Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: Giangtvx trong 21 Tháng Tám, 2016, 10:33:01 am



Tiêu đề: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 21 Tháng Tám, 2016, 10:33:01 am

        - Tên sách: Chiến đấu trong vòng vây
                         Trích từ Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký
        - Thể hiện: Hữu Mai
        - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân năm 2006
        - Số hóa: Macbupda

(http://i479.photobucket.com/albums/rr153/Giangtvx/moi/a0%20Chien%20dau%20trong%20vong%20vay_zpsdffzq5iq.jpg)

ĐỂ MỞ ĐẦU

NGUYỄN ÁI QUỐC
VIỆT MINH
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

        Vào những thập niên cuối thế kỉ này, những biến cố lịch sử diễn ra với tốc độ chóng mặt.

        Liên bang Xô-viết, quê hương và thành trì của chủ nghĩa xã hội, tồn tại trên bảy mươi năm, bỗng sụp đổ một sớm một chiều. Chiến tranh lạnh cũng đã kết thúc! Sau sự kiện vùng Vịnh, người ta tuyên bố: một trật tự thế giới mới, một kỉ nguyên  hòa bình bắt đầu. Thì liền đó, những xung đột sắc tộc liên tiếp bùng nổ. Những nhà chính trị hôm trước trở nên sáng giá nhất, thì hôm sau đã thành những “ông vua bị lột trần”. Với đà phát triển vũ bão của cách mạng kĩ thuật, tin học, sinh học, những báo hiệu của một nền văn minh mới: Văn minh trí tuệ, nhiều nhà khoa học tên tuổi cách đây không lâu dự đoán một thiên đàng trên trái đất khi loài người bước sang thế kỉ XXI. Nhưng giờ đây ai mà mà không lo âu, không phải chỉ với những nghịch lí xuất hiện ngày càng nhiều trong mối quan hệ giữ người và người, mà ngay cả với sự sống trên hành tinh trước những thảm họa môi trường, đất, biển, bầu không khí bị ô nhiễm, tầng ôzôn bị phá vỡ.

        Hai nghìn năm trăm năm trước, một nhà hiền triết đứng ngắm dòng sông tự hỏi: “Trôi chảy mãi thế ư, ngày đêm không ngừng ư?”. Dòng sông chưa khô cạn thì không hề ngưng nghỉ. Nó có lúc hiền hòa, có lúc hung dữ, có lúc đổi chiều. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Con thuyền cách mạng đang luồn qua những mỏm đá ghềnh lướt tới”. Trên con thuyền là vận mệnh của cả dân tộc. Người hằng mong đưa thuyền tới một bến bờ hạnh phúc. Con thuyền ngày nay đang lướt trên dòng sông lịch sử đầy bão tố.

        Ở thời điểm cực kì xúc động và biến động như hiện nay, người ta có xu hướng xét lại mọi giá trị. Cần khẳng định những giá trị lâu bền. Có những giá trị đã thay đổi. Xác định những giá trị mới là điều không dễ dàng. Mọi đổi mới đều không thể thoát li nền tảng lịch sử của dân tộc, những thành, bại trong quá khứ.

        Tôi muốn dành một thời gian nhớ lại và suy nghĩ về những gì mình đã chứng kiến, những việc đã trải qua, mong tìm được đôi điều có ích cho công cuộc đổi mới của Đảng và nhân dân ta.

        Thời gian không có nhiều, tôi đặt cho mình một yêu cầu chừng mực: cố gắng nói được những điều thật cần nói.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 21 Tháng Tám, 2016, 11:53:06 pm

        1. NGUYỄN ÁI QUỐC

        Trong tập Từ nhân dân mà ra, tôi đã kể lại những ấn tượng đầu gặp Nguyễn Ái Quốc ở Thúy Hồ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách đây hơn nửa thế kỉ. Ở Bác là sự chừng mực trong lời nói, việc làm. Không khi nào quá vui. Buồn lo ít lộ trên nét mặt. Trong cái vẻ bình dị của Bác chứa đựng một sự tiềm ẩn sâu lắng.

        Nhiều năm làm việc gần Người, rất ít khi nghe Bác nói về những gì đã trải qua suốt ba thập niên đi tìm đường cứu nước. Trong tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh về thời kì này có nhiều chỗ trống, mà gần đây qua những dữ kiện, tư liệu dần dần được phát hiện, chúng ta mới hiểu thêm được một phần.

        Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa quốc tế vô sản có những nét không giống với nhiều người cùng thời. Chính theo lời Người kể lại, khi đó Người chưa hiểu bao nhiêu về Quốc tế II, III, “Quốc tế nào ủng hộ giải phóng các dân tộc thuộc địa thì tôi theo”. Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin chỉ ra những dân tộc thuộc địa muốn giải phóng phải đi với cách mạng của giai cấp vô sản. Nguyễn Ái Quốc gia nhập đảng cộng sản là để cứu dân tộc mình.

        Ngay từ năm 1921, Nguyễn Ái Quốc viết trên tạp chí Cộng sản: “Ngày mà hàng trăm triệu người dân châu Á bị đầy đọa, áp bức sẽ nổi dậy gạt bỏ sự bóc lột ti tiện của những tên thực dân tham lam vô độ, họ sẽ hình thành một lực lượng khổng lồ và sẽ có thể, qua việc thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản tức là chủ nghĩa đế quốc, giúp cho những người anh em của họ ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”. Cũng vào thời gian này, bản tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa do Người khởi thảo, có những câu: “Anh em phải làm thế nào để được giải phóng? Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em”. Những điều này không có trong những văn kiện của Quốc tế Cộng sản. Cho tới năm 1928, trong Hội nghị lần thứ sáu, Quốc tế Cộng sản vẫn giữ nguyên nhận định: những dân tộc thuộc địa chỉ có thể được giải phóng sau khi cách mạng vô sản ở chính quốc thành công.

        Ngay từ thời đó, người cộng sản Nguyễn Ái Quốc đã có sắc thái riêng. Cái mãi mãi không đổi ở Người là lòng yêu nước thương nòi, tinh thần tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam.

        Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc mà chúng ta đã biết đều gắn liền với sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng các dân tộc thuộc địa. Ngày nay, chúng ta nhận thấy một số luận điểm của Nguyễn Ái Quốc là phát kiến quan trọng về tầm vóc lịch sử. Nhưng vào thời đó, Nguyễn nếu không hẳn là một người lữ hành cô đơn thì cũng gặp không ít khó khăn. Chính cương Đảng Cộng sản, cũng như tên Đảng, do Người soạn thảo và lựa chọn, không được chấp nhận. Trong đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội lần thứ bảy của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chỉ có mặt những ngày cuối với tư cách một đại biểu tư vấn. Có thời gian Người làm công việc rất bình thường là duy trì mối liên hệ giữa Quốc tế với các đồng chí trong nước. Nhưng tất cả những điều đó không ngăn cản Người trở thành một cán bộ xuất sắc trong phong trào cộng sản quốc tế, và tiếp tục con đường giải phóng dân tộc mình.

        “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu bằng việc lập Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Bao giờ Người cũng chú ý tới thanh niên, vì họ là ngày mai của dân tộc. Đầu năm 1930, Người thống nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Những năm sau đó, vai trò của Người đối với phong trào cách mạng trong nước không rõ rệt. Khi có tin Người bị đế quốc cầm tù. Khi có tin Người đã mất vì bệnh lao. Những hoạt động của Đảng cũng lắng xuống sau thất bại khởi nghĩa Xô viết Nghệ Tĩnh. Chúng tôi nghĩ đến Người như một tấm gương sáng, một nhân vật huyền thoại. Phong trào cách mạng trỗi dậy từ năm 1935 nhân lúc Mặt trận Bình dân ở Pháp lên cầm quyền. Năm 1938, Nguyễn Ái Quốc có liên lạc với phong trào cách mạng trong nước. Thời gian làm báo ở Hà Nội, chúng tôi liên tiếp nhận được bài của Nguyễn Ái Quốc dưới những bút danh khác nhau. Sự xuất hiện trở lại của Nguyễn Ái Quốc là một nguồn khích lệ to lớn. Tháng Năm năm 1940, trước ngày tôi rời đất nước, anh Hoàng Văn Thụ cho biết ra nước ngoài có thể gặp Nguyễn Ái Quốc. Tôi nghĩ Nguyễn Ái Quốc có vai trò quyết định đối với vận mệnh của Tổ quốc, của dân tộc. Bác đã sang tuổi năm mươi. Bề ngoài, Bác khác nhiều với những bức ảnh thời trẻ. Bác đã để râu. Vầng trán bắt đầu cao, nhưng râu tóc đều còn đen. Đôi mắt đặc biệt tinh anh trên khuôn mặt bình thản, có phần trầm lặng. Bác cho tôi xem danh thếp với cái tên mới: “Hồ Chí Minh, Kí giả Tân Thanh nhật báo”. Tôi không hề nghĩ đây là tính danh Người đã lựa chọn cho cả giai đoạn mới sau này.

        Từ cuối năm 1923, Ôxíp Manđenxtam, nhà thơ Liên Xô, đã có nhận xét: “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải như văn hóa châu Á, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Nhiều người phương Tây gặp Bác sau ngày Cách mạng tháng Tám, thường miêu tả Chủ tịch Hồ Chí Minh có phong thái của một nhà hiền triết phương Đông. Tôi muốn nói cụ thể hơn. Bác mang đậm màu sắc của người xuất thân từ một gia đình nho học nghèo ở Việt Nam, nơi mà các trào lưu văn minh châu Á: Ấn Độ, Trung Hoa… từ lâu du nhập đã hòa đồng với nền văn hóa dân tộc. Những năm bôn ba ở phương Tây, Nguyễn Ái Quốc dùng tiếng Pháp viết những bài văn luận chiến nảy lửa. Khi bị cầm tù trên đất Trung Hoa, Người làm những bài thơ chữ Hán để bày tỏ nỗi niềm. Ba nươi năm xa Tổ quóc, qua hai mươi bảy quốc gia trên bốn châu lục, Nguyễn Ái Quốc vẫn giữ trọn vẹn cốt cách dân tộc Việt Nam, cái mà không môt nền văn minh nào có thể đồng hóa. Bác thường nhắc lời Khổng Tử, một nhà đạo đức vĩ đại phương Đông, nhưng không cùng chung suy nghĩ với nhiều môn đệ đạo Khỏng. Bác có cách sống thanh bạch, vui với cỏ cây, hòa quyện cùng thiên nhiên như Lão Tử, coi trọng lời dạy “Tri túc” của nhà hiền triết ẩn dật này, nhưng lại không giống ở chỗ vô vi, phó thác mọi việc cho trời đất chuyển vần.

        Ở Bác là sự gặp gỡ giữa phương Đông cổ xưa và phương Tây đương đại, giữa tinh thần yêu nước thương nòi Việt Nam với Cách mạng tháng Mười dưới sự lãnh đạo của Lênin. Nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc tiếp nhận từ chủ nghĩa Mác học thuyết đấu tranh giải phóng loài người thông qua cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp để lật nhào giai cấp thống trị với vai trò lãnh đạo có tính chất quân đội của một đảng tiền phong. Ở người cộng sản Nguyễn Ái Quốc vẫn nguyên vẹn tính nhân hậu bắt nguồn từ lòng nhân ái Việt Nam “thương người như thể thương thân”, từ đạo lí phương Đông từ bi, kiêm ái, “năm châu bốn biển một nhà”. Ở Người, phép biện chúng của chủ nghĩa Mác được vận dụng nhuần nhuyễn hòa quyện với phép biến dịch của Dịch học phương Đông, “Dĩ bất biễn ứng vạn biến”.

        Người xưa nói: “Ở tuổi năm mươi biết mệnh trời”. Điều này rất đúng với Bác. Khi gặp chúng tôi ở Thúy Hồ. Người đã chuẩn bị đầy đủ hành trang cho công cuộc trường chinh giải phóng dân tộc.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 21 Tháng Tám, 2016, 11:54:12 pm

        2. VIỆT MINH

        Những ngày ở Quế Lâm, theo lời dặn của anh Hoàng Văn Thụ, tôi hỏi Bác về việc tổ chức Hội Liện hiệp những dân tộc bị áp bức ở châu Á. Bác nói: việc này chưa có điều kiện… Hiện thời ở trong nước cần có một tổ chức tập hợp rộng rãi những người đấu tranh giành độc lập dân tộc, nên đặt tên gọi là Việt Nam độc lập đồng minh Hội, có thể gọi tắt là Việt Minh”. Cái tên mới nghe lần đầu còn xa lạ, chẳng bao lâu không những đã đi vào lịch sử Việt Nam mà còn được biết tới trên khắp thế giới.

        Nguyễn Ái Quốc sớm có lòng tin vững chắc: sức mạnh là ở dân. Dân chúng nếu được giác ngộ, được tổ chức lại sẽ trở thành một sức mạnh vô bờ. Đây là bài học Người đã tiếp nhận từ truyền thống đấu tranh quật cường của dân tộc trong quá khứ và trực tiếp rút ra từ Cách mạng tháng mười. Người luôn luôn nghĩ tới việc tập hợp lực lượng. Một lực lượng rộng rãi những người cùng khổ, những người bị áp bức, với nòng cốt là công - nông. Báo Le Paria, Hội Liên hiệp thuộc địa, Hội liên hiệp những dân tộc bị ấp bức, Hội Liên hiệp những dân tộc bị áp bức ở châu Á… Những tổ chức của Nguyễn Ái Quốc trước sau đều mang đậm màu sắc dân tộc và cũng thấm nhuần tinh thần quốc tế. Vận mệnh Việt Nam gắn liền với vận mệnh những dân tộc thuộc địa khác. Không thể chờ đợi, các dân tộc thuộc địa hãy đoàn kết lại, đấu tranh đánh đổ thực dân thống trị, góp phần vào sự nghiệp giải phóng các dân tộc, giải phóng loài người.

        Ở những thập niên đầu thế kỉ này, tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc là quá mới. Không mấy ai tin những dân tộc thuộc địa có thể tự giải phóng trong lúc giai cấp vô sản ở chính quốc chưa làm được việc đó. Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên trì và quyết tâm thực hiện chủ định ngay tại Tổ quốc mình. Nó chỉ được phép thành công. Sự thành công sẽ trở mở ra con đường giải phóng cho những nước thuộc địa. Thực hiện chủ trương đó trên đất nước mình, đối với Nguyễn Ái Quốc, cũng không dễ dàng. Năm 1940, khi nước Pháp đầu hàng, Liên Xô đang phải dồn toàn lực đối phó với họa xâm lăng của chủ nghĩa phát xít, có lẽ là thời cơ thuận lợi để Nguyễn Ái Quốc thể nghiệm con đường cứu nước cứu dân của mình.

        Đầu năm 1941, Bác về Pắc Bó. Đảng vừa bị tổn thất nặng nề sau thất bại Nam Kỳ khởi nghĩa. Nhiều đồng chí lãnh đạo bị bắt hoặc bị sát hại. Hội nghị Trung ương lần thứ tám, do Bác chủ trì, đã giải quyết đúng đắn quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, đặt vấn đề giải phóng dân tộc thành vấn đề số một của chương trình nghị sự. Trung ương quyết định tạm gác những khẩu hiệu cách mạng ruộng đất và thành lập Mặt trận Việt Minh, thực hiện đoàn kết dân tộc, lãnh đạo toàn dân đấu tranh đánh đuổi bọn cướp nước.

        Ngày thành lập Việt Minh, 19 tháng Năm 1941, trùng hợp với ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố lần đầu năm 1946.

        Việt Minh là một sáng tạo, một biểu hiện tập trung của thiên tài Hồ Chí Minh. Nó mở ra con đường mới cho đội tiền phong của giai cấp vô sản ở một nước thuộc địa có thể tập hơp được toàn dân, từ hai bàn tay trắng đứng lên đập tan ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc trước đó chưa một lần thất bại.

        Việt Minh chứa đựng tư tưởng chính yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Cách mạng với khẩu hiệu nổi tiếng: ”Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”. Đoàn kết dân tộc, đoàn kết giai cấp, đoàn kết quốc tế. Người không quên đấu tranh. Nhưng đấu tranh là để đoàn kết. Đại đoàn kết dân tộc không phải là sách lược, mà là chiến lược lâu dài, trước sau như một của người cộng sản yêu nước Hồ Chí Minh.

        Từ hang Pắc Bó, những bản làng heo hút với những lớp học dăm bảy người, với những bài báo nhỏ trên tờ Việt Lập, 10 chính sách của Việt Minh là tiếng chim gọi đàn vang tới khắp thành thị, nông thôn. Hễ là người dân yêu nước, ai ai cũng có chỗ đứng, cũng được góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Người trước súng sau, có dân là có tất cả. Những tổ tự vệ, những tiểu đội du kích tự tìm thấy vũ khí, tự tìm ra cách đánh để chống  khủng bố trắng, tiêu diệt đồn địch, đã nhanh chóng trở thành lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho Tổng khởi nghĩa toàn dân, lật nhào ách thống trị.

        Đảng Cộng sản trong sứ mệnh lích sử đối với dân tộc, đã nhanh chóng tập hợp được các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, vì đã nói lên những nguyện vọng thiết tha, cháy bóng của họ. Vai trò lãnh đạo của Đảng thông qua Việt Minh, ngày càng củng cố với những đảng viên không ngại gian khổ, hi sinh, luôn luôn dẫn đàu trong mọi nhiệm vụ khó khăn.

        Chủ nghĩa Mác - Lênin được vận dụng vào Việt Nam từ ngày Nguyễn Ái Quốc trở về nước, mang sắc thái đặc biệt, một sắc thái Việt Nam, kể cả về mục tiêu, hình thức tổ chức, cũng như biện pháp đấu tranh. Nó đã hòa đồng với truyền thống dân tộc. Tất cả đều thấm đượm tư tưởng yêu nước, thương dân Hồ Chí Minh.

        Việt Minh là bài học lâu bên. Tư tưởng mặt trận thống nhất dân tộc không chỉ có tác dụng to lớn trong cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn có tác dụng quyết định cho sự thành công của công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay và sau này.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 21 Tháng Tám, 2016, 11:55:05 pm

        3. VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA.

        Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời trong cái chớp mắt của lích sử. Đó là khoảng thời gian rất ngắn: 13 tháng 8 đến 28 tháng 8 năm 1945, từ lúc Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng tới khi quân Đồng Minh kéo vào miền Bắc Việt Nam. Nếu ta bỏ qua thời cơ này thì cục diện sẽ khác. Việt Nam sẽ vẫn là một nước gồm ba xứ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ nằm trong Đông Dương thuộc Pháp. Trước mắt, trên miền Băc sẽ có một chính quyền thân Tưởng, tại miền Nam, Pháp sẽ phục hồi bộ máy cai trị cũ. Cuộc chiến đấu giành lại độc lập của nhân dân ta sẽ bị xếp vào những “hoạt động phiến loạn do Cộng sản cầm đầu”! Ai biết dòng chảy của lích sử sẽ đi về đâu, với tốc độ nào?

        Chính quyền mới được bầu thông qua tổng tuyển cử là chính quyền đại đoàn kết toàn dân. Trong cơ cấu Nhà nước không chỉ có đại điện của các đoàn thể cách mạng, mà còn có cả những đảng phái khác. Có chí sĩ yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng. Có những người của chế độ cũ như các ông Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn… Có “công dân Vĩnh Thụy” (vua Bảo Đại mới thoái vị), giám mục Lê Hữu Từ ở chức vụ cố vấn. Một thời gian Quốc hội Việt Nam đã dành cho những người thuộc Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội thân Tưởng tới một phần năm số ghế, không qua bầu cử, vì họ không có hi vọng trúng cử qua tổng tuyển cử tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực thà đoàn kết lâu dài với những người thuộc mọi xu hướng, miễn là có tinh thần yêu nước để cùng mưu cầu độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân. Ngay cả sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Vĩnh Thụy đã bỏ sang Hồng Công, Bác vẫn cử cán bộ đi mới về để cùng tiến hành kháng chiến.

        Trong chế độ mới, mọi công dân không phân biệt nam nữ, dân tộc, tín ngưỡng, giàu nghèo đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Nông dân nghèo chiếm đại đa số trong xã hội, được giảm tô, giảm tức. Lần đầu tiên người lao động làm chủ vận mệnh của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân tài tích cự góp phần xây dựng đất nước. Tệ tham ô, nhũng lạm của những “quan cách mạng” chớm nhú đã bị lên án, đấu tranh. Chính sách tăng gia sản xuất đã chấm dứt nạn đói khủng khiếp. Quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, chỗ dựa và niềm tin của chế độ mới nhanh chóng phát triển, đã lập tức chứng tở tinh thần và sức mạnh của mình trên chiến trường.

        Việt Minh sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lích sử lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thắng lợi, đã tự nguyện đứng chung hành cùng với các tổ chức chính trị, xã hội khác trong Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, một mặt trận đoàn kết dân tộc hết sức rộng rãi.

        Chế độ mới ở thời kì phôi thai, chính quyền mới còn non trẻ, tổ chức lại rất phức tạp, nhưng đã đứng vững trước thử thách hiểm nghèo. Trên miền Bắc, hai chục vạn quân Tưởng đã không thể giúp bọn tay sai người Việt lật đổ chính quyền cách mạng. Ở miền Nam, hàng chục nghin quân Pháp, được trang bị vũ khí hiện đại, bắt đầu sa lầy vào những chiến dịch bình định vô vọng trên khắp các làng quê tiếp giáp với đô thị.

        Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày đó chưa đươc một quốc gia nào trên thế giới công nhận. Nhưng sự tồn tại của nó trên thực tế thì không mấy ai có thể phủ nhận. Quân đội Tưởng Giới Thạch vào miền Bắc buộc phải tiếp xúc với Chính phủ ta. Hiệp định mồng 6 tháng 3 năm 1946, hiệp định quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam mới, được kí giữa Chính phủ ta và đại diện Chính phủ Pháp. Quốc kì Việt Nam đã tung bay tại thủ đô Pari, trên kênh đào Xuyê, và những biển lớn nối liền Việt Nam với Pháp.

        Trải qua gần nửa thế kỉ với bao biến thiên, càng thấy rõ những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm trong công cuộc tái sinh nước Việt Nam và xây dựng chế độ mới từ thời đó, đã đặt nền tảng vững chắc cho dân tộc ta tiến lên một tương lai tươi sáng. Bản Tuyên ngôn độc lập, hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, trên những vấn đề cơ bản, vẫn giữ nguyên giá trị. Ở đây chứa đựng những khát vọng, những yếu tố cơ bản của thời đại mới, mà vẫn gắn liền với dân tộc, với con người, với truyền thống Việt Nam. Và điều có tính quyết định là chế độ mới đã chứng tỏ tính hơn hẳn của mình trong thực tiễn đời sống, đáp ứng nhu cầu bức thiết trước mắt cũng như nguyện vọng lâu dài của người dân.

        Có thể hiểu vì sao tuyệt đại đa số nhân dân ta đã tự nguyện đứng lên chiến đấu tới cùng cho sự tồn tại của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cho những mục tiêu: độc lập, tự do, hạnh phúc.

        Sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là nhân tố cơ bản không thể thiếu, bảo đảm cho sự toàn thắng của hai cuộc kháng chiến cứu nước.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 21 Tháng Tám, 2016, 11:56:19 pm
        
        4. HÒA HAY CHIẾN

        Năm 1985, một nhà khoa học Pháp tới Hà Nội, chuyển cho tôi câu hỏi của con gái cố thống chế Lơcléc (Leclerc): “Cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Pháp có thể tránh được không?”. Gia đình Lơcléc cũng như gia đình Đờ Lát đờ Tátxinhi (De Lattre de Tassigny), hai thống chế từng là Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, đều là nạn nhân của chiến tranh. Mỗi gia đình có một người con trai hi sinh trên chiến trường Việt Nam. Hai người mẹ đau khổ đã có lần mặc áo tang đến gặp Thủ tướng Plêven (Pléven) hỏi vì sao kéo dài cuộc chiến tranh phi nghĩa?

        Hàng chục năm sau ngày nổ ra chiến tranh, nhiều nhà sử học trên thế giới vẫn còn nêu câu hỏi: “Ai là kẻ đã châm ngòi cho nó?”. Những năm 1987, 1988, Xtên Tônnétxơn (Stein Tonnesson), nhà sử học trẻ Na Uy, và Philíp Đờvile (Philippe Devillers), trên cơ sở hồ sơ của các nước phương Tây, đều đi tới một kết luận: Vanluy (Valluy) và Pinhông (Pignon) trung thành với chủ trương tái lập quyền thống trị của Pháp trên bán đảo Đông Dương bằng sức mạnh, đã tìm mọi cách làm nổ ra cuộc chiến khi thấy Lêông Blum (Léon Blum) trở thành người cầm đầu chính phủ Pháp. Nếu phía Việt Nam không chịu cung cấp cho họ “cái cớ mong đợi” thì họ cũng sẽ “chủ động tiến hành kế hoạch tác chiến”. Như vậy, nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự kiện đêm 19 tháng 12 năm 1946 đã rõ ràng. Tuy nhiên, cả hai nhà sử học đều còn băn khoăn: Chủ tịch Hồ Chí Minh, như họ đã thấy, đã làm mọi cách để tránh chiến tranh, nhưng đêm đó, vì sao quân đội và tự vệ Việt Nam lại là người nổ súng trước?

        Thắng lợi của Liên Xô và Đồng minh trong chiến tranh thế giới thứ hai, với sự xuất hiện một loạt nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, đã đánh dấu khởi đầu thời kì chiến tranh lạnh giữa Tây và Đông. Chủ nghĩa đế quốc vừa đẩy mạnh phong trào chống Cộng, vừa tăng cường đàn áp những dân tộc đang vùng dậy đòi tự do. Việt Nam là mước thuộc địa đầu tiên giành lại được độc lập trước mưu đồ trở lại của đế quốc Pháp. Việt Nam cũng là một quốc gia đầu tiên thuộc thế giới thứ ba có một chính quyền do đảng cộng sản lãnh đạo. Nước Việt Nam vừa tái sinh, đầy rẫy thù trong giặc ngoài, nằm giữa vòng vây trùng điệp của những thế lực thù địch.

        Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ tình thế ngặt nghèo. Giờ phút bàng hoàng của chủ nghĩa đế quốc nhanh chóng qua đi, nước Việt Nam sẽ phải đương đầu với một cuộc tái xâm lược có sức mạnh ghê gớm. Người đã tìm mọi cách tránh cho dân tộc cuộc kháng chiến lâu dài mà Người biết sẽ “vô vàn cực khổ”.

        Cho tới nay, nhiều người vẫn coi ngày 19 tháng 12 năm 1946 là ngày khởi đầu chiến tranh Đông Dương, cuộc chiến tranh dài nhất thế kỉ. Nhưng trong thực tế, nó đã bắt đầu từ mười lăm tháng trước đó, ngày 23 tháng 9 năm 1945, khi quân Pháp nỏ súng đánh chiếm thành phố Sài Gòn. Chiến tranh không chỉ nhanh chóng lan ra khắp miền Nam, mà còn ở Tây Bắc nước ta, ở Lào và Campuchia.

        Đầu tháng Mười năm 1945, những chi đội giải phóng quân, những đơn vị từ Cao Bằng, tỉnh địa đầu miền Bắc, đến cố đô Huế, Quảng Ngãi ở miền Trung, đã lên đường vào Nam chiến đấu. Cuộc Nam tiến lần thứ nhất trong thời đại mới của dân tộc đã bắt đầu. Sau đó là những cuộc Tây tiến. Nước Việt Nam đã bước vào chiến tranh chống xâm lược.

        Với Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp ngày 6 tháng 3 năm 1946, nước Việt Nam độc lập chỉ còn là một “quốc gia tự do” nằm trong Liên hiệp Pháp. Chúng ta đã chấp thuận mở trưng cầu dân ý ở Nam Bộ để quyết định phần đất máu thịt này của Việt Nam là thuộc về ta hay Pháp (!). Tạm ước 14 tháng 9 năm 1946 kí ở Pari, khi Đácgiăngliơ (D’Argenlieu) đã lập “Nam Kỳ quốc”, đưa quân lấn chiếm Tây Nguyên, Tây Bắc, lại là một sự nhân nhượng nữa của ta. Với tạm ước này, ta chỉ cố đạt được ngừng bắn ở Nam Bộ, và một số quyền tự do, dân chủ cho người dân vùng tạm chiếm.

        Những sự kiện trên đây sử sách đã nhắc tới nhiều lần.

        Trung tuần tháng 4 năm 1946, tôi dự đàm phán trù bị Việt - Pháp tại Đà Lạt. Ở đây, tôi gặp Đácgiăngliơ, Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Khi ra về, tôi cảm thấy chiến tranh là khó tránh. Người Pháp cũng không che đậy ý đồ của mình là nhất định lập lại quyền thống trị ở Đông Dương. Suốt thời gian cuộc đàm phán tại Phôngtenblô (Fontainnebleau), tại Việt Nam những cuộc lấn chiếm, gây hấn của quân Pháp liên tiếp diễn ra. Chúng ta không còn cách nào khác là gấp rút xây dựng lực lượng chuẩn bị kháng chiến.

        Hạ tuần tháng 11 năm 1946 quân Pháp ngang nhiên đánh chiếm Hải Phòng, thành phố Cảng duy nhất trên miền Bắc, và Lạng Sơn, một tỉnh địa đầu của nước ta.

        Từ tháng 12, tình hình Thủ đô Hà Nội mỗi ngày càng căng thẳng. Xe tăng, xe bọc thép của Pháp tràn ra trên đường phố. Lính mũ nồi đỏ, mũ nồi đen xé cờ Việt Nam, bắt có cán bộ thường dân, bắn vào tàu điện… Sự kiện Hải Phòng có thể lặp lại bất cứ lúc nào. Chúng ta quyết định tiến hành những biện pháp tự vệ: kêu gọi dân chúng tản cư, xây dựng chiến lũy để bảo vệ một số khu phố tiếp giáp với nơi quân Pháp đóng. Sự khiêu khích của quân Pháp chuyển sang một bước mới. Họ bắn vào chiến lũy, vào chiến sĩ vệ quốc đoàn trong đội canh gác hỗn hợp ở nhà máy điện Yên Phụ. Họ tung quân tàn sát dân chúng ở Hàng Bún và Yên Ninh…

        Bác vẫn muốn “còn nước còn tát” để tránh mở rộng chiến tranh, hay chí ít cũng trì hoãn nó. Người liên tiếp gửi thư kêu gọi chính phủ, quốc hội, thủ tướng Pháp, gặp gỡ, trao đổi với những người cầm đầu quân đội Pháp ở Hà Nội nhằm cứu vãn tình thế. Bộ đội, tự vệ được lệnh giữ bình tĩnh, nín nhịn, không sa vào âm mưu khiêu khích.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 12:00:11 am

        Ngày 13 tháng 12 năm 1946, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy triệu tập các khu trưởng từ Khu 4 trở ra, kiểm điểm tình hình và xây dựng kế hoạch tác chiến đối phó với trường hợp quân Pháp chủ trương gây hấn. Quy ước nổ súng được trao riêng cho các khu trưởng.

        Ngày 16 tháng 12 năm 1946, Moóclie (Morlière), chỉ huy quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương, gửi liền cho Chính phủ ta hai tối hậu thư, tuyên bố “Quân Pháp sẽ tự đảm nhiệm trị an tại Hà Nội chậm nhất là vào sáng 20 tháng 12 năm 1946”.

        Tất cả những hoạt động khiêu khích như tàn sát dân chúng, bắn chết bộ đội đã không mang lại cho quân Pháp “cái cớ mong đợi”, lần này họ buộc phải công khai tuyên bố thời gian “Chủ động tiến hành kế hoạch tác chiến!”. Tại Hải Phòng, ngày 23 tháng 11 năm 1946, chỉ ba giờ sau khi gửi thư cho ủy ban hành chính đòi rút hết bộ đội, tự về, mặc dù đồng chí chủ tịch trả lời phải thỉnh ý kiến của Hà Nội, quân Pháp đã nổ súng đánh chiếm thành phố.

        Thủ đô nước Việt Nam không thể nhanh chóng rơi vào tay quân xâm lược. Sẽ là một trách nhiệm lớn đối với lịch sử nếu để quân và dân ta ở các thành phố, thị xã một lần nữa trở thành nạn nhân của một cuộc “đảo chính”. Cũng trong trận Hải Phòng, chúng ta đã bắt được một thông tri Mật đề ngày 10 tháng 4 năm 1946 của Vanluy gửi những đơn vị đồn trú, chỉ thị phải chuẩn bị kế hoạch hành động, khi có cơ hội thì lập tức tung quân đè bẹp sự đề kháng của lực lượng vũ trang ta và nhanh chóng làm chủ thành phố, mà họ gọi là “kịch bản của cuộc đảo chính” (scénaro de coup d’Etat). Đây chính là cái mà quân Pháp đã làm ở Hải Phòng và Lạng Sơn.

        Sáng 19 tháng 12 năm 1946, sau khi trao đổi lần cuối cùng ở Vạn Phúc, Hà Đông, Ban Thường vụ Trung ương Đảng gửi các mặt trận và các khu bức điện: “Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước vũ khí của quân đội, tự vệ và công an ta. Chính phủ đã bác bức tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: Tất cả hãy sẵn sàng!”.

        Chiều 19 tháng 12 năm 1946, từ Bộ Tổng tham mưu một bức điện gửi các khu 1, 2, 3, 4, 11, 12 và Đà Nẵng: “Lệnh nổ súng lúc 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946”.

        Chúng ta cần có một đêm để đưa cả nước chuyển sang thời kì mới khốc liệt của chiến tranh. Nhưng rất có thể lệnh nổ súng vào 20 giờ là quá muộn! Moóclie đã báo ”chậm nhất là vào 20 tháng 12 năm 1946”, quân Pháp sẽ tước vũ khi của lực lượng vũ trang ta  tại Hà Nội. Như vậy, họ tự cho quyền được làm việc này bất cứ lúc nào sau khi tối hậu thư đã gửi đi!

        Những người nghiên cứu hồ sơ chiến tranh Đông Dương đã chỉ ra: Vanluy và Pinhông, cầm đầu quân viễn chinh vào thời điểm đó, cần mở rộng ngay chiến tranh để đặt Chính phủ Blum trước một việc đã rồi… Nhưng không thể quên Đácgiăngliơ, người nắm quyền cao nhất trong quân đội viễn chinh, mặc dù trong những ngày đó viên cao ủy không có mặt. Ông thầy tu mặc quân phục này nói năng mềm mỏng khi tiếp xúc với ta, nhưng là kẻ ngoan cố nhất trong các cuộc đàm phán. Ông tỏ ra rất ít hiểu thời thế, và càng ít hơn, tinh thần bác ái của Chúa Kitô. Cũng không nên quên Đácgiăngliơ là môn đệ trung thành của Đờ Gôn (De Gaulle), người quyết tâm dùng vũ lực khôi phục những thuộc địa cũ nhằm tiếp tục khai thác để cứu vãn nền kinh tế Pháp kiệt quệ sau chiến tranh. Chỉ tới sau ngày thất bại ở Angiêri, Đờ Gôn mới chịu thú nhận là mình đã sai lầm. Cũng không thể quên Tơruman (Truman), người vừa thay thế Rútdơven (Roosevelt) cầm đầu thế giới tự do, nổi tiếng vì tư tưởng chống cộng.

        Ngày đó, trong giới cầm quyền Pháp, chúng ta cũng gặp những người thức thời, nhìn thấy trước viễn cảnh đen tối của cuộc chiến tranh xâm lược. Những lời nói của họ bị chìm đi giữa khoảng không. Chủ nghĩa đế quốc vẫn tin có thể chiến thắng dễ dàng những dân tộc nhược tiểu bằng sức mạnh quân sự.

        Cũng không phải không thể dập tắt ngọn lửa chiến tranh sau khi nó đã bùng lên. Chủ tịch Hồ Chí Minh, những ngày sau đó, đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ Pháp cùng phía Việt Nam gấp rút thực hiện một cuộc dàn xếp. Có thể nói trong suốt cuộc chiến, Người đã không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào sớm mang lại hòa bình cho cả hai dân tộc. Nhưng ngọn lửa chiến tranh không thể dập tắt từ một phía.

        Trong bối cảnh lịch sử ấy, sự kiện đêm 19 tháng 12 năm 1946, cũng như chiến tranh Việt Nam, là không thể tránh khói.

        5 năm chiến đấu trong vòng vây là một cuộc đọ sức toàn diện, vô cùng quyết liệt giữa dân tộc ta, chế độ Việt Nam dân chủ cộng hòa với quân xâm lược trong thời đại mới. Vì thời gian và điều kiện có hạn, trong tập sách này, tôi có chú ý đến tính toàn diện, nhưng chỉ thể hiện được một phần nào. Chủ yếu, tôi đề cấp đến những vấn đề lớn về quân sự, và ngay về mặt này, cũng không nêu được đầy đủ những thành tích và chiến công của các chiến trường.

        Mong rằng sẽ có những tác phẩm, những công trình nghiên cứu về những vấn dề lớn của các lĩnh vực, các địa phương về thời kì này. Tôi nghĩ rằng những tập hồi ức của các đồng chí lãnh đạo ở trung ương, ở các địa phương, các chiến trường những năm đó sẽ là những đóng góp rất quan trọng.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 12:03:38 am
   
Chương một

19 THÁNG 12 NĂM 1946

        “.. Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

        Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định khong chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

        Hỡi đồng bào!

        Chúng ta phải đứng lên!”

        (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh)

       
1

        Sau này nhìn lại mới biết ngày đầu toàn quốc kháng chiến chúng ta đã làm một điều mà theo nhiều nhà lí luận quân sự kinh điển thì khó mà làm được.

        Do hoàn cảnh đặc biệt, theo thỏa thuận giữa Đồng minh với sự chấp nhận của Chính phủ ta, quân Pháp được vào miền Bắc làm nhiệm vụ tiếp phòng thay thế quân đội Tưởng rút về nước, lúc này, những đơn vị viễn chinh đã có mặt ở Thủ đô Hà Nội, tất cả những thành phố lớn, nhiều thị xã và những vị trí xung yếu như các sân bay, bến cảng.

        Cuộc tổng giao chiến đầu tiên giữa bộ đội ta với quân viễn chinh đương nhiên bắt đầu từ Thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố, thị xã.

        Lích sử chiến tranh giữ nước của ta kể từ sau cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng những năm 40 đầu Công nguyên, chưa hề có một cuộc chiến đấu chống ngoại xâm nào khởi đầu cùng một lúc từ kinh đô và các thành thị. Những cuộc chặn đánh ngoại xâm cũng hiếm diễn ra ở Thăng Long. Thời Trần hưng thịnh, ở thế kỉ XIII, trong cả ba lần chống quân xâm lược Nguyên Mông, tuy trình độ trang bị vũ khí giữa ta và giặc tương đương, nhưng trước thế giặc mạnh như nước, lửa, ông cha ta đều tạm thời rút quân khỏi kinh đô, chọn nơi hiểm yếu đánh bại quân địch. Nửa thế kỉ trước, năm 1873 và năm 1882, thành phố Hà Nội và hơn nửa vạn quân đã nhanh chóng thất thủ, lần thứ nhất, trước hai trăm quân Pháp, lần thứ hai, trước năm trăm quân Pháp. Đây là điều làm cho tôi suy nghĩ nhiều trong những năm dạy sử ở trường Thăng Long.

        Trong các cuộc chiến tranh cách mạng, chưa có trường hợp một lực lượng vũ trang yếu kém đương đầu thắng lợi với một quân đội chính quy tại thành phố. Ănghen đã có nhận xét: “Dù cho không đông về số lượng, quân đội vẫn có ưu thế về trang bị và huấn luyện, về chỉ huy thống nhất, về việc sử dụng lực lượng chiến đấu một cách có kế hoạch và kỉ luật. Do đó, ngay cả trong những trận chiến đấu bằng chướng ngại vật trong đó xuất hiện chủ nghĩa anh hùng vĩ đại nhất của lực lượng vũ trang cách mạng (ở Pari tháng 6 năm 1848, ở Viên tháng 10 năm 1848. ở Đrétđen tháng 5 năm 1849) cũng kết thúc bằng sự thất bại”. Sau đó, ông còn nói thêm với sự xuất hiện của pháo binh, tình thế ngày càng bất lợi cho những người khởi nghĩa trong cuộc chiến đấu ở thành phố. Chúng ta đã biết, trong cuộc chiến tranh kháng Nhật, Hồng quân Trung Hoa đã nhận chỉ thị không xâm nhập vào “những thành thị lớn, những ga xe lửa và một số miền đồng bằng nào đó mà địch dùng một lực lượng lớn mạnh để khống chế”. Mao Trạch Đông có lần nói: “Mađrít của Trung Quốc ở đâu? Trước kia ta chưa có một Mađrít nào, từ nay về sau phải tranh thủ tạo ra mấy chỗ như thế, nhưng hoàn toàn phải xem điều kiện như thế nào”.

        Như vậy, lích sử chưa để lại cho chúng ta tiền đề chiến thắng trong những trận đánh sắp tới. Chúng ta phải tự tìm lấy qua những kinh nghiệm không nhiều từ trận đánh ở Thái Nguyên trong Tổng khởi nghĩa, từ trận đánh anh dũng, kiên cường nhưng không có thời gian chuẩn bị ở Sài Gòn, sau đó ở Nha Trang, và gần đây nhất là Hải Phòng. Chúng ta phải xây dựng một kế hoạch chiến đấu cho bộ đội và nhân dân lần đầu chiến đấu với một kẻ địch bội phần mạnh hơn mình.

        Chúng tôi đã sớm nghĩ tới việc chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Hà Nội và các thành phố.

        Ngày 19 tháng 10 năm 1946, khi cuộc đàm phán ở Phôngtenblô không đạt kết quả, Hội nghị cán bộ Trung ương đã có nhận định: Trước sau Pháp cũng đánh ta, ta phải cảnh giác, phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Sau Hội nghị, Bộ Tổng tham mưu được chỉ thị nghiên cứu ba vấn đề: cách đánh trong thành phố, lấy Hà Nội làm trung tâm; cách đánh xe tăng, thiết giáp; cách phá hoại đường sá. Cơ quan tham mưu thành lập một tổ nghiên cứu ba vấn đề trên, trọng tâm là vấn đề đánh địch trong thành phố. Tôi thường xuyên dự những cuộc thảo luận của tổ. Khi anh Văn Tiến Dũng được Đảng điều về Bộ phụ trách Cục Chính trị, tôi trao đổi với anh sớm nghiên cứu cách tiến hành công tác chính trị trong trường hợp chiến tranh bùng nổ trên cả nước.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 12:05:41 am

        Ngày 16 tháng 9 năm 1946, Bác rời cảng Tulông (Pháp) trở về nước. Ngày 16 tháng 10, Bác gặp Đácgiăngliơ ở vịnh Cam Ranh. Thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước 14 tháng 9 không được thực hiện ở Nam Bộ. Ngày 5 tháng 11, Bác viết bản bút kí nổi tiếng “Công việc khẩn cấp bây giờ” mà mãi sau này ta mới biết. Trung tuần tháng 11, trong một buổi làm việc, Bác hỏi tôi:

        - Nếu vạn nhất không tránh được chiến tranh thì Hà Nội có thể giữ trong bao lâu?

        Tôi đáp:

        - Phải cố giữ ít nhất là nửa tháng. Thời gian qua, cơ quan tham mưu đã chuẩn bị xây dựng một kế hoạch chiến đấu ở thành phố trong trường hợp địch gây chiến.

        Sau khi địch chiếm thành phố Hải Phòng ngày 23 tháng 11, Thường vụ nhận định nhất định địch sẽ gây hấn ở Thủ đô, chiến tranh trên cả nước là không thể tránh khỏi. Bác và Thương vụ nghị quyết: Nếu quân Pháp tái diễn ở Hà Nội việc chúng đã làm ở Hải Phòng thì cả nước sẽ nhất tề đứng lên kháng chiến chống quân xâm lược. Chủ trương quân sự trong thời gian đầu toàn quốc kháng chiến là tiêu hao, tiêu diệt một một bộ phận địch, bảo tồn lực lượng ta, giam chân cô lập địch càng lâu càng tốt ở từng thành phố, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Bác nhấn mạnh: “Quân Pháp chỉ chờ có cơ hội là lập tức đánh ta. Ta cần tìm mọi cách để tránh nổ ra chiến tranh. Trong khi hết sức tích cực, khẩn trương chuẩn bị kháng chiến, tuyệt đối không sa vào âm mưu khiêu khích để địch lợi dụng đánh ta sớm. Ở thành thị, biến mỗi đường phố thành một chiến hào, ở nông thôn, mỗi làng thành một pháo đài. Kháng chiến của ta là toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kì kháng chiến”.

        Sau cuộc họp, Bộ Tổng tham mưu và Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội được trao nhiệm vụ gấp rút xây dựng một kế hoạch tác chiến cho cả nước và riêng tại Thủ đô Hà Nội. Với tư cách là người được Đảng phân công phụ trách công tác quân sự, tôi triệu tập nhiều cuộc họp cán bộ dân, chính, đảng của Thủ đô để phổ biến chủ trương chuẩn bị kháng chiến của Thường vụ.

        Cuối tháng 11, Thường vụ họp mở rộng với Bộ chỉ huy và Ủy ban Bảo vệ Chiến khu đặc biệt Hà Nội (Khu 11) mới thành lập. Các anh Nguyễn Quyết, Vương Thừa Vũ, Lâm Kính, Quang Trung, Lê Quảng Ba đã lần lượt làm khu trưởng Vệ quốc đoàn Hà Nội từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Anh Lê Trung Toản phụ trách tự vệ chiến đấu, tự vệ thành và dân quân tự về toàn thành. Sau khi các anh Nguyễn Quyết, Quang Trung lần lượt đi Nam tiến, anh Lê Quảng Ba về Khu 12, Bộ chỉ huy Chíến khu Hà Nội lúc này gồm anh Vương Thừa Vũ, chỉ huy trưởng, anh Trần Độ, chính ủy. Trong phòng khách lớn tại Bác Bộ Phủ, nay là phòng việc, ngoài Bộ chỉ huy Khu còn các anh: Trần Quốc Hoàn, phái viên của Trung ương theo dõi Mặt trận Hà Nội, anh Nguyễn Văn Trân, Chủ tịch ủy ban Bảo vệ.

        Tôi trình bày vắn tắt tình hình khẩn trương do Pháp quyết tâm tái chiếm nước ta bằng vũ lực, và nêu rõ nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô theo nghị quyết của Bác và Thường vụ: Một là, phải tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch, chiến đấu giam chân chúng càng lâu càng tốt tại Hà Nội cũng như những thành phố khác, tạo điều kiện về thời gian cho cả nước chuyển sang chiến tranh. Hai là, đi đôi với tiêu diệt địch cần thấu triệt chủ trương gìn giữ lực lượng của ta, theo dõi sát tình hình mặt trận để lúc cần thì chủ động rút lực lượng ra ngoài cùng toàn quân và toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến lâu dài. Ba là, Thủ đô phải nêu cao tinh thần anh dũng và sáng tạo chiến đấu làm gương cho cả nước, đoàn kết chặt chẽ giữa bộ đội, tự về chiến đấu, tự về thành, lực lượng công an, đoàn kết và giúp đỡ đồng bào chưa kịp tản cư và ngoại kiều.

        Từ những đặc điểm địch, ta trên cả nước và ở Thủ đô, tôi nêu lên biện pháp tác chiến chủ yếu là “phải sử dụng những lực lượng nhỏ, triệt để lợi dụng địa hình, địa vật ở từng khu, dựa vào những ngôi nhà có cấu trúc kiên cố, xây dựng nhiều chướng ngại vật trên các đường phố đánh địch bằng mọi hình thức, tránh tung lực lượng vào những trận quyết chiến lớn, gây khó khăn, lúng túng cho địch bằng nhiều chiến thắng nhỏ…”.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 12:09:50 am

2

        Tổng số quân viễn chính Pháp ở Đông Dương lúc này đã lên tới 90.000. Về phía ta, lực lượng bộ đội cả nước khoảng 82.000. Không có chênh lệch lớn về số lượng. Nhưng về trình độ tổ chức trang bị, kĩ thuật, thì đây là một khoảng cách có tính thời đại.

        Quân viễn chinh Pháp là một quân đội nhà nghề, với những đơn vị bộ binh, thiết giáp, pháo binh, không quân, hải quân vừa chiến thắng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Họ có những trang bị hiện đại nhất của phương Tây. Chỉ riêng sự xuất hiện khẩu tiểu liên Thompson cũng đủ làm nản lòng những đơn vị bạch binh kiêu dũng của Nhật hoàng năm trước trên quần đảo Xalômông. Còn quân đội ta, đơn thuần là bộ binh, hầu hết là người dân mới khoác áo lính, trang bị yếu kém. Mỗi đơn vị, nhiếu nhất là một phần ba chiến sĩ có súng, toàn là súng cũ đủ loại với rất ít đạn. Mỗi trung đoàn có từ ba đến bốn khẩu trung liên hoặc tiểu liên, vài ba khẩu súng cối. Những đơn vị ít nhiều rèn luyện trong chiến tranh chống Nhật ở Việt Bắc thì hoặc đã lên đường Nam tiến, hoặc phân tán đi làm cán bộ ở những đơn vị mới tổ chức. Vì phải bắt tay ngay vào làm nhiệm vụ tiếp phòng với quân Pháp, nên các chiến sĩ ít được huấn luyện về kĩ thuật, số đông chưa qua bắn đạn thật. Bộ đội ta được tổ chức thành trung đoàn, mỗi trung đoàn gắn với một, hai hoặc ba tỉnh. Ở Bộ Tổng chỉ huy và các Khu, ngoài đại đoàn cảnh vệ chưa có một đơn vị chủ lực nào.

        Theo Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946, Pháp được đưa ra miền Bắc, tính từ Đà Nẵng trở ra, 15.000 quân. Nhưng họ đã tăng cường trái phép lên 30.000, gồm những đơn vị lính Pháp, lính lê dương tinh nhuệ nhất và một lực lượng lớn những binh chủng kĩ thuật. Những thành phố như Nam Định, Hải Dương, Huế, mỗi nơi Pháp có một tiểu đoàn, đặc biệt ở Đà Nẵng có hai tiểu đoàn. Ở hai thị xã Bắc Ninh, Bắc Giang, có một tiểu đoàn; riêng ở thị xã Vinh chỉ có một trung đội.

        Thủ đô Hà Nội là nơi quân Pháp tập trung đông, gồm một trung đoàn bộ binh, một trung đoàn xe tăng, thiết giáp, một tiểu đoàn pháo, một bộ phận biệt kích, một bộ phận dù, cùng với không quân và thủy quân. Tất cả khoảng 6.500 người. Ở đây còn phải kể tới 7.000 Pháp kiều đã được phân phát vũ khí. Một cuốn sách của Pháp viết là ở Hà Nội lúc đó có 4.500 binh lính và 7.000 Pháp kiều được trang bị súng và lựu đạn; có thể là không kể số quân Pháp bị Nhật bắt làm tù binh, được thả ra sau ngày Nhật đầu hàng.

        Lực lượng ta ở Hà Nội có 5 tiểu đoàn vệ quốc quân, 2.515 người, khoảng trên 8.000 tự vệ, gồm tự vệ chiến đấu cứu quốc, tự vệ các xí nghiệp, tự vệ thành Hoàng Diệu và một lực lượng công an xung phong. Bộ Tổng chỉ huy đã chỉ thị tăng cường trang bị chiến đấu cho Hà Nội nhưng cũng không hơn những nơi khác bao nhiêu.

        Trên miền Bắc, lúc này còn có những đơn vị tàn quân Pháp chạy sang Trung Hoa hồi Nhật đảo chính tháng 3 năm 1945, từ Vân Nam đã trở về Tây Bắc và từ bờ biển Quảng Đông trở về bờ biển Đông Bắc nước ta. Với sáu vạn quân còn lại, trong đó có nhiều quân ngụy, Bộ chỉ huy Pháp rải ra chiếm đóng ở miền Nam (Nam Bộ, Cực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên), Lào và Campuchia đối phó với chiến tranh du kích.

        Bộ Tổng chỉ huy quyết định: Chiến khu Hà Nội không thể bị rơi vào thế bất ngờ, nếu địch đánh trước, ta có thể quật lại ngay. Trận đánh ở Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phải tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước. Hà Nội cần giam chân quân địch ít nhất là một tháng tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang chiến tranh.

        Tại những nơi địch tương đối yếu như Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vinh, các chiến khu 2, 3, 4, 12 được trao nhiệm vụ tiêu diệt hoặc gây thiệt hại nặng những đơn vị đồn trú.

        Các chiến khu 6, 7, 8, 9 ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ được lệnh đẩy mạnh chiến tranh du kích phối hợp với các chiến khu khác, gây khó khăn cho địch trong việc đưa quân tăng viện cho miền Bắc và miền Trung.

        Trong trường họp cơ quyết định toàn quốc kháng chiến của Trung ương, tín hiệu sẽ được phát đi từ Bộ Tổng chỉ huy cho tất cả các chiến khu. Lần đầu, chúng ta có một kế hoạch tác chiến trên quy mô cả nước.

        Mặt trận Hà Nội được coi là chiến trường chính trong trận tổng giao chiến đầu tiên.

        Trong quá trình bàn bạc cách đánh ở Hà Nội, mặc dù mục tiêu, biện pháp tác chiến đã được phổ biến, vẫn có đồng chí đề nghị tập trung một số đơn vị bộ đội và tự vệ thành gan dạ bí mật đột nhập thành Hà Nội, đánh thẳng vào đại bản doanh của quân Pháp. Đây là cách quân Nhật đã làm đêm mồng 9 tháng Ba. Kế hoạch này có nhiều tính phiêu lưu, vì quân viễn chinh Pháp hoàn toàn không giống đội quân thuộc địa Pháp đầu năm 1945, và các chiến sĩ ta còn xa mới có được trang bị và trình độ thiện chiến của quân đội Nhật. Một sĩ quan cũ của Nhật đã sang hàng ngũ ta, nêu ý kiến nên thiết lập ba phòng tuyến bằng công sự vững chắc bao quanh Hà Nội để ngăn chặn quân địch từng bước. Đây là cách phòng ngự cổ điển. Ta không chủ trương phòng ngự theo cách này và cũng không đủ người và cơ sở vật chất để thực hiện.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 12:14:01 am

        Tôi lưu ý Bộ chỉ huy Hà Nội trường hợp một tiểu đoàn vệ quốc quân và một tiểu đội xung phong tuyên truyền đã cầm chân quân Pháp suốt cả một ngày tại Nhà hát lớn Hải Phòng. Những công thự có kiến trúc vững chắc và cần được bảo vệ như Bắc Bộ Phủ, Tòa thị chính, Nhà bưu điện… cùng với Trại bảo an binh cũ có thể kết hợp thành một khu vực chiến đấu liên hoàn cầm cự với quân địch một thời gian. Những khu vực có nhiều đường phố nhỏ và nhiều ngõ ngách như Liên khu 1 rất thuận lợi cho việc xây dựng chiến lũy, tạo vật chướng ngại ngăn cản xe tăng, xe cơ giới và bộ binh địch đột nhập để kéo dài cuộc chiến đấu. Một vị trí hỏa lực xuất hiện bất ngờ từ những ngôi nhà cao có tác dụng rất lợi hại. Trong trận đánh Thái Nguyên, tôi đã chứng kiến một khẩu súng máy quân Nhật đặt trên ngôi nhà hai tầng đã kiểm soát suốt dọc phố.

        Cần đặc biệt nghiên cứu cách đưa bộ đội ra an toàn khi có lệnh, nên tìm hiểu hệ thống cống ngầm; trường hợp cấp bách, những con đường nằm dưới lòng đất này có thể giúp ích cho ta. Cán bộ đi điều tra về báo cáo những cửa cống thông ra cửa sông đều bị ngăn bằng song sắt. Ta đã chuẩn bị để khi cần phá bỏ ngay những song sắt này.

        Nửa năm qua, người Hà Nội đã làm quen với chiến thuật baricát những lần Pháp gây hấn. Qua bàn bạc, thấy những vật chướng ngại như bàn, ghế, giường, tủ… chất đống giữa đường, ngả cây, cột điện, đẩy xe ô tô, toa xe lửa, toa tàu điện chắn ngang cũng chỉ gây cản trở cho quân địch một thời gian ngắn. Cần phải xây dựng nhiều lớp chiến lũy, kết hợp với đào chiến hào và bố trí lực lượng chặn đánh thì mới có thể chống xe tăng, cơ giới và bộ binh địch có hiệu quả. Vì đường phố đã có những chiễn lũy chắn ngang nên cần đục tường nhà nọ thông sang nhà kia để đảm bảo sự cơ động lực lượng của ta.

        Từ ý định xây dựng nhiều tầng lớp chiến lũy, mọi người nhận thấy có thể tổ chức chiến đấu cố thủ ngay trong lòng thành phố dài ngày, hạn chế địch từ trung tâm đánh ra ngoại ô.

        Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, Bộ chỉ huy Khu 11 trình bày kế hoạch “Trong đánh - Ngoài vây”, theo cách nói của đồng chí Vương Thừa Vũ là “trùng độc chiến”. Liên khu 1 của Hà Nội với những đường phố cổ tiếp giáp Thành Hà Nội, nơi tập trung quân Pháp, được chọn làm khu vực cố thủ bên trong thành phố. Ngày đầu nổ súng, năm tiểu đoàn vệ quốc quân cùng với tự vệ sẽ tiêu diệt những vị trí lẻ của địch, phá hoại những vị trí lẻ của địch, phá hoại những cơ sở vật chất quan trọng như Nhà máy điện, Nhà máy nước, Kho xăng dầu, phá cầu Long Biên, đánh sân bay, chiến đấu bảo vệ một số cơ quan tiêu biểu như Bắc Bộ Phủ, Tòa thị chính, Nhà bưu điện… Sau vài ngày chiến đấu, một tiểu đoàn vệ quốc quân sẽ rút vào Liên khu 1, cùng với lực lượng tự vệ cố thủ tại đây. Bốn tiểu đoàn khác cùng với tự vệ Liên khu 2 và 3 sẽ giản ra các đầu ô dựa vào chiến lũy tiếp tục chiến đấu, thường xuyên đột kích để yểm trợ cho Liên khu 1 và ngăn chặn quân Pháp đánh ra ngoại thành.

        Tôi tán thành kế hoạch này, một kế hoạch “nội công ngoại kích” gây cho quân địch sự lúng túng phải đối phó ở cả hai mặt, bên trong và bên ngoài, đồng thời bảo đảm tính cơ động của lực lượng ta, không bị cố định trong những phòng tuyến cứng nhắc.

        Kế hoạch chiến đấu tại Hà Nội được hoạch định cụ thể, tính kĩ số lượng đạn dược, lương thực, nước uống của bộ phận cố thủ tại Liên khu 1. Khó khăn nhất vẫn là sự chênh lệch quá lớn về trang bị kĩ thuật giữa ta và địch. Toàn mặt trận, tính cả tự vệ, có khoảng 2.250 cây súng, hầu hết là súng trường, với nhiều súng khai hậu. Đạn rất ít. Trung bình hai chiến sĩ có một quả lựu đạn.

        Chúng ta quyết định tiến hành một cuộc nghi binh lớn, suốt một tuần, hàng nghin dân quân, tự vệ, từ những vùng chung quanh, rầm rập kéo vào thành phố, tăng cường những vị trí đóng quân, quá nửa đêm lại lặng lẽ rút đi.

        Kế hoạch chiến đấu được các khu phố thực hiện rất khẩn trương. Có những thanh niên trước đây thờ ơ, nay cũng hăng hái tham gia xây dựng chiến lũy. Đồng bào ngoài việc đóng góp dụng cụ: cuốc, xẻng, xà beng, cọc sắt, tham gia đắp lũy, đào hào, còn tích cực lập những đội cứu thương, hỏa thực và dự trữ lương thực để chiến đấu. Những đường phố xinh đẹp nhanh chóng trở thành chiến lũy. Một lần đi thăm khu Hoàn Kiếm, nhìn những thanh niên đang dựng cọc sắt, đào chiến hào, khoét lỗ ở những thân cây chuẩn bị đặt mìn, tôi nhận thấy chính những cuộc gây hấn của quân Tưởng và quân Pháp trong thời gian qua đã chuẩn bị tốt cho họ bước vào cuộc chiến.

        Trung tuần tháng 12 năm 1946, tôi báo cáo với Bác có thể giữ được Hà Nội từ một tháng trở lên.

        Bộ Tổng chỉ huy quyết định nổ súng vào 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, nhưng chỉ có Hà Nội thực hiện mệnh lệnh đúng thời gian. Những nơi khác đều chậm từ hai đến bảy giờ. Có nơi bộ đội ta bị địch tiến công trước.

        Kể cả Hà Nội, quân Pháp cũng không hoàn toàn bị bất ngờ. Tác giả cuốn “Lích sử Việt Nam”1 đã kể lại, 18 giờ ngày 19, một người Pháp lai, nhân viên phản gián của Pháp trà trộn trong hàng ngũ ta, đã báo tin: “Ba đại đoàn Việt Nam (!) và lực lượng tự vệ đã được lệnh tiến công vào tối nay”. Moóclie, tư lệnh quân viễn chinh ở miền Bắc Đông Dương, lập tức đặt toàn bộ quan Pháp trong trạng thái báo động cao.

        Như vậy, ở tất cả mọi nơi, quân Pháp đều sẵn sàng. Điều bất ngờ đối với họ chỉ ở chỗ: có lẽ nào một đội quân non trẻ với những trang bị yếu kém lại dám nổ súng vào quân viễn chinh? Đó là lợi thế duy nhất mà ta giành được khi khởi đầu chiến tranh trên cả nước.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 12:16:05 am
       
3

        Hiệu lệnh nổ súng ở Hà Nội là đèn điện tắt, đại bác của pháo đài Láng bắn những phát đầu tiên. Chúng ta cần bóng tối trở lực khi khởi sự. Làm được việc này không dễ. Trung tâm phát điện là nhà máy điện Yên Phụ do lực lượng hỗn hợp Việt, Pháp cùng canh gác. Cần bí mật đưa vào nhà máy một lượng thuốc nổ đặt vào nơi cần thiết sát giờ nổ súng. Nếu địch phát hiện, quân Pháp có cớ chiếm ngay nhà máy và tiến công trước vào bộ đội trên toàn thành phố.

        Từ làng Tây Mỗ, cách Hà Nội mười kilômét, tôi chờ đợi giờ phút này. Anh Hoàng Văn Thái túc trực tại tổng đài điện thoại của Bộ đặt ở thị xã Hà Đông, nắm tình hình tác chiến, theo quy định cứ hai giờ báo cáo với tôi một lần.

        20 giờ...

        20 giờ 03 phút. Đèn điện Hà Nội phụt tắt. Đại bác từ pháo đài Láng gầm lên. Công nhân nhà máy điện Yên Phụ do đồng chí Giang phụ trách đã hoàn thành nhiệm vụ một cách tuyệt vời! Ngay sau đó cả Hà Nội rền vang tiếng súng. Chớp lửa đại bác. Hỏa châu. Luồng sáng của đạn vạch đường. Chân mây dần đỏ rực màu hồng của những đám cháy. Những người có mặt ở Hà Nội đêm Nhật đảo chính nói đêm nay mới thực sự là chiến tranh.

        Có thể thấy địch lập tức đối phó. Phần lớn những tiếng súng lúc này là của địch. Các chiến sĩ ta được lệnh tiết kiệm đạn ngay từ khi khởi đầu tiến công.

        Anh Thái kịp thời thông báo những diễn biến đầu tiên từ mặt trận. Quân ta diệt nhiều ổ chiến đấu lẻ, nhiều tiểu đội địch trong các bộ phận gác hỗn hợp và đang vây đánh nhà Đềlêvô.

        Một tin làm tôi rất quan tâm là chỉ sau nửa giờ nổ súng, từ trong Thành quân Pháp đã chia mấy cánh đánh ra. Một cánh từ Cửa Bắc tiến theo đường Hàng Đậu. Một cánh từ Cửa Nam đi theo đường Tràng Thi, đã chiếm được bốt công an Hàng Trống và tiếp tục đi về hướng Nhà hát lớn.

        Quân Pháp sẽ đánh vào Bắc Bộ Phủ, tôi nghĩ. Đại đội vệ quốc quân làm nhiệm vụ canh gác đã tuyên thệ quyết tử. Tôi nhắc Bộ chỉ huy Hà Nội lệnh cho đơn vị ở Bắc Bộ Phủ sẵn sàng chiến đấu và sử dụng pháo binh chi viện khi địch bắt đầu tiến công.

        Ở ngã ba Hồng Phúc, Hàng Đậu, vệ quốc quân và tự vệ chiến đấu đã tổ chức phục kích, giật bom phá xe tăng rồi xung phong diệt hàng chục địch. Như vậy, ngay giữa thành phố vẫn có thể tổ chức phục kích! Đây là một chiến công do quần chúng sáng tạo.

        Trong đêm, được tin Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vinh và Huế đã lần lượt nổ súng. Bộ đội Đà Nẵng 21 giờ mới nhận được lệnh, đề nghị cho nổ súng vào 8 giờ 30 ngày hôm sau.

        Nhìn chung, ta đã giành được lợi thế trong những giờ giao chiến đầu tiên.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 12:22:03 am
       
4

        Sáng sớm ngày 20, tôi cùng anh Trần Quốc Hoàn, phái viên của Trung ương và anh Hoàng Văn Thái có mặt ở Sở chỉ huy mặt trận Hà Nội. Phái viên từ các nơi liên tiếp về báo cáo tình hình chiến đấu đêm qua. Những bộ mặt trẻ măng. Ai cũng muốn nói nhiều về chiến tích đầu tiên của khu mình.

        Đang ngồi nghe các phái viên kể chuyện thì có báo cáo rất đông quân Pháp, với xe tăng mở đường, tiến công vào Nhà hát lớn, Bắc Bộ Phủ và Nhà bưu điện.

        Tôi bảo anh Vũ ra lệnh cho pháo binh bắn yểm hộ cho bộ đội ta ở Bắc Bộ Phủ. Anh Vũ cầm điện thoại, rồi phất tay nói:

        - Bắn đi!

        Tôi ngạc nhiên vì sao không chỉ rõ mục tiêu. Anh đáp:

        - Báo cáo anh, tất cả mục tiêu đều được đo đạc tính sẵn phần tử từ trước. Nếu bây giờ chỉ thị mục tiêu mới, đạn có thể rơi vào bộ đội hoặc đồng bào ta.

        Mọi người đang phải làm một nhiệm vụ vượt quá xa sức mình!

        Tôi yêu cầu đi thăm mặt trận. Anh Vũ đưa trở lại phố Khâm Thiên. Lần này, không đi trên đường, chúng tôi chui qua những lỗ đục tường từ nhà nọ thông sang nhà kia. Những căn buồng đồ đạc vẫn nguyên vẹn. Chiếc chăn bông xếp ngay ngắn ở cuối giường. Trong bể non bộ, đàn cá vàng vẫn lượn lờ. Người dân nghèo hay giàu, đều bỏ lại tài sản ra đi.

        Ở đầu phố, đối diện với vị trí địch tại nhà dầu Shell, chiến lũy của ta vẫn đứng vững. Mùi thuốc súng khét lẹt. Trong tự vệ, lẫn với học sinh, dân nghèo, có những công nhân xe lửa với bộ mặt rám nắng và bộ quần áo xanh bạc màu. Không ít người chỉ có trong tay một quả lựu đạn lọ mực, một thanh sắt hoặc con dao.

        Chúng tôi đang đứng quan sát bên một ngách tường thì một viên đạn cối không biết từ đâu lao tới, nổ cách đó mấy nhà. Tiếp theo là những loạt liên thanh của quân Pháp. Anh Vũ đề nghị tôi xuống giao thông hào.

        Giữa những loạt súng nổ ran, chợt nghe tiếng hát của chiến sĩ ta. Tôi định nói tiếng hát sẽ làm lộ mục tiêu, nhưng lại thôi. Trận dạ tập Đồng Mu trước ngày Tổng khởi nghĩa, giữa giờ phút khó khăn thì tiếng hát của quân giải phóng bật lên. Năm trước, ở Nha Trang, tôi gặp các chiến sĩ trên đường ra trận vừa đi vừa hát. Sau này đọc một cuốn sách của Pháp, tác giả kể khi Pháp tiến công Bắc Bộ Phủ, những người bảo vệ đã chiến đấu tới viên đạn, quả lựu đạn cuối cùng trong tiếng hát và tiếng đàn măngđôlin. Vào những giờ phút ác liệt của chiến tranh, tiếng hát có tác dụng kì lạ.

        Tôi nói với anh Vũ cần xây dựng tiếp vài lớp chiến lũy và đào thêm nhiều hầm hào. Bộ đội không chỉ chặn địch trước mặt mà phải có bộ phận cơ động bổ sung mật đánh vào sườn. Nên phổ biến kinh nghiệm tự vệ đường Tràng Thi từ trên mái nhà ném lựu đạn, bắn súng xuống, học kinh nghiệm phục kích ở ngã ba Hồng Phúc tối qua. Nếu ta biết đánh, địch không dễ gì chiếm được chiến lũy.

        Cùng với mặt trời dần lên cao, tiếng súng từ trung tâm thành phố dội về mỗi lúc một dữ dội. Máy bay địch bay lượn trên bầu trời Hà Nội bắn phá một số nơi. Súng cao xạ của ta từ dưới bắn lên để lại trên cao những đám khói trắng.

        Trên đường về tôi cảm thấy yên lòng về tinh thần chiến đấu cảu bộ đội và tự vệ, nhưng cũng rất băn khoăn vì lực lượng bộ đội ta quá mỏng. Cả Khu 11 chỉ có 5 tiểu đoàn! Bộ Tổng chỉ huy không có lực lượng dự bị nào… Tôi nảy ra ý nghĩ có thể sáp nhập Khu 11 vào Khu 2. Hà Nội cùng với hai tỉnh Sơn Tây, Hà Đông sẽ trở thành khu vực tiền phương của Chiến khu 2. Như vậy, mặt trận Hà Nội có nguồn bổ sung bộ đội, và một hậu phương tương đối rộng để huy động sức người, sức của kéo dài cuộc chiến đấu.

        Tối hôm đó, tại cơ quan trung ương ở Do Lộ, anh Trường Chinh và tôi cùng nghe Bộ Tổng tham mưu tổng họp tình hình chiến sự ngày đầu để chuẩn bị báo cáo với Bác.

        Ở Hà Nội, ta đánh 30 trận vừa tiến công vừa chặn địch, diệt nhiều vị trí nhỏ và ổ chiến đấu lẻ. Ta không giải quyết đươc những nơi địch tập trung đông như ở trường Bưởi, Đồn Thủy… Cuộc chiến đấu ở Bắc Bộ Phủ diễn ra từ 5 giờ sáng đến 18 giờ. Vệ quốc quân đánh lui nhiều đợt xung phong. Buổi chiều, chính trị viên đại đội Lê Gia Định thấy không giữ được Bắc Bộ Phủ nữa, ra lệnh cho 2 trung đội do anh chỉ huy rút sang Nhà bưu điện. Anh ở lại với một quả bom, định giật nổ để tiêu diệt toán quân Pháp đầu tiên xông vào. Bom không nổ, chính trị viên Lê Gia Định đã anh dũng hi sinh. Tại Nhà hát lớn, 2 tiểu đội do trung đội trưởng Đát chỉ huy đã đánh lui các đợt xung phong của quân Pháp suốt đêm 19. Sáng 20, chỉ còn lại 12 chiến sĩ. Bắn hết đạn, họ dùng lưỡi lê, báng súng tiếp tục quần nhau với quân địch. Những người bị quân địch bắt nhất định không chịu đầu hàng, quân Pháp đưa họ ra bắn. Ở phố Nhà Thờ, đại đội trưởng vự vệ thành Trịnh Sĩ Bình, một công nhân công giáo lớn tuổi, một mình ở lại chặn đánh quân địch cho đơn vị rút lui đã anh dũng hi sinh. Ngay trong ngày đầu kháng chiến toàn quốc, ở Thủ đô đã có biết bao tấm gương chiến đấu oanh liệt. Ta tiêu diệt hàng trăm quân địch, phá hủy một số xe tăng, xe bọc thép. Phái ta, bốn mươi chiến sĩ hi sinh. Ta giật một quả bom 250 kilôgam ở cầu Long Biên nhưng không phá được cầu, không đánh được sân bay Gia Lâm vì địch canh phòng cẩn mật.

        Các tỉnh đều có điện về báo cáo: Tại Hải Dương, diệt 2 trung đội địch ở trường nữ học và cầu Phú Lương, đang bao vây quân Pháp ở Nhà máy chai; ở Nam Định, diệt một số tiểu đội tại nhà ga, Nhà máy tơ, chiếm một bộ phận Nhà máy dệt. Trung đội địch đóng tại sân bay Vinh đã đầu hàng. Ở Huế, bộ đội ta diệt một số điểm lẻ ở Ngã Năm, khách sạn Thanh Minh, trường Khải Định. Ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đang vây địch, mới diệt được một tiểu đội. Riêng ở Đà Nẵng, vì chuẩn bị chậm, định nổ súng vào 8 giờ 30 ngày 20 tháng 12, nhưng từ 5 giờ sáng địch đã tiến công trước, lực lượng vũ trang ta có nguy cơ bị đẩy ra ngoài thành phố.

        Sau khi nghe báo cáo, chúng tôi trao đổi và nhất trí qua một ngày đêm chiến đấu có thể thấy, nhìn chung, tuy ta yếu hơn địch nhiều, nhưng vì giành được bất ngờ nên ta ở thế có lợi, còn địch ở vào thế bị động đối phó. Ở Hà Nội, không thể tiếp tục tiến công vào những vị trí lớn, mà nên đánh nhỏ, đánh du kích. Sau ba ngày chiến đấu, các liên khu có thể co lực lượng về khu vực tác chiến đã chuẩn bị. Ở Hải Dương, Nam Định, Huế, ta còn nhiều lực lượng, cần tiếp tục tiến công tiêu diệt địch.

        Tôi quyết định điều ngay hai tiểu đoàn của Khu 2 tăng cường cho Hà Nội, gấp rút xây dựng một trung đoàn chủ lực trực thuộc Bộ, và mỗi chiến khu đều phải nắm chắc một tiểu đoàn chủ lực.

        Ngày 25 tháng 12, Thường vụ Trung ương họp nghe báo cáo tình hình chiến đấu ở Thủ đô. Anh Trường Chinh công bố quyết định sát nhập Chiến khu 11 vào Chiến khu 2. Anh Hoàng Sâm và anh Lê Hiến Mai vẫn là chỉ huy trưởng và chính ủy. Anh Vương Thừa Vũ và anh Trận Độ là chỉ huy phó và phó chính ủy của Chiến khu 2, nhưng vẫn là chỉ huy trưởng và chính ủy của Mặt trận Hà Nội.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 07:35:58 am
        
5

        Ngày 12 tháng 1 năm 1947, Hội nghị quân sự lần thứ nhất họp ở gần Hà Nội.

        Kháng chiến toàn quốc đã hơn ba tuần. Bộ đội và tự vệ Hà Nội đã vượt qua cái mốc 15 ngày cầm chân quân Pháp đề ra lúc ban đầu. Không riêng Hà Nội, tại nhiều thành phố khác, lực lượng vũ trang ta vẫn đứng vững. Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh lê dương số 3 (3è REI) đã bỏ Bắc Ninh, Bắc Giang rút về Hà Nội.

        Hưởng ứng mệnh lệnh kháng chiến toàn quốc, ở Nam Bộ, ngày 20 tháng 12 năm 1946, tự vệ thành và những đội cảm tử đồng loạt nổ súng tại Sài Gòn, gây náo loạn cả thành phố. Ở Nam Trung Bộ, đêm 30 tháng 12 năm 1946, một đoàn tàu quân sự với 30 toa xe chở gần 200 sĩ quan và binh lính Pháp bị đánh lật nhào ở sông Phan. Tại Tây Nguyên, từ 29 đến 30 tháng 12 năm 1946, bộ đội ta liên tiếp phục kích quân tiếp viện địch trên đường An Khê - Gia Hội, An Khê - Thượng An, đánh một đoàn xe địch, loại 70 sĩ quan và binh lính khỏi vòng chiến đấu.

        Về phía địch, sau hai chục ngày tác chiến, Bộ chỉ huy Pháp vẫn chưa thoát khỏi thế bị động, lúng túng. Tướng Moóclie chỉ huy quân Pháp ở Bắc Bộ mất chức. Đépbờ (Dèbes), người đánh chiếm Hải Phòng tháng 11 năm 1946 lên thay. Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp Vanluy kêu gọi binh lính: “Nghiến răng chịu đựng trước cuộc xung đột đang diễn ra ác liệt… Chẳng bao lâu nữa các bạn sẽ được tăng viện tiếp tế”. Tuy nhiên, ở một số mặt trận xa, quân Pháp nhanh chóng mở rộng phạm vị chếm đóng. Ở Tây Bắc, địch chiếm Sơn La, Hát Lót, Yên Châu. Ở biên giới Việt - Lào, địch làm chủ tuyến sông Mã. Ở Đông Bắc, địch đã nối liền Tiên Yên, Đình Lập, Lạng Sơn, và đang tiến từ Đình Lập xuống Phả Lại, nhằm chiếm đóng khu tứ giác Lạng Sơn - Móng Cái - Hải Phòng - Phả Lại. Có thêm quân tăng viện, địch sẽ còn những âm mưu mới.

        Hội nghị quân sự lần này nhằm bàn kế hoạch đối phó với tình hình mặt trận sẽ có những biến chuyển lớn nay mai.

        Cuộc họp kéo dài từ ngày 12 đến 16 tại Trúc Sơn, nơi năm thế kỉ trước đã diễn ra trận Chúc Động - Tốt Động lịch sử.

        Anh Trường Chinh tới dự hội nghị. Các khu trưởng từ Khu 4 trở ra đều có mặt. Vẻ bỡ ngỡ lần trước cách đây đúng một tháng, ngày nhậm nhiệm vụ, đã nhường cho sự hiểu biết, tự tin hơn sau ba tuần thử lửa.

        Tôi đọc bản báo cáo đánh giá những thành tích quân và dân ta đã thu được từ ngày nổ súng và nêu lên những khuyết, nhược điểm cần khắc phục về mặt tổ chức, chỉ huy và cách đánh của bộ đội.

        Ta nhận định sau một thời gian bị động đối phó, địch đang chuyển sang phản công và tiến công. Dự đoán có thêm viện binh, địch sẽ chiếm và kiểm soát khu Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Ninh Bình - Phát Diệm, củng cố đường số 1, đường sông Hồng, phát triển mặt trận Sơn La, đổ bộ lên Đà Nẵng để có đủ lực lượng giải vây cho Huế, nối liền Huế - Đà Nẵng, và từ Sê Pôn (Lào) uy hiếp phía sau lưng quân ta.

        Ta chủ trương kiên quyết nắm quyền chủ động trên khắp các mặt trận, kịp thời chuyển sang thời kì mới không để lâm vào thế bị động. Cần tránh đưa lực lượng đối chọi với các mũi tiến công lớn. Dựa vào trận địa đẩy mạnh hoạt động du kích, ngăn chặn không cho địch phát triển mau lẹ. Tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt từng bộ phận nhỏ để động viên cả nước chiến đấu. Cần tiếp tục vây hãm quân địch ở các thành phố thêm một thời gian, có kế hoạch đánh địch giải vây, chủ động rút lui đúng lúc và có tổ chức để bảo toàn lực lượng, sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công lan rộng của địch. Ta quyết định tổ chức mặt trận Tấy tiến nhằm phá thế uy hiếp ở phía tây, buộc địch phải phân tán đối phố, và mở rộng căn cứ địa.

        Cách đó sáu ngày, đảng bộ Liên khu 1 Hà Nội có điện đề nghị thống nhất tất cả các bộ phận Vệ quốc quân, tự vệ chiến đấu, công an xung phong, tự vệ thành trong Liên khu 1 thành một trung đoàn, lấy tên là trung đoàn Liên khu 1. Bộ Tổng chỉ huy đã đồng ý. Tại Hội nghị quân sự lần này, tôi đề nghị tặng trung đội Liên khu 1 danh hiệu “Trung đoàn Thủ đô”. Hội nghị nhiệt liệt hoan nghênh.

        Anh Vương Thừa Vũ báo cáo những kinh nghiệm phong phú tại mặt trận Hà Nội: tác chiến dựa vào chiến lũy, phục kích, cơ động lực lượng trong thành phố, sử dụng lực lượng dự bị. Khu 2 giới thiệu cách đánh quân nhảy dù và quân tăng viện đường thủy tại Nam Định ngày 6 và 7 tháng 1 năm 1947. Đồng chí Trần Đại Nghĩa, Cục trưởng Cục Quân giới, báo cáo về việc chế tạo súng và đạn badôca để thay thế cho loại bom ba càng khó sử dụng và dễ đưa chiến sĩ tới tử vong. Đồng chí Hoàng Đạo Thúy, vừa nhận chức Cục trưởng Giao thông Công chính, báo cáo về công tác phá hoại cầu đường.

        Giờ nghĩ, tôi gặp anh Vũ trao đổi về những diễn biến sắp tới tại mặt trận Hà Nội. Chúng tôi dự kiến địch sẽ đẩy lui lực lượng ta ra khỏi các cửa ô trước, sau đó mới quay về đánh Liên khu 1. Do đó, cần điều chỉnh lại, bố trí và tăng cường thêm chiến lũy, động viên bộ đội và tự về chiến đấu tích cực chặn địch trên các trục phố dẫn ra cửa ô. Đồng thời, củng cố những công trình phòng thủ tại Liên khu 1 sẵn sàng đánh địch và rút lui đúng lúc.

        Hội nghị họp sáng ngày thứ hai thì có tin địch lại tiến công ra các cửa ô, anh Vũ xin về sớm để chỉ huy chiến đấu.

        Chúng ta vừa chiến đấu vừa phải kịp thời rút kinh nghiệm trong chiến đấu. Cuộc họp lần này đã trở thành một lớp học mà tất cả những người tham dự vừa là giảng viên, vừa là học viên. Đây chính là những lớp học ngắn ngày góp phần khắc phục trình độ non trẻ của cán bộ ta.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 07:39:49 am

6

        Tiêu biểu cho trận tổng giao chiến đầu tiên phải nói đến Thủ đô Hà Nội.

        Hà Nội chia thành ba liên khu. Theo đúng kế hoạch, sau ba ngày giao chiến trên khắp thành phố và tổ chức cho đồng bào tản cư khỏi nội thành, lực lượng vũ trang các liên khu 2, 3, bắt đầu giãn dần ra cửa ô, nơi đã được xây dựng chiến lũy để ngăn chặn quân địch. Bộ đội và tự vệ Liên khu 1 cũng thu hẹp phạm vi chiến đấu, rút vào khu vực cố thủ nằm tiếp giáp với Thành Hà Nội.

        Từ ngày 30 tháng 12, địch mở liên tiếp nhiều cuộc tiến công ra các cửa ô. Mỗi cuộc đều có xe tăng, xe bọc thép đi kèm và máy bay, pháo binh phối hợp.

        Vệ quốc đoàn và tự vệ với súng trường, lựu đạn, dao kiếm, giáo mác, chai xăng krếp, bom ba càng, dựa vào chiến lũy, chướng ngại vật, công sự, hầm hố, lợi dụng nhà gác, mái nhà đã đánh chặn, giành giật từng quãng đường, từng ngôi nhà.

        Ở Khâm Thiên, Hàng Bột, Đội Cấn, địch bị thiệt hại nhiều mà vẫn không vượt qua được chiến lũy. Quân Pháp cuối cùng phải bỏ ý định đánh thẳng vào chiến lũy mà đi vòng theo đường khác. Thiếu sót của ta ở một số nơi chưa tính tới trường hợp địch đi theo đường vòng.

        Trận đánh ở nhà thương Vọng ác liệt nhất. Lực lượng vũ trang ta dùng bom ba càng phá xe tăng, rồi rút lên gác đánh lui nhiều đợt xung phong của địch. Địch bị loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên và bị phá hủy một số xe tăng, xe cơ giới. Phía ta, hai trung đội vệ quốc đoàn và năm mươi tự vệ hi sinh.

        Một số trận phục kích diễn ra ở Đống Đa, Hòa Mục, đường Nguyễn Công Trứ, diệt từng trung đội địch. Kinh nghiệm mặt trận ngã ba Hồng Phúc đã được vận dụng.

        Cho đến ngày 25 tháng 1 năm 1947, địch mới đẩy lùi lực lượng Liên khu 2 và Liên khu 3 ra tới cửa ô. Từ trung tâm thành phố ra tới đây chỉ 5 kilômét nhưng quân Pháp đã đi mất 27 ngày, với tốc độ bình quân 200 mét một ngày theo cách tính của một nhà báo Pháp.

        Khi bàn về trận đánh Hà Nội, nhiều người đã quên hoặc ít nói về Liên khu 2 và Liên khu 3. Ở hai liên khu này, cuộc chiến đấu đã diễn ra 38 ngày đêm, trong đó có 27 ngày đánh địch trên khắp các trục đường ra ngoại ô kết hợp với những tổ luồn vào khu vực địch đã kiểm soát thường xuyên tập kích địch. Nếu không có sự phối hợp này, chiến sĩ Liên khu 1 khó trụ sát nách địch một thời gian dài như vậy.

        Tuy nhiên, Liên khu 1 vẫn là tiêu biểu nhất cho cuôc chiến đấu ở Thủ đô.

        Liên khu 1 nằm kề đại bản doanh của Bộ chỉ huy Pháp giữa lòng Hà Nội giống như một cái “chốt chặn” hay một cái “nhọt tụ độc” ta thường gặp trong chiến tranh. Đây là một lực lượng những chiến sĩ quyết tử có nhiệm vụ thu hút, ngăn chặn địch, sẵn sàng hi sinh tính mệnh cho lợi ích toàn cục trong một trận đánh quan trọng.

        Theo kế hoạch, sẽ có một tiểu đoàn vệ quốc quân cùng ở lại với tự vệ tại liên khu. Nhưng ngay từ những phút đầu chiến đấu, tiểu đoàn này đã bị cắt làm đôi. Một đại đội ở khu vực phố Yên Phụ, không rút vào được khu vực cố thủ. Như vậy, trong Liên khu chỉ có hai đại đội vệ quốc đoàn cùng với một bộ phận tự vệ chiến đấu, lực lượng vũ trang trung kiên được Thành ủy Hà Nội tổ chức sau ngày Tổng khởi nghĩa. Họ là nòng cốt cho cuôc chiến đấu của hàng nghìn tự vệ gồm những người dân thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, phần lớn là thanh niên, lần đầu làm quen với chiến trận. Hạt nhân lãnh đạo của liên khu, với hàng vạn dân chưa kịp tản cư, là ba chục đảng viên cộng sản, cả nam lẫn nữ, được chỉ định ở lại. Điều đáng ngạc nhiên là các chiến sĩ Liên khu 1, từ em nhỏ, cô gái đến anh vệ quốc quân, ngay giờ phút đầu tiên đã hiên ngang tiến hành trận đánh “mặt đối mặt với kẻ thù mạnh hơn mình gấp nghìn lần.

        Ngày 23 tháng 12 năm 1946, anh Trần Quốc Hoàn và anh Lê Quang Đạo được Trung ương cử vào Liên khu 1 để xem xét tình hình tại chỗ. Khi trở về, các anh báo cáo vói Bác và Thường vụ: Nếu được tiếp tế đều đặn về lương thực, đạn dược, trung đoàn vẫn có thể trụ lại vượt thời gian dự tính.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 07:43:11 am

        Tinh thần căm thù quân cướp nước, sẵn sàng hi sinh tính mệnh cho Tổ quốc đã mang lại cho các chiến sĩ sự lạc quan, bình tĩnh, sáng tạo, sớm tìm ra cách bảo vệ mình và tiểu đoàn địch. Họ rút kinh nghiệm qua mỗi trận đánh. Từ chia quân khắp nơi ngăn chặn địch với công sự chiến đấu giản đơn, nhanh chóng chuyển sang chiến đấu cơ động dựa vào chiến hào, đánh địch cả trước mặt, bên sườn và phía sau. Họ biết nghi binh, nhử địch, biết tổ chức và sử dụng lực lượng dự bị. Một chiến thuật mới cùng với hình thức tổ chức thích hợp đã hình thành. Bộ đội chia thành những tổ nhỏ, dựa vào những đường hào, đường luồn trong nhà, thường xuyên di động. Họ không khi nào lộ mặt trước quân địch và luôn luôn reo rắc những tai họa bất ngờ. Một kẻ thù vô hình bao giờ cũng đáng sợ hơn một kẻ thù hữu hình. Những chai cháy, quả lựu đạn, phát súng trường lẻ tẻ nhưng rất trúng địch, không biết xuất hiện từ đâu. Các chiến sĩ cố thủ không chịu bó hẹp phạm vi chiến đấu của mình bên trong chiến lũy. Họ thường xuyên kéo nhau đi đột kích những bộ phận quân Pháp đóng lẻ. Nhờ thông thuộc địa hình, đường ngang lối tắt, họ thoắt hiện, thoắt ẩn khiến kẻ địch thường không kịp đối phó và càng ít cơ hội chụp bắt họ. Họ được sự giúp đỡ, cổ vũ của hàng vạn đồng bào, những người chưa kịp tản cư cũng như những người quyết tâm ở lại.

        Tuy vậy, không phải không có những khó khăn mới đã nảy sinh. Khi lực lượng vũ trang ta thu hẹp phạm vi chiến đấu vào khu vực cố thủ thì dân chúng ở vùng chung quanh cũng ùa vào theo, đưa số dân tại đây lên tới hàng vạn người. Số nhân khẩu đông đảo này đã nhanh chóng làm cạn nguồn lương thực dự trữ trù liệu cho năm nghìn người trong vòng ba tháng. Con đường bí mật nằm ở ven sông Hồng, nối liên khu với hậu phương trong những đêm tối trời, đã bị địch chú ý. Không thể để tình hình này kéo dài. Chúng ta thống nhất với lãnh sự Trung Hoa, Anh và Mỹ, thỏa thuận cùng phía Pháp một thời gian ngừng bắn 24 giờ, đưa Hoa kiều, Ấn kiều và thường dân ra khỏi khu vực chiến sự. Bộ Tổng chỉ huy quyết định chỉ để lại Liên khu 1 một bộ phận nhỏ của Trung đoàn Thủ đô là 500 người, gồm những chiến sĩ chọn lọc, đại bộ phận sẽ rút ra cùng với dân trong ngày ngừng bắn. Nhưng qua ngày đó trung đoàn báo cáo ra, vẫn còn lại 1.200 người, trong số này có cả 200 phụ nữ và 75 em nhỏ. Điều ta không dự kiến được là có những người đã trốn ở lại để được tiếp tục chiến đấu.

        Vòng vây các vị trí địch quanh liên khu ngày càng dày thêm. Sau khi ngoại kiều đã rời khỏi đây, máy bay, trọng pháo không dè dặt trong những trận oanh tạc. Vanluy ra lệnh: “Đừng ngần ngại gì mà không đánh mạnh bằng bom và đại bác! Phải kết thúc sớm đi! Phải làm cho kẻ thù hiểu rõ ưu thế áp đảo của chúng ta”. Ngày 16 tháng 1 năm 1947, tại khu Đông Thanh, một tổ súng trường do đồng chí Bạch Ngọc Liễn chỉ huy đã bắn rơi một máy bay Xpítphai đang lao xuống bắn phá. Đây là chiếc máy bay đầu tiên bị hạ bằng súng bộ binh tại Hà Nội. Bộ Tổng chỉ huy đã tặng Huân chương Chiến sĩ hạng ba cho chiến công này.

        Con đường tiếp tế từ ngoài vào liên khu có thể bị địch phát hiện và cắt đứt bất cứ lúc nào. Khu Đông Thanh chỉ có hai khẩu trung liên đều ọc ạch, vừa bắn vừa phải sửa. Càng chiến đấu kéo dài càng thiếu đạn. Một tiểu đội ở phố Cầu Gỗ chỉ có một khẩu súng khai hậu, anh em gọi đùa là khẩu “thần công”. Các chiến sĩ bắt đầu chia nhau từng viên đạn.

        Tết Đinh Hợi (năm 1947) mở đầu cho nhiều cái tết tiếp theo trong chiến tranh. Tiếng súng ở mặt trận đã thay tiếng pháo mừng xuân. Đồng bào ở giáp mặt trận vẫn có mâm cơm cúng gia tiên chiều tất niên, nén hương thắp trên bàn thờ lúc giao thừa, và đặc biệt không quên những chiếc bánh chưng, cây giò, gói mứt gửi người đang chiến đấu ở mặt trận. Các chiến sĩ Liên khu 1 nhận được cả một cành đào Tết Nhật Tân và những bó hoa tươi. Đêm 30 Tết, họ mở một đợt tiến công ở nhiều nơi trong thành phố và cắm cờ đỏ sao vàng trên Tháp Rùa để khẳng định sự có mặt của mình tại Thủ đô.

