mình thừa kế. Vậy mà có người như Pherăngđi (Jean Ferrandi) tác giả cuốn Những sĩ quan Pháp đối mặt với Việt Minh, lại “so sánh một cách độc địa” giữa hai viên tướng để cố tìm ra sự khác biệt về trình độ và tác phong giữa Nava và Xalăng. Họ chê Xalăng là người có tầm nhìn thiển cận, kẻ nô lệ trung thành của những biểu đồ mà cơ quan tham mưu đã chuẩn bị sẵn, chỉ biết hành động một cách bị động tùy theo diễn biến của tình hình và những biến cố do đối phương tạo nên, không biết chủ động tạo ra hoàn cảnh có lợi để chiến thắng... Họ khen Nava (cũng như họ đã từng khen Đờlát trước đây) là người đã được đào tạo trong những trường lớn có tư tưởng tiến công, có tác phong năng nổ, biết tìm ra lối thoát một cách mạnh bạo và dứt khoát v.v. và v.v.

        Khách quan mà nói, thật ra tướng Xalăng cũng có một cái gì đó được gọi là chương trình hành động trong 30 tháng (4-1953 - 9-1955, cũng dài hơi đấy chứ!). Trong chương trình đó, Xalăng cũng bày ra đủ mâm đủ bát: một thời kỳ phát triển quân ngụy chia thành ba đợt: đến đầu năm 1955, thành lập xong 100.000 khinh quân gồm 135 tiểu đoàn biệt kích, một thời kỳ bình định (cả năm 1954) và một thời kỳ... tổng phản công (từ tháng 1 đến tháng 9-1955), bao gồm cả việc chiếm vùng tự do Liên khu 5 và bắc Liên khu 4 của đối phương.

        Nava đã không bỏ qua chương trình hành động trên đây. Trái lại, khi nhận bàn giao ngày 25 tháng 5 năm 1953, viên tổng chỉ huy mới đã tạm dẹp thói kiêu căng vốn có để cùng Xalăng đi vào nhiều điểm cụ thể làm cơ sở cho việc lập kế hoạch chiến lược của mình trước khi viên tổng chỉ huy cũ về Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:57:30 am

        Qua nhiều cuộc thảo luận, đánh giá tình hình hai viên tướng đã tập trung tinh lực tìm giải pháp thoát khỏi những mâu thuẫn quá lớn trong thế bố trí chiến lược giữa rừng núi và đồng bằng, giữa phân tán và tập trung binh lực. Điểm nổi bật lúc bấy giờ là sự giằng xé rất gay gắt về binh lực giữa các chiến trường Tây Bắc Việt Nam, Thượng Lào và vùng châu thổ sông Hồng.

        Pari cam kết bảo vệ Thượng Lào (cũng như nhiều địa bàn chiến lược khác) nhưng lại muốn tránh cho quân viễn chinh không bị tổn thất. Thật là mâu thuẫn (cũng như mâu thuẫn cách đây bảy năm Tổng thống Đờ Gôn đã từng mắc phải khi giao nhiệm vụ chiến lược cho tướng Lơcléc đem quân sang chinh phục Đông Dương).

        Thế trận bị đảo lộn trên chiến trường Thượng Lào hồi tháng 3-4 năm 1953 đã khoét sâu thêm mâu thuẫn về mặt chiến lược của phía Pháp. Nói đến Thượng Lào, phải nói đến Tây Bắc Việt Nam, nơi hiện nay quân Pháp chỉ có mặt ở Lai Châu và Nà Sản. Xalăng cố ý gọi đó là những “con đê ngăn sóng”, nhưng thật ra hai vị trí đó chỉ là hai hòn đảo hoàn toàn cô lập, chơ vơ giữa vùng rừng núi đại ngàn, cách xa nhau 130 kilômét và xa các căn cứ ở đồng bằng từ 200 đến 300 kilômét theo đường chim bay. Giữa khoảng cách 130 kilômét đó, từ cuối năm 1952, khi Điện Biên Phủ (một đầu mút giao thông quan trọng sát biên giới Việt - Lào) bị tiêu diệt, liên quân Lào - Việt đã tự do đi lại giữa Tây Bắc Việt Nam và Thượng Lào. Từ mùa hè 1953, sự đi lại càng dễ dàng sau khi các vị trí Mường Khoa, Sốp Nao và Sầm Nưa vắng bóng quân Pháp.

        Để thực hiện yêu cầu bảo vệ Thượng Lào, hai viên tướng đề ra hai phương án:

        1. Muốn bảo vệ một cánh gián tiếp, phải chiếm đóng và liên kết ba vị trí đầu mối giao thông là Lai Châu, Nà Sản và Điện Biên Phủ, tạo nên một thế kiềng ba chân trên một diện tích chừng 3.800 kilômét vuông, gồm ba tập đoàn cứ điểm mạnh, có căn cứ không quân để tiếp tế và tăng viện.

        2. Muốn bảo vệ Thượng Lào một cách trực tiếp, phải rút quân khỏi Lai Châu và Nà Sản, đưa sang chiếm đóng lại các vị trí địa đầu cửa ngõ biên giới: Sốp Nao, Mường Khoa, Sầm Nưa.

        Dù được bảo vệ bằng biện pháp phòng ngự trực tiếp hay gián tiếp, chiến trường Thượng Lào cũng sẽ thu hút thêm chừng 20-25 tiểu đoàn chính quy. Lực lượng đó bị điều ra khỏi châu thổ sông Hồng sẽ làm cho “vùng đồng bằng có ích”, nơi tình hình vốn đã không sáng sủa, càng trở nên sơ hở hơn. Từ khoảng hai mươi tháng qua, “tỷ lệ nổi dậy của dân chúng (ở 5.000 làng xã trong tổng số 7.000 làng xã) thật đáng lo ngại”. Quân Pháp chưa biết làm thế nào để thoát khỏi cái ngõ cụt này mặc dù đã có khoảng một phần năm (82.500/400.000) binh lính Pháp - ngụy bị chôn chân trong 920 vị trí cả cũ và mới, với quy mô và tầm quan trọng khác nhau. Tình trạng “ruỗng nát” ở đồng bằng là mối nguy cơ rất nghiêm trọng, phải nhanh chóng có biện pháp đối phó nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

        Theo Nava, cách dàn mỏng lực lượng ở đồng bằng bây giờ là “cách bố trí binh lực cổ lỗ áp dụng trong những cuộc chiến tranh thuộc địa cách đây hàng trăm năm”, nhằm đối phó với những “quân phiến loạn tương đối ít và trang bị kém”. Còn đối tượng tác chiến của quân viễn chinh Pháp vào giữa năm 1953 này thì sao? Theo báo cáo của phòng nhì thì đối phương đã đủ sức mở những chiến dịch tiến công quy mô lớn, dài ngày, trên những chiến trường xa. Bộ máy chiếu tranh của họ gồm những binh đoàn chính quy lớn mạnh, với khoảng 300.000 tay súng thiện chiến. Đó là đối tượng tác chiến của các GM (binh đoàn cơ động). Để đối phó với các sư đoàn quân chính quy Việt Minh phía Pháp ít nhất phải dùng gấp đôi về quân số, gấp ba hoặc gấp bốn về trang bị. Tổng quân số của Pháp hiện nay (chừng 400 nghìn) rõ ràng không đủ sức đáp ứng yêu cầu đó. Để phục vụ các binh đoàn chủ lực mở các chiến dịch tiến công, đối phương có cả một đoàn quân vận tải vô tận (ý nói dân công) để giải quyết vấn đề tiếp tế vận chuyển. Còn phía Pháp chỉ dựa được vào phương tiện vận tải hết sức hạn chế về số lượng, cũ kỹ về chất lượng, trên các tuyến đường bộ và đường sông luôn luôn bị đối phương uy hiếp, trong khi đó phương tiện vận chuyển đường không quá thiếu thốn.

        Riêng trong vùng châu thổ sông Hồng, một chiến trường rất sôi động, vẫn theo tài liệu phòng nhì, Việt Minh có chừng 40.000 chiến binh, gồm khoảng 15 tiểu đoàn địa phương (tương đương với số tỉnh đồng bằng), thêm vào đó là ba trung đoàn chính quy và từ 120 đến 150 đại đội địa phương huyện.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:57:49 am

        Theo Nava, đứng trước một đối tượng đông đảo, thiện chiến, trang bị “không ngừng được cải tiến”, có nhiều phương tiện phá hủy mạnh, đã đạt tới đỉnh cao của chiến thuật và kỹ thuật như vậy mà Pháp rải quân ra hàng nghìn vị trí ở đồng bằng thì quả là một sai lầm không thể chấp nhận được. Thực tế đã chứng minh: tất cả những vị trí mà đối phương kiên quyết tiến công đều bị tiêu diệt.

        Từ cách phân tích trên đây, biện pháp chiến lược đặt ra là phải rút bớt một cách không thương tiếc hàng loạt đồn bốt, kể cả một số đồn bốt trên các trục giao thông chiến lược, để gom góp lại từng đại đội, tiểu đoàn, nhằm xây dựng một binh đoàn tác chiến, một lực lượng tổng dự bị lớn mạnh, đủ sức đối phó với các cuộc tiến công quy mô lớn của đối phương. Bỏ mất đất? Đó là sự cần thiết vì phương châm do Pari đề ra đã rõ ràng: mất đất còn hơn để cho từng đơn vị quân viễn chinh bị tiêu diệt. Chịu để mất đất là một điều “đau xót” (vì nó mâu thuẫn với yêu cầu chiếm đóng của một cuộc viễn chinh xâm lược) nhưng lại là một sự lựa chọn phải chấp nhận trong điều kiện bây giờ.

        Riêng trên các trục giao thông chiến lược, yêu cầu đặt ra là chỉ chốt ở những vị trí quan trọng, với binh lực đủ để bảo vệ, với phương tiện cần thiết để nhanh chóng khôi phục và đánh thông đường vận chuyển sau khi bị phá hủy.

        Nhìn chung, cách bố trí binh lực trong các vùng do quân Pháp kiểm soát là: phải kết hợp giữa cứ điểm mạnh với lực lượng cơ động tại chỗ. Cứ điểm lớn hay nhỏ, lực lượng cơ động nhiều hay ít tùy thuộc vào lực lượng so sánh, trình độ “an ninh” bảo đảm nhiều hay ít, địa hình thuận lợi hay không. Nơi quang đãng, dễ cơ động, thưa dân, lực lượng đối phương ít và trang bị nhẹ, một đại đội trong cứ điểm có thể bảo đảm an toàn trên một vùng có bán kính 10-15 kilômét. Nơi hoàn toàn “ruỗng nát”, đường cơ động khó như ở nhiều tiểu khu đồng bằng Bắc Bộ, lực lượng phải phóng 3-4 đại đội mới đủ sức kiểm soát một vùng có bán kính 4-5 kilômét. Muốn bảo đảm an toàn ở một vùng đặc biệt nào đó, phải dự kiến thiết lập các tập đoàn cứ điểm, đủ sức dung nạp một GM (2 - 4 tiểu đoàn). Mỗi tập đoàn cứ điểm chỉ cách nhau chừng 15 kilômét.

        Tóm lại, như có ký giả quân sự sau này nhận xét, biện pháp bố trí binh lực được xác định như trên trong vùng đồng bằng Bắc Bộ so với trước chỉ là việc “chuyển từ ô vông của mắt dần sang ô vuông của mắt sàng”. Trung bình trên diện tích một trăm kilômét vuông vẫn có 660 quân (tương đương một tiểu đoàn) bị giam chân trong những hoạt động tĩnh tại. Về thực chất, thế bố trí theo cách tính toán trên đây của hai viên tướng vẫn mang nặng mục đích rải quân giữ đất.

        Mặc dù chưa tìm được lối thoát khỏi những mâu thuẫn cơ bản trong thế bố trí binh lực, nhưng dựa vào kết quả quan sát chiến trường, vào những số liệu do bộ tham mưu cung cấp, đồng thời tham khảo “chương trình hành động” của Xalăng, đến ngày 2 tháng 7 năm 1953, tổng chỉ huy Nava cũng vạch ra được một kế hoạch chiến lược 20 tháng (từ tháng 8 năm 1953 đến tháng 3 năm 1955). Viên tướng này sớm tỏ ra tự hào về bản kế hoạch mang tên mình: kế hoạch Nava, nhằm “tiến tới chơi với đối phương một ván bài toàn hồng” (!).

        Ba tuần sau, ngày 24 tháng 7, tại điện Êlydê, một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng quốc phòng Pháp được triệu tập để nghe viên tổng chỉ huy báo cáo kế hoạch chiến lược. Trong cuộc họp quan trọng này, có mặt đủ các nhân vật chủ yếu trong nội các mới và trong quân đội Pháp, từ Thủ tướng Lanien, Phó thủ tướng Râynô (phụ trách các vấn đề Đông Dương) đến các bộ trưởng quốc phòng (Plêven), ngoại giao (Biđôn), các quốc gia liên kết (Giắckê -Marc Jacquet) và các bộ trưởng tài chính, tư pháp, lục quân, không quân, hải quân, thống chế Gioăng và các tham mưu trưởng ba quân chủng.

        Trải qua nhiều lần trao đổi ý kiến tay đôi tay ba trước khi bước vào cuộc họp chính thức này, các quan chức cao cấp quân sự và dân sự Pháp, “những người am hiểu tường tận cuộc chiến tranh Đông Dương”, đã nhận xét rằng kế hoạch Nava là một bản kế hoạch toàn diện: quân sự và chính trị. Tác giả của nó đã biết dựa trên những thiếu sót lớn trong việc điều hành chiến tranh hơn bảy năm qua mà đề ra những phương hướng lớn nhằm xoay chuyển tình thế.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:58:25 am

        Cử tọa chú ý ngay từ vấn đề đầu tiên do tướng Nava trình bày: vấn đề xác định mục đích chính trị của cuộc chiến tranh. Phải chấm dứt thái độ lập lờ để khẳng định: hoặc là áp đặt chế độ thuộc địa trên bán đảo này; hoặc là xác định rõ nội dung của công thức “nền độc lập của các quốc gia liên kết trong khuôn khổ Khối Liên hiệp Pháp” vì công thức đó chứa đựng những nguyên tắc mơ hồ. Nava cho rằng do mục đích của cuộc chiến tranh không được xác định rõ ràng nên đã dẫn đến những hậu quả tai hại: một là, trong tám năm qua, cuộc chiến tranh (xâm lược) Đông Dương đã qua tay chỉ đạo và chỉ huy của 19 chính phủ và 7 tổng chỉ huy. Mỗi lần thay đổi là một lần bộc lộ hiện tượng “tân quan - tân chính sách”; hai là, quân viễn chinh Pháp chỉ biết chiến đấu vì danh dự lá cờ, danh dự quân đội (!) hơn là ý thức được rằng đây là cuộc chiến tranh cho Tổ quốc mình (!). Trong khi đó thì phong trào của nhân dân Pháp phản đối “cuộc chiến tranh bẩn thỉu” không ngừng dâng cao và gây ra tình trạng rối loạn về chính trị trong xã hội Pháp; ba là, nhũng người cầm đầu các quốc gia liên kết không nhận thức hết trách nhiệm của họ trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa cộng sản. Tinh thần quân đội của họ quá bạc nhược; bốn là, đồng minh Hoa Kỳ nấp dưới chiêu bài “ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á”, nhưng ngoài mục đích công khai trên đây, trong trái tim đen của họ là cả một mưu đồ chính trị và kinh tế lâu dài...

        Tất cả tình hình nói trên không tạo nên một sức mạnh tập thể của bản thân nước Pháp, cũng như các quốc gia đồng minh để chống lại một kẻ thù mà phía Pháp đã luôn luôn đánh giá thấp cả về chính trị và quân sự. Trên thực tế, vẫn theo nhận xét của Nava, đối phương đã tỏ ra ưu thế về mọi mặt: chính trị, tinh thần, tổ chức lãnh đạo chiến tranh, lực lượng và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, nhất là ở miền Bắc (bắc vĩ tuyến 18, Đèo Ngang - Viêng Chăn).

        Về mặt quân sự, Nava phán đoán phương hướng chiến lược sắp tới của Quân đội nhân dân Việt Nam có thể diễn ra theo ba khả năng:

        1. Đồng bằng Bắc Bộ có thể là hướng bị tiến công bất ngờ. Trong trường hợp này, phía Pháp sẽ tập trung binh lực để bảo vệ bằng bất kỳ giá nào các khu vực quan trọng, nhất là Hà Nội, Hải Phòng và đường số 5.

        2. Quân chủ lực Việt Minh có thể xuất phát từ Bắc Bộ tiến công xuống phía nam phối hợp với lực lượng ở Liên khu 5 uy hiếp toàn bộ miền Trung và miền Nam Đông Dương. Đây là khả năng đáng sợ nhất đối với Pháp vì quân viễn chinh sẽ phải đối phó trên nhiều hướng và sẽ gặp nhiều khó khăn.

        3. Hướng thứ ba có thể bị uy hiếp là Thượng Lào. Tình huống này cũng sẽ đặt Pháp trước những khó khăn rất lớn: về quân sự, không thể điều phần lớn lực lượng sang để đủ sức bảo vệ vương quốc Lào; mà bỏ rơi Thượng Lào sẽ dẫn đến những hậu quả chính trị sâu sắc.

        Trên cơ sở phán đoán các biến cố chiến lược sắp tới, dựa vào lực lượng so sánh và thế chiến lược hai bên trên các chiến trường Bắc và Nam Đông Dương, Nava đề ra phương hướng hành động của quân viễn chinh trong hai năm tới như sau: Trước mắt tránh giao chiến lớn với chủ lực đối phương ở bắc vĩ tuyến 18; tập trung vào việc xây dựng lực lượng tổng dự bị mạnh; phát huy ưu thế, đẩy mạnh hoạt động ở chiến trường miền Nam. Khi đã có ưu thế về lực lượng cơ động chiến lược, sẽ thực hành tổng tiến công, giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định về chiến lược, thay đổi hẳn cục diện chiến trường.

        Phương hướng hành động trên đây cũng đồng thời là tư tưởng chỉ đạo hai bước của kế hoạch Nava:

        Bước một: Trong chiến cuộc 1953-1954, duy trì thế phòng ngự chiến lược ở bắc vĩ tuyến 18, giữ vững đồng bằng Bắc Bộ bảo vệ Thượng Lào (trước hết là Luông Pha Băng và Cánh Đồng Chum); khẩn trương xây dựng lực lượng tổng dự bị; tiến công chiến lược ở miền Nam, đánh chiếm các căn cứ kháng chiến, trước hết là vùng tự do Liên khu 5 và Khu 9.

        Bước hai: Với lực lượng cơ động chiến lược đã được xây dựng, từ mùa thu 1954 thực hành tổng giao chiến trên chiến trường miền Bắc (từ Đèo Ngang trở ra), giáng cho chủ lực đối phương những đòn nặng nề, nhằm tạo ra một thế chiến lược mạnh, làm hậu thuẫn cho giải pháp chính trị.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Mười Một, 2016, 06:58:43 am

        Về biện pháp thực hiện, tổng chỉ huy Nava đặc biệt coi trọng các bước xây dựng lực lượng trong vòng 20 tháng tới.

        1. Phát triển “quân đội quốc gia” (ngụy) đưa tổng số lực lượng vũ trang các quốc gia liên kết (theo số liệu của Nava) từ 168.000 (tháng 12-1952) lên 280.000 (tháng 12-1954); xây dựng 122 tiểu đoàn khinh quân (Việt Nam 108 tiểu đoàn, Lào và Campuchia 14 tiểu đoàn), lấy đối tượng tác chiến là bộ đội địa phương tỉnh và huyện, lấy nhiệm vụ chủ yếu là triệt phá cơ sở kháng chiến trong vùng quân Pháp kiểm soát, thay thế cho quân Âu - Phi và một phần quan trọng quân chủ lực ngụy rút chân khỏi các nhiệm vụ chiếm đóng để xây dựng thành các sư đoàn cơ động chiến lược; tổ chức ba sư đoàn (12 GM) “quân đội quốc gia” (ngụy) để tham gia vào khối cơ động chiến lược chung của Pháp trên toàn Đông Dương.

        2. Xây dựng một lực lượng cơ động chiến lược mạnh và hoàn chỉnh làm lực lượng tổng dự bị (quân đoàn tác chiến) lấy đối tượng tác chiến là các sư đoàn chủ lực của đối phương. Nava dự tính từ tháng 8 năm 1953 đến tháng 3 năm 1955 xây dựng xong bảy sư đoàn cơ động chiến lược gồm sáu sư đoàn bộ binh (24 GM) và một sư đoàn không vận (3 GM), nâng tổng số lực lượng tổng dự bị lên 27 GM gồm 12 GM “quân đội quốc gia” (ngụy) và 15 GM Âu - Phi.

        3. Phát triển lực lượng biệt kích trong binh đoàn biệt kích hỗn hợp không vận (GCMA) với nhiệm vụ chủ yếu là quấy rối và phá hoại hậu phương kháng chiến và làm những nhiệm vụ đặc biệt mà các đơn vị thông thường không thể hoàn thành được.

        Nhìn lại cả tám năm chiến tranh vừa qua, đây là kế hoạch phát triển lực lượng lớn nhất, quy mô nhất. Riêng về lực lượng cơ động chiến lược, kế hoạch xây dựng của Nava gấp bốn lần so với thời kỳ Đờlát.

        Những người có mặt trong cuộc họp của Hội đồng quốc phòng Pháp ngày 24 tháng 7 cảm thấy bản kế hoạch của Nava không những xuôi tai mà còn có phần hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều người không khỏi có những nghi vấn về khả năng thực hiện. Bộ trưởng tài chính Tétgien (Pierre Henri Teitgen) lảng ra vì phải dốc túi quá nhiều (riêng kế hoạch bảo vệ Thượng Lào đã ngốn một khoản chi đột xuất chừng 100 tỷ phrăng). Phó thủ tướng Râynô không tin rằng có đủ số tăng viện để Nava thắng keo đầu tiên trong Đông - Xuân 1953-1954. Thống chế Gioăng vẫn giữ quan điểm phải dựa vào viện trợ của Mỹ. Thủ tướng Lanien nhắc lại yêu cầu chính trong lúc này là phải làm sao cho đội quân viễn chinh khỏi bị sứt mẻ nặng...

        Lời qua tiếng lại đã nhiều. Người được nói cuối cùng chính là tác giả của bản kế hoạch “nổi tiếng”. Viên tổng chỉ huy khẳng định trước Hội đồng quốc phòng: “Tôi rất tin tưởng vào bản kế hoạch này... Nó sẽ trở thành hiện thực... Đối phương đã thấm mệt mà hậu phương của họ không có gì tỏ ra là vững chắc”.

        Trăm nghe không bằng một thấy. Ngài tổng chỉ huy mới qua Đông Dương về. Thực tế chiến trường qua một tháng đi thị sát hẳn là cơ sở vững chắc để ngài khẳng định như vậy. Lời nói của người cầm quân chắc nịch như đinh đóng cột, nào ai còn dám hoài nghi?

        Sau những phút do dự cuối cùng hội đồng đã phê chuẩn bản kế hoạch. Nhưng quân có hạn, tiền không nhiều, hội đồng không thể không hạ bớt yêu cầu của tổng chỉ huy. Vài ví dụ:

        - Yêu cầu tăng viện bộ binh: chỉ thỏa mãn 75% (tức 9 tiểu đoàn).

        - Giảm 83% yêu cầu về nhân viên không quân (chỉ được 700 người). Nava đau xót nhất về nhát kéo này của hội đồng.

        - Bác toàn bộ yêu cầu về máy bay lên thẳng, và các khoản tiền cần thiết cho các thiết bị không quân.

        - Thời gian tăng viện về máy bay vận tải và chiến đấu chưa được hứa hẹn vì còn tùy thuộc vào ông bạn Hoa Kỳ...

        (Nava không quá lo ngại về hai điểm cuối cùng vì đã có lời hứa của tướng Clác với Xalăng. Hơn nữa, kế hoạch này đâu phải chỉ của điện Êlydê? Nava không bao giờ quên rằng, tuy không ai nói ra nhưng tất cả những người có mặt trong cuộc họp đều biết: kế hoạch này là đứa con chung của mối tình Pari – Oasinhtơn!).

        Biết rằng cò kè bớt một thêm hai cũng không được vì đây là cố gắng cuối cùng của một nước Pháp đã suy nhược toàn thân sau tám năm chảy máu, Nava trở lại Đông Dương với bản kế hoạch đã mang dấu ấn của Pari.

        Từ kế hoạch trên giấy đến chỗ biến thành hiện thực trên chiến trường là cả một chặng đường dài, với sự tác động của biết bao yếu tố khách quan. Thái độ của ông bạn Mỹ liệu có thay đổi nếu họ biết rằng cuộc họp vừa qua của Hội đồng quốc phòng đã diễn ra trong bầu không khí không phải là chiến thắng? Sự đóng góp của các đồng minh bản xứ liệu có hết sức nếu họ đánh hơi thấy sắp xảy ra “một Bàn Môn Điếm ở Đông Dương”? Điều quan trọng hơn hết là quyết tâm và sức mạnh của đối phương. Nava từng phê phán những người đi trước là đã luôn luôn đánh giá thấp Việt Minh. Phải chăng bản kế hoạch chiến lược nổi tiếng kia cũng lại là kết quả của một sự đánh giá sai lầm như vậy?

        Trên suốt chặng đường Pari - Sài Gòn, càng nghĩ Nava càng thấy việc “tiến tới chơi với đối phương một ván bài toàn hồng” thật không phải chuyện giản đơn.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:27:48 pm
       
ĐOẠN TUYỆT VỚI THÓI QUEN VỐN CÓ

        Ở Pari, Mayê đã xuống, Lanien đã lên. Ở Sài Gòn, Đờgiăng U(Maurice Dejean) đã đến, Lơtuốcnô đã đi. Dư luận cho rằng việc thay đổi một “nhân vật chính trị thuộc địa” bằng một “nhân vật ngoại giao chính cống” là một sự kiện có ý nghĩa. Việc đặt một quan chức ngoại giao đứng đầu phủ cao ủy khiến nhiều ký giả Pháp và nước ngoài nghĩ đến một sự chuyển hướng căn bản về đường lối chính trị. Người ta dự đoán đây là dấu hiệu tiến tới “chính sách bỏ rơi” hoặc ít nhất cũng tỏ ra là Pari muốn tìm một giải pháp thương lượng. Nhưng đó chỉ là ý kiến của các phóng viên, của những người ngoài cuộc. Còn đối với Nava vấn đề có khác. Từ khi được cựu Thủ tướng Mayê vời tới, viên tướng này vẫn nghĩ rằng mình có thể kiêm luôn cả chức cao ủy Đông Dương (giống hệt như suy nghĩ của Lơcléc tám năm trước). Nay Pari cử Đờgiăng sang, điều đó có nghĩa là viên tướng tổng chỉ huy chưa hẳn đã được Chính phủ tín nhiệm đầy đủ về chính trị.

        Thông cảm với nỗi lòng của Nava, tham mưu trưởng lục quân Pháp - tướng Blăng (Blanc) - đã viết thư cho Bộ trưởng chiến tranh Sơvinhê, nói thẳng ra rằng không nên để Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương chịu sự chi phối của “một quan chức dân sự cao cấp thiếu trách nhiệm thực tế và thiếu thẩm quyền phán xét”. Bức thư mỏng manh của Blăng tất nhiên chẳng ngăn nổi Đờgiăng vào ngồi trong phủ cao ủy ở Sài gòn.

        Thật dễ hiểu vì sao tổng chỉ huy Nava không vui khi trở lại Đông Dương, khác hẳn với lần sang nắm tình hình khi mới nhậm chức hơn hai tháng trước. Trong một buổi gặp mặt nhân viên Bộ tham mưu ở Sài Gòn với những lời nửa kín nửa hở, Nava đã thổ lộ nỗi lòng và sự phản ứng của mình: “Người ta cử tôi sang đây vì tôi chưa biết gì về cuộc chiến tranh này. Tôi chưa hề có ý kiến gì phác ra từ trước. Tôi sẽ điều hành cuộc chiến tranh theo như điều lệnh quy định, không hề bị ảnh hưởng bởi những thói quen vốn có”. (Nava thừa hiểu rằng cái gọi là “thói quen vốn cso” đó đã từng dẫn đến hiện tượng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược giữa cao ủy và tổng chỉ huy từ thời Đácgiăngliơ - Lơcléc tám năm về trước).

        Ngay từ đầu, Nava đã tỏ ra muốn đoạn tuyệt với quá khứ, trước hết bằng việc thay đổi bộ mặt những người cầm đầu, từ các cấp chỉ huy chiến trường đến cơ quan tham mưu, “để cho quân viễn chinh được chế ngự bằng một tinh thần hoàn toàn mới”.

        Nava chê bai cả ê kíp do Đờlát mang sang, cả ê kíp thuộc quyền Xalăng trước đây và không yêu cầu ai trong bọn họ ở lại Đông Dương. Thật ra những người “bị chê bai” này cũng chỉ mong có thế, vì “nhiệm kỳ Đông Dương” của họ đã bị kéo dài (từ 24 tháng thành 36 tháng), hơn nữa họ cũng chẳng muốn chứng kiến những giờ phút hoàng hôn của cuộc chiến tranh mà họ đã dấn thân vào trong mấy năm qua. Bởi vậy, khi Nava tỏ ý muốn “cầm cái chổi to tướng để quét sạch..., kể cả cấp thấp nhất trong cơ quan tham mưu” thì những người thuộc ê kíp cũ lập tức sẵn sàng chuẩn bị vali xuống tàu.

        Tư lệnh không quân Sátxanh về nước, Lôranh (Laurin) thay thế, Ala lên đường, thay vào ghế tham mưu trưởng là tướng Gămbiê (Gambiez); ba trong số năm tư lệnh phân khu đồng bằng Bắc Bộ cũng ra đi. Cử ai thay thế tướng Đờ Linarét chỉ huy miền Bắc Đông Dương là vấn đề khiến Nava suy nghĩ cân nhắc. Liệu có thể chọn Cônhi, người đang chỉ huy phân khu bắc đồng bằng được không? Nhớ lại ý kiến của Xalăng trước đây: “Cônhi hoạt bát, thông minh nhưng có tham vọng không lường được là muốn trở thành nhân vật số một ở đất Bắc Bộ, lại có chiều hướng không chấp hành mệnh lệnh và thường làm nảy sinh nhiều chuyện lủng củng khiến tổng chỉ huy phải đứng ra dàn xếp... Tướng quân có thể sử dụng ông ta, nhưng phải quản lý chặt...”. Thế là con ngựa bất kham Cônhi toại nguyện, trở thành nhân vật số một ở Bắc Bộ cộng thêm một ngôi sao thứ ba trên cầu vai1.

        Học đòi thói kiêu căng của Đờlát, vừa được thăng quan tiến chức, Cônhi đã huênh hoang với cấp dưới: “Các anh cần được chỉ huy cho ra trò, các anh sẽ được như thế”(!).

        Sau khi lắp xong bộ máy mới, một trong những lo lắng nổi bật của Nava là vấn đề binh lực. Qua cuộc họp của Hội đồng quốc phòng, thái độ thiếu mặn mà của những người có trách nhiệm trong Chính phủ và trong quân đội cho thấy không có gì đáng gọi là khích lệ về khả năng tăng viện.

        Trước khi trở lại Đông Dương, Nava đã đi gõ cửa các cơ quan có thẩm quyền nhưng kết quả thật là bi đát.

        Về không quân: Song song với ý định phát triển lực lượng cơ động chiến lược, Nava hy vọng được thêm không quân để chi viện cho các đơn vị chiến đấu. Những yêu cầu tăng viện không được đáp ứng. Trước mắt, không có lực lượng nào ngoài tài sản Xalăng để lại: chừng 70 máy bay Đacôta, biên chế thành ba phi đoàn vận tải; 150 máy bay chiến đấu các loại; 19 máy bay lên thẳng nhưng chỉ 4-5 chiếc bảo đảm chất lượng. Nghe tin Mỹ có thể cung cấp thêm máy bay nhưng bộ không quân Pháp không đủ nhân viên kỹ thuật và người lái.

        Về bộ binh: Từ yêu cầu hai sư đoàn rút ở khối NATO, Chính phủ giảm xuống 12 rồi lại xuống 9 tiểu đoàn, toàn là những đơn vị mới thành lập. Người ta còn báo trước cho viên tổng chỉ huy biết rằng: 9 tiểu đoàn này là khoản ứng trước số quân dự định tăng viện trong năm 1954! Riêng về sĩ quan, các tiểu đoàn Pháp ở Đông Dương hiện thiếu 50-60% cán bộ chỉ huy, vậy mà Pari không cho thêm người nào.

---------------------
        1. Nava không lường trước được rằng từ đó bắt đầu bao chuyện không hay đã xảy ra giữa hai người, đến nỗi khi cả hai viên bại tướng đã cùng nhau cuốn gói về Pháp mà vẫn còn viết sách, viết báo, “bút chiến” đổ lỗi cho nhau, đến nỗi Chính phủ Pháp phải yêu cầu họ vì sĩ diện quốc gia mà im đi cho!


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:29:43 pm

        Nava thấy càng cần phải gấp rút đẩy mạnh việc phát triển “quân đội quốc gia” (ngụy) để bù vào số quân tăng viện hạn chế của chính quốc. Một tổ chức mới ra đời: Phái bộ hỗ trợ quân sự (MAM) đặt bên cạnh bộ chỉ huy quân viễn chinh để chuyên lo kế hoạch phát triển quân lực quốc gia. Trước mắt (trong đợt 1 từ giữa 1953 đến giữa 1954) tập trung phát triển các tiểu đoàn khinh quân, đào tạo sĩ quan bản xứ và từng bước thành lập thêm các tiểu đoàn hoàn chỉnh để hình thành các GM người Đông Dương. Trong quá trình thành lập các tiểu đoàn khinh quân, phải từng bước giao cho họ các vùng Pháp đang kiểm soát để tập trung quân Âu - Phi xây dựng lực lượng cơ động chiến lược (sau Hưng Yên, Mỹ Tho, sẽ giao tiếp Bùi Chu, Phan Rang, Phan Thiết, Nha Trang và miền Tây Nam Bộ). Việc thay thế các đơn vị Âu - Phi chiếm đóng bằng các đơn vị khinh quân cần làm thận trọng “để tránh những thất bại to lớn ở từng địa phương”, nhất là ở Bắc Bộ.

        Thái độ của Mỹ ngày càng lộ rõ là họ muốn nắm “quân đội quốc gia” (ngụy), với lý do để quân đội này tự quản mới “tạo được không khí chính trị và tâm lý có lợi cho công cuộc chống cộng”. Nava thấy bàn tay của ông bạn Hoa Kỳ thọc ngày càng sâu vào Đông Dương quả là một vấn đề tế nhị và phức tạp đối với Pháp vì, để thực hiện được kế hoạch chiến lược hiện nay, một yếu tố rất quan trọng là viện trợ của Mỹ phải được ngày càng tăng. Chuyến đi không thuận lợi hồi tháng 3 của cựu Thủ tướng Mayê sang Oasinhtơn là một bằng chứng về yêu sách của họ. Thống chế Gioăng chỉ nhấn mạnh yêu cầu Mỹ viện trợ nhưng không chú ý đúng mức “mặt trái của vấn đề” mà chỉ có người chỉ huy trực tiếp ở chiến trường mới thấy rõ.

        Do khó khăn không vượt qua nổi về quân số, Nava buộc phải nghĩ đến trên 20 tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ đang bị trói chân ở phòng tuyến boong ke, một phòng tuyến đã bất lực không bao giờ phát huy được hai tác dụng mà người đẻ ra nó (ý nói Đờlát) đã vạch ra là bẻ gãy các cuộc tiến công ồ ạt của địch vào đồng bằng và kiểm soát sự xâm nhập của đối phương.

        Nếu hủy bỏ thẳng thừng một công trình vĩ đại và tốn kém vừa được xây dựng sẽ gây phản ứng chính trị và tâm lý bất lợi, mặc dù bỏ phòng tuyến sẽ “rút chân” được một lực lượng lớn, rất hấp dẫn tương đương với 8 GM. Biện pháp dung hòa mà Nava tìm ra là vẫn để phòng tuyến boong ke nhưng dần dần thay thế các đơn vị Âu - Phi bằng các đơn vị phụ lực quân1. Nhưng đạt tới đích đó (phụ lực quân thay thế quân viễn chinh ở phòng tuyến Đờlát) là cả vấn đề về thời gian và tiền bạc. Phải làm dần.

        Tìm quanh tìm quẩn, cuối cùng Nava nhớ ra Nà Sản, “con đê ngăn sóng” mà Xalăng đã dày công xây đắp, nơi đang giam chân sáu tiểu đoàn bộ binh. Sáu tiểu đoàn! Con số tuy nhỏ những cũng có nghĩa là có thêm được 2 GM.

        Nhớ lại hai tháng trước, khi sang nắm tình hình chiến trường, ngày 22 tháng 5, Nava bay lên thăm Nà Sản và thấy không nên tiếp nhận cái “tài sản đã nhiễm độc” này của Xalăng. Ngay hồi đó, Nava đã tuyên bố trước mặt Bộ trưởng chiến tranh Sơvinhê rằng: “Việt rút quân khỏi Nà Sản sẽ là một trong những hành động chỉ huy đầu tiên của tôi và tôi sẽ không bao giờ lặp lại những chuyện tương tự (ý nói phòng thủ theo kiểu tập đoàn cứ điểm) đó nữa”. Cônhi, viên tướng “to xác” mới nhận chức chỉ huy Bắc Đông Dương cũng tán thành việc rút quân khỏi tập đoàn cứ điểm này để dồn lực lượng về giữ vùng đồng bằng có ích vì “Nà Sản không phục vụ cho cái gì cả”.

        Ngày 5 tháng 8, mệnh lệnh chiến đấu quan trọng đầu tiên của ngài tổng chỉ huy mới là một mệnh lệnh rút lui: rút quân khỏi Nà Sản bằng đường hàng không. Mấy ngày sau, bằng một cầu hàng không hoạt động liên tục trong các ngày 8, 9 và 12, 150 lần chiếc máy bay đã tha về đồng bằng sáu tiểu đoàn bộ binh và 1.500 tấn trang bị. Với Nava và Cônhi, đây là một thắng lợi vì rút bằng máy bay, rõ ràng đối phương đã không kịp phản ứng.

        Trong thâm tâm, Nava cũng nghĩ rằng, về thế chiến lược trên chiến trường Tây Bắc và Thượng Lào mà nói, bỏ Nà Sản không phải là không đau xót vì đường Hòa Bình - Sơn La mở thông đến Tuần Giáo rồi qua Điện Biên Phủ, xuống lưu vực sông Nậm U về hướng Luông Pha Băng... Nhưng vấn đề quan tâm hàng đầu lúc này là quả đấm chiến lược, là đội quân tổng dự bị. Tạm phải bỏ đất, đành chịu. Khốn nỗi ở Pari không ít người phản ứng, trong đó có cựu tổng chỉ huy Xalăng. Viên tướng này “thấy nhói trong tim” và nghĩ rằng rút quân khỏi Nà Sản là “bản nhạc dạo cho cuộc rút chạy khỏi xứ Thái”.

        Do kết quả vận dụng nguyên tắc “tân quan - tân chính sách”, đoạn tuyệt với quá khứ, cho nên đến trung tuần tháng 8 năm 1953, tình hình đã có đôi chút thay đổi so với ba tháng trước. Dàn nhạc mới do Hăngri Nava làm nhạc trưởng đã ngồi yên chỗ. Phòng tuyến boong ke vây quanh đồng bằng mà tướng Đờlát tốn bao tinh lực nặn ra, nay chỉ còn là một chuỗi cứ điểm vô dụng, bỏ thì thương vương thì tội và chìm đắm dần trong sự lãng quên. Nà Sản “con đê ngăn sóng” đã từng là đề tài cho biết bao bài báo, cuốn phim, đã từng là công cụ để tướng Xalăng tự đề cao một thời mỗi khi có khách vãng lai thăm viếng, nay chỉ còn là những lô cốt bắt đầu rậm cỏ.

        Đồng bằng, Tây Bắc, Thượng Lào các tiểu đoàn khinh quân, đội quân cơ động chiến lược... tất cả, tất cả như một mớ bòng bong làm rối tinh đầu óc viên tổng chỉ huy khi mùa mưa sắp qua, mùa khô sắp tới.

---------------------
        1. Supplétif Các đơn vị bản xứ, chức năng tạp dịch nhiều hơn là chiến đấu.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:30:53 pm

TIẾN CÔNG! CHỦ ĐỘNG TIẾN CÔNG!

        Một số ký giả quân sự nước ngoài thường nói rằng Nava là viên tổng chỉ huy có tư tưởng tiến công, chủ động tiến công... Ông ta không bao giờ chịu để cho đối phương quyền chủ động... Ông ta luôn luôn dùng hành động tiến công để buộc họ phải chấp nhận chiến đấu, để rồi dồn họ vào thế phòng ngự...

        Ngay trong bức thư đầu tiên ra mắt ba quân ngày 22 tháng 6, Nava cũng đã nói lên tư tưởng chiến lược của mình: “… trong chiến tranh, thật là một sai lầm lớn nếu đánh giá thấp đối phương, nhưng cũng thật là một sự đần độn nếu đánh giá quá cao địch thủ của mình. Tình hình đối với chúng ta là thuận lợi, chiến thắng là điều chắc chắn nhưng nó chỉ đến với ai biết nắm lấy nó. Người ta chỉ có thể thắng bằng cách tiến công...”.

        Sự thật là trong vòng 5 tháng sau khi nhận chức (tháng 6 đến tháng 11 năm 1953), nhân lúc đối phương đang chuẩn bị đòn tiến công chiến lược Đông Xuân của họ, Nava đã “chủ động ra quân” chừng độ 20 lần, nhỏ là ném mấy chục tên biệt kích xuống vùng rừng núi Tây Bắc, lớn là huy động 30 tiểu đoàn mở một cuộc càn quét dài ngày ở vùng châu thổ sông Hồng. Binh lực to nhỏ khác nhau, chiến trường Nam - Bắc khác nhau tất nhiên mục đích ra quân cũng khác nhau: 12 cuộc càn quét trong vùng tạm chiếm (5 ở Nam Bộ, 7 ở Bắc Bộ); ba cuộc hành binh giải tỏa ở Thượng Lào và vùng bờ biển Trung Bộ, ba cuộc hành binh biệt kích ở vùng rừng núi biên giới Việt – Trung, một cuộc hành binh thăm dò và phá kế hoạch chuẩn bị của đối phương, v.v... Có những cuộc hành binh nhằm mục tiêu khá hấp dẫn như tiêu diệt trung đoàn nọ, cất vó trung đoàn kia, đánh què sư đoàn khác của đối phương.

        Đi tuyên truyền cho tư tưởng chủ động tiến công của mình, tất nhiên Nava cũng biết làm như Đờlát trước đây là giật dây các cơ quan thông tin tô điểm cho những “chiến tích” đầu tiên của ngài tổng chỉ huy mới. Khốn nỗi, hồi đó cũng như sau này, nhiều ký giả và sử gia phương Tây đã không chiều lòng tướng quân. Họ buộc phải nói lên sự thật ít nhiều.

        Có thể dẫn chứng một số “chiến tích” nổi bật nhất của viên tổng chỉ huy được thiên hạ coi là có nhãn quan chiến lược rộng.

        Trước hết là cuộc hành binh Chim én (Hirondelle), hành động tiến công thứ nhất của Nava.

        Phòng nhì cho biết ở phía bắc thị xã Lạng Sơn có những chân hàng quan trọng, chứa đến 8.000(?) súng máy do Pháp chế tạo. Bộ chỉ huy các lực lượng không vận được lệnh hành động gấp nhằm phá hủy các hang động dùng làm kho chứa vũ khí đó. Theo chỉ thị của bộ tham mưu, kết quả của cuộc hành binh tùy thuộc hoàn toàn vào yếu tố bí mật về ngày tháng và mục tiêu. Mọi biện pháp nghiêm ngặt được áp đụng để đánh lạc hướng và giữ bí mật bất ngờ cho cuộc tập kích.

        Trước hết là cuộc duyệt binh nhân ngày 14 tháng 7 (ngày Quốc khánh Pháp) ở Hà Nội với mục đích bên trong là để tập trung máy bay và quân dù. Lệnh hành quân chỉ được phòng tác chiến thảo ra 48 giờ trước khi triển khai lực lượng. Người chỉ huy các lực lượng không vận (tướng Gin) hạ đạt mệnh lệnh hồi 15 giờ ngày 16. Cấp chỉ huy đại đội chỉ được một giờ chuẩn bị trước khi cất cánh. Hồi 0 giờ ngày 17: báo động, chuẩn bị, binh lính bị cấm trại. 7 giờ sáng 17: máy bay cất cánh. Tóm lại: bí mật cho đến phút cuối cùng.

        Yêu cầu đặt ra là phải bất ngờ chiếm thị xã (theo tin tức của phòng nhì, đối phương không có lực lượng đáng kể ở đây), chiếm những hang động chứa vũ khí, phá hủy nhanh và rút nhanh, không để đối phương kịp điều chủ lực đến đối phó. Khó khăn: bãi nhảy dù là vùng rừng núi rậm rạp, ít đường sá, đường rút lui quá dài (từ Lạng Sơn đến Tiên Yên khoảng 100 kilômét) lại phải qua sông ở thị trấn Lộc Bình.

