Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tự dịch => Tác giả chủ đề:: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 10:35:10 am



Tiêu đề: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 10:35:10 am
Truyện Stalingrad
Tác giả: Anthony Beevor
Người dịch: Danngoc
Nguồn: Trái tim Việt Nam Online


Chỉnh lý và số hóa: Huytop

=============================  


                                                                                              I


                                                                         THANH KIẾM HAI LƯỠI CỦA  BARBAROSSA


       Thứ bảy ngày 21 tháng 6 năm 1941 bắt đầu như một buổi sáng muà hè tuyệt vời. Người dân Berlin lấy tàu đi Postdam nghỉ mát trong vườn hoa Sans-Souci, nhiều người khác đi tắm ở Wannsee hay Nikolassee. Trong các quán cà phê, những chuyện tiếu lâm về vụ Rudolf Hess bỏ chạy sang Anh đã được thay thế bằng những lời đồn về cuộc tấn công Liên Xô sắp xẩy ra. Nhiều người lo sợ và cố mong tưởng rằng cuối cùng Stalin sẽ nhường U-crai-na lại cho Đức.

      Ở Sứ quán Liên Xô trên đường Unter den Linden, tất cả nhân viên ngoại giao đều có mặt ở nơi làm việc. Một điện mật từ Mát xcơ va yêu cầu làm sáng tỏ khẩn cấp những những chuẩn bị quân sự Đức ở vùng biên giới từ biển Ban-tích đến biển Đen. Valentin Brejkov, bí thư thứ nhất và thông dịch ở sứ quán gọi điện đến Bộ ngoại giao Đức ở Wilhem Strass để xin gặp Phôn Ribentropp, bộ trưởng ngọai giao. Nhưng không gặp được nhà chức trách nào. Một bầu không khí hốt hoảng bắt đầu xuất hiện ở Kremlin, khi những dấu hiệu chuẩn bị của Đức càng ngày càng hiện rõ. Viên Phó tư lệnh NKVD cho biết đã có "Ba mươi chín vụ xâm nhập không phận Liên Xô" bởi không quân Luftwaffe Đức.

     Quân Đức không che dấu những chuẩn bị của mình nhưng Stalin cho đó chỉ là những đe dọa của Đức để bắt Liên Xô nhượng bộ.
                                                                  
     Viên đại sứ Liên Xô, Vladimir Decanozov, cũng đồng ý với Stalin. Ông ta đã không chú ý đến tin từ tùy viên quân sự của sứ quán là 180 sư đoàn Đức đã được chuyển đến vùng biên giới Liên Xô. Mặc dù không dám cố thuyết phục Đại sứ, mọi nhân viên sứ quán đều biết là chiến tranh sắp xẩy ra. Cách đó vài ngày, một người thợ in, đảng viên Đảng cộng sản Đức, đã lén lút đưa được vào sứ quán một quyển sách nhỏ trong đó có in những câu dịch sang tiếng Nga đơn giản như : "Đầu hàng đi", "Giơ tay lên", "Anh có phải là Cộng sản không?", "Dừng lại bằng không tôi bắn!"...

      Những thông điệp của Brejkov đến Bộ ngoại giao đều bị bác với câu trả lời duy nhất : "Ngài Phôn Ribentropp không có mặt ở Berlin, ông ta sẽ liên hệ lại khi về". Thật ra Ribentropp đang ở Berlin để chuẩn bị nhưng thông lệnh cho Đại sứ Đức ở Liên Xô Werner Graf Von Schulenberg, trong đó có công hàm tuyên chiến của Đức mà Schulenberg sẽ phải trao cho Ngoại trưởng Molotov ngày hôm sau.

      Ở Berlin chiều đã tới, những thông tin từ Mat xcơ va càng giờ càng khẩn cấp, nhưng Brejkov không thể gặp được một quan chức nào để có thể thăm hỏi. Qua khuôn cửa sổ của căn phòng điện thoại của sứ quán, ông ta thấy người dân Berlin vẫn đi lại bình thường như không có gì xẩy ra.

      Ở Matxcơva, ngoại trưởng Molotov triệu Bá tước Phôn Schulenberg vào 21 giờ 30 vào Kremlin. Viên đại sứ sau khi đã tiêu huỷ các giấy tờ quan trọng trong sứ quán, vẫn làm thinh đợi lệnh từ Berlin. Là một nhà ngoại giao cổ truyền, ông ta tin vào lời dặn của Bismarck ( Quốc trưởng Đức vào cuối thế kỷ 19) là Đức không bao giờ nên tấn công Nga, viên Bá tước già này hoàn toàn phản đối ý định của Hít le. Stalin, đến buổi chiều thứ bảy vẫn không thể tin rằng Liên Xô đang bị tấn công. Những tin từ các đồn biên phòng cho biết xe tăng Đức đã nổ máy, nhiều cây cầu dã chiến đã được công binh dựng lên, những hàng rào trong lãnh thổ Đức đã được dọn đi.
                
     Viên tư lệnh quân khu Kiev cho biết chiến tranh xẩy ra chỉ còn là một chuyện ngày giờ mà thôi.

      Đêm hôm đó sau một cuộc tranh luận dài với các chỉ huy Hồng quân, Stalin chấp nhận cho gửi tin mật đi các quân khu phía Tây : " Trong những ngày 22 và 23 tháng 6 có thể quân Đức sẽ tấn công vào các quân khu Leningrad, Baltic, miền Tây, Kiev và Odessa. Nhiệm vụ của quân ta là không trả lời lại những khiêu khích nhằm tránh nhưñg khó khăn gây ra.   Nhưng quân ta cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với nhưñg tấn công bất ngờ cùa Đức và Đồng minh". Hải quân và một số đơn vị đã chuẩn bị trước, nhưng đối với phần lớn các đơn vị, lệnh báo động được gửi đi sau nửa đêm đã đến quá chậm.

      Ở Berlin, đêm đã tới, Brejkov cũng đã mệt mỏi để gặp Ribentropp thì khoảng ba giờ đêm, chuông điện thoại reo lên. Một giọng nói không quen thuộc nói: " Ngài ngoại trưởng Von Ribentropp muốn gặp đại diện của Liên Xô ở Wilhem Strass". Brejkov nói là phải mất một chút thời gian để đánh thức Đại sứ và chuẩn bị ô tô. "Xe của Ngoại trưởng đang đợi những ngườiì đại diện ở ngay cửa sứ quán, Ngài ngoại trưởng muốn gặp họ ngay", Giọng nói trả lời. Dekanozov và Brejkov thấy chiếc xe đen với 1 nhân viên Bộ ngoại giao mặc lễ phục và một sỹ quan SS đang đợi ở ngoài. Khi họ lên xe, bầu trời bắt đầu rạng sáng ở cửa Brandeburg và qua những cành cây ở vườn hoa Tiergarten. Ở Wilhemstrass, một đám đông nhà báo đang tập hợp trước Bộ ngọai giao đèn đuốc sáng trưng.

     Ribentropp đang đi đi lại lại trong phòng tiếp tân. Ông ta không còn dáng vóc gì là thanh thản của một nhà ngoại giao nữa. "Quốc trưởng hoàn toàn đúng khi người quyết định đánh Liên Xô". Ông ta nhắc đi nhắc lại như là để tự thuyết phục mình, "Sớm hay muộn gì thì nước Nga cũng sẽ tấn công nước Đức mà thôi!".
                                              
      Khi hai nhà ngoại giao Nga bước vào phòng, Brejkov rất ngạc nhiên trước tác phong của Ribentropp : "Mặt ông ta đỏ ửng, mắt đỏ và mờ, hình như ông ta vừa mới uống rượu!". Sau khi bắt tay một cách hình thức, Dekanozov định hỏi về nhưñg tin tức biên giới nhưng Ribentropp xua tay để phát biểu : "Trước những hành vi khiêu khích của Liên Xô và mối nguy hiểm tối trọng đến sự an toàn của "Reich" (Đế Quốc Đức) gây ra bởi những tập trung quân sự Liên Xô, "Reich" đã bắt buộc phải chọn lựa con đường quân sự để giải quyết vấn đề này !". Ông ta bắt đầu kể lể những "xâm phạm biên giới" của Liên Xô.

      Tự nhiên Dekanozov và Brejkov hiểu rằng cuộc tấn công đã bắt đầu. Ribentropp ngừng đọc và đưa toàn bộ bài diễn văn của Quốc trưởng gửi cho đại sứ Liên Xô. "Quốc trưởng có nhắn tôi chính thức báo với ngài là nước Đức Quốc Xã đã bắt đầu những chiến dịch đề phòng". Dekanozov đứng phắt dậy nhưng với chiều cao 1m50, ông ta cũng chỉ đến vai Ribentropp : " Các ông sẽ phải hối hận về cuộc tấn công vô liêm sỉ và đầy tội ác chống lại Liên Xô, các ông sẽ phải trả giá rất đắt! ". Nói xong, ông ta quay gót cùng Brejkov rời phòng tiếp khách. Ribentropp bất ngờ chạy theo đằng sau và thì thầm : "Hãy nói với Moscow rằng tôi đã không đồng ý với cuộc tấn công này ..."!

      Khi họ về đến toà Đại sứ thì lính SS đã hoàn toàn vây toả toà nhà, các đường dây điện thoại đã bị cắt. Ở Radio Mat-xcơ- va lúc đó là 6 giờ sáng chủ nhật 22/6/1941, tin tức vẫn như mọi hôm, không có 1 chút nào về cuộc tấn công của Đức đang diễn ra. Các nhân viên của NKVD và GRU (tình báo quân đội) chạy nhanh lên tầng thượng để vội vã nhét nhưñg tài liệu tối mật vào lò thiêu nhanh đặc biệt để ở đây.

     Ở Moscow, đã có một báo động máy bay nhưng không ai chú ý cả.
                                                          
     Vào 3 giờ 15 sáng, viên chỉ huy hạm đội biển Đen, có gửi tin máy bay Đức ném bom Sevastopol. Mọi người trong bộ tư lệnh hải quân không ai quên được cuộc tấn công đột ngột của Nhật vào Port Arthur năm 1905. Vào 5 giờ 30 sáng, Schulenberg đưa công văn khai chiến vào Kremlin..Những ngày sau đó, tin chiến sự xấu đến nỗi Stalin có họp bàn với Molotov và Beria đẻ xem có nên nhượng Ucraina, những nước Balte và Bạch Nga cho Hítle không.

      Cuối cùng vào trưa ngày 22/6, nhưñg người công dân Liên Xô được nghe qua radio giọng của Molotov : " Hôm nay, vào 4 giờ sáng, quân đội đức đã bất thình lình tấn công đất nước ta mà không hề khai chiến (...) Lý tưởng của chúng ta là đúng, quân thù sẽ bị đánh bại, chúng ta sẽ chiến thắng ! " Trên toàn bộ lãnh thổ Nga, từ vùng biển Đen đến vùng Uran, nhân dân đều trả lời bằng cách tiến hành xin gia nhập Quân đội.
 
      Ở Stalingrad cũng vậy, người xếp hàng xin nhập ngũ rất đông. Những đoàn viên Komsomol đi từng nhà quyên góp cho tiền tuyến. Ở trường Đại học công nghiệp Stalingrad, người ta bắt đầu bàn bạc về cách sản xuất xe tăng từ những Nhà máy sản xuất máy cày của thành phố.

      Không một ai vào tháng 6 năm 41 này ở thành phố kiểu mẫu Stalingrad, với những nhà máy hiện đại, với những vườn hoa và những toà nhà trắng nhìn xuống sông Volga huy hoàng có thể tưởng tượng được số phận thành phố của họ hơn một năm sau...


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 10:41:18 am
                                                                                                        II


                                                                                           KHÔNG CÓ NHIỆM VỤ NÀO MÀ

                                                                                    NGƯỜI LÍNH ĐỨC KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC


      Trong đêm 21/6, khi mà các nhà ngoại giao hai bên chỉ có thể phỏng đoán được những gì đang xẩy ra ở biên giới, từ Phần Lan đến biển Đen, 3.5 triệu đến 4 triệu lính Đức nếu tính thêm những quân đội đồng minh phía Trục - đang đợi giờ tấn công. "Thế giới đang nín thở chờ đợi", Hit le đã tuyên bố vài tháng trước trong một dịp gặp mặt ở Bộ tổng tham mưu. Mục đích chiến dịch là " xây dựng một phòng tuyến chống lại nước Nga châu Á đi từ sông Volga đến Arkhangenlsk". Những vùng công nghiệp cuối cùng của Liên Xô ở U-ran sẽ bị đè bẹp dưới bom của không quân Luftwaffe.

      Đêm đó cũng là đêm ngắn nhất trong năm. Hàng trăm ngàn lính Đức nấp trong những khu rừng sồi và thông ở Đông Phổ và Ba lan chấp hành tuyệt đối lệnh im điện đàm. Những trung đoàn pháo binh đã có mặt ở đây từ vài tuần trước và đã chuẩn bị sẵn sàng. Những pháo thủ đã phải mặc đồ dân sự để vận chuyển đạn dược đến những trận địa pháo. Ngay họ cũng tin tưởng rằng những cuộc hành quân này chỉ là một đòn hoả mù để đánh lạc hướng tình báo Anh về một chương trình đổ bộ lớn ở mặt trận phía Tây.

      Nhưng khi đêm xuống, lệnh trên đã tới thì không còn bí ẩn gì nữa trong quân đội Đức. Những nòng pháo được tháo bọc vải và màn ngụy trang hoặc được kéo ra ngoài những ổ rơm mà nó đã được cất dấu. Rồi những xe ngựa, xe bán xích (half-track) hay xe cày kéo chúng ra những trận địa pháo chuẩn bị trước. Những sỹ quan chỉ điểm pháo (Forward Observers) đi lên chốt với các đơn vị bộ binh chỉ cách các đồn biên phòng vài trăm mét.

      Những sỹ quan thuộc các sư đoàn xung kích đợt hai mở rượu vang hay Sâm banh ngon lấy từ Pháp để chúc mừng nhau. Một số, có thể đã mở hồi ký của tướng Caulaincourt (trợ lý của Napoleon) để đọc những gì Napoleon đã nói cho ông trước cuộc tấn công Nga năm 1812 : " Trong hai tháng nữa, nước Nga sẽ xin giải hòa với chúng ta". Một số khác chắc cũng bắt đầu mở quyển sách nói chuyện đơn giản bằng tiếng Nga mà sứ quán Liên Xô đã nhận được ở Berlin. Một số nữa đọc Kinh thánh. Trong những nơi đóng quân có ngụy trang, những người lính đốt lửa để đuổi muỗi, đây đó vài tiếng đàn ác coọc đê ông hoà với tiếng hát, nhưng phần lớn đều im lặng. Họ rất sợ phải vượt biên giới, tiến vào một lãnh thổ xa lạ. Sỹ quan của họ nói rằng, ở Liên Xô, nếu họ nằm ngủ trên giường của dân, họ sẽ bị chấy rận ăn sống và họ cũng tin rằng chiến tranh sẽ không kéo lâu. Ở sư đoàn panzer số 24, đại úy Phôn Rosenbach-Lepinski đã tuyên bố trước những người lính của tiểu đoàn trinh sát cơ động rằng "cuộc chiến tranh sẽ không kéo dài quá bốn tuần”.

      Những lời như trên cũng không có gì là đáng ngạc nhiên. Những cơ quan tình báo nước ngoài cũng công nhận như vậy. Quân Wehrmacht (quân Đức) đã tập trung một đạo quân lớn chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại không những về nhân số mà còn cả về thiết bị : 3350 xe tăng, 7000 pháo, hơn 2000 máy bay. Khả năng cơ động của Quân Wehrmacht rất cao nhờ chiến lợi phẩm lấy được của quân đội Pháp, chẳng hạn 70 % số xe tải của sư đoàn bộ binh 305 (bị tiêu diệt ở Stalingrad năm sau) là xe Pháp. Trong khi đó, mặc dầu sở trường của quân Đức vẫn là Blitzkrieg (chiến tranh chớp nhoáng), họ vẫn phải nương tựa vào 600 000 lưà ngựa để kéo chân, cho nên trên toàn diện đạo quân cũng không nhanh hơn đạo quân của Napoleon mấy. Nhiều sỹ quan cũng vẫn hoài nghi. "Tinh thần chúng tôi rất cao sau những chiến thắng ở Ba Lan, Pháp và vùng Balkan", đã công nhận người chỉ huy tiểu đoàn panzer đầu tiên đến được bờ sông Volga 14 tháng sau, "Nhưng sau khi đọc Caulaincourt, tôi thấy ngán cái không gian bao la của nước Nga".

      Chiến dịch Barbarossa đáng nhẽ đã được bắt đầu từ ngày 15/5 nhưng do chiến dịch ở vùng Balkan và thời tiết xấu gây cản trở đi lại cho nên thời gian của Cuộc tiến công vào nước Nga đã phải lùi lại.

      Cũng tối ngày 21/6 đó, các chỉ huy đơn vị đều nhận được "lê;nh đặc biệt" cho chiến dịch sắp tới. Chẳng hạn những "biện pháp nặng" đối với những làng mạc trong vùng có du kích hoạt động. Tất cả những cán bộ dân sự hoặc quân sự Liên Xô, Do thái và du kích bắt được đều phải chuyển lại cho các đơn vị SS và cảnh sát mật dã chiến. Hầu hết tất cả các sỹ quan bộ tham mưu và quân báo đều được biết các mệnh lệnh của thống chế Phôn Brauchitsch đề ngày 28 tháng 4 chỉ ra những quan hệ giữa quân đội và các đơn vị Sonderkommando SS hoạt động trong các vùng chiếm đóng ngay sau tiền tuyến, những "công việc" (diệt chủng) của các đơn vị SS này trong "công cuộc thánh chiến chống lại chủ nghĩa Bôn-sê-vích" và cuối cùng là những "luật lệnh" tước bỏ hết các quyền của người Slave chẳng hạn quyền kiện người Aryan (trên thực tế, như vậy có nghĩa người lính Đức có thể tha hồ bắn giết, hãm hiếp, cướp bóc người dân Slave mà không sợ gì cả). Lệnh này được thống chế Keitel kí ngày 13/5 với giải thích "để chuộc lại những đau khổ mà dân Đức đã phải chịu đựng sau năm 1918 do lý tưởng Bôn-sê-vích".

     Trung uý Alexander Stahlberg khi được người anh họ là Henning Von Tresckow, 1 trong những chủ mưu của vụ ám sát hụt HítLe vào tháng    7/1944, cho biết những lệnh trên, đã thốt lên :

     "Như thế đây sẽ là 1 vụ giết nguời !".

     "Đúng thế!", Tresckow trả lời.

     "Vậy ai đã ra lệnh này ?" Stahlberg hỏi.

     " Từ người mà chúng ta đã thề phục tùng đến cùng".

     Tresckow cay đắng trả lời.

      Nếu nhiều chỉ huy đã từ chối áp dụng những lệnh trên, họ chỉ là một phần nhỏ trong một quân đội ngày càng Quốc xã hóa. Trước mặt những sỹ quan quân đội Hít le đã nhận định, "cuộc chiến tranh sắp tới sẽ là 1 cuộc chiến tranh chủng tộc giữa hai ý thức hệ hoàn toàn đối nghịch nhau, do đó nó sẽ là một cuộc chiến tranh huỷ diệt giữa chúng ta với giới trí thức Bôn sê vích và các Chính uỷ ".

     Đi theo đạo quân số VI là đơn vị Sonderkommando SS 4a. Từ biên giới phía tây Ucraina đến Stalingrad, những sỹ quan Wehrmacht không thể nào không biết được những "thành tích" của đơn vị này, chẳng hạn như vụ tàn sát Do thái ở Kiev (khu vực Babi Yar ).

      Mặc dù tính chất quốc xã ngày càng mạnh trong quân đội. Vào năm 1941, các trung đoàn vẫn giữ được các truyền thống thời Đế Quốc. Chẳng hạn sư đoàn panzer số 16 vẫn giữ nguyên truyền thống của một đơn vị cận vệ Phổ. Đặc biệt là trung đoàn tăng số 2 của sư đoàn, sẽ đi đầu trong cuộc tấn công đến Stalingrad năm sau, hậu thân của trung đoàn kỵ binh vệ sỹ thiết giáp, trung đoàn xưa nhất của quân đội Phổ. Hầu hết các sỹ quan đều thuộc các gia đình quý tộc cho nên thay vào gọi bằng "đại úy" hay "trung úy" trong đơn vị hay gọi nhau bằng "ngài công tước", "ngài bá tước"... Đơn vị hầu như không bị tổn thất trong các chiến dịch Ba lan và Pháp cho nên có rất ít thay đổi trong đội hình. Cái lợi của điều này là do quen biết nhau, họ có thể bàn bạc tự do và phát biểu những suy nghĩ về chế độ.

      Ngày 22 tháng sáu, 3 giờ 15 sáng giờ Berlin, pháo binh bắt đầu khai hoả. Những chiếc cầu bảo vệ bởi lính biên phòng NKVD nhanh chóng bị chiếm trước khi họ có thể phản ứng. Số phận gia đình của họ do hay ở chung gần nơi làm việc cho nên thường cũng rất hẩm hiu. Trong nhiều trường hợp, những cục thuốc nổ do công binh Liên Xô đặt để chuẩn bị phòng ngưà đều đã bị biệt kích Wehrmacht của Sonderverband Bran-denburg (biệt kích Brandenburg) bí mật vô hiệu hoá trước. Đơn vị này, lấy tên từ trại lính của họ gần Berlin, chuyên hành động phá hoại đằng sau lưng quân thù. Từ cuối tháng 4, nhưñg nhóm nhỏ Nga và Ucrain chống Cộng đã được luồn vào lãnh thổ Liên Xô để chuẩn bị. Ngày 29/4, ba nhóm này đã bị tiêu diệt và những người bị bắt sống đã được gửi về trụ sở NKVD ở Moscow để khảo cung.

      Ngay từ sáng sớm ngày 22, những đơn vị bộ binh Wehrmacht bắt đầu chuyển động. Trên đầu họ, từng đoàn máy bay tiêm kích và ném bom Stuka, bay lượn về phía mặt trận Liên Xô để tìm mồi là những nơi tập trung xe tăng, sở chỉ huy và những trung tâm thông tin.

      Ở Bộ chỉ huy Quân đoàn 4 Hồng quân, một sỹ quan công binh bị đánh thức bởi tiếng máy bay. Đã từng là cố vấn quân sự trong chiến tranh Tây Ban Nha, anh ta nhận ra ngay tiếng Stuka bổ nhào. "Rồi những tiếng bom nổ ngay sau đó. Toà nhà Bộ chỉ huy mà chúng tôi vừa rời khỏi nằm trong đám khói. Máy bay Đức bổ nhào hoàn toàn trong an toàn xuống các mục tiêu không được bảo vệ. Sau trận ném bom, khói đen trùm kín khắp nơi, một phần toà nhà của Bộ chỉ huy đã bị sập, đây đó tôi nghe thấy một tiếng đàn bà khóc nức nở".
 
      Phần lớn các phi vụ của Luftwaffe là nhằm vào không quân Liên Xô. Trong 9 tiếng đồng hồ sau đó 1200 máy bay Nga đã bị phá huỷ, phần lới lúc còn ở mặt đất. Những phi công Messerschmitt không thể tin mắt mình khi thấy những hàng máy bay thẳng băng rõ ràng trên các phi trường. Một số phi công Liên Xô cất cánh được trên những máy bay cũ kỹ, bất lực trước số đông và kỹ thuật của không quân Đức đã bắt buộc phải cảm tử đâm máy bay mình vào máy bay địch. Một viên tướng không quân Đức đã ví những cuộc không chiến hôm đó giữa những phi công già dặn của Luftwaffe và những phi công Nga không có kinh nghiệm như nhưñg cuộc săn bồ câu.

     Máy xe tăng nổ to, nhưñg đơn vị Panzer được lệnh tiến công ngay sau khi nhận được tin những cây cầu và những chặng đường quan trọng phía trước họ đã được biệt kích và bộ binh chiếm giữ. Nhiệm vụ của họ là tiến nhanh lên phía trước rồi tạt ngang bao vây những mẩu lớn đơn vị địch vào trong những cái nồi "Kessel" . Quân Wehrmacht muốn phá vỡ sức mạnh chiến đấu của Hồng quân trước khi tiến vào ba mục tiêu lớn : Leningrad, Moscow và Ucraina.

      Cụm quân phía bắc do Thống chế Ritter Von Leeb tiến từ Đông Phổ lên các nước Baltich, chiếm đóng các cảng ở đây để rồi tiến lên Leningrad. Cụm quân trung tâm của Thống chế Fedor Von Bock sẽ theo đường quốc lộ Minsk như đạo quân của Napoleon đã làm để chiếm Moscow sau khi bao vây và tiêu diệt các đơn vị lớn Hồng quân. Brauschisch và Halder ở Bộ tham mưu lục quân rất ngạc nhiên khi Hitler đã cắt một phần các đơn vị ở đây để chuyển về cụm quân phía nam của Thống chế Gerd Von Rundstedt. Hit le tin rằng một khi vựa lúa Ucraina và mỏ dầu vùng Caucasia bị chiếm, nước Đức sẽ thành vô địch. Ở phía nam, cộng với quân Đức của Von Rundstedt là một đạo quân Hung và hai đạo quân Rumani.

     Ngày sinh nhật tuyên bố tấn công Nga của Napoleon, Hitler đã không ngưọng ngùng phát biểu rằng nước Đức đã bị đe doạ bởi 160 sư đoàn Liên Xô, do đó cuộc tấn công này là cần thiết cho quốc gia và là bước đầu tiên trong cuộc thánh chiến của châu Âu chống Bôn-sê-vích".


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 10:49:07 am
                                                                                             III


                                                                                     CHỈ CẦN ĐẠP VÀO CỬA


                                                                      RỒI TOÀN BỘ CĂN NHÀ MỤC NÁT SẼ TỰ ĐỔ


      Chưa bao giờ trong lịch sử chiến tranh, phía tấn công đã có được những lợi thế mà quân Wehrmacht có được vào tháng 6 năm 1941 này. Các đơn vị Hồng quân và biên phòng đã không biết phải phản ứng thế nào. Ngay sau 12 giờ đêm ngày 22, Stalin vẫn còn tìm cách tránh chiến tranh và chưa quyết định cho Hồng quân chuẩn bị. Một sỹ quan còn nhớ lời than của thượng tướng Pavlov chỉ huy mặt trận trung tâm khi ông một lần nữa nhận được tin tiền tuyến về các chuẩn bị của Đức : "Tôi biết, tôi biết, tôi đã được báo cáo rồi, nhưng những cấp trên của tôi lại có vẻ biết hơn tôi!".

     Ba đạo quân Xô-viết đồn trú dọc theo đường biên giới đã không có một chút may mắn nào để thoát. Những lữ đoàn tăng của họ bị Luftwaffe phá huỷ ở sau lưng họ trước khi chúng lên được tiền tuyến. Ở pháo đài Brest-Litovsk, nơi mà Lenin đã ký hoà ước rút nước Nga ra khỏi Thế chiến thứ nhất đã bị tấn công ngay từ những giờ đầu. Hai đơn vị Panzer lớn của Cụm quân Trung tâm chỉ huy bởi tướng Guderian và Hoth đã vô hiệu hóa nhanh chóng các ổ phòng thủ Xô-viết rồi chọc sâu vào lãnh thổ Liên Xô trước khi tạt ngang, tiến hành một thế trận bao vây. Trong 5 ngày, hai mũi tấn công trên đã gặp nhau gần Minsk, nghĩa là cách đường biên giới gần 300 km. Trong thòng lọng là hơn 300 000 lính Hồng quân và 2500 xe tăng, tất cả sẽ bị tiêu diệt sau đó.
                              
      Ở phía bắc, từ Đông Phổ, vượt sông Niemen, phương diện quân Panzer số IV đã chọc thủng phòng tuyến nga dễ dàng. Năm ngày sau, quân đoàn panzer của tướng Von Manstein tiến gần 80 km một ngày đã ở nửa đường tới Leningrad và đang vượt sông Dvina. "Cả cuộc đời của một chỉ huy tăng thiết giáp là để sống những giây phút tấn công thần tốc này" Manstein viết lại sau này.

      Không quân Luftwaffe tiếp tục tiêu diệt không quân Liên Xô. sau ngày thứ hai, số máy bay bị phá huỷ lên đến 2000 chiếc. Nền công nghiệp Liên Xô tất nhiên có thể sản xuất thêm để thay thế số lượng mất này, nhưng cuộc tiêu diệt nhanh chóng này sẽ in sâu vào tinh thần của các phi công Xô-viết trong một thời gian dài. "Các đồng chí phi công đều nghĩ họ sẽ chết một khi cất cánh, vì tinh thần này mà tổn thất của ta rất cao". Mười lăm tháng sau ở Stalingrad, một Chính ủy đã nhận xét như thế.

     Ở phía nam, các đơn vị Hồng quân mạnh hơn cho nên bước tiến của Đức chậm hơn. Tướng Kirponos đã có thì giờ chuẩn một hệ thống phòng thủ theo chiều sâu chứ không tập trung ở biên giới. Những sư đoàn Hồng quân của ông đã gây thiệt hại nặng nề cho các đơn vị Wehrmacht, mặc dù thiệt hại của Hồng quân cao hơn nhiều. Trước tình thế bắt buộc, Kirponos đã phải ra lệnh cho các đơn vị tăng của ông phản công cho dù họ chưa hoàn toàn chuẩn bị đầy đủ. Ngày 23/6 các đơn vị của nhóm Panzer số I của tướng Ewald von Kleist đã đụng độ với những đơn vị tăng Xô-viết được trang bị những xe tăng nặng KV và nhất là những xe tăng được đánh giá tốt nhất của toàn Thế chiến : T34.

     Cuộc tiến quân ở phía nam giữa đầm lầy Pripet và núi Carpathes rất là chậm chạp. Đạo quân số VI của tướng Von Reichenau luôn bị tập kích bởi những đơn vị Hồng quân bị kẹt lại trong vùng đầm lầy Pripet. Reichenau ra lệnh hành quyết tất cả các tù binh Nga bắt được cho dù họ có mặc quân phục hay không. Những đơn vị Hồng quân trả đũa bằng cách họ cũng bắn hết tất cả các tù binh Đức bắt được, nhất là các phi công nhẩy dù sau khi bị bắn rơi, đằng nào thì họ cũng không thể gửi được tù binh về tuyến sau, và họ cũng không muốn những người này được cứu thoát bởi các mũi tiến công của Đức.

      Theo Hitle, Liên Xô chỉ là "Một toà nhà mục nát sắp đổ". Lý thuyết này cũng được nhiều quan sát viên nước ngoài công nhận. Qua những vụ thanh toán nội bộ bắt đầu vào năm 1937 nhưng gốc rễ bắt đầu từ những năm nội chiến ….Tất cả những nghiên cứu của Tukhachevski về cách phối hợp chặt chẽ giữa hoả lực và cơ động đều được coi như là lý thuyết phản động vào năm 1941, hồi âm của những cuộc thanh trừng này đến lúc bắt đầu chiến tranh vẫn còn được thấy qua chiến dịch tấn công thất bại vào Phần Lan năm 1940. Thống chế Vorochilov hoàn toàn thiếu khả năng chỉ huy dẫn đến việc quân Phần Lan chiếm thế thượng phong chiến thuật trong toàn chiến dịch. Súng máy Phần Lan quẹt vào đội hình bộ binh Liên Xô tấn công trên tuyết như liềm gặt lúa. Chỉ sau đó với số quân đông gấp 5 lần và một sự tập trung pháo binh vượt hơn hẳn, Liên Xô mới bắt đầu chiếm được tay trên. Hitle đã quan tâm, theo dõi cuộc chiến này và rút ra kết luận trên.

       Tình báo quân sự Nhật Bản lại có 1 kết luận khác. Họ là những người duy nhất vào thời điểm đó đã không khinh thường Hồng Quân. Một số đụng độ đã diễn ra ở biên giới với Mãn Châu quốc, với điểm nóng ở Khalkin Gol vào tháng 8 năm 1939. Ở đây họ đã thấy Hồng quân có thể làm gì khi được chỉ huy bởi một vị tướng trẻ và sáng suốt mới 43 tuổi có tên là Georgi Zhukhov. Stalin cũng chú ý đến viên tướng này và vào tháng 1 năm 1941, Zhukhov được phong làm Tổng tham mưu trưởng Quân ủy Trung ương STAVKA (tên cuối cùng được giữ lại sau khi chiến tranh bắt đầu).

       Những ngày đầu của chiến tranh không có gì làm cho tướng tá Đức thay đổi sự khinh bỉ của mình đối với tướng tá Hồng quân. Guderian đã nhận thấy một số những hành động thí quân vô ích, ông ta cũng nhận thấy những sự thiếu trách nhiệm do sự sợ hãi cấp trên của tướng tá Hồng quân lúc đó. "Từ hai hiện tượng trên đã gây ra một tình hình chung thiếu phối hợp giữa các binh chủng, đơn vị tác chiến, làm rối loạn các tuyến phòng thủ và làm dễ dàng hơn các khai thác chiến thuật của quân ta (Đức)". Về binh chủng xe tăng, Guderian có nhận xét cái "thiếu luyện tập, thiếu tự tin và thiếu óc sáng kiến" của lính xe tăng Liên Xô. Những nhận xét trên lúc đó là đúng, nhưng Guderian và bạn bè ông ta đã không thấy được những luồng sóng tự kiểm điểm để rút ra nhưñg bài học từ những sai lầm trong Hồng Quân.

       Những thay đổi không phải là dễ do nguyên tắc "chỉ huy đôi" Quân đội/Chính trị cộng với sự thiếu trách nhiệm. Nhiều Chính ủy đã đổ hết trách nhiệm thất bại sang các chỉ huy quân đội dẫn đến nhiều vụ xử tử vô ích như vụ Thượng tướng Pavlov chỉ huy mặt trận Trung tâm bị xử bắn. Từ đó một không khí sợ hãi đã làm trì trệ tất cả các cải tổ. Một sỹ quan công binh, chuyên gia mìn dẫn đến sở chỉ huy vài người lình biên phòng vì họ quen biết đường xá trong vùng, đã thấy viên tướng chỉ huy sư đoàn đứng phắt dậy mặt trắng như giấy khi thấy họ và giải thích là ông đã làm tất cả mọi thứ để cứu vãn tình hình. Chỉ ở đây anh ta mới hiểu tại vì lính biên phòng cũng thuộc NKVD cho nên khi thấy phù hiệu xanh của họ, ông tướng tưởng là họ đến bắt ông. Mặc dù vậy một cơ chế cơ bản đã xuất hiện để chuẩn bị cho cuộc phát triển mới của Hồng quân.

       Ngày 15/7 Zhukhov đã tuyên bố "một số kết luận từ ba tuần kinh nghiệm chiến đấu phát xít Đức". Trong đó ông ta đã chỉ ra những cái "thiếu" của Hồng quân là thông tin liên lạc, luyện tập và kinh nghiệm. Ngoài ra ông ta còn chỉ trích cách tập trung quân quá lớn để dễ bị không quân tấn công và lại khó chỉ huy. Để khắc phục Zhukhov nêu ra những phương án mới : " STAVKA cho rằng một hệ thống quân đội tốt nên dựa trên những đạo quân nhỏ tối thiểu là từ 5 đến 6 sư đoàn". Sau cuộc cải tổ này, thời gian phản ứng của Hồng quân tăng lên gấp bội do đã bỏ hẳn hệ thống chỉ huy cấp binh đoàn, thông tin sẽ đi thẳng từ sư đoàn lên phương diện quân.

      Nhưng sai lầm lớn nhất của Đức là đã không chú ý đến "Ivan", người lính bộ binh quèn của Hồng quân. Họ sẽ thấy là khác với các lính phương Tây, người lính Hồng quân thường chiến đấu đến cùng cho dù là một phải chọi 10. Từ khi bắt đầu chiến dịch Barbarossa, vô số những gương anh hùng đã được cả hai bên nhận thấy. Ở Brest-Litovsk, trong hơn một tháng, một số chiến sỹ Hồng quân đã chiến đấu tới cùng mặc dù không được tiếp viện từ ngoài. Một trong những người cuối cùng sống sót đã ghi lên 1 bức tường " Thà chết nhưng không đầu hàng, xin Vĩnh biệt Tổ Quốc! 20/7/1941". Mẩu tường này hiện nay vẫn được giữ ở viện bảo tàng Quân đội ở Moscow. Nhưng người ta ít biết hơn về số phận của những tù binh Hồng quân ở đây sau khi sống sót 4 năm tù đầy, họ đã bị coi như những tù binh khác bị trách là đã để địch bắt sống. Ngay Stalin cũng đã từ bỏ người con trai của ông ta là Yakov, bị bắt ở Vitebsk ngày 16 tháng 7.

      Trong muà hè, tình hình bắt đầu ổn định trong hàng ngũ Hồng quân. Cục diện chiến trận bắt đầu khó khăn hơn với Đức. Tướng Halder, đầu tháng 7 nghĩ rằng thắng lợi sắp tới, đã phải xem lại kết luận của mình, ông ta viết trong nhật ký của mình: "Khắp nơi, quân Nga chiến đấu tới cùng, họ hầu như không đầu hàng nữa". Guderian cũng phải công nhận "lính bộ binh Nga hầu như bao giờ cũng chiến đấu rất dai dẳng, họ bắt đầu lợi dụng rất tốt những khu rừng và ban đêm để phản công".

     Dù có thành kiến gì đi chăng nữa đối với chính phủ của Stalin, ai cũng phải công nhận họ đã nhanh chóng hàn gắn lại được xã hội Liên Xô và lãnh đạo nó trong công cuộc Chiến tranh Vệ quốc. Trong "Cuộc sống và số phận" của Vassili Grossman, nhân vật Mostovskoi, người đảng viên Bôn-sê-vích già chống Stalin đã mô tả đúng hiện tượng này : "Sự căm thù của chúng tôi đối với chủ nghĩa phát-xít là một biểu hiện thiết thực cho sự đúng đắn của lý tưởng Lê-ni-nít."

      Bên cạnh những lập luận chính trị là một lòng yêu nước tràn đầy mà các tấm áp-phích tuyên truyền đã biết khai thác: Cảnh một người mẹ Nga tuyên thệ trong một rừng lưỡi lê với dòng chữ "Đất mẹ gọi anh" không thể không chạm được vào lòng yêu nước của người Slave. Trong quyển nhật ký của một chiến sỹ xe tăng đúng một tháng sau khi chiến tranh bắt đầu có viết: " Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ một cái gì đó còn đáng giá hơn một triệu sinh mạng, Ở đây tôi không muốn nói đến cái mạng sống bé nhỏ của tôi mà là Đất Mẹ Tổ Quốc".

      Bốn triệu người ra nhập những đội tự vệ Opoltchentsi, thiếu thốn cả về huấn luyện lẫn binh khí. Tính quân sự của các đơn vị này không có mấy. Bốn sư đoàn tự vệ bị tiêu diệt hoàn toàn ngay trước khi trận Lêningrad bắt đầu. Phần lớn các gương Anh hùng trong thời điểm này không được truyền bá lại sau này do đa số những người có mặt đều đã hy sinh. Một vài trường hợp đặc biệt đã được chuyển lại nhờ những đường đặc biệt. Ví dụ như ở Stalingrad, người ta tìm thấy trên thi thể của một bác sỹ quân y tên là Maltsev một lá thư của ông ta : " Ngày mai sẽ có một trận đánh lớn, tôi chắc chắn sẽ chết, nhưng tôi muốn những dòng này được để lại cho thế hệ sau cho người ta biết được những gì mà người đồng đội tôi tên là Litchkhin đã làm ...".

      Nhưng những gương anh hùng lúc đó cũng chỉ để an ủi và không đủ để thay đổi tình thế. Trong ba tuần đầu, 3500 xe tăng, 6000 máy bay, khoảng 2 triệu Hồng quân trong đó có cả một phần lớn sỹ quan cán bộ đã bị tiêu diệt. Trong nửa thứ hai của tháng 7, trận đánh ở Smolensk chuyển sang thành một tai nạn cho Hồng Quân, nhiều đạo quân Liên Xô đã bị bao vây ở đây và mặc dù có 5 sư đoàn phá được vòng vây, 300000 người đã bị bắt cộng thêm với 3000 xe tăng và 3000 khẩu pháo. Sau đó nhiều sư đoàn Xô- viết cũng bị tiêu diệt dần dần khi chống trả lại các Panzer của Von Bock tiến lên chiếm các ga xe lửa ở Yelnaia và Roslavl.

      Ở phía nam, cụm quân của Von Rundstedt đã bắt được 100 000 tù binh trong túi Uman đầu tháng 8. Các đơn vị đang tiến về phía Kiev trên những thảo nguyên mênh mông của Ucraina. Xung quanh Kiev, các đơn vị Hồng quân thuộc quyền chỉ huy của viên thống chế già Budiennyi và chính ủy Nikita Khruchev. Nhiệm vụ chính của họ đang là tháo gỡ các phương tiện công nghiệp để chuyển về phía Uran. Zhukhov xin Stalin rút các đơn vị này về phía sau nhưng Stalin không chấp nhận do đã hứa với Churchill rằng sẽ không bỏ Moscow, Leningrad và Kiev. Qua vụ này Zhukhov bị mất chức Tổng tham mưu trưởng.

      Sau khi tiêu diệt túi Uman, các đơn vị Panzer của Von Runstedt tiến lên phía bắc hướng về Kiev. Tự nhiên nhóm Panzer số 1 quay sang phía đông bắc tiến nhanh lên để gặp mũi tấn công bất ngờ từ cụm quân trung tâm của các Panzers Guderian xuống phía nam. Tình hình đã rõ nhưng Stalin đã phản ứng quá chậm chạp. Kết quả, trận chiến bao vây Kiev kết thúc ngày 21 tháng 9. Có 665 000 tù binh Liên Xô bị bắt ở đây, tướng Kirponos, chỉ huy mặt trận phía Nam cũng đã hy sinh trong túi Kiev, Thống chế Budiennyi đã rời Kiev vào giây phút cuối cùng bằng máy bay theo lệnh của Stalin. Hitle nói " Trận đánh Kiev là trận đánh lớn nhất của lịch sử nhân loại”. Trong khi đó Halder và Guderian lại cho đây là sai lầm chiến lược lớn nhất từ trước tới nay. Phía Đức đã mất cơ may để tập trung lực lượng mạnh tiến vào Moscow. Trong những trận đánh tiêu diệt xung quanh Kiev, những kẻ xâm lăng Đức đã có nhiều suy nghĩ mâu thuẫn về dân Slave : ngạc nhiên, khinh bỉ và cả sợ hãi những kẻ thù Cộng Sản chiến đấu đến chết.

     Trước những đống xác chết cháy đen hay một phần trần truồng do sức thổi gây ra bởi bom đạn nổ, một nhà báo quân đội Đức đã viết : " Hãy nhìn những xác chết này, những xác chết mới, hoàn toàn mới, vưà mới được sản xuất từ những nhà máy của kế hoạch năm năm. Họ là một chủng giống mới, một chủng giống công nhân gan lỳ không sợ chết". Dù hình ảnh này có ấn tượng như thế nào đi chăng nữa, những xác chết đó không phải đã từng là những người máy Cộng sản, họ đã từng là những chàng trai cô gái có lòng yêu nước tha thiết và đã trả lời cho kêu gọi của Tổ quốc họ.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 10:57:22 am
                                                                                         IV


                                                                                   SAI LẦM CỦA HTLER
          
                                                          


      "Nước nga bao la đang ăn chúng tôi" Von Rundstedt viết cho vợ như vậy sau khi tiêu diệt túi Uman. Ngày 11/8 tướng Halder viết : "Trước đây Bộ chỉ huy đã tính toán rằng Liên Xô chỉ có thể lập ra được khoảng 200 sư đoàn thôi. Vậy mà ngày hôm nay (11/8) chúng tôi đã đếm được hơn 360 sư đoàn của họ!". Cánh cửa đã đập vỡ nhưng căn nhà đã không sụp đổ.

      Vào giữa tháng 7, cuộc tấn công của Wehrmacht bắt đầu có những triệu chứng mệt mỏi. Thiệt hại nặng hơn nhiều so với dự tính, đến cuối tháng 8, con số thương vong đã vượt quá 400 000 người. Các phương tiện cơ động bắt đầu hỏng. Những động máy bay xe tăng đã hút quá nhiều bụi cát và cần sửa chữa. Những linh kiện phụ tùng cung cấp bắt đầu thiếu thốn. Đưòng sắt, phương tiện vận chuyển hậu cần chính không cung cấp được đầy đủ cho tiền tuyến do số tàu hoả dùng cỡ bánh chạy trên đường ray Liên Xô có quá ít (Đường ray Liên Xô rộng hơn đường ray châu Âu). Do đó xăng dầu cho panzer cũng bắt đầu thiếu.

      Các tướng tá chỉ huy ở mặt trận càng ngày càng tỏ ra chống đối những quyết định tấn công nhiều hướng của Hitler, nhất là Guderian. Sau khi đã bao vây các đơn vị Hồng quân ở Smolensk cuối tháng 7, cụm quân Trung tâm được nhận lệnh dừng lại, đơn vị của Guderian đặt lấy tên mới là đạo quân Panzer Guderian được lệnh quay xuống phía Nam tham gia trận bao vây ở Kiev. Chỉ đến đầu tháng 9 Hitler mới chấp nhận kế hoạch "Typhoon" tấn công Moscow với cụm quân Trung tâm. Phải đợi thêm một thời gian để các đơn vị Panzer của Hoth rút khỏi vùng chiến sự xung quanh Leningrad. Đến cuối tháng 9, các chuẩn bị cho chiến dịch "Typhoon" mới đầy đủ. Moscow chỉ cách tiền tuyến có 300 km, nhưng thời gian trước những bùn lầy của muà thu còn rất ít. Tướng Paulus, tham mưu chiến dịch dưới quyền của Halder có nhắc với Hitler những khó khắn sắp tới của mùa đông, Hitler trả lời bằng cách cấm tất cả mọi người nói đến chuyện này.

      Thống chế Von Bock chỉ huy Tập đoàn quân Trung tâm có dưới quyền 1.5 triệu lính, nhưng những sư đoàn Panzer của ông ta đã mệt mỏi, thiếu linh kiện phụ tùng. Trước khi phát động chiến dịch ông ta đã đặt mục tiêu bao vây Moscow vào ngày 7 tháng 11 ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Ông ta muốn lịch sử nhớ tới như nguời đã chiếm được Moscow.

       Bộ chỉ huy STAVKA đã đợi cuộc tiến công này từ khi tập đoàn Trung tâm dừng lại. Stalin đã cho Eremenko lập một tuyến phòng thủ ở Bryansk, trong khi hai đạo quân khác lập ra một Mặt trận bảo vệ Moscow. Tuy nhiên Eremenko vẫn bị thụ động khi ngày 30/9 những đơn vị Panzer của Guderian chọc thủng cánh quân phía Nam của ông trong sương mù. Trong những ngày đầu tiên của tháng 10, tình hình rất khả quan cho Đức. Xe tăng và máy bay của không đoàn số 2 thuộc thống chế Kesselring phối hợp rất chặt chẽ. Ngày 3/10, những đơn vị tiên phong của Guderian đã đến Orel, tức là đến 200 km đằng sau lưng của Eremenko. Sự bất ngờ coi như hoàn toàn. Ở Orel, những xe tăng đầu tiên tiến vào vượt qua những chiếc tầu điện vẫn chạy bình thường trong thành phố, người dân vẫy tay chào vì họ tưởng là xe tăng Nga. Trong những ngày sau đó, tình hình trở thành rối loạn, Bộ chỉ huy của Eremnko suýt nữa bị bắt gọn. Budienyi chỉ huy mặt trận Dự bị bị lạc và Eremenko bị thương nặng phải chở bằng máy bay về hậu phương. Ngày 5/10, một phi công tiêm kích thông báo rằng 1  đơn vị xe tăng Đức dài đến 20 km đang tiến nhanh về phía Yukhnov, chỉ cách Moscow có 160 km. Stalin tập trung ngay một Đại hội đặc biệt của Ban Quốc phòng và khẩn cấp gọi Zhukhov đang ở Leningrad về Chỉ huy công cuộc phòng thủ Moscow. Tất cả các đơn vị dự bị đều được điều ra phía trước nhằm khôi phục lại một vành đai phòng thủ. Lệnh tổng động viên các công dân Moscow để vào các đơn vị tự vệ và dân công đã được ban hành.

      Đêm 6/10, những hạt tuyết đầu tiên rơi xuống. Mặc dù tan ngay nhưng nó cũng đủ để biến cả con đường đất thành đường bùn. Tuy vậy Von Bock vẫn có đủ thời gian để lập ra thêm hai "túi" Briansk và Viasma (Vòng vây).

     "Chắc ông đang rất vui mừng khi kế hoạch của ông đang hoàn thành mỹ mãn"

      Reichenau nói cho Paulus như vậy khi viên tướng này đến Đạo quân số VI lấy chức tham mưu trưởng. Nhưng những ngườii lính Nga trong các túi này, mặc dù không được tiếp trợ, vẫn chiến đấu tới cùng. "Chúng tôi đã phải chiếm lấy từng ngôi nhà, từng đống rơm mà họ vẫn không chịu chui ra. Chúng tôi phải dùng bộc phá và súng phun lửa để giải quyết". Một sư trưởng đã nói với Paulus như vậy.

     Các đơn vị panzer cũng thấy được một cách chống tăng mới của Liên Xô : Những con chó được dậy cách chạy tới các xe tăng với một quả mìn chống tăng trên lưng. Muà thu đến với mùa bùn Rapustitsa vào giữa tháng 10. Bùn ngập đến tận háng ở nhiều nơi, không đủ gỗ để đệm đường, quân Đức bắt đầu dùng cả những xác chết để làm việc đó. Bước tiến của quân đội Đức vẫn không dừng. Ở khu Trung tâm, sư đoàn 10 Panzer và sư đoàn SS Das Reich đến Borodino, trận đánh xưa của Napoleon ngày 16/10, Moscow chỉ còn cách 110 km. Cùng ngày đó sư đoàn 1 Panzer cắt tuyến đường sắt Moscow - Leningrad ở Kalinin. Ở phía nam Guderian đã vượt qua Tula.
                                    
     Thông tin lạc quan nhất cho Liên Xô lúc đó là những đợt tới của các sư đoàn Syberia đến từ Viễn đông. Hai trung đoàn bộ binh đầu tiên đã chạm trán với sư đoàn SS Das Reich ở Borodino vài ngày trước, nhưng phần lớn các đơn vị này vẫn chưa tới nơi. Đây là một thành tựu lớn của Người gián điệp Richard Sorge ở Tokyo, ông ta đã biết được chiến lược quay về phía Thái Bình Dương của Nhật để tấn công Mỹ chứ không phải Liên Xô.

     Ngày 19/10, lệnh thiết quân luật được lập ra ở Moscow. Stalin quyết định ở lại thành phố và quyết định vẫn giữ nguyên cuộc Duyệt binh kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Mười ở Quảng trường Đỏ. Hôm đó, các đơn vị tiếp viện của Zhukhov duyệt binh qua trước lăng Lênin sau đó đi thẳng ra chiến trường chỉ cách đó vài chục cây số.

     Quân Đức bắt đầu chùn bước, trời thấp làm không quân càng ngày càng khó đến viện trợ cho lục quân. Các trận đánh liên miên làm các đơn vị hai bên chỉ còn một phần quân số lúc đầu. Guderian bị chặn lại trước Tula và bắt buộc phải đi vòng sang bên phải. Các đơn vị Panzer của Hoth đã đến kênh Moskova -Volga, làng Krasnaia Poliana, quê hương của Tolstoi là Bộ chỉ huy tiền phương gần Moscow nhất mà Hoth có thể lập được. Zhukhov ra lệnh cho Rokossovski với những gì còn lại của Đạo quân số 16 phải giữ Krioukovo bằng mọi cách. "Chúng ta không còn chỗ nào để lùi nữa", Zhukhov nói và trong thâm tâm của Rokossovski ông tin đó là sự thật.

     Quân Đức cũng không thể tiến được nữa. Von Kluge chỉ huy cuộc tấn công cuối cùng trên phía đường Minsk-Moscow nhưng lạnh và các cuộc phòng thủ cảm tử của Hồng quân đã chặn đứng được mưu toan này.

     Guderian và Von Kluge bắt đầu tự động rút các đơn vị tiên phong ở các vị trí nguy hiểm nhất sau một cuộc họp trong ngôi nhà của Toltoi ở Iasnaia Poliana. Muà đông năm đó rất lạnh. Nhiệt độ xuống -20 độ C. Xăng trong động cơ đóng thành băng. Số người chết trong các đơn vị Đức vì rét bắt đầu trở thành nhiều hơn vì chiến đấu. Đến Noel, tổn thất của Wehrmacht vì lạnh cóng đã lên đến 100 000. Đúng lúc đó, Quân Nga cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của cuộc phản công mùa đông.

      Những sư đoàn Syberia, với rất nhiều các tiểu đoàn lính trượt tuyết, đã được bí mật tập trung bởi STAVKA, máy bay và 1700 xe tăng cũng đuợc chuyển lên tiền tuyến. Phần lớn các xe tăng này là loại T34 xích rộng có thể đi lại dễ dàng trên tuyết. Ngày 5 tháng 12, ở mặt trận Kalinin, những đơn vị của tướng Koniev mở màn cuộc phản công yểm trợ bở những khẩu đội Katiusa mà quân Đức bắt đầu kiêng sợ. Ngày hôm sau, tập đoàn quân Xung kích số 1 và tập đoàn quân số 16 bắt đầu tấn công vào sườn các đơn vị Đức. Ở phía nam, Guderian cũng bị tấn công từ nhiều phía. Ở giữa Von Kluge cũng bị tấn công cho nên không thể cứu những đơn vị khác được.

       Những cuộc phản công sau lưng của quân đội Đức cũng trở nên nhiều hơn. Những nhân viên NKVD tổ chức những đơn vị du kích trong những khu rừng hay đầm lầy đóng băng để đánh những đoàn hậu cần Quốc xã. Những đơn vị đi ski mặc áo trắng xuất hiện bất thình lình trên tuyết để tập kích một đơn vị Đức trước khi biến mất như những bóng ma. Những kỵ binh xuất hiện 20 đến 30 km đằng sau lưng quân Đức để tấn công bằng kiếm như thờ Thành Cát Tư Hãn những khẩu pháo hay xe tải Đức.
 
       Kế hoạch phản công của Nga trở thành rõ ràng, Von Bock phải nhanh chóng rút lui đến 160 km. Moscow đã đứng vững, tin tức về những đống xác chết cóng của Wehrmacht bên cạnh nhưñg khẩu đại bác bỏ lại và những tấn công kỵ binh làm cả hai bên liên tưởng đến năm 1812. Stalin quyết định mở một cuộc tổng tiến công ở Leningrad, Ucraina và Crimea. Hitler lại ra lệnh cấm quân Đức được lùi. Sau này có người cho rằng mệnh lệnh này đã cho cụm quân Trung tâm tránh khỏi số phận của đạo quân Napoleon trước kia, nhưng có lẽ chuyện này sẽ không xảy ra vì lúc này Hồng Quân không có đủ lực lượng để tổ chức một cuộc đánh đuổi lớn như thế.

       Cuộc tổng phản công của Stalin cũng bắt đầu sa lầy. Nếu các đơn vị Liên Xô chọc thủng dễ dàng các tuyến phòng thủ của Đức. Họ lại không có đủ tiềm lực để tấn công những con nhím phòng thủ. Ở Kholm phía tây bắc Moscow, tướng Scherer với 5000 người đã giữ vững cứ điểm với tiếp trợ luơng thực và vũ khí bằng đường không. Ở Demiansk, 100 000 người bị bao vây trong 1 cái nồi "Kessel" được tiếp trợ bằng 100 chuyến bay Junker 52 mỗi ngày, chở vào 60 000 tấn vũ khí luơng thực và chở ra 35 000 thương binh. Trong 72 ngày túi Demiansk đã chống lại nhiều đạo quân Liên Xô trước giải vây vào cuối tháng 4. Chiến thắng này làm cho Hitler quá tin tưởng vào một mô hình phòng thủ kiểu Kessel viện trợ bằng đường không.

      Kết quả của chiến dịch mùa đông là cả 2 bên đều kiệt sức. Moscow đã được cứu thoát, tinh thần quân Đức xuống thấp đến nỗi Bộ chỉ huy cấm tuyệt đối những người lính về nghỉ phép kể chuyện chiến trường nhằm tránh gây hoang mang cho dân hậu phương. Trên một xác chết Đức, giấu trong hai lần áo, một lính Nga đã tìm được 1 tờ báo "Tin mặt trận" số 3 kêu gọi những người lính Đức lập ra các chi bộ Đảng trong các đơn vị : "Các đồng chí, tại sao chúng ta lại phải đi theo Hitler vào trong một cuộc chiến tranh đầy tội lỗi của hắn? Chúng ta phảI loại bỏ hắn, phải diệt Hitler, chúng ta những người lính có thể làm được nhiệm vụ này, tương lai của nước Đức dựa vào chúng ta..."

       Cuối cùng vào muà xuân năm 1942, mặt trận bắt đầu được ổn định ở phía đông Smolensk. Nhưng tình hình toàn cuộc đã thay đổi hoàn toàn. Từ tháng 12 năm 1941, Hoa Kỳ đã bước vào vòng chiến. Cán cân quân sự, chính trị, kinh tế, công nghiệp hiện nay đã thay đổi ngược lại về phía Moscow.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 11:07:05 am
                                                                                               V


                                                                        TRẬN ĐÁNH ĐẦU TIÊN CỦA TƯỚNG PAULUS



      Sau những thất vọng của Hitler vào cuối năm 1941, hàng ngũ tướng tá chỉ huy mặt trận phía Đông bị đảo lộn hoàn toàn đã dẫn Paulus đến chức chỉ huy đạo quân số 6. Cũng những thất vọng kiểu này sẽ dẫn ông và đạo quân ông chỉ huy đến thảm họa một năm sau.

     Vào tháng 11 năm 41 khi thế giới đang chú ý đến Moscow, tình hình ở Ucraina thay đổi liên tục. Ngày 19/11, những đơn vị tiên phong của von Kleist dưới mưa tuyết đã chiếm được Rostov trên sông Don, bức tường cuối cùng trước vùng Caucasia. Nhưng rất nhanh chóng, tướng Timochenko đã phản công ngay. Quân Nga vượt sông Don đóng băng chọc thủng cánh trái của quân Đức do đạo quân Hung bảo vệ. Von Kleist bắt buộc phải rút lui. Hitler đang mơ tưởng chiếm được Moscow và vùng Caucasia đã giận điên. Tệ hơn nữa, đây là lần đầu tiên từ khi bắt đầu thế chiến, một đạo quân Đức đã phải rút lui. Hitler không tin là Von Rundstedt không đủ phương tiện để giữ đến nỗi phải cho Von Kleist lùi đến tận sông Mius. Ngày 30/11 Von Rundstedt cho biết nếu Hitler không tin tưởng vào tài chỉ huy của ông thì cứ việc cắt chức ông.

      Sáng sớm ngày hôm sau, ông bị mất chức. Von Reichenau chỉ huy đạo quân số VI lên thay thế và được lệnh dừng ngay cuộc rút lui. Reichenau tuận lệnh hoặc đúng hơn là giả vờ tuân lệnh này. Chỉ vài giờ sau khi nhận chức, một điện văn từ Bộ chỉ huy cụm quân miền Nam được gửi về Berlin nó rằng mặc dù tất cả những gì có thể làm được đã được làm,một cuộc rút lui về phía sông Mius là không thể tránh được. Bức điện này chỉ làm tăng khinh bỉ của Von Rundstedt đối với Von Reichenau, con rối Quốc xã với cơ thể kiện tráng.

      Ngày 3/12, Chiếc máy bay Focke-Wulf Condor của quốc trưởng bay tới Potalva, sở chỉ huy tiền phương của cụm quân phía Nam và cũng là nơi mà Charles 12 của Thụy Điển đã bị Piotr đại đế đánh bại vào năm 1709 để kiểm tra tình hình. Viên tướng đầu tiên được Hitler hỏi là Sepp Dietrich chỉ huy sư đoàn 1 SS Leibstandarte. Và trước ngạc nhiên của Hitler, Dietrich ủng hộ ý định rút lui. Hitler cũng lợi dụng cơ hội này để làm hoà với von Rundstedt. Viên thống chế già 70 tuổi được đưa về Berlin nghỉ lão.  Đầu tiên Hitler định để Reichenau chỉ huy cả cụm quân phía nam và đạo quân số 6, nhưng Reichenau từ chối và nâng cử viên tham mưu trưởng của mình là Paulus và được Hitler đồng ý.

      Như vậy là từ ngày 1/1/1942, Paulus đựơc thăng chức "General Von Panzertruppe" và 5 ngày sau đó chính thức nhậm chức Chỉ huy Đạo quân số VI mặc dù chưa bao giờ chỉ huy một quân đoàn và ngay cả một sư đoàn trước đó trong khi Timochenko đang tấn công mạnh ở Kursk.

      Friedrich Wilhem Paulus sinh ra trong 1 gia đình trung nông vùng Hess. Năm 1909, chàng trai Paulus dãđịnh xin ra nhập hải quân nhưng đã bị từ chối vì lý do sức khoẻ. Năm sau anh vào trường thiếu sinh quân, chắc chắn bị bạn bè phần lớn gốc gác từ tầng lớp quý tộc chê bai về nguồn gốc của mình, Paulus luôn luôn giữ 1 bề ngoài rất tề chỉnh. Năm 1912, ông lấy Elena Rosetti-Solesco, em gái của 1 người bạn sỹ quan mà gia đình có nguồn gốc quý tộc người Rumani. Khác với chồng đã có những cảm phục đối với lý tưởng Quốc xã từ khi ông ta cũng như Von Reichenau ra nhập nhưñg đơn vị vũ trang Freikorps tiêu diệt Cộng Sản sau năm 1918, bà ta đã ghét Hitler từ rất lâu.

     Ở trung đoàn bộ binh số 13, đại uý Paulus được cấp trên coi như một đại đội trưởng giỏi, nhưng không tiên tiến như viên đại úy chỉ huy đại đội súng máy Erwin Rommel. Có đầu óc sáng tạo, E. Rommel sẵn sàng không nghe mệnh lệnh trên để tuỳ cơ ứng biến với tình hình chiến trận thì Paulus lại rất là tỉ mỉ thi hành hoàn hảo mệnh lệnh trên. Do đó công việc ở bộ tham mưu cần thiết nhưñg người cẩn thận, chặt chẽ phù hợp với ông ta hơn. Paulus thường hay thức khuya ban đêm để nghiên cứu những trận đánh của Napoleon trên những bản đồ. Theo người con của ông ta, so với Rommel hay Model, Paulus có dáng vóc một nhà khoa học hơn là một viên tướng.

      Cũng chính vì thế mà Paulus rất được cấp trên thích chẳng hạn như viên tướng thô bạo Von Reichenau đã nhận Paulus về làm tham mưu cho mình từ chiến dịch đánh Pháp. Hai người cộng tác với nhau rất là trôi chẩy, kết quả là họ đã nhận đầu hàng của Leopold vua nước Bỉ. Sau đó Paulus được Halder gọi về Berlin cộng tác trong kế hoạch chuẩn bị chiến dịch Barbarossa. Trong khi chiến dịch đang diễn ra, Reichenau đã rút viên tham mưu lại từ đồng sự Halder.
 
      Cuộc thăng quan tiến chức như gió của Paulus bị u ám bởi cái chết của Von Reichenau. Ngày 12/1, một tuần sau khi Paulus nhậm chức, Reichenau sau cuộc tập chạy trên tuyết đã bị nhồi máu cơ tim. Viên thống chế này được chở ngay về Đức điều trị, nhưng khi hạ cánh ở sân bay Lemberg, do thời tiết xấu, máy bay bị tai nạn, xác chết của Reichenau được tìm thấy bên cạnh cây gậy thống chế của ông ta bị gẫy đôi.  

      Mặc dù rất lạnh nhạt, Paulus cũng đã có những cử chỉ nhân đạo đối với binh sỹ của ông. Cũng chính Paulus đã huỷ bỏ "lệnh đặc biệt" của Reichenau đối với Do thái và du kích. Nhưng những đơn vị cảnh sát giã chiến (Feldgendarmerie) vẫn được lệnh chuyển tình nghi Cộng Sản và Do thái cho các đơn vị "đặc biệt" Einsatzkommando của SD. Thật ra Paulus đã nhận được một gia tài quá nặng về những biện pháp đặc biệt dưới thời Reichenau. Lúc bấy giờ, định nghĩa của "du kích" đã mở rộng thành "tất cả các người đàn ông cắt tóc cao kiểu quân đội, dù người đó mặc quân phục hay không".
                                                    
     Lệnh xử tử được áp dụng cho cả các trường hợp thường dân đưa thức ăn cho những Hồng quân trốn trong rừng. Một lệnh từ tháng 7 năm 1941 cho phép binh lính Đạo quân số VI tàn sát và đốt trụi những làng mạc có hành động bao che cho du kích. Theo viên đại tá SS August Haffner, Reichenau đã ra lệnh trực tiếp tàn sát 3000 người Do thái để cảnh cáo vào tháng 7 năm 1941.

     Nhiều đơn vị của Đạo quân số VI đã trực tiếp tham gia những vụ tàn sát Cộng Sản và Do thái. "Những lính nghỉ phép đã giúp đỡ các đơn vị SD và SS trong công việc tiêu diệt thảm họa Cộng Sản và Do thái, họ đã tự nguyện tham gia những hành quyết mặc dù không được khuyến khích " một bản báo cáo trong sở chỉ huy Đạo quân số VI đã ghi như vậy.

       Nhưng thỉnh thoảng cũng có những gương nhân đạo xuất hiện. Ngày 12/8 viên sỹ quan tuyên huấn của sư đoàn 295 báo cáo với tham mưu sư đoàn, trung tá Helmut Groscurth, rằng ở Belaia Tserkhov có 90 trẻ mồ côi Do thái từ vài tháng đến 7 tuổi đang bị giam giữ trong điều liện rất tàn khốc, và các em sắp bị hành quyết như bố mẹ các em trước đó. Groscurth, sỹ quan chống Quốc xã, đã đi thẳng tới nơi đánh nhau với đại tá SS Paul Blobel chỉ huy Einsatzkommando IV A để tìm cách cứu các em. Nhưng cuối cùng cả 90 đứa trẻ đều đã bị bắn chết ngày hôm sau. Groscurth viết đơn kiện lên Reichenau nhưng cũng không có hồi âm. Ông ta viết thư cho vợ sau đó "Chúng ta không đáng thắng cuộc chiến tranh này " và vào lần nghỉ phép sau đó, ông ta đã đi liên lạc ngay với nhóm chống phát-xít trong quân đội Wehrmacht.

      Vụ tàn sát ở Belaia Tserkhov, đã nhanh chóng bị lãng quên khi quân Đức chiếm được Kiev. 33 771 người Do thái đã bị Einsatzkommando IV A tập trung rồi hành quyết ở hố Babi Yar trong vùng kiểm soát của Đạo quân số VI. Lệnh của Von Reichenau cho quân lính ngày 10/10 với chữ ký ủng hộ của Von Rundstedt có đề "trên chiến trường phía đông, người lính không phải chỉ là một chiến binh mà còn là một người bảo vệ lý tưởng văn hoá Quốc xã và là người trả thù cho dân tộc Đức chịu những đau khổ mà bọn Bôn-sê-vích châu Á và bọn Do thái đã gây ra trong bao nhiêu thế hệ".

       Với Paulus, những đốt phá không hoàn toàn biến mất, ngày 29/1/1942, làng Komsomolsk gần Kharkov đã bị thiêu trụi với 10 người dân thường bị bắn chết trong đó có 2 trẻ con. Sự thật là đối với người lính Đức, những tư duy đạo đức tốt và xấu đang dần dần biến mất và thay thế bởi lý tưởng Quốc xã và mô hình một cuộc chiến tranh diệt chủng của Hitler.

      Số phận của những tù binh Nga lúc đó rất là hẩm hiu. August von Kageneck, chỉ huy một đơn vị trinh sát cơ động của sư đoàn 9 Panzer kể rằng từ trên tháp súng máy của xe ông, ông đã từng thấy những xác lính Nga "xếp thẳng băng, đầu úp xuống đất" chắc chắn không phải là chết do chiến đấu. Một nhà báo Ý kể lại trên đường ra mặt trận, lính Đức trên xe của ông đã "thử súng" vào những đoàn tù binh Nga thương tích đầy mình đang lê lết về phía sau.

      Cũng không nên quên rằng ở trại tập trung Auschwitz, hơi ngạt Zyklon B trước khi được dùng trên 3 triệu người Do thái đã được thử nghiệm lần đầu tiên trên 600 tù binh LX. Yuri Mikhail Maximov tù binh LX của sư đoàn BB 127, bị giam ở trại Novo-Alexandrovsk, kể lại :" Trại tù binh chỉ là một khoảng đất giữa đồng không mông quạnh, khoanh lại bằng dây thép gai.  18 000 người ở trong đó được nuôi mỗi ngày bằng 18 thùng phi nước đun nóng với vài miếng thịt ngựa trong đó. Khi phân phát thức ăn ai chạy vội tới đều bị bắn chết và để xác đó ba ngày để làm gương.

      Trong Hồng Quân Liên Xô mặc dầu không có những lệnh trên nhưng càng ngày với những gì họ thấy và nghe được, lòng căm thù của họ bắt đầu đổ lên tất cả những gì của Đức, từ các tù binh, đặc biệt là SS đến những bệnh viện dã chiến. Ngày 29/12/1941, ở Feodosia, Crimea, những người lính thuỷ Liên Xô sau khi chiếm được một bệnh viện Đức đã thẳng tay tàn sát 160 thương binh.

     Thời điểm Paulus lên nắm quyền chỉ huy không được tốt lắm cho quân Đức. Ở Crimea, Đạo quân số XI của Von Manstein vẫn dậm chân đằng trước Sevastopol. Một cuộc tấn công chớp nhoáng của Hồng quân từ Caucasia đã chiếm lại được bán đảo Kerch, viên tướng chỉ huy binh đoàn Đức ở đây tướng bá tước Von Sponeck phải ra toà án binh. Paulus chuyển sở chỉ huy về Kharkov, mục tiêu của Timochenko. Nhiệt độ xuống âm ba mươi, nhiều khi còn thấp hơn nữa.

      Kế hoạch của Timochenko là cô lập hóa vùng Donbas và sử dụng một chiến thuật bao vây Kharkov, như ng chỉ có cánh quân phía nam của ông chọc thủng được phòng tuyến Đức lập ra một đầu cầu kéo dài gần 100km. Nhưng Hồng quân không còn đủ phương tiện và quân dự bị để phát triển thêm, sau hai tháng tranh chiến quyết liệt, cuộc tấn công chấm dứt.
 
      Đạo quân số VI đã giữ vững phòng tuyến nhưng thống chế Von Bock, người thay Reichenau đã cho là Paulus đã quá cẩn thận để phản công thắng lợi. Nhưng nhờ Halder cho nên Paulus không mất chức.

     Vào mùa xuân năm 1942, muà đông khủng khiếp đã trôi qua, quân Đức lại bắt đầu chuẩn bị cho cuộc tấn công muà hè sắp tới. Những kỷ niệm đau đớn của muà đông hầu như tan đi với những xe tăng mới tinh nhận được từ hậu phương. Nhưng ai cũng biết rằng chiến tranh sẽ còn dài.  

     Tướng Pfeiffer chỉ huy sư đoàn 297 đã đùa với một sỹ quan của ông đi nghỉ phép ở Pháp : "Cứ tha hồ nghỉ ngơi tận hưởng bên đó đi, chiến tranh hãy còn dài và khó khăn để anh thử sự chịu đựng của anh".

     Ngày 28/3, tướng Halder đến Rastenburg để trình bày kế hoạch chiếm Caucasia và nam Nga đến Vôn-ga. Cùng lúc đó Timochenko cũng trình bày ở STAVKA chương trình tấn công vào Kharkhov của ông.

      Ngày 5/4, Hitler chấp nhận chương trình chiến dịch muà hè 1942 : chiến dịch "Ánh sáng Bắc cực" do cụm quân phía Bắc nhằm kết thúc các tuyến phòng ngự của Leningrad và gặp các đơn vị Phần Lan. Chiến dịch "Siegfried" sau đó đổi thành chiến dịch "Blau" nhằm chiếm vùng Caucasia và nam Nga.

      Ngày 8/5, Von Bock tiếp nhận tướng Walther Von Seydlitz-Kurzbach người hùng giải vây cho ông trong túi Demiansk. Hậu duệ của viên tướng kỵ binh của Frederick đại đế ở trận Rossbach, trận "khai quốc" của Đế quốc Phổ. Vưà nghỉ phép từ quê ở đông Phổ về, Seydlitz được điều động đến Đạo quân số VI chỉ huy binh đoàn 51. Khi ông ta tạm biệt người vợ ở đông Phổ, ông ta không biết đó là một sự tạm biệt trong 14 năm.
 
      Ngày 10/5, Paulus đệ trình cho Von Bock kế hoạch Fridericus nhằm huỷ diệt đầu cầu ở Barvenkovo của Timochenko lập ra trong dịp tấn công mùa đông. Thật ra chỉ hai ngày sau, nguyên soái Timochenko đã tấn công trước với 640.000 lính và 1.200 tăng.Hai mũi bắt đầu từ Volchansk và Barvenkovo cùng xuất kích một lúc nhằm bao vây Kharkov. Von Bock yêu cầu Paulus không phản công sớm quá mà phải phòng thủ. Xe tăng Nga chọc thủng được phòng tuyến trong vùng của binh đoàn 8 chỉ huy bởi tướng Walter Heitz. Tối ngày 12, quân LX chỉ còn cách Kharkov có 20 km.

      Trong 72 giờ sau đó, Đạo quân số VI mất hoàn toàn 16 tiểu đoàn. Paulus xin rút lui để đổi đất lấy thời gian trong khi Von Bock nghĩ nếu dùng đạo quân Panzer của von Kleist ở phía nam đánh vào hông các mũi tấn công, tình hình sẽ được cứu vãn. Hitler trong những tình huống này đã rất sáng suốt chọn một kế hoạch thứ ba để cả cho Paulus lùi và Von Kleist đánh lên vào hông càng ngày càng kéo dài của Timochenko.

      Ngày 17, Kleist bắt đầu phản công từ phía nam gồ Barvenkovo. Vào buổi trưa, bộ phận tiền phong đã tiến được đến 15 km. Những xe tăng Panzer mk III đã phải chạm trán với những T34 của Timochenko ở khoảng cách rất gần bằng không "những viên đạn pháo 50 mm nẩy bật lại trên giáp tăng như mấy quả pháo tép".

     Tối hôm đó Timochenko xin Moscow cho thêm viện binh để chặn Kleist, nhưng theo Nikita Khruschev Chính uỷ chiến trường thì Stalin đã không cho (đây là một tuyên cáo của Khruschev ở Đại hội Đảng lần thứ 20 vào năm 1956). Cuối cùng ngày 19, với sự đồng ý của Stalin, Timochenko dừng cuộc tấn công, nhưng đã chậm rồi.
                            
     Paulus cũng bắt đầu phản công. Chiến trận trở nên ác liệt. Một thượng sĩ của Sư đoàn 389 Đức kể lại trung đoàn của ông ta bị " Một tiểu đoàn cướp cái chỉ huy bởi một mụ tóc đỏ tấn công". Ông ta còn nói thêm "Họ rất đáng sợ, thường họ trốn trong các đống rơm đợi chúng tôi qua rồi mới bắn sau lưng chúng tôi".    

     Vòng vây bắt đầu khép chặt xung quanh quân Nga. Trong bước tiến, trung đoàn 2 Panzer bị vướng vào một vùng tàn quân Liên Xô. Trung đoàn chỉ huy bởi Hyacinth "Panzer Kavallerist" Graf von Strachwitz, một chỉ huy có tiếng trong binh chủng Panzer. Đơn vị chỉ có thời gian lập thành con nhím phòng thủ khi tiếng "Hurrah" của Hồng quân nổi lên khắp nơi. Suốt đêm, hết lớp này đến lớp khác, nhưñg người hồng quân cảm tử xung phong để phá vòng vây. Đến sáng hàng ngàn xác chết trước vị trí Đức chứng minh cho quyết tâm của quân Nga.

     Thật ra chỉ có 1 người trên 10 đã thoát khỏi vòng vây. Trong túi Barvenkovo, 2 đạo quân 6 và 57 đã bị tiêu diệt, 240.000 tù binh và gần như toàn bộ xe tăng của Timochenko. Tổn thất của Đức chỉ là hơn 20.000 người. Sau chiến công này, Paulus được nhận huân chương Hiệp sỹ Chữ thập sắt và vô số thư chúc mừng. Do nguồn gốc hạ đẳng cho nên Paulus được tuyên truyền Quốc xã đưa ra trước những quý tộc như Von Kleist, Von Bock ... Paulus đã rửa được ở đây nỗi nhục giai cấp và Hitler ở đây chắc chắn đã mê hoặc được một viên tướng nữa...


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 11:13:34 am
                                                                                                  VI

                  
                                                                                     MỘT NGƯỜI CẦN BAO NHIÊU ĐẤT



      Ngày 1/6/1942, chiếc máy bay Fock Wulf Condor của Hitler hạ cánh xuống phi trường Potalva ở bộ chỉ huy Cụm quân phía nam. Một hội nghị bàn bạc về cuộc phản công muà hè đang diễn ra ở đây. Hitler có vẻ rất vui khi nói chuyện với Bộ chỉ huy cụm quân bao gồm Thống chế chỉ huy cụm quân Von Bock, Paulus chỉ huy Đạo quân số VI, Von Kleist chỉ huy ĐQ Panzer 1, Hoth ĐQ Panzer 4 và Wolfram von Richthofen, chỉ huy không quân Luftwaffe.

     Là người em họ của viên phi công "nam tước đỏ" nổi tiếng trong thế chiến thứ I, Richthofen là một viên tướng không quân già dặn thông minh nhưng cũng rất kiêu căng và tàn bạo. Ông ta đã chỉ huy đoàn Condor trong chiến tranh Tây Ban Nha. Ở vị trí này, ông ta đã tham gia trực tiếp vào vụ ném bom ở Guernica tàn sát hàng ngàn dân thường. Cũng chính ông ta chỉ huy không đoàn số VIII đã ném bom Belgrad diết hại 17 000 dân thường. Chính vì vụ này mà tướng Alexander Lohr chỉ huy trực tiếp của ông đã bị người Nam Tư xử tử sau chiến tranh. Cũng chính những máy bay của Richthofen đã đập tan các thành phố Cannae và Herakleon trong chiến dịch nhảy dù trên đảo Kreta.

     Trong hội nghị Hitler không hề nhắc tới Stalingrad mà chỉ tập trung vào các giếng dầu ở Caucasia và 2 thành phố Groznyi và Maikop. Vào thời điểm này mục tiêu của cuộc tiến công vào thành phố chỉ là để phá huỷ những nhà máy vũ khí ở đây chứ không hề có ý định chiếm hoàn toàn thành phố.

     Phần thứ nhất của chiến dịch "Blau" là chiếm Voronej, thứ 2 là bao vây và tiêu diệt các đơn vị Hồng quân ở phía tây sông Don. Sau đó Đạo quân số VI sẽ tiến về phía Stalingrad để bảo cánh trái của cụm quân trong khi Đạo quân số 17 và Đạo quân Panzer 1 sẽ tiến vào vùng Caucasia. Sau khi Von Bock kết thúc bài thuyết trình, Hitler bắt đầu lên tiếng. Theo y tất cả đều rất dễ, sau các chiến dịch mùa đông và trận Kharkhov, Hồng quân không còn gì để chiến đấu nữa. Hitler chắc chắn về thắng lợi của kế hoạch đến nỗi y sẵn sàng gửi về phía bắc đạo quân của Manstein sau khi chiến được Sevastopol. Hitler bắt đầu mơ tưởng đến những đoàn xe panzer ở vùng Trung đông và ngay cả ở Ấn Độ.

     Trước khi chiến dịch Blau bắt đầu,hai chiến dịch nhỏ nhằm lập hai đầu cầu bên kia bờ sông Donetz. Hai giờ sáng ngày 10/6, các đại đội của sư đoàn 297 vượt sông Donetz trên các thuyền cao su. Ngay sau khi chạm đất liền, các đơn vị công binh lập tức xây dựng một cây cầu dã chiến. Ngay chiều hôm sau, các xe tăng của sư đoàn 14 panzer đã có thể vượt sông.

      Sáng hôm sau,một cây cầu khác đã bị chiếm nguyên vẹn trước khi những quả thuốc nổ được khai hoả. Các xe cộ ùn ùn từ các nơi đổ tới để vượt sông ở đây. Ở gò đất phía đông cây cầu một viên thiếu tá trong ban tham mưu một sư đoàn bộ binh đã bị một người lính bắn tỉa hạ sát cùng với người tài xế, mỗi người với một viên đạn qua đầu. Cuối cùng phải cần đến hai khẩu pháo tự hành cùng một đại đội bộ binh để hạ được người lính bắn tỉa. Tối hôm đó ở sư đoàn, câu chuyện về cái chết của viên thiếu tá, mọi ngươì đều cho đây là cái chết yên ổn nhất.

      Trong khi Đạo quân số VI và Đạo quân số I Panzer đang bắt đầu mở màn chiến dịch Blau, bắt đầu vào ngày 28/6. Một sai lầm không thể tưởng tượng được đã xẩy ra ở Ban tham mưu Đức. Ngày 19/6, máy bay hiệu Fiseler-Storch của thiếu tá Reichel của ban tham mưu Sư đoàn 23 Panzer, với toàn bộ tài liệu về chiến dịch sắp tới, đã bị bắn rơi ngay phía trước mặt trận Đức. Xác chết của viên thiếu tá đã được các đơn vị Hồng Quân kiếm ra trước, và tài liệu được mang về Moscow. Sau vụ này 2 viên tướng chỉ huy sư đoàn 23 Panzer và binh đoàn mà sư đoàn trực thuộc đã bị đưa ra toà án binh. Điều đáng mỉa mai là do việc tìm ra được tài liệu dễ quá nên cũng rất ít ai trong STAVKA tin tưởng vào sự chân thật của nó.
                                                  
     Tuyến phòng thủ ở Orel vẫn được xây dựng nhằm bảo vệ Moscow, mục tiêu giả định. Ngày 28/6, TĐQ số 2 và TĐQ số 4 Panzer bắt đầu từ Kursk tiến về phía đông, về Voronej chứ không phải Orel và Moscow. Stalin chấp nhận tăng cường xe tăng cho tướng Golikov, nhưng do hệ thống truyền tin thiếu nhanh chóng, các đơn vị tăng không được triển khai đúng lúc để rồi biến thành mồi săn của máy thuộc không đoàn Richthofen.

     Ngày 30/6, TĐQ 6 của Paulus, TĐQ số 2 Hunggary bên cánh trái và TĐQ 1 panzer bên cánh phải bắt đầu tiến công từ những đầu cầu phía đông sông Donetz. Sức chống trả của Hồng quân mạnh hơn dự định. T34 và pháo chống tăng, được chôn và ngụy trang trốn Stuka và Panzer Đức, bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên những xe tăng bất động là những con mồi dễ dàng cho những lính xe tăng Đức rất thuần thuộc chiến thuật di động. "Một khi đã bị quay vòng, xe T34 phải rút bỏ vị trí phòng thủ kéo theo màn ngụy trang nhìn như bà già với bộ tóc giả".

      Những đơn vị Đức tiến lên giữa nhưñg cánh đồng hoa hướng dương bao la phải tiêu diệt những đơn vị Hồng quân nhỏ làm nhiệm vụ cản chậm. Họ thường giả chết để đợi quân Đức tới gần trước khi nổ súng.

      Vụ Reichel, mất giấy tờ vẫn làm Bộ chỉ huy Đức lo ngại, cho đến ngày nay vẫn còn nhiều người cho rằng từ đầu Stalin đã đặt ra cái bẫy lớn ở Stalingrad. Lý luận này được củng cố bởi sự kiện là khác với các trận đánh bao vây khác vào năm 1941, trận bao vây Voronej chỉ bắt vào lọng được rất ít quân Liên Xô. Thật ra, Stalin lúc này đã hoàn toàn được các phụ tá thuyết phục là không nên phòng ngự một vị trí cho tới cùng như trong muà hè trước mà phải biết bán đất lấy thời gian. Tuy nhiên phía Hồng quân vẫn công nhận là Voronej là một địa điểm quan trọng đáng được phòng thủ, và STAVKA cũng biết nếu Voronej mất, toàn bộ hệ thống phòng thủ của Timochenko phía đông sông Don sẽ bị phá hủy.

     Trận Voronej sẽ là trận đầu tiên của sư đoàn kỵ binh 24 vừa được biến thành Sư đoàn panzer, với sự giúp đỡ của sư đoàn Grossdeutschland và sư đoàn 16 panzergrenadier. Ngày 3/7, một đầu cầu đã được xây dựng phía đông sông Don.
                                                    
     Cũng ngày 3/7, Hitler lại đến Potalva để xem tình hình. Y vẫn còn vui mừng sau khi Sevastopol bị chiếm và phong cho Manstein chức Thống chế. Mặc dầu vẫn chú ý đến thế trận ở Voronej, y chỉ để lại ở đây một binh đoàn panzer và chuyển xuống phía nam số quân còn lại nhằm tập trung vào công việc bao vây Hồng Quân bị kẹt lại phía tây sông Don. Ở Voronej, các cuộc chiến cho từng căn nhà, từng dẫy phố rất là ác liệt. Đường lối chính trị mới đã cho phép đạo quân của Timochenko rút lui an toàn khỏi cạm bẫy Đức.

      Ngày 12/7, Stavka thành lập cụm quân Stalingrad. Mặc du khồng ai dám công nhận, nhưng lúc đó ai cũng nghĩ trận chiến quyết định sẽ xẩy ra trên sông Volga. Dấu hiệu hiện thực nhất là việc chuyển sư đoàn NKVD số 10 với 5 trung đoàn từ Uran đến Stalingrad để chuẩn bị bảo vệ thành phố, các đơn vị tự vệ, phòng không được thành lập trong và xung quanh các nhà máy, khu tập thể.

     Vào tháng 7, Hitler ngày càng nóng vội để chiếm những mỏ dầu ở Caucasia. Cũng sự nóng vội này dẫn đến những thay đổi tai hại trong kế hoạch Blau. phần giữa của chiến dịch Blau là 1 mũi tiến nhanh của TĐQ6 và TĐQ 4 panzer về phía Stalingrad nhằm cắt đôi các đơn vị của Timochenko và chuẩn bị một cuộc tấn công về phía Rostov rồ vùng Caucasia. Những do nóng vội Hitler bắt cả hai bước đều phải tiến hành cùng một lúc, để thúc đẩy cuộc tiến công vào Caucasia, mũi tấn công về phía Stalingrad bị cắt hẳn TĐQ 4 panzer của Hoth và binh đoàn 40 của TĐQ 6.
 
      Von Bock hoàn toàn không đồng ý và rất tức giận khi thấy ý của mình không được Hitler nghe. Biết sự bất đồng của Von Bock, Hitler cắt chức ông ta và cắt tập đoàn quân phía nam thành 2 nhóm. Thống chế List chỉ huy nhóm A tiến về Caucasia, Thống chế nam tước Von Weichs chỉ huy nhóm B với TĐQ 6 là mũi nhọn tiến về Stalingrad. Hitler đã thay đổi không chỉ những đơn vị tham gia mà còn cả nhịp độ của chiến dịch Blau làm cho nó mất hết tất cả lô-gích đầu tiên của nó.

      Bây giờ Hitler lại muốn làm một cuộc tiến quân bao vây rộng lớn bao trùm tất cả các đơn vị của Timoshenko ở phía bắc Rostov. Nhưng ngày 17/7, chỉ có một số ít đơn vị bị rơi vào lưới vòng vây sau khi binh đoàn panzer số 40 tiến sâu đến gần 200 km trong 3 ngày và đóng vòng lọng ở Millerovo.
                                        
      Một lần nữa số phận của các tù binh Nga rất bạc bẽo. Stepan Ignatievich Odiniktchev, thư ký ở sư đoàn kỵ binh số 60 bị bắt ở Millerovo kể lại 3 tháng sau khi ông được Hồng Quân cứu thoát: "Họ (Đức) không cho chúng tôi ăn, vài ba ngày mới có vài xô nước bột mỳ cho cả trại, 1 miếng thịt ngựa chết lúc đó còn quý hơn vàng. Chúng tôi bắt đầu chết hàng chục người mỗi ngày rồi hàng trăm..." Thông thường các cán bộ NKVD rất nghi ngờ những tù binh nhưng trường hợp của Odiniktchev có vẻ đã động lòng viên thanh tra vì ở bên lề tờ biên bản khẩu cung đánh máy có một câu viết tay của viên thanh tra: "Anh ta chỉ là một bộ xương có bọc da".

       Quân Đức tiến nhanh đến nỗi Stalin đã ra lệnh chuẩn bị bảo vệ Stalingrad ngay ngày 19/7. STAVKA sợ Rostov không giữ được lâu. TĐQ 17 đã vượt sông Don ở phía biển Đen. Phía bắc thành phố, TĐQ 1 panzer đang di chuyển rất nhanh và TĐQ 4 panzer cũng đã vượt sông Don. Ngày 23/7, su đoàn Panzer 13 và 22 cùng với sư đoàn Panzergrenadier SS Wiking đã tiến thẳng vào Rostov. Các đơn vị Hồng Quân ở đây, đặc biệt là các đơn vị NKVD đã bảo vệ đến cùng từng ngôi nhà trong thành phố. Việc Rostov bị chiếm làm Hitler vui mừng đến tột độ, chiến thắng này đã rửa mối nhục ở đây muà đông năm trước.

      Trong cơn hân hoan bằng một nét bút, Hitler lại mở rộng hơn chương trình hành quân. TĐQ số 6 bây giờ phải chiếm và giữ Stalingrad chứ không phải chỉ phá huỷ những nhà máy ở đây. Sau đó các đơn vị cơ giới của nhóm B sẽ tiến dọc theo sông Volga đến tận Astrakhan nhằm cắt hẳn vùng Caucasia. Tin tưởng vào sự kiệt sức của Hồng Quân, Hitler còn cắt khỏi nhóm quân A của List sư đoàn Grossdeutschland gửi về phía mặt trận Leningrad và sư đoàn SS Leibstandart rút về Pháp nghỉ ngơi. Để thay thế vào các thay đổi cắt xén này Hitler cho tăng viện hai nhóm quân các đơn vị đồng minh phe Trục : những đơn vị mà Rommel hay đùa là dầu chống mặt trời của ông ta. Dưới những cái tên Đạo quân số 3 và 4 Rumani, số 2 Hung và số 8 Ý là nhưñg đơn vị quân số thiếu (mỗi ĐQ chỉ ngang với 1 binh đoàn Đức), chỉ huy kém, trang bị tồi và không có tinh thần.

     Trong một cuốn hồi ký được Hồng Quân tìm thấy trên một xác chết của một hạ sỹ người Hung tên là Istvan Balogh thuộc lữ đoàn cơ giới số 1, có kể ngày anh ta rời Budapest ngày 18/6 :"Đám đông ra sân ga tiễn những người lính ra trận như đi dự đám ma, tiếng kèn trống tiễn chân buồn bã pha với tiếng khóc của nhưñg người đàn bà làm lòng chúng tôi não nề. Lạy Chúa phù hộ cho chúng tôi và nước Hungary..."

     Trên tàu hoả chở ra mặt trận, Balogh kể lại khi anh qua những bãi chiến trường của năm 1941 : " Khắp nơi, những xác xe tăng Nga lừng lững cháy nhám đen sì như những bóng ma sẵn sàng tràn sang nước Hungary. Lạy Chúa, chúng đã bị dừng ở đây ..."

     Ngày 1/7, đơn vị của Balogh nghe thấy tiếng đại bác lần đầu tiên gần Ivanovka : " Khắp nơi xác xe tăng Đức cháy nằm vất vưởng bên lề đường, hay là tình thế đã thay đổi ? Mong Đức Chúa trời bảo vệ cho chúng con thoát qua tai nạn này ..." Các sỹ quan Hung rất khắc khiệt với binh lính một cách vô tình, ngày 3/7, Balogh kể: " Một người lính đã đi cứu bạn mình bị thương, viên sỹ quan chỉ huy đã muốn treo cổ anh ta vì không nghe lệnh. Cuối cùng hình phạt thành 8 giờ gác đêm, nhưng trong đơn vị khác đã có đã có đến 32 người bị treo cổ vì tội cũng như vậy".
 
     Phải đến khi mùa thu bắt đầu Hitler mới thấy cho dù không chịu chấp nhận những sai lầm của mình vì đã quá tham lam là: Không một mục tiêu nào đã được hoàn thành. Có lẽ nếu Hitler đã đọc câu chuyện của Tolstoi "Một người cần bao nhiêu đất" viết năm 1886, y sẽ thấy thấm thía.

     Câu chuyện kể về một địa chủ tên là Pahom luôn luôn muốn giàu thêm. Ông ta biết được rằng ở Bachkirie, bên kia sông Volga, ông ta có thể mua đất rất rẻ vì người Bachkir là những người thẳng thắn không biết mánh khoé. Đến nơi, ông ta vui mừng khôn tả và buồn cười về sự cả tin của người Bachkir khi được biết với 100 rúp, ông ta có thể mua được phần đất mà ông ta có thể đi bộ trong một ngày. Nhưng do lòng tham ông ta đã cố gắng chạy thật nhanh để có được nhiều đất hơn đến nỗi kiệt sức rồi chết và được chôn tại chỗ. Tolstoi kết luận : "Sáu bước từ đỉnh đầu tới gan chân, đó là số đất cần thiết cho ông ta". Sáu mươi năm sau trên thảo nguyên này, không phải một người sẽ bị chôn mà hàng trăm nghìn người chỉ vì lòng tham của Hitler.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 11:27:40 am
                                                                                                  VII



                                                                                    KHÔNG MỘT BƯỚC LÙI NÀO NỮA



       Ngày 28/7/1942, trong khi Hitler vẫn còn vui mừng về chiến thắng ở Rostov, Stalin cũng bắt đầu thấy rằng tình hình chung đang xấu đi cho Liên Xô. Nếu Hồng quân tiếp tục lùi trước TĐQ số 6 của Paulus, các đơn vị của Timochenko vẫn còn ở bờ tây sông Don sẽ bị tiêu diệt, và nếu để quân Đức vượt sông Volga, nước Liên Xô sẽ bị cắt ra làm hai. Hơn nữa đoàn tàu PQ 17 chở viện trợ từ Anh vừa mới bị tiêu diệt trên biển Barentz, đường liên lạc an toàn duy nhất còn lại là con đường từ Iran đi lên sẽ bị cắt nếu vùng Caucasia bị chiếm, lúc đó Liên Xô sẽ bị cô lập hoàn toàn.

      Ngày hôm đó sau khi nghe tướng Vassilievski trình bày tình hình mặt trận, Stalin nặng tiếng: "Các đồng chí có vẻ đã quên mệnh lệnh của tôi hồi tháng 8 năm ngoái! Trong lệnh đó có ghi rõ : Bất cứ ai trong trong chiến đấu tháo bỏ quân hiệu để đầu hàng sẽ bị coi như những tên phản bội Tổ quốc đáng khinh bỉ, chúng phải bị xử bắn tại chỗ trong bất kỳ hoàn cảnh nào và gia đình của chúng sẽ không nhận được trợ cấp liệt sỹ ".

     "Các đồng chí có vẻ đã quên!" Stalin nhấn mạnh trước Vassilievski, "Hãy chuẩn bị một lệnh khác ngay từ hôm nay". Chiều hôm đó, Vassiliev-ski đã chuẩn bị xong mệnh lệnh số 227. Sau khi thay đổi hầu hết các điều luật trong đó, Stalin ký và mệnh lệnh được lịch sử biết đến qua cái tên "Không một bước lùi nào nữa". Lệnh này đã được tuyên truyền trong khắp các đơn vị Hồng Quân. "Tư tưởng rút lui phải được tiêu diệt hoàn toàn, những chỉ huy có trách nhiệm trong những vụ bỏ vị trí, đào ngũ sẽ bị tước chức và phải ra toà án binh (...) Những kẻ hàng binh là những tên phản bội Tổ quốc (...)
                                                  =
      Những đơn vị trừng giới được thành lập. Trong toàn cuộc chiến tranh, 422 700 binh lính hồng quân đã "trả nợ cho tổ quốc bằng máu của mình" qua các đơn vị này. do thiếu người, rất nhiều tù nhân hình sự cũng được nhập vào các đơn vị đó, nhiều người cho rằng con số này lên đến 1 triệu cho dù có nhiều người khác lại cho rằng nó nhiều quá so với sự thật . Có rất nhiều sai lầm đã đưa đến hậu quả đau đớn qua các đơn vị trừng giới, chẳng hạn ở mặt trận Stalingrad, trong số những sỹ quan sống sót của ĐQ 51, 58 người đã bị điều động vào các đại đội trừng giới chỉ vì một sai lầm trong bộ máy quản lý NKVD. Hai tháng sau, khi sai lầm được phát hiện, phần lớn các sỹ quan trên đều đã hy sinh.

     Các đơn vị công an đặc biệt NKVD, sau Stalingrad sẽ được họp lại thành nhánh SMERSH (viết tắt của Shmert Spionam ?) có nhiệm vụ tìm kiếm bọn "phản bội và gián điệp" cũng như quản lý tù binh. Họ chính là những người nhúng tay trong vụ hành quyết 4000 tù binh Ba Lan ở Katyn vào mùa thu 1939. Nhưng vào mùa hè năm 1942, họ không có nhiều công việc do số lượng tù binh rất ít. Một nữ sỹ quan, trung úy Lepinskaia, người tham gia trực tiếp khẩu cung những tù binh của 1 đơn vị nhỏ thuộc sư đoàn cơ động số 29, quân đoàn 4 Panzer đã không giấu được thất vọng trong bản báo cáo của mình : "Tất cả tù binh đều muốn chiến đấu tới cùng. Họ không hề biết một trường hợp đào ngũ cũng như tự hoại thương nào. Những sỹ quan của họ nghiêm nhưng đúng."

      Cô  ta có nhiều kết quả hơn với những tù binh người Rumania. 1 sỹ quan tù binh đã thổ lộ suy nghĩ của mình về thống chế Antonescu, quốc trưởng Rumania, theo ông ta đa số lính Ru xem Antonescu như "kẻ đã bán Tổ quốc cho Hitler". Đối với những lính thường, cô ta còn được biết nhiều tin tức hơn, chẳng hạn những vụ đánh nhau giữa lính Ru và lính Đức, những vụ tự hoại thương, ám sát sỹ quan ... Trung úy Lepinskaia kết luận " tình trạng khủng hoảng tinh thần và chính trị của lính Rumania rất đáng được chú ý. Bản báo cáo này của cô ta đã nhanh chóng được đưa đến Stavka.

      Cuộc tiến quân trong vùng đồng bằng sông Don của Đứ cũng có khó khăn do "nhiệt độ có khi lên đến 53 độ C ngoài nắng" như trung tá Groscurth viết trong nhật trình sư đoàn ngày 22/7. Tướng Strecker cũng nhận xét "trời nóng và bụi bặm như ở châu Phi".
                                       
     Trong cuộc rút lui, lính Sô-viết đã "đổ xăng dầu vào những bãi cỏ để rồi ban đêm máy bay LX ném bom phôt-pho nhằm đốt cháy thảo nguyên cùng quân Đức trong đó" bản báo cáo ngày 10/8 của sư đoàn Groscurth có ghi như thế. Trong thảo nguyên bao la, thương binh Đức được vận chuyển ngay về tuyến sau bằng những phi vụ vận chuyển y tế gọi là sanitätju. Nhịp tấn công đối với người lính Đức không khác gì muà hè năm trước.

     Với những thất bại, lòng tin tưởng xây dựng trong muà đông giữa các tướng tá Hồng quân và Stalin bắt đầu sứt mẻ, một số chỉ huy quân đoàn đã bị hạ chức. Đa số các tân binh đưa ra mặt trận chỉ có khoảng 12 ngày huấn luyện, nhiều khi ít hơn. Những người nông dân này, hầu như mù tịt về vũ khí hiến đại dẫn đến nhiều tai nạn chết người, chẳng hạn trường hợp một kỵ sĩ người Trung Á kiếm được một ống nhôm đã tưởng có thể dùng làm cán xẻng, thật ra đây là một quả bom cháy đã nổ trong tay anh ta.

      Mặc dù vẫn còn những trường hợp thí quân như vụ ba tiểu đoàn thiếu sinh quân không được cung cấp vũ khí đã được tung ra chặn sư đoàn 16 Panzer. Viên chỉ huy, sau khi bị bắt đã khai rằng đó là lệnh của viên tưóng cấp trên lúc đang say rượu. Nhưng sau một năm chiến tranh, một thế hệ sỹ quan mới đã được tôi luyện qua những chiến thắng cũng như những thất bại. Họ là những người có năng lực, cứng cáp, thẳng thắn nhưng cũng rất nghiêm nghị, không thương xót và cũng không sợ các chính ủy hay NKVD nữa. Những kết quả của Zhukhov đã cho họ lại niềm tin vào chiến thắng sau những nhục nhã mà Hồng quân phải chịu trên các mặt trận.

      Tướng Vassili Chuikov là một trong những người này. Với một gương mặt đặc biệt nông dân Nga, ông ta cũng nổi tiếng như Zhukhov về những cơn nổi giận và một tính hài hước cứng cỏi. Đặc phái viên quân sự Liên Xô ở Trung quốc cho Tưởng Giới Thạch, Chuikov không có mặt trong những thất bại sáu tháng đầu của chiến tranh. Sau đó ông được điều động về chỉ một Tập Đoàn Quân Dự bị đang được thành lập ở Tula. Đầu tháng 7, đơn vị mặc dù chưa được hoàn chỉnh đã được gửi tới mặt trận sông Don nhằm chặn bước tiến của Đức với ký hiệu Quân Đoàn 64.
                                                 
      Với chính ủy Constantin Kirkovich Abramov, Chuikov đến sở chỉ huy mặt trận Stalingrad ngày 16/7. Ông được biết địch đang tấn công rất nhanh về phía sông Don nhưng không có tin tức chính xác. Quân đoàn 62 được triển khai ở phần trên vòng sông Don và Quân đoàn 64 của ông sẽ đuợc nhiệm vụ che chở phần dưới, ở phía nam sông Tchir. Tinh thần của các đơn vị ở 2 bên cánh làm ông ta rất lo, trong khi hành quân lên mặt trận, ông đã thấy từng đoàn xe chở sỹ quan và đồ hậu cần đi ngược lại mà không hề có giấy phép đầy đủ.

      Ở ngay phía cánh phải của ông, tình hình chiến trận trở nên gay go. Trên sông Tchir, sư đoàn bộ binh số 44 người Áo và 3 sư đoàn của quân đoàn 62 đang giằng co quyết liệt từng tấc đất. Trên phiá Bắc hơn nữa, quân Đức đã chọc thủng phòng tuyến và đến sông Don ở Kamenski cắt khỏi đội hình phòng thủ nhiều trung đoàn Hồng Quân. Ngày 25/7, sau nhưñg cuộc do thám trên không, quân Đức bắt đầu tấn công các sư đoàn tiên phong của Chuikov. Trận thử lửa này không dễ cho Quân Đoàn 64 tí nào do phần lớn các đơn vị chính của Quân Đoàn vẫn còn nằm ở Tula.

      Ngày hôm sau, các xe tăng Đức tấn công lần nữa gây luống cuống cho những đơn vị T 60, hoàn toàn bất lực trước những đoàn xe Panzer quốc xã, những chiếc panzer này cũng bất lực khi đụng độ với những chiếc xe tăng nặng KV.

     "Súng của họ bắn xa súng hơn súng của chúng tôi"

      Một sỹ quan Panzer giải thích,

     "Chúng tôi không thể tấn công trước mặt được cho nên đã phải đánh sang bên hông. Nhưñg xe tăng vừa chạy vừa bắn ngang nhìn như những tàu chiến, tội định tấn công từ đằng sau đến nhưng họ đã tản ra hết trừ một chiếc xe bị đứt xích và hỏng máy quay tháp pháo. Chúng tôi đến thật gần và nã súng cùng một lúc, những vết đạn của chúng tôi được thấy rõ trên chiếc xe bọc thép nhưng không viên nào đã chọc thủng được cả. Rồi nắp xe mở ra, những người lính xe tăng chui ra đầu hàng họ bị choáng váng vì những tiếng nổ nhưng không hề bị thương. Thật là buồn chán khi thấy vũ khí của chúng ta lạc hậu đến như thế!"


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 11:33:33 am
       Cuộc tấn công của Đức vào hông Quân Đoàn 64 bắt đầu gây xôn xao trong các đơn vị. 26/7, tin đồn rằng họ sắp bị cô lập khỏi cụm quân sông Don bắt đầu lan ra, tinh thần giảm sút. Chuikov phải điều động những sỹ quan của ban tham mưu đi các đơn vị thăm dò, cùng lúc đó máy bay Stuka của Richthofen bắt đầu oanh tạc vị trí quân đoàn, Một số thân cận của Chuikov đã hy sinh trong trận này.

      Tình trạng của quân đoàn 62 còn bi đát hơn nhiều. Sư đoàn vệ binh số 33 do đại tá Alexander Outvenko đã bị kẹt lại phía bờ tây sông Don và bị tấn công bởi 2 sư đoàn Đức. "Chúng tôi có lẽ đã bị tiêu diệt nếu không có công sự chuẩn bị trước", Outvenko kể lại cho nhà văn Constantin Simonov.

     Sư đoàn còn có 3000 người phải đợi ban đêm để cho thương binh vượt sông trên lưng lạc đà. Quân Đức cũng bị thiệt hại nặng nề, tổn thất của 1 tiểu đoàn lên đến 513 người chết. Quân Liên Xô thiếu thốn đến nỗi phải tấn công hết sức để thu vũ khí và phải hái lúa mì chưa được gặt trên thảo nguyên để ăn.

     Ngày 11/8, những gì còn lại của sư đoàn chia thành những toán nhỏ, cố gắng vượt sông Don, len lỏi giữa các đơn vị Đức để trở về phòng tuyến Nga. "Tôi phải nạp lại khẩu súng lục 5 lần, nhiều sỹ quan xung quanh tôi bắt buộc phải tự bắn một viên đạn vào đầu để tránh bị bắt. Sư đoàn tôi mất đến hơn 1000 người trong đêm đó, nhưng họ đã bắt kẻ thù trả giá cao không kém. Trong thời gian này có một người lính định rút truyền đơn địch để ra hàng, nhưng nữ liên lạc viên của ban chỉ huy, Galia, đã hét lên: "Xem kià! Con rắn độc kia định ra hàng kìa!" rồi cô ta đã kết liễu đời hắn bằng một viên đạn súng lục".

      Những túi phòng thủ cuối cùng hết đạn đã bị quân Đức tràn ngập. Outvenko và vài người đã thoát chết bằng cách nhẩy xuống vực thẳm bên bờ 1 đầm lầy. Sau đó Outvenko đã bị thương ở cả 2 chân, không bò được, ông ta đã phải trốn cả ngày hôm sau trong 1 cánh đồng hoa hướng dương cùng với khoảng 20 binh sỹ. Tối hôm đó, cùng với một số nữa gặp được sau đó, họ đã bơi vượt sông Don. Trong cuộc vượt sông này 8 người nữa đã chết đuối. Outvenko may mắn nhờ một đại úy Cận vệ tên là Khoudovkhin kéo qua sông, Ngay sau đó Khoudovkhin đã lên một cơn động kinh. Outvenko sau đó có nói rằng may mắn thay khi cơn động kinh không xẩy ra trong khi hai người vượt sông, Khoudovkhin trả lời: "Nếu chúng ta không chết ở đây, chúng ta sẽ qua khỏi cuộc chiến tranh này an toàn".

     Outvenko, còn có lý do khác để tin vào điều này, mẹ ông ta đã nhận dấy báo tử của ông khi ông bị thương nặng ở Crimea và đã làm lễ chay cho ông. Theo tin tưởng Cơ đốc giáo chính thống, nếu đã làm lễ chay cho một người còn sống, ngày chết của người đó sẽ đến chậm đi. Simonov có cảm tưởng rằng điều này có thể áp dụng được cho toàn bộ Tổ quốc Liên Xô vào muà hè 1942 kinh hoàng đó.

     Mặc dù phải chịu đựng nhiều thiệt hại, các đơn vị Liên Xô vẫn tiếp tục chống trả. Họ phải phản công ban đêm để tránh sự trả lời của không quân Đức. Để thay đổi cán cân trên không, những đơn vị không quân Liên Xô được chuyển về phía nam từ mặt trận phía bắc và trung tâm. Lần đầu tiên chuyển ra mặt trận, một trung đoàn máy bay tiêm kích ban đêm đã thấy rằng "sân bay" của họ chỉ là một cánh đồng dưa hấu và cà chua mà dân chúng xung quanh vẫn đến hái gặt hàng ngày để bán ở một phiên chợ ngay bên cạnh. Vị trí của đơn vị bị không quân Đúc phát hiện ngay sau đó, máy bay ném bom và Messerschmitt đã đến bắn phá. Nhưng trong khi trung đoàn hầu như không bị gì, phiên chợ bên cạnh đã bị tàn phá hoàn toàn. Cũng ngay sau đó, những phi vụ liên miên bắt đầu cho trung đoàn nhiều tổn thất mới. Những trận không chiến trên sông Don được binh lính hai bên xem và cổ vũ không khác gì các trận đá bóng. Những tiếng hò hét reo hò hay kèm theo những chiếc máy bay đối phương bị bắn rơi. Những "Aces" không quân Đức trở thành những ngôi sao không chỉ của không quân mà còn của lục quân nữa.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 11:41:24 am
        Trong các Ban tham mưu của các sư đoàn Panzer, chiến tranh cơ động có nghĩa là chỉ huy trên xe, ăn ngủ trên xe. Họ chỉ họp vào ban đêm trong một chiếc lều cắm vội trước ánh đèn dầu. Tướng Hans Hube, chỉ huy sư đoàn Panzer số 16, viên tướng cụt tay từ hồi thế chiến thứ nhất hay có tật ăn uống đều đặn. Cứ ba tiếng ông ta lại bắt đầu ăn cho dù đang ở giữa một trận đánh hay một cuộc họp. Không phải là một nhà trí thức, ông ta vẫn được xem là thông minh, tư tưởng nhanh nhẹn và sáng suốt. Ông ta được Hitler rất kính trọng cho dù vào cuối trận Stalingrad, y cho rằng ông ta "quá bi đát".
                                                   
      Những sỹ quan Panzer Đức vào năm 1942 vẫn cho rằng binh chủng xe tăng Nga quá kém. Mặc dù họ có những loại xe tốt như T34 và KV1, KV2 nhưng họ đã không lợi dụng được những điều kiện này. Nhiều xe được đậu lại giữa đồng không mông quạnh làm mồi ngon cho máy bay Stuka và súng 88mm. Xe T34 vẫn còn nhiều nhược điểm như chức năng kém của ống nhòm xử dụng bởi các trưởng xe, hệ thống ngắm tồi và thiếu máy điện đàm trong xe. Nhưng cái dở nhất vẫn là chiến thuật xử dụng xe tăng mà ngay Chuikov cũng phải công nhận. Xe tăng Nga chưa biết chiến đấu phối hợp bộ binh, không quân và tăng.

      Những thiếu sót trên không có nghĩa là xe tăng Nga không có hiệu lực. Ngày 30/7, một đội T34 lợi dụng ban đêm tấn công bất ngờ vào sở chỉ huy của Hube gây ra náo loạn trong một thời gian. Nhờ một thiết đoàn của trung đoàn 2 panzer đóng quân gần đó đã can thiệp,sáu xe T34 đã bốc cháy, một chiếc đã định cảm tử lao vào trạm đỗ xe của sư đoàn khi nó bị bắn tung tháp pháo từ một chiếc panzer ngay cạnh nó. Hube nói với Podewils, người nhà báo có mặt ở đó "có lẽ ở tiền tuyến còn an toàn hơn ở đây".

      Sau khi trở về binh đoàn, Podewils được biết hơn 1000 xe tăng LX đã vượt sông Don và hơn một nửa số này đã bị phá hủy. Thật ra trên toàn mắt trận này, Hồng Quân chỉ có khoảng 550 xe tăng trong đó phần lớn chưa bao giờ vượt sông Don. Con số quá mức này đến từ những báo cáo thổi phồng của các đơn vị. "Mỗi khi một xe tăng bị bắn cháy, mỗi nhân viên của chiếc xe đã bắn được cho là đã hạ được nó để rồi nó thành 5 chiếc khi đến sở chỉ huy" một người lính xe tăng kể lại. Nhưng cho gì đi nữa, cảnh những xác xe tăng nga khắp nơi làm tăng tinh thần của quân Đức. Họ có cảm tưởng rằng con mãng xà trăm đầu Liên Xô sắp bị kiệt sức.

     Một lần nữa thấy cuộc tiến công bị chậm lại, Hitler cho trở lại chương trình đầu : TQĐ panzer số 4 phối hợp với TQĐ 6 tiến về Stalingrad. Các đơn vị của Hoth, sau khi mất thời gian thay đổ hướng tấn công về phía bắc, đã nhanh chóng uy hiếp Kotelnikovo, cách Stalingrad 150 km về phía tây nam. Nhưng ngày 2/8, Richthofen quan sát : "Từ khắp nơi các đơn vị tiếp viện đổ về Stalingrad".
             
     Paulus trong lúc đó cũng tấn công với hai mũi nhọn là Sư đoàn 16 panzer và 24 panzer với máy bay yểm trợ, sau hai ngày chiến đấu, 8 sư đoàn và toàn bộ pháo binh phía tây sông Don bị bao vây sau khi Kalatch bị chiếm. từ một điểm cao trên "sông Don êm đềm" các xe tăng panzer đã thấy một thảo nguyên mênh mông trải dài đến tận một thành phố lớn : Stalingrad.

     Tối hôm đó họ lại phải chuẩn bị con nhím để nhận những trận phản công cảm tử của những đơn vị kẹt lại. Sáng hôm sau, họ bắt đầu cuộc "Săn heo rừng", trong số tù binh họ bắt được một sỹ quan cao cấp truyền thông và toàn bộ đơn vị nữ điện thoại viên của ông ta. Cuối cùng vào buổi chiều, quân Đức đốt các bụi rậm nhằm đuổi Hồng quân ra. Rất ít lính xô viết đã thoát. Trong số 13.000 người thuộc sư đoàn 81, quân đoàn 62, chỉ có 105 người đã vượt qua sông Don.

     Khác với sự lạc quan của Paulus, những người lính Đức sau trận này không còn nghĩ là Liên Xô sẽ quỵ. Trong tiểu đoàn chống tăng của sư 371, 23 người đã chết và trong các đơn vị khác số tổn thất còn nặng hơn nhiều. Trong thư gửi về nhà, một người lính của sư đoàn 76 bộ binh viết : " rất nhiều mộ đã được đào ngày hôm nay, toàn bộ sư đoàn của tôi đã được điều động để trợ giúp trong việc này". Một người lính của sư đoàn bị bắt một tháng sau đó đã nói với người khảo cung Liên Xô rằng anh ra cùng 3 người khác đã phải đào 72 huyệt ngày hôm đó.

      Để thưởng cho những người lính mệt nhọc, một ngày nghỉ lấy hơi được phát cho tất cả những ai đã tham gia trận đánh.Một người lính công xung phong đã viết trong lá thư cho gia đình ngày hôm đó "Trận đánh đã rất là gay go, điều an ủi duy nhất của chúng tôi là một khi ở Stalingrad, chúng tôi có thể nghỉ đông ở đây, và may ra tôi có thể có nghỉ phép.

       Không bao giờ lệnh 227 của Stalin lại được tuân thủ như ở Stalingrad. Như ở Moscow năm ngoái các hố chống tăng, công sự, lô cốt... được 200.000 dân công ở các vùng xung quanh xây dựng. Những học sinh từ 6 đến 15 tuổi được các thầy côgiáo hướng dẫn đắp những ụ đất xung quanh các thùng chứa xăng trên sông Volga. Một trong số họ, nữ sinh Nina Grebenikova, 14 tuổi sẽ bị gẫy xương sống và liệt sau khi bị trúng bom Đức từ một máy bay tấn công một nhóm học sinh.

       Bộ phận phòng không của thành phố vẫn còn rất thiếu thốn về đạn dược. Phần lớn các khẩu đội đều do các nữ đoàn viên Komsomol điều khiển. Họ đã được kết nạp ngay từ tháng 4 với một câu hỏi duy nhất: "Cô có muốn bảo vệ quê hương không?".

      Những khẩu pháo phòng không được đặt ở những vị trí quan trọng như nhà máy điện Betetovka phía nam thành phố và những nhà máy phía bắc : Tháng Mười Đỏ, Chiến Lũy và Máy Cầy.

     Timochenko bị cách chức ngày 21/7. Gordov thay thế, dưới sụ chỉ thị của Vassilievski. Ông ta chia mặt trận phía nam ra hai phần với đường chia đi qua Tsarisina, ở dữa Stalingrad. Phần phía nam do Eremenko chỉ huy. Sau khi vết thương ở chân khỏi hẳn, Eremenko hạ cánh xuống Stalingrad ngày 4/8. Ở đây, ông được chính ủy Nikita Khruchev tiếp đón và đưa về Bộ chỉ huy. Năm ngày sau Stalin ra lệnh sát nhập hai phần vào quyền chỉ huy của Eremenko.

     Sự nguy hiểm chính lúc đó đối với Eremenko là một cuộc tấn công tay đôi của Hoth và Paulus về phía Stalingrad. Toàn bộ vùng hạ nguồn sông Volga đang loạn sau vụ ném bom Astrakhan bởi không quân Đức. Những giếng dầu ở đây đang cháy rừng rực nhả ra những mây khói đen ngòm và dầy đặc. Không có gì có thể cản được những Panzers của Đức trong thảo nguyên Kalmuk bên kia bờ sông Volga. Nơi mà ngay người Nga như viên chuẩn úy hải quân Lazarev cuñg phải công nhận là "vùng tận cùng của trái đất".

     Do thiếu người, từng lữ đoàn thuỷ thủ của hạm đội Viễn đông được huy động ở Vladivostock, chở bằng tầu hoả xuyên Syberia. Chỉ huy của họ là những chuẩn úy 18 tuổi vừa mới ra trường hải quân ở Leningrad và đã có kinh nghiệm chiến đấu đầu tiên ở đây. Trong khi đợi những người lính của họ đến từ Viễn đông, họ đã được huấn luyện chiến đấu trên bộ trong 3 tuần. Họ đã chiến đấu và đã nâng cao danh dự của những nguời lính thủy. Trong số 21 chuẩn úy thuộc đội huấn luyện của Lazarev, vào 6 tháng sau chỉ còn có hai người sống sót.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 03:50:30 pm
                                                                                                  VIII



                                                                                             ĐÃ TỚI SÔNG VOLGA



      Sáng ngày 21 tháng 8 năm 1942, các đơn vị bộ binh thuộc binh đoàn 51 của tướng von Seidlitz bắt đầu vợt sông Don bằng thuyền hơi. Họ thành lập nhanh chóng một đầu cầu ở làng Luchinski và ngay sau đó các đơn vị tiếp viện được điều động tới. Vài cây số phía dưới, ở Vertiachi, toàn bộ một tiểu đoàn đã vượt sông trong vòng 70 phút! Một khi đầu cầu được thành lập, các đơn vị công binh bắt đầu xây những cầu dã chiến cho xe cộ thuộc binh đoàn Panzer của tướng Von Wietersheim vượt sông.

      Trưa ngày 22/8, những cây cầu đã được lập xong, sư đoàn Panzer số 16 của tướng Hube, mệnh danh là "máy phá thành của binh đoàn" bắt đầu vượt sông. Đêm hôm đó, cùng với trăng xuất hiện, không quân Liên Xô bắt đầu tấn công. Hai bên bờ sông, ánh lửa đỏ rực từ những xe trúng bom đang cháy làm cả một vùng sáng như ban ngày. Mặc dầu vậy, mục tiêu chính của cuộc ném bom là những cây cầu vẫn còn nguyên vẹn. Ở phía đầu cầu, những trận đánh nhỏ xẩy ra suốt đêm. Thỉnh thoảng, người ta lại nghe thấy tiếng thét của một giàn Ca-chiu-sa được đặt ở đâu đó. Do không biết được vị trí chính xác của các đơn vị Đức, mối nguy hiểm chính của Ca-chiu-sa chỉ là tiếng thét của nó lên tinh thần đã rất căng thẳng của người lính Đức. Sau bức màn bộ binh phòng thủ ở đầu cầu, những người lính xe tăng đang chuẩn bị máy móc, đạn dược sẵn sàng mở một cuộc tấn công một khi mặt trời xuất hiện. Vào 4 giờ 30, những tia sáng đầu tiên xuất hiện, trung đoàn Panzer số 2 của bá tước Von Strachwitz được củng cố thêm bởi vài đại đội bộ binh hộ tống bắt đầu cuộc tiến quân. Trong số họ, ai cũng biết được rằng họ đang sống một khoảnh khắc lịch sử. Do nắng hè, mặt đất ở đây cứng như đường đá, rất tốt cho di chuyển cơ giới, phía trước họ chỉ còn sông Volga.

      Trong 20 km đầu, đơn vị hầu như không gặp khó khăn. Trưa tới, một máy bay Fiseler Storch hạ cánh ngay bên cạnh đoàn xe và tiến về phía xe chỉ huy, người phi công chính là tướng không quân Von Richthofen chỉ huy toàn bộ không quân ở đây. Richthoffen tỏ ra rất tức tối về bước tiến quá chậm của lục quân. Ông ta cho biết, theo lệnh của Hitler, toàn bộ nỗ lực của không quân Đức sẽ tập trung cho mũi tiến về Stalingrad. "Hãy tận hưởng ngày hôm nay đi! Các anh sẽ được bảo trợ trên trời bởi 1200 chiếc máy bay, nhưng ngày mai thì không chắc chắn đâu." Ông ta nói với viên chỉ huy sư đoàn 16 Panzer. Chiều hôm đó, trên xe tăng của họ, những người lính của sư đoàn đã thấy vô số máy bay Junker 88, Heinkel 111 và Stukas kín bầu trời đến nỗi "che cả ánh mặt trời" bay về phía Stalingrad... Đối với người dân ở Stalingrad, ngày 23/8/1942 là"Một ngày không bao giờ quên". Ngày hôm đó, thành phố thanh bình đã trở thành địa ngục.

     Ở trên loa phát thanh lời báo động vang ra khắp nơi "Các đồng chí chú ý, báo động máy bay, báo động máy bay ...". Do đây không phải lần đầu tiên có báo động giả cho nên rất ít người chú ý, chỉ một khi các chùm khói đạn pháo cao xạ nổ trên trời bắt đầu xuất hiện họ mới hốt hoảng tìm chỗ trú. Những máy bay của Richthofen được lệnh ném bom rải thảm không chỉ lên những nhà máy mà còn cả lên thành phố. Những lời kể lại làm cho người ta khó có thể tin được có người sống sót trong các hầm dưới thành phố. Bom cháy đốt trụi những căn nhà gỗ ở ngoại ô thành phố, những nhà lầu chung cư đều bị phá sập. hàng trăm tra đình bị chôn sống trong những toà nhà biến thành đống gạch vụn. Một phi công Đức bị trúng pháo cao xạ phải nhẩy dù, nhưng gió đã đẩy dù của hắn ta vào đúng một đám cháy.

    Kho xăng của thành phố cũng bị trúng bom, luồng khói đen của nó có thể thấy cách đấy hàng trăm km. Hệ thống điện, nước, điện thoại của thành phố bị phá hủy hoàn toàn.

     Do đàn ông đã ra chiến trường hết, chỉ còn đàn bà và trẻ em ở lại để đối phó với tai hoạ này. Vợ của Viktor Goncharov và đứa con Nicolai mới 12 tuổi đã phải tự chôn cất xác của bố Viktor. Họ đã lùng kiếm cả ngày mà không tìm ra được đầu của ông ta. Cuộc ném bom đó, với hơn 1600 phi vụ, đã thả 1000 tấn bom trọn một buổi chiều và chỉ mất 3 máy bay. Theo số liệu sau này, khoảng 40.000 thường dân đã chết trong tuần đầu tiên của cuộc ném bom.

    Trong lúc máy bay của Richthofen đang đè bẹp Stalingrad, lục quân Đức cũng tiến đến hơn 50km mà không gặp cản trở đáng kể. "Ở Gumrak, địch chống trả cứng cáp hơn và ở phía tây bắc Stalingrad, chúng tôi đã nhận những phát súng cao xạ vào trong đội hình tấn công" những dòng chữ ghi trong sổ hành trình của sư đoàn 16 Panzer.

     Những phát đạn cao xạ được bắn từ những khẩu đội phòng không do các nữ đoàn viên đến từ những trường phổ thông của thành phố. Họ hầu như chưa có kinh nghiệm chống tăng như khi thấy xe tăng Đức xuất hiện, họ đã không ngần ngại bỏ mục tiêu máy bay, hạ nòng súng 37mm của họ để bắn xe tăng.

      Nhanh chóng lấy lại tinh thần sau vài phút ngạc nhiên, các xe tăng bắt đầu triển khai đội hình tấn công các ổ súng này, máy bay Stukas cũng ào tới tiếp viện. Đại úy Sarkissian, chỉ huy một tiểu đoàn súng cối nặng, kể lại cho Vassili Grossman nỗi lo lắng của anh trong trận chiến quá chênh lệch này. Mỗi lần những khẩu súng im đi, Sarkissian lại nghĩ là các cô gái đã bị tiêu diệt. Nhưng luôn luôn, sau một thời gian, tiếng súng lại vang lên. "Đây là trang sử Anh hùng đầu tiên trong trận chiến bảo vệ Stalingrad" Vassli Grossman viết.