        Bài thơ mừng xuân Đinh Hợi của Bác đầy hào khí:

              Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
              Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
              Toán dân kháng chiến, toàn diên kháng chiến,
              Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
              Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
              Sức ta đã mạnh, người ta đã đông,
              Trường kì kháng chiến, nhất định thắng lợi!
              Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

        Những tình cảm của Bác mùa xuân này dành phần lớn cho các chiến sĩ đang chiến đấu giữa vòng vây tại Liên khu 1. Trong thư gửi các chiến sĩ quyết tử quân Thủ đô, Bác viết:

        “Các em ăn Tết thế nào?... Tôi và nhân viên Chính phủ vì nhớ đến các em cho nên không ai nỡ ăn Tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kì kháng chiến.

        Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tư lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám truyền lại cho các em…

        Các em hăng hái tiến lên, lòng Già Hồ, lòng Chính phủ và lòng toàn thể đồng bào, luôn luôn ở bên cạnh các em…”.

        Sau Tết Nguyên Đán, ngày 29 tháng 1 năm 1947, tôi tới gặp Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội ở Tây Mỗ, nêu vấn đề phải tính ngay tới việc đưa bộ phận còn lại của trung đoàn Thủ đô ra ngoài. Tôi nhắc anh Vũ đặc biệt chú ý hai vị trí ở phía đông Liên khu là nhà Xôva và Trường Ke, nằm trên đường bộ đội sẽ rút qua. Tôi biết việc rút khỏi liên khu sẽ tác động lớn tới tư tưởng, tình cảm của chiến sĩ. Chừng nào còn môt lực lượng chiến đấu dù nhỏ tại liên khu thì Hà Nội vẫn chưa phải là rơi vào tay quân địch.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 07:46:52 am

7

        Từ đầu tháng Hai, có thêm viện binh, quân Pháp mở những đợt tiến công quyết liệt vào Liên khu 1. Những trận đánh dữ dội diễn ra ngày 6 tại Nhà Xôva (nay là trường Nguyễn Huệ), ngày 7 tại Trường Ke (nay là trường Trần Nhật Duật). Đây là hai vị trí nằm gần bờ sông Hồng, kểm soát con đường duy nhất nối liên khu với bên ngoài, đã được chỉ thị phải bảo vệ bằng mọi giá. Ở cả hai nơi, địch đã phải bỏ dở cuộc tiến công. Tại Nhà Xôva, địch để lại bốn chục xác chết. Tại Trường Ke, quân địch kéo tới đông, trung đội trưởng Cát Vân Soan cử liên lạc về tiểu đoàn xin tăng viện. Liên lạc viên là em Lai, 12 tuổi. Gặp tiểu đoàn báo cáo xong, Lai quay trở về trung đội thì trúng đạn hi sinh. Cái chết của em Lai đã động viên toàn thể trung đội không chờ quân tăng viện, đánh lui tám đợt xung phong của quân Pháp, giữ vững vị trí. Khi được tin, tôi đã gửi điện biểu dương những đơn vị vừa chiến thắng.

        Chiều ngày 7 và sáng ngày 8, quân Pháp tiến công vào phố Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Bút. Dãy nhà số chẵn phố Hàng Thiếc, nơi quân ta bố trí chặn đánh địch, bị bắn phá tan hoang. Trung đội phó Trần Đan bị thương, vẫn tiếp tục chỉ huy bộ đội giữ vững trận địa.

        Suốt ba ngày liền, 11, 12, 13 tháng Hai, máy bay oanh tạc dữ dội, tập trung vào khu vực chợ Đồng Xuân. Sáng 14, từ 5 giờ, các loại súng của địch nổ rung chuyển cả liên khu. Máy bay ném bom dọc theo trục đường Hàng Mã, Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng. Từ nhiều hướng, xe tăng, xe bọc thép xuất hiện. Phía Hàng Giấy, xe bọc thép tiến về cửa chợ. Phía Ô Quan Chưởng, xe bọc thép phải dừng lại trước bãi cọc sắt và bao cát. Riêng sau chợ Đồng Xuân, bốn xe tăng dẫn đầu một đám đông lính mũ đỏ vượt qua bãi đá bóng. Súng trung liên của ta đặt trên những ngôi nhà cao bắn chặn quyết liệt. Lính mũ đỏ vào gần chợ thì vấp phải hỏa lực tiểu liên, lựu đạn, chai cháy, chai đựng sỏi và vôi bột từ trong ném ra. Địch phải ngừng tiến công.

        Khoảng 9 giờ, địch mở cuộc tiến công thứ hai vẫn nhằm vào chợ Đồng Xuân. Máy bay bà già lượn vòng chỉ điểm mục tiêu cho pháo binh. Các loại súng thi nhau trút đạn vào chợ. Chiến sĩ ta và quân địch quần nhau trong từng căn nhà, trên những mái nhà. Hết đợt tiến công này, quân địch vẫn chưa lọt vào chợ, nhưng đã chiếm được một số nhà đặt gác đặt súng trung liên uy hiếp ta.

        12 giờ trưa, địch mở đợt tiến công thứ ba. Nhờ xe tăng mở đường, lính mũ đỏ lọt vào chợ. Trong chợ, ta chỉ có 2 tiểu đội của tiểu đoàn 101. Quân ta và quân địch xen vào nhau. Bộ đội ta dùng tiểu liên, lựu đạn, chai xăng krếp… quần nhau với địch quanh những quầy bán thịt. Cuộc chiến đấu giáp lá cà ác liệt, không cân sức, kéo dài tới 13 giờ. Một số chiến sĩ hi sinh. Một số rút ra ngoài, chiếm những nhà cao bắn vào bên trong chợ.

        Trận đánh chỉ dừng lại khi trời sẩm tối. Địch thương vong gần một trăm. Hai xe bọc thép bị phá hủy. Ta hi sinh 15, trong đó có em Tuyến, nữ liên lạc viên 14 tuổi; 10 người khác bị thương.

        Sau trận đánh, địa bàn chiến đấu của Liên khu 1 bị thu hẹp nhiều. Tối 14, theo báo cáo của trung đoàn, đạn chỉ còn trung bình mỗi khẩu súng 8 viên. Lương thực ăn dè sẻn được 5 ngày. trung đoàn đề nghị sẽ chiến đấu tới cùng. Trung đoàn Thủ đô đã trụ lại giữa thành phố hai tháng, vượt mấy lần dự kiến ban đầu. Quân ủy họp gấp và thống nhất cần ra lệnh cho trung đoàn rút ngay. Bác và Thường vụ phê chuẩn. Ngay đêm 14, tôi điện lệnh cho trung đoàn rút ra vào đêm 17 tháng 2 năm 1947.

        Việc rút lui của trung đoàn được trù liệu từ đầu nhưng vào lúc này trở nên hết sức khó khăn. Đường theo đê lên Yên Phụ và xuống Đồng Nhân đều bị bịt kín. Khi bàn kế hoạch đã tính tới đường cống ngầm. Nhưng đường cống ngầm ở Hà Nội hoàn toàn không đáp ứng được một cuộc chuyển  quân hàng nghìn con người với cả thương binh.

        Tối 16, trung đoàn điện ra đề nghị cho thuyền đón ở Tầm Xá đưa qua sông Hồng đến bến Long Tựu thuộc huyện Đông Anh.

        Tôi nhắc anh Thái bàn kĩ với mặt trận việc huy động thuyền đò, tổ chức thật chu đáo việc vượt sông. Lực lượng ở bên ngoài được lệnh mở một đợt tiến công mạnh vào Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa và tung nhiều phân đội luồn sâu vào nội thành tập kích, phá hoại, thu hút sự chú ý của địch trong hai đêm 16 và 17.

        Nửa đêm 17 tháng 2 năm 1947, tiếng súng nổ ran khắp Thủ đô. Nhiều đám cháy bùng lên từ Liên khu 1. Quân Pháp vẫn cho là lại diễn ra một đợt quấy rối lớn của bộ đội ta. Chính vào lúc đó, 1.200 chiến sĩ, gồm cả phụ nữ, trẻ em thương binh chia thành nhiều nhóm nhỏ bí mật luồn qua gầm cầu Long Biên dưới họng súng của những lính gác đứng bên trên. Họ vượt sông Hồng trên những chiếc thuyền gỗ.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 07:49:18 am

        Trưa ngày 18, anh Thái tới vui vẻ báo cáo cuộc rút lui của trung đoàn Thủ đô đã thành công trọn vẹn, trung đoàn rút ra không thiếu một người, không thiếu một khẩu súng. Trong nỗi vui mừng khôn xiết, tôi viết ngay một bức thư ngắn gửi trung đoàn:

        “… Các chiến sĩ đã chiến đấu 2 tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội. Các chiến sĩ đã nêu cao tinh thần oanh liệt của dân Việt và thanh danh rực rỡ của Quân đội quốc gia Việt Nam.

        Các chiến sĩ lại mở được con đường máu vượt qua vòng vây quân địch để thực hiện chỉ thị bảo tồn chủ lực. Các chiến sĩ sẽ tiếp tục chiến đấu cho Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta sẽ chiến đấu đến 10 năm hay lâu hơn nữa nếu cần.

        Cho đến ngày Tổ quốc độc lập thống, nhất.

        Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm thủ đô của một nước độc lập, thống nhất. Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù!”.


        Ngày 23, tôi cùng các anh Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thái, Vương Thừa Vũ đến thăm trung đoàn đã chuyển về làng Thượng Hồi, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Đông.

        Toàn thể cán bộ, chiến sĩ tập trung ở đình làng.

        Chưa bao giờ tôi gặp một đoàn quân nhiều màu sắc phong phú đến như vậy. Đủ mọi lứa tuổi, từ em nhỏ nhi đồng đến những người tóc đã hoa râm. Khá đông các chị. Quần áo đủ kiểu. Hàng quân danh dự hiên ngang với đồng phục kaki, mũ calô gắn phù hiệu nền đỏ sao vàng, khăn quàng đỏ quyết tử quân và súng tiểu liên. Số đông bộ đội mặc quần áo dân thường. Những bộ quần áo xanh công nhân, áo vét tông, áo bludông, mũ cát, mũ phớt. Những đôi dân dân sự màu đen, màu nâu. Lác đác màu áo lá cây cảu chiến sĩ vệ quốc đoàn. Chỉ giống nhau là mọi người đều mang vũ khí, thắt túi đạn hoặc lựu đạn ngang lưng. Những bộ mặt được khói lửa chiến trường tôi rắn lại vẫn chưa mất đi nhưng nét tài hoa, son trẻ của lớp thanh niên, học sinh Thủ đô.

        Tôi siết chặt tay các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn, tiểu đoàn, các anh Lê Trung Toản, Hoàng Siêu Hải, Hoàng Phương, Vũ Yên, Vũ Lăng, Đỗ Tần, Hoàng Đức Nghi, Bùi Nguyên Cát… chị Tuyết Minh, một bí thư chi bộ khu. Tất cả đều quân phục chỉnh tề, mũ đính sao vành vàng, đeo phụ hiệu cán bộ quân sự, chính trị.

        Anh Lê Trung Toản giới thiệu với tôi người chiến sĩ trẻ tuổi nhất, em Trương Công Lũy mới bảy tuổi - Lũy đã ném lựu đạn làm chết ba lính lê dương - và một số chiến sĩ vốn là văn nghệ sĩ của Thủ đô. Đồng chí Tiến Lợi, chủ hiệu Belle photo, tay cầm chiếc máy ảnh Rôlâyflếch. Đồng chí Lương Ngọc Trác, nhạc sĩ đã từng biểu diễn ở những phòng trà, tiệm nhảy, ôm trước ngực một chiếc phong cầm.

        Tới đây, tôi được biết thêm, trong cuộc rút lui an toàn của trung đoàn có công lớn của đội du kích Hồng Hà. Tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại đã giữ vững đường dây liên lạc giữa trung đoàn với Bộ chỉ huy Mặt trận suốt hai tháng qua. Cũng chính họ đã dẫn đường cho trung đoàn vượt khỏi vòng vây. Thuyền ít, đến 8 giờ 30 ngày 18, bộ đội vẫn tiếp tục vượt sông nhờ buổi sáng có sương mù.

        Trưa 18, khi trung đoàn đã đi khỏi bến Long Tựu, quân Pháp mới phát hiện bộ đội ta đã rút khỏi Liên khu 1. Địch huy động lực lượng đuổi theo. Nguyễn Ngọc Nại ra lệnh cho tiểu đội nổ súng từ bãi Tầm Xá thu hút sự chú ý của quân địch để bảo đảm cho sự an toàn của trung đoàn. Cả tiểu đội dàn ra chặn đánh địch. Tám trong số mười chiến sĩ của tiểu đội du kích anh hùng đã hi sinh, kể cả tiểu đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại, người đảng viên cộng sản mới 18 tuổi đời.

        Bờ bên kia sông Hồng, khi những chiếc xe tăng kéo tới thì bến bãi đều vắng lặng, bộ đội ta đã có mặt gần sông Đuống.

        150 năm trước, sông Hồng ngày đó còn gọi là Nhị Hà, đã chững kiến cuộc rút chạy của đạo quân Tôn Sĩ Nghị với hàng nghìn binh lính chết đuối, xác ngập đầy sông. Hôm nay, sốn Hồng một lần nữa chứng kiến một chiến công của dân tộc với cuộc rút lui thần kì của trung đoàn Thủ đô vượt qua vòng vây dày đặc của quân địch, một mẫu mực của lòng dũng cảm, khả năng tổ chức và tính kỉ luật với sự phối hợp và đùm bọc của nhân dân các xã ven sông Hồng.

        Tôi chuyển lời khen của Bác tới trung đoàn rồi nói chuyện với anh chị em và thay mặt Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy tặng lá cờ thêu bốn chữ vàng “Trung đoàn Thủ đô” để đánh dấu ngày vui này.

        Tiếng nhạc tưng bừng nổi lên. Tất cả mọi người say sưa hát bài ca của một chiến sĩ sáng tác:

              “… Rồi ngày mai sẽ quay về đây
              Sông Hồng reo sóng đón mừng đoàn quân quay về
              Vang hát phố phường đỏ thắm say xuân mới
              Hà Nội ơi! Hà Nội ơi!
              Ngày mai ca vang đời mới huy hoàng…”.


        Ngày đó chỉ tới vào bảy năm sau, ngày 10 tháng 10 năm 1954. Tới đây, trung đoàn mới vượt qua thử thách đầu tiên trên con đường vạn dặm của cuộc kháng chiến lâu dài.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 07:55:14 am

8

        Tại Đà Nẵng, theo Hiệp định Sơ bộ mồng 6 tháng 3 năm 1946, Pháp chỉ được đóng một tiểu đoàn. Ngày 9 tháng 12 năm 1946, Pháp đã đổ bộ trái phép thêm một tiểu đoàn của bán lữ đoàn lê dương thứ 13, đưa số quân tại Đà Nẵng lên 1.800 người. Tại đây Pháp có lợi thế sử dụng được hỏa lực mạnh của những tàu chiến đóng ở cảng. Bộ đội ta có hai trung đoàn của Chiến khu 5. Do nhận lệnh chậm, thời gian chuẩn bị quá gấp, bị địch tiến công trước, không nắm được quyền chủ động nên sau ba ngày chiến đấu, bộ đội ta phải rút ra ngoài. Nhân dân các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc cùng với lực lượng vũ trang xây dựng những phòng tuyến, lập vành đai vây chặt thành phố, liên tục cắt đứt liên lạc giữa Đà Nẵng với Huế. Bộ đội, tự vệ liên tiếp đột nhập thành phố, quấy rối, phá hoại, mở những đợt “tổng nhiễu loạn”. Địch phải mất một tháng để ổn định bên trong thành phố và càn quét vùng bán đảo Sơn Trà. Lực lượng vũ trang Đà Nẵng được Chiến khu 5 tặng cờ “Giữ vững”.

        Tại Huế, Pháp có 750 lính viễn chinh thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa thứ 21 (21è RIC) và trung đoàn thiết giáp số 6. Vệ quốc quân Chiến khu 4 tập trung ở đây gồm hai trung đoàn và một nghìn tự vệ thành. Số lượng tuy đông nhưng trang bị, vũ khí rất thiếu thốn. Quân Pháp cụm lại trong thành phố, dựa vào một số ngôi nhà vững chãi cố thủ. Lực lượng vũ trang ta hình thành thế bao vây xung quanh khu vực địch đóng quân. Ta nhiều lần tiến công địch không thành công. Những những đợt tiến công giải vây của địch bằng xe tăng, xe bọc thép cũng bị ta đẩy lùi. Quân Pháp bị vây chặt phải dùng máy bay thả dù tiếp tế lương thực, đạn, thuốc men.

        Trong Hội nghị quân sự lần thứ nhất, ngày 12 tháng 1 năm 1947, Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo Khu 4: Phải ngăn chặn từng bước, tiêu hao, tiêu diệt địch, tránh đem lực lượng quyết chiến với địch và phải rút khỏi thành phố đúng lúc để bảo toàn lực lượng, điều động nhiều đội cảm tử của các huyện để cố tiêu diệt quân địch trước khi viện binh địch kéo tới. Thực hiện chủ trương của Bộ, trung đoàn Thừa Thiên đã điều chỉnh lại sự bố trí, để hai tiểu đoàn bao vây địch ở thành phố rút các đơn vị khác ra ngoài. Từ hạ tuần thánh 1, Pháp dùng lực lượng lớn giải vây cho Huế. Những trận đánh chặn của bộ đội ta trên đường số 1, số 9, trong đó có trận Đầu Mầu đã ngăn chặn địch có hiệu quả.

        Ngày 4 tháng 2 năm 1947, quân Pháp có máy bay, pháo chi viện, kết hợp nhảy dù với đổ bộ đường biển từ nhiều hướng cùng tiến công giải vây cho Huế. Chiều ngày 8 tháng 2, chúng tôi nhận được báo cáo của Khu 4: “Mặt trận Huế bị vỡ”, “Bộ đội không giữ được hàng ngũ, các cấp chỉ huy không nắm được đội viên, các cơ quan bắt đầu mất liên lạc… dân chúng mất tin tưởng”.

        Phải mất một thời gian, tình hình Bình - Trị - Thiên mới ổn định dần. Anh Nguyễn Chí Thanh và nhiều đảng viên cộng sản đã có vai trò quan trọng trong việc cứu vãn tình hình khó khăn sau khi vỡ mặt trận Huế.

        Tuy nhiên, quân và dân Huế đã cầm chân quân địch gần 50 ngày đêm tại cố đô. Đây là những ngày chiến đấu khá hào hùng. Nếu ta thực hiện được rút lui đúng lúc thì mặt trận Huế coi như đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian đầu kháng chiến. Trận đánh ở Huế đã được những người viết sử chiến tranh Đông Dương coi trọng. Một nhà sử học Pháp đã viết: “Huế đã bị bao vây 46 ngày đêm. Bộ binh, quân dù, không quân và hải quân Pháp đã mát 18 ngày chiến đấu chật vật để giải vây cho Huế”.

        Tại Nam Định, trung đoàn 34 của Chiến khu 2 và một nghìn tự vệ thành đã bao vây chặt tiểu đoàn 2 của trung đoàn thuộc địa thứ 6 (2/6è RIC).

        Ba đợt tiến công của bộ đội ta trong mười ngày đầu đã gây cho địch nhiều thương vong. Quân Pháp chiến đấu cố thủ tại Nhà máy sợi và trại Carô tinh thần sút kém.

        Đầu tháng 1, phòng tình báo của ta báo tin địch chuẩn bị một bộ phận từ Hải Phòng đi theo đường biển để tăng viện cho Nam Định. Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh cho Khu 2 điều lực lượng đánh địch trên sông từ cửa Ba Lạt vào, đồng thời cũng ra lệnh cho Khu 3 đưa lực lượng đến phối hợp tác chiến bên phía tả ngạn.

        Tối mồng 7, chúng tôi nhận được báo cáo đêm 5 tháng 1, bộ đội Nam Định tiêu diệt năm chục lính nhảy dù, và trong ngày 6 đã đánh thiệt hại nặng quân đổ bộ theo đường sông Đào. Số còn lại buộc phải chạy vào khu Nhà máy sợi. Đây là lần đầu bộ đội ta cùng lúc đánh thắng cả quân dù, quân thủy và bộ binh. Tôi điện cho Khu 2 cử ngay cán bộ về báo cáo.

        Ngày 9 tháng 1, anh Lâm Kính, Tham mưu trưởng Chiến khu 2 và một phái viên của Bộ tới cơ quan Bộ Tổng Tham mưu tại Trúc Sơn. Anh Trường Chinh, anh Hoàng Hữu Nam và tôi nghe báo cáo. Chúng tôi rút ra một số vấn đề. Bộ đội ta với súng trường không thể ngăn cản thủy quân địch di chuyển trên những dòng sông rộng như sông Hồng. Chỉ khi quân địch đổ bộ lên bờ, ta mới có cơ hội đánh. Vậy phải tính cách nào đẻ ngăn chặn tàu trên sông. Có thể học kinh nghiệm của ông cha ta ngày xưa cắm cộc làm kè ngăn sông không?... Tại Nam Định, lần đầu quân và dân ta chạm trán với quân dù. Lúc mới nhảy xuống, quân dù không mạnh. Không chỉ riêng bộ đội, tự vệ mà một cụ già với chiếc dao thái chuối trong tay cũng tiêu diệt được quân địch. Có lính dù bị cành cây đâm lòi ruột. Như vậy, nếu ta cầm nhiều cọc ở những nơi địch có thể nhảy dù thì sẽ gây khó khăn cho quân địch.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 22 Tháng Tám, 2016, 07:55:39 am

        Chỉ một thời gian sau đó khắp nơi đã dấy lên một phong trào làm kè ngăn sông và cắm cọc chống quân nhảy dù.

        Dự kiến quân Pháp sớm muộn cũng giải vây cho Nam Định và hoàn thành việc đánh chiếm vùng tứ giác Đông Bắc, ta chủ động đề ra kế hoạch đối phó.

        Bộ Tổng chỉ huy trao nhiệm vụ cho Khu 2: Bố trí lực lượng dọc đường số 1 và trên đê sông Hồng; trung đoàn 34 đang bao vây Nam Định chỉ để lại một lực lượng trong thành phố, khi cần phải rút kịp thời, chuyển đại bộ phận ra bố trí dọc đê sông Hồng trên địa phận hai tỉnh Hà Nam, Nam Định. Khu 3 được trao nhiệm vụ dùng lực lượng khoảng một trung đoàn đánh vào khu vực tây nam Hải Phòng, uy hiếp thành phố Cảng, kéo lực lượng địch đánh đánh lên Phả Lại quay về. Đồng thời, đẩy mạnh chiến tranh du kích trên đường số 5.

        Ngày 6 tháng 3, quân Pháp từ Hà Nội với 200 xe cơ giới tiến về phía Nam Định theo dọc sông Hồng. Họ không chọn đường số 1 vì đường này bị phá hoại nặng. Trung đoàn 34 liên tiếp phục kích, tập kích diệt nhiều địch, phá 4 xe.

        Tối 11 tháng 3, chúng tôi được báo cáo tiểu đoàn cuối cùng của trung đoàn 34 rút khỏi thành phố Nam Định đúng lúc.

        Như vậy, trên mặt trận Nam Định, quân và dân ta đã bao vây địch 83 ngày đêm, thời gian giam chân địch dài nhất trong những thành phố. Lực lượng vũ trang Nam định đã thực hiện chiến thuật “Vây thành diệt viện” có hiệu quả, tiêu diệt hàng trăm quân địch, bảo toàn lực lượng. Theo đề nghị của Bộ Tổng chỉ huy, Bác đã tặng trung đoàn 34 của Chiến khu 2 danh hiệu “Trung đoàn Tất thắng”.

        Cũng trong thời gian này, chúng ta mở mặt trận Tây tiến. Tháng Tám năm 1945, nước bạn Lào tuyên bố độc lập. Từ đó, Liên quân Lào - Việt đã sát cánh chiến đấu chống thực dân Pháp muốn lập lại quyền thống trị. Quân Pháp đã chiếm được nửa nước Lào. Chính phủ độc lập Lào do Hoàng thân Phết Xa Rạt đứng đầu, đang lưu vong trên đất Thái. Mặt trận Tây tiến có nhiệm vụ vừa phá thế uy hiếp địch ở phía tây nước ta, vừa làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc Lào anh em. Anh Hoàng Sâm và anh Lê Hiến Mai được chỉ định làm chỉ huy trưởng và chính ủy mặt trận.

        Bộ Tổng tham mưu điều động 3 tiểu đoàn của Hà Nội, Khu 2, Khu 3 lập thành lực lượng vũ trang của mặt trận, với địa bàn hoạt động là Sầm Nưa. Khu 4 cũng đưa một tiểu đoàn của Thánh Hóa sang Sầm Nưa và một tiểu đoàn của Nghệ An tiến về Xiêng Khoảng. Trong thư gửi bộ đội Tây tiến trước ngày lên đường, tôi căn dặn cán bộ, chiến sĩ: “Phải đứng trên lập trường bình đẳng, tương trợ giúp đỡ cuôc vận động giải phóng của bạn mà tiếp xúc và giải quyết mọi vấn đề”. Mối liên mình đoàn kết dân tộc Việt - Lào từ đó tới nay vẫn trong trẻo như ánh sáng ban mai.

        Sự xuất hiện của bộ đội ta trên chiến trường phía tây đã tạo sự bất ngờ. Quân ta nhanh chóng giải phóng Sông Mã, Sầm Tớ và tiến sâu vào Sầm Nưa. Bộ đội chấp hành tốt các chính sách, được nhân dân Lào hoan nghênh và hết lòng ủng hộ. Người dân Lào chỉ cho bộ đội biết những nơi có quân địch, dẫn đường, tiếp tế lương thực, tải thương cho bộ đội trong những trận đánh. Để cứu nguy cho Sầm Nưa và thay quân ở Tây Bắc, bộ chỉ huy Pháp ở miền Bắc Đông Dương phải mở một cuộc hành binh từ Hà Nội theo đường số 6 lên Hòa Bình, Mộc Châu, Sầm Nưa.

        Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chấp hành mệnh lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, các mặt trận miền Nam tiếp tục hoạt động mạnh phối hợp với miền Bắc.

        Tại Chiến khu 6, sau trận lật nhào một đoàn tàu trên sông Pháp đêm 31 tháng 12 năm 1946 là những trận phục kích tại Bản Nham, Phương Cần, Bầu Đá, chặn đánh địch ở Đèo Cả, tập kích một tiểu đoàn ở Phú Lâm… trong tháng 1 năm 1947, diệt hàng trăm địch.

        Ở Tây Nguyên, cơ sở quần chúng được xây dựng tại nhiều nơi. Bộ đội và nhân dân An Khê phá đường sá cầu cống, cắm chông, gài thò, lập buôn làng chiến đấu.

        Ở Nam Bộ, nhiều trận phục kích, tập kích đạt kết quả tốt, như các trận Cổ Cò (Sa Đéc), Long Mỹ (Rạch Giá) trong tháng Một. Đầu tháng 2 năm 1947, Xứ ủy lâm thời Nam Bộ ra chỉ thị đẩy mạnh chiến tranh du kích, “đánh địch ở khắp các mặt trận”. Phong trào đấu tranh chính trị lan rộng trong các đô thị. Lực lượng vũ trang tiếp tục củng cố và phát triển. Hạ tuần tháng Hai, Xứ ủy phát động một cuộc “Tổng tiến công quấy rối phá hoại”. Khắp nơi diễn ra những trận giao thông chiến, kinh tế chiến. Nhiều quãng đường bị băm nát, cầu cống bị phá hủy, cơ sở hậu cần bị đốt cháy. Nhân dân dựng kè trên sông, rạch. Ở miền Đông, những cánh rừng cao su bị đốt, không cho địch vơ vét thóc gạo và nguyên liệu xuất cảng. Quân địch gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển và cơ động lực lượng.

        Một cuộc phối hợp chiến trường kịp thời đã diễn ra trên khắp miền Nam. Trừ hai tiểu đoàn thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 được điều từ Tây Nguyên ra Đà Nẵng tham gia trận đánh Huế, địch không hề đưa được một đơn vị quân Pháp nào từ Nam Bộ, cũng như Cực Nam Trung Bộ ra Bắc. Xalăng, phó tư lệnh đạo quân viễn chinh đã nhận sét: “Tại Nam Bộ, tướng Nyô có trong tay 21 tiểu đoàn bộ binh, 9 tiểu đoàn thiết giáp với 25.000 lính Âu, 3.000 lính Phi, 10.000 lính ngụy địa phương… nhưng lực lượng đó còn quá ít, binh lính quá mệt mỏi”.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Tám, 2016, 12:40:02 am
       
9

        Một nhà sử học phương Tây đã viết là trong chiến tranh Việt Nam, quân viễn chinh Pháp luôn luôn đi tìm một trận đánh dàn trận, cuối cùng họ đã gặp nó ở Điện Biên Phủ. Thực ra, họ đã gặp nó ngay từ khi chiến tranh khởi đầu trên quy mô cả nước, mà lại ở ngay những thành phố giữa đồng băng.

        Trên cố đô Thăng Long, đây là cuộc giao chiến lần thứ ba giữa ta với xâm lược Pháp.

        Khởi đầu cuộc chiến lần này ở Sài Gòn, Hà Nội, trang bị của chúng ta so với 60 năm trước cũng không khác bao nhiêu. Ngược lại, kẻ thù đã mạnh hơn xưa bội phần. Cầm đầu quân xâm lược ở Hà Nội không còn là một vài viên sĩ quan cấp úy, mà là một trung tướng Pháp có chiến tích trong thế chiến thứ hai, Về phía ta, chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, anh Vương Thừa Vũ, là một công nhân hỏa xa, trước cách mạng chỉ mới được học ở một trường đào tạo hạ sĩ quan.

        Trừ Hải Dương, hầu hết những thành phố có giao tranh, quân và dân ta đều cầm giữ quân địch trên dưới hai tháng. Riêng tại Huế, vào những ngày cuối, khi địch có nhiều viện binh, do không thực hiện rút kịp thời, ta đã bị một số tổn thất. Ở những nơi khác, không những quân địch bị tiêu hao đáng kể, mà bộ đội ta còn được rèn luyện, phát triển về số lượng. Khởi đầu trận đánh ở Hà Nội, ta chỉ có 5 tiểu đoàn vệ quốc quân, qua 60 ngày đêm chiến đấu, lực lượng này đã lớn thành hai trung đoàn: Thủ đô và Thăng Long, không kể một tiểu đoàn rút ra tham gia Mặt trận Tây tiến.

        Trận đánh ở Thủ đô đã trở thành biểu tượng của thời kì này.

        Những năm qua, một số cán bộ làm công tác tổng kết quân sự đã nêu lên nhiều câu hỏi về chiến thuật được áp dụng trong trận đánh tại Hà Nội. Đánh như vậy là tiến công hay phòng ngự? Đây có phải là trận địa chiến không? Hay là đánh du kích trong thành phố? Hay chỉ là một đợt tập kích chiến lược? Có chiến thuật du kích trận địa chiến không? v.v.

        “Ở vào trường hợp này cũng như những trường hợp tương tự luôn luôn xảy ra, theo ý tôi, điều nên tránh trước tiên là không vội mở từ điển quân sự tra cứu xem có những từ về chiến thuật nào thích lợp với loại hình chiến tranh mà chúng ta đã tiến hành. Việc cần làm ngay là phải đi sâu vào bản thân cuộc chiến đấu, tìm hiểu mọi yếu tố phức tạp của nó, rồi xem ta đã sử dụng con người và binh khí, kĩ thuật (những lực lượng tham chiến) theo cách như thế nào để có thể chiến thắng”.

        Đây là lời của Ănghen.

        Khi chuẩn bị trận đánh, chúng ta đã ý thức rõ sự bất lợi trong so sánh lực lượng giữa ta và địch. Lực lượng vũ trang ta rất giống với những đội quân khởi nghĩa. Nếu dàn toàn bộ lực lượng trong một trận đánh mặt đối mặt với quân viễn chinh Pháp, nó có thể bị tan vỡ sau vài giờ chiến đấu.

        Chúng ta đã nghĩ tới một cách đánh mới: kết hợp lối đánh trận địa với các đánh du kích. Đây không phải là lặp lại chiến thuật baricát trên đường phố đã có từ xưa. Ta xây dựng những chiến lũy tương đối vững chắc, tạo nhiều chướng ngại, hầm hào để hạn chế sức cơ động của xe tăng, thiết giáp, cũng như sức mạnh của bom, đại bác và các loại vũ khí. Khác với trận địa chiến thông thường, hoặc những trận đánh bằng baricát trước kia, lực lượng vũ trang ta không tập trung ngăn chặn địch ở những vị trí cố định. Hình thức tác chiến chủ yếu của ta là dùng những phân đội nhỏ hoặc rất nhỏ. Tính cơ động, nhanh chóng, bí mật, tích cực của nó được đặc biệt coi trọng. Ta kiên quyết không đánh những trận lớn, mà tiến hành hàng loạt trận đánh nhỏ. Mỗi trận đều được chuẩn bị kĩ lưỡng. Bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã chỉ thị cho bộ đội: “Không đánh trận địa với địch, không có kế hoạch rõ ràng, chắc chắn, không nên đánh”. Trong 60 ngày chiến đấu, quân Pháp mở ba chục trận, còn lực lượng vũ trang ta đã tiến công, chặn đánh địch cả thảy trên một trăm trận. Chúng ta đồng thời phát huy mọi sáng kiến của từng người, phù hợp với sở trường, sở đoản của họ, nhằm mục đích du nhất: tiêu diệt địch, bảo tồn mình.

        Tự vệ chiến đấu và bộ đội ta đã trở thành nòng cốt của một cuộc chiến tranh toàn dân. Dân chúng đã biến đường phố thành một trận đồ bát quái. Họ tự tim ra cách đánh của mình. Một cô gái, một em nhỏ cũng có thể tiêu diệt được lính lê dương. Chỉ sau một thời gian ngắn, nhân dân đã hòa vào bộ đội, đã thực sự trở thành chiến sĩ.

        Bộ chỉ huy Pháp có sức mạnh binh khí áp đảo trong tay, đã lúng túng một thời gian dài, không biết dùng sức mạnh đó vào đâu. Khó khăn đối với quân Pháp không phải là những chiến lũy tại Liên khu 1 cũng như các cửa ô. Địch thủ chủ yếu của họ là rất nhiều đội quân nhỏ thoắt hiện, thoắt biến ở khắp trong thành phố, những hỏa lực lướt sườn xuất hiện bất ngờ, những phát súng trường. những trái lựu đạn nổ lẻ tẻ nhưng rất trúng địch. Hoạt động của những phân đội nhỏ và rất nhỏ này còn khiến kẻ địch tin rằng ta giữ lại lực lượng chính quy chờ cơ hội tung vào một trận đánh lớn.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Tám, 2016, 12:41:37 am

        Một phóng viên hãng thông tấn Pháp AFP có mặt tại Hà Nội đã miêu tả cuộc chiến đấu như sau: “Tôi đã thấy những người Pháp chết như thế nào dưới súng đạn Việt Nam ở hậu tuyến Hà Nội hay ở những trận kì dị giữa trung tâm thành phố, ở một góc đường dưới những làn đạn tiểu liên bắn dọc theo đại lộ. Trong cuộc chiến tranh kì dị 1 này, người ta có thể chết một cách dễ dàng ở bất kì nơi nào, lúc nào mà người ta không thể biết được (…). Trong đơn vị đóng ở Nhà thờ để chống giữ mặt Hàng Bông, một trung úy chỉ huy đã tính có tới 35 người chết. Quân Pháp đóng nơi nào cũng phải chiếm tầng gác ba, còn dưới nhà thì để trống, và phải đốt nhà bên cạnh. Phải đóng như vậy để phòng ngừa Việt Minh biệt kích (…) Ban đêm, họ len lỏi vào các phố một cách nhanh nhẹn, không một tiếng động, không một bóng người. Từ trên gác cao, quân Pháp ném lựu đạn xuống. Họ vẫn tiến công một cách hăng hái và bền bỉ với những tiếng hò hết gây khủng khiếp. Đến sáng, họ lại biến đi như mây khói. Ban ngày, họ tìm nơi chắc chắn nhất, chĩa súng vào các vị trí của đối phương. Tiếng súng nổ cả ban ngày, không phải chỉ ở những nơi có giới tuyến rõ rệt, mà cả những khu quân Pháp cho là đã quét sạch. Những nơi mà tôi mới đi qua thì một giờ sau, người ta đã thấy những xác lính Pháp chết gục ở đây rồi…”.

        Ngày đó, cách đánh của ta ở Hà Nội được gọi là “du kích trận địa chiến”. Về từ ngữ, thuật ngữ này có vẻ như không ổn, vì nó kết hợp hai chiến thuật rất khác nhau. Du kích thường được hiểu là “đi để đánh”, đặc điểm của nó là “đi”. Trận địa chiến là đánh dựa vào chiến hào, công sự, đặc điểm của nó là sử dụng trận địa “cố định”. Nhưng trong thực tế, ta đã kết hợp cả hai chiến thuật này là tạo cho nó một dạng mới trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Nó trực tiếp bắt nguồn từ tư tưởng chiến tranh toàn dân, từ cách đánh du kích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những trận đánh ở Sài Gòn, Hải Phòng; xa hơn là tư tưởng “lấy yếu thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều” của ông cha ta.

        Sau này đọc luận văn quân sự của Lênin, tôi ngạc nhiên khi thấy đoạn văn sau đây: “Đi theo với sự cải tiến kĩ thuật quân sự, phương thức và phương pháp đánh đường phố đang thay đổi và cần phải thay đổi (…) Cuộc khởi nghĩa Mátxcơva đã đề ra chiến thuật chướng ngại vật mới - chiến thuật chiến tranh du kích. Những đội ngũ đặc biệt nhỏ và cơ động là tổ chức do chiến thuật như vậy tạo ra”.

        Ở đây, một lần nữa cần nhấn mạnh, những cuộc chiến đấu ở nội thành Hà Nội, Huế, Nam Định… sẽ không thể kéo dài nếu chúng ta không giành quyền chủ động tiến công địch, nếu không có sự chiến đấu phối hợp tích cực của chiến trường cả nước, đặc biệt là ở Nam Bộ và Cực Nam Trung Bộ.

        Có được sự chủ động chiến lược này là nhờ Đảng ta đã sớm nhìn thấy “nhất định Pháp sẽ đánh ta, và ta sẽ phải đánh Pháp”. Do đó, chúng ta đã có một thời gian chuẩn bị. Lệnh nổ súng toàn quốc ban hành chiều 19 tháng 12 năm 1946 là một quyết định sáng suốt, quả cảm và đầy trách nhiệm của Bác và Thường vụ. Quyết định này đã làm sai lệch sự phán đoán của Pháp, khiến cho họ phải chuyển từ ý định tiến công nhanh chóng đè bẹp lực lượng ta, giành quyền kiểm soát tại Thủ đô sang cách đánh cầm cự để đối phó, chờ viện binh rồi mới chuyển sang phản công lớn.

        Có người coi những trận đánh đêm 19 là một cuộc tiến công chiến lược hoặc tập kích chiến lược. Tôi nghĩ cách đánh giá này không phù hợp. Những trận đánh ngày khởi đầu kháng chiến toàn quốc với tất cả tính quyết liệt, rộng lớn của nó, vẫn nhằm che giấu lực lượng và ý đồ chiến lược của ta là tiêu hao và cầm chân quân địch một thời gian để chuyển cả nước sáng chiến tranh. Khi kẻ địch phát hiện thì ta đã hoàn tất những mục tiêu đề ra, sẵng sàng đi vào cuộc kháng chiến trường kì. Đúng ra, đây là một nghệ thuật khởi đầu cuộc kháng chiến toàn dân trên cả nước trước một kẻ thù bội phần mạnh hơn ta, đã có mặt ở Thủ đô và tất cả những thành phố lớn.

        Yếu tố quyết định hàng đầu trong trận tổng giao chiến đầu tiên là sức mạnh tinh thần, sức mạnh yêu nước của nhân dân ta.

        Cũng vẫn là người dân ấy, nhưng đã có một cuộc đổi đời từ ngày Cách mạng tháng Tám. Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khác xa với lê dân An Nam triều Nguyễn lòng còn vương vấn với nhà Lê, bất bình vì những cuộc đàn áp nông dân, vì sự trả thù tàn bạo những tướng Tây Sơn có công đánh đuổi giặc ngoại xâm.

        Tinh thần thượng võ của dân tộc đã sống lại.

        Đó là bao chàng trai đã thay hai chữ “Sát Thát” chích trên cánh tay bằng lời thề “Quyết tử”, sẵn sàng ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch.

        Đó là những em nhỏ tiếp bước Trần Quốc Toản, trốn mẹ cha ở lại thành phố trong vòng vây, chiến đấu dài ngày với lính lê dương hung tàn.

        Đó là những cô gái noi gương Bà Trưng, Bà Triệu, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Có thể nhắc ở đây chuyện Hà Nhật của Liên khu 1. Đó là một cô gái trạc đôi mươi, nước da trắng, mắt một mí, mặt trái xoan phúc hậu, ít nói, ít cười, lúc nào cũng mặc bộ quân phục kaki, đầu không rời chiếc mũ sắt. Hà Nhật được chỉ định rời liên khu trong ngày ngừng bắn, nhưng cô đã trốn ở lại. Cô khâu vá quân trang, đi trinh sát, tham gia giữ chốt. Một lần đi trinh sát, Hà Nhật tạt vào một ụ chiến đấu ở ngã tư Hàng Mã - Hàng Bông mượn một khẩu súng leo lên gác bắn tỉa. Cô hạ được một lính Pháp xuất hiện ở phố Hàng Mã. Khi cô tụt xuống định trả súng thì một loạt liên thanh từ Cổng Đục bắn tới. Hà Nhật ngã gục trên vũng máu. Đồng đôi khiêng cô về trạm quân y phố Hàng Buồm. Biết cô không thể qua khỏi, một người hỏi cô tên và chỗ ở của người thân. Khá nhiều người chỉ hiểu nhau qua những hành động chiến đấu chứ không biết từng người từ đâu tới. Người ta quen gọi “Hà Nhật” vì cô luôn luôn đội chiếc mũ sắt Nhật. Cô chỉ trả lời: “Tên em là Hoàng Hà, chiến sĩ Việt Nam”, rồi từ từ nhắm mắt... Trong số chiến sĩ ở lại Liên khu 1, có những người là ba chị em ruột, hai chị em ruột, có người ở lại để chiến đấu bên cạnh người yêu.

        Có thể nói Du kích trận địa chiến là một sáng tạo đầu tiên về nghệ thuật chiến tranh toàn dân của ta tại thành phố. Tuy nhiên, như mọi loại hình chiến thuật, chiến thuật này cũng có những khả năng hữu hạn của nó. Với so sánh lực lượng như vậy, chúng ta không thể tiếp tục kéo dài cuộc chiến đấu trong thành phố. Đã tới lúc ta chuyển sang một loại hình chiến thắng mới để đi vào trận đánh trường kì…

-----------
1. Tác giả nhấn mạnh.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Tám, 2016, 12:48:30 am
       
Chương hai

TRỞ LẠI TÂN TRÀO

1

        Những tháng đầu năm 1947 các cơ quan trung ương vẫn di chuyển trong vòng bán kính hai chục kilômét của Hà Nội để tiện việc chỉ đạo mặt trận chính. Trước ngày toàn quốc kháng chiến, Bác đã giao cho anh Trần Đăng Ninh chỉ huy nhiều đội công tác đi chuẩn bị xây dựng cở sở ở những nơi cơ quan dự kiến sẽ tới làm việc tại phía tây nam Hà Nội.

        Bác đã từ Vạn Phúc về Thanh Hồi, một làng ven sông Đáy gần Ngã Ba Thá, phía tây con đường Ba La Bông Đỏ - Vân Đình. Người ở trong một gian nhà chứa thóc chật chội của đồng bào. Ban ngày, Bác làm việc dưới ánh sáng của một ô cửa nhỏ, hầu như không đi ra ngoài. Buổi chiều, khi trời sẩm tối, Bác mới lặng lẽ rời lũy tre làng, tới một số cơ quan trung ương. Sự cẩn thận này không thừa. Sau này chúng ta được biết, chính vào thời gian đó, quân Pháp mưu tính một cuộc nhảy dù biệt kích nhằm nơi Bác ở, mà họ tưởng lầm là Chùa Trầm.

        Sự kiện đêm 19 tháng 12 gây chấn động lớn tại nước Pháp. Đácgiăngliơ đang có mặt tại Pari. Giới chủ chiến nhân cơ hội này la ó: “Việt Minh phản bội!”, “đội quân viễn chinh Pháp đã trở thành nạn nhân của một âm mưu Việt Minh đã trù liệu từ lâu!”. Thủ tướng mới của Pháp Lêông Blum vừa lập xong chính phủ ngày 16. Ông quyết định cử Mutê (Marius Moutet), bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại, sang Đông Dương với sứ mệnh đặc biệt là tìm sự thông cảm bằng mọi giá với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khi tình hình đã trở nên căng thẳng. Mutê rời nước Pháp khi cuộc chiến đã bùng nổ. Blum, một thành viên kì cựu của Đảng xã hội, là người không tán thành chủ nghĩa thực dân, yêu chuộng hòa bình, bối rối trước sự kiện vừa xảy ra ở Đông Dương. Ngày 23 tháng 12, ông phát biểu trước quốc hội: “Chế độ thực dân cũ nhằm khai phá đất đai và sức lao động của người dân bị chinh phục đã lỗi thời… Cần phải hoạt động một cách trung thực để tiếp tục sự nghiệp đã vỡ lở, dù nghĩa là tổ chức một nước Việt Nam tự do trong một Liên hiệp Đông Dương tự do kết hợp với Liên hiệp Pháp. Nhưng trước hết phải lập lại trật từ để làm cơ sở cần thiết cho việc thực hiện những thỏa thuận”. Trước đó một ngày, Blum đã trao cho Lơcléc nhiệm vụ thị sát tình hình Đông Dương với tư cách đại diện cá nhân Thủ tướng Pháp. Ngày 25 tháng 12, Lơcléc rời nước Pháp.

        Ngày 29 tháng 12, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thủ tướng Lêông Blum yêu cầu quân Pháp trở về vị trí của họ trước ngày 19 tháng 12 năm 1946 cùng với việc thực hiện ngừng bắn và bày tỏ sự vui mừng nhân dịp Mutê sang Đông Dương. Vài ngày sau, Bác ngỏ ý sẵn sàng có cuộc hội kiến với Mutê tại Hà Nội và cũng muốn gặp Lơcléc, đặc phái viên của Thủ tướng Lêông Blum. Trong thư gửi Mutê, Bác viết: “Tôi lấy làm vui mừng được biết ngài tới Hà Nội. Xin có lời chào mằng ngài, vì ngài vừa là bạn cũ, vừa là đại diện cho nước Pháp mới, vừa là sức giả hòa bình. Tôi rất mong và rất sung sướng được gặp ngài để tỏ rõ ý muốn thành thật hòa bình và cộng tác của chúng tôi và để nói với ngài những đề nghị của chúng tôi về việc lập lại sự giao hảo giữa hai nước chúng ta”. Ta trao thư này cho lãnh sự Mỹ và Trung Hoa tại Hà Nội. Nhưng nó lại được gửi về Oasinhtơn rồi chuyển tới Pari, khi Mutê đã trở về Pháp. Cũng như trước đây, Lêông Blum chỉ nhận được bức thông điệp ngày 17 tháng 12 của Bác sau khi chiến sự đã bùng nổ trên toàn cõi Việt Nam. Vanluy và Pinhông đã trì hoãn để vô hiệu hóa những văn thư ngoại giao của ta gửi nhà cầm quyền Pháp.

        Lơcléc không thể gặp Bác vì việc tiếp xúc với Chính phủ ta được giao cho Mutê. Mutê ngay từ khi tới Sài Gòn đã bị Đácgiăngliơ, Vanluy và Pinhông hoàn toàn thuyết phục. Ông ta trở về Pháp với đề nghị: “Chừng nào quân đội đã lập lại được trật tự, chừng đó mới có thể xem xét lại những vấn đề chính trị”. Lơcléc vẫn tin vào sự lượng định của mình trước đây: muốn tái chiếm Đông Dương bằng sức mạnh phải có 350.000 quân; cuối cùng vẫn phải đi tới một giải pháp chính trị khó khăn và lâu dài với 24 triệu dân Việt Nam. Trước mắt, để có “một hoạt động mạnh trong mùa đông 1947 - 1948” phối hợp với hoạt động chính trị, tạo ra thế mạnh để thương lượng, cần nâng tổng quân số viễn chinh lên 115.000 người. Ý kiến của Lơcléc và Mutê lúc này dường như gặp nhau. Riêng Lơcléc nhìn thấy một giải pháp cho Đông Dương lúc hiện tình đã trở nên cực kì khó khăn, nên đã hai lần đề nghị của Chính phủ Pháp trở lại Đông Dương tiếp tục công việc.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Tám, 2016, 12:48:53 am

        Chính phủ Blum chỉ tồn tại được một tháng. Giới chủ chiến ở Đông Dương và ở Pháp có thể yên tâm thực hiện ý đồ của mình.

        Bác đã di chuyển chỗ ở nhiều lần. Từ Vạn Phúc, Bác về Xuyên Dương (Thanh Oai), sang Cần Kiệm (Thạch Thất, Sơn Tây), rồi về Chùa Một Mái, Sài Sơn, (Quốc Oai, Hà Đông). Ngày 16 tháng 2 tại Chương Mỹ, Bác chủ tọa phiên họp thường kì của Hội đồng Chính phủ, nghe báo cáo của Bộ Kinh tế, Bộ Ngoại giao và toàn công việc kháng chiến. Cuộc họp kéo dài tới 4 giờ rưỡi sáng mới xong.

        Thời gian này, Bác cùng Thường vụ và Chính phủ, một mặt chỉ đạo sát sao việc tác chiến trong thành phố, một mặt chỉ đạo chặt chẽ việc chuyển đất nước sang thời chiến. Di chuyển các cơ quan lãnh đạo, cơ sở vật chất, kho tàng về các khu căn cứ một cách chủ động, bí mật, an toàn, bảo đảm được sự lãnh đạo và chỉ huy thông suốt là một thành công lớn trong giai đoạn khởi đầu chiến tranh. Bác đặc biệt chú ý tới gạo và muối là hai nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Bác đã trao cho anh Cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) chỉ đạo việc vật chuyển hai vạn tấn muối từ Văn Lý (Nam Định) lên Việt Bấc. Mặc dù bị địch phong tỏa chặt chẽ miền biển, khi mở chiến dịch Biên Giới 1950, chúng ta vẫn còn bốn chục tấn muối để chuyển lên Cao Bằng.

        Bác rất quan tâm đến vấn đề đưa dân tản cư. Ngày 31 tháng 12 năm 1946, Người đã kí sắc lệnh thành lập Ủy ban Tản cư Trung ương. Người quy định mỗi tỉnh, huyện, làng đều phải có một ủy ban tản cư, các địa phương phải có trạm đón tiếp, bố trí nơi ăn ở, giúp đõ vận chuyển hành lí, giúp đồng bào tản cư tăng gia sản xuất để sinh sống. Ngày 17 tháng 2 năm 1947, trong tư gửi đồng bào tản cư, Người viết: “Tản cư cũng là kháng chiến”, “Tản cư cũng phải sản xuất”. Người kêu gọi đồng bào hậu phương: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng”.

        Công việc bận rộn, nhưng Bác vẫn tranh thủ thời gian đi thăm nhiều nơi. Đầu tháng 2, Bác vào Ninh Bình, dự hội nghị bàn việc tổ chức giúp đỡ đồng bào tản cư. Từ 18 đến 30 tháng 2, Người vào Thanh Hóa. Cũng như ông cha ta thời xưa, Người rất chú ý tới hai châu Hoan, Diễn trong cuộc chiến đấu chống xâm lược. Người coi hai xứ Thanh, Nghệ là căn cứ địa thứ hai của kháng chiến trên miền Bắc. Tại Thanh Hóa đang có đôi chuyện khúc mắc giữa chính quyền tỉnh và một số châu ở vùng Thượng du. Trong điện gửi cho tỉnh trước ngày đi, Bác yêu cầu triệu tập một cuộc họp có đông đủ cán bộ, đại biểu nhân dân các huyện, châu, đại biểu các dân tộc thiểu số, tôn giáo, điền chủ, thương gia, nhà giàu… Trong cuộc nói chuyện chiều ngày 20 tháng 2 ở Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Bác mong muốn Thanh Hóa phải trở thành “một tỉnh mô phạm” về nhiều mặt kháng chiến và kiến quốc. Về kinh tế, Người nói: “Muốn tăng gia sản xuất… phải đem sức dân, tài dân, của dân làm cho dân”, phải “làm cho người nghèo thì đủ ăn; người đủ ăn thì khá, người khá, giàu; người khá, giàu thì giàu thêm. Người nào cũng biết chữ. Người nào cũng biết đoàn kết, yêu nước”. Nhiều bà con tỉnh Thanh Hóa tới nay vẫn còn nhớ những lời căn dặn của Bác. Người đã tới viếng Vĩnh Lăng, lăng của vị anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi. Trên đường về, Bác vào nhà máy in giấy bạc của Bộ Tài chính tại Chi Nê, nói chuyện với công nhân, tự vệ, và đi thăm một số gia đình đồng bào dân tộc thiểu số.

        Một hôm, anh Vũ Kỳ, thư kí của Bác, viết thư cho tôi, nói Bác cần có một cuốn Lịch sử Việt Nam. Thật khó tìm được cuốn sách này khi mọi người đã rời khỏi thành phố với một chiếc ba lô trên vai. Sau đó, tôi được biết anh Kỳ đã tìm được một cuốn “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim. Bác đánh dấu những đoạn viết về các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh chống ngoại xâm, đặc biệt là chiến tranh chống Nguyên Mông và khởi nghĩa Lam Sơn, và dặn anh Kỳ nhắc anh Thận và tôi nên đọc lại những đoạn đó.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Tám, 2016, 12:57:45 am
       
2

        Trong tháng 1 năm 1947, quân Pháp đã đẩy mạnh hoạt động quân sự trên nhiều chiến trường, kể cả những trận đánh giải vây cho các thành phố và mở rộng phạm vi chiếm đóng. Từ trung tuần tháng Hai, bắt đầu xuất hiện một hiện tượng mới: vỡ mặt trận.

        Sau khi mặt trận Huế vỡ, tiếp đến mặt trận Sơn La. Trung đoàn Sơn La sau nhiều tháng cầm cự với quân địch, bị đánh bật khỏi Tây Bắc, lùi về đến Lai Đồng, Thu Cúc thuộc tỉnh trung du Phú Thọ. Ở mặt trận Đông Bắc, trung đoàn Tiên Yên cũng phải rời bỏ miền đất biên giới tỉnh Hải Ninh, lui về tới Bắc Giang.

        Những vùng đất rộng lớn, có vị trí chiến lược quan trọng, cùng với dân cư đã trở thành vùng tạm chiếm.

        Vỡ mặt trận hoàn toàn khác với trường hợp bộ đội ta chủ động rút lui. Nó kéo theo hàng loạt hệ quả tiêu cực. Nhiều đơn vị mất liên lạc. Sự dao động xuất hiện trong tư tưởng cán bộ, chiến sĩ. Đã có những cán bộ chạy dài, những chiến sĩ tự động bỏ đội ngũ. Dân chúng cũng hoang mang, cho rằng kẻ địch quá mạnh. Hiện tượng này chắc sẽ không dừng lại nếu không có chủ trương, biện pháp đối phó kịp thời.

        Những tư tưởng chỉ đạo kháng chiến đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh phác thảo trong bản bút kí đề ngày 5 tháng 11 năm 1946 với tiêu đề: “Công việc khẩn cấp bây giờ”.

        Bác nhận định là địch sẽ đánh ta tới cùng, “vì nó thất bại ở Việt Nam thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc của nó sẽ tan hoang”. Địch sẽ mang nhiều viện binh, tàu bay, xe tăng sang ta tàn phá, khủng bố dữ dôi mong làm dân ta hoảng sợ, nhưng lực lượng địch chỉ có hạn. Nếu ta kiên quyết chống chọi qua giai đoạn chiến tranh chớp nhoáng; “cố rán sức qua mùa đông lạnh lẽo, thì ta sẽ gặp mùa xuân”. Cuộc kháng chiến của ta phải kết hợp với kiến quốc. Đó là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kì. Điều quan trọng bậc nhất là “phải làm cho dân ta có Tín tâm và Quyết tâm”. Dù có phải rút khỏi các thành phố, ta cũng không cần, ta sẽ giữ vững tất cả thôn quê.

        Một năm kháng chiến ở Nam Bộ đã khẳng định: kẻ địch dù rất mạnh cũng không thể nào tiêu diệt được lực lượng ta nếu ta triệt để dùng chiến thuật du kích. Quân và dân Nam Bộ còn chứng minh là có thể tiến hành chiến tranh du kích ở vùng nông thôn đồng bằng và ngay cả ở thành thị nếu ta biết dựa vào dân. “Núi người”, “biển người” ở đồng bằng có thể thay thế rừng núi che chở hữu hiệu cho những chiến sĩ du kích. Vì vậy, chỉ chị Toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 22 tháng 12 năm 1946 đã nêu lên khẩu hiệu đối với toàn dân là “Triệt để dùng chiến thuật du kích”.

        Đối với bộ đội chủ lực, tuy đã tổ chức đến quy mô trung đoàn, tiểu đoàn, nhưng với trịnh độ trang bị và kĩ thuật chiến đấu như hiện nay không thể dàn thành trận tuyến để ngăn chặn bước tiến của quân địch. Vì vậy, bản chỉ thị đã chỉ rõ cách đánh của bộ đội ta là “Triệt để dùng du kích vận động chiến”.

        Hội nghị quân sự lần thứ nhất vào trung tuần tháng 1 năm 1947 tại huyện Chương Mỹ, Hà Đông đã nhận định Pháp đang tính đến những cuộc phản công và tiến công hòng “nuốt trôi nước ta”. Để giành lại vai trò chủ động trên các mặt trận, bộ đội ta cần có sự chuyển hướng về chiến thuật, lấy du kích vận động chiến làm chiến thuật căn bản.

        Du kích vận động chiến không còn là du kích chiến vì lực lượng huy động tương đối lớn, vì mục đích nằm tiêu diệt hơn là tiêu hao. Nhưng du kích vận động chiến cũng chưa phải là vận động chiến vì chưa phải là tác chiến của những binh đoàn lớn, phạm vi tác chiến không rộng lớn, hình thức có khi là bao vây, vu hồi, nhưng có khi là tập kích, phục kích, mà cũng có khi phối hơp tất cả những hình thức ấy. Trong quá trình chiến tranh, du kích chiến phải phát triển thành vận động chiến. Hai chiến thuật đó khác nhau ở trình độ và quy mô. Chiến thuật du kích vận động chiến của bộ đội ta ở vào quãng giữa trên quá trình phát triển ấy.

        Sau hội nghị, tôi đã trao đổi với Bộ Tổng tham mưu ra bản huấn lệnh cho bộ đội phải chuyển ngay sang vận dùng chiến thuật “du kích vận động chiến”. Ngày 1 tháng 2 năm 1947, huấn lệnh của Bộ Tổng tham mưu được gửi tới các đơn vị. Huấn lệnh nhận định, địch luôn luôn vận động, tập trung được lực lượng để tấn công ta nhiều mặt; trái lại bộ đội ta thì thường dàn thành trận địa, vận động rất nặng nề, do đó thường ở vào thế bị động và bỏ lỡ nhiều cơ hội để tiêu diệt địch. Bản huấn lệnh chỉ rõ nguyên nhân của tình hình này là: liên lạc trong bộ đội không được chu đáo; trinh sát và tình báo kém, tin tức không được chính xác, rõ ràng; địa thế và đường sá nhiều nơi ngay trong khu vực hoạt động cũng không thành thuộc; bộ đội không quen cơ động, cách đánh không được linh hoạt, và đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục. Huấn lệnh yêu cầu ở tiên phương bộ đội phải luôn thay đổi sự bố trí, không bố trí theo kiểu trận địa chiến, chiến thuật phải linh động, sẵn sàng đối phó với sự biến chuyển của mặt trận; ở hậu phương, bộ đội phải luôn luôn thay đổi nơi đóng quân, thường vận động khi tập trung, khi phân tán. Nhờ có vận động mà cán bộ, chiến sĩ hằng ngày đươc thao luyện, tập dượt. Hơn nữa, qua thường xuyên vận động mà xiết chặt quan hệ với dân quân và dân chúng ở nhiều địa phương.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Tám, 2016, 12:58:09 am

        Trung tuần tháng Hai, các ngày 14, 15 và 15, Hội nghị các chính ủy viên khu và các chính trị viên trung đoàn được triệu tập. Với cương vị là Bí thư Quân ủy, tôi chủ trì hội nghị cùng với anh Văn Tiến Dũng.

        Đây là hội nghị toàn quốc về công tác chính trị lần đầu tiên của quân đội ta. Tại hội nghị này, tôi đã trình bày bản báo cáo “Về tình hình quân sự, vấn đề chiến lược, chiến thuật và nhiệm vụ công tác chính trị trong quân đội”. Hội nghị đánh giá “Cuộc kháng chiến bước vào thời kì nghiêm trọng… thời kì thử thách gian khổ” cần phải đẩy mạnh công tác chính trị, phát triển lên một trình độ mới, “đưa Quân đội quốc gia đến thắng lợi và giúp một phần vào thành công của cuôc chiến tranh giải phóng nước ta”.

        Hội nghị đã đề ra mười nhiệm vụ của công tác chính trị mà nội dung chủ yếu là: nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội và lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, có tinh thần “tự lập chiến đấu trong lúc gian nguy”; đẩy mạnh phong trào nghiên cứu và rèn luyện về kĩ thuật và chiến thuật, thực hiện đúng đắn phương châm chiến lược về quân sự; rèn luyện tinh thần kỉ luật, đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân; thực hiện tốt công tác dân vận và công tác địch vận.

        Hội nghị đã thảo luận những vấn đề quan trọng của công tác chính trị, đặc biệt là công tác cán bộ; vấn đề kiện toàn hệ thống cơ quan chính trị trong quân đội và xác định nhiệm vụ và quyền hạn của các tri ủy viên khu, của các chính trị viên từ trung đoàn đến trung đội. Hội nghị nhấn mạnh”phải coi đại đội là đơn vị căn bản của công tác chính trị trong bộ đội”. Có thể nói hội nghị công tác chính trị lần này đánh dấu một bước quan trọng trong việc xây dựng nên một chế độ công tác chính trị, một nền nếp công tác chính trị trong quân đội ta.

        “Mười hai điều kỉ luật” do hội nghị đề ra cùng với “Mười lời thề danh dự” được cán bộ, chiến sĩ học thuộc lòng và đọc dưới cờ trong các buổi tập hợp điểm danh đã có tác dụng lớn đối với việc giáo dục bộ đội và siết chặt tình quân dân cá nước trong suốt những năm kháng chiến. Tiêu chuẩn để đánh giá thành công của công tác chính trị chính là “bộ đội đánh thắng và đi đến đâu cũng được dân chúng hoan nghênh”.

        Ngay sau Hội nghị công tác chính trị, chúng tôi họp Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng. Hội nghị đã xác lập hệ thống tổ chức Đảng từ Quân ủy Trung ương đến các chi bộ. Hội nghị xác định nhiệm vụ của đảng viên trong quân đội phải: giữ vững và thực hiện được chủ trương đường lối của Đảng trong quân đội, củng cố và mở rộng cơ sở Đảng, nắm vững được bộ đội và hoàn thành nhiệm vụ quân sự. Hội nghị quyết định cho đến hết tháng 5 năm 1947 phải có chi bộ ở đại đội và tổ đảng ở trung đoàn nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.

        Ngày 2 tháng Ba, tôi trực tiếp chứng kiến cuộc hành binh lớn đầu tiên của quân Pháp từ Hà Nội đánh ra. Xe tăng, xe bọc thép, bộ binh cơ giới mở những mũi thọc sâu theo hai cánh: từ tây nam Hà Nội đi Hà Đông, Mai Lĩnh, sau đó thọc lên Trúc Sơn, Chùa Trầm, Sơn Lộ, Quốc Oai, Chùa Thầy; từ Chèm theo đê sông Hồng, sông Đáy xuống cầu Phùng đánh vào vùng Đan Phượng. Đài phát thanh địch công khai nói cuộc hành binh này có nhiệm vụ chụp bắt cơ quan đầu não của Việt Minh được phát hiện ở trong vùng.

        Nhiều cơ quan trung ương ở mấy huyện phía tây nam Hà Nội nằm trên đường tiến quân của địch. Mấy tiểu đoàn vừa thành lập để bảo vệ cơ quan trung ương và trung đoàn Thủ đô mới từ Liên khu 1 rút ra, đều kéo theo bờ đê hoặc bố trí sau lũy tre làng sẵn sàng chiến đấu nếu địch đánh vào.

        Điều khiến tôi băn khoăn là tất cả những ụ chướng ngại vật đồng bào ta mất rất nhiều công sức dựng lên mặt đê, đã không làm chậm đáng kể đà tiến của xe tăng, xe cơ giới. Tiếng gầm rú của xe tăng rung chuyển khắp vùng. Từ trên mặt đê cao, những nòng pháo vươn dài, có thể khạc lửa bất cứ lúc nào vào những làng xóm.

        Từ đầu kháng chiến, vấn đề đánh xe tăng, xe bọc thép luôn luôn nhức nhối. Không thể để các chiến sĩ của ta tiếp tục ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch. Cuối tháng 1, được báo cáo anh Trần Đại Nghĩa vừa chế tạo thành công súng badôca ở huyện Ứng Hòa, tôi đã cử ngay anh Phan Mỹ, chánh văn phòng của Bộ tới Cục Quân giới. Anh Mỹ trở về vơi hai khẩu badôca và mười viên đạn. Hai khẩu súng này được trao ngay cho bộ đội ở Mặt trận Hà Nội. Tôi nóng lòng chờ kết quả thử nghiệm trong chiến đấu. Chiều ngày 2 tháng Ba, được báo cáo bộ đội ta đã dùng badôca diệt hai xe tăng địch ở Sơn Lộ trong khi địch từ Trúc Sơn thọc lên Chùa Trầm, Quốc Oai. Lần đầu, badôca Việt Nam bắn hạ hai xe tăng Pháp. Chiến công này làm nức lòng bộ đội.

        Ngay chiều mồng 2, tôi tới Viên Nội báo cáo tình hình chiến sự với Bác và đề nghị Bác di chuyển trong đêm.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 23 Tháng Tám, 2016, 12:58:43 am

        Tối hôm đó, Bác rời Viên Nội. Anh Trần Đăng Ninh được Thường vụ phân công từ trước, cùng đi với Bác. Trên đường, chiếc xe Pho dở chứng nhiều lần. Sáng mồng 3, Bác mới tới thị xã Sơn Tây. Rất đông người tản cư. Đồng chí lái xe không còn cách nào làm cho xe chạy tiếp. Anh Trần Đăng Ninh đề nghị Bác dùng xe ngựa. Đồng bào không ai nhận ra cụ già trùm đầu bằng chiếc khăn mặt ngồi trên xe ngựa lại chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tối đó, Bác qua sông Đà. Sang bên kia là Trung Hà, gặp anh Hoàng Văn Thái lên thăm địa điểm mới quay về. Anh Thái nhường xe để Bác đi tiếp.

        Bác ở lại Cổ Tiết, bên ghềnh Bà Triệu một thời gian. Chính tại đây, Bác đặt tên: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi cho các đồng chí cùng đi với Bác. Đây là nguyên tắc giữ bí mật Người thường làm. Nhưng lần này, Bác còn nói: “Các chú là khẩu hiệu sống của Bác”. Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, cơ quan giúp việc của Bác vẫn có chừng ấy Người.

        Tôi còn ở lại Thạch Thán (huyện Quốc Oai) thêm mấy ngày. Cuộc hành binh của Pháp trên mặt trận Hà Nội càng chứng tỏ bộ đội ta chưa đủ sức ngăn chặn và đánh bại những mũi dùi tiến công của địch. Cách dàn trận địa, lập phòng tuyến án ngữ chờ địch tới, bám đất hoàn toàn không thể ứng phó với những cuộc hành binh đông, mau lẹ, linh hoạt, hết đánh bao vây lại đánh vu hồi của địch, dẫn tới “vỡ mặt trận”, gây cho bộ đội rất nhiều khó khăn. Tôi thấy cần tạo ra một biến chuyển mạnh trong nhận thức, tư tưởng của cán bộ để ứng phó kịp thời trước tình hình đang biến chuyển nhanh.

        Ngày mồng 6 tháng Ba, tôi viết bản huấn lệnh: “Sự cần thiết phải chuyển sang du kích vận động chiến”. Đây là bản huấn lệnh thứ hai về cùng một vấn đề trong vòng không đầy năm tuần lễ. Bản thứ nhất do Tổng tham mưu trưởng kí được quy định phổ biến tới tiểu đội. Huấn lệnh này của Bộ Tổng chỉ huy nội dung cần thiết hơn, giống như một thư riêng gửi cán bộ cấp khu và trung đoàn.

        Huấn lệnh nhắc lại sự phán đoán đúng các cuộc tiến công của địch ở Huế - Quảng Trị, ở mặt trận Hải Phòng và mặt trận Hà Nội, và nhiều chỉ thị cho bộ đội phải chuyển sang du kích vận động chiến để đối phó với những cuộc tiến công, nhưng nhiều nơi bộ đội vẫn áp dụng cách dàn trận địa đánh nhau với quân địch trong những điều kiện vô cùng bất lợi. Huấn lệnh nhấn mạnh: “Phải dùng ngay chiến thuật du kích vận động một cách bạo dạn, nghĩa là: - Phải tập trung bộ đội, củng cố tinh thần bộ đội, dùng lối hành binh rất nhanh chóng, rất bí mật mà đánh mạnh vào những chỗ địch tương đối yếu hay mới chiếm đóng chưa củng cố vị trí, xong đó lập tức rút lực lượng đi đánh nơi khác. Làm như vậy thì có nơi phải bỏ đất, không phải đâu cũng dàn trận mà giữ… - Tập trung chủ lực để đánh từng trận lớn và phân tán một số bộ đội để phối hợp với dân quân. - Tổ chức những đội quân đánh chiến xa. - Đôn đốc việc ngăn sông, phá đường, đắp chướng ngại vật trên các đường đê…”.

        Huấn lệnh nhấn mạnh bộ đội phải có quyết tâm chuyển sang du kích vận động chiến.

        Trong tháng Ba, hiện tượng “vỡ mặt trận” đã chấm dứt. Không bị vỡ mặt trận vị bộ đội ta không còn dàn trận địa để ngăn chặn cuộc tiến công của kẻ địch.

        Hình thức dàn trận địa trong thời gian đầu toàn quốc kháng chiến cũng có lí do của nó. Đó là lúc quân địch tập trung ở những thành phố được tung ra để chiếm đất, mở rộng phạm vi kiểm soát. Bộ đội ta đã được tổ chức thành những trung đoàn, họ không thể gặp địch mà không đánh để giữ đất, bảo vệ dân. Do đó, cách dàn trận địa ngăn chặn địch tự nhiên hình thành. Mặc dù chiến đấu dũng cảm, nhưng bộ đội ta với những khẩu súng trường rất ít đạn, những trái lựu đạn do ta sản xuất và những thanh mã tấu không đủ sức ngăn bước tiến của xe tăng. Mặt trận vỡ vì những người bảo vệ trận địa không thấy hết tình hình kịp thời thay đổi cách đánh.

        Cũng trong tháng Ba, bộ đội bắt đầu thực hiện chiến thuật du kích vận động chiến. Nó đã đạt kết quả rõ rệt ở Nam Định và Hải Phòng. Nhưng ta đã bị tổn thất ở thị xã Hà Đông. Bộ chỉ huy Hà Nội muốn có một chiến thắng vang dội sau khi buộc phải rút khỏi Liên khu 1. Trong đêm 20 tháng Ba, đồng thời với cuộc tiến công của 10 đại đội vệ quốc quân Chiến khu 3 vào thành phố Hải Phòng, bộ chỉ huy Mặt trận Hà Nội đã sử dụng một lực lượng hỗn hợp tương đương với một trung đoàn đánh vào thị xã Hà Đông một nơi địch mới chiếm đóng. Với quyết tâm chiến thắng, hầu hết những người được đưa vào trận đánh đều là cán bộ. Cán bộ trung đoàn chỉ huy tiểu đoàn, cán bộ tiểu đoàn chỉ huy đại đội, cán bộ đại đội chỉ huy trung đội… và cán bộ tiểu đoàn làm nhiệm vụ của chiến sĩ. Quân địch bị đánh rất bất ngờ, nhiều binh lính còn mặc quần đùi vội vã cầm vũ khí chống cự. Nhưng rồi dựa vào công sự và hỏa lực mạnh, quân Pháp dần dần chặn được đà tiến công của ta. Mờ sáng, bộ đọi phải rút ra. Số thương vong của ta và địch tương đương, nhưng phía ta có nhiều cán bộ. Ta mất gần một trăm cây súng các loại. Sai lầm của ta là đã chủ trương tiêu diệt hoàn toàn quân địch tại thị xã trong tình hình thực tế chỉ cho phép tiến hành một trận tập kích, tiêu diệt một bộ phận địch rồi nhanh chóng thu quân. Chủ nghĩa anh hùng yêu nước tự nó không đủ để làm nên chiến thắng. Tôi có ấn tượng mạnh với trình độ trang bị, kĩ thuật hiện thời, bộ đội ta chưa thể đánh địch ở quy mô trung đoàn. Trong thời gian này một tiểu đoàn của trung đoàn Thủ đô đã chặn đánh địch tốt ở Cầu Đạm, Chương Mỹ, Hà Đông.

        Trận thị xã Hà Đông đã kết thúc một thời kì chiến đấu của quân và dân ta trên mặt trận Hà Nội.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 05:31:26 am

3

        Tôi rời mặt trận Hà Nội sau Bác khoảng một tuần.

        Từ ngày nổ súng ở Hà Nội, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Mặt trận vẫn ở quanh một số làng như Đại Mỗ, Tây Mỗ, Mai Lĩnh, Trúc Sơn, Sài Sơn, Cần Kiệm, Viên Nội… Tất cả đều nằm ở phía tây nam Hà Nội. Đài Tiếng nói Việt Nam hằng ngày phát sóng chỉ cách Hà Nội 10 kilômét. Sự bố trí này khiến cho địch phỏng đoán chúng ta sẽ tiếp tục di chuyển về phía tây nam, nơi có vùng đất rộng lớn đông dân với nhiều địa phương chưa có quân địch. Cuộc tiến công đầu tháng Ba của quân Pháp đã nhằm vào vùng này.

        Nhưng trong thực tế, ta đã đi về phía tây bắc. Một cuộc di chuyển không vội vàng. Những đơn vị bảo vệ được bố trí chung quanh cơ quan. Thực ra cách bảo vệ tốt nhất lúc này là giữ bí mật. Lực lượng ta chưa đủ sức ngăn chặn xe tăng, xe bọc thép, chưa nói tới những trận oanh tạc bằng máy bay và đại bác. Anh Trần Đăng Ninh đã tổ chức nhiều đội công tác với nhiệm vụ tuyên truyền kháng chiến, giáo dục nhân dân giữ bí mật, phòng gian, giúp đỡ địa phương xây dựng các đoàn thể và dân quân tại những vùng cơ quan di chuyển.

        Nhiều người dân từ Hà Nội tản cư ra cũng đi về hướng này. Khá đông là gia đình cán bộ. Cuộc kháng chiến đã hòa mọi tầng lớp nhân dân thành một khối. Những người tản cư chỉ có một tay nải hoặc chiếc ba lô. Họ chưa biết nơi sẽ tới là chỗ nào. Nhưng đi tới đâu cũng thấy ấm áp, yên lòng. Mọi nhà dân mở rộng cửa đón họ như những người thân.

        Dọc đường Sơn Tây - Trung Hà, tôi gặp chị Tôn Thất Tùng ngồi trên một chiếc xe kéo. Anh Tùng là giáo sư Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Nhiều giáo sư ở đây như anh Vũ Đình Tụng, anh Hồ Đắc Di, anh Đặng Văn Chung… những người trí thức được thực dân Pháp nể trọng, đều đi kháng chiến. Các anh đã thu thập theo những tài liệu để mở tiếp trường đại học nhằm đào tạo những y sĩ, bác sĩ rất cần cho cuộc kháng chiến lâu dài. Phần lớn, nếu không nói là hầu hết giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ có tên tuổi, những nhân sĩ, và cả một số nhà đứng đầu tôn giáo đều lên đường đi kháng chiến.

        Từ đầu thập niên bốn mươi, trên báo chí ở Hà Nội đã xuất hiện lời chế giễu thực dân Pháp, nếu phát xít Nhật xâm lược Đông Dương thì sẽ áp dụng chiến thuật “rút sâu vào nội địa” giống như người Trung Hoa đã làm. Claudơvít khi tổng kết chiến thuật này từ cuộc chiến đấu của Cutôdốp đánh bại đạo quân xâm lược bách chiến bách thắng của Napôlêông trên đất nước Nga, đã rút ra kết luận: để áp dụng nó cần phải có một không gian rộng lớn. Nước ta không rộng, kẻ thù đã có mặt ở nhiều nơi trên suốt chiều dài của đất nước. Những phương tiện chiến tranh mới của địch đã thu ngắn khoảng cách không gian. Chúng ta không chủ trương một cuộc rút lui chiến lược. Phần lớn các đơn vị vẫn bám sát quân địch tiếp tục chiến đấu. Chỉ những cơ quan lãnh đạo của Trung ương, Khu và tỉnh là chuyển về vùng căn cứ. Những căn cứ xa nhất của ta cũng chỉ cách địch một ngày hành quân cơ giới, hay nửa giờ quân đổ bộ đường không. Trong cuộc chiến tranh này, ta không có hậu phương an toàn. Những cuộc rút lui của ta trong thực tế là xoay vần cùng với kẻ địch. Hơn một năm kháng chiến ở Nam Bộ đã cho thấy, ngoài những căn cứ rộng lớn ở bưng biền đứng vững qua mọi thử thách, chúng ta còn duy trì được cả những căn cứ ở ngay chung quanh Sài Gòn và Chợ Lớn.

        Sau khi các cơ quan Trung ương đã rời mặt trận Hà Nội, ngày 21 tháng Ba, bộ chỉ huy Pháp mở cuộc hành binh lớn vào khu vực chúng ta đã đóng quân. Quân Pháp lùng sục nhiều nơi, rõ ràng là muốn chụp bắt bộ phận đầu não của kháng chiến đang trên đường di chuyển. Những mũi quân địch xuất phát từ nhiều hướng. Một toán bộ binh cơ giới từ Hà Đông tiến nhanh về Vân Đình. Hai tiểu đoàn bộ binh cùng với một đoàn tàu chiến xuôi theo sông Hồng, đổ bộ vào Phủ Lý, đánh lên Chi Nê, rồi cũng tiến về Vân Đình. Từ Vân Đình, quân địch thọc vào Miếu Môn. Phía Nam Định, một tiểu đoàn bộ binh khác của Pháp cùng với tàu chiến, ca nô tiến vào Ninh Bình, rồi vòng lên Nho Quan. Trong cuộc hành binh này, địch đã huy động tới năm nghìn bộ binh, nhiều xe tăng, tàu chiến, máy bay. Họ tin là các cơ quan ta đang đi về hướng tây nam. Họ không biết con đường được lựa chọn từ lâu cho cuộc di chuyển lại nằm về hướng tây bắc. Bác đang trở lại Tân Trào.

        Cũng có thể nó chúng ta đã thực hiện một cuộc “thiên đô” hiếm có trong lịch sử chiến tranh. Sau ba tháng chiến đấu tại Hà Nội với những thất bại nặng nề, quân Pháp chỉ chiếm được những đường phố chết. Không người. Không điện, không nước. Cơ quan, nhà máy, bệnh viện, trường học… tất cả những gì đã làm nên sức sống của một thủ đô đều biến khỏi đây. Chính Xalăng đã phải thốt lến: “Hà Nội trở thành một khoảng không hầu như tuyệt đối”.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 05:38:13 am
       
4

        Thị xã Phú Thọ nằm bên bờ sông Thao đã trở thành một thủ đô thu nhỏ với những phòng trà có ca nhạc, nhà hát với chương trình biểu diễn của đoàn kịch Tự do, và những tấm áo dài của người Hà Nội. Tất nhiên cũng đã có một vài dấu hiệu của chiến tranh. Đó là những khẩu hiệu địch vận bằng tiếng Pháp, tiếng Đức kẻ trên tường và những bãi cọc tre chống quân nhảy dù cắm ở những bãi trống.

        Không khí tấp nập, vui vẻ của thị xã chứng tỏ nhiều người còn chưa hiểu những thử thách chiến tranh nay mai. Chính phủ đã ra lệnh phá hoại. Chẳng bao lâu thị xã sẽ không còn một ngôi nhà gạch.

        Trong thời gian tạm dừng ở đây, tôi thấy cần triệu tập một hội nghị quân sự để kiểm điểm tình hình ba tháng chiến đấu vừa qua và đề ra chủ trương mới. Từ Phú Thọ vẫn còn đường tàu hỏa lên Lào Cai. Tôi nảy ra ý muốn đi thăm và tìm hiểu tình hình chuẩn bị kháng chiến ở những tỉnh vùng Tây Bắc trong khi chờ đợi đại biểu các nơi về họp.

        Thời Pháp thuộc, Lào Cai là một trong năm đạo quan binh của chính quyền thực dân ở biên giới phía Bắc. Gọi là quan binh có nghĩa là một tỉnh do quân đội nắm quyền cai trị. Sớm muộn quân Pháp sẽ tìm cách quay lại vị trí trọng yếu này.

        Tôi lên Lào Cai với anh Bằng Giang, khu trưởng Khu 10.

        Tàu chạy qua Yên Bái, Bảo Hà, Phố Lu…, những địa danh nay mai sẽ gắn liền với chiến công của quân ta. Dọc đường, rừng núi mỗi lúc càng hoang vu, cao hơn và rậm ráp hơn. Sông Thao, thượng nguồn sông Hồng, nhỏ dần. Đã nhìn thấy những tảng đá nổi lên giữa dòng sông.

        Thị xã Lào Cai ở miền biên giới xa xôi cũng đã mang màu sắc của thủ đô. Tà áo màu của cô gái tản cư. Những anh thanh niên đứng mơ mộng bên bờ Nậm Ti ngắm cái thị trấn Hồ Kiều xa lạ bên kia sông. Nhớ lại ngày nào vượt sông Nậm Ti chỉ lo bị bọn cảnh sát phát hiện.

        Chúng tôi đi tiếp lên Sa Pa, một ngọn núi của dãy Hoàng Liên Sơn quanh năm phủ đầy mây trắng. Đây là mái nhà của đất nước Việt Nam. Người Pháp đã chọn Sa Pa làm nơi nghĩ mát vì thời tiết quanh năm giống như ở nước Pháp. Người Sa Pa, không riêng các cô gái, cả ông chủ tịch ra tiếp đón chúng tôi, hai má cũng đỏ hồng.

        Lào Cai là thị xã cuối cùng trên miền Bắc thoát khỏi sự không chế của Việt Nam Quốc dân đảng thân Tưởng. Người dân đã có kinh nghiệm đấu tranh với địch. Từ thị xã đến vùng núi cao, đâu đâu cũng nhộn nhịp chuẩn bị kháng chiến. Chỉ ít tháng sau đó, Lào Cai đã trở thành một trong những vùng địch hậu đau thương trên chiến trường Tây Bắc.

        Tôi từ Lào Cai trở về Tiên Kiên thuộc tỉnh Phú Thọ, nơi hợp Hội nghị quân sự lần thứ hai, mang theo một cành đào để tặng Bác.

        Khác với lần trước cách đây hai tháng, ý kiến trong cuộc họp rất phong phú. Tất cả đều có thêm kinh nghiệm trong chiến đấu.

        Lần đầu, chúng tôi nhận thấy rõ quân Pháp không những có vũ khí, trang bị rất mạnh, mà lại thành thạo trong cách dùng binh. Không phải bỗng dưng từ lâu nước Pháp đã tự hào về lục quân của mình.

        Chiến thuật chủ yếu của Pháp trong thời gian qua là đánh vận động bằng cơ giới. Khi xác định mục tiêu tiến công, địch tập trung cơ giới từ các nơi lại, chọn hướng tiến quân ở những tuyến đường ta phòng thủ sơ sài, như đường đê, hay đường ruộng nhỏ. Họ chia nhiều hướng để đánh vào mục tiêu. Ở những nơi ven biển hoặc có đường sông, bao giờ họ cũng tận dụng các phương tiện đổ bộ đường sông hoặc đường biển. Thường thì họ dùng bộ binh, xe tăng, xe cơ giới có máy bay và pháo yểm trợ đánh ở chính diện, rồi bất thần dùng xe lội nước hoặc ca nô bọc thép đổ quân vào sau lưng hoặc cạnh sườn, từ hai mặt dồn quân ta vào giữa. Đó là cách đánh của họ trên đường số 5 và ở Huế. Dựa vào ưu thế tuyệt đối về bộ binh cơ giới, xe tăng, xe thiết giáp, họ đột phá những nơi ta phòng ngự trận địa, phá vỡ đội hình ta, hòng làm rối loạn và tan rã quân ta. Hình thức gọng kìm, bao vây, vu hồi luôn được áp dụng trong những cuộc tiến công.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 05:38:40 am

        Ngoài những trận đánh lớn, ở một số nơi địch sử dụng cả chiến thuật du kích một cách khôn ngoan. Tại Sơn La, quân Pháp chia thành những phân đội nhỏ, từ mười tới hai mươi người, thay đổi vị trí ngày ở một nơi, đêm ở một nơi. Chúng bất ngờ tập kích bộ đội ta từ phía sau lưng hoặc cạnh sườn. Ở Huế, có những toán địch một đêm thay đổi vị trí mấy lần. Chúng thắp đèn sáng ở những nơi không đóng quân. Có lần địch cải trang thành dân thường hoặc bộ đội gây cho ta nhiều trường hợp bất ngờ.

        Tổ chức phòng ngự của quân Pháp khá nền nếp. Di chuyển tới đâu cũng làm ngay công sự phòng ngự, đào hầm hố, giao thông hào, xếp bao cát, xây dựng hỏa điểm, chăng dây thép gai, buộc ống bơ, cắm chông nhọn để phòng ta tập kích. Bố trí lưới lửa mạnh, dự trữ đạn dược, lương thực, nước uống để có thế cầm cự lâu dài khi bị tiến công. Dùng chó bécgiê và cả khỉ để canh gác, dùng Việt gian dò la, cảnh giới vòng ngoài.

        Rõ ràng là một đội quân nhà nghề thiện chiến.

        Từ những hành động của địch, chúng ta nhìn ra hàng loạt thiếu sót, nhược điểm của một quân đội mới tổ chức, chưa qua rèn luyện, vừa thiếu vũ khí, vừa thiếu người chỉ huy có kinh nghiệm. Đây chính là thời kì ấu trĩ mà bất kì một quân đội cách mạng nào cũng phải trải qua.

        Chúng ta xác định trường học tốt nhất hiện nay là chiến trường, cần phải học tập ngay trong thực tiễn chiến đấu; người giúp chúng ta nhanh chóng rút ngắn thời gian bỡ ngỡ này lại chính là kẻ thù của chúng ta.

        Hội nghị sôi nổi thảo luận những biện pháp ứng phó với các chiến thuật của địch. Chiến thuật của ta cần giành chủ động và tích cực tiến công. Muốn tiến công phải hiểu rõ địch, có kế hoạch và không quá mạo hiểm. Không chỉ đánh để tiêu hao quân địch, mà phải có những trận tiêu diệt, bắt tù binh, thu vũ khí thì mới xây dựng được lực lượng, càng đánh càng tăng cường sức mạnh quân sự của ta.

        Cũng trong hội nghị đã bàn tới một vấn dề cấp bách là xây dựng các căn cứ địa. Trước ngày nổ súng kháng chiến toàn quốc, vấn đề này đã được đặt ra. Trung ương, các khu, các tỉnh đều đã nhắm trước những nơi có thể trở thành căn cứ địa khi những thành phố, thị xã bị trực tiếp uy hiếp.

        Một câu hỏi được nêu lên: “Cần có những điều kiện nào để xây dựng căn cứ địa?”. Hai điều kiện về địa hình và nhân dân được trao đổi nhiều nhất. Kinh nghiệm nước ta cũng như nhiều nước, có địa hình rừng núi là tốt nhất. Còn địa hình đồng bằng thì thế nào? Đồng bằng của ta không rộng, mỗi chiều của tam giác châu thổ Bắc Bộ chỉ một vài trăm cây số, quân địch đã có mặt ở nhiều nơi, vậy có thể xây dựng được căn cứ địa không?

        Từ cuối năm 1945, sau khi chiến tranh lan rộng ở Nam Bộ, ngày 5 tháng 11, tôi đã viết trên báo Cứu Quốc: “du kích ở nơi rừng núi thì dựa vào rừng núi để tiến thoái, còn ở đồng bằng thì tuy không có rừng núi thiên nhiên, nhưng lại có nhân sơn, nhân hải, nghĩa là nếu như nhân dân muôn người đều một lòng thì đội du kích cũng có thể lẩn lút ở trong mà hành động, tuyệt đối bí mật, xuất quỷ nhập thần như ở chốn rừng núi vậy. Không có rừng núi làm chướng ngại thì người ta có thể đắp đất, chặt cây đặt chướng ngại, chặn sông ngòi làm trở ngại để đố phó với cuộc tiến công của địch.

        Hội nghị nhất trí cho rằng nếu có dân thì vẫn có thể xây dựng được căn cứ địa. Quân và dân Nam Bộ đã chứng minh điều đó ở những tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ta cần xây dựng căn cứ địa ở cả rừng núi và đồng bằng. Bất cứ ở đâu, khi xây dựng căn cứ địa đều phải coi trọng cả ba mặt quân sự, chính trị và kinh tế, cần chú ý bộ phận chỉ huy và liên lạc. Mọi căn cứ của ta đều có thể bị địch đánh xuyên qua. Mỗi khu, mỗi tỉnh đều phải có ba địa điểm dự bị. Rất cần tổ chức và xây dựng những tiểu tổ bí mật để tiếp tục hoạt động khi căn cứ bị địch chiếm. Ở đồng bằng lại càng cần phải chú trọng tổ chức tiểu tổ bí mật kĩ lưỡng nhiều địa điểm dự bị.

        Về phần chiến thuật, hội nghị đã đi tới kết luận: “Hơn ba tháng chiến đấu, từ một quân đội còn non kém, chúng ta đã có một ít kinh nghiệm bằng sắt và máu. Những thắng lợi và thất bại của ta, những hoạt động của địch đều là những bài học quý báu. Chúng ta luôn luôn học tập ở quân địch, học tập trong chiến đấu”.

        Học tập ở sách vở, ở những trường hợp ngắn ngày chưa đủ. Học tập trong thực tiễn chiến đấu, học tập ở quân địch là vấn đề lớn được rút ra từ hội nghị quân sự lần này. Những kẻ xâm lược có biết đâu khi tiến hành chiến tranh, họ đang dạy những người yêu nước cách đánh bại họ.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 05:45:59 am
       
5

        Đầu tháng Tư năm 1947, việc “thiên đô” lên Việt Bắc và di chuyển cơ quan chỉ huy các khu, tỉnh về các căn cứ đã hoàn thành. Chỉ tính từ Bình - Trị - Thiên trở ra, khoảng bốn chục nghìn tấn máy móc, nguyên liệu đã được đưa tới nơi an toàn. Riêng ở Bắc Bộ, gần hai phần ba số máy móc của xí nghiệp được di chuyển kịp thời. Với những máy móc này, ta xây dựng được 57 cơ sở sản xuất quân giới trong kháng chiến.

        Ta di chuyển cả những máy in báo, in giấy bạc, những trường học, những bệnh viện. Đài Tiếng nói Việt Nam vừa di chuyển vừa tiếp tục phát sóng không để tiếng nói của kháng chiến bị gián đoạn; đài được chia làm hai bộ phận để thay thế nhau khi cần thiết.

        Việt Bắc là một vùng rừng núi hiểm trở gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, Bác đã trao nhiệm vụ cho anh Phạm Văn Đồng và một số cán bộ ở lại đây một thời gian để củng cố khu căn cứ. Cuối tháng Mười năm 1946, sau khi vừa ở Pháp về, Bác lại phái anh Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc để lãnh đạo việc chuẩn bị các mặt. Một số đội công tác của anh Trần Đăng Ninh đã tới đây chuẩn bị các an toàn khu (ATK).

        Các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang (thuộc Tuyên Quang), Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (thuộc Thái Nguyên) Chợ Đồn, Chợ Rã (thuộc Bắc Kạn) được chọn làm an toàn khu. Bộ Tổng tham mưu chịu trách nhiệm phân chia các khu vực trong ATK cho các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy và các đoàn thể.

