Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thư viện Lịch sử Quân sự Việt Nam => Tài liệu - Hồi ký Việt Nam => Tác giả chủ đề:: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:10:49 am



Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:10:49 am

(https://www.quansuvn.net/index.php?action=dlattach;topic=31677.0;attach=23299;image)

Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh
Năm xuất bản: 1994
Số hóa: macbupda
Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của các thành viên: tuaans, daibangden, crawling0805, doiviendukichmat trong việc số hóa cuốn sách này.

Chỉ đạo nội dung:
BAN TỔNG KẾT CHIẾN TRANH
THÀNH ỦY THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Chủ biên:
TRẦN HẢI PHỤNG - LƯU PHƯƠNG THANH

Biên soạn:
HỒ SƠN ĐÀI - TRẦN PHẤN CHẤN

Với sự tham gia:
NGUYỄN ĐỨC Y - PHẠM VĂN THẮNG
TRẦN THANH ĐẠT - LỮ CÔNG TRỰC
NGUYỄN ĐỨC MINH - NGUYỄN TỨ PHƯƠNG

Chủ nhiệm công trình:
NGUYỄN VĂN TRÍ


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:11:56 am
LỜI GIỚI THIỆU

Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1975 là lịch sử chiến tranh cách mạng gắn liền với hai cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh của dân tộc chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược. Nó chứa đựng những đặc điểm chung của cuộc kháng chiến toàn quốc lại vừa mang những nét riêng của một vùng đất là một thành phố lớn, một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ở phía Nam của Tổ quốc.

Đối với kẻ thù, Sài Gòn là một đại bản doanh của đội quân xâm lược, là thủ đô của các chế độ ngụy. Hơn ở đâu hết, chúng ra sức kìm kẹp, khủng bố với mọi thủ đoạn tinh vi, tàn bạo nhất, hòng biến nơi đây thành hậu cứ an toàn, thành sào huyệt bất khả xâm phạm của chúng. Thành phố Sài Gòn là nơi thực dân Pháp nổ súng gây chiến trước tiên, cũng là nơi đế quốc Mĩ cố giữ đến phút cuối cùng của cuộc chiến tranh xâm lược.

Đối với ta, Sài Gòn là nơi tập trung dân cư đông đúc, gồm đủ các thành phần xã hội (công nhân, nông dân, bình dân thành thị, học sinh, nhân sĩ trí thức và tư sản dân tộc), vốn giàu lòng yêu nước, có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm được hun đúc và thử thách lâu dài qua nhiều thời kì khác nhau của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do hoàn cảnh lịch sử và vị trí địa lí chi phối, Sài Gòn là nơi đặc biệt nhạy cảm với mọi diễn biến chung của thời cuộc, và mỗi biến động của nó đều có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình toàn miền Nam, ra cả nước, và ở một chừng mực nào đó, ra thế giới. Đây là nơi mở đầu cũng là địa điểm quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng trong suốt 30 năm (1945-1975). Cuộc đấu tranh chống xâm lược ở Thành phố Sài Gòn vì vậy diễn ra hết sức quyết liệt và phức tạp trên tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, và thu hút sự tham gia không chỉ toàn thể quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định mà còn có lực lượng của toàn miền, của cả nước. “Cả nước chiến đấu vì Sài Gòn và Sài Gòn chiến đấu vì cả nước, cùng cả nước” là bản anh hùng ca tuyệt đẹp về truyền thống đoàn kết keo sơn gắn bó, về sức mạnh dời non lấp biển của nhân dân ta trong thời điểm vận nước đang trải qua những thử thách nghiêm trọng, mang tính chất sống còn.

Từ nhiều năm nay, Ban Tổng kết chiến tranh Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đồng thời với việc triển khai công tác tổng kết về hai cuộc kháng chiến vừa qua, đã tổ chức biên soạn công trình lịch sử vô cùng quan trọng này. Đây là một việc làm rất đáng trân trọng. Nó chẳng những góp phần sưu tầm, giữ lại nguồn tư liệu lịch sử vô cùng quý báu, qua đó đời đời ghi nhớ công ơn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, của hàng triệu đồng bào, cán bộ, chiến sĩ từng sống và chiến đấu trên mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, mà còn góp phần bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu cho các thế hệ trẻ hiện nay và mai sau. Đồng thời, những bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ trong các cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại vừa qua mà công trình này đề cập, chắc chắn sẽ rất bổ ích đối với mỗi chúng ta ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong cuốn sách này, các tác giả đã cố gắng phản ánh một cách có hệ thống và toàn diện cuộc chiến tranh nhân dân chống xâm lược ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định khắc họa những yếu tố truyền thống dẫn tới thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược vừa qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch.

Cuốn sách được hoàn thành và ra mắt bạn đọc vào đúng dịp quân đội ta tròn 50 tuổi. Tôi mong muốn công trình này là nén hương thành kính dâng lên anh linh đồng bào và chiến sĩ Thành phố đã anh dũng hi sinh, là bó hoa tươi thắm gửi tặng các gia đình liệt sĩ, gia đình có công trong kháng chiến, các đồng chí thương binh và toàn thể đồng bào, cán bộ, chiến sĩ từng hoạt động, chiến đấu trên mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cũ, nay là Thành phố Hồ Chí Minh quang vinh của chúng ta!

Mặc dù các tác giả đã rất cố gắng, bản thảo lại được nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo chỉ huy của Thành phố, nhiều cơ quan và cán bộ khoa học đọc, góp ý sửa chữa bổ sung, cuốn sách này vẫn không thể nào ghi được hoàn toàn đầy đủ, càng không thể nào ghi tuyệt đối chính xác từng chi tiết của lịch sử Thành phố trong 30 năm chiến tranh ác liệt vừa qua, và chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Tôi hoan nghênh cố gắng của các tác giả và xem đây như là một cơ sở ban đầu cho quá trình tiếp tục chỉnh lí bổ sung, hầu tiến tới có được một công trình lịch sử xứng đáng với những gì mà lịch sử Thành phố đã và đang có.


Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7-1994

VÕ TRẦN CHÍ
Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:13:21 am
MỞ ĐẦU

SÀI GÒN - CHỢ LỚN - GIA ĐỊNH
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ngày nay, gồm phạm vị đất thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, tỉnh Gia Định và một phần tỉnh Chợ Lớn lúc Cách mạng Tháng năm 1945 thành công.

Trung tâm quần cư sầm uất ngày nay đã mang nhiều tên khác nhau qua các thời kì lịch sử: Bến Nghé, Phiên Trấn Dinh, Tân Bình huyện, Gia Định thành, Gia Định kinh, Gia Định trấn rồi lại Gia Định thành, Phiên An thành, Sài Gòn.

Đi vào lịch sử trong cuộc chiến tranh ba mươi năm hào hùng của dân tộc ta, Sài Gòn - Chợ Lớn, Sài Gòn - Gia Định đã mang những tên: thành phố, đặc khu, quân khu, thành… trong hệ thống tổ chức chiến trường, lấy Sài Gòn làm trung tâm, có giới hạn từng lúc thay đổi theo nhiệm vụ, yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, đồng thời cũng đã có những thay đổi rất lớn về hình thể các mặt.

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ở vào vị trí chếch hướng Tây Nam của miền Đông Nam Bộ, Bắc giáp tỉnh Tây Ninh, Tây và Nam giáp tỉnh Long An, Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Đồng Nai, Đông Nam ăn thông ra biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo tổ chức hành chính hiện nay, thành phố có 12 quận nội thành (1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Phú Nhuận) và 6 huyện ngoại thành (Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Cần Giờ).

Thành phố ở vào 10o, 38’ - 11o, 10’ vĩ độ Bắc, 106o 22’ - 186o 54’ kinh độ Đông. Diện tích 2.828,9km2 (239km2 nội thành, 1889km2 ngoại thành).

Trung tâm thành phố cách biển Đông 50km đường chim bay, cách thủ đô Hà Nội 1730km đường bộ. Thành phố có 12km bờ biển. Cao độ trung bình so với mặt biển là 5,3m. Vùng đất phía bắc thành phố (Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức) có độ cao 10 - 25m, vùng trung tâm thành phố từ 5 - 10m, vùng thấp phía Nam và Tây Nam từ 2 - 0,5m.

Cao trình trên các vùng với những quan sát địa chất hiện lên điều rất quan trọng để nghiên cứu tiền sử của thành phố: nằm trên lằn ranh giới giữa hai tầng phù sa cũ và mới ăn từ Tây Ninh xuống Thành phố và từ Thành phố xuống Phước Lễ - Long Điền (Bà Rịa), và đại bộ phận đất đai thành phố là cùng một địa mạo với miền Đông Nam Bộ (vùng phù sa cổ), còn về phía Nam thành phố thì về cơ bản cùng một địa bạo với miền Tây Nam Bộ (vùng phù sa mới).

Nhìn tầm rộng, thành phố nằm ở vị trí trung tâm giữa đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên. Điều này quyết định vị thế thiên nhiên của thành phố trong tổng thể địa hình Nam Đông Dương. Trong chiến tranh giải phóng, đất và rừng miền Đông đủ đảm bảo hoàn chỉnh hệ thống căn cứ kháng chiến cả về chiến lược lẫn chiến thuật tiếp cận Thành phố, nơi địch đặt các cơ quan đầu não và là sào huyệt cuối cùng của chúng.

Rừng miền Đông bằng phẳng, tuy không dày đặc, nhưng kéo dài liên tục từ phía Bắc Tây Ninh, Sông Bé dọc biên giới Campuchia sang tận vùng ven biển Đông, vừa có chiều sâu của bản thân, vừa có lưng dựa Trường Sơn và rừng Nam Đông Dương. Từ những căn cứ Dương Minh Châu, chiến khu Đ… có thế vững chắc liên hoàn có thể thần tốc tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Trong thế chung của miền, các chiến khu lớn đó vươn sâu đến từng khu vực chung quanh Sài Gòn - Gia Định bằng các căn cứ chiến thuật. Không kể “căn cứ lòng dân” trong nội đô, một hệ thống lõm căn cứ với địa hình thiên nhiên đa dạng tiếp cận thành phố, những “căn cứ vệ tinh”, lõm du kích… hình thành thế trận bao vây, áp sát đầu não địch: đồn điền cao su, Rừng Sác, rừng Bời Lời, Củ Chi, tam giác An Điền - An Tây - An Thành, các lõm rừng Hắc Dịch, bưng sáu xã Thủ Đức, lòng chảo Nhơn Trạch, vườn Thơm Bà Vụ… những vườn cây ăn trái của Bình Chánh, Hóc Môn, Gò Vấp, Lái Thiêu, Thủ Đức, Long Thành, Thạnh Lộc, An Phú Đông…

Cuộc chiến tranh 30 năm vừa qua cho thấy dải căn cứ chiến thuật bao quanh Sài Gòn là vùng tranh chấp quyết liệt giữa lực lượng phản cách mạng chiếm đô thị làm sào huyệt, với lực lượng cách mạng lấy nông thôn, rừng núi làm căn cứ. Ở vị trí trung gian, lực lượng làm chủ vùng rừng xen kẽ đồn điền cao su là lực lượng chiếm ưu thế để uy hiếp đối phương. Ở vị trí “sân sau” sào huyệt kẻ thù, Rừng Sác ngập nước, một “trận đồ” sông nước đảo triều hoang vu rộng trên 60.000 ha bao trùm sông Lòng Tàu, con đường độc đạo cho tàu đại dương từ Sài Gòn thông ra biển. Với thế hiểm của vùng ở vị trí “đấm là trúng” đối với sào huyệt kẻ thù, Rừng Sác trở thành chiến khu trên mặt nước mặn nổi tiếng trong lịch sử chống xâm lăng: những “năm căn”, “ba trại” của Trương Định, chiến khu Rừng Sác, đặc khu Rừng Sác trong chiến tranh ba mươi năm… nơi mà những tên lính Mĩ đã gặp phải “một cuộc chiến đấu kì lạ trong một cuộc chiến tranh kì lạ” (“Tường trình người lính” của Westmoreland, đoạn nói về Rừng Sác).

“Tam giác sắt”, một cái tên gọi do quân viễn chinh đặt trong chiến tranh vừa qua để chỉ một vùng đất “căn cứ của Việt Cộng” chỉ cách Sài Gòn không tới 40km về phía Tây Bắc, thuộc ba huyện Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cát, cái gạch nối giữa hai vùng chiến khu nổi tiếng của miền Đông, Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đ, có địa hình xen kẽ nhiều dạng về hình dáng: làng xóm, ruộng rẫy, vườn tược, sông và rừng, tạo nên thế liên hoàn “hai chân ba mũi” trong chiến tranh cách mạng mà quân địch đã tốn bao nhiêu sắt thép, sinh mạng không phá vỡ nổi. Một người Mĩ thừa nhận: “Vị trí này mạnh ở chỗ trên mặt đất thì hầu như không thể nào xâm nhập được, mà ở dưới mặt đất thì có một hệ thống hầm hào vô cùng phức tạp. Đây là một dinh lũy (của lực lượng cách mạng), với đầy đủ ý nghĩa của nó”, “một mũi tên đáng sợ chĩa thẳng vào Sài Gòn”. “Hệ thống hầm hào phức tạp” đó chính là hàng trăm ki-lô-mét địa đạo, một công trình của ý chí độc lập, tự do mà nhân dân Củ Chi đã tạo dựng nen suốt mấy mươi năm.

Bản thân Sài Gòn là một hải cảng quan trọng. Sông Sài Gòn đổ ra các đoạn Nhà Bè (16km), Lòng Tàu (33km), Ngã Bảy (16km), có độ sâu có thể tiếp nhận tàu biển trên 30 ngàn tấn - một ưu thế hiếm có trên thế giới đối với một thành phố ở sâu trong nội địa.

Nhìn cửa bể Cần Giờ người ta hiểu tại sao Bến Nghé xưa kia đã được khách nước ngoài ca ngợi là cánh cửa lớn của Việt Nam mở ra Thái Bình Dương, tại sao hồi thế kỉ 18, hai lần Nguyễn Huệ lấy thành Gia Định của Nguyễn Ánh đều ngược sông Lòng Tàu, tại sao hồi thế kỉ 19 quân Pháp và Tây Ban Nha lại cũng chọn ngả sông này làm con đường thọc sâu đánh chiếm Sài Gòn… và tại sao cũng lại trên khu vực đầu sông Lòng Tàu, Mĩ đã xây dựng những kho tàng chiến tranh lớn nhất Đông Dương.

Cảng Sài Gòn nằm sâu trong lòng đất liền 80km theo đường sông, nhưng lại có bến Rạch Dừa ở gần cửa biển là nơi có thể phát triển thành hải cảng lớn. Sau năm 1954, cảng Sài Gòn có quân cảng dài 2km, 11 cầu tàu và thương cảng dài 1991m, 6 bến, 14 cầu tàu, khả năng tồn trữ 48.000 tấn trong 3 tháng. Cảng Nhà Bè cách cảng Sài Gòn 10 hải lí, có kho chứa xăng dầu 63.000m3. Khi quân viễn chinh Mĩ vào miền Nam, trên sông Sài Gòn - Nhà Bè lại hình thành thêm 6 cảng mới thay thế cảng Sài Gòn về mặt tiếp nhận hàng quân sự. Với mặt nước tự nhiên chiếm 29.000 ha trên toàn khu vực, hệ thống đường sông đảm bảo thông thương từ Sài Gòn lên miền Đông, xuống miền Tây, sang Campuchia.

Thủy triều có ảnh hưởng đến lưu thông đường sông, gồm 2 loại: thủy triều nửa ngày (khoảng cách thời gian giữa hai lần thủy tiên lên cao nhất là 12 giờ 25 phút), thủy triều hỗn hợp (khoảng cách trên là 24 giờ, biên độ 3m, mực nước trung bình 0,17m.

Thành phố là nơi gặp gỡ đầu mỗi của nhiều xa lộ, quốc lộ, liên tỉnh lộ… ở khu vực Nam Đông Dương, đảm bảo lưu thông từ Sài Gòn ra miền Bắc, đi các tỉnh, lên Lào và Campuchia. Những con đường huyết mạch sống còn của Đông Dương đều qua Sài Gòn: quốc lộ số 1 Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh, lên ải Bắc, xuống miền Tây, quốc lộ 13 lên Campuchia, Lào, quốc lộ 22 lên Campuchia, xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa là đường vận chuyển lớn bổ sung quốc lộ 1 qua các cầu trọng tải 50 tấn (Sài Gòn, Rạch Chiếc, Đồng Nai). Hệ thống cầu vào các cửa ngõ thành phố có trọng hạng đảm bảo xe tăng, tên lửa ra vào nội ngoại đô an toàn.

Sân bay Tân Sơn Nhất cách trung tâm thành phố 7km, là một trong 6 sân bay loại 3 trên toàn miền Nam (sân máy bay phản lực có thể hạ cánh và có đủ phương tiện cho ngày đêm, mọi thời tiết), đứng vào loại lớn trên thế giới, nơi quá cảnh của các đường bay quốc tế qua khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đã có thời 20 hãng hàng không thương mại quốc tế sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay có thể tiếp nhận hàng trăm máy bay phản lực, quân sự và dân sự hạng nặng lên xuống trong một ngày.

Khí hậu thành phố nóng ẩm, chịu ảnh hưởng gió mùa, thuộc vùng khí hậu gần biển, nhiệt độ trung bình 27oC với biên độ 3o8C, ẩm độ 18,5%, lượng mưa trong năm 1779mm. Thời tiết nói chung thuận hòa, ít ngập lụt.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:15:27 am
*
*   *

Thành phố Hồ Chí Minh còn rất trẻ, chưa đầy 300 năm, nhưng đô thị này đã hình thành trên một vùng văn hóa rất xưa.

Cư dân Sài Gòn - Gia Định gốc từ nhiều vùng trên đất nước Việt Nam đến đây. Trừ một số có tiền của, quyền thế, đi khẩn đất theo chính sách dinh điền của nhà Nguyễn, những con người đi xa là những nông dân cùng khổ, những kẻ bị tội lưu đày, những binh lính sau cuộc viễn chinh không còn đường trở lại… đã giã từ những “khuôn lũy tre” không chỉ để “tha phương cầu thực” mà còn để đi tìm tự do. Miền đất mới vẫy gọi những con người có chí mạo hiểm.

Làm trai cho đáng nên trai
Phú Xuân đã trải Đồng Nai đã từng.

Và ở đó dường như họ đã bỏ lại đằng sau mình những gì quá nặng nề, những xiềng xích, tập tục nho giáo đã tồn tại hàng bao thế kỉ.

Ở xứ đất rộng người thưa, buổi đầu chim trời cá nước, những người đi xa vốn ít nhiều có đầu óc mạo hiểm phát huy được cái vốn vô giá mang theo là niềm tự hào dân tộc có bốn ngàn năm lịch sử, đã từng thắng giặc Hán, Tống, Nguyên, Minh, từng chế ngự sông Hồng, sông Mã. Niềm tự hào dân tộc trên đất mới, hoàn cảnh mới đã hình thành nét đặc sắc trong tính cách: tâm lí năng động và hào hiệp, ít chuộng hình thức của những con người “tứ chiếng”, tính khí khảng khái, trung thực, “trọng nghĩa khinh tài”, sĩ khí hiên ngang.

Trải qua vài thế kỉ trước khi quân “bạch quỷ” kéo đến, mảnh đất này đã ghi bao chiến công chống xâm lược và chống phong kiến phản động: 4 lần quân Tây Sơn Nguyễn Huệ đánh tan tác quân Nguyễn Ánh (từ năm 1777 đến năm 1785), một trận Rạch Gầm - Xoài Mút chỉ trong 1 ngay “quân Xiêm khi đi cả thảy lẫn bộ 5 vạn chỉ còn hơn 1 vạn”.

Tháng 2 năm 1859, ngay từ khi đặt chân lên đất Sài Gòn, liên quân Pháp - Tây Ban Nha đã phải đối đầu với lực lượng 5800 nông dân Gia Định gậy gộc giáo mác tập hợp cùng quân triều đình dưới sự chỉ huy của các sĩ phu yêu nước, quân xâm lăng rơi vào tình thế bị bao vây 1 năm trời “Sĩ phu và dân chúng liều mình đứng lên, khảng khái chịu chết không kể xiết được…, (Nguyễn Thông), “Gươm giáo dùng bằng lưỡi dao phay… trong tay cầm một gậy tầm vông mà chọi với súng sắt tàu đồng” (Nguyễn Đình Chiểu). Quân Pháp phải trả một giá đắt mới lấy được đồn Chí Hòa dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương (từ năm 1859 đến năm 1861). Hàng loạt cuộc khởi nghĩa nối tiếp nhau, đứng đầu là các sĩ phu yêu nước Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Văn Đạt… ở miền Đông, phối hợp với các cuộc khởi nghĩa ở đồng bằng sông Cửu Long của Nguyễn Hữu Huân, Võ Duy Dương, đốc binh Kiều, Phan Tôn, Phan Liêm, Phan Tòng… Khi thực dân Pháp đặt xong ách đô hộ ở Nam Kì không có nghĩa là các phong trào đã chấm dứt. Cuộc khởi nghĩa “18 thôn vườn trầu” năm 1886 do Phan Công Hớn và Phan Công Bường tổ chức là một trong những chứng minh. Chỉ một đêm 30 Tết, nghĩa quân đã đốt trụi đồn Hóc Môn, trừng trị tên đốc phủ Việt gian Trần Tử Ca. Đầu thế kỉ hai mươi, phong trào yêu nước tiếp tục nổ ra: phong trào Phan Xích Long và Thiên Địa Hội (năm 1913), các phong trào Duy Tân, Đông Du (từ năm 1925 đến năm 1926), đảng Thanh Hoa (Thanh niên cao vọng đảng) của các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn An Ninh, Võ Công Tồn… Do hạn chế lịch sử, các cuộc khởi nghĩa, các phong trào ấy đều thất bại, nhưng đã chứng minh câu trả lời bất hủ của Nguyễn Trung Trực trước những lời dụ dỗ của tên thống đốc Chier “Bao giờ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.

Đất Sài Gòn là nơi sinh ra và hun đúc nhiều nhân vật văn hóa, chính trị lớn: Võ Trường Toản bậc “phu tử” miền Nam, Trịnh Hoài Đức, một trong “Gia Định Tam gia”, tác giả tập sách quan trọng “Gia Định thành thông chí”, Nguyễn Đình Chiểu nhà thơ yêu nước kiệt xuất, Nguyễn Cư Trinh nhà cai trị, nhà văn có tài. Sĩ phu “mang bút tòng quân” đánh giặc và hun đúc sĩ khí con người trên đất mới: Nguyễn Thông, Hồ Huân Nghiệp, Võ Duy Ninh, Trần Xuân Hòa, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Phan Văn Trị… Ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” tỏ rõ khí phách, tâm hồn, “hào khí Đồng Nai” giữa những tháng năm đau thương mà oanh liệt.

