Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:16:17 am



Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:16:17 am

(https://www.quansuvn.net/index.php?action=dlattach;topic=31677.0;attach=23295;image)

Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Tác giả: PGS. TS. Đức Vượng
Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia
Năm xuất bản: 2008
Số hóa: macbupda

(http://ns3.upanh.com/b3.s35.d3/1af68878a3137473564c177b5098b461_50652663.kaison91.jpg)

Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản

LỜI NHÀ XUẤT BẢN

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản sinh ngày 13-12-1920 tại bản Naxeng, huyện Khămthạbuli, tỉnh Xavẳnnakhệt, Lào. Năm 1935, Cayxỏn Phômvihản, với tên gọi Nguyễn Trí Mưu, rời thành phố quê hương lên đường đi Hà Nội để dự thi vào Trường trung học Bảo hộ (còn gọi là Trường Bưởi, nay là Trưởng phổ thông trung học Chu Văn An, Hà Nội). Tại đây, đồng chí giác ngộ cách mạng theo đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương. Là một trí thức yêu nước, có tâm huyết với nhân dân các bộ tộc Lào, đồng chí luôn phấn đấu không mệt mỏi vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc; đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng vào việc lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng trong việc sáng lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, trong việc xây dựng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Là một trong những nhà hoạt động quốc tế tích cực của Đảng và Nhà nước Lào, đồng chí luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, đóng góp nhiệt tình vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, nhất là các quốc gia trong khu vực. Hoạt động quốc tế của đồng chí đã góp phần xứng đáng vào việc làm cho uy tín và vai trò của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Trong sự nghiệp đổi mới của Lào, đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng. Quan điểm đổi mới của đồng chí là đổi mới toàn diện, có nguyên tắc, từng bước vững chắc, không nóng vội, có tính toán cẩn thận, không lấy ý chí chủ quan thay cho điều kiện thực tế của Lào, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ và hợp tác quốc tế, nhằm tạo sự thay đổi tích cực sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được bắt nguồn từ nền móng tư tưởng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản xây đắp là mối quan hệ hợp tác toàn diện, thủy chung, trong sáng.

Nhân kỷ niệm lần thứ 88 ngày sinh của đồng chí Cayxỏn Phômvihản (1930-2008), lần thứ 46 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2008), làn thứ 31 ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18-8-1977 - 18-8-2008), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp.

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Tháng 10 năm 2008
                                                                                                       
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:20:19 am
LỜI NÓI ĐẦU

Ngày 7-6-1993, tôi đang làm việc tại cơ quan, Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thì nhận được điện thoại của ông Xixanạ Xixán, Giám đốc Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản của Lào, nói rằng ông được một chuyên gia Việt Nam tại Lào là Hà Nghiệp giới thiệu tôi là một trong những người ở Việt Nam chuyên nghiên cứu và viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ cách mạng tiền bối Việt Nam, cho nên muốn mời tôi sang Lào để giúp Lào xây dựng dự án Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản và cùng với cán bộ Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản biên soạn Tiểu sử và sự nghiệp Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản. Tôi trả lời với ông Xixanạ Xixán là tôi sẵn sàng sang Lào để nghiên cứu và viết tiểu sử Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và các nhà lãnh đạo của cách mạng Lào, coi đó là vinh dự đặc biệt đối với tôi. Từ đấy, tôi bắt đầu sưu tầm tài liệu về Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Mặt trận Lào, tài liệu về cuộc đấu tranh của nhân dân các bộ tộ Lào trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng đất nước Lào.

Ngày 20-7-1993, tôi được mời đến Trụ sở Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam để họp. Tại buổi họp này, tôi thấy còn có Trung tướng Nguyễn Hòa, người đã từng chiến đấu ở Lào nhiều năm và ông Nguyễn Vĩnh Thiêm, chuyên viên Ban Đối ngoại Trung ương, đã từng công tác ở Lào nhiều năm. Ông Phạm Văn Chương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương, đọc Thông báo số 300/ĐNTW, ngày 17-7-1993 của Ban Đối ngoại Trung ương, về việc Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cử tôi cùng Trung tướng Nguyễn Hòa và ông Nguyễn Vĩnh Thiêm sang làm chuyên gia tại Lào. Ông Chương giao cho tôi làm Tổ trưởng Tổ chuyên gia ba người. Trung tướng Nguyễn Hòa và ông Nguyễn Vĩnh Thiêm làm tư vấn dự án xây dựng Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản.

Căn cứ vào Thông báo số 300/ĐNTW, ngày 17-7-1993 của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 20-7-1993, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo sự Đặng Xuân Kỳ, ký Quyết định cử tôi sang làm chuyên gia tại Lào.

Sang Lào, công việc trước tiên của tôi là phải tập trung học tiếng Lào. Sau một thời gian ra sức học tiếng Lào bằng cuốn Từ điển Việt – Lào, dần dần tôi cũng học và hiểu được tiếng Lào. Điều kiện thuận lợi này đã giúp tôi sưu tầm được nhiều tài liệu quý về Lào.

Tôi đã viết được hai tập bản thảo về Tiểu sử Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản bằng tiếng Việt. Tại Viêng Chăn, Lào, tôi đã trao hai tập bản thảo này cho ông Xixanạ Xixán, Giám đốc Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản và Phó Giám đốc Xuvănđi (nay là Giám đốc) để các cán bộ Bảotàng Cayxỏn Phômvihản dùng làm tài liệu tham khảo biên soạn bằng tiếng Lào cuốn Tiểu sử Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản. Cuốn sách này đã được xuất bản và tái bản ở Lào. Ngoài ra, tôi còn viết được các cuốn Tiểu sử tóm tắt Chủ tịch nước Xuphanuvông và những bậc tiền bối của cách mạng Lào.

Rời Lào, tôi mang bản thảo Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp cùng bản thảo của các nhà lãnh đạo Lào do tôi viết, về Việt Nam. Từ đấy, tôi tiếp tục sưu tầm tài liệu để bổ sung vào bản thảo Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp của tôi được xuất bản bằng tiếng Việt tại Việt Nam.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam, Đảng và Nhà nước Lào phối hợp tổ chức biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, mà tôi là thành viên trong Ban Biên tập, được giao trọng trách Trưởng ban Biện soạn Văn kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào và Trưởng ban Biên soạn Hồi ký quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.

Về xưng tên nhân vật trong tác phẩm, tôi dựa vào cách xưng tên của một số cuốn sách của người nước ngoài viết về nhân vật lịch sử, nghĩa là viết trực tiếp tên nhân vật mà mình viết. Tuy nhiên, trong cùng một trang, không thể lúc nào cũng viết đầy đủ họ và tên của người đó, mà phải thay bằng đại từ “cậu”, khi còn là thiếu niên; “anh”, khi còn là thanh niên; “ông”, khi đã luống tuổi…

Mặc dù đã có nhiều cố gắng sưu tầm tài liệu và phân tích nhân vật, nhưng với một nhân vật lịch sử tầm cỡ như Cayxỏn Phômvihản, muốn thể hiện đầy đủ, không phải là chuyện giản đơn. Vì vậy, nếu có điều gì sơ suất, mong được bạn đọc lượng thứ.

                                                                                                         
Viêng Chăn - Hà Nội, 1993 – 2008
Tác giả
PGS. TS. ĐỨC VƯỢNG


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:23:47 am
CẢM TƯỞNG CỦA NGƯỜI ĐỌC ĐẦU TIÊN

XAMẢN VINHAKỆT
Ủy viên Bộ Chính trị
Phụ trách Chỉ đạo tư tưởng lý luận,
                                                                                                 
văn hóa Đảng Nhân dân cách mạng Lào

Tháng 6-2008, đồng chí Đức Vượng, nhân chuyến đi công tác tại Lào, đến thăm tôi, nhờ tôi đọc và cho ý kiến vào bản thảo cuốn sách: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp (1920-1992, do đồng chí viết trong thời gian làm chuyên gia tại Lào, Viêng Chăn năm 1993 và chỉnh lý, bổ sung tại Việt Nam, Hà Nội năm 2008

Cuốn sách đã phản ánh một cách trung thực cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Cayxỏn Phômvihản, những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ của Lào, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và trong công cuộc xây dựng đất nước Lào.

Năm 1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh) dự Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Pháp (Đại hội Tua). Tại Đại hội, Người đề nghị Đảng Cộng sản Pháp phải truyền bá chủ nghĩa xã hội vào các nước thuộc địa. Từ đấy, chính Người đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào các nước trên bán đảo Đông Dương.

Lớn lên với quê hương đất nước Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản trọn đời cống hiến vì một nước Lào phồn vinh. Năm 1935, đồng chí Cayxỏn Phômvihản vào học Trường Bưới, Hà Nội, Việt Nam. Tại Trường Bưởi, đồng chí giác ngộ cách mạng theo đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin do đồng chí Nguyễn Ái Quốc truyền bá, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã tìm ra con đường đấu tranh giải phóng nhân dân các bộ tộc Lào, mở ra kỷ nguyên mới cho việc xây dựng đất nước Lào hòa bình, độc lâp, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.

Từ khi Đảng Nhân dân Lào (nay là Đảng Nhân dân cách mạng Lào) được thành lập, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã chăm lo công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Cayxỏn Phômvihản gắn chặt với việc xây dựng, củng cố, phát triển các lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng Lào. Sự liên minh chiến đấu giữa Quân đội nhân dân Lào và Quân đội nhân dân Việt Nam là sự liên minh chiến đấu bền vững đã đi vào lịch sử của hai dân tộc Lào - Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm với những trang chói lọi, hào hùng nhất. Sau 30 năm chiến đấu gian khổ, trải qua hai cuộc kháng chiến của quân và dân các bộ tộc Lào đã mang lại thắng lợi vẻ vang, nước Lào được độc lập, thống nhất.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản là người đề xướng, lãnh đạo sự nghiệp đổi mới và cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện sự nghiệp vĩ đại này, trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản luôn luôn nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng, đóng góp nhiệt tình vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, nhất là các quốc gia trong khu vực.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã suốt đời nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, chan chứa tình thương yêu đồng chí, đồng bào, thương yêu cán bộ, bộ đội, cụ già, trẻ em, thương binh và gia đình liệt sĩ; hết lòng chăm lo đến các thế hệ mai sau; suốt đời chăm lo đến khối đại đoàn kết của nhân dân các bộ tộc Lào.

Những cống hiến của đồng chí Cayxỏn Phômvihản đối với cách mạng và nhân dân các bộ tộc Lào là vô cùng to lớn.

Là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người nước ngoài đầu tiên viết sách về Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, cuốn sách Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp (1920-1992) của tác giả Đức Vượng đã phản ánh được một cách cơ bản về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Cayxỏn Phômvihản.

Rất mong các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước tiếp tục viết về cách mạng Lào, về Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và các nhà cách mạng khác của Lào, thể hiện tình đoàn kết gắn bó của các bạn với đất nước và nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi.

Xin trân trọng cảm ơn.

Viêng Chăn - Hà Nội, tháng 7 năm 2008


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:28:07 am
Chương I

TUỔI TRẺ CHÍ LỚN
(1920-1945)

Năm 1958, chiến hạm của Pháp tiến vào Biển Đông, nã đại bác vào thành phố Đà Nẵng của Việt Nam, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam và từ Việt Nam, tiến đánh Lào và Campuchia, đặt ách thống trị lên ba nước trên bán đảo Đông Dương.

Ngày 17-10-1887, Tổng thống Cộng hòa Pháp ký sắc lệnh thành lập Liên bang Đông Dương và ngày 19-4-1899, nhà cầm quyền Pháp ký sắc lệnh sáp nhập Ai Lao (Lào) vào Liên bang Đông Dương. Liên bang Đông Dương đặt dưới sự thống trị của Toàn quyền Đông Dương do Tổng thống Pháp bổ nhiệm. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, lưỡi lê, máy chém, họng súng tràn khắp Đông Dương, giết chết những người yêu nước ở Đông Dương. Dưới thời thuộc Pháp, cảnh đau thương, tang tóc, ảm đạm bao trùm lên khắp Đông Dương.

Trước tình hình đó, một người Việt Nam yêu nước tên là Nguyễn Tất Thành (năm 1919, Người lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và năm 1942, Người lấy tên là Hồ Chí Minh…) ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Ngày 5-6-1911, bằng trái tim, khối óc và đôi bàn tay lao động, muốn đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng đồng bào, Nguyễn Tất Thành tới cảng Nhà Rồng, Sài Gòn, Việt Nam, xuống tàu Amiran Latusơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville) thuộc Hãng Sácgiơ Rêuyni (Chargeurs Réunies) của Pháp, bắt đầu vượt trùng dương sóng gió, biển cả mênh mông, đi ra nước ngoài, khảo sát tình hình, tìm tòi một con đường cứu nước mới cho dân tộc Việt Nam và các dân tộc trên bản đảo Đông Dương.

Trong cuộc hành trình cứu nước, tại cá hội nghị quốc tế, Người lớn tiếng bên vực các dân tộc ở Đông Dương, viết nhiều bài tố cáo chế độ thực dân ở Đông Dương. Người nói:

“Đông Dương dưới quyền cai trị của viên toàn quyền Lông cũng chẳng khác gì Mađagátxca dưới sự thống trị của viên toàn quyền Gácbi: cũng những bất công, những việc lộng quyền, những vụ tai tiếng, những điều ô nhục như thế”(1).

Phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp, ngày 26-12-1920, Nguyễn Ái Quốc nói:

“Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa”(2).

Đầu thế kỷ XX, chính trường thế giới và Đông Dương diễn ra sôi động. Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) xảy ra do kết quả của cuộc khủng hoảng của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới và cuộc đấu tranh giữa các nước đế quốc chủ nghĩa lớn, nhằm tranh giành các nước thuộc địa và phụ thuộc, chia lại thế giới, đã đẩy các nước thuộc địa và phụ thuộc trong đó có các dân tộc Đông Dương, lâm vào tình cảnh vô cùng điêu đứng, chết đó, chết khát.

Nước Lào, từ khi Pháp xâm lược, nhân dân các bộ tộc Lào sống trong cảnh đói khổ, bệnh tật, đất nước lầm than, điêu đứng.

Ngày 1-11-1924, từ Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc về tới Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Người xác định rất rõ ràng là về Quảng Châu nhằm tiến hành công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức (đặc biệt là việc đào tạo cán bộ), chuẩn bị điều kiện để thành lập chính đảng ở Việt Nam, tiếp tục truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và Đông Dương. Người ở Quảng Châu từ cuối năm 1924 đến năm 1928. Trong thời gian này, Người đã mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo được khoảng 200 cán bộ. Người lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà nòng cốt là Cộng sản Đoàn, ra báo “Thanh niên” của Hội và tham gia sáng lập “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức”.

Trong những năm 1928 và 1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động chủ yếu tại Xiêm (Thái Lan) và Người đã đến công tác tại Lào(3). Trong thời gian này, một số cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã được xây dựng tại Lào. Đến cuối năm 1929, đầu năm 1930, một số cơ sở, tổ chức của Đông Dương Cộng sản Đảng(4), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn(5) được thành lập và phát triển tại Lào.

Đầu năm 1930, tại Hồng Công, Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản, chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lập ra Trung ương lâm thời của Đảng. Tháng 10-1930, Đảng đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng Cộng sản Đông dương đã xác lập định hướng và đường lối cơ bản cho các nước ở Đông Dương. Lúc này, ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đều là thuộc địa của Pháp, có mối liên hệ với nhau về địa lý tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa. Cách mạng của ba nước Đông Dương đều cùng chung mục đích làm “cách mạng tư sản dân quyền”, tức cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên cách mạng xa hội chủ nghĩa, đánh đổ thực dân đế quốc, mang lại ruộng đất cho nông dân. Trong cách mạng dân tộc dân chủ, hai động lực chính của cách mạng là giai cấp công nhân và giai cấp nông dân. Cách mạng Đông Dương có mối liên hệ với cách mạng và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đảng phải xây dựng tổ chức đều khắp ở Đông Dương, phải lập ra các Xứ ủy ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Campuchia. Sự ra đời của Đảng Cộng sản ở Đông Dương đánh dấu bước ngoặt lịch sử của nhân dân Đông Dương, đánh dấu sự hình thành liên minh cách mạng giữa ba nước ở Đông Dương, chuyển từ đấu tranh tự phát thành đấu tranh tự giác của mỗi nước. Với cách mạng Việt Nam và Lào, Đảng chính là hạt nhân đoàn kết, gắn bó trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của mỗi nước, tạo tiền lệ cho sự phát triển mới của Việt Nam và Lào.

Hòa nhịp với cao trào đấu tranh cách mạng bùng lên ở Việt Nam trong những năm 1930-1931, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào nổ ra tại Viêng Căng, Bònèng, Phôntịu… Đặc biệt, vào giữa năm 1931, công nhân Lào làm đường Lắc Xao đấu tranh ủng hộ cao trào Xôviết Nghệ - Tĩnh của Việt Nam. Bốn năm sau, tháng 5-1935, Xứ ủy lâm thời Lào lãnh đạo cuộc biểu tình kéo dài hơn ba tuần lễ, nổ ra ở Viêng Chăn, Bònèng, Phôntịu, Thàkhẹt, Pắcxế, Xiêng Khoảng. Chính quyền thực dân và chính quyền thuộc địa ở Lào ra sức khủng bố, đàn áp dã man phong trào cách mạng Lào qua những cuộc nổi dậy này. Năm 1936, hơn 400 chiến sĩ cách mạng Việt Nam tại Lào bị bắt và trục xuất ra khỏi nước Lào. Tuy vậy, công nhân, nông dân, học sinh, thương gia ở Viêng Chăn, Thàkhẹt, Xiêng Khoảng đã đứng lên đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Ngày 25-10-1936, công nhân mỏ Phôntịu nhất loạt bãi công, đòi tăng lương, đòi tiền thuốc chữa bệnh. Tháng 3-1937, công nhân Nhà máy điện Viêng Chăn nổi dậy, đòi chủ tăng lương, giảm giờ làm. Công nhân làm đường số 9, đường số 13 cũng nổi dậy đấu tranh.

Tháng 9-1934, Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời Làm (tức Xứ ủy lâm thời Lào) sau một thời gian bị địch khủng bố, được thành lập lại để lãnh đạo quần chúng tiếp tục đấu tranh. Tiếp đó, các đoàn thể Công hội, Hội phản đế liên minh… dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy lâm thời Lào, lần lượt ra đời và được củng cố, phát triển. Tháng 9-1934, tại Lào đã thành lập được bốn chi bộ ở Viêng Chăn, Phôntịu, Bònèng, Thà Khẹt với tổng số gần 20 đảng viên. Cuối năm 1934, Xứ ủy lâm thời Lào được củng cố, công tác tổ chức xây dựng Đảng được đẩy mạnh. Đầu năm 1935, các tổ chức đảng lần lượt được thành lập. Thị ủy Viêng Chăn, Tỉnh ủy Xavẳnnakhệt, Tỉnh ủy Thàkhẹt, Chi bộ Bònèng, Chi bộ Phôntịu. Tháng 2-1935, Xứ ủy lâm thời Lào họp Hội nghị cử đại biểu đi Ma Cao, dự Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương. Một đại biểu của Lào đã tham dự Đại hội. Đại biểu này được Đại hội nhất trí bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, khóa I. Sau một thời gian bị địch khủng bố, bị tan rã, tháng 9-1935, Xứ ủy lâm thời Lào được tái lập. Lúc này, Đảng bộ Lào có hai Tỉnh ủy là Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt. Ngoài ra, còn có các tổ chức đảng ở Bònèng, Phôntịu.

Cayxỏn Phômvihản sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đó.


(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 1, tr. 110, 23.
(3) Ngày 18-2-1930, Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản. Trong Báo cáo này, tại mục B, Người đề cập đến công tác của Người ở Lào. Như vậy, có thể vào khoảng cuối năm 1928, đầu năm 1929, Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan đã sang gây cơ sở cách mạng tại Lào. Xem: Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 3, tr. 11.
(4) Đông Dương Cộng sản Đảng, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, thành lập ngày 17-6-1929, tại số nhà 316, phố Khâm Thiên, Hà Nội.
(5) Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành lập ngày 1-1-1930, tại Đò Trai, Hà Tĩnh.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:29:58 am
Cayxỏn Phômvihản (lúc nhỏ tên là Kẹo Cayxỏn Đoọcmay do một nhà sư đặt cho), sinh ngày 13-12-1920, tại bản Naxeng, huyện Khămthạbuli, tỉnh Xavẳnnakhệt, Lào, trong một gia đình mà thân phụ là công chức, còn thân mẫu là nông dân.

Vào đầu năm 1920, nhiều người dân ở tỉnh Xavẳnnakhệt đã biết đến đám cưới giữa ông Nai Luân(1), một viên chức làm việc ở Tòa công sứ Pháp tại Xavẳnnakhệt, đẹp duyên cùng một phụ nữ nông dân Lào tên là Nang Đốc(2), nổi tiếng là người đẹp của tỉnh Xavẳnnakhệt thời ấy.

Hai người chung sống cùng nhau và sinh được ba người con (một trai, hai gái): Cayxỏn Phômvihản, Xavẳn Thoong và Commani. Cayxỏn Phômvihản là người con trai duy nhất của ông Nai Luân và bà Nang Đốc.

Cayxỏn Phômvihản ra đời được 3 tháng thì mắc bệnh ghẻ lở. Gia đình cùng bà Phăn (em ruột bà Nang Đốc) hết lòng chăm sóc, chạy chữa, dần dần bệnh qua khỏi. Bà Phăn kể rằng: “Muốn cho cậu bén Cayxỏn Phômvihản ngủ, tôi phải đặt cậu vào võng và ru bằng bài hát của quê hương, nếu không thì cậu không chịu ngủ”(3).

Cayxỏn Phômvihản lớn lên trong một gia đình nền nếp. Ông Nai Luân rất nghiêm khắc trong việc dạy bảo các con của mình. Ông đặt ra kỷ cương trong nhà theo phép tắc bố mẹ ra bố mẹ, con cái ra con cái, anh em ra anh em. ngay cả việc ăn uống ông cũng đề ra quy định bố mẹ ăn riêng, con cái ăn riêng. Nồi nấu cơm canh co bố mẹ không được dùng để nấu cho con cái ăn. Không cho phép con cái ăn quả chua, còn cá, thịt bao giờ cũng phải tươi rói mới được ăn. Bát đĩa ông cấm người nhà không được rửa bằng nước xà phòng mà phải lấy trấu đánh cho sạch, sau đó, rửa bằng nước suối hoặc nước mưa. Quần áo mặc buổi chiều hôm trước, sáng hôm sau phải thay ngay và trước khi phơi phải nhúng vào nước sôi. Ông đặc biệt chú ý đến đời sống tinh thần của các con. Vì sợ ảnh hưởng không lành mạnh đến các con, ông không cho các con đi xem phim, xem hát. Thay vào đó, ông say sưa dạy cho Cayxỏn Phômvihản biết thổi các loại khèn, vì ông cho rằng thổi khèn sẽ làm cho con người thêm yêu quý cuộc sống, yêu đất nước, quê hương của mình. Nhờ vậy, mà ngay từ nhỏ, Cayxỏn Phômvihản đã biết thổi khèn. Cậu thổi say sưa, âm điệu mượt mà, làm cho bố mẹ rất hài lòng.

Ông Nai Luân chú ý dạy Cayxỏn Phômvihản thổi khèn, còn bà Nang Đốc lại hay dắt con trai của mình lên chùa để tụng kinh niệm Phật. Ở gần bản Naxeng có một ngôi chùa lớn gọi là chùa Xaynhạphum. Chùa Xaynhạphum nằm trên mảnh đất của bản Thàbé thuộc tỉnh Xavẳnnakhệt. Đó là một ngôi chùa lớn, nhiều tượng Phật, kiến trúc rất hài hòa đẹp mắt. Chùa được xây dựng từ năm 1902. Mahả Pun người chủ trì ngôi chùa này đã nhiều năm, lại là người anh nuôi của Cayxỏn Phômvihản. Mahả Pun đã chỉ bảo cho Cayxỏn Phômvihản về đạo đức Phật giáo, kể cho Cayxỏn Phômvihản nghe kinh Phật, nghe kể chuyện “Xín Xay” trung nghĩa vẹn toàn, biểu tượng của một người đạo đức cao cả. Sau này đi hoạt động cách mạng và trở thành lãnh tụ, Cayxỏn Phômvihản thường nhắc đến chuyện “Xín Xay” với với tấm lòng ưu ái. Vì vậy, có thể nói cuộc đời và nhân cách văn hóa, đạo đức của Cayxỏn Phômvihản được bắt đầu từ người cha, người mẹ và nhà chùa(4).

(http://tv.danatourvn.com/uploads/image/lao/chua.jpg)

Chùa Xaynhạphum

Khi cậu bé Cayxỏn Phômvihản bước vào tuổi thứ 6, thì ông Nai Luân bắt đầu hướng cho con mình quen với chữ nghĩa, dạy cho con biết những chữ cái tiếng Lào, chữ cái tiếng Việt, chữ cái tiếng Pháp. Lên 7 tuổi, ông cho con vào học tiếng Lào ở trường trong chùa Xaynhạphum nằm trên mảnh đất của bản Thàbé, sau đó, học tiểu học bằng tiếng Pháp ở Trường tiểu học Xavẳnnakhệt.

Trong những năm học tiểu học, Cayxỏn Phômvihản tỏ rõ tính thông minh, cần cù học tập, tiếp thu tiếng Pháp khá nhanh. Ông Nai Luân luôn hài lòng trước sức học của con trai mình. Nhưng ông cũng không bằng lòng với chữ viết rất khó đọc của con. Ông thường khuyên nhủ Cayxỏn Phômvihản phải tập viết chữ cho đẹp vì theo ông, thì “chữ tốt” là có chung một mệnh đề với “văn hay”. Nghe lời cha, Cayxỏn Phômvihản cố gắng rèn luyện viết chữ đẹp. Tiếc rằng, cố gắng ấy đã không mang lại kết quả mong muốn.

Trong những ngày học ở Xavẳnnakhệt, ngoài việc học tập, Cayxỏn Phômvihản còn tham gia các cuộc vui chơi giải trí. Cậu thiếu niên năng động Cayxỏn Phômvihản cho rằng vui chơ lành mạnh sẽ giúp cho việc học đạt kết quả tốt. Những ngày nghỉ, cậu tranh thỉ đi thăm nhiều danh lam thắng cảnh của tỉnh Xavẳnnakhệt, một miền quê thơ mộng nằm ngay bên bờ sông Mê Kông, nơi ấy có nhiều núi non, chùa chiền, vừa linh thiêng, vừa trang nghiêm. Đặc biệt, ở tỉnh Xavẳnnakhệt, nơi mà thực dân Pháp khi xâm lược Lào đã từng gọi là “cửa ngõ nhà trời” với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ đã in đậm trong lòng những người dân quê hương, trong đó có Cayxỏn Phômvihản. Qua những cuộc thăm viếng các di tích lịch sử, Cayxỏn Phômvihản đã biết tới cuộc nổi dậy của người Anh hùng Phô Càđuột chống thực dân Pháp và biết tới nhiều nhà chính trị, văn hóa của Lào sinh ra từ nơi đây.


(1) Ông Nai Luân sinh năm 1887 và mất năm 1972, thọ 85 tuổi. Khi lấy bà Nang Đốc, ông 33 tuổi. Ông có trình độ văn hóa tốt nghiệp bậc tiểu học, rất giỏi tiếng Pháp. Viên công sứ Pháp ở Xavẳnnakhệt đã nhận ông vào làm công việc bàn giấy và phiên dịch cho viên Công sứ đó.
(2) Bà Nang Đốc sinh năm 1900 và mất năm 1985, thọ 85 tuổi. Khi lấy ông Nai Luân, bà mới 20 tuổi. Có tài liệu nói đám cưới của ông Nai Luân và bà Nang Đốc tổ chức vào cuối năm 1919. Dựa vào kết quả cuộc hội thảo về ông Nai Luân và bà Nang Đốc tổ chức tại Xavẳnnakhệt, Lào, ngày 24-9-1993, theo chúng tôi là đầu năm 1920 (TG.).
(3) Theo lời bà Phăn kể ngày 24-9-1993, tại Xavẳnnakhệt, Lào.
(4) Khi lớn lên sang học tại Việt Nam, mỗi kỳ nghỉ hè về Lào, Cayxỏn Phômvihản thường về nghỉ tại chùa Xaynhạphum, đọc sách cổ và nghiên cứu lễ nghi ở chùa.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:31:49 am
Ở Xavẳnnakhệt, cậu học sinh Cayxỏn Phômvihản còn rất thích chơi thể thao như chọi gà, đá bóng, bắn súng… Một người bạn cùng học với Cayxỏn Phômvihản kể lại rằng: “Tôi nhớ hôm đó là ngày thứ năm, nghỉ học, tôi và vài người bạn nữa đến nhà của anh Cayxỏn chơi. Anh nói: Chúng mình ăn xoài nhé! Anh vào xin phép mẹ, rồi lấy khẩu súng hơi ra. Anh nói: Bắn thử đi, ai bắn rơi quả nào, ăn quả đó. Nói xong, anh đưa súng lên ngắm bắn rơi một quả. Còn chúng tôi phải chèo lên hái. Một lần khác, với khẩu súng hơi đó, anh rủ tôi đi bắn chim. Chúng tôi men theo bờ ruộng cách nhà độ 300 mét (chỗ này nay là khu vực chợ mới của thị xã) đi tìm chim. Đi nửa giờ mới gặp một đàn chim 5 con. Anh Cayxỏn giương súng bắn, một con trúng đạn rơi xuống đất, tôi liền lao đến nhặt lên. Hôm ấy, chúng tôi có một bữa ăn nhẹ rất thú vị: chim nướng ăn với xôi, chấm “chèo” sao mà ngon thế. Một buổi chiều của này thứ năm, trời nắng nóng, tôi và ba người bạn nữa đến chơi nhà anh Cayxỏn. Anh rủ chúng tôi ra sông tắm. Đến bờ sông, bỏ mũ, cởi quần áo xếp thành đống, chúng tôi thách nhau nhảy xuống nước theo kiểu các nhà thể thao, thách nhau bơi ra xa. Chỉ có anh Cayxỏn là bơi xa hơn cả, còn chúng tôi không dám bơi ra xa, chỉ loanh quanh ở chỗ nước ngang thắt lưng thôi”. Qua đó, thấy rằng Cayxỏn Phômvihản là một người bắn súng giỏi và bơi giỏi.

Năm 1934, Cayxỏn Phômvihản học lớp nhất, lớp cuối của bậc tiểu học. Cậu học sinh chăm chỉ càng miệt mài học tập. Ngoài việc đến trường, đêm nào cậu cũng học ở nhà đến khuya. Có những tối cậu đến nhà bạn để học thêm. Cậu tiếp thu nhanh các bài giảng, bài học nào cũng nghiên cứu cẩn thận, đến nơi đến chốn, cho nên các bài tập thường được điểm cao. Có thể nói, “về mặt học tập, đồng chí Cayxỏn là một trong những người học giỏi”(1).

Thời gian trôi nhanh. Cuối năm học đã đến. Cayxỏn Phômviản dành toàn bộ thời gian để ôn thi lấy bằng tiểu học. Ngày thi đã tới. Ông Nai Luân bồn chồn trông đợi. Biết sự lo lắng của cha, Cayxỏn Phômvihản nói: Xin cha yên tâm, con sẽ cố gắng. Cậu vào trường thi với niềm tự tin sẽ thi đậu. Kết quả rất đúng với niềm tin: thi đậu vào loại giỏi. Ông Nai Luân mừng lắm. Cả gia đình đều vui.

Nghỉ ngơi ít ngày, Cayxỏn Phômvihản tiếp tục ôn thi vào học trung học. Hồi đó ở Xavẳnnakhệt không có trường trung học. Muốn tiếp tục học lên cấp cao hơn thì phải đi Viêng Chăn hoặc đi Hà Nội, Việt Nam. Ông Nai Luân muốn cho Cayxỏn Phômvihản đi học ỏ Hà Nội. Ông nhờ bạn bè giúp cho việc này. Thời gian chờ đợi trả lời là thời gian nóng lòng đối với ông Nai Luân, bà Nang Đốc và con ông là Cayxỏn Phômvihản.

Một hôm, vừa đến Tòa công sứ làm việc, thì có người đưa cho ông bức điện báo tin Trường Bảo hộ của Pháp ở Hà Nội, Việt Nam, đã đồng ý nhận Cayxỏn Phômvihản vào học. Ông vui mừng báo cho Cayxỏn Phômvihản biết và chuẩn bị mọi thứ cần thiết để cho con lên đường sang Hà Nội, Việt Nam để học tập. Được tin vui này, cả gia đình phấn khởi hẳn lên. Ánh nắng ban mai chiếu rọi vào nhà, làm cho nhà cửa trở nên sáng sủa hơn. Tiếng chim hót líu lo trước nhà, làm cho gia đình vui hẳn lên. Bầu không khí vui tươi tràn ngập gia đình ông Nai Luân và bà Nang Đốc.

Năm 1935, Cayxỏn Phômvihản lấy tên là Nguyễn Trí Mưu rời thành phố quê hương Xavẳnnakhệt lên đường đi Hà Nội để dự thi vào Trường trung học Bảo hộ. Họ hàng bên mẹ của Cayxỏn Phômvihản ở Xavẳnnakhệt kể lại rằng, mấy hôm trước khi con mình đi xa, bà Nang Đốc lên chùa tụng kinh niệm Phật ngày đêm, cầu xin đức Phật đại từ đại bi phù hộ cho con bà được bình an, học hành tiến tới trong những ngày sống và học tập ở Hà Nội. Còn ông Nai Luân suốt mấy đêm liền nằm bên con căn dặn đủ điều. Ông nói: Con sẽ tiếp tục học tập vì cuộc đời của con, vì gia đình và vì nhân dân các bộ tộc Lào. Ông nói đi nói lại câu “… vì nhân dân các bộ tộc Lào”. Câu nói ấy đã làm cho Cayxỏn Phômvihản khắc sâu trong lòng. Ông nghiêm khắc với con cũng chỉ vì muốn rèn luyện cho con mình trở thành người có ích cho xã hội. Vì vậy, có thể noi đó là tính nghiêm khắc “yêu” chứ không phải là tính nghiêm khắc “ghét”, như sau này có lần Cayxỏn Phômvihản đã nói. Nai Luân là người có nhân cách, biết rõ phẩm giá của con người và cùng với vợ, ông rất sùng đạo Phật.

Đây là lần đầu tiên, Cayxỏn Phômvihản đi xa, vả lại, cậu vẫn còn ở tuổi thiếu niên, cho nên ông Nai Luân phải nhờ một người quen đưa cậu đi Hà Nội bằng ôtô. Trong quá trình học tập, Cayxỏn Phômvihản đã được Nuhắc Phumxavẳn giúp cho ít tiền ăn học.

Đến Hà Nội, Cayxỏn Phômvihản thi vào Trường trung học Bảo hộ (Collège du Protectorat à Hanoi) mà người Việt Nam thường quen gọi là Trường Bưởi(2). Trường Bưởi thành lập từ năm 1907 theo quyết định của Toàn quyền Pháp ở Đông Dương. Đến năm 1908, Trường chính thức bắt đầu nhận học sinh vào học. Trường nằm ngay bên cạnh hồ Tây, một cái hồ to rộng hơn nhiều so với hồ Hoàn Kiếm và hồ Thiền Quang của Hà Nội. Trường đề ra một quy chế học tập hết sức chặt chẽ, quy định cụ thể về nhiệm vụ của giáo viên, học sinh, giờ lên lớp, giờ ôn bài, giờ vui chơi, vấn đề kỷ luật,… Ngoài quy chế học tập, học sinh của Trường còn tổ chức Hội học sinh với điều lệ chặt chẽ. Học sinh của Trường tuy được đào tạo trong một cái lò của nền giáo dục bảo hộ, nhưng rất nhiều người đã thoát ly được cái nền bảo hộ đó, có suy nghĩ độc lập về thời cuộc, sớm nảy sinh tư tưởng yêu nước và từ yêu nước dẫn đến cứu nước, có tinh thần dạy và học tốt, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói khi Người đến thăm Trường Bưởi:

      “Các Thầy zạy bảo tốt.
      Các Cháu học tập tốt.
      Mọi người lao động tốt.
      Cả trường đoàn kết tốt”(3).


(1) Xixánạ Xixán: Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân, in trong cuốn Cayxỏn Phômvihản - Người con của nhân dân, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 8.
(2) Sở dĩ lấy tên Trường Bưởi vì Trường nằm trên đường Bưởi. Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi ở Việt Nam, Trường Bưởi được đổi tên thành Trường Chu Văn An, tên một nhà văn hóa, nhà giáo dục lớn của Việt Nam. Chu Văn An sinh năm 1929 và mất năm 1370. Tên đầy đủ của Trường hiện này là Trường phổ thông trung học Chu Văn An. Năm 2008, Trường trung học phổ thông Chu Văn An kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường
(3) Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi trong Sổ vàng truyền thống Trường Chu Văn An khi Người về thăm Trường ngày 31-12-1958, in trong “100 năm Trường Bưởi - Chu Văn An - 1908-2008”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2008.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:34:08 am
Với tinh thần yêu nước thương nòi, theo lời kêu gọi của Nguyễn Ái Quốc, nhiều học sinh của Trường Bưởi sớm giác ngộ cách mạng và trở thành những nhà lãnh đạo cách mạng Đông Dương như Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1938 cho đến khi bị địch bắt vào tháng 1-1940, Ngô Gia Tự, một trong những nhà lý luận và nhà tổ chức của Đảng thời kỳ 1930-1934; Phạm Văn Đồng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, học Trường Bưởi vào khoảng năm 1925, lĩnh bằng “tú tài bản xứ”(1); Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, một nhà lý luận và chiến lược quân sự tầm cỡ thế giới(2); ông Nguyễn Cơ Thạch - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam;… Nhiều nhà khoa học lớn như Giáo sư Tạ Quang Bửu; Giáo sư Tôn Thất Tùng; Giáo sư Trần Đức Thảo; Giáo sư Nguyễn Khắc Viện; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thế Trung; Giáo sư, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tài Thu; Luật sư Phan Anh; Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thiêm; Giáo sư Từ Giấy, Tiến sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Đình Ngọc;… Nhiều thầy giáo đã từng dạy học ở Trường Bưởi như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn(3); Họa sĩ Tô Ngọc Vân; Giáo sư Dương Quảng Hàm; Giáo sư Ngụy Như Kon Tum; Giáo sư Nguyễn Văn Huyên; Giáo sư Nguyễn Xiển;… Nhiều nhà quân sự như Tướng Nguyễn Sơn; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp; Trung tướng Vũ Xuân Vinh (Anh Vịnh); Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn;… Nhiều nhà văn, nhà thơ lớn như Nguyễn Công Hoan; Nguyễn Đình Thi; Xuân Diệu (Ngô Xuân Diệu); Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu); Hoàng Ngọc Phách; Lê Văn Trương; nhà nghiên cứu, nhà thơ Việt Phương (Trần Việt Phương, tên khai sinh là Trần Quang Huy); nhà báo Trần Lâm;… liệt sĩ Đặng Thùy Trâm;… đều đã trải qua một thời gian học ở Trường Bưởi.

Cayxỏn Phômvihản thi vào Trường Bưởi không khó khăn gì vì đã có sự chuẩn bị từ trước.

Vì từ nước Lào đến Hà Nội, Cayxỏn Phômvihản không có điều kiện thuê nhà trọ ở ngoài, cho nên đã xin được ở khu nội trú của Trường. Nhà trường bố trí cho cậu ở buồng số 4, tầng 3, sát với sân bóng và có cửa sổ nhìn thẳng ra hồ Tây, trông rất đẹp. Việc ăn uống có người phục vụ chu tất. Mỗi tháng phải trả tiền ăn và tiền thuê phòng hết 16 đồng Đông Dương cộng với 4 đồng tiền học phí, tất cả là 20 đồng. Từ Xavẳnnakhệt, gia đình gửi tiền cho đều đều mỗi tháng 25 đồng. Số tiền ăn, tiền thuê phòng còn dư ra, cậu dành để giúp cho các bạn học sinh nghèo và mua sách để học thêm. Để bồi dưỡng sức khỏe; thỉnh thoảng cậu ra chợ Đồng Xuân (cách trường Bưởi không xa) mua ít hoa quả, nhất là chuối để ăn. Dạo ấy, chuối là món ăn vừa bổ, vừa rẻ. Tháng nào gửi chậm, cậu lại đi vay gia đình các bạn học. Vì cậy là người Lào, lại có phong cách sống giản dị, thân thiện, khiêm tốn, cho nên cậu được các bạn học người Việt Nam rất yêu mến. Vào các ngày chủ nhật, ngày lễ, ngày tết, họ thường mời cậu về nhà chơi hoặc đưa đi thăm các danh lam thắng cảnh ở Hà Nội. Hiệu trưởng Trường Bưởi lúc đó là Ôtigông (Autigon), người Pháp, có lần hỏi Cayxỏn Phômvihản có nhớ nhà, nhớ quê hương không? Cayxỏn Phômvihản trả lời: Nhớ thì có nhớ, nhưng ở đây có nhiều bạn bè tốt, nên vui lắm, âu cũng là quê hương thứ hai của tôi.


(1) Những người bản xứ học Trường Bưởi lúc này tốt nghiệp tú tài, thì lĩnh bằng “tú tài bản xứ”, còn những người mang quốc tịch Pháp, tốt nghiệp tú tài, gọi là “tú tài chính quốc”. Đây là sự phân biệt của Chính phủ Đông Pháp.
Trong một bức thư gửi Trường Bưởi (Trường Chu Văn An), đề ngày 15-3-1988, Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Tôi thân ái chúc Thầy và Trò trường Chu Văn An làm tốt hai điều Bác Hồ dạy. Điều đó cũng là làm tốt mấy điều sau đây:
        Trường ra Trường,
        Lớp ra lớp,
        Thầy ra Thầy,
        Trò ra trò,
        Dạy ra dạy,
        Học ra học…”.
Dẫn theo “100 năm Trường Bưởi - Chu Văn An - 1908-2008”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2008.
(2) Trong một bức thư gửi Trường Bưởi - Chu Văn An, đề ngày 27-2-2008, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết:
“Trải qua một thế kỷ ra đời, đổi hay và phát triển, Trường Bưởi - Chu Văn An trước đây nay là trường Trung học quốc gia Chu Văn An đã có nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục bồi dưỡng tri thức văn hóa cho thiếu niên, thanh niên nước ta.
Nhiều thầy giáo và nhiều học sinh của Trường đã trở thành những nhà trí thức yêu nước, những nhà hoạt động cách mạng, nhà khoa học, nhà giáo, nhà văn tiêu biểu, những Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang. Lớp lớp các thế hệ thầy và trò Trường Chu Văn An trưởng thành đã tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Bước sang chặng đường 100 năm tới, tôi chúc thầy và trò Trường Chu Văn An ra sức thực hiện tốt lời Bác Hồ căn dặn, tiếp tục phát huy truyền thống: “yêu nước, sáng tạo, dạy tốt, học giỏi”, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, phấn đấu rở thành trường Trung học kiểu mẫu của quốc gia, đạt đẳng cấp quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài cho Thủ đô và đất nước…”.
Dẫn theo “100 năm Trường Bưởi - Chu Văn An - 1908-2008”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2008.
(3) Trong một bức thử gửi Cố ván Phạm Văn Đồng đề Paris, ngày 2 tháng giêng năm Bính Tý; Giáo sư Hoàng Xuân Hãn nguyên giáo viên Trường Bưởi viết:
“Nước ta chỉ có hai cuộc giải phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi và thời 1945-1975 với Bác Hồ cùng các Anh. Tự nhiên, cả hai mặt, phải nhờ gắn bó giữa mưu lược lãnh đạo và kiên cường của nhân dân… Vì vậy, cái cần thiết nhất trong cuộc giải phóng là cái Đức của những người lãnh đạo, cái Đức để cho địch không tìm cách mua chuộc mình và làm gương cho nhân dân giữ lòng yêu nước”.
Dẫn theo “100 năm Trường Bưởi - Chu Văn An - 1908-2008”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2008.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:37:36 am
Vào học trung học, Cayxỏn Phômvihản phải qua hệ bốn năm: đệ nhất niên, đệ nhị niên, đệ tam niên, đệ tứ niên (có nghĩa là năm thứ nhất, năm thứ hai, năm thứ ba, năm thứ tư), chủ yếu học bằng tiếng Pháp. Mỗi tuần có 27 giờ rưỡi lên lớp, trong đó có 12 giờ chuyên học tiếng Pháp, còn lại là các giờ học toán, vật lý, hóa học, khoa học; địa lý, văn, sử cũng bằng tiếng Pháp. Còn chữ quốc ngữ dành cho môn văn học Việt Nam mà nhà trường quy định không được dạy quá ba giờ trong một tuần. Cayxỏn Phômvihản học tiến Pháp, đồng thời trau dồi thêm tiếng Việt(1). Bạn bè cùng học một lớp nói Cayxỏn Phômvihản hồi ấy đều thừa nhận sức học của cậu rất khá, tiếp thu bài giảng nhanh, đã vậy, lại chăm chỉ ôn bài vào các buổi tối, càng làm cho cậu học giỏi thêm. Cậu thường nói với bạn bè: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng sinh phải siêng năng cần mẫn. Chúng ta không có lý do gì làm trái với giáo huấn của Ngài. “Trước khi đến với lý tưởng cách mạng, Cayxỏn Phômvihản say sưa với những giáo lý của đạo Phật. Trên bàn học của Cayxỏn Phômviản, ngoài những cuốn sách giáo khoa, chúng tôi thấy còn có cả quyển kinh Phật”(2). Dưới chế độ cũ ở Lào, người ta coi Phật giáo là quốc giáo, gia đình nào có con trai đều gửi vào chùa tu hành ba năm, sau đó mới ra trường đời để học chữ và làm việc. Vì vậy, Cayxỏn Phômvihản say mê nghiên cứu Phật giáo trước khi hoạt động cách mạng là điều không có gì phải ngạc nhiên.

Năm học đầu tiên của Cayxỏn Phômvihản (1935-1936) được nhà trường bố trí vào học lớp Đ. Sang năm học thứ hai (1936-1937), cậu được nhà trường chuyển sang học lớp C cho tới năm 1939.

Ở Trường Bưởi, ngoài việc học tập, Cayxỏn Phômvihản còn nổi tiếng là người thích chơi thể dục thể thao, đặc biệt là môn đá cầu và đá bóng. Sau giờ học tập buổi chiều, cậu thường rủ các bạn cùng lớp đi dá bóng ngay tại sân trường. Trong khi đá, Cayxỏn Phômvihản luôn luôn tỏ ra xông xáo, bao sân. Bóng lăn chỗ nào, cậu lăn xả vào chỗ đó để tranh cướp bóng, chính vì thế các bạn cùng Trường gọi đùa cậu bằng cái tên thân mật: “Trâu lăn”. Buổi sáng, Cayxỏn Phômvihản dậy sớm chạy thể dục quanh sân trường, sau đó, dành 30 phút ôn bài trước khi lên lớp. Trong điều kiện ở xa bố mẹ, xa gia đình, Cayxỏn Phômvihản chăm chỉ học tập và rèn luyện, chứng tỏ cậu có tinh thần tự giác phấn đấu.

Tại Trường Bưởi vào các buổi tối hoặc ngày nghỉ, người ta thường nghe tiếng khèn vang lên. Người dân Hà Nội ít nghe tiếng khèn, cho nên mỗi khi có tiếng khèn vang lên, người ta biết ngay là tiếng khèn của học sinh Lào hoặc học sinh người thiểu số của Việt Nam. Nhiều bạn học được Cayxỏn Phômvihản dạy thổi khèn, lấy làm thích thú lắm. Họ coi tiếng khèn là một trong những biểu hiện của sinh hoạt văn hóa vui tươi và lành mạnh.

Cayxỏn Phômvihản yêu cầu các bạn học người Việt Nam dạy cho tiếng Việt, còn cậu lại dạy cho họ tiếng Lào, đặc biệt là các bài hát bằng tiếng Lào, dạy múa lăm vông, một điệu múa phổ biến ở Lào, rất đơn giản theo điệu nhạc bước chân và khum tay lượn vòng, tượng trưng cho vẻ đẹp, tình yêu và hạnh phúc của nhân dân các bộ tộc Lào.

Vào các buổi tối, sau khi ôn bài xong, Cayxỏn Phômvihản thường rủ các bạn đến ngồi quanh giường của mình, yêu cầu các bạn kể cho nghe về chuyện cổ tích và chuyện cười của Việt Nam. Sau này, trở thành Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Lào, Cayxỏn Phômvihản thường nhắc lại những chuyện cổ tích đã được nghe kể ở Việt Nam. Các bạn học sinh người Việt Nam cũng yêu cầu Cayxỏn Phômvihản kể cho nghe những chuyện cổ tích của Lào. Đáp lại yêu cầu đó, cậu đã kể cho các bạn cùng lớp cùng trường nghe nhiều chuyện cổ tích của Lào như chuyện “Pu Nhơ nhà Nhơ” (Ông Nhơ bà Nhơ), thiên truyền thuyết đã sinh ra con dòng cháu giống, khai thiên lập địa, xây dựng cơ đồ trở thành nước Lào như ngày nay. Chuyện “Khún Bolôm” kể về người trời xuống hạ giới, chiến thắng thiên tai, ra sức cày cấy, lao động gian khổ để tồn tại trên trái đất. Chuyện “Pralakpralam” ca ngợi một người anh hùng vượt qua nhiều thử thách đấu tranh kiên quyết chống các thế lực bạo tàn, kiên quyết bảo vệ đất nước… Chuyện nào Cayxỏn Phômvihản kể cũng rất say sưa, gây sự chú ý đối với mọi người. Cayxỏn Phômvihản nói Kể chuyện bằng ngôn ngữ Việt Nam cũng là một trong những hình thức để nâng cao trình độ tiếng Việt.

Ở Trường Bưởi, Cayxỏn Phômvihản kết thân với nhiều bạn bè. Cậu làm lễ “Baxi, Xukhuan, Mặtkhẻngkhạmư”(3) cho những người bạn bè thân thiết nhất mà cậu muốn kết nghĩa làm anh em. Đây là một phong tục rất đẹp của người Lào, phản ánh tình cảm cao quý giữa con người với con người, mặc dù họ ở những nước khác nhau. Qua cử chỉ này, có lẽ Cayxỏn Phômvihản muốn gieo hạt giống đầu tiên cho tình đoàn kết và hữu nghị Lào - Việt.

Những ngày học ở Trường Bưởi, theo lời ông Nai Luân dặn, có lần, Cayxỏn Phômvihản đi tàu hỏa từ Hà Nội vào Sài Gòn và từ Sài Gòn, đi ôtô về thăm một làng ở gần thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, Việt Nam, vì theo ông Nai Luân, nơi đây ông có nhiều người thân thuộc.

Kỳ nghỉ hè của năm học 1935-1936, Cayxỏn Phômvihản xin phép về nước thăm quê hương, gia đình. Ông Nai Luân và bà Nang Đốc cười nói vui vẻ mỗi khi tiếp khách bà con hàng xóm sang chơi. Mọi người đều khen ngợi Cayxỏn Phômvihản là người có chí và có trí. Điều này động viên cậu rất nhiều. Khi Cayxỏn Phômvihản vào thăm lại chùa Xaynhạphum thì Mahả Pun(4) dự đoán rằng: Em tôi đang tiến về phía trước. Rồi Mahả Pun dạy cho Cayxỏn Phômvihản biết đọc và viết chữ Phạn cổ. Cayxỏn Phômvihản say mê nghiên cứu chữ Phạn. Nhà sư Pun rất hài lòng về tinh thần chăm chỉ học tập của em mình, nhưng ông vẫn băn khoăn là Cayxỏn Phômvihản viết chữ còn nguệch ngoạc, làm cho ông phải vất vả lắm mới đọc được. Biết ý, Cayxỏn Phômvihản bảo nhà sư Pun rằng: Chữ cốt ở nội dung chứ không phải ở nét chữ. Ngày 23-9-1993, khi chúng tôi đến gặp Mahả(5) Pun ở chùa Xaynhạphum thuộc Xavẳnnakhệt, vị Hòa thượng còn nhắc lại câu nói trên của Cayxỏn Phômvihản.


(1) Sau này, trong quá trình hoạt động cách mạng, Cayxỏn Phômvihản nói tiếng Việt, tiếng Pháp rất giỏi. Có lần, một phóng viên người Pháp đến phỏng vấn ông, yêu cầu ông nói bằng tiếng Pháp. Khi ông nói xong, phóng viên đó nhận xét: “Tôi không ngờ ngài Cayxỏn Phômvihản lại nói tiếng Pháp giỏi đến thế”.
(2) Ý kiến trong buổi trao đổi ngày 19-1-1994, tại Hà Nội, về Cayxỏn Phômvihản trong những ngày học Trường Bưởi của học sinh Trường Bưởi thời ấy.
(3) “Baxi”, “Xukhuan”, “Mặtkhẻngkhạmư” đều có chung ý nghĩa: buộc chỉ cổ tay.
(4) Mahả Pun là con nuôi ông Nai Luân và bà Nang Đốc, là anh nuôi của Cayxỏn Phômvihản.
(5) Mahả có nghĩa là Hòa thượng


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:40:07 am
Trong thời gian Cayxỏn Phômvihản học ở Trường Bưởi, tại Việt Nam nổi lên phong trào đấu tranh quyết liệt của nhân dân chống chủ nghĩa phátxít câu kết với các thế lực phản động gây chiến tranh thế giới mới. Mặt trận Dân tộc Đông Dương ra đời bao gồm các giai cấp, đảng phái, sắc tộc, các đoàn thể chính trị tán thành cải cách dân chủ và tiến bộ, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng.

Báo chí yêu nước và cách mạng trong thời kỳ này xuất hiện khá nhiều. Riêng năm 1936, ở Việt Nam đã có 277 tờ báo xuất hiện, năm 1937 có 289 tờ được xuất bản công khai. Nhiều tờ báo đã được đưa vào Trường Bưởi. Lợi thế của học sinh Trường Bưởi là họ đọc được cả sách báo tiếng Việt và sách báo tiếng Pháp. Trong một quyển sổ tay của một chuyên gia Việt Nam có ghi lại lời kể của Cayxỏn Phômvihản nói rằng, hồi học ở Trường Bảo hộ Bắc Kỳ (Trường Bưởi), học sinh chúng tôi đã đọc các tờ báo “Le Travail” (Lao động), “Rassemblement” (Tập hợp), “Le Peuple” (Dân chúng), “En avant” (Tiến lên), “Notre vaix” (Tiếng nói chúng ta). Đặc biệt là hai tờ “Le travail”“Ressemblement” đã được các học sinh ưa thích. Tờ "Hồn trẻ” cũng được học sinh tìm đọc. Năm cuối của kháo học, Cayxỏn Phômvihản có dịp được đọc báo “Dân chúng”, một tờ báo lớn của Đảng Cộng sản Đông Dương. Qua từ báo này, lần đầu tiên Cayxỏn Phômvihản biết đến tên Đảng Cộng sản Đông Dương với nhận thức như một người đọc thông thường chứ chưa có ý thức chính trị và chưa có ai giác ngộ cho một học sinh của xứ Lào xa xôi chưa đến tuổi thành niên. Dù sao, cậu học sinh này cũng rất say sưa học tập và say sưa đọc sách báo tiến bộ. Có lần, Cayxỏn Phômvihản đang đọc một bài báo mới về cách mạng và cải lương, nêu bật quan điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương là kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cải lương thì ông Hiệu trưởng Hôliê(1) đi vào. Vì bất ngờ, cho nên Cayxỏn Phômvihản không kịp giấu tờ báo đi. Hôliê liếc nhìn tờ báo rồi hỏi Cayxỏn Phômvihản: Thế nào là cách mạng và thế nào là cải lương? Cayxỏn Phômvihản không trả lời. Hôliê lặng lẽ bỏ đi. Sau lần ấy, các bạn đọc cùng lớp lo cho số phận của Cayxỏn Phômvihản có thể sẽ bị đuổi học vì đọc sách báo cấm, vi phạm nội quy của Trường lúc ấy(2). Cũng may là sau đó không có chuyện rủi ro gì đến với Cayxỏn Phômvihản. Xixanạ Xixán, người cùng quê và cùng hoạt động cách mạng với Cayxỏn Phômvihản, kể lại: “Lúc bấy giờ, mình chưa hề nghĩ đến chuyện xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa gì cả, chỉ có tin tưởng rằng Liên Xô nhất định đánh bại bọn phátxít Hítle”(3).

Trong những năm 1936-1939, tại Việt Nam, nổi lên phong trào đấu tranh của thanh niên đòi tự do dân chủ. Học sinh Trường Bưởi đã hưởng ứng sôi nổi phong trào này. Tư tưởng của Đảng thâm nhập vào các nhóm học sinh tiến bộ đã làm nảy nở và phát triển thành những tư tưởng yêu nước cách mạng sôi nổi trong học sinh. Học thức do nhà trường thực dân cung cấp đã được các học sinh của trường lý giải, phân tích đúng sai để rồi lựa chọn cho mình con đường đi giải phóng Tổ quốc. Cái gì thuận chiều hướng phát triển của lịch sử, thì những học sinh thức thời của Trường Bưởi đi theo luôn. Trường Bưởi thời kỳ Cayxỏn Phômvihản theo học thường xuyên gọi là “cơn lũ của các sự kiện”, có nghĩa là rất nhiều sự kiện chính trị, xã hội xảy ra ở Đông Dương, thì học sinh Trường Bưởi biết rất sớm, vì học sinh ở Trường phần lớn là con em những viên chức làm việc trong các sở, ty của Pháp. Về nhà bố nói với con, con mang chuyện đó đến Trường, nói với bạn, cho nên tin tức lan ra rất nhanh. Vả lại, học sinh Trường Bưởi rất thích và nhạy với thời cuộc. Mỗi khi có chuyện gì xảy ra, anh em đều có trao đổi và cùng nhau thảo luận. Hưởng ứng phong trào dân chủ do Đảng Cộng sản Đông dương phát động, học sinh Trường Bưởi có sự tham gia của Cayxỏn Phômvihản đã ký tên vào bức thư chung gửi Thống sứ Bắc Kỳ yêu cầu viên Thống sứ báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương biết đề nghị của học sinh Trường Bưởi đòi cho nhân dân các dân tộc Đông Dương được quyền tự do, cơm áo, hòa bình. Cayxỏn Phômvihản tham gia Hội học sinh yêu nước của Trường, tham gia việc tuyên truyền, giới thiệu những cuốn sách tiến bộ trong học sinh. Cậu còn tham gia đoàn học sinh đi dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1-5 lần đầu tiên được tổ chức công khai tại Hà Nội vào năm 1938. Học sinh của Trường còn phát động phong trào rèn luyện phong cách và nhân cách sống để cho người Pháp hiểu rằng, người bản xứ cũng là hạng người văn minh, chứ đâu có phải hạng người man rợ như một số người Pháp thực dân cực đoan thường nói. Để tỏ rõ phong cách và nhân cách sống của mình, học sinh Trường Bưởi thống nhất với nhau là sinh hoạt giản dị, không đua đòi ăn diện, không chơi bời lêu lổng, nói năng lễ phép, lịch sự. Điều quan trọng hơn cả là phải phấn đấu học cho giỏi. Nhà trường cố nhồi nhét cho học sinh học thuộc lòng hai môn “tư tưởng”, đó là lịch sử nước Pháp và văn học Pháp. Có học sinh phản đối học hai môn này vì cho rằng, học hai môn đó có khác gì bắt người Đông Dương suốt đời phải phụ thuộc vào “nước mẹ”, cho “nước mẹ” là văn minh, còn các nước Lào, Việt Nam, Campuchia là “man di”. Cayxỏn Phômvihản lại nghĩ khác. Cậu khuyên bạn bè cần phải học tiếng Pháp, lịch sử nước Pháp và văn học Pháp. Suy nghĩ của Cayxỏn Phômvihản luôn luôn đúng đắn, vì cậu không có thành kiến gì đối với nền văn hóa Pháp. Cậu yêu quý và trân trọng nền văn hóa tiếng Pháp, chỉ ghét sự thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Chính vì say sưa với nền văn hóa Pháp mà cậu đã miệt mài đọc các tác phẩm của Víchto Huygô (Victor Hugo), Horonê đờ Bandắc (Honoré de Balzac),… coi đó là những trước tác văn hóa kiệt xuất của nhân loại, rất đáng được trân trọng. Cậu khâm phục các nhà văn hóa khai sáng của “Thế kỷ Ánh sáng” ở nước Pháp. Tuy vậy, Cayxỏn Phômvihản đôi khi vấn vương trong lòng là tại sao người Pháp thực dân chỉ đề cao một chiều nền văn hóa Pháp, trong khi đó, lại có ý đồ hạ thấp nền văn hóa cổ truyền của Việt Nam, Lào, Campuchia. Họ đề cao H. Bandắc, V. Huygô,… nhưng lại không nhắc gì đến Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du ở Việt Nam,… những vị anh hùng dân tộc, những nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam; không nhắc gì đến vua Phạ Ngừm, đến những người ha như ông Kẹo, ông Commađăm, Xêthatirạt, Chậu Anu…, đến nền văn hóa rực rỡ của Lào, Campuchia. Cayxỏn Phômvihản cho đó là “sự bất công” của nền giáo dục bảo hộ. Cậu hoài nghi nền giáo dục của chế độ thực dân ở Đông Dươnng. Suy nghĩ như vậy, nhưng cậu không hề bỏ học, trái lại, ngày đêm vẫn miệt mài với đèn sách. Những người cùng học với Cayxỏn Phômvihản ở Trường Bưởi hồi đó kể lại rằng, có lần Cayxỏn Phômvihản đã tâm sự với bạn học: Tôi phải cố gắng học cho giỏi để người Pháp biết cái chí và cái thông minh của người Lào. Và cậu học sinh đến từ đất Lào học tập say sưa, quên cả thời gian và vượt qua những ngày thiếu thốn vì tiền của gia đình chưa kịp gửi đến. Trong tâm trí, cậu luôn luôn nghĩ rằng, chừng nào con người ta còn mong muốn làm điều gì, còn muốn đi đến nơi nào đó để tìm một cái gì đó nhằm mưu cầu lợi ích cho nòi giống của mình, chừng ấy còn phải gắng công học tập. Chưa đi đến đích đã dừng lại, co lại, cuộc đời sẽ tàn lụi cùng thời gian, nó sẽ phí hoài, vô ích. Người đang sống, sống giữa cuộc đời phải mau mau đi tới đích. Đó mới là đấng nam nhi. Học sinh Trường Bưởi có những người nhĩ như vậy, cho nên khi cách mạng nổ ra họ đã cầm súng lên đường bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Riêng đối với trường hợp của Cayxỏn Phômvihản, sau đó, cậu trở về Tổ quốc Lào yêu dấu của mình để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.


(1) Lúc này, Hôliê đã thay Ôtigông làm Hiệu trưởng Trường Bưởi.
(2) Theo ý kiến của một số người trong buổi trao đổi ngày 19-1-1994, tại Hà Nội về Cayxỏn Phômvihản trong những ngày học Trường Bưởi.
(3) Xixanạ Xixán: “Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân”, in trong cuốn Cayxỏn Phômvihản - Người con của nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 9.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 08:43:02 am
Năm 1939, bước vào tuổi 19, Cayxỏn Phômvihản học xong chương tình trung học, thi đậu điplôm vào loại giỏi. Nhà trường khen ngợi cậu là học sinh giỏi toàn diện.

Bạn bè cùng lớp kể lại rằng, sau khi tốt nghiệp trung học ở Trường Bưởi, Cayxỏn Phômvihản rủ một số bạn thân đi chơi một số nơi chung quanh Hà Nội như hồ Tây, đền Quán Thánh, chùa Châu Lâm, hồ Hoàn Kiếm, chùa Một Cột. Cậu còn sang Gia Lâm (một huyện ngoại thành ở phía bắc Hà Nội) cùng với một người bạn ăn món “thịt bò Đông Dương”(1). Trong cuộc đi chơi này, Cayxỏn Phômvihản không ngờ rằng, theo sau cậu là một mật thám của Pháp. Qua việc tham gia các hoạt động trong phong trào dân chủ Đông Dương ở Trường Bưởi, cậu đã bị mật thám Pháp theo dõi. Trong hồ sơ do mật thám Pháp viết năm 1938 có nói đến một người Lào học Trường Bưởi say sưa đọc các sách báo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Người đó chính là Cayxỏn Phômvihản. Tuy vậy, họ chưa tìm được chứng cứ để bắt cho nên cậu đã thoát khỏi vòng vây của chúng.

Mùa hè năm 1939, Cayxỏn Phômvihản trở về quê hương để nghỉ hè. Gia đình đòn tiếp trọng niềm hân hoan, vì cậy đã có trong tay tấm bằng có giá, chỉ cần học thêm ba năm nữa là có thể thi tú tài và vào học đại học. Ông Nai Luân vui sướng cho biết bò khao cả bản và bà con thân thuộc. Còn bà Nang Đốc thấy đứa con trai độc nhất của mình học hành tiến tới, bà cho rằng, nhờ Trời, Phật phù hộ, cho nên bà càng chăm chỉ lên chùa cùng đức Phật đại từ đại bi che chở cho con bà ngày càng học hành tiến tới. Cayxỏn Phômvihản thưa với mẹ rằng Phật ở trong lòng mỗi người, ai chịu khó làm ăn, chịu khó học tập, chịu khó rèn luyện là người đó sẽ tiến thân. Dù sao, Phật giáo đối với nước Lào được coi như quốc giáo, cho nên với đức Phật bao giờ cũng thiêng liêng.

Khi còn học ở Việt Nam, qua phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng của thời kỳ Mặt trận dân chủ Đông Dương (1936-1939), Cayxỏn Phômvihản bắt đầu nảy sinh ý nghĩ, trăn trở nhiều về Tổ quốc Lào thân yêu trong lúc “cơn xoáy lốc cách mạng” đang cuồn cuộn dâng lên ở Việt Nam. Vì vậy, vào dịp nghỉ hè này, cậu có dịp tìm hiểu trên sách báo và trên thực tế về một nước Lào vừa phong kiến, vừa thuộc địa. Cậu đến gặp Mahả Pun, một trí thức Phật giáo để trao đổi về thời cuộc. Quan điểm của Mahả Pun muốn cứu nhân dân Lào thoát khỏi vòng đói khổ bằng con đường đạo đức tôn giáo. Lòng vị tha, từ bi bác ái sẽ làm cho con người biết thương yêu nhau và cưu mang đùm bọc cùng nhau. Quản điểm của Cayxỏn Phômvihản là đạo Phật chỉ có thể mang lại đạo đức cho con người, chứ không thể đánh đuổi được quân xâm lược và vua chúa phong kiến để giải phóng nước Lào. Do khác nhau về quan điểm, cho nên Mahả Pun một người suốt đời trung thành với chốn cửa thiền, còn Cayxỏn Phômvihản đã trở thành “con chim đại bàng” tung cánh bay vào không gian bao la của nước Lào, suốt đời nung nấu với sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Rõ ràng, cũng trên mảnh đất Lào, hai người đi trên hai con đường khác nhau.

Tranh thủ những ngày nghỉ hè ở Xavẳnnakhệt (có lúc lên Viêng Chăn), Cayxỏn Phômvihản đi vào các thư viện, các chùa, sưu tầm và nghiên cứu nhiều tài liệu, sách, báo nói về Lào trong giai đoạn hiện đại(2). Qua nghiên cứu, Cayxỏn Phômvihản cho rằng giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1940 là giai đoạn chuyển biến căn bản của công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp đối với Lào. Một số nhà máy điện được xây dựng ở Viêng Chăn, Luổng Phạbang, Xavẳnnakhệt, Pắcxế,… chủ yếu phục vụ cho người Pháp ở Lào và một số cơ quan trọng yếu ở thành thị. Tại Lào, Pháp bắt đầu khai thác thiếc và các mỏ quặng. Các nhà tư bản Pháp còn khai thác gỗ, đặc biệt là gỗ tếch (một thứ gỗ quý) có năm khai thác được tới 12-13 nghìn tấn. Đồn điền do người Pháp quản lý được mở mang. Giao thông với hai hệ thống đường quốc lộ và đường địa phương bắt đầu được làm ở một số tỉnh. Phương tiện vận tải thêm được một số xe ôtô đi từ Xavẳnnakhệt của Lào sang Đông Hà của Việt Nam và từ Viêng Chăn đi Stưng Treng của Campuchia. Nhờ đó mà việc buôn bán với các nước Đông Dương bước đầu phát triển. Như vậy, có thể nói, về mặt kinh tế Lào từ năm 1930 đến năm 1940 có những biến đổi ban đầu trong lĩnh vực sản xuất, giao thông vận tải và giao thông phân phối, làm cho các giai cấp trong xã hội có mầm mống hình thành. Một tầng lớp viên chức cũng đã hình thành để phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa của Pháp ở Lào và Đông Dương. Nhưng có một câu hỏi đặt ra đối với Cayxỏn Phômvihản lúc ấy mà sau này câu vẫn thường kể lại là tại sao đời sống vật chất và trình độ dân trí của người dân lại rất thấp và nói, tôi đi hỏi nhiều người, họ nói lợi nhuận thu được trong sản xuất và lưu thông đều được thu gom vào trong tay các nhà tư bản Pháp và các tầng lớp quan lại phong kiến cát cứ tại các địa phương. Bên cạnh việc nghiên cứu bộ máy thống trị của nhà cầm quyền Pháp ở Lào, Cayxỏn Phômvihản còn tập trung tìm hiểu giai cấp phong kiến ở Lào. Cậu nhận ra rằng, giai cấp phong kiến là giai cấp thống trị lâu đời nhất ở Lào, đã từng có một quá khứ oanh liệt lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm như Phạ Ngừm, Xêthatirạt, Chậu Anu,… Tuy vậy, giai cấp phong kiến ở Lào có hạn chế rất cơ bản là họ chưa bao giờ đoàn kết lại thành một khối thống nhất vì quyền lợi chung của các bộ tộc Lào. Họ nặng về thu thuế để phục vụ cho cuộc sống cung đình (là vua) và cuộc sống gia đình (là quan). Họ cũng nặng về tính chất cha truyền con nối đối do một quá khứ xa xôi để lại đã làm cho nhân tài trong nước muốn vươn lên quản lý đất nước cũng không có chỗ, vì đã có thông lệ cha truyền con nối án ngữ đời đời.


(1) Tức là món thịt chó. Người Lào và người Việt Nam ở Lào thường gọi thịt chó là “thit bò Đông Dương”.
(2) Trong số những tài liệu mà Cayxỏn Phômvihản đã nghiên cứu, có một số tài liệu về vấn đề kinh tế và tài chính của Lào (Economique et finacier du Laos durant les périodes 1934-1935). Tài liệu lưu trữ tại Tòa Công sứ Xavẳnnakhệt do ông Nai Luân mang về cho Cayxỏn Phômvihản đọc.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 04:44:52 pm
Cayxỏn Phômvihản nghiên cứu kỹ những cuộc nổi dậy hoàn toàn mang tính chất tự phát của nhân dân địa phương chống chế độ thực dân và phong kiến. Cậu rất khâm phục cuộc khởi nghĩa do người anh hùng Commađăm lãnh đạo hoạt động trong nửa đầu của những năm 30 thế kỷ XX, Ông là một nhà yêu nước chân chính của Lào đã khéo léo dựa vào chiến lũy Phulông xây dựng trên cao nguyên Bôlôven để chống Pháp. Ông không ngừng đấu tranh đòi chính quyền Pháp ở Lào phải thừa nhận vùng đất Nam Lào được hưởng một quy chế như một quốc gia độc lập. Ngày 22-2-1927, trong một bức thư gửi chính quyền Pháp ở Lào, Commađăm viết: “Chúng tôi đòi một quy chế soạn thảo theo một thời gian hạn định. Chúng tôi không lựa chọn chính quyền cai quản chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không thể nộp mình cho một chính quyền khước từ một quy chế đối với chúng tôi”. Rõ ràng, Commađăm muốn đòi quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc Lào yêu dấu của ông. Tiếc rằng, lực lượng yêu nước của ông chưa đủ mạnh để chống trả với một thế lực thực dân hùng mạnh, cho nên mặc dù nghĩa quân chiến đấu vô cùng anh dũng, nhưng cuộc khởi nghĩa vẫn không tránh khỏi thất bại. Trong một cuộc chiến đấu với binh lính Pháp ở một khu rừng thuộc Bôlôven vào tháng 9-1936, người anh hùng Commađăm đã hy sinh cùng với các nghĩa quân. Tiếp đó, mấy người con của ông cũng lần lượt bị quân Pháp bắt. Từ đó, quân Pháp khống chế được cao nguyên Bôlôven. Tuy vậy, họ vẫn không thể chinh phục nổi tấm lòng yêu nước của nhân dân các bộ tộc Lào nói chung và nhân dân Lào Thượng nói riêng.