        Thời gian đầu, Bác và Thường vụ ở vùng Chợ Chu, thuộc châu Định Hóa. Bác chưa trở lại Tân Trào ngay, thủ đô của Cách mạng tháng Tám, thuộc huyện Sơn Dương, còn ở bên kia một dãy núi.

        Những huyện này vốn là những nơi đèo cao hút gió, có nhiều vùng còn nổi tiếng là ma thiêng nước độc, nay có nhiều cơ quan, đơn vị bộ đội, lại thêm những gia đình từ Hà Nội tản cư lên, nhanh chóng trở nên tấp nập, đầm ấm. Nhiều tên đất trước đây ít người biết đến nay trở nên quen thuộc: Bình Ca, Đa Năng, Đèo Khế, Cao Vân, Phú Minh, Quảng Nạp, Quán Vuông, Ba Giăng, Cù Vân, Bờ Đậu… Có nơi chưa được đặt tên, nhưng vì có một ông già mở quán nước nên nhanh chóng mang tên “Quán Ông Già”.

        Chúng tôi gặp lại những khuôn mặt chất phác, trung hậu của các pò, các mế, các noọng… Cái vốn tiếng Tày, tiếng Dao, tiếng Mông ngày trước lại có dịp được sử dụng.

        Bác gửi thư cho đồng bào thượng du, biểu dương truyền thống yêu nước, tinh thần tích cực tham gia kháng chiến và kêu gọi sẵn sàng giúp đỡ bộ đội, ra sức tăng gia sản xuất, làm ra nhiều lúa, bắp, khoai. Bác đề ra 12 điều răn để nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ những việc cần làm, những điều cần tránh để được dân yêu, dân tin, dân phục.

        Từ tháng Ba năm 1947, anh Trường Chinh bắt đầu viết một loạt bài trên báo Sự thật, cơ quan ngôn luận của Đảng, giải tích và cụ thể hóa đường lối kháng chiến của ta được nêu trong Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Những bài viết với các tiêu đề: “Chúng ta đánh ai?”, “Tính chất cuộc kháng chiến của ta”, “Hình thái chiến tranh chống Pháp”, “Ba giai đoạn của cuộc kháng chiến lâu dài”, “So sánh hơn thua”… sau đó được bổ sung và in thành sách với tên gọi “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Đây là một đóng góp quan trọng vào việc giáo dục, tổ chức, động viên quân và dân cả nước giữ vững ý chí kháng chiến tới thắng lợi cuối cùng.

        Ngay sau khi tới căn cứ Việt Bắc, ngày 3 tháng Tư, Thường vụ triệu tập Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ hai. Hội nghị họp bốn ngày, đề cập một cách toàn diện mọi vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của cuộc kháng chiến và nêu lên chủ trương, biện pháp để thực hiện đường lối kháng chiến lâu dài, vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

        Về chính trị, hội nghị chủ trương củng cố và mở rộng mặt trận thống nhất chống thực dân phản động Pháp, tổ chức thêm một số đoàn thể quần chúng mới, tranh thủ đồng bào công giáo và dân tộc thiểu số.

        Về quân sự, hội nghị nhận đinh: “Việt Nam, không thể chuyển từ phòng ngự đến phản công như Nga, trái lại phải qua một thời kì lâu dài, gian khổ để vừa đánh vừa cố gắng bồi bổ vũ khí và bộ đội, chuyển thế yếu của ta thành thế mạnh, chuyển thế mạnh của địch thành thế kém”.

        Ta dự kiến cuộc kháng chiến lâu dài sẽ phải trải qua ba giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, địch dùng quân giới mở những cuộc hành quân quy mô rộng lớn, mau lẹ, mở rộng phạm vi chiếm đóng. Ta cần tiêu hao lực lượng địch, làm chậm bước tiến của chúng, bảo tồn lực lượng, tránh những trận đánh bất lợi, rút lui tới một mức nào đó, tuy vẫn tiến công bộ phận để tiêu diệt bộ phhận địch. Sang giai đoạn thứ hai, địch sẽ dùng khủng bố, “quét sạch”, phong tỏa ta, cố lập chính phủ bù nhìn và dụ ta hàng. Ta phải bồi bổ lực lượng, bộ đội tiến lên mở rộng du kích vận động chiến, toàn dân thì phát động chiến tranh du kích ngay trong vùng địch kiểm soát, cả trong những thành phố lớn, vừa tiêu hao vừa tiêu diệt địch để chuẩn bị chuyển sang phản công. Gia đoạn thứ ba là lúc lực lượng địch đã suy yếu, lực lượng ta trội lên, điều kiện chủ quan và khách quan đều thuận tiện, ta sẽ tập trung lực lượng, dùng vận động chiến là chính, có du kích, trận địa chiến hỗ trợ, phản công khắp các mặt trận, tiêu diệt địch, lấy lại các vùng đã mất.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 05:46:30 am

        Dự kiến tiến trình phát triển của cuộc kháng chiến phải trải qua ba giai đoạn là cơ bản phù hợp với quy luật phát triển của so sánh lực lượng. Nó giúp quân và dân ta xác định đúng đắn nhiệm vụ xây dựng và tác chiến của từng giai đoạn, phát huy sự nỗ lực chủ quan để đi tới chiến thắng, đồng thời không để tư tưởng chủ quan, nôn nóng chi phối. Tuy nhiên, dự kiến này được đặt ra trong bối cảnh cuộc chiến đấu diễn ra giữa ta và quân xâm lược pháp, một đế quốc đã suy yếu nhiều sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ta chưa nhìn thấy âm mưu của đế quốc Mỹ, dẫn tới việc Mỹ sẽ can thiệp ngày càng sâu vào chiến tranh Đông Dương và trở thành kẻ thay thế khi Pháp đã thất bại. Dự kiến này rất đúng với giai đoạn đầu của kháng chiến, nhưng sự diễn biến sau đó thì phức tạp hơn nhiều.

        Một lần nữa, ta xác định “Chiến thuật căn bản của bộ đội là du kích vận động chiến”, đồng thời đề ra phải phát động phong trào dân quân du kích và vũ trang toàn dân, xây dựng làng kháng chiến, chuyển một phần bộ đội thành dân quân du kích (nhất là ở những nơi bị địch tạm chiếm).

        Một lần nữa, vấn đề căn cứ địa lại được nêu lên và thảo luận sôi nổi. Hội nghị đã đi đến nghị quyết: “Việt Nam không thể có căn cứ địa rộng rãi và vững chắc như Trung Quốc. Những căn cứ địa ở Việt Nam đều có thể bị đánh xuyên mũi dùi vào hoặc bị bao vây. Nhưng Việt Nam đã có một mặt trận đoàn kết toàn dân, nhân dân được hưởng chế độ dân chủ rộng rãi và liều chết giữ vững chế độ ấy. (…) Việt Nam vẫn có thể kháng chiến và nắm chắc thắng lợi bằng cách mở mặt trận ở bất cứ nơi nào có bóng địch, đánh ngay cả sau lưng địch, trong ruột địch, và tổ chức căn cứ địa không những ở rừng núi mà ở cả đồng bằng”.

        Về kinh tế, hội nghị đề ra phải phá kinh tế của địch, đồng thời phải xây dựng nên kinh tế của ta, và lập nền kinh tế tự túc để vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

        Về văn hóa, hội nghị chủ trương phải động viên tất cả giới trí thức, văn nghệ tham gia kháng chiến, mở mang nền giáo dục kháng chiến, xây dựng nền văn hóa mới dân tộc, khoa học, đại chúng.

        Năm tháng sau ngày toàn quốc kháng chiến, Đảng ta đã hoạch định được đường lối tổng thể cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc, đề ra những biện pháp lớn và vạch rõ tiến trình đi tới thắng lợi.

        Tháng Năm năm 1947, Bộ Tổng chỉ huy triệu tập Hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ nhất tại Việt Bắc.

        Sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Bác và Thường vụ nhận thấy cần có sự chỉ huy thống nhất các lực lượng vũ trang. Ngày 12 tháng 2 năm 1947, Bộ Tổng chỉ huy quyết định thành lập Phòng Dân quân trực thuộc Bộ để giúp việc lãnh đạo và chỉ huy dân quân, tự vệ. Anh Khuất Duy Tiến và anh Lê Liêm được phân công làm trưởng phòng và phó phòng dân quân. Cùng trong tháng Hai, Bộ Quốc phòng ra thông tư tổ chức mọi công dân từ 18 đến 45 tuổi đều vào dân quân, tự vệ; dân quân ở thôn xã, tự vệ ở các xí nghiệp, cơ quan, đường phố, quy định nhiệm vụ của dân quân tự vệ và các đội du kích địa phương. Tháng Ba năm 1947, Chính phủ quyết định đổi tên Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia thành Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, thành lập các ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân thuộc ủy ban kháng chiến các cấp. Tháng Tư năm 1947, Trung ương Đảng ra nghị quyết: “Mỗi làng, mỗi địa phương phải phái ngay đồng chí hoặc cán bộ cứu quốc có năng lực ra đảm nhiệm việc phát triển dân quân”.

        Từ chỗ là những tổ chức vũ trang quần chúng của các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh xây dựng ở từng địa phương, dân quân, tự vệ, du kích đã trở thành một bộ phận cấu thành lực lượng vũ trang của Nhà nước do Bộ Tổng chỉ huy và những cơ quan quân sự các cấp ở địa phương lãnh đạo và chỉ huy. Lực lượng này trên cả nước, vào mùa hè năm 1947, đã lên tới một triệu người. Hội nghị dân quân toàn quốc được triệu tấp nhằm mục đích thống nhất việc tổ chức và chỉ huy, xác định rõ vị trí chiến lược của dân quân, tự vệ và du kích trong kháng chiến. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các chiến sĩ dân quân cả nước, Bác viết: “Dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng đầu vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”.

        Tiếp sau đó, trong tổng kết sau tháng đầu toàn quốc kháng chiến, Bộ Tổng chỉ huy đã kết luận: chỉ có thực hiện “vũ trang toàn dân”, “phối hợp sự chiến đấu của bộ đội và sự chiến đấu của dân quân và toàn dân, có những đội du kích khắp nơi, các làng mạc đều trở nên các pháo đài” thì mới “làm cho giặc bị tê liệt, bị vây hãm, bị đánh lúc chúng không đánh, bị khốn cùng về cả mọi mặt”.

        “Làng kháng chiến”, còn gọi là “làng chiến đấu” xuất hiện từ trước tổng khởi nghĩa trong thời gian đánh Nhật. Nó đã phát triển mạnh ở Nam Bộ sau ngày 6 tháng 3 năm 1946 dưới hình thức những căn cứ kháng chiến. Các tỉnh, huyện sau lưng địch ở Nam Bộ đều có những căn cứ liên hoàn nằm trên hai, ba huyện hoặc năm, sáu xã. Trong “Chỉ thị Toàn dân kháng chiến”, Thường vụ đã nêu khẩu hiệu: “Mỗi làng là một pháo đài!”. Nay làng kháng chiến đang phát triển theo tỉ lệ thuận với phong trào phát triển dân quân. Đã có hàng nghìn làng kháng chiến được bước đầu xây dựng. Hội nghị cán bộ Trung ương tháng Tư năm 1947 đã nhận định tinh thần “nhiệt liệt tham gia dân quân, tổ chức làng kháng chiến, giúp đỡ bộ đội tác chiến, phá hoại, cản địch…” ở quảng đại nông thôn chính là một phong trào cách mạng của nông dân.

        Nửa năm sau ngày kháng chiến toàn quốc, chúng ta đã có được những nghị quyết và những hình thức tổ chức khá cơ bản thể hiện tinh thần và tư tưởng của một loại hình chiến tranh mới: chiến tranh toàn dân.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 05:52:59 am
       
6

        Ở Pháp, Pôn Râmđiê (Paul Ramadier) đã thay Lêông Blum là thủ tướng chính phủ. Ngày 13 tháng 3 năm 1947, Ramađiê tuyên bố trước Quốc hội Pháp: “Không thể giải quyết vấn đề Đông Dương bằng vũ lực”. Ramađiê cử một viên cao ủy mới sang thay Đácgiăngliơ bị triệu hồi vì bộ mặt hiếu chiến quá lộ liễu. Nhưng Vanluy vẫn ở lại giữ chức tổng chỉ huy quân viễn chinh.

        Ngày 19 tháng Ba, Đảng Cộng sản Pháp ra nghị quyết về chiến tranh Đông Dương: “Ban chấp hành Trung ương khắng định một lần nữa sự cần thiết hoàn toàn phải chấm dứt những hành động cừu nghịch ở Đông Dương, phải nối ngay những cuộc đàm phán với Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở Hiệp định mồng 6 tháng 3 năm 1946, phải tôn trọng độc lập và thống nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp”.

        Ngày 21 tháng 3, từ căn dứ địa Việt Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân Việt Nam chỉ mong muốn độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp, chúng tôi cam kết tôn trọng quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam… Nếu Chính phủ Pháp tuyên bố chính thức và thành thật công nhận độc lập và thống nhất của Việt Nam, và bảo đảm thực hiện đường lối chính trị đó, tất cả mọi vấn đề khác đều có thể giải quyết dễ dàng. (…) Nếu người Pháp không đếm xỉa tới nguyện vọng thành thật muốn hòa bình của chúng tôi mà cứ tiếp tục chiến tranh thì họ sẽ mất tất cả mà không được gì hết”.

        Đầu tháng Tư, Bôlae (Bollaert), người thay thế Đácgiăngliơ đến Sài Gòn.

        Ngày 19 tháng Tư, Bác gửi một bức thông điệp hòa bình cho nhân dân và Chính phủ Pháp. Bức thông điệp viết: “Nước Việt Nam chiến đấu cho độc lập, thống nhất của mình. Nước Pháp như lời tuyên bố của Thủ tướng Ramađiê không chống lại độc lập và thống nhất của Việt Nam. (…) Chiến tranh kéo dài chỉ có thể làm tăng thêm hận thù, dẫn tới những hi sinh về sinh mạng. (…) Với việc cử Cao ủy mới của nước Pháp ở Đông Dương,  Chính phủ Pháp dường như đã biểu lộ ý định chuyển đường lối chính trị đối với nước Việt Nam vào một con đường mới, xứng đáng với nước Pháp. (…) Để biểu lộ sự thành thật quan tâm của Việt Nam đối với hòa bình và hữu nghị với nhân dân Pháp, Chính phủ Việt Nam đề nghị với Chính phủ Pháp ngừng ngay mọi hành động cừu nghịch và mở cuộc đàm phán để giải quyết hòa bình cuộc xung đột.

        Sau ngày kháng chiến toàn quốc, không còn những cuộc tiếp xúc giữa ta và Pháp. Tuy nhiên, do phía Pháp đề nghị, thỉnh thoảng ta cũng cử đại diện gặp gỡ những lãnh sự Mỹ, Anh và đại biểu Hội Chữ thập đỏ, chủ yếu là để giải quyết “vấn đề tù binh Pháp”.

        Đầu tháng Năm, anh Hoàng Minh Giám gặp lãnh sự Anh ở gần Cầu Đuống. Sau ít phút trao đổi, lãnh sự Anh hỏi:

        - Ông có biết ông Pôn Muýt (Paul Mus) không? Ông ấy đã có dịp gặp ông ở Hà Nội và đã được yết kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày 19 tháng 12 năm 1946.

        - Có, đúng như vậy.

        - Ông Pôn Muýt muốn được gặp ông. Ông ấy đã đi theo tôi tới bên kia cầu Đuống, cách đây độ một kilômét, và đang chờ ở đó. Nếu ông đồng ý tiếp, thì ông ấy sẽ tới ngay.

        - Về việc gì vậy, ông có biết không?

        - Một việc rất quan trọng, ông ấy tha thiết gặp ông. Hiện giờ ông ấy là người giúp việc thân cận, một cố vấn của Cao ủy Bôlae.

        - Được. Nhờ ông báo cho ông Pôn Muýt biết tôi sẵn lòng gặp.

        Chỉ lát sau, Pôn Muýt tới. Sau khí chào hỏi, ông ta vào đề ngay.

        - Tôi có một việc quan trọng, bí mật và gấp, muốn gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi được ủy nhiệm chuyển trực tiếp tới Chủ tịch một thông điệp của Cao ủy Bôlae. Nếu có thể, tôi sẵn sàng đi theo ông ngay bây giờ.

        - Rất tiếc không thể làm như vậy. Tôi sẽ báo cáo với Chủ tịch và trả lời về quyết định của Người. Ông cho biết có thể trả lời cách nào vừa nhanh chóng vừa đảm bảo bí mật.

        - Cảm ơn. Đề nghị ông trả lời cho tôi bằng điện đài.

        Pôn Muýt trao đổi quy ước liên lạc với anh Giám.

        Bác chấp nhận gặp Pôn Muýt. Pôn Muýt đã có mặt từ những năm 30 ở Đông Dương với tư cách một giáo sư khảo cổ. Ông biết chữ Hán và thông thạo tiếng Việt. Sau ngày 6 tháng 3 năm 1946, Pôn Muýt trở lại Hà Nội trong cương vị cố vấn chính trị của Lơcléc. Đầu trung tuần tháng Năm, người của ta đón Pôn Muýt ở Cầu Đuống. Ông giáo sư hăng hái đi bộ ban đêm theo người dẫn đường tới thị xã Thái Nguyên.

        Tối 12 tháng 5 năm 1947, Bác Hồ gặp Pôn Muýt.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 05:53:23 am

        Theo lời anh Giám kể, sứ giả của Bôlae sững sờ khi nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới ánh sáng xanh của ngọn đèn măng sông trong ngôi nhà duy nhất còn lại giữa thị xã đã biến thành đống gạch vụn. Bác vẫn giản dị, lịch sự như khi tiếp khách ở phòng khách Chính phủ phố Ngô Quyền Hà Nội.

        - Thưa Chủ tịch, - Pôn Muýt nói - tôi xin cảm ơn Chủ tịch đã vui lòng cho tôi được gặp để làm nhiệm vụ do Cao ủy trao, là chuyển trực tiếp tới Chủ tịch một bản thông điệp.

        Khi Bác bảo đưa bức thông điệp thì Pôn Muýt nói tiếp:

        - Thưa Chủ tịch, vì những lí do không tiện trình bày ở đây, bản thông điệp của Cao ủy trả lời bức thư đề nghị ngừng bắn của Chính phủ Việt Nam không được ghi vào giấy. Tôi đã nhớ kĩ nội dung, xin được nhắc lại đúng từng lời trong văn bản.

        - Tôi sẵn sàng nghe.

        Pôn Muýt đọc một hơi:

        - Để thực hiện một cuộc ngừng bắn, về phần mình, Cao ủy Pháp ở Đông Dương xin nêu với Chủ tịch bốn điều kiện: Thứ nhất, quân đội Việt Nam phải nộp vũ khí cho Pháp. Thứ hai, quân đội Pháp có quyền tự do đi lại trên đất nước Việt Nam. Thứ ba, Chính phủ Việt Nam phải trả lại cho Pháp tất cả những người đã bị bắt. Thứ tư, Chính phủ Việt Nam phải trao trả cho Pháp tất cả những người nước ngoài đã chạy sang phía Việt Nam.

        Bác nghiêm nét mặt, nhưng giọng vẫn ôn tồn:

        - Ông Muýt, tôi biết ông đã tham gia kháng chiến của nhân dân Pháp chống chủ nghĩa phát xít Hítle, điều đó có đúng không?

        - Thưa Chủ tịch, đúng.

        - Vậy ông hãy trả lời: Nếu ở địa vị tôi, ông sẽ có thái độ thế nào đối với bản thông điệp của ông Bôlae? Ông có nhận những điều kiện đó không?

        Pôn Muýt lúng túng.

        Bác nói tiếp:

        - Tôi nghe nói ông Bôlae cũng đã tham gia kháng chiến chống Hítle và có thành tích. Những điều kiện ông ấy đưa ra để ngừng bắn có ý nghĩa gì? Có nghĩa là ông ấy đòi chúng tôi phải đầu hàng! Ông Muýt, bản thân ông có nghĩ rằng chúng tôi có thể đầu hàng không? Lại còn điều kiện liên quan tới những người nước ngoài đứng trong hàng ngũ Việt Nam chống thực dân! Phải là một con người hèn mạt mới chấp nhận những điều kiện như vậy.

        Bác nhìn Pôn Muýt. Pôn Muýt ngồi im lặng rồi gật đầu nói:

        - Tôi hiểu, thưa Chủ tịch, tôi hiểu…

        Chuyện bức thông điệp không được nhắc tới nữa. Bác nói về lập trường của Chính phủ và nhân dân ta: yêu chuộng hòa bình, muốn có quan hệ tốt với nhân dân Pháp, nhưng kiên quyết kháng chiến để bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc mình. Pôn Muýt thừa nhận rằng đó là những tình cảm và ý chí chính đáng. Và hứa sẽ báo cáo đầy đủ những điều Bác đã nói với Bôlae.

        Trước lúc ra về Pôn Muýt tỏ ra xúc động thật sự. Ông chúc sức khỏe Bác, rồi hỏi:

        - Thưa Chủ tịch, như vậy là chiến tranh vẫn tiếp diễn?

        - Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng không phải là hòa bình với bất cứ giá nào! Mà phải là hòa bình trong độc lập, tự do.

        - Thưa chủ tịch, chúc Người lòng dũng cảm.

        - Tất nhiên, bao giờ cũng như vậy.

        Đồng chí phục vụ bưng ra mấy li sâm banh. Pôn Muýt uống cạn li chia tay rồi khuất vào bóng đêm.

        Năm năm sau, trong cuốn sách của mình, “Việt Nam, cuộc chiến tranh xét về xã hội”, Pôn Muýt đã phê phán nội dung bản thông điệp mà ông phải chuyển cho Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Nguyên.

        Mười ba ngày sau khi gặp Pôn Muýt, cùng với thư gửi nhân dân Pháp, Bác viết thư gửi đồng bào ta:

        “Vì nhân đạo, vì hòa bình, vì muốn giữ tình cảm với Pháp, Chính phủ ta đã đề nghị với Chính phủ Pháp, căn cứ vào nguyện vọng  thống nhất và độc lập của nhân dân ta, tìm cách dàn xếp cuộc chiến tranh. Song bọn quân phiệt thực dân Pháp, quen thói hung tàn, bất nhân, vô lễ. Chúng khinh miệt bộ đội và nhân dân ta. Chúng đưa ra những điều kiện kiêu hãnh, ngang ngược. (…) Thế là chúng đòi chúng ta đầu hàng. (…) Chúng ta quyết không chịu làm vong quốc nô. Vì vậy, tôi thay mặt Chính phủ, kêu gọi toàn thể đồng bào, phải ra sức kháng chiến, giúp đỡ bộ đội đánh giặc. Tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội, dân quân, tự vệ kiên quyết chiến đấu, xung phong giết giặc.

        Mỗi công dân phải là một chiến sĩ. Mỗi làng phải là một chiến hào.

        Chúng ta phải kiên quyết hi sinh chiến đấu để đánh tan bọn quân phiệt thực dân, để tranh lấy thống nhất và độc lập”.

        Đây là lần tiếp xúc cuối cùng giữa Bác và đại diện của phía bên kia trong kháng chiến chống Pháp.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 05:59:52 am

Chương ba

MÙA HÈ YÊN TĨNH

1

        Vào mùa hè, tình hình các mặt trận có phần lắng dịu.

        Dọc đường số 5, Pháp mở những cuộc càn quét nhỏ với ý định dồn các đội du kích ra xa những làng nằm sát trục đường, hình thành một vành đai an toàn cho những cuộc hành quân, vận chuyển quân sự.

        Trung tuần tháng Năm, một tiểu đoàn Pháp nhảy dù xuống thị xã Phú Thọ. Ngày hôm sau, tàu chiến và ca nô địch từ Hà Nội đổ bộ lên thị xã Việt Trì vài trăm quân. Chỉ mấy ngày sau, cả hai toán quân này đều rút.

        Tháng Sáu, bộ binh Pháp kết hợp với quân dù tiến lên chợ Bờ Hòa Bình, nhưng không ở lại đây lâu.

        Có thể là những cuộc hành quân tập dượt.

        Tại Trung Bộ, quân Pháp rút khỏi Hồi Xuân, đánh vài trận nhỏ ở Bình Trị Thiên. Địch mở hai cuộc tiến công vào Phú Đa và An Khê, gặp lực lượng ta đánh trả, địch lại rút về.

        Đã thấy hiện tượng của chiến tranh mùa. Ở miền Bắc, mùa hè là mùa mưa, nước các triền sông lên to, ngăn trở những cuộc hành binh lớn phải sử dụng các lực lượng cơ giới. Mặt khác, quân Pháp đã bị tổn thất, mệt mỏi sau những trận đánh ở thành phố và hàng loạt cuộc tiến công, cần nghĩ ngơi, củng cố và chờ viện binh.

        Về phía ta, bộ đội cũng cần được chấn chỉnh tổ chức, bổ sung, huấn luyện, bồi bổ lực lượng. Tuy nhiên, ta cũng cố gắng mở một số trận đánh làm cho quân địch không rảnh tay chuẩn bị cuộc tiến công sắp tới.

        Trên miền Bắc, bộ đội các khu 2, 3, 12 nhiều lần phục kích địch diệt nhiều xe cơ giới, hai lần đột nhập thị xã Hà Đông. Khu 4 đánh địch ỏ Mỹ Chánh, An Phú, Ưu Điềm… Khu 5 nhiều lần phục kích trên đèo Hải Vân, bẻ gãy gọng kìm tiến công lớn của địch ở Phú Phong. Khu 6 ba lần đột nhập thị xã Phan Thiết. Quân và dân Nam Bộ, sau khi có nghị quyết ngày 25 tháng 3 năm 1947 của Xứ ủy, đã vùng lên mạnh mẽ suốt mùa hè, chống càn, đánh giao thông, đánh đồn, bao vây quấy rối các châu thành, phá cơ sở kinh tế, hậu cần của địch.

        Nhìn chung cả nước, nổi bật trong hoạt động mùa hè là chiến trường Nam Bộ, Khu 6, Khu 3; Nam Bộ đạt được hiệu suất chiến đấu cao. Tuy vậy, kết quả hoạt động mùa hè còn hạn chế vì ở nhiều nơi bộ đội chưa nắm được phương thức hoạt động, lực lượng ta còn có hạn, đội ngũ cán bộ còn thiếu đào tạo.

        Chúng ta biết khoảng thời gian lắng dịu này sẽ nhanh chóng qua đi. Cơn giông tố đợi ở phía trước, sẽ bùng nổ khi mùa khô tới. Địch đã bị bất ngờ trong những đợt giao chiến đầu tiên, nhưng đã hiểu ta hơn, về thực lực cũng như những nhược điểm của một quân đội non trẻ. Pháp sẽ dồn mọi cố gắng vào trận đánh quyết định đẻ mong kết thúc sớm chiến tranh. Về phía ta, chỉ có thể tồn tại bằng cách đánh trả địch những đòn hiệu quả. Đách cách nào đây? Phải trả lời được câu hỏi đó trước khi mùa mưa kết thúc.

        Ngày mới được Bác trao nhiệm vụ tổ chức đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, tôi thường tự hỏi: sức mạnh nào giúp người chiến sĩ bật dậy xung phong trước làn đạn của kẻ thù? Qua các trận đánh, đã thấy đó là lòng dũng cảm bắt nguồn từ một lí tưởng chiến đấu. Trên khắp các mặt trận, quân và dân ta đã chững tỏ một tinh thần cực kì dũng cảm. Nhưng cũng đã có những hiện tượng buộc ta phải suy nghĩ. Một số cán bộ, chiến sĩ có quá trình rèn luyện, nhưng khi mặt trận bất thần vỡ đã hốt hoảng bỏ đồng đội, bỏ đơn vị chạy dài. Trong khi đó, các chiến sĩ trung đoàn Thủ đô, phần lớn là người dân mới cầm vũ khí, được lệnh rút khỏi thành phố đã tình nguyện xin ở lại giữa vòng vây tiếp tục chiến đấu? Điều cần rút ra là tinh thần dũng cảm càng thật sự bền vững khi người chiến sĩ có một phương pháp đánh địch và bảo vệ mình có hiệu quả. Người chỉ huy không thể chỉ đòi hỏi, trông chờ ở tinh thần dũng cảm của chiến sĩ hay cán bộ cấp dưới, mà phải luôn luôn tìm ra trong những tình huống biến động của chiến tranh, cách nuôi dưỡng và phát huy tinh thần dũng cảm của bộ đội. Quá trình chỉ huy chính là quá trình tìm hiểu, phát hiện và sáng tạo những cách đánh địch có hiệu quả nhất.

        Những tháng vừa qua, mỗi lần gặp cán bộ quân sự có trình độ, anh Trường Chinh thường hỏi: “Đồng chí đã đọc Claudơvít chưa?”. Nhà lí luận quân sự người Phổ này khi mất cách đây hơn một trăm năm, đã để lại một tập bản thảo viết về chiến tranh. Vợ ông tập hợp những di cảo đó in thành sách với tiêu đề “Bàn về chiến tranh”. Lênin gọi Claudơvít là tác giả viết về quân sự sâu sắc nhất, lớn nhất, mà những ý kiến chủ yếu đã trở thành di sản không thể không thừa nhận. Anh Trường Chinh đọc rất kĩ “Bàn về chiến tranh” của Claudơvít và “Đánh lâu dài” của Mao Trạch Đông.

        Từ thời làm báo Tiếng Dân, tuy chưa hề có ý nghĩ trở thành một nhà quân sự, tôi thường chăm chú theo dõi cuộc chiến đấu oanh liệt của Hồng quân Trung Hoa. Tôi đọc nhiều tài liệu viết về Mao Trạch Đông và Chu Đức. Những năm làm báo ở Hà Nội, 1935 - 1940, ngoài những bài viết thường xuyên trên mục “Thế giới thời đàm”, về Bát lộ quân, Tân tứ quân, Biên khu Tấn Ký Sát, tôi còn viết cuốn sách “Tìm hiểu tình hình quân sự Tàu” bên trong có khá nhiều bản đồ. Tôi làm công việc này với ý nghĩ đồng bào ta nên vận dụng kinh nghiệm chiến đấu của cách mạng Trung Quốc.

        Trong những tài liệu tôi đem theo ngày rời Hà Nội có cuốn “Bàn về chiến tranh”, một bản dịch bằng tiếng Pháp của Đơnidơ Navinlơ (Denise Naville). Tập sách khá đồ sộ, đề cập tới nhiều vấn đề về bản chất chiến tranh, những lí luận về chiến lược, chiến thuật quân sự. Gần ngày kháng chiến tôi mới thật chú ý tới cuốn sách này. Trước đó tôi nghĩ Claudơvít bàn về chiến tranh trong thế kỉ trước và không đồng tình với nhận định của tác giả là phải có không gian rộng lớn như nước Nga mới thực hiện được chiến tranh du kích.

        Những tối không làm việc, bên bếp lửa nhà sàn, khi là đồng chí thư kí, khi là Bích Hà (chúng tôi mới lập gia đình mấy tháng) đọc cho tôi nghe một số trang “Bàn về chiến tranh”. Có lúc cảm thấy như tác giả đang ngồi trước mặt luận bàn về những sự việc diễn ra ngày hôm nay. Claudơvít hiểu sâu sắc tính cực kì biến động của chiến tranh. Vì nó chứa đựng quá nhiều yếu tố ngẫu nhiên, ông ví chiến tranh giống như một canh bạc. Tôi đặc biệt thích chương “Vũ trang nhân dân”, một chương tương đối ngắn trong tác phẩm. Tôi cứ tự hỏi: Vì sao một sĩ quan của đế chế Phổ lại có được những nhân định rất triết học về một hình thức đấu tranh vũ trang của nhân dân? Claudơvít phải có một tinh thần thiết tha yêu Tổ quốc, không chịu để đất nước mình bị khuất phục dưới vó ngựa quân xâm lược mới viết lên được những điều như thế. Tôi rất chú ý tới đoạn tác giả bàn về cái ông gọi là “chiến tranh nhỏ” (petite guerre). Nó rất phù hợp với những điều ông cha ta đã nói “lấy yếu thắng mạnh”, “lấy ít địch nhiều”, “dùng đoản binh thắng trường trận”. Ông viết: “Chiến tranh nhỏ biểu hiện những đặc tính: những phân đội nhỏ có thể đi quan mọi nơi, tự tiếp tế không khó khăn, giữ bí mật, di chuyển nhanh chóng, rút lui ngay cả khi không có đường sá v.v.”.

        Phải chăng những gì ta đang làm cũng có chỗ giống loại hình này…?


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 06:04:36 am
       
2

        Trước ngày Tổng khởi nghĩa, Bác đã mấy lần không tán thành những cuộc khởi nghĩa chưa có đủ điều kiện, dấy lên đơn độc ở từng địa phương. Người cho rằng làm như vậy nhất định thất bại vì kẻ thù sẽ tập trung lực lượng đàn áp. Cách mạng chỉ có thể thành công nếu động viên được sức mạnh toàn dân và chớp được thời cơ. Suốt năm qua, Người cố tránh mở rộng chiến tranh, vì tình hình quốc tế ở thời điểm này không có lợi cho ta. Liên Xô đang phải hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định tình hình những nước Đông Âu, đối phó với chiến tranh lạnh. Tại Trung Hoa, từ tháng 6 năm 1946, Tưởng Giới Thạch tập trung mấy triệu quân tiến công khu giải phóng, Hồng quân phải tạm thời rút lui khỏi Diên An. Các đơn vị du kích lớn bị càn quét dữ dội. Nước Việt Nam kháng chiến sẽ đơn độc trong vòng vây của chủ nghĩa chống cộng, không thể trông cậy vào sự hỗ trợ của quốc tế về cả hai mặt vật chất và tinh thần. Nhưng mọi sự nhân nhượng đều không cho ta tránh khỏi chiến tranh.

        Khẩu hiệu của ta là: “Vừa kháng chiến vừa kiến quốc”. Ai cũng biết xây dựng chế dộ mới trong kháng chiến là vô cùng khó khăn. Nhưng chúng ta quyết tâm làm đồng thời cả hai việc. Vì quân và dân ta muốn tiến hành kháng chiến lâu dài để đánh bại quân địch thì cần phải có ăn, có mặc và có súng đạn.

        Mùa hè năm đó, chúng ta đã làm được khá nhiều việc.

        Chính phủ kháng chiến phải đặt những cơ sở ban đầu cho nền kinh tế tự túc trong chiến tranh. Không thể để sản xuất đình đốn. Phải đảm bảo nhu cầu ăn mặc cho nhân dân và lực lượng vũ trang.

        Chính sách giảm tô 25 phần trăm và chia ruộng đất vắng chủ cho nông dân nghèo đã gắn bó nông dân với chế độ mới. Với khẩu hiệu “Toàn dân tăng gia sản xuất”, sản xuất lương thực trở thành nghĩa vụ của mọi người. Các hình thức đổi công, hợp nông, vần nông góp phần giải quyết khó khăn thiếu nhân công do thanh niên đầu quân hoặc tham gia du kích thoát li sản xuất.

        Bộ Quốc phòng dành hẳn một lực lượng bộ đội trực tiếp tăng gia sản xuất, và tổ chức những nông trường đầu tiên. Bộ đội ở đâu đều tổ chức sản xuất ngay ở đó với quy mô nhỏ. Vấn đề bảo vệ sản xuất trở nên khẩn trương. Giặc Pháp phá hoại mùa màng, cướp thóc lúa, nông cụ, giết trâu bò để triệt nguồn lương thực của ta. Bộ đội, du kích có nhiệm vụ đánh địch hỗ trợ nhân dân thu hoạch mùa màng, cất giấu thóc lúa.

        Bác gửi thư nhắc đồng bào giữ gìn đê điều: “Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt cũng như chống giặc ngoại xâm…

 “Lụt thì lút cả làng,
Muốn cho khỏi lụt thiếp chàng cùng lo”.

        Trong năm 1947, nhân dân ta đã đắp 1.300.000 mét khối đất để bảo vệ đê. Vì nhiều vùng có chiến sự nên diện tích trồng lúa bị thu hẹp. Nhưng lượng thóc trong cả nước so với năm trước không giảm bao nhiêu, diện tích trồng màu lại tăng khá nhiều.

        Chính phủ chủ trương mở mang, khuyến khích thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp, đặc biệt chú trọng kĩ nghệ chế tạo vũ khí và khai thác nguyên liệu. Phương châm phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp lúc này là: “Tổ chức quy mô nhỏ, phân tán, dùng công cụ sản xuất thô sơ kết hợp với máy móc, dựa vào dân, dựa vào nguyên liệu trong nước, địa phương tự lập, sản xuất tự cấp, tự túc”.

        Đến đầu tháng Sáu, ta đã tổ chức được gần hai trăm trại sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, tiểu công nghiệp, thu hút bốn vạn đồng bào tản cư. Được sự giúp đỡ của các địa phương, nhiều đồng bào tản cư đã tổ chức những trại, những tập đoàn sản xuất quy mô nhỏ, có phương hướng làm ăn lâu dài.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 06:05:02 am

        Bộ Tổng chỉ huy xác định phương hướng tổ chức các nhà máy quốc phòng là: Xây dựng một hệ thống các xưởng chế tạo và sửa chữa vũ khí. Ngoài ra còn có những xưởng vũ khí của dân quân, của công an, của Tổng liên đoàn ở các khu, các tỉnh. Cán bộ, chiến sĩ quân giới đã “tái sinh” nhiều máy móc hư hỏng, cải biến những máy móc không thích hợp, khai thác nguyên liệu làm thuốc đen, thu nhặt bom đạn chưa nổ của địch, mò vớt súng đạn, thủy lôi của Nhật, Pháp dưới lòng sông. Sáu tháng cuối năm 1947, công nhân quân giới từ Khu 5 trở ra sản xuất được 133.101 tấn vũ khí các loại. Ở Nam Bộ các cơ sở sản xuất vũ khí vũ khí đã tổ chức từ năm trước và được tiếp tục duy trì, trong điều kiện hết sức khó khăn.

        Ngày 15 tháng Năm, Chính phủ ra sắc lệnh lưu hành giấy bạc Việt Nam trên cả nước.

        Một số cơ sở của những trường đại học, trung học từ Hà Nội chuyển lên Việt Bắc tiếp tục hoạt động trong đó có các lớp y và dược khoa. Tháng Tư, Chính phủ ra nghị định mở kì thì trung học và tiểu học trên cả nước. Phong trào bình dân học vụ được duy trì và phát triển khá mạnh. Cuối năm 1947, toàn quân thanh toán xong nạn mù chữ.

        Bác rất quan trọng làm cho hậu phương trở thành chỗ dựa vững chắc cả về tinh thần lẫn vật chất cho tiền tuyến. Người động viên toàn dân thương yêu bộ đội như con em mình. Theo sáng kiến của Người, trong nhân dân đã tổ chức “Hội mẹ chiến sĩ”, đã có Phong trào “Mùa đông binh sĩ” “Hũ gạo nuôi quân”. Bản thân Người cũng có một hũ gạo nuôi quân.

        Chính phủ quyết định lấy ngày 27 tháng 7 làm ngày Thương binh toàn quốc để “là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, và tỏ lòng yêu mến thương binh” như Bác đã viết trong thư gửi đồng bào trong cuộc mít tinh ngày 27 tháng 7 năm 1947 tại Đại Từ, Thái Nguyên.

        Phong trào chăm sóc thương binh trở thành một phong trào quần chúng. Thương binh từ mặt trận Hà Nội lên Việt Bắc được đồng bào sốt sắng đón về nhà chăm sóc, nhận làm con. Nhiều cô gái kết hôn với thương binh.

        Tinh thần thương yêu, đùm bọc chiến sĩ của đồng bào hậu phương không những là nguồn động viên vô tận đối với những người ở tiền tuyến mà còn thúc đẩy phong trào thanh niên tham gia đầu quân.

        Tổng số vệ quốc ngân ngày toàn quốc kháng chiến là 85.000 người đã tăng lên 120.000 người.

        Ngày 26 tháng Tám, Chính phủ ra sắc lệnh thành lập đại đoàn độc lập, trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy.

        Quân đội ta đã tăng lên đáng kể về mặt số lượng, nhưng trang bị vẫn chưa cải tiến được bao nhiêu. Ngoài một số vũ khí ta mới sản xuất như badôca, súng cối, lựu đạn chống tăng, bộ đội vẫn sử dụng những súng cũ, đạn rất ít. Toàn quân lúc này có khoảng ba vạn khẩu súng, hầu hết là súng trường với gần hai chục kiểu. Quần áo bộ đội phần lớn do anh em mang từ gia đình đi. Nhiều đơn vị thành lập một thời gian vẫn không đủ quần áo cấp cho bộ đội. Các chiến sĩ tự sắm dép cao su, làm lấy mũ nan, bi đông bằng ống tre, bát bằng ống bương, ba lô, giỏ lựu đạn đan bằng tre mây. Từ Việt Bắc, cho đến Khu 4, Khu 5 và Nam Bộ, ngành quân nhu đã cố gắng sản xuất tự túc được một phần nên sinh hoạt của chiến sĩ có khá hơn.

        Tháng Tám, Bộ Tổng chỉ huy mở lớp bổ túc cán bộ trung cấp toàn quân tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Bác tới dự lễ khai mạc và huấn thị cho lớp học. Bác căn dặn: “Người làm tướng phải có trách nhiệm đối với kỉ luật, đối với binh sĩ, đối với dân, đối với cả địch”. “Cán bộ phải thương yêu săn sóc đội viên, lúc bình cũng như lúc chiến… Đội viên chưa có cơm ăn, chưa có áo mặc, chưa có chỗ ngủ… thì cán bộ không được ăn no, không được mặc ấm, không được ngủ yên. Bản thân cán bộ phải chăm lo học tập: học tập chính trị, học tập chiến lược, chiến thuật, học cách làm quân… làm sao đánh thắng giặc mà đỡ tốn xương máu của chiến sĩ, của đồng bào, rút ngắn lại những ngày đau khổ”.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 10:52:22 pm
       
3

        Không lâu sau ngày Bác gặp Pôn Muýt, chúng ta hiểu giới cầm quyền Pháp đang muốn gì.

        Với việc chấp nhận kế hoạch Mácsan (Marshall), Pháp đã lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ. Ramađiê (Ramadier) lên thay Blum, chính quyền Pháp ngả hẳn về phía hữu. Đờ Gôn tái hiện trên vũ đài chính trị với Phong trào Tập hợp dân chúng Pháp. Thượng tuần tháng Năm, những đảng viên cộng sản Pháp phụ trách một số bộ đều bị đưa ra khỏi chính phủ. Cốt Phlôre (Coste Floret), bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp, nói trắng trước ủy ban Đông Dương của phong trào Cộng hòa bình dân: “Pháp từ chối điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh không phải vì biến động ngày 19 tháng 12 năm 1946 mà vì mối quan hệ của ông Hồ với Mạc Tư Khoa”.

        Tuy nhiên, Chính phủ Pháp cũng không thể làm ngơ trước sự đấu tranh của Đảng Cộng sản Pháp, một bộ phận của Đảng Xã hội và dư luận tiến bộ trong nhân dân Pháp đòi tôn trọng hiến pháp mới, chống sự đô hộ theo kiểu thực dân cũ, đòi để người Việt Nam tự định đoạt vấn đề chính trị của mình, kể cả vấn đề độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp. Ramađiê buộc phải hứa sẽ đàm phán với những người đại diện đủ tư cách của Việt Nam. Thủ tướng Pháp chỉ tránh một điều không nói rõ người đó là ai.

        Bức thông điệp hòa bình ngày 19 tháng Tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Chính phủ Pháp lúng túng. Ramađiê không thể khước từ một đề nghị có lí có tình của Chính phủ Việt Nam. Nhưng yêu cầu trong bản thông điệp “ngừng ngay những hành động cừu nghịch” là điều mà giới thực dân Pháp ở Đông Dương lúc này rất không muốn. Những cuộc hành binh của binh đoàn thiết giáp Mátxuy (Massu) và tàu chiến, ca nô Pháp trên chiến trường Bắc Bộ mấy tháng qua đã mang lại cho Vanluy ảo tưởng về một chiến thắng quân sự đang tới gần. Ngừng bắn sẽ giúp cho đối phương cơ hội để cải thiện tình hình quân sự. Cái mà Vanluy đang cần là có lực lượng mở một cuộc tiến công lớn và chớp nhoáng đi đôi với một mưu đồ chính trị để đi tới kết thúc chiến tranh Đông Dương.

        Cao ủy Bôlae đã đối phó bằng cách cử Pôn Muýt tới gặp Bác với những điều kiện mà chúng ta không thể chấp nhận. Những đề nghị này chỉ được thuật lại bằng miệng. Pôn Muýt hứa ít ngày sau sẽ giử văn bản chính thức, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ nhận được.

        Ngày 14 tháng Năm, Bôlae ra Hà Nội. Màn kịch bắt đầu. Ba “cựu nghị sĩ phe đối lập trong Quốc dân đại hội Việt Nam” (trong số 70 người mà quân đội Tưởng ép ta đưa vào Quốc hội không qua tuyển cử) đã chạy theo Pháp, đưa ra đề nghị: Nước Pháp chỉ có thể đàm phán với cựu hoàng đế Bảo Đại, và trao cho Bảo Đại thành lập một chính phủ quốc gia với những người có khả năng và uy tín trước dân chúng (!).

        Ngày 20 tháng Năm, ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Tâm nhân danh “Mặt trận thống nhất quốc gia” ca ngợi Vĩnh Thụy là “nhà yêu nước nồng nhiệt, một người đứng trên các đảng phái”, đả kích Chính phủ ta đã tiến hành một đường lối chính trị đảng phái và độc đoán.

        Ngày 24, Bôlae tới Huế. Một số quan lại của triều đình Huế cũng tiếp ông cao ủy với cùng một điệu đàn.

        Tại Sài Gòn, dưới sự giật dây của Điđiê Misen (Didier Michel), cố vấn chính trị mới của Bôlae, bản hòa tấu có phần phong phú hơn. Một số rùm beng: “Cựu hoàng đế Bảo Đại là người đại diện xứng đáng của Việt Nam để đàm phán với nước Pháp”. Một số lớn tiếng phản đối “thống nhất ba kỳ”, đòi cho “Nam Kỳ tự trị”, “Nam Kỳ phải được vĩnh viễn tách khỏi Việt Nam”!…

        Ngày 5 tháng Bảy, Vĩnh Thụy lên tiếng ở Hồng Công trong một cuộc phỏng vấn: “Nếu toàn dân Việt Nam đặt lòng tin vào tôi, (…) tôi sẽ sung sướng trở về Đông Dương. Tôi không ủng hộ cũng không chống lại Việt Minh. Tôi không thuộc một đảng phái nào”.

        Nhưng không phải Bôlae không gặp sự chống đối ở nhiều nơi. Ngay tại Sài Gòn, một phái đoàn do Nguyễn Văn Tỵ cầm đầu, tới Nha Cao ủy đem theo bản tuyên ngôn có ba trăm chữ kí của những nhà trí thức đòi phải mở cuộc đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh. Báo chí Sài Gòn cũng đã nhiều lần lên tiếng như vậy. Đầu tháng Tám, Lêông Blum và Clốt Buốcđê (Claude Bourdet) lên tiếng trên báo Le Populaire và báo Combat đòi Bôlae phải tiếp tục cuộc đàm phán với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Blum viết: “Vài ngày mới đây, tôi đã nhận được theo đường chính thức một thư riêng của ông (Hồ Chí Minh). Ông vẫn là đại diện chân chính và xứng đáng của nhân dân Việt Nam và (…) ngay cả lúc này ông đã cung cấp cho chúng ta bằng chững chắc chắn, hiển nhiên về tính thận trọng, về tinh thần yêu nước, sự hi sinh quên mình của ông. (…) Đã có ánh sáng ở Đông Dương. Ánh sáng đó phải trở thành bình minh rồi sau đó là ban ngày”.

        Ngày 15 tháng Chín, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: “Bôlae nói gì? Ta phải làm gì?”. Bản chỉ thị viết:

        “Toàn thể bộ đội và nhân dân Việt Nam càng nhận rõ rằng không dùng bạo lực mà đè bẹp ý chí xâm lược của thực dân Pháp thì không thể độc lập và thống nhất được”. “Con đường đã vạch. Phải tự tin ở sức mình. Muốn tự do, độc lập, phải kiên quyết kháng chiến”. “Rồi đây, không phải những kẻ như Bôlae có thể ra điều kiện cho ta, mà chính sức đoàn kết và đấu tranh mạnh mẽ của dân tộc ta và dân tộc Pháp sẽ buộc bọn thực dân phản động Pháp phải hàng phục”.

        Trong suốt thời gian Bôlae thay mặt Chính phủ Pháp để tìm giải pháp chính trị ở Việt Nam, Bác  lên tiếng nhiều lần. Những lời lẽ hợp lí, hợp tình, những biện pháp cụ thể mà Ngườì nêu ra nhằm giải quyết cuộc xung đột, như một nhà sử học viết: “Có lúc dồn Chính phủ Ramađiê đến chân tường”.

        Chính phủ Pháp đã tỏ rõ quyết tâm khôi phục quyền thống trị trên bán đảo Đông Dương. Cùng với việc chuẩn bị lá bài chính trị của Bôlae, viện binh Pháp tiếp tục kéo sang.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 10:59:56 pm
       
4

        Hạ tuần tháng Tám, tôi đi Bắc Kạn và Cao Bằng.

        Từ những ngày đầu Chính phủ lâm thời mới thành lập, tôi là Bộ trưởng Nội vụ, về Đảng được phân công đặc trách vấn đề quân sự và làm Bí thư Đảng đoàn Chính phủ, anh Lê Văn Hiến là Phó bí thư. Mặc dù chuyên trách về quân sự, với nhiệm vụ được phân công là Bí thư Đảng đoàn các cơ quan Chính phủ, Bác và các anh vẫn cử tôi đi làm việc với các khu, các tỉnh về những công việc chung của Đảng và chính quyền. Lần này, tôi còn đươc trao nhiệm vụ thay mặt Chính phủ phát biểu trên làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam nhân dịp kỉ niệm Quốc khánh lần thứ hai. Cả hai bộ phận chính và dự bị của Đài đều đặt ở gần Bắc Kạn.

        Đường số 3 và 3b từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn, Cao Bằng còn chưa phá hoại. Chiếc xe Pho cũ giấu kín trong rừng sâu lại được đem ra dùng. Lần đầu từ khi lên Việt Bắc, tôi trở lại hai tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng. Đường nhựa nhiều quãng bị hỏng, xe rất xóc. Nhưng so với đường Nam tiến ngày địch khủng bố trắng, giá đầu người chỉ bằng đấu muối, thì đã khác xa. Bao nhiêu kĩ niệm cũ sống lại. Tôi nhớ tới đồng chí Đức Xuân bị địch bêu đầu giữa chợ và anh chị em bị địch bắt, đã hi sinh.

        Tại thị xã Bắc Kạn, tôi gặp lại nhiều người thân. Chủ tịch tỉnh, anh Thạch vốn là chính trị viên đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân. Anh Hằng, thường vụ tỉnh ủy, đã tham gia Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Kạn từ trước Tổng khởi nghĩa. Chị Thanh, cán bộ phụ nữ, cũng là một nữ chiến sĩ giải phóng quân đã cùng hoạt động trong một tiểu đội bí mật với tôi từ năm 1942. Thị xã Bắc Kạn đã có những bãi cắm cọc tre chống nhảy dù, nhưng vẫn mang không khí một đại hậu phương ở xa mặt trận.

        Từ Bắc Kạn đi lên luôn luôn nhìn thấy dãy núi Cứu Quốc cao ngất trời. Chưa hết mùa hè. Tiết trời Việt Bắc còn oi ả. Nhưng qua khỏi Nà Phạc, khí hậu cao nguyên mỗi lúc càng trong trẻo, tươi mát. Những bông hoa sử quân tử, hoa cúc dại nở rộ hai bên đường.

        Tới thị xã Cao Bằng, tôi cảm thấy như trở lại quê nhà. Các đồng chí cũ và bà con cơ sở từ nhiều nơi được tin kéo tới rất đông. Cao Bằng bắt đầu phá hoại nhà cửa và có nhiều bãi cắm chông. Không khí có vẻ khẩn trương. Tôi tranh thủ đi thăm Nước Hai và một số bản gần Lô Cốt Đỏ, nơi đóng cơ quan thời hoạt động bí mật. Tôi được biết con đường từ Thất Khê lên đã được phá hoại triệt để. Trong buổi làm việc  với tỉnh ủy, ủy ban và chỉ huy quân sự tỉnh, tôi nhấn mạnh khả năng sớm muộn quân Pháp sẽ đánh chiếm Cao Bằng để bít kín biên giới phía bắc nước ta, cần tiến hành gấp việc phá hoại thị xã, triệt để thực hiện khẩu hiệu “vườn không, nhà trống” khi địch tới, bộ đội và nhân dân Cao Bằng phải chiến đấu xứng đáng là cái nôi cách mạng của Việt Bắc, được Bác Hồ trực tiếp đào luyện. Tôi cũng nói nếu địch chiếm Cao Bằng, con đường số 4 đoạn tự Thất Khê lên rất hiểm trở, sẽ thuận lợi cho những trận phục kích.

        Từ Cao Bằng trở về tới Bắc Kạn, đúng ngày mồng 2 tháng Chín, tôi tới thăm Đài Tiếng nói Việt Nam. Đài đặt trong rừng, tại một địa điểm cách Bắc Kạn tám cây số. Ăngten phát sóng nằm giữa những vòm cây cao. Quốc thiều mở đầu buổi phát thành là tiếng đàn banjo của anh Đỗ Lạc. Phòng bá âm làm một gian nhà lá thưng bằng phiên nứa có dán thêm những tờ giấy báo. Giữa lúc tôi đang nói trước micrô thì có tiếng gà gáy rất to. Tôi biết tiếng gà gáy này sẽ được truyền đi khắp nơi cùng với lời phát biểu của mình. Một cán bộ cảu Đài nói vui: “Ngày Quốc khánh năm nay báo hiệu bình minh của kháng chiến”.

        Ở Cao Bằng về, tôi yên tâm với sự chuẩn bị Thu Đông ở biên giới phía Bắc. Nhưng chưa biết điều bất ngờ chính trong mùa khô đang chờ đợi ở Bắc Kạn.

        Từ trung tuần tháng Sáu đến cuối tháng Chín, Bộ chỉ huy liên tiếp triệu tập hai hội nghị quân sự.

        Trong cuộc chiến tranh này, hội nghị quân sự chính là hình thức tập huấn ngắn ngày đối với những người chỉ huy. Những cuộc họp chỉ vài ba ngày, rất ít khi kéo dài. Mỗi lần họp lại phát hiện thêm những vấn đề mới. Người ta hi vọng khi tới, và vui vẻ khi ra về vì những băn khoăn được giải quyết, vì thấy mình lại lớn lên một chút.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 11:00:32 pm

        Ở hội nghị lần thứ hai, tháng Tư, chúng ta đã nhận thấy sự hiểu biết quân sự của mình quá ít ỏi. Chúng ta đã ra nghị quyết phải học tập ngay những hành động quân sự của kẻ thù. Nhưng lúc có học hết mọi mánh lới chiến thuật của kẻ thù, ta cũng không thể áp dụng vì quân đội ta còn rất xa mới có những vũ khí, trang bị và trình độ tác chiến của một đội quân nhà nghề. Ta học địch là để tìm ra cách đánh của ta. Ta đã phát hiện biện pháp ứng phó với một số chiến thuật của địch, nhưng vẫn còn chưa đi được vào những vấn đề cơ bản, chưa đề ra được nguyên tắc chỉ đạo tư tưởng và hành động của cán bộ trong vận dụng chiến lược chiến thuật của ta.

        Hội nghị đã thống nhất nêu lên 11 nguyên tắc chính.

        Nguyên tắc thứ nhất: “Giữ vững chủ động”.

        Thực tế chiến đấu suốt thời gian qua ở khắp nơi nơi đều chứng tỏ, cũng với so sánh lực lượng như vậy, nhưng kết quả chiến đấu sẽ hoàn toàn khác nếu quyền chủ động thuộc về ta. Bị động thường gắn với tổn thất. Chủ động trong tiến công cũng như trong rút lui, nếu không đem lại thắng lợi thì cũng hạn chế tới mức thấp nhất những tổn thất. Nghị quyết viết: “Về chiến lược cũng như về chiến thuật chúng ta phải đi đến chỗ giữ vững quyền chủ động; cuộc tác chiến của bộ đội chỉ một phần là đối phó với các cuộc hành binh của địch, còn phần lớn là phải do một kế hoạch do ta định trước để phá tan những kế hoạch của địch và thực hiện những nhiệm vụ của ta”.

        Ở đây cũng nên nói thêm. Suốt ba mươi năm kháng chiến sau này, có thể thấy rõ đó là một quá trình giành và giữ vừng quyền chủ động về chiến lược, chiến thuật giữa ta và quân địch, thắng lợi sẽ đến với bên nào giữ vững được quyền chủ động. “Giữ vững chủ động” chính là biểu hiện tập trung của tư tưởng và tinh thần tiến công địch. May thay, đây chính là nguyên tắc đầu tiên chỉ đạo tư tưởng và hành động của cán bộ ta trong vận dụng chiến lược và chiến thuật. Cũng chính nguyên tắc đầu tiên này đã chi phối hầu hết những nguyên tắc tiếp theo. Có thể nói đây làm một tư tưởng chi phối nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cả hai cuộc kháng chiến.

        Nguyên tắc thứ hai: “Hiểu rõ lực lượng của ta và lực lượng của địch”.

        Trong tác chiến, cán bộ chỉ huy của ta đã bộc lộ rõ hai nhược điểm: không rõ tinh thần, năng lực của bộ đội, hiệu lực của những vũ khí hiện có; không  nắm vững địch. Nghị quyết nhấn mạnh: “Hai khuyết điểm này cần phải chú ý sửa chữa ngay, nếu không thì không thể có một sự dùng binh hợp lí”.

        Đây chính là điều ông cha ta đã nơi từ xưa: “Biết mình biết người, trăm trận đánh trăm trận thắng”. Lúc này nó càng cần, do so sánh lực lượng quá chênh lệch giữa ta và địch, một sự chênh lệch nhân dân ta chưa từng gặp trong lịch sử chống xâm lăng.

        Nguyên tắc thứ ba: “Biết dùng lực lượng dự bị”.

        Muốn giữ được quyền chủ động trong tác chiến thì phải có lực lượng dự bị và phải biết sử dụng lực lượng đó. Nghị quyết quy định: “Mỗi đơn vị trong lúc tác chiến đều phải có một bộ phận dự bị, Mỗi khu phải có chủ lực tức là lực lượng dự bị của khu. Bộ Tổng chỉ huy phải có chủ lực của Bộ điều khiển, tức là lực lượng dự bị toàn quốc”.

        Nguyên tắc thứ tư: “Biết tập trung binh lực khi cần, biết điều động rất nhanh chóng và kịp thời”.

        Nguyên tắc thứ năm: “Phải giấu lực lượng của mình, làm sai lạc phán đoán của địch”.

        Nguyên tắc thứ sáu: “Phải đánh bất thần, xuất kì bất ý, lợi dụng những nhược điểm của địch”.

        Nguyên tắc thứ bảy: “Phải thực hiện sự phối hợp về chiến lược và chiến thuật”.

        Nguyên tắc thứ tám: “Phải phối hợp bộ đội chủ lực với dân quân du kích, tự vệ”.

        Nguyên tắc thứ chín: “Phải nặng về tiêu diệt chiến”.

        Nguyên tắc thứ mười: “Phải có kế hoạch thiết thực, rành mạch”.

        Nguyên gắc thứ mười một: “Phải tiến cho kịp địch và hơn địch”.

        Cuộc chiến đấu quá không cân sức không cho phép ta phạm sai lầm ngay từ đầu trên những nguyên tắc lớn. Ngày nay nhìn lại, có thể nó rằng tất cả những nguyên tắc đề ra từ những tháng đầu kháng chiến toàn quốc, đã được chúng ta vận dụng trong suốt hai cuộc chiến tranh.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 11:00:56 pm

        Hội nghị quân sự lần thứ tư được triệu tập vào ba ngày 27, 28, 29 tháng Chín. Mùa khô đã tới. Cuộc tiến công lớn có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Hội nghị này có nhiệm vụ khó khăn là phán đoán ý đồ tiến công của địch và bàn kế hoạch làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng.

        Chúng ta đã chú ý sớm đến công tác tình báo, nhưng vì thiếu kinh nghiệm, tổ chức chưa ổn định nên chưa đáp ứng yêu cầu tìm hiểu âm mưu chiến lược của địch. Nguồn tin tức chủ yếu vẫn là dựa vào báo chí, đài phát thanh của Pháp và phương Tây, hoạt động của những chính khách, tướng lĩnh Pháp và sự động tĩnh của quân viễn chinh trên các chiến trường. Tới tháng Chín, chúng ta có tin địch đưa thêm 20.000 quân tăng viện, trong đó có quân dù và binh lính Bắc Phi. Xalăng (Salan) đã thay Đépbờ làm chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở miền Bắc Đông Dương. Xalăng đã có mặt ở Đông Dương từ thời Pháp thuộc, khá am hiểu vùng rừng núi phía Bắc Việt Nam. Có tin Xalăng nhiều lần đi máy bay thị sát biên giới phía Bắc, vùng Đông Bắc và vùng Trung Du; quân dù, quân Bắc Phi và quân ngụy được huấn luyện để có thể đánh sâu vào rừng núi Bắc Bộ.

        Tôi báo cáo tình hình các mặt trận, so sánh lực lượng giữa ta và địch, những phán đoán về địch mà ta đã nắm được, rồi nêu lên một số nhận định và dự kiến.

        Hội nghị nhanh chóng nhận định cuộc tiến công của địch trong Thu Đông này nhằm chụp bắt cơ quan đầu não của kháng chiến, đánh quỵ bộ đội chủ lực ta, phá các căn cứ để tạo điều kiện cho một chính quyền tay sai ra đời, sau đó biến dần chiến tranh xâm lược thành một cuộc chiến tranh dùng người Việt đánh người Việt. Như vậy, Bắc Bộ sẽ trở thành chiến trường chính. Ở Trung Bộ, địch có thể chia cắt chiến trường thành nhiều đoạn rồi càn quét. Ở Nam Bộ, quân Pháp và quân ngụy sẽ mở những trận càn quét lớn.

        Nhưng khi phán đoán cuộc tiến công chiến lược chính của địch nhắm vào đâu thì ý kiến phân tán giữa ba hướng: đồng bằng, Việt Bắc và Khu 4.

        Một số người cho rằng địch sẽ đánh đồng bằng vì đây là vùng đông dân, nhiều lương thực, nằm bao quanh Hà Nội, phát huy được sức mạnh tối đa của cơ giới, sẽ tạo nhiều thuận lợi cho Pháp lập một chính quyền bù nhìn. Một số khác cho rằng địch sẽ đánh Việt Bắc vì muốn kết thúc nhanh chiến tranh, chúng phải đánh thẳng vào cơ quan đầu não và nơi tập trung bộ đội chủ lực của ta. Có những người cho rằng Pháp sẽ đánh Khu 4 là vùng tự do rộng lớn của ta hiện nay để mở rộng phạm vi chiếm đóng nối liền miền Bắc với miền Trung. Nhiều ý kiến cho rằng đánh đồng bằng hoặc Khu 4, địch sẽ giành thắng lợi với ít khó khăn hơn nhiều so với chiến trường Việt Bắc toàn rừng núi và là nơi ta tập trung chủ lực.

        Sau khi thảo luận tiếp, đa số cho rằng địch có thể đánh đồng bằng trước, nếu mạo hiểm mới đánh lên Việt Bắc. Ở Việt Bắc chỉ còn một số thị xã chưa phá hoại, trong đó có Bắc Kạn. Nhiều ý kiến cho rằng quân Pháp không nhảy dù xuống đây, vì Bắc Kạn quá xa và nằm sâu trong vùng căn cứ của ta giữa rừng núi.

        Hội nghị chuyển sang bàn cách đối phó với cuộc tiến công mới của địch.

        Với so sánh lực lượng, ta không thể tiếp nhận một trận đánh quyết định với chủ lực của địch, mà cần làm thất bại âm mưu của địch tiêu diệt chủ lực ta. Do đó, ta chủ trương kiên quyết nắm vững bộ đội, giữ gìn chủ lực đi đôi với tiêu diệt từng bộ phận quân địch, bảo vệ căn cứ nhưng không cố thủ, thực hiện phối hợp chiến đấu giữa các khu và trên toàn quốc, phá tan âm mưu lập ngụy quyền.

        Về cách đánh, Hội nghị nhấn mạnh: Kiên quyết phát động chiến tranh du kích, tập trung bộ đội để đánh vận động, vừa dùng đơn vị đại đội để hoạt động trên chiến trường của mỗi địa phương, vừa tập trung chủ lực đánh vận động. Bộ đội ta cần tránh phòng ngự chính diện, phải ở lại vùng sau lưng địch để chiến đấu, tập trung và phân tán nhanh chóng. Lực lượng vũ trang ta nhất định không để kẻ thù tiêu diệt, bao giờ cũng phải bảo tồn lực lượng chứ không giữ đất bằng mọi giá.

        Hội nghị đã giải đáp một câu hỏi được nêu lên: Thế nào là thắng trong trận đánh sắp tới?

        “Nếu chúng ta đối phó với cuộc tiến công mùa Đông mà giữ gìn được phần lớn lực lượng là ta nắm phần thắng. Việc tiêu hao và tiêu diệt địch sẽ làm gia tăng phần thắng”.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 11:04:46 pm
       
5

        Sau Hội nghị quân sự lần thứ tư, theo dự tính tôi sẽ đi thăm Tuyên Quang, Chiêm Hóa trước khi bước vào mùa khô. Nhưng trong những ngày hội nghị, anh Nguyễn Khang, Bí thứ Khu 12, đã nói tới những hiện tượng mới về cuôc chiến đấu của ta ở vùng đất bị tạm chiếm Nam phần Bắc Ninh khiến tôi rất quan tâm. Tôi quyết định lên đường đi thăm Khu 12 trước. Chiến khu 12 lúc này gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Ninh, Hòn Gai, Quảng Yên (kể cả Đông Triều và Chí Linh).

        Đây là chuyến về trung du đầu tiên của tôi kể từ ngày lên Việt Bắc. Trải qua mấy tháng, quang cảnh đã thay đổi nhiều. Tôi cùng với mấy đồng chí giúp việc cho ngựa đi nước kiệu. Dọc đường, chỉ dăm ba cây số lại gặp một “thị trấn” mới: Phú Minh, Ba Giăng, Cù Vân, Đại Từ, Quán Triều… Những cửa hàng xén, hàng cơm, hàng giải khát, hiệu ảnh, hiệu cắt tóc, chỉ nhìn qua cũng biết là của người dưới xuôi tản cư lên. Khách hàng phần lớn là bộ đội. Những cán bộ,chiến sĩ trẻ măng, đã có màu da mai mái của núi rừng. Không khí các phố mới này đầm ấm, vui vẻ. Trước ngày Tổng khởi nghĩa, mọi người gặp nhau ở đâu đều gọi nhau là “đồng chí”. Cách gọi tiền khởi nghĩa này không còn phổ biến nữa. Nhưng hình như ai nấy đều có niềm tự hào kín đáo mình đang có mặt tại đất thánh của cách mạng.

        Trên những nền nhà phá hoại của thị xã Thái Nguyên đã mọc lên nhiều ngôi nhà bằng tre nứa, khá sáng sủa. Lại có những ngôi hàng với những tên thanh lịch, nổi tiếng của Thủ đô. Cuộc sống vẫn cứ sinh sôi. Trong cửa hàng, những cô gái tản cư đang chuyện trò cùng với những anh bộ đội trẻ.

        Qua thị xã Thái Nguyên, bắt đầu nhìn thấy chân trời. Núi rừng lùi dần về phía sau. Những quả đồi thấp dần. Những cánh đồng lúa của vùng trung du trải dài trước mắt. Chúng tôi đi theo đường sông Máng về Yên Thế. Quê hương của cụ Đề Thám đang mùa cam. Những vườn cam xanh mướt trĩu quả vàng. Bắc Giang vẫn là một tỉnh tự do.

        Sau khi nghe tình hình chung, tôi yêu cầu Khu ủy cử cán bộ báo cáo kĩ về cuộc chiến đấu tại Nam phần Bắc Ninh.

        Đây là vùng đất ở phía đông bắc sông Hồng, tiếp giáp với Hà Nội. Lại nghe nhắc tới những tên quen thuộc: cầu Long Biên, cầu Đuống, cầy Bây, cầu Chui, Gia Lâm, Trâu Quỳ… Địch càn quét bốn huyện ở Nam phần rất quyết liệt. Từ cuối tháng Tư, bộ đội của trung đoàn Bắc Bắc đã bị bật khỏi đây.

        Tôi chú ý tới một hiện tượng lạ: một đại đội chủ lực độc lập của tỉnh từ đó tới nay vẫn ở lại trong vùng tạm chiếm!

        Đơn vị này vốn gốc gác là một trăm cán bộ và chiến sĩ của đại đội tự vệ Ngọc Thụy (Gia Lâm), trong đó có nhiều công nhân nhà máy xe lửa Gia Lâm đã tham gia những đội quyết tử chiến đấu từ đêm 19 tháng 12. Tỉnh đã bổ sung vào đây một trung đội tự vệ của thị xã Bắc Ninh và gần một trăm chiến sĩ du kích được tuyển lựa từ các xã. Đại đội được tổ chức thành 5 trung đội, trong đó có tiểu đội tự vệ công giáo làng Ái Mộ và một tiểu đội nữ, được đặt tên là tiểu đội Trưng Trắc.

        Đại đội được phối thuộc chiến đấu với một tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn Bắc Bắc. Khi địch tiến công lớn, tiểu đoàn trưởng ra lệnh cho toàn thể bộ đội rút lui. Người liên lạc mang lệnh cho đại đội bị thương. Vì vậy, họ mất liên lạc với tiểu đoàn, nằm lọt lại giữa vòng vây. Trung đoàn tưởng rằng đại đội này đã bị tiêu diệt. Ít lâu sau, được tin họ vẫn tồn tại và tiếp tục chiến đấu trong lòng địch, trung đoàn ra lệnh cho đại đội rút lui. Nhưng cả đơn vị từ cán bộ đến chiến sĩ đều xin ở lại tiếp tục chiến đấu để giữ gìn phong trào. Họ đoán chắc với cấp trên là kẻ địch không thể tiêu diệt được mình. Dân quân, du kích, nhân dân các huyện Nam phần, nhất trí đề nghị với tỉnh cho đại đội ở lại và hứa sẽ chăm lo về đời sống cho các chiến sĩ.

        Đại đội này tồn tại vì đã bám chắc vào dân, dựa vào những làng chiến đấu, khi tập trung, khi phân tán thành từng trung đội, tiểu đội, chiến đấu với quân địch. Kẻ địch biết một bộ phận quân ta còn ở lại, ráo riết lùng sục, tìm mọi cách để tiêu diệt hoặc đẩy ta ra ngoài. Nhưng chúng đã không làm được việc đó. Với đại đội này, phong trào chiến tranh du kích không những được duy trì mà còn phát triển. Những toán quân địch hành quân lẻ bị tiêu diệt. Chính quyền địch ở nhiều thôn xã e sợ bộ đội và du kích. Nhiều tên tề ác bị trừ khử. Số khá đông trở thành tề hai mặt, bề ngoài nhận làm việc cho địch, nhưng bên trong vẫn chịu sự chi phối, điều khiển của ta. Nhờ có đại đội này, bộ đội chủ lực của tỉnh lại có điều kiện thuận lợi vào ra vùng tạm chiếm, tổ chức những trận tập kích, phục kích ở sâu trong lòng địch.

        Với tinh thần hăng hái chiến đấu, bảo vệ dân và giữ gìn kỉ luật quần chúng, đại đội được nhân dân các huyện Nam phần Bắc Binh yêu mến và tin cậy. Các đồng chí ở tỉnh đã chọn cho đại đội một cái tên thích hợp: Đại đội nghĩa quân.

        Bắc Ninh đã có truyền thống tổ chức làng kháng chiến từ trước ngày Tổng khởi nghĩa. Quân Nhật và lính bảo an không dễ gì lọt vào những làng này. Sau ngày 19 tháng 12 năm 1946, làng kháng chiến được phát triển khá rộng rãi. Đi đầu là Đình Bảng, Tú He, Làng Giàng. Mỗi làng có một trận địa hầm hào, công sự tác chiến, mìn, chông, cạm bẫy. Dân quân tự vệ canh phòng cẩn mật, kiểm soát chặt chẽ người ra vào. Mặc dù chỉ là những trận địa đơn độc, nhiều khi nằm lọt vào giữa những trận càn lớn, dân quân, du kích với vũ khí, đạn dược không nhiều, dựa vào hầm hào đã không ít lần cầm chân được quân địch. Làng chiến đấu xã Ái Quốc, làng Cam nằm giáp đê sống Đuống, đã gây cho địch nhiều thương vong, buộc địch phải bỏ dở cuộc càn. Riêng làng chiến đấu Đình Bảng, ở Bắc phần Bắc Ninh trong suốt sáu tháng chiến đấu chưa lần nào để kẻ địch nọt qua lũy tre xanh.

        Như vậy là không ít vấn đề nêu trong nghị quyết đã được thực hiện với nhiều sáng tạo ở cơ sở. Những khả năng rất to lớn đã mở ra cho cuộc kháng chiến lâu dài.

        Tôi bàn với các anh ở Khu ủy và trong Bộ chỉ huy tiếp tục phát triển những đại đội độc lấp kiểu đại đội nghĩa quân, đem kinh nghiệm của đại đội này vận dụng ở những vùng địch mới lấn chiếm, đồng thời mở rộng việc xây dựng làng chiến đấu.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 11:09:55 pm
       
6

        Thực tế chiến đấu ở Nam phần Bắc Ninh như một trang sách mới mở ra trước mắt tôi. Những ngày chiến đấu chống Nhật ở Cao - Bắc - Lạng, tôi đã nhận thấy đơn vị trung đội rất thích hợp với công tác vận động vũ trang tuyên truyền, nhưng phải là đơn vị đại đội mới đủ sức mạnh để tồn tại và tiến hành những hoạt động quân sự có hiệu quả trong vùng địch kiểm soát. Hội nghị quân sự lần thứ tư đã có quyết định “để lại đơn vị đại đội hoạt động ở vùng sau lưng địch”. Quyết định này rất chính xác. Muốn phát động chiến tranh du kích rộng khắp không thể thiếu vai trò đại đội độc lập ở mỗi địa phương. Dọc đường về, tôi chỉ còn băn khoăn sử dụng những đơn vị chủ lực ở quy mô nào là thích hợp nếu địch tiến công lên Việt Bắc?

        Từ sau ngày có chính quyền cách mạng, chúng ta dự kiến sẽ xây dựng hai đại đoàn chủ lực. Các khu đều hăng hái lựa chọn tiểu đoàn khá nhất, những vũ khí tốt nhất đưa lên Bộ để đóng góp xây dựng đại đoàn. Nhưng rồi chiến tranh sớm nổ ra và lan rộng rất nhanh. Những chi đội lên đường Nam tiến, những trung đội phải gắn với các chiến khu, các mặt trận. Chưa hề có điều kiện tập trung lực lượng dự bị chiến lược để đối phó với những cuộc tiến công lớn của địch.

        Hạ tuần tháng Tám vừa qua, Chính phủ ban hành sắc lệnh tổ chức Đại đoàn Độc lập trực thuộc Bộ Tổng chỉ huy, dự kiến anh Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng sẽ kiêm nhiệm Đại đoàn trưởng. Công tác chuẩn bị ở Bộ đang được xúc tiến.

        Trong khi nghĩ đến không khí nô nức chuẩn bị thành lập đại đoàn, thì hình ảnh sinh động của đại đội nghĩa quân sống giữa vùng hậu địch Nam phần Bắc Ninh mỗi lúc một in đậm trong đầu. Ngựa bắt đầu lên dốc. Đây là một đèo nhỏ báo hiệu ranh giới giữa trung du và Việt Bắc. Trên đỉnh đèo, những lùm tre vàng rượi nắng thu. Những luồng gió mang theo hơi lạnh từ Thái Nguyên thổi về. Tâm hồn cảm thấy thư thái, lâng lâng. Ngồi trên mình ngựa, một ý nghĩ mới nẩy ra. Nó lóe lên như một ánh chớp soi rọi vào những chỗ trước đây còn mờ nhạt trong suy tư…

        Chính lúc này, tôi chợt nhận ra muốn đưa cuộc kháng chiến tiến lên vững chắc chưa phải là lúc tập trung bộ đội thành đại đoàn, chuẩn bị những trận đánh lớn, mà phải có một quá trình rèn luyện thích hợp cho bộ đội ta từ thấp đến cao, một quá trình kiên nhẫn, lâu dài. Những sự kiện lần lượt hiện lên trong óc tôi: mặt trận Huế vỡ, trận đánh trung đoàn vào thị xã Hà Đông không thành công, sự tồn tại của đại đội nghĩa quân giữa địch hậu Bắc Ninh… đều chứng minh việc cần làm ngay chưa phải là tập trung bộ đội để xây dựng đại đoàn; mà ngược lại phải mạnh dạn phân tán một bộ phận bộ đội thành những đại đội đi sâu vào địch hậu để phát động chiến tranh du kích. Bộ đội chủ lực ta thì cần được rèn luyện tác chiến ở quy mô tiểu đoàn, rồi trung đoàn, trước khi tác chiến quy mô lớn hơn.

        Qua thị xã Thái Nguyên, tôi quyết định rẽ lên Chợ Chu vào nơi Bác ở. Cơ quan của Bác đã chuyển về Điềm Mạc.

        Sau bữa cơm chiều, bên bếp lửa nhà sàn, tôi báo cáo với Bác về Hội nghị quân sự lần thứ tư và chuyến đi Chiến khu 12, rồi nói:

        - Địch đang chuẩn bị một trận đánh lớn tiêu diệt chủ lực ta để sớm kết thúc chiến tranh. Bộ tội ta với trình độ trang bị, kĩ thuật như hiện nay chưa thể tập trung đánh lớn được. Đề nghị Bác và Thường vụ cho hoãn việc thành lập đại đoàn một thời gian. Ta đề ra kháng chiến toàn dân, toàn diện, nhưng phong trào chiến tranh du kích của ta ở địch hậu phát triển chưa mạnh. Tôi thấy cần đưa ngay một bộ phận chủ lực phân tán thành những đại đội về những địa phương ở địch hậu để phát động chiến tranh du kích. Bộ đội chủ lực ở khu và Bộ hiện nay chỉ nên tổ chức tập trung ở quy mô tiểu đoàn; tiểu đoàn không phải là quá nhỏ, người Pháp coi tiểu đoàn là “một binh đoàn tác chiến nhỏ”; tác chiến ở quy mô tiểu đoàn là phù hợp với chiến thuật du kích vận động chiến. Tôi xin đề nghị một công thức cụ thể: “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Theo phương châm Bác đề ra trước đây, dân quân du kích là nguồn bổ sung cho chủ lực. Khi phong trào du kích mạnh thì chủ lực sẽ rút, địa phương càng mạnh thì càng phải tiếp tục bổ sung cho chủ lực. Trong vài ba năm trước mắt, cần phải hoạt động chiến tranh du kích rộng khắp. Cuối cùng, muốn chiến thắng quân địch, nhất định phải có một đội quân chủ lực thật mạnh…

        Bác chăm chú nghe rồi nói ngay:

        - Phân tán một bộ phận chủ lực để phát động chiến tranh du kích là rất cần. Không phải chỉ đưa đại đội vào địch hậu mà đưa cả về những địa phương nay mai chiến sự sẽ lan tới. Công thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” là phù hợp với tình hình hiện nay. Số lượng các đại đội đưa về địa phương do Thường vụ quyết định. Sau khi Thường vụ nhất trí, cần thực hiện ngay.

        Gia đình nhà chủ đem lại một rổ sắn và một ít mật mía.

        Bác ngồi hút thuốc vẻ trầm ngâm rồi nói:

        - Địch đưa sang thêm nhiều viện binh. Nay mai chiến sự lan rộng và ác liệt hơn, dân mình còn phải cực khổ nhiều… Thu Đông này các chú chuẩn bị tốt chưa?

        Tôi báo cáo đã có chỉ thị gửi các nơi, đã tiến hành việc cất giấu kho tàng, lương thực, làm vườn không nhà trống khi địch đến và phá hoại những đường giao thông quan trọng. Cả nước đã có trên một triệu dân quân, du kích. Bộ đội được bổ sung chấn chỉnh suốt mùa hè, đã được lệnh sẵn sàng chiến đấu.

        Sáng hôm sau, tôi sang  chỗ anh Trường Chinh báo cáo lại ý kiến của Bác. Anh Trường Chinh nhất trí từ Khu 4 trở ra có thể đưa một phần ba bộ đội chủ lực phân tán thành đại đội độc lập về địa phương làm nhiệm vụ phát động chiến tranh du kích; ở các khu, mỗi trung đoàn chỉ để lại bộ chỉ huy trung đoàn và một tiểu đoàn chủ lực tập trung; riêng ở Bắc Bộ, các tiểu đoàn chủ lực vẫn giữ nguyên, và sẽ được bố trí từng tiểu đoàn tác chiến trên một địa bàn hoặc một hướng.

        Anh mỉm cười nói:

        - Bây giờ đã hiểu vì sao bộ đội cứ thích dàn trận đông người. Với đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung thì toàn quân nhất định phải dùng du kích và du kích vận động chiến,.

        Anh Trường Chinh chuẩn bị lên đường đi thị xã Bắc Kạn. Không ai nghĩ là một nguy hiểm đang chờ anh ở phía trước.

        Trở về cơ quan, phòng 2 vẫn chưa có tin tức gì mới về cuộc tiến công của địch. Về sau, chúng tôi mới biết đúng vào thời gian đó, cơ sở ta ở Hà Nội báo tin địch tập trung rất đông quân ở Gia Lâm, có nhiều quân dù, chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Vì sơ suất không tổ chức giao thông liên lạc nên tin tức cực kì quan trọng này đã không đến với chúng tôi kịp thời.

        Bộ Tổng tham mưu đã dự thảo xong mệnh lệnh gửi các khu trong cả nước về kế hoạch đối phó với cuộc tiến công mùa khô của địch. Mệnh lệnh khẳng định Bắc Bộ sẽ là chiến trường chính. Địch có thể “quét đồng bằng Bắc Bộ, đánh lên căn cứ địa Việt Bắc”. Mệnh lệnh đề ra kế hoạch đối phó với địch trong cả hai trường hợp.

        Bản mệnh lệnh này chưa quán triệt những quyết định mới của Bác và Thường vụ về hình thức tổ chức mới của bộ đội. Tôi nghĩ tới một bản huấn lệnh bổ sung riêng về vấn đề này. Đã là mồng 4 tháng 10. Thời gian cấp bách. Tôi sửa một đôi chỗ trong mệnh lệnh rồi kí để kịp gửi các khu.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 11:19:05 pm
       
Chương bốn

VIỆT BẮC, THU ĐÔNG 1947

1

        Cuối mùa hè, cơ quan Bộ Tổng chỉ huy dời về Yên Thông, không xa Điềm Mạc nơi Bác ở.

        Hồi này, chúng tôi vẫn còn ở chung với đồng bào. Vùng này ruộng ít, dân nghèo. Những ngôi nhà nằm rải rác trên những vạt đất bằng, phía sau là đồi cọ hoặc rừng vầu, phía trước là những mảnh ruộng nhỏ. Xa xa, dãy núi Hồng chạy dài tới Phú Minh. Để giữ bí mật, cơ quan thường di chuyển. Có khi tôi phải làm việc trong một căn buồng chứa dụng cụ của đồng bào.

        Vào cuối thu, chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, tư tưởng có phần căng thẳng. Một đêm trăng đẹp ở núi rừng Điềm Mạc. Bác đã viết những câu thơ:

                                                     Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
                                                     Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa,
                                                     Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
                                                     Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.


        Ngày 6 tháng Mười, theo chương trình đã định, tôi tranh thủ đi Tuyên Quang và Chiêm Hóa. Tại Chiêm Hóa có mấy trường đại học với những nhà trí thức kháng chiến tiêu biểu và một số xưởng máy, kho tàng quan trọng của ta. Đây cũng là một điểm xung yếu của Việt Bắc. Tôi đã nhiều lần hẹn anh Nguyễn Văn Huyên, anh Tôn Thất Tùng… lên thăm Chiêm Hóa, biết là các anh đang mong khi sắp bước vào mùa khô.

        Đường lên Chiêm Hóa cũng chưa phá hoại. Xe đưa chúng tôi từ Yên Thông qua Phú Minh sang Tuyên Quang rồi ngược đường số 2. con đường trước đây vắng vẻ, nay từng quãng lại có một quán hàng, một dãy phố kháng chiến. Cư dân mới của những ngôi nhà tre nứa ẩn dưới lùm cây, hầu hết là gia đình cán bộ từ xuôi lên. Mỗi ngôi nhà đơn sơ này vừa là trạm liên lạc đối với những cán bộ từ xe về bỡ ngỡ, vừa là trạm kiểm soát với những kẻ lạ mặt tới dò la. Mạng lưới bảo vệ lỏng lẻo này thực ra rất hữu hiệu.

        Tới Chiêm Hóa, vừa bàn với các anh về việc sơ tán cơ quan, kho tàng khi có chiến sự và tổ chức những trậm quân y để phục vụ mặt trận thì có điện khẩn: ngày 7 tháng 10 quân Pháp đã nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn. Cuộc tiến công mùa khô của địch đã bắt đầu từ một thị xã nằm sâu giữa lòng Việt Bắc! Mọi người tỏ vẻ lo lắng. Trước khi mượn được mấy con ngựa để trở về gấp, tôi nói với anh Huyên và anh Tùng: “Theo kinh nghiệm của ông cha ta, khi giặc tới ào ào như nước, như lửa, thì không đáng sợ!”.

        Đầu tháng 10, Bộ Tổng chỉ huy đã trao nhiệm vụ tác chiến cho các khu ở Bắc Bộ trong trường hợp địch đánh lên Việt Bắc. Trong mệnh lệnh, dự kiến hướng chính của cuộc tiến công sẽ là Thái Nguyên qua Phúc Yên, và Tuyên Quang qua Vĩnh Yên, Phú Thọ; hướng kiềm chế phối hợp sẽ là Bắc Giang, Lạng Sơn ở phía đông và Hòa Bình, Sơn La ở phía tây. Nhiệm vụ được phân công cho bộ đội chủ lực của Bộ và của Khu 1, Khu 10 là đánh địch ở hướng chính. Còn các khu khác thì có nhiệm vụ đánh địch trên các hướng kiềm chế, đồng thời đẩy mạnh hoạt động để phối hợp khắp chiến trường, nhất là trên đường số 5.

        Những đơn vị của Bộ và các khu đang lên đường chuẩn bị làm nhiệm vụ.

        Cuộc tiến công của địch bắt đầu từ Bắc Kạn là ngoài dự kiến của ta. Một số cơ quan tập trung ở thị xã và vùng ven: Ty ngân khố, cơ sở in giấy bạc, trường võ bị Trần Quốc Tuấn, bộ phận dự bị Đài Tiếng nói Việt Nam và một số nhà máy, kho tàng. Điều khiến tôi đặc biệt lo lắng là anh Trường Chinh vừa lên đây công tác và anh Hoàng Văn Thái cũng đang có mặt ở thị xã. Những con đường nối liền với Bắc Kạn đều chưa phá hoại.

        Trên đường về, tôi gặp tỉnh ủy và ủy ban tỉnh Tuyên Quang nhắc hoàn thành gấp việc phá hoại thị xã, đường sá, kiểm tra kế hoạch tác chiến dọc sông Lô và đường bộ lên Tuyên Quang. Tôi tạt vào Thanh La chỉ thị cho anh Phan Mỹ và anh Trần Duy Hưng bàn với các anh trong Chính phủ thực hiện quân sự hóa cơ quan và chuẩn bị phân tán di chuyển.

        Sáng ngày 8, tôi về tới sở chỉ huy. Không khí cơ quan khẩn trương. Những tài liệu quan trọng đang được bỏ vào hòm sắt.

        Đồng chí trưởng phòng tác chiến báo cáo: 8 giờ 45 phút và 10 giờ sáng ngày 7 tháng 10, quân Pháp đã nhảy dù hai đợt xuống thị xã Bắc Kạn, trinh sát đã đếm được khoảng tám trăm dù. 14 giờ 30, khoảng hai trăm quân Pháp nhảy dù xuống Chợ Mới, chỉ cách an toàn khu hai chục kilômét đường chim bay. Tham mưu đã thông báo tin tức cụ thể về địch cho tất cả các quân khu, các tỉnh, các đơn vị chủ lực và chỉ thị báo cáo ngay về Bộ những diễn biến mới của tình hình. Trong buổi hội ý, đồng chí Trần Hiệu, phục trách công tác tình báo cũng có mặt nhưng không cung cấp được thêm tin tức gì về địch. Công tác này đối với ta còn quá mới mẻ. Đài phát thanh các nước phương Tây cũng không hề đưa tin tức gì về cuộc tiến công của Pháp.

        Thường vụ đã có điện cho tỉnh ủy Bắc Kạn phải lãnh đạo các lực lượng vũ trang tích cực đánh địch, bảo vệ cơ quan, sơ tán kho tàng, lãnh đạo quân dân làm vườn không nhà trống và đã điện cho các địa phương trên cả nước báo tin cuộc tiến công Việt Bắc bắt đầu, các khu ủy và quân khu ủy phải lãnh đạo bộ đội đánh mạnh để chia sẻ lực lượng địch, phá kế hoạch tiến công của chúng.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 11:19:47 pm

        Cách đây nửa tháng, ngày 20 tháng 9, ở phía Tây Bắc, quân Pháp đã mở một cuộc tiến công trên toàn tuyến: từ Phong Thổ đánh ra Bát Xát, từ Bình Lư tiến chiếm Sa Pa sắp tới Lào Cai, từ Mường Chiên, Vạn Yên đánh ra, kết hợp với nhảy dù Than Uyên, Khâu Cọ, đã chiếm Thượng Đẳng La, sắp tiến đến Nghĩa Lộ… Bây giờ thì đã rõ: Tây Bắc là hướng nghi binh, kềm chế; Việt Bắc mới là hướng tiến công chính của địch.

        Tôi chỉ thị cơ quan tham mưu cử ngay người lên Bắc Kạn tìm anh Trường Chinh và anh Hoàng Văn Thái, tập trung mọi khả năng, phương tiện theo dõi địch, phát hiện kịp thời ý đồ và kế hoạch cuộc tiến công; ra lệnh cho trung đoàn 72 đang ở Bắc Kạn cùng với một tiểu đoàn chủ lực của Bộ làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, phát động chiến tranh du kích, đánh địch khi chúng lấn ra và vận động trên các đường Bắc Kạn - Chợ Mới, Bắc Kạn - Phủ Thông.

        Tôi thông qua dự thảo Quân lệnh tiêu diệt địch để bảo vệ Việt Bắc và Nhật lệnh của Bộ Tổng chỉ huy kêu gọi quân và dân cả nước chiến đấu phá tan kế hoạch tiến công mùa Đông của giặc Pháp. Sau đó, tôi đi gấp sang Điềm Mạc.

        Bác và Thường vụ đang rất lo lắng vì chưa có tin anh Trường Chinh và một số cán bộ bị kẹt ở thị xã.

        Tôi báo cáo về tình hình mới diễn biến trong ngày và một số việc đã làm của Bộ Tổng chỉ huy. Với tin mới về cánh quân lớn của địch xuất hiện trên đường số 4 trưa nay, dự đoán địch sẽ đánh chiếm Cao Bằng rồi bắt liên lạc với quân dù ở Bắc Kạn. Cao Bằng đã có chuẩn bị sẽ không rơi vào tình thế bị động như Bắc Kạn. Căn cứ địa Việt Bắc đang ở thế bị uy hiếp từ hai phía đông và tây. Hướng tây, địch sẽ chiếm Lào Cai và Hà Giang để phong tỏa biên giới phía bắc nước ta. Có thể sẽ có một cánh quân tiến theo đường số 3 và sông Lô lên Tuyên Quang, bộ đội khu 10 đã bố trí đánh địch ở hướng này.

        Bác hỏi: Địch có thể huy động bao nhiêu quân vào cuộc tiến công?

        Tôi đáp: Theo tin tức gần đây, Vanluy được tăng viện hai vạn quân.