*
*   *

Trên đất Nam Kì 70% nông dân không có đất cắm dùi, 80% đất đai trong tay các điền chủ, thực dân Pháp thực hiện một chính sách thuộc địa gọi là “ưu đãi”, hòng tách Nam Kì và Sài Gòn ra khỏi tổng thế đất nước dựa vào lập luận đơn giản: miền đất khai phá gồm dân lưu tán chống đối chế độ vua chúa và địa chủ hà khắc sẽ tiếp nhận không mấy khó khăn “chế độ thuộc địa” với những điều kiện sinh hoạt “cao hơn”. Một thế kỉ sau đế quốc Mĩ cho “nhập cảng” chính sách thực dân mới với cùng một ảo vọng như vậy.

Lịch sử sẽ chứng minh kết quả trái ngược suy tính của những đầu óc thực dân.

Dân số Sài Gòn - Gia Định từ 317.000 cuối thế kỉ 19 lúc Pháp mới đặt ách đô hộ, lên non nửa triệu năm 1940, gần 2 triệu năm 1954 rồi 4 triệu năm 1975. Như vậy trong 45 năm từ kết thúc chiến tranh 30 năm trở về trước, dân số tăng gấp 8 lần.

Sự tăng dân số nhanh từ năm 1954 đến năm 1975 là một hiện tượng đáng chú ý. Do yêu cầu phát triển của nền kinh tế công thương nghiệp và của các ngành phục vụ chiến tranh, do việc mở rộng các căn cứ quân sự của địch, do mở rộng đô thành và đặc biệt do chiến tranh khốc liệt, lâu dài tàn phá nông thôn… nhân dân các nơi đổ về thành phố ngày một đông. Từ hơn 1 triệu rưỡi trước năm 1954 - 1955, dân số Sài Gòn đã lên 2.074.000 người vào cuối năm 1960, 3 triệu vào năm 1970, 4 triệu vào năm 1975. Một bộ phận lớn nông dân đã trở thành công nhân và lao động làm thuê, làm cho lực lượng công nhân và lao động thành phố tăng nhanh và chiếm tỉ lệ cao nhất. Tiếp sau chính sách “Nam Kì thuộc địa” của thực dân Pháp, sự “nhập cảng” chủ nghĩa tực dân mới và việc Mĩ cố tạo ra một tầng lớp xã hội gắn liền với nó, Sài Gòn trở nên điểm tập trung giai cấp tư sản - đặc biệt là tư sản mại bản quan liêu quân phiệt, tư sản mới hình thành từ trong hàng ngũ sĩ quan và ngụy quyền cao cấp - bọn địa chủ phản động tay sai. Quyền lợi của chúng đối lập với quyền lợi của dân tộc, càng gắn liền với đế quốc xâm lược.

Một đặc điểm đáng chú ý khác của Sài Gòn là sự hiện diện cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn. Với khoảng hơn nửa triệu người, số bà con người Hoa ở đây chiếm gần một nửa tổng số người gốc Hoa ở Việt Nam. Bên cạnh số quân lính triều nhà Minh của Trung Hoa chạy sang vào thời Mãn Thanh, phần đông họ là con cháu của những người lao động nghèo khổ, không chịu nổi cảnh cơ cực, khốn cùng ở đất nước Trung Hoa nửa thuộc địa nửa phong kiến, quân phiệt, cát cứ, nội chiến triền miên, buộc phải rời bỏ quê hương sang đất nước Việt Nam làm ăn. Qua quá trình đấu tranh và phát triển, khối người Hoa này dần dần phân hóa thành các giai cấp khác nhau. Bên cạnh đại đa số bà con lao động, dân nghèo, thủ công, một số đảng người Hoa là trung thương, tiểu thương, tiểu chủ nặng lo buôn bán làm ăn, không muốn dính líu chính trị. Trong số đó có người trở nên giàu có và chiếm một tỉ lệ không ít trong tầng lớp tư sản thành phố. Đặc biệt một số người trở thành triệu phú, tư sản mại bản, tài phiệt, có quyền lợi gắn chặt với cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ. Giai cấp công nhân và nhân dân lao động gốc Hoa rất cần cù, chất phác, và cũng như người Việt, có mâu thuẫn với giai cấp bóc lột và đế quốc xâm lược. Họ đã trở thành những cơ sở trung kiên và tích cực tham gia cách mạng qua vận động cách mạng và cuộc sống thực tế.

Sài Gòn cũng là nơi có nhiều tôn giáo, chủ yếu là Phật giáo và Thiên chúa giáo.

Sau năm 1975, nhân dân từ nông thôn đã hồi cư một số lớn, một số khá đông đi xây dựng kinh tế mới, tính vào thời điểm 30 tháng 8 năm 1984 số dân thành phố Hồ Chí Minh còn là 3.541.855 người, trong đó 12 quận nội thành có hơn 2,5 triệu, mật độ thuộc loại cao trên thế giới (mật độ trung bình hơn 16.000 người/km2, riêng quận 5 mật độ 47.000 người/km2), 6 huyện ngoại thành số dân hơn 1 triệu (mật độ 510 người/km2).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:19:16 am
*
*   *

Quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp kéo theo sự hình thành và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam đồng thời tạo ra cơ sở xã hội cho một đảng của giai cấp công nhân ra đời - Đảng Cộng sản.

Những người công nhân Việt Nam đầu tiên, công nhân theo định nghĩa thời đại cơ khí, đã ra đời ở Sài Gòn từ nửa cuối thế kỉ XIX. Đầu thế kỉ XX, công nhân thành phố đã có một số lực lượng tập trung khá đông đảo và lập tức mở ra các cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, công nhân xưởng Ba Son, 40.000 lao động đào kinh Đời bãi công, học sinh trường Bá Nghệ (sau này là trường Cao Thắng) bãi khóa năm 1912, cuộc bãi công của thợ nhuộm ở Chợ Lớn năm 1922… Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân”, Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá phong trào công nhân lao động thành phố lúc đó như là “dấu hiệu của thời đại”(1). Công hội đỏ, tổ chức công hội bí mật thiên tả đầu tiên ở nước ta được đồng chí Tôn Đức Thắng vận động thành lập năm 1920. Dưới luật lệ cấm bãi công rất hà khắc ở xưởng công binh Ba Son của hải quân Pháp, cuộc bãi công của 1000 công nhân ngày 4 tháng 8 năm 1925 do Công hội đỏ lãnh đạo, được công nhân viên chức các xưởng và đông đảo lao động thành phố ủng hộ, đã thắng lợi đúng vào lúc chiếc tàu Pháp J. Michelet cần sửa chữa gấp để lên đường sang đàn áp cách mạng Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu ghi nhận sự việc đó như một tuyên ngôn của giai cấp công nhân Sài Gòn - tuy còn “tự nó” - về sự đấu tranh kinh tế với đấu tranh chính trị, hơn nữa gắn đấu tranh giai cấp với tinh thần quốc tế vô sản.

Bởi là nơi xâm nhập của trào lưu văn hóa và lí luận cách mạng tư sản lẫn lí luận vô sản rất sớm, Sài Gòn trở thành điểm tụ hội của những người yêu nước mang những xu hướng khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà trước cả các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục… Sài Gòn là nơi bắt đầu cuộc ra đi tìm đường cứu nước của một nhân vật lịch sử vĩ đài thầy giáo Nguyễn Tất Thành, đồng chí Nguyễn Ái Quốc - chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 5 tháng 6 năm 1911 tại Bến Nhà Rồng, Người đã xuống tàu “Đô đốc Latusơ Tơrêvil” (Latouche Trèville). Ai biết rằng, người chiến sĩ ấy - thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu cuộc đấu tranh đầy gian lao cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam trước tiên qua bến cảng Sài Gòn từ những năm hai mươi với báo Người Cùng Khổ, Việt Nam Hồn, Nhân Đạo… Từ đó phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thành phố đi vào chiều sâu với tổ chức “Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội” ra đời năm 1927 cùng với sự hình thành các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản năm 1929: Việt Nam Cách mạng Đảng (sau là Tân Việt Đảng), An Nam Cộng sản Đảng, bộ phận Nam Kì của Đông Dương Cộng sản Đảng với các đồng chí Châu Văn Liêm, Ngô Gia Tự…

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930, Sài Gòn là một trong những nơi Trung ương Đảng đặt trụ sở đầu tiên. Xứ ủy Nam Kì, Thành ủy Sài Gòn, Tỉnh ủy Gia Định, Tỉnh ủy Chợ Lớn được thành lập ngay trong những tháng đầu của năm 1930. Từ năm 1930 đến năm 1939 đã có nhiều lần hội nghị Trung ương họp tại Sài Gòn - Gia Định(1). Từ khi có Đảng, được Trung ương và Xứ ủy trực tiếp lãnh đạo, Thành phố Sài Gòn đã cùng cả nước mở ra một trang sử mà đồng chí Hồ Chí Minh đánh giá là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Nó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng(3).

Phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã góp phần không nhỏ vào các cao trào cách mạng thời kì năm 1930 đến năm 1945.

Ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5 năm 1930, cuộc đình công của công nhân nhiều xí nghiệp Sài Gòn do Đảng lãnh đạo kéo dài 5 ngày gây tiếng vang lớn.

Thời kì Mặt trận Dân chủ Đông Dương, trong 700 ủy ban hành động được thành lập thời đó, đã có 600 ủy ban ở Sài Gòn và Nam Kì. Tờ Dân Chúng ra đời từ tháng 7 năm 1938, tờ báo công khai của Trung ương Đảng ở Sài Gòn, đã mở đầu cho phong trào tự do báo chí ở Nam Kì, có số lượng phát hành lớn nhất có với tất cả các báo khác. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đánh giá: “Tôi nghĩ rằng báo Dân Chúng cũng là tờ báo được nhiều người đọc ở Đông Dương - mỗi số một vạn bản. Phản đối chính phủ tìm cách ngăn cản các ứng cử viên của Mặt trận Dân chủ trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt trong vòng đầu, báo Dân Chúng đã đưa ra khẩu hiệu bỏ phiếu trắng và 2985 cử tri đã làm theo”(4).

Cuộc khởi nghĩa Nam Kì, do tình thế chưa chín muồi, tình huống trắc trở, đã không nổ ra được theo kế hoạch ở trung tâm thành phố Sài Gòn, nhưng đã nổ ra đồng loạt ở Hóc Môn, Gò Vấp, Vinh Lộc, Phú Lâm, Trung Quận (Bình Chánh), tức là vùng ngoại thành và 18 tỉnh khác của Nam Kì. Đó là một cuộc quần chúng vũ trang khởi nghĩa có quy mô rộng lớn, tuy không thành công, nhưng có ý nghĩa rất lớn trước cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Nam Bộ.

Trong suốt 15 năm thời kì vận động cách mạng, từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã có biết bao người con ưu tú của Đảng, của nhân dân, anh dũng hi sinh tại thành phố, tiêu biểu là các đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của Đảng; Nguyễn Văn Cừ, Tổng bí thư; Ngô Gia Tự; Bí thư Xứ ủy đầu tiên; Tạ Uyên, Bí thư Xứ ủy; Nguyễn Thị Minh Khai, Bí thư Thành ủy, cùng nhiều đồng chí khác: Lí Tự Trọng, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu…

Tháng 8 năm 1945, chuẩn bị cướp chính quyền ở Sài Gòn, Ủy ban khởi nghĩa Sài Gòn có trong tay trên 12.000 hội viên công đoàn đã sẵn sàng đội ngũ, hơn 100.000 đoàn viên Thanh niên Tiền phong bao gồm cả học sinh, viên chức và trí thức, hàng chục vạn nông dân ngoại thành với gậy gộc, dao rựa và một số quan trọng cơ sở cảm tình trong lực lượng “bảo an binh” của ngụy quyền.

Trong đêm ngày 24 rạng ngày 15 tháng 8, không chỉ hàng chục vạn đồng bào các quận, huyện Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, mà còn đồng bào ở Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An, Mĩ Tho… kéo về Sài Gòn cùng lực lượng tại chỗ giành chính quyền. 0 giờ ngày 25 tháng 8 năm 1945 toàn bộ chính quyền Sài Gòn đã về tay nhân dân.

Nhưng nhân dân Sài Gòn - Gia Định chỉ mới được hưởng quyền độc lập tự do có 29 ngày. Dưới mắt những tên thực dân Pháp, từng thống trị Đông Dương, chúng vẫn tâm niệm “Nam Kì là cái trục thực sự của chính sách chúng ta ở Đông Dương”(5).

Trong kế hoạch tái chiếm Đông Dương, thực dân Pháp coi Nam Bộ là cái cầu phải chiếm trước trong đó Sài Gòn là điểm nút hành động khởi hấn. Lịch sử lần nữa giao cho Sài Gòn và Nam Bộ nhiệm vụ “đi trước”, mở đầu cuộc kháng chiến 9 năm. Suốt cả cuộc tái xâm lược này, Sài Gòn là thủ phủ, là sào huyệt của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Pháp cuốn gói sau cuộc chiến tranh trở lại Việt Nam lần thứ 2 thất bại, đế quốc Mĩ xông vào thay thế và Sài Gòn trở thành cái gọi là “thủ đô” của “nước Việt Nam cộng hòa”, con bài tay sai cốt tử của chủ nghĩa thực dân mới. Tại đây tập trung 32 cơ quan đầu não cao nhất của bọn xâm lược và tay sai, trong đó có Tòa đại sứ Mĩ - Nhà Trắng và Bộ Tư lệnh Mĩ - Lầu Năm Góc phương Đông, Phủ tổng thống ngụy, các bộ tư lệnh, quân binh chủng… Sài Gòn Gia Định là “thủ đô” của chế độ tay sai, đồng thời là trung tâm đầu não quân sự với hệ thống phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ từ gần ra xa. Ngoài hệ thống ngụy quyền kềm kẹp, ở đây tính ra trung bình 2 người dân thành phố có 1 tên lính và tay sai, công an, cảnh sát, mật vụ hỗ trợ cho bộ máy đó.

21 năm dài sống và đương đầu dưới ách chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mĩ, trong tình thế cả nước đang có chiến tranh khốc liệt, dĩ nhiên, tinh thần, tư tưởng, nếp suy nghĩ của người dân Thành phố không thể không chịu những tác động sâu sắc các chính sách của kẻ thù, một số không ít người bị kềm kẹp, uy hiếp, mua chuộc, dụ dỗ, lừa gạt rơi vào cầu an, xa lánh cách mạng, thậm chí có kẻ sa đọa gây tội ác. Nhưng “Người Sài Gòn” vẫn là “Người Sài Gòn” bất khuất. Truyền thống yêu nước quật khởi, “hào khí Đồng Nai” đã được phát huy mạnh mẽ trong cuộc chiến đấu mới, kéo dài, vô cùng ác liệt, nhưng tất thắng.

21 năm đánh Mĩ, miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn - Gia Định ngày càng thể hiện rõ và nổi bật vị trí chiến lược là vùng tập trung các mục tiêu đầu não của kẻ thù, phải được giải quyết bằng những đòn quyết định chiến lược nhất của chiến tranh.

“Đi trước” “Về sau” trong cuộc chiến tranh 30 năm, cùng với cả nước, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã làm tròn vẻ vang nhiệm vụ mà lịch sử giao phó.


(1) Hồ Chí Minh tuyển tập, tập I, NXB Sự thật, 1980, tr. 198.
(2) Hội nghị BCH TƯ Đảng lần thứ 2, tháng 3 năm 1931 do đồng chí Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên chủ trì ở nhà 236 đường Richaud (đường Nguyễn Đình Chiểu hiện nay); Hội nghị BCH TƯ Đảng mở rộng họp tại Tân Thới Nhứt (Bà Điểm) tháng 3 năm 1937; Hội nghị BCH TƯ Đảng mở rộng do đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ tham dự tháng 3 năm 1938; Hội nghị BCH TƯ Đảng lần thứ 6 có các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn dự tháng 11 năm 1939.
(3) Hồ Chí Minh tuyển tập, tập I, NXB Sự thật, 1980, tr. 152.
(4) Hồ Chí Minh tuyển tập, tập III, NXB Sự thật, 1980, tr. 134.
(5) Trích chỉ thị của Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại Moutet gửi Cao ủy D’Argenlieu năm 1946.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:21:04 am
Phần thứ nhất

KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
(1945-1954)

Chương một

SÀI GÒN MỞ ĐẤU CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
(23-9-1945 - 12-1946)

I. THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC NƯỚC TA MỘT LẦN NỮA.
HAI MƯƠI CHÍN NGÀY SÔI SỤC CÁCH MẠNG
VÀ KHÓ KHĂN PHỨC TẠP TRƯỚC “NAM BỘ KHÁNG CHIẾN”


Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đưa Việt Nam bước sang một kỉ nguyên mới. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời đã làm đứt tung sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc ở Đông Nam Á, ở một khâu trọng yếu, báo hiệu nền thống trị của chủ nghĩa đế quốc đứng trước quá trình sụp đổ. Đế quốc Pháp, dù bị suy yếu sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, vẫn ngoan cố tìm cách thủ tiêu thành quả Cách mạng Tháng Tám, lập lại chế độ trống trị thực dân ở Việt Nam.

Ngay từ khi nước Pháp còn đang bị phát xít Đức chiếm đóng, tướng De Gaulle tại Algérie, ngày 8 tháng 12 năm 1943 đã tuyên bố: “Sẽ giải phóng Đông Dương”. Để chứng minh cho tuyên bố trên, De Gaulle cho thành lập phái đoàn quân sự Pháp đặt ở Côn Minh (Trung Quốc), ở Kandy Srilanka, trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 (5è RIC) ở Calcutta (Ấn Độ) và lữ đoàn cơ động Viễn Đông (BMEO) ở Madagascar. Tất cả sẵn sàng trở lại tái chiếm Đông Dương. Cùng với quá trình tiến triển thuận lợi của phe Đồng Minh trong chiến tranh thế giới, âm mưu trên càng được ráo riết thực hiện. Cuối năm 1944, De Gaulle thành lập ủy ban hành động giải phóng Đông Dương. Và ngày 24 tháng 3 năm 1945, De Gaulle tuyên bố:

“Đông Dương sẽ được thành lập theo kiểu liên bang gồm 5 xứ khác nhau (Nam Kì, Bắc Kì, Trung Kì, Cao Miên, Ai Lao). Liên bang Đông Dương sẽ cùng với nước Pháp xây dựng thành khối liên hiệp Pháp mà quyền lợi đối ngoại sẽ do Pháp đại diện.

Đông Dương sẽ có một chính phủ liên bang đứng đầu là một viên toàn quyền và gồm những bộ trưởng chịu trách nhiệm trước viên toàn quyền đó. Chính phủ liên bang sẽ là người trọng tài gồm 5 xứ. Bên cạnh viên toàn quyền có một hội đồng nhà nước, trong đó người Đông Dương chiếm nhiều nhất 50% số ghế. Một quốc hội được bầu ra phải phản ánh quyền lợi của nước Pháp”.

Ý định trở lại xâm lược Đông Dương của giới quân phiệt Pháp càng trở nên hối thúc từ sau khi nước Pháp được giải phóng. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông (FEFEO) - gồm sư đoàn thuộc địa số 9 (9è DIC) do Valluy chỉ huy, binh đoàn thiết giáp do Massu chỉ huy và sư đoàn bộ binh thuộc địa số 3 (3è DIC) được thành lập và đưa sang Đông Dương. Ngay sau đó, FEFEO đổi thành đạo quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Tổng chỉ huy lực lượng lục quân Pháp ở Viễn Đông là tướng Leclerc. Đô đốc D’Argenlieu được cử làm cao ủy kiêm tổng tư lệnh hải lục quân, không quân Pháp ở Đông Dương.

Cùng ngày thành lập lực lượng viễn chinh Pháp ở Viễn Đông, Lelerc đi Kandy và được tướng Mountbatten tư lệnh lục quân Anh ở Đông Nam Á hứa giúp đỡ quân Pháp trở lại Đông Dương, dù Mountbatten biết hội nghị Potsdam ngăn cấm hành động này.

Hạ tuần tháng 8 năm 1945, một kế hoạch dùng biệt kích nhảy dù xuống vùng rừng núi Việt Nam, Lào phối hợp với bọn tàn binh tại chỗ chuẩn bị tiếp đón quân viễn chinh được vạch định. Một đại đội biệt kích theo quân Anh sang làm nhiệm vụ tiền trạm ở Đông Dương nhận được lênh của Leclerc khẩn tốc lên đường.

Ngày 22 tháng 8 năm 1945, một máy bay không quân Hoàng gia Anh thả một nhóm nhân viên quân sự và dân sự xuống Tây Ninh, khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Đại tá Cédille, người được chính phủ Pháp cử làm ủy viên Cộng hòa Pháp tại miền Nam Việt Nam có mặt trong nhóm nhảy dù này.

Cédille bị thanh niên địa phương bắt, được bọn Nhật giành lại và đưa về Sài Gòn.

Ngày 24 tháng 8 năm 1945, kế hoạch trở lại Đông Dương do Leclerc và Bộ tham mưu quân viễn chinh Pháp vạch ra(1) được Ủy ban Đông Dương - cải tổ từ Ủy ban hành động giải phóng Đông Dương thông qua.

Vậy là, đến trước ngày Sài Gòn tổng khởi nghĩa, việc trở lại Đông Dương của thực dân Pháp đã không còn chỉ nằm trong ý định! Với sự giúp đỡ của quân đội Anh và sự hứa hẹn viện trợ của đế quốc Mĩ, giới quân phiệt Pháp đã quyết tâm chính thức tái lập ách thống trị thực dân kiểu cũ lên Việt Nam, Lào và Campuchia, mơ tưởng bòn chiếm sức người, sức của ở khu vực này để hàn gắn vết thương chiến tranh, hầu cứu vãn nền kinh tế xã hội Pháp vừa bị cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai tàn phá nặng nề.


(1) Kế hoạch gồm 5 nội dung: 1. Dựa vào sự có mặt của quân Anh để xâm chiếm từ Nam vĩ tuyến 16, 2. Thả dù nhân viên quân sự và lực lượng quân sự xuống lãnh thổ miền Bắc Việt Nam, 3. Xác nhận việc duy trì chủ quyền của nước Pháp ở Đông Dương, trước hết là đối với Đồng minh, 4. Từng bước giành lại những vùng do Trung Quốc kiểm soát, 5. Về phương diện chính trị, tùy hoàn cảnh mà thương thuyết với các nhân vật bản xứ.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:24:30 am
*
*   *

Ngày 2 tháng 9 năm 1945

Tại Sài Gòn, hơn một triệu người đổ về quảng trường Norodom (nay ở trên đường Lê Duẩn) dự lễ mít tinh mừng ngày độc lập dân tộc. Xen giữa rừng cờ đỏ sao vàng là các biểu ngữ được viết bằng nhiều thứ tiếng “Độc lập hay là chết!”.

Thay mặt Chính phủ, ủy viên Lâm ủy hành chánh Phạm Ngọc Thạch bày tỏ Chính phủ sẽ trung thành với chương trình của Mặt trận Việt Minh, kiên quyết bảo vệ nền độc lập vừa giành được. Đại diện Xứ ủy và kì bộ Việt Minh Nguyễn Văn Nguyễn đọc diễn văn kêu gọi đồng bào các giới ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ ra sức ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Kế đến, Chủ tịch Lâm ủy hành chính Trần Văn Giàu kêu gọi nhân dân xiết chặt hàng ngũ xung quanh Chính phủ Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ vững tinh thần, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do. Cả rừng người, rừng cờ lay động, hừng hực khí thế. Đây là cuộc mít tinh lớn nhất được tổ chức trọng thể giữa thành phố Sài Gòn 8 ngày sau tổng khởi nghĩa thắng lợi.