Bên cạnh phong trào yêu nước tự phát triển Commađăm, ở Lào trong những năm 40 thế kỷ XX còn xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh yêu nước và cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Lớp người sinh vào những năm 20, 30 thế kỷ XX ở đã tiếp thu và thừa hưởng được những hạt giống cách mạng ra đời từ sáu chi bộ cộng sản đầu tiên ở Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Pắcxế, Thàkhẹc, Bònèng, Phôngtin vào giai đoạn Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập (năm 1930-1931). Tháng 9-1934, trên cù lao của sông Mê Kông, đại biểu các chi bộ cộng sản các địa phương đã tổ chức thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Lào. Từ đó, cuộc đấu tranh nhân dân các bộ tộc Lào gắn bó mật thiết với cách mạng Đông Dương và cách mạng thế giới, chuyển từ cuộc đấu tranh yêu nước sang cuộc đấu tranh yêu nước - cách mạng với chất lượng hoàn toàn mới. Đầu năm 1936, nổi lên cuộc đấu tranh của công nhân mỏ thiếc Phôngtin và mỏ thiếc Bònèng đòi tăng lương, mở đầu cho phong trào đấu tranh của nhân dân Lào trong giai đoạn mới. Tiếp đó, công nhân cầu đường, công nhân điện và công nhân cưa xẻ gỗ đồ mộc ở Viêng Chăn đấu tranh đòi cải thiện đời sống. Năm 1937, công nhân mỏ thiếc lại bãi công lần thứ hai và đến năm 1938, công nhân các đồn điền ở Xiêng Khoảng và nhân dân tỉnh Khămmuộn liên tiếp nổi dậy đấu tranh chống sưu cao thuế nặng… Thực dân Pháp đã có những cố gắng đặc biệt để trừ bỏ mọi sự tuyên truyền cách mạng đối với người “bản xứ”(1), nhưng họ vẫn không dập tắt được phong trào đấu tranh của nhân dân.

Cayxỏn Phômvihản biết thực trạng tình hình chính trị ở Lào trong giai đoạn cách mạng Đông Dương đang có sự chuyển biến về chất. Có lúc, cậu muốn thôi học để bước vào cuộc đấu tranh giành độc lập cho nước Lào. Nhưng sau đó nghĩ lại, cho rằng mình chưa đủ kiến thức để làm những công việc to lớn của cách mạng. Vả lại, ông Nai Luân không ngừng thúc giục Cayxỏn Phômvihản trở lại Hà Nội để tiếp tục sự nghiệp học hành. Bà Nang Đốc cũng cầu mong như vậy.

Đáp lại tấm lòng thịnh tình của cha mẹ, mùa thu năm 1939, Cayxỏn Phômvihản tạm biệt quê hương để sang Hà Nội học tiếp lên lớp trên. Kỳ này, cậu phải ra sức học tập để có bằng tú tài trước khi thi vào đại học. Một sự nghiệp đầy khó khăn đang đợi ở phía trước.

Cayxỏn Phômvihản học đến năm1943, thì tốt nghiệp tú tài toàn phần và thi dỗ vào đại học luật. Tin ấy được báo về Xavẳnnakhệt và gia đình của Cayxỏn Phômvihản vô cùng vui sướng. Ông Nai Luân tuy rất nghiêm khắc với đứa con trai của mình, song ông cũng hết sức có trách nhiệm với con và luôn luôn quan tâm đến sự phát triển về học vấn và tinh thần của con. Bà Nang Đốc tự hào nói với bà con dân bản rằng: Con tôi nhất định sẽ nên người(2). Đúng như mơ ước của mẹ, Cayxỏn Phômvihản vào học Trường Đại học Luật (École Supérieur des Droits) được thành lập theo Sắc lệnh của Tổng thống Pháp, ngày 11-9-1931. Phải nói rằng, ngày 18-9-1924, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương ra Nghị định thành lập “Đông Dương cao đẳng học viện” (École Hautes Études Indochinoises) để đào tạo ở bậc cao học về pháp luật, chính trị, lịch sử và triết học. Tiêu chuẩn thi vào trường phải có bằng tú tài hệ thống bản xứ hay tú tài Tây. Chương trình học ba năm. Theo Sắc lệnh ký ngày 11-9-1931, Tổng thống Pháp quyết định đổi tên “Đông Dương cao đẳng học viện” thành Trường Đại học Luật (École Supérieur des Droits). Học sinh thi đậu vào Trường này đều được học bổng toàn phần, gần 30 đồng bạc Đông Dương mỗi tháng, trong khi giá gạo lúc ấy là 2 đồng 1 tạ.


(1) Dẫn theo “Rapport sur la situation administrative, écônmique et financier du Laos durant les périodes 1934-1935, 1938-1939. Vientiane 1935-1939 - Annuaire statistique de l’Indochine, 1939, p.6”.
(2) Theo lời bà Phăn (em ruột bà Nang Đốc), kể ngày 24-9-1993, tại Xavẳnnakhệt với chuyên gia Việt Nam đi sưu tầm tài liệu về Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 04:46:07 pm
Cayxỏn Phômvihản quyết định xin thi vào Trường đại học Luật vì cậu rất thích những vấn đề thuộc về luật pháp và cũng qua Trường đại học Luật mà tìm hiểu thực chất bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương ra sao. Mục đích rõ ràng đã trở thành động cơ thúc đẩy Cayxỏn Phômvihản lao vào học tập với niềm say mê. Cậu đọc tất cả những gì thuộc về luật, nghị định, quyết định, hiệp ước, khế ước… của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Trụ sở Trường Đại học Luật lúc ấy ở phố Lê Thánh Tông(1), Hà Nội, Việt Nam, lúc ấy gọi là đại lộ Bôbilô (Boulevard Bobillot), trong khi đó, Cayxỏn Phômvihản lại ăn nghỉ ở ký túc xá dành cho học sinh nước ngoài ở cuối phố Bà Triệu, Hà Nội. Hằng ngày, cậu đi học bằng xe đạp (có hôm đi bộ) trên đoạn đường dài vài cây số. Vất vả, gian khổ, thiếu thốn không hề làm cho cậu nản chí. Cậu đặt quyết tâm rất cao vào việc học tập.

Trong lúc anh sinh viên Cayxỏn Phômvihản đang tập trung vào học tập, thì ở Việt Nam, Lào, Campuchia nổi lên nhiều sự kiện chính trị trọng đại. Những diễn biến phức tạp trên trường quốc tế vẫn luôn luôn dội vào ba nước Đông Dương. Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã đặt các nước Đông Dương vào tình hình nước sôi lửa bỏng. Để tập hợp lực lượng yêu nước và cách mạng đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương. Các nhà cách mạng của Đông Dương cho rằng, chính Chiến tranh thế giới thứ hai này sẽ tạo ra thời cơ cho cách mạng Đông Dương bùng nổ. Vì vậy, nhiệm vụ của những người yêu nước và cách mạng Đông Dương phải chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc đấu tranh quyết liệt giành chính quyền khi thời cơ đến. Trước mắt cần tăng cường xây dựng các cơ sở cách mạng ở Việt Nam, Lào, Campuchia.

Tháng 6-1940, phátxít Đức Hítle tiến đánh nước Pháp. Pháp thất bại. Nhân cơ hội này, phátxít Nhật nảy ra âm mưu đánh quân Pháp đang đóng ở Đông Dương để thống trị Đông Dương. Như vậy, lúc này ở Đông Dương có hai quân đội Pháp và Nhật chiếm đóng mà nhân dân Đông Dương gọi là “một cổ hai tròng”. Đến tháng 9-1940, quân đội Nhật đánh Lạng Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng,… Quân Nhật đánh đến đâu, quân Pháp thua đến đấy. Cùng thời gian đó, quân Nhật giúp quân Thái Lan gây chiến tranh biên giới với Lào và Campuchia. Cuộc chiến tranh này kéo dài nửa năm (từ tháng 9-1940 đến tháng 3-1941) đã làm cho lãnh thổ Lào mất hai tỉnh Xaynhabuly và Chămpaxắc. Nhật càng ngày càng uy hiếp Pháp để tới ngày 8-12-1941, Pháp phải ký Hiệp ước với Nhật để Nhật thống trị Đông Dương, biến Đông Dương thành căn cứ quân sự và sự khống chế của Nhật. Không chịu được cảnh áp bức, bóc lột của Nhật và Pháp, tại một số địa phương ở Lào, Việt Nam,… đã lần lượt nổi dậy chống Pháp, Nhật. Mục tiêu lúc này của cách mạng Đông Dương là chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang đánh đổ phátxít Nhật - Pháp, giành chính quyền về tay nhân dân.

(http://www.wisconsincentral.net/People/People/People/WWIIJapanInvasion_files/japforcesenterviet.jpg)

Quân đội Nhật tiến vào Đông Dương, ảnh chụp ngày 22-9-1940

Tháng 1-1941, từ Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc về nước. Điểm đến đầu tiên của Người là xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Người ở trong hang Cốc Bó thuộc xóm Pắc Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Tháng 5-1941, Nguyễn Ái Quốc, thay mặt Quốc tế Cộng sản, chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ năm họp tại tỉnh Cao Bằng, Việt Nam(2) để kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Đảng và cách mạng Đông Dương, đồng thời, đề ra đường lối cách mạng giải phóng dân tộc cho các nước Đông Dương. Ở Việt Nam lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), bao gồm nhiều hội cứu quốc mang tính chất đoàn thể yêu nước. Ở Lào, lập Mặt trận Ai Lao độc lập đồng minh. Ở Campuchia, lập Mặt trận Cao Miền độc lập đồng minh, tất cả đểu nhằm đánh đổ kẻ thù chung là đế quốc Nhật - Pháp, giành độc lập, tự do cho mỗi nước. Sự ra đời của Mặt trận dân tộc thống nhất của mỗi nước đánh dấu sự trưởng thành mới về chất của cách mạng giải phóng dân tộc mỗi nước trong một liên minh chiến đấu của ba nước Đông Dương mà nó kéo dài mãi về sau này. Chủ trương thành lập ở mỗi nước một Mặt trận dân thộc thống nhất đã phát huy được tính chủ động của cách mạng mỗi nước, khơi dậy được sức mạnh tự thân của hai dân tộc Việt - Lào, đồng thời, cũng biểu hiện một tinh thần đoàn kết gắn bó chiến đấu của nhân dân hai nước Lào - Việt.

Kết quả của cuộc đấu tranh mới này, buộc Pháp phải nhượng bộ cho Lào một số quyền lợi, trong đó có việc cho người Lào được làm tỉnh trưởng (chậu khoẻng), cho vua Lào được cai quản thêm ba địa phương nữa là Viêng Chăn, Xiêngkhoảng và vùng Thượng Mê Kông, thừa nhận quyền kế vị của thái tử Xivavang Vátthana, phục hồi tước Phó vương cho hoàng thân Phétxarạt vào tháng 12-1941…

Tại Lào, từ cuối năm 1943, nhiều đảng viên, sau một thời gian phiêu bạt do sự khủng bố gắt gao của địch, đã lần lượt trở về hoạt động tại Lào. Giữa năm 1944, các đồng chí Lào tiếp nhận được Chương trình, Điều Lệ của Mặt trận Việt Minh gửi từ Việt Nam sang. Cuối năm 1944, các đồng chí Lào tổ chức ra “Đội tiên phong” để lãnh đạo các phong trào đấu tranh cách mạng ở Lào. Các tổ chức đảng ở Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Thàkhẹt, Bònèng được củng cố lại sau một thời gian hoạt động chuệch choạc. Các tổ chức cứu quốc cũng phát triển mạnh ở các đô thị và ven đô thị. Các đảng viên cách mạng người Lào và người Việt Nam trên đất Lào ngày càng được nhân dân các bộ tộc Lào tín nhiệm.


(1) Lê Thánh Tông (1442-1497) làm vua thời Hậu Lê từ năm 1460 đến năm 1497, được 37 năm. Thời kỳ ông làm vua là thời kỳ hưng thịnh của chế độ phong kiến Việt Nam.
(2) Đây là lần đầu tiên, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng ở trong nước.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 04:49:11 pm
Cayxỏn Phômvihản nhận được những tin tức trên đây từ các báo chí xuất bản ở Hà Nội. Anh cho rằng, nếu không đấu tranh, thì không thể có được một số quyền lợi mặc dù quyền lợi đó còn nằm trong khuôn khổ của chế độ thực dân, phong kiến ở Lào. Sách, báo yêu nước và cách mạng lúc này thật sự tác động đến tinh thần của anh sinh viên khoa luật pháp, Cayxỏn Phômvihản. Trường Đại học Luật, nơi anh đang theo học đã nảy sinh nhiều xu hướng chính trị khác nhau. Tư tưởng cách mạng đã thâm nhập trong sinh viên của Trường, làm nảy sinh những cuộc tranh luận bí mật về thời cuộc. Một số sinh viên tuyên bố không tham gia các hoạt động chính trị mà trước mắt cần tập trung vào học chuyên môn để kiếm mảnh bằng rồi ra làm quan. Nhưng nhiều sinh viên có tinh thần “về với dân tộc” đã ra sức tìm hiểu thời thế và cho rằng con đường đấu tranh để giải phóng vẫn là lối thoát duy nhát cho các dân tộc Đông Dương. Anh sinh viên Cayxỏn Phômvihản đã nhân rõ xu thế phát triển của Lào và Việt Nam, cho nên anh hoàn toàn tự nguyện bước vào con đường đấu tranh cách mạng. Anh vừa tranh thủ học tập vừa ra sức tuyên truyền cách mạng. Anh vừa tranh thủ học tập vừa ra sức luyện tập võ nghệ, vì ở Hà Nội lúc này có phong trào thanh niên sôi nổi tập võ để tự vệ. Anh hát những bài hát của Lào, kể chuyện về các anh hùng giải phóng của Lào như Phạ Ngừm, Commađăm,… Anh đặt vấn đề: nước Lào có 2 triệu người liệu có thắng nổi được những tên phátxít, đế quốc không? Và anh tự trả lời: Có thể thắng với điều kiện người Lào Lùm, Lào Thơng và Lào Xủng phải đoàn kết lại. Tại Hà Nội, vào cuối năm 1944, Hội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu (tức thành Hà Nội) quyết định kết nạp anh vào hội.

Tại Xavẳnnakhệt, ông Nai Luân chưa biết sự lựa chọn hướng đi của con mình, trong khi đó, thì ở Hà Nội, Cayxỏn Phômvihản lại cho đây là bước rẽ ngoặt đầu tiên trong cuộc đời hoạt động chính trị của mình. Anh đã biết chọn hướng đi.

Sau khi gia nhập Hội Thanh niên cứu quốc, Cayxỏn Phômvihản hăng hái lao vào cuộc “vận động thanh niên, học sinh đấu tranh chống bọn thực dân Pháp, Nhật”(1). Hồi đó, ở Hà Nội tuy có cả Pháp và Nhật cai trị, nhưng thực tế mọi quyền hành đều nằm trong tay Nhật. Hà Nội có Tòa Bắc Kỳ Khâm sai phủ của Nhật. Tòa Khâm sai phủ của Nhật có quyền hành gần như quyết định mọi vấn đề của người bản xứ Bắc Kỳ cứ một đoàn thể, tổ chức nào được lập ra đều phải xin phép Tòa Khâm sai phủ của Nhật. Khi ấy, Tổng Hội sinh viên và thanh niên Việt Nam(2) muốn tổ chức những buổi diễn thuyết hằng tuần vào ngày chủ nhật về các vấn đề xã hôi, thời cuộc và khoa học tại giảng đường Trường Đại học Luật nhằm tuyên truyền cho sinh viên hiểu biết những vấn đề trên. Nhà chức trách Nhật yêu cầu phải xin phép Tòa Bắc kỳ Khâm sai phủ của Nhật. Tổng hội Sinh viên và thanh niên Việt Nam phải làm đơn xin phép và mãi gần một tháng sau mới được nhà chức trách Nhật trả lời đồng ý cho diễn thuyết, nhưng với điều kiện là “những bìa diễn văn phải trình Ty kiểm duyệt trước khi đem ra diễn thuyết”(3). Mặc dù quy định này mãi mới giữa năm 1945 mới ban bố, nhưng trong thực tế thì sự kiểm duyệt này đã thi hành từ cuối năm 1944. Một số người hoạt động trong Tổng Hội sinh viên và thanh niên Việt Nam lúc ấy đã cho biết, có lần anh sinh viên người Lào Cayxỏn Phômvihản đã đứng lên diễn thuyết tại giảng đường của Trường Đại học Luật, đòi quyền dân chủ và quyền sống cho người Lào. Những người nghe kể rằng, có lúc anh nói bằng tiếng Pháp, có lúc anh nói bằng tiếng Việt Nam, thỉnh thoảng lại nói chen vào vài câu tiếng Lào làm cho người nghe rất khâm phục tài diễn thuyết và khả năng học vấn của anh. Có lần, vào khoảng tháng 3-1945, vào lúc 17h30, Cayxỏn Phômvihản cùng các bạn của mình rủ nhau đến “Việt Nam học xá” để dự lễ giỗ tổ Lạc Vương(4). Ngày 1-4-1945, Tổng Hội sinh viên và thanh niên Hà Nội tổ chức chương trình kỷ niệm nhà yêu nước Việt Nam Nguyễn Thái Học. Chương trình kỷ niệm khá phong phú, gây xúc động lớn trong sinh viên và học sinh. Đầu tiên là bản nhạc “Hồn tử sĩ” nổi lên rất réo rắt, sau đó là một anh đại diện của Tổng hội sinh viên và thanh niên Việt Nam lên nói về sự nghiệp chính trị của Nguyễn Thái Học kiên trì chống Pháp đến giờ phút cuối cùng, bị Pháp bắt và chém đầu(5).

Có một người dự buổi kỷ niệm đó đã trông thấy anh Cayxỏn Phômvihản đứng nghe diễn thuyết(6). Sau này, khi trở thành Chủ tịch Đảng Lào, có lần Cayxỏn Phômvihản đã nói với một chuyên gia Việt Nam tại Lào rằng, anh rất cảm phục tinh thần của Nguyễn Thái Học chống Pháp, nhưng anh cũng cho rằng Nguyễn Thái Học thất bại là do ông không định ra đường lối đoàn kết toàn dân Việt Nam chống Pháp. Trong những ngày theo học tại Trường Đại học Luật, Cayxỏn Phômvihản rất thích đến giảng đường dự các buổi nghe diễn thuyết về thời cuộc. Có lần anh say sưa nghe một nhà thơ sinh viên tên là Xuân Diệu nói về một đề tài thơ văn yêu nước. Có lần Anh còn đến dự hòa nhạc tại Hội Khai trí tiến đức (Association de la Formation Intellectuelle et morale des Annamites, viết tắt là A.F.I.M.A). Thời sinh viên của Cayxỏn Phômvihản hoạt động thật là sôi nổi.


(1) Xixanạ Xixán: “Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân”, in trong sách Cayxỏn Phômvihản - Người con của nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 9.
(2) Tổng Hội sinh viện và thanh niên Việt Nam ra đời từ thời Pháp. Sau này, khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, nhiều hội viên đã đi theo cách mạng, một số người đi theo Pháp và Nhật.
(3) Trích theo Công văn phúc đạp số 676 A/1 của “Bắc Kỳ Khâm sai phủ” - Tòa Nhật, đề ngày 12-6-1945, gửi Tổng Hội sinh viên và thanh niên Việt Nam xin tổ chức các buổi nói chuyện. Trong công văn có đoạn: “Phải trình Ty kiểm duyệt…”. Ty ở đây có nghĩa là Ty Đốc lý Hà Nội.
(4) Lạc Vương tức vua Lạc Long Quân, một ông vua có tính chất truyền thuyết của nước Việt Nam xưa. Ông lấy bà Âu Cơ đẻ ra 100 quả trứng, nở ra 50 người con trai và 50 người con gái…
(5) Đứng trước máy chém, Nguyễn Thái Học ung dung hát:
      “Chết vì Tổ quốc
      Cái chết vinh quang
      Lòng ta sung sướng
      Trí ta nhẹ nhàng”.
(6) Chương trình của buổi lễ kỷ niệm nhà yêu nước Nguyễn Thái Học tổ chức vào lúc 17 giờ, ngày 1-4-1945, tại Hà Nội. Rất tiếc, trong bản chương trình này không ghi danh sách những người đến dự. Nếu đúng là Cayxỏn Phômvihản có dự buổi lễ kỷ niệm này, thì có thể xác minh rằng ngày 1-4-1945, Anh đang còn ở Hà Nội, Việt Nam, chưa về Xavẳnnakhệt, Lào.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 04:53:05 pm
Tình hình chính trị ở Đông Dương vào đầu năm 1945 hết sức phức tạp. Phátxít Nhật đang ráo riết làm mọi “thủ tục cần thiết” để hất cẳng thực dân Pháp ra khỏi Đông Dương. Đầu tháng 3-1945, viên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương là Đờcu (Decoux(1)) bị một quan chức cao cấp của Nhật ở Sài Gòn gọi vào trong đó để bàn một số công việc cần gấp. Đờcu vào đến Sài Gòn thì Nhật giữ ở lại luôn trong đó, làm cho viên Toàn quyền này không sao chỉ huy được quân lính Pháp. Vì vậy, binh lính Pháp hết sức hoang mang và ở trong tình trạng báo động. Phía Nhật ráo riết chuẩn bị lật đổ Pháp. Nhật phát đạn và lương thực dự trữ cho binh lính trong 10 ngày. Binh lính Pháp cũng ở trong tình trạng báo động. Rõ ràng, đây là những dấu hiệu cụ thể chứng minh cuộc xung đột Nhật, Pháp đã đến lúc bùng nổ mà Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh đã nhiều lần dự đoán “cái nhọc bọc” đã đến lúc “phải vỡ mủ”, cuộc xung đột này đã gần tới lúc bùng nổ. Không thể chậm trễ, dù chỉ trong giây lát, vì biết chắc đã đến lúc Nhật lật Pháp, vì vậy, Tổng Bí thư Trường Chinh triệu tập Hội nghị Thường vụ mở rộng để bàn về tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng Đông Dương khi Nhật và Pháp bắn nhau. Hội nghị họp vào tối ngày 9-3-1945, tại chùa Đồng Kỵ (tức chùa Tây Am) thuộc làng Đồng Kỵ (tức làng Còi), tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam (nay là xã Đồng Quang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Khi họp Hội nghị cũng là lúc Nhật đảo chính Pháp(2). Hội nghị phân tích sâu sắc tình hình, nhận định rất đúng rằng, việc Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương là Nhật muốn bỏ cái ách thống trị của Pháp ở Đông Dương đi vào thay vào đó là cái ách thống trị của Nhật tròng vào cổ nhân dân Đông Dương. Tuy vậy, quyền thống trị của Nhật ở Đông Dương chắc chắn sẽ tan rã vì nhân dân Đông Dương nhất định sẽ nổi dậy chống quân phátxít Nhật. Nhân thời cơ Nhật đảo chính Pháp, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương phát động một cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa trên toàn cõi Đông Dương, trước hết là ở Việt Nam. Hội nghị nhất trí ra chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp khởi thảo. Chỉ thị đề ngày 12-3-1945, có sáu vấn đề: nhận xét tình hình; điều kiện mới do tình thế mới gây ra; chiến thuật của Đảng thay đổi; thái độ của ta đối với cuộc kháng chiến của Pháp và việc lập Mặt trận Dân chủ chống Nhật ở Đông Dương; công việc cần kíp bây giờ; sẵn sàng hưởng ứng quân Đồng minh. Chỉ thị nhận định cuộc khủng hoảng chính trị do cuộc đảo chính của Nhật gây ra là cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc:

“1 - Hai quân cướp nước cắn xé nhau chí tử.

2 - Chính quyền Pháp tan rã.

3- Chính quyền Nhật chưa ổn định.

4 - Các từng lớp đứng giữa hoang mang.

5 - Quần chúng cách mạng muốn hành động”(3). Hội nghị xác định những cơ hội tốt sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để tiến hành khởi nghĩa ở Đông Dương là chính trị khủng hoảng, cả Pháp và Nhật không rảnh tay đối phó với cách mạng Đông Dương; nạn đói ghê gớm xảy ra ở Đông Dương, làm cho nhân dân Đông Dương oán ghét quân cướp nước. Chiến tranh thế giới thứ hai đến giai đoạn quyết liệt, quân Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật(4). Tư tưởng chỉ đạo có tính chất bao trùm chỉ chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” chính là chương trình hành động cách mạng của nhân dân Đông Dương thời kỳ trước ngày khởi nghĩa, bằng việc lập “Mặt trận Dân chủ chống Nhật ở Đông Dương”, thực hiện khẩu hiệu: “Chính quyền cách mạng của nhân dân”. Cần hành động ngay, hành động kiên quyết, triệt để, nhanh chóng, chủ động, sáng tạo, táo bạo, không chùn bước, không chịu bó tay khi tình thế biến chuyển thuận lợi, đẩy nhanh cao trào kháng Nhật, cứu nước, tiến tới tổng khởi nghĩa. Chỉ thị kết luận:

“Hãy giương cao lá cờ chói lọi của Đảng, gắng vượt mọi khó khăn nguy hiểm… Thắng lợi cuối cùng nhất định về thay chúng ta”(5). Đây là chỉ thị có tầm cỡ lịch sử của Đảng Cộng sản Đông Dương, vì nó ra đời đúng vào thời điểm khởi đầu một giai đoạn mới sẽ mở ra bước ngoặt lịch sử của các dân tộc Đông Dương.

Đang học ở Hà Nội, anh sinh viên Cayxỏn Phômvihản được các bạn sinh viên đưa cho xem chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Anh vô cùng vui mừng trước thời cơ đang đến của cách mạng Đông Dương, trong đó có cách mạng Lào. Là hội viên Hội Thanh niên cứu quốc, anh nghĩ tới trách nhiệm của mình phải góp sức vào công cuộc giải phóng nước Lào, Tổ quốc yêu dấu của anh. Tuy chưa biết tình hình cụ thể của Lào lúc ấy ra sao, song, Cayxỏn Phômvihản biết rất rõ rằng, nước Lào bị thực dân Pháp sáp nhập vào Liên bang Đông Dương từ ngay 19-4-1899, cho nên anh nghiên cứu rất kỹ tình hình quá trình Pháp và Nhật xâm chiếm Đông Dương, trong đó có Lào. Anh nhận định rằng, Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam rồi Nhật cũng sẽ gây ra đảo chính Pháp ở lào. Sự thật thì sau khi lật đổ quân Pháp ở Việt Nam, quân Nhật tràn sang Lào để lật đổ quân Pháp ở Lào. Ngày 15-3-1945, Chính phủ Nhật công nhận Vương quốc Lào và ép buộc vua Lào phải đọc bản tuyên bố theo sự chỉ đạo của Nhật: “Vương quốc Lào thuộc Pháp trước đây, nay trở thành một nước độc lập và Vương quốc Lào quyết định cộng tác với nước Nhật trên mọi lĩnh vực”. Lòng anh nóng như lửa đốt. Đi trên các làng quê gần Hà Nội, đâu đâu anh cũng thấy tình hình khác trước. Tổng lý, quan lại ở Việt Nam hoang mang, sợ sệt, co lại. Nhân dân vô cùng hồ hởi. Tiếng súng bắn, tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng mõ lúc dồn dập, khi thưa thớt, báo hiệu những điều tốt đẹp đang và sẽ đến với dân tộc Việt Nam. Anh nghĩ đến nhân dân các bộ tộc Lào, đến quê hương Xavẳnnakhệt của anh, tự nhiên anh thấy trong lòng rộn ràng, xao xuyến. Sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Hà Nội, Trường Đại học Luật Đông Dương tạm đóng cửa một thời gian. Cayxỏn Phômvihản không phải đến trường học, anh dành thời gian hăng hái tham gia các hoạt động trong Hội Thanh niên cứu quốc. Nhớ Tổ quốc và quê hương Lào, Cayxỏn Phômvihản nảy ra ý định trở về Xavẳnnakhệt với mục đích là tổ chức và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh nhà.

Ý nghĩ ấy đã thôi thúc người thanh niên Lào yêu nước Cayxỏn Phômvihản quyết định trở về Tổ quốc Lào và quê hương Xavẳnnakhệt thân yêu của anh và anh đã rời Hà Nội vào một ngày cuối tháng 4-1945 để về Lào.


(1) Đờcu (Decoux) là Phó đô đốc (Vice - admiral d’ escarde) được phong làm Toàn quyền Pháp ở Đông Dương ngày 25-6-1945), chính thức nhậm chức ngày 19-7-1940. Ngày 19-12-1941, được phong làm Tổng Cao ủy Pháp tại Đông Dương.
(2) Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương vào đêm 9-3-1945.
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 365.
(4) Dự báo này là hoàn toàn chính xác.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr. 373.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 04:54:49 pm
Chương II

THAM GIA CUỘC VẬN ĐỘNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
(1945-1946)

Cayxỏn Phômvihản đi xe ôtô của một ngươi bà con bên mẹ, từ Hà Nội về Xavẳnnakhệt. Đến thành phố quê hương, anh nhận ra ngay tình hình ở Lào phức tạp chẳng kém gì mấy so với ở Việt Nam. Ông Nai Luân và bà Nang Đốc tỏ vẻ hơi buồn khi nhìn thấy “niềm hy vọng” của mình đột nhiên bỏ học trở về. Nhưng đến khi Cayxỏn Phômvihản nói rõ lý do là ở Hà Nội, phát xít Nhật đã đảo chính thực dân Pháp đêm 9-3-1945, làm cho người Pháp phải chạy trốn (kể cả những giáo sư, giáo viên người Pháp dạy trong các trường của Việt Nam), ông Nai Luân và bà Nang Đốc dần dần nhìn ra vấn đề và tỏ ra thông cám với người con trai yêu quý của mình.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp trên toàn cõi đông Dương, các chính quyền thân Nhật được lập nên ở Việt Nam và Lào do Nhật trực tiếp nắm.

Qua tìm hiểu nhiều người, nhiều nguồn, Cayxỏn Phômvihản thấy rõ tương quan giữa lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng ở Lào. Lực lượng phản cách mạng ở Lào lúc này là quân Nhật, quân Pháp và tay sai người Lào. Bọn Pháp và tay sai của pháp tuy rệu rã, hoang mang, những đã nhanh chóng quay sang tìm cách cố thủ ở Lào. Phía quần chúng nhân dân có tinh thần yêu nước thiết tha, nhưng họ chưa được chuẩn bị, chưa được tổ chức. Là một thanh niên cứu quốc, Cayxỏn Phômvihản đi tuyên truyền tư tưởng yêu nước trong nhân dân và thanh niên ở Xavẳnnakhệt. Anh nói rõ cho mọi người biết là thực dân Pháp đã bị phátxít Nhật đánh cho thua tơi tả ở Việt Nam, Lào… Nhật đang thống trị Đông Dương. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng là phải chuẩn bị lực lượng để vùng lên chống Nhật, cứu nước. Anh đã giới thiệu được một số thanh niên gia nhập Hội Thanh niên cứu quốc Lào. Một số đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương ở Lào đã lãnh đạo Hội Thanh niên cứu quốc Lào, Tổng hội Việt kiều cứu quốc ở Lào và Thái Lan với sự giúp đỡ của lực lượng dân chủ Thái Lan chống phátxít Nhật, để tập hợp nhau lại thành một lực lượng quan trọng, và to lớn chuẩn bị cho một cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới ở Lào. Lực lượng này lấy tên là đội quân Ítxalạ. Đội quân Ítxalạ hùng mạnh có hàng nghìn người tràn qua từ đất Thái Lan trở về các tỉnh của Nam Lào, Trung Lào và một số vùng của Bắc Lào. Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Thàkhẹc, Pắcxế,… là những tỉnh, thành phố, thị xã được xây dựng lực lượng quân sự đầu tiên ở Lào. Bên cạnh đó lại có một lực lượng trí thức, viên chức, thân hào, thân sĩ, binh lính địch quay súng đầu hàng nhân dân…, tập hợp nhau lại lập ra một tổ chức yêu nước lấy tên là “Lao pên Lao”, có nghĩa là nước Lào của người Lào. Mục đích của tổ chức này là muốn dựa vào quân Đồng minh để mưu cầu độc lập cho nước Lào. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, các lực lượng yêu nước và cách mạng đã lần lượt ra đời ở Lào. Nhiều người trong số họ đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Lào. Trước sự lớn mạnh của các lực lượng yêu nước và cách mạng ở Lào, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời bổ sung thêm một số đảng viên trung kiên cho cách mạng Lào. Sự kiện đó đã dẫn đến việc khôi phục Xứ ủy lâm thời Lào vào giữa năm 1946. Lúc này, Cayxỏn Phômvihản tuy chưa phải là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, mà mới chỉ là hội viên thanh niên cứu quốc Đông Dương, nhưng anh đã có sự liên hệ với một số đảng viên của Đảng lúc ấy đang hoạt động tại Xavẳnnakhệt.

Tình hình thế giới diễn biến mỗi lúc một mau lẹ. Ngày 9-5-1945, các lực lượng dân chủ cách mạng cùng với Hồng quân Liên Xô đã đánh tan toàn bộ lực lượng của phátxít Hítle. Nhân dân yêu nước và tiến bộ Lào tuy nhận được tin Liên Xô thắng phátxít Đức có chậm hơn so với Việt Nam, nhưng khi tin đó đến với nhân dân các bộ tộc Lào, thì mọi người vô cùng phấn khởi, vì cho rằng, trong một ngày không xa nữa, trục phátxít Đức -Ý - Nhật sẽ phải đầu hàng quân Đồng minh. Đúng như dự đoán của nhiều người, ngày 9-8-1945, Quân đội Liên Xô đánh mạnh vào Mãn Châu. Trong một tuần lễ, Hồng quân đã giáng cho đội quân Quan Đông mạnh có tiếng của Nhật những đòn sấm sét. Tiếp đó, ngày 10-8-1945, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc mở cuộc tiến công quân Nhật ở Hoa Bắc, Đông Bắc, Hoa Trung, Hoa Nam. Những thắng lợi của quân đội cách mạng Liên Xô và Trung Quốc làm xoay chuyển cục diện chính trị thế giới, đẩy quân Nhật vào thế sụp đổ sau sự sụp đổ của quân phátxít Đức Hítle. Chớp thời cơ này, Trung ương Đảng Cộng sản Đông dương đã triệu tập khẩn cấp Hội nghị toàn quốc của Đảng vào ngày 13-8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang của Việt Nam. Xứ ủy Lào cử địa biểu tới dự. Hội nghị nhận định tình hình thế giới, tình hình các nước Đông Dương và cho rằng, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền đã đến, phải nắm đúng thời cơ, phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền của mỗi nước trước khi quân Đồng minh vào. Đó là khả năng duy nhất để giành độc lập dân tộc. nghị quyết của Hội nghị có nêu vấn đề “đặc biệt giúp Đảng bộ Lào”. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp riêng đồng chí đại biểu Xứ ủy Lào. Người hỏi cụ thể về tình hình ở Lào và nói đại ý: “Thời cơ này rất thuận lợi cho nhân dân Đông Dương. Ở đâu có điều kiện phải giành được chính quyền trước khi Đồng minh vào… ở Việt Nam cũng thế, ở Lào cũng thế. Phải đoàn kết Việt - Lào đánh kẻ thù chung”(1).


(1) Theo tài liệu “Ghi chép những sự kiện lịch sử của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc” của Phòng Nghiên cứu tổng kết chiến tranh Bộ Quốc phòng Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (giai đoạn 1945-1955), tr. 5.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 04:56:54 pm
Tình hình rất khẩn trương, ngày 14-8-1945, Nhật chính thức đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng minh không du kích. Đây chính là lúc vùng lên của nhân dân các dân tộc Đông Dương. Ngay trung tuần tháng 8-1945, tại Việt Nam và Lào đều tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở mỗi nước. Ở Lào, khởi nghĩa nổ ra đầu tiên ở Thủ đô Viêng Chăn. Tình hình Viêng Chăn và Lào lúc ấy rất phức tạp. Tàn quân Pháp sau khi bị quân Nhật đảo chính, chạy vào sống chui nhủi trong rừng. Nay quân Nhật đầu hàng Đồng minh, quân Pháp ở Lào tập hợp lực lượng đột nhập vào Kinh đô Luổng Phạbang, ép nhà vua và tuyên bố: “Vương quốc Lào vẫn tiếp tục dưới sự bảo hộ của nước Pháp”. Trong khi đó, tại Viêng Chăn, quân đội Nhật mặc dù đã đầu hàng Đồng minh, bộ máy thống trị của chúng gần như bị tê liệt ở Đông Dương, vậy mà ở Lào chúng vẫn ngoan cố chiếm giữ các xí nghiệp, công sở, chờ quân Pháp đến chúng sẽ giao lại. Đảng bộ Viêng Chăn sớm nhận ra âm mưu này, đã phát động công nhân, nhân dân nổi dậy. Ngày 16-8-1945, 500 công nhân xí nghiệp giấy C.A.F.F.A ở Thủ đô Viêng Chăn đấu tranh đòi quân Nhật phải trả lại nhà máy cho người Lào và phải trả đủ tiền lương cho công nhân trước khi rút. Quân Nhật lúc đầu nổ súng bắn vào công nhân, làm cho một số người bị thương. Chúng còn bắt giam đại biểu công nhân. Bên ngoài nhà máy, nhân dân Viêng Chăn vây quanh đả đảo quân Nhật, ủng hộ công nhân. Trước sức mạnh của công nhân và nhân dân, buộc Nhật phải trả tự do cho những người bị bắt và trả lại nhà máy cho công nhân Lào quản lý. Tiếp theo thắng lợi của công nhân xí nghiệp giấy là cuộc đấu tranh thắng lợi của công nhân dệt và công nhân của nhiều xí nghiệp ở Viêng Chăn và nhiều tỉnh khác của Lào. Phong trào học sinh, viên chức và tiểu thương nổi dậy ở nhiều nơi. Nhiều binh lính địch quay súng trở về với nhân dân.

Cao trào kháng Nhật, cứu nước ở Việt Nam tác động đến Lào, giúp đỡ các lực lượng yêu nước Lào vùng lên đấu tranh giành độc lập. Từ đấy, phong trào chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân được tiến hành khẩn trương. Các lực lượng vũ trang được hình thành. Các chiến khu lần lượt ra đời. Từ ngày 16-8-1945 đến cuối tháng 9-1945, các lực lượng yêu nước Lào đã phối hợp với các lực lượng Việt kiều yêu nước Lào đấu tranh giành chính quyền thắng lợi ở Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Thàkhẹc, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam đã cổ vũ cho nhân dân các dân tộc Lào tiến lên đấu tranh giành thắng lợi.

Trong lúc tại Viêng Chăn, không khí cách mạng sục sôi, thì tại Xavẳnnakhệt, nhân dân vùng lên khởi nghĩa thắng lợi, Cayxỏn Phômvihản lúc này đang ở Xavẳnnakhệt.

Nhật đảo chính Pháp, quân Pháp rã ngũ, nhưng chỉ ít lâu sau, Pháp lại có âm mưu chiếm lại Xavẳnnakhệt. Khi quân Pháp chuẩn bị lực lượng để chiếm lại thị xã Xavẳnnakhệt thì Cayxỏn Phômvihản đã cùng với đoàn đại diện nhân dân đi gặp đại diện quân đội Nhật, yêu cầu họ trao lại quyền tự chủ quản lý đất nước cho nhân dân Lào. Trước cuộc đấu tranh của các lực lượng yêu nước Lào, ngày 31-8-1945, bọn Nhật chịu giao 120 khẩu súng và và nhiều hòm đạn. Lập tức, đơn vị vũ trang nhân dân được thành lập.

Vào lúc này ở Xavẳnnakhệt, ngoài đơn vị vũ trang nhân dân của Cayxỏn Phômvihản còn có một lực lượng vũ trang Ítxalạ. Các đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Xixanạ Xixán(1) đi đến bản Xoọc (cách thị xã Xavẳnnakhệt 11 cây số) nơi lực lượng vũ trang Lào Ítxalạ vào Xavẳnnakhệt phối hợp với đơn vị vũ trang nhân dân vừa thành lập để tổ chức thành lực lượng thống nhất. Việc bảo vệ thị xã Xavẳnnakhệt có sự đóng góp tích cực của hai lực lượng vũ trang vừa nhập lại và của bà con Việt kiều tham gia trong các lực lượng vũ trang của tỉnh.

Thấy tình hình ở huyện Mường Phìn còn gặp nhiều khó khăn, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã trực tiếp chỉ huy một đơn vị bộ đội vượt qua chặng đường hơn 70 cây số từ thị xã Xavẳnnakhệt đến huyện Mường Phìn để hỗ trợ cho nhân dân địa phương nổi dậy khởi nghĩa. Theo hồi ký của Xuvănthon Buphanuvông(2) cho biết, tại khu vực Trường tiểu học Mường Phìn, Cayxỏn Phômvihản đã nói chuyện trước đông đảo nhân dân về những thắng lợi của quân và dân Lào vừa giành được trong những ngày khởi nghĩa. Đồng chí kêu gọi “mọi người ra sức thực hiện nhiệm vụ của mình”(3).

Ngày 9-9-1945, quân Pháp mở đợt tiến công vào thị xã Xavẳnnakhệt. Lực lượng vũ trang nhân dân đã chống trả quyết liệt, đẩy lùi được cánh quân địch ở phía bắc. Tại phía nam thị xã, quân Pháp đã vào đến doanh trại của lực lượng vũ trang yêu nước.

Tình hình khẩn cấp, đồng chí Xixanạ Xixán kể lại rằng thời gian này, có lúc đồng chí Cayxỏn Phômvihản đến ở lại chùa Xaynhạphum, giữa lúc có cuộc thương lượng giữa các nhà chức trách Lào, Nhật, Pháp mới tiến vào Xavẳnnakhệt, về việc quân Pháp ra khỏi thị xã. Kết quả cuộc thương lượng là quân Pháp buộc phải rút khỏi thị xã Xavẳnnakhệt. Chiến sự tạm lắng dịu, nhưng công việc bảo vệ thị xã vẫn được tiến hành khẩn trương(4).


(1) Xixanạ Xixán lúc này cũng đang hoạt động trong đơn vị vũ trang của Cayxỏn Phômvihản.
(2) Bài hồi ký này đã được in trong sách Cayxỏn Phomvihản - Người con của nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993.
(3) Xem bài hồi ký của Xuvănthon Buphanuvông, sđd, tr. 86.
(4) Theo hồi ký của Xixanạ Xixán: “Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân”, in trong cuốn Cayxỏn Phômvihản - Người con của nhân dân, sđd, tr. 10.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 05:06:16 pm
Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Xavẳnnakhệt là cuộc nổi dậy thắng lợi ở Thàkhẹc, Khămmuộn, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng…

Ngày 23-8-1945, nhân dân Thủ đô Viêng Chăn tập trung tại khu vực Chợ Mới tổ chức cuộc míttinh lớn biểu dương ý chí và sức mạnh. Khẩu hiệu và tiếng hô “Nước Lào độc lập muôn năm” vang lên trong cuộc míttinh. Sau cuộc míttinh, chính quyền cách mạng được thành lập. Khoảng tháng 10-1495, nhân dân Kinh đô Luộng Phạbang nổi dậy đấu tranh đòi thành lập chính quyền cách mạng. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn (từ 23-8 đến tháng 10-1945), chính quyền cách mạng lần lượt được thành lập ở Thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh Khămmuộn, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, Phôngsalỳ, Luổng Phạbang.

Tiếp tục trong xu thế phát triển của cách mạng, ngày 1 và ngày 3-101-945, tại dinh Thống sứ Pháp cũ ở Viêng Chăn đã diễn ra cuộc hội nghị của những đại biểu yêu nước Lào bàn việc tổ chức Chính phủ độc lập Ítxalạ, dự thảo bản Hiến pháp, quyết định quốc kỳ, quốc ca, thông qua danh sách các thành viên Chính phủ độc lập lâm thời Lào. Cuộc họp quan trọng này đã dẫn tới sự kiện chính trị trọng đại của nước Lào mới. Đó là sự kiện ngày 12-101-45, tại sân vận động Viêng Chăn,đã diễn ra lễ tuyên bố nước Lào độc lập với bản Hiến pháp tiến bộ, khẳng định nước Lào là một khối thống nhất, mọi công dân đều có quyền bình đẳng trước pháp luật,… Chính phủ mới của nước Lào độc lập lấy tên là Chính phủ lâm thời Ítxalạ. Do điều kiện lịch sử và tính chất đặc thù của Lào, thành phần trong Chính phủ mang tính chất liên hiệp rộng rãi, bên cạnh những chiến sĩ đấu tranh cho độc lập, tự do của Lào, còn có những phần tử cực hữu như Kà Tày. Lịch sử đã thừa nhận Chính phủ lâm thời Lào là Chính phủ tiêu biểu cho nguyện vọng độc lập của nhân dân Lào.

Báo Cứu quốc (xuất bản ở Việt Nam), số 68, ngày 16-10-1945, đưa tin:

“Vạn Tượng - 15-10 - 8 giờ sáng(1), Ai Lao độc lập Đồng minh đã thành lập và ra tuyên bố lập Chính phủ thống nhất toàn xứ Ai Lao.

Quân đội Lào, hàng vạn dân chúng và dân quân Việt kiều ở Vạn Tượng tham dự Lễ độc lập rất long trọng.

Ngoại trưởng Phaya Khammao nhân dịp này đã tuyên bố với Việt kiều, mong rằng ba nước Việt, Miên, Lào bắt tay nhau để kiến thiết quốc gia và đã gửi cho đại diện Chính phủ Việt Nam bức thư sau đây:

“Thưa ngài:

Tôi lấy làm hân hạnh gửi Ngài biết rằng, hôm 14-10 dương lịch năm 1945, nước Ai Lao đã tuyên bố lập nội các mới theo thể lệ đã tuyên bố ngày 12-10 vừa qua. Sở dĩ nước Ai Lao tổ chức Chính phủ mới là vì nước Lào tựu trung chưa có một Chính phủ Trung ương đảm đang việc cai trị, như thế việc ngoại giao với các nước thực là khó khăn. Vậy kể từ ngày hôm nay, tôi tha thiết hy vọng rằng tình thân thiện giữa nước Ai Lao và nước của Ngài sẽ được hoàn hảo khăng khít hơn, vững chãi hơn trước bội phần. Sau đây, tôi xin biên kê danh sách các nhân viên trong nội các mới của nước Ai Lao để Ngài rõ”.

Kính cẩn
                                                                                                                                    
Khammao”

Tiếp đó, Báo Cứu quốc, số 69, ngày 17-10-1945, đưa tin:

“Vạn Tượng - 16-10 - Trước thái độ thân Pháp của Triều đình Luang Pờrabang (Luổng Phạbang) có thể di hại cho nền độc lập của nước Lào và đã làm công phẫn các tầng lớp dân tộc Lào, một Chính phủ Nhân dân Lào đã thành lập để bảo vệ nền độc lập và duy trì sự thống nhất của dân tộc Lào. Trong khi cho triệu tập một Quốc hội để định Hiến pháp và chính thể, Chính phủ Nhân dân ấy đã tuyên bố một bản Hiến pháp tạm thời.

Chính phủ Nhân dân Lào có các vị sau đây:

Phaya Khammao: Chủ tịch kiêm ngoại giao.
Tiao Somsanith: Bộ truưởng Bộ Nội vụ kiêm Tư pháp.
Katay: Tài chính.
Thao Sing: Quốc phòng.
Thao Nhouy: Giáo dục.
Tiao Souphanouvong: Công chính.
Thao Oun: Kinh tế.
Phia Oun Houeun: Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Tiao Tham: Thứ trưởng Ngoại giao.
Tiao Kruong: Thứ trưởng Kinh tế.

Chính phủ Nhân dân Lào đã đánh điện yêu cầu vua Luang Pờrabang thoái vị, giải tán nội các cũ và đã thông tư cho các tỉnh hô hào toàn thể dân chúng Lào đoàn kết để bảo vệ nền độc lập và cương quyết chống xâm lăng Pháp.

Chính phủ Nhân dân Lào đánh điện chào mừng Chính phủ Việt Nam và mong rằng tình thân thiện giữa hai nước càng ngày càng thêm chặt chẽ”.


(1) Ngày 15-10-1945 (B.T).


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 05:08:39 pm
Sau gần một tháng kể từ ngày Chính phủ lâm thời thành lập, ngày 10-11-1945, tại Kinh đô Luổng Phạbang, vua Xivavang Vông ký và công bố tờ “Chiếu thoái vị”:

“1 - Tôi ký tên dưới đây là Xivavang Vông tự nhận đặt mình dưới quyền lực của chính phủ Lào mới được thành lập, là Chính phủ chân chính và hợp pháp của nước Lào.

2 - Trong suốt thời gian trị vì, tôi không hề ký bất cứ hiệp ước nào có liên quan đến quốc gia Lào với bất cứ một nhà ngoại giao Pháp nào.

3 - Dù Chính phủ mới này được lập ra trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi không hề oán giận Ủy ban nhân dân đã lập ra Chính phủ và tôi mong rằng về điểm này sẽ có được sự thứ lỗi hoàn toàn của các bên.

Tôi lập văn bản này để làm tin và tiện dụng”(1).

(http://4.bp.blogspot.com/-CPOlIsHF3oE/UFK8OvUAZmI/AAAAAAAAOK0/5wkydYAKkpk/s1600/00laos3.jpg)

Vua Xivavang Vông

Chính phủ lâm thời Lào Ítxalạ vừa được thành lập đã có tiếng vang trên trường quốc tế. Ngày 14-10-1945, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa là Chính phủ đầu tiên trên thế giới gửi điện công nhận Chính phủ Lào độc lập và cử phái viên của Chính phủ Việt Nam tại Lào, tỏ rõ mối quan hệ mới đầy triển vọng giữa Việt Nam và Lào. Tiếp đó, ngày 16-10-1945, Hiệp định tương trợ giữa hai nước Việt Nam - Lào được ký kết tại Thủ đô Viêng Chăn. Hiệp định tương trợ Việt Nam - Lào là văn kiện ngoại giao chính thức đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, cũng là văn kiện ngoại giao chính thức đầu tiên của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; là cơ sở pháp lý đầu tiên về quan hệ liên minh, hợp tác giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Hiệp định này đã dẫn đến việc thành lập liên quân đội hai nước Lào - Việt Nam vào ngày 30-10-1945. Liên quân Lào - Việt Nam được đặt dưới sự chỉ huy của Tổng chỉ huy Quân đội Lào Ítxalạ.

Cũng trong khoảng tháng 10-1945, Chính phủ Lào độc lập đã thiết lập cơ quan ngoại giao đầu tiên của Lào ở nước ngoài, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tức Ủy ban Ngoại giao của nước Lào độc lập (Comité Extéreur du Lao Indépendant). Trụ sở Ủy ban Ngoại vụ của nước Lào độc lập đóng tại số nhà 228, phố Bà Triệu, Hà Nội. Ông Nguyễn Chương, một trong số chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đầu tiên ở Lào, phái viên của Hoàng thân Xuphanuvông, cho biết, các nhà lãnh đạo cách mạng lào: Cayxỏn Phômvihản, Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn đã từng ở và làm việc tại ngôi nhà này(2). Ngày 27-5-1946, ông Nguyễn Chương, phái viên của Hoàng thân Xuphanuvông, trao cho ông Cayxỏn Phômvihản một số tiền để phục vụ cách mạng Lào. Giấy biên nhận có chữ ký của Cayxỏn Phômvihản và con dấu của Ủy ban Ngoại vụ nước Lào độc lập(3).


(1) “Chiếu thoái vị” viết bằng tiếng Pháp, Lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1 Việt Nam.
(2) Đây có thể là ngôi nhà mà anh sinh viên Cayxỏn Phômvihản đã từng ở trong những ngày học tại Trường Đại học Luật Đông Dương. Có tài liệu nói ngôi nhà làm việc của Ủy ban Ngoại vụ của nước Lào độc lập, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm vào cuối năm 1946, sau khi Người ở Pháp về.
(3) Xem bài viết của Nguyễn Chương: Một ngôi nhà lịch sử của cách mạng Lào ở giữa lòng Thủ đô Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân, số ra cuối tuần, Tết Bính Tý 1996, tr. 9.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 05:13:01 pm
Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Lào năm 1945 đã đưa tới nền độc lập mới của Lào. Cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi là do có sự kết hợp giữa bạo lực chính trị với lực lượng vũ trang tự vệ của quần chúng để giành chính quyền; là thắng lợi của truyền thống đấu tranh kiên cường của nhân dân Lào chống kẻ thù xâm lược; là thắng lợi của ý chí tự lực tự cường, chủ nghĩa yêu nước kết hợp với chủ nghĩa Anh hùng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, là thắng lợi của sự nhanh nhạy chớp thời cơ kịp thời trong lúc Nhật đầu hàng Đồng minh. Sự đoàn kết giữa các bộ tộc cùng nhau chống kẻ thù chung là một nhân tố có tính chất quyết định thắng lợi đối với một nước thuộc địa chậm phát triển, dân số ít. Quá trình diễn biến của cách mạng Lào năm 1945 mang tính chất khó khăn phức tạp, vừa khởi nghĩa giành chính quyền trong tay phátxít Nhật vừa chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược trở lại, để bảo vệ chính quyền mới giành được, mang tính chất khởi nghĩa đi liền với chiến tranh cách mạng. Về ý nghĩa thắng lợi của cuộc khởi nghĩa này, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: “Thắng lợi đó là mở đầu một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên mà nhân dân ta được huy động và tự giác tham gia vào cuộc chiến đấu sống còn với kẻ thù để cứu nhà cứu nước”(1).

Thắng lợi của cuộc đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân đã chứng minh tinh thần đoàn kết chiến đấu của nhân dân các bộ tộc Lào, sự liên minh chiến đấu giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Việt Nam và Lào độc lập chưa được bao lâu, thì thực dân Pháp mưu toan chiếm lại Đông Dương, trong đó có Lào. Trước tình hình đó, ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị về kháng chiến kiến quốc. Chỉ thị nêu rõ cuộc cách mạng ở Đông Dương lúc này “vẫn là cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”(2). Chiến thuật của cách mạng Đông Dương lúc này là “lập mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp xâm lược”(3). “Thống nhất mặt trận Việt - Miên - Lào chống Pháp xâm lược. Kiên quyết giành độc lập - tự do - hạnh phúc dân tộc. Độc lập về chính trị, thực hiện chế độ dân chủ cộng hòa; cải thiện đời sống nhân dân”(4).

Để giúp cho cuộc kháng chiến ở Lào, ngày 4-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Hoàng thân Xuphanuvông lúc ấy đang ở thành phố Vinh của Việt Nam, ra Hà Nội để gặp Người, bàn về cuộc kháng chiến sắp tới của Lào. Sau cuộc gặp đó, Hoàng thân trở về Làm tham gia lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào chuẩn bị kháng chiến.

Tháng 3-1946, thực dân Pháp chuyển từ việc lấn chiếm sang vũ trang xâm lược Lào. Ngày 10-3-1946, quân Pháp chiếm được Xavẳnnakhệt. Tiếp đó, Pháp đánh vào thị xã Thàkhẹc thuộc tỉnh Khămmuộn. Ngày 21-3-1946, máy bay Pháp và pháo binh Pháp dội bom, pháo vào Thàkhẹc. Trong cuốn sách Chiến đấu bảo vệ Thàkhẹc, Xihcapô Xikhốt Chulamani đã viết: “Máu người Lào cùng máu người Việt Nam đã nhuộm đỏ dòng sông Mê Kông… Ngày 21-3-1946 là ngày căm thù chung của hai dân tộc đối với bọn thực dân cướp nước”(5).

Công tác ở Xavẳnnakhhệt suốt một thời gian, Cayxỏn Phômvihản rời quê hương, trở lại Hà Nội.

Đến Hà Nội, Cayxỏn Phômvihản đã chứng kiến quân Tưởng Giới Thạch ở Hà Nội và được tin quân Tưởng cũng tràn sang đánh chiếm Lào, trong khi đó quân Pháp tiếp tục nuôi ý đồ xâm chiếm trở lại Việt Nam và Lào, trong đó có Hà Nội, Viêng Chăn. Tình hình rất phức tạp. Quân Tàu Tưởng chưa rút quân, quân Pháp đã định nhảy vào. Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ra sức chèo chống đưa con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh. Nhân dân Việt Nam đang tìm mọi cách đuổi quân Tưởng đi, ngăn quân Pháp đến.

 Đến Hà Nội, Cayxỏn Phômvihản thuê một gian nhà ở số 44 phố Carô (boulevard Carreau)(6).

Tại Hà Nội, Cayxỏn Phômvihản đã gặp bạn bè ở Việt Nam để liên lạc hoạt động. Hồi ký Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân của Xixanạ Xixán, kể rằng: Lúc này Hà Nội đang sôi sục khí thế cách mạng. Tất cả những gì có liên quan đến bọn thực dân đều bị chống một cách quyết liệt. Có lần đồng chí Cayxỏn nói với tôi rằng: “Cuối năm 1945, trong khi đi từ Xavẳnnakhệt đến Hà Nội, có lần tôi suýt bị giết”. Tôi hỏi: “Tại sao?”. Đồng chí đáp: “Người ta bảo tôi là con lai Pháp, hồi đó ai mặc quần áo có ba màu trắng, đỏ, xanh đều có thể bị bắt hoặc bị theo dõi”. Tôi hỏi: “Thế, làm thế nào mà thoát được?”. Đồng chí Cayxỏn đáp: “Có gì đâu! Chỉ nói với họ: “Tôi là người Lào”, họ liền thả ngay”(7).

Cũng theo Hồi ký trên của Xixanạ Xixán thì “trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 12-1946, Cayxỏn tham gia công tác trong Ban liên lạc Lào - Việt tại Hà Nội. Cơ quan này tập hợp người Lào ở Hà Nội và các tỉnh Việt Nam, để tổ chức thành đoàn thể cứu quốc của người Lào đã sinh sống ở Việt Nam hoặc đã tản cư sang Việt Nam”(8).

Vào khoảng đầu năm 1946, Cayxỏn Phômvihản đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên trong đời, ông được gặp vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Cayxỏn Phômvihản kể rằng: “Người đã nói nhiều vấn đề, nhưng nội dung quan trọng hơn cả là người Việt Nam, người Lào cần phải đoàn kết với nhau chống thực dân Pháp để cứu nước. Người Lào cần tổ chức Ủy ban kháng chiến Lào, cần xây dựng cơ sở cách mạng trong nước Lào, xây dựng lực lượng vũ trang…”(9).


(1) Cayxỏn Phômvihản: 25 năm chiến đấu và thắng lợi của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 15.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr. 26.
(3). (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr. 26.
(5) Xem: Xinhcapô Xikhốt Chulamani: Chiến đấu bảo vệ Thàkhẹc, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1980.
(6) Phố “Carô”, nay gọi là phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội.
(7), (8), (9) Xem: Hồi ký: Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân của Xixanạ Xixán, sđd, tr. 11.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Mười Một, 2012, 05:15:26 pm
Vào khoảng đầu năm 1946, Cayxỏn Phômvihản đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên trong đời, ông được gặp vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Cayxỏn Phômvihản kể rằng: “Người đã nói nhiều vấn đề, nhưng nội dung quan trọng hơn cả là người Việt Nam, người Lào cần phải đoàn kết với nhau chống thực dân Pháp để cứu nước. Người Lào cần tổ chức Ủy ban kháng chiến Lào, cần xây dựng cơ sở cách mạng trong nước Lào, xây dựng lực lượng vũ trang…”3.

Chiến trường Đông Dương lúc này nóng bỏng khi quân Pháp quay trở lại đánh chiếm. Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định tuy Việt Nam và Lào đã giành được độc lập, bao nhiêu xích xiềng do thực dân và phong kiến gây nên, đã được cởi mở, tự do và dân chủ bước đầu đã đến với nhân dân. Tuy nhiên, quyền độc lập của các nước ở Đông Dương còn rất mong manh. Quân xâm lược sẽ quay trở lại đánh chiếm Đông Dương. Giành chính quyền là một việc rất khó, nhưng giữ chính quyền lại khó hơn. Vì vậy, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi nhân dân các nước Đông Dương hãy đoàn kết chặt chẽ, sẵn sàng chiến đấu, chống lại mưu mô xâm lược.

Đúng như dự kiến của Đảng cộng sản Đông Dương quân Pháp lần lượt trở lại chiếm Việt Nam, Lào, Campuchia.

Tại Việt Nam, ngày 23-9-1945, dựa vào quân Anh và sự giúp đỡ của 5 nghìn quân Nhật, quân đội Pháp nổ súng tấn công thành phố Sài Gòn, chính thức trở lại xâm lược Việt Nam. Tháng 12-1946, quân Pháp mở rộng chiến tranh ra toàn Việt Nam và tràn cả sang Lào và Campuchia.

Trước tình hình đó, ngay 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:

“Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!”(1).

Cả dân tộc Việt Nam vào trận. Cả nhân dân Lào vào trận.

(http://talkvietnam.com/uploads/2012/07/vietnam-lao-coalition-troops-lao-bao-battlefield-central-province-492102.jpg)

Liên quân Lào - Việt tại chiến trường Lao Bảo, Quảng Trị năm 1946

Tại Lào, với sự giúp đỡ của quân Anh, quân Pháp chiếm Pắcxế, cao nguyên Bôlôven, Xavẳnnakhệt. Sau Hiệp định Trùng Khánh (28-2-1946), quân Tưởng rút để quân Pháp chiếm đóng Lào. Tháng 3-1946, quân Pháp bắt đầu đánh chiếm trở lại nhiều vùng trên đất Lào. Ngày 24-4-1946, quân Pháp chiếm được Thủ đô Viêng Chăn. Ngày 13-5-1946, quân Pháp chiếm được Kinh đô Luổng Phạbang. Ngày 27-8-1946, Hiệp định của Pháp và Lào được ký kết tại Viêng Chăn, công nhận sự thống nhất của Lào và Lào được quyền là một quốc gia tự trị, đồng thời là một bộ phận của Liên bang Đông Dương và trong khối Liên hiệp Pháp. Ngày 28-12-1946, Pháp tuyên bố bình định xong Lào.

Tình hình Việt Nam trong những ngày cuối năm 1946 khá khẩn trương và căng thẳng. Sau khi đã đánh chiếm nhiều tỉnh của Việt Nam, trong ngày 17 và18-12-1946, thực dân Pháp đánh vào Hà Nội. Quân và dân Hà Nội đã đánh trả quyết liệt. Trước tình hình đó, ngay 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp tại làng Vạn Phúc thuộc tỉnh Hà Đông của Việt Nam, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã quyết định chủ trương kháng chiến trong cả nước Việt Nam. Vào lúc 6 giờ chiều ngày 19-2-1946, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng Chỉ huy Quân đội quốc gia Việt Nam ra mệnh lệnh cho toàn thể các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Lửa kháng chiến bắt đầu lan tỏa trên bán đảo Đông Dương.

Thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, kháng chiến lâu dài, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định chuyển các cơ quan rời khỏi Hà Nội.

Cayxỏn Phômvihản cùng cơ quan Nha Thông tin Việt Nam cũng rút khỏi Hà Nội sang phía bắc của Việt Nam. Đầu năm 1947, ông công tác tại một cơ quan tuyên truyền Khu 12. Những ngày làm việc tại đây, ông đã viết một số bài cổ vũ cho cuộc kháng chiến vừa được bắt đầu của nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam. Làm việc tại đây cho đến khoảng cuối năm 1947, ông quyết định trở về Lào tiếp tục hoạt động.

Từ đây cuộc đời của đồng chí Cayxỏn Phômvihản bắt đầu chuyển sang một giai đoạn mới: giai đoạn cùng nhân dân các bộ tộc Lào đoàn kết tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 480.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười Một, 2012, 06:03:34 pm
Chương III

NHỮNG NĂM KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP XÂM LƯỢC LÀO
(1946-1955)

Cuộc kháng chiến chống Pháp trở lại xâm lược Lào là cuộc kháng chiến trường kỳ và đầy gian khổ của nhân dân các bộ tộc Lào, cũng là cuộc kháng chiến liên hoàn giữa chiến trường Việt Nam và chiến trường Lào, cùng nhau chiến đấu và chiến thắng.

Để giữ gìn lực lượng đánh địch lâu dài, tháng 4-1946, Bộ Chỉ huy Lào Ítxalạ ở thành phố Viêng Chăn quyết định rút lực lượng chiến đấu ra khỏi thành phố. Trong khi một bộ phận Chính phủ kháng chiến Lào rút sang Thái Lan, thì có những bộ phận khác rút sang Việt Nam tổ chức lực lượng kháng chiến để trở về Lào phát triển chiến tranh du kích trên các trục đường 7, 8, 9, 12 và dọc biên giới Lào - Việt Nam.

Tháng 10-1946, được sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, các lực lượng kháng chiến ở Xavẳnnakhệt, Khămmuộn, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa họp Đại hội thành lập Ủy ban giải phóng Đông Lào tại thành phố Vinh (Việt Nam) do Nuhắc Phumxavẳn làm Chủ tịch. Lực lượng kháng chiến này đã trở về Lào chiến đấu kiên cường chống Pháp. Một lực lượng kháng chiến nữa của Khămtày Xiphănđon từ đất Thái Lan chuẩn bị trở về Nam Lào để xây dựng lực lượng vũ trang Xâychắccạphắt sẵn sàng chiến đấu.

Có thể nói cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Lào ở giai đoạn đầu đã có những bước chuyển biến mới. Công việc được gấp rút chuẩn bị. Tháng 6-1946, tại khu vực Đông nam Xavẳnnakhệt và phía Tây bắc Saravan, đã xuất hiện những đội biệt động hoạt động tốt. Sự ra đời của Ủy ban giải phóng Đông Lào từ tháng 10-1946 đã phát huy tác dụng ngay sau khi thành lập, thêm một số cơ sở được xây dựng ở các tỉnh Khămmuộn, Xavẳnnakhệt, Xiêng Khoảng và Sầm Nưa. Cuối tháng 12-1946, lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã xây dựng được một số căn cứ ở Uthôn (Nakhon), Unkê và Xavang (Sakon), Thoongphiên (Ubon), Xoọngỏn (Uđôn), Nặmxuôi, Phôngvịxẩy (Noọngkhai), Đôngđèn, Banmộ (Thàbò), mỗi căn cứ có từ một đến hai trung đội vừa huấn luyện vừa luân phiên đưa lực lượng về Lào, đánh tiêu hao, tiêu diệt nhỏ quân địch và tuyên truyền tổ chức nhân dân chống Pháp. Đơn vị vũ trang Pátchay ở Xiêng Khoảng do các ông Phayđang Lôbliayao và Thao Tu chỉ huy và đơn vị vũ trang do ông Xingapô chỉ huy đã phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng bám trụ trong nước, xây dựng căn cứ kháng chiến, phát động chiến tranh du kích nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch. Con đường hành lang từ Thái Lan qua Borikhăn đến Khu 4 của Việt Nam nối liên lạc với Trung ương và Ủy ban kháng chiến khu Đông. Bộ đội hoạt động ở Viêng Chăn, Pắcxế, Thàkhẹc, Tây Lào hoạt động mạnh ở Bình Bun, Thadua, Don Mương… Đông Lào hoạt động mạnh ở Mường Mô, đường số 7…

Tháng 2-1947, một số đơn vị vũ trang của Quân đội nhân dân Việt Nam từ Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Bắc sang phối hợp với lực lượng vũ trang Lào đánh địch ở Sầm Nưa, làm chủ phòng tuyến Sông Mã - Sầm Tớ. Khi Mặt trận miền Tây được mở ra, sự phối hợp chiến đấu có hiệu quả của quân tình nguyện Việt Nam, các đơn vị vũ trang Lào lần lượt đánh thắng quân Pháp, chiếm lại những căn cứ trước đây đã mất như Xiềng Khọ, Bunlapha, Mường Mộc, Mường Noòng,…

Đầu năm 1947, bộ đội Tây Tiến đánh thẳng sang Sầm Nưa, gây tiếng vang lớn, trong khi đó, một đơn vị vũ trang mang tên Phạ Ngừm do ông Mừn Xổmvichít chỉ huy đánh địch ở khu vực Viêng Chăn. Ở Hạ Lào vào tháng 4-1947, thành lập hai đại đội độc lập mang tên Xay Chắccạphắt và Xaménthay do Hoàng thân Xuphanuvông tuyên bố thành lập, hoạt động tại vùng Chămpaxắc, Atôpư, đánh địch trên đường 13 và dọc sông Mê Kông. Tiếp đó, tháng 9-1947, Ủy ban kháng chiến Khu II (Tây bắc Lào) do ông Phumi Vôngvichít làm Chủ tịch. Đến năm 1948, ta tiếp tục gây căn cứ ở Mường Sủng, Pakhép (Thượng Lào), ở Mường Mô, Mường Dương và các vùng ở Đông Lào. Vì vậy, suốt thời gian từ năm 1946 đến năm 1948 là giai đoạn chuyển hướng chiến lược quan trọng của cách mạng Lào trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Đúng như Cayxỏn Phômvihản đã tổng kết:

“Phần lớn lực lượng kháng chiến đã chuyển về nông thôn, tiến hành cuộc vận động rộng lớn trong nhân dân các dân tộc, đoàn kết chiến đấu, phát động chiến tranh du kích, xây dựng lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng căn cứ địa kháng chiến và coi đó là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu của cách mạng lúc bấy giờ”(1).

Ngày 31-12-1947, Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu IV Việt Nam thành lập “Phòng Biên chính”. Phòng này chuyên làm công tác giúp cách mạng Lào. Bên cạnh Phòng Biên chính là cơ quan Ủy ban Kháng chiến hành chính do Nuhắc Phumxavẳn làm Chủ tịch và đại diện của Chính phủ lâm thời Lào Phếtxarạt. Hai cơ quan này có sự phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết các vấn đề chính trị, quân sự, tài chính cho Mặt trận Đông Lào.


(1) Cayxỏn Phômvihản: Một vài kinh nghiệm chính và một số vấn đề về phương hướng mới của cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, tr. 14-15.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười Một, 2012, 06:04:26 pm
Cuối năm 1947, Đội vũ trang tuyên truyền Lào - Việt, dưới sự chỉ huy của Cayxỏn Phômvihản và Thao Ma, từ Tây Bắc Việt Nam tiến về chiến đấu ở Xiềng Khọ. Được một thời gian, Cayxỏn Phômvihản lại trở sang Việt Nam để tham gia thành lập đội xung phong Bắc Lào.

Ngày 27-2-1948, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tổ chức Đội xung phong khu Bắc Lào, nhằm bổ sung thêm lực lượng kháng chiến cho cách mạng Lào.

Đội xung phong khu Bắc Lào trở về hoạt động tại Lào đã góp phần của mình vào cuộc kháng chiến chung của dân tộc. Khi đội tiến quân về Lào thì ở Lào lực lượng kháng chiến đã được triển khai ra cả nước. Đội xung phong khu Bắc Lào chủ yếu lấy ở lực lượng cán bộ, bộ đội công tác tại Trung đoàn 97 thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 10 của Việt Nam. Khi thành lập, đội chỉ có 16 người trong đó có bốn đồng chí người Lào và 12 đồng chí người Việt Nam do đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Đội trưởng và đồng chí Hoàng Đông Tùng(1) (người Việt Nam) làm Chính trị viên. Nhiệm vụ chủ yếu của đội là góp phần vào việc giúp lực lượng kháng chiến Lào xây dựng căn cứ cách mạng ở bốn tỉnh phía Bắc Lào là Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phôngsalỳ và Luổng Phạbang, lấy trung tâm là Lào Hùng, Phiêngxả, Moong Nam, Thà Luông thuộc huyện Xiềng Khọ, tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn).

Trước giờ hành quân về Lào, đội đóng quân tại một địa điểm thuộc tỉnh Phú Thọ của Việt Nam. Trước lúc lên đường, toàn đội họp bàn thống nhất quan điểm hoạt động xây dựng cơ sở cách mạng, tuyển thêm quân người Lào, dần dần xây dựng lực lượng lớn mạnh. Cán bộ, chiến sĩ của đội đã thề cùng nhau chịu đựng gian khổ, chịu đựng mọi thiếu thốn, đi sâu vào các làng bản vận động nhân dân, liên hệ mật thiết với quần chúng, hoàn thành nhiệm vụ. Anh em trong đội còn trao đổi với nhau một số kinh nghiệm hoạt động bí mật và kinh nghiệm xây dựng cơ sở.