     Mặc dầu vậy, đoàn quân tiên phong của Đức vẫn tiếp tục tiến. Vào 4 giờ chiều, họ đã ở Rynok, ngay phía bắc của thành phố. Từ đây họ có thể thấy sông Volga đang chảy ngay trước mắt. "Chúng tôi bắt đầu ngày hôm nay trên sông Don và kết thúc nó trên sông Volga". Một chỉ huy xe tăng đã thốt ra như vậy. Cũng như các sỹ quan khác, đại úy Freitag Von Lohringhoven cũng mở nắp xe lên xem qua ống nhòm sông Volga :

     "Chúng tôi nhìn nó rất cảm động, nhưng không thể suy nghĩ lâu được vì lại phải tấn công một khẩu súng phòng không khác đang khạc đạn vào chúng tôi."


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Ba, 2015, 04:05:01 pm
      Những cô gái phòng không vẫn có mặt. "Họ không chịu nấp!" kể lại đại úy Sarkissian. Một nữ pháo thủ tên là Macha đã giữ chốt trong vòng 4 ngày liền. Trong sổ ký sự của sư đoàn 16 Panzer có đề : " Đến tận cuối buổi chiều, chúng tôi đã phải đối đầu với 37 vị trí súng phòng không do nữ pháo thủ điều khiển. Họ rất là bền bỉ. Trận đánh chỉ kết thúc một khi họ đã hoàn toàn bị tiêu diệt "

     Những người lính tăng Đức cũng không dấu nổi nỗi kinh hoàng khi họ thấy rằng họ đã bắn vào những người đàn bà. Người Nga thì thấy cái này hoàn toàn phản logic khi cùng ngày hôm đó, máy bay của Richthofen đã tàn sát hàng chục ngàn đàn bà trẻ em ở Stalingrad.

     Tình thế của những người bảo vệ Stalingrad lúc này rất là xấu. Eremenko đã tập trung phần lớn những đơn vị của ông để chặn mũi tiến của TĐQ Panzer số 4 từ phía tây nam. Ông không ngờ rằng TĐQ 6 đã tiến nhanh như thế.

     Ở hang Tsaritsa, đại bản doanh của Eremenko và Khruchev, nỗi hoang mang lên đến nỗi khi những người lính công binh đến báo việc vừa xây xong cầu qua sông Volga, họ đã được lệnh phải phá nó ngay để tránh nó rơi vào tay phát xít Đức. Trong thành phố, các đơn vị tự vệ thiếu kinh nghiệm chiến đấu cũng như vũ khí được tập trung.

     Gần nhà máy "Máy Kéo" được chuyển sang sản xuất T34, trong trường Đại học Công Nghiệp đã bị bom phá hủy, các thầy giáo và sinh viên tập hợp thành các đơn vị chiến đấu và đào hào ngay trước tầm bắn trực tiếp của sư đoàn 16 Panzer. Những thầy giáo trở thành chỉ huy của 1 tiểu đoàn "thiết giáp" do một nữ thợ máy của nhà máy làm chính ủy. Họ nhẩy lên xe tăng ngay sau khi nó mới ra khỏi dây chuyền sản xuất, chưa được tô sơn gì hết.

     Trong ngày 24/8, những đơn vị không quân của Hồng quân hầu như bị thất bại. Những chiếc Yak-1 hoàn toàn vô dụng trước từng đoàn Mes-serschmitt 109, và không có yểm trợ trên không những chiếc Sturmmovik trở thành mồi ngon cho tiêm kích Đức. Cuộc ném bom vào thành phố kéo dài cả ngày 25/8. Lệnh sơ tán cũng chỉ được ban ngày 25, nhưng do số phà quá ít và hoạt động của quân Đức, vượt sông nguy hiểm không kém ở lại. Ngày 28/8, sư đoàn 16 Panzer thông báo đã bắn hỏng một pháo thuyền và một con phà. Trong những ngày sau đó nó đã đánh chìm 7 chiếc thuyền đều được gọi hết là "pháo thuyền" nhưng thật ra có lẽ phần lớn là những chiếc thuyền sơ tán dân. Ngày thứ 3, những xe tăng Đức đã bắn chìm một chiếc tầu guồng. Ngay sau đó họ đã nghe thấy tiếng đàn bà trẻ em la hét kêu cứu, từ nơi đắm tầu. Một số đã xin chỉ huy cho bơi thuyền hơi ra cứu nhưng bị từ chối. Tối hôm đó, họ phải ngủ bịt tai để không nghe thấy những tiếng hét từ trên sông vọng lên. Một số người đàn bà đã lên được một bãi cát giữa sông và phải đợi ở đó cả đêm và ngày hôm sau. Họ chỉ được cứu vào đêm hôm sau, và khi đó ngay quân Đức cũng ngừng không bắn nữa.

     Tình hình hậu cần của đạo quân Panzer Đức cũng không được khả quan cho lắm. Đa số bộ binh và vật liệu vẫn ở phía sông Don. Ngày 25/8, Richthofen cho thả dù tiếp tế xuống các xe tăng của Von Wietersheim. Mũi tiến của Đức cũng bị tê liệt nếu không có yểm trợ của TĐQ Panzer số 4, nhưng với một binh đoàn Panzer bị chuyển về phía Caucasia và sự chống trả quyết liệt của Hồng quân, tuớng Hoth chỉ huy TQĐ 4 Panzer không thể làm hơn được. Ngày 31/8, binh đoàn Panzer số 48 đã cắt được đường xe lửa Stalingrad -Morozovsk, tàn quân của các TĐQ 62 và 64 có nguy cơ bị bao vây. Eremenko bắt buộc phải rút nhanh ra khỏi cái túi đang hình thành để bao vây hai TQĐ này. Ở cánh Bắc của Paulus, binh đoàn 14 Panzer cũng phải gánh chịu những cuộc phản công liên miên. Không quân Nga cũng cố gắng tấn công cả ngày và đêm các đầu cầu sân bay và sở chỉ huy của Đức.

     Vào cuối tháng 8, thời tiết thay đổi đột ngột. Ngày 29, trời mưa cả ngày biến các con đường đất thành bùn. Ở khu vực Rynok, nơi đóng quân của sư đoàn 16 Panzer, không khí lạc quan cũng bắt đầu tan. Những khu rừng cây lê nơi trú ẩn của xe tăng đã bị pháo binh Nga bắn trụi. Những cuộc phản công của Nga bắt sư đoàn phải chuyển sang tư thế phòng thủ bị động. Ba TĐQ Nga đã được tập trung nhằm mở một chiến dịch phản công lớn : TĐQ 24, 66 và một Quân Đoàn Cận vệ. Nhưng do lộn xộn ở tiền tuyến, các đơn vị không có thể tác chiến được, hơn nữa vũ khí nặng và xe tăng của họ cũng chưa đến nơi. Zhukov, vưà mới được phong làm  phó Tổng tư lệnh Hồng quân, số hai sau Stalin cũng đến xem xét tình hình ngày 29/8 ở mặt trận Stalingrad. Ở đây ông thấy rằng đa số những người lính chuẩn bị cho cuộc phản công đều còn thiếu kinh nghiệm và đã xin Stalin hoãn lại 1 tuần. Nhưng ngày 3/9, các đơn vị của Von Seidlitz đã gặp các đơn vị của Hoth ở phía tây Stalingrad, vài ngày sau, quân Đức đã vào ngoại ô thành phố. Stalin điện ngay tới Zhukhov nhằm thúc đẩy trận phản công, Zhukhov xin thêm hai ngày trước sự tức tối của Stalin "Tất cả những chậm chạp hiện nay là một tội lỗi".

      Khó có thể nói được là Stalin hay Zhukhov đã đúng. Paulus cũng đã có thời gian củng cố chuẩn bị. Hai ngày sau cuộc phản công bắt đầu và thất bại nhanh chóng. QĐ 1 Cận vệ chỉ tiến được vài cây số trong QĐ 22 bị đánh bật lại vị trí lúc đầu.

     Điểm khả quan duy nhất của cuộc phản công này là đã làm tổn thất nặng lực lượng dự bị của Paulus vào lúc ông ta đang cần nó nhất. Số thiệt hại của Đức ở đây cao nhất trong chiến dịch. Trong vòng một ngày : 6 chỉ huy tiểu đoàn đã chết, nhiều đại đội chỉ còn 40-50 người. Con số tử vong của Đức ở mặt trận phía Đông vừa vượt 1,5 triệu người. Ở Stalingrad, tinh thần cũng lạc quan hơn. Danh hiệu "Người bảo vệ Stalingrad" được đánh giá rất cao. Họ biết là cả nước đang chú ý đến cuộc chiến đấu của họ, và sông Volga là hàng phòng thủ cuối cùng duy nhất trước vùng núi Ural.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 23 Tháng Ba, 2015, 05:52:26 pm
                                                                                                IX



                                                                           NHỮNG TRẬN ĐÁNH TRONG THÁNG CHÍN

                                                                                          “ THỜI GIỜ LÀ MÁU”


            Lần đầu tiên người dân Đức nghe đến thành phố Stalingrad ở góc độ là một mục tiêu quân sự là trong một thông cáo đưa ra ngày 20 tháng 8. Chỉ hơn hai tuần sau, Hít-le kẻ không bao giờ muốn lính mình dính vào những trận chiến đấu trên đường phố Moscow hoặc Lenigrad, đã phải quyết định chiếm thành phố bằng mọi giá.
            Những sự kiện ở mặt trận Caucasus, được xem là quan tâm chính của ông, đóng một phần quan trọng trong nỗi ám ảnh mới của ông ta, Stalingrad. Ngày 7 tháng 9, ngày mà Halder đã ghi chú là “Tiến triển thỏa mãn ở Stalingrad”, thì cơn điên giận của Hittle vì thất bại trong tấn công ở Caucasus đã bốc lên đầu. Hắn không chịu chấp thuận rằng Thống chế List không còn đủ quân cho nhiệm vụ. Tướng Alfred Jodl, vừa mới trở về sau cuộc viếng thăm sở chỉ huy của List, đã nhận xét trong bữa ăn tối rằng List chỉ nghe theo lệnh của lãnh tụ (Fuhrer). Hitler gầm lên: “Dối trá”, rồi bỏ ra. Như thể để chứng tỏ rằng ông ta đã bị trích dẫn sai, những chỉ thị được gửi về lại Đức bằng máy điện báo, lệnh cho các nhân viên tốc ký Reichstag đến Vinitsa để ghi chép từng lời một cho các cuộc họp tình hình hằng ngày.



Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 30 Tháng Ba, 2015, 09:24:57 pm
Lỗi font (Phải sửa lại)

                                                                                                       IX


                                                                                      NHỮNG TRẬN ĐÁNH TRONG THÁNG CHÍN

                                                                                                      “ THỜI GIỜ LÀ MÁU”


      Lần đầu tiên, người dân Đức nghe tin thành phố Stalingrad ở góc độ một mục tiêu quân sự là trong một thông cáo đưa ra ngày 20 tháng 8. Chỉ hơn hai tuần sau, Hitler – kẻ không bao giờ muốn lính mình dính vào những trận chiến đấu trên đường phố Moscow hoặc Leningrad đã phải quyết định chiếm thành phố bằng mọi giá.

      Những sự kiện ở mặt trận Caucasus, được xem là quan tâm chính của ông, đóng một phần quan trọng trong nỗi ám ảnh mới của ông ta, Stalingrad. Ngày 7 tháng 9, ngày mà Halder đã ghi chú là “Tiến triển thỏa mãn ở Stalingrad”, thì cơn điên giận của Hitler vì thất bại trong tấn công ở Caucasus đã bốc lên đầu. Hắn không chịu chấp nhận rằng Thống chế List không còn đủ quân cho nhiệm vụ. Tướng Alfred Jodl, vừa mới trở về sau cuộc viếng thăm sở chỉ huy của List, đã nhận xét trong bữa ăn tối rằng List chỉ nghe theo lệnh của lãnh tụ (Fuhrer). Hiler gầm lên: “Dối trá”, rồi bỏ ra. Như thế để chứng tỏ rằng ông ta đã bị trích dẫn sai, những chỉ thị được gửi về Đức bằng máy điện báo, lệnh cho các nhân viên tốc ký Reichstag đến Vinitsa để ghi chép từng lời một cho các cuộc họp tình hình hàng ngày.

      Sau chiến thắng ở Ba lan, ở các nước vùng Scandinavia và Pháp, Hiler thường sẵn sàng coi khinh những yêu cầu trần tục, như cung cấp nhiên liệu, thiếu nhân lực, như thể ông ta đứng trên những sự câu thúc vật chất bình thường của chiến tranh. Cơn giận của ông trong tình huống này cho thấy một dạng thức tâm lý. Tướng Warlimont, vừa quay lại sau một tuần phép, đã sỗ bởi “Cái nhìn chằm chằm không chớp mang đầy nỗi căm ghét”, rằng ông đã nghĩ “Người này thật mất mặt; hắn tin rằng cuộc mưu đồ tai hại đó của hắn đã chấm dứt; rằng nước Nga Sô-viết sẽ không bị đánh bại trong nỗ lực thứ hai này”. Nicolaus von Below, sĩ quan quản trị không lực Fuhrer cũng quay lại để thấy “một tình hình mới hoàn toàn”. “Cả những người thân cận Hitler đều mang một cảm tưởng phiền muộn giống nhau”. Đột nhiên Hitler rút lui hoàn toàn.

      Hitler có thể cảm giác được sự thật – rốt cuộc, ông bảo với các tướng lãnh rằng, thất bại trong việc chiếm Caucasus nghĩa là kết thúc chiến tranh – nhưng ông ta vẫn không chấp nhận điều đó. Sông Volga đã bị cắt rời và vùng công nghiệp chiến tranh Stalingrad đã bị hủy diệt – cả hai mục tiêu đã được định ra trong chiến dịch Xanh – còn giờ ông ta muốn chiếm được thành phố mang tên Stalin, cứ như việc này, chính nó có thể đạt được sự khuất phục của kẻ thù theo một nghĩa nào đó. Con người mơ mộng nguy hiểm này đã hướng đến một biểu tượng chiến thắng để đền bù.

      Một hai chiến công rực rỡ đã cố duy trì cho viễn cảnh rằng Stalingrad sẽ là thử thách gắt gao mà ở đó sẽ chứng minh cho sức mạnh vượt trội của người Đức. Trong trận đánh liên miên ở mặt trận phía Bắc. Bá tước von Strchwitz, tư lệnh nổi danh của sư đoàn thiết giáp số 16, đã cho thấy sự thành công của một trận đánh tăng kéo dài phụ thuộc vào một cái đầu lạnh, ngắm trúng và bắn nhanh. Quân Nga đã lũ lượt kéo đến hàng đàn T-34 và những chiếc tăng Mỹ theo hiệp ước Lend-Lease. Những chiếc xe của Mỹ, với xác cao và giáp mỏng, cho thấy dễ dàng bị hạ gục. Các tổ lái Sô-viết không thích chúng. “Những chiếc tăng đó không tốt”, một lính lái tăng bảo với người bắt giữ “Van thì lung tung, máy thì nóng còn bộ truyền động thì bất lực”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: Giangtvx trong 01 Tháng Tư, 2015, 03:26:46 pm
THỬ KIỂM TRA FONT.

Đã kiểm tra xong. Để tránh loãng topic, nhờ ban quản trị xóa giùm cho bài này. Xin cám ơn!

          


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 01:18:11 pm
       “Quân Nga tấn công khắp quả đồi”. Freytag-Loringhoven nhớ lại “chúng tôi ở trên sườn dốc. Trong cả hai ngày họ đến theo đúng một cách, phơi mình ra rõ ở phía chân trời”. Hơn một trăm lính đã bị tiêu diệt. Một hạ sỹ trinh sát viết về nhà ”Xa trong tầm mắt, vô số tăng bị bắn hạ và phát cháy”. Strachwitz, bốn-mươi-chín tuổi, nhận cành lá sồi Hiệp sỹ chữ thập, và được gửi về lại Đức rất nhanh sau đó vì lý do tuổi tác của mình. Ông ta là chỉ huy của Freytag-Loringhoven. Những cuộc tấn công của quân Nga ở vị trí này là ngông cuồng và bất lực một cách kinh khủng, nhưng nó thể hiện cho quyết tâm phòng thủ Stalingrad bằng mọi giá. Đó là một quyết tâm cao hơn so với thứ tương tự ở phía quân xâm lược.

         “Thời khắc cho lòng dũng cảm đã điểm…”, dòng thơ của Anna Akhmatova tại thời điểm mà sự tồn vong của nước Nga đang trên bờ vực thẳm

         Từ khi Rostov thất thủ, mọi điều để nâng cao mức kháng cự đều được cho phép. Một bức tranh trên tờ Slinskoe Znamia, tờ báo của phương diện quân Stalingrad, đăng ngày 8 tháng 9 vẽ hình một cô gái hoảng sợ với chân tay bị trói. Dòng chú thích ghi:“Giả sử người yêu của bạn bị quân phát xít trói như thế này? Đầu tiên bọn mất dạy sẽ hiếp cô, rồi sẽ ném cô ấy xuống dưới xích xe tăng. Hãy tiến lên hỡi các chiến sỹ. Hãy bắn vào quân thù. Trách nhiệm của bạn là phải ngăn lũ tham tàn cưỡng hiếp bạn gái của bạn!”

         Những tuyên truyền kiểu này – hầu như lặp lại chủ tố trong bài thơ “Giết nó!” của Konstantin Simonov – rõ ràng là thô thiển, nhưng hình tượng đó phản ánh rất gần với tâm trạng lúc ấy. Bài thơ của Alexey Surkov “Tôi căm thù” cũng mang tính hung tợn như vậy. Tội ác của bọn Đức với tổ quốc chỉ có thể xoá sạch bằng máu (1) Ngày 9 tháng 9 những đơn vị đi trước của tập đoàn tăng số 4 đã cán lên những tờ Sao đỏ, trên đó đầy những lời khẩn cầu của Ilya Ehrenburg gửi đến chiến sĩ Sô-viết, kết thúc với đoạn: “Không còn nhiều ngày, cũng không còn nhiều đất. Chỉ còn một số quân Đức mà bạn giết. Hãy giết quân Đức - đó là lời cầu nguyện của mẹ bạn. Hãy giết quân Đức – đó là lời hét vang của đất Nga. Đừng do dự, đừng yếu đuối. Giết”

         Với Eremenko và Khrushchev, vấn đề quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng này, là chọn ra một người chỉ huy tập đoàn quân 62, họ rõ ràng là không tin có thể giữ được Stalingrad. Ngày 10 tháng 9, Tập đoàn quân 62 vừa chiến đấu vừa rút lui vào nội thành. Nó bị cắt rời với tập đoàn quân 64 ở mạn bắc, khi sư đoàn bộ binh môtô hoá số 29 (quân Đức) đột kích được đến sông Volga ở Kuporosnoe điểm chót đỉnh phía bắc của Stalingrad. Ngày 11 tháng 9, sở chỉ huy của Eremenko tại hẻm núi Tsaritsa đã trong tầm hoả lực pháo hạng nặng. Konstantin Simonov đến đó đúng vào lúc ấy. Ông ta ấn tượng bởi “mùi rầu rĩ của kim loại nung cháy” lúc băng qua dòng Volga đến với thành phố đang âm ỉ cháy. Trong cái boong-ke thiếu dưỡng khí của Khrushchev, “Người trông buồn bã và trả lời gióng một… lấy ra một gói thuốc lá và cố đánh hết que diêm này đến que khác, nhưng không thể châm lửa được lần nào vì hơi gió trong hầm quá mạnh”.

          Simonov và bạn ông ngủ trên áo bành tô của họ trong một góc hệ thống hầm cạnh lối vào Tsaritsa. Sáng hôm sau, khi họ thức giấc, khu vực đó trống trơn. “Không còn một ai, từ các sỹ quan tham mưu cho đến những người đánh máy”. Rốt cuộc, họ cũng tìm thấy một tay lính thông tin đang cuộn lại những mét dây cuối cùng. Và biết được Sở chỉ huy Phương diện quân được sơ tán qua bên kia bờ Volga. Những cuộc bắn phá làm dây liên lạc đứt thường xuyên buộc Yeremenko và Khrushchev phải xin Stalin được phép dời sở chỉ huy sang bên kia sông. Chỉ còn một sở chỉ huy chính còn ở lại bên tả ngạn, đó là của Tập đoàn quân 62. Sáng hôm sau, tướng Chuikov được lệnh triệu tập lên sở chỉ huy mới tại Yamy, là nơi trú của Hội đồng Quân sự hỗn hợp hai Phương diện quân: Stalingrad và Tây Nam. Ông ta phải mất cả một ngày và gần một đêm để vượt sông Volga và tìm ra địa điểm đó. Ánh lửa từ những toà nhà đang cháy ở Stalingrad mạnh đến nỗi, dù ở bờ đông con sông, cũng không cần phải bật đèn pha của chiếc xe Jeep.Cuối cùng, khi Chuikov gặp được Khrushchev và Yeremenko thì trời cũng đã sáng, họ kiểm điểm lại tình hình. Quân Đức chuẩn bị chiếm thành phố bằng bất cứ giá nào. Không được đầu hàng. Cũng không còn nơi nào để rút lui nữa. Tướng Chuikov được đề nghị làm tư lệnh mới của Stalingrad.

          “Đồng chí Chuikov” Khrushchev nói “Đồng chí hiểu nhiệm vụ mới của mình thế nào?”

          “Chúng tôi sẽ phòng thủ được thành phố hoặc sẽ chết trong nỗ lực đó” Ông ta trả lời. Yeremenko và Khrushchev nhìn ông và nói rằng ông đã hiểu đúng nhiệm vụ.

          Đêm ấy, tướng Chuikov qua sông bằng phà từ bến Krasnaya Sloboda, cùng với hai chiếc T-34, đến bến đáp trung tâm, phía trên hẻm núi Tsaritsa một chút. Khi con tàu cập bờ, hàng trăm người, chủ yếu là thường dân đang hi vọng thoát đi được, hiện ra yên lặng trong các hố đạn pháo. Những người khác thì mang thương binh lên tàu. Tướng Chuikov cùng đoàn tuỳ tòng bắt đầu lên đường tìm Sở chỉ huy mới của ông.

         Sau nhiều lần lạc hướng, chính trị viên của một đơn vị công binh đã dẫn họ đến Mamaev Kurgan, một gò mộ Tartar cổ, còn được biết với cái tên đồi 102, căn cứ theo cao độ của nó. Ở đó, tướng Chuikov tìm được sở chỉ huy Tập đoàn quân 62 và gặp tham mưu trưởng của mình, tướng Nikolay Ivanovich Krylov. Sự thẳng thừng và cộc cằn của Chuikov hoàn toàn tương phản với Krylov, một người kỹ càng, với một đầu óc tính toán, nhưng cả hai nhanh chóng hiểu nhau và hiểu tình hình chung. Chỉ có một con đường để trụ vững. Họ phải trả giá bằng sinh mệnh.  “Thời giờ là máu” như Chuikov đã nói sau đó với vẻ thẳng thừng.

        Được hỗ trợ bởi Krylov và Kuzma Akimovich Gurov, chính uỷ tập đoàn quân với vẻ sát khí cùng bộ mặt cạo nhẵn, lông mày rậm, Chuikov bắt đầu rót nỗi kinh hoàng vào bất cứ viên chỉ huy nào có chút suy nghĩ về việc rút lui. Vài sĩ quan cao cấp bắt đầu chuồn qua sông, bỏ mặc đồng đội, dù hầu hết họ, như Chuikov đã biết, cũng muốn “chạy qua sông Volga càng nhanh càng tốt, để thoát khỏi cái địa ngục này”. Ông yêu cầu lực lượng NKVD kiểm soát mọi bến phà, cầu tàu. Những kẻ đào ngũ, dù ở cấp bậc nào, sẽ đối mặt với án tử hình.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 01:21:36 pm
          Có nhiều những báo cáo báo động khác về tính khả tín của binh sỹ. Trước đó, ở lữ đoàn Tăng Cận vệ số 6, một thượng sỹ đã giết đại đội trưởng của mình, rồi đe dọa điện báo viên và lái tăng bằng súng lục. Khi họ ra khỏi chiếc xe, hắn lái thẳng về hướng của sư đoàn bộ binh số 76 của Đức. Bởi tên thượng sỹ ấy có gắn sẵn một lá cờ trắng ngoài tháp pháo, những điều tra viên kết luận rằng tên phản bội lão luyện này đã lên kế hoạch chi tiết cho âm mưu kinh tởm của hắn từ trước. Hai người lính bị ép bằng họng súng phải ra khỏi xe, cũng bị cho rằng đã “thể hiện tính hèn nhát”. Cả hai phải ra toà án binh sau đó và có thể đã bị bắn.

        Trong tình trạng đó, tập đoàn quân 62 chỉ còn lại chừng 20.000 quân. Và còn ít hơn 60 chiếc tăng. Nhiều trong số đó chỉ còn có thể dùng như các hoả điểm cố định. Tuy vậy, tướng Chuikov có hơn 700 pháo cối, và ông ta muốn tất cả pháo binh hạng nặng phải rút về bên kia bờ sông. Ông ta có một bận tâm hàng đầu là giảm thiểu ảnh hưởng của sự hỗ trợ từ không quân Luftwaffe cho lính Đức. Tướng Chuikov cũng nhận thấy tính miễn cưỡng của quân Đức khi tham gia các trận cận chiến, đặc biệt là vào ban đêm. Để xói mòn tinh thần mỗi lính Đức “phải làm cho có cảm giác là đang sống dưới họng pháo Nga”.

       Ngay đến trước lúc quân Đức triển khai đợt tấn công chính, thì mối quan ngại hàng đầu của ông ta vẫn đang là điều khiển được các đơn vị lộn xộn mà ông không quen, cũng không xác định được vị trí đóng. Tướng Chuikov vạch đại các tuyến phòng thủ mà ông thấy nó còn bé hơn cả những chiếc rào chắn mà một chiếc xe tải cũng có thể xô ngã được. Trong khi đó, sở chỉ huy tập đoàn quân 6, lại phóng đại theo hướng khác, với những báo cáo đại loại “những vị trí phòng thủ mạnh với hầm ngầm sâu và các ụ súng có phủ bê tông”. Những chướng ngại vật thực sự với quân tấn công, như họ phát hiện rất nhanh sau đó, nằm dưới các đống đổ nát của thành phố.

       Cùng ngày ấy, ngày 12 tháng 9, tướng Paulus ở hành dinh Werwolf của Hitler tại Vinnitsa với tướng Halder và tướng Von Weichs, tư lệnh cụm tập đoàn quân B. Các ghi chép về những cuộc thảo luận khác nhau. Paulus đòi kéo sườn trái mở rộng dọc lên sông Đông, trên các tuyến về Voronezh, và sự thiếu một chiếc “coóc xê” cứng cáp cho quân Ý, Hung và Rumani. Theo Paulus, kế hoạch của Hitler dựa trên giả định rằng quân Nga đang kiệt quệ và rằng bên sườn sông Đông được củng cố bởi các đội hình quân chư hầu. Hitler, chỉ chú tâm vào Stalingrad, muốn biết nó sẽ sụp đổ nhanh thế nào. Paulus có lẻ lặp lại ước lượng ông đã báo cho Halder trước đó: Mười ngày chiến đấu, “sau mười bốn ngày tập hợp đội hình”

         Giai đoạn một cuộc tấn công của quân Đức bắt đầu vào sáng hôm sau, lúc 4h45 sáng giờ Đức hay 6h45 giờ Nga (Hitler vẫn cố đòi Wehrmacht ở Nga hoạt động cùng giờ với tổng hành dinh Wolfsschanze của hắn ở Đông Phổ). Ở phía cánh trái của quân đoàn 51, sư đoàn bộ binh 295 đánh thẳng về hướng Mamaev Kurgan, trong khi bên phải sư đoàn bộ binh 76 và 71 tấn công vào nhà ga xe lửa chính và bãi đổ bộ trung tâm bên bờ Volga. Các sỹ quan sư đoàn 295 đã kích thích quân mình bằng ý tưởng rằng họ có thể tiến đến sông Volga chỉ bằng một trận tấn công ồ ạt.

        Những cuộc tập kích bằng pháo binh và không quân vào các vị trí quân Soviet trong ngày trước đó rất mãnh liệt. “Hàng đống máy bay Stukas vượt qua đầu chúng tôi” một hạ sỹ của sư đoàn bộ binh 389 viết “và sau cuộc công kích của họ, không ai tin rằng một con chuột có thể sống sót”. Những cuộc dội bom vẫn tiếp tục như vậy cho đến ngày 13 tháng 9. Từ vị trí chỉ huy ở Mamaev Kurgan, tướng Chuikov quan sát điều đó qua ống nhòm. Một màn bụi bốc lên từ những ngôi nhà gạch nát vụn làm bầu trời ngả sang một màu nâu nhợt nhạt. Mặt đất rung chuyển không ngớt bởi những tiếng nổ. Trong hầm, đất mịn, như thể từ một chiếc đồng hồ cát, chảy xuống từ giữa những thanh gỗ gát trần. Những sỹ quan tham mưu và những điện báo viên bị chúng phủ đầy. Bom và đạn pháo cũng làm đứt những tuyến dây liên lạc. Lính thông tin được gửi đi dò chỗ đứt để nối lại, họ có ít cơ hội sống ở không gian trống. Việc ngắt tín hiệu thường xuyên đến nỗi cả những cô gái điện báo viên cũng liều lĩnh ra ngoài (để sửa). Chuikov cố gắng liên lạc đựơc với Yeremenko chỉ mỗi một lần trong suốt ngày hôm đó, và đến cuối buổi chiều, ông hoàn toàn mất liên lạc với các sư đoàn của mình ở bờ tây. Ông được lệnh phải dùng liên lạc viên, mà những người này sinh mệnh còn mong manh hơn cả lính thông tin khi phải băng mình qua thành phố đầy mưa đạn.

        Dù quân Đức thắng lợi ở góc tây thành phố, chiếm được một phi trường nhỏ và những doanh trại, nhưng nỗ lực phá vỡ mấu lồi phía bắc lại không thành công. Trận chiến gay go hơn dự kiến. Nhiều người vẫn tin rằng họ có thể trú đông ở Stalingrad.

          Tướng Chuikov quyết định trong đêm dời về sở chỉ huy cũ, chỗ hệ thống hầm chạy từ hẻm núi Tsaritsa và có lối thoát hậu ra Pushkinskaya Ulitsa, một con đường sát cạnh bờ sông Volga. Tuyến hẻm núi Tsaritsa cũng là lựa chọn hiển nhiên cho đừơng ranh giới giữa hai tập đoàn quân của Paulus và Hoth. Trong khi, những sư đoàn của Seydlitz, từ phía bắc, tấn công đến Mamaev Krugan và ga xe lửa chính, thì sư đoàn tăng số 14,  24 và sư đoàn bộ binh số 94 của Hoth, từ phía nam, tiến đến khu tứ giác Tháp Ngũ Cốc, cao điểm khống chế Stalingrad.

         Tin sư đoàn bộ binh 71 tiến vào trung tâm Stalingrad ở phía bắc Tsaritsa được tiếp nhận với niềm hân hoan mãnh liệt ở Tổng hành dinh Fuhrer. Cũng tin đó đến điện Kremlin trong đêm. Khi Stalin đang thảo luận về khả năng mở một cuộc phản kích chiến lược lớn ở Stalingrad với Zhukov và Vasilevsky, thì Poskreyshev, thư kỵ́ của ông bước vào và nói Yeremenko đang đợi bên máy. Sau khi nói chuyện với ông ta, Stalin báo cho hai vị tướng tin mới: “Yeremenko nói quân địch mang những lực lượng thiết giáp đến gần thành phố.  Anh ta dự báo rằng ngày mai có một cuộc tấn công”. Rồi ông quay sang Vasilevsky bảo: “Ra lệnh cho sư đoàn Cận vệ 13 của Rodimtsev qua sông ngay và nghĩ xem anh có thể gửi thêm đựơc gì nữa”. Một giờ sau, tướng Zhukov đáp máy bay trở lại Stalingrad.

           Trong những giờ đầu tiên của ngày 14 tháng 9, Chuikov cùng ban tham mưu tiến về phía nam băng qua vùng thành phố bị tàn phá để đến khu hầm Tsaritsa trên hai chiếc xe. Những con đường đầy gạch vụn vừa mới được thông làm chuyến di chuyển ngắn của họ bị chậm liên tục. Chuikov rất sốt ruột vì ông được lệnh phản công và cần sẵn sàng ở sở chỉ huy mới. Quân của ông đã làm quân Đức bất ngờ ở vài nơi, nhưng họ sẽ bị đập tan lúc mặt trời mọc, khi các phi đoàn không quân Đức hoạt động trở lại. Tin đáng khích lệ duy nhất ông nhận được khi sáng là sư đoàn bộ binh Cận vệ số 13 đã vượt sông trong đêm. Nhưng quân địch đã tiến rất nhanh và mạnh trong ngày, nên nhiều người e ngại liệu rằng quân của Rodimtsev có xoay sở đổ bộ sang bờ Tây được không. Sư đoàn bộ binh số 295 của Đức chiến đấu trên đường dốc phía xa Mamaev Kurgan, nhưng mối đe doạ hiện nay cho sự tồn vong của Stalingrad đến từ hướng nam. “Cả hai sư đoàn [sư 71 và 76] cố tiến lên” một báo cáo quá lạc quan của Tập đoàn quân VI viết “Một mũi tấn công đã đến ga trung tâm vào lúc trưa, và 3h15 chiều, bằng việc chiếm được nhà máy nước, họ đã đến được sông Volga”. Sự thật là, nhà ga trung tâm đổi chủ ba lần trong vòng hai tiếng đồng hồ của buổi sáng, và sau đó bị tái chiếm bởi một tiểu đoàn bộ binh NKVD vào lúc chiều. Bộ quân phục của tướng Aleksandr Rodimtsev trông bẩn thỉu khi ông đến sở chỉ huy Chuikov lúc đầu giờ chiều. Ngay khi đặt chân lên bờ Tây sông Volga, những cuộc không kích liên miên buộc ông phải chui vào các hố đạn để ẩn nấp. Dí dỏm, nồng nhiệt kiểu sinh viên, Rodimtsev trông có vẻ của một nhà trí thức Moscow hơn là một vị tướng Hồng quân, một Anh hùng Liên bang. Mái tóc xám kiểu trẻ con, với hai bên hớt cao và để chỏm ở giữa làm đầu ông trông dài ra. Rodimtsev, 37 tuổi, thuộc về nhóm rất ít những người có thể nói một cách thành thật là coi thường nguy hiểm. Trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, phục vụ dưới bí danh “Pablito”, ông là cố vấn Soviet chính cho trận chiến Guadalajara vào năm 1937, lúc đó quân Cộng hoà Tây Ban Nha đã buộc các quân đoàn viễn chinh của Mussolini phải lên máy bay. Ông là một anh hùng trong quân mình, họ quả quyết rằng nỗi sợ hãi nhất của họ là lỡ bị thương thì bị chuyển sang đơn vị khác nếu còn phục vụ được.

         Chuikov cho Rodimtsev biết về sự nguy ngập không nghi ngờ gì. Ông vừa triển khai lực lượng dự bị sau cùng, mười chín chiếc tăng của một lữ đoàn thiết giáp. Ông khuyên Rodimtsev để các trang thiết bị nặng lại phía sau. Quân Rodimtsev chỉ cần các vũ khí cá nhân, đại liên và súng chống tăng, cùng với càng nhiều lựu đạn càng tốt.



 


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 01:25:47 pm
         Tướng Chuikov triệu tập Đại tá A.A. Sarayev, tư lệnh sư đoàn bộ binh NKVD số 10 và cũng là tư lệnh quân bảo vệ của Stalingrad.  Sarayev đã đến Stalingrad từ tháng 7 với 5 trung đoàn quân NKVD (chừng hơn 7.500 người), và đã mở rộng đế chế mình ra rất nhiều. Ông đã lập một đội quân riêng với hơn 15,000 lính mạnh ở cả hai bờ Volga. Ông cũng điều khiển các luồng giao thông vượt sông. Chuikov, lúc đó có chút mất bình tĩnh, doạ sẽ gọi Sở chỉ huy phương diện quân ngay nếu Sarayev không tuân lệnh ông. Dù Beria từng doạ “bẻ gãy lưng” một tư lệnh ở vùng Caucasus khi  đề nghị rằng quân NKVD nên chịu sự điều hành của quân đội, nhưng Sarayev trong trường hợp này, cho là khôn ngoan hơn nếu tuân lệnh. Hơi gió từ điện Kremlin bắt đầu quạt thiên vị cho phía quân đội.

        Các tiểu đoàn dân quân dưới quyền Sarayev được lệnh chiếm các toà nhà mà và giữ cho đến cùng. Một tiểu đoàn NKVD chính qui được gửi đến Mamaev Kurgan, trong khi hai trung đoàn bộ binh được lệnh khoá chặt đường tiến của quân địch ra bờ sông. Quân Cận vệ của Rodimtsev phải đổ bộ lên được. Các đơn vị NKVD đã chiến đấu quả cảm, dù chịu thương vong nặng nề, và sau đó sư đoàn được nhận Huân chương Lê-nin cùng với danh hiệu “Stalingradsky”. Sarayev giữ vị trí của mình trong suốt trận chiến, nhưng bị truất nhanh sau đó. Người kế nhiệm là tư lệnh lực lượng NKVD, thiếu tướng Rogatin, thay thế từ  tuần thứ 2 của tháng 10, với một sở chỉ huy mới thiết lập bên bờ đông.

        Một cuộc chạm trán không vui chút nào cũng diễn ra trong đêm đó. Bên kia sông Volga, đại diện dân sự của Stalin, Georgy Malenkov, triệu tập các sỹ quan cao cấp của Tập đoàn quân không quân số 8 đến sở chỉ huy Phương diện quân. Họ nghĩ, khi mới đến, rằng được gọi về để nhận huy chương. Zhukov và Yeremenko đứng phía sau. Malenkov, người mà trong ngày đầu cuộc chiến đã không tin vào báo cáo của Đô đốc Kuznetsov rằng không quân Đức rải bom vào Sevastopol,  bây giờ đang hướng sự bực dọc vào các sỹ quan không quân. Ông ta đòi biết những đơn vị nào đã hoạt động trong những ngày đó, rồi buộc tội họ thiếu tích cực. Ông tuyên bố đưa ra toà án binh các tư lệnh. Rồi để thể hiện quyền lực, ông cho gọi đến một sĩ quan, một thiếu tá thấp bé với mới tóc đen lởm chởm phía sau, cùng với một khuôn mặt sưng húp vì lạc thú. Ông nói với con trai của Josef Vissarionovich(2):

         “Thiếu tá Stalin, các phi công của anh trình diễn một trận đánh thật đáng hổ thẹn. Trong trận gần nhất, không ai trong số 24 phi công của anh bắn hạ được tên Đức nào. Việc gì vậy? Các anh quên mất cách chiến đấu à? Chúng tôi hiểu thế nào đây?”.

         Sau đó Malenkov làm bẽ mặt tướng Khryukin, tư lệnh tập đoàn quân không quân số 8. Chỉ nhờ có sự can thiệp của Zhukov mà vụ việc mới được khép lại. Ông nhắc nhở họ rằng sư đoàn Rodimtsev đang vượt sông Volga. Trung đoàn tiêm kích phải có trách nhiệm bảo vệ và tốt nhất là không để cho một quả bom của Đức nào được ném xuống.

         Các sỹ quan không quân nối đuôi nhau đi ra, quá sửng sốt để nói được gì.

         Bộ tổng tư lệnh tối cao STAVKA lệnh cho sư đoàn Bộ binh Cận vệ 14 tiến về Stalingrad từ ba ngày trước. Dù có hơn 10.000 quân khỏe mạnh, nhưng một phần mười số họ không có vũ khí. Để tránh không quân trinh sát địch, sư đoàn phân tán trú dưới bóng các cây du, cây dương Ukrain và các rặng liễu bên bờ phải sông quanh Krasnaya Sloboda. Họ có được chút xíu thời gian để chuẩn bị sau chuyến đi đến miền Nam từ Kamyshin. Tướng Rodimtsev, biết tình hình khẩn trương, nên đã thúc giục các chỉ huy dưới quyền suốt dọc đường. Những bộ tản nhiệt của xe tải nóng sôi, những con lạc đà bị kích động và bụi tung lên bởi xe cộ dày đến nỗi “những chiếc diều trên cột điện báo cũng xám đi”. Trong vài trường hợp, các đơn vị phải tản ra khi những chiếc máy bay Messerchmitt mũi vàng gầm rú ở tầm thấp, oanh tạc vào đội hình.

          Lúc đến gần sông Volga, thảo nguyên bụi bặm, khô cằn kết thúc, những cây thích báo rằng rất gần nguồn nước. Một bảng chỉ đường hình mũi tên, đóng vào thân cây, mang một vỏn vẹn một từ “Phà”. Binh sỹ thấy được khói đen dày đằng trước, thúc tay chỉ cho bạn bè quân ngũ đứng cạnh. Đó là hình ảnh đầu tiên của cuộc chiến đang chờ họ ở xa, phía bên kia dòng sông vĩ đại.

          Ở bờ sông, họ nhanh chóng được phát đạn dược, thủ pháo và lương khô – xúc xích, và cả đường để pha trà. Tướng Rodimtsev, sau cuộc gặp Chuikov, quyết định không chờ trời tối hẳn. Đợt lính Cận vệ đầu tiên tiến qua vào lúc trời chạng vạng bằng đủ loại phương tiện, tàu chiến của đội giang thuyền Volga và các loại thuyền dân sự được trưng dụng – tàu kéo, xuồng máy, sà lan, thuyền buồm đánh cá và cả ghe chèo tay. Những người đi sau chờ đến lượt bên bờ đông và cố tính xem còn bao lâu thì tàu sẽ quay lại đón họ.

        Cuộc vượt sông chắc hẳn rất kỳ lạ với những ai đi bằng ghe, lúc nước dịu dàng vỗ vào mũi ghe, và cọc chèo kẽo kẹt hoà cùng bản hợp xướng. Xa xa nghe tiếng súng bộ binh cùng tiếng ầm vang của đạn đại bác nổ ồm ồm trên dòng sông rộng. Sau đó, đại bác, cối, đại liên quân Đức gần bờ đổi điểm ngắm. Hàng cột nước bị ném tung giữa dòng, làm ướt sũng những người trên thuyền. Một chiếc tàu chiến của đội giang thuyền Volga bị trúng đạn, hai mươi thuỷ thủ thuộc chi đội hi sinh. Vài người đăm đắm nhìn xuống trước, để tránh thấy khung cảnh ở trên bờ đằng kia, còn hơn kiểu những người leo núi tránh nhìn xuống. Tuy vậy, những người khác vẫn nhìn thằng vào các toà nhà đang cháy rực ở bờ tây, những chiếc đầu đội mũ mắt theo bản năng rụt vào vai. Họ đang được gửi đến một hoả ngục.

        Nổi lên trên nền trời đen, các đám cháy lớn đổ bóng những toà nhà lên bờ sông cao phía trước họ và phát ra những hình dáng dị dạng. Tàn lửa bay lên trong bầu trời đêm. Bờ sông phía trước thì “một đống hỗn độn những máy móc bị cháy và xuồng bè hư hỏng nằm rải rác trên bờ”. Khi đến được bờ, họ nghe thấy mùi cháy của nhà cửa, và mùi thối đến lộn mửa của xác người đang phân huỷ dưới những đống đổ nát.

        Đợt quân Cận vệ Rodimtsev đầu tiên còn chưa lắp lê. Họ nhảy ào qua thành tàu xuống con nước cạn gần bờ và leo ngay lên bờ sông dốc, đầy cát. Ở đâu đó, quân Đức chỉ cách không quá một trăm thước. Không cần phải có ai nhắc quân Cận vệ rằng trù trừ chút nào, là nguy hiểm tính mạng chừng ấy. May cho họ, quân Đức không có thời gian đào hào và chuẩn bị các vị trí. Một tiểu đoàn thuộc trung đoàn cận vệ số 42 ở cánh trái, cùng với quân NKVD, đã đẩy lùi quân Đức quanh nhà ga trung tâm. Trung đoàn Cận vệ số 39 ở cánh phải tấn công vào một nhà máy xay xát lớn xây bằng gạch đỏ (giờ nó vẫn còn đó, lỗ chỗ vết đạn, làm nơi tưởng niệm), và họ đã quét sạch nơi đó sau một trận cận chiến không khoang nhượng. Khi đợt quân đổ bộ thứ hai đến, trung đoàn được tăng viện tấn công về phía đường sắt chạy quá căn cứ đồi Mamaev Kurgan.
 
         Sư đoàn bộ binh Cận vệ số 13 đã bị thương vong đến 30% trong 24 giờ đầu, nhưng bờ phải con sông đã được cứu thoát. Những người còn sống (chỉ còn 320 người  trong số 10,000 quân ban đầu, còn sống khi trận chiến Stalingrad kết thúc) thề rằng quyết tâm của họ là “theo Rodimtsev”. Và theo gương của ông, họ cũng thề rằng “Không còn đất cho chúng ta ở phía sau sông Volga”.

       Đầu tiên, khi giáp mặt với trận phản công của quân Rodimtsev, phía Đức cho rằng nó chỉ là thất bại tạm thời. Họ tin rằng cuộc tiến công của mình vào trung tâm thành phố là không thể đảo ngược. “Từ ngày hôm qua, lá cờ của Đế chế thứ III đã tung bay trong trung tâm thành phố” một thành viên của sư đoàn bộ binh mô tô số 29 đã viết trong ngày hôm sau, “Trung tâm và nhà ga [chính] đã nằm trong tay quân Đức. Bạn không thể tưởng tượng chúng tôi nhận được tin này như thế nào”. Nhưng lính tráng, run lên vì trời lạnh “đã mơ về hầm trú đông, với những lò sưởi kiểu Hindenburg sặc sỡ, và nhiều thư từ gia đình thân thương”.Những đại đội bộ binh Đức tiến xuống hẻm núi Tsaritsa. Lối vào Sở chỉ huy tập đoàn quân 62 năm trong tầm hoả lực bắn thẳng, và trong boongke lèn đầy thương binh. Và rất nhanh, không khí nóng, ẩm trở nên không thở nổi. Các sỹ quan tham mưu ngất xỉu vì thiếu dưỡng khí. Nên tướng Chuikov quyết định chuyển sở chỉ huy lần nữa, lần này thì họ băng qua sông, đi ngược lên phía bắc và quay trở lại phía bờ tây.

          Cuộc chiến trở nên dữ dội ở đồi Mamaev Kurgan. Nếu quân Đức chiếm được, thì pháo của họ có thể khống chế được sông Volga. Một trong số các trung đoàn bộ binh NKVD cố giữ một phần nhỏ còn lại của quả đồi, cho đến khi được tăng viện bởi số quân còn lại của trung đoàn Cận vệ Rodimtsev số 42 và một phần từ sư đoàn khác ngay trước bình minh ngày 16 tháng 9. Những đơn vị mới, tấn công lên đỉnh đồi và các bên cánh của quả đồi lúc rạng sáng. Bấy giờ đồi Mamaev Kurgan không còn hình dạng của một nơi mà chỉ vài tuần trước là một công viên, chỗ các đôi tình nhân dạo bước. Không còn một ngọn cỏ, mà giờ đầy những mảnh đại bác, bom và lựu đạn. Cả quả đồi bị khuấy tung lên, lỗ chỗ hố bom, vốn được dùng nhưng những công sự tức thời cho những đợt đánh nhau ngắn: tấn công và phản công. Kentya, lính cận vệ, được tôn vinh vì đã giật xuống lá cờ của quân Đức, cắm trên đỉnh đồi bởi quân của sư đoàn bộ binh 295 (Đức), và giẫm lên nó. Những tình tiết không anh hùng chút nào thì ít được nghe hơn. Một khẩu đội trưởng của quân Nga trên đồi Mamaev được cho là đã đào ngũ bởi “hắn sợ phải chịu trách nhiệm vì đã hèn nhát trong trận chiến”. Các pháo thủ đã hoảng sợ và bỏ chạy khi một nhóm lính Đức xông lên tấn công khẩu đội. Thượng uý M. đã cho thấy “tính do dự” và đã không giết được quân Đức, một sai phạm nghiêm trọng trong thời điểm ấy.

       Lúc 11 giờ đêm ngày 16 tháng 9, trung uý K, một trung đội trưởng của sư đoàn bộ binh 112, ở cách 5 dặm về phía bắc, phát hiện ra có 4 lính vắng mặt cùng NCO của họ. “Thay vì dùng mọi biện pháp để tìm ra chúng và ngăn hành động bội phản này, tất cả những gì anh ta làm là báo cáo sự việc lên đại đội trưởng”. Và chừng 1 giờ sáng, chính uỷ Kolabanov xuống trung đội để điều tra. Khi đến chiến hào, ông ta nghe thấy một giọng nói tiếng Nga phát ra từ phía quân Đức, điểm tên từng binh sỹ trong trung đội và thúc giục họ hãy chạy sang “Tất cả các bạn nên trốn đi, họ sẽ cho các bạn ăn và đối xử tốt với các bạn. Ở với bên quân Nga, các bạn sẽ chết dù có gì xảy ra đi nữa”. Viên chính uỷ nhận thấy có vài bóng dáng đang chạy qua vùng phân tuyến sang phía quân Đức. Ông giận điên bởi những thành viên khác trong trung đội không bắn vào họ. Ông thấy có mười người, trong đó có một thượng sỹ, đã rời đi. Tay trung đội trưởng bị bắt và đưa ra toà án binh. Bản án dành cho người này, có thể đoán chừng là tử hình hoặc một đại đội shtraf (đại đội trừng giới), không được biết. Cũng trong sư đoàn đó, một đại uý hình như cố thuyết phục hai sỹ quan khác cùng đào ngũ với hắn, nhưng một trong số đó “không đồng ý và hành quyết tên phản bội”, nhưng không ai có thể chắc rằng bản phóng tác này  của sự việc, không nguỵ trang cho một nguyên nhân cá nhân nào đó.



Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 01:28:12 pm
         Quân Đức tấn công, rồi tấn công liên tục trong những ngày sau, nhưng quân Cận vệ của Rodimtsev và những người sống sót của trung đoàn bộ binh NKVD vẫn cố giữ được đồi Mamaev Kurgan. Sư đoàn bộ binh 295 trong tình trạng bế tắc. Thương vong của họ nặng đến mức phải hợp nhất các đại đội lại với nhau. Lượng sỹ quan bị thương rất cao, phần lớn do lính bắn tỉa Nga. Không quá hai tuần ở tiền duyên, mà một đại đội trong trung đoàn đại tá Korfe thuộc sư bộ binh 295 đã có đại đội trưởng thứ ba, một trung uý trẻ.

        “Đụng độ chết chóc” vẫn tiếp diễn trên đồi Mamaev Kurgan và pháo binh hạng nặng của Đức tiếp tục bắn phá các vị trí quân Nga trong hai tháng sau đó. Nhà văn Vasily Grossman đã quan sát cảnh đạn đại bác bắn tung đất đá lên không “Một đám mây đất cát vượt qua cái sàn trọng trường, những mảnh nặng hơn rơi thẳng xuống đất, còn bụi thì bốc lên cao”. Xác người sau những trận chiến nằm trên sườn đồi bị lấp xuống rồi lại quật lên bởi những trận phi pháo không ngớt. Nhiều năm sau chiến tranh, xác một người lính Đức và một lính Nga được phát hiện khi làm công tác khai quang. Hai xác này bị vùi lấp bởi sức nổ của một quả đạn pháo chỉ sau khi họ đâm nhau bằng lê cho đến chết.

        Theo cách nói giảm nhẹ có tính toán của tướng Zhukov thì đó là “những ngày rất khó khăn của Stalingrad”. Tại Moscow, các quan chức của Toà đại sứ Mỹ đã tin rằng thành phố đã bị kết liễu, và tâm trạng của điện Kremlin là hết sức lo lắng. Vào đêm 16 tháng 9, ngay sau bữa tối, Poskrebyshev lặng lẽ bước vào và đặt trên bàn của Stalin một bản ghi của Cục tình báo Bộ tổng tham mưu. Đó là bản văn của một điện văn vô tuyến bị chặn từ Berlin “Stalingrad đã bị chiếm bởi các lực lượng vẻ vang của Đức. Quân Nga bị chia cắt thành hai phần ở phía bắc và nam và sẽ sớm sụp đổ trong những cơn quằn quại chết người”. Stalin đọc bản văn vài lần, rồi đứng lặng bên cửa sổ một lúc. Ông bảo Poskrebyshev nối giây cho ông với STAVKA. Trên điện thoại, ông ra lệnh cho Yeremenko và Khrushchev: “Hãy báo cáo thật về tình hình đang diễn ra ở Stalingrad. Có thật là Stalingrad đã bị quân Đức chiếm? Hãy trả lời thẳng và đúng sự thật. Tôi đợi hồi đáp của các anh ngay lập tức.”

         Sự thật là cuộc khủng hoảng tức thời đã vượt qua. Sư đoàn Rodimtsev đã đến kịp thời. Trong suốt ngày hôm đó, các tư lệnh quân Đức biết rằng có lực lượng tăng viện qua sông, như là sư đoàn bộ binh số 95 của Gorishny và lữ đoàn thuỷ quân lục chiến cắt cử tăng viện cho sư đoàn bộ binh Cận vệ số 35 bị suy yếu nghiêm trọng ở phía nam Tsaritsa. Không quân Luftwaffe cũng chú ý thấy có sự gia tăng số lượng máy bay cất cánh chống lại họ từ tập đoàn quân không quân số 8 (Liên Xô), dù những phi công tiêm kích Soviet vẫn tràn ngập nỗi sợ quân thù theo bản năng. “Khi nào một chiếc Me-109 xuất hiện” báo cáo của một chính uỷ phàn nàn “là bắt đầu quần vòng ngay, ai cũng cố bảo vệ đuôi của mình”.

        Trên tất cả, tự không quân Luftwaffe quan sát thấy sự tăng cường của hoả lực phòng không. “Ngay khi một phi đoàn Stuka xuất hiện” một sỹ quan liên lạc của sư đoàn xe tăng số 24 ghi nhận “cả không gian phủ đầy những đụn khói đen của đạn cao xạ”. Tiếng hoan nghêng vang dội từ phía những vị trí quân Nga bên dưới, khi một trong số những chiếc Stuka đáng ghét bị nổ tung trong không trung và những mảnh vụn cháy bỏng rơi xuống. Ngay cả những chiếc tiêm kích nhanh nhẹn hơn cũng bị ảnh hưởng của hoả lực (phòng không) tăng lên từ bên kia sông. Ngày 16 tháng 9, một NCO của Luftwaffe, Jurgen Kalb, buộc phải nhảy ra khỏi chiếc Me-109 của ông ngay trên sông Volga. Ông đã nhảy dù xuống nước và lội vào bờ, ở đó lính Hồng quân đợi sẵn.

       Các phi đội ném bom được nghỉ ngơi rất ít. Mỗi chiếc máy bay được yêu cầu ném bom liên tục. Ngày 19 tháng 9, một phi công đã tính ra rằng trong 3 tháng qua, anh đã thực hiện 228 phi vụ, nhiều bằng cả trong 03 năm trước đó cả ở “Ba Lan, Pháp, Anh, Nam Tư và Nga cộng lại”. Anh ấy và đồng đội ở trên không 6 giờ một ngày.

       Bố trí trên các phi trường dựng vội ngoài thảo nguyên, cuộc sống trên mặt đất của họ là những buổi ăn vội vàng, những cuộc cãi vả trên đường điện thoại, và nghiên cứu cặn kẽ các bản đồ, không ảnh trinh sát trong lều tác chiến. Khi trở lại không trung, những mục tiêu xác định không dễ dàng chút nào khi trải dài dưới cánh bay là “những đống hỗn độn khó tin những thứ đổ nát và lửa khói”, và những cột to bự khói dầu đen thui cuồn cuộn bốc lên từ những bồn dầu cháy, che mờ mặt trời đến tận độ cao 10,000 feet.

      Yêu cầu nhiệm vụ liên tục đến từ cánh lục quân “Oanh kích mục tiêu khu A-11, vùng tây bắc, một dãy nhà lớn, quân địch chống cự mạnh ở đó”. Tuy nhiên, các phi công Luftwaffe cảm thấy không kết quả mấy cho việc tiếp tục đập vụn một vùng đất hoang tàn với “những nhà xưởng nát vụn, bốc cháy, và không còn một bức tường nào còn đứng vững”.

        Với các đội mặt đất “cơ khí – vũ khí, bom và điện báo viên”, phải chuẩn bị cho máy bay cất cánh “ba, bốn, năm lần một ngày”, không ngơi nghỉ. Với các phi đoàn, thời gian yên ổn duy nhất là lúc hoàng hôn và rạng đông, nhưng ngay cả lúc đó, họ cũng không nấn ná lâu cạnh đường băng và nhìn ngắm bầu trời trên cái “xứ sở vô tận” này: đến tuần thứ 3 của tháng 9, cái rét sắc dần. Ngày 17 tháng 9, nhiệt độ đột ngột giảm. Mọi người mặc đồ len dưới áo jacket, nhưng trong nhiều trường hợp đã tã cả rồi. Một bác sỹ ghi lại “Quần áo binh sỹ, đã quá rách nát, và thường thì họ buộc phải mặc những thứ từ quân phục Nga”.

       Trong khi những trận đánh lẻ tẻ ở đồi Mamaev Kurgan vẫn tiếp tục, thì một trận đánh cũng ác liệt tương tự nổ ra ở khu Tháp Ngũ cốc nhìn xuống dòng sông. Cuộc tiến quân nhanh lẹ của quân đoàn xe tăng XLVIII (43) của Hoth hầu như đã cắt rời cái pháo đài tự nhiên này. Quân phòng thủ thuộc sư đoàn bộ binh Cận vệ số 35 đã vui mừng chào đón lực lượng tăng viện là một trung đội thuỷ quân lục chiến chỉ huy bởi trung uý Andrey Khozyanov khi họ đến được trong đêm 17 tháng 9. Họ có 02 khẩu đại liên Maxim kiểu cũ và hai khẩu súng trường chống tăng nòng dài của Nga, thứ mà họ dùng bắn vào một chiếc tăng Đức khi một sỹ quan và một thông ngôn xuất hiện dưới lá cờ ngưng bắn và yêu cầu họ đầu hàng. Pháo quân Đức bắn vào cái kiến trúc to lớn này để chuẩn bị bãi cho sư đoàn bộ binh Saxon số 94, biểu tượng của sư đoàn là những thanh gươm bắt chéo của vùng đồ sứ Meissen.

       Trên 50 lính phòng thủ đã đẩy lùi 10 cuộc tấn công trong ngày 18 tháng 9. Biết rằng  không thể mong đợi được tiếp tế thêm, họ đã giữ gìn đạn dược, lương thực và nước uống cẩn thận. Điều kiện chiến đấu của họ trong hai ngày kế tiếp thật kinh khủng. Khi ngũ cốc trong thang nâng bốc hoả, họ ngộp thở trong bụi và khói, và cũng nhanh chóng không còn gì để uống. Nước làm nguội nòng ở các khẩu đại liên Maxin cũng cạn (có lẽ các thuỷ quân đã dùng nước tiểu thay vào như từng thấy trong thế chiến thứ nhất, nhưng các báo cáo bên phía Soviet tránh các chi tiết như vậy)

       Tất cả lựu đạn và đạn chống tăng đã dùng hết khi có thêm nhiều xe tăng Đức đến để kết thúc họ trong ngày 20 tháng 9. Cả hai khẩu Maxim cũng bị loại khỏi vòng chiến. Những người phòng thủ, không thể nhìn thấy gì trong thang nâng bởi khói và bụi, họ liên lạc bằng cách hét vào nhau qua những cổ họng khô nẻ. Khi quân Đức đột nhập vào, họ bắn vào các nguồn âm thanh chứ không phải các mục tiêu. Đêm đó, với không đầy một vốc đạn còn lại, những người sống sót phá vây. Thương binh phải để lại phía sau. Dù là một trận đánh khốc liệt, thật khó nói đó là một chiến công oanh liệt của quân Đức, vậy mà Paulus đã chọn cái tháp ngũ cốc khổng lồ đó làm biểu tượng của Stalingrad cho huy hiệu đeo tay mà ông đã thiết kế tại sở chỉ huy tập đoàn quân để kỷ niệm chiến thắng.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 01:31:27 pm
          Những trận phòng ngự ngoan cường tương tự như thế ở các toà nhà bán kiên cố ở trung tâm thành phố làm tiêu hao nhiều quân Đức trong suốt những ngày ấy. Những “người bảo vệ” là lính Hồng quân từ các sư đoàn khác nhau đã ngoan cường bám trụ dù bị đói và khát khủng khiếp. Có một trận đánh đẫm máu để tranh giành khu hành chánh Univermag tại quảng trường Đỏ, cũng là nơi đặt tiểu đoàn bộ của tiểu đoàn 1, trung đoàn Bộ binh Cận vệ 42. Một nhà kho nhỏ, còn có tên “nhà máy đinh” cũng là một vị trí cố thủ khác. Và trong một ngôi nhà ba tầng cách đó không xa, quân cận vệ đã chiến đấu ròng rã trong 5 ngày, mũi và cổ họng bỏng cháy của họ nhét đầy bụi gạch từ những bức tường bị giã nát. Thương binh chết trong hầm, không được chữa chạy khi cô y tá trẻ của họ bị hy sinh do một vết thương ở ngực. Sáu người còn sót lại của nguyên gần một nửa tiểu đoàn, đã thoát ra được ở thời khắc sau cùng, khi xe tăng của quân Đức cuối cùng cũng xuyên qua được các bức tường.

         Với việc quân Đức dành được trung tâm thành phố, vấn đề đáng sợ nhất với Hồng quân là việc chúng tiến đến bến đổ bộ trung tâm. Điều này làm cho quân Đức có thể công kích vào điểm vượt sông chính ban đêm bằng đại bác, bằng dàn phóng Nebelwerfer và cả đại liên do có ánh sáng từ đèn dù hoả châu. Quân Đức quyết ngăn luồng tăng viện và tiếp tế đến được chỗ lực lượng phòng thủ.

        Nhà ga trung tâm, bị đổi chủ 15 lần trong 5 ngày, sau cùng quân Đức cũng chiếm được đống đổ nát đó. Tướng Rodimtsev, nhất trí với chính sách của tướng Chuikov, ra lệnh cho tuyến của quân mình luôn nằm trong khoản cách chừng 50 yard (tầm 45 thước) so với tuyến quân Đức, để việc không trợ và pháo kích của phe địch khó khăn hơn. Lính trong sư đoàn ông có niềm tự hào về tài thiện xạ “Mỗi lính Cận vệ bắn như một tay bắn tỉa” và như thế “buộc bọn Đức phải bò, không đựơc đi”.

        Lính Đức, mắt đỏ ngầu, kiệt lực vì đánh nhau ác liệt, vì cảnh tang tóc của đồng đội nhiều hơn họ có thể tưởng tượng, và đã đánh mất niềm tin chiến thắng của chỉ một tuần trước đó. Mọi thứ dường như đảo lộn hết.  Họ thấy pháo bắn xa nguy hiểm hơn trong thành phố.

        Không chỉ sức nổ đạn đại bác là nguy hiểm. Khi mà một toà nhà cao bị bắn trúng, mảnh đạn và vữa rơi từ trên cao xuống như mưa. Những lính landser đã bắt đầu mất khái niệm về thời gian trong thế giới xa lạ này, với những đống hoang tàn đổ nát. Ngay cả ánh sáng ban trưa cũng lạ lùng, ma quái bởi những đám bụi mờ không ngớt.

       Trong cái không gian cô đặc đó, một người lính phải nhận thức không gian ba chiều của cuộc chiến rõ hơn, với mối nguy hiểm từ những tay lính bắn tỉa trong những toà nhà cao tầng. Họ cũng cần phải nhìn lên trời. Mỗi khi có cuộc không kích của Luftwaffe, lính Landser cũng bám lấy mặt đất giống hệt như cách một lính Nga làm. Luôn có mối lo sợ về việc các chiếc Stuka không nhìn thấy những lá cờ trắng đỏ với chữ thập ngoặc màu đen cắm để xác định vị trí của họ. Thường thì họ bắn pháo hiệu để nhấn mạnh vị trí. Máy bay ném bom của Nga cũng bay rất thấp, đủ thấp để có thể nhận ra được ngôi đỏ trên cánh đuôi. Còn cao hơn trên đó, là những chiếc tiêm kích lấp lánh dưới ánh mặt trời. Những người quan sát thấy rằng họ xoay, họ đảo giống như cá trong biển hơn là chim trên bầu trời.

        Tiếng ồn tấn công vào hệ thần kinh của họ liên tục. “Không gian đậm đặc” một sỹ quan thiết giáp viết “với tiếng hú quỉ quái của những chiếc Stuka bổ nhào, với tiếng sấm động của cao xạ, của đại bác, tiếng gầm của động cơ, tiếng nghiến của xích tăng, tiếng rít của những giàn phóng,“đàn dương cầm của Stalin”, rồi tiếng lạch cạch của tiểu liên cả đằng trước, đằng sau, và lúc nào mọi người cũng thấy sức nóng của một thành phố cháy ở mọi điểm". Tiếng la hét của thương binh cũng ảnh hưởng tới binh sỹ rất nhiều “Đó không phải là tiếng người” một quân nhân Đức viết trong nhật ký, “mà là những tiếng gào ảm đạm của một loài vật hoang dại”.

       Trong hoàn cảnh như thế, nỗi nhớ nhà trở nên buốt lòng. “Quê nhà sao quá xa – Ôi, quê nhà xinh đẹp!” một người buồn bã viết “Chỉ đến giờ chúng tôi mới biết rõ nó mới đẹp làm sao”. Còn quân phòng thủ Nga, mặc khác, hiểu rõ nỗi nhớ nhà chỉ là xa xỉ mà họ không thể với tới được. Một người lính vô danh viết cho vợ vào ngày 17 tháng 9:

      “Chào em Palina thân yêu,

      Anh bình yên và khoẻ mạnh. Không ai biết điều gì sẽ đến nhưng chúng ta sẽ sống và sẽ thấy. Cuộc chiến rất gay go. Em đã đọc được tin tức về những gì đã xảy ra ở mặt trận trên báo rồi đấy. Nhiệm vụ của người lính đơn giản lắm em ạ: giết quân Frizt càng nhiều càng tốt rồi đẩy chúng về lại phía Tây. Anh nhớ em nhiều nhưng có thể làm gì khi giữa đôi ta là điệp trùng xa cách”.

       Và trong ngày 23 tháng 9, một người lính tên Sergey viết cho Lyola vợ anh, một thông điệp đơn giản: “Bọn Đức sẽ không chịu nổi quân ta đâu”. Không có nhắc gì đến quê nhà.

       Lại một nỗ lực của ba tập đoàn quân Soviet ở phía bắc mặt trận tấn công vào cánh trái của tập đoàn quân 6, bị thất bại vào ngày 18 tháng 9. Sự triển khai nhanh chóng của các phi đoàn Luftwaffe đã chống lại mối đe doạ, kết hợp với cuộc phản công của quân đoàn xe tăng XIV (Đức) vốn có hiệu quả rất mạnh trên thảo nguyên thoáng đãng. Một nỗ lực thứ hai cũng thất bại trong ngày kế tiếp. Tất cả những gì mà 3 tập đoàn quân đạt được, với giá rất đắt, là giảm những cuộc không kích của Luftwaffe vào tập đoàn quân 62 trong hai ngày đó.

       Tướng Chuikov biết rằng tình hình sẽ không dịu bớt, nên bắt đầu đưa sư đoàn bộ binh số 284 của đại tá Batyuk, chủ yếu là lính Siberia, sang sông Volga. Ông giữ sư đoàn làm dự bị dưới đồi Mamaev Kurgan, phòng trong trường hợp khi quân Đức thiết lập được vị trí vững chắc quanh bến đổ bộ trung tâm, và rồi tấn công mạnh lên hướng bắc theo bờ sông để cố cắt tập đoàn quân của ông với hậu phương. Sáng ngày 23 tháng 9, chừng một vài giờ sau khi người lính Siberia cuối cùng qua được bờ tây sông Volga, sư đoàn được ném vào một cuộc tấn công nhằm quét quân Đức khỏi bãi đổ bộ trung tâm và bắt liên lạc với các đơn vị Soviet bị cô lập ở phía nam Tsaritsa. Nhưng các sư đoàn Đức, dù bị thiệt hại nặng, đẩy lùi được họ. Trong ngày đó, cũng là sinh nhật lần thứ 52 của tướng Paulus, quân Đức cuối cùng cũng đảm bảo được một hành lang rộng, cắt cánh trái của tập đoàn quân 62 vào trong một cái túi ở phía nam hẻm núi Tsaritsa.

          Với tính kỹ lưỡng có thể đoán trứơc được, quân Đức tiếp tục nỗ lực để nghiền nát kháng cự ở khu nam Stalingrad. Hai ngày sau, họ chọc thủng được phòng tuyến. Điều này gây lên sự hoảng loạn ở hai lữ đoàn dân quân, vốn đà hầu như hết lương thực và đạn dược. Sự sụp đổ, tuy vậy, lại bắt đầu từ cấp trên, như sở chỉ huy phương diện quân Stalingrad đã báo về cho Moscow. Lữ đoàn trưởng lữ đoàn đặc biệt số 42, “bỏ tuyến phòng thủ, vờ như ra ngoài để xin ý kiến ban tham mưu tập đoàn quân”. Việc tương tự cũng diễn ra ở lữ đoàn đặc biệt số 92, dù có thuỷ quân lục chiến hỗ trợ.  Ngày 26 tháng 9, lữ đoàn trưởng, chính uỷ cùng ban tham mưu đi theo, đã bỏ rơi binh sỹ, cũng “vờ như họ đi thảo luận tình hình với cấp trên”, nhưng sự thật là họ rút đến một đảo lớn an toàn tên là Golodny ở giữa sông Volga. Sáng hôm sau, “khi quân lính biết chỉ huy của họ bỏ trốn, phần đông đổ ra bờ sông Volga, bắt đầu tìm bè, mảng vượt sông”. Một số cố chèo, bơi về đảo Golodny bằng thân cây, bằng vài mảnh ván và cả bơi tay không. Quân địch, nhận ra cố gắng riêng lẽ của họ để trốn đi, đã khai hoả pháo, cối, và giết được rất nhiều ngay trên sông.

       “Khi ấy thiếu tá Yakovlev, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn súng máy, lúc đó là sỹ quan cao cấp nhất của lữ đoàn còn ở bên bờ tây, biết được chỉ huy lữ đoàn đã bỏ trốn và gieo rắc nỗi lo sợ cho các đơn vị, ông bèn nắm quyền phòng thủ”. Ông nhanh chóng nhận ra mình bị mất liên lạc do các lính thông tin cũng nằm trong số những người trốn ra đảo. Với sự giúp đỡ của trung uý Solutsev, Yakovlev tập hợp các đơn vị còn lại và thiết lập một tuyến phòng ngự, và dù bị thiếu người, đạn dược, vẫn trụ vững trước 7 cuộc tấn công trong 24 giờ kế tiếp. Trong khi đó, chỉ huy lữ đoàn vẫn còn ở trên đảo. Hắn không hề cố gửi chút đạn dược nào cho những người phòng thủ ở phía sau. Để cố che dấu những việc đã diễn ra, hắn gửi những báo cáo bịa đặt về cuộc chiến đấu cho sở chỉ huy tập đoàn quân 62. Điều này làm tốt cho hắn chút xíu. Nhưng rồi cán bộ của Chuikov trở trên nghi ngờ. Hắn bị bắt và buộc tội “Tội không phục tùng mệnh lệnh số 227”. Dù không có chi tiết được nêu trong báo cáo cho Moscow về án được tuyên từ toà án binh NKVD, nơi mà lòng khoan dung khó mà tưởng tượng ra.

---------------------------


       (1)Có thể có chút ít do dự khi nói rằng chính sự tuyên truyền “Tội ác” trong mùa hè 1942 góp phần tín hiệu cho những vụ cưỡng hiếp tập thể gây ra bởi Hồng quân khi tiến vào lãnh thổ Đức vào cuối năm 1944 và năm 1945.

        (2) Hai người con khác của các lãnh đạo Soviet, Vladimir Mikoyan và Leonid Khrushchev, phục vụ trong lực lượng không quân Hồng quân ở Stalingrad. Còn Vasily Stalin, một tay chơi có hạn, rất nhanh sau đó thoát ly khỏi nhiệm vụ chiến đấu để làm một bộ phim tuyên truyền về không quân.



Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 03:59:18 pm
                                                                                                
                                                                   RATTENKRIEG
                              
                                                            “CHIẾN THUẬT CHUỘT CHŨI”


        Tâm trạng vỡ mộng của Hitler trước những thành công hạn chế ở vùng Caucasus và Stalingrad lên tới đỉnh điểm vào ngày 24 tháng 9, khi hắn cho sa thải tướng Halder, Tham mưu trưởng lục quân. Cả hai người đều trong tình trạng hết sức mệt mỏi với nhau. Tướng Halder bị làm giận điên lên với cái thứ mà ông coi như là một sự can thiệp với tính khí thất thường và bị ám ảnh của một tay a-ma-tơ, trong khi Quốc trưởng xem bất kỳ gợi ý phê bình nào cho sự lãnh đạo của ông là oán hận của các tướng lĩnh phản động không chia sẽ ý chí chiến thắng của ông. Quan tâm hàng đầu của Hitler, như tướng Halder đã ghi trong nhật ký trong đêm đó là, “Cần thiết truyền cho bộ tổng tham mưu có niềm tin cuồng nhiệt vào Lý Tưởng”. Mối bận tâm này và sự nô dịch hoá bộ tổng tham mưu trở thành một cuộc vật lộn thay người trong đó. Hậu quả không khó để tưởng tượng ra. Một tình trạng nguy kịch dễ dàng chuyển thành một thảm hoạ.

       Theo cánh của Jodl và List, Paulus nghe rằng ông có thể được bổ nhiệm thay cho Jodl làm tham mưu trưởng hành quân. Tướng Von Seydlitz được cho là kế vị ông chỉ huy tập đoàn quân 6. Tuy vậy, Hitler, quyết định chọn những gương mặt mà ông ta đã quen biết. Tướng Jodl được phục hồi chức vụ và tay thống chế nịnh hót Keitel vẫn nguyên vị để đảm bảo cho tên tuổi thiên tài quân sự của Fuhrer và giúp cho việc phát xít hoá quân đội. Giới sỹ quan chuyên nghiệp cho hắn là “Lakeitel - Con lừa gật đầu”, nhưng họ cũng giữ cái nhìn kinh thị với những vị tướng khác vì có tính hèn nhát. “Bộ tham mưu đang hướng thẳng đến sự huỷ diệt của chính mình” Groscurth viết cho tướng Beck, người sau này đứng đầu âm mưu tháng Bảy, “không còn chút danh dự” niềm an ủi duy nhất của Groscurth là quân đoàn trưởng của ông, tướng Strecker, và những sỹ quan tham mưu đồng đội thuộc sở chỉ huy quân đoàn XI cũng có cùng cảm giác. “Thật là vinh dự được cùng với những chiến hữu như thế”.

         Sự sa thải Halder, cũng là sự kết thúc cho việc Bộ tham mưu là một thực thể lập kế hoạch độc lập, đồng thời cũng làm mất đi người bảo hộ đơn độc còn lại của Paulus ở thời khắc khủng hoảng. Paulus phải dấu tiệt đi sự thất vọng do bị hụt cơ hội được bổ nhiệm. Hitler đã nói rằng với Tập đoàn quân VI, ông có thể đột chiếm cả thiên giới, nhưng Stalingrad vẫn chưa bị hạ. Một đội của Bộ tuyên truyền đang đợi sự chiếm đóng đó, “sẳn sàng quay phim cảnh kéo cờ” và báo chí nài nỉ được phép công bố “Stalingrad sụp đổ!”, bởi chính sở chỉ huy của Paulus đã thông báo vào ngày 26 tháng 9 rằng “lá cờ trận của Đế chế tung bay trên toà nhà đảng bộ thành Stalingrad!”. Ngay cả Goebbels bắt đầu trở nên lo rằng báo chí Đức đã mô tả những sự kiện “với màu sắc quá hồng hào”. Những cây bút được chỉ đạo để nhấn mạnh tính ngoan cường và phức tạp của trận chiến. Tuy vậy, một tuần sau, ông bắt đầu chắc chắn rằng “Sự sụp đổ của Stalingrad là không thể hồ nghi”, và rồi ba ngày sau, tâm trạng ông ta lại thay đổi và ra lệnh các chủ đề khác phải được đưa ra trước.

       Tướng Paulus nhận áp lực và phê phán “từ sáng đến tối”, và việc không chiếm được Stalingrad làm ông “lo ghê gớm”, theo Groscurth. Sự căng thẳng làm trầm trọng thêm bệnh lỵ kinh niên của ông. Các sỹ quan tham mưu nhận thấy phía bên trái mặt của ông bị co giật nhiều hơn. Ở Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI, đặt tại Golubinsky, một ngôi làng ở bờ trái sông Don, ông chú mục vào các bản đồ phóng to, chi tiết của Stalingrad. Phần lớn thành phố đã bị chiếm, và phòng Tình báo của ông ước lượng thương vong phía Soviet đại để gấp đôi quân Đức. Ông ta có thể chỉ hy vọng rằng Hitler đã đúng về việc quân thù sẽ hết quân dự bị bất kỳ lúc nào. Các nguồn lực của ông đang bị hao mòn rất nhanh, và sự ngoan cường đến kỳ lạ của quân địch làm mất tinh thần họ.

         Nhiều phê phán chống lại ông dựa trên cơ sở sự thật: Tập đoàn quân VI, với hai quân đoàn phối thuộc lấy từ tập đoàn xe tăng số IV, là một đơn vị lớn nhất trong lục quân Đức, và gần một phần ba của một triệu quân là mạnh khoẻ. Những kẻ ngoại cuộc, không có chút kinh nghiệm chiến đấu, không thể hiểu vấn đề. Mọi người hẳn có thể tranh luận rằng Paulus có thể dùng các đơn vị của ông tốt hơn, nhưng những người chỉ trích quên rằng trong khi có chừng 8 sư đoàn của ông bị trói vào chiến đấu trong thành phố, thì 11 sư đoàn khác trú phòng cho 130 dặm mặt trận kéo dài từ khúc uốn lớn đến khúc uốn nhỏ của dòng sông Don, rồi trên khắp thảo nguyên Volga ở phía bắc Rynok, cũng như trước cánh nam Stalingrad đối diện với Beketovka. Chỉ còn một sư đoàn làm lực lượng dự bi

        Ở phía cánh trái, trên thảo nguyên hoang vắng trải rộng, quân đoàn Lục quân XI của Strecker, Quân đoàn Lục quân VIII của tướng Walther Heitz và Quân đoàn thiết giáp số XIV của Hube, đối mặt với những trận tấn công không ngớt từ bốn Tập đoàn quân Sô-viết nhằm cố giảm bớt áp lực lên thành phố. Còn cánh phải, quân đoàn Lục quân IV của tướng Jaenecke (đối diện là tập đoàn quân số 64 của tướng Shumilov) cùng với tập đoàn quân Hungari số 4 kém cỏi, căng rộng quá mức trên tuyến phòng thủ vốn đã đuối dần ở phía bắc vùng Caucasus. Về phía bên kia, dưới quyền của Yeremenko có Tập đoàn quân 62 của Chuikov, Tập đoàn quân 64 ở quanh Beketovka, Tập đoàn quân 57 dưới
phía xa hồ Sarpa, Tập đoàn quân 51 giữ tuyến các hồ còn lại, và sau cùng là Tập đoàn quân 28 trải rộng trên thảo nguyên Kalmyk trống trải.

         Với quân Đức, quân Rumani và quân Nga ở cánh Nam, cuộc chiến trên thảo nguyên về cơ bản là giống như trong Thế chiến thứ I, chẳng qua là khác ở chỗ vũ khí tối tân hơn và sự xuất hiện thường xuyên của không quân hiện đại. Còn các đơn vị thiết giáp ở cả hai cánh thì vùng đồng bằng đầy nắng, nơi họ đã lướt lên như những chiến hạm ở tốc độ cao nhất chỉ vài tuần trước, giờ lại kéo họ lại trong nỗi chán nản ghê gớm. Sự thiếu vắng cây cỏ, núi đồi làm binh sỹ người Áo và Nam Đức nhớ nhà. Những cơn mưa Rasputisa làm tình cảnh càng tệ đi. Quân lính ngồi trong hầm, nghe mưa rơi và nhìn nước dâng ngập dần qua mắt cá chân, không có mấy việc để làm ngoại trừ nghĩ về hầm hào, chân cẳng và nhìn lũ chuột sũng nước cắt xé xác người ngoài kia, ở khu phân tuyến.

         Những hành động ở cả hai phía giới hạn ở công tác tuần tra, trinh sát, đột nhập, và phát hiện các cuộc tấn công. Những nhóm quân nhỏ bò về tuyến địch, ném lựu đạn vào hào. Chỉ có một sự thay đổi đến vào ngày 25 tháng 9 khi Tập đoàn quân số 51 và 57 (Nga) tấn công vào các sư đoàn quân Rumani ở phía nam Stalingrad dọc tuyến các hồ muối và đẩy họ lùi lại, nhưng đã không thành công trong việc quấy rối các sư đoàn Đức trong thành phố.Cuộc chiến trong đô thành Stalingrad có lẽ không khác biệt mấy. Nó cho thấy một hình thức chiến tranh mới, tập trung vào các tàn tích của đời sống dân sự. Những phế liệu của chiến tranh: tăng cháy, thùng đạn, dây nhợ và hộp thủ pháo hoà lẫn với những đồ dùng gia đình gãy nát: khung giường sắt, đèn, dụng cụ. Vasily Grossman đã viết “đánh nhau trên các đống gạch, những căn phòng nửa-phá-huỷ, những hành lang của các khối nhà chung cư, nơi có thể vẫn còn sót lại một lọ hoa khô héo, hay một quyển tập bài làm của em bé mở trên bàn. Tại một điểm quan sát, cao cao trên một toà nhà đổ nát, một điểm chỉ viên pháo binh, ngồi trong chiếc ghế phòng ăn, với một chiếc ống nhòm có thể nhìn thấy các mục tiêu xuyên qua các lỗ đạn pháo trên tường”.

         Lính bộ binh Đức ghét cay ghét đắng kiểu đánh nhau dành từng ngôi nhà. Họ nhận ra kiểu cận chiến như thế sẽ phá vỡ phương hướng và các lằn ranh của qui tắc quân sự cũng như tâm lý mất định hướng.

        Trong những trận đánh sau cùng của tháng 9, cả hai phe dành nhau một nhà kho bằng gạch lớn bên bờ Volga, gần miệng hẻm núi Tsaritsa, đó là một toà nhà bốn tầng ở mé sông và ba tầng về phía đất liền. Tại một điểm, nó “như một chiếc bánh nhiều tầng” với quân Đức ở trên đỉnh, quân Nga phía dưới, rồi lại thêm quân Đức ở dưới nữa. Thường thì chẳng nhận ra đâu là địch, vì mọi bộ quân phục đều nhuộm màu bụi nâu.

         Các tướng lĩnh Đức dường như không tưởng tượng ra điều gì đợi những sư đoàn của họ trong thành phố đổ nát này. Họ đã đánh mất cái chiến thuật tấn công Blitzkrieg trứ danh và nhiều trường hợp, đã quay lại các kỹ thuật đánh nhau thời thế chiến thứ I, dù các nhà lý luận quân sự của họ bình luận rằng hình thái chiến tranh chiến hào là “một sự sai lầm của nghệ thuật chiến tranh”. Ví dụ, Tập đoàn quân VI, để đáp trả lại chiến thuật của quân Soviet, đã áp dụng lại kiểu “Storm-wedge” đã có từ hồi tháng giêng năm 1918: những nhóm xung kích với chừng mười lính trang bị súng máy, cối nhẹ và súng phun lửa để quét sạch các boongke, hầm hào cống rãnh.

        Bằng cách ấy, cuộc chiến đấu tại Stalingrad còn ghê rợn hơn cả cuộc tàn sát ở Verdun. Những trận cận chiến trong các toà nhà đổ nát, trong boongke, hầm, cống rất nhanh sau đó được lính Đức gán cho cái tên “Rattenkrieg” (chiến thuật chuội chũi). Tính hoang dã của nó làm thất kinh tướng lĩnh của họ, vốn cảm thấy mình nhanh chóng mất đi sự điều khiển các sự việc. “Quân thù vô hình” tướng Strecker viết cho một người bạn “chúng phục trong hầm, trong tường đổ, ẩn trong boongke, nhà máy và gây thương vong nặng nề cho quân ta”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 04:02:43 pm
          Các chỉ huy quân Đức thường thừa nhận rằng người Nga ngụy trang rất thành thạo, nhưng ít biết rằng chính không quân của họ đã tạo nên các điều kiện lý tưởng cho quân phòng ngự. “Không còn một ngôi nhà nào đứng vững” một trung uý viết gửi về quê “chỉ là một nơi hoang tàn rực lửa, những đống đổ nát, vụn vỡ tiêu điều không thể vượt qua trong đêm”.

           Ở cực nam thành phố, một sỹ quan liên lạc của Luftwaffe đi cùng sư đoàn tăng 24 viết “quân phòng ngự tập trung củng cố ở những khu vực đối diện với các cuộc tấn công của ta. Trong công viên, có xe tăng hoặc chỉ tháp pháo tăng được chôn dưới đất, súng chống tăng thì ẩn dưới hầm làm cho các cuộc tấn công của tăng ta rất khó khăn”.

           Kế hoạch bên phía tướng Chuikov là làm phân mảnh những cuộc tấn công tổng lực của quân Đức bằng những chiếc “đê chắn sóng”. Những toà nhà kiên cố, với lính bộ binh vũ trang súng trường chống tăng và đại liên, có thể làm các mũi tấn công bị lệch về phía những chiếc T-34 hay những khẩu đại bác chống tăng được nguỵ trang vùi nửa mình sau các đống đồ nát, chờ đợi. Với các cuộc tấn công của tăng Đức có bộ binh tùng thiết, thì mối ưu tiên hàng đầu ở phía quân phòng thủ là chia cắt chúng ra.

           Quân Nga sử dụng cối tầm ngắn rải đạn ngay sau những chiếc tăng địch để đuổi bọn bộ binh, trong khi các pháo thủ chống tăng phóng đến với lũ thiết giáp. Các hướng tiếp cận cũng có thể đã bị cài mìn từ trước bởi cánh công binh, đây là binh chủng có tỷ lệ thương vong cao bậc nhất. “Mắc lỗi, khỏi ăn tối” là khẩu hiệu không chính thức của họ. Mặc đồ nguỵ trang, mỗi khi tuyết rơi, họ bò ra ngoài trong đêm, đặt mìn chống tăng. Một tay công binh kinh nghiệm có thể cài được đến 30 quả mìn một đêm. Họ cũng lừng danh với việc nhảy ra khỏi nơi trú ẩn để ném mìn ngay vào những chiếc tăng đang tiến công.

           Chiếm đa số trong cuộc chiến này không phải là những trận tấn công lớn mà là những lần đụng độ nhỏ nhưng gay go và chết người. Là trận chiến của những tổ xung kích có chừng 6 đến 8 quân khoẻ mạnh đến từ “Học viện chiến tranh đường phố Stalingrad”. Họ trang bị bằng dao, bằng những chiếc mai bén ngọt để giết người không tiếng động, cùng với tiểu liên và lựu đạn. (Mai thì ít được cung cấp nên những người lính khắc tên mình lên cán, nằm đè lên lưỡi mà ngủ để phòng kẻ khác trộm mất). Các tổ xung kích phái vào các cống rãnh thì được tăng cường thêm súng phun lửa và công binh mang theo chất nổ. Có trường hợp một tổ sáu chiến sỹ công binh của sư đoàn Bộ binh Cận vệ Rodimtsev đã xoay sở tìm ra một ống dẫn hơi ngay dưới một vị trí mạnh của quân Đức và đã thổi tung nó lên bằng 300 cân anh thuốc nổ.

             Một chiến thuật phổ biến khác được rút ra, dựa trên việc thấu rõ rằng quân Đức có dự trữ ít. Tướng Chuikov xác định tầm quan trọng của các cuộc tấn công ban đêm, lý do thiết thực nhất được đưa ra là không quân Đức sẽ không thể phản ứng, nhưng cũng bởi ông ta tin rằng quân Đức khiếp sợ hơn trong giấc đêm và sẽ trở nên kiệt sức. Quân Landser Đức mang nỗi sợ đặc biệt với những lính người Siberi thuộc Sư đoàn bộ binh 284 của đại tá Batyuk, họ vốn được biết đến như là những thợ săn bẩm sinh với bất kỳ loại con mồi nào. “Giá mà em có thể biết kinh khủng như thế nào” một lính Đức viết trong bức thư bị quân Nga thu được “cứ mỗi tiếng động sột soạt dù rất khẽ, anh cũng kéo cò, bắn một loạt đạn súng máy”. Việc cứ buộc phải bắn vào những gì động đậy trong đêm để cân bằng nỗi sợ của lính gác, dĩ nhiên góp phần vào lượng tiêu thụ đến 25 triệu băng đạn chỉ trong tháng 9 của quân Đức.

           Phía người Nga thêm vào sự căng thẳng đó bằng việc bắn pháo sáng ban đêm liên tục nhằm tạo cảm giác về một cuộc tấn công sắp xảy ra. Ban ngày, không quân Nga, phần nào né tránh những chiếc Messerschmitt, nhưng hằng đêm thì lại rải bom vào các vị trí quân Đức không chút nao núng. Góp phần vào tiến trình làm kiệt sức và hoang mang lên phía người Đức.

          Hồng quân sử dụng cả những chiếc máy bay ném bom đêm hai động cơ, vốn là những thứ thu hút hoả lực các khẩu đội phòng không của Đức ở chiến trường, lẫn một số lượng lớn các máy bay lưỡng cư U2 rất dễ lái để thả loại bom nhỏ cho những cuộc tấn công đêm. “Quân Nga làm phiền chúng tôi cả đêm” một hạ sỹ công binh viết về nhà. Phần tệ hại nhất chính là lúc âm thanh thay đổi kỳ quái. Khi ở xa, tiếng của chiếc U2 nghe giống như một trong những biệt danh của nó, “máy khâu”. Rồi, khi phi công tiếp cận mục tiêu, anh ta sẽ tắt động cơ để lượn như một con chim vồ mồi. Tiếng động lúc đó chỉ là tiếng gió vút qua những thanh giằng của chiếc máy bay, cho đến khi bom rơi. Dù rằng trọng lượng bom mang theo chỉ 400 kí lô, nhưng hiệu ứng tâm lý của nó thật là đáng nể. “Chúng tôi kiệt lực nằm trong hố và chờ chúng” một người lính khác viết. Những chiếc U2 thu hút được nhiều biệt danh hơn bất cứ vũ khí hay thứ máy móc nào ở Stalingrad. Những tên lóng khác gồm “Gã hạ sỹ mẫn cán” – do cái cách nó trườn tới mà không biết trước, hoặc “Oanh tạc cơ nửa đêm”, “Máy cà phê” và “Quạ-đường-sắt”.
          Tập đoàn quân VI yêu cầu lên sở chỉ huy cụm giữ áp lực của không quân Luftwaft lên các phi trường Hồng quân bằng việc tấn công suốt ngày đêm. “Việc quân Nga làm chủ bầu trời ban đêm mà không bị thách thức gì đã đến mức không chịu đựng nổi. Quân lính không được nghỉ ngơi và sức lực sẽ sớm bị bào mòn”.

          Không có những bằng chứng công khai trong các tài liệu còn sót lại về các ca hội chứng stress vì chiến đấu. Giới chức y tế Đức hay dùng uyển ngữ đại loại như “kiệt sức”, giống phía người Anh, nhưng trong các hồ sơ bệnh án lại thể hiện rất gần với sự thẳng thẳn thô bạo của bên Hồng quân. Quân Đức từ chối thừa nhận sự tồn tại này. Năm 1926, gần bảy năm trước khi Hitler lên nắm quyền, hội chứng chiến tranh đơn giản bị chối bỏ như là một điều kiện đi cùng với lương hưu mà vốn nó phải có. Không có bệnh tật ở đây và bạn cũng không còn lý do để rời mặt trận. Sự suy sụp tinh thần được xếp vào nhóm hèn nhát và như vậy có thể bị tử hình. Theo cách đó, không thể nói đến sự cân bằng trong những hình thức kỷ luật ở các hai phía tại mặt trận Stalingrad, đặc biệt với tội đào ngũ, vốn gây ra bởi sốc hay do căng thẳng kéo dài. Ai cũng có thể nhận thấy qua sự so sánh tình hình về mức thương vong do sốc lên cao trong tháng Chín, ngay khi trận chiến chuyển sang tính chất hủy diệt nhưng hầu như giậm chân tại chỗ. Chấn thương tâm lý cũng tăng nhanh, nếu nghiên cứu qua các ca sốc của quân Anh tại Anzio và Normandy – ngay khi bị bao vây hoặc bị ghìm chân một chỗ.

           Bất đồng chính yếu giữa tướng Chuikov và các sỹ quan cấp cao ở sở chỉ huy phương diện quân liên quan đến việc thiết lập vị trí cho các trung đoàn pháo binh cấp sư đoàn và cấp tập đoàn quân. Rốt cuộc, ông ta đã thắng trong cuộc tranh luận rằng chúng nên được đặt ở phía bờ đông sông Volga, bởi đơn giản là không còn đủ chỗ bên bờ Tây. Và cũng bởi vì lý do khó vận chuyển đủ đạn pháo qua sông Volga, và “ở Stalingrad, một khẩu dã pháo hổng có chút giá trị nào nếu không có đạn”.“Một ngôi nhà do quân Nga giữ, một căn khác thì quân Đức” Vasily Grossman viết vội vào sổ tay ngay khi ông vừa tới nơi “Pháo binh hạng nặng làm sao dùng được trong trận chiến này?”. Và ông nhanh chóng phát hiện ra câu trả lời.

           Đại bác Soviet bắn về phía xa của con sông, như Chuikov đã cố nài, mà không cố bắn vào các vị trí tuyền duyên của quân Đức. Mục đích của họ là băm vụn tuyến thông tin của quân địch và, trên hết, dập nát các tiểu đoàn được tập trung lại để (chuẩn bị) cho một cuộc tấn công. Để làm được điều này, hàng chục các sỹ quan điềm chỉ pháo đã tự giấu mình như những tay bắn tỉa trên đỉnh của các toà nhà đổ nát. Phía Đức, cũng nhận biết được mối nguy hiểm hiện hữu này, nên xem họ là các mục tiêu ưu tiên số một đối cho các tay bắn tỉa và pháo chống tăng.

          Bất cứ lúc nào định được vị trí quân Đức tập trung, mục tiêu toạ độ được báo về cho các khẩu đội ở bờ Đông qua điện thoại vô tuyến hoặc hữu tuyến, một khối lượng hoả lực tàn phá ngay. “Ở bờ kia sông Volga” Grossman viết “dường như cả hoàn vũ chấn động bởi tiếng gầm kinh khủng của đại pháo. Mặt đất run rẩy”.Những khẩu đội còn ở lại bên bờ tây chính là các giàn phóng Katyusha đặt trên xe tải. Nấp sau bờ cao của sông Volga, họ có thể tiếp đạn, gần như sát cạnh mép nước, phóng hết 16 quả rocket với một tốc độ cực kỳ nhanh, rồi lại chạy lui. Giàn phóng rocket Soviet này là loại vũ khí tầm xa có hiệu quả tâm lý cao nhất của phía Hồng quân. Mười sáu quả rocket 130mm, dài gần 5 feet, bắn với tốc độ nhanh, với một tiếng hú nghe vỡ tim. Có nhiều ghi nhận rằng họ (quân Đức) tưởng bị không quân tấn công khi lần đầu đối mặt với Katyusha.    

         Lính Hồng quân đã đặt ra cái tên Katyusha cho loại rocket này do cái tông cao vút của bài ca nổi tiếng của Nga trong suốt cuộc chiến. Trong bài hát đó, Katyusha hứa với chàng hôn phu rằng sẽ giữ gìn tình yêu của họ khi chàng trai đi bảo vệ tố quốc ngoài chiến trường.

         Lính Nga làm ra vẻ xem thường cái bản sao của phía quân Đức, khẩu cối sáu nòng, được biết dưới cái tên Nebelwerfer. Họ gọi nó là “đồ vớ vẫn” hoặc “con lừa” bởi nó gây ra tiếng rít như lừa, hoặc “Vanyusha” (nghĩa là Ivan bé bỏng, cũng như Katyusha là Katya nhỏ xinh). Có một câu chuyện cười ở tập đoàn quân 62 là việc gì sẽ diễn ra nếu “Vanyusha cố cưới Katyusha”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 04:06:30 pm
           Tướng Chuikov sớm nhận ra rằng vũ khí bộ binh chính yếu ở Stalingrad chính là tiểu liên, lựu đạn và súng bắn tỉa. Sau cuộc chiến tranh mùa Đông, rút kinh nghiệm từ những trận tấn công ghê gớm của các đội quân trượt tuyết Phần Lan, bắn vào mọi thứ chuyển động, Hồng quân chấp nhận ý tưởng về những tổ tiểu liên chừng 8 lính, phù hợp để đưa ra chiến đấu, nếu cần thiết thì sau một chiếc T-34. Với cuộc chiến trên đường phố Stalingrad, thì các tổ cỡ đó cực kỳ lý tưởng cho các trận cận chiến. Còn việc quét sạch các ngôi nhà, boongke thì lựu đạn là chủ yếu. Lính Nga gọi chúng là “đại bác bỏ túi” của họ. Lựu đạn cũng hữu hiệu khi phòng ngự. Theo lệnh của tướng Chuikov, lựu đạn được trữ để sẵn sàng sử dụng ở những góc đào sâu trong mỗi chiến hào. Và vì thế, cũng không ngạc nhiên khi có nhiều tai nạn gây ra bởi những người lính thiếu huấn luyện bài bản. Một đại đội phó hi sinh cùng vài lính bị thương nặng khi một tay tân binh thao tác sai với lựu đạn. Một số khác cũng bị chết khi lính, chủ yếu là người Trung Á, cố tra kíp nổ thu được của Đức và lựu đạn của họ. “Cần phải có huấn luyện bài bản về vũ khí”, trưởng ban chính trị đã báo cáo như vậy về hội đồng quân sự Phương diện quân Stalingrad.

            Một thứ vũ khí khác, thường gây nguy hiểm cho người sử dụng ngang bằng với mức nó gây ra cho địch nhân, là súng phun lửa, thứ này cực kỳ hiệu quả khi dùng để quét sạch các hầm, hào và những nơi không thể thâm nhập được. Nhưng người mang nó cũng biết rằng, quân địch sẽ “điểm mặt” anh ta sớm, và trở thành mục tiêu số một.

           Cánh lính Hồng quân khoái phát minh, cải tiến những vũ khí để giết địch. Những cái bẫy mới mẽ, khờ khạo được tưởng tượng ra, tưởng chừng như hết sức khéo léo nhưng kết quả rốt cuộc thì kém hơn. Giận dữ với sự bất lực khi đáp trả lại các cuộc tấn công của máy bay Stuka, đại uý Ilgachkin, một tiểu đoàn trưởng, cùng với binh nhì Repa, tự tạo một khẩu cao xạ của riêng mình. Họ cột một khẩu súng trường chống tăng vào nan hoa của bánh xe ngựa, rồi đến lượt cái này lại gắn lên một cây cọc cao dựng trên mặt đất. Ilgachkin làm những con tính phức tạp dựa trên cơ sở tốc độ đầu nòng của khẩu súng và tốc độ bổ nhào dự báo của máy bay, nhưng dù “chán ngắt và u sầu” Repa vẫn chú tâm nhiều đến những thông số này. Cái thứ vũ khí kỳ cục này của họ, dù vậy cũng có những thành công nhất định, bởi Repa xoay sở để hạ được ba chiếc Stuka.

       Các khẩu đội cao xạ thứ thiệt cũng cải thiện được chiến thuật của họ. Những chiếc Stuka tiếp cận ở độ cao 4,000 đến 5,000 feet, lúc đó chúng lộn vòng và bổ nhào theo góc chừng 70 độ, đó chính là lúc tiếng rú man rợ của nó gào lên. Dưới 2,000 feet họ sẽ thoát ly bổ nhào. Những pháo thủ cao xạ tìm ra rằng, nên dựng một màn hoả lực để bắn trúng chúng vào điểm bắt đầu bổ nhào hoặc điểm thoát ly. Bắn khi đang bổ nhào chỉ tổ phí đạn.

            Một thứ vũ khí khác được tưởng tượng ra bởi Vasily Ivanovich Zaitsev, người sớm nổi danh là tay bắn tỉa ngoại hạng ở Stalingrad. Zaitsev gắn cái ống ngắm bắn tỉa của mình vào một khẩu pháo chống tăng để hạ các ổ đại liên, bằng cách bắn viên đạn đại bác xuyên qua lỗ châu mai của hỏa điểm. Nhưng ông sớm nhận ra rằng liều phóng của những quả đạn đại bác sản xuất
 hàng loạt này không đủ độ chính xác để bắn kiểu đó. Tiếng tăm cũng có thể đến với cả những vũ khí thông thường (không cải tiến – ND).

          Bezdiko, một pháo thủ cối lừng lẫy của sư đoàn Batyuk, nổi tiếng bởi việc bắn đựơc 6 quả một lúc. Những câu chuyện này được khai thác triệt để nhằm gia tăng mức tinh thông vũ khí cho mọi người lính. Câu khẩu hiệu của tập đoàn quân 62 là “Hãy chăm sóc vũ khí cẩn thận như con ngươi của bạn”.Những “vệ binh” đang giữ các toà nhà vững chắc là tâm điểm chiến thuật của Chuikov, bao gồm cả các nữ tải thương, điện báo viên trẻ tuổi, thiếu thốn kinh khủng khi bị cô lập trong nhiều ngày. Họ phải chịu đựng bụi, khói, đói và tệ nhất là khát. Thành phố đã không còn nước sạch kể từ khi trạm bơm bị phá huỷ trong những trận không kích hồi tháng Tám.

        Dẫu biết hậu quả của việc dùng nước bẩn, nhưng vài người lính tuyệt vọng vẫn bắn vào các ống thoát nước để mong có lấy vài giọt.Công tác hậu cần cho các vị trí phía trước luôn là vấn đề. Một chi đội chống tăng, có anh đầu bếp người Tartar, anh đổ đầy trà hoặc súp vào cái phích quân dụng lớn, cột lên lưng rồi bò đến các vị trí tiền tiêu trong lửa đạn. Nếu chẳng may cái phích bị dính đạn hay mảnh bom, thì anh chàng rủi ro nọ sẽ bị ướt đẫm. Và sau đó, khi tuyết rơi dày, thì súp hay trà đó sẽ đông lại và anh ta sẽ “phủ kín trong băng lúc trở về”.

           Với tuyến phân giới không rõ ràng, và chiều sâu phòng ngự không quá vào trăm thước Anh, các sở chỉ huy cũng trong trạng thái nguy hiểm không kém gì các vị trí tiền tiêu. “Đạn đại bác nổ trên nóc hầm chỉ huy là chuyện thường tình” đại tá Timofey Naumovich Vishnevsky, trưởng ban pháo binh Tập đoàn quân 62 viết cho bạn từ một bệnh viện:

         “Khi rời hầm, tôi có thể nghe thấy hoả lực tiểu liên từ mọi phía. Đôi khi tưởng chừng như quân Đức đã bao vây chúng tôi”. Một chiếc tăng phát xít chạy đến đúng ngay lối vào hầm ông và “thân xe chặn mất lối ra”.Vishnevsky và các sỹ quan thuộc cấp phải đào để thoát thân sang một cái rãnh ở phía xa. Vị đại tá bị thương nặng. “Mặt tôi hoàn toàn biến dạng, và hậu quả là từ giờ tôi sẽ có bộ điệu tệ hại trong mắt phụ nữ”, ông viết.

            Các boongke chỉ huy phía Đức thì chỉ có chút ít nguy hiểm trong giai đoạn tháng Chín, tháng Mười, với lớp đất dày 3 feet theo tiêu chuẩn phủ trên xà gỗ, đủ hữu hiệu để chịu được đạn Katiyusha. Hiểm hoạ chính là việc trúng trực tiếp đạn pháo hạng nặng bắn từ bên kia sông Volga. Các chỉ huy cấp trung đoàn, sư đoàn chú ý đến việc thoả mãn các nhu cầu cá nhân càng nhiều càng tốt. Một chiếc máy hát đĩa đặt cạnh một lọ Brandy hoặc rượu mang từ Pháp sang. Vài sỹ quan còn diện cả quần thể thao, hay cả quần sọc tennis, khi xuống những chiếc hầm tối tăm, nặng nề của họ, bởi những bộ đồ trận nhiễm đầy chấy rận.

             Nhưng thật trái ngược với thế giới của những người lính chiến. Thay cho câu chúc “Ngủ ngon”, họ cầu cho nhau một đêm “yên tĩnh” vì những giờ khắc nguy hiểm đó. Và rồi trong buổi sáng giá lạnh, họ duỗi những khớp chi cứng đờ, tìm một vạt nắng nơi cuối chiến hào cố hấp thụ những luồng ánh sáng, như những chú thằn lằn. Cảm thấy dũng cảm hơn vào ban ngày, lính Đức gào lên lăng mạ và đe doạ từ tuyến của họ: “Bọn Nga! Chúng mày tận số rồi!” hoặc “Hei, Rus, bul-bul, sdavaisa”, nói theo dạng tiếng bồi của câu “Đầu hàng đi hoặc chúng mày sẽ bị thổi tung như bong bóng!”. Ý niệm về việc dồn quân Soviet xuống dòng Volga để họ bị chết chìm như một bầy cừu hoảng loạn, đã trở thành một điệp khúc bất tận.

           Trong những phút mặt trận tạm yên, những người lính Nga cũng tìm những chỗ nắng, ngoài tầm hoả lực bắn tỉa của quân thù. Những chiến hào đôi khi trông như một “xí nghiệp hàn gò”, những vỏ đại bác được chế làm đèn dầu với một mảnh giẻ thay tim đèn, và những vỏ đạn làm bật lửa.

           Khẩu phần thuốc lá thô Makhorka, hoặc việc thiếu thốn nó, luôn là mối quan tâm hàng đầu. Những người thành thạo tuyên bố rằng không có loại giấy nào có thể được dùng để cuốn thuốc Makhorka thành những điếu xì gà bự, xù xì tốt bằng giấy báo. Vì mực in trong đó sẽ góp cho hương vị đậm đà. Lính Nga hút liên tục khi chiến đấu. “Được phép hút khi đánh nhau mà” một lính chống tăng nói với Simonov “chỉ là không được phép trật mục tiêu thôi. Chỉ cần trật một lần là vĩnh viễn không đốt thuốc được”

          Có thứ còn quan trọng hơn cả thuốc lá, chính là khẩu phần vodka, theo lý thuyết là 100 gam một ngày. Khi vodka đựơc cấp phát, mọi người chìm vào sự yên lặng, dán mắt vào chiếc chai. Khi cuộc chiến trở nên căng thẳng thì khẩu phần vodka đó không bao giờ được coi là đủ, và thế là những người lính sẵn sàng liều lĩnh để thoả mãn nhu cầu. Cồn y tế hiếm khi được dùng theo công dụng chính thức của nó. Cồn công nghiệp và cả chất chống đông lạnh, cũng được uống sau khi cho qua một lớp lọc bằng carbon hoạt tính lấy từ mặt nạ phòng độc. Nhiều người đã vứt bỏ mặt nạ phòng độc sau cuộc rút lui năm ngoái, và thế là những ai còn giữ được tha hồ mặc cả. Thật ra, hậu quả (của loại thức uống trên – ND) còn tệ hại hơn nhiều chứ không chỉ là những cơn nhức đầu. Hầu hết qua đựơc là nhờ vào sức trai khoẻ mạnh và nếu không cố dùng nhiều, nhưng những ai uống thường xuyên sẽ bị mù.

         Với những đơn vị đóng ngoài thảo nguyên, quân lính thường uống đến cả lít rượu một ngày trong tiết đông giá. Để cân đối với khẩu phần chính thức, chúng được che đậy bằng những báo cáo sai về số thương vong và phân phối, hoặc qua việc trao đổi quân phục rách cùng một ít trang bị cho dân ở sau vùng hoả tuyến. Bia nhà tự ủ cũng có cách ra thảo nguyên Kan-mức bao gồm cả “mọi loại cồn có thể nghĩ ra, ngay cả thứ làm từ sữa”.

          Những cuộc thương mại kiểu đó mang lại nhiều hiểm hoạ cho thường dân hơn là binh lính. Một “toà án quân sự của lực lượng NKVD” đã tuyên án hai người phụ nữ, 10 năm mỗi người trong trại cải tạo Gulag vì việc đã đổi rượu và thuốc lá lấy vải dù để may đồ lót.Trong Hồng quân, với các vị tư lệnh, bộ phận y tế hiếm khi được quan tâm như một ưu tiên hàng đầu. Khi một người lính bị thương nặng và loại khỏi vòng chiến, các sỹ quan cao cấp chỉ bận tâm tới việc ai thay thế anh ta. Tuy vậy, quan điểm này không ngăn chặn được những hình ảnh anh dũng nhất trên chiến trường Stalingrad, đó chính là những lính tải thương, chủ yếu là nữ sinh (hoặc sinh viên) hầu hết vốn chỉ qua một khoá sơ cứu cơ bản.

         Đại đội trưởng của một đại đội quân y thuộc tập đoàn quân 62, Zinaida Gavrielova, là một sinh viên y khoa chỉ mới 18 tuổi, cô nhận vị trí này dựa theo lời đề nghị mạnh mẽ từ một trung đoàn kỵ binh mà cô vừa phục vụ ở đó. Các lính tải thương của cô, chỉ có một ít là lớn tuổi hơn, đã chiếm lĩnh vị trí, bò lên phía trước dưới làn hoả lực dày đặc để đến với các thương binh. Rồi họ kéo thương binh trở lui cho đến chỗ an toàn để có thể vác lên trên lưng. Họ hẳn phải có cả “thể chất và thần kinh bằng thép” như vị chỉ huy của họ.Không có nghi ngờ về việc tham gia của cánh quân y cho các hoạt động chiến đấu.

         Cô gái Gulya Koroleva xinh đẹp, hai mươi tuổi, xuất thân từ một gia đình nhà văn có tiếng tăm ở Moscow, cô đã để lại đứa con trai bé bỏng ở thủ đô và tình nguyện ra trận làm y tá. Phục vụ trong sư đoàn bộ binh số 214 thuộc tập đoàn quân số 24 ở cánh bắc mặt trận, cô được ghi nhận thành tích là đã “tải về được hơn một trăm thương binh từ trận địa và đã tự tay giết được mười lăm tên phát xít”. Cô được truy tặng huân chương Cờ đỏ.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 04:09:21 pm
            Natalya Kachnevskaya, một y tá trong một trung đoàn bộ binh Cận vệ, nguyên là một sinh viên kịch nghệ ở Moscow, đã cứu được về tuyến sau 20 thương binh chỉ trong một ngày và đã “ném ba quả lựu đạn về phía quân thù”. Sở chỉ huy Phương diện quân Stalingrad cũng đã tuyên dương (và truy tặng) cho lòng dũng cảm cho một nữ tải thương khác, cô Kochnevskaya, người đã tình nguyện ra trận và mang được hai mươi thương binh ra khỏi trận địa. Dù bị thương hai lần, cô vẫn cố băng bó và đưa các sỹ quan, binh lính về phía sau (1)

           Sự hy sinh của các nữ tải thương thường bị lãng phí bởi cách xử lý ở những khâu công việc sau phần của họ. Những thương binh được cõng hoặc kéo ra đến tận cạnh mép nước dòng Volga và ở lại đó mà không được chăm sóc chút gì, mãi cho đến lúc, rất lâu sau khi trời đổ tối, mới được vác bỏ lên những chiếc thuyền vận tải như những bao tải khoai để trở về tuyến sau. Và khi những thương binh đó được đưa xuống ở bờ đông, tình hình còn tệ hơn, như một nữ phi công nhận thấy.

          Những người sống sót của một trung đoàn không quân tan tác, ngủ quên trong một khu rừng phía đông dòng Volga, và lúc bình minh họ bị đánh thức bởi những âm thanh lạ. Vì khó hiểu, nêu họ bò qua những lùm cây, hướng về phía dòng sông để thám thính. Ở đó, họ thấy “hàng ngàn thương binh, nằm tràn tầm mắt’ được chuyển qua sông trong đêm, nằm trên bãi cát. Những người bị thương gọi xin nước hoặc “hét, khóc, mất chân, tay”. Những nhân viên mặt đất đó cố giúp bằng tất cả sức mình.

         Cựu nữ hộ sinh, Klavdia Sterman, đã thề rằng, ngay khi họ về đến được Moscow, cô sẽ xin chuyển sang một đơn vị quân y tiền phương.Và cho dù có đến được một trong những trạm phẫu tiền phương ở phía bờ đông sông Volga thì việc sống sót được hay không cũng chưa thể nói đảm bảo. Bất kể đến sự hiện diện của vài bác sỹ tốt nhất nước Nga, điều kiện của các trạm phẫu Hồng quân làm chúng trông giống như những xí nghiệp mổ thịt.

          Ở trạm phẫu tiền phương tại Balshchov, nơi đặc trị các vấn đề về chân, tay, cách thành phố chừng 6 dặm, tình trạng thiết bị rất tệ hại. Thay cho giường chuyên dụng ở bệnh viện là các giường 3 tầng kiểu trên xe lửa. Một nữ phẫu thuật viên trẻ, cán bộ mới, chị lo lắng không chỉ về tình trạng thể chất của thương binh. “Họ thường khép kín và không muốn quan hệ với bất cứ ai”. Đầu tiên, chị lo là những thương binh được mang về qua bên này sông Volga từ cái địa ngục Stalingrad không bao giờ muốn quay trở lại. ‘Nhưng ngược lại: rõ ràng là cả sỹ quan lẫn binh lính đều muốn quay trợ lại mặt trận’. Những thương binh mất chân tay khăng khăng thể hiện rằng không có vấn đề gì với những phần thân thể đã mất cho việc chiến đấu. Nhưng thực tế là hầu hết họ đã mất khả năng hoặc bị thành sẹo vĩnh viễn như trường hợp vị đại tá pháo binh đã nhắc tới bên trên, khuôn mặt ông bị rạch ngang dọc bởi mảnh đạn và ông cảm thấy mình không còn là đàn ông đúng nghĩa nữa.

            Khẩu phần ăn tệ hại không giúp được chút nào cho việc hồi phục thể xác hay tinh thần. Nhà văn Grossman, trong tình trạng xúc động, rõ ràng là đã thừa nhận rằng đây là thời khắc định mệnh của nước Nga. Ông ghi trong sổ tay: ‘Trong bệnh viện, thương binh được cấp một mẩu cá trích muối bé tý vốn được các nữ hộ lý cắt ra một cách cẩn thận. Thật bần hàn’. Trong những ngày ấy, với những gì diễn ra trước mắt, ông không thể tin rằng đó là sự thật.

             Cái logic Soviet tàn nhẫn đã chỉ ra rằng những thực phẩm hạng nhất thì dùng cho những người đang chiến đấu. Còn với thương binh, nếu họ may mắn, sẽ được nhận ba suất kasha, hoặc cháo kiều mạch mỗi ngày, không hơn. Mẫu cá trích muối mà Grossman thấy thật ra là một khẩu phần chiêu đãi bất thường.

             Một gợi ý rõ ràng hơn cho thấy thực trạng của vấn đề tinh thần bao trùm lên các đơn vị quân y ở phương diện quân Stalingrad, đó là kết quả của ‘Cuộc thi đua Xã hội Chủ nghĩa’ đựơc báo về Moscow cho Shcherbakov. Trong đó, cánh hậu cần chiếm vị trí cao nhất, thứ nhì là bác
sỹ và thứ ba là tài xế. Với bất kỳ tiêu chuẩn nào thì cách hành sử này là sự hạ nhục đến cùng cực sự hy sinh chân thật của các nhân viên y tế, những người đã hiến rất nhiều máu mình để truyền cho thương binh – đôi khi là hai lần trong chỉ một đêm – đến mức suy kiệt. Một báo cáo giải thích ‘Nếu họ không cho máu, thương binh sẽ chết’

           Trong trận đánh tiêu hao vĩ đại này, việc đưa những thương binh về phía bờ đông phải được cân bằng với những “miếng mồi cho đại bác” mới tinh, đựơc đưa theo hướng ngược lại, vào thành phố. Bộ Tổng tư lệnh tối cao tăng viện nhỏ giọt cho tập đoàn quân 62 vài sư đoàn lúc mà những đơn vị tiền nhiệm bị bắn rã thành từng mảnh.
             Những tiểu đoàn mới hành quân lên phía trước để xuống tàu vào lúc chập tối dưới sự quan sát của NKVD. Họ chỉ có thể liếc nhìn thành phố ở phía bên kia đường chân trời, sáng rực bởi các đám cháy và cố quên đi mùi khét nồng nặc. Rải rác trên sông vẫn còn những đám dầu cháy. Và cũng có rất nhiều đội NKVD trên hầu hết các con thuyền, sẵn sàng bắn vào những ai nhảy qua mạn thuyền trong nỗ lực sau cùng nhằm tránh định mệnh của họ bên bờ Tây. Đạn đại bác quân Đức nổ vang ở phía trước, trên dòng sông, đủ làm nhiều người thất thần. Nếu có ai đó hoảng loạn, thì một thượng sỹ hoặc một sỹ quan có thể bắn người phạm tội đó, ngay tại chỗ rồi vứt xác qua một bên.

          Những chiếc thuyền mà họ vừa lên mang đầy đủ các dấu hiệu của một cuộc vượt sông nguy hiểm. Một trong những thuyền cứu hỏa, được cải tạo lại thành chiến thuyền thuộc giang đội Volga đã kể rằng, sau một chuyến đi qua và về, họ có đến 436 vết đạn và đại bác bắn trúng, chỉ có vài chỗ là không bị gì.

           Mục tiêu dễ dàng nhất cho đại bác quân Đức là những chiếc bè được các trung đoàn công binh dùng để đưa các thứ đồ nặng như kèo chống hầm, qua sông. Khi một trong những chiếc bè đó dạt vào được bờ tây, và anh em binh lính nhảy ra để giúp tải hàng lên, họ thấy một trung uý công binh cùng ba binh sỹ bị đạn đại liên bắn thủng lỗ chỗ ‘trông như bị một hàm răng bằng sắt cắn xé dã man cả thi thể họ lẫn những xúc gỗ ướt đẫm của chiếc bè’.

             Sở chỉ huy Tập đoàn quân số VI (Đức) biết rằng mùa đông đang đến gần, và không thể phí phạm thời gian nữa. Ngay cả trước khi chiếm được quảng trường Đỏ và tháp Lương thực ở phía nam Tsaritsa, họ đã bắt đầu chuẩn bị cho việc đánh gục được khu công nghiệp ở nửa phía bắc của thành phố.Tướng Chuikov cho chuyển sở chỉ huy của mình lên bờ sông Volga, cách chừng nửa dặm về phía bắc xí nghiệp̣ Tháng Mười Đỏ trong sáng ngày 18 tháng Chín. Nhưng các sỹ quan tham mưu của ông, vẫn chọn một vị trí không được bảo vệ, nằm ngay dưới các bồn dầu khổng lồ mà họ cho rằng đã được hút cạn.

             Một nỗ lực to lớn để mang nhiều đạn dược, đồ hậu cần cũng như quân tăng viện hơn trong đêm, đã cập vào bờ sông ngay sau xưởng Barrikady và xí nghiệp Tháng Mười Đỏ. Những người không cần thiết và có thể hữu dụng ở nơi khác hơn được sơ tán đi. Hầu hết những khẩu đội phòng không quanh nhà máy điện Stalingrad bị loại khỏi vòng chiến và kho đạn dã chiến của họ cũng bị phá huỷ, nên những cô gái trẻ của những khẩu đội còn sống sót được rút qua bên kia sông Volga trong ngày 25 tháng Chín, và được tái bố trí lại trong các khẩu đội pháo ở bờ Đông.

          Sáu giờ (giờ Đức) sáng Chủ Nhật, ngày 27 tháng 9, cuộc tấn công mở màng bằng một trận đánh bom dày đặc từ những phi đội Stuka. Từng chiếc một liệng xuống, lao vào công kích với những tiếng hú ghê rợn, những chiếc cánh bắt bóng mờ mờ trong ánh bình minh mùa thu. Trên mặt đất, tổng cộng hai sư đoàn xe tăng cùng năm sư đoàn bộ binh tiến lên nhằm tiêu diệt một mấu lòi chính hình tam giác chọc ra về hướng tây từ bờ sông Volga.

           Tập đoàn quân 62 đã dự báo được vị trí đột phá chính của quân Đức, phía bắc đồi Mamaev Kurgan, cùng vài điểm tấn công phụ trợ về phía nam. Điều này dường như củng cố cho mối nghi ngờ thái quá của các sỹ quan tham mưu Đức, rằng lính thông tin Nga đã lẻn vào được vào
hậu phương và nghe lén đường dây liên lạc cố định. Họ không thể chấp nhận rằng những biện pháp chuẩn bị cho cuộc tấn công này là quá lộ liễu.
           Nỗ lực chính của bên Sô viết là chuẩn bị các chướng ngại vật chống tăng và những bãi mìn dày đặc trước các nhà máy lớn vốn kéo dài từ phía bắc đồi Mamaev Kurgan chừng năm dặm – nhà máy hoá chất Lazur, xí nghiệp Tháng Mười đỏ, xưởng vũ khí Barrikady và nhà máy máy kéo Stalingrad.

             Những người lính bộ binh Đức, trang bị nặng nề, bắt đầu chiếm lĩnh tuyến xuất phát tấn công dưới làn đạn pháo, lên và xuống theo bờ balkas và đến những con dốc đầy đá, gạch vụn. Họ thở không ra hơi vì gắng sức và cũng vì nỗi sợ chết chóc của trận đánh phía trước. Ở cánh trái, một phần của sư đoàn bộ binh 389 chuẩn bị tấn công vào khu nhà tập thể công nhân xưởng Barrikady. Một quan sát viên mô tả chúng như là “những khối cân xứng các toà nhà và những ngôi nhà nhỏ với mái tôn lấp lánh”. Trận dội bom sẽ sớm làm chúng bốc cháy. Ở giữa, sư đoàn tăng số 24 tiến công từ một phi trường nhỏ. Sư đoàn Áo số 100 đánh vào khu vực xí nghiệp Tháng Mười đỏ.

          Trong khi đó, căn cứ của cánh này, đỉnh đồi Mamaev Kurgan, đã bị chiếm từ tay sư đoàn bộ binh số 95 (Nga) của Gorishny, vốn bị băm vụn bởi không kích và pháo kích. Hồng Quân, một lần nữa, cho thấy sự không khoan nhượng ngay với cả thường dân của họ. Trong trận đánh ở khu vực xưởng Barrikady, một trung sỹ trong sư đoàn bộ binh 389 (nguyên là trung sỹ cảnh sát ở Darmstadt) quan sát thấy “phụ nữ Nga chạy ra khỏi các ngôi nhà với đồ đạc của họ và cố tìm cách nương tựa ở phía quân Đức, nhưng đã bị hạ gục bằng hoả lực súng máy của quân Nga từ phía sau”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 04:12:02 pm
          Cuộc tấn công của quân thù dữ dội đến mức tướng Chuikov đã tự nói với chính mình: “Chỉ một trận như vậy nữa là chúng ta sẽ rớt xuống sông Volga”. Một lát sau, Khrushchev gọi từ sở chỉ huy phương diện quân đến để chắc rằng tinh thần vẫn được giữ vững. Chuikov trả lời, cho rằng không lo lắng về số phận của sư đoàn bộ binh 95 ở đồi Mamaev, mà mối bận tâm chính là về sức mạnh của không quân Đức. Khrushchev cũng nói chuyện với Gurov, chính uỷ tập đoàn quân, thúc giục ông có những quyết tâm lớn hơn.

         Sáng hôm sau, thứ Hai, ngày 28 tháng 9, không quân Đức tập trung đánh phá vùng bờ tây và việc chuyển vận trên sông Volga nhằm cắt đứt tuyến hậu cần huyết mạch của tập đoàn quân 62. Những khẩu đội phòng không của giang đội Volga bắn nhiều đến nỗi rãnh xoắn của nòng pháo nhanh chóng mòn vẹt đi. Năm trong số sáu chiếc thuyền vận tải bị hư hại nghiêm trọng. Tướng Chuikov khẩn cầu được hỗ trợ tốt hơn từ Tập đoàn quân không quân số 8, nhằm kéo không quân Đức ra khi ông ném thêm những trung đoàn vào trận cận chiến để tái chiếm đỉnh đồi Mamaev. Họ đã đẩy lùi được quân Đức, nhưng đỉnh đồi lại trở thành đường phân tuyến giữa hai bên. Nhiệm vụ sống còn của tướng Chuikov là ngăn không cho quân Đức thiết lập được trận địa pháo (tại đây), mà từ đó có thể khống chế được cả bắc Stalingrad lẫn việc vượt sông.

          Đêm ấy, Chuikov và ban tham mưu của ông có thể cảm thấy được khuây khoả chút đỉnh bởi những gì tồi tệ nhất đã qua đi, nhưng họ hiểu rằng thiệt hại của tuyến vận tải đường thuỷ là nghiêm trọng. Hàng ngàn thương binh bằng bên bờ sông mà không được tải đi, và lực lượng tiền phương lại gần cạn đạn dược cũng như lương thực.