        Lực lượng ném xuống Lạng Sơn gồm ba tiểu đoàn dù, do đại tá Đuycuốcnô chỉ huy, mang theo một tấn thuốc nổ. Lực lượng từ Tiên Yên lên đón gồm ba tiểu đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn biệt kích, một số đơn vị chiến xa, công binh... do đại tá Rabơranh (Raberin) chỉ huy. Cuộc hành binh đặt dưới quyền chỉ huy chung của Gin, tư lệnh lực lượng không vận, viên đại tá vừa được đề bạt cấp tướng.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:31:49 pm

        8 giờ 10 phút, 85 lần chiếc Đacôta bắt đầu thả quân xuống phía bắc thị xã Lạng Sơn.

        Các ký giả tả lại: Trời nắng đẹp. Quân dù vừa nhảy xuống, chưa kịp tập hợp đội hình đã bị quân đối phương đánh trả quyết liệt... Sau đó là những tiếng nổ rồi vội vã rút quân. Tiếp đến là một cuộc thử thách về tinh thần và thể lực trong cuộc hành quân không dám quay đầu lại suốt 48 giờ liền về hướng Tiên Yên. 23 giờ ngày 18, gặp quân bộ từ dưới lên đón. Quân dù vừa lên xe, cũng là lúc những phân đội đầu tiên của Việt Minh kéo đến... Không kịp, xe đã chuyển bánh... Những tràng súng máy bắn đuổi...

        Quy mô lớn, phương tiện hiện đại, hành động chớp nhoáng. Đúng như vậy. Nhưng vấn đề được nhiều người quan tâm là kết quả cuộc hành binh.

        Những con số thông báo của Bộ tham mưu Pháp khiến cho người ta nghi vấn, kể cả các ký giả Pháp. Ví dụ: trước đây Bộ tham mưu Pháp cho biết ở Lạng Sơn, kho Việt Minh có tới 8.000 khẩu súng máy do Pháp chế tạo; nay lại thông báo là có 1.000 khẩu súng Tiệp? Một điều ngạc nhiên hơn nữa là, phải chăng lính Việt Minh giàu có và nghiện chè tới mức phải dự trữ trong hang động ở tận biên giới... 7 tấn chè để uống dần, v.v... Hồi đó, báo Pháp Lơ Phigarô và Nước Pháp, Người quan sát, cũng như Rôcôn, tác giả cuốn Tại sao Điện Biên Phủ đã đánh giá kết quả của trận đánh. Đại ý như sau: Vì sợ bị phục kích, không dám tiến sâu vào phía trong nên hai tiểu đoàn quân dù chỉ phá hủy được một số lương thực và vài chiếc ô tô vận tải đỗ bên đường. Sợ ở lâu bất lợi nên 13 giờ (ngày 17) quân dù đã phải rút lui. Rõ ràng có sự lúng túng trong việc điều tra lực lượng và sự vận chuyển của đối phương. Quân dù đã vồ hụt. Công việc vận chuyển của Việt Minh đâu phải chỉ ở Lạng Sơn vì họ có hàng vạn dân công đảm nhiệm ở khắp nơi. Pherăngđi, sĩ quan phòng nhì kiêm ký giả, bổ sung: “Người ta phải công nhận một sự thật là vì quá lo cho việc vội vã rút quân nên việc phá hoại chỉ thực hiện được một phần rất nhỏ. Số vũ khí bị phá hủy chẳng có gì đáng kể. Quen thói tò mò, phòng nhì đã điều tra kết qủa và được biết rằng những khẩu súng máy của Việt Minh vẫn nguyên vẹn. Người ta gọi người phụ trách việc phá hoại lên để hỏi thì viên sĩ quan này thú nhận rằng vì quá vội vã nên thuốc nổ chỉ đặt ở ngoài cửa hang (cốt cho có tiếng nổ!). Như vậy tất nhiên là chẳng động chạm gì được đến kho súng... Chiến tranh, các thông cáo chính thức, thành tích, kết quả bao giờ cũng là những vấn đề thật tế nhị, luôn luôn đòi hỏi hết sức thận trọng”.

        Mécglen (Albert Merglen). tác giả cuốn Chiến tranh bất thình lình, thì căn cứ vào số lính bị tổn thất trong cuộc tập kích để rút ra kết luận: “Không nên dừng lâu trên khu vực hành động đầu tiên, nếu không sẽ bị phơi mình trước đối phương phản kích với số quân đông”.

        Tất cả những nhận xét trên đây chắc chắn không làm cho tổng chỉ huy hài lòng, nhất là về kết quả cuộc ra quân đầu tiên. Chắc tướng quân cũng không muốn có thêm những lời bàn.

        “Chiến tích” nổi bật thứ hai của Nava là cuộc hành binh Camácgơ (Camargue) ở vùng Hải Lăng - Phong Điền (Thừa Thiên) nhằm “cất vó” trung đoàn 95, khai thông trục đường Đà Nẵng - Quảng Trị. Trục giao thông này đòi hỏi quân Pháp phải trả một giá quá đắt vì các đoàn xe luôn luôn “rơi vào những trận địa phục kích của những người lính bận đồ đen của trung đoàn 95 bộ binh Việt Minh, đơn vị thiện chiến, từ hai năm nay đã lọt vào hoạt động phía sau quân Pháp”.

        Theo Bécna Phôn, “với một sự châm biếm đúng với nghĩa đen của nó và hợp với suy nghĩ của mọi người lính Pháp, quãng đường này đã được đặt tên là con đường không vui”1.

        Lực lượng huy động cho cuộc hành binh này gồm 4 binh đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 3 thiết đoàn, 1 thủy đội, 2 trung đoàn pháo binh, 12 tàu chiến, 160 xe lội nước, 60 máy bay trinh sát vận tải và ném hom. Người ta nhận xét rằng với lực lượng trên 30 tiểu đoàn, Camácgơ là “một trong những chiến dịch lớn nhất ở Đông Dương và cũng tương đương với lực lượng được dùng trong các cuộc đổ bộ trên các chiến trường Thái Bình Dương hoặc Địa Trung Hải trong Chiến tranh thế giới thứ hai”. Đứng trước một lực lượng như vậy, lại bị ép giữa xe bọc thép ở phía tây, quân đổ bộ và xe lội nước ở phía đông, “rõ ràng trung đoàn 95 và quân du kích hình như ít có hy vọng thoát khỏi vòng vây”.

-------------------------
        1. Theo xác định của Phôn (trong các cuốn Street without joy và Indochine 1946-1962), con đường không vui dài khoảng 15 kilômét, nằm dọc kênh Vân Trình, song song với đường số 1 (đoạn Mỹ Chánh - Quảng Trị). Phía đông là bờ biển Tân An - Mỹ Thủy.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:32:51 pm

        Quyết tâm của Bộ chỉ huy Pháp đã rõ ràng, phải tiêu diệt trung đoàn 95, giải tỏa “dứt điểm” (une fois pour toutes) cho xong “con đường không vui”. Quân đông, quyết tâm lớn và người thực hiện cũng cự phách:

        1. Binh đoàn A, do đại tá Béctây (Berteil) chỉ huy, đổ bộ lên hướng đông bắc (Tân An, Mỹ Thủy).

        2. Binh đoàn B, do đại tá Côrai (Corail) chỉ huy, ép từ hướng tây bắc (Quảng Trị) sang phía đông đường 1.

        3. Binh đoàn C, do trung tá Gôchiê chỉ huy, ép từ hướng tây nam (Mỹ Chánh) lên.

        4. Binh đoàn D, do trung tá Lơ Hagrơ (Le Hagre) chỉ huy, đổ bộ lên hướng đông nam (Lại Hà).

        5. Quân dù, dự bị chiến dịch, do trung tá Lănggle chỉ huy.

        6. Hai trung đoàn pháo binh do trung tá Pirốt chỉ huy.

        Toàn bộ cuộc hành binh quy mô lớn này do tướng Lơblăng, tư lệnh quân Pháp ở chiến trường Trung Trung Bộ chỉ huy.

        Các tướng tá Pháp chỉ thấy khó khăn duy nhất là địa hình (cả thiên nhiên và nhân tạo). Các làng chiến đấu cách nhau 100-200 mét dọc “con đường không vui”, đã thật sự là “những đốt xương sống của cuộc kháng chiến” ở vùng này. Nối liền giữa các làng là những hệ thống địa đạo. Trạm xá, kho tàng, hầm trú ẩn... đều ở ngầm dưới đất “khiến cho việc càn quét khó đạt tác dụng phá hoại”. Bụi rậm, lũy tre đã hạn chế rất nhiều khả năng quan sát, kể cả của máy bay. Việc cơ động của người và cơ giới trên những cồn cát xen kẽ đồng muối và bãi lầy... thật không dễ dàng.

        6 giờ ngày 28 tháng 7, cuộc hành binh bắt đầu.

        Hướng đông: đổ bộ chậm 2 giờ so với kế hoạch. Lý do: say sóng. Lúc đầu đối phương im lặng, khi cuộc vây ép bắt đầu lúc 8 giờ 30. Bỗng súng cối từ các làng bắn vào pháo tự hành của tiểu đoàn 1erREC. Tiểu đoàn Tabo 9 kêu cứu. Tiểu đoàn Marốc 2 (II/4RTM) bị hỏa lực đối phương chặn lại. Trung tá Gôchiê yêu cầu tăng viện. 10 giờ 35, tiểu đoàn dù 2 được tung xuống. Chưa đủ. Tướng Blăng hạ lệnh điều thêm năm đại đội từ Huế ra. 15 giờ bắt đầu nhảy xuống, nhưng bì bõm qua đầm lầy, mãi sẩm tối mới tiếp cận đội hình phía trước. 11 giờ, tiểu đoàn dù 3 ở Đà Nẵng nhận lệnh xuất phát nhưng 15 giờ mới xuất phát được. Lý do: trục trặc vì kỹ thuật thông tin. Máy bay tới nơi song gió mạnh gấp đôi tốc độ gió cho phép thả dù1. Nhưng cần có gấp một lực lượng tung xuống khu vực cồn cát phía đông lên lệnh vẫn ban ra: dù gặp nguy hiểm cũng phải nhảy xuống. Kết quả: “Gió như những quả đấm vô hình đánh vào quân dù... Nếu không trở thành những bia thịt thì khi rơi xuống đội hình cũng rất phân tán” (cách khu vực quy định 2 - 3 kilômét!). Quân dù rơi xuống bãi lầy, bờ đê, xuống biển và rơi vào cả khu vực đối phương. Mười phần trăm lính dù bị chết, bị thương. Súng cối, súng không giật, quân dụng... không thu hồi được. Toàn tiểu đoàn dù số 3 chỉ còn là “những người lính bộ binh, phân tán mà hiệu suất chiến đấu thật đáng nghi ngờ...”.

        Đêm đến. Người ta nghĩ rằng quân địch đã bị nhốt chặt trong cái túi chữ nhật 14 kilômét × 3 kilômét. Nếu quả đúng như vậy thì mẻ cá quá lớn. Nhưng liệu đối phương còn có ở trong lờ (nasse) hay đã lọt ra ngoài?

        Có lệnh siết chặt vòng vây. Nhưng bỗng phát hiện phía tây - nam có nhiều khoảng cách (theo nguyên văn: lỗ thủng). Đối phương đã lợi dụng những ngòi lạch phản kích và dồn ép binh đoàn C sát kênh Vân Trình, trên một đoạn dài khoảng gần 10 kilômét...

        Tiếng súng không ngớt, nhưng rồi một đêm đã trôi qua. Đó là một đêm mà trên các hướng bọn lính phải “chôn chân dưới ruộng lầy, bùn ngập gối, tai giỏng lên, mắt nhìn như khoan” vào màn đêm dày đặc, luôn luôn giật mình mỗi khi một chú ếch nhảy trên mặt bùn...”

        Tảng sáng, trên các hướng, xe tăng, xe lội nước, lính bộ binh, lính dù... tiếp tục khép chặt vòng vây. Đến 13 giờ, các binh đoàn hướng đông (A và D) tới kênh Vân Trình, đối mặt với binh đoàn C. Toàn “con đường không vui” bị lọt thỏm như cá nằm trong lờ. Một hình ảnh hiện ra trước con mắt phóng viên quân sự ngoại quốc đi theo cuộc hành binh: “Những hàm thép của một đội quân hiện đại, với lực lượng hải quân, xe lội nước, máy bay (do một bầy tướng tá Pháp chỉ huy) đang khép lại, vây chặt lấy đám dân cày trang bị thô sơ được điều khiển bởi những cán bộ du kích chưa hề có trình độ quân sự bằng một hạ sĩ của quân đội khố xanh... Lực lượng Pháp dàn trận đông gấp mười lần lực lượng đối phương, nhưng bên trong cái bẫy vừa được giương lên hình như chẳng có cái quái gì...”.

---------------------
        1. Lính dù bản xứ, dù mang toàn bộ trang bị cũng chỉ nhẹ bằng nửa lính dù Âu - Phi.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:33:55 pm

        36 giờ sau giờ “H”, cuộc hành binh Camácgơ đã lộ rõ chiều hướng thất bại, những cuộc lùng sục vẫn tiếp diễn. Thỉnh thoảng, bọn lính đang lội bì bõm trong đồng lầy, bỗng một tiếng rú nổi lên rùng rợn rồi một tên lính lăn ra. Người ta vực hắn ra khỏi bùn và nước: hắn đã sa vào một hố chông!

        Sức bền bỉ của “những hàm thép” cũng có hạn. Chiều 30, có lệnh bắt đầu lui quân. Ngày 4 tháng 8, cuộc hành binh Camácgơ kết thúc.

        Không ít lời bàn của những người biết về “chiến tích” trên con đường không vui. Xin tóm tắt:

        Về quy mô, lực lượng:

        Camácgơ là một cuộc hành binh quá tốn kém. Phía Pháp đông gấp 10 - 15 lần đối phương nhưng chưa tiếp cận được ngưỡng cửa của chiến thắng. Để có lực lượng đồ sộ đó, Pháp đã phải rút ruột ở các tiểu khu, trong khi, chính những nơi đó cũng đang ở vào tình trạng khẩn cấp vì thiếu quân một cách bi đát. Việc sử dụng cơ giới ồ ạt như vậy đã phản lại ý đồ của bộ chỉ huy hành binh: đối phương phát hiện ngay từ đầu và đã kịp thời đối phó, vì họ dựa vào dân, rất thạo tin tức và mạnh hơn hẳn trong việc tìm hiểu ý đồ đối thủ của mình.

        Về địa hình và dân tình:

        Đây là một địa hình lạ không những đối với quân Pháp ở chiến trường khác đến mà cả với bọn ở miền Trung. Địa hình này lại không thích hợp với hoạt động cơ giới, tốc độ tiến của bộ binh và cơ giới rất chậm (trung bình 1,5 kilômét/giờ) lại rất phân tán trên một diện gấp đôi thông thường (một tiểu đoàn rải ra trên 3 kilômét), tạo nên những “lỗ hổng” trên những hướng có ngòi lạch, đầm lầy. Trong khi đó đối phương lại rất thông thạo địa hình, họ dựa vào các ổ đề kháng để chống lại. Họ được dân che chở “một yếu tố mà phía Pháp hoàn toàn không có”. Khi cần, họ dễ dàng luồn lách qua các khoảng cách. “lỗ thủng của lưới bao vây”, để lui quân, nhất là trong đêm tối.

        Về kết quả:

        Rõ ràng không tương xứng với quy mô cuộc hành binh. “Nếu người ta tin ở báo chí thì về hình thức cuộc hành binh đạt được kết quả to lớn” vì nó chứng tỏ “sức chiến đấu mới và sức cơ động của quân Pháp”, chứng tỏ các lực lượng đồ sộ được huy động vào việc bình định một vùng đầm lầy. Trong các báo cáo của họ, từ cơ quan tham mưu cuộc hành binh đến sĩ quan cơ sở, “các cấp thường chọn lọc những từ, những ý hay nhất để nói lên nhận xét của mình”. Nhưng thật ra thì “khi cái bẫy khổng lồ đã sập xuống cũng là lúc trung đoàn 95 đã biến đâu mất”. Nếu thành tích đúng như người ta tính sổ (phía Pháp thiệt hại 117, phía đối phương 182) thì vấn đề cần xem xét là trong số 182 người đó, ai thuộc trung đoàn 95, ai là du kích và ai là những nông dân bình thường? Kết quả duy nhất là: sau cuộc hành binh, nếu quân Pháp đóng lại thì cũng chỉ có “vài ba chục làng tạm thời dưới sự kiểm soát của họ mà thôi”.

        Tóm lại, Camácgơ lại một lần nữa chứng minh rằng các cuộc hành binh tương tự trên mảnh đất Việt Nam này đều không thoát khỏi một mâu thuẫn: tiến lướt nhanh thì không sục sạo được; tiến chậm thì dễ bị đánh trả. “Một mâu thuẫn không có giải pháp đáng hài lòng trong suốt cuộc chiến tranh”.

        Trung đoàn 95 đã thoát khỏi vòng vây để rồi vài tháng sau đó (ý nói vào khoảng Đông Xuân 1953-1954) trở lại chiến trường cũ, “một chiến trường vốn là khu săn bắn của họ” và những trận phục kích bất tận lại diễn ra...

        Do kết quả đáng buồn của Camácgơ nên trước sau “con đường không vui” vẫn chỉ là con đường không vui đối với quân viễn chinh Pháp và Camácgơ trước sau cũng chỉ là đầm lầy1.

        Một tháng rưỡi sau khi đã thu quân khỏi “con đường không vui”, ngày 20 tháng 9, Nava lại gửi thư cho tướng sĩ, nhắc lại yêu cầu tiến công, chủ động tiến công... vì hình như ba quân chưa thấu suốt tư tưởng chiến lược của thống soái. “...Tôi xin nhắc lại rằng các bạn phải ra tay trước, phải hành động nhanh hơn đối phương, phải điều khiển chiến trận... Các bạn phải nắm lấy quyền chủ động bằng những cuộc hành binh có tính chất tiến công nhanh chóng và kịp thời cho đến khi Việt Minh thật sự cảm thấy là họ bị săn đuổi(!)...”.

        Để chứng minh cho “tư tưởng tiến công” của mình, hơn ba tuần sau Nava tập trung 22 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn cơ giới, cùng một số đơn vị không quân, hải quân mở cuộc tiến công ra hướng tây - nam Ninh Bình. Theo đài phát thanh của quân đội viễn chinh, cuộc hành binh này “lớn nhất chưa từng thấy từ thời tướng Lơcléc đến nay”, nhằm mục đích thọc sâu vào vùng căn cứ đối phương, phá kế hoạch chuẩn bị tiến công của hai sư đoàn 304 và 320 vào đồng bằng. Tướng Gin, viên tướng vừa được đề bạt, có biệt hiệu là “thần khổng lồ chột mắt” lại được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc hành binh mang tên Hải âu (Mouette) này. Chắc hẳn Nava cho rằng Chim én mảnh khảnh đã không làm nên chuyện ở Lạng Sơn ba tháng trước nên phải dùng Hải âu to xác (32 tiểu đoàn các loại) để tạo điều kiện cho tướng Gin lập công.

---------------------
        1. Nava sính chơi chữ: Camargue là tên một vùng đầm lầy ở hạ lưu sông Rôn (Rhône) bên Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:34:31 pm

        Ngày 15 tháng 10, trong khi đại quân dò dẫm theo kiểu nhảy cóc ra hướng Rịa để mò đến Nho Quan “tìm và đánh què sư đoàn 320” thì một cánh quân khác đổ bộ lên bờ biển bắc Khu 4 nhằm “chiếm Thanh Hóa và giam chân không cho sư đoàn 304 thâm nhập vào đồng bằng”.

        Báo chí và đài phát thanh của Pháp thi nhau nói về chuyện tướng Nava đã giành được quyền chủ động chiến lược, đang đánh chiếm tỉnh Thanh Hóa đông người nhiều của. Tiếng vang bay về tận Pari, nơi Quốc hội Pháp đang họp và “đang chờ một tin thắng lợi quân sự để kích thích việc thông qua ngân sách mới”, đồng thời có món quà tất niên mang sang Oasinhtơn để tiện ăn nói về vấn đề viện trợ.

        Khốn nỗi, trên chiến trường phía nam đồng bằng Bắc Bộ, sự thật lại không đáng khích lệ như Pari mong muốn. Ngay từ hôm đầu ra quân, “họ (quân Pháp) đã bị chặn lại nhiều lần và ở đây (trên đường Rịa - Nho Quan) đã diễn ra những trận đánh ác liệt”. Trong mấy trận phục kích lớn ở phía nam Rịa chừng 10 kilômét, ngày 27 tháng 10; một tiểu đoàn của GM 4 bị diệt gọn. Hôm sau đến lượt tiểu đoàn 3 ngụy Thái (3e BAT), tiếp đến là hai đại đội lê dương... (Trong tài liệu tổng kết sau này, bộ tham mưu quân ngụy nhận xét rằng “trong những trận đánh đó, Pháp thấy bộ đội Việt Minh rất thiện chiến nên (quân Pháp) rất lo ngại mỗi khi đụng độ... Hơn nữa, mỗi sư đoàn Việt Minh có thành phần quân số cao hơn so với phía Pháp”).

        Trong khi đó thì “tại vùng đồng bằng đã bị trống rỗng, quân phiến loạn thừa cơ nổi lên” (ở Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương), bức hàng và bức rút nhiều vị trí, diệt hàng chục đại đội khinh quân trong đó có hai tiểu đoàn khinh quân vừa thành lập xong đã bị diệt gọn. Trên chiến trường trung du, khoảng 40 trận phục kích, tập kích, phá hoại cầu đường liên tiếp diễn ra.

        Những sự thật đó cũng không cánh mà bay về tận Pari (lại chỉ tại các phóng viên!). Ngày 27 tháng 10, tờ báo cánh hữu Thế giới bỗng đưa ra những dòng tai hại: “Nhiều người trong Chính phủ biết rõ rằng, những tin tức tung ra từ mấy tuần nay về tình hình chiến sự ở Việt Nam là không đúng sự thật. Những lời lẽ tuyên truyền quá đáng đó chỉ nhằm gây một không khí thuận lợi cho việc vay tiền Mỹ. Về binh lực chỉ trong khoảng 20 ngày qua, quân đội Pháp đã bị thiệt hại nặng. Cứ theo đà này thì quân tăng viện chỉ đủ bù vào số quân bị tổn thất...”

        Mặc dù được tờ Báo Pari (Paris Press) ngày 2 tháng 11 đỡ đòn bằng những lời khá giật gân1, mặc dù được phó tổng thống Mỹ Níchxơn (Richard Nixon) đến tận chiến trường tây - nam Ninh Bình để khích lệ (4-11), nhưng đứng trước thế trận ngày càng bất lợi vì bị đánh mạnh cả phía trước cả phía sau, ngày 6 tháng 11, tổng chỉ huy Nava buộc phải hạ lệnh rút quân. Sau 23 ngày, dù không đạt được bất kỳ mục tiêu nào đề ra cho cuộc hành binh Hải âu đã vội cụp cánh lao về đồng bằng.

        Để gỡ thể diện, ngày 7 tháng 11, tướng Cônhi họp báo, cải chính những điều y đã trót dại nói ra từ mấy tuần trước: “chúng tôi không có ý định chiếm Nho Quan vì như thế chẳng có lợi gì. Chúng tôi cũng chẳng có ý định chiếm Thanh Hóa mà đó chỉ là nhằm đánh lừa Việt Minh thôi”. Khi bị chất vấn về kết quả của cuộc hành binh, viên tướng to xác này đã ứng khẩu một cách khá trơn tru: “Chúng tôi đã loại sư đoàn 320 ra ngoài vòng chiến (!), đã giam chân được sư đoàn 304 ở Thanh Hóa (!), đã trì hoãn được cuộc tiến công của Việt Minh vào đồng bằng Bắc Bộ”.

        Tiếp theo lời của Cônhi là nhật lệnh (cùng ngày) của tổng chỉ huy Nava: “Chiến dịch Hải âu là một trong những đòn đầu tiên của tôi đánh vào đối phương. Thành công của Hải âu là chúng ta đã giành được thời gian. Chúng ta đã buộc bộ tư lệnh Việt Minh phải xét lại kế hoạch tiến công của họ. Chúng ta đã nắm quyền chủ động và chúng ta sẽ giành quyền chủ động đó...”.

        Tất nhiên đó là nhật lệnh, mà đã là nhật lệnh công khai nhằm lên dây cót cho tướng sĩ thì phải nói như vậy. Còn trong nội bộ thì, ngay trong báo cáo ngày 10 tháng 11, gửi về Pari, Nava cũng không dám giấu giếm mà buộc phải thừa nhận rằng: “Chúng tôi (Nava, Cônhi, Gin) đều thống nhất ý kiến cho rằng chất lượng quân viễn chinh kém đến nỗi nếu chạm trán với đối phương ở ngoài tầm yểm trợ của pháo binh (trên 10 kilômét) thì bộ binh của chúng ta (quân Pháp) nhất định bị đánh bại”. Và Nava thêm rằng “những trận đánh vừa qua đã tỏ rõ chất lượng bộ binh của Việt Minh ngày càng tăng. Điều đó không khỏi làm cho tôi rất lo lắng đến một tương lai gần đây, khi chúng ta chạm trán không phải với một sư đoàn mà với toàn bộ chủ lực tác chiến của họ hơn hẳn chúng ta về số lượng...”.

        Chim én bay lướt ngoài vòng, Camácgơ sa lầy, rồi đến Hải âu gãy cánh. Thực tế kết quả ba chiến dịch “chủ động tiến công” điển hình trong ba tháng qua (từ tháng 7 đến 10-1953) liệu đã đủ để viên tổng chỉ huy mới dự đoán trước thế trận sẽ diễn biến ra sao khi đối phương chính thức ra tay đánh đòn quyết định trong mùa khô sắp tới?

-------------------------
        1. “Tướng Nava đã thắng hiệp đầu trong cuộc đọ sức tay đôi với tướng Giáp”(!).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:36:14 pm

KHI MÙA KHÔ TỚI

        Quá trình thực hiện kế hoạch chiến lược của Nava (trước hết trên các mặt phát triển quân bản xứ, xây dựng lực lượng tổng dự bị chiến lược, hành quân bình định vùng “đồng bằng có ích”) cũng là quá trình bộ chỉ huy Pháp tập trung theo dõi chủ trương chiến lược của đối phương trong thu - đông sắp tới. Đó thật sự là một thử thách lớn đối với phòng nhì bộ tham mưu quân viễn chinh.

        Chịu chung số phận như các ngành khác trong cơ quan tham mưu, phòng nhì bị xáo trộn về mặt nhân sự khi Xalăng đi, Nava đến. Đại tá Ghibô (Guibaud) thay đại tá Bútxari cầm đầu cơ quan tai mắt của tổng chỉ huy. Chưa có “thâm niên Đông Dương” như Bútxari nên Ghibô không khỏi lúng túng, mặc dầu viên sĩ quan tình báo này được coi là “một người làm ăn có bài bản”.

        Trong quá trình theo dõi hoạt động của đối phương, nếu phòng nhì của Nava tự hào rằng họ “nắm rất vững các bước phát triển lực lượng của Việt Minh” (đến cấp trung đội!), thì họ lại ngập ngừng khi kết luận về mục tiêu chiến lược sắp tới của đối phương. Điều đó một phần do thái độ của tổng chỉ huy. Theo các nhân viên tham mưu Pháp, có lẽ bản thân Nava là viên tướng sành sỏi nghề tình báo cho nên sớm phát hiện sự bất lực của phòng nhì và không tin rằng cơ quan này có thể giải đáp được những vấn đề có tầm chiến lược cần tìm hiểu về đối phương. Không phải Nava coi thường các tin tức thâu lượm được nhưng người ta nhận thấy đôi khi Nava tỏ ra quá thận trọng (thận trọng tới mức nghi ngờ) đối với những ý kiến của phòng nhì. Trước những tin tức mà bao giờ tổng chỉ huy cũng là người được báo cáo đầy đủ nhất và sớm nhất, Nava thường đòi xác minh lại và trong nhiều trường hợp, khi vấn đề được xác định thì đã quá muộn.

        Sau khi quân Pháp rút khỏi Nà Sản (8 - 12 tháng 8-1953), trong cơ quan tham mưu thường có những ý kiến phán đoán khác nhau về chủ trương chiến lược của đối phương trong mùa khô tới.

        Có ý kiến cho rằng đối phương sẽ mở chiến dịch tiến công vào vùng châu thổ sông Hồng để, nếu không hoàn toàn làm chủ được địa bàn chiến lược đông người nhiều của này thì cũng làm cho “vùng đồng bằng có ích” bị ruỗng nát thêm, đồng thời giam chân khối cơ động chiến lược của Pháp đang được khẩn trương xây dựng và tập trung ở đây. Những người ủng hộ ý kiến này (trong đó có tướng Cônhi, chỉ huy quân Pháp ở miền Bắc) nhận định rằng đối phương không đủ sức mở các chiến dịch tiến công trên những chiến trường xa các căn cứ của họ ở vùng thượng du Bắc Bộ vì không vượt nổi những khó khăn về tiếp tế, hậu cần.

        Trái với nhận định trên đây, phòng nhì cho rằng hướng tiến công chiến lược sắp tới của đối phương không những diễn ra trên chiến trường rừng núi vùng tây bắc Đông Dương mà họ còn vươn xa hơn nữa xuống phía Nam, sau khi đã quét sạch các vị trí của Pháp ở cực bắc Thượng Lào. Phòng nhì không tin rằng đối phương không “bước qua được cái đòn gánh” của tổng chỉ huy Nava đã chắn ngang vĩ tuyến 18 (Đèo Ngang - Viêng Chăn). Họ còn lập luận rằng đồng bằng Bắc Bộ (với sự tồn tại của phòng tuyến Đờlát, với khối cơ động chiến lược đông và mạnh) là một hướng chiến lược không hấp dẫn đối với Việt Minh. Có nhiều khả năng đối phương chọn hướng nào quân Pháp phòng thủ kém hơn so với các nơi khác, quân bản xứ (ngụy) tại chỗ không đủ sức đương đầu trong những trận đánh không cân sức. Hướng chiến lược đó, theo phán đoán của phòng nhì, có thể là Thượng Lào, Đường 41 bỏ ngỏ là một trục giao thông mà đối phương có thể đi lại tự do.

        Thế bố trí chiến lược hiện nay cho thấy phía Pháp không đủ lực lượng cần thiết để phản ứng nếu một chiến dịch quy mô lớn diễn ra trên chiến trường tây bắc Đông Dương. Đó không những vì chiến trường quá xa các căn cứ của Pháp ở đồng bằng mà còn vì địa hình khắc nghiệt ở vùng rừng núi không cho phép quân Pháp tiếp nhận một trận đánh bất lợi như vậy.

        Phòng nhì cho rằng đối phương có đủ sức bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch trên chiến trường xa căn cứ của họ. Theo tài liệu của bộ tham mưu Pháp, bấy giờ không những đối phương có một lực lượng vận tải bằng cơ giới khá lớn mà còn có cả một hệ thống vận tải khổng lồ vô tận về người và xe đạp, đủ sức len lỏi vào những địa bàn rất xa, rất sâu. Pháp đã từng tỏ ra bất lực trước hệ thống vận chuyển kỳ lạ này.

        Tại vùng đồng bằng sông Hồng, vẫn theo phán đoán của phòng nhì, bộ đội địa phương và dân quân du kích Việt Minh đã đứng vững và làm cho tình trạng “ruỗng nát” trở nên rất nghiêm trọng trên một địa bàn rộng, gồm khoảng 5.000 làng xã trong tổng số 7.000 làng xã đồng bằng. Chỉ riêng lực lượng tại chỗ của đối phương (trong đó có trung đoàn 42, “trung đoàn hăng nhất, nguy hiểm nhất và bất trị nhất”) cũng đủ buộc Pháp phải giam chân phần lớn lực lượng dự bị chiến lược để bảo vệ các vị trí. Vì thế quân chủ lực của Việt Minh có thể tự do hoạt động trên các chiến trường lựa chọn ngoài vùng châu thổ sông Hồng.

        Còn tổng chỉ huy Nava thì sao? Bản thân viên tướng này cũng đang bị giằng xé giữa hai yêu cầu: 1. Tập trung lực lượng ở đồng bằng để bảo vệ địa bàn chiến lược hết sức xung yếu và đang bị uy hiếp này đồng thời để hoàn tất xây dựng đội dự bị cơ động, “quả đấm chiến lược”; 2. Sẵn sàng lực lượng tung đi cứu nguy nếu chiến trường Thượng Lào bị uy hiếp. Theo chỉ thị của Pari, bảo vệ Thượng Lào đã trở thành một yêu cầu chính trị quan trọng đối với quân viễn chinh Pháp. Nhưng vấn đề đặt ra là phải dùng hình thức nào để phòng thủ Thượng Lào có hiệu quả nhất và với giá rẻ nhất?


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:36:59 pm

        Theo các phương án đã từng được đem ra trao đổi với Xalăng hồi tháng 5, Nava thấy rõ ràng Pháp không đủ lực lượng (quân số và phương tiện cơ động đường không) để kết hợp phòng ngự trực tiếp và phòng ngự từ xa, cụ thể là vừa chốt giữ các đầu mối giao thông chiến lược bên này và bên kia biên giới Việt - Lào (Mường Khoa, Sốp Nao, Điện Biên Phủ...), vừa tung quân vào một vùng trọng yếu nào đó do đối phương kiểm soát (ví dụ vùng Yên Bái) để “giam chân” một bộ phận chủ lực của họ, nhằm đỡ đòn cho cả Thượng Lào và đồng bằng sông Hồng. Điều đắn đo đối với Nava là “phương án kết hợp” trên đây không những ít có khả năng thu hút chủ lực của đối phương1mà còn dẫn đến nguy cơ đồng bằng bị bỏ trống một thời gian ít nhất là ba tuần lễ.

        Nava cũng nghĩ đến hình thức phòng ngự vận động ngay trên đất Lào nhưng phương án này đã nhanh chóng bị gạt bỏ vì quân Pháp không đủ điều kiện về trang bị và trình độ chiến thuật để tác chiến vận động trên địa hình khắc nghiệt ở vùng rừng núi tây bắc Đông Dương.

        Trong lúc cơ quan tham mưu theo dõi cuộc vật lộn giữa các phương án tác chiến chiến lược đang thai nghén trong đầu óc viên tổng chỉ huy thì ngày 15 tháng 9, Giăng Pherăngđi (Jean Ferrandi), một sĩ quan tình báo thuộc loại cựu Đông Dương, được đại tá Béctây, tham mưu phó phụ trách kế hoạch hành binh, gọi lên để tham khảo ý kiến. Pherăngđi đã nhiều lần theo Xalăng qua lại Điện Biên Phủ trong những ngày sóng gió nổi lên ở Tây Bắc tháng 11 năm trước. Qua một tấm ảnh do mấy bay chụp và được phóng rất lớn, viên tham mưu phó quân viễn chinh Pháp chăm chú nghe giới thiệu cụ thể về cái lòng chảo khổng lồ Điện Biên Phủ.

        Mặc dù đại tá Béctây không hề tiết lộ ý đồ chiến lược của tổng chỉ huy và còn yêu cầu Pherăngđi giữ kín về “cuộc tìm hiểu bình thường” này, nhưng từ trung tuần tháng 9, trong cơ quan tham mưu bắt đầu có những tiếng thì thào về khả năng Điện Biên Phủ được chọn làm chiến trường để đập tan ý đồ chiến lược của Việt Minh. Người ta cũng thấy nảy sinh sự so sánh giữa Nà Sản với Điện Biên Phủ. Cùng ở vùng rừng núi Tây Bắc những nếu Nà Sản không có gì đặc biệt so với bất kỳ một cánh đồng nào trên vùng thượng du thì, với những điểm cao trùng điệp bao quanh, càng xa cánh đồng Mường Thanh núi càng cao dần, Điện Biên Phủ đúng là một lòng chảo khổng lồ. Các cán bộ tham mưu phán đoán rằng nếu tổng chỉ huy Nava có ý định chiếm đóng Điện Biên Phủ nhằm ngăn chặn những đơn vị chủ lực lớn của đối phương thì vị trí này phải trở thành một căn cứ không quân - lục quân lớn hơn nhiều so với Nà Sản.

        Cơ quan tham mưu chưa có cơ sở để tin rằng Nava sẽ trở lại hình thức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm. Người ta còn nhớ, ngay từ mùa hè khi lên thăm Nà Sản, viên tổng chỉ huy mới đã từng phê phán “cái tài sản bị nhiễm độc” do Xalăng để lại và đã tỏ thái độ xem thường “hệ thống những con nhím”. Việc rút quân khỏi Nà Sản đã chẳng chứng minh thái độ khinh miệt đối với biện pháp phòng ngự cứng đờ đó sao? Phải chăng sau khi suy đi tính lại, tổng chỉ huy đã thấy hình thức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm là một biện pháp chiến lược mầu nhiệm để, nếu không đủ sức ngăn chặn chủ lực đối phương lọt qua thì ít nhất cũng làm thất bại những cuộc tiến công của họ vào những vị trí quan trọng nhất của Pháp.

        Sau khi tìm hiểu ý định của tổng chỉ huy, người ta được biết rằng vấn đề quan trọng đối với tướng Nava lúc này không phải là tên gọi (là vị trí, là con nhím, là tập đoàn cứ điểm gì gì cũng được) mà là nên thiết lập “cái đó” ở đâu?

        Luông Pha Băng, Viêng Chăn và Lai Châu đều không thuận tiện cho việc sử dụng không quân. Hơn thế nữa, Lai Châu lại quá xa đường tiến quân của đối phương sang hướng Lào. Chẳng lẽ cho quân chiếm đóng lại Nà Sản? Không! Thể diện của tổng chỉ huy không cho phép làm việc đó! Vậy thì vị trí duy nhất thích hợp để lập một căn cứ không quân - lục quân chỉ có thể là Điện Biên Phủ, một địa điểm cần chiếm đóng để bảo vệ Thượng Lào đã được Xalăng nêu lên trong tài liệu bàn giao ngày 25 tháng 5 năm 1953.

        Nguyên nhân cuộc “tìm hiểu bình thường” của tham mưu phó Béctây với Pherăngđi về chiến trường Điện Biên Phủ hồi trung tuần tháng 9 đến nay đã sáng tỏ.

        Trong tháng 10, khi phòng nhì thông báo về những hoạt động đầu tiên của đối phương cũng là lúc tổng chỉ huy dần dần khẳng định kế hoạch của mình. Điện Biên Phủ quả là quá xa các căn cứ ở đồng bằng và địa hình cũng không hoàn toàn thuận lợi. Tuy nhiên, đưa quân lên đây sẽ tạo điều kiện cho Lai Châu khỏi bị “lạnh chân”, bọn biệt kích đang hoạt động ở vùng bắc Sơn La khỏi bị “hở sườn” và điều chủ yếu là chốt chặt cửa ngõ sang hướng Thượng Lào trên trục đường Tuần giáo - Mường Khoa.

        Sau khi hiệp định Pháp - Lào được ký kết (28-10-1953) trong đó có điều khoản xác định nhiệm vụ “bảo vệ Thượng Lào”, quyết tâm chiến lược trên đây của viên tổng chỉ huy càng được khẳng định.

        Mọi việc chuẩn bị để thực hiện kế hoạch Caxto (Castor) được xúc tiến khẩn trương để sẵn sàng ném quân lên chiến trường Tây Bắc, chiếm đóng Điện Biên Phủ. Tuy có lời bàn ra tán vào trong cơ quan tham mưu những không ai dám hỏi vì sao Điện Biên Phủ không được ghi trong kế hoạch chiến lược của Nava ngay từ đầu? Phải chăng đưa quân lên Điện Biên Phủ là biểu hiện đầu tiên của sự bị động về chiến lược, là sự giằng xé trong việc bố trí binh lực giữa rừng núi và đồng bằng? Không ai tiện hỏi và tất nhiên tổng chỉ huy Nava cũng không tiện và không cần giải thích.

---------------------
        1. Các cuộc hành binh Hải cẩu (Phoque) cuối năm 1950 và Loren (Lorraine) cuối năm 1952 đã chứng minh điều đó.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:39:31 pm

DƯỚI CHIẾC Ô CỦA CHÚ SAM

        Ngay từ khi sang nhậm chức ở Đông Dương, Nava đã đánh hơi thấy hình như ở Pari, người ta không còn quan tâm nhiều đến cuộc chiến tranh Đông Dương. Người ta chỉ mong sao cho quân viễn chinh không bị dồn vào tình thế nguy ngập. Thế nhưng, tướng Nava lại không muốn như vậy. Sang Đông Dương “với danh nghĩa là một nhà chiến lược tuyệt vời”1. Nava muốn làm nên “một cái gì”, và để đạt được “cái gì” đó, không thể không trông cậy vào bàn tay hào hiệp của chú Sam. Việc thảo luận kế hoạch chiến lược hồi tháng 7 đã chứng minh: nước Pháp đã quá kiệt sức, việc tăng cường viện trợ của Mỹ đã trở thành yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định.

        Từ mùa hè năm 1953, báo chí Pari đã từng vạch trần tính chất phụ thuộc vào Mỹ của giới cầm quyền Pháp trong việc thực hiện kế hoạch Nava. Thủ tướng Lanien đã công khai tuyên bố trước quốc hội rằng kế hoạch Nava không những được Chính phủ Pháp tán thành mà còn được Chính phủ Mỹ hoan nghênh. Kế hoạch đó cho phép Pari “hy vọng đủ mọi điều” trước hết là hy vọng Mỹ tăng cường viện trợ.

        Về phía Hoa Kỳ, từ khi cuộc chiến tranh Đông Dương bước sang năm thứ tám, khi giới cầm quyền ở Pari công khai thú nhận rằng Pháp không thể giành được thắng lợi về quân sự thì điều lo ngại lớn đối với Oasinhtơn là Pháp thua trận hoặc bỏ cuộc. Trong cuộc họp với một số nghị sĩ quốc hội tháng 7 năm 1953 ở Oasinhtơn, bộ trưởng ngoại giao Đalét (Foster Dulles) khẳng định “sức kháng cự của Pháp tan rã sẽ là mối đe dọa đối với quyền lợi trọng yếu của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương”. Một tháng sau, khi hiệp nghị Bàn Môn Điếm chặn đứng quân Mỹ và chư hầu ở vĩ tuyến 38, trong một báo cáo tại quốc hội, Tổng thống Aixenhao (Dwight Eisenhower) nhận xét rằng nếu không có sự giúp đỡ của nước ngoài (tức là Mỹ) thì Pháp không đủ sức giữ những điều cam kết cả ở châu Âu và châu Á... Nước Pháp đã phải chịu những thiệt hại nặng nề về sỹ quan và binh lính, phải tiêu phí mỗi năm hơn một tỷ đô la để theo đuổi cuộc chiến tranh gay go khó khăn. Họ không thể đảm đương được toàn bộ chiến phí và đã làm ảnh hưởng đến sự đóng góp vào những nỗ lực quân sự ở châu Âu... Nhắc lại thuyết Đôminô, Tổng thống Mỹ dự đoán Miến Điện, Ấn Độ, Inđônêxia sẽ bị uy hiếp nếu cộng sản thắng ở Đông Dương. Theo quan điểm của Aixenhao, viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho các lực lượng chống cộng ở Đông Dương là cách rẻ nhất để tránh mối đe dọa nghiêm trọng nền an ninh Mỹ (!). Phụ họa với tổng thống, thượng nghị sĩ Menxphin (Mike Mansfield) cũng cho rằng viện trợ mà Hoa Kỳ bằng lòng gánh chịu ở Đông Dương là nhằm phục vụ công cuộc phòng thủ riêng của Mỹ cũng như cho cuộc phòng thủ chung của “thế giới tự do”.

        Từ cuối năm 1953, vấn đề can thiệp vào Đông Dương đã được Nhà trắng đặt lên hàng đầu.

        Kết quả tất yếu là viện trợ quân sự của Mỹ cho Pháp ở Đông Dương đã tăng vọt từ 285 tỷ phrăng năm 1953 (tức 43% chiến phí của Pháp) lên 555 tỷ phrăng năm 1954 (tức 73% chiến phí của Pháp, mức cao nhất của viện trợ Mỹ cho Pháp ở Đông Dương)2.

        Viện trợ Mỹ đổ vào càng nhiều thì yêu sách của Mỹ càng tăng và mâu thuẫn quyền lợi giữa Pháp và Mỹ càng sâu sắc.


---------------------
        1. James Fox, tác giả bài “Ông Giáp, người chiến thắng ở Điện Biên Phủ”, tạp chí The Sunday Times Magazine số 5-11 và 12-11-1972.

        2. Theo tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, tỷ lệ đó lên tới 78%.

        Nếu trong cả ba năm 1950-1952, Mỹ chỉ đưa vào Đông Dương 228 máy bay và một số trang bị khác thì trong hai năm 1953-1954, viện trợ của Mỹ lên tới 285 máy bay các loại, 60 tàu xuồng, 100 xe tăng và thiết giáp, 7.000 xe vận tải. Nhịp độ viện trợ tăng lên rất nhanh: năm 1952 từ 8.000 đến 17.000 tấn/tháng; năm 1953 từ 20.000 đến 25.000 tấn/tháng; năm 1954, có tháng lên tới 40.000 tấn (4-1954) thậm chí 80.000 tấn (6-1954), tức là gấp mười lần so với tháng ít nhất trong năm 1952, gấp bốn lần so với tháng ít nhất trong năm 1953.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:40:36 pm

        Về chính trị, Mỹ giật dây các “chính phủ quốc gia” đòi Pháp trao trả “độc lập hoàn toàn” về nội trị và ngoại giao, tập hợp bọn tay sai thân Mỹ để vận động lật đổ chính quyền thân Pháp; đòi Pháp để các chính phủ tay sai tham gia liên minh với các chính phủ thân Mỹ ở Đông Nam Á... Về kinh tế, Mỹ ép Pháp để các công ty độc quyền Mỹ vơ vét nhiều nguyên liệu chiến lược1. Riêng về quân sự, Mỹ đưa tướng Ô Đanien (O’ Daniel) sang trực tiếp cùng Pháp điều hành cuộc chiến tranh; đòi viện trợ trực tiếp cho các chính phủ quốc gia; đòi đưa sĩ quan Mỹ vào huấn luyện quân đội các quốc gia liên kết; đòi cho sĩ quan bản xứ trực tiếp chỉ huy quân đội ngụy...