Đội rời Phú Thọ vào một ngày tháng 4-1948 qua các địa phương của Việt Nam: Vũ Ẻn, Thanh Sơn, Mộc Hạ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Phiêng Sa. Phiêng Sa là một bản của người Mèo thuộc tỉnh Sơn La của Việt Nam. Đến Phiêng Sa, toàn đội dừng lại ít ngày để nắm tình hình trước khi hành quân vào đất Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản phái người sang đất Lào để nắm tình hình. Sau đó, đồng chí ra lệnh cho toàn đội hành quân qua biên giới Việt - Lào. Sang đất Lào, đồng chí chia nhỏ đội thành ba tổ xung kích tiến về phía Sầm Nưa, Mănghét và Xiêng Kho, làm nhiệm vụ bắt mối liên lạc với nhân dân địa phương. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Ban chỉ huy đội trong một cái hang thuộc bản Lao Măng. Các tổ xung kích sau khi làm nhiệm vụ về đều vào hang Lao Măng để báo cáo tình hình với đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Theo lời kể của Hoàng Đông Tùng, Chính trị viên của đội lúc ấy, thì tổ xung kích đi làm công tác dân vận ở Xiêng Kho đạt kết quả tốt nhất. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản có lần đã biểu dương tinh thần của tổ này. Hoạt động của Đội xung phong khu Bắc Lào ngày càng kết quả khi liên hệ được với nhân dân và các cơ sở cách mạng. Có những cụ già đã chỉ cho cán bộ của đội biết những hoạt động của thổ phỉ. Một cụ già bản được đội bắt mối tên là Mưnthíp. Cụ Mưnthíp có người cháu làm trung đội trưởng trung đội lính địch ở Xiêng Kho. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Ban chỉ huy đội đã quyết định làm công tác địch vận lôi kéo viên trung đội trưởng này. Qua một thời gian đi lại trao đổi, viên trung đội trưởng dần dần nhận ra lỗi lầm của mình và đã thuyết phục được cả trung đội của ông quay súng trở về với nhân dân, cùng nhau chiến đấu giải phóng Tổ quốc. Khi ta đánh chiếm đồn địch ở Xiêng Kho, nhờ có trung đội này làm tay trong, ta đã chiếm đồn mà không mất một viên đạn. Đây là một trong những thắng lợi lớn của Đội xung phong Bắc Lào do Cayxỏn Phômvihản làm Đội trưởng. Phải nói rằng, Đội trưởng Cayxỏn Phômvihản là người rất hăng hái động viên anh em trong đội đi làm công tác vận động nhân dân và giác ngộ binh lính địch. Đồng chí thường xuống bản cùng với anh em trong đội đi vận động đồng bào Hmông, đồng bào Lào Thơng, đồng bào Thái đen,… Do nói được tiếng Hmông và tiếng Lào Thơng, đồng chí đã được đồng bào Hmông và đồng bào Lào Thơng yêu quý như người con của họ.

Hoạt động hăng hái, sôi nổi, đầy tinh thần trách nhiệm trong Đội xung phong Bắc Lào, Cayxỏn Phômvihản ngày càng được anh em trong đội quý mến, các đồng chí đảng viên trong chi bộ rất có cảm tình với đồng chí. Vì vậy, đồng chí đã được toàn thể chi bộ Đội xung phong Bắc Lào nhất trí kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 6-1-1949, và trở thành đảng viên chính thức của Đảng vào ngày 28-7-1949. Lễ kết nạp đồng chí Cayxỏn Phômvihản vào Đảng được tổ chức trong một cái hang của bản Lao Măng thuộc tỉnh Sầm Nưa. Đứng dưới lá cờ của Đảng, Cayxỏn Phômvihản đã xin thề suốt đời chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng nhân dân các bộ tộc Lào.

Trong giờ phút thiêng liêng đó, Cayxỏn Phômvihản từ một người yêu nước trở thành một đảng viên cộng sản kiên cường của Đảng Cộng sản Đông Dương.


(1) Gia đình Hoàng Đông Thùng ở số nhà 396 B, phố Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười Một, 2012, 06:05:20 pm
Trong năm 1948, mối liên kết chiến đấu giữa Lào và Việt Nam trở nên thắm thiết. Theo yêu cầu của Chính phủ Lào, tháng 7-1948, đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Nam Trung Bộ Phạm Văn Đồng đã có cuộc gặp với đại diện Chính phủ độc lập lâm thời Lào Khămtày Xiphănđon để bàn bạc thành lập “Khu đặc biệt Lào”(1) nhằm triển khai lực lượng giúp Lào xây dựng cơ sở kháng chiến ở Hạ Lào.

Bước sang năm 1949, cách mạng Lào đã có những bước chuyển biến mới về chất. Các đoàn thể cứu quốc ra đời từ những năm trước như “Hội Lào Cùxạt”, “Hội Lào yêu nước Commađăm”, “Hội người Hmông cùxạt”… nay càng phát huy tốt tác dụng. Phong trào kháng chiến bám rễ xâu trong các vùng nông thôn. Khối đoàn kết của nhân dân các bộ tộc không ngừng được củng cố. Tháng 3-1949, Ủy ban kháng chiến khu Nam Lào Đắc Trưng thuộc tỉnh Atôpư được thành lập mà đồng chí Khămtày Xiphănđon là đại diện của Chính phủ kháng chiến Lào tại Ủy ban đã củng cố thêm cho các lực lượng cách mạng ở Nam Lào tiến lên những bước vững chắc. Ở Trung Lào (Khămmộn, Xavẳnnakhệt) với chủ trương “tiến về đồng bằng”, các đơn vị vũ trang công tác đã đi về các địa phương Mahả Xay, Hinbun, Mường Phìn, Kêngkọc, đường số 9, đường số 13… nối liền một dải kháng chiến khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Cùng với những chiến thắng ở Việt Nam, ở Campuchia, buộc thực dân Pháp phải thay đổi chiến lược từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang chiến lược đánh lâu dài theo phương châm “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, “dùng người bản xứ đánh người bản xứ”.

Chính phủ Pháp quyết định tăng quân vào Đông Dương. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng Cộng sản Đông dương chủ trương phá tan các cuộc tiến công của địch vào vùng căn cứ của ta, phát triển chiến tranh du kích bằng đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền và ban xung phong công tác. Phương châm chung vẫn lấy chiến tranh du kích là chính, tiến tới xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Về chính trị, ra sức củng cố khối đoàn kết toàn dân, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, củng cố chính quyền kháng chiến, đẩy mạnh các hoạt động đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Đầu năm 1949, với sự phát triển của cách mạng Đông Dương, Hội nghị cán bộ Đông Dương họp từ ngày 14 đến ngày 18-1-1949, quyết định mở rộng Mặt trận Lào, Campuchia. Hội nghị nhận định rằng, nếu Lào, Campuchia không giành được độc lập trở lại, thì nền độc lập của Việt Nam cũng khó bảo đảm. Vì vậy, việc mở rộng Mặt trận Lào, Campuchia là rất quan trọng và rất cần thiết, vừa có tính cơ bản lâu dài vừa có tính cấp bách. Xuất phát từ tinh thần đó, ngày 20-1-1949, tại tỉnh Hủa Phăn, Đội vũ trang Látxavông được thành lập.

Riêng về quân đội cách mạng Lào, trải qua những ngày chiến đấu và xây dựng lực lượng đã có sự trưởng thành. Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương thấy sự cần thiết thành lập quân đội Lào. Ngày 20-1-1949, Quân đội Lào Ítxalạ tuyên bố chính thức thành lập. Lễ thành lập Quân đội Lào Ítxalạ diễn ra tại đơn vị Látxavông ở xã Lào Hùng, huyện Xiêng Kho, tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn). Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được cử làm Tổng chỉ huy Quân đội Lào Ítxalạ ngay từ khi thành lập. Bộ chỉ huy tối cao Quân đội Lào Ítxalạ gồm các đồng chí Cayxỏn Phomvihản, Khămtày Xiphănđôn, Phun Xipaxớt và Thao Xingcapô Chunnạmali. Sự ra đời của Quân đội Lào Ítxalạ là tiền thân của Quân đội nhân dân Lào. Sống trong sự đùm bọc nuôi dưỡng của nhân dân các bộ tộc cả nước, các lực lượng vũ trang đã chiến đấu bền bỉ, liên tục, vừa đánh địch, vừa vận động nhân dân xây dựng cơ sở chính trị vững chắc, vừa chiến đấu, vừa làm công tác địch vận và tổ chức dân quân du kích chống địch càn quét. Sống trong dân, được nhân dân bảo vệ, Cayxỏn Phômvihản đã thoát được nhiều lần vây bắt của địch. Có lần địch càn quét làng bản, trong lúc ông đang công tác ở đó. Người chủ nhà lập tức giấu kín ông lên phái trên của căn nhà. Địch vào nhà không phát hiện được chỗ ông nấp. Khi địch rút khỏi bản rồi, chủ nhà mới bảo ông xuống một cách an toàn.

Cuộc chiến đấu giải phóng đất nước Lào vẫn tiếp tục. Quân đội Lào Ítxalạ (đơn vị Látxavông) tiến vào vùng ven sông Mã thuộc địa phần Xiêng Khọ. Đi tới đâu, bộ đội vừa tổ chức cơ sở nhân dân, xây dựng chính quyền mới, tiến hành công tác vận động binh lính địch, tổ chức dân quân du kích, vừa chống địch càn quét tới đó. Các mặt trận khác trên đất Lào cũng giành được thắng lợi.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng Lào, cách mạng Campuchia, tháng 2-1949, Đảng Cộng sản Đông Dương họp Hội nghị cán bộ Lào, Campuchia. Hội nghị nêu rõ những quan điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương trong việc giúp đỡ cách mạng Lào, cách mạng Campuchia là không đứng trên lợi ích của Việt Nam mà làm công tác Lào, Campuchia, mà trong việc giúp Lào, Campuchia, phải hoàn toàn đứng trên lập trường lợi ích của Lào, Campuchia; phải nắm chắc nguyên tắc dân tộc tự quyết. Những chủ trương gì có liên quan đến vận mệnh dân tộc Lào, Campuchia, phải do Lào, Campuchia tự quyết định lấy, phải giúp đỡ để Lào, Campuchia tự làm lấy công việc của mình. Hội nghị chỉ rõ nhiệm vụ cần kíp trước mắt là giúp Lào, Campuchia xây dựng một đảng cách mạng chân chính, xây dựng căn cứ địa cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang kháng chiến. Hội nghị quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng để phụ trách công tác giúp Lào, Campuchia.


(1) Khu đặc biệt Lào hoạt động trong thời gian ngắn. Tháng 2-1949, Khu đặc biệt Lào giải thể, thay vào đó là việc thành lập Khu Kháng chiến Hạ Lào.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười Một, 2012, 06:06:44 pm
Hội nghị cán bộ Việt - Lào họp từ ngày 8-5-1949 đến ngày 10-5-1949 đã kiểm điểm lại cuộc vận động cách mạng ở Đông Lào và kiểm điểm lại công tác phối hợp hoạt động Việt - Lào trong hai năm qua. Hội nghị nhận định:

“Hiện nay, trước sự thay đổi của tình hình cách mạng thế giới, cuộc vận động cách mạng Lào cũng cần phải phát triển để theo kịp sự thay đổi và phát triển của cách mạng thế giới nhất là Tầu và Việt Nam”(1).

Hội nghị đánh giá ở Đông Lào muốn cho phong trào được phát triển, phải kịp thời sửa chữa những khuyết điểm đã qua và phải tập trung gây dựng cơ sở quần chúng vững chắc trên nội địa Lào. Muốn vậy, phải thực hành thống nhất tư tưởng, hành động, chính sách, củng cố đoàn kết nội bộ Lào chặt chẽ, “củng cố sự đoàn kết hợp tác Việt - Lào, xây dựng trên nguyên tắc thân thiện cộng tác, bình đẳng tương trợ, với mục đích chống kẻ thù chung, giành độc lập thực sự của hai dân tộc”(2). Hội nghị xác định “chủ trương và hành động là nhằm lợi ích độc lập của hai dân tộc và với sự lãnh đạo của hai chính phủ Hồ Chí Minh và Fessarath”(3). Về hình thức tổ chức: 1) Hình thức liên quân về chính quyền và ngoại giao. 2) Hình thức sưu tầm tài liệu và nghiên cứu tình hình chung. 3) Hình thức trực tiếp chỉ huy và lãnh đạo. 4) Hình thức hoạt động chiến đấu.

Hội nghị cán bộ Việt - Lào đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng trong liên minh chiến đấu Lào - Việt.

Tháng 6-1949, đơn vị Látxavông vận động được 33 binh sĩ địch ra hàng. Đến tháng 11-1949, đơn vị cùng dân quân du kích phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam mở cuộc tiến công vào phòng tuyến Sông Mã bằng hình thức tiến công kết hợp với binh vận và nổi dậy của nhân dân, tiêu diệt cứ điểm Xiêng Khọ, một cứ điểm lớn ở vùng Nậm Mạ, bức rút và gọi đầu hàng 9 đơn vị khác của địch. Đơn vị đã giúp cho Ủy ban kháng chiến huyện Xiêng Khọ tuyên bố xóa bỏ chế độ cũ, chế độ “cuông”, “lam” và chia lại ruộng đất cho nông dân. Cayxỏn Phômvihản đã tham gia vào việc chỉ đạo thực hiện những công việc trên. Ông còn ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Bắc Lào tiến vào Mương Xon (tỉnh Hủa Phăn), Pácxeng (tỉnh Luổng Phạbang), Noọnghét, Mương Khăm (tỉnh Xiêng Khoảng), xây dựng lực lượng tổ chức nhân dân kháng chiến. Bộ chỉ huy quân đội Lào Ítxalạ và người cầm quân Cayxỏn Phômvihản cùng các đồng chí ở Tây Lào đã nghiên cứu đẩy mạnh việc củng cố và mở rộng phạm vi hoạt động đến Luổng Nậm Thà, Mương Xinh, Pắc Xeng, Pắc U, Mường Ngòi,… Tại các vùng này, chính quyền, dân quân du kích, các đoàn thể quần chúng dần dần được tổ chức. Số hội viên các đoàn thể quần chúng của các khu vực trên đã tăng nhanh từ 3.000 người (năm 1949) lên 5.000 người (năm 1950). Công tác đánh địch ở khu vực này cũng thu được kết quả tốt. Tháng 8-1949, bằng hình thức kết hợp giữa vũ trang và vận động binh lính địch, quân ta đã bao vây, gọi hàng được một trung đội địch đóng ở đồn Nậm Xương (tỉnh Luổng Phạbang). Có một sự kiện quan trọng là vào tháng 10-1949, quân và dân ta đã thành lập được Ủy ban Kháng chiến khu Viêng Chăn. Như vậy, lực lượng cách mạng đã có thêm một Ủy ban kháng chiến ở vùng Thủ đô. Lúc này, Chính phủ Lào Ítxalạ sau thời gian tạm thời sang đóng ở đất Thái Lan dần dần bị phân hóa và tuyên bố tự giải tán vào ngày 25-10-1949. Đứng trước tình hình đó, cùng ngày 25-101-194, tại Băng Cốc, Hoàng thân Xuphanuvông đại diện cho lực lượng kháng chiến đã họp báo lên án hành động phản bội của Khăm Mạo cùng đồng bọn và tuyên bố cuộc kháng chiến của nhân dân các bộ tộc Lào chống thực dân Pháp vẫn tiếp tục. Hoàng thân kêu gọi nhân dân cả nước đoàn kết kháng chiến, kiên quyết đấu tranh giành cho được độc lập, tự do của Tổ quốc. Như vậy, đến tháng 10-1949, Chính phủ lâm thời Lào Ítxalạ chính thức kết thúc vai trò lịch sử của nó. Trước đó, người Pháp đã dựng lên một Chính phủ bù nhìn Lào ở Thái Lan vào ngày 14-7-1949. Chính phủ Pháp đã ký với Chính phủ bù nhìn này một bản thỏa ước mới nhằm ve vãn bộ máy tay sai của Pháp ở Lào. Chính phủ bù nhìn này đã bị nhân dân các bộ tộc Lào lên án mạnh mẽ.

(http://www.unforgettable-laos.com/wp-content/uploads/2012/06/ScreenShot027.png)

Ngày 19-7-1949 vua Sisavang Vong đã ký Hiệp ước “Độc lập trong Liên hiệp Pháp”
với Tổng thống Pháp Vincent Auriol

Trong vòng gần một năm (từ tháng 10-1949 đến tháng 8-1950) ở Lào không có Chính phủ kháng chiến cấp trung ương. Những người cộng sản ở Lào và quân đội Lào Ítxalạ đã kề vai sát cánh với nhân dân các bộ tộc Lào, đoàn kết chiến đấu, kiên quyết đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Tuy không có Chính phủ kháng chiến ở Trung ương, Ủy ban kháng chiến các cấp vẫn được duy trì, củng cố và phát triển ở các địa phương. Bộ máy kháng chiến vẫn được chuyển động trong phạm vi cả nước. Khu giải phóng ở Bắc Lào và Nam Lào đã được thành lập. Nhiều vùng ở phía Tây bắc của Tổ quốc được giải phóng và bắt đầu xây dựng. Bộ đội và các lực lượng an ninh của cách mạng Lào luôn luôn được củng cố về tư tưởng và tổ chức. Sự chỉ đạo của cách mạng Lào đang được tiến tới thống nhất. Trên cương vị người chỉ huy cao nhất của quân đội Lào Ítxalạ, Cayxỏn Phômvihản luôn luôn quán triệt tinh thần về lòng trung thành của quân đội đối với Đảng và Tổ quốc. Chiến đấu vì nhân dân và dựa vào nhân dân mà chiến đấu là cơ sở chắc chắn nhất để giành thắng lợi cho cách mạng, là cơ sở để đưa cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của Lào không ngừng phát triển.

Cuối năm 1949, liên quân Lào - Việt liên tiếp mở các cuộc tiến công quân Pháp ở Nậm Mạ, đánh đồn địch ở Xiềng Khọ, bao vây quân Pháp ở Sầm Tớ, giải phóng một vùng rộng lớn bốn nghìn cây số vuông. Trên đà chiến thắng, liên quân Lào - Việt và lực lượng vũ trang Đông Bắc Lào mở các cuộc tiến công vào Mường Hon (Hủa Phăn), Pạc Xeng (Luổng Phạbang), Noọng Hét, Mường khăm (Xiêng Khoảng), giải phóng nhiều vùng rộng lớn và thiết lập chính quyền nhân dân ở những vùng đã được giải phóng, mở ra bước phát triển mới của cách mạng Lào.


(1) Nghị quyết Hội nghị cán bộ Việt - Lào họp từ ngày 8 đến ngày 10-5-1949 về công tác phối hợp Việt - Lào tại Đông Lào. Hội nghị này về phía Lào do Thao Nouhak chủ trì và phía Việt Nam do Nguyễn Tài chủ trì. Tài liệu lưu trữ tại Kho Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
(2), (3) Tlđd.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười Một, 2012, 06:09:57 pm
Từ năm 1950, cục diện chiến tranh ở Đông Dương có sự chuyển biến mới. Chiến trường Việt Nam bắt đầu chuyển mạnh sang thời kỳ tổng tiến công nhằm giành thắng lợi có tính chất quyết định. Nhìn toàn cục trên các chiến trường Đông Dương thấy rõ lực lượng đang nghiêng về phía cách mạng. Cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào đã có những bước phát triển mới về chất. Khó khăn lớn của cách mạng Đông Dương lúc này là đế quốc Mỹ ngày càng can thiệp sâu vào Đông Dương, giúp thực dân Pháp nhiều tiền của, vũ khí nhằm chống lại các lực lượng cách mạng ở Đông Dương. Sự can thiệp của Mỹ trên quy mô toàn Đông Dương biến Đông Dương thành một chiến trường nóng bỏng, một đơn vị chiến lược. Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (họp từ ngày 21-1 đến ngày 3-2-1950) nhận định Đông Dương là một đơn vị chiến lược, là một chiến trường “Vì những lý do đó, nhất là vì những lý do thuộc địa lý chiến lược, chúng ta không thể quan niệm một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập trong khi Cao Mên và Lào còn bị đế quốc chủ nghĩa đô hộ, cũng như chúng ta không thể quan niệm một nước Cao Mên, một nước Lào hoàn toàn độc lập, trong khi Việt Nam còn bị đế quốc chủ nghĩa thống trị”(1). Trung ương cho rằng, chiến tranh giải phóng Lào, Campuchia, nhất định phải có nhân dân Lào, Campuchia “trực tiếp tham gia thì mới đi tới thắng lợi nhanh chóng, mới đủ cơ sở vững chắc để khắc phục tất cả những sự khó khăn gay go có thể xảy ra sau này, do tình thế quốc tế phức tạp”(2). Nhà cách mạng, nhà lãnh đạo Cayxỏn Phômvihản thấm nhuân tư tưởng này, đã vận dụng vào tình hình cụ thể ở Lào và có mối liên hệ chặt chẽ với Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Muốn hoàn thành nhiệm vụ của giai đoạn chiến lược mới, vấn đề đặt ra đối với các nhà lãnh đạo cách mạng Lào là phải xúc tiến càng nhanh càng tốt vấn đề tổ chức Đại hội các lực lượng kháng chiến ở Lào để bầu ra Chính phủ kháng chiến mới. Các đồng chí Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn, Cayxỏn Phômvihản, Phumi Vôngvichít, Khămtày Xiphănđon, Thao Xingcapô Chunnạmali, Xixanạ Xixán… là những người tích cực chuẩn bị cho một Chính phủ kháng chiến mới. Công việc được chuẩn bị cho đến tháng 8-1950 thì hoàn thành.

Trước khi họp chính thức, Đại hội tổ chức họp trù bị tại một vùng giải phóng ở Đông Lào. Phumi Vôngvichít trong bài hồi ký: “Đồng chí Cayxỏn Phômvihản với Mặt trận Dân tộc thống nhất”(3) đã mô tả về đồng chí Cayxỏn Phômvihản tại cuộc họp trù bị Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào: “Đồng chí là một người trẻ tuổi, mặc quần áo và đội mũ lưỡi trai màu kaki, đó là đồng phục của đội Látxavông do đồng chí thành lập ở tỉnh Hủaphăn. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản có nét mặt khôi ngô, ánh mặt sắc sảo, thông minh, linh hoạt, đồng chí có cách nói và nụ cười rất duyên. Ngay từ buổi đầu chúng tôi đã nhận thấy đồng chí là người hiểu biết rộng, có tài năng, nhưng lại rất khiêm tốn, điều đó làm cho nhưng người ở gần càng kính trọng và yêu mến đồng chí. Bấy giờ đồng chí đã là đảng viên chính thức của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí thường đem lý luận Mác - Lênin và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh phổ biến cho chúng tôi trong thời gian chuẩn bị Đại hội”. Đồng chí Phumi Vôngvichít còn cho biết: “Trong ban trù bị Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đề cử đồng chí Xuphanuvông làm Chủ tịch; đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận làm Phó Chủ tịch Đại hội đại biểu Mặt trận Lào kháng chiến”.

Họp xong trù bị, các đại biểu lên đường sang Việt Nam để họp Đại hội chính thức. Từ một vùng giải phóng Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản sang Việt Nam dự Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào cùng với khoảng 150 đại biểu(4) các lực lượng kháng chiến trong toàn quốc bao gồm đại biểu các bộ tộc, các đoàn thể quần chúng, các giới, các tôn giáo, các khu kháng chiến đến các vùng còn bị địch kiểm soát. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản có lần đã nhớ lại chuyến đi từ Sầm Nưa (Lào) sang Việt Bắc (Việt Nam) dự Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào. Đó là một chuyến đi vất vả gian lao, vừa đi vừa đánh địch, lội suối, trèo đèo, dầm mưa, dãi nắng.

Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào(5) đã khai mạc từ ngày 13 đến ngày 15-8-1950, tại một địa điểm của tỉnh Tuyên Quang thuộc khu Việt Bắc của Việt Nam. Theo hồi ký của Phumi Vôngvichít thì “đồng chí Cayxỏn Phômvihản là người chủ trì, điều khiển mọi công việc của Đại hội. Đồng chí đề nghị với Đại hội thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất để lãnh đạo cuộc kháng chiến cứu nước, chống thực dân Pháp; đồng chí đề nghị Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ đạo bên trong. Những điều đồng chí đề nghị với Đại hội lần đó đều được toàn thể các đại biểu tán thành vì đều phù hợp với tình hình.

Đại hội đã thảo luận và thông qua Cương lĩnh với nội dung là đánh đổ thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và bè lũ tay sai bán nước; xây dựng một nước Lào độc lập, thống nhất và thịnh vượng; thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân, quyền bình đẳng của các bộ tộc, nam nữ bình đẳng; tự do tín ngưỡng; tịch thu tài sản của bọn thực dân Pháp và bọn tay sai bán nước; xóa các thứ thuế bất công; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập; cải thiện đời sống nhân dân các bộ tộc; xóa bỏ nạn mù chữ; phát triển nền văn hóa dân tộc; tăng cường tình đoàn kết quốc tế; góp phần giữ gìn hòa bình trên thế giới. Đây là Cương lĩnh chính trị, quân sự, văn hóa và xây dựng lại đất nước.


(1), (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, t. 11, tr. 114-115, 116.
(3) Cayxỏn Phômvihản - Người con của nhân dân, Ủy ban Khoa học xã hội Lào xuất bản, 1990.
(4) Về số lượng đại biểu dự Đại hội, có tài liệu nói 150 người, có tài liệu nói hơn 100 người. Về vấn đề này, cần được tiếp tục nghiên cứu.
(5) Từ trước tới nay, có nhiều cuốn sách, bài nghiên cứu đã viết chưa đúng tên Đại hội này. Có cuốn sách viết “Đại hội Quốc dân Lào”. Có cuốn sách viết là “Đại hội toàn quốc Mặt trận Lào kháng chiến”,… Tên gọi chính thức ghi trong các văn kiện của Đại hội là “Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào”.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười Một, 2012, 06:11:40 pm
Đại hội đã nhất trí thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất kháng chiến chống đế quốc, thực dân. Mặt trận này lấy tên là “Neo Lào Ítxalạ”.

Đại hội đã bầu ra Ban lãnh đạo Trung ương của Neo Lào Ítxalạ, gồm: Hoàng thân Xuphanuvông, Ủy viên Thường vụ, Chủ tịch; Thao Xingapô Chunnạmali, Ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch; Phanha Phumi Vôngvichít, Ủy viên Thường vụ, Thư ký; Thao Nuhắc Phumxavẳn, Ủy viên dự khuyết Thường vụ, đại diện cho công nhân; Thao Xixanạ Xixán, Ủy viên dự khuyết Thường vụ, đại diện cho lực lượng thanh niên; Thao Cayxon Phaxanản(1), Ủy viên Trung ương, đại diện khu Đông Bắc; Thao Mừn, Ủy viên Trung ương, đại diện khu Viêng Chăn; Thao Ma, Ủy viên Trung ương, đại diện khu Xavẳnnakhệt; Khămtày Xiphănđon, Ủy viên Trung ương, đại diện khu Nam Lào; Thao Khămlếc Xaynhaxít, Ủy viên Trung ương, đại diện người Lào tản cư và buôn bán; Pha Intapania, Ủy viên Trung ương, đại diện các nhà sư và thiểu số người Nhuôn; Thao Maykhănđi, Ủy viên Trung ương, đại diện nông dân và thiểu số người Lự; Thao Xithôn Commađăm, Ủy viên Trung ương, đại diện người Lào Thơng; Thao Nhia Vư, Ủy viên Trung ương, đại diện người Mèo; Thao Huche, tức Khămmọi, Ủy viên Trung ương, đại diện người Cọ.

Các đại biểu dự Đại hội cũng đã bầu ra Chính phủ kháng chiến và hào hợp dân tộc của Phathét Lào, thành phần gồm: Hoàng thân Xuphanuvông, Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Phama Phumi Vôngvichít, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Thao Cayxon Phaxanản, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Thao Nuhắc Phumxavẳn, Bộ trưởng Bộ Kinh tế tài chính; Chậu Xúc Vôngxắc, Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục; Thao Xithôn Commađăm, Bộ trưởng không giữ bộ nào; Thao Phay Đang, Bộ trưởng không giữ bộ nào.

Chức vị Quốc trưởng đã được Đại hội bầu, dành cho Hoàng thân Phêtxarạt(2). Hoàng thân sẽ đảm nhiệm trọng trách của mình khi Ngài tham gia Chính phủ kháng chiến. Trong lúc chờ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng được giao làm quyền Quốc trưởng.

(http://2.bp.blogspot.com/-EnV_AiOGLYE/UFqk0YFsIxI/AAAAAAAAOqM/_J-4Y8FAdI4/s1600/mm1.jpg)

Hoàng thân Phêtxarạt

Đại hội nhất trí lấy tiêu chí của nước Lào là:

“Pathét Lào
Độc lập - Thống nhất - Hùng cường”.

Đại hội xác định tên nước là Pathét Lào, quy định quốc kỳ, quốc ca Lào.

Đại hội ra tuyên bố kêu gọi nhân dân các bộ tộc Lào “gái trai, già trẻ, không phân biệt bộ tộc, tôn giáo, đoàn kết thành một khối kiên quyết kháng chiến đến cùng, đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi xứ sở, tiễu trừ bọn bán nước để giành độc lập và thống nhất thật sự cho đất nước, quốc dân Lào phản đối và chống lại mọi mưu mô can thiệp của bất kỳ một đế quốc nào…”(3).

Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào thành công là một sự kiện vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân các bộ tộc Lào, là tiếng kèn kêu gọi nhân dân tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn. Đây là cái mốc lịch sử, đánh dấu bước chuyển biến mới, cơ bản của cách mạng Lào trên các mặt chính trị, quân sự và ngoại giao. Sự ra đời của Pahét Lào chính là sự hình thành một nước Lào mới độc lập và thịnh vượng. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: “Mặt trận Lào Ítxalạ đã động viên được các tầng lớp quần chúng trong các bộ tộc đoàn kết đứng lên đấu tranh cứu nước, chống kẻ thù xâm lược và Mặt trận Lào Ítxalạ đã hoàn thành vai trò lịch sử của mình một cách vẻ vang bằng sự đánh thắng bọn thực dân Pháp”(4).

Tại Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào, Cayxỏn Phômvihản với tư cách là Tổng chỉ huy quân đội Lào Ítxalạ đã phát biểu ý kiến về vấn đề củng cố và phát triển các lực lượng vũ trang cách mạng Lào, phát triển khu căn cứ cách mạng, đánh địch ở nông thôn, rừng núi và thị xã, dựa vào nhân dân chiến đấu và giành thắng lợi.


(1) Thao Cayxon Phaxanản: tức Cayxỏn Phômvihản. Danh sách Ban lãnh đạo Trung ương của Neo Lào Ítxalạ dựa vào bức thư đề ngày 23-8-1950 của Hoàng thân Xuphanuvông gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thư viết bằng tiếng Pháp. Chữ “Thao Cayxon Phaxavản”, nguyên văn trong tiếng Pháp là “Thao Kaison Fansanan” (TG.).
(2) Theo thư của Hoàng thân Xuphanuvông.
(3) Văn kiện Đại hội các lực lượng kháng chiến Lào, tháng 8-1950. Tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản.
(4) Cayxỏn Phômvihản: Một vài kinh nghiệm chính và một số vấn đề phương hướng mới của cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, tr. 116.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười Một, 2012, 06:13:36 pm
Đại hội bế mạc, Cayxỏn Phômvihản nhanh chóng trở về Lào, tiếp tục chỉ huy những trân chiến đấu. Lúc này, các lực lượng vũ trang qua các đợt học tập về quân sự, chính trị đã có những bước trưởng thành mới về chất. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích có sự phối hợp chiến đấu tốt, đã phá tan nhiều cuộc càn quét của địch. Chủ động tiến công địch là phương thức có hiệu quả trong việc chống địch càn quét, bảo vệ vững chắc các căn cứ kháng chiến. Năm 1950 là năm phong trào có nhiều chuyển biến mới. Các khu căn cứ kháng chiến được củng cố từ Bắc Lào đến Nam Lào, Chính quyền các cấp thống nhất dưới hình thức Ủy ban quân chính, làm nhiệm vụ giáo dục, tổ chức nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Ngày 25-8-1950, Chính phủ kháng chiến Lào ban hành Nghị định số 3 về việc thành lập Ủy ban quân dân chính các khu, huyện, tỉnh trong toàn quốc. Tiếp đó là nhiều nghị định khác về tài chính, giáo dục,… lần lượt được ban hành nhằm xây dựng các khu căn cứ kháng chiến ngày càng vững mạnh. Hệ thống tổ chức Neo Lào Ítxalạ, được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, thu hút thêm hàng vạn người vào tổ chức, tạo thành sức mạnh đoàn kết toàn dân, chiến thắng thực dân xâm lược.

Cuối năm 1950, nhân dân ba nước Đông Dương đón nhận một sự kiện chính trị quan trọng: Hội nghị đại biểu của ba Mặt trận dân tộc thống nhất của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia họp từ ngày 20 đến 22-11-1950, tại căn cứ địa Việt Bắc của Việt Nam. Đoàn đại biểu Neo Lào Ítxalạ do Hoàng thân Xuphanuvông dẫn đầu, tham dự Hội nghị. Các đại biểu sau khi trao đổi ý kiến đã đồng ý với nhau những điểm căn bản về chính sách chung của ba Mặt trận dân tộc thống nhất và nhất trí đề ra nhiệm vụ xúc tiến việc thực hiện khối liên minh duy nhất của ba dân tộc Việt Nam - Lào - Campuchia trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng chủ quyền quốc gia và lãnh thổ của nhau, hết sức giúp đỡ nhau về mọi mặt để sự nghiệp giải phóng của ba dân tộc chóng hoàn thành.

Hội nghị đánh dấu một giai đoạn mới của tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Lào với nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia anh em, phấn đấu vì mục tiêu giành độc lập, tự do, dân chủ, phú cường cho mỗi nước.

Bước sang năm 1951, một sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của mỗi nước và của tinh thần đoàn kết chiến đấu ba nước là Đảng Cộng sản Đông Dương họp Đại hội lần thứ II.

Đoàn đại biểu Đảng bộ Lào tham dự Đại hội do Cayxỏn Phômvihản làm Trưởng đoàn.

Khi tới Việt Bắc của Việt Nam, Cayxỏn Phômvihản và Đoàn đại biểu Đảng bộ Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp. Trong hồi ký: “Bác Cayxỏn Phômvihản” của Xuvănthon Buphanuvông(1), đã kể lại buổi tiếp này: “Đoàn chúng tôi đến Phủ La vào dịp Tết Việt Nam, năm 1951. Một hôm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và dự bữa cơm đoàn kết với cán bộ Lào tại Phủ La, tôi mới thấy lại Bác Cayxỏn Phômvihản. So với hồi năm 1945 khi tôi gặp Bác tại Mường Phìn, Bác có gầy đi, nhưng vẫn nhanh nhẹn, ánh mắt sắc sảo. Bác bắt tay tôi rất chặt và nói: “Cố gắng công tác nhé!”. Tôi rất phấn khởi trước lời dặn dò của Bác và nghĩ rằng: nếu được ở gần Bác chắc sẽ học hỏi được nhiều điều. Sau khi Bác Hồ Chí Minh ra về một lúc thì một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ngay tại Phủ La, có đoàn đại biểu Mặt trận của Việt Nam, của Lào và của Campuchia tham dự. Tôi cũng vào dự mít tinh. Tôi còn nhớ chính Bác Khămtày Xiphănđon là người buộc lá cờ của ba nước vào sợi dây để kéo lên đỉnh cột. Trên trời, máy bay ném bom của địch lượn qua, lượn lại, nhưng tiếng nói của Bác Cayxỏn Phômvihản - một trong những người lãnh đạo đã lên phát biểu ý kiến về tình đoàn kết nhân dân ba nước Lào, Việt Nam và Campuchia đã vang khắp đồi núi vùng này”.

Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang thuộc khu Việt Bắc của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên từ khi ra đời, Đảng đã họp một đại hội có đông đủ đại biểu các đảng bộ của cả ba nước Lào, Việt Nam, Campuchia do bầu cử từ dưới lên. Dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 76 vạn đảng viên của các Đảng bộ Lào, Việt Nam, Campuchia.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo cáo chính trị tại Đại hội. Báo cáo chính trị khẳng định đường lối của Đảng đối với cách mạng Đông Dương là đúng. Nhiệm vụ của cách mạng lúc này là đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Người nói:

“Chúng ta kháng chiến, dân tộc bạn Miên, Lào cũng kháng chiến. Bọn thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ là kẻ thù của ta và dân tộc Miên, Lào. Vì vậy, ta phải ra sức giúp đỡ anh em Miên, Lào, giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào; và tiến đến thành lập Mặt trận thống nhất các dân tộc Việt - Miên - Lào”(2).

Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam được thông qua tại đại hội II, khẳng định dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với hai dân tộc Lào, Campuchia, giúp đỡ Lào, Campuchia, đồng thời giúp đỡ Lào, Campuchia xây dựng đất nước sau khi kháng chiến thành công.


(1) Hồi ký này đã được in trong cuốn sách Cayxỏn Phômvihản - Người con của nhân dân, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 87.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 6, tr. 174.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười Một, 2012, 06:17:53 pm
Đối với Việt Nam, Đại hội quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Còn đối với Lào và Campuchia, Đại hội quyết định sẽ tổ chức ở mỗi nước một đảng cách mạng riêng phù hợp với đặc điểm của từng nước. Đây là một quyết định đúng đắn, sáng suốt, phù hợp với tình hình mới và xu thế phát triển của cách mạng mỗi nước.

Đại hội thông qua Nghị quyết về cách mạng Lào, Campuchia:

1) Căn cứ theo tình hình cụ thể ở Ai Lao, Cao Miên, cách mạng Miên, Lào trong giai đoạn này là cách mạng dân tộc giải phóng. Nhiệm vụ cơ bản của nó là đoàn kết toàn dân, kháng chiến đánh đổ đế quốc xâm lược và các bọn bù nhìn tay sai của chúng, làm cho Ai Lao, Cao Miên hoàn toàn độc lập và thống nhất.

2) Nhưng trong khi làm nhiệm vụ cơ bản đó với điều kiện có lợi cho toàn dân đoàn kết kháng chiến, phải tiến hành thu hẹp và giảm bớt dần dần những hình thức bóc lột phong kiến, thi hành quyền tự do dân chủ thiết thực cho nhân dân để tiến lên dân chủ mới.

3) Đảng Lao động Việt Nam có nhiệm vụ giúp đỡ những đồng chí Lào, Campuchia thành lập ở mỗi nước có một Đảng cách mạng của nhân dân theo chủ nghĩa dân chủ, để lãnh đạo hai dân tộc Lào, Miên kháng chiến và kiến quốc”(1).

Trong những ngày dự Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương, Cayxỏn Phômvihản đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu về con đường phát triển của cách mạng Đông Dương nói chung, trong đó có cách mạng Lào, phân tích tính chất xã hội Lào, đối tượng cách mạng, lực lượng cách mạng ở Lào và vai trò lãnh đạo của cách mạng. Ông nhất trí với nhận định của Đại hội về cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Lào là “đoàn kết toàn dân, đánh đổ đế quốc xâm lược và cách mạng bù nhìn tay sai của chúng làm cho nước Lào hoàn toàn độc lập và thống nhất”. Trong khi làm nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, cách mạng Lào phải tiến hành thu hẹp và giảm bớt dần những tàn tích và hình thức bóc lột phong kiến, thi hành quyền tự do dân chủ thiết thực cho nhân dân.

Tại Đại hội, Cayxỏn Phômvihản còn nêu vấn đề tổ chức xây dựng Đảng cách mạng ở Lào trong tương lai. Ông cho rằng, chủ trương thành lập Đảng cách mạng ở mỗi nước là phù hợp với yêu cầu khách quan của sự phát triển và trưởng thành của cách mạng mỗi nước. Đại hội thấy rõ sự trưởng thành của cách mạng mỗi nước, cho nên đã đến lúc mỗi nước cần có một đảng chính trị cách mạng chân chính.

Trong thời gian dự Đại hội, Cayxỏn Phômvihản có dịp gặp lại Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau này, Ông đã nhiều lần kể lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Các đồng chí Lào cần cố gắng thành lập cho được Đảng cách mạng và ra sức củng cố Đảng để Đảng có đủ sức lãnh đạo cuộc cách mạng trên đất nước Lào. Về phía mình, Việt Nam luôn luôn sẵn sàng ủng hộ và giúp đỡ các đồng chí Lào. Có Đảng cách mạng Lào lãnh đạo nhân dân Lào, có sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân Việt Nam và các nước bè bạn, cách mạng Lào nhất định thắng lợi; cán bộ Lào cần tin vào sức mình”(2).

Tại Đại hội II, Cayxỏn Phômvihản nhận được cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” của X.Y.Z. (một bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1947). Ông đọc cuốn này một cách say sưa. Trong kháng chiến cũng như trong những ngày hòa bình xây dựng đất nước, ông vẫn thường xuyên mang cuốn sách này ra đọc. Có lần ông nói với chuyên gia Việt Nam: “Đây là cuốn sách gối đầu giường của tôi”. Theo ông, “Sửa đổi lối làm việc” là cuốn sách rất quý giúp cho việc xây dựng một đảng cách mạng, xác định một cách rõ ràng về tư cách của một đảng cách mạng chân chính, gánh vác sứ mạng làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho nước nhà độc lập, thống nhất, giàu mạnh, nhân dân ấm no, tự do, hạnh phúc. Vì là người lãnh đạo của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đảng đó phải luôn luôn đứng về phía nhân dân, bênh vực quyền lợi của nhân dân, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, đem tinh thần yêu nước và cần, kiệm, liêm, chính mà giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Dựa vào lực lượng vô cùng to lớn của nhân dân, Đảng cần lựa chọn những người trung thành và hăng hái trong nhân dân, đoàn kết họ thành hạt nhân trung liên lãnh đạo và tập hợp nhân dân kết thành một khối, cùng nhau chung sức chung lòng phấn đấu cho sự nghiệp của Đảng. Tư cách của đảng cách mạng chân chính được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem trọng đồng thời với vấn đề cán bộ, một vấn đề nóng bỏng cho mọi giai đoạn cách mạng mà Người đã tập trung phân tích sâu sắc, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Cayxỏn Phômvihản rất tâm đắc với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(3). “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(4). “Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn”(5). Người cán bộ phải có quan điểm nhân dân sâu sắc:

“Dân chúng rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng.
Vì vậy chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng…
Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được.
Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(6).

Xixanạ Xixán nói: “Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận thấy việc thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất có lợi cho cách mạng Lào”(7).


(1) Tài liệu lưu trữ tại Kho Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
(2) Xixanạ Xixán: Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân; sđd, tr. 13.
(3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 269, 273, 275, 293.
(7) Xixanạ Xixán: Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân; sđd, tr. 13.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười Một, 2012, 06:18:53 pm
Sau Đại hội II, Cayxỏn Phômvihản triệu tập Hội nghị đại biểu đảng viên của Đảng bộ Lào để lập ra “Nhóm nhân dân Lào”, tiếp tục lãnh đạo cách mạng Lào. Cayxỏn Phômvihản được Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương giao nhiệm vụ cùng với các đồng chí Lào chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức để thành lập Đảng cách mạng Lào.

Cách mạng Lào càng trưởng thành càng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ cùng nhau về hành động giữa cách mạng Lào với cách mạng Việt Nam và cách mạng Campuchia. Sự liên minh nhân dân ba nước càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, ngày 11-3-1951, Hội nghị liên minh Việt - Miên - Lào họp tại Việt Bắc (Việt Nam). Dự Hội nghị gồm các đại biểu ba Mặt trận dân tộc thống nhất của ba nước Lào, Việt Nam, Campuchia là Mặt trận Lào Ítxalạ (Lào), Mặt trận Liên Việt (Việt Nam), Mặt trận Ítxarắc (Campuchia). Đoàn đại biểu mặt trận Lào Ítxalạ do Hoàng thân Xuphanuvông làm Trưởng đoàn tham dự Hội nghị.

(http://www.baothainguyen.org.vn/UserFiles/image/20120615175500_LAD_8250.jpg)

Đại hội liên minh Việt - Miên - Lào tại chiến khu Việt bắc tháng 3-1951

Hội nghị đã ra Nghị quyết và Tuyên ngôn. Nghị quyết và Tuyên ngôn nhận định cuộc kháng chiến của Lào, Việt Nam, Campuchia đều có kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Cuộc kháng chiến của ba dân tộc Việt, Lào, Campuchia là một bộ phận khăn khít của phong trào hòa bình và dân chủ thế giới. Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt, Lào, Campuchia là đánh đuổi thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, làm cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia hoàn toàn độc lập. “Xây dựng ba quốc gia mới, làm cho nhân dân ba nước Việt Nam, Cao Miên, Ai Lao được tự do, sung sướng và tiến bộ. Thành lập khối liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào, dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tương trợ và tôn trọng chủ quyền của nhau; định một chương trình hoạt động chung của khối liên minh nhân dân ba nước gồm mấy điểm lớn sau đây: a) Tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân và toàn diện, để tiêu diệt thực dân Pháp, đánh bại bọn can thiệp Mỹ, làm cho ba nước hoàn toàn giải phóng. b) Tăng cường khối liên minh Việt - Miên - Lào, chống mọi âm mưu chia rẽ của địch, làm cho ba dân tộc hiểu nhau và đoàn kết chặt chẽ với nhau. c) Hết sức giúp đỡ nhau về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, kinh nghiệm và cán bộ. d) Giúp đỡ nhau thiết lập và tăng cường mỗi liên hệ với các nước dân chủ, làm cho thế giới hiểu rõ và ủng hộ cuộc kháng chiến của ba dân tộc”(1).

Hội nghị nhất trí thành lập Ủy ban liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào, gồm đại biểu Mặt trận dân tộc của ba nước, để thực hiện mục đích và chương rình hành động nói trên.

Hội nghị kêu gọi nhân dân Việt Nam hãy đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Liên Việt; nhân dân Campuchia hãy đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Ítxarắc, nhân dân Lào hãy đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Là Ítxalạ, làm cho khối liên minh Việt, Lào, Campuchia ngày càng thêm vững chắc, đẩy mạnh cuộc kháng chiến của ba dân tộc mau đến thắng lợi, củng cố và phát triển chính quyền dân tộc và nhân dân ở ba nước.

Hội nghị kêu gọi nhân dân thế giới và các dân tộc bị áp bức hãy ủng hộ khối liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chính nghĩa và giành độc lập, tự do cho mỗi nước.

Sự hình thành mặt trận liên minh nhân dân ba nước là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của cách mạng Đông Dương. Nó giáng một đòn vào chính sách “chia để trị” của chủ nghĩa đế quốc.

Cayxỏn Phômvihản hoan nghênh việc thành lập liên minh nhân dân Việt - Miên - Lào, coi đây là một mốc lịch sử quan trọng của tình đoàn kết chiến đấu của ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia.

Tháng 6-1952, Hội nghị liên minh Việt - Miên - Lào họp đánh giá kết quả và rút ra những kinh nghiệm thiết thực sau hơn một năm phối hợp chiến đấu giữa nhân dân ba nước, đồng thời đề ra nhiệm vụ của cuộc kháng chiến của ba dân tộc trong tình hình mới.

Ngày 14-9-1952, Hội nghị cán bộ Mặt trận Việt - Miên -Lào lần thứ nhất họp tại Việt Bắc, Việt Nam, thống nhất nhận định tình hình cách mạng của mỗi nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng mỗi nước trên cơ sở liên minh chiến đấu giữa ba nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Hội nghị và phát biểu ý kiến, bày tỏ: Chính phủ, Mặt trận và nhân dân Việt Nam ra sức giúp đỡ Mặt trận nhân dân Lào một cách không điều kiện. Cách mạng Lào không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Việt Nam và cách mạng cũng không thể thiếu sự giúp đỡ của cách mạng Lào. Chúng ta phải nhận rõ rằng, hai dân tộc Lào, Campuchia có được giải phóng thì Việt Nam mới được giải phóng thật sự và hoàn toàn.


(1) Nghị quyết của Hội nghị liên minh Việt - Miên – Lào, ngày 11-3-1951. Tài liệu lưu trữ tại Kho Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 14 Tháng Mười Một, 2012, 06:19:50 pm
Cách mạng Đông Dương càng trưởng thành, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ càng lo sợ. Chúng tìm mọi cách đối phó lại. Tháng 12-1950, Chính phủ Pháp cử Đại tướng Đờlát Đờ Tátxinhi sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh kiêm Cao ủy Pháp tại Đông Dương. Đờlát Đờ Tátxinhi gấp rút tập trung quân, phát triển ngụy quân, tăng cường càn quét, chuẩn bị phản công lại các lực lượng cách mạng giành quyền chủ động về chiến lược. Tại Lào, trong hai năm (1951-1952), quân đội Pháp tăng cường càn quét các vùng căn cứ kháng chiến, bình định, gom dân, bắt lính, lập đồn bốt, đẩy mạnh các hoạt động thổ phỉ biệt kích, phá rối hậu phương. Hơn 10 nghìn lính tay sai của Pháp ở Lào đã thay nhau đi càn quét, đánh phá các cơ sở của ta.

Cayxỏn Phômvihản đã chỉ huy các lực lượng vũ trang cùng nhân dân kiên cường chiến đấu, bẻ gãy các cuộc hành quân của địch, bảo vệ nhân dân, giữ vững các căn cứ kháng chiến. Ngày 15-4-1951, bộ đội chủ lực Bắc Lào đánh trận phục kích trên đường Sầm Nưa -Mường Liệt, tiêu diệt và bắt sống 380 tên địch, trong đó có 17 lính Âu - Phi. Ngày 24-4-1951, bộ đội địa phương tỉnh Luổng Phạbang dùng chiến thuật bao vây, diệt gọn Xốpvăn. Thời gian này, quân đội Lào Ítxalạ phối hợp với bộ đội Việt Nam đánh địch trên đường số 7, giải phóng Bản Ban, Cánh đồng Chum. Đồng chí Phumi Vôngvichít tổ chức cuộc mít tinh lớn mừng chiến thắng ở Bản Ban. Ngày 15-6-1952, bộ đội tỉnh Hủaphăn tiến công tiêu diệt gần một đại đội địch ở đồn Pắc Lao. Du kích Bản Huột (Bôlôven), Mường Noong (Xavẳnnakhệt), Keo Xẹt (Xiêng Khoảng), Phukhun, Mẹt (Viêng Chăn) dùng vũ khí thô sơ như hầm chông, cạm bẫy, súng tự chế chiến đấu chống càn quét, bảo vệ bản mường. Tính từ cuối năm 1950 đến cuối năm 1952, quân và dân Lào bẻ gãy hàng chục cuộc càn quét lớn của địch ở Viêng Chăn, Luổng Phạbang, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa, Xalavăn, Atôpư… Chiến tranh nhân dân ở Lào phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đấu tranh vũ trang đã kết hợp có kết quả với đấu tranh chính trị. Cơ sở chính trị được phát triển sâu vào các thành phố, thị xã như Pắcxế, Xavẳnnakhệt, Viêng Chăn,… Cayxỏn Phômvihản đã chỉ đạo sát phong trào đấu tranh chính trị với việc củng cố chính quyền cách mạng. Trong các vùng căn cứ kháng chiến, chính quyền cách mạng các cấp tích cực động viên nhân dân sản xuất, cấp cho nhân dân các công cụ sản xuất, muối ăn và các hàng tiêu dùng nhằm ổn định đời sống, củng cố hậu phương. Trình độ dân trí của nhân dân bước đầu được nâng cao bằng việc học văn hóa. Phong trào xóa nạn mù chữ được phát động ở nông thôn và miền núi.

Trên mặt trận ngoại giao, Mặt trận Lào Ítxalạ đã tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới. Mặt trận Lào Ítxalạ đã cử đoàn đại biểu của mình dự Hội nghị hòa bình châu Á và Thái Bình Dương họp tại Bắc Kinh, tháng 1-1952, dự Đại hội hòa bình thế giới họp tại Viên (nước Áo) vào tháng 12-1952 và Đại hội liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới họp tại Bucarét (Rumani), v.v. Tại các diễn đàn này, tiếng nói chính nghĩa của nhân dân Lào đã vang lên gây xúc động trong bầu bạn bốn biển năm châu. Nhiều nước lên tiếng đòi chấm dứt chiến tranh ở Lào. Nhờ có các hoạt động ngoại giao mà nhân dân thế giới đã hiểu rõ về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Lào. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

“Thắng lợi của nhân dân Lào cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, là thắng lợi chung của khối liên minh Lào - Miên - Việt đoàn kết đấu tranh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ”(1).

Tình hình Lào trong năm 1952 có những diễn biến mới. Thực dân Pháp tăng quân, xây dựng 11 cứ điểm ở Sầm Nưa, bố trí ba tiểu đoàn bộ binh, một đại đội pháo binh đánh chiếm Thượng Lào. Cayxỏn Phômvihản cho đây là âm mưu ngăn chặn từ xa của thực dân Pháp nhằm phá vỡ thế liên hoàn kháng chiến giữa Lào và Việt Nam. Nhà lãnh đạo chiến lược Cayxỏn Phômvihản và Chính phủ kháng chiến Lào đặt quyết tâm rất cao phá tan âm mưu này của Pháp trên đất Lào.

Tháng 9-1952, diễn ra Hội nghị Quân chính thượng Lào lần thứ nhất để kiểm điểm về sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội Lào và quân tình nguyện Việt Nam tại Lào. Hội nghị nhận định trong thời gian qua, tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt được củng cố một bước, biểu lộ ý thức chung trong công tác thực tế. Trong chiến dịch tuyên truyền, chúng ta đã thực sự đề cao vai trò chủ chốt của quân và dân Lào. Cán bộ, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã sát cánh hoạt động cùng cán bộ, chiến sĩ Lào, đã nhìn rõ và tin tưởng ở khả năng của anh em Lào, tinh thần kháng chiến của nhân dân Lào. Hai bên đã đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với nhau trong suốt thời gian chiến dịch. Thái độ của cán bộ, chiến sĩ Việt Nam đối với nhân dân Lào nhiều nơi đã giữ được đúng mức, được dân tin, dân mến. Nói chung, mối liên hệ giữa cán bộ, bộ đội Việt Nam với cán bộ, bộ đội và nhân dân Lào đã tiến bộ, chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, Hội nghị cũng thẳng thắn nhận định rằng: cán bộ, bộ đội Việt Nam chưa thật sự tin tưởng một cách sâu sắc vào nhân dân và cán bộ Lào; chưa nắm vững phương châm giúp nhân dân Lào làm việc, chứ không phải làm thay công việc của người Lào, cho nên còn có hiện tượng bao biện; chưa thực sự chăm lo đời sống của nhân dân để xây dựng tình đoàn kết Việt Nam, Lào.

Cán bộ, bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào đã nhận ra những thiếu sót do các đồng chí Lào góp ý để sửa chữa kịp thời, tiếp tục củng cố mối quan hệ tốt đẹp giữa cán bộ và bộ đội Việt Nam với cán bộ, bộ đội và nhân dân Lào.


(1) Báo Nhân dân, số 70, ra ngày 14-8-1952.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Mười Một, 2012, 08:26:33 am
Đầu năm 1953, đồng chí Cayxỏn Phômvihản có cuộc trao đổi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tình hình và nhiệm vụ quân sự ở Lào sau khi Pháp tăng quân đánh chiếm Thượng Lào. Hai vị tổng chỉ huy của quân đội cách mạng hai nước nhất trí đề nghị Chính phủ kháng chiến hai nước Lào - Việt cho phối hợp mở chiến dịch Thượng Lào. Đề nghị được Chính phủ kháng chiến của hai nước chấp nhận. Vì vậy, chiến dịch Thượng Lào được mở ra từ ngày 8-4-1953 đến ngày 3-5-1953, thì hết thúc thắng lợi. Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Xuphanuvông cùng hành quân với các đơn vị ở hướng chính của chiến dịch. Quân đội Lào Ítxalạ phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam mở đợt tiến công chính vào Sầm Nưa. Bộ đội của hai nước gặp nhau ở đường số 7 và khu vực sông Nậm U. Cuộc phối hợp chiến đấu diễn ra hoàn hảo. Sau những trận chiến đấu gay go ác liệt, liên quân hai nước đã tiêu diệt và bắt sống gần hết quân địch ở thị xã Sầm Nưa. Tính chung, quân ta đã tiêu diệt 2.800 tên địch. Tại đường số 7, bộ đội kháng chiến tiêu diệt cứ điểm Noọnghét, buộc địch rút khỏi Bản Ban. Ngoài ra, các lực lượng kháng chiến còn tiến công địch ở Mường Khóa (thuộc tỉnh Phôngsalỳ), Mường Ngoài, Pắcxeng (thuộc tỉnh Luộng Phạbang) và bức rút bốn cứ điểm khác ở dọc sông Nậm U. Ngày 16-4-1953, thị xã Sầm Nưa được giải phóng. Ngày 19-4-1953, thị xã Xiêng Khoảng được giải phóng. Tiếp đó, toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần lớn tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Phôngsalỳ với trên 3 vạn km2 và 300 nghìn dân được giải phóng. “Việc giải phóng Sầm Nưa là một thắng lợi lớn trong cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ của Lào. Chúng ta không những giành được một vùng chiến lược quan trọng mà còn tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Việc giải phóng Sầm Nưa tạo điều kiện mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân ta”(1). Chiến sự còn diễn ra ở Luổng Phạbang, Viêng Chăn, Chămpaxắc, Xalavăn, Atôpư và nhiều vùng khác ở Lào. Bộ đội chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích đánh địch trên các trục đường giao thông, các hang ổ của bọn phi, tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã phát biểu trong buổi họp rút kinh nghiệm chiến đấu ở mặt trận Thượng Lào đánh giá đây là bước trưởng thành lớn của quân đội cách mạng Lào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một sự phối hợp chiến đấu tuyệt vời, ăn ý, rất hiểu nhau của quân đội cách mạng hai nước Lào - Việt Nam. Đó là sự liên minh chiến đấu bền vững của quân đội và nhân dân hai nước đã đi vào lịch sử của hai dân tộc trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm với những trang chói lọi, hào hùng nhất.

(http://ns5.upanh.com/b1.s33.d1/00700b72a0c8b6ea129ea8b4e8bb718d_51295225.1.jpg)

Vượt lên những ngày gian khổ, quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Tháng 12-1953, quân đội Lào Ítxalạ cùng với quân tình nguyện Việt Nam mở cuộc tiến công vào Trung Lào, đánh hai trận lớn ở Khămhe và Banaphào thuộc tỉnh Khămmuộn, tiêu diệt một tiểu đoàn pháo 105 ly và hai tiểu đoàn cơ động của địch, làm sập hệ thống phòng thủ kiên cố nhất của địch ở Trung Lào. Ngày 24-12-1953, quân ta tiến công giải phóng thị trấn Khămcợt, ngày 25-12-1953, giải phóng thị xã Thàkhẹc. Đường số 13 bị cắt làm nhiều đoạn. Quân đội hai nước Lào - Việt phối hợp chặt chẽ, đánh như cuốn chiếu, dồn địch vào thế bị động, lúng túng. Sợ quân kháng chiến đánh trào xuống Nam Lào, tướng Pháp Nava phải cấp tốc điều hai tiểu đoàn cơ động tinh nhuệ tăng viện cho quân của chúng đóng ở Xênô (Nam Lào) để ngăn chặn quân kháng chiến. Việc làm của Nava không ngăn cản được sức tiến công của quân kháng chiến. Quân ta bao vây căn cứ Xênô, giải phóng thị xã Atôpư, một phần tỉnh Xalavan và toàn bộ cao nguyện Bôlôven.


(1) Tuyên bố của Chính phủ kháng chiến Lào. Tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Quốc gia Lào.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Mười Một, 2012, 08:27:23 am
Các đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Khămtày Xiphănđon coi thắng lợi ở Trung Lào và Nam Lào cuối năm 1953 là thắng lợi toàn diện về quân sự trong tình thế chiến đấu gay go giữa quân ta và quân địch. Nó tạo ra những điều kiện thuận lợi mới để đẩy mạnh phối hợp chiến trường trong Đông Xuân 1953-1954. Các nhà lãnh đạo cách mạng Lào nhìn rõ khả năng của một vùng giải phóng rộng lớn ở Lào nối liền với vùng giải phóng Tây Bắc của Việt Nam, tạo thành thế uy hiếp mới đối với thực dân Pháp xâm lược. Mâu thuẫn đối với thực dân Pháp lúc này là mâu thuẫn giữa “chiếm đóng” và “bình định”, giữa tập trung hay phân tán lực lượng ra toàn Đông Dương. Đã đến lúc Pháp muốn thoát ra khỏi chiến tranh trong danh dự. Chính phủ Lanien (Laniel) muốn giữ Lào trong tay Pháp cũng như những quyền lợi có thể giữ được cho Pháp ở Việt Nam và Campuchia.

Tháng 5-1953, Chính phủ Pháp cử Đại tướng Henri Nava sang Đông Dương lập kế hoạch bình định ba nước trong vòng 18 tháng. Kế hoạch Nava thể hiện nỗ lực cao nhất của Pháp và Mỹ trong hai năm 1953-1954 nhằm tạo khả năng đánh bại quân chủ lực Việt Nam, từ đó mà giành lại quyền chủ động đã mất trên chiến trường. Đế quốc Mỹ sau việc chấm dứt chiến tranh ở Triều Tiên vào năm 1953, đã ép Pháp tiếp tục chiến tranh ở Lào, Việt Nam và Campcuhia, đồng thời Mỹ bắt đầu nắm chắc bọn tay sai thân Mỹ ở Lào, Việt Nam và Campuchia, chuẩn bị điều kiện thế chân Pháp ở Đông Dương.

Ngày 22-10-1953, tại Pari, đại diện Chính phủ Pháp đã ký với chính quyền Viêng Chăn hiệp định “hợp tác thân thiện” với những chiêu bài “độc lập”, “tự chủ” nhằm cô lập các lực lượng kháng chiến ở Lào. Về sự kiện này, Cayxỏn Phômvihản cho đây là một bộ phận của âm mưu “chia để trị” của Pháp và Mỹ.

Kế hoạch Nava đã xúc tiến ở chiến trường Lào bằng biện pháp bắt lính, bổ sung quân chiếm đóng, tổ chức các đội biệt kích đánh phá các vùng kháng chiến, lập tuyến chiến đấu ở phía bắc sông Mê Kông, tuyến sông Nậm U có 10 tiểu đoàn chiến đấu cơ động, tăng hai tiểu đoàn bộ binh và một đơn vị pháo binh cho Thàkhẹc để bảo vệ Trung Lào, tăng cường thổ phỉ biệt kích ở khu Pathí thuộc tỉnh Sầm Nưa để hoạt động chống phá các cơ sở cách mạng ở Thượng Lào (Bắc Lào)… Về mặt chính trị, Pháp và Mỹ đã cho Chính phủ Vương quốc Lào đặt đại sứ tại các nước Mỹ, Anh, Pháp, Thái Lan nhằm tạo lợi thế chính trị và ngoại giao cho ngụy quyền Viêng Chăn khi có giải pháp chính trị.

Phải nói rằng, kế hoạch Nava đã gây nhiều khó khăn cho cách mạng Lào. Có lúc chúng đã đánh chiếm thu hẹp vùng giải phóng của ta. Chúng tung các đội biệt kích, thám báo chui sâu vào vùng giải phóng, vào các căn cứ cách mạng để bắt các cán bộ, trước hết là bắt các lãnh tụ đầu não của cách mạng Lào. Cayxỏn Phômvihản là một trong những đối tượng chủ yếu mà chúng săn lùng. Lúc này, Bộ chỉ huy quân sự của ông đóng ở Sầm Nưa. Cuộc sống của ông lúc này rất gian khổ Nhiều hôm không còn bát gạo nào, ông đã cùng anh em cận vệ đi đào củ mài nướng ăn. Có hôm, ông bị sốt rét, nằm li bì mất mấy ngày mới gượng dậy được. Sống trong hoàn cảnh đó, Cayxỏn Phômvihản luôn luôn động viên anh em gắng sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Ông rất coi trọng huấn luyện chính trị và quân sự cho bộ đội, nhất là môn bắn súng giỏi để tiêu diệt bọn phỉ đang ấn nấp trong núi rừng. Ông có một khẩu súng ngắn, thường cùng anh em cận vệ bắn thi. Mỗi lần bắn thi, ai đạt loại giỏi, ông thưởng ngay cho một khẩu súng mới. Ông vẫn thường căn dặn anh em: “Không bắn súng giỏi thì không bảo vệ được”. Các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Xiphănđon là những người chỉ huy quân sự rất chịu khó luyện tập bắn súng, cho nên trở thành những người bắn giỏi.

Năm 1953 là năm nhà chỉ huy Cayxỏn Phômvihản thường xuyên xuống các cơ sở, các làng bản để nắm tình hình. Ông nói: “Nếu không nắm được dân, cách mạng không thể thắng lợi”. Từ Bộ chỉ huy đi xuống các bản, Cayxỏn Phoôvihản thường đi ngựa. Nhưng cũng có hôm ông phải đi bộ. Ông có thói quen là mỗi khi gặp dân bản, dù chỉ một vài người, cũng nói cho họ nghe về đường lối kháng chiến của chính phủ cách mạng và Mặt trận Lào Ítxalạ, nói chuyện về chiến tranh nhân dân và tổ chức làng bản chiến đấu. Nhân dân trong bản rất quý mến ông, thường mời ông uống rượu nếu cẩm, ăn cá luộc, thịt luộc, xôi trắng. Ông thường mời cả gia đình ngồi ăn chung cho vui. Chủ nhà không muốn để cho con cái ngồi ăn cùng thượng khách. Thấy vậy, ông nói: “Việc ăn uống cẩn bình đẳng, không có chuyện thứ bậc”. Nạkhon Xỉxanon(1), trong buổi tiếp chúng tôi vào ngày 1-10-1993, đã kể lại: “Năm 1953, có lần tôi đi bảo vệ cho đồng chí Cayxỏn Phômvihản xuống bản công tác. Chúng tôi đến thăm một gia đình. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói chuyện về cuộc kháng chiến cho gia đình đó nghe. Nghe xong, gia đình mời chúng tôi ăn cơm. Khi cơm được dọn ra, tôi ăn trước 1-2 thìa. Chủ nhà thấy vậy cười nói: “Thằng này ăn trước quan”. Lúc ra về, đồng chí Cayxỏn Phômvihản bảo tôi: “Không cần phải ăn trước, vì làm như vậy nhân dân sẽ bảo chúng ta không tin họ. Nhân dân rất tốt, chúng ta phải tin vào dân. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản là một trong những người lãnh đạo Lào có một lòng tin sâu sắc nơi nhân dân”.


(1) Nạkhon Xỉxanon có thời gian làm bảo vệ cho Cayxỏn Phômvihản, đã qua các chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Bí thư Tỉnh ủy Bôlikhămxay.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Mười Một, 2012, 08:27:48 am
Vào thời gian cuối năm 1953, Cayxỏn Phômvihản đã gặp một số cán bộ quân đội ban việc tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang Lào. Ông chỉ rõ: Lúc này đi đôi với việc xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng, chúng ta phải hết sức chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, vì đặc điểm của cách mạng Lào là tiến hành đấu tranh vũ trang xuyên suốt. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta phải dốc sức xây dựng quân đội mạnh, làm chỗ dựa vững chắc cho lực lượng chính trị của quần chúng phát triển. Ông nhấn mạnh lực lượng vũ trang nhân dân vừa có tính chất là lực lượng chiến đấu, vừa là lực lượng chính trị của Đảng. Quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra và vì nhân dân chiến đấu. Sau lần làm việc với một số cán bộ quân sự cao cấp, ông đã chỉ thị thành lập thêm một số đơn vị quân đội làm nhiệm vụ mở rộng phạm vi chiến đấu. Bộ đội chủ lực được tăng cường, bộ đội địa phương và dân quân du kích được củng cố. Mỗi tỉnh có một đại đội, mỗi mương (huyện) có ít nhất từ một đến hai trung đội, động viên thanh niên tham gia bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Bên cạnh đó, lực lượng cách mạng của quần chúng cũng được phát triển mạnh.

Một cuộc tiến công chiến lược mới được ráo riết chuẩn bị vào cuối năm 1953. Chính phủ kháng chiến và Bộ chỉ huy tối cao quân đội ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia thống nhất phối hợp mở cuộc tiến công chiến lược mùa khô 1953-1954 (gọi là chiến lược Đông Xuân 1953-1954) nhằm đập tan những âm mưu của kế hoạch Nava, giành thắng lợi có tính chất quyết định trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam, Lào, Campuchia.

Để đưa cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 đến toàn thắng, Chính phủ kháng chiến và Bộ chỉ huy quân đội Lào Ítxalạ triển khai gấp các cơ sở hậu cần ở Nậm Xương, Nậm U (Bắc Lào) chuẩn bị phối hợp với quân đội cách mạng Việt Nam mở cuộc chiến đấu.

Tháng 12-1953, quân đội Lào Ítxalạ được quân tình nguyện Việt Nam giúp sức, mở cuộc tiến công vào Trung Lào, đánh hai trận lớn ở Khămhe và Banaphào thuộc tỉnh Khămmuộn, diệt một tiểu đoàn pháo 105 ly và hai tiểu đoàn cơ động của địch, làm sập hệ thống phòng thủ kiên cố nhất của địch ở Trung Lào, Cayxỏn Phômvihản chỉ huy chung, Khăntày Xiphănđon trực tiếp chỉ huy một số chiến dịch, trong đó có chiến dịch Thàkhẹc. Ngày 24-12-1953, quân ta tiến vào giải phóng thị trấn Khămcợt. Ngày 25-12-1953, giải phóng thị xã Thàkhẹc. Đường số 13 bị chia cắt làm nhiều đoạn. Sợ quân kháng chiến đánh tràn xuống Nam Lào, tướng Pháp là Nava phải cấp tốc điều hai tiểu đoàn cơ động tinh nhuệ tăng viện cho quân của chúng ở Xênô (Nam Lào) để ngăn chặn quân kháng chiến. Việc làm của Nava không ngăn cản được sức tiến công của quân kháng chiến. Quân ta bao vây căn cứ Xênô, giải phóng thị xã Atôpư, một phần tỉnh Xalavan và toàn bộ cao nguyên Bôlôven. Vùng giải phóng Lào được mở rộng từ Sầm Nưa đến đường số 9, từ núi Trường Sơn đến sông Mê Kông.

Đầu năm 1954, liên quân Lào - Việt mở cuộc tiến công lên Bắc Lào, đánh tuyến phòng thủ của địch ở Nậm U, tỉnh Luổng Phạbang, tiêu diệt cứ điểm địch ở Mường Khóa, Mường Ngoài, Nậm Ngà. Quân và dân các vùng Viêng Chăn, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Khăm Muộn… tiếp tục tiến công tiêu diệt địch, bắt sống hàng nghìn tên, thu nhiều chiến lợi phẩm.

Trong lúc quân và dân Lào mở cuộc tiến công địch khắp nơi, tại Việt Nam, ngày 26-1-1954, bộ đội chủ lực Việt Nam mở cuộc tiến công vào Kon Tum, giải phóng bắc Tây Nguyên, rộng 16 nghìn km2 với 20 vạn dân, nối liền vùng giải phóng của Lào với vùng giải phóng của Việt Nam. Riêng ở Lào, vùng giải phóng lúc này đã mở rộng, chiếm 1/2 đất đai và 1/3 dân số trong toàn quốc.

Để phối hợp với chiến trường Đông Dương, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ của Việt Nam sắp mở, Trung ương Neo Lào Ítxalạ và Chính phủ kháng chiến Lào họp hội nghị ở Việt Bắc, Việt Nam. Hội nghị bàn cụ thể về những trận đánh sắp tới ở Lào nhằm mở rộng vùng giải phóng của Lào.