        Bác nói: Nước Pháp không đủ sức để theo đuổi một cuộc chiến tranh lâu dài. Chúng phải cố gắng đánh một đòn quân sự quyết định tạo điều kiện cho Bôlae đưa Bảo Đại về tìm cách kết thúc chiến tranh. Dù Vanluy có huy động được cả hai vạn quân vào cuộc tiến công thì với địa bàn rừng núi hiểm trở của Việt Bắc, và tinh thần cách mạng của đồng bào các dân tộc ở căn cứ địa, cũng không có gì đáng ngại…

        Chiều mồng 9, anh Thái từ Bắc Kạn trở về. Địch nhảy dù trong lúc anh đang nói chuyện với bộ đội và học sinh trường võ bị trên sân vận động thị xã. Lực lượng bộ đội ở đây chỉ có một tiểu đoàn tân binh. Lần đầu gặp quân dù, mặc dù còn bỡ ngỡ, lúng túng, bộ đội đã chiến đấu bảo vệ cho các cơ quan và nhân dân rút ra ngoài. Trên đường về, anh Thái đã ghé vào những cơ sở sản xuất của quân giới, quân y và đài dự bị Tiếng nói Việt Nam chỉ đạo việc di chuyển gấp. Khi về tới cơ quan Bộ, anh mới biết anh Trường Chinh cũng có mặt tại Bắc Kạn.

        Chúng tôi trao đổi dự kiến về những diễn biến sắp tới. Sau khi nối liền Cao Bằng với Bắc Kạn, địch sẽ từ đó đánh lan rộng, có thể đánh xuống hướng nam, nơi cao an toàn khu. Tôi chỉ thị điều động gấp những lực lượng của Bộ ở Trung Du về để chuyển lên hướng bắc, lệnh cho trường võ bị Trần Quốc Tuấn bế giảng và đưa cán bộ về các đơn vị kịp thời tham gia chiến đấu.

        Tôi nói: “Địch mở đầu cuộc tiến công lớn bằng nhảy dù xuống Bắc Kạn nhằm chụp bắt và tiêu diệt cơ quan đầu não của kháng chiến. Chúng lầm tưởng Bắc Kạn là thủ đô chính trị mới của ta. Chúng gây cho ta một số thiệt hại nhưng đã không đạt được mục đích mà lại mất thế bất ngờ trên cả chiến trường Việt Bắc. Nhiệm vụ hàng đầu là bảo vệ cơ quan lãnh đạo bằng mọi giá. Cần bám sát mọi động tĩnh của địch để điều chỉnh kế hoạch tác chiến, giành lại chủ động. Trước mắt đôn đốc đánh đich trên đường số 4, số 3 và sẵn sàng chiến đấu trên hướng đường số 2 và sông Lô”.

        Tối hôm đó, cơ quan tham mưu gọi điện thoại mừng rỡ báo tin một đơn vị bộ đội đã gặp anh Trường Chinh ở phía nam Chợ Đồn. Sáng hôm sau, anh Thái sẽ cùng một tiểu đoàn vệ binh đi đón đồng chí Tổng bí thư. Tôi thở phào nhẹ nhõm.

        Nửa đêm mồng 9, anh Trường Chinh mới về tới nhà. Anh Thái lên tới Thanh Cốc thì gặp đồng chí Tổng bí thư Trường Chinh đang ngồi nghỉ cùng một đơn vị bộ đội địa phương bên bờ suối. Theo anh nói lại, khi máy bay tới ném bom, bắn phá, anh đang làm việc với tỉnh ủy phải tạm lánh xuống hầm. Lát sau, địch nhảy dù xuống đúng khu vực trú ẩn. Chúng đi lại nhiều lần trên nóc hầm mà không biết có người bên dưới. Trời tối, anh cùng với cán bộ và đồng bào tìm đường rút ra ngoài. Kinh nghiệm nhiều năm hoạt động bí mật đã giúp đồng chí Tổng bí thư thoát hiểm.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 11:24:17 pm
       
2

        Ngày 8 tháng 10, quân Pháp chiếm Chợ Đồn.

        Ngày 9 tháng 10, một tiểu đoàn quân dù nhảy xuống thị xã Cao Bằng.

        Ngày 10 tháng 10, 35 tàu chiến địch từ Hà Nội theo sông Hồng tiến lên Sơn Tây.

        Cùng ngày, trên đường số 4, quân Pháp tiến tới Thất Khê.

        Bộ Tổng chỉ huy điện gấp cho Khu 10 tích cực đánh địch trên sông, đồng thời điều một tiểu đoàn chủ lực của Bộ, tiểu đoàn 18, tiến nhanh về phía Bình Ca, kiên quyết bảo vệ cửa ngõ phía tây của Việt Bắc, cũng là của an toàn khu. Tôi gửi cho tiểu đoàn trưởng Vũ Phương và chính trị viên tiểu đoàn Hồng Cư một mệnh lệnh viết tay: “Tiểu đoàn 18 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”.

        Ngày 11, Hội đồng Chính phủ do Bác chủ tọa họp giữa tiếng máy bay địch gầm rú bắn phá. Tôi báo cáo tình hình chiến sự. Toàn thể thành viên chính phủ biểu thị quyết tâm kháng chiến và niềm tin vào thắng lợi.

        Ngày 12, bộ binh Pháp hành quân tiến lên thị xã Cao Bằng. Tàu chiến, ca nô địch cũng lên tới thị xã Tuyên Quang.

        Đài phát thanh phương Tây vẫn chưa hề đả động đến cuộc tiến công.

        Trong tuần đầu, bộ đội thiên về đánh tập trung, vận động từ xa tới, chuẩn bị vội vã, đánh địch không đạt nhiều hiệu quả. Pháo binh mấy lần bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt tàu địch trên sông Lô. Ở Phan Lư, pháo để xa, báo động chậm, cơ động tới gần sông thì tàu địch đã đi qua. Ở Ngọc Chú, pháo mới bắn được hai phát thì gục nòng. Riêng ở Bình Ca, ngày 12, pháo ta đã bắn chìm một tàu LCVP. Đây là chiến công đầu tiên trên sông Lô. Cùng ngày, tiểu đoàn 18 đánh bại cuộc tiến công đổ bộ của địch tại bến Bình Ca.

        Ở thị xã Cao Bằng, ta đã kịp thời di chuyển cơ quan, tài sản ra ngoài, nhưng khi địch nhảy dù, trung đoàn 74 đang phân tán làm nhiệm vụ phá hoại nhà cửa, không có bộ phận trực chiến nên chỉ đánh nhỏ tiêu hao địch. Đặc biệt, bộ đội Cao Bằng bắn rơi được một máy bay.

        Dân quân du kích đã có một số hoạt động đánh địch nhảy dù và phục kích những toán quân địch nống ra như ở Thanh Mai (Bắc Kạn), Đề Thám (Cao Bằng). Những “tổ chim sẻ” đã mang lại cái chết bất ngờ cho quân địch. Tuy nhiên, phong trào du kích còn chưa phát triển mạnh.

        Cường độ phát triển từng ngày của cuộc tiến công chứng tỏ tính chiến lược và quy mô rộng lớn chưa từng có của nó. Địch đang đi tìm một trận đánh quyết định ở ngay tại căn cứ địa của ta.

        Lực lượng bộ đội ở khu căn cứ lúc này không quá ít. Nhưng trừ trung đoàn Thủ đô và trung đoàn Lạng Sơn đã được thử thách ít nhiều, tất cả những đơn vị khác đều chưa qua chiến đấu. Trình độ trang bị, tổ chức của ta chưa cho phép tiến hành những trận đánh lớn để ngăn chặn quân địch, hoặc tiêu diệt quân địch tại những thị xã chúng vừa chiếm đóng. Những trận tập kích của bộ đội ta vào những vị trí đóng quân của địch tới lúc đó đều chưa đạt được kết quả gì đáng kể. Mấy ngày qua, các khu, các tỉnh đều báo cáo về, ở những nơi có bộ đội, nhân dân rất bình tĩnh, chuẩn bị chiến đấu, ở những nơi nào chỉ có du kích, mặc dù anh em hăng hái, nhưng đồng bào tỏ ra lo lắng.

        Tôi đã nhận thấy cách đối phó thích hợp với cuộc tiến công chiến lược của địch là thực tiện ngay công thức: “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Việc này cần làm ở tất cả các khu, trước hết là ngay tại Việt Bắc. Cần đưa gấp những đại đội độc lập về các địa phương để làm nòng cốt phát động chiến tranh du kích khắp nơi. Các tiểu đoàn chủ lực thì lưu động tác chiến trên chiến trường từng địa phương, trước hết là tập trung vào những đường giao thông huyết mạch.

        Tôi trao đổi những điều trên với anh Thái và giao nhiệm vụ cho Bộ Tổng Tham mưu dự thảo gấp một bản huấn lệnh về “Đại đoàn độc lập, tiểu đoàn tập trung”.

        Tối 13, cán bộ phòng 2 mang tới cho tôi một tài liệu vô giá trong lúc này: bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của Pháp kèm theo bản đồ.

        Sáng ngày 9 tháng 10, khi quân Pháp nhảy dù xuống Cao Bằng, đại đội trợ chiến của trung đoàn 74, bố trí trên đồi thiên văn, đã bắn rơi một máy bay Jnnker-52. Xác máy bay rơi xuống xã Đề Thám. Máy bay này chở một số sĩ quan tham mưu của bộ chỉ huy chiến dịch Việt Bắc đi thị sát chiến trường. Những người đi trên máy bay đều chết, trong đó thiếu tá Lămbe (Lambert), đặc phái viên của Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh ở miền Bắc Đông Dương. Trong số những tài liệu thu được từ máy bay có bản kế hoạch tiến công Việt Bắc. Một chiến sĩ liên lạc, đồng chí Nguyễn Danh Lộc, đã chạy bộ xuyên rừng suốt bốn ngày đêm đưa tài liệu này về Bộ Tổng Tham mưu.

        Anh Hoàng Văn Thái gọi điện thoại báo cáo vắn tắt những nhận xét của cơ quan tham mưu sau khi nghiên cứu bản kế hoạch. Tôi bảo anh Thái chuẩn bị cuộc họp của các cơ quan tham mưu, chính trị vào sáng hôm sau và nhắc anh Văn Tiến Dũng, Cục trưởng Cục chính trị, tặng thưởng huân chương cho đại đội trợ chiến trung đoàn 74 đã bắn hạ máy bay địch, thu được bản kế hoạch quan trọng, và khen thưởng đồng chí Nguyễn Danh Lộc.

        Tôi cho thắp thêm một ngọn đèn dầu thứ hai trên bàn làm việc.

        Tài liệu gồm một bản kế hoạch tiến công và một bản đồ Việt Bắc.

        Kế hoạch tiến công Việt Bắc gồm hai cuộc hành binh lớn mang mật danh là Léa và Clôclo.

        Cuộc hành binh bước một lấy tên là Lêa hình thành hai gọng kìm bao vây toàn bộ khu căn cứ địa Việt Bắc, bao gồm 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Binh đoàn B xuất phát từ hướng đông, từ Lạng Sơn tiến lên Cao Bằng, rồi vòng xuống hợp vây với cánh quân hướng tây, bắt liên lạc với cánh quân Bắc Kạn. Binh đoàn C ở hướng tây, xuất phát từ Hà Nội theo sông Hồng, đến Việt Trì, theo sông Lô lên Tuyên Quang, rồi theo sông Gâm tiến lên gặp binh đoàn B. Sau này chúng tôi biết, binh đoàn B do Bôphrê (Beaufré) chỉ huy; binh đoàn C do Commuynan (Communal) chỉ huy; hợp điểm của hai gọng kìm này sẽ là Đài Thị. Tiếp đó là cuộc hành binh bước hai lấy tên là Clôclo, quân địch sẽ tập trung càn quét khu tam giác: Bắc Kạn - Chợ Chu - Chợ Mới và phía tây đường số 3.

        Theo tính toán của cơ quan tham mưu ta, gọng kìm phía tây dài 270 kilômét, gọng kìm phía đông dài 420 kilômét. Bộ chỉ huy Pháp dự kiến hai cánh quân sẽ gặp nhau vào ngày 13 ở Đài Thị.

        Hôm ấy đã là ngày 13! Cả hai cánh quân Pháp còn ở khá xa Đài Thị. Cánh phía đông mới chỉ đến gần hồ Ba Bể, còn phải qua Bản Thi rồi mới tới Đài Thị. Còn cánh quân phía tây mới đến Tuyên Quang, cách Đài Thị xa.

        Như vậy, kế hoạch Lêa của địch đã không thực hiện đúng thời gian. Kế hoạch Clôlco do đó, sẽ phải chậm lại. Khoảng thời gian này là vô cùng quý giá đối với ta.

        Chắc chắn trên các mặt trận khác, Pháp cũng có những cuộc hành binh phối hợp với Việt Bắc. Ta chưa rõ binh lực dùng cho cuộc tiến công mùa đông này là bao nhiêu. Nhưng qua bản kế hoạch đã thấy đây là một cuộc tiến công chiến lược với những tham vọng rất lớn nhằm chụp bắt cơ quan đầu não của kháng chiến và đánh bại chủ lực ta.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 11:29:38 pm
       
3

        Sáng 14, anh Trường Chinh tới Văn phòng Bộ Tổng chỉ huy. Nét mặt anh tươi lên khi biết chúng ta đã có trong tay bản kế hoạch hành binh của địch. Anh trao đổi với chúng tôi về âm mưu của địch được thể hiện trong bản kế hoạch, tình hình các mặt trận, chủ trương của ta để chuẩn bị cho cuộc họp Thường vụ buổi chiều.

        Chúng tôi nhận định địch đã huy động một lực lượng lớn nhất mà chúng có thể huy động được gồm những đơn vị bộ binh tinh nhuệ, lính dù, cơ giới, pháo binh, công binh, máy bay, tàu chiến vào trận đánh quyết định này. Địch đã tạo được sự bất ngờ, gây cho ta những thiệt hại về vật chất ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Chợ Đồn, Tuyên Quang. Khuyết điểm của ta là không đánh giá thật đúng âm mưu và cách đánh của địch. Chiến tranh du kích tại các địa phương chưa mạnh. Bộ đội chưa đánh được trận nào đáng kể. Việc phá hoại các đường sá và thị xã, thị trấn ở trong khu căn cứ chưa triệt để. Ở một số nơi nhân dân có phần hoang mang.

        Tuy nhiên, kẻ địch đông không có nghĩa là chúng mạnh. Địch đã thất bại ngay từ đầu trong âm mưu chủ yếu  là muốn chụp bắt cơ quan lãnh đạo của kháng chiến. Cuộc tiến công của địch không diễn ra cùng một lúc, nên trừ thị xã Bắc Kạn bị bất ngờ, ở những nơi khác, ta đều đã có đề phòng. Lực lượng của địch bị rải ra trên một địa bàn quá rộng, lại là chiến trường rừng núi, tiếp tế khó khăn, các phương tiện kĩ thuật khó phát huy được sức mạnh, sẽ bộc lộ nhiều sơ hở. Hai gọng kìm tiến công của địch quá dài không thể thực hiện được nhiệm vụ bao vây căn cứ địa. Chủ trương hợp vây của địch so với kế hoạch đã bị chậm lại nhiều. Nếu ta phá hoại đường sá triệt để thì việc di chuyển của cơ giới sẽ gặp nhiều khó khăn. Những gọng kìm của địch trải dài theo trục đường, trục sông rất dễ bẻ gãy. Điều cần đề phòng là kế hoạch Clôclo, những mũi dùi lùng sục địch dự kiến đều nằm trong khu căn cứ của ta.

        Tôi đề nghị:

        - Phân tán hai phần ba bộ đội chủ lực, đưa các đại đội về địa phương. Cùng dân quân du kích phát động chiến tranh du kích rộng rãi, bao vây và tiêu hao địch ở những nơi chúng mới đặt chân tới. Tiếp tục động viên và giúp đỡ nhân dân gặt hết lúa mới chín, phân tán kho tàng, triệt để làm vườn không nhà trống, phá hoại các đường giao thông quan trọng, hình thành phong trào chiến tranh toàn dân rộng khắp.

        - Bố trí các trung đoàn và tiểu đoàn ở những địa bàn hiểm yếu, trước hết là dọc đường số 4, dọc đường số 2 ven sông Lô và đường số 3, sẵn sàng tập kích, từng bước làm tê liệt và bẻ gãy hai gọng kìm chủ yếu của địch.

        - Cơ quan chỉ huy chia thành hai bộ phận: bộ phận nặng ở lại căn cứ đi sâu vào phía núi, bộ phận nhẹ chuyển ra ngoài khu vực bị uy hiếp, vừa chỉ đạo các chiến trường toàn quốc, vừa chỉ đạo ba mặt trận ở Việt Bắc. Tôi phụ trách bộ phận chỉ huy nhẹ và sẽ đi mặt trận Đường số 4; anh Thái đi mặt trận Đường số 3; anh Trần Tử Bình và anh Lê Thiết Hùng đi mặt trận sông Lô; anh Văn Tiến Dũng phụ trách bộ phận nặng ở lại căn cứ.

        Bác và Thường vụ Trung ương sẽ ở lại an toàn khu vì nhân dân ta tại đây đã có truyền thống và kinh nghiệm bảo vệ cán bộ từ thời hoạt động bí mật. Trước mắt, chuyển lên vùng cao và khi cần thiết sẽ chuyển tới nơi an toàn hơn, về phía Bản Cóc.

        Anh Trường Chinh nhất trí với những đề nghị của Bộ Tổng chỉ huy. Trước khi anh Thái ra về, tôi nhắc thảo gấp một huấn lệnh mới về nhiệm vụ tác chiến Thu Đông cho Khu 1 và Khu 10, và hoàn chỉnh ngay bản huấn lệnh về “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”.

        Cuộc họp Thường vụ Trung ương chiều 14 có Bác cùng dự. Sau khi nghe báo cáo âm mưu của địch, kiến nghị của Bộ Tổng chỉ huy, dự thảo chỉ thị của Thường vụ do anh Trường Chinh trình bày, hội nghị nhận định: Cuộc tiến công lần này của Pháp không chứng tỏ địch mạnh, mà vì yếu nên phải mạo hiểm. Địch sẽ gặp nhiều khó khăn to lớn, nếu ta biết lợi dụng khai thác những chỗ yếu của địch thì nhất định cuộc tiến công sẽ thất bại. Thường vụ nhất trí thực hiện ngay công thức “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, tổ chức ba mặt trận, cơ quan lãnh đạo sẽ ở lại khu căn cứ.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 25 Tháng Tám, 2016, 11:30:01 pm

        Anh Trường Chinh nói:

        - Chúng ta vừa đánh vừa học, kể cả học cái hay của địch để sửa chữa sai lầm của ta, phát triển những ưu điểm của ta, lợi dụng triệt để những nhược điểm của địch, nhằm trúng vào chỗ yếu của địch mà đánh, làm cho kẻ địch bị thiệt hại đến mức không thể gượng lại sau chiến dịch này và buộc chúng phải chuyển sang thế thủ.

        Bác kết thúc cuộc họp.

        - Tình hình cực kì rồi ren về chính trị ở Pháp và phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa đã dẫn Pháp đến chỗ muốn kết thúc sớm chiến tranh Đông Dương. Chúng chỉ tiến công ồ ạt lúc đầu. Nếu ta thực hiện được đánh địch khắp nơi, buộc chúng phải dàn mỏng lực lượng đối phó, chúng sẽ thất bại. Giữ gìn được chủ lực qua mùa đông này là coi như thắng lợi. Nếu chuyến này chúng không thắng nhanh để kết thúc chiến tranh thì cục diện sẽ đổi mới có lợi cho ta.

        Ngày hôm sau, 15 tháng 10, theo tinh thần buổi họp, Thường vụ Trung ương ra bản chỉ thị: “Phải phá cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp” cho quân và dân cả nước.

        Cùng ngày, Bộ Tổng chỉ huy ra Huấn lệnh ĐB/01, nêu ra những nguyên tắc mới về tổ chức bộ đội, và bố trí lực lượng, về nhiệm vụ của các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung: “Cuộc tiến công Việt Bắc lần này, địch hành binh táo bạo bằng nhảy dù chiếm đóng ngay hậu phương ta làm tình hình chiến sự thay đổi. Về chiến lược hiện nay, không có phân biệt hậu phương và tiền phương… Vì sự cần thiết phát động du kích chiến tranh rộng rãi nên kế hoạch bố trí và tác chiến cần phải thích hợp với tình thế.. Thực hiện ngay việc lấy đại đội làm đơn vị bố trí trên các chiến trường địa phương… Bộ đội chủ lực thì đặt ở những nơi cơ động gần mặt trận hoặc đường giao thông quan trọng và nguyên tắc là nên tập trung lực lượng từng tiểu đoàn phụ trách từng khu vực một”. Nhiệm vụ của đại đội độc lập là: “Quấy rối tiêu diệt từng bộ phận địch đến. Phối hợp với bộ đội lưu động đánh những trận lớn”. Nhiệm vụ của các tiểu đoàn tập trung là: “Phối hợp với các đại đội độc lập và du kích địa phương tiêu diệt địch ở những vị trí lẻ hay khi đang vận chuyển trên đường giao thông”.

        Cũng trong ngày 15, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi quân và dân Việt Bắc ra sức đánh bại cuộc hành binh của địch, quân dân cả nước tích cực đánh địch phối hợp với Việt Bắc. Bác viết:”Địch hội quân ở Bắc Kạn tạo thành một cái ô bọc lấy Việt Bắc, rồi cụp ô xuống, dưới đánh lên, trên đánh xuống, phá cho được cơ quan đầu não của kháng chiến… Chúng mạnh ở hai gọng kìm, gọng kìm mà gãy thì cái ô cụp xuống sẽ thành ô rách và cuộc tiến công thất bại”.

        Ngày 18 tháng 10, tôi kí các bản mệnh lệnh gửi Khu 1, nêu rõ: tất cả các trung đoàn của khu chỉ giữ lại bộ chỉ huy trung đoàn và một tiểu đoàn tập trung, các tiểu đoàn khác thì giải thể thành đại đội, đưa các đại đội về các huyện được chỉ ra trong mệnh lệnh. Cuối lệnh ghi rõ: “Mệnh lệnh phải được thi hành xong trước ngày 16 tháng 11 năm 1947 và báo cáo kết quả về Bộ”. Bộ Tổng tham mưu phái cán bộ đi trực tiếp giúp đỡ những đại đội độc lập ở một số huyện trọng điểm thuộc Bắc Kạn, Lạng Sơn và Tuyên Quang. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, hai phần ba lực lượng các trung đoàn đã được đưa về huyện làm nhiệm vụ bộ đội địa phương.

        Từ ngày 13, đài phát thanh của địch mới bắt đầu loan tin quân đội Pháp đánh chiếm Cao Bằng, Bắc Kạn, cùng với hàng loạt vị trí khác ở Việt Bắc. Quan chức Pháp ở Sài Gòn giải thích những cuộc tiến công đang diễn ra là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc điều đình với Bảo Đại. Chúng tuyên truyền rầm rĩ về thắng lợi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

        Thực dân Pháp đặt kì vọng vào cuộc tiến công vào căn cứ địa Việt Bắc mà họ cho là đang diễn tiến thuận lợi. Sau này, chúng ta được đọc bản báo cáo ngày 17 tháng 10 năm 1947 của Xa lăng gửi Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp trong đó Xalăng đã nhận định: “Con đường tiếp tế chính nối liền Việt Minh với Trung Quốc qua Cao Bằng đã bị cắt đứt. Sự tan rã của căn cứ quốc gia Việt Minh bắt đầu nghiêm trọng trong khu vực đông bắc (Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn)… Quân Pháp đang ở thế tiếp tục càn quét mạnh và làm tan rã căn cứ… Không còn nghi ngờ gì nữa, kết quả của đòn đánh mãnh liệt và trực tiếp đã gây nên hậu quả đáng kể đối với tiềm lực và tinh thần đối phương”.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Tám, 2016, 07:33:43 am
       
4

        Ngày 17, tôi cùng bộ phận chỉ huy nhẹ rời Yên Thông sau khi đã điện lệnh cho trung đoàn 74 (Cao Bằng) và trung đoàn 11 (Lạng Sơn) phải tổ chức phục kích địch trên đường số 4, đồng thời chỉ thị cho Khu 10 chuyển gấp pháo lên thượng nguồn sông Lô, nơi có địa hình kín đáo, thuận lợi cho việc phục kích tàu địch. Anh Hoàng Văn Thái, anh Trần Tử Bình và anh Lê Thiết Hùng cũng lên đường đi mặt trận Đường số 3 và mặt trận sông Lô.

        Chúng tôi đi xuôi xuống Bờ Đậu, rẽ qua xã Trung Lương về Đồn Đu. Tiểu đội thông tin rải đường dây điện thoại và mang theo điện đài để duy trì liên lạc thường xuyên với các mặt trận.

        Các bản làng đều vắng vẻ. Đồng bào ở đây đã thực hiện vườn không nhà trống, triệt để sơ tán vào rừng, mang theo cả thóc lúa, trâu bò, gia súc. Không nghe thấy tiếng gà gáy, chó sủa. Nơi nào cũng có khẩu hiệu: “Đập tan cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp”. Chỉ còn du kích, dân quân ở lại canh gác làng bản. Nhớ lại những ngày chạy địch lùng càn ở chiến khu trước Cách mạng tháng Tám thì ngày nay, kẻ địch mạnh hơn nhiều lần. Có tin trong các binh đoàn của Pháp, có cả những đội quân được huấn luyện đặc biệt để đánh rừng. Nhưng lần này chúng tôi tới đâu cũng được ủy ban kháng chiến báo cáo tình hình địch, cử giao thông dẫn đường. Đồng chí giao thông huyện Phú Lương đưa chúng tôi đi tiếp về phía La Hiên.

        Ngày 20 tới địa phận huyện Vũ Nhai. Buổi chiều, chúng tôi đi hết cánh đồng Tràng Xá rồi rẽ vào một bản nhỏ của đồng bào Dao đã được chọn để đặt Bộ chỉ huy nhẹ. Trước nhà là một bãi cỏ dẫn tới một khu rừng có suối trong, chung quanh nhiều núi đá. Gia đình nhà chủ không biết chúng tôi là ai. Đã lâu mới có cán bộ tới, bác chủ nhà đề nghị làm lễ kết nghĩa. Lại nhớ tới những ngày trước Tổng khởi nghĩa cùng đồng bào chích máu gà uống rượu ăn thề suốt đời hoạt động và hi sinh cho cách mạng.

        Sau tuần lễ thứ hai, tính từ khi quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, những hoạt động chiến đấu của ta đã tăng lên đáng kể.

        Ngày 15, hai tiểu đoàn chủ lực của Bộ có một khẩu pháo phối hợp tiến công vào 200 quân địch đóng tại Chợ Mới. Ngày 21, trên mặt trận Đường số 3, một tiểu đoàn của trung đoàn Thủ đô tiến công một đại đội địch đóng tại Chợ Đồn. Ở cả hai nơi, bộ đội ta chỉ tiêu hao quân địch, không thực hiện được nhiệm vụ tiêu diệt. Nhưng cả hai trận đánh này cùng với 17 trận phục kích nhỏ trên đường Phủ Thông - Bắc Kạn, Chợ Mới - Bắc Kạn đã làm cho quân địch thấy bắt đầu gặp sự chống trả mạnh, không dám sục ra ngoài thị xã và những vị trí đóng quân. Máy bay phải thả dù tiếp tế xuống Bắc Kạn.

        Ở phía tây, một tiểu đoàn chủ lực của trung đoàn Hà Tuyên do đồng chí Lê Thùy chỉ huy tích cực bám sát gọng kìm Commuyan, liên tiếp tập kích địch, khiến chúng phải tiến quân dè dặt, ngày 20 mới tới Đầm Hồng và phải dừng lại chờ thêm lực lượng. Ngày 22, tự vệ thị xã Tuyên Quang dùng địa lôi do ta chế tạo đánh một trận ở kilômét số 7 trên đường số 2, diệt và làm bị thương gần một trăm quân địch. Một tiểu đoàn quân Pháp đang tiến lên Chiêm Hóa buộc phải quay trở lại.

        Cuộc hành binh của quân Pháp đã bị chậm nhiều so với kế hoạch.

        Hằng ngày, tôi vẫn báo cáo kịp thời những diễn biến chiến sự với Bác và anh Trường Chinh. Đề phòng quân địch nhảy dù bất ngờ, Bác đã từ Điềm Mạc lên Khuổi Tát.

        Ngày 22, có tin quân của Bôphrê đã có mặt ở Đài Thị và quân của Commuyan cũng sắp tới đây. Như vậy kế hoạch Lêa sẽ kết thúc, và kế hoạch Clôclo có thể sẽ bắt đầu và cuộc vây ép khu tứ giác Tuyên Quang - Đài Thị - Bắc Kạn - Thái Nguyên, mà điểm trung tâm là Chợ Chu. Tôi viết thư hỏa tốc đề nghị Bác và anh Trường Chinh di chuyển theo kế hoạch đã bàn trong Thường vụ. Đúng lúc Bác đang mệt. Anh Trường Chinh rất phân vân. Nhưng Bác nói cứ làm theo kế hoạch. Đường lên làng Cóc rậm rạp. Bác phải bỏ ngựa, ở nhiều đoạn phải rẽ lau vạch cỏ mà đi. Bản Cóc là một cơ sở cách mạng lâu ngày của ta ở vùng cao, có nhiều đồng chí người Dao trung kiên. Được tin Bác đã lên tới nơi, tôi rất yên tâm.

        Tôi quyết định đi gấp lên mặt trận Đường số 4.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Tám, 2016, 07:40:12 am
       
5

        Con đường từ Đình Cả lên Bình Gia nằm giữa hai trền núi đá. Những ngọn núi đá nối tiếp nhau, xanh xanh nhấp nhô. Bản làng rải rác ở chân núi với những ngôi nhà sàn bốn mái. Cảnh đẹp và thanh bình đôi lúc làm quên đi tình hình gay gắt của chiến tranh.

        Suốt dọc đường, mỗi lần nghỉ chân, cán bộ tác chiến lại dùng điện thoại liên lạc với các mặt trận để nắm tin tức.

        Chiều ngày 25, qua Bắc Sơn, trong lúc chúng tôi đang nghỉ chân thì đồng chí cán bộ tác chiến chạy tới:

        - Báo cáo anh, có tin chiến thắng lớn tại mặt trận Sông Lô.

        Từ ngày địch đánh lên Tuyên Quang, tôi luôn trông chờ tin chiến thắng từ phía sông Lô. Địa hình hiểm trở của con sông rất thuận lợi cho những trận phục kích bằng pháo binh. Chúng ta đã có kế hoạch chuẩn bị từ trươc. Nhưng cho tới nay, pháo ta sau nhiều lần phát hỏa vẫn chưa gây cho địch những tổn thất đáng kể. Anh em báo cáo là chiến thuyền địch cơ động nên khó bắn trúng mục tiêu. Cũng có lí do là pháo của ta chắp vá, không đảm bảo kĩ thuật. Tại Bình Ca, khẩu pháo vừa bắn được một phát thì đổ gục, bánh pháo do ta chế không chịu nổi sức giật nên bị gãy. Có khẩu pháo được ghép tự những bộ phận ta thu được ở sáu tỉnh, được đặt tên là “Khẩu đội lục tỉnh”. Có khẩu riêng nòng pháo đã phải ghép nối từ hai chiếc nòng khác nhau, anh em thường gọi là pháo nối nòng.

        Đồng chí cán bộ tác chiến báo cáo, trưa nay pháo binh ta đã bắn chìm hai tàu chiến địch tại Đoan Hùng và bắn trọng thương hai chiếc khác.

        - Nhắc lại! - Tôi nói.

        Đồng chí cán bộ tác chiến nói rành rọt:

        - 12 giờ trưa nay, một đoàn tàu địch 5 chiếc từ Tuyên Quang xuống lọt vào trận địa phục kích của trung đội Xuân Canh (tức trung đoàn trước ở pháo đài Xuân Canh ngoại thành Hà Nội) và trung đội Lục tỉnh, anh em đã bắn chìm tại chỗ 2 chiếc, toàn bộ quân địch chết đuối, bắn hỏng nặng 2 chiếc khác, chỉ có một chiếc quay đầu chạy rất chậm trở lại Tuyên Quang. Theo báo cáo địch chết hàng trăm tên.

        - Đánh bằng cách nào? Sao những lần trước bắn ít trúng, mà trúng cũng không chìm?

        - Báo cáo anh, những lần trước, anh em sợ địch lao lên bờ cướp mắt pháo nên đặt pháo ở xa bắn cầu vồng, đạn chỉ rơi gần mục tiêu. Trận này, anh em đặt pháo ngay sát bờ, có bộ binh bảo vệ, ngắm bắn tàu địch trực tiếp qua nòng pháo nên bắn trúng.

        Sau trận này, tuyến đường thủy sông Lô của địch bị cắt mười ngày. Địch phải thả dù tiếp tế cho Tuyên Quang và Chiêm Hóa. Báo chí và đài phát thanh của Pháp gọi đây là “thảm họa Đoan Hùng”.

        Tin chiến thắng Đoan Hùng như một luống gió mát thổi lan khắp Việt Bắc trong những ngày nóng bỏng nhất của chiến tranh. Bộ Tổng chỉ huy lập tức gửi điện cho Khu 10 biểu dương chiến công của pháo binh trên mặt trận Sông Lô và nhắc cố gắng tiếp tục sáng tạo những cách đánh mới, tiêu diệt  nhiều tàu chiến và tàu vận tải của địch trên sông Lô, sông Gâm, góp phần vào việc bẻ gãy gọng kìm phía tây. Chiến thắng Đoan Hùng mở đầu cho những chiến thắng oanh liệt của bộ đội chủ lực ta trong chiến dịch Việt Bắc.

        Buổi tối ngày 25, chúng tôi tới cơ quan tỉnh Lạng Sơn ở Bình Gia. Đồng chí Hoàng Văn Kiều, bí thư tỉnh ủy, đồng chí Trần Minh Tước, chủ tịch tỉnh đã tổ chức ngay một buổi làm việc, các đồng chí chỉ huy trung đoàn 11 cũng có mặt.

        Đoạn đường số 4 từ Lạng Sơn tới Cao Bằng nằm giữa rừng núi cao hiểm trở, rất thuận lợi cho những trận phục kích. Lực lượng ta trên quãng đường này có trung đoàn 74 của Cao Bằng và trung đoàn 11 của Lạng Sơn. Theo phân công, trung đoàn 11 đánh địch từ Đồng Mỏ qua Lạng Sơn tới Đông Khê; từ Đông Khê lên Cao Bằng thuộc trách nhiệm của trung đoàn 74. Bộ đã điện lệnh cho hai trung đoàn sớm tổ chức những trận đánh địch vận chuyển trên đường số 4. Cách đây ít ngày, tôi đã cử anh Đào Văn Trường, trưởng phòng tác chiến của Bộ lên đây để nắm tình hình và đôn đốc việc đánh địch.

        Thực hiện Huấn lệnh 101, cả hai trung đoàn Lạng Sơn, Cao Bằng đều đã phân tán thành những tiểu đoàn tác chiến trên từng khu vực và đưa một số đại đội độc lập về các địa phương trọng yếu để phát động chiến tranh du kích. Lạng Sơn và Cao Bằng đều là những vùng căn cứ địa lâu ngày của cách mạng, nhân dân giác ngộ sớm, phong trào chiến tranh du kích phát triển khá tốt. Vừa tới Lạng Sơn, đã được tin ở Cao Bằng, công nhân quân giới xưởng Lê Tổ và dân quân xã Hào Lịch, Hưng Đạo, Hùng Việt đánh lui một cuộc tiến công của Pháp, diệt gần 100 địch. Tuy nhiên, bộ đội chủ lực còn chưa đánh được trận phục kích nào đáng kể.

        Các đồng chí ở trung đoàn 11 báo cáo quân địch đề phòng rất cẩn mật trên đường vận chuyển, các đoàn xe luôn luôn có xe thiết giáp hộ tống, đơn vị đang tích cực đi tìm địa điểm phục kích.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Tám, 2016, 07:40:44 am

        Tôi nhấn mạnh, với việc đánh chiếm thị xã Cao Bằng và Bắc Kạn, đường số 4 trở thành con đường huyết mạch của dịch. Chúng ta phải biến đường số 4 thành con đường chết đối với kẻ thù, không phải chỉ trong thời gian trước mắt, mà lâu dài trong suốt quá trình địch còn chiếm đóng vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Địa hình đường số 4 từ Thất Khê lên Cao Bằng hoàn toàn phù hợp với những trận phục kích ở quy mô tiểu đoàn, ta có thể gây những thiệt hại lớn cho quân địch, chủ động khi đánh cũng như khi rút, bảo tồn được lực lượng và tăng cường thêm trang bị với những vũ khí cướp được. Điều quan trọng hiện nay là cần nắm vững quy luật những cuộc hành quân vận chuyển và tiến hành một số trận đánh để rút kinh nghiệm.

        Tôi ở lại Bình Gia trong một bản người Nùng. Nhà sàn ở đây khá rộng rãi, mái lợp ngói, sạch sẽ. Chủ nhà tiếp đón rất ân cần. Người Nùng và người Tày cùng nói chung một thứ tiếng, nhưng trang phục, tập quán có khác nhau. Người Tày nhuộm răng đen, phụ nữ mặc áo dài. Người Nùng, cả nam lẫn nữ đều mặc áo ngắn, đẻ răng trắng. Trước kia, giữa người Nùng và người Tày có sự chia rẽ, trai gái Nùng, Tày thường ít khi lấy nhau. Từ ngày có cách mạng, tình hình đã khác hẳn, người Nùng và người Tày như anh em một nhà.

        Ngày 27 tháng Mười, tôi gửi điện cho cả ba mặt trận:

        - Mặt trận Đường số 4: Kiên quyết tổ chức một số trận phục kích đánh tiêu diệt địch.

        - Mặt trận Đường số 3: Bao vây, cắt tiếp tế, bức địch rút khỏi khu vực Chợ Đồn, Chợ Rã.

        - Mặt trận sông Lô: Đưa pháo lên đánh địch trên sông Gâm, bức địch rút khỏi Chiêm Hóa, Đầm Hồng.

        Bốn ngày sau, sáng 31 tháng 10, tôi vừa thức dậy, thì có điện thoại từ đường số 4 báo tin chiến thắng lớn ở Bông Lau. Người báo cáo là đồng chí Thế Hùng, chính trị viên trung đoàn 11, được phân công đi sát chỉ đạo một tiểu đoàn chiến đấu trên đường Đông Khê - Thất Khê. Mười bảy giờ chiều hôm trước, tiểu đoàn 374 đã phục kích một tiểu đoàn ba chục chiếc xe địch trên đèo Bông Lau, phá hủy 27 xe, diệt 104 địch, bắt 101 tên, thu toàn bộ vũ khí, 60 chiếc dù và nhiều quân trang, quân dụng.

        Đây là tin vui lớn thứ hai trong vòng một tuần lễ. Nó đã khẳng định chủ trương mở ba mặt trận nhắm vào những tuyến vận chuyển thiết yếu của địch là chính xác. Trong chiến tranh, không ít khi xảy ra trường hợp chủ trương đúng đắn của người chỉ huy không trở thành hiện thực. Vì chiến thắng chỉ có được với những hành động mưu trí, dũng cảm của những người trực tiếp chiến đấu trên chiến trường. Những triển vọng tươi sáng đã mở ra cho bộ đội chủ lực ta trong chiến dịch này qua hai chiến thắng Sông Lô và Bông Lau.

        Tiểu đoàn 374 gồm những đơn vị trước đây phân tán làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở những bản làng trong tỉnh Lạng Sơn mới tập trung lại, với toàn bộ chiến sĩ là người dân tộc Tày, Nùng. Vũ khí, trang bị của tiểu đoàn không có gì đặc biệt. Tiểu đoàn chưa hề có kinh nghiệm đánh tập trung. Tôi cử ngay đồng chí phái viên Đặng Văn Việt xuống tiểu đoàn đem theo thư khen của Tổng chỉ huy, và nghiên cứu kĩ những kinh nghiệm, nguyên nhân thành công của trận đánh.

        Trận phục kích đã được bố trí rất khéo. Các chiến sĩ là người địa phương nên rất thông thuộc địa hình, thời tiết và quy luật vận chuyển của những đoàn xe địch. Trận đánh nổ ra vào 5 giờ chiều, là lúc ở vùng cao về mùa đông trời đã gần tối. Đoàn xe ba chục chiếc từ Đông Khê xuống, sau khi qua đỉnh đèo Bông Lau hiểm trở, yên trí đổ dốc về phía Thất Khê, nơi binh lính sẽ được nghỉ ngơi. Giữa lúc đó, một trái bom 25 kilôgam bất thần nổ ở lưng chừng đèo, lật nhào chiếc sê thứ hai. Chiếc đi đầu chạy thoát. Chiếc xe thứ ba bị trúng đạn badôca bốc cháy. Đoàn xe bị đánh bất ngờ, ùn tắc lại. Tiểu đội công binh tiếp tục giật địa lôi. Xe địch chiếc lao xuống vực, chiếc quay ngang đâm vào vách núi. Đại liên, trung liên, badôca của ta trút đạn vào đoàn xe. Sau mười phút nổ súng, ba đại đội xung kích của ta từ ven rừng Khau Phia đồng loạt xung phong. Quân địch già nửa là Âu Phi chống cự yết ớt. Binh lính ngụy bỏ chạy vào rừng sâu. Cả đoàn xe, có xe bọc thép hộ vệ, với khoảng hai trăm rưởi binh lính đi trên xe đều bị diệt hoặc bị bắt làm tù binh. Bộ đội thu chiến lợi phẩm rồi đốt cháy các xe. Bên ta chỉ có một chiến sĩ hi sinh và năm người khác bị thương. Số vũ khí, đạn dược thu được trong trận đánh khá lớn.

        Xalăng sau này viết trong hồi kí: “Họ còn đánh những trận phục kích lớn hàng mấy trăm người, bằng những quả mìn điều khiển từ xa kết hợp với súng máy trên những đoạn đường dài khiến cho quân Pháp bị tổn thất nặng nề”.

        Sau sông Lô đến lượt đường số 4 bị cắt đứt nhiều ngày. Địch phải dùng máy bay thả dù tiếp tế cho Bắc Kạn, Cao Bằng, đóng thêm một số đồn bốt nhỏ dọc đường và huy động 7 đại đội càn sâu vào phía tây nam Đông Khê, Thất Khê 11 - 12 kilômét. Tiểu đoàn 374 vừa lập công ở Bông Lau, lại có dịp cùng một đại đội độc lập và dân quân du kích chặn đánh địch ở Áng Mò, Văn Minh diệt gần tám chục quân địch, đánh lui một cuộc càn quét.

        Kinh nghiệm trận đánh Bông Lau được phổ biến nhanh chóng đi các nơi. Đây là một trận đánh tiêu diệt gòn giã, diệt gọn cả một đơn vị phần lớn là lê dương mà ta chỉ thương vong rất ít. Thắng lợi Bông Lau mở đầu cho hàng loạt trận phục kích lớn sau này. Bộ Tổng chỉ huy quyết định tặng danh hiệu “Tiểu đoàn Bông Lau” cho tiểu đoàn 374. Bài hát Bông Lau, “Bông Lau, Bông Lau, rừng sâu pha máu”, ra đời.

        Từ đó, đường số 4 đã trở thành con đường máu của quân địch.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Tám, 2016, 08:15:34 am
       
6

        Sau trận Bông Lau, từ Bình Gia, tôi và cơ quan chỉ huy trở lại Tràng Xá. Đồng chí Đào Văn Trường ở lại mặt trận Đường số 4 làm phái viên đốc chiến. Tôi đánh điện cho anh Thái trao lại quyền chỉ huy mặt trận Đường số 3 cho trung đoàn Bắc Kạn và trở về cơ quan.

        Những xáo trộn do bị bất ngờ ngày đầu chiến dịch đã được khắc phục. Binh lực ta đã bố trí xong và các mặt trận đang đánh địch một cách chủ động. Đã tới lúc Bộ Tổng chỉ huy một mặt phải tiếp tục chỉ đạo đánh bại cuộc tiến công chiến lược của địch ở Việt Bắc, một mặt phải giải quyết nhiệm vụ của toàn quân trên cả nước, trước mắt và lâu dài.

        Tin chiến thắng từ câc mặt trận vẫn tiếp tục bay về. Ngày 10 tháng 11, pháo binh Khu 10 lại chiến thắng lớn trên sông Gâm, đánh đắm 4 trong số 5 tàu địch trên đường từ Chiêm Hóa về Tuyên Quang, diệt hơn 200 quân địch. Trận đánh này là một biểu hiện trưởng thành về cách đánh, có kế hoạch, biết nghi binh, phối hợp với bộ binh, dân quân vừa diệt được tàu địch, vừa thu được chiến lợi phẩm. Trong trận đánh này, lầu đầu ta thu được của địch 2 khẩu lựu pháo 105 li.

        Ngày 19, công an và tự vệ thị xã Tuyên Quang đánh địa lôi diệt gần một trăm tên địch ở kilômét số 6 đường Hà Tuyên.

        Do những trận đánh liên tiếp của ta trên sông Gâm và đường số 2, các cơ quan thông tấn địch đã gọi “Tuyên Quang là một nghĩa địa khổng lồ”. Báo cáo của quan tư Lơgiốt (Lejosne) ngày 13 tháng 11 năm 1947 viết: “Vì trận đại bại của thủy binh, nên binh lính rất chán nản. Sĩ quan ra sức giữ vững tinh thần, nhưng không nên đưa họ ra trận nữa vì tinh thần sẽ suy sụp mau… Những hạ sĩ quan và đội trưởng tốt nhất đều bị thương”.

        Từ đầu tháng 11, quân Pháp buộc phải đóng thêm nhiều đồn bốt nhỏ bảo vệ các tuyến đường tiếp tế số 4 và số 3. Trước khi có một đoàn xe qua, địch phải tung quân lùng sục hai bên đường, vẫn không tránh khỏi những trận phục kích bất ngờ diễn ra chỗ này hay chỗ khác.

        Ngày 23 tháng 10, cánh quân Bôphrê đến Đài Thị. Ngày 26, quân của Commuynan tới Đài Thị thì Bôphrê đã lui quân trở lại Chợ Đồn. Cuôc gặp gỡ của hai cánh quân ở hợp điểm Đài Thị đã không diễn ra. Từ cuối tháng 10, cả hai gọng kìm đều bắt đầu co lại. Phía tây, Commuynan rút khỏi Đầm Hồng, Chiêm Hóa. Phía đông, Bôphrê rút khỏi Bản Thi, Chợ Đồn, Chợ Rã.

        Nhiều chiến trường trên cả nước đã có những hoạt động chiến đấu phối hợp với với quân và dân Việt Bắc.

        Khu 14, bộ đội Tây tiến giải phóng Chiềng Sai. Công tác vận động quần chúng ở Sơn La đạt nhiều kết quả. Nhiều lính Thái đào ngũ.

        Ở Hà Nội, biệt động hoạt động mạnh tại nội thành, diệt trừ Trương Đình Tri, thủ hiến Bắc phần Việt Nam. Du kích quấy rối Chèm, Cầu Giấy, Văn Điển, Vĩnh Tuy. Đại đội độc lập phối hợp với du kích tập kích địch ở Đan Phượng, Hoài Đức, Cần Kiệm. Cuộc tổng phá tề ở ngoại thành Hà Nội đã bắt giữ gần 300 tên tề gian ác. Ở Nam phần Bắc Ninh, toàn bộ tề bị phá. Quần chúng nổi dậy như hồi Tổng khởi nghĩa.

        Khu 5 và Khu 6 đánh địch khá mạnh. Những trận tập kích ở Ninh Hòa, Trại Dầu, Cam Ranh gây cho địch nhiều thiệt hại. Trên đường lộ 19, chiến sĩ Ngô Mây dùng bom diệt gọn một trung đội địch, anh dũng hi sinh.

        Nam Bộ phối hợp với Việt Bắc tốt hơn cả. Bộ đội Gia Định phục kích ở Gò Nổi. Nửa đêm 14 tháng 11 năm 1947, tất cả các vị trí ven Sài Gòn đều bị tập kích: Thị Nghè, Gai Định, Gò Vấp, Bến Cát, Bà Quẹo, Bà Điểm, Phú Lộc, Phú Thọ, Ngã Năm… Các ban công tác thành ném lựu đạn vào trại lính, vào những nơi ăn chơi riêng cho binh lính. Bộ đội Thủ Dầu Một phục kích ở Phú Văn Hưng. Trận phục kích trên đường Thủ Dầu Một - Phú Riềng phá 10 xe, diệt 60 địch, bắt một số.

        Ở Biên Hòa, Lộc Ninh, Tây Ninh, Tân An, Mĩ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, nhiều vị trí quân địch bị tập kích, nhiều toán quân đi lẻ bị đánh. Hàng trăm binh sĩ ngụy mang súng trở về với kháng chiến.

        Qua một tháng đối phó với cuộc tiến công chiến lược của địch, cùng với những thắng lợi đã nổi lên một số nhược điểm:

        Quân đội ta phát triển nhanh về số lượng, có tinh thần chiến đấu cao, nhưng phần lớn chưa qua huấn luyện cơ bản, trình độ chiến thuật, kĩ thuật thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

        Kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân, lấy chiến tranh du kích làm chính, nhưng trong thực tế đến nay chiến tranh du kích của ta chưa phát triển rộng khắp, hiệu quả còn hạn chế.

        Ngày 10 tháng 11, Bộ Tổng chỉ huy ra huấn lệnh “Luyện công lập công” nhằm rèn luyện, nâng cao trình độ kĩ thuật, chiến thuật cho bộ đội.

        Ngày 14 tháng 11, Bộ Tổng chỉ huy ra tiếp Huấn lệnh “Phát động chiến tranh du kích, nhiệm vụ quân sự cơ bản trong giai đoạn này” nhằm khẳng định lại vị trí của chiến tranh du kích trong cuộc kháng chiến.

        Kế hoạch Clôclo đã không diễn ra như địch dự kiến.

        Ngày 17 tháng 11, tôi trở về Lục Giã.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Tám, 2016, 08:22:36 am
       
7

        Binh đoàn Commuynan đã tập trung lại ở thị xã Tuyên Quang. Phần lớn binh đoàn Bôphrê cũng dồn về thị xã Bắc Kạn. Hai đạo quân lớn vẫn nằm ở hai sườn căn cứ địa. Có cơ sở để phán đoán địch sẽ phải rút. Những tuyến tiếp tế cho hai đạo quân, đường bộ cũng như đường sông, đều bị uy hiếp nặng. Không quân Pháp không đủ khả năng bảo đảm việc tiếp tế. Nhưng bao giờ quân Pháp sẽ rút? Rút theo đường nào? Và cũng không thể không tính đến một âm mưu của địch nhằm vào khu căn cứ! Đây chính là một mục tiêu quan trọng của cuộc tiến công mà quân Pháp chưa đạt được.

        Ngày 18 tháng 11, Bộ Tổng chỉ huy nhận được điện của Khu 10: “Địch rất hoang mang rệu rã. Đề nghị cho tập trung bộ binh và pháo binh tiến công tiêu diệt địch ở Tuyên Quang”.

        Tôi thấy tinh thần địch tuy kém sút sau những thất bại liên tiếp, nhưng quân địch còn rất đông, vũ khí còn mạnh, bộ đôi ta với trình độ trang bị, kĩ thuật như hiện nay không có khả năng mở một trận đánh lớn vào thị xã Tuyên Quang. Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh cho Khu 10: Theo dõi thật sát mọi hoạt động của địch, sẵn sàng đánh địch khi chúng rút lui.

        Sáng 21, Bộ Tổng chỉ huy được báo cáo lúc 2 giờ sáng, quân Pháp đã bí mật rời thị xã Tuyên Quang. Địch chia làm hai bộ phận: một bộ phận nhỏ đi tàu xuôi dòng sông Lô, còn đại bộ phận tiến sang Bình Ca đi về phía đông. Địch bỏ lại toàn bộ quân trang quân dụng vì không dám đốt phá. Ta bỏ lỡ cơ hội đánh địch khi chúng rời thị xã. Bộ đội đã tiến vào thị xã.

        Chúng tôi phán đoán cuộc rút lui của địch đã bắt đầu, trong khi rút có thể quân Pháp sẽ kết hợp lùng sục đánh phá những cơ quan đầu não của ta.

        Tôi chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu viết điện, lệnh cụ thể cho các đơn vị chuẩn bị đánh địch trên đường rút lui và bố trí bảo vệ các cơ quan.

        Ngày 22, đại bộ phận binh đoàn Bôphrê từ Bắc Kạn chuyển về Chợ Mới; sau đó, vì đường sá đã bị phá hoại, phải bỏ xe đi bộ về Thái Nguyên, cùng lúc, một tiểu đoàn luồn rừng qua Quán Vuông tiến về hướng Chợ Chu.

        Binh đoàn Commuynan rút về Sơn Dương rồi chia làm hai bộ phận: một bộ phận theo đường đèo Kháng Nhật đi về Vĩnh Yên, một bộ phận vượt Đèo Khế tiến sang Phú Minh.

        Như vậy, ngày 25 hai bộ phận, quân của Bôphrê ở Chợ Chu và quân của Commuynan ở Phú Minh từ hai phía đang tới gần khu vực ngoại vi ATK của ta. Ở đây, ta đã bố trí các đơn vị chủ lực mạnh do đồng chí Phạm Ngọc Mậu, đồng chí Thái Dũng, đồng chí Vũ Lăng… chỉ huy để tiêu diệt các cánh quân tiến sâu của địch.

        Tất cả các đơn vị bộ đội, cán bộ, nhân viên cơ quan, dân quân đều sẵn sàng chiến đấu.

        Anh Trường Chinh gọi điện cho Bộ Tổng Tham mưu hỏi tình hình:

        - Liệu địch có thể vào ATK không?

        Anh Hoàng Văn Thái báo cáo:

        - Dọc đường hành quân cho tới nay, địch không lùng sục quá sâu vào hai bên đường. Bộ đội nhất định không để quân địch lọt vào ATK của Trung ương.

        Ngày 26, một tiểu đoàn quân dù Pháp nhảy xuống La Hiên và Tràng Xá, thuộc huyện Võ Nhai, nơi bộ phận cuối cùng của cơ quan ta vừa rút đi. Quân Pháp lùng sục vùng chung quanh chỉ thấy bản làng vắng lặng.

        Chúng tôi được tin thêm, ngoài cánh quân từ Phả Lại tiến lên Phủ Lạng Thương, Nhã Nam, còn một cánh quân từ Hà Nội tiến lên Vĩnh Yên. Rõ ràng là những cánh quân này có nhiệm vụ đón và yểm trợ cho những binh đoàn rút lui từ Việt Bắc

        Dọc đường số 3, đường số 13, đường Phú Minh - Chợ Chu, quan của Bôphrê cùng quân dù chỉ sục sạo hai bên đường, không dám tiến sâu. Nhiều cơ quan của ta chỉ cách địch một, hai kilômét. Có lúc tôi đang làm việc ở Lục Giã thì có tin quân địch đã tới gần. Tất cả cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan đều cầm vũ khí ra sát rìa rừng cùng với bộ đội chủ lực bố trí ở những nơi địch có thể đột nhập, nhưng đã không phải nổ súng.

        Quân Pháp chỉ lướt qua những nơi này một cách chiếu lệ. Trời sắp tối là họ vội dừng chân, tổ chức canh phòng cẩn mật. Ban đêm, họ đốt đèn, lửa một nơi, giấu quân một nơi. Nhiều lúc binh lính Pháp đội nón, mặc quần áo giả làm dân địa phương.

        Mặc dù tinh thần địch sút kém, nhưng chúng có trang bị mạnh, lại tổ chức hành quân thận trọng và chặt chẽ, còn quân ta trang bị kém, thiếu phương tiện thông tin cho nên không có điều kiện đánh tiêu diệt lớn mà chỉ có thể bám địch tiêu diệt từng bộ phận nhỏ.

        Những tiểu đoàn chủ lực của ta bám sát hai binh đoàn rút lui và quan dù tăng viện, đánh địch ở quán Ông Già, Mỹ Trạng, cầu Huy Ngạc, Phú Ninh, Quảng Nạp, Lục Giã, La Hiên, Quân Quang, Trại Cà, La Khê, Dào Vuông, Nà Nội… Một bộ phận của trung đoàn 174 phục kích ở Đèo Khế đã làm cho quân của Commuynan và Bôphrê không liên lạc được với nhau.

        Ở mặt trận Sông Lô lại diễn ra một số trận phục kích trên bộ, trên sông ở Bình Ca, kilômét số 5, Lã Hoàng, đánh đắm một số tàu, diệt một bộ phận quân địch rút lui.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Tám, 2016, 08:23:02 am

        Trên đường số 3, đường số 4 đã có những hoạt động tác chiến phối hợp. Bộ đội ta diệt một trung đội địch ở Phủ Thông, phục kích ở Đèo Giàng, phá hủy 17 xe, diệt hai trung đội địch. Một tiểu đoàn của trung đoàn Cao Bằng phục kích trên đường Đông Khê -  Cao Bằng làm thiệt hại nặng một đại đội Âu Phi.

        Những đại đội độc lập phối hợp với dân quân du kích đánh địch khắp nơi. Tự vệ thị xã Thái Nguyên đánh du kích diệt hàng trăm địch. Du kích Phú Xuân đánh 20 trận nhỏ làm cho quân địch không dám sục vào làng, được tặng thưởng huân chương. Du kích Đại Từ phục kích ở Khương Linh, Cù Vân, Đình Đôi, Cầu Giốc.

        Trên chiến trường trung du, dân quân du kích và đại đội độc lập đánh địch ở Đông Anh, Thiện Kế, Phù Lỗ, An Đạo, Chợ Vàng, Yên Thế. Tiểu đoàn tập trung Việt Yên phục kích ở Tam Lộng diệt hai trung đội địch. Đại đội bộ đội địa phương Đáp Cầu diệt 30 quân địch trên đường đi Bắc Giang. Một lão dân quân ở Nhã Nam dùng nỏ bắn gục 6 tên địch trong một trận đánh.

        Các thị xã, thị trấn Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đáp Cầu, Việt Trì, Vĩnh Yên, Phúc Yên… lần lượt trở về tay ta.

        Ngày 19 tháng 12, đúng một năm sau ngày toàn quốc kháng chiến, cuộc tiến công chiến lược của Pháp nhằm vào căn cứ địa Việt Bắc kết thúc. Chỉ còn một lực lượng địch ở thị xã Bắc Kạn, thị xã Cao Bằng và những vị trí nhằm bảo vệ giao thông trên đường số 4 từ Lạng Sơn tới Cao Bằng và đường số 3 từ Cao Bằng xuống Bắc Kạn.

        Hàng nghìn binh lính địch đã chết và bị thương trên các nẻo đường Việt Bắc. 270 lính ngụy rời bỏ hàng ngũ địch trở về với nhân dân. 18 máy bay bị bắn hạ. 16 tàu chiến và 38 ca nô bị đánh chìm. 255 xe các loại bị phá hủy.

        Phía ta, 260 chiến sĩ hi sinh. 168 người bị thương. Ta phải phá hủy 1 khẩu pháo 75 li, mất 4 trung liên, 40 súng trường. Ta thu được 2 lựu pháp 105 li, 3 sơn pháo 75 li, 16 pháo 20 li, 42 súng cối, 377 súng liên thanh các cỡ, 45 badôca, 1.660 súng trường và hàng chục tấn quân trang quân dụng.

        Hai mươi ba năm sau, năm 1971, trong tập hồi kí của mình, tướng Xalăng đã dành một đoạn dài viết về cuộc tiến công Việt Bắc. Xalăng cũng nhận thấy đây là một chủ trương mạo hiểm. Nhưng với tin tức tình báo thu lượm được và hai binh đoàn quân viễn chinh gồm những đơn vị thiện chiến trong tay, ông ta tin tưởng có thể nắm chắc phần thắng lợi.

        Xalăng coi cuộc hành binh Lêa, ngày 7 tháng 10 năm 1947 là một đòn quyết định “đánh thẳng vào tim kẻ thù”. Ông ta đã ngồi trên máy bay trực tiếp thị sát cuộc nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn. Lúc 11 giờ 35 phút, Xôvanhắc (Sovagnac) từ mặt đất báo cáo qua vô tuyến điện: “Ông Hồ Chí Minh bị bắt đã yêu cầu chấm dứt chiến tranh”. Xalăng vội vã bay về Hà Nội báo tin mừng với Sài Gòn. Cao ủy Bôlae và quyền Tổng chỉ huy Bátte (Battet) hấp tấp bay ra Hà Nội. Xalăng lúc đó đã biết mình lầm, đánh phải thú nhận: “Tôi - chúng ta đã bị đánh lừa”. Cũng theo lời Xalăng, hai vị cấp trên đã bỏ bữa cớm chiều, quay trở về ngay Sài Gòn sau khi đã đã tặng cho ông ta những lời: “Không phải là … biểu dương!”.

        Phía Pháp đã cho điều tra tin trên mà cho đến nay vẫn chưa có kết luận. Ta biết rõ hôm ấy, bọn lính dù đã bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín. Cụ Tố hi sinh là một tổn thất lớn cho ta.

        Những ngày cuối tháng 10, Xalăng cùng với Bôlae nhiều lần bay thị sát chiến trường, đã rút ra kết luận:

        1. Quân Pháp chiếm được một số thị trấn, thị xã, nhưng lực lượng đã bị dàn mỏng trên những vị trí cô lập quá xa nhau, thường xuyên bị đối phương bao vây, quấy rối, tiến công.

        2. Tuy quân Pháp lùng sục vào một vài kho tàng ở Bắc Kạn, Chợ Đồn, nhưng mục tiêu chủ yếu của chiến dịch còn quá xa vời.

        3. Quan Pháp thiệt hại quá nhiều về người và phương tiện, nhất là trên các trục đường giao thông trên bộ và trên sông, đến nỗi việc tăng viện và tiếp tế chỉ còn dựa vào đường không là chính, vừa rất tốn kém vừa rất khó khăn, vì không đủ máy bay.

        Xalăng không đề cập tới kế hoạch Clôclo mà chúng ta đã có trong tay, nhưng lại nói tới một kế hoạch mới có tên gọi là Xanhtuya (Ceinture), có nghĩa là “Siết vành đai”, bắt đầu từ ngày 19 tháng 11 đến 30 tháng 1 năm 1948, nhằm dồn sức và khu tứ giác Tuyên Quang - Thái Nguyên - Phủ Lạng Thương - Việt Trì để tiêu diệt lực lượng ta, nhưng đã không đat được mục tiêu. Như chúng ta đã thấy, những cuộc hành quân “đèn cù” hạ tuần tháng 11 của quân Pháp chỉ nhằm nghi binh, hạn chế mức thiệt hại của hai binh đoàn Bôphrê, Commuynan trên đường rút lui.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Tám, 2016, 08:26:19 am
       
8

        Sau khi địch rút khỏi Việt Bắc, tôi đi gặp Bác và anh Trường Chinh để báo cáo.

        Bác đã từ Bản Cóc trở về Khuổi Tát. Người đã qua cơn yếu mệt, nhưng còn gầy và xanh. Ánh lửa lại reo vui trong nhà sàn giữa rừng sâu. Đôi mắt Người lấp lánh. Người đưa tôi xem bài viết tổng kết một năm kháng chiến vừa thảo xong.

        “Từ ngày đầu, bọn quân phiệt thực dân khoe miệng rằng: chóng thì dăm tuần, chậm thì ba tháng chúng sẽ chinh phục ta, nhưng này đã trải qua mấy lần dăm tuần, mấy lần ba tháng, chúng đã được kết quả gì? Chúng mất hơn 3 vạn lính Pháp chết và 3 vạn bị thương. Chúng tốn hơn 3.000 triệu bạc, chúng chiếm mấy thành phố đã hóa ra đống tro tàn… Mặc dầu gian nan cực khổ, nhân dân ta ngày càng đoàn kết, càng kiên quyết kháng chiến cho đến thắng lợi cuối cùng. Chiến sĩ ta ngày càng nhiều kinh nghiệm, càng thêm rèn luyện, càng thêm dũng cảm… Lực lượng của chúng cũng như mặt trời vào lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ… Lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh, như suối mới chảy, như lửa mới nhen, chỉ có tiến, không có thoái…”.

        Sáng hôm sau, tôi chào Bác lên đường sang Tuyên Quang dự lễ mừng chiến thắng.

        Hơn hai tháng qua là những ngày cực kì căng thẳng và bận rộn. Lo bảo vệ an toàn cho cơ quan Trung ương, lo đánh giặc, lo di chuyển cơ quan, nhà máy, kho tàng, lo bảo vệ sinh mệnh và đời sống cho đồng bào. Người nào cũng gầy đi vì thiếu ăn, mất ngủ và luôn luôn hành quân di chuyển. Nhiều ngày khổ sở vì bệnh nấm phát triển do mùa mưa, quần áo giặt không kịp khô, đôi chân lở loét vì lội suối nhiều.

        Ngồi trên mình ngựa lững thững ra khỏi rừng, thấy đất trời như vừa qua một cơn bão. Những ngôi nhà đổ rụi, những đống tro tàn, những ngôi mộ mới. Nhưng không gian yên tĩnh lạ lùng. Không còn tiếng máy bay, tiếng pháo, tiếng bom. Rừng cây xanh hơn. Những dải sương trắng trên sườn núi càng mượt mà hơn.

        Đồng bào sơ tán lục tục quay về làng, bản, mang theo những vác tre, nứa, chuẩn bị dựng lại nhà mới. Nét mặt ai nấy đều tươi tỉnh.

        Dòng sông Lô sau những ngày gầm thét, chan hòa máu giặc, đã trở lại màu xanh bất tận, êm đềm chảy giữa núi rừng Việt Bắc.

                                                      Sông Lô đang trôi mau
                                                      Tin mừng về với bao người
                                                      Sông trôi quanh co về
                                                      Mừng một mùa chiến công…


        Bản Trường ca sông Lô của nhạc sĩ Văn Cao đã ra đời trong dịp này cùng với những bài hát khác ca ngợi những dòng sông Lô, sông Gâm đầy chiến công của các anh Nguyễn Đình Phúc, Lương Ngọc Trác.

        Thị xã Tuyên Quang đổ nát, sực mùi tanh tưởi của những thứ giặc Pháp còn để lại.

        Đồng bào lũ lượt từ khắp nơi kéo về dự lễ mừng chiến thắng.

        Một kì đài lớn, khẩu hiệu, cờ xí rực rỡ đã được dựng trên sân vận động. Vũ khí thu được của địch xếp từng đống trong các gian phòng triển lãm.

        Các anh trong Khu ủy và Bộ tư lệnh Khu 10, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban chỉ huy quân sự tỉnh Tuyên Quang… cùng các chiến sĩ bộ binh, pháo binh, dân quân tự vệ đã chiến thắng quân địch trên sông Lô, sông Gâm, đường Hà Tuyên, kilômét số 7 đều có mặt.

        Hàng nghìn bó đuốc sáng rực xua tan sương giá và gió lạnh mùa đông, làm rạng rỡ khuôn mặt những chiến sĩ mang vũ khí tự động mới thu được của địch, nước thép xanh bóng rầm rập diễu qua lễ đài.

        Tôi đọc bản Nhật lệnh của Bộ Tổng chỉ huy nhân kỉ niệm một năm, toàn quốc kháng chiến, ba năm, ngày thành lập Giải phóng quân, và lễ mừng chiến thắng quân giặc trong cuộc tiến công Thu Đông đầu tiên vào Việt Bắc, chuyển lời khen ngợi của Hồ Chủ tịch và Chính phủ.

        Sau đó, tôi thay mặt Bộ Tổng chỉ huy gắn huân chương lên quân kì những đơn vị đã lập chiến công.

        Trong vinh quang của chiến thắng Việt Bắc lại nổi lên những cái tên mới: trung đoàn sông Lô, tiểu đoàn Bông Lau, tiểu đoàn Bình Ca, tiểu đoàn pháo binh 410.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Tám, 2016, 08:32:26 am
       
9

        Cuộc tiến công chiến lược vào Việt Bắc, ngày nay nhìn lại, là cuộc tiến công mang nhiều tham vọng nhất của Pháp trong suốt quá trình chiến tranh xâm lược Đông Dương. Nó diễn ra trong thời kì lực lượng vũ trang ta còn ở độ tuổi ấu thơ.

        Tác giả của nó là Vanluy, tham mưu mưu trưởng quân đoàn 1 của Đờ Lát trong thế chiến thứ hai, và là người được Lơcléc chọn để kế nhiệm ở Đông Dương. Tôi đã gặp Vanluy nhiều lần ở Hà Nội. Cả Lơcléc và Vanluy đều có phong cách nhà binh Pháp. Nhưng tính cách cũng như hình dáng hai người rất khác nhau. Lơcléc cao gầy, có cặp mắt thông minh, tươi cười, nói năng thẳng thắn. Vanluy dáng người vững chãi, lịch thiệp nhưng thâm trầm.

        Vanluy nhận xét Việt Nam không còn là những cộng đồng riêng rẽ như trong quá khứ, cho phép đánh chiếm bằng chiến lược bình định cổ truyền, chiếm tuần tự từng vùng đất đai. Xã hội Việt Nam ngày nay là một cấu trúc hình tháp (pyramide) cố kết bằng một ý thức hệ, được lãnh đạo chặt chẽ từ trên. Muốn tái chiếm Việt Nam trước hết phải “đập nát cái đầu” (écraser la tête) là Việt Minh, tức là tách cái đỉnh khỏi đáy tháp. Để làm việc này, cần tiêu diệt “khu cố thủ Việt Minh” (réduit Viet-minh) nằm ở thượng du Bắc Bộ, bao gồm: chụp bắt cơ quan đầu não, loại từ quân đội thường trực và phá hủy mọi tiềm năng chiến tranh. Xalăng, người đã chứng tỏ tài năng khi còn là chỉ huy sư đoàn thuộc địa thứ 9 trong chiến dịch giải phóng nước Pháp, đã có mười ba năm ở Đông Dương, rất quen thuộc vùng thượng du Bắc Bộ được trao nhiệm vụ này. Với những binh lực hùng hậu trong tay, trước ngày mở cuộc tiến công, Xalăng tuyên bố sẽ hoàn tất mọi mục tiêu trong ba tuần.

        Xalăng quá chủ quan với những kinh nghiệm từ khi còn là đồn trưởng một đồn binh ở thượng du thời Pháp thuộc, khi một viên quan Tây với vài chục lính khố xanh, khố đỏ có thể không chế cả một vùng dân cư rộng lớn. Lần này, quân Pháp không được những thổ ti, chánh mán đem rượu và gái ra đón, mà chỉ thấy những bản làng hoang vắng, không lương thực, không gia súc. Họ thú nhận: “Dân chúng lẩn tránh chúng ta như tránh dịch hạch”.

        Sĩ quan và binh lính Pháp trên chiến trường nhận thấy sớm hơn rất nhiều so với Tổng chỉ huy của họ về những khó khăn, nguy hiểm và thất bại mà họ phải đương đầu trong cuộc chiến tranh này. Những thư từ, nhật kí mà ta thu được trong chiến dịch nhòa máu và nước sông đã nói lên nỗi khiếp sợ  của họ:

        “Chúng tôi bị bao vây bốn phía. Đi ra ngoài một bước là lập tức bị đạn bắn tỉa từ trên núi xuống”. (viên đội Gátxtông Varen - Gaston Varenne). “Bọn Việt Minh đông không thể tưởng tượng được. Chúng tôi bị phục kích nhiều lần và thua thiệt khá nhiều… Chúng tôi không càn quét được gì hết, vì vừa đi qua, địch liền trở lại ngay (quan ba Tibô - Thibout). “Đây là cuộc chiến đấu của những toán quân nhỏ trên rừng núi. Nó đã gây cho ta những tổn thất nặng nề…” (đại úy Boócđô- Bourdeaux). Anh lính Pécnô (Pernos) trong thư gửi vợ ngày 15 tháng 11 năm 1947, viết: “Nếu chúng ta có con, sẽ không để cho chúng đi cái xứ khủng khiếp này”. Quan hai Lôgiê (Logier) viết trong nhật kí: “Người ta tự hỏi những sự hi sinh và cố gắng của mình sẽ vô ích chăng?...”.

        Thất bại lớn của quân Pháp không phải ở số lượng binh lính bị tiêu diệt, những dụng cụ chiến tranh bị mất hay phá hủy, mà ở chỗ không những không tiêu diệt được khu cố thủ Việt Minh mà còn không đạt được mục tiêu chủ yếu nào đã đề ra cho cuộc tiến công.

        Xalăng đã không chụp bắt được cơ quan đầu não của kháng chiến. Cuộc hành binh Lêa táo bạo quả có gây cho ta sự bất ngờ. Nhưng Vanluy đã lầm lẫn lớn khi cho rằng thị xã Bắc Kạn nhỏ bé đã trở thành “thủ đô mới” của kháng chiến. Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, không khi nào có một cơ quan Trung ương của ta ở tại một thị xã, thị trấn. Tất cả đã chia thành những bộ phận nhỏ thường xuyên di chuyển, hòa vào với nhân dân ở những bản làng hẻo lánh, được sự che chở của nhân dân, khiến địch khó có thể phát hiện, trong khi vẫn duy trì mọi hoạt động lãnh đạo điều khiển cuộc kháng chiến trên cả nước.

        Địch đã không đánh quỵ được quân chủ lực ta. Không nhưng thế, qua cuộc tiến công, bộ đội ta còn được rèn luyện trong tác chiến, trưởng thành thêm một bước và được bổ sung thêm khá nhiều trang bị, vũ khí.

        Địch tuy phá được một số kho tàng, thu được mười triệu bạc Việt Nam của Ty Ngân khố, nhưng còn quá xa với mục tiêu “phá hủy tiềm năng chiến tranh”, vì những kho tàng của ta đều bố trí phân tán, và tiềm năng kháng chiến chủ yếu nằm trong dân.

        Địch cũng không bịt được biên giới phía bắc. Những thị xã, thị trấn địch mới chiếm và một loạt đồn bốt dựng lên dọc biên giới chỉ là những vị trí cô lập giữa vùng kiểm soát rộng lớn của ta, trở thành mục tiêu cho những trận đánh tiêu diệt của bộ đội ta sau này.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Tám, 2016, 08:32:59 am

        Mặc dù bị tấn công bất ngờ và gặp khó khăn trong những ngày đầu, chúng ta đã sớm giành lại quyền chủ động trong quá trình đối phó, làm thất bại cuộc tiến công đầy tham vọng của địch, với những nguyên tắc chiến lược, chiến thuật đề ra từ mùa hè. Chúng ta đã sớm tìm ra đuộc cách đánh với một kẻ thù nhiều lần mạnh hơn mình.

        Về nghệ thuật quân sự, cũng đã hình thành cơ sở cho một hình thức chiến dịch phản công, phối hợp các lực lượng quân và dân ta, ba thứ quân, với sự chỉ huy trực tiếp các hướng của chiến trường dưới sự chỉ đạo của một cơ quan chỉ huy gọn nhẹ sau này thường gọi là Bộ chỉ huy tiền phương.

        Nếu như thắng lợi lớn về quân sự trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến là do ta chủ động buộc địch phải chấp nhận, sớm hơn một đêm, cuộc tổng giao chiến tại những đô thị, thì lần này, ta lại giành được thắng lợi do chủ động khước từ trận đánh lớn mà kẻ địch cố tình tìm kiếm với ý định đánh quỵ chủ lực ta. Một kinh nghiệm được rút ra trong chiến tranh cách mạng là khi lực lượng còn yếu thì trì hoãn trận đánh quyết định là điều cần thiết, sử dụng những đơn vị vừa và nhỏ nhằm những nơi hiểm yếu mà tiến công tiêu diệt địch.

        Ngay từ buổi đầu cuộc chiến, đã có những mệnh lệnh chỉ thị cho bộ đội phải kiên quyết tránh dàn tuyến đánh những trận lớn mà chỉ tiêu hao, tiêu diệt với những trận phục kích, tập kích trên đường vận chuyển, những nơi địch mới đóng quân bằng những lực lượng tương đối nhỏ, kết hợp với hoạt động rộng khắp của dân quân du kích, quấy rối, bắn tỉa, phá hoại, làm vườn không nhà trống… Quyết định kịp thời phân tán bộ đội thành tiểu đoàn tập trung hoạt động trên từng khu vực và đại đội độc lập gắn liền với từng địa phương để đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, là tổ chức bảo đảm cho phương châm tác chiến này.

        Những nhát búa tiến công của địch đã giáng vào chân không.

        Bộ chỉ huy Pháp đã phạm sai lầm cơ bản khi đem 12.000 quân mở hai gọn kìm tiến công bao vây trên một vòng cung quá rộng, ôm cả năm tỉnh Việt Bắc. Với chiến thuật “con trăn” này, dù có một lực lượng quân đông gấp bội cũng sẽ thất bại, vì ở chiến trường rừng núi nó dễ bộc lộ nhiều nhược điểm. Chúng ta đã kịp thời khai thác đúng chỗ yếu nhất của cuộc tiến công là những đoàn quân xa, những chiến thuyền buộc phải thường xuyên di chuyển trên những trục đường bộ, đường sông nhất định để duy trì sức sống cho một đạo quân quá lớn không thể tìm ra lương thực, đạn dược ở địa phương. Nó cho phép những đơn vị nhỏ của ta với trình độ, trang bị hạn chế có thể giáng trả quân địch những đòn hiệu quả. Lần đầu tiên, tàu chiến và tàu đổ bộ của Pháp, tưởng là bất khả xâm phạm, đã bị pháo binh dũng cảm và sáng tạo của ta đánh chìm.

        Thời tiết, khí hậu, muỗi rừng Việt Bắc cũng là một thứ cường toan nhanh chóng gặm mòn lực lượng quân viễn chinh trên chặng đường dài hành quân; hai binh đoàn Bôphrê và Commuynan chưa gặp nhau đã mất dần sức chiến đấu. Lực lượng quân Pháp hùng hậu lúc đầu, không thể tìm được một trận giao chiến quyết định với chủ lực ta, buộc phải xé nhỏ thành những đội quân chiếm đóng ở một số thị xã, thị trấn, những đồn bốt nhỏ rải rác trên dọc đường giao thông để đối phó với những trận phục kích có cường độ ngày càng cao, không biết xảy ra lúc nào. Và cuối cùng, quân địch chỉ còn cách co lại để tìm đường rút lui.

        Đồng bào các dâ tộc, quân và dân ta ở Việt Bắc đã làm sống lại hào khí của dân binh, thổ binh các làng bản, hang động thời Trần, cùng quân các lộ, quân triều đình, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Đội du kích Cao Bằng do một cụ già 70 tuổi chỉ huy, anh dũng đánh giặc giữ làng bản được Bác tặng bài thơ:

                                                          “Tuổi cao chí khí càng cao
                                                          Múa gươm giết giặc ào ào gió thu
                                                          Sẵn sàng tiêu diệt quân thù
                                                          Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng”.


        Có thể hiểu vì sao trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, mặc dầu Bộ chỉ huy quân đội viễn chinh chưa chịu từ bỏ mưu đồ, đã không diễn ra cuộc tiến công chiến lược lần thứ hai vào căn cứ địa Việt Bắc.

        Cuộc tấn công thu đông của Pháp là một thất bại chiến lược nặng lề, ảo tưởng dùng hành động quân sự quy mô lớn hòng sớm kết thúc chiến tranh đã tan thành mây khói.

        Với ta, thắng lợi Việt Bắc trước hết là thắng lợi của đường lối chiến tranh toàn dân, của sức mạnh đoàn kết chiến đấu của quân và dân, của khối đoàn kết keo sơn các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông… tại căn cứ địa cách mạng với sự phối hợp của các chiến trường toàn quốc.

        Thắng lợi ấy là một cái mốc lịch sử, động viên cổ vũ cả nước, tạo ra tiền đề và điều kiện để chuyển cuộc kháng chiến sang một giai đoạn mới.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 26 Tháng Tám, 2016, 08:36:14 am
       
Chương năm

HẬU PHƯƠNG ĐỊCH - TIỀN PHƯƠNG TA

1

        Chiến thắng Việt Bắc làm nức lòng quân và dân cả nước, củng cố niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến trường kì. Từ mọi miền, mọi chiến trường thư và điện chúc mừng liên tiếp gửi về. Đài phát thanh và báo chí ta phổ biến rộng rãi ý nghĩa thắng lợi và những kinh nghiệm chiến đấu ở Việt Bắc.

        Tôi trao đổi với Cục Chính trị tập hợp tư liệu, đặc biệt là những điển hình chiến đấu và thư từ lấy được của địch, giao cho anh Tạ Quang Bửu và anh Trần Công Tường nhanh chóng biên soạn cuốn “Cuộc tiến công của địch vào Việt Bắc” bằng tiếng Pháp (Offensive francaise le Viet Bac) để tác động đến dư luận Pháp và quốc tế.

        Ngày 15 tháng 1 năm 1948, nửa tháng sau chiến thắng Việt Bắc, Trung ương triệu tập hội nghị mở rộng tại khu căn cứ.

        Trời mưa. Cán bộ về họp phải lội qua mười khúc suối trước khi tới nhà hội trường nằm giữa rừng cây, tre nứa còn tươi. Nhiều người xúng xinh chiếc áo chiến lợi phẩm. Quần áo ướt lướt thướt, nhưng bộ mặt ai nấy đều tươi vui.

        Hội nghị phân tích về những biến chuyển mới trong tình hình quốc tế. Nhiều nước Tây Âu đã chấp nhận kế hoạch Mácsan (Marshall). Căn cứ quân sự Mỹ xuất hiện ở nhiều nơi nhằm bao vây Liên Xô và đe dọa phong trào dân chủ và hòa bình đang hình thành và lan rộng trên thế giới. Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhiều dân tộc vẫn sôi nổi, đặc biệt là ở Mađagátxca và Inđônêxia. Hồng quân Trung Hoa đang mở những trận phản công lớn. Tại Pháp, sau khi gạt được những người cộng sản ra khỏi chính phủ, giới cầm quyền Pháp quyết lao sâu vào chiến tranh duy trì thuộc địa.

        Với đà phát triển của chiến tranh du kích ở Nam Bộ và của kháng chiến trên cả nước, đặc biệt là sau chiến thắng Việt Bắc, hội nghị thống nhất với nhận định của Thường vụ là “Lực lượng so sánh giữa ta và địch đã biến chuyển. Nếu ta tích cực và mau lẹ phát triển ưu điểm, sửa chữa nhược điểm thì chiến dịch Việt Bắc là một cái đà cho ta nhảy sang giai đoạn thứ hai của cuộc kháng chiến lâu dài”1. Hội nghị dự kiến, trước mắt địch sẽ chuyển sang bình định và càn quét dữ đội vùng tạm chiếm, dồn nỗ lực vào Nam Bộ và Nam Trung Bộ, lập ra những vùng tự trị, tổ chức thêm chính quyền  tay sai ở các cấp, chuẩn bị đưa Bảo Đại về nước.

        Về quân sự, với quyết tâm đẩy cuộc kháng chiến sang đoạn mới, hội nghị Thường vụ nhận thấy cần “phát triển dân quân, phát triển chiến tranh du kích khắp nơi, nhất là trong vùng địch kiểm soát” và “tập trung đánh vận động tiêu diệt địch, quét những đòn lẻ của địch, bắt địch thu hẹp địa bàn lại, đột kích những thành phố nhỏ”.

        Ngày nay nhìn lại, thấy những nhận định, chủ trương trên đây là chính xác, thể hiện sự nhạy cảm và trưởng thành của Đảng ta qua hai năm lãnh đạo kháng chiến.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Tám, 2016, 03:12:36 am
        
2

        Ngày 19 tháng 1 năm 1948, Hội đồng Chính phủ họp.

        Sau chiến thắng Việt Bắc, Bác đã bàn với Trung ương nhân dịp này để động viên tinh thần bộ đội, đánh dấu sự trưởng thành của lực lượng vũ trang qua hơn hai năm chiến đấu, cần thành lập Bộ Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, phong quân hàm cho một số cán bộ quân đội và tặng thưởng huân công cho những người đã lập được chiến công. Chủ trương của Đảng được toàn thể thành viên trong Hội đồng Chính phủ hoan nghênh.

        Ngày 20 tháng 1 năm 1948, Bác kí sắc lệnh phong quân hàm cho một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội. Tôi được trao quân hàm Đại tướng. Các anh Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Đối với Nam Bộ, quân và dân Nam Bộ chiến đấu sớm nhất, đã trên hai năm. Bác và Trung ương đã cân nhắc; cuối cùng, đi tới quyết định phong quân hàm Trung tướng cho anh Nguyễn Bình. Ngoài ra, một số cán bộ cấp cục hoặc chỉ huy các liên khu được phong cấp Đại tá. Việc phong quân hàm chỉ mới tiến hành cho những cán bộ chủ chốt, chưa thực hiện với toàn quân.

        Hội đồng Chính phủ dự định tổ chức lễ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 27 tháng 5 năm 1948.

        Mấy ngày này trời mưa rất to.

        Ngày 27 tháng 5, trời vẫn mưa, các sông suối nước lớn không qua lại được. Các đại biểu chưa đến đủ. Cụ Bùi đại điện Quốc hội cũng chưa đến được. Hội đồng Chính phủ tranh thủ họp phiên toàn thể để giải quyết một số vấn đề quan trọng: đánh giá tình hình trong nước, âm mưu của bọn thực dân phản động Pháp, nhất là âm mưu chia rẽ của bọn chúng và cách thức đối phó; lập quy chế công chức mới thay thế cho chế độ công chức thời thuộc Pháp và giao cho Bộ Nội vụ nghiên cứu thang lương công chức; ra sắc lệnh thành lập Ban thi đua toàn quốc và chọn ngày 19 tháng 6 năm 1948, ngày kỉ niệm 1.000 ngày kháng chiến làm ngày phát động phong trào thi đua toàn quốc.

        Cuộc họp kéo dài tới nửa đêm vẫn chưa xong, phải tiếp tục họp vào sáng hôm sau.

        Ngày 28 tháng 5, vào lúc 1 giờ chiều, lễ phong quân hàm được tổ chức trọng thể.

        Một hội trường mới dựng bên dòng suối lớn, dưới tán cây rừng, dựa vào sườn núi, vách mới đan còn thơm mùi nứa. Phía trong đặt một bàn thờ Tổ quốc trang hoàng giản dị, có cờ đỏ sao vàng và lọ hoa cắm một chùm hoa núi; xung quanh là các băng đỏ ghi khẩu hiệu: Trường kì kháng chiến nhất định thắng lợi; Thống nhất độc lập nhất định thành công. Bác và cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội đứng hai bên bàn thờ, các thành viên Chính phủ đứng trước bàn thờ. Bác, tay cầm sắc lệnh gọi tôi lên. Bằng giọng trang nghiêm và xúc động, Bác nói: “Hôm nay thay mặt Chính phủ và nhân dân…” rồi bỗng ngừng lời, rút khăn tay lau nước mắt. Giây phút đó làm cho cả hội trường vô cùng xúc động. Lát sau, Bác nói tiếp: “… Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ Đại tướng để chú điều khiển binh sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho…”. Bác trao cho tôi sắc lệnh. Cụ trưởng ban Thường trực thay mặt Quốc hội, anh Phan Anh thay mặt Hội đồng Chính phủ phát biểu chức mừng. Anh Tạ Quang Bửu thay mặt Bộ Quốc phòng bày tỏ lời chúc mừng và lời hứa của toàn thể bộ đội sẽ nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của Đại tướng. Tôi xúc động phát biểu mấy lời, từ đáy lòng vô cùng nhớ tiếc các anh hùng liệt sĩ, chân thành biết ơn Bác, Quốc hội và Chính phủ đã dành cho tôi vinh dự cao cả. Tôi hứa sẽ đem hết tinh thần và nghị lực làm trọn nhiệm vụ, góp phần khiêm tốn của mình vào sự nghiệp đấu tranh cho độc lập và thống nhất của Tổ quốc.

        Sau buổi lễ, chúng tôi ngồi quây quần bên Bác. Bác nói: Việc phong tướng cho chú Giáp và các chú khác hôm nay là kết quả biết bao hi sinh chiến đấu của đồng bào, đồng chí… Các thế hệ đi trước chiến đấu cho độc lập mà sự nghiệp không thành, nhắm mắt vẫn còn chưa thấy độc lập, tự do. Chúng ta ngày nay may mắn hơn, những trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn. Nghĩ tới hàng nghìn, hàng vạn người đã ngã xuống cho hôm nay, chúng ta càng phải cố gắng giành cho được độc lập, tự do để thỏa mãn vong linh những người đã khuất… Cuộc nói chuyện trở thành buổi ôn lại truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, truyền thống cách mạng của dân tộc ta.

        Sau đó các thành viên Chính phủ chụp chung một bức ảnh kỉ niệm.

        Khi sự kiện này được công bố trên Đài Tiếng nói Việt Nam, một phóng viên phương Tây hỏi Bác vì sao một lúc phong nhiều tướng, tá như vậy, việc phong cấp này được tiến hành dựa theo những tiêu chuẩn nào. Bác trả lời giản dị: Đánh thắng đại tá phong đại tá, đánh thắng thiếu tướng phong thiếu tướng; thắng trung tướng phong trung tướng; thắng đại tướng phong đại tướng.

        Tháng Tám năm đó, tại Hội nghị quân sự lần thứ năm, Bác nói về “tư cách một người tướng”: “Trong quân đội, nhiệm vụ của người làm tướng là phải: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm Trung”. Đối với kỉ luật, “mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm tới mỗi đội viên… Báo cáo từ dưới lên trên phải thật thà, nhanh chóng, thiết thực… Phải thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt. Ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ”. Đối với binh sĩ, thì “từ lời ăn tiếng nói, niềm vui, nỗi buồn, tới cái ăn cái mặc, nhất hiết phải biết rõ và hết sức chăm nom. Có đồng cam cộng khổ với binh sĩ thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi; khi bảo đánh, họ sẽ hăng hái đánh… Bộ đội ta, tuy còn trẻ mà tiến bộ rất mau, nếu người tướng không chịu học hỏi, cứ đứng một chỗ thì nhất định đi lạc hướng”. Đối với dân, “bộ đội được dân yêu, dân tin, dân phục vụ thì nhất định thắng lợi”. Đối với địch, thì “tuyệt đối chớ khinh địch… Khinh địch thì nhất định sẽ thất bại”.

        Mồng 7 tháng 2 năm 1948, nhân dịp Tết Nguyên đán, Bác và Thường vụ mới cán bộ Đảng và Nhà nước có mặt ở khu căn cứ tới dự một Tết đoàn kết. Tết kháng chiến đơn sơ những đầy phấn chấn sau chiến thắng Việt Bắc và tin Hồng quân Trung Hoa đang tiến hành phản công chiến lược từ khu giải phóng sang khu của chính quyền Quốc dân đảng. Bác nói trong buổi liên hoan: “Pháp khôn ngoan thì nên tìm cách kết thúc chiến tranh. Nếu Pháp dùng Bảo Đại để tiếp tục chiến tranh thì càng sớm thất bại. Bảo Đại không đại diện cho ai”.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Tám, 2016, 03:16:58 am
       
3

        Bước sang năm 1948, quân Pháp đã mở rộng phạm vi chiếm đóng trên nhiều vùng khá rộng của lãnh thổ nước ta.

        Ở miền Nam, chúng đã chiếm tất cả những thành phố, thị xã. Tại miền Trung, ta còn giữ được Thanh - Nghệ - Tĩnh và ba tỉnh ở Liên khu 5. Thu Đông 1947, Pháp lại chiếm thêm Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai, Thất Khê, Nghĩa Lộ. Địch kiểm soát hầu hết miền Tây Bắc và phần lớn miền Đông Bắc, tạo sức ép vào căn cứ địa Việt Bắc.

        Để đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, chúng ta kiên quyết thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kì đã được đề ra từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc. Sớm hơn nữa, trong chỉ thị thành lập quân đội năm 1944, Bác đã nói: “Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân”.

        Ngược dòng lịch sử, dân tộc Việt Nam từ thời lập quốc bốn nghìn năm trước ở lưu vực sông Hồng, đất hẹp người thưa, vỗn đã có truyền thống cả nước quật cường chung sức đánh giặc, thể hiện trong những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bí, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng… các thời Lê, Lý, Trần đều thực hiện “trăm họ là binh”, “ngụ binh ư nông”. Ông cha ta đã biết tổ chức ra cấm quân, du binh của triều đình, quân các lộ và hương binh, thổ binh, dân binh các xã, các hang động để thực hiện “cả nước đánh giặc”. Thời Trần, trước ba lần xâm lược của quân cường địch Nguyên Mông, nhà vua đã quy định thôn, xã nào giặc đi qua không đánh thì sẽ bị xóa tên.

        Chiến thắng vĩ đại đầu năm 1789 của quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ đánh bại quân Thanh đã chấm dứt thời kì đường đầu với các đội quân xâm lược hùng mạnh của triều đình phong kiến phương Bắc, tuy nước lớn hơn, quân đông hơn, nhưng về kinh tế xã hội thì vẫn ở một trình độ phát triển như nước ta.

        Bước vào thời kì cận đại, nhân dân ta, cũng như những dân tộc nhược tiểu khác, bắt đầu phải đối phó với chiến tranh xâm lược của những cường quốc tư bản không những có số dân đông hơn, mà còn vượt xa về trình độ kinh tế, kĩ thuật.