        Cao ủy Đờgiăng và tổng chỉ huy Nava cũng có phản ứng trước những yêu sách của Mỹ, nhưng đó chỉ là sự phản ứng yếu ớt của những người đại diện cho một nước Pháp yếu thế và phụ thuộc. Chính tướng Nava đã phát hiện mâu thuẫn của phía Pháp trong mối quan hệ với Mỹ: một mặt chủ trương ngăn cản Mỹ tham dự vào việc chỉ đạo chiến tranh và can thiệp vào mối quan hệ giữa Pháp với các quốc gia liên kết, nhưng mặt khác lại cầu xin Mỹ giúp đỡ “một sự giúp đỡ tất nhiên làm cho họ (Mỹ) có quyền theo dõi công việc của chúng ta (Pháp)... Ô Đanien đã tìm hiểu các kế hoạch của chúng ta và buộc chúng ta làm theo ý muốn của Mỹ trên mọi lĩnh vực kể cả lĩnh vục quân sự... Tôi (Nava) ngày càng nhận thấy rằng người chỉ huy thật sự ở Đông Dương là phái đoàn Mỹ. Nếu chúng ta không phản ứng lại thì dần dần chúng ta sẽ tụt xuống địa vị những tên lính đánh thuê tầm thường...”.

        Qua các phái đoàn kiểm tra của Chính phủ, qua những bức thư than phiền của Nava. Pari không phải là không biết tất cả những sự thật phũ phàng đó. Những vấn đề cấp thiết đối với Pháp là phải có đôla và vũ khí để tiến tới một ưu thế quân sự, để tìm ra một lối thoát danh dự. Bởi vậy, Chính phủ Pháp đã không quên nhắc cho tổng chỉ huy Nava biết một thực tế là, do khó khăn nên Chính phủ dự kiến ngân sách quân sự năm 1954 cho Đông Dương sẽ giảm từ 320 tỷ phrăng xuống 136 tỷ phrăng và viện trợ Mỹ sẽ bù vào chỗ thiếu hụt đó. Pari không có cách gì khác hơn là khuyên Nava hãy tỏ ra biết điều trước túi tiền và kho súng của Mỹ, hãy cố ngậm bồ hòn làm ngọt để “giữ quan hệ cá nhân tốt” với Ô Đanien, người đại diện của nước bạn Hoa Kỳ.

        Về phía Mỹ, vào cuối năm 1953, khi thất bại của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã trở nên rõ rệt, chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Mỹ Rátpho đã đề nghị tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ cho chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương nếu Pháp thua trận. Theo Rátpho, lực lượng tham gia cần khoảng một triệu quân và chỉ rút quân khỏi bán đảo này sau... ba mươi năm, vì phải xây dựng cho được một quân đội bản xứ mạnh để thay thế quân Mỹ sau khi chiến thắng (!). Kế hoạch mạo hiểm đó không lọt tai các nhân vật cầm đầu Nhà trắng và Lầu Năm góc nên đã lập tức bị bác bỏ. Tuy vậy, trước sự phản ứng của Pháp về sự can thiệp ngày càng trắng trợn của phái đoàn Ô Đanien và đánh hơi thấy bầu không khí chiến bại đã bao trùm giới cầm quyền ở Pari, bộ quốc phòng Mỹ chỉ thị cho phái đoàn MAAG một mặt phải khẩn trương tăng cường viện trợ, mặt khác hãy dừng lại ở chức năng tiếp tế, cụ thể là phải nới tay, không nên gây sức ép dồn Pháp đến chỗ thoái chí và bỏ cuộc.

        Một lần nữa, Pari và Oasinhtơn lại gặp nhau trên quan điểm thực dụng: để dòng sữa viện trợ tiếp tục tuôn vào Đông Dương nuôi sống cả hai đội quân Pháp và tay sai. Chính nhờ dòng sữa đó mà các quân đội tay sai lớn lên nhanh chóng và lực lượng cơ động chiến lược của Pháp cũng phát triển chưa từng thấy trong mười tháng, từ mùa hè 1953 đến mùa xuân 1954.

---------------------
        1. Trong hai năm 1953-1954, số vốn của Mỹ đã chiếm 65% tổng số vốn của hãng Michelin của Pháp ở Đông Dương; buộc Pháp phải bán 74.122 tấn cao su, 500.000 tấn than đá, gấp đôi số than và cao su mà tư bản Pháp thu được về chính quốc.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:41:35 pm

        Trong điều kiện “đạo dụ quân địch” ngày 7 tháng 6 năm 1953 của Bảo Đại chỉ có tác dụng trên giấy, quân tăng viện từ Pháp sang chỉ mang tính chất tượng trưng1, Nava buộc phải trở lại những thủ đoạn của các viên tổng chỉ huy trước là cưỡng bức để tăng quân số và xây dựng khối cơ động chiến lược.

        Bằng những cuộc càn quét, vây ráp liên tục quy mô lớn để bắt lính2, Nava đã tăng được 86.000 quân bản xứ, nâng tỷ lệ các quân đội tay sai lên tới 69% tổng quân số trên toàn Đông Dương (334.000/480.000). Mười tháng phát triển lực lượng từ sau ngày Nava nhậm chức là thời kỳ quân đội tay sai phát triển nhanh nhất trong cả cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương: gấp 2,5 lần so với cả năm 1952; gần bằng cả ba năm 1948, 1949 và 1950 cộng lại.

        Nava đã “đôn” các đơn vị phụ lực quân giáo phái thành những tiểu đoàn chính quy và rút quân ngụy ra khỏi các đơn vị hỗn hợp để tổ chức thành các tiểu đoàn ngụy riêng biệt. Với thủ đoạn này, Nava xây dựng thêm được 49 tiểu đoàn trong tổng số 110 tiểu đoàn ngụy mới được xây dựng.

        Bằng biện pháp mạnh dạn rút hàng ngàn vị trí3 và thay thế các đơn vị ngụy chất lượng chiến đấu kém vào làm nhiệm vụ chiếm đóng, Nava đã rút ra được 15 tiểu đoàn Âu - Phi và 21 tiểu đoàn ngụy để tổ chức thành 36 tiểu đoàn cơ động chiến lược.

        Đến khoảng đầu tháng 3 năm 1954 (trước chiến dịch Điện Biên Phủ), Nava đã phát triển lực lượng lên đến 286 tiểu đoàn bộ binh và dù chính quy (201 tiểu đoàn ngụy và 85 tiểu đoàn Âu - Phi) trong đó có 103 tiểu đoàn cơ động (47 tiểu đoàn ngụy, 56 tiểu đoàn Âu - Phi; 40 tiểu đoàn cơ động chiến thuật - 14% tổng quân số - và 63 tiểu đoàn cơ động chiến lược – 22% tổng quân số - bao gồm 18 GM và 11 tiểu đoàn dù). Với mười tháng xây dựng của Nava, khối cơ động chiến lược đã tăng gấp ba lần so với cả thời kỳ dưới quyền Đờlát.

        Về binh khí kỹ thuật, trong tay Nava có:

        (http://i255.photobucket.com/albums/hh125/chuongxedap/Qsu/AnhsachQsu/Lsu1cuocchienbanthiu/BangBinhkhiKT.jpg)

        Những số liệu trên đây nói lên kết quả viện trợ quân sự và tài chính của Mỹ, đồng thời cũng nói lên sự cố gắng của Nava sau mười tháng phát triển lực lượng và xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh. Những số liệu đó cũng làm nổi bật những khó khăn nghiêm trọng mà bộ chỉ huy Pháp không thể khắc phục. Đó là những mâu thuẫn tất yếu nảy sinh ngay trong bản thân việc phát triển lực lượng của Pháp và tay sai.

        Việc vây ráp, cưỡng bức thanh niên vào lính, tuy trước mắt có làm cho quân số ngụy tăng nhanh những đã gây ra không khí căng thẳng, sự phẫn nộ trong nhân dân vùng tạm chiếm và tinh thần chiến đấu kém cỏi trong quân ngụy. Hậu quả có tính quy luật lại diễn ra: số lượng quân ngụy ngày càng tăng, chất lượng chiến đấu của quân viễn chinh và tay sai càng giảm. Chính tổng chỉ huy Nava cũng phải thú nhận rằng: “Cho đến cuối năm 1953, quân đội Việt Nam (quân ngụy Bảo Đại) chẳng qua chỉ là một hình thức giả dối bề ngoài mà thôi... Tinh thần chiến đấu của họ rất tồi, khiến họ được liệt vào những chiến binh loại kém nhất...”. Nguy cơ nổi lên trong hàng ngũ quân ngụy là hiện tượng không phục tùng mệnh lệnh (theo Nava, có đơn vị tới 90%), nạn đào ngũ và thiệt hại quá cao trong chiến đấu.

        Lực lượng phát triển nhanh làm nảy sinh nạn khủng hoảng nghiêm trọng về sĩ quan chỉ huy. Theo nhận xét của Nava, bọn sĩ quan bản xứ đều coi quân hàm của họ là một phương tiện để làm giàu hơn là để chỉ huy đơn vị. Do thiếu sĩ quan cấp dưới có kinh nghiệm lên việc lựa chọn cán bộ lên chỉ huy tiểu đoàn hoặc đơn vị lớn hơn gặp rất nhiều khó khăn. Sĩ quan khung ở mỗi tiểu đoàn quân viễn chinh cũng thiếu chừng 50%. Muốn cho biên chế sĩ quan chỉ huy quân viễn chinh tương đương như các đơn vị ở chính quốc thì nước Pháp phải gửi sang ít nhất 3.000 sĩ quan và rất nhiều hạ sĩ quan. Như vậy bộ máy quân sự ở chính quốc không thể tồn tại được nữa.

        Việc tập trung quân Âu - Phi và các tiểu đoàn ngụy có chất lượng chiến đấu, rút chúng ra khỏi nhiệm vụ chiếm đóng tuy có giúp cho Nava phát triển được một lực lượng dự bị chiến lược mạnh, nhưng lại làm cho chất lượng quân chiếm đóng giảm sút vì tỷ lệ quân ngụy chiếm đóng tăng lên. Nếu cuối năm 1952, tỷ lệ quân ngụy chiếm đóng là 64% (78/122 tiểu đoàn) thì bước vào đầu năm 1954, tỷ lệ đó đã tăng lên 84% (154/183 tiểu đoàn.

        Lực lượng cơ động chiến lược càng phát triển thì yêu cầu về yểm trợ và phục vụ đối với không quân càng lớn, nhất là khi mùa khô tới, các chiến dịch tiến công chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu cũng là lúc một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của Pháp lần lượt bị thu hút và phân tán trên nhiều chiến trường. Nava than phiền rằng quân chủng được coi là chủ bài này đã đuối sức trước nhiệm vụ4 vì quá thiếu thốn. Viên tổng chỉ huy đã liên tiếp xin Pari tăng viện gấp nhưng “những yêu cầu của tôi (Nava) đều không được thỏa mãn hoặc khi được đáp ứng thì (than ôi) đã quá muộn”.

        Chính với những con số kết quả mười tháng cố gắng trên đây cộng với tâm tư vui buồn lẫn lộn mà tổng chỉ huy Nava bước vào cuộc đọ sức cuối cùng quyết định thắng bại với đối phương.

---------------------
        1. Từ giữa năm 1953 đến đầu năm 1954, Chính phủ Pháp vét túi cũng chỉ gửi sang Đông Dương được 9 tiểu đoàn bộ binh và dù, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh.

        2. Trong mỗi trận càn, Pháp bắt ít nhất là 1.658 thanh niên (trận càn Brochet) và nhiều nhất là 4.950 thanh niên (trận càn Tarentaise) dể đưa vào quân đội ngụy.

        3. Bắc Bộ 237, Trung Bộ 229, Nam Bộ 1.251, Lào 70, Campuchia 29, tổng cộng 1.816 vị trí, đồn bốt, tháp canh.

        4. Trước chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, ngoài các máy bay phục vụ (liên lạc, trinh sát, tải thương...). Pháp có 116 máy bay vận tải (100 C47, 16 C119) và 227 máy bay chiến đấu.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:43:43 pm
     
Chương mười một

CUỘC ĐỌ SỨC CUỐI CÙNG

TỪ “QUẢ ĐẤM CHIẾN LƯỢC” ĐẾN BÀN TAY XÒE

        Theo dự kiến của Bộ chỉ huy Pháp, trong bước 1 của kế hoạch Nava, cụ thể là trong Đông Xuân 1953-1954, không một trận đánh lớn nào được đặt ra (tránh “tổng giao chiến”).

        Thủ tướng Lanien cũng chỉ thị: tổng chỉ huy phải bảo toàn và phát triển lực lượng để tiến tới giành một thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định vào mùa khô 1954.

        Trải qua nửa năm đầu thực hiến kế hoạch Nava, các hoạt động của quân Pháp trong mùa hè 1953, chủ yếu diễn ra dưới các hình thức càn quét, tập kích, giải tỏa, thăm dò1. Theo Pherăngđi, cơ quan tham mưu Pháp đã đánh giá thấp kết quả những hoạt động quân sự đầu tiên của Nava. Chỉ riêng các cuộc hành binh càn quét trong 50 ngày, tính từ Cá măng (Brochet 23.9 - 11.10.1953) đến Chim ưng (Gerfaut 12.12.1953 - 10.1.1954), phía Pháp “đã phải trả một giá rất đắt... hai tiểu đoàn đi đứt... trong khi đó thì tổn thất của địch không đáng kể...”. Khốn nỗi, Nava cũng mắc chung một bệnh như sáu viên tổng chỉ huy trước, tức là khuyến khích báo chí thổi phồng “chiến tích chủ động tiến công” của mình. Chính viên tướng này cũng khoe khoang rằng những hoạt động quân sự đó đã tạo cho quân đội viễn chinh Pháp những thuận lợi quan trọng về tinh thần..., đã làm cho họ tin tưởng..., đã động viên những người lãnh đạo các quốc gia liên kết và làm cho Việt Minh rất lo lắng...” (!). Hậu quả dẫn đến, như chính Nava thú nhận sau này là Pari đã mắc lừa. Tin chiến thắng đã tạo ra tâm lý lạc quan đáng lo ngại trong giới cầm quyền Pháp đến nỗi Chính phủ phải tìm cách can ngăn tổng chỉ huy “không nên tìm cách để thắng trong chiến tranh (!) mà chỉ hành động sao đủ để chứng minh cho đối phương biết rằng họ không thể giành được thắng lợi quân sự!

        Đáng chú ý là Nava có lúc đã tỏ ra biết điều khi buộc phải thừa nhận rằng những hoạt động quân sự vừa qua chỉ mới là món ăn đầu bữa (hors d’oeuvre) và kết quả cũng chỉ đóng khung trong phạm vi đó thôi. Trong các thông cáo chính thức, trong thư từ gửi cho bạn bè ở Pari cũng như trong các cuộc họp báo, viên tướng này thường nói lên một hình ảnh: “Chúng ta đã ăn xong món đầu bữa rồi, nhưng còn phải chén nốt món kháng chiến (plat de résistance) nữa (ý nói tiêu diệt chủ lực của đối phương)... Thế nhưng món kháng chiến đó lại ngày càng tỏ ra đặc biệt khó tiêu”... (đúng ra phải gọi là “khó nhá”).

        Thế rồi, từ tháng 11 năm 1953, đi đôi với việc hoàn tất kế hoạch cuộc hành binh Caxto (đưa quân lên Điện Biên Phủ), Nava phân bố lực lượng trên các chiến trường2, tập trung phần lớn binh lực trên chiến trường Bắc Bộ và... chờ đợi động tĩnh của cái mà viên tướng gọi là “món kháng chiến”.

        Viên tổng chỉ huy Pháp không hề biết rằng lúc này tuy đối phương chưa nắm được mọi chi tiết trong ban kế hoạch Nava, nhưng từ tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xác định phương hướng chiến lược là: Nhằm vào những hướng quân viễn chinh Pháp sơ hở và tương đối yếu để mở các chiến dịch tiến công, tiêu diệt từng bộ phận lực lượng định, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc Bộ chỉ huy Pháp phải phân tán khối cơ động chiến lược của chúng để đối phó trên những chiến trường quan trọng về mặt chiến lược mà quân Pháp không thể không đối phó. Nói một cách khác, nếu trong bước 1, Nava đang cố gắng xây dựng “quả đấm chiến lược” mạnh3 thì đối phương quyết biến chỗ mạnh đó thành chỗ yếu, buộc “quả đấm chiến lược” của Nava phải mở ra thành một bàn tay xòe, gồm những ngón tay duỗi thẳng, yếu ớt, không liên kết được với nhau, để bẻ gãy dần từng ngón. Đó là quyết định quan trọng đầu tiên trong cuộc đấu trí với tổng chỉ huy Nava, “nhà chiến lược tuyệt vời”, theo cách gọi của Giêm Phốc.

-------------------------
        1. Ngoài việc rút quân khỏi Nà Sản và ba cuộc hành binh Hirondelle, Camargue và Mouette, từ tháng 6 đến tháng 11 năm 1953, quân Pháp còn tiến hành 17 cuộc hành binh khác, gồm hai cuộc hành binh biệt kích ở Tây Bắc, hai cuộc hành binh giải tỏa ở Thượng Lào, 13 trận càn quét vùng tạm chiếm (sáu trận ở Bắc Bộ, năm trận ở Nam Bộ, hai trận ở Trung Bộ).

        2. Binh lực của Pháp phân bố trên các chiến trường (tháng 11 năm 1953):

(http://i255.photobucket.com/albums/hh125/chuongxedap/Qsu/AnhsachQsu/Lsu1cuocchienbanthiu/BangPhanboBinhluc.jpg)

        3. Trước mắt, Pháp có 82 tiểu đoàn cơ động (trong dó có 36 tiểu đoàn cơ động chiến lược, chiếm 13% tổng quân số) và đang cố phát triển lên khoảng 100 tiểu đoàn.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:52:27 pm

        Vì dừng lại ở sự phán đoán từ những tháng mùa hè rằng đối phương sẽ tiến công vào đồng bằng nên khoảng đầu tháng 11 năm 1953, khi có những tin tức đầu tiên về hướng ra quân của đối phương lên chiến trường Tây Bắc, Nava vội kết luận “Việt Minh thay đổi kế hoạch” (!). Viên tướng còn thừa nhận rằng sự thay đổi đó đã loại trừ nguy cơ một cuộc tiến công của chủ lực đối phương vào đồng bằng nhưng đồng thời nó cũng đặt quân đội Pháp trước một yêu cầu không kém phần khó khăn là bảo vệ Thượng Lào.

        Cũng từ đầu tháng 11, các nhân viên tham mưu chủ chốt của chiến trường Bắc Bộ đã hoàn tất kế hoạch hành binh Caxto, chiếm lại Điện Biên Phủ bằng ba lực lượng: từ Thượng Lào lên, từ Lai Châu về cộng với quân dù nhảy thẳng xuống Mường Thanh. Trong cuộc họp thông qua kế hoạch này, có không ít ý kiến phản đối chủ trương đưa quân lên Tây Bắc. Người này cho rằng không nên bỏ Lai Châu, chỗ đứng chân cuối cùng của quân Pháp ở Tây Bắc, vị trí quan trọng kiểm soát ngã ba sông Nậm Na và sông Đà, “thủ phủ của liên bang Thái”, chỗ dựa của các đơn vị biệt kích đang hoạt động sau lưng đối phương. Kẻ khác không tán thành chiếm Điện Biên Phủ vì không có tác dụng ngăn chặn đối phương, không bảo vệ được Thượng Lào vì chỉ chặn trên một hướng; hơn nữa, Thượng Lào chưa trực tiếp bị uy hiếp mà đã vội đưa lên vùng rừng núi một binh lực lớn, chừng mười tiểu đoàn thì lực lượng phòng giữ đồng bằng sẽ bị giảm sút. Trong số những người phản đối có tướng Đờsô (Dechaux, tư lệnh không quân) và tướng Gin (tư lệnh quân dù).

        Cuộc tranh cãi còn chưa ngã ngũ thì tin tức về sư đoàn 316 của đối phương đang hành quân lên Tây Bắc được phòng nhì khẳng định. Một cuộc hội nghị quân sự cấp chóp bu được triệu tập vội vã ngày 17 tháng 11 tại Hà Nội, gồm tướng Bôđê (phó tướng của Nava) Cônhi, Mátxông (tư lệnh và phó tư lệnh quân Pháp ở Bắc Bộ), Đờsô và Gin cùng các nhân vật chủ chốt của cơ quan tổng hành dinh. Quyết tâm chiến lược của tổng chỉ huy được khẳng định: Quân Pháp không đủ lực lượng để mở cuộc hành binh lên vùng Yên Bái hay Thái Nguyên theo phương án “phòng ngự gián tiếp” Thượng Lào; mặc dù không kịp phối hợp với các hướng Lai Châu và Luông Pha Băng theo kế hoạch đã định, nhưng không thể trì hoãn việc chiếm lại Điện Biên Phủ (chừng nào vị trí này chưa lọt vào tay quân Pháp thì đường xuống Luông Pha Băng còn bị bỏ ngỏ); sau khi chiếm xong Điện Biên Phủ, sẽ rút quân ở Lai Châu về (vì điều kiện địa lý không cho phép vị trí này đứng vững trước một cuộc tiến công bằng sức mạnh của một sư đoàn đối phương); sau đó sẽ tùy khả năng binh lực, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm (cỡ như Nà Sản cũng đủ để đối phó với một sư đoàn đối phương). Tổng chỉ huy Nava nhấn mạnh: chủ trương chiến lược trên đây phù hợp với phương châm “liệu cơm gắp mắm” mà ủy ban quốc phòng mới chỉ thị ngày 13 vừa qua.

        Mấy ngày sau, ngày 20 và 21 tháng 11, tướng Gin, “thần khổng lồ một mắt” được giao nhiệm vụ thực hiện cuộc hành binh Caxto lên Tây Bắc. Hơn 5.000 quân, gồm 6 tiểu đoàn dù1(tức gần 2/3 lực lượng dù toàn Đông Dương), 2 đại đội pháo binh, 1 đại đội công binh và 240 tấn dụng cụ được ném vội vã xuống cánh đồng Mường Thanh. Pari chỉ nhận được báo cáo của Nava khi những tên lính dù nhảy đợt đầu tiên đã đặt chân xuống đất.

        Ngày 21, khi việc chiếm Điện Biên Phủ đã trót lọt, người ta thấy chính những kẻ chỉ trước đó mấy ngày còn phản đối cuộc hành binh này, giờ đã vội đảo lưỡi ca tụng “con chuột biển thần kỳ” (le castor magique). Tất nhiên trong số những người ca tụng đó, có “viên tướng to xác” Cônhi, người chỉ lo thu vén lực lượng để giữ “vùng đồng bằng có ích”. Ngồi mãi tận bên Pari, nghe tin quân dù đã được ném xuống Điện Biên Phủ, từ Thủ tướng Lanien đến tướng Catơru cũng góp phần vào bản hòa tấu ca tụng “chiến tích lớn đầu mùa khô” của đội quân viễn chinh.

        Khi người ta đang say sưa tâng bốc nhau thì tất nhiên không một nhân vật nào ở Pari, Sài Gòn hay Hà Nội lại dại dột nghĩ đến một sự thật là “quả đấm chiến lược” của Nava không còn nguyên vẹn ở châu thổ sông Hồng. Một ngón tay, có thể coi là ngón cái, đã duỗi ra và vươn xa các căn cứ của quân Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ khoảng 300 kilômét đường chim bay.

---------------------
        1. 6e BPC, 2/1 RCP 2er BPC, 1er BEP, 8e BPC và 5e BPVN.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:53:04 pm

        Trong lúc những lời ca tụng còn đang râm ran thì ngày 28 tháng 11, phòng nhì nhận được những tin dù: không phải chỉ một sư đoàn 316 (sẽ tới Điện Biên Phủ vào ngày 6 tháng 12) mà các sư đoàn khác 308, 312, một bộ phận của 304 và cả “sư đoàn nặng” (351) cũng sẽ lần lượt lên vùng này vào cuối tháng 12.

        Thêm một quyết tâm chiến lược mới được Nava xác định vào ngày 3 tháng 12, một quyết tâm chưa từng có trong kế hoạch chiến lược mà Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua ngày 24 tháng 7 năm 1953:

        - Khẩn trương xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để đương đầu với cuộc tiến công lớn của nhiều sư đoàn đối phương. Điện Biên Phủ phải đứng vững bằng bất kỳ giá nào để bảo vệ Thượng Lào và thu hút chủ lực đối phương dài ngày, nhằm giảm sức ép cho đồng bằng Bắc Bộ.

        - Tổ chức cuộc hành binh Pôluých (Pollux), rút toàn bộ lực lượng ở Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ.

        - Tổ chức đồng thời hai cuộc hành binh Rêgát và Ácđét (Régate - Ardèche), từ Điện Biên Phủ xuống, từ Luông Pha Băng lên, hợp điểm ở Sốp Nao, tạo thành một “hành lang chiến lược” nối liền Điện Biên Phủ với Luông Pha Băng, gồm những vị trí mới được “cấy” dọc sông Nậm U, để tập đoàn cứ điểm khỏi bị cô lập và có sẵn đường để rút chạy từ Điện Biên Phủ về Thượng Lào khi cần!

        Ngay sau khi quyết tâm chiến lược trên đây được xác định, “con chuột biển thần kỳ” vừa được ném xuống cánh đồng Mường Thanh đã lớn lên nhanh chóng và biến thành “một con nhím khổng lồ”: từ 6 tiểu đoàn ngày 21 tháng 11 lên 9 tiểu đoàn ngày 7 tháng 12 rồi 10 tiểu đoàn ngày 25. v.v...

        Thế là chủ trương “tránh tổng giao chiến với chủ lực đối phương” được vạch ra trong bước 1 của kế hoạch Nava đã không còn ý nghĩa thực tiễn nữa. Nói một cách khác, chỉ những tin tức về việc chuyển quân của đối phương lên Tây Bắc cũng đã làm cho “bản kế hoạch chiến lược nổi tiếng” của ngài tổng chỉ huy đứng trước nguy cơ bị đảo lộn.

        Mấy cuộc hành binh theo mệnh lệnh ngày 3 tháng 12 đã diễn ra không được như ý tổng chỉ huy.

        Về cuộc hành binh Pôluých: Vì không đủ máy bay nên chỉ hai tiểu đoàn Tabo rút chạy khỏi Lai Châu bằng đường hàng không về đến Điện Biên Phủ an toàn. Viên đại tá Tơrăngca (Trancard, chỉ huy khu Tây Bắc) tin rằng quân ngụy Thái và các đơn vị biệt kích hoạt động quanh vùng Lai Châu, trang bị nhẹ, luồn rừng giỏi, có thể hành quân vô sự về Điện Biên Phủ trước khi sư đoàn 316 có mặt ở Tây Bắc. Kết quả thực tế đã trái hẳn với sự phán đoán của tướng tá Pháp. Theo số liệu mà bộ tham mưu của tướng ngụy Nguyễn Văn Hinh tổng kết, chỉ còn khoảng 150 trong tổng số hơn 2.100 lính ngụy và biệt kích Thái cùng 10 trong số 40 sĩ quan Pháp thoát chết trong cuộc tháo chạy từ Lai Châu về Điện Biên Phủ qua hướng Mường Pồn. Đó là chưa kể gần 100 tên lính dù bị bỏ mạng khi nhảy xuống yểm trợ cho bọn biệt kích trên đường rút chạy.

        Về cuộc hành binh “sinh đôi” Rêgát và Ácđét: Trải qua hai tuần lễ băng rừng, cánh quân của trung tá Lănggle từ Điện Biên xuống và cánh quân của trung tá Vôđrây từ Luông Pha Băng lên đã gặp nhau. Hai viên chỉ huy chụp chung tấm ảnh để chứng minh với tổng chỉ huy rằng hai cánh quân đã thật sự hợp điểm ở Sốp Nao. Thế nhưng, theo sự đánh giá của cơ quan tham mưu ngụy, cái mẹo vặt ấy chỉ có ý nghĩa tuyên truyền, vì qua các cuộc hành binh này, thật ra Pháp đã thấy khó khăn không thể nối Điện Biên Phủ với Thượng Lào bằng một đường giao liên chiến lược băng qua những khu rừng núi rậm rạp và nguy hiểm.

        Sự đánh giá nói trên được thực tiễn chứng minh là đúng, vì ngay sau đó Nava đã phải hạ lệnh mở một cuộc hành binh khác. Viên đại tá Crevơcơ, chỉ huy quân Pháp ở Thượng Lào nhận được lệnh phải gấp rút “cấy” 6 tiểu đoàn dọc sông Nậm U, từ Luông Pha Băng lên Mường Ngòi - Mường Khoa để củng cố hành lang Điện Biên Phủ - Thượng Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:53:35 pm

        Mất Lai Châu nhưng được Điện Biên Phủ để bảo vệ nước Lào, trong việc tính toán lỗ lãi, Nava thấy vừa lòng. Nhưng bảo vệ nước Lào đâu chỉ ở phía bắc, đâu chỉ bằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ? Phòng nhì kiến nghị: phải chú ý cả Trung và Hạ Lào vì “Việt Minh sẽ vươn xa xuống phía nam”! Nava cũng phán đoán đối phương có thể tiến công xuống miền Trung Đông Dương, song cụ thể ở hướng nào thì còn là một ẩn số. Một bộ chỉ huy hành binh thống nhất được thành lập, do tướng Blăng (sau đó là tướng Buốcgoong - Bourgund) cầm đầu để chuẩn bị đối phó trên cả ba chiến trường Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên. Một GM (ba tiểu đoàn) được điều từ đồng bằng Bắc Bộ vào Sênô, nơi vừa được xây dựng thành một căn cứ không quân - lục quân. Thêm 4 tiểu đoàn cơ động được điều từ chiến trường Trung Bộ ra đường số 12 Trung Lào. Vừa chân ướt chân ráo tới nơi, bọn này đã bị tiến công liên tục từ 20 đến 25 tháng 12. Một đơn vị chủ lực đối phương, nhân những ngày thời tiết xấu, hoạt động của không quân hạn chế, đã men dọc Trường Sơn mở chiến dịch tiến công dọc đường số 12 về hướng Thà Khẹt. Hai tiểu đoàn cơ động và một tiểu đoàn pháo vừa đến còn đang lạ nước lạ cái đã bị xóa sổ. Quân Pháp ở Thà Khẹt và đường số 9 vội vã bỏ chạy, ùn cả về Sênô.

        Báo chí la lớn: Đông Dương bị cắt làm đôi! Dư luận Pháp xôn xao. Tổng chỉ huy Nava than phiền rằng tại Pari, “luồng tư tưởng chiến bại lại có dịp dâng lên”! Cực chẳng đã, viên tướng tổng chỉ huy lại phải móc túi dự trữ ở đồng bằng Bắc Bộ bốn tiểu đoàn cơ động chiến lược và điều thêm một tiểu đoàn chiếm đóng ở Nam Bộ ra để tổ chức thành mọt tập đoàn cứ điểm mười tiểu đoàn ở Sênô.

        “Quả đấm chiến lược” của Nava lại phải tách ra thêm một ngón tay bị trói chặt ở Trung Lào.

        Thế nhưng, đâu phải mọi sự đã ổn trên chiến trường Lào? Sau đòn tiến công bất ngờ “giành được một thắng lợi hiển nhiên..., đối phương vẫn chưa chịu lui quân”. Theo báo cáo của phòng nhì, không những họ phân tán thành những đơn vị nhỏ tiếp tục hoạt động trong rừng rậm ở Trung Lào mà còn lọt cả xuống Hạ Lào, làm cho vùng quân Pháp kiểm soát bị “ruỗng nát” và tạo ra một tình thế thường xuyên không ổn định trên các trục giao thông dẫn đến nguy cơ làm cho cả Trung và Thượng Lào bị bóp nghẹt vì đường tiếp tế từ phía nam ra bị phong tỏa.

        Cuối tháng 1 năm 1954, một nguy cơ mới lại ập đến. Sau khi bất ngờ tiến công tiêu diệt một tiểu đoàn hỗn hợp Pháp - Lào và làm chủ thị xã Atôpơ, liên quân kháng chiến Việt - Lào đã lợi dụng thế bố trí của Pháp sơ hở, tiến thẳng lên hướng Xaravan, thổi bùng phong trào kháng chiến ở cao nguyên Bôlôven.

        Ba tiểu đoàn cơ động (trung đoàn 51) vừa được xây dựng ở Campuchia lập tức được điều lên cùng một tiểu đoàn dù từ Bắc Bộ vào tăng cường cho Pắcxế, nhằm chặn đối phương tiếp tục tiến xuống phía nam.

        Thêm một ngón tay nhỏ xíu (4 tiểu đoàn) bị tánh ra khỏi “quả đấm chiến lược” của Nava, vươn tới mãi vùng cực nam nước Lào. Vào khoảng trung tuần tháng 1 năm 1954, trong tổng hành dinh Pháp có dư luận về tình hình đánh đấm của quân viễn chinh: nếu cứ chống đỡ mãi, từ Tây Bắc đến Trung Lào rồi Hạ Lào thì còn đâu là chủ động tiến công? Dư luận đó đến tai Nava và được ngài tổng chỉ huy cho là phải. Điện Biên Phủ quan trọng thật, song “chỉ mang tính chất cục bộ”. Đồng bằng Liên khu 5 của Việt Minh mới là vùng quan trọng cả về kinh tế chính trị và chiến lược quân sự. Phải chuyển sang tiến công, đánh chiếm vùng này, hoàn thành mục tiêu tướng Xalăng đề ra mà chưa thực hiện được. Chiếm xong sẽ tảo thanh gấp rút rồi giao cho chính quyền Bảo Đại như vậy sẽ gây được ảnh hưởng chính trị quan trọng chưa từng thấy.

        Từ lâu Nava đã ấp ủ giấc mộng Átlăng (Atlante), một kế hoạch gồm ba bước đánh chiếm vùng tự do của đối phương ở Nam Trung bộ. Bước 1 (Aréthuse): chiếm Tuy Hòa, Phú Yên; bước 2 (Axelle): chiếm Quy Nhơn, Bồng Sơn; bước 3 (Attilat): hoàn chỉnh cuộc hành binh bằng hành động nối liền Bồng Sơn với Quảng Nam. Ngoài mục tiêu trên, phải bắt bằng được 30.000 thanh niên vào hương dũng, địa phương quân để giữ vững vùng mới chiếm sau khi đã bình định xong. Việc bình định được giao cho Phan Văn Giáo, “thủ hiến Trung Việt”, chỉ huy đoàn GAMO từ Trung Trung Bộ vào tiến hành.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:54:37 pm

        Ngày 20 tháng 1 năm 1954, bước 1 của chiến dịch Átlăng bắt đầu. 22 tiểu đoàn bộ binh và lính dù1 cùng một số đơn vị pháo binh, cơ giới, công binh, vận tải,... đổ bộ lên chiếm Tuy Hòa, Phú Yên. Giữa lúc tướng Blăng còn nghi hoặc, chưa hiểu vì sao không gặp chủ lực đối phương thì bỗng có tin nhiều vị trí trên đường 14 bị tiêu diệt, Việt Minh tràn ngập thị xã Công Tum và đang tiến xuống đường 19, tập kích thị xã Plây Cu. Một hình thái mới xuất hiện: địa bàn chiến lược Bắc Tây Nguyên đã lọt vào tay Việt Minh, cả một khu vực do lực lượng kháng chiến kiểm soát đã nối liền từ vùng biển Quảng Nam - Quảng Ngãi đến biên giới Lào - Việt và thông sang Hạ Lào, nơi Pháp vừa thất bại.

        Trước nguy cơ giấc mộng Átlăng bị tan vỡ, ngày 28 tháng 1 năm 1954, Nava đành vội vã hạ lệnh “cứu hỏa”: tạm đình chỉ cuộc hành binh ở đồng bằng Liên khu 5, rút GM100 và hai tiểu đoàn dù ra khỏi cuộc hành binh cùng với hai GM11 và 21 cơ động chiến lược được điều gấp lên Tây Nguyên để tổ chức Plây Cu và An Khê thành hai tập đoàn cứ điểm hòng đối phó với cuộc tiến công của chủ lực đối phương2.

        Trong cuốn Quân sử ngụy, bộ tham mưu ngụy thú nhận: tại vùng đồng bằng Liên khu 5, việc “bình định” không thành công. Đặc biệt là ở Phú Yên, dân quân du kích đánh mạnh đã làm cho kế hoạch “tảo thanh” bị thất bại hoàn toàn. Các tiểu đoàn khinh quân đào ngũ hàng loạt. Các GM, nhất là GM41 và 42 (do các đại tá Sockell và Jaud chỉ huy), bị đánh tan tành. Trên vùng Tây Nguyên, GM11 (do viên trung tá Nguyễn Khánh3 chỉ huy) vừa bị điều vội vã từ Nam Bộ ra đường 19 đã bị thiệt hại nặng nề.

        Bước thứ nhất của Átlăng bị phá sản. Thêm 26 tiểu đoàn cơ động chiến lược bị chôn chân ở chiến trường Nam Trung Bộ. Lại thêm một ngón tay nữa, khá lớn bị tách ra từ “quả đấm chiến lược” của Nava, vươn vào tận chiến trường Nam Đông Dương.

        Nếu Cônhi có lý do để lo ngại về “tình hình bất an” ở đồng bằng Bắc Bộ, nơi lực lượng cơ động chiến lược tập trung đông nhất, thì Nava cũng thấy một thực tế là vùng Pháp kiểm soát trên cả ba chiến trường Bắc Trung Nam đều bị chiến tranh du kích uy hiếp.

        Từ cuối tháng 10 năm 1953, mặc dù bộ chỉ huy Pháp ngày càng khẳng định vùng châu thổ sông Hồng không phải là mục tiêu trực tiếp của chủ lực đối phương, nhưng ở đây chiến tranh vẫn diễn ra gay gắt. Theo Nava, binh lực của đối phương ở đồng bằng Bắc Bộ từ 50 đã lên tới 78 tiểu đoàn(?) còn lực lượng tổng dự bị của Pháp đang trong quá trình xây dựng thì vẫn không ngừng bị điều đi đối phó trên khắp các chiến trường. Những trận giao chiến ở đồng bằng Bắc Bộ đối với Pháp vẫn là những trận gay go nhất, không những vì địa bàn hẹp, mật độ dày đặc và đóng xen kẽ mà còn vì hai bên tham chiến đều bao gồm những đơn vị tinh nhuệ, thiện chiến. Nava còn thú nhận rằng trong các trận càn quét, phía Pháp cố dùng rất nhiều binh lực, “nhưng đã nhiều lần rơi vào chỗ trống”, đến nỗi ngày 22 tháng 12, viên tổng chỉ huy phải hạ lệnh cho tướng Cônhi “đình chỉ những cuộc hành binh dùng lực lượng quá nhiều mà không đem lại kết quả đáng kể...”.

        Trong khi đó, lực lượng vũ trang đối phương (kể cả những đơn vị đã bị bộ tham mưu Pháp liệt vào danh sách “bị tiêu diệt”) vẫn hoạt động mạnh khắp nơi từ vùng trung du Sơn Tây đến vùng biển Thái Bình và vùng Hà Đông sát trung tâm Hà Nội. Đường số 5, con đường huyết mạch thường xuyên bị uy hiếp khiến cho kế hoạch vận chuyển để tăng viện cho các chiến trường trực tiếp bị ảnh hưởng. Trận tiến công căn cứ không quân Đồ Sơn ngày 31 tháng 1 năm 1954 (5 máy bay bị phá hủy, một kho xăng bị đốt) là đòn cảnh cáo đầu tiên đối với quân Pháp và đối với bọn phi công và nhân viên kỹ thuật Mỹ đang kéo vào Việt Nam tiếp tay cho Pháp.

---------------------
        1. Gồm GM10 (Bắc Phi), GM100 (mới ở chiến trường Triều Tiên về) và được bổ sung quân ngụy, các GM41 và 42, cộng với tám tiểu đoàn cơ động chiến lược lẻ và hai tiểu đoàn dù.

        2. Plây Cu: 11 tiểu đoàn, An Khê: 3 tiểu đoàn.

        3. Thủ tướng chính quyền Sài Gòn - bù nhìn của Mỹ sau này (năm 1964).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:54:59 pm

        Tại vùng quân Pháp kiểm soát ở đồng bằng Trung Bộ, nhất là dọc trục đường chiến lược số 1, tình hình “bất an” vẫn lan tràn. Chỉ trong mấy tháng cuối năm 1953, đầu năm 1954, đã có hàng chục đoàn tàu với hàng trăm toa bị lật nhào, trên 200 vị trí và tháp canh bị tiêu diệt hoặc bị bức hàng, bức rút. Cơ quan tham mưu Pháp đi đến kết luận là, do lực lượng chính quy của đối phương ở chiến trường miền Trung không nhiều cho nên thất bại của Átlăng trước hết và chủ yếu là thất bại của những binh đoàn cơ động trang bị hiện đại trước những đơn vị vũ trang địa phương nhỏ bé nhưng quyết tâm bám đất giữ làng. Sau này chính Nava cũng phải thú nhận rằng sức mạnh của chiến tranh du kích đã buộc hắn ta phải đình chỉ những cuộc hành binh càn quét được chuẩn bị mở ở vùng duyên hải Trung Bộ.

        Tại chiến trường Nam Bộ, sau khi GM11, lực lượng cơ động chiến lược duy nhất bị điều ra Tây Nguyên, lực lượng còn lại của Pháp và tay sai (kể cả những tiểu đoàn cơ động chiến thuật) phải co lại giữ các địa bàn xung yếu khiến cho sức đối phó ở các nơi khác bị giảm sút rõ rệt. Đó là cơ hội tốt để chiến tranh du kích phát triển rộng khắp, buộc quân Pháp, ngụy phải bỏ hàng ngàn vị trí, tháp canh. Ý đồ của bộ chỉ huy Pháp “tiến công dứt điểm” vùng tự do Khu 9 rốt cuộc chỉ còn là chủ trương trên giấy. Theo Nava, sự “ruỗng nát” đã tăng lên, nhất là ở những vùng đã bàn giao cho ngụy quyền… “Các đồn bốt và tháp canh bị tiến công liên tiếp và không đủ binh lực để chống đỡ lại... Tôi (Nava) buộc lòng phải vứt bỏ kế hoạch chiếm đóng vùng Transbassac (đồng bằng miền Tây Nam Bộ)”.

        Sau này trong cuốn Đông Dương hấp hối, tướng Nava vẫn chưa dám nói lên một sự thật là: trải qua ba tháng đầu tiên của mùa khô (từ tháng 11 năm 1953 đến tháng 1 năm 1954) bước 1 kế hoạch chiến lược của Pháp đã bị phá sản trên những mặt cơ bản. Nava đã sớm bị dồn vào thế bị động chiến lược mà từ Đờlát đến Xalăng đều không sao thoát ra nổi.

        Nava muốn xây dựng một đội quân cơ động chiến lược mạnh và tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng các chiến dịch đầu tiên của đối phương trong Đông Xuân 1953-1954 đã buộc bộ chỉ huy Pháp phải liên tiếp điều lực lượng dự bị chiến lược (đang trong quá trình xây dựng) phân tán đi khắp nơi, từ Tây Bắc đến Trung và Hạ Lào, từ Tây Nguyên đến vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Mâu thuẫn và sự giằng xé trong thế bố trí chiến lược của Nava giữa đồng bằng và vùng rừng núi, giữa tập trung và phân tán binh lực, giữa chiến trường chính và các chiến trường khác, ngày càng trở nên sâu sắc. Cái gọi là “tư tưởng chủ động tiến công” của Nava chỉ còn là một ảo vọng khi hắn buộc phải liên tiếp vét lực lượng từ đồng bằng Bắc Bộ và Bình Trị Thiên, từ Campuchia đến Nam Bộ để ném đi đối phó một cách bị động trên các chiến trường.

        Nava muốn “giam chân” chủ lực đối phương ở phía bắc vĩ tuyến 18 để rảnh tay “tảo thanh” chiến trường miền Nam, tiêu diệt các ổ đề kháng và nhất là xóa sạch các căn cứ địa kháng chiến rộng lớn ở Khu 5 và Khu 9, nhưng nhiều đơn vị chính quy đối phương đã “bước qua cái đòn chắn” của Nava để tiến sâu xuống phía nam, đánh mạnh ở Trung và Hạ Lào. Trong khi đó thì bộ đội chủ lực của đối phương ở Khu 5 và Khu 9 đã cùng dân quân du kích Trung và Nam Bộ không những bảo vệ vững chắc vùng tự do mà còn buộc Pháp phải liên tiếp thu hẹp phạm vỉ chiếm đóng trên các chiến trường này. Riêng tại đồng bằng Bắc Bộ, thất bại của Nava về âm mưu bình định là một thực tế quá rõ ràng. Thất bại này đã trở thành nguồn gốc những cuộc xung đột giữa Nava và Cônhi trong chủ trương xé lực lượng dự bị chiến lược ở vùng châu thổ sông Hồng đưa đi các chiến trường khác, một chủ trương mà Cônhi trước sau vẫn phản đối.