Sau hội nghị, các đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Khămtày Xiphănđon gặp nhau ở Sầm Nưa để bàn việc củng cố và phát triển quân đội, chuẩn bị mở những cuộc tiến công lớn hơn. Sau đó, Cayxỏn Phômvihản rời Bắc Lào xuống kiểm tra tình hình ở Trung Lào. Ông đi thăm các đơn vị bộ đội, làm việc với một số cán bộ ở Trung Lào, gặp gỡ và nói chuyện với nhân dân. Ông nhận định cách mạng Trung Lào đang có những bước phát triển mới. Tuy vậy, lực lượng còn mỏng, việc tổ chức chiến đấu chưa chặt chẽ. Cách mạng Trung Lào cần phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân Lào, Việt Nam, Campuchia đánh cùng một lúc trên nhiều chiến trường, buộc quân đội Pháp phải căng mỏng lực lượng ra nhiều nơi, dồn kế hoạch Nava vào thế bị động, lúng túng. Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương rút kinh nghiệm tập trung lực lượng ở Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược. Họ tính rằng, nếu đè bẹp được Quân đội nhân dân Việt Nam ở Điện Biên Phủ, thì sẽ giành lại được hế chủ động trên chiến trường Đông Dương. Nuôi hy vọng là thế, nhưng kết cục lại mang về thất bại chua cay.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Mười Một, 2012, 08:29:06 am
Ngày 13-3-1954, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân chủ lực Việt Nam mở cuộc tiến công như vũ bão vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Qua 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, ngày 7-5-1954, bộ đội cách mạng Việt Nam đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, diệt và bắt sống 16 nghìn tên địch. Tướng Pháp Đờ Cátxtơri chỉ huy mặt trận và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm đã phải đầu hàng Quân đội nhân dân Việt Nam. Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược lớn nhất kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam. Nó cũng mở màn để kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp ở Lào và Campuchia. Giành được thắng lợi to lớn đó, quân và dân Việt Nam đã thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “đánh chắc, tiến chắc”, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.

Trong những ngày Việt Nam mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tại Lào, Cayxỏn Phômvihản và Bộ chỉ huy quân đội Lào Ítxalạ đã mở một số trận đánh quân Pháp ở Lào, nhằm giữ chân chúng lại, không cho tiếp viện sang Điện Biên Phủ. Vấn đề này thể hiện thiện chí đặc biệt và sự giúp đỡ rất quý báu của quân và dân Lào đối với Việt Nam.

Trong khi Quân đội nhân dân Việt Nam đang bao vây địch ở Điện Biên Phủ và bộ đội cách mạng Lào đang đánh mạnh quân Pháp ở Trung Lào, Hạ Lào, thì Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định cử Sư đoàn 308 phối hợp với lực lượng vũ trang Lào mở chiến dịch Thượng Lào lần thứ hai.

Sau gần một tháng tiến công địch, liên quân Lào - Việt đã đánh thiệt hại nặng quân địch ở Mường Khỏa (ngày 31-1-1954), Mường Ngòi, Nậm Ngà (ngày 3-2-1954), giải phóng hoàn toàn lưu vực sông Nậm U và tỉnh Phôngsalỳ (tháng 2-1954), làm cho phòng tuyến sông Nậm U nối Thượng Lào và Điện Biên Phủ bị uy hiếp nghiêm trọng. Trong chiến dịch Thượng Lào lần thứ hai, liên quân Lào - Việt đã tiêu diệt một tiểu đoàn lính lê dương, ba đại đội lính tay sai của Pháp ở Lào, giải phóng một vùng rộng lớn có tầm chiến lược, đẩy quân đội Pháp ở Lào vào thế cô lập, đồng thời, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực Việt Minh tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tại Hạ Lào, trong hai tháng đầu năm 1954, quân và dân Nam Lào đã cùng với quân chủ lực Việt Nam đánh trả quyết liệt quân Pháp và tay sai của Pháp ở Lào, tiêu diệt gần 3.000 tên địch, giải phóng Atôpư, cao nguyên Bôlôven và Nam Xaravan với hơn 20 nghìn km2, nối liền vùng giải phóng Trung Lào với Nam Lào.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mở ra trên toàn chiến trường Đông Dương đã kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954 sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ gian khổ.

Tin Điện Biên Phủ chiến thắng, nhân dân Lào hết sức vui mừng. Thủ tướng Xuphanuvông thay mặt nhân dân và quân đội kháng chiến Lào gửi điện chúc mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Bức điện có đoạn:

“Chiến thắng Điện Biên Phủ có ảnh hưởng và giá trị vô cùng to lớn đối với cuộc kháng chiến chung của ba nước Việt - Miên - Lào và đối với phong trào chiến tranh bảo vệ hòa bình thế giới hiện nay, đặc biệt, đối với Pathét Lào, nhất là đối với Thượng Lào,… Các bạn chiến đấu ở Điện Biên Phủ hiện nay, ngoài nhiệm vụ giải phóng cho đất nước các bạn, chính các bạn cũng đang làm nhiệm vụ giúp đỡ đẩy mạnh cuộc kháng chiến của Pathét Lào”(1).

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản kêu gọi quân đội Lào Ítxalạ học tập và rút kinh nghiệm mở chiến dịch Điện Biên Phủ để đánh thắng quân Pháp trên chiến trường Lào.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng trăm vị trí của Pháp đã rút khỏi Lào. Hơn nửa số dân đã được giải phóng. Tại Việt Nam và Campuchia quân đội Pháp co lại và rút dần. Tình hình đó buộc Chính phủ Pháp và Chính phủ Mỹ phải nghĩ đến cuộc đàm phán. Đánh không xong, bây giờ phải đàm. Đó là một giải pháp “rút trong danh dự” của quân đội Pháp.

Hội nghị bàn việc chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương đã họp tại thành phố Giơnevơ của Thụy Sĩ từ ngày 8-5-1954 đến ngày 27-5-1954. Ngày 20-8-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, quy định ngừng bắn ở Đông Dương, không được lập căn cứ quân sự nước ngoài ở Đông Dương. Các nước tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương. Đối với Lào, Hiệp định Giơnevơ công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào. Pathét Lào là lực lượng chính trị độc lập hợp pháp, có quân đội, có vùng tập kết là hai tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn) và Phôngsalỳ ở Bắc Lào. Để tiến tới thống nhất đất nước, Hiệp định quy định các nhà đương cục hai bên (phía Pathét Lào và Chính phủ Vương quốc Lào) sẽ tiến hành hiệp thương, định ra giải pháp chính trị, trên cơ sở bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân bằng tổng tuyển cử tự do.

Hội nghị Giơnevơ kết thúc với cái được và cái chưa được đối với Lào. Việc cho các lực lượng kháng chiến ở lào chỉ được tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngsalỳ chưa phản ánh đúng thực chất những chiến thắng mà quân và dân Lào đã giành được trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Vì vậy, tuy có lập lại hòa bình, nhưng là một nền hòa bình chưa vững chắc, vì đế quốc Mỹ vẫn nuôi tham vọng thay Pháp ở Lào, chuẩn bị một cuộc chiến tranh mới. Dù sao, Hội nghị Giơnevơ và Hiệp định Giơnevơ vẫn trang bị cho chúng ta những gì cần thiết nhất để đến khi phải đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lược mới do đế quốc Mỹ gây ra. Dù sao, đây cũng là một thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Lào, làm cho cục diện của cách mạng Lào thay đổi có lợi cho nhân dân Lào, làm cho thế và lực của cách mạng Lào lớn mạnh vượt bậc. Thắng lợi này đã làm sụp đổ ý chí xâm lược của chủ nghĩa thực dân, góp phần vào thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã nói:

“Đây là một thắng lợi lịch sử của nhân dân Lào cũng như của nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia, kết thúc ách thống trị hơn 60 năm của thực dân Pháp trên đất nước ta, góp phần mở đầu và thúc đẩy quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới”(2).


(1) Báo Quân đội Nhân dân, số ra ngày 26-4-1954.
(2) Cayxỏn Phômvihản: 25 chiến đấu và thắng lợi của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1980, tr. 16.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Mười Một, 2012, 08:32:52 am
Quân và dân Lào đã chiến đấu suốt 9 năm gian khổ, đi được một đoạn đường quan trọng. Tuy vùng giải phóng còn nhỏ hẹp với hai tỉnh miền núi thưa dân. Nhưng dù chỉ hai tỉnh thôi, cũng đủ để cho các lực lượng đế quốc và phản động phải suy nghĩ, ăn không ngon, ngủ không yên. Chúng cho rằng, hai tỉnh căn cứ cách mạng đó sẽ là bàn đạp cho những cuộc tiến công sắp tới của quân và dân Lào vào kẻ thù mới: đế quốc Mỹ. Chúng lo sợ vì một ngày nào đó cây thập tự sẽ cáo chung nền thống trị của Mỹ ở Lào. Còn nhân dân Lào thì ra sức chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai sau khi thực dân Pháp rút khỏi Lào.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Cayxỏn Phômvihản đã dành thời gian nghiên cứu, tổng kết một chặng đường lịch sử cách mạng Lào, rút ra những bài học cần thiết để chuẩn bị cho một đường lối mới, đưa cách mạng Lào tiếp tục tiến lên. Ngoài công việc chung của đất nước, của cách mạng, vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 34 tuổi (năm 1954) mới bắt đầu suy nghĩ đến mối tình riêng của mình. Vào ngày 20-10-1954, Cayxỏn Phômvihản cưới vợ là Thoong Vin một cán bộ phụ nữ rất xinh đẹp, làm công tác dân vận. Lễ cưới được tổ chức ở bản Nahia(1), huyện Viêngxoay, tỉnh Sầm Nưa, trong ngôi nhà của ông Xuphanuvông. Không khí lễ cưới diễn ra rất vui vẻ. Xuphanuvông buộc chỉ cổ tay cho hai người, tượng trưng cho sự chung thủy của tình yêu, tình nghĩa vợ chồng.

(http://ns1.upanh.com/b2.s33.d3/2aed8d2b256b596ce198fc5b769c25ec_51295221.cp1.jpg)

Gia đình đồng chí Cayxỏn Phômvihản chụp ảnh cùng đồng chí Chu Huy Mân,
trưởng đoàn chuyên gia Việt Nam sang giúp Lào (tháng 1 năm 1956)

Vào giai đoạn này, cách mạng Lào có sự trưởng thành vượt bậc. Cơ sở chính trị phát triển rộng khắp trong cả nước. Lực lượng lãnh đạo cách mạng được bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng. Xu thế phát triển đó đã dẫn đến việc thành lập Đảng Nhân dân Lào, nay là Đảng Nhân dân cách mạng Lào.

Công việc chuẩn bị cho Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào diễn ra từ sau Đại hội lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương (họp từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951).

Chúng ta biết rằng, trong một cuộc hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp trong các ngày 21, 22 và 23-6-1950 đã thảo luận sâu sắc vấn đề ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và trong Thông cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 7-1950) về việc đề nghị đổi tên Đảng, đã phân tích kỹ vấn đề có nên để ba nước cùng chung một Đảng không? Trung ương nhận thấy, Việt Nam, Lào, Campuchia là ba quốc gia riêng biệt. Trong Chiến tranh(2) và sau chiến tranh vừa rồi, ý thức dân tộc của nhân dân ba nước đó khá phát triển. Cách mạng Tháng Tám lại làm cho Việt Nam tách ra ngoài “Đông Dương thuộc Pháp” (Indochine Française), lập thành một nhà nước (Etat) dân chủ và độc lập”(3). “Ba dân tộc Việt, Mên, Lào cũng đang kháng chiến để tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược, chống bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập, dân chủ, bảo vệ hòa bình, nhưng riêng Việt Nam còn phải phát triển chế độ dân chủ nhân dân, xây dựng nền móng cho chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ của Việt Nam lúc này thực tế cao hơn nhiệm vụ Cao Mên và Ai Lao”(4). Trung ương Đảng nhận định rằng, vì muốn chinh phục Đông Dương, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ra sức ly gián cho các dân tộc Việt Nam, Lào, Campcuhia, gây chia rẽ nội bộ mỗi dân tộc đó, chia rẽ giai cấp công nhân và cô lập những người cộng sản của mỗi dân tộc đó. Vì vậy, vấn đề dặt ra đối với các dân tộc Đông Dương là phải thấy hết âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và muốn được tự do, giải phóng, các dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia phải đoàn kết nhất trí, nội bộ các dân tộc đó cũng phải thống nhất chặt chẽ. Chia rẽ nội bộ là mắc vào âm mưu của các thế lực thù địch. Muốn kháng chiến thắng lợi, mỗi quốc gia cần củng cố Mặt trận thống nhất chống xâm lược để giải phóng đất nước mình. “Việt Nam phải hết sức giúp đỡ Ai Lao, Cao Mên kháng chiến đến cùng, để giành độc lập thống nhất thực sự, chống bọn xâm lược bất cứ từ đâu lại”(5).

Trung ương nhận thấy “Việt Nam, Cao Mên, Ai Lao tuy là ba quốc gia thuộc bán đảo Đông Dương, cùng một kẻ thù chung là thực dân Pháp, nhưng trình độ khác nhau về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa”(6). Trung ương Đảng cũng giải thích rằng, tuy cách mạng Việt Nam cũng có mục đích đánh đổ đế quốc và tay sai, nhưng “nhiệm vụ cách mạng Việt Nam là hoàn thành giải phóng dân tộc, củng cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội, khác với nhiệm vụ cách mạng Cao Mên và Ai Lao là giải phóng dân tộc, lập chính quyền phản đế tiến tới chế độ dân chủ nhân dân. Vì vậy, Việt Nam, Cao Mên, Ai Lao mỗi nước cần có một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân riêng, với chương trình cách mạng riêng”(7).

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhất trí đề nghị với Đại hội lần thứ II của Đảng là “Đảng Cộng sản Đông Dương cần chia làm ba đảng của ba quốc gia Việt, Miên, Lào”(8). Nhiệm vụ của cách mạng của Lào là giải phóng dân tộc, lập chính quyền cách mạng tiến tới chế độ dân chủ nhân dân. Việc lập ba đảng riêng sẽ phát triển tính tích cực, chủ động của những người cộng sản mỗi nước. Hơn nữa ở Lào đã có những tổ chức cách mạng trung kiên. Đề nghị này của Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 6-1950) đã được Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng 2-1951) nhất trí.


(1) Có tài liệu nói lễ cưới Cayxỏn Phômvihản cùng Thoong Vin diễn ra ở Buaphả Tạy thuộc tỉnh Sầm Nưa.
(2) Ý nói Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945).
(3), (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 11, tr. 364.
(5), (6), (7), (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, sđd, t. 11, tr. 365, 366-367, 367, 366.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Mười Một, 2012, 08:35:51 am
Đồng chí Cayxỏn Phômvihản sau khi đi dự Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương về đã được phân công phụ trách công việc chuẩn bị để tiến tới thành lập Đảng Lào. Trong thời gian từ Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương (1951) đến khi thành lập Đảng Nhân dân Lào (1955), những người tiên tiến ở Lào vẫn có thể được kết nạp vào Đảng do những người cộng sản ở Lào giới thiệu và kết nạp.

Các ông Cayxỏn Phômvihản, Nuhắc Phumxavẳn, Khămtày Xiphănđon, Khămxẻng… đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào giai cấp công nhân và nhân dân lao động Lào, phác thảo một đường lối nhằm tiếp tục đưa cách mạng Lào tiến lên, cụ thể là tiếp tục cuộc chiến tranh giải phóng, xây dựng căn cứ địa vững chắc, thống nhất sự chỉ đạo về chính trị và quân sự, xây dựng quân đội cách mạng Lào trở thành lực lượng trụ cột, lôi cuốn toàn thể nhân dân Lào vào cuộc chiến tranh giải phóng, giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc Lào.

Công tác đào tạo cán bộ, kết nạp đảng viên là một trong những nhiệm vụ cực kỳ quan trọng để chuẩn bị cho việc ra đời của Đảng. Một trong những lớp đào tạo cán bộ để tiến tới thành lập Đảng phải kể đến lớp học ở Bò Phá, tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn). Chủ tịch Nuhắc Phumxavẳn là một trong những người phụ trách lớp học này có kể lại:

“Tháng 11-1954, để tiến tới thành lập Đảng Nhân dân Lào, chúng tôi đã đứng ra tổ chức lớp đào tạo cán bộ. Lớp được tổ chức ở Bò Phá thuộc tỉnh Sầm Nưa. Số cán bộ được đào tạo có khoảng 40 người. Nội dung học, chúng tôi đã chú trọng nói kỹ vấn đề xây dựng Đảng, về tư tưởng và tổ chức, đoàn kết trong Đảng, thống nhất hành động, xác định đường lối của Đảng. Lớp học này rất quan trọng, vì đây là lớp cán bộ cốt cán đầu tiên của Đảng. Thực chất đây là bước chuẩn bị quan trọng cho sự ra đời của Đảng Nhân dân Lào (sau này gọi là Đảng Nhân dân cách mạng Lào). Chúng tôi nhận thức rằng, muốn xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng cách mạng được tốt. phải có nhân tố con người, một nhân tố quyết định để đưa cách mạng đến thành công. Đạo đức của Đảng, lý tưởng cách mạng của Đảng, quan điểm quần chúng của Đảng đều do cán bộ, đảng viên làm nên. Vì vậy, trong công tác xây dựng Đảng phải hết sức chú ý đến vấn đề cán bộ, vấn đề đảng viên”(1).

Khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, Đại hội thành lập Đảng Lào bắt đầu họp từ ngày 22-3-1955 đến ngày 6-4-1955 tại một khu rừng ở tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn). Dự Đại hội có 20 đại biểu(2) thay mặt cho 400 đảng viên trong cả nước.

Đại hội đã diễn ra trong lúc tình hình có những biến chuyển mới. Sau khi thực dân Pháp thất bại ở Đông Dương, đế quốc Mỹ khẩn trương chuẩn bị hất cẳng Pháp, nhảy vào thay thế, âm mưu áp đặt chủ nghĩa thực dân mới vào Lào.

Về phía cách mạng Lào, trải qua cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, đã có sự lớn mạnh và trưởng thành về mọi mặt. Cơ sở chính trị được xây dựng trong cả nước. Cơ sở đảng có sự trưởng thành mới cả về số lượng và chất lượng. Lực lượng vũ trang cách mạng đã có những bước trưởng thành mới.

Tuy vậy cách mạng Lào cũng gặp phải những khó khăn. Các thế lực phản động đang có âm mưu xóa bỏ lực lượng cách mạng hai tỉnh tập kết Sầm Nưa (Hủa Phăn) và Phôngsalỳ. Chúng càn quét, khủng bố hòng dập tắt phong trào đấu tranh ở 10 tỉnh do chúng kiểm soát. Các đảng viên dự Đại hội đã nắm chắc tình hình của đất nước, cho nên đã nung nấu những ý kiến đóng góp xây dựng đường lối của Đảng nhằm giải quyết tiếp vấn đề Lào.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thay mặt cho Ban tổ chức và Ban trù bị Đại hội trình bảy bản Báo cáo chính trị thành lập Đảng. Sau khi nêu bật tình hình trong nước và quốc tế, Báo cáo chính trị nêu rõ điều kiện chủ quan và khách quan lúc này đã chín muồi để thành lập ở Lào một chính đảng của giai cấp công nhân nhằm lãnh đạo nhân dân Lào tiếp tục thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc. Báo cáo xác định mục đích và tính chất của Đảng là theo chủ nghĩa Mác - Lênin, kế tục sự nghiệp của Đảng Cộng sản Đông Dương và phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc. Đảng là đại biểu chân chính của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Lào. Đảng bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân các bộ tộc trong cả nước. Đảng lấy việc phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm phương châm chỉ đạo mọi hành động của mình. Đảng thu hút những người ưu tú nhất, trung thành nhất với Tổ quốc, với nhân dân trong tổ chức của mình.

Nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới là “đoàn kết, lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng”(3).


(1) Ghi theo lời kể của Chủ tịch Nuhắc Phumxavẳn, ngày 12-8-1993 với cán bộ Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản và chuyên gia Việt Nam tại Lào.
(2) Có tài liệu ghi 25 đại biểu dự Đại hội. Lại có tài liệu ghi 19 đại biểu dự Đại hội, thay mặt cho hơn 300 đảng viên trong cả nước. Về số liệu này cần được tiếp tục xác minh.
(3) Cayxỏn Phômvihản: “Báo cáo tại Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào”, in trong cuốn Về cuộc cách mạng dân chủ ở Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 9.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Mười Một, 2012, 08:39:51 am
Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang, Đảng đề ra Chương rình hành động gồm 12 điểm:

“1. Chống đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phá hoại Hiệp định đình chiến và bè lũ tay sai của chúng đang âm mưu phá hoại hòa bình, chia rẽ dân tộc ta, lôi cuốn nước ta vào khối xâm lược và kéo dài tình trạng nô dịch nước ta.

2. Đấu tranh đòi Chính phủ Nhà Vua phải thật thà hợp tác với các lực lượng Pathét Lào để thi hành Hiệp định đình chiến, củng cố hỏa bình, thực hiện tự do dân chủ, tiến hành tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước nhà, thành lập Chính phủ liên hiệp và hoàn thành độc lập dân tộc.

3. Đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi dựa trên cơ sở công nông liên minh.

4. Xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang và nửa vũ trang thành quân đội nhân dân để giữ vững căn cứ địa làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh chính trị và cột trụ bảo vệ hòa bình.

5. Cải thiện đời sống các tầng lớp nhân dân:

- Công nhân cần được bảo đảm công ăn việc làm và được đối đãi tử tế.

- Nông dân cần có ruộng, có rẫy đấu tranh phát triển nông nghiệp và bảo đảm đời sống.

- Lao động trí óc cần được trọng dụng và giúp đỡ để phát triển tài năng.

- Các nhà tư sản công thương cần được khuyến khích kinh doanh và buôn bán để mở mang công thương nghiệp.

- Các nhân sĩ yêu nước và các tù trưởng, tộc trưởng được chiếu cố một cách thích đáng.

6. Thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân: tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do đi lại,…

7. Thực hiện nam nữ bình quyền, thực hiện chính sách dân tộc bình đẳng và đoàn kết giữa các dân tộc, xóa bỏ các thù hằn, chia rẽ các dân tộc trong nước do thực dân và phong kiến gây ra.

8. Tôn trọng tự do tín ngưỡng và phong tục, tập quán của nhân dân và các bộ tộc, chống nạn mù chữ, phát triển văn hóa dân tộc.

9. Đối với ngoại kiều sinh sống ở nước Lào, tôn trọng chủ quyền, đọc lập của nước Lào thì được bảo đảm tính mạng tài sản và quyền tự do cư trú, kinh doanh.

10. Thân thiện với tất cả các nước nào tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Đặt quan hệ về mọi mặt giữa nước ta và các nước ấy trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi.

11. Tích cực đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt chú trọng cán bộ công nông, bộ tộc ít người.

12. Ra sức xây dựng Đảng Nhân dân Lào thành Đảng vững mạnh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đủ sức lãnh đạo cuộc cách mạng Lào đi đến thắng lợi cuối cùng”(1).

Chương trình 12 điểm thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng, thông thoáng, hoàn toàn phù hợp với đặc điểm của Lào.

Báo cáo chính trị xác định rõ ràng nhiệm vụ xây dựng Đảng lớn mạnh, đủ sức lãnh đạo cách mạng Lào tiến lên, hoàn thành nhiệm vụ của cách mạng giải phóng dân tộc ở Lào.

Đại hội thảo luận và thông qua Điều lệ Đảng, thống nhất lấy tên Đảng là “Đảng Nhân dân Lào”(2). Điều lệ Đảng nhấn mạnh cần tăng cường tính chất giai cấp công nhân và tính chất tiên phong của Đảng. Đảng kết nạp những người có giác ngộ quyền lợi giai cấp và quyền lợi dân tộc, trung thành với Đảng, được quần chúng tín nhiệm và có lịch sử chính trị rõ ràng.

Đại hội bầu Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng gồm các đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Nuhắc Phumxavẳn, Bunphôm Mahả Xay, Xixavạt Kẹo Bunphăn và Khămxẻng. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được cử làm Bí thư Ban Chỉ đạo Trung ương kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, về chính quyền là Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang cách mạng Lào. Đại hội ủy quyền cho Bản Chỉ đạo Trung ương Đảng, khi cần thiết, được quyền bổ sung ủy viên vào Ban Chỉ đạo(3).

Sự kiện thành lập Đảng Nhân dân Lào đánh dấu sự trưởng thành vẻ vang của cách mạng Lào, bước ngoặt lịch sử vĩ đại của nhân dân các bộ tộc Lào. Đảng ra đời là một bằng chứng nói lên con đường của cách mạng Lào sẽ mãi mãi tiến theo ngọn cờ tư tưởng vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, có đường lối chiến lược đúng đắn và sách lược vô cùng mềm dẻo, khôn khéo. Chiến lược và sách lược đó đã từng bước đưa cách mạng Lào tiến đến thành công. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã tổng kết:

“Việc thành lập Đảng Nhân dân Lào là sự kết hợp giữa phong trào yêu nước của nhân dân các bộ tộc Lào, phong trào công nhân và chủ nghĩa Mác - Lênin do đồng chí Hồ Chí Minh truyền bá vào Đông Dương”(4).

Sau Đại hội, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã cùng với[141] các đồng chí trong Bản Chỉ đạo Trung ương bắt tay vào việc dự thảo một kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng Đảng Lào thành một đảng cách mạng chân chính, vững mạnh.

Từ đây, cách mạng Lào bắt đầu bước sang trang sử mới.


(1) Cayxỏn Phômvihản: “Báo cáo tại Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào”, sđd, tr. 9-11.
(2) Đại hội II của Đảng, họp tháng 2-1972, quyết định đổi tên “Đảng Nhân dân Lào” thành “Đảng Nhân dân cách mạng Lào”.
(3) Từ năm 1955 đến năm 1963, Ban Chỉ đạo Trung ương đã bổ sung một số người vào Ban Chỉ đạo: Ngày 14-5-1955, bổ sung các ông Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít, Phun Xipaxớt. Năm 1956, bổ sung các ông Khămxúc, Xaynhaxẻng, Thítmuôn Xaochanthalạ, Xixỏmphom Lòvănxay, Khămtày Xiphănđon, Xômxưu. Năm 1961, bổ sung các ông Sannàn Sútthichắc, Phômma. Năm 1963, bổ sung ông Slyvông Khămxao.
(4) Cayxỏn Phômvihản: Về cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr. 87.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Mười Một, 2012, 08:40:50 am
Chương IV

CÙNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG LÃNH ĐẠO
CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
(1955-1975)

NHỮNG NĂM ĐẦU CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc thắng lợi, cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Lào bắt đầu.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Mỹ trực tiếp nhảy vào xâm lược Lào với âm mưu tiêu diệt cách mạng Lào, biến Lào thành căn cứ địa quân sự và thuộc địa kiểm mới của Mỹ. Vì vậy, Mỹ đã lôi kéo Đồng minh và chư hầu của Mỹ thành lập Khối Quân sự Đông Nam Á (SEATO). Ngày 8-9-1954, Mỹ ngang nhiên tuyên bố đặt miền Nam Việt Nam, Lào, Campuchia trong sự bảo hộ của khối xâm lược này. Cơ quan PEO(1) được thiết lập ở Viêng Chăn, nắm việc chỉ huy và xây dựng quân đội tay sai của Mỹ ở Lào. Tháng 11-1954, Mỹ lật đổ Chính phủ nhà vua thân Pháp, lập Chính phủ thân Mỹ ở Lào do Cảtài Đônxảxôlít làm Thủ tướng. Tháng 31-955, Mỹ viện trợ 50 triệu đôla, chủ yếu là viện trợ quân sự để xây dựng lực lượng quân sự tay sai của Mỹ ở Lào. Trong hai mùa khô 1954-1955 và 1955-1956, Mỹ huấn luyện 14 tiểu đoàn lính ngụy Viêng Chăn tiến công các đơn vị vũ trang Pathét Lào, đồng thời, tiến công vào hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngsalỳ. Những tỉnh khác, Mỹ bắt đầu triển khai chiến dịch khủng bố những người kháng chiến cũ.

Về phía cách mạng, sự ra đời của Đảng Nhân dân Lào đã tạo ra biến đổi về chất trong tiến trình đấu tranh cách mạng mới ở Lào, đặc biệt là giai đoạn cả nước đứng lên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản cùng tập thể Ban lãnh đạo của Đảng tập trung vào việc lãnh đạo xây dựng các đảng bộ địa phương và các tổ chức cơ sở Đảng. Vì vậy, cơ sở đảng được củng cố và phát triển nhanh chóng, đặc biệt là ở các vùng Bắc Lào.

Ngoài cương vị Bí thư thứ nhất của Ban lãnh đạo Đảng, trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương và Tư lệnh tối cao Quân đội cách mạng Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã dành nhiều công sức vào việc xây dựng các lực lượng vũ trang cách mạng về chính trị, tư tưởng, tổ chức.

Để đối phó với âm mưu của Mỹ, cách mạng Lào đã nhanh chóng chuyển từ hòa bình sang đấu tranh chính trị. Cuộc đấu tranh chính trị tiền đề của đấu tranh vũ trang ngay sau đó còn gay go gian khổn gấp nhiều lần so với cuộc kháng chiến chống Pháp.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản cùng với các nhà lãnh đạo cách mạng Lào đề ra chính sách hòa bình, trung lập nhằm tập hợp các lực lượng yêu nước lại cùng nhau đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Chính sách này đã đẩy tới xu thế đấu tranh cho một nước Lào hòa bình và hòa hợp dân tộc. Đảng Nhân dân Lào nhanh chóng xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích làm lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Ngoài việc cùng với tập thể các nhà lãnh đạo cách mạng Lào thiết kế một đường lối phù hợp chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Cayxỏn Phômvihản còn trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng cơ sở chính trị và chỉ đạo cuộc đấu tranh bảo vệ hai tỉnh tập kết là Sầm Nưa và Phôngsalỳ. Đồng chí chỉ thị cho cán bộ bám đất, bám dân, kịp thời khắc phục những “điểm trắng” bằng cách xây dựng lực lượng nòng cốt, tổ chức cơ sở đảng, làm hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng sau khi tiến hành Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào. Hội nghị Trung ương bàn biện pháp triển khai đường lối do Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào đề ra nhằm lãnh đạo toàn dân phấn đấu hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thực hiện một nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng. Từ chủ trương đấu tranh chính trị, cách mạng nhanh chóng chuyển sang chủ trương đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, tạo cơ sở đẩy mạnh đấu tranh hiệp thương nhằm cô lập đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ.

Đế quốc Mỹ đối phó lại bằng cách tăng cường quân đội và cảnh sát tai say, mua chuộc các thành viên trong Chính phủ, chậu, khoẻng, mường, đưa những người trung thành với Mỹ lên nắm những chức vụ cao.

Cuộc đàm phán giữa Chính phủ Vương quốc Lào và Pathét Lào tiến hành từ tháng 1-1955, tại Cánh đồng Chum (sau đó chuyển về Viêng Chăn) bi bế tắc. Cảtài Đônxảxôlít và Phủi Xananicon dựa vào đế quốc Mỹ tổ chức đánh chiếm hai tỉnh tập kết là Sầm Nưa và Phôngsalỳ. Âm mưu của họ là dùng sức mạnh đàn áp, tiêu diệt hoàn toàn lực lượng yêu nước Lào tại hai tỉnh này.


(1) PEO (Cục đánh giá Chương trình viện trợ) thành lập từ năm 1954 đến năm 1961, thì đổi tên thành MAAG (Phái đoàn cố vấn quân sự), sau lại đổi thành USOM (Cơ quan quân sự Mỹ).


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Mười Một, 2012, 08:42:03 am
Đối phó với âm mưu của phái Cảtài Đônxảxôlít và Phủi Xananicon, Đảng Nhân dân Lào đứng đầu là đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã lãnh đạo quân và dân hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngsalỳ liên tiếp bẻ gãy các cuộc tiến công lấn chiếm của quân Viêng Chăn, cùng các hoạt động phá hoại của biệt kích, thám báo, tiêu diệt nhiều địch, bảo vệ hai tỉnh giải phóng.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và các nhà lãnh đạo cách mạng Lào Nuhắc Phumxavẳn, Xuphanuvông, Khămtày Xiphănđon,… thấy rõ sự cấp thiết phải củng cố lực lượng cách mạng để đối phó với âm mưu của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng.

Đại hội Mặt trận Lào được triệu tập trong hoàn cảnh đó.

Đại hội khai mạc tại Sầm Nưa ngày 6-1-1956.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đến dự Đại hội, phát biểu ý kiến kêu gọi nhân dân đoàn kết quyết chiến và quyết thắng. Đồng chí cho rằng, trong điều kiện cụ thể của Lào, một nước có nhiều bộ tộc, trình độ phát triển không đều, trong khi đó kẻ thù lại có âm mưu chia rẽ các bộ tộc thì việc đoàn kết các bộ tộc trong cả nước hoàn thành một khối thống nhất là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng. Đại hội quyết định đổi tên Neo Lào Ítxalạ thành Neo Lào Hắcxạt do Xuphanuvông làm Chủ tịch.

Sau khi ra đời, Neo Lào Hắcxạt đã đem tiếng nói của Đảng đến với nhân dân các bộ tộc Lào. Trên thực tế, Neo Lào Hắcxạt đã trở thành công cụ có hiệu lực để thực hiện đường lối cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào.

Sự ra đời của Đảng Nhân dân Lào và sự ra đời của Neo Lào Hắcxạt là một bảo đảm vững chắc để đưa cách mạng Lào tiến lên.

Thông qua Neo Lào Hắcxạt, đường lối của Đảng được phát triển nhanh chóng ở Sầm Nưa, Phôngsalỳ và 10 tỉnh do chính quyền Vương quốc quản lý. Nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng và cán bộ của Neo Lào Hắcxạt ngày đêm lăn lộn với phong trào cách mạng của quần chúng, bám đất bám dân, kiên trì hoạt động, từng bước đưa cách mạng tiến lên.

Chính sách của Đảng trong lúc này là hòa bình trung lập, thực hiện hiệp thương chính trị. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản coi đó là đường lối phù hợp với tình hình ở Lào. Chính sách hòa bình trung lập được Hoàng thân Xuphanuvông tuyên bố công khai vào ngày 28-5-1956 đã gây tiếng vang lớn, nó không những tập hợp được đông đảo nhân dân các bộ tộc mà còn tranh thủ được các tầng lớp trung gian và lôi kéo được nhiều người trong Chính phủ, Quốc hội và hoàng tộc có xu hướng dân tộc, tán thành hòa bình trung lập.

Ngày 4-7-1956, trước sức ép của Quốc hội Viêng Chăn, Cảtày Đônxảxôlít buộc phải từ chức Thủ tướng Chính phủ Vương quốc. Hoàng thân Xuvănna Phuma thuộc phải trung lập được cử làm Thủ tướng mới ở Lào.

(http://t2.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcSyi8yEKQ_vthCrgGW8p5p1efpLZyyBDgDdw-Rb86A358FTafvWdAC1jmAm)

Hoàng thân Xuvănna Phuma

Buộc phải từ chức, Cảtày Đônxảxôlít sang Mỹ để xin viện trợ của Mỹ. Tháng 1-1957, Cảtài từ Mỹ trở về nước, dựng Bun Um (một hoàng thân phản động) lập một Chính phủ khác ở Nam Lào, làm cho tình hình chính trị ở Lào ngày càng phức tạp. Đối phó lại tình hình phức tạp này, đồng chí Cayxỏn Phômvihản chủ trương kiên trì đấu tranh chính trị, đấu tranh hiệp thương, đánh bại các cuộc tiến công lấn chiếm hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngsalỳ, duy trì và thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân 10 tỉnh, đưa cách mạng Lào vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.

(http://1.bp.blogspot.com/-vjl3JbNMwHY/UFK8htAcO0I/AAAAAAAAOLE/xlL34nT_3xM/s1600/00laos5.jpg)

Hoàng thân Bun Um


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Mười Một, 2012, 08:43:38 am
Nhờ kiên trì đấu tranh, đã dẫn tới sự ký kết Hiệp định Viêng Chăn giữa Chính phủ Vương quốc tới Neo Lào Hắcxạt vào ngày 2-11-1957. Hai bên thỏa thuận như sau: đình chỉ xung đột, thành lập Chính phủ liên hiệp có đại biểu Neo Lào Hắcxạt tham gia…

Ngày 25-12-1957, cơ quan đại diện Neo Lào Hắcxạt chính thức ra mắt và hoạt động công khai hợp pháp tại Viêng Chăn. Tiếp đó, ngày 1-1-1958, báo Lào Hắcxạt cơ quan ngôn luận của Neo Lào Hắcxạt ra số đầu tiên. Ngày 18-1-1958, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 Pathét Lào sáp nhập vào quân đội của Chính phủ liên hiệp. Đây là thắng lợi lớn bước đầu của đường lối đã vạch ra từ Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản coi đó là thời kỳ “hòa hợp trong cộng đồng quốc gia, tạo điều kiện để chúng ta triển khai lực lượng ra cả nước, kể cả vùng đô thị, đó là thời kỳ đấu tranh chính trị họp pháp và nửa hợp pháp”(1).

(http://www.unforgettable-laos.com/wp-content/uploads/2012/06/ScreenShot037.png)

Chính phủ liên hiệp lần thứ nhất năm 1957. Đứng hàng đầu bên trái là Hoàng thân Xuvănna Phuma và bên phải là Hoàng thân Xuphanuvông

Vào năm 1957, ở Lào có ba lực lượng: Chính phủ liên hiệp; Neo Lào Hắcxạt; lực lượng trung lập (tức Ủy ban hòa bình, trung lập, sau đổi thành Đảng hòa bình trung lập).

Neo Lào Hắcxạt chủ trương liên minh với lực lượng trung lập (lực lượng thứ ba). Đồng chí Cayxỏn Phômvihản cho rằng, liên minh với lực lượng trung lập và tranh thủ lực lượng của Chính phủ liên hiệp sẽ làm cho cách mạng Lào tiến lên nhanh chóng.

Đế quốc Mỹ quan sát thấy sự liên hiệp nay rõ ràng là có lợi cho phía Neo Lào Hắcxạt và bất lợi cho chúng. Vì vậy, chúng đã tìm cách phá sự liên hiệp đó. Ngày 16-8-1957, Mỹ dùng sức ép lật đổ Chính phủ liên hiệp của ông Xuvănna Phuma, dựng lên Chính phủ mới thân Mỹ do Phủi Xananicon làm Thủ tướng. Phủi Xananicon dựa vào sự viện trợ của Mỹ và được cố vấn quân sự Mỹ trực tiếp chỉ huy, huấn luyện, đã ra sức tăng nhanh quân đội từ 17 nghìn tên lên 400 nghìn tên. Phủi Xananicon dùng quân đội đó thực hiện sự khủng bố, đàn áp, giết hại những người yêu nước, nhất là ở các tỉnh Atôpư, Xaravăn, Xavẳnnakhệt, Phôngsalỳ, Sầm Nưa,… Phủi Xananicon đòi tước vũ khí của tiểu đoàn 1. Âm mưu sâu kín của Mỹ là thông qua tập đoàn phản động Phủi Xananicon xóa bỏ lực lượng vũ trang của cách mạng Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận định: “Bộ mặt cướp nước của đế quốc Mỹ và bộ mặt bán nước của bọn tay sai bị phơi bày ra ánh sáng”(2).

Trước tình hình đó, Đảng Nhân dân Lào, đứng đầu là đồng chí Cayxỏn Phômvihản, kịp thời chuyển hướng đấu tranh,từ đấu tranh chính trị, đấu tranh hiệp thương là chủ yếu sang đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, phát động nhân dân cả nước nổi dậy chống đế quốc Mỹ và tay sai. Đảng phát động chiến tranh du kích, phát động nhân dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị sục sôi ở cả nông thôn và thành thị, mở ra thời kỳ mới của cuộc đấu tranh cách mạng. Tuy vậy, về sách lược, Đảng vẫn chủ trương thực hiện chính sách hòa bình trung lập và hòa hợp dân tộc. Với sách lược mềm dẻo, khôn khéo, Neo Lào Hắcxạt chủ trương nhân nhượng với phái Viêng Chăn một số điểm. Để cho phía Viêng Chăn chịu ký kết hiệp nghị về chính sách hòa bình trung lập, phía Neo Lào Hắcxạt thay đổi sách lược, không yêu cầu giải tán Quốc hội Viêng Chăn mà trước đó, họ đã đề nghị giải tán, nhưng phải tổ chức tuyển cử bầu bổ sung thêm 21 đại biểu Quốc hội. Đề nghị này của Neo Lào Hắcxạt đã được phía Viêng Chăn đồng ý.

Neo Lào Hắcxạt cử 13 đại biểu ra ứng cử bầu bổ sung vào Quốc hội. Trong số 13 đại biểu này có đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Đồng chí về ứng cử tại tỉnh Atôpư. Sở dĩ đồng chí chọn Atôpư để ứng cử, vì Atôpư lúc này có cơ sở cách mạng khá vững, nhân dân sống đoàn kết và có cảm tình nhiều với Neo Lào Hắcxạt.


(1) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985, tr. 50.
(2) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr. 50.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:43:59 pm
Từ Sầm Nưa, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã vượt qua một chặng đường dài để đến Atôpư gặp các cử tri. Đồng chí xuống bản Inthi, bản Khăng, bản Chiêng, bản The, bản May, bản Cang thuộc huyện Xamắckhi Xay, nói chuyện với đồng bào. Có bản, nhân dân tập trung tại một bãi đất rộng, có bản nhân dân tập trung ngay trên đồng ruộng để nghe đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói chuyện. đồng chí phân tích tình hình thế giới, tình hình trong nước và kêu gọi mọi người đoàn kết chiến đấu. Về vấn đề bầu cử, đồng chí nói: “Bầu cử đại biểu vào Quốc hội giống như việc chọn rể. Chọn được người con rể tốt thì gia đình sẽ hạnh phúc và ngược lại chọn người con rể xấu gia đình sẽ tan nát. Bầu cử là dân chủ, bầu cho ai là quyền của người đi bầu. Mong bà con lựa chọn sáng suốt, bầu cho đại biểu của Neo Lào Hắcxạt là ích nước lợi dân”.

Nhân dân chăm chú lắng nghe đồng chí nói chuyện. Có người nói rằng, những lời chỉ bảo của đồng chí Cayxỏn Phômvihản có giá trị như quặng khai thác được ở mỏ Lăm. Đồng chí đã đến thăm các gia đình nghèo nhất của bản, cùng bà con uống rượu mừng những thắng lợi mà cách mạng Lào đã giành được. Đồng chí căn dặn cán bộ phải bảo vệ quyền lợi của nhân dân, đề cao cảnh giác với những âm mưu phá hoại của kẻ địch.

Đêm về, đồng chí vào nhà dân ngủ. Sống với nhân dân, được nhân dân che chở, đồng chí đã thoát khỏi sự lùng sục của địch. Lúc này, ở tỉnh Atôpư, tuy một số bản đã được giải phóng, nhưng các thế lực của địch vẫn còn hoạt động lén lút phá hoại. Chúng tổ chức mạng lưới gián điệp ngầm ở các bản. Một lực lượng lớn của địch đóng ở Trường Sơn Tây, khống chế các tỉnh Atôpư, Xaravăn, Xêcoong… Tuy vậy, nhân dân địa phương ở đây sống kiên cường, không sợ địch và ra sức bảo vệ cách mạng.

Ngày 4-5-1958, cuộc tuyển cử bầu bổ sung đại biểu Quốc hội được tiến hành trong không khí một ngày hội biểu dương sức mạnh đoàn kết toàn dân. Tại Atôpư, hòm phiếu bầu cho đồng chí Cayxỏn Phômvihản được đặt ở vị trí trang trọng trước sân chùa Trang, bản Cang (Xecàmản), huyện Xamắckhi Xay, cùng với hai hòm phiếu của hai ứng cử viên khác, một người của phái Viêng Chăn, một người của phái trung lập. Thể lệ quy định ba ứng cử viên chọn bầu hai người. Ba hòm phiếu có dán ảnh ba ứng cử viên. Hình ảnh đồng chí Cayxỏn Phômvihản trí tuệ, hiền từ, giản dị, gây được nhiều cảm tình với nhân dân.

Cờ và khẩu hiệu được trương lên ở khu vực bỏ phiếu. Tiếng trống vang lên xối xả, rồi tiếng loa phóng thanh tuyên truyền cho các ứng cử viên. Bầu trời Atôpư tưng bừng, náo nhiệt trong không khí bầu cử.

Hôm ấy, nhân dân đi bầu rất đông. Hòm phiếu bầu cho đồng chí Cayxỏn Phômvihản đầy ắp phiếu.

Bọn địch lén lút nhìn trộm, ghi tên những người bỏ phiếu cho đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Chúng khống chế khu vực bỏ phiếu. Nhân dân biết rõ âm mưu đó, nhưng bất chấp, họ vẫn đàng hoàng bỏ phiếu bầu đồng chí Cayxỏn Phômvihản. Ai cũng đoán chắc đồng chí Cayxỏn Phômvihản sẽ trúng cử với số phiếu cao. Nào ngờ, khi kiểm phiếu, chính quyền địch ở địa phương đã thao túng Ban bầu cử bằng cách đút tiền cho các nhân viên kiểm phiếu, gây nên sự trí trá, gian lận làm cho đồng chí không trúng cử. Mahả Bun Mạ hiện ở chùa Phôn Cung, thị xã Pắcxế, người trong Ban kiểm phiếu ở Xêcàmản, năm 1958, kể lại: “Rõ ràng đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã trúng với số phiếu cao, nhưng Tỉnh trưởng Atôpư trực tiếp ra lệnh rút ra phần lớn số phiếu bầu cho đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm cho đồng chí không trúng cử. Không đánh nổi về mặt quân sự, họ đã dùng thủ đoạn đánh đồng chí về mặt chính trị nhằm làm mất uy tín của đồng chí đối với nhân dân, nhưng nhân dân biết rõ âm mưu đó đã tố cáo chúng và bày tỏ niềm tin tưởng vào Neo Lào Hắcxạt và đồng chí Cayxỏn Phômvihản”.

Mặc dù phái hữu Viêng Chăn đã không để cho đồng chí Cayxỏn Phômvihản trúng cử, nhưng lực lượng Neo Lào Hắcxạt đã thắng lớn: 13 trên 21 ghế đại biểu Quốc hội được bầu bổ sung trong toàn quốc thuộc về Neo Lào Hắcxạt và Ủy ban hòa bình trung lập. Trong khi đó, phái Cảtài Đônxảxôlít chỉ chiếm được bốn ghế, còn những người ủng hộ Phủi Xananicon lại không được một ghế nào. Hoàng thân Xuphanvông thu được nhiều phiếu nhất: 37.389 phiếu, chiếm trên 90% số phiếu bầu tại Viêng Chăn. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: “Lực lượng Neo Lào Hắcxạt đã giành được thắng lợi có ý nghĩa quan trọng trong cuộc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội tháng 5-1958”(1).

Sau cuộc bầu cử này, ngày 22-7-1958, do sức ép của đế quốc Mỹ, Hoàng thân Xuvănna Phuma, Thủ tướng Chính phủ liên hiệp buộc phải từ chức và cho đến ngày 18-5-1958, Mỹ đưa Phủi Xananicon, tay sai của Mỹ, lên làm Thủ tướng, lập ra Chính phủ mới thân Mỹ ở Lào.

Lúc này, các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Khămtày Xiphănđon… đang hoạt động ở Viêng Chăn, họp bàn trao đổi, nhận định tình hình và đi tới quyết định chia phái đoàn của Neo Lào Hắcxạt đang hoạt động ở Viêng Chăn ra làm hai; một bộ phận tiếp tục ở lại Viêng Chăn để hoạt động, còn một bộ phận rút ra khỏi Viêng Chăn để xây dựng lực lượng, tiếp tục chiến đấu lâu dài.

Ngày 28-8-1958, tại Viêng Chăn, Trung ương Đảng họp Hội nghị để đánh giá cụ thể hơn về tình hình địch và đề ra đối sách của ta.

Tại Hội nghị, đồng chí Cayxỏn Phômvihản phát biểu:

“Đế quốc Mỹ và tay sai nhất định sẽ tiếp tục đàn áp Neo Lào Hắcxạt, đàn áp phong trào cách mạng, cho nên chúng ta phải chuyển hướng đấu tranh, những người có cương vị hợp pháp phải ở lại đấu tranh đến cùng, dù có bị địch bắt bớ, giam cầm cũng sẵn sàng chịu đựng; những người không có cương vị hợp pháp sẽ trở về khu căn cứ, tiếp tục lãnh đạo cách mạng”(2).

Tuy vậy, tại Hội nghị lại có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề hoạt động công khai và hoạt động bí mật. Có ý kiến đề nghị một vài đồng chí rút vào hoạt động bí mật, còn thì cho ra hoạt động công khai hết. Nhưng lại có một số đồng chí đề nghị tất cả rút vào hoạt động bí mật, vì nếu hoạt động công khai trước sau rồi cũng sẽ bị bắt. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng nhận định rằng, sẽ là sai lầm nếu tung toàn bộ lực lượng ra hoạt động công khai, vì như vậy địch sẽ quăng mẻ lưới bắt gọn hết. Nhưng cũng sai lầm nếu đem toàn bộ lực lượng rút vào hoạt động bí mật, vì làm như vậy sẽ bỏ trống trận địa đấu tranh chính trị. Từ sự phân tích khoa học đó, Trung ương nhất trí cần phải có một lực lượng rút vào hoạt động bí mật bên cạnh một lực lượng hoạt động công khai. Cuối cùng, Trung ương nhất trí để những đồng chí là đại biểu Quốc hội hoạt động công khai đều được phân công ở lại hoạt động tại Viêng Chăn. Còn những đồng chí mà chính quyền Viêng Chăn chưa biết đến hoặc biết một cách chưa chắc chắn thì rút vào hoạt động bí mật. Các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Xiphănđon… rút vào hoạt động bí mật, lần lượt rời Viêng Chăn trở về khu căn cứ cách mạng. Còn các đồng chí Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Phun Xipaxớt, Xixanạ Xixán,… ở lại hoạt động ở Viêng Chăn. Trong Đảng thống nhất chủ trương, đường lối, công tác tổ chức, do đó, người đi cứ đi, người ở lại cứ ở lại, tất cả đều hẹn nhau chờ ngày chiến thắng.


(1) Cayxỏn Phômvihản: Một vài kinh nghiệm chính và một số vấn đề phương hướng mới của cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, tr. 25.
(2) Xem: Xixanạ Xixán: “Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân”, in trong cuốn Cayxỏn Phômvihản - Người con của nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 15.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:45:49 pm
Đồng chí Cayxỏn Phômvihản rời Viêng Chăn ra khu căn cứ. Kế hoạch trở về khu căn cứ được vạch ra tỉ mỉ. “Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đánh lừa địch bằng cách đi Băng Cốc, nói là để thăm người em gái tên là Nang Xavẳnthoong, lấy chồng người Thái Lan, bấy giờ là Tỉnh trưởng tỉnh Xaynạt. Sau khi ở thăm em gái, đồng chí Cayxỏn đi đến huyện Mụcđahán, rồi lên bản Bangxai, phía Bắc Mụcđahán. Đồng chí cải trang làm người buôn cá, nửa đêm vượt sông sang ẩn ở trong vườn chuối nhà đồng chí Nuhắc Phumxavẳn tại Xavẳnnakhệt. Tại đây, đồng chí Khămtày Xiphănđon và đồng chí Khămphết (người làm nhiệm vụ lái xe) đã đợi từ trước. Đồng chí Cayxỏn lên xe từ Xavẳnnakhệt đi Thàkhẹc rồi đi Pạccađinh. Từ dấy, hai đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Khămtày Xiphănđon lên đường ra vùng căn cứ, với sự bảo vệ của một đơn vị vũ trang đã chuẩn bị sẵn"(1).

Lúc này, ở Viêng Chăn, tình hình chính trị trở nên phức tạp. Đế quốc Mỹ thông qua phái Phủi Xananicon ra sức phá hoài nền hòa bình, trung lập và hòa hợp dân tộc của Neo Lào Hắcxạt. Ngày 11-2-1959, Phủi Xananicon họp báo trắng trợn nói: “Chính phủ Vương quốc coi việc thi hành Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã hoàn tất”. Tờ nhật báo New York time số ra ngày 13-12-1959, bình luận: “Chính phủ Lòa đã xóa bỏ Hiệp nghị Giơnevơ, tạo điều kiện thuận lợi cho Bộ Quốc phòng Mỹ nắm lấy lực lượng quân sự ở Lào và xây dựng căn cứ quân sự ở Mỹ. Sự hợp tác bền chặt giữa Mỹ và Lào sẽ dẫn tới mối quan hệ giữa Lào với khối ASEAN”. Các cố vấn Mỹ ở Lào và miền Nam Việt Nam đã ra lệnh cho chính quyền Viêng Chăn và chính quyền Sài Gòn tay sai của Mỹ, mở chiến dịch “chống cộng sản” diễn ra ác liệt ở Lào và ở miền Nam Việt Nam. Nhiều người yêu nước và nhiều chiến sĩ cộng sản đã bị chúng giết trong đợt này. Không khí chính trị của đất nước bao trùm những đám mây đen.

Cách mạng đang gặp phải khó khăn.

Tại khu căn cứ Sầm Nưa, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận được báo cáo tình hình khẩn cấp, liền chỉ thị cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Đồng chí suy nghĩ về một giải pháp mới cho cách mạng Lào và chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Trung ương Đảng sắp họp.

Từ ngày lên cầm quyền làm Thủ tướng Chính phủ, Phủi Xananicon ra sức thực hiện chính sách không hòa bình, không trung lập, trái hẳn với đường lối của Neo Lào Hắcxạt. Còn Đại sứ Mỹ ở Lào lúc ấy là Xmít tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Phủi Xananicon. Xmít nói: “Bây giờ nước Lào mới có một chính phủ thật sự hợp tác với Mỹ để đem lại lợi ích cho Lào”(2). Phủi Xananicon tìm cách đẩy ông Xuvănna Phuma đi làm Đại sứ của Lào tại Pháp. Cuộc đàn áp, bắt bớ những người của Neo Lào Hắcxạt vẫn tiếp tục diễn ra.

Trong quá trình hết sức phức tạp đó, những đại biểu Quốc hội của phái Neo Lào Hắcxạt (có một số đồng chí là Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng Nhân dân Lào) kiên trì đấu tranh trong Quốc hội, trong khi đó, ở khu căn cứ đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Khămtày Xiphănđon ra sức xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới đầy cam go.

Trong các cuộc họp Quốc hội thường nổ ra đấu tranh gay gắt giữa đại biểu phái Neo Lào Hắcxạt và phái trung lập với đại biểu của phái hữu Viêng Chăn xoay quanh việc tìm một giải pháp hợp lý để giải quyết vấn đề Lào theo một đường lối hòa bình, trung lập và hòa hợp dân tộc.

Một hôm, Phủi Xananicon đến phát biểu trước Quốc hội, đòi Quốc hội trao cho ông ta một quyền đặc biệt trong việc bảo vệ an ninh bản mường. Thực chất là quyền được đàn áp Neo Lào Hắcxạt, đàn áp những người yêu nước và yêu hòa bình. Các đại biểu Neo Lào Hắcxạt và đại biểu Ủy ban hòa bình trung lập trong Quốc hội đều lên tiếng phản đối thái độ hiếu chiến của Phủi Xananicon. Cuộc đấu tranh trong nghị trường này diễn ra gay go, quyết liệt. Cuối cùng, đề nghị của Phủi Xananicon được Quốc hội chấp nhận với 26 phiếu ủng hộ và 25 phiếu phản đối. Tỷ số thắng sát nút của Phủi Xananicon tại Quốc hội đã làm cho nhân dân thất vọng và lo lắng. Neo Lào Hắcxạt tạm thời bị thất bại trong đấu tranh nghị trường. Nghe tin này, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: Cú đấm chủ yếu của chúng ta vẫn là lực lượng cách mạng của nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân. Thất bại chỉ là tạm thời, chúng phải tiếp tục tiến lên, phần thắng nhất định sẽ thuộc về nhân dân.

Sau khi có quyền lực đặc biệt trong tay, Phủi Xananicon ra lệnh cho các cấp chính quyền trong cả nước tiếp tục đàn áp, bắt bớ, bắn giết một số cán bộ phụ trách cơ quan Neo Lào Hắcxạt ở các tỉnh, ép họ ly khai với Neo Lào Hắcxạt, cấp tiền, cưới vợ, cho nhà ở những ai chịu ly khai với Neo Lào Hắcxạt và tìm cách hãm hại những ai không chịu ly khai. Thâm độc hơn, phái hữu còn tìm mọi cách lôi kéo, chia rẽ sĩ quan chỉ huy và binh lính của tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 của Pathét Lào (Neo Lào Hắcxạt), bày cách phong quân hàm cho sĩ quan chỉ huy của hai tiểu đoàn, đồng thời điều động sĩ quan của hai tiểu đoàn đi nơi khác, tạo sự khủng hoảng về chỉ huy để đi đến việc sáp nhập vào quân đội Viêng Chăn, phá tan lực lượng chủ lực của cách mạng. Một số cán bộ chỉ huy của tiểu đoàn 1 do lập trường không vững vàng, bị mua chuộc bằng vật chất đã quay lại nhân dân, đi theo phái hữu. Một số người kiên quyết không chịu đi theo phái hữu, bị quân đội Viêng Chăn đe dọa phải bổ trốn tìm về các vùng kháng chiến.


(1) Xem: Xixanạ Xixán: “Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân”, sđd, tr. 15
(2) Dẫn theo hồi ký của Phumi Vôngvichít: Nhớ lại đời tôi trong quá trình lịch sử đất nước Lào, Viện Khoa học xã hội Lào xuất bản, Viêng Chăn, 1987.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:47:07 pm
Ngày 9-5-1959, Phumi Nôxavẳn, Tư lệnh quân đội phái hữu đến gặp đồng chí Nuhắc Phumxavẳn (lúc ấy đang hoạt động ở Viêng Chăn), ép đồng chí ký giao Tiểu đoàn 2 bộ đội Pathét Lào cho họ. Đồng chí Nuhắc Phumxavẳn không chịu ký với lý do tình hình chính trị ở Lào chưa được giải quyết. Ngày 10-5-1959, Phumi Nôxavẳn lại cho người đến Xiêng Khoảng để gặp đồng chí Thoongxavát Khảykhămphithun, Chính trị viên của Tiểu đoàn 2, đòi giao Tiểu đoàn 2 cho họ. Đồng chí Thoongxavát Khảykhămphithun nhất định không giao vì “chưa có lệnh cấp trên” (ý nói chưa có lệnh của Đảng). Không lôi kéo được những cán bộ vững vàng được tôi luyện dày dạn trong đấu tranh cách mạng, Phumi Nôxavẳn lập tức ra lệnh bao vây Tiểu đoàn 2 lúc ấy đang đóng ở khu vực Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng). Cán bộ và chiến sĩ của Tiểu đoàn 2 tỏ rõ lòng trung thành với nhân dân và cách mạng, kiên quyết không chịu nhận phong quân hàm của phái Viêng Chăn, không chịu bị mua chuộc, không chấp nhận sự điều động của ngụy quân Viêng Chăn, từ Cánh đồng Chum, họ phá vòng vây trở về khu căn cứ Sầm Nưa. Sự kiện Tiểu đoàn 2 chiến đấu thắng lợi đã mở đầu giai đoạn vùng lên chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản vô cùng tự hào về tinh thần chiến đấu anh dũng của tiểu đoàn 2. Đồng chí nói: “Tiểu đoàn 2 phá vòng vây trở về căn cứ. Chiến tranh du kích phát triển khắp nơi, phong trào đấu tranh chính trị của mọi tầng lớp nhân dân sôi sục ở cả nông thôn và thành thị. Cuộc nổi dậy kiên cường của nhân dân, nhất là ở nông thôn, đã phát triển lên đến mức phối hợp nổi dậy giành chính quyền ở cơ sở với chiến tranh cách mạng ở nhiều địa phương trong cả nước, mở ra thời kỳ mới của cuộc đấu tranh cách mạng”(1).

Tình hình Viêng Chăn trong những ngày đầu của tháng 5-1959 hết sức căng thẳng. Phái hữu bắt đầu đe dọa những cán bộ của Neo Lào Hắcxạt hoạt động họp pháp ở Viêng Chăn. Ngày 11-5-1959, những tên công an chìm của phái hữu bắt đầu lảng vảng đến ngôi nhà 2 tầng bên cạnh chợ Sáng phía Trường đại học Y, nơi Văn phòng Neo Lào Hắcxạt làm việc, đồng thời, lảng vảng đến nhà ở của các đồng chí Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn… Sáng 12-5-1959, chúng ập vào trụ sở Văn phòng Neo Lào Hắcxạt và vào nhà các đồng chí Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn đe dọa, nhưng chưa bắt ngay. Đêm 12-5-1959, chúng cho cảnh sát bao vây nhà ở của đồng chí Xuphanuvông và nhà ở của các cán bộ Neo Lào Hắcxạt là đại biểu Quốc hội, ra lệnh đóng cửa nhà in báo “Neo Lào Hắcxạt”.

Được đế quốc Mỹ tiếp tay, binh lính của phái hữu còn mở các cuộc càn quét lớn ở Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Luổng Phạbang, Khămmuộn,… giết những người kháng chiến, phá hoại cơ sở cách mạng.

Trước tình hình khẩn cấp đó, ngày 3-6-1959, đồng chí Cayxỏn Phômvihản triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng để nhận định tình hình và đề ra sách lược đấu tranh mới.

Tại Hội nghị, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đọc báo cáo phân tích sâu sắc âm mưu của Mỹ và chính quyền tay sai của Mỹ, đề ra phương hướng, nhiệm vụ mới của cách mạng, mở rộng mặt trận chống Mỹ, liên minh hơn nữa với lực lượng trung lập, đoàn kết toàn dân, đưa cách mạng vượt qua chặng đường khó khăn, tiếp tục tiến lên. Hội nghị Trung ương nhất trí ra Nghị quyết, xác định đường lối và sách lược trong giai đoạn cách mạng mới của Đảng là đoàn kết rộng rãi các lực lượng yêu nước và yêu hòa bình, dùng hình thức đấu tranh vũ trang là chủ yếu, kết hợp với các hình thức đấu tranh khác chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ và chống các chính sách phản động của Chính phủ Phủi Xananicon, triệt để thi hành Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương và các hiệp nghị hai bên đã ký kết, xây dựng một nước Lào hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.

Về phương thức đấu tranh, Nghị quyết nhấn mạnh vấn đề chuyển từ hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, sang đấu tranh vũ trang, đồng thời kết hợp chặt chẽ với các hình thức đấu tranh chính trị. Ở những nơi có điều kiện thì phát động nhân dân đấu tranh hợp pháp và nửa hợp pháp.

Sự chuyển hướng hình thức và phương pháp đấu tranh của Đảng lúc này là đúng lúc, phù hợp với tình hình thực tế ở Lào.

Hội nghị Trung ương bế mạc được ít ngày, thì Phủi Xananicon lại ra lệnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ những cán bộ lãnh đạo của Neo Lào Hắcxạt đang hoạt động hợp pháp tại Viêng Chăn. Cho tới ngày 28-7-1959(2), Chính phủ Phủi Xananicon ra lệnh bắt giam 16 cán bộ lãnh đạo của Neo Lào Hắcxạt hoạt động hợp pháp tại Viêng Chăn: Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Phun Xipaxớt, Xithôn Commađăm, Mừn Xổmvichít, Ua Khaykhamphithum, Xixanạ Xixán, Xingapo Chunnâmly, Khămphải Bupha, Mahả Xổmbun Vôngnôbuthăm, Khămphết Phommavăn, Phẩu Phimphachanh, Phukhấu, Buaxỷ Chalonxúc, Mahả Bun. Tại các địa phương, phái hữu cũng bắt giam nhiều cán bộ của Neo Lào Hắcxạt hoạt động tại các địa phương.

Nhận được tin nhiều chiến hữu bị bắt, đồng chí Cayxỏn Phômvihản hết sức lo lắng. đồng chí cho người vào Viêng Chăn nắm tình hình các đồng chí bị giam giữ. Thông qua đường dây đặc biệt, đồng chí yêu cầu cảnh sát và lính canh phải có thái độ đối xử tốt với các đồng chí bị giam giữ. Đồng chí còn cử người đến động viên gia đình các đồng chí bị giam giữ yên tâm chờ đợi, thế nào các anh cũng vượt ngục trở về.


(1) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 50.
(2) Theo hồi ký của đồng chí Phumi Vôngvichít: “Nhớ lại đời tôi trong quá trình lịch sử đất nước Lào”, thì ngày 2-7-1959, phái hữu Viêng Chăn đã bắt các đồng chí cán bộ lãnh đạo của Neo Lào Hắcxạt hoạt động tại Viêng chăn. Viết ngày 28-7-1959 là chúng tôi dựa vào báo chí công khai lúc ấy (TG).


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:47:29 pm
Để tạo điều kiện cho các đồng chí vượt ngục, đồng chí Cayxỏn Phômvihản chủ trương đẩy mạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, khơi dậy tinh thần dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong tầng lớp trung gian, trong hàng ngũ sĩ quan và binh lính địch, tranh thủ sự ủng hộ của họ.

Để thúc đẩy đấu tranh vũ trang, ngày 10-8-1959, tại Sầm Nưa, đồng chí Cayxỏn Phômvihản viết thư gửi đồng bào, cán bộ và chiến sĩ các lực lượng vũ trang Pathét Lào. Thư tố cáo đế quốc Mỹ can thiệp vào Lào, tiếp tay cho tập đoàn Phủi Xananicon bán nước, hại dân, gây bao cảnh đau thương tang tóc trên đất Lào. Đồng chí nói rõ lập trường trước sau như một của Neo Lào Hắcxạt là kiên quyết và nghiêm chỉnh thi hành Hiệp nghị Giơnevơ và các hiệp nghị Viêng Chăn, thực hiện hòa hợp dân tộc, xây dựng một nước Lào hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng. Đồng chí kêu gọi cán bộ và chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang, những con em của nhân dân hãy đồng lòng đứng lên cùng nhân dân kiên quyết chóng lại âm mưu can thiệp của đế quốc Mỹ, kiên quyết chống lại chính sách phản nước hại dân của bọn phản động tay sai của Mỹ. Đồng chí đòi phía Vương quốc Lào phải chấm dứt ngay các cuộc xung đột; trả tự do ngay cho các đồng chí lãnh đạo Neo Lào Hắcxạt; đình chỉ ngay khủng bố và phân biệt đối xử với các cán bộ Pathét Lào và những người kháng chiến cũ; thành lập Chính phủ liên hiệp; tôn trọng tổ chức chính quyền hai tỉnh tập kết Sầm Nưa và Phôngsalỳ; thực hiện chính sách hòa bình trung lập, chống sự can thiệp của Mỹ; cải thiện đời sống nhân dân, hủy bỏ mọi thứ thuế không hợp lý; chống bắt lính, bắt phu; chống sự kiểm soát của Mỹ đối với kinh tế Lào, xây dựng kinh tế quốc gia giàu mạnh; chống lại nền văn hóa đồi trụy thực dân mới của Mỹ, phát triển nền văn hóa dân tộc; tôn trọng đạo Phật, bảo vệ những phong tục tập quán tốt đẹp của đất nước.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đặt vấn đề có tính chỉ đạo cách mạng trong lúc này là vừa đánh địch, vừa xây dựng lực lượng. Đồng chí nói: Chúng ta không thể ngồi yên khi kẻ địch khủng bố những người kháng chiến, phá hoại cơ sở cách mạng, đưa đất nước trở lại chế độ thực dân, phong kiến.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân các bộ tộc Lào ở giai đoạn đầu tuy vấp phải nhiều khó khăn, có lúc thất bại, nhưng Đảng đã biết tháo gỡ khó khăn, dần dần vượt lên chiến thắng.

Nhân dân ở nhiều vùng đã nổi dậy đấu tranh, vừa đánh địch vừa làm công tác vận động binh lính địch. Nhiều binh lính địch đã trở về với nhân dân. Trong nửa cuối năm 1959, lực lượng cách mạng tiêu diệt địch ở Mường Bớ, Mường Xon, Mường Xưm, Phôngxathon của tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn), kiểm soát vùng Bắc và Đông bắc tỉnh Sầm Nưa, Đông bắc tỉnh Luổng Phạbang, Đông bắc tỉnh Khămmuộn… Cuối năm 1959, vùng nông thôn Thượng Lào đã thuộc quyền kiểm soát của lực lượng cách mạng. Tại Viêng Chăn có cuộc nổi dậy của công nhân, học sinh, viên chức, sư sãi, nhân sĩ và nhân dân, đòi thả tù chính trị, không được đưa ra xét xử và kết án các nhà yêu nước của Neo Lào Hắcxạt.

Thành quả cách mạng đó đã làm cho đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ lúng túng, phát sinh mâu thuẫn giữa chúng với nhau. Ngày 15-12-1959, Phủi Xananicon lại cải tổ Chính phủ lần thứ ba, nhưng vẫn không ổn định được tình hình. Cố vấn Mỹ ở Viêng Chăn lo ngại, đã tiếp tay cho Phumi Nôxavẳn lật đổ Chính phủ Phủi Xananicon vào ngày 31-12-1959, đưa Cú Aphay lên làm Thủ tướng Chính phủ mới. Cú Aphay tùy tiện sửa đổi Luật bầu cử, tước bỏ quyền ứng cử tự do của đại biểu Neo Lào Hắcxạt và các đảng yêu nước tiến bộ khác. Ngày 24-4-1960, phái quân sự Chính phủ Viêng Chăn giật dây Quốc hội cho tiến hành cuộc bầu cử gian lận, lập Chính phủ mới do Xổmxanít làm Thủ tướng, như quyền hành lại do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phumi Nôxavẳn nắm giữ.

Một tháng sau, kể từ ngày Xổmxanít lên làm Thủ tướng, các nhà lãnh đạo của Neo Lào Hắcxạt bị giam ở trại giam Phônkhiêng đã dũng cảm vượt ngục vào lúc 12 giờ đêm 24-5-1960, trở về căn cứ kháng chiến, cùng nhân dân tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Đúng như dự đoán của đồng chí Cayxỏn Phômvihản là “thế nào các anh ấy cũng vượt ngục trở về”. Đây là một thắng lợi của ý chí và niềm tin. Nghe tin các đồng chí ta vượt ngục trở về, đồng chí Cayxỏn Phômvihản phái ngay một đơn vị vũ trang đến đón anh em tại một khu vực gần Viêng Chăn.

Với kinh nghiệm công tác từng trải, trên cương vị người phụ trách cao nhất của Đảng Nhân dân Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản dự đoán tình hình chính trị phức tạp này rất có khả năng xảy ra đột biến, vấn đề là phải biết quan sát kỹ, nắm chắc thời cơ, tiếp tục đưa cách mạng tiến lên. Từ suy nghĩ đó, tháng 6-1960, đồng chí triệu tập Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng để đánh giá tình hình và đề ra chủ trương mới. Ban Chỉ đạo và đồng chí Cayxỏn Phômvihản thống nhất cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sự rối ren ở Lào là do sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Mỹ đã can thiệp ngày càng sâu vào Lào, trực tiếp nắm quân đội và ngụy quyền Viêng Chăn. Vì vậy, giải quyết vấn đề Lào chính là phải giải quyết vấn đề Mỹ ở Lào. Nhưng lực lượng của Mỹ lúc này đang còn mạnh, tiềm năng kinh tế và quân sự của Mỹ lớn, do đó, cách mạng Lào chưa thể thắng Mỹ ngay được. Vấn đề đặt ra đối với Đảng là phải tranh thủ chuẩn bị lực lượng, đón thời cơ, đưa cách mạng vượt qua khó khăn, phát triển lên một bước mới.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:47:49 pm
MỘT THỜI KỲ GAY GO ÁC LIỆT

Dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương Đảng tháng 6-1960, phong trào cách mạng trong giai đoạn này đã phát triển ở hình thức khởi nghĩa giành chính quyền trong nhiều địa phương với cuộc chiến tranh cách mạng trong cả nước, mở ra một thời kỳ đấu tranh mới. Phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và cách mạng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân ở thành phố, các nhân sĩ, trí thức, đánh thức cả các lực lượng cảnh sát và quân đội Vương quốc, dẫn đến cuộc đảo chính ngày 9-8-1960 của sĩ quan và binh lính của Tiểu đoàn dù số 2 đóng ở Viêng Chăn do đại úy Coongle, trung úy Đươn Xúnnalọt và thiếu úy Thiếp Lítthidết chỉ huy, lật đổ tập đoàn tay sai của Mỹ - Xổnxanịt - Phumi Nôxavẳn. Cuộc đảo chính đã được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh, sinh viên và nhân dân Viêng Chăn.