Đoàn người chuẩn bị chuyển sang tuần hành thì bất ngờ, từ lâu cao bên cạnh nhà thờ Đức Bà, bọn phản động Pháp chĩa súng bắn thẳng vào đoàn biểu tình. Anh Phạm Nhã, phụ trách công đoàn nhà hàng Sài Gòn ngã xuống. Anh là liệt sĩ đầu tiên của thành phố Sài Gòn trong cuộc kháng chiến chống Pháp. 47 người chết và bị thương. Căm thù trước hành động của bọn phản động Pháp, hàng trăm người tay không, lập tức tỏa ra, trèo lên các tòa lầu truy lùng bắt và tước khí giới gần 1000 người Pháp(1). Cuộc biểu tình vẫn tiếp tục!

Từ sau ngày 2 tháng 9, máy bay không quân Hoàng gia Anh bay lượn thường xuyên trên bầu trời Sài Gòn và các tỉnh kế cận. Ngày 4 tháng 9, tướng Gracey tư lệnh sư đoàn 20 quân đội Hoàng gia Anh, trưởng phái bộ Đồng minh, vu cáo chính phủ ta không giữ được trật tự và lệnh cho thống chế Têuruchi, tư lệnh phương diện quân Nam của Nhật điều 7 tiểu đoàn quân Nhật từ các tỉnh Nam Bộ về Sài Gòn. Các đơn vị lính Nhật vừa thua trận kéo về đi lại nghênh ngang trong đường phố. Gracey láo xược đòi Ủy ban hành chính địa phương tước khí giới và giải tán các lực lượng vũ trang Việt Nam.

Ngày 6 tháng 9, quân đội Anh tới Sài Gòn. Trà trộn trong đơn vị này, trong bộ quân phục quân đội Hoàng gia Anh là một đại đội gồm 120 binh sĩ thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 (5è RIC) của Pháp, sang làm nhiệm vụ tiền trạm. Tại Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, đông đảo Pháp kiều vốn là công chức của bộ máy cai trị cũ, mật thám, chủ nhà băng, chủ đồn điền… kéo ra đón tiếp quân đội Pháp. Bọn phản động tay sai người Việt cũng ngo ngoe ngóc đầu dậy chuẩn bị đón chủ cũ. Bóng mây của một cuộc chiến tranh xâm lược đang đến gần.

Trong khi đó, từ sau cuộc mít tinh tuần hành ngày 2 tháng 9, trên khắp các địa bàn nội ngoại thành phố, phong trào cách mạng như một dòng thác sôi sục, đang chảy mạnh mẽ, lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Từ thành phố đến quận, bộ, làng, xã, ta gấp rút củng cố tổ chức Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cách mạng và Đảng đã có từ trước và sau ngày 25 tháng 8. Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh (Thượng Vũ) phụ trách Bí thư Thành ủy Sài Gòn. Tỉnh Gia Định vẫn giữ nguyên hai tỉnh ủy Tiền Phong (Phạm Văn Khung làm Bí thư) và Giải Phóng (Huỳnh Văn Thơm làm Bí thư). Hệ thống Ủy ban nhân dân Mặt trận Việt Minh được lần lượt thành lập và củng cố(2). Lâm ủy hành chánh Nam Bộ đổi thành Ủy ban nhân dân Nam Bộ, do Phạm Văn Bạch làm chủ tịch, Trần Văn Giàu làm phó chủ tịch kiêm ủy trưởng quân sự. Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn giữ nguyên bộ máy tổ chức cũ do người của cách mạng nắm giữ (Kha Vạn Cân làm Chủ tịch, Phan Văn Chương làm Phó Chủ tịch). Thành phần tham gia Mặt trận Việt Minh được mở rộng gồm trí thức, nhân sĩ, chức sắc tôn giáo và quan chức cũ (do Nguyễn Văn Kỉnh phụ trách). Các tổ chức đoàn thể cách mạng như công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ cứu quốc được củng cố và hoạt động rầm rộ. các đội Thanh niên Tiền Phong (riêng trong các xí nghiệp con số lên tới 20 vạn) chuyển thành Thanh niên Cứu quốc.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các tổ, đội vũ trang được gấp rút hình thành. Đại bộ phận trong số họ là từ đoàn viên công đoàn, Thanh niên Tiền phong ban xí nghiệp đã được tổ chức trong tổng khởi nghĩa, những công nhân, nông dân, thanh niên học sinh, lao động thành thị, trí thức… chỉ có gậy tầm vông, giáo mác hoặc tay không, nhưng tinh thần đặc biệt hăng hái. Cán bộ nòng cốt trong các lực lượng này do Tổng công đoàn tổ chức ngay từ đầu.


(1) Ngay trong đêm ngày 2 tháng 9 năm 1945, ta thả hết số người Pháp bị bắt này để giữ “hòa khí” với quân Đồng Minh.
(2) Ngày 27 tháng 8 năm 1945, đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Ban chấp hành Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh vào đến Sài Gòn. Đồng chí đã chỉ thị đổi Lâm ủy hành chánh Nam Bộ thành Ủy ban nhân dân Nam Bộ và thành lập ủy ban nhân dân các cấp, mở rộng thành phần Mặt trận Việt Minh.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:25:54 am
Ngay chiều ngày 2 tháng 9, đồng chí Nguyễn Lưu, phụ trách Tổng công đoàn Nam Bộ, được lệnh của đồng chí Trần Văn Giàu thành lập ngay lực lượng vũ trang của công nhân để bảo vệ chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng. Chỉ trong hai ngày, Tổng công đoàn Nam Bộ đã tổ chức xong 360 tổ xung phong công đoàn, lúc đầu mới chỉ có 60 cây súng, còn lại là gậy gộc, dao búa. Một Ban chỉ huy được chỉ định gồm: Nguyễn Lưu (chỉ huy trưởng), Từ Văn Ri (chỉ huy phó), Huỳnh Đinh Hai (tham mưu trưởng) và các ủy viên Trần Minh Quyền, Nguyễn Cao, Nguyễn Văn Tư. Đêm 4 tháng 9, lực lượng công nhân vũ trang Sài Gòn hội tụ tại trụ sở Tổng công đoàn Nam Bộ số 72 đường Lagrandière (nay là đường Lí Tự Trọng) lập bàn thờ Tổ quốc, họp mít tinh, tuyên thệ: “Là chiến sĩ xung phong công đoàn, xin thề trước bàn thờ Tổ quốc quyết cùng anh em lao động không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước nguy hiểm để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn non sông”.

Cùng lúc, ở ngoại ô thành phố tại các tỉnh Chợ Lớn, Gia Định, hàng loạt thanh niên nông dân ngoại thành và công nhân trong thành phố tự nguyện thoát li cũng lần lượt tập hợp thành những nhóm vũ trang nhỏ lẻ do các đảng viên cũ kêu gọi và chỉ huy, như các bộ phận của Cao Đức Luốc, Huỳnh Tấn Chúa, Tô Kí, Nguyễn Văn Thược, Huỳnh Văn Một (phía Tây Bắc), Phạm Văn Khung, Nguyễn Văn Công, Thái Văn Lung, Đào Sơn Tây, Trần Thắng Minh (phía Đông Bắc), Trương Văn Bang, Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Mạnh (phía Đông Nam Sài Gòn - Gia Định).

Các đội xung phong công đoàn và nhóm vũ trang kể trên trở thành những đơn vị vũ trang nòng cốt tại chỗ của Sài Gòn - Gia Định trong nội và ngoại ô thành phố.

Cũng ngay trong những ngày đầu độc lập, Ủy ban nhân dân Nam Bộ tiếp nhận một đơn vị vũ trang có tên là Đệ nhất Sư đoàn dân quân cách mạng, lúc đầu do Kiều Công Cung, sau đó Trương Văn Giàu chỉ huy, và đặt tên là Cộng hòa vệ binh. Thành phần của Cộng hòa vệ binh gồm 3 đoàn bảo an binh của chính quyền cũ, được bổ sung thêm nhiều thanh niên, học sinh, công nhân và một số đảng viên cộng sản đưa vào làm nòng cốt, có số lượng khoảng 10.000 người, với khoảng 400 súng các loại.

Bên cạnh những đơn vị vũ trang chủ yếu kể trên mà thành phần hợp thành là những công nhân lao động, nông dân, học sinh, nhân sĩ trí thức, đầy nhiệt huyết cách mạng “Ra đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” do các đảng viên cộng sản hoặc những cán bộ cách mạng cốt cán chỉ huy, còn có những tổ chức vũ trang gồm binh lính cũ hoặc vô sản lưu manh do các phần tử chính trị cơ hội, các tay anh chị lục lâm cầu đầu, được vội vã thành lập để tạo thế lực và kiếm chác quyền hành. Họ tự xưng là “đệ nhị, đệ tam, đệ tứ sư đoàn…”(1).

Trước tình hình hết sức khẩn trương và phức tạp, quân Anh, Pháp gây hấn, xét trong các đơn vị đệ nhị, đệ tam, đệ tứ sư đoàn, phần lớn binh sĩ nguyên là những nông dân thuần phác, vốn tiềm lưu trong huyết quản ý thức dân tộc, lòng yêu nước và giờ đây trước vận mệnh đất nước đang bị đe dọa, vấn đề đoàn kết mọi lực lượng trở thành nhu cầu tối thượng và khẩn bách. Ủy ban nhân dân Nam Bộ đã chủ trương thừa nhận các “sư đoàn” tự lập kể trên là “dân quân cách mạng” và tổ chức cho họ làm lễ tuyên thệ trung thành với Chính phủ.

Ngày 11 tháng 9, Gracey đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đi theo Gracey là một lữ đoàn thuộc sư đoàn 20 Hoàng gia anh và hai đại đội còn lại của tiểu đoàn biệt kích thuộc trung đoàn thuộc địa số 5 Pháp. Hai đại đội biệt kích này không cần phải ngụy trang nữa, mà công khai mặc quân phục Pháp. Liên tiếp từ khi Gracey tới Sài Gòn, quân Anh Pháp ngang ngược tiến hành hàng loạt biện pháp nhằm từng bước chiếm Sài Gòn. Trước đó một ngày (ngày 10 tháng 9), viên trung tá Roe đại diện phái bộ Anh đóng ở dinh toàn quyền cũ, do Nhật giao lại, đòi chiếm Nam Bộ phủ (dinh thống đốc Nam Kì cũ, hiện là Bảo tàng cách mạng, 65 Lí Tự Trọng), nơi Ủy ban nhân dân Nam Bộ đang đặt trụ sở. Tới bản doanh phái bộ Anh, việc làm đầu tiên của Gracey là ra lệnh cho quân đội Nhật làm nhiệm vụ cảnh sát trong thành phố, cho quân Anh chiếm luôn sân bay Biên Hòa, đòi tước khí giới của quân Cách mạng, lấy vũ khí của Nhật trang bị cho số tù binh Pháp bị Nhật giam giữ, giúp thực dân Pháp từng bước tổ chức lại bộ máy cai trị.

Trước yêu cầu của phái bộ Anh, để giữ “hòa khí” với quân Đồng Minh trong tình thế đang rất phức tạp, Ủy ban nhân dân Nam Bộ dời trụ sở về dinh Đốc Lí (dinh xã Tây, hiện là trụ sở của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh), nhường Nam Bộ phủ cho Gracey lập trụ sở phái bộ Đồng Minh. Nhưng sau khi ta rút đi, Gracey về đóng ở Nam Bộ phủ và trao dinh toàn quyền (đang là trụ sở của phái bộ Đồng Minh) cho Cédille (Pháp). Tại đây, Cédille nhận chức thống đốc Nam Kì và cho treo ngay một lá cờ nước Pháp. Lá cờ ba sắc bay phần phật trước dinh toàn quyền cũ như một thách thức, một hành động khiêu khích trước sự phẫn nộ của nhân dân thành phố. Lập tức, hàng ngàn người kéo đến tập hợp ngoài rào sắt sẵn sàng xông vào hạ cờ Pháp. Trước nguy cơ xảy ra cuộc đụng độ, Cédille, theo yêu cầu của Gracey, buộc phải hạ cờ xuống.

Sau khi giao dinh toàn quyền cũ cho Pháp, Gracey tiếp tục ban hành những lệnh hết sức ngang ngược, can thiệp thô bạo vào chủ quyền của nhân dân ta. Ngày 15 tháng 9, ra sắc lệnh cấm người Việt Nam mang vũ khí và biểu tình. Ngày 17 tháng 9, đình chỉ xuất bản tất cả các báo chí ở Nam Bộ, tuyên bố giữ quyền kiểm soát Sài Gòn, đòi thả những người Pháp đang bị giam giữ, buộc quân ta rút khỏi thành phố, đòi đặt lực lượng tự vệ ta dưới quyền chỉ huy của chúng.


(1) Đệ nhị sư đoàn, nguyên là tổ chức do nhóm Đại Việt, tay sai cũ của Nhật, tuyển mộ thanh niên, binh lĩnh cũ thành lập, có khoảng 1.000 người do Vũ Tam Anh cầm đầu. Đệ tam sư đoàn, vốn là thanh niên “phòng vệ đoàn” của Nhật, do Nguyễn Hòa Hiệp chỉ huy, ban đầu có khoảng 600 người, sau lôi kéo thêm thanh niên nên có khoảng gần 5.000 người. Đệ tứ sư đoàn do một số người thân Nhật tập hợp lính cũ cùng những phần tử Tơrốtkít, những phần tử phản động đội lốt tôn giáo lập nên, lực lượng khoảng 2.000 người do Lí Huê Vinh (mật thám Nhật) cầm đầu.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:27:23 am
Để tranh thủ thêm thời gian củng cố chính quyền, xây dựng lực lượng mọi mặt, Ủy ban nhân dân Nam Bộ đã hết sức mềm dẻo. Nhưng ta càng tự kiềm chế, nhân nhượng thì quân Anh - Pháp càng lấn tới. Nhận thức tính chất phức tạp của tình hình, Ủy ban nhân dân Nam Bộ đã lệnh cho sư đoàn Cộng hòa vệ binh và các sư đoàn dân quân cách mạng rút ra ngoại ô, đồng thời ra lệnh tản cư người già và trẻ em ra khỏi thành phố. Các đơn vị vũ trang được khẩn trương bổ sung quân số và trang bị. Khắp nơi, các trạm thu quân được thành lập. Trong không khí Sài Gòn háo hức muốn đánh Pháp, hàng ngàn thanh niên kéo đến các địa điểm ghi danh tòng quân. Lợi dụng tình hình, một số tay anh chị cũng đứng ra lập điểm thu quân, xây dựng đơn vị vũ trang riêng. Nhiều công nhân, thanh niên, học sinh do hăng hái muốn ra mặt trận chiến đấu, không nhận biết kịp thời bản chất của họ, đã sung vào các tổ chức này.

Tiến thêm một bước trên con đường can thiệp, ngày 19 tháng 8, Cédille tổ chức họp báo, tuyên bố “Việt Minh không đại diện cho nhân dân Việt Nam (!) và do đó, Pháp sẽ thành lập một chính phủ. Chính phủ này phù hợp với tinh thần tuyên bố ngày 24 tháng 3 của De Gaulle”. Ngày 20 tháng 9, Gracey triển khai các biện pháp thực sự kiểm soát Sài Gòn, làm áp lực buộc ta trao lại các bót cảnh sát quận 2, quận 3 và đòi quân ta rút khỏi thành phố. Chúng thả hết và trang bị vũ khí cho những tốp tù binh Pháp cuối cùng còn bị giam giữ. Ngày 21 tháng 9, Gracye ban hành lệnh thiết quân luật trong toàn thành phố.

Đến ngày 22 tháng 9, lực lượng quân địch đóng tại những địa điểm ở Sài Gòn đã liên tới 10.000 gồm 1 tiểu đoàn biệt kích Pháp thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 (5è RIC 600 người), tù binh Pháp tái vũ trang thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 11 (11è RIC - 1500 người), Pháp kiều có vũ trang (500 người), một lữ đoàn quân đội Hoàng gia Anh (2500 người) và 7 tiểu đoàn Nhật (5000 người). Toàn bộ quân địch đã sẵn sàng. Việc nổ súng đánh chiếm toàn thành phố chỉ còn là vấn đề thời gian!

Trong lúc nền độc lập dân tộc đang đứng trước thử thách nghiêm trọng, toàn thể nhân dân ta vô cùng căm phẫn trước những hành động láo xược của quân đội Anh - Pháp, thì một số phe đảng phản động mưu toan thừa cơ nổi dậy hoặc ráo riết hoạt động chuẩn bị đón chủ cũ trở lại hoặc lợi dụng để kiếm chác, giành nắm lấy lực lượng vũ trang. Nổi bật trong số này là bọn Tơrốtkits. Dựa vào thế lực Anh - Pháp, chúng tung ra các khẩu hiệu quá khích và mị dân như “tiêu diệt người da trắng”, “chánh quyền về tay công nông”, “thực hiện cách mạng ruộng đất”. Chúng còn hô hét “vũ trang toàn dân”, vu khống và đả kích Ủy ban nhân dân và kì bộ Việt Minh Nam Bộ. Một số tên đầu sỏ phản động trong giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và những nhóm vũ trang thân Nhật cũ cấu kết với bọn Tơrốtkít âm mưu đảo chánh, thành lập một chính phủ tay sai cho Pháp gọi là “Chính phủ quốc gia liên hiệp”, xóa bỏ Ủy ban nhân dân và kì bộ Việt Minh Nam Bộ, xóa bỏ thành quả Cách mạng Tháng Tám vừa giành được.

Âm mưu của chúng đã bị ta khám phá và đập tan kịp trước khi thực dân Pháp nổ súng chiếm Sài Gòn. Dù vậy, hoạt động của chúng đã góp phần tiếp tay cho giặc, làm cho tình hình càng trở nên khó khăn phức tạp hơn.

Vào lúc đó, lực lượng của ta, sau khi các đơn vị tập trung đã rút ra ngoại ô, trong nội thành Sài Gòn chỉ còn một số tiểu đội Cộng hòa vệ binh làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác các vị trí công sở và khoảng 8000 người (6000 công đoàn xung phong, 2000 thanh niên xung phong và công an xung phong), với 120 súng các loại, 3000 lựu đạn, còn lại là giáo mác, gậy tầm vông vạt nhọn. Tất cả được tổ chức lại thành 320 đội tự vệ chiến đấu bố trí khắp các khu vực trong thành phố. Cuộc chiến đấu chắc chắn không tránh khỏi sắp diễn ra trong điều kiện tương quan lực lượng nghiêng về phía quân địch.

0 giờ ngày 23 tháng 9 năm 1945, trong trang phục quân đội Hoàng gia Anh, các toán quân Pháp lợi dụng đêm tối bất ngờ nổ súng tập kích các vị trí công sở của ta trong thành phố. Các chiến sĩ bảo vệ của ta dũng cảm chống trả, nhưng sức yếu, núng thế, cuối cùng phải rút lui. Ngay trong đêm, quân địch lần lượt chiếm được các vị trí trọng yếu: sở cảnh sát, trụ sở Quốc gia tự vệ Cuộc, đài phát thanh, nhà bưu điện, ngân hàng, nhà đèn, khám lớn, một số bót cảnh sát ở khu vực trung tâm. 3 giờ sáng ngày 23, quân Pháp đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và tiến ra cầu Mac Mahon (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi), cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Khánh Hội… Tiếng súng nổ ran xen kẽ khắp thành phố, chính thức báo hiệu cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp bắt đầu ngay giữa Sài Gòn.

29 ngày từ 25 tháng 8 đến 22 tháng 9 năm 1945 là quãng thời gian sôi bỏng, chất chứa những sự kiện quan trọng của lịch sử cả nước nói chung, của thành phố Sài Gòn nói riêng trong những ngày đầu độc lập. Thực dân Pháp, được quân đội Anh trợ giúp, ngang nhiên đưa quân vào đánh chiếm Sài Gòn, thực hiện cuồng vọng thống trị nước ta một lần nữa. Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, sau chưa tròn một tháng hưởng quyền tự do độc lập, lại phải một lần nữa đứng lên chiến đấu chống ngoại xâm. Thời gian dù quá ngán ngủi, nhưng Đảng bộ và nhân dân thành phố đã nỗ lực tạo được một số điều kiện rất quan trọng, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ, xây dựng các đoàn thể kháng chiến, hình thành các đơn vị vũ trang và đặc biệt, động viên được một ý chí, một tinh thần quyết chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc vừa giành được.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:28:28 am
II. SÀI GÒN KHÁNG CHIẾN,
CUỘC CHIẾN ĐẤU BAO VÂY QUÂN ĐỊCH TRONG THÀNH PHỐ


Trong điều kiện chính quyền nhân dân vừa mới thành lập, tổ chức đảng các cấp chưa được thống nhất, lực lượng vũ trang mới ra đời còn phân tán và phức tạp về thành phần, vũ khí thô sơ, chưa có kinh nghiệm tổ chức và thực hành chiến đấu, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã phải đương đầu với một kẻ thù đông gấp bội, được trang bị phương tiện chiến tranh hiện đại và bước ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới với tư cách là kẻ chiến thắng (!) Đó là một thử thách hết sức nặng nề.

Sáng ngày 23 tháng 9, trong khi tiếng súng xâm lược của thực dân Pháp còn nổ ra ở quanh khu vực dinh Đốc Lí (xã Tây) và các đầu cầu quan trọng của thành phố, tại số nhà 269 đường Cây mai diễn ra cuộc họp khẩn cấp của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ. Tham dự hội nghị có các đồng chí Ung Văn Khiêm, Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Nguyễn, Huỳnh Văn Tiểng… Đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh dự hội nghị quan trọng này.

Hai ý kiến trái ngược nhau được tranh luận gay gắt trong hội nghị: một bên muốn chỉ nên đình công, bãi thị, bất hợp tác chờ lệnh của Trung ương; một bên do Trần Văn Giàu chủ trương muốn phát động ngay cuộc kháng chiến chống Pháp. Tình thế khẩn bách. Hành động xâm lược của kẻ thù đã đẩy nhân dân ta vào con đường phải kiên quyết đứng lên chiến đấu, không còn con đường nào khác. Bên ngoài nhiều người tụ tập chờ đợi quyết định của hội nghị, tiếng la hét “xin cho đánh” dội vào phòng họp. Cuối cùng, hội nghị đi đến quyết định: một mặt điện báo gấp ra Trung ương và Hồ Chủ tịch xin chỉ thị, mặt khác phát động ngay cuộc kháng chiến. Rất khẩn trương, Hội nghị thành lập Ủy ban kháng chiến Nam Bộ (do Trần Văn Giàu làm chủ tịch) và Ủy ban kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn (gồm Nguyễn Văn Tư, Huỳnh Văn Đạt, Từ Văn Ri) với chức năng chỉ đạo mọi mặt cuộc kháng chiến chống Pháp, hạ lệnh tổng đình công và bất hợp tác với địch, đối phó và đánh địch trên đường phố, ngăn chặn, bao vây chúng trong nội thành, kêu gọi đồng bào vạch mặt bọn Việt gian nguy hiểm, triệt để bãi công, bãi thị, bãi khóa, “tẩy chay mọi kêu gọi của địch”, bao vây và phá hoại kinh tế. Hội nghị kết thúc lúc 10 giờ sáng ngày 23 tháng 9.