        Từ giữa thế kỉ XIX những cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp xâm lược của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực ở Gia Định, Phan Đình Phùng ở Hương Sơn, Đốc Ngữ ở sông Đà, Nguyễn Quang Bích ở Tây Bắc, Nguyễn Thiện Thuật ở Bãi Sậy, Đinh Công Tráng ở Ba Đình, Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế…, có cuộc kéo dài mười năm, ba mươi năm, nhưng đều diễn ra đơn độc ở một địa phương và cuối cùng đều thất bại.

        Trong lịch sử cận đại của thế giới, chưa hề có tiền lệ thắng lợi trong cuộc đối đầu giữa các dân tộc nhược tiểu với các cường quốc đế quốc thực dân hùng mạnh.

        Chúng ta cần tìm ra những phương thức hữu hiệu để thực hiện “cả nước đánh giặc” trong thời đại mới với những điều kiện hết sức ngặt nghèo: nước nhỏ, dân không đông, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu vũ khí, thiếu cán bộ và tri thức quân sự hiện đại, chiến đấu giữa vòng vây, hoàn toàn không có nguồn tiếp tế từ bên ngoài.

        Để thực hiện chiến lược toàn dân kháng chiến, Đảng ta đã đề ra: “Triệt để dùng chiến thuật du kích”.

        Chiến thuật du kích đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử chiến tranh của loài người. Vì đây là cách đánh của kẻ yếu chống lại địch thủ mạnh hơn mình. Chiến thuật du kích đã trở thành quen thuộc với nhiều dân tộc, với những quan niệm và cách áp dụng khác nhau.

        Ở đây, tôi muốn xuất phát từ thực tiễn cuộc đấu tranh giải phóng và giữ nước của nhân dân ta mà nêu ra những đặc điểm cơ bản của chiến tranh du kích ở nước ta, của chiến tranh du kích Việt Nam.

        Trước hết, nói đến đặc điểm chiến trường. Có những nhà lí luận kinh điển về quân sự thế  giới, như Claudơvít, đã từng nói đến cách đánh du kích và khẳng định rằng, cách đánh ấy chỉ có thể tiến hành được ở những nước không gian rộng lớn như nước Nga. Mao Trạch Đông khi nói đến chiến tranh du kích cũng cho rằng, chiến tranh du kích chỉ có thể thực hiện thắng lợi trên những nước có không gian bao la như Trung Quốc chẳng hạn; còn đối với những nước nhỏ như nước Bỉ thì không thể đánh du kích được.

        Khi Đảng ta đề ra chủ trương dùng chiến thuật du kích, thì nhân dân ta đều hưởng ứng; đó là do lòng tin của Đảng và do chí khí quật cường nhất định phải đứng lên đánh kẻ địch xâm lược. Tuy nhiên, trong hàng ngũ cán bộ cũng có người tự đặt câu hỏi: nước ta là nước nhỏ, chiến trường hẹp, có khả năng thực hiện chiến thuật du kích để giành thắng lợi hay không? Cũng đã có những cuộc trao đổi ý kiến, những cuộc thảo luận trong phạm vi hẹp và thông thường đi đến kết luận, nói chung vẫn tôn trọng chủ trương của Đảng. Trong không khí hào hùng của cả nước kháng chiến, sự tồn vong của dân tộc động viên và thôi thúc toàn thể đồng bào đứng lên đánh du kích, không còn ai đặt nghi vấn gì hết. Và thực tiễn lịch sử đã chứng minh một chân lí mới: Chiến tranh du kích Việt Nam, chiến tranh du kích của một nước nhỏ đã đi đến thắng lợi.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Tám, 2016, 03:17:27 am

        Đứng về lực lượng tác chiến, thì đối với ta, đánh du kích chủ yếu là cách đánh của người dân, có súng và không có súng, có khi chỉ dùng giáo mác gậy gộc; như vậy bất kì đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ đều có thể đánh được, tạo nên một hình thái chiến tranh thực sự của toàn dân. Những đơn vị bộ đội nhỏ cũng tham gia đánh du kích, thường ở một mức tiểu tổ, tiểu đội, trung đội, có khi đến đại đội.

        Quần chúng nhân dân rộng rãi sẽ tiến hành những hoạt động chiến đấu thích hợp với khả năng của mình, trong đó không ít hoạt động mà chỉ họ, những người dân, mới làm được.

        Đây là một đặc điểm rất cơ bản trong kháng chiến toàn dân của ta. Nó cho phép ta duy trì cuộc chiến đấu ngay ở những vùng tạm chiếm, ở những nơi không có quân đội, hoặc quân đội đã rút đi.

        Một số nhà nghiên cứu về chiến tranh Đông Dương cho tới nay vẫn cho rằng, du kích của ta thường dùng số đông áp đảo số ít, lấy mười chọi một, giống như cách đánh của những binh đoàn du kích Trung Quốc: “Tập trung lực lượng đánh bộ phận nhỏ của địch là một trong những nguyên tắc chiến trường của chiến tranh du kích”. Ta không chủ trương và hoàn toàn không có điều kiện tổ chức những binh đoàn du kích lớn như ở Trung Quốc hay trong chiến tranh Vệ quốc Liên Xô. Nguyên tắc tác chiến của chiến tranh du kích ta xuất phát từ những nguyên tắc truyền thống chung: Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít thắng nhiều; một trung đội, một tiểu đội, một tiểu tổ, một người chiến sĩ, một người dân thường cũng lao vào cuộc chiến đấu, dũng cảm và sáng tạo, tìm ra cách đánh địch và thắng địch.

        Những đặc điểm nói trên về phạm vi chiến trường và lực lượng tác chiến đưa đến một đặc điểm nữa. Nếu trong chiến tranh cách mạng Trung Quốc, du kích được hiểu là “đi để đánh” với đặc điểm là “đi”, thì những đội du kích của ta luôn luôn gắn với làng, xã, xí nghiệp. Trong những trận đánh lớn nó làm nhiệm vụ phối hợp với bộ đội. Mỗi người dân, mỗi người du kích, không “đi để đánh”, mà nhiệm vụ là trụ bám địa phương, có di chuyển cũng chỉ trong địa phương; vì tình làng nghĩa xóm lại quen thuộc địa hình địa vật, am hiểu đến từng cành cây ngọn cỏ, họ hoàn toàn có khả năng tiến hành vô vàn những hoạt động nhỏ, có tiếng súng và không tiếng súng, những hoạt động chiến đấu muôn hình muôn vẻ, những hoạt động toàn diện, không phải chỉ là thuần túy quân sự.

        Những đặc điểm cơ bản của chiến tranh du kích Việt Nam trong kháng chiến toàn dân cho phép ta phát động và duy trì cuộc chiến đấu ở ngay vùng tạm bị chiếm, ở cả những nơi không có quân đội. Đó là cách đánh du kích sáng tạo, phù hợp với dân tộc mình, tại một nước đất không rộng, người lúc đó chưa đông, kẻ thù lại đã có mặt khắp nơi. Nó là tấm lưới vô hình bao la, giăng khắp nơi, níu chặt lấy quân viễn chinh và làm cho một bộ phận lớn của chúng ngày càng bị tiêu hao và sa lầy, không có lối thoát.

        Từ lâu, chúng ta đã nghe nói đến chiến thuật du kích mà nhiều nước phương Tây gọi bằng một từ Tây Ban Nha “ghêrila” (guerilla) có nghĩa là đánh nhỏ. Theo cách gọi này, du kích được hiểu là những hoạt động quấy rối, phục kích, tập kích của nghĩa quân, kể cả bộ đội chủ lực. Từ lúc nhân dân Trung Hoa đứng lên kháng Nhật, chúng ta cũng đã từng theo dõi những hoạt động của Bát lộ quân, Tân tứ quân. Lúc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thì ở Việt Nam đã có cuốn sách “Trì cựu chiến” của Mao Trạch Đông và cuốn “Chiến tranh du kích kháng Nhật” của Chu Đức. Chúng ta cũng đã có những cuốn sách nhỏ về du kích Nga, du kích Pháp, du kích Nam Tư. Những kinh nghiệm của Trung Quốc, Liên Xô và các nước đã giúp chúng ta nhiều về kiến thức quân sự. Vấn đề là không tiếp thu máy móc những kinh nghiệm ấy mà phải biết vận dụng sáng tạo, từ thực tiễn chiến trường nước ta mà đi đến một kiểu chiến tranh du kích thích hợp, chiến tranh du kích Việt Nam.

        Trong cuốn “Cách đánh du kích” dùng để huấn luyện cho các cán bộ ở Pắc Bó từ năm 1941, Bác đã viết: “Du kích là đánh úp hay đánh lén, đánh lúc kẻ thù không ngờ, không phòng. Du kích là cách đánh giặc của dân tộc bị áp bức chống đế quốc. Đế quốc có khí giới tốt, có quân đội đàng hoàng, quân du kích không có khí giới tốt, chưa thành quân đội đàng hoàng, nhưng quân du kích được dân chúng ủng hộ, thuộc địa hình, địa thế, khéo lợi dụng đêm tối, mưa nắng, khéo xếp đặt kế hoạch nên quân du kích vẫn có thể đánh được đế quốc”.

        Đó là quan niệm về “du kích của ta, cách đánh của đông đảo những người dân, của cả một dân tộc. Có người có súng; tuyệt đại đa số là những người không có súng. Tất cả cùng chung một điểm xuất phát: là người dân, không am hiểu về quân sự quyết tâm không cam tâm tiếp tục sống cuộc đời nô lệ.

        Từ giữa năm 1947, dân quân, tự vệ, du kích đã trở thành một bộ phận cấu thành của quân đội quốc gia Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Tám, 2016, 03:19:31 am
   
        Đầu năm 1948, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển chiến tranh du kích, ở Bộ Tổng chỉ huy, Phòng Dân quân được đổi thành Cục Dân quân do anh Lê Liêm làm cục trưởng. Các quan khu bắt đầu có phòng dân quân. Từ tỉnh trở xuống có ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội dân quân thuộc ủy ban kháng chiến các cấp. Dân quân ở làng, xã lúc này gồm hai lực lượng: một bộ phận nhỏ là du kích thoát li không tham gia sản xuất, đại bộ phận là dân quân, tự vệ không thoát li sản xuất.

        Ngày 15 tháng 4, Hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ hai khai mạc. Anh Trường Chinh cùng tôi và anh Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo hội nghị. Giữa hội nghị, Bác tới thăm. Sau khi ân cần thăm hỏi các đại biểu Bắc, Trung Nam, biểu dương các ưu điểm của dân quân, nêu lên những khuyết điểm cần khắc phục, Bác chỉ thị: Phải lấy dân quân du kích làm nền tảng, đồng thời kiện toàn các đội du kích thoát li sản xuất… phải phối hợp chặt chẽ với Vệ quốc quân…, luôn giữ quyền chủ động, tìm địch mà đánh, cộng những thắng lợi nhỏ thành thắng lợi to.

        Trước tổng khởi nghĩa, Bác đã viết một cuốn sách nhỏ: Kinh nghiệm du kích ở Trung Hoa.

        Vào dịp này, Bác lại viết tiếp Kinh nghiệm du kích Pháp, và một bài thơ hô hào mọi người đánh du kích với mọi thứ vũ khí trong tay:

                                                  Bất kì trẻ hay già
                                                  Đàn ông hay đàn bà
                                                  Đều ra sức tham gia
                                                  Đánh du kích
                                                  Không có súng
                                                  Ta dùng dao
                                                  Ta dùng cuốc
                                                  Ta dùng cào
                                                  Ta lấy đòn gánh
                                                  Ta nhổ cọc rào…
                                                  Đánh cho chúng nhào.


        Nhớ lại những năm chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tôi cũng đã soạn cuốn “Việt Minh ngũ tự kinh” gồm mười bai thơ năm chữ trong đó có bài nói về cách đánh du kích, để làm tài liệu tuyên truyền đồng bào tham gia các hội cứu quốc trong hàng ngũ Việt Nam độc lập đồng minh. Cuốn sách soạn bằng tiếng Kinh; tôi đã miệt mài dịch ra ba thứ tiếng dân tộc, cũng bằng thơ năm chữ: tiếng Tày, tiếng Dao, tiếng Mông. Những bài của Bác cũng như cuốn “Việt Minh ngũ tự kinh” được phần lớn đồng bào các dân tộc Cao - Bắc - Lạng, từ đồng bằng cho đến vùng cao hẻo lánh đọc thuộc lòng; không ít trường hợp gặp những cô gái dân tộc vừa đi lấy củi hoặc giã gạo vừa hát thơ ca đánh du kích.

        Trong hội nghị, tôi giải thích thêm về huấn lệnh: “phát động du kích chiến tranh, nhiệm vụ quân sự căn bản trong giai đoạn này”. Nhiệm vụ của các đội dân quân, du kích được xác định cụ thể như sau:

        Một là quấy rối: một chiếc pháo sáng, một mảnh gang giả địa lôi, một phát súng kíp, mấy cái bẫy cạm trên đường hành quân của địch, một quả lựu đạn, một trái địa lôi giết một vài tên địch là những việc cần làm cho phổ biến. Các trận lẻ tẻ cướp được một khẩu súng, một vài viên đạn cần phải khuyến khích.

        Hai là phá hoại đường sá, cắt điện tín, điện thoại của địch. Điều này quan trọng vô cùng có thể làm giảm sức tiến công của địch rất nhiều và thêm hiệu lực cho hoạt động của quân ta. Những thành tích về phá hoại phải được coi là những chiến công.

        Ba là trừ gian, phòng gian.

        Bốn là tìm cách tiêu diệt từng bộ phận nhỏ của địch và cùng bộ đội tác chiến.

        Phương châm hoạt động của du kích là: “Tích cực - bí mật - nhanh chóng - tránh mạo hiểm, thực hiện phương châm càng đánh càng mạnh”.

        Đây chính là những gì quân và dân ta đã thực hiện ở miền Nam, làm sa lầy một nửa đội quân viễn chinh Pháp với năm trăm đồn bốt và những cuộc càn lớn, nhỏ liên miên. Đây cũng là những gì quân và dân ta đã thực hiện trong những trận đánh ở các thành phố và vùng tạm bị chiếm suốt một năm qua. Nếu trở thành phổ biến, nó sẽ làm mất sức quân viễn chinh, biến Việt Nam thành một vực sâu không đáy với quân xâm lược.

        Chúng ta cần một bà đỡ để đường lối kháng chiến toàn dân phát động chiến tranh du kích trở thành hiện thực. Những đại đội độc lập và các đội vũ trang tuyên truyền được trao sứ mệnh nặng nề này:

        - Tuyên truyền vận động dân, bảo vệ dân, giúp dân sản xuất.

        - Phá tề trừ gian, diệt địch; vận động ngụy quân, giải tán các hội tề hoặc biến họ thành chính quyền hai mặt; ở những nơi có điều kiện thì lập lại chính quyền nhân dân;

        - Vừa hoạt động vừa xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang; tổ chức dân quân du kích, và bộ đội địa phương để khi cần thì rút các đại đội độc lập trở vể tập trung chủ lực.

        Với việc đưa chiến tranh vào vùng sau lưng địch, biến hậu phương địch thành tiền phương ta, từ năm 1948 chúng ta thực sự triển khai một cuộc phản công chiến lược, với hình thức độc đáo, quy mô rộng khắp, đánh vào toàn bộ quân viễn chinh và bộ máy tay sai trên toàn cõi Việt Nam.

        Bài thơ nói về chiến tranh du kích như sau:

                                                  Du kích đánh bí mật
                                                  Chúng có mắt như mù
                                                  Cắt dây thép quân thù
                                                  Chúng có tai như điếc
                                                  Đường sá ta phải tiệt
                                                  Chúng có chân như què,
                                                  Lương thực giấu sạch đi
                                                  Chúng chết đói chết khát!
                                                  Ta dùng lối đánh úp
                                                  Cưới súng thù đánh thù
                                                  Dù tàu bay tàu bò
                                                  Cũng không làm gì được


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Tám, 2016, 03:24:30 am
       
4

        Mùa xuân năm 1947, nhiều đơn vị,, từng trung đoàn, tiểu đoàn của ta lần lượt bị bật ra khỏi vùng tạm chiếm, vì họ không thể tìm được chỗ đứng chân yên ổn. Có khi họ phải rút ra chỉ vì thiếu lương thực, đạn dược. Nhiều đơn vị đã được lệnh quay trở về địa bàn cũ. Nhưng những đoàn quân dài dằng dặc rất khó tránh tai mắt của địch. Mỗi lần bị lộ, họ lâm vào những trận đánh bất lợi, và cuối cùng lại bị bật ra.

        Từ đầu mùa xuân năm 1948, với những đại đội độc lập, các đội vũ trang tuyên truyền và các đội công tác, đông đảo bộ đội của ta đã quay về vùng tạm chiếm một cách êm thấm, lặng lẽ vượt qua vành đai đồn bốt, mạng lưới tề điệp của địch. Họ có khả năng đi rất sâu vào vùng địch hậu mà vẫn giữ được an toàn vì không bị kẻ địch phát giác.

        Ở những vùng cơ sở bị mất trắng, công việc phải tiến hành dài ngày và rất gian khổ. Đêm đêm, cán bộ, chiến sĩ từ một miếu hoang, một bãi tha ma ngoài cánh đồng, hoặc một hang sâu, bụi cây bên bờ suối, lần vào làng, bản bắt mối với từng người dân, từng gia đình, thăm hỏi, tìm hiểu tình hình. Có lúc họ bất thần xuất hiện giữa đám đông, một phiên chợ, một buổi cầu kinh, một ngày hội chùa, dùng loa vạch tội ác của quân Pháp, tuyên truyền kháng chiến, kêu gọi đồng bào đứng lên đấu tranh, rồi biến mất trước khi quân địch kéo tới. Bộ đội ta trở về với cách làm của những đội tuyên truyền vũ trang trước ngày Tổng khởi nghĩa. Dần dà họ gây lại được cơ sở, phục hồi những tổ chức quần chúng, những tổ chức du kích bí mật. Họ bắt đầu có chỗ đứng chân. Những cán bộ, đảng viên, du kích trước kia bị bật khỏi địa phương giờ lại theo lực lượng vũ trang trở về làng xóm cũ.

        Đến cuối năm 1948, trừ những trung đoàn chủ lực của Bộ, các trung đoàn khác trong toàn quân giữ lại ban chỉ huy trung đoàn với một tiểu đoàn tập trung, còn đều giải thể thành các đại đội độc lập; tổng số có 103 đại đội tiến vào vùng tạm chiếm và vùng tranh chấp, làm nhiệm vụ đại đội địa phương của các huyện. Nhưng vậy, hai phần năm chủ lực các khu, chứ không phải một phần ba như dự kiến, đã trở thành đại đội độc lập.

        Từ lâu trên chiến trường miền Bắc, mối quan tâm của chúng ta là vùng rừng núi Tây Bắc và Đông Bắc, đặc biệt là Tây Bắc. Đứng về hình thái chiến trường, Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng không những đối với Việt Bắc mà cả Đông Dương. Từ những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tôi đã nghĩ tới khả năng hình thành hai cánh quân: cánh quân phía tây từ Việt Bắc qua Yên Bái, Hòa Bình; cánh thứ hai ở phía đông qua Tiên Du (Hà Bắc) bao vây Hà Nội trong trường hợp quân Pháp chiếm trước Thủ đô nước ta. Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, ta đã sớm đưa những đơn vị lên mặt trận miền tây chiến đấu và xây dựng căn cứ địa ở vùng rừng núi giáp với Lào. Một người chiến sĩ trẻ tài hoa trong đoàn quân Tây tiến ngày đó, sau này là nhà thơ Quang Dũng, đã có những câu thơ:

                                                Tây tiến đoàn quân không mọc tóc
                                                 Quân xanh màu lá dữ oai hùm
                                                 Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
                                                 Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm…

        Khi trở lại Việt Bắc, tôi đã nhiều lần trao đổi với anh Trần Tử Bình, lúc bấy giờ là Ủy viên Quân ủy Trung ương và một số cán bộ chủ chốt về một kế hoạch chiến lược quy mô lớn. Bước thứ nhất là giải phóng Tây Bắc, Hòa Bình và giúp bạn giải phóng Thượng Lào, tạo nên một bàn đạp để từ đó mở ra một hướng vu hồi chiến lược, đưa chủ lực của ta theo sông Mêkông tiến vào Nam Bộ.

        Trong những lần bàn bạc với các anh Bùi Quang Tạo, Song Hào, Lê Trọng Tấn, chúng tôi nhận thấy chưa có khả năng đưa đơn vị lớn trở lại Tây Bắc. Lai Châu vẫn còn là tỉnh duy nhất ta chưa lập được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám. Sơn La lập được chính quyền một thời gian ngắn thì bị địch chiếm lại. Quân Pháp đã tạo ra cái gọi là khu tự trị Thái, bình định ráo riết, xây dựng một hệ thống đồn bốt dày đặc và sử dụng bọn phìa, tạo, thổ ti khống chế khá chặt chẽ đồng bào dân tộc thiểu số. Cần phải tiến hành từng bước có chuẩn bị chu đáo. Tôi gợi ý các anh vận dụng những kinh nghiệm đội quân Nam tiến trước Tổng khởi nghĩa. Bắt đầu bằng những đội tuyên truyền vũ trang mở đường, gồm đa số những người am hiểu địa phương, nhất là các chiến sĩ người dân tộc. Đội tuyên truyền đi trước, bắt mối xây dựng cơ sở ở những vùng sâu, mở đường cho những đại đội độc lập đi tiếp theo. Từng đại đội độc lập sẽ gắn bó với địa phương, phát triển phong trào ở từng vùng nối liền với nhau thành những căn cứ liên hoàn. Phối hợp với các hoạt động này, các tiểu đoàn tập trung sẽ đánh một số trận có tiếng vang để mở rộng căn cứ.

        Ngày 20 tháng 1 năm 1948, sau Hội nghị Trung ương, tôi kí bản chỉ thị trao nhiệm vụ cho Liên khu 10 (Khu 10 và Khu 14 hợp thành) tổ chức các Ban xung phong tuyên truyền tiến vào bốn tỉnh ở Tây Bắc xây dựng cơ sở, lập chỗ đứng chân, mở rộng căn cứ Tây Bắc, mở đường quốc tế sang Lào, chuẩn bị sau này để tiến vào Nam.

        Một thời gian ngắn, Liên khu báo cáo bốn đội vũ trang xung phong tuyên truyền Quyết thắng, Trung Dũng, Quyết Tiến và Lào Bắc do những cán bộ chính trị và quân sự tin cậy phụ trách đã được tổ chức xong, sẵn sàng lên đường.

        Tôi về Liên khu 10 làm việc với Liên khu bộ tại một vùng rừng cọ tỉnh Phú Thọ. Rồi đi qua Đào Giã, Vũ Ẻn, vượt sông Thao, lại đi một chặng đường nữa qua vùng đồi cọ và đầm lầy, tới huyện Cẩm Khê; gặp anh Lê Trọng Tấn cùng với cán bộ và chiến sĩ trung đoàn Sơn La vừa rút về, trong đó có những cán bộ vừa được chỉ định tham gia các ban xung phong.

        Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ ta lần này rất nặng. Họ sẽ phải vượt hàng trăm kilômét đường rừng toàn là vùng trắng, quân địch kiểm soát chặt chẽ. Những ngày dài gian khổ, hiểm nghèo, bệnh tật, đói rét đang chờ họ. Nhưng trên gương mặt trẻ măng của mỗi người, từ cán bộ tới chiến sĩ, đều ánh lên niềm tin ở thắng lợi. Họ cảm thấy vinh dự lớn của thế hệ trẻ được lựa chọn làm người mở đường giành giật lại những vùng đất quan trọng của Tổ quốc.

        Tôi nói chuyện với anh em về vị trí nhiệm vụ của Tây Bắc đối với kháng chiến của ta và cách mạng các nước Đông Dương, sự cần thiết phải giải phóng đồng bào các dân tộc Tây Bắc khỏi cuộc sống đọa đầy, và nhắc lại nhiệm vụ Bác trao cho các đội là phải xây dựng tốt cơ sở quần chúng, cắm bằng được lá cờ đỏ sao vàng trên đất Điện Biên Phủ.

        Trong không khí xúc động đưa tiễn anh em lên đường thực hiện một nhiệm vụ rất khó khăn, tôi ứng khẩu đọc tặng anh em mấy câu thơ:

                               Sông Đà, sông Mã uốn dòng,
                               Ghềnh rêu, thác bạc ghi công anh hào,
                               Con vàn1 tung cánh bay cao
                               Ngọn cờ chỉ lối, ngôi sao dẫn đường


        Sau một thời gian, căn cứ Tây Bắc được mở rộng.

-------------
1. Tên loài chim như con vạc.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Tám, 2016, 03:29:42 am
       
5

        Nhìn vào bố trí quân sự của Pháp trên chiến trường Bắc Bộ thì ngoài miền Tây Bắc, Đông Bắc và một tuyến chiếm đóng Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Kạn luôn bị uy hiếp, trục đường số 5 là một chiến trường có ý nghĩa cực kì quan trọng.

        Đối với địch, đây là con đường uyết mạch nối liền căn cứ đầu não và căn cứ hậu cần chủ yếu của quân Pháp trên miền Bắc là Hà Nội và cảng Hải Phòng.  Đối với ta, phần lớn nguồn nhân lực, vật lực từ đồng bằng Bắc Bộ và một phần từ Thanh - Nghệ chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc và tỏa đi các nơi đều phải vượt qua hành lang này.

        Ngay từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc, quân Pháp đã thường xuyên dồn mọi cố gắng để giải tỏa đường số 5. Những đơn vị lê dương thiện chiến và quân ngụy mở hàng trăm cuộc càn quét dữ dội những xã ven đường, đóng nhiều đồn bốt ở những nơi hiểm yếu và thực hiện “đốt sạch, giết sạch, phá sạch” để lập vành đai trắng. Địch lập hội tề và tuần tra, canh gác suốt ngày đêm. Một trung đoàn pháo binh đêm đêm bắn chặn những ngả đường quân ta có thể tiếp cận. Địch ráo riết đánh phá vùng tranh chấp để mở rộng vành đai bảo vệ đường số 5 tại địa phận Hải Dương.

        Mùa hè năm 1947, trong một cuộc họp riêng với các đồng chí chỉ huy quân khu đồng bằng tại Yên Giã, huyện Đại Từ để bàn chủ trương hoạt động ở khu vực đường số 5, tôi đã nói với anh Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Chiến khu 3 rằng: “Đây sẽ là nơi giành giật ác liệt giữa ta và địch. Cần dùng các tổ du kích bí mật và các đội vũ trang tuyên truyền để xây dựng và giữ vững cơ sở tổ chức chính quyền hai mặt, phát động một cuộc chiến tranh giao thông bằng mọi hình thức, đặc biệt là phục kích và đánh địa lội, giữ vững các tuyến liên lạc và vận chuyển của ta”.

        Tháng 2 năm 1948, thực hiện chủ trương của Bộ Tổng chỉ huy, Mặt trận 5 được thành lập để thống nhất và trực tiếp chỉ đạo các lực lượng tác chiến ở khu vực đường số 5. Ban chỉ huy Mặt trận do đồng chí Dương Hữu Miên, trung đoàn trưởng trung đoàn 42 làm chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Năng Hách, chủ tịch tỉnh Hải Dương làm chính ủy. Anh Đỗ Mười và anh Nguyễn Khai thay mặt Liên khu ủy Liên khu 3 trực tiếp chỉ đạo mặt trận.

        Đầu tháng Năm, Mặt trận 5 mở đợt “Tổng công kích đưởng 5” lần thứ nhất. Đợt tổng công kích không đạt được kết quả mong muốn là do dựa vào hoạt động quân sự đơn thuần của bộ đội chủ lực, thiếu phối hợp chặt chẽ với mọi lực lượng của địa phương, chưa gắn liền hành động quân sự với hoạt động đánh địch về cả chính trị, kinh tế.

        Lúc này, các cán bộ, du kích cùng các đơn vị bộ đội vũ trang tuyên truyền đã trở vể thâm nhập vùng địch hậu gây dựng cở sở, nắm dân, sống chết cùng nhân dân đấu tranh với địch. Ngay ở khu tập trung đông dân như Kẻ Sặt, địch đóng hơn một chục vị trí, nhân dân vẫn nuôi dưỡng, che chở cán bộ, giúp bộ đội nắm địch, cất giấu thương binh. Nhân dân các xã Ái Quốc (Nam Sách), Như Quỳnh (Văn Lâm), Bình Định (Cẩm Giàng) đã đào hàng trăm hầm bí mật, có gia đình đào tới 6 hầm bí mật ở trong nhà, ngoài vườn, ngay cạnh hàng rào vị trí địch để che giấu cán bộ. Ở thôn Kim Huy (Mỹ Hào), gia đình ông Nguyễn Huy Cường cho một nửa tiểu đội bộ đội ở chuẩn bị trận đánh mìn trên đường số 5. Địch đánh hơi thấy, sục vào nhà tìm hầm bí mật. Chúng ra lệnh cho ông bà Cường: “Nếu không chỉ hầm cứ 15 phút bắn chết một đứa con”. Sau 45 phút, địch bắn chết cả ba người con của gia đình. Ông Cường phanh ngực áo thách địch bắn tiếp. Địch khiếp đảm phải kéo ông về bốt. Các chiến sĩ ta đường bảo vệ an toàn. Những tấm gương bất khuất, anh dũng hi sinh bảo vệ cán bộ, bộ đội ở vùng địch hậu dọc đường số 5 cũng như trên cả  nước không sao kể xiết.

        Tháng 10 năm 1948, Ban chỉ huy Mặt trận 5 mở  đợt “Tổng công kích đường5” lần thứ hai. Du kích xã Trần Hưng Đạo đánh địa lôi phá hủy một đầu máy và tám toa xe, làm chết và bị thương hàng trăm quân địch. Nữ du kích Nguyễn Thị Ái giật mìn lật đổ một đầu tàu ở Kim Thành, diệt 30 lính Pháp. Đại đội Vũ Hổ, bộ đội Văn Lâm, bộ đội Kim Thành cũng đánh đổ nhiều đoàn tàu địch.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Tám, 2016, 03:30:11 am

        Trong năm 1948, 26 đoàn tàu của địch bị đánh đổ liên tiếp trên đường số 5, chủ yếu là trong những tháng cuối năm. Một số chiến sĩ Quách Phù, Nguyễn Văn Sóc - chuyên đánh mìn, được coi là: “Vua mìn đường 5”. Lực lượng vũ trang An Dương (Hải Phòng), được sự phối hợp của công nhân nhà ga Hải Phòng đánh nhiều trận, phá hủy nhiều đoàn tàu địch, được tặng danh hiệu “Con sư tử đường 5”.

        Cuối tháng 11 năm 1948, tôi chủ trì hội nghị mặt trận Hà Nội - Đường 5 Hải Phòng do Bộ Tổng chỉ huy triệu tập gồm đại biểu ủy ban kháng chiến và ủy ban bao vây kinh tế của các tỉnh, thành Hà Nội, Hải Dương, Kiến An, Hải Phòng, cán bộ chỉ huy dân quân du kích ven đường số 5, chỉ huy các đại đội độc lập, các đội biệt động, các đơn vị chủ lực khu. Kết luận hội nghị, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của mặt trận đã nêu trong huấn lệnh.

        “Chiến lược của ta trong lúc này không những nhằm mục đích đánh tan mưu đồ chính trị và kinh tế của địch nói chung, mà phải đánh rất mạnh vào vùng sau lưng địch để phá hủy lực lượng chính trị, kinh tế của địch, quấy rối hậu phương của chúng… Đem chiến lược này áp dụng vào chiến trường Bắc Bộ thì Hà Nội phải được coi là mặt trận địch hậu quan trọng nhất về chính trị và quân sự, Hải Phòng và đường 5 là mặt trận địch hậu quan trọng nhất về quân sự và kinh tế. Nhiệm vụ của chúng ta là phải biến Hà Nội và Hải Phòng thành một chiến trường cắt đứt đường 5”.

        Đường số 5 đã trở thành “Con đường khiếp đảm” đối với kẻ địch. Trong lời tuyên dương của Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy năm 1948, mặt trận Đường số 5 được coi là “Mặt trận điển hình thứ nhất đánh vào địch hậu, vùng biển và miền đồng bằng”.

        Bình - Trị - Thiên là một chiến trường dài và hẹp, không phải là trọng tâm hoạt động của địch. Nhưng về phía ta, vùng cán xoong này lại có tầm quan trọng nối liền Thanh - Nghệ-  Tĩnh với Khu 5, miền Bắc với miền Nam. Với quyết tâm của Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Khu 4, theo khẩu hiệu “Tất cả cho Bình - Trị - Thiên”, hàng chục đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền cùng hàng trăm cán bộ, đảng viên đã tiến vào sau lưng địch, khôi phục cơ sở, phát động chiến tranh du kích, đẩy mạnh kháng chiến trong những ngày “Quật khởi”. Trận đánh vận động ở Đồng Dương đã diệt gọn một đại đội Âu - Phi. Trận phục kích Hói Mít phá hủy toàn bộ đoàn tàu địch với 80 tấn vũ khí, tiêu diệt và bắt sống đại đội hộ tống đã gây tiếng vang lớn trên cả nước. Một nhà báo phương Tây viết là “cái chết treo lơ lửng trên đầu binh lính viễn chinh, thậm chí có lúc một tiếng gió thổi, tiếng nước chảy cũng làm cho họ giật mình…”.

        Trên chiến trường Khu 5 và Cực Nam Trung Bộ, phương thức “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” cùng các tổ vũ trang công tác thuộc trung đoàn 120, 80, 83, 108… đã được vận dụng có kết quả rõ rệt. Chiến tranh du kích phát triển ven các thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Hòa. Ta đánh nhiều trận tập kích và phục kích trên đèo Hải Vân và dọc đường sắt Nha Trang - Phan Thiết, diệt cai đội Tabo ở Quảng Nam… kết hợp địch vận, tiêu diệt và bức hàng nhiều vị trí, giải phóng hàng chục vạn dân ở Đại Lộc và Duy Xuyên.

        Bộ đội ta đã theo cán bộ tiến lên Tây Nguyên, kết hợp tiến công quân sự với vận động gây cơ sở, lập các khu căn cứ ở Kon Tum, Đắc Lắc…

        Cùng với sự phát triển của chiến tranh du kích, công tác vận động binh lính địch là cuộc chiến đấu phối hợp không có tiếng súng, đi vào lòng người để thức tỉnh tinh thần yêu nước ở mỗi người Việt, vì lẽ này hay lẽ khác phải cầm súng cho địch. Đảng ta coi công tác địch vận là một công tác có ý nghĩa chiến lược, nhất là từ khi địch mở rộng hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền. Trong năm 1948, công tác địch vận đã làm mọt rỗng những đồn bốt, những đơn vị thân binh. Ở nhiều vùng nông thôn, ngụy quyền địch mới dựng lên đã trở thành người giúp đỡ kháng chiến, được nhân dân gọi là “tề hai mặt”, “tề cứu quốc”. Cuối năm 1948, theo mệnh lệnh của Trung ương, cuộc tổng phá tề đã diễn trên khắp các vùng địch hậu, đập tan bộ máy chính quyền địch ở cơ sở và khôi phục chính quyền ta ở nhiều nơi.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 29 Tháng Tám, 2016, 03:30:33 am

        Đưa chiến tranh vào sau lưng địch tất yếu phải đối phó với những cuộc càn quét ngày càng dữ dội của chúng; do đó, từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc ở Bắc Bộ cũng như trước nữa, ở Nam Bộ, đã xuất hiện những “làng chiến đấu”, “ấp chiến đấu”.

        Ông cha ta đã có truyền thống rào làng, tổ chức hương binh để chống giặc cướp cũng như giặc ngoại xâm. Làng xã vốn có từ nghìn xưa trong cộng đồng người Việt cư trú ở lưu vực sông Hồng, đã trở thành một đơn vị hành chính từ thời lập quốc. Sự gắn bó huyết thống của một hay vài dòng họ trong một làng ngày càng thêm bền chặt qua cuộc đấu tranh lâu dài với thiên nhiên khắc nghiệt và những cuộc chống ngoại xâm liên tiếp để tồn tại.

        Chính từ đây đã hình thành nên văn hóa Việt Nam. Nằm trong lũy tre xanh, sau những rặng dừa, hệ thống đướng sá, vườn tược, ao hồ và kênh rạch bình yên từ lâu đã trở thành trận địa hiểm nghèo với quân xâm lược.

        Lũy tre, gò đống, mương lạch, hồ ao bao quanh làng cùng với hào giao thông, hầm hố chiến đấu trở thành phòng tuyến chặn địch. Nhiều làng xóm được chia thành tuyến, thành các khu vực có ổ tác chiến, các đường hào, hầm bí mật nhiều tầng nối thông nhau để tiện cơ động chiến đấu. Một hệ thống canh gác và báo động từ xa được thiết lập cả trong và ngoài làng. Từ những làng chiến đấu riêng rẽ, ở một số nơi đã hình thành cụm làng chiến đấu liên hoàn.

        Nhân dân dựng làng chiến đấu để bám trụ ngay tại quê hương, vừa sản xuất, vừa đánh giặc, chống càn, làm bàn đạp tấn công địch, đấu tranh chính trị, địch vận. Làng chiến đấu đã trở thành mục tiêu chủ yếu của các cuộc tấn công càn quét vào khu du kích. Trong 2 năm 1948- 1949 số lần càn quét đánh vào làng chiến đấu chiếm hơn 3/4 tổng số hàng nghìn cuộc hành quân càn quét của địch ở đồng bằng Bắc Bộ.

        Đich có khi dùng đơn vị nhỏ đánh biệt kích, nhiều khi dùng lực lượng lớn bao vây hợp kích có đại bác, xe tăng, máy bay bắn phá, ném bom dữ dội. Chúng bao vây phục kích ngoài làng để chặn bắt cán bộ, bộ đội và du kích. Khi tấn công vào được trong làng, chúng lùng sục, đốt phá, giết chóc.

        Quân dân các làng, ấp được tập dượt theo nhiều phương án chiến đấu, từ ngoài làng, địch đã bị tiêu hao vì mìn chông, cạm bẫy và hỏa lực từ các tuyến ven làng bắn ra. Lợi dụng địa hình tự nhiên và nhân tạo phức tạp trong làng cùng hệ thống chiến lũy, công sự, hầm ngầm chuẩn bị sẵn, bộ đội và dân quân, du kích ẩn hiện bất ngờ, dùng lựu đạn, súng trường, giáo mác… đánh gần, tiêu diệt địch khi chúng lọt vào làng.

        Bắt đầu nổi lên những lá cờ: Đình Bảng (Bắc Ninh), Chi Lăng (Lạng Sơn), Vật Lại (Sơn Tây), Cảnh Dương, Cự Nẫm (Quảng Bình), Khu Xitơ của anh hùng Núp (Gia Lai), Tân Phú Trung với những địa đạo tiền thân của Củ Chi nổi tiếng sau này…

        Làng chiến đấu là một biểu hiện của tinh thần bất khuất của dân tộc ta, một thách thức với kẻ thù xâm lược. Làng chiến đấu trở thành pháo đài kiên cố của chiến tranh nhân dân ở địa phương, một đặc điểm của chiến tranh Việt Nam.

        Đưa chiến tranh vào vùng sau lưng địch là một chủ trương đúng đắn và sáng tạo trong lãnh đạo chiến tranh của ta. Chỉ một năm sau ngày kháng chiến toàn quốc, lực lượng vũ trang còn rất non trẻ đã cùng toàn dân mở một cuộc phản công chiến lược “mềm” nhằm vào sào huyệt địch trên cả nước. Với việc “biến hậu phương địch thành tiền phương ta”, chúng ta đã đảo lộn thế cờ, tạo sự bình ổn cho hậu phương ta, biến hậu phương địch thành chiến trường. Chiến trường mới này đã ghìm chân quân địch tại chỗ, buộc địch phải chuyển những cuộc tiến công vào chủ lực ta thành những cuộc càn quét không có hiệu quả. Mặt trận mới này cho phép chúng ta đánh những đòn trực diện vào chính sách cơ bản của thực dân xâm lược Pháp là “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người Việt đánh người Việt”.

        Đây là thành công lớn nhất của ta trong năm 1948. Phát động chiến tranh du kích rộng khắp ở vùng sau lưng địch đã mang lại cho cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện sự chuyển biến về chất, đưa cuộc kháng chiến vững vàng bước sang một giai đoạn mới.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 30 Tháng Tám, 2016, 05:01:56 am
     
6

        Tại Nam Bộ, đúng như ta đã nhận định, trong năm 1948 Pháp tập trung lực lượng đẩy mạnh hoạt động quân sự nhằm hậu thuẫn cho “giải pháp chính trị” bắt đầu bằng việc xây dựng một chính quyền bù nhìn thân Pháp với lá bài Bảo Đại.

        Nam Bộ đã tiến hành chiến tranh du kích ngay sau khi Pháp mở lại cuộc xâm lăng lần thứ hai. Qua hơn hai năm chiến đấu, chiến tranh du kích ở nam Bộ đã phát triển có chiều rộng và chiều sâu. Du kích xã, liên xã, liên huyện ở Nam Bộ có khả năng đối phó với những cuộc càn quét nhỏ. Với những trận càn lớn thì kinh nghiệm của lực lượng vũ trang Nam Bộ là phải “xoay vần” cùng với quân địch.

        Căn cứ Đồng Tháp Mười nằm cách Sài Gòn hai chục kilômét là mục tiêu của nhiền cuộc tiến công đánh phá của địch. Tháng 2 năm 1948, diễn ra cuộc hành quân Vêga (Véga) với tính chất giống như cuộc tiến công vào Việt Bắc Thu Đông 1947. Bộ chỉ huy Pháp huy động 11 tiểu đoàn, trong đó có 2 tiểu đoàn dù và 2 đơn vị thủy quân lục chiến, nhiều đơn vị thiết giáp, xe lội nước, có máy bay và đại bác yểm hộ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và các chi đội của Nam Bộ. Quân Pháp từ ba phía nam, bắc và đông siết dần vòng vây quanh vùng căn cứ Đồng Tháp Mười. Từ sáng đến trưa ngày 14 tháng 2, vòng vây đã hoàn tất ở ở khu vực trung tâm cánh đồng trên một chu vi đường tròn dài 80 kilômét. Những tiểu đoàn quân Pháp có xe lội nước thực hiện cuộc càn quét, lùng sục suốt bốn ngày trên cánh đồng ngập nước, đầy cỏ dại và những cây tràm. Một số cuộc đụng độ đã diễn ra chứng tỏ đối phương có mặt ở đây. Nhưng tới ngày cuối cùng, khi vòng vây đã siết chặt thì họ thấy chỉ có cánh đồng trống. Tất cả cơ quan chỉ huy, những chi đội, binh công xưởng, bệnh viện, đài phát thanh… đều đã biến khỏi đây.

        Cuộc tiến công lớn nhát của địch ở Nam Bộ đã thất bại.

        Cuối tháng 7 năm 1948, Xứ ủy Nam Bộ họp mở rộng do đồng chí Lê Duẫn và đồng chí Phạm Hùng chủ trì. Hội nghị nhận định: đối với địch, “Nam Bộ đã trở nên trung tâm hoạt động chính trị và cũng là vị trí quân sự quan trọng”. Pháp đang dùng võ lực để lập ngụy quyền, và mở cuộc tiến công chiến lược vào nguồn dự trữ của ta, hòng làm cho ta hết người, hết lương thực, hết vũ khí “thì đội quân chủ lực phải bị tiêu diệt”. Hội nghị quyết định mở rộng phong trào dân quân, để bảo vệ dự trữ của ta, phá hoại dữ trữ của địch và gây phong trào tạo làng chiến đấu rộng rãi. Đồng thời “phải có chủ lực mạnh mẽ để đánh những trận lớn”.

        Sau hội nghị, Xứ ủy đã điện để đề nghị Bác và Trung ương tăng cường cho Nam Bộ một cán bộ quân sự có khả năng xây dựng và chỉ huy bộ đội chủ lực. Bác và Thường vụ nhận thấy nên cử một phái đoàn đại diện Đảng và Nhà nước vào thăm Nam Bộ để trao đổi kinh nghiệm chiến đấu giữa hai miền. Thường vụ trao nhiệm vụ cho Bộ Tổng chỉ huy thảo một huấn lệnh gửi Nam Bộ.

        Anh Lê Đức Thọ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng được cử dấn đầu phái đoàn. Về mặt công khai, anh Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Phủ Chủ tịch, là trưởng đoàn vì Đảng lúc này còn hoạt động bí mật. Trong đoàn có anh Lê Hiến Mai và một số cán bộ quân đội vào tăng cường cho Nam Bộ.

        Bản huấn lệnh gửi Nam Bộ viết: “Cuộc kháng chiến Nam Bộ mạnh chính là ở tự động, không ỷ lại, tự lực cánh sinh”. “Từ không có núi rừng hiểm trở mà tạo nên rừng người, núi người, xây dựng những căn cứ kháng chiến lâu dài”. “Chiến tranh du kích Nam Bộ mạnh chính là ở chỗ lấy dân làm gốc”.

        Huấn lệnh nêu lên những nhiệm vụ căn bản của Nam Bộ. Về chính trị, tranh thủ nhân dân ở cả thành thì và nông thôn, chú trọng các tôn giáo, đồng bào Khơ-me, các tầng lớp người Hoa. Về quân sự, tiếp tục đẩy mạnh chiến tranh du kích, vấn đề mấu chốt là thực hiện “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”. Hết sức coi trọng căn cứ địa ở khu rừng núi miền Đông, khu Đồng Tháp Mười và khu rừng U Minh, trong đó khu rừng núi miền Đông là quan trọng nhât. Ở thành thị, nhất là Sài Gòn, lấy đấu tranh chính trị là chủ yếu, kết hợp với hoạt động của các đội biệt kích, đội công tác trên nguyên tắc bảo vệ cơ sở nội thành. Du kích chiến phải tiến lên vận động chiến. Vì thế trên cơ sở xây dựng dân quân du kích ở thôn, ấp, bộ đội địa phương ở huyện, tỉnh phải tiến lên tập trung mỗi khu vực một tiểu đoàn rồi một trung đoàn chủ lực khi có điều kiện.

        Trung tuần tháng Chín, phái đoàn anh Lê Đức Thọ lên đường mang theo nhiều tài liệu, trong đó có tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của anh Trường Chinh, Huấn lệnh Nam Bộ và một số văn kiện quan trọng của Bộ Tổng tư lệnh như: huấn lệnh “Phát động du kích chiến tranh, nhiệm vụ quân sự căn bản trong giai đoạn này”, huấn lệnh “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, "Đề án xây dựng quân giới”…

        Ngày 21 tháng 9, cơ quan tham mưu báo tin ngày 20 tháng 9, quân Pháp dùng 20 máy bay thả quân dù xuống Vân Đình ở Hà Đông, đồng thời khá đông quân địch từ thị xã Hà Đông cũng tiến ra Vân Đình. Được tin này, Bác và chúng tôi đều lo lắng. Một phái đoàn đại biểu của Nam Bộ từ đồng bằng sông Cửu Long ra thăm miền Bắc đang có mặt ở Vân Đình. Phái đoàn của anh Lê Đức Thọ đã có kế hoạch gặp phái đoàn Nam Bộ tại đây… trước khi tiếp tục đi vào Nam1.

-----------------
1. Đầu tháng 5 năm 1949, phái đoàn anh Lê Đức Thọ tới Nam Bộ an toàn, không gặp phái đoàn anh Trà đi ra.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 30 Tháng Tám, 2016, 05:02:16 am

        Cuối tháng Chín, đoàn đại biểu của Nam Bộ tới Việt Bắc.

        Anh Trần Văn Trà, khu trưởng Khu 8 là trưởng đoàn, cùng anh Trần Bửu Kiếm, chị Nguyễn Thị Định, anh Lương Văn Trọng, đại diện của anh Nguyễn Bình, một đại biểu của Bình Xuyên, một vị linh mục đại diện cho công giáo Nam Bộ, và họa sĩ Diệp Minh Châu. Chị Định đã ra Bắc một lần năm 1946, xin vũ khí chở vào Nam Bộ theo đường biển. Những người khác đều mới ra Bắc lần đầu.

        Cuộc hành trình gian khổ của đoàn từ Nam Bộ ra Việt Bắc kéo dài tám tháng. Khi đoàn đi ngang Vân Đình, địa phương tổ chức một cuộc mít tinh chào mừng trọng thể, có cả đèn điện sáng trưng. Cơ sở ta từ nội thành báo ra, quân Pháp định chụp bắt phái đoàn rất quan trọng này, nhưng chúng đã vồ hụt…

        Bác chủ trì buổi tiếp đoàn tại hội trường Phủ Chủ tịch, một ngôi nhà lá lớn nằm giữa rừng sâu, bên cạnh một dòng suối. Các bàn đều trải vải hoa trên đặt những bó hoa rừng. Cùng đón đoàn với Bác có cả thành viên của Hội đồng Chính phủ, Bác Tôn, lúc này là Hội trưởng Hội Liên Việt, ông Phan Kế Toại, linh mục Phạm Bá Trực, và anh Trần Duy Hưng.

        Đoàn mang theo những tặng phẩm của đồng bào miền Nam gửi tặng Bác và Chính phủ. Bác rất cảm động khi họa sĩ Diệp Minh Châu đưa tặng Bác một tác phẩm được vẽ bằng chính máu của mình, có hình ảnh Bác và ba em bé tượng trưng cho ba miền Bắc, Trung, Nam đứng vây quanh, một em đang giơ tay trìu mến cầm râu Bác.

        Ngày hôm sau, anh Trà báo cáo tình hình kháng chiến ở Nam Bộ từ sau ngày kí Hiệp định mồng 6 tháng 3, Bác và anh Trường Chinh và tôi cùng nghe. Với báo cáo của anh Trà, chúng tôi nắm cụ thể hơn tình hình chiến trường Nam Bộ, trước đây chỉ theo dõi qua các bức điện.

        Cuối buổi báo cáo, anh Trà xúc động bày tỏ nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Nam Bộ mong được đón Bác vào Nam.

        Bác nói:

        - Mình cũng có nguyện vọng đó từ lâu. Nếu cán bộ, chiến sĩ cùng đồng bào cả nước đều cố gắng  thì ngày Bắc, Trung, Nam sum họp sẽ không xa.

        Lúc đó, không ai nghĩ là ngày Bắc Nam sup họp lại vắng Bác.

        Hôm sau, anh Trà sang làm việc với Bộ Tổng chỉ huy. Tôi cùng anh Thái, anh Dũng dành nhiều thời gian trao đổi với anh về tình hình tổ chức và phương thức hoạt động của lực lượng vũ trang Nam Bộ.

        Cuộc kháng chiến ở Nam Bộ có nhiều đặc điểm riêng.

        Sài Gòn khởi nghĩa thành công chưa đầy một chưa đầy một tháng thì quân Pháp gây hấn, tiếp đó quân viễn chinh ồ ạt kéo vào. Lực lượng vũ trang kháng chiến lúc đầu gồm phần đông là bảo an binh, những đơn vị của chính quyền Sài Gòn cũ, của Bình Xuyên, của các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo…, tuy đông, có nhiều người yêu nước, nhưng trang bị kém, tổ chức quá phức tạp, chỉ huy không thống nhất, đã không đứng vững trước những đòn tiến công mạnh mẽ của kẻ thù. Nhân dân, đa số là thanh niên công nhân, nông dân với súng lửa, gậy tầm vông, mã tấu đã lập vành đai, tổ chức mặt trận, ngăn sông, chặn từng bước tiến của quân địch, đã đánh những trận vang dội ở cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Bến Phan, Chợ Đầm… Sau khi vỡ mặt trận, lực lượng kháng chiến này tản rộng về vùng nông thôn, phân tán nhỏ ra đánh du kích khắp nơi. Những đơn vị Nam tiến, như chi đội Nam Long từ Bắc vào, đã sát cánh cùng quân và dân Nam Bộ đánh địch ở Lái Thiêu và tiếp tục chặn đánh địch từ Sài Gòn tới Phan Thiết, Phan Rang. Đảng ta đã quyết định chia Nam Bộ ra làm ba chiến khu, tổ chức lại lực lượng vũ trang, cải tổ những đơn vị cộng hòa vệ binh, Bình Xuyên thành chi đội giải phóng quân, phân công toàn bộ đảng viên, nhiều người vừa thoát khỏi ngục tù Côn Đảo, về lãnh đạo kháng chiến ở các khu, tỉnh, đặc biệt là nắm các đơn vị vũ trang, kể cả những đơn vị của các giáo phái.

        Cuộc kháng chiến ở Nam bộ đã vượt qua những ngày đầu vô cùng gian nan và tiếp tục đứng vững là nhờ ở tinh thần yêu nước rất cao và lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Bác Hồ.

        Một phong trào đấu tranh có tính chất nhân dân, với những hình thức phong phú đã diễn ra rộng khắp ở Nam Bộ. Đấu tranh chính trị ở đô thị lên rất cao, công nhân bãi công, học sinh bãi khóa, chị em buôn bán bãi thị, hàng nghìn trí thức kiến nghị phản đối chính quyền bù nhìn, nhiều người xuống đường đòi xử tử Bảo Đại. Lực lượng vũ trang Nam Bộ coi trọng chống càn, đánh phá giao thông, đánh phá kinh tế địch, xây dựng căn cứ, xây dựng làng chiến đấu. Những đơn vị phân tán nhỏ hòa vào dân đánh du kích đã bắt đầu được tổ chức thành một số tiểu đoàn mạnh. Tiểu đoàn 307 đã đánh những trận vây đồn diệt viện ở Mộc Hóa, La Bang. Trên đường số 20 ở Tầm Vu, đồng bằng sông Cửu Long. Đây là những trận phục kích xuất sắc của bộ đội chủ lực ở Nam Bộ (sẽ được đề cập ở chương sau).

        Trong điều kiện hết sức khó khăn vì không hề có thời gian chuẩn bị, với tinh thần anh dũng và sáng tạo tuyệt vời, phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đã đững vững và phát triển trong suốt ba mươi năm đương đầu với một kẻ thù mạnh hơn mình nhiều lần.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 30 Tháng Tám, 2016, 05:06:48 am
       
Chương sáu

DU KÍCH VẬN ĐỘNG CHIẾN VỚI CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH ĐỒN BỐT

1

        Từ ngày đầu kháng chiến toàn quốc, quân đội quốc gia Việt Nam đã có khoảng 85.000 người, được tổ chức thành những trung đoàn, tiểu đoàn. Những đơn vị này thực chất do địa phương tổ chức, nuôi dưỡng, trang bị yếu kém, chưa hề được rèn luyện trong đánh tập trung, nhưng vẫn là nòng cốt của lực lượng vũ trang toàn dân. Chúng ta đã sớm nghĩ tới việc sử dụng lực lượng này khi cả nước bước vào chiến tranh. Nếu tung vào những trận đánh lớn, nó rất dễ tan vỡ. Chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 22 tháng 12 năm 1946 đã chỉ ra cách đánh của bộ đội chủ lực là “Triệt để du kích vận động chiến”.

        Vận động là phương thức duy nhất làm cho ta tránh khỏi thế bị động, thoát được những đòn tiến công quyết định của địch nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang non trẻ của ta. Vận động giúp ta giành lại quyền chủ động với những trận đánh có lựa chọn, có chuẩn bị, giành thế bất ngờ, nhằm vào những nơi địch thiếu phòng bị, những lúc địch sơ hở. Nó cho phép một quân đội yếu kém đánh lại có hiệu quả một quân đội xâm lược mạnh hơn nhiều lần, mà vẫn bảo tồn được lực lượng theo đúng phương châm càng đánh càng mạnh.

        Vận động có khi chỉ là di chuyển bộ đội đến một địa điểm dễ ngụy trang hay có đầu đủ lương thực, để bộ đội nghỉ ngơi và huấn luyện trong điều kiện tương đối an toàn. Vận động trong trường hợp như vậy chỉ là sự chuyển quân, một sự “cơ động” như ta thường nói, không nằm trong kế hoạch tác chiến.

        Nếu như đặc điểm chủ yếu trong chiến tranh du kích do nhân dân và bộ đội nhỏ tiến hành là bám trụ, ẩn hiện ngay tại địa phương, thì trong tác chiến của bộ đội chủ lực là thường xuyên vận động, đánh địch bất ngờ. Cả hai lực lượng phối hợp chặt chẽ với nhau, nhất là từ khi ta thực hiện phương thức bố trí bộ đội chủ lực thành đại đội  độc lập và tiểu đoàn tập trung, kẻ địch đứng trước một loại hình chiến tranh mới chúng chưa hề gặp phải, càng chưa hề được mô tả trong bất cứ sách giáo khoa quân sự nào của các học viện, một cuộc chiến tranh không có mặt trận, không có mục tiêu, với những đòn tấn công bất ngờ từ những hướng mà địch cho là hoàn toàn yên tỉnh.

        Những tháng đầu kháng chiến toàn quốc, quân đội ta chưa quen với chiến thuật “du kích vận động chiến” nên đã dẫn tới “vỡ mặt trận” ở một số nơi. Sau khi được uốn nắn, bộ đội ta đã vận dụng tốt chiến thuật này trong vận động phục kích gây thiệt hại nặng cho quân địch tới giải vây mặt trận Nam Định, trong vận động tập kích vào thành phố Hải Phòng khi quân địch vừa tung quân đi càn quét buộc chúng phải rút về. Trong cuộc tiến công Thu Đông của địch vào Việt Bắc, bộ đội ta đã vận động đánh địch có hiệu quả lớn với những trận phục kích ở mặt trận Đường số 4, mặt trận Sông Lô, mặt trận Đường số 3.

        Mùa xuân 1948, bộ đội ta đã tiến hành nhiều trận phục kích và vận động phục kích thắng lợi trên những trục giao thông quan trọng. Nhiều trận có hiệu suất chiến đấu cao. Đường số 4 ở Bắc Bộ đã trở thành con đường lửa đối với địch. Nhiều trận phục kích đã diễn ra dọc đường quốc lộ, trên đèo Hải Vân, trên các nẻo đường ở Tây Nguyên… Bộ đội Nam Bộ đã đánh được những trận phục kích xuất sắc.

        Ngày 7 tháng 3 năm 1948, trung đoàn Biên Hòa phục kích một đoàn xe 79 chiếc tại La Ngà, trên đường Sài Gòn đi Đà Lạt, tiêu diệt hoàn toàn 60 xe. Viên quan năm Paruyt (Paust), tổng tham mưu phó quân viễn chinh chết tại trận. Viên quan năm Đờ Xêrinhê (De Sérigné) chỉ huy bán lữ đoàn lê dương thứ 13 vừa càn quét ở Đồng Tháp Mười về, bị bắt. Trận La Ngà làm xôn xao dư luận Pháp vốn coi Nam Bộ là chiến trường đã bình định xong. Hơn hai chục năm sau, trong tập hồi kí của mình, khi nhắc tới trận La Ngà, Xalăng coi đây là trận đánh “tuyệt diệu cả về tổ chức và chỉ huy nắm thời cơ nổ súng” của đối phương, là “trận đánh bất hạnh” đối với quân viễn chinh Pháp. Hơn một tháng sau đó, ngày 18 tháng 4 năm 1948, bộ đội Khu 9 đánh tiếp trận Tầm Vu, nhanh chóng tiêu diệt một đoàn 24 xe địch, thu nhiều vũ khí, trong đó có một khẩu lựu pháo 105 li. Điểm nổi bật của trận Tầm Vu là bộ đội ta đã giành chiến thắng trong một trận phục kích giữa vùng đồng bằng có nhiều kênh rạch.

        Trong những năm đầu, bộ đội ta còn tiến hành một kiểu vận động chiến mang nặng tính chất du kích thì vấn đề địa hình địa vật, vấn đề đánh ngày hay đánh đêm, đánh địch từ xa hay đánh gần đã được đề ra cân nhắc nghiên cứu. Hướng giải quyết các vấn đề ấy đều nhằm một mục đích là hạn chế đến mức cao nhất chỗ mạnh tuyệt đối của địch về vũ khí và phương tiện chiến tranh, đặc biệt là hỏa lực của pháo binh, xe tăng và máy bay. Những trận thắng giòn giã của quân ta lúc bấy giờ phần lớn là diễn ra trên chiến trường rừng núi, được tiến hành ban đêm và phát huy hiệu quả của cách đánh gần. Đánh trên chiến trường rừng núi thì “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Sức mạnh của địch về hỏa lực các loại khó phát huy. Đánh đêm thì ta có điều kiện tiếp cận, còn địch thì khó phát hiện ra. Đánh gần thì ta khai thác được thế mạnh về tinh thần chiến đấu, còn địch thì khó sử dụng các loại hỏa lực tầm xa của chúng. Bởi vậy, khả năng đánh địch trên chiến trường rừng núi đánh đêm và đánh gần  đã trở thành sở trường của quân đội ta, cả mãi về sau này. Ở đây, tôi muốn nói đến vấn đề triển khai  bộ đội tương đối lớn, tác chiến thời gian tương đối dài trên địa hình đồng bằng. Đây là một vấn đề quan trọng, suốt những năm kháng chiến chống Pháp đã được đặt ra để nghiên cứu giải quyết và đã từng là một hạn chế đối với khả năng tác chiến của bộ đội ta. Trong nhiều năm, trên địa hình trống trải, bộ đội ta chỉ có thể đánh những trận nhỏ, khéo ngụy trang, khéo tạo bất ngờ, đánh nhanh rút nhanh. Phải đợi đến những ngày bộ đội ta xây dựng trận địa tiến công và bao vây trên chiến trường Điện Biên Phủ thì vấn đề dùng bộ đội lớn đánh liên tục suốt ngày đêm mới được giải quyết.

        Như vậy, du kích vận động chiến của ta rất khác vận động chiến quy mô lớn trong chiến tranh hiện đại, với cách đánh của những binh đoàn lớn vận động từ xa, tiến quân thật sâu, bao vây chia cắt, đi đến tiêu diệt những binh đoàn lớn đang vận động hoặc mới đóng quân của địch, tiêu diệt lực lượng lớn của đối phương trên một chiến trường rộng. Du kích vận động chiến của ta là hình thức tác chiến của một đội quân non trẻ, hoạt động với những đơn vị tiểu đoàn, trung đoàn; là hình thức tác chiến quá độ của một giai đoạn. Thực tiễn đã chứng minh, cách đánh sáng tạo ấy đã phát huy hiệu lực trên chiến trường, tránh được những thất bại có thể xảy ra, mang lại những thắng lợi có ý nghĩa cho bộ đội ta. Nó bao gồm những trận phục kích, tập kích, tiêu diệt địch đang vận động hoặc ở những nơi địch mới lấn chiếm chưa kịp củng cố công sự. Nó chính là vận động đánh nhỏ.Con đường phát triển của nó là từ vận động đánh nhỏ tiến lên vận động đánh lớn, bao gồm cả đánh địch ngoài công sự và trong công sự.

        Do vậy, bước sang năm 1949, khi ta đề ra nhiệm vụ tích cực, chuẩn bị để chuyển sang giai đoạn mới thì ranh giới giữa tác chiến của dân quân du kích và tác chiến của bộ đội, nhất là bộ đội chủ lực, ngày càng rõ rệt. Ta đã đề ra phương châm tác chiến: du kích chiến là cơ bản, vận động chiến là phụ trợ1.

---------------
1. Vào năm 1951, khi tướng Đờ Lát (De Lattre) xây dựng phòng tuyến boongke (bunker) thì đã từng có ý kiến đề nghị với Trung ương Đảng ta tạm thời trở lại “du kích vận động chiến”.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 30 Tháng Tám, 2016, 05:11:27 am
       
2

        Nếu chiến tranh toàn dân của ta có những đặc thù, thì chiến tranh xâm lược của Pháp cũng không phải diễn ra như các cuộc chiến tranh thông thường. Ngay sau khi cái gọi là “cuộc diễu hành quân sự” (promenade militaire) của tướng Lơcléc thất bại, chiến tranh du kích phát triển ở Nam bộ, thì quân đội viễn chinh Pháp đã phải quay về với những chiến thuật cổ truyền của một quân đội xâm lược là chiếm đóng và bình định. Việc chiếm đất bắt đầu bằng một cuộc hành binh có xe tăng, trọng pháp mở đường, máy bay, tàu chiến yểm trợ cho những đơn vị bộ binh tiến đánh. Tiếp đó, lực lượng tiến công rút lui, sau khi để lại một bộ phận nhỏ binh lính và những sĩ quan cấp thấp chia nhau đóng thành những đồn bốt tiến hành việc “quân quản”. Chúng phục hồi những chức sắc của thời kì thực dân trước đây với những người trong bộ máy tay sai cũ, tổ chức “thân binh” với nhiệm vụ loại trừ lực lượng kháng chiến, bảo vệ an ninh của vùng đất mới chiếm.

        Những đồn bốt này đã xuất hiện trên đất nuốc ta từ cuộc xâm lược lần thứ nhất với Lôytây (Lyautay) và Galiêni (Galliéni). Dựa vào những đồn bốt, chúng đã xúc tiến việc bình định, thực hiện cái gọi là “vết dầu loang”. Ngày nay, trong tình hình mới, chiến thuật ấy lại được cải tiến theo trình độ trang bị và năng lực tác chiến của lực lượng vũ trang ta ở từng vùng.

        Tại Nam Bộ, lúc đầu quân Pháp chiếm đóng những đình chùa hay những ngôi nhà gạch kiên cố làm nơi đóng quân. Với Đờ Latua (De Latour), người thay thế Niô (Nyo) làm tư lệnh quân Pháp ở Nam Bộ, nó trở thành những “tháp canh” (tour de garde). Đó là những chòi cao khoảng năm, sáu mét, xây bằng gạch hoặc những vật liệu tre, gỗ kiếm được ở địa phương, chứa từ nửa đến một tiểu đội do một sĩ quan hoặc hạ sĩ quan Pháp chỉ huy. Với “hệ thống tháp canh” dầy đặc, quân Pháp đã kiểm soát những vùng đồng bằng rộng lớn, phát hiện mọi hoạt động của ta, bảo vệ những đoàn quân xa di chuyển hoặc tìm bắt cán bộ, xây dựng mạng lưới tề điệp.

        Sau ngày kháng chiến toàn quốc, Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, những đồn bốt mới xuất hiện ở Bắc Bộ. Tại đây nó trở thành những cứ điểm với số quân đông hơn, hỏa lực mạnh hơn, và cách bố phòng cẩn mật hơn. Lực lượng đồn trú mỗi nơi từ một trung đội tới một đại đội. Ở những vị trí trọng yếu, quân đồn trú là lính Âu Phi. Những cứ điểm được bố trí thành hệ thống nằm trong lưới lửa bảo vệ của hỏa lực pháo binh, khi cần thì sẽ được cứu viện bằng lực lượng ứng chiến.

        Hiểu rõ trình độ trang bị yếu kém của bộ đội ta, công thức Bộ chỉ huy quân Pháp dùng lúc này là “cứ điểm nhỏ, đội quân ứng chiến nhỏ”. Hệ thống cứ điểm nhỏ vừa có nhiệm vụ không chế những vùng trọng yếu, hình thành thế chia cắt, bao vây, ngăn chặn bộ đội ta từ xa, vừa làm nhiệm vụ chỗ dựa cho hội tề, gián điệp hoạt động, lùng sục cơ sở cách mạng, vây bắt cán bộ, o ép nhân dân địa phương. Đội ứng chiến nhỏ vừa là lực lượng ứng chiến cho những đồn bốt khi bị quân ta tiến công, vừa là lực lượng đánh phá những vùng địch nghi có cơ quan, bộ đội, công xưởng, kho tàng của ta.

        Đối với quân đội viễn chinh thì biện pháp chiến lược có tầm quan trọng bậc nhất là quyết sách do tướng Vanluy đề xướng: tập trung lực lượng tấn công tiêu diệt khu cố thủ Việt Minh, đặc biệt là cơ quan đầu não.

        Chiến tranh đồn bốt (guerre des postes) là biện pháp chiến lược có tầm quan trọng không kém; nó có tác dụng quyết định đối với nhiệm vụ chiếm đất và bình định, nhằm hoàn thành mục tiêu của cuộc chiến tranh xâm lược. Người Pháp ví nó với “chiến tranh chiến hào” (guerre des tranchées), trong đại chiến thế giới lần thứ nhất.

        Vận chuyển trên đường giao thông là một nhược điểm lớn của địch trong chiến tranh mà ta cần triệt để khai thác. Nhưng chỉ với những trận phục kích không đủ để buộc quân địch phải thu hẹp địa bàn chiếm đóng, để mở rộng vùng giải phóng, giành lại nhân lực vật lực là nguồn dự trữ cơ bản cho cuộc kháng chiến lâu dài. Và chính là với chiến thuật những tháp canh, cứ điểm nhỏ, địch sẽ hạn chế những trận phục kích của ta. Trong năm 1948, tại Nam Bộ, Đờ Latua đã nâng con số tháp canh từ 500 lên 2000. Trên đường giao thông quan trọng, mỗi kilômét có một tháp canh. Binh lính ở từng tháp canh nhìn thấy nhau, kịp thời báo hiệu khi bộ đội, du kích xuất hiện. Những đoàn quân xa đều có xe bọc thép mở đường và binh lính hộ tống. Với những biện pháp này, người Pháp tuyên bố ở đồng bằng Nam Bộ, số những trận phục kích của ta đã xuống thấp hơn số tai nạn xe cộ trên đường giao thông.

        Chiến tranh du kích phát triển mạnh có khả năng thu hẹp phạm vi kiểm soát của những đồn binh, nhưng ít có khả năng loại trừ chúng. Và chính những đồn binh này lại là trở ngại cho phát triển chiến tranh du kích. Nhờ những đồn binh, quân địch với số lượng không đông vẫn khống chế được những địa bàn chiến lược quan trọng, đông dân, nhiều tài nguyên.

        Từ sau cuộc tiến công lên Việt Bắc, số cứ điẻm nhỏ của Pháp phát triển rất nhanh. Ở Cao - Bắc - Lạng, từ 68 vị trí đầu năm 1948 đã tăng lên 79 vị trí vào giữa năm, với số quân chiếm đóng tăng từ 2.500 tên lên 6.900 tên. Vùng Tây Bắc và Đông Bắc, địch đóng thêm 100 cứ điểm. Liên khu 3 thêm 53 cứ điểm, đưa số quân chiếm đóng từ 12.000 lên 25.000. Điều này chứng tỏ sau khi mở rộng đáng kể phạm vi chiếm đống ở Bắc Bộ, địch đang chuyển sang thực hiện chiến thuật “siết chặt và vết dầu loang”.

        Nghị quyết Hội nghị Trung ương mở rộng trung tuần tháng 1 năm 1948 đã đề ra: “Quét những đồn lẻ của giặc, bắt địch thu hẹp địa bàn lại”. Cùng với những trận phục kích, tiêu diệt những đồn bốt là cách chặn đứng quá trình bình định, hoàn tất nhiệm vụ tái chiếm thuộc địa của quân viễn chinh. Nó cho phép ta giành lại những vùng đất đã mất cùng với nhân dân, tài nguyên và cả những vị trí quan trọng về chiến lược.

        Mặt khác, hệ thống cứ điểm nhỏ, đặc biệt là những cứ điểm ở vùng rừng núi, đã bộc lộ những nhuộc điểm mới của địch. Đây chính là một khâu yếu của địch trong chiến tranh. Những cứ điểm nhỏ với số quân không đông, hỏa lực có hạn, đóng cố định tại một vị trí, hầu như hoàn toàn cô lập, ban đêm cho phép ta tập trung một lực lượng nhất định, tiến hành những trận đánh có chuẩn bị kĩ lưỡng, tiêu diệt quân địch đồn trú và giải quyết vấn đề thương binh trong một đêm và rút lui trước khi trời sáng, không phải đối phó với máy bay, thiết giáp và quân cơ động của địch. Mỗi cứ điểm nhỏ là một kho tiếp tế súng đạn, đặc biệt là đạn, rất cần cho bộ đội ta lúc này.

        Đánh bại chiến lược “chiến tranh đồn bốt” là một việc không thể không làm để đi tới chiến thắng trong cuộc chiến tranh. Trước mắt, đi đôi với những trận phục kích và vận động phục kích, thì tiêu diệt những cứ điểm nhỏ sẽ góp phần làm thất bại một biện pháp chiến lược của địch, đưa cuộc kháng chiến chuyển sang giai đạn mới. Đây cũng là một sự tập dượt cần thiết để chuẩn bị cho bộ đội ta ngày càng nâng cao khả năng đánh địch trong công sự. Địch càng lún sâu vào phòng ngự thì càng dồn nhiều binh lực vào các cứ điểm, từ cứ điểm nhỏ đến cứ điểm lớn, với lực lượng trung đội, đại đội, rồi tiểu đoàn, trung đoàn cho đến hình thức tập đoàn cứ điểm vòa thời kì cuối của cuộc chiến tranh.

        Nhiệm vụ khai phá một con đường tiến tới đánh bại chiến lược chiến tranh đồn bốt được trao cho những tiểu đoàn chủ lực của Bộ.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 30 Tháng Tám, 2016, 05:17:14 am

3

        Cuối năm 1947, giữa chiến dịch Việt Bắc, Bộ Tổng tham mưu đã bắt đầu nghiên cứu cách đánh cứ điểm nhỏ.

        Làm được nhiệm vụ này, đối với bộ đội ta, không dễ dàng. Chúng ta chưa có kinh nghiệm đánh địch trong công sự, đặc biệt là đánh cứ điểm. Một nhược điểm lớn chưa có khả năng khắc phục trong lúc này là bộ đội ta rất thiếu vũ khí. Qua một năm chiến đấu, ta đã thu được một số vũ khí, trang bị của địch,  nhưng số chiến lợi phẩm này hoàn toàn không đáp ứng được yêu cầu của bộ đội đang phát triển nhanh về số lượng. Bộ đội Liên khu 10 được trang bị khá hơn cả trong toàn quân, nhưng số người có súng trong một đơn vị chỉ mới là 52 phần trăm. Những tiểu đoàn chủ lực của Bộ chỉ đạt được 41 phần trăm. Chúng ta hoàn toàn không có thuốc nổ để mở hàng rào, thiếu súng trường, rất ít súng liên thanh, đặc biệt là tiểu liên cần cho lúc xung phong.

        Trong quá trình nghiên cứu, một chiến sĩ “Việt Nam mới” (trước đây là sĩ quan tình báo của Nhật) đề nghị, với trung đoàn trang bị của bộ đội hiện nay, nên chọn cách đánh kì tập. Với cách này, cần tổ chức những đại đội, tiểu đoàn đặc biệt tinh nhuệ, dùng bạch binh, tìm cách bí mật đột nhập đồn, tiêu diệt địch bằng đánh giáp lá cà. Ta đã có kinh nghiệm về kì tập qua những trận Phai Khắt, Nà Ngần trước Tổng khởi nghĩa. Đây là cách đánh phù hợp với trình độ trang bị, sự thông minh và tinh thần dũng cảm của bộ đội. Nhưng cần tính tới trường hợp địch đề phòng cẩn mật, củng cố công sự, kì tập không giải quyết được. Tôi chỉ thị đi đôi với nghiên cứu cách đánh kì tập, ta phải nghiên cứu một cách đánh thứ hai: cường tập, có nghĩa là diệt đồn địch bằng sức mạnh, dùng hỏa lực mở cửa đột phá, sau đó bộ binh xung phong tiêu diệt quân đồn trú. Như đã nói, ta chưa có kinh nghiệm về cách đánh này, và có một nhược điểm lớn là thiếu hỏa lực.

        Mùa xuân và mùa hè năm 1948, tiểu đoàn 45 của Bộ được trao nhiệm vụ đánh một vài cứ điểm nhỏ trong hệ thống phòng ngự của địch ở vùng rùng núi để rút kinh nghiệm. Những trận đánh cứ điểm Tu Vũ (18-3-1948), Phố Chùng (10-6-1948) ở Yên Bình Xã đều không thành công. Đánh địch trong công sự khác xa với những trận phục kích địch không có công sự che chở. Quân Pháp vốn có nhiều kinh nghiệm bố trí công sự và hỏa lực phòng ngự.

        Mùa hè năm 1948, một số nơi đã áp dụng cách đánh kì tập thành công. Tiêu diệt đồn Cầm Lý ở Bắc Giang là một trận khá tiêu biểu. Một đại đội độc lập cải trang thành phụ nữ gánh gạch vào đồn, rồi bất thần tiến công quân địch. Đại đội trưởng Ngô Ngọc Dương trong khi vật lộn với viên đồn trưởng Mulay, mặc dù tầm vóc nhỏ bé nhưng đã làm cho y chết vì tắc thở. Bộ đội diệt và bắt sống cả trung đội đồn trú, thu toàn bộ vũ khí rồi rút lui. Sau vài lần bị lừa, địch đã thông báo cho nhau cảnh giác đề phòng, cách đánh kì tập gặp khó khăn.

        Chúng tôi quyết định chọn một vài tiểu đoàn đã qua rèn luyện trong chiến dịch Việt Bắc, nghiên cứu cách tiêu diệt cứ điểm nhỏ bằng sức mạnh, có thể kết hợp cả hai cách kì tập và cường tập. Cơ quan Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo việc thực hiện. Các tiểu đoàn được bổ sung cán bộ, quân số, tăng cường vũ khí trước khi đi vào học tập chiến thuật và kĩ thuật.

        Đầu mùa hè năm 1948, trên một trái đồi gần ngã ba Phú Minh (huyện Đài Từ) nằm giữa khu căn cứ, xuất hiện một “cứ điểm” có lô cốt, ụ súng và hàng rào lông nhím bao quanh.

        Đây là sáng kiến của đồng chí Vũ Yên.

        Tiểu đoàn 11 do anh chỉ huy, đã được lệnh chuẩn bị tiêu diệt cứ điểm Phủ Thông do một đại đội lê dương đóng giữ trên đường số 3 bảo vệ cho thị xã Bắc Kạn. Đồng chí tiểu đoàn trưởng nhiều lần cùng cán bộ đi trinh sát. Anh quyết định cho bộ đội dựng lên công trình này, rập đúng theo mẫu đồn địch.

        Phương pháp dựng mô hình cứ điểm để bộ đội diễn tập trước khi ra trận lần này là lần đầu, sau này được vận dụng phổ biến trong bộ đội ta.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 30 Tháng Tám, 2016, 05:17:38 am

        Bộ đội đào hào, đắp ụ súng, xây lô cốt, cắm hàng rào lông nhím bao quanh. Họ đã hiểu vị trí địch cùng với chỗ mạnh, chỗ yếu của nó. Khi “đồn” đã xây dựng xong, cán bộ, chiến sĩ lần lượt vào đó đóng vai quân xanh đối phó thực sự với cuộc “tiến công” của quân đỏ. Quan nhiều lần tập dượt, họ biết sẽ gặp những khó khăn nào và cần phải làm gì trong trận đánh sắp tới.

        Súng đạn vẫn là vấn đề nan giải. Mặc dù Bộ Tổng tham mưu đã chỉ thị tập trung vũ khí cho những đơn vị sẽ đánh cứ điểm, nhưng mỗi đại đội chỉ có từ 2 đến 3 trung liên. Tiểu liên không đủ cho các tiểu đội trưởng. Một nửa số chiến sĩ phải trang bị bằng mác búp đa để đánh giáp lá cà. Ta không đủ đạn để bịt các hỏa điểm của địch khi bộ đội xung phong, anh em bàn cách khắc phục bằng cách bí mật bò sát lô cốt, ném lựu đạn vào lỗ châu mai. Ta không đủ thuốc nổ để phá hàng rào, các chiến sĩ đã có sáng kiến làm những thang gấp bằng tre, lót phên nửa ở phía sau, vắt qua hàng rào lông nhím để trèo vào đồn địch. Loại thang này còn được dùng mãi về sau trong những trận đánh đồn địch đã thay thế lớp rào lông nhím bằng những cọc sắt, dây thép gai và bãi mìn.

        Hạ tuần tháng Bảy, tiểu đoàn 11 lên đường. Mỗi chiến sĩ buộc một sợi chỉ đỏ ở cổ tay để ghi nhớ lời hứa không lùi bước trước khó khăn, quyết tâm  tiêu diệt đồn địch.

        Để trợ lực cho tiểu đoàn, Bộ Tổng tham mưu điều một khẩu sơn pháo 75 li từ Liên khu 10 sang phối hợp. Đây là một khẩu đội đã bắn chìm tàu địch trên sông Lô.

        Sau mấy phát đại bác mở đầu nhằm uy hiếp tinh thần địch, đạn súng máy, súng trường của ta bắn khá trúng lô cốt, ụ súng, buộc quân địch phải gục đầu sau lỗ châu mai bắn bừa bãi ra ngoài. Bộ đội ta lập tức tiến lên vắt thang qua hàng rào lông nhím cho các chiến sĩ xung kích cầm mác vượt qua.

        Mặc dù địch chống cự quyết liệt, hai mũi xung kích vẫn lọt vào đồn.

        Sau hai giờ kịch chiến, bộ đội chiếm được ba phần tư đồn và sở chỉ huy. Nhưng rồi họ bị chặn lại trước lô cốt cuối cùng. Đạn tiểu liên và lựu đạn đem theo đã sử dụng hết. Các chiến sĩ với cây mác trong tay không thể tiến lên trước những luồng đàn súng máy bắn chặn. Trời gần sáng, tiểu đoàn trưởng Vũ Yên cho bộ đội rút lui.

        Trận Phủ Thông nằm trong một đợt hoạt động của bộ đội ta trên đường số 3 từ tháng 7 đến tháng 9, bao gồm những trận phục kích, tập kích, quấy rối, bắn tỉa. Đồn Phủ Thông bị cô lập suốt ba ngày và bị tập kích liên tục hai đêm sau. Mãi đến chiều 28 tháng 7, lực lượng địch từ Cao Bằng mới mở được đường tới ứng cứu.

        Gần đây, tình cờ tôi được đọc một cuốn sách của Pháp xuất bản năm 1992, trong đó tác giả viết khá chi tiết về trận Phủ Thông.

        Đồn Phủ Thông do đại đội 2 của trung đoàn lê dương thứ 3 bảo vệ. Quân số gồm 102 người. 19 giờ 30 ngày 25 tháng 7 năm 1948 bất thần một hỏa lực mạnh trút xuống đồn. Đạn súng cối, những tràng liên thanh, pháo 75 li bắn thẳng làm tê liệt quân phòng thủ. Hàng rào và cửa lô cốt phía tây bị phá vỡ, bố trí phòng thủ nhanh chóng bị rối loạn. Ngay giờ đầu, đại úy đồn trưởng và trung úy đồn phó đều bị tử thương. Bộ đội Việt Nam hò hét xung phong chiếm các khu 1, 2, 3; chỉ còn khu 4 là chống cự trong tình trạng tuyệt vọng. Đại đội đã bị loại khỏi vòng chiến đấu một nửa quân số (14 chết, 33 bị thương).

        Riêng về lực lượng tiến công của ta, tác giả viết là “gồm 5, 6 tiểu đoàn với 3.000 người”! trong khi đó, quân số của tiểu đoàn 11 không quá 400 người!

        Trận đánh không thành công trọn vẹn, nhưng đã mang lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm và một niềm tin mới: nếu chuẩn bị đầy đủ hơn thì đã tiêu diệt đồn địch. Cũng phải thấy rằng trong một trận thí điểm, lẽ ra ta nên chọn một mục tiêu phù hợp hơn với trình độ tác chiến của bộ đội ta.

        Tiểu đoàn 11 được nhận danh hiệu: “Tiểu đoàn Phủ Thông”.

        Tiểu đoàn đã mở đầu cho truyền thống đánh cứ điểm của quân đội ta và trở thành một đơn vị đánh cứ điểm nổi tiếng sau này.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 09:40:43 am

4

        Đầu năm, chúng ta dự kiến Pháp có thể tiến công Việt Bắc lần thứ hai hoặc đánh vào Thanh Hóa. Xalăng đã yêu cầu tăng viện, với lời lẽ khiếm nhã, để mở cuộc tấn công mới lên Việt Bắc, nên đã bị triệu hồi vào giữa tháng Năm, và thay thế bằng tướng bốn sao Bơledô (Blaizot). Với một số tiểu đoàn chuyển vào Nam Bộ, lực lượng quân viễn chinh Pháp tại Bắc Bộ lại trở về với con số trước mùa đông năm 1947. Sự tăng viện từ Pháp sang nhỏ giọt. Bộ Tổng chỉ huy nhận thấy Pháp ít có khả năng mở cuộc tiến công chiến lược vào đại hậu phương ta khi mùa khô tới. Nhưng địch vẫn có thể tiến công lên trung du. Để chuẩn bị đối phó với tình huống này, Bộ quyết định tổ chức Mặt trận Trung Du (được gọi tắt là mặt trận 3) do anh Hoàng Văn Thái trực tiếp làm chỉ huy trưởng.

        Những hoạt động Xuân - Hè 1948 của Pháp trên miền Bắc không có gì đặc biệt. Địch mở rộng phạm vi chiếm đóng ở Tây Bắc, chiếm Nghĩa Đô, Bảo Hà, Phố Lu. Ở đồng bằng, quân Pháp lấn ra một số vùng chung quanh Hà Nội như Văn Điển, Thường Tín. Từ cuối tháng 4 đến hết tháng 6, địch tổ chức hai cuộc càn quét ở huyện Lang Tài, khu căn cứ du kích tỉnh Bắc Ninh và huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên, mỗi cuộc sử dụng vài nghìn quân. Đồng thời, có những mũi quân địch thọc lên Sơn Tây và tiến ra Xuân Mai, Hà Đông.

        Trong thời gian này, chúng ta hoạt động mạnh trên các đường giao thông. Bốn tháng đầu năm, đường số 4 nổi lửa. Những trận phục kích Lũng Vài, Khuổi Ngọa, Nậm Mười, Bản Na, Đông Khê liên tiếp nổ ra diệt hàng trăm xe địch. Từ tháng 5 tới tháng 9 ta đánh mạnh trên đường số 5 và đường số 3. Nhiều đoàn xe, đoàn tàu bị lật đổ, những đồn bốt bị tập kích. Giao thông đường bộ, đường sắt của địch thường bị gián đoạn.

        Căn cứ địa Việt Bắc và những tỉnh vùng chung quanh tương đối yên tĩnh. Bộ đội ở đây tranh thủ được một thời gian luyện tập.

        Chúng tôi quyết định giành chủ động ngay từ đầu mùa thu bằng cách mở những chiến dịch tiến công vào những hướng xung yếu ở địch hậu, do những tiểu đoàn chủ lực của Bộ, phối hợp với những lực lượng của khu tiến hành, buộc địch phải bị động đối phó.

        Trong thời kì vận động đánh nhỏ, ngoài những trận phục kích, tập kích, chống càn, đánh cứ điểm nhỏ, chúng ta chủ trương mở những chiến dịch để tích cực rèn luyện bộ đội chuẩn bị tiến lên vận động đánh lớn. Khác những chiến dịch trong chiến tranh hiện đại với những đơn vị tham gia thường là tập đoàn quân, chúng ta tổ chức những chiến dịch nhỏ với một số tiểu đoàn, trung đoàn, nhằm những mục tiêu nhất định gồm cả quân sự, chính trị và kinh tế. Những chiến dịch này nhằm tập dượt cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân làm quen với công tác điều tra, trinh sát, chuẩn bị địa bàn, điều động lực lượng, tổ chức hành quân, tác chiến chỉ huy và phối hợp tác chiến, giải quyết thương binh, tiếp tế lương thực, đạn dược. Những chiến dịch này sẽ làm rối loạn hậu phương địch, đánh mạnh vào âm mưu xây dựng khối ngụy quân và chính quyền bù nhìn ở cơ sở và phá hoại địch về kinh tế.

        Mùa thu này có hai hướng để lựa chọn.

        Quân địch đã trải rộng binh lực trên chiến trường Tây Bắc và Đông Bắc, bộc lộ những sơ hở. Chiến trường rừng núi là nơi có điều kiện thuận lợi để bộ đội chủ lực của Bộ tập dượt trong một chiến dịch tiến công đầu tiên. Sau khi bàn bạc, cân nhắc, chúng tôi quyết định chọn địa bàn mở chiến dịch là một khu vực ở vùng sâu Đông Bắc. Địch sẽ bất ngờ vì vẫn coi đây là vùng an toàn. Tại Đông Bắc có một đơn vị du kích của Đảng Cộng sản Trung Quốc hoạt động ở vùng Thập Vạn Đài Sơn, bị quân Quốc dân đảng càn quét, đang tạm thời nương náu ở Vị Loại. Bạn cũng mong bộ đội ta về mở rộng vùng tự do ở đây.

        Tôi xuống Trại Cau bàn với các đồng chí trong Bộ chỉ huy Liên khu 1 thực hiện quyết định của Bộ.

        Tháng Ba vừa qua, quân Pháp huy động một nghìn rưởi quân càn quét vùng Thanh Mai, Bến Tắm ở Hồng Quảng. Lực lượng du kích ta đã đững vững. Sau một thời gian phá phách các kho tàng, địch rút lui.

        Đường chuyển quân từ Việt Bắc về Đông Bắc phải vượt qua một hệ thống đồn bốn dày đặc. Các đồng chí ở Liên khu bàn sẽ dùng nhiều thuyền nhỏ, ban đêm bí mật luồn qua hành lang kiểm soát. Địa phương hứa khắc phục mọi khó khăn làm tốt công việc này. Rõ ràng là nhân dân Đông Bắc từ lâu trông chờ bộ đội trở về.

        Nhưng có một trở ngại lớn là vấn đề tiếp tế lương thực cho bộ đội. Đây là vùng đồng bào dân tộc Nùng, ít ruộng đất, ngày xưa vốn đã thiếu ăn, từ khi chiến tranh nổ ra lại bị càn quét liên miên, lương thực càng hiếm hoi. Trong những cuộc càn quét, một mục tiêu của quân Pháp là phát hiện, đốt phá những kho lúa, kho dự trữ lương thực. Nhiều nơi không thể tìm ra lương thực. Nếu chiến dịch kéo dài, vấn đề gạo của bộ đội sẽ trở thành nan giải. Liên khu ủy và ủy ban đều nhất trí ta đánh vào Đông Bắc địch sẽ hoàn toàn bất ngờ. Các anh hứa sẽ cố gắng giải quyết vấn đề tiếp tế lương thực cho bộ đội trong thời gian chiến dịch.

        Một đội vũ trang tuyên truyền và một đội trinh sát của trung đoàn 308, chủ lực Bộ, được lệnh lên đường đi Đông Bắc chuẩn bị cơ sở quần chúng và nắm tình hình địch.

        Vì khó khăn về lương thực, số lượng đơn vị huy động vào chiến dịch chỉ có ba tiểu đoàn: hai tiểu đoàn chủ lực của Bộ, và một tiểu đoàn chủ lực của Liên khu 1. Phối hợp tác chiến sẽ có trung đoàn Hồng Quảng đã được chia thành những đại đội độc lập hoạt động tại địa phương. Hình thức tác chiến sẽ gồm những trận đánh cứ điểm và những trận phục kích trên đường giao thông. Nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm được trao cho các tiểu đoàn chủ lực của Bộ.

        Để phối hợp với chiến dịch chính Đông Bắc trong mùa thu này, chúng ta quyết định sẽ đánh mạnh trên mặt trận Đường số 5 và Đường số 3, đồng thời mở một chiến dịch nhỏ ở Tây Bắc; chiến dịch này sẽ được tiến hành sớm hơn để làm lạc hướng quân địch.

        Sau này, có nhà sử học quân sự Pháp đã nhận xét: mùa thu năm 1948, bộ đội Việt đã “phát động trên khắp Bắc Bộ một loạt cuộc chiến đấu du kích mà sự liên tục của nó đã nhanh chóng tiến thành một cuộc tiến công thật sự”.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 09:59:08 am
       
5

        Giữa mùa hè, một bộ phận tiền phương của Bộ chuyển lên đỉnh Tam Đảo, dãy núi cao hùng vĩ ngăn đôi Việt Bắc với Trung Du. Những tiểu đoàn chủ lực của Bộ đang tập luyện ở cả hai bên dãy núi Tam Đảo. Tại chính thị trấn Tam Đảo đã triệt để phá hoại cũng có một trường quân chính của ta. Từ đây xuống thăm bộ đội ở Đại Từ hay Lập Thạch chỉ một vài giờ đi ngựa. Cơ quan trú quân trong một vùng rừng vầu. Khi trời trong, nhìn xuống chân núi thấy rừng cọ và cánh đồng trung du, màu xanh của lúa hòa với màu sáng bạc của nước trải ra khi tới chân trời, cảm thấy Hà Nội rất gần.