(http://www.unforgettable-laos.com/wp-content/uploads/2012/06/ScreenShot036.png)

Coongle (Viêng Chăn, 1957)

Ngày 10-8-1960, nhận được tin Tiểu đoàn dù số 2 đảo chính, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã nhanh chóng soạn thảo Chỉ thị về tình hình và phương hướng công tác trước mắt cho Tỉnh ủy Viêng Chăn và các cấp ủy đảng trong cả nước. Chỉ thị của Trung ương nhận định đây là cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ Viêng Chăn do Xổmxanịt - Phumi Nôxavẳn cầm đầu. Đó là một sự kiện chính trị tiến bộ và có lợi cho cách mạng, nhằm chống đế quốc Mỹ, chấm dứt chiến tranh, thực hiện hòa bình, trung lập. Neo Lào Hắcxạt phải tranh thủ thời cơ để đẩy mạnh mọi mặt hoạt động, phát triển lực lượng một cách mạnh mẽ ở cả vùng đồng bằng và thành thị, động viên quân và dân kiên quyết chiến đấu, tìm mọi cách móc nối và giúp đỡ sĩ quan và binh lính trong quân đội Vương quốc nổi dậy chống đế quốc Mỹ và tay sai.

Cùng với chỉ thị của Trung ương Đảng ngày 10-8-1960, Trung ương Neo Lào Hắcxạt ra tuyên bố ủng hộ cuộc đảo chính, sẵn sàng hiệp thương với Ủy ban đảo chính, nhằm tìm ra một giải pháp hợp lý, đưa đất nước đi theo con đường hòa bình, trung lập, hòa hợp dân tộc. Lợi dụng cơ hội này, Neo Lào Hắcxạt đã động viên nhân dân gay sức ép đối với Quốc hội, buộc Quốc hội phải triệu tập hội nghị khẩn cấp bất thường vào ngày 17-8-1960 ra tuyên bố giải tán Chính phủ Xổnxanịt và lập Chính phủ mới do Hoàng thân Xuvănna Phuma làm Thủ tướng; tuyên bố tiếp tục thực hiện chính sách hòa bình, trung lập, hòa hợp dân tộc. Ngày 23-8-1960, Neo Lào Hắcxạt chớp lấy thời cơ này ra Tuyên bố ủng hộ đường lối của Chính phủ Xuvănna Phuma. Neo Lào Hắcxạt đã làm được một việc quan trọng: kéo Chính phủ Xuvănna Phuma về với mình.

Chớp thời cơ là nghệ thuật của người lãnh đạo. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản muốn nhân cơ hội này thành lập Chính phủ mới ở Viêng Chăn do Hoàng thân Xuvănna Phuma đứng đầu, đã bàn bạc với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Neo Lào Hắcxạt, chia các đồng chí vừa vượt ngục Phônkhiêng làm hai bộ phận: bộ phận của đồng chí Xuphanuvông trở vè hoạt động tại khu căn cứ cách mạng và bộ phận gồm các đồng chí: Nuhắc Phumxavẳn, Phun Xipaxớt, Xixanạ Xixán, Xingcapô Xikhốt Chunảmali… trở lại tiếp tục hoạt động ở Viêng Chăn. Bộ phận trở lại Viêng Chăn đã chủ động hội đàm với những người lãnh đạo cuộc đảo chính, đại úy Coongle và trung úy Đươn Xúnnalọt, tranh thủ họ, lôi kéo họ về với Neo Lào Hắcxạt. Các đồng chí: Nuhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Phun Xipaxớt, Xixanạ Xixán, Xingcapô Xikhốt Chunảmali còn có buổi gặp Thủ tướng Xuvănna Phuma, bàn việc cùng nhau hợp tác chống đế quốc Mỹ và tay sai, vấn đề đưa quân đội của Neo Lào Hắcxạt vào Viêng Chăn làm nhiệm vụ bảo vệ Chính phủ mới, bảo vệ thành quả cuộc đảo chính, phối hợp cùng nhau chống lại bọn phản động thân Mỹ.

Đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai phản động không chịu ngồi yên, đã dựng lên một Chính phủ mới ở Xavẳnnakhệt đối lập với Chính phủ hợp pháp Xuvănna Phuma ở Viêng Chăn. Phumi Nôxavẳn và Bun Um kêu gọi Khối SEATO và Liên hiệp quốc can thiệp vào Lào. Một số phần tử quá khích ở Băng Cốc và ngụy quân Sài Gòn có nhiều hoạt động phối hợp với quân đội phản động chống lại Neo Lào Hắcxạt.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:49:23 pm
Trước tình hình phức tạp đó, Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng và các đồng chí Cayxỏn Phômvihản chủ trương vừa đẩy mạnh hoạt động chính trị ở Viêng Chăn, vừa đẩy mạnh hoạt động vũ trang ở các tỉnh miền núi và đồng bằng. Thực hiện chủ trương này, các đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Khămtày Xiphănđon lãnh đạo bộ đội Pathét Lào phối hợp cùng bộ đội Việt Nam mở chiến dịch lớn đánh địch ở tỉnh Sầm Nưa. Chiến dịch này bắt đầu từ ngày 23 đến ngày 26-9-1960, quân và dân Lào giải phóng hoàn toàn tỉnh Sầm Nưa, căn cứ địa của cách mạng Lào bị quân đội Mỹ và quân đội Viêng Chăn chiếm lại. Nhiều vùng khác ở Bắc Lào, Trung Lào và Nam Lào đã nổi dậy giành chính quyền.

Thắng lợi trên mặt trận quân sự đã thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị ở Viêng Chăn lên cao. Ngày 18-10-1960, đại diện Neo Lào Hắcxạt và đại diện Vương quốc Lào gặp nhau tại Viêng Chăn tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải lập Chính phủ liên hiệp dân tộc ở Lào. Nhưng tín hiệu đã cho thấy lực lượng phản cách mạng đang chuẩn bị phản công.

Trước tình hình đó, tháng 10-1960, Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng họp Hội nghị. Tại Hội nghị, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận định tình hình Lào có thể lại đẩy tới việc thành lập Chính phủ liên hiệp, và tuyên bố tiếp tục kiên trì đường lối hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.

Đúng như nhận định của Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng và đồng chí Cayxỏn Phômvihản, ngày 17-11-1960, tại Viêng Chăn, Neo Lào Hắcxạt và Chính phủ Vương quốc Lào cam kết tiếp tục thực hiện chính sách hòa bình trung lập và hòa hợp dân tộc.

Nhưng chẳng bao lâu, được đế quốc Mỹ tiếp sức, bọn phản động quay lại đánh trả lực lượng cách mạng quyết liệt. Ngày 13-12-1960, tại Xavẳnnakhệt, tập đoàn Phumi Nôxavẳn - Bun Um điều quân đánh chiếm thị trấn Pắcxăn, làm bàn đạp tiến công Viêng Chăn. Các lực lượng cách mạng đánh trả quyết liệt, nhưng vì lực lượng của chúng mạnh, cuối cùng chúng đã chiếm được Viêng Chăn.

Trước tình hình hết sức căng thẳng và phức tạp đó, Ban Chỉ đạo Trung ương và đồng chí Cayxỏn Phômvihản ra lệnh cho các lực lượng cách mạng tạm thời rút khỏi Viêng Chăn, chuyển sang tiến công địch ở sau lưng chúng. Những trận đánh dồn dập. liên tiếp ở nhiều tỉnh đồng bằng, miền núi làm cho địch trở tay không kịp. Ngày 27-12-1960, lực lượng Pathét Lào phối hợp với lực lượng trung lập đánh địch ở Salaphukhun, giải phóng Mườngxúi. Ba ngày sau, tiến công căn cứ Noọnghét và giải phóng Noọnghét. Ngày 31-12-1960, đánh vào Bản Ban và giải phóng Bản Ban. Sau đó, ngày 1-1-1961, quân cách mạng mở cuộc tiến công lớn vào Cánh đồng Chum, giải phóng Cánh đồng Chum và thị xã Xiêng Khoảng. Chỉ trong một thời gian ngắn, các lực lượng trung lập và cách mạng đã kiểm soát một vùng rộng lớn liền từ Bắc Lào đến Trung Lào và Nam Lào gồm các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Phôngsalỳ, một phần lớn tỉnh Luổng Phạbang, một phần các tinh: Nậm Thà, Viêng Chăn, Khămmuộn, Xavẳnnakhệt và một số vùng của khu Nam Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói:

“Đảng đã nắm lấy thời cơ này để mở rộng vùng căn cứ, tăng cường lực lượng cách mạng, mở rộng mặt trận dân tộc chống Mỹ, xây dựng liên minh với lực lượng trung lập và dựa vào địa vị hợp pháp của Hoàng thân Xuvanna Phuma để tranh thủ sự viện trợ công khai của phe xã hội chủ nghĩa”(1).

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã trực tiếp chỉ huy một số trận đánh quan trọng, trong đó có trận đánh giải phóng huyện Pạcxeng, tỉnh Luổng Phạbang. Trước lúc chiến đấu, đồng chí gặp gỡ bộ đội để động viên anh em. Đồng chí cho rằng, nhân tố để giành thắng lợi đánh đồn Pạcxeng là phải nắm chắc tình hình địch, nắm chắc hỏa lực mà chúng bố trí, nắm chắc nơi ở của tên chỉ huy để có biện pháp đối phó.

Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Cayxỏn Phômvihản tại trận Pạcxeng, quân ta đã giành được thắng lợi giòn giã.

Cục diện chính trị ở Lào lúc này ở vào thế giằng co. Trong khi đó, đầu năm 1961, Kennơđi nhận chức Tổng thống Mỹ, thi hành chính sách hai mặt đối với Lào, thể hiện ở chỗ vừa tuyên bố tán thành đường lối hòa bình trung lập của Lào, vừa tăng cường viện trợ cho quân đội Phumi Nôxavẳn.

Tháng 4-1961, tại Sầm Nưa (Hủa Phăn), đồng chí Cayxỏn Phômvihản triệu tập Hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng để nhận định về tình hình mới và đề ra chủ trương mới của cách mạng. Bằng tinh thần dân chủ, đồng chí Cayxỏn Phômvihản bàn bạc cùng Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng và đi tới sự nhất trí nhận định: Mặc dù Mỹ sử dụng chính sách hai mặt đối với Lào, nhưng bản chất của Mỹ vẫn không thay đổi trong âm mưu xâm lược Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng nhất trí lợi dụng cơ hội này cần tranh thủ tiến công địch, giành thắng lợi ở một số nơi quan trọng, gây thanh thế cho Neo Lào Lào Hắcxạt nhằm đi tới một hội nghị quốc tế giải quyết vấn đề Lào và có thể thành lập lại Chính phủ liên hiệp.

Muốn giành thắng lợi có tính chất quyết định, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận thấy hơn bao giờ hết, chúng ta phải dựa vào nhân dân, đoàn kết giữa Đảng với dân, cùng nhân dân chiến đấu. Trong mối quan hệ với dân phải cố giữ cho nước không đục, sen trong đầm không dập nát.


(1) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr. 51.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:51:35 pm
Đúng như dự kiến của Đảng, ngày 1-5-1961, tại ban Namon thuộc Vang Viêng, Viêng Chăn, ba phái: phái Neo Lào Hắcxạt, phái trung lập và phái Viêng Chăn đã họp đàm phán giải quyết vấn đề Lào. Cố gắng này đã đẩy tới sự kiện ngày 16-5-1961, Hội nghị quốc tế về Lào(*) đã khai mạc tại Giơnevơ (Thụy Sĩ). Riêng Lào có ba đoàn đại biểu: Đoàn đại biểu Neo Lào Hắcxạt do ông Phumi Vôngvichít làm trưởng đoàn, Đoàn đại biểu phái trung lập do ông Kinin Phônxena dẫn đầu, Đoàn đại biểu phái Viêng Chăn do Phủi Xananicon dẫn đầu. Hội nghị tuy có thảo luận vấn đề chấm dứt xung đột quân sự ở Lào, nhưng không mang lại kết quả gì. Để gỡ bế tắc, Neo Lào Hắcxạt đề nghị mời ba ông hoàng (Xuvănna Phuma, Xuphanuvông, Bun Um) thuộc ba phái đến Giơnevơ để bàn vấn đề Lào. Ngày 22-6-1961, ba ông hoàng ký Tuyên bố chung đồng ý ngừng bắn và thành lập Chính phủ liên hiệp. Nhận định về sự kiện này, đồng chí Cayxỏn Phômvihản coi đó là thắng lợi tạm thời.

(http://www.unforgettable-laos.com/wp-content/uploads/2012/06/ScreenShot092.png)

Ba Hoàng thân của Lào ký Tuyên bố chung ngày 22-6-1961. Từ trái qua phải:
Bun Um, Phumi Vôngvichít, Suvănna Phuma và Xuphauvông

Để tăng thêm sức mạnh cho Neo Lào Hắcxạt, chiếm chỗ đứng xứng dáng trong cuộc đàm phán, đồng chí Cayxỏn Phômvihản thống nhất với đồng chí Khămtày Xiphănđon và Bộ Chỉ huy quân sự Pathét Lào mở những “cú đấm” vào quân đội phái hữu Viêng Chăn. Ngày 7-4-1962, các lực lượng cách mạng đánh tan Tiểu đoàn dù số 55 của địch ở Nậm Thà. Địch tăng quân, quân cách mạng đánh trả quyết liệt. Đến ngày 6-5-1962, bộ đội của Neo Lào Hắcxạt loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 tên địch, hoàn toàn làm chủ chiến trường. Cùng ngày, quân ta giải phóng Mường Long; ngày 75-1962, giải phóng Xiêng Phu Kha; ngày 9-5-1962, giải phóng Ta Phạ và ngày 10-5-1962, giải phóng Xiêng Cốc, v.v.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đánh giá chiến thắng Nậm Thà có ý nghĩa quan trọng trên chiến trường Lào vì nó đập tan cụm cứ điểm lớn của quân ngụy lúc ấy. Nó còn ngăn chặn âm mưu của đế quốc Mỹ đưa lính thủy đánh bộ đã chuẩn bị sẵn sàng trên đất Thái Lan nhảy vào chiến đấu ở Lào.

Trước những thất bại nặng nề, ngày 12-6-1962, đế quốc Mỹ và phái hữu đành phải chấp nhận đề nghị của Neo Lào Hắcxạt lập Chính phủ liên hiệp ba phái (phái Neo Lào Hắcxạt, phái trung lập, phái hữu) ở Lào. Ngày 24-6-1962, Chính phủ liên hiệp thông qua Cương lĩnh chính trị, tiếp tục thực hiện đường lối hòa bình, trung lập, độc lập, thống nhất và dân chủ. Đây là Chính phủ liên hiệp lần thứ hai ở Lào. Và tới ngày 23-7-1962, đế quốc Mỹ và tay sai đành phải ký kết Hiệp nghị Giơnevơ về Lào, công nhận độc lập, trung lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, công nhận Chính phủ liên hiệp dân tộc ba phái. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: “Mỹ và tay sai phải chịu ký Hiệp nghị Giơnevơ 1962 về Lào, thành lập Chính phủ liên hiệp ba phái là thắng lợi to lớn và rất quan trọng làm cho thế và lực của cách mạng phát triển vượt bậc”(1).


(*) Tham dự Hội nghị có Lào, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng hòa, Campuchia, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ, Mỹ, Ba Lan, Canađa, Miến Điện, Thái Lan.
(1) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr. 51.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:52:17 pm
Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Cayxỏn Phômvihản cho rằng, cần phải tăng cường lực lượng quân sự cho Nam Lào, chuẩn bị sẵn sàng đánh những trận lớn hơn. Vì vậy, đồng chí đã bàn bạc với đồng chí Khămtày Xiphănđon và Bộ chỉ huy quân đội cách mạng, điều một bộ phận quân đội từ Xiêng Khoảng đến Nam Lào bằng máy bay qua đường Hà Nội. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đón bộ đội Pathét Lào tại sân bay Hà Nội trước khi anh em xuống Nam Lào. Tại sân bay Hà Nội, đồng chí đã nói chuyện với cán bộ và chiến sĩ. Đồng chí nói: Chúng ta vừa đánh thắng một số trận. Tuy nhiên, những trận đó mới ở mức chiến thuật. Đế quốc Mỹ chỉ thua khi nào chúng ta thắng những trận có tầm chiến lược. Chúng ta hy vọng những trận thắng lớn có tầm chiến lược sẽ diễn ra ở Nam Lào. Vì vậy, cần tăng cường lực lượng cho Nam Lào. Đồng chí còn căn dặn cán bộ, chiến sĩ khi đến Nam Lào cần tiếp tục tranh thủ sử dụng, củng cố cơ sở làm nòng cốt ở hậu phương, trợ giúp cho tiền tuyến đánh thắng. đồng chí nói: Bài học củng cố cơ sở là bài học có tính sống còn của chúng ta.

Tiễn anh em bộ đội về Nam Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản trở về Trung Lào để kiểm tra tình hình. Đồng chí xuống Khămmuộn, qua bản Nangkhăn, gặp một số cán bộ cơ sở đang làm công tác đảng và công tác vận động quần chúng. Đồng chí yêu cầu cán bộ cơ sở phải nắm chắc tình hình trong bản, nắm chắc các đối tượng để vận động cho phù hợp. Điều quan trọng là phải nói rõ cho nhân dân biết về đường lối của Neo Lào Hắcxạt và đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, cùng nhau chiến đấu và chiến thắng. Cán bộ không phải là quan của nhân dân, mà là con em của nhân dân. Phải có tinh thần phục vụ nhân dân và biết cách lãnh đạo nhân dân.

Rời Khămmuộn, đồng chí đi kiểm tra tình hình ở tỉnh Xavẳnnakhệt, đồng chí đến dự hội nghị phát động chiến tranh nhân dân trong toàn tỉnh. Đồng chí nêu vấn đề chiến tranh nhân dân là toàn dân đánh địch, toàn dân làm công tác hậu phương, bảo đảm cho tiền tuyến đánh thắng. Bí quyết để giành thắng lợi trong chiến tranh nhân dân là phải biết tập hợp mọi lực lượng, biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng.

Trên đường đi công tác, gặp nhiều nguy hiểm, nhưng đồng chí Cayxỏn Phômvihản Cayxỏn Phômvihản vẫn tranh thủ xuống tận các bản làng nắm tình hình để cùng Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng đề ra đường lối chống Mỹ, cứu nước phù hợp.

Bước sang năm 1963, cục diện chính trị ở Lào diễn biến với những thuận lợi bên cạnh những khó khăn. Về phía địch, đế quốc Mỹ vẫn thi hành chính sách hai mặt. Một mặt, khống chế Chính phủ liên hiệp và lực lượng trung lập yêu nước, mặt khác, tăng cường củng cố lực lượng cho bọn tay sai để chờ cơ hội đánh úp lực lượng Neo Lào Hắcxạt, giành quyền thống trị nước Lào.

(http://www.unforgettable-laos.com/wp-content/uploads/2012/06/ScreenShot041.png)

Tổng thống Kennơđi mời nhà vua và các thành viên trong Chính phủ trung lập của Lào
thăm đáp lễ nước Mỹ vào 27 tháng 2 năm 1963. Từ trái qua phải: Kennơđi, vua Savang
Vathana, Suvănna Phuma, Xananicon, Phumi Vôngvichít và các vị khách khác.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Ban Chỉ đạo Trung ương họp Hội nghị tháng 2-1963, xác định nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào là tiếp tục đấu tranh bảo vệ Chính phủ liên hiệp ba phái, đòi đế quốc Mỹ và tay sai phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ 1962 về Lào. Mặt khác, cần đề cao cảnh giác, tranh thủ xây dựng lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị đón thời cơ, tạo điều kiện thuận lợi, tiếp tục đưa cách mạng tiến lên. Bên cạnh việc xây dựng lực lượng vũ trang, Đảng phải làm tốt công tác hậu phương, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện việc cung cấp lương thực tại chỗ, bảo đảm cho bộ đội ăn no, đánh thắng.

Sau Hội nghị Trung ương tháng 2-1963, tình hình diễn biến phức tạp, vượt ra ngoài dự kiến của Đảng. Nhận được tin tình báo Mỹ ở Lào thông qua tay sai ám sát ông Kinim Phônxêna, Bộ trưởng ngoại giao Chính phủ liên hiệp ba phái vào ngày 1-4-1963, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận định tình hình sẽ còn xấu hơn. Đồng chí ra lệnh cho quân đội và các tỉnh ủy chuẩn bị sẵn sàng đối phó với âm mưu của địch.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 05 Tháng Mười Hai, 2012, 07:54:16 pm
Đúng như dự đoán của ta, sau khi ám sát được ông Kinim Phônxêna, lôi kéo Coongle và một số người trong lực lượng trung lập, địch xúc tiến âm mưu đánh chiếm Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Trong tháng 4-1963, chúng tập trung quân đánh vào lực lượng của ta ở Vang Viêng, Tha Thôm, Mường Ngân, Banpháxắn, Chò, Banpadông. Tháng 5-1963, chúng dàn quân đánh vào thị xã Xiêng Khoảng, làm cho Xiêng Khoảng trở thành địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng. Không dừng lại, đế quốc Mỹ và tay sai tăng cường mở rộng hoạt động quân sự ra cả nước, mở những cuộc hành quân càn quét ở Lan Ngam, Thateng, lưu vực các sông Xêcoong, Xêpiêng, Xêcànản ở Nam Lào, phối hợp với quân ngụy Sài Gòn càn quét Mường Noòng (Xavẳnnakhệt), đánh chiếm Khămcợt, Lắc Sao, v.v. với lực lượng bộ binh, pháo binh và không quân hùng mạnh. Chiến sự lan ra cả nước. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: “Chúng đã phá hoại Hiệp nghị Giơnevơ 1962 và Chính phủ liên hiệp ba phái một cách trắng trợn, mở rộng “chiến tranh đặc biệt” đến mức dùng lực lượng không quân Mỹ phối hợp với quân đội tay sai, kể cả “lực lượng đặc biệt”, tấn công lấn chiếm và phá hoại vùng giải phóng về mọi mặt, ra sức càn quét, đàn áp để bình định vùng chúng tạm thời kiểm soát, phối hợp với chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam”(1).

Trước tình hình khẩn cấp đó, đồng chí Cayxỏn Phômvihản cùng Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng đề ra chủ trương “tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh quân sự, chính trị và hoạt động quốc tế, tăng cường lực lượng cách mạng về mọi mặt, bảo vệ và xây dựng vùng giải phóng thành như một quốc gia, đồng thời đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân trong vùng địch tạm thời kiểm soát, từng bước đập tan âm mưu của địch, làm cho so sánh lực lượng ngày càng chuyển biến có lợi cho cách mạng”(2).

Nhưng cách mạng càng củng cố, địch càng ra sức phá hoại. đầu năm 1964, trước sự kêu cứu của các thế lực phản động ở Lào, đế quốc Mỹ viện trợ bổ sung khẩn cấp cho phái hữu 150 triệu đô la để tăng cường cho lực lượng quân đội tay sai. Nhiều máy bay các loại cùng xe tăng, đại bác ùn ùn vào đất lào. Một lần nữa, mây đen lại bao phủ trên đất Lào. Tiếng súng xâm lược và tiếng súng chống xâm lược nổ rền vang trên các chiến trường. Nhiều khi giữa quân cách mạng và quân địch giành giật nhau từng tấc đất, địch đánh, ta chiếm lại, địch lại đánh, ta lại chiếm lại. Nhiều chiến trường diễn ra thế giằng co, không phân thắng bại.

Từ Sở chỉ huy tối cao, đồng chí Cayxỏn Phômvihản gửi điện động viên binh sĩ hãy chiến đấu dũng cảm hơn nữa, thắng lợi cuối cùng nhất định về tay nhân dân, đất nước nhất định được giải phóng. Tinh thần Phạ Ngừm, Commađăm đang trỗi dậy trong lòng nhân dân các bộ tộc Lào yêu nước.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản cho rằng, cán cân lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng đang ở thế cân bằng. Cách mạng chưa thể chiến thắng “đo ván” ngay được. Vì vậy, phải động viên các lực lượng vũ trang và nhân dân kiên trì chiến đấu the đường lối đúng đắn của Đảng. Hoang mang dao động trong lúc gay go là tự sát.

Tình hình mỗi lúc một căng thẳng.

Tháng 1-1964, đế quốc Mỹ và quân đội tay sai mở cuộc hành quân lớn vào cao nguyên Nakai. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận định đây là cú đánh vào sườn quân ta. Để bảo vệ khu căn cứ tỉnh Khămmuộn, Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng và các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn, Khămtày Xiphănđon,… họp bàn quyết định mở chiến dịch đường số 8 và đường số 12, tập trung lực lượng tiến công địch ở cao nguyên Nakai và các vùng dọc sông Nặmthom, sông Hin Bun. Những trận đánh này có Quân đội nhân dân Việt Nam giúp sức, đã chiến thắng giòn giã, giải phóng cao nguyên Nakai.

Bị thất bại trên chiến trường Nakai, đế quốc Mỹ và tay sai phản ứng lồng lộn, vu cáo Pathét Lào vi phạm Hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 về Lào, vu cáo Việt Nam dân chủ Cộng hòa xâm lược Lào. Các đài phát thanh phương Tây đưa tin: Ngày 19-2-1964, tại Băng Cốc, Hội đồng quân sự Khối SEATO họp hội nghị khẩn cấp bất thường bàn về tình hình Lào, đòi can thiệp vũ trang vào Lào để “Cứu nước Lào ra khỏi họa cộng sản”. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: Một lần nữa đế quốc Mỹ lại muốn “giành lại thế mạnh”(3).

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận thấy tình hình căng thẳng, liền triệu tập Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng họp để tìm giải pháp phá âm mưu địch. Cuộc họp được triệu tập vào ngày 17-3-1964 tại Sầm Nưa. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Trung ương nhất trí nhận định rằng: “Đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ ở Lào đã làm cho tình hình nước ta mất ổn định. Chúng đã mở rộng chiến tranh ra cả nước. Tuy vậy, càng lún sâu vào chiến tranh, nội bộ của chúng càng mâu thuẫn gay gắt.

Về nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Lào, Hội nghị xác định: phải bằng mọi cách, kiên quyết duy trì Chính phủ liên hiệp; đấu tranh thực hiện Hiệp nghị Giơnevơ 1962 về Lào; giương cao ngọn cờ dân tộc dân chủ và hòa bình, trung lập; ra sức củng cố, tăng cường lực lượng cách mạng về mọi mặt.

Để bảo đảm thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trên, đồng chí Cayxỏn Phômvihản xét thấy cần phải tăng cường xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc chống đế quốc Mỹ và tay sai, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự với việc vận động binh lính địch; xây dựng và củng cố vùng giải phóng và căn cứ địa cách mạng; tăng cường củng cố lực lượng vũ trang và bán vũ trang; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, gấp rút đào tạo cán bộ phục vụ kịp thời cho những nhiệm vụ cần kíp trước mắt.


(1), (2), (3) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr. 51, 51-52. 52.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Mười Hai, 2012, 07:09:43 am
ĐỐI PHÓ KỊP THỜI TRƯỚC NHỮNG DIỄN BIẾN PHỨC TẠP MỚI

Sau Hội nghị Trung ương Đảng, các cán bộ lãnh đạo được phân công đi các vùng, các tỉnh nắm tình hình và chỉ đạo tác chiến tại chỗ. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đi nắm tình hình một số tỉnh Bắc Lào.

Đang trên đường công tác, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận được tin ngày 19-4-1964, tập đoàn phản động Phumi Nôxavẳn cùng Cúpraxít Shihô theo lệnh Mỹ làm cuộc đảo chính lật đổ Chính phủ liên hiệp ba phái, lập Chính phủ mới. Đế quốc Mỹ và tập đoàn phản động gây sức ép đối với Hoàng thân Xuvănna Phuma, yêu cầu ông đứng đầu Chính phủ mới với điều kiện phải cải tổ Chính phủ, gạt tất cả các bộ trưởng, thứ trưởng của Neo Lào Hắcxạt và trung lập yêu nước ra khỏi Chính phủ.

Ngày 6-5-1964, phái hữu họp Hội đồng quân sự, lôi kéo lực lượng quân đội của Coongle vào quân đội của phái hữu. Coongle từ một người trung lập tiến bộ đã ngả sang hàng ngũ bọn phản động, quay súng lại bắn vào nhân dân. Tuy vậy, trong lực lượng của Coongle có nhiều người không chịu theo phái hữu, đã dời bỏ hàng ngũ của Coongle, đi về với nhân dân, sát cánh cùng Neo Lào Hắcxạt chiến đấu giải phóng đất nước.

Tiếp tục leo thang, ngày 11-6-1964, đế quốc Mỹ dùng máy bay oanh tạc thị trấn Khang Khay. Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ trở thành một bộ phận của “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở Lào. Sau những vụ ném bom xuống khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, chiến tranh phá hoại bàng không quân của Mỹ lan rộng ra toàn bộ vùng giải phóng Lào. Nguy hiểm hơn, máy bay B52 (pháo đài bay) của Mỹ ngày đêm ném bom dữ dội xuống Nam Lào, chặn đường tiếp tế ra tiền tuyến của quân và dân ta.

(http://2.bp.blogspot.com/-TzviRt8ysOc/T8uSq_myvRI/AAAAAAAAVMk/dsY_o93ozX0/s1600/image090.jpg)

Nhân dân Lào vận chuyển lương thực và đạn dược trên đường Tây Trường Sơn

Trên bầu trời Lào, Mỹ làm mưa làm gió, trong khi đó, quân đội Pathét Lào lại chưa có không quân, vì thế mà Mỹ thả sức oanh tạc. Dưới mặt đất, lực lượng của Phumi Nôxavẳn phối hợp với lực lượng Coongle mở cuộc đánh lớn vào Cánh đồng Chum.

Cách mạng lại bước vào tình thế khó khăn.

Các đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Xiphănđon và Bộ Chỉ huy quân sự tối cao của Neo Lào Hắcxạt họp bàn, hạ quyết tâm cao để chống trả. Chiến dịch phản công Cánh đồng Chum diễn ra với quyết tâm lớn của Quân đội cách mạng có sự phối hợp chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam. Kết quả đợt chiến đấu diễn ra ác liệt từ tháng 4 đến tháng 6-1964, quân ta đã quét địch ra khỏi khu vực Cánh đồng Chum và nhiều nơi khác, giải phóng thêm 28 xã với trên ba vạn dân.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Mười Hai, 2012, 07:10:13 am
Càng thua, đế quốc Mỹ và lực lượng tay sai của Mỹ càng lồng lộn. Ngày 19-7-1964, chúng tăng viện binh, mở cuộc hành quân mang tên “Xám xón” với lực lượng trên 30 tiểu đoàn đánh vào Vang Viêng, Salaphu Khun, Kiều Kachăm, Mườngxủi. Cuối năm ấy, địch mở chiến dịch “Xón Xay 1”, “Xón Xay 2”, “Măngcon”, “Xỉkhột Taboong”, đánh chiếm Trung Lào và Nam Lào, rồi chiến dịch “Thanống kiệu” đánh vào Phù Cụt (Xiêng Khoảng) hòng chiếm lại vùng Cánh đồng Chum. Hàng nghìn tấm bom và đạn rốc két của Mỹ thi nhau ném xuống vùng giải phóng Trung Lào và Nam Lào. Mỹ muốn chiếm đường số 9 nhằm chia cắt Lào và Việt Nam, phá thế liên hoàn của cách mạng Đông Dương. Các chuyên gia quân sự Mỹ tính rằng, nếu chiếm được đường số 9, có nghĩa mà chặt được cộng sản Lào và cộng sản Việt Nam ra làm hai. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đưa vấn đề này ra trao đổi với Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và hai Đảng nhất trí cho rằng, bất kỳ giá nào cũng phải làm chủ đường số 9.

Tháng 5-1965, Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng họp Hội nghị nhận định tình hình khẩn cấp, ra Nghị quyết về nhiệm vụ của cách mạng Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận định đế quốc Mỹ và tay sai đang dốc sức để chiến thắng chúng ta bằng quân sự, cho nên chúng ta cũng phải đối phó lại bằng quân sự. Trên tinh thần đó, Hội nghị tháng 5-1965 khẳng định chiến lược của cách mạng lúc này là tiến công bằng quân sự và chính trị, kết hợp tác chiến với phát động nhân dân đấu tranh chính trị với vận động binh lính địch. Điều quan trọng là phải ra sức xây dựng vùng giải phóng Lào vững mạnh về mọi mặt theo một quy mô quốc gia thực sự, làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh của cả nước.

(http://www.ce.cn/culture/history/200606/06/W020060606361316924616.jpg)

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản (phải) gặp Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (trái) năm 1965

Muốn hoàn thành những nhiệm vụ trọng đại trên đây, phải có con người. Vì vậy, cần tập trung vào việc đào tạo và bồi dưỡng cán bộ. Qua chiến đấu và công tác thực tế mà lựa chọn những người cốt cán bổ sung vào hàng ngũ lãnh đạo các cấp của Đảng và Neo Lào Hắcxạt.

Sau Hội nghị Trung ương tháng 5-1965, các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Xiphănđon và Bộ Chỉ huy quân sự tối cao của cách mạng triệu tập hội nghị rút kinh nghiệm về vấn đề tác chiến ở Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản muốn nhìn vào thực chất của tình hình trên mặt trận quân sự thấy bên cạnh những trận đánh thắng là những trận quân ta bị thiệt hại nặng, nếu không nói là thua. Vì vậy, vấn đề rút kinh nghiệm tác chiến là rất cần thiết. Chiến đấu mà không biết rút kinh nghiệm thì những trận đánh sau đó sẽ không phát huy được tác dụng. Đồng chí nói với các cán bộ quân sự các cấp: Từ nay trở đi, việc rút kinh nghiệm tác chiến phải được làm thường xuyên, nhất là sau những chiến dịch lớn.

Hội nghị rút kinh nghiệm về vấn đề tác chiến được tổ chức vào tháng 9-1965. Dự Hội nghị này có các cán bộ chỉ huy quân sự của Quân đội cách mạng Lào và Việt Nam. Một trong những nội dung được đưa ra thảo luận tại Hội nghị này là vấn đề phối hợp tác chiến giữa Quân đội cách mạng của hai nước Lào và Việt Nam trên đất Lào, vấn đề quét và thu phục phỉ, vấn đề mở rộng, củng cố và bảo vệ vùng giải phóng Lào.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đến dự Hội nghị, nghe những ý kiến phát biểu trao đổi, dự thảo luận.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Mười Hai, 2012, 07:11:25 am
Ngày 21-9-1965, Hội nghị họp phiên bế mạc. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói chuyện trong suốt ba giờ với Hội nghị. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí tỏ lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang của Quân đội cách mạng Lào trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ ở Lào. Đồng chí hoan nghênh bộ đội tình nguyện Việt Nam đến tham dự và góp phần quan trọng vào thành công của Hội nghị. Đồng chí điểm lại bước trưởng thành của các lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang nhân dân Lào phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, trở thành niềm tự hào chính đáng của nhân dân các bộ tộc Lào, làm cho ảnh hưởng và uy tín của Pathét Lào ngày càng lớn trên trường quốc tế. Vì vậy, giải quyết vấn đề Lào nhất định phải có sự tham gia của Neo Lào Hắcxạt. “Rõ ràng là lực lượng Pathét Lào là lực lượng đang quyết định phương hướng phát triển của xã hội Lào”(1). Đồng chí chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của cách mạng Lào, dẫn đến sự trưởng thành của lực lượng vũ trang cách mạng Lào là do có đường lới đúng đắn của Đảng, do nhân dân Lào đấu tranh anh dũng, do cách mạng Lào có mối quan hệ mật thiết với cách mạng Việt Nam.

Về thế trận hiện nay ở Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói chiến trường Trung Lào và Nam Lào sẽ trở nên ác liệt hơn trong trường hợp “chiến tranh đặc biệt” hơn ở miền Nam Việt Nam phát triển thành “chiến tranh cục bộ”. Khi Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, thì chiến trường Bắc Lào, đặc biệt là khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng sẽ rất ác liệt. Cuộc chiến đấu giữa ta và địch trong mùa khô sắp tới sẽ rất gay go, quyết liệt.

Nhân tố để chiến thắng về mặt quân sự ở Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhấn mạnh đến vấn đề đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, phát động toàn dân tham gia chiến tranh, làm cho lực lượng chính trị và lực lượng quân sự phát triển cân đối thì mới đẩy mạnh được chiến tranh nhân dân. Phải ra sức xây dựng và củng cố vùng giải phóng, kiên quyết đánh bại các cuộc tiến công lấn chiếm của địch, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực, tiến lên đánh bại mọi âm mưu của chúng.

(http://talkvietnam.com/uploads/2012/07/khang-khay-people-xieng-khoang-province-laos-joined-meeting-prote-492102.jpg)

Nhân dân Khang Khay, tỉnh Xiêng Khoảng tham gia một buổi mít tinh phản đối
cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ vào Việt Nam ngày 23 tháng 5 năm 1965

Về nguyên tắc tác chiến, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhấn mạnh đến quan điểm thực tiễn, sát hợp với điều kiện thực tế của chiến trường. Mỗi chiến trường có những đặc điểm khác nhau, mỗi kẻ địch cụ thể đều có cái chung, nhưng cũng có cái riêng của nó, quân chủ lực, quân địa phương của địch khác với bọn phỉ, hoặc ngay như trong hàng ngũ phỉ hoạt động ở các địa phương cũng không giống nhau. Phải nắm vững đặc điểm chiến trường, đặc điểm kẻ thù mà vận dụng đường lối và phương pháp tác chiến cho thích hợp, sáng tạo và linh hoạt, nhất là vấn đề thu phục và quét phỉ.

Về phương châm đánh địch, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhấn mạnh đến ba mặt kết hợp: chính trị, quân sự, kinh tế, lấy chính trị làm cơ sở, quân sự làm áp lực, kinh tế làm đòn bẩy nhằm gây tiềm lực cho hậu phương chi viện cho tiền tuyến đánh thắng. Xây dựng kinh tế còn nhằm cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện yêu cầu giải phóng đến đâu, dân làm chủ đến đó. Trong vấn đề kinh tế và sản xuất, muốn thực hiện dân làm chủ phải biết áp dụng một số biện pháp kỹ thuật, làm thủy lợi, làm ruộng, làm rẫy, làm nghề thủ công, từng bước giải phóng sức sản xuất.

Đó là những nội dung cơ bản, quan trọng mà đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã tổng két trong buổi bế mạc Hội nghị rút kinh nghiệm vấn đề tác chiến ở Lào.


(1) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr. 21.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Mười Hai, 2012, 07:13:03 am
Tháng 9-1965, những người dự Hội nghị rút kinh nghiệm ấn đề tác chiến ở Lào, kể lại: Trong lúc ngồi chung ăn cơm, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói vui: “ở Lào có câu phương ngôn: “Muốn nhanh thì bò, muốn chậm thì chạy”. Câu đó thoạt nghe như vô lý, nhưng suy nghĩ kỹ, nó rất có lý như chúng ta làm theo phương châm ba mặt kết hợp: chính trị, quân sự, kinh tế xem có vẻ chậm, nhưng chính đó lại là con đường ngắn nhất để đi tới một kết quả cơ bản lâu dài. Đó là cách đi từ lượng đế chất”. Anh em đều rõ về sự giải thích của đồng chí Cayxỏn Phômvihản và đề nghị đồng chí đưa câu: “Muốn nhanh thì bò, muốn chậm thì chạy” vào bản tổng kết Hội nghị. Đồng chí đồng ý.

Thi hành Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 5-1965 và vận dụng tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Cayxỏn Phômvihản tại Hội nghị rút kinh nghiệm vấn đề tác chiến ở Lào, tháng 9-1965, quân và dân nhiều địa phương đã đánh những trận thắng giòn giã. Từ tháng 7-1965 đến hết năm 1965, quân và dân các tỉnh Salavăn, Xavẳnnakhệt, Xiêng Khoảng liên tục đánh bại nhiều cuộc tiến công lấn chiếm của địch, bảo vệ vùng giải phóng Nam Lào, Trung Lào và khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Ở các tỉnh Bắc Lào như Sầm Nưa, Phôngsalỳ, Luổng Phạbang, Luổng Nậm Thà, Uđôn Xay đã mở cuộc vận động nhân dân thu phục phỉ. Quân đội giải phóng trên 16 nghìn dân thoát khỏi ách kìm kẹp của địch.

Về mặt chính trị, đồng chí Cayxỏn Phômvihản coi sự liên minh giữa Neo Lào Hắcxạt và lực lượng trung lập yêu nước có bước phát triển mới từ Hội nghị liên hiệp chính trị giữa hai bên họp lần đầu tiên tại Sầm Nưa từ ngày 3 đến ngày 13-10-1965. Những vấn đề cơ bản của đường lối Neo Lào Hắcxạt: giữ vững hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, đấu tranh đánh bại sự can thiệp của Mỹ vào Lào, giải quyết công việc nội bộ của Lào bằng thương lượng giữa ba phái, không có sự can thiệp của bên ngoài, được lực lượng trung lập yêu nước hoàn toàn đồng ý.

Lại một năm nữa trôi qua, năm 1965. Một năm mới, năm 1966 đang đến.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản, người chỉ huy cao nhất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bước sang tuổi 46. Năm mới, có người nói vui với đồng chí: “Con người ta bước vào tuổi 46 thường gặp nhiều may mắn”. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản hỏi người đó: “Năm 1965, quân đội và nhân dân của chúng ta đánh được bao nhiêu trận?”. Người đó nói: “Khoảng hơn 1.400 trận”. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản hỏi: “Thắng bao nhiêu trận?”. Người đó trả lời: “Phần lớn là thắng”. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản yêu cầu phải biết rút kinh nghiệm những trận thua. Đồng chí nêu vấn đề về mặt chiến thuật, những trận đánh thua là do chúng ta chưa chuẩn bị tốt. Nhưng về mặt chiến lược phải chuẩn bị tốt để đánh những trận thắng có tính chất quyết định. Chúng ta thường có nếp quen chú ý nhiều đến tiền tuyến, ít chú ý đến hậu phương. Nên nhớ rằng, thắng lợi ở tiền tuyến, một phần quan trọng phụ thuộc vào hậu phương, vì hậu phương mạnh mới cung cấp đủ lương thực, vũ khí cho tiền tuyến đánh thắng.

Cục diện chiến trường Lào đầu năm 1966 diễn ra hết sức gay go, quyết liệt. Cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc luôn luôn vấp phải những khó khăn mới. Các nhà quân sự Mỹ ở Lào vẫn cho rằng phá được cái “ổ cộng sản” ở Xiêng Khoảng và chiếm được cao nguyên Bôlôven thì Mỹ chắc chắn sẽ giành được thắng lợi trên chiến trường Lào. Vì vậy, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Lào thông qua lực lượng quân ngụy Viêng Chăn mở cuộc hành quân lớn mang tên “Inta” đánh vào căn cứ Lao Ngan, Thatèng, bắc cao nguyên Bôlôven, ngoài ra, chúng còn mở trận đánh lớn vào Phucút (Xiêng Khoảng). Quân và dân ta đánh trả quyết liệt. Riêng mặt trận Phucút, suốt 80 ngày đêm chiến đấu anh dũng, lực lượng Neo Lào Hắcxạt đã diệt 600 tên địch, bắn rơi 33 máy bay Mỹ. Ngày 28-4-1966, Trung ương Neo Lào Hắcxạt quyết định tặng danh hiệu anh hùng cho cán bộ, chiến sĩ mặt trận Phucút. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản coi chiến thắng Phucút là chiếc chìa khóa mở ra những chiến thắng khác của một giai đoạn mới chống Mỹ, cứu nước.

Ngoài chiến thắng lớn Phucút, quân ta còn anh dũng chiến đấu đẩy lùi cuộc hành quân “Inta” của địch ở bắc cao nguyên Bôlôven cũng như ở căn cứ Lao Ngan, Thatèng. Trong khi đó, quân và dân tỉnh Khămmuộn phá tan cuộc hành quân càn quét của địch ở Phuvăng.

Những chiến thắng trên còn là kết quả của những cuộc rút kinh nghiệm tác chiến ở Lào mà đồng chí Cayxỏn Phômvihản thường xuyên nhắc nhở.

Cũng nhờ biết rút kinh nghiệm kịp thời, Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng và đồng chí Cayxỏn Phômvihản ngày càng thấy rõ nhiệm vụ củng cố hậu phương vùng giải phóng và củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tháng 3-1966, Trung ương Đảng ra Nghị quyết về công tác kinh tế, tài chính trong vùng giải phóng nhằm giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm, xây dựng cơ sở bước đầu cho nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Cũng trong tháng 3-1966, Trung ương Đảng ra chỉ thị hướng dẫn xây dựng chi bộ “bốn biết” nhằm củng cố toàn diện cơ sở đảng và nâng cao trình độ công tác cho cán bộ. Trong một buổi nói chuyện với cán bộ Đảng các cơ quan Trung ương sau khi có Chỉ thị xây dựng chi bộ “bốn biết”, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhấn mạnh đến trách nhiệm công tác của người cán bộ là phải biết lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch, nắm vững lực lượng du kích, làm tốt công tác bảo vệ an ninh; biết lãnh đạo xây dựng chính quyền, xây dựng các đoàn thể nhân dân trên tinh thần đoàn kết hợp tác thân thiện và đoàn kết gắn bó, biết lãnh đạo sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân; biết củng cố chi bộ, xây dựng nền nếp sinh hoạt học tập và công tác.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Mười Hai, 2012, 07:13:31 am
Ngoài những chỉ thị chung, đồng chí Cayxỏn Phômvihản còn có những chỉ thị riêng cho một số tỉnh như Luổng Phạbang, Luông Nậm Thà, Mương Xay (Uđôm Xay), lưu ý những tỉnh đó cần thực hiện khẩn cấp một số nhiệm vụ thu phục bọn phỉ đang hoạt động mạnh, phát động chiến tranh du kích, củng cố, mở rộng vùng giải phóng, bằng mọi cách nhanh chóng thu hồi những vùng bị địch lấn chiếm. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản cho rằng, củng cố hậu phương và vùng giải phóng trong lúc này là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Đảng.

Nhờ những cố gắng nỗ lực trên, trong năm 1966, quân và dân Lào đã đánh thắng 655 trận lớn nhỏ. Số lượng trận đánh của năm 1966 tuy có ít hơn so với năm 1965, nhưng số lượng quân địch bị loại ra khỏi vòng chiến đấu lại nhiều hơn so với năm 1965, đặc biệt số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Lào là 263 chiếc, đánh dấu bước tiến lớn của bộ đội pháo cao xạ.

Năm 1967, đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng chủ trương tiếp tục chuyển mạnh công tác xuống cơ sở, lấy cơ sở là khâu then chốt, làm bàn đạp tạo đà cho chiến thắng, đồng thời phải đặc biệt chú trọng vấn đề tác chiến và thu phục phỉ, vì trong lúc chủ lực quân ngụy Viêng Chăn bị thua đau trên các chiến trường thì Cục Tình báo Mỹ muốn lấy lại thế cân bằng bằng cách tăng cường hoạt động của bọn phỉ. Một sĩ quan quân đội cao cấp của Mỹ ở Lào đã nỏi thắng ra rằng: “Quấy nhiễu và ám sát cán bộ của Neo Lào Hắcxạt nhiều khi tác dụng của nó chẳng kém gì những trận đánh lớn”. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nêu đặc điểm của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Lào là vừa phải tiêu diệt quân Mỹ - ngụy, vừa phải tiêu diệt bọn phỉ.

Chiến công đó đánh dấu sự trưởng thành mới của các lực lượng vũ trang cách mạng. Tháng 7-1967, thực hiện chủ trương của Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng và đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Quân ủy Trung ương và đồng chí Khămtày Xiphănđon mở Hội nghị quân chính phát động phong trào xây dựng “đơn vị ba giỏi”, “chiến sĩ ba giỏi”, nâng cao chất lượng chiến đấu với tinh thần lấy ít thắng nhiều.

Nhờ sự chỉ dạo tập trung của Đảng và của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, năm 1967, cách mạng Lào đã chiến thắng giòn giã trên các chiến trường Bắc Lào, Trung Lào và Nam Lào. Tính chung cả năm, quân và dân trong cả nước đã mở 1.859 trận đánh lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 16 nghìn tên địch, thu rất nhiều súng đạn, quân trang, quân dụng, bắn rơi 268 máy bay chiến đấu Mỹ… Nhiều trận quân ta đã đánh cho quân địch chạy tan tác như trận Nậm Bạc (cuối năm 1967, đầu năm 1968)…, đến mức Đài Phát thanh Hoa Kỳ phải thừa nhận các lực lượng vũ trang của Neo Lào Hắcxạt càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Sự phối hợp chiến đấu tuyệt đẹp giữa quân đội giải phóng nhân dân Lào với bộ đội tình nguyện Việt Nam trong trận Nậm Bạc (Bắc Lào) mà đồng chí Cayxỏn Phômvihản coi đó là bản anh hùng ca thắng trận của hai anh em trên bản đảo Đông Dương.

(http://nt7.upanh.com/b1.s34.d2/419af8c9d3ff8b194c2fac9b6bb0c4e2_51626717.latvat1151.jpg)

Nhân dân Lào múa hát mừng các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Mười Hai, 2012, 07:14:00 am
NHÌN LẠI CHẲNG ĐƯỜNG ĐÃ QUA, HƯỚNG TỚI CHẶNG ĐƯỜNG MỚI

Cuối năm 1967, đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng có dịp ngồi soi xét lại chặng đường chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ở Lào từ năm 1955 đến năm 1967, trên cơ sở đó mà đề ra Nghị quyết 15, xác định một cách có căn cứ nhiệm vụ ba năm (1968, 1969, 1970) của cách mạng Lào nhằm đánh bại chiến tranh đặc biệt của Mỹ ở Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chủ trương xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.

Chiến thắng Nậm Bạc diễn ra từ cuối năm 1967 đến đầu năm 1968 kết thúc thắng lợi. Sau chiến thắng này, Nhà Trắng và Lầu Năm góc đã phải kêu lên là Mỹ “không thể nhanh chóng kết thúc chiến tranh ở Lào”. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thì nhận định qua chiến thắng Nậm Bạc chứng tỏ Mỹ nhất định sẽ bị thất bại ở Lào.

Phát huy tinh thần Nậm Bạc, Trung ương Đảng thông qua Neo Lào Hắcxạt kêu gọi các lực lượng cách mạng tăng cường công tác quét phỉ và thu phục phỉ, bảo vệ vùng giải phóng. Thực hiện chủ trương của Đảng, tháng 3-1968, các lực lượng cách mạng mở chiến dịch tiến công tiêu diệt toàn bộ trung tâm căn cứ chỉ huy của bọn phỉ ở Pathi (Sầm Nưa), giải phóng 10 xã gồm trên một vạn dân.

Một thành công lớn trong năm 1968 theo nhận định của đồng chí Cayxỏn Phômvihản là Đảng Nhân dân và Neo Lào Hắcxạt đã chú trọng xây dựng cơ sở chính trị trong vùng địch kiểm soát, tung lực lượng lớn cán bộ vào các vùng đó để vận động nhân dân chống dồn dân vào các “làng đoàn kết”, “khu chấn hưng” thực hiện âm mưu chia cắt giữa nhân dân với cách mạng; vận động binh lính địch quay súng trở về với nhân dân.

Đến cuối năm này, lực lượng cách mạng ở tỉnh Viêng Chăn đã khôi phục và củng cố cơ sở được 22 xã với trên hai vạn dân.

Nhìn chung, cuối năm 1968, vùng giải phóng đã xuất hiện nhiều địa phương từ Nam đến Bắc. Những vùng được giải phóng, nhân dân tranh thủ tăng gia sản xuất, phát triển nông nghiệp. Chế độ “cuông lam” đã bị xóa bỏ về căn bản và chính sách chia ruộng đất cho nông dân bắt đầu được thực hiện.

Rải rác tại một số địa phương, chính quyền cách mạng đã xây dựng được một số cơ sở công nghiệp nhỏ, thủ công nghiệp, thương nghiệp gồm các xưởng dệt, xưởng may mặc, xưởng sửa chữa ôtô, xưởng làm đồ gỗ, xưởng rèn, các cơ sở sản xuất thuốc chữa bệnh, sản xuất bánh kẹo, cửa hàng mậu dịch quốc doanh; xây dựng hệ thống giao thông liên lạc từ Trung ương xuống các tỉnh, huyện, xã, bản. Đồng chí Nuhắc Phumxavẳn lo việc xây dựng nền tài chính của Lào, đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến và củng cố hậu phương.

Đảng nhân dân và Neo Lào Hắcxạt đặc biệt chú ý phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Nhiều trường hợp được xây dựng ở vùng giải phóng, nạn mù chữ được xóa bỏ từng bước. Tính chung, vùng giải phóng đã có 400 trường cấp I, cấp II với 36.500 học sinh và một đội ngũ giáo viên gồm 1.500 người. Hàng nghìn thanh niên, học sinh được cử đi học ở nước ngoài, chuẩn bị cho việc xây dựng đất nước trong tương lai. Báo chí và đài phát thanh hoạt động thường xuyên trong vùng giải phóng. Nhà xuất bản Neo Lào Hắcxạt xuất bản nhiều cuốn sách chính trị, văn học, tuyên truyền quan điểm đường lối của Đảng và ca ngợi tinh thần yêu nước của nhân dân các bộ tộc. Nhiều bệnh viện, bệnh xá được xây dựng, nhiều bản có trạm y tế và y tá. Bộ mặt vùng giải phóng thay đổi nhiều. Nhân dân phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng. Tiếng khèn, tiếng hát vang lên báo hiệu một tương lai tươi sáng của đất nước đang mở ra.

Sự trưởng thành của cách mạng đã tạo cơ sở để Trung ương Neo Lào Hắcxạt đưa ra Cương lĩnh 12 điểm vào ngày 21-10-1966 về việc xây dựng nước Lào thành một nước hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng.

Năm 1969, cách mạng Lào có sự trưởng thành vượt bậc, nhưng lại vấp phải sự chống cự mới của địch, khi đế quốc Mỹ đẩy “chiến tranh đặc biệt” ở Lào thành “chiến tranh đặc biệt tăng cường”. Đồng chí Khămtày Xiphănđon trong tác phẩm Những bài chọn lọc về quân sự đã giải thích rõ về “chiến tranh đặc biệt” và “chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào. Theo đồng chí Khămtày Xiphănđon, “chiến tranh đặc biệt” ở Lào được Mỹ cấu tạo theo công thức: quân phái hữu Lào + cố vấn Mỹ + viện rợ Mỹ. Còn “chiến tranh đặc biệt tăng cường” được Mỹ cấu tạo theo công thức: quân phái hữu Lào + lực lượng đặc biệt Vàng Pao + quân Thái Lan + không quân Mỹ. Với công thức này, “chiến tranh đặc biệt tăng cường” nguy hiểm hơn nhiều so với “chiến tranh đặc biệt”. Điều đó chứng tỏ đế quốc Mỹ mặc dù bị thua, nhưng vẫn ngoan cố bám lấy Lào, biến Lào thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Lúc này Níchxơn lên làm Tổng thống Mỹ thay Giônxơn. Níchxơn là một Tổng thống “hiếu chiến”, “thích máu hơn thích hoa hồng, thích đánh nhau hơn thích đàm phán”, như lời một chính khách phương Tây đã nói. Chính Níchxơn là người đề ra “chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào. Với “chiến tranh đặc biệt tăng cường”, Níchxơn đã “viện trợ” cho phái hữu ở Lào về quân sự tăng gấp hai lần so với thời kỳ Giônxơn làm Tổng thống. Quân đội “Hoàng gia” từ 130 tiểu đoàn tăng lên 150 tiểu đoàn, còn “lực lượng đặc biệt” từ 64 tiểu đoàn lên 86 tiểu đoàn. Số cố vấn quân sự lên tới 12 nghìn người, trong số đó có 600 người trực tiếp chỉ huy “lực lượng đặc biệt”, nắm chắc từng tiểu đoàn, từng đại đội. Từ năm 1969, lính Thái Lan chính thức tham chiến ở Lào và đến năm 1972 số lính Thái Lan có mặt ở Lào mà báo chí phương Tây công khai nói rõ là 40 nghìn tên được trang bị vũ khí hết sức đầy đủ. Đây là một lực lượng lớn, gây cho cách mạng Lào những khó khăn mới, rất nguy hiểm.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Mười Hai, 2012, 07:14:28 am
Chiến tranh ném bom của đế quốc Mỹ ở Lào được đẩy mạnh ở mức độ ác liệt chưa từng thấy. Theo ước tính của một thượng nghị sĩ Mỹ trong cuốn sách xuất bản ở Mỹ: Chiến tranh ở Lào - chuyện Níchxơn sẽ không nói thì số làn xuất kích của không quân Mỹ vào Lào cuối năm 1968 đầu năm 1969 có khoảng 4.500 lần chiếc mỗi tháng. Nguy hiểm hơn cả sau những trận ném bom hủy diệt của không quân Mỹ là đẩy dân chạy ra vùng đồng bằng sông Mènặmkhoỏng để lánh nạn, tác dân ra xa căn cứ cách mạng. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận định việc Mỹ dùng không quân đánh phá Lào vừa nguy hiểm về quân sự, vừa nguy hiểm về chính trị. Nhưng kết cục, chúng không thể thắng nổi chúng ta, vì chúng không phải là người Lào, còn chúng ta là người Lào chiến đấu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng không thể buộc nhân dân ta cúi đầu làm nô lệ cho chúng bởi tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân các bộ tộc Lào.

Trên bầu trời, không quân Mỹ làm mưa làm gió, dưới mặt đất, Mỹ dùng “lực lượng đặc biệt” Vàng Pao cùng hỏa lực hỗ trợ của lính Mỹ mở cuộc hành quân mang tên “Xamắckhi 2” với quy mô lớn đánh chiếm Mường Mường Xủi vào tháng 3-1969 để làm bàn đạp đánh chiếm trở lại Cánh đồng Chum. Khỏi lửa chiến tranh một lần nữa lại lan ra một vùng rộng lớn trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc.

Tình thế hết sức nguy ngập.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đồng chí Khămtày Xiphănđon và Bộ Chỉ huy quân sự tối cao duyệt phương án tác chiến củ Bộ Chỉ huy Bắc Lào. Được sự phối hợp chạt chẽ của bộ đội tình nguyện Việt Nam, đặc biệt của Sư đoàn 316 vừa được cử sang giúp Lào, quân và dân Bắc Lào đã mở đợt phản công đập tan lực lượng của địch đánh vào Mường Xủi. Lúc này đang trong mùa mưa, quân đội cách mạng chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức gian khổ, nhiều người không chết vì bom đạn mà chết vì những trận sốt rét rừng. Nhờ có ý chí quyết chiến và quyết thắng, sự phối hợp chiến đấu hiệp đồng chặt chẽ giữa quân tình nguyện Việt Nam và quân đội cách mạng Lào, chiến đấu ròng rã suốt bốn tháng trời, cuối cùng, chiến dịch Mường Xủi kết thúc thắng lợi về phía ta vào ngày 4-7-1969, tiêu diệt 3.114 tên địch, bằng 1/4 số quân địch bị tiêu diệt trong cả mùa khô 1968 - 1969. Chiến thuật “trực thăng vận” bị sụp đổ. Đây là thất bại lớn đầu tiên của lực lượng Níchxơn dùng người Lào đánh người Lào trong chiến tranh đặc biệt tăng cường” và cũng là thắng lợi mới của quân đội giải phóng nhân dân Lào.

(http://nt1.upanh.com/b5.s11.d1/858a459003998a2471bb2ed2598371b6_51608831.pathetlao.jpg)

Các chiến sĩ phòng không Pathét Lào (Sầm Nưa, 1969)

Sau trận đại bại này, các tướng Mỹ ở Sài Gòn vội vã sang Viêng Chăn gặp các tướng Mỹ và tướng ngụy ở Viêng Chăn rút kinh nghiệm xem có nên đánh vào Cánh đồng Chum nữa hay không? Các đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Xiphănđon và Bộ Chỉ huy quân sự tối cao Lào đều nhất trí nhận định trươc sau chúng cũng sẽ đánh vào Bắc Lào mà “điểm tụ” là Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Sở dĩ nhận định đó vì các đồng chí nhìn tổng thể lực lượng địch trên chiến trường Lào lúc này còn khá mạnh, ngoài lực lượng của Vàng Pao, còn có lực lượng của Mỹ, lực lượng quân Thái Lan, lực lượng quân ngụy Sài Gòn hỗ trợ. Vả lại, Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng là vị trí chiến lược về quân sự, nếu để mất căn cứ này sẽ dẫn đến mất tất cả.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Mười Hai, 2012, 07:15:30 am
Từ chỗ nhận định thế nào quân địch cũng mở những trận đánh lớn vào Cánh đồng Chum - Xieng Khoảng, các đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Xiphănđon và Bộ Chỉ huy quân sự tối cao cách mạng Lào gấp rút chuẩn bị mọi mặt, điều một bộ phận lớn quân đội về Bắc Lào sẵn sàng chiến đấu, trong khi đó lực lượng quân đội tình nguyện Việt Nam cũng được tăng cường sang Bắc Lào theo yêu cầu của Trung ương Đảng và Bộ Chỉ huy quân sự tối cao Lào.

Đúng như dự đoán của các đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Xiphănđon và Bộ Chỉ huy quân sự tối cao cách mạng Lào, chỉ một tháng sau kể từ khi thua đau ở Mường Xủi trong chiến dịch “Xamắckhi 2”, các nhà chỉ huy quân sự Mỹ ở Lào quyết định ra lệnh cho các lực lượng tay sai mở chiến dịch với quy mô lớn chưa từng thấy đánh thẳng vào Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Chiến dịch này mang tên “Cù kiệt”. Báo chí phương Tây hồi ấy bình luận “Cù kiệt” là Mỹ muốn cứu vớt danh dự sau trận thua to ở Mường Xủi mà Níchxơn đã tức điên lên ở Nhà Trắng sau khi nhận được tin này.

Trong thời gian từ tháng 8-1969 đến tháng 2-1970, địch huy động 50 tiểu đoàn quân chính quy chủ yếu là lực lượng Vàng Pao, 5.000 quân chính quy Thái Lan và sử dụng 300 phi vụ ném bom trên dưới 1.000 tấn một ngày, trong đó có cả “pháo đài bay” B.52 ném bom rải thảm xuống khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng và Bắc Lào. Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Lào tính rằng nếu họ chiến thắng trong chiến dịch “Cù kiệt” thì rõ ràng họ có cơ hội để đánh vào Sầm Nưa, “đào tận gốc, trốc tận rễ” hang ổ của căn cứ địa cách mạng, tiêu diệt Đảng Nhân dân và Neo Lào Hắcxạt để rồi đưa nước Lào vào vòng tay của Mỹ. Thấy rõ âm mưu của Mỹ, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: Để rồi xem ai thắng ai? Và đồng chí triệu tập các nhà chỉ huy quân sự lại phổ biến tình hình, giao nhiệm vụ cho quân đội Lào cùng quân tình nguyện Việt Nam phá tan cuộc hành quân “Cù kiệt”, bảo vệ dân, giữ vững vùng giải phóng. Đồng chí Khămtày Xiphănđon trực tiếp chỉ huy Quân đội giải phóng Lào.

Công việc được chuẩn bị chu đáo vào hoàn toàn bí mật làm cho địch bất ngờ. Vì lực lượng của địch quá mạnh, quá lớn, làm cho cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Tháng 10-1969 là tháng chiến đấu gay go nhất, quân đội Lào phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam mở đợt phản công quyết liệt vào Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, dồn quân địch vào thế bất lợi. Tin tức báo về Oasinhtơn là Mỹ sắp để mất Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leđơ chỉ thị tăng cường máy bay B.52 trút mưa bom xuống Cánh đồng Chum. Cuộc đọ sức giữa ý chí (quân đội cách mạng Lào) và kỹ thuật (lực lượng Mỹ và tay sai, cuối cùng ý chí đã thắng. Chiến dịch “Cù kiệt”, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 6.000 tên địch, thu và phá hủy hàng nghìn súng các loại, bắn rơi và phá hủy 42 máy bay, thu và phá hủy nhiều xe quân sự, một lần nữa, khu vực Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng hoàn toàn được giải phóng. Thừa thắng, quân và dân Lào còn truy quét địch ra khỏi vùng Pạcheng (Uđôm Xay), giải phóng một vùng rộng lớn dài 100 km dọc theo sông Mènặmkhoỏng. Tính chung trong năm 1969, quân và dân Lào đã tiêu diệt hai vạn tên địch, bắn rơi 200 máy bay Mỹ.

Chiến dịch “Cù kiệt” đánh dấu sự phá sản nặng nề của học thuyết Níchxơn, kéo theo sự sụp đổ không tránh khỏi của “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Mỹ với việc sử dụng bộ binh và tay sai, chủ yếu là “lực lượng đặc biệt” cộng với hỏa lực tối đa của không quân Mỹ. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản rất hài lòng về chiến thắng này. Các đồng chí Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn, Khămtày Xiphănđon… vô cùng vui mừng trước sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội giải phóng nhân dân Lào đã chiến đấu mưu trí, dũng cảm và chiến thắng vẻ vang.

(http://nt4.upanh.com/b2.s35.d2/9ec3baca9c0fc0c1412ad331f15e8cbb_51608824.latvat2232.jpg)

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thăm và làm việc với các đồng chí chuyên gia và
quân tình nguyện Việt Nam sau thắng lợi đánh bại cuộc hành quân “Cù kiệt” (1970)


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Mười Hai, 2012, 07:16:31 am
Giữa lúc quân và dân ta tập trung nỗ lực đánh bại cuộc hành quân “Cù kiệt” của địch, thì Trung ương Đảng, Trung ương Neo lào Hắcxạt và toàn Đảng, toàn quân, nhân dân các bộ tộc Lào nghe tin Đài Phát thanh Lào đưa tin Chủ tịch Hồ Chí Minh đã qua đời ngày 2-9-1969.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận được tin này trong lúc đồng chí đang chủ trì một cuộc họp tại Viêng Xay (Sầm Nưa). Sau này, đồng chí kể lại: Nghe tin Bác Hồ mất, tôi bàng hoàng cả người, nhớ tới vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, người bạn lớn của nhân dân Lào.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản triệu tập các đồng chí lãnh đạo Đảng và Neo Lào Hắcxạt lúc ấy đang có mặt tại Viêng Xay bàn việc tổ chức Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ truy điệu được cử hành trọng thể tại Viêng Xay. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản xúc động đọc Điếu văn ca ngợi thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí nói: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu “tấm gương sáng chói về tinh thần cách mạng triệt để, tinh thần cách mạng tiến công kiên cường, bất khuất, bền bỉ cho những người cộng sản nói chung và nhất là cho các chiến sĩ cách mạng Lào chúng tôi”(1).

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhắc lại tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Tư tưởng này là tư tưởng vì nhân dân và do nhân dân thực hiện. Đồng chí nêu bật đạo đức cách mạng và phong cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sống một cuộc đời trong sáng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị, ăn ở như nhân dân, gắn bó chan hòa với nhân dân, cả cuộc đời vì nước, vì dân.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược, sách lược và phương thức hoạt động đối với cách mạng Lào. Nhờ đó, cách mạng Lào đã vượt lên gian khổ, hoàn thành những nhiệm vụ có tính chất bước ngoặt. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là người bạn chiến đấu tin cậy nhất của các dân tộc đang đấu tranh vì độc lập, tự do. Trên tinh thần đó, đồng chí Cayxỏn Phômvihản kêu gọi toàn Đảng, toàn dân hãy xông lên đánh bại “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng nhân dân các bộ tộc Lào.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản xúc động trào nước mắt trong phút mặc niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ truy điệu kết thúc. Trên đường về, đồng chí nói chuyện với những người đi cùng rằng: Tôi đã vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần, lần nào cũng để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc về Người. Cuối năm 1950, căn cứ vào sự phát triển lớn mạnh của phong trào đấu tranh cách mạng Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ cho chúng ta rằng, cần phải xây dựng Đảng Mác - Lênin chân chính của Lào để lãnh đạo cách mạng Lào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa tôi đến với chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng chí tâm sự với những người dự Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng, đồng chí rất thích đọc tác phẩm Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1970, đế quốc Mỹ mở chiến dịch đánh vào vùng giải phóng của ta. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thấy trước khả năng ngoan cố của Mỹ vẫn còn cố bám lấy Lào cho nên đồng chí cùng Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng và Trung ương Neo Lào Hắcxạt họp bàn đối phó với những âm mưu mới của đế quốc Mỹ và tay sai. Một trong những nhiệm vụ quan trọng lúc này là phải bằng mọi cách giữ vững vùng giải phóng để khi có điều kiện sẽ đánh ra các vùng chiến lược quan trọng, mở rộng vùng giải phóng. Về mặt quân sự, tiếp tục tăng cường vũ khí hiện đại cho các đơn vị chủ lực, chuẩn bị sẵn sàng đánh những trận lớn hơn. Về mặt chính trị, đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Trung ương Đảng chỉ thị mở đợt phát động nhân dân các thành phố đấu tranh tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ dùng máy bay ném bom bắn phá, rải chất độc hóa học giết hại nhân dân.

Tiếp đó, đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Trung ương Đảng thông qua Neo Lào Hắcxạt, đưa ra giải pháp 5 điểm giải quyết vấn đề Lào, chủ yếu đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Lào, thi hành nghiêm chỉnh Hiệp nghị Giơnevơ năm 1962 về Lào, tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội và thành lập Chính phủ quốc gia liên hiệp, mở hội nghị hiệp thương chính trị giữa các đảng phái bàn giải quyết công việc nội bộ của Lào, cuối cùng đi tới thống nhất đất nước và hòa hợp dân tộc.

Giải pháp 5 điểm của Neo Lào Hắcxạt công bố ngày 6-3-1970, thì ngày 24 và 25-4-1970, Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương họp khẳng định liên minh chiến đấu Lào, Việt Nam, Campuchia tạo sức mạnh cho cuộc chiến đấu của nhân dân mỗi nước, trong đó có Lào. Sự kiện Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương thật sự tiếp thêm lực cho giải pháp 5 điểm của Neo Lào Hắcxạt.

Trong lúc Mỹ và tay sai còn đang lúng túng đối phó với giải pháp 5 điểm do phía Neo Lào Hắcxạt đưa ra, thì bộ đội chủ lực Lào mở đợt tiến công tiếp theo vào “lực lượng đặc biệt” ở Sảm Thông, Long Chẹng. Trận đánh này quân ta thắng lớn, quân địch thua to.


(1) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr. 32.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Mười Hai, 2012, 07:17:04 am
Sau những trận thắng lớn ở Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng, Sảm Thông, Long Chẹng, tin tức tình báo cho biết là giới quân sự Mỹ ở Đông Dương dang chuẩn bị ráo riết mở những trận đánh lớn vào Lào và Việt Nam. Mỹ tính rằng, đã đến lúc phải “quyết liệt với đối phương”.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận được tin này trong lúc đang công tác ở Xiêng Khoảng. Đồng chí trở về Sầm Nưa gặp một số đồng chí lãnh đạo của Đảng để trao đổi tình hình và dẫn tới cuộc họp của Thường vụ Trung ương vào ngày 25-6-1970. Thường vụ Trung ương và đồng chí Cayxỏn Phômvihản phân tích sâu sắc âm mưu mới của Mỹ, tuy Mỹ chưa có điều kiện chuyển “chiến tranh đặc biệt” thành “chiến tranh cục bộ” ở Lào, nhưng chắc chắn là tính chất của chiến tranh sắp tới sẽ ác liệt hơn nhiều so với trước. Lịch sử kiểm nghiệm nhận định trên là đúng.

Cái khó vẫn là chọn chiến trường để đánh. Bàn đi tính lại, cuối cùng Thường vụ Trung ương nhất trí hướng tiến công sắp tới là khu vực Trung Lào và Nam Lào. Chọn điểm đánh và khu vực đánh là một khoa học và nghệ thuật quân sự. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Thường vụ Trung ương đã chọn đúng cho nên luôn luôn nắm chắc thế chủ động đối phó với mọi âm mưu của địch.

Đúng như dự kiến của Trung ương, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Lào quyết tâm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Mùa mưa năm 1970, địch tập trung lực lượng đánh nống ra Pắc U thuộc Luổng Phạbang, Mường Phìn thuộc Xavẳnnakhệt và Atôpư, muốn chiếm lại vị trí đã mất. Cuộc chiến đấu giằng co và cuối cùng quân địch bị đẩy lùi.

Sau sự thất bại của quân Sài Gòn đánh chiếm Campuchia, Nam Lào trở thành chiến trường chính trong cuộc phản công chiến lược mùa khô 1970 - 1971 của đế quốc Mỹ.