        Nava muốn “tránh tổng giao chiến” với chủ lực đối phương trong đông xuân 1953-1954, nhưng các chiến dịch đối phương liên tiếp mở trên các hướng chiến lược quan trọng mà ở đó quân Pháp lại sơ hở và mỏng yếu đã buộc Pháp không thể không đối phó. Điển hình bị động trong chiến lược của Nava là quá trình hình thành chủ trương “chấp nhận tổng giao chiến” trên chiến trường Tây Bắc, cụ thể là ở Điện Biên Phủ.

        Các tướng lĩnh Pháp bấy giờ không thấy hoặc không muốn công nhận tất cả những sự thật đó. Và bộ máy tâm lý chiến của quân đội viễn chinh Pháp vẫn không ngừng tuyên truyền cho cái gọi là “thắng lợi bước đầu” trong việc thực hiện kế hoạch Nava!


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:56:09 pm

TƯ TƯỞNG MAGINÔ SỐNG LẠI

        Hạ quyết tâm chấp nhận chiến đấu với chủ lực đối phương ở Điện Biên Phủ, ngày 3 tháng 12 năm 1953, Nava khẳng định: căn cứ không quân - lục quân này phải được giữ vững bằng bất kỳ giá nào. Viên tổng chỉ huy Pháp tin rằng, với một lực lượng mạnh, với biện pháp phòng ngự hiện đại Điện Biên Phủ chắc chắn sẽ trở thành một “pháo đài bất khả xâm phạm”.

        Đại bộ phận chủ lực của đối phương đã tiến quân lên Tây Bắc thì càng nên biến Điện Biên Phủ thành “cái nhọt hút máu độc”, dùng Điện Biên Phủ để giam chân các sư đoàn cơ động của họ trên chiến trường rừng núi càng lâu càng tốt. Nếu họ không bỏ ý định tiến công Điện Biên Phủ thì tập đoàn cứ điểm này sẽ trở thành “cái bẫy”, “cái máy nghiền”, nghiền nát chủ lực đối phương. Nava hy vọng rằng mùa đông trôi qua, vào lúc thế trận chuyển biến ngày càng có lợi cho quân đội Pháp: đứng vững chân và mở rộng phạm vi chiếm đóng ở Tây Bắc; bảo vệ được Thượng Lào; giảm sức ép tiến công của đối phương ở đồng bằng Bắc Bộ. Trong điều kiện đó, khi mùa xuân tới, viên tổng chỉ huy sẽ ung dung chuyển sang kế hoạch tiến công trên chiến trường miền Nam!

        Với niềm lạc quan, tin tưởng hiếm có đó, Nava đã lao vào xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

        Bộ chỉ huy cuộc hành binh Caxto được thay thế bằng bộ chỉ huy “binh đoàn hành binh Tây Bắc (GONO)” gồm khoảng mười viên đại tá và trung tá được coi là cự phách và được đưa lên Điện Biên Phủ ngay từ những ngày đầu tháng 12.

        - Chỉ huy trưởng: đại tá Đờ Cát.

        - Chỉ huy phó, đặc trách phân khu Trung tâm: trung tá Gôsê (Gaucher) (13-3-1954 Gôsê chết trung tá Lănggle thay).

        - Chỉ huy phó, phụ trách phòng thủ chung: đại tá Lơmơniê (Lemeunier).

        - Chỉ huy phó, phụ trách phân khu Bắc: đại tá Tơrăngca.

        - Chỉ huy phó phụ trách pháo binh: trung tá Pirốt (15-3-1954. Pirốt chết, trung tá Vaiăng (Vaillant) thay).

        - Tham mưu trưởng: trung tá Kenle (Keller) sau đó là trung tá Đuycruých (Ducruix).

        - Chỉ huy không quân: trung tá Gheriê (Guerier).

        Tướng Cônhi, chỉ huy trưởng ở Bắc Bộ, trực tiếp chịu trách nhiệm trước tổng chỉ huy về tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Để chắc tay hơn, Nava còn cử Bôđê, phó tướng của mình, thương trực ở Hà Nội, phụ trách việc hiệp đồng giữa các quân chủng.

        Nếu có ai đặt vấn đề: tại sao Nava không chỉ định một sĩ quan cấp tướng trực tiếp chỉ huy tập đoàn cứ điểm thì người đó quả thật chưa đánh giá đúng “tài” của đại tá Đờ Cát, một người có cái tên quý tộc dài dằng dặc (Christian Marie Ferdimand de la Croix de Castries), xuất thân từ một dòng họ đã từng vang bóng một thời với một lô trung tướng, đô đốc thống chế, bộ trưởng... Bản thân Đờ Cát đã từng ba lần qua lại Đông Dương: 1946, 1951, 1953. Không phải ngẫu nhiên mà Đờ Cát được các danh tướng Lơcléc, Đờlát Đờ Tátxinhi rồi Nava kéo sang đây vào những thời điểm bước ngoặt (thường là bước ngoặt đi xuống) của quân viễn chinh Pháp. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Đờ Cát được tướng Đờlát tin cậy kéo từ Lục Nam lên chữa cháy ở Vĩnh Yên hồi tháng 1 năm 1951, khi quân đội Việt Nam mở chiến dịch Trung Du. Càng không phải ngẫu nhiên là trong cuộc hành binh “Hải âu”, viên đại tá đội chiếc mũ calô đỏ chói, quàng chiếc khăn sặc sỡ, tay cầm cây gậy chỉ huy cán bịt bạc luôn tỏ ra xông xáo... đã lọt vào mắt xanh của Níchxơn khi ngài phó tổng thống Huê Kỳ ra thị sát chiến trường Nho Quan (4-11-1953).

        Rõ ràng, cả về quá khứ và hiện tại, cả về gia đình và bản thân, Đờ Cát thừa tiêu chuẩn để cấp trên giao cho trọng trách trấn giữ cái lòng chảo Điện Biên nóng bỏng này. Còn về cấp bậc? Ở Đông Dương, tướng Pháp không nhiều lắm. Đó chỉ là một lẽ. Cái chính là (theo quan điểm của Nava - Cônhi) một đại tá có tài còn hơn một viên tướng bất lực. Mà Đờ Cát thì được Nava đánh giá là viên đại tá “không ai giỏi hơn được”. Tổng chỉ huy quả là người biết chọn mặt gửi vàng.

        Còn các đại tá và trung tá khác, tuy đã từng có chuyện không hay này nọ1, nhưng họ đều là những người tận tụy với sự nghiệp đế quốc của nền đệ tứ cộng hoà Đại Pháp!

        Ngay sau khi được chỉ định, các sĩ quan đáng tin cậy trên đây của Nava bắt tay vào việc xây dựng tập đoàn cứ điểm với “lòng hăng say lạ thường”.

---------------------
        1. Gaucher, năm 1945 khi còn là đại uý, đã từng thủ tiêu chiến đấu và bỏ chạy hồi Nhật đảo chính Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:57:30 pm

            Piroth, bỏ xe pháo lại, chạy tháo thân khỏi Lạng Sơn trong chiến dịch Biên giới cuối năm 1950.

            Trancard, chỉ huy phân khu Tây Bắc, vừa nướng hàng chục đại đội ngụy Thái khi quân đội Việt Nam tiến lên giải phóng Lai Châu trong đợt một của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, v.v...

        Từ đầu tháng 12, cánh đồng Điện Biên nhanh chóng thay đổi bộ mặt. Sân bay Mường Thanh được củng cố và sử dụng ngay. Hàng ngày, hàng trăm chuyến máy bay vận tải chở đủ các loại trang bị kỹ thuật (kể cả xe tăng M.24 tháo rời) hạ cánh hoặc thả dù xuống lòng chảo. Trên thị trấn Điện Biên nhanh chóng bị san phẳng, các cụm cứ điểm lần lượt mọc lên quanh sân bay. Ba trung tâm đề kháng hình thành ngay từ đầu ở phía tây bắc và phía đông sân bay.

        Sau ba tháng chuẩn bị đến đầu tháng 3 năm 1954, binh lực của Pháp ở đây đã lên tới 12.000 tên1, gồm 12 tiểu đoàn (năm lê dương, bốn da đen, một Pháp, hai ngụy) và bảy đại đội lẻ, phần lớn là các đơn vị bộ binh và dù tinh nhuệ. (Trong quá trình chiến dịch, tăng thêm bốn tiểu đoàn và hai đại đội, nâng tổng quân số lên 16.000 tên, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh và dù). Về trang bị, có hai tiểu đoàn pháo 105 milimét (24 khẩu), một đại đội pháo 155 milimét (bốn khẩu), hai đại đội súng cối 120 milimét (20 khẩu), hai đại đội công binh, một đại đội xe tăng 18 tấn (10 chiếc), một đội xe cơ giới (127 chiếc các loại), một phi đội thường trực (sáu máy bay khu trục và trinh sát). Ngoài ra còn có một số binh khí kỹ thuật khác như súng phun lửa, mìn đĩa, mìn thường, mìn napan chôn dưới đất, khí tài chống đạn khói, máy hồng ngoại...

        Với binh lực trên đây tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được tổ chức thành ba phân khu (Bắc, Trung tâm và Nam) với 49 cứ điểm yểm trợ lẫn nhau. Mỗi phân khu gồm một hoặc nhiều trung tâm đề kháng.

        Phân khu Bắc, gồm hai trung tâm đề kháng: Gabrien (Độc Lập) và Bêatơrixơ (Him Lam), mỗi trung tâm có một tiểu đoàn phòng giữ, ở cách phân khu Trung tâm từ 2 đến 3 kilômét về phía bắc và đông bắc, có nhiệm vụ bảo vệ phân khu Trung tâm ở vành ngoài (ngăn chặn bước tiến của đối phương trên những hướng mà Pháp cho là nguy hiểm nhất: hướng bắc, đường Lai Châu - Điện Biên Phủ; hướng đông bắc, đường Tuần Giáo - Điện Biên), đồng thời đảm bảo mở rộng không phận an toàn cho máy bay hoạt động trên vùng trời bắc và đông bắc sân bay.

        Phân khu Nam, tức trung tâm đề kháng Idaben (Hồng Cúm), ở cách phân khu Trung tâm khoảng bảy kilômét về phía Nam, do hai tiểu đoàn phòng giữ, có nhiệm vụ ngăn chặn đối phương từ phía Nam lên, chi viện bằng hoả lực cho phân khu trung tâm chiến đấu phòng ngự đồng thời giữ đường liên lạc với Thượng Lào.

        Phân khu quan trọng hơn hết là phân khu Trung tâm, ở giữa Mường Thanh (huyện lỵ Điện Biên). Tám tiểu đoàn: (tức 2/3 lực lượng) được tập trung ở đây và bố trí thành năm trung tâm đề kháng: An Mari (trong đó có Bản Kéo), Huyghét (tây sân bay), Đôminích (đồi D), Clôdin (nam sân bay), Êlian (đồi A). Các trung tâm đề kháng này yểm hộ lẫn nhau và bao bọc lấy cơ quan chỉ huy, các căn cứ hoả lực, căn cứ hậu cần đồng thời bảo vệ sân bay. Ngoài lực lượng chiếm đóng (năm tiểu đoàn), Pháp còn có sẵn một lực lượng cơ động ứng chiến (ba tiểu đoàn bộ binh - dù và một đại đội xe tăng) sẵn sàng phối hợp với các trung tâm đề kháng để phản kích;. một lực lượng pháo binh và không quân để ngăn chặn đối phương tiếp cận và đánh trả các trận địa pháo binh.

        Chung quanh mỗi cứ điểm và mỗi trung tâm đề kháng là cả một hệ thống công sự, hào chiến đấu, dây thép gai dày từ 50 đến 75 mét, đột xuất có chỗ trên 100 mét) và mìn các loại.

        Pháo binh được bố trí ở hai căn cứ: Mường Thanh và Hồng Cúm, có thể yểm trợ lẫn nhau và yểm trợ cho các cứ điểm chung quanh. Ngoài hệ thống hỏa lực chung của tập đoàn cứ điểm, mỗi trung tâm đề kháng còn có hỏa lực riêng bao gồm nhiều súng cối các cỡ, súng phun lửa và các loại súng bắn thẳng bố trí thành một mạng lưới hỏa lực chặt chẽ, liên hoàn, hoàn chỉnh, khiến cho mỗi cứ điểm mỗi trung tâm đề kháng có thể độc lập chiến đấu phòng ngự, đồng thời có thể yểm trợ cho các cứ điểm chung quanh.

---------------------
        1. Theo Giuyn Roa quân số đến ngày 23-1-1954 đã là 13.500 tên.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:58:24 pm

        Điện Biên Phủ có hai sân bay. Ngoài sân bay chính ở Mường Thanh đã được sửa chữa và mở rộng còn có sân bay dù bị ở Hồng Cúm. Ngày ngày, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được nối liền với Hà Nội và Hải Phòng bằng một cầu hàng không, đường vận tải tiếp tế duy nhất cho tập đoàn cứ điểm. Gần 100 lần chiếc máy bay vận tải Mỹ DC3 hàng ngày hạ cánh xuống sân bay, mang theo một khối lượng tiếp tế từ 200 đến 300 tấn. Ngoài ra, chừng 30 lần chiếc máy bay vận tải hạng lớn C.119 do phi công Mỹ lái, mỗi buổi sáng thả dù tiếp tế thêm từ 100 đến 150 tấn. Theo kinh nghiệm chiến đấu ở Nà Sản, các tướng lĩnh Pháp dự tính, để duy trì sức chiến đấu ở Điện Biên Phủ, mức tiếp tế yêu cầu mỗi ngày khoảng 70 tấn trong điều kiện chiến đấu thông thường và khoảng 90 tấn trong điều kiện chiến đấu ác liệt.

        Do đánh giá khả năng đối phương không thể kéo dài trận đánh, nên cơ số vật chất được chuẩn bị theo kế hoạch chỉ bao gồm 9 ngày lương thực thực phẩm, 8 ngày nhiên liệu, từ 6 đến 9 cơ số đạn các loại.

        Kế hoạch tác chiến phòng ngự do tổng chỉ huy trực tiếp thông qua gồm bốn bước:

        Bước 1: Đẩy mạnh mọi hoạt động dưới đất và trên không nhằm trì hoãn việc chuyển quân của đối phương và đánh giá các tuyến giao thông.

        Bước 2: Quá trình đối phương tiếp cận tập đoàn cứ điểm và trực tiếp tiếp xúc (dự kiến từ 6 đến 10 ngày), dùng máy bay và pháo binh đánh bật đối phương ra khỏi vị trí tiếp cận.

        Bước 3: Nếu đối phương thực hành tiến công (dự kiến trận đánh chỉ kéo dài trong vài ba ngày), sẽ dùng hành động phản kích liên tục, buộc họ phải trả một giá rất đắt và phải đình chỉ trận đánh.

        Bước 4: Ngay khi đối phương đã buộc phải rút lui, phải kịp thời khuếch trương thắng lợi, gây thêm cho họ nhiều tổn thất suốt trong quá trình lui quân.

        Dựa trên quy mô binh lực, hỏa lực mục tiêu chiến lược của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, những người theo dõi lời nói và việc làm của Nava (Lời nói: chê bai “hệ thống những con nhím”, chê bai “tài sản bị nhiễm độc” Nà Sản. Việc làm: thiết lập tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ) đã có cơ sở thực tế để rút ra kết luận: Lại một lần nữa (có thể là lần chót “tư tưởng Maginô” đã bao trùm và chế ngự đầu óc của nhà “chiến lược tuyệt vời Hăngri Nava” và dẫn đến một công sự boongke (pillbox) khổng lồ: Điện Biên Phủ.

        Quá trình hình thành và phát triển mau chóng của tập đoàn cứ điểm cũng là quá trình Nava - Cônhi và các tướng lĩnh Pháp vững tin rằng Điện Biên Phủ là một “pháo đài bất khả xâm phạm”. Nhớ lại, không những suốt tám năm chiến tranh xâm lược Việt Nam đã qua mà cả trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ngay trên đất Pháp, quân đội Pháp chưa bao giờ dựng lên một hệ thống phòng ngự mạnh như ở Điện Biên Phủ. Nhận xét đó hoàn toàn phù hợp với cách nhìn của các quan chức Pháp - Mỹ khi họ lần lượt lên thăm để tận mắt chiêm ngưỡng công trình vĩ đại, tượng trưng sức mạnh của quân đội viễn chinh Pháp. Ngoài các ký giả Pháp và phương Tây thường xuyên có mặt (theo lời mời có dụng ý của Nava - Cônhi), những người lên thăm viếng Điện Biên Phủ có cả các quan chức quân sự lẫn dân sự, cả Pháp lẫn Mỹ, toàn cỡ bự, phần lớn từ “chính quốc” sang. Những chuyến đi về của chủ và khách ken dày như mắc cửi1. Đối với các vị “khán giả” trên đây, nếu tập đoàn cứ điểm không phải là một “tiết mục mới” thì ít nhất “con nhím khổng lồ” này cũng là một động vật lạ, mới xuất hiện ở một vườn bách thú nào đó. Người ta lên thăm và người ta trầm trồ khen ngợi (khen thật lòng không khách sáo chút nào!) vì ai lại tin rằng Việt Minh dám húc đầu vào “một cái bẫy khổng lố và phức tạp, lởm chởm những mũi nhọn, sần sùi những công sự đầy mìn” như thế Nava - Cônhi đã ghi nhận và cảm ơn tất cả những lời khen của khách thập phương, với một sự khiêm tốn đầy tự phụ (modestie orgueilleuse).

        Cả khách và phủ đều có cơ sở để tin rằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “bất khả xâm phạm”.

        Với họ, tập đoàn cứ điểm có nghĩa là sắt thép, mà muốn chọi với sắt thép ắt phải có sắt thép. Trong tay đối phương có gì? Chỉ vài chục khẩu pháo. Pháo nặng, đèo cao, lấy gì mà kéo lên? Sức người: có hạn. Mà có kéo lên được thì trận địa pháo đặt ở đâu? Các chuyên gia pháo binh Pháp - Mỹ, kể cả những người có kinh nghiệm mới toanh trong cuộc chiến tranh (xâm lược) Triều Tiên, cũng không ai tin rằng những dãy núi cao ngất trời kia lại có thể là chỗ đứng chân của pháo. Đặt ở sườn ngoài: tầm bắn không tới. Đặt ở sườn trong, trông xuống lòng chảo Mường Thanh: lửa đầu nòng sẽ làm lộ trận địa, mấy khẩu pháo quèn sẽ lập tức bị “khoá mõm”, trận địa pháo lập tức bị tiêu diệt ngay khi pháo thủ chưa kịp tống viên đạn thứ hai vào nòng. Hơn nữa, liệu đối phương có trong tay mấy ngàn viên đạn? Cônhi là tướng pháo binh Pirốt là tá pháo binh, đều không quan tâm sâu sắc đến cái gọi là pháo binh Việt Minh trên chiến trường Điện Biên Phủ này. Nhận định đó không phải là không lọt tai tướng Pennáckiôni, thanh tra pháo binh của quân đội Đại Pháp!

        Như vậy là bắc cân lên mà xét, về mặt sắt thép, phía Pháp đã ăn đứt đối phương rồi.

---------------------
        1. Trong vòng 5 tháng (11-1953 đến 3-1954): 17 lượt của chủ nhà (Đơgiăng, Nava, Cônhi, Bôđê). Trong vòng 3 tháng (1 đến 3-1954): 12 lượt của khách (các bộ trưởng Plêven, Sơvinhê, Giắckê; tổng tham mưu trưởng Êly, các tham mưu trưởng các quân chủng Phay, Blăng, Nômi; tướng Mỹ Ô Đanien).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 08 Tháng Mười Một, 2016, 11:59:40 pm
        Còn các mặt khác của Việt Minh thì sao? Nava đã từng phê phán các tổng chỉ huy trước là đánh giá quá thấp đối phương. Viên tổng chỉ huy khuyên cấp dưới không nên đi vào vết xe đổ đó. Thế nhưng, vào những ngày đầu năm 1954, Nava bỗng phát hiện một điều quan trọng: có dấu hiệu chứng tỏ Việt Minh đã mệt mỏi, các chiến dịch tiến công của họ đã lên đến đỉnh cao và họ sắp sửa lui quân đến nơi rồi. Trong thư chúc Tết gửi ba quân (1-1-1954), viên tổng chỉ huy Pháp nhận định: Điều kiện quân sự để chiến thắng đã đầy đủ, chỉ còn tuỳ thuộc vào ý chí của tất cả các chiến binh hải lục không quân để làm cho năm 1954 là năm thắng lợi rõ rệt của quân đội Pháp(!).

        Cánh đánh giá đó được Cônhi nâng lên mức thường xuyên hơn. Người ta tính trung bình cứ khoảng một tuần, viên tướng này lại khẳng định một lần đại ý: mong cho Việt Minh tiến công Điện Biên Phủ, nhất định họ sẽ bị nghiền nát. Đến lượt Đờ Cát, “người hùng ở Điện Biên Phủ” thì những lời tuyên bố còn hăng hơn nữa. Ví dụ, có lần y vênh váo nói: “Nếu đối phương tiến công thì tôi sẽ đội chiếc mũ calô đỏ của tôi để từ trên cao họ thấy rõ mục tiêu và bắn trúng hơn”. Nhưng rồi đợi mãi chưa thấy quân đội Việt Nam tiến công, ngày 15 tháng 1 năm 1954, y cho máy bay rải truyền đơn thách thức: “Còn đợi gì nữa mà không tiến công nếu các người không phải là những kẻ hèn nhát!”.

        Để khích lệ “quyết tâm và lòng dũng cảm” của viên sĩ quan đứng mũi chịu sào ở mảnh đất Điện Biên Phủ, trong cuộc viếng thăm tập đoàn cứ điểm ngày 19 tháng 2 năm 1954, bộ trưởng quốc phòng Plêven nói với Đờ Cát: “Liệu đại tá có biết rằng cả nước Pháp đang chăm chú chiêm ngưỡng ngài không?”. Phải chăng Plêven muốn khêu gợi để viên chỉ huy tập đoàn cứ điểm nghĩ đến một cái gì đó sắp xuất hiện trên cầu vai mình?

        Các tướng lĩnh Pháp tin rằng họ sẽ thắng ở Điện Biên Phủ không những vì họ có quân đông, súng nhiều và công tác chuẩn bị đã đạt tới mức tối đa mà còn tin vào mọi thủ đoạn hòng làm yếu đối phương, gây trở ngại cho quân đội Việt Nam trong quá trình chuẩn bị trận đánh. Họ biết tập trung vào khó khăn lớn nhất của đối phương là vấn đề hậu cần. Việc tiếp tế của Quân đội nhân dân Việt Nam được tiến hành trên một chặng đường quá dài, chủ yếu dựa vào đôi vai của dân công, vì số xe vận tải không nhiều.

        Từ tháng 1 năm 1954, việc đánh phá tuyến cung cấp của đối phương (đặc biệt trục đường Yên Bái - Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên) là một trong những nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra cho không quân Pháp. Hàng ngày, chừng 50 lần chiếc máy bay của cả không quân và hải quân, đem hàng trăm tấn bom (kể cả bom napan) giội xuống các trục đường và các đầu mối giao thông quan trọng trong đó ngã tư Cò Nòi được coi là một trọng điểm (thường thu hút khoảng 50% số lượng bom trong ngày)1. Từ đầu năm 1954, lần đầu tiên máy bay vận tải cỡ lớn C119 (Packet) của Mỹ ném những bình napan xuống các trục đường giao thông trên đất nước Việt Nam.

        Ngoài các loại bom cháy, bom nổ ngay, bom nổ chậm và những chùm chông sắt ném xuống hàng ngày, máy bay Pháp còn thả những toán biệt tích, thổ phỉ xuống nhằm phá hoại cầu đường, kho tàng và chân hàng trên các trục đường tiếp tế của đối phương.

        Nhưng rồi một bất ngờ xảy đến đối với Nava: Pháo cao xạ của quân đội Việt Nam xuất hiện trên tuyến đường vận tải của họ. Số lượng không nhiều, tầm không cao, cỡ không lớn nhưng đã khiến những tên giặc lái, từ thiếu úy Xanhlô, trung úy Đuvenen đến đại úy Rapinê,... có đi không có về. Máy bay buộc phải bay cao lên và tính chính xác của các vụ ném bom vốn đã kém lại càng kém hơn.

        Chiếc gậy không quân mà Nava - Đờsô giơ lên không cản nổi bước đi của cái mà họ gọi là “đoàn kiến dân công vô tận” hướng ra phía trước. Như sau này viên tổng chỉ huy thú nhận tất cả mọi cố gắng của Pháp dùng máy bay để đánh phá các đoàn tiếp tế, ngăn chặn đối phương xây dựng và sửa chữa các tuyến giao thông đều vô hiệu quả. Sau khi bị phá hoại, các đoạn đường bị cắt đứt được nhanh chóng sửa chữa lại ngay. Thường ít có đoạn đường nào bị nghẽn quá 24 tiếng đồng hồ. Trong thời gian đường tạm thời bị cắt, tuyến tiếp tế vẫn hoạt động bằng cách chuyển tải hoặc đi vòng. Nava còn nhận xét rằng các đoàn xe vận tải cơ giới, xe đạp thồ và dân công thường chỉ đi ban đêm và lúc thời tiết xấu, hoặc cũng có khi đi ban ngày nhưng họ ngụy trang rất kỹ khiến máy bay không sao phát hiện được. Lại thêm một kết luận cổ điển: sở dĩ Pháp bất lực không ngăn chặn nối đường tiếp tế của đối phương chỉ vì thiếu máy bay.

        Để bù đắp vào lỗ hổng đó, Nava nghĩ ra một sáng kiến: xin chuyên gia từ Pari sang để nghiên cứu làm... mưa nhân tạo. Mưa rơi, đường trơn, lũ lụt, sẽ làm chậm tốc độ của đoàn xe, đoàn dân công. Kết quả là, như sau này tổng tham mưu trưởng Êly nhận xét, “sáng kiến” đó bắt nguồn từ một mơ tưởng hồ đồ.

---------------------
        1. Mấy con số về bom được ghi trong kế hoạch đánh phá hàng ngày của máy bay Pháp trên các trục giao thông của ta đầu năm 1954; chặng Yên Bái - Cò Nòi 114 tấn (riêng Cò Nòi 69 tấn), chặng Lai Châu - Sơn La 17 tấn; chặng Tuần Giáo - Điện Biên 15 tấn.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:01:05 am

CÁI “NHIỆT KẾ THẦN KINH”

        Những tin tức của phòng nhì tiếp tục chứng minh sự chuẩn bị quy mô lớn của quân đội Việt Nam cho trận đánh ở Điện Biên Phủ. Các sư đoàn chủ lực đã tề tựu quanh vùng rừng núi Điện Biên. Số dân công vận tải và sửa đường lên tới hàng vạn. Xe vận tải “có đuôi” xuất hiện trên đường 41 cùng với hàng ngàn xe đạp thồ. Hàng ngàn phuy xăng với hàng chục vạn lít đã tập trung quanh vùng Tuần Giáo. Rõ ràng Việt Minh không hề từ bỏ ý định tiến công của họ, một trận tiến công mà chỉ qua những con số thống kê về đơn vị chủ lực, cơ sở vật chất, cũng đủ thấy tính chất quyết liệt như thế nào.

        Tổng chỉ huy Nava liền cử tướng Bôđê về Pari mang theo một bức thư “báo động” để Chính phủ thấy “khả năng đối phương sẽ tiến công Điện Biên Phủ với nhũng phương tiện mới. Tình hình đó khiến bộ chỉ huy (quân viễn chinh) không dám đảm bảo một cách chắc chắn rằng (Pháp) sẽ giành được thắng lợi một trăm phần trăm” như lời cam đoan của Nava hồi tháng 12. Qua bức thư, điện Matinhông nhận thấy lần đầu tiên tổng chỉ huy tỏ ra lo ngại như vậy và càng thấy rõ thâm ý của Nava là muốn có thêm máy bay, con chủ bài hết sức cần thiết để “mở một trận đánh lớn bằng không quân ngay từ bây giờ...”. Vì theo Nava, trận đánh ở Điện Biên Phủ trước hết phải là một trận đánh của không quân, vậy mà trong tay tổng chỉ huy có quá ít máy bay. Sau khi trình bày lỗ lãi với Chính phủ, Nava rút ra kết luận: với số vốn đầu tư ở tập đoàn cứ điểm (kể cả số máy bay mà tổng chỉ huy đang hy vọng được tăng viện), Pháp không những sẽ thắng ở Điện Biên Phủ mà còn tránh được tổng giao chiến ở đồng bằng Bắc Bộ.

        Bôđê ra đi rồi Bôđê trở về với hai bàn tay trắng. Không có thư trả lời cũng chẳng có máy bay. Ở Pari, Chính phủ còn đang nhấm nháp một cách khoái trá những tin tức chiến thắng (do chính Nava báo cáo về mấy tuần trước) nên không ai muốn nghe những ý kiến “rất bi quan” trong bức thư đầu năm của tổng chỉ huy.

        Đã đâm lao phải theo lao. Trong thế bị kẹp giữa một bên là các sư đoàn đối phương đang gấp rút chuẩn bị tiến công với một bên là “những viên chức quan liêu ở Pari” không chịu gửi máy bay tăng viện, tổng chỉ huy Nava phải xúc tiến gấp mọi thủ đoạn cần thiết để đối phó với tình hình:

        Trước hết phải dựa vào kết quả các cuộc hành binh thăm dò Rêgat và Ácđét của Lănggle và Vôđrây cũng như dựa vào “chiếc cầu chiến lược” mà Crevơvơ đã bắc với 6 tiểu đoàn rải dọc sông Nậm U, từ Mường Khoa đến gần Luông Pha Băng, để hoàn chỉnh gấp kế hoạch Xênôphôn, sẵn sàng rút chạy khỏi Điện Biên Phủ sang Thượng Lào khi tình thế bắt buộc. Chọn cái tên “Xênôphôn” (vị tướng nổi danh vì nghệ thuật lui quân ở thành Aten thời cổ Hy Lạp) Nava tin chắc rằng cuộc rút nhạy sẽ trót lọt!

        Đường tiếp tế bằng hàng không có thể bị cắt đứt, đó cũng là một tình huống cần dự kiến. Tướng Đờsô được lệnh vạch ra kế hoạch đối phó với trường hợp cả hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm đều bị tê liệt mà vẫn bảo đảm cho máy bay vận tải thường xuyên thả dù tiếp tế 150 tấn/ngày cho tập đoàn cứ điểm, trong khi các máy bay chiến đấu túc trực ở Cánh Đồng Chum. Cát Bi và Gia Lâm vẫn chi viện được cho cuộc chiến đấu phòng ngự ở Điện Biên Phủ.

        Ba tiểu đoàn dù thiện chiến1ở đồng bằng Bắc Bộ được lệnh sẵn sàng nhảy xuống cứu nguy khi tập đoàn cứ điểm bị tiến công. Chủ trương này đã vấp phải sự chống đối của Cônhi, con người chỉ muốn bo bo thu vén quân ở châu thổ sông Hồng, nhất là sau khi các sân bay Cát Bi rồi Gia Lâm và Bạch Mai liên tiếp bị tiến công (mặc dù ở các căn cứ không quân này “đèn thắp sáng chẳng kém gì điện Êlydê!”. Cuộc tranh giành về binh lực giữa Nava và Cônhi đã diễn ra từ rất lâu, ngay từ trước khi con nhím Điện Biên ra đời. Từ đầu năm 1954 trong khi Nava đặt tầm quan trọng của đồng bằng Bắc Bộ xuống hàng thứ tư (sau Điện Biên Phủ, Trung Bộ và đồng bằng Khu 5 - tức cuộc hành binh “Átlăng”) thì Cônhi khăng khăng đòi dành ưu tiên số 1 cho vùng châu thổ sông Hồng. Đến nay, sau những ý kiến trao đi đổi lại, Cônhi buộc phải chấp hành lệnh của tổng chỉ huy nhưng quan hệ Nava - Cônhi khiến người ta hồi tưởng lại không khí căng thẳng giữa Cácpăngchiê và Alêcxăngđri bốn năm về trước.

        Đề phòng đối phương dùng đạn có “hơi cay, hơi độc” (!) mười lăm ngàn mặt nạ được cấp tốc điều từ Sài Gòn ra để ném xuống Điện Biên Phủ. Vừa truyền đạt mệnh lệnh, các nhân viên tham mưu và hậu cần vừa cười thầm về sự lo xa của tổng chỉ huy. Có tiếng thì thào rằng lỗi này là tại phòng nhì đã bơm to khả năng của đối phương.

        Một biện pháp tích cực được áp dụng ngay trên cánh đồng Mường Thanh: đưa quân nống ra, chiếm các điểm cao có lợi, phá công tác chuẩn bị của đối phương, phá các trận địa pháo, nhất là trận địa pháo 75 đã và đang liên tiếp uy hiếp sân bay chính từ cuối tháng 1, làm cho một số máy bay bị bắn cháy ngay trên sân băng. Gần mười trận “tiến công” lấn chiếm của quân đội Pháp ra hướng đông Điện Biên Phủ (từ 31 tháng 1 đến 5 tháng 3 năm 1954) với binh lực từ một đại đội đến bốn tiểu đoàn đã lần lượt bị đánh lui. Điển hình thất bại là trận “tiến công” của bốn tiểu đoàn Âu - Phi ngày 5 tháng 3 hòng chiếm điểm cao 781 và khu vực Đồi Xanh. Với 10.000 viên đạn pháo cối giội lên một khu vực 5.000 mét vuông, với một máy bay bị bắn rơi, với một phần tư quân số bỏ xác tại chỗ, cuối cùng trận “tiến công” đã bị hoàn toàn thất bại.

---------------------
        1. Từ ngày 25 tháng 2, số quân này lên tới năm tiểu đoàn, trong đó có hai tiểu đoàn mới được điều từ Tây Nguyên ra.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:02:25 am

        Kết quả tất cả những “hoạt động tiến công” trên đây, sau này đã được Nava thừa nhận: “Ở khắp nơi, những trận chiến đấu đó đã vấp phải những tổ chức vững chắc, được phòng giữ rất giỏi (của đối phương) và chúng ta (Pháp) đã bị thiệt hại khá nặng nề. Rõ ràng vòng vây chung quanh tập đoàn cứ điểm không hề bị rạn nứt... Do đó, việc rút chạy khỏi Điện Biên Phủ vào lúc này là không thể được nữa rồi...”1.

        Tuy nhiên, sự đánh giá tình hình và khả năng của đối phương trong mỗi thời kỳ và đối với từng viên tướng hoặc cao ủy Pháp không hoàn toàn giống nhau. Ngay trong mỗi người, thái độ bi quan - lạc quan - chủ quan cũng luôn luôn lên xuống như độ lên xuống từng ngày, từng tuần của chiếc nhiệt kế.

        Ngày 1 tháng 1 năm 1954, Nava vừa gửi thư về Pháp một bức thư được Thủ tướng Lanien coi là bôi đen tình hình, thì mấy ngày sau đó (ngày 6 tháng 1), cao ủy Đơgiăng lại điện về cho bộ trưởng Giắckê bảo đảm sẽ giành được thắng lợi quan trọng vì “cho đến nay chưa bao giờ ông Giáp phải đương đầu với một nhiệm vụ kinh khủng đến như vậy…”. Tiếp đến mười ngày sau, trên núi rừng Điện Biên Phủ lại trắng xoá những tờ truyền đơn ký tên Đờ Cát thách thức đối phương tiến công...

        Mức độ chủ quan ngạo mạn của Nava - Đờ Cát càng thể hiện rõ rệt khi được tin sư đoàn 308 đã “bỏ cuộc” và đang lui quân về phía Tây Nam. Theo phán đoán của họ, rõ ràng sau một thời gian “dơ dự”, đối phương đã “thoái chí trước sức mạnh sắt thép của Vécđoong ở châu Á” (!).

        Các tướng lĩnh vừa chủ quan vừa chậm hiểu này làm sao biết được rằng: sau khi bộ tư lệnh đối phương thay đổi phương châm tác chiến để đảm bảo chắc thắng ở Điện Biên Phủ, trong khi mọi công tác chuẩn bị cuối cùng đang được xúc tiến gấp rút chung quanh tập đoàn cứ điểm, thì sư đoàn 308 và một số đơn vi khác được lệnh tranh thủ thời cơ tiêu diệt thêm lực lượng Pháp - ngụy, chặt đứt “chiếc cầu chiến lược” nối liền Luông Pha Băng với Điện Biên Phủ, làm cho tập đoàn cứ điểm hoàn toàn bị cô lập. Sư đoàn 308 hiệp đồng với các đơn vị bộ đội cách mạng Lào đã xoá sổ vị trí Mường Khoa, quét sạch 6 tiểu đoàn do Crevơcơ “cấy” dọc sông Nậm U, giải phóng tỉnh Phong Sa Lỳ. Và, sự “bỏ cuộc” của sư đoàn 308 đã có tác dụng “kích thích rất đúng lúc” tư tưởng chủ quan của các tướng lĩnh Pháp, mãi đến khi quân của Crevơcơ ở Thượng Lào phải đốt đồn bốt chạy về hướng Luông Pha Băng, viên tổng chỉ huy mới vỡ lẽ: không ngờ tập đoàn cứ điểm được xây dựng công phu ở Điện Biên Phủ lại tỏ ra bất lực trước nhiệm vụ “bảo vệ Thượng Lào” đến thế. Một lần nữa, trong cảnh nước sôi lửa bỏng, Nava lại phải vét bảy tiểu đoàn cơ động ở đồng bằng Bắc Bộ (dù Cônhi phản đối)... và một tiểu đoàn ở Nam Bộ đến tăng cường cho kinh đô Luông Pha Băng (năm tiểu đoàn) và Mường Sài (ba tiểu đoàn), tổ chức hai nơi này thành hai tập đoàn cứ điểm. Thêm một ngón tay, bị tách ra từ “quả đấm” gầy guộc ở đồng bằng; Bắc Bộ, và đây là ngón thứ 5, ngón tay cuối cùng2.

        Với đòn bất ngờ trên đây của đối phương, “chiếc cầu chiến lược” thế là bị phá tung. Giấc mộng “Xênôphôn” vỡ tan tành. Ngày 23 tháng 2, Nava nghe tin sư đoàn 308 đã trở lại Điện Biên Phủ. Vòng vây vẫn khép kín. Quân Pháp trong “thành Véeđoong ở châu Á” lâm vào thế mạt lộ. Viên tổng chỉ huy chỉ còn biết chờ đợi cuộc tiến công sắp nổ ra (bộ chỉ huy Pháp phán đoán là vào khoảng đầu tháng 3).

        Vậy mà, một tuần rồi hai tuần trôi qua. Im lặng. Thật là một đối thủ khó hiểu. Phải chăng họ đã hụt hơi khi mà khả năng tiến công của họ đã lên tới đỉnh cao? Vậy thì đã đến lúc phải ra tay “chủ động tiến công” trên các chiến trường khác để “xoá bỏ đến mức có thể những kết quả mà họ đã thu được” (!).

        Để yên tâm, ngày 4 tháng 3, Nava dẫn Cônhi lên kiểm tra tình hình ở Điện Biên Phủ lần cuối cùng. Trước khi ra về, viên tổng chỉ huy kéo Cônhi và Đờ Cát ra một chỗ và ngỏ ý muốn tăng cường cho tập đoàn cứ điểm ba tiểu đoàn nữa để “buộc đối phương phải dứt khoát từ bỏ ý định tiến công”. Đờ Cát tỏ ra đồng tình với điều kiện là nếu đối phương tiến công, tập đoàn cứ điểm phải được tăng viện. Nhưng, Cônhi lại nói: “Chúng ta đến đây để bắt buộc Việt Minh phải chiến đấu... Không được làm một cái gì để họ thay đổi ý định tiến công nữa”. Tức là phản đối việc tăng thêm 3 tiểu đoàn lúc này.

        Đối phương “do dự”, cấp dưới “quyết tâm”. Tổng chỉ huy vững dạ bay về Sài Gòn. Một mệnh lệnh có ý nghĩa chiến lược được tung ra.

        1. Tăng cường đến mức tối đa việc phòng thủ ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; 2. Mở cuộc hành binh Ácxen (đợt 2 của chiến dịch Átlăng bị bỏ dở) vào ngày 12 tháng 3 năm 1954.

        Thế nhưng, sau khi Cônhi từ Điện Biên Phủ bay trở về một ngày, còn Nava đang ung dung cùng nhân viên tham mưu tiếp tục vạch những mũi tên tiến công trên các bản đồ chiến sự vùng Quy Nhơn, Bồng Sơn thì ngày 13 tháng 3, tiếng súng tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam vào tập đoàn cứ điểm đã nổ. Giờ phút mà Nava - Cônhi - Đờ Cát chờ đợi căng thẳng suốt 5 tháng qua đã đến. Hơn 10 nghìn quân Pháp, bị quây chặt trong một thung lũng khổng lồ trên 100 kilômét vuông, đã như cá nằm trên thớt.

---------------------
        1. Hăngri Nava, sách đã dẫn, tr. 211.

        2. Đến cuối tháng 2 năm 1954, sau đòn tiến công của liên quân Việt - Lào ở Thượng Lào, khối cơ động của Pháp (gồm 103 tiểu đoàn) đã bị phân tán quá nửa lên chiến trường rừng núi (53 tiểu đoàn), rải ra trên bảy tập đoàn cứ điểm (Điện Biên Phủ, Luông Pha Băng, Mường Sài, Cánh Đồng Chum, Sênô, An Khe, Plây Cu), ở năm chiến trường. Riêng tại đồng bằng Bắc Bộ, lực lượng cơ động giảm từ 46 tiểu đoàn (tháng 11 năm 1953) xuống 28 tiểu đoàn (cuối tháng 2 năm 1954).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:04:06 am

GIỮA LÒNG CHẢO NÓNG BỎNG

        Với mức độ chính xác khiến thiếu tá quân y Grôuyn1phải coi là “một cú bắn bậc thầy”, “lựu pháo của Quân đội nhân dân Việt Nam lần đầu ra mắt hồi 13 giờ ngày 12 tháng 3, thiêu cháy một máy bay hai thân (C119) đậu trên sân bay Mường Thanh”.

        Máy bay khu trục và trinh sát vọt lên nhưng “chẳng nhìn thấy gì trong đám rừng rậm khi lớp khói đấu nòng đã nhanh chóng tan đi”!

        Mọi công việc chuẩn bị chiến đấu trở nên vội vã, hấp tấp. Nhưng rồi vẫn chưa thấy đối phương tiến công. Kết thúc cuộc giao ban buổi chiều, đại tá Đờ Cát còn hẹn các sĩ quan đúng hẹn hội báo như thường lệ tức 17 giờ ngày hôm sau, 13 tháng 3. Mọi người ra khỏi hầm chỉ huy Êpécviê của Đờ Cát với vẻ lo âu khác thường. Những bộ mặt mệt mỏi, tư lự đã thay thế những bộ mặt “hào hứng chờ địch” vài tháng trước. Tiếng nổ chiều nay trên sân bay không còn là tiếng sơn pháo 75 mà họ vẫn thường nghe thấy. Đối phương có lựu pháo 105 milimét, những khẩu pháo bò được lên núi là điều hình như đã được khẳng định.

        Cuộc giao ban quy định vào hồi 17 giờ chiều hôm 13 tháng 3 chưa kịp bắt đầu thì bỗng từng chùm đạn pháo 12 hay 16 quả rơi xuống nổ dữ dội ở khắp nơi: sở chỉ huy, trận địa pháo, sân bay và tập trung nhất là trên cứ điểm Bêatơrixơ (Him Lam). Một kho xăng bốc cháy, một cụm lửa phụt cao sát cạnh sân bay.

        Sau những ngày chờ đợi căng thẳng lính da trắng cũng như da đen ở tập đoàn cứ điểm đã choáng váng khi cuộc thử lửa bắt đầu diễn ra. Lần đầu tiên, chúng bị chìm ngập trong những tiếng nổ nhức óc và trong ánh chớp giật của đạn pháo. Theo nhận xét của Rôcôn, những người lính đó có thể “vượt qua sự rung động tinh thần” nếu cuộc thử lửa chỉ kéo dài vài ba phút... Nhưng sự rung động đó đã tăng lên một cách khủng khiếp khi cuộc pháo kích kéo dài. Hàng nghìn người trong phân khu Trung tâm đã phải chịu đựng sự thử thách của pháo binh đối phương trong suốt mấy giờ. Ai cũng chờ đợi và hy vọng pháo binh của Pháp sẽ chống lại một cách có hiệu quả, làm cho cuộc pháo kích của đối phương nếu không tắt hẳn thì cũng phải giảm bớt.

        Những khẩu đại bác của trung tá Pirốt đã phản pháo theo kế hoạch, song vẫn không cải thiện được tình hình chút nào. Từ những ngọn đồi xa, pháo đối phương vẫn tiếp tục nã rền. Theo Rôcôn, ngay “từ giờ phút ấy, trung tá Pirốt đã cảm thấy bất lực và những khẩu pháo của ông ta bị đối phương phá hủy càng làm cho ông ta không tin tưởng ở mình nữa… Trong đêm ấy, nhiều khẩu đội pháo đã bị loại khỏi vòng chiến đấu. Hai đại đội súng cối 120 milimét của lính lê dương cũng không tránh khỏi số phận như thế...”. Nhiều sĩ quan thâm niên Đông Dương (như loại Lănggle) cũng phải nhận rằng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, trên chiến trường châu Âu, hắn “chưa bao giờ được chứng kiến cảnh tượng chói mắt đến như thế”. Nhìn về hướng đông bắc tập đoàn cứ điểm (ý nói hướng Him Lam), nền trời đỏ rực như máu...