        Tôi đã thăm bộ đội luyện tập đánh điểm ở vùng đồi huyện Lập Thạch. Ấn tượng sâu sắc là tình hình trang bị kém cỏi của bộ đội ta. Trong các đại đội xung kích, nhiều chiến sĩ còn trang bị bằng mác búp đa. Nhưng tinh thần cán bộ, chiến sĩ hết thảy đều phấn chấn. Không một ai kêu ca về những nguy hiểm, khó khăn đang chờ đợi. Họ còn tự hào với nhiệm vụ được trao. Đại đội nào cũng muốn được chọn làm đơn vị chủ công. Những buổi chiều ở phố Me, bộ đội đi tập về, bà con ở trong nhà đổ xô ra cửa khi xuất hiện những chiến sĩ mặc quần áo tiện y, lưng đeo lựu đạn, tay cầm cây mác xung kích hoặc vác trên vai những chiếc thang vượt rào. Đây chính là những người nay mai ra trận, sẽ xung phong đánh giáp lá cà với quân địch.

        Ở đại đội xung kích của tiểu đoàn Lũng Vài có một tiểu đội phó người Đức. Anh được đặt cái tên Việt Nam là Hồ Sĩ Thắng. Thắng đã bỏ đơn vị lê dương Pháp chạy sang hàng ngũ ta với một khẩu tiểu liên Thompson. Anh còn rất trẻ, mắt xanh, tóc vàng, hơi nhỏ nhắn so với tầm vóc người Âu. Trong những trận đánh, anh thường lao lên trước. Thắng sống kham khổ với bộ đội, ăn cơm nắm muối vừng, uống nước cơm cháy đựng trong ống bương. Tôi muốn hỏi Thắng nghỉ gì về cuộc kháng chiến của ta, vì sao có thể chịu đựng được cuộc sống kham khổ, muốn nói chuyện lâu với người thanh niên này, nhưng không kịp làm trước khi anh lên đường đi chiến dịch.

        Lần đầu bộ đội chủ lực ta mở một chiến dịch tiến công vào vùng sâu hậu địch, tôi muốn được cùng đi với bộ đội, nhưng Bác và Thường vụ thấy không nên vì có thể phải đối phó với những diễn biến phức tạp về quân sự khi mùa khô tới.

        Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1948, theo chỉ thị của Bác, ta sẽ tổ chức một cuộc duyệt binh lớn tại Đồi Me, huyện Lập Thạch, vừa để mừng ngày Quốc khánh, vừa để động viên nhân dân hăng hái kháng chiến. Ta cũng có ý đồ thu hút sự chú ý của địch về hướng này.

        Đồng bào từ những vùng xung quanh đổ về khá đông.

        Cuộc duyệt binh đã điễn ra trên một bãi rộng; kì đài, cờ, khẩu hiệu được chuẩn bị đàng hoàng.

        Diễu qua lên đài, bước đều theo tiếng kèn đồng và nhịp trống của đoàn quân nhạc, là khối học sinh khóa 4 Trường lục quân Trần Quốc Tuấn. Tiếp theo là các tiểu đoàn sắp tới sẽ đi làm nhiệm vụ. Sĩ quan cũng như binh sĩ đều mặc quần áo tiện y màu nâu, đội mũ lá. Trong các đội xung kích, trung liên, tiểu liên, súng trường xen với những cây mác búp đa. Đây là hình ảnh thực sự của người dân Việt hi sinh chịu đựng, vững vàng đi vào trận đánh trường kì.

        Ngay đêm hôm đó, những tiểu đoàn chủ lực của Bộ lặng lẽ rời những thôn xóm vùng đội cọ Lập Thạch dưới ánh trăng thu, đi về phía Bắc Giang. Tại đây, họ dùng thuyền bí mật lướt qua vành đai đồn bốt, tiến sâu vào vùng địch hậu Đông Bắc.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 10:03:53 am
       
6

        Đêm 9 tháng Mười, chiến dịch Đông Bắc mở màn.

        Hai tiểu đoàn chủ lực của Bộ đồng thời tiến công hai vị trí địch trên đường số 13. Tiểu đoàn Lũng Vài được tăng cường thêm đại đội xung kích của tiểu đoàn Bình Ca, đánh An Châu, vị trí tiểu khu do một đại đội bảo vệ. Hai đại đội của tiểu đoàn Bình Ca đánh cứ điểm Đồng Dương cũng thuộc tiểu khu này.

        Trận đánh An Châu kéo dài suốt đêm. Quân địch tại đây đóng thành hai khu, một trung đội đóng trên đồi, hai trung đội cùng với bộ phận chỉ huy đóng phía dưới. Hai đại đội xung kích dùng thang vượt qua hàng rào lông nhím, tiêu diệt quân địch đóng dưới chân đồi, trong đó có viên thiếu tá chỉ huy tiểu khu. Nhưng khi xung kích xung phong lên đồi thì bị hỏa lực liên thanh chặn lại. Cục diện lại diễn ra như Phủ Thông. Sau khi phá hủy ba khẩu trọng liên, hai xe GMC, thiêu hủy một kho đạn và một kho lương thực, bộ đội phải rút với một số thương vong.

        Trận Đồng Dương thắng giòn giã. Toàn trung đội địch đóng tại đây bị tiêu diệt gọn trong vòng nửa tiếng. Ta thu ba súng trung liên, ba mươi súng trường, bắt một số tù binh.

        Vấn đề lương thực khó khăn đã hạn chế những hoạt động tiếp theo của bộ đội ta.

        Một tháng sau, tiểu đoàn Lũng Vài đánh tiếp vị trí Đồng Khuy. Trung đội tăng cường của địch ở đây đóng trên ba mỏm đồi theo hình tam cấp. Rút kinh nghiệm trận An Châu, lần này bộ đội đánh chiếm mỏm cao nhất trước, rồi từ đó phát triển xuống những mỏm bên dưới. Hỏa lực của ta phát huy tác dụng tốt. Toàn bộ quân địch chết hoặc bị ta bắt. Ta thu toàn bộ vũ khí.

        Sau đó, ta đánh tiếp Trại Thán, một ổ thổ phỉ rất nguy hiểm được Pháp trao nhiệm vụ trấn giữ con đường xuyên rừng từ Bắc Giang xuống. Hồ Sĩ Thắng hi sinh trong trận này.

        Chiến dịch Đông Bắc kết thúc ngày 26 tháng 12 năm 1948. Nó đã gây chấn động vì địch coi Đông Bắc là đại hậu phương an toàn. Quân Pháp buộc phải bỏ bảy vị trí trên các tuyến phòng ngự trong vùng. Khu căn cứ của ta mở rộng. Hàng trăm ngụy binh bỏ hàng ngũ ra hàng. Bộ máy ngụy quyền ở xã rất hoang mang.

        Hình ảnh cây mác búp đa in đậm trong các bài hát, bài thơ:

                                                       … Trút, trút cả căm hờn lên mũi mác
                                                       Hỡi những chàng trai trẻ áo quần nâu.
                                                       Rừng búp đa về mở hội cờ lau…


        Các nhà nghệ sĩ đều say sưa với hình ảnh cây mác búp đa.

        Chúng ta đang rất cần súng trường cắm lưỡi lê cho các chiến sĩ xông vào đồn địch nếu chưa phải là tiểu liên. Cây mác xung kích chỉ được đưa ra khỏi trang bị của bộ đội chủ lực vào đầu năm 1951 khi mỗi chiến sĩ xung kích đã có một khẩu súng trường. Tuy nhiên, qua những trận Phủ Thông, An Châu, Đồng Dương, Đồng Khuy… thu đông năm 1948, đã thấy rõ trang bị chiến đấu của bộ đội ta không những có khả năng tiêu diệt các đoàn xe, các đơn vị ứng chiến bằng phục kích, mà còn hoàn toàn có khả năng tiêu diệt cứ điểm trung đội, đại đội của địch, làm phá sản chiến thuật cứ điểm nhỏ, đội ứng chiến nhỏ. Điều này đã được chứng minh ngay sau đó vào mùa xuân năm 1949 với hàng loạt trận đánh trên mặt trận sông Thao, mặt trận đường số 4, những đơn vị chưa thành công trọn vẹn trong các trận Phủ Thông, An Châu chỉ cần một giờ, hoặc 45 phút để tiêu diệt cứ điểm đại đội Âu Phi.

        Gần một tháng sau khi ta mở chiến dịch Đông Bắc, quân Pháp mới bắt đầu phản ứng. Đầu tháng 11, Pháp dùng hải quân và máy bay đánh vào bờ biển Thanh Hóa. Ngày 7 tháng 10 năm 1948, quân Pháp nhảy dù xuống Việt Trì và Vĩnh Hộ (Vĩnh Yên). Hôm sau, tàu chiến và ca nô đưa tiếp quân đổ bộ lên Việt Trì. Từ đây, quân Pháp lấn ra một số vùng xung quanh, tiến lên Tam Nông, Hưng Hóa, La Phù, nhưng chỉ dừng lại những nơi này ít ngày rồi quay trở về vị trí xuất phát. Đây là cuộc tiến công chính của Pháp ra vùng tự do trong Thu Đông 1948. Khó có thể hiểu Bơlêzô định làm gì với những cuộc hành binh này.

        Chiến dịch Đông Bắc đã mang lại nhiều kinh nghiệm, với những đội vũ trang tuyên truyền đi trước dọn đường, cuộc hành quân vào địch hậu giữa được hoàn toàn bí mật, công tác vận động và tranh thủ nhân dân được tiến hành tốt, lần đầu dân công được huy động đông đảo phục vụ chiến dịch, bộ đội chủ lực với những trang bị yếu kém như hiện nay vẫn có khả năng tiêu diệt nhanh chóng những cứ điểm nhỏ do một trung đội, hoặc trung đội tăng cường bảo vệ và nếu khắc phục được một vài nhược điểm, khuyết điểm, tiểu đoàn chủ lực của ta chắc chắn đã tiêu diệt được cứ điểm đại đội của địch.

        Ngày nay nhìn lại, càng thấy rõ, trong năm 1948, với việc đẩy mạnh chiến tranh du kích ở vùng sau lưng địch, biến hậu phương địch thành tiền phương ta, với việc đẩy mạnh vận động đánh nhỏ, vận động phục kích, chống càn, đánh vào những hệ thống đồn bốt nằm ở vùng sâu, ta đã thực sự tranh chấp quyền chủ động với quân địch. Và Thu Đông năm 1948, lần đầu tại Bắc Bộ từ khi nổ ra chiến tranh, ta đã giành được quyền chủ động trên một hướng.

        Với việc triển khai toàn diện chiến lược chiến tranh toàn dân, mặc dù lực lượng quân sự của ta về nhiều mặt còn yếu hơn địch, cuộc kháng chiến chống Pháp đã vững vàng bước sang một giai đoạn mới.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 10:08:13 am

Chương bảy

KHÁNG CHIẾN KIẾN QUỐC

1

        Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ, trải qua nhiều thử thách trong mười lăm tháng đầu của thời kì hòa hoãn, phải đương đầu với thử thách mới: chiến tranh lan rộng trên cả nước.

        Từ một chính phủ cách mạng lâm thời, chỉ ba tháng sau, chúng ta đã có một chính quyền dân cử trên cả nước theo phổ thông đầu phiếu. Đầu tháng Ba năm 1946, trước nguy cơ chiến tranh có thể nổ ra do việc Pháp đưa quân ra miền Bắc theo Hiệp ước Pháp - Hoa, ta mở rộng chính phủ cho những người thân Tưởng không qua bầu cử, thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Cuối tháng Sáu, quân Tưởng rút về nước, nhiều phần tử thân Tưởng chạy theo để lại những chỗ trống trong chính phủ và quốc hội. Đầu tháng Mười một, Quốc hội thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ mới được thành lập để đối phó với tình hình rất khẩn trương  sau khi quân Pháp chiếm thành phố Hải Phòng. Bốn chục ngày sau, Chính phủ mới đã phải lãnh đạo cuộc kháng chiến diễn ra trên cả nước. Chiến tranh gắn liền với tàn phá, hi sinh, mất mát, đói khổ, bệnh tật.

        Bản chất của chiến tranh hoàn toàn mâu thuẫn với việc xây dựng đất nước đòi hỏi phải có hòa bình, ổn định. Những khó khăn của ta càng gay gắt trong hoàn cảnh một nước thuộc địa với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, người dân từ xưa vẫn thiếu ăn, quân thù đã có mặt trên hầu khắp lãnh thổ, lại bị bao vây bốn phía, hoàn toàn không có nguồn chi viện vât chất từ bên ngoài. Những thành phố, thị trấn, những cơ sở vật chất về kinh tế, tài chính, công nghiệp, giao thông, … nơi thì bị quân thù chiếm đóng, nơi thì bị chúng tàn phá.

        Pháp là một đế quốc già đời có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh xâm lược những nước nhược tiểu. Cuộc tái xâm lược Việt Nam lần này được tiến hành với hình thức một cuộc chiến tranh về nhiều mặt, bao gồm cả quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, tài chính.

        Ngay từ đầu kháng chiến toàn quốc, Pháp luôn luôn trù tính một cuộc tiến công chiến lược nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và làm tan rã chủ lực của ta, đi đôi với tổ chức một chính quyền tay sai. Với những phương tiện thông tin đại chúng mạnh mẽ và quan hệ quốc tế rộng rãi của một cường quốc phương Tây, Pháp đã bóp méo hình ảnh chính phủ ta thành những kẻ cầm đầu phiến loạn “cộng sản”. Pháp tiến hành hàng loạt chính sách phá hoại ta về kinh tế, tài chính. Địch dùng nhiều biện pháp phong tỏa kinh tế ta: chiếm các hải cảng, sân bay, kiểm soát thuế quan, cố gắng kiểm soát những tuyến đường bộ quan trọng và biên giới. Địch chiếm Thủ đô và các thành phố lớn vốn là những trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của ta. Địch chiếm mỏ than Hòn Gai, vùng đồn điền cao su Nam Bộ, mở rộng phạm vi kiểm soát tại những tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng là hai vùng trồng lúa chủ yếu để bóp nghẹt ta về lương thực. Trong những cuộc tiến công lớn và những trận càn, ngoài việc lùng tìm bộ đội chủ lực, du kích, đánh phá cơ sở, quân Pháp còn đốt phá lương thực, phá hoại mùa màng, giết trâu bò là sức kéo canh tác chủ yếu của ta. Địch tung những hàng xa xỉ từ vùng tạm chiếm ra vùng tự do để lũng đoạn kinh tế ta, đồng thời kiên quyết ngăn chặn không để lọt ra ngoài lương thực, thuốc men và những hàng cần cho quốc phòng.

        Ngay từ sau khi trở lại Việt Nam, địch đã kiên quyết tiến công ta về mặt tiền tệ. Đầu tiên, Pháp tuyên bố hủy bỏ tờ bạc 500 đồng, tờ bạc to nhất của Ngân hàng Đông Dương, cướp trắng một phần tài sản to lớn của nhân dân ta. Trước khi tiến công vào Việt Bắc bốn ngày, Pháp tuyên bố đổi hết những tờ bạc Đông Dương 100 đồng trong vòng một tháng. Một lần nữa Pháp lại cướp đi những đồng tiền ít ỏi của nhân dân vùng tự do, đặc biệt là làm cho ta không thể mua được ở vùng địch những thứ hàng thiết yếu cho kháng chiến.

        Để ngăn chặn quân Pháp nhanh chóng mở rộng phạm vi chiếm đóng, chúng ta đã phá hoại tất cả những tuyến đường bộ, đường sắt, và buộc phải phá những thành phố, thị xã và một số cơ sở kinh tế mà Pháp đã xây dựng. Công việc này là cần thiết trong chiến tranh trước một kẻ địch bội phần mạnh hơn, nhưng cũng mang lại những ảnh hưởng tiêu cực trong xây dựng của ta. Những cuộc tiến công mở rộng phạm vi kiểm soát đất đai của quân Pháp đã kéo theo làn sóng ồ ạt những người tản cư và di cư. Người sản xuất bị tách khỏi môi trường sản xuất, không có điều kiện tiếp tục hoạt động. Nhiều ngành sản xuất không còn nơi tiêu thụ, buộc người sản xuất phải bỏ nghề hay đổi nghề. Những xáo động trong thời kì đầu chiến tranh gây nên tâm lí không ổn định đối với người sản xuất, buôn bán. Những người có tiền không dám bỏ vốn làm ăn vì sợ chiến tranh lan tới.

        Nhà nước của chúng ta là một nhà nước do dân, vì dân, phải chăm lo cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân. Nhiệm vụ trước mắt là bảo đảm kháng chiến thành công, nhưng không thể không chú trọng xây dựng đất nước, xây dựng chế độ mới. Hai nhiệm vụ liên quan mật thiết với nhau. Vì người dân chỉ dốc hết tâm lực của mình vào công cuộc kháng chiến, nếu họ gắn bó với chế độ. Đường lối cơ bản của ta trong chiến tranh là: vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

        Ngày 26 tháng 12 năm 1946, Hội đồng Chính phủ họp phiên khoáng đại dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ tịch tại thị xã Hà Đông. Tham dự phiên họp, ngoài các thành viên chính phủ còn có các cụ Bùi Bằng Đoàn, Tôn Đức Thắng và linh mục Phạm Bá Trực trong Ban Thường vụ Quốc hội, các anh Phan Anh, Bùi Công Trừng, thành viên ủy ban Kiến thiết.

        Sau khi nghe Bộ Ngoại giao và Bộ quốc phòng báo cáo, ai nấy đều tán khành kháng chiến đến cùng để giành lại nền độc lập cho đất nước. Trong gian phòng kín, dưới ánh sáng nhỏ của ngọn đèn dầu, tất cả mọi người đều nắm tay giơ lên biểu lộ ý chí của cả dân tộc đáp lại lời tuyên bố quyết chiến của Bác: ”Chúng ta đem lực lượng của 20 triệu đồng bào chống lại mấy vạn thực dân Pháp. Chúng ta nhất định thắng lợi. Dù ta cần hi sinh 4 triệu hay 8 triệu người mà nước ta được độc lập, dân ta được tự do, tổ tiên ta được vẻ vang, con cháu ta được hành phúc, cũng còn hơn cúi đầu mà làm nô lệ cho thực dân Pháp muôn đời”.

        Đây cũng chính là lời kêu gọi mà Người đã viết để gửi đồng bào ngày hôm trước.

        Cuộc họp kéo dài đến 1 giờ sáng. Phía Hà Nội lửa cháy rực trời và rền vang tiếng súng.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 10:09:45 am

2

        Lần đầu tiên chúng ta có một chính quyền do dân bầu. Công việc thật bỡ ngỡ. Trong cuộc họp Chính phủ đầu tiên, ngày 3 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kĩ thuật hành chính… Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm, chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm”.

        Bác rất coi trọng tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chính quyền, làm cho chính quyền trở nên “mạnh mẽ, nhanh chóng, quyết đoán, thống nhất, tập trung”, “đủ khả năng điều khiển chiến tranh và kiến thết chế độ dân chủ”. Việc củng cố chính quyền các cấp của ta là mối quan tâm thường xuyên của Bác và Trung ương.

        Mặc dù hoàn cảnh kháng chiến đi lại khó khăn những hàng năm chính phủ đều tổ chức hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc. Năm 1947 họp tại thị xã Sơn Tây đang tiêu thổ kháng chiến. Từ năm 1948 trở đi, hội nghị hằng năm đều được tổ chức tại an toàn khu (ATK) ở Việt Bắc.

        Tại các cuộc hội nghị này, các bộ trình bày chủ trương, chính sách của Chính phủ về ngoại giao, quân sự, kinh tế, tổ chức chính quyền. Chúng tôi bàn bạc để thực hiện các chiến tranh như phát triển sản xuất, đấu tranh kinh tế với địch, nghĩa vụ tòng quân, lệnh động viên sức người sức của, chăm lo công tác an ninh tình báo… Chính phủ cũng bàn với các khu, các tỉnh chấn chỉnh bộ máy chính quyền, sửa đổi lề lối làm việc, giải quyết mối quan hệ giữa trung ương và địa phương.

        Tôi nhớ nhất là cuộc Hội nghị kháng chiến hành chính toàn quốc năm 1948, được tổ chức từ 21 đến 31 tháng 7. Hội nghị phải họp nhờ ở trong nhà dân chật chội. Vừa đúng vào mùa mưa rừng Việt Bắc, nước ngập mênh mông, địa điểm họp phải di chuyển. Tuy vậy 60 con người vẫn tập trung, khẩn trương làm việc.

        Hội nghị được nghe báo cáo của đồng chí Nguyễn Duy Trinh thay mặt cho Khu 5 và Nam Bộ, đồng chí Hồ Tùng Mậu báo cáo về tình hình Khu 4. Đây là hai báo cáo có giá trị, có nhiều kinh nghiệm về xây dựng chính quyền địa phương qua hơn 1.000 ngày kháng chiến, có nhiều tài liệu bổ ích và lí thú. Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng tổ chức chính quyền từ trung ương đến địa phương có nhiều lủng củng.

        Với tư cách là bí thư Đảng đoàn Chính phủ, tôi được Bác ủy nhiệm đọc diễn văn bế mạc hội nghị. Hội nghị tuy dài ngày, nhiều khuyết điểm về chi tiết, nhưng đem lại nhiều kết quả. Thay mặt hội nghị, tôi hứa với Bác thực hiện nghiêm chỉnh các mệnh lệnh và chỉ thị của Chính phủ.

        Các đại biểu ra về với niềm hứng thú vì những bài học bổ ích thu hoạch được tại hội nghị.

        Bác rất quan tâm rèn luyện, giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ chính quyền các cấp. Bác luôn luôn nhắc cán bộ, đảng viên phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đầu năm 1947, Bác đã viết thư gửi các đồng chí Bắc Bộ và các đồng chí Trung Bộ. Người căn dặn phải đấu tranh sửa chữa những căn bệnh của cán bộ chính quyền thời đó. Đó là địa phương chủ nghĩa, bè phái hẹp hòi, quan liêu quân phiệt, ham chuộng hình thức, xa rời quần chúng, vô kỉ luật, ích kỉ, hủ hóa. Cuối năm, Người viết cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” dưới bút danh X.Y.Z. Đây là một cuốn sách rất bổ ích. Mọi người đều coi là cuốn sách gối đầu giường của mình. Ngay nhiều đồng chí cán bộ cao cấp trong chính phủ cũng chỉ đoán già, đoán non theo văn phong của Bác. Không ai nghĩ trong hoàn cảnh kháng chiến lúc ấy, cơ quan chính phủ còn đang di chuyển nay nơi này, mai nơi khác, công  việc mọi mặt bộn bề, Bác lại có thể dành thời gian viết được cuốn sách như vậy để giáo dục mọi người.

        Tác phong trong cuộc sống hằng ngày của Bác là tấm gương mẫu mực cho mọi người. Nhiều năm làm việc gần Bác cả trong những lúc khó khăn gian khổ đến những ngày sống giữa Thủ đô, tôi chưa hề bao giờ thấy Bác phàn nàn về cái nóng, cái lạnh. Có lẽ trong Người vẫn tâm niệm điều mà Bác đã dạy cho cán bộ quân đội ta “Khi bộ đội còn chưa được ăn, cán bộ không được kêu mình đói. Khi bộ đội còn chưa đủ mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Khi bộ đội còn chưa có chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”.

        Từ ngày rời Hà Nội, dù trong thời gian di chuyển dần lên Việt Bắc hay khi đã ổn định ở khu căn cứ an toàn, Chính phủ vẫn duy trì những cuộc họp Hội đồng Chính phủ hằng tháng. Có những tháng họp tới hai lần. Phiên họp nào cũng do Bác chủ trì. Địa điểm họp ban đầu là nhà của dân, sau này có hội trường riêng, tuy mái tranh phên nứa, nhưng đàng hoàng, trang trọng.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 10:10:12 am

        Bác thường ở xa nơi họp. Có khi phải băng rừng, leo đèo, lội suối hàng chục ki-lô-mét nhưng không khi nào Bác đến trễ giờ. Một lần dọc đường Bác lên cơn sốt, phải dùng võng để tới kịp giờ họp. Để đảm bảo bí mật, Bác thường cải trang và xuất hiện một cách bất ngờ. Nghệ thuật cải trang của Bác thật tài tình, lúc là một ông nông dân miền xuôi, lúc là một ông ké miền ngược khiến người quen cũng khó nhận ra.

        Công việc kháng chiến bộn bề nhiều mặt. Cơ quan Chính phủ lại đóng phân tán nhiều nơi. Vì vậy, các cuộc họp Hội đồng Chính phủ thường phải kéo dài vài ba ngày, có ngày họp tới 2 - 3 giờ sáng mới xong công việc.

        Ngày nay nhớ lại thấy khi đó hội họp cũng nhiều. Nhưng ở buổi ban đầu đó, việc bàn bạc để đi đến nhất trí trong mọi thành viên Hội đồng Chính phủ là cần thiết.

        Thường thường, trước khi họp Hội đồng Chính phủ, tôi hội ý với anh Trường Chinh, xin ý kiến của Thường vụ Trung ương Đảng. Đảng đoàn họp trước để thống nhất ý kiến trong nội bộ và phác định chương trình. Những khi bận phải đi mặt trận, thì anh Lê Văn Hién thay tôi chủ trì các cuộc họp này. Sau Đảng đoàn là họp Việt Minh đoàn. Đây là tổ chức coi như nòng cốt của Hội đồng Chính phủ để đi đến nhất trí và được giải quyết nhanh chóng.

        Một nghi thức cho đến nay vẫn còn để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc, đó là các buổi lễ tuyên thệ. Mỗi bộ trưởng, thứ trưởng mới được bộ nhiệm làm thành viên Hội đồng Chính phủ đều làm lễ tuyên thệ trước khi vào họp hội đồng. Lễ tuyên thệ tuy đơn giản nhưng trang nghiêm. Mọi người chứng kiến lời hứa hết lòng vì nước vì dân của một thành viên mới của Hội đồng Chính phủ.

        Cuộc họp Hội đồng Chính phủ ngày 30 tháng 4 năm 1949 gây nhiều xúc động. Lần đầu tiên, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa họp trong rừng của khu căn cứ an toàn, cùng một lúc truy điệu hai thành viên Hội đồng Chính phủ. Cụ Huỳnh vừa mất ở miền Trung và anh Hoàng Hữu Nam bị nước cuốn trôi trên sông Lô. Như vậy là Bộ Nội vụ cùng một lúc mất cả bộ trưởng và thứ trưởng. Anh Hoàng Hữu Nam là một cán bộ có nhiều triển vọng, từng cộng tác đắc lực với tôi khi tôi còn giữ chức bộ trưởng Bộ Nội vụ. Chúng tôi làm lễ mặc niệm trên một nhà sàn. Mắt Bác rớm lệ. Bác nói quan tiểu sử và thành tích của hai người. Giọng Bác đau đớn như cùng một lúc vừa mất đi một người anh và một người con. Hội động Chính phủ đã nhất trí cửa Bác Tôn và anh Trần Duy Hưng làm bộ trưởng và thứ trưởng nội vụ.

        Những cuộc họp Hội đồng Chính phủ thời đó cũng là những buổi gặp gỡ lí thú. Anh em mỗi người  ở một nơi, mỗi người đi công tác ở một vùng chiến trường. Đây là một dịp gặp mặt chuyện trò, trao đổi với nhau về tình hình, về công việc, về gia đình. Trong những ngày lễ, ngày Tết, gặp phiên họp Hội đồng Chính phủ, cuộc họp thường kết thúc bằng một tối liên hoan lửa trại “cây nhà lá vườn” do Bác chủ trì. Các bộ trưởng đều góp tiết mục: hát chèo, ngâm thơ, kể chuyện… Anh Phan Anh thường tập Kiều, anh Lê Văn Hiến thường được Bác yêu cầu hát bội.

        Để đẩy lùi âm mưu của địch chia rẽ Bắc, Trung, Nam, chia rẽ dân tộc, lương giáo, giàu nghèo, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam, khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố. Bác thường nhắc cán bộ phải chống xu hướng hẹp hòi, “nhất là thái độ hẹp hòi đối với phú hào, nhân sĩ, trí thức”, “phải gây một không khí tin cậy, thân mật, đoàn kết thật thà, gian nan cùng chịu, vinh nhục cùng chia”.

        Cùng với việc củng cố mặt trận, củng cố chính quyền, Bác và Thường vụ đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng. Số đảng viên sau ngày Tổng khởi nghĩa rất ít. Để đáp ững yêu cầu lãnh đạo ở mọi ngành, mọi cấp, từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là trong lực lượng vũ trang, ngày 1 tháng Sáu năm 1948, Thường vụ ra chỉ thị thi đua xây dựng Đảng. Đối tượng phát triển Đảng là những cán bộ, chiến sĩ ưu tú đã được rèn luyện, thử thách trong kháng chiến. Trong giai đoạn 1948, 1949, Đảng ta đã có thêm nửa triệu đảng viên. Cuộc vận động thi đua ấy đã đem lại những kết quả tốt, những cũng không tránh khỏi những nhược điểm và khuyết điểm.

        Để nghiên cứu kế hoạch hậu cần toàn diện để trình Chính phủ duyệt và thực hiện kế hoạch, từ 19 tháng Tám năm 1948, Nhà nước đã thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao, Bác là Chủ tịch hội đồng, anh Lê Văn Hiến là Phó chủ tịch, tôi và mấy anh khác là ủy viên hội đồng. Nhờ có hội đồng những hoạt động của mọi ngành trong kháng chiến phối hợp nhịp nhàng, có kết quả và tăng thêm hiệu lực. Công việc của Bác ngày càng bận rộn.

        Qua mấy năm kháng chiến, chế độ mới ngày càng củng cố. Chúng ta đã có một nhà nước dân chủ nhân dân thực sự của dân, vì dân, một khối đoàn kết dân tộc rộng rãi và vững chắc, một nếp sống văn hóa lành mạnh. Đó là bảo đảm vững chắc cho lực lượng vũ trang hoàn thành nhiệm vụ ngày càng lớn của mình.

        Sau thất bại của cuộc tiến công Việt Bắc, trong một cuộc họp báo ở Hà Nội, một viên sĩ quan Pháp đã giải thích là không hề có một chính phủ Việt Minh như người Pháp vẫn lầm tưởng, chỉ có những căn nhà lá tồi tàn với những bộ trưởng ba lô trên lưng, hồ sơ đựng trong cột nhà, sẵn sàng lẩn trốn vào rừng khi quân Pháp xuất hiện. Bề ngoài, anh ta không quá nói ngoa. Nhưng điều rất lớn mà viên sĩ quan không hiểu, chính là ở trong những ngôi nhà lá với những ông bộ trưởng như vậy, những quyết định quan trọng của nhà nước Việt Nam đã ra đời và sẽ chôn vùi số phận quân đội viễn chinh.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 10:12:14 am

3

        Kinh tế là một bộ phận quan trọng của cuộc kháng chiến toàn diện của dân tộc ta. Những cuộc họp Hội đồng Chính phủ, ngoài những vấn đề về quân sự, ngoại giao, lần nào cũng có bàn về kinh tế, tài chính, nội thương, ngoại thương, xây dựng và củng cố hậu phương.

        Trung ương rất kiên trì chủ trương ngoài Việt Bắc là căn cứ địa chính của cả nước, cần xây dựng hậu phương thứ hai ở đất Hoan Diễn. Vì vậy đã bố trí ở Thanh Hóa những cán bộ có năng lực và uy tín: anh Đặng Thai Mai, anh Tố Hữu, anh Đặng Việt Châu. Và kể từ đầu kháng chiến cho tới sau này, Bác đã 6 lần về thăm, 6 lần viết thư giao nhiệm vụ, 13 lần viết thư khen.

        Hậu phương vững chắc là một nhân tố cơ bản của thắng lợi. Đất ta hẹp, ta không có khả năng xây dựng những căn cứ địa bao la rộng lớn như Trung Quốc. Trung ương Đảng ta chủ trương xây dựng những hậu phương quy mộ thích hợp trên những địa bàn chiến lược quan trọng, xây dựng về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa; coi trọng cả những căn cứ du kích sau lưng địch. Chúng ta coi hậu phương vững chắc nhất là ở trong lòng dân.

        Chúng ta bước vào kháng chiến với một nền kinh tế dân chủ nhân dân đang ở giai đoạn ban đầu. Ba thành phần kinh tế nhà nước, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư nhân thì hai thành phần kinh tế đầu mới chỉ hình thành, thành phần kinh tế tư nhân chiếm đa số thì lại bị ảnh hưởng của chiến tranh. Nền kinh tế đó lại bị giặc Pháp phong tỏa, bao vây.

        Địch phong tỏa và bao vây ta về kinh tế, ta đề ra chính sách tự túc tự cấp trong toàn quốc và ở từng địa phương để kháng chiến lâu dài.

        Ta giúp đỡ sản xuất của tư nhân vì kinh tế tư nhân là bộ phận lớn nhất và có ảnh hưởng mạnh nhất của nền kinh tế lúc bấy giờ.

        Thiếu một nền công nghiệp chế tạo, ta chủ trương phát triển ngành nghề thủ công, sử dụng nguyên liệu địa phương để sản xuất, đáp ứng những nhu cầu kháng chiến thiết yếu cho chiến đấu, sản xuất và sinh hoạt.

        Hoàn cảnh kháng chiến buộc ta phải phân tán, phải phá hoại, nhưng ở nơi hậu phương ta cũng vẫn khuyến khích mở chợ, sửa đường, phát triển vận tải để phân phối điều hòa nguyên liệu, sản phẩm, kích thích sản xuất.

        Vấn đề lương thực được đặt lên hàng đầu. Bác kêu gọi:

                                                        Ruộng rẫy là chiến trường,
                                                        Cuốc cày là vũ khí,
                                                        Nhà nông là chiến sĩ,
                                                        Hậu phương thi đua với tiền phương.


        Những cải cách về ruộng đất của chính phủ như triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức, tạm cấp ruộng đất vắng chủ cho dân nghèo, cho nông dân vay tiền sản xuất làm cho đại đa số nông dân ở vùng tự do phấn khởi.

        Chính phủ lại chăm lo tu bổ đê điều, đắp đập khai mương, đẩy mạnh công tác khuyến nông, phổ biến các biện pháp thâm canh: nước, phân, cần, giống, nhờ đó mà mùa màng ổn định, năng suất tăng cao.

        Ta lại động viên toàn dân tăng gia sản xuất. Các ủy ban tự túc tự cấp về ăn mặc được lập ra khắp nơi. Bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, trường học đều phải dành thời gian sản xuất nhằm tự túc lấy lương thực, vừa giải quyết một phần nhu cầu bản thân, vừa giảm nhẹ gánh nặng đóng góp của nhân dân.

        Nhiều nơi sắn trồng bạt ngàn nương rẫy, mía ngô phủ kín bãi ven sông. Nương của bộ đội, của cơ quan, xí nghiệp được mở ra sản xuất bên cạnh nương của đồng bào.

        Nhờ vậy, ruộng vườn có bị chiến tranh thu hẹp, đất đai bị chia cắt, nhưng sản lượng lương thực không giảm. Nạn đói không xảy ra nghiêm trọng ở bất cứ đâu trong vùng tự do. Đời sống của những người nghèo khổ so với trước cách mạng đã khá hơn nhiều.

        Chúng ta khuyến khích trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm. Nghề kéo sơi, dệt thủ công được phục hồi và phát triển, nhờ đó vấn đề mặc được giải quyết một phần. Chỉ riêng Liên khu 4, năm 1949, đã dệt được 12 triệu 812 nghìn thước vải. Liên khu 5 đã tự túc được về mặc. Những bộ quân phục xita bền đẹp đã trở thành niềm tự hào của Liên khu.

        Địch tìm cách phá hoại các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp của ta. Ta chủ trương thực hiện sản xuất quy mô nhỏ, phân tán. Quy mô nhỏ không những có lợi về mặt đề phòng giặc ném bom phá hoại mà còn thích hợp cho việc huy động vốn của dân lúc đó. Ta cũng chú trọng mở rộng dần cơ sở của kinh tế nhà nước và gây dựng cơ sở ban đầu của kinh tế hơp tác xã.

        Ngay trong những ngày đầu kháng chiến, Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp với các nhà trí thức và kĩ sư tại Vân Đình để bàn việc mở mang công nghiệp của đất nước. Ai nấy đều tỏ ra sốt sắng tham gia vào công việc kiến thiết ở hậu phương. Sau này một số anh em được trưng dụng vào quân giới đã có nhiều đóng góp cho việc sản xuất vũ khí của quân đội.

        Cùng với công nghiệp quốc phòng phát triển vượt bậc, các ngành công nghiệp khác hướng vào nhu cầu quốc phòng và đời sống dân sinh, thay thế hàng ngoại cũng hoạt động mạnh. Trong ba năm đầu kháng chiến ta đã khai thác được hơn 2 vạn tấn than, 6000 tấn phốt phát, 300 tấn diêm tiêu; đã sản xuất được một số hóa chất cơ bản: axít, xút, cồn 900; đã đặt vấn đền nghiên cứu luyện kim theo quy mô nhỏ.

        Các ngành thủ công nghiệp dần dần được khôi phục: nghề muối, nghề dệt, đường mật… Đặc biệt nghề giấy phát triển trên cả nước. Toàn quốc có 553 xưởng giấy, đã sản xuất trong năm 1949 được 1.587 tấn. Từng địa phương, với thế mạnh về nguyên liệu của mình đã có những mặt hàng trao đổi trên thị trường của từng vùng. Lưu thông hàng hóa ngày một phát triển.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 10:12:51 am

        Cùng với việc xây dựng nền kinh tế tự chủ, chúng ta đã xây dựng một nền tài chính độc lập. Bằng cách phát hành đồng bạc Việt Nam, ta đã loại trừ ảnh hưởng của đồng tiền Đông Dương do Pháp phát hành.

        Với sự thận trọng và khôn khéo, chúng ta đã từng bước cho ra đời tờ bạc đầu tiên của Việt Nam.

        Ngày 2 tháng 2 năm 1946, tờ bạc Việt Nam được phát hành hầu khắp các tỉnh Nam Trung Bộ từ vĩ tuyến 16 trở vào, nơi không có sự phá rối của quân đội nước ngoài.

        Ngày 3 tháng 11 năm, 1946, để đối phó với âm mưu lũng đoạn tiền tệ của thực dân Pháp, Chính phủ ra sắc lệnh lưu hành tờ bạc Việt Nam trên toàn quốc.

        Tháng 4 năm 1948, Hội đồng Chính phủ đã ra sắc lệnh bắt đầu từ ngày 22 tháng 5 năm 1948 thủ tiêu giấy bạc Đông Dương thay thế bằng giấy bạc Việt Nam, cắt đứt cái ràng buộc cuối cùng của thực dân Pháp.

        Việc đảm bảo cung cấp một số lượng giấy bạc đáp ứng nhu cầu của kháng chiến là một cố gắng lớn của cán bộ, công nhân ngành tài chính.

        Cơ sở vật chất nhỏ bé, lại bị địch đánh phá nhiều lần. Có khí sản xuất ngừng trệ cả tháng vì máy móc hư hỏng, vật tư thiếu thốn, Tờ bạc 500 đồng in được một mặt thì hết hóa chất bicromat amôn. Mua ở vùng địch tạm chiếm thì không có. Gửi mua ở Hồng Kông thì chưa biết bao giờ về. Giám đốc nhà máy phải nhờ anh em cán bộ kĩ thuật quân giới Bộ Quốc phòng nghên cứu điều chế giúp.

        Qua ba năm kháng chiến, mặc dù chiến trường chia cắt, tiền tệ vẫn thống nhất. Ban đầu ta dự kiến có thể các địa phương sẽ tự động phát hành nhiều giấy bạc để tự cấp theo nhu cầu. Tình trạng ấy sẽ làm cho trong nước có nhiều tờ giấy bạc khác nhau với các giá trị khác nhau. Chuyện đó đã không xảy ra. Trên toàn quốc chỉ lưu hành một loại bạc do Trung ương phát hành, trừ Khu 5 có thêm một thứ tín phiếu. mặc dầu không có trữ kim và ngoại tệ mạnh bảo đảm, nhưng với tinh thần yêu nước, lòng tin vào tiền đồ kháng chiến của nhân dân, đồng bạc Việt Nam trong những năm đầu vẫn giữ được tương đối ổn định. Đó là một thành công lớn.

        Nếu không kể những cuộc ném bom, bắn phả của máy bay địch, căn cứ địa Việt Bắc đã có hai năm yên tĩnh. Sau khi địch rút khỏi Bắc Kạn, khu căn cứ không còn bị đe dọa. Dọc những đường lớn, hàng quán mọc lên nhiều, không khí buôn bán trở lại rộn rịp. Nhưng riêng về lương thực, do Pháp mở rộng lấn chiếm đồng bằng và trung du nên tình hình trở nên rất gay gắt. Bộ đội thiếu ăn. Bữa cơm ở cơ quan thường là sắn cõng cơm. Do địch bao vây ta ráo riết về lương thực, giá gạo tăng vọt. Đồng bạc Việt Nam bắt đầu mất giá. Ngoài việc bao vây lương thực, địch còn tiến công trực tiếp vào đồng bạc Việt Nam bằng cách in tiền giả, tung vào vùng tự do, đánh phá những nơi chúng nghi là cơ sở in giấy bạc của Bộ Tài chính. Trong năm 1949, những cơ sở của Bộ Tài chính đã hai lần bị địch ném bom.

        Để khắc phục tình hình này, Bộ Tài chính có hai đề nghị được Hội đồng Chính phủ bàn bạc rất nhiều, thảo luận rất sôi nổi. Một là chuyển sang thu thuế bằng thóc và ban hành công trái kháng chiến. Nếu thu thuế bằng thóc, ta sẽ có được một phần lương thực để cấp phát cho bộ đội và những người làm việc cho Nhà nước, làm dịu những khó khăn gay gắt về lương thực lúc này. Thu thuế bằng thóc sẽ góp phần ổn định  đồng tiền Việt mà ta không muốn in nhiều cũng không có khả năng in nhiều. Nhưng phải tính tới kho chứa thóc, điều kiện bảo quản, khả năng vận chuyển và hệ số an toàn rất thấp trong điều kiện chiến tranh hiện nay. Hai là phát hành tờ 500 đồng bạc Việt Nam. Việc phát hành tờ 500 cho phép ta có được một khoản dự trữ mà ta đang rất cần. Nó hợp với khả năng in ấn có hạn của ta. Nhưng tung một đồng bạc lớn ra trong điều kiện đồng tiền đang mất giá có thể làm cho tình hình càng trầm trọng hơn. Đồng tiền lớn sẽ khó sử dụng trong chi tiêu, thanh toán. Và địch càng có cơ hội phá giá đồng tiền của ta với cách in tiền giả mà chúng đang làm… Cuối cùng, ta vẫn phải quyết định thu thuế bằng thóc và phát hành đồng 500 sau khi đã tính một số điều kiện về tổ chức để phòng ngừa.

        Về phía địch, âm mưu lấy chiến tranh nuôi chiến tranh gặp nhiều khó khăn. Cùng với chính sách tiêu thổ kháng chiến, ta chủ trương kiên quyết bao vây kinh tế địch. Ta ngăn chặn không cho hàng địch đưa vào vùng ta, nhất là các hàng xa xỉ phẩm. Đồng thời ta tổ chức thống nhất việc tiếp liệu để mua được các hàng cần thiết từ vùng địch. Có lúc, có nơi việc bao vây kinh tế địch làm quá chặt, ảnh hưởng đến ta, Trung ương phải uốn nắn. Nhìn chúng, chủ trương bao vây kinh tế của địch có điều chỉnh là cần thiết. Những nơi buôn bán nhộn nhịp như Cống Thần, Chợ Đại dần dần xuất hiện.

        Kế hoạch phục hồi kinh tế Đông Dương của địch cũng phá sản. Địch không thực hiện được kế hoạch chiếm đóng và xây dựng  lại những vùng kinh tế quan trọng, những khu vực có khả năng về công nghiệp và nông nghiệp. Tứ giác Lạng Sơn, Móng Cái, Hà Nội, Hải Phòng, vùng Tây Nguyên, khu vực từ Cam Ranh vào Nam Bộ không lúc nào vắng tiếng súng kháng chiến.

        Phong trào đấu tranh của công nhân trong vùng địch kiểm soát ngày một phát triển, lúc thì gây phong trào lãn công, lúc thì bí mật phá hoại máy móc, vật tư, nguyên liệu, gây cho địch không ít tổn thất. Sản xuất than, cao su… không đạt yêu cầu, xuất khẩu giảm sút. Nhất là từ năm 1949, sau khi có một kế hoạch thống nhất giữa Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh với Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, việc phá hoại kinh tế địch lại càng đi vào chiều sâu.

        Tóm lại, khó khăn của ta là khó khăn của bước đường đi lên thắng lợi, khó khăn của địch là khó khăn trên con đường đi xuống, không thể khắc phục được.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 10:13:59 am
       
4

        Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ ngày 3 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân Pháp dùng để cai trị chúng ta. Hơn 95 phần trăm đồng bào chúng ta mù chữ… Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Sắc lệnh số 20/SL của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa cưỡng bách mọi người học chữ quốc ngữ và không mất tiền, hạn trong một năm tất cả mọi người từ 8 tuổi trở lên đều phải biết đọc, biết biết chữ quốc ngữ.

        Sau ngày kháng chiến toàn quốc, nhiều người có quan niệm: việc học chữ không cấp bách bằng việc đánh giặc, kháng chiến thành công rồi học cũng chưa muộn. Đảng ta đã sớm uốn nắn quan niệm này. Nha Bình dân học vụ đề ra những khảu hiệu: “Đi học là kháng chiến”, “Có học thì kháng chiến mới thành công”… Ngày 1 tháng 8 năm 1948, Nha Bình dân học vụ phát động trong cả nước một chiến dịch diệt giặc dốt quyết huy động toàn lực giành một thắng lợi quyết định trong công tác xóa nạn mù chữ. Đến giữa năm 1949, cả nước đã có trên 10 triệu người thoát nạn mù chữ. Đến giữa năm 1949, cả vùng đồng bằng, miền núi, vùng dân tộc ít người, vùng Thiên chúa giáo và cả vùng địch hậu, 9 tỉnh tuyên bố hoàn thành về cơ bản việc thanh toán nạn mù chữ: Hà Tĩnh, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Hưng Yên, Phúc Yên, Quảng Ngãi, Phú Yên và Bình Định. Hà Tĩnh dẫn đầu phong trào được Bác gửi thư khen.

        Từ năm 1947, Bộ Giáo dục đã gấp rút khôi phục và mở thêm một số trường phổ thông, mở những hội nghị bàn về sửa đổi chương trình, cải cách giáo dục, cải tổ hệ thống trường học cho phù hợp với những yêu cầu và điều kiện của kháng chiến. Từ Liên khu 5 trở ra, có khá nhiều trường tiểu học, trung học. Tới năm 1949, ta đã có Trường đại học y khoa, lớp dự bị đại học văn khoa, lớp dự bị đại học về toán. Quân đội mãi mãi nhớ ơn Trường đại học y khoa, đặc biệt là các anh Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… đã đào tạo đội ngũ cán bộ quân y, quân dược. Chúng ta cũng ghi nhớ công lao ngành giáo dục đã cung cấp cho quân đội những thanh niên có trình độ văn hóa phục vụ cho việc xây dựng các binh chủng kĩ thuật trong thời kì bộ đội ta chuyển lên đánh lớn.

        Chiến tranh đã đẩy rất đông người kháng chiến về những miền trung du, rừng núi, nhiều nơi chưa được khai phá, trước đây còn bị coi là “ma thiêng nước độc”. Lương thực khó khăn, thuốc men cực kì thiết thốn, lại thêm nếp sinh hoạt hằng ngày của người dân nhiều vùng còn lạc hậu. Chính quyền kháng chiến cùng với các ngành chuyên môn đã có nhiều cố gắng trong việc chăm lo bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

        Với phương châm “phòng bệnh là chính”, cuộc vận động nếp sống vệ sinh với phong trào ba sạch: “ăn sạch, uống sạch, ở sạch” đã phát triển rộng rãi ở nhiều địa phương. Khâu chữa bệnh được chú ý, từ đào tạo cán bộ chuyên môn, sản xuất thuốc đến xây dựng cơ sở y tế. Các liên khu đều có một hệ thống y tế từ tỉnh đến xã. Trong bộ đội, hệ thống quân y có tới cơ sở trung đội. Tính tới năm 1950, riêng ngành dân y của Liên khu Việt Bắc có 17 bệnh viện, một trạm giải phẫu, 135 trạm cứu thương, 77 nhà hộ sinh, 173 phòng phát thuốc. Ở cấp xã có 138 tủ thuốc, 224 cán bộ vệ sinh. Tình hình này đáp ứng một phần nhu cầu chữa bệnh của nhân dân. Chỉ với những dụng cụ thô sơ và vật liệu tại chỗ, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh Pênixilin dạng đơn giản… và bác sĩ Tôn Thất Tùng đã tìm ra những phương pháp điều trị mới cho một số bệnh gan, mật… Việc chữa bệnh bằng đông y và sử dụng cây thuốc nam cũng được nhiều địa phương chú ý và thu được nhiều kết quả.

        Trong những năm kháng chiến, ở vùng tự do không có dịch bệnh lớn. Chúng ta đã hạn chế được đáng kể những bệnh sốt rét, kiết lị ở vùng rừng núi không để ảnh hưởng lớn tới nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

        Đề cương văn hóa năm 1943 của Đảng với phương châm “dân tộc - khoa học - đại chúng” đã thu hút nhiều nhà văn hóa, nhà văn, nhà nghệ sĩ từ bỏ tháp ngà lên đường đấu tranh cách mạng. Hai tác phẩm: “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh những năm đầu kháng chiến đã đặt nền móng cho một nền văn hóa Việt Nam mới trong chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Đường lối văn hóa của Đảng đưa văn hóa Việt Nam trở về cội nguồn dân tộc, chống lại những xu hướng duy tâm, mê tín lạc hậu; và đặc biệt là đưa văn hóa trở về với số đông, là đại bộ phận nhân dân, sẽ quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Với nền văn hóa mới, văn nghệ sĩ trở thành những người “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, văn học nghệ thuật trực tiếp góp phần cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Đây là những thay đổi rất cơ bản so với nền văn hóa trước cách mạng trong xã hội thực dân phong kiến.

        Với những phương tiện cực kì eo hẹp, những tờ báo tường, báo in đá, tạp chí, truyện in với số lượng ít trên giấy giang, những bản nhạc chép tay, truyền miệng… văn nghệ kháng chiến vẫn có mặt trên khắp nẻo đường khắp xóm vắng, hang cùng. Văn hóa kháng chiến đã đáp ững nhu cầu tình cảm của chiến sĩ, nhân dân ta trông chiến tranh. Nhân dân thương yêu, chăm sóc, che chở cho bộ đọi như con, em. Người ở mặt trận nhớ tới người ở hậu phương. Đồng bào miền xuôi, miền ngược coi nhau như người trong một gia đình. Văn hóa, văn nghệ kháng chiến đã có những công hiến to lớn trong suốt ba mươi năm chiến tranh.

        Trong năm 1948, tôi đã gặp lại một thầy học cũ, cụ Võ Liêm Sơn. Những năm hai mươi thầy Võ Liêm Sơn dạy ở trường Quốc học Huế. Năm 1927, tôi tham gia cuộc tổng bãi khóa của học sinh ở Huế. Sau đó cùng với mấy người bạn đi vào Đà Nẵng, Quy Nhơn để tìm đường xuất dương. Khi tôi quay lại Huế, vì giới cầm quyền thành phố để ý nên khó tìm nơi tá túc. Chính thầy Sơn đã bảo tôi về ở tại nhà thầy. Ở đây tôi đã được đọc cuốn sách đầu tiên viết về chủ nghĩa Mác.

        Cụ Võ Liêm Sơn ghé qua Bộ Tổng chỉ huy sau khi đã đi dự Đại hội văn hóa toàn quốc về. Hai mươi năm mới gặp lại thầy Sơn, tôi rất xúc động. Thầy đứng lặng nhìn tôi một lúc, rồi lấy khăn tay lau nước mắt. Ngày ấy tôi là một cậu học trò nghèo, được thầy cưu mang lúc khó khăn, và tạo điều kiện cho hiểu thêm về cách mạng.

        Tôi biết những giọt nước mắt của thầy hôm nay là những giọt nước mắt hạnh phúc.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 10:28:44 am
       
5

        Sản xuất quốc phòng là mối quan tâm hàng đầu của nhà nước non trẻ trong vòng vây của đế quốc, Chỉ 13 ngày sau khi tuyên bố độc lập, Bác đã quyết định thành lập tổ chức ban đầu của ngành quân giới với hai nhiệm vụ: thu thập, mua sắm vũ khí và tổ chức sản xuất vũ khí.

        Ngày 25 tháng 9 năm 1948, với danh nghĩa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, theo lệnh của Bác, tôi kí giấy ủy nhiệm cho đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân “có đủ quyền trưng thu các xưởng và tất cả các vật liệu cần thiết cho kĩ nghệ binh khí để củng cố việc quốc phòng”.

        Với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, các ngành công nghiệp vật liệu, công nghiệp chế tạo chưa có, lại bị chiến tranh tàn phá, chúng ta chưa có cơ sở vật chất cho ngành công nghiệp sản xuất vũ khí ra đời. Vì vậy, khi Chính phủ hỏi ý kiến một số nhà trí thức cao cấp trong nước để sản xuất vũ khí thì nhiều anh em cho là ta không làm được.

        Nhưng trong điều kiện bị bao vây bốn bề, chúng ta phải nhất thiết vượt qua mọi khó khăn trở ngại, tổ chức sản xuất bằng được những thứ vũ khí có thể sản xuất được để cung cấp cho bộ đội và dân quân chiến đấu với quân thù.

        Hàng loạt các tổ sửa chữa vũ khí và chế tạo vũ khí ở các chi độ bội đội ở Nam Bộ, các binh công xưởng ở các tỉnh, các khu từ Bắc chí Nam ra đời. Máy móc, nguyên liệu lấy từ cơ sở công nghiệp dân dụng nhỏ bé. Lực lượng nòng cốt là đông đảo công nhân từ các cơ sở công nghiệp, học sinh các trường kĩ nghệ, các trí thức yêu nước. Công việc thì từ nhồi nạp đạn, sửa chữa các loại súng, rèn dao găm, mã tấu, đến sản xuất lựu đạn, địa lôi, súng kíp. Tháng 12 năm 1945, trong chuyến đi công tác miền Nam, tôi đã đến thăm xưởng quân giới Đồng Trăng của Khánh Hòa. Xuởng này dựa vào nhà máy sơ chế cao su của đồn điền Đồng Trăng và máy móc, vật liệu lấy từ ga Phú Xuân Long. Với khoảng 50 cán bộ, công nhân, trước hết rèn giáo, mác, về sau sửa chữa súng trường, súng máy, sản xuất lựu đạn nhằm đáp ứng cho mặt trận ngày một lan rộng.

        Kháng chiến toàn quốc bắt đầu. Tôi chỉ thị cho ngành quân giới tổ chức những xưởng vũ khí nhỏ, gọn, theo phương châm “tiểu quy mô, cơ động, linh hoạt, dễ di chuyển khi cần thiết” phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến; để thực hiện quan điểm chiến tranh nhân dân, vũ trang toàn dân phải chuyển mạnh sang sản xuất những vũ khí thô sơ, thông dụng, chủ yếu là lựu đạn, mìn để tiến hành đánh du kích. Loại vũ khí thông dụng này ngành sản xuất vũ khí của ta có thể sản xuất nhanh, nhiều, cung cấp kịp thời cho các mặt trận.

        Sản xuất vũ khí luôn luôn là một nhiệm vụ được nhắc nhở trong các hội nghị quân sự cũng như các nghị quyết của Trung ương.Tôi còn nhớ tại Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ ba tổ chức tại Trúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông, một vấn đề được trao đổi sôi nổi là việc sản xuất vũ khí. Một điều khiến hội nghị quan tâm đến nhiều phải có một thứ vũ khí nào có thể chiến đấu có hiệu quả với xe tăng, cơ giới địch. Tôi mới đồng chí Trần Đại Nghĩa, người vừa được Bác Hồ bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân giới phát biểu ý kiến. Anh Trần Đại Nghĩa là một trí thức Việt kiều ở Pháp được Bác đưa về nước tham gia kháng chiến. Chính anh là người đã đem lại cho đội ngũ cán bộ khoa học trẻ của ta lúc bấy giờ những kiến thức cơ bản về lí luận và công nghệ sản xuất vũ khí.

        Anh Nghĩa cho biết anh đang chỉ đạo một nhóm cán bộ thí nghiệm để hoàn chỉnh đạn Badôca trong thời gian ngắn nhất. Đây là một nhiệm vụ ta đã đề ra từ trước. Trong chuyến đi thăm xưởng quân giới Giang Tiên ở Thái Nguyên, tháng  3 năm 1948, tôi đã giao cho Cục Quân giới sản xuất súng và đạn badôca theo mẫu khẩu súng của Mỹ thả dù cho ta ở Tân Trào trước Tổng khởi nghĩa. Trong nước, anh em quân giới đã sản xuất được súng nhưng riêng quả đạn thì chưa thành công. Vừa từ Pháp về, anh Nghĩa bắt tay vào nghiên cứu đạn badôca, tính toán để sử dụng các thuốc đẩy, thuốc phóng ta vẫn sẵn có thay thế các nguyên liệu của Mỹ.

        Ngày 5 tháng 3 năm 1947, lần đầu tiên badôca do ta chế tạo đã bắn cháy xe tăng của địch, góp phần bẻ gãy cuộc hành quân vây quét vùng Chương Mỹ - Quốc Oai.

        Tôi được biết rằng, sau đó anh Nghĩa và anh em quân giới còn phải mất một thời gian tiếp tục nghiên cứ mới có được súng đạn badôca hoàn chỉnh để trang bị cho bộ đội.

        Ở Nam Bộ không có điều kiện để sản xuất badôca, kĩ sư Lê Tâm đã nghiên cứu ra badômin (một loại mìn lõm) để đánh cơ giới địch. Badômin đã được sử dụng có hiệu quả trong trận La Ngà cũng như trong các trận diệt tháp canh của địch. Sau này các anh đã nghiên cứu chế tạo thành công súng và đạn SS với nhiều loại khác nhau. SS cũng theo nguyên lí không giật, kết cấu đơn giản, tiết kiệm được thuốc phóng.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 10:29:08 am

        Phương hướng sản xuất vũ khí được chỉ rõ trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương tháng 4 năm 1947 “Chú trọng chế tạo các vũ khí chống xe tăng, chống ca nô (badôca, địa lôi, v.v.), và vũ khí thô sơ như lựu đạn, súng kíp; phải chống khuynh hướng coi thường vũ khí thô sơ mà chỉ chú trọng vũ khí tối tân; đồng thời chống khuynh hướng thiên về chế tạo vũ khí thổ sơ mà không để ý hay không gắng sức chế tạo và học dùng vũ khí “tối tân”. Phổ biến cách chế tạo lựu đạn và súng kíp đơn giản cho dân là tự vũ trang”.

        Cùng với việc phát triển mạnh mẽ sản xuất lựu đạn, mìn với kĩ thuật ngày càng hoàn thiện, ngay năm đầu toàn quốc kháng chiến, năm 1947, ta đã thành công trong sản xuất vũ khí chống chiến xa địch như badôca, AT và súng đạn bắn cầu vồng các loại như cối, lựu pháo.

        Năm 1948 ở Bắc Kạn, trước khi dự hội nghị chuyên môn quân giới toàn quốc, tôi đã  dự cuốc bắn thử súng cối cỡ 187mm. Súng được làm bằng vỏ bình ôxy, đạn nặng 30 kilôgam, tầm bắn xa nhất được 2 kilômét. Kết quả ban đầu cho thấy độ tản mát quá lớn, còn phải tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh. Sau này cối 187mm được trang bị làm pháo đi cùng với các đơn vị bộ binh.

        Nói về sản xuất vũ khí không thể không nói đến một thành công lớn của quân giới nước ta trong những năm chiến đấu trong vòng vây. Đó là việc chế tào thành công súng không giật SKZ 60. Đây là loại vũ khí công đồn. Súng SKZ 60 chỉ nặng có 26 kilôgam lại có thể tháo rời để dễ mang vác. Đạn SKZ 60 là đạn lõm, nặng 9 kilôgiam, có khả năng xuyên bê tông dầy 60 xăngtimét (gấp 3 lần badôca 60). Xuất trận lần đầu ở chiến dịch Lê Hồng Phong 1, trong trận Phố Lu, SKZ 60 đã tỏ ra có hiệu quả trong phá lô cốt địch. SKZ 60 nhanh chóng trở thành vũ khí trợ chiến có hiệu lực của các đơn vị bộ binh. Sau này trong cuốn “Chiến tranh Đông Dương” Luyxiêng Bôđa viết: “Nhưng, cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60 cm là những quả đạn SKZ 8 kg mà người Việt chế tạo trong các hang núi ở Chi Nê… chỉ cần vài quả là đủ tiêu diệt tháp canh của chúng tôi”.

        Được tin về những thành tích chiến đấu của SKZ 60, tôi cho goi đồng chí Hoàng Đình Phu, lúc đó là Phó giám đốc Nha Nghiên cứu kĩ thuật của Cục Quân giới lên báo cáo. Anh Phu cho biết súng SKZ 60 dựa theo nguyên lí pháo không giật bắn đạn lõm của phương Tây. Anh em cán bộ của Nha Nghiên cứ kĩ thuật dưới sự chỉ đạo trực tiếp của anh Phu, được anh Trần Đại Nghĩa hướng dẫn đã tự mình tính toán thiết kế không theo một mẫu nào có sẵn.

        Nghe báo cáo, tôi lại nhớ đến chuyến tôi đi thăm Nha Nghiên cứ kĩ thuật vào tháng 12 năm 1947 tại Khe Khao. Đây là một ngọn núi cao, từ Bản Thi còn phải đi 7 kilômét đường núi mới tới. Đến thăm anh em, tôi muốn biểu lộ sự quan tâm của Trung ương, của Bộ Quốc phòng và Quân ủy Trung ương đối với một cơ quan nghiên cứu khoa học kĩ thuật đầu tiên của quân đội và của đất nước, đối với đội ngũ trí thức trẻ mà lúc bấy giờ tôi vẫn gọi vui là “les étudiants Quân giới”. Đa số anh em vừa rời ghế nhà trường, hăng hái đi theo tiếng gọi của Tổ quốc đi vào cuộc kháng chiến trường kì. Từ các nôi khoa học kĩ thuật này nhiều đồng chí đã trưởng thành, sau này đã trở thành những cán bộ khoa học, kĩ thuật chủ chốt của quân đội và của Nhà nước.

        Cũng phải kể đến công lao của anh Tạ Quang Bửu. Là một nhà khoa học, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ngay từ những ngày chiến đấu còn đầy gian khổ khó khăn anh đã quan tâm đến công tác khong học trong các lực lượng vũ trang, chẳng những đối với ngành quân giới mà cả đối với quân y và các ngành khác. Sau này trên cương vị phụ trách Ủy ban Khoa học và Kĩ thuật nhà nước và sau đó là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp anh đã có đóng góp quan trọng vào việc phát triển công tác nghiên cứu khoa học và xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kĩ thuật của nhà nước.

        Ngày nay, nhìn lại, thấy chúng ta đã đi đúng hướng. Chúng ta chủ trương tập trung đẩy mạnh sản xuất các loại vũ khí thô sơ: lựu đạn, mìn để cung cấp cho hàng triệu chiến sĩ của cuộc chiến tranh toàn dân trên cả nước. Với một nền công nghiệp lạc hậu, không có khả năng sản xuất ra một khẩu súng trường mà các nước công nghiệp tiên tiến đã sản xuất hàng hoạt trước đó hàng trăm năm, mà chúng ta lại sản xuất được các vũ khí hiện đại, nòng trơn, các vũ khí dùng nguyên tắc phản lực và đạn lõm, như badôca, SKZ… Đó là những vũ khí tối tân lúc bấy giờ. Về mặt chiến thuật nó đáp ứng yêu cầu tiêu diệt những phương tiện mạnh nhất của địch: xe tăng, cơ giới, phá tan các lô cốt boong ke của chúng góp phần làm thât bại chiến lược chiến tranh đồn bốt của bọn thực dân. Về mặt chế tạo, các thứ vũ khí ấy không cần đến vật liệu phức tạp, lại không yêu cầu độ chính xác quá cao, thích hợp với khả năng của ta về vật liệu, về trình độ sản xuất và thiết bị công nghệ lúc bấy giờ.

        Một kì tích nữa của cán bộ, công nhân ngành quân giới là đảm bảo nguyên liệu, vật liệu và kĩ thuật, những yếu tố hàng đầu của sản xuất vũ khí.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 31 Tháng Tám, 2016, 10:30:34 am

        Nhận định giặc Pháp nhất định sẽ tiến công ta, ngay từ đầu tháng 11 năm 1946, Bộ Quốc phòng đã lệnh cho Cục Quân giới bí mật sơ tán, di chuyển các kho tàng, xí nghiệp ra khỏi các thành phố lớn, mang lên vùng rừng núi. Sớm hơn nữa, ngay từ tháng 5 năm ấy, Bác đã chỉ thị cho đồng chí Đặng Văn Cáp về Cao Bằng mở công binh xưởng chế tạo vũ khí chuẩn bị cho kháng chiến.

        Trong cuộc tổng di chuyển cuối năm 1946 đầu năm 1947, khoảng 4 vạn tấn máy móc, dụng cụ, nguyên liệu được đưa từ các đô thị về nông thôn, lên rừng núi (tính từ Khu 5 trở ra) với quãng đường từ 50 đến 500 kilômét, là một thắng lợi lớn lao của ngành quân giới.

        Nguồn nguyên liệu, vật liệu sản xuất vũ khí được tạo từ nhiều hướng, bằng nhiều con đường, với tất cả lòng dũng cảm, trí thông minh và cả sự hi sinh của công nhân và cán bộ. Ta không sản xuất được thuốc nổ. Ngoài một số thuốc nổ còn dự trữ ở các kho, phần lớn các thuốc nổ quý như tôlít, mêlinít, điamít được khai thác từ các kho vũ khí của địch, từ bom, đạn pháo, đạn cối không nổ. Việc tìm kiếm bom địch không nổ để tháo bỏ ngòi lấy thuốc nổ là công việc thường xuyên. Đây là một việc làm rất nguy hiểm, đòi hỏi cả lòng dũng cảm và trình độ kĩ thuật. Tuy có những trường họp không may xảy ra tai nạn, nhưng anh em vẫn không chùn bước.

        Thiếu sắt thép chế tạo, ta có nguồn sắt thép rải rác trong cả nước. Đó là hàng nghìn kilômét đường ray, hàng trăm đầu máy xe lửa, hàng nghìn vành, bánh, trục xe lửa, hàng nghìn tấn sắt thép cũ ở hàng trăm cầu, hàng chục tàu lăn đường, hàng trăm xe cũ nằm rải rác trên các tuyến đường, chưa kể tới vỏ đầu đạn đại bác, vỏ bom chưa nổ.

        Thiếu đồng, ta kêu goi sự đóng góp của nhân dân. Nồi đồng, mâm đồng, lư hương, tiền Bảo Đại, tiền Khải Định đều được đem hiến cho kháng chiến để rèn đúc vũ khí.

        Số nguyên liệu, vật liệu mua được từ vùng địch tạm chiếm, nhất là ở Nam Bộ đã góp phần quan trọng để duy trì và phát triển việc sản xuất. Riêng năm 1949, Nha mậu dịch của Cục Quân giới trực tiếp mua được 27 tấn kali clorát, hơn một vạn bánh thuốc đinamít gôm, gần 12 vạn ống nổ, hoặc như quân giới Khu 8 cũng trong hai năm 1948 - 1949 đã mua được 17 tấn diêm tiêu, 1,6 tấn axít các loại, 500 kilôgam sunfua antimon, 7 tấn đồng lá…

        Tuy nhiên, để chủ động, ngành quân giới đã tổ chức sản xuất gần như trên cả nước thuốc gợi nổ, diêm tiêu, thuốc đen, các axít cơ bản.

        Hàng trăm tấn diêm tiêu được sản xuất bằng phương pháp cổ truyền với những dụng cụ thô sơ từ phân dơi trong các hang động trên vùng núi cao kết hợp với tro bếp huy động từ hàng chục nghìn gia đình.

        Axít và các hóa chất cơ bản để chế tạo chất nổ, nhất là điều chế fuminát thủy ngân được sản xuất bằng các lò thủ công, phương pháp thủ công, nhiều khi nguy hiểm đến tính mạng con người.

        Trong công nghệ chế tạo, anh chị em cán bộ công nhân quân giới cũng có nhiều sáng tạo. Tôi thường được anh Nguyễn Duy Thái báo cáo về những sáng kiến cải tiến kĩ thuật của các xưởng quân giới trong cả nước, nhất là các xưởng từ Khu 4 trở ra.

        Tôi đã gửi thư khen ngợi bộ phận chuyên nghiên cứu dập đạn DAM. Thành công này cùng với việc luyện được đồng thau theo kinh nghiệm của các nghệ nhân đúc đồng làng Ngũ Xã (Hà Nội) đã mở ra khả năng sản xuất được nhiều đạn. Trong hai năm 1949 - 1950 ta đã sản xuất được khoảng 2 triệu viên đạn DAM. Hai triệu viên đạn được sản xuất trong điều kiện khó khăn thiếu thốn đủ thứ có một ý nghĩa cực kì quan trọng. Một sáng kiến nổi bật là anh em đã chế tạo nòng súng cối các cỡ bằng vỏ các đầu đạn đại bác 105, 155mm của địch ghép nối lại.

        Viết những dòng này tôi không thể không nhớ tới các cán bộ và công nhân đã hi sinh trong nghiên cứu - thử nghiệm, trong chế tạo vũ khí, trong điều chế hóa chất… Đây thực sự là một mặt trận thầm lặng không thiếu những sáng tạo và chiến công, nhưng cũng đầy khó khăn gian khổ, thiếu thốn và hi sinh.

        Hơn hai vạn anh chị em cán bộ và công nhân ngành quân giới, với những người tiêu biểu như anh hùng Ngô Gia Khảm, anh hùng Trần Đại Nghĩa, đã đem hết tinh thần cách mạng của giai cấp công nhân, tinh thần lao động sáng tạo và khoa học của người trí thức yêu nước, trong hoàn cảnh cực kì khó khăn, làm ra một khối lượng lớn vũ khí và đạn dược1, góp phần xứng đáng vào những thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài. Đây cũng là cơ sở quan trọng cho nền móng công nghiệp quốc phòng và phần nào là nền công nghiệp dân dụng của chúng ta.

--------------
1. Chỉ tính các xưởng quân giới từ Khu 4 trở ra, riêng trong 2 năm 1948 - 1950 đã sản xuất được hơn 1 triệu quả lựu đạn và mìn; gần 900 khẩu súng và 15 vạn quả đạn các loại badôca, SKZ và cối; hơn 200 tấn hóa chất, thuốc nổ, hơn 2 triệu viên đạn súng trường và tiểu liên.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Chín, 2016, 11:09:34 am
       
6

        Sau chiến thắng Việt Bắc, trong một cuộc họp Thường vụ, Bác đề ra cần phát động trên toàn quốc, trong tất cả các ngành ở hậu phương cũng như tiền phương một phong trào “thi đua ái quốc” để đẩy cuộc kháng chiến tiến nhanh qua giai đoạn mới.

        Ngày 27 tháng 3 năm1948, Thường vụ Trung ương ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc.

        Nhân dịp kỉ niệm 1.000 ngày kháng chiến toàn quốc, Bác ra lời kêu gọi, với những lời lẽ giản dị, Người viết:

        “Mục đích thi đua ái quốc là gì?

              Diệt giặc đói khổ,
              Diệt giặc dốt nát,
              Diệt giặc ngoại xâm.

        Cách làm là dựa vào:

              Lực lượng của dân,
              Tinh thần của dân.

        Để gây:

              Hạnh phúc cho dân

        Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc là:

              Toàn dân sẽ đủ ăn đủ mặc,
              Toàn dân sẽ biết đọc biết viết.
              Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực khí giới
                                    để giết giặc ngoại xâm”.

        Trong thơ chúc Tết Xuân Kỷ Sửu, 1949, Người viết:

              Người thi đua
              Ngành ngành thi đua
              Ngày ngày thi đua
              Ta nhất định thắng
              Địch nhất định thua.

        Phong trào Thi đua ái quốc là một sáng kiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó đã có những tác đọng cực kì to lớn trong suốt ba mươi năm chiến tranh. Có thể nói những kì tích của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến ở tiền tuyến cũng như hậu phương đều gắn vớii thi đua ái quốc.

        Cũng như nhiều phong trào do Người phát động, Thi đua ái quốc bắt đầu từ vài câu nói, ít dòng viết giản dị của Người.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Chín, 2016, 11:17:19 am
        
Chương tám

CHUẨN BỊ TỔNG PHẢN CÔNG1
 

1

        Bước sang năm 1949, tình hình quốc tế và Đông Dương có nhiều sự kiện bất lợi cho Pháp. Cách mạng Trung Hoa phát triển mạnh. Quân giải phóng Trung Quốc liên tiếp giành thắng lợi qua các chiến dịch Liêu Thẩm, Bình Tân, Hoài Hải, đang chuẩn bị vượt sông Dương Tử. Ở vùng Hoa Nam giáp biên giới nước ta, phong trào du kích nổi lên khá mạnh chuẩn bị đón Quân giải phóng, nhưng đang phải chống trả những trận càn quét dữ dội của quân Quốc dân đảng. Thực dân Pháp ở Đông Dương cũng như giới cầm quyền ở chính quốc rất lo lắng trước tình hình biến chuyển trên lục địa Trung Hoa.

        Đầu năm có cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng. Trong giấy triệu tập, Bác dặn nên suy nghĩ, chuẩn bị ý kiến bàn việc đẩy mạnh kháng chiến, có thể phải quyết định vấn đề quan trọng.

        Bác đã từ Điềm Mạc trở lại châu Tự Do. Tôi đi ngựa qua đèo De sang Tân Trào. Thu Đông vừa qua, Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo quân và dân chuẩn bị đối phó với cuộc tiến công lần thứ hai của giặc Pháp lên Việt Bắc. Nhưng địch không tổ chức được cuộc tiến công, căn cứ địa vẫn hoàn toàn yên tĩnh. Tình hình cuộc kháng chiến, so với hai năm trước, đã sáng sủa hơn. Những thắng lợi dồn dập của cách mạng Trung Hoa sẽ tạo nhiêu thuận lợi mới cho ta. Tôi nghĩ trong cuộc họp lần này, Thường vụ sẽ có những quyết định quan trọng để đẩy mạnh cuộc kháng chiến.

        Qua những cánh đồng hẹp, lội một con suối, đi vào phía núi lại gặp suối Lê. Nơi ở của Bác lúc này đã khang trang hơn, tuy vẫn là nhà tranh vách nứa. Anh Trường Chinh, anh Hoàng Quốc Việt và anh Lê Văn Lương đã có mặt. Anh Lương ra suối lấy nước về đun, vì hôm nay vừa có người biếu Bác gói trà ngon.

        Sau tuần trà, cuộc họp Thường vụ bắt đầu, do Bác chủ trì. Anh Trường Chinh điểm tình hình kháng chiến năm qua, tôi báo cáo tình hình quân sự cụ thể hơn. Đại thể chiến tranh du kích đã phát triển rộng khắp ở vùng sau lưng địch, khiến cho quân Pháp không thể tập trung lực lượng để mở cuộc tiến công lần thứ hai lên Việt Bắc1. Chúng buộc phải tiến hành nhiều cuộc càn quét để củng cố hậu phương. Ta đã thực sự chuyển sang giai đoạn mới và đang tranh giành quyền chủ động với quân Pháp ở Bắc Bộ. Tuy được tăng viện thêm 3 vạn quân, đưa tổng quân số cuối năm 1948 lên 16 vạn, tỉ lệ quân ngụy chiếm 46 phần trăm, nhưng Pháp vẫn ở trong tình trạng thiếu quân nghiêm trọng, lực lượng lại bị căng ra để đối phó với những cuộc tiến công ngày càng tăng của bộ đội ta. Pháp vẫn chưa lập được chính quyền bù nhìn với Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại). Những thắng lợi lớn của cách mạng Trung Hoa đang làm cho quân thù rất đau đầu.

------------------
1. Theo thông báo ngày 13 tháng 6 năm 1988 của Viện Lịch sử quân sự, về vấn đề giai đoạn chiến lược của cuộc kháng chiến chống Pháp, một cuộc Hội thảo khoa học đã được tổ chức, gồm một số cán bộ quân sự cao cấp thời chống Pháp, sau đó có ý kiến một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị thời bấy giờ đi đến nhất trí:

        a) Chủ trương cuộc kháng chiến chống Pháp có ba giai đoạn là đúng.

        b) Giai đoạn 1: Từ Nam Bộ kháng chiến đến sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947); có thể gọi là giai đoạn giữ vững và phát triển lực lượng cảu ta, kiềm chế và tiêu hao lực lượng địch.

        c) Giai đoạn 2: Từ chiến thắng Việt Bắc đến trước chiến dịch Biên Giới; có thể gọi là giai đoạn phát triển chiến tranh du kích, chuẩn bị thế và lực để phản công.

        d) Giai đoạn 3: Từ chiến dịch Biên Giới đến chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, có thể gọi là giai đoạn phản công và tiến công đi đến giải phóng miền Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.

        Cuốn sách “Chiến đấu trong vòng vây” được viết theo thực tế lịch sử, căn cứ vào những nghị quyết và chủ trương của Trung ương lúc bấy giờ.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Chín, 2016, 11:41:51 am

        Bác nêu ý kiến: qua hai năm cả nước kháng chiến, lực lượng ta đã khá hơn trước, bộ đội có nhiều tiến bộ, nhân dân rất tin tưởng ở kháng chiến. Do những tiến bộ của ta, quân Pháp lâm vào thế lúng túng, cả năm 1948 không mở được cuộc tiến công quan trọng nào ra vùng tự do. Quân ngụy tăng nhiều là một mối nguy hiểm tiềm tàng trong nội bộ địch. Với đà tiến mạnh mẽ như hiện nay, chắc không bao lâu nữa, Quân giải phóng sẽ tới sát biên giới nước ta. Tình hình đó nhất định sẽ ảnh hưởng tốt đến cuộc kháng chiến, tạo những thuận lợi mới cho ta. Nếu thất bại ở lục địa Trung Hoa, chắc chắn Mỹ và Anh sẽ tăng cường nỗ lực chiến tranh để giữ Đông Dương, gây những khó khăn rất lớn cho ta. Bác nêu vấn đề có thể đề ra nhiệm vụ tích cực cầm cự, ra sức chuẩn bị về mọi mặt để chuyển sang tổng phản công.

        Thường vụ thảo luận rất kĩ, cân nhắc thận trọng tình hình mọi mặt. Có hai ý kiến. Ý kiến thứ nhất cho rằng cần đặt vấn đề tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công; tổng phản công là nhiệm vụ của cả một giai đoạn chiến lược. Ý kiến thứ hai cho rằng so sánh lực lượng địch ta và sự phát triển không đồng đều giữa các chiến trường, nên cần tập trung lực lượng tiến hành những trận phản công trên chiến trường Bắc Bộ, trong khi các chiến trường khác ra sức kiềm chế địch.

        Bác kết luận: cần đề ra nhiệm vụ tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công để động viên sự nỗ lực vượt bậc của quân và dân cả nước, sẵn sàng khai thác triệt để những thuận lợi khi thời cơ mới xuất hiện.

        Thường vụ quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu và phân công anh Trường Chinh chuẩn bị báo cáo chính trị, tôi chuẩn bị báo cáo quân sự để trình bày tại hội nghị.

        Tôi thấy thì giờ rất khẩn trương, nhiệm vụ mới hết sức quan trọng, nên lên ngựa về ngay cơ quan Bộ Tổng chỉ huy. Tôi mời anh Văn Tiến Dũng, anh Hoàng Văn Thái và một số cán bộ chủ chốt của cơ quan đến, phổ biến nội dụng hội nghị Thường vụ và bàn chuẩn bị báo cáo quân sự.

        Sau đó, tôi lên đường sang khu vực cơ quan Chính phủ ở Thanh La thuộc châu Tự Do để họp Đảng đoàn Chính phủ. Đây là một khu rừng rậm rạp, rất ít ánh nắng mặt trời. Mấy hôm nay rét đậm. Mọi người đã đến đủ, lần này có cả anh Cả tức Sao Đỏ (bí danh của anh Nguyễn Lương Bằng) đại diện Trung ương. Ạnh Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Tài chính, phó bí thư đảng đoàn, mới dứt cơn sốt rét, người còn rất mệt, cũng cố gắng đến. Đáng lẽ nội dung hội nghị bắt đầu buổi chiều, nhưng có đồng chí ở xa đến muộn, nên sau bữa cơm tối mới họp.

        Tôi báo cáo tình hình thế giới, trong nước và đề ra nhiệm vụ mới theo tinh thần hội nghị Thường vụ Trung ương. Hội nghị thảo luận khá lâu mãi đến 12 giờ đêm mới tạm dừng.

        Hai ngày sau, hội nghị tiếp tục làm việc, nhất trí nhận định tình hình thế giới, trong nước và xác định nhiệm vụ mới.

        Hội nghị kiểm điểm công việc đã làm trong năm 1948, bao gồm phần chung của Chính phủ và phần riêng của mỗi bộ, rồi bàn chương trình hoạt động trong năm 1949.

        Anh Lê Văn Hiến gặp riêng tôi trao đổi: Bộ Quốc phòng mới đưa dự trù ngân sách đến để xét. Ngân sách làm theo kế hoạch mới, là một con số khổng lồ. Tình hình tài chính đang có rất nhiều khó khăn do chính sách phong tỏa, bao vây kinh tế của địch. Tôi nói là đã cùng anh Tạ Quang Bửu xem xét rất kĩ và cắt đi rất nhiều rồi, đây là con số tối thiểu, anh cố gắng thu xếp cho. Anh Hiến Mai gật đầu nói: “Anh yên tâm, dù thế nào cũng phải cố gắng đáp ứng, đề nghị anh dặn anh em hết sức tiết kiệm”.

        Chúng tôi họp đến 3 giờ sáng, có nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Sau hai ngày ba đêm làm việc liên tục, mọi người đều mệt nhoài, nhưng rất phấn khởi vì sự tiến triển của cuộc kháng chiến, đồng thời có nhiều lo lắng vì cảm thấy nhiệm vụ mới rất nặng nề.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Chín, 2016, 11:45:55 am

2

        Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng lần thứ sáu họp từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 1. Sáng 14, các đại biểu đến địa điểm hội nghị. Đại biểu các địa phương và các ngành đã có mặt. Liên khu 3 và Liên khu 4 cũng có đại biểu mặc dầu đường đi có nhiều khó khăn và nguy hiểm.

        Hội trường là một ngôi nhà lớn bằng tre, nứa, lá, nhưng khá đàng hoàng. Có phòng họp chung cho tất cả các đại biểu và chỗ họp riêng cho các tổ, có ánh sáng điện chạy bằng máy nổ, có cờ đỏ sao vàng và cờ búa liềm, có chân dung của Bác, đồng chí Xtalin, đồng chí Mao Trạch Đông và nhiều khẩu hiệu chữ vàng trên vải đỏ.

        Một giờ chiều hội nghị bắt đầu. Sau khi chào cờ, hát quốc ca, hát quốc tế ca và mặc niệm các chiến sĩ, Bác Hồ nói lời khai mạc.

        Anh Trường Chinh trình bày Báo cáo chính trị, đánh giá tình hình trong nước và ngoài nước, nêu lên những điều kiện thuận lợi mới, những khó khăn mới, chủ trương của Đảng để đẩy cuộc kháng chiến tiến tới, tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công.

        Vì quá nhiều việc, hội nghị phải làm việc cả ban đêm. Riêng tối 14 có liên hoan văn nghệ, nhưng thời tiết rét buốt, mọi người lo sưởi lửa nhiều hơn dự cuộc vui.

        Sáng 15, tôi trình bày Báo cáo quân sự “nhiệm vụ quân sự của chúng ta trong giai đoạn hiện tại”. Bản báo cáo có ba phần: 1) Từ Việt Bắc, chiến tranh đã bước vào giai đoạn thứ hai. 2) Giai đoạn thứ hai sẽ tiến triển như thế nào? 3) Nhiệm vụ quân sự cần kíp của chúng ta.

        Bản báo cáo nêu lên hai đặc điểm của giai đoạn mới. Đặc điểm thứ nhất là giai đoạn mới bắt đầu với chiến thắng Việt Bắc 1947 - một thắng lợi của ta, một thất bại của địch. Đặc điểm thứ hai là giai đoạn mới bắt đầu chưa được một năm thì có sự biến chuyển của tình hình thế giới, sự nguy khốn của Pháp về kinh tế tài chính và nhất là những thắng lợi to lớn của cách mạng Trung Hoa. Ngay bây giờ, trong chiến lược cầm cự, nhiệm vụ tích cực chuẩn bị để chuyển sang tổng phản công cần được đề ra.

        Cần thực hiện phương châm chiến lược của giai đoạn mới một cách tích cực hơn, kịp thời hơn, với nhịp độ mạnh và nhanh hơn, chú trọng nhiệm vụ chuẩn bị tổng phản công để giành lấy thắng lợi cuối cùng.

        Sau báo cáo quân sự là bản Báo cáo kinh tế tài chính do anh Lê Văn Hiến trình bày. Bản báo cáo nêu rõ những việc đã làm được và những vấn đề cần tập trung giải quyết trong giai đoạn mới.

        Đánh mạnh hơn nữa vào hậu phương địch, đánh các vị trí chiến lược, cắt các đường giao thông lớn.

        Mở một số chiến dịch tiến công ở những hướng có tác dụng chiến lược quan trọng nơi địch yếu và có nhiều sơ hở, từ chủ động chiến dịch đi đến chủ động chiến lược từng bộ phận một cách mạnh bạo hơn.

        Tích cực giúp cách mạng Lào - Miên, mở rộng mặt trận Lào - Miên, thực hiện Việt - Lào - Miên là một chiến trường.

        Phương châm chính vẫn lấy du kích chiến là căn bản, vận động chiến là phù trợ. Nhưng cần mạnh bạo đẩy vận động chiến đi tới và khi đủ điều kiện thì kịp thời nâng vận động chiến lên địa vị quan trọng để tiến sang giai đoạn phản công1.

        Sau Hội nghị cán bộ Trung ương, Bác triệu tập họp Hội đồng Chính phủ hai ngày vào cuối tháng 1.

        Các bộ trưởng, thứ trưởng đến đông đủ từ chiều hôm trước. Sáng 25, Bác đến hội ý với chúng tôi. Một giờ chiều bắt đầu họp. Với tư cách là Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ, Bác báo cáo tình hình thế giới, trong nước và nhiệm vụ trong năm 1949.

        Buổi tối có đốt lửa trại và tổ chức lễ truy điệu đức cha Hồ Ngọc Cẩn, cố vấn của Chính phủ. Chủ đề đoàn kết dân tộc được nêu đi nêu lại nhiều lần.

        Ngày 26, các bộ lần lượt báo cáo sự hoạt động của mình trong năm 1948, đồng thời nêu các điểm chính trong chương tình hoạt động năm 1949. Nhiều vấn đề quan trọng đã được giải quyết.

        Tối 26 có một bữa tiệc nhỏ long trọng để tiễn phái đoàn Nam Bộ trở về, đồng thời cũng là bữa “ăn Tết” của Chính phủ. Bữa tiệc rất cảm động. Sau khi ăn xong, là tổ chức lửa trại, nhiều tiết mục văn nghệ được trình diễn. Màn kịch ngày kháng chiến thành công, Bác vào “thành phố Hồ Chí Minh” và nói chuyện trước máy phóng thanh chào mừng đồng bào Nam Bộ, mọi người cười nhiều, có lúc Bác cười đến chảy nước mắt.

        Hội đồng Chính phủ họp xong, Bác triệu tập Hội đồng Quốc phòng tối cao, họp trong một ngày. Hội đồng giải quyết nhiều vấn đề quan trọng liên quan tới những vấn đề bí mật quân sự. Buổi chiều Bác ra về. Chúng tôi tiếp tục làm việc đến gần tối mới xong.

        Để động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hăng hái thực hiện nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương và nghị quyết Hội đồng Chính phủ, theo sáng kiến của Bác, đầu tháng 2, Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc nhằm mục đích “tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công”.

        Ngày 30 tháng 4, nhân kỉ niệm ngày Lao động quốc tế, Bác viết bài “Nhiệm vụ chính trong giai đoạn mới”, nêu lên 10 nhiệm vụ thiết thực, cụ thể, cần làm về các mặt quân sự, chính trị,  kinh tế, văn hóa cho các giới binh, sĩ, nông, công, thương và cho toàn dân để đẩy mạnh cuộc cầm cự và tích cực chuẩn bị tổng phản công.

----------------
1. Sau này, vào năm 1951, khi tướng Đờ Tátxinhi xây dựng phòng tuyến boongke bao vây đồng bằng Bắc Bộ đã từng có đồng chí bạn có thẩm quyền đề nghị với Trung ương Đảng ta nên chuyển trở lại phương châm du kích vận động chiến; ta cân nhắc và kiên trì phương châm đã đề ra.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Chín, 2016, 05:25:46 pm

3

        Trung tuần tháng 1, nhân danh Tổng chỉ huy kiêm Tổng chính ủy, tôi triệu tập Hội nghị cán bộ quân sự và chính trị cao cấp để phổ biến nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu, bàn sâu thêm nhiệm vụ quân sự, thảo luận kĩ phương châm chiến lược và kế hoạch tác chiến.

        Tôi trình bày kế hoạch quân sự năm 1949, nội dung chủ yếu của kế hoạch là nhằm hướng yếu nhất của địch và có tác dụng chiến lược lớn đối với ta, tập trung mở một số chiến dịch tiến công với mục đích tiêu diệt sinh lực địch, đánh tan các khối binh ngụy, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, giành chủ động chiến lược từng bộ phận.

        Ở chiến trường chính là Bắc Bộ, hướng tác chiến chủ yếu là Cao - Bắc - Lạng và Tây Bắc, hướng tác chiến tiếp theo là phá thế uy hiếp của địch sau lưng Liên khu 3 ở Hòa Bình.

        Ở Liên khu 5, hướng chủ yếu là Tây Nguyên, nhất là Bắc Tây Nguyên.

        Ở Nam Bộ, hướng chủ yếu là Long Châu Sa và sông Tiền, sông Hậu.

        Đối với Lào, Liên khu 10 có nhiệm vụ giúp bạn xây dựng và phát triển một số căn cứ du kích ở Bắc Lào, tiến tới lập khu giải phóng chính ở Bắc Lào, Liên khu 4 có nhiệm vụ giúp bạn xây dựng căn cứ ở Trung Lào. Liên khu 5 có nhiệm vụ giúp bạn phát triển cơ sở ở Hạ Lào, nhằm xây dựng căn cứ Bôlôven.

        Đối với Miên, Bộ tư lệnh Nam Bộ có nhiệm vụ tăng thêm cán bộ chính trị và lực lượng vũ trang vào nội địa, giúp bạn mở rộng cơ sở và căn cứ du kích, tiến tới nối liền căn cứ đông nam với đông bắc.

        Để thực hiện nhiệm vụ, chủ trương và kế hoạch tác chiến, tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết hết sức khẩn trương là vấn đề xây dựng lực lượng, cấp bách nhất là xây dựng bộ đội chủ lực. Tôi hướng dẫn Bộ Tổng tham mưu tổ chức hội nghị xây dựng lực lượng do anh Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu truổng chủ trì, để nghiên cứu vấn đề tổ chức, biên chế trang bị đại đoàn chủ lực của Bộ và trung đoàn chủ lực của các liên khu.

        Ở Bắc Bộ và Trung Bộ, mỗi liên khu có một trung đoàn chủ lực. Ở Nam Bộ, mỗi liên khu có một tiểu đoàn chủ lực. Căn cứ vào nhu cầu tác chiến và khả năng thực tế của ta lúc đó, mỗi trung đoàn có ba tiểu đoàn bộ binh và một số đơn vị pháo binh, công binh, thông tin, vận tải. Mỗi tiểu đoàn có ba đại đội bộ binh và một đại đội trợ chiến.

        Đi đôi với việc xây dựng bộ đội chủ lực, việc xây dựng bộ đội địa phương và dân quân cũng được coi trọng. Theo đề nghị của Chúng tôi, Ban Thường vụ Trung ương ra chỉ thị xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân, gửi cho các cấp ủy địa phương và các cơ quan của Đảng. Bản chỉ thị nói rõ địa vị quan trọng của bộ đội địa phương và dân quân trong giai đoạn mới, nêu lên mấy khuyết điểm trong thời gian qua và chỉ rõ những việc cần làm trong thời gian trước mắt.

        Việc huấn luyện cán bộ và bộ đội có tầm quan trọng quyết định đến nâng cao trình độ chính trị, quân sự và khả năng tác chiến của các đơn vị. Tôi bàn với anh Hoàng Văn Thái và anh Văn Tiến Dũng xác định nội dung huấn luyện cho các đơn vị theo yêu cầu của nhiệm vụ chiến đấu.

        Về kĩ thuật, các đơn vị đều tập bắn súng, ném lựu đạn, đâm lê, đào công sự.