Tháng 1-1971, đồng chí Cayxỏn Phômvihản họp Hội nghị Trung ương Đảng để thông qua kế hoạch tác chiến mới. Trung ương xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc này là đánh thắng đế quốc Mỹ và lực lượng phái hữu với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Quyết tâm cao được biểu lộ trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Đầu năm 1971, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Đông Dương quyết định mở cuộc hành quân lớn mang tên “Lam Sơn 719” đánh vào đường số 9 Nam Lào, thực hiện ý đồ cắt vùng giải phóng của Lào ra làm hai, phá thế liên hoàn của cách mạng Lào đã tạo nên từ mấy năm trước. Khác với các cuộc hành quân trước đó, cuộc hành quân “Lam Sơn 719” do quân Sài Gòn làm nòng cốt kết hợp với quân Viêng Chăn có sự hỗ trợ mạnh mẽ của bộ binh và không quân Mỹ. Tổng số quân địch trong chiến dịch “Lam Sơn 719” là 45 nghìn người, 1.100 xe tăng, xe bọc thép và xe quân sự, 1.500 máy bay chiến đấu và 300 khẩu pháo lớn. Đây là cuộc hành quân lớn nhất từ trước tới nay của Mỹ và quân tay sai của Mỹ. Trước giờ xuất quân, một viên tướng Mỹ đã nói: “Thắng trận này sẽ dẫn tới các trận thắng khác trên chiến trường Đông Dương”.

(http://nt1.upanh.com/b2.s11.d1/75ebdb09724242d6b58a33a97a480e0c_51608821.latvat2213.jpg)

Mỹ dùng trực thăng vận chuyển pháo binh chiếm các điểm cao ở đường 9 Nam Lào

(http://nt7.upanh.com/b3.s35.d1/170fb81a41391b30f9b3e1b73ce13a3c_51608957.kgrhqjhgeygzkwybqmreiw6057.jpg)

Một đoàn xe tăng của quân đội Sài Gòn di chuyển trên đường 9 cắt ngang biên giới Lào


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 12 Tháng Mười Hai, 2012, 07:17:37 am
Về phía ta, Trung ương Đảng và đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận thấy lực lượng của Neo Lào Hắcxạt còn mỏng, do đó, cần phải có sự phối hợp với bộ đội tình nguyện Việt Nam để mở cuộc phản công thì mới có khả năng chiến thắng. Các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Khămtày Xiphănđon,… đã tham gia chỉ đạo chiến dịch. Chiến dịch được mở ra từ ngày 8-2-1971 đến ngày 23-3-1971. Kết quả: quân Lào thắng lớn, tiêu diệt 15.400 tên địch, trong đó có 200 tên Mỹ, phá hủy và bắn rơi 496 máy bay, thu 5.000 khẩu súng các loại.

(http://www.acig.org/artman/uploads/p-30.jpg)

Máy bay địch bị súng phòng không 37mm của ta bắn hạ trên một quả đồi phía nam Xêpôn tháng 3 năm 1971

(http://nt9.upanh.com/b5.s11.d1/80770c248fb893765df04d8bfa79ee81_51608839.t2ec16zce9s4pud2lbqierjrcg6057.jpg)

(http://nt7.upanh.com/b2.s32.d2/ebeb229aa45fec8acb4b5002ab650bec_51608837.kgrhqrjiedqh43qbqc0ulelz6057.jpg)

Binh lính quân đội Sài Gòn bị thương và chết trận trên đường 9 năm 1971

Chiến thắng đường 9 Nam Lào mở ra một triển vọng mới đối với cách mạng Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản rút ra vấn đề là liên minh Lào - Việt Nam càng bền chặt, sức chiến đấu càng mạnh, chiến thắng càng to.

Ngày 1-6-1971, tại Hội nghị Trung ương Đảng, đồng chí Cayxỏn Phômvihản phát biểu đặt nhiệm vụ trung tâm hàng đầu là tiếp tục tiến lên, đánh thắng giặc Mỹ và tay sai, tạo bước ngoặt mới để từng bước đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng chí nhận định chiến tranh càng mở rộng thì tính chất của chiến tranh càng mở rộng, nó liên kết với nhau trên chiến trường Đông Dương. Vì vậy, khi mở mặt trận ở Lào phải tính đến cả chiến trường Việt Nam và chiến trường Campuchia.

Sau thất bại ở đường 9 Nam Lào, các nhà chỉ huy quân sự Mỹ ở Đông Dương lại chọn Cánh đồng Chum làm chiến trường trọng điểm. Biết rõ âm mưu mới này của Mỹ, Trung ương Đảng, Bộ Chỉ huy quân sự cách mạng và đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã gấp rút chuẩn bị lực lượng để đối phó. Trung ương Đảng Lào và Trung ương Đảng Việt Nam có sự gặp gỡ trao đổi nhất trí phối hợp với chiến dịch giải phóng Cánh đồng Chum. Chiến dịch được mở ra từ ngày 18-12-1971 và liên quân đội hai nước Lào - Việt Nam chiến đấu liên tục suốt ba tháng ròng, hợp đồng chặt chẽ, được nhân dân địa phương của Lào tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, đã đập tan 30 tiểu đoàn địch trong khi chúng co cụm phòng ngự, gần 6.000 địch bị tiêu diệt, trong đó có 3.432 lính Thái Lan, giải phóng trên 10.000 dân, nối liền các tỉnh: Sầm Nưa, Phôngsalỳ, Nậm Thà, Uđôm Xay, Saynhabuli với nhau. Chiến trường Bắc Lào thắng lợi, trong khi các ổ phỉ ở Nam Lào bị tiêu diệt một mảng quan trọng và vị trí chiến lược trên cao nguyên Bôlôven đã thuộc về sự kiểm soát của quân đội Lào.

Chiến thắng Cánh đồng Chum của quân và dân Lào là tiếng chuông đầu trong hồi chuông báo trước sự phá sản hoàn toàn của học thuyết Níchxơn đối với Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản có lần đã tổng kết: Về quân sự cũng như về chính trị, thất bại của học thuyết Níchxơn ở Lào là thất bại to lớn nhất. Mặc dù Mỹ có tiềm lực mạnh về quân sự và kinh tế, tướng tá Mỹ tính toán chi ly vẫn không thể cứu nổi sự suy sụp của quân ngụy Viêng Chăn, quân đánh thuê Thái Lan và “lực lượng đặc biệt” của Mỹ.

Về phía ta, đồng chí Cayxỏn Phômvihản coi nhân tố quan trọng hàng đầu dẫn đến thắng lợi là sứ mạnh của nhân dân trong nước và sức mạnh của sự liên kết chiến đấu của quân và dân Lào - Việt Nam. Tình đoàn kết chiến đấu Lào - Việt Nam được bắt nguồn từ xa xưa, như hai am em cùng sống trong một nhà hai mái là hai triền núi Trường Sơn hùng vĩ.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2012, 08:39:59 am
TỔNG BÍ THƯ CỦA ĐẢNG

Trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân các bộ tộc Lào đang ở vào giai đoạn có tính chất bước ngoặt lịch sử, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai Đảng Nhân dân Lào được triệu tập.

Trước đó mấy tháng, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí trong Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng, các cán bộ cao cấp của Đảng và của Neo Lào Hắcxạt về tình hình cách mạng Lào, phương hướng và phương pháp đưa cách mạng tiến lên. Đồng chí còn trực tiếp đi xuống một số tỉnh, huyện, xã, bản nắm tình hình thực tế. Đồng chí đến Xavẳnnakhệt, xem xét tình hình nhân dân bên bờ sông Xêbănghiêng, bên thác nước “Xắpbòtẹc” phía đông cầu Tạt Hay ở trong một túp lều nhỏ, lợp tranh, ẩn dưới bóng cây, nơi dòng sông chảy qua hõm núi, trông rất đẹp. Rời Xavẳnnakhhệt, đồng chí đi Khămmuộn, Bôlikhămxay. Chuyến công tác này của đồng chí nhằm chuẩn bị cho việc soạn thảo Cương lĩnh chính trị của Đảng. Từ mấy năm trước, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã có ý định viết Cương lĩnh chính trị của Đảng. Đồng chí dựa vào trí tuệ tập thể để soạn thảo Cương lĩnh cho phù hợp với tình hình thực tế của Lào.

Gần đến ngày khai mạc Đại hội, đồng chí Cayxỏn Phômvihản càng làm việc khẩn trương. Các đồng chí công tác ở Viêng Xay hồi năm 1972 kể lại rằng, những ngày đầu năm 1972, lúc nào cũng thấy đồng chí Cayxỏn Phômvihản ngồi sửa chữa dự thảo Cương lĩnh. Nhiều đêm, bên ngọn đèn dầu le lói, đồng chí ngồi viết, đọc tới khuya. Khi Cương lĩnh được dự thảo xong, đồng chí bảo người giúp việc mang đi xin ý kiến đóng góp của các đồng chí: Nuhắc Phumxavẳn, Xuphanuvông, Khămtày Xiphănđon, Phumi Vôngvichít, Phunxipaxớt, Xamản Vinhakệt,v.v. Theo đồng chí Cayxỏn Phômvihản, trí tuệ tập thể luôn tạo thành sức mạnh của Đảng.

Trước những ngày Đại hội khai mạc, một không khí sinh hoạt chính trị diễn ra sôi nổi trong toàn Đảng. Đại hội họp trong hoàn cảnh chiến tranh, cho nên mọi công việc chuẩn bị được giữ bí mật tuyệt đối. Cục Tình báo Trung ương Mỹ nổi biết là “biết trước các sự kiện”, nhưng cũng không hề biết là Đảng Nhân dân Lào đang khẩn trương chuẩn bị đại hội.

125 đại biểu thay mặt cho hơn hai vạn đảng viên công tác ở khắp mọi miền đất nước đã vượt qua bom đạn và chiến tranh ác liệt về dự Đại hội. Các đại biểu gặp nhau tay bắt mặt mừng, chắp tay chào nhau, hỏi chuyện chiến đấu và sản xuất ở mọi miền quê hương của đất nước. Đồng chí Phumvi Vôngvichít cảm hứng đọc hai câu thơ:

“Ôi! núi rừng đẹp mắt bao la
Như tắm mình giữa biển hương hoa”.

Không khí Đại hội là không khí ngày hội trong khói lửa chiến tranh.

Đại hội khai mạc vào ngày 3-2 và kết thúc vào ngày 6-2-1972 tại mường Viêng Xay, tỉnh Sầm Nưa (Hủa Phăn). Viêng Xay lúc đó đã giải phóng, đời sống nhân dân được ổn định, an ninh bảo đảm.

Hôm khai mạc, đồng chí Cayxỏn Phômvihản dậy sớm, đọc lại Báo cáo Cương lĩnh chính trị, sau đó gặp các đồng chí phục vụ Đại hội, động viên anh chị em cố gắng làm tròn nhiệm vụ.

Trước giờ khai mạc, các đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Nuhắc Phumxavẳn, Xuphanuvông, Khămtày Xiphănđon… đã tranh thủ đến gặp gỡ các đại biểu, troa đổi về tình hình địa phương. Không khí Đại hội diễn ra vui vẻ, thắm tình đồng chí.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thay mặt Trung ương khóa I trình bày bản Báo cáo Cương lĩnh chính trị. Báo cáo gồm ba phần: Tình hình thế giới và phong trào cách mạng Lào; Đặc điểm tình hình, tính chất và chính sách của cách mạng Lào; Vấn đề Đảng. Báo cáo nêu rõ cách mạng Lào trải qua hai giai đoạn: giai đoạn chống thực dân Pháp và giai đoạn chống đế quốc Mỹ (giai đoạn chống Pháp chia làm hai thời kỳ: thời kỳ thứ nhất từ năm 1930 đến năm 1945 và thời kỳ thứ hai từ năm 1946 đến năm 1954). Giai đoạn chống Pháp là giai đoạn vận động quần chúng nông dân, xây dựng cơ sở cách mạng và căn cứ, từ đó, dần dần phát triển ra vùng chung quanh các đô thị, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng chính trị, quân sự, vừa tăng gia sản xuất tự túc, giải quyết đời sống nông dân, xây dựng tình đoàn kết, bình đẳng giữa các bộ tộc chung quanh Neo Lào Ítxalạ, tình đoàn kết chiến đấu với nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam. Giai đoạn chống Mỹ là giai đoạn củng cố và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt, trước hết là lực lượng vũ trang, xây dựng Neo Lào Hắcxạt trên cơ sở liên minh công nông tập hợp mọi lực lượng yêu nước, yêu hòa bình, chống Mỹ, phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, đấu tranh hiệp thương mà nhân tố dẫn đến thắng lợi và sức mạnh chiến đấu của nhân dân các bộ tộc, vai trò lãnh đạo của Đảng và hình thành được liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam trên cơ sở giúp đỡ nhau để giành độc lập cho mỗi nước.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2012, 08:41:17 am
Về tình hình xã hội Lào, Báo cáo nêu rõ hai giai cấp chủ yếu trong xã hội là nông dân và phong kiến. Tính chất xã hội nói chung thời kỳ thực dân, phong kiến thống trị là tính chất bộ tộc bị thực dân (kiểu cũ) và nửa phong kiến thống trị. Đến khi đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, xã hội xuất hiện thêm hai giai cấp mới là công nhân và tư sản cùng nông dân và phong kiến. Vì vậy, tính chất của xã hội lúc này vừa là thuộc địa (kiểu mới), nửa phong kiến vừa có tính chất dân chủ nhân dân.

Về nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Lào, Báo cáo nêu vấn đề đoàn kết nhân dân các bộ tộc, đánh đổ đế quốc xâm lược, giai cấp phong kiến, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, “làm cho nước Lào thành một nước hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng”(1).

Để hoàn thành nhiệm vụ trên, cách mạng cần phải dựa vào lực lượng của toàn dân, nông dân, công nhân, trí thức, tiểu tư sản, tư sản dân tộc.

Phương châm đấu tranh, Báo cáo nhấn mạnh đến vấn đề phát huy sức mạnh của toàn dân, đấu tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào lực lượng bản thân là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế.

Hình thức đấu tranh là vận dụng mọi khả năng quân sự, chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, pháp lý, v.v., trong đó, lấy đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị của quần chúng là chủ yếu.

Về sự lãnh đạo của Đảng, Báo cáo khẳng định: “Đảng là nhân tố cơ bản quyết định nhất, bảo đảm mọi thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”(2). Việc thành lập Đảng Nhân dân Lào là bước ngoặt lịch sử của cách mạng Lào, và “dưới ngọn cờ của Đảng, sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đã ngày càng giành được những thắng lợi to lớn và nhất định sẽ đi tới thắng lợi cuối cùng”(3).

Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế vô sản làm tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Đảng tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết thống nhất, có mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lấy tự phê bình và phê bình làm quy tắc phát triển.

Đó là những nội dung cơ bản mà đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã trình bày trong Báo cáo Cương lĩnh chính trị. Đây là bản báo cáo mang tính lý luận và tính thực tiễn sâu sắc, phản ánh tính đúng đắn của một đảng cách mạng chân chính, vì dân, do dân.

Đại hội thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Đảng do đồng chí Nuhắc Phumxavẳn trình bày. Đại hội quyết định đổi tên Đảng Nhân dân Lào thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào; đổi tên gọi Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng thành Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Thường vụ Ban Chỉ đạo Trung ương Đảng đổi tên gọi là Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đổi tên gọi là đồng chí Tổng Bí thư của Đảng.

Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa II, gồm 23 Ủy viên chinh thức và 6 Ủy viên dự khuyết, Bộ Chính trị Trung ương Đảng gồm các đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Nuhắc Phumxavẳn, Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít, Khămtày Xiphănđon, Phun Xipaxớt, Xixổmphon Lờvănxay.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 17-2-1972, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ra Nghị quyết quán triệt và nắm vững đường lối của Đại hội II của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, phát huy tinh thần cách mạng, quết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, biết đánh và biết thắng, giương cao ngọn cờ dân tộc, dân chủ, đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng cách mạng trên cơ sở liên minh công nông, củng cố nội bộ, tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản trực tiếp đi phổ biến Nghị quyết của Đại hội II của Đảng ở một số cơ quan và đơn vị quân đội.

Sau Đại hội II của Đảng, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Lào tiếp tục phát triển. Trung tuần tháng 5-1972, quân đội cách mạng mở đợt phản công chiếm lại Pạc Xoong, Hội Công, Phù Thêvađa, tiêu diệt 6 tiểu đoàn địch, giải phóng cao nguyên Bôlôven. Ở Nam Lào, lực lượng cách mạng liên tục đập tan các cuộc hành quân của địch: “Xónxay”, “Phạ Ngừm” và “Xinhđăm”.


(1), (2), (3) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, Sđd, tr. 69, 85, 87.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2012, 08:42:55 am
Lúc này, đế quốc Mỹ đã bắt đầu thấy khó nuốt “quả táo chua” ở Lào như bình luận của một đài phát thanh phương Tây, muốn mở cuộc thương lượng với Neo Lào Hắcxạt. Nhưng qua tin tức thu nhận được, Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản dự đoán Mỹ muốn thương lượng trên thế mạnh, vì thế, có thể sẽ tập trung lực lượng đánh chiếm trở lại Cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng ngay trong mùa mưa năm 1972 trước khi có giải pháp chính trị ở Lào.

Đúng như dự đoán, ngày 7-5-1972, quân địch mở cuộc hành quân đánh chiếm vào khu vực Cánh đồng Chum, chiếm Xảm Thoong-Long Chẹng, Phu Pháxay, Hỉnđăm, Thậm Tâmlưng, Phu Viêng thuộc Xiêng Khoảng. Bị quân ta đẩy lùi, quân địch lại phản công. Từ ngày 10-8 đến ngày 15-11-1972, quân địch huy động hàng chục tiểu đoàn bộ binh, pháo binh hai lần đánh vào Cánh đồng Chum nhưng đều bị đánh bại. 5.600 tên địch bị tiêu diệt, 73 máy bay Mỹ bị bắn rơi.

(http://2.bp.blogspot.com/-7lInypBu_0Y/T8uSh9IkLmI/AAAAAAAAVMI/4v0BDGu0tH0/s1600/image078.jpg)

Các chiến sĩ Lào - Việt trong một đơn vị pháo phòng không, năm 1972

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã nói với cán bộ và chiến sĩ tham gia chiến đấu trên chiến trường Cánh đồng Chum là “hình ảnh tác chiến tuyệt vợi của hai người anh em Lào - Việt Nam”.

(http://nt6.upanh.com/b6.s35.d4/c95bdf174aade99e578485cdd452ea2b_51608826.latvat2233.jpg)

Đồng chí Huỳnh Đắc Hương, trưởng đoàn 959 làm việc với các đồng chí Nuhắc Phumxavẳn và Khămtày Xiphănđon (tại Sầm Nưa, 1972)

Ngày 7-10-1972, Viêng Chăn diễn ra cuộc thương lượng giữa đại biểu Neo Lào Hắcxạt với phái hữu. Cuộc thương lượng dằng dai không đạt kết quả. Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu vấn đề cần phải kiên trì thương lương kết hợp với tiếp tục chiến đấu, chúng ta nhất định sẽ giành thắng lợi. Đảng đã phát động nhân dân nổi dậy đấu tranh, đời chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Lào. Trên chiến trường, quân đội cách mạng tiếp tục đánh tan những cuộc hành quân lớn của địch vào vùng giải phóng.

Lúc này, Việt Nam giành được thắng lợi lớn trên mặt trận ngoại giao. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết, buộc quân Mỹ và quân chư hầu của Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Được tin đó, Tổng bí thư Cayxỏn Phômvihản dự đoán thế nào Hiệp định lập lại hòa bình ở Lào cũng được ký kết.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2012, 08:44:46 am
Đúng như vậy, sau nhiều lần họp đi họp lại, ngày 21-2-1973, tại Viêng Chăn, Hiệp định Viêng Chăn được ký kết giữa Chính phủ của ông Xuvănna Phuma và đại diện Neo Lào Hắcxạt, cam kết chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thành lập Chính phủ liên hiệp, thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đánh giá ý nghĩa Hiệp định Viêng Chăn là thắng lợi to lớn, toàn diện, cơ bản, nhưng còn phải bước tiếp chặng đường nữa để đi đến thắng lợi hoàn toàn.

(http://www.unforgettable-laos.com/wp-content/uploads/2012/05/ScreenShot169.png)

Ông Phôngsavẳn và ông Phumi Vôngvichít ký Hiệp định thành lập Chính phủ liên hiệp lần thứ ba ở Viêng Chăn năm 1973

Tình thế diễn ra không thuận lợi sau khi Hiệp định Viêng Chăn ký kết. Tập đoàn phản động Phủi Xananicon được tình báo Mỹ tiếp sức, tỏ ra hậm hức, vì họ cho việc ký Hiệp định Viêng Chăn là thất bại đau xót đối với họ và họ quyết tâm làm đảo chính. Mục đích cuộc đảo chính nhằm phá hoại cuộc đàm phán Viêng Chăn, gây lại tình hình căng thẳng ở Lào.

Rạng sáng ngày 20-8-1973, lực lượng của Phủi Xananicon phối hợp với lực lượng của Phumi Nôxavẳn và Thao Ma, được quân đội Thái Lan ủng hộ ầm ầm tiến vào Viêng Chăn làm đảo chính. Thủ đô Viêng Chăn trở nên căng thẳng, nhân dân đóng cửa ở trong nhà, chợ Sáng vắng người, trên đường phố tràn ngập quân đảo chính. Quân đảo chính chiếm sân bay, ngân hàng, Đài Phát thanh quốc gia.

Lúc này ở Thủ đô Viêng Chăn có cơ quan đại diện Neo Lào Hắcxạt. Để ngăn chặn cuộc đảo chính, đại diện Neo Lào Hắcxạt đến Đại sứ quán Mỹ tại Viêng Chăn, đề nghị Mỹ phải ra lệnh cho ngừng cuộc đảo chính, đồng thời, bố trí cho Thủ tướng Xuvănna Phuma lên Đài Phát thanh tố cáo âm mưu của Phủi Xananicon và Phumi Nôxavẳn phá hoại Hiệp định Viêng Chăn, kêu gọi nhân dân nổi dậy chống cuộc đảo chính.

(http://nt7.upanh.com/b5.s35.d2/fd5b98a0654269e71a46edd9c901bf7e_52113857.t2ec16rhjhye9nzpduzubqsb1fnuuq60.jpg)

Ông Soth Pethrasy (bên phải), đại diện của Neo Lào Hắcxạt đứng trước trụ sở của mình tại Viêng Chăn

Những cố gắng của đại diện Neo Lào Hắcxạt đã mang lại kết quả: Cuộc đảo chính bị dập tắt vào trưa ngày 20-8-1973.

Từ vùng giải phóng, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản kêu gọi nhân dân Viêng Chăn hãy ra sức bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục chính sách hòa hợp dân tộc, chuẩn bị thành lập lại Chính phủ liên hiệp dân tộc.

Không khí căng thẳng lắng xuống.

Thủ đô Viêng Chăn trở lại sinh hoạt bình thường.

Thi hành Hiệp định Viêng Chăn, đầu năm 1974, Trung ương Đảng và Trung ương Neo Lào Hắcxạt đã nhanh chóng triển khai lực lượng quân đội cách mạng vào hai thành phố trung lập Viêng Chăn và Luổng Phạbang nắm những cơ sở quan trọng, không để cho địch dựa vào thành phố này để xây dựng căn cứ của họ. Quân đội cách mạng tiến vào Viêng Chăn và Luổng Phạbang với khí thế hào hùng. Nhân dân mang cờ và hoa ra chào đón các chiến sĩ cách mạng, những con em của họ.

Trước thắng lợi mới của cách mạng, ngày 4-10-1974, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị để nhận định tình hình Lào khi tình thế cách mạng đã chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn mà Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nhận định nó đã chuyển từ chiến tranh sang hòa bình; từ đấu tranh quân sự, chính trị sang đấu tranh chính trị, pháp lý; từ hai vùng thành ba vùng chiến lược có phương châm chỉ đạo đấu tranh khác nhau. Những vấn đề trên được mang ra thảo luận kỹ tại Hội nghị Trung ương Đảng tháng 2-1974.

Từ vùng giải phóng, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nhìn về hướng Viêng Chăn và Luổng Phạbang, lòng tràn đầy phấn khởi và tin tưởng sự nghiệp cách mạng của nhân dân Lào nhất định giành được thắng lợi cuối cùng.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2012, 08:45:47 am
Lúc này, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản có dịp nhìn lại đường lối của Đảng về chiến tranh nhân dân ở Lào. Đồng chí suy nghĩ và viết một tác phẩm quan trọng: “Đường lối chiến tranh nhân dân ở Lào”(1). Mở đầu tác phẩm, đồng chí khẳng định quá trình đấu tranh cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào là quá trình tiến hành chiến tranh hầu như liên tục, sôi nổi. Đường lối cách mạng và đường lối chiến tranh của Đảng luôn luôn gắn liền với nhau, phù hợp với hoàn cảnh và đặc điểm của Lào. Chiến tranh nhân dân ở Lào thực chất là chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân lao động, vì quyền lợi cơ bản của nhân dân các bộ tộc, của các tầng lớp nhân dân trong toàn quốc. Chiến tranh nhân dân của Lào tiến hành trong điều kiện một nước chậm phát triển, địa hình hiểm trở, nhân dân có truyền thống đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm mà Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã phát huy một cách mạng mẽ với chất lượng mới. về mặt địa thế, chiến tranh nhân dân ở nước ta nằm ở vị trí chiến lược quan trọng ở Đông Nam châu Á, khi tiến hành, nó tạo thuận lợi trong sự liên kết đấu tranh. Về so sánh lực lượng, chiến tranh nhân dân ở nước ta tiến hành trong điều kiện lực lượng của địch hơn hẳn lực lượng của ta gấp nhiều lần về quân số, vũ khí, trang bị kỹ thuật và phương tiện chiến tranh. Điều đó buộc Quân đội cách mạng Lào phải tìm cách lấy ít thắng nhiều, lấy tinh thần thắng vật chất. Đặc điểm này còn chỉ rõ quy mô và mức độ của chiến tranh phản cách mạng ở Lào, cũng như tính chất trường kỳ, gian khổ, quanh co, phức tạp của chiến tranh nhân dân trên đất nước ta trong suốt các giai đoạn đấu tranh trước khi đi tới thắng lợi cuối cùng.

Từ những đặc điểm cơ bản nói trên, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản chỉ ra tính chất cơ bản của cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân các bộ tộc Lào, là trường kỳ gian khổ, quanh co, phức tạp và quyết liệt, nhưng nhất định thắng lợi.

Nội dung chiến tranh nhân dân, tác phẩm của đồng chí Cayxỏn Phômvihản nêu bật vấn đề phát động và tổ chức nhân dân các bộ tộc Lào, các tầng lớp trong cả nước tự giác đứng lên đoàn kết đánh giặc, xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân vững chắc, kết hợp đấu tranh vũ trang với xây dựng căn cứ địa, xây dựng hậu phương; kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị; tăng cường sự lãnh đạo toàn diện, tập trung thống nhất của Đảng, lấy sự lãnh đạo của Đảng làm nhân tố chủ yếu quyết định thắng lợi của chiến tranh nhân dân ở nước ta.

Vấn đề quan trọng của chiến tranh nhân dân ở nước ta là sự chỉ đạo chiến lược. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nêu sự chỉ đạo chiến lược trước hết phải quán triệt tư tưởng tiến công và vận dụng chiến lược cách mạng tiến công vào việc nổi dậy và chiến tranh nhân dân một cách đúng đắn, sáng tạo; phải sử dụng thành thạo hai lực lượng vũ trang và chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa hình thức đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị để giành thắng lợi cho cách mạng; phải kiên trì cuộc đấu tranh lâu dài, đồng thời cũng tích cực chuẩn bị mọi mặt để giành thời cơ, tạo những bước phát triển nhảy vọt; phải biết dựa vào sức mình là chính, đồng thời liên minh chiến đấu với nước cách mạng kiên định, với phong trào cách mạng thế giới; phải biết khơi nguồn sáng tạo để chỉ đạo cách đánh của toàn dân và của các lực lượng vũ trang cho phù hợp với tình hình và điều kiện của nước ta để đề ra cách đánh mang sắc thái của Lào, kết hợp giữa đánh du kích và đánh tập trung, lấy ít đánh nhiều, lấy chất lượng chiến đấu thắng số lượng, dùng lực lượng nhỏ để giành thắng lợi to, kết hợp giữa tiêu diệt địch với việc giành dân, giữ đất và giành quyền làm chủ nhân dân, bảo vệ dân, bảo vệ đất đất đai đã giành được.

Đó là những tư tưởng rất quan trọng mà đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã nêu trong tác phẩm Đường lối chiến tranh nhân dân ở Lào.

Viết tác phẩm Đường lối chiến tranh nhân dân ở Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản muốn chuẩn bị về quân sự và chính trị để làm cho cuộc tổng phản công, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước. Tác phẩm Đường lối chiến tranh nhân dân ở Lào của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản được đánh giá cao và được nhanh chóng tổ chức học tập trong toàn quân và trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể.

Sau khi hoàn thành tác phẩm Đường lối chiến tranh nhân dân ở Lào, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản thấy rằng, bên cạnh việc tổng kết chiến tranh nhân dân, còn cần phải tổng kết toàn diện một chặng đường đấu tranh cách mạng trong suốt 18 năm qua (1955-1973) kể từ khi tiếng súng chống Mỹ, cứu nước nổ trên đất nước Lào. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai (khóa II) được triệu tập với tinh thần đó. Hội nghị khai mạc ngày 17-2-1974 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản và các Ủy viên Bộ chính trị. Trung ương Đảng đánh giá thắng lợi của cách mạng Lào trong 18 năm qua là “to lớn, nhảy vọt, toàn diên, cơ bản, vững chắc, có ý nghĩa chiến lược, ý nghĩa lịch sử rất to lớn và tính chất thời đại”. Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản coi nhận định trên của Trung ương Đảng là phản ánh đúng thực chất của cách mạng Lào trong suốt 18 năm qua với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước ở Lào.

Từ nhận định trên, Trung ương Đảng quyết định phương hướng cụ thể, toàn diện nhằm đưa cách mạng tiến lên trong giai đoạn còn lại trước khi giành thắng lợi có tính chất quyết định, cụ thể là gấp rút chuẩn bị lực lượng mọi mặt cho cuộc tổng tiến công, nổi dậy trong toàn quốc, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.


(1) Tác phẩm quan trọng này của đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã được công bố trong dịp kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập Quân đội giải phóng nhân dân Lào (20-1-1949 - 20-1-1974).


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2012, 08:47:55 am
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ hai bế mạc, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản gặp riêng các đồng chí Nuhắc Phumxavẳn, Xuphanuvông và Khămtày Xiphănđon để phân công nhiệm vụ cụ thể của từng đồng chí ngoài nhiệm vụ chung. Theo sự phân công đó, đồng chí Cayxỏn Phômvihản xuống chỉ đạo phong trào ở Nam Lào, đồng chí Nuhắc Phumxavẳn phụ trách Trung Lào, đồng chí Khămtày Xphănđon ngoài việc phụ trách Bắc Lào còn đảm nhiệm chỉ huy mũi tiến công vào Viêng Chăn khi thời cơ đến, còn đồng chí Xuphanuvông sẽ dẫn đầu một phái đoàn của Neo Lào Hắcxạt vào Thủ đô Viêng Chăn trước để tham gia thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc và Hội đồng quốc gia chính trị hiệp thương theo đề nghị của Trung ương Đảng Lào thông qua Neo Lào Hắcxạt.

Theo sự phân công, đồng chí Cayxỏn Phômvihản rời Sầm Nưa đi xuống Nam Lào vào một ngày cuối tháng 2-1974. Đồng chí xuống Atôpư qua con đường Pắcxế, Xalavan, Xêcoong. Từ Xêcoong xuống Atôpư là gian khổ nhất, phải vượt qua hơn 150 con suối lớn, nhỏ cùng rừng rậm, núi cao. Chiếc xe “commăngca” nhiều khi chết máy, Tổng Bí thư của Đảng phải xuống đi bộ, có lúc cùng anh em đẩy xe cho máy nổ mới đi được.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đến ở một căn nhà ngói cũ nằm gần sông Xêcoong đoạn chảy qua thị xã Atôpư.

Đến nơi, thu xếp xong chỗ ở, đồng chí Cayxỏn Phômvihản ra sông Xêcoong tắm. Đồng chí bảo vệ không muốn để đồng chí đi tắm sông vì sợ nguy hiểm. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: “Không có gì phải sợ”. Đồng chí Xuvănđi, người giúp việc cho đồng chí Cayxỏn Phômvihản trong những ngày ở Atôpư kể lại rằng: “Trong những ngày mở lớp huấn luyện, đồng chí Cayxỏn Phômvihản thường xuống tắm ở bến đò Xêcàmản trên sông Xêcoong, đoạn chảy qua thị xã Atôpư. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản rất thích bơi. Có lần đồng chí bơi ra đến gần giữa sông mới quay lại”.

Mục đích của đồng chí Cayxỏn Phômvihản đến Atôpư là mở lớp huấn luyện cho một số cán bộ chủ chốt các tỉnh Nam Lào, chuẩn bị nổi dậy giành chính quyền. Khoảng 40 cán bộ lãnh đạo của các tỉnh Chămpaxắc, Xithănđon(1), Xalavan, Tàvênoọc(2), Bôlôven(3) và Atôpư đã đến dự lớp huấn luyện. Hội nghị kéo dài trong 11 ngày đầu tháng 3-1974 tại một khu rừng chuối ở ngoại ô thị xã Atôpư (gần bờ sông Xêcoong). Nhân dân địa phương đã dựng nhà tạm cho lớp học.

Suốt những ngày mở lớp huấn luyện, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đều có mặt, dự các buổi thảo luận, trao đổi cùng anh em. Hôm khai mạc, đồng chí dành cả ngày để báo cáo tình hình quốc tế, tình hình trong nước, âm mưu của địch và cách đối phó của ta. Đồng chí nêu kinh nghiệm giành chính quyền của Công xã Pari(4) năm 1871; kinh nghiệm khởi nghĩa giành chính quyền ở Nga năm 1917 làm nên Cách mạng Tháng Mười(5); kinh nghiệm khởi nghĩa giành chính quyền ở Việt Nam, Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lật đổ phátxít Nhật, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á).

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu kinh nghiệm của từng cuộc khởi nghĩa. Đồng chí cho rằng, Công xã Pari thất bại vì những người lãnh đạo khởi nghĩa đã phạm nhiều sai lầm. Giai cấp công nhân Pháp lúc ấy còn non trẻ về chính trị, chưa có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không kiên quyết đấu tranh với giai cấp tư sản Pháp để cho chúng tập hợp lực lượng đánh lại ta. Công xã (xắng khôm luôn khạn nạ…) không chiếm được ngân hàng Pháp, không thành lập ngay cơ quan trấn áp bọn phản cách mạng và bọn gián điệp, tình báo, không liên lạc được với giai cấp nông dân ở các tỉnh.

Về Cách mạng Tháng Mười ở nước Nga năm 1917, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản phân tích nguyên nhân giành được thắng lợi vì nó được chuẩn bị và tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; Đảng lãnh đạo giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân nghèo lật đổ giai cấp tư sản và thiết lập nền chuyên chính kiểu Xôviết; Đảng đã tích cực tranh thủ, giáo dục và tổ chức nhân dân; vấn đề vũ trang khởi nghĩa được thực hiện triệt để nhằm lật đổ giai cấp tư sản; sau khi giành thắng lợi, Đảng Cộng sản và V.I. Lênin đã nhanh chóng đập tan bộ máy nhà nước cũ, thành lập ngay chính quyền cách mạng, chia ruộng đất cho nông dân và thực hiện tự do dân chủ cho nhân dân.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đánh giá rất đúng về thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam, trước hết là do nhân dân Việt Nam đã quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, là kết quả của một quá trình chuẩn bị lực lượng cách mạng từ thấp đến cao, giành thắng lợi từng bước, khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cả nước, nắm vững đội quân chủ lực của cách mạng là công nhân và nông dân, kết họp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp nông thôn và thành thị, hợp pháp và không hợp pháp, chọn đúng thời cơ, phân hóa kẻ thù, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bám rễ sâu trong nhân dân.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản yêu cầu cán bộ Lào cần nắm vững kinh nghiệm rút ra từ Công xã Pari, Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Đồng chí căn dặn cán bộ phải hết sức chú ý đến tình hình thực tế ở Lào. Thoát ly thực tế đó sẽ phạm sai lầm về chỉ đạo.


(1) Hiện nay tỉnh Xithănđon đã rút thành một huyện, gọi là huyện Khôông thuộc tỉnh Chămpaxắc.
(2) Tỉnh Tàvênoọc hiện nay gọi là tỉnh Xêcoong.
(3) Tỉnh Bôlôven hiện nay sáp nhập vào tỉnh Atôpư.
(4) Công xã Pari là cuộc nổi dậy của công nhân Thủ đô Pari (Pháp) năm 1871, lật đổ chính phủ tư sản, thành lập chính quyền cách mạng. Bộ máy Nhà nước tư sản bị đập tan, thành lập bộ máy Nhà nước mới của nhân dân lao động. Sau đó, Công xã bị thất bại, giai cấp tư sản đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa.
(5) Đây là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước Nga nổ ra tháng 10-1917 dưới sự lãnh đạo của Lênin, cuộc cách mạng vô sản thắng lợi đầu tiên trên thế giới, dẫn đến sự ra đời của Liên Xô xã hội chủ nghĩa.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 29 Tháng Mười Hai, 2012, 08:49:22 am
Trong lớp huấn luyện, có người hỏi, “Bao giờ thì toàn dân nổi dậy?”. Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản trả lời: Với tình hình này thì chỉ khoảng một năm hoặc một năm sáu tháng nữa là chúng ta có thể giành được chính quyền trong toàn quốc. Nhưng từ giờ phút này, tỉnh nào, huyện nào, xã nào có đủ điều kiện thì cần nổi dậy ngay, xây dựng ngay chính quyền ở vùng giải phóng. Lại có người hỏi: “Lấy lúa gạo ở đâu để ăn mà đánh, lấy súng đâu để tiêu diệt địch?”. Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản tỏ ra khó chịu với câu hỏi đó. Đồng chí nói: “Lúa gạo nhờ ở dân chứ còn ở đâu, phải biết sử dụng hậu phương tại chỗ. Còn súng đạn ư, các đồng chí phải làm tốt công tác vận động binh lính địch, lấy súng của địch mà đánh lại chúng”.

Bế mạc lớp huấn luyện, Tổng bí thư Cayxỏn Phômvihản căn dặn cán bộ phải giữ vững lập trường cách mạng, chuẩn bị mọi mặt, đón thời cơ, chuẩn bị giành chính quyền trong cả nước, phải biết sử dụng sức mạnh tổng hợp, dồn địch vào thế yếu, bị động, tập hợp các lực lượng yêu nước, lực lượng trung lập, đẩy nhanh tới việc thành lập Chính phủ liên hiệp, tất cả để lôi kéo các lực lượng yêu nước về với Neo Lào Hắcxạt, đồng thời cần chuẩn bị kỹ việc xây dựng và củng cố các lực lượng vũ trang. Bộ đội chủ lực thì Trung ương đảm nhiệm, còn bộ đội địa phương và dân quân du kích thì tỉnh, huyện, xã phải lo xây dựng.

(http://talkvietnam.com/uploads/2012/07/vietnamese-military-experts-trained-lao-female-artillery-unit-197-492102.jpg)

Chuyên gia Việt Nam giúp huấn luyện các nữ chiến sĩ pháo binh Lào năm 1972

Lớp huấn luyện kết thúc. Chia tay mọi người, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nói: “Thời cơ đang đến, phải hành động ngay. Nhất định chúng ta sẽ gặp nhau ở Viêng Chăn trong ngày chiến thắng”.

Rời Atôpư, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản trở lại Xêcooong. Tại Xêcoong, đồng chí trao đổi với các đồng chí lãnh đạo tỉnh chuẩn bị lực lượng để giành chính quyền ở những nơi chưa giải phóng.

Rời Xêcoong, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đi Xalavan. Đến huyện Lao Ngam, đồng chí bị một trận ốm, sốt rét nặng, nằm liệt mấy ngày. Đồng chí nói: “Những ngày ở Xêcoong, tôi bị muỗi đốt nhiều, có lẽ vì lý do đó mà tôi bị sốt rét”. Được các bác sĩ hết lòng chăm sóc, dần dần đồng chí qua khỏi. Lúc khỏi bệnh, đồng chí nói vui: “Muỗi rừng không giết được người cách mạng, thì chắc chắn kẻ địch cũng sẽ không làm gì nổi chúng ta. Nhất định quân ta sẽ tiến vào được Thủ đô Viêng Chăn và giành lại được Thủ đô Viêng Chăn về tay nhân dân”.

Rời Xalavan, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đi Pắcxế, dừng chân ở đây gần một tuần lễ để nắm tình hình, sau đó trở lại Sầm Nưa. Đến Sầm Nưa, đồng chí nhận được tin bộ đội Pathét Lào đã chuyển quân vào Viêng Chăn và Luổng Phạbang một cách tốt đẹp và ngày 3-4-1974, đồng chí Xuphanuvông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Neo Lào Hắcxạt và đoàn cán bộ của Neo Lào Hắcxạt đã vào Thủ đô Viêng Chăn để chuẩn bị cho việc thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc và Hội đồng quốc gia chính trị hiệp thương Lào. Ngày 5-4-1974, tại kinh đô Luổng Phạbang, nhà vua Lào ký đạo dụ thành lập Chính phủ liên hiệp, tấn phong Hoàng thân Xuvănna Phuma làm Thủ tướng, đồng thời, công nhận Hội đồng Quốc gia chính trị hiệp thương do Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch. Từ Viêng Chăn, đồng chí Xuphanuvông báo ra vùng giải phóng cho Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản và các đồng chí trong Bộ chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào biết là Hội đồng quốc gia chính trị hiệp thương thông qua Cương lĩnh chính trị 18 điểm nhằm xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, trung lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản cho người về Viêng Chăn báo cho đồng chí Xuphanuvông biết là Bộ Chính trị hoàn toàn đồng ý với Cương lĩnh 18 điểm và cần thực hiện ngay. Nhờ đó, Cương lĩnh 18 điểm đã được thông qua ngày 24-5-1974(1), tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của ông Xuvănna Phuma.

(http://nt2.upanh.com/b3.s32.d1/f5f9cbc88d1caba71412d15ce270c700_52113862.2012594.jpg)

Đồng chí Phumi Vôngvichít và Hoàng thân Suvănna Phuma ở Pháp năm 1973


(1) Có tài liệu viết Cương lĩnh 18 điểm được thông qua ngày 25-5-1974.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Giêng, 2013, 09:23:26 am
BƯỚC NGOẶT CÓ TÍNH CHẤT QUYẾT ĐỊNH

Tình hình chính trị ở Lào lúc này biến chuyển hết sức mau lẹ.

Tháng 4-1974, Trung ương Đảng ra nghị quyết phân tích đặc điểm mới của tình hình Lào là cách mạng đã chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị. Hiện nay ở Lào đã hình thành ba vùng có chính quyền khác nhau là vùng giải phóng rộng 4/5 đất đai với chính quyền dân chủ nhân dân; vùng do lực lượng Viêng Chăn kiểm soát và vùng trung lập của chính quyền liên hiệp Trung ương. Như vậy tình hình đang phát triển thuận lợi cho cách mạng Lào. Nhưng để đạt tới thắng lợi hoàn toàn, cách mạng còn phải trải qua một giai đoạn khó khăn nữa. Để giành thắng lợi, Đảng cần tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập, dân chủ, hòa hợp dân tộc, thống nhất quốc gia và tăng cường đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế, tăng cường lực lượng cách mạng về mọi mặt, bảo vệ Chính phủ liên hiệp và Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp, kiên quyết chống mọi âm mưu phá hoại của đế quốc và phản động.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nói: Với đường lối này cùng với việc quân đội Neo Lào Hắcxạt đã vào được Viêng Chăn, chiến thắng đang lại gần.

(http://www.photius.com/images/la05_01a.jpg)

Đội bảo vệ danh dự của Pathét Lào tại Viêng Chăn, tháng 11-1974

Tuy vậy, Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ Viêng chăn, vẫn tiếp tục viện trợ riêng cho quân đội và cảnh sát phái hữu, dùng Quốc hội Viêng Chăn khống chế Chính phủ liên hiệp và Hội đồng quốc gia chính trị hiệp thương, làm cho bầu không khí chính trị căng thẳng.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nhận được tin này đã triệu tập Bộ Chính trị họp để đánh giá tình hình. Bộ Chính trị điện cho đồng chí Xuphanuvông cần gặp nhà Vua, thuyết phục nhà Vua giải tán Quốc hội Viêng Chăn. Việc làm này đã thành công vào hai tháng sau, đó là ngày 10-7-1974, nhà Vua ra lệnh giải tán Quốc hội.

Để tạo dựng bầu không khí đấu tranh chính trị sôi nổi, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản và Bộ chính trị chỉ thị cho Tỉnh ủy Viêng Chăn phải lãnh đạo nhân dân xuống đường biểu tình, đòi Mỹ và phái hữu phải thực hiện chính sách hòa bình và độc lập dân tộc ở Lào. Ngày 7-5-1974, hàng vạn thanh niên, học sinh, sinh viên và nhân dân Thủ đô Viêng Chăn xuống đường biểu dương lực lượng, giương cao và hô vang khẩu hiệu: “Hòa bình muôn năm!”, “Hòa hợp dân tộc muôn năm!”, “Ủng hộ Chính phủ liên hiệp dân tộc và Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp!”.

Ủng hộ phong trào trên, công nhân, viên chức trong các nhà máy, bệnh viện, cơ quan ở Viêng Chăn và Khămmuộn nổi dậy đấu tranh đòi cho nước Lào độc lập, hòa hợp dân tộc.

Từ vùng giải phóng, đồng chí Cayxỏn Phômvihản điện vào Viêng Chăn cho đồng chí Xuphanuvông cần phải tiếp tục gây sức ép mạnh về chính trị đối với Mỹ và phái thân Mỹ, ép lính Mỹ và cố vấn Mỹ phải rút khỏi Lào để cho người Lào tự giải quyết công việc nội bộ của mình, không cần sự can thiệp của nước ngoài.

Trước sức ép đó, cuối tháng 5-1974, Mỹ và Thái Lan tuyên bố sẽ rút quân đội của mình ra khỏi Lào. Khoảng 200 lính Mỹ và cố vấn Mỹ rút khỏi Lào vào khoảng cuối tháng 5-1974, còn lính đánh thuê Thái Lan rút quân đội của mình ra khỏi Lào vào ngày 30-6-1974. Tuy vậy, một bộ phận cố vấn và nhân viên quân sự Mỹ làm việc trong cơ quan viện trợ USAID(*) vẫn ở lại Viêng Chăn.


(*) Cơ quan Viện trợ phát triển quốc tế Mỹ.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Giêng, 2013, 09:24:15 am
Đây là một thắng lợi quan trọng mới của cách mạng Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Bộ Chính trị nhận thấy lực lượng Vàng Pao đang còn là một mối đe dọa không thể xem thường. Vì vậy, thông qua Chính phủ liên hiệp ép phải giải tán ngay lực lượng Vàng Pao với lý do còn để lực lượng này thì nền hòa bình ở Lào còn bị đe dọa. Lực lượng Vàng Pao bị dồn vào thế chân thường, lúng túng, bị động, một bộ phận đào rã ngũ, đảo ngũ, quay súng trở về với nhân dân. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói với anh em trong cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng là cách mạng Lào đang như diều bay cao. Nhân thời cơ này, chúng ta phải đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, mở rộng việc quan hệ với các nước.

Tháng 11-1974, Trung ương Đảng họp Hội nghị. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nhận định: phong trào đấu tranh của nhân dân đang ngày càng dâng cao, đẩy đế quốc và bọn phản động lâm vào thất bại, bị động, lúng túng, nội bộ rệu rã và ngày càng suy yếu. Trong khi đó, sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và tăng cường. Với tinh thần này, nhất định chúng ta sẽ đi tới thắng lợi cuối cùng. Nhiệm vụ còn lại là phải biết chẻ kẻ thù ra mà đánh. Một bó đũa chúng ta khó bẻ, nhưng tách từng cái một ra, chúng ta bẻ rất dễ. Đó là đường lối của chúng ta.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản thường hay có lối nói so sánh. Lối nói so sánh này làm cho người nghe dễ hiểu, dễ nhớ. Đó cũng là một trong những phong cách Cayxỏn Phômvihản.

Hội nghị Trung ương tháng 11-1974 nhất trí ra Nghị quyết nhận định vùng tạm kiểm sót của chính quyền Viêng Chăn hiện tại đã bị thu hẹp trong phạm vi rẻo dọc sông Mènặmkhoỏng - Gọi là vùng địch kiểm soát, nhưng nhiều cơ sở lại do Neo Lào Hắcxạt nắm. Sau khi thi hành Hiệp định Viêng Chăn, Đảng đã triển khai một lực lượng lớn cán bộ và quân đội cách mạng vào vùng này. Ở cấp trung ương trong thời gian này, cách mạng đã có vị trí quan trọng trong Chính phủ liên hiệp và Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp, hai cơ quan có quyền lực cao nhất ở Lào.

Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ cơ bản của cách mạng trong giai đoạn mới là giữ vững và xây dựng vùng giải phóng làm chỗ dựa cho cách mạng của cả nước, đồng thời, gây dựng các cơ sở cách mạng trong vùng trung lập và vùng đối phương kiểm soát, tranh thủ thời gian, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng với đấu tranh pháp lý, đưa phong trào cách mạng cả nước tiến lên. Trước mắt, cần thực hiện mục tiêu kiên quyết đẩy lùi, tiến tới chấm dứt sự khống chế của đế quốc Mỹ, tranh thủ, phân hóa lực lượng phái hữu, từng bước chuyển hóa quân đội Viêng Chăn, cô lập họ, làm cho họ mất sức chiến đấu, cầm chân bọn phản động lại, không để cho họ lật đổ Chính phủ liên hiệp, từng bước làm tê liệt bộ máy chính quyền của phái Viêng Chăn.

Về phương châm và sách lược đấu tranh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11-1974 khẳng định sự tiếp tục giương cao ngọn cờ hòa bình, độc lập dân chủ, hòa hợp dân tộc, thống nhất quốc gia, tranh thủ nhà vua, hoàng tộc và các lực lượng khác có thể tranh thủ.

Sau Hội nghị Trung ương tháng 11-1974, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản và các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đi nắm tình hình một số nơi, lãnh đạo và tổ chức phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân, từ đấu tranh đòi tự do, công lý, dân sinh, dân chủ tiến đến đấu tranh giành chính quyền. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản coi thắng lợi to lớn trong cuộc vận động chính trị lần này là đã lôi kéo được một số sĩ quan, binh lính trong hàng ngũ của địch trở về với nhân dân. Ngồi trong hang núi, đồng chí Tổng Bí thư của Đảng vạch kế hoạch vận động binh lính của địch. Kế hoạch này đã được tung vào Viêng Chăn. Đồng chí nói với các đồng chí giúp việc rằng trong lúc này càng tranh thủ được nhiều người ủng hộ cách mạng càng tốt.

Trên tinh thần đó, ngày 24-12-1974, được sự giúp đỡ của nhân dân, sĩ quan, binh lính của một đơn vị thuộc Sư đoàn 104 của phái Viêng Chăn đóng ở Huội Xài (Bò Kẹo) nổi dậy làm binh biến, tuyên bố rời bỏ quân đội phái hữu Viêng Chăn, tự nguyện đặt dưới quyền chỉ huy của Chính phủ liên hiệp dân tộc, đòi phía Viêng Chăn phải thực hiện nghiêm chỉnh những điều khoản đã ký kết với Neo Lào Hắcxạt.

Nghe tin này, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản gửi điện hoan nghênh tinh thần của đơn vị thuộc Sư đoàn 104, đồng chí coi đó là “tình nghĩa thủy chung của các bộ tộc Lào”.

Cuộc nổi dậy của sĩ quan, binh lính yêu nước ở Huội Xài là một đòn đau đánh vào quân đội phái hữu ở Viêng Chăn.

Cuối năm 1974, Tổng Bí thư của Đảng lại có chuyến đi khảo sát tình hình một số tỉnh ở Nam Lào. Đến Khămmuộn, đồng chí dự Đại hội đảng bộ tỉnh họp ở Bản Ban, huyện Nhômmalạt. Đồng chí hỏi các đại biểu dự Đại hội: “Công việc chuẩn bị giành chính quyền đến đâu rồi?”. Các đại biểu đều trả lời: “Đã sẵn sàng, xin Trung ương ra lệnh”. Đồng chí khen: “Thế là tốt”. Rồi đồng chí nói chuyện với Đại hội, phân tích sâu sắc truyền thống đấu tranh anh dũng của các bộ tộc. Tấm gương của Chậu Xayxệt Thà, Chậu Anuvông, Phò Càđuột, Ông Kẹo, Ông Commađăm, Chậu Pátchay, v.v., sống mãi trong lòng nhân dân các bộ tộc Lào. Tổng Bí thư dành thời gian dài nói về vấn đề xây dựng Đảng, trong đó nhấn mạnh đến khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng. Đồng chí nói: “Đảng càng đoàn kết, sức mạnh càng lớn. Đó là chân lý”.

Sau khi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Khămmuộn, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đi kiểm tra tình hình các tỉnh Xalavăn, Xêcoong, qua bản Nacai, nói chuyện với nhân dân địa phương, sau đó trở lại Sầm Nưa.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Giêng, 2013, 09:25:49 am
Bước sang năm 1975, không khí đấu tranh của nhân dân càng dâng cao, mũi nhọn chĩa vào đế quốc Mỹ và bọn phản động ngoan cố. Ngày mở đầu cho năm mới, 1-1-1975, nổi lên cuộc biểu tình của 300 học sinh trung học Pắcxế kéo dài đến ngày 13-2-1975, đòi được Tỉnh trưởng Sêđôn và viên Tư lệnh phó Quân khu 4 phải chuyển đi nơi khác vì có hành động khủng bố học sinh và nhân dân. Cuộc đấu tranh chính trị có tiếng vang lớn nhất là cuộc đấu tranh tài giỏi, mưu lược, dũng cảm của nhân dân huyện Noọngbốc, tỉnh Khămmuộn nổ ra từ ngày 6-1-1975(1) đến ngày 21-2-1975. Ngọn lửa bùng lên bắt đầu từ bản Đônkhiển Nứa. Mục tiêu của cuộc đấu tranh nằm trong chủ trương chung của Trung ương Đảng. Kế hoạch của Ban Chỉ đạo phong trào đấu tranh là trước hết phải chiếm được Sở Giao thông Thàkhẹc để rồi lấy xe ôtô tiến về Thủ đô Viêng Chăn cùng các hướng phía nam cầu Xêbăngphay và phía nam huyện lỵ Noọngbốc. Tiếc thay là đoàn biểu tình không chiếm được Sở Giao thông, đành phải đi bộ tiến vào huyện lỵ Noọngbốc thì gặp một đơn vị quân đội phái hữu cản đường. Đứng trước tình hình đó, chị em phụ nữ xông tới đứng ở phí trước. Binh lính địch không dám bắn. Qua được trạm gác số 1, đoàn biểu tình đến Thàbè. Lúc đó, tại bản Cútchắp gần đấy có một đoàn biểu tình khác. Lãnh đạo của hai đoàn trao đổi thống nhất nhập lại làm một thành lực lượng đông tới 200 người, vừa đi vừa thổi kèn, đánh trống, hô vang khẩu hiệu, làm náo động cả một vùng. Qua bản Xiêngvang Khộp, nhân dân gia nhập rất đông, đưa con sổ biểu tình lên tới 300 người. Đến Pạcpình, đoàn biểu tình bị lính địch chặn lại, cứ ba mét lại có một người lính đứng gác chĩa súng vào nhân dân. Nhưng đoàn biểu tình vẫn tiến lên. Đi đến trạm kiểm soát của Ban chỉ huy địch, một người trong ban lãnh đạo đoàn tên là Côngxỉ gặp viên chỉ huy trại lính, đại úy Lư, trao cho Lư bản yêu sách 9 điểm của nhân dân đòi hòa bình, tự do cơm áo, hòa hợp dân tộc. Đại úy Lư không chấp nhận yêu sách và đòi giải tán đoàn biểu tình. Đoàn biểu tình phản đối kịch liệt, vẫn hùng dũng tiến lên. Lư cho lính cản lại và dọa sẽ bắn nếu không chịu giải tán và Lư đã bắn chết một người trong ban lãnh đạo tên là Xiêngkhiển(2), bắn bị thương nhiều người. Đoàn biểu tình xông lên phản đối làm cho đại úy Lư lúng túng phải gọi điện cầu cứu cấp trên của ông ta đến giải quyết. Một viên chức văn phòng chính quyền phái hữu của tỉnh tên là Phôxả đến gặp bà con, nói: “Các ông, các bà đòi hỏi là đúng. Nhưng tôi làm quan 10 năm, chưa bao giời thấy hòa bình cả, nay các ông, các bà đòi hỏi phải có hòa bình thật là vô lý”. Một viên sĩ quan phái hữu xoa dịu: “Xin lỗi đồng bào, chúng tôi không ngờ lại xảy ra chuyện này, xin ghi lại và báo cáo cho chính phủ. Còn bây giờ mong mọi người trở về bản”. Lúc này, trong đoàn biểu tình có một thanh niên rất hăng hái tên là Xẩmly Xanhcuman yêu cầu chính quyền ngụy phải bồi thường cho những ngfười mà lính phái hữu đã bắn chết hoặc bắn bị thương. Anh Xẩmly Xanhacuman cùng một số người lên thẳng Viêng Chăn gặp Hội đồng chính trị quốc gia liên hiệp để phản đối quân đội phái hữu đàn áp dã man cuộc biểu tình, những người đi đòi tự do, cơm áo, hòa bình. Trong lúc còn chờ Hội đồng chính trị quốc gia liên hiệp giải quyết thì phái hữu đã cho quân đội trên xuống huyện Noọngbốc. bắt đi nhiều cán bộ cốt cán rồi phao tin đây là vụ phiến loạn. Nhân dân Noọngbốc kiên quyết chống lại làm cho chính quyền của địch bị tan rã, lật đổ ách thống trị của bọn phản động, thành lập Ủy ban tự quản nhân dân, thực chất là Ủy ban cách mạng địa phương. Thế là sau 47 ngày(3) đấu tranh bền bỉ, đổ máu hy sinh, cuộc đấu tranh đã giành được thắng lợi vẻ vang.

Cuộc biểu tình ở Noọngbốc là cuộc tự nổi dậy của nhân dân, sau đó là sự lãnh đạo của Đảng. Tính chất của cuộc đấu tranh là tự phát chuyển sang tự giác. Nó ghi thêm dấu son trong lịch sử của cách mạng Lào và là một trong những ngòi nổ dẫn đến những cuộc đấu tranh có tính chất dây chuyền lan nhanh trong toàn quốc. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản khi về thăm Noọngbốc đã đánh giá cuộc nổi dậy của nhân dân Noọngbốc năm 1975 là một trong những tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở Lào.

Sau cuộc đấu tranh của nhân dân huyện Noọngbốc, khí thế cách mạng của tỉnh Khămmuộn nổi lên cuồn cuộn như nước sông Nènặmkhoỏng vào mùa mưa. Nhân cơ hội này, Đảng chủ trương mở lớp huấn luyện cho các cán bộ ở Trung Lào chuẩn bị giành chính quyền về tay nhân dân. Lớp học được tổ chức ở Xavẳnnakhệt do đồng chí Nuhắc Phumxavẳn trực tiếp phụ trách. Trong một buổi lên lớp, đồng chí Nuhắc Phumxavẳn đánh giá bài học kinh nghiệm cuộc đấu tranh ở Noọngbốc cho chúng ta một khả năng hoàn toàn có thể giành chính quyền trong toàn quốc nếu nhân dân ta biết đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong lúc nhân dân Noọngbốc vừa khởi xướng cuộc đấu tranh chính trị ngày ngày 7-1-175, hàng nghìn nhân dân ở thị xã Thàkhẹc xuống đường biểu tình rầm rộ đòi chính quyền ngụy ở Khămmuộn phải thực hiện Cương lĩnh chính trị 18 điểm của Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp. Tiếp đó, ngày 10 và 21-2-1975, tại hai thành phố trung lập Luổng Phạbang và Viêng Chăn, hàng vạn người nổi dậy đấu tranh đòi thực hiện Cương lĩnh chính trị 18 điểm, đòi thay thế những người cai trị cũ có tội, đưa người tiến bộ lên thay. Nhìn chung, trong tháng 2-1975, nhiều địa phương và nhiều đơn vị trong quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Xixúc Na Chămpaxắc nắm đã nổi dậy đấu tranh đòi lập lại hòa bình ở Lào.

Neo Lào Hắcxạt thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, đã khéo lái Chính phủ liên hiệp (vận động bên trong) đi theo đường lối cách mạng. Vì vậy, ngày 5-2-1975, Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời và Hội đồng Quốc gia Chính phủ liên hiệp ra quy định về quyền tự do dân chủ của nhân dân. Lợi dụng dịp tốt này, Đảng vận động (bên trong) các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan nhà nước, các trường học, các tổ chức chính trị quần chúng, các nhân sĩ trí thức, sư sãi phật tử…, sôi nổi nghiên cứu trao đổi Cương lĩnh chính trị 18 điểm và trao đổi các quyền tự do dân chủ của nhân dân. Mục đích của Đảng là qua đợt vận động này, các tầng lớp nhân dân đều phải có nhận thức thống nhất là chỉ có Neo Lào Hắcxạt mới có thể cứu nước Lào khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến ở Lào, giành độc lập, tự do cho đất nước. Cũng thông qua cuộc vận động này, Đảng muốn chuẩn bị cho các tầng lớp nhân dân một tinh thần cách mạng tiến công trong giai đoạn mới trước khi chuyển sang bước quyết định chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Khi Trung ương kiểm điểm về cuộc vận động này, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận định đây là thành công lớn về mặt chính trị, tư tưởng khi nhân dân các bộ tộc đã sẵn sàng khởi nghĩa giành thắng lợi có tính chất quyết định.


(1) Có tài liệu nói cuộc đấu tranh nổ ra từ ngày 4-1 đến ngày 21-2-1975.
(2) Có tài liệu nói là Chiêngkhiển.
(3) Có tài liệu nói cuộc đấu tranh diễn ra trong 42 ngày. Viết 47 ngày là chúng tôi dựa vào biên bản cuộc tọa đàm ngày 26-9-1993 tại bản Đônkhiếnnứa, huyện Noọngbốc, tỉnh Khămmuộn với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo phong trào này.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Giêng, 2013, 09:27:23 am
Tháng 3-1975, tình hình tiếp tục có những đột biến. Các chuyên gia của Trung ương Đảng theo dõi sát mọi diễn biến trên toàn chiến trường Đông Dương, kịp thời báo cáo để Trung ương biết. Thêm vào đó, các địa phương, đơn vị quân đội, công an của ta báo cáo lên, giúp Trung ương nắm chắc tình hình, chủ động đối phó. Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nhận định: Tuy bị thua đau, “đế quốc Mỹ vẫn chưa cam chịu thất bại. Chúng vẫn ngoan cố câu kết với bọn tay sai, tiếp tục âm mưu cản trở, trì hoãn việc thi hành Hiệp định Viêng Chăn và Cương lĩnh chính trị 18 điểm hòng duy trì chủ nghĩa thực dân mới trên đất nước ta, áp bức bóc lột, kìm kẹp nhân dân ta và duy trì tình trạng chia cắt lâu dài đất nước ta”(1). Nhận định của đồng chí Cayxỏn Phômvihản là rất thực tế khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời ra lệnh cho viên Tư lệnh quân khu 5 điều hai tiểu đoàn tăng cường pháo binh và xe tăng đánh vào khu căn cứ cách mạng ở Na Nhang, Đàn Xủng, Nậm Hang, Bản Xẻng của Neo Lào Hắcạt ở phía bắc Thủ đô Viêng Chăn. Tất nhiên, cuộc hành quân lấn chiếm này đã bị quân đội Neo Lào Hắcxạt đánh bại.

Tính chung đến trước ngày 30-4-1975, nhiều địa phương của Lào đã nổi dậy giành chính quyền và cuộc binh biến của quân ngụy Viêng Chăn xuất hiện ở nhiều đơn vị. Lực lượng quân đội của Neo Lào Hắcxạt được tăng cường ở Thủ đô Viêng Chăn và Kinh đô Luổng Phạbang. Thế trận liên hoàn tiến công địch và sẵn sàng khởi nghĩa đã hình thành ở các thành phố, vùng nông thôn và miền núi. Nói như vậy khôn có nghĩa là lực lượng địch đã suy sụp hẳn. Trái lại, đến trước tháng 4-1975, quân phái hữu vẫn còn ngoan cố. Cơ quan USAID của Mỹ vẫn còn hoạt động ráo riết ở Lào. Chính phủ liên hiệp Trung ương vẫn còn một số người chống đối Neo Lào Hắcxạt, thực chất là chống đối Đảng Nhân dân cách mạng Lào, trong khi đó, chính quyền địa phương xuất hiện một số người rất ngoan cố, thẳng tay đàn áp những người cách mạng. Ở Quân khu 3, chính quyền ngụy thẳng tay đàn áp những người nổi dậy. Quốc hội bù nhìn Viêng Chăn do Phủi Xananicon cầm đầu đáng lẽ phải giải tán từ năm 1974 theo lệnh của nhà Vua, nhưng vì ngoan cố, nhùng nhằng mãi, đến ngày 10-4-1975, mới chính thức giải tán. Đến tháng 4-1975, lực lượng quân đội ngụy vẫn còn 77 tiểu đoàn gồm đủ các binh chủng do 41 viên tướng chỉ huy, đông gấp hai lần lực lượng quân đội cách mạng(2). Tuy vậy, xu thế phát triển của cách mạng Đông dương đang báo hiệu sự tan rã từng mảng của quân đội phái hữu, khó lòng cứu vãn nổi. Đó là sự kiện ngày 17-4-1975, quân và dân Campuchia đã giải phóng toàn bộ đất nước và ngày 30-4-1975, quân và dân Việt Nam đã giải phóng hoàn toàn đất nước của mình. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: “Nhân dân Campuchia và nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi hoàn toàn, thế lực phản động tay sai của đế quốc Mỹ bị tan rã và quan thầy của chúng đã bỏ chạy. Thắng lợi của nhân dân các nước anh em nói trên đã tạo cơ hội vô cùng thuận lợi cho cách mạng nước ta”(3).

Nhân dân Thủ đô Viêng Chăn nghe đài nói Việt Nam giải phóng, Campuchia giải phóng, lập tức họ xuống đường biểu tình, hô vang khẩu hiệu đòi lật đổ bọn phản động cực hữu ở Viêng Chăn, đòi cơ quan USAID của Mỹ phải chấm dứt hoạt động và cố vấn Mỹ phải rút ngay ra khỏi Lào. Sự kiện biểu tình lớn của hai vạn người ở Thủ đô Viêng Chăn và cuộc nổi dậy của nhân dân các tỉnh: Pắcxế, Sêđôn ở Nam Lào diễn ra ngày 1-5-1975 được coi là “châm ngòi khởi nghĩa”, đã gây dự luận hết sức sôi nổi trong cả nước, đẩy chính quyền ngụy vào tình thế khó khăn. Trên thực tế, việc lật đổ phái hữu Viêng Chăn trong Chính phủ liên hiệp lâm thời đã nhóm lên từ ngày 1-5-1975. Đây là nhận định của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản.

Trước tình hình đó, ngày 5-5-1975, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị quyết định tranh thủ thời cơ giành chính quyền trong cả nước. Tại Hội nghị quan trọng này, đồng chí Cayxỏn Phômvihản có một nhận định quan trọng:

“Cách mạng Lào đang đứng trước tình thế cách mạng trực tiếp. Vấn đề giành chính quyền về tay nhân dân phải được tiến hành khẩn trương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Lào hoàn toàn có khả năng hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước với một thời gian ngắn. Những thắng lợi giành được trong thời gian qua làm cho tình hình chủ quan của cách mạng đã chín muồi. Thắng lợi của cách mạng Campuchia và cách mạng Việt Nam làm cho thế và lực của cách mạng Lào tăng lên nhanh chóng và có tính nhảy vọt, làm cho so sánh lực lượng trong nước có sự thay đổi nhanh chóng. Lực lượng cách mạng đang ở thế chủ động”(4).

Bộ Chính trị nhất trí với nhận định của đồng chí Tổng Bí thư và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hãy lợi dụng thời cơ này mà xông lên giành chính quyền, giải phóng hoàn toàn đất nước. Đảng hạ quyết tâm khởi nghĩa giành chính quyền trong tháng 5-1975.

Ngay trong ngày 5-5-1975, trong lúc Bộ Chính trị đang họp thì quân đội cách mạng nhanh chóng trừng trị lữ đoàn 2 quân ngụy đang có hành động lấn chiếm, lấy lại toàn bộ khu vực Salaphakhum trên Cánh đồng Chum. Thừa thắng, quân giải phóng còn chiếm lại nhiều căn cứ quan trọng ở Phôn Siđa, Kasi, Nậm Hu, Nậm Kền, Nậm Pẹc, Phu Viêng, Phatông Chinh, Pha Hôm, Vang Viêng… của hướng Viêng Chăn và Phu Phabang, Phu Kềnh, Kiều Ca Chăm, Xiêng Ngân… của hướng Luổng Phạbang. Từ ngày 5-5 đến ngày 6-5-1975, quân giải phóng còn tiến vào Mường Caxỉn, Pha Tạng và Vang Viêng ở phía bắc Thủ đô Viêng Chăn.


(1) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr. 165.
(2) Tuy Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời được thành lập, nhưng quân đội vẫn chia làm hai: phái hữu Viêng Chăn và phái Neo Lào Hắcxạt. Ngoài ra còn có một bộ phận của lực lượng trung lập.
(3) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr. 166.
(4) Theo tài liệu ở lưu trữ Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Giêng, 2013, 09:28:31 am
Tình hình chuyển biến từng ngày, từng giờ. Đêm 7-5-1975, Bộ Chính trị họp khẩn cấp, chỉ thị cho các địa phương nhanh chóng điều các lực lượng vũ trang cách mạng hành quân gấp vào vùng đối phương kiểm soát, nếu vấp phải sự chống cự của địch phải “chiến đấu ngay”. Một cuộc hành quân thần tốc của 33 tiểu đoàn quân cách mạng nhằm các hướng Viêng Chăn, Xavẳnnakhệt, Pắcxế… mà tiến. Có nhiều đơn vị phải vượt qua hàng trăm kilômét để đến địa điểm cần đến, đúng thời gian. Lực lượng quân sự cách mạng do được chuẩn bị tốt đã tiến như vũ bão làm cho lực lượng quân sự của địch hết sức hoang mang dao động. Tuy vậy, ở nơi này nơi nọ, chúng vẫn ngoan cố chống lại. Lúc này, về phía lực lượng địch vẫn còn hai tập đoàn phản động mạnh nhất: Tập đoàn của Xixúc Na Chămpaxắc giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời và tập đoàn do Phủi Xananicon nắm. Cả hai tập đoàn phản động này đều có các cơ quan ở Nam Lào, ở Thủ đô Viêng Chăn và nhiều nơi khác. Ngoài ra còn có “lực lượng đặc biệt Vàng Pao” tuy bị thua, nhưng còn ngoan cố. Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản và Bộ Chính trị ra lệnh cho các đơn vị đặc biệt bằng mọi cách phá tan các tập đoàn này, kiên quyết không để chúng câu kết chống phá lực lượng cách mạng. Cuộc đấu trí đấu lực giữa lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng diễn ra quyết liệt, giành giật nhau từng mảnh đất, bản làng.