        Sở chỉ huy của Đờ Cát nhận được báo cáo: tiểu đoàn lê dương ở Bêatơrixơ bị đối phương chia cắt bằng những đợt xung phong dữ dội từ nhiều hướng. Cả tiểu đoàn trưởng (Pêgô) và tiểu đoàn phó (Pácđi) đều bị chết ngay lúc trận đánh bắt đầu. Ở Mường Thanh, trung tá Gôsê, chỉ huy phân khu Trung tâm cùng hầu hết sĩ quan tham mưu đã toi mạng vì một viên đại bác chui tọt vào nổ trong hầm. Trung tá Lănggle được chỉ định thay Gôsê.

        Nửa đêm, Bêatơrixơ bị xoá sổ. Các phóng viên có mặt ở tập đoàn cứ điểm vô cùng sửng sốt, “không ngờ những lính lê dương thiện chiến của bán lữ đoàn 13 (13è DBLE) nổi tiếng lại bị tiêu diệt nhanh chóng đến thế”(!).

        Không ai nghĩ đến khả năng tổ chức ngay một cuộc phản kích chiếm lại cứ điểm vừa bị mất vì binh đoàn đổ bộ đường không (GAP) chỉ còn hai tiểu đoàn. Cả đêm, trong sở chỉ huy của Đờ Cát không ai chợp mắt. Điện thoại, điện thoại liên hồi. Đại tá Đờ Cát, chiếc calô đỏ trên đầu, môi không rời điếu thuốc, trầm tư đi lại dọc hầm chỉ huy.

        Điện Biên Phủ - Hà Nội - Sài Gòn - Pari - Oasinhtơn... “Tin chấn động” dây chuyền đã bay đi rất nhanh, từ cứ điểm Him Lam đến Nhà trắng. Ngay sáng hôm sau, tại Sài Gòn, tướng Ô Đanien nhận được điện của Tổng thống Hoa Kỳ. Đanien chính thức được bổ nhiệm phái đoàn MAAG và chủ tịch hội đồng cố vấn Mỹ ở Việt Nam những chức vụ mà trước đây viên tướng này chỉ mới được chỉ định tạm thời phụ trách. Sau đòn đầu tiên ở Bêatơrixơ, Nhà trắng và Lầu Năm góc muốn nắm được “những tin tức kịp thời, chính xác đáng tin cậy tuyệt đối”(!)

---------------------
        1. Paul Grauwin, tác giả cuốn J’ étais médecin à Điện Biên Phủ (Tôi đã là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ), Paris, France - Empire, 1956. Grauwin đã lầm về thời gian và cỡ pháo. Thật ra đây là những trận pháo kích thường xuyên của súng cối 120 milimét và sơn pháo 75 milimét của ta nhằm khống chế sân bay trung tâm. Còn lựu pháo 105 milimét của ta chỉ bắn hồi 13 giờ ngày 13-3-1954, chuẩn bị cho trận tiến công Him Lam.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:04:38 am

        Ngày 14 tháng 3, một ngày chủ nhật mây mù phủ kín lòng chảo Điện Biên. Nếu máy bay vận tải không thể hạ cánh, không thể thả dù thì máy bay trinh sát cũng bất lực trước thiên nhiên khắc nghiệt của núi rừng Tây Bắc.

        Lệnh của Hà Nội: phản kích chiếm lại Bêatơrixơ. 7 giờ 30, quân dù và xe tăng được tung ra phản kích vừa tiếp cận đường 41 đã vấp phải “hỏa lực mạnh được bố trí rất có bài bản” của đối phương. Bécna Phôn nhận xét: Như vậy là Việt Minh đã đoán trước có cuộc phản kích này và đã vững chân chờ đợi nghênh tiếp. Không ai còn nghĩ đến phản kích lần thứ hai để “chiếm lại” Bêatơrixơ nữa. Người ta viện nhiều lý do: có chiếm lại cũng không giữ được; số đạn pháo 105 milimét tiêu thụ trong đêm đấu pháo đầu tiên đã chiếm một phần tư số đạn trong kho (6.000/27.000), trong khi đó thì mây mù không cho phép nhận được đạn tăng viện nhanh chóng, lính dù của GAP còn phải dùng để thay thế tiểu đoàn lê dương (3/13 DBLE) vừa bị tiêu diệt đêm qua, sẵn sàng đối phó nếu Gabrien bị tiến công.

        Sân bay chính gặp nhiều khó khăn vì pháo đối phương. Thêm 7 máy bay bị bắn cháy, 2 chiếc khác bị hỏng, đài chỉ huy bị trúng đạn, hệ thống đèn pha hướng dẫn hạ cánh ban đêm bị phá hủy hoàn toàn. Mới sau 24 giờ chiến dấu, tập đoàn cứ điểm đã bị tước mất lực lượng không quân yểm trợ tại chỗ.

        Buổi chiều, một tiểu đoàn dù (5e BPVN) tăng viện được ném xuống. Các bãi nhảy bị pháo binh khống chế. Quân dù bị thiệt hại ngay khi vừa chạm đất. Số còn lại được đưa lên Êlian, khu đồi phía đông.

        Chập tối ngày 14, đến lượt Gabrien bị tiến công. Đây là cứ điểm được coi là tổ chức tốt nhất trong toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Buổi sáng, cứ điểm được tiếp tế đầy đủ tới mức ai cũng tin chắc rằng nó sẽ cầm cự được ít nhất là trong bốn ngày: Thiếu tá tiểu đoàn trưởng Méccơnem được trung tá Pirốt đảm bảo rằng pháo binh sẽ dốc toàn lực yểm trợ để pháo đối phương “không thể nào gãi được cứ điểm này”!

        Dưới hoả lực của pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam, khoảng 20 giờ, các hầm vũ khí nặng của cứ điểm sụp đổ. Bộ binh lọt vào, “nhẹ nhàng khác hẳn trận tiến công Bêatơrixơ”, nhưng rồi trận đánh bỗng trở nên ác liệt và kéo dài suốt đêm. Các cứ điểm của đại đội 1, rồi đại đội 4, lần lượt bị mất. Trước nguy cơ đó, đại tá Đờ Cát phải đích thân đến hầm chỉ huy pháo binh để điều khiển hỏa lực chi viện cho Gabrien. Một tình huống đặc biệt xảy ra lúc 4 giờ 30 phút sáng 15: một viên đạn pháo, ngòi nổ chậm, xuyên qua hầm chỉ huy tiểu đoàn. Các sĩ quan trong sở chỉ huy tiểu đoàn đều bị chết hoặc bị thương nặng. Cuộc bàn giao giữa hai tiểu đoàn trưởng cũ (thiếu tá Méccơnem) và mới (thiếu tá Các) không thực hiện được nữa vì cả hai đều bị thương nặng. Đến 7 giờ 30 phút, ngay sau khi xe tăng và quân dù được phái đến cứu Gabrien buộc phải rút chạy, với một phần tư quân số bị loại khỏi vòng chiến, trong đó có đại đội trưởng Máctanh, từ bốn phía, “những chiếc mũ cứng có ngụy trang của quân đội Việt Minh đã xuất hiệu khắp cứ điểm”. Số lính da đen sống sót nhanh chóng hạ súng. Gabrien bị xoá sổ, với 483 lính chết, 175 mất tích. Số còn lại bị bắt trong đó có hai thiếu tá Méccơnem và Các. Thêm vào đó, tiểu đoàn dù thứ 5 mới được ném xuống hôm trước cũng coi như bị tan rã sau cuộc phản kích cứu Gabrien không thành công.

        Từ chỗ quá tin vào khả năng pháo binh, sau hai đòn đau, bọn chỉ huy Pháp chỉ biết tìm nguyên nhân thất bại ở pháo binh. Thực tế chứng tỏ những khẩu pháo của Pirốt đã hoàn toàn bất lực, không “làm câm họng” nổi pháo của đối phương như Đờ Cát và Pirốt đã từng tuyên bố. Chứng kiến cảnh tượng hoả lực của mình bị hao mòn nhanh chóng sau 48 giờ chiến đấu đầu tiên1, từ chủ quan khoác lác, viên trung tá chỉ huy pháo binh đã rơi xuống vực thẳm của thất vọng. Sau khi bị Đờ Cát khiển trách, đêm 15 tháng 3, Pirốt tự kết liễu đời mình bằng một quả lựu đạn. Xác của hắn bị vùi ngay trong hầm “để giữ kín mọi chuyện”. Sáng hôm sau, một bức điện được chuyển từ Điện Biên Phủ về Hà Nội, nói “trung tá Pirốt đã hy sinh trên chiến trường danh dự”(!). Chưa hết. Tiếp đến là tham mưu trưởng Kenlen, mất tinh thần tới mức thần kinh bị rối loạn, do đó y bị cách chức và bị đuổi về Hà Nội.

        Để trấn an quân lính, Đờ Cát tung ra một bản nhật lệnh: “… Chúng ta đã trải qua một vài trận gay go và bị mất nhiều quân, nhưng số quân nay đã được bù đắp ngay bằng hai tiểu đoàn dù. Còn năm tiểu đoàn dù nữa đã sẵn sàng nhảy xuống tăng viện... Pháo của ta còn nguyên vẹn, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ bắn chặn có bảo đảm. Có thêm nhiều đại bác và pháo thủ vừa được thả dù xuống... Như vậy là số viện binh hiện có đang bù đắp rộng rãi những thiệt hại của chúng ta. Quân Việt thì không được như thế... Chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta sẽ thắng...”

        Các phóng viên có mặt ở Điện Biên Phủ cho rằng bản nhật lệnh được truyền đi công khai bằng hệ thống loa điện còn nhằm ngăn đe đối phương hãy coi chừng sức mạnh hùng hậu của Pháp ở tập đoàn cứ điểm.

---------------------
        1. Một đại đội cối 120, hai khẩu đội 105 bị huỷ diệt hoàn toàn cùng với pháo thủ, một trong bốn khẩu 155 bị hỏng. Số đạn tiêu thụ quá lớn: 12.600 đạn pháo 105, 11.000 đạn cối 120, 3.000 đạn pháo 155 milimét.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:05:02 am

        Có một sự thật không bao giờ đám binh lính ở Điện Biên Phủ được biết là: 22 giờ 25 phút ngày hôm đó (16-3), trả lời bức điện yêu cầu tăng viện cho Đờ Cát, tướng Cônhi cho biết: sau khi tiểu đoàn dù biệt kích thứ 6 do thiếu tá Bigia chỉ huy được ném xuống Điện Biên Phủ1(trưa 16 tháng 3), ở Bắc Việt Nam chỉ còn một tiểu đoàn dù và toàn Đông Dương cũng chỉ còn hai tiểu đoàn mà thôi.

        Sau Bêatơrixơ và Gabrien bị san phẳng, đến lượt tiểu đoàn ngụy Thái (3èBAT) ở Annơ Mari (Bản Kéo) ra hàng, tiếp đến là “tình trạng mất tinh thần hoàn toàn” của tiểu đoàn ngụy Thái thứ 2 (2è BAT). Các ký giả kết luận: Những sự kiện đó “đã làm cho phía Pháp mất thêm gần 1/5 lực lượng, còn Việt Minh thì không mất một viên đạn nào!”.

        Bị bất ngờ và ngạc nhiên (!) trước sức mạnh tiến công của đối phương vào Điện Biên Phủ, tướng Nava và bộ tham mưu Pháp khẳng định: chỉ có nhanh chóng mở rộng sự yểm trợ của không quân mới có thể cứu vãn được tình thế.

        Ngay sau khi nghe tin cứ điểm thứ hai ở Điện Biên Phủ bị đối phương tiêu diệt, cao ủy Đờgiăng liền đến gặp đại sứ Mỹ và phái bộ quân sự Hoa Kỳ ở Sài Gòn, đề nghị gửi gấp các phương tiện không quân mà Pháp đã yêu cầu từ trước (các máy bay chiến đấu B26, F84, máy bay vận tải C47) và đề nghị Mỹ chấp thuận cho Pháp dùng máy bay C119 ném bom cháy quy mô lớn để cứu vãn Điện Biên Phủ. Đồng thời, tướng Nava và cao ủy Đơgiăng cùng gửi điện “kêu cứu” về Pari.

        Ngày 20 tháng 3, tham mưu trưởng Êly vội bay đi Oasinhtơn. Theo chỉ thị của Thủ tướng Lanien, Êly phải báo cáo và đề nghị với Lầu Năm góc hai điều: 1. Ngày 19, Chính phủ Pháp vừa thông qua một ngân sách đặc biệt cho Đông Dương gồm 626 tỷ phrăng, trong đó Pháp chỉ đủ sức gánh vác khoảng 1/5 (136 tỷ), còn bao nhiêu, yêu cầu Mỹ giúp; 2. Khẩn thiết yêu cầu Mỹ can thiệp gấp bằng không quân “để giữ cho bằng được Điện Biên Phủ”(!).

        Vừa tới nơi Êly lập tức được những nhân vật diều hâu loại nhất nhì của Mỹ quốc đón tiếp: Phó tổng thống Níchxơn; đô đốc Rátpho, chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân: Alen Đalét, trùm CIA; Mathiu Rítuây, tham mưu trưởng lục quân Mỹ... Quả thật Nhà trắng và Lầu Năm góc đang “theo dõi với một sự quan tâm sâu sắc” những gì đang xảy ra ở Đông Dương và số phận Điện Biên Phủ. Trong các cuộc gặp gỡ, Êly cố tỏ ra lạc quan cho rằng tập đoàn cứ điểm sẽ trụ được miễn là các trang bị (do Pháp) yêu cầu được đưa sang gấp để giáng cho đối phương những đòn quyết định (!). Không khí tỏ ra “thuận lợi khác thường” trước những yêu cầu của Pháp. Trong cuộc gặp gỡ Êly, sáng 22 tháng 3 (Rátpho và Bộ trưởng ngoại giao Phôxtơ Đalét cũng tham dự), Tổng thống Hoa Kỳ Aixenhao chỉ thị cho Lầu Năm góc phải ưu tiên đáp ứng cho tướng Nava mọi thứ cần thiết có thể góp phần giành thắng lợi trong trận đánh đang diễn ra ở Điện Biên Phủ, trước hết là máy bay B26, lấy từ các căn cứ không quân Mỹ ở Philippin, Đài Loan hoặc Nhật Bản. Tiếp lời Tổng thống, Đalét cũng bảo đảm với Êly rằng không có lý do gì khiến Mỹ bỏ rơi kế hoạch Nava.

        Tất cả ý đồ trên đây của giới cầm quyền Mỹ phản ánh nghị quyết của Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSC) vừa họp ngày 6 tháng 3, nhằm dùng mọi biện pháp cần thiết để “ngăn chặn không cho cộng sản kiểm soát vùng (Đông Dương) này”. Đó cũng là những điều mà thượng nghị sĩ Giôn Kenơđi đã tiết lộ ngày 9 tháng 3.

        Các cuộc họp giữa Êly và Rátpho trong những ngày 24 và 25 tháng 3 “đã mở ra những triển vọng mới, to lớn”. Kế hoạch can thiệp của Mỹ do Rátpho đề xướng quả đã vượt ra ngoài dự kiến của tướng Êly: chừng 60 máy bay ném bom hạng nặng B29, xuất phát từ căn cứ không quân Clacphin (Clarkfield) của Mỹ ở Philíppin, được 150 máy bay chiến đấu thuộc hạm đội 7 hộ tống, sẽ lợi dụng đêm tối tiến hành ném bom nhiều đợt (mỗi đợt chừng 450 tấn bom) xuống Điện Biên Phủ nhằm hủy diệt vành đai của đối phương bao vây tập đoàn cứ điểm. Để tránh những rắc rối về mặt quốc tế, máy bay Mỹ không sơn phù hiệu không lực Hoa Kỳ; phi công lái máy bay là những người đang nghỉ phép, khi đi ném bom sẽ không mang quân hàm, quân hiệu. Rátpho yêu cầu Êly báo cáo ngay để Pari chính thức đề nghị với Oasinhtơn và để cuộc oanh kích có thể được tiến hành ngay sau khi hai chính phủ Pháp - Mỹ đã thống nhất chấp nhận.

        Trở về Pari ngày 27 tháng 3, tướng Êly báo cáo ngay kết quả cuộc công cán với Bộ trưởng quốc phòng Plêven và trình bày rõ “đề nghị lạ lùng” (ouverture extraordinaire) của Rátpho. Một ủy ban thu hẹp về chiến tranh Đông Dương (gồm Thủ tướng Lanien, Phó thủ tướng Râynô; bộ trưởng ngoại giao Biđôn, quốc phòng Plêven, chiến tranh Sơvinhê, quốc gia liên kết Giắckê, các tham mưu trưởng...) được triệu tập ngày 29 tháng 3 để nghiên cứu mọi mặt về cái mà từ đó được mệnh danh là “chiến dịch Diều hâu” (opération Vautour), một chiến dịch do chính những con diều hâu Hoa Kỳ vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên.

        Đại tá không quân Brôhông (Brohon) được phái ngay sang Đông Dương để tham khảo ý kiến Nava và Đờgiăng. Viên đại tá này đến Sài Gòn (ngày 1 tháng 4) thì cả Nava và Đờgiăng đang có mặt ở Hà Nội để lo đối phó với tình hình: đợt tiến công thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam đã bắt đầu từ đêm 30 tháng 3.

        Như kẻ sắp chết đuối vớ được cọc, Nava và Đờgiăng vội vàng gật đầu chấp thuận kế hoạch can thiệp bằng không quân của Mỹ. Họ hy vọng rằng “Diều hâu” sẽ tiêu diệt pháo binh của đối phương và cho phép phục hồi tập đoàn cứ điểm.

---------------------
        1. Đây là lần thứ hai tiểu đoàn dù này bị ném xuống Điện Biên Phủ. Lần thứ nhất, 6è BPC tham gia cuộc hành binh Castor (11-1953), sau đó được đưa về đồng bằng làm lực lượng cơ động chiến lược.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:06:10 am

THÒNG LỌNG CHIẾN HÀO ĐÃ XIẾT CHẶT

        Những ngày cuối tháng 3 là những ngày bi thảm đối với Đờ Cát. Cuộc chiến đấu trong vòng nửa tháng (từ 13 đến 29 tháng 3) đã ngốn mất 43.806 viên đạn pháo 105, 155 và cối 120 milimét. Sân bay không những bị pháo đối phương khống chế mà còn bị các chiến sĩ biệt động đối phương liên tiếp lọt vào tiến công. Những chiếc máy bay còn lại lần lượt bị phá hủy. Ngày 26 được các phóng viên có mặt ở Điện Biên Phủ gọi là ngày điển hình về “cuộc tàn sát các máy bay Pháp”: ba chiếc Đacôta do các đại úy Bogơlinh, Đáctigơ và Buốcgơrô lái, liên tiếp bị bắn cháy và rơi ngay trong khu trung tâm Mường Thanh. Từ ngày 29, không một máy bay nào dám hạ cánh xuống sân bay Điện Biên Phủ nữa. Chiếc C47 cuối cùng cất cánh an toàn khỏi sân bay ngày 27 và chiếc Moran cuối cùng, sáng 31 tháng 3.

        Một chiếc “thòng lọng chiến hào” đã hình thành và ngày càng xiết chặt chung quanh phân khu Trung tâm và phân khu Hồng Cúm. Qua các bức ảnh do máy bay chụp hàng ngày và ném xuống cho ban tham mưu tập đoàn cứ điểm, người ta thấy hiện lên rõ nét các “chân rết” cứ mọc dài mãi ra và duỗi dần, duỗi dần, sát các cứ điểm.

        Mười ngày thử lửa đầu tiên đã làm cho bộ máy chỉ huy tập đoàn cứ điểm bị xáo trộn. Trung tá Đuycruých (Ducruix) được điều từ Hà Nội lên thay tham mưu trưởng Kenle. Trung tá Vaiăng (Vaillant) lên chỉ huy pháo binh thay Pirốt đã tự sát. Đại tá Đờ Cát cũng “rất ít khi chui ra khỏi hầm chỉ huy” và có người ác miệng lại nói rằng “ông ta chỉ còn làm một việc là chuyển những bức điện của Hà Nội cho các viên chỉ huy thuộc quyền”.

        Trong khi đó thì Cônhi, viên tướng to xác được coi là con gà trống tốt mã cũng bắt đầu đổi giọng. Hắn không che giấu cấp dưới và các nhà báo rằng Điện Biên Phủ đã trở thành cái bẫy, nhưng không phải cái bẫy đối với Việt Minh mà là đối với quân đội Pháp. Tuy nhiên, đối với những người lính đang bị trói chặt trong vòng lửa Điện Biên Phủ, các tướng lĩnh Pháp vẫn tỏ thái dộ “cứng rắn”. Ngồi ở Hà Nội cách Điện Biên Phủ hàng trăm kilômét, hoặc ở Sài Gòn, cách Điện Biên Phủ hàng ngàn kilômét, các tướng Cônhi và Nava đua nhau gửi cho Đờ Cát những bức điện nhắc nhở: nào là phải có tinh thần tiến công, phải cố gắng giành phần thắng, nào là phải chiếm lại ngay những cứ điểm bị mất, phải phá hoại hào giao thông bao vây của đối phương, v.v... Những bức điện ấy khiến kẻ cầm đầu quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm “chua chát hé một nụ cười chế nhạo kèm theo một câu chửi đổng vì bọn ngu xuẩn (ý nói Cônhi - Nava) cứ tưởng chỉ cần thổi một tiếng còi là có thể tập hợp được toàn bộ lực lượng dự bị để chống lại đối phương”. Bọn tướng lĩnh Pháp có biết đâu rằng vào ngày đối phương mở đợt tiến công thứ hai, quân Pháp ở Điện Biên Phủ còn khoảng 10.000 người nhưng đã “kiệt sức và quá lo việc phòng thủ hơn là đào hào để xông ra đối mặt với Việt Minh”.

        Hệ thống đường hào của Quân đội nhân dân Việt Nam cứ nhân lên vô tận, vây bọc lấy các cứ điểm của quân Pháp. Các sĩ quan và binh lính bị ngạt thở trong chiếc thòng lọng chiến hào. Người này gọi các chiến sĩ Việt Nam là những con nhện chăng tơ, kẻ khác thì gọi các chiến hào là những vòi của con bạch tuộc. Trong đợt chiến đấu mới này quân Pháp có thể tính giờ một vị trí nào đó sắp bị xoá sổ khi những đường hào tiến sát rồi luồn dưới rào dây thép gai. Một tràn mưa đạn pháo vừa dứt cũng là lúc quân tiến công từ các chiến hào ngay cửa ngõ của vị trí bất ngờ lao lên, ập vào giữa đồn vừa bị bắn phá... Cứ như thế, lần lượt hết đồn này đến đồn khác sụp đổ...

        Quân tiến công áp dụng “lối đánh cổ điển” này từ trung tuần tháng 3. Thoạt tiên người ta thấy những chiến hào tiến lại gần cứ điểm Êlian từ phía nam (18-3) vượt qua cứ điểm Đôminích từ phía tây (19-3), xuất hiện gần cứ điểm Clôđin và chỉ còn cách Huyghét chừng 50 mét ở phía Bắc. Chẳng mấy chốc, “các đầu mối móc với nhau rồi nhanh chóng tỏa ra làm hai, làm ba, làm bốn nhánh như những cành cây”. Dùng pháo bắn chặn, thúc quân ra lấp lại, gài mìn để phá hoại..., vô ích. Với biện pháp vừa dũi vừa tự vệ có hiệu quả kỳ lạ, các vòi của những con bạch tuộc cứ vươn tới với tốc độ khủng khiếp. Một kết luận được rút ra (quá muộn) là: “do tìm được cách đánh thích hợp, đối phương đã tạo cho chiếc cuốc, chiếc xẻng của họ có một sức mạnh không kém xe tăng, máy bay của quân đội Pháp”. Để đối phó với cách đánh đó, mặc dù số đạn pháo cối tung ra trong tháng 4 rất lớn (gần 31.000 viên), quân Pháp vẫn không đứng vững mỗi khi cứ điểm nào đó bị đối phương kiên quyết tiến công và tiêu diệt.

        Việc tiếp tế và tăng viện đã trở thành mối lo ngại hàng đầu. Máy bay không hạ cánh được nữa. Việc tiếp tế chỉ còn trông vào biện pháp duy nhất là thả dù, một biện pháp không đủ đáp ứng nhịp độ chiến đấu ngày càng ác liệt. Cao xạ của quân đội Việt Nam buộc máy bay phải thả dù từ trên độ cao 3.000 đến 7.000 mét do đó chừng một phần ba số dù rơi ra ngoài khu vực đã quá hẹp của quân Pháp. Theo ước tính của Lănggle thì máy bay Pháp - Mỹ “đã tiếp tế cho các khẩu đội pháo của Việt Minh chừng 5.000 viên đạn đại bác”. Vấn đề thu nhặt dù ngày càng trở nên gay go ác liệt. Những họng súng bắn tỉa của các tay thiện xạ gây nên một sự căng thẳng khủng khiếp đối với những lính Pháp bị xua ra nhặt dù tiếp tế. Và cuối cùng, vẫn theo Lănggle, mọi người đều mệt mỏi và khiếp sợ đến nỗi không còn đủ sức nhặt những kiện hàng được ném xuống “dù nó rơi ngay sát chân mình”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:06:35 am

        Cônhi, viên tướng chịu trách nhiệm trực tiếp về số phận của tập đoàn cứ điểm luôn luôn động viên Đờ Cát rằng đối phương đã “mệt mỏi và hao mòn, sắp phải bỏ cuộc.... Mùa mưa sắp đến, họ sẽ bị ngụp lặn trong các chiến hào ngập nước và không thể phát triển được nữa... Họ còn xa mới có được những chủ bài quyết định để giành thắng lợi”.

        Đúng là khi Quân đội nhân dân Việt Nam bước vào đợt hai của chiến dịch thì những cơn mưa đầu mùa cũng xuất hiện. Các chiến sĩ Việt Nam gặp khó khăn song quân Pháp còn khó khăn gấp bội. Thời tiết khắc nghiệt khiến quân Pháp “chỉ còn biết hỏi Chúa Trời sao lại đày đọa chúng tôi vào cảnh ngộ này!”. Thiếu tá Grôuyn kể lại tình hình trạm quân y của tập đoàn cứ điểm như sau : “... Những nóc nhà, những nắp hầm ngấm nước trở nên rất nặng, đè lên những thành vách đã bị yếu đi vì ngấm nước. Hàng loạt gian hầm xây dựng vội vã đã đổ ụp, đè cả lên đám người bên trong... Đến tháng 5, bùn ngập lên tới đầu gối, việc đi lại càng trở nên khó khăn... Khí nóng, hơi ẩm và những vật thồi rữa đẻ ra một tai họa mới: Ruồi! Nguồn ruồi đầu tiên ở bãi để xác lính chết. Nhưng dần dà, nó tràn vào cả trạm quân y và những gian hầm lân cận. Ruồi đẻ trứng khắp nơi: trên vách đất trong chiến hào, trong lớp bông băng đẫm máu vứt bừa bãi chung quanh trạm quân y, trên giường, trong vải băng và lớp bột bao bọc vết thương... Trứng ruồi vỡ ra giòi. Giòi bọ nhung nhúc trên chăn bẩn, trên đệm, trên vải băng vết thương, chui cả vào những vết thương bó bột, những chỗ cứ tưởng rằng không gì lọt vào nổi... Đêm đến thật là một cảnh tượng kinh khủng khi nhìn những con giòi màu trắng, kinh tởm, bò nhởn nhơ trên bàn tay, trên mặt, trên tai đám lính bị thương đang ngủ”.

        Những người lính còn sống sót, dù ở trạm quân y hay trong chiến hào đều nuôi ảo vọng ở sắt thép, những khối sắt thép có khả năng cứu thế màu nhiệm sẽ cứu họ ra khỏi cái địa ngục Điện Biên Phủ này. Họ làm sao biết được rằng khi đợt tiến công thứ hai của Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu thì ở phân khu Trung tâm chỉ còn bốn chiếc xe tăng và ở phân khu Nam hai chiếc. Trong một đêm 31 tháng 3, tiểu đoàn 3 thuộc trung đoàn pháo binh thuộc địa thứ 10 (3/10 RAC) đã mất sáu khẩu pháo 105. Đạn pháo cũng chẳng còn là bao. Cho nên, nếu trong những giờ phút sống bên cạnh cái chết, cả quan và lính Pháp ở Điện Biên Phủ đều hướng về “bàn tay cứu tinh”, nóng lòng chờ đợi những khối sắt thép của ông bạn Hoa Kỳ thì cũng chẳng có gì là khó hiểu.

        Sau khi Êly rời Oasinhtơn, đô đốc Mỹ Rátpho khẩn trương chuẩn bị kế hoạch can thiệp bằng vũ lực của Hoa Kỳ vào Đông Dương. Ngày 8 tháng 4, đô đốc Hốpút, tham mưu trưởng hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đến Sài Gòn cùng Nava bàn việc thực hiện kế hoạch Diều hâu. Hai ngày sau, hai tàu sân bay Bốcxơ và Étxếch (Boxer - Essex) thuộc Hạm đội 7 tiến vào Vịnh Bắc Bộ. Rátpho thấy cần phải hành động gấp để “củng cố quyết tâm và lòng tin của Chính phủ Pháp, để quân viễn chinh Pháp tránh được thất bại trước khi Hội nghị Giơnevơ họp”.Nhưng dư luận tiến bộ Mỹ đã buộc Quốc hội Hoa Kỳ ngăn chặn hành động phiêu lưu của bọn diều hâu Rátpho, Đalét. Tám nhân vật chủ chốt trong Quốc hội (ba nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, năm nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ) được tham khảo ý kiến đều không dám tán thành việc Mỹ can thiệp bằng vũ lực, vì kế hoạch Diều hâu “sẽ dẫn đến việc Hoa Kỳ bị sa lầy...”. Các tham mưu trưởng ba quân chủng cũng không tin rằng không lực Mỹ có thể cứu nổi Điện Biên Phủ.

        Trên thực tế, kế hoạch Diều hâu đã bị ung thối ngay từ trong trứng, nhưng Rátpho và Đalét vẫn chưa chịu lùi bước. Họ âm mưu thay đổi thủ đoạn hành động để thực hiện kỳ được sự can thiệp trực tiếp bằng vũ lực của Mỹ vào Đông Dương. Dựa vào một trong những điều kiện do những nhân vật chủ chốt của quốc hội đề ra là Mỹ không can thiệp đơn phương mà phải trên cơ sở “một liên minh phòng thủ”1Đalét đã ra sức vận động để tiến tới một hành động thống nhất, trong đó Anh sẽ là kẻ bung xung ở phía trước để Mỹ thực hiện thủ đoạn ném đá giấu tay.

        Nếu các “quốc gia hữu quan” ở Đông Nam Á sớm có phản ứng thuận lợi thì, trong các chuyến đi suốt tháng 4, như con thoi qua các thủ đô Pari và Luân Đôn, Đalét đã vấp phải thái độ chống đối của cả Pháp lẫn Anh, nhất là Anh.

        Đối với Pháp, Điện Biên Phủ đã trở nên không thể cứu vãn nổi, trong khi dư luận tiến bộ Pháp đang hướng vào giải pháp thương lượng hòa bình mà người ta đã thấy có thể đạt được bên hồ Lêman (Giơnevơ - Thụy Sĩ).

        Đối với Anh, sự can thiệp bằng vũ lực sẽ dẫn đến những hậu quả quốc tế phức tạp. Vấn đề Đông Dương chỉ có thể giải quyết bằng con đường đàm phán chứ không phải bằng một hành động can thiệp quân sự từ ngoài vào.

        Tháng 4 trôi qua với nỗi thất vọng chua cay của cả Rátpho và Đalét. Sức mạnh chiến đấu của quân dân Việt Nam trên chiến trường Điện Biên Phủ cộng với dư luận tiến bộ ở Pháp và trên thế giới đã trói chặt cánh những con diều hâu Mỹ trước ngày hội nghị Giơnevơ về Đông Dương khai mạc.

---------------------
        1. Trong “liên minh” đó, ngoài Mỹ, Anh, Pháp, còn có các “quốc gia hữu quan” ở Đông Nam Á như Úc, Tân Tây Lan, Philíppin, Thái Lan và bọn ngụy Đông Dương.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:08:08 am

HẾT ĐƯỜNG THÁO CHẠY

        Mặc dầu vậy Nava vẫn nuôi hy vọng. Viên tổng chỉ huy cho rằng việc thăng cấp hàng loạt cho các sĩ quan chỉ huy chủ chốt ở Điện Biên Phủ1là một hình thức hữu hiệu để lên dây cót cho ba quân vượt qua những giờ phút đã được coi là tuyệt vọng.

        Cùng với quyết định thăng cấp là cố gắng vét túi để ném thêm quân xuống lòng chảo Điện Biên Phủ. Tập đoàn cứ điểm ngốn quân Pháp như mảnh đất hạn hán hút nước. Số quân ném xuống quá ít so với số bị loại khỏi vòng chiến. Một vài ví dụ: theo báo cáo của thiếu tá Lêớt, trưởng ban quân lực tập đoàn cứ điểm, chỉ riêng trong tuần lễ từ 17 đến 24 tháng 4, khoảng 1.000 lính bị chết và bị thương nặng chỉ được bù lại bằng 432 lính được ném xuống trong những cuộc thả dù nhỏ giọt. Tuần lễ từ 24 tháng 4 đến 1 tháng 5 được coi là tuần lễ tương đối im ắng”, Pháp cũng mất thêm 427 người, đổi lấy 251 quân tăng viện. Viên thiếu tá quân y Grôuyn nêu lên một nhận xét tổng quát: “Việc thả dù tăng viện ban đêm không lấp nổi cái hố thiệt hại ban ngày”. Những bức điện kêu cứu thảm thiết của tướng Đờ Cát và của đại tá Lănggle không làm động lòng tướng Cônhi và đại tá Xôvanhắc (chỉ huy căn cứ quân dù ở Hà Nội) vì túi của họ đã cạn.

        Máy bay chở quân tăng viện cũng là một vấn đề nan giải. Số máy bay phải phân tán đi đối phó ở đồng bằng và đi tiếp tế cho hàng loạt tập đoàn cứ điểm rải rác khắp nơi. Số giặc lái quân sự Mỹ “sang làm quen với chiến trường” lái chừng 30 chiếc C119 thuê của công ty vận tải hàng không dân dụng ở Đài Loan (CAT) đã gây nên tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trong việc phối hợp giữa bọn giặc lái Mỹ và bọn Pháp điều hành dưới sân bay Điện Biên Phủ. Do ngôn ngữ bất đồng, do thái độ ban ơn, kẻ cả của phi công Mỹ, nhất là do lưới lửa phòng không của quân đội Việt Nam nên các phi công Mỹ đã trở nên “cẩn thận quá đáng” (có nghĩa là nhát gan). Kết quả việc tiếp tế, tăng viện và yểm trợ ngày càng trở nên “thật đáng buồn”. Đêm 19 rạng 20 tháng 4, quân dù được thả xuống nhưng nhiều tên bị lạc xuống khu vực do đối phương kiểm soát. Hôm sau, bom lại trút “nhầm” xuống hai vị trí Huyghét 1 và 6, nhiều lính Pháp chết, một kho chứa khoảng 1.000 viên đạn pháo 105 nổ tung.

        Tháng 4 được báo chí Pháp và phương Tây gọi là “tháng bi đát” của những người lính đang chống đỡ trên chiến trường Điện Biên Phủ. Đường tiếp tế đang trong cơn hấp hối. Quân lính Pháp mệt mỏi, hao mòn tới mức không chịu đựng nổi nữa. Thòng lọng chiến hào đã xiết quá chặt. Tình thế ngày càng đặt Nava - Cônhi và các tướng lĩnh Pháp phải tìm cách cứu sống số quân còn lại thoát khỏi nguy cơ bị thiêu trên lòng chảo rực lửa. Kế hoạch Chim ưng (Condor) được bộ tham mưu quân viễn chinh ở Sài Gòn vạch ra và thông báo cho tướng Đờ Cát từ ngày 14 tháng 4. Theo kế hoạch đó, 6 tiểu đoàn bộ binh từ hướng Nậm U, Nậm Bạc (Thượng Lào) do đại tá Crevơcơ chỉ huy, vượt qua biên giới phối hợp với một binh đoàn không vận (3-4 tiểu đoàn) nhảy dù xuống Mường Nhạ, tiến lên đánh chiếm Tây Trang vào ngày 27 tháng 4 rồi tràn vào Điện Biên Phủ, hợp lực với quân ở tập đoàn cứ điểm phá vây rồi yểm trợ cho nhau rút về hướng Thượng Lào. Toàn bộ binh lực gồm khoảng 8.000 quân cứu hỏa này do Cônhi trực tiếp chỉ huy.

        Sau nhiều lần hoãn đi hoãn lại (vì Cônhi chần chừ không muốn vét quân ở đồng bằng), cánh quân do Crevơcơ đốc thúc tiến đến biên giới Việt - Lào, còn cách Điện Biên Phủ thừng 50 kilômét thì được tin tập đoàn cứ điểm đang ngắc ngoải trong thế “trong không ra được, ngoài không vào được”. Viên đại tá này không còn tin vào khả năng đánh tháo cho đồng bọn ở Điện Biên Phủ được nữa. Con người được tin cậy giao phó số mệnh của gần 10.000 chiến hữu vội hạ lệnh cho đoàn quân cứu hỏa “đằng sau quay” để tránh số phận bị chết thiêu như đồng bọn trên lòng chảo Điện Biên Phủ. Việc ném quân dù xuống Mường Nhạ do đó cũng không được thực hiện.

---------------------
        1. Từ cuối tháng 4, Đờ Cát được thăng cấp thiếu tướng, tiếp đến Lănggle, Lalăng được thăng cấp đại tá, Bigia cấp trung tá, v.v...


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:08:38 am

        Kế hoạch Chim ưng bị thất bại. Các kế hoạch khác do Cônhi đề đạt (đánh vào hậu phương kháng chiến ở vùng Yên Bái, Đoan Hùng, Tuyên Quang...) đều bị gạt bỏ vì không có lực lượng và nhất là không hứa hẹn kết quả. Giữa lúc đó thì quân dân Việt Nam bắt đầu đợt ba của chiến dịch. Các vị trí Êlian 1, Đôminíc 3 và Huyghét 5 bị tiêu diệt trong đêm 1 rạng 2 tháng 5 năm 1954.

        Tình thế đã trở nên vô vùng nguy ngập đối với Đờ Cát và binh lính thuộc quyền. Vùng chiếm đóng của Pháp đã thu hẹp tới mức mọi mục tiêu đều nằm trong tầm uy hiếp của súng trường. Dự trữ hậu cần tụt xuống mức báo động khẩn cấp: đến 1 tháng 5 chỉ còn ba ngày lương thực, 275 viên đạn pháo 155, 14.000 viên đạn pháo 105, 5.000 viên đạn cối 120 milimét. Tăng viện đã trở thành tuyệt vọng. Tiểu đoàn dù thuộc địa thứ nhất (1er BPC) được tăng viện từ cuối tháng 4, sau một tuần lễ vẫn không đặt chân hết xuống tập đoàn cứ điểm. Nhiều lần máy bay tới không phận Điện Biên Phủ lại phải quay về đồng bằng vì vấp phải hỏa lực cao xạ đối phương bắn lên quá rát. Tên lính dù nào được ném xuống ban đêm, nếu thoát chết thì “khi trời sáng cũng không thể phân biệt nổi chỗ nào là quân bạn, chỗ nào là quân thù...”. Ngày 27 tháng 4, 114 tấn hàng và 50 lính dù thả xuống “bị mất tăm”.

        Trước tình cảnh đó, thêm một kế hoạch khác được bộ tham mưu quân viễn chinh vạch ra và được tổng chỉ huy Nava chuẩn y: kế hoạch Chim biển (Albatros) một kế hoạch kém vẻ vang hơn so với kế hoạch Chim ưng. Các tướng lĩnh Pháp hy vọng Chim biển sẽ cứu cho quân Pháp ở tập đoàn cứ điểm không lâm vào thế phải đầu hàng nhục nhã. Ba tiểu đoàn dự bị chiến lược cuối cùng của bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương sẽ được ném vào kế hoạch. một trong ba tiểu đoàn đó sẽ được thả xuống Điện Biên Phủ để cùng với lực lượng còn lại tự tìm cách giải vây và chạy sang hướng Thượng Lào, không có sự yểm trợ của lực lượng từ bên ngoài. Trung tá Gôđa chỉ huy 4-5 tiểu đoàn bộ binh từ hướng Thượng Lào lên cùng với 2 tiểu đoàn dự bị chiến lược cuối cùng được ném xuống tạo thành một hành lang an toàn trong vùng thung lũng Nậm Nưa, Mường Nhạ, Nậm Hợp, đón đám tàn quân phá vây ở Điện Biên Phủ chạy sang Lào. Trong cơ quan tham mưu ở Hà Nội người ta không tin vào khả năng thực tế của Chim biển nhưng cũng không ai có “phép” gì hay hơn để hiến kế.

        Ngày 4 tháng 5, tướng Đờ Cát được thông báo về kế hoạch Chim biển. Đó cũng là lúc tình thế quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã “lên tới đỉnh cao của sự tồi tệ”. Quân của Đờ Cát dồn lại trong 20 cứ điểm, “trên một diện tích không lớn hơn một sân đá bóng”. Qua mấy ngày đầu đợt tiến công thứ ba của quân dân Việt Nam, các sĩ quan Pháp ở đây coi như số phận của tập đoàn cứ điểm đã được định đoạt.

        Cũng chính ngày 4 tháng 5 ấy, tướng Đờ Cát triệu tập các sĩ quan cầm đầu các đơn vị còn lại bàn cách thực hiện kế hoạch rút chạy mà Hà Nội vừa thông báo. Lực lượng còn lại được chia làm ba cánh quân, rút sang Thượng Lào theo ba hướng, nếu từng cánh quân tự lực phá vây thành công. Trong ba hướng đó (đông nam, nam và tây) hướng nam “có nhiều khả năng may mắn hơn cả”. Viên chỉ huy nào cũng muốn cánh quân của mình được thoát theo hướng nam. Tranh luận kéo dài, không ai chịu nhượng bộ. Tướng Đờ Cát, vừa bất lực, vừa mất thế, không dám đứng ra làm trọng tài quyết định. Cuối cùng, một lối thoát được coi là công bằng được đem áp dụng giữa những “chiến hữu” trong giờ phút thập tử nhất sinh: rút thăm!

        Kết quả:

        - Quân dù do đại tá Lănggle và trung tá Bigia chỉ huy rút chạy theo hướng đông nam.

        - Quân lê dương và Bắc Phi do các đại tá Lơmơniê và Vêđô chỉ huy rút chạy theo hướng nam (hướng may mắn).

        - Quân hỗn hợp ở phân khu Idaben (Hồng Cúm) do đại tá Lalăng chỉ huy chạy theo hướng tây.

        - Toàn bộ lính bị thương và nhân viên quân y ở lại và “tin chắc là đối phương sẽ đối đãi tử tế”.

        Được Nava giao toàn quyền quyết định về thời gian xuất phát, mọi người nhất trí: “Chim biển” sẽ cất cánh vào hồi 20 giờ ngày 7 tháng 5.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:08:58 am

        Làm thế nào kéo dài cuộc chiến đấu cho đến ngày đó? Một vấn đề hắc búa ai cũng nghĩ đến nhưng không dám nói ra. Sân bay bị cắt đứt. Hệ thống tăng viện và tiếp tế đã hoàn toàn bị rối loạn. Lựu đạn không đủ đáp ứng mức tiêu thụ 2.000 quả một đêm. Đạn pháo, cối (105, 120, 155 milimét) còn lại không vượt quá con số 755 viên. Lương thực, từ chỗ mỗi người một suất bánh mì khô ăn với nước “xốt” cà chua, đã giảm xuống bốn người một suất. Đó là trường hợp tiểu đoàn dù thứ 6 (6e BPC) của viên trung tá Bigia. Nạn “chợ đen” trở thành phổ biến. Binh lính bán lại cho nhau từng mẩu bánh mì, từng ca nước uống, từng tờ truyền đơn của đối phương (được coi là lá bùa hộ mệnh nếu bị bắt làm tù binh).

        Ngày 7 tháng 5, ngày Chim biển cất cánh, đã đến.

        10 giờ: Trong cuộc họp cuối cùng để bàn kế hoạch rút chạy, từ các đại tá chỉ huy từng cánh quân đến các tiểu đoàn trưởng đều nhất trí nhận định: quân Việt Minh đã áp quá gần, vây quá chặt; binh lính kiệt sức không đủ sức phá vây; có phá được vòng vây cũng không đủ sức lê gót sang bên kia biên giới. Sự xuất hiện của 112 lần chiếc máy bay oanh tạc ngày 6 tháng 5 trên bầu trời không làm cho tình hình cải thiện được chút nào... Tướng Đờ Cát động viên mọi người cố cầm cự cho đến khi mặt trời lặn!

        12 giờ: Quân đội Việt Nam bắt đầu vượt qua cầu Mường Thanh. Trên nóc các cứ điểm, những lá cờ trắng rụt rè xuất hiện, lúc đầu lác đác, sau mỗi lúc một nhiều.

        15 giờ: Tướng Đờ Cát hết hy vọng kéo dài thêm trận chiến đấu đã trở nên tuyệt vọng.