Ngay sau khi Hội nghị Cây Mai kết thúc, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ phát lời kêu gọi nhân dân thành phố và các tỉnh:

“Đồng bào Nam Bộ,

Nhân dân thành phố Sài Gòn,

Anh em công nhân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ!

Đêm qua thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung âm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa!

Ngày 2 tháng 9 đồng bào đã thề quyết hi sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc!

Độc lập hay là chết!

Hôm nay

Ủy ban kháng chiến kêu gọi

Tất cả đồng bào già, trẻ, trai, gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân giặc xâm lược.

Ai không có phận sự do Ủy ban kháng chiến giao phó, thì hãy lạp tức ra khỏi thành phố. Những người còn ở lại thì:

Không làm việc, không đi lính cho Pháp.

Không đưa đường, không báo tin, không bán lương thực cho Pháp.

Hãy tìm thực dân Pháp mà diệt.

Hãy đốt sạch, phá sạch các cơ sở, xe cộ, tàu bè, kho tàng nhà máy của Pháp.

Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa tiệm.

Hỡi đồng bào!

Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp, tiêu diệt tay sai của chúng.

Hỡi anh em binh sĩ, dân quân tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay xông lên đánh đuổi thực dân Pháp cứu nước.

Cuộc kháng chiến bắt đầu!

Sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945”(1)


(1) Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Trần Văn Giàu chủ biên, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, tr. 356.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:29:57 am
Cuộc kháng chiến bắt đầu! Ngay trong sáng ngày 23 tháng 9 năm 1945, các đội tự vệ chiến đấu, thanh niên xung phong, công an xung phong, công đoàn xung phong đã chống trả quyết liệt với địch tại dinh Đốc Lí, đường Verdun (nay là đường Cách mạng Tháng Tám), đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn). Đặc biệt, cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt tại cột cờ Thủ Ngữ. Một tiểu đội bảo vệ cột cờ chỉ có súng săn, dao găm lựu đạn đã chống chọi với một đại đội quân Anh. Cả tiểu đội hi sinh. Tên chỉ huy Anh phải tập hợp đại đội của chúng bồng súng trước khi kéo lá cờ ba sắc của Pháp lên thay cờ đỏ sao vàng của ta. Buổi chiều, trong tiếng súng kháng chiến đồng loạt nổ khắp thành phố, tại Chợ Lớn, anh em công nhân hối hả in hàng vạn bản “Tuyên cáo quốc dân” của Ủy ban nhân dân Nam Bộ để kịp phát hành trong đêm! Nội dung “Tuyên cáo như sau:

“Đồng bào Nam Bộ!

Vì coi quân Anh là đại biểu của Đồng Minh tới nước chúng ta giải giáp quân Nhật để đem lại hòa bình cho dân chúng Đông Dương, nên chúng tôi - Ủy ban nhân dân Nam Bộ - luôn giúp cho quân đội Anh làm nhiệm vụ được dễ dàng. Mặc dù có nhiều điều bất mãn, chúng tôi đã nhiều lần kêu gọi quốc dân nên nén lòng căm giận để chờ đợt cuộc vận động ngoại giao với Đồng Minh trên trường quốc tế. Nhưng do sự nhân nhượng và dung túng của quân Anh, bọn thực dân Pháp đã làm nhiều điều quá đáng…

… Không lẽ chịu nhục hoài à, vì danh dự của dân tộc chúng ta phải coi trọng quyền lợi quốc gia, nên chúng tôi phải đánh điện ra Chính phủ Trung ương xin phép cho kháng chiến…

Đồng bào thân mến!

Cương quyết phấn đấu, toàn dân hãy đoàn kết để bảo vệ Quốc gia!”(1)

Tại Hà Nội, sau khi nhận được điện của Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập khẩn cấp Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tại Bắc Bộ Phủ. Hội nghị nhất trí với quyết tâm kháng chiến của Nam Bộ, đồng thời kêu gọi đồng bào cả nước chi viện sức người sức của cho miền Nam. Hội nghị cũng đã quyết định thành lập các đơn vị Nam tiến và cử cán bộ vào tăng cường cho Nam Bộ.

Ngay sau hội nghị, Thường vụ Trung ương Đảng chuyển chỉ thị đến Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ (ngày 23 tháng 9) và Chính phủ lâm thời gửi Huấn lệnh cho quân và dân Nam Bộ (ngày 24 tháng 9).

Ngày 26 tháng 9 năm 1945, qua đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cản ước!

“Hỡi đồng bào Nam Bộ!

Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai lại mò lại. Trong bốn năm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa.

Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại Cách mạng Pháp: “thà chết tự do hơn sống nô lệ”.

Tôi chắc cà đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ những chiến sĩ và nhân dân đang hi sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà.

Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”…(2)

Quyết định của Hội nghị Cây Mai và Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong lịch sử chống Pháp của dân tộc ta. Nó kịp thời khẳng định quyết tâm sắt đá, mở ra đường hướng cho cuộc kháng chiến phát triển trong thời khắc có ý nghĩa quyết định đòi hỏi một sự lựa chọn của lịch sử. Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến, Ủy ban nhân dân Nam Bộ và của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đáp ứng kịp thời nguyện vọng, nhiệt huyết chiến đấu của nhân dân ta, có tác dụng khích lệ quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn nói riêng, đồng bào Nam Bộ nói chung tự tin bước vào cuộc kháng chiến đầy cam go thử thách sau đó.


(1) Bản tuyên cáo này được đăng trên báo Cứu Quốc ngày 29 tháng 9 năm 1945.
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB Sự thật, Hà Nội, 1984, t. 4, tr. 25-26.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:31:47 am
Kế hoạch đánh chiếm Nam Bộ cho Leclerc chia làm 3 bước:

1. Dựa vào quân Anh, Nhật đánh chiếm Sài Gòn, cố thủ trong thành phố chờ viện binh. 2. Đánh chiếm các đường giao thông quan trọng chung quanh thành phố, lập các cứ điểm quân sự làm bàn đạp chuẩn bị mở rộng phạm vi lấn chiếm các tỉnh toàn Nam Bộ. 3. Đánh chiếm các tỉnh còn lại, thiết lập hoàn chỉnh hệ thống chính trị quân sự, tiến hành bình định và từ đó mở rộng phạm vi chiến tranh, đánh chiếm miền Trung và Bắc Việt Nam.

Trong ba ngày đầu, dựa vào ưu thế hơn hẳn về quân sự và áp lực của quân Anh, Nhật, mặc dù gặp phải sức chống trả quyết liệt của quân ta, thực dân Pháp nhanh chóng làm chủ các vị trí then yếu trong thành phố. Chúng thiết lập các đồn bót, chia quân đóng giữ và thường xuyên tuần tiễu trên các đại lộ nối các đồn bót chính với nhau. Tuy vậy, do lực lượng còn mỏng, quân Pháp chỉ làm chủ được khu vực trung tâm thành phố giới hạn bởi rạch Thị Nghè và sông Sài Gòn về phía Đông, đường Verdun tới cầu Ông Lãnh về phía Tây, Kinh Đôi qua khu thương cảng về phía Nam. Về đêm, quân ta vào được hầu khắp các địa điểm khu vực chúng làm chủ.

Thực hiện chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng và nghị quyết Hội nghị Cây Mai, Ủy ban kháng chiến Nam Bộ triển khai chỉ đạo việc dời chuyển các cơ quan và cơ sở kháng chiến ra các khu vực ngoại vi thành phố, tổ chức nội thành thành 16 khu vực tác chiến để bảo đảm việc chỉ huy và phục vụ chiến đấu. Các lực lượng chiến đấu nhận được chỉ thị kềm chân địch tại chỗ trong một thời gian, tạo điều kiện cho việc di chuyển và chuẩn bị lực lượng mọi mặt.

Sáng ngày 24 tháng 9, Tổng công đoàn Nam Bộ ra lời kêu gọi nhân dân triệt để thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, tiến hành tổng bãi công, bãi thị, bãi khóa, tản cư ra khỏi thành phố và kiên quyết bất hợp tác với giặc.

Khắp thành phố, mọi sinh hoạt, chợ búa, giao thông, trường học đều ngưng hẳn. Công nhân nhà máy đồng loạt nghỉ việc. Nhà đèn bị phá. Mọi thứ vật dụng như bàn ghế, quầy hàng, xe bò, xe kéo, xe thổ mộ, tủ kem đều được kéo ra đường. Cây bị cưa, cột đèn bị đập ngã. Cả thành phố xây dựng vật cản, chiến lũy.

Trận đánh mở đầu trong ngày diễn ra trên đường Jean Eudel. Từ 3 giờ sáng ngày 24 tháng 9, hơn một nghìn đồng bào ở Xóm Chiếu - Khánh Hội, Tân Thuận, Tây Quy, công nhân hãng FACI, CARIC, NISAKI, thanh niên quyết tử, công nhân xung phong… tuần hành tiến về phía cầu Quay. Dẫn đầu đoàn người là một thanh niên tay cầm cờ Tổ quốc. Đoàn tuần hành vừa tới Thương Khẩu thì lính chà chóp(1) nổ súng chặn lại. Người thanh niên cầm cờ hi sinh ngay trong loạt đạn đầu của chúng. Nhiều người khác bị thương. Căm phẫn trước hành động của địch, đoàn người nhanh chóng giãn ra, phân tán thành nhiều cánh bao vây bót Thương Khẩu và bót số 6. Một đội cảm tử quân leo lên hàng rào ném lựu đạn diệt bọn lính trong lô cốt của bót Thương Khẩu, lấy súng địch bắn yểm trợ cho các mũi của ta tiến vào. Đến hơn 8 giờ sáng, đoàn biểu tình tiếp cận các bót. Tiếng hô xung phong vang dậy. Một số tên địch hoảng hốt kéo ra hàng. Quân ta bắt nhiều tù binh (trong đó có viên quan ba Paul Jean, trưởng bót Thương Khẩu), thu nhiều vũ khí. Thừa thắng, quân ta ào lên tấn công bót số 6. Một tổ quyết tử leo lên nóc bót Thương Khẩu dùng đại liên vừa thu được của địch bắn hỗ trợ thị oai. Ta nhanh chóng tiêu diệt bót số 6, giải thoát 70 thanh niên bị địch giam giữ ở đây. Đến 10 giờ sáng, ta làm chủ vùng Khánh Hội. Tiếp sau trận bảo vệ dinh Đốc Lí và các trận cầu Mac Malon, cầu Kiệu (trong đêm 23 rạng ngày 24 tháng 9), trận Thương Khẩu đã góp tiếng súng mở màn cho cuộc phản công của ta ở Sài Gòn - Chợ Lớn và cũng là những tiếng súng mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.

Liền đó, chiến sự nổ ra liên tiếp ngay ở các khu vực trung tâm thành phố như dọc đường Verdun, xung quanh ga xe lửa, trước chợ Bến Thành, ở đường Bonard (nay là đường Lê Lợi), cầu Ông Lãnh, khu bến tàu, chợ Cũ, xóm cầu Muối, cầu Thị Nghè, cầu Bông, Tân Định, Nhà đèn, Chợ Quán, chợ Bàn Cờ. Ác liệt hơn cả là các trận ở cầu Kiệu, xóm cầu Muối, sở cứu hỏa. Tại sở cứu hỏa đường Gallieni (nay là đường Trần Hưng Đạo), chiến sĩ tự vệ công nhân leo lên tháp cao 100 mét để cắm cờ. Người trước ngã, người sau tiến lên. Bốn chiến sĩ hi sinh anh dũng.

Nhà máy đèn bị phá, đêm đến cả thành phố chìm trong bóng tối. Ta vẫn tiếp tục phản công địch. Lực lượng vũ trang Thị Nghè bao vây đánh tập hậu khu Nguyễn Văn Lạc, nhà dưỡng lão. Trụ sở công an Cuộc, xưởng vật liệu cao su Labbé ở cầu Muối và một số kho gạo của Pháp ở Chợ Lớn bị đốt cháy.

Cũng ngay đêm 24, nhiều cánh quân từ các tỉnh Nam Bộ vừa khẩn cấp thành lập đã kịp về Sài Gòn tham gia chiến đấu. Một số đơn vị vũ trang đầu tiên từ Hậu Giang, Tân An lên, Biên Hòa, Thủ Dầu Một xuống và từ Cần Giuộc, Nhà Bè qua, đã cùng tiến công và nội thành.


(1) Lính Hoàng gia Anh gốc Ấn Độ.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:34:24 am
Nhà báo Trần Tấn Quốc có mặt ở Sài Gòn ngày 24 tháng 9 năm 1945 kể lại:

“Sáng 24, Sài Gòn khá yên tĩnh, nhưng từ xế chiều thì tình hình thay đổi hẳn… Súng nổ khắp nơi. Đại tướng Gracey triệu tập một cuộc họp báo: “Chúng tôi không có lấy một ngọn đèn”. Trong cảnh tối tăm ấy, mọi người đều tự hỏi vậy chớ chuyện gì đã xảy ra, những gì sẽ đến và mỗi người đặt cho Gracey nhiều câu hỏi dồn dập. Xa xa, nhiều đám lửa rực trời. Một cảnh tượng kinh hoàng bao trùm nhà băng Continetal. Rất đông đàn bà, trẻ em Pháp lánh nạn tại nhà băng. Ở đây không còn một miếng nước, không có một tia sáng của đèn điện, và ở đây chốc chốc lại được tin người Pháp này người Pháp nọ bị chết. Những tin làm điên đầu cứ truyền ra. Tiếng súng không ngớt, làm rối loạn thần kinh. Khi ấy Việt Minh chiếm đóng tất cả các khu vực ngoại ô. Gracey không có ý muốn để xảy ra lớn chuyện, nhưng từ nay làm sao tránh khỏi dùng võ lực được? Còn đại tá Cédille thì không ngớt yêu cầu có thêm quân tuần tiễu thật đông đi tuần tra khắp nơi. Người Pháp chết nhiều nhất là ở khu vực Tân Định (ổ kháng chiến Tân Định - Đất Hộ và ổ kháng chiến Phú Nhuận phối hợp đánh…)”(1).

Sáng ngày 25 tháng 9, cuộc tổng bãi công, bãi thị, bãi khóa được tiến hành triệt để. Dân chúng Sài Gòn kéo tản ra vùng ngoại ô. Một cuộc phong tỏa lương thực được từng bước thực hiện. Vẫn là nhà báo Trần Tấn Quốc:

“… Mãi đến ngày 25 Sài Gòn vẫn chưa có điện nước, lại thêm không có lương thực. Túng cùng quá, người Pháp phải đến các quán cóc dơ dáy của Hoa kiều. Ở đây còn có thể tìm được bát cơm lạp xường và ở đây, người ta thấy các quan Pháp không khó tánh như trước, họ ngồi ghế đẩu, ăn cơm bằng bát đũa. Ban đêm, người Pháp luôn xao xuyến, không ngủ được và rất mệt mỏi. Tuy vậy, đại tá Cédille vẫn hoạt động, ông viết nhiều tuyên cáo kêu gọi người Việt Nam trở lại làm việc. Nhưng đáp lới Cédille, người Việt Nam kéo nhau ra khỏi thành phố. Trong một thành phố tối om bao trùm lên bởi không khí chiến tranh và cách mạng, các gia đình cứ phải khóc vì một người thân vừa tử nạn. Ai nấy đều phập phồng lo sợ cho ngày mai. Súng vẫn nổ. Dân quân Việt Nam dùng chiến thuật du kích mà đánh, khi ẩn, khi hiện, đột nhập thình lình phá hoại rồi rút đi. Chẳng những thường dân Pháp kinh hoàng vì không biết du kích sẽ xuất hiện lúc nào, ở đâu, mà đến cả quân lính Pháp - Anh - Ấn cũng không làm sao biết trước để mà ngăn ngừa”(2).

Trung tuần cuối tháng 9, chiến sự vẫn diễn ra liên tục và ác liệt khắp nội thành.

Ngày 25 tháng 9, quân ta lại lọt vào khu Tân Định, đánh đường Mayer, nay là đường Võ Thị Sáu), bến Tầm Ngựa (nay ở cuối đường Huỳnh Tịnh Của).

Ngày 26 tháng 9, du kích đốt cháy cầu Lái Thiêu, sau đó phối hợp với hai cánh quân từ Thủ Dầu Một xuống và Lái Thiêu qua chặn đánh đoàn xe cam nhông gồm 7 chiếc chở quân Anh đi Bình Đức lấy vũ khí về tiếp tế cho Pháp. Đoàn xe địch không về được Sài Gòn, buộc phải nằm lại dọc đường. Chiều, ta tập kích ngã ba Nhà Làng (trụ sở xã Thạnh Mĩ Tây), diệt nhiều tên Pháp, bắt sống một số tên khác trong đó có tên cò Thị Nghè Orcetty, giải thoát nhiều đồng bào bị giam giữ. Đêm, ta đánh chiếm cầu Bông.

Ngày 27 tháng 9, quân Pháp, có lính Nhật đi đầu, tiến công qua cầu Thị Nghè. Chúng dùng súng lớn bắn phá mãnh liệt vào khu vực từ ngã ba Nhà Láng xuống Hàng Xanh. Toán đi đầu qua ngã ba Nhà Làng lọt vào trận địa phục kích của ta. Các chiến sĩ tự vệ chiến đấu giựt mìm, ném lựu đạn, xông ra đánh giáp lá cà với địch. Quân địch hốt hoảng vừa chống trả vừa chạy trở lại Sài Gòn. Tại khu vực Khánh Hội, du kích ém phục dọc bờ sông chặn đánh 3 chiếc xe chở viện binh địch tại cầu Quay. Quân địch buộc phải quay lui, bỏ lại 10 xác chết.

Ngày 28 tháng 9, một chiếc xe jeep chở 2 sĩ quan địch từ cầu Kiệu theo đường Paul Blanchy (nay là đường Hai Bà Trưng), lên Gò Vấp để dò xét tình hình. Đến hẻm Cây Dương ngang chùa Bà Chúa, cách ngã ba Chú Ía vài trăm mét, xe lọt vào trận địa phục kích của ta. Du kích đã bắn chết tên sĩ quan da trắng và bắt sống tên sĩ quan Nhật(3).

Ngày 30 tháng 9, ta tiếp tục tập kích địch trên đường Catinat và nhiều nơi khác: Khánh Hội, nhà đèn Chợ Quán, nhà máy rượu. Tại Tân Bình, ta tiến đánh một kho gạo - vải, thu toàn bộ số gạo và vải có trong kho, cùng 10 súng.

Những ngày cuối cùng của tháng 9, chiến sự lan dần ra ngoại ô, diễn ra khá quyết liệt tại khu vực các cầu: cầu Thị Nghè, cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Mac Mahon, cầu Eyrriaud des Vergnes (cầu nối đường Trần Quốc Thảo với đường Lê Văn Sĩ hiện nay), cầu chữ Y, cầu Ông Lãnh, cầu Quay. Tại cầu Chữ Y, khi hai xe nhà binh của Pháp định vượt sang Chánh Hưng, lực lượng tự vệ cùng đồng bào, với số lượng áp đảo, ào ra bao vây. Đoàn thanh niên “Đoàn Dũng” và nhân dân Chánh Hưng chặn chiếc xe đi đầu chở đầy lính mũ đỏ. Đoàn thanh niên “Đoàn Tiến” và nhân dân Chợ Quán đánh chiếc xe đi sau. Ta thu cả hai, diệt hầu hết tốp địch. Cùng trong thời gian này, lực lượng vũ trang Bà Quẹo, Gò Vấp, Hóc Môn phối hợp đánh địch ở khu vực cầu Bến Phân và chợ Gò Vấp.

Chỉ trong vòng một tuần lễ, sau khi lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ phát ra, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã nhanh chóng bước vào cuộc chiến đấu đầy tự tin và quyết liệt. 138 xí nghiệp, công sở lớn, 22 kho tàng, 4 chợ, 30 tàu lớn, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi và một số cầu đường bị đốt phá. Gần 300 tên giặc bị đền mạng. Tuy cách đánh, kĩ thuật chiến đấu còn non kém, vũ khí ít và thô sơ, nhưng quân và dân ta thật hăng hái, bồng bột và cực kì gan dạ. Tuần lễ kháng chiến đầu tiên tại Sài Gòn là khúc dạo đầu sôi nổi trong bản đại hợp xướng kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Gặp phải sức đề kháng quyết liệt của nhân dân ta, sau tám ngày gây hấn, thực dân Pháp chỉ chiếm đóng được các vị trí, công sở then yếu ở khu vực trung tâm thành phố. Phạm vi kiểm soát chỉ thu hẹp trong một rẻo từ đường Nguyễn An Ninh đến chợ Bến Thành ngược lên Tân Định. Thành phố không họp chợ, không buôn bán, không điện nước. Lương thực, thực phẩm bị hao cạn. Viện binh chưa tới kịp. Bọn Việt gian tay sai ra mặt hoạt động đã bị thanh niên ta truy bắt, nghiêm trị. Nhiều lần dựa vào quân Anh - Nhật đánh lấn ra ngoài, cố phá vỡ vòng vây đang hình thành ngày càng chặt xung quanh Sài Gòn, nhưng đều thất bại, quân Pháp lâm vào tình trạng khốn đốn.

Trước tình hình đó, thực dân Pháp nhờ Gracey làm trung gian, xin thương lượng với Ủy ban nhân dân Nam Bộ.

Biết rõ thủ đoạn của địch dùng kế hoãn binh để chờ quân tăng viện tới, nhưng để biểu thị lập trường chính nghĩa, đồng thời tranh thủ thời gian hòa hoãn để tản cư nhân dân ra khỏi thành phố, củng cố lại lực lượng chiến đấu, Ủy ban nhân dân Nam Bộ chấp hành chỉ thị của Chính phủ lâm thời Trung ương, thỏa thuận với Pháp ngừng bắn một tuần lễ để đàm phán.

Sáng ngày 2 tháng 10, cuộc đàm phán bắt đầu. Đại diện Pháp là Cédille gặp đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời do Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm trưởng đoàn. Tướng Anh Gracey cũng tham dự để gây áp lực. Phía Pháp đưa ra những luận điểm vô lí: vu cáo hành động chiến đấu tự vệ bảo vệ độc lập của ta, đòi ta chấp nhận bản tuyên bố ngày 24 tháng 3 năm 1945 của De Gaulle. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đòi Pháp công nhận nền độc lập của Việt Nam, công nhận Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, đình chỉ gây hấn, rút quân về các vị trí trước ngày 23 tháng 9. Cédille xin trả lời sau.