          Thứ ba, ngày 29 tháng 9, quân Đức lại tấn công vào đỉnh của tam giác vùng đất còn lại phía Soviet. Làng Orlovka bị đánh từ phía tây bởi một bộ phận của sư đoàn bộ binh 389, và từ phía đông bắc bởi sư đoàn bộ binh mô tô hoá số 60. Sự kháng cự của quân Soviết vốn bị vượt trội về lực lượng dữ dội đến nỗi một hạ sỹ trong sư đoàn 389 viết thư về nhà rằng: “Mọi người không thể tưởng tượng ra chúng phòng thủ Stalingrad như thế nào đâu – như một đàn chó dữ”.

          Những tập đoàn quân Sô viết ở phía bắc lần nữa lại tấn công vào quân đoàn xe tăng số XIV trong ngày 30 tháng 9. Sư đoàn bộ binh mô tô hóasố 60 và sư đoàn xe tăng 16 ở giữa họ, tuyên bố đã hạ được 62 chiếc tăng trong một cuộc “phòng ngự thành công” chống lại ít nhất hai sư đoàn bộ binh và ba lữ đoàn xe tăng Nga. Cuộc tấn công bị tổn hại trầm trọng của Phương diện quân Sông Đôn tuy không giải toả được nhiều áp lực cho làng Orlovka hay khu vực các nhà máy, nhưng cũng làm chậm lại tiến trình giải quyết mấu lồi Orlovka, việc này rốt cuộc làm quân Đức phải mất đến gần 10 ngày.

           Sư đoàn xe tăng 24, phần lớn sư đoàn bộ binh 389 và sư đoàn Jager 100 tấn công về phía xí nghiệp Tháng Mười Đỏ và xưởng pháo binh Barrikady – “bối rối bởi trạng thái phức tạp ở khu vực nhà máy bị huỷ hoại hoàn toàn”, như một binh sỹ Jager mô tả khu phức hợp này, ở đây hầu hết các cửa sổ và mái bị chém vụn bởi các trận bom, cùng những cổ máy rỉ sét vặn vẹo không nhận ra hình dạng. “Ngay khi những đồng đội đầu tiên ngã xuống. Tiếng la hét của cánh tải thương vang lên. Hoả lực thật là dữ dội, nhưng không phải chỉ đến từ phía trước mặt mà hầu như đến từ cả hai phía”.

          Đạn pháo, cối Nga nổ tung gây thương vong nặng nề một phần đá vụn từ đống đổ nát rất bén ngọt.Ngày kế tiếp, để tăng tốc cho mũi tấn công vào khu phức hợp xí nghiệp Tháng Mười Đỏ, tướng Paulus lịnh cho sư đoàn bộ binh 94 và sư đoàn xe tăng 14 ngược lên từ khu phía nam thành phố.

          Về phía Nga, Tập đoàn quân 62 bị sức ép nặng nề cũng nhận được chút ít viện binh khi tướng Stephan Guriev của sư đoàn bộ binh cận vệ 39 qua sông Volga. Lực lượng này được gửi ngay đến hỗ trợ cho cánh phải của xí nghiệp Tháng Mười Đỏ. Một sư đoàn mới khác, sư bộ binh 308 của đại tá Gurtiev, đơn vị thứ hai với binh lính chủ yếu là người Siberi, cũng bắt đầu vượt sông Volga, nhưng những đơn vị tăng viện này chỉ vừa đủ thế cho những tổn thất vừa qua.

          Tướng Chuikov ngay sau đó lại đối mặt với một mối nguy không lường trước. Ngày 1 tháng 10, sư đoàn bộ binh 295 thâm nhập được xuống một khe núi ở cánh phải quân Rodimtsev. Lính cận vệ của ông phản kích ác liệt, chặn đánh chúng trong các trận cận chiến với súng tiểu liên và lựu đạn. Nhưng trong đêm, một nhóm lớn bộ binh Đức trèo theo rãnh nước chính chạy xuống theo hẻm núi Krutoy và đến được bờ sông Volga. Họ ngoặc xuống phía nam và tấn công vào phía sau sư đoàn Rodimtsev. Cuộc đột kích này diễn ra đồng thời với một xung phong khác ở cánh phải. Tướng Rodimtsev phản ứng nhanh chóng, ông tung tất cả các đại đội dự bị vào cuộc phản công không được chuẩn bị trước và tình hình được phục hồi.

           Ngày 2 tháng 10, quân Đức tiến đánh những bồn chứa dầu ở bờ sông, ngay bên trên sở chỉ huy của Chuikov. Những chiếc bồn đó không hoàn toàn trống rỗng. Bị đạn đại bác và bom đánh trúng, chúng bốc cháy. Dầu cháy tràn xuống đồi, vây quanh sở chỉ huy và chảy xuống dòng sông. Chỉ còn liên lạc được qua sóng vô tuyến. “Các anh ở đâu vậy?” sở chỉ huy Phương diện quân Stalingrad gửi tín hiệu hỏi liên tục. Rốt cuộc nhận được hồi đáp ”Chúng tôi ở chỗ nhiều khói và lửa nhất”

          Trong suốt tuần đầu tháng Mười, tướng Chuikov rõ ràng bắt đầu lo ngại rằng liệu họ có thể giữ vững nổi dãy đất đang hẹp đi rất nhanh bên bờ sông hay không. Mọi thứ phụ thuộc vào việc vượt sông Volga.

          Ông biết rằng những trung đoàn bầm dập của mình gây được tổn thất nghiêm trọng cho quân Đức, nhưng kết quả trận đánh phụ thuộc vào tinh thần cũng như nguồn lực. Họ không có nhiều lựa chọn, nhưng trung thành với câu khẩu hiệu của tập đoàn quân 62 “Với những người bảo vệ Stalingrad, không còn đất ở bên kia sông Volga”. Nó thật sự trở thành một lời thề thiêng liêng với nhiều người lính. Một trong những hành động dũng cảm nổi tiếng nhất trong thời gian này diễn ra ở phía nam quận nhà máy, khi xe tăng Đức tiến đánh một vị trí phòng ngự trong đống đổ nát của một ngôi trường bởi một phân đội lính thuỷ đánh bộ phối thuộc sư đoàn 193. Họ cạn sạch lựu đạn chống tăng, nhưng lính thuỷ quân Mikhail Panikako còn được hai chai bom xăng. Ngay khi anh rướn người để ném chai thứ nhất, một viên đạn Đức bắn vỡ nó trong tay anh, cả người anh bùng cháy. Nhưng anh vẫn lao qua những mét cuối cùng, ném người vào một bên chiếc xe tăng, đút chiếc chai cháy còn lại trong quầng lửa đỏ vào khoan động cơ sau tháp pháo.

            Các chỉ huy quân Đức cũng được cảnh báo. Binh lính của họ kiệt sức và tinh thần sút giảm. Ví dụ như, quân của sư đoàn bộ binh 389, không che đậy niềm ao ước được gửi về lại nước Pháp, do bị thương vong nặng nề. Nghĩa địa quân Đức phía sau chiến tuyến phình to từng ngày. Những ai nghe thấy bài diễn văn của Hitler vào ngày 30 tháng Chín từ sân Berliner Sportpalast đã không phấn khích lên nổi trước những lời khoác lác của ông ta rằng sức mạnh của Đồng Minh không thể so được với thành tựu của nước Đức, mà trên tất cả, chính là cuộc tiến quân từ sông Đôn đến sông Volga. Một lần nữa, sau khi ném ra lời thách thức đối diện với số mệnh, Hitler khăng khăng rằng “không ai thay nổi chúng ta từ vị trí này”.


---------------------------


         (1) Thành viên của một kíp tăng, Yekaterina Petlyuk, là một trong số rất ít những phụ nữ phục vụ với tư cách lính chiến trong thành phố. Nhưng trong những đơn vị không quân hỗ trợ cho mặt trận Stalingrad, lại có cả một trung đoàn máy bay ném bom nữ, do phi công nổi tiếng Marina Raskova lãnh đạo. “Trước đây, tôi chưa từng giáp mặt em” Simonov viết trong nhật ký của ông sau buổi gặp cô ấy ở phi trường Kamyshin “ nên tôi không thể tin nổi rằng em quá trẻ và quá đẹp như thế. Có lẽ tôi nhớ như in việc này bởi ngay sau đó tôi được tin em hi sinh”


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 05:20:47 pm
                                                                                                XI

                                                                                          PHẢN BỘI VÀ ĐỒNG MINH


          “Chúng tôi, những người Nga, đã chuẩn bị về mặt tư tưởng cho cuộc chiến ở Stalingrad” một cựu sỹ quan nói “Trên tất cả, chúng tôi không ảo tưởng chút nào về mức thiệt hại, và chúng tôi sẵn sàng cho điều đó”.

           Sự thật trọn vẹn có thể nói rằng chính quyền Sô viết và có lẽ là phần lớn binh lính đã có chút ít ảo tưởng. Đây không phải là sự xúc phạm đến lòng dũng cảm của họ –  nhỡ nếu có, thì cũng chỉ để khẳng định thêm – mà để ghi nhận về một thiểu số đã không hoặc không thể trụ vững trước sự căng thẳng kinh khủng của trận chiến này.

           Nhà cầm quyền Sô viết rất khắc nghiệt. “Trong thành phố rực lửa” tướng Chuikov viết: “Chúng tôi không dung thứ cho những kẻ hèn nhát, không có chỗ cho chúng”. Binh lính và dân chúng đều như nhau, được cảnh báo bởi Stalin trích từ lời dạy của Lenin “Những ai không giúp đỡ Hồng quân, không tuân lệnh, vô kỷ luật, là bọn phản bội và chúng phải bị trừng trị không thương tiếc”. Tất cả “tính đa cảm” bị dẹp bỏ. Cuộc chiến tranh tổng lực luôn đi kèm với  những sai sót trong luật quân sự, tỷ như việc lính tiền đồn bị sát thương bởi chính pháo và bom của phe mình.

          Khó khăn đầu tiên là việc thiết lập kỷ luật sắt. Mãi đến ngày 8 tháng 10, phòng chính trị Phương diện quân Stalingrad mới có thể báo cáo về Moscow rằng “tâm lý chủ bại gần như đã bị loại trừ và số lượng các vụ phản nghịch cũng thấp đi”. Chế độ Sôviết gần như không tha thứ cho lính của mình ngang bằng với quân địch, nó được minh chứng với con số 13,500 cuộc hành quyết, tính cả được xét xử hay không, trong suốt trận chiến Stalingrad. Nó bao gồm tất cả tội lỗi được các chính trị viên xếp vào dạng “vụ việc đặc biệt”, từ rút lui không theo lệnh đến tự-thương, đào ngũ, chạy qua phía địch, và các hành vi chống phá chính quyền Sôviết. Lính Hồng quân cũng thấy có lỗi nếu họ không bắn ngay tức khắc những đồng đội có vẻ cố đào ngũ hoặc đầu hàng quân địch. Có một trường hợp vào cuối tháng Chín, khi một nhóm quân Sôviết đầu hàng, xe tăng quân Đức phải chạy lên nhanh chóng để bảo vệ họ khỏi bị bắn hạ từ tuyến quân Nga.

           Những đơn vị yếu kém nhất của tướng Chuikov chính là các lữ đoàn dân quân đặc biệt, được tổ chức từ những công nhân thuộc các nhà máy phía bắc Stalingrad. Những nhóm đoàn viên thanh niên Komsomol tình nguyện hoặc các phân đội NKVD trang bị tốt, được bố trí ở phía sau họ để ngăn việc rút chạy. Các chính trị viên của họ trong áo jacket da đen và khẩu súng ngắn làm gợi nhớ đến hình ảnh cây bút Konstantin Simonov của Cận vệ Đỏ năm 1918.

         Trong trường hợp của lữ đoàn đặc biệt số 124, khi đối mặt với sư đoàn xe tăng 16 tại Rynok, chính các nhóm chặn hậu ở tuyến sau đã buộc những người bị mất tinh thần đào thoát sang phía địch. Dobronin báo cáo cho Khrushchev rằng, ngày 25 tháng 9, một nhóm 10 kẻ đào ngũ, trong đó có 2 NCO, đã chạy sang phía địch. Đêm hôm sau, lại có thêm chín tên lẻn qua. Theo báo cáo phía quân Đức trong cụôc thẩm vấn nhóm đầu, thì đại đội của họ chỉ còn có 55 người. “Từ sau cuộc tấn công cuối vào ngày 18 tháng 9 và bị thiệt hại nặng, họ không được giao thêm nhiệm vụ nào cả. Bố trí sau tuyến một là tuyến của các đoàn viên Kosomol và đảng viên Đảng Cộng Sản, vũ trang bằng súng máy và súng ngắn”

         Một thượng uý Sôviết, người Smolensk lại đảo ngũ vì một lý do khác. Anh ta bị bắt trong một trận chiến ở vòng cung sông Đôn vào tháng Tám, nhưng ngay sau đó đã xoay sở để thoát khỏi sự canh giữ của quân Đức. Khi anh ta đến trình diện lại với Hồng quân, “anh ta đã bị bắt theo một lệnh của Stalin, và đối xử như một kẻ đào ngũ”, rồi bị gửi vào đại đội trừng giới trong khu vực của Lữ đoàn đặc biệt 149.

          Những kẻ khác đào ngũ với những lý do làm phía Đức sa vào trạng thái lạc quan sai lầm. “Tinh thần quân Nga thật sự kém” một NCO thuộc sư đoàn bộ binh 79 viết về nhà “Hầu hết bọn đảo ngũ đến với chúng tôi vì đói kém. Có khả năng rằng bọn Nga sẽ bị nạn đói trong mùa đông này”

         Những hồ sơ Sôviết thể hiện cho thấy một thoả hiệp lớn về mặt tâm lý trong thời gian này. Khi có ba người lính đào ngũ khỏi trung đoàn bộ binh dự bị số 178, một trung uý đã được lệnh đi tóm ba người nào đó khác, bất kể là lính hay thường dân để thay vào chỗ bị khuyết. Nhiều, nếu không nói là hầu hết những người đào ngũ thuộc những nhóm thường dân bị bắt vào cho đủ số lượng này. Ví dụ, đa số của 93 lính đào ngũ thuộc sư đoàn Bộ binh Cận vệ 15 là “công dân Stalingrad tản cư đến Krasnoarmeysk”. “Những người này hoàn toàn chưa được huấn luyện và một số họ còn không có quân phục. Vì huy động một cách hấp tấp nên chứng minh thư của nhiều người không kịp mang theo”. Điều này, trong báo cáo về cho Moscow là một sai lầm lớn. “Che phủ trong bộ áo thường dân và có chứng minh thư, chúng sẽ dễ dàng xoay sở để qua sông Volga. Cần và khẩn cấp thu hồi chứng minh thư của tất cả binh sỹ”

           Cánh chính trị viên bị điên tiết vì tin đồn rằng quân Đức cho phép những người Nga, người Ucraina đào ngũ được trở về nhà nếu họ sống ở vùng tạm chiếm. “Việc ít học tập chính trị đã bị lợi dụng bởi phản gián Đức, chúng tung tin thất thiệt để lung lạc những binh sỹ đang dao động đào ngũ, đặc biệt với những ai có gia đình bị kẹt lại trong vùng địch tạm chiếm”. Những người chạy thoát được đà tiến của quân Đức đã không có được chút thông tin nào về số phận của gia đình, nhà cửa của họ.

             Thỉnh thoảng, những kẻ đào ngũ bị hành quyết trước sự chứng kiến của đôi trăm đồng đội trong sư đoàn. Tuy nhiên, thông thường hơn, kẻ tử tội bị một tổ vệ binh NKVD dẫn đi đến một vị trí thích hợp ngay trước chiến hào tiền duyên. Ở đó, hắn được bảo cởi bỏ quần áo, vì quân phục và ủng có thể được sử dụng lại. Nhưng ngay cả cái nhiệm vụ dễ dàng này không phải lúc nào cũng đúng theo kế hoạch. Sau một cuộc hành quyết ở sư đoàn bộ binh 45, một lính tải thương nào đó nhận thấy kẻ tử tội vẫn còn mạch. Anh ta muốn kêu giúp đỡ, nhưng khi đó một trận pháo kích của quân thù bắt đầu dội tới. Người lính bị tử hình nhỏm lên, đứng dậy, lảo đảo đi về tuyến quân Đức. “Không thể biết hắn còn sống hay đã chết” báo cáo về Moscow như thế.

          Hẳn bộ phận đặc biệt của sư đoàn bộ binh 45 có những nhà thiện xạ “khác thường”; sự thật là mọi người tự hỏi: phải chăng họ có được dũng khí để thi hành công việc của họ là nhờ vào khẩu phẩn vodka bổ sung. Trong một trường hợp khác, họ được lệnh xử tử một người lính đã tự-thương. Anh ta bị lột quân phục như thường lệ, bắn và ném xác xuống một hố đạn đại bác. Ném vài xẻng đất lên thi thể đó, đội bắn trở về lại sở chỉ huy sư đoàn. Hai tiếng sau, người lính được cho là đã bị xử tử, máu và bùn bám đầy đồ lót, lảo đảo trở về tiểu đoàn của anh ta. Và đội hành quyết đó được gọi lại lần nữa để bắn anh ta.

         Trong nhiều trường hợp, chính quyền địa phương của kẻ đào ngũ cũng được thông báo. Và gia đình hắn, khi đó, cũng bị trừng phạt bổ sung theo mệnh lệnh số 270, mà thường là cảnh cáo. Cánh chính trị viên và sỹ quan các đơn vị đặc biệt ở phương diện quân Stalingrad, thấy việc phạt người thân là một biện pháp tốt cho việc ngăn chặn những kẻ khác, vốn đang dao động, bỏ chạy.

         Các đơn vị NKVD, khi thẩm vấn các ca đào ngũ, chắc chắn đã tạo áp lực mạnh lên kẻ tình nghi để tố cáo những người khác. Một lính mới của sư đoàn bộ binh 302 (tập đoàn quân 51) đã bị kết tội bởi một người đồng đội vì đã nói: “Nếu tao bị đưa ra tiền tuyến, tao sẽ là người đầu tiên chạy về phía người Đức”. “Khi thẩm vấn”, anh ta còn bị cho là đã thú nhận rủ rê thêm năm người khác cùng đi và đã “khai ra” tên những người đó, nhưng có lẽ anh ấy đã bị ấn vào một âm mưu hoàn toàn hư cấu và không có thật bởi NKVD.

          Các chính trị viên đổ lỗi rằng “các sỹ quan cẩu thả và không có tình người” cho các trường hợp đào ngũ trong đơn vị. Nhưng có vô số trường hợp các sỹ quan đã dùng quyền bắn hạ trong “biện pháp đặc biệt chỉ dùng trong chiến đấu khi một Hồng quân từ chối thi hành mệnh lệnh hoặc bỏ chạy khỏi chiến trường”. Tuy nhiên, cũng có một trường hợp hiếm gặp, nhà cầm quyền đã tuyên rằng các sỹ quan đó đã quá khắt khe “Trong đêm 17/18 tháng Mười, hai người lính mất tích [thuộc sư đoàn bộ binh 204, tập đoàn quân 64]. Trung đoàn trưởng và chính uỷ đã lệnh cho đại đội trưởng tử hình viên trung đội trưởng của những người lính đào ngũ ấy”. Người thiếu uý 19 tuổi, vừa gia nhập trung đoàn 5 ngày trước và cũng chỉ vừa mới biết đến hai kẻ đào ngũ ấy là từ trung đội anh ta. “Viên đại đội trưởng tuân lệnh. Đến chiến hào của anh ta (chỉ viên thiếu uý) và trước sự hiện diện của chính trị viên, bắn chết anh ta”.

           Các chính trị viên muốn khoát lác về tình đoàn kết các dân tộc Liên Xô, có thể chỉ ra một thực tế rằng gần phân nửa số lính của tập đoàn quân 62 không phải là người Nga. Nhưng bộ phận tuyên truyền, có lý do đúng đắn để giữ im lặng về chủ đề này. “Thật khó để làm cho họ hiểu” một trung uý người Nga được gửi đến chỉ huy trung đội súng máy báo cáo “và cũng thật khó để làm việc chung với họ”. Việc thiếu thân thuộc với kỹ thuật hiện đại cũng đồng nghĩa với việc họ bị khiếp sợ và thất tán hơn trong các cuộc không kích. Ngôn ngữ dị biệt và hậu quả là hiểu nhầm làm mọi thứ còn tệ hơn. Trong một đơn vị, sư đoàn 196 bộ binh, quân số hầu hết là người Kazakh, Uzbek và Tartar “nhận thiệt hại nghiêm trọng và phải rút ra khỏi mặt trận để củng cố”.

           Các chính trị viên nhận ra những điều đó thật tệ hại, nhưng đơn thuốc duy nhất kê ra dễ dàng dự đoán được là: “tuyên truyền cho binh lính và sĩ quan không phải là người Nga về lòng tự hào của công dân Liên Xô, về lời thề quân nhân và khung luật trừng phạt với tội phản bội Tổ quốc”. Việc tuyên truyền của họ không thể đạt nhiều thành công, bởi có nhiều người rõ ràng biết rất ít về ý nghĩa cuộc chiến. Một lính người Tartar trong sư đoàn bộ binh 284, không thể trụ nổi nữa, nên quyết định đảo ngũ. Anh ta bò về màn tối phía trước từ vị trí của mình mà không bị ai phát hiện, nhưng đến khu phân tuyến, hắn lại bị mất phương hướng. Không nhận thức ra điều đó, hắn bò đến một địa đoạn trong khu vực trung đoàn 685. Thấy có một hầm chỉ huy, hắn mò vào. Tin là đã đến được nơi cần đến, hắn đoán chừng viên sỹ quan đang nhìn mình hẳn là một quân nhân Đức cải trang trong bộ quân phục Nga. “Hắn báo rằng hắn đến để đầu hàng” báo cáo ghi nhận “tên phản bội đã bị xử tử”.

         Các chính trị viên cũng đối mặt với một vấn đề quan liêu “Thật khó để phân biệt các sự kiện khác thường” Ban chính trị Phương diện quân báo cáo về cho Shcherbakov ở Moscow, “bởi chúng tôi không thể xác định nhiều trường hợp có đào ngũ hay chạy sang phía địch không”. “Trong điều kiện chiến trường” trong một báo cáo khác từ Ban ấy viết “không thể luôn có thể xác định được chắc chắn sự việc xảy ra cho một cá nhân hay một nhóm quân sỹ. Tại sư đoàn bộ binh 38, một trung sỹ và một lính đã đi lấy thức ăn cho đại đội họ và không bao giờ còn được thấy lại. Không ai biết việc gì đã xảy ra với họ. Có thể họ bị chôn vùi bởi một phát đại bác mà cũng có thể đã đào ngũ. Nếu không có người chứng kiến, chúng ta chỉ có thể nghi ngờ (mà không thể kết luận)”.

       Thực tế là các sỹ quan thường thất bại khi đếm lính của họ. Vài người vắng mặt bị liệt vào danh sách phản bội, nhưng lại tìm thấy là được cán đến trạm phẫu dã chiến với những vết thương nghiêm trọng. Có cả người sau khi được ra viện để về lại đơn vị chiến đấu lại thấy mình bị kê trong danh sách đào ngũ và xử tử. Trong nhiều trường hợp thì sự bất cẩn của các sỹ quan lại là có tính toán. Nhiều binh sỹ hy sinh không được báo cáo để nhận được thêm khẩu phần ăn, một tệ nạn cũ xưa từ thời hình thành quân đội, nhưng giờ được định nghĩa là “tội làm trái quân luật”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 05:24:02 pm
          Việc Dobronin thừa nhận có khó khăn trong thống kê ắt được nhớ đến khi nhìn vào con số 446 trường hợp đào ngũ trong tháng Chín. Không có ca nào được đề cập đến thuộc nhóm “chạy sang phía địch”. Ngay cả trong báo cáo liên quan đến một vấn đề nghiêm trọng của chính phương diện quân Stalingrad về một nhóm đào ngũ. Ví dụ, sau khi có 23 lính từ một tiểu đoàn đào ngũ liên tục trong ba đêm, “một khu vực phòng ngừa được thiết lập ngay trước chiến tuyến và được các sỹ quan tổ chức canh gác 24/24”.

         Tự thương cũng được xếp vào nhóm đào ngũ bởi không trung thực. Một lính thuộc sư đoàn Bộ Binh Cận vệ số 13 của Rodimtsev bị nghi là tự bắn vào tay, đã được áp tải lên trên. Hắn cố đào thoát vào bóng tối khi pháo quân Đức bắt đầu bắn, nhưng bị kéo lại. Một hội đồng bác sỹ khám nghiệm và tuyên bố rằng vết thương là tự-thương. Tên tù bị hành quyết ngay trước mặt một nhóm khán giả là binh sỹ thuộc tiểu đoàn của hắn. Ngay cả các sỹ quan cũng có liên quan đến việc tự thương. Một thiếu uý 19 tuổi thuộc sư đoàn bộ binh 196, bị kết tội là đã tự bắn vào bàn tay trái bằng súng máy, và bị tử hình trước mặt các sỹ quan trong đơn vị. Báo cáo ngụ ý, bằng một logic không mấy thuyết phục, rằng tội anh ta rõ ràng bởi đã “cố giấu hành vi vô đạo đức ấy bằng cách băng lại”.

         Những kẻ giả ốm cũng bị nhìn theo cùng kiểu. “Mười một binh sỹ trong trạm phẫu tiền phương giả câm, điếc” Dobronin ghi nhận, và thêm vào với sự thoả mãn tàn nhẫn, “nhưng rất nhanh, hội đồng y khoa quyết định rằng bọn chúng vẫn đáp ứng được với các nhiệm vụ quân sự, và hồ sơ đã được chuyển đến toà án binh, họ bắt đầu làm việc”.

        Tận cùng của hành động tự thương là tự tử. Cũng giống như phía quân đội Đức, nhà cầm quyền Sô viết cho rằng đó là “dấu hiệu hèn nhát” hoặc là sản phẩm của “tâm hồn bệnh hoạn”. Ngay cả việc định nghĩa của từ hèn nhát cũng có nhiều dạng thể. Một phi công, nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay bốc cháy của mình, đã xé ngay thẻ đảng khi tiếp đất, bởi anh ta nghĩ rằng đã rơi vào phía sau tuyến quân Đức. Khi trở lại căn cứ, chính trị viên kết tội anh ta là hèn nhát theo mệnh lệnh số 270 của Stalin, dù rằng bộ phận tuyên truyền Soviet luôn nhấn mạnh rằng quân Đức tử hình những người Cộng sản ngay tại chỗ.

           NKVD và Ban chính trị Phương diện quân Stalingrad hành động cực kỳ chặt chẽ với bất kỳ dấu hiệu của hoạt động “chống Sô Viết”. Ví dụ “ai giữ tờ rơi quân Đức sẽ bị giao cho NKVD”. Thật nguy hiểm để nhặt một tờ lên, dù chỉ để cuộn thuốc hút. Một người lính mất tinh thần và kể với sỹ quan cấp trên những gì anh ta nghĩ về bản thân và Hồng quân, có thể đối mặt với lời buộc tội là “tuyên truyền chống cách mạng” hay “thiếu niềm tin vào chiến thắng”. Hạ sỹ K. thuộc sư đoàn bộ binh 204 đã bị tử hình vì “không tin tưởng lãnh đạo Hồng quân và có hành vi đe doạ chống lại sỹ quan chỉ huy”. Những ai chỉ trích chế độ, như hai người lính thuộc tập đoàn quân 51, cũng sẽ bị giao cho NKVD. Một người đã “phát tán luận điệu phát xít rằng nông dân nông trang tập thể giống như nô lệ” và người kia thì phát biểu “Tuyên truyền Soviet là dối trá để nâng tinh thần quân đội”.

         Các trường hợp “hoạt động chống Sô viết”, vốn thường bị đối xử tương tự như với tội “phản bội Tổ quốc”, xem ra có vẻ tương đối hiếm gặp ngoài mặt trận. Các sỹ quan nhìn chung là làm theo chỉ dẫn không chính quy có trong quân đội Nga từ năm 1812 rằng “Khi lính thì thầm, sỹ quan không nên nghe”. Hầu hết cho rằng trong chiến tranh, khi con người đối diện với cái chết, họ cần nói ra những gì họ nghĩ. Giữa những đồng đội ở tuyến đầu, người lính không còn rụt rè trước những phê phán kém cỏi, nhũng lại và bắt nạt của các quan chức Đảng Cộng Sản. Mối nguy thường trực về việc bị giết bất kỳ khi nào làm cho họ không thèm để tâm đến các chính trị viên và chỉ điểm viên của bộ phận đặc biệt. Trong chiến hào cạnh kề quân Đức, dường như không có quá nhiều khác biệt giữa một viên đạn thù và khẩu phần cuối cùng từ Tòa án Soviết: “chín gam chì” của NVKD.

         Hầu hết các trường hợp “hoạt động chống Sô viết” được báo cáo là ở hậu phương. Tân binh nào hay thì thào thường dễ bị tố cáo bởi các đồng đội là lính tình nguyện. Một thường dân Stalingrad thuộc tiểu đoàn huấn luyện 178 đã cả gan nói rằng họ sẽ bị lạnh cóng và chết đói khi mùa đông đến, đã nhanh chóng bị bắt “cảm ơn các huấn luyện viên K. và I. đã giữ vững lập trường chính trị”. Tính đa nghi của NKVD mở rộng đến các đơn vị vận tải và kỹ thuật của phương diện quân Stalingrad ở bờ đông sông Volga. Mười hai binh lính và năm sỹ quan, trong đó bao gồm hai sỹ quan cao cấp, bị bắt trong tháng Mười vì “hoạt động chống Sô viết vì có tư tưởng chủ bại”. “Hầu hết những kẻ bị bắt đến từ cái vùng tạm chiếm”, báo cáo thêm vào, rằng chúng đã có kế hoạch “phản bội Tổ quốc và tham gia vào phía địch”.

         Báo chí viết rằng những người lính tiền tuyến (frontoviki) hăng hái thảo luận về sự lãnh đạo anh hùng của đồng chí Stalin trong chiến hào, và xung phong với tiếng hét “Za Stalin” (vì Stalin), hoàn toàn là sản phẩm tuyên truyền. Yury Belash, một nhà thơ lính, đã từng viết:

        Thành thật mà nói rằng –
        Thứ cuối cùng chúng tôi nghĩ đến, trong chiến hào
        Là Stalin

        Dù nhiều báo chí Sô viết tô hồng cho các mẫu chuyện của chủ nghĩa anh hùng cá nhân, thì nhà cầm quyền hoàn toàn thiếu tôn trọng với các cá nhân vốn được khẳng định rõ ràng bởi các phương tiện tuyên truyền ở Stalingrad. Báo chí đưa lên một khẩu hiệu, có lẽ lấy từ phát biểu của Chuikov ở một buổi họp hội đồng quân sự: “Mỗi người lính phải thành một viên đá tảng của thành phố”.

        Một trong các sỹ quan của Chuikov hào hứng thêm vào rằng Tập đoàn quân 62 là “chất gắn bó những tảng đá của thành phố mang tên Stalin, như bê tông sống”. Câu này đạt tới mức biểu cảm tối thượng trên tượng đài kỷ niệm kỳ dị dựng sau chiến tranh ở đồi Mamaev Kurgan, trong đó, hình tượng người lính giữa đống đổ nát được miêu tả có dụng ý trên một bức phù điêu bằng gạch. Tượng đài tưởng niệm này là dành cho Liên Xô, không phải cho những người lính, hầu như biến họ thành một thứ đội quân đất nung, như của các hoàng đế Trung Hoa.

     Ủng, quân phục và trang bị mới được chuẩn bị cho lực lượng mới được sắp xếp ở hậu phương. Còn với những người lính tiền phương ở Stalingrad, đồ dùng thay thế không đến từ các cửa hàng hậu cần, mà từ thi thể của những đồng đội đã chết. Không thứ gì lãng phí khi đem đi chôn. Có cả người được gửi lên phía trước, vào vùng phân tuyến để lột đồ lót từ những xác chết. Hình ảnh của những người đồng đội ngã xuống, bán khoả thân, làm nhiều người chán nản. Và khi mùa đông đến với toàn bộ sức mạnh của nó, những bộ nguỵ trang màu trắng trở thành những thứ đặc biệt quí giá. Thương binh phải cố cửi nó ra trước khi bị máu vấy bẩn. Có một sự kiện nổi tiếng của một người lính, bị thương quá nặng để có thể cửi bộ đồ nguỵ trang màu trắng, xin lỗi cho từng vết bẩn do mình gây ra.

          Nhà báo Grossman, người đã ở cùng với những đồng đội của mình tại Stalingrad đã thẳng thừng bác bỏ ý kiến cho rằng mọi người đã hoàn toàn dửng dưng với sự hung bạo. Ông viết “Cuộc sống thật không dễ dàng cho người dân Nga, nhưng trong sâu thẳm con tim, không ai cảm thấy rằng đó là điều không thể tránh được. Trong suốt cuộc chiến ở tiền tuyến, tôi quan sát thấy chỉ có hai cảm giác theo hướng: một quá lạc quan và một quá u ám. Không ai có thể chịu nổi cái ý nghĩ rằng chiến cuộc còn lâu mới kết thúc và ai bảo rằng chỉ cần một vài tháng cực nhọc sẽ mang lại chiến thắng, cũng không đáng tin”. Sự thật là trong cái cuộc chiến kinh khủng đó, con người chỉ có thể nghĩ làm sao để sống sót qua từng ngày, từng giờ. Nhìn xa về hướng nào cũng là một giấc mơ hung hiểm.

        Binh lính, ít nhất còn có chút đỉnh mục đích và khẩu phần kha khá đều đặn, để giữ họ tiếp tục tồn tại. Còn thường dân bị kẹt ở Stalingrad hoàn toàn không có gì cả. Làm thế nào mà 10,000 người, trong đó có một nghìn trẻ em, vẫn còn sống sót trong cái thành phố đổ nát đó trong suốt hơn năm tháng đánh nhau, và điều này trở thành phần lạ lùng nhất trong lịch sử trận Stalingrad.

         Các nguồn tin Sôviết tuyên bố rằng từ ngày 24 tháng 8, một ngày sau trận không kích đầu tiên, khi cư dân Stalingrad đã được phép vượt sông Volga, và đến ngày 10 tháng 9, 300.000 người đã được vận chuyển sang bờ Đông. Con số này thật sự không đủ so với lượng dân cư phình to ra của thành phố. Sao không tự nhận rằng lúc đó có hơn 50,000 thường dân bị kẹt bên bờ Tây, phần nào là bởi NKVD điều khiển các bến vượt.

         Cuộc di tản chính quy sau cùng thật hỗn độn và bi thảm. Một đám đông khổng lồ. Gồm nhiều gia đình đã bị từ chối cho phép ra đi cho đến giờ cuối cùng, thường không có lý do đúng đắn. Chiếc thuyền bắt đầu quá tải một cách nguy hiểm, và không ai được phép lên thêm. Những người bị bỏ lại trên cầu tàu nhìn chiếc phà rời đi. Họ tuyệt vọng, nhưng rồi “chỉ mới cách bến 50 thước, nó bị trúng bom” và bốc cháy, chìm trước mặt họ.

          Với nhiều người ngay cả việc đến bờ sông cũng không kịp, họ bị kẹt lại sau tuyến quân Đức do đà tiến quá nhanh của Tập đoàn quân VI. Hitler, ngày 2 tháng 9 đã lệnh rằng không có thường dân ở Stalingrad, và thế là cuộc di tản đầu tiên mang tính tự phát hơn là có tổ chức.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 05:26:59 pm
         Một hàng lớn những người tị nạn rời thành phố, thẳng về hướng tây vào vùng tạm chiếm của quân Đức trong ngày 14 tháng 9, với chút xíu của cải còn lại chất trên xe ba gác hoặc trong vali bằng giấy bồi. Báo Đức cho thấy cảnh người dân bị hoả pháo xé toạc quần áo, thân thể máu me và bàn tay dính vào đường dây thép trên cao. Rồi những người thoát sang phía Đức an toàn cũng khó có cơ hội tìm được thực phẩm. Các đơn vị quân Đức đã làm điều đó trước rồi, họ trưng thu và hái sạch nông phẩm để dùng. Ngay cả nông dân Cossack, mà nhiều người là cựu Bạch vệ, vốn chào đón quân Đức như những người giải phóng với bánh mỳ và muối, cũng bị cướp sạch ngũ cốc, lương thực trong kho.

          Hình ảnh của những người tị nạn có lẽ đã tạo ra những suy nghĩ lộn xộn kỳ lạ, như một sỹ quan NCO từ sư đoàn bộ binh 295 bộc lộ một cách không chủ tâm trong thư viết về nhà “Hôm nay, anh đã thấy nhiều người tị nạn chạy từ Stalingrad. Những cảnh tượng cực nhọc không tưởng tượng nổi. Trẻ em, phụ nữ, người già – già như ông bà anh vậy – nằm ở đó, bên vệ đường, trên thân chỉ là lần vải mỏng manh không thể chống chọi cho cái lạnh. Dù họ là kẻ thù, anh vẫn thấy quá sốc. Và vì thế, chúng ta không thể nói hết lòng cảm ơn với Quốc trưởng và Chúa, rằng đất nước ta vẫn còn dư dả so với tình trạng kinh hoàng kia. Anh đã tận mắt thấy nhiều cảnh cực khổ trong suốt cuộc chiến này, nhưng ở nước Nga là hơn cả. Và cao nhất là ở Stalingrad. Em không thể hiểu điều này đâu – phải tận mắt thấy…”

          Nhiều ngàn phụ nữ và trẻ em bị bỏ lại trong thành phố phía sau đã tìm cách ẩn náu trong các đống đổ nát, trong cống và trong các hang hốc đào vào bờ dốc đứng của con sông. Dường như trong các hố đạn pháo ở đồi Mamaev ở lúc cuộc chiến căng thẳng nhất, cũng có dân thường trú ngụ. Đa số, dĩ nhiên, không thể sống sót. Trong chuyến thăm lần đầu  của mình, Simonov ngạc nhiên viết “Chúng tôi vượt qua một cây cầu bắt ngang qua một chỗ giao nhau của con rạch trong thành phố. Tôi không thể nào quên hình ảnh hiện ra trước mắt tôi. Con rạch đó, trải dài bên trái và bên phải tôi, đầy nhung nhúc người, trông như một tổ kiến với lỗ chỗ hang hốc. Những con đường bị đào vào cả hai bên. Miệng hang được che phủ bởi ghẻ rách hay những tấm bảng cháy đen. Cánh phụ nữ đã dùng mọi thứ có thể dùng được”.

         Ông ta viết về sự đau khổ “hầu như không thể tin nổi” của tất cả những ai ở Stalingrad, bất luận là lính hay dân, nhưng rồi nhanh chóng bỏ đi bất kỳ dấu hiệu đa cảm, uỷ mị nào – “Những điều đó chẳng giúp ích gì: cuộc chiến này được tiến hành là vì sự sống hoặc cái chết”. Rồi ông ta tiến đến việc mô tả hình ảnh của một thi thể phụ nữ trôi sông bám chặt vào một thanh gỗ cháy, dạt vào bờ Volga “những ngón tay méo mó cháy dở. Gương mặt bị biến dạng cho thấy sự đau khổ cô phải chịu trước khi chết là vô cùng to lớn. Bọn Đức đã gây ra điều đó, làm điều đó trước mắt chúng ta. Không để chúng xin được tha thứ từ những người chứng kiến. Sau Stalingrad chúng ta sẽ không tha thứ!”.

         Bên cạnh tìm chỗ trú là ưu tiên số một, thì những thường dân cũng đối mặt với tình trạng khó tìm ra thức ăn và nước. Mỗi khi có một đợt ngừng bắn phá, phụ nữ và trẻ em lại ra khỏi hố ẩn nấp để cắt thịt từ xác ngựa trước khi những con chó vô chủ hay chuột cống róc sạch cái xác. Cầm đầu đám lục lọi đó là bọn trẻ. Trẻ hơn, nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn nên chúng là những mục tiêu khó hạ hơn. Ẩn mình trong bóng tối, bọn trẻ mò vào khu tháp ngũ cốc bị cháy trụi ở phía nam Tsaritsa, nơi quân Đức đã chiếm hoàn toàn. Rồi ở đó, chúng thường ráng lèn đầy túi, đầy cặp với lúa mì cháy dở và nháo nhào đào tẩu, nhưng lính gác Đức, bảo vệ khu tháp đó vì mục đích quân sự, đã bắn hạ một số. Với những ai cố đánh cắp khẩu phần ăn của quân Đức sẽ bị bắn tại chỗ, cả tại Stalingrad lẫn ở hậu phương.

         Chính quân Đức cũng sử dụng những trẻ mồ côi ở Stalingrad. Khi những công việc thường nhật, như lấy nước, trở nên nguy hiểm vì lính bắn tỉa Nga phục kích bất kỳ chuyển động nào. Và, với sự hứa hẹn có vài miếng bánh mỳ, chúng dụ bọn trẻ Nga mang chai xuống bờ sông Volga để lấy nước. Khi phía Soviet xác minh được những gì đang diễn ra, Hồng quân bắn cả những đứa trẻ làm việc đó.

          Việc tàn nhẫn này đã có tiền lệ từ giai đoạn đầu của trận vây hãm thành Leningrad, khi dân thường bị dùng làm lá chắn sống cho quân Đức. Stalin, ngay lập tức, đã lệnh cho các lực lượng Hồng quân phải bắn hạ bất kỳ thường dân nào nghe theo lệnh quân Đức, ngay cả khi họ bị cưỡng ép hành động. Mệnh lệnh này cũng được thi hành ở Stalingrad. Báo cáo của sư bộ binh cận vệ 37 ghi nhận “quân địch buộc người dân phải tiến lên để vác xác lính và sỹ quan của chúng về. Quân ta đã bắn vào bất cứ ai cố mang xác quân phát xít đi”.

          Những đứa trẻ khác thì may mắn hơn. Chúng bám dính vào các sở chỉ huy, các trung đoàn Sô viết. Nhiều em được sử dụng làm liên lạc, trinh sát hoặc tình báo, nhưng với những em mồ côi nhỏ hơn, chừng bốn năm tuổi thì chỉ ở đó như một thứ bùa may mắn.

        Tập đoàn quân VI (Đức) thiết lập một Bộ tư lệnh quân quản cho khu trung tâm cùng khu bắc thành phố, và một cái khác cho khu nam Tsaritsa. Mỗi nơi có một đại đội vệ binh (KSQS) chịu trách nhiệm, trong số các công việc, có việc bảo vệ chống phá hoại, đăng ký và di tản dân.
 
        Chỉ thị được phát hành cho biết bất kỳ ai không đăng ký sẽ bị bắn. Người Do Thái được lệnh phải mang một ngôi sao vàng trên ống tay áo. Đội vệ binh này hoạt động gần giống như lực lượng Cảnh sát dã chiến mật của Wilhelm Moritz. Một sỹ quan tòng sự trong đơn vị kể trên, bị bắt sau đó, đã thừa nhận trong cuộc thẩm vấn rằng công việc của họ bao gồm cả việc chọn lựa những người dân “thích hợp” cho việc lao động cưỡng bức ở Đức và bắt giữ những nhà hoạt động Cộng sản và Do thái cho lực lượng SD. Các nguồn tin Sôviết cho rằng quân Đức đã xử tử hơn 3000 thường dân trong suốt cuộc chiến, và hơn 60,000 người Stalingrad bị chuyển đến Đế chế, theo lệnh của Hitler để lao động nô lệ. Con số người Do Thái và đảng viên Cộng sản bị bắt bởi vệ binh Tập đoàn quân 6 và giao cho SS thì không được cho biết. Đơn vị Sonderkommando 4a, theo đà tiến của tập đoàn quân 6, đã tới được Nizhne-Chriskaya theo vết của quân đoàn xe tăng XXIV, và nhanh chóng tàn sát trẻ em chở đầy trên hai xe tải “phần lớn là từ sáu đến mười hai tuổi”. Chúng cũng đã xử tử nhiều cán bộ Cộng sản và NKVD bởi tố giác của người Cô dắc, của những gia đình Kulek vốn bị đối xử tệ dưới bàn tay chế độ. Quân Sonderkommando còn ở lại vùng Stalingrad đến tận tuần thứ 4 của tháng Chín.

          Cuộc di tản người lớn diễn ra vào ngày 5 tháng 10 và cuộc cuối cùng vào đầu tháng 11. Từng nhóm thường dân được chọn, bị tống lên các toa chở súc vật trên các ga đầu mối và đưa về phía sau. Thảm cảnh của những người này thật kinh hoàng. Từng tấm chăn họ có thể mang theo được đổi thành thực phẩm cho những tuần kế tiếp. Những người dân Stalingrad này đầu tiên phải đi bộ đến một trại tập trung không đựơc chuẩn bị sẵn ở cạnh làng Voroponovo (hiện là Gorkovsky) và rồi đến những trại khác ở Marinovka, Kalach và Nizhne-Chirskaya.

         Khẩu phần của họ dù sao vẫn không tệ bằng phần cho lính Nga bị bắt. Trong một nhà giam cạnh Gumrak, vào ngày 11 tháng Chín, tại đó có hơn 2000 tù binh chiến tranh, phần lớn là công nhân-dân quân tự vệ. Các sỹ quan Sô viết được cho ở lại để giữ trật tự, nếu cần, bằng nắm đấm, khi thức ăn được ném vào qua hàng rào. Không có chút tiện nghi y tế nào được cung cấp. Một bác sỹ Sô viết làm tất cả những gì ông có thể cho thương binh, nhưng “trong trường hợp không còn hi vọng, ông chỉ có thể giúp họ thoát khỏi kiếp nạn mà thôi”.

        Những đợt kế tiếp càng nghiêm trọng hơn. Sau cùng, “một đám đông đen nghịt khổng lồ” bị ép ra ngoài tuyết. Đây là nhóm lớn nhất và sau cùng của dân Stalingrad đi đến Karpovka và những trại tập trung khác. Điều kiện thật kinh hoàng. Ngay cái tên “trại tập trung” cũng mang tính lạc quan, vì chúng chỉ là một vòng kẽm gai khổng lồ quây trên thảo nguyên trống trải. Không có lấy một chiếc lều. Những ngừơi tù cố đào hố trên mặt đất bằng đôi bàn tay không để trốn gió. Đêm ngày 7 tháng 11, ngày Cách mạng tháng Mười, những người tù Nga tiến hành kỷ niệm bằng những tiếng hát lặng thầm với nhau, nhưng đến đêm, trời đổ mưa nặng hạt. Sáng hôm sau, nhiệt độ giảm rất nhanh, mang theo băng tuyết, họ run rẩy trong những bộ đồ ướt đẫm. Nhiều người ra đi mãi mãi. Trong một hầm, có một bà mẹ nằm cạnh Valentina Nefyodova, bà ôm chặt hai đứa con vào lòng: đứa bé gái còn sống nhưng em trai đã chết. Người em họ trong tuổi thiếu niên của Nefyodova cũng chết cóng trong đêm đó.

          Cai ngục của những trại tập trung đa phần là người Ukraina trong quân phục Đức (chừng 270,000 người Ukraina được tuyển mộ từ các trại tù binh tính đến ngày 31 tháng 1 năm 1942. Những kẻ khác là dân tình nguyện. Theo một báo cáo của NKVD, Stadtkommandantur ở Stalingrad có 800 thanh niên Ukraina được trang bị để làm nhiệm vụ canh gác và hộ tống). Nhiều trong số đó là bulbovitsi,  những người dân tộc cánh hữu cực đoan lấy theo tên Taras Bulba, đối xử với các nạn nhân của họ rất tàn tệ.

           Tuy nhiên, không phải tất cả những cai ngục đều hung ác. Một số cho người bị giam chạy trốn với một ít của đút lót. Nhưng những người chạy trốn nhanh chóng bị hạ trên thảo nguyên trống trải bởi bọn vệ binh (KSQS). Tuy thế, tại trại Morozovsk, gia đình Goncharov, mẹ, bà và hai em bé, lại được cứu sống bởi một bác sỹ Đức tốt bụng, ông ta đã thu xếp cho họ chuyển đến một trang trại ở gần cạnh bởi cậu bé mười một tuổi Nikolay bị bỏng tuyết khá nặng.

           Còn hàng ngàn người cố trốn những cuộc bố ráp trong thành phố, thì trở thành những người tiền sử thời hiện đại, sống trong các hang ổ đổ nát- thực tế đã ngã bệnh vì thực phẩm độc và nước uống ô nhiễm. Ở ngoại ô thành phố, những đứa trẻ mò ra khi đêm tối, như những con vật hoang để kiếm củ rễ và dâu dại.

         Nhiều người sống được ba bốn ngày chỉ với một mẩu vụn bánh mì được lính Đức hoặc lính Nga thí cho, tuỳ theo vị trí chiến tuyến. Phụ nữ thường bị ép dùng thân thể tàn tạ của họ để sống sót hoặc để có đồ ăn cho lũ trẻ. Thậm chí có những báo cáo về các nhà thổ tự chế trong đống hoang tàn đó. Và trong vài trường hợp, lại có cả tình yêu không chút tương lai lại diễn ra giữa phụ nữ Nga và lính Đức. Điều này hầu như là một mối quan hệ bất chính tai hại. Một phụ nữ Stalingrad đã từ chối “báo hiệu có quân địch với chiếc khăn tay trắng” và bị phát hiện ra là “dấu ba tên phát xít” trong hầm của mình. Cô ta bị đưa đến cho NKVD. Còn ba lính Đức thì bị bắn tại chỗ.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 05:29:35 pm
        Ở những địa điểm xa thành phố, số tù binh Đức bị giết ngay khi bị bắt dường như ít đi, khi cơ quan tình báo Sô viết bắt đầu trở nên tinh vi hơn. Nhu cầu xác minh thông tin từ tù nhân tăng lên nhanh chóng trong tháng Mười, khi tướng Zhukov và bộ tham mưu của ông chuẩn bị cho kế hoạch đại phản công.

        Việc thẩm vấn của phía Sô viết với các tù binh chiến tranh người Đức, thường diễn ra vào ngày kế sau hôm bị bắt, theo một kiểu mẫu khá thẳng thắn. Mục tiêu chính yếu là xác định đơn vị của tù nhân và ước lượng sức mạnh, tình trạng hậu cần cùng tinh thần của đơn vị đó. Tù binh Đức cũng thường được hỏi những câu đại loại như: Họ có phải là thành viên đoàn thanh niên Hitler không? Họ có biết gì về việc chuẩn bị cho chiến tranh hoá học? Những hoạt động du kích nào họ nghe được hoặc chứng kiến? Ảnh hưởng của truyền đơn Liên Xô ra sao? Sỹ quan của họ đã nói gì về Cộng sản? Tuyến tiến quân của sư đoàn họ thế nào tính từ tháng 6 năm 1941? (điều này có thể cho thấy họ có liên quan đến các tội ác chiến tranh được báo cáo ở những vùng mà họ đã đi qua).

         Nếu tù binh xuất thân từ gia đình nông dân, thì họ được hỏi có tù binh chiến tranh Nga đang làm việc cho họ ở nhà không? Tên của những người đó là gì? Thư từ nhà cũng bị tịch thu để xem xét có biểu lộ nào của tinh thần người dân ở hậu phương Đức. Suốt cuối hè và mùa thu 1942, sau “hàng ngàn cuộc ném bom rải thảm” của RAF, những cán bộ thẩm vấn NKVD rất quan tâm đến vấn đề ảnh hưởng của nó lên tinh thần dân thường cũng như quân lính ở tiền phương. Rồi khi NKVD bàng hoàng với việc khám phá ra rằng có nhiều công dân Soviet, chủ yếu là cựu Hồng quân, có mặt trong quân đội Đức, những người thẩm vấn cố khai thác từ tù binh để biết có bao nhiêu người trong mỗi đại đội.

        Ngoài khuynh hướng tự vệ, phía tù nhân thường nói những gì họ cho rằng phía Nga muốn nghe. Trong vài trường hợp cũng tình cờ có những sự thật. Như một hạ sĩ khác nói “Với cánh cựu binh, những thứ tuyên truyền của Goebbels nhét vào đầu chúng tôi là không đáng tin. Chúng tôi vẫn nhớ bài học không quên của năm 1918”. Vào giữa tháng Chín, lính Đức bị bắt thường thú nhận với nhân viên thẩm vấn Nga rằng họ cùng đồng đội “lo sợ rằng mùa đông đang đến”.

          Nhiều cuộc thẩm vấn tù nhân được thực hiện bởi Đại uý N.D.Dyatlenko thuộc NKVD, một thông dịch viên tiếng Đức của Ban 7 – phương diện quân Stalingrad. Trung tá Kaplan, phó ban tình báo tập đoàn quân 62, thì khác, ông thẩm vấn tù binh thông qua người phiên dịch Derkachev. Dĩ nhiên là Kaplan tốn nhiều thời gian hơn một chút. Sau khi một hạ sỹ bị thương nặng tiết lộ rằng sư đoàn tăng 24 chỉ còn có 16 xe, Kaplan ghi chú vào cuối trang giấy: “Cuộc thẩm vấn không được hoàn tất vì người này đã chết vì vết thương”.

         Vốn đã biết về sự căng thẳng giữa quân Đức và quân Romania, Kaplan cũng quan tâm đến mối quan hệ không ngọt ngào trong nội bộ Wehrmacht. Những tù binh Áo, có lẽ với hi vọng sẽ được đối đãi tốn hơn, đã phàn nàn về thái độ các sỹ quan Đức là phân biệt đối xử với họ. Một người Czech 32 tuổi thuộc sư đoàn xe tăng 24, bị bắt vào ngày 28 tháng Chín, thậm chí còn tình nguyện chiến đấu cho phía Liên Xô. Tuy vậy, mối quan tâm hàng đầu trong thời điểm đó của bộ phận tình báo Hồng Quân là đánh giá cho đúng sự phụ thuộc của quân Đức vào các sư đoàn quân đồng minh dọc theo tuyến sông Đông và thảo nguyên Kalmyk.

       Nhiểu chỉ huy cấp trung đoàn phía Đức, vào lúc đó, rất lo ngại với những bổ sung được gửi đến. Một sỹ quan thuộc sư đoàn xe tăng số 14 viết rằng cần có “những biện pháp rất mạnh”    để thay đổi “việc thiếu niềm tin vào tương lai và lòng dũng cảm”.

       Tuy nhiên, điểm yếu nhất, lại đến từ những cánh quân Đồng minh, vốn hiện diện như những tập đoàn quân đầy đủ sức mạnh trên bản đồ tình huống của Hitler. Tinh thần của quân Ý, Romania và Hungaria vốn đã dao động bởi những cuộc tập kích riêng lẻ của du kích vào các chuyến tàu trên đường đến tiền tuyến. Và nó trở nên trầm trọng khi không quân Nga tấn công, ngay cho dù chỉ có vài ca thương vong. Rồi khi họ đối mặt với một cuộc tấn công từ phía lục quân Nga cùng với pháo phản lực Katyushha “đàn dương cầm Stalin”, quân lính bắt đầu tự hỏi rằng họ làm gì ở đây.

         Máy bay Sôviết thả truyền đơn viết bằng tiếng Hungari, Ý và Romani, nói rằng quân Đồng minh không chết vô nghĩa cho người Đức. Lối tuyên truyền này đặc biệt tốt với những sắc dân thiểu số. Người Serb và người Ruthenia bị bắt lính trong quân đội Hungary hầu hết muốn đào ngũ. “Làm sao chúng ta có thể tin tưởng vào những ai không phải là người Hung?” hạ sỹ Balogh viết trong nhật ký. Tình báo Hồng quân báo về Moscow rằng nhiều nhóm nhỏ có kế hoạch đào ngũ cùng nhau ngay cả  trước khi họ đến mặt trận. Khi quân Nga tấn công, họ trốn tiệt trong chiến hào và chờ ra hàng.

          Một người Ruthenia đào ngũ từ một trung đoàn nào đó, được thẩm vấn bởi NKVD đã khai rằng hầu hết đồng đội của anh ta cầu nguyện “Chúa giữ cho được sống sót” “cả ngày họ ngồi trong chiến hào. Hầu hết quân lính không muốn chiến đấu, nhưng họ sợ đào ngũ bởi tin vào các câu chuyện của sỹ quan rằng quân Nga sẽ tra tấn và bắn chết họ”.

          Một trong các vấn đề nghiêm trọng nhất của các lực lượng Đồng minh là sự lộn xộn. Các đơn vị tiền phương liên tục bị dội bom, pháo bởi chính quân họ. “Xin Chúa hãy giúp chúng con làm cho cuộc chiến này ngắn lại” hạ sỹ Balogh viết “mọi người dội bom, đạn vào chúng con”.                                             Rồi không đầy một tuần sau, anh ta viết tiếp “Hỡi Chúa nhân từ, xin hãy chấm dứt cuộc chiến kinh khủng này. Nếu chúng con còn tiếp tục thêm thì chắc là thần kinh sẽ bị đứt mất… Lẽ nào chúng con không còn có được một ngày Chủ nhật vui vẻ ở nhà? Liệu chúng con còn có cơ hội để dựa vào cánh cửa gia đình? Ở nhà họ có còn nhớ chúng con?”. Tinh thần hạ thấp đến nỗi giới chức quân sự Hungary cấm binh sỹ viết thư về nhà vì sợ sự hoang mang lan đến tận Budapest. Ngay cả hối lộ cũng không được. Trước một cuộc tấn công, quân lính được khích lệ bằng “bữa ăn tốt nhất có thể – với sôcôla, mứt trái cây, mỡ lợn, đường và ragu” nhưng hầu hết lại bị đau dạ dày bởi “không thể nạp nhiều thức ăn như vậy”

          “Quân Nga là những thiện xạ đáng nể” Balogh viết vào ngày 15 tháng Chín “Lạy Chúa, đừng để con là đích ngắm của họ. Chúng con đang đối mặt với những đơn vị thiện chiến nhất của Nga” viên hạ sỹ thiếu am hiểu này thêm vào “những tay súng Siberia dưới sự chỉ huy của Timoshenko. Chúng con lạnh, đó là vẫn chưa tới mùa đông. Và điều gì sẽ xảy ra nếu chúng con vẫn còn ở đây khi mùa đông đến? Hãy giúp con với, lạy Đức Mẹ Đồng Trinh, hãy cho con về nhà”. Những dòng của anh ta ngày hôm sau một lần nữa lại cầu xin “Chúa và Đức Mẹ Đồng Trinh” – là những dòng sau cùng. Nhật ký của Balogh được tìm thấy từ xác anh, cạnh bờ sông Đông, được dịch sang tiếng Nga vài ngày sau đó tại Bộ Chỉ Huy Phương diện quân Tây Nam của tướng Vatutin và gửi về Moscow.

        Tập đoàn quân số 8 Italia, đóng giữ cạnh sườn sông Đông giữa quân Hungaria và tập đoàn quân số 3 Romania, đã đựơc người Đức lưu tâm ngay từ cuối tháng Tám. Tổng hành dinh Quốc trưởng bị ép phải đồng ý rằng quân đoàn Lục quân XXIX phải được dùng để tăng cường cho sức phòng thủ của quân Ý. Ban tham mưu đã ra chỉ thị sau cho các sỹ quan liên lạc “Ta phải đối xử với họ lịch thiệp, cần phải hiểu biết về mặt tâm lý, chính trị…. Hoàn cảnh và môi trường ở Ý làm cho quân của họ khác với người của ta (Đức). Quân Ý dễ bị mệt mỏi hơn, nhưng ở khía cạnh nào đó khác thì họ lại sung sức. Chúng ta không nên trịch thượng trước đồng minh Ý, những con người gan dạ đã đến đây, trong những điều kiện khắc nghiệt và khác thường, để giúp chúng ta. Đừng gọi họ bằng những tên khó nghe và cũng đừng quá gay gắt với họ”.

         Những hiểu biết này chỉ thay đổi được chút xíu biểu hiện thiếu nhiệt tình với cuộc chiến của quân Ý. Như một trung sỹ, khi được thẩm vấn viên Sô viết hỏi tại sao cả tiểu đoàn của anh đầu hàng mà không bắn phát nào, đã trả lời với một lập luận hết sức dân dã: “Chúng tôi không bắn trả bởi chúng tôi nghĩ rằng đây là một sai lầm”.

         Tập đoàn quân VI, để thể hiện khối đoàn kết chống Quốc tế Cộng sản, có trong đội hình của mình một đơn vị Đồng minh là trung đoàn Croatia số 369 phối thuộc vào sư đoàn Jager 100 Áo. Ngày 24 tháng 9, Poglavnik của Croatia, TS. Ante Pavelíc, đã đáp phi cơ đến duyệt quân đội và gắn mề đay. Ông ta được tướng Paulus cùng dàn Vệ binh danh dự của Luftwaffe chào đón.

         Về mặt chiến lược, các đơn vị Đồng minh quan trọng nhất chính là hai tập đoàn quân Romania đóng hai bên cánh của tướng Paulus. Nhưng các đơn vị đó không chỉ trang bị kém mà còn không đầy đủ sức mạnh. Nhà cầm quyền Rumani, dưới áp lực của Hitler yêu cầu cung cấp thêm quân, đã vét đi hơn 2000 tù thường phạm với các tội danh hãm hiếp, cướp của, giết người. Một nửa trong số đó được đưa đến tiểu đoàn trừng giới đặc biệt 991, nhưng đa phần đã đào ngũ hay trận chạm súng đầu tiên với đối phương và đơn vị đó bị giải thế, số quân còn lại chuyển thuộc vào sư đoàn bộ binh số 5 ở mặt trận sông Đông, đối diện với quân của tướng Serafimovich.

        Giới sỹ quan Rumani bị hoang tưởng khác thường về việc đối phương thâm nhập vào hậu tuyến của họ. Khi có dịch lỵ bùng phát, thì điều này lại đựơc lưu tâm nghi ngờ quá mức. Như một thông điệp cảnh báo nội bộ sư đoàn bộ binh số 1 Rumani viết “Gián điệp Nga đã đem nhiều thuốc độc vào hậu phương gây ra thương vong trong quân ta. Chúng dùng thạch tín, một gam của nó đủ giết chết mười người”. Chất độc đựơc cho là dấu trong các bao diêm, và “gián điệp” được xác định là “phụ nữ, người nấu bếp và những người phụ giúp có liên quan đến việc cung cấp thực phẩm”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 05:31:59 pm
          Quân Đức các cấp, những ai có liên hệ với Đồng minh thường mất tinh thần vì cái cách mà sỹ quan Rumani đối đãi với binh sĩ của họ. Các sỹ quan đó có phong cách như “Chúa tể và chư hầu”. Một bá tước Áo, trung uý Graf Stolberg, báo cáo rằng “Tất cả các sỹ quan đều không tốt…. Họ không được binh sỹ yêu mến”. Một hạ sỹ, tình nguyện quân thuộc sư đoàn bộ binh 305 ghi chú rằng bếp dã chiến của quân Rumani chuẩn bị ba nhóm phần ăn “một dành cho sỹ quan, một cho NCO và một cho binh lính, phần sau cùng thì có rất ít thứ để ăn”.

        Quan hệ giữa hai quân đội Đồng minh được biểu lộ qua các cuộc cãi lộn thường xuyên. “Để tránh các vấn đề đáng tiếc hoặc hiểu lầm trong tương lai giữa binh sỹ Đức và Rumani, mà mối quan hệ thân tình đó vốn phải được gắn kết bằng máu trong các tình huống thông thường trên mặt trận”, Tư lệnh tập đoàn quân Rumani số 6 yêu cầu phải tổ chức “thăm hỏi, ăn tối, tiệc tùng và vâng vâng để các đơn vị Đức- Rumani thiết lập được mối liên hệ tinh thần gần gũi”.

        Trong đầu mùa thu năm 1942, các sỹ quan tình báo Hồng quân chỉ có ý niệm mơ hồ về sự tín nhiệm của Wehrmarch với quân “Hiwis” – những người tình nguyện. Trong khi chỉ có một số là tình nguyện thật thụ, còn hầu hết là tù binh chiến tranh Sô viết, tuyển mộ từ các trại để bổ sung cho tình trạng thiếu hụt nhân lực, chủ yếu là làm lao công, nhưng ngay cả phục vụ trong các hoạt động chiến đấu cũng tăng lên.

         Đại tá Groshcurth, tham mưu trưởng quân đoàn XI đóng ở khúc ngoặc lớn của sông Đông, nhận xét trong một lá thư gửi tướng Beck: “Thật là đáng lo khi chúng ta buộc phải tăng cường lực lượng cho các đơn vị chiến đấu bằng những tù binh chiến tranh Nga, họ sẵn sàng trở thành các pháo thủ. Có một cảm giác kỳ cục về việc những “tên quái vật” mà chúng ta từng đánh nhau giờ lại cùng sống và có cùng quyền lợi”.
 
         Tập đoàn quân VI có hơn 50.000 quân bổ trợ phân vào các sư đoàn tiền duyên, tương đương với một phần tư sức mạnh của họ. Ở sư đoàn bộ binh số 71 và 76, mỗi đơn vị có hơn 8,000 Hiwis, gần bằng với số người của họ vào thời điểm giữa tháng Mười Một (Đó là không tính số Hiwis trong các đơn vị còn lại của tập đoàn quân VI và các đơn vị phối thuộc khác, mà theo các ước tính có thể lên đến hơn 70,000).

          “Người Nga trong quân đội Đức có thể chia thành ba nhóm” một tay Hiwis bị bắt đã khai với người thẩm vấn NKVD “Nhóm thứ nhất, là lính được động viên vào quân Đức, còn được gọi là quân Cossack, thường được biệt phái vào các sư đoàn Đức. Nhóm thứ hai là các Hilfswillige được lấy từ dân địa phương hoặc tù binh Nga tình nguyện hoặc lính Nga đảo ngũ sang phía Đức. Nhóm này được mặc quân phục Đức với đầy đủ huy hiệu, cấp bậc. Họ ăn uống như quân Đức và hoạt động trong các trung đoàn Đức. Nhóm thứ ba là tù binh Nga làm những công việc bẩn thỉu, bếp núc, chăn ngựa v.v… Ba nhóm này được đối đãi khác nhau, dĩ nhiên là phần tốt nhất dành cho những kẻ tình nguyện. Lính trơn thì đối xử với chúng tôi cũng ổn, nhưng bọn sỹ quan và NCO thuộc sư đoàn Áo thì thật tệ.”

         Tay Hiwis này là một trong số mười một tù binh Nga lấy từ trại Novo-Aleksandrovsk lúc cuối tháng mười một năm 1941 để phục vụ cho quân Đức. Tám trong số đó bị bắn khi họ gục ngã trên đường hành quân vì đói. Người sống sót này được cho vào một bếp ăn dã chiến thuộc một trung đoàn bộ binh, ở đó hắn gọt khoai tây. Rồi được chuyển sang trông coi ngựa.

        Đa phần trong số gọi là các đơn vị Cossack thành lập để chống du kích và đàn áp ở vùng hậu phương, như tên Hiwis kể trên nhắc tới, có sự cân xứng cao của người Ucraina và người Nga. Hitler ghét cái ý tưởng người Slav trong quân phục Đức, thế mà họ phải định nghĩa lại như với trường hợp người Cossack, được xem như chấp thuận về mặt chủng tộc. Điều này phản ánh sự bất đồng cơ bản giữa hệ thống Quốc xã, vốn ám ảnh bởi việc nô dịch hóa hoàn toàn dân Slav, và giới sỹ quan chuyên nghiệp, tin rằng cơ hội duy nhất của họ là hành động như những người giải phóng cho dân Nga khỏi chủ nghĩa cộng sản. Ngay từ đầu mùa thu năm 1941, tình báo quân đội Đức đã đi đến kết luận rằng Wehrmacht không thể chiến thắng ở Nga nếu không biết từ một cuộc xâm lăng thành một trận nội chiến.

          Quân Hiwis được thuyết phục qua những lời hứa hẹn để tình nguyện từ các trại tù, nhanh chóng tỉnh ngộ ra. Như một anh lính đào ngũ người Ruthenian trong buổi thẩm vấn đã mô tả những Hiwis mà anh gặp khi tìm nước trong một ngôi làng. Rằng họ là người Ucraina đã đào ngũ sang phía Đức với hi vọng sẽ được về nhà. Họ nói với anh ta “Chúng tôi tin vào những tờ truyền đơn và muốn trở về với vợ mình”.

        Thay vào đó họ lại nhận thấy mình đang khoác lên bộ quân phục Đức và bị huấn luyện bởi sỹ quan Đức. Mà phương pháp rèn luyện thì thật tàn nhẫn. Họ có thể bị bắn vì “những lỗi nhỏ nhặt nhất” như là rớt lại sau tuyến hành quân. Rồi nhanh chóng sau đó, họ lại bị gửi ra tiền tuyến. “Vậy anh sẽ giết đồng bào mình à?” anh lính Ruthenian hỏi “Chúng tôi biết làm gì bây giờ?” họ trả lời “Nếu chúng tôi chạy về lại phía Nga, chúng tôi sẽ bị xem như những kẻ phản bội. Còn nếu không chiến đấu, chúng tôi sẽ bị quân Đức bắn”.

          Hầu hết các đơn vị tiền duyên Đức dường như đối xử với quân Hiwis của họ tốt, dẫu rằng vẫn có biểu lộ của sự coi thường. Một phân đội chống tăng thuộc sư đoàn tăng số 22 ở bờ Tây sông Don thường cho tay Hiwi, mà họ gọi là Ivan, áo khoát và súng trường để bảo vệ đại bác chống tăng khi họ xuống làng uống chút gì đó, nhưng có một lần, họ phải chạy về để cứu hắn bởi một toán quân Romania, khi biết được gốc gác của tay đó đã muốn bắn hắn ngay tại trận.

         Với nhà cầm quyền Soviet, ý tưởng về các cựu Hồng quân phục vụ cho Wehrmacht bị hoàn toàn làm nhiễu loạn. Họ đi đến kết luận là việc thanh lọc và công tác của Bộ phận Đặc biệt là gần như không đủ triệt để. Ban chính trị phương diện quân Stalingrad và NKVD bị ám ảnh bởi việc các Hiwis được dùng để thâm nhập vào tuyến của họ. “Ở vài địa đoạn mặt trận” Shcherbakov được thông báo “có vài trường hợp Nga-gian mặc quân phục Hồng quân và thâm nhập vào các vị trí ta để thám sát, bắt cóc lính, sỹ quan để thẩm vấn”. Ở khu vực của sư đoàn Bộ binh số 38 (tập đoàn quân 64), trong đêm 22 tháng Chín, một nhóm tuần tra trinh sát Soviet đã đụng độ với một tổ cảnh vệ Đức. Phía Hồng quân báo cáo khi quay về rằng có ít nhất một tên “Nga gian” trong số quân Đức. Cụm từ “Nga gian” được dành cho bản án tử hình với hàng trăm, hàng ngàn người trong các phiên tòa ba năm sau đó, như SMERSH tập trung trong câu hỏi về hành động bội tín, vốn nằm sâu trong tâm trí Stalin.

        Bằng việc nhanh chóng tước bỏ quốc tịch của những kẻ chống đối và ly khai, Liên Xô cố ngăn chặn bất kỳ bất kỳ dấu hiệu nào của sự bất mãn, không trung thành trong cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 05:34:47 pm
                                                                                                XII

                                                                                    PHÁO ĐÀI SẮT THÉP VÀ VỤN VỠ
   
 

          “Liệu Stalingrad có thành một Verdun thứ hai không?”. Đại tá Groscurth viết trong ngày 4 tháng Mưới “Đó là những gì mà mọi người ở đây hỏi với sự quan ngại lớn”. Sau bài phát biểu của Hitler ở sân vận động Berlin Sportpalst bốn ngày trước, tuyên bố rằng không ai có thể đẩy được họ ra khỏi các vị trí trên sông Volga, Groscurth và những người khác đã cảm thấy rằng Tập đoàn quân VI sẽ không được phép ngừng trận chiến này nữa, bất kể hậu quả gì. “Nó gần như trở thành một thứ vấn đề uy tín giữa cá nhân Hitler và Stalin”

        Trận tấn công lớn của phía Đức vào quận Nhà máy ở phía bắc Stalingrad bắt đầu khá tốt trong ngày 27 tháng Chín, nhưng lúc cuối ngày thứ hai, các sư đoàn Đức biết rằng họ lâm vào một trận chiến khó khăn nhất từ trước tới giờ. Khu liên hợp Tháng Mười Đỏ và xưởng pháo binh Barrikady trở thành các pháo đài chết chóc như ở Verdun. Họ bị nguy hiểm cực kỳ vì các trung đoàn Soviet ẩn nấp rất tốt.

       Các sỹ quan sư đoàn bộ binh Siberia số 308 của Gurtiev, khi vừa đến xưởng Barrikady và đoạn đường sắt tránh tàu của nó, đã nhận thấy “những phân xưởng sửa chữa to, cao, đen trũi, và những tuyến ray lấp lánh ướt đè lên những toa hàng hư hại gỉ sét nằm hỗn độn, những cột xà thép gãy nằm ngổn ngang trên một diện tích tương đương với quảng trường thành phố, những đống than đá và xỉ đỏ, những ống khói to lủng lỗ chỗ bởi đạn pháo Đức”

         Gurtiev bố trí hai trung đoàn để bảo vệ xưởng, còn trung đoàn thứ ba giữ cạnh sườn bao gồm cả hẻm núi sâu chạy xuyên từ khu tập thể công nhân đã bị cháy rụi đến sông Volga. Và nơi này nhanh chóng được biết đến là “hẻm tử thần”. Quân Siberi không để phí thời gian. “Trong sự im lặng kinh người, họ đào trên vùng đất sỏi đá bằng cuốc chim, đục lỗ châu mai trên tường nhà máy, làm hầm trú ẩn, boongke và giao thông hào”. Một sở chỉ huy được thiết lập tại đoạn hào vách bê tông dài chạy dưới một nhà xưởng lớn. Gurtiev nổi danh là một người luyện quân khắc nghiệt. Khi còn nằm trong thê đội dự bị ở bờ đông sông Volga, ông đã bắt họ phải đào chiến hào, rồi cho xe tăng chạy qua. “Kỷ luật sắt” như các đó là phương thức tốt nhất để dạy họ đào hào cho sâu.

          May mắn cho quân Siberia, chiến hào của họ đã sẵn sàng khi những chiếc Stuka ập đến. “Nhạc công” hay “máy hét”, như quân Nga gọi những chiếc máy bay ném bom bổ nhào này bởi tiếng hú rền rĩ của nó, gây ít sát thương hơn thông thường... Quân Siberia làm những chiến hào hẹp, vì thế giảm được ảnh hưởng của mảnh bom, nhưng những đợt sóng chấn động liên miên do sức nổ làm mặt đất rung chuyển như bị động đất và gây ra những cơn đau dạ dày. Những tiếng nổ lớn còn gây cho mọi người bị điếc tạm thời. Đôi khi, những đợt sóng xung kích mạnh còn làm vỡ kiếng và hệ thống vô tuyến phải tạm ngưng tiếng.

         Các cuộc tấn công dọn đường của không quân kéo dài cho đến hết ngày. Sáng hôm sau, khu Barrikady bị các phi đoàn Heinkel 111 ném bom rải thảm và bị pháo binh bắn phá. Đột nhiên, hỏa lực Đức ngưng bặt. Ngay trước khi tiếng hô cảnh báo “Hãy sẵn sàng!”, thì quân Siberia đã chuẩn bị cho họ xong, biết rõ rằng cái điềm yên tĩnh kia nói lên điều gì. Chỉ giây lát sau, họ nghe thấy tiếng rít, tiếng nghiến kèn kẹt của xích xe tăng trên đống đổ nát.

         Trong những ngày kế tiếp, bộ binh Đức nhận ra rằng quân Siberia của Gurtiev không ngồi yên để đợi họ. “Quân Nga tấn công từ sáng mới đến tối mịt” một NCO của sư đoàn Jager 100 báo cáo. Sách lược ngông cuồng tột độ của Chuikov khi liên tục phản công làm các tướng lĩnh Đức kinh ngạc, dù họ buộc phải chấp nhận rằng điều này làm thiệt hại quân của mình. Tuy thế, Phương tiện phòng thủ hữu hiệu nhất lại là đại bác hạng nặng đặt ở phía bờ đông sông Volga, mỗi khi kế hoạch bắn của họ được phối hợp.

          Ở khu liên hợp Tháng Mười Đỏ, các đơn vị thuộc sư đoàn chống tăng số 414 dấu pháo 45mm và 96mm của họ vào trong các đống đổ nát, dùng những tấm thép vỡ để ngụy trang và che chắn. Họ được định vị để bắn với khoảng cách chỉ từ 150 thước trở xuống. Bình minh ngày 28 tháng Chín, hai trung đoàn thuộc sư đoàn bộ binh 193 qua được sông Volga và nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí. Cuộc “xông đất” của họ bắt đầu bằng một đợt công kích ồ ạt của máy bay Stukas trong ngày hôm sau. Đà tiến của quân Đức buộc họ phải khẩn cấp có thêm viện binh. Và sư đoàn bộ binh Cận vệ 39 được gửi qua dù rằng nó mới chỉ đạt một phần ba sức mạnh của mình.

        Các cuộc tấn công phía Đức càng mạnh hơn trong tháng Mười, đặc biệt khi có thêm tăng viện là sư đoàn bộ binh 94, sư đoàn xe tăng 14 và năm tiểu đoàn công binh chiến đấu vừa không vận đến. Về phía Sô viết, các đơn vị hoàn toàn bị xé lẻ và thường mất liên lạc, nhưng từng cá nhân, từng nhóm vẫn tiếp tục chiến đấu mà không cần lệnh. Ở khu vực Barrikady, lính công binh Kossichenko và một lính lái tăng không rõ tên, mỗi người đều bị gãy một tay, đã rút chốt lựu đạn bằng răng. Khi đêm xuống, cánh công binh vẫn tiếp tục chạy lên phía trước, mang theo mìn chống tăng, mỗi lần hai quả, “cắp chúng dưới nách như cắp bánh mỳ”, và chôn vào các đống đổ nát trên các hướng tiếp cận. Grossman viết rằng “Các cuộc tấn công quân Đức cuối cùng phải chùng lại bởi những người lính Siberi bướng bỉnh, ngang ngạnh”. Một tiểu đoàn công binh Đức chỉ trong một trận tấn công đơn lẻ, đã bị thương vong đến 40%. Viên chỉ huy sau khi đến thăm quân mình, đã ra về với gương mặt lặng câm, hóa đá.

         Các sư đoàn của Chuikov bị thiệt hại nghiêm trọng, mệt mỏi và thiếu đạn dược. Nhưng vào ngày 5 tháng 10, tướng Golikov, cấp phó của Yeremenko, đã vượt sông và mang đến lệnh của Stalin rằng thành phố phải đứng vững và những phần bị quân Đức tạm giữ phải được tái chiếm. Chuikov chả thèm quan tâm tới mệnh lệnh ngớ ngẩn đó. Ông ta biết cơ hội duy nhất của mình để có thể trụ nổi là nhờ vào các cuộc pháo kích từ bên kia sông. Phía Đức cũng nhanh chóng cho Yeremenko thấy sự không thích hợp đó. Sau ngày 6 tháng 10 khá yên lặng, quân Đức mở một cuộc tấn công lớn vào xí nghiệp máy kéo Stalingrad với sư đoàn xe tăng 14 đánh từ phía tây-nam và sư đoàn mô tô hóa số 60 từ phía tây. Một trong các tiểu đoàn của sư 60 đó gần như bị xóa sổ bởi những loạt Katyushas bắn kịch tầm. Góc nâng được tăng thêm do bánh sau của những chiếc xe mang dàn phóng được kê lên trên bờ dốc đứng của sông Volga. Trong khi đó, một bộ phận của Sư đoàn tăng 16 (Đức) tấn công vùng ngoại ô khu công nghệ Spartakovka ở phía bắc, đẩy lùi những phần còn lại của Sư đoàn bộ binh 112 và Lữ đoàn đặc biệt 124.

        Tập đoàn quân của tướng Chuikov, lúc này chỉ còn giữ được một dải đất mỏng manh dọc bờ tây, tưởng chừng như luôn luôn có thể bị đẩy xuống sông.

         Việc vượt sông Volga càng trở nên nguy hiểm hơn khi chu vi phòng thủ của tập đoàn quân 62 giảm xuống trầm trọng. Các pháo đội Đức, thậm chỉ cả đại liên cũng có thể trực xạ vào các vị trí đổ bộ. Một cây cầu phao hẹp nối liền đảo Zaitsevsky đến bờ tây được xây bởi một tiểu đoàn thủy binh Volga đến từ Nam Tư. Nó cho phép một dòng liên miên như đàn kiến, những người tải thức ăn, đạn dược băng qua sông trong đêm đen. Kích thước nhỏ của nó làm giảm tối đa mục tiêu, nhưng những bước chân cũng làm cho ván cầu rung rinh không ngớt, thêm vào đó là sức nổ của đạn pháo trên mặt sông ở hai bên cũng làm cho mỗi chuyến đi thêm phần kinh hoàng. Thuyền vận tải vẫn cần thiết cho việc chuyển vận những thiết bị to nặng, cũng như để di tản thương binh. Xe tăng bổ sung được đưa qua bằng sà lan. “Ngay khi trời vừa sẩm tối” Grossman viết “những người có trách nhiệm cho cuộc vượt sông ra khỏi hầm hào, boongke và những nơi ẩn náu”.

        Cạnh bên các điểm vượt sông ở bờ đông là những lò bánh mỳ dã chiến trong boongke, là bếp ngầm để cung cấp thực phẩm nóng vào bình thủy và cả nhà tắm. Bất chấp những tiện nghi tương đối này, chế độ ở bờ đông cũng gần khắt nghiệt như trong thành phố. Đội thuyền vận tải và thủy thủ đoàn chịu lệnh trực tiếp của vị chỉ huy NKVD mới, thiếu tướng Rogatin, cũng là chỉ huy quân quản của Quận Sông.

       Mức độ thương vong trong thủy thủ giang đoàn Volga cũng bằng với các tiểu đoàn tiền duyên. Ví dụ, chiếc tàu hơi nước Lastochka (nghĩa là Chim Nhạn) trong khi di tản thương binh, đã nhận đến mười phát đạn bắn thẳng, chỉ trong một chuyến đi. Những người sống sót sửa chữa các vết thủng trong cả ngày, và rồi lại sẵn sàng phục vụ trở lại trong đêm tiếp theo. Thiệt hại do những tai nạn do áp lực cao cũng khá nặng nề.

         Ngày 6 tháng 10, một chiếc tàu chở quá tải đã lật úp, mười sáu trong số hai mốt người bị chết đuối. Và không lâu sau đó, một chiếc khác cập bờ trong đêm sai vị trí, và 34 người hy sinh ở bãi mìn. Dù muộn chút xíu, trong ngày, tai nạn được báo cho nhà cầm quyền để “quây bãi mìn bằng thép gai”.

        Sự căng thẳng trong công việc đưa đến các cuộc rượu chè say sưa nếu có cơ hội. Ngày 12 tháng Mười, lính NKVD khi tìm kiếm quân đào ngũ đã kiểm tra vài ngôi nhà ở một ngôi làng cạnh bờ sông Tumak, và họ phát hiện thấy một “khung cảnh đáng thất vọng”. Một đại úy, một chính trị viên, một trung sỹ quân nhu, và một hạ sỹ thuộc Giang đoàn Volga cùng Bí thư đảng ủy địa phương “Say không biết trời đất”, và như theo báo cáo ghi nhận, là nằm ngay trên sàn nhà “trong trạng thái ngủ với phụ nữ”. Vẫn còn trong tình trạng say xỉn, họ bị kéo đến trước mặt “chỉ huy NKVD tại Stalingrad, thiếu tướng Rogatin”.

          Cũng có những tình huống lạ lùng ở bên kia bờ. Ngày 11 tháng Mười, trong một trận chiến gay go ở xí nghiệp máy kéo Stalingrad, T-34 của lữ đoàn xe tăng 84 cùng với lính của sư đoàn bộ binh cận vệ 37 ngồi trên tháp pháp, trên ô động cơ, phản công vào sư đoàn tăng 14 Đức ở phía tây nam xí nghiệp. Cả hai đơn vị Sô viết này đều mới đến bờ Tây. Một lính lái tăng, không nhìn thấy có một hố bom nên lái thẳng qua nó. Theo báo cáo thì “Đại đội trưởng đại đội bộ binh, đang say rượu” nổi cơn thịnh nộ vì cú sóc ghê gớm đó, đã nhảy xuống. “Hắn chạy đến trước chiếc xe, mở cửa sập và bắn hai phát, giết chết người lái tăng”.

         Trong tuần thứ hai của tháng Mười, cuộc chiến có chút tạm lắng. Tướng Chuikov, đã đúng khi nghi ngờ rằng quân Đức đang chuẩn bị cho một trận tấn công lớn hơn, khả năng là có thêm viện binh.

         Tướng Paulus cũng bị áp lực từ Hitler tương tự như Chuikov từ phía Stalin. Ngày 8 tháng Mười, cụm tập đoàn quân B, theo lệnh từ Tổng hành dinh Quốc trưởng, đã yêu cầu tập đoàn quân Sáu chuẩn bị một trận tấn công lớn vào phía bắc Stalingrad, và bắt đầu chậm nhất là vào ngày 14 tháng Mười. Paulus và Ban tham mưu đã bị mất hết tinh thần bởi những thiệt hại của họ. Một trong các sỹ quan của ông đã ghi vào nhật ký chiến tranh rằng sư đoàn bộ binh 94 giảm xuống chỉ còn 535 tay súng, “điều này có nghĩa là sức chiến đấu trung bình của một tiểu đoàn bộ binh chỉ còn 3 sỹ quan, 11 NCO và 62 lính”. Anh ta cũng mô tả rằng sư đoàn bộ binh 76 là “mất sức chiến đấu”. Chỉ còn sư đoàn bộ binh 305, tuyển mộ từ bờ bắc hồ Constance là trù bị của Tập đoàn quân VI để tăng cường cho các đơn vị chiến đấu.

         Quân Đức, qua truyền đơn và loa phóng thanh, đã không giữ bí mật cho việc chuẩn bị của họ. Câu hỏi duy nhất còn lại là dự đoán mục tiêu tấn công. Các đại đội trinh sát Sô viết được điều đi hằng đêm để tóm lấy càng nhiều “cái lưỡi” càng tốt. Các lính gác vô phước hoặc những người tải lương bị kéo về phía sau để dành cho các cuộc thẩm vấn chuyên sâu, và tù binh, thông thường qua nỗi khiếp sợ do luận điệu tuyên truyền của phát xít về các phương pháp tra tấn của phía Bolshevik, đã rất hăm hở để nói. Bộ phận tình báo của tập đoàn quân 62 đã nhanh chóng kết luận sau khi tổng hợp từ các nguồn tin, rằng nỗ lực chính là nhằm thẳng vào xí nghiệp máy kéo. Những công nhân còn lại ở đó và ở xí nghiệp Barrikady, những người đã sửa chữa xe tăng, pháo chống tăng cho cuộc chiến, đã được tuyển mộ vào các tiểu đoàn tiền duyên hoặc với các chuyên viên đặc biệt, thì sơ tán sang bên kia sông.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 05:36:58 pm
        May mắn cho tập đoàn quân 62, các phân tích của bộ phận tình báo là chính xác. Mục tiêu của phía Đức là chiếm được xí nghiệp máy kéo và dãy nhà gạch ở phía nam, rồi sau đó duỗi về phía bờ sông. Tướng Chuikov mạo hiểm quyết định đưa các trung đoàn từ đồi Mamaev Kurgan lên cánh bắc. Tuy nhiên, vị tướng này đã rất lo sợ khi nghe rằng Bộ Tư lệnh tối cao STAVKA giảm mức phân phối đạn pháo cho phương diện quân Stalingrad. Đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy một cuộc phản công lớn đang được chuẩn bị. Ông ta đã đột nhiên hiểu ra với nhiều cảm xúc tổng hợp rằng, Stalingrad là một miếng mồi cho một cái bẫy khổng lồ.

         Thứ Hai, ngày 14 tháng Mười, 6 giờ sáng, giờ Đức, trận tấn công của Tập đoàn quân VI bắt đầu trên một cửa đột phá hẹp, mọi chiếc Stuka có thể huy động thuộc Không đoàn 4 của tướng Von Richthofen được sử dụng. “Không gian ngập tràn máy bay” một người lính trong sư đoàn bộ binh 389 viết trước khi xuất phát tấn công, “mọi khẩu pháo cao xạ nổ vang, tiếng bom gầm, máy bay đâm nhào xuống đất, một khung cảnh kỳ vỹ mà chúng tôi đang xem với nhiều cảm xúc khác nhau từ chiến hào”. Đại bác, cối quân Đức bắn phá từng hầm hào, đạn phốt pho đốt cháy những gì có thể bắt lửa.

        “Trận chiến ghê hồn với toàn bộ những phương tiện có thể” một sỹ quan của Chuikov viết “quân ta trong giao thông hào lắc lư, loạng choạng, cảm giác như thể đang ở trên boong tàu trong cơn bão lớn”.

       Các chính ủy rõ ràng cảm thấy một sự thôi thúc trở nên thơ mộng “Chúng tôi, những ai nhìn lên bầu trời đen kịt của Stalingrad trong những ngày này” Dobronin viết cho Shcherbakov ở Moscow “sẽ không bao giờ quên được. Nó đầy vẻ đe dọa với những đám cháy hồng lên không gian”.

       Cuộc chiến bắt đầu với trận đánh chủ yếu vào xí nghiệp máy kéo từ hướng tây nam. Đến trưa, một phần của Quân đoàn xe tăng XIV được lệnh ép xuống từ hướng bắc. Tướng Chuikov không do dự. Ông lệnh cho lực lượng thiết giáp chủ lực của mình, lữ đoàn xe tăng 84, chống lại trận xung phong chính của ba sư đoàn bộ binh Đức với mũi nhọn là sư đoàn xe tăng 14.

       “Yểm trợ từ các loại vũ khí hạng nặng cho chúng tôi mạnh mẽ bất thường” một NCO của sư bộ binh 305 viết “Nhiều khẩu đội cối phản lực Nebelwerfer, máy bay ném bom Stuka, và đại bác tự hành với số lượng chưa hề thấy trước đây dội hỏa lực vào quân Nga, còn những kẻ cuồng tín đó đang thể hiện sức kháng cự ghê gớm”.

        “Đó là một trận chiến kinh khủng, kiệt lực” một sỹ quan trong sư đoàn tăng 14 (Đức) viết “trên mặt đất, trong đống đổ nát, hầm hào, cống rãnh của nhà máy. Xe tăng trèo qua các đống đổ nát, vụn vỡ, riết róng trườn qua những thứ hỗn độn của nhà xưởng bị phá hủy và bắn thẳng với khoảng cách rất ngắn. Nhiều chiếc bị sốc hoặc nổ tung bởi mìn của quân địch”. Đạn đại bác rót vào những cấu kiện sắt của nhà xưởng làm tung lên những tia lửa có thể nhìn thấy được qua làn bụi khói.

         Mức chịu đựng của quân Sô viết thật không thể tưởng tượng nổi, nhưng họ vẫn không trụ nổi trước sức mạnh ở trung tâm vùng công kích. Trong suốt buổi sáng đầu tiên, lực lượng xe tăng Đức đã chọc thủng và cắt rời sư đoàn Cận vệ số 37 của Zholudev và sư đoàn bộ binh 112. Tướng Zholudev bị chôn sống trong boongke của mình sau một phát nổ, điều này là bình thường trong những ngày ác liệt đó. Binh lính đã đào cứu được ông ra và đưa về sở chỉ huy tập đoàn quân.

         Những người khác thì dùng vũ khí của các liệt sỹ và tiếp tục chiến đấu. Những chiếc xe tăng phủ đầy bụi của quân Đức xộc thẳng vào khu nhà xưởng to lớn của xí nghiệp máy kéo, như những con quái vật tiền sử, phun đại liên ra xung quanh, nghiến xích lên những mảnh kiếng rơi xuống từ giếng trời. Rồi trong các trận cận chiến diễn ra sau đó, đường phân tuyến giữa các bên không còn phân biệt được. Những nhóm lính cận vệ của Zholudev bất thình lình tấn công từ mọi phía. Trong tình hình như vậy, một sỹ quan quân y Đức khôn khéo đã đặt trạm sơ cứu tiền phương của mình ngay trong một lò luyện kim.

         Ngày thứ hai của cuộc tấn công, 15 tháng Mười, sở chỉ huy tập đoàn quân 6 cảm thấy có thể báo cáo rằng: “Phần lớn xí nghiệp máy kéo nằm trong tay ta. Chỉ còn vài túi kháng cự ở phía sau chiến tuyến.”. Sư đoàn bộ binh 305 đẩy được quân Nga trở lại bên kia đường sắt ở nhà máy gạch. Đêm đó, sau khi sư đoàn xe tăng 14 chọc thủng phòng tuyến xí nghiệp máy kéo, thì trung đoàn pháo thủ tăng 103 của nó, đã táo bạo chọc xuống bờ sông Volga chỗ các bồn dầu, bộ binh Sô viết phản kích từ các khe, rãnh. May mắn cho tập đoàn quân 62, tướng Chuikov đã di chuyển sở chỉ huy đi, vì lý do liên lạc kém. Trận chiến giảm bớt cường độ. Lữ đoàn xe tăng 84 (Nga) tuyên bố rằng đã tiêu diệt “hơn 30 xe tăng hạng trung và hạng nặng của bọn phát xít” trong khi bị thiệt hại 18 xe.

          Thương vong nhân mạng của lữ đoàn thì “còn đang được tính toán” trong báo cáo hai ngày sau đó. Dù con số cho xe tăng phía Đức bị hạ gần như là quá lạc quan, thì những chỉ huy cấp thấp của lữ đoàn cũng cho thấy được tinh thần dũng cảm trong ngày đó.

          Chính ủy một trung đoàn pháo hạng nhẹ, Babachenko, đã nhận được danh hiệu Anh hùng Liên xô vì lòng dũng cảm của mình, khi một khẩu đội pháo bị cô lập. Qua radio, ở sở chỉ huy nhận được thông điệp vĩnh biệt: “Đã phá hủy đại bác. Khẩu đội bị bao vây. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu và không đầu hàng. Gửi lời chào tốt đẹp đến mọi người!”. Và rồi, với lựu đạn, súng trường, tiểu liên, các pháo thủ đã phá được vòng vây của quân thù, thiết lập một vị trí mới giúp khôi phục địa đoạn phòng thủ.

          Có vô vàn trường hợp dũng cảm chưa được ca tụng của những người lính bình thường, như một chính trị viên đã thêm vào “chủ nghĩa anh hùng quần chúng thật sự”. Cũng có những trường hợp các cá nhân anh hùng được loan báo, như của đại đội trưởng sư đoàn bộ binh cận vệ 37, trung úy Gonychar, cùng với khẩu đại liên thu được và bốn chiến sỹ, đã đẩy lùi một đợt xung phong mạnh của quân Đức vào thời điểm nguy ngập. Không ai biết có bao nhiêu chiến sỹ Hồng quân đã ngã xuống trong ngày hôm đó, nhưng có tới 3500 thương binh được chuyển qua sông trong đêm. Những lính tải thương không thể hỗ trợ xuể và rõ ràng có nhiều thương binh phải tự bò xuống sông.

          Những chỉ huy Đức ở ngoài thảo nguyên yêu cầu có tin tức thường xuyên về diễn tiến trong thành phố. “Tường nhà máy, xí nghiệp, các bộ phận máy móc, cả cái cấu trúc khổng lồ đó đã đổ sập trong trận bão bom đạn” tướng Strecker viết cho một người bạn “nhưng quân thù vẫn tái xuất hiện, tận dụng chính những đống đổ nát mới tạo ra đó để gia cố cho vị trí phòng thủ của chúng”. Nhiều tiểu đoàn Đức chỉ còn chừng 50 quân. Trong đêm họ gửi xác đồng đội về phía sau để chôn cất. Lòng hoài nghi của lính Đức với các cấp chỉ huy tăng lên. Một người lính thuộc sư đoàn bộ binh 389 viết về nhà “Vị tướng của chúng tôi, Jeneke [Jaenecke], kiếm được huân chương chữ thập hiệp sỹ ngày hôm kia. Giờ lão ấy đạt được mục đích của lão rồi”

           Trong suốt sáu ngày kể từ ngày 14 tháng Mười, không quân Đức duy trì tấn công vào việc vượt sông và các đơn vị. Thật khó có lúc nào mà không có máy bay Đức trên đầu. “Sự giúp đỡ của lực lượng tiêm kích là cần thiết” ban chính trị của phương diện quân Stalingrad ghi chú trên tài liệu mật than phiền về không quân Nga gửi cho Moscow. Nhưng sự thật là lúc đó tập đoàn không quân 8 còn không quá hơn 200 máy bay các loại, mà trong đó chỉ có chừng hai tá máy bay tiêm kích.

          Và rồi đến cả phi công Đức cũng chia sẽ mối hoài nghi đang lớn dần với các lực lượng mặt đất về những thể hiện không thể tin nổi của quân Nga phòng thủ Stalingrad. Một người viết về nhà ”Anh không thể hiểu nổi, làm sao con người có thể sống sót trong cái địa ngục này, thế mà đến giờ quân Nga vẫn bám chắc và các đống đổ nát, các hầm, hố và bộ khung thép hỗn độn vốn là nhà xưởng đó”. Những phi công đó cũng hiểu rằng hiệu lực của họ sẽ giảm nhanh chóng khi ngày ngắn lại và thời tiết xấu đi.

         Việc quân Đức tiến thành công về sông Volga ngay ở phía dưới xí nghiệp máy kéo Stalingrad đã cắt rời những lực lượng còn lại của sư đoàn bộ binh 112 và các lữ đoàn dân quân vốn đang đối mặt với quân đoàn xe tăng XIV (Đức) về phía tây và phía bắc. Đồng thời hợp vây những đơn vị rời rạc của sư đoàn bộ binh cận vệ 37 vẫn đang tiếp tục chiến đấu trong khu vực xí nghiệp máy kéo. Những gì còn lại của các đơn vị khác bị ép về phía Nam. Mối đe dọa lớn nhất với những ai còn sống thuộc Tập đoàn quân 62 là mũi tiến của quân Đức xuống bờ sông đã cắt rời sư đoàn của Gorishny khỏi hậu phương.

         Sở chỉ huy mới của tướng Chuikov luôn trong mối nguy hiểm thường trực. Đội Cận vệ của nó phải thường xuyên tham gia chiến đấu. Khi việc liên lạc của tập đoàn quân 62 thường xuyên bị mất, tướng Chuikov đã xin phép được chuyển một nhóm hậu cần của sở chỉ huy sang bờ trái, trong khi nhóm tiền phương gồm cả Hội đồng quân sự, vẫn tiếp tục ở lại bên bờ Tây. Nhưng Yeremenko và Khrushchev, quá biết về phản ứng của Stalin nên đã từ chối thẳng cánh.

          Cũng trong ngày 16 tháng Mười, quân Đức định tiến công từ xí nghiệp máy kéo sang nhà máy Barrikady, nhưng hỏa lực của những chiếc xe tăng Nga chôn lưng chừng trong các đổng đổ nát và những loạt Katyusha từ bờ sông đã bẻ gãy nó. Trong đêm, phần còn lại Sư đoàn bộ binh 138 của tướng Lyudnikov được mang qua sông. Ngay khi họ vừa hành quân lên bờ, họ phải đạp lên “hàng trăm thương binh đang bò về phía bãi đổ bộ”. Những binh sỹ mới tinh này được ném ngay vào tuyến phòng ngự chéo trên phía bắc nhà máy Barrikady.

           Tướng Yeremenko cũng qua sông trong đêm đó để tự nhận định tình hình. Nặng nề tựa vào cây gậy, hậu quả của vết thương từ năm ngoái, ông leo lên bờ sông đến cái hầm vênh váo của sở chỉ huy Tập đoàn quân 62. Những hố bom, những thanh xà của hầm hố bị chém vụn khi nhận phải những phát đạn trực tiếp, còn vương vãi gây ra chút ý niệm. Vật vã người còn sống phủ đầy bụi và tro. Tướng Zholudev nghẹn ngào trong nước mắt, tính toán lại thiệt hại của sư đoàn mình trong khu xí nghiệp máy kéo. Nhưng qua ngày hôm sau, khi tướng Yeremenko quay về, sở chỉ huy Phương diện quân cảnh báo Chuikov rằng, ngay cả đạn dược cũng có thể được cung cấp ít bớt đi.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 05:40:17 pm
         Sau khi quân Đức cắt rời lực lượng Sô viết ở cánh bắc xí nghiệp máy kéo Stalingrad từ đêm 15 tháng Mười, tướng Chuikov nhận được rất ít tin tức khích lệ từ họ, mà thay vào đó là “vô số yêu cầu” từ sở chỉ huy sư đoàn bộ binh 112 và lữ đoàn đặc biệt 115 xin được phép rút qua bên kia sông Volga. Cả hai đơn vị dường như cung cấp “thông tin sai sự thật” và thông báo rằng các trung đoàn của họ đã hầu như kiệt quệ. Yêu cầu rút quân này, tương đương với hành động phản quốc theo lệnh của Stalin, đã bị từ chối. Vài hôm sau, trong khoảng thời gian tạm yên, tướng Chuikov đã gửi đại tá Kamynin đến để kiểm tra tình hình các trung đoàn trên. Ông ta nhận thấy sư đoàn bộ binh 112 vẫn còn 598 quân trong khi lữ đoàn đặc biệt 115 còn 890 người. Viên chính ủy, theo như báo cáo, “thay vì tập trung tổ chức hành động phòng ngự…. lại không có mặt ở vị trí và cố thuyết phục viên tư lệnh rút lui qua bên kia sông Volga”. Vì “hành vi bội phản với công cuộc phòng thủ Stalingrad” và vì “sự hèn nhát hiếm có”, viên tư lệnh và chính ủy bị kết tội và ra tòa án binh của hội đồng quân sự tập đoàn quân 62 sau đó. Số phận của họ ra sao không được ghi lại, nhưng sẽ khó có chút khoan dung nào từ tướng Chuikov.

          Những cuộc tấn công nghi binh bắt đầu diễn ra từ ngày 19 tháng Mười bởi phương diện quân sông Đôn ở phía tây-bắc và của Tập đoàn quân 64 từ phía nam. Những nổ lực của họ nhằm giảm bớt áp lực lên Tập đoàn quân 62, dù chỉ vài ngày, những thời khắc xả hơi đó cho phép các trung đoàn bị bầm dập được tải qua bên kia sông Volga và tái lập với lực lượng tăng viện. Việc hỗ trợ về mặt tinh thần lại là một hình thức lạ thường. Có một lời đồn đãi lan rộng khắp nơi rằng đồng chí Stalin đã đích thân đến thành phố. Ngay cả một người Bôn sê vích già chiến đấu trong vòng vây ở Tsaritsyn cũng tuyên bố rằng lãnh tụ vĩ đại đã xuất hiện ngay tại sở chỉ huy cũ. Việc này làm gợi nhớ đến sự xuất hiện thần kỳ của thánh St Jame trong quân đội Tây Ban Nha khi chiến đấu với quân Moor, và rõ ràng là không có chút cơ sở sự thật nào cả.

          Nhưng một quan chức dân sự, tuy vậy, lại nhiệt tình muốn thăm bờ tây vào lúc ấy. Đó chính là Dmitry Manuisky, một người kỳ cựu của quốc tế cộng sản III, người đã cùng triển khai một cố gắng bất thành với Karl Radek nhằm nổ ra cuộc cách mạng Đức lần thứ hai vào tháng Mười năm 1923, ngay trước khi Lê nin qua đời. Sau đó ông là người Ukraina có trách nhiệm lớn cho cuộc tàn phá của Stalin dành cho Ukraina trong năm 1933. Manuisky có sự nhiệt tình đặc biệt cho việc kể trên, nhưng tướng Chuikov đã kiên quyết từ chối yêu cầu của ông sang thăm bờ Tây.

          Trở lại Berlin, tâm trạng của Goebbel chao đảo giữa việc thuyết phục rằng sự sụp đổ của Stalingrad là sắp xảy ra – ông ta đã ra lệnh vào ngày 19 tháng Mười rằng tất cả những người nhận huân chương chữ thập hiệp sỹ phải được đưa về để báo chí phỏng vấn – và sự cẩn trọng. Lo rằng người dân Đức có thể thất vọng với diễn tiến chậm chạm này, ông ta cảm thấy họ cần phải được nhắc nhở rằng quân đội Đức đã tiến bao xa trong 6 tháng qua. Ông cũng ra lệnh rằng hình ảnh đó phải được công bố tại các thành phố Đức để cho thấy khoảng cách đến Stalingrad.

      Ba ngày sau, ông lại ra lệnh rằng những cái tên như Tháng Mười Đỏ, Barricade phải được bỏ ra với bất kỳ giá nào trong các bài báo về trận chiến ác liệt, nếu nó cổ vũ cho “vòng vây bệnh dịch cộng sản”.

       Trong khi những trận đánh lớn ở khu công nghiệp phía bắc thành phố nổ ra, thì cuộc chiến dành giật từng căn nhà với những lần xung phong, phản xung phong vẫn tiếp diễn ở những quận trung tâm. Một trong những hồi nổi tiếng nhất của trận Stalingrad chính là công cuộc phòng thủ “căn nhà Paplov”, kéo dài tới 58 ngày.

         Vào cuối tháng Chín, một trung đội thuộc trung đoàn cận vệ số 42 đang giữ một khối nhà bốn tầng nhìn ra quảng trường, cách bờ sông chừng 300 thước Anh. Trung đội trưởng, trung úy Afanaev, sớm bị mù trong chiến đấu, nên trung sỹ Jakob Paplov nắm quyền chỉ huy. Họ tìm thấy vài thường dân ở dưới tầng hầm, và những người này đã ở lại trong suốt cuộc chiến. Một trong số đó là Mariya Ulyanova, cũng góp phần trong công cuộc phòng thủ. Quân của Paplov đục vách để dễ liên lạc hơn, và khoét những lỗ trên tường để tạo các vị trí bắn tốt hơn cho đại liên và súng trường chống tăng nòng dài. Mỗi khi xe tăng địch tiến đến, quân Paplov tản ra, từ hầm cho đến tầng nhà cao nhất, từ đó họ có thể giao chiến ở tầm gần. Xe tăng Đức không thể nâng góc của pháo chính để bắn lại hữu hiệu. Sau này, tướng Chuikov thường thích chỉ ra rằng quân của Paplov tiêu diệt được nhiều hơn cả số quân Đức thiệt mạng khi chiếm Paris (Jakov Paplov được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, sau này ông làm tu viện trưởng Chính thống giáo tại một nhà thờ ở Sergievo – trước tên là Zagorsk – nơi ông thu hút được vô số người sùng đạo rằng không có gì để làm với danh tiếng của ông có từ Stalingrad. Giờ đây ông trông rất yếu đuối).

         Một câu chuyện khác, với nhiều đoạn ngắn trích ra từ các bức thư, liên quan đến trung úy Charnosov, một trinh sát pháo thuộc trung đoàn pháo binh 384. Vị trí quan sát của ông nằm ở đỉnh một tòa nhà bị đại bác làm hư hại, từ đó ông gọi cho pháo bắn. Lá thư cuối cùng của ông cho vợ viết “Chào em, Shura! Anh gửi đến hai con chim bé bỏng của chúng ta, Slavik và Lydusia  những chiếc hôn. Anh vẫn khỏe. Anh bị thương hai lần nhưng chỉ là xước qua và vì thế nên anh vẫn xoay sở để dẫn hướng cho pháo quân ta bắn trúng đích. Lúc này, cuộc chiến ở thành phố mang tên lãnh tụ kính yêu của chúng ta, thành phố Stalin, đang vào hồi ác liệt. Trong những ngày chiến đấu gian khổ này anh đang báo thù cho quê hương thân yêu của anh, Smolensk, rồi khi đêm xuống, anh trở về dưới tầng hầm cùng hai đứa trẻ tóc vàng hoe ngồi trong lòng. Chúng làm anh nhớ đến Slavik và Lyda”. Trên xác ông, còn tìm thấy lá thư trước đó của vợ ông “Em rất mừng là anh đã chiến đấu tốt” bà ấy viết “và rằng anh đã được thưởng huy chương. Anh hãy chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng anh nhé, đừng để chúng bắt được anh, vì trại tù binh còn tệ hơn cả cái chết”.

          Những lá thư qua lại này dường như quá mẫu mực, nhưng lại rất thông thường ở thời điểm đó. Họ có thể rất chân thật, nhưng như nhiều người khác, họ cho thấy chỉ một phần sự thật. Khi người lính ngồi ở góc chiến hào hoặc một căn hầm thiếu ánh sáng để viết thư về nhà, họ thường gặp vấn đề về việc bày bỏ chính mình. Chỉ một tờ giấy, sau đó được gấp thành hình tam giác, như một chiếc thuyền giấy, bởi không có bao thư, dường như quá to và cũng quá nhỏ cho mục đích của họ. Và như thế, kết quả của lá thư là gồm ba phần chính: tìm hiểu tình hình gia đình, thuyết phục an tâm (anh vẫn ổn – vẫn còn sống), và mối ưu tư về trận chiến (bọn anh liên tục tiêu diệt quân và thiết bị của chúng. Ngày lẫn đêm, bọn anh không để chúng yên thân).

         Những người lính Hồng quân ở Stalingrad biết rằng cả nước đang quan tâm tới họ, nhưng đa số phải tự biến đổi một phần của lá thư bởi họ hiểu các Đơn vị đặc biệt sẽ kiểm duyệt thư cẩn thận.

         Ngay cả khi họ muốn thoát ra để viết thư cho vợ hay người yêu thì cuộc chiến vẫn luôn tồn tại bên cạnh, trong chừng mực nào đó bởi giá trị của một người được xác định do ý kiến của đồng đội và chỉ huy. Một người tên Kolya viết “Mariya em, anh nghĩ em vẫn nhớ đêm cuối cùng ta bên nhau. Bởi bây giờ, giây phút này đây, là chính xác một năm ngày ta xa nhau. Thật khó để anh nói lời tạm biệt với em. Rất buồn, nhưng chúng ta phải tạm xa vì mệnh lệnh của Đất mẹ. Chúng ta sẽ chấp hành mệnh lệnh tốt nhất có thể. Tổ quốc yêu cầu tất cả bọn anh đang bảo vệ thành phố này đứng vững cho đến cùng. Và bọn anh sẽ làm đúng mệnh lệnh đó”.

         Phần lớn lính Nga dường như đã dẹp những cảm xúc cá nhân trong hoàn cảnh của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Có thể họ e sợ bộ phận kiểm duyệt hơn so với phía Đức, họ cũng có thể đã bị tẩy não bởi chế độ Stalinist và rồi ý niệm về sự quên mình ập đến lớn hơn bất kỳ câu chữ kêu gọi ý thức hệ nào. Nó gần như là một phản ứng tự nhiên, một kiểu ép buộc về mặt lương tâm khi đối mặt với quân xâm lược. “Mọi người có thể chỉ trích anh”, một trung úy Hồng quân viết từ Stalingrad cho người vợ mới cưới chỉ vài tuần trước “nếu họ đọc lá thư này về cái lý do tại sao anh đang chiến đấu đó là vì em. Nhưng anh không thể phân biệt em ở đâu và tổ quốc ở đâu. Em và tổ quốc đều bằng nhau trong anh”.

         Một nghiên cứu so sánh thư từ gửi về nhà viết bởi sĩ quan và binh lính ở cả hai phía cung cấp rất nhiều vấn đề. Với đa số thư của phía Đức ở Stalingrad tại thời điểm đó, thường nói về niềm đau thương, sự tỉnh ngộ và ngay cả việc không tin tưởng vào những gì đang diễn ra, như thể nó không còn là cuộc chiến mà họ đang dấng thân vào. “Anh thường tự hỏi mình” một trung úy Đức viết cho vợ “tất cả việc này là vì cái gì. Loài người điên dại cả rồi sao? Giai đoạn kinh khủng này sẽ ảnh hưởng lên phần lớn bọn anh cả đời”.

         Cũng có một số lượng đáng ngạc nhiên những người lính Nga bất mãn, họ quên rằng thư của họ sẽ bị kiểm duyệt, hoặc vì quá nản lòng nên họ bất cần. Nhiều người than vãn về khẩu phần ăn. “Dì Lyuba” một người lính trẻ viết “dì làm ơn gửi cho cháu ít thức ăn. Cháu rất xấu hổ khi xin dì như thế, nhưng cái đói buộc cháu phải làm”. Nhiều người thừa nhận rằng họ buộc phải đào bới kiếm ăn, và những người khác kể với gia đình rằng binh lính đang bịnh tật “bởi thiếu thức ăn và điều kiện y tế kém”. Một người lính bị bệnh lỵ viết “Nếu cứ tiếp tục thế này thì không thể nào tránh bệnh dịch lan tràn. Bọn anh đầy rận, mà chúng là nguồn cơn của bệnh tật”. Tiên đoán của người lính đó nhanh chóng được xác nhận.

       Tại bệnh viện 4169, những người lính bị sốt Rickettsia nhanh chóng được cách ly. Các bác sỹ cho rằng “những thương binh bị lây bệnh sốt đó từ dân địa phương khi trên đường đến bệnh viện, và bắt đầu phát tán rộng từ đó”.

        Song hành với những lời than vãn về thức ăn và điều kiện sống, là những thể hiện của chủ nghĩa chủ bại. Các chính trị viên rõ ràng bị đảo lộn bởi kết quả của việc kiểm duyệt thư từ do NVKD thực hiện. “Chỉ riêng tập đoàn quân 62, trong nửa đầu tháng Mười, bí mật quân sự bị tiết lộ với 12.747 lá thư” Ban chính trị báo cáo về cho Moscow “Vài lá thư còn mang những lời lẽ chống Sô viết, ủng hộ phát xít và mất niềm tin vào chiến thắng của Hồng quân”.

         Một vài ví dụ cũng được nêu ra. “Hàng trăm, hàng ngàn người chết mỗi ngày” một người lính viết cho vợ “Giờ thì mọi thứ đều rất khó khăn, anh không thấy đường ra. Bọn anh có thể cho rằng Stalingrad tốt nhất là nên đầu hàng quách”. Vào thời điểm đó, nhiều người dân Nga sống chỉ với xúp nấu từ rau quả dại, một người lính thuộc trung đoàn bộ binh 245 viết cho gia đình “Ở hậu phương, họ la lên rằng mọi thứ nên để dành cho tiền tuyến, nhưng ở đây, mặt trận, bọn anh chẳng có gì cả. Thức ăn thì kém và ít ỏi. Những gì họ nói không phải là sự thật”. Hầu hết sự thật trong một lá thư viết về nhà gây ra tai họa. Một trung úy viết rằng “Không quân Đức rất giỏi… lính phòng không của ta chỉ bắt hạ được có vài chiếc” cũng bị xem là phản bội.

         Mối nguy không chỉ đến từ việc kiểm duyệt. Một tay Ukraina 18 tuổi, rất ngờ nghệch, bị động viên vào sư đoàn của Rodimtsev, đã nói với những người lính đồng ngũ rằng họ không nên tin những gì được nói về kẻ thù: “Ở vùng bị chiếm, tôi còn một người cha và một người chị và quân Đức không giết hay cướp gì của ai hết. Họ đối xử với mọi người tốt lắm. Chị tôi đang làm việc cho người Đức”. Và đồng đội của tay đó đã bắt hắn ngay tại chỗ. “Một cuộc điều tra đang được tiến hành” báo cáo về Moscow thêm vào.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Sáu, 2015, 05:42:45 pm
         Một hình thức đàn áp chính trị khác trong Hồng quân, thực tế tại thời điểm đó, lại được làm giảm đi. Stalin, với một chính sách có tính toán để làm tăng tinh thần, đã thông báo đưa ra các phần thưởng mang hơi hướng phản động, như là huân chương Kutuzov, huân chương Suvorov. Nhưng hình thức công khai nhất, được thông báo vào ngày 9 tháng Mười, theo nhật lệnh 307, là áp dụng lại chế độ một thủ trưởng. Các chính trị viên bị giáng xuống làm cố vấn hoặc giáo dục luật lệ.

         Các chính trị viên sửng sốt nhận ra rằng khá nhiều sỹ quan Hồng quân ghét và coi thường họ. Sỹ quan trong các trung đoàn không quân còn đặc biệt sỉ nhục họ. Ban chính trị phương diện quân Stalingrad phàn nàn rằng “thái độ hoàn toàn không đúng mực” đó lan rộng. Một chỉ huy cấp trung đoàn còn nói với viên chính ủy của mình rằng: “Không có lệnh của tôi, anh không được phép vào và nói chuyện với tôi”. Những chính trị viên khác thì nhận thấy “tiêu chuẩn sống bị giảm đi”, kể từ khi họ bị “ép phải ăn cùng với binh sỹ”. Ngay cả các thiếu úy cũng không ngại lưu ý rằng họ không thấy có lý do để các chính trị viên nhận lương sỹ quan nữa “bởi bây giờ họ không có nhiệm vụ gì cả. Họ đọc báo, rồi đi ngủ”.

       Ban chính trị giờ phải cân nhắc đến một “Phụ lục bổ sung”. Để nói rằng chính ủy hết thời, Dobronin đã viết cho Shcherbatov trong nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ, với không có chút chỉ trích nào, rằng một người lính đã nói: “Họ đã cho ra huân chương Kutuzov và Suvorov. Và giờ chắc họ sẽ thêm huy chương thánh Nicolas, thánh George, và thế là kết thúc Liên bang Sô viết”.

        Các phần thưởng cao quí khác của người Cộng sản – Anh hùng Liên Xô, huy chương Cờ đỏ, Sao đỏ - dĩ nhiên, vẫn chiếm vị trí rất quan trọng với nhà cầm quyền, ngay cả với huy chương Sao đỏ, vốn trở thành một thứ na ná như khẩu phần Stakhanovite được phát cho bất cứ ai tiêu diệt được một chiếc tăng Đức. Trong đêm 26 tháng Mười, một lãnh đạo Ban quân lực tập đoàn quân 64 đánh mất chiếc cặp có chứa 40 chiếc huy chương Cờ đỏ khi đợi phà qua sông, một sự kiện kinh khủng. Mọi người hầu như nghĩ rằng các kế hoạch phòng thủ của cả phương diện quân Stalingrad cũng bị mất. Nhưng rồi chiếc cặp được tìm thấy cách đó hai dặm trong ngày hôm sau. Chỉ thiếu mất có một chiếc huy chương. Có lẽ một người lính nào đó đã quyết định lấy đi, sau khi uống vài ly, và cho rằng nỗ lực của anh ta ở mặt trận không được ghi nhận đúng đắn… Vị lãnh đạo của Ban quân lực đó bị đưa ra tòa án binh với tội danh “tội bất cẩn”.

         Lính tráng, mặt khác lại có quan điểm mạnh mẽ hơn với những biểu tượng của lòng dũng cảm. Khi một trong số họ được nhận huân-huy chương, đồng đội của anh ta sẽ thả nó vào trong một vại vodka, anh ấy phải uống và phải bắt cho được cái mề đay bằng răng khi cạn đến giọt cuối cùng.

         Những ngôi sao Stakhanovite thực thụ của Tập đoàn quân 62, trên thực tế không phải là những người diệt tăng mà là các xạ thủ bắn tỉa. Mốt mới “chủ nghĩa bắn tỉa” được triển khai, và nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 Cách mạng tháng Mười, các phương tiện tuyên truyền cho cái nghệ thuật đen tối ấy càng trở nên điên cuồng hơn, với “một làn sóng mới của cuộc thi đua xã hội chủ nghĩa giết nhiều tên phát xít nhất”. Một tay xạ thủ có thành tích hạ được 40 tên địch sẽ nhận huy chương “Vì lòng dũng cảm” và danh hiệu “Xạ thủ cao quý”.

         Người xạ thủ bắn tỉa nối tiếng nhất, dù không phải là có thành tích cao nhất, chính là Zaitsev thuộc sư đoàn Batyuk, người trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười được ghi nhận hạ 149 lính Đức. (Ông ta vốn hứa sẽ đạt con số 150, nhưng thiếu mất một). Thành tích cao nhất, thuộc về “Zikan”, hạ được 224 lính Đức tính đến ngày 20 tháng Mười Một. Với tập đoàn quân 62, con người lầm lỳ Zaitsev, một người chăn cừu dưới chân dãy Ural, được miêu tả nhiều hơn bất kỳ một người hùng thể thao nào. Tin tức và cả những thêm thắt về thành tích của ông truyền miệng từ người này sang người khác khắp cả mặt trận.

          Zaitsev, theo nghĩa tiếng Nga là thỏ rừng, được trao nhiệm vụ huấn luyện cho các xạ thủ bắn tỉa trẻ, và học trò của anh được biết đến với tên zaichata hay “những chú thỏ con”. Và thế là bắt đầu của “xu thế bắn tỉa” trong Tập đoàn quân 62. Các cuộc thảo luận được tổ chức nhằm nhân rộng học thuyết của “chủ nghĩa bắn tỉa” và trao đổi ý tưởng kỹ thuật. Phương diện quân Sông Đôn và Phương diện quân Tây Nam cũng theo “xu thế bắn tỉa” và đưa ra các ngôi sao của họ, như trung sỹ Passar của tập đoàn quân 21. Ông ta được ghi nhận với thành tích 103 lần hạ sát địch, đặc biệt bằng kỹ năng bắn vào đầu.

          Những xạ thủ không phải người Nga cũng được lựa chọn ra để ca ngợi: Kucherenko, một người Ukraina, giết được 19 lính Đức, và một người Uzbek thuộc sư đoàn bộ binh 169 hạ được 5 tên trong ba ngày.

         Trong tập đoàn quân 64, xạ thủ Kovbasa (tiếng Ukraina nghĩa là xúc xích) hành động với một mạng lưới ít nhất là ba chiến hào, một để nghỉ ngơi và hai để chiến đấu, tất cả liên kết với nhau. Thêm vào đó, ông dựng các vị trí giả ở phía trước trung đội láng giềng. Ở đó, ông cắm cờ trắng gắn liền với các đòn bẩy, để có thể điều khiển từ xa bằng dây thừng. Kovbasa hãnh diện khẳng định rằng, ngay khi một lính Đức nhìn thấy một trong các lá cờ trắng của ông, thì hắn sẽ nhô mình lên khỏi chiến hào để nhìn rõ hơn và la to: “Rus, komm, komm”. Thế là Kovbasa tóm được hắn trong góc bắn. Danielov của trung đoàn bộ binh 161 cũng làm chiến hào giả, và trang trí bằng các con bù nhìn có mang chút ít trang bị Hồng quân. Rồi ông đợi những tên lính Đức thiếu kinh nghiệm bắn vào. Có bốn trong số đó là nạn nhân. Ở sư đoàn bộ binh Cận vệ số 13, thượng sỹ Dolymin, dựng ra một gác mái để bắn hạ các tổ đại liên hoặc pháo dã chiến.

          Những mục tiêu giá trị nhất, tuy thế, lại là các trinh sát pháo binh Đức. “Trong hai ngày [hạ sỹ Studentov] đã theo dõi tên sỹ quan quan trắc pháo và giết hắn bằng một phát súng”. Studentov đã thề sẽ đạt thành tích 170 lính Đức từ mức 124 để chào mừng ngày Cách mạng tháng Mười.

          Tất cả các xạ thủ ngôi sao đều có kỹ thuật riêng của riêng mình và những chỗ ẩn nấp ưa thích. “Xạ thủ cao quý” Ilin, người được công nhận với thành tích “185 tên phát xít”, thỉnh thoảng dùng một cái thùng hoặc ống nước cũ để ẩn nấp. Ilin, chính trị viên thuộc một trung đoàn bộ binh cận vệ hoạt động trong khu vực nhà máy Tháng Mười Đỏ. Ông tuyên bố “Bọn phát xít sẽ hiểu được sức mạnh của vũ khí trong tay những siêu nhân Sô viết”, và hứa sẽ đào tạo mười xạ thủ khác.

         Vài nguồn tin Sô viết tuyên bố rằng phía Đức đã mang hiệu trưởng trường bắn tỉa của họ sang để lùng diệt Zaitsev, nhưng cuối cùng Zaitsev đã hạ được ông ta. Zaitsev, sau vài ngày săn tìm, đã phát hiện được ông ta nấp dưới một tấm tôn, và bắn chết. Chiếc kính ngắm trên súng nạn nhân, được cho là chiến lợi phẩm quí giá nhất của Zaitsev, vẫn còn đang trưng bày tại viện bảo tàng các lực lượng vũ trang ở Moscow, nhưng câu chuyện đầy màu sắc sân khấu này vẫn thiếu tính thuyết phục. Chẳng nhẽ nó không có chút giá trị nào đến nỗi hoàn toàn không được nhắc tới trong các báo cáo cho Shcherbakov, trong khi hầu hết mọi thứ của “chủ nghĩa bắn tỉa” được báo cáo với sự hứng thú.

         Nhà văn Grossman bị mê hoặc bởi thân thế và sự nghiệp của các xạ thủ bắn tỉa. Ông quen biết với Zaitsev và vài người khác nữa, bao gồm cả Anatoly Chekov. Vốn Chekov theo bố, một người nát rượu, vào làm việc ở một xí nghiệp hóa chất. Ông đã “học được mặt tối của cuộc sống” từ lúc còn bé thơ, nhưng ông cũng đã phát hiện ra tình yêu với môn địa lý, và giờ đây, trong cả ngày dài nấp và chờ đợi kẻ thù xuất hiện, ông mơ về những miền đất khác nhau trên thế giới. Chekov đã trở thành một trong các sát thủ một cách tự nhiên như cách mà cuộc chiến đã mang đến. Ông thể hiện xuất sắc ở trường bắn tỉa, vào lúc tuổi 21 ở Stalingrad, ông dường như kinh qua mà không chút sợ hãi “chỉ như con chim ưng không bao giờ sợ độ cao”. Ông sở hữu một kỹ năng hiếm có cho việc ngụy trang để ẩn nấp trên đỉnh các tòa nhà cao tầng. Để tránh ánh chớp đầu nòng có thể làm lộ vị trí, ông sáng chế ra một tấm chắn sáng ở cuối nòng súng và không bao giờ bắn trong điều kiện ánh sáng kém. Để phòng xa hơn, ông còn cố chọn vị trí cho mình ở phía trước các bức tường màu trắng.