Một cuộc diễu hành lớn của 12 nghìn người diễn ra ở Thủ đô Viêng Chăn trong ngày 9-5-1975, đòi giải tán USAID, giải tán “lực lượng đặc biệt”, hạ cờ Mỹ, đòi Mỹ không được can thiệp vào Lào. Sức mạnh vô địch của nhân dân bao giờ cũng là vô địch. Đúng vậy, chỉ sau một ngày nổi dậy của nhân dân Thủ đô Viêng Chăn đã làm cho lực lượng của địch hoang mang thực sự. Bên cạnh đòn quân sự, còn có đòn chính trị và đòn tâm lý. Bằng nhiều con đường khác nhau, những nhân vật chóp bu trong phái hữu luôn luôn nhận được những tin: Mỹ đã bỏ chạy, đầu hàng quân giải phóng sẽ được đối xử tốt; từ chức là một lối thoát trong danh dự… Sức công phá trên các mặt quân sự, chính trị đã mang lại kết quả: Ngày 10-5-1975, hàng loạt bộ trưởng, thứ trưởng thuộc phái hữu thân Mỹ trong Chính phủ liên hiệp lâm thời buộc phải thừ chức, chạy trốn mà báo chí và đài phát thanh lúc ấy nói là “lủi như chuột”, trong đó phải kể đến Xixúc Na Chămpaxắc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Ngôn Xananicon, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Kommaxít, Phó Tổng tư lệnh quân đội Hoàng gia, v.v. Ngày 11-5-1975, những phần tử đầu sỏ của ngụy quân, ngụy quyền như Phủi Xananicon, Bun Um, các tướng Kúpơraxít, Abbay, Phó Tổng chỉ huy quân đội Hoàng gia, Uđơn Xananicon, Tổng Thanh tra quân đội, Khămlục, Cục trưởng Cục Tình báo, Etam, Phó Tổng tham mưu trưởng, Xilắc Phumavông, Giám đốc Trường sĩ quan cao cấp, Thônglít và Atxaphănthoong, Tư lệnh và Phó Tư lệnh Quân khu Trung tâm, Bun Thong, Tư lệnh Không quân, rồi cả đến Xixúc Na Chămpaxắc, Ngôn Xananicon,… đã “thi nhau vượt sông” chạy trốn sang Thái Lan, để lại “một mớ” quân lính hỗn loạn. Thật là một cuộc chạy trốn chưa từng có trong quân đội nước Lào của phái hữu. Đặc biệt, tướng Vàng Pao (vua phỉ), mồm luôn luôn nói “chiến đấu đến cùng, quyết tử thủ”, cũng phải hốt hoảng chạy trốn vào ngày 15-5-1975 trước cơn lốc của cách mạng. Cục Tình báo Trung ương Mỹ muốn chơi nước cờ cuối cùng: dựa vào quân ngụy ở Quân khu 5 làm đảo chính, nhưng không thành do binh lính chống lại quyết liệt.

Mặt trận chính trị cũng diễn ra hết sức quyết liệt. Hàng vạn người ở Luổng Phạbang, Pắcxan, Viêng Chăn,… tiếp tục nổi dậy như vũ bão, phản đối Mỹ và tay sai, đòi thực hiện Cương lĩnh 18 điểm của Chính phủ liên hiệp lâm thời. Các công sở hầu như tê liệt, các đài phát thanh địa phương đã phát đi những chỉ thị của Neo Lào Hắcxạt. Cách mạng thật sự là ngày hội của nhân dân.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nhận được nhiều báo cáo, nghe đài, gọi điện đi các nơi nắm tình hình và cho những chỉ thị cần thiết. Bộ phận điện đài bên cạnh Tổng Bí thư làm việc suốt ngày đêm. Các đồng chí Xuphanuvông, Nuhắc Phumxavẳn, Khămtày Xiphănđon, Xamản Vinhakệt và nhiều đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Neo Lào Hắcxạt ngoài việc chỉ huy chung còn trực tiếp nắm tình hình và chỉ đạo một số nơi quan trọng.

Ngày 15-5-1975, Tổng Bí Caxỏn Phômvihản điện cho các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng phụ trách các hướng và điện cho các Tỉnh ủy yêu cầu “phải nắm chắc và vận dụng tốt ba đòn chiến lược. Đòn nổi dậy của quần chúng trong tình hình mới ngày càng trở thành yếu tố quyết định, còn đòn tiến công quân sự cũng có vai trò hết sức quan trọng. Chỉ có trên cơ sở sử dụng kết hợp tốt và mạnh mẽ hai đòn đó mới tạo điều kiện sử dụng tốt đòn thứ ba vận động quân ngụy Viêng Chăn nổi dậy”(1).
 
Như vậy, rõ ràng, Tổng Bí thư của Đảng đã xếp lực lượng đấu tranh chính trị của nhân dân lên thứ nhất, thứ hai là lực lượng vũ trang cách mạng, thứ ba là cuộc vận động nổi dậy của binh lính địch. Lịch sử đã chứng minh sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản là chính xác.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản còn nhắc nhở các cấp ủy đảng rằng, sau khi một số phần tử phản động bị gạt ra khỏi Chính phủ liên hiệp lâm thời thì lực lượng trong Chính phủ này có lợi cho phía Neo Lào Hắcxạt, do đó, cần sử dụng vai trò của Chính phủ liên hiệp lâm thời nhằm hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của nhân dân và phương thức đấu tranh cũng phải được đổi mới. Việc sử dụng một Chính phủ không phải là cách mạng để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng là một nghệ thuật độc đáo, tuyệt vời trong chỉ đạo đấu tranh của Đảng Lào.

Sự chỉ đạo của Bộ Chính trị được thực hiện trong toàn đảng, toàn quân và toàn dân, được cụ thể hóa bằng những lời tuyên bố của Trung ương Neo Lào Hắcxạt và bằng những hình thức khác nhau được công bố trên các báo chí và đài phát thanh. Nhiều đồng chí lãnh đạo ở vùng xa xôi sau này đã kể lại: Chúng tôi nghe đài phát thanh của Neo Lào Hắcxạt cũng nắm được tình hình chung và đường lối chí đạo của Đảng.


(1) Điện của Đồng chí Cayxỏn Phômvihản gửi các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và các Tỉnh ủy, đề ngày ngày 15-5-1975. Tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Giêng, 2013, 09:29:53 am
Cách mạng vẫn đang hằng ngày, hằng giờ tiến về phía trước.

Từ ngày 15 đến ngày 31-5-1975, Quân đội cách mạng giải phóng Lào đã lần lượt tiếp cận nhiều thành phố, thị xã, thị trấn của Lào: ngày 15 tiến vào Pắcxế trung tâm Quân khu 4; ngày 16: Xămthoong; ngày 18: Long Chẹng trung tâm lực lượng Vàng Pao, Quân khu 2; ngày 19: Thà Khẹc; Ngày 21: Xavẳnnakhệt trung tâm Quân khu 3; ngày 14: Thủ đô Viêng Chăn, v.v. Đến ngày 27-5-1975 (lúc này Quân đội cách mạng đã vào đóng ở những nơi trọng yếu của Thủ đô Viêng Chăn), đại diện của Mỹ ở Lào đã đến gặp Chính phủ liên hiệp lâm thời ký văn bản gồm bảy điểm nhận rút hết cơ quan Mỹ USAID, nhân viên Mỹ và nhân viên nước ngoài ra khỏi nước Lào trước ngày 31-5-1975, bàn giao toàn bộ tài sản, phương tiện, máy móc, thiết bị cho Chính phủ Lào quản lý. Một cuộc di tản hoảng loạn, vội vã của người Mỹ, người nước ngoài và những người Lào thân Mỹ diễn ra suốt từ ngày 27 đến ngày 31-5-1975 bằng đường bộ, đường sông, đường hàng không từ Lào sang Thái Lan.

Cuộc nổi dậy của binh lính địch diễn ra suốt từ ngày 7 đến ngày 31-5-1975 với 28 tiểu đoàn bộ binh. Chính quyền và quân đội địch đang lung lay.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản bám sát tình hình, từ Bắc Lào, đồng chí quyết định đến Pắcxế và một số tỉnh của Nam Lào. Lúc này đồng chí Khămtày Xiphănđon đã vào Thủ đô Viêng Chăn, còn các đồng chí Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít đã có mặt ở Viêng Chăn từ trước.

Trong hai ngày 7 và 8-6-1975, Bộ Chính trị họp ra chỉ thị về việc xóa bỏ chính quyền và quân đội địch, thành lập chính quyền cách mạng và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong cả nước. Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nói rõ về bước đi và cách thức giành chính quyền về tay nhân dân. Theo quan điểm của đồng chí thì trước hết phải phát động phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của nhân dân các thành phố lớn, nơi tập trung các thế lực phản động nhất, dùng sức mạnh của nhân dân tại chỗ và nhân dân các vùng giải phóng tiến vào, kết hợp với áp lực của lực lượng vũ trang cách mạng và nổi dậy ly khai của binh lính địch, tiến hành khởi nghĩa trong cả nước, tiến quân vào vùng đối phương, triển khai lực lượng chiếm lĩnh các vị trí xung yếu trong các thành phố, khống chế uy hiếp quân địch ngay tại hang ổ của chúng, kết hợp phát huy sự hỗ trợ của Chính phủ liên hiệp lâm thời, làm tê liệt sức chống đối của quân địch và cảnh sát vũ trang của địch, kiên quyết đập tan bộ máy chính quyền phản động từ cấp tỉnh, thành phố trở xuống, thành lập ngay chính quyền nhân dân cách mạng các cấp. Sau khi đã hoàn thành cơ bản việc giành chính quyền ở các tỉnh và thành phố (kể cả hai thành phố trung lập), lập tức phải triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, giải tán các tổ chức chính quyền liên hiệp Trung ương, xóa bỏ chế độ vua chúa, thiết lập nền cộng hòa dân chủ nhân dân.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về việc giành chính quyền, các cấp ủy đảng và các đảng viên đã lãnh đạo nhân dân ở các địa phương, cơ sở nổi dậy giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng ngày 17-6-1975: Bôlikhămxay; ngày 20-6-1975: Xiêng Khoảng hoàn toàn giải phóng; ngày 3-7-1975, nhân dân tỉnh Chămpaxắc míttinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng của tỉnh; đầu tháng 8-1975, nhân dân tỉnh Xaynhabuly hoàn thành việc lập chính quyền cách mạng tất cả các cấp trong tỉnh; ngày 21-8-1975, chính quyền cách mạng tỉnh Luổng Phạbang được thành lập; ngày 23-8-1975, hơn hai vạn nhân dân Thủ đô Viêng Chăn tổ chức míttinh tại Quảng trường Thạt Luổng chào mừng lễ ra mắt của chính quyền cách mạng. Sự kiện ngày 23-8-1975 ở Thủ đô Viêng Chăn được xem như cái mốc kết thúc thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng ở Lào suốt từ năm 1945 đến năm 1975. Đến cuối tháng 8-1975, chính quyền cách mạng đã được thiết lập ở 15 tỉnh, 4 thành phố, 67 mường(1). Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận định: “Đến tháng 8-1975, toàn bộ bộ máy thống trị và đàn áp của địch từ cấp tỉnh đến tận cơ sở trong cả nước, kể cả hai thành phố Viêng Chăn và Luổng Phạbang đã hoàn toàn bị xóa bỏ”(2).

Cách mạng còn nhiều việc phải làm. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và Trung ương Đảng tập trung vào việc giải quyết những công việc cấp bách nhất, đồn thời chuẩn bị mọi điều kiện để làm những công việc lâu dài. Một trong những vấn đề lớn là Đảng cần tiếp tục giương cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, xóa bỏ mọi hận thù. Ngoài việc tòa án cách mạng tuyên bố xử án 31 tên cầm đầu bọn phản động có nhiều tội ác nhất đối với nhân dân, phản bội Tổ quốc, đã trốn ra nước ngoài, còn lại là cộng đồng các bộ tộc, sống chung trong một đất nước có diện tích 236.800 km2.

Tháng 10-1975, Trung ương Đảng họp tổng kết cuộc nổi dậy giành chính quyền thắng lợi trong cả nước, bàn biện pháp xây dựng chính quyền mới của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.


(1) Ở Lào, năm 1975 có tất cả 69 mường thì đến cuối tháng 8 đã có 67 mường lập xong chính quyền cách mạng, riêng mường Và và mường Bò Tèn thuộc tỉnh Pắcxay còn ở dạng Chính phủ liên hiệp địa phương.
(2) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr.242.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Giêng, 2013, 09:30:22 am
Một trong những vấn đề cần được nghiên cứu cẩn thận là việc xử lý Chính phủ liên hiệp lâm thời. Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu rõ: Mặc dù chính quyền liên hiệp nêu cương lĩnh hòa bình, trung lập, hòa hợp dân tộc và có những thành viên là cán bộ cách mạng và đảng viên của Đảng tham gia, nhưng xét về bản chất nó vẫn là chính quyền của các tập đoàn thống trị quan liêu, có quan hệ chặt chẽ với Mỹ. Đảng nhân dân cách mạng Lào tham gia vào bộ máy Nhà nước đó là theo yêu cầu của sách lược lúc ấy. Đồng chí coi đó là môi trường hoạt động của Đảng nhằm phân hóa, cô lập kẻ thù, tranh thủ lực lượng trung lập và vận dụng hình thức đấu tranh pháp lý để phối hợp với các mặt đấu tranh khác. Nay cách mạng đã giành được thắng lợi về cơ bản, nhiệm vụ của Đảng là phải đập tan về mặt tổ chức mang tên “liên hiệp” ấy, không có chuyện “làm lễ bàn giao”, nhưng đối với những con người cụ thể đã tham gia trong chính quyền cũ, cách mạng sẵn sàng sử dụng họ với cương vị công tác mới, phù hợp với khả năng và nguyện vọng của họ.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu vấn đề đập tan bộ máy nhà nước cũ chứ không phải tiêu diệt con người trong bộ máy đó. Đây là cách xử lý uyển chuyển, thông minh giữ vững nguyên tắc nhưng mềm mỏng trong cách đối xử với con người. Đó là đường lối sáng suốt của Đảng, đường lối này bắt nguồn từ phong cách của người Lào chúng ta.

Trung ương Đảng nhất trí với quan điểm của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản. Để có một chính quyền cách mạng thực sự của nhân dân, Đảng chủ trương mở cuộc vận động nhân dân thảo luận và quyết định thành lập chính quyền mới trên tinh thần dân chủ thực sự. Nhân dân đã đi bầu cử hội đồng nhân dân và ủy ban chính quyền các cấp. Công việc này tiến hành đến tháng 11-1975 thì hoàn thành.

Ngày 25-11-1975, theo chủ trương của Trung ương Đảng, Hội đồng Quốc gia chính trị liên hiệp và Chính phủ liên hiệp lâm thời nhất trí họp Hội nghị chính trị hiệp thương tại Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn (Sầm Nưa), dưới sự chủ trì của đồng chí Xuphanuvông, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia chính trị liên hiệp, thành viên của Chính phủ liên hiệp lâm thời. Tại Hội nghị chính trị hiệp thương này, đồng chí Xuphanuvông đọc dự thảo báo cáo nhận định tình hình Lào và phương hướng xây dựng nước Lào trong tương lai. Hội nghị nhất trí ra Nghị quyết xóa bỏ hoàn toàn chế độ vua chúa ở Lào, thành lập chế độ mới cộng hòa dân chủ nhân dân nhằm đưa nước Lào tiến bước vững chắc trên con đường độc lập, dân chủ, thống nhất, phồn vinh và tiến bộ xã hội. Hội nghị cử các đồng chí Xuphanuvông và Phumi Vôngvichít lên Luổng Phạbang để gặp vua Xivavang Vátthana, trao đổi với nhà vua những kiến nghị và Hội nghị thông qua.

Đồng chí Xuphanuvông và đồng chí Phumi Vôngvichít đến Kinh đô Luổng Phạbang. Sau khi trao đổi với vua Xivavang Vátthana về tình hình Lào và yêu cầu nhà vua từ bỏ ngai vàng, trở thành một công dân của đất nước. Vua Xivavang Vátthana biết không thể nào quay ngược lại bánh xe lịch sử, đành phải đồng ý thoái vị. Lời thoái vị do nhà vua ký ngày 29-11-1975 được trao cho thái tự Chậu Vôngxavang mang về Thủ đô Viêng Chăn để trao cho Đại hội đại biểu nhân dân sắp họp. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản coi sự kiện vua Xivavang Vátthana thoái vị là xu thế tất yếu.

(http://1.bp.blogspot.com/-vfpcTKRzQUI/UFK8YfF_FCI/AAAAAAAAOK8/lCpL6INUWqE/s1600/00laos4.jpg)

Vua Xivavang Vátthana

(http://4.bp.blogspot.com/-AHkK5Nmy0ps/UFK8yqk4q3I/AAAAAAAAOLU/GTZ44V2PoeQ/s1600/00laos7.jpg)

Thái tử Vôngxavang

Bánh xe lịch sử của nước Lào đang lăn về phía trước.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 13 Tháng Giêng, 2013, 09:34:13 am
Sau sự kiện Hội nghị chính trị hiệp thương và sự kiện vua Xivavang Vátthana thoái vị, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản quyết định triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân (gọi tắt là Đại hội quốc dân).

Đại hội quốc dân họp trong hai ngày 1 và 2-12-1975 tại Thủ đô Viêng Chăn. 264 đại biểu(1) thay mặt cho các tầng lớp nhân dân, các bộ tộc, tôn giáo, đoàn thể nhân dân, nhân sĩ, trí thức, lực lượng vũ trang của Neo Lào Hắcxạt đã về dự Đại hội. Tham gia Đại hội còn có các vị lãnh đạo Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Neo Lào Hắcxạt.

Tại Đại hội, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đọc Báo cáo chính trị, nêu bật truyền thống của nhân dân các bộ tộc Lào trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, dẫn đến thắng lợi của ngày hôm nay. Đồng chí nêu rõ những nguyên nhân đã mang lại thắng lợi: “Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường bất khuất và truyền thống đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta”(2). Đó là “do có sự lãnh đạo sáng suốt và tinh thần tận tụy vì nước vì, dân của Đảng Nhân dân cách mạng Lào trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng đã có đường lối, chính sách và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, đã giáo dục, phát động, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh cách mạng từ thấp đến cao, đánh đổ kẻ thù từng bộ phận, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn”(3). Đó là thắng lợi “bắt nguồn từ chế độ dân chủ nhân dân đã được xây dựng thật sự ở vùng giải phóng trong nhiều năm qua, từ đó đã tạo thành chỗ dựa và hậu thuẫn vững chắc cho cuộc cách mạng cả nước”(4). “Dân tộc Lào giành được thắng lợi còn do liên minh chiến đấu giữa nhân dân Lào, nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia đã kề vai sát cánh cùng nhau chống kẻ thù chung suốt 30 năm qua và cùng nhau giành thắng lợi, cùng nhau góp phần viết nên trang sử anh hùng của thời đại”(5) và thắng lợi của nhân dân ta “không thể tách rời sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ và quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trước hết là Liên Xô, của nhân dân và chính phủ các nước tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ”(6). Những nguyên nhân giành thắng lợi mà Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu trên đây là hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản tuyên bố: “Cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta đã thành công”(7) và chúng ta tiếp tục đi trên con đường mới, “xây dựng Tổ quốc phồn vinh và tiến bộ”(8). Muốn vậy, “vấn đề mấu chốt là nhân dân ta phải xây dựng hệ thống chính quyền từ trung ương xuống đến cơ sở thật vững chắc”(9). Đồng chí nêu vấn đề Hội đồng Quốc gia chính trị liên hiệp và Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời(10) không còn lý do tồn tại. Trên thực tế thì sáng ngày 1-12-1975, Hoàng thân Xuphanuvông và Hoàng thân Thủ tướng Xuvănna Phuma thay mặt cho Hội đồng Quốc gia chính trị liên hiệp và Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời đã tuyên bố giải thể các cơ quan quyền lực nhà nước nói trên, tạo điều kiện cho việc xây dựng một bộ máy quyền lực nhà nước mới.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nêu phương hướng phát triển của cách mạng Lào trong giai đoạn mới là xây dựng nước Lào theo con đường hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất, phồn vinh và tiến bộ xã hội. Đồng chí kêu gọi đoàn kết toàn dân,đoàn kết quốc tế, xóa bỏ hận thù, chung lòng chung sức xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới tốt đẹp và Tổ quốc yêu quý của chúng ta. Đồng chí tin tưởng vào sức mạnh của tình đoàn kết chiến đấu và sức mạnh sáng tạo vĩ đại của nhân dân, với lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào sẽ tiếp tục lái con thuyền dân tộc đi đúng hướng, đúng luồng nước, đến thắng lợi vinh quang.

Báo cáo chính trị của Đảng tại Đại hội quốc dân là bản tổng kết lịch sử quá trình đấu tranh 30 năm vô cùng gian khổ và anh dũng của dân tộc Lào chúng ta.

Tại Đại hội quốc dân, Thái tử Chậu Xôngxavang thay mặt vua cha đọc Lời thoái vị. Đại hội nhất trí chấp nhận việc từ chức của Thủ tướng Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời, của Chủ tịch Hội đồng Quốc gia chính trị liên hiệp và sự thoái vị của nhà vua.

Đại hội nhất trí quyết nghị: Thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, xóa bỏ tên gọi Vương quốc Lào, thông qua việc lấy lá cờ của cách mạng làm quốc kỳ của chế độ mới. Về quốc ca thay lời mới, nhưng vẫn giữ phần nhạc của quốc ca cũ. Lấy tiếng Lào làm ngôn ngữ chính thức, không dùng các từ ngữ cung đình.

Đại hội nhất trí bầu đồng chí Xuphanuvông làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối cao. Ông Xivavang Vátthana (cựu hoàng đế) được cử làm Cố vấn của Chủ tịch nước. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được cử làm Thủ tướng Chính phủ đầu tiên của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các Phó Thủ tướng: Nuhắc Phumxavẳn, Phumi Vôngvichít, Khămtày Xiphănđon, Phun Xipaxớt, Chậu Xuvănna Phuma được cử làm Cố vấn của Thủ tướng.

Ngày 2-12-1975 trở thành ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Việc ra đời nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là thắng lợi lớn nhất, oanh liệt nhất trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước từ thời vua Phạ Ngừm đến nay của nhân dân các bộ tộc Lào. Với thắng lợi này, nhân dân các bộ tộc Lào bước vào kỷ nguyên mới: độc lập, tự do, hòa bình, tiến bộ.


(1) Có tài liệu nói 246 đại biểu. Viết 264 đại biểu là dựa vào tài liệu trong cuốn “Lịch sử Đảng Lào” (dự thảo) (TG).
(2), (3) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr.168, 168-169..
(4), (5), (6), (7), (8), (9) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr.168, 168-169, 173.
(10) Trong các văn bản, có đoạn viết: “Chính phủ liên hiệp dân tộc lâm thời”, có bản viết: “Chính phủ liên hiệp lâm thời”, có bản viết: “Chính phủ liên hiệp”.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Hai, 2013, 08:08:38 am
Chương V

CÙNG TRUNG ƯƠNG ĐẢNG LÃNH ĐẠO CÔNG CUỘC
BẢO VỆ VÀ XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC
(1975-1992)

CHỈ ĐẠO NHỮNG NĂM THÁNG ĐẦU TIÊN BẢO VỆ
VÀ XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC THỐNG NHẤT

Đất nước thống nhất, giang sơn quy về một mối. Vị Tổng Bí thư của Đảng Cayxỏn Phômvihản bắt đầu những suy nghĩ với về công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nhìn vấn đề Lào như người mới qua khỏi cơn ốm (chiến tranh). Sẽ là sai lầm nếu cho đất nước hoàn toàn yên ổn. Tuy đế quốc Mỹ đã phải rút khỏi Lào, ngụy quân và ngụy quyền đã bị đánh sập, nhưng tàn dư của chúng vẫn còn. Lực lượng phỉ còn chui lủi nơi rừng sâu, núi cao, chờ sơ hở của ta là chúng sẽ quay trở lại phá hoại. Thực tế, chúng đã luồn vào chiếm lại một số nơi mà trước đó chúng vẫn hoạt động như Viêng Phu Kha, Na Le, Kiêucachăm, Salaphukhun, Phu Pha, Phu Bia, Pha Khao, Hỉn Bun, Noọngbốc, Phusănghe, Đôngxithuôn, Phucăng Hươn, v.v. Chúng còn móc nối xây dựng nhiều ổ phản loạn ở đồng bằng, vùng tiếp giáp các đô thị lớn, thậm chí chúng còn liều lĩnh vào hoạt động ngay trong một số thành phố. Chúng tìm mọi cách lôi kéo Vua, dựa vào Vua để khôi phục chế độ cũ. Hàng ngày xuất hiện những tốp phỉ, chặn đường, phục kích bắn chết nhiều cán bộ và dân thường, cướp đi tài sản của nhân dân, đốt phá xe, phá kho vũ khí của ta, v.v. Về chính trị, chúng tung tin nói xấu chế độ mới ở Lào, lôi kéo, kích động thanh niên, trí thức, công chức cũ đi theo chúng, phản lại cách mạng.

Trước tình hình phức tạp đó, Đảng vẫn kiên trì đường lối bảo vệ và xây dựng đất nước, Có người cho rằng, hòa bình rồi, tại sao lại đưa vấn đề “bảo vệ đất nước” lên trước vấn đề “xây dựng đất nước”. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: Thế đấy. Đó cũng là đặc điểm của cách mạng Lào. “Các giai cấp phản động tuy đã bị thất bại nặng nề, nhưng không có nghĩa là chúng chịu rút lui một cách êm thấm, chúng cũng chưa chịu từ bỏ con đường chống đối cách mạng bằng bạo lực vũ trang… Do đó, sau khi đã giành được chính quyền càng phải ra sức củng cố nền chuyên chính vô sản, củng cố các công cụ bảo lực cách mạng, nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu quấy phá, phục kích của địch và chỉ có như thế mới có thể bảo đảm cho cách mạng tiếp tục phát triển một cách hòa bình được”(1).

Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản và Trung ương đã đề ra chương trình tổng thể xây dựng đất nước sau chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, chú trọng phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, giao thông vận tải, từng bước nâng cao mức sống của nhân dân.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã dành nhiều thời gian đi các địa phương để nắm tình hình. Xuống huyện Xalaxỏmbun của tỉnh Chămpaxắc, đồng chí xuống thăm bản Xôlôhày, Xôlônọi, bản Nhìu, bản Keng Nhan. Gặp các cháu thiếu nhi, đồng chí hỏi về tình hình học hành của các cháu; gặp phụ nữ, đồng chí hỏi đã may thêm được mấy chiếc áo quần; gặp người già, đồng chí hỏi có được uống thuốc bổ không, v.v. Câu hỏi của đồng chí có người trả lời được, người không trả lời được. Gặp chính quyền địa phương, đồng chí hỏi rất tỉ mỉ vấn đề giáo dục, y tế, đời sống nhân dân trong các bản. Cán bộ địa phương nào không trả lời được những câu hỏi do đồng chí đặt ra, lập tức đồng chí góp ý ngay: “Làm cán bộ lãnh đạo địa phương mà để cho dân khổ, dân đói là có tội với Đảng, với dân”. Đến bản Keng Kia, tình cờ gặp một người dân, đồng chí hỏi về thu nhập hằng tháng của người đó. Người đó trả lời: “Nhờ chính sách của Đảng và Chính phủ, chúng tôi biết lối làm ăn, thu thập có tháng tới trăm ngàn kíp”. Đồng chí nói vui: “Như vậy ông đã giàu hơn cả Thủ tướng”. Mọi người cùng cười.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản dành thời gian đi sâu tìm hiểu tình hình ở một số tỉnh của Trung Lào, ở Thu đô Viêng Chăn; kiểm tra và chỉ đạo công việc các ngành nông nghiệp, khai thác chế biến gỗ, giao thông vận tải, xây dựng, văn hóa giáo dục… Đồng chí nói: “Không nắm chắc tình hình thực tế ở các địa phương thì không thể định ra đường lói, chính sách đúng được”.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản cho rằng, tương lai của chủ nghĩa xã hội ở Lào trước hết bắt nguồn từ sự nghiệp giáo dục. Vì vậy, ngay sau khi giải phóng, đồng chí đã nhanh chóng chuyển hệ thống giáo dục của chế độ cũ sang hệ thống giáo dục mới; chỉ thị cho xây dựng thêm các trường học, bảo đảm cho mỗi xã ít nhất phải có một trường tiểu học và mỗi huyện ít nhất phải có một trường trung học. Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp từ sơ cấp đến đại học được bắt đầu từ những tháng sau khi đất nước được giải phóng(2); phát động phong trào chống nạn mù chữ và bổ túc văn hóa cho nhân dân các bộ tộc, chủ trương xây dựng khu trung tâm văn hóa miền núi để đưa “ánh sáng văn hóa mới đến với nhân dân các bộ tộc ít người”. Đồng chí đã mạnh dạn gửi nhiều con em nhân dân lao động học giỏi, chăm ngoan đi học ở người ngoài. Nhờ có tầm nhìn chiến lược, đồng chí khẳng định đúng đắn “vai trò, vị trí của giáo dục đối với sự nghiệp cách mạng Lào”, như đồng chí Xamản Vinhakệt đã viết trong bải “Đồng chí Cayxỏn Phômvihản với sự phát triển sự nghiệp giáo dục” (viết năm 1990).


(1) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr. 249.
(2) Theo Báo cáo tổng kết năm học 1989 - 1990; niên khóa này toàn Lào có 8.000 học sinh tốt nghiệp phổ thông (niên khóa 1973 - 1974, dưới chế độ cũ chỉ có 412 học sinh tốt nghiệp phổ thông), đến năm 1990, ở Lào có 6.540 người tốt nghiệp đại học và cao đẳng, 112 người có trình độ trên đại học (chế độ cũ chỉ có 556 người tốt nghiệp đại học). Qua đó, thấy rằng, nền giáo dục của Lào từ sau ngày giải phóng phát triển khá mạnh.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Hai, 2013, 08:12:52 am
Tháng 12-1978, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị trao đổi, thảo luận về công tác giáo dục trong giai đoạn cách mạng mới. Tại Hội nghị, đồng chí Cayxỏn Phômvihản phân tích sâu sắc thực trạng kinh tế, xã hội, văn hóa trong ba năm qua, kể từ sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng. Đồng chí giải thích: “Người mù chữ ở Lào còn chiếm hơn 60% dân số, chúng ta còn thiếu nhiều công nhân kỹ thuật, thiếu cán bộ khoa học - kỹ thuật và cán bộ quản lý kinh tế, văn hóa - xã hội có đủ trình độ”(1). Vì vậy, “đưa giáo dục đi trước một bước có nghĩa là phải phấn đấu thực hiện đồng thời ba nhiệm vụ: xóa nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa, khoa học - kỹ thuật cho nhân dân lao động các bộ tộc; đào tạo thế hệ trẻ thành lớp người mới, lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân Lào; bồi dưỡng đội ngũ công nhân lành nghề, đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ quản lý kinh tế, văn hóa trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với cách mạng”(2). Đồng chí nêu dẫn chứng: Khoa học kỹ thuật như một cái tủ. Muốn mở tủ phải có chìa khóa. Giáo dục chính là cái chìa khóa để mở tủ. Đồng chí kêu gọi toàn Đảng, toàn dân quyết tâm đưa giáo dục đi trước một bước. Câu nói nổi tiếng của đồng chí mà nhiều người còn nhớ: “Bất cứ một chế độ xã hội nào, nếu muốn tồn tại, đều phải quan tâm phát triển giáo dục, phải hết sức chăm lo giáo dục đào tạo con người sao cho thích ứng với chế độ đó”(3). Đồng chí Tổng Bí thư của Đảng đã nâng vấn đề giáo dục thành “trung tâm của chiến lược con người”. Nếu làm tốt nó sẽ tạo ra tiềm năng trí tuệ phát triển giá trị tinh thần và vật chất cho xã hội, dựng xây cơ sở vững chắc cho việc phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng ở nước ta.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản rất quan tâm đến đội ngũ giáo viên, coi việc giảng dạy là sự nghiệp của cả một cuộc đời của một con người, đó là một thứ lao động rát khó khăn, phức tạp vì lao động của thầy giáo, cô giáo là tác động vào tư tưởng, tình cảm của học sinh, người tác động đó phải có trình độ nghệ thuật sư phạm giỏi. Đồng chí gọi thầy giáo, cô giáo là “người của Đảng”. Muốn có đội ngũ giảng dạy tốt phải quan tâm đến họ. Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, phải đầu tư thích đáng cho ngành giáo dục. để tạo ra một đội ngũ giáo viên có chất lượng, đồng chí là một trong những người sốt sắng mở trường đại học sư phạm. Trường đại học sư phạm Đông Đột ở Thủ đô Viêng Chăn đã nhận được sự quan tâm chu đáo, thường xuyên của đồng chí Cayxỏn Phômvihản.

Những năm đầu kể từ sau khi đất nước được giải phóng, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã đi thăm một số nước với tư cách đứng đầu Chính phủ nhằm mở rộng quan hệ quốc tế. Đồng chí đã tới Việt Nam, Campuchia, Trung Quốc, Liên Xô và các nước khác, đi dự đại hội các đảng anh em và các hội nghị quốc tế. Đồng chí nói “Kháng chiến đã thắng lợi, chúng ta cần đến các nước anh em để cảm ơn họ dã giúp chúng ta”. Có một chuyên gia nước ngoài kể về đồng chí Cayxỏn Phômvihản rất thích câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(4). Đồng chí đã nhắc lại câu nói này của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đồng chí sang thăm Việt Nam.

Nước Lào lúc này cần hòa bình, hữu nghị và hợp tác với các nước bầu bạn, anh em, trước hết là các nước láng giềng. Có lần đồng chí nói, có người thích quan hệ với những nước ở xa, còn chúng ta thì phải đặc biệt quan tâm đến các nước ở gần. Đồng chí hiểu rất rõ về nước Lào. Đó là một nước nhỏ, số dân ít, không có đường ra biển, ở cạnh những nước lớn, kinh tế còn nghèo, vậy mà vẫn tồn tại và đứng vững khá ổn định. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho Lào đứng vững trước tình hình thế giới diễn bến phức tạp, đó là Lào có chính sách đối ngoại phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, biết kết bạn với ai, tranh thủ với ai và cảnh giác với ai.

Lịch sử của đường lối ngoại giao của Đảng Nhân dân cách mạng Lào và Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã chứng minh sự đúng đắn của Lào trong mối quan hệ bền vững với các nước Đông Dương, đặc biệt với Việt Nam. Do biết kết bạn, biết tranh thủ lực lượng “ở giữa” làm cho Lào ngày càng có nhiều bạn bè quốc tế. Hiệp nghị Giơnevơ 1954, Hiệp nghị Giơnevơ 1962 về Lào và Hiệp nghị Viêng Chăn 1973 về Lào là những bằng chứng cho những chiến thắng quan trọng về mặt ngoại giao của Neo Lào Ítxalạ và Neo Lào Hắcxạt. Giờ đây, đất nước đã thống nhất, việc mở rộng quan hệ quốc tế đang là “cái mốt mới” ở Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đặt vấn đề đối sách hết sức uyển chuyển trong công tác ngoại giao.

Trong Chương trình hành động của Chính phủ công bố tại đại hội Quốc dân Lào (tháng 12-1975), Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu rõ:

“Chúng ta chủ trương thiết lập, tăng cường, củng cố quan hệ tốt giữa Lào với các nước trong Thế giới thứ ba. Tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao và phát triển quan hệ thương mại bình thường với tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị, xã hội, trên cơ năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của chính phủ và nhân dân các nước có thiện ý muốn giúp đỡ Chính phủ và nhân dân Lào trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân Lào”(5).

Năm 1976, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nói về kết quả của chính sách ngoại giao ở Lào:

“Với đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta, quan hệ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta được duy trì, củng cố và phát triển, góp phần làm cho chúng ta có thế mới, lực mới, tạo thêm thuận lợi cho chúng ta trong công cuộc bản vệ và xây dựng đất nước”(6).


(1), (2), (3) Dẫn theo bài của đồng chí Xamản Vinhakệt “Đồng chí Cayxỏn Phômvihản với sự phát triển sự nghiệp giáo dục” in trong cuốn: Cayxỏn Phômvihản - Ngườicon của nhân dân, Ủy ban Khoa học xã hội Lào xuất bản, 1991.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr. 126.
(5), (6) Dẫn theo bài của đồng chí Phun Xipaxớt: “Cayxỏn Phômvihản với sự nghiệp đối ngoại”, in trong cuốn Cayxỏn Phômvihản - Người con của nhân dân, Ủy ban Khoa học xã hội Lào xuất bản, 1991.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Hai, 2013, 08:14:51 am
Chính sách ngoại giao này đã tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế đối với Lào. Nhiều vị nguyên thủ quốc gia đến thăm Lào từ sau khi đất nước được giải phóng(1).

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản và các nhà lãnh đạo Lào đã đặt mối quan hệ lâu dài và thân thiện đối với các nước ASEAN nhằm xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và hợp tác. Đồng chí nói:

“Chính sách nhất quán của chúng ta đối với các nước ASEAN là chính sách hai nhóm nước Đông Dương và ASEAN cùng tồn tại hòa bình, quan hệ hữu nghị láng giềng tốt với nhau, cùng nhau đối thoại”(2).

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản luôn luôn có những suy nghĩ mới về công tác đối ngoại, nêu phương châm hoạt động ngoại giao của Lào là gắn quan hệ chính trị, ngoại giao và quan hệ kinh tế với nước ngoài. Vấn đề là phải ra sức tranh thủ vốn đầu tư và kỹ thuật của nước ngoài, nhằm phục vụ công cuộc đổi mới về kinh tế, xã hội của đất nước, coi đó là một nhân tố quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội nước ta, làm cơ sở cho quan hệ hữu nghị bền vững lâu dài giữa Lào với các nước.

(http://nu7.upanh.com/b2.s35.d1/198b644819f804165c881e0f39058cbf_53059007.kgrhqvosfkqliobmbqsez7wynw6057.jpg)

Đoàn đại biểu Hội đồng hỗ trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa đến Lào năm 1977

Quan điểm ngoại giao của đồng chí Cayxỏn Phômvihản là quan điểm ngoại giao hòa bình, trước hết là hòa bình ở biên giới. Đồng chí cho rằng, phấn đấu không có tiếng súng ở biên giới là mục tiêu của chúng ta. Nhờ đó mà biên giới với các nước láng giềng được cải thiện một bước.

Đồng chí Phun Xipaxớt, người phụ trách công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Lào đã nói:

“Đồng chí Cayxỏn Phômvihản là người lãnh đạo có trí sáng tạo, nhìn xa trông rộng các vấn đề của thế giới, đã soi sáng cho các hoạt động của lĩnh vực đối ngoại”(3).

Chăm lo đến công tác đối ngoại bao nhiêu, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản càng chăm lo đến công tác đối nội bấy nhiều. Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân luôn luôn là chính sách hàng đầu của Đảng. Sự quan tâm của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã dẫn đến Đại hội Mặt trận cấp trung ương và các Đại hội Mặt trận cấp địa phương. Đại hội đại biểu Neo Lào Hắcxạt họp từ ngày 16 đến ngày 20-2-1979, tại Thủ đô Viêng Chăn đã quyết định đổi tên thành Neo Lào Còxạng Xạt (Mặt trận Lào xây dựng đất nước), đoàn kết chặt chẽ các tầng lớp nhân dân, các bộ tộc, các tôn giáo, các đoàn thể chung sức chung lòng bảo vệ và xây dựng đất nước giàu mạnh.


(1) Trước năm 1945, chưa có vị nguyên thủ quốc gia hay thủ tướng chính phủ đến thăm Lào.
(2) Đại hội III của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1983, tr.66.
(3) Phun Xipaxớt: Cayxỏn Phômvihản với sự nghiệp đối ngoại, Sđd.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Hai, 2013, 08:16:37 am
MỘT TÁC PHẨM QUAN TRỌNG

Tháng 3-1979, ở Lào công bố một tác phẩm quan trọng của đồng chí Cayxỏn Phômvihản: Mấy kinh nghiệm chính trong cuộc đấu tranh thắng lợi của cách mạng nước ta. Đây là tác phẩm tổng kết chiến tranh cách mạng ở Lào. Tác phẩm được dự luận Lào, Việt Nam và nhiều nước khác đánh giá cao.

Từ sau khi đất nước thống nhất, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã có ý định tổng kết kinh nghiệm giữ nước và dựng nước Lào. Các đồng chí Khămtày Xiphănđon, Xamản Vinhakệt và nhiều đồng chí lãnh đạo của cách mạng Lào đều coi trọng vấn đề tổng kết.

Theo lời kể của một số đồng chí đã từng giúp việc cho đồng chí Cayxỏn Phômvihản, thì từ năm 1977, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã bắt đầu sưu tầm tư liệu để viết tác phẩm: Mấy kinh nghiệm chính trong cuộc đấu tranh thắng lợi của cách mạng nước ta. Vì bận nhiều công việc của Đảng và Chính phủ, đến khoảng giữa năm 1978, tác phẩm mới được viết xong.

Vấn đề thứ nhất mà Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản rút ra là mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ cách mạng dân tộc và dân chủ ở Lào.

Muốn đánh đuổi được đế quốc xâm lược, đồng thời phải đánh đổ cả giai cấp phản động làm chỗ dựa cho chúng. Mặt khác, muốn động viên và bồi dưỡng lực lượng dân tộc, phải giải quyết những yêu cầu dân chủ cơ bản của nhân dân lao động. Vì vậy, cách mạng giải phóng dân tộc nhất thiết phải bao hàm nội dung dân chủ. Cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào bao giờ cũng gắn liền với vấn đề giai cấp và do tư tưởng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Đó là tính cách mạng và khoa học của cách mạng dân tộc dân chủ. Phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, kết hợp chặt chẽ với chủ nghĩa quốc tế vô sản và sức mạnh thời đại là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ. Thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ trong tình hình nước ta là một nước nông nghiệp, nông dân chiếm tuyệt đại đa số, do đó, “nền dân chủ, trước hết và cơ bản là dân chủ cho nông dân, nói giải phóng dân tộc trước hết và cơ bản là giải phóng nông dân(1). Nhiệm vụ cách mạng dân chủ ở nước ta, theo sự phân tích của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, nó phải có hai nội dung: cải cách dân chủ, xóa bỏ sự bóc lột của phong kiến và phát triển sản xuất, cải thiện đời sống về mọi mặt cho nông dân.

Vấn đề thứ haixây dựng khối liên minh công nông vững chắc dưới sự lãnh đạo của Đảng là một nguyên tắc chiến lược của cách mạng dân tộc, dân chủ ở nước ta.

Giai cấp công nhân ở Lào phần lớn xuất thân từ nông dân, vì vậy, sự liên minh giữa công nhân và nông dân là lẽ dĩ nhiên trong quá trình cách mạng. Thực tế đã chứng minh, nhờ sức mạnh của liên minh công nông đã lôi kéo các tù trưởng, tộc trưởng đi theo cách mạng và thuyết phục họ bỏ dần các quan hệ khống chế, bóc lột nông dân. Đây cũng là đặc điểm hiếm có ở một nước thuộc địa nhỏ bé tiến hành cách mạng.

Vấn đề thứ baxây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất trên cơ sở liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với sự sống còn của dân tộc.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản tổng kết trong tác phẩm của mình: Nhờ giương cao ngọn cờ dân tộc, dân chủ với khẩu hiệu: “Hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng” mà Đảng đã lôi kéo được hầu hết các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến. Sự hình thành một hình thức liên minh trong hành động (liên minh không có tổ chức) giữa lực lượng cách mạng và lực lượng trung gian lúc bấy giờ đến sự liên minh có tổ chức là bước tiến lớn của chính sách tranh thủ tập hợp mọi lực lượng vào Mặt trận dân tộc thống nhất ở nước ta. Từ liên minh chính trị đến liên minh quân sự lại là một bước tiến lớn khác. Liên minh quân sự là một hình thức đặc biệt ở nước ta và hiểm thấy ở các nước khác. Hình thức liên minh quân sự thuộc hai lực lượng chính trị khác nhau, mang bản chất giai cấp khác nhau, nó chỉ có thể tồn tại trong điều kiện cách mạng có khả năng cảm hóa từng bước quân đội của đối phương (liên minh với cách mạng) theo hướng một quân đội phục vụ nhân dân. Tính độc lập của mỗi lực lượng phải dựa trên cơ sở đã nhất trí về mục đích liên minh là để chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì quyền lợi của nhân dân. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản rút ra bài học về sự liên minh quân sự giữa hai lực lượng chính trị khác nhau phản ánh nét độc đáo trong quá trình tiến hành chiến tranh cách mạng ở nước ta.

Vấn đề thứ tư là phải nắm vững quan điểm bạo lực cách mạng, kết hợp chặt chẽ hai lực lượng bạo lực: lực lượng chính trị của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân, hai hình thức đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị để đánh địch là những vấn đề then chốt của chiến tranh cách mạng ở Lào.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản phân tích đặc điểm cách mạng dân tộc, dân chủ ở nước ta là sự nghiệp của mỗi người dân Lào yêu nước và tiến bộ. Vì vậy, bạo lực cách mạng ở Lào là bạo lực nhân dân. Bạo lực nhân dân được thể hiện dưới hai hình thức: đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và sự kết hợp giữa hai hình thức ấy. Hai lực lượng bạo lực: lực lượng chính trị của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân là nguồn tạo ra hai hình thức đấu tranh đó.


(1) Cayxỏn Phômvihản: Về cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào, sđd, tr. 191.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Hai, 2013, 08:17:56 am
Vấn đề thứ nămđấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị bằng hai lực lượng bạo lực chính trị của nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân là phương pháp cách mạng cơ bản trong cách mạng dân tộc, dân chủ ở nước ta.

(http://nu3.upanh.com/b6.s33.d2/691649ac84e4c7bad7ee57453758263c_53059023.80607285419e1714de76c.jpg)

Bộ đội Pathét Lào giải phóng Viêng Chăn, kết thúc chiến tranh, 1975.
Ảnh được trưng bày tại Bảo tàng quốc gia Viêng Chăn

Nhưng cách mạng là một quá trình đấu tranh lâu dài, quanh co trước khi giành được thắng lợi. Tính chất quanh co ấy đôi lúc phải vận dụng sách lược thỏa hiệp có nguyên tắc với đối phương. Sách lực thỏa hiệp có nguyên tắc của cách mạng Lào thể hiện nổi bật ở đấu tranh hiệp thương thành lập Chính phủ liên hiệp. Ba lần Neo Lào Hắcxạt tham gia Chính phủ liên hiệp là bước đi vòng vo, nhưng rất độc đáo của cách mạng Lào. Thực tế nó đãng mang lại kết quả: lực lượng cách mạng chẳng những không bị tiêu diệt như ý muốn của địch mà còn phát triển lan rộng ra cả nước, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân ngày càng sôi nổi mạnh mẽ, có quy mô rộng lớn, ảnh hưởng của Neo Lào Hắcxạt ngày càng cao ở trong nước và quốc tế. Vì vậy, thỏa hiệp mà làm cho cách mạng mạnh lên là sự thỏa hiệp cần thiết.

Vấn đề thứ sáu là trong điều kiện cách mạng nước ta phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, một đòi hỏi trong nghệ thuật lãnh đạo cách mạng của Đảng là phải biết tạo thời cơ, nắm vững thời cơ, phát huy sức mạnh tổng hợp của cách mạng, biết khởi sự đúng lúc, biết kết thúc dứt điểm, đập tan bộ máy chính quyền phản động, giành thắng lợi hoàn toàn là bước phát triển vững chắc của cách mạng Lào.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản cho rằng thực tiễn cách mạng Lào đã chứng minh một điều: lực lượng tạo ra thời cơ, thời cơ nhân lực lượng lên và tạo ra thời cơ mới, thời cơ cũng là lực lượng và trong khi thời cơ đến cũng là lúc lực lượng phát triển nhanh và mạnh.

Vấn đề thứ bảy là trong quá trình cách mạng phải biết kết hợp đúng đắn, nhuần nhuyễn tinh thần yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế vô sản chân chính.

Kết hợp đúng đắn, nhuần nhuyễn tinh thần yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế là đường lối có tính chiến lược của cách mạng Lào.

Cách mạng Lào là một bộ phận khăng khít của cách mạng Đông Dương và cách mạng thế giới. Khối đoàn kết liên minh chiến đấu giữa ba nước Đông Dương là chỗ dựa vững chắc cho cách mạng từng nước và là một trong những điều kiện bảo đảm sự phát triển thắng lợi cho cách mạng mỗi nước. Vì vậy, đường lối quốc tế của Đảng ta trước hết là không ngừng củng cố, tăng cường khối đoàn kết liên minh chiến đấu, đặc biệt là liên minh chiến đấu giữa cách mạng Lào với cách mạng Việt Nam. Tính bền chặt của tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt đã làm cho tình hình mỗi nước ngày càng ổn định.

Vấn đề thứ támtăng cường sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta.

Đảng là người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng. Đảng là sản phẩm của sự kết hợp giữa phong trào yêu nước của nhân dân các bộ tộc, của phong trào công nhân với chủ nghĩa Mác - Lênin, do đồng chí Hồ Chí Minh truyền bá vào Đông Dương. Đảng đã phát động tinh thần yêu quê hương đất nước, lòng thiết tha với cuộc sống tự do và sự sinh tồn của từng bộ tộc, để họ đứng lên đấu tranh bảo vệ quê hương làng bản và đời sống của bộ tộc mình. Để xây dựng Đảng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân, Đảng phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ đảng viên, nâng cao tính giai cấp và tính tiên phong chiến đấu của Đảng; xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng, nhất trí hoàn toàn về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, xây dựng mối quan hệ tình cảm yêu thương gắn bó lẫn nhau giữa cán bộ và đảng viên; xây dựng mối quan hệ gắn bó với nhân dân; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, một nguyên tắc cơ bản của Đảng và thực hiện các quan hệ quốc tế trên cơ sở độc lập, tự chủ.

Đó là những vấn đề rất chủ yếu rút ra từ thực tiễn hơn 30 năm đấu tranh bền bỉ, ngoan cường của nhân dân các bộ tộc nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng mà Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã tổng kết trong tác phẩm: Mấy kinh nghiệm chính trong cuộc đấu tranh thắng lợi của cách mạng nước ta. Những kinh nghiệm mà đồng chí rút ra là nhưng bài học rất có giá trị không chỉ cho lịch sử mà còn cho hiện tại và tương lai ở Lào.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Hai, 2013, 08:19:47 am
TẠI ĐẠI HỘI III VÀ NHỮNG NĂM THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI

Vừa tổng kết vừa chỉ đạo thực tiễn, trong những năm từ 1978 đến 1980, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản và Trung ương Đảng chú ý nhiều đến việc phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7, khóa III, năm 1979, lần đầu tiên, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đề nghị với Đảng về đường lối chuyển từ kinh tế tự nhiên và nửa tự nhiên thành kinh tế hàng hóa. Nhờ đó, các chỉ tiêu kinh tế đều có những bước tiến mới, sản lượng nông nghiệp, công nghiệp đều tăng. Đặc biệt, công trình thủy điện Nậm Ngừm đợt 2 đưa vào sử dụng với công suất từ 30.000Kw lên 110.000Kw,v.v.

Sau 5 năm lãnh đạo việc bảo vệ và xây dựng đất nước thống nhất, Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản có dịp nhìn lại một chặng đường đã qua. Báo cáo tổng kết của Trung ương do Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản trình tày tại Hội nghị Trung ương mở rộng họp tháng 12-1980 đã nhận định những nhiệm vụ và mục đích cơ bản đề ra trong kế hoạch kinh tế, xã hội ba năm (1978-1980) đã thực hiện tương đối tốt, đời sống nhân dân từng bước được ổn định, có thể tự giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó là những khuyết điểm và tồn tại, nhất là khuyết điểm về công tác cơ sở và công tác quản lý kinh tế tài chính chưa tốt. Những vấn đề trên đã được rút ra để khắc phục trong kế hoạch kinh tế, xã hội 5 năm lần thứ nhất (1971 - 1985).

Riêng vấn đề công tác ở cơ sở đã được Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu ra tại Hội nghị Bộ Chính trị, tháng 6-1980, yêu cầu các địa phương, các ngành phải chuyển trọng tâm công tác xuống cơ sở, kết hợp chặt chẽ ba mặt công tác: giúp đỡ nhân dân sản xuất, giải quyết những khó khăn trong đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm an ninh cho dân; phát hiện, bồi dưỡng xây dựng nòng cốt chính trị từ cơ sở và đẩy địch ra, không cho địch có chỗ ẩn náu trong nhân dân. Tuy vậy, vấn đề công tác cơ sở làm chưa đồng bộ, chưa toàn diện, do đó, Hội nghị Trung ương tháng 12-1980 đã nghiêm túc xem xét vấn đề này. Phải nói rằng, một trong những bài học thành công của Đảng Nhân dân cách mạng Lào là hướng trọng tâm công tác về cơ sở. Cho đến nay, Đảng vẫn kiên trì công tác đó.

Theo Điều lệ Đảng, năm 1976 là đến thời hạn họp Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III. Nhưng vì cả nước vừa mới giải phóng, chế độ mới vừa thành lập, công việc bề bộn và đang trong quá trình tổ chức lại,… Vì vậy, Trung ương Đảng quyết định hoãn triệu tập Đại hội vào năm 1976. Đến nay, nhiều việc đã tương đối ổn định, cho nên Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội lần thứ III của Đảng.

Để chuẩn bị cho báo cáo chính trị có chất lượng, phản ánh đúng tình hình Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã dành nhiều thời gian đi khảo sát tình hình các địa phương. Đồng chí đã đến một số tỉnh của Bắc Lào, Trung Lào và Nam Lào. Tại tỉnh Luổng Phạbang, đồng chí đến thăm đồng bào, bộ đội Hmông sống ở bản Thànịt. Đồng chí nói với những đồng chí lãnh đạo địa phương là muốn trực tiếp tiếp xúc với nhân dân. Vì vậy, đồng chí đã đến nhiều gia đình một cách đột ngột mà không có sự hẹn trước. Qua tiếp xúc, đồng chí biết nhiều người vùng khác đến định cư nơi đây. Đồng chí nói: Nông dân nước ta rất tinh tường trong việc phát hiện đất vùng này rất tốt cho nên mới di cư đến đây lập nghiệp. Trách nhiệm của những người lãnh đạo là cần ổn định nhân dân yên tâm định cư tại vùng này. Qua đó, đồng chí rút ra vấn đề Nhà nước phải biết phát hiện những vùng đất tốt để giới thiệu nhân dân đến đấy làm ăn. Không được bỏ hoang đất tốt trong khi cứ phải cày bừa trên đất xấu.

Tại tỉnh Atôpư, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản sau khi khảo sát các khu rừng, tiếp xúc với nhân dân các bộ tộc, trở về Tỉnh ủy, triệu tập hội nghị cán bộ của tỉnh để trao đổi phương hướng phát triển của Atôpư. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nhận xét: Trước đây nhiều người cho Atôpư là một tỉnh nghèo về tài nguyên thiên nhiên. Sự thực không phải như thế. Atôpư có nhiều rừng gỗ quý, lại có mỏ quý. Vấn đề là phải có kế hoạch khai thác mỏ và quy hoạch rừng. Về phương tiện và công cụ lao động, tôi thấy nhân dân hầu hết còn lao động thô sơ. Vì vậy, phải từng bước đưa cơ giới vào trong sản xuất nhằm giải phóng sức lao động. Chẳng hạn mua vài chục chiếc máy xay xát gạo có khó gì. Với đặc điểm của Atôpư, chú ý phát triển kinh tế gia đình.

Về mặt văn hóa, xã hội, tôi thấy bà con ta khen Đảng và chính quyền địa phương có nhiều cố gắng dạy chữ cho nhân dân. Nhiều người đã biết chữ. Điều đó rất tốt. Có điều là đừng để nhân dân mù chữ trở lại. Riêng về phong tục tập quán, nhiều bản còn lạc hậu. Tỉnh ủy nên có biện pháp khắc phục dần, từng bước có kết quả. Đối với 11 bộ tộc trong tỉnh, Đảng cần đặc biệt quan tâm. Các bộ tộc phải biết đoàn kết thương yêu nhau. Bộ tộc nào có hiểu biết cao hơn phải giúp đỡ bộ tộc yếu. Vì vậy, phải hết sức đoàn kết, đoàn kết trong nôi bộ Đảng, đoàn kết nhân dân và đoàn kết quốc tế với những tỉnh của Việt Nam giáp biên giới với Atôpư.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản mong ước trong ương lai Atôpư sẽ có con đường tốt đi Xêcoong và từ Xêcoong sẽ tạo tuyến giao thông thuận lợi nối với Thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh khác của Lào. Bên cạnh đó là con đường từ Atôpư nối với các tỉnh của Việt Nam, nhằm mở rộng quan hệ buôn bán giữa hai nước.

Các đồng chí trong Tỉnh ủy Atôpư nhận xét: những vấn đề mà đồng chí Cayxỏn Phômvihản đặt ra đều rất thiết thực.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Hai, 2013, 08:20:15 am
Trong những ngày ở Atôpư, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã dành thời gian đi thăm bản Xêcamản thuộc huyện Xamắckhi Xay, nơi mà năm 1958, 1959, đồng chí đã đến tiếp xúc với nhân dân trong cuộc vận động bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội Vương quốc. Từ dưới thuyền bước lên bờ, thấy bờ sông thì thấp, mà đất bản Xêcamản thì cao, dốc đứng, đất trơn, nhìn mấy nhà sư leo lên bờ khó nhọc, vất vả mà lòng đồng chí thấy ái ngại vô cùng. Đồng chí nói: Không thể để nhân dân đi lại khó khăn mãi thế này. Rồi đồng chí chỉ thị cho chính quyền địa phương phải làm ngay một cầu thang bằng gỗ cho nhân dân đi lại được dễ dàng. Chính quyền địa phương đã thực hiện ngay chỉ thị đó.

Đến thăm bản Inthi, bản The, đồng chí Cayxỏn Phômvihản khen ngợi về cung cách làm ăn của hai bản này, vừa đoàn kết được bà con trong bản, vừa cải thiện được đời sống nhân dân. Đồng chí đề nghị nên rút kinh nghiệm, lấy đó làm điển hình, phổ biến rộng ra để các địa phương khác cùng học tập chung.

Rời Atôpư, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản qua một số tỉnh khác của Nam Lào, sau đó trở về Thủ đô Viêng chăn để chuẩn bị cho Đại hội III của Đảng.

Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng Nhân dân cách mạng Lào khai mạc ngày 27-4-1982, tại Thủ đô Viêng chăn. 228 đại biểu thay mặt cho 3,5 vạn đảng viên của cả nước đã về dự Đại hội.

Đồng chí Xuphanuvông đọc Diễn văn khai mạc; đồng chí Cayxỏn Phômvihản đọc Báo cáo chính trị, đồng chí Nuhắc Phumxavẳn đọc Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế, xã hội 5 năm lần thứ nhất (1981 - 1985), đồng chí Xixổmphon Lờvănxay đọc Báo cáo về sửa đổi Điều lệ Đảng và những tham luận khác.

Báo cáo chính trị đã đánh giá một cách tổng quát những diễn biến của cách mạng Lào từ Đại hội II đến Đại hội III trên các mặt chiến đấu chống Mỹ, cứu nước, giành thắng lợi cuối cùng, mang lại sự thống nhất đất nước; công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước từ sau khi đất nước thống nhất; mối quan hệ quốc tế và vấn đề xây dựng Đảng. Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nêu rõ ngay sau khi đất nước được giải phóng, Đảng đã đặt ngay vấn đề khôi phục và phát triển nông nghiệp mà nhiệm vụ hàng đầu là giải quyết vấn đề lương thực. Do cơ cấu đầu tư được bố trí sắp xếp hợp lý, tập trung xây dựng một số vùng trọng điểm sản xuất lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi, vùng định canh, định cư, từ năm 1980 đã giải quyết về cơ bản vấn đề lương thực, thực phẩm. Về công nghiệp cũng đã có những bước tiến mới. Quốc phòng, an ninh bảo đảm. Xây dựng Đảng được củng cố và phát triển.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nêu vấn đề ưu thế của cách mạng Lào với chế độ chính trị tiên tiến, nhân dân các bộ tộc đã làm chủ cả nước, đất nước có nhiều tài nguyên phong phú, đa dạng, nhưng nền kinh tế nhìn chung chậm phát triển. Vấn đề này đặt ra cho Đảng là phải đầu tư trí tuệ để tìm tòi một đường lối phát triển kinh tế có hiệu quả. Trong lúc cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật của thế giới phát triển nhanh thì ở Lào cũng phải nắm bắt được sự phát triển đó.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản khẳng định đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của cách mạng Lào, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của nhân dân các bộ tộc Lào là củng cố hòa bình, giữ vững chủ quyền, độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc lâu dài. Điều quan trọng là Đảng phải tổ chức và bảo đảm cho nhân dân các bộ tộc Lào đoàn kết phát huy quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, cùng nhau xây dựng một nước Lào hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.

Đảng kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị.

Báo cáo chính trị nhấn mạnh việc xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức, xây dựng Đảng gắn chặt với phong trào cách mạng của nhân dân, gắn liền với việc củng cố bộ máy Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, xây dựng Đảng phải kết hợp với việc nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, đưa những người đủ tư cách vào Đảng và đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Đồng chí Buaxỷ Chulơnxúc, thư ký của Đại hội kể lại: Báo cáo chính trị của Trung ương Đảng do đồng chí Cayxỏn Phômvihản trình bày được Đại hội III của Đảng đánh giá cao và hoàn toàn nhất trí với nội dung Báo cáo.

Đại hội đã bầu đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Ủy viên Trung ương Đảng và Trung ương Đảng mới trong Hội nghị toàn thể đã bầu đồng chí làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau Đại hội III của Đảng, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nghĩ đến việc củng cố thêm một bước các đoàn thể cách mạng. Quan điểm của đồng chí là xây dựng Đảng bao giờ cũng phải gắn với việc xây dựng các đoàn thể, vì các đoàn thể mạnh mẽ là một trong những điều kiện làm cho Đảng mạnh và Đảng mạnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các đoàn thể mạnh. Sự tác động lẫn nhau là cần thiết trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước.

Theo gợi ý của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản và được Bộ chính trị chấp nhận, Đại hội I của Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Lào đã khai mạc ngày 27-4-1983 tại Thủ đô Viêng Chăn. Tiếp đó, Đại hội đại biểu Công đoàn toàn quốc khai mạc ngày 14-11-1983 và ngày 21-3-1984, Đại hội đại biểu toàn quốc phụ nữ Lào họp. Sự thành lập của các đại hội đoàn thể quần chúng đánh dấu sự trưởng thành của phong trào quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 03 Tháng Hai, 2013, 08:20:42 am
Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đánh giá cao vai trò của công đoàn, thanh niên, phụ nữ, mặt trận. Đồng chí nói thanh niên là tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong mọi công việc khó khăn. Thanh niên phải là những cánh chim đại bàng, những cánh tay trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, xứng đáng với niềm tự hào của Đảng và của dân tộc. Đối với phụ nữ, đồng chí nói rằng: Dưới chế độ phong kiến và chế độ thực dân, chị em bị áp bức bóc lột nặng nề. Đến khi Đảng phất cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, chị em đã theo Đảng làm cách mạng, có nhiều cống hiến to lớn vào việc viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Siêng năng, cần cù trong lao động, có lòng yêu nước, yêu quê hương; trung thành, thủy chung, thương chồng con, chịu đựng gian khổ, chấp nhận hy sinh vì hạnh phúc của gia đình, con cái là những đức tính nổi bật của phụ nữ Lào ngày nay. Gia đình đoàn kết gắn bó, một phần nhờ ở người vợ đảm đang, chung thủy. Đồng chí mong chị em khắc phục tư tưởng tự ti tiêu cực, cho phụ nữ là yếu đuối, không có khả năng làm việc, học tập như nam giới. Sự cố gắng vươn lên không mệt mỏi của chị em đã góp phần vào mọi công việc của xã hội, vừa thực hiện sự bình đẳng nam nữ, vừa từng bước giải phóng phụ nữ. Sự đánh giá đó của đồng chí Cayxỏn Phômvihản là nguồn cổ vũ to lớn đối với chị em trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Vấn đề phát triển kinh tế của đất nước luôn luôn được đồng chí Tổng Bí thư của Đảng quan tâm. Đồng chí đã dành thời gian nghiên cứu, chỉ đạo các vấn đề kinh tế, xã hội, nhất là nhưng vấn đề phát triển nông nghiệp, công nghiệp cùng với việc tổ chức bộ máy gọn nhẹ, có hiệu quả cao. Đồng chí đã cùng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Hội đồng Chính phủ tập trung nghiên cứu từng bước chuyển các xí nghiệp quốc doanh sang hạch toán kinh doanh theo chế độ tự quản, chuyển các hợp tác xã nông nghiệp sang chế độ khoán đến hộ nông dân đã làm cho sản xuất ở nông thôn phát triển mạnh, giá cả từng bước ổn định. Đồng chí chủ trương thực hiện quản lý kinh tế bằng chính sách, pháp luật, mở rộng quan hệ hợp tác với nước ngoài, kết hợp giữa tiềm năng trong nước với vốn của nước ngoài, tranh thủ thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới áp dụng vào Lào trong điều kiện cho phép.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và đồng chí Khămtày Xiphănđon cùng Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào chủ trương xây dựng một số huyện thành những khu vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng vững mạnh; đồng thời, xây dựng một số thị trấn mới có phố, có dân, có cửa hàng, bệnh viện, trường học,… làm trung tâm phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương. Thị trấn Lắc Sao thuộc huyện Khăm Cợt, tỉnh Bôlikhămxay là một trong những nơi được chọn xây dựng đầu tiên. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã nhiều lần về kiểm tra tình hình xây dựng thị trấn Lắc Sao. Có năm đồng chí đến Lắc Sao hai lần, gặp các đồng chí lãnh đạo địa phương bàn những công việc cần làm tiếp. Lắc Sao đã trở thành một trong những điểm của mô hình xây dựng kinh tế mới của Lào.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản là một trong những đồng chí lãnh đạo đã mở đầu sự nghiệp đổi mới ở Lào. Sự nghiệp này bắt đầu từ năm 1985 trên lĩnh vực kinh tế mà trước hết là tập trung vào cải cách giá và tiền lương. Phương châm cải cách kinh tế mà các đồng chí lãnh đạo (trong đó có đồng chí Cayxỏn Phômvihản) của Lào đề ra là phải tiến hành từng bước vững chắc từ hạ tầng cơ sở đến thượng tầng, từ thấp đến cao, từ giá, tiền lương đến chính sách tiền tệ, chính sách tài chính… Việc xác định điểm khởi đầu và các bước đi trong cải cách kinh tế là một vấn đề khoa học và nghệ thuật (khoa học và nghệ thuật quản lý kinh tế). Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng những văn bản pháp quy và những chính sách cụ thể, bảo đảm tính khoa học và cách mạng, đưa lại hiệu quả cao; đẩy mạnh phong trào chuyển xuống cơ sở, tổ chức và phát động nhân dân đóng vai trò chủ yếu trong sự nghiệp đổi mới kinh tế. đó là sự kết hợp giữa lý luận và thực tế, giữa vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, giữa lợi ích của Nhà nước, lợi ích của tập thể với lợi ích cá nhân, giữa chính trị và kinh tế.

Công cuộc đổi mới kinh tế bước đầu mang lại kết quả. Tổng sản phẩm xã hội năm 1985 tăng 40% so với năm 1980. Nông nghiệp, công nhân, giao thông vận tải, phân phối lưu thông và các mặt văn hóa, xã hội đều tăng. Nhiều xí nghiệp bắt đầu sản xuất kinh doanh có lãi. Quan hệ kinh tế với nước ngoài được mở rộng. Thành tựu này là kết quả của sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Nhà nước, sự phấn đấu nỗ lực vượt bậc của nhân dân các bộ tộc Lào. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã có sự đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới đó.

Rút kinh nghiệm trong những khiếm khuyết chỉ đạo kinh tế, Trung ương Đảng và Hội đồng Chính phủ đã một loạt quyết nghị về ngân sách: tiền lương, giá cả, thuế, tín dụng và về cải tiến cơ chế quản lý kinh tế. Thực hiện các quyết nghị nói trên, các địa phương phải tự cân đối ngân sách, các xí nghiệp phải hạch toán kinh tế và kinh doanh, áp dụng chính sách giá cả, lấy giá thị trường làm căn cứ, giao cho cơ sở sản xuất kinh doanh được quyền định giá sản phẩm của mình. Những chính sách đó, như báo chí nước ngoài nhận xét là thông thường, “chính sách mở”, nó đã tạo ra một cơ chế quản lý đồng bộ, phù hợp. Cánh cửa kinh tế bắt đầu hé mở đã đưa đất nước đi vào tương lai.

Đảng cũng không giấu giếm khuyết điểm về lãnh đạo quản lý kinh tế trước nhân dân, phân phối lưu thông còn ách tắc, giao thông vận tải còn nhiều khó khăn, thương nghiệp chưa phục vụ tốt các tỉnh miền núi và các vùng xa xôi hẻo lãnh, chậm khắc phục cơ chế tập trung quan liêu hành chính bao cấp, chưa chuyển hẳn được kinh tế tự nhiên sang kinh tế hàng hóa. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản gọi đó là khuyết điểm của quá trình tìm tòi, thử nghiệm. Theo đồng chí, phải kịp thời rút kinh nghiệm để uốn nắn và phải biết sử dụng tối đa khả năng của các chuyên gia giỏi. Bản thân đồng chí đã dành nhiều thời gian để làm việc với các chuyên gia giỏi ở trong nước và nước ngoài, mời những chuyên gia có tầm cỡ của thế giới đến Lào để góp ý cho Lào về một cung cách làm ăn mới. Một người lãnh đạo biết sử dụng chuyên gia là người lãnh đạo có trí tuệ.

Để tránh tác động bất ngờ, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản và Trung ương đã đổi mới một cách thận trọng.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:01:22 am
ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI ĐƯỢC TIẾP NỐI

Lại bốn năm nữa trôi qua, Đại hội IV của Đảng đang đến gần.

Cũng như quá trình chuẩn bị cho Đại hội III, quá trình chuẩn bị cho Đại hội IV, đồng chí Tổng Bí thư của Đảng có một chuyến đi tới nhiều miền của đất nước để khảo sát tình hình. Tới Xêcoong, đồng chí không nghỉ ở khách sạn, mà nghỉ ở nhà đồng chí Bônhơn lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy. Làm việc với Tỉnh ủy, đồng chí Cayxỏn Phômvihản hỏi: Ở Xêcoong hiện nay huyện nào đang gặp khó khăn nhất? Các đồng chí trong Tỉnh ủy đều nói: Có ba huyện đang gặp khó khăn, nhưng huyện Tờhim khó khăn nhất. Đồng chí hỏi tiếp: Huyện ấy có mấy bộ tộc? Trả lời: Có bộ tộc Cà Tu và bộ tộc Nhẹ. Hỏi: Đường đi đến đó thế nào? Trả lời: Rất khó khăn, chỉ có đường xuống huyện chứ không có đường xuống xã. Hỏi: Không có đường xuống xã, vậy bằng cách nào mà vận chuyển được muối xuống cho đồng bào? Trả lời: Đồng bào gần biên giới Việt Nam thì nhận muối từ Việt Nam chuyển sang. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản gợi ý: Đường đi khó khăn thế, chúng ta có thể bỏ ít vốn mua ngựa thồ chở muối cho dân được không? Trả lời: Tỉnh ủy cũng nghĩ như vậy, có điều là nuôi ngựa ở đó rất khó khăn vì luôn luôn bị hổ vồ. Hỏi: Vậy có biện pháp nào khác không? Các đồng chí trong Tỉnh ủy Xêcoong hứa sẽ nghiên cứu một cách nghiêm túc những câu hỏi của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản muốn xuống thăm một xã nghèo ở xa nhất. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Xêcoong ngần ngại nói: Thưa đồng chí Tổng Bí thư, từ thị xã xuống Xêcoong xuống đó phải đi mất nhiều ngày, đường rừng, nhiều đồi dốc, rất khó đi. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản kiên quyết đi, nói rằng: Chúng ta phải đến đó để thăm đồng bào.

Đến tỉnh Luổng Phạbang, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đến thăm một bộ tộc sống trên đỉnh núi Coongxỉ thuộc bản Thàphèn, xã Mường Khải, huyện Luổng Phạbang(1). Đó là một đỉnh núi rất cao, leo lên đó không phải dễ. Tiếp xúc với đồng bào trên đỉnh núi cũng như đi thăm các xã nghèo của tỉnh Xêcoong, đồng chí thấy rõ nhân dân mình nhìn chung là còn nghèo. Đảng, Nhà nước và nhân dân phải phấn đấu rất nhiều mới có cơ hội đưa nước Lào trở thành một nước giàu có.

Qua khảo sát thực tế, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã út ra nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội để đưa vào Báo cáo chính trị của Trung ương Đảng mà đồng chí sẽ trình bày tại Đại hội IV của Đảng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng họp từ ngày 13 đến ngày 15-11-1968, tại Thủ đô Viêng Chăn. Dự Đại hội có 303 đại biểu chính thức, thay mặt cho 45.000 đảng viên cả nước.

Đồng chí Phumi Vôngvichít đọc Diễn văn khai mạc, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đọc Báo cáo chính trị, đồng chí Nuhắc Phumxavẳn đọc Báo cáo về phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1986-1990), đồng chí Xixổmphon Lờvănxay đọc Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng, cùng các tham luận và phát biểu của các đại biểu dự Đại hội.