(1) Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, t. 1, tr. 357-358.
(2) Địa chí văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, sách đã dẫn, tr. 358.
(3) Ngay hôm sau, báo chí địch ở Sài Gòn đưa tin: Người bị giết là đại tá Mĩ Peter Dewey. Dewey là cháu viên thống đốc Dewey bang New York, là cố vấn tình báo của Pháp và Đồng Minh. Đó là tên sĩ quan cao cấp Mĩ đầu tiên bị giết chết ở Việt Nam.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:34:59 am
Ngày 3 tháng 10, hai tàu phóng ngư lôi Triomphant của Pháp cập bến Sài Gòn, mang theo một tiểu đoàn lính Âu Phi thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5, một đại đội Commando Ponchardier, một số đơn vị lính dù, lính thủy Pháp. Kế đó, ngày 5 tháng 10, tướng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp đến Sài Gòn. Dưới cơn mưa tầm tã, người phía Pháp ra đón Leclerc như một vị cứu tinh. Leclerc bắt tay ngay vào việc chuẩn bị kế hoạch tấn công: Phá vòng vây Sài Gòn, đánh nống ra các tỉnh. Quân Anh với danh nghĩa giải giới quân Nhật sẽ đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn và vùng tam giác chiến lược Sài Gòn - Thủ Dầu Một - Biên Hòa trong lúc Pháp chưa tập kết đủ quân số tại Nam Bộ. Tối ngày 6 tháng 10, cuộc đàm phán lại tiếp tục. Thái độ của phía Pháp lập lờ, cố tình nhùng nhằng để hoãn binh. Lấy cớ cần có thì giờ để xin ý kiến của chính phủ Pháp về các đề nghị của ta, Cédille xin kéo dài thời gian ngừng bắn thêm 48 giờ. Ngày 6 tháng 10, hai bên gặp nhau lần thứ ba. Đại diện Pháp vẫn tỏ ra ngoan cố. Bên ta quyết định chấm dứt đàm phán.

Trong thời gian ngừng bắn, lần nữa, bọn đầu cơ chính trị lại xuất đầu lộ diện, tung áp phích tuyên bố thành lập “Chính phủ quốc gia liên hiệp”. Bốn ngày sau khi tuyên bố, chúng bị thanh niên xung phong nội thành bắt gọn tại một nhà chứa ở Chợ Lớn. Cũng trong thời gian này, lữ đoàn cuối cùng của sư đoàn 20 Hoàng gia Anh tới Sài Gòn.

Ngày 10 tháng 10 năm 1945, thời gian ngừng bắn kết thúc. Cuộc đàm phán đã phơi bày trước dư luận thế giới dã tâm xâm lược với nước ta của thực dân Pháp, đồng thời biểu thị ý nguyện hòa bình và quyết tâm chiến đấu bảo vệ độc lập của nhân dân ta. Đây cũng là quãng thời gian quý báu để các cơ quan, các đơn vị vũ trang của ta kịp thời di chuyển tài liệu, vũ khí, trang thiết bị cần thiết, tháo dỡ và di chuyển máy móc, nguyên vật liệu ra ngoại ô cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Quân dân Sài Gòn vẫn tiếp tục giữ thế bao vây quân địch trong nội thành.

Trong lúc đó, từ khắp mọi miền đất nước, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, tiếp thêm sức mạnh cho Sài Gòn kháng chiến dấy lên mạnh mẽ.

Ngay sau khi cuộc kháng chiến bắt đầu, các tỉnh kế cận thành phố Sài Gòn như Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Tân An… tổ chức nhiều đội tự vệ chiến đấu về Sài Gòn đánh Pháp. Công nhân cao su các tỉnh Nam Bộ gửi về 3.000 người. Nhiều tốp thanh niên tự động tập hợp đội ngũ, tìm mua vũ khí kéo về xin gia nhập các mặt trận xung quanh Sài Gòn. Trong số này, còn có những đoàn thanh niên dân tộc thiểu số ở Phan Thiết, Biên Hòa và phía Bắc Thủ Dầu Một trang bị chủ yếu bằng ná, tên tẩm thuốc độc về tham gia đánh địch ở mặt trận phía Đông thành phố. Nhiều chiến sĩ người Thượng đã hi sinh tại mặt trận phía ngã ba Hàng Xanh. Tổng công đoàn Nam Bộ vận động nhân dân các tỉnh quyên góp lương thực, thực phẩm, tiền bạc chuyển về Sài Gòn nuôi bộ đội đánh giặc. Phong trào cung cấp sức người, sức của cho Sài Gòn đánh Pháp phát triển rộng khắp các tỉnh Nam Bộ.

Ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, hàng vạn người xung phong đầu quân vào Nam giết giặc. Hầu hết các tỉnh đều lập “phòng Nam Bộ” ghi tên các chiến sĩ tình nguyện vào Nam. Họ là những công nhân, nông dân, thợ thủ công, học sinh, sinh viên, thầy thuốc, nhà giáo, kĩ sư, viên chức, Việt kiều, cựu binh sĩ… gồm cả già, trẻ, gái, trai. Ngay từ tuần lễ đầu của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đã có nhiều chi đội lên tàu vào Nam chiến đấu, gồm các đơn vị Giải quyết quân từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, chiến khu Đông Triều, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Nghệ Tĩnh… Hầu như ngày nào trên các chuyến tàu vào Nam cũng đều có quân Nam tiến.

Dọc tuyến đường sắt Bắc - Nam, nhân dân mang cờ, biểu ngữ, bánh trái chào đón nồng nhiệt đoàn quân Nam tiến. Đồng thời đồng bào khắp nơi hưởng ứng rầm rộ phong trào ủng hộ tiền cho Nam Bộ kháng chiến. Tại Hà Nội, đêm 29 tháng 9, báo Cứu Quốc (cơ quan của Tổng bộ Việt Minh), ra số đặc biệt in toàn chữ đỏ đưa tin: thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, đồng bào Nam Bộ đã cầm súng đứng lên chiến đấu. Tiếng báo tin và tiếng rao báo trong đêm đã dựng cả Hà Nội dậy. Bà con tranh nhau mua báo, chuyền tay nhau đọc. Ngày hôm sau, phong trào ủng hộ Nam Bộ được phát động. các hoạt động ủng hộ Nam Bộ diễn ra sôi nổi dưới nhiều hình thức phong phú. Từ ngày 7 đến ngày 14 tháng 10, nhân dân tổ chức “tuần lễ văn hóa” ủng hộ Nam Bộ. Ngày bế mạc, đông đảo đồng bào Thủ đô đến thăm các gian hàng triển lãm, sau đó đến “Đài kháng chiến” quyên góp tiền gửi Nam Bộ. Các tổ chức đoàn thể như Hội phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Hội tôn giáo đều tổ chức ngày quyên góp cho Nam Bộ. Hàng trăm tấm vải lụa, len sợi, quần áo, cùng nhiều tiền vàng được ưu tiên chở trong những toa tàu đặc biệt chạy tốc hành vào Nam.

Sức người, sức của của cả nước kịp thời gửi về Sài Gòn đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến đấu bao vây quân địch những ngày đầu kháng chiến. Trên thực tế cả nước đã kháng chiến tại địa bàn Sài Gòn.

Cùng thời gian này, ở tỉnh Gia Định và tính toàn Nam Bộ, bộ máy chính quyền nhân dân và tổ chức đoàn thể kháng chiến các đã được xây dựng và củng cố. Nhiều đồng chí từ Côn Đảo và các nhà tù đế quốc trở về cùng với cán bộ tại chỗ hình thành bộ máy lãnh đạo, bộ máy chỉ huy quân sự, công an, vận động quần chúng… Họ là những cán bộ trung kiên, tài năng, có tri thức và năng lực tổ chức lãnh đạo chỉ huy, từ mọi miền đất nước tới. Sự có mặt kịp thời của họ trong buổi đầu kháng chiến có ý nghĩa cực kì quan trọng: giữ vai trò quyết định trong việc hình thành bộ máy lãnh đạo kháng chiến các cấp suốt thời kì chiến tranh.

Sau khi có viện binh, Leclerc liên tiếp tổ chức các cuộc tiến công phá vòng vây quanh khu vực trung tâm Sài Gòn. Chiến sự lan dần ra ngoại ô, diễn ra quyết liệt ở khu vực cầu Tân Thuận, Nhị Thiên Đường, Phú Lâm, Tham Lương, Bến Phân, Gò Vấp, An Nhơn, cầu Thị Nghè, Hàng Xanh.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 09 Tháng Ba, 2012, 06:36:23 am
Xung quanh Sài Gòn, cùng với sự phát triển, củng cố và điều chỉnh nhanh chóng lực lượng vũ trang, các mặt trận ngăn chặn bao vây Sài Gòn hình thành.

Mặt trận số 1 (còn gọi là mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Gia Định hay mặt trận miền Đông) kéo dài từ ngã ba sông Thị Nghè đến cầu Bông. Ranh tuyến bên trái trải dọc sông Sài Gòn, quốc lộ 14 từ ngã ba Thị Nghè, ngã ba Hàng Xanh, cầu Bình Lợi. Ranh tuyến bên phải từ cầu Kiệu ra ngã tư Phú Nhuận, ngã ba Chú Ía, ngã năm Chuồng Chó đến An Nhơn đi Lái Thiêu. Trên mặt trận này, đồng bào xây dựng chiến tuyến (đào hầm hố, đắp mô) thành nhiều tầng, dựa trên ba trục chính: trục đường 13 (khu vực Thị Nghè, Hàng Xanh), trục cầu Bông, Bà Chiểu, cầu Hang, Gò Vấp đến cầu Bến Phân; trục cầu Kiệu, Phú Nhuận, nga ba Chú Ía ra An Nhơn.

Chiến đấu tại mặt trận này gồm các bộ đội Nguyễn Văn Dương, bộ đội Trần Cao Vân, bộ đội Hoàng Cao Nhã, bộ đội Hoàng Mạnh, bộ đội Triệu Cải, bộ đội Thị Nghè (Nguyễn Bân), bộ đội Hai Nhỏ, bộ đội Hai Rim (đại đội dân tộc thiểu số Thủ Dầu Một). Ngoài ra còn có lực lượng Đệ tam sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp và bộ đội của Hồng Tảo (HT29). Bộ chỉ huy mặt trận tiền tuyến miền Đông gồm Nguyễn Đình Thâu (chỉ huy trưởng), Phạm Văn Khung (chính ủy), Phan Văn Năm, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Hòa Hiệp, Hồng Tảo. Chỉ huy sở đặt tại Gò Vấp, sau chuyển sang An Phú Đông.

Xa hơn, về phía Thủ Đức, có bộ đội Nam tiến(1), bộ đội Đào Sơn Tây, bộ đội Trần Thắng Minh, bộ đội Thái Văn Lung.

Mặt trận số 2 (còn gọi là mặt trận tiền tuyến phía Bắc hay mặt trận Tham Lương), án ngữ cửa ngõ quốc lộ 1 đi Tây Ninh, Campuchia. Khu vực Bà Điểm, Hóc Môn và trục lộ 15 từ chợ Cây Xoài đến Quán Tre, Trung Chánh, dọc từ ngã tư Bảy Hiền đến cầu Tham Lương, các chiến sĩ cùng với đồng bào địa phương lập các chiến tuyến, công sự chiến đấu, phá bung nhiều đoạn đường trên quốc lộ 1, đặc biệt ở khu vực cầu Tham Lương.

Tại mặt trận này, nhân dân tự vũ trang, xây dựng lực lượng bằng cách tập hợp thành từng nhóm đánh giặc lấy súng và mua vũ khí của Nhật, phát triển thành phong trào.

Khu vực Bà Quẹo, Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Nhị có bộ đội Nam Bội, Tư Báu, Tư Thược, Tám Đào, Tám Don, Bảy Ưng. Ở Bà Điểm có bộ đội Huỳnh Tấn Chúa. Hóc Môn có bộ đội Cao Đức Luốc, Sáu Ngói, Sáu Bằng. Ở Tây Mĩ, Bình Mĩ có bộ đội Tô Kí (gồm cả lực lượng Nguyễn Văn Bứa, Phan Hữu Hòa, Võ Văn Của). Ở Đông Thạnh có bộ đội Bảy Mĩ. Ở An Phú xã có bộ đội Bảy Sanh, Sáu Sai. Xa hơn, phía Đức Hòa, có bộ đội Huỳnh Văn Một. Số đông trong cán bộ chỉ huy các bộ đội trên là đảng viên cộng sản bị tù đày vượt ngục hoặc được thả ra sau ngày Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, hoặc sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chất lượng chính trị của bộ đội cao. Đây là lực lượng tiền thân của Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa.

Bộ chỉ huy mặt trận tiền tuyến phía Bắc do Nguyễn Văn Tư làm chỉ huy trưởng. Sở chỉ huy đặt tại Phú Thọ Hòa.

Ngoài ra, hoạt động ở khu vực Phú Thọ Hòa còn có bộ đội Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) gồm cả lực lượng của Dương Văn Ti ở chợ Dũi, Nguyễn Phú Duyên và Thái Sĩ Từ  Phú Thọ Hòa kéo ra… Khu vực Bà Quẹo có bộ đội Huỳnh Văn Trí (Mười Trí, đóng ở Tân Hòa, Vĩnh Lộc, Bà Quẹo).

Mặt trận số 3 (còn gọi là mặt trận tiền tuyến phía Tây hay mặt trận Phú Lâm - Chợ Đệm) án ngữ lộ Đông Dương 16, con đường sắt Sài Gòn - Mĩ Tho và lộ số 10 Bình Trị Đông - cầu Xáng. Toàn tuyến mặt trận trải từ Tân Thới Hòa qua Phú Lâm, Tân Hòa Đông, Phú Định xuống An Lạc, chợ Đệm, ngăn chặn hành lang chiến lược từ Sài Gòn xuống đồng bằng sông Cửu Long.

Chiến đấu ở mặt trận này có lực lượng Cộng hòa vệ binh Nam Bộ do Trương Văn Giàu chỉ huy và các bộ đội Tổng công đoàn do Nguyễn Lưu, Mười Thìn chỉ huy. Ngoài ra còn có những bộ đội khác chiến đấu trong nội thành rút dần ra và từ các tỉnh miền Trung, Tây, Nam Bộ lên. Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận này. Chỉ huy sở đặt tại đường Cây Mai rồi về Bình Điền. Khi trận tuyến phía trước bị phá vỡ, lực lượng chiến đấu Trương Văn Giàu kéo về lập tuyến ngăn chặn địch ở khu vực Bình Điền rồi kéo xuống Gò Công. Lực lượng Tổng công đoàn trụ bám lại do Nguyễn Lưu chỉ huy lùi vào khu vực Gò Cát - Bình Trị Đông - Bình Thủy Hòa.

Mặt trận số 4 (còn gọi là mặt trận tiền tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn hay mặt trận phía Nam gồm mặt trận Bình Đông, mặt trận cầu chữ Y, mặt trận Tân Thuận, Thủ Thiêm) trải dài trên toàn bộ phía Nam Sài Gòn và Chợ Lớn. Các chiến tuyến chủ yếu của ta được bố trí từ Tân Thuận, Ngã ba Kinh Tẻ sông Sài Gòn đến bến đò Tân Quy, từ cầu Chữ Y đến cầu Hiệp Ân dọc bờ kinh đối diện với quân Pháp hướng sang Thương Cảng đến cảng xà lan và Nhà đèn Chợ Quán.

Chiến đấu chủ yếu trên mặt trận này có lực lượng vũ trang tại địa bàn Nhà Bè và lực lượng vũ trang tại địa bàn Cần Giuộc.

Lực lượng vũ trang Nhà Bè gồm bộ đội Bình Xuyên Dương Văn Dương (Ba Dương, xóm Bến Đò, cầu Rạch Đỉa), bộ đội Trần Văn Đối (Sáu Đối, Tân Thuận, gồm cả bộ đội Sáu Đối và Sáu Thơ), bộ đội Quách Văn Phải, Tám Mao, Năm Mười Ba), bộ đội Nguyễn Văn Soái (Phú Xuân), bộ đội Đoàn Văn Ngọc (Tám Thuận, gồm cả lực lượng Chín Mập, Dương Văn Đức), bộ đội Chín Hiệp (bến đò Tân Thanh, ngã ba rạch Ba Lao - rạch Dơi), bộ đội Mười Đen (khu vực kho, cảng), bộ đội Ngô Văn Lực (Mười Lực) - Võ Văn Môn (Bảy Môn) - Nguyễn Văn Hoe (Thủ Thiêm), bộ đội Nguyễn Văn Huỳnh… Lực lượng vũ trang Cần Giuộc gồm bộ đội Bình Xuyên Nguyễn Văn Mạnh (Tám Mạnh, Chánh Hưng), bộ đội Tư Hoạnh (cầu ông Thìn), bộ đội Trương Văn Bang (Ba Bang, Cần Giuộc) và bộ đội Nguyễn Văn Trân (Bảy Trân, cầu Bình Đăng).

Chỉ huy trưởng mặt trận do Nguyễn Văn Trân (Bảy Trân) phụ trách. Chỉ huy sở đóng tại khu vực cầu Bình Đăng, sát cạnh liên tỉnh lộ 5A Sài Gòn đi Cần Giuộc).

Bốn mặt trận bao quanh thành phố tạo thành một vành đai nhốt quân địch tại chỗ. Các vị trí xung yếu của vành đai này là các cầu - cửa ngõ nối thành phố với các tỉnh bên ngoài. Từ các chiến tuyến, quân ta vừa tổ chức ngăn chặn, bẻ gãy các cuộc tiến công giải tỏa vòng vây của địch, vừa đưa các mũi len lỏi thọc sâu vào thành phố tập kích các vị trí quân sự, cơ sở kinh tế, kho tàng rồi nhanh chóng rút ra. Các trạm chốt trên vành đai còn làm nhiệm vụ tiếp chuyển đồng bào trong thành phố tản cư ra ngoại ô, tiếp nhận hàng hóa tiếp tế từ các cơ sở nội thành gửi ra vành đai nuôi bộ đội.


(1) Đơn vị Nam tiến vào Nam Bộ thuộc lực lượng 3 chi đội hợp lại: Nam Long, Lương Văn Khâm, Vũ Đức. Lực lượng Lương Văn Khâm ở lại Biên Hòa cùng với cơ quan Ủy ban kháng chiến miền Đông do Đào Duy Kì tự xưng làm chủ tịch. Lực lượng Vũ Đức tách ra về đóng ở sở cao su Thuận Lợi phía Bắc Thủ Dầu Một. Lực lượng Nam Long vào Thủ Đức, tham gia mặt trận tiền tuyến miền Đông.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Ba, 2012, 09:00:43 am
*
*   *

Cùng với sự hình thành các mặt trận và cuộc chiến đấu diễn ra xung quanh Sài Gòn, trong nội đô, quân và dân ta đẩy mạnh các cuộc tập kích quấy rối không cho địch rảnh tay củng cố lực lượng và tổ chức tiến công giải vây.

Từ ngày 10 tháng 10 năm 1945, lấy danh nghĩa Đồng Minh, quân Anh đi tước vũ khí của quân Nhật tại các thị xã thuộc miền Đông Nam Bộ, dọn đường cho quân Pháp tiến công đánh chiếm các tỉnh xung quanh Sài Gòn.

Chiều ngày 10 tháng 10, hết thời gian ngừng bắn, một đội thanh niên xung phong cùng với bộ đội công đoàn xung phong tiến công vị trí quân Pháp cách Sài Gòn 3km về phía Tây Bắc. Đêm, quân ta ở mặt trận phía Đông vượt cầu Bông, cầu Kiệu tiến công các điểm đồn trú của Pháp tại khu vực Đa Kao - Tân Định. Bót cảnh sát trên đường Benard, câu lạc bộ sĩ quan trên đường Norodom, cùng lúc bị tập kích. Tại Khánh Hội, ta đánh vào khu vực trại giam, giải thoát một số thanh niên, đốt cháy các kho lương thực, 23 giờ, chiếc tàu Albert của Pháp đậu tại cảng Sài Gòn bị đốt cháy. Rải rác trong khắp các khu vực nội thành, lửa cháy suốt đêm.

Ngày 12 tháng 10, quân Anh có lính Nhật mở đường đánh chiếm Gia Định và Gò Vấp. Quân Pháp đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Phú Mĩ. Chiến tuyến phía Đông Bắc bị vỡ một mảng lớn.

Trong các ngày 13, 14, 15 tháng 10, quân ta vẫn uy hiếp mạnh ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Ngày 13 phục kích tại cầu Hang - Gò Vấp, diệt một số tên Pháp, chiếm hai xe thiết giáp. Ngày 14, một trận tập kích diễn ra tại Chợ Lớn - Phú Lâm, quân Nhật bị thiệt hại nặng. Ngay 15, bao vây và tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Đêm, đốt kho chứa xăm ô tô và dầu xăng của Anh, đốt kho lương thực của Pháp, phá nhà máy nước, nhà máy điện.

Ngày 16 tháng 10, quân Pháp tiến công ra An Nhơn bị ta chặn đánh phá hỏng 7 xe thiết giáp và 3 xe khác. 21 giờ đêm, bộ đội Bình Xuyên phối hợp với du kích tập kích địch ở xóm Bến Đò - Cây Khô rồi đánh thẳng tới bót cảnh sát trên đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo). Cũng trong ngày 16, quân Pháp chọc thủng tiếp chiến tuyến phía Đông Bắc, đánh chiếm cầu Bông, Bà Chiểu. Tuyến ngăn chặn phía trước mặt trận tiền tuyến miền Đông bị phá vỡ. Quân ta rút về củng cố chặn địch ở Gò Vấp, trục đường 13 từ ngã ba Chú Ía đến An Phú Đông và khu vực Hàng Xanh. Chỉ huy sở mặt trận phía Đông cùng các cơ quan kháng chiến tỉnh Gia Định, quận Gò Vấp dời chuyển sang ấp Đông Nhất, xã An Phú Đông xây dựng căn cứ địa kháng chiến.

Ngày 17 tháng 10, tại mặt trận phía Bắc, quân ta phục kích ở cầu Tham Lương đánh lui đoàn xe của địch gồm 8 chiếc chở lính và xe thiết giáp yểm trợ hành quân lên Hóc Môn, ta phá hủy 5 xe và diệt một số tên. Mười giờ, kho đạn Thị Nghè nổ dữ dội. Đây là kho chứa bom đạn từ bến tàu bốc lên đặt tại khu vực đường Docteur Angier (nay là đường Nguyễn Bình Khiêm) cạnh vườn thú, được bố trí hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt. Xung quanh khu có hào sâu, tường cao 2 mét, chăn kẽm gai và hệ thống tháp canh có đèn quét ban đêm. Một đại đội Âu Phi th tuần tra canh gác. Đội viên cảm tử Lê Văn Tám mới ba tuổi được giao nhiệm vụ giả câu cá, cắt cỏ ở bến sông để quan sát. Đêm 17 tháng 10, Tám tự quyết định một mình đánh kho đạn, lừa bọn lính gác lọt vào ẩn nấp bên trong với chai xăng và bao diêm. Buổi sáng, chờ lúc địch sở hở, em tiếp cận, tưới kho xăng vào khu vực chứa đạn và châm lửa. Lửa cháy loang, một tiếng nổ long trời, kéo theo hàng loạt tiếng nổ liên tiếp, làm rung chuyển cả thành phố. Lê Văn Tám người bị dính xăng, bắt lửa, tự biến mình thành cây đuốc sống đã hi sinh anh dũng. Kho bị phá hủy hoàn toàn. Đài phát thanh bên đường bị sập một phần lớn. Đại đội Âu Phi bảo vệ bị tiêu diệt. Gương hi sinh của em bé “đuốc sống” trở thành một hình tượng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước chiến đấu quên mình của thiếu niên nhi đồng trong những ngày đầu chống Pháp.