          Vào một ngày, ông mang theo Grossman đi cùng. Mục tiêu thông thường, dễ dàng nhất, là nhóm lính tải thực phẩm lên các chốt tiền duyên. Không quá lâu, một tay lính bộ binh với đồ ăn xuất hiện. Sử dụng ống ngắm, Chekov ngắm lên chừng 2 inches so với đỉnh mũi. Người lính Đức ngã vật ra phía sau, đánh rơi thùng thức ăn. Chekov run lên vì hào hứng. Người lính thứ hai xuất hiện. Chekov bắn hạ. Rồi người thứ ba bò lui. Chekov cũng giết nốt. “Ba”. Chekov lầm bầm với chính mình. Kết quả đầy đủ sẽ ghi nhận lại sau đó. Thành tính tốt nhất của ông là 17 mạng trong một ngày. Bắn một tên mang bình nước là có thưởng, Chekov lưu ý thêm, vì nó buộc những tên khác phải uống nước bẩn. Grossmna đã băn khoăn về chàng trai này, người luôn mơ về những vùng đất xa lạ, “người không bao giờ làm đau một chú chim” và cũng không là “một vị thánh của cuộc chiến vệ quốc” (Dường như Grossman đã trải qua một giai đoạn lý tưởng hóa tâm hồn, nhìn người lính Hồng quân trong khuôn khổ như Tolstoy. Ông viết trong một quyển khác “trong chiến tranh, người Nga phủ một chiếc áo trắng tinh lên tâm hồn. Anh ta có thể sống với đầy tội lỗi nhưng chết như một vị thánh. Ở mặt trận, suy nghĩ và tâm hồn của phần lớn là trong sạch và khiêm tốn như thầy tu)

           Phong trào bắn tỉa được phỏng theo với cả những loại vũ khí khác. Manenkov thuộc sư đoàn bộ binh 95 trở nên nổi tiếng với khẩu súng trường chống tăng nòng dài PTR. Ông được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô với 6 chiếc tăng bị bắn hạ trong cuộc chiến quanh khu xí nghiệp pháo binh Barrikady. Thiếu úy Vinogradov thuộc sư đoàn pháo binh 149 cũng trở nên lừng lẫy như là người ném lựu đạn giỏi nhất. Khi anh và 26 người khác bị vây mà không có thức ăn trong ba ngày, thông điệp đầu tiên Vinogradov gửi về phía sau là xin thêm lựu đạn chứ không phải thức ăn. Ngay cả lúc bị thương và điếc đặc, Vinagradov vẫn là “người săn phát xít giỏi nhất”. Có lần anh còn theo đuổi và giết một đại đội trưởng quân Đức và lấy về tài liệu từ xác địch.

         Khi các sư đoàn Đức tiến về phía nam từ khu nhà máy máy kéo đến tuyến phòng thủ ở xí nghiệp Barrykady, tướng Chuikov, một lần nữa, trong đêm 17 tháng Mười, đổi địa điểm sở chỉ huy. Ông dừng ở cuối bờ sông, song song với đồi Mamaev Kurgan. Một lực lượng mạnh của Đức đã chọc thủng đến sông Volga trong ngày hôm sau, nhưng bị đánh bật lại trong một trận phản công.

          Chỉ có tin tức được cam đoan của đại tá Kamynin, gửi từ túi kháng cự còn lại ở phía bắc khu vực nhà máy máy kéo ở Rynok và Spartakovka. Rằng tình hình đã được khôi phục, và quân sỹ đã chiến đấu dũng cảm. Tuy thế, vẫn còn nhiều vấn đề với các lữ đoàn dân quân. Trong đêm 25 tháng Mười, cả một bộ phận của lữ đoàn đặc biệt 124 “là cựu công nhân ở nhà máy máy kéo Staligrad”, đã bỏ chạy sang phía Đức. Chỉ có một anh lính gác là chống lại ý định đó, nhưng anh ta phải đồng ý tham gia khi bị đe dọa. Khi đến khu phân tuyến, anh lính làm như có chút vấn đề với xà cạp chân và dừng lại. Anh chớp lấy cơ hội để thoát khỏi cả đám và chạy về với tuyến quân Nga. Bọn đảo ngũ bắn sau anh, nhưng thất bại. Anh lính gác, D., đã về lại trung đoàn an toàn, nhưng sau đó bị bắt và ra tòa án binh “vì đã không có các biện pháp thông báo cho chỉ huy về tội ác sắp sảy ra và ngăn chặn bọn phản bội đào ngũ”.

           Những trận đánh tiêu hao quanh xí nghiệp Barrikady và nhà máy tháng Mười Đỏ vẫn tiếp tục với những trận đột kích và phản đột kích. Vị trí của đài chỉ huy một tiểu đoàn thuộc sư đoàn bộ binh 305 (Đức), theo lời một sỹ quan, gần quân địch đến nổi trung đoàn trưởng có thể nghe thấy tiếng quân Nga “Urrah!” qua máy điện thoại. Một trung đoàn trưởng của quân Nga, tuy vậy, lại ở giữa trận chiến. Khi sở chỉ huy của mình bị tràn ngập, ông đã gọi điện báo yêu cầu Katyusha bắn trùm ngay vào vị trí của mình.

           Quân Đức phải thừa nhận rằng “bọn chó chiến đấu như sư tử”. Lượng thương vong của họ tăng lên nhanh chóng. Tiếng hét “Sani! Hilfe” từ thương binh cũng nhiều như số lượng các phát đạn nổ, như những lần nghe tiếng đổ ầm từ đống gạch nát. Nhưng rồi Tập đoàn quân 62 chỉ còn ở vài đầu cầu bên bờ tây, không có nơi nào có chiều sâu quá vài trăm thước. Các con đường bị chiếm, các vị trí Sô viết bị đẩy lùi đến sát mép dòng Volga, xí nghiệp pháo binh Barrikady gần như đã thất thủ. Điểm vượt sông cuối cùng của tập đoàn quân 62 nằm ngay dưới hỏa lực đại liên bắn thẳng, tất cả lực lượng tăng viện được ném vào đó để giữ. Các sư đoàn Sô viết chỉ còn một vài trăm tay súng, nhưng họ vẫn phản công khi đêm xuống. Chuikov đã viết “chúng tôi cảm thấy như ở nhà khi đêm xuống”.

         “Cha ạ” một hạ sỹ Đức viết về nhà “cha vẫn bảo con: Hãy làm tròn trách nhiệm và con sẽ chiến thắng. Cha chắc sẽ không quên được những lời đó bởi hiện nay, mọi người có đầu óc ở Đức đều nguyền rủa cuộc chiến tranh điên khùng này. Không thể mô tả được những gì đã diễn ra. Mọi người ở Stalingrad có đầu óc và chân tay, đàn bà cũng như đàn ông, tiếp tục chiến đấu”. Một lính Đức khác cũng viết về nhà với tâm trạng chua xót: “Đừng lo ngại, đừng đau khổ, bởi nếu anh về với tổ tiên sớm thì chịu đựng ít hơn. Chúng ta thường nghĩ rằng nước Nga sẽ đầu hàng, nhưng giờ thì chỉ có những kẻ vô học ngu xuẩn mới tin vào điều đó.” Người lính thứ ba thì quan sát đống đổ nát quanh anh: “Tại nơi này, một lời Phúc âm thường chạy qua đầu tôi: Không một hòn đá nào còn tồn tại sau tất cả. Ở đây, đó là sự thật”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 22 Tháng Sáu, 2015, 06:54:23 pm
                                                                                             XIII

                                                              LẦN TẤN CÔNG SAU CÙNG CỦA TƯỚNG PAULUS

          Ngoài kia, trên thảo nguyên, những sư đoàn Đức như đang sống trong một thế giới khác với cuộc chiến đang diễn ra trong thành phố. Ở đó cũng có những tuyến phòng ngự cần phải giữ, những trận đánh trinh sát cần phải đẩy lùi, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn bình thường, đặc biệt so với tiền tuyến. Vào Chủ nhật, ngày 25 tháng Mười, các sỹ quan thuộc một trung đoàn trong sư bộ binh Bavaria số 376 còn mời tướng Edler von Daniels, sư đoàn trưởng của họ, đến tham gia cuộc thi xạ thủ Munich Oktoberfest.

          Mối quan tâm hàng đầu vào lúc này là việc chuẩn bị quân dụng cho tiết đông. “Ở đây chẳng có thú vị chút nào cả” một người lính của sư đoàn bộ binh 113 viết về nhà “Ngút tầm mắt không một ngôi làng, một khu rừng, cũng không có cả cây cỏ hay bụi rậm gì cả, và không một giọt nước”. Tù binh Nga và đám Hiwis bị bắt đào hầm, hào. “Chúng tôi cần phải sử dụng tốt đám này bởi chúng tôi đang quá thiếu người”, một sỹ quan NCO cao cấp viết. Vì thảo nguyên không cây cối, nên các sư đoàn bộ binh buộc phải cho xe tải và các đội làm việc vào thành Stalingrad lấy xà, rầm từ các đống đổ nát để về làm nóc hầm. Ở phía nam Stalingrad, sư đoàn bộ binh 297 đào những cái hang nhân tạo ở hông balkas để làm chuồng ngựa, làm kho và ngay cả một bệnh viện dã chiến, tất cả những thứ thiết bị được chuyển đến từ Đức bằng đường sắt. Trong cả tiết hạ Ấn từ đầu đến giữa tháng Mười, quân Đức nghiêm túc chuẩn bị cho vị trí của họ. Ngay cả những người lính trẻ nhất cũng nhận ra chỉ dấu của việc đào hầm hào: họ phải ở đó trong cả mùa đông.

         Hitler đã ban hành các chỉ thị cho mùa đông. Ông ta mong đợi “một cuộc phòng ngự chủ động cao” và một “cảm giác tự hào về chiến thắng”. Xe tăng được bảo vệ khỏi cái lạnh và các cuộc pháo kích trong các boongke bê tông đặc biệt, nhưng vật liệu cần thiết thì không bao giờ đến kịp, nên xe pháo vẫn ở ngoài đồng trống. Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI cũng lên kế hoạch kỹ lưỡng cho mùa đông.

        Ngay cả phim huấn luyện của Phần Lan: Làm thế nào để xây phòng tắm hơi ở chiến trường, cũng được yêu cầu, nhưng không có công tác chuẩn bị nào mang tính tin cậy. “Quốc trưởng lệnh chúng tôi bảo vệ vị trí cho đến người cuối cùng” Groscurth viết thư về Đức, “Vài điều chúng tôi phải làm cho phù hợp, ngay cả việc mất một vị trí khó có thể ảnh hưởng đến tình hình. Chúng tôi hiểu sẽ khó khăn nếu không có chỗ trú ẩn trên thảo nguyên trải rộng”.

         Tổng hành dinh Quốc trưởng cũng quyết định rằng phần lớn những súc vật kéo của Tập đoàn quân VI phải được gửi về hậu phương cách hơn trăm dặm. Điều này nhằm để tiết kiệm cho các đoàn tàu hậu cần vốn được yêu cầu để tải về phía trước một khối lượng lớn cỏ khô. Tất cả chừng 150,000 ngựa, nhiều trâu và cả lạc đà được tích lại ở khoản giữa sông Don và sông Volga. Mô tô và các đơn vị sửa chữa cũng được đưa về phía sau. Lý  do đằng sau của việc di chuyển này là không thể hiểu nổi đứng từ góc độ logic đơn thuần, bởi nó mang lại một sai lầm khủng khiếp trong thảm họa. Tập đoàn quân VI, đặc biệt phần lớn các đơn vị pháo binh, y tế, chủ yếu dựa vào ngựa làm sức cơ động.

       Về tinh thần, theo một thượng sỹ thuộc sư đoàn bộ binh 371: “Lên và xuống theo số lượng thư đến”. Hầu hết mọi người dường như nhớ nhà ghê gớm. “Ở đây, mọi người như trở thành người hoàn toàn khác”, một NCO cao cấp của Sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 60 viết “và điều này thật không dễ dàng. Chính xác là như thể chúng ta đang sống trong một thế giới khác. Khi thư tới, mọi người nhào ra khỏi những “căn nhà nhỏ” của họ - và họ dường như không thể ngăn lại được. Cứ vào lúc đó, tôi đứng nhìn với nụ cười khoan dung”.

       Tư tưởng đã chuyển sang không khí Giáng sinh: Mùa lễ hội đẹp nhất cả năm. Lính tráng bắt đầu trao đổi về quà cáp với vợ. Ngày 3 tháng mười một, một sư đoàn đưa ra “yêu cầu về nhạc cụ, đồ chơi, đồ trang trí cây Giáng sinh và nến”.

        Danh sách nghỉ phép cũng đã lên, đây là một chủ đề gây hi vọng cũng như thất vọng cho nhiều người hơn bất cứ thứ gì khác. Tướng Paulus vẫn cứ khăng khăng rằng sự ưu tiên này nhằm cho những người lính “đã ở  chiến trường khắc nghiệt miền Đông mà không được nghỉ ngơi kể từ tháng 6 năm 1941”. Với những người may mắn có được một chuyến đi nghỉ dài, thời gian trôi đi trong một cảm giác siêu thực. Mái nhà giờ đây dường như ở đẳng cấp mơ ước với những người đã từng ở tại đó. Khi trở về với gia đình, họ nhận ra rằng không thể kể về những gì họ đã trải qua. Rất nhiều người đã hoảng sợ khi nhận ra có vài thường nhân biết được chút ít những gì đang diễn ra.

       Sự thật duy nhất dường như là những cơn ác mộng hiện hữu mà họ không thể thoát ra được. Ý tưởng về việc đào ngũ ám ảnh họ, nhưng chỉ có một số ít là nghiêm trọng. Những kỷ niệm mạnh mẽ nhất của kỳ nghỉ phép là lúc nói lời giã từ. Với đa số, đó là lần sau cùng. Họ biết họ quay lại với địa ngục ngay lúc nhìn thấy bảng hiệu chỉ đường đến Stalingrad: “Vào cấm thành. Những kẻ bàng quang sẽ đặt mạng của mình và đồng đội vào vị trí nguy hiểm”. Nhiều người đọc thấy không biết nên bảo nó là một trò đùa hay thật.

         Trang phục mùa đông được bắt đầu phát từ hạ tuần tháng Mười. “Một công việc điển hình kiểu Đức” một sỹ quan ghi lại “với quần, áo khoát hai mặt màu xám và trắng”. Nhưng binh lính ngoài thảo nguyên khô cằn bị rận lây lan nhanh chóng tăng lên. “Lúc này không có gì đáng quan tâm ngay cả vấn đề tắm rửa. Hôm nay mình đã hạ sát nhóm đầu tiên gồm tám tên rận”. Những lời đùa về bọn “du kích nhỏ bé” tràn lan. Vài tay Hiwis người Nga đã bảo cho các đồng đội Đức một phương thức để tống khứ chúng. Bằng cách chôn các thứ đồ đạt dưới đất và chừa lại một góc trống. Bọn rận rệp sẽ bò đến đó và sẽ bị đốt cháy.

         Lúc đó, các bác sỹ trung đoàn bắt đầu gia tăng mối quan ngại về sức khỏe tổng quát của quân lính. Sau đó, đến tận tháng Giêng khi các báo cáo y khoa của tập đoàn quân 6 được bàn bạc tại Berlin, họ vẽ ra một biểu đồ hình tròn về mức độ tử vong gia tăng bởi các căn bệnh truyền nhiễm, bệnh lỵ, sốt Rickettsia và bệnh Paratyphus. Bệnh“Sốt cong người” này bắt đầu tăng nhanh chóng vào tháng Bảy. Dù tổng số ca bệnh tính ra tương đương với năm trước, nhưng các nhà chuyên môn ở Berlin đã bị kinh ngạc vì số binh lính không qua khỏi lại gấp đến năm lần.

         Về phía Nga, họ ghi nhận số lượng bệnh binh Đức với vẻ ngạc nhiên và gọi đó là “căn bệnh Đức”. Các bác sỹ ở Berlin chỉ có thể tự biện rằng quân lính bị suy giảm đề kháng vì căng thẳng kéo dài và khẩu phần ăn thiếu chất. Những vị trí xung yếu nhất lại là các binh sỹ trẻ, với độ tuổi từ 17 đến 22. Họ nhận thấy nhóm đó chiếm đến 55% số ca tử vong. Cho dù nguyên nhân chính xác là gì, thì cũng không nghi ngờ rằng sức mạnh của Tập đoàn quân VI đã bắt đầu đáng quan ngại vào đầu tháng Mười một, khi cái viễn cảnh tệ hại về một mùa đông vùi mình trong boongke dưới tuyết xuất hiện.

        Trong khi Tập đoàn quân Sô viết số 64 triển khai các cuộc tấn công để kéo bớt quân từ nội thành Stalingrad, Tập đoàn quân 57 chiếm một ngọn đồi chiến lược giữa sư đoàn Rumani số 20 và sư đoàn bộ binh số 2. Thì ngoài kia, trên thảo nguyên Kalmyk, Tập đoàn quân 51 đã càn quét sâu vào các vị trí của quân Rumani. Trong một đêm, thượng úy Aleksandr Nevsky và đại đội tiểu liên của anh, đã thâm nhập qua tuyến phòng thủ, đột kích vào sở chỉ huy sư đoàn bộ binh Rumani số 1 đang đóng trong một ngôi làng hậu tuyến, và họ gây ra một trận hỗn loạn. Nevsky bị thương nặng đến hai lần trong hành động đó. Ban chính trị phương diện quân Stalingrad, theo chỉ thị mới của Đảng về việc tôn vinh lịch sử Nga, đã quyết định rằng Nevsky phải theo huyết thống của dòng dõi danh tiếng mà anh tình cờ trùng tên. Và người “chỉ huy anh dũng, người thừa kế tổ tiên vinh quang” đã được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ.

        Trong thành phố, cuộc tấn công lớn của quân Đức đã đuối dần từ cuối tháng Mười vì mệt mỏi và thiếu đạn dược. Trận đánh sau cùng của sư đoàn Bộ binh 79 (Đức) vào nhà máy tháng Mười đỏ bị gãy vụn vào ngày 1 tháng Mười Một dưới làn hỏa lực pháo hạng nặng bắn từ bên kia sông Volga. “Ảnh hưởng của pháo địch rõ ràng đã làm yếu đi sức mạnh tấn công của các sư đoàn” sở chỉ huy Tập đoàn VI ghi nhận. Sư đoàn bộ binh 94 tấn công vào túi phía bắc Spartakovka cũng mắc cạn.

         “Trong hai ngày vừa qua” một báo cáo gửi về Moscow vào ngày 6 tháng 11 ghi nhận “quân địch đã thay đổi chiến thuật. Có khả năng vì những thiệt hại lớn trong ba tuần vừa qua, chúng không còn sử dụng các đội hình lớn”. Dọc khu vực nhà máy tháng Mười đỏ, quân Đức đã chuyển sang “tấn công trinh sát để thăm dò các vị trí yếu ở chỗ tiếp giáp giữa các trung đoàn”. Nhưng những trận “tấn công bất ngờ” này không có được chút thành tựu nào hơn so với những trận trước đó vốn được hỏa lực mạnh dọn đường.

         Trong suốt tuần đầu tháng Mười một, quân Đức bắt đầu “rào kẽm gai ở cửa sổ và lỗ đạn pháo” tại các ngôi nhà được gia cố của họ nhằm chống lựu đạn ném vào. Để chọc thủng lớp rào đó, tập đoàn quân 62 cần phải có pháo binh cỡ nhỏ, mà hiện giờ có rất ít, và việc vận chuyển qua sông Volga cũng khó khăn nhiều. Thế là Hồng quân tìm hiểu cách chuồn cho được lựu đạn để phá rào.

          Các lực lượng Sô viết phản công bằng mọi cách mà họ có trong giai đoạn đầu tháng Mười một. Các chiến thuyền thuộc giang đội Volga, một số được trang bị tháp pháo T-34 gắn trên sàn tàu dội hỏa lực vào sư đoàn tăng số 16 (Đức) ở Rynok. Và các “cuộc ném bom đêm dữ dội của địch quân” tiếp tục làm giải khả năng chịu đựng của lính Đức.

          Ngày 7 tháng Mười một, tướng Groscurth viết thư cho người anh “Trên cả mặt trận phía Đông, ngày này, chúng tôi đợi một cuộc tấn công lớn nhằm chào mừng ngày cách mạng tháng Mười”. Nhưng lễ kỷ niệm lần thứ 25 này chỉ giới hạn ở cấp địa phương với binh lính Sô viết nhằm phát động phong trào “tiêu diệt nhiều bọn Frizt trong cuộc thi đua xã hội chủ nghĩa”. Đoàn viên Komsomol đặc biệt được mong chờ là sẽ lấy được mức thành tích cao. Trong Tập đoàn quân 57, một sỹ quan chính trị đã báo cáo “trong số 1697 đoàn viên, có đến 678 người chưa từng giết tên Đức nào”. Nhưng người kém cỏi có lẽ phải chịu trách nhiệm.

          Có vài hoạt động kỷ niệm không được nhà cầm quyền cho phép. Một tiểu đoàn trưởng và phó thứ nhất, mang viện binh sang cho sư đoàn bộ binh 45 đã say rượu và vắng mặt mất 13 tiếng đồng hồ. Cả tiểu đoàn bị bỏ lang thang vật vờ bên bờ đông Volga. Một số các sư đoàn thuộc phương diện quân Stalingrad chả có mấy tý để ăn mừng, ngay cả khẩu phần vodka đặc biệt cũng không được phát, hoặc nó đến quá trễ. Có cả vài đơn vị không được nhận thực phẩm trong ngày đó.

          Với nhiều binh lính, vì không có vodka, đã dùng đến những thứ thay thế nguy hiểm. Trong trường hợp xấu, tác hại không xảy ra liền. Như trong đêm sau ngày lễ, hai mươi tám binh sỹ của sư đoàn bộ binh 248 đã chết trên đường hành quân trong thảo nguyên Kalmyk. Không có yêu cầu hỗ trợ y tế nào và không ai tự nhận là biết được điều gì điều gì đã xảy ra. Các sỹ quan phịa rằng họ chết vì lạnh và vì đuối sức trên đường hành quân. Nhưng NKVD tỏ ra nghi ngờ, và cho mổ khám nghiệm 24 tử thi. Nguyên nhân chết được xác định là do dùng quá mức “rượu phản-hóa-học”. Binh lính đã uống một lượng lớn hỗn hợp chiết ra từ những thứ dùng để chống hơi độc. Cái thứ dung dịch độc hại này dường như có chứa cồn. Một trong số những người sống sót được thẩm vấn trong bệnh viện. Anh ta thú nhận rằng có vài người tuyên bố rằng đó là “một loại rượu”. NKVD không chấp nhận rằng đó có thể là một trường hợp trung thực của hành vi trộm cắp đồ quân dụng và nghiện rượu. Trường hợp này được cho rằng là “một hành động phá hoại, đầu độc binh sỹ”.

           Ngày 8 tháng Mười một, một ngày sau ngày cách mạng tháng Mười, Hitler có một bài diễn thuyết dài cho các “Chiến binh già” Nazi tại Burgerbraukeller ở Munich. Nhiều người ở tập đoàn quân 6 nghe bài này qua sóng phát thanh. “Tôi muốn đến Volga” ông ta tuyên bố đầy cứng rắn “nói cho chính xác là tại một điểm, một thành phố cụ thể. Bởi tình cờ nó mang tên của Stalin, chính ông ta. Nhưng đừng nghĩ rằng tôi muốn hành quân tới đó chỉ vì lý do trên, mà vì nó chiếm một vị trí rất quan trọng… Tôi muốn chiếm được nó, và mọi người nên hiểu rằng, chúng ta khá ổn, chúng ta đủ giỏi để chiếm nó! Chỉ còn sót lại vài mẩu nhỏ. Vài người hỏi: tại sao họ không tiến nhanh hơn? Đó là vì tôi không muốn có một Verdun thứ hai, mà thích dùng những nhóm xung kích nhỏ để hòan thành công việc. Thời gian không còn quan trọng. Vì không còn chiếc thuyền nào có thể ngược xuôi sông Volga. Đó mới là điểm quyết định!”.

         Bài diễn thuyết của ông ta chiếm một vị trí trong số những ví dụ vĩ đại nhất về sự kiêu căng láo xược trong lịch sử. Quân đoàn châu Phi của Rommel vừa phải rút khỏi Alamein về Lybia và lực lượng Âu-Mỹ đã đổ bộ lên bờ biển Bắc Phi trong chiến dịch Ngọn đuốc.

        Ribbentrop nhân cơ hội đó đề nghị tiếp xúc với Stalin thông qua sứ quán Liên Xô ở Stockholm. “Hitler từ chối lắp tự”, viên sỹ quan cao cấp Luftwaffe ghi nhận. “Ông ta bảo rằng thời khắc yếu ớt này không thích hợp cho đàm phán với kẻ thù”. Lời khoác lác đần độn về Stalingrad, theo sau lời từ chối trên không chỉ đơn thuần là bỏ mất vận may mà nó còn đưa ông ta vào vòng thảm họa. Kẻ mị dân đã trói tay các tư lệnh chiến trường. Nỗi lo ngại tệ hại nhất của Ribbentrop ngay từ đêm trước chiến dịch Barbarossa đã sớm được khẳng định.

        Tại Stalingrad, thời tiết mùa đông thật sự đến ngay vào ngày hôm sau, với nhiệt độ giảm xuống còn âm mười tám độ C. Dòng Volga, vì kích thước to lớn của nó, là một trong các con sông sau cùng ở Nga đóng băng, tàu bè bắt đầu không đi lại được. “Các tảng băng trôi va vào nhau, vỡ ra, nghiến vào nhau” Grossman viết, “và những âm thanh sột sọat đó như tiếng cát trôi, có thể nghe thấy từ rất xa bờ sông”. Và đó là thứ âm thanh ma quái với những người lính trong thành phố.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 22 Tháng Sáu, 2015, 06:59:28 pm
        Đó cũng là giai đoạn đáng sợ với tướng Chuikov, nhưng theo cách gọi của ông là chiến đấu trên hai mặt trận: với con sông Volga thù nghịch ở phía sau, và với quân thù đang tấn công vào dải đất hẹp còn lại ở phía trước. Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI, hiểu rõ vấn đề quân Nga đang đối mặt, nên đã tập trung hỏa lực chống lại việc vượt sông. Một chiếc thuyền hơi nước thuộc giang đội Volga, mang theo đại bác và đạn dược vượt sông, bị bắn trúng và chìm xuống một luồng nước cạn ở bờ sông. Một chiếc khác chạy dọc đến, và toàn bộ hàng được chuyển sang dưới làn đạn dày đặc. Các thủy thủ làm việc trong làn nước lạnh buốt sẵn sàng hy sinh như những công binh Pháp bắc cầu qua Berezina hơn một thế kỷ trước.

          “Những chiếc mũi xà lan to, cùn chậm chạp đè lên lớp băng phía dưới, và đằng sau họ là dòng nước đen ngòm nhanh chóng phủ một lớp băng mỏng”. Những chiếc tàu cọt kẹt dưới áp lực của băng và dây cáp lách tách bởi sức căng. Vượt sông giờ trở thành “như một chuyến thám hiểm địa cực”.

         Trong suốt mười ngày đầu tháng Mười một, áp lực của quân Đức vẫn gay gắt với những trận tấn công qui mô nhỏ liên miên, thỉnh thoảng có xe tăng hỗ trợ. Những trận chiến có thể chỉ với các nhóm nhỏ, nhưng vẫn dữ dội. Một đại đội thuộc sư đoàn bộ binh 347, giữ trận địa chỉ cách bờ sông Volga 200 m, chỉ còn 9 người sau khi bị tràn ngập trong ngày 6 tháng Mười một, nhưng đại đội trưởng, trung úy Andreev, đã tập hợp những người sống sót và tiến hành phản công với súng tiểu liên. Một nhóm viện binh, đã đến kịp lúc, cắt rời quân Đức ra và cứu được bến vượt sông phía bắc của Tập đoàn quân 62. Phía Nga đã cẩn thận quan sát hệ thống tín hiệu bằng pháo sáng của quân Đức và biến nó thành lợi thế của mình bằng cách phỏng theo việc phối hợp màu với đạn pháo sáng thu được. Một trung đội trưởng được ghi nhận là đã lừa pháo binh Đức chuyển luồng hỏa lực vào chính quân mình đúng vào thời khắc nhạy cảm.

         Với dải phân tuyến hẹp, việc đào ngũ vẫn là giải pháp trốn thoát sau cùng, nhưng hiện giờ lại có những trường hợp lính Đức cố vượt tuyến. Ở giữa địa đoạn của sư đoàn bộ binh cận vệ 13, một lính Đức phóng ra từ những ngôi nhà họ đang phòng thủ và chạy thẳng về phía một tòa nhà do quân Nga giữ. Hành động của anh ta rõ ràng được hỗ trợ bởi vài đồng đội, bởi họ hét lên “Rus! Đừng bắn!”. Nhưng khi người đàn ông đó chạy được nửa chặng đường của khu phân tuyến, một lính Nga vừa mới đến bắn từ cửa sổ tầng hai và trúng anh ta. Người thương binh Đức bò, tiếp tục hét lên “Rus! Đừng bắn!”. Nhưng người lính Nga bắn lần nữa, và lần này giết chết anh ta. Thi thể anh nằm đó trong phần còn lại của ngày. Đến đêm, đội tuần tra Nga bò lên, nhưng phát hiện ra phía Đức đã gửi người lên trước để lấy vũ khí và tài liệu. Nhà cầm quyền Sô viết quyết định rằng cần phải “giải thích nhiều hơn để binh sỹ hiểu, không nên bắt vào những người đảo ngũ”.

        Các đơn vị được nhắc nhở trong nhật lệnh số 55 rằng khuyến khích đối xử tốt với quân địch đào ngũ”. Ở cùng khu vực trên, “có ghi nhận quân Đức giơ tay lên khỏi hào để được dính thương”. Bộ phận chính trị ngay lập tức được chỉ thị để đưa các hoạt động tuyên truyền lên sóng phát thanh và truyền đơn.

        Ngày 11 tháng 11, ngay trước bình minh, cuộc tấn công sau cùng của quân Đức bắt đầu. Một đội hình chiến đấu mới được tổ chức từ các sư đoàn bộ binh 71, 79, 100, 295, 305 và 389, tăng viện bởi bốn tiểu đoàn công binh sung sức, tấn công vào những túi kháng cự còn lại. Cho dù hầu hết những sư đoàn đó đã kiệt quệ bởi những trận đánh gần đây, nhưng nó vẫn là một cuộc tập trung qui mô.

        Một lần nữa, không đoàn số 8 dọn đường, nhưng tướng Von Richthofen đã hầu như mất hết kiên nhẫn với cái mà ông gọi là “tính rập khuôn của lục quân”. Vào đầu tháng, trong một cuộc họp với tướng Paulus và tướng Seydlitz, ông đã phàn nàn rằng “pháo binh đã không khai hỏa và bộ binh không tận dụng được kết quả của không kích”. Kết quả ngoạn mục nhất của Luftwaffe trong ngày 11 tháng 11 là hạ gục được ống khói nhà máy, nhưng họ thất bại trong việc tiêu diệt Tập đoàn quân 62 trong hầm hào của họ.

         Quân Siberi của đại tá Batyuk chiến đấu dữ dội để giữ vị trí của họ ở đồi Mamaev Kurgan, nhưng điểm đột kích chính của quân địch lại quá lên phía bắc nửa dặm, hướng về xí nghiệp hóa chất Lazur và cái gọi là “vợt tennis”, đó là tuyến đường sắt vòng tròn và đường tránh tàu có hình dạng như vậy. Lực lượng chính ở hướng này là sư đoàn bộ binh 305 và hầu hết các tiểu đoàn công binh được tung vào hỗ trợ công kích. Những tòa nhà chính yếu đã bị chiếm nhưng rồi lại bị quân Nga tái chiếm sau một trận phản công quyết liệt. Ngày hôm sau, cuộc tấn công này coi như dừng lại.

          Ở quá về phía bắc, quân thuộc sư đoàn bộ binh 138 của Lyudnikov bị cắt rời ở phía sau xí nghiệp Barrikady với bờ sông Volga, vẫn kháng cự dữ dội. Họ chỉ còn chừng ba mươi viên đạn cho mỗi khẩu tiểu liên, súng trường, và khẩu phần hằng ngày giảm xuống dưới 50 gam bánh mỳ khô. Ban đêm, những chiếc máy bay lưỡng cư U-2 cố thả xuống vài túi đạn dược và lương thực, nhưng sự va chạm làm hư hỏng đạn dược và gây tắc vũ khí.

        Đêm 11 tháng 11, Tập đoàn quân 62 triển khai một trận tấn công gồm sư đoàn bộ binh 95 ở phía Đông Nam xí nghiệp Barrikady. Mục đích, theo báo cáo gửi cho Shcherbakov vào ngày 15 tháng 11, là để ngăn quân Đức rút để bảo vệ sườn. Đều này mâu thuẫn với thông tin trong hồi ký của chính Chuikov, trong đó ông khẳng định rằng mình và ban tham mưu không biết chút gì về trận phản công lớn diễn ra vào ngày 19 tháng 11, cho đến khi được thông báo từ sở chỉ huy Phương diện quân vào ngay đêm hôm trước ngày đó.

         Những cuộc tấn công của phía Liên Xô, tuy vậy, ngay lập tức dừng lại bởi sức mạnh của pháo binh Đức và buộc phải trú ẩn. Từ 5 giờ sáng ngày 12 tháng 11, một “cơn bão lửa” nổ ra kéo dài hơn một giờ rưỡi đồng hồ. Rồi một lực lượng mạnh quân Đức tấn công, cố đánh vào vị trí tiếp giáp giữa hai trung đoàn bộ binh Nga. Lúc 9h50 sáng, phía Đức tung thêm quân, và một bộ phận tiến thẳng về phía các bồn dầu ở bờ sông Volga. Một trong số các trung đoàn bộ binh Liên Xô cố trụ lại trước mũi tấn công chính, trong khi các nhóm xung kích khác thì xây quanh và cắt rời các tay súng tiểu Đức đã thâm nhập. Ba chiếc xe tăng Đức bị cháy trong một trận đánh ác liệt. Tiểu đoàn thứ nhất của trung đoàn kể trên  chỉ còn 15 tay súng. Nhưng bằng cách nào đó họ đã trụ được ở tuyến phòng thủ chỉ cách bờ sông chừng 70 thước cho đến khi tiểu đoàn khác Chỉ còn một người sống sót trong số những thủy quân lục chiến bảo vệ sở chỉ huy trung đoàn. Tay phải anh bị dập nát và không bắn súng được. Anh bò ngược vào hầm, và rồi biết chắc rằng không còn lực lượng dự bị nào nữa, anh lèn đầy lựu đạn vào nón. “Tôi có thể ném bằng tay trái” anh giải thích. Gần đó, một trung đội thuộc trung đoàn khác cũng chỉ còn có bốn tay súng và đạn dược đã cạn. Một thương binh được gửi về phía sau với thông điệp: “Hãy bắn pháo vào đúng vị trí của chúng tôi. Trước mặt chúng tôi có rất đông bọn phát xít. Vĩnh biệt các đồng chí, chúng tôi không lùi bước”.

         Tình hình hậu cần của Tập đoàn quân 62 càng khó khăn hơn khi băng bắt đầu trôi trên sông Volga. Khi mặt sông đóng băng thì cần tàu phá băng ở cả hai bờ. Ngày 14 tháng Mười một, chiếc tàu hơi nước Spartakovets mang 400 lính và 40 tấn hàng hậu cần sang bờ phải và trở về mang theo 350 thương binh dưới làn mưa đạn, nhưng có rất ít tàu khác có thể qua lại được như vậy. Các đội cứu hộ luôn sẵn sàng trong đêm để giúp bất kỳ chiếc tàu nào bị kẹt trên băng, và như thế, thành một mục tiêu dễ dàng cho pháo binh Đức. “Nếu họ không thể hoàn thành công việc” tướng Richthofen ghi chú cay độc “khi sông Volga còn đang đóng băng và quân Nga ở Stalingrad đang chịu thiếu thốn ghê gớm, thì họ sẽ không bao giờ thành công được. Thêm vào đó, ngày đang ngắn dần và thời tiết thì càng tệ hơn”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 22 Tháng Sáu, 2015, 07:00:19 pm
          Tướng Paulus căng thẳng tột độ. Bác sỹ riêng của ông khuyến cáo rằng ông sẽ suy sụp tinh thần nếu không chịu nghỉ ngơi. “Hitler bị Stalingrad ám ảnh” một trong các sỹ quan tham mưu của tướng Paulus giải thích. “để tiêu diệt những điểm kháng cự còn lại trong tháng 11, ông ta thậm chí còn ra lệnh lấy cả lính tăng vào bộ binh cho các đợt tấn công”. Các tư lệnh thiết giáp kinh hãi trước sự phi lý điên cuồng này, nhưng họ không thể làm tướng Paulus bỏ qua mệnh lệnh đó. Sau cùng, họ cố vét cho đủ từ nguồn lái xe dự bị, đầu bếp, tải thương, liên lạc … - trên thực tế là bất kỳ ai miễn không phải là các tổ lái có kinh nghiệm của họ - để giữ cho các sư đoàn hoạt động. Thiệt hại ở các trung đoàn tăng cho thấy rất nghiêm trọng, nếu không nói là thảm khốc trong thời gian đó.

           Tướng von Seydlitz cũng rất quan ngại. Vào giữa tháng 11, sở chỉ huy tập đoàn quân 6 nhận định rằng: “42% số tiểu đoàn được cho là bị loại khỏi vòng chiến”. Hầu hết các đại đội bộ binh còn dưới 50 tay súng và phải được nhập lại. Tướng Seydlitz cũng quan ngại với tình trạng của hai sư đoàn xe tăng 14 và 24, chúng cần phải được tái bổ sung sẵn sàng cho cuộc tấn công mùa đông không tránh được từ phía Sô viết. Theo cách nhìn của ông, cuộc chiến sẽ còn kéo dài trong năm. Chính bản thân Hitler cũng thừa nhận với ông trong bữa ăn trưa tại Rastenburg rằng quân Đức bắt đầu phải chuẩn bị sẵn sàng cho “mọi thử thách của mùa đông Nga” từ đầu tháng Mười. Nhưng các đơn vị tại Stalingrad lại bị bỏ ra trong các hướng dẫn phòng thủ mùa đông, vì lúc đó Hitler đã khoe khoang tại Munich rằng không còn quan trọng.

          Sỹ quan và NCO có kinh nghiệm bị thương vong rất nghiêm trọng. Chỉ còn một số rất ít những chiến binh dày dạn còn sống ở cả hai phía. “Hiện giờ bọn Đức không giống với bọn mà chúng tôi đã chiến đấu hồi tháng Tám” một lính cựu phía Liên Xô nhất xét “và phía chúng tôi cũng khác”. Lính tiền phương của cả hai bên dường nhận đều nhận thấy rằng những ai dũng cảm nhất, tốt nhất luôn là người chết trước nhất.

         Các sỹ quan tham mưu Đức cũng lo ngại về mùa đông sắp đến. Những tính toán giản đơn cũng cho thấy Đức sẽ không thể chịu nổi mức thương vong đó lâu hơn nữa. Bất kỳ khái niệm phiêu lưu anh hùng nào cũng thành cay đắng. Cảm giác về điềm gở bắt đầu. Như là biểu tượng của quyết tâm báo thù, cách mới mẻ mà Hồng quân thực hiện ở Stalingrad khi tiễn đưa một vị tư lệnh nổi danh hy sinh, là bắn một loại đạn “không phải lên trời, mà vào bọn Đức”.



Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 22 Tháng Sáu, 2015, 07:03:44 pm
                                                                                                XIV

                                                                                        TẤT CẢ CHO TIỀN TUYẾN



           Việc lập kế hoạch cho chiến dịch Uranus, cuộc đại phản công của quân Sô viết để đánh bại tập đoàn quân VI, có một thời kỳ thai nghén dài bất thường nếu so với sự nóng vội đến mức mang đến thảm họa của Stalin trong mùa đông trước đó. Nhưng vào lúc này, lòng khao khát báo thù đã giúp ông kìm chế được tính khí dữ dội của mình.

          Ý tưởng ban đầu của chiến dịch được ghi nhận là vào thứ bảy, ngày 12 tháng Chín, ngày mà tướng Paulus gặp Hitler ở Vinnitsa, và đó cũng là ngày tướng Zhukov được triệu tập về điện Kremlin sau những trận tấn công thất bại vào cánh bắc của Paulus. Tướng Vasilevsky, tổng tham mưu trưởng, cũng có mặt.

          Ở đó, trong văn phòng của Stalin, dưới ánh nhìn từ bức chân dung mới được treo gần đây của Aleksandr Suvorov, khắc tinh của người Thổ trong thế kỷ 18, và của Mikhail Kutuzov, đối thủ nhùng nhằng của Napoleon, tướng Zhukov phải trình bày về những gì không hợp lý đã diễn ra. Ông ta tập trung vào một vấn đề, đó là cả ba tập đoàn quân không đầy đủ được đưa vào tấn công mà thiếu pháo binh, xe tăng. Stalin yêu cầu cho biết những gì cần thiết. Tướng Zhukov trả lời rằng họ cần phải có một tập đoàn quân đủ sinh lực, với một quân đoàn xe tăng, ba lữ đoàn thiết giáp cùng ít nhất 400 khẩu lựu pháo, và tất cả phải được một Tập đoàn quân không quân hỗ trợ. Vasilevsky đồng tình. Stalin không nói gì cả. Ông lôi tập bản đồ với những ghi chú về các lực lượng dự trữ của Bộ tổng tư lệnh tối cao và nghiên cứu một mình. Trong khi đó tướng Zhukov và tướng Vasilevsky cùng lui về một góc phòng. Họ khe khẽ trao đổi với nhau về các giải quyết vấn đề. Cả hai đều đồng ý rằng phải có một giải pháp khác.

          Nhưng Stalin có một đôi tai sắc bén hơn họ tưởng. Ông hỏi vọng qua:

          “Và đó là cái gì, giải pháp khác là thế nào?”.

          Hai vị tướng được gọi trở lại:

         “Hãy quay về bộ Tổng tham mưu, suy nghĩ thấu đáo những gì cần làm ở vùng Stalingrad”. Stalin bảo họ.

          Tối hôm đó, Zhukov và Vasilevsky quay lại. Stalin không để phí thời gian. Ông chào hai vị tướng với cái bắt tay theo kiểu doanh nhân khiến cả hai ông ngạc nhiên.

          “Rồi, hai anh có gì nào?”. Ông hỏi:

          “Ai là người báo cáo?”

          “Ai cũng được, chúng tôi cùng ý kiến”. Vasilevsky trả lời.

          Cả ngày hôm ấy, hai vị tướng ngồi ở Bộ Tổng tham mưu (STAVKA), nghiên cứu các khả năng và các dự kiến thành lập các Tập đoàn quân mới, các quân đoàn xe tăng mới trong vòng hai tháng kế tiếp. Càng nhìn vào bản đồ của mấu lồi phía Đức với hai cánh rất dễ tổn thương, họ càng bị thuyết phục rằng chỉ có một giải pháp đáng giá và nó làm “thay đổi tình huống chiến lược quyết định ở phía Nam”.

        Thành phố Stalingrad, tướng Zhukov bàn rằng, phải trụ được trong một cuộc chiến tiêu hao, và chỉ vừa đủ quân để giữ tuyến phòng thủ còn tồn tại. Không một đơn vị nào bị tiêu hao vào các trận phản công nhỏ lẻ, nếu không thật sự cần thiết để tránh việc quân thù chiếm được toàn bộ bờ Tây sông Volga. Rồi khi phía Đức tập trung vào việc chiếm thành phố, Bộ Tổng tư lệnh tối cao sẽ bí mật tập hợp các Tập đoàn quân mới từ hậu tuyến, tiến hành hợp vây theo một vòng cung rộng, sử dụng các mũi tấn công thọc sâu ở cách xa mấu lồi.

        Đầu tiên, Stalin cho thấy chỉ nhiệt tình chút ít. Ông sợ rằng họ có thể bị mất Stalingrad và phải chịu một thảm họa bẽ mặt khác, nếu không có vài hành động ngay tức khắc. Ông đề xuất một thỏa hiệp, là mang các điểm xuất phát tấn công về gần thành phố, nhưng Zhukov trả lời rằng nếu như vậy thì Tập đoàn VI của Đức cũng sẽ ở gần nhau hơn và vì thế, chúng có thể bố trí lại đội hình để chống các lực lượng tấn công của họ. Rốt cuộc Stalin cũng thấy được lợi thế của một chiến dịch đầy tham vọng.

         Điểm mạnh hơn hẳn của Stalin so với Hitler là ông ít xấu hổ. Sau thảm họa năm 1941, ông không chút nào cân nệ về việc làm sống lại các tư tưởng quân sự vốn bị thất sủng từ cuối những năm 20 đến đầu những năm 30. Các lý thuyết “chiến dịch thọc sâu” với việc cơ giới hóa các “Tập đoàn quân xung kích” để thủ tiêu quân địch không còn phải tồn tại bí mật theo kiểu dị giáo nữa. Trong cái đêm 13 tháng Chín ấy, Stalin hậu thuẫn hoàn toàn cho bảng kế hoạch chiến dịch thọc sâu đó. Ông dặn dò hai vị tướng về các “biện pháp bảo mật cao nhất”. “Không ai ngoài ba chúng ta ở đây, được biết về nó cho đến khi triển khai”. Trận tấn công đó được đặt tên là Chiến dịch Uranus (Sao Thổ).

         Tướng Zhukov không chỉ là một nhà lập kế hoạch giỏi mà ông còn là một người triển khai giỏi nhất. Ngay cả Stalin cũng bị ấn tượng bởi nghị lực để đạt được mục đích một cách không khoan nhượng của ông. Tướng Zhukov không muốn lặp lại sai lầm ở đầu tháng Chín khi tấn công vào cánh bắc Stalingrad, đã sử dụng các lực lượng thiếu huấn luyện và trang bị kém.

        Nhiệm vụ huấn luyện thật quá lớn. Zhukov và Vasilevsky gửi các sư đoàn dự bị vừa thành lập xong đến các khu vực khá yên tĩnh của mặt trận để huấn luyện ngay dưới làn đạn. Điều này cũng tạo nên sự thuận lợi không dự kiến trước vì đã làm tình báo quân đội Đức lúng túng. Đại tá Reinhard Gehlen, nghị lực cao nhưng hơi quá sức để đứng đầu Fremde Heere Ost, bắt đầu nghi ngờ rằng phía Hồng quân chuẩn bị cho một cuộc tấn công vu hồi lớn chống lại cụm Tập đoàn quân Trung tâm.

        Báo cáo trinh sát và thẩm vấn tù binh đã xác định cái mấu lồi gốc mà chiến dịch Sao Thổ nên nhắm vào là khu vực quân Rumani trấn giữ ở các cánh của Tập đoàn quân VI.

       Trong tuần thứ ba của tháng Chín, tướng Zhukov đã đến thực tế ở cánh bắc mấu lồi quân Đức trong tình trạng bí mật cao nhất. Aleksandr Glichov, một trung úy thuộc đại đội trinh sát của sư đoàn bộ binh 221, đang đêm được lệnh đến báo cáo ở sở chỉ huy sư đoàn. Tại đó, anh thấy có hai chiếc Willy. Một đại tá làm việc với anh, rồi bảo anh giao khẩu tiểu liên và lên ngồi ghế trước của một trong hai chiếc xe. Nhiệm vụ của anh là hướng dẫn một vị sỹ quan cao cấp đi dọc trận địa. Glichov phải chờ đến tận nửa đêm, rồi một dáng người vạm vỡ, không cao mấy mà còn có vẻ bị thấp lại bởi các cận vệ, xuất hiện từ phía hầm sở chỉ huy. Vị sỹ quan cao cấp ấy leo lên phía sau chiếc xe mà không nói một lời. Glichov, theo yêu cầu, đã hướng dẫn người lái xe từ đài chỉ huy đơn vị này đến cái khác dọc theo chiến tuyến. Khi họ trở về thì chỉ còn chút xíu nữa là rạng đông, anh được trả lại khẩu tiểu liên và cho quay về sư đoàn với thông điệp là đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhiều năm sau chiến tranh, anh mới biết được từ vị cựu tư lệnh rằng người sỹ quan cao cấp mà anh đã hộ tống trong đêm ấy, có lúc chỉ cách tuyến quân Đức vài trăm mét, chính là Zhukov. Có lẽ không thật sự cần thiết với một vị Phó Tổng tư lệnh tối cao khi tự thân nghiên cứu từng đài chỉ huy từng đơn vị trên mặt đất và đối diện với lực lượng địch. “Nhưng Zhukov là Zhukov!”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 22 Tháng Sáu, 2015, 07:07:12 pm
        Trong khi tướng Zhukov có chuyến thị sát bí mật ở cánh bắc thì Vasilevsky đến thăm các Tập đoàn quân 64, 57, 51 ở phía nam Stalingrad. Ông thúc dụng tiến đến tuyến các hồ muối trên thảo nguyên. Ông không cho biết lý do thật đó chính là việc thiết lập các vị trí bảo vệ tốt cho chiến dịch Sao Thổ.

        Bảo mật và lừa địch là yếu tố sống còn để ngụy trang cho công tác chuẩn bị của họ, mà trong việc này phía Hồng quân có sẵn hai điểm lợi thế rất mạnh. Thứ nhất là Hitler không chịu tin rằng Liên Xô còn quân dự trữ, đơn cử là các đơn vị xe tăng mạnh để dùng cho các chiến dịch thọc sâu. Thứ hai là nhận định tình huống sai lầm của phía Đức, dù Zhukov không biết điều này. (Bên Đức cho là) những trận tấn công vô dụng vào quân đoàn xe tăng XIV Đức vào cánh bắc gần Stalingrad đã làm cho Hồng quân không thể thực hiện một trận tấn công hữu hiệu ở vùng này, điều tối thiểu cho một trận hợp vây nhanh, mạnh cả Tập đoàn quân VI.

        Trong suốt mùa hè, khi Đức sản xuất ra được gần 500 chiếc xe tăng một tháng, tướng Halder đã nói với Hitler rằng phía Liên Xô sản xuất được tới 1.200 chiếc. Vị Quốc trưởng đập bàn và bảo rằng điều đó là không thể. Nhưng thật ra con số đó còn quá thấp. Trong năm 1942, sản lượng xe tăng Sô viết tăng từ 11.000 chiếc trong 6 tháng đầu năm lên tới 13.600 chiếc trong nửa năm còn lại, và trung bình là hơn 2.200 chiếc một tháng. Sản lượng phi cơ cũng tăng từ 9.600 chiếc ở 6 tháng đầu lên tới 15.800 chiếc ở nửa còn lại.

        Sự ám chỉ rõ ràng rằng Liên Xô, dù bị mất đi các vùng công nghiệp chính, vẫn sản xuất vượt trội Đế chế, làm Hitler giận dữ hoài nghi. Các lãnh đạo Quốc xã luôn không chịu hiểu về sức mạnh từ lòng yêu nước của người Nga. Họ cũng ước lượng không đúng về chương trình di tản công nghiệp liên tục đến vùng Ural và quân sự hóa lực lượng lao động. Hơn 1500 xí nghiệp được di chuyển từ các khu vực miền Tây Liên Xô về phía sau sông Volga, đặc biệt là vùng Ural, và lắp lại bởi những tập đoàn kỹ thuật viên làm việc quần quật trong tiết đông. Chỉ có một ít nhà máy có vài lò sưởi. Còn đa số thậm chí đầu tiên còn không có cửa sổ, mái nhà.

        Và một khi dòng sản xuất đã được khởi động thì họ không bao giờ ngừng nghỉ, trừ phi phải dừng do hỏng hóc, sự cố điện hoặc thiếu thốn những thứ cụ thể nào đó. Nguồn nhân lực chiếm vị trí không quan trọng mấy. Bởi nhà cầm quyền Soviet đơn giản là lấy từ những công dân mới. Chế độ quan liêu Sô Viết làm tốn thời gian và trí tuệ của công dân, và lãnh phí đời họ trong các tai nạn công nghiệp, cũng lãnh đạm với cá nhân như các nhà kế hoạch quân sự thể hiện trước lính họ, còn sự hy sinh tập thể - cả ép buộc và tự nguyện – cho thấy kết quả thật đáng kinh ngạc.Vào thời điểm Hitler vẫn không chịu đồng ý cho ý tưởng dùng nữ công nhân Đức trong các nhà máy, thì việc sản xuất của phía Liên xô phụ thuộc vào sự động viên số lượng lớn các bà mẹ và chị em phụ nữ. Hàng vạn phụ nữ trong quần áo công nhân – “chiến sỹ toàn diện” – nhiệt thành tin rằng những gì họ đang làm là giúp đỡ những người đàn ông của họ. Các áp phích luôn nhắc họ về vai trò của mình: “Bạn đã làm gì cho tiền tuyến?”.

         Tại Chelyabinsk, một trung tâm công nghiệp chiến tranh lớn ở Ural, được biết đến như là thành-phố-xe-tăng. Tất nhanh, các trường huấn luyện tăng mọc cạnh nhà máy. Đảng tổ chức mối liên hệ giữa công nhân và các trung đoàn, trong khi các nhà máy quyên góp tiền để có nhiều xe tăng hơn. Một pháo thủ tăng tên Minakov sáng tác ra một giai điệu diễn tả được cảnh tượng của dây chuyền sản xuất Ural:

            “Cái chết cho quân thù
             Nụ cười cho bè bạn
             Không có gì tốt hơn
             Một chiếc T-34”


         Vài người sau đó đề nghị rằng các công nhân dây chuyền nên thành lập thành trung đoàn xe tăng tình nguyện Ural thứ nhất. Các nhà tổ chức tuyên bố nhận được, trong vòng 36 tiếng kể từ khi dán poster đầu tiên “4363 đơn xin gia nhập trung đoàn, trong đó có tới 1253 là phụ nữ”.

       Ngay cả các trại lao động cưỡng bức cũng cống hiến lượng đạn dược sản xuất cao hơn nhiều so với những thứ tương tự ở Đức. Dù cũng có chút ít trường hợp phá hoại. Tù nhân trại Gulag vẫn tin là đánh bại được quân xâm lược.

       Việc giúp đỡ của Đồng Minh được nhắc đến rất ít từ các nguồn Sô viết, vì lý do tuyên truyền, nhưng sự đóng góp của họ để giúp cho Hồng quân chiến đấu trong mùa thu năm 1942 không nên bị bỏ qua. Stalin đã phàn nàn với Zhukov về chất lượng của các máy bay tiêm kích Hurricane được cung cấp bởi Churchill, và về những chiếc xe tăng Anh, Mỹ không so được với T-34. Hàng hóa ủy thác của Anh như ủng quân dụng, áo khoác không thông dụng với lính Sô viết vì nó vô dụng trong mùa đông. Nhưng xe cộ của Mỹ - nhất là các dòng Ford, Willy, xe jeep và xe tải Studebaker – cùng thực phẩm, gồm hàng triệu tấn lúa mỳ đựng trong các bao tải trắng có in hình đại bàng Mỹ, và thịt hộp, thịt bò muối từ Chicago, đã làm nên sự khác biệt to lớn, dù không nhận thấy, cho sức kháng cự của Liên Xô.

         Tướng Zhukov hiểu rõ tầm quan trọng của việc có được các tư lệnh có khả năng cho cuộc chiến cơ giới. Lúc cuối tháng Chín, ông đã đề nghị Stalin bổ nhiệm đại tướng Constantin Rokossovky, một cựu nạn nhân của NKVD và Beria, làm tư lệnh phương diện quân Sông Đôn, kéo dài từ chót phía bắc của tây Stalingrad cho đến Kletskaya, ở ngay khúc ngoặc lớn của sông Đôn. Cùng lúc, trung tướng Nikolay Vatutin chịu trách nhiệm ở phương diện quân Tây Nam mới tái lập ở cánh phải của Rokossovsky, đối diện với tập đoàn quân Rumani số 3. Ngày 17 tháng Mười, sở chỉ huy phương diện quân sông Đôn đã ra lệnh tất cả thường dân “trong vòng 15 dặm kể từ tiền duyên” phải được di tản hết trước ngày 29 tháng Mười.

         Một phần của công tác an toàn, ủy ban quân quản muốn có thể giấu quân trong làng vào ban ngày trong quá trình hành quân tiếp cận. Đó là một hoạt động to lớn, khi những người di cư phải mang theo “bò, cừu, lợn, gà của mình và thực phẩm cho một tháng”. Trâu bò được dùng làm súc vật kéo xe, và tất cả các máy móc nông nghiệp, bao gồm cả máy gặt và những thứ máy móc có giá trị khác phải được rút đi. Vài nghìn thường dân được được huy động vào các quân đoàn xây dựng có trên 100.000 người khỏe mạnh, để sửa chữa cầu đường dọc tuyến Saratov – Kamyshin – Stalingrad và tất cả những con đường khác dẫn ra mặt trận.

        Từ tuyến đường sắt mới lắp Saratov – Astrakhan, các tuyến được hướng lệch ra ga đầu mối ngoài thảo nguyên nơi các lực lượng dự bị của STAVKA xuống tàu, vẫn còn ở hậu phương, trước khi phân bổ đến các địa điểm tập trung ngay sau mặt trận. Hệ thống đường sắt của Sô viết, căng thẳng với việc vận chuyển 1300 toa mỗi ngày cho cả ba phương diện quân, đã làm rất cừ. Nhưng sự lộn xộn là không thể tránh khỏi. Có một sư đoàn mất gần hai tháng rưỡi để đáp tàu quân sự từ một ga tránh ở Uzbekistan.

          Kế hoạch của chiến dịch Sao Thổ khá đơn giản, nhưng đầy tham vọng táo bạo. Nỗ lực chính triển khai ở đầu cầu Serafimovich, cách Stalingrad chừng hơn một trăm dặm về phía Tây, trên một địa đoạn dài 40 dặm ở nam sông Đôn nơi tập đoàn quân Rumani số 3 không đầy đủ sức mạnh chiếm giữ, tiến về hướng đông - nam. Điểm đích của cuộc tấn công ở mãi sâu ở phía hậu phương Tập đoàn quân VI để các lực lượng cơ giới Đức đang ở trong và xung quanh Stalingrad không thể trở về kịp thời, tạo nên sự khác biệt.

         Trong khi đó, một mũi tấn công chia cắt gần hơn từ một đầu cầu khác ở nam sông Đôn tại Kletskaya, rồi công kích vào hậu phương của quân đoàn lục quân XI của Strecker trải dài từ khúc ngoặc lớn đến khúc ngoặc nhỏ của sông Đôn. Sau cùng, từ phía Nam Stalingrad, một mũi thiết giáp thọc sâu vào hướng tây bắc để gặp hướng tấn công chính ở đâu đó quanh Kalach. Và như vậy sẽ hợp vây Toàn bộ tập đoàn quân VI của Paulus và một phần Tập đoàn quân xe tăng IV của Hoth. Tất cả huy động tới 60% lực lượng xe tăng của Hồng quân vào chiến dịch Sao Thổ.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 22 Tháng Sáu, 2015, 07:09:27 pm
          Việc bảo mật ở phía Soviet diễn ra tốt đẹp hơn dự kiến, dù một số tù binh Hồng quân và lính đảo ngũ nằm trong tay quân Đức. Trong mùa hè 1942, tình báo Đức đã thất bại không nhận ra việc thành lập 5 Tập đoàn quân xe tăng mới (thật ra mỗi Tập đoàn chỉ tương đương một quân đoàn xe tăng Đức) và 15 quân đoàn xe tăng (mỗi quân đoàn tương đương một sư đoàn tăng Đức mạnh). Đến thời điểm bùng nổ, bên Hồng quân càng quan tâm hơn đến maskirovka, một thuật ngữ bao gồm việc đánh lừa, ngụy trang, và hoạt động bảo mật bằng cách giảm tối đa lượng thông tin điện đài. Mệnh lệnh được chuyển từ người sang người và không được viết ra. Các biện pháp đánh lừa còn bao gồm cả việc tăng cường hoạt động quanh Moscow.

          Phía Đức nhận định rằng vòng cung Rzhev là khu vực thích hợp nhất cho một cuộc tấn công phía Sô viết trong tháng 11. Trong khi đó ở phía nam, các sư đoàn tiền duyên dọc theo các địa đoạn sống còn của chiến dịch Sao Thổ lại được lệnh thiết lập trận địa phòng ngự, đó chỉ là để cho không thám Đức nhận thấy, và phương diện quân Voronezh, vốn chả dính dáng gì, lại được lệnh chuẩn bị phương tiện công binh, thuyền bè như thể để tấn công. Hoạt động quân sự ở các khu vực khác được che dấu bởi việc xây dựng tuyến phòng thủ, cho phía đối phương có ấn tượng về kế hoạch của một cuộc tấn công. Các đơn vị tham gia chiến dịch Sao Thổ, hành quân tiếp cận vị trí trong đêm, ẩn nấp vào ban ngày, đó là một nhiệm vụ khó khăn trên thảo nguyên trống trải, nhưng kỹ thuật ngụy trang của Hồng quân hữu hiệu đáng ngạc nhiên. Không ít hơn 17 cầu giả được bắt qua sông Đôn để thu hút sự chú ý của không quân Đức khỏi 5 chiếc cầu thật, mà trên đó Tập đoàn quân xe tăng 5, quân đoàn xe tăng 4, hai quân đoàn kỵ binh và nhiều sư đoàn bộ binh vượt sông.

           Phía nam Stalingrad, quân đoàn cơ giới 13, 4, quân đoàn kỵ binh 4 và các đơn vị hỗ trợ - tổng cộng hơn 160.000 người, 430 xe tăng, 550 đại bác, 14.000 xe cộ và hơn 10.000 ngựa – được đưa qua sông Volga ở phía hạ lưu thành từng đợt trong đêm, đó là một công việc khó khăn và nguy hiểm với băng trôi dọc xuống dòng sông. Họ phải ngụy trang trước bình minh. Phía Hồng quân dĩ nhiên không thể che dấu toàn vẹn cho chiến dịch sắp đến, nhưng, như một sử gia đã nói, là “kỳ công nhất là dấu được mức độ của cuộc tấn công”.

        Đầu mùa thu năm 1942, đa số tướng lĩnh Đức - dù không chia sẽ với Hitler niềm tin rằng Hồng quân đã bị kết liễu - cũng tin rằng họ đã gần như kiệt quệ. Nhưng trái lại, các sỹ quan tham mưu có xu hướng hoài nghi. Khi đại úy Winrich, một sỹ quan thành tích cao từ quân đoàn Châu phi gia nhập vào sở chỉ huy tập đoàn quân 6, trung tá Niemeyer, trưởng ban tình báo, chào mừng anh với những đánh giá ảm đạm hơn mong đợi “Bạn mến,” ông ta nói “đến mà xem bản đồ tình huống này. Nhìn vào các điểm đánh dấu đỏ ấy. Quân Nga bắt đầu tập trung ở phía bắc tại đây, và phía nam tại đây” Niemeyer cảm thấy các sỹ quan cao cấp, dù quan ngại đến mối đe dọa với tuyến thông tin liên lạc của họ, mà không nhận ra sự nguy hiểm của một trận hợp vây nghiêm trọng.

         Tướng Paulus và tướng Schmidt có xem tất cả các báo của của Niemeyer nhưng cho rằng ông ta đã phóng đại. Cả hai vị tướng tin là sẽ có các cuộc tấn công lớn với pháo binh và xe tăng, nhưng không nghĩ đến một trận đánh thọc sâu về phía hậu phương, sử dụng đúng chiến thuật Schwerpunk của Đức. (Sau sự kiện này, tướng Paulus dường như bị rơi vào một sai lầm rất người là ông tự thuyết phục rằng mình đã nhận thấy tất cả mối nguy hiểm. Nhưng tướng Schmidt thì thẳng thắn thừa nhận rằng họ đã nhận định sai nghiêm trọng về kẻ thù).

         Mặt khác, tướng Hoth, có lẽ có cái nhìn rõ hơn về mối đe dọa của một cuộc tấn công từ phía nam Stalingrad.Tất cả các vị tướng khi về Đức họp đều bị thuyết phục rằng Liên Xô không có khả năng mở hai chiến dịch, và đánh giá của đại tá Gehlen, dù thận trọng bóng gió tất cả các tình huống có thể, tiếp tục chỉ ra rằng đánh vào cụm tập đoàn quân Trung tâm là vị trí thích hợp nhất cho trận tấn công chính trong mùa đông (của phía Nga). Tổ chức của ông ta đã thất bại trong việc nhận ra sự hiện diện của tập đoàn quân xe tăng 5 thuộc phương diện quân sông Đôn đối diện với quân Rumani. Chỉ có một dấu hiệu ngăn chặn ngắn trước khi trận công kích diễn ra.

        Khía cạnh ấn tượng nhất lúc đó là vấn đề do tướng Paulus và tướng Schmidt đưa ra, rằng, mỗi khi Tập đoàn quân VI gửi về phía sau các báo cáo của họ, thì có nghĩa là sẽ không làm gì thêm nếu những mối đe dọa đó không nằm trong phạm vi trách nhiệm của họ. Tính thụ động này hoàn toàn đi ngược với truyền thống quân sự Phổ, vốn cho rằng việc chần chừ đợi lệnh và không chịu tự suy nghĩ là không thể chấp nhận với một vị tư lệnh. Còn Hitler, dĩ nhiên, đã khoa trương lên để dẹp tan kiểu độc lập đó trong các tướng lãnh của ông, và Palus, vốn bẩm sinh là một sỹ quan tham mưu hơn là một tư lệnh chiến trường, đã tán thành.

         Sau này, tướng Paulus thường bị đổ lỗi là không tuân theo lệnh của Hitler, khi viễn cảnh của một thảm họa đã quá rõ ràng, nhưng thật ra, sai lầm chính yếu của ông ở cương vị tư lệnh chính là việc thiếu chuẩn bị để đối mặt với nguy cơ. Đây là tập đoàn quân của chính ông, đối tượng bị đe dọa. Lý ra, những gì cần làm, là ông phải rút phần lớn lực lượng thiết giáp của mình ra khỏi các trận đánh tiêu hao trong thành phổ và tổ chức thành một lực lượng cơ giới mạnh sẵn sàng phản ứng nhanh. Đồ quân dụng, đạn dược cũng nên được tái phối trí lại để xe pháo có thể sẵn sàng lên đường sau một báo động ngắn. Công tác chuẩn bị tương đối nhỏ này – và việc không tuân theo Quốc trưởng – có thể giúp cho Tập đoàn quân VI có được khả năng phòng thủ hữu hiệu trong thời khắc nguy ngập.

           Hitler đã ra lệnh trong một chỉ thị Quốc trưởng đề ngày 30 tháng 6 rằng các đơn vị không nên liên lạc với những lực lượng Đồng minh. Tuy nhiên, tướng Schmidt đã bị các thành viên ban tham mưu (của Tập đoàn quân VI) thuyết phục bỏ qua lệnh đó. Một sỹ quan cùng với một máy truyền tin không dây của Tập đoàn quân VI được đưa tới chỗ của quân Rumani ở hướng Tây – Bắc. Đó chính là trung úy Gerhard Stock, người từng nhận được huy chương vàng môn ném lao trong kỳ Olympic Berlin 1936. Và tướng Strecker cũng sắp xếp để đưa một sỹ quan liên lạc từ quân đoàn XI.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 22 Tháng Sáu, 2015, 07:12:34 pm
          Những tín hiệu cảnh báo đầu tiên đến từ cánh sông Đôn khoảng vào cuối tháng 10. Tướng Dumitrescu, tư lệnh tập đoàn quân Rumani số 3, đã tranh luận khá dài rằng địa đoạn của ông chỉ có thể phòng thủ được nếu họ có được toàn vẹn bờ sông, và khi đó sông Đôn sẽ là chướng ngại vật chống tăng chính của họ. Dumitrestcu cũng đề nghị chiếm phần bờ sông còn lại ở phía Nam vào cuối tháng Chín, nhưng cụm Tập đoàn quân B, trong khi chấp nhận đề xuất của ông ta, lại giải thích rằng tất cả các đơn vị trù bị phải được tập trung vào Stalingrad, nên việc chiếm đó vẫn chỉ là sắp thực hiện.

         Rồi một khi quân Rumina bắt đầu nhận ra phía địch đang tăng cường, họ bắt đầu thêm lo ngại. Mỗi sư đoàn của họ, chỉ có bảy tiểu đoàn mạnh, phải trải ra trên một tuyến dài mười hai dặm. Điểm yếu chí mạng của họ là thiếu các vũ khí chống tăng hữu hiệu. Họ chỉ có vài khẩu pháo chống tăng loại 37mm Pak do ngựa kéo, mà quân Nga gán cho cái hỗn danh là “người gõ cửa” bởi đạn của nó không thể xuyên nổi lớp giáp của T-34. Các khẩu đội đại bác của Rumani cũng thiếu đạn vì ưu tiên chính là dành cho tập đoàn quân 6.

          Ban tham mưu của Dumitrescu đã báo cáo các mối quan ngại của họ lên sở chỉ huy cụm Tập đoàn quân vào ngày 29 tháng Mười, và Nguyên soái Antonescu cũng vạch ra cho Hitler lưu ý đến tình trạng nguy hiểm mà quân ông ta đang đối mặt, nhưng Hiter, khi đó vẫn mong đợi tin tức của việc chiếm toàn bộ Stalingrad chỉ trong vài ngày nữa, và vì có những sự kiện quan trọng khác nên quên lãng mất. Cuộc lui binh của tướng Rommel sau trận El Alamein nhanh chóng theo sau là báo động về hạm đội Anglo-Mỹ trực chỉ đến Bắc Phi. Rồi cuộc đổ bộ của chiến dịch Ngọn đuốc hướng sự chú ý của ông ta vào nước Pháp. Thế là việc các lực lượng Đức tiến vào vùng chưa bị chiếm đóng của Pháp trong ngày 11 tháng Mười đã diễn ra cũng lúc với đợt tấn công sau cùng của Paulus vào Stalingrad.

         Sau đó cảnh báo về một trận tấn công phía Sô viết vào vòng cung bắt đầu dồn dập. Sỹ quan liên lạc báo cáo trong ngày 7 tháng 11 rằng “Tập đoàn quân Rumani 3 đợi một trận tấn công mạnh với xe tăng của quân địch trong ngày 8 tháng 11 ở khu vực Kletskaya – Raspopinskaya”. Vấn đề duy nhất là quân Rumani tiếp tục báo động tấn công từ quân Nga trong 24 giờ tiếp sau nữa, và khi không có gì xảy ra, nhất là sau ngày kỷ niệm cách mạng tháng Mười hoàn toàn yên tĩnh, việc đó trở thành câu chuyện nhát ma của trẻ con.

           Tướng Von Richthofen, mặt khác, lại được thuyết phục nhiều thêm bởi bằng cớ có được từ các phi đoàn trinh sát của mình. Ngay trong đợt tấn công của tướng Paulus vào ngày 11 tháng 11, ông vẫn dành ra một bộ phận của quân đoàn không quân VIII để tấn công quân Nga tập trung đối diện với tập đoàn quân Rumani 3. Ngày hôm sau, ông viết vào nhật ký:

         “ Trên sông Đôn, quân Nga cương quyết vận chuyển những thứ chuẩn bị cho một trận tấn công vào quân Rumani. Quân đoàn không quân VIII, cả không đoàn Bốn cùng lực lượng không quân Rumani tiếp tục công kích chúng. Quân dự bị của chúng hiện đã được tập trung lại. Rồi tôi e là sẽ có tiến công!

        Ngày 14 tháng 11, ông ghi lại: “Thời tiết đang tệ dần đều, sương mù làm đóng băng trên cánh phi cơ cùng những cơn mưa bão lạnh buốt. Mặt trận Stalingrad yên tĩnh. Máy bay ném bom của chúng ta đã công kích thành công tuyến đường sắt Đông Stalingrad, làm đứt tuyến viện binh và hậu cần địch. Tiêm kích và cường kích ta tập trung chia cắt tuyến hành quân tiếp cận sông Đôn của quân Nga.

        Việc không quân Đức quét sâu vào hậu phương quân Nga đã phát hiện ra một phần tập đoàn quân xe tăng 5 đang vượt sông Đôn và suýt gây ra được hai ca thương vong nghiêm trọng. Máy bay Đức làm Khrushchev và Yeremenko sửng sốt tại Svetly-Yar, khi họ đang tiếp một phái đoàn đến từ Uzbekistan mang theo 37 toa xe quà tặng cho những người phòng thủ Stalingrad gồm rượu, thuốc lá, dưa khô, gạo, lê, táo và thịt.

          Phản ứng trước mối đe dọa của các cấp – từ Tổng hành dinh Quốc trưởng, cụm Tập đoàn quân B đến sở chỉ huy Tập đoàn quân VI – là rất rất nhỏ, rất muộn. Ảo tưởng của Hitler cũng góp một phần. Ông tự vệ bằng cách ra lệnh tăng cường cho quân Rumani bằng các đơn vị Đức và những bãi mìn, nhưng ông không chịu chấp nhận rằng không còn nguồn lực cũng như các đơn vị nào có thể.

         Tất cả những gì có thể tăng cường cho mối đe dọa ở cánh Bắc là quân đoàn xe tăng XXXXVIII (48), tư lệnh là trung tướng Ferdinand Heim, cựu tham mưu trưởng của Paulus. Trên giấy, quân đoàn này xuất hiện với đầy đủ sức mạnh, với sư đoàn tăng số 14, sư đoàn tăng số 22 và sư đoàn tăng Rumani số 1, cùng với một tiểu đoàn chống tăng, một tiểu đoàn pháo binh cơ giới, nhưng thực tế cho thấy nó không oai vệ như vậy. Cả quân đoàn xe tăng này có không quá một trăm chiếc xe tăng hiện đại hoạt động được, tính cho cả ba sư đoàn.

        Sư đoàn xe tăng 14, bị tiêu hao khi đánh Stalingrad và chưa có một cơ hội nào để tái trang bị. Sư đoàn Rumani phối thuộc thì được trang bị xe tăng hạng nhẹ Skoda của Tiệp khắc, mà loại này thì không có một cơ may nào khi đối diện với T-34. Sư đoàn xe tăng 22, là một đơn vị dự bị, thiếu nhiên liệu và trong suốt thời gian nằm bất động, chuột đã tìm đường di cư vào các thân xe. Chúng gặm nát dây cáp điện và không được thay thế kịp thời ngay lập tức.

           Trong khi đó, các trung đoàn của sư này tiếp tục bị chia ra, gửi đến chỗ này, nơi kia khi đáp ứng cho lời kêu gào giúp đỡ của các đơn vị Rumani. Để làm cho quân Rumani bình tĩnh, các phân đội nhỏ đôi chiếc xe tăng, vài cặp đại bác được đưa đi “săn ngỗng trời” từ khu vực này sang khu vực khác. Trợ lý không quân Quốc trưởng, Nicolaus Below, phàn nàn rằng: “Hitler không được thông tin về tình hình chất lượng của quân đoàn tăng này”, nhưng ngay cả khi điều này là sự thật, thì ông ta sẽ chính là người gây áp lực lên ban tham mưu của mình chống lại cái sự thật không thoải mái này.

         Ở nam Stalingrad, chỉ có một đơn vị dự bị duy nhất phía sau quân đoàn Rumani VI là sư đoàn bộ binh mô tô  hóa số 29, nhưng vào ngày 10 tháng 11, nó “nhận được mật mã ‘Hubertusjagd’, và phải đi chuyển trong thời gian ngắn nhất đến Perelazovsky ở khu vực của tập đoàn quân Rumani 3”. Perelazovsky là điểm trung tâm của quân đoàn xe tăng XXXXVIII (48). Mặc cho cảnh báo của tướng Hoth, mối đe dọa ở sườn phía nam đã không được coi trọng.

           Thời tiết trong nửa đầu tháng 11 làm cho việc hành quân tiếp cận của các đơn vị Sô viết gặp nhiều khó khăn. Những cơn mưa nặng hạt kéo theo sau là sương giá dày đặc. Nhiều đơn vị, do vội vã để chuẩn bị cho chiến dịch Sao Thổ đã không kịp nhận quân phục mùa đông. Không chỉ thiếu thốn găng tay, nón mà ngay cả những vật dụng cơ bản như là vải quấn chân dùng thay cho vớ.

           Ngày 7 tháng 11 khi sư đoàn kỵ binh 81 thuộc quân đoàn kỵ binh 4 băng qua thảo nguyên Kalmyk ở cánh nam, mười bốn lính, chủ yếu là người Uzbek và Turkoman, chưa có quân phục mùa đông, đã bị chết rét “vì sự vô trách nhiệm của cấp chỉ huy”. Các sỹ quan phi ngựa ở phía trước mà không quan tâm đến đằng sau. Những người lính đó bị lạnh cứng, ngã từ lưng ngựa xuống, và các NCO, không biết làm gì, đã ném họ lên thùng xe, ở đó họ bị cóng tới chết. Chỉ trong một phân đội kỵ binh đã mất tới 35 con ngựa. Binh lính cố chuồn khỏi trận chiến sắp tới. Trong sư đoàn bộ binh 93, trên đường hành quân tiếp cận, đã có 7 ca tự-thương, và hai trường hợp đào ngũ bị bắt lại. “Trong vài ngày tới” báo cáo từ phương diện quân Stalingrad gửi Shcherbatov viết “những kẻ phản bội khác sẽ cũng sẽ cố làm như vậy, trong số chúng có một đảng viên hắn đã tự bắn vào tay trái trong một phiên gác”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 22 Tháng Sáu, 2015, 07:17:54 pm
           Không khí ở điện Kremlin ở nên căng thẳng cao độ kể từ khi Zhukov nhận lãnh một trách nhiệm không ai muốn là báo cho Stalin biết chiến dịch Sao Thổ sẽ bị chậm 10 ngày đến ngày 19 tháng 11. Những khó khăn trong vận chuyển - chủ yếu là do thiếu xe tải, toa xe hàng – có nghĩa là các đơn vị tấn công sẽ không nhận đủ cơ số nhiên liệu, đạn dược. Stalin, dù e rằng quân địch có thể nghe ngóng được tình hình và sẽ thoát khỏi cái bẫy, cũng phải đồng ý vì không còn phương sách nào khác. Ông quấy rầy Bộ tổng tham mưu liên tục để biết thông tin về bất kỳ thay đổi vị trí nào trong tập đoàn quân 6. Rồi ngày 11 tháng 11, Stalin lại bắt đầu lo âu về việc không đủ máy bay để áp chế không quân Đức. Nhưng bảng kế hoạch tổng quan cũng như chi tiết của Zhukov cuối cùng cũng làm ông an tâm. Lúc đó, ông cảm thấy, thời khắc cho việc báo thù đã điểm.

            Tướng Zhukov và tướng Vasilevsky bay về Moscow để báo cáo với ông trong ngày 13 tháng Mười một. “Chúng tôi có thể nói là người hài lòng” Zhukov viết “vì thấy người khoan thai nhả khói từ chiếc tẩu, vuốt ria và nghe chúng tôi mà không ngắt lời”.

             Tình báo Hồng quân, lần đầu tiên, đã làm một nỗ lực quyết định, phối hợp các nguồn tin có giá trị. Đó là cơ hội đầu tiên để họ tự chứng tỏ sau những thảm họa trước kia, dù phần lớn lỗi là do những định kiến đầy ám ảnh của Stalin mà hoàn toàn không đếm xỉa gì đến các tài liệu kết quả chính xác - Tình báo là một bộ phận nguy hiểm để phục vụ. Trong ngày 22 tháng 11, ba ngày sau trận đại phản công bắt đầu, trưởng ban tình báo tập đoàn quân 62 bị buộc tội là “có tư tưởng chủ bại, phản cách mạng” và cung cấp thông tin sai về quân thù. Không thể biết được sỹ quan đó bị bắt vì lý do chính trị hay vì sự bất tài của chính ông ta hoặc chỉ là một cái bung xung của các cấp cao hơn - Hầu hết tin tình báo đến từ những “chiếc lưỡi” bị bắt trong các cuộc tuần tra trinh sát hoặc tấn công trinh sát và từ không thám.

            Các bộ phận vô tuyến điện cũng giúp xác định căn cước một số lớn các đơn vị Đức. Trinh sát pháo binh cũng làm việc khá tốt, dưới sự giám sát của tướng Voronov tập trung các trung đoàn và các địa đoạn chính. Trong khi đó, công binh vạch ra được các bãi mìn của ta cũng như của địch trong hướng tiến công. Vấn đề chính lại nằm ở chỗ sương mù, mà chính tướng Von Richtholen của phía Đức cũng chua chát phàn nàn.

            Ngày 12 tháng11, đợt tuyết rơi nặng đầu tiên bắt đầu cùng lúc với một loạt các nhiệm vụ trinh sát. Quân phục ngụy trang màu trắng đã được cấp phát, và các nhóm được gửi đi để bắt tù binh nhằm kiểm tra xem có đơn vị nào mới được chuyển đến khu vực đột phá chính.

            Đại đội trinh sát thuộc sư đoàn bộ binh 173, lần đầu tiên, phát hiện ra quân Đức đang chuẩn bị các boongke bằng bê tông. Những tù binh khác bị bắt từ đầu đến cuối mặt trận đều nhanh chóng xác nhận rằng dù các boongke bê tông được thiết lập nhưng không có đơn vị mới nào đến. Ở khu vực mặt trận của tập đoàn quân Rumani 3, họ phát hiện ra các sỹ quan cao cấp đã ra lệnh tập trung các nguồn cung cấp để bê tông hóa sở chỉ huy ở hậu phương trước, không còn gì cho các vị trí tiền tiêu. Các đơn vị quân Nga giữ vị trí ở các khu vực nơi cuộc tấn công sẽ diễn ra “biết rằng có việc gì đó sắp đến, nhưng họ không biết chính xác là gì”.

         Mối bận tâm chính của Moscow ở thời điểm này là việc thiếu thông tin đáng tin cậy về tình trạng tinh thần của Tập đoàn quân VI. Trong quá trình chiến đấu quanh Stalingrad, ngay cả những lá thư, mệnh lệnh đơn lẻ được lấy từ các cấp thấp cũng có quá ít cho họ để tiếp tục. Cuối cùng, vào ngày 9 tháng 11, thiếu tướng Ratov, ban tình báo Hồng quân được chuyển cho một tập hồ sơ thu từ sư đoàn bộ binh 384, nằm đối diện ở khúc ngoặc nhỏ sông Đôn, một đơn vị hỗn hợp các trung đoàn Áo, Saxon. Ngay lập tức, ông nhận ra đây là thứ bằng cớ cuối cùng mà họ đang chờ đợi. Các bảng dịch được gửi ngay cho Stalin, Beria, Molotov, Malenko, Voroshilov, Vasilevsky, Zhukov và Aleksandrov - trưởng ban tuyên truyền-vận động. Tướng Ratov không chút nghi ngờ khi nghĩ đến sự vui mừng do những tin tức trên mang lại cho trái tim Lãnh tụ Vĩ đại. Họ còn được cổ vũ gấp đôi khi biết đơn vị đến từ Dresden này chưa từng dính dáng gì tới các cuộc chiến trên đường phố Stalingrad.

       “Tôi có nhận thức xác đáng về tình trạng của sư đoàn” tướng Nam tước von Gablenz viết cho tất cả các chỉ huy thuộc sư đoàn bộ binh 384 “Tôi biết là nó không còn sức mạnh. Điều này không có gì ngạc nhiên, và tôi sẽ làm mọi thứ để thúc đẩy tình trạng của đơn vị, nhưng cuộc chiến cam go ngày lại trở nên khốc liệt hơn. Thật không thể thay đổi tình hình. Trạng thái lơ mơ của phần lớn binh sỹ cần phải được chấn chỉnh và việc chỉ đạo cần linh hoạt hơn. Các chỉ huy phải vận động nhiều hơn. Trong mệnh lệnh của tôi, số 187-42 trong ngày 3 tháng 9, tôi đã qui định về việc ai rời bỏ vị trí của mình sẽ ra tòa án binh.. Tôi sẽ nghiêm khắc thực hiện như luật định. Những ai ngủ mơ ở vị trí tiền tiêu phải bị trừng phạt với án tử hình. Không có chút nghi ngờ nào về việc này. Tương tự là tội bất tuân… nói rõ trong các trường hợp: thiếu chăm sóc vũ khí, cơ thể, áo quần, ngựa và các thiết bị cơ giới. Các sỹ quan phải cảnh báo quân mình rằng họ có thể xem như phải ở lại nước Nga trong suốt mùa đông”.

          Các đơn vị cơ giới Sô viết, vốn được ngụy trang cẩn thận ở tuyến sau, đã di chuyển lên các vị trí xuất phát của mình. Hỏa mù được dùng để che phủ họ khi vượt sông Đôn đến các điểm đầu cầu, và chỉ ngay sau giới tuyến, những loa công suất lớn từ các đại đội tuyên truyền mở ầm ỹ nhạc, thông điệp chính trị để lấp bớt tiếng động cơ.

           Trên các mặt trận của ba “trục Stalingrad”, hơn một triệu binh sỹ được ém sẵn. Tướng Smirnov, trưởng bộ phận quân y, có tới 119 bệnh viện dã chiến cùng với 62,000 giường sẵn sàng cho thương binh. Lệnh được đưa ra ba giờ trước lúc tấn công. Các đơn vị Hồng quân được báo rằng họ làm một trận càn sâu vào hậu phương địch. Còn việc hợp vây không được nhắc tới. Các đơn vị bị kích thích mạnh với suy nghĩ rằng quân Đức không biết những gì sẽ tấn công chúng. Đó là sự bắt đầu của cuộc chiến tiếp sau. Xe cộ được kiểm tra đi kiểm tra lại. Họ có một quãng đường dài phải đi ở phía trước. Máy móc được chăm chú lắng nghe “như bác sỹ kiểm tra tim”. Thời gian cho việc viết thư, cạo mặt, rửa chân, chơi bài đã kết thúc. “Binh lính và sỹ quan được lệnh nghỉ, nhưng họ bị kích động quá. Mọi người lật giở lại trong óc những gì đã làm”.

           Trong cái đêm đó, phía quân Đức không có ý niệm gì về một ngày mai hoàn toàn khác biệt. Báo cáo hằng ngày của Tập đoàn quân VI viết: “Dọc theo cả mặt trận, không có thay đổi lớn. Băng trôi trên sông Volga yếu hơn ngày hôm qua”. Đêm đó, một người lính đi xa lâu ngày, viết về nhà, liên hệ đến sự thật rằng anh đang “cách biên giới Đức 2,053 dặm”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 24 Tháng Sáu, 2015, 11:06:14 pm
                                                                                                XV

       
                                                                                            CHIẾN DỊCH SAO THỔ


         Thứ Năm, ngày 19 tháng Mười Một, chút ít sau 5 giờ sáng, điện thoại sở chỉ huy Tập đoàn quân VI đổ chuông. Văn phòng đặt tại Golubinsky, một làng Cô dắc lớn ở hữu ngạn sông Đôn. Bên ngoài, tuyết bắt đầu rơi, và cùng với làn sương giá dày đặc, khiến lính gác không thể nhìn thấy gì quá vài thước.

         Đó là cuộc gọi của trung úy Gerhard Stock, cựu huy chương vàng ném lao, đang biệt phái ở quân đoàn lục quân Rumani IV nằm tại khu vực Kletskaya. Thông điệp của ông được lưu lại trong nhật ký chiến tranh “Theo lời khai của một sỹ quan Nga bị bắt, trong khu vực sư đoàn kỵ binh Rumani số 1, có thể xảy ra một trận tấn công vào lúc 5 giờ”. Vì không thấy có dấu hiệu tấn công nào, và cũng đã quá 5 giờ, nên sỹ quan trực đã không đánh thức tham mưu trưởng. Tướng Schmidt sẽ điên tiết nếu bị quấy rầy bởi một báo động giả, và cũng vì đã có “kinh nghiệm” với những thứ như thế trong thời gian gần đây từ các sư đoàn Rumani ở phía tây bắc.

         Thật ra, trong cả đêm đó, lính công binh Liên Xô với quân phục ngụy trang màu trắng đã bò lên phía trước, gỡ mìn chống tăng. Đợt khai hỏa ồ ạt các khẩu đội pháo cối của phía Nga bắt đầu vào lúc 7h20, giờ Nga tức 5h20 giờ Đức, khi nhận được mật mã “Siren – còi tầm”. Một viên tướng Liên Xô đã nói rằng sương mù “dày đặc như sữa”. Bộ chỉ huy mặt trận đã nghĩ tới việc trì hoãn lần nữa do tầm nhìn kém, nhưng rồi quyết định bỏ qua nó. Mười phút sau, các trung đoàn đại bác, lựu pháo, Katyusha được lệnh chuẩn bị khai hỏa. Tín hiệu được lặp lại bởi tiếng kèn trumpet gọi quân, mà phía quân Rumani có thể nghe thấy rõ ràng.Tại sở chỉ huy Tập đoàn quân VI, điện thoại đổ lần nữa. Không tốn nhiều lời, trung úy Stock bảo đại úy Behr, người nghe máy, rằng tiếng kèn chính là tín hiệu bắt đầu của một trận pháo kích lớn. “Tôi có cảm giác rằng quân Rumani sẽ không thể trụ nổi, nhưng tôi sẽ tiếp tục báo cáo cho anh”. Và tới lượt Behr, anh không chút do dự đánh thức tướng Schmidt ngay lập tức.

          Tại hai khu vực đột phá chính được chọn cho cuộc tấn công ở phía Bắc, có tới chừng 3.500 đại bác và cối hạng nặng được tập trung để bắn phá mở đường cho một tá sư đoàn bộ binh, 3 quân đoàn xe tăng và 2 quân đoàn kỵ binh. Những loạt pháo đầu tiên như sấm nổ giữa trời quang. Việc bắn trong điều kiện sương mù dày đặc mà các quan trắc viên pháo binh không thể nhìn xuyên qua, đã khiến các khẩu đội pháo, Katyusha không thể chỉnh hướng, nhưng với phần tử bắn đã có từ vài ngày trước, họ vẫn bắn khá chính xác.

           Mặt đất rung chuyển như một trận động đất có tâm chấn thấp. Băng đọng trên các vũng nước nứt ra như kính cũ. Trận bắn phá mạnh tới mức các sỹ quan quân y của sư đoàn tăng số 22 (Đức) cách đó ba mươi dặm về phía nam, đã bị đánh thức “vì mặt đất rung chuyển”. Họ không chờ lệnh “Tình huống quá rõ ràng”. Họ chuẩn bị xe cộ và sẵn sàng trực chỉ đến chiến trường.

          Lính Nga của các phương diện quân Stalingrad, sông Đôn cũng nghe thấy tiếng đại bác từ phía xa và đã hỏi chỉ huy của họ việc gì đang xảy ra. Các sỹ quan trả lời “Tôi không biết”. Nỗi ám ảnh về việc giữ bí mật ghê gớm đến nỗi không có thông báo nào được đưa ra cho đến khi kết quả của trận chiến đã khá rõ ràng và hầu gần như đã được quyết định. Dĩ nhiên, phần lớn đã đoán ra và phải cố kìm nén niềm vui sướng của họ. Stalin, trong bài phát biểu 12 ngày trước ngày lễ kỷ niệm Cách mạng lần thứ 25 đã ám chỉ rõ ràng về một cuộc đại phản công, với những lời lẽ “rồi cũng sẽ có một ngày lễ trên con đường của chúng ta”.

         Sau một giờ, các sư đoàn bộ binh Liên Xô, không có xe tăng hỗ trợ, tiến lên. Các khẩu đội đại bác, Katyusha vẫn tiếp tục bắn diện, và tăng tầm để áp chế tuyến hai và pháo binh quân Rumani. Bộ binh Rumani, trang bị kém, đứng lên từ các chiến hào, chống trả dũng cảm. “trận xung phong bị đẩy lùi” một sỹ quan Đức báo cáo với sư đoàn bộ binh Rumani 13. Đợt xung phong thứ hai, lần này thì có xe tăng đi cùng, cũng bị bẻ gãy. Sau cùng, sau vài loạt bắn nữa, pháo Nga đột nhiên im tiếng. Màn sương mù dường như làm cho sự im lặng thêm phần bí ẩn. Rồi, quân Rumani nghe thấy tiếng xe tăng gầm...

        Đợt pháo bắn chuẩn bị đã làm lộn tung tuyết và bùn đất ở khu phân tuyến, không cải thiện được chút gì cho những chiếc T-34 tiến lên. Mà còn làm che mất tuyến đường qua bãi mìn. Lính công binh leo lên phía sau những chiếc xe tăng thứ hai hoặc thứ ba, sẵn sàng cho trường hợp chiếc đầu bị dính mìn, rất nhanh sau đó họ đã nghe lệnh “Công binh, xuống đi”. Rồi dưới làn hỏa lực của bộ binh Rumani, họ chạy lên phía trước để dọn đường.

        Quân Rumani đã dũng cảm trụ lại được trước vài đợt xung phong của bộ binh Sô viết, và cũng xoay sở hạ được một số xe tăng, nhưng vì không đủ vũ khí chống tăng, họ bị tiêu diệt. Vài nhóm xe tăng đã đột kích qua được tuyến và tấn công ngoặc sang bên. Không để lãng phí thêm thời gian, các tướng lĩnh Liên Xô đưa các đơn vị thiết giáp ồ ạt qua cửa đột phá ở  tuyến quân Rumani, đợt chính vào khoản giữa trưa. Quân đoàn xe tăng số 4 và quân đoàn kỵ binh cận vệ 3, xuyên qua tuyến của quân đoàn Rumani 4 ở khu vực Kletskaya, và trực chỉ xuống hướng nam. Kỵ binh Liên Xô, súng tiểu liên quàng chéo sau lưng, phi nước kiệu trên những con ngựa cô dắc bé nhỏ bù xù qua vùng thảo nguyên phủ tuyết nhanh tương đương với các đơn vị xe tăng. Những chiếc T-34, tháp pháo lượn cong trên thân, trông khá khó chịu về phía quân thù.

            Nửa giờ sau, chừng 30 dặm về hướng tây, Tập đoàn quân xe tăng số 5 của tướng Romanenko đã đập tan các tuyến phòng ngự của quân đoàn Rumani II. Những bánh xích rộng của tăng T-34 nghiến lên thép gai, phá đổ các công sự. Theo ngay sau là quân đoàn kỵ binh số 8. Nhiệm vụ của nó là bảo vệ sườn phải và mở rộng vòng vây sang hướng tây.

          Đến giữa buổi sáng, gió quét bớt đi những lớp sương mù, những máy bay từ các tập đoàn quân không quân 2, 16, 17 bước vào công kích. Các sân bay của Luffware dường như có tầm nhìn kém hơn, hoặc các đài điều khiển không lưu không muốn gánh phải những rủi ro như phía đối thủ Nga. “Một lần nữa, quân Nga đã rất tài tình lợi dụng thời tiết xấu” tướng Richthofen viết theo cảm xúc hơn là lý trí, vào nhật ký của mình trong đêm đó “Mưa, tuyết và sương giá đã ngăn trở mọi chuyến bay. Quân đoàn không quân VII đã cố với rất nhiều khó khăn để có một hai chiếc rời mặt đất. Việc ngăn chặn vượt sông Đôn bằng ném bom là không thể”.

               Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI không được thông báo chính thức về cuộc tấn công này cho đến tận 9h45 sáng. Và phản ứng trong giai đoạn này cho thấy, dù mối đe dọa là nghiêm trọng nhưng rõ ràng là không được cho là quá nguy ngập. Vì vậy nên các trận công kích trong thành phố Stalingrad, ngay cả phải dùng các sư đoàn xe tăng, vẫn không dừng lại.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 24 Tháng Sáu, 2015, 11:09:20 pm
           Lúc 11 giờ 5 phút, tướng Von Sodenstern, tham mưu trưởng cụm tập đoàn quân B, gọi cho tướng Schmidt để thông báo rằng quân đoàn xe tăng XXXXVIII (48) của tướng Heim được gửi lên phía bắc, đến Bolshoy để hỗ trợ cho quân Rumani (thật ra, quân đoàn đó lại đang tiến về hướng Kletskaya, khi, dù Heim giận điên người, nhận lệnh - tăng âm bởi Hitler ở Bavaria - yêu cầu đổi hướng). Tướng Sodenstern cũng khuyên rằng Tập đoàn quân VI nên gọi cho quân đoàn XI của tướng Strecker gửi quân đến tăng cường cho tuyến phòng thủ phía đông Kletskaya, nơi sư đoàn kỵ binh số 1 Rumani đang trụ lại. Sau đó họ lại nghe rằng chỉ có chừng hai mươi chiếc tăng địch được nhìn thấy  - “tới giờ đó chỉ là một trận tấn công yếu ớt”. Và 11 giờ 30, một trung đoàn thuộc sư đoàn bộ binh Áo số 44 được lệnh chuyển sang hướng tây ngay trong đêm. Đó là sự bắt đầu của tiến trình cột chặt một phần Tập đoàn quân VI vào khúc ngoặc sông Đôn và là sự cản trở nghiêm trọng tới khả năng tự do hoạt động của nó.

        Dù rằng nhiều sỹ quan liên lạc được cử đi cũng như các tuyến dây thông tin mới lắp đặt, nhưng vẫn có rất ít thông tin được chuyển về. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy tình hình nghiêm trọng hơn quan điểm ban đầu đến sau hai giờ kể từ khi quân Liên Xô mở được cửa đột phá. Tin tức cho thấy một “mũi xung kích xe tăng quân địch” (thật ra đó chính là quân đoàn xe tăng số 4 của thiếu tướng Kravchenko) đã chọc thủng tuyến sư đoàn bộ binh Rumani 13 và tiến được 6 dặm về phía Gromky. Tin này đã gieo rắc sự kinh hoàng cho một số sở chỉ huy các đơn vị Rumani: “hộp tài liệu, túi cá nhân” được ném lên xe tải, họ hoảng hốt bỏ chạy. Đó là ngay cả khi chưa biết về một tiến trình tấn công còn lớn hơn của tập đoàn quân xe tăng số 5 của tướng Romanenko, xa hơn về hướng tây.Ý tưởng chắc ăn về việc gửi cái gọi là quân đoàn xe tăng XXXXVIII (48) lên phía bắc để phản công đã cho thấy các sỹ quan cao cấp Đức đã để cho họ bị ảo tưởng của Hitler sỏ mũi nhiều như thế nào. Một quân đoàn xe tăng Đức đúng nghĩa hoàn toàn có thể áp đảo một tập đoàn quân xe tăng Nga, nhưng trong trường hợp này lượng xe tăng khả dụng của nó không đủ cho số của chỉ một sư đoàn đầy đủ. Riêng sư đoàn xe tăng 22 không có quá 30 chiếc khả dụng mà lại quá thiếu nhiên liệu đến nỗi phải mượn từ dự trữ của quân Rumani. Những chuyện đùa về sự phá hoại của bọn chuột lan tràn khắp quân đội, nhưng một khi chuyện đúng như vậy diễn ra thì chẳng ai còn cười nổi.

          Việc thay đổi lệnh hành quân làm mọi thứ tệ thêm. Thay vì triển khai toàn bộ quân đoàn xe tăng của Heim như kế hoạch, sư đoàn xe tăng Rumani số 1 lại bị đưa trệch đi. Việc tách ra này dẫn đến một thảm họa khác. Một đợt tấn công bất giờ của phía Liên Xô vào sở chỉ huy sư đoàn đã phá hủy cụm thiết bị viễn tin Đức, phương tiện duy nhất để giao tiếp với tướng Heim, và tất cả liên lạc bị mất trong nhiều ngày sau.

          Nhưng điểm đáng ngạc nhiên nhất trong tất cả các sự kiện trong ngày ấy, là việc thiếu phản ứng từ phía tướng Paulus. Đã thất bại trong việc tổ chức một lực lượng xung kích cơ giới trước cuộc tấn công của địch, ông lại tiếp tục không làm gì cả. Sư đoàn xe tăng 16 và 24 tiếp tục để nhiều đơn vị chủ chốt của mình sa lầy vào các trận chiến trên đường phố Stalingrad. Cũng không triển khai hành động nào nhằm mang nhiên liệu, đạn dược đến sẵn sàng cung cấp cho xe cộ của họ.

          Trong cả buổi chiều ngày 19 tháng Mười một, xe tăng Sô viết tiến về phía nam theo đội hình hàng dọc, xuyên qua màn sương giá. Bởi chỉ có rất ít những lộ tiêu trên tuyến đường tuyết phủ khó đi, nên dân địa phương được huy động vào hỗ trợ chỉ đường cho các đơn vị, nhưng vẫn không đủ. Tầm nhìn kém đến mức các vị tư lệnh phải định hướng theo bản đồ.

         Việc tiến quân vẫn còn những nguy hiểm khác. Vì tuyết trôi che mất các khe rãnh sâu. Ở những vùng đồng cỏ cao, phủ đầy sương giá, lại bị kẹt trên tuyết, hoặc bị mất lái ở những khúc cua nhỏ. Các tổ lái tăng bị nảy tung nhiều đến nối chỉ nhờ có những chiếc mũ da được đội chặt mới giúp cho họ khỏi những cú va chạm điếng người. Nhiều chi, chủ yếu là tay, bị gãy bên trong tháp, thân xe, nhưng dòng xe tăng vẫn không dừng lại vì bất kỳ ca thương vong nào. Ở phía sau, họ có thể nhìn thấy những chớp sáng và tiếng nổ của cánh bộ binh đồng đội đang quét sạch tuyến hào thứ nhất, thứ hai.

             Các chỉ huy quân đoàn xe tăng 4, tiếng về hướng nam gần Kletskaya, lo ngại cho cánh trái của họ, và chờ đợi một trận phản công của quân Đức. Họ biết quân Rumani không có khả năng thực hiện. Trong trận bão tuyết ghê gớm, tuyết che mất tầm nhìn súng chính, bám đầy khe khẩu đại liên đồng trục. Và chỉ chừng ba giờ rưỡi chiều, trời đã sập tối, các chỉ huy phải cho lệnh bật đèn pha. Không còn lựa chọn nào khác nếu họ muốn tiếp tục tiến lên.

          Ở cửa đột phá hướng Tây, quân đoàn xe tăng 26 của tướng Rodin nhìn thấy có một đám cháy lớn phía trước. Đó chính là một phần nông trường bị quân Đức đốt trước khi bỏ đi. Rõ ràng là quân địch nhận ra được sự hiện diện của họ. Và khi pháo binh Đức khai hỏa, phía Nga tắt đèn pha của xe tăng. Quân đoàn xe tăng số 1 của tướng Butkov cuối cùng cũng chạm trán với quân đoàn xe tăng XXXXVII (47) yếu kém toàn diện.

         Xe bên Đức vẫn còn những vấn đề về điện và bánh xích hẹp của họ bị trượt trên mặt băng. Trận chiến trong đêm đen thật là hỗn độn. Những điểm mạnh thông thường của quân Đức như kỹ-chiến thuật và bố trí đội hình hoàn toàn không còn nữa.

         Lệnh từ sở chỉ huy Cụm tập đoàn quân nhằm lập lại hàng phòng ngự bị phá vỡ gần Kletskaya với một phần Quân đoàn XI và Sư đoàn Thiết giáp 14 đã trở thành vô vọng ngay khi nó được ban hành. Sở chỉ huy Cụm tập đoàn quân B và Tập đoàn quân VI đã bị mù do thiếu các thông tin rõ ràng. “Thậm chí không thể để có được tình hình bao quát qua trinh sát hàng không”, Tướng Von Richthofen viết trong nhật ký. Quân Nga còn cố gắng làm hỗn loạn thêm bức tranh bằng cách tung ra các cuộc tấn công vào tất cả các đơn vị của Tập đoàn quân VI.

           Vào lúc 5 giờ chiều, Quân đoàn Tăng 4 của Kravchenko đã tiến được 20 dặm, Quân đoàn XI của tướng Strecker được lệnh thành lập một tuyến phòng ngự mới chạy xuống phía nam để bảo vệ hậu tuyến của Tập đoàn quân 6. Tuy vậy các chỉ huy quân Đức, kể cả Richthofen vẫn không đoán ra được mục tiêu của quân Đỏ. “Hi vọng”, ông ta viết, “quân Nga không vươn tới được đường xe lửa, huyết mạch giao thông hậu cần của chúng ta”. Họ vẫn không thể tưởng tượng được rằng quân Nga đang cố gắng bao vây toàn bộ Tập đoàn quân 6.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 24 Tháng Sáu, 2015, 11:12:26 pm
           Vào lúc 6 giờ chiều, sở chỉ huy của tướng von Seydlitz nhận được hướng dẫn cho các bộ phận không tham gia đánh nhau ở Stalingrad của Sư đoàn Thiết giáp 24 rời đến vùng Peskovatka và Vertyachy, gần sông Đông. Ở đó chưa đến 10 giờ đêm – 16 giờ tính từ cuộc tấn công bắt đầu, thì Tập đoàn quân VI nhận được lệnh từ Đại tướng von Weichs ngừng đánh nhau ở Stalingrad. “Sự thay đổi tình huống tại vùng của Tập đoàn quân Rumani 3 cần phải được đối phó cẩn thận bằng cách cơ động lực lượng càng nhanh càng tốt nhằm chống lại đòn đánh thọc hậu vào Tập đoàn quân 6 và bảo vệ thông tin liên lạc”. Các đơn vị thiết giáp và cơ giới hóa lại được lệnh đi về hướng Tây càng nhanh càng tốt. Do thiếu sự chuẩn bị cho những tình huống như vậy nên không thể nói các lực lượng này đủ nhanh. Quân đoàn 62 của Chuikov cũng đã dự đoán trước, tung ra các cuộc tấn công mạnh nhằm ngăn cản quân Đức rút ra.

          Sư đoàn Thiết giáp 16 đang được dùng để lấp vào các lỗ hổng lớn với quân phòng thủ Nga, cũng được lệnh đi về hướng tây đến bờ sông Đông. Cũng giống như Sư đoàn Thiết giáp 24, trên đường đi nó cần được tiếp tế tại căn cứ hậu cần do không đủ xăng dầu ở Stalingrad. Nhưng trước hết, sư đoàn phải tự gỡ mình ra khỏi các trận đánh quanh Rynok. Điều này có nghĩa là dù một phần của sư đoàn di chuyển về phía tây vào chiều hôm sau thì một số tăng của Trung đoàn số 2 vẫn không nhận được lệnh rút ra cho đến 3 giờ sáng ngày 21/11, bốn mươi sáu giờ sau khởi màn tấn công của quân Sô viết.

          Do quân Sô viết tấn công vào phía sau của Tập đoàn quân 6 và ngoài vùng chịu trách nhiệm, Paulus đã ngồi chờ lệnh trên. Trong khi đó Cụm tập đoàn quân B lại đang thi hành lệnh của Quốc trưởng ngồi tại Berchtesgaden. Quyết định của Hitler điều khiển mọi sự kiện đã tạo ra sự mất cơ động tai họa trong khi phản ứng nhanh mới là cái cần thiết. Không có ai ngồi xuống tìm hiểu ý định của đối phương. Bằng cách gửi đi các trung đoàn thiết giáp của Tập đoàn quân VI dọc theo sông Đông nhằm chống lại đòn thọc hậu bên trái, tất cả sự cơ động (của tập đoàn) đã mất hoàn toàn. Tệ hơn cả, nó mở cửa cho đòn thọc hậu phía nam.Tại chiến tuyến của Tập đoàn quân Thiết giáp 4 ở phía nam của Stalingrad, quân Đức nghe thấy tiếng pháo bắn chặn vào sáng ngày 19/11 cách đó 60 dặm về phía tây bắc. Họ đoán có một cuộc tấn công lớn đã bắt đầu, nhưng không ai nói với họ điều gì đang xẩy ra. Tại Sư đoàn bộ binh 297 có sườn phải nối với Tập đoàn quân Rumani 4, thiếu tá Bruno Gebele chỉ huy tiểu đoàn phải chịu đựng “nỗi sợ hãi mơ hồ”. Các bộ phận của họ yên lặng cả ngày.
         Mặt đất đã đóng băng cứng, thảo nguyên đặc biệt hoang vắng với gió thổi từ phía nam thổi tung tuyết thành bụi nhỏ và khô. Láng giềng bên trái là Sư đoàn bộ binh 37 có thể nghe được tiếng băng chạm nhau trên sông Volga. Trong đêm này các sở chỉ huy của các sư đoàn đó được biết rằng tất cả các cuộc tấn công của Tập đoàn quân 6 ở Stalingrad đã được dừng lại.


          Sáng hôm sau sương mù lại dầy đặc. Yeremenko, người chỉ huy của Mặt trận Stalingrad đã quyết định hoãn trận pháo kích mở màn mặc cho các cuộc gọi đầy lo lắng từ Moscow. Cuối cùng đến 10 giờ sáng, pháo và Cachiuxa của các trung đoàn bắt đầu bắn. 45 phút sau lực lượng mặt đất bắt đầu tiến lên dọc theo các tuyến đã được công binh dọn mìn từ đêm. Phía nam của Beketovka, các Tập đoàn quân 64 và 57 trợ giúp cuộc tấn công của Sư đoàn cơ giới 13. Xa hơn 25 dặm về phía nam, tại vùng hồ Sarpa và Tsatsa, các Sư đoàn cơ giới 4 và kỵ binh 4 dẫn đầu Tập đoàn quân 5 tấn công.

           Các láng giềng Đức của sư đoàn bộ binh Rumani 20 được chứng kiến “biển xe tăng Sô viết và các đợt sóng bộ binh, với số lượng chưa từng thấy trước đó, tấn công vào quân Rumani”. Gebele giữ liên lạc với chỉ huy của trung đoàn Rumani bên cạnh. Đại tá Gross là người đã phục vụ trong Tập đoàn quân Áo-Hung và có thể nói tiếng Đức tốt. Quân của Gross chỉ có đúng một khẩu pháo Pak nòng cỡ 3.7 cm do ngựa kéo, tuy nhiên lính Rumani đã chiến đấu dũng cảm, với nhận biết rằng họ bị bỏ mặc và chỉ có thể trông chờ vào bản thân. “Các sĩ quan và NCO cao cấp không bao giờ được bắt gặp ở tiền tuyến, tiêu thời gian tại các ngôi nhà ở phía sau bằng nhạc và rượu”. Quân Sô viết lại cho rằng quân Rumani phòng thủ với các vũ khí tốt hơn là thực tế. Xe tăng đầu tiên của Lữ đoàn tăng 13 đột phá đã được nói là phải nghiền nát ít nhất là 4 khẩu chống tăng và tiêu diệt 3 hỏa điểm.

          Gebele quan sát trận tấn công từ điểm quan sát tại trận địa của mình. “Quân Rumani đã chiến đấu dũng cảm, nhưng chống lại các đợt sóng Sô viết, họ không có cơ hội cầm cự lâu”. Quân Sô viết tấn công hoạt động “cứ như là tại trường huấn luyện: bắn – di chuyển – bắn – di chuyển”. Trong các bức ảnh thời sự các xe tăng T-34 lao lên phía trước, tung tuyết lên từ các xích, mỗi xe mang một nhóm 8 lính tấn công khoác áo ngụy trang trắng, nhưng lại ẩn dấu sự thiếu thốn nặng.

         Cuộc tấn công hình thành ở phía nam Stalingrad đã bị thiếu tiếp tế trầm trọng, chủ yếu là do khó khăn chuyển vận chúng qua sông Volga gần đóng băng. Các sư đoàn bắt đầu cạn lương thực vào ngày thứ 2 tấn công. Đến ngày thứ 3 thì Sư đoàn súng trường 157 chẳng còn cả thịt lẫn bánh mì. Để giải quyết tình hình, mọi xe cộ của Tập đoàn quân 64, kể cả các xe cứu thương đã phải chuyển sang tiếp tế cho quân tiến công. Những người bị thương đơn giản là để lại phía sau, trong tuyết.

           Sự say sưa nhiệt huyết của hầu hết các đoàn quân tấn công là rất rõ ràng. Đó là thời khắc lịch sử. Fomkin, một người lính của Sư đoàn súng trường 157, đã tình nguyện đi trước dẫn đường cho xe tăng đang tấn công đi qua bãi mìn. Không ai nghi ngờ gì về báo cáo của phòng chính trị Mặt trận Stalingrad về hạnh phúc của các đoàn quân “qua nhiều chờ đợi đến khi những người bảo vệ Stalingrad khiến máu quân thù phải tuôn chẩy cho máu của vợ, con, binh lính và sĩ quan của chúng ta”. Đối với những người tham gia, đây là “ngày hạnh phúc nhất của cả cuộc chiến tranh”, thậm chí so với cả trận Công phá Berlin.

               Cuộc báo thù cho Đất mẹ đau thương đã bắt đầu một cách dữ dội, mà đây lại là các sư đoàn Rumani, không phải Đức đang lãnh trọn cú đánh. Bộ binh của chúng, theo quan điểm của tướng Hoth, bị chứng “khiếp sợ thiết giáp”. Theo các báo cáo của Sô viết, nhiều người trong số họ ngay lập tức quẳng súng xuống đất, giơ tay lên và gào lên “Antonescu kaputt!”. Hồng quân còn tìm ra rằng khá nhiều người đã tự bắn vào tay trái rồi băng lại với bánh mì để tránh nhiễm trùng. Tù nhân Rumani được sắp thành hàng, nhưng trước khi họ cất bước đi về trại tù binh, thì nhiều, thậm chí hàng trăm người đã bị bắn hạ tại chỗ bởi lính Đỏ. Có báo cáo rằng đã tìm thấy các thi thể sĩ quan Sô viết bị cắt xẻo tại sở chỉ huy Rumani, nhưng đó không phải là cái nguyên nhân làm bật ra sự tàn sát bột phát này

          Mặc dù sự đột phá ở phía đông-nam đã đạt được nhanh chóng, cuộc tấn công không theo đúng với kế hoạch. Có sự “hỗn loạn trong các đơn vị dẫn đầu” do “các lệnh mâu thuẫn”. Điều này dường như là hậu quả của cảnh báo của Trung tướng Volsky (1) và do thiếu sự phối hợp đoàn quân của ông này với Sư đoàn cơ giới 4, khi họ trộn lẫn với nhau cùng tiến công về phía tây từ vùng hồ.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 24 Tháng Sáu, 2015, 11:16:00 pm
           Ở phía bắc của Volsky, đại tá Tanashchishin bắt đầu gặp vấn đề thiếu xe tải để giúp bộ binh của Quân đoàn cơ giới 13 bắt kịp đà tiến xe tăng. Nhưng sau đó ông ta còn phải chống lại đối phương khó nhá hơn nhiều so với quân Rumani. Lực lượng dự trữ duy nhất của quân Đức tại trận tuyến đó là Sư đoàn bộ binh cơ giới hóa 29 của tướng Layser đã tiến ra giao tranh với quân đoàn của Tanashchishin ở khoảng 10 dặm phía nam của Beketovka. Mặc dù sư đoàn của Leyser đã xuyên được một mũi tấn công sắc nhọn vào quân Sô viết, tướng Hoth đã nhận được lệnh phải rút sư đoàn này ra để bảo vệ hậu tuyến phía nam của Tập đoàn quân VI. Quân đoàn VI Rumani đã sụp đổ thấy rõ, còn rất ít cơ hội để thành lập tuyến phòng ngự mới, và thậm chí sở chỉ huy của Hoth bị đe dọa. Trung đoàn Kỵ binh Rumani là tất cả những gì còn lại sau đòn tập kích thiết giáp từ phía nam đến sông Đông.

          Cuộc tấn công thành công của Leyser cho thấy nếu Paulus thành lập được một đội dự bị cơ động mạnh trước cuộc phản công, ông ta có thể tấn công lại ở phía nam, nơi khoảng cách chỉ dưới 15 dặm và có thể đè bẹp lực lượng được trang bị kém hơn của quân bao vây. Vào ngày tiếp theo ông ta có thể gửi tiếp nó đến phía tây bắc theo hướng Kalach để đối phó với cuộc tấn công phía bắc. Nhưng đó là giả thiết dựa trên nhận thức được đầy đủ mối nguy hiểm mà cả Paulus và Schmidt đều thiếu.

          Vào buổi sáng thứ sáu 20/11, cùng lúc với trận pháo kích mở màn ở phía nam của Stalingrad, Sư đoàn tăng cận vệ 4 của Kravchenko đang ở 25 dặm sâu phía sau Sư đoàn Lục quân XI của Strecker, chuyển sang tấn công phía đông nam. Cùng lúc đó Sư đoàn Kỵ binh cận vệ 3 tấn công phía sau của Sư đoàn XI. Strecker cố gắng thành lập tuyến phòng thủ nam sông Đông, phía uốn gấp hơn, nhằm bảo vệ lỗ hổng đằng sau cả tập đoàn quân. Trong khi đó phần lớn quân của sư đoàn này lại đang đối mặt với Tập đoàn quân 65 ở phía bắc. Tập đoàn quân này lại liên tục gây sức ép, tấn công, loại bỏ mọi cố gắng bố trí lại quân.

        Trong khi quân Rumani “rút chạy điên cuồng, bỏ lại phần lớn vũ khí”, thì Sư đoàn bộ binh 376 phải quay về phía tây, cố gắng thiết lập liên lạc với phần phía nam của Sư đoàn Thiết giáp 14. Sư đoàn bộ binh 44 Áo cũng phải bố trí lại quân, nhưng “đa phần quân trang bị mất do không thể vận chuyển chúng do thiếu nhiên liệu”.

      Ở phía nam của họ, trung đoàn thiết giáp của Sư đoàn Thiết giáp 14 vẫn không có ý tưởng rõ ràng nào về hướng tấn công của đối phương. Đầu tiên nó tiến về phía tây hơn chục dặm, rồi sau đó vào buổi trưa lại rút về Verkhne-Buzinovka. Trên đường rút này nó lâm trận với Sư đoàn Kỵ binh cận vệ số 3 và đánh thiệt hại nặng sư đoàn này. Trong hai ngày đầu trung đoàn thiết giáp đã tiêu diệt 35 xe tăng Sô viết. Nhưng cũng bù vào đó, chi đội pháo phòng không với các khẩu pháo nòng cỡ 88 được dùng như súng chống tăng đã bị tiêu diệt sau một đợt tấn công của quân Nga.

           “Tình hình thiếu xăng thảm họa” tiếp tục ngăn trở các sư đoàn thiết giáp và cơ giới hóa di chuyển từ Stalingrad về phía tây để tạo thành phòng tuyến mới. Họ cũng thiếu các tổ lái sau khi Hitler ra lệnh gửi mọi lính có thể có đến Stalingrad chiến đấu như lính bộ binh. Một quyết định cay đắng và đáng tiếc nữa việc đưa ngựa của Tập đoàn quân VI về phía tây. Tình huống chiến tranh mới do quân Nga tạo ra đã bất ngờ bắt buộc các sư đoàn bộ binh Đức phải bỏ lại pháo của họ.

         Sự sụp đổ của quân Rumani bị đẩy nhanh hơn khi các mũi nhọn Sô viết đâm sâu hơn. Vài đơn vị hậu cần của họ được đào tạo để đánh nhau và các sĩ quan thì trốn khỏi các sở chỉ huy. Trên sườn của một chiếc xe tăng tấn công, một nhà báo Sô viết đã viết: “Đường xá vương vãi đầy xác kẻ thù; các khẩu súng bị bỏ rơi quay sai hướng. Ngựa lang thang tìm thức ăn với dây cương đứt kéo lòng thòng phía sau; các đám khói dầy đặc bốc lên từ các xe tải bị đạn pháo phá hủy; lựu đạn cầm tay và đạn súng trường vứt đầy trên đường”.

           Các nhóm đơn độc của quân Rumani vẫn tiếp tục chiến đấu tại các chiến tuyến cũ, nhưng các sư đoàn súng trường Sô viết của Quân đoàn Tăng 5 và Quân đoàn 21 đã nhanh chóng đè bẹp họ. Perelazovsky đã chiếm được một sở chỉ huy của Rumani, mà theo lời của tướng Rodin đã bị bỏ lại rất vội vã khi bị Sư đoàn Tăng 26 tìm tới nơi và thấy “giấy tờ vứt đầy sàn nhà, các bộ quân phục dầy lót lông còn treo trên mắc” trong khi chủ của chúng đã phải chuồn vào đêm lạnh cóng. Điều quan trọng hơn đối với các đoàn quân cơ giới Sô viết là họ chiếm được các kho dầu bị bỏ lại.

         Trong khi đó Sư đoàn Thiết giáp 22 không thể cản lại các tăng T-34 của Quân đoàn tăng 1 nên đã rút lui. Nó cố gắng tấn công phía đông bắc vào ngày hôm sau nhưng nhanh chóng bị bao vây. Với số lượng sút giảm dưới mức quân số bình thường, cuối cùng sư đoàn này cũng tìm được đường rút lui về phía tây nam, bị truy đuổi sát gót bởi Quân đoàn Kỵ binh cận vệ 8. Cũng cùng lúc này, Quân đoàn tăng 26 của Rodin đã đè bẹp một bộ phận của Sư đoàn Thiết giáp Rumani trên đường tiến của nó, và bắt đầu băng qua thảo nguyên trống trải hướng về phía đông nam. Các đoàn xe Sô viết được nhắc nhở bỏ qua kẻ địch ở phía sau và tập trung vào mục đích. Nếu máy bay trinh sát của Luftwaffe nhận dạng được các hướng tiến gần như song song của ba tập đoàn tăng vào buổi trưa 20/11 thì chuông báo động tại sở chỉ huy của Tập đoàn quân VI sẽ phải rung lên sớm hơn.

        Bộ phận quân Rumani còn chiến đấu đến lúc này là “nhóm Lascar”. Nó bao gồm phần còn lại của Quân đoàn V, tập hợp dưới sự chỉ huy gan dạ của Trung tướng Mihail Lascar, sau khi nó bị cắt rời bởi hai mũi tấn công thiết giáp. Lascar, người đã được tặng huân chương Chữ thập Kỵ sĩ tại Sevastopol, là một trong số ít các sĩ quan cao cấp Rumani được quân Đức thật sự kính trọng. Ông ta cố gắng cầm cự với giả thiết rằng Quân đoàn Thiết giáp XLVIII (48) đang đến tiếp cứu.

        Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI nằm tại Golubinsky, cách Kalach 20 dặm phía bắc dường như bắt đầu sáng thứ 7, ngày 21/11 trong sự lạc quan tương đối. Vào lúc 7:40 sáng một báo cáo “mô tả tình hình không thuận lợi” được gửi cho Cụm tập đoàn quân B, Paulus và Schmidt, những người vẫn cho rằng cú đánh thọc vào sườn trái của Strecker của Quân đoàn Kỵ binh cận vệ 3 là mối đe dọa chính, tin rằng lực lượng của họ từ Stalingrad điều về phía tây sẽ làm thay đổi tình thế.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 24 Tháng Sáu, 2015, 11:18:54 pm
          Tuy vậy cũng trong buổi sáng này, Paulus và Schmidt đã nhận được một loạt tin sốc nặng. Nhiều tín hiệu khác nhau cho cùng kết luận. Cụm tập đoàn quân B cảnh báo họ rằng Tập đoàn quân VI bây giờ bị đe dọa từ hai phía. Một báo cáo đến cho biết một đoàn thiết xa lớn (thực chất là Quân đoàn tăng 4 của Kravchenko) chỉ còn cách họ dưới 20 dặm về phía tây. Chúng đang hướng về Đường Cao tốc sông Đông – một thứ khoe mẽ của các kỹ sư quân đội Đức tại bờ tây, nhằm liên kết tất cả các cây cầu huyết mạch trên con sông này. Tập đoàn quân VI không có lực lượng nào ở vùng này có thể ngăn được mối đe dọa. Còn tệ hơn nữa, nhiều cơ sở sửa chữa và hậu cần của Tập đoàn quân VI nằm phơi ra ở đây. Paulus và Schmidt cuối cùng nhận ra rằng đối phương đang cố gắng hướng đến một vòng bao vây. Cái tam giác tấn công, từ phía tây bắc và phía đông nam là rõ ràng nhằm đến Kalach và cây cầu của nó.

          Các phản ứng tai hại của quân Đức không phải chỉ tại niềnm tin của Hitler rằng quân Nga không còn lực lượng dự bị, mà còn ở sự kiêu ngạo của phần lớn các tướng tá. “Paulus và Schmidt đã chờ đón một trận phản công”, một sĩ quan của Tập đoàn quân VI giải thích, “nhưng không phải là trận phản công kiểu đó. Đây là lần đầu tiên quân Nga dùng tăng giống như chúng ta đã dùng”. Thậm chí Richthofen còn viết rằng trận tấn công của đối phương “với ông ta là một đột phá thành công đáng kinh ngạc”.

            Thống chế Von Manstein, mặt khác lại thấy (có lẽ đó là suy nghĩ lúc bình tâm sau này) rằng sở chỉ huy Tập đoàn quân VI đã phản ứng quá chậm trễ và hoàn toàn cẩu thả trong việc dự đoán sai mối đe dọa vào Kalach, chỗ rõ ràng giao nhau qua sông Đông của hai mũi đột phá.

           Ngay sau buổi trưa, phần lớn nhân viên sở chỉ huy của Paulus được gửi về phía đông đến điểm đường sắt giao nhau ở Gumrak, cách Stalingrad 8 dặm, gần với lực lượng chính của Tập đoàn quân VI. Cùng lúc đó Paulus và Schmidt bay trên hai phi cơ hạng nhẹ Fieseler Storch đến Nizhne-Chirskaya, nơi họ hội kiến với tướng Hoth trong ngày hôm sau. Tại Golubinsky, các nhân viên bỏ lại sau đoàn xe các đám khói cuồn cuộn bay vào không khí giá buốt từ các hồ sơ và hàng hóa cũng như từ vài chiếc máy bay thám sát hỏng bị đốt bỏ. Trong lúc vội vã tháo lui, họ cũng bỏ qua mất một mệnh lệnh Quốc trưởng, chuyển từ Cụm tập đoàn quân B vào lúc 3:25 chiều. Lệnh này bắt đầu rằng: “Tập đoàn quân phải trụ vững dù có nguy hiểm bị bao vây tạm thời”.