        Về chiến thuật, các đơn vị đánh vận động phải học đánh tập kích, phục kích, đánh quân nhảy dù. Các đơn vị vào hoạt động ở vùng sau lưng địch, phải học đánh du kích và kinh nghiệm chống càn. Các đơn vị đánh đồn phải học trinh sát chiến đấu, phá gỡ vật chướng ngại, đánh lo cốt vệ tinh và lô cốt mẹ, đánh địch phòng ngự bên trong.

        Việc học tập khởi nghĩa chiến đấu được đặc biệt coi trọng. Căn cứ vào kinh nghiệm chiến đấu của các đơn vị trên mặt trận Cao - Bắc - Lạng và mặt trận Tây Bắc, Bộ Tổng tham mưu biên soạn được một số tài liệu huấn luyện tương đối tốt, như “chiến thuật đánh vào bên trong một cứ điểm”, “kinh nghiệm sử dụng các loại vũ khí hợp đồng trong đánh đồn và đánh giao thông thủy bộ”.

        Bộ Tổng tham mưu tổ chức lớp học “Rèn cán, chỉnh quân” cho hơn hai trăm cán bộ cao cấp và trung cấp của các liên khu, các cơ quan và các trường ở Soi Mít thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Nội dung là học tập tình hình và nhiệm vụ, phương châm chiến lược, những vấn đề chiến thuật của tiểu đoàn và trung đoàn, kinh nghiệm các trận đánh và kinh nghiệm công tác chính trị. Tôi cùng anh Hoàng Văn Thái, anh Văn Tiến Dũng và một số đồng chí phụ trách trực tiếp giảng bài và chỉ đạo lớp học.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Chín, 2016, 05:30:34 pm

4

        Căn cứ vào kế hoạch quân sự năm 1949, Bộ Tổng chỉ huy ra các mệnh lệnh, chỉ thị cho các liên khu và các mặt trận. Trong Xuân Hè, một số chiến dịch được mở ra trên các hướng.

        Ở Tây Bắc, Liên khu 10 mở hai đợt hoạt động ở sông Đà và Sơn La, dồn hẹp phạm vi chiếm đóng của địch, mở rộng vùng tự do, nối Sơn La với Lai Châu và phát triển sang Bắc Lào.

        Ở Cao - Bắc - Lạng và Đông Bắc là hướng chính, Liên khu 1 mở hai chiến dịch, chiến dịch chính ở Cao - Bắc - Lạng, chiến dịch phối hợp ở Đông Bắc.

        Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng có nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực địch, làm tê liệt đường số 4, buộc địch phải rút khỏi Bắc Kạn.

        Chiến dịch phối hợp Đông Bắc có nhiệm vụ kiềm chế và đánh quân tiếp viện, nghi binh, đánh lạc hướng phán đoán của địch.

        Chiến dịch Đông Bắc nổ súng trước. Ta phục kích một đoàn xe địch ở Điền Xá, diệt và bắt sống hơn 100 tên, đánh chiếm vị trí Ba Sơn, uy hiếp thị xã Lạng Sơn, tập kích thị trấn Móng Cái, nhiều lính ngụy hoảng hốt bỏ chạy.

        Ở hướng chính Cao - Bắc - Lạng, đêm 15 tháng 3, ta tiến công tiêu diệt Bản Trại - một vị trí kiên cố do một đại đội Âu Phi chiếm đóng.

        Mấy năm nay, địch dùng hệ thống đồn bốt, cứ điểm để thực hiện nhiệm vụ chiếm đất và bình định, đồng thời cùng các đơn vị ứng chiến để chi viện, bảo vệ hệ thống chiếm đóng. Muốn đẩy mạnh kháng chiến, một nhiệm vụ cụ thể hết sức quan trọng đặt ra cho bộ đội chủ lực là phải tiêu diệt được cứ điểm có công sự phòng ngự vững chắc của địch. Năm 1948, ta đánh cứ điểm Phủ Thông có một đại đội lê dương và một trung đội trợ chiến, nhưng trận đánh chưa thành công. Năm nay, ta quyết tâm tiêu diệt dứt điểm Bản Trại. Trước trận đánh tôi chỉ thị cho đơn vị làm các công tác chuẩn bị thật tỉ mỉ, chu đáo và trực tiếp lên mặt trận kiểm tra công tác chuẩn bị và thông qua kế hoạch chiến đấu trên bàn cát. Khi chiến dịch kết thúc, tôi nghe tiểu đoàn trưởng Thái Dũng báo cáo cụ thể trận đánh.

        Trong trận Bản Trại, rút kinh nghiệm của các trận Phủ Thông, An Châu và một số trận khác, lần này các chiến sĩ lấy khăn tẩm dầu đặt ở hàng rào, đốt sáng soi rõ vị trí  cho pháo và các loại súng bắn vào mục tiêu. Pháo đặt rất gần, pháo thủ ngắm bắn từng lỗ châu mai, khiến cho quân địch không thể ngóc đầu lên trong lúc chiến sĩ xung kích xông lên vượt qua cửa mở. Trận Bản Trại diễn ra trong 37 phút. Toàn bộ quân địch bị tiêu diệt.

        Vị trí Bản Trại bị diệt, cầu Bản Trại bị phá, đường số 4 bị cắt đứt.

        Cùng thời gian này, ta tiến công đánh chiếm mấy vị trí nữa và buộc địch rút mấy ví trị khác.

        Cuối tháng 4, ta đánh trận phục kích Bông Lau - Lũng Phầy trên đường số 4 và giành thắng lợi lớn. Sau chiến dịch, tôi nghe đồng chí chỉ huy trực tiếp báo cáo cụ thể. Nắm vững quy luật vận chuyển của địch, cứ 5 ngày một đoàn xe hơn 100 chiếc lại xuất phát từ Lạng Sơn đi Cao Bằng, quân ta tổ chức một trận địa phục kích trên đoạn đường giữa đồn Bông Lau và đồn Lũng Phầy. Khi đoàn xe hơn 100 chiếc lọt vào trận địa, bộ đội đồng loạt xung phong đánh giáp lá cà; một bộ phận pháo binh bắn kiềm chế các vị trí xung quanh, yểm hộ cho bộ đội đánh đoàn xe. Bị đánh bất ngờ, địch hốt hoảng vừa chống đỡ, vừa bỏ chạy. Hơn 500 quân địch phần lớn là Âu Phí bị chết, bị thương và bị bắt. Ta phá hơn năm chục xe và 500 thùng xăng, thu hàng trăm súng.

        Sau đó ta diệt đồn Phản Phát trên đường Cao Bằng đi Trà Lĩnh. Địch phải rút bỏ hai vị trí Phò Mã, Phò Pheo.

        Đường số 4 trở thành “con đường không vui”, “con đường máu” và sau này là “con đường chết’ đối với địch.

        Đường số 4 - con đường vận chuyển tiếp tế duy nhất có tầm quan trọng chiến lược của địch ở Đông Bắc bị tê liệt. Địch phải luôn luôn thay đổi quy luật vận chuyển, tăng cường tuần tra lùng sục những nơi hiểm yếu, bảo vệ cầu cống, củng cố các vị trí hai bên đường. Nhưng đêm cũng như ngày, không đoàn xe nào của địch không bị tổn thất. Trung đoàn bộ binh thuộc địa Marốc có nhiệm vụ chuyên lo ứng cứu trên con đường nguy hiểm này, bị thiệt hại nặng. Binh sĩ nói một cách mỉa mai: RICM (régiment de l’infanteric coloniale marocaine), trung đoàn bộ binh thuộc địa Marốc là “trung đoàn những người vô tội bị kết án tử hình” (Regiment des Innocents Condamnés à Mort).

        Trong chiến dịch này, trình độ đánh cứ điểm có công sự vững chắc của bộ đội đã tiến bộ rõ rêt. Các trận đánh phục kích giao thông giành thắng lợi liên tiếp. Địch lo sợ thay đổi viên chỉ huy liên khu biên thùy. Tướng Alétxăngđơri, tư lệnh lục quân Đông Dương rồi tướng Cốc, tư lệnh Bắc Bộ hối hả từ Hà Nội bay lên thị sát chiến trường, tìm cách chống đỡ.

        Cuối tháng 2 có cuộc họp Đảng đoàn Chính phủ.

        Bác đến từ chiều 28, hội ý với chúng tôi.

        Sáng ngày 1 tháng 3, các ủy viên đến gần đủ. Để tranh thủ thời gian, Bác đề nghị họp ngay vì có nhiều

        công việc cấp bách. Sau khi xem chương trình nghị sự, Bác thấy cần bàn trước hết vấn đề đối phó với việc Pháp đưa Vĩnh Thụy (tức Bảo Đại) về nướcvà tuyên truyền rầm rộ đánh lừa dân chúng. Để tỏ thái độ cương quyết của ta, đồng thời cũng để cho dân không mắc lừa, Bác cùng chúng tôi thảo ngay một tài liệu giải thích.

        Đảng đoàn họp hơn hai ngày hai đêm để giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính.

        Làm việc hết sáng mồng 3 mới hoàn tất chương trình. Văn phòng đánh máy tài liệu giải thích vấn đề Vĩnh Thụy gửi cho tất cả các cơ quan. Bản giải thích cô đọng và đầy đủ.

        Nội dung như sau:

        Ta: càng kháng chiến lâu dài, lực lượng của ta càng mạnh. Sự đoàn kết dân tộc ngày càng chặt chẽ.

        Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Pháp thất bại. Âm mưu Mỹ giúp Pháp cũng thất bại.

        Trung Quốc: cách mạng thắng lợi, phe dân chủ thế giới thêm mạnh, thuận lợi cho kháng chiến của ta.

        Ta không ỷ lại. Từ trước đến nay, tự sức ta, ta đánh, ta thắng. Để giành thắng lợi cuối cùng, vẫn do lực lượng của dân ta quyết định.

        Mỹ: giúp phản động đánh dân chủ. Kết quả: ở châu Âu, phản động Hy Lạp thất bại, nhân dân Hy Lạp thắng lợi; ở châu Á, quân Tưởng đại bại, Quân giải phóng đại thắng.

        Pháp: về quân sự, đánh đã mấy năm vẫn loay hoay trong mấy thành phố. Về chính trị, mưu mô chia rẽ hoàn toàn thất bại. Thinh tự tử, Hoạch chuồn, Xuân ngắc ngoải. Vĩnh Thụy là con bài cuối cùng.

        Vĩnh Thụy: 20 năm làm bù nhìn cho Pháp rồi cho Nhật. Bay giờ được Pháp nuôi, Pháp đưa về nước, Pháp bảo vệ. Vĩnh thụy đem hai tiếng “độc lập, thống nhất” giả hiệu về lừa dân ta.

        Quân sự dưới quyền Pháp. Ngoại giao bị Pháp hạn chế và chỉ huy. Kinh tế tài chính phụ thuộc vào Pháp. Vĩnh Thụy đã phản quốc, phản dân.

        Quân Pháp vẫn giày xéo đất nước ta, cướp giết đồng bào ta. Pháp vẫn muốn bắt dân ta làm nô lệ.

        Kết luận: dân ta quyết không bị lừa. Quyết đánh và quyết thắng.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Chín, 2016, 05:35:50 pm
       
5

        Đầu tháng 4, chấp hành nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh chuẩn bị chiến dịch Sông Thao ở Tây Bắc là nơi địch yếu và có nhiều sơ hở1.

        Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, mở rộng căn cứ địa Tây Bắc, phá thế uy hiếp đối với Việt Bắc từ phía Tây, củng cố bàn đạp tiến sang Thượng Lào.

        Thi hành lệnh của Bộ, các đơn vị đang chuẩn bị cuộc tiến công giải phóng Bắc Kạn và đang chiến đấu trên đường số 4, khẩn trương hành quân lên Tây Bắc.

        Giữa lúc đó, Bộ chỉ huy Pháp mở cuộc hành quân lên Phú Thọ rồi lên Tuyên Quang. Hành động này của địch nằm trong dự kiến của ta. Mục đích của địch là quấy rối hậu phương ta, thu hút chủ lực ta về, gây thanh thế trước việc tướng Rơve sang thanh tra và việc Vĩnh Thụy về nước.

        Lúc này, trong cơ quan Bộ Tổng tư lệnh có hai ý kiến: Ý kiến thứ nhất đề nghị nên tiếp tục cho bộ đội lên Tây Bắc tiến hành chiến dịch Sông Thao. Ý kiến thứ hai đề nghị nên cho bộ đội quay trở về đánh địch ở Tuyên Quang. Tôi và các đồng chí phụ trách cân nhắc, đồng ý với ý kiến thứ nhất. Chúng tôi cho rằng dù địch lên Tuyên Quang với mục đích gì, tình thế cũng không cho phép địch đóng quân lâu ở Tuyên Quang. Rõ ràng là mặt trận đướng số 4 đã tạo nên sức ép quá nặng đối với địch. Rồi đây, phòng tuyến Sông Thao bị đánh, nhất định chúng sẽ càng lúng túng hơn. Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho bộ đội tăng tốc độ hành quân lên Tây Bắc, mở chiến dịch Sông Thao theo kế hoạch đã định.

        Mặt khác, tôi cho rằng địch hành quân lên Tuyên Quang là tạo cơ hội cho ta đánh địch ngoài công sự, nên quyết định thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Sông Lô. Anh Bằng Giang được cử làm chỉ huy trưởng, anh Vương Thừa Vũ và anh Lâm Kính là chỉ huy phó. Chúng tôi khẩn trương điều động 6 tiểu đoàn chủ lực của Bộ và 3 tiểu đoàn của Liên khu 10 tham gia chiến dịch.

        Bộ Tổng tư lệnh chủ trương tập trung chủ lực tiêu diệt địch. Biện pháp là triệt tiếp tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không; phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích, chủ lực sẵn sàng vận động kịp thời và tập trung binh lực tiêu diệt địch khi chúng rút lui.

        Đúng như ta dự đoán, địch chỉ ở thị xã Tuyên Quang được ba tuần. Tiếng súng chiến thắng 19 tháng 5 của quân ta trên mặt trận Sông Thao đã buộc địch phải vội vã rút quân. Trận truy kích diễn ra trên hai bờ sông Lô, nhất là bên hữu ngạn. Có đơn vị đuổi kịp và đánh tốt ở Tràng Sảo, Lệ Mỹ, Tiên Du, Núi Hét.

        Trong trận này, Bộ Tổng tư lệnh đã phán đoán đúng, hạ quyết tâm chính xác, tác phong chỉ huy khẩn trương, nhưng việc chỉ huy gặp nhiều khó khăn, chủ yếu vì thiếu phương tiện thông tin vô tuyến để điều quân, nên “trận đánh quyết định” đã không diễn ra.

        Qua trận này, tôi thấy rõ từ đánh vận động quy mô nhỏ tiến lên tập trung đánh vận động quy mô lớn, chúng ta còn phải giải quyết nhiều vấn đề về tổ chức, trang bị và chỉ huy.

        Khi chiến dịch Sông Lô còn đang chuẩn bị thì chiến dịch Sông Thao đã bắt đầu. Trong chiến dịch Sông Thao, anh Lê Trọng Tấn được cử làm chỉ huy trưởng, anh Cao Văn Khánh làm chỉ huy phó.

        Ngày 19 tháng 5, hai tiểu đoàn của ta đồng thời tiến công tiêu diệt hai cứ điểm Đại Bục, Đại Phác, lập chiến công xuất sắc mừng ngày sinh của Bác.

        Địch vội vã điều quân từ Lào Cai, Phong Thổ đến đối phó.

        Cuối tháng 6, ta tiến công tiêu diệt cứ điểm chỉ huy phân khu Phố Ràng, và một số vị trí ở tả ngạn sông Thao. Phòng tuyến sông Thao bị phá vỡ một quãng dài 30 kilômét từ Bảo Hà đến Bắc Cuông. Đường liên lạc của địch giữa Bảo Hà với Lào Cai, giữa Bảo Hà với Nghĩa Đô bị cắt đứt.

        Giữa tháng 7 ta tiến công tiêu diệt đồn Dóm và buộc địch rút bỏ một số vị trí khác. Phòng tuyến Sông Thao bị vỡ thêm một mảng lớn từ Ba Khe đến Bảo Hà dài 70 kilômét.

        Chiến dịch Sông Thao kết thúc thắng lợi. Ta tiêu diệt và bức rút gần 30 vị trí. Tuyến phòng thủ Sông Thao bị phá vỡ từng mảng lớn. Cơ sở chính trị và vũ trang của ta trong vùng địch tạm chiếm được mở rộng. Trong chiến dịch này, bộ đội chủ lực tiến bộ vượt bức về chiến thuật đánh cứ điểm. Lần đầu tiên, ta tiêu diệt hoàn toàn một tiểu khu của địch gồm nhiều vị trí lớn, nhỏ, có công sự phòng ngự tương đối vững chắc.

        Sau khi chiến dịch kết thúc, tôi nghe các đồng chí chỉ huy trực tiếp báo cáo các trận Đại Bục, Đại Phác, Phố Ràng.

        Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng báo cáo trận Đại Bục. Địch có một đại đội bố trí trên hai mỏm đồi. 16 giờ 30 ta nổ súng. Pháo binh ngắm bắn trực tiếp. Súng phóng bom lần đầu ra trận. Một đám lửa phụt lên đỏ rực cả cứ điểm, tiếp theo là một tiếng nổ lớn. Nhiều ngôi nhà trong cứ điểm bùng cháy. Anh Phốc Kê, một chiến sĩ người Đức bật dậy, giơ cao hai tay hô lớn: ‘Việt Nam, Việt Nam muôn năm!”. Trong trận này, đơn vị mang theo một chiếc trống. Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh nổi trống cho bộ đội xung phong. Nhà văn Nguyễn Tuân cùng ra trận với đơn vị, đứng cạnh tiểu đoàn trưởng, vội giành lấy dùi để đánh trống. Các chiến sĩ đi chân đất, cầm mác, đạp qua lớp rào lông nhím đang cháy, xông vào cứ điểm, cái đồng đã được viên sĩ quan chỉ huy treo ở cổng chính một tấm biển đề mấy chứ tiếng Pháp “Villa des rosé” (Biệt thự hoa hồng”. Ba mươi phút sau, quân ta tiêu diệt hoàn toàn Đại Bục.

        Tiểu đoàn trưởng Vũ yên báo cáo trận Đại Phác. Vị trí này là sở chỉ huy tiểu khu, quân số đông hơn Đại Bục. Tiểu đoàn trưởng quyết định không chờ pháo, ra lệnh cho súng cối bắn vào đồn và dùng mọi hỏa lực bắn thẳng bịt các lỗ châu mai, yểm hộ cho bộ đội bắc thang vượt qua lớp rào lông nhím để xung phong. Từ các lô cốt, ụ súng chưa bị phá, quân địch bắn ra dữ dội. Rút kinh nghiệm trận Phủ Thông, lần này cùng đi với các chiến sĩ xung kích cầm mác vào đồn, có cả những chiến sĩ mang tiểu liên, súng trường, badôca. Các hỏa điểm trong đồn lần lượt bị dập tắt. Bộ đội ta xung phong tiêu diệt các ổ đề kháng. Đại Phác bị tiêu diệt sau một giờ chiến đấu.

        Đồng chí Vũ Yên và đồng chí Vũ Lăng báo cáo trận Phố Ràng. Trận đánh diễn ra quyết liệt suốt 40 giờ. Quân địch dựa vào địa hình phức tạp, chống cự rất ngoan cố. Náu mình dưới công sự vững chắc, chúng dựng những khẩu súng cối gần như thẳng đứng bắn chiến sĩ ta đã đột nhập vào đồn. Cuối cùng, tiểu đoàn 11 và tiểu đoàn 54 cùng phối hợp chiến đấu vẫn tiêu diệt hoàn toàn quân địch.

---------------
1. Bộ Tổng chỉ huy đổi tên thành Bộ Tổng tư lệnh theo Sắc lệnh số 14/SL, ngày 12 tháng 3 năm 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Chín, 2016, 05:53:56 pm
       
6

        Từ cuối tháng 7, do những khó khăn không khắc phục được, địch phải rút bỏ một loạt vị trí nhỏ xung quanh thị xã Cao Bằng, tăng cường củng cố những cứ điểm dọc đường số 4

        Ngày 9 tháng 8, địch rút quân khỏi thị xã Bắc kạn, sau đó tiếp tục rút một số vị trí khác ở Cao Bằng.

        Được tin Bắc Kạn giải phóng, Bác chỉ thị nên tổ chức mít tinh tại thị xã Bắc Kạn để tuyên truyền chiến thắng, động viên tinh thần kháng chiến của quân và dân cả nước.

        Cuộc mít tinh tổ chức ngày 24 tháng 8. Tôi được ủy nhiệm thay mặt Chính phủ đến dự và đọc nhật lệnh.

        Bản nhật lệnh có đoạn viết:

        “Từ đầu năm đến nay, theo lệnh chuẩn bị tổng phản công của Chính phủ và Hồ Chủ tịch, quân ta đã mở những trận tiến công mãnh liệt và đã liên tiếp chiến thắng trên chiến trường Cao - Bắc - Lạng, Đông Bắc, Sông Lô, Sông Thao và Tây Bắc.

        Trong lúc đó, khắp toàn quốc, trên các mặt trận đường số 5 và Hà Nội, Hải Vân, Bình - Trị - Thiên và Bắc Quảng Nam, Tây Nguyên, Đèo Cả, Đồng Tháp Mười và các mặt trận khác ở Nam Bộ, quân và dân ta đều lập nhiều chiến công.

        Chúng ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực của địch, đã tiêu diệt nhiều đồn trại và toán quân lưu động của chúng.

        Chúng ta đã giải phóng nhiều vùng đất đai, đặc biệt ở Đông Bắc và Tây Bắc.

        … Ngày 9 tháng 8, chiến trường Cao - Bắc - Lạng lại ghi thêm một thắng lợi mới: Bắc Kạn giải phóng và một phần Cao Bằng cũng vừa giải phóng. Đồng thời trong mấy ngày qua, quân ta đã quét sạch quân giặc khỏi một số châu, huyện ở ven sông Thao và sông Đà. Đó là những thắng lợi quan trọng trong bước đầu tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công của quân và dân ta.

        … Thế là kế hoạch hoàn toàn khống chế căn cứ địa Việt Bắc của giặc đã tan vỡ, âm mưu lợi dụng đồng bào miền núi của chúng lại thêm một thất bại nặng nề.

        Ngày nay, hơn lúc nào hết, Cao - Bắc - Lạng và cả Việt Bắc nói chúng đã trở thành căn cứ địa vững chắc của ta để giữ vững và đẩy mạnh cuộc kháng chiến đi tới thắng lợi…”.

        Ngày 26 tháng 8, sau khi dự lễ mừng Bắc Kạn giải phóng, tôi viết thư gửi đồng chí bí thư tỉnh ủy và đồng chí chủ tịch Ủy ban kháng chiến tỉnh Cao Bằng, góp ý kiến về kinh nghiệm thu hồi thị xã mới giải phóng và một số việc trước mắt:

        “1. Việc chuẩn bị vào thị xã phải được đầy đủ. Bên trong thị xã, cơ sở của ta phải được củng cố… Bên ngoài, quân dân chính phải có kế hoạch thống nhất.

        2. Khi vào, cần giải quyết ngay các việc cấp tốc về quân sự: tổ chức giới nghiêm, tìm cạm bẫy của địch, bắt Việt gian, phản gián, tịch biên tài sản của Việt gian, giữ trị an, lập chính quyền lâm thời cho thị xã.

        Trong mấy ngày đầu, bộ đội phải phụ trách rồi trao lại cho chính quyền địa phương.

        … Nguyên tắc là lúc ta vào, phải luôn luôn đề cao uy tín của chính quyền ta. ảnh hưởng lúc đầu rất quan hệ.

        - Tình hình biên giới biến chuyển nhanh… Chúng ta phải trù liệu trường hợp quân Tưởng vượt biên giới tràn sang phía ta.

        Tôi đã có gửi thẳng cho các đồng chí một chỉ thị quân sự về vấn đề đối phó ở biên giới, theo chủ trương của Trung ương. Sở dĩ tôi không gửi qua khu là để công việc được nhanh chóng. Các đồng chí cần cấp tốc điều động cán bộ ngay tuần lễ sắp tới và báo cáo lên khu…

        - Việc liên lạc giữa Cao Bằng với Trung ương cũng như liên khu rất cần. Trung đoàn 74 sẽ để lại đài vô tuyến cho Cao Bằng (tỉnh đội bộ). Mỗi ngày đài phải liên lạc với Bộ một lần để báo cáo tình hình biên giới. Đường dây điện thoại phải mắc lại qua Bắc Kạn. Đường liên lạc bằng người phải được chỉnh đốn...

        - Mỏ Tĩnh Túc cứ để y nguyên, sẽ có người của Cục Quân giới và của Bộ Kinh tế lên nghiên cứu. Đừng cho nhân dân phá.

        - Tôi nhắc lại, các đồng chí chú ý vấn đề liên lạc. Liên lạc có nhanh, bộ đội mới đối phó kịp thời”.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Chín, 2016, 05:58:19 pm
     
7

        Từ 1948, tôi được Thường vụ phân công chỉ đạo giúp cách mạng Lào và theo dõi việc giúp cách mạng Miên.

        Tháng 3 năm 1948, Bộ Tổng chỉ huy ra chỉ thị “Về phương châm, phương hướng hoạt động trên các mặt trận Lào và Miên”, nhấn mạnh giúp bạn gây cơ sở chính trị là việc cần thiết trước nhất. Muốn gây cơ sở chính trị, có thể cử những cán bộ chính trị bí mật đi sâu vào vùng địch tạm chiếm, hoặc dùng vũ trang tuyên truyền mà hoạt động. Nơi nào đã có cơ sở chính trị khá rộng thì phát động chiến tranh du kích đi đến thành lập căn cứ địa kháng Pháp hay khu giải phóng. Coi trọng nguyên tắc bảo tồn lực lượng, càng đánh càng mạnh. Hết sức chú trọng giúp bạn đào tạo cán bộ.

        Tôi dặn các anh phụ trách Khu ủy và Bộ tư lệnh Khu 1, Khu 10, Khu 12, chú ý tìm thanh niên người Lào để đào tạo thành cán bộ giúp cách mạng nước bạn.

        Một hôm, tôi nhận được báo cáo của anh Nguyễn Khang, bí thư khu ủy Khu 12, cho biết có một số sinh viên người Lào sơ tán lên Bắc Giang, thường nói chuyện đánh Tây, chưa biết xu hướng như thế nào. Tôi yêu cầu anh Khang thông báo ý kiến của Bộ Tổng chỉ huy mời người phụ trách nhóm sinh viên Lào lên gặp tôi.

        Giữa năm 1948, tôi đến Văn Lãng thuộc huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên gặp anh Cayxỏn Phômvihản. Người sinh viên trẻ tuổi mới gặp lần đầu, đã để lại trong tôi ấn tượng về sự chân thành, thông mình và nghị lực của mình. Anh bày tỏ nguyện vọng được bộ đội Việt Nam giúp đỡ để trở về tổ quốc. Cuôc kháng chiến ở Lào đang thời kì khó khăn. Anh tin rằng về nước sẽ tìm được những người cùng chí hướng tập hợp thành đội ngũ chiến đấu. Tội nói bộ đội ta đang chuẩn bị mở một con đường xuyên qua vùng địch tạm chiếm ở Tây Bắc tới biên giới Việt - Lào. Anh yêu cầu được cùng tham gia; anh biết tiếng Thái, có thể tiếp xúc với nhiều đồng bào Tây Bắc dễ dàng. Anh ý thức có những khó khăn, nguy hiểm đang chờ đợi mình, nhưng rất lạc quan và tin tưởng. Anh nói người Lào theo đạo Phật, rất yêu hòa bình, rồi nhắc một câu của Bác: “Nhưng phải là hòa bình trong độc lập, tự do”. Vì thế họ sẽ đoàn kết với người Việt Nam chiến đấu để giải phóng nước Lào khỏi ách xâm lược.

        Tôi hoan nghênh ý kiến của anh và dành ba ngày giới thiệu với anh những kinh nghiệm công tác vận động quần chúng, gây cơ sở chính trị,  tổ chức dân quân, đào tạo cán bộ, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng khu giải phóng. Sau đó, tôi cử cán bộ đưa anh đến đơn vị anh Bế Sơn Cương ở hướng Mộc Châu đang mở đường về Sầm Nưa, khuyên anh chú ý vùng Xiềng Khọ.

        Cùng vào thời gian này, ở Liên khu 5, anh Phạm Văn Đồng đại diện Chính phủ ta tại Nam Trung Bộ hội đàm với ông Thao Xổm đại diện Chính phủ Lào Ítxala. Hai bên hoàn toàn nhất trí về chủ trương và các biện pháp phối hợp hoạt động ở vùng Hạ lào. Sau đó, anh Phạm Văn Đồng lại hội đàm với anh Khămtày Xiphănđơn, Xithôn Commađam về các biện pháp Việt Nam giúp Lào đẩy mạnh xây dựng căn cứ địa và phát triển chiến tranh du kích ở các tỉnh thuộc Hạ Lào.

        Một thời gian sau đó, anh Cayxỏn Phômvihản cùng anh Thao Ma lãnh đạo một đội vũ trang tuyên truyền gồm mấy chục chiến sĩ người Lào từ Tây Bắc Việt Nam vào Thượng Lào hoạt động và lập đơn vị vũ trang Lát Xa Vông. Chiến tranh du kích phát triển ở nhiều địa phương.

        Sang năm 1949, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào có nhiều chuyển biến. Ngày 20 tháng 1, tại đơn vị Lát Xa Vông ở Xiềng Khọ (Sầm Nưa), anh Cayxỏn Phômvihản tuyên bố thành lập quân đội Lào Ítxala, tiền thân của quân đội giải phóng nhân dân Lào ngày nay.

        Sau này, tôi còn nhiều dịp tiếp xúc cộng tác chặt chẽ và thân thiết với anh Cayxỏn Phômvihản ở Sầm Nưa,Việt Bắc, Hà Nội, Viêng Chăn lúc anh làm Bộ trưởng Quốc Phòng trong Chính phủ kháng chiến Pathét Lào, cũng như lúc anh làm Tổng bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Giữa chúng tôi có nhiều kỉ niệm sâu sắc về tình bạn chiến đấu, tình đồng chí thân thiết, trong sáng, thủy chung.

        Tháng 3, khu giải phóng Hạ lào thành lập, sau đó ủy ban kháng chiến tỉnh Viêng Chăn cũng được thành lập. Bộ đội Lào và bộ đội tình nguyện Việt Nam  đoàn kết chặt chẽ, phối hợp hoạt động ở các địa phương, thu nhiều thắng lợi. Bộ đội Lào - Việt còn phối hợp với bộ đội Việt Nam trong chiến dịch Sông Mã, tập kích tiêu diệt đồn Xiềng Khọ, buộc địch rút một số vị trí nhỏ, phát triển cơ sở chính trị và vũ trang.

        Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chính phủ, Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ thành lập Ban Ngoại vụ với nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch, tổ chức lực lượng giúp cách mạng Campuchia. Theo sự phân công của Ban Ngoại vụ và theo yêu cầu của bạn, các khu 7, 8, 9 lần lượt cử nhiều đoàn cán bộ dân vận và các đơn vị vũ trang sang Campuchia, giúp bạn xây dựng cơ sở chính trị, phát triển lực lượng và hoạt động du kích.

        Khu 9 đưa lực lượng sang phối hợp với bạn hoạt động ở Takeo, Kampốt. Tại đây, Ông Sơn Ngọc Minh, một nhà yêu nước nổi tiếng của Campuchia, đã tập hợn tổ chức nhân dân, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang khá mạnh, có căn cứ kháng chiến tại 4 huyện.

        Khu 8 đưa cán bộ và lực lượng sang giúp bạn xây dựng cơ sở Prây Veng, Căng Đan, mở rộng hoạt động tới Takeo và Svâyriêng, xây dựng tổ chức Ítxắc, thành lập ủy ban dân tộc giải phóng ở nhiều nơi.

        Khu 7 đưa cán bộ và lực lượng sang cùng cán bộ và chiến sĩ Campuchia thành lập đơn vị hỗn hợp lấy tên là bộ đội Sivôtha hoạt động ở Svâyriêng. Bộ đội Sivôtha đánh một số trận, giải phóng nhiều phum (làng), đánh giao thông, làm gián đoạn nhiều lần đường thủy và đường bộ từ Sài Gòn đi Phnôm Pênh.

        Khu 5 đưa cán bộ và lực lượng sang giúp bạn xây dựng cơ sở ở hai tỉnh Stungtreng và Krachiê.

        Đến cuối năm 1949, phong trào kháng chiến Campuchia đã phát triển tương đối đều khắp trong các vùng tây nam, đông nam, đông bắc và tây bắc. Mười bốn trong số mười lăm tỉnh đã có vùng giải phóng và căn cứ du kích. Phong trào đang từng bước phát triển xuống đồng bằng, buộc bộ chỉ huy Pháp phải điều sáu nghìn quân từ Nam Bộ sang Campuchia đối phó. Chúng đóng thêm nhiều đồn bốt dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, nhằm ngăn chặn sự phối hợp chiến đấu giữa lực lượng vũ trang cách mạng của hai nước.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Chín, 2016, 06:00:34 pm
        
8

        Từ đầu kháng chiến toàn quốc, chúng ta đã có quan hệ mật thiết với Nam lộ Bát lộ quân Trung Quốc ở Hoa Nam và Bộ tư lệnh biên khu Điền Quế.

        Đầu năm 1948, đồng chí Trang Điền được chỉ thị của đồng chí Chu Ân Lai, sang Việt Bắc gặp các đồng chí lãnh đạo ta. Bác và Thường vụ tiếp phái viên ở Lục Giã. Đồng chí Trang Điền thông báo tình hình chiến tranh giải phóng ở Trung Quốc. Quân Tưởng đang tăng cường càn quét những lực lượng vũ trang cách mạng ở Hoa Nam để củng cố hậu phương. Những đơn vị du kích của bạn ở vùng biên giới đang gặp khó khăn và thiếu lương thực. Bác và chúng tôi bàn với phái viên của bạn về sự phối hợp chiến đấu, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai quân đội cách mạng.

        Đầu tháng Ba, quân Tưởng ở Quảng Tây tiến công hai khu Trấn Biên, Tĩnh Tây dữ dội. Một bộ phận bộ đội du kích và cơ quan hậu phương của hai khu này tạm thời chuyển qua biên giới Việt Nam.

        Bộ tư lệnh biên khu Điền Quế và Đảng ủy biên khu Việt Quế thường xuyên có quan hệ với chúng ta1. Tháng 4 năm 1949, lãnh đạo phong trào du kích ở Quảng Tây giáp biên giới Đông Bắc nước ta, đề nghị quân đội Việt Nam phối hợp chiến đấu, giúp đỡ đánh quân Tưởng để giải phóng khu Ung - Long - Khâm. Sau khi có sự đồng ý của Trung ương, ngày 23 tháng 4 năm 1949, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Liên khu 1 “giúp Quân giải phóng xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm liền với biên giới Đông Bắc của ta”, “đồng thời hoạt động ở Đông Bắc để mở rộng khu tự do Đông Bắc ra tận biên giới và thông ra biển, liền với khu giải phóng Việt Quế” của bạn.

        Mệnh lệnh nói rõ phải giáo dục chính trị cho bộ đội trước khi lên đường, phải xây dựng tình đoàn kết giữa hai nước Trung Hoa mới và Việt Nam mới, giữa Quân giải phóng Trung Quốc với bộ đội ta. Cán bộ, chiến sĩ ta cần thấy rõ những điều kiện thuận lợi và nhất là những khó khăn; phải tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân địa phương, nêu cao  kỉ luật chính trị, chú trọng công tác dân vận. Cần đứng trên lập trường đoàn kết giữa hai dân tộc, căn cứ vào lợi ích cách mạng của hai nước mà giải quyết các vấn đề, tuyệt đối tránh “bản vị chủ nghĩa”.

        Bộ chỉ huy chiến dịch chung được chỉ định: anh Lê Quảng Ba, phó tư lệnh Liên khu 1 là tư lệnh chiến dịch; đồng chí Trần Minh Giang, cán bộ của bạn, là chính trị ủy viên. Bộ Chỉ huy chiến dịch lấy danh hiệu là Bộ tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn.

        Chiến dịch chia làm hai mặt trận: mặt trận Điền Quế do anh Nam Long làm chỉ huy trưởng, đồng chí Hoàng Bình, cán bộ của bạn, làm chỉ huy phó, anh Đỗ Trình làm chính trị viên; mặt trận Long Châu do anh Thanh Phong làm chỉ huy trưởng, anh Chu Huy Mân và anh Long Xuyên làm chỉ huy phó.

        Bộ Tổng tham mưu cử một đoàn cán bộ tác chiến giúp Bộ tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn về công tác tham mưu, theo dõi diễn biến của chiến dịch, thường xuyên báo cáo với Bộ tư lệnh.

        Đầu tháng 6, bộ đội ta xuất phát theo hai hướng: Long Châu và Khâu Châu - Phòng Thành.

        Ngày 12 tháng 6, mặt trận Long Châu nổ súng diệt vị trí Thủy Khẩu và Hạ Đống, trong khi hướng phối hợp tiến công địch từ Bằng Tường xuống Nam Quan. Quân Tưởng co lại, biến Long Châu thành một cụm cứ điểm mạnh. Bộ chỉ thị cho bộ đội chuyển sang vây hãm Long Châu, đánh viện chặn đường tiếp tế, tiến công Ninh Minh và Thượng Kim, giúp bạn mở rộng và củng cố vùng mới giải phóng quanh Long Châu.

        Hướng Điền Quế và Thập Vạn Đại Sơn, đường đi khó khăn hơn. Bộ đội ta phải hành quân trèo đèo, lội suối mất gần một tháng dưới nắng hè gay gắt mới đến nơi. Phát hiện bộ đội ta, quân Tưởng rút bỏ nhiều vị trí, co về các thị trấn lớn như Nà Lường, Phòng Thành, Đông Hưng. Đầu tháng 7, bộ đội ta tiến công Trúc Sơn, một thị trấn có 4 đại đội quân Tưởng bảo vệ. Bộ đội ta phối hợp với bạn củng cố vùng giải phóng đã mở rộng  ở khu Thập Vạn Đại Sơn, đánh địch càn quét, tiễu phỉ ở vùng Khâm Châu. Ta tiêu diệt hơn một trung đoàn địch, diệt và bức rút 10 vị trí trong số 12 vị trí ở huyện Phòng Thành, làm cho các khu căn cứ nối liền một dải, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của quân địch ở huyện Khâm Châu.

        Tháng 10 năm 1949, khi lực lượng vũ trang của bạn ở hai biên khu Điền Quế và Việt Quế đã liên lạc được với chủ lực Quân giải phóng, bộ đội ta được lệnh rút về nước. Ta để lại một đại đội tiếp tục phối hợp với lực lượng của bạn để xây dựng cơ sở, củng cố và mở rộng vùng giải phóng. Ta trao lại cho bạn những vũ khí thu được của quân Tưởng gồm hơn 500 khẩu súng các loại.

        Bộ tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn nhận định “thắng lợi về quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều. Bộ đội ta đã để lại một ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân địa phương về tinh thần quốc tế của một quân đội cách mạng.

        Một số cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại trên đất Trung Quốc trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế này. Nhà văn quân đội Trần Đăng, một cây bút rất nhiều triển vọng, sau khi từ chiến dịch Sông Thao trở về, hăng hái đi tiếp lên đường số 4 cùng bộ đội qua biên giới làm nhiệm vụ đã hi sinh trong một trận đụng độ với quân Tưởng.

-------------
1. Biên khu Điền Quế là khu biên giới Vân Nam - Quảng Tây. Biên khu Việt Quế là khu biên giới Quảng Đông - Quảng Tây.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Chín, 2016, 06:04:51 pm
       
9

        Ở Pháp, tình hình càng ngày càng rối ren. Nội bộ giới cầm quyền có nhiều mâu thuẫn gay gắt và xung đột quyền lợi giữa các phe tư bản tài chính và phe tư bản công nghiệp. Nội các Hăngri Cơi (Henri Cueille) không giải quyết nổi những khó khăn của nước Pháp và những nhu cầu quá sức chịu đựng của cuộc chiến tranh xâm lược “đánh nhanh thắng nhanh” đã kéo dài 4 năm ngoài ý muốn của Pháp.

        Ở Đông Dương, người chỉ huy quân sự cao nhất và người cầm quyền chính trị cao nhất có những ý kiến trái ngược nhau về điều hành chiến tranh. Tưởng Bơledô, Tổng chỉ huy quân viễn chinh, chủ trương phải chiếm đóng và giữ Bắc Bộ bằng bất cứ giá nào, vì Bắc Bộ là “cái nút” của cuộc chiến tranh. Ngược lại, Cao ủy Pinhông muốn dồn nỗ lực quân sự cao nhất vào Nam Bộ, tập trung lực lượng để giữ và làm chủ Nam Bộ, vì Nam Bộ là cái “nhài quạt” của toàn bán đảo Đông Dương.

        Cặp khó khăn lớn về kinh tế, tài chính và bị sa lầy ở Đông Dương, chính phủ Pháp phải dựa vào Mỹ và ngày càng phụ thuộc và chính sách của Mỹ. Bị thất bại ở lục địa Trung Hoa, Mỹ lợi dụng những khó khăn của Pháp, nắm cơ hội can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương, nhằm bám lấy Đông Dương hòng bố trí lực lượng ngăn cản phong trào cách mạng tràn xuống Đông Nam Á.

        Sau nhiều lần thương lượng, dàn xếp, Pháp phải nhượng bộ trước sức ép của Mỹ. Tháng 3 năm 1949, “hiệp ước Êlidê” được kí kết giữa Tổng thống Pháp Vanhxăng Ôriôn, Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Cốt Phlorê với Bảo Đại (tức Vĩnh Thụy) tại Pari. Pháp công nhận Việt Nam “độc lập”, nhưng thực chất Pháp vẫn nắm quyền chỉ huy quân sự, điều hành ngoại giao và chi phối kinh tế tài chính. Với hiệp ước này, Pháp tiến thêm một bước trong âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”.

        Tháng 5 năm 1949, trong tình thế bị động và khó khăn, Chính phủ Pháp cử đại tướng Rơve, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, cầm đầu một phái đoàn sang Đông Dương để nghiên cứu tình hình và vạch kế hoạch đối phó. Trong phái đoàn, ngoài một số thượng nghị sĩ, còn có tướng Vanluy - người có “thành tích” mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương năm 1946 - lúc đó đã lên cấp đại tướng.

        Rơve ở Việt Nam hơn một tháng. Ông đi nhiều nơi, các báo đưa tin ông đến cả Bắc Kạn và Cao Bằng. Ông tiếp xúc với các cơ quan tham mưu, gặp các đơn vị viễn chinh, trao đổi ý kiến với những người có trách nhiệm dân sự và quân sự. Cuối cùng Rơve đi đến một nhận định tổng quát về tình hình và rút ra kết luận là không thể có một giải pháp quân sự và cũng không còn hi vọng lật lại tình thế để đạt những điều kiện có lợi trong một cuộc điều đình. Chiến thắng của Quân giải phóng Trung Quốc đã làm thay đổi cán cân lực lượng ở Viễn Đông, tạo ra một tình hình nghiêm trọng cho quân đội Pháp.

        Rơve thấy cần xác định cụ thể đường lối chính trị và chiến lược quân sự của Pháp ở Đông Dương. Rơve coi Bắc Bộ là chiến trường chính, chủ trương tăng quân cho Bắc Bộ, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ, tăng cường phòng thủ trung du và khu tứ giác Lạng Sơn - Tiên Yên - Hải Phòng - Hà Nội; gấp rút củng cố tuyến biên giới, nhưng do lực lượng có hạn nên chủ trương phòng thủ có trọng điểm, cụ thể là tập trung sức để giữ đoạn từ Lạng Sơn đến Móng Cái, còn đoạn từ Na Sầm trở lên thì có thể rút bỏ. Rơve đặt trọng tâm vào việc phát triển quân ngụy, dùng quân ngụy là nhiệm vụ bình định, tập trung quân Âu Phi để tổ chức lực lượng cơ động.

        Rơve cho rằng kế hoạch phòng thủ Đông Dương của Pháp nhằm ngăn cản “làn sóng đỏ” từ lục địa Trung Hoa tràn xuống Đông Nam Á. Kế hoạch này nằm trong kế hoạch chống Cộng chung của phe “dân chủ”. Vì vậy Pháp cần tích cực tranh thủ viện trợ của Mỹ.

        Những ý kiến của Rơve không phải được những nhà chỉ huy quân sự và những người cầm quyền chính trị ở Đông Dương đồng tình toàn bộ. Nếu như nhiều người thống nhất với nhận định về tình thế nghiêm trọng sẽ diễn ra nay mai với quân đội viễn chinh thì lại có ý kiến khác về giải pháp cụ thể. Tướng Alétxăngđơri đặc biệt phản đối việc rút quân khỏi Cao Bằng. Tướng Bơlêdô thấy quân Trung Quốc ít có khả năng sớm can thiệp vào Đông Dương, nhưng đồng tình về cơ bản với nhận định của Rơve, và cho rằng cần rút ngay khỏi Cao Bằng. Cao ủy Pinhông không coi nhẹ đồng bằng Bắc Bộ, nhưng lại thấy Nam Bộ rất quan trọng và cần được ưu tiên. Một cuộc tranh cãi nổi lên quanh những ý kiến của Rơve.

        Trở về Pháp, Rơve nhanh chóng soạn thảo xong một kế hoạch đệ trình Chính phủ Pháp,

        Tháng 7, Chính phủ và Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua chủ trương của Rơve về phòng thủ có trọng điểm ở tuyến biên giới, cụ thể là tập trung sức để giữ đoạn từ Lạng Sơn trở xuống, còn đoạn từ Na Sầm trở lên thì có thể rút bỏ. Song những người có quyền lực lớn nhất ở Đông Dương và Bắc Bộ là cao ủy Pinhông, tổng chỉ huy Cácpăngchiê và chỉ huy Bắc Bộ Alétxăngđơri phản đối và trì hoãn không thi hành.

        Sang tháng 8, tình hình tuyến biên giới ngày càng xấu đi. Bộ chỉ huy Pháp buộc phải cho rút quân khỏi thị xã Bắc Kạn và một số vị trí khác. Còn đối với Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, Phú Thọ, họ vẫn cố chiếm giữ và tăng cường phòng thủ.

        Kế hoạch Rơve đánh dấu một bước ngoặt trong chiến tranh Đông Dương. Lần đầu tiên, người đứng đầu quân đội Pháp khẳng định Pháp không còn khả năng giành thắng lợi trong chiến tranh. Rơve cũng là người đầu tiên nhận thấy lối thoát khỏi tình thế khó khăn là “đưa chiến tranh Đông Dương vào kế hoạch chiến lược của Mỹ”, cũng có nghĩa là bước đầu chuyển giao cuộc chiến tranh cho Mỹ.

        Vào đầu mùa mưa, chúng ta có trong tay bản kế hoạch Rơve. Ta quyết định công bố nội dung bản kế hoạch trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Kế hoạch Rơve trở thành “nổi tiếng” vì nó dẫn tới một vụ án trong đó Rơve bị tố cáo là làm lộ bí mật quân sự.

        Theo tin tức báo chí, từ giữa tháng 9, vụ án Rơve - Mát - một vụ bê bối lớn có liên quan đến nhiều nhân vật trong chính giới Pháp - đã phơi bày trước dư luận Pháp và nước ngoài những âm mưu, thủ đoạn tranh giành quyền lực và lợi nhuận hết sức xấu xa, bỉ ổi, giữa các phe phái cầm quyền ở Pháp. Tổng tham mưu trưởng Rơve sang Đông Dương, ngoài việc quan sát nghiên cứu tình hình và lập kế hoạch mới, còn có mưu đồ tìm cách lật Cao ủy Pinhông để  thay thế bằng Mát lúc ấy làm giám đốc Học viện quốc phòng tối cao Pháp, là người cùng phe nhóm. Nhưng việc này không thành. Lợi dụng việc kế hoạch Rơve bị lộ, phe nhóm Pinhông đã đưa vụ việc ra trước pháp luật. Rơve và Mát bị cách chức.

        Rơve bị cách chức, song hầu hết những gì người Pháp làm sau đó đều không ở ngoài những điều đã được nêu trong kế hoạch Rơve.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Chín, 2016, 06:22:51 pm
       
Chương chín

ĐẠI ĐOÀN QUÂN TIÊN PHONG

1

        Sau Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu đề ra nhiệm vụ chuẩn bị tổng phản công, Hội nghị cán bộ quân sự và chính trị cao cấp họp vào trung tuần tháng 1 năm 1949 đã đặt vấn đề phát triển và xây dựng lực lượng vũ trang, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực thành một nhiệm vụ quan trọng bậc nhất và coi vấn đề đào tạo cán bộ là có ý nghĩa quyết định. Lực lượng vũ trang của ta sinh ra và phát triển từ lực lượng chính trị của quần chúng, từ phong trào đấu tranh của nhân dân. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên, lần đầu đã nêu rõ vị trí của đội quân chủ lực, trong khi đồng thời phát triển bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.

        Ngay từ những ngày Xôviết Nghệ Tĩnh với các đội Tự vệ đỏ, khởi nghĩa Bắc Sơn và khởi nghĩa Nam Kỳ với các đội Cứu quốc quân và nghĩa quân Nam Kỳ, cũng như khi phát triển rộng rãi các lực lượng dân quân tự vệ và các đội vũ trang thoát li ở Cao - Bắc - Lạng, Đảng ta luôn luôn coi trọng vấn đề cán bộ, coi như là một vấn đề trung tâm.

        Bác đã từng chỉ ra rằng: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc của Đảng”.

        Bác đặc biệt coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ quân sự. Người đã sớm nghĩ tới việc đưa cán bộ đi đào tạo về quân sự ở nước ngoài. Bác đã cử các anh Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn, Trương Văn Lĩnh sang học ở trường Hoàng Phố. Anh Lê Hồng Phong sau đó được cử sang Liên Xô học tiếp ở trường không quân. Bác cũng đã có dự kiến gửi cán bộ đi học Trường quân chính kháng Nhật ở Diên An. Nhưng tình hình thế giới thay đổi, phong trào cách mạng trong nước đang cần người nên chỉ anh Cao Hồng Lĩnh đi được.

        Việc đào tạo cán bộ quân sự ở trong nước thực sự được đặt ra từ sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám, tháng 5 năm 1941, khi Đảng ta đề ra chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Để huấn luyện cán bộ, Bác đã biên soạn các tài liệu “Cách đánh du kích”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Kinh nghiệm du kích Pháp”. Ngoài ra Bác còn dịch “Phép dùng binh của Tôn Tử” và sách dạy làm tướng của Khổng Minh và đặt dưới một đầu đề hoàn toàn mới là “Cách huấn luyện cán bộ quân sự”. Người luôn luôn nhắc nhở chúng tôi rằng, muốn cho phong trào phát triển vững mạnh thì phải khéo phát hiện những phần tử trung kiên, đào tạo thành cán bộ nòng cốt cho các tổ chức cứu quốc. Thời gian này, ở liên tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, các anh Lê Thiết Hùng, Lê Quảng Ba, Bằng Giang mở lớp huấn luyện quân sự ở các châu huyện; anh Hoàng Sâm và tôi mở liền mấy lớp đào tạo cán bộ quân sự địa phương. Lớp học được tổ chức khá quy mô. Học viên có tới trăm người.

        Theo quyết định của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, tháng 6 năm 1945, Trường Quân chính kháng Nhật được thành lập tại khu Giải phóng. Bác giao cho tôi trực tiếp phụ trách và chỉ định anh Hoàng Văn Thái làm giám đốc, anh Thanh Phong là phó giám đốc. Trường đặt tại một làng người Dao bên con suối, gần Tân Trào. Trường có nhiệm vụ đào tạo trung đội trưởng, sau khi học xong chương trình, một số học viên được giữ lại để bồi dưỡng thành chính trị viên. Về quân sự, trường dạy các kĩ thuật cá nhân chiến đấu, chiến thuật tiểu đội, trung đội theo những tài liệu huấn luyện do anh Trường Văn Lĩnh trưởng ban tu thư soạn ra. Trường đặc biệt coi trọng huấn luyện chiến thuật du kích, dựa theo cuốn “Cách đánh du kích” của Bác và kinh nghiệm các trận đánh đầu tiên. Phần giáo dục chính trị viên thì học thêm cuốn “Người chính trị viên” của anh Phạm Văn Đồng và cuốn “Công tác chính trị trong quân đội cách mạng” do tôi viết. Đây là những cuốn sách chúng tôi viết từ năm 1941, trong thời kì xây dựng các đội tự vệ và tự về chiến đấu ở Cao Bằng.

        Trường ở gần Tân Trào. Để giữ bí mật, Bác giả dạng làm “ông Ké” người Nùng ra chỗ học sinh tắm để gặp anh em. Bác nói chuyện tự nhiên, ân cần thăm hỏi tình hình mọi mặt từ ăn, ở, học tập tới công việc làm ăn của đồng bào dưới xuôi. Anh em khi đó chỉ coi là câu chuyện của một ông già Nùng sõi tiếng Kinh. Sau này, khi về Hà Nội mọi người mới biết đó là Bác Hồ.

        Trong khoảng thời gian hai tháng, trước Tổng khởi nghĩa, trường Quân chính kháng Nhật đã mở được ba khóa, đào tạo được 234 cán bộ chỉ huy và chính trị viên. Tuy số lượng đào tạo chưa nhiều, thời gian huấn luyện ngắn, nhưng đây là một vốn quý làm nòng cốt để phát triển lực lượng vũ trang thời kì ban đầu.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Chín, 2016, 06:23:24 pm

        Cách mạng tháng Tám thành công. Trường quân chính kháng Nhật chuyển về Hà Nội và được đổi tên thành Trường quân chính Việt Nam. Trường đặt địa điểm tại trường trung học Đỗ Hữu Vị, nay là trường phổ thông trung học cấp III Phan Đình Phùng ở phố Cửa Bắc. Anh Trương Văn Lĩnh được bổ nhiệm làm giám đốc. Trường đang học thì kháng chiến ở Nam Bộ bùng nổ. Tôi đến thăm và động viên anh em tích cực học tập để chuẩn bị lên đường ra mặt trận. Hai tuần sau khóa học bế giảng. Một trăm phần trăm học viên xung phong Nam tiến.

        Quân Tưởng tràn vào miền Bắc. Để tránh mọi sự khiêu khích, tháng 10 năm 1945, Bác đổi tên trường Quân chính Việt Nam thành Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam và chuyểnvề khu Việt Nam học xã. Anh Trần Tử Bình được bổ nhiệm là chính trị ủy viên của trường. Sau một thời gian trường dời lên Sơn Tây.

        Tháng 3 năm 1946, theo quyết định của Trung ương, trường Quân chính Bắc Sơn được thành lập. Học viên là những thanh niên và cán bộ đã hoạt động trong phong trào Việt Minh do các tỉnh bộ Việt Minh lựa chọn, nhiều người là đảng viên. Khóa đầu do Tổng bộ Việt Minh phụ trách, sau chuyển cho Bộ chỉ huy Khu 1 tổ chức khóa 2.

        Chính phủ liên hiệp kháng chiến thành lập. Chấp hành chỉ thị của Bác Hồ và nghị quyết của Quân ủy hội, ngày 17 tháng 4 năm 1946, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trường võ bị Trần Quốc Tuấn trên cơ sở Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam. Anh Hoàng Đạo Thúy, một nhà giáo yêu nước, đã tham dự Đại hội đại biểu quốc dân ở Tân Trào, được bổ nhiệm là giám đốc, anh Trần Tử Bình là chính ủy.

        Đi dự hội nghị Đà Lạt về, tôi tới thăm Trường võ bị Trần QuốcTuấn. Do chưa hình dung đầy đủ cách đánh của ta trong một cuộc chiến tranh không cân sức, nhất là cách đánh du kích, nên chương trình đào tạo có nhiều điểm không phù hợp. Thời gian huấn luyện dành nhiều cho động tác đội ngũ, nghi thức và các khoa mục lái ô tô, đi mô tô, cưỡi ngựa v.v… Tôi chỉ thị cho đồng chí Cục trưởng Cục Quân huấn và Ban chỉ đạo nhà trường cần nghiên cứu bỏ bớt những nội dung không cần thiết. Việc đào tào cán bộ phải thiết thực nhằm đáp ứng yêu cầu của quân đội đang cùng toàn dân chuẩn bị sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trong cả nước. Tôi cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường giáo dục chính trị cho các học viên trong tình hình mới.

        Ở phía Nam, Trường lục quân Trung học Quảng Ngãi thành lập tháng 6 năm 1946, do anh Nguyễn Sơn làm giám đốc, anh Nguyễn Chính Giao làm chính ủy, sau đó anh Đoàn Khuê về thay. Trường đào tạo được một khóa 5 tháng với 500 học viên. Do chiến tranh mở rộng, khóa học kết thúc đồng thời cũng kết thúc nhiệm vụ của nhà trường.

        Trước sự phát triển của quân đội, việc nâng cao trình độ cán bộ cấp tiểu đoàn, chi đội (trung đoàn) trở nên cấp thiết. Thường vụ Trung ương Đảng đã chỉ chỉ thị mở lớp bổ túc cán bộ trung cấp. Lớp học khai giảng tháng 7 năm 1946 tại Tông (Sơn Tây). Lớp bổ túc được hai khóa và kết thúc vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến.

        Trong suốt quá trình chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc, chúng ta đã coi trọng việc đào tạo và bổ túc cán bộ cở sở. Ta đã có một đội ngũ cán bộ đông đảo, nhất là cán bộ cấp trung đội đến tiểu đoàn, để triển khai rộng rãi việc huấn luyện bộ đội và dịu dắt các lực lượng vũ trang địa phương. Trong cuộc hội nghị các khu trưởng họp ngày 13 tháng 12 năm 1946 tại thị xã Hà Đông, đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã báo cáo: do tích cực mở lớp bồi dưỡng và đào tạo cán bộ nên tình trạng thiếu cán bộ đã căn bản được khắc phục.

        Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Do Trường võ bị Trần Quốc Tuấn có một thời gian chuyển vào khu 4, anh Nguyễn Sơn khu trưởng Khu 4 làm giám đốc, nên tháng 3 năm 1947 Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Phân hiệu võ bị Trần Quốc Tuấn Bắc Bộ do anh Hoàng Đạo Thúy là giám đốc. Tháng 9 năm 1947, Trường võ bị Trần Quốc Tuấn lại trở ra Việt Bắc, nhập thêm Phân hiệu Bắc Bộ và đổi tên thành “Trường lục quân trung học Trần Quốc Tuấn”. Anh Lê Thiết Hùng được bổ nhiệm là giám đốc kiêm bí thư, hiệu ủy. Trường được củng cố và kiện toàn để vừa đào tạo cán bộ bộ binh, vừa đào tạo cán bộ một số binh chủng cho lục quân.

        Kháng chiến đã gần một nghìn ngày. Chúng ta đã có một số kinh nghiệm chiến đấu. Học viên được học về chiến tranh du kích, nhiệm vụ cơ bản của quân đội trong giai đoạn này, phương châm đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung, cách đánh cứ điểm nhỏ. Anh em còn được học kinh nghiệm của chiến dịch phản công Việt Bắc, những trận phục kích trên đường số 4, đường số 5, trận Hói Mít, trận La Ngà…

        Các phân khoa pháo binh và công binh được thành lập. Nhà trường chọn một số học viên vừa tốt nghiệp bộ binh có sức khỏe, có trình độ văn hóa khá để chuyển tiếp đào tạo thành cán bộ binh chủng.

        Tuy kiến thức về binh chủng được bồi dưỡng chưa nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta tự đào tạo với phương thức “chuyển loại” từ cán bộ tốt nghiệp chỉ huy bộ binh sang đào tạo thành cán bộ binh chủng. Kinh nghiệm này được áp dụng có kết quả trong thời kì xây dựng quân đội nhân dân tiến lên chính quy và hiện đại, cũng như sau này trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ ở miền Bắc.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 05 Tháng Chín, 2016, 06:23:52 pm

        Giữa năm 1949, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập phân hiệu lục quân Nam Bộ và Phân hiệu lục quân Trung Bộ. Trường lục quân trung học Trần Quốc Tuấn được giao nhiệm vụ cử giáo viên góp phần xây dựng hai phiên hiệu này.

        Trong khi chú trọng đào tạo cán bộ trung đội và cán bộ đại đội, chúng ta nhận thấy cán bộ tiểu đoàn, trung đoàn còn là một khâu yếu. Trước yêu cầu khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang, giữa năm 1947, Bộ Quốc phòng đã quyết định mở lớp bổ túc cho cán bộ cấp tiểu đoàn trưởng và trung đoàn trưởng về phương pháp tổ chức bộ đội, phổ biến những kinh nghiệm chiến đấu sau 6 tháng kháng chiến, quán triệt đường lối quân sự của Đảng. Lớp học khai giảng đầu tháng 8 năm 1947 tại La Bằng, Đại Từ, Thái Nguyên, có 83 học viên. Anh Hoàng Văn Thái trực tiếp chỉ đạo lớp học. Học viên được tổ chức thành một đại đội do anh Phan Tử Lăng làm đại đội trưởng, anh Trần Tử Bình là chính trị viên. Đầu tháng 2 năm 1948 ta đã tổ chức được ba khóa học với 143 học viên.

        Để chuẩn bị cho việc xây dựng các trung đoàn mạnh, tiến tới thành lập các đại đoàn, việc cần thiết là phải đào tạo cán bộ quân sự, chính trị trung cấp. Ngày 12 tháng 3 năm 1948, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 88/BCH thành lập trường Quân chính trung cấp.

        Khóa đầu tiên khai giảng tại Sói Mít, Tân Cương, Đồng Hỷ, Thái Nguyên, có 110 học viên. Chương trình bao gồm: đường lối kháng chiến, xây dựng căn cứ địa, xây dựng và tổ chức huấn luyện dân quân du kích, chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, tổ chức chỉ huy chiến đấu, quản lí bộ đội. Đến tháng 5 năm 1950 nhà trường đã liên tục mở được 5 khóa học với 675 học viên.

        Với thời gian 4 năm (từ 7-1946 đến 5-1950) chúng ta đã lên tiếp mở 10 khóa, bồi dưỡng trên một nghìn cán bộ chỉ huy trung cấp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và chiến đấu của quân đội ta trong những năm đầu kháng chiến. Nhiều đồng chí sau này trở thành tướng lĩnh, cán bộ cao cấp giữ những trọng trách trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc như Vũ Lăng, Vũ Yên, Thái Dũng, Nam Hà, Trần Văn Nghiêm, Anh Đệ…

        Ngoài các trường đào tạo cán bộ chỉ huy, chúng ta còn tổ chức một số trường khác như: trường cán bộ dân quân Lê Bình, trường quân y sĩ Việt Nam, trường bổ túc văn hóa cán bộ, trường thiếu sinh quân. Các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cũng được mở theo yêu cầu của nhiệm vụ công tác như nghiệp vụ tham mưu, tình báo, cơ cấu…

        Các trường đào tạo cán bộ quân sự của ta đều đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Bộ và Quân ủy Trung ương. Nội dung học tập bao giờ cũng gồm phần quân sự và phần chính trị.

        Trong công tác đào tạo cán bộ những năm đầu kháng chiến, đội ngũ giáo viên của ta là các đồng chí đã từng học các lớp dài ngày hoặc ngắn ngày ở Trung Quốc, phần lớn là vào thời Tưởng Giới Thạch. Ngoài ra, chúng ta còn sử dụng một số cựu binh sĩ yêu nước và một số sĩ quan Nhật tự nguyện theo ta. Do đó, nội dung giáo tình quân sự ít nhiều mang dấu ấn của đội ngũ giáo viên nhiều nguồn ấy. Điều thành công là ta đã sử dụng những kiến thức đó trong huấn luyện kĩ thuật chiến đấu cá nhân, trong động tác đội ngũ, trong nghiệp vụ chuyên môn quân sự. Còn về chiến thuật thì ta đã sớm đưa vào chương trình giảng dạy nội dung nghị quyết các hội nghị quân sự và kinh nghiệm tác chiến của quân đội ta trên các chiến trường, coi trọng giảng dạy những chiến lệ thành công. Công tác đảng và công tác chính trị cũng được coi trọng. Học viên được học về đường lối kháng chiến, các nghị quyết của Đảng. Đảng cũng đã sử dụng những cán bộ ưu tú phụ trách các trường.

        Bác Hồ rất quan tâm tới việc đào tạo ở các trường quân sự. Bác đã nhiều lần tới thăm hoặc gửi thư động viên các trường. Đối với khóa 5 Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, đã đến khai giảng và dự lễ tốt nghiệp, Bác vẫn cho là còn ít. Đối với khóa 1 Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Bác đã ba lần đến thăm.

        Lời dạy của Bác ngày 26 tháng 5 năm 1946 trong lễ khai giảng khóa 1 võ bị “trung với nước, hiếu với dân” trở thành lời thề của tất cả các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang của ta.

        Người cán bộ quân sự không bao giờ quên lời dặn: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công”.

        Các tướng lĩnh ghi nhớ “nhiệm vụ” là phải:

        Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung.

        Bốn năm chiến đấu trong vòng vây, với đường lối đào tạo cán bộ đúng đắn, phương thức đào tạo phong phú linh hoạt vừa đào tạo ở trường, vừa đào tạo trong thực tiễn chiến đấu, chúng ta đã có một đội ngũ cán bộ quân sự, chính trị, chuyên môn đáp ứng được nhu cầu của kháng chiến và phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng các trung đoàn mạnh và các đại đoàn chủ lực, sự phát triển của lực lượng vũ trang trong giai đoạn mới.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 12:11:16 am
       
2

        Sau khi có quyết định chuẩn bị tổng phản công, Bác và Thường vụ thấy cần tăng cường cán bộ lãnh đạo ở các cơ quan Trung ương. Những ngày đầu kháng chiến, một số đồng chí đã được Trung ương phân công đến những vùng quan trọng trên cả nước. Anh Lê Duẩn, anh Phạm Hùng ở Nam Bộ. Anh Phạm Văn Đồng vào Khu 5, đại diện cho Trung ương Đảng và Chính phủ, với các anh Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chánh. Cụ Hồ Tùng Mậu, anh Nguyễn Chí Thanh, anh Trần Hữu Dực ở Khu 4 và mặt trận Bình - Trị - Thiên… Qua mấy năm chiến đấu, cán bộ các khu đã trưởng thành. Bác và Thường vụ quân đội rút một số anh về trung ương, trước mắt là điều anh Đồng từ Khu 5 ra.

        Đầu tháng 6 năm 1949, anh Đồng ra tới Việt Bắc, sau hơn ba tháng đi đường. Đường đi vất vả không những vì phải trèo đèo, lội suối theo dọc dải Trường Sơn mà còn phải vượt qua nhiều vùng địch kiểm soát.

        Sau khi báo cáo khá đầy đủ với Bác và Thường vụ, đến Lục Giã thăm anh Trường Chinh và Văn phòng Trung ương, anh Đồng sang thăm Bộ Tổng tư lệnh ở Bao Biên. Chúng tôi vui mừng gặp lại nhau sau hơn hai năm trời xa cách. Anh kể lại chuyến đi từ Khu 5 ra Việt Bắc, nhất là đoạn đường gian khổ của Bình - Trị - Thiên. Liên U, Ba Rền, U Bò, Cao Mại, những địa danh quen thuộc đối với những cán bộ ra Bắc vào Nam. Những cái tên dân dã, đầy hình tưượng đó đủ nói lên nỗi vất vả của đoạn đường. Chỉ riêng từ Quảng bình ra Hã Tĩnh, đường đi đã mất 15 - 20 ngày chưa kể những khi mưa ngàn, lũ suối. Dừng lại ở Nghệ An tham dự đại hội đảng bộ tỉnh, anh gặp anh Nguyễn Chí Thanh để nắm tình hình Liên khu 4. Ra Thanh Hóa, anh gặp các anh Đặng Thai Mai, Nguyễn Việt Châu ở Thọ Xuân.
        Ngày 14 tháng 6 năm 1949, Hội đồng Chính phủ họp nghe anh Đồng báo cáo tình hình Khu 5 và nhận xét của anh về các tỉnh trên đường đi từ Khu 5 và Việt Bắc. Hằng năm, Trung ương vẫn nhận được tình hình Khu 5, có lần anh Nguyễn Duy Trinh trực tiếp ra báo cáo. Lần này, anh Đồng ra Việt Bắc sau khi vừa cùng các anh Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Chánh chủ trì hội nghị chính trị viên toàn liên khu lần thứ nhất.

        Tình hình Khu 5 vẫn còn một số khó khăn, nhưng đã đạt được thành tích khả quan. Phối hợp với chiến trường toàn quốc, Khu 5 đã phát động được chiến tranh du kích, đánh bại một bước âm mưu “bình định” vùng tạm chiếm của địch. Vùng tự do được củng cố về mọi mặt, bước đầu đáp ứng những nhu cầu của kháng chiến và đời sống nhân dân. Quân và dân Khu 5 đã thực hiện được lời dặn của Trung ương và Bác Hồ khi anh Đồng đi vào là: “Kiên trì chiến đấu và quyết tâm thắng địch ngay trên các mặt trận Nam Trung Bộ”.

        Vào đầu năm 1948, khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi. Lương thực thiếu thốn, nhiều đơn vị đứng chân trong vùng sau lưng địch phải ăn trái cây, củ rừng hàng tháng thay cơm. Quần áo mỗi người một bộ vá chằng vá đụp. Đau ốm không có thuốc, dụng cụ mổ xẻ có khi phải dùng cả cưa gỗ, kéo thợ may. Súng đạn thiếu thốn.

        Chiến trường chia cắt, quân thù bao vây bốn mặt, sự chi viện của hậu phương chiến lược không còn. Liên khu 5 đã tự lực vươn lên.

        Vùng tự do Nam - Ngãi - Bình - Phú với gần hai triệu dân, có núi rừng hiểm trở, nhiều tài nguyên, có đồng bằng tuy hẹp nhưng trù phú. Liên khu ủy đã chủ trương đẩy mạnh tăng gia tự túc, thực hiện khẩu hiệu “Toàn dân canh tác”. Mọi người gia, trẻ, lớn, bé đều thi đua thực hiện chỉ tiêu trồng 10 mét vuông rau xanh, nuôi một con gà. Mỗi gia đình trông 10 cây dâu để nuôi tằm hoặc 10 cây bông để lấy sợi dệt vải.

        Nhân dân đã đào đắp, xây dựng hàng chục công trình thủy lợi. Kênh Đầu Súng ở Mộ Đức xuyên quan gần một nghìn mét núi đá ong. Kênh Sơn Tịnh, kênh Phú Sơn, đập ngăn mặn Tuy Phước… tưới tiêu cho hàng chục nghìn hécta lúa. Sắn ngô được trồng ở mọi nơi, lương thực đã tự túc được.

        Dọc các con sông Tam Kỳ, Trà Khúc, sông Vệ, sông Cồn đều được trồng dâu. Đất trồng bông có trên một vạn hécta.

        Nghề dệt lụa, dệt vải phát triển mạnh và đạt đến trình độ khá cao. Hơn một vạn khung cửi dệt thủ công, hàng trăm khung dệt của xí nghiệp quốc doanh Việt Thắng, xí nghiệp dệt quân đội đã cung cấp đủ quân trang cho bộ đội và bình quân mỗi người dân một năm hai mét vải.

        Nghề làm giấy, nấu xà phòng, làm đồ gốm, nấu thủy tinh đều được mở mang.

        Hai mươi mốt xưởng quân giới có khả năng sản xuất được một số vũ khí có yêu cầu kĩ thuật phức tạp theo thiết kế từ Việt Bắc gửi vào như badôca 60, súng phóng lựu 50,8mm, súng phóng bom và SKZ 60.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 12:12:07 am

        Được phép của Trung ương, Khu 5 đã cho phát hành tín phiếu. Tín phiếu không những lưu hành ở vùng tự do mà còn được sử dụng cả ở một số vùng địch kiểm soát. Cuộc đấu tranh tiền tệ thắng lợi thể hiện sức mạnh của kháng chiến và nền sản xuất ngày một ổn định ở vùng tự do.

        Giáo dục phổ thông không ngừng mở rộng. Học sinh cấp 2 và cấp 3 tăng 40 lần so với thời thực dân Pháp đô hộ. Vùng tự do không còn người mù chữ.

        Một thành công lớn của Khu 5 là đảm bảo giao thông thông suốt. Do có chủ trương phá hoại đúng đắn, chỉ sau nửa năm khôi phục, tháng 6 năm 1948, tuyến đường sắt 300 kilômét từ An Tân (Tam Kỳ, Quảng Nam) đến La Hai (Đồng Xuân, Phú Yên) đã bắt dầu hoạt động và duy trì cho đến kết thúc kháng chiến (có khi và có đoạn phải dùng lô ri). Đường liên lạc từ vùng tự do Phú Yên vào Cực Nam và Nam Bộ thông suốt từ cuối năm 1946. Đường hành lang từ vùng tự do Quảng Nam ra vùng tự do Khu 4 được củng cố vào giữa năm 1948. Cũng từ đây bắt đầu con đường giao thông trên biển vào chiến trường phía Nam.

        Khu 5 đã thành công bước đầu trong việc bám đất, giành dân ở Tây Ngueyen, từng bước làm thất bại “ba chính sách” lớn của thực dân Pháp ở vùng này, làm cơ sở cho đòn tiến công chiến lược lên cao nguyên sau này.

        Tây Nguyên là một vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng. Trong huấn lệnh về “Nhiệm vụ chiến lược của Nam Trung Bộ trong chiến tranh bước vào giai đoạn mới” ngày 23 tháng 8 năm 1948 tôi đã nhấn mạnh: “Quan trọng hơn hết là vùng Tây Nguyên. Khống chế vùng Tây Nguyên tức là không chế cả miền Nam (đó là chưa nói đến khả năng kinh tế)…

        Trong vùng Tây Nguyên, hai trọng điểm cần chú ý đặc biệt: Buôn Ma Thuột - trung tâm quân sự và Đà Lạt - Trung tâm chính trị”.

        Hai mươi bảy năm sau, mùa xuân 1975, Buôn Ma Thuột được lựa chọn làm điểm đột phá của cuộc tiến công chiến lược lớn vào chiến trường Nam Tây Nguyên. Đòn tiến công đã làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch, làm xuất hiện thời cơ lớn: giải phóng toàn bộ  miền Nam trong năm 1975.

        Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đã nhiều lần vào Tây Nguyên công tác. Tôi đã đến căn cứ Xitơ của anh hùng Núp, đến Đắc Tô - Tân Cảnh, khu vực Sa Thầy… Càng đi, càng thấy Tây Nguyên hùng vĩ, thấy tinh thần bất khuất, lòng thủy chung với cách mạng, lòng thành kính đối với Bác Hồ của đồng bào các dân tộc.

        Tôi vô cùng cảm phục các cán bộ, chiến sĩ của ta trong những ngày gian khó đã đi sâu vào buôn rẫy, lặn lội tìm bắt liên lạc với từng người dân, đem ánh sáng của cách mạng đến với đồng bào. Nhiều cán bộ, chiến sĩ người Kinh đã tự động cà răng, căng tai, phơi mình ngoài nắng cho da đen để hòa mình trong đồng bào. Cuộc chiến đấu trên mặt trận thành lặng này không đồn bốt, không hàng rào, không trận địa nhưng vô cùng gian khổ và không ít hi sinh.

        Giữa tháng 7 năm 1949, Thường vụ Trung ương họp. Kháng chiến đang trong thời kì chuyển giai đoạn. Công việc của Bác rất bận. Các chiến dịch quân sự cũng liên tiếp mở ở Tây Bắc và Đông Bắc. Thường vụ đã cử anh Đồng làm phó thủ tướng và bí thư Đảng đoàn Chính phủ để tôi tập trung vào công việc quân sự.

        Sáng 25 tháng 7 năm 1949 họp Hội đồng Chính phủ, các bộ trưởng lần lượt đến. Bác cho mời từng vị đến gặp để thăm dò ý kiến về vấn đề Phó thủ tướng. Mãi đến 11 giờ, cuộc họp mới khai mạc. Anh Đồng làm lễ tuyên thệ. Anh Lê Văn Hiến cũng đề nghị với Bác để anh Đồng kiêm chức phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao.

        Hội đồng Chính phủ lần này thảo luận và giải quyết các vấn đề lớn về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa… chuẩn bị để đón thời cơ thuận lợi do tình hình mới đưa đến.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 12:15:53 am
       
3

        Cơ quan Bộ Tổng tư lệnh lúc này ở Điềm Mạc. Tôi và Văn phòng ở Bao Biên. Bộ Tổng tham mưu ở Đồng Đau.

        Các nẻo đường Việt Bắc đâu đâu cũng có khẩu hiệu “Tích cực cầm cự chuyển mạnh sang tổng phản công”. Không khí sôi sục. Dọc đường gặp rất nhiều bộ đội. Người từ mặt trận Sông Lô, Sông Thao trở về. Người lên mặt trận Đường số 3, mặt trận Đường số 4. Ai ai cũng vội vã.

        Địch đang bao vây rất gắt gao về kinh tế. Chúng cố không để thóc gạo lọt ra vùng tự do. Địch tung nhiều giấy bạc Việt Nam giả vào vùng tự do, khiến giá gạo tăng vọt, bộ đội rất thiếu ăn. Cán bộ phụ trách phải hằng ngày chạy tới các cơ quan, đoàn thể địa phương để vay gạo. Nhiều bữa, bộ đội phải ăn củ khoai, củ sắn cầm chừng, ai cũng biết sắp tới sẽ lao vào những trận đánh quyết liệt. Nhưng không khí vẫn hồ hởi.

        Trung tuần tháng Tám, lại có cuộc họp Thường vụ.

        Tôi từ Điềm Mạc qua nhà chủ tịch Chanh sang châu Tự Do. Núi rừng Việt Bắc gần đây đâu đâu cũng ấm hơi người. Nhưng đường rẽ vào Tân Trào vẫn hoang vắng như ngày xưa. Cảnh vật được cố giữ nguyên để bảo đảm bí mật cơ quan. Những chú khỉ vàng nghe tiếng vó ngựa rít rít gọi nhau chuyền cành chạy trốn.

        Bản Tân Trào sạch sẽ hơn trước nhưng vẫn im ắng. Hai cây đa cổ thụ, ngôi đình gỗ kiểu vùng xuôi vẫn y như ngày họp Quốc dân đại hội lần đầu. Không một dấu hiệu nào tỏ ra quanh đây có một cơ quan. Trong suốt chiến tranh chống Pháp, bọn gián điệp không bao giờ phát hiện được chỗ ở cụ thể của Bác.

        Mấy ngày qua trời mưa, thượng nguồn sông Đáy đục ngầu. Một sân bóng chuyền ở giữa rừng. Qua sân bóng chuyền, tôi thấy cái lán nhỏ ở bìa rừng là cơ quan Bác.

        Bác đang ngồi đánh máy. Có người vào báo, Bác ngước mắt nhìn ra, mỉm cười:

        - Chú Văn!

        Người bỏ kính, đóng chiếc máy chứ, đứng lên bắt tay tôi, không để tôi kịp hỏi thăm sức khỏe, Bác nói luôn:

        - Chú hơi xanh.

        - Thưa Bác, tôi khỏe.

        Bác mỉm cười. Lát sau, anh Trường Chinh và anh Phạm Văn Đồng tới.

        Trong cuộc họp này, tôi báo cáo về những tiến bộ của bộ đội ở các chiến trường, sự phối hợp chiến đấu của ta với bạn mở rộng căn cứ của bạn ở biên giới Việt - Trung, kế hoạch thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiền của Bộ nay mai chuẩn bị tiến lên đánh lớn.

        Thường vụ bàn về những chuyển biến mới của cách mạng Trung Quốc tác động tới cuộc kháng chiến, những tư tưởng nảy sinh trong bộ đội và đồng bào sau khi có chủ trương chuẩn bị Tổng phản công, dự kiến âm mưu của địch sau chuyến đi của Rơve, khả năng Mỹ can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương…

        Bác và các anh nhận thấy phải củng cố vững chắc căn cứ địa Việt Bắc, làm giảm áp lực địch ở Đông Bắc, khai thông biên giới, phá vỡ thế bao vây của quân Pháp. Địch đang tăng quân, chiến tranh sẽ diễn ra ác liệt, nhưng trước mắt có nhiều triển vọng. Thường vụ  quyết định phát động toàn dân, toàn quân đẩy mạnh mọi hoạt động của kháng chiến, cố gắng mở những cuộc phản công lớn đánh bại quân Pháp trước khi Mỹ can thiệp sâu hơn. Bác nhắc trong công tác tuyên truyền chưa nên đụng tới Mỹ chừng nào Mỹ chưa trực tiếp nhúng vào chiến tranh Đông Dương.

        Đến bữa cơm, Bác và chúng tôi cùng tất cả các đồng chí đang làm việc tại cơ quan ngồi quây uần quanh mấy chiếc bàn tre. Rá cơm đưa lên, phần lớn là sắn cơ quan tăng gia, gạo chỉ loáng thoáng. Thức ăn duy nhất là măng rừng chấm muối. Biết có cuộc họp, mấy đồng chí vệ binh đã ra suối và vào rừng định tìm vài món cải thiện. Cuộc đi săn thất bại, cá suối cũng không chịu đớp mồi vì trời mưa, nước lớn, thức ăn nhiều, cá đã ăn no.

        Bác quay lại bảo đồng chí thư kí của Bác, ngồi bàn bên.

        - Hôm nay có khách, chú lấy thức ăn đặc biệt ra!

        Món đặc biệt đựng trong một ống tre. Bác mở nắp chia đều cho mỗi bàn một thức ăn màu đỏ. Đó là thịt lợn thái nhỏ trộn với rất nhiều ớt và muối. Bác thường dùng món này trên đường đi công tác. Bác dặn:

        - Chú nào không ăn được cay nhiều thì đùng dùng món này lẫn với măng. Các chú nên tập ăn ớt vì ớt rất nhiều sinh tố.

        Đây là những giờ phút đầm ấm mỗi lần chúng tôi về họp, quây quần bên Bác.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 12:18:03 am

4

        Tháng 5 năm 1947, bộ đội chủ lực của Bộ đã được củng cố một bước quan trọng, lực lượng ở Bộ lúc này đã có 2 trung đoàn và 4 tiểu đoàn. Bộ Tổng chỉ huy nhận thấy cần có một lực lượng tập trung mạnh để đối phó với những đòn tiến công của quân địch. Tháng 7 năm 1947, sau khi có sắc lệnh của Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy đã giao cho Bộ Tổng tham mưu xây dựng đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ.

        Ngay trong chiến dịch Việt Bắc, ta đã kịp thời nhận thấy chưa thể tổ chức ngay những đơn vị lớn. Ngược lại, cần phân nhỏ những đơn vị đã tập trung để phát động chiến tranh toàn dân và tiến hành vận động đánh nhỏ thì mới chống lại được chủ trương chiếm đóng và tiến công ồ ạt vào căn cứ địa của quân thù. Các trung đoàn đã chia thành những đại đội độc lập đưa về địa phương. Những đơn vị được giữ lại chỉ tác chiến ở quy mô tiểu đoàn.

        Quân đội ta đã trải quan hai năm thực hiện phương châm đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung. Các lực lượng vũ trang đều có nhiều tiến bộ. Dân quân du kích nhiều xã được rèn luyện trong tác chiến. Bộ đội địa phương huyện ở nhiều nơi có khả năng thay thế đại đội độc lập. Các tiểu đoàn tập trung đã trưởng thành qua nhiều trận đánh và những chiến dịch. Bộ đội qua phong trào luyện quân lập công năm 1948, rèn cán chỉnh quân năm 1949 và nhất là qua thử lửa chiến trường đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Để đón thời cơ mới, phương châm chiến lược đề ra trong Hội nghị Trung ương hồi đầu năm là: “Cần mạnh bạo đẩy vận động chiến đi tới và khi đủ điều kiện thì kịp thời nâng vận động chiến lên địa vị quan trọng để tiến sang giai đoạn phản công” và “cần phải có kế hoạch rút dần các đại đội tập trung trở lại…”.

        Rút các đại đội độc lập, chắc chắn sẽ tạo nên chỗ trống ở những nơi bộ đội địa phương chưa trưởng thành. Nghị quyết cán bộ Trung ương lần thứ sáu và Hội nghị Dân quân lần thứ ba (tháng 4 năm 1949) đã nêu lên tầm quan trọng của việc xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân du kích.

        Ngày 7 tháng 4 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập bộ đội địa phương ở tỉnh và huyện.

        Ngày 18 tháng 8, Thường vụ ra chỉ thị: “Xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân trong giai đoạn cầm cự và chuẩn bị tổng phản công”. Chỉ thị nêu rõ: Ta phải có bộ đội chủ lực mạnh và bộ đội địa phương mạnh, hai lực lượng này có mối quan hệ khăng khít, hỗ trợ cho nhau chiến đấu, hỗ trợ cho nhau trưởng thành. Vì vậy, muốn xây dựng một đội quân chủ lực mạnh, cần phải có sự phát triển rộng rãi của phong trào dân quân và những bộ đội địa phương đã trưởng thành.

        Sau Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ sáu, Đảng ta chủ trương phải tổ chức một số đại đoàn, trước mắt thành lập ngay một đại đoàn chủ lực đầu tiên của Bộ.

        Đầu tháng Tư, Bộ Tổng tư lệnh đã lựa chọn xong số cán bộ chỉ huy cũng như những đơn vị sẽ đứng trong đội hình của đại đoàn. Những đơn vị của Bộ được dồn lại thành hai trung đoàn: 88 và 102. Trung đoàn thứ ba sẽ là trung đoàn 36 của Bắc Ninh và Bắc Giang.

        Tư lệnh kiêm chính ủy đại đoàn là anh Vương Thừa Vũ, đã từng là khu trưởng Chiến khu 11, phó tư lệnh lực lượng vũ trang Liên khu 4. Đại đoàn phó Cao Văn Khánh là khu trưởng Chiến khu 5, mới ra Bắc đầu mùa hè. Tham gia đại đoàn gồm những đơn vị đã chiến đấu ở mặt trận Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tu, Cẩm Phả, Kiến An, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang. Đơn vị nào cũng đã lập nhiều chiến công.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 12:22:59 am
       
5

        Sáng ngày 28 tháng 8, tôi và anh Trần Đăng Ninh tới Đồn Đu, huyện lị huyện Phú Lương, nằm trên đường số 3 từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn. Mùa đông năm 1947, những tiểu đoàn chủ lực của Bộ đã xoay vần với binh đoàn Bôphrê trên con đường này. Dạo này trời mưa, khí hậu ẩm ướt, sương mù giăng khắp núi đồi. Dọc đường, gặp đồng bào người Kinh, người Tày, người Nùng, người Trại nô nức kéo đi dự lễ thành lập đại đoàn.

        Qua phố huyện Đồn Đu một quãng, nhìn bên đường thấy một cổng chào kết bằng lá, bên trên có một bức vẽ lớn. Hình ảnh một chiến sĩ xung kích mặc quần áo nâu, đầu đội mũ lá, đi chân đất, tay cầm cây mác đứng trên một bức tường thành rực lửa. Đây là biểu tượng của Đại đoàn 308.

        Trên một bãi cỏ rộng cạnh đường cái đá, xuất hiện một kì đài lớn kết bằng lá xanh, trên nóc, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng. Trước kì đài là lễ đài, màu nứa lá xanh nguyên, lợp bằng mấy chiếc dù chiến lợi phẩm.

        Trên bãi cỏ còn bạc sương đêm, bộ đội xếp hàng thành từng khối. Những khẩu đại liên, trung liên, súng cối đặt trước hàng quân. Trang phục của bộ đội không giống nhau. Có đơn vị mặc quân phục màu lá cây. Nhiều đơn vị mặc quần áo tiện y màu nâu, màu đen. Thống nhất là chiếc mũ đan bằng tre bọc vải có lưới cài lá ngụy trang. Vũ khí không giống nhau. Có những khối bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin. Đội nhạc binh do anh Đinh Ngọc Liên chỉ huy, sau ngày bị địch nhảy dù vồ hụt ở Bắc Kạn, cũng có mặt đầy đủ với bộ kèn đồng vàng óng.

        Đại đoàn trưởng kiêm chính ủy, người cao gày, mặc bộ quân phục bằng kaki dày, ống quần bó trong ủng, đi nghiêm đến trước lễ đài, rút kiếm chào đại diện của Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh rồi mời chúng tôi đi duyệt hàng quân.

        Cán bộ chỉ huy, đội trưởng và chính trị viên đứng trước từng đơn vị. Nét mặt cán bộ, chiến sĩ đều lộ vẻ xúc động. Tất cả đều rất trẻ. Người lớn tuổi nhất đại đội là anh Vương Thừa Vũ, ba mươi chín tuổi. Người ít tuổi nhất là em Trương Công Lũy, chiến sĩ trung đoàn Thủ đô, mới 11 tuổi.

        Nhiều cán bộ đối với tôi đã khá quen thuộc. Đồng chí Vũ Yên, người cao lớn, cân đối, vững chãi như một pho tượng. Trước cách mạng, anh là một người thợ đồng thời là vận động viên bơi lội. Đồng chí Thái Dũng với nét mặt kiên nghị, đã mất bàn tay phải trong trận Bản Pùm. Đồng chí Vũ Lăng nhỏ nhắn, cặp mắt sắc, bộ râu quai nón mới cạo xanh xanh. Đồng chí Doãn Tuế, bộ mặt chất phác, hiền lành đứng trước những khẩu sơn pháo cũ kĩ nhưng đầy chiến công.

        Chúng tôi bước lên lễ đài. Anh Trần Đăng Ninh chuyển tới cán bộ và chiến sĩ đại đoàn lời khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ về thành tích chiến đấu trong mấy tháng qua, nhắc đơn vị cố gắng phục vụ nhân dân, khiêm tốn học hỏi, không quản ngại khó khăn, xứng đáng là con chim lớn đầu đàn, làm tròn nhiệm vụ một đơn vị cơ động chiến lược đầu tiên của nước nhà.

        Tôi đọc Nhật lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, nói lí do cần thiết phải thành lập đại đoàn chủ lực đầu tiên, nhắc lại truyền thống và chiến công vẻ vang của các đơn vị từ các địa phương về xây dựng đại đoàn, nhấn mạnh nhiệm vụ cơ bản của đại đoàn:

        “… Đại đoàn có nhiệm vụ cùng với các binh đoàn chủ lực khác, đi tiên phong trên con đường tiêu diệt sinh lực địch, trên con đường chính quy hóa…

              Đại đoàn phải: hễ đánh là thắng
              Đã đánh là tiêu diệt sinh lực địch
              Ngày càng lớn mạnh
              Quyết định chiến trường…”

        Tôi trao cho đại đoàn mốt lá cớ “Chiến thắng” của Bộ Tổng tư lệnh, và gắn huân chương cho một số cán bộ, chiến sĩ vừa lập chiến công xuất sắc trong thời gian qua.

        Âm thanh hùng tráng từ những chiếc kèn đồng của đoàn quân nhạc vang lên.

        Những khối bộ binh đứng im phăng phắc bắt đầu chuyển động. Bộ đội diễu qua lễ đài.

        Đi đầu là ba chiến sĩ cao lớn, người đi giữa giương cao lá cờ Chiến thắng, hai người cầm tiểu liên bảo vệ hai bên.

        Đồng chí Vũ Yên dẫn khối ba tiểu đoàn 54, 18, 79 sẽ hợp thành trung đoàn 102, trung đoàn Thủ đô.

        Đồng chí Thái Dũng dẫn đầu khối trung đoàn 88. Anh giơ tay trái chào khi đi ngang lễ đài.

        Cuối cùng tới đơn vị pháo binh. Những khẩu pháo trong các trận chiến đấu được di chuyển bằng những chiếc đòn khiêng đặt trên vai các chiến sĩ pháo binh, đã từng làm khiếp đảm quân thù, hôm này được kéo bằng ngựa. Tôi nhớ lại một bức tranh về những trận đánh thời Napôlêông. Nhìn bề ngoài, những khẩu pháo của ta chưa hiện đại được bao nhiêu so với thời đó.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 12:23:45 am

        Sự trưởng thành của quân đội ta ngày nay, trước hết và quyết định là sự trưởng hành của đội ngũ cán bộ, những người dẫn đầu các đơn vị diễu qua lễ đài. Tôi biết rõ xuất thân của nhiều người. Học có thành phần giai cấp không giống nhau: thợ thuyền, dân cày, học sinh, sinh viên, cựu binh sĩ, nhà giáo, viên chức… Có những người xuất thân từ tầng lớp trên, từ những gia đình giàu có.

        Một số đơn vị của đại đoàn không có mặt trong lễ thành lập, vì đang trên đường đi chiến đấu. Họ được vinh dự lập những chiến công đầu để chào mừng ngày ra đời của đại đoàn.

        Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa gửi tặng đại đoàn thanh kiếm khắc bốn chữ “Mã đáo thành công”. Tổng bộ Việt Minh cũng tặng đại đoàn một thanh kiếm mang tên “Dân tộc”.

        Thư và điện từ khắp nước, kể cả Khu 5, Nam Bộ xa xôi tới tấp gửi về chào mừng đại đoàn chủ lực đầu tiên, chúc đại đoàn tiến lên làm tròn nhiệm vụ “con chim đầu đàn”.

        Ít lâu sau, tin chiến thắng đã từ các mặt trận bay về. Tiểu đoàn 29 đánh một trận vận động xuất sắc trên mặt trận Vĩnh Yên, tiêu diệt hai trăm địch tại Thanh Vân, Hữu Thủ. Tiểu đoàn 23 đánh trận phục kích thứ hai trên đường số 4, cùng với một tiểu đoàn của trung đoàn 174 diệt gọn 93 xe địch tại Lũng Phầy. Lũng Phầy đã thực sự là “lũng lửa”.

        Trong buổi lễ thành lập đại đoàn đầu tiên, không khí bộ đội cũng như đại biểu nhân dân địa phương đều tràn đầy phấn khởi. Nhưng có lẽ không mấy ai, kể cả anh Ninh là người đồng chí cộng tác rất gần gũi hiểu hết những cảm nghĩ của tôi. Tôi thấy chúng ta đã đi được một bước đầy ý nghĩa trong công cuộc xây dựng bộ đội chủ lực; nhìn lại cả con đường đã trải qua thực không phải là thẳng tắp và đơn giản mà đầy khúc khuỷu, phức tạp.

        Ngay từ ngày nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mới ra đời, chúng tôi đã cho rằng đã có nhà nước độc lập, thì đường nhiên phải có một quân đội tương xứng. Và quân đội ấy không phải chỉ có những đại đội hay tiểu đoàn, trung đoàn, mà nhất định phải có đại đoàn. Đó là một ý nghĩ về mặt nào đó có phần hợp lí, nhưng cũng phản ánh phần nào sự thiếu kinh nghiệm trong chiến tranh.

        Thế rồi, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng thời đặc trách công tác quân sự - ít lâu sau là bí thư Quân ủy Trung ương từ khi mới thành lập, tôi đã đề nghị lập hai đại đoàn chủ lực. Đề nghị ấy được chấp nhận. Đến khi tình hình đất nước diễn ra khẩn trương, qua các cuộc xung đột lớn nhỏ đầu tiên với quân đội Pháp ở Lạng Sơn hay ở Hải Phòng, thì thấy rõ ngay là quân ta không có trình độ tác chiến với đơn vị đại đoàn. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hai đại đoàn đầu tiên đã được nhập vào hai quân khu. Lúc bấy giờ quân đội ta chỉ còn gồm những trung đoàn là đơn vị cao nhất.

        Trải qua các cuộc chiến đấu trong và sau những ngày toàn quốc kháng chiến, trong các trận đánh ở các thành phố và các cuộc chiến đấu tiếp theo, qua thực tiễn lại thấy bộ đội ta vẫn chưa có khả năng tác chiến tác chiến thắng lợi với đơn vị trung đoàn tập trung. Như các chương trên đã trình bày, do phát hiện thực tế diễn ra trên chiến trường, tôi đã đề nghị và được Trung ương chấp nhận là trước mắt còn phải lùi một bước nữa về tổ chức bộ đội: kiên quyết áp dụng rộng rãi công thức đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung.

        Với hình thức thích hợp ấy, trong một thời gian không lâu, bộ đội ta đã phát huy tác dụng to lớn. Các đại đội và tiểu đoàn không những đã dạn dày kinh nghiệm chiến đấu, mạnh lên về vũ khí và phương tiện chiến tranh cướp được từ tay địch, mà còn gây dựng lại chính quyền cơ sở, phát động chiến tranh du kích rộng rãi đưa đến sự ra đời của đông đảo dân quân du kích. Những trung đội và đại đội bộ đội địa phương được thành lập và dần dần có khả năng hoàn toàn thay thế vai trò các đại đội độc lập. Tình hình đó đã đánh dấu một bước trưởng thành vượt bậc của ba thứ quân, và đến lúc nào đó, đã cho phép ta rút các đại đội độc lập tập trung các tiểu đoàn lại. Cùng thời gian đó, các tiểu đoàn đã được tôi luyện và trưởng thành trong những trận đánh bằng tiểu đoàn, rồi nhiều tiểu đoàn, bằng trung đoàn hay trung đoàn tăng cường trong hàng loạt chiến dịch nhỏ. Đến lúc bấy giờ, ta đã có điều kiện đã tổ chức ra những trung đoàn chủ lực mạnh, những đại đoàn chủ lực với đầy đủ chức năng hiện thực của nó. Và đại đoàn đầu tiên là đại đoàn Quân tiên phong đã ra đời. Đây là một bài học lớn về tổ chức, không những trong lĩnh vực quân sự mà cả trong các lĩnh vực khác. Với nhân tố con người - nhất là cán bộ như thế nào, với nhân tố vật chất, tức là vũ khí và phương tiện chiến tranh như thế nào - hai nhân tố cơ bản nhất và cách mạng nhất như Ăngghen đã nhận định, thì với hình thức kết hợp hai nhân tố ấy, với hình thức tổ chức bộ đội hợp lí nhất mới có được hoạt động tác chiến có hiệu quả nhất, đưa lại thắng lợi tương xứng. Hình thức tổ chức và trình độ tác chiến kết hợp với nhau một cách hữu cơ, đó là một quy luật.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 12:24:08 am

        Làm sai quy luật, theo ý muốn chủ quan, duy ý chỉ đưa đền thất bại. Làm đúng quy luật đưa đến thắng lợi. Sự thành lập đại đoàn Quân tiên phong là một bước tiến vững chắc, đánh dấu sự trưởng thành của quân đội ta trong chiến tranh. Những cảm nghĩ nói trên hôm ấy đã đưa lại cho tôi một sự phấn khởi đặc biệt, một niềm tin lớn.

        Để đáp ứng nhiệm vụ mới, Bộ Tổng tư lệnh đang chuẩn bị sớm thành lập 3 đại đoàn, rồi 5 đại đoàn. Trước mắt, ở Bộ cũng như ở các liên khu được lệnh  xây dựng các trung đoàn chủ lực mạnh với một tiểu đoàn mạnh trong từng trung đoàn, đồng thời kiểm tra và xúc tiến tổ chức các đơn vị binh chủng. Bộ Tổng Tham mưu và Cục chính trị chuẩn bị gấp các phương án cán bộ.

        Trung đoàn Sông Lô, chủ lực của Liên khu 10, được bổ sung và tăng cường trở thành trung đoàn 209, sẽ là trung đoàn mạnh của Đại đoàn 312. Các trung đoàn Bao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn được tổ chức lại thành trung đoàn 174, sẽ là trung đoàn mạnh của Đại đoàn 316. Các trung đoàn này trực thuộc Bộ.

        Liên khu 1 củng cố trung đoàn 62. Liên khu 3 hai trung đoàn 64 và 66. Liên khu 4, các trung đoàn 9, 57 và 103 thuộc Thanh - Nghệ - Tĩnh; các trung đoàn 101, 95 và 18 thuộc Bình - Trị - Thiên. Khu 5 củng cố trung đoàn 210, Nam Bộ kiện toàn các tiểu đoàn 307, 304, 302.

        Các lực lượng binh chủng cũng đã phát triển một bước mới. Đến cuối năm 1949, từ Liên khu 4 trở ra, công binh có một tiểu đoàn và 16 đại đội, pháo binh có 7 tiểu đoàn và 7 đại đội. Các lực lượng thông tin, quân y, quân nhu đều được kiểm tra và kiện toàn.

        Ngày 10 tháng 3 năm 1950, Đại đoàn 304 chính thức thành lập tại Thọ Xuân, Thanh Hóa. Anh Hoàng Minh Thảo được cử giữ chức đại đoàn trưởng, anh Trần Văn Quang giữ chức chính ủy đại đoàn. Đại đoàn gồm có trung đoàn 66 chủ lực của Liên khu 3, trung đoàn 57 và trung đoàn 9 chủ lực của Liên khu 4.

        Đại đoàn 312 với các trung đoàn: 209, chủ lực của Bộ, 165 thuộc mặt trận Tây Bắc và 141 hình thành từ sau chiến dịch Biên Giới, chính thức thành lập ngày 25 tháng 12 năm 1950. Anh Lê Trọng Tấn là đại đoàn trưởng, anh Trần Độ là chính ủy đại đoàn.

        Đại đoàn 320 dự kiến thành lập sớm với các trung đoàn 48, 64 của Liên khu 3 và trung đoàn 52 Tây Tiến. Nhưng do chiến sự lan rộng ở đồng bằng Bắc Bộ nên đến 16 tháng 4 năm 1951 mới chính thức thành lập. Anh Văn Tiến Dũng là đại đoàn trưởng kiêm chính ủy.

        Đại đoàn 325 lấy ngày chiến thắng trận Thanh Hương 11 tháng 3 năm 1951 làm ngày truyền thống của đại đoàn, nhưng phải tới đầu năm 1953 đại đoàn mới có điều kiện tập trung ra vùng tự do Liên khu 4 để xây dựng và huấn luyện. Anh Trần Quý Hai làm đại đoàn trưởng kiêm chính ủy.

        Đại đoàn 316 thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1951, nòng cốt là trung đoàn 174, cùng với trung đoàn 176 thuộc tỉnh Lạng Sơn và trung đoàn 98 thuộc mặt trận Đông Bắc. Anh Lê Quảng Ba là đại đoàn trưởng, anh Chu Huy Mận là chính ủy.

        Về binh chủng, Đại đoàn công pháo 351 được thành lập ngày 27 tháng 3 năm 1951, gồm trung đoàn sơn pháo 75, trung đoàn lựu pháo 105 và trung đoàn công binh 151. Anh Đào Văn Trường quyền đại đoàn trưởng, anh Phạm Ngọc Mậu là chính ủy.

        Mùa xuân năm 1950, trên chiến trường Bắc Bộ, lực lượng cơ động của Bộ Tổng tư lệnh với các đại đoàn 308, 304 và hai trung đoàn 209, 174, đó là chưa kể một số trung đoàn mạnh của cá liên khu, đã lớn hơn lực lượng cơ động chiến dịch của địch.

        Cho tới tháng 9 năm 1950, trước chiến dịch giải phóng biên giới thì lực lượng cơ động chiến dịch của ta lại tiếp tục tăng thêm. Trên tổng quân số hơn 20 vạn trong cả nước, bộ đội chủ lực đã chiếm hơn 16 vạn với những đại đoàn và trung đoàn manh, bộ đội địa phương có bốn vạn rưỡi. Dân quân du kích thì ước khoảng hai triệu.

        Chúng ta đã có điều kiện để mở những chiến dịch tiến công, tiến tới giành chủ động trên chiến trường chính.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 03:28:38 pm

Chương mười

TIẾN TỚI GIÀNH CHỦ ĐỘNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG CHÍNH

1

        Từ tháng 7 năm 1949, người Pháp ra sức làm những điều ghi trong kế hoạch Rơve. Tổng chỉ huy Bơlêdô một mặt tập trung đánh chiếm Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc yên, Vĩnh Yên, mặt khác rút quân khỏi thị xã Bắc Kạn và các vị trí: Phủ Thông, Nà Phạc, Ngân Sơn trên đường Bắc Kạn - Cao Bằng.

        Tháng 9, tướng Cácpăngchiê sang thay tướng Bơlêdô làm Tổng chỉ huy Đông Dương. Cácpăngchiê quyết định thực hiện chủ trương của Rơve là “làm tròn đồng bằng Bắc Bộ”. Với những đơn vị mới được tăng viên từ Pháp sang và lực lượng quân ngụy mới phát triển, trong thu đông 1949 và xuân hè 1950, Bộ chỉ huy Pháp mở nhiều cuộc hành quân liên tiếp lần lượt đánh chiếm Bùi Chu, Phát Diệm, nam phần Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, nam Hà Đông, Ninh Bình, Phủ Lý.

        Tháng 10 năm 1949, trước âm mưu địch mở rộng phạm vi chiếm đóng đổng bằng Bắc Bộ, Trung ương Đảng và Bộ Tổng tư lệnh đã kịp thời tăng cường cán bộ lãnh đạo cho Đảng bộ và Bộ chỉ huy Liên khu 3, trong đó có anh Lê Thanh Nghị, anh Văn Tiến Dũng và một số anh khác. Anh Lê Thanh Nghị được cử làm bí thư Liên khu ủy. Anh Văn Tiến Dũng được cử làm chính ủy Liên khu và ủy viên thường vụ Liên khu ủy.

        Trước những hoạt động liên tục, ráo riết của địch, Bộ tư lệnh Liên khu 3 chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng rãi để tiêu hao lực lượng, cản bước tiến của địch, đồng thời dùng các đơn vị chủ lực của Liên khu bám đánh, chống địch càn quét bình định. Các đơn vị của Liên khu 3 đánh được một số trận ở Tiên Hưng, Thái Ninh, Quỳnh Côi thuộc tỉnh Thái Bình và một trận vận động xuất sắc ở Ứng Hòa thuộc tỉnh Hà Đông.

        Đồng bằng Bắc Bộ bị chiếm đóng, nhưng thực dân Pháp không sao bình định được vùng chúng kiểm soát. Nhờ chủ trương chuyển hướng đấu tranh kịp thời, đúng đắn của Liên khu 3, những vùng mới bị đánh chiếm đã khắc phục được một phần tình trạng lúng túng ban đầu, từng bước khôi phục và phát triển phong trào kháng chiến, gây cho địch nhiều tổn thất, buộc chúng phải chống đỡ khắp nơi. Đồng bằng Bắc Bộ sẽ trở nên một chiến trường du kích nổi tiếng với du kích Nguyên Xá anh hùng, với trung đoàn 42 anh hùng mà địch thường gọi là “trung đoàn ma”, và nhiều căn cứ du kích ngay trong lòng địch.

        Quân và dân đồng bằng Bắc Bộ bước vào một thời kì thử thách mới vô cùng gian khổ, một thời kì chiến đấu hết sức quyết liệt, phải chịu nhiều hi sinh to lớn, đồng thời cũng lập nhiều chiến công rất vẻ vang, sản sinh ra những tấm gương anh dũng, kiên cường, bất khuất. Cuộc chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân ở một trình độ cao chưa từng có của quân và dân đồng bằng Bắc Bộ đã làm “thối ruỗng” hệ thống chiếm đóng và bình định của giặc, làm tê liệt các đường giao thông, kìm chân và gây thiệt hại nặng cho các binh đoàn cơ động của địch, có tác dụng phối hợp đắc lực và hỗ trợ mạnh mẽ cho các chiến dịch của bộ đội chủ lực trên các chiến trường. Cuộc đấu tranh toàn diện tàn khốc ở đồng bằng Bắc Bộ, lúc âm thầm bền bỉ, lúc sôi nổi quyết liệt, kéo dài suốt cho đến khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng.

        Để kịp thời đối phó với âm mưu mới của địch, tháng 9, Bộ Tổng tư lệnh ra mệnh lệnh chuẩn bị chiến dịch Lê Lợi ở Hòa Bình. Bộ chỉ huy chiến dịch được chỉ định: anh Hoàng Sâm là chỉ huy trưởng, anh Lê Quang Hòa là chính ủy, anh Lê Trọng Tấn và một đồng chí đại diện Bộ tư lệnh Liên khu 4 làm chỉ huy phó.

        Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá thế uy hiếp của địch ở sau lưng Liên khu 3, mởi rộng đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu 3.

        Phối hợp với chiến dịch Lê Lợi, Bộ tư lệnh Liên khu 10 mở liên tiếp chiến dịch Sông Mã và chiến dịch Yên Bình Xã - Nghĩa Đô.

        Sau một thời gian chuẩn bị, cuối tháng 11, chiến dịch Lê Lợi bắt đầu. Lúc này, anh Văn Tiến Dũng làm chính ủy trong Bộ chỉ huy chiến dịch, thay anh Lê Quang Hòa.

        Chiến dịch mở màn bằng trận nội ứng diệt gọn ví trí Gốt ở nam đường số 6. Trung đoàn 66 tiến công vị trí Đồng Bến, đánh nhanh diệt gọn một đại đội địch trong công sự. Tiếp theo, ta phục kích diệt một đại đội địch ở làng Lum (giữa Suối Rút và Mỏ Hẻm), đột kích vào Phố Đúng ở thị xã Hòa Bình, phục kích ở Bến Bưởi bắn chìm hai phà và ba thuyền chở quân của địch. Sau đó, ta tiêu diệt các vị trí Suốt Rút, Mỏ Hẻm, Tử Mễ. Địch phải dùng hơn 30 xe chở gần 1.000 quân từ Hà Đông lên chi viện cho Hòa Bình; trung đoàn 48 cùng bộ đội Hà Nội tiến công thiêu hủy cả đoàn xe.

        Đầu tháng 12, bằng cách vây điểm diệt viện, trung đoàn 209 tiêu diệt hai đại đội ứng chiến tinh nhuệ trong trận phục kích trên đường số 6, giữa Chợ Bờ và Mỏ Hẻm.


        Sau chiến dịch, tôi nghe anh Lê Trọng Tấn, trung đoàn trưởng 209, báo cáo cụ thể. Để cứu nguy các vị trí đang bị uy hiếp, địch buộc phải dùng máy bay đánh phá, thả dù tiếp tế, đưa lực lượng mới lên đóng lại vị trí Mỏ Hẻm. Ta phán đoán quân địch ở vị trí này là lực lượng cơ động, chúng không thể chiếm đóng lâu và nhất định sẽ có đơn vị khác lên thay thế. Trung đoàn 209 tập trung lực lượng bố trí phục kích trên đường số 6, chỉ để lại một bộ phận vây hãm, buộc địch phải rút để ta tiêu diệt. Đúng như ta phán đoán, ngày 6 tháng 12, địch rút bỏ Mỏ Hẻm. Khi địch đến gần Chợ Bờ, bộ phận chặn đầu của ta nổ súng bắn chết ngay một trung úy, một thiếu úy và tiểu đội tiền vệ. Quân ta xung phong đánh vào giữa đội hình địch, tiêu diệt một số lớn. Bộ phận còn lại của địch chạy về Mỏ Hẻm định đóng bè qua sông quân ta truy kích tiêu diệt và bắt sống toàn bộ. Nghe anh Tấn báo cáo xong, tôi nói đây là một trận đánh hay, cần phổ biến kinh nghiệm kịp thời cho các đơn vị nghiên cứu.

        Cuối tháng 12, trung đoàn 66 dùng lối đánh cường tập, tiêu diệt vị trí Đầm Huống. Lính ngụy ở đồn Toàn Thắng và đồn Cổ Lũng nổi dậy giết chết đồn trưởng rồi đầu hàng quân ta.

        Cuối tháng 1 năm 1950, trung đoàn 48 dùng địch vận tiêu diệt vị trí Mát, thu toàn bộ vũ khí.

        Chiến dịch Lê Lợi kết thúc cuối tháng 1 năm 1950. Ta tiêu diệt được một bộ phận sinh lực địch, diệt 10 vị trí, bức rút 13 vị trí khác, phát triển chiến tranh du kích ở địa phương, đánh mạnh vào kế hoạch lập xứ Mường tự trị và tinh thần lính ngụy người Mường. Ta đã phá được một phần thế uy hiếp của địch đối với tây Liên khu 3, bước đầu mở rộng được đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc với Thanh - Nghệ.

        Trên chiến trường phối hợp, bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp với bộ đội Lào tiêu diệt vị trí Xiềng Khọ, phá vỡ phòng tuyến địch từ mường Xiềng Khọ đến Sốp Hào, mở rộng khu giải phóng Thượng Lào.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 03:32:38 pm
       
2

        Đầu năm 1950, Trung Quốc rồi Liên Xô, Mông Cổ, Triều Tiên, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Hunggari, Rumani, Ba Lan, Bungari, Anbani chính thức công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Thắng lợi của cách mạng Trung Hoa mang lại cho cuộc kháng chiến của ta những thuận lợi to lớn. Vòng vây bên ngoài bị phá vỡ ở phía Bắc. Bên kia biên giới là lục địa Trung Hoa, nối liền một dải với Liên Xô và các nước anh em.

        Ban Thường vụ Trung ương triệu tập Hội nghị toàn quốc lần thứ ba, họp từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2 năm 1950. Hội nghị lần này tổ chức khá đàng hoàng. Mỗi đại biểu đều có số ghế ngồi ở hội trường, số phòng ở và số giường ngủ. Theo sự phân công của Thường vụ, anh Trường Chinh đọc báo cáo chính trị, tội đọc báo cáo quân sự, anh Phạm Văn Đồng đọc báo cáo công tác chính quyền. Hội nghị nhận định trong hai năm cầm cự và chuẩn bị tổng phản công, thế cầm cự về mọi mặt của ta và địch diễn ra ra rõ rệt và ngày càng có lợi cho ta. Hai năm cầm cự đã chỉ cho ta thấy rõ những khả năng cũng như những khó khăn của ta và của địch.

        Hiện nay thế của ta mạnh hơn địch, lực của ta còn kém địch về vật chất nhưng hơn địch về tinh thần. Thế mạnh có thể chuyển thành lực mạnh. Ta phải tích cực phát huy khả năng của ta, triệt để lợi dụng nhược điểm của địch, làm cho thế và lực của ta lớn mạnh hơn, để trong năm 1950 có thể chuyển sang tổng phản công.

        Muốn chuyển sang tổng phản công, ta cần chiếm ưu thế quân sự trên chiến trường chính, trong khi ở các chiến trường khác, ta đủ sức kiềm chế địch. Ưu thế quân sự đó phải được giữ vững và phát triển để tiếp tục phản công cho đến toàn thắng.

        Tổng phản công là phản công trong cả một giai đoạn chiến lược theo một kế hoạch chung cho chiến trường Đông Dương, là phản công từng đợt cho đến khi địch hoàn toàn thất bại, ta hoàn toàn thắng lợi.

        Năm 1950, ta cần gấp rút hoàn thành việc chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công.

        Ngày 12 tháng 2, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh quyết định tổng động viên. Tất cả nhân lực, vật lực, tài lực của toàn thể nhân dân đều đặt dưới chế độ pháp luật đặc biệt thời kì chiến tranh. Vì lợi ích của quốc gia và nhu cầu kháng chiến, Nhà nước có quyền huy động và sử dụng mọi lực lượng của dân tộc, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

        Một nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phải phá vỡ thế bao vây của quân Pháp ở biên giới phía Bắc, giải tỏa thế uy hiếp ở hai sườn căn cứ địa Việt Bắc.

        Chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô và các nước anh em, nhưng con đường từ nước ta ra quốc tế chưa được khai thông. Pháp còn chiếm các thị xã Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái, không chế tất cả những đường vận chuyển cơ giới sang Trung Quốc. Trong thực tế, với những đồn binh đóng rải rác, quân Pháp chưa bao giờ bịt kín được biên giới phía bắc. Song những đường mòn xuyên rừng dùng cho người đi bộ và đi ngựa, không cho phép tiếp nhận tiếp tế dễ dàng và nhanh chóng sự giúp đỡ vật chất của quốc tế nay mai.

        Đầu tháng 1, Ban Thường vụ Trung ương ra chỉ thị mở chiến dịch Tây Bắc và chuẩn bị chiến trường Đông Bắc. Lúc này ở Bắc Bộ, Tây Bắc là nơi yếu nhất và sơ hở nhất của địch. Đông Bắc là chiến trường quan trọng đối với ta cũng như đối với địch suốt từ nay cho đến khi chuyển sang tổng phản công.

        Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở một chiến dịch tiến công ở Tây Bắc, đồng thời đẩy mạnh những trận vận động phục kích trên đường số 4. Đông Bắc là nơi địch có phòng tuyến rắn chắc nhất, khống chế những con đường sắt, đường bộ nối liền Việt Nam với Trung Quốc. Chúng ta cần phá với phòng tuyến này mới giải quyết được về cơ bản sự giao lưu quốc tế. Nhưng cần có sự chuẩn bị chu đáo. Trong xuân hè này, ta tích cực chuẩn bị chiến trường ở Đông Bắc, nhưng tạm thời chưa đụng tới hệ thống đồn bốt của địch.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 03:41:13 pm

3

        Thi hành chỉ thị của Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh mở chiến dịch Tây Bắc mang mật danh là chiến dịch Lê Hồng Phong 1.

        Mục đích của chiến dịch là tiêu diệt sinh lực địch, tiêu diệt một số vị trí, tối thiểu là làm tan rã các đơn vị linh ngụy, tối đa là giải phóng Lào Cai, mở thông đường liên lạc quốc tế.

        Hướng chính của chiến dịch là mặt Lào Cai, hướng phụ là mặt Điện Biên Phủ và Sầm Nưa, hướng nghi binh kiềm chế là Sơn La.

        Bộ chỉ huy chiến dịch gồm có anh Bằng Giang là chỉ huy trưởng, anh Song Hào là chính ủy, anh Cao Văn Khánh là chỉ huy phó.

        Trong khi ta đang chuẩn bị chiến dịch thì ở biên kia biên giới giáp với Lào Cai, Quân giải phóng Trung Quốc đã chiếm Mông Tự, Hồ Kiều và đang tiến tới kiểm soát khu vực đối diện với Phong Thổ, Lai Châu. Quân Pháp ra sức câu kết với tàn quân Quốc dân đảng, củng cố phòng thủ dọc biên giới.

        Ở hướng chính, ta tiến công Phố Lu, một thị trấn có hai đại đội, được tổ chức phòng ngự vững chắc. Trận đánh có nhiều tình huống gay go, quyết liệt. Sau ba đợt chiến đấu kéo dài bốn ngày đêm ta hoàn toàn làm chủ Phố Lu. Địch bị tiêu diệt, nhưng ta bị thương vong nhiều, có đại đội bị thiệt hại tới hai phần ba.

        Sau chiến dịch, tôi nghe anh Vũ Yên, trung đoàn trưởng trung đoàn Thủ đô báo cáo cụ thể trận Phố Lu. Vị trí này là sở chỉ huy phân khu do 1 đại đội lính Pháp, 1 đại đội lính khố đỏ và 80 lính ngụy địa phương đóng giữ. Đây là vị trí quan trọng còn lại trên tuyến phòng thủ Sông Thao sau chiến dịch mùa hè năm trước, án ngữ con đường tiến lên thị xã Lào Cai.

        Phố Lu là một thị trấn chưa phá hoại, với những đường phố, những ngôi nhà gạch một tầng, hai tầng còn nguyên vẹn. Địch đã đuổi tất cả dân chúng ra ngoài để xây dựng một đồn binh kiên cố. Quanh thị trấn có tường thành khá dày từ một đến hai mét. Bốn góc có lô cốt vững chãi. Bao quanh phía ngoài là hàng rào dây thép gai và bãi mìn. Cạnh căn cứ là một sân bay dã chiến. Viên chỉ huy phân khu coi Phố Lu và một vị trí bất khả xâm phạm.

        Hai đợt tiến công đều không thành, xung kích bị chặn trước hàng rào dây thép gai. Đợt thứ ba, ta rút kinh nghiệm, tập trung cả một tiểu đoàn pháo về một hướng, bắn vỡ một góc tường, mở được cửa đột phá cho bộ đội xung phong. Chiến sĩ mang badôca đi cùng chiến sĩ xung kích, tiêu diệt từng hỏa điểm. Các chiến sĩ pháo binh cũng đẩy pháo vào trong vị trí, ngắm bắn trực tiếp vào những ổ đề kháng. Viên chỉ huy đồn Phố Lu tử trận, để lại cuốn nhật kí có ghi dòng chữ: “Chao ôi! Kẻ thù của chúng ta có tinh thần của những người chiến thắng”.

        Ở hướng thứ yếu, tình hình diễn biến phức tạp. Ta tiến công Nghĩa Đô ba lần đều không thành công. Địch đưa lực lượng từ Hà Nội lên ứng cứu cho Nghĩa Đô, nhưng ta vẫn bao vây uy hiếp mạnh, nên địch phải rút bỏ Nghĩa Đô. Sau đó, ta tiêu diệt vị trí Bản Lầu và tiến công một số vị trí khác.

        Địch phải dùng quân nhảy dù tăng cường cho Lào Cai, chiếm lại Phố Lu và Nghĩa Đô. Nhận thấy địch đã tăng cường phòng thủ, sức chiến đấu của bộ đội ta giảm sút, tiếp tế lương thực khó khăn, Bộ Tổng tư lệnh quyết định tạm ngừng chiến dịch.

        Địch bị thiệt hại nặng và buộc phải phân tán quân nhảy dù là lực lượng cơ động chiến lược lên đối phó với cuộc tiến công của ta ở vùng rừng núi Tây Bắc, nhưng ta cũng bị tổn thất và chưa đạt được mục đích chiến dịch. Cục diện chiến trường về căn bản chưa có gì thay đổi.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 03:42:17 pm

        Sau khi các đơn vị kiểm điểm, nhân danh Tổng tư lệnh kiêm Tổng chính ủy, tôi gửi thư cho Bộ chỉ huy chiến dịch, nhận xét ưu điểm, khuyết điểm của trận Phố Lu và trận Nghĩa Đô. Thư có đoạn:

        “Kiểm điểm cho đúng là một việc làm cần thiết để tiến bộ, để tránh sai lầm về sau.

        Trước đây, tôi đã phê bình nghiêm ngặt trận Cầu Rằm. Năm 1948, tôi đã chỉ thị phê phán nghiêm ngặt trận Phủ thông, không được gọi là đánh tiêu diệt. Năm 1949, tôi đã phê bình trận Sông Lô…

        Trận Phố Lu thì khác, là một trận tiêu diệt thị trấn quan trọng của địch, thu được vũ khí, đạn dược, có những tấm gương anh dũng vô song của chiến sĩ và cán bộ. Nhưng cách dùng binh đã đi đến kết quả lực lượng ta bị tiêu hao nặng, nên cần phê bình, nêu khuyết điểm bên cạnh ưu điểm. Trận Nghĩa Đô thì phải nêu là một thất bại. Công tác chính trị không phải chỉ nêu thắng lợi và ưu điểm mới động viên được, mà lại cần nêu thất bại, khuyết điểm để học tập, sửa chữa…

        Chúc các đồng chí thắng lợi và luôn luôn nhớ tự kiểm điểm nghiêm ngặt, nhất là trong lúc thắng lợi”.


        Trong năm 1949 và mùa xuân năm 1950, những chiến dịch nhỏ liên tiếp diễn ra trên chiến trường cả nước.

        Bộ chỉ huy Liên khu 4 do anh Nguyễn Sơn là tư lệnh, anh Trần Văn Quang làm chính ủy, chủ trương “đánh mạnh ở Bình Trị Thiên”. Tháng 1 năm 1949, trung đoàn 101 do anh Trần Sâm là trung đoàn trưởng, anh Trần Quý Hai làm chính ủy, đã phục kích một đoàn tàu quân sự tại Hói Mít trên đường sắt Đà Nẵng - Huế, phá đoàn tàu chở 80 tấn vũ khí, đạn dược, tiêu diệt đại đội bảo vệ.

        Tháng 8, bộ đội ta vừa tổ chức chống càn, vừa đánh vận động, tiêu diệt một đại đội lính lê dương ở Mỹ Chánh, Mỹ Xuyên. Đây là thắng lợi giòn giã của bộ đội Bình - Trị - Thiên ở địa hình đồng bằng.

        Đầu năm 1950, mặt trận Bình - Trị - Thiên được thành lập do anh Hà Văn Lâu làm chỉ huy trưởng, anh Trần Quý Hai làm chính ủy, anh Trần Sâm là chỉ huy phó. Mặt trận mở chiến dịch Lê Lai ở nam Quảng Bình phối hợp với chiến dịch Lê Lợi ở Hòa Bình. Ta tiêu diệt một đại đội lính Âu Phi ở Vạn Xuân, Thạch Xá Hạ, tiêu diệt và bức rút nhiều vị trí, giải phóng nhiều vùng ở bắc và nam Quảng Bình.

        Tháng 6, mặt trận mở chiến dịch Phan Đình Phùng. Ta dùng cách đánh linh hoạt, lúc tập trung, lúc phân tán, phát động chiến tranh du kích, giải phóng một số làng ở đồng bằng, mở rộng căn cứ du kích nam Quảng Bình. Trung đoàn 95 và trung đoàn 101 phục kích đoàn xe hơn một trăm chiếc từ Đồng Hới chạy đến khu vực Chấp Lễ - Hạ Cờ, diệt hơn 300 tên, phá 40 xe quân sự.

        Bộ chỉ huy Liên khu 5 do anh Nguyễn Chánh làm chính ủy, anh Nguyễn Thế Lâm làm quyền tư lệnh. Cuối năm 1948, một đơn vị của liên trung đoàn 80 - 83 do anh Lư Giang làm trung đoàn trưởng, anh Nguyễn Đường Lâm là chính ủy, tiêu diệt đồn Phước Thuận ở bắc thị trấn Ninh Hòa. Sau đó, ta tiêu diệt các cứ điểm Trại Cá, Đại Điển Trung, Phú Khê, Phú Cốc, đánh chìm chiến hạm Amiran Vécnông ở vùng biển Hòn Khói, tiêu diệt một đại đội lính Âu Phi trên đường số 1 ở bắc thị trấn Vạn Giã.

        Đầu năm 1949, trung đoàn 108 do anh Nguyễn Bá Phát là trung đoàn trưởng, anh Nguyễn Quyết là chính ủy, đánh phục kích trên đường sắt và đường bộ từ Quảng Nam ra Huế, đánh hỏng nhiều đoàn tàu hỏa, phá nhiều xe vận tải và xe bọc sắt.

        Ở Tây Nguyên, trung đoàn 120 do anh Trương Cao Dũng làm trung đoàn trưởng, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương, đánh thắng nhiều trận trên đường số 14 và đường số 7, mở vùng căn cứ du kích lớn trong khu tam giác Cheo Reo - Buôn Hồ - Mađrắc và dọc nam bắc đường 19 từ phía tây đèo Măng Giang tới sát thị xã Plây Cu.

        Đầu năm 1950, ở hướng Quảng Nam, trung đoàn 210 do anh Đàm Quang Trung làm trung đoàn trưởng, anh Nguyễn Đôn làm chính ủy, tiêu diệt một đoàn xe và một đại đội lính lê dương ở Thanh Quýt, diệt hai vị trí Cẩm lệ và Hòn Báng. Bộ đội ta phục kích đánh đổ ba đoàn tàu quân sự trên đèo Hải Vân, giải phóng phần lớn huyện Duy Xuyên và tây huyện Đại Lộc, mở rộng căn cứ du kích ở Điện Bàn, Phú Vang.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 03:43:01 pm

        Ở Nam Bộ, sau khi Xứ ủy phê phán “chủ nghĩa du kích”, mỗi khu xây dựng được một trung đoàn chủ lực. Bộ tư lệnh Nam Bộ mở chiến dịch Mùa Xuân, đẩy mạnh hoạt động ở Trà Vinh, Mỹ Tho, Sóc Trăng, đánh phá các đường giao thông thủy bộ, tiêu diệt nhiều vị trí nhỏ, đột nhập thị trấn, bức rút nhiều đồn bốt. Khu 7 mở chiến dịch Dầu Tiếng. Khu 8 mở chiến dịch Cầu Ngang. Khu 9 tiêu diệt và bức rút nhiều đồn. Sự vận chuyển của địch trên đường Sài Gòn, Lộc Ninh gần như bị tê liệt. Sự vận chuyển đường sông đi Vũng Tàu cũng bị tắc sau khi ta đánh chìm một tàu vận tải trên sông Lòng Tàu, cách Sài Gòn 20 kilômét.

        Phong trào đấu tranh chính trị ở Nam Bộ, đặc biệt ở Sài Gòn rất sôi nổi. Trước “giai pháp Bảo Đại” của thực dân Pháp theo lệnh của đế quốc Mỹ, nhiều cuộc bãi công, bãi thị, bãi khóa của các tầng lớp nhân dân thành phố đã liên tiếp nổ ra. Cuộc tổng bãi công lớn của 8 xí nghiệp lớn do Liên hiệp Công đoàn Sài Gòn tổ chức và một cuộc tổng bãi khóa của học sinh, sinh viên nhiều trường vào những ngày cuối tháng 11 năm 1949 đã châm ngòi cho hàng loạt cuộc đấu tranh tiếp theo.

        Cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên Sài Gòn ngày 9 tháng 1 năm 1949 đòi thả những người bị bắt đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Địch cho binh lính và cảnh sát đàn áp dã man, bắn chết học sinh Trần Văn Ơn, làm bị thương hàng chục người. Đám tang học sinh Trần Văn Ơn ngày 12 tháng 1, với khẩu hiệu:

“Chết vì Tổ quốc, chết cũng như sống;
Sống kiếp Việt gian, sống nhục muôn đời”

        đã biến thành cuộc biểu dương lực lượng, thể hiện tinh thần đoàn kết đấu tranh của nhân dân và có tiếng vang lớn.

        Nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo, nhà tu hành, tiểu thương đã xuống đường. Công nhân của nhiều xưởng, nhiều hãng, viên chức của nhiều công sở đều tham gia. Hai đoàn đại biểu học sinh, sinh viên miền Bắc và miền Trung đã đi máy bay vào để kịp dự lễ tang. Các cửa hàng, các trường công và tư, một số công xưởng đóng cửa. Chợ búa không họp. Hơn nửa triệu người đã xuống đường đấu tranh. Chưa bao giờ Sài Gòn - Chợ Lớn có một cuộc tổng bãi công, bãi thị, bãi khóa rộng lớn như vậy.

        Ngày 9 tháng 1 đã đi vào lịch sử và chính thức trở thành ngày đấu tranh của học sinh, sinh viên toàn quốc cho độc lập và thống nhất Tổ quốc.

        Sự can thiệp trực tiếp của đế quốc Mỹ vào vấn đề Đông Dương ngày càng lộ rõ. Đại sứ Gơripsphin (Griffins) của Mỹ đến Sài Gòn. Hai chiến hạm của Mỹ cập bến cảng thành phố, một tàu sân bay chở 70 máy bay lởn vởn ngoài khơi Vũng Tàu để uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân ta.

        Để kịp tỏ rõ ý chí của nhân dân ta chống Mỹ can thiệp, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn chủ trương tiến hành một cuộc đấu tranh lớn. Biệt động Sài Gòn ném lựu đạn vào khách sạn Côngtinăngtan, nơi đại sứ Mỹ ở. Tối 18 tháng 3, giữa lúc Mỹ, Pháp mở tiệc trên tàu, các chiến sĩ của tiểu đoàn Quyết tử 950 đã bắn súng cối vào khu vực có chiến hạm Mỹ.

        Ngày 19 tháng 3, hơn 30 vạn đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn đã xuống đường biểu tình; luật sư Nguyễn Hữu Thọ cùng một số nhân sĩ, trí thức yêu nước của thành phố dẫn đầu. Cờ đỏ sao vàng được quần chúng giương cao dọc theo các phố xá. Cờ Mỹ, cờ Pháp, cờ bù nhìn, ảnh Bảo Đại bị xé nát. Các khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ!”, “Đế quốc Mỹ cút đi!”, “Đả đảo bù nhìn Bảo Đại”, “Hồ Chủ tịch muôn năm” được quần chúng hô vang. Các đoàn biểu tình làm chủ trung tâm thành phố từ sáng đến trưa. Ngay đêm ấy, hai chiến hạm Mỹ không kèn, không trống rút khỏi bến cảng Sài Gòn.

        Đây là cuộc đụng độ đầu tiên của nhân dân ta và đế quốc Mỹ. Với cuộc biểu tình này, đồng bào thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn mang danh hiệu vinh quang thành phố Hồ Chí Minh - đã đi tiên phong trong phong trào chống Mỹ ở nước ta. Chính từ sự kiện lịch sử này, ngày 19 tháng 3 trở thành ngày toàn quốc chống Mỹ của nhân dân ta.

        Ở Hà Nội, hưởng ứng chủ trương của Thành ủy, học sinh mở một đợt đấu tranh trong suốt một tuần lễ. Học sinh toàn thành phố tổ chức để tang các học sinh Sài Gòn đã hi sinh. Tại chùa Quán Sứ, sáng 20 tháng 1, đồng bào và học sinh tổ chức rất trọng thể lễ cầu hồn cho học sinh Trần Văn Ơn và các bạn đã bị địch sát hại. Đêm 18 tháng 1, các dũng sĩ Hà Nội tập kích sân bay Bạch Mai, phá 22 máy bay và đốt cháy 60 vạn lít xăng. Ngày 21 tháng 1, Bảo Đại và đại sứ Mỹ vừa đến Hà Nội, ta phá 15 trong số 42 trạm biến thế điện của toàn thành phố. Trong mấy ngày đầu tháng 3, ta còn phá 16 đầu xe ở sở xe điện Thụy Khuê, phá một kho đạn lớn ở Đồn Thủy.

        Phong trào đấu tranh của nhân dân các thành phố lớn Sài Gòn, Hà Nội là đồn tiến công mạnh mẽ đánh thẳng vào trung tâm sào huyệt lớn của địch. Nó làm cho kẻ thù khiếp sợ, lúng túng, làm cho nhân dân càng tin tưởng vào thắng lợi và quyết tâm dẩy mạnh kháng chiến.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 03:46:36 pm

4

        Trên đường số 4, từ cuối tháng 7 năm 1949, địch rút bỏ nhiều vị trí xung quanh thị xã Cao Bằng, ra sức củng cố các cứ điểm và tăng cường bảo vệ các đoàn xe vận chuyển tiếp tế. Tuy vận, chúng vẫn không thoát khỏi các trận phục kích của ta.

        Đầu tháng 9, tại Lũng Phầy, trung đoàn 174 và tiểu đoàn 23 thuộc trung đoàn 88 phục kích một đoàn xe hơn 120 chiếc từ Thất Khê lên Cao Bằng, diệt 200 tên, phá hơn 90 xe.

        Giữa tháng 9, tại Lũng Vài - Bố Củng, bộ đội ta đánh một đoàn xe chở 800 quân trên đường từ Thất Khê về Nam Sầm, diệt nhiều địch, phá gần 30 xe.

        Đầu tháng 10, trung đoàn 174 và tiểu đoàn 23 lại phục kích đoàn xe 100 chiếc, phá 42 chiếc, đồng thời tiến công buộc địch rút hai vị trí Bố Củng, Lũng Vài.

        Tổng hợp tình hình chiến sự trên đường số 4, Cục tác chiến báo cáo đoạn đường từ Tiên Yên tới Thất Khê địa hình trống trải không thuận lợi cho những trận phục kích lớn. Những khu vực nguy hiểm đều nằm trên đoạn đường từ Thất Khê lên Cao Bằng. Quân Pháp đã nghiên cứu kĩ lưỡng các trận đánh của bộ đội ta, đề ra những biện pháp đề phòng rất cẩn mật. Mỗi đoàn xe được tổ chức chặt chẽ như một cuộc hành binh.

        Mờ sáng, một tiểu đoàn Âu Phi mở đường từ Thất Khê lên đèo Bông Lau, chia quân chiếm lĩnh các mỏm núi cao. Phía Đông Khê, hai đại đội bộ binh cũng triển khai quanh bản Lũng Phầy, sẵn sàng ứng cứu. Đoàn xe ở Thất Khê chỉ xuất phát khi những bộ phận sục sạo phát tín hiệu: “Đường đã mở”.

        Tuy vậy, những trận phục kích của bộ đội ta vẫn không ngùng nổ ra: Bố Củng - Lũng Vài lần thứ nhất…, Bông Lau - Lũng Phầy lần thứ hai…, Bố Củng- Lũng Vài lần thứ ba… rồi Bông Lau- Lũng Phầy lần thứ tư.

        Sau trận phục kích đầu tháng 10, trung đoàn trưởng 174 Đặng Văn Việt được gọi về Bộ, báo cáo trực tiếp với tôi về từng trận đánh vừa qua trên đường số 4. Khi nghe xong, tôi hỏi tại sao trung đoàn lại có thể phục kích nhiều lần ở cùng một đoạn đường?

        Anh Việt báo cáo: “Sau mỗi lần bị đánh, địch lại thay đổi cách hành quân, nên cách đánh của ta cũng phải thay đổi. Mỗi cuộc vận chuyển của địch thế nào cũng có sơ hở, ta cần nhè trúng sơ hở của địch mà đánh. Nếu địch không có sơ hở thì phải làm cho nó có sơ hở.

        Mấy tháng nay, trung đoàn không còn phục kích tại chỗ theo kiểu cũ, giấu sẵn quân ở ven đường chờ địch tới là xông ra đánh. Đơn vị đã vận dụng chiến thuật vận động phục kích, ém quân xa đường, không để địch phát hiện, rồi vận động ra đánh khi thời cơ xuất hiện. Nguyên tăc bí mật được để lên hàng đầu. Công việc trinh sát, giấu quân, bố trí thông tin, không được để lại dấu vết khiến địch nghi ngờ. Có khi ém quân chờ địch hai, ba ngày. Bộ đội phục kích phải có tính tổ chức và kỉ luật cao”.

        Hạ tuần tháng 5 năm 1950, tôi bỗng nhận được điện báo của trung đoàn 174 vừa tiêu diệt gọn cứ điểm Đông Khê. Tin này hoàn toàn bất ngờ. Đông Khê là một cứ điểm trọng yếu của dịch nằm giữa Cao Bằng và Thất Khê, do một tiểu đoàn Âu Phi thiếu một đại đội cùng một đại đội ngụy chiếm đóng. Tổ chức phòng ngự ở đây được bố trí thành một hệ thống liên hoàn trên những mỏm núi cao, có công sự vững chắc. Trung đoàn 174 đánh phục kích giỏi, nhưng chưa hề đánh cứ điểm. Bộ đội ta đã làm thế nào để tiêu diệt được Đông Khê với số thương vong rất thấp?... Mặt khác, Đông Khê nằm trong dự kiến của Bộ trong thu đông tới, khi ta mở đầu chiến dịch lớn. Bộ chủ trương trong xuân hè này, tạm thời chưa đánh những cứ điểm địch trên đường số 4. Điều này tôi chỉ mới trao đổi với anh Hoàng Văn Thái.

        Tôi điện cho anh Phan Phác, tổng tham mưu phó đang có mặt trên đường số 4, cùng với trung đoàn trưởng 174 về Bộ ngay để báo cáo.

        Tôi hỏi riêng anh Phan Phác, vì sao trước khi đánh Đông Khê không xin ý kiến của Bộ. Anh Phác trả lời đã báo cáo về Bộ trước khi đánh mấy ngày, không thấy Bộ có ý kiến gì nên mới đồng ý cho đơn vị đánh. Tôi thấy đây là một vấn đề về mặt nguyên tắc xin chỉ thị cần sớm rút kinh nghiệm.

        Sau đó, tôi nghe anh Việt báo cáo cụ thể trận Đông Khê, một trận đánh tốt, lần đầu tiên ta tiêu diệt một cứ điểm có công sự vững chắc do một tiểu đoàn địch chiếm giữ. Nghe báo cáo xong, tôi biểu dương những tiến bộ của trung đoàn, rồi nói với anh Việt: “Anh chuyển lời tôi hỏi thăm sức khỏe anh Mân và khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn”.

        Trận Đông Khê tiếp tục thu được những kinh nghiệm thành công và không thành công của những trận đánh cứ điểm trước đây, là một trong những trận đánh địch phòng ngự có công sự vững chắc tiêu biểu của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 03:52:47 pm

5

        Đầu năm 1950, Bác ra nước ngoài.

        Từ lâu, Bác đã là một cán bộ của Quốc tế Cộng sản. Trong quá trình hoạt động, Bác luôn gắn bó với phong trào và cơ quan lãnh đạo của nó. Trước ngày Tổng khởi nghĩa, Bác đã sang Trung Hoa định tìm Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, qua đó thông báo những dự kiến của Đảng ta với Quốc tế Cộng sản. Việc không thành vì giữa đường Bác bị chính quyền Tưởng bắt giữ. Cách mạng Việt Nam tiến hành trong một hoàn cảnh rất đặc biệt, đã phải vận dụng những chiến lược, sách lược riêng để tồn tại và đi lên giữa muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài. Có lúc Đảng ta phải tuyên bố tự giải tán. Như lời Bác nói, đây là một biện pháp “đau đớn” mà Đảng ta buộc phải làm. Rồi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Không riêng mối liên hệ với phong trào cộng sản mà mối liên hệ của ta với thế giới bên ngoài hầu như bị gián đoạn. Kháng chiến đang chuyển qua một khúc ngoặt mới. Ta cần thông báo với phong trào về tình hình cách mạng Đông Dương trong những năm qua cùng với những biến chuyển mới, để tranh thủ sự đồng tình và sự giúp đỡ, phối hợp.

        Trước ngày lên đường, Bác bảo tôi làm một bản tường trình về tình hình quân sự. Bác nói: “Chú viết ngắn, cần nêu được những vấn đề lớn, người nghe thông báo sẽ là đồng chí Xtalin”. Tôi viết một tờ trình tám trang. Đọc xong, Bác nói: “Được”.

        Đây là một chuyến đi bí mật. Quân Pháp vẫn đóng dọc biên giới. Bên nước bạn, tàn quân Tưởng còn có mặt ở nhiều nơi tại Hoa Nam. Sẽ có những chặng đường dài phải đi bộ qua rừng núi. Về danh nghĩa, đây là một phái đoàn của Trung ương Đảng ta đi gặp Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dọc đường, khi quan hệ với các địa phương, anh Trần Đăng Ninh sẽ đóng vai trưởng đoàn.

        Bác đã bước sang tuổi sáu mươi. Thời gian qua, Bác lại hay yếu mệt. Anh Ninh bày làm một chiếc cáng để Bác dùng khi đi đường. Cơ quan quân nhu nghiên cứu một loại cáng đặc biệt, khi người khiêng cáng cần nghỉ thì vẫn không phải đặt cáng xuống đất. Anh em hào hứng bàn bạc góp nhiều sáng kiến. Biết chuyện này, Bác hỏi anh Ninh:

        - Nghe nói các chú đang làm cho mình một cái kiệu?

        - Thưa Bác, một chiếc cáng, đề phòng khi Bác mệt phải dùng tới.

        - Tôi mệt thì các chú cũng mệt. Nếu lại phải cáng tôi thì còn mệt biết mấy? Chú chuẩn bị cho tôi một chiếc ba lô. Đồ dùng của ai người nấy mang. Tất cả đều hành quân như bộ đội.

        Ý Bác đã quyết, anh Ninh phải bỏ kế hoạch làm cáng.

        Ngày lên đường, Bác mặc bộ quần áo chàm, đầu đội chiếc mũ rộng vành, trùm chiếc khăn mặt trắng che bộ râu đã có những sợi điểm bạc, sau lưng là một chiếc ba lô như mọi người trong đoàn. Chắc Bác rất vui. Chuyến đi này sẽ mở ra những triển vọng mới của kháng chiến. Mười năm rồi Bác mới lại thăm quê hương Cách mạng tháng Mười, nơi Bác đã có nhiều đồng chí, bạn bè.

        Trong thời gian Bác đi vắng, anh Đồng chủ trì những phiên họp Hội đồng Chính phủ. Sự vắng mặt của Bác khiến một số bộ trưởng băn khoăn. Tết năm đó, cơ quan Trung ương vắng Bác, không khí giảm phần ấm cúng. Giới thông tin phương Tây rất nhanh nhạy, không biết thu thập từ nguồn nào, loan tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sang Trung Quốc và có lẽ đã tới Mátxcơva.

        Thượng tuần tháng Tư, được tin Bác từ nước ngoài trở về, sắp tới cơ quan Bộ Tổng tư lệnh. Chúng tôi ra đón Bác ở cửa rừng. Bác rất nghiêm trong việc giữ bí mật. Đồng chí phó văn phòng Tổng chính ủy được cử đi về phía cây số 31 đường Thái Nguyên - Bắc Kạn, báo tin trước với Bác. Sợ Bác quên mặt anh Cương mới về Bộ công tác, tôi nói chị Hà đi cùng. Gần tới Quán Vuông thì nhìn thấy Bác đang rảo bước. Những người trong đoàn, kẻ trước người sau rải rác, như những khách bộ hành tình cờ cùng chung đường. Bác nhận ra ngay anh Cương. Bác nói nhỏ: “Chú đi một quãng nữa rồi quay trở lại, để cô Hà đi cùng tôi”.

        Trang phục Bác vẫn như ngày ra đi. Người Bác hơi gầy hơn sau ba tháng công du. Bác ở lại cơ quan Bộ một hôm Bác nói chuyện vắn tắt với chúng tôi về tình hình đi làm việc ở Trung Quốc, Liên Xô. Hôm sau, Bác về sớm để nắm tình hình và chuẩn bị họp Thường vụ.

        Trong tháng 4, Ban Thường vụ Trung ương họp nghe Bác thông báo về chuyến đi công tác ở nước ngoài và báo cáo với Bác tình hình trong nước từ sau Hội nghị toàn quốc lần thứ ba.

        Bác đã đến Bắc Kinh, rồi đi luôn sang Mátxcơva. Nhờ chuyến đi này, các lãnh tụ của hai đảng bạn hiểu ta hơn, và đều hứa sẽ chi viện cho kháng chiến Việt Nam.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 06 Tháng Chín, 2016, 03:53:11 pm

        Sang Trung Quốc, lần đầu Bác gặp Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông. Chủ tịch Mao Trạch Đông cảm động khi nghe Bác nói về cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng của nhân dân ta. Đồng chí cho rằng trước đây chưa có điều kiện giúp đỡ cách mạng Việt Nam, hứa sẽ hết sức chi viện cho kháng chiến của ta, và khuyên ta kiên trì kháng chiến lâu dài. Những người cộng sản Trung Quốc đón tiếp ta rất nhiệt tình. Trong khi trao đổi, có đồng chí chỉ huy quân sự nhận xét là quân đội Việt Nam có nhiều tiến bộ, khuyên ta nên tiếp tục xây dựng thêm một số sư đoàn.

        Qua Liên Xô, Bác gặp đồng chí Xtalin. Những thiệt hại của Liên Xô trong chiến tranh chống phát xít vô cùng to lớn. Hai mươi triệu người hi sinh. Nhiều thành phố trở thành đống tro tàn. Nhưng nền kinh tế Liên Xô đã phục hồi với nhịp độ nhanh chóng. Liên Xô đang tiếp tục đối phó với chiến tranh lạnh phương Tây và phải ra sức tăng cường lực lượng quốc phòng. Trước đây, Liên Xô không hiểu rõ nội tình cách mạng Việt Nam. Sau khi nghe Bác trình bày tình hình, Xtalin đã đồng ý với đường lối chiến lược, sách lược của Đảng ta trong những năm qua. Về quân sự, Xtalin khuyên ta nên chú trọng toàn bộ vùng rừng núi phía tây, nắm được vùng này thì sẽ nắm được quyền làm chủ cả nước.

        Buổi tối, khi xung quanh đã yên tĩnh, Bác ngồi trầm ngâm rồi nói với chúng tôi:

        - Liên Xô phê bình ta chậm làm cách mạng thổ địa. Đồng chí Xtalin trỏ vào hai chiếc ghế rồi hỏi mình: “Ghế này là ghế của nông dân, ghế này là ghế của địa chủ, người cách mạng Việt Nam ngồi ghế nào?”. Tới đây, chúng ta phải làm cách mạng ruộng đất. Trung Quốc hứa sẽ giúp ta kinh nghiệm về phát động quân chúng tiến hành cải cách ruộng đất.

        Rồi Bác kể thêm, trong một buổi làm việc, thấy có cuốn họa báo Liên Xô đặt trên bàn, Bác cầm đưa Xtalin, đề nghị kí một chữ kỉ niệm. Xtalin vui vẻ kí rồi chuyển cho các đồng chí Môlotốp, Kazanôvích ngồi bên kí tiếp. Bác mang tờ báo về nhà khách. Nhưng hôm sau, không còn thấy tờ báo.

        Bác không bình luận gì về những chuyện này. Liên Xô đã công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhưng có thể còn đang cân nhắc mức độ công khai hóa mối quan hệ mật thiết với ta.

        Về sự chi viện của bạn, Bác cho biết trước mắt Liên Xô cho ta một trung đoàn pháo cao xạ 37 li, một số xe vận tải Môlôtôva, và thuốc quân y; Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí cho một số đại đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh sẽ vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho ta. Trung Quốc sẽ cử cố vấn quân sự sang giới thiệu những kinh nghiệm chiến đấu của giải phóng quân, và đồng ý cho ta đưa Trường lục quân sang đất Vân Nam để đào tạo và bổ túc cán bộ. Bác nhắc cần sửa đường sá gấp ở phía Bắc để đón nhận sự chi viện của bạn.

        Hôm sau, Thường vụ tiếp tục làm việc. Anh Trường Chinh báo cáo tình hình phổ biến nghị quyết Hội nghị toàn quốc lần thứ ba và tình hình công tác tổng động viên. Tôi báo cáo âm mưu và hành động của địch trong việc thực hiện kế hoạch Rơve, kết quả một số chiến dịch và tình hình chiến sự trên các chiến trường.

        Thường vụ trao đổi nhận thấy việc phổ biến nghị quyết làm rất tích cực. Đại đa số cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân rất phấn khởi, nhưng nói chung còn có một số biểu hiện nhận thức, tư tưởng chưa đúng xung quanh vấn đề chuẩn bị tổng phản công, cần phải tiếp tục giải thích, uốn nắn và lãnh đạo. Sác lệnh tổng động viên được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và hăng hái thực hiện, nhưng cán bộ địa phương phạm một số thiếu sót, đặc biệt là ở vùng tự do Liên khu 4.

        Bác kết luận Thường vụ cần có chỉ thị giải thích rõ thêm vấn đề chuẩn bị tổng phản công, uốn nắn những thiếu sót trong công tác tổng động viên: Bác sẽ có thư phê bình và tự phê bình gửi Liên khu 4, anh Trường Chinh viết bài đăng Tạp chí Cộng sản giải thích rõ quan điểm của Đảng.

        Mấy ngày sau, tại cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, trong không khí phấn khởi chung, sau khi thông báo nhiệt tình giúp đỡ ta của Liên Xô và Trung Quốc, Bác lại khẳng định: “Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sự nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 07 Tháng Chín, 2016, 06:59:26 am

6

        Sau cuộc hop tháng 4, Ban Thường vụ Trung ương ra văn bản nhắc các địa phương và cơ quan tuyên truyền cần phải tiếp tục giải thích thêm về vấn đề chuyển sang tổng phản công, để tránh một sự hiểu lầm trong nhân dân. Muốn chuyển sang tổng phản công, phải chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, càng chuẩn bị đầy đủ chừng nào, thắng lợi của ta càng chắc chắn thêm chừng ấy. Trái lại, chuẩn bị không tích cực thì sẽ chậm chuyển sang tổng phản công; chuẩn bị không chu đáo, tổng phản công sẽ khó khăn.

        Chuẩn bị tổng phản công không phải là việc riêng của Chính phủ, của bộ đội, của cán bộ các đoàn thể chính trị, mà là nhiệm vụ chung của toàn dân. Mỗi người dân đều phải nhận thấy rõ điều này, ra sức làm tròn nghĩa vụ của mình, để góp sức vào hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công.

        Hiện nay, có người tưởng rằng cách mạng Trung Hoa đã thắng lợi, Liên Xô và các nước anh em đã công nhận ta, thì ta có thể nhờ vào sự giúp đỡ của các nước đến cùng đổ máu đánh bại thực dân Pháp. Do đó sinh ra tinh thần ỷ lại mà tự mình thiếu phần cố gắng. Phải giải thích cho mọi người hiểu rằng điều kiện thắng lợi căn bản vẫn là sự cố gắng của bản thân ta, còn sự giúp đỡ của các nước bạn chỉ là điều kiện phụ.

        Bác viết thư gửi đồng bào Liên khu 4. Trong thư, Bác phê bình cán bộ và tự phê bình trước nhân dân về những khuyết điểm để xảy ra trong công tác tổng động viên. Ban Thường vụ Trung ương ra chỉ thị cho các cấp từ Liên khu ỷ đến chi bộ học tập thư của Bác. Noi gương Bác và dựa vào những ý kiến trong thư, cán bộ đảng viên đã tự kiểm điểm, nhận rõ sai lầm khuyết điểm, tích cực sửa chữa và bước đầu có những chuyển biến tốt, nhất là về quan điểm, lề lối, tác phong vận động quần chúng.

        Ít lâu sau, anh Trường Chinh đã viết hai bài đăng trên Tạp chí Cộng sản, tiếp tục giải thích và lãnh đạo tư tưởng về vấn đề tổng phản công: bài “Nhận định đúng để hành động đúng. Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang giai đoạn mới”. Nội dung đại thể như sau: Tổng phản công là một quá trình chiến đấu gay go, quyết liệt; những thắng lợi và thất bại có thể xen kẽ nhau, nhưng thất bại là phần nhỏ, thắng lợi là chủ yếu, thất bại là tạm thời, thắng lợi là quyết định.

        Ta có các nước ủng hộ, giúp đỡ. Nhưng muốn thắng lợi, trước hết tự ta phải cố gắng. Cố gắng của ta là chính, sự giúp đỡ bên ngoài rất quan trọng, nhưng chỉ thêm vào mà thôi. Cho nên ta không thể ỷ lại vào sự giúp đỡ bên ngoài. Nhớ rằng các nước bạn không đem quân tới đánh thay cho ta đâu.

        Trong nửa năm qua, ta cố gắng chưa đủ để giành ưu thế quân sự trên chiến trường chính; còn trên các chiến trường phụ, trừ một vài vùng, ta cũng chưa đủ sức kiềm chế lực lượng địch. Về tư tưởng, bệnh chủ quan của ta vẫn còn nặng; coi nhẹ việc thiết thực chuẩn bị tổng phản công.

        Trung ương ra thông tri cho các cấp và các địa phương nói rõ hai bài báo này được coi là chỉ thị của Trung ương.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 07 Tháng Chín, 2016, 07:02:11 am
       
7

        Tháng 5, sắp tới kỷ niệm ngày sinh của Bác. Năm trước, vào dịp này, Thường vụ đề nghị Bác cho tổ chức lễ sinh nhật, Bác từ chối và làm một bài thơ:

                                        Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà,
                                        Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già.
                                        Chờ cho kháng chiến thành công đã,
                                        Bạn sẽ đến mừng sinh nhật ta.


        Trong những năm kháng chiến, mỗi dịp 19 tháng 5, quân dân cả nước đều lập những chiến công chúc thọ Bác, nhưng ở cơ quan Trung ương chỉ tổ chức một buổi họp mặt đơn giản. Năm nay Bác tròn sáu mươi tuổi. Nhiều quốc gia lại vừa công nhận Việt Nam, những vị nguyên thủ chắc chắn sẽ có điện mừng Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong ngày này. Chúng tôi thấy cần tổ chức lễ mừng sinh nhật Bác trọng thể. Những lời đề nghị trong các cuộc họp Thường vụ Trung ương và Hội đồng Chính phủ đều bị Bác khước từ. Nhưng cuối cùng thấy mọi người vẫn tiếp tục đề đạt nguyện vọng, Bác chấp nhận sẽ có một buổi tiếp đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ được triệu tập vào dịp này.

        Bác tổ chức lễ sinh nhật Bác họp nhiều lần trao đổi về nội dung, muốn sao cho buổi lễ long trọng và mang nhiều ý nghĩa. Nhiều bộ trưởng nhận được đề nghị của Ban tổ chức chuẩn bị tiết mục văn nghệ đóng góp vào chương trình.

        Cuộc họp Hội đồng Chính phủ được Bác ấn định vào 21 tháng 5, hai ngày muộn hơn sinh nhật Bác.

        Buổi sáng, khi chúng tôi tới địa điểm họp, Bác đã có mặt. Bác hẹn sẽ tiếp các đoàn đại biểu vào 4 giờ 30 chiều. Ban tổ chức cũng như các đoàn có thêm thời gian hoàn tất việc chuẩn bị.

        Đúng giờ, các đại biểu đáng, chính, dân, quân, y phục chỉnh tề, đã tề tựu đông đủ, nghiêm trang tại phòng họp. Ngôi nhà bằng tre nứa giữa rừng sâu, bữa nay bừng sáng với những ngọn đèn điện chạy bằng máy nổ. Đồng chí trưởng ban tổ chức cầm trong tay một bản chương trình dài gồm những nghi thức và trình tự những người phát biểu, hát, đọc thơ. Nhưng khi Bác xuất hiện thì cả chương trình bị phá vỡ. Bác vui vẻ thăm hỏi từng đại biểu, yêu cầu những ai Bác mới gặp lần đầu tự giới thiệu, sau đó chuyện trò thân mật với mọi người. Không còn chỗ cho những nghi thức long trọng, kể cả những lời chúc tụng, ca ngời công đức mà các đoàn đã dày công chuẩn bị.

        Bác nói về vận hội mới của cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam, những khó khăn mới mà nhân dân ta phải đương đầu vị sự can thiệp ngày càng sâu của Mỹ và chiến tranh Đông Dương sau khi bị đẩy khỏi lục địa Trung Hoa. Cần hết sức tranh thủ viện trợ quốc tế, nhưng tổng phản công sẽ lâu dài, và chỉ có thể giành thắng lợi với sự nõ lực vượt bậc của bản thân quân và dân ta.

        Nhân lúc Bác ngừng lời, linh mục Phạm Bá Trực trong Ban Thường vụ Quốc hội, đứng lên dọc những lời chúc thọ Bác bằng tiếng latinh.

        Bác tươi cười tiếp lời linh mục:

        - Tôi có mấy câu thơ, cũng chỉ là khoai khoai, sắn sắn, xin đọc ra đây:

                                              Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
                                              So với ông Bành vẫn thiếu niên,
                                              Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe.
                                              Trần mà như thế kém gì tiên.


        Buổi chúc thọ Bác sáu mươi tuổi thân mật, đầm ấm như trong không khí gia đình, đã để lại cho mọi người những ấn tượng sâu sắc. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đang ở độ tuổi thiếu niên, Bác vẫn khỏe, sẽ dìu dắt nhân dân ta đi tới thắng lợi.

        Sáng hôm sau, Bác dành cho các đoàn đại biểu thêm một cuộc gặp và chụp ảnh trước khi ra về. Đoàn đại biểu quân đội được Bác gặp riêng.

        Hai giờ chiều, Hội động Chính phủ họp dưới sự chủ tọa của Bác. Cuộc họp kéo dài tới 2 giờ đêm hôm sau. Trong khi họp, liên tiếp nhận được điện báo những chiến công của bộ đội vừa lập mừng ngày sinh của Bác.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 07 Tháng Chín, 2016, 07:03:35 am

        Để thay kết luận

        Chưa tới lúc đề cập tới những nguyên nhân thắng lợi của cuộc chiến tranh, mà không ai nghĩ đã kéo dài tới 30 năm. Nhưng nhìn lại 5 năm chiến đấu trong vòng vây, nếu kể từ ngày cả nước kháng chiến là gần 4 năm, ta cần tìm hiểu vì sao lực lượng vũ trang non trẻ của ta bắt đầu chiến đấu với gậy tầm vông, mã tấu, mác búp đa… lại đủ sức đối địch với đạo quân viễn chinh hiện đại của Pháp, trong cuộc xâm lược lần thứ hai; vì sao quân và dân ta không những đã trụ vững mà còn ngày càng lớn mạnh; hơn thế nữa, đã làm thất bại mưu đồ của thực dân Pháp tái chiếm nước ta bằng quân sự. Giai đoạn đầy này đặc biệt quan trọng. Vì không có nó sẽ không có những giai đoạn tiếp sau.

        Mùa hè năm 1949, Quân ủy Trung ương đã triệu tập một cuộc Hội nghị cán bộ quân chính cao cấp, có anh Trường Chinh dự, với mục đích đánh giá những thành tựu và sơ kết kinh nghiệm của những năm chiến đấu vừa qua. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta trong giai đoạn này đã được tiến hành trong thời kì lịch sử cận đại, cục diện thế giới đã có nhiều đổi thay sau đại thắng của Hồng quân Liên Xô và các quân đội Đồng minh, mà dân ta thì lại chiến đấu hầu như hoàn toàn không có quan hệ với bên ngoài. Cuộc Hội nghị đã diễn ra trong không khí tự  hào và tin tưởng, tự hào về sức mạnh tự lực tự cường không lường được của dân tộc, về tinh thần độc lập tự chủ và nghị lực sáng tạo của Đảng ta, của nhân dân Việt Nam. Sau cuộc Hội nghị, tôi đã viết cuốn “Chiến tranh giải phóng và Quân đội nhân dân”.

        Những gì khó khăn và phức tạp hơn là phân tích nguyên nhân thành bại của một cuộc chiến tranh, dù chỉ là một giai đoạn chiến tranh. Chiến tranh là một khoa học, đồng thời là một nghệ thuật. Thành bại của nó báo giờ cũng là kết quả tổng hợp sự vận động nhiều quy luật và nhiều yếu tố khác nhau, cơ bản và không cơ bản, tất nhiên và ngẫu nhiên. Những nhân tố quyết định đôi khi lại ẩn náu dưới một cái gì đó của cuộc sống và chiến đấu hằng ngày, quá quen thuộc, nên thường dễ bị lẫn lộn, dễ bị bỏ qua trong vô vàn những sự kiện liên quan tới chiến tranh.

        Nói như trên không có nghĩa chiến tranh là một hiện tượng không thể hiểu được. Chúng ta vẫn có thể nghiên cứu mọi yếu tố cụ thể của một cuộc chiến tranh để tìm ra những quy luật riêng của nó. Người nghiên cứu cần có cách làm việc khách quan, khoa học, bám sát thực tiễn phức tạp và luôn biến đổi trên chiến trường và có tinh thần khám phá, sáng tạo. Khoa học và sáng tạo ở đây là từ thái độ, từ công phu nghiên cứu không dừng lại ở những giáo điều, không bằng lòng với những định lí, những kết luận đã ghi chép trong sách giáo khoa nào đó của các viện hàn lâm quân sự. Cần dám đào sâu suy nghĩ để phát hiện ra những kết luận mới, đúng đắn, những chân lí mới. Đây là một vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với giá trị nghiên cứu, đặc biệt là đối với cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, một cuộc chiến tranh không những mang trong nó những quy luật chung của chiến tranh mà còn có những quy luật độc đáo.

        Tôi đã ôn lại những tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ, những nghị quyết của Đảng, của quân đội về thời kì đầu kháng chiến, những sự việc đã làm, đã chứng kiến hoặc đã biết, và một số kí ức, với hi vọng làm sáng tỏ một số vấn đề được nhiều người quan tâm.

        Thành tựu của 5 năm chiến đấu giữa vòng vây bắt nguồn từ truyền thống hàng nghìn năm đấu tranh bất khuất, từ tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường của nhân dân Việt Nam, mà Nguyễn Ái Quốc là người đại diện tiêu biểu ở đầu thế kỉ này. Người có một tư tưởng quán xuyến trong mọi sự nghiệp cách mạng: nhân dân là sức mạnh chủ yếu, sức mạnh quyết định. Cần phải tổ chức, phải đoàn kết lâu dài mọi người dân Việt Nam trong một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi với nòng cốt là công, nông và lao động trí óc, dưới sự lãnh đạo của một đảng cách mạng chân chính. Như Người đã nói: Muốn lật đổ ách thống trị nô dịch của đế quốc, không chỉ là việc giết vài tên vua quan, cũng không thể là những cuộc khởi nghĩa dấy lên đơn độc, mà phải huy động sức mạnh của cả dân tộc và một cuộc vũ trang khởi nghĩa nổ ra đúng thời cơ. Phải thức tỉnh người dân làm cho họ thấy rõ cái nhục mất nước, con cháu Lạc Hồng không thể tiếp tục sống kiếp đọa đạy. Phải đấu tranh giành lại Tổ quốc, giành lại độc lập tự do. Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Và phải chỉ cho dân biết có thể giành thắng lợi lớn với cách đánh của dân tộc bị áp bức”: Cách đánh du kích, cách đánh du kích Việt Nam.

        Giữa những ngày khó khăn thất bại của khởi nghĩa Nam Kỳ, khởi nghĩa Bắc Sơn, cùng với nghị quyết lịch sử chuẩn bị vũ trang Tổng khởi nghĩa, Việt Nam độc lập đồng minh, mặt trận dân tộc thống nhất của nước Việt Nam đã  ra đời tại núi rừng Pác Bó năm 1941. Những “làng hoàn toàn”, “tổng, huyện hoàn toàn”1 cùng với những đội du kích, đội vũ trang đã hình thành và đứng vững trước khủng bố trắng ở Cao - Bắc - Lạng. Và Khu Giải phóng cùng với đội Quân Giải phóng đã sớm xuất hiện - hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam ngày mai trước Tổng khởi nghĩa. Đây chính là tiền đề cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kì sau này. Nó mang lại niềm tin cho những người cộng sản, khi đó mới có 5.000 đảng viên, có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc tới thắng lợi hoàn toàn.

--------------
        1. Nghĩa là toàn thể mọi người dân trong xã, trong tổng, trong huyện đều tham gia các hội cứu quốc thuộc Việt Nam độc lập đồng minh.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 07 Tháng Chín, 2016, 07:05:05 am

        Với thành công của Cách mạng tháng Tám, 25 triệu đồng bào ta trong cả nước nhất tề vùng lên với một khí thế xung thiên, trong một khoảnh khắc lịch sử đã cùng nhau đoàn kết thành một lực lượng chính trị hùng hậu của cả dân tộc. Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Nhà nước dân chủ nhân dân đã dựa trên nền tảng lực lượng đại đoàn kết dân tộc ấy, động viên và tổ chức đồng bào ta đứng lên chiến đấu để bảo vệ quyền độc lập mới giành được, bảo vệ quyền sống thiêng liêng và quyền mưu cầu hạnh phúc của mình.

        Mặc dù không được chuẩn bị, đồng bào ta ở Nam Bộ bắt đầu chiến đấu với gậy tầm vông, đã đứng vững hơn một năm khi quân viễn chinh Pháp ồ ạt mở cuộc xâm lăng để cùng toàn dân tiếp tục kháng chiến suốt 30 năm liền đến ngày toàn thắng.

        Tiếp đó, trong cuộc tổng giao chiến đầu tiên với quân đội viễn chinh Pháp, khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, quân và dân ta đã kết hợp những hình thức đánh nhỏ với trận địa hào lũy, kìm chặt quân địch tại các thành phố một thời gian, tạo điều kiện cho cả nước chuyển sang trạng thái chiến tranh, lập nên một chiến công hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng của những dân tộc nhược tiểu.

        Chỉ một năm sau ngày cả nước kháng chiến, quân và dân Việt Bắc vận dụng những nguyên tắc chiến tranh toàn dân, đã đánh bại cuộc tiến công lớn đầu tiên, cũng là cuối cùng, của các binh đoàn tinh nhuệ Pháp vào căn cứ địa kháng chiến. Cùng với tiến công đánh bại những cuộc tiến công của những binh đoàn Pháp vào căn cứ Đồng Tháp Mười, chúng ta đã làm phá sản chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch.

        Một năm 1948, triển khai chiến lược chiến tranh toàn dân biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, với những trận phục kích, diệt đồn, quấy rối của dân quân du kích và bộ đội địa phương, hoạt động nhiều mặt của các đội tuyên truyền xung phong và hàng trăm đại đội độc lập, những đợt phá tề trừ gian, những cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào vùng địch hậu, lập lại chính quyền nhân dân, đã nhấn hơn một chục vạn quân Pháp vào thế bị động, sa lầy.

        Sự trưởng thành của lực lượng vũ trang tập trung với những chiến dịch nhỏ, mở ra liên tiếp trên cả nước, đánh vào các đường giao thông, vào những hệ thống đồn bốt nhỏ cô lập ở miền rừng núi đã làm cho chiến lược chiến tranh đồn bốt của địch trở thành khó cứu vãn, đẩy quân Pháp vào thế bị động lâu dài, không tìm ra lối thoát cho chiến tranh tái chiếm thuộc địa.

        Trên cơ sở đoàn kết đấu tranh của toàn dân, chúng ta đã từ lực lượng chính trị giải quyết vấn đề tổ chức và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân, từ hàng triệu dân quân đến đông đảo bộ đội địa phương, và những trung đoàn, những đại đoàn chủ lực. Vấn đề đào tạo cán bộ chính trị, quân sự và kĩ thuật được coi là những nhiệm vụ trung tâm. Công tác chính trị, công tác Đảng được coi trọng; chế độ chính trị viên và chính ủy, chế độ lãnh đạo của Đảng được xác lập, bảo đảm cho bản chất cách mạng và tinh thần quyết chiến của bộ đội ta.

        Với tinh thần quốc tế trong sáng, trong bối cánh cực kì khó khăn gian khổ, hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa, quân và dân ta đã hết lòng giúp đỡ quân và dân hai nước anh em Lào và Campuchia, coi sự nghiệp giải phóng của bạn như sự nghiệp của bản thân.

        Chúng ta đã hết lòng giúp đỡ các đơn vị du kích Điền - Việt đã lúc tạm thời chuyển sang vùng căn cứ Việt Bắc; các đơn vị Quân đội nhân dân ta đã sát cánh với các đơn vị của Quân giải phóng Trung Quốc phối hợp chiến đấu, mở rộng vùng giải phóng ở Ung Châu và Thập Vạn Đại Sơn trước khi đại quân của bạn tiến sát biên giới.

        5 năm chiến đấu trong vòng vây đã nói lên tinh thần quật khởi, sức sống mới của cả dân tộc được hồi sinh sau bao thế kỉ bị nô dịch. Chúng ta đã tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lập được chiến công và thành tích to lớn về mọi mặt.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 07 Tháng Chín, 2016, 07:05:48 am

        Tổ quốc ta mãi mãi ghi công biết bao anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống trên chiến trường, biết ơn biết bao bà mẹ anh hùng đã có những hi sinh vô giá. Tổ quốc ta mãi mãi tự hào về tinh thần xả thân vì nước và dũng khí sáng tạo của đồng bào và chiến sĩ ta trong cả nước, trong những năm tháng vừa khó khăn thiếu thốn, vừa thiếu kinh nghiệm chiến đấu lúc bấy giờ.

        Ở đây, tôi chỉ muốn nêu lên một thành tựu sáng tạo quan trọng vào bậc nhất là nhân dân và lực lượng vũ trang  nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta đã từng bước xây dựng nên những nhân tố cơ bản của một nghệ thuật chiến tranh giữ nước và giải phóng của dân tộc nhược tiểu, đất không rộng, người chưa nhiều, có thể gọi là nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh: nghệ thuật chiến tranh nhân dân.

        Tính chất toàn dân và toàn diện của cuộc chiến tranh là một sự phát triển sáng tạo lớn, chỉ có thể có được dưới sự lãnh đạo của một đảng tiên phong. Tính chất ấy được thể hiện rõ nét, cụ thể hóa thành phương châm hành động với lời lẽ giản dị mà vẫn hào hùng, đi ngay vào lòng của mỗi người dân, trong Lời hịch kêu gội toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19 tháng 12 năm 1946.

        “… Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên. Bất kì đàn ông đàn bà, bất kì người già người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân cứu nước”.

        Hai năm về trước, Người đã nói đến cuộc kháng chiến toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, trong bản Chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22 tháng 12 năm 1944.

        Chính với nghệ thuật chiến tranh toàn dân ấy, ngay những năm đầu của cuộc kháng chiến, ta đã làm thất bại những biện pháp chiến lược chủ yếu của địch, đẩy quân đội xâm lược hiện đại của thực dân Pháp và thế bị động, làm thất bại mưu đồ tái chiếm Việt Nam bằng vũ lực của chúng.

        Chúng ta có thể tự hào với sức sống tự lực lớn lao biết dường nào của dân tộc ta, nhân dân ta, qua những kì tích giành được trong 5 năm chiến đấu trong vòng vây


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 07 Tháng Chín, 2016, 07:06:31 am

*

*        *

        Khó có những nhận định đúng đắn về một cuộc chiến tranh nếu chỉ nhìn từ một phía.

        Trách nhiệm và quyền lợi của những quốc gia tham chiến, những người chỉ huy, yêu cầu khắc nghiệt giành chiến thắng buộc đôi bên tham gia phải che giấu sự không chỉ trong mà cả sau khi những hành động cừu nghịch đã chấm dứt. May thay thời gian bốn mươi năm đã giúp chúng ta khắc phục được một phần nhược điểm này. Thời kì chinh phục thuộc địa của Pháp đã đi vào quá khứ. Hồ sơ chiến tranh Đông Dương dần dần được mở ra. Công trình nghiên cứu của một số nhà sử học mấy năm gần đã đây cho chúng ta thấy được nội tình của đối phương trong cả cuộc chiến tranh để kiểm nghiệm lại đường lối, chủ trương của mình.

        Trong chiến tranh Đông Dương, những chính phủ Pháp kế tiếp thường bị phê phán là không có một đường lối rõ rệt với cuộc chiến tranh này. Ngày nay, có thể thấy rõ những người cầm đầu chính phủ Pháp suốt những năm đó từ Sáclơ Đờ Gôn (Charles De Gaulle) tới Rơnê Maye (René Mayer) đều thống nhất một chủ trương rõ rệt: quyết tâm giành lại những thuộc địa đã mất, duy trì bằng mọi giá ba nước Đông Dương dưới quyền thống trị của Pháp, với hình thức một Liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Do đó, họ không thể có bất cứ sự nhân nhượng nào đối với chính phủ Hồ Chí Minh, một chính phủ kiên quyết đòi độc lập, tự do, nhưng không hề bỏ qua một cơ hội nào để giải quyết vấn đề bằng thương lượng hòa bình. Những người cộng sản  và xã hội cánh tả kiên trì đấu tranh đòi tôn trọng Hiệp định mồng 6 tháng 3 và điều đình với Chính phủ ta bao giờ cũng là thiểu số trong cơ quan hành pháp và lập pháp. Còn đối vối phong trào rộng lớn của nhân dân tiến bộ Pháp chống lại cuộc chiến tranh bẩn thỉu thì đường đương nhiên tập đoàn thực dân chủ chiến không hề đếm xỉa đến mà có khi còn thẳng tay đàn áp. Những cao ủy, tổng chỉ huy quân đội viễn chinh chỉ là người thừa hành một nhiệm vụ cụ thể được trao; nếu không phải là Vanluy và Pinhông đã trực tiếp châm ngòi làm bùng nổ chiến tranh ra cả nước thì sẽ có những người khác. Như Alanh Ruýtxtíc (Alain Rucic) đã nhận xét: Độc lập cho Đông Dương là điều “không thể có trong tưởng tượng của Pari”. Nước Việt Nam chỉ còn cách duy nhất là cầm vũ khí chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do, Đây là sự lựa chọn của lịch sử.

        Tự cho là một cường quốc công nghiệp với một quân đội hiện đại, đế quốc Pháp nhận đình rằng: dù suy yếu sau thế chiến thứ hai, họ vững tin có thể nhanh chóng tái chiếm Việt Nam bằng vũ lực, nhanh chóng đè bẹp chính quyền Việt Nam non trẻ cả về mặt quân sự, ngoại giao, tài chính. Họ cho rằng, chủ trương kháng chiến của Việt Nam chỉ là ảo tưởng. Chính sự đánh giá hoàn toàn sai lầm đó đã đưa họ từ thất bại này đến thất bại khác, mãi cả về sau. Đối với họ, vũ khí hoàn toàn có thể thắng con người, nhất là trong điều kiện đối đầu với họ chỉ là những đội du kích kém cỏi về mọi mặt; họ không hề mảy may có nhận thức rằng đương đầu với họ là cả một dân tộc. Đánh giá thấp sức mạnh của các dân tộc đứng lên chiến đấu vì độc lập, tự do, đã trở thành một thuộc tính đối với chủ nghĩa đế quốc, kể cả đế quốc Mỹ sau này.

        Vanluy là người đầu tiên đệ trình Chính phủ Pháp, từ trung tuần tháng 2 năm 1947, một quyết sách quân sự coi như có tính quyết định nhằm kết thúc chiến tranh Đông Dương bằng một cuộc tiến công lớn, đòn tiến công chớp nhoáng đánh vào căn cứ địa Việt Bắc với ba mục tiêu: tiêu diệt cơ quan đầu não, đập tan lực lượng vũ trang kháng chiến, phá hủy tiềm năng chiến tranh. Sau thất bại của cuộc tiến công Việt Bắc, quân Pháp vẫn chưa nhận ra là đã vấp phải một hình thức chiến tranh mới. Tại cơ quan tham mưu Pháp ở Hà Nội, người ta đưa ra kết luận: những cái gọi là “chính phủ”, “quân đội” chỉ là “trò bịp Việt Minh”. Không còn có “quân đội thường trực Việt Minh”!

        Họ coi quyết sách quân sự nói trên là kế hoạch chiến lược đúng đắn duy nhất để tạo điều kiện cho công tác bình định, thực hiện có hiệu quả chủ trương sử dụng chính phủ bù nhìn cùng con bài độc lập giả hiệu, thực hiện chiến lược “dùng người Việt đánh người Việt”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Vì vậy, Vanluy còn cố gắng lần thứ hai, tiếp đó là Xalăng lần thứ ba, Bơlêdô lần thứ tư, đều nhằm chuẩn bị cho một cuộc tiến công tiêu diệt căn cứ địa Việt Bắc, những trước sự lớn mạnh của quân ta, cuộc tiến công chiến lược thứ hai vào Việt Bắc không hề xảy ra. Và từ tháng 6 năm 1949, phái đoàn Rơve, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, sau khi nghiên cứu tình hình chiến sự ở Đông Dương, đã đi đến kết luận: không còn khả năng giải quyết chiến tranh bằng quân sự, và cần từ bỏ cuộc tiến công trực tiếp vào khu căn cứ; quân đội viễn chinh Pháp chỉ còn con đường củng cố những tuyến phòng ngự, quay về những cuộc càn quét lớn ở đồng bằng, kiên trì cố thủ, chờ đợi một sự can thiệp của Mỹ nhằm quốc tế hóa chiến tranh.


Tiêu đề: Re: Chiến đấu trong vòng vây
Gửi bởi: Giangtvx trong 07 Tháng Chín, 2016, 07:08:48 am

        Trong tác phẩm “Lịch sử chiến tranh Đông Dương” xuất bản năm 1972, tướng Yvơ Gra (Yves Gra), đã cho rằng nguy cơ thất bại đã đến với quân đội viễn chinh Pháp. Theo tác giả, thì từ tháng 9 năm 1948, người Việt đã bắt đầu ra tay trước bằng một loạt trận đánh du kích liên tục trên khắp Bắc Bộ. Và từ đầu năm 1949, tám mươi nghìn bộ đội chủ lực Việt Minh, mặc dù trang bị còn kém, cộng với một bộ phận dân chúng chiến đấu dưới sự điều khiển của họ đã làm lệch cán cân1. Những cuộc tiến công thực sự diễn biến theo một kế hoạch có quy mô nhất định, phối hợp những trận đánh đồng thời của nhiều tiểu đoàn, trung đoàn, trên khắp Bắc Bộ, chứng tỏ bộ đội Việt Minh đã đạt những tiến bộ lớn qua một năm. Cục diện chiến sự trên các chiến trường khác không có gì sáng sủa đối với quân Pháp.

        Tháng 12 năm 1949, Tổng thống Pháp Vănhxăng Ôriôn hỏi tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Cácpăngchiê về những khả năng chiến lược ở Đông Dương. Tướng Cácpăngchiê đáp: “Không còn có khả năng chiến thắng quân sự. Chỉ còn một giải pháp chính trị”. Nhưng, như chúng ta đã biết, giải pháp chính trị từ “Nam Kỳ quốc” cho đến “con bài Bảo Đại” cũng đang đi đến phá sản.

        Ngày nay, bốn mươi năm sau, những nhà sử học Pháp gần như thống nhất với nhận định: vào đầu năm 1950, “nước Pháp đã thất bại trong ý đồ tái chinh phục Việt Nam bằng quân sự” và “đã sa lầy trong một cuộc chiến tranh không có kết thúc và không thể chiến thắng”.

        5 năm chiến đấu đầu tiên giữ một vị trí đặc biệt trong chiến tranh giải phóng và giữ nước hiện đại của Việt Nam.

        Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bị bao vây bốn bề đứng vững và lớn lên trong lửa đạn. Chế độ dân chủ mới đưa lại độc lập, tự do và những quyền sống thiêng liêng của con người ngày càng được củng cố từ trung ương đến cơ sở và phát huy hiệu lực lớn lao trong kháng chiến. Cùng với kĩ nghệ quốc phòng có nhiều tiến bộ, nên kinh tế tự túc tự cấp đã vượt qua vô vàn khó khăn, đáp ứng những nhu cầu tối thiểu về ăn, mặc của nhân dân và bộ đội. Giáo dục và y tế được chú trọng. Nạn mù chữ bị đẩy lùi. Đồng bào vùng tự do có một đời sống văn hóa lành mạnh. Nhân dân kể cả trong vùng tạm chiếm, ai cũng thương anh bộ đội, căm thù quân cướp nước, kiên quyết kháng chiến tới thắng lợi cuối cùng. Một hậu phương như vậy đã cổ vũ người chiến sĩ hăng hái, dũng cảm chiến đấu ở tiền tuyến.

        Từ những người nô lệ phá bỏ gông xiềng đứng dậy với đôi bàn tay trắng, nhân dân ta đã lao vào cuộc chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù, Chỉ qua 5 năm, chúng ta đã làm cho quân xâm lược lâm vào thế khốn quẫn, tiến thoái lưỡng nan. Chúng ta bắt đầu tích cực chuẩn bị lực lượng, tạo thời cơ giáng trả kẻ địch những đòn quyết định, điều mà chúng không làm được đối với ta.

        Với sự thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tháng 10 năm 1949, so sánh lực lượng giữa Đông và Tây đã thay đổi theo chiều hướng có lợi cho cuộc kháng chiến. Một chân trời mở rộng bên kia biên giới ở phía Bắc nước ta, báo hiệu một thời cơ mới, thế bị bao vây sẽ bị phá vỡ. Tuy nhiên, chiến tranh lạnh giữa Tây và Đông sẽ càng tăng. Thất bại trên lục địa Trung Hoa sẽ đẩy Mỹ can thiệp sâu vào chiến tranh Đông Dương để duy trì một tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á bằng cách giúp đỡ và tiến tới hất cẳng Pháp đã suy yếu sẽ gây cho ta những khó khăn mới trên con đường đi tới thắng lợi.

        Chúng ta đã có một nghệ thuật chiến tranh toàn dân, toàn diện, một nhà nước của dân, do dân và vì dân, một mặt trận chiến tranh nhân dân rộng khắp từ Nam chí Bắc, một lực lượng vũ trang bước đầu trưởng thành trong chiến đấu với sự phát triển đều của ba thứ quân. Chúng ta bắt đầu xây dựng những đại đoàn.

        Những thành tựu và kinh nghiệm đã đạt được không những nói lên sức mạnh tự lực to lớn của dân tộc ta, mà còn nói lên tính chất độc lập tự chủ của lãnh đạo, hoàn toàn phù hợp với chiến tranh cách mạng ở nước ta. Những thành tựu và kinh nghiệm ấy cho phép chúng ta xây dựng một đường lối quân sự ngày càng hoàn chỉnh, đúng đắn và sáng tạo. Vừa tiếp tục phát huy lên chất lượng mới sức mạnh hi sinh chiến đấu và tự lực tự cường của dân tộc, vừa tranh thủ sự chi viện và giúp đỡ to lớn của các nước anh em, nhất là Trung Quốc và Liên Xô, sự đồng tình ủng hộ vô cùng rộng lớn của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Pháp, chúng ta đã biết tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại để chiến thắng mọi kẻ thủ.

        Thắng lợi hoàn toàn và trọn vẹn của cuộc chiến tranh giữ nước và giải phóng 30 năm là thắng lợi vĩ đại đầu tiên trong lịch sử cận hiện đại thế giới, của một nước nhỏ thắng hai đế quốc to, của một dân tộc vốn là thuộc địa và nửa phong kiến, kinh tế lạc hậu ở phương Đông đánh thắng những đạo quân hiện đại của các cường quốc phương Tây. Những thành tựu và kinh nghiệm của quân và dân ta trong 5 năm chiến đấu trong vòng vây là tiền đề và cơ sở đầu tiên của thắng lợi vĩ đại ấy.

        Sẽ không có những kì tích của những năm chiến đấu trong vòng vây, nếu không có truyền thống đấu tranh bất khuất, tinh thần tự lực tự cường của dân tộc, không có sự lãnh đạo độc lập, tự chủ đúng đắn và sáng tạo, ngày càng dạn dày kinh nghiệm của Đảng ta, không có tư tưởng Hồ Chí Minh:

              Dựa vào sức ta để tự giải phóng cho ta,
              Có dân thì có tất cả.


        Trên đây là đôi điều tôi muốn nói khi kết thúc tập sách này.

---------------
        1. Chúng tôi nhấn mạnh.
HẾT