Ngày 18 tháng 10, sau nhiều lần nống ra nhưng bị đẩy lùi, Pháp huy động lực lượng lớn có tàu chiến, xe tăng, pháo binh yểm trợ tiến công đánh chiếm Thị Nghè. Đây là phòng tuyến khá vững chắc, có con sông Thị Nghè - một vật cản thiên nhiên chắn ngang. Bộ đội Thị Nghè phối hợp bố trí lực lượng phòng thủ theo lối trận địa chiến. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt ngay từ đầu. Nhân dân địa phương cùng lực lượng vũ trang do Nguyễn Bân chỉ huy và một số đơn vị bộ đội khác chống giữ rất kiên cường. Quân địch có xe tăng dẫn đầu tăng cường hỏa lực, đột kích chiếm đầu cầu của trận địa ta. Quân ta đẩy lùi được nhiều đợt tiến công của địch, đánh bật chúng ra khỏi cầu. Hai phân đội phòng thủ Hai Hổ và Bảy Trường hi sinh đến người cuối cùng. Giặc Pháp cuối cùng buộc phải rút lui, bỏ lại nhiều xác chết. Trận địa ta được giữ vững. Chiến thắng Thị Nghè gây chấn động trong cả nước. Phóng viên nước ngoài tại Sài Gòn bình luận đây là một thắng lợi lớn của quân kháng chiến. Tại Hà Nội, báo [/i]Cứu Quốc[/i] số ra ngày 19 tháng 10 viết: “Trận Thị Nghè sẽ ghi vào chiến sử Việt Nam”.

Ngày 19 tháng 10, 10 giờ sáng, quân ta tiến công ga xe điện Nancy gây cho quân Pháp nhiều thiệt hại. Cùng ngày tại Bà Quẹo, ta chặn đánh bẻ gãy cuộc hành quân của quân Anh ra Tham Lương.

Từ ngày 20 đến ngày 23 tháng 10, các lực lượng chiến đấu nội thành vẫn giữ thế bám trụ tiến công địch. Hãng dầu Cinan, kho chứa vải, chứa xăm lốp xe hơi bị đốt cháy. Cảm tử quân ném lựu đạn vào dinh Xã Tây, khách sạn Continental, diệt một số lính Pháp. Tại mặt trận cầu Tham Lương và mặt trận cầu Chữ Y, ta vẫn liên tiếp chặn đánh địch, bẻ gãy nhiều mũi tiến công của chúng.

Ngày 23 tháng 10, binh đoàn kị binh thiết giáp của đại tá Massu đến Sài Gòn, đưa tổng số quân Pháp tại Sài Gòn lên tới 6000 (không kể quân Anh, Ấn, Nhật). Có thêm quân, Leclerc bắt đầu thực hiện kế hoạch phá vây, mở rộng vùng chiếm đóng ra các tỉnh xung quanh Sài Gòn, đánh chiếm các tỉnh còn lại của Nam Bộ, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta, thực hành bình định. Một bộ phận lớn của binh đoàn Massu (thuộc sư đoàn 2 chiến xa), trung đoàn bộ binh thuộc địa số 5 và tiểu đoàn lính thủy đánh bộ phối hợp với quân Anh, Nhật, đã tổ chức các cuộc tiến công mở rộng phạm vi chiếm đóng.

Trong những ngày cuối tháng 10, quân Pháp - Anh dùng xe tăng và thiết giáp chọc thủng các phòng tuyến bao quanh Sài Gòn, đánh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An, Mĩ Tho. Quân ta, trừ một bộ phận ở lại nội đô, lần lượt rút ra ngoài bảo tồn và củng cố lực lượng sau hơn một tháng chiến đấu bao vây quân địch trong thành phố.

Hơn một tháng trời chiến đấu, quân và dân Sài Gòn có sự góp sức của các tỉnh phụ cận đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ “đi trước”: cần chân địch trong thành phố, làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng, tạo ra một khoảng thời gian quý báu để nhân dân Nam Bộ có điều kiện chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến sắp tới. Cuộc chiến đấu của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong hơn một tháng đầu kháng chiến là bản tráng ca bất hủ trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Hình ảnh của tiểu đội bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ, phân đội cắm lá cờ Tổ quốc lên tháp sở chữa lửa, phân đội bảo vệ mặt trận Thị Nghè, em bé “Đuốc Sống” và âm điệu những lời ca “Mùa thu rồi ngày hăm ba, “Lên đàng”, “Này Thanh niên ơi”… không bao giờ mờ phai trong kí ức mọi người.

Giờ đây, quân địch đã phá vỡ vòng vây Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và tiến chiếm các tỉnh Nam Bộ. Các đơn vị vũ trang ta phải tạm phân tán, rút lui ra nhiều hướng. Nhưng những kinh nghiệm đầu tiên về phát động cuộc chiến tranh nhân dân ở một thành phố lớn và sự từng trải trong hơn một tháng đầu thử lửa là hành trang vừa gom góp được để quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vững bước vào giai đoạn lịch sử kế tiếp.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Ba, 2012, 09:01:49 am
III. ĐẤU TRANH GIỮ VỮNG VÀ XÂY DỰNG PHONG TRÀO KHÁNG CHIẾN

Sau khi tiến công giải tỏa vòng vây bao quanh Sài Gòn, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp khẩn trương thực hiện kế hoạch đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ, với ba điểm chính: 1. Quân Anh lấy danh nghĩa Đồng Minh tước vũ khí quân Nhật, đánh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một rồi giao cho Pháp. 2. Quân Pháp tập trung lực lượng chia thành ba mũi đánh chiếm các tỉnh miền Trung Nam Bộ (một tiểu đoàn bộ binh thuộc trung đoàn số 5 (5è RIC) và binh đoàn thiết giáp Massu theo lộ Đông Dương 16 đánh chiếm Tân An, phát triển xuống Mĩ Tho. Đội Commando của Paul Satdier dùng tàu LIC kéo cờ Anh theo kinh Chợ Gạo tiến chiếm cầu tàu và đánh vào trung tâm thị xã Mĩ Tho. Lực lượng hải quân từ Ô Cấp đánh chiếm Gò Công, một bộ phận ngược sông Tiền Giang từ cửa Tiểu, cửa Đại thọc vào Mĩ Tho. 3. Khi sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (9è DIC) đến Sài Gòn sẽ phối hợp với cánh từ Campuchia, theo quốc lộ 1, đường 22 đánh chiếm Tây Ninh và vùng cao su Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp, Thuận Lợi, Dầu Tiếng… theo đường 13 lên.

Từ Sài Gòn, cuộc chiến tranh đã lan rộng ra toàn Nam Bộ! Nhiệm vụ chiến đấu của quân và dân Sài Gòn nói riêng và miền Đông Nam Bộ nói chung chuyển từ kềm chân địch trong thành phố sang làm chậm bước tiến quân xâm lược của chúng và khẩn trương củng cố lực lượng, chuẩn bị mọi mặt cho giai đoạn kháng chiến mới.

Ngày 25 tháng 10 năm 1945, tại xã Hậu Mĩ, huyện Cái Bè, Mĩ Tho (gần chợ Thiên Hộ, nay là xã Hậu Mĩ Bắc B) Hội nghị Xứ ủy Nam Bộ mở rộng được triệu tập nhằm kịp thời lãnh đạo cuộc kháng chiến đang lan rộng.

Trước đó, ngày 15 tháng 10, đã có một hội nghị cán bộ Đảng Nam Bộ tại cầu Vi (ngoại vi Mĩ Tho) có các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Thị Thập, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Hùng, Nguyễn Văn Kỉnh… tham dự Hội nghị tập trung thảo luận về xây dựng Đảng, củng cố tổ chức Việt Minh và các đoàn thể kháng chiến. Khắc phục tình trạng song song tồn tại hai xứ ủy Tiền Phong và Giải Phóng, Hội nghị quyết định giải thể cả hai Xứ ủy cũ, thành lập một Xứ ủy thống nhất 11 đồng chí (gồm cả Tiền Phong, Giải Phóng cũ và các đồng chí ở Côn Đảo mới về). Hội nghị cũng quyết định thống nhất lại các tỉnh ủy và Tổng bộ Việt Minh.

Tại Hội nghị Hậu Mĩ, các đại biểu tập trung bàn về tổ chức kháng chiến. Sau khi kiểm điểm tình hình, rút khởi nghĩa chỉ đạo cuộc kháng chiến từ sau hội nghị Cây Mai, biểu dương tinh thần chiến đấu anh dũng của quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, hội nghị đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh cuộc kháng chiến, tổ chức du kích rộng khắp, thực hành du kích chiến tranh, giải quyết cụ thể việc tổ chức kháng chiến ở một số tỉnh và quyết định giữ lại ở Nam Bộ phần lớn các đồng chí vừa ra tù để tăng cường cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cho các tỉnh. Riêng về lực lượng vũ trang, các đại biểu đã chỉ ra những sai sót trong việc xây dựng lực lượng vũ trang sau Tổng khởi nghĩa, việc thành lập các “sư đoàn dân quân cách mạng” và dự kiến sự tan rã tất yếu của các đơn vị này. Hội nghị đã đề ra những biện pháp cụ thể nhằm củng cố, xây dựng bộ đội như đưa đảng viên vào nắm bộ đội, đặt lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hai hội nghị cán bộ Đông Nam Bộ và giữa và cuối tháng 10 năm 1945 có ý nghĩa rất quan trọng. Nó vạch ra một số yếu tố làm cơ sở lí luận và tổ chức cho cuộc kháng chiến ở Nam Bộ phát triển trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt phức tạp lúc đó.

Ngày 29 tháng 10, qua Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Cứu Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào Nam Bộ:

“Hỡi đồng bào trong Nam!

Quân Pháp nấp dưới bóng quân đội Anh đang tàn sát đồng bào ta trong Xứ. Ở Mĩ Tho, ở Tân An, ở Biên Hòa, Nha Trang, quân Pháp đã xâm phạm nền độc lập của chúng ta. Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiên đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho hoàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy đủ tinh thần hi sinh chiến đấu.

Mặc dù quân Pháp có đủ khí giới tối tân, tôi biết chắc không bao giờ chúng cướp được nước ta đâu. Từ Nam chí Bắc đồng bào ta luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước. Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hi sinh của toàn thể một dân tộc.

Vì công lí, cuộc kháng chiến tự vệ của dân tộc ta phải toàn thắng. Quân Pháp đi đến đâu sẽ gặp cảnh đồng không nhà trống, không người, không lương thực. Chúng ta quyết không hợp tác với chúng, không chịu sống chung với lũ thực dân Pháp.

Đồng bào trong Nam, trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng, đang làm gương cho lịch sử thế giới. Ngày nay trước tình trạng khó khăn, toàn thể quốc dân Việt Nam hồi hộp theo dõi cuộc chiến đấu ở Nam Bộ. Nhưng thời cuộc càng khó khăn chừng nào, tôi chắc rằng tinh thần anh chị em càng cương quyết hơn chừng ấy. Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất, mà không đội quân xâm lăng nào đánh tan được”(1)

Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đã kịp thời khích lệ quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong giai đoạn lịch sử khó khăn này.


(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, t. 4, tr. 45-46.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Ba, 2012, 09:03:22 am
*
*   *

Đầu tháng 11 năm 1945, trung đoàn kị binh thiết giáp số 9 (9è Dragon) đến Sài Gòn. Pháp đưa quân tiến chiếm Gò Vấp, Gia Định và những vị trí khác do quân Anh giao lại, đồng thời mở cuộc hành quân lên phía Bắc và Tây Bắc phối hợp với cánh quân từ Campuchia xuống đánh chiếm Tây Ninh, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp, Dầu Tiếng. Các trung đoàn bộ binh thuộc địa số 21 (21è RIC), 23 (23è RIC) đóng quân án ngữ phía Bắc, Tây Bắc Sài Gòn. Sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (9è DIC) tỏa quân hoạt động càn quét vùng ven Sài Gòn, chà đi xát lại từng khu vực các cửa ô, đầu cầu, thôn xóm nhằm tiêu diệt lực lượng bám trụ của ta, xây dựng “vành đai an toàn” xung quanh thành phố.

Các cơ quan chính quyền, đoàn thể kháng chiến, lực lượng vũ trang của Nam Bộ và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định phải tản ra nhiều hướng. Ủy ban nhân dân Nam Bộ chuyển về Thủ Dầu Một. Ủy ban kháng chiến miền Đông chuyển về Biên Hòa, Xuân Lộc, rồi Phan Thiết. Thành ủy, Ủy ban kháng chiến Sài Gòn chuyển ra An Lạc, Bình Điền. Bộ chỉ huy mặt trận miền Đông cùng cơ quan tỉnh Gia Định, quận Gò Vấp rút về An Phú Đông. Bộ chỉ huy mặt trận số 4 rút xuống Rừng Sác cùng một bộ phận chiến đấu ở đây. Phần lớn lực lượng công đoàn xung phong rút ra ngoại thành rồi lên Tân Uyên, phân tán hoạt động ở khu vực Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Bộ chỉ huy mặt trận phía Bắc cùng lực lượng vũ trang Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa trụ đánh ở phía Bắc thành phố rồi về An Phú Xã.

Giữa lúc đó, trong bộ đội Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn, HT 29 diễn ra sự phân hóa sâu sắc. Trước sức tiến công của giặc Pháp, các đơn vị này bỏ chạy, tan rã. Nhiều bộ phận bộc lộ tính chất phức tạp, vô chính phủ, cơ hội, trở thành tai họa cho nhân dân.

Tư lệnh Đệ nhị sư đoàn Vũ Tam Anh vào thành hàng giặc, được cơ quan phòng nhì Pháp giao nhiệm vụ móc nối lôi cuốn một số nhân vật như Trần Quang Vinh, Phạm Công Tắc… hợp tác với Pháp chống lại Việt Minh.

Đệ tam sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp rút ra Gò Vấp, Hóc Môn, Đức Hòa. Tại đây, chúng ngang nhiên uy hiếp chính quyền địa phương, tước khí giới của du kích (cướp 40 khẩu súng của du kích Hóc Môn), tranh giành lực lượng với bộ đội Giải phóng quân Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, chặn cướp lương thực tiếp tế của ta. Sau đó rút về phía Bắc Hóc Môn (Phước Hiệp, Thái Mĩ), Rạch Gầm (Đức Hòa), rồi kéo xuống Đồng Tháp Mười, Cao Lãnh (Sa Đéc). Dọc đường, chúng cướp xe đạp, xe bò, xe thổ mộ, ghe xuồng, và cướp lúa gạo, trâu bò làm cho nhân dân sợ hãi, xa lánh. Sau cuộc càn của Pháp vào Cao lãnh, Đồng Tháp Mười tháng 2 năm 1946, Đệ tam sư đoàn quay trở lại Vàm Cỏ Đông. Về đến Thạnh Lợi, hầu hết chiến sĩ nhận chân bộ mặt thật của ban chỉ huy đã bỏ về gia nhập lực lượng vũ trang Đức Hòa. Năm nghìn quân tan rã, tư lệnh sư đoàn Nguyễn Hòa Hiệp nắm một trung đội về thành đầu Pháp. Phạm Hữu Đức, phó tư lệnh sư đoàn, nắm một trung đội về hợp với một bộ phận bộ đội Hải ngoại thành lập chi đội 5(1).

Đệ tứ sư đoàn chia làm hai cánh, một rút ra Gò Vấp, Lái Thiêu về Bến Cát, một theo lộ 15 về Chợ Cầu, Bến Cỏ, An Nhơn Tây rồi cùng hợp điểm ở Dầu Tiếng, núi Cậu (Thủ Dầu Một). Được giao nhiệm vụ chặn địch ở mặt trận Tham Lương, nhưng Lí Huê Vinh không chiến đấu mà lui về phía sau chặn lấy nguồn tiếp tế của Ban tiếp tế Hóc Môn đang chuyển ra tiền tuyến. Trên đường rút lui, đơn vị này thả sức uy hiếp, cướp bóc, bắn giết nhân dân. Tại núi Cậu, sau khi tước vũ khí của tự vệ, chúng bắt công nhân cao su đồn điền Mitchelin chở tất cả của cải cướp được lên núi đào hầm chôn cất rồi giết hết để giữ bí mật. Giặc Pháp chiếm Dầu Tiếng, lực lượng Đệ tứ tiếp tục bỏ chạy, tư lệnh sư đoàn Lí Huê Vinh tìm đường ra đầu hàng Pháp tại Trung Lập Hóc Môn. Phó tư lệnh Nguyễn Thành Long và tham mưu trưởng Trần Xuân Năm chạy về Đức Hòa hàng giặc. Đại bộ phận chiến sĩ được giác ngộ gia nhập bộ đội Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa.

Bộ đội HT29 rút ra Gò Vấp, rồi về An Thành (Bến Cát), Phú Mĩ Hưng (Hóc Môn), Lộc Thuận (Trảng Bàng). Quá trình rút chạy của lực lượng HT29 đồng thời với quá trình thổ phỉ hóa. Đi đến đâu, chúng cướp bóc, cưỡng hiếp phụ nữ đến đó. Ai chống lại thì chúng đem giết bằng các thủ đoạn man rợ như cột vào bao bố thả trôi sông. Khi Pháp chiếm đóng phía Bắc Củ Chi, một bộ phận kéo ra hàng giặc (trong đó có tên tham mưu trưởng, sau đó trở thành nhân viên phòng nhì khét tiếng gian ác), một bộ phận khác bị bộ đội Mười Trí tước vũ khí khi rút chạy ra phía Tây Vàm Cỏ Đông.

Đệ nhất sư đoàn chiến đấu ở mặt trận phía Tây Nam thành phố. Trước sức tấn công ồ ạt của địch, trong bộ đội diễn ra sự phân hóa: một bộ phận về Gò Công, Bến Tre. Một bộ phận Cộng hòa vệ binh chạy ra miền Trung rồi quay lại Bình Tuy, Bà Rịa và tan rã. Trừ một số trở lại làm ngụy binh, đại bộ phận tham gia các đơn vị vũ trang tại chỗ tiếp tục kháng chiến.

Như rơm nhanh chóng bén lửa, bùng lên rồi tắt lịm, một số phần tử phản động, cơ hội, quân phiệt trong những đơn vị vũ trang kể trên bị cuốn hút vào cơn lốc cách mạng hừng hực khí thế sau Tổng khởi nghĩa, giờ đây, trước khó khăn thử thách, dần dần lộ mặt và bị lịch sử sàng lọc.


(1) Phạm Hữu Đức được giao giữ chức chi đội trưởng chi đội 5, bị một chiến sĩ bảo vệ giết chết trên đường về căn cứ Khu 7.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Ba, 2012, 09:06:17 am
Ngày 20 tháng 11 năm 1945, tại An Phú xã (quận Hóc Môn ), Nguyễn Bình với danh nghĩa phái viên của phái viên của Trung ương(1) mở hội nghị quân sự. Dự hội nghị có 49 đại biểu đủ các thành phần quân dân chính, hầu hết ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Hội nghị thảo luận về kế hoạch thống nhất quân đội, thống nhất chỉ huy, vạch chương trình hành động chống Pháp, diệt tề trừ gian, củng cố chính quyền, đoàn kết quân dân, tiếp tế cho bộ đội, chuẩn bị phát động du kích chiến tranh và phân chia khu vực hoạt động của các đơn vị vũ trang. Hội nghị nhất trí cử Nguyễn Bình làm Tổng tư lệnh và Vũ Đức làm Chính ủy Giải phóng quân Nam Bộ. Hội nghị An Phú xã đã chấn chỉnh một bước tổ chức lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ, củng cố thêm lòng tin của bộ đội đối với sự nghiệp kháng chiến.

Trong khi các sư đoàn dân quân cách mạng, bộ đội HT29 chạy dài và tan rã, thì lực lượng công đoàn xung phong, thanh niên xung phong, công an xung phong, các đội cảm tử quân, dân quân du kích… trong nội thành, các đơn vị vũ trang ngoại thành do có các cán bộ cách mạng, các đảng viên làm nòng cốt xây dựng, chỉ huy hoặc do các cơ quan kháng chiến tổ chức lãnh đạo, tiếp tục vượt khó khăn, kiên quyết chiến đấu và phát triển.

Ngay từ tháng 11 năm 1945, trong lúc quân Pháp đang dàn mỏng lực lượng tiến chiếm các tỉnh còn lại ở Nam Bộ, thì tại nội thành Sài Gòn, những bộ phận ở lại bám trụ vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc tập kích địch. Mục tiêu chủ yếu nhằm vào các vị trí quân sự, lính Pháp đi lẻ và bọn tay sai phản động. Ngày 8 tháng 11 năm 1945, một nhóm vũ trang tấn công vào trụ sở tên cao ủy Pháp D’Argenlieu đặt tại phòng thương mại cũ. Ngày 21 tháng 11, quân ta đột nhập một kho vũ khí Pháp ở Sài Gòn, lấy được 15 súng đại liên và 72.000 viên đạn. Ngày 8 tháng 12 lúc 21 giờ, ta tấn công và thiêu hủy trại lính Pháp trên đường Droubet. Ngày 9 tháng 12 năm 1945, Ủy ban nhân dân Nam Bộ ra thông báo: “Đây là một trận tấn công lớn chưa từng có ở Nam Bộ”. Ba ngày sau (11-12-1945), quân ta phục kích một đoàn tàu địch trên sông Cần Đước (tỉnh Chợ Lớn), đánh chìm một tàu, một xà lan và 3 chiếc ghe lớn chở quân Pháp, quân ngụy và nhiều lương thực. 17 tên giặc Pháp bị đền tội.

Ở ngoại thành phía Bắc, các đơn vị vũ trang chiến đấu ở Hóc Môn, Bà Điểm, Đức Hòa và khu vực kề cận đã hợp thành một đơn vị bộ đội thống nhất, lấy tên Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa. Ngày 1 tháng 11 năm 1945, Giải phóng quân làm lễ ra mắt tại xã Mĩ Hạnh (Đức Hòa) trong không khí vui mừng của nhân dân địa phương. Thành phần của đơn vị hầu hết là thanh niên nông dân ngoại thành, một bộ phận nhỏ là công nhân từ thành phố ra, trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết cơ bản về tri thức quân sự, nhưng tấm lòng nhiệt huyết cách mạng. Trong những ngày giữ “Mặt trận Tham Lương sương gió lạnh lùng”(2), các chiến sĩ ở đây đã trụ bám và chiến đấu rất kiên cường. Các đơn vị Giải phóng quân liên quận được sự chỉ đạo và chỉ huy từ đầu của một số cán bộ Xứ ủy và Tỉnh ủy, trực tiếp là 3 ủy viên quân sự: Tô Kí, Cao Đức Luốc, Huỳnh Văn Một và 3 ủy viên chính trị: Hoàng Dư Khương, Hoàng Tế Thế, Nguyễn Đức Huy(3) (sau Trần Văn Trà thay Hoàng Dư Khương).

Sau ngày thành lập, Giải phóng quân liên quận tiếp nhận thêm nhiều đơn vị nhỏ lẻ khác và trở thành một đơn vị bộ đội đông và mạnh hoạt động trên các mặt trận phía Bắc Sài Gòn.