          Có rất ít hi vọng giữ được các vị trí vào trưa ngày 21/11. Do hàng loạt chậm chễ với trung đoàn thiết giáp của Sư đoàn Thiết giáp 16 đã dẫn đến một lỗ hổng phía dưới Quân đoàn Lục quân XI của Strecker và các nhóm quân khác trong lúc cố gắng hình thành một đường phòng ngự mới. Điều này bị các Quân đoàn Sô viết Kỵ binh Cận vệ 3 và Cơ giới 4 khai thác nhanh chóng. Sư đoàn Strecker bị mối đe dọa ngày càng tăng lên từ phía bắc và cả đông bắc, không còn lựa chọn nào khác đành phải bắt đầu rút lui hướng đến sông Đông. Cái kế hoạch thiếu cân nhắc gửi các trung đoàn thiết giáp của Tập đoàn quân VI về phía Tây bây giờ mới bộc lộ sự nguy hiểm khi khắc phục.

           Kalach, mục tiêu chính của 3 Tập đoàn tăng Sô viết lại là một trong những điểm dễ bị tổn thương nhất. Ở đây không có phòng ngự tổ chức, chỉ có tập hợp lỏng lẻo của một số đơn vị nhỏ, chủ yếu là hậu cần và bảo dưỡng, cùng với một chi đội phòng không nhỏ của Feldgendarmerie và Luftwaffe.

           Bộ phận vận chuyển và sửa chữa của Sư đoàn Thiết giáp 16 đã lấy Kalach làm cơ sở trú đông. “Tin về biến đổi tình hình đầu tiên” chỉ đến với họ lúc 10 giờ sáng ngày 21/11. Họ cùng lúc được biết rằng đoàn tăng Nga đã xuyên qua quân Rumani về phía tây bắc và bây giờ đang hướng về phía họ. Vào lúc 5 giờ chiều họ mới lần đầu được biết về sự đột phá phía nam của Stalingrad. Họ không hề có ý tưởng gì rằng các quân đoàn cơ giới của Volsky dù có những nhùng nhằng vốn làm Yeremenko phát điên lên, đã tiến tới sở chỉ huy trước đây của Tập đoàn quân thiết giáp 4, chỉ còn cách họ 30 dặm về phía đông nam.

         Việc phòng thủ Kalach không chỉ thiếu đầy đủ mà còn kém tổ chức. Trên bờ phía tây, ở phía cao của sông Đông, có 4 khẩu pháo phòng không Luftwaffe, và còn có 2 súng phòng không nữa ở bờ đông. Chỉ có một nhóm 25 người từ Tổ chức Todt ( Organisation Todt) được chỉ định bảo vệ cầu, trong khi tiểu đoàn hỗn hợp của bộ phận hậu cần vẫn nằm trong thành phố bên bờ đông.

         Trung tướng Rodin, chỉ huy Quân đoàn tăng 26 giao nhiệm vụ chiếm giữ chiếc cầu Kalach cho trung tá G. N. Filippov, chỉ huy Lữ đoàn tăng 19. Rời Ostrov vào nửa đêm, đoàn xe của Filippov tiến về phía đông tới Kalach vào những giờ đầu tiên của ngày 22/11. Đến 6:15 sáng, họ dùng hai xe tăng và một xe trinh sát bị chiếm của Đức, với đèn pha bật sáng để đối phương mất cảnh giác, lái lên chiếc cầu bắc tạm qua sông Đông và khai hỏa vào đội bảo vệ. Cùng lúc đó 16 tăng Sô viết khác luồn qua đám cây cối dầy đặc che phủ bên bờ cao tiến vào. Đó là cũng là điểm mà các thiết giáp Đức tiến vào thành phố ngày 2 tháng 8.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 24 Tháng Sáu, 2015, 11:22:56 pm
         Vài tăng Sô viết bị bắn cháy, nhưng sự dũng cảm của Filippov đã được đền bù. Chi đội bảo vệ cầu phải rút ra xa, và số xe tăng T-34 vượt cầu đủ để đánh bại mọi cố gắng phá cầu sau đó. Bộ binh cơ giới Nga xuất hiện bên bờ cao sông Đông, rồi các nhóm tăng khác xuất hiện. Vài cuộc tấn công tiếp theo với sự trợ giúp bởi pháo và cối từ bờ cao bắn qua sông. Đến giữa sáng bộ binh Sô viết tràn vào thành phố. Có sự hỗn loạn trên các đường phố đang đầy quân Rumani đi lạc đội hình. Chỉ bắn được không lâu thì các vũ khí hạng nặng ít ỏi của tiểu đoàn hỗn hợp hết đạn hoặc bị loại khỏi chiến đấu, mặc dù các lái xe và thợ cơ khí mới chỉ chịu vài thương vong. Khi các nhà xưởng của họ bị phá hủy, họ rút chạy khỏi thành phố, trèo lên các xe tải và lái trở lại với các sư đoàn của họ ở Stalingrad. Đường đã rộng mở để ngày tiếp sau có thể liên kết các Quân đoàn Tăng 4 và 26, đến từ đòn đánh phía bắc, với Quân đoàn cơ giới 4 của Volsky, đến từ phía nam của Stalingrad.

        Được hướng dẫn bởi các pháo hiệu xanh bắn cầm canh lên trời, các mũi nhọn quân Nga đã gặp nhau ở giữa thảo nguyên, gần làng Sovietsky, với những cái ôm chặt kiểu-gấu, cái cảnh này phải đóng lại ngày hôm sau để chụp ảnh tuyên truyền. Cuộc ăn mừng với màn trao đổi vodka và xúc xích giữa các tổ lái tăng vào lúc này không được lên hình nhưng lại chân tình hơn nhiều.

           Tin tức lan truyền khá nhanh bên phía Đức, nhấn mạnh rằng “chúng ta đã bị bao vây”. Đó là Chủ nhật 22/11 mà theo đạo Tin lành là ngày tưởng nhớ đến người đã khuất. “Một lễ Totensonntag 1942 ảm đạm”, Kurt Reuber – một linh mục phục vụ như một bác sĩ trong Sư đoàn Thiết giáp 16 viết, “lo lắng, sợ hãi và buồn nản”. Tuy nhiên nhiều người lại không quá để tâm khi nghe tin này lần đầu. Việc bị bao vây đã từng xẩy ra mùa đông trước, rồi đã bị phá vỡ. Nhưng các sĩ quan thạo tin lại suy tính sâu xa hơn và bắt đầu nhận ra rằng lúc này không còn quân dự bị để đến cứu họ ngay. “Chúng tôi nhận ra ngay sự nguy hiểm mà chúng tôi lâm vào”, Freytag-Loringhoven nhớ lại, “khi bị cắt rời rất sâu trong lòng nước Nga sát tận ranh giới châu Á”.

        Bốn mươi dặm về phía tây, cái túi cuối cùng của quân Rumani đến hồi kết thúc, mặc dù vào đầu giờ của ngày, tướng Lascar từ chối đòi hỏi đầu hàng của Hồng quân. “Chúng tôi tiếp tục chiến đấu mà không tính tới việc đầu hàng”, ông ta tuyên bố, nhưng quân của ông ta, mặc dù thể hiện dũng cảm, đã không có tiếp tế và sắp cạn đạn dược.

         Quân Sô viết vượt qua Kalach và ngay lập tức đẩy Sư đoàn XI về phía bắc vào một cái tử huyệt. Nó đã phải chiến đấu phòng thủ hầu như cả 3 hướng, trong sự hỗn độn, không xác định, lẫn lộn với các tin đồn. Sự bối rối được thể hiện trong phần nhật ký lấy từ xác một sĩ quan pháo binh Đức.

        - 20/11… cuộc phản công đang dừng lại chăng? Thay đổi vị trí phía bắc. Chúng tôi chỉ còn lại một khẩu súng. Mọi khẩu khác không hoạt động được

        - Thứ bẩy 21.11… tăng địch sớm… Thay đổi vị trí xuống phía cuối. Quân Nga cực kỳ gần. Bộ binh độc lập (lính lái xe máy và xung kích) kêu gọi tham gia phòng thủ tầm gần. Đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều quân Rumani chạy qua mà không dừng lại. Chúng tôi đang rút ra. Bị quân Nga ép cả hai phía. Vị trí bắn mới. Chỉ ở lại trong thời gian ngắn rồi lại phải chuyển đến vị trí mới phía sau. Xây một cái hầm.

        - Chủ nhật 22/11… Báo động lúc 3:30 sáng. Lệnh ra chiến đấu như lính bộ binh! Quân Nga đang tiến đến. Quân Rumani đang rút chạy. Chúng tôi không thể giữ vị trí với chỉ mình chúng tôi. Chúng tôi đang sợ hãi chờ đợi một lệnh chuyển vị trí nữa.


         Trong cuộc rút lui này, các sư đoàn bộ binh Đức được thấy mình rơi vào các trận tấn công kỵ binh “cứ như thể đây là năm 1870” một sĩ quan viết. Vấn đề lớn nhất là vận tải, chủ yếu là do thiếu ngựa. Trong vài trường hợp giải pháp rất tàn nhẫn. Một NCO nhặt lấy 3/4 quân Nga từ trại tù binh và dùng họ như súc vật kéo. “Khi cuộc rút lui bắt đầu vào 20/11”, một tù binh Nga kể lại, “chúng tôi phải thay cho ngựa kéo các xe chất đầy đạn dược và lương thực. Những tù nhân nào không thể kéo xe nhanh như Feldwebel muốn đã bị bắn bỏ tại chỗ. Với cách như vậy chúng tôi bị buộc phải kéo xe bốn ngày, hầu như không được nghỉ. Tại trại tù binh Vertyacho, một vùng đất được quây bằng dây thép gai mà không có lấy một mái che, quân Đức chọn những người ít ốm yếu hơn để đem theo”. Những người còn lại, những tù nhân ốm yếu nhất, bị bỏ mặc cho đói và rét trong tuyết. “Chỉ có hai trong số 98 người là còn sống” khi họ được đơn vị tiến công của Tập đoàn quân 65 tìm ra. Các nhiếp ảnh gia được mời đến để ghi lại cảnh tượng khủng khiếp này. Ảnh được phát hành và chính phủ Sô viết chính thức buộc tội ban chỉ huy Quân đội Đức phạm tội ác chiến tranh.

          Sư đoàn bộ binh 376 phải phơi mình cho quân Nga tấn công nhiều nhất mà chúng “cực kỳ nhanh”, theo như một chỉ huy của nó, tướng Edler von Daniels. Sư đoàn giảm xuống còn 4200 người khi bị mắc lại bên bờ tây sông Đông cũng như một bộ phận của Quân đoàn XI – được rút lại từ phía đông nam ngày 22/11. Hai ngày sau đó Sư đoàn vượt sông Đông qua chiếc cầu Vertyachy.

        Cũng trong lúc đó trung đoàn thiết giáp của Sư đoàn Thiết giáp 16 vượt sông Đông vào đêm 22/11 để hỗ trợ Quân đoàn XI. Trên đường đi, nó cố gắng đi qua xưởng sửa chữa ở Peskovatka để lấy thêm vài cái tăng mới hoặc vừa được chữa xong. Từ vị trí của nó bên phía Đức trên đoạn thắt nút sông Đông, trung đoàn thiết giáp cố gắng phản công về hướng Suchanov trong ngày 23/11 trong màn sương mù nặng, nhưng đã bị bộ binh Sô viết mặc quân phục ngụy trang trắng và trang bị súng trường chống tăng phục kích. Đối mặt với đối phương mạnh và lại bị thiếu nhiên liệu, Sư đoàn Thiết giáp 16 phải rút lui. Nó chiếm các vị trí để bảo vệ cuộc rút lui nhưng do truyền tin kém nên phần lớn lệnh được chuyển đi nhờ vào lính thông tin lái xe máy.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 24 Tháng Sáu, 2015, 11:29:16 pm
         Quân Đức rút lui về phía đông dọc theo sông Đông, hướng về Stalingrad và xa dần phần còn lại của quân Đức. Về nhiều phương diện cuộc rút lui còn tệ hơn cả cuộc rui lui khỏi Moscow, tháng 12 năm trước. Tuyết mịn, cứng và khô, bay qua thảo nguyên, thổi vào mặt họ, khiến họ phải dựng cổ áo lên chống gió. Mặc dù có bài học về chết cóng năm trước, có nhiều binh lính vẫn chưa nhận được quân phục mùa đông. Đường rút lui bị vứt đầy các vũ khí bỏ lại, mũ sắt và thiết bị. Phần lớn quân Rumani chẳng còn gì ngoài bộ quân phục nâu. Họ đã vứt bỏ mũ sắt khi rút lui. Những người may mắn hơn, đa phần là sĩ quan còn đội mũ lưỡi trai Balkan. Xe cộ bị bắn hỏng, bắn cháy bị đẩy ra vệ đường hoặc ra bờ sông.

         Tại một điểm có một khẩu súng phòng không có nòng bị nổ toác thành những dải uốn cong giống như một bông hoa lạ. Gần đến các cây cầu bắc qua sông Đông giao thông bị tắc nặng với các xe tải, xe chở quân, xe máy thông tin đang tuyệt vọng tìm cách vượt qua, các xe ngựa và các súng máy cổ được kéo bằng các con ngựa kiệt sức và không được chăm sóc. Liên tục lại có làn sóng sợ hãi bất chợt với tiếng thét “tăng Nga”. Quân đoàn tăng Sô viết 16 đang tấn công xuống vào Sư đoàn bộ binh 76 theo hướng Vertyachy, đe dọa cắt rời các đơn vị Đức còn ở phía bờ tây của sông Đông.

          Lực lượng đang tiếp cận cây cầu tại Akimovsky đã tạo ra những cảnh tượng xấu xa nhất, trong đó binh lính quát tháo, tuyệt vọng, thậm chí đánh nhau để vượt sang bờ đông. Kẻ yếu hoặc người bị thương bị dẫm đạp lên. Thỉnh thoảng các sĩ quan đe dọa lẫn nhau do quân của họ không được qua trước. Thậm chí phân đội Feldgendarmerie được trang bị súng máy cũng không thể khôi phục phần nào trật tự. Một lượng đáng kể binh lính do muốn tránh tình trạng tắc nghẽn hỗn loạn đã cố gắng tự vượt bộ sông Đông đang đông cứng. Băng cứng và dầy ở gần các bờ, nhưng ở giữa lại yếu. Bất cứ ai rơi xuống sông coi như xong. Không ai nghĩ sẽ chạy ra tiếp cứu. Trong ký ức hầu hết mọi người việc này so sánh được với sự kiện ở Berezina (?).

        Đôi khi trên đường rút lui, một sĩ quan nào đó với bộ dạng râu ria không cạo như những người xung quanh, cho rằng nghĩa vụ của mình là làm ngừng tình trạng tan rã. Anh ta rút súng ra đe dọa và tập hợp vài người lạc đơn vị, sau đó lại dùng họ làm hạt nhân, bắt thêm người khác tập hợp vào quả bóng tuyết này. Lính vũ khí hạng nặng và lính súng máy cũng được lệnh gia nhập thành một nhóm chiến đấu ngẫu hứng. Lực lượng hỗn hợp này, với các mức độ bắt buộc khác nhau sau đó chiếm lấy một vị trí và nằm đợi các xe tăng hay kỵ sĩ Sô viết hiện ra sau màn sương.


       Qua sông Đông, ở bên bờ đông, mọi làng mạc đều đầy binh sĩ Đức – những người đi lạc sư đoàn, tất cả đều tìm kiếm thức ăn và chỗ trú tránh cái lạnh khủng khiếp. Người Rumani, những người đã phải rút chạy cả tuần lễ rồi, chỉ nhận được rất ít cảm thông từ đồng minh. “Một số quân Rumani”, một sĩ quan quan sát, “bị bắt buộc phải trú ngụ ở bên ngoài”. Quân rút lui về đến căn cứ hậu cần, nhưng điều đó chỉ thêm hỗn loạn. Một sĩ quan thiết giáp sau đó đã tả về sự hỗn loạn ở Peskovaka, “đặc biệt là các hành vi điên rồ và sợ hãi của các đơn vị phòng không Luftwaffe”, phá hủy, đốt cháy hàng hóa và xe vận tải “theo một kiểu hoang dại”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 24 Tháng Sáu, 2015, 11:29:41 pm
           Những binh lính đi qua đã nhảy vào tranh cướp mọi đồ cung cấp mà họ tìm được. Từ núi đồ hộp họ nhét đầy ba lô và túi cho đến khi chúng phình ra. Mọi người dường như chẳng có lấy một cái mở hộp, do vậy họ dùng lưỡi lê để mở với thái độ thiếu kiên nhẫn và thường không biết hộp chứa cái gì bên trong. Nếu họ thấy đó là hộp hạt cafe, họ sẽ đổ thẳng chúng vào mũ sắt và dùng cán lê để giã, giống như là một cái cối và cái chầy thô sơ. Với những người lính còn chưa được phát quân phục mùa đông thấy quân hậu cần ném quần áo vào lửa đã chạy vội vàng đến để cứu từ lửa lấy vài thứ cho bản thân. Trong khi đó lính bưu điện đốt bỏ các lá thư và các kiện hàng mà trong đó có cả thức ăn gửi từ nhà sang.

          Những cảnh tượng còn tệ hơn nữa có thể thấy ở các bệnh viện dã chiến. “Ở đây mọi thứ đều quá tải”, một lính NCO, người đến từ một nhà kho đang được sửa chữa ở Peskovatka và chịu bệnh vàng da nặng kể lại. “Người bị thương nhẹ và bị ốm phải tự tìm lấy chỗ trú”. Anh ta phải ở qua đêm trong tuyết. Những người khác còn phải chịu đựng nhiều hơn nữa. Có những cái xe tải đỗ trong băng giá ở sân sau vẫn còn đầy những người bị thương với băng quấn đầu và quấn các khúc chân, tay bị thương hay bị cụt. Các lái xe đã biến mất và các xác chết vẫn nằm lẫn với họ. Không ai cho những người còn sống thức ăn và nước uống. Bác sĩ và nhân viên bên trong đang quá bận rộn, trong khi binh lính đi ngang dường như bỏ qua những lời van xin giúp đỡ. Những người giả ốm hay những người bị thương còn đi được khi đến cửa bệnh viện thì lại gặp một NCO đang tập hợp họ lại thành một đại đội hỗn hợp. Những người bị thương do bị rét cóng, trừ trường hợp quá nặng, sẽ được cho ít thuốc mỡ và bông băng, sau đó bị bắt đi làm nhiệm vụ.

       Ở bên trong các bệnh nhân đang thiêm thiếp. Có rất ít ô xy trong bầu không khí nặng nề ẩm ướt, nhưng ít ra nó còn ấm. Khi các nhân viên tháo bỏ các lớp băng từ chiến trường cho người bị thương thì phần lớn chúng đã lúc nhúc đầy rận rệp, họ lau vết thương, tiêm phòng uốn ván và băng bó lại.

        Cơ hội sống sót của một người chủ yếu phụ thuộc vào kiểu và vị trí của vết thương. Bị mảnh pháo, mảnh lựu đạn hay đạn không quan trọng bằng vị trí xuyên vào. Việc chọn để chữa rất đơn giản. Những ai bị thương nặng ở đầu hay ở bụng sẽ được đặt sang một bên và để cho chết, bởi vì việc giải phẫu cần đến cả đội ngũ đầu đủ bác sĩ, kéo dài từ 90 phút cho đến 2 giờ, trong khi chỉ một nửa số bệnh nhân có thể sống sót. Ưu tiên dành cho những người bị thương đi được. Họ có thể được gửi lại chiến trường. Những cái cáng cứu thương chiếm quá nhiều chỗ và cần rất nhiều sức người. Chân tay bị gẫy, bị đứt cũng được xử lý rất nhanh. Nhân viên giải phẫu với tạp dề cao su, dao mổ và cưa làm việc thành các cặp, nhanh chóng cắt cụt phần gẫy được giữ bởi hai nhân viên. Những thứ bị cắt ra được ném vào cái xô. Sàn nhà quanh bàn mổ trơn trượt vì máu mặc dù thỉnh thoảng có được lau qua bằng giẻ. Mùi hỗn hợp lộn mửa át hết cái mùi thông thường của chất khử trùng của bệnh viện. Dòng sản phẩm của việc giải phẫu này dường như không bao giờ chấm dứt.

          Các đội quân vẫn còn ở lại bên bờ tây sông Đông tự hỏi liệu họ có thể thoát không. “Khá gần sông Đông rồi”, nhật ký của viên sĩ quan pháo binh tiếp tục, “mọi thứ sẽ kết thúc tốt đẹp không? Chúng tôi sẽ thoát khỏi cái túi lớn này chứ? Cái cầu có còn không? Hàng giờ bất động và sợ hãi. Bộ phận bảo vệ ở bên phải và bên trái của đường. Thường thì con đường cũng chính là trận tuyến. Cuối cùng sông Đông đây. Cây cầu còn nguyên. Một hòn đá tảng rơi khỏi tim chúng tôi. Ở phía xa có các vị trí bắn. Quân Nga đang dồn ép. Kỵ binh của họ đã vượt sông vào phần nam của chúng tôi”.

          “Một số xe tăng buộc phải phá hủy”, báo cáo từ một hạ sĩ “do chúng tôi không có xăng lúc cần thiết”. Sư đoàn Thiết giáp 14 chỉ còn 24 tăng có thể sửa chữa được, do vậy các tổ lái dư thừa được tổ chức lại thành các đại đội bộ binh, trang bị súng trường và súng máy. Các sĩ quan cao cấp thì gần với tuyệt vọng. Sáng sớm 25/11, Hoàng tử zu Dohna-Schlobitten, sĩ quan tình báo của Quân đoàn thiết giáp XIV đã chứng kiến vụ cãi nhau giữa tướng Hube và chỉ huy của anh ta, đại tá Thunert, trong đó họ dùng các cụm từ như “phương sách cuối” và “một viên đạn xuyên qua đầu”.

           Nhiệt độ giảm rất nhanh. Mặt đất cứng có nghĩa là thương vong từ đạn cối sẽ cao hơn nhiều, nhưng mặt đất đông cứng không ảnh hưởng đến quân rút lui nhiều như nước đông cứng. Băng giá dữ dội có nghĩa là sông Đông sẽ bị quân đối phương dễ dàng vượt qua. Trong ngày hôm sau, bộ binh Sô viết đã có thể vượt sông Đông gần Peskovatka. Sáng hôm sau nữa, các bệnh binh tại bệnh viện dã chiến bị dựng dậy bởi âm thanh của súng cối và súng máy. “Mọi người chạy nháo nhào xung quanh như bầy gà không đầu”, người hạ sĩ quan bị bệnh vàng da, người đã sống sót qua đêm ở bên ngoài sau khi không kiếm được chỗ bên trong kể lại. “Ở trên đường đã có một dẫy xe, cái nọ nối cái kia, trong khi đạn cối rơi nổ khắp xung quanh. Lúc chỗ này lúc chỗ kia một chiếc xe bị trúng đạn và bốc cháy. Những người bị thương nặng không thể vận chuyển vì thiếu xe tải. Một đại đội được thành lập vội vàng từ các đơn vị khác nhau đã cố gắng đẩy lùi quân Nga ngay trước khi họ tới được bệnh viện dã chiến”.

         Vào buổi chiều này, nhân viên sở chỉ huy của Quân đoàn thiết giáp XIV nhận lệnh phá hủy “mọi thứ, mọi thiết bị, tài liệu và xe cộ không thật cần thiết”. Họ được đưa qua sông Đông hướng về Stalingrad. Trong ngày tiếp theo 26/11, Sư đoàn Thiết giáp 16 và bộ phận của Sư đoàn bộ binh 44 là những đoàn lính cuối cùng của Tập đoàn quân 6 rời bờ tây sông Đông. Vào buổi đêm họ vượt qua cầu Luchinsky sang bờ Stalingrad của con sông. Đối với Sư đoàn thiết giáp 16 thì cây cầu “chỉ như bao cây cầu khác chúng tôi từng vượt qua trong 12 tuần trước khi chúng tôi bắt đầu tấn công thành phố bên bờ sông Volga”.

            Một đại đội thiết giáp vệ binh từ Trung đoàn Thiết giáp vệ binh 64 bảo vệ cuộc rút lui dưới sự chỉ huy của trung úy von Mutius. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ cây cầu, cho phép mọi binh lính lạc đơn vị vượt qua cho đến 3 giờ rưỡi sáng, khi đó cây cầu dài 300 bộ bắc ngang sông Đông sẽ bị thổi bay. Vào lúc 3:10 con đại bàng trẻ Mutius nói với trung sĩ Oberfeildwebel Wallrewe rằng ông ta “rất hãnh diện”, là “sĩ quan cuối cùng của Wehrmacht (quân đội) Đức băng qua chiếc cầu này”, Wallrewe không bình luận gì cả. Hai mươi phút sau, khi các binh sĩ thiết giáp vượt sang bờ đông của sông Đông, các kỹ sư đã giật sập cầu. Tập đoàn quân VI bây giờ đã nằm khép kín giữa sông Đông và sông Volga.

          Niềm phấn kích không hề giảm đi đối với Hồng quân đang tiến đánh kẻ thù. “Anh cảm thấy dễ chịu hơn nhiều vì quân ta bắt đầu tiêu diệt bọn Đức”, một người lính viết về cho vợ hôm 26/11. “Đây là thời khắc chúng ta bắt đầu nện bọn rắn. Bọn anh bắt được rất nhiều địch. Bọn anh phải bỏ nhiều thời gian để chuyển bọn chúng về phía sau đến trại tù binh. Bây giờ chúng bắt đầu phải trả giá cho máu và nước mắt của nhân dân chúng ta, cho sự xỉ nhục và cướp bóc. Anh đã nhận được quân phục mùa đông nên đừng lo lắng gì cho anh cả. Mọi thứ đang tốt đẹp lên. Anh sẽ về nhà sớm sau chiến thắng. Gửi em 500 rúp”. Những người còn nằm ở bệnh viện dường như được phục hồi nhanh hơn, cay đắng tiếc rẻ bị lỡ mất trận chiến. “Bây giờ các trận đánh đang mạnh và tốt”, một người lính Nga viết cho vợ, “còn anh thì nằm đây và lỡ chúng cả”.

          Một số lời buộc tội quân Đức hung ác khó mà chứng minh được. Một số thì không nghi ngờ gì là sản phẩm tuyên truyền dựng lên hoặc thổi phồng, nhưng những cái khác đơn giản là đúng. Những đoàn quân hành tiến Sô viết gặp nhiều phụ nữ, trẻ em và người già bị quân Đức đuổi khỏi nhà, chỉ với một ít của cải trong tay nải. Nhiều người còn bị cướp mất quần áo mùa đông.

          Vasily Grossman kể nhiều câu chuyện giống nhau trên trục tiến phía nam. Ông viết rằng lính Hồng quân lục soát các tù binh và tức giận khi tìm thấy trong nhiều tù binh các thứ ăn cướp từ nông dân – “khăn vuông trùm đầu của các bà lão và khuyên tai, áo vải lanh, tã trẻ em và áo khoác mầu sặc sỡ của các cô gái”. Những thường dân hốc hác đến kể cho nghe những gì họ phải chịu dưới sự chiếm đóng Đức. Mọi súc vật bò, gà, lúa mạch đều bị tước đoạt. Người già bị đánh đập tra khảo cho tới khi khai ra nơi họ cất dấu lúa mạch. Nhà cửa bị đốt trong khi nhiều thường dân bị bắt đi lao động nô lệ và những người còn lại bị bỏ mặc cho đói và lạnh cóng.

          Sự trả thù thường được các nhóm nhỏ lính Nga thực hiện, đặc biệt khi họ say, lên đầu bất cứ lính Đức nào rơi vào tay họ. Trong khi đó các đơn vị NKVD đổ vào các làng được giải phóng. Họ đã bắt 450 người cộng tác với quân Đức. Cuộc bắt bớ lớn nhất diễn ra chỉ một tháng sau đó ở Nizhne Chirskaya nơi những người Cô dắc bị tố giác với NKVD là cảnh sát mật của Đức. Khoảng 400 người gác trại tập trung bị giết, trong đó có 300 người Ukraina.

          Grossman nhìn thấy tù binh Đức được dẫn giải về phía sau. Nhiều trong số họ khoác tấm chăn trên vai thay cho quân phục dầy mùa đông. Dây thừng hoặc dây thép dùng thay cho thắt lưng. “Trên thảo nguyên bao la trống trải, ta có thể thấy chúng từ rất xa. Chúng đi qua chúng tôi thành những đoàn 2-300 người và chia thành những tốp nhỏ hơn từ 20 đến 50. Có đoàn dài đến vài dặm, chậm chạp lê bước trên đường, uốn lượn theo từng khúc quanh. Một số lính Đức có thể nói được chút ít tiếng Nga. ‘Chúng tôi không muốn chiến tranh’, họ rền rĩ. ‘Chúng tôi muốn về nhà. Hitler phải sa địa ngục’.

          Những người dẫn giải mỉa mai: ‘Bây giờ khi xe tăng chúng ta cắt rời chúng ra, chúng kêu gào không muốn chiến tranh, nhưng trước đó cái suy nghĩ đó chưa bao giờ chui vào đầu bọn chúng’ ”. Tù binh được chuyển qua sông Volga bằng xà lan kéo bằng tầu kéo. “Chúng đứng túm tụm với nhau trên sàn tầu, mặc những bộ quân phục mùa đông mầu xám rách tơi tả, dậm dậm chân và hà hơi vào các ngón tay buốt cóng của chúng”. Một thủy thủ quan sát họ với sự hài lòng tàn nhẫn: “Bây giờ chúng đang có được chút nước sông Volga”.
 
           Tại Abganerovo, lính Sô viết tìm thấy tại điểm giao đường sắt đang tắc nghẽn bởi các ô tô bị bỏ rơi, mà theo nhãn mác đến từ nhiều quốc gia bị xâm chiếm ở châu Âu. Các ô tô sản xuất tại nhà máy của Pháp, Bỉ, Ba lan đang nằm tại đây. Mỗi chiếc xe đều có con đại bàng đen và chữ thập ngoặc của Đế chế thứ ba. Đối với quân Nga, những toa tầu đầy đồ tiếp tế này là một quà Giánh sinh bất ngờ. Cái cảm giác về quân đội Đức hùng cường đi cướp đoạt khắp thế giới giờ đã bị yếu đi thật dễ chịu.

           Tuy nhiên nhưng vấn đề cũ về chứng bán-nghiện rượu kinh niên lại nổi lên. Người chỉ huy, chỉ huy phó cùng với 18 lính của một đại đội của mũi thọc sâu phía nam đã bị thương do uống chất chống đông của Đức. Ba người chết và 17 người khác ở trong tình trạng trầm trọng tại bệnh viện dã chiến. Ở mũi phía bắc, một sĩ quan Nga bị bắt nói với công tước Dohna rằng khi tiểu đoàn của ông ta, gần chết đói do cạn lương thực thì bắt được đồ tiếp tế của Rumani, 150 người chết vì ăn quá mức. Trong khi đó ngay tại Stalingrad, Tập đoàn quân 62 lại thấy mình ở một vị trí lạ lùng. Mặc dù giờ là một thành phần của vòng bao vây Tập đoàn quânVI, nó vẫn bị cắt rời với bờ đông của sông Volga, thiếu tiếp tế và không chuyển được thương binh. Mỗi khi một chiếc tầu liều lĩnh băng qua đám băng nguy hiểm, pháo Đức lại bắn. Thế nhưng bầu không khí bây giờ đã thay đổi, kẻ tấn công đã thành kẻ bị vây. Lính của Tập đoàn quân 62 vẫn không thể tin được là thời khắc chuyển đổi đã đến. Những người lính Nga vẫn không mơ tưởng gì đến nguồn cung cấp thuốc lá cho đến khi sông Volga đóng băng hoàn toàn, đã hát lên để quên cơn thèm thuốc. Lính Đức lắng nghe từ hầm hố của họ. Chúng không còn chửi rủa lại nữa.


-------------------------------

 
        (1)Volsky đã được hầu hết các sách nhắc tới. Ngay trước cuộc tấn công, ông ta đã viết một thư riêng cho Stalin, “như là một người cộng sản trung thành”, cảnh báo rằng cuộc tấn công sẽ thất bại. Cả Zhukov và Vasilevsky buộc phải bay về Moscow ngày 17/11. Sau khi nghe họ lập luận, Stalin điện cho Volsky từ Kremlin. Ông ta rút lại bức thư. Stalin đã bình tĩnh một cách lạ lùng. Cũng khó mà kết luận được đó chỉ là mánh khóe phòng hờ của Stalin với Zhukov và Vasilevsky trong trường hợp chiến dịch Sao Thiên vương (Uranus) thất bại.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 26 Tháng Sáu, 2015, 12:42:55 am
                                                                                                XVI

                                                                                         SỰ ÁM ẢNH CỦA HITLER


           Nhiệm vụ báo tin cho Quốc trưởng về đòn đột phá lớn quân Sô viết trong ngày 19/11 được giao cho Tổng tham mưu trưởng, tướng Zeitzler, người vẫn ở phía Đông Phổ. Hitler đang ở Berghof, làng Berchtesgaden, đó cũng chính là nơi ông ta nhận được tin hiệp ước Sô viết - Nazi được ký vào tháng 8 năm 1939. Khi đó ông ta đã đập mạnh bàn ăn trong niềm phấn khích, làm các quí bà tháp tùng phải kinh ngạc. “Tôi đã có chúng!”, ông ta gào lên và nhún nhẩy chân. “Tôi đã có chúng!” lúc này, ông ta phản ứng lại như một người giận dữ sợ hãi.

           Nhật ký chiến tranh của Tổng hành dinh Wehrmacht (Quân đội Đức) viết rằng, nhưng thiếu trung thực, đã “báo động tin tức về cuộc phản công của Nga, thứ mà Quốc trưởng chờ đợi từ lâu”. Phản ứng của Hitler về cuộc phản công không thành công của Quân đoàn Thiết giáp XLVIII (48) vào hôm đó thậm chí còn đầy ngụ ý hơn. Sau sự can thiệp vụng về của ông ta mà cũng không ngăn được quân Rumani sụp đổ, ông ta cần một kẻ chịu báng và đã ra lệnh bắt tướng Heim.

           Hitler nhận ra mặc dù không thừa nhận rằng toàn bộ vị trí quân Đức ở phía nam Nga hiện đang chịu rủi ro. Trong ngày thứ hai của cuộc  phản công, ông ta ra lệnh Thống chế chiến trường Von Manstein từ Vitebsk trở về phía nam để thành lập Cụm tập đoàn quân sông Đông. Manstein là nhà chiến lược được ngưỡng mộ nhất của quân đội Đức và đã từng làm việc thành công với lực lượng Rumani ở Crimea.

          Mỗi khi vắng mặt Quốc trưởng, Tổng hành dinh của Wehrmacht gần như bị tê liệt. Trong ngày 21/11, cái ngày mà Paulus và Schmidt rời bỏ sở chỉ huy ở Golubinsky do sự đe dọa bởi một đoàn xe tăng Sô viết, trưởng sĩ quan phụ tá của Hitler, tướng Schmundt lại đang bận tâm với việc thay đổi trang phục cho các sĩ quan và nhân viên Wehrmacht.

          Lệnh của Quốc trưởng cho Tập đoàn quân VI phải trụ vững cho dù mối đe dọa “bị vây tạm thời” thậm chí chỉ đến được với Paulus khi ông ta đã đến Nizhne-Chirskaya. Paulus cũng được giao chỉ huy các binh đoàn của Hoth ở phía nam Stalingrad và phần còn lại của Tập đoàn quân VI Rumani. Phần chính của lệnh là: “Giữ các tuyến đường sắt càng dài càng tốt. Lệnh thực hiện tiếp tế bằng đường không”. Paulus theo bản năng đang cân nhắc rút quân từ sông Volga về nhập với Cụm Tập đoàn quân B đã hoàn toàn miễn cưỡng tuân theo sắc lệnh bất ngờ đó do ông cảm thấy là ông ta hiểu tốt hơn về tình hình chung.

          Ông ta bay đến Nizhne-Chirskaya bởi vì Sở chi huy đã chuẩn bị nơi đây cho mùa đông với đường liên lạc đảm bảo nối với Cụm Tập đoàn quân B và Wolfsschanze ở gần Rastenburg. Thế nhưng Hitler khi nghe được ông ta đến đó đã nghi ngờ ông ta muốn chạy trốn quân Nga. Hitler đã lệnh ông ta phải bay lại đến với các nhân viên đang nằm tại Gumrak trong vòng vây. Khi tướng Hoth đến vào sáng sớm hôm sau, 22/11, ông ta thấy Paulus đang giận dữ và buồn bực bởi sự bóng gió của Hitler là ông ta bỏ rơi người của mình. Tham mưu trưởng của Paulus, tướng Schmidt, đang nói điện thoại với tướng Martin Fiebig, chỉ huy của Quân đoàn VIII. Schmidt đã nhấn mạnh lại rằng Tập đoàn quân VI đang cần gấp xăng dầu và đạn dược để phá vây, và Fiebig lặp lại cái mà ông ta đã nói vào buổi trưa hôm trước: “Không thể tiếp tế cho cả một Tập đoàn quân bằng đường không. Luftwaffe không có đủ máy bay vận tải”.

         Ba viên tướng bỏ ra phần lớn buổi sáng để đánh giá tình trạng của Tập đoàn quân 6. Schmidt nói là chính. Cũng chính ông ta đã nói chuyện với tướng von Sodenstern của Cụm Tập đoàn quân B buổi chiều hôm trước và nghe chi tiết về mũi tiến đông nam của Sô viết từ Perelazovsky. Sodenstern buồn bã nói với ông ta: “Chúng tôi chẳng có gì để ngăn chúng được. Ông phải tự mình cứu mình mà thôi”.

         Trong khi thảo luận, thiếu tướng Wolfgang Pickerr của Sư đoàn phòng không Luftwaffe 9 bước vào phòng. Schmidt, bạn học hồi trường quân sự, gọi sang với lời mời “đưa ra quyết định có thể chấp nhận được”. Pickerr trả lời không chút ngượng ngùng là ông ta muốn kéo sư đoàn của ông ta ra ngay.
 
        “Chúng tôi cũng muốn thoát ra” -  Schmidt đáp lại:

         “Nhưng trước hết chúng ta phải tập trung mọi người hình thành tuyến bảo vệ ở phía nam trong khi bọn Nga đang tấn công”.

         Ông ta đến để nói rằng họ không thể bỏ mặc các sư đoàn bên bờ tây sông Đông, và rằng Tập đoàn quân 6 không ở thời điểm có thể phá vây trong 5-6 ngày nữa. Để hoạt động đó có cơ hội thành công, “Chúng ta buộc phải có xăng dầu và đạn dược do Luftwaffe mang tới”. Tướng Hube đã điện thông báo rằng các xe tăng của ông ta đang sắp phải dừng cả rồi.

         “Điều đó cũng chẳng khác gì”, Pickert vặn lại.

         Ông ta không muốn mất cả sư đoàn phòng không với toàn bộ vũ khí của nó:

         “Tập đoàn quân 6 không bao giờ có thể tiếp tế hàng không được nếu chúng ta cứ cố như vậy”.

         Schmidt không đồng ý nhưng chỉ ra rằng họ có rất ít hiểu biết về toàn bộ tình hình và cũng chẳng biết về lực lượng dự bị của cấp trên. Ông ta nhấn mạnh rằng thiếu nhiên liệu và ngựa “có hơn 10.000 thương binh và đa phần vũ khí hạng nặng và xe cộ sẽ phải bỏ lại. Đó chính là kết thúc kiểu Napoleon”.

          Sau khi nghiên cứu chiến dịch năm 1812, Paulus bị ám ảnh nặng bởi cái viễn cảnh Tập đoàn quân của ông ta bị tan rã, bị chia nhỏ đang vận lộn thoát ra qua thảo nguyên đầy tuyết. Ông ta không muốn được ghi vào lịch sử như là người chịu trách nhiệm cho thảm họa quân sự lớn nhất mọi thời đại. Nhất định phải có một sự xúi giục tự nhiên cho Paulus, người không có tiếng về suy nghĩ độc lập, đưa ra các quyết định chậm chễ gây ra các nguy hiểm quân sự, chính trị, bây giờ ông ta lại biết rằng Thống chế chiến trường Manstein đang đến để lãnh toàn bộ trách nhiệm. Thế nhưng Manstein không thể bay từ miền bắc đến ngay do thời tiết xấu, nằm tắc ở sở chỉ huy đặt trên tầu hỏa của ông ta, bị các hoạt động của du kích làm chậm thêm.

          Paulus có bản năng là một sĩ quan tham mưu, không phải là một nhà lãnh đạo chiến trận phản ứng lại mối nguy hiểm. Ông không thể cho phép phá vây trừ khi nó được chuẩn bị đầy đủ, được tiếp tế và hình thành được một kế hoạch tổng thể, được cấp trên chấp nhận. Dường như cả ông ta lẫn Schmidt đều không đánh giá đúng rằng tốc độ là nhân tố quyết định. Họ đã sai lầm hoàn toàn khi không thành lập lực lượng cơ động hạng nặng vốn có thể cho họ hi vọng duy nhất để nghiền nát cái vòng vây trước khi nó định hình xong. Bây giờ họ lại sai lầm tiếp vì một khi Hồng quân củng cố xong vị trí của họ, thì hầu như mọi tác nhân khác, đặc biệt là thời tiết, sẽ lại tăng cường chống lại họ.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 27 Tháng Sáu, 2015, 12:45:32 pm
       Phần lớn thời gian đã bị mất do gửi các trung đoàn tăng về phía sau dọc theo sông Đông. Khi tin Kalach thất thủ được khẳng định vào buổi sáng hôm đó, họ buộc phải lệnh cho Quân đoàn Lục quân XI của Stecker và Quân đoàn Thiết giáp XIV của Hube chuẩn bị lui về bờ Đông, gia nhập với phần còn lại của Tập đoàn quân VI. Vào cuối buổi sáng, Schmidt đã đưa ra các lệnh thích hợp đến tướng Hub và đại tá Groscurh, tham mưu trưởng của Strecker.

       Vào lúc 2.00 chiều, Paulus và Schmidt bay về sở chỉ huy mới đóng ở Gumrak, bên trong của Kessel hay là một vùng đất bị kẻ địch vây kín. Paulus mang theo một số chai rượu vang đỏ loại ngon và sâm panh, một lựa chọn kỳ lạ cho những người lập kế hoạch phá vòng vây. Khi ông ta về đến sở chỉ huy mới của Tập đoàn quân VI đóng ở ga xe lửa Gumrak, ông ta liền triệu tập các chỉ huy quân đoàn lại. Ông ta muốn họ có cái nhìn theo lệnh Quốc trưởng bắt đầu từ buổi chiều này, thực hiện phòng thủ “con nhím” và đợi các lệnh mới của Quốc trưởng. “Tất cả họ đều có cùng quan điểm với chúng tôi”, Schmidt viết lại sau này, “rằng phá vây ra phía nam là cần thiết”. Người nói nhiều nhất là tướng von Seydlitz, có sở chỉ huy chỉ cách đó có trăm thước.

      Lúc 7 giờ chiều, Paulus bắt đầu cuộc họp và đưa ra bức tranh toàn cảnh. “Tập đoàn quân đã bị vây” là những từ đầu tiên của ông, mặc dù lúc này cái vòng còn chưa kép kín. Đây là cách bắt đầu cuộc họp tồi, bỏ qua các nghi thức thông thường. Cái cốt lõi của tất cả, Paulus đã sai lầm về hướng hành động. Ông ta kêu gọi “tự do hành động nếu chứng minh được là không thể phòng ngự tập trung với đòn thọc sườn phía nam”.

      Vào lúc 10:15 tối, Paulus nhận được thông điệp điện đài từ Quốc trưởng. “Tập đoàn quân 6 tạm thời bị quân Nga bao vây. Tôi hiểu Tập đoàn quân 6 và tất cả chỉ huy của nó không nghi ngờ gì đang ở trong tình huống khó khăn mà vẫn đối mặt với lòng cam đảm. Tập đoàn quân 6 phải biết rằng tôi đang làm tất cả để giải thoát họ. Tôi sẽ ban hành lệnh khi cần thiết. Adolf Hitler” .

     Paulus và Schmidt dù có thông điệp đó vẫn cho rằng Hitler sẽ sớm nhìn thấy lý do, bắt đầu soạn thảo kế hoạch phá vây ở phía tây nam.

     Trong buổi chiều tối 22/11 Hitler đang làm việc với Keitel và Jodl trên đoàn tầu đặc biệt đi từ Berchtesgaden đến Leipzig, ở đó một máy bay sẽ đưa ông ta đến Rastenburg. Trong hành trình lên phía bắc đó, cứ vài tiếng ông ta lại dừng tầu để liên lạc với Zeitzler. Ông ta muốn kiểm tra xem Paulus sẽ không được cho lệnh rút lui. Một trong những lần liên lạc, ông ta nói với Zeitzler “Chúng tôi đã tìm thấy một lời giải khác”. Ông ta không nói là lúc đó trên chuyến tầu đặc biệt ông ta đang nói chuyện với tướng Hans Jeschonneck, tham mưu trưởng của Luftwalle, mặc cho các cảnh báo từ Richthofen ông này đã thuyết trình rằng Cầu hàng không tiếp tế cho Tập đoàn quân VI là có thể được trong một khoảng thời gian tạm thời.

       Reichsmarschall Goering khi được Quốc trưởng yêu cầu, ngay lập tức triệu tập một cuộc họp với các sĩ quan vận tải của ông ta. Ông ta nói với họ cần phải chuyển 500 tấn mỗi ngày. (Ước tính 700 tấn mỗi ngày của Tập đoàn quân VI bị lờ đi). Họ trả lời rằng 350 tẫn mỗi ngày là tối đa và chỉ cho một thời gian ngắn. Với hơi thở không đều, Goering ngay lập tức đảm bảo với Hitler rằng Luftwaffe có thể tiếp tế cho Tập đoàn quân VI trong tình trạng hiện tại bằng hàng không. Ngay cả với mức thấp này đã là không tính đến các nhân tố như thời tiết xấu, máy bay hỏng hóc và hoạt động của đối phương.

      Vào sáng sớm hôm sau, 24/11, các hi vọng của tất cả các tướng tá liên quan đến số phận của Tập đoàn quân VI đã bị đập tan hoàn toàn. Một lệnh nữa của Quốc trưởng đến với sở chi huy Paulus lúc 8:30. Trong đó cái đường bao mà Hitler gọi là “Pháo đài Stalingrad” được định rõ. Mặt trận trên sông Volga này sẽ được giữ vững “bất kể mọi tình huống”.

       Zeitzler đã tự tin cho rằng Hitler sẽ có cùng suy nghĩ như ông ta.

         Bây giờ, Quốc trưởng đã cho thấy rõ ràng rằng quan điểm của mọi tướng tá đang chịu trách nhiệm với chiến dịch Stalingrad chẳng là cái gì cả. Cảm giác của họ đã được Richthofen cô đọng lại trong nhật ký của mình, khi ông viết mọi người đã phải “trả giá đắt cho một viên hạ sĩ quan”. Quan điểm của Hitler về quyền lực của mong muốn là hoàn toàn gắn cùng với logic quân sự. Ông ta gắn chặt với ý tưởng rằng Tập đoàn quân VI một khi rút ra khỏi Stalingrad thì Wehrmacht sẽ không bao giờ quay trở lại. Ông ta cho rằng đó sẽ là mực thước mới của Đế chế thứ III. Hơn nữa, với người ích kỷ đến như vậy, cái sĩ diện cá nhân đã trói buộc ông ta lại từ sau bài diễn thuyết của ông ta về thành phố của Stalin ở sự kiện Bierkeller tại Munich mới cách đó chưa đến 2 tuần.

          Sự kết hợp hoàn cảnh như vậy đã tạo ra một sự cay đắng mỉa mai. Ngay trước khi quyết định của Quốc trưởng được ban hành, tướng Von Seydlitz, chỉ huy Quân đoàn 51 ở Stalingrad đã định hành động qua mặt. Ông ta cho rằng điều đó “hoàn toàn thiếu suy nghĩ” rằng một Tập đoàn quân với 22 sư đoàn lại đi “co cụm phòng ngự và bỏ đi mọi sự cơ động”. Ông ta chuẩn bị một bản ghi nhớ dài gửi cho sở chi huy Tập đoàn quân VI. “Những trận đánh phòng ngự nhỏ vài ngày gần đây đã tiêu hết số đạn dược dự trữ”. Tình hình cung cấp hậu cần là nhân tố quyết định. Nghĩa vụ của họ là phải phớt lờ cái lệnh tai họa đó.

         Những sai lầm của Goering và Bộ tổng tham mưu không quân Đức khi tính toán khả năng đáp ứng không vận xuất phát từ tham vọng cá nhân (đã đạt được niềm tin của Fuhrer rồi thì càng phải cố gắng) hoặc do sợ hãi vì không đạt được kỳ vọng của cấp trên, hoặc do quá tự tin vào khả năng bản thân, hoặc do thiếu trách nhiệm... đều khiến cái lập luận cho rằng thất bại Stalingrad là do cá nhân Hitler là một lập luận phiến diện, mơ hồ, thiếu trách nhiệm.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 27 Tháng Sáu, 2015, 12:47:35 pm
        Thực ra, sai lầm này bắt nguồn từ cuối năm 1941, khi quân LX phản công thắng lợi quanh Matxcơva và quân Đức cũng trên bờ thảm họa y hệt năm 1942 - đầu 1943. Khi ấy Hitler cũng kêu gọi tử thủ và lập cầu hàng không - kết quả là quân Đức thắng lớn và niềm tin vào Fuhrer của đại bộ phận quân nhân Đức (tức là hầu hết những người mà sau này quay ra lên án Hitler).

       Người Nga thì lập luận thất bại của Đức xuất phát từ sự phiêu lưu trong tính toán của Bộ Tổng tham mưu Đức, theo đó đánh giá thấp quân Liên Xô và đánh giá quá cao quân Đức, do đó trong cả 2 chiến cuộc 41-42 và 42-43 quân Đức đều không còn đủ lực lượng dự trữ để thực hiện trọn vẹn chiến dịch. Ở đây quân Đức lặp lại sai lầm mà nhà cầm quân Sparta Lyguncus tổng kết từ cách đó 2500 năm : "Không bao giờ chiến tranh kéo dài với một kẻ thù yếu hơn, vì chúng sẽ mau chóng rút ra kinh nghiệm". Chắc chắn phe Đức nắm rõ điều này. Điều mà họ không thực hiện được là đánh bại sức kháng cự Liên Xô vào thời điểm quyết định.

       Vào chiều 23/11. Seydlitz lệnh Sư đoàn Bộ binh cơ giới hóa 60 và Sư đoàn bộ binh 94 đốt bỏ kho tàng, phá hủy vị trí rồi rút đến phía bắc của Stalingrad. “Trong hàng nghìn đám lửa nổi lên vội vã”, một trung sĩ hậu cần của Sư đoàn bộ binh 94 viết, “Chúng tôi đốt áo khoác, quân phục, ủng, tài liệu, bản đồ, bút viết cũng như đồ ăn. Viên tướng tự mình đốt bỏ mọi thiết bị của mình”. Hồng quân được báo động bởi tiếng nổ và ánh lửa đã đuổi kịp sư đoàn đã bị yếu đi này ở vùng trống khi nó rút khỏi Spartakovka và trận chiến đã gây ra 1000 thương vong. Lực lượng nằm bên cạnh là Sư đoàn bộ binh 389 ở nhà máy kéo Stalingrad cũng phải chịu đòn lây từ lộn xộn này.

       Hitler điên tiết khi nghe về cuộc rút lui này, đã buộc tội Paulus. Để ngăn cản mọi hành vi bất tuân trong tương lai, ông ta đã ra một quyết định đặc biệt để phân chia lại việc chỉ huy tại Kessel. Tướng Von Seydlitz, người được tin tưởng sẽ là một kẻ phòng ngự cuồng tín, sẽ chỉ huy phần đông bắc của Kessel, bao gồm cả bản thân Stalingrad. Lệnh đến lúc 6 giờ sáng ngày 23/11. Muộn hơn một chút, Paulus mang theo Đại úy Behz sang thăm sở chỉ huy của Seydlitz ở bên cạnh. Paulus đưa tận tay quyết định nhận  từ Cụm Tập đoàn quân sông Đông. “Bây giờ anh có thể tự mình chỉ huy”, ông ta nói đầy chua cay, “Anh có thể phá vây”. Seydlitz không thể che dấu sự ngượng ngùng. Manstein, hoảng sợ với việc chia lẻ chỉ huy như vậy, đã phải cố gắng chỉnh sửa nó theo hướng ít vô nghĩa hơn.

          Cuộc chạm trán của Paulus với Seydlitz không phải chỉ là mỗi một cuộc gặp khó chịu như mọi người nhớ lại về vòng vây Stalingrad. Tại Wolfsschanze, Thống chế Antonescu đã là đối tượng chỉ trích của Quốc trưởng cho rằng quân Rumani đã gây tai họa. Antonescu, đồng minh trung thành nhất của Hitle đã trả lời với đầy ai oán. Tuy vậy cả hai nhà độc tài đã bình tĩnh lại để tránh mất một đồng minh mà cả hai đều không muốn vậy. Thế nhưng sự hòa hoãn của họ không cho thấy mọi sự sau này sẽ êm thắm.

         Sĩ quan Rumani đã tức giận rằng bộ chỉ huy cao cấp của Đức đã bỏ mặc tất cả các cảnh báo của họ, đặc biệt là sự thiếu phòng ngự chống tăng. Trong khi đó quân Đức lại không biết đến các mất mát của quân Rumani, mà chỉ buộc tội người đồng minh đã gây ra thảm họa bằng cách bỏ chạy. Nhiều sự va chạm phiền lòng đã phát triển giữa các nhóm quân của cả hai bên. Sau lần gặp mặt nóng nẩy với Antonescu, Hitler thậm chí đã buộc phải thực hiện một số cố gắng để cứu vãn quan hệ với các đồng minh. “Theo sắc lệnh Quốc trưởng, sở chi huy Tập đoàn quân 6 báo cho các chỉ huy quân đoàn biết là ‘phải dừng mọi sự chỉ trích các sĩ quan Rumani về sự đổ vỡ’”. Sự căng thẳng giữa các đồng minh này không khó gì để bên Sô viết đoán ra, họ đã ngay tức khắc dùng máy bay rải 150.000 tờ truyền đơn viết bằng tiếng Rumani.

        Hitler vẫn tiếp tục ra tay trả thù tàn nhẫn tướng Heim, chỉ huy của Quân đoàn Thiết giáp XLVIII. “Quốc trưởng lệnh cách chức tướng Heim ngay lập tức”, tướng Schmundt ghi lại trong nhật ký ngay sau khi Hitler quay trở lại Wolfsschanze. “Quốc trưởng sẽ tự mình quyết định hình thức kỷ luật trong việc này”.

         Nhiều sĩ quan cao cấp ngờ rằng Hitler không chỉ muốn mỗi mình Heim là vật chịu báng cho thảm họa mà có thể toàn bộ các sĩ quan quân đoàn. Groscurth đã cay đắng viết “Quân đội trung thành của Đảng chiến thắng”, ngay sau khi Hitler phát biểu trên đài rằng ông ta ta đã tuyên bố chiến thắng với các sĩ quan cao cấp. Giống như một người chống-phát xít khác, Heinning von Tresckow, Groscurth tin rằng các viên tham mưu không còn xứng đáng với tên tuổi nữa vì họ hèn nhát trước Hitler. Trong khi đó các sĩ quan quân đoàn lại là nhóm duy nhất đối lập với tình trạng chuyên chế (1).

         Tresckow tin rằng một thảm họa khủng khiếp có thể dẫn đến thay đổi và quân đội sẽ đưa đưa một người chỉ huy tiếng tăm lên thay cho Hitler. Thống chế chiến trường Von Manstein rõ ràng là người chỉ huy có tiếng tăm cần thiết như vậy, nên Tresckow khi có cơ hội đã sắp xếp để đưa người cháu họ còn trẻ Alexander Stahlberg vào làm người phụ tá mới cho Manstein. Thời gian làm xuất hiện cơ hội. Stahlberg bắt đầu thực hiện nhiệm vụ vào 18/11, trước khi Hitler bổ nhiệm Manstein là tổng chỉ huy Cụm Tập đoàn quân sông Đông mới.

         Khả năng quân sự và trí thông minh của Manstein là điều không thể chối cãi, nhưng khả năng chính trị của ông ta thì khó đoán hơn nhiều, mặc dù có một số thể hiện đáng khuyến khích. Manstein coi thường Goering và ghê tởm Himmler. Theo các đồng nghiệp tin cẩn nhất, ông ta có gốc Do thái. Ồng ta cũng có thể gay gắt về Hilter. Như là một trò đùa, con chó Knirps của ông ta được dạy để giơ chân trước ra chào khi nghe lệnh “Heil Hitler”. Nhưng mặt khác, vợ ông ta lại là người vô cùng ngưỡng mộ Hitler, và quan trọng hơn, Manstein như đã được đề cập, thậm chí đã ra lệnh cho các lính của mình rằng “cần thiết phải dùng biện pháp mạnh chống lại người Do thái”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 28 Tháng Sáu, 2015, 07:07:11 am
       Sở chỉ huy sang trọng của Manstein đặt trên tầu hỏa chính là một căn phòng được trang hoàng của Nữ hoàng Yugoslavia. Tầu dừng lại ở vùng nam Smolensk để đón người chỉ huy của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, tướng mặt trận Hans Gunther von Kluge đến để tóm tắt với Manstein về tình hình ở miền nam Nga. Kluge được Tresckow khuyến khích, là một trong các thống chế chiến trường tích cực và sẵn sàng tham gia các mưu đồ. Ông ta nói với Manstein rằng Hitler đã đặt Tập đoàn quân VI vào một vị trí không giữ được. Bản đồ tình hình trên tầu cho thấy rõ ràng sự nguy hiểm.

       Kluge cố gắng gây ấn tượng với Manstein với lời khuyên. Các cố gắng của Quốc trưởng nhằm điều khiển việc điều động quân tới tận mức tiểu đoàn cần phải được ngăn chặn ngay từ khi bắt đầu.

      “Và xin được lưu ý”, Kluge nhấn mạnh.

       “Quốc trưởng đã cho rằng sự sống sót của Ostheer trong mùa đông vô cùng hiểm nghèo năm ngoái không phải là do ý chí của binh lính chúng ta và cũng không phải do chúng ta đã làm việc vất vả, mà hoàn toàn do tài năng của riêng ông ta”.

       Ngay sau cuộc gặp gỡ này, Hồng quân mở một cuộc tấn công chống lại Cụm Tập đoàn quân Trung tâm để ngăn lãnh đạo Đức đem quân xuống phá vòng vây Stalingrad.

      Đoàn tầu được sưởi ấm tiếp tục đi xuyên qua nước Nga với phong cảnh tuyết đầu mùa. Manstein và các sĩ quan tham mưu của ông ta bàn bạc về âm nhạc, các bạn bè chung và các mối quan hệ, chơi cờ và bài và tránh bàn đến chính trị. Trung úy Stahlberg từng nghe nói Manstein có quan hệ họ hàng với tổng thống cuối cùng Von Hindenburg, đã tò mò hỏi xem người thống chế chiến trường nào trong cuộc chiến này có thể chở thành “cứu tinh của Đất nước” lúc nó bị đánh bại. “Dĩ nhiên không phải tôi”, Manstein trả lời ngay tức khắc.

       Sinh nhật của Thống chế chiến trường, tuổi 55, rơi vào ngày 24/11, ngày họ đến sở chỉ huy của Cụm Tập đoàn quân B. Tướng von Weichs, chỉ cho Manstein xem bản đồ cập nhật tình hình, không dấu diếm tình trạng nghiêm trọng. Lệnh Quốc trưởng cũng vừa đến, lệnh cho Tập đoàn quân VI duy trì Pháo đài Stalingrad và đợi tiếp tế bằng đường không. Manstein, theo như người phụ tá, thể hiện sự lạc quan rất đáng ngạc nhiên. Thậm chí khoảng cách 150 dặm giữa quân Đức ở phía nam của cái Kessel và Cụm Tập đoàn quân A tại Caucasus cũng không ngăn cản Manstein chọn thủ phủ cũ của người Cô dắc sông Đông Novocherkass làm sở chỉ huy của ông ta. Lính gác cửa chính của ông ta đội mũ lông cừu của người Cô dắc sông Đông và quân phục Đức. “Mỗi khi chúng tôi đi vào hoặc ra khỏi ngôi nhà”, người trợ lý nhớ lại, “họ lại ưỡn ngực và đứng nghiêm như thể chính ông ta là Nga hoàng uy nghi lẫm liệt”.

      Hitler ra các hướng dẫn khắt khe nhằm ngăn chặn các tin tức về cuộc bao vây Stalingrad đến tai người dân Đức. Trong ngày 22/11, tin tức đại chúng cho biết có một cuộc tấn công vào chiến tuyến bắc. Ngày tiếp theo, chỉ ngay sau khi Tập đoàn quân VI bị bao vây hoàn toàn, thì các tin tức chỉ đề cập đến các cuộc phản công và thương vong của đối phương. Một tuyên bố tiếp theo làm như thể quân Sô viết tấn công đã bị đánh lại với những thiệt hại nghiêm trọng. Cuối cùng, vào ngày 8/12, ba tuần sau sự kiện này, tin tức mới cho biết còn có một cuộc tấn công ở phía nam Stalingrad nhưng không hề có gì cho biết cả Tập đoàn quân VI đã bị cắt rời. Hình ảnh đó được duy trì đến tháng Một theo cái công thức mập mờ “quân đội ở vùng Stalingrad”.

        Dĩ nhiên là quan chức Phát xít không thể ngăn được tin đồn lan truyền, đặc biệt là trong quân đội. “Toàn bộ Tập đoàn quân VI bị bao vây”, một người lính ở bệnh viện dã chiến được giáo sĩ cho biết ngay lập tức. “Đó là sự khởi đầu của sự kết thúc”. Những cố gắng làm im lặng binh lính và sĩ quan đã gây phản tác dụng và sự thiếu chân thành chỉ làm tình hình thêm lo lắng, băn khoăn ở Đức. Chỉ sau vài ngày của cuộc bao vây, dân thường đã viết thư cho tiền tuyến hỏi xem tin đồn có đúng không. “Ngày hôm qua và hôm nay”, một thủ quĩ viết từ Bernburg, “người ta đã nói rằng có một cuộc phá vây trong khu vực của anh?”.



Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 29 Tháng Sáu, 2015, 08:09:13 am
            Các quan chức Phát xin tin rằng họ có thể lấp liếm được mọi thứ cho đến khi lực lượng giải thoát đã sẵn sàng phá vây đến Stalingrad. Trong lúc đó, Paulus đang nghi ngờ tột bật vào lời hứa của Goering đảm bảo tiếp viện cho Tập đoàn quân VI bằng đường hàng không, nhưng ông ta cũng không thể loại bỏ được các lý lẽ của tổng tham mưu của ông ta rằng họ có thể giữ được ít ra là cho đến đầu tháng 12, khi Hilter hứa có phá vây giải thoát cho họ.

           Paulus phải đối mặt với cái Stecker gọi “câu hỏi khó nhất đối với lương tâm mọi người lính: khi nào thì bất tuân lệnh cấp trên của anh ta để giải quyết tình hình mà anh ta am hiểu nhiểu hơn cả”. Các sĩ quan, những người không thích chế độ và căn ghét cái GROFAZ – Người lãnh đạo vĩ đại của mọi thời đại, cái mà lúc riêng tư họ gán cho Quốc trưởng, đã hi vọng rằng Paulus sẽ đứng đối lập với sự điên khùng này và bấm nút khởi động cho một phản ứng dây chuyền của quân đội*. Họ nghĩ về cuộc nổi loạn của tướng Hans Yorck von Wartenburg tại Tauroggen vào tháng 12/1812, khi ông ta từ chối không chiến đấu tiếp dưới chỉ huy của Napoleon. Thậm chí điều đó còn có thể khởi động cho làn sóng yêu nước ở Đức. Nhiều người đã tin vào sự so sánh này. Tướng von Seydlitz đã kêu gợi tranh luận với Paulus khi cố thuyết phục ông ta phá vây, rồi sau đó là Đại tá Selle, chỉ huy trưởng kỹ thuật của Tập đoàn quân VI. Schmidt, mặt khác, lại cân nhắc rằng: “Cái hành động chống lại mệnh lệnh đó sẽ trở thành một cuộc nổi loạn với dưới sức đè của các hòn đá chính trị”.

           Paulus trả lời Selle như là lời định mệnh: “Tôi biết lịch sử chiến tranh đã đưa ra lời phán xét với tôi rồi”. Vâng, ông ta đúng khi từ chối so sánh với Tauroggen. Thời Yorch không có thông tin liên lạc thông suốt, có thể tuyên bố hành động nhân danh Vua Phổ mà không sợ bị cách chức. Nhưng vào kỷ nguyên khi mà mọi sở chi huy đều liên tục được liên lạc, được nối bằng vô tuyến, thư và máy điện báo thì một lệnh bắt giam một người chỉ huy có thể được truyền tới ngay tức khắc. Người diễn viên duy nhất trong vở kịch có khả năng đóng vai Yorchi chính là Manstein, như Tresckow và Stauffenberg đã nhận ra. Thế nhưng Manstein như họ phát hiện, không định thực hiện vai trò nguy hiểm như vậy. “Thống chế Phổ không nổi loạn”, ông ta nói vào năm sau, ngược với truyền thống York khi làm đại diện của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm.

         Nhiều nhà sử học đã đưa ra nhấn mạnh rằng hầu hết mọi sĩ quan của Tập đoàn quân VI đều tin rằng phải cố thực hiện phá vây ngay lập tức. Điều này không đúng. Các sĩ quan cấp quân đoàn và sư đoàn và sĩ quan tham mưu đều ủng hộ chắc chắn cho một cuộc phá vây, nhưng phía bộ binh, đặc biệt là các chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn lại ít bị thuyết phục hơn nhiều. Binh lính của họ, đặc biệt là những ai đã đào hầm hào rồi, lại không muốn từ bỏ vị trí của họ cùng với các vũ khí hạng nặng để ra “đánh nhau trên tuyết”, nơi trống trải mà họ phải phơi ra cho quân Nga tấn công. Binh lính cũng rất miễn cưỡng di chuyển bởi vì họ tin vào những lời hứa về một lực lượng phản công mạnh đang đến cứu họ. Một khẩu hiệu ngày 27/11 là “Hãy giữ vững! Quốc trưởng sẽ cứu chúng ta ra!” đã được chứng minh rất hiệu quả. (Schmidt sau này đã cố phủ định rằng nó được đưa ra từ sở chỉ huy Tập đoàn quân VI, và cho rằng nó là phát minh của một chỉ huy cấp dưới).

          Ở trong cái Kessel, binh lính có khuynh hướng tin tưởng ở khẩu hiệu “Hãy giữ vững!” như là một lời hứa chắc chắn. Nhiều sĩ quan cũng tin như vậy, nhưng những người khác thì phỏng đoán dựa vào thực tế. Một người đã nhớ lại, một đồng nghiệp là trung úy thiết giáp lựu pháo, khi nhận được tin mới, đã nháy mắt với ông ta gọi ra chỗ xe của họ và họ có thể thảo luận tình hình một cách riêng tư.

         “Chúng ta sẽ không bao giờ ra khỏi đây được

         Ông ta nói:

         “Đây là cơ hội duy nhất mà người Nga sẽ không để vuột mất”.

         “Anh thật là người bi quan”,

         Người kia trả lời:

        “Tôi tin vào Hitler. Ông ta nói sẽ làm cái gì thì ông ta sẽ làm bằng được cái đó”.


----------------------------------------------

       
        (1) Họ nghĩ rằng các sĩ quan lâu năm có thể thuyết phục Hitler bước xuống làm lãnh đạo quân đội. Một sự thay đổi thể chế có thể thực hiện mà không dẫn tới hỗn loạn và nổi dậy giống như hồi 11/1918. Đây là một sự ngây thơ đáng kinh ngạc về cá tính của Hitler. Một quan điểm đối lập khác lại có thể gây ra đổ máu. Đó là của các sĩ quan trẻ, như là Tresckow và Stauffenberg, họ cho rằng chỉ có thể loại bỏ được Hitler bằng cách ám sát.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 30 Tháng Sáu, 2015, 12:28:50 am
                                                                                            XVII


                                                                                PHÁO ĐÀI KHÔNG NÓC



         Trong tuần lễ đầu của tháng 12, quân Nga thực hiện những cuộc tấn công quyết liệt nhằm chia cắt Tập đoàn quân VI ra. Qua các cuộc chiến phòng ngự nặng nề, các sư đoàn thiết giáp của nó mất gần nửa trong số 140 tăng còn lại. Họ bị cản trở nhiều do thiếu nhiên liệu và đạn dược. Ngày 6/12, một nhóm chiến đấu lấy từ Sư đoàn Thiết giáp 16 được đưa vào một cuộc phản công bằng chân bởi vì họ không còn nhiên liệu cho các xe half-track (xe nửa xích nửa lốp). Trung úy von Mutius, viên sĩ quan trẻ người rất hãnh diện được làm thành viên cuối cùng của Quân đội Đức (Wehrmacht) rút qua sông Don, được cử làm phó chỉ huy nhóm này.

       Mục tiêu của họ là chiếm một ngọn đồi phía bắc của Baburkin, nhưng bất ngờ xe tăng Nga xuất hiện ngoài tầm hỗ trợ của một đơn vị khác. Chỉ huy nhóm chiến đấu ra lệnh rút lui. “Việc rút lui theo trật tự là không thể”, một thượng sĩ kể lại sau đó. “Mọi người bỏ chạy tự cứu lấy mạng mình. Quân địch bắn sau lưng chúng tôi bằng đủ mọi loại vũ khí. Một nửa nhóm bị quét sạch. Trung úy Mutius bị thương nặng. Nhằm tránh bị thương vong tệ hơn, ông ta liên tục kêu to ‘tản ra’”. Người thượng sĩ cho rằng ông ta đã cứu được nhiều nhân mạng, trong khi bản thân bất lực nằm đó đợi quân Nga đến. Những người sống sót cho rằng ông ta là ‘một anh hùng thật sự’”.

         Sau một số cuộc tấn công, các chỉ huy Sô viết nhận ra rằng quân bị vây còn lâu mới bị đánh bại. Tập đoàn quân 57 nằm ở đoạn ép phía tây nam đã phải chịu các thương vong nặng nề. Tìm hiểu lý do các thất bại của quân Sô viết khá thú vị. Trong một báo cáo – “pháo và bộ binh không kết hợp tốt với nhau khi tấn công vào hàng phòng ngự của địch” – dường như có thương vong nặng do tự bắn nhầm. “Binh lính không được hướng dẫn đầy đủ về việc cần thiết phải đào hào”, là một báo cáo khác. Các sai lầm này dẫn đến “Các mất mát không thể sửa chữa từ tăng và máy bay Đức”. Không có gì đề cập đến thực tế rằng mặt đất bị đóng băng rắn chắc và các dụng cụ đào hào không được cung cấp đủ.

         Đằng sau chiến tuyến, các sĩ quan NKVD và phiên dịch làm việc đến khuya để thẩm vấn tù binh Đức, bao gồm từ những người đảo ngũ đầu tiên cho đến “những cái lưỡi” bị bắt bởi các đại đội trinh sát. “Bọn Bôn-sê-vích thường xuyên tìm bắt tù binh trong chúng tôi”, một trung úy từ Sư đoàn bộ binh 44 Hoch-und Deutschmeister của Áo kể lại. Cơ quan Tình báo tiền tuyến sông Đông đang cố gắng xác định tình trạng mất tinh thần của các sư đoàn, mà các cuộc tấn công cần phải tính đến. Có thể thấy ngay được các sư đoàn bộ binh 44 và 376, cả hai vừa mới rút qua sông Đông, không thể đào được các hầm cho đúng. Phần lớn binh sĩ của chúng, trong thời gian qua thời tiết thay đổi từ sương mù nặng sang mưa rồi quay lại sương mù nặng, ở trong các hố phủ bằng vải nhựa.

      NKVD đặc biệt quan tâm đến bất cứ dấu hiệu oán giận Đồng minh. “Mọi người nói rằng quân Áo chiến đấu không tốt”, thiếu úy Heinrich Boberg trả lời thẩm vấn của đại úy Dyatlenko ngày 10/12. “Có nhiều điều đúng, nhưng tôi nói nó không đúng với Sư đoàn Bộ binh 44. Người Áo có những lý do lịch sử để không cứng nhắc như người Phổ. Và bởi vì người Áo đã cộng tác với nhiều dân tộc khác, họ không có cùng kiểu tự phụ dân tộc như người Phổ”. Cái ban phong “Ostmark” cho Áo dường như biến mất rất nhanh khỏi vốn từ vựng của một tù binh Áo.

           Một khi các cuộc tấn công lớn đầu tháng 12 tạm ngừng, thì chiến tuyến sông Đông tiếp tục gây sức ép lên Sư đoàn bộ binh 44 với các cuộc tấn công dùng máy bay không đối đất Shturmovik. Tinh thần chiến đấu của Tập đoàn quân VI vẫn còn tốt và khá vững vàng. Một trung úy lớn tuổi của Sư đoàn Thiết giáp 16 đã kể lại là tại giai đoạn này “đơn giản là không xuất hiện sự nghi ngờ về các kết quả tốt của các trận đánh”. Binh sĩ Đức, đặc biệt là những người phải sống trên thảo nguyên tuyết phủ đã nói đùa về “pháo đài không có nóc”. Đa số những người trẻ tuổi hơn được đào tạo trong một hệ thống chuyên chế không cần phải giải thích về lý do cho hoàn cảnh của họ. Lời đảm bảo của Quốc trưởng đối với họ là một lời hứa không thể bị phá vỡ.

          Khẩu phần nhanh chóng bị sụt giảm mạnh, nhưng các sĩ quan và các hạ sĩ có thể tin tưởng rằng tình hình của họ sẽ không kết thúc. Luftwaffe sẽ chở đến những thứ họ cần và sau đó một lực lượng giải cứu lớn, dẫn đầu bởi Thống chế chiến trường Manstein sẽ tiến đến từ hướng tây nam phá vỡ vòng vây. Nhiều binh lính tự huyền hoặc mình hoặc được các sĩ quan kém tưởng tượng nói vào tai rằng họ sẽ thoát ra vào lễ Giáng Sinh.

         “Từ 22/11 các anh bị bao vây”.

        Một người lính thuộc Sư đoàn bộ binh 376 viết về nhà.

        “Cái tệ hại nhất đã qua. Các anh hi vọng sẽ được giải thoát khỏi cái Kessel này trước Giáng Sinh… Một khi trận chiến phá vòng vây này xong thì chiến tranh ở Nga cũng chấm dứt”.

        Một số còn được thuyết phục rằng họ sẽ ngay lập tức được phép rời nơi đây và về nhà đón Giáng Sinh với gia đình.

       Những người giám sát chiến dịch tiếp tế đường không kém lạc quan hơn rất nhiều. Trưởng sĩ quan hậu cần của Tập đoàn quân 6 báo cáo 7/12: “Khẩu phần bị cắt giảm từ 1/3 cho đến một nửa nhằm giúp tập đoàn có thể duy trì đến 18/12. Việc thiếu cỏ khô có nghĩa là đa số ngựa sẽ buộc phải giết thịt khi đến giữa tháng Một”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 30 Tháng Sáu, 2015, 08:14:16 am
          Các sĩ quan Luftwaffe phụ trách sân bay Pitomnik thuộc Sư đoàn Phòng không 9 lại không có chút ảo tưởng nào hết. Họ biết rằng mức nhỏ nhất 300 chuyến bay mỗi ngày nhằm khôi phục khả năng chiến đấu Tập đoàn quân VI là một câu hỏi không có lời giải đáp. Trong mọi trường hợp các hoạt động không quân mạnh mẽ của Hồng quân cùng với lưới lửa phòng không xung quanh Kessel tạo nên mối thách thức khủng khiếp cho các máy bay ba động cơ Junkers 52 chậm chạp. Jeschonnek và Goering không tính rằng các sân bay có thể nằm trong tầm pháo hạng nặng của Sô viết. Tệ hơn cả, họ không để chỗ dự trữ cho ảnh hưởng của thời tiết mặc cho các kinh nghiệm của mùa đông năm trước. Có nhiều ngày tầm nhìn chỉ bằng không và nhiều ngày khác nhiệt độ xuống rất thấp và gần như không thể khởi động được máy bay, cho dù có đốt một đống lửa dưới động cơ. Tuy vậy theo Richthofen, các sĩ quan Luftwaffe dù là ở trong hay ở ngoài Kessel cũng không ai dám nói ra. “Đó là chủ nghĩa thất bại nếu anh nói về sự nghi ngờ”, một trong số họ nói.

           Sau khi chở tới nhiên liệu, đạn dược và lương thực – theo lý thuyết là ba tấn cho mỗi Junkers 52, ít hơn một chút cho một Heinkel III, các máy bay chở ra thương binh từ bệnh viện dã chiến cạnh sân bay Pitomnik. Có lẽ dấu hiệu rõ nhất cho chủ nghĩa bi quan là cái quyết định bí mật đưa ra toàn bộ các nữ y tá Đức, thậm chí trước hầu hết các thương binh để chắc chắn họ sẽ không bao giờ rơi vào tay quân Nga. Mặc dù có rất nhiều cố gắng giữ bí mật việc này, các sĩ quan từ Trung đoàn bộ binh Croat 369 đã biết và vận động Luftwaffe đưa giúp các phụ nữ của họ ra ngoài, cải trang như là các nữ y tá.

        Viên trung úy mà họ tiếp cận là người đánh giá cao binh sĩ Croat đã đồng ý giúp đỡ. Tuy vậy viên đại tá của người sĩ quan này lại có các nguyên tắc đạo đức cao. “Nhưng điều đó thực sự chẳng quan trọng”, viên trung úy trả lời, “cho dù họ có là điếm hay nữ y tá của người Croat. Họ phải được đưa ra để thoát khỏi quân Nga”. Viên đại tá vẫn từ chối. Viên trung úy sau này đã ngờ rằng người Croat đã cố gắng đưa lậu phụ nữ của họ lên máy bay.

          Lều bạt, hầm hố được trải rộng bên cạnh sân bay. Có một số là sở chi huy với các dấu hiệu như cột ăng ten và xe cộ cùng với bệnh viện dã chiến. Pitomnik nhanh chóng trở thành trọng điểm cho các trung đoàn tiêm kích và thả bom của Sô viết. Trong những ngày 10, 11 và 12 tháng 12, máy bay Sô viết đã thực hiện 42 vụ oanh tạc.

           Quân Nga cho dù có đủ mọi hoạt động không quân trên Kessel thì vẫn không nhận biết được độ lớn của lực lượng mà họ bao vây được. Đại tá Vinogradov, chỉ huy của cơ quan tình báo Hồng quân tại sở chỉ huy Mặt trận sông Đông ước lượng rằng Chiến dịch Sao Thiên vương (Uranus) đã vây được khoảng 86,000 người. Con số thật bao gồm cả quân Đồng minh và quân Hiwis (quân Nga tình nguyện hoặc bắt buộc chiến đấu/phục dịch trong quân đội Đức) là gần 3 lần lớn hơn: gần 290.000 người. Quân đồng minh bao gồm phần còn lại của hai Sư đoàn Rumani, trung đoàn Croat thuộc Sư đoàn Jager và một đoàn xe vận tải của Ý, những người đã chọn thời khắc đen đủi để đến tìm gỗ trong đống đổ nát của Stalingrad(1).

         Việc co nhỏ của Tập đoàn quân VI rất quen thuộc với những ai từng tham chiến ở WWI, những người lính già nhớ lại Chiến tuyến Phía tây và không khí chết chóc của nó. Sau đợt giá lạnh giữa tháng 11, là đến một đợt tuyết tan, tạo ra một giai đoạn ngắn lầy lội trước khi vào mùa đông thật sự. Một số đã trở lại đời sống chiến hào thủa xưa, ví dụ như chỉ có một nguồn nước ấm nhất định, thư giãn cho họ, để ngâm rửa những bùn lầy đóng thành bánh trên tay họ.

          Cấu trúc của chiến hào và hầm hố khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh của từng sư đoàn. Những ai bị buộc phải rút lui hoặc phải chuyển sang vị trí mới buộc phải lao động nặng nhọc, mặc dù rất nhiều việc đã được giao cho Hiwis và tù binh Nga. Quân Đức đã học từ việc đánh nhau trên đường phố của Stalingrad. Họ đào hầm dưới chiếc những tăng bị phá hỏng và tận dụng những chức năng còn lại của nó. Thế nhưng trong những ngày đầu của cuộc bao vây, mặt đất vẫn còn đông rắn, thậm chí lửa cũng chỉ làm đất mềm ra chút ít thôi. Ở ngoài thảo nguyên, thứ thiếu thốn nhất là gỗ dùng cho cả sưởi ấm và làm dầm phủ bên trên cho mỗi hầm. Những ngôi nhà của nông dân gần đường tiền duyên không tồn tại được lâu. Những cư dân – những người đã quây nhà của họ bằng rơm rồi thêm một lớp ván nữa bên ngoài để giữ hơi ấm cho mùa đông, đã bị đuổi khỏi nhà. Nếu họ ở lại, họ có thể thấy ngôi nhà của họ nhanh chóng bị tháo dỡ sạch do lính Đức lấy ván, dầm, cửa, thậm chí cả cửa sổ về để cải thiện hầm hào của họ.

           Binh lính, những người đã phá dỡ nhà cửa của thường dân, lại theo bản năng biến hầm hào của họ thành ngôi nhà mới. Những công việc đào, đắp ở hào giao thông và bên ngoài hầm không ấn tượng như những gì trong hầm. Họ trang trí các khung ảnh cho những bức tranh hoặc ảnh người thân yêu. Một số thứ luôn được tôn trọng. Không ai sờ hoặc lấy ảnh vợ con của người khác. Các sĩ quan kiểm tra để đảm bảo họ có giường ngủ, nghế và một cái bàn.

          Tướng Edler von Daniels, chỉ huy của Sư đoàn Bộ binh 376, có một cái hầm kiến trúc phức tạp và hoàn hảo không chê vào đâu được do một nhân viên của ông vẽ ra sau khi họ chuyển đến vị trí mới ở sườn tây nam. Người chỉ huy của bác sĩ Kurt Reuber, một mục sư làm bác sĩ trong Sư đoàn Thiết giáp 16 lại có một cái hầm đặc biệt lớn và ông ta có thể đặt vào đó một cái đàn piano do một sư đoàn khác bỏ lại. Và thế là ở đây, dưới đất, không nghe thấy được từ bên trên và bị tường đất hút âm, ông ta chơi nhạc của Bach, Handel, Mozart và bản sonate Dưới ánh trăng của Beethoven. Ông chơi rất hay nhưng cũng dường như bị ám ảnh. “Viên sĩ quan chỉ huy vẫn tiếp tục chơi dù cho tường hầm rung bần bật khi bị pháo bắn và bụi rơi xuống rào rào”. Ông ta thậm chí vẫn chơi khi các sĩ quan vào báo cáo về đánh nhau ở bên ngoài.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 30 Tháng Sáu, 2015, 10:16:21 pm
            Một số đơn vị thấy mình đủ may mắn để vẫn ở vị trí cũ. Sư đoàn bộ binh 297, nam của Stalingrad, vừa mới công phu hoàn thành một viện điều dưỡng trước khi quân Nga phản công. Họ đã sợ rằng họ sẽ mất tất cả những thứ này cùng với thiết bị, gường, dao kéo, đồ sành sứ… được chở bằng tầu hỏa từ Đức sang. Nhưng khi đường phòng ngự của Kessel được lập, cái bệnh viện cầu kỳ của họ có lẽ chỉ cách đường ranh giới vài dặm.

            Có khá nhiều binh lính vẫn không nhận được đủ quần áo mùa đông trước khi bị bao vây, thế là họ cố gắng xoay xở cải thiện với các mức độ thành công khác nhau. Bên trong quân phục họ ngày càng mặc nhiều thứ thuộc quân phục Sô viết – áo chẽn không khuy, quần chẽn chần và áo trấn thủ. Khi băng giá nặng, một cái mũ sắt trở thành một cái máy đông lạnh hút nhiệt, do vậy họ quấn lên đầu những thứ như xà cạp, khăn quàng cổ, thậm chí cả loại băng dùng băng bó chân của Nga để cách nhiệt. Sự thèm khát có găng tay da khiến họ giết chó lạc và lột da chúng. Một số thậm chí còn thử làm áo chẽn từ da ngựa bị giết thịt và được thuộc một cách không chuyên, đa phần những thứ này thô cứng không tiện dụng, trừ khi họ mua chuộc được ai đó vốn là thợ chuyên nghiệp giúp đỡ.

           Các cảnh bẩn thỉu nhất thường xuất hiện ở các đơn vị bị quân Sô viết tấn công và buộc phải đến một vị trí mới ngoài thảo nguyên trống trải, đầu tận cùng phía tây của cái Kessel. “Lạnh buốt cùng cực vào buổi tối”, viên sĩ quan pháo binh người phải rút lui qua sông Đông viết trong nhật ký. “Chúng tôi có thể ngủ ngoài thảo nguyên được bao lâu? Cơ thể không còn chịu nổi thêm được nữa. Trên tất cả là sự bẩn thỉu và chấy rận!!!”. Trong những điều kiện như vậy, các đội quân không có cơ hội để đào giao thông hào và nhà xí. Binh lính ngủ nằm sát vào nhau như cá hộp sardines, trong các lỗ đào dưới đất, được lót tạm bằng vải bạt. Bệnh truyền nhiễm lan rộng rất nhanh. Kiết lỵ nhanh chóng gây ảnh hưởng làm kiệt sức và chán nản do binh lính bị bệnh đi ngoài lên cái xẻng trong chiến hào rồi hất những thứ trong đó qua thành hào ra ngoài.

           Mọi người viết thư cho người thân về sự bẩn thỉu trong cuộc sống của họ. “Chúng tôi cùng dơ dáy cả”, Kurt Reuber viết, “ở trong một cái hố đào bên cạnh một con mương trong thảo nguyên. Các dụng cụ đào vừa mỏng mảnh vừa tồi tệ. Bụi, đất sét. Không dùng chúng làm gì được. Khan hiếm gỗ làm hầm. Bao quanh chúng tôi là một phong cảnh buồn tẻ, đơn điệu và sầu não. Thời tiết mùa đông có độ lạnh khác nhau. Tuyết, mưa nặng, sương giá rồi bất chợt tuyết tan. Buổi đêm ta có thể gặp chuột chạy leo qua mặt”.

         Sự quấy phá trong quần áo ngày càng tăng tiến được bắt đầu từ những ngày hỗn loạn của cuộc bao vây. “Dịch chấy rận thật kinh khủng”, một hạ sĩ một trung đoàn thiết giáp viết, “bởi vì chúng tôi không có cơ hội giặt rũ, thay quần áo hoặc săn lùng chúng. Trong mũ sắt tôi tìm thấy khoảng 200 con bọ nhỏ dai dẳng này”. Một người lính nào đó đã phỏng theo một bài hát nổi tiếng để viết lại lời:

          Ngay bên dưới cây đèn trong một ngôi nhà nhỏ
          Tôi ngồi mỗi chiều săn tìm chấy rận


          Trong những buổi tối dài của mùa đông Nga, binh lính có dư thừa cơ hội và thời gian để cà kê về quê nhà và cuộc sống trước khi đến Nga đã từng tốt hơn đến thế nào. Tại Sư đoàn bộ binh 376, họ nhớ tiếc thời kỳ đóng quân ở Angoulême, thuộc chiến tuyến Ostfront, với cà phê, rượi vang rẻ và các cô gái Pháp. Họ còn quay lại thời xa hơn, lúc họ được hân hoan đón chào về nhà mùa hè 1940. Những đám đông vẫy tay, những nụ hôn và những lời tán dương đã tiêm cho họ ý nghĩ rằng đánh trận cũng tốt như lúc đã đánh xong. Hầu như cả đất nước đã chúc mừng Hitler đã mang họ đi qua một cuộc chiến tranh thắng lợi chóng váng với rất ít thương vong.

           Thỉnh thoảng, khi suy nghĩ trở về nhà, họ chơi kèn harmonicas những điệu ủy mị trong hầm. Sau những phút đối nghịch với hiện tại và tương lai, con người bám và tin lấy tin đồn nhiều hơn trước cùng với những câu hỏi dai dẳng và thiếu suy xét. Thậm chí các sĩ quan của họ có rất ít hiểu biết về tình hình thực tế. Một đề tài khác, liên quan đến cơ hội thoát ra, là làm thế nào có được vết thương “tuyệt hảo”, không gây què quặt, không quá đau đớn, nhưng vẫn đủ để được nhận giấy phép cho đưa ra bằng đường không. Những ai đã rời khỏi đây ngay trước khi bị vây được xem như sự thèm khát, ngưỡng mộ. Trong khi đó những ai đã quay lại trước khi bị vây được coi là người có bản chất tốt, nhưng cũng bị trêu trọc, đùa cợt nhiều. Có một người không bao giờ cằn nhằn về sự không may đó của mình là Kurt Reuber. Ông ta quay lại đơn vị chỉ hai ngay trước khi cái Kessel bị khép lại. Rất nhanh sau đó người ta không rõ phận sự nào của ông cần thiết với mọi người hơn: bác sĩ hay thầy tu.

         Quân Đức bị bao vây thường tưởng tượng rằng lính Hồng quân đang đối diện với họ chỉ thiếu thốn tí chút, cả về khẩu phần lẫn quần áo, nhưng sự tưởng tượng này đôi khi không đúng. “Do thông tin kém, lương thực không được mang tới kịp cho binh lính ở tiền tuyến”, một người ở Mặt trận sông Đông kể lại. “Sự sai lầm của các sĩ quan và chính ủy sử dụng hầm để giữ ấm cho binh lính”, một người khác cho biết, “dẫn đền nhiều người bị buộc phải gửi về bệnh viện với vết thương do băng giá, phần lớn ở chân”.

          Những lính Sô viết được trang bị tốt nhất là lính bắn tỉa. Có một chút phủ nhận việc này. Ở trên những cánh đồng phủ tuyết ngoài thảo nguyên, trong những bộ ngụy trang mầu trắng, họ hoạt động thành cặp, một người sử dụng ống nhòm và người kia với súng bắn tỉa tầm xa. Họ bò lên vào buổi tối vào vùng hoang vu, đào tuyết thành hố ẩn nấp để quan sát và bắn. Thương vong của họ giờ cao hơn nhiều so với ở trong thành phố vì họ có ít lựa chọn hơn để ẩn náu và ít đường hơn để thoái lui. Thế nhưng “phong trào bắn tỉa” vẫn hấp dẫn nhiều người tình nguyện hơn mức có thể đào tạo và sử dụng.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 01 Tháng Bảy, 2015, 11:09:16 pm
        Bất cứ vấn đề nào mà chưa làm tăng nhuệ khí cho binh sĩ thường là do việc kém ảnh hưởng của quan chức đến từng cá nhân người lính. Việc ám ảnh giữ bí mật có nghĩa là những ai không tham gia trực tiếp Chiến dịch Sao Thiên vương sẽ không được ai nói cho biết về nó cho đến năm ngày sau khi chiến dịch mở màn. Cái nhìn đầu tiên, khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất trong giai đoạn hưng phấn này là số lượng người đào ngũ bên Hồng quân, những người vẫn tiếp tục vượt ranh giới sang với quân Đức đang bị bao vây, và như vậy là tự mình chui vào bẫy, nhưng cái sự ngược đời này có thể giải thích chủ yếu là do pha trộn giữa sự ngây thơ và mất lòng tin. Đại tá Tulpanov, sĩ quan NKVD phụ trách việc tuyển dụng sĩ quan Đức, đã chấp nhận một cách rộng lượng lời khai của một trong những tù nhân quan trọng của ông, phi công tiêm kích Count Heinrich von Einsiedl, rằng: “Người Nga đã rất ngạc nhiên được nghe từ người Đức cùng một câu chuyện được bộ máy tuyên truyền đưa ra. Họ không tin rằng quân Đức đã bị bao vây”.

        Zhukov đã đưa ra một quan điểm rất đặc trưng khi ông mô tả việc bao vây Tập đoàn quân VI như là một “Tôi luyện dữ dội cho chiến thắng của quân đội ta”. Grossman cũng đúng khi ông viết: “Tinh thần của binh lính chưa bao giờ cao như vậy”. (Điều thú vị là cả hai nhận xét này chẳng cái nào khẳng định được tuyên bố của cơ quan tuyên truyền: “tinh thần của một quân đội phụ thuộc vào tính chất xã hội và trật tự tiến bộ của cái xã hội mà nó bảo vệ”).

          Lính Hồng quân bây giờ có thể hài lòng chế nhạo kẻ thù, bọn vừa gần đây còn chế nhạo họ. Một số đại đội cử các toán tuần tiễu vào buổi tối cầm theo một con bù nhìn ăn mặc như Hitler. Sau đó họ dựng con bù nhìn này ở vùng trống không người, và viết lên đó một dòng chữ mời lính Đức bắn vào nó. Con bù nhìn này có thể là một cái bẫy cho kẻ dại khờ với một vài quả lựu đạn gắn kèm, đề phòng quân Đức gửi các toán tuần tiễu ra gỡ bỏ nó tối hôm sau.

          Theo hướng bài bản hơn, các đội tuyên truyền của NKVD thiết lập các loa phóng thanh. Trong hàng giờ liền, các loa này chơi các bản nhạc Tăng gô đã được chọn và điều chỉnh cho phù hợp với tâm trạng bất an, thỉnh thoảng chèn vào các thông báo được ghi bằng đĩa than, nhắc đội quân bị vây về tình thế tuyệt vọng. Đầu tiên những hoạt động này gây rất ít ảnh hưởng, nhưng sau đó, khi hy vọng của quân Đức tan dần thì hiệu quả của nó trở nên đáng kể.

         Hồng quân nhận thấy rằng quân Đức sẽ phải tiết kiệm đạn pháo bởi vì chúng rất nặng để chở vào bằng máy bay, nên khi trinh sát chiến đấu đã cố gắp kích thích quân Đức bắn pháo. Một trong những đội quân làm việc nặng nhọc giai đoạn này là đại đội trinh sát hoạt động tìm kiếm đường tấn công. “Chúng tôi giống như dân Di-gan, hôm nay ở đây, ngày mai rời đi”, một sĩ quan nhớ lại, ông là một trong 5 người sống sót từ cái đại đội ban đầu có 114 người. Đội tuần tiễu thường có từ 5-6 người, thâm nhập vào Kessel và nấp gần các con đường trong các bộ ngụy trang trắng, quan sát giao thông và việc vận chuyển binh lính. Khi trở về, họ sẽ túm một “cái lưỡi” để tra khảo.

         Các hoạt động trinh sát đặc biệt nhiều ở sườn tây-nam của Kessel. Các chỉ huy Sô viết rất muốn biết trước được quân Đức có cố gắng vượt vòng vây không. Thảo nguyên bằng phẳng phủ tuyết là nơi rất nguy hiểm đối với các đội trinh sát vì đây là địa hình thích hợp cho súng máy phát huy tác dụng. Trong một sự kiện xẩy ra vào đầu tháng 12, một đội trinh sát được yểm hộ bởi một nhóm đột kích, trườn được vào một chiến hào đầu tiên và thấy nó trống rỗng.

         Quân Đức đã rút về các hầm hố ấm hơn ở phía sau. Sau khi binh lính kiểm tra các hầm hào, người chỉ huy đội trinh sát kiểm tra những đồ ăn cướp ở trong đó, bao gồm một cái áo dài lông cừu. Tiếp sau ngay bên cạnh cái điện thoại chiến trường, ông ta thấy một cái “cốc trắng với bông hoa hồng” cắm bên trong. Đây dường như là một cái đẹp bất ngờ bởi vì đã khá lâu rồi ông ta không được thấy những vật dụng của thường dân. Sau đó người chỉ huy đại đội của ông ta đến, và quyết định rằng thay cho chiếm những thứ nhỏ nhoi đó bây giờ sẽ chiếm thêm trận địa. Nhưng khi họ tiến lên, mọi thứ nhanh chóng trở nên sai lầm.

         Quân Đức phản công bằng xe tăng trong khi pháo của họ lại từ chối bắn yểm trợ bởi vì họ không nhận được lệnh từ các cấp thích hợp. Đó là một trận đánh hỗn loạn và khi đội trinh sát rút ra, người chỉ huy trẻ tuổi bị một vết thương nặng ở chân do mảnh pháo. Khi anh ta nằm trên tuyết nhìn máu thấm ra ngoài bộ quân phục ngụy trang trắng, anh ta lại nghĩ đến cái cốc cắm bông hoa hồng.

         Đôi khi các nhóm trinh sát Nga và Đức vượt qua nhau buổi đêm ở vùng hoang vu, họ giả vờ như không thấy nhau. Họ có những nhiệm vụ cụ thể mà không được phép làm hỏng do bắn nhau. Tuy nhiên khi những nhóm nhỏ đụng đầu nhau, họ thường giết nhau trong lặng lẽ bằng dao hoặc bằng lê nhọn. ‘Khi lần đầu tôi giết một tên Đức bằng một con dao’, một chỉ huy đội thám báo Nga thuộc thủy quân lục chiến nhớ lại, ‘Tôi tiếp tục thấy hắn ta trong mơ trong ba tuần sau đó’. Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất lại là trở về lại theo đường thâm nhập.

            Điều may mắn với quân Nga là vấn đề thiếu hụt nghiêm trọng quần áo mùa đông đã được khắc phục sau thắng lợi của Chiến dịch Sao Thiên vương (Uranus). Hầu hết binh lính đã được nhận găng tay làm bằng da thỏ, quần chần, áo chẽn da cừu và mũ lông xám mà họ sẽ lấy ngôi sao đỏ từ mũ mùa hè gắn sang.

          Một dòng nhỏ nhưng liên tục những người mới đến giúp các sư đoàn phục hồi lại sức mạnh. Đối với những người lính mới, gia nhập những trung đội toàn những người dạn dầy trận mạc luôn gây căng thẳng và tự thất vọng nhưng bù lại những kinh nghiệm thu được lại giúp họ có nhiều cơ hội sống sót hơn là gia nhập những đội quân chưa được tôi luyện. Một khi người lính mới chấp nhận rằng sống sót chỉ là tương đối chứ không phải tuyệt đối, họ sẽ học được cách sống dựa trên từng phút và mối căng thẳng sẽ được giải bớt.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 02 Tháng Bảy, 2015, 11:54:12 pm
       Đối với một công dân Sô viết trẻ, cái trải nghiệm gây sốc nhất không phải là sự thô lỗ của lính tráng mà lại là việc nói thẳng thừng về chính trị của những người tuyến đầu. Mọi người tỏ ý kiến theo cái cách một người mới đến phải cảnh giác nhìn xung quanh. Họ cho rằng cuộc sống sau chiến tranh phải khác đi. Những cái thứ khủng khiếp đè nặng lên những người làm việc ngoài đồng, trong nhà máy phải được cải thiện, cái đặc quyền tập quyền phải bị hạn chế.
          Tại giai đoạn này của chiến tranh, sự rủi ro bị tố cáo ở tiền tuyến là thật sự nhỏ. Như một cựu binh giải thích: ‘Một người lính cảm thấy rằng, do đang mang máu của mình ra trả, anh ta có quyền nói tự do’. Anh ta sẽ phải cẩn thận hơn nhiều nếu được mang tới bệnh viện dã chiến, nơi cảnh sát và người chỉ điểm rất cảnh giác với bất cứ chỉ trích chế độ nào. (Sự nguy hiểm cũng đến cả với tiền tuyến trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, tiến đánh trong lòng nước Đức. Các nhiệm vụ quân đội gần như kết thúc và bộ phận NKVD đặc biệt, sau đó là SMERSH, không bỏ phí thời gian trong việc áp chế sự khủng bố Stalinist).

       Binh lính tự trêu ngươi bản thân khi nói về thức ăn ở nhà hay những giấc mơ ban ngày. Một số trung đội may mắn có được những người có duyên kể chuyện, tự sáng tác ra những tiếu lâm hiện đại. Họ chơi bài (mặc dù nó chính thức bị cấm) và cờ vua. Bây giờ họ đang ở một chỗ cố định trong một khoảng thời gian, đáng để đào đục ra những đồ tiện nghi hay trang trí. Họ hồi tưởng mọi thứ. Người Mátxcơva thường nói về thành phố của họ, không quá nhiều đến mức gây ấn tượng cho những người đồng chí ở vùng nông thôn, nhưng quá cái mức nhớ nhà khi họ sống trong thảo nguyên trống rỗng.

          Viết về nhà là việc “rất khó”, một trung úy hải quân của thủy quân lục chiến thú nhận. “Không thể” nói về sự thật. “Binh lính ở tiền tuyến không bao giờ gửi tin buồn về nhà”. Bố anh ta giữ lại mọi bức thư của anh, và khi anh ta đọc lại chúng sau chiến tranh, anh thấy chúng hầu như không có thông tin. Nói chung, một bức thư gửi về nhà thường bắt đầu bằng bài cam đoan với các bà mẹ - ‘Con vẫn sống và khỏe mạnh, và chúng con ăn tốt’ – nhưng cái hiệu quả này cũng cho thấy họ đã sẵn sàng hi sinh mạng sống của mình cho Đất mẹ.

          Trong trung đội, họ đùa cợt, trêu chọc, chòng ghẹo lẫn nhau nhưng hiếm khi ác độc giữa những người cùng cấp. Điều đáng ngạc nhiên là sự thô lỗ cũng ít. Họ chỉ nói về các cô gái ‘chỉ những lúc có tâm trạng đặc biệt’, đó thường là khi tâm khí của họ được kích thích bởi khẩu phần vodka hoặc nghe bài hát nào đó. Mỗi đại đội thường có ít nhất là một bài nhạc để củng cố chí khí. Một bài hát yêu thích của Hồng quân quanh Stalingrad vào những tuần cuối của năm 1942 là bài Zemlyanka (‘Cái hầm’), một bản phóng tác tiếng Nga dựa trên bài Lili Marlene và có phần giai điệu tương tự. Bài này do Aleksey Surkov sáng tác vào mùa đông năm trước – đôi khi được gọi với tên lấy từ đoạn nổi tiếng nhất là “Bốn bước cách Thần chết” – lúc đầu bị qui kết là dao động bởi vì tâm trạng của nó ‘bi quan quá mức’. Thế nhưng Zemlyanka lại rất phổ biến trong các đội quân tiền tuyến nên Ủy viên nhân dân buộc phải đánh giá lại.


           TRONG HẦM SÂU


           Lửa vẫn cháy sáng sưởi nơi đây hầm sâu
            Nhựa gỗ cháy rơi như những giọt nước mắt
            Mà hầm sâu phong cầm vẫn vang êm đềm
            Và thầm nhắc anh về mắt, môi em cười.
            Nhắc luôn về em, bao khóm cây với anh
            Giữa cánh đồng tuyết trắng giáp Mát-xcơ-va
            Mà cầu mong sao để em sẽ nghe được
            Giọng buồn đến thế nào chốn đây của anh.
            Mà nay em đã xa, ôi thật là xa
            Nằm giữa hai ta, bao cánh đồng tuyết trắng
           Về cùng em biết rằng có đâu dễ dàng
            Còn thần chết thì gần, bốn bước thôi mà
            Hát lên đàn ơi, trêu bão tuyết đang rơi
            Hãy gọi về đây hạnh phúc nơi xa xôi
            Hầm lạnh sao, nhưng lòng anh ấm lên rồi
            Từ tình tháng năm dài sắt son của em.


           Ở trong Kessel, kỷ luật của Tập đoàn quân VI vẫn được duy trì nghiêm ngặt. Trong lúc đó Hitler, trong một sự cố gắng như thông thường nhằm tăng cường sự trung thành, đã bắt đầu cất nhắc và ban thưởng rộng rãi huân chương. Paulus được thăng cấp lên hàm Đại tướng.

           Đối với binh lính, nguồn an ủi chủ yếu chính là lời hứa của Quốc trưởng rằng ông ta sẽ làm mọi thứ để đảm bảo họ sẽ được giải thoát. Sự thật, tướng Strecker đã nhận thấy là binh lính phàn nàn rất ít về khẩu phần giảm sút thảm hại bởi vì họ cho rằng họ sẽ nhanh chóng được cứu.

          Trong một trong những chuyến viếng thăm tiền tuyến của ông ta, một lính canh giơ tay áp tai để nghe tiếng pháo bắn ở xa. ‘Hãy lắng nghe này, tướng quân,’ anh ta nói. ‘Nhất định đây là lực lượng giải cứu chúng ta đang đến đấy’. Strecker đã bị ấn tượng rất mạnh. ‘Sự tin cậy của một người lính Đức bình thường đã sưởi ấm trái tim”, ông ta ghi chú.

            Thậm chí các sĩ quan chống phát xít cũng không tin rằng Hitler dám bỏ rơi Tập đoàn quân VI. Đòn giáng vào chế độ và tinh thần của hậu phương nước Đức quá lớn, họ đưa ra lý do. Mặt khác Giáng sinh và Năm mới đang đến gần đã kích thích niền tin rằng mọi sự sẽ trở nên tốt hơn. Thậm chí con người hoài nghi Groscurth cũng đã lạc quan hơn. ‘Mọi vật dường như đỡ ảm đạm hơn một chút’, ông viết, ‘và mọi người bây giờ có thể hi vọng rằng chúng ta sẽ thoát khỏi cái bẫy này’. Nhưng ông ta vẫn coi Stalingrad là ‘Schicksalsstadt’ – ‘thành phố của định mệnh’.


-------------------------------- 

         (1) Các con số lúc đó và tìm hiểu về sau đều khác nhau khá nhiều, đôi khi họ không tính đến quốc tịch. Con số không nhất quán lớn nhất là quân số Hiwis 51,700 người được các sư đoàn báo cáo giữa tháng 11 và 20,300 người được Tập đoàn quân 6 báo cáo khẩu phần 6/12. Khó mà biết được sư chênh lệnh đó là do thương vong lớn, do Hiwis tranh thủ cơ hội trốn thoát trong cuộc rút lui cuối tháng 11 hay là người Nga được đã được tách ra khỏi các sư đoàn.

        Qua các cuộc chiến đấu phía tây sông Đông và ở sườn bắc, Quân đoàn XI của Strecker chịu nhiều tổn thất nhất. Sư đoàn bộ binh 44 Áo mất gần 2000 người, Sư đoàn 376 là 1600 và 384 là hơn 900. Các sĩ quan khắp Tập đoàn quân VI ngồi xuống các bàn tạm bợ trong các hầm ngập trong tuyết, viết dưới ánh nến cho họ hàng của họ: “Tôi có nhiệm vụ buồn thông báo với quí vị rằng…”.




Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 03 Tháng Bảy, 2015, 01:03:39 pm
                                                                                     XVIII


                                                            DER MANSTEIN KOMMT -  “ NGÀI MANSTEIN ĐẾN!!”


              Tuyết bắt đầu rơi dày trong những ngày cuối tuần đầu tiên của tháng 12. Tuyết lấp đầy các khe rãnh, buộc những ai trú trong những chiếc hang đào vào hai bên vách núi phải dọn đường đi ra. Tất cả xe cộ chỉ còn lại chút xíu nhiên liệu, ngựa kéo xe bị đói đến nỗi sức lực của chúng không còn đủ để vượt những ngọn đồi nhỏ nhất. Cha tuyên úy Altmann của sư đoàn bộ binh 113, sau khi cưỡi trên một con đã ghi nhận lại “Tôi không thể cưỡi tiếp bởi con ngựa không thở nổi và nó không thể chịu được dù là chỉ một người nhẹ cân nhất

           Altmann bị ấn tượng mạnh bởi những cậu lính trẻ đáng thương ở trung đoàn ông đến thăm. Câu hỏi đầu tiên của họ hoàn toàn có thể đoán biết trước: “Khi nào chúng con được ăn nhiều hơn?”. Ông cũng ghi nhận rằng dù chỉ mới ở tuần thứ hai của tháng 12, nhưng “những căn hầm tội nghiệp của họ ở giữa cái thảo nguyên trơ trọi này đã được trang trí cho mùa Giáng sinh”. Tại sở chỉ huy tiểu đoàn, ông nhận được một cú điện thoại nhắc nhở ông về một nhiệm vụ không-mang-tính-Giáng-sinh. “Sáng mai, lúc bình minh, xử tử một lính Đức (19 tuổi, tội tự thương).”

         Dù tất cả binh sỹ đều bị đói kém nghiêm trọng, nhưng họ vẫn không có chút ý niệm nào về mức độ nghiêm trọng của vấn đề hậu cần với Tập đoàn quân VI. Hitler, khi lệnh cho Paulus giữ nguyên vị trí, đã hứa rằng sẽ có hơn 100 phi cơ vận tải Junkers 52 để cung cấp hậu cần, nhưng trong suốt tuần đầu của chiến dịch cầu hàng không kể từ ngày 23 tháng 11 trung bình có không quá 30 chiếc mỗi ngày. Có 22 chiếc bị mất do các hoạt động thù địch và rơi trong ngày 24 tháng 11, 9 chiếc khác bị bắn hạ trong ngày hôm sau. Những chiếc Heinkel 111 phải bỏ các nhiệm vụ ném bom trong một nỗ lực tuyệt vọng nhằm thay thế cho chỗ thiệt hại đó. Tướng Richthofen gọi điện Jeschonnek ba lần để cố thuyết phục ông ta rằng họ thiếu máy bay vận tải cho công tác không vận hậu cần của Tập đoàn quân VI. Nhưng không thể liên lạc được với Goering. Ông ta đã đi Paris rồi.

            Việc không vận không thể đáp ứng được chút gì như số lượng tối thiểu đã hứa là 300 tấn mỗi ngày. Chỉ 350 tấn đến nơi trong cả một tuần. Mà trong 350 tấn, chỉ có 14 tấn thực phẩm cho một lực lượng vào thời điểm đó còn 275,000 người. Ba phần tư tổng tải trọng là xăng dầu, mà một phần được dùng cho chính những chiếc phi cơ của không quân Đức đóng tại Pitomnik nhằm bảo vệ máy bay vận tải khỏi những chiếc tiêm kích Nga. Những chiếc Messerschidtts ở Pitomnik, tuy vậy, giờ phải đối diện với nỗi sợ về số lượng bị áp đảo cũng như điều kiện bay kinh khủng. Một phi công bị bắt đã nói với nhân viên thẩm vấn NKVD rằng, khi bay từ Pitomnik trong một nhiệm vụ hộ tống, chiếc Me-109 của anh đã bị cắt rời và tấn công bởi 6 chiếc tiêm kích Nga.

           Trong tuần thứ hai, đến ngày 6 tháng Mười hai, 512 tấn (chưa tới một phần tư lượng tối thiểu) được tải đến bởi trung bình 44 máy bay vận tải mỗi ngày. Và chỉ có 24 tấn lương thực. Càng lúc càng nhiều súc vật kéo bị mổ thịt để bù đắp cho chỗ thiếu. Binh lính nhìn thấy khẩu phần thu nhỏ nhanh chóng, nhưng họ tự thuyết phục mình rằng tình hình này sẽ không còn lâu. Họ ngưỡng mộ lòng dũng cảm của các tổ lái không quân Đức và đặc biệt yêu mến “Tante Ju” – những chiếc Junker ba động cơ đã di tản thương binh ra và mang thư họ về nhà, ở Đức. “Con ổn và mạnh khỏe” họ viết trong tháng 12, trấn an gia đình, “Không việc tệ hại nào có thể xảy ra,” một điệp khúc thường xuyên khác “Đừng lo lắng vì con, con sẽ sớm về nhà an toàn và lành lặn”. Họ vẫn hi vọng vào một phép màu Giáng sinh.

           Trong khi đó, Stalin, đang hy vọng vào một cú đánh quyết định thứ hai, gần như ngay lập tức sau khi hợp vây Tập đoàn quân VI. Chiến dịch Uranus chỉ là phần đầu của kế hoạch tổng thể. Phần thứ hai, và là phần tham vọng nhất, chiến dịch Sao Thổ. Đây là tên gọi của trận tấn công bất ngờ của hai phương diện quân Tây – Nam và Voronezh, xuyên qua tập đoàn quân Ý số 8 và tiến về phía nam đến Rostov. Ý tưởng là cắt phần còn lại của cụm tập đoàn quân sông Đôn và vây Tập đoàn quân xe tăng số 1, tập đoàn quân số 17 trong khu vực Caucasus.

            Ngay cả trước khi Tập đoàn quân VI bắt đầu đào hầm hào cố thủ trong thảo nguyên giữa sông Don và sông Volga, tướng Vasilevsky đã thảo luận phần kế tiếp với tư lệnh Phương diện quân Voronezh và Pphương diện quân Tây Nam. Ông đã đệ trình kế hoạch ban đầu lên Stalin vào đêm 26 tháng 11. Ngày dự kiến triển khai chiến dịch Sao Thổ, để có thể tái bổ sung và tái bố trí lực lượng, là ngày 10 tháng 12. Stalin đồng ý, và bảo ông ta tiến hành. Một mối bận tâm trước mắt phải được xác định đầu tiên. Đó chính là câu hỏi Manstein sẽ phản ứng như thế nào để cứu Tập đoàn quân VI.

            Stalin bắt đầu thể hiện cơn bệnh nôn nóng của mình. Ông muốn mọi thứ phải diễn ra cùng lúc – cả chiến dịch Sao Thổ lẫn việc tiêu diệt nhanh chóng Tập đoàn quân VI. Ông ta cũng đã ra lệnh cho tập đoàn quân Cận vệ 2, đơn vị mạnh nhất của Hồng quân, triển khai ở phía tây Stalingrad, sẵn sàng cho cuộc tấn công về Rostov. Nhưng, như Vasilevsky phát hiện ra trong tuần đầu tháng 12, ngay cả khi có tới 7 Tập đoàn quân Sô viết triển khai đánh thì các sư đoàn của Paulus vẫn khó bị tiêu diệt hơn họ tưởng.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 04 Tháng Bảy, 2015, 12:21:02 am
           Ngày 28 tháng 11, Stalin yêu cầu Zhukov đánh giá ý định quân địch. Zhukov đã gửi báo cáo ngày hôm sau rằng “Quân Đức bị vây sẽ không cố phá vây mà không có sự trợ lực của một lực lượng giải cứu từ hướng Nizhne – Chirskaya và Kotelnikovo”. Dự báo của ông là chính xác, và nghiên cứu tình hình thực địa chi tiết cũng cho thấy đó là cơ hội khả thi duy nhất. Sau khi gửi câu trả lời cho Stalin, Zhukov bàn bạc tình huống với Vasilevsky, chính Vasilevsky được Stalin bảo hướng sự quan tâm hiện tại vào việc tiêu hao Tập đoàn quân VI. Hai vị tướng kín đáo đồng ý rằng họ có thể phải trì hoãn chiến dịch Sao Thổ lại mà thay vào đó là tính toán cho chiến dịch Sao Thổ nhỏ. Kế hoạch là tấn công vào hậu phương và cánh trái cụm tập đoàn quân sông Đôn của Manstein. Và điều này sẽ làm những nỗ lực giải tỏa Stalingrad phải dừng lại đột ngột.

             Kế hoạch của Manstein nhằm giải cứu Tập đoàn quân VI – chiến dịch Bão Mùa Đông – được phát triển dưới sự tham mưu của đại bản doanh Quốc trưởng. Nó chú trọng vào việc đột kích đến gặp tập đoàn quân 6 và thiết lập một tuyến hành lang để cung cấp hậu cần, tăng viện, và như vậy, theo lệnh Hitler, có thể giữ vững được vị trí “như đá tảng” này trên dòng Volga, “để hướng đến các chiến dịch trong năm 1943”. Tuy vậy, thống chế Manstein hiểu rằng Tập đoàn quân VI không thể sống sót qua mùa đông ở đó, nên đã cho ban tham mưu của mình xây dựng một kế hoạch bổ sung. Nó bao gồm một cuộc tấn công phá vây theo sau của Tập đoàn quân VI nếu giai đoạn một thành công, và tái nhập vào cụm tập đoàn quân sông Đông. Bảng kế hoạch này được đặt tên là Chiến dịch Sấm rền.

             Cuộc hành binh Bão Mùa Đông, như Zhukov đã dự báo, có kế hoạch nguyên thủy là một trận tấn công theo hai mũi. Một là từ vùng Kotelnikovo, chếch về hướng Nam, cách tập đoàn quân 6 tầm 100 dặm. Mũi còn lại bắt đầu từ tuyến sông Chir ở phía tây sông Đôn, và chỉ cách góc vòng vây ít hơn 40 dặm, nhưng những trận công kích liên miên của tập đoàn quân xe tăng số 5 của tướng Romanenko vào các đơn vị Đức đóng dọc sông Chir đã phá vỡ tuyến xuất phát tấn công. Do vậy chỉ còn lại một mũi duy nhất do quân đoàn xe tăng 57 từ Kotelnikovo, cùng với phần còn lại của Tập đoàn quân xe tăng số IV của Hoth, tiến hành giải vây cho những sư đoàn của Paulus.

            Quân đoàn xe tăng 57, chỉ huy bởi tướng Friedrich Kirchner, trước tiên là rất yếu. Nó gồm hai sư đoàn kỵ binh Rumani và sư đoàn xe tăng số 23, tập hợp lại có không quá 30 chiếc xe tăng hữu dụng. Nhưng sư đoàn xe tăng số 6, chuyển đến từ Pháp, là một đơn vị mạnh hơn nhiều. Tư lệnh sư đoàn, tướng Erhard Raus, người Áo, được triệu tập đến toa xe vương giả của Manstein ở ga Kharkov trong ngày 24 tháng 11, vị thống chế trực tiếp chỉ dẫn cho ông. “Ông ta mô tả tình huống rất u ám” Raus ghi nhận. Ba ngày sau, khi chuyến tàu đầu tiên đổ quân của Raus xuống ga Kotelnikovo, các đơn vị của ông được chào đón bởi “một trận mưa đại bác” từ các khẩu đội pháo Nga. “Nhanh như chớp, lính thủ pháo tăng nhảy khỏi toa xe. Nhưng quân thù đã tấn công vào ga với tiếng thét xung trận Urrah!!!”.

            Tướng Hoth vui mừng khi gặp sư đoàn xe tăng số 6. Nó được kiện toàn ở Brittany, và mạnh mẽ với 160 chiếc Mark IV nòng dài cùng 40 pháo tự hành. Sư đoàn nhanh chóng có cơ hội thử những vũ khí mới. Ngày 3 tháng 12, nó giao chiến với quân đoàn kỵ binh 4 Sô viết trong một trận đánh dữ dội gần làng Pakhlebin, cách Kotelnikovo bảy dặm về phía tây bắc. Các tổ lái tăng, hồ hởi như những vành xích nghiến lên lớp băng, cắt rời sư đoàn kỵ binh 81 (Nga) và gây thiệt hại nặng. Tướng Raus, hài lòng với kết quả, đã coi trận đánh đó như là “trận Cannae ở Pakhlebin”. Việc sư đoàn của Raus được đưa đến đã khẳng định cho mối nghi ngờ của Yeremenko rằng quân Đức sắp tấn công lên phía đông bắc từ Kotelnikovo, nhưng Stalin vẫn từ chối đưa lực lượng dự bị đến khu vực bị đe dọa.

            Cũng trong ngày 3 tháng 12, tướng Hoth đưa ra bảng đề xuất cho chiến dịch “Bão mùa đông” bắt đầu với câu “Mục đích: Tập đoàn quân xe tăng 4 giải nguy cho tập đoàn quân 6”, nhưng thời điểm có giá trị đã bị mất rồi. Sư đoàn xe tăng số 17, hợp thành trong lực lượng xung kích của ông ta, đã bị rút về phía sau, theo lệnh từ đại bản doanh Quốc trưởng, để làm lực lượng dự bị phía sau tập đoàn quân Italia số 8. Cuối cùng nó vẫn không thể tham gia vào đội hình của tướng Huth mãi cho đến 4 ngày sau khi chiến dịch nổ ra. Thế mà Hitler vẫn khăng khăng bảo rằng không nên tốn thời gian. Ông ta cũng sốt ruột muốn xem những chiến tăng Tiger mới với đại bác 88m làm ăn ra sao. Tiểu đoàn đầu tiên được trang bị đã đến mặt trận phía Đông và thuộc về lực lượng của Kirchner. Đêm ngày 10 tháng 12, viên chỉ huy được nhận “Huân chương giải phóng Stalingrad”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 05 Tháng Bảy, 2015, 09:27:21 am
         Ngày 12 tháng 12, sau một trận pháo kích chuẩn bị, xe tăng của Huth tiến lên hướng bắc. Lính Đức trong vòng vây háo hức lắng nghe âm thanh của trận chiến đằng xa. Niềm tin dường như vô bờ. Tin đồn háo hức lan nhanh trong Tập đoàn quân VI. “Manstein đang đến!” quân lính bảo nhau, không khí như trong lễ Phục sinh của giáo hội chính thống. Với những người trung thành với Hitler, tiếng đại bác xa xa là bằng chứng cho thấy một lần nữa Quốc trưởng giữ lời.

           Tuy vậy, Hitler không có chút ý định nào cho phép Tập đoàn quân VI phá vây. Trong buổi họp trưa ở Hang sói , ông ta bảo Zeitzler rằng không thể rút lui khỏi Stalingrad vì nó dính dáng tới việc từ bỏ “Ý nghĩa của cả chiến dịch” và phàn nàn rằng quá nhiều máu đã đổ. Như Kluge đã cảnh báo Manstein, ông ta vẫn bị ám thị bởi những sự kiện của mùa đông năm trước khi lệnh của ông đã giúp cụm tập đoàn quân trung tâm trụ vững. “Một khi một đơn vị bắt đầu tháo chạy” ông lên lớp tổng tham mưu trưởng “mối ràng buộc theo luật lệ nhanh chóng bị mất nhanh như chớp”.

          Các chỉ huy phía Liên Xô không nghĩ trận tấn công của thống chế Manstein diễn ra sớm như vậy. Yeremenko lập tức lo sợ cho Tập đoàn quân 57, giữ góc tây nam của vòng vây. Vasilevsky đang ở sở chỉ huy Tập đoàn quân 51 cùng với Khrushchev trong ngày 12 tháng 12 và nhận được tin báo quân Đức tấn công qua điện tín. Ông cố gọi về Moscow cho Stalin, nhưng không thông máy được. Không để mất thời gian, ông liên lạc với tướng Rokossovsky, tư lệnh Phương diện quân sông Đon, và báo ông ta rằng ông muốn chuyển tập đoàn quân cận vệ số 2 của tướng Rodion Malinovsky sang dưới quyền của phương diện quân Stalingrad nhằm chặn đường tiến của Manstein. Rokossovsky phản ứng dữ dội,  Vasilevsky mất tinh thần khi gọi được về điện Kremlin trong tối đó, Stalin giận dữ trước điều mà ông nghĩ là một nỗ lực để ép ông vào sự đã rồi. Nên ông không chịu trả lời và Vasilevsky phải có một đêm đầy lo lắng.

       Trong khi đó, Yeremenko điều quân đoàn cơ giới hóa số 4 và quân đoàn xe tăng 13 chặn mũi tiến hấp tấp của đoàn thiết giáp Đức. Sư đoàn xe tăng số 6 tiến lên được chừng 30 dặm trong 24 giờ đầu tiên, vượt được sông Aksay. Sau nhiều cuộc bàn luận trong điện Kremlin mà kết thúc đến tận những giờ đầu ngày hôm sau, cùng với nhiều cú điện thoại với Vasilevsky, cuối cùng Stalin cũng đồng ý chuyển Tập đoàn quân Cận vệ 2 sau hai ngày trì hoãn.

        Trong ngày thứ hai của chiến dịch, sư đoàn xe tăng số 6 đã đến được làng Verkhne-Kumsky. Trời mưa làm tuyết tan. Trên vùng đất cao của ngôi làng này bắt đầu một trận mà tướng Raus mô tả là “một trận vật lộn khổng lồ”. “Trận đánh lòng vòng” dài ba ngày này trở nên hao tổn. Đó là một chiến thắng cục bộ - các sư đoàn của Hoth cùng với những chiếc tăng Tiger đã đến được tuyến Myshkova, một khi Sư đoàn xe tăng số 17 đến được và Richthofen hỗ trợ tối đa trên không – nhưng những sự kiện ở đây cho thấy không thích hợp cho tương lai của Tập đoàn quân VI. Họ được xác định ở đâu đó cách 125 dặm về phía tây bắc.

            Stalin nhanh chóng nhận ra rằng Zhukov và Vasilevsky đã đúng. Cách hữu hiệu nhất để đập tan nỗ lực giải cứu tập đoàn quân Paulus là chặn đà tiến công của Hoth tại tuyến Myshkova, đồng thời tung ra một đòn đánh quyết định ở đâu đó. Ông đồng ý với ý kiến là hiệu chỉnh chiến dịch Sao Thổ. Chỉ lệnh được chuẩn bị trong suốt ngày đầu tiên của trận đánh tại làng Verkhne – Kumsky, hướng dẫn cho Tư lệnh phương diện quân Voronezhe và Tây Nam chuẩn bị triển khai một phiên bản hiệu chỉnh, gọi là chiến dịch Sao Thổ nhỏ. Kế hoạch là đánh tan tập đoàn quân Italia số 8 tiến sâu vào hậu phương cụm tập đoàn quân sông Đôn chứ không tấn công vào Rostov.

         Những Tập đoàn quân của họ phải được chuẩn bị để tấn công trong thời hạn ba ngày. Yeremenko vẫn còn lo lắng. Với việc quân đoàn xe tăng của Hoth ở tuyến sông Myshkova, sư đoàn xe tăng số 6 chỉ còn cách vòng vây dưới 40 dặm, trong khi tập đoàn quân cận vệ 2, vì một cơn bão tuyết mới đến, không thể có đầy đủ sức mạnh ở vị trí phản công trước ngày 19 tháng 12. Ông lo các lực lượng xe tăng của Tập đoàn quân VI sẽ tiến hành phá vây ở góc tây nam của cái túi bất kỳ lúc nào, nhưng ông ta không biết rằng Hitler vẫn không cho phép, và rằng 70 chiếc xe tăng còn lại của Paulus chỉ còn đủ xăng để chạy chừng 12 dặm.