        17 giờ 30: Đờ Cát vừa hạ lệnh buông súng thì có lệnh ở Hà Nội: không được đầu hàng, nhất là cấp chỉ huy; không được kéo cờ trắng. Viên tướng cầm máy bộ đàm, báo cáo tình hình với Cônhi, từ biệt cấp trên, từ biệt vợ qua làn sóng điện.

        Lệnh “không đầu hàng” của Cônhi không thể có hiệu lực nữa. Đờ Cát bỏ máy xuống cũng là lúc quân đội Việt Nam đang tràn vào khu Trung tâm như nước vỡ bờ. Mười phút sau, những chiến sĩ đầu tiên, đội mũ nan có ngụy trang, tay cầm tiểu liên đã đến trước sở chỉ huy Êpécviê của Đờ Cát. Ở đây - không biết từ bao giờ - đã xuất hiện một lá cờ trắng. Khi các chiến sĩ Việt Nam bước vào hầm chỉ huy thì tướng Đờ Cát đã đứng đợi sẵn ở đó cùng với ban tham mưu. Viên bại tướng chỉ kịp nói một câu trong hơi thở xúc động: “Xin đừng bắn tôi”. Lúc ấy là 17 giờ 50 phút.

        Hoàng hôn.

        Giữa khung cảnh hoàn toàn đổ nát của chiến trường đã im tiếng súng, những người lính Pháp sống sót hạ vũ khí, bước ra khỏi hầm tập hợp thành đội ngũ theo sự hướng dẫn của những chiến sĩ Việt Minh mà lần đầu tiên họ được nhìn tận mặt những khuôn mặt rất đỗi hiền lành. Không kể lính Pháp hay lê dương, lính dù hay pháo thủ, những người lính thua trận bước đi, mệt mỏi, chán chường, xen lẫn nỗi vui mừng chua chát của kẻ vừa được lôi ra khỏi lưỡi hái của Thần chết.

        Giữa lúc đó, từ hầm chỉ huy Êpécviê, một toán người đi ra, trong đó có Đờ Cát “mặt tái xanh, xanh một cách thảm hại”. Từ xa, người ta dễ nhận ra viên tướng với cái mũ đỏ trên đầu. Có điều lúc này chiếc mũ đỏ trên đầu Đờ Cát không còn cái vẻ vênh váo như lúc viên tướng thách thức đối phương trước ngày trận đánh bắt đầu. Cùng với Đờ Cát, còn có tham mưu trưởng Đuycruých và toàn thể bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

        Hình ảnh cuối cùng sau này Lănggle còn nhắc đến là, buổi chiều ngày 7 tháng 5 lịch sử đó, trong lúc từng đoàn tù binh dài dằng dặc nối đuôi nhau về địa điểm tập trung thì một chiếc Đacôta lạc lõng, vô duyên, vẫn tiếp tục bay trên bầu trời Điện Biên Phủ và trút xuống những chiếc dù trắng, lủng lẳng những kiện hàng...

        Từ Hà Nội, Cônhi liên lạc trực tiếp với Lalăng ở phân khu Hồng Cúm và ra lệnh cho 2.000 lính ở đây “thực hiện một phần” kế hoạch Chim biển. Tốc độ tiến công của các chiến sĩ Việt Nam đã đập tan thái độ ngoan cố của Cônhi và nguồn hy vọng mong manh của Lalăng. 01 giờ ngày 8 tháng 5, bọn lính ở Idaben cũng chung số phận với đồng bọn: hạ súng, đầu hàng.

        Cũng vào lúc này phía bên kia biên giới Việt - Lào được tin tập đoàn cứ điểm đã hoàn toàn sụp đổ, trung tá Gôđa liền hạ lệnh lui quân về hướng Luông Pha Băng. Cùng chung số phận với Chim ưng, con Chim biển đã bị chặt cánh và mãi mãi không bao giờ bay qua được biên giới Việt-Lào.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:11:31 am

Chương mười hai

VỠ MỘNG XÂM LĂNG

NGÀY 8 THÁNG 5

        Với nhân dân tiến bộ toàn thế giới, Ngày 8 tháng 5 là ngày kỷ niệm Đồng Minh chiến thắng phát xít Đức (8-5-1945)

        Năm 1954, cũng vào ngày đó, tin quân Pháp thua trận trên chiến trường Điện Biên Phủ bay về Hà Nội. Tuy nhiên, “vì sự kiêu ngạo hay vì sự nhịn nhục” hoặc nhằm trấn an dư luận sau một đòn quân sự nặng nề nhất, các tướng lĩnh Pháp quyết định vẫn tiến hành “cuộc duyệt binh mừng chiến thắng” (!).

        Lễ đài được dựng lên. Những lá cờ ba sắc xen lẫn cờ ba sọc được trương trên những cây to dọc các phố chính. Quan chức dân sự và quân sự tề tựu đông đủ. Tướng Cônhi vóc người to lớn, nét mặt đượm màu tang tóc, đến đặt vòng hoa ở mồ người lính vô danh. Buổi lễ được tiến hành với đủ mọi nghi thức nhà binh. Nhưng trên nét mặt, cử chỉ và trong đáy lòng mọi người đều toát lên một nỗi chua xót ê chề về những gì vừa xảy ra ngày hôm trước.

        Theo nhà báo Pháp Luyxiêng Bôđa, trước mặt mọi người, một cuộc diễu binh đã diễn ra, nặng nề, lơ đễnh “cuộc diễu binh của những cái bóng, của những kẻ sống sót vì may mắn không bị tống lên Điện Biên Phủ”. Họ thuộc mấy đơn vị dự bị cuối cùng: một tiểu đoàn dù đã “vàng hóa” nghiêm trọng, vài đơn vị lê dương, mấy chiếc xe tăng... Đây là những người lính còn lại của trung đoàn 3e REI “tử vì Đông Dương”, đã từng chết hụt trên đường số 4 mấy năm trước và cũng là những người sống sót trong trận phục kích khủng khiếp vừa xảy ra trên đường số 5. Kia là những sĩ quan dù, quần áo rằn ri, lê bước tập tễnh vì những vết thương chưa lành.

        Dân chúng Hà Nội thờ ơ với cuộc duyệt binh của những người lính mà nhiều ký giả Pháp đã đặt cho cái tên mới: những mảnh vải đã bị cắt vụn.

        Một viên đại tá đứng bên nhà báo Luyxiêng Bôđa bỗng bật lên tiếng khóc nức nở: “Tôi không bao giờ tin được rằng, chỉ trong một đêm, quân đội Việt Minh có thể tiêu diệt gọn 12.000 chiến binh ưu tú nhất của chúng ta”. Chính Bôđa cũng không giải thích nổi vì sao “đội quân viễn chinh tuyệt vời” của nước Pháp lại có thể bị những chiến sĩ Việt Nam, thiếu thốn đủ mọi thứ đánh cho tan tác trong suốt bảy năm trời như thế. Và nhà báo này tự hỏi: bây giờ đây, giữa tiếng kèn và những nghi thức của cuộc diễu binh kỳ lạ này, liệu có ai nghĩ đến những đoàn người dài dằng dặc vừa thoát chết đêm trước ở địa ngục Điện Biên Phủ, đang lê bước trên những chặng đường Việt Bắc để về các trại tù binh?...

        Cũng vào ngày 8 tháng 5 ấy, tại tổng hành dinh quân viễn chinh Pháp ở Sài Gòn, tướng Nava họp báo. Ông ta tuyên bố một cánh khá nghiêm túc: không phải chỉ mình tôi “đội chiếc mũ Điện Biên Phủ”1. Nava chống lại mọi lời chỉ trích mạnh mẽ và chua chát đối với vai trò của tổng chỉ huy trong thất bại vừa qua, mặc dù chính viên tổng chỉ huy đã từng vỗ ngực tự hào nhận rằng mình là “cha đẻ của cái pháo đài bất khả xâm phạm” đó.

        Người ta hỏi Nava về quan hệ cá nhân với tướng Cônhi, một điều còn được coi là bí mật đối với báo chí Pháp và phương Tây. Mối quan hệ đã căng thẳng tới mức hai viên tướng không muốn nhìn mặt nhau nữa và nếu có buộc phải giáp mặt thì cũng không thèm bắt tay.

        Các nhà báo được biết rằng quan hệ căng thẳng đã lên tới đỉnh cao trong cuộc đấu khẩu tay đôi tại tòa biệt thự của Nava bên Hồ Tây (Hà Nội) ngày 2 tháng 4, khi quân Pháp ở Điện Biên Phủ đang chìm ngập trong đợt tiến công thứ hai của quân đội Việt Nam. Hai viên tướng tranh cãi với nhau xem vì ai mà Điện Biên Phủ nên nông nỗi này? Lời qua tiếng lại mỗi lúc một gay gắt. Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Cônhi lên án Nava phiêu lưu. Nava phỉ báng Cônhi bất lực. Không ai chịu ai? Cuối cùng, Cônhi nổi khùng, nói thẳng vào mặt cấp trên của mình rằng: “Nếu ngài không phải là tướng bốn sao thì tôi đã cho ngài một cái tát!”.

---------------------
        1. Ý nói: không, tôi chịu trách nhiệm về thất bại ở Điện Biên Phủ.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:12:30 am

        Và giờ đây, một ngày sau khi số phận của “Vécđoong ở châu Á” đã được định đoạt, trong cuộc họp báo này các phóng viên lại biết thêm một tin giật gân: Nava được một nhóm sĩ quan Pháp gửi “tặng” một khẩu súng ngắn, kèm theo lời yêu cầu viên tổng chỉ huy “tự xét xử” về những gì đã xảy ra đối với “pháo đài bất khả xâm phạm”. Đăng tin trên đây, báo chí còn nêu lên một hình ảnh: “Hỏa ngục Điện Biên Phủ đã gây nên một không khí dịch hạch” trong hàng ngũ tướng lĩnh Pháp. Và dư luận cho rằng tác giả của việc “tặng súng” kia không phải ai khác, ngoài Cônhi.

        Và tại Pari. Sáng 8 tháng 5, Thủ tướng Pháp Lanien, trong bộ tang phục màu đen, nét mặt nhăn nhúm vì xúc động, nặng nề bước lên diễn đàn Quốc hội Pháp, công bố sự thất thủ của pháo đài Điện Biên Phủ. Giọng Thủ tướng Pháp chậm chạm, đứt quãng, tan đi trong bầu không khí tang tóc của hội trường quốc hội, “nghe như những tiếng nức nở của người quả phụ ở chốn xa xăm nào đó”. Tất cả các nghị sĩ - trừ những đảng viên cộng sản - đều đứng dậy trong sự im lặng nặng nề, cúi đầu nghĩ đến những người lính viễn chinh bị đẩy đi bỏ xác tại Vécđoong châu Á.

        Cũng từ sáng sớm 8 tháng 5, các công sở treo cờ rủ “như để nhớ tiếc giấc mộng xâm lăng vừa bị chôn vùi ở Điện Biên Phủ”.

        Báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp số ra hôm đó viết: “Điện Biên Phủ, trung tâm trận chiến đấu lớn nhất của cuộc chiến tranh đã trở thành bãi tha ma lớn nhất (của quân đội viễn chinh Pháp). Sự thất thủ của pháo đài đã tỏ rõ tham vọng điên rồ của những kế hoạch xâm lược vào thời đại mà các dân tộc đã nắm chắc trong tay cuộc chiến đấu chính nghĩa vì độc lập... Không một ưu thế về trang bị nào có thể làm cho những viên chỉ huy nhiều kinh nghiệm nhất có trong tay những đơn vị lớn và được sự yểm trợ của lực lượng không quân hùng mạnh, tránh khỏi thất bại... Không một sức mạnh nào và không một ai có thể bắt được cả một dân tộc đã vùng lên phải quỳ gối trở lại…”.

        Vào cuối buổi chiều 8 tháng 5, khi Bộ trưởng quốc phòng Plêven đến cúi đầu trước mồ người lính vô danh, giữa lúc “cả thủ đô Pari sống trong chân không”, một cuộc biểu tình đã nổ ra để “đón chào” ngài Bộ trưởng Plêven. Người ta thấy có mặt các đại biểu công nhân và nhân dân lao động Pari, các hội viên hội Liên hiệp cựu viên chức Đông Dương, nhiều nhân vật quân sự và dân sự, cả những học sinh Trường tham mưu và Học viện chiến tranh; người ta cũng thấy những “phần tử Đờ Gôn” từ lâu đã thấy sự thật và đã lên tiếng chỉ trích gay gắt Chính phủ về cuộc chiến tranh Đông Dương. Cả các phu nhân các thống chế Lơcléc và Đờlát cũng có mặt trong cuộc biểu tình.

        Vừa ra khỏi khu nghĩa địa, lập tức ngài Bộ trưởng quốc phòng Plêven bị đoàn biểu tình xô đẩy. Những lời lăng mạ, những câu chất vấn nổi lên khắp nơi. Ồn ào. Náo động. Vì vội vã, vì run sợ, vì xấu hổ, ngài bộ trưởng rơi cả kính trong lúc tháo chạy. Trước sức mạnh của đám đông, cảnh sát cũng đứng vòng ngoài, im lặng, không can thiệp.

        Giữa lúc đó, tiếng chuông nhà thờ Đức mẹ đổ hồi như cố xua đuổi đám mây tang tóc phủ đen bầu trời Pari đang trong cơn dông tố.

        Buổi tối, không khí thành phố rối loạn đến nỗi Chính phủ phải huy động toàn bộ cảnh binh đến bảo vệ các công sở. Mười năm sau ngày giải phóng, lần đầu tiên toàn thủ đô Pari phải sống một đêm căng thẳng vì lệnh thiết quân luật.

        Còn ở Oasinhtơn?

        Ngay từ sáng 8 tháng 5, đã hàng chục lần, người ta đến gõ cửa và gọi điện thoại hỏi người Pháp về “cánh phát âm từ Điện Biên Phủ như thế nào”. Thật khó mà trả lời cho đúng ý nghĩa bóng gió của câu hỏi vừa giản đơn vừa hắc búa này. Có người Mỹ còn cố tình phát âm chệch đi, từ Điện Biên Phủ trở thành đờ viêng phu (Devient fou - tiếng Pháp nghĩa là trở thành điên).

        Sáng cũng như chiều, những tờ báo đăng sơ đồ “pháo đài Điện Biên Phủ” với các cứ điểm mang những cái tên kiều diễm An Mari, Huyghét... bên trong những thòng lọng chiến hào xiết chặt. Kèm theo là những lời bàn... Sau khi nghe tin tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt, việc làm đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Aixenhao là triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia vào chiều thứ bảy (8-5), “một cuộc họp vi phạm tính chất thiêng liêng của buổi nghỉ việc cuối tuần”.

        Người ta nghe các vị tướng soái báo cáo về diễn biến của trận đánh. Người ta không tiếc lời phê phán những sai lầm về chiến lược của các tướng lĩnh Pháp, những sai lầm mà các tướng lĩnh Pháp đã không ngừng phạm phải trong nhiều năm qua, trong đó “chủ trương phòng ngự chiến lược bằng bê tông đã làm cho bộ chỉ huy Pháp bị tê liệt như trong thời kỳ hưng thịnh của thuyết Maginô, một chủ trương chỉ đạo chiến tranh đầy rẫy những phương thức cổ hủ...”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:14:27 am

TRONG THẾ YẾU LỰC SUY

        Rõ ràng, chỉ lướt qua vài nét về những gì đã xảy ra trong ngày 8 tháng 5 năm 1954 ở Hà Nội, Sài Gòn, Pari, Oasinhtơn, cũng có thể thấy được rằng: cái tin “pháo đài Điện Biên Phủ thất thủ” quả là một tiếng sét đối với bọn hiếu chiến Pháp và đế quốc Mỹ. Tuy nhiên, sau những phút choáng váng đầu tiên, các giới cầm quyền Pháp và Mỹ cũng buộc phải cố gắng hồi tỉnh để tìm mọi thủ đoạn đối phó hòng cứu vãn tình thế.

        Ngày thứ ba, 11 tháng 5 năm 1954, một bầu trời nặng trĩu dông tố đè nên thành phố Pari, bấy giờ đang diễn ra những cuộc họp mà tờ Pari Mát gọi là “thê thảm nhất kể từ tháng 5 năm 1940”1.

        Trong hội trường Quốc hội, suốt hai giờ liền, Thủ tướng Lanien thu mình trên ghế, im lặng chịu đựng những lời đả kích và chất vấn của các nghị sĩ về thất bại ở Điện Biên Phủ. 18 giờ, bầu không khí bão táp lại chuyển về điện Êlydê (tức Phủ tổng thống). Các bộ trưởng bỏ bữa cơm tối vì cuộc họp kéo dài. Theo báo chí Pháp, điều làm cho cuộc đấu khẩu trở nên căng thẳng nhất là ở chỗ: đây là lần đầu tiên tất cả các bộ trưởng có mặt để nghiên cứu tường tận cuộc chiến tranh Đông Dương. Giờ đây người ta mới nhận ra một điều kỳ lạ là: trong những năm qua, “không một chính phủ nào trong số các chính phủ kế tiếp nhau dám thẳng thắn đặt cuộc chiến tranh Đông Dương ra trước toàn thể các bộ trưởng”.

        Cuộc họp kéo dài mãi đến 22 giờ. Như người bị một bầy ong đốt từ bốn phía, Tổng thống Côty than thở: “Tôi đã lấy ý kiến nhiều nhân vật nhưng nào có ai trả lời giống ai! Người này gợi ý nên quốc tế hoá cuộc chiến tranh; người khác chủ trương đánh đến cùng; người thứ ba đề nghị rút lui; người thứ tư tán thành lập lại hòa bình bằng bất kỳ giá nào v.v...”.

        Sự cắn xé trong nội bộ giới cầm quyền Pháp lọt ra ngoài là thêm một dịp để dư luận lên án bước đường dẫn đến sự kiện Điện Biên Phủ.

        Ngày 13 tháng 5, tờ Nước Pháp - Người quan sát vạch ra rằng: “Đài phát thanh, các thông cáo chính thức, các tít lớn trên báo chí... chỉ là những lời giải thích dối trá đầy mâu thuẫn những tình cảm đáng ghê tởm về những người lính Liên hiệp Pháp. Mỗi công dân Pháp có nhiệm vụ biết rõ sự thật về các sự kiện và làm cho tiếng nói của mình phải được chú ý... Sự thật đã sờ sờ ra đó. Nếu người ta không tự dối mình, không dối người khác thì những sự kiện đó đã nói lên một cách rõ ràng: Bản kết toán về cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ là một chiến thắng quyết định và hoàn toàn của tướng Võ Nguyên Giáp, một thất bại toàn diện đối với Nava, Biđôn, Plêven, Lanien... Nếu người ta nói đến sự “thất thủ” của Điện Biên Phủ thì phải gọi đúng tên của nó: đó là một sự đầu hàng không hơn không kém của một đội quân thất vọng và đang suy sụp...”.

        Dư luận cũng nói nhiều đến ý nghĩa thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ. Người ta cho rằng đứng về mặt “tìm ra lối thoát của cuộc chiến tranh” mà xét, thì kể từ thất bại trong cuộc tiến công lên Việt Bắc, cuộc rút chạy không thoát trên đường số 4, cuộc hành binh bất thành ở Hòa Bình đến chiến dịch Loren “đi dễ về khó”, không thất bại nào có tầm quan trọng có thể so sánh được với Điện Biên Phủ... Thất bại ở Điện Biên Phủ có ý nghĩa quyết định. Lý lẽ mà báo chí phản ánh rất đơn giản: Điện Biên Phủ trước hết là tiền đề của những chủ trương toàn diện. Thắng hay bại ở Điện Biên Phủ quyết định đường lối của đảng Cộng hòa bình dân (đảng của Lanien - Biđôn), quyết định kết quả của hội nghị Giơnevơ, quyết định ý chí xâm lược của quân đội viễn chinh và, bao trùm lên tất cả, quyết định số phận của một cuộc chiến tranh. Chính đứng trên quan điểm toàn diện đó (chính trị, ngoại giao, tinh thần, tâm lý... mà “người ta (Pháp) đã đánh một canh bạc cháy túi” ở một thung lũng hoàn toàn hẻo lánh... Và người ta đã thua2.

---------------------
        1. Ý nói cuộc họp của Hội đồng Chính phủ Pháp vào ngày này năm 1940, khi quân Đức vượt biên giới tiến công vào đất Pháp.

        2. Hai mươi năm sau, nhân kỷ niệm Điện Biên Phủ, Pugiê (Jean Pouget, sĩ quan tùy tùng của Nava) viết trên báo Lơ Phigarô, ngày 7-5-1974: trận đánh trên mảnh đất Thái nhỏ bé này được coi như trận tiến công vào ngục Baxti. Điện Biên Phủ đã trở thành ngày 14 tháng 7 của sự phi thực dân hoá...” (ý Pugiê muốn so sánh sự kiện Điện Biên Phủ cũng có tiếng vang dội như cuộc cách mạng tư sản Pháp ngày 14-7-1789).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:15:23 am

        Một “thói quen đáng kính” lại tái diễn: phái đoàn điều tra do tướng Catơru cầm đầu được phái sang Đông Dương để tìm nguyên nhân thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. Tuy nhiên dư luận Pháp lại coi đó là một việc làm chưa thiết thực. Mối quan tâm hàng đầu của Pari lúc bấy giờ là làm sao cứu được quân viễn chinh đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Bởi vậy, người ta chú ý đến việc tổng tham mưu trưởng Êly được cử sang Đông Dương để nghiên cứu tình hình và đề đạt phương sách cứu vãn tình thế.

        Rời Pari ngày 15 tháng 5, Êly không quên kéo theo cả tướng Xalăng, “chuyên gia về Đông Dương”, người đến lúc đó vẫn không hiểu vì sao các tiểu đoàn dù và lê dương lại không thể đứng vững được mặc dù họ ở vào tình thế tồi tệ nhất ở Điện Biên Phủ.

        Tới Hà Nội ngày 19, việc đầu tiên là Êly và Xalăng nghe cơ quan tham mưu của Cônhi báo cáo để ghi lại “những con số (tổn thất) khủng khiếp” của quân Pháp ở Điện Biên Phủ: 1.500 chết, 3.000 bị thương, khoảng 10.000 bị bắt làm tù binh, với 250 sĩ quan các cấp. Giá trị trang bị bị mất lên tới 17.150.000 phrăng.

        Cơ quan tham mưu còn cho biết: tính từ đầu năm đến khi Điện Biên Phủ thất thủ (tức là trong vòng 5 tháng), tổn thất của Pháp đã gấp sáu lần so với cả năm 1953.

        Một nhận xét thống nhất giữa hai viên tướng là các quân nhân (kể cả trong bộ tham mưu) và kiều dân Pháp ở Hà Nội đều lo lắng khi có tin đối phương có thể kéo về tiến công thành phố này và đồng bằng sông Hồng. Nhiều nhà kinh doanh di cư từ Hà Nội xuống Hải Phòng hoặc vào Nam. Hai viên tướng cho rằng phải nhanh chóng lấy lại tinh thần mọi người, phải làm cho quân viễn chinh và dân chúng Pháp tin là chính quốc đã “quyết định hành động mạnh mẽ, quyết định tiếp tục cuộc chiến tranh dù phải hy sinh lớn lao”. Đi đôi với trò chiến tranh tâm lý đó là việc bàn tính gấp rút thu hẹp phạm vi kiểm soát của quân Pháp ở phía nam đồng bằng để giữ Hà Nội, Hải Phòng và đường số 5. Chủ trương này vấp phải sự chống đối kịch liệt của cao ủy Đờgiăng và tổng chỉ huy Nava, những người đánh giá thất bại ở Điện Biên Phủ chỉ mang... ý nghĩa chiến thuật! Họ chủ trương chờ viện binh “để đẩy mạnh hoạt động làm cho cuộc đàm phán ở Giơnevơ có thể diễn ra trong bầu không khí... không phải là thất bại” (!)

        Sau khi nghe Êly và Xalăng trở về Pari báo cáo, Chính phủ Pháp quyết định động viên lính quân dịch đưa sang Đông Dương; trước mắt đưa gấp sang hai sư đoàn... Nhưng, Lanien và Plêven không thể thực hiện chủ trương trên đây vì tình hình chính trị ở Pháp cũng suy sụp như tình hình quân sự ở Đông Dương.

        Trải qua nhiều cuộc bàn cãi diễn ra trong cảnh bế tắc, ngày 3 tháng 6, hội đồng chính phủ quyết định “thay cả bầy”: Đuypông (Frédéric Dupont) thay Giắckê giữ chức Bộ trưởng bộ các Quốc gia liên kết; Êly thay cả Đờgiăng lẫn Nava (cao ủy và tổng chỉ huy) một việc mà viên tổng tham mưu trưởng coi là “tai họa bất ngờ lớn nhất trong đời binh nghiệp của tôi” (Êly).

        Đi cùng cao ủy kiêm tổng chỉ huy mới sang Đông Dương có cả “Xalăng và công ty” gồm tướng Ala, các đại tá Graxirơ, Giuylơ, v.v... Xalăng được chỉ định làm phó tướng của Êly.

        Ra tới Hà Nội, mọi người nhận thấy nỗi lo âu của tướng Cônhi đã tăng lên nhiều so với ba tuần trước đó vì có tin đối phương sắp cắt đường số 5 ra làm đôi ở phía trên Hải Dương. Một chủ trương chiến lược được quyết định gấp rút: phải “bỏ không thương tiếc” vùng đồng bằng nam sông Hồng để tập trung lực lượng về giữ trục đường số 5. Êly lại bay về Pháp báo cáo. Kế hoạch Ôvécnhơ (Auvergne - rút quân khỏi vùng nam đồng bằng) được giao cho Xalăng thực hiện. Giữa những ngày này, hàng loạt tin tức không vui bay đến với Xalăng: nội các Lanien đổ, Măngđét Phrăngxơ lên; viên thủ tướng mới dẫn đầu phái đoàn đàm phán ở Giơnevơ. Đàm phán là điều mà trước sau Xalăng vẫn phản đối. Vì “ông ta (thủ tướng) sẽ thương thuyết trên cơ sở nào, khi mà chiến trường đang ở vào thế bất lợi?”.

        Tin tức đáng lo ngại hơn cả là số phận binh đoàn 100 (GM 100 - được mệnh danh là binh đoàn Triều Tiên vì mới rút khỏi chiến trường này sau ngày đình chiến). Theo báo cáo của bộ tham mưu, từ khi bị vây hãm ở An Khê, binh đoàn này sa sút nghiêm trọng về tinh thần và tổ chức, nhất là sau khi được tin Điện Biên Phủ thất thủ. Hiện tượng tự bắn bị thương để khỏi phải đi chiến đấu đã trở thành khá phổ biến. Trong chuyến thanh tra lần trước, ngày 20 tháng 5, tướng Êly đã lệnh cho GM 100 rút khỏi An Khê về Plây Cu để “tránh một trận Điện Biên Phủ ở Cao Nguyên”. Nhưng đến 20 tháng 6, tức là một tháng sau, cuộc rút lui vẫn chưa được thực hiện vì đại tá Baru (Barrow, chỉ huy GM) “e ngại đụng độ với trung đoàn 803 của đối phương đang chờ sẵn trên đường 19”.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:15:50 am

        Ngày 21-6-1954, một mệnh lệnh rút quân được chuyển gấp tới binh đoàn.

        Cuộc rút chạy của GM 100 bắt đầu hồi 03 giờ ngày 24 tháng 6. Đến kilômét 15, toàn binh đoàn rơi vào trận địa phục kích. Baru bị mất tích cùng với cả ban tham mưu binh đoàn. Trung tá tham mưu trưởng Lagiuani (Lajouanie) chết. Toàn GM 100 như rắn mất đầu. Hoàn toàn mất liên lạc giữa các đơn vị ngay những phút đầu tiên của trận đánh. Các xe chở đạn nổ tung làm rung chuyển cả một vùng rừng núi suốt hơn hai giờ. Tiểu đoàn khinh quân 502 hoàn toàn tan rã. Số lính sống sót của tiểu đoàn thuộc địa 43 cùng với số tàn binh của hai “tiểu đoàn Triều Tiên” 1 và 2 sau khi phá huỷ mọi trang bị nặng còn lại, cố tập hợp, mở đường máu tháo chạy về hướng tây. Nhưng đạn đã cạn. Đối phương đã phát hiện, họ vượt lên chặn đường. Trừ một số lẻ tẻ sống sót chạy thoát, còn toàn bộ GM 100 coi như bị xoá sổ ngay trong ngày 24 tháng 6 tại kilômét 15, cùng với 85% tổng số xe các loại, 100% pháo binh, 68% phương tiện thông tin, 50% súng máy bị phá huỷ hoặc rơi vào tay đối phương.

        Từ “cái chết của binh đoàn”, Xalăng rút ra kết luận: bất cứ nơi nào và lúc nào họ có điều kiện là Việt Minh đều tìm cách tiêu diệt quân Pháp để tạo thế có lợi cho họ trên bàn đàm phán ở Giơnevơ. Chính vì vậy, các tướng lĩnh Pháp cho rằng cuộc hành binh Ôvécnhơ phải được xúc tiến gấp để tránh “một cuộc tháo chạy quá muộn” như vừa xảy ra ở vùng Cao Nguyên.

        Ngày 30 tháng 6, “chiến dịch rút lui” bắt đầu.

        Sau 5 năm công khai làm tay sai cho giặc trong âm mưu chia rẽ tôn giáo, chia rẽ dân tộc (từ tháng 10 năm 1949), viên giám mục Lê Hữu Từ vội vã cuốn gói theo quân Pháp khi chúng rút chạy khỏi vùng Bùi Chu, Phát Diệm và toàn bộ khu Nam đồng bằng. Lê Hữu Từ còn tiếp tay cho Pháp kéo theo bọn ngụy quyền và một số đông giáo dân1. Những người bị cưỡng ép di cư trong những điều kiện bi đát, một tấn thảm kịch thực thụ. Toàn bộ lực lượng Pháp - ngụy rút chạy về vùng ranh giới Phủ Lý, Hưng Yên, sông Đuống, sông Thái Bình, nhất là dồn vào việc giữ con đường có ý nghĩa sinh tử: đường số 5.

        Ngày 3 tháng 7, Măngđét Phrăngxơ, Thủ tướng mới của Pháp, tuyên bố rất hài lòng về kết quả cuộc hành binh Ôvécnhơ. Thế nhưng, khi nghe lời tuyên bố trên đây, các tướng tá Pháp ở Đông Dương (từ Xalăng, Cônhi đến Vanuyxem, Galibe,... đều “cảm thấy cay đắng”. Họ cho rằng Chính phủ mới không gửi quân tăng viện sang là không giữ lời hứa của Lanien trước đây, là không thông cảm nỗi lòng của những người vừa buộc phải thực hiện một cuộc hành binh mà Xalăng gọi là “đau đớn nhất, khó khăn nhất”.

        Họ làm sao hiểu được điều gì vừa xảy ra ở Pari trung tuần tháng trước, khi Măngđét Phrăngxơ được chỉ định lập nội các mới.

        Trước khi nhậm chức ngày 14 tháng 6, ông ta yêu cầu triệu tập một cuộc hội nghị quân sự để nhận định về tình hình Đông Dương. Thái độ của các tướng lĩnh có mặt trong cuộc họp (kể cả Êly mới ở Đông Dương về) đều tỏ ra rất bối rối. Họ cho rằng quân đội viễn chinh đang rệu rã có thể còn thất bại nhục nhã hơn nữa. Đội quân đó “phải trải qua nhiều năm xây dựng lại mới phục hồi được sức chiến đấu”. Theo số liệu báo cáo của bộ tham mưu, sau 7 năm mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương (1947 - 1954), quân viễn chinh Pháp đã bị thiệt hại 100.000 người, chưa kể số bị thương và bị bệnh. Mọi người nhất trí một điều: cần tăng viện gấp sang Đông Dương để cứu quân đội khỏi lâm vào tình trạng nguy ngập hơn nữa. Khốn nỗi vẫn theo báo cáo của bộ tham mưu, số quân có thể vét được ở nước Pháp bấy giờ không thể vượt quá 879 người, tức là trước mắt chỉ có thể tăng viện sang Đông Dương có.... một tiểu đoàn! Măngđét Phrăngxơ đề nghị với Tổng thống chỉ thị cho tổng tham mưu trưởng Cơních soạn thảo một đạo luật để đưa ra thông qua ở Quốc hội, nhằm đưa lính quân dịch 1954 sang Đông Dương, đồng thời chuẩn bị rút bớt lực lượng ở Bắc Phi và Tây Đức về để sẵn sàng đưa thêm sang hai sư đoàn khi có lệnh. Trong thâm tâm, Thủ tướng mới chỉ mong quân viễn chinh tránh bị tổn thất nặng nề thêm để phái đoàn đàm phán do ông ta cầm đầu khỏi lâm vào thế bất lợi hơn trong cuộc thương thuyết đang diễn ra ở Giơnevơ.

---------------------
        1. Theo Xalăng, số giáo dân bị cưỡng ép di cư là 337.000. Thật ra, số đồng bào miền Bắc bị chúng cưỡng ép đưa vào miền Nam lên tới gần một triệu người.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:17:31 am

BÊN HỒ LÊMAN

        Tại Béclin, từ 25 tháng 1 đến 18 tháng 2 năm 1954, có cuộc hội nghị giữa Bộ trưởng ngoại giao Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp bàn về các vấn đề Đức, Áo, v.v... Trong hội nghị này, đại biểu Liên Xô Môlôtốp đưa ra đề nghị triệu tập một hội nghị quốc tế ở Giơnevơ để giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên và chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương. Thành phần tham dự sẽ có thêm đại biểu Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

        Tin trên đây bay tới Pari làm cho mâu thuẫn trong giới cầm quyền Pháp bộc lộ sâu sắc thêm. Phái chủ hòa trong Chính phủ, gồm những người như Phó thủ tướng Râynô, bộ trưởng tài chính Phôrơ (Edgar Faure), Bộ trưởng phụ trách ủy ban châu Âu, Míttơrăng (François Mitterand), Bộ trưởng các quốc gia liên kết Giắckinô, tán thành chủ trương đàm phán để lập lại hòa bình ở Đông Dương. Ngày 10 tháng 3, Quốc hội Pháp cũng ra quyết nghị hoan nghênh cuộc đàm phán sắp diễn ra ở Giơnevơ. Ngược lại phái chủ chiến gồm những người như Thủ tướng Lanien, Bộ trưởng ngoại giao Biđôn và Bộ trưởng quốc phòng Plêven, đại diện cho tập đoàn tư bản có nhiều quyền lợi gắn liền với Mỹ ở Đông Dương và Viễn Đông, đã kịch liệt phản đối thương lượng hòa bình. Họ chủ trương dựa vào sự viện trợ của Mỹ (và khi cần, Mỹ có thể can thiệp trực tiếp) để tiếp tục thực hiện kế hoạch Nava, và chỉ thương lượng khi quân Pháp đã giành được thắng lợi quân sự quan trọng làm hậu thuẫn cho cuộc “đàm phán trên thế mạnh” sau này.

        Nhìn lại quá khứ, người ta thấy lập trường trên đây của “Lanien - Biđôn và công ty” đã bộc lộ công khai từ tháng 11 năm 1953, khi Nava vừa giành được “một thắng lợi quân sự nổi tiếng”: ném quân xuống lòng chảo Điện Biên Phủ.

        Chính vào dịp này, ngày 28 tháng 11, Xven Lôpgrin (Sven Lofgren) phóng viên ở Pari của tờ báo Thụy Điển Expressen đăng lời tuyên bố của Chính phủ Việt Nam trả lời phỏng vấn về khả năng giải quyết hòa bình cuộc xung đột Việt - Pháp1. Cùng ngày hôm đó, từ Ke Đoócxay (Quai d’ Orrsay - trụ sở Bộ Ngoại giao Pháp) vang lên lời phản ứng của Biđôn. Ngài ngoại trưởng Pháp bắn tin rằng “người ta không làm ngoại giao bằng những tin vặt như vậy... nhất là vào lúc Việt Minh đã... thế cùng lực kiệt (!). Đặt vấn đề đàm phán lúc này chỉ làm cho Việt Minh thêm tự tin và mạnh lên”.

        Khốn nỗi, giới hiếu chiến Pháp càng tỏ ra ngoan cố thì thực tế chiến trường Việt Nam trong Đông Xuân 1953-1954 càng buộc họ phải bớt dần sự cứng rắn. Thêm một nửa năm trôi qua, với những tin tức chẳng lành liên tiếp bay về Pháp”, dư luận tiến bộ ở Pari lại có dịp lên án Chính phủ đã cố tình bỏ lỡ một cơ hội để thoát thỏi cuộc chiến tranh”. Mặc dù vậy chỉ đến khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang trong giờ phút hấp hối, Biđôn mới chịu thay đổi thái độ, buồn rầu cắp cặp sang Thụy Sĩ. Lên đường, ngài bộ trưởng vẫn nuôi ảo tưởng dựa vào Mỹ - Anh để làm cho cuộc đàm phán thất bại hoặc ít nhất cũng dựa vào sự ủng hộ của phái đoàn Trung Quốc để đạt được một cuộc ngừng bắn đơn thuần về mặt quân sự (như kiểu Triều Tiên) để cứu đội quân viễn chinh Pháp chia cắt Việt Nam, tiếp tục duy trì chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Cà cuống đến chết còn cay!

        Về phía Mỹ, tin về một cuộc hội nghị hòa bình sắp diễn ra ở Giơnevơ cũng làm nảy sinh những mâu thuẫn mới giữa những người cầm đầu Nhà trắng và Lầu năm góc. Trong khi những con “diều hâu” hung hăng nhất như Phó tổng thống Níchxơn, ngoại trưởng Đalét, chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Rátpho,... chủ trương không đàm phán và chuẩn bị can thiệp trực tiếp vào Đông Dương, thì nhiều người khác như tham mưu trưởng lục quân Rituây (Matthew Ridway), tham mưu trưởng không quân Toaininh (Twining) và nhất là Bộ trưởng quốc phòng Uynxơn (Charles Wilson), đã nhận thấy sự can thiệp bằng không quân của Mỹ không thể cứu vãn được tình hình đã trở nên quá tồi tệ. Các lãnh tụ trong quốc hội Mỹ cũng ủng hộ quan điểm này.

        Bị cô lập và sau đó phải từ bỏ ý đồ can thiệp trực tiếp vào Đông Dương (bằng kế hoạch Diều hâu), từ bỏ âm mưu quốc tế hóa cuộc chiến tranh (bằng kế hoạch hành động thông nhất - chia sẻ trách nhiệm), ngoại trưởng Hoa Kỳ không thể không chấp nhận đến họp hội nghị Giơnevơ. Tuy nhiên Đalét vẫn tin rằng, được sự ủng hộ của các phần tử diều hâu ở Oasinhtơn, hắn có thể lôi kéo được ngoại trưởng Anh Iđơn (Anthony Eden) và các thế lực phản động khác để ép Pháp không chấp nhận những điều khoản có lợi cho lực lượng kháng chiến Đông Dương.

        Trái với mưu đồ của Mỹ, Chính phủ hoàng gia Anh tán thành biện pháp thương lượng để lập lại hòa bình ở Đông Dương. Một mặt, Anh thấy Pháp không có khả năng giành thắng lợi quân sự mặt khác lại sợ Mỹ tìm cớ can thiệp sâu vào Đông Dương và bành trướng thế lực ở Đông Nam Á. Anh không tán thành “thuyết đôminô” của Mỹ nhưng lại đồng tình với Mỹ trong việc chuẩn bị tiến tới thành lập khối liên minh quân sự Đông - Nam Á (chỉ sau khi hòa bình đã được lập lại ở Đông Dương) để ngăn chặn phong trào cách mạng phát triển và để bảo vệ quyền lợi của Anh ở vùng này...

---------------------
        1. Trong điện trả lời của Chính phủ ta có đoạn viết: “Hiện nay nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề về Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó...”. (Hồ Chí Minh, Về vấn đề quân sự. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 242, 243).


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:18:10 am

        Ngày 8 tháng 5, một ngày sau khi số phận quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ được định đoạt, hội nghị của các ngoại trưởng bên hồ Lêman ở Giơnevơ chính thức chuyển sang bàn vấn đề Đông Dương.

        Hôm đó, thêm một phái đoàn bước vào phòng họp: phái đoàn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một phái đoàn đến Giơnevơ với tư thế Điện Biên Phủ, đại diện cho một nước Việt Nam mà thế và lực không còn như tám năm về trước, khi cũng vị trưởng phái đoàn Phạm Văn Đồng bước vào lâu đài Phôngtennơblô để tiến hành cuộc đàm phán tay đôi Việt - Pháp mùa hè năm 1946.

        Trong phiên họp khai mạc ngày 8 tháng 5 năm 1954, ngoại trưởng Biđôn đã tốn khá nhiều hơi sức kể lể “công lao thực dân” của Pháp ở Đông Dương. Tiếp đó, ông ta đưa ra đề nghị năm điểm có tính chất thuần tuý quân sự1. Đó là dấu hiệu ngoan cố mà phía Pháp lộ rõ trong phiên họp đầu tiên. Cũng như tám năm trước (1946), khi còn là Thủ tướng chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp, Biđôn lại phạm phải sai lầm cố hữu của giới cầm quyền ở Pari là đánh giá sai lực lượng so sánh đôi bên. Trưởng phái đoàn Pháp vẫn cố tình nhắm mắt trước tình trạng nguy ngập của quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương và trước không khí chính trị sôi sục ở thủ đô Pari sau “sự kiện Điện Biên Phủ”.

        Lập trường của phái đoàn Việt Nam khi đến Giơnevơ là tiến tới một giải pháp hoàn chỉnh: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị về vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền thông nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước ở Đông Dương... Bởi vậy, đối lại với đề nghị của phía Pháp, ngày 10 tháng 5, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra một giải pháp toàn diện gồm tám điểm2.

        Hội nghị mới họp được bốn ngày và lập trường các bên còn rất khác biệt nhau (phía Pháp đòi chỉ bàn vấn đề quân sự) thì ngày 12 tháng 5, Nhà trắng gửi một chỉ thị cho phái đoàn của họ ở Giơnevơ nói rằng: “Chính phủ Hoa Kỳ không sẵn sàng công khai tán thành hoặc ngấm ngầm chấp nhận bất cứ một cuộc đình chiến, một cuộc ngừng bắn hoặc bất kỳ một giải pháp hòa bình nào”.

        Thực ra, lúc này người ta mới nói nhiều đến thái độ ngoan cố của phía Mỹ - Pháp, đến thế bất lợi của Biđôn. “Đòn quyết định kịp thời” của quân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ ngay trước ngày hội nghị Giơnevơ họp khiến cho viên ngoại trưởng này chỉ còn đại diện cho “một nước Pháp đã mất hết chủ bài”. Chính Biđôn cũng phải chua chát thú nhận rằng hắn chỉ còn hy vọng vào “những con hai nhép và ba rô”. Khốn nỗi, đến lúc bấy giờ thái độ ngoan cố của Lanien ở Pari, hành động phá ngang của phái đoàn Mỹ ở Giơnevơ, những lời biện bạch “biến bại thành thắng” của Nava ở Sài Gòn, tất cả những chỗ dựa đó đã ngày càng trở nên rất mong manh đối với phái đoàn Pháp.

        Hơn thế nữa, thái độ ngoan cố của Biđôn ở Giơnevơ còn vấp phải sự chống đối mạnh mẽ của dư luận tiến bộ ở Pari. Tờ Lơ Phigarô đòi chấm dứt thủ đoạn “ngoại giao vô định” (somnambulisme diplomatique) của phái đoàn Pháp. Tờ Tin tức đòi phải “thay đổi khí hậu...”, phải chấm dứt tình trạng giậm chân tại chỗ. Nhiều nghị sĩ Pháp lên án thái độ của Lanien, Biđôn, Plêven... và kịch liệt phản đối chủ trương chỉ bàn vấn đề quân sự. Tờ Chiến đấu công khai đòi Chính phủ Lanien phải rút lui nếu nước Pháp muốn chọn giải pháp hòa bình ở Đông Dương. Tờ báo cho rằng nội các này không đủ năng lực để đàm phán hòa bình, vì đại diện của Pháp ở Giơnevơ là Biđôn, thủ lĩnh của đảng Cộng hòa bình dân, đảng phải chịu trách nhiệm chính trong những năm qua về chính sách của Pháp ở Đông Dương.

        Ngày 8 tháng 6, một ngày trước khi quốc hội Pháp thảo luận về chính sách đối với Đông Dương, trưởng phái đoàn Liên Xô ở Giơnevơ là Môlôtốp đã đọc diễn văn đả kích gay gắt thái độ thiếu thiện chí của phái đoàn Pháp, lên án Biđôn đến hội nghị không phải nhằm mục đích lập lại hòa bình ở Đông Dương mà là để phá hoại hội nghị, hòng mở đường cho Mỹ kéo dài và mở rộng chiến tranh. Sau phiên họp hôm đó, Biđôn đã phải thốt lên: “Ông ta (tức Môlôtốp) muốn lột da tôi” (il veut ma peau). Dư luận coi bài diễn văn của Môlôtốp là một đòn đánh mạnh vào “chính sách ngoại giao chiếc gậy lớn” của Biđôn và nhằm vạch cho quốc hội Pháp thấy rằng hắn không phải là người mà phía Việt Nam có thể thương lượng.

        Trong lúc phái đoàn Pháp bị đả kích mạnh và ngày càng bị cô lập trước dư luận tiến bộ ở Giơnevơ thì phái đoàn Mỹ tìm mọi thủ đoạn “để phía Pháp khỏi nản lòng”. Đalét hết lời khuyên Biđôn nên kiên trì thăm dò và triệt để tranh thủ sự đồng tình của những ai có thể tranh thủ được.