Ở phía Nam, các đơn vị vũ trang chiến đấu ở mặt trận số 4 và các khu vực liên quan cũng thống nhất lại. Một ngày đầu tháng 11 năm 1945, một hội nghị quân sự được triệu tập tại ấp Phước Cơ (xã Đa Phước, quận Cần Giuộc). Hơn 40 đại biểu về dự đại diện cho bộ đội mặt trận số 4 và một số đơn vị khác chiến đấu ở mặt trận phía Tây, mặt trận phía Đông rút về hoạt động ở khu vực phía Nam thành phố. Trừ một số đại biểu là đảng viên như Nguyễn Văn Trân, Trương Văn Bang, Từ Văn Ri, Nguyễn Văn Mạnh, còn phần đông vốn là những thủ lĩnh “anh chị”. giang hồ hảo hớn, nắm trong tay nhiều binh sĩ và vũ khí. Bên cạnh một số “thủ lĩnh” cơ hội, vô chính phủ kiểu lục lâm, nhiều chỉ huy trưởng vốn có tính cách nghĩa hiệp, yêu nước, chân thành phục vụ kháng chiến như Dương Văn Dương, Mai Văn Tĩnh, Huỳnh Văn Trí… Hội nghị Phước Cơ bầu chỉ huy chung các lực lượng phía Nam (gồm hơn 3000 cán bộ chiến sĩ) do Dương Văn Dương làm chỉ huy trưởng, Nguyễn Văn Mạnh làm tham mưu trưởng. Sở chỉ huy lực lượng thống nhất đặt tại Rạch Đỉa. Giữa tháng 11 năm 1945, giặc Pháp đưa quân đánh xuống Nhà Bè, Soài Rạp. Để bảo toàn lực lượng, Dương Văn Dương đưa bộ đội xuống Rừng Sác, rồi về Phước An (Long Thành - xây dựng căn cứ, củng cố lực lượng.

Cuối tháng 11 năm 1945, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định(4) quyết định chọn các đoàn viên thanh niên Cứu quốc huấn luyện quân sự để thành lập các đơn vị chiến đấu. tại Gò Vấp, các đoàn thanh niên trong hội học sinh các trường và tự vệ chiến đấu khu phố, làng xóm được chọn để tổ chức lại thành lực lượng thống nhất gọi là bộ đội Gò Vấp, do Hứa Văn Yên và Trần Đình Xu chỉ huy. Bộ đội Gò Vấp gồm 8 phân đôi, lấy phiên hiệu từ A 16 đến A 23. Mỗi phân đội có 40 đến 50 người, trang bị từ 25 đến 30 súng. Tại Dĩ An có hai lực lượng do Trần Thắng Minh và Đào Sơn Tây chỉ huy. Bộ đội Trần Thắng Minh và bộ đội Đào Sơn Tây có thành phần chủ yếu từ các đoàn thanh niên vũ trang và công nhân đề pô xe lửa Dĩ An. Tại Thủ Đức, các đơn vị thanh niên vũ trang vùng bưng được tổ chức lại thành 3 đơn vị bộ đội lấy phiên hiệu 44, 45, 46. Một bộ phận bộ đội Tân Bình do Nguyễn Thế Truyện chỉ huy rút sang nhập vào lực lượng vũ trang Thủ Đức, gọi là bộ đội 43. Chỉ huy chung bốn lực lượng bộ đội này là luật sư Thái Văn Lung. Sau khi Thái Văn Lung hi sinh(5), Tạ Nhứt Tứ lên thay làm chỉ huy trưởng bộ đội Thủ Đức.


(1) Nguyễn Bình, một cán bộ quân sự cấp cao được Trung ương cử vào Nam Bộ. Ông đến Thủ Dầu Một ngày 20 tháng 10 năm 1945, liên lạc được với một số cán bộ quân sự địa phương và đứng ra triệu tập một hội nghị tại sở cao su Võ Thành Tây (Bưng Cầu - Thủ Dầu Một). Tại hội nghị này, Nguyễn Bình đã cùng với một số cán bộ quân sự bàn bạc chuẩn bị hội nghị quân sự Nam Bộ tại An Phú xã.
(2) Lời một câu vọng cổ phổ biến ở giai đoạn này, phản ánh tình hình khó khăn ác liệt ở mặt trận phía Bắc.
(3) Nguyễn Đức Huy tham gia kháng chiến ở chiến trường miền Đông Nam Bộ đến hết cuộc kháng chiến chống Pháp, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như Phó bí thư khu ủy khu 7, Bí thư Đảng ủy Phân khu Duyên Hải. Sau tập kết (1954), bị phát hiện là đã phản bội từ trước Cách mạng tháng Tám.
(4) Tỉnh Gia Định lúc này có 4 quận: Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè. Quận Hóc Môn gồm cả phạm vi Củ Chi ngày nay. Quận Nhà Bè gồm cả huyện Cần Giờ hiện nay.
(5) Thái Văn Lung là một trí thức tiến bộ, một tín đồ công giáo kính Chúa yêu nước, có uy tín trong giới trí thức và đồng bào thành phố. Đồng thời, ông là một vị chỉ huy giỏi, chỉ huy bộ đội đánh nhiều trận quyết liệt khi quân Anh - Pháp tiến chiếm Thủ Đức. Ông bị giặc Pháp bắt, dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, nhưng vẫn giữ vững khí tiết và hi sinh anh dũng tại khám đường.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Ba, 2012, 09:08:38 am
Lực lượng Tổng công đoàn Nam Bộ chia thành hai bộ phận. Bộ phận miền Đông dời trụ sở ở Gò Vấp về An Phú Đông, tổ chức các đội xung phong công đoàn thành các đơn vị như bộ đội Trần Cao Vân, bộ đội Nguyễn Văn Giỏi, bộ đội Nguyễn Năng Tạo… Bộ phận miền Tây lần lượt dời trụ sở từ Cây Mai về Phú Lâm, Bình Điền, Gò Cát, tổ chức công nhân trong các hãng xưởng thành từng đơn vị vũ trang chiến đấu như bộ đội Đaiken (hãng Đaiken), bộ đội Cân Vân (hãng đúc Cân Vân), bộ đội Mười Thìn, Mai Xuân Thưởng, Quang Trung, các đơn vị lave, xích lô, thợ nón… các đơn vị hộ 4, hộ 10, hộ 15… tại phía Nam. Tổng công đoàn cũng tổ chức và chỉ đạo các đơn vị vũ trang tại các hộ 3, 13, 16, 17, 18(1).

Mặc dù các tuyến phòng thủ đã bị phá vỡ, nhiều tổ chức vũ trang hoặc phân hóa tán rã hoặc rút lui về các chiến trường xa thành phố, xung quanh Sài Gòn, các đơn vị vũ trang của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vẫn quyết tâm bám trụ và hơn thế, được tổ chức lại phù hợp với đòi hỏi của tình hình. Trên thực tế, tại các mặt trận bao quanh Sài Gòn vẫn còn lực lượng chiến đấu.

Cuối năm 1954, đồng chí Đàm Minh Viễn mang chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Ban chấp hành Trung ương Đảng vào đến Nam Bộ. Chỉ thị nêu rõ: “nhiệm vụ chiến thuật của ta ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ là phải cắt đứt dây liên lạc giữa các thành phố đã lọt vào tay địch, phong tỏa những thành phố ấy về kinh tế, bao vây về chính trị, nhiễu loạn về quân sự… phải áp dụng chiến tranh du kích đến triệt để và cổ động nhân dân thi hành bất hợp tác ở các thành thị quân địch làm chủ và thi hành “Vườn không nhà trống” nếu quân Pháp tràn về quê. Điều cốt tử là phải giữ vững liên lạc giữa các chiến khu để thống nhất chỉ huy, nơi nào rút khỏi thành thị thì quân ta phải chiếm đóng ở những điểm chiến lược lợi hại tiến có thể đánh, lui có thể giữ. Các vùng chiến tranh chưa lan đến cũng phải chuẩn bị đối phó khi tiến, khi lui, kế hoạch tiến công cũng như kế hoạch rút lui cũng phải hết sức chu đáo (phòng thủ mọi việc, địa điểm, cán bộ, lương thực, thuốc men, quần áo, vũ khí, vật liệu, cơ điện v.v…)(2)

Cùng thời gian này, Chính phủ lâm thời quyết định chia cả nước thành các chiến khu và đổi tên Giải phóng quân thành Vệ quốc đoàn.

Tiếp nhận chỉ thị của Trung ương, ngày 10 tháng 12 năm 1945 tại Bình Hòa Nam bên bờ hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông, Hội nghị Xứ ủy mở rộng được triệu tập. Các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt cùng nhiều xứ ủy viên, cán bộ quân sự đã về dự. Sau khi quán triệt chỉ thị của Trung ương, Hội nghị quyết định giải thế Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, thành lập Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam do Cao Hồng Lĩnh làm chủ tịch, Đàm Minh Viễn chủ nhiệm tham mưu, Trần Ngọc Danh chủ nhiệm chính trị, đồng chí Tôn Đức Thắng phụ trách chủ nhiệm hậu cần. Chấp hành quyết định của Trung ương, Hội nghị chia Nam Bộ thành 3 khu 7, 8 và 9, chỉ định khu trưởng và chủ nhiệm chính trị từng khu, đồng thời đề ra các biện pháp nhằm củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng các chi đội Vệ quốc đoàn và căn cứ địa kháng chiến. Hội nghị Bình Hòa Nam đánh dấu mốc quan trọng: thống nhất lực lượng vũ trang toàn Nam Bộ.

Từ đây, Khu 7 (còn gọi là Chiến khu 7, một tổ chức hành chánh - quân sự, như quân khu ngày nay) gồm thành phố Sài Gòn, tỉnh Gia Định, tỉnh Chợ Lớn và các tỉnh ở miền Đông Nam Bộ(3). Bộ chỉ huy gồm: Nguyễn Bình, khu bộ trưởng, Trần Xuân Độ, chủ nhiệm chính trị bộ, Dương Văn Dương khu bộ phó(4). Thực hiện nghị quyết của Hội nghị Xứ ủy, Nguyễn Bình ra thông tri xóa bỏ nghị quyết Hội nghị An Phú xã, thông báo các nội dung quyết định của Hội nghị Bình Hòa Nam, đổi tên Tổng hành dinh thành khu bộ, dời sở chỉ huy từ An Phú xã lên Tân Uyên (Biên Hòa) xây dựng căn cứ (ngày 17 tháng 12 năm 1945).

Trên cơ sở một số bộ đội sẵn có, Nguyễn Bình quyết định thành lập các chi đội Vệ quốc đoàn của khu. Sau chi đội 1 (xây dựng từ bộ đội Thủ Dầu Một do Huỳnh Kim Trương chỉ huy) bộ đội Dương Văn Dương được xây dựng thành hai chi đội mang phiên hiệu 2 và 3. Bộ chỉ huy liên chi 2- 3 gồm Dương Văn Dương chỉ huy trưởng, Từ Văn Ri tham mưu trưởng. Riêng chi đội 2 gồm 3 đại đội do Lê Văn Chàng chi đội trưởng, Nguyễn Văn Soái chi đội phó, Nguyễn Lộc chính trị viên. Đại đội 1 gồm bộ đội Nhà Bè sau bổ sung bộ đội Cần Đước, Nguyễn Văn Soái kiêm đại đội trưởng. Đại đội 2 lấy từ bộ đội Tân Quy do Quách Văn Phải làm đại đội trưởng. Đại đội 3 lấy từ bộ đội Tân Thuận do Trần Văn Thơ làm đại đội trưởng… Chi đội 3 do Từ Văn Ri làm chi đội trưởng. Sau khi Từ Văn Ri hi sinh (tháng 3 năm 1946) Ngô Văn Lực thay, Lê Văn Lung là chi đội phó, Lâm Văn Hậu chính trị viên. Đại đội 1 lấy từ bộ đội Thủ Thiêm do Võ Văn Môn làm đại đội trưởng. Đại đội 2 lấy từ bộ đội Gò Công do Trương Công Trứ làm đại đội trưởng. Đại đội 3 lấy từ bộ đội Phú Nhuận do Nguyễn Văn Huỳnh làm đại đội trưởng. Bộ đội Huỳnh Văn Tri ở Bà Quẹo xây dựng thành chi đội 4 do Huỳnh Văn Tri làm chi đội trưởng, Nguyễn Văn Triệu làm chi đội phó, Tư Lạc làm chính trị viên. Chi đội gồm 3 đại đội đủ quân số. Đây là 3 chi đội đầu tiên trên địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.


(1) Hộ (Quariter) là đơn vị hành chánh ở thành phố, gần như quận ngày nay, do Pháp đặt ra. Trong thời kì kháng chiến ta vẫn giữ nguyên tổ chức hành chánh này.
(2) Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Nội, 1986, NXB Sự thật, t. 1, tr.37.
(3) Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Bà Rịa.
(4) Khu 8 Đào Văn Trường - khu bộ trưởng, Lê Văn Sĩ - chủ nhiệm chính trị bộ, Trương Văn Giàu - khu bộ phó. Khu 9: Vũ Đức - khu bộ trưởng, Phan Trọng Tuệ - chủ nhiệm chính trị bộ, Nguyễn Ngọc Bích sau là Huỳnh Văn Hộ - khu bộ phó.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Ba, 2012, 09:09:59 am
Đầu năm 1946, một số đơn vị vũ trang vùng ven gồm bộ đội Dương Văn Dương, bộ đội Tô Kí, bộ đội Đào Sơn Tây phối hợp với bộ đội Biên Hòa của Huỳnh Văn Nghệ và bộ đội Thủ Dầu Một của Huỳnh Kim Trương tấn công quân địch trong thị xã Biên Hòa. Đây là trận đánh do khu bộ trưởng Khu 7 tổ chức nhằm gây tiếng vang trong tình hình địch đang mạnh. Giữa đêm 1 tháng 1, từ nhiều hướng, quân ta bất ngờ tập kích các trạm gác, công sở, nhà lao đầu cầu. Sau một lúc lúng túng, quân Pháp tổ chức phản kích. Chúng cố thủ trong các thành, các công sự kiên cố, dùng hỏa lực mạnh bắn khống chế lực lượng tiến công. Quân ta buộc phải rút lui sau khi diệt một số tên Pháp, bắn cháy nhà lồng chợ và một vài công sở của địch. Trận đánh không thu được kết quả lớn, nhưng có tác dụng khích lệ tinh thần đồng bào ở Biên Hòa và vùng ven thành phố.

Ở nội thành, từ đầu năm, không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử Quốc hội khóa I diễn ra thầm lặng nhưng rất khẩn trương. Ngày 6 tháng 1 năm 1946, 40.000 cử tri nội thành (chiếm 82% tổng số cử tri) đã bỏ phiếu bầu những đai biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Khu phố nào cũng có thùng phiếu lưu động được cán bộ chiến sĩ đưa tới từng hẻm để đồng bào bỏ phiếu. Kết quả, tại khu vực thành phố, các đại biểu Tôn Đức Thắng, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Đôn Văn, Nguyễn Văn Tư trúng cử đại biểu Quốc hội. Trong cuộc bầu cử này, 38 cán bộ hi sinh. Đồng chí Nguyễn Văn Tư, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Sài Gòn, hi sinh trong khi làm nhiệm vụ chỉ đạo bầu cử. Thắng lợi của cuộc bầu cử ngày 6 tháng 1 biểu thị lòng tin tưởng sắt đá vào Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ kháng chiến, vào con đường tranh đấu cho độc lập thống nhất của đồng bào thành phố Sài Gòn.

Cũng trong ngày 6 tháng 1, ban Trinh sát quân chính thành được thành lập. Thanh viên bao gồm các đồng chí vừa tốt nghiệp khóa học quân chính Hồ Chí Minh tháng 12 năm 1945. Trong thời gian này, thực dân Pháp tiếp tục tiến đánh các tỉnh còn lại ở Nam Bộ. Trước đó, vào cuối năm 1945, tiếp tay cho Pháp, Mĩ cho 8 tàu chiến chở sư đoàn bộ binh thuộc địa số 9 (9è DIC) của tướng Valluy và một tiểu đoàn dù gồm 500 tên đến Sài Gòn. Từ ngày 5 tháng 1 đến ngày 8 tháng 2 năm 1946, quân Pháp đánh chiếm thị xã Sóc Trăng, Trà Vinh, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Bến Tre và Bà Rịa.

Đồng thời với việc mở rộng phạm vi chiếm đóng, thực dân Pháp bắt đầu tuyển ngụy quân, ráo riết tập hợp bọn tay sai thành lập bộ máy cai trị bù nhìn ở các địa phương. Cơ quan Phòng Nhì Pháp ra sức tổ chức mạng lưới tình báo, gián điệp, do thám, chỉ điểm đế từng hẻm phố, xóm ấp, vừa thực hiện thủ đoạn nhằm phát triển cơ sở trong tri thức, các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Thiên chúa giáo, lực lượng vũ trang Bình Xuyên và một số thanh niên Cộng hòa vệ binh. Tháng 2 năm 1946, sau nhiều lần thất bại trong cuộc vận động trí thức Sài Gòn hợp tác, Cédille mới lập được “Hội đồng tư vấn Nam Kì” gồm 12 người, trong đó có 8 người Việt thì 7 người mang quốc tích Pháp! Hội đồng tư vấn gấp gáp bầu Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng chính phủ “Cộng hòa Nam Kì”.

Ngày 5 tháng 2 năm 1946, đoàn tàu chở sư đoàn bộ binh thuộc địa số 3 (3è DIC) do Nyo chỉ huy cập bến Sài Gòn. D’Argenlieu và Leclerc chủ trương khẩn trương hoàn tất việc chiếm đóng vùng nông thôn Nam Bộ. Chúng tổ chức các cuộc hành quân “bình định” khắp nơi. Hệ thống đồn bót của địch giăng khắp.

Ngày 6 tháng 2 năm 1946, Leclerc ra thông báo tuyên bố: “Cuộc hành quân đánh chiếm Nam Kì và Nam Trung Bộ đã hoàn tất”. Tuy vậy, thực dân Pháp gặp rất nhiều khó khăn. Tác giả cuốn Biên niên chiến tranh Đông Dương nhận định: “Đó là một ảo tưởng của một tên tướng được giao nhiệm vụ chiếm đất đai, tự cho là sức mệnh đã hoàn thành. Dùng sức mạnh bằng chiến xa, tàu chiến đi qua mà không hề chiếm được. Sư đoàn số 9 ((9è DIC) có nhiệm vụ truy quét đẩy lùi các toán Việt Minh, nhưng không tiêu diệt được họ, thời gian và sức mạnh ấy không đủ để nó tác động đến dân chúng, quân số quá ít không đủ để kiểm soát toàn bộ lãnh thổ 1/400 người hay 1/7 km2). Những cuộc hành quân bằng cơ giới, tàu đổ bộ được pháo binh yểm trợ, bao vây khép chặt lại một vùng rồi lục soát bắn giết. Quân lính phải đi theo bờ ruộng ngoằn nghèo, chậm chạp. Dưới trời nắng gay gắt của khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt, xung quanh là những làng mạc, cánh đồng hoang vắng, sự có mặt vô hình của kẻ thù đột nhiên xuất hiện bắn mấy loạt nổ vào đội hình, quân lính hoảng hốt nhảy xuống ruộng, bì bõm trong bùn ngập đến đầu, đến cổ, để chống lại vu vơ với kẻ thù im lặng. Vào đến xóm làng tưởng kẻ thù rút vào đó, đến nơi chỉ thấy có người già, trẻ em còn lại. Cuộc tiến quân nặng nề vì phải cõng vác những kẻ bị thương trên lưng, trên vai… Chỉ trong hai tháng mà sư đoàn số 9 ((9è DIC) làm nhiệm vụ truy quét bảo vệ toàn Sài Gòn đã mất 1/8 quân số chết và bị thương. Một cuộc chiến tranh lạ lùng, vô lối nhưng đó lại là một cuộc chiến tranh thực sự mà hành động của họ mang lại nhiều tổn thất nặng nề cho quân đội Pháp. Đến tháng 2 năm 1946, sư đoàn 3 bộ binh thuộc địa ((3è DIC) thay thế cho sư đoàn 9è DIC. Cuộc hành quân tái chiếm đã kết thúc, nhưng cuộc bình định vẫn tiếp tục không biết đến bao giờ”(1).

Trong thực tế đến tháng 2 năm 1946, quân Pháp chỉ chiếm đóng được thành phố Sài Gòn, các thị trấn trọng yếu và đường giao thông chiến lược. Phần lớn lực lượng phải phân tán để đóng giữ các địa phương. Hoạt động quân sự tập trung vào việc xây dựng và củng cố các căn cứ không quân, kho tàng hậu cần, hệ thống đồn bót và thiết bị bảo vệ xung quanh căn cứ quân sự, hành quân tuần tiễu đường giao thông và tổ chức không thường xuyên các cuộc tấn công vào căn cứ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của ta. Vùng nông thôn ngoại thành, về cơ bản, vẫn do ta làm chủ.


(1) Xem Lịch sử cuộc chiến tranh chống Pháp ở miền Đông Nam Bộ (tài liệu đánh máy) Phòng Khoa học - Lịch sử quân sự Quân khu 7, tr. 29-30.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Ba, 2012, 09:13:03 am
Các căn cứ địa kháng chiến lần lượt ra đời, tạo thành một hệ thống chiến khu bao quanh thành phố.

Chiến khu An Phú Đông nằm ở phía Đông Bắc thành phố, gồm vùng đất thuộc hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc (quận Gò Vấp). Cách Sài Gòn 4km đường chim bay, cách Gò Vấp 1km đường bộ, nằm về phía hữu ngạn, lọt giữa một bên phía Đông là sông Sài Gòn, một bên là Rạch Cát chảy vòng từ phía Tây lên phía Bắc, An Phú Đông và Thạnh Lộc như một cù lao có dáng hình bầu dục rộng khoảng 10km2. Đây là vùng địa hình có vườn cây và đồng ruộng, sông rạch, bờ mương chằng chịt, xung quanh có bờ bao nước sông vào ra theo thủy triều lên xuống của sông Sài Gòn. Đất đai màu mỡ, vườn cây, đặc biệt là cây ăn trái xanh tốt, trù phú. Dân cư tập trung đông đúc. Từ đây, có thể giao lưu thuận tiện về phía Tây Bắc Thạnh Lộc đến Quới Xuân, Nhị Bình, Bình Lí, Tân Mĩ (Hóc Môn) sang phía Đông sông Sài Gòn các xã Vĩnh Phú, Tam Bình nối liền lên xã Tân Đông Hiệp (Dĩ An); phía Đông Nam có Hiệp Bình, Bình Lợi nối liền với xã Bình Hòa và Thạnh Mĩ Tây.

Thực hiện chủ trương “lập những khu căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn”, “Không rút đi xa, cố bám đất, bám dân, làm chiến tranh du kích, làm chiến tranh nhân dân”(1) của tỉnh ủy Gia Định đề ra từ đầu cuộc kháng chiến, sau ngày 5 tháng 10 năm 1945, đại bộ phận các cơ quan quân, dân, chính, đảng và sở chỉ huy các đơn vị vũ trang tỉnh Gia Định và quận Gò Vấp chuyển lần về An Phú Đông - Thạnh Lộc. Kế đến, sở chỉ huy mặt trận tiền tuyến miền Đông, trụ sở Tổng công đoàn Nam Bộ, liên hiệp công đoàn Sài Gòn và nhiều tổ chức kháng chiến khác, kể cả Ủy ban kháng chiến xã Hanh Thông cũng lần lượt rút về đây xây dựng căn cứ.