           Thống chế Von Manstein gửi thiếu tá Eisman, sỹ quan tình báo của ông, vào trong vòng vây bằng máy bay trong ngày 19 tháng 12. Nhiệm vụ của anh ta, như Manstein sau này nói, là chỉ dẫn cho Paulus và Schmidt chuẩn bị Tập đoàn quân VI  cho chiến dịch Sấm rền. Những dị bản, những cách giải thích khác nhau cũng cho thấy rằng cuộc gặp đó chẳng giải quyết được gì. Tuy vậy, rõ ràng là Manstein vẫn cố tránh chịu trách nhiệm về việc không tuân lệnh Hitler. Ông ta đã không cho Paulus một lệnh rõ ràng, và từ chối – không nghi ngờ gì, lấy lý do an toàn – bay vào trong vòng vây để thảo luận vấn đề trực tiếp với Paulus.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 05 Tháng Bảy, 2015, 11:44:48 pm
          Nhưng Manstein phải hiểu ngay từ đầu rằng Paulus, một người tuân thủ mệnh lệnh nghiêm ngặt, sẽ không bao giờ phá vây nếu không có một mệnh lệnh đúng nguyên tắc từ cấp trên. Nỗ lực của Manstein, theo như hồi ký của ông  chỉ là để bào chữa cho việc chịu trách nhiệm về số mệnh của Tập đoàn quân VI , đã quá cường điệu và cũng không công bằng với Paulus. Nó hóa ra chỉ là do lương tâm ông khó chịu và không ai bào chữa cho ông.

          Ngày 16 tháng 12, chỉ bốn ngày sau cuộc tấn công của Hoth, Tập đoàn quân cận vệ số 1, số 3 cùng Tập đoàn quân số 6 (Nga) từ sông Đon, tấn công xuống phía nam. Bị chậm do sương giá lạnh buốt, dày đặc và các đơn vị tăng mò mẫn trong các bãi mìn, chiến dịch của phía Liên Xô không có một khởi đầu tốt. Tuy vậy, trong vòng hai ngày, tập đoàn quân Italia số 8 sụp đổ sau vài trận kháng cự ác liệt. Không có lực lượng dự bị để phản công, vì lúc này sư đoàn xe tăng số 17 đã gia nhập vào chiến dịch của Hoth ở bờ đông sông Đon, nên xe tăng quân Nga chọc thẳng xuống hướng nam trên thảo nguyên tuyết phủ rộng mở. Đợt lạnh ghê gớm trong vùng bắt đầu từ ngày 16 tháng 12 chỉ làm chậm chút ít việc các lữ đoàn T-34 hoàng hành dữ dội ở hậu tuyến cụm tập đoàn quân sông Đon. Các trạm, ga xe lửa bị chiếm chỉ ngay sau khi các toa hàng chứa đầy trang thiết bị bốc cháy bởi các đơn vị hậu cần đốt trước khi họ trốn chạy.

           Mối đe dọa nghiêm trọng nhất với quân Đức là cuộc tiến quân dài 150 dặm của Thiếu tướng Vasily Mikhailovich Badanov, quân đoàn xe tăng số 24. Chiều ngày 23 tháng 12, quân đoàn đó tràn qua Skassirskaya, ngay phía bắc của Tatsinskaya, căn cứ chính của phi đoàn máy bay vận tải Junker 52 phục vụ Stalingrad. Tướng Feibig nhận lệnh trực tiếp từ đại bản doanh Quốc trưởng rằng không được bỏ phi trường cho đến khi nó nằm trong tầm đại bác. Dường như không ai trong số những người bên cạnh Hitler cân nhắc về việc có khả năng một đơn vị thiết giáp có thể đến cạnh khu vực và công kích.

           Fiebig và các sỹ quan của ông rất lo lắng. Có thể tái chiếm phi trường này, nhưng nếu số máy bay vận tải bị mất đi, cũng đồng nghĩa với Tập đoàn quân VI . Họ không có đơn vị mặt đất nào để bảo vệ cho “Tazi”, như cách của Luffwaffe gọi phi trường này. Tất cả những gì họ
có thể làm là chuyển bảy khẩu cao xạ để bảo vệ con đường, và chuẩn bị cho tất cả những phi cơ khả dụng cất cánh vào đầu giờ sáng. Việc nhiều đến nỗi không thể triển khai dễ dàng. “Quanh đường chạy là khung cảnh hỗn loạn” tham mưu trưởng của Richthofen, người có mặt ở đó ghi nhận “Với tiếng máy gầm, mọi người khó lắm để nghe được tiếng của nhau”. Và để cho mọi việc thêm phần tồi tệ, trời đầy sương mù dày đặc, mây thấp ở tầm 150 thước và tuyết rơi nhẹ.

          Lúc 5h20 phút sáng, phát đại bác đầu tiên nổ tới. Hàng đàn xe tăng Sô viết tràn tới, không đi trên đường. Nhiều phi công, vì tiếng ồn và sự náo nhiệt của phi trường, đầu tiên không hiểu việc gì xảy ra ngay cả khi hai chiếc Junker 52 bốc cháy. Chính Fiebig ra lệnh qua radio “Tất cả đi thôi, thẳng đến Novocherkassk!”. Cánh phi công không để tốn thời gian. “Chuyến bay từ Tatsinskaya” bắt đầu. Dù có những lộn xộn lúc đầu, nhưng thật đáng ấn tượng là có rất ít sự hoảng loạn. Những chiếc phi cơ cất cánh vững vàng, dù cho sự thương vong tăng lên. Với những chiếc T-34 Nga, đó giống như một bãi tập bắn. Vài chiếc bắn bừa bãi khi tiến đến trên lớp tuyết. Có chiếc thậm chí còn đâm vào một chiếc Junker ba động cơ đang chạy vào vị trí cất cánh. Vụ nổ trùm một quả cầu lửa lên cả hai. Rất nhiều phi cơ đâm vào nhau trên đường chạy hoặc bị hạ bởi pháo địch. Tầm nhìn kém đi từng phút, và những chiếc phi cơ còn lại phải né tránh xác những chiếc đang bốc cháy để thoát ra. Cuối cùng, lúc 6h15 phút sáng, cỗ máy của tướng Fiebig, một trong những chiếc cất cánh sau cùng, đã trên không trung. Cả thảy 108 chiếc Ju-52 ba động cơ và 16 chiếc máy bay huấn luyện Ju-86 được cứu thoát, nhưng có đến 72 chiếc bị mất chiếm 10% tổng trọng lượng cất cánh đoàn bay vận tải Luffwaffe.

           Với tướng Banadov, sau trận càng quét này, nhận ra đơn vị mình bị cắt rời trong 5 ngày, bị đánh tơi tả và cạn kiệt đạn dược. Stalin đã rộng rãi trong nhận định của mình. Đơn vị đó được nhận danh hiệu Quân đoàn xe tăng Cận vệ số 2, và cá nhân Badanov là người đầu tiên được tặng loại huân chương mới, huân chương Suvorov. Bộ máy Tuyên truyền Hồng quân công bố rằng xe tăng của ông tiêu diệt được tổng cộng 431 chiếc máy bay, nhưng rõ ràng đây là sự phóng đại quá mức. Tuy nhiên, kết quả quan trọng nhất, là Tatsinskaya không bao giờ còn được dùng cho các nhiệm vụ vận tải nữa. Không quân Đức phải chuyển đi xa hơn đến phi trường thay thế.

          Kết quả của nhiệm vụ giải cứu của tướng Hoth đã được định đoạt. Mối đe dọa bên sườn trái cụm tập đoàn quân sông Đôn và khả năng bị chọc thủng đến Rostov (được xác minh sau cuộc thẩm vấn tham mưu trưởng Tập đoàn quân cận vệ số 3, người bị bắt trong ngày 20 tháng 12), buộc Manstein phải xem xét lại toàn bộ vị trí của mình. Các sư đoàn xe tăng ở tuyến sông Myshkova cũng nhận một trận pháo kích nặng nề, riêng sư đoàn xe tăng 6 đã bị mất 1.100 người chỉ trong một ngày. Đêm 23 tháng 12, quân đoàn xe tăng của Hoth được lệnh rút lui, mà không giải thích gì thêm. “Ngay cả người lính trẻ nhất cũng hiểu rõ” tướng Raus viết “rằng đây là dấu hiệu cho sự thất bại ở Stalingrad. Dù không ai biết được nguyên nhân đằng sau mệnh lệnh, nhưng cả sỹ quan và binh lính đều nghi hoặc rằng có điều gì đó tệ hại đã phải diễn ra”.

          Cũng trong đêm đó, tướng Paulus và thống chế Manstein thảo luận tình huống bằng máy điện báo. Manstein cảnh báo rằng Tập đoàn quân xe tăng IV gặp kháng cự mạnh mẽ và các đơn vị Italia ở cánh bắc sụp đổ. Paulus hỏi khi nào ông ta có được mệnh lệnh cho Tập đoàn quân VI phá vây. Manstein trả lời rằng ông chưa nhận được sự chấp thuận từ Bộ tổng tư lệnh tối cao. Ông không nói chi tiết. Nếu Paulus có đủ thông tin để cập nhật vào bản đồ hành quân của mình, ông có thể thấy được rằng Tập đoàn quân VI ở quá xa để được giúp.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 06 Tháng Bảy, 2015, 11:56:57 am
         Trong ngày 16 tháng 12, gió mạnh, buốt bắt đầu thổi từ hướng đông bắc. Mọi thứ phủ đầy băng tuyết: dây điện thoại, cây cối, những mảnh vụn của chiến tranh. Mặt đất đông cứng tới nỗi mỗi bước chân bắt đầu nghe rung vang như bước đi trên kim loại. Đêm, theo sau mặt
trời đỏ chói lặn xuống, vùng đất trắng xóa chuyển sang màu xanh bắc cực. Quân Nga bảo vệ Stalingrad đón cái lạnh quen thuộc và lành mạnh. “Hôm qua và hôm nay mùa đông đã bắt đầu ở đây rồi” một người lính viết cho vợ “Ôi băng giá tốt lành. Anh sống ổn, nhưng không nhận được thư nào từ em”.

            Không ai hạnh phúc bằng những người lính thuộc Tập đoàn quân 62 của Chuikov trong thành Stalingrad, sau năm tuần nằm nghe tiếng nghiến vào nhau của những tảng băng trôi trên dòng sông Volga không thể qua lại bằng tàu, và tồn tại bằng lượng dự trữ khẩn cấp 12 tấn chocolate cùng một ít hàng hậu cần thả xuống bởi những chiếc máy bay lưỡng cư U-2. Cuối cùng dòng sông cũng đã đóng băng cứng trong đêm 16 tháng 12, khi những tảng băng va vào nhau và dính cứng lại. Một tuyến đường bộ đầu tiên lát ván bắc trên băng. Và sau đó là một tuyến đường ô tô làm bằng cành cây rồi đổ nước lên cho đóng băng và phủ kín hết bờ mặt. Trong bảy tuần kế tiếp, xe bánh xích, 18.000 xe tải cùng 17.000 xe cộ các loại khác đã băng qua. Bất kỳ thương binh nào bây giờ cũng có thể được đưa thẳng qua mặt băng đến bệnh viện dã chiến. Sau đó đại bác cũng được đẩy qua bờ tây, bao gồm cả một khẩu lựu pháo 122mm vốn cần để khai thông sự bế tắc ở nhà máy Tháng Mười đỏ. Hạ nòng ở góc thấp nhất, nó được dùng để bắn thẳng, phá vỡ tòa nhà chính, nơi quân Đức dùng thành một pháo đài.

          May mắn nhất với toàn thể Tập đoàn quân 62, là việc thiếu đạn đại bác của phía Đức, điều này đồng nghĩa với việc những trận pháo kích liên miên vào các điểm vượt sông Volga không còn nữa. Nơi bờ sông giờ thường diễn ra cảnh thanh bình. Trông giống như một khu định cư cạnh mỏ mới với những căn lều dã chiến, những chỗ trú che bằng vải dầu trên những chiếc hố bên bờ sông. Ở đó, người ta xẻ gỗ, chặt củi, rồi một người bưu tá trung đoàn đi qua trong ánh mặt trời lạnh giá đến sở chỉ huy cùng túi thư bằng da, mong một tách trà nóng từ chiếc ấm samovar bằng đồng. Những người khác thì đã vác theo những thùng ủ ấm chứa thức ăn nóng cho binh sỹ ở các vị trí tiền tiêu.  Lính tráng giờ  có thể đi về phía sau theo từng tốp, trên lớp băng để để nhà tắm hơi đặt ở bờ đông dòng sông, rồi tối hôm sau trở lại sạch sẽ, sạch rận.

           Ngày 19 tháng 12, tướng Chuikov vượt sang bờ đông dòng Volga lần đầu tiên kể từ ngày ông chuyển Sở chỉ huy trong tháng Mười. Ông đi bộ trên băng, và khi đến bên kia, ông hình như quay lại nhìn về đống đổ nát mà tập đoàn quân của ông đang giữ. Tướng Chuikov đến dự buổi tiệc tổ chức bởi tư lệnh NKVD, thiếu tướng Rogatin, để kỷ niệm lần thứ 24 ngày thành lập đơn vị đặc biệt Cheka. Trên đường về, khi đó Chuikov rất say, ông đã té xuống một hố trên mặt băng và phải được vớt lên từ dòng nước lạnh buốt. Vị Tư lệnh tập đoàn quân 62 xuýt gặp phải một kết cục tệ hại.

         Trong khi người Nga vui mừng với thời tiết thấp, thì các bác sỹ trong tập đoàn quân của Paulus lại khiếp sợ điều đó, vì vài lý do. Khả năng hồi phục của bệnh nhân, cả thương binh hay bệnh binh, đều sụt giảm. Cái rét ở nơi trống trải nhanh chóng cho thấy sự chết chóc. Mặt đất đông cứng, nên khi đạn đại bác, rocket Katyusha hay đạn cối nổ, làm gia tăng số lượng đau bao tử. Và kể từ giữa tháng 12 thì “gia tăng đều đặn số lượng những ca bị bỏng tuyết nặng”. Bàn chân không chỉ bị sưng tím – trường hợp này thì chỉ cần điều trị bằng bôi thuốc mỡ, băng bó rồi quay lại hoạt động – mà còn bị đen và có thể hoại thư, thường thì cần phải cắt cụt ngay.

         Ngay từ đầu tuần thứ hai của tháng 12, các bác sỹ bắt đầu chú ý đến những ca kỳ lạ. Số lính đột tử “mà không bị thương hay có dấu hiệu bệnh lý nào” tăng nhanh. Khẩu phần ăn quả thật là có cắt giảm nhiều, nhưng theo các bác sỹ, vẫn còn quá sớm để có những ca chết đói. Một nhà nghiên cứu bệnh học được giao phó tìm hiểu viết “Những trường hợp nghi ngờ gồm dầm dãi mưa gió, “kiệt sức” [không ai trong số gần 600 bác sỹ trong vòng vây dám nói đến việc thiếu đói] và trên cả là một chứng bệnh nào đó chưa được xác định cho đến nay”.

           Ngày 15 tháng 12, tiến sỹ Girgensohn, một nhà bệnh lý học của Tập đoàn quân VI đang làm việc tại một bệnh viện cạnh phi trường Tatsinskaya, được lệnh bay vào trong vòng vây trong ngày hôm sau. “Không may là chúng tôi không có chiếc dù nào dành cho ngài”, viên phi công bảo ông khi đến trình diện vào sáng ngày hôm sau, nhưng họ bị buộc phải quay lại. Cuối cùng, ngày 17 tháng 12 họ cũng vào được trong Kessel, viên phi công bảo với ông rằng họ đang trên không phận Pitomnik, và Girgensohn nhìn qua khung cửa sổ nhỏ, ông thấy “trên tấm chăn tuyết trắng một khung cảnh lổ chỗ hố đạn nâu”.

          Girgensohn tìm được tướng – bác sỹ Renoldi, trưởng ban quân y, trong một toa xe khách chôn ngầm dưới đất ở một góc phi trường. Tướng Renoldi vờ như như biết gì về nhiệm vụ của Girgensohn, bởi tiến sỹ Seggel, chuyên gia nội khoa ở trường đại học Leipzig, đã yêu cầu ông ta hiện diện, và Renoldi trong tình cảnh đó, nghi ngại sự việc bị phóng đại * (Sau đó tướng quân bác sỹ Renoldi quan tâm nhiều hơn. Trong toa xe của mình, ông gần như ớn lạnh khi mô tả sự suy sụp sức khỏe của binh sỹ trong vòng vây là một “thí nghiệm trên diện rộng về ảnh hưởng của sự thiếu đói”). Từ Pitomnik, Girgensohn được đưa đến bệnh viện dã chiến tại ga Gumrak, rất gần Sở chỉ huy của tướng Paulus. Hầm của ông là một boongke lát gỗ, đào vào trong vách một balka. Trang bị xem ra khá “sang trọng”, vì ít ra nó có một lò sưởi bằng sắt và hai giường đôi và, với sự ngạc nhiên của ông ta, khăn trải giường sạch sẽ. Đó là sự tương phản ghê gớm khi so với tiện nghi ngay cạnh bên dành cho thương binh, trong đa số căn lều không được sưởi ấm ở nhiệt độ âm 20.

          Girgensohn thảo luận sơ bộ với các sỹ quan quân y sư đoàn, rồi bắt đầu đi quanh trong vùng bị vây, làm các khám nghiệm tử thi trên xác các binh sỹ bị chết không rõ nguyên nhân. (Vì thiếu thốn gỗ ở vùng không cây cối này nên một ngã ba hay ngã tư trên con đường tuyết phủ được đánh dấu bằng một cái chân ngựa đã bị giết. Những ký hiệu chiến thuật hay bảng chỉ đường được gắn trên đỉnh của cái điểm đánh dấu ghê rợn đó). Các cuộc khám nghiệm tử thi được thực hiện ở những nơi bất tiện khác nhau: trong lều, trong hầm, nhà dân hay ngay cả trong toa xe hàng. Cái lạnh ghê gớm đã bảo quản tốt các thi thể, nhưng tất cả bị đông cứng. Việc làm rã đông rất khó vì thiếu thốn chất đốt cần thiết. Một người cán thương phải tốn cả đêm để đảo những tử thi đó quanh một chiếc lò nướng nhỏ bằng gang. Có trường hợp, anh ta ngủ quên và kết quả là có “thi thể một bên đông lạnh, còn một bên thì bị đốt cháy khô”.

           Cái lạnh ghê gớm đến nỗi thật khó và cũng rất đau để Girgensohn tháo găng tay cao su ra. Hằng đêm, ông cặm cụi ghi lại kết quả dưới ánh nến. Trong những điều kiện khó khăn như thế, bao gồm cả những trận không kích hay pháo kích của quân Sô viết, Girgensohn cũng đã xoay sở thực hiện được 50 cuộc khám nghiệm tử thi, tính đến cuối tháng. Chính xác là trong một nửa số mẫu thử, ông ta nhận thấy rõ ràng dấu hiệu của việc chết đói: tim và gan teo lại, hoàn toàn không thấy mô mỡ, cơ co rút.

         Trong nỗ lực để bù vào lượng bánh mỳ ít calorie và món “canh toàn quốc” (nguyên văn là Wasserzuppe) lêu bêu vài miếng thịt ngựa bé tí, cụm Tập đoàn quân sông Đon ném xuống những hộp thịt pate chứa nhiều chất béo, nhưng đó là một sản phẩm phản tác dụng. Khá thường xuyên, khi một trung sỹ đi tuần qua các vị trí gác, một người lính nói “Tôi ổn, giờ tôi có thứ để ăn” và ăn hết vài miếng pate thịt nhiều chất béo, rồi anh ta chết khi người trung sỹ đi tuần qua lần thứ hai. Chết đói, như Girgensohn quan sát thấy, là “không có kịch tính”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 08 Tháng Bảy, 2015, 12:34:04 am
          Tỷ lệ các ca chết đói cao nhất là ở sư đoàn bộ binh 113. Và ở đó, rốt cuộc Girgensohn cũng tìm ra lời giải thích rõ ràng. Viên sỹ quan hậu cần của sư đoàn đã cắt giảm khẩu phần từ trước khi bị vây để tích trữ nhằm phòng ngừa cho việc thiếu hụt hậu cần trong suốt kỳ mưa thu. Kết quả là quân lính đã không được ăn uống, chăm lo đầu đủ từ giữa tháng Mười một. Và đến khi vài sư đoàn bị mất toàn bộ số hàng hậu cần trong lúc rút lui, sở chỉ huy Tập đoàn quân VI đã tập hợp toàn bộ những quân nhu còn lại từ khắp nơi rồi chia đều cho tất cả. Và như vậy là sự khôn ngoan của tay sỹ quan hậu cần đó lại đem về kết quả trái ngược tệ hại cho chính sư đoàn anh ta.

         Girgensohn, dù tốn mất bảy năm trong các trại lao động Nga sau ngày đầu hàng, không bao giờ hết quan tâm đến đề tài này. Ông luôn tranh luận mạnh mẽ trước bất kỳ  ý kiến nào về “chứng bệnh stress”, cả về điều kiện phát sinh hay giải thích cho đa số những cái chết không rõ ràng, dù qua những thí nghiệm gần đây cho thấy, loài chuột sẽ chết sau ba tuần không được ngủ, và như thế con người không được ngủ sẽ kiệt đi nhanh chóng.

          Phương thức tấn công đêm của người Nga và những hoạt động liên miên không nghỉ ngơi, rõ ràng là có góp phần vào việc kiệt sức như ông đã nhận thấy. Nhưng giải thích của ông, sau những năm đó, phức tạp hơn. Ông tin rằng sự kết hợp giữa tình trạng kiệt sức, stress và cái lạnh kinh khủng đã làm thay đổi sự trao đổi chất ở binh lính. Điều này có nghĩa là ngay cả khi họ nhận được một lượng, ví dụ như 500 calory một ngày, thì cơ thể họ cũng chỉ hấp thu được một phần nhỏ. Như vậy, có thể nói là chiến thuật của Liên Xô cùng với điều kiện thời tiết và việc thiếu thực phẩm, đã sinh hay, hay ít nhất là góp phần vào việc đẩy nhanh tiến trình chết đói.

          Việc thiếu ăn nghiêm trọng cũng làm giảm khả năng qua khỏi của bệnh binh trước các loại bệnh truyền nhiềm như viêm gan, lỵ trong giai đoạn đầu bị vây, và những bệnh nghiêm trọng hơn trong giai đoạn cuối như thương hàn hay sốt Rickettsia. Trên thảo nguyên, không có nước để rửa ráy đừng nói chi tới chuyện quần áo, chỉ đơn giản là vì không có chất đốt để làm tan băng tuyết. “Có chút xíu chuyện mới ở đây” một trung úy pháo thủ tăng thuộc sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 29 viết “Đứng đầu danh sách là việc mỗi ngày chúng tớ bị bọn rận càn quét nhiều hơn. Chúng như bọn Nga vậy. Giết một tên, thì có ngay mười tên khác xuất hiện ngay tại chỗ đó”. Rận là vật mang mầm bệnh giết nhiều người ở Stalingrad.

          Tuy vậy, mối bận tâm trước mắt của đội ngũ quân y vẫn là tình trạng yếu ớt do thiếu lương thực. “Dần dần, những chiến binh dũng cảm của ta bắt đầu trở nên hom hem”, một trợ lý bác sỹ viết. Rồi ông ta tiếp tục mô tả về một ca cắt cụt đến đùi, ông đã thực hiện dưới ánh đèn pin trong một căn hầm mà không có thuốc tê “Mọi người lãnh đạm với mọi thứ và chỉ nghĩ đến thức ăn”.

          Ước vọng của quân Đức là sự pha trộn giữa lòng căm ghét quân thù Bolshevik và sự trả thù trong tương lai. Trong tình trạng gọi là “cơn sốt Kessel”, họ mơ về một quân đoàn xe tăng SS chọc thủng vòng quân của các tập đoàn quân Nga, cứu họ, rồi đảo ngược tình thế cho một chiến thắng vĩ đại, bất ngờ. Họ có khuynh hướng là những người vẫn còn tin, nghe vào những bài diễn thuyết của Goebbel. Đa số giữ tinh thần bằng cách hát vang bài ca của Tập đoàn quân VI, Bài ca sông Volga (Das Wolgalied), nhạc của Franz Lehar: “Một người lính đứng đó, bên bờ Volga, nhìn về phía xa, nơi Tổ quốc anh”.

             Ban tuyên truyền của phương diện quân sông Đon dùng cán bộ hỗ trợ là những người Cộng sản Đức, quyết định khai thác vào lòng yêu ca nhạc của lính Đức. Họ phát qua hệ thống loa một bài ca yêu thích cũ, mà trong hoàn cảnh hiện thời nó chứa một đoạn tuýt tàn nhẫn: “Ở quê nhà, ở quê nhà, đang chờ ngày sum họp”. Những người cộng sản Đức dưới sự giám sát của NKVD bao gồm Walter Ulbricht (sau này là chủ tịch nước Đông Đức), nhà thơ Erich Weinert, cây bút Willi Bredel với một nhóm tù nhân Đức – bốn sĩ quan và một lính – được tuyển dụng vì chống phát xít. Họ dạy những “anh mõ làng”, đây là những lính Hồng quân được chọn để bò lên vùng chết người trước tuyến quân Đức và hét to những câu khẩu hiệu, những đoạn tin tức qua loa. Vài người biết chút tiếng Đức, và đa số hi sinh.

            Hoạt động chính của các đội tuyên truyền là chuẩn bị các chương trình dài tầm 20-30 phút, ghi âm với nhạc, thơ, bài hát và tin tuyên truyền (đặc biệt là tin về việc chọc thủng mặt trận quân Ý). Sau đó các chương trình này được chạy trên các máy hát băng và phát ra các loa có công suất lớn được gắn trên các xe tải hoặc thỉnh thoảng được đầy lên phía trước bằng xe trượt còn dây thì kéo dài ra phía sau. Hầu hết các chương trình kiểu này bị hỏa lực cối Đức nện ngay tức khắc, bởi các sỹ quan sợ quân của họ có thể sẽ nghe. Nhưng trong suốt tháng Mười hai, phản ứng như thế thưa dần, yếu dần vì thiếu đạn dược.

          Nhiều mánh khóe âm thanh khác nhau được áp dụng ví dụ như “tiếng tích tắc đơn điệu của đồng hồ” kèm theo đó là tuyên bố rằng cứ mỗi bảy giây có một người lính bị giết trên mặt trận phía Đông. Hoặc “tiếng răng rắc của âm thanh tuyên truyền” rồi ngâm nga: “Stalingrad, nấm mồ chung của quân đội Hitler” và điệu tăng gô chết chóc lại vang lên trên thảo nguyên trống trải giá buốt. Và như một nốt nhạc cộng thêm, thỉnh thoảng là tiếng hú đứng tim của rocket Katyusha tiếp theo sau từ một dàn phóng “đàn dương cầm Stalin”.

         Truyền đơn của phía Nga hoàn thiện khá nhiều, giờ được viết bằng tiếng Đức. Tù binh được thẩm vấn tại Ban 7 xác nhận rằng “ảnh hưởng nhất là những tờ viết về gia đình, vợ và con cái”. “Binh lính hăm hở đọc truyền đơn Nga dù rằng họ không tin” một tù binh Đức thừa nhận. Vài người còn “khóc khi nhìn thấy tờ truyền đơn in hình xác một lính Đức và đứa trẻ ngồi khóc bên cạnh. Mặt bên kia là vài vần thơ đơn giản của nhà văn Erich Weinert”. Những tù binh không biết rằng Weinert, người viết bài thơ “Hãy nghĩ đến con!” đang ở rất gần, ngay trong sở chỉ huy phương diện quân Sông Đôn.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 08 Tháng Bảy, 2015, 04:05:45 pm
         Có lẽ phần ảnh hưởng nhất của chiến dịch tuyên truyền là thuyết phục quân Đức rằng họ sẽ không bị bắn nếu bị bắt. Nhiều sỹ quan tin vào luận cứ rằng không thể đầu hàng vì quân Nga sẽ giết họ ngay.  Có một tờ truyền đơn kết thúc bằng một tuyên bố của Stalin bắt đầu thuyết phục cả những sỹ quan cấp thấp rằng chính sách Liên Xô đã thay đổi: “Nếu lính hoặc sỹ quan Đức bỏ ngũ, Hồng quân phải bắt giữ làm tù binh và đảm bảo cho mạng sống của họ” (Mệnh lệnh số 55 Dân ủy Quốc Phòng, J. Stalin).

         Việc một đoàn quân lớn của Đức bị hợp vây lần đầu tiên ở cách xa Tổ quốc, được lệnh phải trụ lại và sau cùng bị bỏ rơi trước định mệnh, dĩ nhiên là tạo nên những tranh luận đầy cảm xúc sau nhiều năm. Nhiều người Đức có dự phần hoặc các sử gia đã đổ lỗi cho tướng Paulus không chịu không tuân lệnh và phá vây. Nhưng nếu một ai ở vào vị trí của Paulus, người bị tước bỏ những thông tin sống còn, (sẽ phải hiểu) nguyên nhân dẫn đến vụ việc đó chính là người chỉ huy trực tiếp của ông, thống chế Von Manstein.

        “Ai có thể phục vụ được hai chủ?” tướng Strecker ghi chú khi Hitler loại bỏ chiến dịch Thunderclap, vốn dự tính triển khai tiếp theo sau chiến dịch Bão Mùa đông. Nhưng quân đội Đức chỉ có duy nhất một chủ. Ghi nhận từ năm 1933 cho thấy sự nô lệ của đa số sỹ quan cao cấp, bất lực cả về chính trị lẫn danh dự. Trên thực tế, thảm họa và sự nhục nhã tại Stalingrad là cái giá của quân đội phải trả cho sự ngạo mạn xấc xược từ những đặc quyền và thanh thế dưới cái ô của Chủ nghĩa Quốc Xã.  Không có sự lựa chọn chủ, vì chỉ có vài người tham gia vào nhóm của Henning von Tresckow và Stauffenberg.

           Nhiều thời gian đã tiêu tốn vào việc tranh luận rằng một cuộc phá vây có khả thi hay không trong nửa sau tháng Mười hai, dù ngay cả các tư lệnh thiết giáp cũng hiểu rằng “cơ hội thành công của cuộc phá vây giảm bớt sau mỗi tuần”. Cánh bộ binh thì ít ảo tưởng hơn. “Bọn anh, những người sống sót” một hạ sỹ viết về nhà “khó có thể đi nổi vì cái đói và yếu sức”. Bác sỹ Alois Beck, khá đúng, khi tranh luận rằng “cuộc phá vây mà thành công” thì đó là một “huyền thoại”. Quân Nga đã bắn hạ “nhiều lính Đức nửa-đóng-băng như bắn thỏ”, bởi những người đó quá yếu không thể lội qua nổi một đụn tuyết, băng giá phủ đầy trên mặt, và mang theo súng đạn. “Mỗi bước đi đều kiệt lực” quan sát của một sỹ quan thuộc sở chỉ huy Tập đoàn quân VI “Như là trận Berezina”.

          Cuộc tranh luận “phòng thủ hay phá vây” do vậy chỉ hoàn toàn mang tính học thuật so với thực tế. Nói tóm lại là người ta nghi ngờ con người thông minh kinh khủng Manstein đã nhận ra điều này từ lúc đó. Ông đã tạo một màn kịch vĩ đại bằng cách gửi thiếu tá Eismann, sỹ quan quân báo của mình vào trong vòng vây vào ngày 19 tháng Mười hai để chuẩn bị cho Tập đoàn quân VI triển khai chiến dịch Thunder Clap. Nhưng hẳn nhiên Manstein đã thừa biết Hitler, vốn đã tái xác nhận quyết định không rời dòng Volga, sẽ không bao giờ đổi ý.

          Trong bất kỳ trường hợp nào, Manstein cũng phải nhận thức rõ rằng nỗ lực giải cứu đã tiêu tan. Các sư đoàn xe tăng của tướng Hoth đang phải chiến đấu để trụ lại tuyến Myshkova với thương vong nặng nề, ngay cả trước khi khối lượng quân to lớn của tập đoàn quân cận vệ số 2 (Nga) của tướng Malinovsky được triển khai. Và Manstein, luôn được cập nhật thông tin đầy đủ về tình trạng và hình thái quân đội trong vòng vây, hiểu rằng quân của Paulus không còn đi nổi, đừng nói chi tới chiến đấu trên chặng đường dài 40 đến 60 dặm xuyên qua bão tuyết và giá rét. Tập đoàn quân VI, với ít hơn 70 chiếc tăng thiếu hậu cần, không có lấy một cơ hội để chọc thủng tuyến tập đoàn quân 57 (Nga). Và quan trọng nhất, là Manstein biết, chiến dịch Sao Thổ nhỏ, với ba Tập đoàn quân Sô viết đã thọc sâu vào hậu phương ông ta, làm thay đổi tình huống.

          Rất đơn giản, Manstein cảm thấy rằng, dưới ngọn đèn lịch sử và quân đội Đức, ông ta phải được nhìn nhận là đã cố gắng làm mọi thứ,
ngay cả khi ông ta tin rằng, và rất đúng, là cơ hội duy nhất Tập đoàn quân VI có để tự cứu mình đã qua từ gần một tháng trước đó. Lương tâm hình như bứt rứt của ông sau sự kiện này phải được gắn liền với một sự thật rằng, với việc Hitler từ chối rút khỏi vùng Caucasus, ông cần Tập đoàn quân VI trói chân bảy Tập đoàn quân Liên Xô vây quanh nó. Nếu Paulus nỗ lực phá vây với chút ít quân sống sót, thì trong điều kiện đáng thương đó, thì họ chẳng thể dùng được gì trong giai đoạn khủng hoảng.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 12 Tháng Bảy, 2015, 12:04:45 am
                                                                                      XIX


                                                                             GIÁNG SINH THEO CÁCH ĐỨC
 

           Tranh luận về việc phá vây trong nửa sau tháng Mười hai bỏ qua một nhân tố tâm lý quan trọng. Giáng sinh đang đến. Không đơn vị nào trong quân đội Đế chế bận tâm đến chủ đề này hơn Tập đoàn quân VI đang bị vây. Những nỗ lực to lớn dành cho ngày lễ ở các boongke dưới thảo nguyên chẳng cho thấy có liên quan đến việc nôn nóng phá vây. Sự lơ mơ do thiếu dinh dưỡng cộng với trạng thái siêu thoát mơ ngủ rõ ràng là góp một phần, và rõ ràng phần còn lại là do trạng thái tâm lý “Pháo đài” với sự giúp đỡ của Hitler đã nuôi dưỡng nó. Nhưng không điều nào trong số đó giải thích cho sự tập trung đầy cảm xúc và ám ảnh cho triển vọng tổ chức lễ Giáng Sinh cho những người bị vây, xa Tổ quốc.

       Các công tác chuẩn bị đã được tiến hành từ ngay trước khi những sư đoàn xe tăng của Hoth tiến lên phía bắc đến sông Myshkova không bao giờ có vẻ chùng lại ngay cả khi binh sỹ phấn khích bởi những tiếng đại bác đang tiến tới. Ngay từ đầu tháng, quân lính đã bắt đầu tích trữ những phần thực phẩm ít ỏi, không phải để dành cho chuyến phá vây băng ra trên tuyết mà để cho bữa tiệc Giáng sinh hoặc làm quà tặng. Một đơn vị thuộc sư đoàn bộ binh 297 còn giết thịt một con ngựa thồ từ sớm để chế “xúc xích ngựa” làm quà tặng Giáng sinh. Những vòng cây mùa vọng được làm từ cỏ thảo nguyên màu hung nâu thay vì bằng cây thường xuân, và những cây Giáng sinh bé tẹo được đẽo ra từ gỗ trong những cố gắng vượt bậc để làm “giống như ở nhà”.

          Tính đa cảm không chỉ giới hạn ở chỗ lính tráng. Tướng Edler Von Daniels đã trang hoàng cho căn hầm mới đào của ông một cây thông Noel và phía dưới là một chiếc nôi với tấm hình chụp em bé “KesselBaby” của ông vốn vừa mới sinh ngay sau khi họ bị vây. Ông viết cho người vợ trẻ, mô tả kế hoạch mừng đêm Giáng sinh “theo cách Đức, dù đang ở xa tít trong nước Nga”. Đơn vị rõ ràng trở thành một dạng gia đình. “Mỗi người cố tìm cách mang lại chút ít niềm vui cho người khác”, ông viết sau khi đến thăm hầm của quân mình ”Điều này rõ ràng là nâng tầm trải nghiệm của tình chiến hữu thực thụ ở chiến trường”. Một băng rôn mừng lễ ghi rằng rằng “Tình chiến hữu bằng máu và thép”, tuy nó phù hợp với với tình cảnh nhưng lại thiếu thông điệp của Giáng sinh.

          Một người không quên thông điệp đó, chính là Kurt Reuber, bác sỹ thuộc sư đoàn xe tăng 16. Nhân vật Reuber ba-mươi-sáu tuổi này, một nhà thần học và là bạn của Albert Schweitzer, cũng là một tay nghệ sỹ nghiệp dư. Ông đã biến căn hầm của mình trên thảo nguyên ở góc tây bắc Stalingrad thành một studio và tiến hành vẽ trên mặt sau một tấm bản đồ thu được của quân Nga – thứ giấy lớn nhất được tìm thấy. Tác phẩm này, hiện được trưng bày tại nhà thờ Kaiser Wilhelm tại Berlin, “Pháo đài Madonna”, ôm ấm, che chở như mẹ và con, cùng với lời dạy của thánh John Phúc âm: “Ánh sáng, cuộc sống, tình yêu”.

          Khi đã vẽ xong, Reuber ghim nó lên vách hầm. Mọi người bước vào đều dừng lại và nhìn. Nhiều người đã khóc. Reuber ngượng nghịu chút ít – không nghệ sỹ nào có thể khiêm tốn hơn về năng khiếu của mình – căn hầm của ông trở thành một thứ điện thờ.

         Không có mấy nghi ngờ về sự hào phóng chân thành và tự phát trong kỳ Giáng sinh ấy. Một thiếu úy đã cho đi những điếu thuốc, giấy viết thư, mẩu bánh mì sau chót của mình cho binh sỹ. “Giờ con chẳng còn gì” anh ta viết về nhà “nhưng đây thật là một Giáng sinh đẹp nhất của con và con sẽ không bao giờ quên”. Cùng với việc biếu khẩu phần thuốc lá, họ còn biếu nhau cả bánh mì, mà họ rất cần. Những người siêng năng khác còn làm giá để đồ cho nhau.

          Đêm Giáng sinh, Reuber người nghệ sỹ dương cầm của tiểu đoàn còn tặng chai rượu cuối cùng của mình cho những binh lính trong bệnh xá, nhưng ngay khi vừa rót đây các ca, bốn quả bom nổ đùng bên ngoài. Mọi người quăng mình xuống sàn, và làm đổ tất cả rượu. Viên sỹ quan quân y vơ vội chiếc túi cứu thương và chạy ra khỏi hầm để xác định thương vong – một chết, ba bị thương. Người tử nạn còn vừa đang hát giai điệu Giáng sinh “O du fronhliche”. Tai nạn này, không bất ngờ, nhưng cũng làm kết thúc cuộc lễ lạt. Và cả sư đoàn xe tăng 16, sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 60 bị tấn công mạnh ngay trong đầu giờ sáng Giáng sinh.

        Bài ca truyền thống, ưu thích trong đêm đó là “Stille nacht, heilige nacht” (Silent night, holy night) được binh lính hát với giọng khê nồng trong hầm dưới ánh sáng của những ngọn nến được dành dụm. Nhiều người đã cố kìm tiếng nức nở khi nghĩ về gia đình ở quê. Tướng Strecker rõ ràng cũng mủi lòng khi ông đi thăm các vị trí tiền tiêu. “Đó là một “Đêm yên bình – Silent nightgiữa sự hỗn độn của chiến tranh.. Giáng sinh đã cho thấy tình chiến hữu thật thụ của người lính”. Chuyến viếng thăm của các sỹ quan cao cấp cũng được cảm kích bởi những lợi ích đi kèm. Một NCO trong một sư đoàn xe tăng ghi nhận “tư lệnh sư đoàn tặng chúng tôi một tợp rượu từ chai của ông và một thanh sô cô la”.

          Ở những vị trí không bị tấn công, binh sỹ tập hợp vào một căn hầm có máy thu thanh để nghe “Chương trình Giáng sinh của Đài phát thanh Đại Đức”. Và ngạc nhiên thay, họ nghe thấy thông báo “Đây là Stalingrad” và tiếp theo sau là một Dàn đồng ca bài “Stille Nacht, heilige nacht”, được cho là từ mặt trận sông Volga. Vài người chấp nhận mánh bịp này như là một nhu cầu tình thế, nhưng những người khác giận dữ thật sự. Họ cảm thấy gia đình mình và cả nhân dân Đức bị chơi khăm. Goebbel cũng đã tuyên bố rằng đây phải là một “Giáng sinh Đức”, một sự xác định nhằm truyền đạt ý niệm về trách nhiệm và sự khổ hạnh, và có lẽ cũng để dọn đường cho cả nước về tin tức của tấn bi kịch Stalingrad.

          Lúc bảy giờ sáng ngày Giáng sinh, nhật ký chiến tranh của Tập đoàn quân VI ghi: “Không có chuyến bay tiếp vận nào trong bốn mươi tám giờ qua [hơi cường điệu]. Nhiên liệu và quân nhu gần cạn”. Cũng trong ngày đó, tướng Paulus gửi một thông điệp cảnh báo đến cụm tập đoàn quân sông Đôn để chuyến đến tướng Zeitzler “Nếu chúng tôi không nhận được khối lượng hậu cần nhiều hơn trong vài ngày tới, chúng ta phải chấp nhận mức thương vong cao do kiệt sức”.

         Dù họ biết rằng cơn bão tuyết của ngày hôm trước làm cản trở các chuyến bay, nhưng họ không được thông báo về việc xe tăng của tướng Badanov đã quần nát phi trường Tatsinskaya vào sáng hôm qua. Sở chỉ huy của Manstein thậm chí còn không chuyển tin tức về cuộc phán công với 4 Tập đoàn quân Liên Xô vào các sư đoàn xe tăng của Hoth ở khu vực sông Myshkova đã được triển khai. Rồi khi 108 tấn hàng hậu cần sau cùng cũng đến trong ngày 26 tháng 12, sở chỉ huy tập đoàn quân Sáu nhận thấy họ có 10 tấn bánh kẹo cho Giáng sinh, nhưng không có tý nhiên liệu nào.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 12 Tháng Bảy, 2015, 07:12:09 pm
          Mọi người, nếu có cơ hội, đều ngồi viết thư Giáng sinh về nhà, trong đó họ bày tỏ niềm mong muốn. “Trong tim mình, bọn anh vẫn giữ hi vọng” một bác sỹ của sư đoàn bộ binh 44 viết “rằng mọi thứ sẽ thay đổi”. Anh ta nói rất nhiều, nhưng vị Tư lệnh tập đoàn quân VI, vốn nhiều thông tin hơn, không nằm trong số họ. “Dĩ nhiên là Giáng sinh không vui mấy” tướng Paulus viết về cho vợ trong vài ngày sau. “Trong thời điểm nay, nên tránh hội hè thì tốt hơn… Anh tin, mọi người sẽ không mong chờ quá nhiều vào sự may mắn” Không ngạc nhiên khi thấy sự tương phản giữa những lá thư gửi về nhà của lính Đức với lính Nga trong giai đoạn Giáng sinh hơn bình thường. Trong khi những lá thư lính Đức mang đầy đa cảm và khát khao về gia đình, về mái nhà, thì những lá thư Nga rõ ràng cho thấy cái logic không lay chuyển rằng Tổ quốc vẫn chiếm vị trí ưu tiên hơn. “Em yêu!” một người lính viết cho vợ trong đêm Giáng sinh “Bọn anh đang buộc lũ rắn độc về lại hang ổ của chúng. Cuộc tiến quân thành công của quân ta sẽ mang ngày gặp lại của chúng ta gần thêm”. “Chào Mariya”, một cậu lính tên Kolya viết “Tớ đã chiến đấu ở đây được ba tháng rồi để bảo vệ [bị kiểm duyệt xóa] xinh đẹp của chúng ta. Bọn tớ đang gây áp lực mạnh lên quân địch. Giờ chúng tớ đang vây bọn Đức. Mỗi tuần có tới cả ngàn tên bị bắt và vài ngàn tên bị giết tại trận. Giờ chỉ còn lại bọn lính SS ngoan cố thôi. Bọn chúng củng cố hầm hố và bắn ra từ đó. Giờ tớ phải đi thổi tung một cái như vậy đây. Tạm biệt cậu, Kolya”.

          Nhiệt độ trong ngày Giáng sinh rớt xuống còn âm 25 độ. Nước trong các hố đạn, dù sâu tới đâu, cũng bị đông đặc. Những trận mưa tuyết bất chợt phe phủ bớt phần lớn tình trạng bẩn thỉu ở các khe núi. Các cha tuyên úy tập hợp mọi người theo từng chi phái hoặc tập hợp chung trên lớp tuyết trong tiếng vỗ, tiếng xé của vải bạt, vải dầu che lều trong cơn gió, thành những vòng bán nguyệt quanh một bàn thờ tạm. Trong nhiều trường hợp, sự an ủi tôn giáo và biện hộ ý thức hệ trở nên lẫn lộn, như khi những người Công giáo Đức bị tương phản với người Nga vô thần.

          Ngay cả trong Kessel, Giáng sinh cũng không hoàn toàn là một dịp của thiện chí. Bác sỹ Renoldi, vị tướng quân y của Tập đoàn quân VI, đã cấm không cho di tản bằng máy bay với những ca bỏng tuyết, vì những thương tích đó có thể là tự thương để trốn chiến đấu. Tệ hơn cả, là việc thiếu thức ăn, một phần ngũ cốc mục nát lấy từ tháp lương thực Stalingrad được dùng cho 3.500 tù binh chiến tranh Nga ở trại Voroponovo và Gumrak, bởi họ không còn tưởng tượng được ra chút thực phẩm nào nữa. Sự tàn bạo phần nào mang tính quan liêu này đã đưa đến mức tử vong hai mươi ca một ngày trong dịp Giáng sinh, và sau đó đột ngột tăng nhanh chóng. Tay quân nhu chịu trách nhiệm nuôi họ tuyên bố rằng bệnh sốt Rickettsia là nguyên nhân, nhưng khi một sỹ quan thuộc Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI hỏi có ai chết vì thiếu đói không thì hắn lảng tránh. “Sau một khoảng khắc ngẫm nghĩ, hắn chối biến” viên sỹ quan đó viết “Nhưng tôi biết hắn nói gì. Ngay trong quân ta cũng bắt đầu thấy điều tương tự”. Nhưng cả việc liên hệ giữa định mệnh của họ với lính Đức cũng là một sự lảng tránh. Bởi những tù nhân đó không có sự lựa chọn – họ không thể đầu hàng lần nữa. Và khi những tù nhân cá biệt bắt đầu phải ăn cả thịt người thì cũng chẳng có điều gì được làm để cải thiện điều kiện sống của họ bởi vì điều đó có nghĩa là “lấy thực phẩm của lính Đức”.

          Đêm Giáng sinh là một “đêm sao tuyệt đẹp” và nhiệt độ xuống thấp hơn nữa. Nhưng, cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn ra trong sáng hôm sau ở địa đoạn phía đông bắc vòng vây, nơi được sư đoàn xe tăng 16 và sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 60 phòng thủ. “Thế là một tá trong số chúng tôi” vị cha tuyên úy cuối cùng của sư đoàn báo cáo “được đưa ra phản công trong gió tuyết và cái lạnh âm 35 độ”. Hai sư đoàn đó, dù trong điều kiện tệ hại và thiếu đạn dược, cũng đã cố diệt được chừng 70 chiếc xe tăng.

          Cũng trong sáng ngày 26 tháng Mười hai, tướng Paulus gửi điện báo cho thống chế Manstein, bắt đầu bằng: “Thương vong, giá lạnh và thiếu hậu cần đã làm giảm sức chiến đấu của các sư đoàn rất nhiều”. Ông cảnh báo rằng nếu quân Nga đưa các lực lượng đang chiến đấu với quân của tướng Hoth về, tái bố trí để chống lại Tập đoàn quân VI “thì không thể đứng vững trước chúng lâu dài”.

          Thế rồi một cơ hội không mong đợi lại xuất hiện. Tướng Hube, tư lệnh quân đoàn xe tăng XIV, nhận được lệnh bay khỏi vòng vây trong ngày 28 tháng 12 để đến sở chỉ huy của thống chế Manstein tại Novo-cherkassk. Rồi một chiếc phi cơ đưa ông thẳng về Đông Phổ để nhận Thanh gươm Hiệp sỹ chữ thập với Cành sồi từ chính tay quốc trưởng. Tướng Paulus bảo tướng Schmidt chuẩn bị cho ông ta “tất cả những tài liệu cần thiết” từ chuyện thiếu xăng dầu cho tới dụng cụ y tế. Niềm hi vọng của các tướng lĩnh, sỹ quan tăng nhanh với chuyến đi của ông ta tới Rastenburg. Tướng Hube, một cựu binh một tay, đậm người là một trong ít tướng lĩnh được Quốc trưởng tin cậy. Họ vẫn không tin rằng “Hitler có thể bỏ rơi Tập đoàn quân VI”.

          Rõ ràng là Hitler đã thuyết phục chính mình là ông đang làm mọi thứ để cứu Tập đoàn quân VI, nhưng nhận thức của ông ta về tình hình thực tế chẳng khá lên chút nào. Trong ngày đó, bộ tổng tham mưu đã điện cho cụm Tập đoàn quân sông Đon, hứa rằng dù trong điều kiện vận chuyển khó khăn, họ sẽ được chi viện với “372 xe tăng và pháo tự hành”. Nhưng Manstein biết rằng đó chỉ là mơ tưởng hão huyền.

          Trong khi đó, ở nội thành Stalingrad, những gì còn lại từ các sư đoàn của tướng Seydlizt tiếp tục phòng thủ. Họ phải tiết kiệm đạn dược để đẩy lùi các đợt tấn công. Họ nấp sâu trong hầm hào để giữ ấm và cũng để an toàn trước pháo binh Liên Sô. “Chúng ở đó râu tóc bù xù như trong hang động người tiền sử” Grossman viết “ngấu nghiến gặm thịt ngựa trong bóng tối và khói bụi, giữa đống đổ nát của thành phố xinh đẹp và chúng đã phá hủy".


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 17 Tháng Bảy, 2015, 05:12:42 pm
        Cụm từ “hoạt động mạnh mẽ của quân địch” xuất hiện thường xuyên trong nhật ký chiến tranh của Tập đoàn quân VI. Hans Urban, một trung sỹ cảnh sát 28 tuổi từ Darmstadt, phục vụ trong sư đoàn bộ binh 389, sau này đã cung cấp một báo cáo chi tiết về cuộc chiến ở khu vực phía bắc Stalingrad vào cuối tháng 12.

         Quân địch thường tấn công vào lúc rạng đông hay hoàng hôn, sau một đợt pháo kích bắn chuẩn bị. Nếu chúng chiếm được hai ba boongke của chúng tôi thì chúng tôi sẽ cố tái chiếm lại sau. Ngày 30 tháng 12, sau nhiều đợt tấn công, tôi được lệnh đưa tổ liên thanh của
mình lên phía trước. Chín người chúng tôi cùng với súng đại liên đã có thể đứng vững trước cuộc tấn công tiếp sau của chừng 300 quân từ Spartakovka. Có hai mươi lính bộ binh còn lại ở khu vực đó, nhưng họ quá kiệt sức sau các trận đánh nên không giúp được mấy. Hầu hết đã sẵn sàng bỏ vị trí. Tôi cùng với 2 khẩu đại liên không điểm xạ dài. Bởi quân địch có thể lợi dụng địa hình và các đống đổ nát. Chúng tôi để cho quân Nga vào trong tầm 20 thước rồi bắt đầu khai hỏa nhanh chóng. Ít nhất có hai mươi hai xác chết để lại trước vị trí của chúng tôi. Quân Nga còn sống sót cố quét chúng tôi bằng lựu đạn. Chúng lại tấn công cùng vị trí ấy trong rạng sáng ngày đầu năm mới với ba đại đội. Thật khó để ước tính đúng bởi chúng bị bắn trong hố, sau các bức tường đổ hay những đống vụn vữa. Chúng tôi bắn chéo cánh sẻ từ hai khẩu đại liên, và chúng bị thiệt hại nặng. Một tên pháo thủ cối bị hạ, và dù tôi chưa từng được huấn luyện với vũ khí đó, chúng tôi vẫn có thể dùng đạn của chính chúng để chống lại chúng. Khi kết thúc, chúng tôi yếu, mệt ghê gớm và quanh đó trên mặt đất đông cứng là hàng đống xác chết, chúng tôi cũng không thể chôn nổi đồng đội mình.

         Tướng Paulus, trái ngược với những điện tín đầy bi quan của mình gửi đến cụm Tập đoàn quân sông Đông và trong những lá thư gửi vợ, đã ký một thông điệp năm mới đầy hào hứng cho binh sỹ Tập đoàn quân VI: “Ý chí chiến thắng của chúng ta là không thể phá vỡ và năm mới sẽ đến cùng với sự giải thoát cho chúng ta! Khi nào điều đó đến, tôi không thể nói chắc. Nhưng, Quốc trưởng sẽ không bao giờ quay lưng lại với lời nói của người, và thời điểm đó sẽ đến”.

         Cảm ơn sự cứng đầu của Hitler về múi giờ, năm mới của người Nga đến sớm hơn hai giờ so với người Đức. Tướng Edler von Daniel bị gián đoạn ván bài “doppelknopf” vào lúc mười giờ bởi “màn bắn pháo bông mạnh mẽ” do những quân Liên Xô đang bao vây bắn để “mừng Năm mới”.
     
        Lúc đó tướng Daniel đang trong tâm trạng phấn khởi. Ông vừa được vinh thăng trung tướng và tặng Chữ thập Hiệp sỹ. Rồi như món quà năm mới từ tướng Paulus, ông bất ngờ được nhận một chai Veuve-Cliquot “Schampus”. Vài vị tướng ở Stalingrad vẫn dường như bận tâm với huân huy chương và thăng cấp hơn là số phận của Tập đoàn quân VI.

         Rồi khi giao thừa Đức đến, chỉ có pháo sáng được bắn lên. Đạn có sức nổ mạnh không được lãng phí. Những chai rượu sau cùng được khui trong vòng vây với tiếng hô “Prosit Neujahr!”. Trong khi đó, các sư đoàn Sô viết thì chỉ bị hạn chế chút ít trong vấn đề đạn dược và rượu bia. Nhưng Viktor Barsov, một thủy quân lục chiến viết “Lễ mừng năm mới rất vui. Tôi uống 250 gram vốt ca trong đêm đó. Thức ăn cũng không tệ. Và trong buổi sáng để tránh nhức đầu, tôi uống thêm 200 gram nữa”.

        Lính Đức cố giảm nhẹ sự bất hạnh của mình, với mộng tưởng rằng mọi việc sẽ tốt hơn khi năm cũ qua đi. “Cha mẹ thân yêu. Con vẫn ổn” một người lính viết “Nhưng không may là con phải đi canh gác tối nay. Con hi vọng rằng năm mới 1943 này, con sẽ không phải trải qua nhiều điều không hay như năm 1942”.

         Sự lạc quan đầy ám ảnh đó có từ thông điệp năm mới của Hitler gửi cho Paulus và Tập đoàn quân VI. Chỉ ai hoài nghi lắm mới phát hiện ra rằng thông điệp đó không chứa đựng sự đảm bảo chắc chắn nào “Thay mặt toàn thể nhân dân Đức, tôi xin gửi đến ngài và Tập đoàn quân anh hùng của ngài lời chúc mừng năm mới nồng nhiệt nhất. Tôi hiểu được tình thế hiểm nghèo của ngài. Công cuộc phòng thủ anh hùng của đơn vị ngài nhận được sự kính  trọng nơi tôi. Tuy nhiên, ngài và binh sỹ cũng phải bước vào năm mới với niềm tin vững chắc rằng tôi cùng quân lực Đức sẽ làm mọi thứ với sức mạnh của chúng tôi để giải phóng những người bảo vệ Stalingrad, và như vậy sự trung thành của các ngài sẽ là một kỳ công chói lọi trong lịch sử vũ trang Đức. Adolf Hitler”.

         “Thưa Quốc Trưởng!” tướng Paulus hồi đáp ngay lập tức “Những lời chúc Năm mới chân tình của ngài được đón nhận nơi đây với lòng cảm kích sâu sắc. Chúng tôi sẽ cố để xứng đáng với lòng tin cậy của ngài. Ngài có thể tin chắc rằng, chúng tôi – từ vị tướng già nhất đến người pháo thủ trẻ tuổi nhất – sẽ kiên định với ý chí quyết tâm, và góp phần của mình vào thắng lợi chung. Paulus”. Những lá thư đầu xuân từ đa số binh lính trong vòng vây phản ánh một tinh thần quyết tâm mới.

         “Chúng tôi sẽ không để tinh thần tụt xuống, thay vào đó chúng tôi tin vào lời hứa của Quốc Trưởng” một đại úy viết.

         “Chúng tôi luôn kiên quyết tin vào Người, không lay chuyển, cho đến thắng lợi cuối cùng” một NCO khác viết.

         “Quốc trưởng hiểu rõ mọi mối lo và mong đợi của chúng ta” một người lính bày tỏ người sẽ luôn – và tôi chắc chắn thế - nỗ lực để cứu chúng ta nhanh nhất có thể”.

           Ngay cả một vị tướng đa nghi như Strecker dường như cũng bị ảnh hưởng. Ông viết “Hy vọng tăng lên, và có nhiều lạc quan về hiện tại và tương lai gần”.

          Tướng Paulus, trong khi đó, lại lo ngại về ảnh hưởng tăng cao của tuyên truyền Sô viết tại thời điểm ấy. Ban 7 của Phương diện quân sông Don, chịu trách nhiệm về “chiến dịch tuyên truyền” đã xác định rằng sư đoàn bộ binh 44 và sư đoàn bộ binh 376 của tướng Edler von Daniel là những đơn vị mà họ tập trung đấu tranh.

           Sáng sớm ngày 3 tháng Giêng, tướng Paulus đến sư đoàn bộ binh Áo số 44 “ngay sau giờ phát thanh thực hiện bởi những tù binh từ sư đoàn 44”. Chương trình nói về việc thiếu lương thực, đạn dược và thương vong nặng nề. Biên bản của Tập đoàn quân VI ghi nhận “Vị tư lệnh muốn cảnh báo về những hậu quả gây ra bởi những chương trình phát thanh như thế. Và bất kỳ người lính nào làm thế, phải hiểu rằng tên họ sẽ bị phát hiện và họ sẽ phải đối mặt với tòa án binh”. Trong suốt buổi làm việc của tướng Paulus với tướng Deboi, sư đoàn trưởng, có một trận “tấn công mạnh khác với xe tăng”.

           Và trong sáng hôm sau, tướng Paulus đến thăm chỉ huy quân Rumani trong “khu vực pháo đài”, quân Rumani chịu thiệt hại vì bỏng tuyết nghiêm trọng do thiếu quần áo (ấm) “cả giày bốt, quần và vớ”. Số lượng đảo ngũ tăng khiến Paulus phải kết luận rằng “Cần có phản-tuyên-truyền để chống lại truyền đơn Nga in bằng tiếng Rumani

          Các tiểu đoàn, đại đội mất sức, yếu đến nỗi chúng chỉ còn lại phiên hiệu. Trong số hơn 150.000 quân còn lại trong vòng vây, chỉ có không quá một phần năm là lính chiến đấu. Nhiều đại đội chỉ còn chừng một tá người thích hợp cho nhiệm vụ. Những tổ rời rạc từ các đơn vị được gọp lại với nhau trong các nhóm chiến đấu. Các pháo thủ xe tăng còn sống của đại đội thượng sỹ Wallrawe thấy mình nhập chung với "các đại đội không quân và các trung đội Cossack” và gửi đi phòng thủ một vị trí cạnh làng Karpovka. Đó là một nơi đầy bất hạnh để đến. Bởi trên bản đồ cho thấy đó là cái “mũi” chọc ra phía tận cùng góc tây-nam vòng vây, và sẽ là mục tiêu đầu tiên của quân Nga khi họ quyết định kết liễu Tập đoàn quân VI.

          Trong những ngày đầu năm, có vài hôm thời tiết tương đối ẩm ướt, ôn hòa. Quân Nga ghét việc tuyết tan “Tôi không thích khí hậu ở Stalingrad” một lính thủy đánh bộ tên Barsov viết “Nó cứ thay đổi luôn và làm súng ống han rỉ. Khi trời ấm lên, tuyết bắt đầu tan. Mọi thứ trở nên ẩm ướt. Valenki bị ướt sũng và chúng tôi không có cơ hội để làm khô”. Nên không nghi ngờ gì, anh ta cùng đồng đội của mình, vui mừng hơn trong ngày 5 tháng Giêng, khi nhiệt độ giảm xuống âm 35 độ.

        Các lực lượng Sô viết chấp nhận một chiến thuật có tính toán nhằm khai thác sự ưu việt của trang bị mùa đông. “Quân Nga bắt đầu với những trận đánh thăm dò” một sỹ quan thông tin Không lực Đức viết “Nếu họ chọc thủng phòng tuyến, thì không một ai trong chúng tôi ở một vị trí có thể thiết lập chiến hào mới. Bởi quân ta quá yếu về thể lực vì thiếu ăn và mặt đất đông cứng như đá”. Bị kẹt ngoài thảo nguyên trống trải, nhiều người bị giết hơn. Ngày 6 tháng Giêng, tướng Paulus điện cho tướng Zeitzler “Tập đoàn quân đói khát, lạnh cóng, không còn đạn, và không còn xe tăng nào có thể di chuyển”. Cùng ngày đó, Hitler phong tặng tướng Schmidt Chữ thập sắt hiệp sỹ.

          Khi mà số phận của Tập đoàn quân VI đã rõ ràng, các nhà báo Liên Xô được đưa đến sở chỉ huy Phương diện quân sông Đôn tại Zavarykino. Một phái đoàn nhà văn Sô Viết từ thủ đô đến thăm sư đoàn bộ binh 173, vốn xuất thân từ quận Kievsky của Moscow và có nhiều trí thức trong thành phần. “Từ vị trí chỉ huy của Tập đoàn quân 65, nhà văn Aleksandr Korneychuk và Wanda Vasilevskaya” quan sát sư đoàn tấn công Kazachy Kurgan, một gò mộ cổ của người Tartar ở phía tây bắc vòng vây.

           Ngay cả trước khi nỗ lực giải cứu của tướng Hoth gãy vụn tại tuyến sông Myshkova, Stalin đã quấy rầy các tướng lĩnh của mình nhằm đưa ra kế hoạch tiêu diệt Tập đoàn quân VI. Sáng ngày 19 tháng Mười hai, ông gọi điện cho Voronov, đại diện đại bản doanh trong chiến dịch Sao Thổ nhỏ, và yêu cầu ông ta về sở chỉ huy Phương diện quân sông Đon. Voronov chọn ở gần “dinh thự” của tướng Rokossovsky, trải qua những ngôi làng nối liền Zavarykino và Medvedevo, ở đó, phòng cho mỗi vị tướng hay mỗi ban, là một ngôi nhà nông dân kiểu izba “năm vách”, thật ra đó là một buồng nhỏ bằng gỗ với một vách ngăn ở giữa. Những chiếc xe Willy của Mỹ, với ngôi sao Sô viết, lắc lư chạy theo những vệt bánh xe đông cứng, mang theo các vị tướng ra vào trong những chuyến đi thị sát và khích lệ các viên tư lệnh dưới quyền.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 19 Tháng Bảy, 2015, 09:48:41 am
         Voronov nhanh chóng tập hợp một tổ tham mưu để nghiên cứu tình huống. Ông ta khăng khăng đầu tiên phải đích thân tìm hiểu thực địa, dù rằng Stalin cố nài phải có kết quả trong vòng hai ngày. Chuyến làm việc của ông ở tập đoàn quân 57 mất hẳn một ngày. Ông quan sát thấy một nhóm phi cơ vận tải Junker xuất hiện trên đầu, tầm 9000 feet mà không có tiêm kích hộ tống. Những khẩu đội phòng không Nga trong khu vực khai hỏa quá chậm; và tiêm kích Sô viết cũng đến quá muộn để đánh chặn. Voronov càng điên tiết hơn khi ông phát hiện ra chẳng có mấy sự kết hợp giữa các trạm quan sát mặt đất, khẩu đội phòng không và các phi đoàn tiêm kích. Viên thiếu tướng phụ trách phòng không bị dọa sợ phát sốt.

         Trở lại Zavarykino, Voronov phân tích lại tình hình. Dù có sự kháng cự mãnh liệt của quân Đức trong đầu tháng mười hai, đại tá I.V. Vinogradov, trưởng ban Tình báo của Phương diện quân sông Đôn, vẫn không sửa nhiều phần ước lượng của mình về số lính Đức bị vây trong Kessel. Khi được yêu cầu nêu chính xác, lúc bấy giờ ông đưa ra con số là 86,000. Đây là con số gây ra sự xấu hổ của tình báo Hồng quân, đặc biệt khi địch thủ của họ NKVD dùng để bóng gió mỉa mai sau này.

          Kế hoạch sơ khởi của chiến dịch Chiếc vòng đã thảo xong trong ngày 27 tháng Mười hai và gửi về Moscow. Ngày hôm sau, Voronov được yêu cầu viết lại. Stalin muốn rằng ở đợt một của cuộc tấn công, tập trung vào mấu lồi Karpovka – Marinovka phía tây nam, phải triển khai từ hướng Tây bắc kết hợp với một đòn khác từ góc đối diện của Kessel, nhằm cắt rời quận Nhà máy của Stalingrad và vùng ngoại ô phía bắc.

          Ở cuộc họp Hội Đồng Quốc phòng, Stalin quan sát sự tranh đua hai ứng viên, tướng Yeremenko – tư lệnh phương diện quân Stalingrad, và tướng Rokossovsky – tư lệnh phương diện quân sông Đôn, phải được giải quyết trước khi chiến dịch Cái vòng bắt đầu.

       “Chúng ta sẽ giao trách nhiệm thanh toán quân thù cho ai đây?” ông ta hỏi. Vài người gợi ý là: Rokossovsky. Stalin hỏi ý của Zhukov.

         “Yeremenko sẽ rất đau lòng” Zhukov bảo

        “Chúng ta không phải là những nữ sinh trung học” Stalin vặn lại:

         “Chúng ta là những người Bôn-sê-vích  và chúng ta phải dùng những lãnh đạo đáng giá vào việc”.

         Zhukov đi ra để báo tin không hay cho Yeremenko.

         Tướng Rokossovsky, vị tư lệnh chịu trách nhiệm đánh cú “coup de grace” với Tập đoàn quân VI, được giao 47 sư đoàn, 5610 đại bác và cối hạng nặng, cùng 169 xe tăng. Lực lượng có quân số 218.000 người này được hỗ trợ bởi 300 chiến đấu cơ. Nhưng tính thiếu kiên nhẫn của Stalin lại bùng lên ngay vào lúc ông lên kế hoạch tấn công Tập đoàn quân Hungary số 2. Thêm vào đó, ông được báo rằng những khó khăn trong vấn đề vận tải đã làm chậm tiến độ chuyển quân, hàng hậu cần và đạn dược. Nên khi Voronov đề nghị được lùi thêm bốn ngày nữa. Stalin chua cay châm biếm “Anh cứ ngồi đó và chờ đến khi bọn Đức bắt cả anh và Rokossovsky làm tù binh”. Và miễn cưỡng lắm, ông mới đồng ý với thời hạn mới là ngày 10 tháng Giêng.

           Những sỹ quan Đức ở ngoài vòng vây đang tự hỏi việc gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tướng Fiebig, tư lệnh quân đoàn không quân VIII sau một cuộc thảo luận dài với tướng Richthofen đã băn khoăn: “Sao quân Nga không cắt vụn Kessel vốn đã như một trái cây chín mùi nhỉ?”. Các sỹ quan Hồng quân thuộc phương diện quân sông Đon cũng vậy, họ cũng ngạc nhiên về sự trì hoãn, và muốn biết còn bao lâu nữa họ mới nhận được lệnh tấn công. Tuy vậy, Voronov lại nhận được một cú gọi khác từ Moscow bảo ông ta phải chuẩn bị một tối hậu thư cho Tập đoàn quân VI.

         N.N Voronov, trong tuần đầu tháng Giêng năm 1943 ấy, viết một bản thảo nhằm gửi cho cá nhân tướng Paulus. Những cuộc gọi liên tục từ Moscow, đã chuyển đến những bổ sung cần thiết từ Stalin. Và khi bản viết sau cùng được chấp thuận, nó được chuyển ngữ bởi “nhóm chống phát xít Đức do Walter Ulbrich lãnh đạo” tại sở chỉ huy Phương diện quân sông Đôn. Trong khi đó, đại diện của NKVD và đại tá Vinogradov của tình báo Hồng quân, cho thấy sự ganh đua thường kỳ của họ, với việc tìm kiếm những sỹ quan thích hợp thực hiện sứ mệnh này. Sau cùng, cũng đi đến một thỏa hiệp. Cuối buổi chiều ngày 7 tháng Giêng, thiếu tá Aleksandr Mikhailovich Smyslov thuộc tình báo quân đội, và đại úy Nikolay Dmitrevich Dyatlenko của NKVD, được chọn đi cùng nhau. Vinogradov, khi làm việc với Dyatlenko đã bất ngờ hỏi:

         “Cậu là dân khokhol à?” Khokhol hay “bù xù” (dịch thoáng từ tufty) là một thành ngữ mang tính xấc xược để chỉ dân Ucraina bởi người Nga thường tỏ ra khiếm nhã về kiểu tóc truyền thống của họ.

          “Không, thưa đồng chí Đại tá” Dyatlenko rắn rỏi trả lời:

         “ Tôi là người Ucraina”.

          “Thì bởi cậu giống người Nga” Vinogradov cả cười:

          “Tốt lắm. Cậu thích hợp là đại diện của Hồng quân đi gặp bọn phát xít”.

          Smyslov và Dyatlenko được chỉ dẫn bởi tướng Malinin, tham mưu trưởng, và sau đó là bởi chính thân Voronov. Ai cũng hiểu rằng Stalin đang theo dõi họ sát sao qua cái cách mà các vị tướng hỏi hai sứ giả rằng họ có hiểu đầy đủ những chỉ thị từ Moscow không. Sự thật là không ai biết rõ về lề luật và lễ nghi của một chuyến đi sứ. Dyatlenko thú nhận rằng kiến thức duy nhất của anh ta về việc này là từ vở kịch Nguyên soái Kutuzov của Solovyov.

           “Này các chú” Voronov hỏi:

           “Các chú hiểu rõ nhiệm vụ chưa

           “Chúng tôi rõ, báo cáo đồng chí đại tướng”.

          Cả hai đồng thanh hô.

          Rồi tướng Malinin lệnh cho phụ trách quân nhu của Phương diện quân trang bị cho hai viên sỹ quan ấy những bộ quân phục oách nhất có thể. Quân Đức phải bị gây ấn tượng. Viên sỹ quan hậu cần hứa sẽ cho họ “ăn mặc đẹp như chú rể” và lấp lánh “như một pháp sư”. Với sự hỗ trợ của Voronov, tất cả các sỹ quan phụ tá của các tướng lĩnh thuộc Phương diện quân có mặt ở ban hậu cần. Viên sỹ quan quân nhu yêu cầu tất cả họ cưởi quần áo ra để Dyatlenko và Smyslov có thể thử quân phục, giày vớ. Rồi nhanh chóng sau đó hai vị sứ giả lên một chiếc Willy cùng với Đại tá Vinogradov. Nơi đến của họ, được cho biết là nhà ga Kotluban ở khu vực Tập đoàn quân 24.

         Các đơn vị Nga trong khu vực nhận được lệnh ngừng bắn từ lúc chạng vạng. Rồi, trong cả đêm, những chiếc loa công suất lớn của Hồng quân liên tục phát ra một thông điệp do nhóm chống phát xít của Ulbrich chuẩn bị, nói với quân Đức về chuyến đi sứ sắp đến.

          Bình minh ngày hôm sau, ngày 8 tháng Giêng, hỏa lực tạm ngưng. Smyslov và Dyatlenko, cùng với một hạ sỹ mang theo cờ trắng và một cây kèn trumpet ba-nốt. “Đó là một sự yên lặng bất bình thường trên vùng tuyết phủ trống trải” khi họ tiến lên đến chiến hào sau cùng. Viên hạ sỹ nâng kèn lên thổi “Chú ý! Chú ý! Mọi người lắng nghe!”. Rồi họ đi lên chừng một trăm thước, khi đó có tiếng súng vang lên. Ba người bọn họ buộc phải nằm chúi xuống sau một bức lũy thấp bằng tuyết do những nhóm trinh sát Nga làm trong chuyến tuần đêm. Những bộ quân phục “chú rể” nhanh chóng kém vẻ sáng sủa đi, và họ cũng bị bớt đi sự bảo hộ khỏi cái lạnh kinh hoàng.

          Khi tiếng súng tắt, Smyslov và Dyatlenko nhỏm dậy và thận trọng tiến tiếp. Viên hạ sỹ cũng đứng dậy, vẫy cờ và thổi kèn. Một lần nữa, quân Đức lại khai hỏa, nhưng không bắn thẳng vào họ. Rõ ràng là họ muốn ép đoàn sứ giả lui về. Sau vài lần cố gắng nữa, Vinogradov lo lắng gửi thông điệp gọi họ về (Sau này thống chế Paulus tuyên bố rằng không hề ra lệnh bắn vào cờ sứ giả Nga, nhưng có lẽ Schmidt đã làm thế).

          Smyslov và Dyatlenko trở lại Sở chỉ huy Phương diện quân để báo cáo, và xấu hổ vì nhiệm vụ thất bại.

         “Tại sao lại cúi mặt hả, đồng chí?

         Voronov hỏi:

         “Tình hình như thế không phải là do chúng ta, vốn yêu cầu chúng chấp nhận đề nghị của ta, mà ngược lại. Nên chúng ta sẽ dội hỏa lực xuống thêm nữa, để rồi chính chúng nó sẽ phải van xin”.

         Rồi trong cả đêm ấy, máy bay Nga lượn trên các vị trí quân Đức và thả truyền đơn in tối hậu thư gửi Paulus và một thông điệp gửi đến “Sỹ quan, hạ sỹ quan và binh sỹ Đức”, ký bởi Voronov và Rokossovsky.

        Và để nhấn mạnh thông điệp “họ cho đi kèm chữ nghĩa với bom”. Đài phát thanh Hồng quân cũng phát sóng bài nói, được Erich Weinert đọc trên các tần số dùng nhiều bởi quân Đức và đa số các điện đài viên Đức biết. Truyền đơn chắc chắn được đọc. Như một đại úy thuộc sư đoàn bộ binh 305 (Đức) thú nhận sau khi bị bắt rằng từ sỹ quan đến lính đều bí mật đọc truyền đơn Liên Xô, cho dù có những hình phạt, “bởi trái cấm bao giờ cũng ngọt”. Đôi khi họ còn đưa những truyền đơn viết bằng tiếng Nga cho một tay Hiwis tin cậy và nhờ dịch. “Mọi người đều biết về tối hậu thư” anh ta nói.

         Smyslov và Dyatlenko ngủ được chỉ một đôi giờ tại sở chỉ huy Phương diện quân trước khi họ bị đánh thức vào đâu đó lúc nửa đêm. Một chiếc xe tham mưu đậu bên ngoài chờ họ khi họ mặc lại bộ quân phục cũ của mình (vì các ADC- sĩ quan phụ tá - đã đòi lại đồ của mình). Lúc đến ban tình báo, họ được biết đại tá Vinogradov được vinh thăng thiếu tướng còn họ được nhận huân chương Cờ đỏ. Vinogradov pha trò rằng ông được lên cấp vì “tất cả quần ông ta mặc làm việc đã mòn rách rồi”, và bảo thêm với Smyslov cùng Dyatlenko rằng họ có thể nhận được một huân chương cao quý hơn nếu họ có thể hoàn thành được nhiệm vụ trong lần nỗ lực thứ hai này.

           Hai viên sứ giả lại được bảo lên xe với Vinogradov cùng viên sỹ quan được chỉ định thay ông ở vị trí Trưởng ban tình báo. Khi họ đang đi trong màn đêm lần nữa, hai viên tướng mới được thăng hát hò và “ngắt lời nhau bằng những giai thoại về tướng lĩnh” (Dù nguồn tin đáng tin cậy từ Dyatlenko không nói rằng họ đang say rượu, nhưng rõ ràng họ đang chúc tụng sự thăng thưởng của mình). Giai điệu bài hát bị đứt quãng liên tục bởi chiếc xe tròng trành băng qua những ổ gà dọc con đường bẩn thỉu lạnh giá. Đó là một chuyến đi dài dọc theo phía nam Kessel, băng qua bờ tây sông Đôn rồi ngoặc lại qua Kalach đến khu vực của tập đoàn quân 21. Chỉ trước bình minh một tý, họ đến được sở chỉ huy sư đoàn bộ binh 96, chỉ vài dặm ở phía tây Marinovka.

         Khá giống như các tử tù, Smyslov và Dyatlenko được cấp một bữa ăn sáng với “khẩu phần Narkom [khẩu phần cấp bộ trưởng]”. Sau đó Vinogradov chấm dứt liều doping thứ hai và bảo họ sẵn sàng. Rồi đột nhiên họ hiểu rằng họ phải đưa trả cây cờ trắng cho sỹ quan hậu cần ở sở chỉ huy Phương diện quân. Một cây mới được làm, dùng một tấm ga trải giường của tư lệnh sư đoàn đính chặt vào một cành cây keo.

         Một chiếc xe đưa họ đến chiến tuyến và đỗ lại trong một balka, từ đó cả đội đi bộ lên phía trước. Tham gia cùng Smyslov và Dyatlenko là một chuẩn úy già, với cây kèn trumpet, ông ta tự giới thiệu: “Trung đội trưởng trung đội quân nhạc Siderov”. Một thiếu úy cũng đi lên để giúp họ vượt qua bãi mìn – “bởi mạng sống của tôi không đáng quí bằng các anh” anh ta giải thích


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 20 Tháng Bảy, 2015, 06:42:15 pm
          Cả ba sứ giả mặc vào bộ quân phục ngụy trang ngay trước chiến hào tiền duyên, và bắt đầu băng qua dải đất trắng toát mờ mờ trong sương mù đậm đặc. Có chừng hai tá mô tuyết phía trước, đó chính là các thi thể chết cứng. Tướng Vinogradov cùng hai viên tướng khác leo lên một chiếc xe tăng Nga bị cháy để quan sát hoạt động. Siderov nâng cây trumpet. “Chú ý! Chú ý!”, âm thanh này nghe trong tai Dyatlenko như bài “Điểm cuối!”.

           Khi họ đến gần hơn tuyến quân Đức, họ thấy có những bóng người chuyển động. Trông có vẻ như các boongke và chiến hào tiền duyên đang được tăng viện. Siderov vẫy lá cờ trắng và thổi kèn giục giã lần nữa. “Các ông muốn gì” một chuẩn úy Đức hỏi:

           “Chúng tôi là sứ giả Hồng quân” Dyatlenko hét to trả lời bằng tiếng Đức:

           “Chúng tôi đến để gửi thông điệp cho tư lệnh của các ngài. Chúng tôi yêu cầu tiếp nhận chúng tôi theo các điều luật quốc tế”.

           “Đến đây đã” anh ta trả lời.

          Vài cái đầu nhô lên và chỉa súng về phía họ. Nhưng Dyatlenko từ chối đi lên cho đến khi có trả lời từ cấp sỹ quan. Cả hai bên trở nên e dè trong một thời gian dài chờ đợi. Rốt cuộc, viên chuẩn úy cũng bắt đầu đi về phía sau để tìm đại đội trưởng. Ngay khi anh ta vừa đi, lính Đức đứng dậy và bắt đầu đùa cợt. “Rus! Kom, komm!” họ gọi. Một tay lính, lùn, bó mình trong cả đống giẻ, trèo lên bờ công sự và diễn một trò ngốc. Hắn nhại theo kiểu opera. “Ta là sỹ quan” hắn hát.

           “Tôi biết anh là kiểu sỹ quan gì

           Dyatlenko độp lại, và lính Đức cười ngặt nghẽo. Đám bạn tay hề đó nắm gót và lôi hắn trở lại chiến hào. Smyslov và Siderov cũng cười.

           Sau cùng, viên chuẩn úy cũng quay lại, đi cùng với ba sỹ quan. Người cấp cao nhất trong số đó nhã nhặn hỏi họ muốn gì. Dyatlenko giải thích nhiệm vụ, và hỏi xem họ có được tiếp nhận theo các quy tắc quốc tế với sự đảm bảo an toàn cho họ. Sau đó là những thỏa thuận chi tiết rắc rối – theo đó họ phải cưởi bỏ trang phục ngụy trang và bị bịt mắt – trước khi được đưa lên. Sau khi hai nhóm sỹ quan chào nhau, Smyslov đưa ra chiếc cặp vải dầu gửi đến Đại tướng Paulus. Các sỹ quan Đức thì thào với nhau đầy căng thẳng. Rồi một viên thượng úy đồng ý đưa các đại diện phía Sô viết đến gặp trung đoàn trưởng của họ. Những chiếc băng mắt được làm bởi sỹ quan quân nhu phương diện quân ngày hôm qua được đưa trả lại với lá cờ trắng, và họ phải dùng tạm bằng khăn tay và thắt lưng. Còn những gì Siderov có là chiếc áo cánh từ bộ đồ ngụy trang để dùng, và dùng nó thắt quanh đầu, cánh lính Đức trong hầm hào nhìn ra cười rộ lên. “Người Bedouin! Người Bedouin!” họ réo.

           Viên thượng úy dẫn tay Dyatlenko đi. Sau vài bước anh ta hỏi “với nụ cười trong giọng nói” rằng thông điệp gửi cho Paulus nói gì vậy. “Rằng chúng tôi phải đầu hàng à?

          “Tôi không được biết” Dyatlenko trả lời theo thể thức quân đội Nga hoàng. Rồi họ đổi chủ đề.

         “Cho tôi biết” viên thượng úy hỏi:

         “Có phải một nhà văn Đức tên Willi Bredel đang ở Platonovsky không? Anh ta nói chuyện với quân lính của tôi qua sóng phát thành chừng mười hay mười bốn ngày nay. Anh ta khẩn khoản bảo họ đầu hàng và hứa sẽ đảm bảo mạng sống cho họ. Dĩ nhiên là quân tôi cười nhạo anh ta. Nhưng có thật là anh ta ở đây không? Theo khẩu âm thì rõ ràng anh ta là người Hamburg. Nhưng đó chính là người thật hay chỉ là ghi âm lại giọng nói?

         Dyatlenko kéo dài việc trả lời. Thật sự Bredel là một trong những người Đức đang hoạt động trong bộ phận của anh, và anh biết anh ta rất rõ. Nhưng nếu Dyatlenko cho biết bất kỳ chỉ dấu nào thì viên thượng úy kia sẽ nhanh chóng hiểu ngay cái “loại công việc thực chất” mà anh đang làm. Một kế hoạch nghi binh không định trước chợt lóe ra trong phút chốc. Lớp băng tuyết mà họ đang đi không bằng phẳng do đạn pháo và đồng thời trơn bóng do những đôi ủng cuốn ghẻ qua lại bao lần. Dyatlenko ngã xuống kéo theo viên thượng úy. Nghe thấy có sự biến, Smyslov vội la lên cảnh báo. Nhưng Dyatlenko đã trấn an anh ta và xin lỗi viên thượng úy. Dyatlenko không có chút e ngại nào khi thi hành kế đó.

          “Hàng ngàn tù binh chiến tranh đã qua tay tôi”.

          Sau này anh viết lại “nên tôi đủ hiểu tâm lý của ho, và tôi biết rằng họ sẽ không hại tôi”.

           Lính Đức đến kéo hai người bị ngã lên và bị trượt chân lúc quay về, tạo hành một hàng người nằm sóng xoài. Dyatlenko so sánh hình ảnh này với một trò chơi trẻ con Ukraina tên là “một đống nhỉ thì quá nhỏ: ai cần đứng đầu”.

           Viên thượng úy vẫn nhớ câu hỏi của mình khi chuyến hành quân của những người bị bịt mắt bắt đầu lại, anh quay lại câu hỏi về Bredel. Dyatlenko còn lâu mới nói thật. Anh bảo rằng anh có biết cái tên đó bởi đã đọc vài quyển sách của ông ta. Cuối cùng, viên thượng úy thông báo rằng họ sẽ đến nơi sau vài bước nữa.

....................................... 


                               NHẬT LỆNH TIẾP TỤC KHÁNG CỰ
                            - ORDER TO CONTINUE RESISTANCE

         Mùng 9 tháng 1, 1943

         (Tuyên bố trước toàn thể các đơn vị cho đến tận cấp đại đội - To be announce in all units down to the company''s level)

          Gần đây, quân Nga đang tiến hành rất nhiều nỗ lực để bắt đầu đàm phán với ban chỉ huy Tập đoàn quân hoặc với ban chỉ huy các đơn vị trực thuộc - Recently Russians were undertaking numerous attempts to start negotiations with Army command or with command of subordinate divisions.

        Rõ ràng, đó chính là điều chúng muốn. - It''s clear, what they want.

       Chúng muốn bẻ gãy ý chí kháng cự của chúng ta bằng nhiều kiểu hứa hẹn và đảm bảo. - They want to breake our will to resist by various promises and assurances.

       Tất cả chúng ta đều biết rõ điều gì đang đợi chúng ta, nếu chúng ta đành hạ vũ khí. - We all know what will be waiting us, if we lay down our weapons.

        Hầu hết chúng ta sẽ chết hoặc dưới làn đạn thù, hoặc vì đói và những chịu đựng khủng khiếp ở xứ Siberia tù đày, - Most of us will die either from enemy''s bullet, or from famine and suffering in the dreadful Siberian captivity.

       Chỉ có một điều chúng ta đã rõ: những ai đầu hàng sẽ không bao giờ được gặp lại người thân của mình. - Only this is clear: those who will surrender, never will see their relatives again.

       Chúng ta chỉ có 1 chọn lựa: chiến đấu tới viên đạn cuối cùng, không đếm xỉa tới giá rét và đói khát. - We have only one option left: to fight till the last cartridge, despite of cold and hunger.

        Mọi đề nghị phải bị từ chối, và các nhóm đàm phán phải bị chặn lại bằng đạn lửa. - All offers were rejected, and truce envoys were fended off by fire.

         Còn chúng ta sẽ vững vàng tiếp tục cuộc chiến mà chúng ta đã bắt đầu, cho tới khi có được những chỉ đạo mới. - And we shall firmly continue the fight we started, until it has guidance.


                                                             Paulus
                            Source: Central Archive of the FSB, Russian Federation,
                                                        14-5-173, p. 173

......................................


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Bảy, 2015, 07:05:29 am
         Khi băng bịt mắt được tháo ra, ba sứ giả thấy mình đang ở trong một căn hầm kiên cố ken bằng thân cây. Dyatlenko chú ý tới hai bao chứa ngũ cốc đầy bùn nâu mà họ đang cố làm khô. “Thứ đó dành cho bọn mi đấy, lũ rắn độc” Dyatlenko nghĩ “Bọn mi đốt tháp ngũ cốc ở Stalingrad và giờ bọn mi phải đào kiếm thức ăn ở dưới tuyết”. Anh ta cũng quan sát những tấm thiếp màu và những giấy trang trí Giáng sinh vẫn còn ở đó.

          Một sỹ quan cao cấp Đức bước vào và yêu cầu được biết cấp thẩm quyền nào ra lệnh cho nhiệm vụ của họ. “Bộ tư lệnh tối cao Hồng quân” Dyatlenko đáp. Thế là viên sỹ quan cao cấp rời khỏi căn hầm, có thể đoán chừng là đi gọi phôn. Khi không có mặt viên đại tá, các sỹ quan Đức và Dyatlenko tán chuyện về lễ Giáng sinh. Rồi sau đó về súng lục và khẩu Tokarev của Dyatlenko mà cánh Đức hâm mộ. Anh ta nhanh chóng đưa nó ra bởi các sứ giả Nga biết, với sự ngượng ngùng ghê gớm, rằng theo lề luật quốc tế họ phải bỏ lại đằng sau các vũ khí cá nhân.

          Để duy trì không khí thân ái thần tiên đó, Siderov mở một bao thuốc lá Lux – loại mà Dyatlenko gọi là “thuốc lá tướng quân” – mà họ được đặc cấp có nhằm tạo ấn tượng với phía Đức. “Với thái độ chững chạc, Siderov đưa gói thuốc cho phía Đức như thể anh ta cả đời hút loại thuốc hạng nhất này chứ không phải là makhoka”.

          Anh ta cũng bảo Dyatlenko dịch cho họ nghe rằng "đây là cuộc chiến thứ ba mà anh tham gia: anh ta đã chiến đấu trong cuộc chiến đế quốc, nội chiến và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại”  Dyatlenko lo là anh ta sẽ nói thêm “chống bọn phát xít Đức xâm lược”, nhưng thực ra Siderov chỉ cười và bảo: “Trong cả ba cuộc chiến đó tôi chưa từng có cơ hội được nói chuyện một cách hòa bình với quân địch”.

         Các sỹ quan Đức đồng tình và thêm vào rằng cái nhóm nhỏ này hiện chứa những con người hòa bình nhất cả mặt trận. Sau đó cuộc nói chuyện gần như dừng lại. Trong sự yên lặng tiếp theo, họ nghe thấy tiếng hỏa lực nặng. Cánh Nga lo sợ. Một sỹ quan Đức phóng vụt ra ngoài hầm để xem việc gì. Anh ta quay lại và buộc tội: “Do bên các ông”. May thay, tiếng súng ngưng ngay (các sứ giả sau này phát hiện ra rằng đó là các khẩu đội phòng không Nga không giữ nổi sự cám dỗ khi thấy máy bay vận tải Đức xuất hiện ngay trên đầu).

          Sự căng thẳng dâng cao trong suốt thời gian dài chờ viên đại tá trở lại. Nhưng khi ông ta đến, không có điều gì cho thấy có chiếc xe nào được gửi từ sở chỉ huy Tập đoàn quân VI xuống. Ông ta, theo cách viết của Dyatlenko “nét mặt rất khác – như một con chó bị đòn”. Các sỹ quan cấp thấp, đoán được điều gì xảy ra, đứng thẳng người “như thể tuyên bố này là cho cả bọn họ

        “Tôi được lệnh” viên đại tá thông báo cho phía Nga “không đưa các ông đi đâu, không hộ tống, không nhận bất kỳ thứ gì, chỉ bịt mắt các ông lại, dẫn về phía sau, trả lại vũ khí và đảm bảo các ông về an toàn.

          Dyatlenko phản ứng rất trôi chảy. Anh ta đề nghị, dù nó ngược lại với chỉ thị, rằng được giao cặp giấy dầu cho một sỹ quan đặc biệt có thẩm quyền nhận.

         “Tôi được lệnh không nhận bất kỳ thứ gì từ các ông”

         Viên đại tá Đức đáp lại.

        “Chúng tôi đề nghị ông viết rõ trên đó rằng ông, theo chỉ thị thượng cấp, từ chối nhận thư gửi cho tư lệnh của ông”.

          Nhưng viên đại tá từ chối không đụng cái chiếc cặp. Không được gì, Smyslov và Dyatlenko kết luận, nhưng cũng cho phép họ bịt mắt lại và hộ tống về phía sau. Cũng chính tay thượng úy ấy đưa Dyatlenko về.

         “Anh bao nhiêu tuổi”

         Dyatlenko khe khẻ hỏi khi họ bắt đầu đi

         “Hai mươi bốn” anh ta trả lời.

         Vậy là họ chỉ cách nhau có vài tuổi.

        “Cuộc chiến này giữa hai dân tộc chúng ta là một sai lầm thảm thương”.

         Dyatlenko nói sau khi ngừng một chút:

         “Nếu nó có thể kết thúc sớm sau này, và thật là tốt nếu tôi và anh có thể gặp nhau vào ngày đó, phải không?

          “Trong tim tôi không có chỗ cho ảo tưởng

         Viên thượng úy Đức nói:

        “Bởi trước khi kết thúc tháng này, cả tôi và anh đều chết cả rồi”.

        “Có phải phía Đức các anh nghĩ rằng nước Nga sẽ để các anh có một mùa đông yên ổn trong hầm hào ấm áp?”. Dyatlenko hỏi?

         “Không, có thể rút kinh nghiệm của mùa đông năm trước rằng phía anh sẽ tấn công. Nhưng không ai đoán được mức độ cũng như cách thức nó diễn ra

        “Lúc nãy anh bảo rằng quân anh cười nhạo lời yêu cầu của Willi Bredel”.

         Với sự tò mò mang tính nghiệp vụ, Dyatlenko không thể kháng cự nổi việc bỏ qua chỉ lệnh rằng phải tránh chủ đề này:

         “Nhưng không phải ông ta nói đúng về tình cảnh vô vọng của các anh? Đề nghị của ông ta không đủ nghiêm túc sao?

          “Mọi thứ ông ý nói đều đúng”.Viên thượng uý đáp:

          “Nhưng đừng quên một điều. Khi cuộc chiến giữa hai thế giới quan còn tiếp diễn, không thể thuyết phục quân thù bằng cách ném vài từ qua bên kia chiến tuyến”.

           Khi đến chiến hào, băng mắt của ba sỹ quan Nga được tháo ra. Súng ngắn và trang phục ngụy trang cũng được trả lại. Hai nhóm sỹ quan đứng đối diện nhau chào, rồi phía Nga, dưới lá cờ Siderov vẫy, trở về “qua vùng tuyết trắng lặng lẽ” đến chỗ tướng Vinogradov, vốn vẫn chờ họ nơi chiếc xe tăng cháy.

           Vinogradov dẫn họ về lại balka. Viên chỉ huy trinh sát sư đoàn không để tốn thời gian. “Nào Siderov” anh ta bảo “vẽ nhanh lại cho tôi bản đồ phòng thủ của chúng”. Hai sứ giả còn lại theo họ vào trong hầm đào bên ngách vách núi và nhìn “anh bạn già của chúng tôi người đã nói chuyện hết sức hòa bình với quân địch” sẽ lại sơ đồ bố trí hỏa lực của chúng một cách hoàn hảo. “Tôi không biết anh ta có được giao nhiệm vụ này ngay từ đầu không” sau này Dyatlenko viết lại “hay đó chỉ là một kỹ năng của anh ta, nhưng nó cho thấy anh ta có thể nhớ hết mọi thứ”.

           Sau đó Dyatlenko và Smyslov trở về lại sở chỉ huy phương diện quên trên chiếc Willy cùng với hai vị tướng “mệt mỏi và buồn bã” bởi nhiệm vụ của họ bất thành và vì nhiều người nữa phải chết không mục đích.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 21 Tháng Bảy, 2015, 05:27:42 pm
                                                                                   XX


                                                                                CẦU KHÔNG VẬN


 
             “Mây mù treo thấp” Hans Dibold, một bác sỹ thuộc sư đoàn bộ binh 44 viết “gần như chạm đầu người. Và trên trần mây đó, tiếng động cơ của một chiếc máy bay vận tải không nhìn thấy rền rĩ cô độc”.

             Thuật ngữ “cầu không vận” hiếm khi được dùng trong kịch bản chiến dịch. Ý tưởng về một mối liên kết bền vững trên đầu người Nga làm hài lòng những kẻ ảo tưởng đang xem bản đồ, biểu đồ ở Berlin và Rastenburg. Rồi đột nhiên Hitler yêu cầu có thông tin, thế là mọi vị tướng, mọi sỹ quan tham mưu ráng có số liệu trong tay, họ làm phiền chỉ huy các sân bay để đòi những bảng thống kê, bảng nhật ký nhiệm vụ mới nhất. Sự nhiễu loạn cưỡng ép từ thượng cấp này chỉ làm mọi thứ tồi tệ thêm. Các tướng lĩnh không lực Đức (Luftwaffe) vì đã lỡ tuân theo lệnh Hitler về việc cung cấp hậu cần cho tập đoàn quân 6 bằng không vận, nên đã bố trí cả những chiếc Ju-86, một loại máy bay dùng cho huấn luyện, hoàn toàn không phù hợp nhiệm vụ để làm cho con số có vẻ tốt hơn. Ngay cả việc sử dụng tàu lượn cũng được đưa vào tầm ngắm cho đến khi mọi người nhận thấy chiến đấu cơ của Nga sẽ dễ dàng bắn hạ chúng.

           Sự hỗn loạn còn do việc các tư lệnh không quân ở hậu phương chuyển lên phía trước những chiếc Junker 52 trước khi chúng được cải tiến cho phù hợp với hoạt động trong mùa đông, mà chỉ đơn giản là biểu diễn cho thấy họ đã đáp ứng lời kêu gọi của Quốc trưởng nhanh chóng. Hàng đống máy bay vận tải chuyển đến mà không có báo trước cũng góp phần làm lộn xộn thêm, đặc biệt bởi nhóm điều hành không vận không không ở địa vị điều khiển. Lúc cuối tháng Mười một, tướng Fiebig và phòng tham mưu quân đoàn không quân VIII chịu trách nhiệm chung, và tình hình cải thiện nhiều, dù những sai lầm mang tính cơ bản của dự án đã xác định là nó hỏng ngay từ đầu.

           Tướng von Richthofen cảnh báo rằng họ cần sáu phi trường đủ kích thước trong Kessel, chứ không phải chỉ một, cùng những đội phục vụ mặt đất đã được huấn luyện. Sự lo ngại của ông về việc thiếu đường băng cũng được xác nhận nhanh chóng trong điều kiện thời tiết xấu. Ngày ổn nhất là ngày 19 tháng Mười hai, khi có 154 chuyến hạ cánh cùng 289 tấn hàng, nhưng những ngày tốt như vậy rất hiếm. Không chỉ do thời tiết. Mà còn vì phi trường Pitomnik lôi kéo sự quan tâm của kẻ địch, máy bay bị bắn hạ, bị rơi thường xuyên làm phi trường bất khả dụng trong những khoản thời gian ngắn. Phần xác kim loại bị cháy được đẩy ra ngoài bãi tuyết bên cạnh đường băng, hình thành một “nghĩa địa máy móc trải dài”. Việc hạ cánh ban đêm nguy hiểm bội phần. Những khẩu đội phòng không ở Pitomnik hầu như không thể cân bằng vấn đề. Bởi họ cần phải sử dụng đèn pha để rọi tìm máy bay ném bom Liên Xô, nhưng những chùm sáng đó là cơ sở tốt cho pháo binh Nga nhận mục tiêu.

         Các tổ lái không quân Đức cực kỳ căng thẳng. “Các tổ lái trẻ, ít kinh nghiệm sốc nặng” trước cảnh tượng ở Pitomnik, hơn hết là hình ảnh thương binh trong điều kiện khốn khổ nằm chờ bên cạnh đường băng để được di tản, và những đống thi thể cứng đờ từ bệnh viện dã chiến bỏ ra, bởi mặt đất bị đông cứng không thể chôn được.

          Dù Tập đoàn quân VI biết ơn trước nổ lực của không lực Đức, nhưng những lần cáu tiết cũng không thể tránh khỏi. Khi một kiện hàng được mở ra và thấy chỉ có chứa cây kinh giới ô và hạt tiêu, trung tá Werner von Kunowski, sỹ quan quân nhu Tập đoàn quân VI, nổi nóng: “Đồ con lừa nào chịu trách nhiệm về kiện hàng này?”. Một sỹ quan đi cùng đùa rằng ít ra tiêu cũng có thể dùng được trong cận chiến.

           Sau trận tấn công của phía Sô viết vào sân bay Tatsinskaya, phi đoàn vận tải bị giảm sút nghiêm trọng, khối lượng máy bay có thể phục vụ ít đi nhiều. Đồng thời, phi trường Ju-52 mới ở Salsk cách Pitomnik hơn 200 dặm, khoản cách gần bằng tầm hoạt động tối đa, nên những máy bay nào động cơ ăn xăng nhiều không thể sử dụng. Trong sự liều lĩnh tuyệt vọng, vài chiếc máy bay bốn động cơ lớn nhất của không lực Đức – FockeWulf 200 Condor, sức tải 6 tấn và Junker 200 có thể xoay sở tải đến 10 tấn – được đưa vào sử dụng, nhưng chúng mỏng mảnh và không vững chắc như những chiếc “Tante Ju” ba động cơ. Rồi khi Salsk bị đe dọa, những chiếc Ju-52 còn lại chuyển lên hướng tây bắc đến Zverevo, phía bắc Shakhty. Phi trường mới này chỉ có một đường băng phủ đầy tuyết trên một vùng đất nông nghiệp trống trải. Không có nhà ở, nên những đội phục vụ mặt đất, đội điều hành và cả phi hành đoàn phải sống trong những túp lều, rạp dã chiến.

           Khi tuyết trở thành vấn đề lớn trên không trung, thì trên mặt đất, động cơ cũng trở nên khó khăn hơn để khởi động. Tuyết rơi dày, thường xuyên làm phi trường phải ngưng hoạt động, ngay cả máy bay cũng phải được đào ra từ những đống tuyết tích tụ. Việc phòng không rất tệ ở Zverevo, và trong ngày 18 tháng Giêng, máy bay ném bom, tiêm kích Liên Xô đã tấn công 18 lần chỉ trong một ngày, phá hủy được 50 chiếc Ju-52 trên mặt đất. Đây là một trong khá ít những chiến dịch hữu hiệu của Không quân Nga, do phi công của họ vẫn thiếu tin cậy.

           Tướng Richthofen và Fiebig hiểu ngay từ đầu là họ không có sự chọn lựa nhưng phải làm những gì tốt nhất có thể cho cái nhiệm vụ bất hạnh này. Họ chẳng mong được cấp trên hiểu. “Lòng tin của tôi vào lãnh đạo tụt nhanh chóng xuống dưới mức zero” Richthofen bảo với tướng Jeschonnek, tham mưu trưởng không quân Đức vào ngày 12 tháng Mười hai. Một tuần sau, khi nghe Goering báo với Hitler rằng tình hình cung cấp hậu cần ở Stalingrad là “không quá tệ”, ông đã viết trong nhật ký: “Ngoại trừ một sự thật là nó sẽ rất tốt cho cái thân béo ị của ông ta, nếu ông ta ở trong vòng vây một thời gian ngắn. Tôi chỉ có thể tóm lại là những báo cáo của tôi hoặc không được đọc hoặc không được tin

           Trong khi Goering chẳng làm gì để hạn chế tính phàm ăn của mình, thì tướng Zeitler, trong một cử chỉ thể hiện tình đoàn kết với các đơn vị bị thiếu đói ở Stalingrad, đã giảm khẩu phần ăn của mình xuống bằng mức của họ. Theo Albert Speer, ông ta mất 12 ký lô trong vòng hai tuần. Hitler, khi nghe được tin về vụ ăn uống này từ Martin Bormann, đã lệnh cho ông ta trở lại khẩu phần thông thường. Và như một cử chỉ nhượng bộ.

           Hitler cũng ra lệnh cấm sâm panh và rượu ở các văn phòng của Quốc trưởng nhằm “vinh danh những anh hùng Stalingrad”.

           Phần lớn thường dân Đức chẳng biết rằng thất bại chung cuộc của Tập đoàn quân VI đã đến gần như thế nào. “Em mong rằng anh sẽ thoát khỏi vòng vây sớm” một thiếu phụ viết cho anh lính, bạn tâm thư của mình vào giữa tháng Giêng “và khi anh đó, chắc anh sẽ được cho nghỉ phép”. Ngay cả lãnh đạo Đảng Quốc Xã ở Bielefeld cũng viết lúc giữa tháng Giêng cho tướng Edler von Daniel để chúc mừng ông mới có con trai, được thăng cấp cùng Chữ thập Hiệp sỹ và bảo rằng ông ta mong sẽ gặp lại tướng Daniel “sớm trở về giữa chúng tôi”.

           Cái không khí hão huyền tràn ngập trong khối lãnh đạo cao cấp nhất của chính phủ tại Berlin. Speer, người cực kỳ lo lắng về tình hình của Stalingrad, đi cùng với vợ mình, “cô ấy như mọi người khác vẫn tin rằng không có điều gì xấu xảy ra”, đến một buổi diễn vở opera Cây sáo thần. “Nhưng khi ngồi trong lô của mình, trong những chiếc ghế bành êm ái giữa những khán giả ăn mặc lộng lẫy, tất cả làm tôi nghĩ đến những gì tương tự với đám đông tại nhà hát kịch Paris năm ấy, khi Napoleon rút chạy khỏi nước Nga, và giờ cũng chính là điều đang xảy ra với quân ta”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 22 Tháng Bảy, 2015, 05:56:03 pm
            Thế là ông ta chuồn về văn phòng bộ, tìm quên với công việc và cố triệt tiêu cái “cảm giác tội lỗi ghê gớm” với em mình, một binh nhì thuộc Tập đoàn quân VI ở Stalingrad.

             Mới đây, bố mẹ Speer hoảng hốt gọi phone cho ông ta. Họ vừa nghe rằng cậu út Ernst đang nằm ở “một trạm phẫu dã chiến sơ sài” đặt trong một chuồng ngựa, “tạm gọi là có mái mà không có vách”, cậu đang bị sốt vàng da, phù chân và đau cật. Mẹ Speer nức nở trong điện thoại: “Con không thể làm gì cho em con sao!”. Còn bố ông thì nói: “Thật không thể tin rằng con, với chừng ấy quyền lực mà không làm được gì để cứu em con ra”.

             Cảm giác bất lực và có lỗi của Speer là sự hòa trộn giữa sự thật là năm ngoái, theo lệnh của Hitler, những quan chức cao cấp không được dùng ảnh hưởng của mình để tạo điều kiện cho bà con họ hàng, và việc ông đã phải lừa cậu em với lời hứa sẽ chuyển sang chiến trường Pháp sau khi chiến dịch kết thúc. Còn giờ đây, lá thư cuối cùng của Ernst từ Stalingrad nói rằng cậu ta không thể nằm đó, nhìn chiến hữu chết dần trong trạm phẫu. Nên cậu đã quay lại với đồng đội của mình ở chiến trường, dù với đôi chân sưng phù kệt cỡm và thể trạng bệnh tật.

            Trong vòng vây, khi Tập đoàn quân VI đợi trận tấn công sau rốt của quân Nga, thì những câu chuyện đồn đãi lan tràn không chỉ về một quân đoàn xe tăng SS đang tiến tới như Hitler đã hứa vào giữa tháng Hai, và còn về cả một sư đoàn được không vận vào trong Kessel để tăng cường phòng ngự.

            Nhiều tin đồn khác còn chẳng có chút căn cứ nào. Những cái đầu ngu dốt quả quyết rằng Tập đoàn quân xe tăng IV đã tiến sát chỉ còn cách tuyến của họ tầm hơn chục dặm, nhưng Paulus đã lịnh cho tướng Hoth không được tiến thêm nữa. Nhiều tay lính còn tự thuyết phục họ sau này rằng chính Paulus, theo một thỏa thuận mật với phe Nga, đã phản bội họ!!! Còn theo một câu chuyện khác thì “Bên Nga có một mệnh lệnh, rằng ai giết một phi công Đức [bị bắt] sẽ bị phạt nghiêm, bởi họ (các phi công Đức) rất cần cho việc lái máy bay vận tải ở sâu trong hậu phương, và phía Liên Xô đang thiếu các phi hành đoàn”.

             Tin đồn được gói gém và lan truyền đi trong những cộng đồng lạ lùng của họ, bất kể ở trong khu trại quanh sân bay hay giữa những hầm hào đục vào balkas trên thảo nguyên, túm tụm lại như một ngôi làng thời tiền sử. Nếu có chút củi nào để đốt trong bếp lò, thì khói sẽ cuộn lên từ những ống khói bé xíu được làm từ những lon đồ hộp rỗng xếp chồng lên nhau. Ván kê, bàn, và cả giường ngủ của người đã chết cũng bị chẻ ra là củi. Thứ duy nhất thay thế cho cái ấm áp thực thụ là mùi hôi hám, được tạo từ những thân thể quấn trong vải dầu, nhưng mọi người vẫn run rẩy không kiểm soát được.

             Nhưng so ra, hơi ấm này chẳng được là bao với việc khuấy động lũ rận rệp hoạt động và đưa chúng lây lan qua những lần gãi. Họ thường ngủ thành từng cặp trên một chiếc giường lính cùng một chiếc chăn phủ quá đầu trong một nỗ lực thống thiết để chia sẽ hơi ấm cho nhau. Dân số của các loài gặm nhấp bùng nổ nhanh chóng với nguồn thức ăn là xác người, xác ngựa. Trên thảo nguyên, lũ chuột nhắt trở nên phàm ăn đi tìm nguồn thực phẩm. Có một người lính báo cáo rằng chuột đã “ăn mất hai ngón chân bị lạnh cóng của anh ta” khi anh ngủ quên.

          Khi khẩu phần ăn đến, được chở trên xe trượt tuyết kéo bởi một con ngựa pony trơ xương, những thân hình cứng ngắc, vụng về quấn trong những lớp giẻ, tụ tập lại để nghe ngóng những tin đồn mới nhất. Không có chất đốt để đun tuyết ra tắm giặt hay cạo râu. Những gương mặt với gò má trũng sâu nhợt nhạt như sáp, lởm chởm – râu cũng sơ xác thảm hại vì thiếu Canxi. Cổ gầy nhẳng, khẳng khiu như các cụ già. Thân mình đầy rận. Việc tắm rửa hay có đồ lót sạch xa vời như một giấc mơ, và một bữa ăn đàng hoàng cũng vậy.

           Khẩu phần bánh mỳ hiện giảm xuống còn dưới 200gram mỗi ngày và thường không tới 100 gram. Những mẩu thịt ngựa được thêm vào món “canh toàn quốc” là từ các nguồn tự cung tại chỗ. Xác súc vật được bảo quản tươi bởi cái lạnh, nhưng nhiệt độ quá thấp làm cho thịt không thể cắt được bằng dao. Chỉ có những chiếc cưa của cánh công binh mới đủ mạnh.

           Cái lạnh cùng cái đói đã khiến người lính, khi không trong phiên gác, nằm ru rú trong hầm, để tiết kiệm năng lượng. Căn hầm là một nơi ẩn náu mà họ chẳng muốn rời đi. Thường, đầu óc họ trống rỗng bởi cái lạnh của huyết áp thấp, theo cả hai nghĩa thể chất lẫn tinh thần. Sách được chuyển quanh cho nhau đến khi bị rách nát hoặc mất trong bùn tuyết, nhưng đến giờ chẳng có mấy ai còn sức để đọc. Cũng như vậy mà các sỹ quan không quân Đức ở phi trường Pitomnik phải bỏ thú vui chơi bài xcat bởi không thể tập trung tinh thần. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, việc thiếu thức ăn không dẫn đến sự lãnh đạm mà đến những ảo ảnh điên khùng, tương tự như những người trong tích cổ nghe được giọng nói thần bí vì thiếu đói.

            Không thể ước tính số ca tự tử hay chết vì stress nơi chiến trường. Như đã đề cập, ở các quân đội khác, số lượng đó tăng cao kịch tích khi bị cắt đứt với hậu phương, và không một quân đội nào bị bao vây hơn Tập đoàn quân VI ở Stalingrad. Binh lính nói sảng điên dại trong hầm hào, vài người còn nằm tru lên. Nhiều người, có hành động thất thường đột ngột, phải được đồng đội chế ngự hoặc đánh ngất đi. Một số binh sỹ còn sợ việc phá vây và nổi điên với người khác như thể bị truyền nhiễm. Nhưng hồi chuông báo động lớn nhất nổi lên là khi một người lính bị bệnh có mũi nở to, môi đen xì và lòng trắng con mắt chuyển sang màu hồng. Nỗi sợ về bệnh sốt Ricketsia dường như lại giống lạ kỳ, như thể một trận dịch thời trung cổ.

          Cảm giác về cái chết đang tới gần cũng có thể kích động một cảm giác mãnh liệt về những gì họ sẽ mất đi. Những người mạnh mẽ thì bồn chồn mơ về hình ảnh của ngôi nhà, và nhỏ nước mắt lặng lẽ với suy nghĩ rằng sẽ không bao giờ gặp lại vợ con. Đa số trầm ngâm hồi tưởng những ký ức, hoặc chiêm nghiệm lại thế giới quanh họ, đặc biệt là đồng đội, với niềm thích thú mới. Vài người còn đa cảm tới mức cảm thấy có lỗi với những chú ngựa bị bỏ đói đang gặm một mẫu gỗ.

          Trong tuần đầu hoặc mười ngày đầu tháng Giêng, trước trận tấn công của Liên Xô diễn ra, binh lính ráng không để lộ tình trạng khốn khổ trầm trọng của họ trong các lá thư gửi về nhà. “Con nhận được một xị rượu vodka và mười ba điếu thuốc lá cho năm mới” một người lính tên Willy viết cho bố mẹ trong một lá thư không bao giờ đến được với họ “nhưng toàn bộ thức ăn mà con nhận chỉ là một mẩu bánh mỳ. Con chưa bao giờ thấy nhớ bố mẹ nhiều hơn hôm nay, khi chúng con ngồi hát bài Wolgalied. Ở đây con đang ngồi trong lồng – không phải làm bằng vàng mà bằng vòng vây của quân Nga”.

          Nhiều người lính còn ngụy trang sự thật xa hơn nhiều. “Bọn anh có thể tính đến việc mùa xuân sẽ sớm bắt đầu” một người lính tên Seppel viết về nhà. “Thời tiết vẫn tệ, nhưng vấn đề chính là anh vẫn khỏe và có một cái lò sưởi tốt. Lễ Giáng sinh đã đi qua an lành”. Tuy vậy, những người khác không cố dấu cảm xúc của mình “Điều duy nhất còn lại trong anh là suy nghĩ về ba mẹ con em” một người lính viết cho vợ và con.

        Vài người liều lĩnh tìm lối thoát bằng giải pháp tự thương. Nhưng những ai dùng cách này không chỉ đối mặt với án tử hình. Mà ngay cả nếu không bị nghi ngờ, họ cũng sẽ đánh đu với tử thần từ chính hành động của họ. Bởi một vết thương nhẹ sẽ không đủ để có một vé bay ra khỏi “chiếc túi”. Một cú bắn vào tay phải thì quá lộ liễu, và do chỉ còn khá ít lính trận, nên vết thương phải ở dạng làm cho mất khả năng hoạt động thì mới được giải phóng khỏi nhiệm vụ chiến đấu. Nhưng đến khi trận tấn công sau chót của phía Soviet bắt đầu thì ngay cả chỉ “một vết thương nhẹ gây ảnh hưởng đến việc di chuyển thì trên thực tế là biểu hiện cho cái chết


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 23 Tháng Bảy, 2015, 12:30:51 pm
         Ngay từ đầu tháng Giêng, số lượng lính Đức đầu hàng không kháng cự hay đào ngũ sang phía địch gia tăng. Những kẻ đào ngũ là lính bộ binh ở tuyến đầu, chừng mực nào đó là do họ có nhiều cơ hội hơn. Nhưng cũng có những trường hợp các sỹ quan và binh lính từ chối khi được di tản ra, vượt quá sự anh dũng và hầu như ám ảnh bởi ý thức trách nhiệm. Trung úy Lobbecke, một đại đội trưởng xe tăng thuộc sư đoàn xe tăng 16, bị mất một tay trong trận đánh nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu mà không điều trị vết thương. Sư đoàn trưởng của ông không thể thuyết phục được ông đi điều trị. Rốt cuộc tướng Strecker phải ra tay.

          “Tôi yêu cầu được phép ở lại với lính của tôi” Lobbecke trả lời ngay “hiện nay tôi không thể rời bỏ họ khi cuộc chiến đang lúc căng thẳng”. Nhưng tướng Strecker, có lẽ vì nghe được mùi hôi, cho rằng phần tay cụt của Lobbecke đang bị nhiễm trùng. Nên ông đã ra lệnh cho viên trung úy lên máy bay ra khỏi vòng vây đến một bệnh viện ở hậu phương.

          Với những ca bị mất khả năng đi lại thật sự, hi vọng duy nhất để được chuyển đế một bệnh viện dã chiến là được lên một chiếc xe trượt tuyết hoặc xe cứu thương. Tài xế những chiếc xe này được nhìn nhận là “những anh hùng bánh thép”, bởi mức thương vong cực cao. Một chiếc xe chuyển động – và xe cứu thương nằm trong số rất ít được cấp xăng – ngay lập tức sẽ thu hút hỏa lực mặt đất hoặc hỏa lực không quân Nga.

          Những thương binh và bệnh binh có thể đi lại được, tự tìm đường về hậu phương. Nhiều người dừng lại để nghỉ chân và vĩnh viễn không bao giờ đứng dậy được nữa. Những người khác vẫn đến dù có thêm những thương tích tệ hại hoặc bỏng tuyết. “Một ngày nọ có ai đó gõ cửa hầm chúng tôi” một trung úy không quân nhớ lại lúc ở Pitomnik “ngoài đó là một anh lính già, thành viên tổ chức Todt tuyển dụng để sửa đường. Cả hai bàn tay của anh bị bỏng tuyết nghiêm trọng, và anh ta sẽ không bao giờ có thể dùng chúng được nữa”.

          Mà nếu đến được bệnh viện chính ở phi trường thì vẫn còn xa cho việc đảm bảo được di tản ra hoặc được điều trị trong một những căn lều lớn, nơi vẫn tránh được cái lạnh chút ít. Vết thương và bỏng tuyết chỉ là một phần nhỏ của lượng công việc, đang đe dọa chôn ngập các bác sỹ. Còn có dịch bệnh vàng da, bệnh lỵ và những loại bệnh khác, những bệnh này càng trầm trọng bởi việc thiếu ăn và thường xuyên thiếu nước, kể từ không còn nhiên liệu để đun tuyết. Các thương binh không hẳn là ít bị phơi ra trước các trận không kích của quân Liên Xô hơn hồi họ còn ở chiến trường. “Cứ mỗi nửa giờ, máy bay Nga lại tấn công sân bay” sau này một hạ sỹ báo cáo “Nhiều đồng đội vừa mới được cứu, và đã được chuyển lên máy bay, chờ cất cánh, đã mất mạng ở thời khắc sau cùng”.

           Việc di tản thương – bệnh binh bằng máy bay không thể dự báo trước được tương tự như những chuyến bay tiếp tế bay vào. Trong ba ngày, 19, 20 tháng Mười hai và ngày 4 tháng Giêng, có trên một ngàn người có được cơ hội cho mỗi ngày, nhưng tính trung bình tổng thể, bao gồm cả những ngày không có chuyến bay nào, thì từ 23 tháng Mười một đến 20 tháng Giêng, con số là 417 người.

           Việc lựa chọn người được lên máy bay không phụ thuộc mức độ nghiêm trọng của vết thương. Mà nó dựa vào một thứ tự xếp đặt tàn nhẫn do thiếu chỗ trên máy bay. “Chỉ có những thương binh nhẹ, có thể dự đi được, mới có cơ hội đi” một quan chức ngành thông tin kể lại “Chỉ có đủ chỗ cho chừng 4 chiếc cáng thương trong một chiếc Heinkel, nhưng có thể nhét đến gần 20 người còn đi được trong đó. Nên nếu bạn bị thương nặng, hoặc ốm nặng đến mức không di chuyển nổi, thì bạn coi như là cầm chắc cái chết” (Đoạn này mâu thuẫn với đoạn binh lính tự thương ở bên trên, cơ bản qua nhiều đoạn cũng thấy rõ được tâm ý thiên lệch của tác giả - TNL). Nhưng may mắn vẫn tồn tại. Như chính người quan chức này, đã xoay sở để kéo một NCO bộ binh, người đã nằm đó trên phi trường 3 ngày nay với một viên đạn cắm vào lưng, lên máy bay. “Tôi không bao giờ biết được bằng cách nào mà người này đến được phi trường”. Ông ta cũng đưa được một NCO khác, một chiến binh già bị sốt cao, lên máy bay.

         Quân cảnh, bị các sắc lính khác ghét cay đắng và được biết với cái tên “chó xích” bởi vòng giáp kim loại hình lưỡi liềm nối vào một đoạn xích đeo quanh cổ của họ, canh gác lối vào đường băng, kiểm tra giấy tờ từng phút để đảm bảo rằng không có kẻ giả bệnh nào lọt qua được. Rồi khi hy vọng được thoát ra tiêu tan trong tháng Giêng, họ phải dùng đến súng tiểu liên mỗi lúc một nhiều hơn để cản lại đám thương binh và giả thương binh.

          Những chiếc Focke-Wulf Condor bốn động cơ khổng lồ, vốn được dùng một ít trong tuần thứ hai của tháng Giêng, nhét được nhiều thương binh hơn. Tuy vậy, những chiếc phi cơ này, nếu chở quá tải trọng, sẽ bị những tổn hại khác thường. Như một trung sỹ thuộc sư đoàn Cao xạ số 9 đã tận mắt thấy một chiếc Condor ì ạch tăng tốc, trên đó có hai đồng đội bị thương của anh, vừa được đưa lên. Khi chiếc phi cơ ngóc mũi để tăng độ cao, những con người vô vọng được tải đi bên trong hẳng bị ngả lăn chiên hoặc lộn nhào ra phía sau, bởi đuôi máy bay đột nhiên rụng ra. Tiếng máy gầm lên khi mũi chiếc phi cơ gần như chĩa thẳng lên trời, rồi cả cỗ máy rơi trở lại mặt đất, ngay trước khuôn viên phi trường và nổ ầm trong một quả cầu lửa và một “tiếng động inh tai”.

         Hơn nữa, những binh sỹ đóng ở góc cực tây của vòng vây chứng kiến số phận của nhiều chiếc vận tải cơ Junker, vốn được biết rõ là đang tải những đồng đội thương binh. Thường thì những chiếc này “không thể đạt độ cao nhanh chóng và phải bay trong tầm bắn của cao xạ, rồi gặp kết cục thê thảm. Từ chiến hào của mình, tôi đã tận mắt thấy vài trường hợp của số mệnh khải huyền này, và rất, rất buồn lòng

          Bên cạnh những thương binh, phóng viên báo chí và những chuyên gia được di tản ra, những chuyến bay còn mang vào vài sỹ quan, binh lính vốn được đi phép ngay trước khi vòng vây bị khép lại. Và bởi ở Đức, tin tức bị ỉm lại, nên đa số họ không có ý niệm về những gì diễn ra khi họ vắng mặt cho đến khi chuyến tàu đưa họ đến Kharkov. Sỹ quan phụ tá của thống chế Manstein, Alexander Stahlberg, đã tả cảnh người em họ thông gia hai mươi mốt tuổi, Gottfried von Bismarck, khi đến sở chỉ huy cụm Tập đoàn quân sông Don ở Novocherkassk vào ngày 2 tháng Giêng ngay sau kỳ nghỉ Giáng sinh ở nhà tại Pomerania. Anh ta nhận được lệnh bay vào Kessel để trở lại với sư đoàn bộ binh số 76. Thống chế Manstein, biết được trường hợp này, đã mời anh ta đến bàn ăn tối, nơi có thể nói chuyện thoải mái. Cả Manstein và Stahlberg đều rất khen ngợi người thanh niên, không kêu ca, làm nổi bật truyền thống Postdam của trung đoàn bộ binh số 9 bằng cách quay lại một trận chiến thất bại, không phải vì Hitler mà vì lòng tận tâm với nhiệm vụ theo cách Phổ. Còn bản thân Bismarck, tuy vậy, lại dùng một thuật ngữ ít vẻ vang hơn: “Tôi là một người lính, tôi nhận được lệnh và phải chịu chấp nhận mọi hậu quả”.

            Tướng Hube, khi trở lại trong vòng vây vào ngày 9 tháng Giêng, đêm trước trận tấn công của quân Sô viết, đã kể với Paulus và Schmidt rằng Hitler hoàn toàn từ chối chấp nhận khả năng thất bại ở Stalingrad. Ông ta không chịu nghe bản báo cáo về tình hình trong vòng vây của ông, mà thay vào đó ông ta còn cố thuyết phục ông rằng một nỗ lực giải vây thứ hai có lẽ đã lên khuôn.

            Vài sỹ quan dưới quyền Hube đã thất vọng về ông, dường như đã bị chủ nghĩa lạc quan của Hitler thôi miên – “liều thuốc ánh sáng”. “Tôi rất thất vọng” sỹ quan tình báo của Hube, Công tước Dohna ghi nhận “khi thấy một người lính chân chính dũng cảm dễ bị thuyết phục như thế nào”.

            Tuy vậy, những người khác lại nghe rằng chính Hube đã đủ can đảm để “khuyên Hitler kết thúc chiến tranh”, và khi Hube chết trong một tai nạn máy bay vào năm sau, nhiều tin đồn lan truyền rằng hẳn có bàn tay Hitler trong đó. Nói cho ngay, cả hai đằng đều đúng. Khi Hube báo cáo tại sở chỉ huy cụm Tập đoàn quân sông Đon, trước khi bay vào trong vòng vây, Manstein tin rằng ông ta đã là một người tín cẩn của Hitler. Nhưng mặt khác, sau đó ông cũng phát hiện ra rằng Hube đã can đảm đề nghị Hitler nên trao chức Tổng tư lệnh tối cao cho một tướng lĩnh nào đó thì tốt hơn, nhỡ khi Tập đoàn quân VI có thất bại thì sẽ không bị tổn hại đến hình tượng cá nhân.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 24 Tháng Bảy, 2015, 12:03:56 pm
          Hube là một trong những viên tư lệnh cưng của Hitler, nhưng niềm tin chắc chắn của ông ta rằng Tập đoàn quân VI đã tận số chỉ làm khẳng định thêm sự nghi ngờ của Hitler rằng tất cả các tướng lĩnh đang tiêm nhiễm chủ nghĩa bi quan. Paulus nhận ra điều này. Nên ông đi đến kết luận rằng chỉ có một chiến binh trẻ từng được tặng thưởng cao mới có thể gây nên những cảm xúc lãng mạn nơi Hitler và như vậy sẽ ở vị trí tốt hơn để thuyết phục ông ta nghe sự thật.