        Trước tình thế vô cùng khẩn trương ở Đông Dương, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của Đảng Cộng sản và nhân dân lao động Pháp, kỳ họp quốc hội Pháp từ 9 đến 12 tháng 6 đã kết thúc bằng cuộc bỏ phiếu lật đổ nội các Lanien. Tổng thống Côty trao việc lập Chính phủ mới cho Măngđét Phrăngxơ, một nhân vật từ năm 1950 vẫn chủ trương trực tiếp thương lượng với Chính phủ ta để chấm dứt chiến tranh.

---------------------
        1. Tập kết quân đội hai bên vào vùng quy định; giải giáp các lực lượng dân quân du kích; trao trả tù binh và thường dân bị bắt; kiểm soát quốc tế, đình chỉ chiến sự.

        2. Pháp phải công nhận chủ quyền độc lập của Việt Nam và của hai nước Campuchia và Lào; ký một hiệp định về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi Việt Nam, Campuchia và Lào; tổ chức tổng tuyển cử tự do, lập ra Chính phủ thống nhất ở mỗi nước Việt Nam, Campuchia và Lào; Việt Nam, Campuchia và Lào tuyên bố xét vấn đề gia nhập Liên hiệp Pháp; Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Campuchia và Lào công nhận quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên cùng có lợi; hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với đối phương; trao đổi tù binh; ngừng bắn ở Đông Dương, có điều chỉnh đất đai, lập ủy ban chung để kiểm soát.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:18:44 am

        Ngày 20 tháng 6 khi nhậm chức, Phrăngxơ tuyên bố: nếu không chấm dứt được chiến tranh trong vòng một tháng, ông ta sẽ từ chức. Dư luận trong giới quân sự Pháp cho rằng một tháng là... quá lâu đối với tình thế bi đát của quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương lúc này.

        Ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Pháp M. Phrăngxơ lên đường đi Giơnevơ.

        Đúng như dự đoán của dư luận tiến bộ, phía Mỹ vẫn không ngừng thủ đoạn phá hoại hòng làm cho cuộc đàm phán thất bại. Sau khi ngoại trưởng Đalét bỏ hội nghị, người cầm đầu mới của phái đoàn Mỹ là thứ trưởng ngoại giao Xmít vẫn tiếp tục gây sức ép để Anh và Pháp bỏ các cuộc họp hẹp; đòi “kết thúc hội nghị sớm”; vu cáo Việt Nam “không thương lượng nghiêm chỉnh”, v.v. Trong lúc phái đoàn của họ không ngừng phá đám ở Giơnevơ, Chính phủ Mỹ ép Bảo Đại đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng bù nhìn ở Sài Gòn (16-6-1954), một việc mà Pari không hề hay biết vì diễn ra đúng lúc nước Pháp đang khủng hoảng nội các.

        Thời kỳ thứ hai của hội nghị Giơnevơ diễn ra chủ yếu bằng “những hoạt động ngoài hành lang” hơn là các cuộc họp chính thức của các phái đoàn. Ở Giơnevơ chỉ còn những cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn quân sự hai bên Việt - Pháp. Đồng thời, hội nghị quân sự tại chỗ cũng bắt đầu họp từ ngày 4 tháng 7 tại Trung Giã, trên đường số 3 (Hà Nội - Thái Nguyên).

        Ngay sau khi đến Giơnevơ, M. Phrăngxơ đã ra sức vận động Anh, Mỹ ủng hộ để gây sức ép với Việt Nam trên ba vấn đề cơ bản: 1. Định giới tuyến chuyển quân tập kết (càng lui lên phía bắc càng tốt); 2. Trì hoãn tối đa thời hạn tổ chức tổng tuyển cử ở Việt Nam; 3. Kéo dài thời hạn rút quân Pháp khỏi Việt Nam.

        Khi thời kỳ thứ hai của cuộc đàm phán chấm dứt (10-7-1954), phái đoàn ta vẫn kiên trì lập trường của mình về vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia, vẫn chủ trương đòi có đại biểu của Chính phủ kháng chiến Lào và Chính phủ kháng chiến Campuchia tham gia như các bên đàm phán, đòi giới tuyến quân sự tạm thời ở Việt Nam là vĩ tuyến 13, tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn sáu tháng để thống nhất nước nhà. Đối với việc giải quyết vấn đề Lào và vấn đề Campuchia, phái đoàn ta vẫn giữ quan điểm là ở Lào có hai vùng tập kết các lực lượng kháng chiến: một vùng ở phía bắc giáp Trung Quốc và Việt Nam và một vùng ở Trung và Hạ Lào; ở Campuchia có hai vùng tập kết của lực lượng kháng chiến Campuchia, ở phía đông và đông bắc sông Mê Công và ở phía tây nam sông Mê Công; tổ chức tổng tuyển cử tự do trong thời hạn sáu tháng ở Lào và Campuchia.

        Phía Pháp bước vào thời kỳ thứ ba của cuộc đàm phán trong hoàn cảnh M. Phrăngxơ bị thúc bách vì thời hạn (một tháng) mà ông ta tuyên bố trước quốc hội Pháp (hôm nhậm chức) chỉ còn lại mười ngày. Tuy nhiên, được sự ủng hộ (công khai) của Anh - Mỹ, phía Pháp vẫn ngoan cố đòi phân vùng ở vĩ tuyến 18 và tiếp tục tránh né không chịu đưa ra thời hạn tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất đất nước Việt Nam.

        Cuộc đấu tranh về các vấn đề bất đồng diễn ra gay gắt trong các cuộc họp chung cũng như các cuộc gặp gỡ riêng giữa đại diện các phái đoàn trong suốt thời kỳ chót của hội nghị.

        Xuất phát từ truyền thống yêu chuộng hòa bình, theo xu thế chung giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng thương lượng, trong cuộc họp thiều 20 tháng 7 năm 1954 giữa hai chủ tịch hội nghị (Liên Xô và Anh) với các trưởng phái đoàn, phía Việt Nam đã chấp nhận giải pháp: các nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào nhân dân Campuchia; ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Đông Dương; Pháp rút quân; vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia Việt Nam làm hai miền; tiến tới có tổng tuyển cử tự do trong cả nước sau hai năm để thống nhất nước nhà.

        Trên cơ sở các điều chủ yếu đã được thoả thuận trên đây, hiệp nghị về Việt Nam đã được ký kết hồi 03 giờ 20 phút ngày 21 tháng 7 năm 19541.

        Riêng về các vấn đề thuộc hai nước Lào và Campuchia, cuộc đấu tranh cũng diễn ra không kém phần gay gắt.

        Sau năm phiên họp quân sự về Lào và ba phiên họp về Campuchia, các bên thoả thuận: ở Lào có một khu tập kết cho các lực lượng kháng chiến Lào, gồm hai tỉnh Sầm Nưa và Phong Sa Lỳ; ở Campuchia, các lực lượng kháng chiến không có khu tập kết nào và phục viên tại chỗ.

        Hiệp định về Lào được ký kết hồi 03 giờ và hiệp nghị về Campuchia được ký kết hồi 11 giờ cùng ngày 21 tháng 7 năm 1954.

        Hội nghị Giơnevơ kết thúc. Hòa bình được lập lại trên bán đảo Đông Dương. Nhưng dã tâm của bè lũ đế quốc trước hết là đế quốc Mỹ còn hết sức thâm độc. Cuộc đấu tranh của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia vẫn còn tiếp tục trong những điều kiện mới không kém phần gian khổ và phức tạp.

---------------------
        1. Nhưng theo yêu cầu của phía Pháp, văn bản vẫn được ghi: Ký kết ngày 20 tháng 7 năm 1954.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:19:56 am

CUỐN CỜ, NHƯỜNG CHỖ

        Mỹ đã công khai phản đối Pháp hạ bút ký kết bản hiệp định đình chiến.

        Ngày 20 tháng 7, khi các bên đã thoả thuận về các điều khoản của bản hiệp định, Măngđét Phrăngxơ cử đại tá Brôhông (Brohon) sang Oasinhtơn để thông báo cho đô đốc Rátpho về quyết định ở Giơnevơ. 150 tướng lĩnh, đô đốc và quan chức cao cấp của bộ quốc phòng Mỹ vây quanh Rátpho để nghe Brôhông thuyết trình trong một căn phòng bí mật ở dưới hầm Lầu năm góc. Người ta đón tiếp viên đại tá Pháp “với một sự im lặng lạnh lùng”, mặc dù từ lâu, Brôhông là người quen thuộc của Bộ quốc phòng Mỹ. Nhiệm vụ thứ hai của Brôhông là xin Mỹ tiếp tục viện trợ cho quân viễn chinh Pháp. Mặc dù quân Pháp sắp rút vào nam vĩ tuyến 17, nhưng Măngđét Phrăngxơ vẫn lo lắng cho số phận của đội quân chiến bại này. Brôhông vừa ngỏ lời, Rátpho đã chặn trước rằng, ngay khi hiệp định đình chiến được ký kết, Bộ quốc phòng Mỹ sẽ “hạ lệnh cho các tàu chở vũ khí viện trợ đang trên đường sang Đông Dương phải dừng lại ở các hải cảng Mỹ gần nhất”.

        Ngày hôm sau, 21 tháng 7, Tổng thống Mỹ Aixenhao ra tuyên bố xác nhận lập trường của Mỹ là “không đồng tình với nghị quyết của hội nghị Giơnevơ và không bị ràng buộc bởi những nghị quyết đó vì nó chứa đựng những yếu tố mà chúng tôi không muốn”.

        Trong khi đó, tại Giơnevơ, đại biểu Mỹ ra tuyên bố nói rằng hiệp nghị Giơnevơ là “một thảm hoạ có thể dẫn đến nguy cơ mất Đông Nam Á vào tay cộng sản”(!). Trần Văn Đỗ đại diện chính quyền ngụy Sài Gòn “yêu cầu hội nghị ghi nhận rằng chính phủ (ngụy Diệm) tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ lợi ích thiêng liêng của dân tộc Việt Nam” (! !). Cả đại diện Mỹ và Diệm không chịu ký vào bản tuyên bố cuối cùng của hội nghị, trong đó nhiều vấn đề cơ bản đã được khẳng định.

        Về phía Pháp, các tướng lĩnh cầm đầu quân đội Pháp ở Đông Dương tỏ ra rất vui mừng khi nghe tin hiệp định đình chiến được ký kết. Vấn đề quan trọng trước mắt đối với họ là cứu cho quân viễn chinh đang kiệt quệ khỏi bị tiêu diệt. Là người được phái sang tận mắt chứng kiến cảnh thế cùng lực tận của Pháp ở Đông Dương, tướng Êly đã biên thư cảm ơn thủ tướng Măngđét Phrăngxơ và bộ trưởng Guy La Săm về “ý nghĩa và tầm vóc những hiệp định vừa được ký kết... vì những hiệp định đó đã chấm dứt cuộc chiến tranh hao mòn mà một mình nước Pháp không thể theo đuổi...”.

        Nhưng, trước sau Êly, Xalăng và đồng bọn vẫn là những viên tướng thực dân mà bản chất không hề thay đổi, ngay cả trong những ngày tàn của đế quốc Pháp trên bán đảo này. Họ “phản đối đến cùng chủ trương hợp tác với cộng sản miền Bắc”. Đầu tháng 8, Êly gửi điện cho Guy La Săm phản đối việc Pari chỉ định Xanhtơny làm đại diện của Chính phủ Pháp ở Hà Nội. Viên tướng này cho rằng thật là sai lầm nếu ở cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam đều có người của Pari (Êly ở miền Nam, Xanhtơny ở miền Bắc) vì “trước sau những người quốc gia ở Nam Việt Nam (chỉ bọn tay sai) vẫn là những người bạn cũ của nước Pháp, còn những người ở miền Bắc, từ tám chín năm nay đã là đối thủ không khoan nhượng của chúng ta”. Đặt tổng đại diện của Pari ở Hà Nội sẽ dẫn đến hậu quả là “làm nản lòng những phần tử quốc gia còn có khả năng hoạt động chống cộng sản”.

        Những ý kiến trên đây không được Pari chấp thuận. Ngày 12 tháng 8, Êly về Pháp để vận động hạn chế nhiệm vụ của Xanhtơny trong phạm vi bảo vệ quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp ở Việt Nam mà không trao nhiệm vụ về ngoại giao và chính trị. Êly khuyên Chính phủ không nên chơi trò bắt cá hai tay. Giữa Sài Gòn và Hà Nội phải chọn lấy một, cụ thể là hãy chọn Sài Gòn.

        Khi những ý kiến trên tiết lộ ra ngoài, dư luận tiến bộ ở Pháp nhận xét rằng các tướng lĩnh Pháp chỉ là những con cà cuống đến chết còn cay. Cuộc chiến tranh đã diễn ra gần chục năm và phía Pháp đã buộc phải ký kết hiệp định đình chiến sau những thất bại ngày càng nặng nề. Nhưng tất cả những thực tế đó chưa làm thay đổi đầu óc thực dân đặc sệt của phái hữu ở Pháp và các tướng lĩnh hiếu chiến. Họ vẫn bám lấy một lập luận bất di bất dịch: không thể quan hệ hợp tác với những người vì quyền lợi sống còn của dân tộc đã kiên quyết cầm súng chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp.

        Dư luận cũng lên án Chính phủ Pháp sớm tỏ ra bất lực và vô trách nhiệm trong việc thực hiện những điều đã cam kết ở Giơnevơ.

        Nếu thông qua việc chỉ định Xanhtơni làm đại diện ở Hà Nội, Chính phủ Măngđét Phrăngxơ nuôi ảo tưởng vớt vát chút ít quyền lợi kinh tế và văn hoá ở miền Bắc thì, tại miền Nam, trước sức ép của Mỹ, phía Pháp không ngừng lùi bước. Sau khi hạ bút cùng phái đoàn Việt Nam ký hiệp định đình chiến, Măngđét Phrăngxơ cho rằng khi đã trút được gánh nặng chiến tranh, đã rút được chân ra khỏi “bãi lầy Đông Dương”, Chính phủ Pháp phải tập trung tinh lực vào đối phó với bao vấn đề nóng hổi lôi cuốn họ: Bắc Phi, khối NATO và những khó khăn nội bộ của nước Pháp, trong đó nổi lên là tình hình kinh tế tài chính đã kiệt quệ. Tất cả những vấn đề trên sẽ không được giải quyết nếu không tiếp tục nhượng bộ Mỹ để tiếp tục được Mỹ viện trợ. Mặt khác, Măngđét Phrăngxơ chưa quên rằng, ngay từ khi đưa Ngô Đình Diệm về làm “thủ tướng” ở Sài Gòn, Oasinhtơn đã chính thức báo cho Pari biết: việc Pháp chấp nhận họ Ngô là một trong những điều kiện tiên quyết để Mỹ tiếp tục viện trợ cho Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:22:41 am

        Thế là, “vì những lý do ngoại giao và tài chính”, Măngđét Phrăngxơ đành phải bảo đảm với Đalét là “Pháp sẽ cố duy trì một tinh thần thân hữu với Ngô Đình Diệm”, mặc dù Pháp thừa biết đó không phải là con người được Mỹ dùng để thực hiện những điều đã cam kết bên hồ Lêman. Hơn thế, Pháp không lạ gì mục đính chính trị thật sự của Mỹ ở Đông Dương là “nhanh chóng thay chân người Pháp đã quá mệt mỏi, những người Pháp đã bỏ rơi cả một nửa nước Việt Nam cho cộng sản”(!).

        Để thể hiện cái gọi là “tinh thần thân hữu” (đô la) đó, Pari đã chỉ thị cho cao ủy Êly và phó cao ủy Đariđăng (Jean Daridan) biết rằng viện trợ của Mỹ và lợi ích gắn bó giữa Mỹ và Pháp trong khối cộng đồng phòng thủ châu Âu (CED) là những vấn đề sinh tử đối với Pháp lúc này. Ngô Đình Diệm được Mỹ triệt để ủng hộ. Vậy những người đại diện của Pháp ở Đông Dương “không được làm bất kỳ việc gì khiến cho quan hệ Pháp - Mỹ trở nên căng thẳng”. Mặt khác, phải chuẩn bị để nhanh chóng nhường chỗ cho người Mỹ với một thái độ hợp tác thành thật”(!).

        Một trong những hành động cụ thể biểu hiện “thái độ hợp tác thành thật” đó là việc Pari chấp thuận gia nhập khối liên phòng Đông Nam Á1. Báo chí Pháp nhận xét rằng chỉ bảy tuần lễ sau khi ký hiệp nghị Giơnevơ, Măngđét Phrăngxơ đã chủ trương tiếp tay cho Mỹ ngăn cản sự hòa giải giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam... Bằng việc tham gia tổ chức hiến chương Manila, rõ ràng phía Pháp đã phủ định điều 19 của hiệp định đình chiến quy định “hai miền Nam và Bắc Việt Nam không được tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào”.

        Tại Pháp một trong những người phản đối chủ trương “nhường chỗ” của Chính phủ Pari là Bộ trưởng các quốc gia tiên kết. Nhưng rồi chính Guy La Săm cũng phải thú nhận rằng ông ta đã bất lực trước hành động của Diệm, vì Thủ tướng Pháp “đã gập hồ sơ Đông Dương lại”. Bằng chỉ thị ngày 5 tháng 9 năm 1954, Măngđét Phrăngxơ đã dứt khoát “theo đuổi đường lối chính trị phù hợp với ý đồ của Mỹ ở Đông Nam Á”, một đường lối “không để cho vấn đề Việt Nam trở thành nguồn gốc đối địch giữa Pháp và Mỹ”.

        Tại Đông Dương người cầm đầu phái tướng lĩnh phản đối chủ trương của Phrăngxơ - Êly - Đariđăng là tướng Xalăng. Không phải vì Xalăng tôn trọng hiệp nghị Giơnevơ, mà hắn muốn “phải làm một cái gì đó để cứu vớt sự có mặt của Pháp ở Việt Nam”. Cụ thể là phải tìm cách bẩy Diệm đi và thay vào bằng một tên tay sai thân Pháp. Những lời bàn ra tán vào của “Xalăng và công ty” đã sớm đến tai Êly và chẳng bao lâu, ngày 9 tháng 10, Xalăng buộc phải xuống tàu, vĩnh viễn chấm dứt sự có mặt của một viên tướng thực dân cáo già loại nhất nhì đã đến bán đảo Đông Dương từ ba mươi năm trước (1924 - 1954).

        Xalăng nghĩ gì khi buộc phải rời khỏi mảnh đất béo bở này? Hắn than thở: “Thật đau lòng như xé! Phải vĩnh biệt Đông Dương..., tôi để lại phía sau cả cuộc đời sĩ quan, cũng là cả cuộc đời của một con người. Tôi rời khỏi xứ này với nỗi lo âu về tương lai của nó... vì Đông Dương đang trải qua cơn thử thách bi thảm” (?).

        Tình hình Đông Dương ngày càng chứng minh điều mà Xalăng gọi là “sự tàn lụi và tiêu tan của một nền đế quốc”. Đó là đế quốc Pháp đang nhanh chóng bị đế quốc Mỹ hất cẳng ra khỏi bán đảo này.

        Pháp tham gia khối SEATO là việc làm được Nhà trắng hoan nghênh và coi đó là một điều kiện để Mỹ “tiếp tục mở cái vòi viện trợ” đã bị đóng đột ngột hai tháng sau khi hiệp nghị Giơnevơ được ký kết. Ngay sau khi được Oasinhtơn thông báo “tin vui” đó, ngày 26 tháng 9, Pari cử ngay một phái đoàn gồm Bộ trưởng các quốc gia liên kết Guy La Săm, Bộ trưởng tài chính Étga Phó và tướng Êly lên đường sang Mỹ xin viện trợ. Chính phủ Măngđét Phrăngxơ không hề giấu giếm rằng chiến tranh Đông Dương vừa kết thúc nhưng nước pháp (đã quá suy nhược vì cuộc chiến tranh đó) chưa biết bao giờ mới hồi sức để tự gánh lấy những khoản chi tiêu khổng lồ, nhất là khi đã xuất hiện “những dấu hiệu về sự không ổn định ở Bắc Phi”.

---------------------
        1. Do Mỹ đề xướng, khối SEATO chính thức ra đời tại Manila (Philíppin) ngày 8-9-1954, khi tám nước sau đây ký hiệp ước thành lập: Mỹ, Anh, Pháp, Tân Tây Lan, Úc, Philíppin, Thái Lan và Pakixtan. SEATO nhằm mục đích “tạo nên một cớ hợp pháp (?) để Mỹ can thiệp vào Việt Nam khi Pháp đang ở trong quá trình rút lui lực lượng sau thất bại ở Điện Biên Phủ” (theo báo International Hérald Tribune ngày 29-6-1977). Báo đó viết: “Là một phát minh phi lôgích của Đalét, SEATO đã lôi kéo chúng ta (Mỹ) vào Việt Nam và kéo bản thân ông ta (Đalét) đổ gục”. Hai năm sau thất bại của Mỹ ở Việt Nam, tháng 6 năm 1977, SEATO chính thức giải tán.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:24:09 am

        Pháp tham gia SEATO để được Mỹ viện trợ và Mỹ viện trợ để ép Pháp nhanh chóng “nhường chỗ” ở Đông Dương. Đó là một vòng tròn khép kín trong quan hệ Mỹ - Pháp trong thời kỳ “sau Giơnevơ”.

        Càng về cuối năm 1954, ảnh hưởng của sĩ quan Pháp trong quân đội Diệm càng trở nên yếu ớt. Ngày 20 tháng 11, một ủy ban quân sự hỗn hợp Pháp - Mỹ được thành lập để tướng Êly và tướng Mỹ Côlin cùng phụ trách huấn luyện quân đội Diệm. Nhưng từ ngữ cùng đó chỉ có ý nghĩa rất tương đối vì trên thực tế, mọi quyền tối hậu quyết định vẫn trong tay Ô Đanien, trưởng phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ MAAG, người muốn “nhanh chóng phủi sạch bụi Pháp” trong quân đội ngụy Sài Gòn. Ngày 21 tháng 1 năm 1955, Diệm gửi công hàm yêu cầu Mỹ đảm nhiệm hoàn toàn việc tổ chức và huấn luyện cho đội quân tay sai, mới thay thầy đổi chủ. Tiếp đến việc bàn giao (về quyền hạn đối với quân đội Diệm) được tiến hành ngày 10 tháng 2 giữa một bên là tướng Pháp Agôxtini (Agostini) và một bên là Lê Văn Tỵ, tham mưu trưởng quân đội tay sai Mỹ. Hai ngày sau, Diệm họp báo tuyên bố: từ nay, tướng Ô Đanien sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm giúp y huấn luyện quân đội. Và cuối cùng là “lễ thay lon” trên cầu vai của tướng sĩ: lon kiểu quân đội Pháp nhường chỗ cho lon kiểu quân đội Hoa Kỳ.

        Mấy màn liên tiếp của tấn tuồng thay thầy đổi chủ của “quân lực Việt Nam cộng hòa” diễn ra trong những ngày mà hơn 70.000 quân viễn chinh Pháp còn đang trú quân tạm bợ rải rác dọc đường 15, từ Tam Hiệp, Long Thành đến Bà Rịa, Vũng Tàu để tiếp tục xuống tàu về nước.

        Cũng vào những ngày này, tại Pari, nội các Măngđét Phrăngxơ đang trong cơn hấp hối vì “cơn sốt rét kinh tế tái phát”. Từ 20 tháng 1, thủ tướng phải giao bớt chức ngoại trưởng cho Étga Phô để dốc toàn lực vào chuyên lo vấn đề kinh tế tài chính. Nhưng rồi nửa tháng sau, ngày 6 tháng 2, không được quốc hội tín nhiệm, Thủ tướng Phrăngxơ phải từ chức, sau hơn 7 tháng chèo chống, vật lộn với mọi khó khăn đang xâu xé nước Pháp kiệt sức vì đã mất quá nhiều máu sau chín năm chiến tranh xâm lược Đông Dương.

        Nước Pháp không có chính phủ trong nửa tháng. Ngày 23 tháng 2, đến lượt Étga Phô ngồi vào ghế, và trên mặt bàn làm việc của thủ tướng mới, tập “hồ sơ Việt Nam đã được thay thế bằng tập hồ sơ Angiêri”. Noi gương nhân dân Việt Nam, nhân dân Angiêri đã vũ trang nổi dậy.

        Hai tháng sau, 23 tháng 4 đánh dấu ngày “phủi tay” hoàn toàn của phía Pháp đối với những điều đã được ký kết ở Giơnevơ. Hôm ấy, Thủ tướng Pháp gửi công hàm cho Tổng thống Mỹ nói Chính phủ Pháp không còn chịu trách nhiệm về những gì sẽ xảy ra ở miền Nam Việt Nam.

        Hoàn toàn thoái chí, viên cao ủy kiêm tổng chỉ huy cuối cùng đã không đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Phô là ở lại Nam Việt Nam thêm vài tháng nữa. Ngày 2 tháng 6 năm 1955, tướng Êly rời Sài Gòn, giao quyền chỉ huy đám quân còn lại cho tướng Giắccô (Jacquot).

        Thân phận nhục nhã của những đơn vị lính Pháp cuối cùng đợi tàu về nước làm cho nhiều chính khách Pháp phải than phiền. Tại Quốc hội, Misen Đơbrê (Michel Debré) lên án Chính phủ “để cho quân đội bị người ta (Mỹ - Diệm) làm nhục ở Nam Việt Nam mà chẳng có phản ứng gì”. Misơlê (Edmont Michelet), sau chuyến đi công cán, đã yêu cầu Chính phủ phản đối Mỹ - Diệm về thái độ đối với quân Pháp trong những ngày cuối cùng lưu lại miền Nam Việt Nam.

        Quân viễn chinh Pháp phải chịu đựng cảnh thất thế và nhục nhã đó cho đến ngày 28 tháng 4 năm 1956, khi bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương chính thức giải tán. Hôm ấy, tướng Giắccô hạ lệnh cuốn lá cờ tam tài viễn chinh. Những người lính Pháp cuối cùng âm thầm xuống tàu về nước chấm dứt chín năm bị đẩy vào một nơi đã được các ký giả và sử gia Pháp gọi là “tổ ong Đông Dương”.

        Bằng “cuộc chiến tranh bẩn thỉu”, đế quốc Pháp đã vĩnh viễn chôn vùi những ngày tàn của nó trên bán đảo này.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:26:38 am

THAY LỜI KẾT LUẬN

TÍNH SỔ CHÍN NĂM

        Thất bại của thực dân Pháp ở Đông Dương kéo theo sự suy thoái toàn diện của nước Pháp vốn đã kiệt quệ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đúng như lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn ba mươi năm trước đây, nước Pháp “thất bại ở Việt Nam thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc của nó sẽ tan hoang”1.

        Để theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, giới cầm quyền Pháp đã thi hành chính sách phụ thuộc ngày càng nhiều vào đế quốc Mỹ, cả về chính trị, kinh tế và quân sự. Uy tín và địa vị của nước Pháp không ngừng bị giảm sút cả ở châu Âu và trên thế giới.

        Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương và việc Pháp tham gia khối quân sự Bắc Đại Tây Dương2 đã thúc đẩy giới cầm quyền Pháp không ngừng tăng cường tiến công vào mức sống và quyền dân chủ của nhân dân lao động nước họ. Mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Pháp do đó ngày càng trở nên sâu sắc.

        Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp, nhân dân lao động Pháp đã kết hợp một cách hữu cơ cuộc đấu tranh đòi những quyền lợi trước mắt với đấu tranh đòi cải cách dân chủ, bảo vệ hòa bình và chống “cuộc chiến tranh xâm lược bẩn thỉu” dưới khẩu hiệu Giảng hòa ngay với Việt Nam!

        Các cuộc đấu tranh đó, với hạt nhân là giai cấp công nhân Pháp đã thu hút ngày càng đông đảo nhiều tầng lớp nhân dân lao động tham gia: nông dân, công chức, nhân viên kỹ thuật, trí thức tiến bộ và các thành phần nhân dân khác, làm cho giới cầm quyền Pháp ngày càng bị cô lập, đời sống chính trị nước Pháp luôn luôn không ổn định.

        Thất bại của đế quốc Pháp ở Đông Dương đã mở đường cho cả quá trình “Hai mươi năm xâu xé nước Pháp” 3. Tấm gương chiến đấu và chiến thắng của nhân dân Việt Nam (đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Pháp) đã tác động mạnh mẽ đến quyết tâm và tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước vốn là “thuộc địa” Pháp, trước hết là của nhân dân Angiêri4.

        Mặc dù đã điều sang đất nước Bắc Phi này trên 250.000 quân và chi phí hàng năm chừng một ngàn tỷ phrăng (1957: 700 tỷ; 1959: 1050 tỷ) đế quốc Pháp vẫn không thực hiện được mưu đồ biến nước Angiêri thành “một bộ phận của lãnh thổ Pháp quốc” (!). Trải qua tám năm kiên trì đấu tranh vũ trang cuối cùng nhân dân Angiêri đã giành được độc lập.

        Và cho đến nay lá cờ ba sắc đã vắng bóng hẳn trên “các lãnh thổ hải ngoại đã từng quy tụ dưới chiếc ô bảo hộ của Đại Pháp”.

        Chín năm chiến tranh xâm lược Đông Dương cũng là thời kỳ mà hai mươi chính phủ kế tiếp nhau ở Pari ngày càng đưa đời sống kinh tế của đất nước họ đến chỗ hoàn toàn phụ thuộc vào bọn tư bản lũng đoạn Pháp - Mỹ5.

---------------------
        1. Công việc khẩn cấp hiện giờ (viết ngày 5-11-1946), Văn kiện quân sự của Đảng, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, t. 2, tr. 67.

        2. Chính phủ Pari ký kết hiệp ước này tháng 4 năm 1949, chịu để nước Pháp biến thành một căn cứ quân sự của khối xâm lược Bắc Đại Tây Dương.

        3. Vingt ans qui déchirèrent la France, tên một cuốn sách của Claude Paillat viết về sự tan rã của hệ thống thuộc địa Pháp trong những năm 1945 - 1965.

        4. Trong cuộc gặp gỡ đoàn đại biểu Việt Nam sang thăm Angiêri năm 1963, Thủ tướng Ben Benla nói: “Chúng tôi đánh giá rất cao cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam. Lúc đầu chúng tôi thấy cần thiết phải làm theo nhưng còn do dự, có thái độ chờ xem. Tin chiến thẳng Điện Biên Phủ đến với chúng tôi cho thấy rõ con đường dẫn đến thắng lợi nên chúng tôi quyết tâm tiến hành đấu tranh vũ trang. Ngày 7 tháng 5 (quân và dân Việt nam) chiến thắng ở Điện Biên Phủ thì ngày 7 tháng 7 năm 1954, Ủy ban Cách mạng (Angiêri) họp phát động đấu tranh vũ trang. Cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ nhưng vô cùng anh dũng đã đưa nhân dân Angiêri đến thắng lợi như ngày nay”.

        5. Năm tơ rớt sản xuất 75% sản lượng thép, năm công ty nắm 90% công nghiệp chế biến dầu, bốn tập đoàn xe hơi sản xuất 99% xe du lịch. Theo “kế hoạnh Mácsan”, các công ty lũng đoạn Pháp nhận được 98% vốn đầu tư của Mỹ vào nước Pháp.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:28:14 am

        “Kế hoạch Mácsan” đã kìm hãm tốc độ phát triển công nghiệp, làm cho nông nghiệp bị khủng hoảng, đẩy mạnh việc chạy đua vũ trang, hạn chế việc buôn bán giữa nước Pháp với các nước xã hội chủ nghĩa và làm cho đời sống vật chất của nhân dân lao động Pháp bị giảm sút. Từ năm 1949 đến năm 1952, gần 72.000 xí nghiệp nhỏ ở Pháp bị đóng cửa. Số nhà máy loại vừa bị phá sản ngày càng nhiều (1947: 1.578; 1950: 6.168; 1954: 6.766). Ngân sách nước Pháp thiếu hụt mỗi năm một nghiêm trọng thêm (1947: 229 tỷ phrăng; 1950: 247 tỷ; 1954: 322 tỷ). Chiến phí Đông Dương càng tăng (1947: 127 tỷ phrăng; 1950: 392 tỷ; 1954: 784 tỷ) thì nhân dân lao động Pháp phải chịu nạn thuế khoá càng nặng (1947: 623 tỷ phrăng; 1950: 1.762 tỷ, 1954: 2.663 tỷ). Tính riêng từ năm 1952 đến khi quân Pháp rút khỏi Đông Dương, mỗi gia đình Pháp phải đóng tổng cộng gần 500.000 phrăng thuế, trong khi tiền lương thực tế giảm trung bình 28,5%.

        Điều đáng chú ý là, ngoài số chiến phí khổng lồ (tương đương với tổng ngân sách nước Pháp năm 1960 - 1961) mà các chính phủ ở Pari đã thay nhau ném vào Đông Dương trong suốt chín năm chiến tranh, giới cầm quyền Pháp còn phải tiếp tục chi những khoản “phí tổn hậu chiến” trong vòng vài chục năm sau khi cuộc chiến tranh Đông Dương đã kết thúc.

        Trên lĩnh vực quân sự, sau chín năm đọ sức trên chiến trường, quân viễn chinh Pháp đã phải chấp nhận phần thất bại quá đậm, đã hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ mà Tổng thống Đờ Gôn giao cho sau ngày nước Pháp được giải phóng là: “đem lá cờ ba sắc trở lại một thuộc địa cũ”.

        Binh lực tham chiến ở Đông Dương không ngừng tăng lên, cả về quân số và trang bị kỹ thuật (9-1945: 2.500 tên; 12-1945: 32.000 tên; 12-1950: 239.400 tên; 3-1954: 480.000 tên, trong đó 69% là quân ngụy), viện trợ Mỹ đổ vào ngày càng nhiều (năm 1954, Mỹ gánh 3/4 chiến phí của Pháp ở Đông Dương), nhưng quân viễn chinh Pháp vẫn phải chấp nhận hết thất bại này đến thất bại khác, quân số Pháp và tay sai vẫn không tránh khỏi bị tiêu diệt ngày càng nhiều. Qua những số liệu đã được phơi bày công khai trên mặt sách báo Pháp và nước ngoài (tất nhiên còn xa sự thật), rõ ràng tổn thất trên chiến trường đã vượt quá xa sức chịu đựng của Pháp và chính quyền ngụy: trên 200.000 tên bị chết và bị thương, trên 100.000 tên bị bắt1. Trong số 4.264 sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp bị chết, có hai tướng (Săngxông. Háctơman), tám đại tá, 18 trung tá, 69 thiếu tá, 341 đại uý, 1.140 trung úy... Sách báo Pháp và nước ngoài nói nhiều đến số phận của các viên đại tá, những người “bị thúc bách đem các GM do họ chỉ huy lao vào những trận đánh không có ngày mai. Nhiều người trong bọn họ đã bỏ mạng trong rừng sâu hoặc trên đồng lầy (Êđông, Êruylanh, Blăngca...) hoặc phải chịu đựng sức nặng của cuộc chiến tranh cho đến những ngày cuối cùng (Gin, Đờ Cát, Vanuyxem...), hoặc phải trải qua hàng năm trong các trại tù binh của Quân đội nhân dân Việt Nam (Sáctông, Lơpagiơ...) để rồi trở lại quê hương với tâm hồn nặng trĩu của những kẻ chiến bại...”.

        Các ký giả, sử gia Pháp và phương Tây đều phải công nhận rằng “trong một cuộc chiến tranh không có trận tuyến như thế này, không ai có thể tự cho mình là được an toàn và đòn của đối phương có thể giáng xuống bất kỳ ai”, kể từ các “quan cai trị” như ủy viên cộng hoà Đờ Raymông (ở Campuchia) cho đến các sĩ quan con giòng cháu giống như các trung úy Bécna Đờlát, Hăngri Lơcléc, Gămbiê, v.v.

        Với hàng chục vạn tên lính viễn chinh bỏ mạng, với 3.582,4 tỷ phrăng ném vào một cuộc chiến tranh không có lối thoát, chỉ sau chín năm, khi ý chí xâm lược của giới cầm quyền Pháp đã bị đập tan, đội quân viễn chinh đầy thương tích (cả về tinh thần và thể xác) của nước Cộng hoà Pháp mới thoát ra khỏi “tổ ong vò vẽ Đông Dương” và buộc phải cuốn gói ra đi trong hoàn cảnh mà L.Bôda khẳng định là ô nhục.

        Quân đội xâm lược Pháp dưới quyền chỉ huy của các tướng “tài ba” loại nhất nhì của nền Đệ tứ cộng hòa, đã phải chấp nhận thất bại. Điều đó thực tế lịch sử đã khẳng định không thể chối cãi.

---------------------
        1. Kết hợp các số liệu của Cl.Paillat, sđd, t.2, tr.71; Jules Roy, sđd, tr.24; H.Azeau, sđd, tr.305 – 308; B.Fall, sđd. tr. 319; báo Le Monde, 15 – 22-7-1954; báo cáo của bộ tham mưu Pháp với M.France ngày 14-6-1954, v.v.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:30:21 am
     
ĐÂU LÀ ĐÁP SỐ CỦA BÀI TOÁN ĐÃ GIẢI

        Cho đến nay, qua các trang sách báo của nhiều sử gia ký giả, tướng lĩnh và chính khách Pháp, vẫn tồn tại một vấn đề chưa được giải đáp một cách thoả đáng chính xác. Đó là nguyên nhân thất bại của đế quốc Pháp trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Họ không giải thích nổi vì sao một đội quân xâm lược nhà nghề, trang bị tối tân như vậy mà trải qua chín năm không giữ nổi lá cờ ba sắc trên bán đảo Đông Dương, “bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa thuộc địa Pháp”; vì sao cuộc chiến tranh Đông Dương đã dẫn đế quốc Phấp đến chỗ “mất hết”, từ quyền lợi, uy tín đến danh dự...?

        Người này cho rằng Pháp thua vì thiếu binh lực, nhất là con chủ bài không quân không đủ để đè bẹp đối phương (từ bài học nhớ đời của họ, liệu những người ở Nhà trắng và Lầu năm góc có đồng tình với lập luận này?). Người khác cho rằng Pháp thua vì Chính phủ không quan tâm đến quân đội viễn chinh, từ việc gửi tăng viện đến việc động viên tinh thần binh lính và chăm sóc hậu phương của họ. Người ta oán trách Chính phủ Pháp đã “mang con bỏ chợ”. Người thứ ba lập luận kỳ cục hơn, cho rằng Pháp thua vì quân viễn chinh không hợp khí hậu, thời tiết, không quen địa hình đồng lầy và rừng núi, không chịu được sốt rét rừng, không quen với đỉa, vắt, muỗi...

        Bằng lối nhìn phiến diện, chỉ thấy ngọn không thấy gốc lại do quan điểm chính trị hạn chế, không một người nào dám vạch trần tính chất phi nghĩa, lỗi thời, mất lòng dân của cuộc chiến tranh bẩn thỉu của Pháp ở Đông Dương, không ai dám nhìn thẳng vào sự bế tắc trong chỉ đạo chiến tranh của giới cầm quyền và các tướng lĩnh của họ. Cũng không người nào phân tích được một cách khách quan đất nước và con người Việt Nam, những người còn rất hạn chế về kinh tế, kỹ thuật, nhưng lại rất tiên tiến về nhãn quan chính trị và rất giàu lòng yêu nước, những người đã dám đánh và đã biết đánh thắng đội quân xâm lược nhà nghề của Pháp trong suốt chín năm kiên trì chiến đấu kể từ 5 năm đầu (1945-1950) chiến đấu trong vòng vây.

        Ngày tháng cứ trôi qua và những bài học về nguyên nhân thất bại có tính quy luật của cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp vẫn không được các chính khách và sử gia Pháp và phương Tây đề cập một cách đúng đắn. Được cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ khẳng định trong điều kiện lịch sử mới, những bài học thất bại đó đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.

        Đường lối chính trị lỗi thời chiến tranh xâm lược phi nghĩa

        Tháng 9 năm 1969, trong cuộc viếng thăm Campuchia, cựu Tổng thống Pháp Đờ Gôn đã đọc diễn văn ở Phnôm Pênh, xác nhận đường lối sai lầm của Chính phủ Pháp hơn hai mươi năm về trước là đã đưa quân sang xâm lược Đông Dương. Ông ta còn lựa lời khuyên đế quốc Mỹ hãy nhìn vào thực tế Việt Nam mà tránh lao sâu hơn nữa vào vết xe đổ của Pháp.

        Một năm sau, trong cuốn hồi ký của mình, Xanhtơny đã nhắc lại một đoạn trong bức thư đề ngày 24 tháng 2 năm 1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đại diện Chính phủ Pháp nói rằng: “Chỉ cần nước Pháp công nhận nền độc lập và thống nhất của Việt Nam thì lập tức chiến tranh sẽ chấm dứt, hòa bình và lòng tin cậy sẽ được khôi phục và chúng ta sẽ bắt tay vào lao động xây dựng lại, vì lợi ích chung của hai nước chúng ta”1. Đưa ra lời trích dẫn trên đây, Xanhtơny đã than phiền rằng hồi đó (1947), Chính phủ Pháp đã không biết đáp ứng những yêu câu cơ bản của nhân dân Việt Nam. Điều đáng tiếc là Đờ Gôn, Xanhtơny cũng như nhiều chính khách Pháp khác chỉ nói lên những lời lẽ khôn ngoan như vậy sau khi các chính phủ kế tiếp nhau ở Pari đã ngoan cố theo đuổi trong suốt chín năm một đường lối chính trị lỗi thời. Những người tự nhận là đại diện cho nền Đệ tứ cộng hòa Pháp mưu toan dùng vũ lực để áp đặt lại trật tự cũ trên bán đảo Đông Dương, “một thuộc địa đã mất”. Nuôi ảo vọng “trở lại năm 1939 vàng son”, họ chà đạp lên nguyện vọng chính đáng của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có chủ quyền. Không nhận thức được đầy đủ và đúng đắn những thay đổi sâu sắc trên trường quốc tế sau chiến tranh và trên đất nước Việt Nam sau những ngày tháng Tám lịch sử, họ đã hành động ngược lại trào lưu tiến hoá của loài người, trái với lý tưởng Tự do, Bình đẳng, Bác ái của cuộc Đại cách mạng Pháp.

---------------------
        1. Trích dẫn của Jean Sainteny trong cuốn Au Vietnam, face à Hồ Chí Minh (ở Việt Nam, đối mặt với Cụ Hồ Chí Minh), Nxb Seghers, Pari, 1970, tr. 119.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:31:52 am

        Vừa thoát khỏi ách chiếm đóng của quân đội phát xít Đức, nhân dân Pháp hiểu sâu sắc thế nào là nỗi nhục của người dân mất quyền tự do. Trước cảnh đất nước điêu tàn, xơ xác sau chiến tranh, đông đảo nhân dân Pháp càng tha thiết với hòa bình, mong được đem hết sức lực ra xây dựng lại cuộc sống mới, xây dựng tình hữu nghị với các dân tộc khác, kể cả những nước vốn là “thuộc địa”, sẵn có nhiều quan hệ kinh tế, văn hoá với nước Pháp. Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã đi ngược lại nguyện vọng chính đáng trên đây của nhân dân Pháp, những người hiểu rằng đất nước họ sẽ bị đẩy đến nguy cơ sa sút, suy yếu thêm về nhiều mặt, rằng đời sống vật chất và tinh thần của họ sẽ bị đe dọa. Cuộc chiến tranh xâm lược càng đi vào “ngõ cụt”, thì họ lại càng đặt ra những câu hỏi: Dòng máu khảng khái của hàng vạn, hàng vạn con người tràn đầy trên những chiến trường đã phục vụ cho ai và cho cái gì? Những nguồn tài lực không sao tính nổi bị ném vào cái vực thẳm của cuộc tàn sát địa ngục đó đã phục vụ cho ai và chó cái gì? Chắc chắn là không phải cho nước Pháp!

        “Chỉ có bọn trùm tài chính hung bạo, bọn sản xuất vũ khí tham tàn, bọn bán thịt người vô liêm sỉ là có lợi do tích luỹ được những tài sản khổng lồ” (báo Nước Pháp mới của Đảng Cộng sản Pháp, 8-5-1954).

        Chính vì vậy mà ngay từ đầu, giới cầm quyền Pháp đã vấp phải sức chống đối mạnh mẽ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Động Cộng sản Pháp, hướng theo khẩu hiệu Giảng hòa ngay với Việt Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp chống lại cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương đã gắn với phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

        Đế quốc Pháp càng lao sâu vào chiến tranh, người và của bị vét từ “chính quốc đưa sang Đông Dương càng nhiều, đời sống nhân dân lao động Pháp càng bị uy hiếp thì phong trào phản chiến của các tầng lớp nhân dân càng tăng, giới cầm quyền Pháp càng bị cô lập. “Cuộc chiến tranh chính trị” mà nhân dân Pháp phát động ở ngay trên đất nước họ làm cho hậu phương của quân đội viễn chinh không ổn định, các cuộc khủng hoảng chính trị liên tiếp xảy ra và khả năng tăng viện về người và của sang Đông Dương càng hạn chế. “Cuộc chiến tranh” đó đã có tác dụng phối hợp với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Trong những nam cuối của cuộc chiến tranh, thất bại của quân đội Pháp càng nặng nề, càng thúc đẩy phong trào phản chiến của nhân dân Pháp phát triển mạnh mẽ. Ngược lại phong trào phản chiến ở Pháp và các thuộc địa Pháp càng cao thì càng tác động đến tinh thần chiến đấu của quân đội viễn chinh. Tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược - một trong những nguyên nhân làm cho tinh thần quân xâm lược Pháp và tay sai bạc nhược - ngày càng tạo thêm nhân tố thất bại cho quân đội đó trên chiến trường.