Báo cáo chính trị đã đánh giá một cách khách quan thực trạng tình hình mọi mặt của Đảng, của xã hội và tình hình thế giới; kiểm điểm sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng, rút ra những bài học quan trọng từ thực tiễn của cách mạng Lào trong giai đoạn mới. Báo cáo chính trị nhấn mạnh việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đổi mới suy nghĩ và phong cách lãnh đạo của Đảng. Về phương hướng và nhiệm vụ kinh tế, xã hội đến năm 2000 và trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai, Báo cáo chính trị nêu rõ cần giải quyết vững chắc vấn đề lương thực và thực phẩm trên cơ sở phát triển nông nghiệp toàn diện: trồng rừng và bảo vệ rừng, chấm dứt nạn phá rừng; bước đầu hình thành cơ cấu nông - lâm - công nghiệp hợp lý; phân vùng kinh tế, quy hoạch xây dựng nông thôn và thành thị; phát triển giao thông vận tải và thông tin liên lạc; ứng dựng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tổ chức công tác điều tra cơ bản; phát triển năm thành phần kinh tế: kinh tế tự nhiên và nửa tự nhiên, kinh tế hàng hóa nhỏ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản Nhà nước (công tư hợp doanh) và kinh tế xã hội chủ nghĩa (quốc doanh và tập thể), trong đó kinh tế quốc doanh nắm vai trò chủ đạo; củng cố toàn diện và phát triển mạnh mẽ hệ thống thương nghiệp; củng cố nền tài chính và tiền tệ ngày càng ổn định; phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại; hình thành hệ thống pháp luật, phát triển văn hóa, giáo dục và y tế.

Đổi mới cơ chế quản lý bằng việc sử dụng đầy đủ và đúng đắn các đòn bẩy kinh tế, tăng cường hiệu lực của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân của các thành phần kinh tế; giải quyết đúng đắn trong quan hệ hàng hóa - tiền tệ; xây dựng kinh tế trung ương, phát triển kinh tế địa phương; quan tâm thỏa đáng lợi ích của người lao động; kiên quyết xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính bao cấp, thực hiện hạch toán kinh tế.

Phát triển kinh tế đi đôi với công tác quốc phòng và an ninh, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng.


(1) Huyện Luổng Phạbang trùng tên với tỉnh Luộng Phạbang.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:02:37 am
Về Đảng, Báo cáo chính trị nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo của Đảng, kiện toàn các cơ quan đảng, nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở, đổi mới công tác cán bộ, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, đổi mới phong cách làm việc, giữ vững nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, tăng cường công tác tư tưởng và lý luận.

Về mặt đối ngoại, Báo cáo chính trị khẳng định sự tiếp tục chính sách đối ngoại độc lập, hòa bình và hữu nghị của Đảng và Nhà nước.

Đại hội đã nhất trí tán thành Báo cáo chính trị, Báo cáo về phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Báo cáo sửa đổi Điều lệ Đảng.

Đại hội biểu dương những nỗ lực bền bỉ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đại hội III, trong đó có những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV gồm 51 ủy viên chính thức và 9 ủy viên dự khuyết. Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất (khóa IV) đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức và 2 ủy viên dự khuyết, bầu Ban bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản được Trung ương nhất trí bầu lại làm Tổng Bí thư.

Trong Diễn văn bế mạc Đại hội, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nói:

“Với tất cả lòng khiêm tốn, chúng ta đã đánh giá đúng đắn ý nghĩa của các thành tựu đạt được trong 10 năm là đã tạo ra cục diện mới cho cách mạng nước ta và có ý nghĩa quốc tế quan trọng… Đại hội của chúng ta lần này đã thể hiện sự đoàn kết thống nhất vững chắc trong Đảng ta. Những quyết định đúng đắn của Đại hội sẽ chỉ đạo mọi hoạt động của chúng ta trong những năm trước mắt…”.

Đường lối của Đại hội IV được cụ thể hóa trong các Hội nghị Trung ương 5, 6, 7 (khóa IV).

Sau Đại hội, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đi một số địa phương để phổ biến Nghị quyết của Đảng, đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đồng chí dành thời gian nghiên cứu những thành tựu kinh tế mới của thế giới, trao đổi với các chuyên gia trong nước và nước ngoài về kinh tế và quản lý kinh tế. Đồng chí lật đi lật lại vấn đề để rồi rút ra vấn đề then chốt nhất trong kinh tế. Đó là phương pháp xác định một đường lối, chính sách kinh tế ở Lào mà đồng chí Cayxỏn Phômvihản thường áp dụng. Trên bàn làm việc của đồng chí, người ta đã nhìn thấy những cuốn sách, tài liệu viết về chính sách kinh tế và giáo dục của Nhật Bản từ thời Minh Trị, chính sách cải cách kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc, Hà Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Xingapo, Malaxia…(1). Đồng chí nêu câu hỏi và yêu cầu cá chuyên gia phải trả lời: Vì sao những nước cùng dạng về đất đai, dân số, … mà có nước phát triển kinh tế nhanh, có nước lại phát triển chậm? Trả lời trên cơ sở phân tích khoa học câu hỏi của đồng chí Tổng Bí thư của Đảng đâu phải dễ.

Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản thường căn dặn các cán bộ lãnh đạo, chỉ đạo kinh tế là cần đi sâu vào thực chất của vấn đề thế giới, liên hệ với nước ta nhằm tìm tòi một giải pháp hợp lý cho việc chỉ đạo kinh tế. Đồng chí yêu cầu các cán bộ quản lý kinh tế cần đi sâu nghiên cứu cụ thể, rút ra những vấn đề trong chính sách mở cửa, chính sách đất đi, kinh tế phải bắt đầu từ hộ gia đình, trong đó lấy hộ gia đình của nông dân làm đơn vị chủ yếu,thực hiện chính sách khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển. Rất chú ý đến chính sách tài chính “mở” thu chi cân đối, kết hợp tốt chức năng quản lý Nhà nước và kinh doanh tiền của ngân hàng, chi vào việc gì và chi bao nhiêu đều có sự cân nhắc, tính toán thận trọng.

Trong việc chỉ đạo các ngành làm kinh tế, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản thường nhắc nở các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng phải luôn luôn xuất phát từ nguyên tắc hiệu quả và nguyên tắc chủ động, sáng tạo, giữ vững hướng đi, nhưng xử lý linh hoạt các bước đi. Điều quan trọng là phải có năng lực phân tích, năng lực tổ chức kinh tế, bảo đảm hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, tại một Hội nghị Trung ương Đảng, đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói đến khuyết điểm, nhược điểm của mình: Có đôi lúc tôi cũng chủ quan, rơi vào chủ nghĩa giáo điều, cứng nhắc, có khi lại nóng vội. Tôi sẽ cố gắng khắc phục khuyết điểm, nhược điểm của mình, nhằm làm lợi cho đất nước được nhiều hơn(2).


(1) Có lần đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói với các chuyên gia: Trong khoảng 15 năm (1960 - 1975), Nhật Bản dám bỏ ra gần sáu tỷ đôla Mỹ để mua về 25.000 độc quyền kỹ thuật của thế giới. Kết quả thu về 200 tỷ đôla Mỹ tiền lãi hàng hóa do áp dụng kỹ thuật tiên tiến của thế giới. Từ một nước nhập khẩu kỹ thuật, Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu kỹ thuật lớn nhất của thế giới. Điều này chứng tỏ đồng chí Cayxỏn Phômvihản nghiên cứu rất sâu kinh tế thế giới (Theo lời kể của một số chuyên gia).
(2) Xem Xixanạ Xixán: Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân, sđd.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:03:21 am
Đồng chí Cayxỏn Phômvihản rút ra một vấn đề quan trọng: chiếc chìa khóa để phát triển kinh tế quy tụ lại vẫn là con người. Đồng chí luôn đặt vấn đề phải gấp rút đào tạo đội ngũ cán bộ biết kinh doanh giỏi, đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Đồng chí cho rằng, công nhân lành nghề ở nước ta còn ít, cán bộ quản lý kinh tế giỏi càng ít hơn. Nhiều vấn đề đặt ra chưa làm được vì thiếu đội ngũ cán bộ biết kinh doanh và đội ngũ công nhân có tay nghề cao.

Những cố gắng của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản, đã tạo ra những chuyển biến mới của kinh tế Lào từ sau khi có Nghị quyết Đại hội IV của Đảng. Quan điểm kinh tế hàng hóa, nhiều thành phần bắt đầu từ hộ gia đình nông dân đã mở ra cho nông thôn một không khí làm ăn phấn khởi. Nhiều tỉnh, thành phố, huyện, công ty thực hiện liên doanh liên kết, cùng nhau sản xuất, cùng nhau kinh doanh đã mở ra khả năng phát triển kinh tế hàng hóa thị trường, những cơ chế bảo thủ, quan liêu trong kinh tế được tháo gỡ dần dần. Các xí nghiệp được quyền tự chủ trong sản xuất, đầu tư, sử dụng nhân công, tiền lương và giá cả, mở ra một cung cách làm ăn mới, năng động, sáng tạo. Ngân hàng Nhà nước có những biến chuyển mới trong công việc vận hành tiền tệ. Sự chuyển giao lợi nhuận được thay bằng hệ thống thuế lợi tức đối với các ngành sản xuất và thuế doanh thu đối với các ngành dịch vụ đã khuyến khích sản xuất và kinh doanh phát triển. Sau một năm kể từ khi Đại hội IV họp, đất nước đã có khoảng 75% các xí nghiệp trung ương của Lào được trao quyền tự chủ sản xuất và kinh doanh. Đến giữa năm 1988, toàn Lào có 377 xí nghiệp quốc doanh thì 186 xí nghiệp được chuyển sang hạch toán kinh doanh. Hơn 2/3 số xí nghiệp thực hiện hạch toán kinh doanh làm ăn có lãi, tăng sản phẩm, tăng thu nhập. Tất nhiên, bên cạnh đó, cũng còn nhiều xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ, phải đóng cửa. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói đó là “ngã xe” trong cuộc đua nước rút. Đồng chí đề xuất một phương án có thể cổ phần hóa, tư nhân hóa một số xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ để khỏi bị “sập tiệm”. Đồng chí nói: Đảng và Chính phủ chủ trương phải có chính sách rõ ràng, ổn định và nhất quán đối với kinh tế tư nhân và kinh tế sản xuất hàng hóa. Chủ trương đó đã dẫn tới việc Nhà nước ban hành một số đạo luật vào năm 1990, nhằm hoàn thiện một bước về quản lý kinh tế, xã hội. Nhà nước cho phép các xí nghiệp tư nhân được đầu tư vào tất cả các lĩnh vực kinh doanh theo chính sách của Nhà nước và bình đẳng trước pháp luật. Một bước tiến mới nữa là các doanh nghiệp đều được phép huy động vốn từ mọi nguồn ở trong và ngoài nước để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, được phép mở các ngân hàng thương mại trong nước với các tài khoản riêng và được trực tiếp tham gia xuất, nhập khẩu hàng hóa được định hướng bằng chính sách thuế. Thành công lớn nhất là Đảng và Nhà nước đã huy động được mọi thành phần kinh tế, hội tụ cùng nhau vì sự nghiệp phát triển đất nước, làm cho nền kinh tế của đất nước tuy còn nhiều khó khăn, nhưng rõ ràng là sống động hơn trước. Đặc biệt, các lĩnh vực dịch vụ, vận tải, mậu dịch, ngân hàng phát triển mạnh.

Chính sách ruộng đất của Đảng và Nhà nước đã khuyến khích nông dân ngày càng gắn bó với đồng ruộng. Nhiều hộ nông dân được cấp thêm đất để trồng trọt, giao đất, giao rừng cho những ai có nhu cầu và khả năng làm kinh tế nông nghiệp. Chính sách thuế đối với nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 1% tổng sản phẩm thu nhập, đó là một tỷ lệ rất thấp so với nhiều nước. Nhà nước miễn thuế cho đất hoang mới khai phá từ 3 đến 5 năm đầu, miễn thuế sản lượng vụ thứ hai trong năm, không thu thuế vùng đất đai cằn cỗi, khó canh tác ở miền núi cao, núi sâu. Hình thức thu thuế nông nghiệp cũng thay đổi đa dạng: bằng thóc hoặc bằng tiền tùy theo ý muốn của nông dân. Giá thu mua nông sản tăng, lưu thông lương thực được tự do trong cả nước,… Tất cả những chính sách đó đã giúp cho nền nông nghiệp của Lào tự túc được lương thực. Những thành tựu đạt được trong nông nghiệp đã tác động lớn đến toàn bộ đời sống xã hội Lào.

Một trong những thành công trong chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước Lào là từng bước hạn chế để rồi tiến tới chấm dứt nạn phá rừng một cách có kế hoạch, đồng thời khôi phục thảm rừng và phát triển thế mạnh của rừng. Chính sách quản lý rừng được thực hiện ở việc giao cho địa phương quản lý; tỉnh giao cho huyện, huyện giao cho bản, bản giao cho các hộ gia đình sử dụng. Chính sách đó làm cho người trồng rừng yên tâm đầu tư vốn cho việc phát triển rừng. Rừng được bảo vệ cũng nhờ có chính sách này.

Tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa IV, họp vào tháng 6, 1988, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản nói:

“Đến năm 2000, nông nghiệp phải đạt được trình độ khá, có khả năng tạo ra nhiều nguồn sản phẩm hàng hóa, có cơ cấu phong phú về chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nông nghiệp phải bảo đảm vững chắc nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho toàn xã hội và làm cơ sở cho phát triển nông nghiệp”(1).


(1) Cayxỏn Phômvihản: Một số vấn đề quản lý kinh tế hiện nay ở Lào, tài liệu lưu tại Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản (Bản tiếng Việt do Nxb. Sự thật, Hà Nội, xuất bản, 1990, tr. 33).


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:03:43 am
Bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo phát triển nông nghiệp, đồng chí Cayxỏn Phômvihản chú ý nhiều đến sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Chương trình này được đặt ra trong chủ trương chiến lược phát triển kinh tế hàng hóa và mở cửa nền kinh tế lấy thương nghiệp làm “mắt xích chính” và giao thông vận tải làm “mũi nhọn”. Đảng và Nhà nước đưa ra chính sách khuyến khích nhập máy móc thiết bị nhỏ, vật tư nguyên liệu cần thiết nhằm phát triển sản xuất hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, với hàng tiêu dùng, Đảng, Nhà nước và đồng chí Cayxỏn Phômvihản có quan tâm, nhưng trên thực tế hàng nội địa còn chiếm tỷ trọng rất thấp, chất lượng hàng hóa làm ra chưa thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, nhiều mặt hàng thiết yếu trong nước chưa sản xuất được, phải nhập của nước ngoài. Hàng nước ngoài nhìn rõ những lỗ hổng đó đã thi nhau nhập ổ ạt vào nước Lào. Hàng nước ngoài (chủ yếu là hàng xa xỉ phẩm Thái Lan) qua nhiều con đường tràn vào Lào, lấn át hàng sản xuất trong nước.

Trong quá trình chỉ đạo phát triển kinh tế, Trung ương Đảng, Chính phủ đứng đầu là Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản chú ý nhiều đến vấn đề đầu tư của nước ngoài. Năm 1988, Nhà nước Lào công bố Luật Đầu tư nước ngoài, được nhiều nước quan tâm. Sau khi công bố Luật Đầu tư, nhiều hãng kinh doanh đã đến Lào để tìm hiểu. Và sau một năm kể từ khi công bố Luật Đầu tư đã có 333 công ty lớn nhỏ của Thái Lan ký hợp đồng buôn bán với Lào. Công ty Pridi Haranphít đã bỏ vốn 150 triệu bạt hợp doanh với Lào xây dựng xí nghiệp may mặc…

Nhờ cải cách chính sách thuế đã tạo điều kiện phát triển kinh tế hàng hóa nói chung, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu nói riêng.

Tháng 1-1989, Trung ương họp Hội nghị lần thứ 7, khóa IV. Tại Hội nghị, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản khẳng định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta là không thay đổi. Nhưng xuất phát từ tình hình thực tế đất nước ta, tính chất cơ bản của cách mạng Lào trong giai đoạn hiện tại vẫn là tính chất dân chủ nhân dân. Hiện nay, chúng ta đang trong giai đoạn củng cố, phát triển, hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí phân tích sở dĩ nói như vậy vì Lào trên thực tế chỉ mới hoàn thành về cơ bản nhiệm vụ giải phóng dân tộc, còn nhiệm vụ dân chủ chưa làm được bao nhiêu, phải tiếp tục làm nhằm thúc đẩy sản xuất phát triển, bảo đảm tự do dân chủ thực sự cho nhân dân các bộ tộc, tạo tiền đề từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nội dung kinh tế của chế độ dân chủ nhân dân là phát triển kinh tế hàng hóa, mở rộng thị trường, dựa trên quan hệ hàng hóa và tiền. Các thành phần kinh tế vừa hợp tác, liên kết vừa cạnh tranh lành mạnh theo phát luật nhằm thúc đẩy nhau cùng phát triển dưới sự quản lý của Nhà nước. Mọi hoạt động kinh tế, xã hội phải hướng về cơ sở, xuống nông thôn, lên miền núi. Mặt khác, tiếp tục thực hiện chính sách mở cửa tranh thủ vốn liếng, kỹ thuật, kinh nghiệm của nước ngoài để áp dụng vào nước ta. Đồng chí nêu vấn đề “mở cửa” nhưng phải chủ động, có hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, bảo vệ nội bộ và trật tự an ninh xã hội tốt.

Đó là tầm nhìn xa, “rất Lào” của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản. Hoàn cảnh của Lào mà không có những chính sách phù hợp như trên sẽ rất dễ xa vào con đường giáo điều, duy ý chí.

Sau Hội nghị Trung ương Đảng tháng 1-1989, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản rời Thủ đô Viêng Chăn đi công tác tại một số địa phương của Trung Lào. “Bộ não” của cách mạng Lào vẫn thường xuyên xuống các địa phương để xem xét tình hình. Không riêng gì đồng chí Cayxỏn Phômvihản mà các đồng chí Khămtảy Xiphănđon, Nuhắc Phumxavẳn, Xamản Vinhakệt, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng đều thường xuyên xuống làm việc tại các địa phương. Đó là tác phong, nếp sinh hoạt tốt của những người lãnh đạo.

Đến tỉnh Bôlikhămxay, đồng chí Cayxỏn Phômvihản xuống thăm bản Phônxỉ. Đây là lần thứ hai, đồng chí về thăm bản này. Lần trước,đồng chí phê bình một số gia đình chưa thực hiện tốt phong trào “ba vệ sinh”. Lần này, đồng chí khen bản sạch sẽ, bà con khỏe mạnh, phấn khởi, có đủ lúa gạo. Đồng chí mong bà con dân bản đoàn kết, phấn đấu, xây dựng bản làng ngày một phát triển.

Trở về Thủ đô Viêng Chăn, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã tổng kết chuyến đi công tác của mình tại các địa phương và giải quyết kịp thời một số đề nghị của các địa phương nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Ngày 1-5-1989, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản dự lễ kỷ niệm Quốc tế Lao động được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn. Nhân dịp này, đồng chí đã ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân các bộ tộc Lào cùng những cống hiến của các nhà yêu nước và cách mạng của Lào.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:04:53 am
Ngày 13-7-1989, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đến dự buổi lễ trao tặng đồng chí Xuphanuvông Huân chương Vàng quốc gia Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Lào cho đồng chí Xuphanuvông nhân dịp đồng chí 80 tuổi. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đánh giá cao những cống hiến xuất sắc của đồng chí Xuphanuvông đối với cách mạng Lào: “Toàn Đảng, toàn dân ta đều biết rõ đồng chí Xuphanuvông là một nhà trí thức lớn, một người hoàng tộc có tinh thần yêu nước sâu sắc, từ rất sớm đã gắn bó cuộc đời của mình với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta trong suốt nửa thế kỷ qua”(1). Đồng chí Cayxỏn Phômvihản cho rằng, tài năng, đức độ và uy tín của đồng chí Xuphanuvông đã trở thành nguồn động viên, lôi cuốn nhân dân các bộ tộc Lào đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Tình cảm giữa đồng chí Cayxỏn Phômvihản với các đồng chí lãnh đạo cách mạng Lào là bền chặt.

Năm 1990, trong không khí kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản trao đổi với các đồng chí làm công tác thông tin báo chí rằng, cần mở đợt tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về Đảng của mình và lấy ý kiến của nhân dân về sự lãnh đạo của Đảng. Đây là bước phát triển mới trong nền dân chủ ở Lào.

Trong buổi mít tinh kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Đảng tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn ngày 22-3-1990, Tổng Bí thư Cayxỏn Phomvihản nêu bốn vấn đề định hướng cho cách mạng Lào trong giai đoạn mới: Không ngừng phát huy truyền thống yêu nước của nhân dân các bộ tộc Lào, kiên trì mục tiêu cách mạng, củng cố, phát triển và hoàn thiện chế độ dân chủ nhân dân; tăng cường đoàn kết, hòa hợp, dựa vào nhân dân, mở rộng dân chủ; quyết tâm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, có nguyên tắc, từng bước thích hợp; không ngừng tăng cường mở rộng đoàn kết và hợp tác quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước(2).

Những ngày cuối tháng 3-1990, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản trở lại công tác tại Bôlikhămxay. Đồng chí đến thăm bản Phônten thuộc xã Khămcợt. Sau đó đồng chí đi La Cai. Có người hỏi: Vì sao dạo này đồng chí lại hay đi Bôlikhămxay? Đồng chí Cayxỏn Phômvihản nói: Tôi muốn xem xét kỹ hơn vấn đề kinh tế và vấn đề xây dựng Đảng ở đây. Nhìn chung, hai vấn đề này ở Bôlôlikhămxay cần được nghiên cứu kỹ hơn.

Cuối năm 1990, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản về Khămmuộn để kiểm tra tình hình việc chuẩn bị xây dựng công trình thủy điện Nậm Thơng. Đồng chí nhắc nhở các cán bộ phụ trách công tình này là khi xây dựng phải chú ý đến vấn đề môi trường, đề phòng tham ô, lãng phí trong khi xây dựng bằng biện pháp quản lý chặt tiền vốn và nhân công. Nét mặt đồng chí không được vui khi nói với anh chị em cán bộ, công nhân làm thủy điện rằng: Nước ta thừa điện, nhưng lại thiếu điện. Điện Nậm Ngừm tiêu thu không hết lại bán cho Thái Lan và Thái Lan dùng điện đó để bán lại cho tỉnh Khămmuộn và tỉnh Xavẳnnakhệt của Lào. Vấn đề là chưa có đường dây tải điện từ Bắc Lào đến Trung Lào và Nam Lào. Địa hình của Lào hiểm trở, nhiều núi cao, rừng sâu, cho nên làm đường dây tải điện Bắc - Trung - Nam là rất khó khăn và tốn kém. Vì vậy, chúng ta cố gắng sản xuất điện “tại chỗ” cung cấp cho địa phương là phương án cần được đặt ra và giải quyết.

Sang đầu năm 1991, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản lại về công tác tại Khămmuộn. Đồng chí dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Phát biểu tại Đại hội, đồng chí nhấn mạnh đến công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Điều quan trọng trong công tác xây dựng Đảng là Đảng phải có mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Mọi đường lối, chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân. Một Đảng mà tách khỏi nhân dân là một Đảng hỏng. Phải hết sức tranh thủ sự đóng góp của nhân dân các bộ tộc Lào đối với sự lãnh đạo của Đảng và vai trò gương mẫu của đảng viên. Phải thông qua sự tín nhiệm của nhân dân mà đánh giá phẩm chất đảng viên. Đoàn kết tốt với nhân dân, đồng thời phải đoàn kết tốt trong Đảng, tạo thành khối thống nhất ý chí và hành động trên cơ sở nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình và bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Xây dựng Đảng phải gắn với việc đề phòng mọi âm mưu diễn biến hòa bình của địch, đề phòng sự phá hoại của địch. Phải luôn luôn có lập trường quan điểm giai cấp vững vàng, không hoang mang dao động, bình tĩnh xem xét những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới. Đó là những vấn đề cơ bản trong công tác xây dựng Đảng.


(1) Báo Paxaxôn, ngày 14-7-1989.
(2) Xixanạ Xixán: “Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân”, sđd, tr. 22.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:05:26 am
NHỮNG NĂM CUỐI ĐỜI

Những năm cuối của cuộc đời, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản thường dành nhiều thời gian nghiên cứu công tác xây dựng Đảng.

Để chuẩn bị cho Đại hội V của Đảng, đồng chí Cayxỏn Phômvihản càng chú ý đến công tác xây dựng Đảng. Đồng chí rất quan tâm đến vấn đề đảng viên làm kinh tế. Đồng chí nói: Vấn đề đảng viên làm kinh tế là vấn đề được chú ý đúng mức. Có được phép thuê nhân công không và thuê tới mức nào đều phải nghiên cứu thận trọng. Phải lý giải cho rõ là đảng viên được phép làm kinh tế, nhưng lại không được phép bóc lột. Đồng chí gợi ý: Làm kinh tế trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước và trong khuôn khổ Điều lệ của Đảng là vấn đề đảng viên phải hết sức chú ý.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản còn hết sức chú ý đến chính sách đối với cán bộ về hưu. Đồng chí nói: Các đồng chí cán bộ của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân đã cống hiến phần lớn cuộc đời mình cho công việc của cơ quan, đơn vị. Nay họ đến tuổi nghỉ việc, Đảng và Nhà nước phải có chính sách tương xứng với sự cống hiến của họ.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng họp từ ngày 27 đến ngày 29-3-1991, tại Thủ đô Viêng Chăn. 367 đại biểu chính thức đã tham dự Đại hội.

Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đọc Báo cáo chính trị. Báo cáo chính trị thể hiện một cách sâu sắc, toàn diện tình hình giữa hai nhiệm kỳ từ Đại hội IV đến Đại hội V và đề ra phương hướng, nhiệm vụ mới của Đảng trong giai đoạn tới, tiếp tục xây dựng phát triển chế độ dân chủ nhân dân.

Báo cáo chính trị nêu rõ cuộc sống xã hội ở nước ta ngày càng tốt lên, ý thức làm chủ đất nước của nhân dân được đề cao. Nhân dân các bộ tộc Lào sống trong tinh thần bình đẳng, đoàn kết, hòa hợp, thương yêu nhau, hăng hái, phấn đấu cùng nhau bảo vệ và xây dựng đất nước.

Nhờ đổi mới chính sách kinh tế, sản xuất kinh doanh phát triển với nhịp độ tương đối nhanh, tăng bình quân 5,5%/năm; lạm phát ở mức không nghiêm trọng, giá cả tương đối ổn định.

Thành tích nổi bật trong nông nghiệp là đã bảo đảm về cơ bản nhu cầu lương thực cho cả nước và có một phần dự trữ. Theo đồng chí Cayxỏn Phômvihản thì có được thành tích này chủ yếu là nhờ điều chỉnh chính sách, coi hộ nông dân là đơn vị sản xuất chủ yếu, giao đất cho nông dân có quyền sử dụng lâu dài, kể cả quyền thừa kế. Tuy vậy, nhìn chung nông nghiệp nước ta phát triển chưa vững chắc.

Về lâm nghiệp có những bước phát triển mới nhờ kết hợp giữa khai thác và trồng rừng, bảo vệ, tu bổ rừng, giao rừng cho dân bảo vệ và sử dụng. Việc phá rừng làm rẫy cũng giảm dần, đi đôi với việc tổ chức định cư cho đồng bào miền núi.

Về giao thông vận tải Nhà nước đã sửa chữa một số đường liên tỉnh, đường địa phương. Đường thủy và đường hàng không được mở mang thêm. Chúng ta đã sử dụng nhiều thành phần, cả Nhà nước và tư nhân với nhiều loại phương tiện hiện đại và thô sơ, làm cho giao thông vận tải phát triển thuận lợi.

Thành công nhất trong chính sách tài chính mà đồng chí Cayxỏn Phômvihản nêu trong Báo cáo chính trị là đã xóa bỏ cơ chế tài chính bao cấp tràn lan, áp dụng cơ chế tài chính mới theo quan hệ hàng hóa - tiền tệ đi đôi với việc huy động và sử dụng nguồn vốn trong nước và nước ngoài. Hệ thống của ngân hàng được cơ động khi một bộ phận chuyển sang làm kinh doanh tiền tệ.

Chính sách thương nghiệp được thể hiện khá rõ khi hàng hóa được lưu thông tự do trên thị trường, trao đổi mua bán ngày càng nhộn nhịp đã tác động thúc đẩy sản xuất phát triển.

Về xã hội, Báo cáo chính trị đã phân tích chương trình cải cách giáo dục và chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2000. Hệ thống trường học được củng cố và phát triển. Trình độ dân trí của nhân dân được nâng cao. Văn hóa và thuần phong mỹ tục được duy trì và phát huy. Báo cáo chính trị đánh giá cao đối với những cống hiến của các nhà sư trong việc giáo dục cho thiện nam, tín nữ có tinh thần tương trợ, thương yêu nhau, đoàn kết nhau để xây dựng quê hương, đất nước.

Công tác quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước mà nòng cốt là do các lực lượng vũ trang.

Về đối ngoại, Đảng đã thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác với các nước, mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật một cách bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.

Hệ thống chính trị được giữ vững nhờ tiến hành đổi mới một cách đúng hướng, đặc biệt, Đảng đã đề cao trách nhiệm của mình đối với vận mệnh của dân tộc và của xã hội, có mối liên hệ với nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Bộ máy Nhà nước được củng cố và hoạt động có hiệu lực hơn trước.

Nhìn chung, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IV của Đảng, đất nước đã đạt được những thành tựu và thắng lợi to lớn, nhiều mặt và có bước tiến vững chắc.

Bên cạnh những thành tựu trên đây, Báo cáo chính trị cũng chỉ ra một số thiếu sót trong việc tổ chức thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, thể hiện trong sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp, các ngành. Công việc có lúc, có bộ phận còn chồng chéo, bộ máy còn cồng kềnh. Một số địa phương còn có tư tưởng cục bộ. Đội ngũ cán bộ tuy đã trưởng thành về nhiều mặt, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của giai đoạn mới, v.v. Những thiếu sót ấy đã hạn chế không ít đối với bước phát triển của đất nước mà nguyên nhân quan trọng là sự nghiệp đổi mới còn rất mới mẻ, cho nên chưa có nhiều kinh nghiệm cả về hoạch định đường lối lẫn biện pháp tổ chức.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:06:15 am
Báo cáo chính trị đã rút ra những kết luận quan trọng:

- Một là: Đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của chúng ta.

- Hai là: Đoàn kết hòa hợp trong nội bộ dân tộc là sức mạnh vô địch của chúng ta.

- Ba là: Trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, Đảng phải dựa vào dân, từ nhân dân mà ra, tất cả vì lợi ích của nhân dân.

- Bốn là: Cán bộ quyết định thành, bại của đường lối.

- Năm là: Phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần quốc tế trong sáng, kết hợp giữa sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại.

Báo cáo chính trị nêu những phương hướng, nhiệm vụ chung trong thời gian sắp tới của toàn Đảng, toàn dân ta là:

“Tiếp tục sự nghiệp đổi mới toàn diện, tăng cường đoàn kết nhất trí toàn dân trên cơ sở liên minh công nông và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tích cực khuyến khích nền kinh tế nhiều thành phần nhằm phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất, chuyển nền kinh tế tự nhiên và nửa tự nhiên thành nền kinh tế hàng hóa, làm cho đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân các bộ tộc ngày càng được cải thiện. Phát huy dân chủ trong mọi mặt đời sống xã hội, nâng cao vai trò của các tổ chức quần chúng và tổ chức xã hội, xây dựng bộ máy Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật. Không ngừng kiện toàn tổ chức và vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố công tác quốc phòng, an ninh toàn dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền dân tộc, bảo vệ chế độ mới, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an ninh xã hội. Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế. Tất cả để xây dựng nước Lào hòa bình, độc lập dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, góp phần vào sự nghiệp hòa bình và tiến bộ xã hội trên thế giới”(1).

Đảng trong sự nghiệp đổi mới được thể hiện bởi trách nhiệm lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội. Đề cao vai trò hết sức quan trọng của công tác lý luận, tư tưởng, công tác tổ chức, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, kiên trì thực hiện biện pháp chiến lược chuyển xuống cơ sở.

Đó là những vấn đề chủ yếu trong phương hướng công tác của Đảng mà Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản đã nêu trong Báo cáo chính trị.

Báo cáo chính trị tại Đại hội V của Đảng là sản phẩm của trí tuệ tập thể của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự đóng góp tích cực và đầy trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có vai trò của Tổng Bí thư Cayxỏn Phômvihản.

Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Cayxỏn Phômvihản trình bày; văn kiện về Sửa đổi Điều lệ Đảng và Điều lệ Đảng sửa đổi và thông qua Nghị quyết của Đại hội.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa V, gồm 55 đồng chí ủy viên chính thức và 4 đồng chí ủy viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương khóa V họp bầu Bộ Chính trị gồm 11 đồng chí: Cayxỏn Phômvihản, Nuhắc Phumxavẳn, Khămtày Xiphănđon, Phun Xipaxớt, Maychăntan Xẻngmani, Xamản Vinhakệt, Uđôm Khắtthinhạ, Chunmali Xaynhaxỏn, Xổmlắt Chănthamạt, Khămphủi Kẹobualapha, Thoongxỉng Thămmạvông.

Theo Điều lệ sửa đổi của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương khóa V đã bầu đồng chí Cayxỏn Phômvihản làm Chủ tịch Đảng và Ban cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm ba đồng chí: Phumi Vôngvichít, Xuphanuvông, Xixổmphon Lờvănxay.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đọc Diễn văn bế mạc. Đồng chí đã tổng kết quá trình diễn biến của Đại hội và nêu rõ Đại hội lần này đã xem xét, đánh giá quá trình tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định những thành tựu đã đạt được, phê phán nghiêm khắc những khuyết điểm, tồn tại và rút ra những bài học vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn. Đồng chí nhấn mạnh thành công của Đại hội lần này mang rõ sắc thái đổi mới tư duy chính trị, tư tưởng, tổ chức, về phong cách công tác của Đảng, thể hiện sự đoàn kết thống nhất, sự trưởng thành vững vàng về mọi mặt của Đảng. Thành công của Đại hội còn là kết quả tổng hợp của sự tập trung trí tuệ của toàn Đảng và toàn thể nhân dân các bộ tộc Lào.

Đại hội bế mạc trong không khí đầm ấm, nồng nàn tình Đảng, tình dân khi đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô Viêng Chăn, những nam nữ thanh niên, học sinh mặc trang phục dân tộc, giương cao cờ nước, cờ Đảng, mang những bó hoa tươi thắm tiến vào hội trường lớn chúc mừng thắng lợi rực rỡ của Đại hội.


(1) Báo cáo chính trị tại Đại hội V của Đảng, do đồng chí Cayxỏn Phômvihản trình bày. Tài liệu lưu tại Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:07:28 am
Sau Đại hội, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã đi công tác tại một số địa phương, kiểm tra tình hình và thông báo cho Đảng bộ và nhân dân các địa phương biết kết quả của Đại hội V của Đảng. Đồng chí nói: Vấn đề quan trọng là phải đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Ngày 15-8-1991, tại kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân tối cao khóa II, đồng chí Cayxỏn Phômvihản được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước.

Ngày 20-12-1991, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đến dự Hội thao quốc gia tổ chức tại tỉnh Khămmuộn. Điều này chứng tỏ đồng chí rất quan tâm đến công tác thể dục thể thao và bản thân đồng chí rất gương mẫu trong việc luyện tập thể dục thể thao.

Cuối năm 1991, đồng chí Cayxỏn Phômvihản lên đường đi Pari dự Hội nghị cấp cao các nước nói tiếng Pháp. Đồng chí là một trong bảy vị nguyên thủ quốc gia đã phát biểu ý kiến bằng tiếng Pháp trong buổi khai mạc Hội nghị. Đồng chí nói:

“Việc gặp gỡ nhau ở cấp cao nhất ngày hôm nay là cơ hội tốt và vinh dự để trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn và công khai, để thảo luận những vấn đề lớn và những vấn đề có lợi ích chung về chính trị, kinh tế và hợp tác. Đồng thời cuộc gặp gỡ của chúng ta cũng nói lên sự tăng cường đoàn kết giữa những nước đã bảo vệ được bản sắc văn hóa và nền độc lập của mình. Đó cũng là lý do tồn tại của thế giới này”(1).

Bước sang năm 1992, sức khỏe của đồng chí Cayxỏn Phômvihản giảm sút trông thấy. Thỉnh thoảng cơn đau lại tái phát. Được các bác sĩ tận tình chạy chữa, bệnh giảm. Một thời gian sau, cơn đau lại đến. Bệnh ung thư mỗi lúc một thêm nặng. Sự chạy chữa của các bác sĩ chỉ có hể làm cho giảm đau chứ không thể làm cho bệnh khỏi. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản biết bệnh của mình, nhưng đồng chí vẫn cố gắng làm việc.

Những ngày nằm trên giường bệnh, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bạn bè, đồng chí, các cơ quan, đoàn thể, bộ đội, các ngành, các giới và bầu bạn quốc tế đến thăm, biểu lộ tình cảm quý mến đối với đồng chí.

Trong những ngày cuối đời, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã tâm sự với một bạn học năm xưa, đồng chí Xixanạ Xixán.

Đồng chí Xixanạ Xixán:

- Chúng ta làm cách mạng đã nhiều năm, từ lúc trẻ cho đến khi già, bây giờ tóc đã bạc hết, tôi muốn hỏi anh xem anh yêu cái gì hơn cả?

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản:

- Yêu nhiều thứ lắm, như yêu nước, yêu nhân dân, yêu gia đình.

Đồng chí Xixanạ Xixán:

- Thế Anh có yêu bản thân anh không?

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản:

- Yêu chứ! Nhưng lợi ích của cá nhân nằm trong lợi ích của đất nước. Sau khi tham gia cách mạng, nhất là khi vào Đảng, tôi đã thề đấu tranh đến cùng, dù phải hy sinh tính mạng. Vấn đề này phải giữ gìn suốt đời. Tuy nhiên, phải giữ gìn sức khỏe bản thân, phải tập thể dục, khi đau ốm phải chạy chữa. Không có sức khỏe thì không làm được việc.

Đồng chí Xixanạ Xixán:

- Anh ghét gì nhất?

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản:

- Ghét bọn can thiệt, xâm lược nước ta, ghét bọn có mưu đồ phá hoại, cản trợ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của chúng ta.

Đồng chí Xixanạ Xixán:

- Còn vui? Cái gì làm cho anh vui hơn cả?

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản:

- Vui nhất là mỗi lần cách mạng giành được thắng lợi, mỗi năm đồng bào các bộ tộc Lào thu hoạch vụ mùa tốt, con cháu nhân dân học hành tiến bộ, đời sống của nhân dân được cải thiện. Điều vui mừng nữa là thấy đường lối chính sách của Đảng được thực hiện và mang lại hiệu quả.

Đồng chí Xixanạ Xixán:

- Còn buồn? Cái gì làm cho Anh buồn hơn cả?

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản:

- Cũng buồn vì nhiều việc lắm, nhưng lớn hơn cả là buồn vì tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, kế hoạch Nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Đường lối đúng, nhưng việc tổ chức thực hiện còn nhiều cái mắc mớ, lủng củng. Buồn vì một chuyện nữa, đó là việc đào tạo cán bộ không kịp với đòi hỏi của tình hình.

Đồng chí Xixanạ Xixán:

- Hiện nay, cái gì làm cho Anh hài lòng hơn cả?

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản:

- Điều làm tôi hài lòng hơn cả là chúng ta đã thay đổi được đường lối kinh tế và sự nghiệp đổi mới của chúng ta đang được cán bộ và nhân dân các bộ tộc hưởng ứng và hăng hái thực hiện. Sự nghiệp đó đang trên đà đi lên vững chắc(2).

Tâm sự của đồng chí Cayxỏn Phômvihản thể hiện tình cảm chân thành của đồng chí đối với Đảng và nhân dân các bộ tộc Lào.


(1) Dẫn theo Phun Xipaxớt: Cayxỏn Phômvihản và sự nghiệp đổi mới, sđd.
(2) Theo lời kể của đồng chí Xixanạ Xixán trong hồi ký: Một lòng đi theo cách mạng, trung thành với nhân dân, sđd.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:08:43 am
Chương VI

ĐỔNG CHÍ CAYXỎN PHÔMVIHẢN SỐNG MÃI
TRONG LÒNG NHÂN DÂN CÁC BỘ TỘC LÀO

Giữa lúc sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, sự nghiệp đổi mới đang được thực hiện có kết quả, thì đồng chí Cayxỏn Phômvihản lâm bệnh.

Ngày 2-11-1992, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Hội đồng Nhân dân tối cao, Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã ra Thông cáo đặc biệt, “Vô cùng đau đớn báo tin đến đồng bào các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang biết: Đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, vị lãnh tụ vô cùng kính yêu của chúng ta, đã từ trần vào lúc 11 giờ 23 phút, ngày 21-11-1992 do bị bệnh, thọ 72 tuổi”(1).

Thông cáo đặc biệt nêu rõ: “Suốt thời gian đồng chí Chủ tịch lâm bệnh, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm và chạy chữa, đã thành lập Ban bảo vệ sức khỏe gồm các bác sĩ giỏi trong nước và ngoài nước tập trung bảo vệ với những phương án y tế đầy đủ để cứu chữa cho đồng chí, nhưng vì bệnh quá nặng, đồng chí Chủ tịch đã vĩnh biệt chúng ta”(2).

Thông cáo đặc biệt đánh giá “Đồng chí Cayxỏn Phômvihản là người con ưu tú của nhân dân các bộ tộc Lào và là người anh hùng của dân tộc Lào chúng ta. Đồng chí đã cống hiến tất cả trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của nhân dân ta trong suốt nửa thế kỷ. Đồng chí là nhà lãnh đạo ưu tú, tài tình, sáng suốt của Đảng, Nhà nước và dân tộc ta, cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân ta tiến lên từ thắng lợi này đến thắng lợi khác to lớn hơn làm cho đất nước chúng ta từ một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập có vai trò xứng đáng trên trường quốc tế. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản là nhà yêu nước chân chính và là người bạn thân thiết của các dân tộc tiến bộ trên thế giới.

Đồng chí Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản mất đi là sự tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào chúng ta”(3).

Thông cáo đặc biệt kêu gọi “đồng bào cả nước, trong giờ phút đau thương và tiếc thương vô hạn này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng nhân dân tối cao, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước kêu gọi đồng bào cả nước, các tầng lớp cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong các lực lượng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh hãy biến đau thương thành hành động cách mạng, đoàn kết một lòng chung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Bộ Chính trị là nòng cốt, phát huy truyền thống anh dũng vẻ vang của đất nước và của Đảng, cùng nhau kiên định và kiên quyết thực hiện đường lối đổi mới toàn diện có nguyên tắc do đồng chí Cayxỏn Phômvihản đề xướng trở thành hiện thực, tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống dân chủ nhân dân nhằm đạt tới mục tiêu xây dựng đất nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng”(4).

Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc và lòng thương tiếc vô hạn đối với đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội đồng nhân dân tối cao, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước quyết định để quốc tang đồng chí trong bảy ngày, từ 22 đến 28-11-1992.

Ban Lễ tang đồng chí Cayxỏn Phômvihản được thành lập gồm 27 đồng chí, do đồng chí Nuhắc Phumxavẳn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao làm Trưởng ban, đồng chí Khămtày Xiphănđon, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ làm Phó trưởng ban cùng các Ủy viên Bộ Chính trị làm Ủy viên Ban lễ tang: Phun Xipaxớt, Maychăntan Xẻngmani, Xamản Vinhakệt, Uđôm Khắtthinhạ, Chunmani Xaynhaxỏn, Xổmlắt Chănthamạt, Khămphủi Kẹobualapha, Thoongxỉng Thămmạvông,…

Trong những ngày tang lễ, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, đơn vị, các tổ chức, các gia đình nhân dân đều treo cờ tang.


(1) Báo Paxaxôn, số ra ngày 22-11-1992.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:11:18 am
Từ ngày 22 đến ngày 27-11-1992, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan, đơn vị, các đoàn thể nhân dân, họ hàng, thân thích của đồng chí Cayxỏn Phômvihản cùng các tầng lớp nhân dân đã lần lượt đến viếng đồng chí Cayxỏn Phômvihản.

Đoàn đại biểu các nước đến Viêng Chăn, các đại biểu của các tổ chức quốc tế cũng đến viếng đồng chí Cayxỏn Phômvihản.

Nhiều nước trên thế giới đã để tang đồng chí Cayxỏn Phômvihản.

Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội củ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Thông cáo đặc biệt vô cùng thương tiếc báo tin với toàn Đảng và toàn thể nhân dân Việt Nam về việc đồng chí Cayxỏn Phômvihản từ trần. Thông cáo đặc biệt của Việt Nam coi đồng chí Cayxỏn Phômvihản “là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một chiến sĩ cách mạng trung kiên, một người con ưu tú”(1) của cách mạng Lào, “một chiến sĩ kiên cường”(2) của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc, phong trào hòa bình thế giới; người đồng chí, người bạn lớn thân thiết của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam, đã “luôn luôn trân trọng, nghiên cứu vận dụng tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào hoạt động cách mạng thực tiễn của mình. Suốt mấy chục năm qua, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã có công lớn xây dựng và vun đắp tình cảm gắn bó Lào - Việt, thường xuyên quan tâm chăm lo việc củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết hữu nghị đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam”(3). Đồng chí mất đi “là một tổn thất vô cùng to lớn đối với Đảng Nhân dân cách mạng Lào và nhân dân các bộ tộc Lào cũng như đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam, đối với đồng chí và bầu bạn trên thế giới”(4).

Trong suốt một tuần lễ để tang đồng chí Cayxỏn Phômvihản, một đơn vị bộ đội xây dựng tại Thủ đô Viêng Chăn được vinh dự thực hiện xây Hóphạmên (Đài tháp) nơi đặt linh cữu đồng chí Cayxỏn Phômvihản, đã làm việc suốt ngày đêm để sớm hoàn thành công trình này. Hóphạmên được xây dựng theo hình tháp chung quanh có bốn cột cao, trên có mái che, đỉnh tháp có nhiều mái nhỏ, xếp theo từng tầng như đỉnh các mái chùa Lào, chung quanh được bài trí rất trang nghiêm. Trên quảng trường rộng lớn được dựng bảy dãy nhà khung sắt, mái lớp nilông màu, đủ chỗ ngồi cho hơn 1.000 người.

Hàng nghìn người thuộc các quận, huyện nội ngoại thành Viêng Chăn xếp thành hàng, thành khối trên quảng trường chợ dự Lễ cầu siêu vĩnh biệt nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng và nhân dân các bộ tộc Lào.

Ngày 28-11-1992, tại nhà Quốc hội, nơi quàn thi hài đồng chí Cayxỏn Phômvihản, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Nhà nước, Hội đồng Nhân dân tối cao Lào, Mặt trận Lào xây dựng đất nước đã tổ chức rất trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Cayxỏn Phômvihản.

Đúng 11 giờ, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào: Khămtày Xiphănđỏn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào(5), Thủ tướng Chính phủ, Nuhắc Phumxavẳn, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào(6), Chủ tịch Hồi đồng nhân dân tối cao; các đồng chí trong Bộ Chính trị: Phun Xipaxớt, Maychăntan Xẻngmani, Xamản Vinhakệt, Uđôm Khătthinhạ, Chunmani Xaynhaxỏn, Xổmlắt Chănthanmạt, Khămphủi, Kẹobualapha, Thoongxỉng Thămmạvông, các đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít, Xixổmphon Lờvănxa đều có mặt đầy đủ trước tháp lớn Thạt Luổng đặt thi hài đồng chí Cayxỏn Phômvihản.

Các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, đại diện các bộ, các ngành, các đoàn thể nhân dân ở Trung ương và Thủ đô Viêng Chăn, đông đảo phóng viên, thông tấn, báo chí, đài phát thanh, truyền hình trong nước và nước ngoài đã đến dự.

Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước Việt Nam, các trưởng đoàn đại biểu Nhà nước Campuchia, Thái Lan, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc cùng với trưởng đoàn đại biểu các nước Mianma, Inđônêxia, Nhật Bản, Malaixia, Pháp, Ôxtrâylia, Ấn Độ, Nga, Mông Cổ, Đoàn ngoại giao các nước tại Viêng Chăn, đại diện các tổ chức quốc tế tại Lào đã đến dự Lễ truy điệu Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản.


(1), (2), (3), (4) Báo Nhân dân, số ra ngày 23-11-1992.
(5) Trong phiên họp ngày 24-11-1992, Trung ương Đảng đã bầu đồng chí Khămtày Xiphănđon làm Chủ tịch Đảng.
(6) Ngày 25-11-1992, đồng chí Nuhắc Phumxavẳn được Hội đồng nhân dân tối cao bầu làm Chủ tịch nước.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:13:47 am
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nhà nước, Hội đồng nhân dân tối cao, Mặt trận Lào xây dựng đất nước, đồng chí Nuhắc Phumxavẳn đọc Điếu văn, nêu rõ:

“Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào giải phóng dân tộc ở ba nước Đông Dương, đồng chí Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản đã tìm ra con đường đúng đắn để đấu tranh giải phóng dân tộc”(1), “mở ra kỷ nguyên mới cho việc xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng(2). Đồng chí “đã luôn luôn quan tâm đến việc xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt”(3). Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí “gắn chặt với sự nghiệp xây dựng và củng cố lực lượng vũ trang nhân dân”(4). Đồng chí “là người sáng tạo và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện một cách có nguyên tắc nhằm tạo sự thay đổi tích cực trong sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước có bước tiến mới, đưa đất nước của chúng ta tiến lên vững chắc theo hướng tiếp tục xây dựng và phát triển chế độ dân chủ nhân dân đạt đến mục tiêu mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn”(5). Đồng chí “có tinh thần quốc tế trong sáng và sự đóng góp hết lòng vào sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc”(6). Đồng chí “là tấm gương trong sáng, là mẫu mực quý báu đối với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc Lào trong cả nước về sự hy sinh và bờ bến và sự cống hiến suốt cả cuộc đời của mình với lòng trong sáng vô tư vì lợi ích của đất nước và của nhân dân ta, vì tương lai con cháu của thế hệ sau”(7). Chính vì vậy, “đồng chí xứng đáng là vị anh hùng của dân tộc Lào và là người bạn thân thiết của các dân tộc”(8).

Đồng chí Nuhắc Phumxavẳn xúc động nói:

“Trong giờ phút đau thương và thương tiếc sâu sắc này, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân xin thề với đồng chí:

1. Sẽ tiếp tục sự nghiệp cao cả của đồng chí, mãi mãi ghi nhớ lời dạy của đồng chí, sẽ ra sức học tập đạo đức trong sáng vô tư của đồng chí, kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, đưa đất nước tiến lên vững chắc đến mục tiêu mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, xây dựng đất nước hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng thành hiện thực, đem lại ấm no cho nhân dân các bộ tộc, xứng đáng với nguyện vọng của đồng chí.

2. Sẽ tiếp tục xây dựng và củng cố Đảng của chúng ta vững mạnh mọi mặt trên cơ sở duy trì nguyên tắc tổ chức của Đảng, sẽ rèn luyện không ngừng nâng cao đạo đức và khả năng của mọi cán bộ, đảng viên, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Đảng và nhân dân, luôn luôn quan tâm đến việc bảo vệ và tăng cường đoàn kết thống nhất trong nước như bảo vệ con người của mắt mình.

3. Ra sức tăng cường đoàn kết hòa hợp, thương yêu đùm bọc lẫn nhau chung quanh Đảng và Nhà nước, giữa đồng bào các bộ tộc Lào, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và nước ngoài, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước.

4. Ra sức phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế nhằm xây dựng phát triển đất nước giàu mạnh, tăng cường đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam, tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống ba nước Lào - Việt Nam - Campuchia, làm hết sức mình góp phần vào việc xây dựng hòa bình, hữu nghị và hợp tác với các nước bè bạn, láng giềng và với các nước trên thế giới”(9).

Đồng chí Nuhắc Phumxavẳn kêu gọi “toàn Đảng, toàn dân ta xin mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí Cayxỏn Phômvihản, quyểt tâm biến đau thương thành sức mạnh và hành động thực tế, tiếp tục đi theo con đường của đồng chí và của Đảng đến thắng lợi.

Chúng ta tin chắc rằng với quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc vô cùng yêu quý của chúng ta sẽ tiếp tục tiến lên vững chắc và chắc chắn đạt kết quả.

Sự nghiệp của đồng chí Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản sống mãi với chúng ta”(10).

Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, các vị trưởng đoàn đại biểu các nước cùng mọi người có mặt trong buổi lễ đã giành một phút mặc niệm vĩnh biệt đồng chí Cayxỏn Phômvihản.


(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10) Báo Paxaxôn, số ra ngày 29-11-1992.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:14:31 am
Chiều 28-11-1992, tại Quảng trường Thạt Luổng đã tổ chức trọng thể Lễ cầu siêu cho linh hồn đồng chí Cayxỏn Phômvihản.

Sau khi các nhà sư đọc kinh và làm các nghi lễ cầu siêu theo đạo Phật, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Lào: Khămtày Xiphănđon, Nuhắc Phumxavẳn, các đồng chí cố vấn Trung ương Đảng: Xuphanuvông, Phumi Vôngvichít, Xixổmphon Lờvănxay và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã lần lượt đi lên đài tháp đặt hương thơm chung quanh linh cữu Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản.

Sau Lễ cầu siêu, tối cùng ngày đã tổ chức hỏa táng thi hài Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản theo phong tục tập quán truyền thống cao nhất của nhân dân các bộ tộc Lào.

Tro thi hài đồng chí Cayxỏn Phômvihản được mang về để ở Nhà lưu niệm của đồng chí tại Km6 (nay là Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản), Thủ đô Viêng Chăn cho đến ngày 27-12-1993 thì đưa về đặt tại tháp trước nhà của đồng chí ở đường Thạt Luổng, Thủ đô Viêng Chăn.

Từ sau khi đồng chí Cayxỏn Phômvihản qua đời, đất nước Lào vẫn đang trên đà phát triển.

Tổng sản phầm quốc dân năm 1993 tăng 6%, sản xuất nông nghiệp tăng 4,5%, sản xuất công nghiệp tăng 9,2% (riêng công nghiệp chế biến tăng 10%), sản phẩm điện tăng 17%, giá trị xuất khẩu đạt 150 triệu USD. Đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, với 280 dự án cho các công ty của 25 nước đầu tư, tổng số vốn hơn 500 triệu USD.

Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa III thông qua Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội tới năm 2000: xây dựng ba vùng kinh tế chính và sáu đồng bằng tập trung thâm canh, chiếm 380 nghìn ha với sản lượng phấn đấu đạt 80% sản lượng thóc trong cả nước. Hướng phát triển kinh tế của Lào vẫn là coi trọng kết hợp công nghiệp với nông lâm nghiệp, chú ý phát triển công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất nhập khẩu cùng với công nghiệp chế biến.

Tại Hội nghị khu vực tám tỉnh phía Bắc họp cuối tháng 7-1994, đồng chí Khămtày Xiphănđon chỉ rõ sự cần thiết xây dựng Bắc Lào trở thành khu vực kinh tế vững mạnh trong cả nước. Về điện, trong những năm tới, sẽ đầu tư 4 tỷ USD để xây dựng một số nhà máy thủy điện đã được Chính phủ phê duyệt, để có công suất 22 nghìn mêgaoát điện, bảo đảm đủ điện dùng trong cả nước và xuất khẩu để thu ngoại tệ.

Trước mắt năm 1994, sẽ phấn đấu tăng tổng sản phẩm trong nước 7% sản xuất nông - lâm nghiệp tăng từ 10 đến 12%, thu nhập đầu người tăng 4% so với năm trước.

Để thực hiện mục tiêu nói trên, năm 1994, Nhà nước quyết định đầu tư cho xây dựng cơ bản 121,8 tỷ kíp, tăng 31% so với năm 1993.

Thủ đô Viêng Chăn sẽ thực hiện điều tra khảo sát và quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng một Thủ đô hiện đại, văn minh. Chính phủ có kế hoạch xây dựng đặc khu kinh tế phía nam Thủ đô với số vốn đầu tư 130 triệu USD trên một diện tích rộng 960 ha, gồm ba khu vực công nghiệp, thương mại và vui chơi giải trí.

Hệ thống trường đại học, cao đẳng và trường dạy nghề đang được nâng cấp về cơ sở vật chất và kỹ thuật, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên nhằm đào tạo những cán bộ khoa học - kỹ thuật cho cả nước.

Đảng rất quan tâm đến các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục truyền thống.

Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản đã được thành lập với chức năng bảo quản, trưng bày hiện vật về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Cayxỏn Phômvihản để đồng bào, đồng chí trong cả nước và bầu bạn quốc tế đến xem và nghiên cứu.

(http://farm3.staticflickr.com/2319/1830152422_fc82310d8a_z.jpg)

Bảo tàng Cayxỏn Phômvihản


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:15:31 am
KẾT LUẬN

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng khá sớm. Với bầu máu nóng của tuổi trẻ đồng chí đã hiến dâng hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân các bộ tộc Lào, trở thành vị lãnh tụ cách mạng, người anh hùng giải phóng dân tộc. Cuộc đời hoạt động của đồng chí đã đọng lại trong trái tim của nhân dân các bộ tộc Lào một niềm tin yêu và hy vọng lớn lao.

Từ khi tiến hành cách mạng ở Lào đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp ở Lào, lịch sử đã ghi nhận những cống hiến to lớn của đồng chí Cayxỏn Phômvihản đối với cách mạng Lào.

Từ một trí thức yêu nước, có tâm huyết với nhân dân các bộ tộc Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản trở thành người đảng viên cách mạng phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc thân yêu của mình.

Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam sắp nổ ra, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đang học ở Hà Nội, do nhạy bén với tình hình chính trị, nắm vững thời cơ, đã trở về Lào, hòa vào phong trào đấu tranh của nhân dân quê hương, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở Xavẳnnakhệt. Tinh thần dũng cảm và trí thông minh của người thanh niên trẻ tuổi Cayxỏn Phômvihản đã xông vào bão táp đấu tranh, góp phần mở ra những trang sử vẻ vang mới của cách mạng Lào. Truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc cùng những tấm gương oanh liệt của Chậu Phạ Ngừm, Commađăm… đã hun đúc cho đồng chí Cayxỏn Phômvihản một tinh thần, một nghị lực vươn lên trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho đất nước.

Tiếp đó là những năm kháng chiến chống Pháp vô cùng gian khổ, đồng chí Cayxỏn Phômvihản với tinh thần chịu đựng cao, đã vượt lên khó khăn, thiếu tốn, tổ chức quân đội Lào và ra sức xây dựng đội quân cách mạng đó trưởng thành về mọi mặt, đủ sức chiến đấu với kẻ thù xâm lược, chỉ huy đánh nhiều trận thắng, đẩy quân địch từ thế chủ động sang thế bị động, lập nhiều chiến công vang dội. Tiếng kèn xung trận của Quân đội nhân dân Lào không bao giờ ngập ngừng, mà rất quyết liệt thôi thúc đoàn quân xông lên vì đại nghĩa. Đồng chí đã cống hiến sức lực, trí tuệ, tài năng vào việc lãnh đạo và chỉ huy các lực lượng vũ trang đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đồng chí đặc biệt coi trọng việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng lực lượng chính trị của quần chúng, kết hợp khéo léo đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, làm cho cả lực lượng vũ trang lẫn lực lượng của nhân dân đều không ngừng lớn mạnh. Nhân dân phục vụ bộ đội, bộ đội chiến đấu vì nhân dân, hậu phương mạnh, tiền tuyến thắng to. Đó là đặc điểm của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Lào mà đồng chí Cayxỏn Phômvihản là kiến trúc sư.

Nhìn lại vai trò của đồng chí Cayxỏn Phômvihản trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Lào, chúng ta thấy đầy đủ phẩm chất của đồng chí, mà phẩm chất cao nhất là biết dựa vào trí tuệ tập thể của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, dựa vào sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân để tiến hành cuộc kháng chiến ác liệt nhất, gay go nhất trong lịch sử Lào.

Khả năng chỉ đạo chiến lược chính trị và quân sự của đồng chí bộc lộ rõ rệt trong cuộc kháng chiến này. Điều đó đã được đồng chí Khămtày Xiphănđon phân tích sâu sắc trong bài “Đồng chí Cayxỏn Phômvihản và quá trình trưởng thành và chiến đấu thắng lợi của Quân đội nhân dân Lào”(1). Theo đồng chí Khămtày Xiphănđon thì quan điểm, tư tưởng quân sự của đồng chí Cayxỏn Phômvihản được thể hiện ở việc nắm vững quan điểm đấu tranh vũ trang kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, phân hóa, cô lập kẻ thù xâm lược và tay sai, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn cho đất nước. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng cũng không được lơi lỏng trong việc xây dựng Quân đội nhân dân có hiệu lực cao, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống, đặc biệt chú ý xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân rộng khắp, vững mạnh.

Bản thân một con người mặc dù vĩ đại đến đâu cũng không thể quyết định được chiều hướng phát triển của lịch sử, nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong lịch sử. Lịch sử là một dòng chảy xiết. Con người biết bơi xuôi theo dòng chảy đó là con người làm nên lịch sử. Đồng chí Cayxỏn Phômvihản là con người biết bơi thuận dòng, do đó đã làm nên lịch sử.

Sự vận dụng linh hoạt đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao, kháng chiến đi đôi với xây dựng kinh tế đã làm cho dàn đồng ca chiến trận ở Lào cất lên cùng một nhịp điệu chiến thắng.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản thường xuyên chăm lo mối tình chiến đấu thủy chung son sắt giữa Lào và Việt Nam, mở rộng quan hệ quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Lào. Dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế là chủ trương đúng đắn sáng tạo của Đảng và đồng chí Cayxỏn Phômvihản.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản chăm lo xây dựng Đảng Nhân dân cách mạng Lào, tích vực vận động cho sự ra đời của Đảng và cùng tập thể Ban lãnh đạo Đảng đã đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn nhằm đưa cách mạng Lào tiến lên không ngừng.

Suốt đời đấu tranh vì nền độc lập, tự do của của Tổ quốc, nắm vững quy luật phát triển của xã hội Lào, biết đề ra chiến lược, sách lược đúng đắn, có tầm nhìn xa trông rộng, tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân, vì nhân dân chiến đấu là những phẩm chất cách mạng trong con người Cayxỏn Phômvihản. Phẩm chất đó được nhân lên nhiều lần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Lào.

Cuộc đời hoạt động của đồng chí là cuộc đời kiên trì học tập, rèn luyện và đấu tranh, có sức chịu đựng lớn, biết vượt qua khó khăn và thử thách, từng bước vững chắc tiến lên.


(1) Bài viết này in trong cuốn: Cayxỏn Phômvihản - Người con của nhân dân, Ủy ban Khoa học xã hội Lào xuất bản, 1990.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:16:11 am
Qua hoạt động của đồng chí, nhân dân các bộ tộc Lào chúng ta có thể rút ra kết luận là trong thời đại ngày nay, những người thiết tha yêu nước, yêu nhân dân mình, sẵn sàng chiến đấu hy sinh để giành độc lập, tự do thì nhất định thành công.

1. Từ một người yêu nước chân chính trở thành một chiến sĩ cách mạng kiên cường, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã sớm tìm ra con đường giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác - Lênin mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền bá vào Đông Dương từ những năm 20 của thế kỷ XX, soi đường cho cách mạng Lào, giải quyết những bế tắc về tư tưởng và đường lối mà những nhà yêu nước trước đó không giải quyết được.

Đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã vận dụng đúng đắn, sáng tạo những quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa trí tuệ của nhân loại, biết kế thừa truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc để cùng với các nhà lãnh đạo cách mạng khác định ra đường lối cách mạng dân tộc dân chủ phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của nước ta. Đường lối ấy đã đưa cách mạng Lào tiến lên giành từ thắng lợi đến thắng lợi khác. Cuộc kháng chiến của nhân dân Lào chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược kết thúc thắng lợi là một bằng chứng rõ nhất về sự đúng đắn của đường lối cách mạng dân tộc dân chủ ở Lào và phương pháp cách mạng phù hợp với đường lối đó, bằng việc phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh hòa hợp dân tộc và liên hiệp, phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc một cách triệt để, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế.

2. Nhận rõ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, đồng chí Cayxỏn Phômvihản là một trong những người sáng lập Đảng Nhân dân Lào (Đảng Nhân dân cách mạng Lào ngày nay) và là đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Đồng chí đã cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tập thể Bộ Chính trị và Đảng bộ các địa phương chăm lo đến công tác xây dựng Đảng của một đảng cách mạng chân chính, Đảng Mác - Lênin, có đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo. Đồng chí luôn luôn quan tâm đến việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức trên nguyên tắc tập trung dân chủ; rất chú trọng đến vấn đề đào tạo cán bộ có phẩm chất và năng lực đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

3. Đồng chí là một trong những người có công xây dựng nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Nhiều năm trên cương vị Thủ tướng Chính phủ rồi Chủ tịch nước, đồng chí đã có nhiều cố gắng trong việc củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân. Khi chưa có chính quyền cách mạng, đồng chí kiên trì dùng bạo lực cách mạng, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đấu tranh để giành chính quyền. Khi đã có chính quyền, đồng chí đã cùng với Chính phủ ra sức củng cố bộ máy nhà nước hoạt động có hiệu lực, góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Đồng chí nhấn mạnh đến chính quyền cách mạng là chính quyền của nhân dân, do đó, Đảng và Nhà nước phải biết tạo mọi điều kiện cho nhân dân tham gia quản lý Nhà nước.

4. Đồng chí đã cùng với Trung ương Đảng kiên trì chủ trương thực hiện chính sách đại đoàn kết các bộ tộc chung quanh Neo Lào Ítxalạ, Neo Lào Hắcxạt và Neo Lào Còxạngxạt, ra sức bảo vệ và xây dựng đất nước; thực hiện công nông liên minh, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân, nông dân, những người buôn bán nhỏ, thanh niên, phụ nữ, trí thức, nhân sĩ, nhà tu hành, v.v., chung sức chung lòng xây dựng nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng. Đồng chí coi việc thực hiện chính sách đại đoàn kết các bộ tộc Lào là một trong những nhân tố quan trọng bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng Lào.

5. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn chặt với việc xây dựng và củng cố các lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân. Là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của Neo Lào Ítxalạ, đồng chí kiên trì với đường lối chiến tranh nhân dân, hết sức coi trọng phát triển lực lượng vũ trang cách mạng gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, coi trọng cả về số lượng lẫn chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc và nhân dân, đủ khả năng giải phóng đất nước, bảo vệ những thành quả cách mạng và cuộc sống hòa bình của nhân dân.

6. Đồng chí là một trong những nhà hoạt động quốc tế tích cực của Đảng và Nhà nước Lào, không ngừng củng cố và tăng cường tình đoàn kết quốc tế vì sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc trên nguyên tắc cùng có lợi. Hoạt động quốc tế của đồng chí đã góp phần xứng đáng vào việc làm cho uy tín và vai trò của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

7. Trong sự nghiệp đổi mới của Lào, đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng. Quan điểm đổi mới của đồng chí là đổi mới toàn diện, có nguyên tắc, từng bước vững chắc, không nóng vội, có tính toán cẩn thận, không lấy ý chí chủ quan thay cho điều kiện thực tế ở Lào, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ và hợp tác quốc tế, nhằm tạo ra sự thay đổi tích cực trong sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.

8. Đồng chí là một nhà lãnh đạo có phẩm chất, nêu tấm gương trong sáng, mẫu mực đối với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc Lào trong cả nước. Sự cống hiến suốt cả cuộc đời mình cho dân, cho nước, cho Đảng thể hiện phẩm chất tuyệt vời của đồng chí.

Đồng chí có phong cách công tác gần dân, bám sát cơ sở, có tình thương yêu đồng chí, đồng đội, đồng bào, đời tư trong sáng, cuộc sống khiêm tốn, giản dị.

Công lao và cống hiến to lớn của đồng chí Cayxỏn Phômvihản mãi mãi được ghi vào sử sách của Lào. Hình ảnh của đồng chí mãi đọng lại trong nhân dân các bộ tộc Lào.

Sống, chiến đấu, lao động, học tập và sáng tạo theo tấm gương của đồng chí Cayxỏn Phômvihản.


Tiêu đề: Cayxỏn Phômvihản - Tiểu sử và sự nghiệp
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Hai, 2013, 10:18:32 am
Từ sau khi đồng chí Cayxỏn Phômvihản qua đời cho đến nay, cách mạng Lào tiếp tục phát triển trong công cuộc đổi mới đất nước Lào.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vẫn xanh tươi, bền vững như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

“Việt - Lào hai nước chúng ta
Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Và cũng đúng như Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản nói: “Tình đoàn kết đặc biệt Việt - Lào như hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”.

Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh khẳng định: “Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền thống gắn bó lâu đời; mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản kính mến trực tiếp xây dựng, được các thế hệ lãnh đạo kế tục của hai Đảng, hai Nhà nước cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp và trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc và là quy luật phát triển chung của cách mạng mỗi nước”(1). Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh “nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân các bộ tộc Lào đã giành được trong sự nghiệp đổi mới, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Lào”(2). Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh bày tỏ tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nhân dân các bộ tộc Lào anh em nhất định sẽ giành nhiều thành tựu mới, to lớn hơn nữa trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, xây dựng thành công nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(3).

Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào Chunmali Xaynhaxỏn đánh giá cao “việc quan hệ truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai nước được nâng lên tầm cao mới”(4). Đồng chí Chunmali Xaynhaxỏn vui mừng nhận thấy “quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong những năm qua tiếp tục phát triển tốt đẹp, sự hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam tiếp tục được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực”(5).

Nhân kỷ niệm lần thứ 45 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5-9-1962 - 5-9-2007), và lần thứ 30 ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18-7-1977 - 18-7-2007), đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã sang thăm Lào và dự Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Lào - Việt Nam. Đồng chí Trương Tấn Sang đánh giá cao “những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử mà nhân dân các bộ tộc Lào đã giành được trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước(6).

Cũng nhân dịp này, đồng chí Bunnhăng Volachít, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, đã sang thăm Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Đồng chí Bunnhăng Volachít “bày tỏ vui mừng trước quan hệ hữu nghị Lào - Việt Nam phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực”(7). Đồng chí Bunnhăng Volachít nhấn mạnh “quan hệ Lào - Việt Nam là quan hệ truyền thống hiếm có, kể từ khi hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, sự hợp tác cùng phát triển giữa hai nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong bối cảnh hai nước cùng phối hợp chặt chẽ bảo vệ và xây dựng đất nước”(8).

Nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 30 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, đồng chí Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam Lào và 30 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, đã viết bài quan trọng cho báo Nhân dân(9), điểm lại những chặng đường vinh quang, những thành tựu to lớn mà nhân dân hai nước đã thu được trong thời gian qua, khẳng định quyết tâm của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Đồng chí Xamản Vinhakệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tư tưởng, lý luận và văn hóa Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Trưởng Ban Chỉ đạo kỷ niệm hai ngày lễ lớn trong quan hệ Lào - Việt Nam năm 2007 và đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và đồng chí Trần Huy Hắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi về công tác tư tưởng, văn hóa, tuyên giáo và đối ngoại của hai Đảng.

Để thắt chặt hơn nữa quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (Lào - Việt Nam), Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thống nhất tổ chức biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (Lào - Việt Nam) với những công trình mang ý nghĩa lịch sử: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (Lào - Việt Nam); Văn kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (Lào - Việt Nam); Những bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận của Việt Nam và Lào và Hồi ký quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (Lào - Việt Nam); Biên niên sự kiện quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (Lào - Việt Nam); những tập phim tài liệu về quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (Lào - Việt Nam); những tập ảnh quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (Lào - Việt Nam).

Đồng chí Xamản Vinhakệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tư tưởng, lý luận và văn hóa Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Trưởng Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Lào Việt Nam. Đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo biên soạn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

Tất cả những việc làm vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào (Lào - Việt Nam) bắt nguồn từ nền móng tư tưởng vững chắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản dày công vun đắp nên.


(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9) Xem: Báo Nhân dân, số 18963, ngày 17-7-2007.