          Paulus có một ứng cử viên hiển nhiên cho nhiệm vụ này, chính là đại úy Winrich Behr, với bộ quân phục binh chủng xe tăng màu đen cùng chữ thập Hiệp sỹ có lẽ sẽ gây được ấn tượng tốt với Quốc trưởng. Behr, chịu trách nhiệm cập nhật không những bản đồ tình huống mà cả những sự kiện và con số  trong các báo cáo, là một trong những sỹ quan báo cáo tốt nhất ở sở chỉ huy Tập đoàn quân VI.

           Behr nhận được nhiệm vụ vào sáng ngày 12 tháng Giêng, hai ngày sau khi trận tấn công của quân Soviet mở màn, quá ít thời gian đến nỗi anh không thể nhận những thư gửi về nhà từ các đồng nghiệp. Anh gói gém nhật ký chiến tranh của Tập đoàn quân VI và mang theo để đảm bảo nó an toàn, rồi vội vã ra phi trường Pitomnik. Đường băng đang ở trong tầm hỏa lực của cối hạng nặng và pháo binh (Nga). Lúc Behr chạy lên chiếc Heinkel 111, lèn đầy thương binh, quân cảnh với tiểu liên trong tay phải ngăn lại hàng trăm người khác cố xông lên, hoặc ngay cả bò lên phi cơ.

           Chuyến bay đến Taganrok mất một tiếng rưỡi. Và anh ngạc nhiên, vì ở biển Azov trời còn lạnh hơn ở Stalingrad. Một chiếc xe đợi đưa anh đến sở chỉ huy của thống chế Manstein. Vị thống chế triệu tập vài sỹ quan của ông và yêu cầu Behr báo cáo tình hình. Behr mô tả mọi thứ: nạn đói, mức thương vong, binh lính mỏi mệt, thương binh nằm trên tuyết, đợi di tản, máu họ đông đặc; việc thiếu nghiêm trọng thức ăn, đạn dược, xăng dầu. Khi Behr kết thúc, Manstein bảo: “Hãy báo cáo Hitler đúng chính xác những gì anh đã báo cáo với tôi”. Một chiếc máy bay được lệnh sáng hôm sau đưa anh ta đến tổng hành dinh Rastenburg. Quốc trưởng đang đợi.

        Buổi sáng hôm sau, trời vẫn rất rét, dù ánh mặt trời tạo cảm giác ấm áp giả tạo. Tại phi trường, viên sỹ quan không quân Đức được chỉ định bay cùng Behr đến Đông Phổ đã không nề hà cưởi bỏ găng tay để làm ấm động cơ. Và khi trở lại văn phòng, anh ta không còn chút da nào trên hai bàn tay vì chạm vào kim loại đông lạnh. Phải tìm một phi công khác để thay thế.

         Cuối cùng Behr cũng đến được Tổng hành dinh Hang sói vào đầu buổi tối. Thắt lưng và súng ngắn bị giữ lại ở phòng cảnh vệ. Từ đó, anh ta được dẫn đến phòng điều hành, nơi mười tám tháng sau Stauffenberg mang chiếc cặp chứa chất nổ vào. Ở đó có chừng hai mươi, hai lăm sỹ quan cao cấp đang có mặt. Sau mười phút, cửa mở ra, và Hitler xuất hiện.

         Ông ta chào mừng viên đại úy xe tăng trẻ tuổi.

        Chào Đại úy!

         Kính chào Quốc trưởng!


        Behr đáp lời, đứng nghiêm trong bộ quân phục màu đen cùng Chữ thập hiệp sỹ trên cổ. Behr đã được người anh rể, Nicolaus von Below trợ tá không quân của Hitler, cho biết về những chiến thuật của Quốc trưởng dùng một khi có “người báo hung tin” đưa về những tin xấu. Ông ta luôn cố điều khiển cuộc nói chuyện, áp đảo người đối thoại vốn chỉ biết về một khu vực đơn lẻ trên mặt trận, bằng ấn tượng mạnh mẽ của tình huống tổng thể. Đó chính xác là điều đang xảy ra.

         Sau khi Hitler kết thúc phần thuật chi tiết những kế hoạch của ông trong chiến dịch Dietrich, một cuộc đại phản công với các sư đoàn xe tăng SS để chuyển bại thành thắng, ông bảo Behr “Ông đại úy, khi ông trở về gặp tướng Paulus, hãy nói với ông ta rằng cả con tim và hy vọng của ta ở cùng ông ấy và tập đoàn quân”. Nhưng Behr, vốn đã biết rằng đó là một “mánh lới” của Hitler, và hiểu rằng anh không thể cho phép mình im lặng.

           “Thưa Quốc trưởng” anh trả lời “Tư lệnh của tôi ra lệnh tôi báo cáo với Người về tình hình. Xin cho phép tôi được báo cáo”. Hitler, trước mắt đông đảo nhân chứng, không thể từ chối.

            Behr bắt đầu nói, và Hitler, khá làm anh kinh ngạc, vì không hề cố ngắt lời anh. Anh không tiếc cung cấp cho những thính giả của mình thông tin chi tiết, kể cả việc gia tăng số lính Đức đào ngũ sang phía Nga.

           Thống chế Keitel, không thể chịu nỗi sự thẳng thắn đó trước mặt Quốc trưởng, nên đã lắc nắm đấm với Behr từ phía sau lưng Hitler để cố làm anh ngưng lại. Nhưng Behr không nao núng, tiếp tục với những mô tả về sự kiệt sức, nói kém, lạnh cóng của tập đoàn quân, và đối diện với những cú đánh áp đảo mà không có đạn dược hay xăng dầu để đẩy lùi.

            Behr có tất cả thông số của những chuyến không vận hằng ngày trong đầu. Hitler hỏi lại anh có chắc chắn về những thống kê đó không, và khi Behr trả lời rằng đúng như vậy, ông ta bèn quay sang một sỹ quan Không quân cao cấp và yêu cầu giải thích sự khác biệt.

           “Thưa Quốc trưởng” viên tướng không quân đáp “tôi có mang theo đây danh sách các chuyến bay và hàng hóa chuyển đến mỗi ngày”.

          “Nhưng thưa Quốc trưởng” Behr cắt lời “Với tập đoàn quân, điều quan trọng không phải là có bao nhiêu chiếc máy bay được gửi đi, mà là cái chúng tôi thực sự nhận được. Chúng tôi không phê bình bên Không quân. Phi công bên đó thực sự là những anh hùng, nhưng chúng tôi chỉ nhận được những con số mà tôi vừa báo cáo. Có thể có vài đại đội nhận được vài thùng lẻ và giữ lại không báo cáo lên cấp chỉ huy, nhưng điều đó cũng không đủ để tạo nên sự khác biệt”.

         Vài sỹ quan cao cấp cố làm chệch lời phê phán của Behr bằng những “câu hỏi ngô nghê”, nhưng đáng ngạc nhiên là Hitler lại cho thấy sự giúp đỡ, có lẻ bởi ông ta muốn xuất hiện để bảo vệ lợi ích của chất-long-não-Stalingrad chống lại Bộ tổng tham mưu. Nhưng khi Behr chuyển đến phần tình huống mà Tập đoàn quân VI đối mặt, Hitler lại quay lưng đến tấm bản đồ khổng lồ lấm tấm những lá cờ tí hon như thể chưa có gì thay đổi. Behr biết những lá cờ này “nó như những tháng trước” còn giờ thì “các sư đoàn chỉ còn lại một vài trăm tay súng”.

         Nhưng, một lần nữa Hitler lại viện đến thông điệp của ông ta về việc đảo ngược toàn bộ hình thái tình hình bằng một cuộc phản công ghê gớm. Ông còn thông báo rằng cả một tập đoàn quân xe tăng SS đã được tập hợp quanh Kharkov, để đánh vào Stalingrad. Trước đó Behr đã biết từ thống chế von Manstein rằng cái lực lượng SS đó cần phải mất thêm vài tuần để mang sang phía đông. “Khi đó tôi hiểu là ông ta đã không cảm giác được sự thật. Ông ta đang sống trong một thế giới kỳ ảo của các bản đồ và cờ xí” với Behr, một con người hăng hái và là “một sỹ quan Đức trẻ theo chủ nghĩa dân tộc”, phát hiện này là một cú sốc. “Việc này kết thúc mọi ảo tưởng của tôi về Hitler. Tôi bị tin rằng chúng ta sẽ thua trong cuộc chiến”.

          Behr không được gửi thẳng về trong vòng vây như dự định. Anh gặp lại Hitler lần nữa trong trưa ngày hôm sau, cùng thống chế Milch, người được lệnh thúc đẩy các nỗ lực giải cứu của không quân đến Stalingrad. Sau đó, Behr được tướng Schmudt, tùy viên quân sự cao cấp của Hitler, triệu tập và chịu một cuộc thẩm vấn dài, đầy dò xét, dù thân tình.

          Schmudt, một trong những ủng hộ viên trung thành nhất của Hitler (ông ta chết mười tám tháng sau đó trong vụ đánh bom của Stauffenberg), nhanh chóng nhận ra viên đại úy thiết giáp trẻ tuổi đã mất niềm tin. Behr đã thú nhận điều này khi được hỏi. Nên khi đó Schmudt quyết định anh không được trả về lại cho Paulus. Behr phải quay lại bờ biển Đen, và làm việc ở Melitopol như là một phần của “Đội đặc nhiệm” mới thành lập dưới quyền thống chế Milch nhằm giúp Pháo đài Stalingrad giữ vững cho đến phút cuối.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 25 Tháng Bảy, 2015, 05:11:33 am
          Tại tổng hành dinh Rasterburg, tướng Stieff cùng trung tá Bernhard Klamroth, vốn quen Behr từ trước chiến tranh, đã gặp riêng anh hỏi – “theo kiểu mật mã” – rằng anh có tham gia một cuộc vận động nhằm hất cẳng Hitler không. Behr, người chỉ vừa mới thấy sự bất hạnh dưới sự lãnh đạo của Hitler, nên cảm thấy không thể quay ngoắt 180 độ được. Klamroth hiểu, nhưng vẫn cảnh báo anh cẩn thận với Manstein. “Ở bàn ăn thì nghe chừng lão ấy rất chống Hitler, nhưng lão ấy chỉ to mồm thôi. Chứ nếu Hitler bảo lão quay sang trái hay sang phải, thì lão ấy sẽ làm chính xác những gì được bảo”.

          Chỉ trích của Klamroth không hề thổi phồng. Tất cả những sự bất kính với Quốc trưởng mà Manstein chỉ thể hiện ở giữa những thuộc cấp thân cận và trò đùa chào theo kiểu Nazi bởi con chó của mình, ông không muốn có rủi ro với vị trí cá nhân. Trong hồi ký, ông dùng cái có thể gọi là luận cứ phản bội: một coup d’état  có thể dẫn đến một sự sụp đổ ngay tức khắc ở ngoài mặt trận và sự hỗn loạn trong lòng nước Đức. Ông ta vẫn là thành viên của giới sỹ quan, chống Bolsevik vốn thành hình từ cuộc nổi loạn và cách mạng năm 1918. Behr nghe theo lời khuyên của Klamroth và cẩn trọng khi báo cáo lại ở cụm tập đoàn quân sông Đon.

            Việc Manstein sợ Hitler sớm được chứng minh. Những cuộc thảo luận thẳng thắn giữa các sỹ quan của ông ta về khả năng thảm họa ở Stalingrad đã làm ông khó chịu tới mức ông ra một mệnh lệnh cho ban tham mưu của mình rằng: “Các cuộc thảo luận về khả năng của các sự kiện gần đây phải ngưng lại” bởi “không thể làm gì để thay đổi sự thật hiện tại mà chỉ có thể gây hại do sói mòn niềm tin”. Các sỹ quan cũng bị nghiêm khắc cấm thảo luận “các nguyên nhân hủy diệt Tập đoàn quân VI” trong các thư từ cá nhân.

           Lúc bấy giờ, vị Quốc trưởng lại muốn, bất kể hậu quả, là một điển hình anh hùng cho nhân dân Đức. Ngày 15 tháng Giêng, ông trao tặng Paulus Cành sồi cho Chữ thập Hiệp sỹ và thông báo 178 huân chương quan trọng khác cho các thành viên trong Tập đoàn quân VI. Nhiều người được nhận thưởng vẫn không nhận ra tính hai mặt của tấm huân chương.

         Mặt khác, Manstein trong khi xem thường động cơ của Hitler, hiểu rằng ông rất cần kéo dài thời gian đau khổ của Tập đoàn quân VI. Bởi cứ mỗi một ngày thêm vào, là ông có thêm thời gian để đưa hai tập đoàn quân ở vùng Caucasus về tuyến phòng ngự hữu hiệu. Hitler, qua một trong những logic méo mó kỳ cục của ông, giờ có thể biện luận rằng quyết định bắt Paulus phải ở lại vị trí là hợp lý.

         Các sự kiện điên rồ hình như cũng có lây nhiễm chút ít. Max Plakolb, một sỹ quan Không quân Đức, phụ trách điện báo ở Pitomnik, ghi nhận vài thông điệp cổ vũ lạ thường từ các tư lệnh cấp trên. Ngày 9 tháng Giêng, ngày tối hậu thư phía Sô viết tuyên bố, Plakolb và những người khác trong tổ của anh nhận lệnh bay ra khỏi Kessel. “Bỏ đi để lại mọi thứ sau lưng thật là khó. Mọi người viết một lá thư về nhà để chúng tôi mang theo”.
.
          Nhưng cũng như những người khác, thoát khỏi được cái túi Stalingrad ở thời khắc đó, ông ta có cảm giác như được sinh ra lần nữa. “Kể từ đó, ngày 9 tháng Giêng trở thành ngày sinh nhật thứ hai của tôi”. Tuy vậy, những người thoát ra được đó luôn bị bao phủ bởi cảm giác có lỗi của người sống sót “Chúng tôi không bao giờ được nghe bất cứ điều gì thêm về những đồng đội ở lại”.

         Mọi người giao lại những bức thư sau cùng hoặc những món đồ quan trọng be bé cho các đồng đội có được một chỗ trên máy bay. Tiểu đoàn trưởng, người chơi piano, thuộc sư đoàn xe tăng 16 bị ốm, nên tiến sỹ Kurt Reuber thuyết phục ông ta mang theo bức họa “Pháo đài Madonna” đi cùng. Reuber cũng cố hoàn tất bức tranh cuối cho vợ mình khi viên sỹ quan đó khởi hành chậm một ngày do thời tiết xấu. Lá thư cuối của ông cho vợ cũng được gửi theo. Ông biết không còn điểm lùi với sự thật hiện hữu mà họ đang đối mặt “Chắc chắn là không có một hi vọng nào nữa …

          Đã có những lúc lính Đức tin rằng những thư từ Giáng sinh được phát vào ngày 22 tháng Chạp là lần sau chót họ nhận được từ thế giới
bên ngoài. Nhưng sau đó vẫn có những lượt lẻ tẻ khác, lần muộn nhất là mãi đến ngày 18 tháng Giêng, còn hệ thống thông thường của Luftpost (quân bưu) ngưng từ ngày 13 tháng Giêng, khi quân lính được báo rằng chỉ còn một cơ hội cuối để viết về nhà. Nhiều người đã nói trong thư rằng họ chỉ có thời gian để “nguệch ngoạc đôi dòng”. Như một bác sỹ đã nhận thấy trong bức thư gửi cho cha “Tâm trạng ở đây thật lộn xộn. Vài người cực tệ, một số khác thì nhẹ nhàng và cũng có người trầm tĩnh. Thật là một trải nghiệm thú vị”.

          Sự trái ngược chủ yếu dường như là giữa những người viết thư để gây ấn tượng với gia đình về chủ nghĩa yêu nước tượng trưng cho cái chết sắp đến của họ và những người viết vì tình yêu. Với những người sau, thì không như những người dân tộc chủ nghĩa nhiệt thành, thường bắt đầu lá thư của mình dịu dàng hết sức có thể: “Có lẽ đây sẽ là lá thư sau cùng của anh sau một thời gian dài”.

         Một thiếu tá tên von R. viết cho vợ: “Em luôn là suy nghĩ đầu tiên và sau cùng của anh. Anh thật sự không từ bỏ hi vọng. Nhưng, mọi thứ rất rất tệ, không ai biết được rằng anh và em gặp có còn được thấy mặt nhau. Quân ta vẫn và đang nỗ lực trong vô vọng. Anh và em không thể ít dũng cảm hơn họ, em nhé”.

     Từ “số mệnh” dường như là từ duy nhất được chia đều. “Thưa cha mẹ” một hạ sỹ viết “Số mệnh quyết định chống lại chúng con. Nếu cha mẹ được tin rằng con đã ngã xuống vì Đại Đức, xin cha mẹ hãy dũng cảm đón nhận. Và sau chót, con để lại vợ và con con trong tình yêu của cha mẹ”.

       Những người hết lòng vì chế độ thì quan tâm đến con đường vinh quang của quốc gia và cuộc chiến vĩ đại hơn là chia tay gia đình. Họ viết về “trận chiến định mệnh của nước Đức” và vẫn tin rằng “vũ khí và sự lãnh đạo của chúng ta là tốt nhất thế giới”. Và trong nỗ lực để làm cho tấm thảm kịch kệch cỡm trở nên có ý nghĩa, họ giữ tinh thần bằng ý tưởng rằng những thế hệ mai sau sẽ xem họ như những người bảo vệ Châu Âu khỏi hiểm họa của chủ nghĩa Bolshevik châu Á. “Đây là một cuộc chiến anh hùng, để thế giới vĩnh viễn không lạnh lẽo” một trung sỹ viết “Những anh hùng Đức bảo vệ cho tương lai nước Đức”.

            Những lá thư đó không bao giờ đến nơi. Đại úy bá tước Von Zedtwitz, trưởng ban kiểm duyệt của tập đoàn quân xe tăng số 4, nhận nhiệm vụ nghiên cứu thư từ vòng vây Stalingrad, để báo cáo về tinh thần và cảm xúc cho nhà cầm quyền. Dù báo cáo của ông ta gửi về cố tránh âm hưởng chủ bại, nhưng Goebbels đã lệnh rằng những thư sau cùng đó phải được giữ lại và cuối cùng là hủy đi.

              Những đoạn trích bên trên lấy từ một bảng ghi hình như của Heinz Schroter, một sỹ quan cấp thấp nguyên thuộc đại đội tuyên truyền của tập đoàn quân 6, sau được Bộ Tuyên truyền giao nhiệm vụ viết một thiên sử thi cho trận chiến. (Những thứ được xuất bản trong tập sách sưu tập vô danh có tên Những bức thư cuối cùng từ Stalingrad, gây nhiều cảm động khi ra mắt vào năm 1954, giờ được xác định là giả mạo)

            Còn những lá thư khác thì bị chặn lại bởi một cách rất khác. Như tướng Voronov ghi nhận, trong ngày 1 tháng Giêng “chúng tôi được tin, trong đêm có một chiếc vận tải cơ Đức bị bắn hạ trên các vị trí của quân ta. Và có chừng 1200 lá thư được tìm thấy trong xác máy bay”.

           Ở sở chỉ huy Phương diện quân Sông Đon, một bộ phận phụ trách bởi đại úy Zabashtansky và đại úy Dyatlenko cùng những phiên dịch viên rảnh rỗi, cũng như những người Đức “chống phát xít” làm việc với các túi thư đó trong ba ngày. Trong đó bao gồm cả những lá thư theo kiểu nhật ký của tướng Edler von Daniels gửi cho vợ. Theo tướng Voronov và đại úy Dyatlenko, lá thư sau chót của ngày 30 tháng Chạp cho thấy nhiều về tình hình phòng thủ yếu ớt của sư đoàn bộ binh 376 ở cánh tây nam, điều này phù hợp với những gì mà các thẩm vấn viên NKVD đang cố moi từ tù binh của họ.

          Mãi cho đến trận tấn công sau cùng của quân Soviet, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng, mối bận tâm chính của Tập đoàn quân VI vẫn là như cũ “Kẻ thù số 1 là cái đói thường trực” một bác sỹ viết. “Thưa ba má” một hạ sỹ viết về nhà lâm ly “nếu có thể, hãy gửi cho con chút đồ ăn. Con thiệt ngại khi viết ra chuyện này, nhưng con đói quá”.

           Lính Đức bắt đầu liều lĩnh hơn để mò lên khu phân tuyến nhằm tìm trong xác quân Nga một mẩu bánh mỳ hay một túi đậu rang nhằm đun với nước. Hi vọng lớn nhất là tìm thấy một gói giấy chứa muối, mà họ khát khao.

          Sự đau khổ về việc thiếu đói với lính Đức trong vòng vây là rất tệ, nhưng còn có những người khác tệ hơn nhiều. Đó là 3500 tù binh Nga trong trại ở Voroponovo và Gumrak đang chết với tốc độ gia tăng nhanh chóng. Vài sỹ quan Đức đã sốc nặng khi phát hiện ra trong tháng Giêng rằng những tù binh đó buộc phải ăn cả thịt đồng đội, và đã báo cáo miệng lại. Khi quân Nga đến được các trại tù đó vào cuối tháng Giêng, nhà cầm quyền Liên Xô tuyên bố rằng chỉ còn 20 người sống sót trong số 3500 ban đầu.

          Cảnh tượng bày ra trước mắt lính Nga – minh chứng bởi những thước phim do các tay máy đến được nơi đó ghi lại – cũng tệ như những gì được thấy khi tiến vào các trại tử thần Nazi đầu tiên. Tại Gumrak, Erich Weinert miêu tả lại: “Trong một cái rãnh, chúng tôi tìm thấy một đống lớn xác tù binh Nga, hầu như trần trụi và gầy trơ xương”. Những hình ảnh đó, đặc biệt quay từ Voroponovo, có lẽ đã làm cứng rắn thêm trái tim của Hồng quân để tiến đến những chiến thắng mới.

          Nhiều nghìn quân Hiwis còn ở trong các sư đoàn Đức cũng bị chết đói. Girgensohn, sau khi thực hiện một cuộc giải phẫu tử thi, đã bảo viên sỹ quan Đức chịu trách nhiệm rằng người lính Hiwi đó hẳn là chết vì đói. Chuẩn đoán này “làm anh ta hoàn toàn bị ngạc nhiên”. Anh ta tuyên bố rằng quân Hiwi của mình cũng nhận được khẩu phần tương tự như lính Đức.

          Nhiều người được sỹ quan Đức của họ đối đãi khá tốt, và cũng nhiều lính Hiwis đã thể hiện cho thấy niềm tin  lẫn nhau đó trong trận chiến đấu cuối cùng. Nhưng rồi cuối cùng  những người Nga trong quân phục Đức đó cũng biết rằng họ tận số rồi. Không có chỗ cho họ trên những chuyến bay di tản, và vòng vây của các tập đoàn quân Nga cùng với quân NKVD đang chờ.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 27 Tháng Bảy, 2015, 12:40:13 pm
                                                                                                XXI


                                                                                               KHÔNG ĐẦU HÀNG

 

           Chiến trường trên thảo nguyên khá yên tĩnh trong suốt tuần đầu tháng Giêng. Hầu hết thời gian, chỉ có những phát súng bắn tỉa đơn điệu, hay một tràng đại liên lẻ loi cùng tiếng rít phía xa xa của pháo sáng tín hiệu bắn lên: tất cả mọi thứ đó được một tay trung úy gọi là “giai điệu chiến trường thông thường”. Sau chương trình phát thanh và những lượt truyền đơn trong ngày 9 tháng Giêng, lính Đức biết rằng đợt tấn công sau cùng sắp xảy ra. Những đội gác, không chủ động rùng mình trong cái lạnh, có lý do mạnh mẽ hơn để thức.

           Một người lính trông thấy một cha tuyên úy đang trên đường đi, trước trận tấn công chút xíu “Chỉ cần thêm một chút bánh mì thôi, Cha Pfarrer đang đến, có thể thế”. Nhưng khẩu phần bánh mỳ lại vừa giảm xuống còn 75 gram. Tất cả họ đều biết rằng sẽ phải đối mặt với trận xung phong của phía Liên Xô trong cái yếu ớt do đói ăn cùng bệnh tật và thiếu đạn dược, dù họ không hẳng hiểu nguyên do.

          Cả thuyết định mệnh – “mọi người nói về cái chết như kiểu về bữa sáng” – lẫn ý chí đều được tin tưởng. Lính trơn vẫn tin vào câu chuyện về những quân đoàn xe tăng SS và các lực lượng tăng viện đang được không vận vào. Tại sư đoàn bộ binh 297, binh sỹ vẫn tiếp tục được thuyết phục rằng “lực lượng giải cứu đã đến Kalach…đó là những sư đoàn Đại Đức và Leibstandarte”. Một vệt pháo ở phía Tây được diễn dịch ngay là tín hiệu từ họ. Ngay cả những sỹ quan cấp thấp cũng thiếu thông tin từ thượng cấp, như một trung úy đã khai với điều tra viên NKVD. Ngay trong tuần đầu tháng Giêng, trung đoàn trưởng của anh ta, thuộc sư đoàn bộ binh 371, vẫn bảo họ rằng: “Sự trợ giúp đang rất gần”. Họ bị sốc nặng khi nghe “qua các nguồn tin không chính thức” (có lẽ từ những quân nhân thuộc Không lực) về nỗ lực giải cứu thất bại và cụm Tập đoàn quân sông Đon phải rút lui về phía tây.

          Mặt khác, NKVD cũng sửng sốt vì biết được con số người Nga đang chiến đấu trong hàng ngũ Đức ngay tại mặt trận Stalingrad, không phải với tư cách lao công như những Hiwis không vũ trang. Nguồn tin Đức cho thấy một phần lớn Hiwis trong các sư đoàn thuộc Tập đoàn quân VI đang chiến đấu ở tiền tuyến. Nhiều sỹ quan đã chứng thực cho khả năng và lòng trung thành của họ. “Đặc biệt dũng cảm là người Tartar” một sỹ quan ở khu vực quận Nhà máy Stalingrad báo cáo. “Những xạ thủ chống tăng, sử dụng vũ khí thu được của Nga, họ tự hào với từng chiếc tăng Liên Xô mà họ bắn trúng. Những người đồng đội này thật tuyệt”.

          Cụm chiến đấu của trung tá Mader, gồm hai trung đoàn thủ pháo của sư đoàn bộ binh 297 ở góc cực nam Kessel, có chứa không ít hơn 780 “lính chiến người Nga”, gần một nửa lực lượng của ông. Họ được tin cậy với những vai trò quan trọng. Như một đại đội đại liên có mười hai người Ukraina “tự quản rất tốt”. Vấn đề nghiêm trọng nhất của họ, bên cạnh việc thiếu lương thực, là việc thiếu đạn dược. Một pháo đội chín khẩu có mức cơ số đạn trung bình là một viên rưỡi (1.5) cho mỗi khẩu một ngày.

         Chiến dịch Koltso, hoặc “Cái vòng”, bắt đầu vào rạng sáng Chủ Nhật, ngày 10 tháng Giêng. Tướng Rokossovsky và Voronov đang ở tại sở chỉ huy tập đoàn quân 65 khi lệnh “Khai hỏa!” được truyền qua vô tuyến lúc 6h05 phút, giờ Đức. Những khẩu đại bác gầm lên, nảy lùi lại. Những quả rocket Katyusha réo vụt qua bầu trời mang theo những luồng khói dày đặc. 7000 khẩu đại bác, dàn phóng rocket và cối tiếp tục bắn phá trong 55 phút như cách mà tướng Voronov mô tả là “một trận sấm vang rền không ngớt”.

           Những cột đen ngòm xuất hiện trên khắp thảo nguyên tuyết phủ, làm tiêu ma cái khung cảnh trắng tinh đó. Cuộc pháo kích mạnh đến nỗi đại tá Ignatov, một tư lệnh pháo binh, nhìn nhận với sự hài lòng ác nghiệt: “Chỉ có hai con đường để thoát khỏi một trận tấn công dữ dội kiểu này – hoặc là cái chết, hoặc là nổi điên”. Trong một cố gắng để tỏ ra lãnh đạm, tướng Edler von Daniels mô tả nó là “một ngày Chủ nhật rất không yên bình” trong một lá thư gửi về cho vợ. Nhưng trung đoàn thủ pháo ở tuyến một của sư đoàn ông ta, không có tâm trạng khinh bạc như vậy, khi thấy họ cực kỳ dễ bị tổn thương do những vị trí phòng thủ được chuẩn bị vội vàng. “Dự trữ đạn dược của quân địch” viên chỉ huy viết “thật ghê gớm, và chúng tôi chưa từng đối mặt với những gì tương tự”.

           Chỗ mấu lồi góc tây nam, “Mũi Marinovka”, được phòng thủ bởi sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 44,29 và 3, được mạnh thêm vào phút chót bởi một bộ phận của sư đoàn 376. Mọi trung đoàn đều dưới sức. Sư đoàn bộ binh 44 phải dùng cả pháo thủ và người từ các tiểu đoàn xây dựng. Vài chiếc tăng và đại bác hạng nặng còn lại được chia cho từng khu vực. Ngay sau vị trí của tiểu đoàn công binh là hai khẩu pháo tự hành và một khẩu cao xạ 88mm. Nhưng ngay trong trận pháo kích, những người lính công binh nhìn thấy sở chỉ huy tiểu đoàn họ nổ tan thành từng mảnh. “Không ai chui ra được” một trong số họ viết. “Trong một tiếng đồng hồ, cả trăm khẩu đại bác các cỡ nòng và những giàn dương cầm Stalin bắn phá”, một trung úy cùng sư đoàn ghi lại. “Căn hầm lắc lư liên tục dưới làn bom đạn. Rồi bọn Bolshevik tấn công đông vô kể. Ba làn sóng lính tràn lên, không do dự. Rất nhiều tên đeo huy chương Cờ đỏ. Cứ mỗi năm mươi đến một trăm thước có một chiếc xe tăng.

           Những người lính bộ binh Đức, ngón tay bị bỏng tuyết nặng đến nỗi rất khó khăn để đưa vào vòng cò súng, khai hỏa từ những hố nông choèn vào quân bộ binh Nga đang tiến lên  qua vùng tuyết phủ với lưỡi lê dài cắm sẵn. Những chiếc T-34, vài xe có mang bộ binh như những con khỉ đu trên lưng voi, tròng trành vượt qua thảo nguyên. Những cơn gió mạnh thổi qua lớp áo tuyết bị nổ tung, làm phơi ra những ngọn cỏ thảo nguyên không màu. Đạn cối bị lớp đất lạnh phủ lại, rồi nổ tung ra, gây nhiều thương vong hơn. Các tuyến phòng ngự của sư đoàn bộ binh 44 (Đức) sớm bị xuyên thủng, và những người sống sót, trần trụi, phụ thuộc vào lòng khoan dung của quân thù cũng như sức mạnh của thiên nhiên.

            Trong cả buổi chiều, sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 29 và số 3 tại mấu lồi chính của mũi Marinovka bắt đầu nhận ra họ bị bọc sườn. Tại sư đoàn bộ binh mô tô hóa số 3, lính thay thế lãnh đạm. “Nhiều người quá mệt và bệnh” một sỹ quan viết “và chỉ nghĩ đến việc chuồn về hậu phương trong đêm, nên tôi chỉ có thể giữ họ lại vị trí bằng mũi súng”. Những nguồn tin khác gợi ý rằng nhiều trường hợp bị tử hình tại chỗ trong thời khắc sau cùng đó, nhưng không có số liệu cụ thể.

           Đại đội tạp nham của thượng sỹ Wallrawe gồm lính thủ pháo tăng, lính không quân và quân Cossack đã trụ được tới mười giờ đêm đầu tiên, rồi họ nhận được lệnh lui về bởi quân địch và chọc thủng về phía sau. Họ cố xác lập một vị trí ở phía bắc nhà gia Karpovka nhưng lại bị đẩy lùi lần nữa. “Từ ngày này, chúng tôi không thể làm ấm boongke, thực phẩm và cũng chẳng có chút bình yên nào!” Wallware viết.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 29 Tháng Bảy, 2015, 06:48:12 am
          Những sư đoàn yếu ớt đó, với rất ít đạn dược, không có chút cơ hội nào để chống lại những trận đánh ồ ạt của Tập đoàn quân số 21 và 65 của Nga, được hỗ trợ bởi Tập đoàn quân không quân 16. Quân Đức củng cố khu Marinovka và Karpovka ở phía nam mấu lồi bằng các công sự bê tông ngầm và các ụ đại bác, nhưng điều này chẳng hữu dụng mấy do những mũi tấn công chính lại ở giữa cái mũi. Những nổ lực của quân Đức nhằm phản công bằng những cụm chiến đẩu lẻ tẻ với vài chiếc tăng còn lại cùng bộ binh bị thất bại. Quân Nga dùng hỏa lực cối để chia cắt bộ binh với xe tăng, rồi quét sạch những người sống sót. Ban chính trị Phương diện quân  sông Don đưa ra câu khẩu hiệu: “Nếu quân địch không đầu hàng, nó phải bị tiêu diệt!

          Trong khi Tập đoàn quân số 21 và 65 (Nga) tấn công vào mũi Karpovka ở ngày đầu tiên, thì Tập đoàn quân 66 công kích vào sư đoàn bộ binh cơ giới số 60 và sư đoàn xe tăng số 16 ở điểm cực bắc, nơi những ngọn đồi nhấp nhô đã bị đổi sang màu vàng đen do bị cối phía Soviet đốt trụi. Những chiếc xe tăng còn lại của trung đoàn xe tăng số 2 (Đức) một lần nữa lại ghi được chiến công khi liên tục bắn hạ những đợt sóng T-34 ngoài công sự và buộc những kẻ sống sót phải tháo lui.

          Trong khi đó, ở khu vực phía nam, Tập đoàn quân 64 bắt đầu dội pháo vào sư đoàn bộ binh 297 và trung đoàn Rumani số 82 phối thuộc. Ngay sau khi đợt pháo kích bắt đầu, đại tá Mader (*Ở đoạn trên ghi là Trung tá lieutenant-colonel, còn tới chỗ này lại là đại tá Colonel, không rõ có sự nhầm lẫn nào không hay Mader vừa được thăng chức, nên người dịch giữ nguyên theo nguyên văn) nhận được điện từ một sỹ quan tham mưu sư đoàn: “Bọn lợn Rumani chạy rồi”. Tiểu đoàn đóng ở xa nhất rút chạy gây ra một khoản trống rộng nửa dặm ở bên cánh cụm chiến đấu của ông ta. Phía Nga, nhận ra cơ hội, liền đưa xe tăng vào đó và khoét sâu thêm. Tình thế cả sư đoàn trở nên nguy hiểm, nhưng tiểu đoàn công binh của họ, do thiếu tá Gotzelmann trong một cuộc phản công nửa  tự sát đã xoay sở để lấp lại lổ hổng đúng lúc.

          Cái sư đoàn Áo không toàn vẹn này, không như lúc rút lui qua sông Đon, đã cố để giữ vững tuyến phòng thủ mạnh. Trong hai ngày kế tiếp, đã đánh lui được sư đoàn bộ binh cận vệ 36, sư đoàn bộ binh 422, hai lữ đoàn thủy quân lục chiến và một phần của quân đoàn xe tăng 13. Khi một người lính “bị thuyết phục trước” bỏ trốn sang phía Nga, anh ta đã bị bắn hạ bởi những đồng đội của mình trước khi tới được tuyến địch. Nhưng trong vài ngày sau, sau những lượt tuyên truyền mạnh, có hơn bốn mươi người khác đã đảo ngũ.
         

          Nỗ lực chính của phía Liên Xô tập trung vào bước tiến ở phía tây. Cuối buổi sáng ngày thứ hai, 11 tháng Giêng, Marinovka và Karpovka đã được giải phóng. Phía chiến thắng đếm được 1600 xác quân Đức.

         Ngay khi trận đánh vừa kết thúc, những phụ nữ nông dân xuất hiện không rõ từ đâu và xô vào các chiến hào quân Đức tìm kiếm chăn mền, cả để dùng cho họ lẫn để bán chác. Erich Weinert, đi cùng với những đơn vị tiến công, trông thấy quân Nga ném bỏ hồ sơ từ các thùng xe tải chiến lợi phẩm ở một sở chỉ huy nhằm sử dụng chúng. “Karpovka trông như một chợ trời lộn xộn khổng lồ” ông viết. Nhưng giữa cái đống hỗn độn của những thứ thiết bị quân sự bị phá hủy hoặc bỏ đi, ông thấy được kết quả của cuộc pháo kích tự do kinh khủng. “Những người chết nằm đó, vặn vẹo một cách kỳ quái, mắt và miệng vẫn mở to trong sự kinh hoàng, đông cứng, hộp sọ bị vỡ, ruột sổ ra, đa số họ tay và chân được băng bó, vẫn còn đẫm chất dầu chống bỏng tuyết màu vàng

          Sức kháng cự của Tập đoàn quân VI, với điều kiện thể chất và trang bị đều yếu kém, rất đáng ngạc nhiên.Thước đo rõ nhất là mức độ thương vong trong ba ngày đầu. Phương diện quân sông Đon mất 26000 quân và một nửa lực lượng tăng. Các chỉ huy Soviet ít cố gắng để giảm mức thương vong. Quân của họ trở thành những mục tiêu dễ dàng khi tiến lên từ những tuyến trải dài. Những cụm màu nâu, xác quân Nga rải bừa bãi trên thảo nguyên tuyết phủ. (Quân phục ngụy trang màu trắng được dành chủ yếu cho các đại đội trinh sát và bắn tỉa). Cơn giận của binh lính và sĩ quan Nga được trút lên những tù bình Đức, gầy gò và đầy rận. Nhiều người bị bắn tại chỗ. Những người khác thì chết khi đang áp giải đi theo từng hàng nhỏ, và quân Soviet quạt họ bằng súng máy. Có trường hợp, một viên đại đội trưởng đang bị thương của một đại đội trừng giới đã buộc một sỹ quan Đức bị bắt quì xuống tuyết trước mặt ông ta, hét to lý do trả thù rồi bắn chết.

           Trong những giờ đầu của ngày 12 tháng Giêng, tập đoàn quân 65 và 21 đến được bờ tây của con sông Rossoshka đang bị đóng băng, và như vậy là kết liễu mấu lồi Karpovka. Những đơn vị (Đức) rút lui, nếu vẫn muốn chiến đấu trong tương lai, phải tự mang vác đại bác chống tăng theo. Trong nhiều ca, tù binh Nga được dùng thay cho súc vật kéo, và làm cho đến chết. Trời quá lạnh và mặt đất đóng băng cứng, tướng Strecker ghi nhận “thay vì đào hào, quân ta dựng lên những bờ công sự và hầm bằng băng tuyết”. Lính thủ pháo của sư đoàn xe tăng 14 “kháng cự ác liệt ngay cả khi họ không còn đạn dược, và bị phơi trần trên thảo nguyên băng giá”.

             Chẳng có mấy người trong Tập đoàn quân VI thích chúc mừng sinh nhật lần thứ 50 của Goering trong ngày đó. Chất đốt và đạn dược thiếu thê thảm. Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI không hề cường điệu khi điện báo cho tướng Zeitzler trong sáng hôm sau “Đạn dược đã hết”. Khi nhóm chiến đấu hỗn hợp của Wallrawe, đóng trong một vị trí cũ của quân Nga đào trong mùa hè năm trước, đã đối diện với một trận tấn công lớn khác trong buổi sáng hôm sau và họ “chỉ bắn ở cự ly gần nhất bởi thiếu đạn dược”.

            Thiếu chất đốt làm cho việc di tản thương binh khó khăn hơn trước nhiều. Những thương binh mất khả năng di chuyển bị chất đống lên xe tải, và khi bị buộc phải dừng lại, họ chết cóng trên đồng trống. Những người lính với gương mặt xạm đen, khi đến phi trường Pitomik đã bị sốc bởi cảnh tượng. Một sỹ quan trẻ viết “Phi trường rất hỗn loạn: hàng đống xác người, được vác ra từ các hầm hào, lều trại và nhà thương binh, rác rưởi; quân Nga tấn công; pháo kích; phi cơ vận tải Junker đáp xuống

          Nhưng thương binh nhẹ và người giả ốm; xuất hiện như một đám ăn xin du cư, giẻ quấn đầy người; cố ào đến máy bay khi chúng đáp xuống; để ráng lên được. Những kiện hàng đã dỡ hết được ném qua một bên hoặc được lục soát kỹ lưỡng để kiếm đồ ăn. Những kẻ yếu nhất trong đám đó bị dẫm đạp dưới chân. Quân cảnh,nhanh chóng bị mất kiểm soát tình hình, đã khai hỏa nhiều lần. Nhiều thương binh nặng được quyền đi hợp pháp lo rằng họ sẽ không bao giờ thoát khỏi địa ngục này.
                                               
           Thượng sỹ Wellrawe, trong khi đó, bị thương vào dạ dày. Đây thường là một vết tử thương ở Kessel, nhưng bằng quyết tâm, anh ta đã tự cứu mạng mình. Hai viên hạ sỹ thuộc quyền đã đưa anh ta về từ trận địa, mang lên xe cùng với những người bị thương khác. Tài xế chạy thẳng về hướng phi trường Pitomik. Nhưng khi chỉ còn cách hai dặm, họ hết xăng. Người lái xe được lệnh phá hủy xe trong trường hợp như vậy. Và anh ta không thể làm gì hơn cho những thương binh, mà để họ lại “cho số mệnh”. Wallware, dù vết thương rất đau, hiểu rằng sẽ chết nếu không thể đến chỗ máy bay. “Tôi phải bò quảng đường còn lại đến sân bay. Đêm xuống. Trong một căn lều lớn, tôi nhận được giúp đỡ. Bom từ một trận không kích bất ngờ rơi và giữa đám lều bệnh viện và phá hủy nhiều căn”. Trong cơn hỗn loạn xảy ra sau đó, Wallware vẫn xoay sở để lên được một chiếc Ju cất cánh vào lúc 3 giờ sáng.

            Ở phi trường Pitomik, một cơ hội trùng hợp ngẫu nhiên đã có thể cứu sống một thương binh trong khi hàng trăm người khác chết trên tuyết. Alois Dorner, một pháo thủ trong sư đoàn bộ binh 44, bị một vết thương vào tay trái và bắp đùi trái bởi mảnh đạn đại bác, kinh hoảng trước cảnh tượng ở Pitomik “Đó là cảnh đau đớn nhất mà tôi được thấy trong đời. Tiếng rên rỉ khóc than không dứt của thương binh và của những người chết… hầu hết mọi người không được gì để ăn mấy ngày rồi. Không còn đồ ăn cho thương binh. Chúng được dự trữ để cung cấp cho các lực lượng chiến đấu” (Thật khó để nói rằng đó có phải là một chính sách chính thức không. Các sỹ quan cao cấp của Tập đoàn quân VI nhất mực phủ nhận, nhưng vài viên chỉ huy thuộc quyền lại xem ra đã xây dựng chính sách đó). Dorner, không được ăn từ ngày 9 tháng Giêng, xem chừng sẽ chết, rồi trong đêm 13 tháng Giêng, một phi công người Áo của một chiếc Heinkel 111 đi qua và đột nhiên hỏi anh đến từ đâu. “Tôi ở gần Amstetten” anh ta trả lời. Thế là người đồng đội gốc Áo đó gọi thêm một thành viên khác trong tổ lái, họ cùng nhau đưa Dorner lên chuyến bay.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 30 Tháng Bảy, 2015, 06:48:40 am
           Ở cánh bắc, sư đoàn bộ binh cơ giới 60 và sư đoàn xe tăng 16 bị đánh lùi lại tạo nên một vết lõm trong khu vực, trong lúc ở nội thành
Stalingrad, tập đoàn quân 62 của Chuikov tấn công sư đoàn 100 Jager và sư bộ binh 305, chiếm lại được vài khối nhà. Trong khi đó, mũi tiến chính của Soviet từ phía tây tiếp tục xuyên qua tuyết, tiến đến từ phía tây của vòng vây. Sư đoàn bộ binh cơ giới số 29 trên thực tế đã bị xóa sổ. Việc thiếu nhiên liệu buộc sư đoàn bộ binh cơ giới số 3 phải bỏ lại xe cộ, vũ khí nặng và rút chạy trên tuyết bằng chân. Chẳng có mấy hi vọng thiết lập được một tuyến phòng thủ mới trên thảo nguyên trống trải khi mà quân lính không còn sức để đào công sự.

           Tập đoàn quân 21 và 65 (Nga) thọc về hướng Pitomnik, với sự hỗ trợ của Tập đoàn quân số 57 và 64 đã chọc thủng cánh nam, nơi sư đoàn bộ binh 297 (Đức) bao gồm cả cụm chiến đấu của Mader bị ép lùi lại. Đơn vị bên phải của họ, sư đoàn bộ binh 376 của tướng Edler von Daniel, đã bị cắt rời. Đầu buổi chiều ngày 14 tháng Giêng, Tập đoàn quân VI đánh điện: “Sư đoàn 376 đã bị tiêu diệt. Khả năng phi trường Pitomnik chỉ còn hữu dụng đến ngày 15 tháng Giêng”.

          Tin về những đợt tấn công bằng xe tăng của Liên Xô giờ gây nên nỗi “sợ xe tăng” với quân Đức. Chẳng còn mấy khẩu pháo chống tăng còn đạn. Không ai có thời gian để chỉ trích cái cách mà họ khinh miệt quân Rumani cũng đã hành động tương tự trong hai tháng trước.

         Trong giai đoạn sau chót của trận chiến này, Hitler quyết định rằng Tập đoàn quân VI phải được giúp đỡ nhiều hơn để đứng vững được. Động cơ của ông ta thật sự rối rắm. Ông có lẽ đã xúc động thực sự khi biết từ đại úy Behr rằng có rất ít sự trợ giúp đến được nơi, nhưng ông có lẽ cũng muốn chắc ăn rằng Paulus sẽ không có lý do để bào chữa cho việc đầu hàng. Giải pháp của ông ta – một nét đặc trưng của việc kích động hoạt động lớn cho một kết quả rõ ràng nhỏ - là thành lập một “Đội đặc nhiệm” do thống chế Erhard Milch đứng đầu để giám thị chiến dịch không vận hậu cần. Một thành viên của ban tham mưu Milch mô tả cái hành động muộn màng này là cái “cớ để Hitler có thể nói rằng ông đã cố làm mọi thứ để cứu quân sỹ trong vòng vây”.

        Albert Speer đi cùng với Milch đến phi trường, khi ông chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ mới. Milch hứa sẽ cố tìm người em của ông ta và đưa ra khỏi Kessel, nhưng cả Ernst Speer lẫn đơn vị của anh không được tìm thấy. Tất cả họ biến mất “xem như đã chết”. Dấu vết duy nhất, như Speer ghi nhận, là một lá thư được chuyển ra bằng máy bay rằng “tuyệt vọng về cuộc sống, giận dữ vì cái chết và cay đắng về tôi, anh cậu ta”.
            Milch và ban tham mưu của ông đến phi trường Taganrok trong niềm tin rằng họ sẽ làm được một điều lớn lao, nhưng như một viên sỹ quan vận tải cao cấp Không lực Đức viết “mọi người nhìn thấy tình trạng thực tế thì đủ nhận ra rằng họ không thể làm gì hơn với nguồn lực không thỏa đáng này”.

           Sáng ngày 15 tháng Giêng, ngày làm việc đầu tiên, đã không được đánh dấu bằng một khởi đầu đáng động viên. Milch nhận được một cú gọi từ Quốc trưởng yêu cầu tăng lượng không vận đến Stalingrad. Và như thể tăng mạnh thêm nỗ lực của mình, trong ngày đó Hitler tặng Paulus cành sồi cho Chữ thập Hiệp sỹ. Vào giờ trưa, Goering gọi cho Milch, cấm ông ta bay vào trong vòng vây. Rồi Fiebig báo rằng phi trường Pitomnik đã rơi vào tay quân Nga (việc này thì ông ta báo hơi sớm), và rằng tín hiệu radio từ Gumrak không được thiết lập, điều này có nghĩa là phi cơ vận tải không nên được gửi đi.

           Những chiếc Messerschmitt 109 bay khỏi Pitomnik ngay sau bình minh ngày kế tiếp, khi quân Nga tiến đến trong tầm nhìn. Họ chuyển đến Gumrak và đáp xuống trong tuyết chưa được dọn sạch. Đến trưa, phi trường Gumrak cũng ở dưới tầm hỏa lực đại bác, và những chiếc Messerschmitt cùng Stuka bay khỏi Kessel, lần cuối cùng, theo lệnh của Richthofen. Lời phản đối của Paulus là vô ích.

          Ngày hôm đó, cả một tiểu đoàn thuộc sư đoàn bộ binh 295 đầu hàng. Truyền đơn mang lời hứa của Voronov sẽ đối đãi tử tế với tù binh xem ra có vài tác dụng. “Thật vô vọng để trốn chạy” viên tiểu đoàn trưởng nói trong buổi thấm vấn của đại úy Dyatlenko “Tôi bảo quân tôi đầu hàng để cứu lấy mạng sống”. Viên đại úy này, nguyên là một giáo viên Anh văn, thêm vào “Tôi cảm thấy rất tệ bởi đây là lần đầu tiên nguyên cả một tiểu đoàn quân Đức đầu hàng”.
           Một tiểu đoàn trưởng khác đầu hàng sau đó, thuộc sư đoàn bộ binh 305 ở Stalingrad, nói rằng “điều kiện không thể chịu đựng nổi ở tiểu đoàn chúng tôi”. “Tôi không thể giúp được quân mình nên tôi đã tránh gặp họ. Khắp nơi trong trung đoàn, tôi nghe quân lính nói về cái đói, cái lạnh. Mỗi ngày sỹ quan quân y của chúng tôi nhận cả tá ca thương vong do bỏng tuyết. Bởi vì tình trạng quá thê thảm, nên tôi nghĩ tiểu đoàn đầu hàng là lối đi tốt nhất”.

            Phi trường Pitomnik và bệnh viện dã chiến ở đó bị bỏ với nhiều đau khổ. Trong tình huống tiêu chuẩn khi rút lui, những ai không thể đi được và bỏ lại đằng sau được chăm sóc bởi một bác sỹ và ít nhất một hộ lý. Giờ những thương binh còn lại khập khiễng, bò hoặc trượt trên những chiếc xe trượt tuyến trên con đường băng đông cứng lỗ chỗ ổ gà để đến Gumrak cách đó hơn tám dặm. Vài chiếc xe tải còn chút ít nhiên liệu thường xuyên bị chiếm dụng, ngay cả khi nó chứa đầy thương binh. Một đại úy không quân báo cáo tình hình trên đường trong ngày 16 tháng Giêng, ngày phi trường Pitomnik thất thủ: “Con đường một chiều dày đặc quân lính rút lui, với dáng vẻ cùng đường. Chân và tay quấy trong những mảnh chăn”. Trong buổi chiều anh ta ghi nhận rằng “Số lượng những người tụt hậu từ nhiều binh chủng tăng lên, họ lạc mất đơn vị, xin ăn và xin đi ké”.

          Lúc đó bầu trời không một gợn mây, mặt trời chói lòi trên nền tuyết. Đêm xuống, bóng tối trở nên màu xanh thép trong khi vầng dương ở đằng chân trời như một quả cà chua đỏ mọng. Tình hình của hầu hết binh sỹ, không kể là bị thương hay không, thật tệ hại. Họ khập khiễng đi trên những bàn chân bị tuyết ăn, môi nứt nẻ vì lạnh, gương mặt nhợt nhạt như sáp, như thể cuộc sống của họ đã trôi mất. Những người kiệt sức sụp xuống trên tuyết và không bao giờ dậy được nữa. Những người cần thêm quần áo, lột chúng từ những xác chết ngay khi họ chết. Một khi thi thể đã bị đông cứng lại, thì không thể lột đồ được nữa.

            Cách sư đoàn Soviet không xa mấy ở phía sau. “Trời thật lạnh” Grossman ghi lại khi ông đi cùng với các đơn vị tiến công “Tuyết và băng đá bay vào mũi. Răng nhức nhối. Có những lính Đức đông cứng, thi thể không bị tổn hại nào, dọc con đường chúng tôi đi. Chúng tôi không giết chúng. Mà cái lạnh đã làm. Áo khoác và ủng của chúng không tốt. Áo quân phục mỏng như giấy… Có những vết chân khắp trên tuyết. Báo cho chúng tôi rằng quân Đức rút từ những làng dọc theo con đường; và từ những con đường vào các khe núi, ném vũ khí đi”. Erich Weinert, cùng một đơn vị khác, quan sát thấy từng đàn quạ bay vòng rồi đáp xuống móc mắt người chết.

           Tại một điểm gần Pitomnik, các sỹ quan Liên Xô kiểm tra lại phương hướng, bởi phía xa, họ trông thấy cái gì đó như một thị trấn nhỏ trên thảo nguyên, mà không có trong bản đồ của mình. Khi họ đến gần hơn, họ thấy đó là cả một khu phế liệu quân sự khổng lồ, những xe tăng bị bắn hạ, xe tải, xác máy bay, xe moto, pháp tự hành, xe halftrack, xe kéo pháo và nhiều thứ đồ trang bị có thể tưởng tượng khác. Điều hài lòng nhất của lính Nga là tận mắt thấy những chiếc máy bay bị bắn hạ hoặc bị bỏ lại ở phi trường Pitomnik, đặc biệt là những chiếc Focke-Wulf Condor khổng lồ. Đợt tiến công của họ về phía đông hướng đến Stalingrad giờ chứa những trận đùa liên miên của việc “đang ở hậu phương Nga”.

           Trong lần rút lui này, hi vọng của quân Đức về các sư đoàn xe tăng SS và lực lượng tăng viện qua không vận, cuối cùng cũng tiêu tan. Các sỹ quan hiểu rằng Tập đoàn quân VI quả thực đã tận số. “Vài vị chỉ huy” một bác sỹ ghi nhận “đến gặp chúng tôi và xin thuốc độc để tự sát”. Các bác sỹ cũng cám dỗ bởi ý tưởng của việc tìm về lãng quên, nhưng ngay sau đó, họ suy nghĩ cẩn thận, họ biết, nhiệm vụ của mình là ở lại với thương binh. Trong số 600 bác sỹ của tập đoàn quân 6, không ai còn có thể làm việc lại bay ra.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 31 Tháng Bảy, 2015, 06:46:11 am
           Số thương vong vào thời điểm đó quá đông đến nỗi các bệnh binh phải nằm cùng giường với nhau. Thường khi một thương binh nặng được các đồng đội mang đến, một bác sỹ sẽ xua họ đi bởi ông ta đã có quá nhiều ca vô vọng. Một trung sỹ không quân ghi nhận “Đối diện với quá nhiều ca, quá nhiều người đau đớn, nhiều người chết và biết rằng không thể giúp gì được hơn, chúng tôi đưa viên trung úy của mình ra cùng chúng tôi. Không ai biết tên của tất cả những người bất hạnh đó, họ nằm lộn xộn với nhau trên đất, chảy máu đến chết, lạnh cứng, nhiều người mất tay hoặc chân, cuối cùng cũng chết bởi chẳng ai giúp”. Vì thiếu thạch cao bó bột nên các bác sỹ phải băng các chi gãy bằng giấy. “Các ca sốc hậu phẫu tăng cao” một bác sỹ phẫu thuật ghi nhận. Các ca bệnh bạch hầu cũng tăng nhanh. Phần tệ nhất là việc gia tăng rận rệp trên mình thương binh. “Trên bàn mổ, chúng tôi phải cạo rận ra khỏi quân phục và da bằng cái đè lưỡi và ném chúng vào lửa. Chúng tôi cũng phải tẩy chúng ra khỏi chân mày và râu ria, ở đó chúng bám lúc nhúc như những chùm nho”.

              Cái gọi là “bệnh viện” ở Gumrak còn tệ hơn cả Pitomnik, lớn hơn bởi tràn ngập trong dòng người. “Đó là một thứ địa ngục” một sỹ quan bị thương, rút lui từ mũi Karpovka báo cáo “Xác chết chất đống bên vệ đường, nơi người ta ngã xuống, rồi chết. Không ai chăm sóc. Không có băng gạc. Phi trường bị pháo kích, và bốn mươi người ních vào trong một căn hầm đào cho mười người, rung lên trong từng phát nổ”. Cha tuyên úy Thiên chúa giáo ở bệnh viện đó được biết với cái tên “Vua tử thần của Gumrak” bởi ông đã làm phép xức dầu thánh cho hơn 200 người một ngày. Các cha tuyên úy, sau khi vuốt mắt người chết, thường bẻ đi nửa dưới của thẻ bài (lính) như là một là bằng chứng chính thức của cái chết. Họ nhanh chóng thấy túi mình nặng nề.

             Các bác sỹ ở gần đó làm việc trong các “hẻm núi tử thần”, với những thương binh nằm trong các đường hầm đào vào vách núi dành cho ngựa. Với một bác sỹ, nơi đó, với nghĩa trang ngay phía trên, là Golgotha. Trạm y tế này cùng với cơ sở dành cho thương binh não bị bỏ lại cùng với hầu hết các thương binh nặng. Khi quân Nga đến, vài ngày sau, họ hướng đại liên vào các hình thù băng bó. Ranke, một thông dịch viên sư đoàn, bị thương ở đầu, nhỏm dậy và hét to bằng tiếng Nga. Đáng ngạc nhiên là quân Nga ngưng bắn và đưa anh ta tới gặp chính trị viên của họ, đến lượt ông ấy lại gửi anh ta lên để yêu cầu lính Đức đang rút chạy đầu hàng.

           Nếu lính Nga đang trong cơn say máu trả thù, thì thi thể lạnh cứng của tù binh Hồng quân trong trại như đổ dầu thêm vào lửa. Những người sống sót bị đói ghê gớm đến nỗi khi những người giải cứu cho họ bánh mì và xúc xích để ăn, thì đa số chết ngay lập tức.

          Kessel hẳn đã sớm sụp đổ nếu không có những người vững lòng tin vào lý do mà họ chiến đấu. Một trung sỹ Không quân thuộc sư đoàn cao xạ số 9 viết về nhà: "Con tự hào là một trong số những người bảo vệ Stalingrad. Có lẽ, đã đến lúc con chết, con sẽ hài lòng vì đã góp phần vào trận chiến bảo vệ vùng đất cực đông trên sông Volga cho tổ quốc, và hiến cuộc sống của mình cho Quốc trưởng cùng sự tự do của nước ta”.

          Ngay cả đến giai đoạn sau cùng, hầu hết các đơn vị chiến đấu tiếp tục kháng cự điên dại, và đó là những minh chứng cho lòng dũng cảm vô song. Tướng Jaenecke báo cáo rằng “một cuộc tấn công của hai mươi tám xe tăng Nga ở gần ga Bassagino bị chặn đứng bởi trung úy Hirschmann, chỉ huy một khẩu đội chống tăng. Anh đã diệt được 15 chiếc T-34 trong trận này”. Ở thời điểm gần kết thúc của trận chiến, sự lãnh đạo đã tạo nên sự khác biệt. Lãnh đạm và tự thán là những mối nguy lớn nhất, cả cho mệnh lệnh quân sự lẫn sự sống sót của cá nhân.

         Ở những khu vực chưa bị đột phá, quân lính đói kém quá mệt mỏi để đi ra ngoài hầm nhằm dấu nước mắt trước mặt đồng đội. “Anh đang nghĩ về em và con trai nhỏ bé của chúng ta” một người lính Đức vô danh viết trong lá thư không bao giờ tới được với vợ mình “Điều duy nhất còn lại trong anh là suy nghĩ về em. Anh bàng quang với mọi thứ xung quanh. Ý nghĩ về em xé nát tim anh”. Ngoài hỏa tuyến, binh sỹ lạnh cóng và yếu đến nỗi những cử động chậm chạp, rời rạc làm họ như thể đang chơi ma túy. Chỉ có một trung sỹ giỏi mới kìm cặp được họ, giữ cho súng của họ sạch sẽ và lựu đạn được chứa sẵn sàng để dùng nơi giá.

             Ngày 16 tháng Giêng, ngay sau khi Pitomnik bị mất, sở chỉ huy Tập đoàn quân VI gửi điện báo, phàn nàn rằng không quân chỉ thả dù hàng hậu cần. “Sao không có chuyến hậu cần nào hạ cánh ở Gumrak trong đêm?”. Fiebig trả lời rằng đèn hạ cánh và radio điều khiển mặt đất không hoạt động. Paulus dường như không biết về tình cảnh hỗn loạn ở sân bay. Những đội mặt đất tổ chức kém và quá yếu để làm việc tốt – “hoàn toàn thờ ơ”, như theo ý kiến của phía không quân. Kỷ luật bị phá vỡ bởi thương binh nhẹ cũng như những kẻ lạc ngũ và đào ngũ, kéo nhau đến phi trường để tìm kiếm sự bảo vệ. Đoàn quân cảnh “chó xích” bắt đầu mất kiểm soát với những đám đông quân lính đói kém, liều lĩnh tìm đường thoát. Theo các báo cáo của không quân, phần lớn là quân Rumani.

            Ngày 17 tháng Giêng, Tập đoàn quân VI bị ép lùi vào nửa phía đông của Kessel. Có tương đối ít trận đánh trong bốn ngày sau đó, bởi Rokossovsky đang tái bố trí lại các Tập đoàn quân của mình cho lần tấn công sau cùng. Trong khi hầu hết những trung đoàn tiền duyên còn theo lệnh, thì sự tan rã lại nhanh chóng đến từ phía sau. Trưởng ban hậu cần ghi nhận rằng “tập đoàn quân không còn khả năng cung cấp hậu cần cho các đơn vị”. Hầu hết ngựa đã bị ăn thịt. Cũng không còn bánh mì – vốn bị đông cứng với cái tên “Eisbrot”. Nhưng vẫn có những kho đầy lương thực, giữ bởi những tay quản trị hậu cần quá hăng hái, những chỗ này bị quân Nga chiếm nguyên vẹn. Vài chỗ, với quyền lực, chắc chắn là đã lợi dụng vị trí của họ. Như một bác sỹ báo cáo sau đó về một người giữ vị trí cao hơn ông ta, ngay trước mắt ông, “cho con chó của mình ăn một khúc bánh gì phết bơ dày, trong khi không có lấy một gam cho người trong trạm xá của mình”.

          Ngày 16 tháng Giêng, Paulus, tin rằng kết cục đã đến gần, nên đã gửi một điện tín cho tướng Zeitler đề nghị rằng các đơn vị vẫn đang chiến đấu cực khổ nên được bố trí đánh ra ở hướng nam, bởi ở lại trong vòng vây đồng nghĩa với việc bị bắt hay chết vì đói và lạnh. Dù không có được hồi đáp ngay từ Zeitler, những mệnh lệnh mở đầu cũng được đưa ra. Tối hôm sau 17 tháng Giêng, một sỹ quan tham mưu của sư đoàn bộ binh 371 báo với trung tá Mader rằng: “Mật mã Lion, cả Kessel chiến đầu tìm đường thoát theo mọi hướng. Các trung đoàn trưởng đã tập hợp các nhóm chiến đấu chừng 200 người tốt nhất, thông báo cho phần còn lại về việc hành quân và phá vây”.

          Một số sỹ quan cũng bắt đầu “tìm đường thoát khỏi việc bị quân Nga bắt, bởi điều đó còn tệ hơn cái chết”. Freytag-Loringhoven thuộc sư đoàn xe tăng 16, có ý kiến dùng vài chiếc xe Jeep Mỹ, bắt được từ quân Nga. Ý tưởng là lấy quân phục Hồng quân cùng vài tay Hiwis tín cẩn, muốn thoát khỏi sự báo thù của NKVD, cố chạy qua tuyến quân địch. Ý tưởng này lan ra khắp ban tham mưu sư đoàn, kể cả sư đoàn trưởng, tướng Angern. Ngay cả tư lệnh quân đoàn, tướng Strecker, cũng bị lôi cuốn chút đỉnh khi nghe được, nhưng là một sỹ quan trọng các giá trị truyền thống, ý tưởng bỏ rơi quân lính là không thể được. Một nhóm từ quân đoàn XI sau đó đã cố làm, và một số nhóm nhỏ khác, một số trượt tuyết, đột phá lên phía tây nam trong những ngày sau cùng. Hai sỹ quan tham mưu của tập đoàn quân 6, đại tá Elchlepp và trung tá Niemeyer, Trưởng ban tình báo, chết ngoài thảo nguyên.

           Rõ ràng là Paulus không có ý định bỏ rơi quân mình. Ngày 18 tháng Giêng, sau lượt thư cuối từ Đức được phát xuống vài sư đoàn, ông viết vài dòng từ biệt vợ, để cho một sỹ quan mang đi. Các huân chương, nhẫn cưới và ấn chỉ cũng được tháo ra, nhưng những thứ đó sau này bị Gestapo thu giữ.

          Tướng Hube nhận được lệnh bay ra từ Gumrak ngay trong sáng sớm ngày hôm sau trên một chiếc Focke-Wulf Condor để gia nhập đội đặc nhiệm của Thống chế Milch. Ngày 20 tháng Giêng, sau khi đến nơi, tới lượt mình, ông ta lại gửi một danh sách “các sỹ quan có năng lực và tín cẩn” để được gửi ra, tham gia với ông. Có lẽ không mấy ngạc nhiên, khi thấy phần lớn trong danh sách đó không có nhiều chuyên gia trong lãnh vực vận tải hay hậu cần, mà là những sỹ quan từ quân đoàn xe tăng của ông ta, đặc biệt là từ sư đoàn cũ của ông. Hẳn tướng Hube, đã cảm thấy có lý do, khi Tập đoàn quân VI ra qui định rằng các chuyên gia thiết giáp nằm trong số những ai được ưu tiên di tản bằng hàng không.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 01 Tháng Tám, 2015, 10:36:57 am
         Các sỹ quan huấn luyện của Bộ tổng tham mưu cũng nằm trong danh mục đặc biệt, nhưng phần đáng tò mò nhất chính là thứ có thể mô tả là một dạng “con thuyền Nô-ê của Tập đoàn quân VI”. Thượng sỹ Phillip Westrich từ sư đoàn Jager 100 “bay ra khỏi vòng vây trong ngày 22 tháng Giêng năm 1943 theo lệnh của Tập đoàn quân VI, yêu cầu một người từ mỗi sư đoàn”. Trung tá Mader và hai NCO được chọn từ sư đoàn bộ binh 297, và một danh sách dài khác theo từng sư đoàn. Hitler, trong khi bỏ cho Tập đoàn quân VI của Paulus đối diện với sự diệt vong, đã sẳn sàng suy nghĩ về ý tưởng tái lập một tập đoàn quân 6 khác – như phượng hoàng sống lại từ đống tro tàn. Ngày 25 tháng Giêng, ý tưởng đó trở thành một kế hoạch rõ rệt. Phụ trách tham mưu biệt bộ, tướng Schmundt, ghi nhận: “Quốc trưởng quyết định tái lập Tập đoàn quân VI với sức mạnh là 20 sư đoàn”.

       Những sỹ quan được chọn, mang theo các hồ sơ sống còn, được lựa chọn bởi những người kẹt lại đáng thương. Công tước Dohna-Scholobitten, được ra trong ngày 17 tháng Giêng, do có một công việc liên quan đến sở chỉ huy quân đoàn xe tăng XIV, không vì ông ta là Trưởng ban tình báo mà vì ông có trong tay hầu hết con cái các quan chức trong ban của mình. Rất nhanh sau đó, sở chỉ huy Tập đoàn quân VI cố nài cho số lượng các sỹ quan được bay ra với tư cách là chuyên gia phải gấp đôi. Đại úy von Freytag-Loringhoven, được chọn bởi thành tích ở vị trí tiểu đoàn trưởng xe tăng, nhận lệnh ưu tiên mang theo các thông điệp và các tài liệu khác từ sở chỉ huy tập đoàn quân. Ở đó, anh thấy tướng Paulus “dường như hoàn toàn bị trói chặt bởi trách nhiệm”.

           Tại phi trường Gumrak, sau một quảng thời gian chờ dài, anh lên được một trong năm chiếc oanh tạc cơ Heinkel, dưới sự hộ tống của quân cảnh để đẩy lùi những thương binh, bệnh binh bằng mũi súng tiểu liên. Lúc rời Kessel, hẳn anh đầy cảm xúc lẫn lộn: “Tôi cảm thấy rất tệ khi bỏ lại đồng đội. Nhưng đó là cơ hội để sống sót”. Anh ta cũng cố để đưa bá tước Dohna (một họ hàng xa của công tước Dohna) ra cùng, nhưng ông ta quá ốm. Dù đã được lên tàu an toàn cùng với chừng mười thương binh khác, nhưng Freytag-Loringhoven biết rằng họ chưa ra khỏi khu vực nguy hiểm. Chiếc Heinkel của họ vẫn đứng yên khi bốn chiếc kia đã cất cánh. Một máy bơm bị kẹt khi nạp nhiên liệu. Đạn pháo rơi mỗi lúc một gần hơn. Viên phi công ném chiếc bơm sang một bên rồi chạy về khoan lái. Họ cất cánh, chậm chạp lấy độ cao, bởi chở nặng thương binh, vào trong trần mây thấp. Khi đến độ cao 6000 feet, chiếc Heinkel đột ngột thoát khỏi mây đi vào “vùng ánh nắng tuyệt vời”, Freytag cũng như những người khác cảm thấy như “được tái sinh”.

           Khi đáp xuống Melitopol, những chiếc xe cứu thương từ bệnh việc đang đợi các thương binh, và một chiếc xe con đưa Freytag-Loringhoven đến sở chỉ huy của Thống chế Manstein. Anh ấy không có một ảo tưởng nào về sự hiện diện của mình. Và đang trong “tình trạng rất tệ”. Dù cao, rắn rỏi, nhưng anh cũng mất đến gần 60 cân. Má hõm xuống. Như mọi người khác trong vòng vây, anh đã không cạo râu nhiều ngày rồi. Bộ đồng phục binh chủng xe tăng bẩn thỉu, rách nát, đôi ủng trận thì quấn đầy giẻ để chống bỏng tuyết. Stahlberg, sỹ quan tùy viên của Manstein, trong bộ quân phục màu xám không một vết bụi, rõ ràng là đứng lùi lại. “Stahlberg nhìn tôi và tôi biết anh ta đang tự hỏi rằng: Hắn ta có rận không? – mà thiệt tình là tôi có rận – rồi anh ta bắt tay tôi với vẻ hết sức cẩn thận”.

            Stahlberg đưa anh vào gặp Manstein, vị thống chế đón anh thân tình hơn. Ông đứng dậy ngay ra khỏi bàn và bước đến bắt chặt tay anh mà không e sợ tý nào. Ông nhận các thông điệp và hỏi viên đại úy trẻ về tình hình trong Kessel. Lúc ấy Freytag-Loringhoven cảm thấy rằng ông ta, về cơ bản là một “cold man”.

          Manstein bảo Freytag-Loringhoven rằng anh được bố trí vào Đội đặc nhiệm của thống chế Milch nhằm tăng cường việc không vận. Trước tiên anh trình diện với Đại tướng von Richthofen, ông này vừa biết việc anh đến và bảo rằng ông ta rất bận nên không tiếp. Trong khi đó, thống chế Milch, “một người Quốc xã già” mà anh không mong là được ưu thích, lại cho thấy “có tình người hơn”. Ông lo lắng về diện mạo của Freytag-Loringhoven. “Chúa ơi, nhìn anh kìa!”. Sau khi hỏi han về tình hình của Stalingrad, Milch bảo: “Giờ anh phải được ăn ngon”.

            Ông lệnh rằng Freytag-Loringhoven phải được nhận khẩu phần ăn đặc biệt, có bơ và cả mật ong. Rồi viên sỹ quan xe tăng trẻ kiệt sức, được chỉ cho một ngăn phòng ngủ trong toa xe lửa sang trọng. “Đây là lần đầu tiên sau chín tháng trời, tôi được ngủ trên một cái giường. Tôi chẳng thèm quan tâm đến bọn rận. Tôi ném mình lên tấm ga trải trắng tinh và xác định rằng sẽ dời việc đến khu khử rận đến sáng hôm sau. Tiện nghi và ấm áp – ngoài trời đang âm 25 độ - là một sự tương phản không thể tin được

           Những sỹ quan khác, những ai được bay ra để làm việc với đội đặc nhiệm của Milch, đầu tiên bị mất phương hướng bởi họ chuyển sang một thế giới khác, sung túc và triển vọng. Nhưng họ vẫn không rõ về ý tưởng những gì có thể và không thể làm được của việc không vận. “Có thể nào không vận xe tăng vào từng chiếc một không?” đó là câu hỏi đầu tiên của tướng Hube trong cuộc gặp thứ nhất với thống chế Milch.

          Bản thân Milch, cũng như những ai chưa từng đặt chân vào Kessel, vẫn không thể hiểu thấu tình trạng tệ hại ghê gớm ở trong đó. Khi nhận được điện báo của Paulus trong ngày 18 tháng Giêng rằng tập đoàn quân 6 không thể trụ vững trong một vài ngày nữa bởi đã hoàn toàn hết xăng dầu và đạn dược, ông ta đã nói với Goering qua một cuộc điện thoại rằng: “Những người trong Pháo đài có dấu hiệu bị mất tỉnh táo”. Manstein cũng nghĩ như vậy, ông ta thêm vào. Bọn họ dường như chấp nhận theo bản năng cái chính sách ủng hộ quan điểm cá nhân của nhau, vào lúc mà chính họ xa cách với những sự thật kinh hoàng mà một Tập đoàn quân bị bỏ rơi phải đối mặt

            Đồng phạm của tấm thảm họa đang treo lơ lửng đó, còn rộng hơn, khi có cả tổng hành dinh Quốc trưởng và bộ tuyên truyền ở Berlin. “Vòng vây Stalingrad đã tới lúc kết thúc” Goebbel tuyên bố trong cuộc họp ở bộ, ba ngày trước “báo chí phải chuẩn bị để đưa tin thích hợp về kết quả chiến thắng của trận chiến vĩ đại ở thành phố Stalingrad – nếu cần thì thêm phụ trương”. Từ “chiến thắng” ở đây mang ý nghĩa tinh thần.

            Helmuth Groshcurth, tham mưu trưởng của Strecker và là thành viên chống chế độ năng nổ nhất trong vòng vây, xác định rằng những sự thật của thảm họa phải được thông tri đến các sỹ quan cao cấp để biến nó thành hành động. Ông sắp xếp để đưa một trong những đồng sự tin cẩn nhất, thiếu tá bá tước Alfred von Waldersee ra. Waldersee đi thẳng đến bộ tổng tư lệnh lục quân tại Bendlerstrasse ở Berlin, và gặp đại tướng Olbricht, một thành viên cao cấp của phe đối lập và tướng về hưu Beck, với thông điệp “chỉ có đánh ngay” chống lại Hitler mới cứu được Tập đoàn quân VI. Beck bảo Waldersee đến Paris để gặp tướng Von Stulpnagel và thống chế Von Rundstedt. Rundstedt trả lời rằng “rất buồn” vì Waldersee mất hết hi vọng làm được gì.

            Groscurth gửi lá thư sau cùng cho người em trai trong ngày 20 tháng Giêng, cũng là ngày sinh nhật của Susi, con gái ông “-cháu sẽ sớm không còn cha, như hàng ngàn trẻ em khác”, ông viết “sự đau khổ vẫn tiếp tục và tệ hơn trong từng giờ. Bọn anh bị đẩy lùi về một khu vực rất hẹp. Tuy vậy, bọn anh sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng theo mệnh  lệnh, đặc biệt là khi bọn anh được bảo rằng quân Nga sẽ giết hết tù binh, anh lo… Ở đây, không ai biết việc gì sẽ đến. Không có cả một lời hứa!”.

           Sở chỉ huy Tập đoàn quân VI cảm giác rằng đội của Milch không có hiểu rõ những điều tệ hại ở đây tới mức nào. “Không còn một người khỏe mạnh nào trên toàn mặt trận” một báo cáo trong ngày đó “mọi người, ít nhất là cũng bị bỏng tuyết. Sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 76, trong chuyến thị sát mặt trận ngày hôm qua đã đi qua rất nhiều xác lính bị chết cóng”.

           Trận tấn công của Liên Xô bắt đầu trở lại với những lực lượng tăng viện vào sáng ngày 20 tháng Giêng. Tập đoàn quân 65 chọc thủng phía tây bắc Gonchara và chiếm nó vào trong đêm đó. Gumrak, chỉ còn cách vài dặm, là mục tiêu chính.

           Việc di tản phi trường và các sở chỉ huy ở lân cận trong đêm hôm sau rất hoảng loạn khi các khẩu đội Katyusha khai hỏa. Đêm đó, đội đặc nhiệm của Milch nhận được điện báo: “Phi trường Gumrak bất khả dụng kể từ 4h00 ngày 22 tháng Giêng. Vào lúc đó, phi trường mới Stalingradsky sẽ sẵn sàng để sử dụng”. Điều này quá lạc quan. Đường băng hạ cánh ở Stalingradsky không thể dùng cho các máy bay lớn. Lúc đó Paulus đã hoàn toàn buông xuôi cho định mệnh và hầu như trì trệ. Một thiếu tá không lực Đức vừa quay về từ Kessel đã báo cáo với thống chế Milch rằng Paulus đã nói với anh ta: “Những sự trợ giúp đến kể từ bây giờ sẽ là quá muộn. Quân tôi không còn sức nữa”. Khi viên thiếu tá cố tóm tắt cho ông tình hình tổng quan của mặt Tây, đối diện với cụm Tập đoàn quân sông Đôn, ông đáp :”Người chết không hứng thú với lịch sử quân sự”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 03 Tháng Tám, 2015, 06:49:04 am
          Vì thiếu xăng dầu, nên 500 thương binh bị bỏ lại ở bệnh viện dã chiến ở Gumrak. Lúc bình minh sáng ngày 22 tháng Giêng, bộ binh Nga đã xuất hiện ở phía xa, tiến theo từng hàng dài “như đi bắn thỏ”. Lúc quân địch tiến đến trong tầm súng trường, các sỹ quan thuộc sư đoàn cao xạ số 9, chịu trách nhiệm dọn dẹp phi trường lên chiếc xe sau cùng. Khi chạy xuống đường được chừng 100 mét, họ thấy một người lính từ bệnh viện dã chiến, cả hai chân bị cắt bỏ, cố gắng tự di chuyển trên một chiếc xe trượt tuyết. Các sỹ quan Không quân dừng lại, cột chiếc xe trượt tuyết vào phía sau xe họ như theo lời yêu cầu của anh ta, nhưng nó lật úp ngay khi họ bắt đầu nổ máy chạy. Một viên trung úy đề nghị anh ta bám vào phía trước xe bởi không còn chỗ bên trong. Nhưng người thương binh từ chối không làm họ chậm thêm lại. Lúc đó họ đã ở trong tầm súng bộ binh Nga. “Hãy để tôi lại!” anh la lên “đằng nào tôi cũng không còn cơ hội”. Các sỹ quan không quân hiểu rõ đó là sự thật. Bất kỳ ai không thể tự đi bộ vào lúc đó xem như cầm chắc cái chết. Họ lái xe đi để người thương binh cụt chân đó ngồi trên tuyết cạnh chiếc xe trượt, đợi quân Nga đến và kết liễu mình.

           Có thể anh ta bị bắn như nhiều thương binh khác bên đường. Nhà văn cộng sản, Erich Weinert cố quả quyết rằng “những người tàn tật bị bỏ rơi” ráng lết theo những đồng đội đang trong tầm “hỏa lực tấn công của Hồng quân”. Sự thật là Hồng quân, cũng như quân đội Đức, chỉ có rất ít lương thực cho thương binh phía kẻ thù. Các báo cáo rằng 500 phế binh bị bỏ lại bệnh viện dã chiến Gumrak trong sự chăm sóc của hai hộ lý và một cha tuyên úy đã bị tàn sát, là không đúng. Hồng quân chỉ đơn giản là bỏ họ lại tự kiếm ăn bằng “nước từ tuyết và thịt từ xác ngựa”. Những ai sống sót được chuyển đến trại ở Beketovka mười ngày sau đó.

           Cảnh tượng thất bại càng tệ hại thêm khi những người lính thất trận lui về gần Stalingrad. “Xa ngút tầm mắt, là những thi thể lính bị xe tăng đè nghiến, những tiếng rên vô vọng của thương binh, những xác chết đông cứng, xe cộ bị bỏ lại do hết xăng, những khẩu pháo vỡ tung cùng các thiết bị linh tinh”. Thịt được lóc hết ra từ sườn những xác ngựa chết bên đường. Quân lính mơ màng tóm được một chiếc dù tiếp liệu, nhưng chúng thường bị chiếm mất khi tiếp đất hoặc thất lạc trong tuyết.

        Dù việc sụp đổ ở ngay trung tâm là không thể ngăn chặn, nhưng ở nhiều khu vực các nhóm chiến đấu Đức vẫn chiến đấu quyết liệt. Sáng sớm ngày 22 tháng Giêng, những phần còn lại của sư đoàn bộ binh 297 bị đẩy lùi từ vùng Voroponovo về ngoại ô Stalingrad. Thiếu tá Bruno Gebele và những người còn sống trong tiểu đoàn của anh đợi trận xung phong kế tiếp. Hỏa lực yểm trợ duy nhất của họ là vài khẩu sơn pháo dưới quyền một trung sỹ, anh này lịnh không bắn cho đến khi quân Nga đến trong tầm 200 – 300 thước. Ngay trước lúc 7 giờ sáng, tiểu đoàn của Gebele bị pháo kích, một lính gác la lên: “Herr Major, sie kommen!” (Thiếu tá, chúng đến)

            Gebele chỉ có thời gian để hét “Ra ngoài!”. Quân của anh băng mình đến các hỏa điểm. Một đám đông bộ binh trong quân phục màu trắng tiến lên phía họ, gào vang “Urah!Urah! Urah”. Khi những tên đầu tiên chỉ cách 40 thước thì các lính thủ pháo Đức khai hỏa bằng trung liên, tiểu liên và súng trường. Quân Nga thiệt hại nặng. “Đợt đầu tiên bị giết hoặc nằm lại đó, đợt thứ hai cũng vậy, rồi cả đợt thứ ba. Trước vị trí của chúng tôi, xác lính Liên Xô chất đống và che chắn cho chúng tôi như những bức tường bằng bao cát”.

           Phía Nga không bỏ cuộc. Họ chỉ đơn giản là đổi hướng, tập trung vào các đơn vị bên sườn. Lúc 9h30, họ chọc thủng tuyến quân Rumani ở phía trái. Một viên đạn chống tăng bắn trúng viên tiểu đoàn phó thứ nhất của Gebele, khi đó đang đứng cạnh anh, và giết tươi anh ta ngay tức khắc. Rồi Gebele cảm thấy có cái gì đó xô mạnh vào vai trái anh. Viên đạn đại liên đó cũng đã giết chết viên quản trị tiểu đoàn, trung sỹ Schmidt, sau khi xuyên thủng qua chiếc nón sắt. Gebele điên tiết, đặt khẩu carbine lên bức tường tuyết trước mặt, để có thể bắn được vài phát bằng cánh tay và phía vai còn lại.

          Một làn sóng quân Nga nữa tràn đến. Gebele thét gọi anh em còn sống khai hỏa lần nữa. MỘt trung sỹ tham mưu cố bắn từ một khẩu cối nhẹ, nhưng tầm quá ngắn và gió đã làm vài quả rơi ngược lại vị trí của họ. Sau khi trụ được bảy tiếng, Gebele nhìn thấy cờ Nga xuất hiện trên tháp nước ở phía sau. Họ đã bị bọc sườn. Anh tập hợp những người còn sống lại và đưa họ về phía trung tâm thành phố Stalingrad. Ở đây, trong thành phố, họ sốc bởi cảnh tượng của sự tàn phá và sụp đổ. “Trời lạnh ghê gớm” một trong số họ viết “và chung quanh là sự hỗn độn, như thể thế giới đã đến ngày tận thế”.

            Ngày 22 tháng Giêng ấy – sau ngày Goebbels chuẩn bị đạo diễn cho vở bi kịch Stalingrad bằng thứ gọi là “chiến tranh tổng lực” – Tập đoàn quân VI nhận được điện báo từ Hitler đóng niêm phong lên số mệnh của nó. “Không được đầu hàng. Các đơn vị chiến đấu cho đến cùng. Nếu có thể, hãy thu hẹp và giữ vững pháo đài (Stalingrad) bằng các lực lượng xứng đáng. Pháo đài kiên cường, anh dũng sẽ mang lại cơ hội để thiết lập mặt trận mới và phản công. Làm như vậy, Tập đoàn quân VI sẽ hoàn thành trọng trách lịch sử của mình trong giai đoạn vĩ đại nhất của lịch sử nước Đức”.




        .........................................



Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 04 Tháng Tám, 2015, 05:06:43 am
                                                                                             XXII


                                                     MỘT THỐNG CHẾ ĐỨC KHÔNG THỂ TỰ TỬ BẰNG KÉO CẮT MÓNG TAY!



           Khi những chiếc phi cơ Không quân Đức bay mất, mọi người nhìn theo khát khao, và tiếp tục trông lên bầu trời cho đến khi đóm sáng nhỏ nhoi ấy biến mất hẳn. “Với trái tim nặng nề” một người lính viết “chúng tôi trông theo chiếc máy bay và nghĩ rằng thật tuyệt biết bao nếu được bay ra, khỏi cái địa ngục mà chúng tôi đang bị bỏ rơi này”. Sau khi phi trường Gumrak bị chiếm vào sáng sớm ngày 22 tháng Giêng, chỉ còn một ít chuyến bay cố hạ cánh được ở phi đạo Stalingradsky bé tý. “Cầu không vận”, và là lối thoát cuối cùng, đã sụp đổ.

            Việc tiếp liệu giờ phụ thuộc vào những thùng hàng được thả dù xuống, “những quả bom hậu cần”, nhưng dù Tập đoàn quân VI yêu cầu dùng dù màu đỏ, phía Không quân Đức vẫn dùng dù trắng. Hệ thống thả dù càng lúc càng trở nên thả-và-mất, bởi rất ít đơn vị còn pano nhận dạng và Quân đoàn không quân VIII đã mất liên lạc vô tuyến với sở chỉ huy Tập đoàn quân VI kể từ ngày 24 tháng Giêng. Tướng Hube nhận một thông điệp rằng lính ở trong thành Stalingrad đổ nát, khi nghe tiếng động cơ máy bay, sẽ nằm trên tuyết xếp thành một hình dạng chữ thập để định dạng rằng “Quân Đức đang ở đây”. Khi ánh sáng hoặc tầm nhìn xấu, họ sẽ bắn pháo sáng lên ngay hướng máy bay, nhưng quân Nga ở quanh đó cũng bắn ngay lập tức pháo sáng cùng màu lên trời nhằm rối trí phi công. Gió mạnh cũng mang nhiều kiện hàng sang các tuyến mặt trận đã nhanh chóng rơi vào tay quân địch. Nhiều người liều mạng tới mức ráng chạy ra lấy những kiện hàng rơi ở bên ngoài. Những tay súng bắn tỉa Nga dễ dàng kết thúc họ. Trong những đống đổ nát ở Stalingrad, quân Đức đói khác cố mai phục lính Nga để cướp bánh mỳ.

         Gumrak thất thủ đồng nghĩa với một chuyến đi kinh hoàng khác với các thương binh, mà đa số họ vừa mới chuyển từ Pitomnik sang, nơi họ đã thất bại khi tìm một chỗ trên các chuyến bay. “Thương binh kiệt sức tự băng bó nhau trong thị trấn đổ nát” một người sống sót báo cáo “họ bò đi như những con vật trên bốn chân, trong hi vọng tìm được vài sự giúp đỡ”.

        Điều kiện trong các bệnh viện tạm thời ở Stalingrad còn tệ hơn cả Gumrak, với chừng 20.000 thương binh chen chúc trong các căn hầm đào dưới đống đổ nát của thành phố, đó là không nói đến số bệnh binh, mà có thể đến con số 40.000. Chừng 600 thương binh nặng nằm trong tầng hầm nhà hát Stalingrad, không đèn, không hệ thống vệ sinh. “Tiếng than, tiếng gọi giúp đỡ và cầu nguyện” một bác sỹ viết từ sư đoàn bộ binh cơ giới hóa số 60 “hoà cùng tiếng gầm của bom đạn. Mùi khói thuốc, mùi máu và mùi hôi thối từ các vết thương quyện đặc trong phòng”. Không có băng gạc, không thuốc và cũng không nước sạch.

         Một số các bác sỹ thuộc các đơn vị tiền duyên được lệnh đến giúp sức trong hệ thống hầm ở hẻm núi Tsaritsa. Khu phức hợp này, trông như những đường hầm trong mỏ, giờ chứa đến 3000 thương binh hoặc bệnh binh nặng. Bác sỹ Hermann Achleitner, khi đến theo mệnh lệnh, đã được nhắc nhở ngay một câu: “Những ai vào đây là đã hết hi vọng”. Hàng đống xác lạnh cứng bên ngoài làm ông sốc mạnh. Bên trong, cảnh tượng địa ngục càng được tăng thêm bởi những ngọn đèn dầu tự chế, nguồn ánh sáng duy nhất ở đó. Không khí hôi thối, ngột ngạt khó thở. Ông được chào đón bằng những lời than vãn đáng thương: “Làm ơn cho tôi chút gì để ăn!”. Mỗi bệnh nhân chỉ nhận được một lát mỏng bánh mỳ cũ mốc cho cả ngày. Các bác sỹ biến nó thành một dạng súp, nóng và tốt hơn chút đỉnh. Băng gạc thiếu nghiêm trọng cho những ca bỏng tuyết nặng. Ông ghi nhận “Thường thì ngón chân, ngón tay đã nằm trong các lớp băng cũ bẩn thỉu khi chúng tôi thay”. Không thể khử rận. Các y tá khi thay băng đều thấy hàng đống rận xám lúc nhúc bò trên cổ tay, cẳng tay của bệnh nhân. Và khi người ấy chết, rận lũ rận sẽ kéo đàn bò đi khỏi thi thể anh ta để tìm một cơ thể còn sống khác. Các bác sỹ cách ly ngay những ca bệnh sốt Rickettsia ngay khi chẩn đoán ra, nhưng họ hiểu họ không còn nhiều thời gian trước khi có một trận dịch diễn ra ngay trong tầm tay. Một người lính trẻ, vẽ lại cảnh cơ cực đó, đã nghe thấy thời xì xào “Ở nhà họ sẽ không bao giờ biết được nơi đây như thế nào

          Rút lui về từ thảo nguyên, khi vòng vây bị các Tập đoàn quân của Rokossovsky tiến đánh, làm số lính Đức trong thành phố đổ nát lên đến trên 100,000 người. Nhiều, nếu không phải là hầu hết, mắc bệnh lỵ, vàng da hoặc các bệnh khác, mặt họ nhuốm màu vàng xanh.

         Phản ứng của thường dân Stalingrad không phải lúc nào cũng là thù địch, như một thương binh thuộc sư đoàn bộ binh 297 phát hiện ra. “Người phụ nữ Stalingrad đã xoa bóp đôi chân lạnh cứng của tôi trong cả giờ để không bị bỏng tuyết nặng” một sỹ quan viết “Nhiều lần họ nhìn tôi với sự trắc ẩn và bảo “cậu ấy quá trẻ và chắc chết mất””. Một nhóm lính, ngạc nhiên khi thấy vài phụ nữ Nga trong một ngôi nhà đổ nát một phần. Họ vừa nướng xong ít bánh mỳ, và đồng ý đổi một ổ lấy một khoang thịt ngựa đông lạnh.

         Các trung đoàn, sư đoàn chẳng còn gì. Sư đoàn xe tăng 14 còn không quá 80 lính có khả năng chiến đấu. Khó lắm mới có một chiếc tăng hay một vũ khí hạng nặng nào đó còn đạn. Trong tình cảnh tuyệt vọng đó, kỹ luật bắt đầu bị tan vỡ. Sau khi tướng Paulus từ chối đầu hàng, việc kháng cự vẫn tiếp tục rộng khắp vì sợ quân Nga trả thù.
                                                 
       Không còn e ngại đại bác chống tăng, những chiếc T-34 của Liên Xô nghiền nát các ổ vũ khí và pháo thủ Đức dưới vòng xích. Hầm hố, boongke và các tòa nhà được gia cố bị phá nát bởi một khẩu dã pháo kéo đến trong tầm bắn thẳng. Lính Đức giờ đây trong tình cảnh bất lực cực độ, không làm gì được cho những đồng đội bị thương và ngay cho cả chính mình. Những trận tấn công tàn nhẫn của họ trong mùa hè năm trước dường như thuộc về một thế giới nào đó khác. Ngày 25 tháng Giêng, tướng Paulus và đại tá Wilhelm Adam, một trong các sỹ quan tham mưu cao cấp của ông, bị thương nhẹ ở đầu do mảnh bom. Tướng Morizr von Drebber đầu hàng cùng với một phần của sư đoàn bộ binh 297 ở cách phía tây nam Tsaritsa 3 dặm. Khi viên đại tá Liên Xô đến nhận sự đầu hàng đã hỏi rằng: “Các trung đoàn của ông ở đâu?”. Morizt von Drebber, theo phiên bản được phát sóng sau đó hai ngày trên truyền thanh Liên Xô bởi tiểu thuyết gia Theodor Plievier – một người cộng sản Đức “Cư dân Moscow”, đã nhìn quanh nhúm người còn lại, kiệt sức và bỏng tuyết, trả lời: “Tôi có cần phải giải thích cho ông không, thưa ông đại tá, về việc những trung đoàn của tôi ở đâu?

           Trưởng ban quân y Tập đoàn quân VI, tướng Renoldi, là một trong số những tướng lĩnh đầu tiên tự nộp mình (Lần đầu tiên tình báo Hồng quân nghe được rằng Paulus đang trong tình trạng sụp đổ, đó là kết quả của cuộc thẩm vấn ông ta). Tuy nhiên, vài vị tướng khác vẫn tiếp tục hành động. Tướng Schlomer, người thay thế tướng Hube, bị bắn vào đùi, và tướng Von Hartmann của sư bộ binh 71 bị giết bởi một viên đạn vào đầu. Tướng Stempel, sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 371 tự sát, như một số sỹ quan khác lúc bị địch quân tràn ngập ở vùng nam Stalingrad đến sông Tsaritsa. Bình minh ngày 26 tháng Giêng, xe tăng của tập đoàn quân 21 đã tiếp xúc được với sư đoàn bộ binh cận vệ 13 của Rodimtsev ở phía bắc đồi Mamaev Kurgan, cạnh khu tập thể công nhân nhà máy Tháng Mười đỏ. Cảnh tượng này thật cảm động như đã được dự đoán trước, đặc biệt là với tập đoàn quân 62 của Chuikov, những người đã chiến đấu đơn độc trong gần 5 tháng qua. “Mắt của những người lính cứng cỏi gặp nhau tràn lệ vui mừng” Chuikov viết. Rượu được chuyền tay nhau trong niềm vui mãnh liệt.

           Vòng vây Stalingrad bị chia cắt làm đôi, Paulus và phần lớn sỹ quan cao cấp bị kẹt trong cái túi nhỏ hơn, ở phía nam, và quân đoàn XI của Strecker ở phần phía bắc quanh khu vực nhà máy kéo Stalingrad. Liên lạc duy nhất với thế giới bên ngoài của ông ta là hệ thống vô tuyến của Sư đoàn xe tăng 24.

          Trong hai ngày kế tiếp, quân lạc ngũ Đức và Rumani, những thương binh hoặc bị pháo dập, cũng như các nhóm vẫn còn sức chiến đấu, tất cả rút vào phần túi phía bắc nhỏ hơn, nơi Paulus và Schmidt thiết lập sở chỉ huy mới ngay dưới cụm cửa hàng bách hóa Univermag ở quảng trường Đỏ.

          Biểu tượng cuối cùng của sự chiếm đóng Đức là lá cờ chữ thập ngoặc treo trên một cột cờ tạm ở ban công trên lối vào. Những đơn vị còn lại thuộc trung đoàn pháo thủ 194 của đại tá Roske làm lực lượng bảo vệ. Roske được thăng cấp tướng với cương vị sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 71 đã bị tiêu ma. Số lượng sỹ quan cao cấp Đức đầu hàng đồng nghĩa với ban 7 của Phương diện quân sông Đon, chịu trách nhiệm “hoạt động tuyên truyền” bận rộn hơn bội phần. Nhiều tù binh được mang đến thẩm vấn đề từ khi trận tấn công bắt đầu, và khó để chọn ai “quan trọng hơn”.

         Đại úy Dyatlenko nhận lệnh quay về sở chỉ huy Phương diện quân sông Đon ngay lập tức. Một vị tướng Đức khác được mang đến để thẩm vấn. Dyatlenko biết rằng việc tốn thời gian với người mới này là xứng đáng, tướng Edler von Daniels. Qua lục soát những túi thư từ một chiếc máy bay vận tải bị rơi lúc đầu tháng, tìm thấy những lá thư viết theo dạng nhật ký của tướng Daniels gửi cho vợ. Cũng như những tù binh vừa mới bị bắt khác, Daniels trong tình trạng dễ bị khuất phục. Là một thẩm vấn viên đầy kinh nghiệm, Dyatlenko biết rằng chiến thuật tốt nhất bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Anh hỏi người tù quanh co về “em bé – vòng vây” của ông và rồi làm ông mất thăng bằng bằng việc bất ngờ đưa ra những lá thư và giấy tờ mà Daniels nghĩ rằng nó đã được gửi an toàn về Đức.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 05 Tháng Tám, 2015, 06:49:00 am
          “Thưa tướng quân” Dyatlenko ghi âm lại phần trao đổi với ông ta “Xin vui lòng nhận lại những giấy tờ của ngài. Đây là tài sản cá nhân của ngài, và ngài có thể đưa nó vào tài liệu lưu trữ của gia đình khi ngài trở về sau chiến tranh”. Dường như Daniels bị mất tự chủ bởi lòng biết ơn. Ông nhận ly trà và bánh qui cùng thuốc lá Nga, rồi “trả lời câu hỏi của chúng tôi”. Dyatlenko giữ ông đến tận tối.

           Sau buổi ăn tối, lại tiếp tục đến tận nửa đêm.Trong nhiều trường hợp, cách tiếp cận tế nhị như vậy là không cần thiết. Bởi với tâm lý ngượng ngùng pha lẫn giận dữ vì thất bại, làm họ dễ bảo nếu không nói là hợp tác, những sỹ quan đó cảm thấy bị phản bội với tư cách cá nhân và thấy có lỗi với lính của mình vì đã bảo đảm với họ về lời hứa bảo vệ của Quốc trưởng.

           Trong suốt buổi hỏi cung, họ thường xúc phạm nặng đến Hitler và chế độ. Họ gọi Goebbel là “con vịt què” và lấy làm tiếc rằng tay Goering mập ú đã không phải chịu đựng cái gọi là “thực đơn ăn kiêng ở Stalingrad”. Nhưng dĩ nhiên nó cũng cho những người Nga thấy rằng những viên tướng đó chỉ nhận ra bộ mặt thật của Hitler khi họ phải nếm trải sự phản bội mà ông ta đã đối xử vơi họ và Tập đoàn quân VI. Một vài người trong số đó còn mô tả Hitler và những chính sách của ông ta là tội phạm khi họ tiến sâu vào lãnh thổ Nga và những hành động tàn bạo được làm ngay trước tuyến mặt trận, rằng họ phải biết đến việc đó, nếu không có trường hợp nào chịu trách nhiệm trực tiếp.

           Từ các cuộc thẩm vấn sỹ quan bị bắt, sở chỉ huy Phương diện quân sông Don, hình thành ấn tượng mạnh mẽ rằng Paulus “đang trong tình trạng căng thẳng nặng, và phải làm vai trò mà họ buộc ông phải làm”. Họ càng thêm tin rằng Paulus đang là một tù nhân trong chính sở chỉ huy của ông và cai ngục chính là viên tham mưu trưởng. Dyatlenko không chút nghi ngờ rằng Schimidt chính là “tay, mắt của đảng Quốc xã” trong tập đoàn quân 6, bởi những sỹ quan bị bắt khai rằng “Schmidt đang chỉ huy tập đoàn quân và cả bản thân Paulus”.

           Đại tá Adam, sau này khai với Dyatlenko rằng, chính Schmidt là người lệnh cho việc đuổi đoàn sứ giả ngưng chiến về (Dyatlenko không hề tiết lộ rằng anh chính là người trong đoàn ấy). Các sỹ quan cao cấp ở Tập đoàn quân VI hình như đều biết rõ nội dung chứa trong chiếc túi da bóng ấy. Vào cái buổi sáng ngày 9 tháng Giêng đó, khi Dyatlenko và Smyslov đợi trong hầm, họ đang đọc trong bữa ăn sáng các truyền đơn được thả từ máy bay Nga với dòng tối hậu thư. Cũng trong sáng đó, tướng Hube bay về trong vòng vây sau chuyến làm việc với Hitler. Ông ta mang theo mệnh lệnh không được đầu hàng. Theo đại tá Adam, điều này đã làm tăng vị trí của người không khoan nhượng Schmidt tại sở chỉ huy Tập đoàn quân VI.

         Ngày 29 tháng Giêng, đêm kỷ niệm năm thứ mười ngày Hitler chiếm quyền lực, sở chỉ huy Tập đoàn quân VI gửi một điện tín chúc mừng từ căn hầm đổ nát của họ: “Kính gửi quốc trưởng! Tập đoàn quân 6 chúc mừng Quốc trưởng nhân ngày kỷ niệm sự kiện ngài nắm quyền. Lá cờ chữ vạn vẫn phất phới trên thành Stalingrad. Cuộc chiến đấu của chúng tôi có lẽ là một tấm gương cho các thế hệ hiện tại và tương lai sẽ không đầu hàng cho dù tình hình tuyệt vọng và rằng nước Đức sau cùng sẽ chiến thắng.

           Heil mein Fuhrer! Paulus”.


          Bức điện kỳ cục trong hoàn cảnh lúc đó, dường như được thảo và gửi bởi tướng Schmidt. Từ ngữ rõ ràng mang giọng lưỡi ông ta. Còn Paulus, khi ấy, bị bệnh lỵ, bàng hoàng vì các sự kiện và mất tinh thần, nên không khó để tưởng tượng ra rằng ông chỉ biết gật đầu chấp thuận khi được cho xem bức điện. Groscurth, như để chứng minh, đã báo cáo trong một lá thư không lâu trước đó rằng: “Tướng Paulus trong tình trạng kiệt quệ về thể xác lẫn tinh thần”.

        Ngày 30 tháng Giêng, ngay trong lễ kỷ niệm, Goering đã phát biểu trên đài, so sánh Tập đoàn quân VI với quân Spartan ở Thermopylae. Bài diễn thuyết này không đón nhận tốt mấy ở Stalingrad khi nghe qua sóng radio. Sự thật là, với mọi người, Goering đã đọc “bài điếu văn cho chúng tôi”, lăng nhục đến thanh danh của họ. Gottfried von Bismarck đã mô tả ảnh hưởng là “kinh khủng”. Trong những căn hầm trong nhà hát Stalingrad lèn chặt thương binh, giọng của Goering được nhận ra ngay. “Tắt ngay đi” vài người hét lên. “Chuyển kênh đi” những người khác gào theo và nguyền rủa ông ta. Chương trình phát thanh kết thúc bằng bảng giao hưởng số năm của Bruckner. Nhiều sỹ quan đùa cợt chua cay rằng cuộc “tự sát của người Do Thái” trên đỉnh Masada có lẽ là một so sánh hợp lý hơn là Thermopylae.

         Họ không biết rằng nó cực kỳ chính xác thế nào. Hitler đã tính toán đến một cuộc tự sát tập thể, bao gồm tất cả những sỹ quan cao cấp. Bài diễn thuyết của chính Hitler được Goebbel phát sóng sau đó trong ngày kỷ niệm, bị trễ lại bởi máy bay ném bom Nga. Nghe có vẻ cay đắng, nhưng hồi tự-bào-chữa xem chừng quá thô để dấu. Ông ta chỉ dành một câu cho Stalingrad, bởi thảm họa sẽ phủ bóng lên ngày vui của chế độ: “Trận đánh anh hùng của quân ta trên dòng Volga là sự cổ vũ cho mọi người làm hết sức mình cho cuộc chiến vì tự do và tương lai của nước Đức, và rộng hơn là sự bảo tồn cho cả châu Âu”. Đó là lần thú nhận đầu tiên rằng kể từ đó quân đội Đức phải chiến đấu để ngăn chặn sự thất bại.

         Ngày hôm sau, Hitler, như thể bù đắp cho cảm xúc của thảm họa, đã phong tước cho 4 vị thống chế mới, bao gồm cả Paulus. Đây là đợt thăng chức cao cấp lớn nhất kể từ lần chiến thắng nước Pháp. Khi điện tín thông báo về việc thăng chức lên thống chế đến, Paulus ngay lập tức đoán ra rằng ông được cho một ly thuốc độc. Ông kêu lên với tướng Pfeffer trong cuộc hội họp cấp tướng lần cuối rằng: “Tôi không có ý định tự bắn mình vì tay hạ sỹ lang thang đó” (I have no intention of shooting myself for this Bohemian corporal).

          Một viên tướng khác nói với thẩm vẩn viên NKVD của ông rằng Paulus đã nói: “Đó trông có vẻ như là một lời mời chào tự sát, nhưng tôi không làm cái đặc ân đó cho Hitler đâu”. Theo bản năng Paulus không chấp nhận việc tự sát. Khi ông nghe quân của mình chọn kiểu “tự sát theo lối lính” – đứng trên giao thông hào để đợi quân địch bắn hạ - ông ra lệnh cấm ngay kiểu đó. Còn Hitler, dĩ nhiên không thèm quan tâm tới việc cứu mạng, mà chỉ chú trọng tới việc tạo nên những huyền thoại đầy thuyết phục. Rõ ràng là ông ta hy vọng các sỹ quan cao cấp của Tập đoàn quân sẽ theo gương của Đô đốc Lutjen trên thiết giáp hạm Bismarck, một ý nghĩ kỳ quặc, không nghi ngờ gì, được khuyến khích từ tin cái chết của tướng Von Hartman và tướng Stempel.

          Túi phía nam tiếp tục co lại nhanh chóng. Ngày 30 tháng Giêng, các đơn vị Soviet đã xuyên thủng đến ngay trung tâm thành phố. Trong những căn hầm nơi phần lớn quân Đức đang trốn cái lạnh và pháo kích, tâm trạng tuyệt vọng và đề phòng kinh khủng dâng cao. Ở trụ sở của NKVD, bầu trời mùa đông có thể nhìn thấy qua mái vòm bị xuyên thủng. Sàn bằng đá phủ đầy gạch vỡ và vụn vữa trong cái kiến trúc như cái lồng gồm cầu thang và rào chắn vặn xoắn vào nhau. Một lá cờ chữ thập đỏ bên ngoài lối vào làm một sỹ quan bộ binh Đức nổi điên, vì cho đó là dấu hiệu đầu hàng.

         Anh ta bước xuống hầm, ở đó các bác sỹ vẫn tiếp tục phẫu thuật trong ánh đèn cháy bằng gas của bệnh viện dã chiến, trong khi đợi quân Nga đến. Dữ tợn với ánh mắt hoang dại, viên sỹ quan đe dọa họ bằng khẩu tiểu liên. “Việc gì ở đây vậy? Sẽ không có đầu hàng gì cả! Cuộc chiến vẫn tiếp tục”. Nhiều người bị mất thăng bằng do căng thẳng và ảo giác vì thiếu ăn nghiêm trọng. Trong hầm đầy người còn trong cơn mê sảng. Bác sỹ Marksein, một người Danzig, nhún vai thờ ơ “Đây là trạm y tế”, ông nói. Người chiến binh loạn trí không bắn họ, vẻ ma quái của anh biến mất và trở nên u ám mà không một lời nói.

         Khi tướng Von Seydlitz, ở trong cùng tòa nhà, cho phép các sư đoàn trưởng thuộc quyền, kể từ ngày 25 tháng Giêng tự quyết họ sẽ đầu hàng hay không, Paulus đã giải phóng nhiệm vụ chỉ huy của ông ta. Ông đặt tất cả các sư đoàn của Seydlitz dưới quyền tướng Walter Heitz, tư lệnh quân đoàn VIII. Khi ấy, Heitz ra một mệnh lệnh rằng ai cố đầu hàng sẽ bị bắn tại chỗ. Lúc Seydlitz cùng hơn một tá sỹ quan khác đầu hàng – trong đó gồm cả tướng Pfeffer, Korfes và Sanne – hỏa lực đại liên đã bắn vào họ từ tuyến quân Đức khi phía Nga giải họ đi. Sau nay Seylitz tuyên bố rằng hai sỹ quan Đức đã tử thương là kết quả của cái “mệnh lệnh khải huyền” của Heitz.Tuy vậy, tướng Heitz, khi đưa ra lệnh “Chúng ta chiến đấu đến viên đạn cuối cùng”, đã không bao gồm cá nhân ông và sở chỉ huy của ông vào trong câu nói hoa mỹ tu từ đó. Một sỹ quan dưới quyền đã nhận thấy rằng, ban tham mưu của ông ta, rõ ràng là ông ta biết, đã chuẩn bị cờ trắng.

         Đại tá Rosenfeld, sỹ quan không quân chỉ huy trung đoàn cao xạ 104 lại tuân thủ sự khoa trương đó đúng như mong đợi của chế độ. “Lá cờ chữ vạn tung bay trên đầu chúng tôi” ông đánh điện về trong đêm 30 tháng Giêng “Mệnh lệnh của tổng tư lệnh tối cao sẽ được thực hiện đến cùng. Quốc trưởng muôn năm!”. Đêm đó, sở chỉ huy tập đoàn quân 6 gửi một điện tín cảnh báo rằng một số chỉ huy đang đầu hàng bởi quân mình hết đạn, nhưng cũng kế tục lối nói hoa mỹ như của Rosenfeld, tuyên bố rằng họ đang “lắng nghe bài quốc ca lần sau chót với cánh tay giơ cao chào nước Đức”. Một lần nữa, giọng điệu này mang hơi hớm của Schmidt hơn là của Paulus. Mà cho dù sự thật thế nào, thì chẳng có mấy người lính có ước mơ hoặc đủ sức để chia sẽ cảm xúc đó. “Trong đêm 30 tháng Giêng,” một trung sỹ ghi lại “mọi người bận rộn với suy nghĩ riêng, với cái đói cồn cào, với vết thương đau nhức và bỏng tuyết, cùng những suy tư về nhà và về số mệnh của họ”. Các sỹ quan thì đặc biệt lo sợ bị tử hình. Nhiều người tháo quân hàm.

          Cũng trong giữa đêm đó, tướng Voronov trong căn nhà izba ở sở chỉ huy phương diện quân sông Don, hốt hoảng tỉnh giấc sau một giấc ngủ chập chờn. Một ý nghĩ đột nhiên ồ đến với ông rằng Paulus có thể đã trốn thoát bằng một chiếc máy bay hạ trên lớp băng của sông Volga. Phản ứng của Stalin trước việc mất một giải thưởng có giá như vậy thì thật là rõ ràng để tưởng tượng. Ông nhảy khỏi giường và gọi điện ra lệnh cho pháo binh dọc bờ đông Stalingrad phải được nhắm vào lớp băng để phòng xa.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 07 Tháng Tám, 2015, 12:03:46 am
        Sáng ngày kế tiếp, 31 tháng Giêng năm 1943, Tập đoàn quân 64 của Sumilov siết chặt toàn bộ trung tâm thành phố Stalingrad. Những tòa nhà đổ nát và hầm hố được quét sạch bằng thủ pháo và súng phun lửa. Quảng trường Đỏ bị pháo cối tập trung hỏa lực trước khi lính tiến vào cửa hàng Univermag. Lính thủ pháo còn lại của Roske xung quanh sở chỉ huy Paulus cuối cùng cũng hạ vũ khí. 7h30 sáng, đại úy Behr thuộc đội đặc nhiệm Milch nhận điện : “Quân Nga ở ngay cửa. Chúng tôi chuẩn bị đầu hàng”. Mười phút sau, thượng úy Fyodor Ilchenko bước vào tầng hầm chật cứng và hôi hám, thì điện tín được gửi đi: “Chúng tôi đầu hàng”. Behr chuyển ngay thông điệp đó cho sở chỉ huy thống chế Manstein ở cụm tập đoàn quân sông Don. Đến Đức, truyền thông nhà nước loan tin: “Tình hình ở Stalingrad không thay đổi. Tinh thần của những người phòng thủ không sứt mẻ”.

        Các sỹ quan tham mưu của tướng Sumilov đến thảo luận các điều kiện đầu hàng với tướng Schmidt trong tầng hầm. Paulus vẫn ở phòng cạnh bên và Adam thông báo cho ông mọi bước. Đây là một mánh lới cho việc Paulus tránh khỏi tiếng đầu hàng hay là một chỉ dấu khác cho thấy Schmidt điều khiển mọi việc vì Paulus hoàn toàn suy sụp, không rõ. Cuối cùng, hai giờ sau khi thượng úy Ilchenko xuất hiện, tướng Laskin đến nhận sự đầu hàng chính thức của Paulus, trước ông, Schmidt và Adam được đưa đến sở chỉ huy của Smilov bằng xe hơi, cùng với tướng Roske khi ông này cố nài.

          Cũng giống như quân lính của họ, ba người đó nổi bật trong ánh mặt trời với bộ râu xanh rì, ngay cả khi họ không quá nhợt nhạt như các binh sỹ. Đại tá Adam, như Vasily Grossman ghi nhận, đập đen đét chiếc mũ lông ushaka xuống “như tai của một con chó nòi vừa ngoi lên khỏi mặt nước”. Các tay quay film thời sự đang đợi để ghi hình sự kiện này.Những người khác vẫn ở trong các hầm hào ở trung tâm thành phố đợi đến khi quân Nga xuất hiện. Vẫy nòng tiểu liên, họ lệnh cho quân Đức ném vũ khí sang một góc và đi ra. Phía bại trận đã sẵn sàng cho việc bị giam giữ bằng cách quấn chặt giẻ xé từ các bộ quân phục quanh ủng của họ. Nhiều người lính gào to “Đả đảo Hitler!”như một thứ tín hiệu đầu hàng. Quân Nga có thể trả lời “Kameraden. Krieg kaputt! Paulus kapituliert!” nhưng hầu hết họ hét “Faschist!” hoặc “Frizt! Komm! Komm”.

          Khi quân Nga tiến vào tầng hầm của nhà hát, họ ra lệnh: “Những ai có thể đi được, hãy ra ngoài và hành quân đến trại tù”. Những người đứng dậy được cho rằng các thương binh bị bỏ lại sẽ được chăm sóc. Nhưng chỉ sau này họ mới biết được rằng phía Hồng quân hành động theo nguyên tắc rằng những tù binh không thể đi được sẽ tự kết liễu ở nơi họ nằm. Một hai trường hợp, sự thịnh nộ cùng nỗi tuyệt vọng tạo thành một hỗn hợp nổ. Ngay trong tòa nhà NKVD, tất cả lính Đức chờ đợi bị giết để trả thù, sau khi một sỹ quan dấu được một khẩu súng ngắn theo, đã bất ngờ bắn gục một thiếu tá Nga ở khoảng cách gần, rồi tự quay súng về phía mình. Không rõ vì sao mà khoảng khắc giận dữ của lính Nga qua đi, và những tù binh được dung thứ.

          Việc đầu hàng ở Stalingrad mang lại một số mệnh bấp bênh, không thể đoán trước được với quân Đức. Lính Nga, không rõ là có chủ định hay chỉ là tai nạn, đã phóng hỏa một bệnh viện tạm thời chứa đầy thương binh trong một lán trại công binh ở phi trường. Trong khi đó, có hai sỹ quan phòng không Đức, đang bị giải lên lầu bởi lính Nga do nhận thấy các miếng đỏ trên cổ áo thể hiện cấp bậc cao, đã phóng mình nhảy qua một cửa sổ vỡ. Họ rớt xuống một nhà xí, rồi quân Nga xuất hiện chung quanh sẵn sàng nhả đạn. Viên trung úy trẻ tuổi hơn đã cứu mạng cho cả hai người bằng suy nghĩ nhanh nhẹn và tâm lý sắc bén. Anh bảo người đi cùng cởi quần ra. Lính Nga cười rộ lên và tha cho hai người. Họ không thể bắn những ai cởi truồng ra.

           Đơn vị đặc biệt NKVD tìm kiếm lính Hiwis cũng như những “con chó phát xít”, trong nghĩa của họ là quân “SS, Gestapo, lính tăng, và quân cảnh”. Một số lính Đức nhận nhầm là SS, bị đẩy sang một bên và giết chết bằng súng tiểu liên. Hình như lính Hồng quân từ một sư đoàn Siberia đã quay mặt đi, kinh tởm cảnh tượng đó. Cũng theo cùng một nguồn tin, dựa trên việc thẩm vấn một nữ sỹ quan điệp viên Soviet bởi cảnh sát dã chiến mật vào sáu tháng sau đó, đã ghi nhận việc tử hình một nhóm 23 lính Hiwi.
 
         Việc tìm kiếm quân Hiwi của NKVD là rất gay gắt. Bất kỳ một ai (là người Nga) trong quân phục Đức có cơ bị bắn tại chỗ, như một tiểu đoàn trưởng thuộc sư đoàn bộ binh 297 nhận ra. “Lính Liên Xô đột nhiên dừng chúng tôi lại, và bởi vì quân phục của tôi không đủ, thiếu nón, nên muốn bắn tôi vì tôi là Hiwi. Chỉ nhờ một bác sỹ Nga có kiến thức mà tôi được cứu”. Một số đáng kể lính Hiwi trung thành với nước Đức cho đến phút cuối. Trong đống đổ nát của Stalingrad ngay trước giờ đầu hàng, nhiều người lính trong sư đoàn bộ binh 305 đang chết đói. Những tay Hiwi ở cùng với họ biến mất, họ cho rằng đó là lần sau cùng còn nhìn thấy chúng, nhưng rồi những người Nga đó quay lại với thức ăn cho họ. Những tay Hiwi đó tìm thấy thức ăn ở đâu, họ không nói. Tuy vậy, lòng trung thành đó không phải luôn luôn được đáp lại. Ngay trước lúc đầu hàng, một sỹ quan đã hỏi viên chuẩn úy: “Chúng ta nên làm gì với tám thằng Hiwi của mình nhỉ? Tôi có nên giết chúng không?”. Viên chuẩn úy giật mình trước kiểu máu lạnh đó, bác bỏ ngay ý kiến ấy. Anh bảo những tay Hiwi đó hãy tìm các trốn hoặc lẩn đi theo cách tốt nhất có thể. Họ tự lo cho mình.

              Số phận của quân Hiwi trong vòng vây lúc kết thúc trận chiến Stalingrad vẫn còn không rõ ràng, một phần bởi đến giờ hồ sơ của sư đoàn NKVD số 10 vẫn chưa được giải mật. Không có cách nào để biết bao nhiêu người đã chết trong mười tuần bị vây và trong ba tuần chiến đấu ác liệt sau cùng. Một số bị bắn khi bị bắt, một số ít khác được dùng làm thông ngôn hay chỉ điểm, rồi hầu hết chắc cũng bị giết sau đó, nhưng phần lớn bị NKVD giải đi. Ngay cả tình báo Hồng quân cũng không biết được về sau những người đó ra sao. Có thể họ bị tàn sát – có những nguồn tin sau này nói rằng những người Hiwi bị bắt đã bị đánh đến chết, thay vì bắn, vì để tiết kiệm đạn – nhưng vào đầu năm 1943 lúc đó nhà cầm quyền Liên Xô muốn tăng lực lượng lao động khổ sai, đặc biệt khi chuyển những tù nhân trại Gulag vào các đại đội trừng giới. Giải pháp bắt Hiwi lao động đến chết chắc chắn là một sự báo thù khắc nghiệt hơn vì nó kéo dài sự chịu đựng. Mặt khác, Stalin và Beria hẳn cũng ám ảnh bởi suy nghĩ rằng một cái chết tức thời cho bọn phản quốc thì thỏa mãn cho chúng quá.
                                                 
            Trong những ngày sau cùng của trận chiến, giới chức quân sự Liên Xô gia tăng cảnh giác nhằm ngăn ngừa những nhóm nhỏ thoát khỏi lưới của họ. Ba sỹ quan Đức trong quân phục Hồng quân, chỉ huy là một trung tá đã bị bắt vào ngày 27 tháng Giêng. Một trung úy Nga thuộc một trung đoàn xe tăng đã dồn được hai sỹ quan Đức khác, và đã bị thương do họ bắn trả. Ước lượng có chừng 9 hay 10 nhóm nhỏ quân Đức chọc thủng được vòng vây, nhưng không ai trong số họ được ghi nhận là thoát được, bởi lúc đó cụm Tập đoàn quân sông Don đã bị ép lùi về đến tận sông Donet, cách vòng vây 200 dặm. Tuy vậy, có một câu chuyện không được kiểm chứng và không đáng tin của một người lính kể lại, nhưng anh ta bị giết ngay ngày hôm sau bởi một quả bom rơi trúng bệnh viện dã chiến, nơi anh nằm điều trị vì kiệt sức và bỏng tuyết. Những người khác được nói là đã cố thoát về hướng Nam trong thảo nguyên và tìm nơi trú ẩn trong dân Kalmyk, vốn khá thân thiện, nhưng chính những người Kalmyk cũng như đa số các dân tộc khác ở các vùng phía nam Liên bang Sô viết, nhanh chóng nhận được sự trả đũa từ quân NKVD của Beria.

          Lính Nga ở tiền tuyến, đặc biệt là ở các sư đoàn Cận vệ, được nói là đối đãi nghiêm túc với kẻ bại trận hơn các đơn vị thuộc tuyến hai. Nhưng vài tay lính say, ăn mừng chiến thắng, đã bắn tù binh, dù cho mệnh lệnh là ngược lại. Ngay cả quân của các đơn vị tinh nhuệ cũng nhanh nhẹn lột đồng hồ, nhẫn, máy chụp hình cũng như cà men bằng nhôm có giá trị cao của quân đội Đức từ những người bị bắt. Đa số những thứ đồ đó được đổi lấy vodka. Trong vài trường hợp, một đôi ủng lông ngon lành bị tước khỏi tay một tù nhân sẽ được ném đổi lại bằng một đôi của Nga rách nát. Một bác sỹ bị mất một bảng sao có giá trị của cuốn Faust in trên giấy vỏ củ hành, bởi một tay lính Nga muốn cuốn một điếu makhorka. Chăn mền cũng bị nẫng, đôi khi chỉ vì thỏa mãn cho sự trả thù bởi quân Đức đã cướp quần áo ấm của thường dân Nga.

          Lúc những tù binh hốc hác nghiêng ngả đi ra từ hầm hào, tay họ giơ cao để đầu hàng, nhưng mắt láo liêng nhìn quanh tìm một khúc củi làm nạng chống. Nhiều trong số họ bị bỏng tuyết nặng và đi lại khó khăn. Hầu hết mọi người bị sứt móng chân, nếu không phải là mất cả ngón chân. Các sỹ quan Soviet nhận thấy lính Rumani còn ở trong tình trạng tệ hơn quân Đức. Hình như khẩu phần ăn của họ bị cắt sớm hơn nhằm duy trì sức lực cho quân Đức.

          Những người tù giữ mắt nhìn xuống, không dám liếc nhìn lính gác cũng như vòng người dân thường vây quanh, hiện lên từ đồng đổ nát với số lượng đáng ngạc nhiên. Đâu đó, những phát súng lẻ loi phá vỡ sự yên tĩnh của nơi từng là chiến trường. Đâu đó trong các boongke có tiếng kêu nghèn nghẹt. Không ai biết đó là tín hiệu báo cho biết đã kết liễu một người lính còn đang trốn, hay của một người đang tìm cách kháng cự nào đó, hoặc là một thương binh nặng đang nhận được cú coup de grace sau cùng.

         Tàn dư bại trận của Tập đoàn quân VI, không vũ khí, không nón trận, đội những chiếc mũ lông tùm hụp hoặc chỉ quấn giẻ quanh đầu để chống lạnh, run lẩy bẩy trong những chiếc áo bành tô mỏng cột chặt bằng dây điện thoại thay cho thắt lưng, bị dồn lại thành từng hàng dài để giải đi. Một nhóm người sống sót thuộc sư đoàn bộ binh 297 bị một sỹ quan Nga đe dọa, anh ta chỉ vào đống đổ nát chung quanh và hét lên với họ: “Rồi Berlin cũng sẽ như thế này đây!”.

         Thống chế Paulus, áp giải bởi trung úy Lev Bezyminsky thuộc quân báo Nga, được chở từ sở chỉ huy Tập đoàn quân 64 bởi chính xe của ông đến sở chỉ huy Phương diện quân sông Don nằm bên ngoài Zavarykino, cách Stalingrad chừng 50 dặm. Schmidt và Adam cũng được hộ tống đi sau trên một chiếc xe khác. Họ được chỉ cho thấy nơi ở của họ, một căn nhà izba-năm-bức-tường khác. Một phân đội lính gác thường trực dưới quyền trung úy C.M. Bogomolov đợi họ. Các “tướng Stalingrad” khác cũng được mang đến các izba khác gần kề, ở đó họ được canh phòng bởi một trung đội lính dưới quyền trung úy Spektor.