        Trên trường quốc tế, nếu ba dòng thác cách mạng hình thành và dâng cao đã nâng bước cho dân tộc Việt Nam, nếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta ngày càng được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của cả loài người tiến bộ thì cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp càng làm cho giới cầm quyền ở Pari bị cô lập.

        Nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc sớm tìm thấy ở cuộc kháng chiến của ta một tấm gương sáng về sự nghiệp giải phóng dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước Bắc Phi, nhân dân Mađagaxca,... đã góp phần làm cho Khối Liên hiệp Pháp rệu rã, buộc đế quốc Pháp phải phân tán lực lượng đối phó và đã có tác dụng phối hợp với cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

        Nhân dân và Chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân, nhiều nước mới được giải phóng ở châu Á (như Ấn Độ, Miến Điện, Mã Lai, Inđônêxia...) ngay từ đầu đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp. Trên thực tế, một mặt trận ủng hộ Việt Nam kháng chiến đã xuất hiện ngay trong những năm đầu, khi đất nước ta còn bị bao vây bốn phía. Trong khi đó thì, về phía Pháp, cuộc chiến tranh xâm lược càng phát triển càng chứng minh lời tiên đoán của Đảng ta là đúng đắn: “Dư luận chân chính trên thế giới chống hành động xâm lược của thực dân Pháp, sẽ làm cho Pháp dần dần bị cô lập trên trường quốc tế...”1.

---------------------
        1. Trường Chinh, Kháng chiến nhất định thắng lợi, tác phẩm chọn lọc. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, t. 2, tr. 84.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:32:48 am

        Giới cầm quyền Pháp cũng đã nhận thấy đất nước họ đang bị đẩy vào tình thế không có lối thoát. Chỉ vài tháng sau khi mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương, ngày 27 tháng 4 năm 1947, Thủ tướng Rumađiê đã phải thú nhận rằng: nước Pháp chẳng khác nào một người sắp chết đuối mà đầu còn thò trên mặt nước. Để cố gắng cứu cho nước Pháp “khỏi bị chìm nghỉm”, giới cầm quyền Pháp đã ngoan cố chọn con đường tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược. Kết quả là đường lối chính trị phản động mà hai mươi chính phủ ở Pari thay nhau theo đuổi trong suốt chín năm đã nhận chìm “uy danh hão và sức mạnh ban đầu” của đế quốc Pháp xuống tận bùn đen.

        Trong thời đại ngày nay, tính chất phi nghĩa lỗi thời tự nó đã là một nhân tố phổ biến để dẫn các cuộc chiến tranh xâm lược đến thất bại. Sự thất bại đó càng trở nên không thể tránh khỏi khi cuộc chiến tranh xâm lược diễn ra trên đất nước Việt Nam và vấp phải tinh thần quyết chiến quyết thắng của một dân tộc vốn có truyền thống anh hùng bất khuất như dân tộc Việt Nam.

        Không biết mình biết người, đánh giá thấp đối phương

        Mãi đến năm 1977, tức là 23 năm sau “sự kiện Điện Biên Phủ” và hai năm sau khi quân và dân ta toàn thắng ở miền Nam, cuộc tranh luận về con người Việt Nam vẫn tiếp diễn ở Pháp. Trên sách báo ở Pari chưa phải đã hết những quan điểm lỗi thời xuất phát từ những đầu óc thực dân đặc sệt như loại Phriăng (Brigitte Friang), một phần tử gôlít cực đoan. Đáp lại tiếng nói lạc lõng của nữ văn sĩ này khi mụ ta đưa ra những nhận xét hằn học về dân tộc Việt Nam, nhiều nhân vật có tên tuổi ở Pari đã lên tiếng trong đó có Míttơrăng (François Mitterand), lãnh tụ đảng Xã hội Pháp. Ông này viết: “Ta hãy khoan nói những lời quá khích. Người ta không thể nói về Việt Nam như nói về bất cứ ai. Người dân Việt Nam đã đề cao danh dự của thời đại chúng ta. Nếu có ai hỏi, tôi thì sẽ trả lời rằng nhân dân Việt Nam là vĩ đại nhất...”1.

        Vào những năm 1945 - 1946 và trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, giới cầm quyền Pháp tỏ ra không hiểu mình, hiểu người. Họ đã chọn lầm đối tượng chiến tranh và đã liên tiếp đánh giá quá thấp nhân dân Việt Nam, những người mà trước đây họ thường quen gọi một cách khinh miệt là “giống An Nam bẩn thỉu” (sale race annamite).

        Trước hết họ không hiểu ngay chính họ.

        Đế quốc Pháp già cỗi và thua trận năm 1940 còn đâu là nước Pháp thắng trận năm 1918, càng không còn là một đế quốc đang tuổi thanh xuân khi vua Lui Philip (Louis Philippe) phái tên Giơnuii (Rigault de Genouilly) nào đó đem hạm thuyền nhả những viên trái phá đầu tiên vào cửa biển Đà Nẵng một trăm năm trước (15-4-1847).

        Sau bốn năm bị phát xít Đức chiếm đóng, về đối nội, nước Pháp đứng trước quá nhiều khó khăn về chính trị, kinh tế và quân sự; về đối ngoại, nước Pháp thua trận đã rơi xuống địa vị thứ yếu trên trường quốc tế. Để gượng dậy được và tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương, đế quốc Pháp buộc phải chui vào chiếc ô của Mỹ để rồi từng bước bị phụ thuộc vào tên đế quốc đầu sỏ này trên nhiều mặt.

        Trong đánh giá lực lượng so sánh với Việt Nam, đế quốc Pháp chỉ thấy quân đội của họ chính quy hơn, trang bị tối tân hơn, trình độ thiện chiến hơn so với đội quân cách mạng nhỏ bé mới hình thành. Họ chỉ nhìn vào khả năng sản xuất hàng triệu tấn thép trong khi đối phương không sản xuất nổi một tấn; họ có trong tay khoảng 400 tỷ phrăng (1945) trong khi đối phương chỉ có chừng một triệu đồng bạc Đông Dương đang mất giá. Họ chỉ thấy đằng sau họ là cả một thế lực đế quốc đứng đầu là Mỹ đang sẵn sàng tiếp tay cho quân viễn chinh Pháp trong khi đó thì cách mạng Việt Nam trứng nước đang ở vào thế bị bao vây bốn phía. Họ chỉ nghĩ rằng kinh nghiệm xâm lược và thống trị sẵn có sẽ giúp họ dễ dàng đạt tới mục tiêu chính trị của cuộc chiến tranh cách xa biên giới nước Pháp hàng vạn kilômét mà không hề nghĩ rằng cuộc chiến tranh đó sẽ làm cho cơ thể đã suy nhược toàn diện của nước Pháp sụp đổ như thế nào.

---------------------
        1. Tuần báo Đoàn kết (Unité), số ra ngày 21-1-1977.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:34:40 am

        Về phía đối phương, thực tế chưa giúp cho đế quốc Pháp sự hiểu biết đúng đắn và cần thiết về đất nước và con người Việt Nam, “đất nước của những con người đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép”.

        “Ngày nay ai là người có lương tri đều phải công nhận nhân dân ta hết sức yêu chuộng hoà bình. Chính phủ ta ôn hòa đến cực điểm”1. Như nhà văn Ý A. Pátđi (Pazzi) đã viết: Việt Nam là một dân tộc “mềm mỏng mà không nhượng bộ, hiền hậu mà không nhu nhược, uyển chuyển để nuôi dưỡng sự tồn tại của mình... Đó là một dân tộc không xem mọi sự chém giết là một vinh quang. Cho đến khi đã chiến thắng oai hùng, họ vẫn hiền lành như vậy, hòa hảo như vậy... Nhưng giá trị lớn nhất của người Việt Nam là ý chí tự cường bất khuất của họ. Suốt trong quá trình lịch sử, chưa một dân tộc nào chiến đấu gian nan như thế, bền bỉ dẻo dai như thế... Chưa một dân tộc nào có một lịch sử éo le mà vẫn giữ vững được mình như thế... Đức tính bất khuất ấy dung hoà được sự mềm dẻo và sự cứng rắn, làm nên sức sống kỳ lạ của dân tộc Việt Nam...”2.

        Cần nói thêm rằng: ý chí tự cường bất khuất của người Việt Nam là sự kết tinh truyền thống dựng nước và giữ nước để dân tộc mình tồn tại bốn nghìn năm bên cạnh một đế chế phong kiến khổng lồ đầy dục vọng thôn tính, xâm lược. Ngày nay, ý chí đó được kế thừa và phát huy lên đến đỉnh cao, dưới ngọn cờ của một đảng mácxít chân chính được tôi luyện trong lò lửa đấu tranh lâu dài vì lợi ích sống còn của dân tộc, của giai cấp.

        Sau khi giành được chính quyền, dân tộc Việt Nam đã thể hiện tập trung ý chí tự cường bất khuất của mình trong Tuyên ngôn độc lập: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”3.

        Trước họa ngoại xâm, để bảo vệ thành quả cách mạng mới giành được, nhân dân Việt Nam không có con đường nào khác là đoàn kết muôn người như một, phát huy đến cao độ tinh thần làm chủ vận mệnh của đất nước, quyết tâm chiến đấu với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”4.

        Chính vì không đánh giá đúng dân tộc Việt Nam nên đế quốc Pháp đã liên tiếp phạm sai lầm, liên tiếp bị bất ngờ và thất bại trong đường lối chính trị của họ. Ngay từ đầu, họ không hề nghĩ rằng những chiến sĩ Việt Nam đi chân đất, “những người nhà quê nhát như bầy chim sẻ” lại dám dùng súng kíp và gậy tầm vông đối đầu với những REI, những RIC trong đội quân viễn chinh được Pari đánh giá là hùng mạnh. Đối với tướng lĩnh Pháp tinh thần bất khuất của quân và dân ta là một sự bất ngờ có ý nghĩa chiến lược đầu tiên trong cuộc đọ sức giữa cách mạng Việt Nam và đội quân xâm lược dưới quyền chỉ huy của họ. Không phải là ngẫu nhiên mà từ chỗ huênh hoang tuyên bố sẽ bình định miền Nam trong vòng vài tháng, viên tổng chỉ huy đầu tiên của quân đội xâm lược Pháp là Lơcléc đã phải đổi giọng thú nhận rằng: muốn chinh phục được đất nước này phải có 500.000 quân và phải đánh trong nhiều năm (!).

        Giới cầm quyền ở Pari không tin vào sự thật đó. Họ vẫn khẳng định: “Chúng ta là kẻ mạnh hơn”. Sức mạnh đó, theo quan điểm của Đờ Gôn và Chính phủ Pháp là đội quân viễn chinh thiện chiến, công cụ đáng tin cậy để “nhanh chóng đem lá cờ ba sắc trở lại một thuộc địa cũ”.

---------------------
        1. Trường Chinh, Kháng chiến nhất định thắng lợi, sđd, tr. 22.

        2. A.Pazzi, Per comprendere il Vietnam a Vietnamita (Để hiểu nước Việt Nam và người Việt Nam), bản dịch của Hồng Cúc nhan đề Người Việt cao quý, Cảo thơm, Sài Gòn, 1965, tr. 76 - 86.

        3. Hồ Chí Minh, Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970. tr. 162.

        4. Hồ Chí Minh, Lời kêu gọi kháng chiến - Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970, tr. 168.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:36:12 am

        Sự đánh giá thấp quyết tâm và sức mạnh của dân tộc Việt Nam liên tiếp diễn ra trong suốt chín năm chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp. Từ những lời tuyên bố ngạo mạn của Lơcléc khi đưa quân ra miền Bắc (3-1946) đến ý đồ “tiêu diệt quân phiến loạn Việt Minh ở tận sào huyệt của chúng” (10-1947) của Valuy, từ lời tuyên bố “đã tóm được cổ Việt Minh” (11-1951) của Đờlát, đến quyết tâm “nghiền nát chủ lực Việt Minh” ở Điện Biên Phủ (1-1954) của Nava..., là một chuỗi sai lầm liên tục của các Chính phủ Pháp và đại diện của họ ở Đông Dương trong việc đánh giá đối thủ của họ trên chiến trường.

        Thực tế ngày càng chỉ rõ, quân và dân ta không những chỉ dám đánh mà còn biết đánh, đánh bằng sức mạnh của cả dân tộc, của “mỗi làng bản là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ”, đánh bằng sức mạnh của chính mình và sức mạnh của thời đại. Đi đôi với tinh thần quyết chiến quyết thắng là trí thông minh sáng tạo, biết lợi dụng và khoét sâu chỗ yếu của địch, hạn chế chỗ mạnh của chúng, dồn địch vào thế trận dày đặc của chiến tranh nhân dân phát triển ngày càng cao, biết khắc phục mặt yếu đi đôi với bồi bổ mặt mạnh của mình để không ngừng lớn lên, tạo nên một sự chuyển hoá lực lượng ngày càng có lợi để chiến thắng quân thù.

        Chọn lầm đối tượng, đánh giá thấp tinh thần dân tộc và khả năng vô tận của đối phương, đó là sai lầm cơ bản, kéo dài dẫn giới cầm quyền Pháp và các tướng lĩnh của họ lao sâu vào đường hầm không lối thoát.

        Những mâu thuẫn có tính quy luật

        * Tham vọng quá lớn, khả năng có hạn.

        Tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược xa “chính quốc”, trên 12.000 kilômét, đế quốc Pháp đã nuôi một tham vọng quá lớn, trong khi tiềm lực chiến tranh của họ hết sức hạn chế. Riêng về mặt quân sự nước Pháp vừa thua trận chỉ đủ sức gửi sang Đông Dương những đơn vị viễn chinh chắp vá. Tuy so với lực lượng vũ trang kháng chiến thì đội quân đó mạnh hơn về trang bị kỹ thuật và kinh nghiệm chiến đấu, nhưng đó chỉ là chỗ mạnh tương đối, “mạnh trong thế yếu” của một quân đội vừa tan rã mới được chỉnh đốn lại một cách vội vàng, khác hẳn quân đội phát xít được chuẩn bị chu đáo trước khi chúng gây ra cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.

        Đế quốc Pháp đặt nhiều hy vọng vào sự tiếp tay của Anh và Mỹ nhưng thực tế ngày càng chứng minh rằng sự viện trợ về vật chất của đồng bọn không thể khôi phục cơ thể đã suy yếu toàn diện của đế quốc Pháp.

        Chừng 600.000 quân của Khối Liên hiệp Pháp luôn luôn bị giằng xé và ngày càng tỏ ra đuối sức trước mấy nhiệm vụ nặng nề được đặt ra: bảo vệ nước Pháp, “duy trì an ninh” ở các thuộc địa, tham gia khối phòng thủ châu Âu (12 sư đoàn) và tăng viện cho chiến trường Đông Dương. Mặc dù Đông Dương là “một điểm nóng” nhưng do lực lượng hạn chế, chưa bao giờ quân số Âu - Phi trong đội quân viễn chinh của Pháp ở chiến trường này đạt tới 150.000 người tức khoảng 31 phần trăm tổng số binh lực Pháp và ngụy Đông Dương. Do khu vực quyền lợi khác nhau và do binh lực hạn chế cho nên giữa các tập đoàn tư bản Pháp thường xuyên nổ ra những cuộc tranh cãi về hướng tập trung nỗ lực quân sự.

        Dù được “ưu tiên” đến mấy, dù được đặt lên hàng đầu của chương trình nghị sự, chiến trường Đông Dương cũng không thể thu hút lực lượng tới mức tổn thương đến các mục tiêu chính trị và kinh tế của Pháp ở châu Âu và trên các thuộc địa còn lại ở châu Phi.

        Trong khi đó thì trên đất Pháp, cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lao động đòi cải thiện đời sống và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược đã có tác dụng hạn chế việc vét người vét của tăng viện sang chiến trường Đông Dương.

        Tiềm lực chiến tranh hạn chế của Pháp ngày càng biểu hiện cụ thể ở chỗ viện trợ của Mỹ dốc vào Đông Dương ngày càng nhiều, khả năng gánh vác chi phí chiến tranh của Pháp ngày càng hạn chế, binh lực tăng viện từ Pháp sang ngày càng giảm sút1. Càng về cuối cuộc chiến tranh, quân Pháp và tay sai càng bị kiệt quệ, hao mòn, khả năng của Pháp càng hạn chế và thu hẹp thì tham vọng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương càng trở nên xa vời đối với đế quốc Pháp và các viên tướng viễn chinh của họ.

---------------------
        1. Viện binh từ Pháp sang, lấy đơn vị là tiểu đoàn: 1947: 25; 1949: 20; 1951: 10; 1953: 9; 1954: 4.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:37:06 am

        Đương nhiên, tiềm lực chiến tranh hạn chế tuyệt đối không phải là nguyên nhân chủ yếu, càng không phải là nguyên nhân duy nhất như có chính khách Pháp đã khẳng định. Vì, như mọi người đều biết, cả bộ máy chiến tranh khổng lồ của Mỹ, đến thế chân Pháp sau này vẫn không sao kéo nổi đế quốc Mỹ ra khỏi vũng lầy thất bại, ngược lại đã phải cút khỏi đất nước Việt Nam trong những điều kiện vô cùng cay đắng và nhục nhã.

        * Muốn đánh nhanh, buộc phải đánh kéo dài.

        Đánh nhanh thắng nhanh vừa là quy luật của chiến tranh xâm lược, vừa là ý muốn chủ quan của các tướng lĩnh viễn chinh. Riêng đối với Pháp, đánh nhanh thắng nhanh càng là một yêu cầu cấp bách để giảm bớt những khó khăn về đối nội và đối ngoại mà một cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài có thể gây ra. Nhưng ngay từ đầu, Pháp đã vấp phải mâu thuẫn giữa một bên là yêu cầu đánh nhanh với một bên là chiến lược đánh lâu dài của đối phương. Về phía chủ quan, do binh lực hạn chế, quân đội viễn chinh Pháp chỉ được bổ sung bằng từng đợt viện binh nhỏ giọt, cho nên dù chiến lược của Pháp trước sau vẫn là đánh nhanh thắng nhanh, nhưng trên thực tế chúng vẫn buộc phải đánh chiếm từng bước (annexion lente).

        Mục tiêu đề ra cho chiến lược đánh nhanh thắng nhanh là tiêu diệt chủ lực của kháng chiến và chiếm đóng đất đai. Hai mục tiêu chiến lược đó kết hợp chặt chẽ với nhau và hỗ trợ cho nhau, nhưng mục thứ nhất vẫn là chủ yếu vì chỉ có tiêu diệt được chủ lực của kháng chiến mới bảo đảm cho việc chiếm đóng đất đai, mới tổ chức được bộ máy chính quyền tay sai ở cơ sở, thiết lập được chế độ thống trị nhằm đạt mục đích cuối cùng của cuộc chiến tranh xâm lược.

        Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của Pháp bị phá sản từng bước, đánh dấu bằng thất bại của hai cuộc hành binh lớn trong hai năm đầu: cuộc hành binh “Gô” ở miền Nam đầu năm 1946 và cuộc tiến công lên Việt Bắc cuối năm 1947. Cuộc hành binh “Gô”, theo nhận xét của tướng Mácsăng, đem lại kết quả là “công cuộc bình định vẫn còn nguyên vẹn” vì không tiêu diệt được lực lượng vũ trang kháng chiến ở miền Nam. Gần hai năm sau, cuộc tiến công quy mô lớn lên Việt Bắc cũng bị thất bại vì không những không tiêu diệt được chủ lực của kháng chiến, phạm vi chiếm đóng thêm về đất đai cũng không có ý nghĩa quyết định về chiến lược, mà binh lực của Pháp tham gia chiến dịch còn bị sứt mẻ nghiêm trọng. Lực lượng vũ trang bắt đầu trưởng thành của kháng chiến đã triển khai thế trận theo cách đánh riêng của mình, phù hợp với địa hình và lực lượng so sánh, dùng chiến tranh du kích rộng rãi, kiềm chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của định, tiêu hao địch hàng ngày và cuối cùng buộc chúng phải lui quân.

        Thất bại của cuộc tiến công lên Việt Bắc đánh dấu sự phá sản hoàn toàn của chiến lược đánh nhanh thắng nhanh, chấm dứt thời kỳ Pháp tập trung lực lượng lớn, tiến công ồ ạt hòng tiêu diệt chủ lực của kháng chiến, chiếm đóng các địa bàn chiến lược quan trọng để nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Thất bại đó cũng mở đầu thời kỳ quân Pháp bị động theo đuổi cuộc chiến tranh kéo dài, ngoài ý muốn chủ quan của chúng. Từ đó, không những quân Pháp phải đối phó với bộ đội chủ lực còn nguyên vẹn và không ngừng lớn mạnh của ta mà chúng còn phải đương đầu với chiến tranh du kích đang trên đà phát triển. Cũng từ đó, địch lâm vào thế chiến lược ngày càng bất lợi, với những mâu thuẫn ngày càng sâu sắc trên chiến trường, trước hết là mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán trong thế bố trí binh lực.

        * Tập trung và phân tán, quân đông mà hoá ít, mạnh mà hoá yếu.

        Để áp đặt ách thống trị trên đất nước Việt Nam, dù lúc đầu binh lực chưa nhiều, Pháp vẫn phải tập trung quân để tiến công, chiếm đất rồi rải quân ra giữ đất và lập bộ máy thống trị. Như vậy là ngay từ đầu mục tiêu chiến lược đã quyết định trạng thái từ tập trung đến phân tán binh lực.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:37:45 am

        Tuy nhiên, trong vài năm đầu, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực của Pháp chưa bộc lộ sâu sắc, một phần vì khả năng tăng viện từ Pháp sang còn nhiều, phạm vi chiếm đóng của quân Pháp chưa mở rộng, nhưng chủ yếu là do chiến tranh du kích của ta chưa phát triển tới mức buộc chúng phải căng nhiều lực lượng ra để đối phó rộng khắp. Nhưng từ sau chiến dịch Việt Bắc, tình hình đã thay đổi ngày càng rõ rệt. Kết quả việc phát động chiến tranh du kích rộng khắp nhằm thực hiện chủ trương “biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta” đã buộc Pháp phải rải quân ra, lập hàng ngàn đồn bốt để “duy trì an ninh” trong vùng chúng kiểm soát, trong khi đó thì một bộ phận quan trọng lực lượng của chúng bị thu hút ra mặt trận phía trước để đối phó với các “chiến dịch” nhỏ của bộ đội chủ lực ta. Lực lượng dần dần bị căng mỏng không cho phép Pháp có thể tập trung binh lực để tiếp tục mở các chiến dịch tiến công có ý nghĩa chiến lược hòng “tiêu diệt chủ lực đối phương” như trước. Trong cả năm 1948, hai phần ba các cuộc hành binh trên 1.000 quân của Pháp đều diễn ra trong vùng chúng kiểm soát.

        Mâu thuẫn giữa phân tán binh lực (để giữ đất) và tập trung binh lực (để mở các chiến dịch tiến công lớn) đã trở nên sâu sắc và làm nảy sinh ra mâu thuẫn khác: mâu thuẫn giữa tiến công và phòng ngự về mặt chiến lược. Thực tế cục diện chiến trường chứng tỏ: từ năm 1948, do binh lực bị phân tán, lực lượng cơ động chiến lược quá ít và nhất là do ba thứ quân của ta đã trưởng thành và hoạt động có hiệu quả, Pháp đã buộc phải chuyển dần vào thế phòng ngự chiến lược. Bằng “chiến thuật vết dầu loang”, dùng lực lượng nhỏ, lấn chiếm từng bước, củng cố từng bước, Pháp cố mở rộng phạm vi kiểm soát và hoàn thiện thế chiếm đóng của chúng. Nhưng đến mùa thu năm 1950, khi phạm vi chiếm đóng mở rộng nhất cũng là lúc lực lượng của Pháp bị căng mỏng nhất, lực lượng cơ động chiến lược bị hạn chế ở mức thấp nhất, mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực, giữa tiến công và phòng ngự chiến lược đã lên tới mức sâu sắc nhất.

        Lực lượng bị phân tán quá mỏng làm cho Pháp không đủ sức đối phó với hoạt động ngày càng mạnh của ba thứ quân đã trưởng thành của ta, nhất là từ cuối năm 1950. Do đó chúng buộc phải thu hẹp dần phạm vi chiếm đóng để các vị trí cô lập đột xuất khỏi bị tiêu diệt và để tập trung được lực lượng tổ chức thành các đội ứng chiến ngày càng lớn từ tiểu đoàn, binh đoàn (GM) đến sư đoàn cơ động (DM) hòng đối phó với các chiến dịch tiến công quy mô ngày càng lớn của chủ lực ta. Thế là từ phân tán binh lực để giữ đất, Pháp lại bị động tập trung binh lực, dù phải mất đất (tức là đi ngược lại yêu cầu chiếm đất của cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa). Mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực lại làm nảy sinh ra mâu thuẫn khác: muốn giữ đất nhưng cuối cùng buộc phải bỏ đất.

        Nhưng thực tế chiến trường ngày càng chứng tỏ Pháp không phát huy được tác dụng của các binh đoàn dự bị chiến lược mà chúng ra sức xây dựng với quy mô ngày càng lớn. Thế trận rộng khắp và hiểm hóc của chiến tranh du kích phát triển ngày càng cao buộc Pháp phải phân tán binh lực để càn quét, bình định, hòng cứu vãn cho vùng tạm chiếm tránh nguy cơ bị “ruỗng nát” nghiêm trọng. Trong khi đó, một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động thường xuyên bị xé lẻ và ném đi ứng cứu trên các hướng tiến công chiến lược của bộ đội chủ lực ta. Vì vậy, tuy hình thức tổ chức là binh đoàn, sư đoàn cơ động nhưng lực lượng dự bị chiến lược của Pháp đã buộc phải hoạt động phân tán, phổ biến là cỡ tiểu đoàn. Vai trò dự bị chiến lược của các binh đoàn cơ động chiến lược thực tế không phát huy được trên chiến trường. Nói một cách khác, chúng bị “buộc phải phân tán đến mức không còn là cơ động nữa”.

        Càng về cuối cuộc chiến tranh, mâu thuẫn trong bố trí và điều động binh lực đã dồn các tướng lĩnh Pháp vào thế lúng túng như gà mắc tóc. Quân Pháp muốn giữ “vùng đồng bằng có ích” đông người nhiều của thì phải bỏ nhiều địa bàn có ý nghĩa chiến lược trên chiến trường rừng núi; muốn đối phó với ta trên chiến trường chính (Bắc Bộ) thì phải rút bớt quân và tạo nên thế sơ hở trên các chiến trường khác; muốn đối phó với các chiến dịch tiến công của bộ đội chủ lực ta ở mặt trận phía trước thì phải điều lực lượng ở vùng tạm chiếm ra, nhưng khi chiến tranh du kích của ta làm cho phía sau bị “ruỗng nát”, thì chúng lại phải đưa lực lượng từ phía trước về đối phó…

        Chiến tranh du kích phát triển rộng rãi và phối hợp chặt chẽ với chiến tranh chính quy đã tạo nên “trận đồ bát quái” trên phạm vi cả nước, làm cho binh lực quân viễn chinh Pháp thường xuyên bị giằng xé, khiến quân của chúng đông mà hoá ít, trang bị mạnh mà hoá yếu, thế trận luôn luôn bị sơ hở, việc tổ chức và điều động lực lượng thường xuyên bị động. Mặc dù ra sức phát triển quân ngụy, ra sức xin thêm viện trợ của Mỹ, các tướng lĩnh Pháp vẫn không sao thoát khỏi các mâu thuẫn có tính quy luật trên đây trong suốt quá trình điều hành cuộc chiến tranh xâm lược.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:38:28 am

        * “Chiến hữu” da vàng, “đồng minh” da trắng.

        Chiến tranh càng phát triển, nước Pháp càng kiệt sức, không đáp ứng nổi nhu cầu về người và của cho chiến trường Đông Dương. Để tiếp tục chiến tranh trong điều kiện viện binh ngày càng hạn chế, chiến phí ngày càng nhiều, các tướng lĩnh Pháp không thể không đi sâu vào chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”, đồng thời xin thêm viện trợ về tiền và vũ khí của đế quốc Mỹ.

        Các cuộc càn quét diễn ra ngày càng ác liệt trong vùng Pháp tạm chiếm nhằm đánh vào cơ sở kháng chiến, khủng bố tinh thần nhân dân hòng tạo điều kiện ổn định để chúng vét người vét của tại chỗ dốc vào chiến tranh. Bằng mọi thủ đoạn thâm độc, từ lừa mị đến khủng bố điên cuồng, vây ráp trắng trợn, Pháp ra sức bắt thanh niên, phát triển quân ngụy để bù vào quân số ngày càng thiếu hụt. Do chiến thắng của ta ngày càng lớn, công tác vận động ngụy binh ngày càng có kết quả, cho nên dù quân ngụy phát triển khá nhanh1nhưng số lượng càng tăng thì chất lượng chiến đấu của chúng càng giảm. Các tướng lĩnh Pháp đã sớm phát hiện mâu thuẫn đó nhưng họ vẫn buộc phải tiếp tục phát triển quân ngụy, coi đó là giải pháp duy nhất để bịt lỗ hổng về quân số. Họ hy vọng rằng đôla và súng Mỹ sẽ là liều thuốc mầu nhiệm không những vực được tinh thần đội quân tay sai khỏi suy sụp mà còn kéo được quân viễn chinh Pháp ra khỏi bế tắc trong điều kiện nước Pháp ngày càng kiệt quệ về kinh tế tài chính, phân hoá về chính trị. Công thức máu Pháp - ngụy + tiền và súng Mỹ nổi lên từ đầu năm 1950.

        Cũng từ đó quá trình viện trợ về quân sự là quá trình Mỹ xâm nhập ngày càng sâu về nhiều mặt nhằm chuẩn bị điều kiện tiến tới hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương, biến bán đảo này thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Hoạt động của Mỹ ở Đông Dương càng ăn sâu lan rộng thì mâu thuẫn Pháp - Mỹ càng sâu sắc. Cuối cùng kẻ phải nhượng bộ từng bước vẫn là Pháp (viện trợ Mỹ dốc vào Đông Dương cùng với nhịp độ nhân nhượng của Pháp). Và viện trợ càng tăng2, thất bại của Pháp trên chiến trường càng nặng nề thì phái đoàn Mỹ MAAG càng có cớ đi sâu vào nắm tình hình quân sự, dẫn đến việc tướng Mỹ Ô Đanien trực tiếp tham gia chỉ đạo tác chiến.

        Đế quốc Pháp “cố đấm ăn xôi” hy vọng rằng công thức máu Pháp - ngụy + tiền, súng Mỹ sẽ giúp đảo lộn thế cờ. Nhưng thực tế đã chỉ rõ: thời kỳ “cai sữa” của quân đội tay sai kéo quá dài. Còn viện trợ Mỹ thì như báo chí Pháp và phương Tây đã nhận xét, chỉ là viên thuốc hạ nhiệt tạm thời đối với đội quân Pháp - ngụy đang trong thời kỳ tái phát của bệnh sốt rét kinh niên.

        Ngay sau khi Pháp bị thất bại ở Điện Biên Phủ, tiếp đến hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, Mỹ lập tức chuyển hướng từ chỗ viện trợ cho Pháp sang viện trợ trực tiếp cho quân đội ngụy (khi đó đã thay thầy đổi chủ) để chuẩn bị thực hiện mưu đồ thực dân mới ở miền Nam nước ta. Cùng một lúc các “chiến hữu da vàng” đã theo gót ông bạn “đồng minh da trắng” vĩnh viễn chia tay với đội quân viễn chinh Pháp.

        Quan hệ giữa Mỹ và Pháp (cũng như giữa Mỹ và các “đồng minh” khác) chứng tỏ: Nhà trắng và Lầu năm góc tung tiền, tung súng ra không nhằm mục đích nào khác là dung nạp các thế lực phản động quốc tế phục vụ chiến lược toàn cầu của Mỹ. Chúng lợi dụng nhau hòng theo đuổi những mưu đồ chính trị xấu xa để rồi cuối cùng sẽ kéo nhau xuống vực thẳm của thất bại.

---------------------
        1. Tỷ lệ quân ngụy trong tổng số quân địch ở Đông Dương: 1945: 15%; 1950: 51%; 1954: 72%.

        2. Mấy ví dụ: máy bay, 1950: 78, 1954: 173; vũ khí, 1950: 5.000 tấn/tháng, 1954: 80.000 tấn/tháng (6-54); tiền 1950: 52 tỷ phrăng (19% chiến phí Đông Dương), 1954: 555 tỷ phrăng (73% chiến phí của Pháp ở Đông Dương). Theo Chaffard (trong cuốn Les deux guerres du Viet Nam, Hai cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở Việt Nam, tr. 184) là 78,25%.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:39:30 am

*

*       *

        Với hàng tỷ đô la đổ vào Đông Dương, hàng chục vạn thanh niên Pháp bỏ xác trên chiến trưởng, nước Pháp đã “mất hết” sau chín năm chiến tranh xâm lược. Đưa vai ra gánh chịu 78 phần trăm chiến phí, đế quốc Mỹ cũng không sao giúp Pháp xoay chuyển được thế cờ.

        Pháp đi, Mỹ đến. Một điều mà dư luận chê trách là “Mỹ rất ít học tập sai lầm của người Pháp”, cho nên đã lê bánh xe chiến tranh trên con đường sa lầy của Pháp để rồi cũng buộc phải “ra đi một cách đặc biệt kém vinh quang” (AFP, 23-8-1978).

        Mãi hai năm sau khi nhân dân Việt Nam đã toàn thắng, Venxơ (Cyrus Vance)1mới rút ra được bốn bài học lớn, trong đó có vấn đề “Mỹ đã không hiểu được những giới hạn của lực lượng quân sự chống lại một cuộc chiến tranh du kích” (UPI, 11-1-1977). Nếu từ thực tế cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp ở Việt Nam, báo Nhân đạo, cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp, số ra ngày 8-5-1954, đã khẳng định rằng: “Không một sức mạnh nào và không một ai có thể bắt cả một dân tộc đã vùng lên phải quỳ gối trở lại”, thì cũng từ thực tế cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, tướng Mỹ Mắc Áctơ đã rút ra kết luận: “Kẻ nào tham gia một cuộc chiến tranh trên bộ ở Đông Dương, kẻ ấy cần phải xét lại bộ óc của mình...”2.

        Kết quả thất bại của Pháp và Mỹ cũng là kết quả của cả một quá trình “đầy rẫy những sự đánh giá sai lầm và những cơ hội bị bỏ lỡ” “trong quan hệ với Việt Nam, cũng là quá trình cả Pháp và Mỹ” “tìm đủ mọi cách để lảng tránh bàn tay hữu nghị do Việt Nam chìa ra một cách rộng lượng”. Các cuộc phiêu lưu quân sự của Pháp rồi của Mỹ lần lượt diễn ra trên mảnh đất Việt Nam và đã phát triển từng bước theo những quy luật mà những người đứng đầu điện Êlydê và Nhà trắng không thể cưỡng lại nổi. Họ đã phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, nguy hiểm hơn; đã phải chấp nhận hết thất bại này đến thất bại khác, nặng nề hơn. Và khi cuộc phiêu lưu quân sự đã trở nên nghiêm trọng nhất thì thất bại cuối cùng của họ cũng thảm bại nhất, không gì có thể cứu vãn nổi.

        Lịch sử đất nước Việt Nam bốn nghìn năm đã nhiều lần chứng minh tinh thần yêu nước nồng nàn và tài thao lược của dân tộc Việt Nam. “Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”3.

        Ba chục năm qua, với mưu đồ lấy súng đè người, hết Pháp rồi đến Mỹ đều cam chịu số phận “các thế lực phong kiến và đế quốc, từ nhiều phía đến, đã thay nhau nếm mùi thất bại và đã để lại trên mảnh đất này sức mạnh ban đầu cũng như uy danh hão của chúng...”4.

        Đi ngược lại trào lưu tiến hoá của nhân loại, nhất định chúng sẽ bị bánh xe lịch sử nghiền nát!

---------------------
        1. Nguyên thứ trưởng quốc phòng thời Giônxơn.

        2. Trích dẫn của James Fox, Tạp chí Thời báo chủ nhật (Anh), tháng 11-1972.

        3. Hồ Chí Minh, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2-1951, Về vấn đề quân sự, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 185.

        4. Xã luận báo Nhân dân, 19-8-1978.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:43:09 am

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

TIẾNG VIỆT

Văn kiện quân sự của Đảng (tập 2 và 3), Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976 - 1977..

Hồ Chí Minh
 
        - Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Sự thật, Hà Nội, 1956. Về vấn đề quân sự, Sự thật. Hà Nội, 1975.

        - Về đấu tranh vũ trang và lực lượng vũ trang nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970.
       
Trường Chinh

        - Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam (Tác phẩm chọn lọc, tập 2), Sự thật, Hà Nội, 1975.

Võ Nguyên Giáp

        - Chiến tranh nhân dân và quân đội nhân dân, Sự thật, Hà Nội, 1959.

        - Điện Biên Phủ (xuất bản lần thứ tư), Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970.

        - Những năm tháng không thể nào quên, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974.

        - Bài giảng về đường lối quân sự của Đảng, Viện khoa học quân sự, Hà Nội, 1974.

        - Chiến tranh giải phóng và chiến tranh giữ nước (tập 1 và 2), Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974 - 1975.

Trần Huy Liệu (chủ biên)

        - Xã hội Việt Nam dưới thời Pháp – Nhật. (quyển. I), Văn Sử Địa, Hà Nội, 1957.

Vương Thừa Vũ

        - Hà Nội, 60 ngày khói lửa, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964.

Tầm Vu

        - Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Sự thật, Hà Nội, 1960.

Đỗ Thiện - Đinh Kim Khánh.

        - Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974.

Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng

        - Bốn mươi lăm năm hoạt động của Đảng Lao động Việt Nam, Sự thật, Hà Nội, 1976.

Ban Nghiên cứu lịch sử Quân đội

        - Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974.

Thông tấn xã Việt Nam

        - Tin tham khảo và tài liệu tham khảo đặc biệt (1973 - 1978).

        - Cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân Việt Nam (tập 1, 2, 3, 4). Sự thật, Hà Nội, 1959 và 1960.

Bộ tổng tham mưu ngụy Sài Gòn

        - Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (Quân sử III), Bộ tổng tham mưu, Sài Gòn 1971.

        - Quân lực Việt Nam cộng hòa trong giai đoạn hình thành (Quân sử IV), Bộ tổng tham mưu, Sài Gòn, 1972.

Tập san Quân Huấn, 1971 - 1972.

Tập san Quốc Phòng, tháng 8 và 12 - 1972.


Tiêu đề: Re: Lịch sử một cuộc chiến tranh bẩn thỉu
Gửi bởi: Giangtvx trong 09 Tháng Mười Một, 2016, 12:44:10 am

TIẾNG NƯỚC NGOÀI

        H.Azeau

        Hồ Chí Minh, dịp may cuối cùng (Hô Chi Minh, dernière chance) Flammarion, Paris, 1968.

        L.Bodard

        Cuộc chiến tranh Đông Dương (La guerre d’Indochine), tập 1, 2, 3, 4, 5, Gallimard, Paris, 1963, 1965, 1967.

        G. Catroux

        Hai màn của tấn thảm kịch Đông Dương (   actes du drame indochinois), Plon, Paris, 1959.

        G. Chaffard

        Hai cuộc chiến tranh của nước Việt Nam (Les deux guerres du Viêt Nam), Table ronde, Paris 1965.

        J.Chesnaux

        Góp phần vào việc nghiên cứu lịch sử dân tộc Việt Nam (Contribution à l’histoire de la nation viêtnamienne), Ed. Sociales, Paris, 1955.

        P.Darcourt

        Đờlát ở Việt Nam (Delattre au Viêt Nam), Table ronde, Paris, 1965.

        J.Decoux

        Chèo chống ở Đông Dương (A la barre de l’Indochine), Plon, Paris, 1949.

        P.Devillers

        Lịch sử Việt Nam từ năm 1940 đến năm 1952 (Histoire du Việt Nam, le 1940 à 1952), Seuil, Paris, 1952.

        P.Devillers et J.Lacouture

        Việt Nam, từ cuộc chiến tranh của Pháp đến cuộc chiến tranh của Mỹ (Viêt Nam, de la guerre française à la guerre américaine), Seuil, Paris, 1969.

        J.Dinfreville

        Hành binh Đông Dương (l’Opération Indochine), Ed. Intern, Paris, 1953.

        P. Ely

        Đông Dương trong bão tố (l’Indochine dans la tourmente),

        B.Fall

        Đông Dương 1946 - 1962 (Indochine 1946 - 1962), Laffont, Paris, 1962.

        Con đường không vui (Street without joy), Stackpole Books, New York, 1967.

        Một góc địa ngục (Un coin d’enfer), Laffont, Paris, 1968.

        J.Ferrandi

        Các sĩ quan Pháp đối mặt với Việt Minh (Les officiets Français face au Viêt Minh), Fayard, Paris, 1966.

        A. Fontaine

        Lịch sử chiến tranh lạnh (Histoire de la guerre froide), bản dịch của Lê Thanh Hồng Dân, Kỷ nguyên, Sài Gòn, 1970.

        J. Fox

        Ông Giáp, người chiến thắng ở Điện Biên Phủ (bản dịch của TTXVN từ tạp chí Anh The Sunday Times magazine, 5-11 - 12-11-1972), tài liệu tham khảo đặc biệt tháng 2 - 3-1973.

        Ch.de Gaulle

        Hồi ký chiến tranh (Mémoires de guerre), tập 1, 2, 3, Plon, Paris, 1954 - 1956 - 1959.

        Hồi ký hy vọng (Mémoires d’espoir) tập 2, Plon, Paris, 1959.

        P. Grauwin

        Tôi đã là thầy thuốc ở Điện Biên Phủ (J’étais médecin à Điên Biên Phu), France Empire, Paris, 1955.

        M. Gurtov

        Cuộc khủng hoảng Việt Nam thứ nhất (The first Viêt Nam crisis) Columbia University Press, New York, 1967.

        J.Lacouture

        Hồ Chí Minh, Seuil, Paris, 1967.

        J.Laniel

        Thảm kịch Đông Dương (Le drame indochinois), Plon, Paris, 1957.

        J.Marchand

        Thảm kịch Đông Dương (Le drame indochinois), Peyronnet, Paris, 1953.

        A.Merglen

        Cuộc chiến tranh bất ngờ (La guerre de l’inattendu), Arthaud, Paris, 1966

        Mordant

        Phục vụ nước Pháp ở Đông Dương 1941 - 1945 (Au service de la France en Indochine, 1941 - 1945), I.F.O.M. Saigon, 1950.

        P. Mus

        Việt Nam, xã hội học của một cuộc chiến tranh (Viet Nam, sociologie d’une guerre), Plon, Paris, 1952.

        H.Navarre

        Đông Dương hấp hối (Agonie de l’Indochine), Plon, Paris, 1956.

        Cl. Paillat

        Hồ sơ mật Đông Dương (Dossier secret de l’Indochine), Presses de la Cité, Paris, 1964.

        Hai mươi năm xâu xé nước Pháp (Vingt ans qui déchirèrent la France) tập 1 và 2, Laffont, Paris, 1969 và 1972.

        A.Pazzi

        Để hiểu nước Việt Nam và người Việt Nam (Per comprendere il Viêt Nam e Vietnamita) bản dịch của Hồng Cúc, nhan đề Người Việt cao quý, Cảo thơm, Sài Gòn, 1965.

        P.A.Poole

        Nước Mỹ và Đông Dương, (The U.S. and Indochine), The Dryden Press, Ilinois, 1973 (bản dịch của Viện khoa học quân sự).

        P.Rocolle

        Tại sao Điện Biên Phủ? (Pourquoi Điên Biên Phu?), Flammarion, Paris, 1968.

        P.Rouanet

        Măngđét Phrăngxơ cầm quyền (Mendès France au pouvoir), Laffont, Paris, 1965.

        J.Roy

        Trận Điện Biên Phủ (La bataille de Điên Biên Phu), Julliard, Paris, 1963.

        G. Sabattier

        Số phận Đông Dương, 1941 - 1945 (Le destin de l’Indochine, 1941 - 1945), Plon, Paris, 1952.

        R. Salan

        Hồi ký (Mémoires) tập 1 và 2, Presses de la Cité, Paris, 1971. Đông Dương đỏ (Indochine rouge), Presses de la Cité, Paris, 1975.

        J.R.Sainteny

        Câu chuyện một nền hòa bình bị bỏ lỡ (Histoire d’une paix manquée) Fayard, Paris, 1967.

        Ở Việt Nam, đối mặt với Cụ Hồ Chí Minh (Au Viêt Nam - Face à Hô Chi Minh), Seghers, Paris, 1970.

        J. Taylor

        Trung Quốc và Đông Nam Á (Chine and S.E.Asia), Praeger Publishers, New York, 1976.

        J.R.Toumoux

        Những bí mật quốc gia (Secrets d’Etat), Plon, Paris, 1960. Tài liệu của Lầu năm góc (Pentagon, Papers), Bantam Books, New York, 1971 (bản dịch của Viện khoa học quân sự).

        Một số báo, tạp chí nước ngoài:

        L’Humanité, Unité, Le Monde, Le Figaro,.

        L’Information, The Times, Paris Match, L’Express,

        The Sunday Times Magazine. 

HẾT