         Bogomolov và quân của anh, hăng hái bởi nhận thức được thời khắc lịch sử, nên tập trung vào công việc của họ với sự đam mê. Vì cao cho nên  Paulus phải cúi đầu thấp mới vào được. Và theo gương của Adam, ông cũng bỏ chiếc nón mềm và thay bằng một chiếc mũ lông ushanka. Ông vẫn còn mặc bộ quân phục cấp đại tướng. Theo sau Paulus là tướng Schmidt và đại tá A dam, người gây ấn tượng với các lính gác bởi “ra lệnh bằng tiếng Nga khá tốt”. Người lính lái xe của Paulus đi sau chót cùng các va li nặng nề. Chiếc xe Mercedes giờ được thông báo là dùng riêng cho tướng W.I. Kazakov, tư lệnh pháo binh Phương diện quân.

           Paulus và Schmidt chiếm buồng trong, trong khi Adam và người cận vệ lấy phòng ngoài. Họ ở cùng với hai điệp viên NKVD gửi bởi Beria từ Moscow. Tối muộn, tướng Malinin, tham mưu trưởng phương diện quân và đại tá Yakimovich, một sỹ quan tham mưu cao cấp, đến. Bezyminsky đóng vai trò phiên dịch, thông báo với Paulus và Schmidt rằng nhiệm vụ của họ là phải khám hành lý để tìm những “vật cấm”, bao gồm cả những đồ vật sắt bén bằng kim loại. Schmidt bùng lên. “Một thống chế Đức” ông hét “không thể tự tử bằng một chiếc kéo cắt móng!”. Còn Paulus, thì mệt mỏi, ra hiệu cho ông ta bằng một cái phẩy tay không làm phiền, và đưa ra bộ đồ cạo râu của mình.

           Ngay trước lúc nửa đêm, Paulus được bảo là chỉ huy Hồng quân đã đến và đợi để thẩm vấn ông. Trung úy Yevgeny Tarabrin, một sỹ quan NKVD nói được tiếng Đức, được đưa đến để hộ tống ông ta đi khắp mọi nơi, nghe Paulus thì thầm với Schmidt khi ông nọ giúp ông mặc áo bành tô:

          “Tôi nên nói gì nhỉ?”

           “Hãy nhớ anh là một Thống chế quân đội Đức”


           Schmidt nói rít lên. Ngạc nhiên hơn và có ý nghĩa nhất với những đôi tai tình báo Hồng quân, là việc các sỹ quan Nga báo rằng Schmidt đã dùng từ du một thể thức thân mật để nói với vị chỉ huy của mình (Winrich Behr, người hiểu rõ Schmidt, nghĩ rằng việc dùng từ du này với ý tôn trọng không chắc đúng dù anh tin rằng “rõ ràng là tướng Schmidt tạo được một ảnh hưởng mạnh với Paulus”).


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 07 Tháng Tám, 2015, 05:50:49 pm
           Chỉ nửa giờ trước khi cuộc thẩm vấn bắt đầu, đại úy Dyatlenko của NKVD nhận được lệnh đến trình diện ở izba của nguyên soái Voronov, ông ta vừa được thăng chức này. “Này đại úy” Voronov ân cần chào anh “Cậu hẳn còn nhớ cái lúc ông già này không muốn nhận cậu. Ừ, giờ thì ông ý phải tự đến thăm chúng ta. Và cậu sẽ nhận ông ý nhé”. Voronov ngồi vào bàn cùng với đại tướng Rokossosky, tư lệnh phương diện quân, và tướng K.F. Telegin, chính ủy phương diện quân.

           Một phóng viên ảnh xuất hiện trong chiếc áo khoát lông thú. Với sự ngạc nhiên của Dyatlenko, ông chào Voronov với vẻ bình thản thân thiết. Thì ra đây nhà làm phim tài liệu nổi tiếng Roman Karmen, ông là bạn bè của Voronov từ thời Nội chiến Tây Ban Nha. Karmen xếp đặt ghế sẽ dùng cho Paulus, nhằm có thể chụp tốt từ cửa phòng ngủ của Voronov. Ông biết kết quả của cú hình sẽ được dùng loan tin với thế giới về chiến thắng vĩ đại của Liên Xô (Bức ảnh của Karmen được chỉnh sửa ở Moscow. Tướng Telegin bị xóa khỏi bản in bởi Stalin cho rằng ông không đủ tầm quan trọng trong khoảng khắc lịch sử như thế (Ngay cả việc Dyatlenko thăng lên thiếu tá cũng được thúc nhanh để phát hành bức ảnh). Kiểu lộn xộn này là một trong những trò hề quái dị trong thời đại Stalin. Khi bức ảnh ra tới mặt trận trên tờ Pravda, thấy mặt mình biến mất, Telegin sợ rằng ai đó đã lên án ông. Tuy nhiên, không có gì xảy ra cả, nên ông ta nghĩ mình an toàn, nhưng rồi đến năm 1948, ông bị bắt đột ngột theo lệnh của Abakumov (trưởng ban SMERSH) mà không có lý do rõ ràng).

            Không khí trong căn nhà izba của Voronov căng lên khi vị “khách” của họ đến. Thống chế Paulus, gầy, cao, lom khom trong một nhân dạng xám xịt, từ bộ đồng phục màu “lông chuột” đến gương mặt xanh xám vì thần kinh căng thẳng. Tóc ông ngả sang màu muối tiêu, và ngay cả râu cũng lẫn lộn màu trắng và đen. Chỉ khi Paulus đến gần bàn, thì Voronov mới chỉ chiếc trống và nói: “Mời ngài ngồi”, ông nói bằng tiếng Nga. Dyatlenko đứng nghiêm và dịch lại. Paulus nắm tay chào và ngồi xuống. Khi đó Dyatlenko giới thiệu hai vị tư lệnh phía Sô viết: “Đại diện của Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao, Nguyên soái pháo binh Voronov! Tư lệnh phương diện quân sông Don, Đại tướng Rokosovsky!” Paulus giật chân và nắm tay chào theo hướng từng người.

            Voronov bắt đầu nói, ngừng mỗi khúc để Dyatlenko dịch. “Thưa Đại tướng, giờ đã khá trễ và chắc ngài cũng mệt. Chúng tôi cũng làm việc rất nhiều trong vài ngày qua. Đây là vì chúng ta sẽ thảo luận ngay bây giờ chỉ một vấn đề rất khẩn cấp”.“Tôi xin lỗi” Paulus cắt ngang, làm Dyatlenko chới với: “Nhưng tôi không còn là Đại tướng. Ngày hôm kia, sở chỉ huy của tôi đã nhận được một điện tín báo tin tôi đã được thăng chức Thống chế. Nó cũng được viết trong chứng thư quân nhân của tôi”. Ông sờ vào túi áo ngực của bộ quân phục “Tuy nhiên, trong hoàn cảnh này tôi không thể thay đổi quân phục”.

              Voronov và Rokossovsky trao nhau một cái nhìn châm biếm vui vẻ. Tướng Shumilov đã báo về sở chỉ huy Phương diện quân sông Don việc thăng chức trong phút chót của Paulus.“Vậy thì, thưa ngài thống chế!” Voronov quay lại “chúng tôi yêu cầu ngài ký một mệnh lệnh cho phần còn lại của Tập đoàn quân ngài vẫn đang còn kháng cự, bảo họ đầu hàng để tránh thiệt hại nhân mạng vô ích”.

           “Điều đó không xứng đáng với danh dự một người lính

          Paulus bung ra ngay trước khi Dyatlenko kết thúc phần dịch.

          “Có thể nói cứu mạng những người dưới quyền là hành vi không xứng đáng của một người lính trong khi chính người chỉ huy đầu hàng sao?
          Voronov hỏi:

         “Tôi không đầu hàng. Tôi bị bắt bất ngờ”.

         Câu trả lời ngờ nghệch này không tác dụng gì với các sỹ quan Nga, vốn biết rõ tình hình lúc đầu hàng.

         “Chúng ta đang nói về một hành động nhân đạo” Voronov tiếp tục:
         
           “Chúng tôi sẽ chỉ mất thêm một vài ngày hay thậm chí chỉ một vài giờ để tiêu diệt những gì còn lại của các đơn vị dưới quyền ngài vẫn đang chiến đấu. Kháng cự là vô ích. Nó chỉ gây ra cái chết vô nghĩa của hàng ngàn binh sỹ. Nghĩa vụ của ngài ở cương vị tư lệnh Tập đoàn quân là cứu mạng họ, và còn quan trọng hơn bởi ngài đã tự cứu mạng mình bằng cách đầu hàng”.

             Paulus, bồn chồn nghịch hộp thuốc là gạt tàn được đặt trên bàn cho ông dùng, né tránh câu trả lời bằng cách gắn vào một thể thức:

           “Ngay cả khi tôi ký vào mệnh lệnh, họ cũng sẽ bất tuân. Bởi khi tôi đầu hàng, thì tư lệnh của tôi cũng bị họ tự động bãi bỏ”.

          “Nhưng vài giờ trước ông còn là tư lệnh của họ”

         “Từ lúc quân của tôi bị chia làm hai nhóm
” Paulus khăng khăng:

         “Tôi chỉ còn là tư lệnh của túi kia trên lý thuyết. Lệnh được đưa trực tiếp từ đại bản doanh Quốc trưởng và mỗi nhóm được chỉ huy bởi một viên tướng khác nhau”.

           Cuộc thảo luận trở nên “xà quần”. Cái tật máy ở mặt khi lo lắng của Paulus trở nên nhiều hơn, cũng như Voronov, vốn biết Stalin đang chờ ở điện Kremlin để nghe kết quả, cũng bắt đầu cho thấy sự căng thẳng. Môi trên của ông giật giật, di chứng của một cú đụng xe ở Belorussia. Paulus, trong chiến thuật ngăn chặn của mình, còn tuyên bố rằng cho dù ông có ký vào giấy đi nữa thì nó cũng có thể bị xem là giả mạo. Voronv trả lời rằng, trong trường hợp đó, một trong những vị tướng dưới quyền của ông ta có thể mang ra làm nhân chứng cho chữ ký, và ông ta có thể được gửi vào túi phía bắc với giấy tờ đảm bảo tính xác thực. Nhưng Paulus, dù lý luận cùn, vẫn trung thành với việc từ chối ký. Sau cùng Voronov cũng phải chấp nhận rằng những nổ lực hơn nữa để thuyết phục ông ta là vô nghĩa.

          “Tôi phải thông báo với ngài rằng, thưa ngài Thống chế

          Dyatlenko dịch “vì ông từ chối cứu mạng sống cho thuộc hạ, ông sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề trước nhân dân và tương lai nước Đức

           Paulus nhìn vào bức tường, phiền muộn và im lặng. Trong “tư thế đau khổ” này, chỉ có tật máy mặt mới chỉ ra được suy nghĩ của ông.Sau đó Voronov đưa cuộc thẩm vấn trở nên thân thiện bằng cách hỏi Paulus rằng chỗ ở tạm thời có được vừa ý không và rằng ông có cần chế độ ăn đặc biệt nào phù hợp với bệnh tật của mình không. “Việc duy nhất tôi xin ở ngài” Paulus trả lời “là cho tù binh chiến tranh được ăn uống và được chăm sóc y tế”.Voronov giải thích rằng: “điều kiện ở mặt trận sẽ gây khó khăn cho việc tiếp nhận và đối phó với lượng tù binh lớn như vậy”, nhưng rằng họ sẽ làm tất cả những gì có thể. Paulus cảm ơn ông, đứng dậy, nắm tay chào lần nữa.

         Hitler nhận được tin lúc ở tại Hang sói, nơi được bảo vệ chặt chẽ sâu trong một khu rừng Đông Phổ, một kiến trúc mà tướng Jodl mô tả là nửa như tu viện, nửa như trại tập trung. Lúc đó, ông ta không đập bàn, mà chỉ im lặng nhìn vào đĩa súp.Tiếng nói cùng cơn giận của ông ta trở lại vào ngày hôm sau.

           Thống chế Keitel, tướng Jeschonnek, Jodl và Zeitzler được triệu tập đến dự cuộc họp trưa của Quốc trưởng. “Bọn chúng đã đầu hàng chính thức, vô điều kiện” Hitler nói trong sự giận dữ hoài nghi: “Thay vì tập hợp anh em, thiết lập cứ điểm phòng thủ con nhím, và dành cho nhau phát đạn sau cùng. Như các anh biết rằng một phụ nữ danh giá, sẽ tự khóa mình trong phòng và tự bắn vào đầu ngay khi nghe vài lời bình luận lăng nhục, nên tôi không thể đánh giá cao một người lính lại sợ làm điều đó và thích làm tù binh hơn”.

         “Tôi cũng chẳng hiểu được

         Zeitzler đáp lời, người mà cách thể hiện trong trường hợp này làm mọi người khác ngạc nhiên khi biết ông đảm bảo với Manstein rằng sẽ thuyết phục Quốc trưởng quan tâm đúng đắn đến Tập đoàn quân VI.

      “Tôi vẫn giữ quan điểm rằng điều này không đúng; có lẽ ông ta bị thương nặng”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 07 Tháng Tám, 2015, 05:55:57 pm
       Hitler cứ trở đi trở lại việc Paulus không chịu tự tử mãi.  Rõ ràng, điều này hoàn toàn làm hoen ố câu chuyện hoang đường Stalingrad trong tưởng tượng của ông ta.

      “Việc này làm tổn thương tôi ghê gớm bởi chủ nghĩa anh hùng của đại đa số binh sỹ bị vô hiệu bởi một kẻ yếu ớt tầm thường đơn lẻ … Cuộc sống là gì? Là quốc gia. Dù gì thì mỗi cá nhân cũng phải chết … Điều làm tôi đau lòng nhất, về mặt cá nhân, là tôi vẫn phong hắn ta làm thống chế. Tôi muốn cho hắn tâm nguyện sau cùng. Lý ra hắn có thể tự giải phóng mình khỏi mọi phiền não, vào cõi tiếng tăm muôn đời, bất diệt cùng đất nước, nhưng hắn thích đến Moscow hơn.

     Ở túi phía bắc, những gì còn lại của sáu sư đoàn dưới quyền tướng Strecker vẫn tiếp tục chống cự. Tại sở chỉ huy quân đoàn XI đặt ở khi xí nghiệp máy kéo Stalingrad, Strecker gửi điện về: “Các đơn vị đang chiến đấu mà không có hỏa lực mạnh yểm trợ và hậu cần. Quân lính gục ngã vì kiệt sức. Những người bị lạnh đến chết cóng vẫn không buông vũ khí. Strecker”.

          Thông điệp của ông mạnh mẽ, nhưng lộ rõ việc chống kiểu nói rập khuôn của Nazi. Hitler nhận được điện tín này sau buổi họp với Zeitzler, đã hồi đáp trong buổi chiều muộn “Tôi mong phía bắc Kessel sẽ đứng vững đến cùng”. Để nhấn mạnh tầm nhìn xa, Hitler ra một chỉ thị của Quốc trưởng sau đó một chút: “Quân đoàn lục quân XI phải kháng cự cho đến cùng để trói càng nhiều lực lượng địch càng tốt, tạo điều kiện cho các chiến dịch ở những mặt trận khác”.

        Bốn Tập đoàn quân Liên Xô được tái bố trí để nhanh chóng xuyên thủng túi sau cùng. Với sự tập trung của 300 đại bác trên chừng nửa dặm, quận nhà máy bị đập nát ra từng mảnh một lần nữa. Những boongke nào còn lại cũng bị phá hủy trong tầm ngắn, một số bởi đại bác, một số bởi súng phun lửa và đôi khi là xe tăng lái thẳng lên và đưa nòng súng vào lỗ châu mai.Strecker tin rằng, hoàn toàn để giúp Manstein, có lý do về mặt quân sự để tiếp tục chiến đấu, nhưng ông cương quyết từ chối bất kỳ ý tưởng về sự tự sát nào cho mục tiêu tuyên truyền. Trong đầu ông, rõ ràng xác định đúng trách nhiệm của một sỹ quan, như đoạn hội thoại với một quản trị trưởng trung đoàn ngay trước giây phút sau cùng cho thấy:

           “Khi đến lúc đó”

            Viên quản trị trưởng đoan chắc với ông “chúng tôi sẽ tự sát”

           “Tự sát?” Strecker la lên.

          “Vâng, thưa tướng quân! Đại tá của tôi cũng sẽ tự bắn mình. Ông tin là chúng tôi không nên để bị bắt”

          “Này, để tôi nói với anh vài thứ. Anh sẽ không tự sát, cả đại tá của anh cũng thế. Anh sẽ đi vào tù cũng với quân của anh và sẽ làm mọi thứ có thể để đưa ra gương tốt”

         “Ý ngài là…”
mắt viên sỹ quan trẻ sáng lên “tôi không phải tự sát”.

              Strecker dùng gần như cả đêm mồng 1 tháng Hai ở sở chỉ huy trung đoàn của một người bạn cũ, đại tá Julius Muller. Chỉ một ngọn đèn cầy thắp sáng trong góc hầm trong lúc một nhóm nhỏ hiện diện nói với nhau về trận đánh vừa qua, về những người bạn cũ và về về cuộc sống trong tù phía trước. “Không ai phàn nề về những gì trải qua” Strecker ghi nhận “không ai nói với vẻ cay đắng”. Đầu giờ sáng, Strecker đứng dậy “Muller, tớ đi đây” ông nói “Cậu và quân của cậu sẽ ở cùng với Chúa”. Strecker rất đồng tình với miêu tả của Thomas Carlyle về Đức Chúa là “Vị thống chế đúng nghĩa”. Rõ ràng, hình ảnh thiên đường của ông là một nơi có mệnh lệnh quân sự hoàn hảo.“Chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ của mình, thưa tướng quân” Muller trả lời lúc họ siết tay nhau.

           Strecker đã từ chối các yêu cầu được đầu hàng từ các sư đoàn trưởng thuộc quyền, nhưng rồi lúc 4h sáng ngày 2 tháng Hai, tướng von Lenski và Lattmann yêu cầu Strecker một lần nữa cho việc đó. Strecker lần nữa, lại từ chối. Lúc đó Lenski bảo rằng một sỹ quan của ông đã điều đình điều kiện với phía Nga. Strecker thấy không có gì để tiếp tục. Ông và Groscurth thảo bức điện cuối cùng: “Quân đoàn Lục quân XI với sáu sư đoàn thuộc quyền đã thực hiện nhiệm vụ cho đến người cuối cùng trong các trận chiến nặng nề. Nước Đức muôn năm!”.

           Bức điện này đã được cụm tập đoàn quân sông Đon nhận. Sau này Strecker khẳng định rằng ông và Groscurth đã cố ý bỏ qua bất kỳ sự tung hô Hitler nào, nhưng phiên bản ghi nhận và gửi về Đông Phổ kết thúc bằng câu “Quốc trưởng muôn năm!”. Mọi người phải hiểu rằng đó là mưu mẹo để bức điện được dễ chấp nhận hơn ở Hang sói.

          Khi hai người lính Nga xuất hiện trông khá lưỡng lự ở cửa vào boongke chỉ huy, Groscurth hét to với họ để đem một vị tướng về. Strecker sau này viết rằng phần lớn lính của họ “chỉ vừa đủ chưa chết”.

          Các phóng viên ngoại quốc được dạo một vòng quanh quận nhà máy vài ngày sau đó. Thông tín viên Anh quốc, Alexander Werth viết “Địa hình nguyên thủy của vùng đất này thế nào không ai có thể nói. Bạn lượn lên và xuống, rồi lại lên và xuống; đó là những con dốc tự nhiên hay là bề mặt của một tá hố bom chồng lên nhau; không ai biết được. Giao thông hào chạy xuyên qua các phân xưởng của nhà máy, xuyên qua các xí nghiệp; ở đáy chiến hào vẫn còn nằm đó xác quân Đức đông cứng màu xanh, xác quân Nga đông cứng màu xám, những mảnh xác người đông cứng; nón trận bằng thiếc của Đức, của Nga nằm lăn lóc cùng gạch vỡ; những chiếc nón đó nửa vùi trong tuyết. Ở đây có cả dây thép gai, có mìn nửa lộ thiên, khay đạn pháo, nhiều vụn vữa, và mảnh tường, cùng những mớ ngoằng nghèo hỗn độn rầm thiếc han rỉ. Làm thế nào mà người ta có thể sống ở đó, thật khó tưởng tượng”.

           Sáng ngày 2 tháng Hai bắt đầu bằng sương mù dày đặc, nhưng sau đó bị ánh mặt trời xua tan và gió làm tung lên những đám bụi tuyết. Lúc tin về đợt đầu hàng cuối cùng lan khắp tập đoàn quân 62, pháo sáng được bắn lên đầy bầu trời trong một cuộc trình diễn ứng tác. Thủy thủ thuộc giang đoàn Volga cùng lính bên bờ trái chạy ù sang trên lớp băng, tay mang theo bánh mì, gà mèn thức ăn cho những thường dân bị khốn trong hầm, trong hố gần 5 tháng qua.

          Từng nhóm, từng người đi đến ôm nhau trong niềm vui sướng. Âm thanh dịu bớt đi trong không khí lạnh. Không thiếu bóng người trong cái khung cảnh không màu của đống đổ nát, nơi thành phố tưởng chừng như đã bị bỏ hoang và chết chóc. Kết cục đột ngột, bất ngờ nên những người bảo vệ thấy khó tin nổi rằng trận chiến Stalingrad cuối cùng cũng đã kết thúc. Khi họ nghĩ về điều đó, nhớ về những người ngã xuống, việc họ sống sót làm họ kinh ngạc. Trong từng sư đoàn được gửi qua sông Volga, còn không hơn một vài trăm người sống sót. Tính toàn thể trận chiến Stalingrad, phía Hồng quân có đến 1,1 triệu thương vong, trong đó 485,751 người hi sinh.

          Grossman nhìn lại năm tháng qua: “Tôi nhớ về con đường rộng, bẩn thỉu dẫn đến ngôi làng đánh cá bên bờ sông Volga – con đường của vinh quang và cái chết – và những hàng quân im lặng hành quân dọc trên đó trong đám bụi ngột ngạt của tháng Tám, trong đêm trăng tháng 9, trong những cơn mưa sũng nước tháng Mười và tuyết tháng Mười một. Họ hành quân với bước chân nặng nề - pháo thủ chống tăng, xạ thủ đại liên, ngay cả bộ binh – họ hành quân với sự im lặng dữ dội, trang nghiêm. Tiếng động duy nhất từ các hàng quân là tiếng va lanh canh của vũ khí và nhịp bước chân đi".

           Chẳng còn mấy đặc điểm nhận biết của thành phố có trước những đợt ném bom của Richthofen vào một trưa tháng 8 ấy. Stalingrad giờ còn nhỏ hơn cả một bộ xương cháy xém, mòn vẹt. Mốc duy nhất còn lại là một đài phun nước với tượng các cô bé, cậu bé đang nhảy quanh. Điều này như là phép mầu đáng ngại sau khi có quá nhiều nghìn trẻ em đã chết trong đám đổ nát chung quanh.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 07 Tháng Tám, 2015, 07:57:59 pm
                                                                                       XXIII


                                                                          ĐỪNG NHẢY NỮA ! STALINGRAD ĐỔ RỒI

 

           Trưa ngày 2 tháng Hai, một phi cơ trinh sát quần vòng trên thành phố. Thông điệp vô tuyến từ viên phi công được gửi ngay tức khắc cho thống chế Milch: “Không còn dấu hiệu chiến đấu ở Stalingrad”.

           Sau lần thẩm vấn đầu tiên của Voronov và Rokosovsky với Paulus, đại úy Dyatlenko quay lại làm việc với các viên tướng khác. Ngược với mong đợi của anh, họ phản ứng theo nhiều cách khác nhau. Tướng Schlomer, người lãnh quyền chỉ huy quân đoàn xe tăng XIV thay tướng Hube, khập khiễng đến dựa trên một cây gậy và khoát một chiếc áo jacket độn bông của Hồng quân. Ông chinh phục người thẩm vấn bằng sức mê hoặc dễ dàng và lời bình luận về “tên hạ sỹ thất học trong các vấn đề quân sự” và “bọn hám lợi ngu đần trong các tùy tòng của hắn ta”. Tướng Walther von Seydlitz, mặt khác, người mà NKVD “sau này nhận ra là một người phòng thủ bất tuân lệnh Quốc trưởng có năng lực nhất trong Suốt thời kỳ bị vây”, ông cư xử “theo một cách rất kín đáo”.

          Với Stalin, 91 nghìn tù binh, trong đó có 22 viên tướng Đức là chiến tích tốt hơn nhiều so với cờ hay vũ khí hạng nặng. Paulus, vẫn trong tình trạng bị sốc, trước tiên từ chối xuất hiện trước cánh báo chí gửi từ Moscow xuống. Nhưng đại tá Yakimovich của phương diện quân Sông Don bẻ lại “Chúng tôi có luật lệ riêng. Ông phải làm những gì được bảo”. Tuy vậy, một sự dàn xếp đã được chấp nhận. Rằng Paulus không phải trả lời câu hỏi từ các phóng viên, ông chỉ phải chường mặt ra để chứng minh rằng ông đã không tự sát.

           Các thông tín viên ngoại quốc khá ngạc nhiên trước sự xuất hiện của các tướng Đức “Họ trông có vẻ khỏe mạnh, ngay cả khó thở cũng không” Alexander Werth viết “Rõ ràng, trong sự kiện bi thảm Stalingrad, khi những người lính chết đói, thì họ vẫn liên tục được ăn uống ít, nhiều như bình thường. Người duy nhất có vẻ mặt kém chính là Paulus. Ông trông nhợt nhạt và bệnh hoạn, và má trái bồn chồn co giật”.

           Những cố gắng đặt câu hỏi không thành công mấy. “Trông như ở sở thú vậy” Werth viết “ở đó những con thú được đưa ra trình diễn cho công chúng và những con khác hờn dỗi”. Tướng Deboi rõ ràng rất hài lòng, và ngay lập tức bảo với phóng viên nước ngoài - “như thể bảo chúng tôi đừng sợ” – rằng ông ta là người Áo. Tướng Schlomer là người thư thái nhất. Ông quay sang một trong những người bắt giữ và vỗ lên cầu vai mới của viên sỹ quan, thiết kế này mới được Stalin đưa ra, la lên với vẻ mặt ngạc nhiên kiểu hoạt hình: “Gì vậy – kiểu mới à?”. Còn tướng von Arnim thì lại bận tâm nhất về hành lý của mình, thứ mà ông nghĩ rằng lính Hồng quân đã thó. “Các sỹ quan thì cư xử đứng đắn”, ông tuyên bố, nhưng lính thì ông mô tả là “những tên cướp trơ trẽn”.

          Sự căng thẳng của việc bị bắt cũng gây ra những hành vi không đường bệ trong hai căn nhà nông dân ở Zavarykino. Vào một buổi sáng Adam khiêu kích có chủ đích thượng úy Bogomolov bằng kiểu chào Quốc xã và “Heil Hitler”. Tuy vậy, tướng Schmidt mới là người mà phía Nga không thích nhất. Bogomolov bắt ông ta phải xin lỗi người nữ cấp dưỡng bị ông ta làm cho khóc khi phục vụ bữa trưa cho họ. Vài ngày sau, có một vấn đề trong ngôi nhà izba dành cho các vị tướng còn lại. Trung úy Spektor của đội bảo vệ số 2 gọi phôn cho Bogomolov, xin anh đến nhanh chóng. Có một trận đánh lộn. Bogomolov viết “Khi tôi mở cửa ra, tôi thấy một viên tướng Đức đang túm chặt tay một viên tướng Rumani. Khi viên tướng Đức trông thấy tôi, ông ta bỏ đi, và rồi viên tướng Rumani đấm ông ngay vào miệng. Hóa ra trận cãi nhau ấy là về những thìa, dĩa, và dao của tay tướng  Rumani, mà ông ta tuyên bố rằng tay tướng Đức ráng lấy đi”. Bogomolov, khinh bỉnh hoài nghi, mỉa mai cảnh báo trung úy Spektor “nếu ông ta vẫn tiếp tục có những hành vi như vậy, cứ tịch thu thìa”.

         Sự kình địch và ghét nhau ngấm ngầm giữa các viên tướng giờ công khai ra. Tướng Heitz và tướng Seydlitz ghét nhau càng nhiều hơn sau việc Seydlitz cho các sư đoàn trưởng thuộc quyền được tự quyết về việc đầu hàng. Còn Heitz, đã lệnh cho binh sỹ của mình chiến đấu “cho đến viên đạn cuối cùng”, lại tự đầu hàng, và sau đó chấp nhận ăn tối với tướng Schumilov ở sở chỉ huy tập đoàn quân 64. Ông ta cũng ở đó cả đêm. Rốt cuộc, khi ông nhập bọn với những viên tướng bị bắt khác ở Zavarykino, đã có phản ứng bởi ông ta tới với vài chiếc valy được đóng cẩn thận sẵn cho việc ở tù. Khi thẳng thắn hỏi về lệnh chiến đấu đến cùng của mình, ông ta trả lời rằng cũng đã muốn tự sát, nhưng bị tham mưu trưởng của ông ngăn lại.

        Với Wehrmacht, đây là lúc để tính toán thiệt hại, Đội đặc nhiệm của thống chế Milch ước tính rằng họ mất 488 phi cơ vận tải và 1000 thành viên phi hành đoàn trong cả chiến dịch không vận. Sư đoàn Cao xạ số 9 bị tiêu diệt, cùng với các đội mặt đất khác, không thấy có nói gì về thiệt hại của Không đoàn 4 với lượng máy bay ném bom, tiêm kích và Stukas trong chiến dịch.

         Lượng thiệt hại về phía Lục quân hiện vẫn không chắc chắn, nhưng rõ ràng trận Stalingrad là thất bại thảm khốc nhất cho tới giờ trong lịch sử nước Đức. Tập đoàn quân VI và Tập đoàn quân xe tăng IV trên thực tế là bị xóa sổ. Chỉ tính riêng trong vòng vây, có tới chừng 60.000 người đã bị giết kể từ khi chiến dịch Uranus mở màng và chừng 130.000 người bị bắt. (Sự lộn xộn, một lần xuất hiện chủ yếu là do con số thống kê lượng người Nga trong quân phục Đức). Con số này là chưa kể tới những thiệt hại quanh Stalingrad từ giữa tháng Tám đến tháng Mười một, cả bốn Tập đoàn quân đồng minh bị tiêu diệt, và lực lượng giải cứu bị đánh bại của Manstein cùng thiệt hại gây ra bởi chiến dịch Sao Thổ nhỏ. Tính gộp chung, phe Trục phải mất hơn nửa triệu người.

         Việc đưa cái thảm họa này ra cho công chúng Đức là một thách thức mà Goebbels phải làm nổi lên năng lực cuồng tín, sử dụng tất cả tài năng của ông cho việc bóp méo sự thật một cách không biết xấu hổ. Nhà cầm quyền không hề công nhận Tập đoàn quân VI bị vây cho đến tận ngày 16 tháng Giêng, khi nói rằng “quân ta vài tuần nay đã chiến đấu anh dùng trước những trận công kích của quân thù từ mọi hướng”. Và giờ, chọn hướng đối ngược, tuyên bố rằng không còn một ai sống sót.

           Goebbels vận động các đài phát thanh vào báo chí cùng hành động vì quốc gia trong nỗi thương đau thượng võ. Ông hướng dẫn các báo cách viết miêu tả về bi kịch đã đổ ra. Họ phải nhớ rằng mỗi từ viết về trận chiến xúc động này sẽ được đi vào lịch sử. Báo chí phải dùng từ Bolsevik chứ không được dùng từ người Nga. “Cả bộ máy tuyên truyền của Đức phải tạo ra một huyền thoại về chủ nghĩa anh hùng ở Stalingrad và nó sẽ chiếm một vị trí cao quí nhất trong lịch sử nước Đức”. Riêng thông cáo quân đội, phải diễn đạt theo cách “hướng đến những thế kỷ sau”. Nó phải ngang bằng với bài diễn văn của Ceasar trước quân của ông, với lời yêu cầu của Frederick Đại đế đến các vị tướng trước trận Leuthen, và với lời kêu gọi của Napoleon trước lính cận vệ hoàng gia của mình.

         Thông cáo được phát ra như một tuyên bố đặc biệt trên sóng phát thanh hai mươi bốn giờ sau khi Strecker đầu hàng. ”Tổng hành dinh quốc trưởng, ngày 3 tháng 2 năm 1943. Bộ tổng tư lệnh tối cao Lục quân thông báo rằng trận Stalingrad đã kết thúc. Làm đúng lời thề của mình trước đất nước, cả Tập đoàn quân VI dưới sự lãnh đạo mẫu mực của thống chế Paulus đã ngã xuống trước quân địch đông vượt xa về số lượng…. Nhưng sự hi sinh của Tập đoàn quân VI sẽ không bị lãng phí. Là bức tường bảo vệ cho sứ mệnh lịch sử của chúng ta với Châu Âu, họ đã không đầu hàng trước sự tấn công của sáu Tập đoàn quân Soviet…. Họ đã hy sinh để nước Đức được sống”. Lời nói dối của nhà cầm quyền đã phản tác dụng, đặc biệt là với thông tin rằng mọi thành viên thuộc Tập đoàn quân VI đều đã chết cả. Không thông báo nào về 91000 tù binh mà phía chính quyền Liên Xô đã công bố, mà tin này cũng nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Chắc chẳn, có nhiều người hơn bình thường chuyển sang nghe đài ngoại quốc.Lệnh ban hành một kỳ quốc tang kéo dài ba ngày, các địa điểm vui chơi giải trí phải đóng cửa, tất cả các đài phát thanh cử các bài nhạc trang nghiêm, tuy nhiên báo chí bị cấm viền trang màu đen và không treo cờ rủ.

          Ban An ninh SS không lường hết được ảnh hưởng lên tinh thần dân chúng. Họ cũng biết thư từ vòng vây đã mô tả những nổi kinh hoàng và cực nhọc, về cơ bản là mâu thuẫn với cái nói khoa trương của nhà cầm quyền về thảm họa. Một người báo cáo “Những lá thư vĩnh biệt của các chiến sỹ Stalingrad đã gieo rắc  nỗi buồn to lớn không chỉ với gia đình, họ hàng mà cả trong một cộng đồng dân cư rộng, ảnh hưởng nhiều như vậy là do những lá thư đó được chuyển quanh nhanh chóng. Tình cảnh của những tuần chiến đấu sau cùng được mô tả (trong thư) ám ảnh gia đình, họ hàng cả ngày lẫn đêm”. Sự thật là Goebbel đã dự đoán được việc đó từ khá sớm, và đã quyết định ngăn chặn bưu thiếp gửi từ những người đã bị bắt làm tù binh. Trong nhật ký, ngày 17 tháng Chạp, ông viết: “Trong tương lai, thiệp gửi bà con họ hàng sẽ không được phát nữa, vì nó cung cấp phương tiện xâm nhập nước Đức cho tuyên truyền Bolsevik”.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 27 Tháng Chín, 2015, 06:05:29 pm
          Nhưng những cố gắng của phía Liên Xô cho thấy phải rất mạnh mẽ để ngăn chặn. Các trại tù binh của NKVD cung cấp bưu thiếp, nhưng vì nhà cầm quyền Đức không cho phép chúng vào, nên các nội dung trên đó được sao chép và in ra ở dạng nhỏ hơn, nhiều dòng trên chỉ một tờ giấy, và thả chúng ngay trên các tuyến quân Đức như là truyền đơn. Khi đã thả được, nhiều lính Đức ở tiền tuyến nhặt lên, dù có thể bị phạt nặng, rồi gửi thư khuyết danh đến những địa chỉ có trong danh sách nhằm báo rằng người nhà của họ còn sống. Họ ký tên bên dưới là “một người đồng bào” hay chỉ là “XXX”. Đôi khi, trong sự sợ hãi nhà cầm quyền, các gia đình còn nhận được cả bản sao của truyền đơn Liên Xô và liên lạc với người khác cùng cảnh ngộ.

          Bản thân Paulus dường như phán đoán được trước khi đầu hàng rằng hệ thống cai trị có thể sẽ cố chuyển thảm họa Stalingrad thành một thứ huyền thoại về việc bị-đâm-sau-lưng mới (Khó có thể nói điều này thúc đẩy ông từ chối các điều kiện đầu hàng đưa ra vào ngày 9 tháng Giêng hay không). Tuy vậy, ở thời điểm này, kẻ giơ đầu chịu báng cho việc thất bại không phải những người Cộng sản hay Do thái như năm 1918, mà là Bộ tổng tham mưu và giới quí tộc, vốn vẫn gần gũi trong suy nghĩ nhân dân.

          Những ai bước vào tuyến lửa với sự nghi hoặc về một cơn bão phía trước.Otto, Furst von Bismark, đặc sứ Đức tại Rome, trốn đi nghỉ mát cùng vợ vào lúc cuối tháng Giêng, nhằm tránh những cuộc ăn mừng chính thức nhân ngày kỷ niệm chế độ Quốc xã lần thứ mười. Cũng như các nhà ngoại giao Đức ở xa Berlin, ông ta không biết nhiều về những điều khủng khiếp của thất bại ở Stalingrad. Đêm 31 tháng Giêng, họ ở khách sạn Palace tại St Moritz thì một cú phôn khẩn từ đại sứ Đức ở Berne được nối máy. Viên đại sứ cảnh báo “Đừng nhảy nhót nữa! Stalingrad đổ rồi”. Họ đều biết St Moritz là nơi nghỉ dưỡng ưu thích của các sỹ quan SS cao cấp. Không cần phải nói thêm gì nữa.

         Đường lối của Bộ tuyên truyền về tướng lĩnh và binh sỹ cùng chiến đấu vai kề vai thay đổi nhanh chóng. Ngày 18 tháng Hai, Goebbels tổ chức một cuộc tập hợp lớn ở sân vận động Berlin, với khẩu hiệu: “Chiến tranh tổng lực – Cuộc chiến ngắn nhất!”. Một băng rôn vĩ đại mang lời kêu gọi nối tiếng từ năm 1812: “Cuộc chiến của chúng ta - Hãy hét: Nhân dân cùng đứng dậy, xông lên thoát khỏi kiềm tỏa”. Bối cảnh lịch sử rất khác nên điều này hoàn toàn không thích hợp trừ những ủng hộ viên tận tụy nhất của chế độ.Từ trên bục, Goebbels gào lên “Các bạn có muốn một cuộc chiến tổng lực không?”. Thính giả của ông tru lên trả lời. “Các bạn có quyết tâm đi theo Quốc trưởng và chiến đấu để chiến thắng với bất kỳ giá nào không?”. Một lần nữa đám đông trung thành lại rú lên.

       Trong những tuần sau sự kiện Stalingrad, Goebbel lên một chương trình nghị sự. Ông yêu cầu kết thúc biện pháp thỏa hiệp, với sự tổng động viên, nhưng chủ nghĩa hình thức hầu như quan trọng hơn với các biện pháp hấp tấp. Lớp đồng phủ lên cổng Brandenburg bị gỡ ra phục vụ cho công nghiệp chiến tranh. Các sự kiện thể thao chuyên nghiệp bị cấm. Các cửa hàng xa xỉ phẩm, kể cả kim hoàn, bị đóng cửa. Tất cả các tạp chí thời trang bị đình bản. Goebbels còn tổ chức cả một chiến dịch chống thời trang, với ý niệm rằng phụ nữ không cần làm đẹp, bởi họ muốn “những người lính chiến thắng trở về”.

       Có tin đồn lan truyền rằng ngay cả uống tóc cũng sẽ bị cấm. Hitler, người cuồng nhiệt tin rằng thiên chức của phụ nữ là để làm đẹp, phản đối điều này, và Goebbel buộc phải thông báo rằng: “phụ nữ không nhất thiết phải làm mình xấu xí”. Việc trao đổi hàng-hàng, dấu hiệu đầu tiên của một nền kinh tế thời chiến, lan truyền nhanh chóng. Ví dụ như, bàn chải cọ sàn nhanh chóng được đổi với vé xem hòa nhạc Furtwangler.Hộp đêm và các nhà hàng sang trọng, như là Hotcher, Quartier Latin, Neva Grill, Peltzers Atelier và Tuskulim ở Kurfurstendamm bị đóng cửa. Khi mở cửa lại, khách hàng được khuyến khích tự giới hạn mình ở những món Feldkuchengerichte – “các món ăn ở bếp dã chiến” – để thể hiện tình đoàn kết với binh sỹ ở nước Nga, rất có khả năng là ý tưởng lấy cảm hứng từ việc chống béo phì của Zeitzler. Tuy nhiên, Goering đã sắp đặt để Horcher, nhà hàng ưa thích của ông ta được mở cửa lại với danh nghĩa Câu lạc bộ sỹ quan Không quân.

      Thông điệp nửa kín nửa hở rằng tầng lớp sỹ quan cao cấp, tham nhũng phản bội lý tưởng Quốc xã được lan truyền theo nhiều cách. Và không lâu sau đó, thành viên các gia đình hoàng gia Đức bị yêu cầu từ chức ở mọi chức vụ. Ngay cả việc cưỡi ngựa trong vườn Tiergarten cũng bị cấm.

        Ngày càng nhiều khẩu hiệu tuyên truyền của Quốc xã xuất hiện trên các bức tường, nhưng người dân Berlin yếm thế thích nhất là bức graffiti: “Thích chiến tranh thì hòa bình sẽ tệ hơn”. “Kiên trì” là từ được dùng nhiều nhất trong bộ từ vựng tuyên truyền. Nỗi lo sợ cho tương lai lớn dần, trên tất cả là quyết tâm trả thù hung bạo của nước Nga. Một chủ quán trọ ở Rừng Đen, nguyên là lính mặt trận phía Đông nói với Christabel Bielenberg rằng “Nếu chúng ta chỉ phải trả một phần tư những gì chúng ta đang làm ở Nga và Balan, Frau Doktor, thì chúng ta phải chịu đựng và chúng ta đáng phải chịu”.

        Những người Đức không thích Quốc xã, chỉ nhận ra nghịch lý kỳ cục khi quá rõ ràng. Cuộc xâm lược Liên Xô làm người Nga bảo vệ chủ nghĩa Stalinít. Giờ mối đe dọa bại trận buộc người Đức bảo vệ chế độ của Hitler và sai phạm rùng rợn của nó. Sự khác biệt ở đây, là người Nga có một lãnh thổ rộng lớn để lùi, trong khi nước Đức phải đối diện với chiến tranh ở cả hai mặt trận, với những trận ném bom rải thảm và cấm vận. Để làm mọi thứ tệ hơi, Roosevelt và Churchill, tại Casabalanca đã tuyên bố ý định của họ về việc chiến đấu cho đến khi phe Trục đầu hàng vô điều kiện. Điều này làm cho cánh tay của Goebbels thêm dài vô tận.

        Về phía những người chống đối, với hàng đống lý do từ do dự và bất đồng đến chuyển hướng thiếu may mắn, đã không xoay sở hành động đúng lúc. Quá trễ để thuyết phục phía Đồng Minh rằng có nhiều khả năng dân chủ trong chế độ Nazi cũng như sự chống đối táo bạo của các tướng lĩnh sợ thất bại. Các thành viên chống đối, dù biết rõ điều này, nhưng vẫn nuôi hi vọng rằng Stalingrad ít nhất cũng sẽ cung cấp ngòi nổ cho một cuộc nổi dậy, nhưng không một viên tư lệnh quân đội nào sẵn sàng chuyển động. Những người cấp bậc kém hơn, nhưng quyết tâm cao hơn, những sỹ quan sẵn sàng chấp nhận nguy cơ cao, nếu cần thì hi sinh tính mạng cho nỗ lực, nhưng Hitler, dường như có được chiếc mũi rất thính với mối nguy hiểm, được bảo vệ rất tốt và thường thay đổi kế hoạch vào phút chót.
       
        Dấu hiệu bất mãn công khai duy nhất sau sự sụp đổ ở Stalingrad đến từ một nhóm nhỏ sinh viên Munich, được biết dưới cái tên Hoa Hồng Trắng. Ý tưởng của họ phát tán đến các sinh viên khác ở Hamburg, Berlin, Stuttgart và Viên. Ngày 18 tháng Hai, sau một chiếc dịch phát truyền đơn và kẻ biểu ngữ trên tường kêu gọi lật đổ chủ nghĩa Quốc xã, Sophie Scholl và em trai cô, Hans, bị bắt sau khi rải truyền đơn ở trường đại học Ludwig-Maximilian ở Munich. Bị Gestapo tra tấn và sau đó bị xử án tử hình bởi Roland Freisler ở phiên đặc biệt tại Tòa án Nhân dân Munich, cả hai chị em bị treo cổ. Một số thành viên khác, bao gồm cả giáo sư Triết học, Kurt Huber, cũng chịu số phận tương tự.

       Rất nhanh sau lượt đầu hàng cuối cùng ở Stalingrad, Hitler gặp thống chế Von Manstein,  sỹ quan cao cấp đầu tiên đứng ngoài vòng thân cận của ông ta. Manstein thảo ra các biện pháp ông buộc phải làm để tránh sự sụp đổ toàn diện ở phía nam nước Nga. Hitler muốn ra lệnh ông này không được rút lui thêm nữa, nhưng Manstein hiểu rằng, trong điều kiện hiện nay, ông có thể đặt ra giới hạn. Trong suốt buổi thảo luận, Hitler bảo rằng ông ta sẽ chịu trách nhiệm một mình về sự kiện Stalingrad, rồi lập tức tránh né sự thú tội của mình bằng cách nói thêm rằng ông sẽ qui một số trách nhiệm lên Goering; nhưng kể từ khi ông ta chỉ định viên Thống chế Đế chế ấy vào vị trí kế nhiệm, ông không thể đổ trách nhiệm vụ Stalingrad cho ông ấy. (Ông ta) cũng không nhắc chút nào đến sách lược rối như canh hẹ của mình cũng như những nỗ lực thu tóm quyền điều khiển các chiến dịch từ xa. Hitler vẫn dành cho Paulus sự buộc tội cao nhất. Ông bảo với Goebbels rằng sau chiến tranh, sẽ đưa Paulus và các tướng lĩnh thuộc quyền ra tòa án binh vì đã không tuân theo lệnh dứt khoát của ông ta, chống cự cho đến viên đạn sau cùng.

         Lúc này Hitler hiếm khi đứng trước bàn, như thói quen của mình. Ông cũng thích ngồi ăn một mình hơn. Tướng Guderian nhận thấy ông ta thay đổi nhiều: “Tay trái ông run rẩy, lưng còng, cái nhìn chằm chằm, mắt lồi ra nhưng thiếu vẻ tinh anh trước kia, gò má thì nổi lấm tấm đốm đỏ”. Nhưng khi Hitler gặp Milch, ông ta lại cho thấy không có hối tiếc chút gì với sự thiệt hại nhân mạng to lớn ở Stalingrad. Ông có thể chỉ nghĩ đến việc vươn lên lần nữa cho dù phải mất nhiều người hơn. “Chúng ta sẽ kết thúc chiến tranh trong năm nay” ông ta nói với Milch “Do đó tôi quyết định tổng động viên tất cả sức mạnh của người dân Đức”.

         Ở Nga, sự hả hê dữ dội với chiến thắng bùng ra một cách tự phát cũng như có xếp đặt. Chuông điện Kremlim gõ vang báo tin Paulus đầu hàng. Những bài nhạc Nga hùng dũng được phát trên sóng vô tuyến và thông cáo được truyền đi khắp mặt trận trên từng tờ báo. Họ tán dương “bài học lịch sử nghiêm khắc” đã dạy cho “bọn tướng lĩnh phiêu lưu Đức” bởi những Hannibal của Hồng quân trong cuộc chiến Cannae hiện đại. Stalin được mô tả như là nhà lãnh đạo khôn khéo và kiến trúc sư vĩ đại của chiến thắng.

         Nhuệ khí ở Liên Xô lên cao thật sự. Ở khắp mọi nơi, người ta hỏi nhau về tin tức sau cùng của trận chiến bên bờ sông Volga. Khi chiến thắng của trận đánh kinh hoàng đó đến, họ bảo nhau: “Không thể ngăn chặn nổi một quân đội đã làm được những điều ở Stalingrad”. Họ cũng đùa với nhau trong niềm vui thú về sự trả giá của kẻ thù bị bại trận. “Tôi tò mò không biết một thống chế bị bắt trong hầm cảm thấy thế nào?” một người bày tỏ. “Sau trận Stalingrad, không một người lính nào còn lo ngại về kết quả của cuộc chiến” một sỹ quan bị thương nói. Các sư đoàn Stalingrad được điều đến các tập đoàn quân, các phương diện quân khác để tăng nhuệ khí thêm.

         Ngay sau đó, Stalin được phong chức Nguyên soái Liên Xô bởi Chủ tịch đoàn Sô viết tối cao Liên Xô, một dạng hiện đại của kiểu Napoleon tự tấn phong hoàng đế cho mình. Lịch sử chiến tranh đột nhiên thay đổi. Những thảm họa trong năm 1941 được viết lại như thể đó là một phần của một kế hoạch khéo léo do Stalin nghĩ ra. Hình ảnh, tên tuổi của Stalin được giữ tránh xa báo chí trong thời kỳ tệ hại đó, nhưng giờ “vị thuyền trưởng vĩ đại của nhân dân Liên Xô”, “Nhà tổ chức thiên tài của chiến thắng” trở lại vị trí. Tất cả những thảm họa, những điều xấu xa bị đổ cho những người khác, đúng hơn, như là những triều thần bị đổ lỗi trong thời kỳ Sa hoàng. Illya Ehrenburg, với tính nhạo bám cay độc, nhận xét rằng nhân dân “cần phải tin”. Ngay cả tù nhân trong trại Gulag cũng viết thư cho người Cha vĩ đại của nhân dân, nhận thức rằng Người đã làm đúng trong các phiên xử oan sai kinh khủng, không tưởng tượng được dưới Chủ nghĩa Cộng Sản. Không nhà lãnh đạo nào có ảnh hưởng hơn Beria.

          Tướng lĩnh Hồng quân được thăng thưởng rõ. Việc bỏ hệ thống chỉ huy song đôi của chính trị viên cách đây không lâu, được làm cho hoàn chỉnh với việc sắp đặt lại có qui cũ các cấp bậc binh lính, sỹ quan. Lối nói trại “commander” cũng bỏ.

          Như tướng Schlomer đã ghi nhận với sự thích thú, cầu vai – biểu tượng cấp bậc vốn từng bị vài đám đông Bolsevik trong các cuộc hành hình năm 1917 đóng đinh ghim vào thi thể những người theo chế độ Sa hoàng – nay được phục hồi. (Vải viền vàng được đặt bí mật từ Anh quốc, và bị ngạc nhiên, phản đối bởi giới chức ở đó). Một người lính thuộc một sư đoàn Cận vệ nghe được tin về cầu vai từ một người đánh giày già ở ga xe lửa: “Họ đang bắt đầu dùng cầu vai vàng một lần nữa”, ông lão nói với anh trong vẻ giận dữ không tin được “Cứ như bọn Bạch vệ”. Những người lính đồng đội cũng rất ngạc nhiên khi anh ta kể lại lúc quay về tàu. “Tại sao lại (dùng) trong Hồng quân nhỉ?” họ hỏi. Những lời xì xầm kiểu đó bị bỏ qua. Những huân chương mới của cuộc Chiến vệ quốc vĩ đại – Huân chương Suvorov và Kutuzov – cũng được tặng cho các sỹ quan cao cấp trong trận chiến.

        Tuy vậy, thành tựu tuyên truyền lớn nhất, là vươn ra xa khỏi biên giới Liên Xô. Câu chuyện về sự hy sinh của Hồng quân gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới, đặc biệt ở lục địa Châu Âu đang bị chiếm đóng. Ảnh hưởng tác động lên các hoạt động kháng cự ở mọi nơi và chi phối các chính sách hậu chiến ở Châu Âu đáng kể. Chiến công của Hồng quân nâng cao hình tượng của các đảng viên và hấp dẫn những cảm tình viên càng thêm đông đảo.

        Ngay cả những người bảo thủ cũng không thể tránh việc tán dương chủ nghĩa anh hùng của Hồng quân. Tại Anh, vua George VI đặt rèn Thanh gươm Stalingrad để tặng cho thành phố ấy. Tinh thần dân chúng và binh sỹ cũng được tăng cao bởi những đoạn phim tài liệu ca ngợi chiến thắng, với cảnh lập lòe của Paulus cùng những hàng tù binh dài, vắt ngang qua thảo nguyên tuyết phủ. Ai cũng biết người Nga đang gánh sức mạnh quân sự chính của nước Đức, và rằng mặt trận phía Đông đang làm chảy máu quân đội Đức đến chết, rõ ràng nhiều hơn xa so với bất kỳ nơi nào ở phía Tây. Hồng quân sẽ tiến lên, như một sỹ quan đã hét vào mặt các tù binh, cho đến khi nào Berlin cũng như thành Stalingrad đổ nát.



Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 28 Tháng Chín, 2015, 01:03:51 am
                                                                                                 XXIV


                                                                                   THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG NGƯỜI CHẾT

 

        Ngày 2 tháng Hai, trên thành phố đổ nát sự yên tĩnh rơi xuống với cảm giác kỳ lạ cho những ai đã trở nên quen thuộc với sự tàn phá như là một điều tự nhiên. Grossman mô tả những gò gạch vụN và những hố bom sâu đến mức ánh mặt trời ở góc thấp của mùa đông dường như không bao giờ rọi nổi tới đáy, và “trên đường sắt, những toa xăng dầu nằm phơi bụng như những con ngựa chết”.

        Chừng 3.500 thường dân được tổ chức làm trong các đội chôn cất. Họ chất xác lính Đức đông cứng thành từng đống như đống củi bên vệ đường, và vì họ chẳng có mấy xe lạc đà kéo, nên đa số các công việc chuyển vận là dùng bằng xe trượt tuyết tự chế hoặc xe cút kít. Xác lính Đức được đưa đến các boongke, hoặc các hào chống tăng lớn, đào từ mùa hè trước và lấp lại. Sau này, thêm 1200 tù binh Đức được dùng vào việc tương tự, dùng xe người kéo thay cho ngựa. “Hầu hết những người thuộc các đội công tác đó” một tù binh báo cáo “chết nhanh sau đó vì bệnh sốt Rickettsia”. Những người khác “hàng tá mỗi ngày” theo một sỹ quan NKVD ở trại Beketovka – bị bắn trên đường làm việc bởi lính canh.

         Những bằng chứng rùng rợn của trận chiến không biến mất đi ngay lập tức. Khi sông Volga tan băng trong mùa xuân, hàng đống xác chết đông cứng, đen ngòm được tìm thấy bên bờ sông. Tướng de Gaulle, khi dừng chân ở Stalingrad trên đường đến Moscow vào tháng 12 năm 1944, bị ấn tượng mạnh khi thấy người ta vẫn còn đào kiếm xác, nhưng thật ra việc này còn tiếp diễn cả mấy thập kỷ sau. Hầu hết những tòa nhà trong thành phố mở ra cho người còn sống sau trận đánh.

        Đáng ngạc nhiên hơn cả số lượng người chết chính là khả năng sống sót của con người, Đảng ủy thành phố Stalingrad tổ chức meeting ở khắp các quận “được giải phóng khỏi ách chiếm đóng phát xít” rồi nhanh chóng làm công tác điều tra dân số. Họ tìm thấy ít nhất 9796 thường dân còn sống sót qua trận chiến, trong các đống đổ nát của chiến trường. Trong đó có 994 trẻ em, mà chỉ có 9 em là tìm lại được cha mẹ. Phần lớn được gửi đến các trại trẻ mồ côi hoặc đến phục vụ trong công tác làm sạch thành phố. Báo cáo không nói gì đến tình trạng thể chất hay tâm lý những người đó, như bằng chứng từ một tình nguyện viên Hoa Kỳ, người đến rất sớm sau trận chiến để phát quần áo “Hầu hết bọn trẻ” cô viết “sống trong lòng đất từ 4 đến 5 tháng. Các em phù thũng vì do sống trong điều kiện như vậy. Chúng co mình một góc và ngại nói chuyện, và cả việc nhìn thẳng vào mặt người khác”.

         Đảng ủy Stalingrad có những việc ưu tiên cao hơn. “Chính quyền Soviet ngay lập tức được tái lập trên tất cả các quận của thành phố”, báo cáo về Moscow ghi.

          Ngày 4 tháng Hai, Hồng quân tổ chức một cuộc meeting lớn cho “cả thành phố”, cả thường dân lẫn binh lính. Cuộc tập hợp đó, với những bài diễn văn dài nhằm tung hô đồng chí Stalin và tài lãnh đạo Hồng quân của Người, là một dạng dịch vụ cảm ơn của Đảng.

         Đầu tiên, chính quyền không cho thường dân đã thoát sang bờ đông được quay về nhà trong thành phố bởi cần phải dọn sạch bom đạn chưa nổ. Các đội gỡ mìn phải chuẩn bị một sơ đồ cơ bản “những lối đi an toàn”. Nhưng ngay sau đó nhiều người đã cố vọt về qua sông Volga không phép. Các thông điệp xuất hiện đầy trên tường các tòa nhà đổ nát, minh chứng cho số lượng các gia đình bị ly tán bởi trận chiến “Mẹ, chúng con ổn cả. Hãy tìm bọn con ở Beketovka. Klava”. Nhiều người không biết được gia đình, họ hàng của họ còn sống hay đã chết cho đến tận khi chiến tranh kết thúc.

            Một lượng lớn tù binh Đức, mà nhiều người trong số họ quá yếu để đứng nổi, cũng bị buộc phải có mặt ở buổi meeting chính trị tại trung tâm Stalingrad để nghe những bài hô hào dài dòng của ba lãnh đạo ĐCS Đức: Walter Ulbricht, Erich Weinert và Wilhelm Pieck.

          Tình trạng của đa số tù binh lúc đầu hàng là rất thê thảm, nên mức tử vong lớn là dễ biết trước được trong những tuần, tháng kế tiếp. Các hành động tàn bạo và hỗ trợ y tế tồi tệ làm gia tăng vấn đề này lên nhiều, và trên tất cả là việc thiếu hụt hậu cần không thể tính toán được. Trong số 91000 tù binh vào lúc cuối cuộc chiến, hầu như phân nửa chết trước khi mùa xuân tới. Chính Hồng quân cũng biết được, trong các báo cáo sau này, rằng mệnh lệnh chăm sóc tù nhân bị bỏ qua, và cũng không thể nói được có bao nhiêu lính Đức bị bắn chết trong quá trình đầu hàng, hoặc ngay sau đó, thường là để trả thù cho cái chết của họ hàng, bà con hay đồng đội.

         Mức tử vong ở những nơi gọi là “bệnh viện” rất kinh khủng. Hệ thống hầm hào ở hẻm núi Tsaritsa, giờ được đổi tên là “Bệnh viện tù binh số 1”, vẫn là nơi tệ nhất, lớn nhất, chỉ bởi không có nhà cửa để chống lại cái lạnh. Nước chảy lan trên tường, không khí còn hơn cả nhiễm độc với hơi thở của người bịnh, oxy thiếu tới nỗi những cây đèn dầu tự tạo bằng lon đồ hộp chỉ cháy được lập lòe rồi tắt ngóm, cả đường hầm chìm trong bóng tối.

           Thương binh nằm lăn lóc cạnh nhau trong đường hầm hẹp, trên nền đất ẩm ướt mòn vẹt, trong bóng tối thật khó để không đạp lên hay vấp lên những bàn chân bị bỏng tuyết và chịu nghe những tiếng hét đau đớn inh tai. Nhiều người bỏng tuyết chết vì hoại thư, các bác sỹ không thể đối phó được. Dù họ có sống sót qua cuộc phẫu thuật cắt chi thì thể trạng yếu ớt và không có thuốc gây mê là những vấn đề lớn khác.

         Điều kiện của đa số 4.000 thương binh là vô cùng tội nghiệp, các bác sỹ vô vọng trước việc nấm lan rộng trên vết thương. Họ hầu như không còn băng gạc cũng như thuốc men. Chỗ loét và các vết thương hở làm vi trùng uốn ván từ rác rưởi bẩn dễ dàng thâm nhập. Về mặt vệ sinh, thì có một cái xô để dùng cho những người bị bệnh lỵ, không nói nổi và trong bóng tối không đèn. Nhiều người yếu tới mức không gượng dậy nổi và cũng không có đủ hộ lý để đáp ứng những yêu cầu giúp đỡ thường xuyên. Mà chính bản thân các hộ lý cũng yếu bởi sự thiếu ăn và nhanh chóng bị bệnh bởi phải dùng nước bẩn trong hẻm núi.

         Các bác sỹ không có nổi một danh sách tên bệnh nhân hoàn chỉnh, huống hồ gì là bệnh án. Các đơn vị thuộc tuyến hai của quân Nga, và cũng là các đơn vị y tế, đã cướp thuốc men và thiết bị của họ, kể cả thuốc giảm đau. Một cha tuyên úy Tin lành thuộc sư đoàn bộ binh 297 còn bắn vào sau cổ bởi một thiếu tá Liên Xô khi ông đang cúi xuống băng cho một thương binh.

        Các sỹ quan quân y Nga thất kinh trước những điều kiện đó. Nhiều người đồng cảm. Vài sĩ quan Nga chia thuốc lá cho các bác sỹ Đức, nhưng những công dân Sô viết khác thì đổi bánh mỳ lấy đồng hồ, nếu chúng còn sau đợt cướp trước đó. Dibold, một bác sỹ thuộc sư đoàn bộ binh 44 mô tả một nữ phẫu thuật viên quân đội, với gương mặt thuần nông dân mạnh khỏe, đã chòng gẹo và đổi đồng hồ, với một người lính Áo đến từ một gia đình nghèo, đưa ra một chiếc đồng hồ bỏ túi bằng bạc. Anh đưa của gia bảo đó ra, rõ ràng chắc là được cho trước lúc đi lính, và đổi lại được nửa ổ bánh mỳ. Ổ bánh này anh chia cho người khác, chỉ giữ lại phần nhỏ nhất cho chính mình.

           Cảnh nghèo khổ cũng làm nổi lên những kẻ cặn bã. Có những tên lợi dụng các đồng đội cũ, đang không tự lo liệu được, với sự trơ tráo không tưởng tượng nổi trước đây. Chúng ăn cắp đồ từ những người đã chết và những bệnh binh yếu ớt nhất. Nếu ai còn đồng hồ, nhẫn cưới hay những đồ vật có giá trị khác, trong đêm tối sẽ bị lấy mất ngay. Nhưng lẽ tạo hóa cũng có sự trừng phạt công bằng. Những tên trộm nhanh chóng bị bệnh sốt Ricketsia do bị rận lây qua từ những người bị trộm. Một phiên dịch viên, đáng hổ thẹn vì những hành động của mình, được tìm thấy với một túi to chứa đầy nhẫn vàng dấu trong người khi hắn chết.

         Lúc đầu, chính quyền Soviet chẳng cung cấp lương thực. Những tài liệu của Hồng quân và NKVD được giải mật đã cho thấy rằng, dù biết việc đầu hàng sẽ sắp xảy ra, nhưng rõ ràng là không có sự chuẩn bị nào cho việc đó, kể cả lính canh chứ đừng kể chi đến thức ăn cho tù binh. Đảng viên Cộng sản Đức, Erich Weinart, tuyên bố rằng tuyết rơi dày làm cản trở việc chuyên chở hàng hậu cần, nhưng điều này thiếu tính thuyết phục. Vấn đề thật chính là tổng hợp của sự thờ ơ tàn bạo cùng sự quan liêu kém cỏi, và trên cả là việc thiếu hợp tác giữa quân đội và NKVD.

         Cũng có sự miễn cưỡng trong việc cung cấp thức ăn cho tù binh Đức khi mà cả Liên Xô còn đang bị thiếu lương thực trầm trọng. Nhiều binh sỹ Hồng quân còn thiếu ăn đừng nói chi đến dân thường, nên ý nghĩ về việc cho quân xâm lược cướp bóc nước họ, đồ ăn thức uống thì thật là sai. Cuối cùng, lương thực cũng bắt đầu đến sau ba hoặc bốn ngày, lúc đó nhiều người đã không được ăn uống gì gần hai tuần rồi. Ngay cả những người bệnh cũng chỉ có không quá một ổ bánh mỳ cho mười người, cùng với một ít súp nấu từ nước cùng hạt kê cùng vài lát cá muối. Chẳng thể mong gì ở việc đối xử tốt hơn, đặc biệt khi cân nhắc đến những “thành tích” của quân đội Đức trong việc đối xử với chính tù binh của họ, cả dân thường, lẫn lính tráng ở ngay tại Liên Xô.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 28 Tháng Chín, 2015, 11:52:39 pm
        Tuy vậy, mối lo lớn nhất của các bác sỹ với các bệnh nhân, không phải là chết đói mà là dịch sốt Ricketsia. Nhiều người đã lo có một trận bùng phát trong Kessel khi xảy ra ca nhiễm đầu tiên, nhưng họ không dám nói nhiều về mối quan ngại đó bởi sợ mọi người hoang mang. Trong bệnh-viện–đường-hầm họ tiếp tục cách ly những ca nhiễm khác bất kể là bệnh bạch hầu hay sốt Ricketsia. Các bác sỹ cũng van nài nhà cầm quyền cung cấp các phương tiện khử rận, nhưng nhiều lính Hồng quân và hầu hết thường dân sống trong khu vực đó cũng có rận. Không chút ngạc nhiên nào khi có nhiều người chết đến thế. Dường như không còn lý do để đấu tranh sinh tồn. Viễn cảnh được thấy lại gia đình lần nữa thật quá xa. Nước Đức ở tít mù khơi, như thuộc về một thế giới khác, một thế giới mà giờ dường như quá khả năng tưởng tượng. Cái chết hứa hẹn sẽ là một sự giải thoát khỏi khổ đau, không còn những cơn đau kiệt quệ cũng như sức mạnh, chẳng qua là một cảm giác bềnh bồng. Những ai muốn sống nhất dường như là những người vẫn tiếp tục đấu tranh vì niềm tin tôn giáo hoặc ngoan cố từ chối chết trong tình trạng tệ hại như vậy hay vì lợi ích của gia đình.

         Ước vọng được sống đóng một vai trò quan trọng trong chặng đường giải về trại tù. Như Weinert mô tả “những bóng ma quấn giẻ nhúc nhắc lê bước” theo sau lưng người lính chiến. Rất nhanh sau những nỗ lực đi bộ để làm ấm người, bọn rận cũng hoạt động tích cực hơn. Vài người dân thường giật chăn khoát trên vai họ, nhổ vào mặt họ và thậm chí còn ném đá. Chỗ tốt nhất là ở hàng đầu hoặc an toàn nhất là đi cạnh lính canh. Vài người lính (Nga) khi đi ngang qua, bất kể đã có nghiêm lịnh, bắn bừa làm vui vào những hàng tù binh, cũng tương tự như lính Đức đã bắn vào vào các hàng tù binh Hồng quân vào năm 1941.

        Những ai may mắn hơn thì được giải thẳng đến những trại tập trung trong vùng, dù thật ra cũng khá xa. Ví dụ như, tù binh từ túi phía bắc, phải đi hơn 12 dặm đến Dubovka, phía bắc Stalingrad. Và như vậy mất chừng 2 ngày. Trong đêm, họ bị lùa vào những căn nhà không nóc còn sót lại – sản phẩm của Không lực Đức, như lính canh không quên nhắc cho biết.

       Tuy vậy, hàng ngàn người khác phải chịu điều chỉ có thể gọi là cuộc hành quân thần chết. Tệ nhất, là chuyến đi với không chút nước hay thức ăn trong khí hậu lạnh chừng 25 đến 30 độ dưới không, theo một tuyến đường zích zắc kéo dài từ hẻm núi Tsaritsa, theo hướng Gumrak và Gorodishche, và kết thúc ở Beketovka năm ngày sau đó. Mỗi lúc, họ nghe thấy tiếng súng trong tiết đông lạnh giá, và biết một nạn nhân khác đã ngã gục xuống tuyết, không bao giờ đi thêm được nữa. Cái khát là mối đe dọa lớn cũng như sự yếu ớt với những người thiếu đói. Dù tuyết bao quanh, nhưng họ cũng chịu số mệnh như những người thủy thủ xưa.

         Hiếm khi có chỗ trú chân khi đêm xuống, nên những người tù túm tụm ngủ cùng nhau trên tuyết. Nhiều người thức giấc và nhận ra người đồng đội gần gũi đã chết và đông cứng cạnh bên. Để phòng ngừa việc này, một người trong nhóm được chỉ định thức gác và lay tỉnh những người khác sau mỗi nửa giờ. Cứ thế họ quay theo vòng. Có những nhóm khác sợ phải nằm xuống. Họ hi vọng có thể ngủ theo kiểu ngựa, họ cùng đứng tựa vào nhau theo từng nhóm, với một chiếc chăn phủ qua đầu để giữa lại chút hơi ấm từ cơ thể.

         Bình minh đến, không mang lại sự khuây khỏa mà là nỗi khiếp hãi chặng đường hành quân phía trước. “Người Nga có phương pháp rất đơn giản” một trung úy sống sót ghi nhận “Những ai có thể đi nổi, được giải đi. Những ai không thể, bất kể là thương binh hay bệnh binh, đều bị bắn chết hoặc bị để lại đó với không chút thực phẩm”. Nhanh chóng hiểu được cái logic tàn bạo này, anh chuẩn bị bằng cách đổi chiếc áo len của mình để lấy bánh mỳ và sữa từ một phụ nữ nông dân Nga lúc dừng nghỉ đêm, bởi anh biết nếu không làm vậy thì anh sẽ ngã xuống vì yếu sức trong ngày kế tiếp.“Chúng tôi bắt đầu lên đường với 1.200 người” một người lính từ sư đoàn bộ binh 305 kể chi tiết “nhưng chỉ còn một phần mười, tầm 120 người là còn sống đến được trại Beketovka”. Cổng vào trại chính ở Baketovka là một nơi vào khác mà hoàn toàn xứng đáng với dòng chữ “Ai vào đây là từ bỏ tất cả hi vọng”.

         Khi họ đến nơi, lính canh lục soát tù binh lần nữa để lấy đi những thứ có giá trị, rồi để họ đứng đợi “đăng ký”. Những người tù nhanh chóng nhận ra họ phải đứng ngoài trời lạnh giá hàng mấy tiếng, diễu qua theo từng nhóm năm người để “đếm”, có thể là một dạng lễ sám hối mỗi ngày. Cuối cùng, sau khi phía NKVD thực hiện công việc ký tá, họ được đưa vào những căn lều gỗ, lèn chặt chừng 40 đến 50 người mỗi phòng, “như xếp cá mòi” một người sống sót ghi nhận. Ngày 4 tháng Hai, một sỹ quan NKVD phàn nàn với sở chỉ huy Phương diện quân sông Đon rằng tình hình là “rất trầm trọng”. Trại tù ở Beketovka nhận đến 50000 tù bình “bao gồm cả thương binh và bệnh binh”.

         Phụ trách trại tù NKVD bị quá tải. Họ không có xe vận tải và cố xin phía quân đội chỉ một chiếc. Rốt cuộc nước được mang tới trại bằng thùng sắt trên những chiếc xe kéo bởi lạc đà. Một tù binh bác sỹ người Áo ghi nhận ấn tượng đầu tiên: “Không có gì để ăn, không có gì để uống, tuyết bẩn thỉu và băng đá vàng màu nước tiểu là thứ duy nhất để khuây khỏa cho cơn khát ghê gớm… Mỗi buổi sáng, thấy nhiều xác người hơn”. Sau hai ngày, phía Nga mới cung cấp cho ít “súp”, thứ không gì hơn là một bao cám đổ vào nước ấm. Tức giận với điều kiện sống, tù binh nạo rận từ người họ ra đầy tay, rồi ném vào lính canh. Những kiểu phản kháng như vậy mang lại án tử hình.

        Ngay từ đầu, nhà cầm quyền Liên Xô phân chia tù binh ra, trước hết là theo quốc tịch, rồi sau đó là chính trị. Tù binh Rumani, Ý và Croatia, được ưu tiên làm công việc nhà bếp, ở đó những người Rumani cá biệt bắt đầu trả thù những cựu-Đồng-minh. Họ tin rằng, người Đức không chỉ đưa họ vào cái địa ngục này, mà còn cắt hậu cần khi ở trong vòng vây để quân Đức có thể được ăn uống tốt hơn. Những nhóm người Rumani đánh những người Đức đi riêng lẻ để nhận đồ ăn cho cả phòng, và thu luôn thức ăn. Phía Đức trả miếng, bằng cách gửi người hộ tống cho những ai đi nhận.

          “Rồi một cú sốc khác đến” một thượng sỹ Không quân Đức ghi nhận “Những đồng đội người Áo của chúng tôi đột nhiên thôi là người Đức. Họ tự gọi mình là “người Áo” với hi vọng được đối xử tốt hơn – và thực là như vậy”. Người Đức cảm thấy chua xót “tất cả những tội lỗi chiến tranh chất chồng lên chúng tôi, những ai còn là “Người Đức””, đặc biệt là khi những người Áo, với cái logic thay đổi đó, đổ lỗi cho những tướng lĩnh người Phổ hơn là cho Hitler-người gốc Áo, cho tình huống khó khăn của họ.

          Nhưng cuộc chiến để dành lại sự sống vẫn quan trọng hơn. “Mỗi sáng, người chết nằm dài ngoài trại” một sỹ quan thiết giáp viết. Những thi thể lạnh cứng, trần truồng đó được xếp chồng lên nhau bởi các đội lao động thành một hàng dài bên hông trại. Một bác sỹ ước lượng rằng ở Beketovka có “một ngọn núi xác người, dài chừng 100 mét và cao 6 feet”. Ít nhất có từ 50 đến 60 người chết mỗi ngày, một chuẩn úy không quân Đức ước tính. “Chúng tôi không còn nước mắt để khóc” anh viết sau này.

          Một tù binh khác được dùng làm thông dịch viên cho phía Nga cố xem “đăng ký tử vong”. Anh ghi nhận rằng đến ngày 21 tháng 10 năm 1943, riêng ở Beketovka có 45,200 người chết. Còn báo cáo của NKVD cho biết trong tất cả các trại tù binh ở Stalingrad, có 55,228 người chết tính đến ngày 15 tháng 4, nhưng không ai biết được có bao nhiêu tù binh bị bắt tính từ chiến dịch Uranus đến lượt đầu hàng cuối cùng.

        “Cái đói” bác sỹ Dibold quan sát “làm thay đổi tinh thần và tính cách, dễ nhận ra được qua các thói quen mẫu mực và khó nhận thấy nhất là suy nghĩ của mỗi người”. Lính Đức cũng như Rumani để sống sót phải ăn đến cả thịt người. Những lát mỏng cắt từ những xác chết đông cứng, được đun sôi lên. Sản phẩm cuối cùng ra được là một thứ tròn như “thịt lạc đà”. Những ai ăn thứ thức ăn này nhanh chóng được nhận ra ngay, bởi nước da của họ có ẩn chứa sắc đỏ, thay cho vẻ xám xanh của phần lớn người. Những trường hợp như vậy cũng được báo cáo từ các trại khác ở quanh Stalingrad, ngay cả trại giam những tù binh từ hồi chiến dịch Uranus cũng có. Một nguồn tin Sô viết tuyên bố rằng “chỉ có mũi súng mới bắt được những tù binh đó bỏ hành động man rợ này”. Những người chịu trách nhiệm đề nghị thêm thức ăn, nhưng sự bất tài cũng với tệ tham nhũng trong hệ thống làm làm cùn nhụt mọi biện pháp.

         Ảnh hưởng tổng hợp của sự kiệt sức, lạnh, bệnh tật và đói còn làm mất nhân tính của tù binh theo những cách khác. Bệnh lỵ lan tràn, những ai bị ngã và rơi xuống hố phân nhà xí, sẽ để cho chết chìm luôn, dù vẫn còn sống. Chẳng mấy ai có đủ sức hay có muốn kéo họ lên. Số phận kinh hoàng của những người đó ở dưới kia bị bỏ qua. Bởi nhiều người khác cũng bị bệnh lỵ, đang cần dùng nhà xí khẩn cấp hơn.

         Lạ kỳ là, chính nhà xí cũng đã cứu mạng một trung úy trẻ, xuýt chết đói, anh là một bá tước, gia đình anh có vài tòa lâu đài và bất động sản. Anh nghe lỏm thấy một người lính nói gì đó bằng thứ tiếng địa phương của quận anh, không nhầm được, anh nhanh chóng la lên, hỏi người lính kia quê ở đâu. Người lính nêu ra cái tên của một ngôi làng nhỏ ở cạnh bên. Rồi anh ta hỏi ngược lại: “Vậy thế anh là ai và quê ở đâu?”. Viên sỹ quan trả lời. “À, ra vậy” anh lính cười to “Tôi biết anh rồi. Hồi trước tôi thường thấy anh đi qua trong chiếc xe thể thao Mercedes màu đỏ, phóng như bay. Ồ, giờ chúng ta lại ở cùng nhau. Nếu anh đói thì tôi có thể giúp được”. Người lính đó được chọn làm hộ lý trong một bệnh viện cho tù binh, và bởi rất nhiều người trong bệnh viện chết trước khi có cơ hội được dùng khẩu phần bánh mỳ, nên anh ta tích lũy được một túi cùi bánh mỳ thừa để chia với người khác trong lúc nghỉ ngơi. Cuộc nói chuyện hoàn toàn không biết trước này đã cứu mạng vị bá tước trẻ nọ.

             Sự sống sót thường đi ngược mong đợi. Những người chết trước thường là những người có thân hình to lớn và mạnh mẽ. Trong khi những người nhỏ, gầy lại có cơ hội tốt nhất. Bởi cả lúc trong vòng vây lẫn khi trong trại tù, khẩu phần được chia đều cho đến từng vụn bánh, nên sẽ mang đến khả năng sống sót cho những người thích ứng nhất, bởi ở đây không có chia theo kích thước từng cá nhân. Thật thú vị khi được biết rằng trong các trại lao động Liên Xô, chỉ có ngựa mới được cho ăn dựa theo kích thước.

         Khi mùa xuân đến, chính quyền Soviet bắt đầu tái tổ chức lại lượng tù binh trong vùng. Tất cả có chừng 235.000 tù binh, từ Tập đoàn quân VI, Tập đoàn quân xe tăng IV, cùng với những người bị bắt trong chiến dịch giải cứu của Manstein trong tháng 12, cũng như quân Rumani và lính Đồng minh khác, được nhốt trong khoản 20 trại tù và bệnh viện tù nhân trong vùng.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 02 Tháng Mười, 2015, 12:31:31 pm
        Các sỹ quan cấp tướng được đưa đi trước. Đích đến của họ là một trại ở gần Moscow. Họ đi trên cái mà các sỹ quan cấp thấp bất nhẫn phong cho cái tên là “Con tàu trắng”, bởi những toa xe trên đó rất tiện nghi. Sự cay đắng lớn này là hậu quả của sự kiện rằng những vị tướng ấy đã ra lệnh chiến đấu đến cùng, và họ không chỉ sống sót với lối nói tu từ đó của mình, mà giờ còn được hưởng những điều kiện mà lính của họ không thể so sánh nổi. “Nghĩa vụ của một vị tướng là ở cùng với lính mình” một trung úy bình luận “không phải là để phắn đi trên một toa xe nằm”.

         Cơ hội sống sót phụ thuộc tàn nhẫn vào cấp bậc. Trên 95 phần trăm lính trơn, NCO và 55% sỹ quan cấp thấp chết, trong khi đó con số chỉ là 5% với sỹ quan cao cấp. Như những phóng viên ngoại quốc ghi nhận, ngay sau lúc đầu hàng chỉ có vài sỹ quan cao cấp là có dấu hiệu của sự thiếu đói. Đối đãi ưu tiên mà các tướng lãnh được nhận, tuy vậy, minh chứng cho thấy về ý thức tôn ty thứ bậc ở Liên Xô.

       Một số nhỏ sỹ quan được gửi đến những trại ở quanh Moscow, như Lunovo, Krasnogosk và Suzdal. Còn những ai chọn “giáo dục chống phát xít” thì được gửi đến một pháo đài – tu viện Yelabuga, đông Kazan. Điều kiện trên phương tiện vận chuyển không được như phần dành cho cấp tướng. Trong một đoàn công voa gồm 1800 sỹ quan đi lúc tháng Ba, 1200 người chết. Thêm vào đó bệnh Ricketsia, bệnh vàng da, bạch hầu, bệnh sco-bút, phù thũng và lao lan rộng. Và khi mùa xuân đến, số ca sốt rét tăng nhanh.

        Lính và sỹ quan cấp thấp được chia theo từng cộng đồng cũng được xác định, 20.000 gửi đi Bekabad, đông Tashkent, 2.500 đến Volsk, đông bắc Saratov, 5.000 xuôi theo sông Volga đến Astrakhan, 2.000 đến Usman, bắc Voronezh, những người khác đến Basyanovsky, bắc Sverdlovsk, Oranky gần Gorky và cả đến Karaganda.

        Khi đăng ký trước lúc khởi hành, nhiều người khai nghề nghiệp là “lao động nông nghiệp” với hy vọng được gửi đến một nông trại. Những tay nghiện thuốc lá nặng nhặt phân lạc đà, phơi khô nhằm có gì đó để nhả khói trong chuyến đi. Sau những gì trải qua ở Beketovka, họ chắn mẩn rằng những gì tệ nhất đã qua, cảnh tượng của việc di chuyển và đổi thay khá hấp dẫn, nhưng rồi họ nhanh chóng nhận ra mình đã sai. Trên toa xe lửa, chen chúc cả trăm người, chỉ có một lỗ nhỏ trên sàn làm nhà xí. Cái lạnh vẫn ghê gớm, nhưng khát nước mới là tai họa lớn nhất, họ được cho bánh mỳ khô và cá muối để ăn, nhưng nước rất ít. Rồi họ trở nên liều lĩnh tới mức liếm nước đóng băng trên mặt thép của toa xe. Và lúc dừng, những ai được phép ra ngoài thường không cưỡng nổi việc xúc một nắm tuyết to và tống vào miệng. Kết quả là nhiều người chết, quá lặng lẽ tới mức đồng đội của họ chỉ biết là họ đi nhiều, sau này. Xác của họ chất cạnh cửa trượt của toa xe, sẵn sàng để bỏ xuống. Lính canh Nga thường hét lên bằng thứ tiếng Đức bồi của họ ở mỗi điểm dừng: “Skolko kaputt!” – “Có bao nhiêu người chết?”.

       Vài chuyến đi kéo dài tới 25 ngày. Những chuyến theo hướng Saratov, rồi băng qua Uzbekistan đến Bekabad nằm trong số những chuyến tệ hại nhất. Có một toa xe chỉ còn 8 người sống trong số 100 người. Khi những người tù, cuối cùng cũng đến được trại thu nhận trong khung cảnh núi non vùng Pamir, họ nhận ra nó được thiết lập cho một công trường đập thủy điện ở cạnh bên. Niềm vui khi nghe rằng họ sẽ được khử rận, cuối cùng cũng nhanh chóng tàn lụi. Họ bị cạo khắp người, “có thể so với cạo lông cừu”, rồi phun thuốc lên. MỘt số người chết vì kiểu dùng hóa chất nguyên thủy này.

          Không có lều để ở, chỉ có hầm đào trên đất. Nhưng điều ngạc nhiên tệ hại nhất là việc một hạ sỹ Đức làm việc cho phía Soviet với tư cách chỉ huy lính gác. “Không người Nga nào đối xử với chúng tôi tàn bạo như hắn” một tù binh viết (* Lính canh Đức cũng được dùng ở những trại khác.  Tệ nhất là khoản hai trăm lính Đức – hầu hết là người Saxon vì vài lí do – vốn đão ngũ từ những tiểu đoàn trừng giới. Vũ trang bằng dùi cui gỗ và với cái tên được ban là “Chiến sỹ chống Chủ nghĩa phát xít”, chúng không cho tù binh được chút niềm vui được thôi điểm danh, ngay cả khi phần lớn không chịu nổi vì bị bệnh lỵ).

       May mắn thay, việc lưu chuyển giữa các trại thuộc hệ thống Gulag là khá thường xuyên. Từ Bekabad, nhiều người đến Kokant, hoặc đến chỗ tốt nhất, Chuama nơi này họ có điều kiện y tế tốt hơn và có cả một hồ bơi sơ sài. Tù binh ở đó đã được tổ chức khá tốt, thường bắt chim để nấu súp.

      Những tù binh còn ở lại Stalingrad nhận ra trại tiếp nhận tại Krasnoarmeysk đã chuyển thành trại lao động khổ sai. Thức ăn, ít ra cũng được cải thiện với kasha (cháo kiều mạch) và canh cá, nhưng công việc rất nguy hiểm. Khi mùa xuân đến, nhiều người trong số họ bị đưa ra làm công việc trục vớt tàu chìm trên sông Volga, vốn do không lực và lục quân Đức bắn. Một quản đốc xưởng tàu người Nga, sốc bởi số lượng tù binh chết trong khi làm việc này, đã bắt cô em khác thề giữ bí mật trước khi kể cho cô nghe về điều đó.

         Sự kìm kẹp của NKVD ở Stalingrad không lỏng bớt. Tù binh làm việc ở cả hai bờ sông Volga để ý rằng tòa nhà đầu tiên ở thành phố được tu sửa chính là cơ quan NKVD, và hầu như ngay lập tức đã có ngay một hàng dài phụ nữ đứng chờ bên ngoài với gói đồ ăn trên tay để tiếp tế cho người thân bị bắt. Những cựu binh Tập đoàn quân VI đoán rằng họ cũng sẽ còn là tù binh trong nhiều năm nữa. Sau đó, Molotov đã xác nhận cho nỗi sợ của họ, khi ông phát biểu rằng sẽ không có tù binh Đức nào được về quê cho đến khi Stalingrad được xây dựng lại.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 02 Tháng Mười, 2015, 12:35:39 pm
                                                                                                 XXV


                                                                                THANH GƯƠM STALINGRAD

 

       Tháng 11 năm 1943, một năm sau chiến dịch Uranus, một chiếc vận tải cơ hiệu Douglas bay thấp trên bầu trời Stalingrad. Những nhà ngoại giao Liên Xô đang trong chiếc máy bay đó trên đường từ Moscow đến gặp các lãnh đạo Anh, Mỹ tại Tehran. Một trong những hành khách là Valentin Berezhkov, người làm phiên dịch viên cho Dekanozov ở Berlin trong đêm chiến dịch Barbarossa xảy ra.“Chúng tôi dán mắt vào cửa sổ trong im lặng” ông viết sau đó “Đầu tiên là những căn nhà dân rải rác trên tuyết đến trong tầm nhìn, rồi sau đó là một đống hỗn độn không tin được: những bức tường chơ vơ, những tòa nhà khối hộp đổ nát, những đống đổ nát và vài ống khói đứng lẻ loi”. Tuy vậy, họ cũng có thể nhận ra dấu hiệu của cuộc sống. “Nổi lên trên nền tuyết là những bóng người và khắp nơi này nơi kia có dấu hiệu rõ ràng của những tòa nhà mới”. Khi ra ngoài thảo nguyên lại, họ trông thấy những bộ xác xe tăng cháy còn đó.

      Tại cuộc hội đàm Tehran, Churchill đã gửi tặng Thanh gươm Stalingrad cho “nhân dân Liên Xô”. Lưỡi thép được khắc lời đề tặng: “Gửi đến người dân Stalingrad kiên cường, món quà của Vua George VI để thể hiện lòng kính trọng của nhân dân Anh quốc”. Churchill làm nghi lễ thêm phần đáng nhớ bởi bài diễn văn hùng hồn. Stalin nhận thanh gươm bằng hai tay, đưa lên môi, hôn vào bao kiếm. Rồi ông chuyển món quà sang cho nguyên soái Voroshilov, ông này vụng về làm thanh gươm trượt ra khỏi vỏ. Rơi loảng xoảng trên thềm. Đêm đó, sau bữa tối, Stalin nâng ly. Ông nói “Tôi muốn chúc cho công lý sẽ đến nhanh nhất có thể với bọn tội phạm chiến tranh Đức… Tôi uống vì sự thống nhất của chúng ta để giải quyết chúng đủ nhanh để bắt chúng, tất cả, hoặc phải là khá nhiều bọn chúng”.

       Vài nguồn tin còn nói rằng ông ta cũng đề nghị tử hình 50.000 sỹ quan Đức nhằm tận diệt sức mạnh quân sự của nước Đức. Churchill giận dữ đứng dậy và tuyên bố rằng nhân dân Anh sẽ không bao giờ “chịu nổi cuộc tàn sát đó”. Không ai bị bắn nếu chưa có một phiên tòa đúng đắn. Ông bỏ ra ngoài. Stalin thích thú trước phản ứng mà ông đã gây ra, cũng đi ra cùng. Đặt cả hai bàn tay lên vai, ông nói rằng đó chỉ là trò đùa và tán tỉnh Churchill lúc cùng vào.

      Cuộc hội đàm ở Teheran quyết định chiến lược của khối Đồng Minh đến lúc kết thúc chiến tranh. Kế hoạch chiếm Balkan của Churchill bị phủ quyết vì những lý do quân sự. Nỗ lực chính của khối đồng minh Phương Tây phải được tập trung vào hướng tây bắc châu Âu. Nhưng cái logic chiến lược này đã đưa số mệnh của những quốc gia vùng phía đông và trung Âu và bàn tay của Stalin. Churchill, dù nghi hoặc nhiều về hậu quả, cũng không thể làm gì. Sự hy sinh của Hồng quân và thường dân Nga đã tạo điều kiện cho Stalin điều khiển được các Đồng minh phương Tây bởi họ có mặc cảm tội lỗi khi so  ra những thiệt hại của họ chẳng đáng là bao. Vài nhà sử học đã chỉ ra rằng Liên Xô vươn lên được vị trí siêu cường đúng vào thời điểm chiến thắng Stalingrad là cơ sở cho thành công của Stalin tại Tehran.

       Stalin, lợi dụng ánh hào quang của một chính khách lớn, và để lấy lòng Roosevelt, đã tuyên bố thủ tiêu Quốc tế Cộng sản III vào ngày 15 tháng 5 năm 1943. Đó là một quân tốt đen thí đi để đòi hỏi thứ quan trọng hơn. Georgi Dimitrov vẫn nguyên vị, lãnh đạo những người ít ỏi còn lại của Quốc tế III, dưới một cái tên khác: Ban Quốc tế thuộc Ủy ban Trung ương.

      Trong khi đó, chiến thắng của Liên Xô ở Stalingrad là sự quảng cáo rùm beng nhất cho việc tuyên truyền của Chủ nghĩa Cộng sản trên khắp thế giới. Đó là nguồn cảm hứng cho cả những ai đã mất niềm tin vào Stalin sau Nội chiến Tây Ban Nha và hiệp ước hòa bình Quốc Xã – Soviet năm 1939. Nó thúc đẩy những nhà điêu khắc, những họa sỹ,… nói chung là văn nghệ sỹ cánh tả, như Pablo Neruda, trong tập Nuevo Canto de Amor a Stalingrado đã viết một bài thơ về tình yêu quốc tế dành cho thành phố mà cái tên đã mang lại hi vọng cho cả thế giới.

       Với tù binh Đức ở Stalingrad, tương lai rõ ràng ảm đạm. Vài người, vẫn mơ đến một trận đại phản công để giải phóng họ, khi đêm xuống họ tin có thể nghe thấy tiếng đại bác phía xa của một cánh quân đang tiến đến. Nhưng ít ra họ cũng phải sống sót vài năm nữa trong các trại tù binh chiến tranh vốn được xây dựng theo tiêu chuẩn của NKVD với những hàng rào bao quanh chứa tới mười lớp kẽm gai.

       Những người bị bắt hầu như không biết chắc về số mệnh của mình như hồi đánh nhau. Và cũng cùng chia sẽ những sự trớ trêu trong chiến tranh. Như Dibold, một bác sỹ người Áo thuộc sư đoàn bộ binh 44, đã ngạc nhiên khi gặp ba bệnh nhân mới trong bệnh viện tù binh của mình. Nhóm bangười này, trông có vẻ là người Do Thái, mặc quân phục Đức với con ó và chữ thập ngoặc. Một trong số họ cười trước sự bối rối của ông. “Thưa bác sỹ, đây là điều kỳ diệu của thế kỷ hai mươi: một người Do thái là lính của Hitler”. Thì ra họ đến từ một tiểu đoàn lao công Hungary. Những người Nga đã cho họ quần áo từ những kho chiếm được.

       Dù khẩu phần ăn ở trại tù binh được tăng lên kể từ mùa hè năm 1943, nhưng vẫn không đồng đều, khác nhau giữa các trại. Khẩu phần bị những tay quản trị tham nhũng cướp bớt đi để đổi lấy vodka, hoặc bởi những người lính canh do chính phần gia đình của họ được nhận còn ít hơn so với tù binh Đức. Hầu hết sự ngược đãi là do thiếu óc sáng tạo, bất tài, và trên tất cả là sức chịu đựng của người Nga được học thuyết Marxit – Leninit khai thác thành công vượt mức.

       Tuy vậy, không có gì có thể đoán trước được hết. Những tù binh chứng minh được lính canh, khi được cho xem hình con cái họ, đã mềm lòng. Tại một bệnh viện tù binh bên ngoài Stalingrad, sau khi nghe những người bệnh dùng hình ảnh của những người bị bắn hoặc bỏ cho chết trên đường giải đi, lính canh Nga chẳng hiểu sao đã tha cho ba tù binh vừa bị bắt lại sau một nỗ lực trốn chạy phù phiếm.

      Ngay cả khi điều kiện sống được tăng lên kể từ mùa xuân 1943, mức tử vong ở đa số bệnh viện tù binh vẫn ít nhất là một ca/ngày. Vấn đề tồn tại vẫn rất lớn, đặc biệt ở vùng Stalingrad, với bệnh nứt da, bệnh lao, phù thũng, và bệnh sco-bút cùng những thứ bệnh khác.

      Một nữ bác sỹ Liên Xô nói với người đồng nghiệp Đức rằng thường dân Stalingrad còn bị bệnh sco-bút nhiều hơn tù binh Đức, nhưng rồi cô ta cũng cho phép các đội tìm kiếm được ra ngoài tìm kiếm dược liệu và rau xanh, để các bác sỹ Đức, ở trạm thuốc, cô đặc ra vitamin. Óc sáng tạo của các bác-sỹ-tù-binh Đức đã làm những sản phẩm tự chế thông minh. Một người đã làm ra được máy đo huyết áp từ kim loại vụn. Các bác sỹ cũng sản xuất được thuốc tiêm chủng để chống bệnh Ricketsia, với chiết xuất từ bụng rận. Tơ vải được rút ra làm chỉ khâu vết mổ, còn dao mổ thì là từ nắp gà-mên mài bén.Những tù binh, đến năm thứ nhất, thứ hai học rất nhanh. Họ chôm và cải tiến khéo léo rất nhiều đồ dùng. Họ cũng học cách để chế ra phần lớn thức ăn cho mình, ví dụ như, nướng xương cá trên bếp lò, rồi nghiền ra.

      Cũng có những sai lầm ghê gớm. Như ở Ilmen, tù binh bị gầy yếu do ăn cây sậy và cây độc cần nước, kết quả là chết nhanh chóng. Hay một tù binh chộp được một vốc bơ đầy trong nhà bếp, đã chết trong sự đau đớn bởi bao tử của anh ta không quen dùng đồ béo.

      Thức ăn tệ hại trong những tuần đầu của nạn đói trong vòng vây là lý do chính cho việc bệnh nhân trong các bệnh viện tù binh không thể phục hồi được. Tóc họ rụng sạch và cơ cổ yếu không thể ngóc đầu lên nổi. Họ nằm tránh ánh sáng như thể chuẩn bị cho chính mình đi vào vùng bóng tối muôn đời.Cái chết có thể là sự giải thoát, gần như là một giấc ngủ sau khi kiệt sức. Một số người đi rất nhanh, đột ngột, chỉ ngay sau khi các bác sỹ nghĩ họ đã qua cơn nguy kịch. Những bệnh nhân nằm cũng giường với nhau để giữ ấm, dù rằng nhiều người tỉnh dậy thấy đang nằm cạnh một xác chết. Nhiều người chết nhanh chóng. Helmuth Groscurth chết vì bệnh Ricketsia trong ngày 7 tháng 4 năm 1943 trong trại sỹ quan ở Frolovo trong số 4,000 người bệnh chết so với tổng thể là 5000 người. Ba năm sau gia đình mới nhận được tin về cái chết của ông. Kurt Reuber chết ngày 20 tháng Giêng năm 1944 ở trại Yelabuga chỉ vài tuần sau khi ông vẽ xong bức Madonna khác cho Giáng sinh cũng với cùng dòng chữ: “Ánh sáng, Cuộc sống, Tình yêu”.

       Một số ít, sau khi vượt qua cơn nguy kịch, lại tự giết mình. Trong một bệnh viện tù binh, một sỹ quan thức dậy nhận thấy một người bạn ở giường bên cạnh đang ngồi bất động. Anh ta đã cố tự sát bằng cách “đâm một miếng kính từ cửa sổ vỡ và thẳng tim”.

      Ngay cả những người khỏe mạnh cũng ít có hi vọng sống sót. Khẩu phần của họ - hạt kê chưa xay chạy thẳng vào dạ dày – chẳng cho họ mấy chút sức lực khi so với những công việc nặng nhọc mà NKVD bòn ra từ họ qua chương trình lao động khổ sai. Chủ nghĩa duy vật, có một câu “con người một dạng vật chất”, đã được dùng và thải hồi. Tù binh được dùng như bầy súc vật. Đầu tiên họ phải tự xây trại cho mình ở nơi gần như là rừng nguyên sinh. Họ không được có lều mà chỉ là những căn hầm dưới đất, mùa xuân và mùa thu ngập ngụa. Khi trại đã dựng xong, cuộc sống của họ là lao động cực nhọc, chặt, kéo gỗ, và đôi khi chế than bùn làm chất đốt mùa đông. Những ai còn ở trong khu vực Stalingrad, thì xây dựng lại thành phố và trục vớt tàu chìm trên sông Volga, và sao đó làm tham gia lao động cùng những người tù Gulag, đào một công trình mang tính triển lãm của Stalin, kênh Volga-Don.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 02 Tháng Mười, 2015, 12:38:47 pm
        Rất nhanh sau chiến thắng ở Stalingrad, Liên bang Sô viết lập các kế hoạch để phá hoại chế độ Quốc xã và thay vào đó là một nhà nước Cộng sản bù nhìn. Nên tù binh tất cả các cấp bậc đều được phân chia thành nhóm “chống phát xít” hoặc “phát xít”. Trong mùa xuân và mùa hè năm 1943, những sỹ quan cao cấp được chuyển từ trại ở Krasnogorsk đến tu viện Suzdal, và rồi đến một cơ sở bán-định-cư: trại 48 ở Voikovo, một nhà nghỉ dưỡng, spa cũ, được gán cho cái tên “lâu đài” bởi sự sang trọng của nó. NKVD đưa viên tướng cứng đầu Schmidt ra xa Paulus, bởi dường như ông ta bị ảnh hưởng nặng.

        Ban chuyên trách của NKVD về vấn đề tù binh chiến tranh, đầu tiên dựng một tổ chức gọi là Ủy ban Quốc gia Giải phóng Đức. Để điều hành, Beria dùng những người Cộng sản Đức đã quy thuận. Hai tháng sau, một nhóm khác, Liên đoàn sỹ quan Đức, được thành lập để lôi cuốn những người chống Quốc-xã vốn miễn cưỡng ủng hộ Ủy Ban Quốc gia.

       Thiếu tướng Melnikov, phó ban, điều khiển những hoạt động này. Dù là một phần trong đế chế của Beria, nhưng Melnikov cũng làm việc rất gần gũi với Ban Quốc tế thuộc Ủy ban Trung Ương. Dmitry Manuisky, cựu điệp viên của Stalin trong Quốc tế Cộng sản III với nhiệm vụ đặc biệt cho vấn đề Đức, được giao một nhiệm vụ theo dõi khác, việc này giải thích cho chuyến thăm đầy tò mò của ông ta đến Stalingrad trong giai đoạn sau cuối của cuộc chiến, lúc đó Chuikov từ chối cho phép ông qua bờ Tây.

       Ngày 19 tháng 8 năm 1943, ba viên tướng Stalingrad, Seydlizt, Lattmann và Korfes được các thẩm vấn viên xác định là rất hợp tác, được đưa từ Voikovo đến “trung tâm cải huấn” ở Lunovo. Seydlist lúc đó tràn đầy cảm xúc của cái điều mà ông ta tin là tập hợp những trái tim sỹ quan thay đổi, những ai muốn cứu nước Đức khỏi sự diệt vong của chủ nghĩa Hitler. Ông ta tự thấy mình là lãnh tụ đương nhiên của những người đó.

       Đầu tháng 9, Melnikov gửi Seydlitz, Korfes và Lattmann trở lại Voikono để lôi kéo những viên tướng Stalingrad khác. Chuyến trở về của họ trong đêm muộn đã làm những viên tướng phải ra khỏi phòng mình, trong đồ ngủ, tò mò nghe có gì hấp dẫn không. Nhưng khi Seylitz thông báo một cách thống thiết về cái ngày gọi là “Tauroggen mới *”, thì tướng Strecker bỏ đi một cách giận dữ. Rồi ngày hôm sau, khi Syedlitz và Lattman khẩn thiết mời họ tham gia vào cái gọi là một cuộc khởi nghĩa chống chế độ Hitler, thì Strecker, Sixt von Armin, Rodenburg và Pfeffer giận dữ từ chối hành động bội tín. Tuy nhiên, Seydlitz và đồng đội cũng lôi kéo được tướng Edler von Daniel, Drebber và Schlomer.Seylidtz, với tinh thần xúc phạm chống Hitler và tin rằng họ phải tham gia vào dòng chảy lịch sử để cứu nước Đức, đã không nhận định được tình thế nguy hiểm. Bởi họ nhận vị trí đối địch với chế độ Quốc xã quá muộn nên phía Đồng Minh sẽ không bao giờ nghe họ hoặc cho họ có tiếng nói về số mệnh của đất nước mình.

      Trong khi đó, những nhà tổ chức (ông ta ngay cả không biết Melnikov là người của NKVD) còn chẳng được phía Liên Xô có cảm tình.Tài liệu Liên Xô cho thấy trong ngày 17 tháng 9 năm 1943, Seydlitz với cương vị chủ tịch Liên đoàn sỹ quan Đức, đưa một kế hoạch cho tướng Melniov về việc thành lập một quân đoàn lục quân với 30.000 lính lấy từ những người bị bắt ở Stalingrad. Melnikov báo cáo về cho Beria rằng: “Theo ý tưởng của Seydlitz thì quân đoàn này sẽ là cơ sở cho chính quyền mới sau khi Hitler bị hạ bệ”.“Seydlitz” Melnikov nói thêm “cho rằng ông ta sẽ là một ứng viên cho vị trí tổng tư lệnh lục quân của nước Đức tự do trong tương lai”. Hình như ông cũng hứa chuẩn bị một kế hoạch cho chiến dịch tuyên truyền qua báo chí và phát thanh. “gửi người vào hậu phương nước Đức để lôi kéo chỉ huy các đơn vị sang phía chúng ta và tổ chức tham gia các hoạt động chống chế độ Hitler”. Seydlitz cũng sẽ gửi thông điệp đến “những người bạn, tư lệnh mặt trận Trung tâm, von Kluge, và tướng Thomas tham mưu trưởng của Hitler”.

      Seydlitz, cùng với tướng Lattmann, tướng Korfes, và đại tá Gunter van Hooven, đã đệ trình bản kế hoạch vào ngày 22 tháng 9. Ông mong nhà cầm quyền Soviet sẽ giúp họ thành lập “một Tập đoàn quân nhỏ từ tù binh chiến tranh để có thể dùng cho việc chiếm  quyền lực của chính quyền nước Đức mới”. Họ sẽ triệu tập một ban tham mưu Tập đoàn quân, hai ban tham mưu quân đoàn, bốn sư đoàn đầy đủ, cùng một lực lượng không quân yểm trợ gồm ba phi đoàn ném bom, bốn phi đoàn tiêm kích và một nhóm không thám: tính tổng thể sẽ gồm 7 viên tướng, 1650 sỹ quan và 42000 lính. Rõ ràng là Seydlitz không biết đến mức tử vong của tù binh tại Stalingrad sau khi đầu hàng.Ở cuộc gặp kế tiếp, Seydlitz đề nghị “tất cả số quân đó được thả dù xuống nước Đức, có thể là ở Berlin”. Sỹ quan NKVD đã chỉ ra ngay “những khó khăn về mặt kỹ thuật với việc không vận một số lượng lớn quân như vậy vào nước Đức nhưng von Seydlitz trả lời rằng tùy vào phía Nga sắp xếp chi tiết”. tuy vậy, tướng Korfes không dấu diếm sự bực mình với kế hoạch viễn vông đó. “Hoàn toàn không tưởng” ông nói “để nghĩ đến việc không vận tất cả những đơn vị đó vào”. Ông nói thêm: “Các tư lệnh không quân Nga có thể coi cái đề xuất này là bằng cớ cho rằng tướng lĩnh Đức là bọn tùy hứng” (Dĩ nhiên, có thể tướng von Seydlitz bí mật xem cái chiến dịch này là cơ hội để lừa phía Liên Xô gửi ông cùng hàng nghìn sỹ quan tù binh thuộc tập đoàn quân 6 về nhà. Nhưng cho dù có như vậy, thì mọi người cũng mong ông lưu ý rằng đến lúc hết chiến tranh, ông ta sẽ đối mặt với bản kết án nặng nề từ những cựu đồng sự bởi đã hợp tác với chế độ Stalin).

       Té ra Seydlitz cũng không ngờ tới sự giận dữ và ác cảm khi ông và các đồng sự khuấy động. Các sỹ quan cay đắng phản đối những người chống phát xít, thiết lập một tòa án danh sự, nhằm kết tội những ai hợp tác với người Nga sẽ bị xa lánh vĩnh viễn. Như một hành động kháng cự công khai, họ bắt đầu dùng kiểu chào đưa tay lên. Hành động phân biệt này làm khó cho những ai vừa không muốn làm với người “chống phát xít” mà cũng không phải ủng hộ viên của Hitler. Một thiếu úy thấy anh bị buộc phải ngủ trên sàn nhà cả tuần bởi những nhóm đối địch không cho anh ta giường.

      Tháng hai năm 1944, máy bay Nga bắt đầu thả truyền đơn xuống nước Đức và các đơn vị tiền duyên, do Seydlitz và các đồng sự ký. Gestapo làm ngay một báo cáo khẩn lên Himmler xác nhận rằng chữ ký của Seydlitz là thật. Tướng Gille của Waffen SS, mà tất cả các đơn vị của nó đóng ở vòng cung Cherkassy đã bị dội truyền đơn của Ủy ban Quốc gia xuống, cũng gửi một bản sao về Đức. Ông ta cũng chuyển về những lá thư riêng gửi đến mình từ tướng Seydlitz và tướng Korfes. Những thư viết này được phân tích lần nữa bởi Gestapo và cũng xác nhận là đúng.Những lá truyền đơn mang lại sự hốt hoảng. Hitler triệu tập Himmler đến họp, rồi bảo tướng Schmudt ra một tuyên bố trung thành buộc các thống chế phải ký vào. Nhưng ngay cả điều này cũng không làm ông ta an tâm. Ngày 9 tháng 3, Rundsteds, Rommel, Kleist, Busch, Weichs và Manstein cũng bị triệu về đến Berghof để đọc thông điệp kết tội tướng Seydlitz- Kurzbach là “tên phản bội bần tiện với sự nghiệp đại nghĩa thần thánh của chúng ta”, và nhấn mạnh sự ủng hộ của họ với Hitler.

       Ban của Melnikov, mặt khác, bắt đầu lo ngại. Bởi sự chiêu mộ yếu dần, trong khi các nỗ lực tuyên truyền không lôi kéo được một đơn vị chính nào, ngay cả khi quân đội Đức bị thua trận khắp nơi. Seydlitz cho là do “thiếu thành công có ý nghĩa” và “thiếu sự hướng về cách mạng của nước Đức, do hệ thống cảnh sát thô bạo và quan điểm cá nhân bị ngăn chặn hoàn toàn, thiếu một tổ chức có khả năng kháng cự, và nỗi sợ bị bại trận cùng những hậu quả của nó, cũng với việc bị xúi dục sợ chủ nghĩa Bolshevik từ lâu”. Dù thất bại, nhưng ông vẫn muốn Liên Xô “chính thức xác nhận” Ủy ban Quốc gia là một chính phủ trong tương lai.

       Nhưng Dmitry Manuilsky, một nhân vật Stalinist điển hành, đã cảnh báo bảng ghi nhớ của Seydlitz “biên soạn theo cách láu cá” là một “cố gắng khiêu khích” để “chọc giận mối quan hệ của chúng ta với Đồng minh”. Ông viết “Không nghi ngờ gì, việc chính quyền Sô viết thừa nhận Ủy Ban Quốc gia sẽ kích động Anh và Mỹ thực hiện một chiến dịch để cho thấy Liên Xô ủng hộ Đức”. Rõ ràng hòa ước Molotov – Ribbentrop đã phủ bóng lên hồi ức Liên Xô. Manuilsky nghi ngờ rằng Seydlitz đã bị điều khiển bởi tướng Rodenburg và “cựu chỉ huy tình báo quân sự”, đại tá van Hooven (thực ra ông này chỉ là sỹ quan tín hiệu).

       Tính đa nghi kiểu Stalin thật tệ hại. Tháng 5 năm 1944, Weinert, chủ tịch ủy ban Quốc gia, gửi ba sỹ quan Đức đến Phương diện quân Leningrad để triển khai tuyên truyền cho Hồng quân. Hai trong số đó, đại úy Stolz và trung úy Willimzig, từ chối mệnh lệnh. Họ được mang trở về Moscow dưới sự giám sát cẩn thận để Weinert, Ulbricht và tướng Von Seydlitz, tướng Lattmann thẩm vấn. Sau bốn ngày họ được nói là đã thú nhận là “thành viên của một tổ chức phát xít bất hợp pháp trong liên đoàn sỹ quan Đức”. Cả hai người bị NKVD bắt với lí do là điệp viên nhị trùng cho Quốc xã, và bị đưa đi lấy cung thêm. Những sỹ quan Đức khác, bao gồm cả Rodenburg,  cũng bị bắt và cũng “thú nhận” khi đến lượt. Manuisky cho rằng sự nghi ngờ trước đây của ông về một âm mưu giờ đã được chứng minh, nên ngay lập tức ra lệnh đưa tất cả những sỹ quan Đức ra khỏi các nhiệm vụ tuyên truyền tại các mặt trận. Rõ ràng là Stalin đã quyết định rằng những nỗ lực vô dụng của họ không đáng giá so với việc chọc tức những đồng Minh phương Tây trong giai đoạn này của cuộc chiến, khi ông đang cần sự giúp đỡ của họ.


Tiêu đề: Re: Stalingrad - Anthony Beevor
Gửi bởi: huytop trong 02 Tháng Mười, 2015, 12:43:02 pm
        Lúc đó Seydlitz chống chọi với sự ngã lòng nặng. Trong nổ lực nâng tinh thần của ông, các sỹ quan NKVD đã làm một chiếc bánh sinh nhật với bốn đóa hồng màu đỏ bằng bột bánh hạnh nhân nhân danh bốn cô con gái ông. Nhưng như tất cả những người mắc chứng hưng trầm cảm, ông phải trải qua những lần lạc quan bùng nổ một cách phi lý. Nỗ lực ám sát Hitler vào ngày 20 tháng 7 có thể thất bại, nhưng cuộc đàn áp tiếp theo của Gestapo cho thấy mức độ đối kháng trong quân đội Đức ở quê nhà. Ngay cả Strecker, khi nghe về việc tử hình thống chế von Witzleben, đã được thuyết phục, ký vào một yêu cầu phản đối Hitler, nhưng ông vẫn khinh miệt Seydlitz.

       Ngày 8 tháng 8 năm 1944, Beria báo cáo thắng lợi lên Stalin rằng cuối cùng Paulus cũng chịu ký một tuyên cáo cho nhân dân Đức. Yêu cầu tiếp sau của Paulus gửi đến cụm tập đoàn quân Bắc để đầu hàng thật ra được thảo bởi NKVD “dưới sự hướng dẫn của đồng chí Shcherbakov” và được Paulus cùng 29 vị tướng bị bắt khác ký.

      Tuyên bố của Paulus gây ra cơn giận giữ của Hitler. Sự nghi ngờ của Quốc trưởng rằng ông đã nộp mình cho những người bắt giữ được xác nhận. Nhưng rõ ràng, Paulus, sau gần một năm rưỡi giam cầm, đã không làm quyết định đó do sự thôi thúc của tình thế. Con ông Friedrich, một đại úy, đã chết ở Anzio vào tháng hai năm 1944, và ông không phải lo đến sự khác biệt trong nhiệm vụ. Ông chỉ muốn giúp rút ngắn một cuộc chiến thất bại và giảm số người chết vô nghĩa. MỘt người con khác của ông, Ernst Alexander, cũng là một đại úy, cũng đã bị bắt sau đó theo sắc lệnh Sippenhaft. Mùa thu đó, người mẹ gốc Rumani, Elena Constance Paulus, người luôn không tin vào Quốc xã, đã bị các sỹ quan Gestapo bảo rằng bà sẽ được tha nếu chịu từ bỏ họ chồng. Bà được nói là đã quay lưng đi một cách khinh miệt. Bà bị bắt và giam trong một trại.Paulus, bị thiếu thông tin đáng tin cậy, nên đã yêu cầu gặp thành viên của Ủy ban Trung Ương “người có thể giải thích những chính sách chính của Liên Xô với nước Đức bị chiếm đóng”. Ông và “những tướng khác bị bắt kêu gọi khẩn thiết xóa bỏ chính quyền Hitler, và sau đó có có nhận định đúng đắn để biết vị trí của chính quyền Sô viết với nước Đức”.

      Ông biểu lộ hy vọng của mình là nước Đức sẽ được cứu khỏi thảm họa diệt vong qua một xê-ri trao đổi trong tháng hai năm 1945 với trung tướng Krivemko, trưởng ban tù binh NKVD và với Amyak Zakharovich Kobulov, giám đốc thứ ba của bộ An ninh (Kobulov, nhân viên NKVD thường trú tại Berlin ngay trước chiến dịch Barbarossa, và là người điều khiển việc tra tấn Dekanozov và phòng tử hình trong tòa đại sứ Liên Xô). “Nên lưu ý đến việc”, Krievemko và Kobulov viết trong báo cáo gửi Beria “ khi các hoạt động quân sự đã vào trong đất Đức, tinh thần các tướng tù binh Đức suy giảm mạnh. Tướng pháo binh von Seydlitz đã bối rối mạnh trước tin về cuộc gặp của lãnh đạo ba cường quốc [ở Yalta]. Seydlitz tuyên bố rằng nước Đức có lẽ sẽ bị chia bởi Mỹ, Anh, Liên Xô và Pháp. Nước Đức sẽ chỉ còn là những mảnh nhỏ và các tốt nhất là nên gia nhập vào Liên Xô như là “nước cộng hòa Xô viết thứ mười bảy”.

      Tin nước Đức đầu hàng vô điều kiện đến tới Moscow trong ngày 9 tháng 5 năm 1945, và một nghìn khẩu đại bác đã bắn đạn mừng đơn điệu từ điện Kremlin, Strecker và các đồng nghiệp ghi lại cảm nhận của họ “tâm hồn chán nản … khi nghe những thông báo chiến thắng của người Nga và những bài hát của lính Nga say rượu”.

      Với người Nga, mặt khác, tự hào dù buồn khi kết thúc được cơn ác mộng kéo dài gần bốn năm và làm Hồng quân mất 9 triệu quân hi sinh cùng 18 triệu người bị thương (trong số 4 triệu rưỡi tù binh do quân Đức bắt, chỉ còn 1.8 triệu người sống sót trở về). Mức thương vong của thường dân khó mà xác định, nhưng có lẽ gần 18 triệu người, đưa tổng số thiệt hại nhân mạng lên đến 26 triệu người Liên Xô, gấp hơn năm lần tổng số người Đức chết.

       Năm 1946, Paulus xuất hiện với tư cách nhân chứng ở tòa án chiến tranh Nuremberg. Báo chí Soviet thích gọi ông là “bóng ma Stalingrad”. Sau đó ông về sống tại một biệt thự ở Moscow, ở đó ông đánh bài và viết lại những sự kiện theo lối của mình. Ông già đi nhanh và tật máy ở mặt tệ hơn bao giờ hết. Năm 1947, vợ ông chết ở Baden-Baden, mà không được thấy mặt chồng lần nữa. Mọi người chỉ có thể tự biện rằng bà cảm thấy thảm họa ở Stalingrad là dành cho Rumani, đất nước quê hương của bà, và cũng như cho gia đình bà.Tháng 11 năm 1947, khi cuộc chiến tranh lạnh tăng mạnh, nhà cầm quyền Sô viết quyết định rằng những người được cho là tội phạm chiến tranh chiểu theo sắc lệnh ra ngày 13 tháng 4 năm 1943 “bất kể tình trạng thể chất” sẽ bị đưa đi lao động khổ sai đến Vorkhuta ở phía cực bắc dãy Urals. Các cựu thành viên SA, SS, lính gác trại, cảnh sát dã chiến mật, và quân cảnh – trong nhiều trường hợp ngay cả Đoàn thanh niên Hitler – bị chuyển đển các trại “chế độ đặc biệt”. Định nghĩa về tội phạm chiến tranh được mở rộng từ các hành động hung bạo chống lại thường dân đến việc trộm gà, cướp ngựa.

       Khi cơ cấu tương lai của Cộng hòa Dân chủ Đức (DDR) bắt đầu triển khai ở khắp các vùng chiếm đóng của Soviet ở Đức, nhiều sỹ quan cao cấp từ Stalingrad, gồm cả Lattmann, Korfes, Muller và Steidler được giao các vai trò, vài người tham gia vào Volkspolizei. Tướng Arno von Lenski cải sang Cộng sản được chọn làm thành viên Bộ Chính trị. Đại tá Adam, vẫn là bạn đồng hành, được cử đến một vị trí trong Đảng Thống Nhất Xã hội đã được thuần hóa. Tuy nhiên, tướng Seydlitz lại mất phương hướng.

       Năm 1949, một đợt thanh lọc Stalinist tràn khắp Liên Xô. Các tù binh chiến tranh Đức đột nhiên lại đối mặt với những phiên tòa “tội phạm chiến tranh”. Chiến tranh lạnh, theo sau là cuộc vây hãm tây Berlin, đang ở giai đoạn bất ổn nhất. Một “át” phi công tiêm kích, Erich Hartmann, bị kết tội là phá hủy máy bay, tài sản chính quyền Sô viết. Còn tướng Strecker thì bị đưa về lại Stalingrad, ở đó một tòa án buộc ông tội phá hoại xí nghiệp máy kéo, cho dù quân đoàn của ông ở đâu đó gần vị trí ấy mãi cho đến lúc gần kết thúc trận chiến, và lúc đó xí nghiệp ấy đã là một đống đổ nát. Cũng như phần lớn những người bị buộc tội lúc ấy, ông nhận án tử hình, rồi giảm thành tù giam 25 năm. Trung úy Gottfried von Bismarck bị kết án 25 năm lao động khổ sai với lý do tù binh Nga đã phải lao động khổ sai trong bất động sản gia đình của ông ta ở Pomerania. Tháng 7 năm 1950, con người vỡ mộng và cay đắng tướng von Seydlitz bị bắt và tuyên án 25 năm tù giam với tư cách là tội phạm chiến tranh và “tướng phản động phục thù”.

       Rất ít vấn đề nào mà tìm thấy được sự đồng thuận giữa những tù binh thích cãi nhau như việc cảm ơn lòng trắc ẩn của phụ nữ Nga. Trong nhiều trường hợp, đó là một phần của truyền thống xưa cũ. Từ trại tù Kamshkovo, giữa Moscow và Gorky, chạy đến Vladimirskaya, con đường cũ mà những người ủng hộ Sa hoàng đã bị phát vãng đến Siberia. Những nông dân đi ra cho họ nước uống và ngay cả mang gánh nặng giúp họ dọc đường. Tính nhân đạo như thế, không bị ảnh hưởng bởi lý tưởng, vẫn tồn tại.

      Một bác sỹ Áo, Hans Dibold, còn có cảm tình sâu hơn với người Nga khi một trong những sỹ quan quân y được kính trọng nhất, tiến sỹ Richard Speiler, từ bệnh viện Weizsacker ở Heidelberg, đột nhiên bị ốm trong đầu mùa xuân 1946. Ông đã sống sót qua căn bệnh Ricketsia, bệnh thương hàn, và bạch hầu ở trại Ilmen. Đồng nghiệp của ông đầu tiên cho rằng ông bị sốt rét. Nhưng thực tế là máu nhiễm độc trong quá trình làm việc. Đồng nghiệp của ông đau khổ với ý nghĩ rằng sự chẩn đoán sai của họ đã dẫn đến cái chết của ông ta. Họ cho ông sulphonamide và những liều penixilin cuối cùng. Hai trợ lý trạm phát thuốc Nga cũng đưa ra những liều penicillin cuối cùng của họ, vốn được chỉ định cấp cho bệnh nhân người Nga, nhưng ông ta cũng chết.

       Đường dẫn đến nghĩa địa bệnh viện trồng đầy cây thông lùn và những bụi cây bách xù ở hai bên. Nó nằm sau một khu rừng. Các bác sỹ người Nga cho thấy sự kính trọng của mình và viên chỉ huy đã cho phép các đồng nghiệp Speiler tổ chức đám tang cho ông trong khu rừng nghĩa địa đúng theo cách mà họ muốn. Speiler đã trở lại đức tin Thiên chúa trong những ngày sau cùng.

          Các bác sỹ Nga, chẳng thèm để tâm đến phản ứng của chính trị viên, cũng cẩn trọng làm theo những nghi thức tang chế do một mục sư cao, yếu ớt làm chủ. Những người sống sót của tập đoàn quân 6 đã xem ngày đó, và nghi thức đó: “không chỉ có giá trị với người đã khuất, mà còn cho những người nằm quanh đó, và cả những ai ở xa về phương Nam, ở nơi Stalingrad và trong thảo nguyên vùng giữa sông Don và sông Volga, và những ai không có được một lời của Chúa đi cùng trong giây phút sau cuối”.

         Từ năm 1945, chừng 3000 hoặc hơn tù binh Stalingrad được phóng thích, cả theo từng người hoặc từng nhóm và được phép về quê, thường là bởi họ hoàn toàn không thể lao động được nữa. Đến năm 1955, vẫn còn 9626 tù nhân chiến tranh Đức, hoặc là “tội phạm chiến tranh” như Khrushchev xác định, trong số đó còn chừng 2000 là sống sót từ Stalingrad.

        Những tù binh này cuối này cũng được thả sau khi thủ tướng Adenauer đến thăm Moscow vào tháng 9 năm 1955. Trong đó bao gồm cả tướng Strecker, Seudlitz, Schmidt và Rodenburg, và cả trung úy Gottfried von Bismarck, người gần mười ba năm trước, đã bay vào trong vòng vây để trở về với đơn vị sau buổi ăn tối cùng thống chế von Manstein. Chỉ cần sống sót, ông viết là “đủ lý do để cảm ơn số phận”.Seydlitz, khi đi về đến Friedland bei Gottingen, biết rằng ông sẽ đối diện với một tương lai khó khăn trong không khí Chiến tranh Lạnh. Tháng 4 năm 1944, ông bị kết án vắng mặt là phản bội, và tất cả tài sản bị sung công. Điều khoản này bị bỏ bởi một phiên toà trong năm 1956, nhưng quân đội Đức mới (Bundeswehr) từ chối khôi phục cấp hàm và lương hưu cho ông. Sự thật là ông đã cộng tác với quân thù Cộng sản, đã đẩy ông, trong mắt nhiều người, ở một lớp khác so với những sỹ quan đã cố ám sát Hitler, ngay cả khi tướng Achim Oster, một trong rất ít người sống sót qua Âm mưu Tháng bảy, cũng xác nhận Seydlitz là người của họ. Ông chết, như những tổ tiên kỵ sỹ của ông, “một người rất bất hạnh”.

          Như những sự kiện lịch sử được cào sới lên trong những năm hậu chiến, sự tố cáo qua lại về việc chịu trách nhiệm cho sự hiến tế của Tập đoàn quân VI càng thêm gay gắt. Schmidt, trái với suy luận của Hitler, đã luôn từ chối hợp tác với những người bắt giữ, nhưng vẫn thù ghét ghê gớm với những sỹ quan thuộc nhóm Nước Đức tự do. Đại tá Adam, người kết tội ông là ép Paulus chiến đấu đến cùng, bị đối xử khinh miệt khi trở về như là một “người hưởng trợ cấp ở vùng chiếm đóng Liên Xô”.

        Còn Paulus, ở lại Đông Đức, cố bảo vệ mình một cách vô ích từ những lời buộc tội rằng đã quỵ lụy Hitler và không dứt khoát. Sau khi được phóng thích vào mùa thu năm 1953, ông sống trong vùng Soviet, ở đó ông viết hết trang này sang trang khác giải thích về tình trạng ông đã phải đối mặt. Bệnh tật, muộn phiền kéo dài đã đưa đến cái chết của ông tại Dresden vào năm 1957. Thi hài ông được mang sang phía Tây để an táng cạnh vợ mình ở Baden.

       Địch thủ của ông tại Stalingrad, tướng Chuikov, mà cả Tập đoàn quân 62 của ông cũng đã tiến trên con đường dài đến Berlin dưới cái tên tập đoàn quân Cận vệ 8, trở thành tư lệnh lực lượng chiếm đóng, Nguyên soái Liên Xô và là thứ trưởng Bộ quốc phòng dưới thời Khrushchev, ông này cũng chính là người đã bổ nhiệm ông trong một đêm tháng Chín của cuộc khủng hoảng bên dòng Volga. Hàng ngàn người lính Liên Xô bị hành quyết ở Stalingrad dưới lệnh của ông không bao giờ có được một tấm bia mộ. Còn theo thống kê, họ nằm trong số những thương vong chiến trận khác, chắn chắn không thể dự báo được công lý.


                                                                             HẾT