Nhân dân An Phú Đông - Thạnh Lộc sau khi lập trạm đón tiếp từng đoàn người tản cư từ thành phố ra, lại nhanh chóng bắt tay vào việc tiếp tế, bố trí nơi trú đóng của các cơ quan, đơn vị. Nhân dân ấp Đông Nhứt chọn những ngôi nhà khang trang nhất, những gian rộng rãi, kể cả chỗ gần nơi thờ cúng thiêng liêng, bàn tủ, giường chiếu và tiện nghi có thể có được giành cho cán bộ, chiến sĩ ăn ở, làm việc. Thanh niên phụ nữ các ấp tham gia tiếp tế, cấp dưỡng. Nam giới từ 18 đến 50 tuổi luân phiên canh gác những nơi xung yếu ven sông Sài Gòn và những giao lộ dẫn vào xã. Các trạm gác được lập dọc theo bờ sông Sài Gòn từ Vàm Thuận đến Thạnh Lộc, nối báo với nhau bằng tín hiệu mõ, tù và. Các công sự, ụ chiến đấu được đào khắp các nơi.

Tại đây, Tỉnh ủy Gia Định, Ủy ban kháng chiến tỉnh (do Nguyễn Văn Dung và Nguyễn Văn Công làm chủ tịch và phó chủ tịch) đã đề ra những chủ trương, chỉ đạo cuộc kháng chiến trong những tháng cuối năm 1945, đầu năm 1946. Tổng công đoàn Nam Bộ (do Lí Chính Thắng làm tổng thư kí) lập trạm đón tiếp công nhân từ thành ra. Tại nhà ông Tư Quyền làm thân hào làng Thạnh Phú, tòa soạn báo Cảm tử xuất bản 4000 tờ mỗi số (mối tháng 6, 7 số) bí mật đem vào phát hành trong thành phố và gửi đi các tỉnh Nam Bộ. Xưởng vũ khí gần nhà ông Mười Bò và trong chòi giữ thơm của ông Mười Nguyễn mỗi ngày nhồi được 50 viên đạn, sản xuất 50 lựu đạn, và một số vũ khí thô sơ khác. Cũng từ đây, các đơn vị vũ trang Lí Thường Kiệt, Kí Con, Trần Cao Vân, Quang Trung, Nguyễn An Ninh… xuất phát đi hoạt động đán giặc ở Gò Vấp, Bà Chiểu, Phú Nhuận, Tân Định.

Giặc Pháp nhiều lần đưa quân tấn công An Phú Đông hòng tiêu diệt cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến ở đây. Trong cuộc càn đầu tiên vào căn cứ này ngày 15 tháng 12 năm 1945, quân Pháp cùng quân Anh, Ấn có pháo binh, máy bay, tàu chiến yểm trợ bao vây chặt ấp Đông Nhứt. Hàng ngàn tên sục vào một khu vực nhỏ lục soát, bắn giết, đốt phá, từ sáng sớm đến 1 giờ chiều. Chúng đốt phá hơn 30 nhà dân, phá hủy hơn một nửa số lương thực thực phẩm, doanh trại, kho tàng, ghe xuồng, bắt đi 35 thanh niên và 10 cụ già. Sau trận càn, Pháp đóng chung quanh An Phú Đông một loạt đồn bốt: đồn Bình Lợi, bót ông Dầu, bót Bình Phước, bót Lập Be, bót Vĩnh Phú (Lái Thiêu), bót Bến Cát, Bót An Nhơn, bót Ba Thôn, chốt trục giao thông Gò Vấp đi Nhị Bình và Lái Thiêu.

Thực hiện chỉ thị của khu về xây dựng căn cứ địa, hội nghị cán bộ tỉnh Gia Định tại vườn Cau Đỏ, xã Thạnh Lộc (ngày 25 tháng 12 năm 1945) quyết định chính thức thành lập chiến khu An Phú Đông, lấy hai xã An Phú Đông và Thạnh Lộc làm trung tâm căn cứ, mở rộng phạm vi cơ động về phía sau: Quới Xuân, Tân Thới Hiệp, nối liền với Nhị Bình, Đông Thạnh, Bình Lí, Tân Mĩ, tạo thành một hành lang thuận tiện di chuyển bảo toàn lực lượng và chặn đánh địch. Cán bộ chiến sĩ bám lại. Các cơ quan kháng chiến tiếp tục hoạt động. Nhân dân sáng tạo nhiều cách đánh địch, xây dựng hệ thống phòng thủ trên mặt đất và hầm hào bí mật, hầm hào chìm dưới nước (hầm cá trê).

Cụm danh từ “Chiến khu An Phú Đông” cùng với những câu thơ của nhà thơ Xuân Miễn trở thành biểu tượng của cuộc chiến đấu gian khổ những ngày đầu kháng chiến ở ngoại vi Sài Gòn(2).


(1) Xem Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, tr. 361.
(2) Thơ An Phú Đông của Xuân Miễn năm 1946 có những câu:
“Bạn đã từng nghe An Phú Đông
Một làng nho nhỏ ở ven sông.
Một năm chinh chiến! Ôi chinh chiến!
Sóng nước Sài Gòn nhuộm máu hồng.
Từ đấy đất này vang tiếng súng
Âm thầm mưa gió… bóng quân đi
Trên đường gặp lại bao nhiêu mộ
Của những người đi chẳng trở về
An Phú Đông! Đây An Phú Đông!
Trả lời tiếng gọi của non sông
Trẻ già đã biết hi sinh hết.
Biết trả thù chung đổ máu hồng”.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Ba, 2012, 09:16:18 am
Chiến khu Rừng Sác ở phía Đông Nam thành phố, là một vùng rừng đước, chà là ngập mặn rộng đến 600 héc ta, phía Bắc là khu lòng chảo Nhơn Trạch, phía Đông là quốc lộ 15, phía Tây là sông Soài rạp, phía Nam kéo dài sát biển Đông. Rừng Sác là nơi tập hợp của hàng trăm sông rạch lớn nhỏ, chằng chịt ngang dọc ngoằn ngoèo như mạng nhện, tạo nên những đảo triều lúp xúp nổi giữa mênh mông nước (diện tích mặt sông rạch chiếm 1/4 diệt tích toàn Rừng Sác). Quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống sông rạch ở Rừng Sác là sông Lòng Tàu - tên gọi gộp nhiều đoạn sông dài 45km nối biển Đông ở cửa biển Gành Rái đến ngã ba sông Đồng Tranh, sông Nhà Bè vào Cảng Sài Gòn, một cửa biển quốc tế, cái “cuống họng” của Sài Gòn và Nam Bộ. Phủ lên Rừng Sác là cả một vùng cây ngập mặn như mắm, bần, đước, dà, chà là, dừa nước… đan níu nhau từng từng lớp lớp, tạo nên những “đám lá tối trời”, những “mái nhà”, hang động. Sông rạch, đảo triều, rừng cây làm cho Rừng Sác rở thành một khu vực cực kì hiểm trở, một “trận đồ bát quái”. Trận đồ bát quái” này lại nằm kế cận thành phố Sài Gòn, bao bọc xung quanh con đường thủy chiến lược - Lòng Tàu - nối liền Sài Gòn với quốc tế.

Rừng Sác vì thế, từ những thế kỉ trước đã được Nguyễn Huệ, rồi Trương Định chọn làm căn cứ địa. Trước Cách mạng Tháng Tám, nơi đây là địa bàn trú ẩn của những người có chí khí khai sơn phá thạch, khuấy nước chọc trời, cát cứ một cõi; những người trốn lính, phu, thuế, cờ bạc, hút chích bị chính quyền thực dân truy nã; những người là hảo hớn giang hồ, đảng cướp lưu manh, bị xã hội dồn đến chân tường, sông ngoài vòng pháp luật.

Cuối tháng 11 năm 1945, sau khi mặt trận Rạch Đỉa - Cây Khô (Nhà Bè) bị vỡ, bộ chỉ huy mặt trận số 4 rút xuống Rừng Sác. Bộ đội Dương Văn Dương (gồm cả lực lượng Nhà Bè, Thủ Thiêm, Tân Thuận…) về Phước An - một xã thuộc quận Long Thành, phân nửa nằm trên đất liền phía Nam lòng chảo Nhơn Trạch, phân nửa là Rừng Sác ngập nước. Sở chỉ huy và các đơn vị chiến đấu đóng rải rác trong các ấp Bà Trường, Bàu Bàng, Vũng Gấm… Bộ đội Nguyễn Văn Mạnh về đứng chân ở khu vực Bà Trao - Núi Nứa. Bộ đội Tư Hoạch cũng rút về Rừng Sác.

Chấp hành chỉ thị của Khu bộ trưởng Nguyễn Bình, 22 giờ đêm ngày 5 tháng 2 năm 1946 (tức mồng 3 tết Bính Tuất), hai phần ba lực lượng liên chi đội 2 - 3 vượt sông Soài Rạp, hành quân xuống chi viện cho Bến Tre. Cùng lúc, lực lượng ở lại đồng loạt tập kích tàu thuyền trên sông Soài Rạp và các cứ điểm đồn bót tại Vàm Sát, Rạch Rào, Đồng Tròn, Rạch Cốc để thu hút địch. Cùng thời gian này, bộ đội Tám Mạnh và Tư Hoạch phối hợp với lực lượng vũ trang Cần Đước, Cần Giuộc đồng loạt tập kích 12 vị trí của giặc ở vùng phía Nam thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Số quân còn lại của liên chi đội 2 - 3 chia làm hai bộ phận trụ lại Rừng Sác xây dựng căn cứ: Bộ phận thứ nhất gồm bộ đội Mười Đen và lực lượng còn lại của 6 đơn vị chiến đấu chia quân đứng chân trên khu vực Rừng Giồng giữa lòng chảo Nhơn Trạch, do Đinh Văn Nhị chỉ huy. Bộ phận thứ hai đóng quân dưới Rừng Sác vùng ngập nước gồm các bộ phận binh công xưởng, tàu kéo, ghe thuyền, trọng pháo, quân y viện, kho tàng đặt tại Rạch Xu, Rạch Vàm Tượng, do Dương Văn Hà (em Dương Văn Dương) chỉ huy. Công tác xây dựng căn cứ địa được xúc tiến khẩn trương, có kế hoạch chu đáo.

Sau khi Bến Tre thất thủ, Dương Văn Dương hi sinh(1). Bộ đội liên chi đội 2 - 3 do Trần Văn Đối giữ quyền chỉ huy quay về Rừng Sác. Đêm 24 rạng ngày 25 tháng 2 năm 1946, đoàn quân về đến Rừng Sác. Cuối tháng 2, Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) đưa bộ đội Phú Thọ từ căn cứ Vườn Thơm xuống Rừng Sác. Từ đây Rừng Sác trở thành căn cứ chủ yếu của bộ đội Bình Xuyên(2).

Cùng với bộ đội Bình Xuyên, tại Rừng Sác, còn có hàng chục tổ chức kháng chiến về đứng chân hoạt động như các bộ phận hậu cứ cơ quan lãnh đạo các tỉnh Chợ Lớn, Bà Rịa, Thị xã Cấp, các cơ quan kháng chiến Sài Gòn (liên hiệp công đoàn, công tác Thành, công an xung phong…), các cơ quan quân dân chính đảng các quận Nhà Bè (Gia Định), Cần Giuộc, Cần Đước (Chợ Lớn), Hòa Tân (Gò Công) và cơ quan kháng chiến các xã đất liền ven phía Tây sông Soài Rạp…(3)

Đến cuối tháng 2 năm 1946, Rừng Sác trở thành một căn cứ sôi động ở ngoại vi Đông Nam thành phố. Tại đây, bộ đội tỏa ra hoạt động đánh địch khắp nơi: tập kích huyện lị Nhà Bè, huyện lị Cần Guộc, đánh đồn bót dọc sông Lòng Tàu, dọc liên tỉnh lộ 19, phục kích diệt tàu ghe của địch trên các sông rạch.

Căn cứ Bình Mĩ: ở phía Bắc thành phố, gồm ba xã Bình Lí, Tân Mĩ, Mĩ Bình thuộc quận Hóc Môn nằm cập theo sông Sài Gòn bên tả ngạn (liền ranh bên hữu ngạn sông Sài Gòn với căn cứ An Sơn, An Thạnh, Phú Cường, thuộc Lái Thiêu tỉnh Thủ Dầu Một). Phía Bắc có tỉnh lộ 8 từ Đức Hòa chạy qua quốc lộ 1 đến bến đò sông Sài Gòn sang thị xã Thủ Dầu Một. Phía Tây có đường 15 từ Sài Gòn qua Hóc Môn lên Bến Cỏ đến bến đò Bến Súc, đường số 5 chạy xéo qua từ cầu Xáng đến Bình Mĩ giáp tỉnh lộ 8. Phía Tây Nam là sông Rạch Tra chảy qua cầu Xáng, cầu Bông (nay là ranh giới thiên nhiên giữa hai huyện Củ Chi và Hóc Môn). Theo phía Bắc có thể phát triển nối với Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Hòa Phú, An Phú xã, Khu 5(4), xa hơn nữa là Bến Cát, Trảng Bàng; từ phía Tây, căn cứ nối qua Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, đền Giồng, Ông Hòa, Bàu Công (Đức Hòa).

Đứng chân tại căn cứ Bình Mĩ, ngoài các cơ quan kháng chiến và các lực lượng vũ trang huyện Hóc Môn, có Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa. Nhân dân Bình Lí, Tân Mĩ, Mĩ Bình tích cực phá hoại cắt đứt các đường bộ, đào hầm hào, rào làng chiến đấu, tuần gác chống càn bảo vệ căn cứ. Trong tháng 2 năm 1946, cầu Rạch Tra trên sông Sài Gòn - cửa ngõ đi vào Bình Mĩ - bị ta phá sập. Dọc các ngã đi vào căn cứ đều được cắm chông, đắp ô ụ. Trên quốc lộ 22, nhân dân và du kích đào hố, chặt đổ cây cao su dọc ven đường làm ngáng trở giao thông địch.

Căn cứ Vườn Thơm: ở phía Tây thành phố, cách trung tâm Sài Gòn 10km, án ngữ trên hành lang nối Sài Gòn với chiến khu Đồng Tháp Mười, thuộc đất Trung Quận và một phần quận Đức Hòa của các xã Hậu Thanh, Đức Hòa Hạ (tỉnh Chợ Lớn)(5). Toàn bộ căn cứ gồm 6 xã trung tâm (Tân Tạo, Tân Nhật, Tân Bửu, Lương Hòa, Hậu Thạnh Hạ, Đức Hòa Hạ với điểm trung tâm là Trụ Năm Thôn) và 9 xã ngoại vi (Bình Trị Đông, Tân Kiên, An Lạc, Tân Túc, Mĩ Yên, Thanh Hà, Long Hiệp, Long Phú, An Thạnh) với diện tích khoảng gần 200km2. Đất Vườn Thơm là chiếc gạch nối giữa vùng giồng cao của miền Đông Nam Bộ với vùng trũng thấp của Đồng Tháp Mười, chủ yếu là đất bưng biền, kinh rạch, hố trấp, sinh lầy, lại có đất vườn với những vườn mía, vườn thơm (vườn thơm nhiều thành tên đất), rừng cây mù u, cây trám, dừa nước đan ken dày đặc. Bưng Bà Lác, Vinh Lộc, Bình Thủy (về phía Bắc), sông Vàm Cỏ Đông (về phía Tây) đường số 10 (Chợ Lớn đi Đức Hòa), kinh Xáng, kinh Bà Hom, kinh cầu An Hạ, kinh Bà Vụ rồi Bàu Cỏ, Láng Le… là những địa danh của căn cứ Vườn Thơm trở thành quen thuộc trong lịch sử chống ngoại xâm của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn.

Từ đầu năm 1946, bộ đội chiến đấu ở mặt trận phía Tây, Ban chấp hành Mặt trận Việt Minh và các cơ quan kháng chiến của Sài Gòn, Chợ Lớn, của Trung Quận và vùng phụ cận rút về đây, trụ bám, xây dựng căn cứ, chuẩn bị thực lực mọi mặt cho cuộc kháng chiến.

Dựa vào địa thế nhiều bưng trấn kinh rạch và cỏ lạc phức tạp, rậm rạp, khuất khúc bất ngờ, quân và dân tại Vườn Thơm, dưới sự chỉ đạo của trưởng ban căn cứ địa Nguyễn Văn Thơm, tiến hành đào vét kinh mương ngòi lạc, mở đường đi ngang dọc ở trong căn cứ, đồng thời dựng kè cản, đắp đập trên các kinh lớn, đào hầm hào khắp nơi, vừa để trú giấu lực lượng vừa để chống địch cơ động càn quét. Căn cứ Vườn Thơm đứng vững cho đến năm 1949, được coi là một địa bàn cơ động nhất vào nội thành.

Ngoài những căn cứ kể trên, còn hàng loạt căn cứ nhỏ khác nằm rải rác bao quanh thành phố. Đó là các điểm trú đóng quân, ém giấu lực lượng, nơi cất giữ hoặc chuyển tiếp cơ sở vật chất, kho tàng công xưởng của các địa phương từ xã đến huyện, tỉnh, thành phố, đồng thời là điểm xuất phát đánh địch trong nội thành và các khu vực ngoại vi thành phố. Đáng ghi lại là khu vực các xã Phú Thọ Hòa, Bình Hưng Hòa, Tân Hòa, Vĩnh Lộc, Bưng Sáu xã. Sự hình thành hệ thống căn cứ bao quanh thành phố biểu thị quyết tâm kháng chiến lâu dài của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; nó tạo điều kiện cho nhiệm vụ xây dựng lực lượng mọi mặt để tiến hành cuộc kháng chiến đang ngày càng mở rộng quy mô trên các chiến trường.


(1) Dương Văn Dương bị máy bay địch bắn chết tại sở chỉ huy cuộc hành quân đóng ở ấp Bình Khương, xã Châu Bình ngày 17 tháng 2 năm 1946. Ông được Chính phủ truy tặng quân hàm Thiếu tướng và Hồ Chủ tịch gửi thư chia buồn với gia quyến. Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ đặt tên Dương Văn Dương cho một con kinh lớn ở trung tâm chiếm khu Đồng Tháp Mười, thay cho tên cũ là Lagrange (tên một chủ tỉnh người Pháp ở Tân An).
(2) Bình Xuyên vốn là địa danh một ấp thuộc xã Chánh Hưng thuộc quận Cần Giuộc, vũng sình lầy, dân thưa, là “giang sơn” riêng của những người bất phục tùng chế độ thực dân phong kiến, giới giang hồ và các đảng viên hoạt động bí mật, được Dương Văn Dương đặt tên cho bộ đội của ông gọi là bộ đội Bình Xuyên. Bộ đội Bình Xuyên chính gốc chỉ gồm bộ đội Dương Văn Dương và bộ đội Chánh hưng của Nguyễn Văn Mạnh - Mai Văn Vĩnh. Về sau, đặc biệt từ Hội nghị Đa Phước trở đi (tháng 11 năm 1945), các đơn vị vũ trang có thành phần xuất thân là những “anh chị” giang hồ đứng chân hoạt động trên địa bàn Rừng Sác, gia nhập vào bộ đội “chính gốc” hoặc tự nhận là bộ đội Bình Xuyên, đều được mọi người gọi chung là bộ đội Bình Xuyên.
(3) Theo Lương Văn Nho (chiến khu Rừng Sác, NXB Đồng Nai 1983, tr. 47) có gần 100 bộ phận đứng chân ở căn cứ Rừng Sác.
(4) Đầu năm 1946, ta chia Hóc Môn làm 5 khu quân sự, mỗi khu có một ban chỉ huy quân sự khu. Khu 1: khu vực thị trấn Hóc Môn và các xã Tân Thới Nhất, Tân Thới Nhì, Tân Thới Tam, Xuân Thới Thượng. Khu 2: Bình Lí, Tân Mĩ, Mĩ Bình, Nhị Bình, Đông Thạnh. Khu 3: Hòa Phú, An Phú xã, Tân Thạnh Đông. Tân Thạnh Tây. Khu 4: Tân Phú Trung, Tân An Hội, Phước Vĩnh An, Phước Hiệp, Thái Mĩ. Khu 5: Phú Hòa Đông, An Nhơn Tây, Phú Mĩ Hưng, Trung Lập, Nhuận Đức (các khu 3, 4, 5 thuộc huyện Củ Chi ngày nay).
(5) Tỉnh Chợ Lớn lúc ngày gồm các quận: Trung Quận (thuộc Bình Chánh ngày nay), Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa (Long An ngày nay).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Ba, 2012, 02:12:22 pm
*
*   *

Ngày 6 tháng 3 năm 1946, thực hiện chủ trương “Hòa để tiến”, Chính phủ ta kí kết với Pháp Hiệp định sơ bộ. Theo Hiệp định này, chính phủ Pháp công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là một quốc gia tự do nằm trong khối Liên hiệp Pháp. Nước Việt Nam có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Việc thống nhất đất nước sẽ được quyết định bằng một cuộc trưng cầu ý dân… Quân đội hai bên ngừng bắn và ở nguyên vị trí chờ cuộc đàm phán nhằm thực hiện toàn bộ các điểu khoản đã được kí kết.

Ngay ngày hôm sau (ngày 7 tháng 3 năm 1946), Hồ Chủ tịch viết giấy ủy nhiệm hai đồng chí Hoàng Quốc Việt và Huỳnh Văn Tiểng về Nam Bộ (đi cùng đoàn đại biểu Pháp) “đặng giải thích và thi hành bản hiệp định”.

Ngày 10 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào chiến sĩ ở Nam Bộ, giải thích ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định và kêu gọi nhân dân đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính phủ. Người viết:

“Tôi xin báo để đồng bào và anh em chiến sĩ các bộ đội biết rằng: Việc điều đình giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Pháp đã đi đến một kết quả đầu tiên là hai bên đình chiến ngay để mở đường cho những cuộc đàm phán chính thức sau này. Đối với nước Việt Nam ta, sự kí kết đã có một kết quả hay là nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam là một nước tự chủ.

Ấy cũng là nhờ sự đấu tranh anh dũng của tất cả đồng bào toàn quốc, nhất là đồng bào Nam Bộ và Nam Trung Bộ và của cả thảy anh em chiến sĩ khắp các mặt trận trong sáu tháng liền. Trong giờ phút này, tôi kính cẩn cúi đầu chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hi sinh trong cuộc tranh đấu cho nước nhà. Sự hi sinh đó không phải là uổng.

Không phải là uổng, vì đây là:

1. Bước đầu của cuộc đàm phán để đi đến thắng lợi.

2. Cuộc đàm phán đầu tiên đã gây dựng được những điều kiện chính trị mà chúng ta phải biết lợi dụng để đạt tới các mục đích Việt Nam hoàn toàn độc lập.

3. Muốn như vậy, Chính phủ cần được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân. Cho nên trong thời kì đình chiến này nhất là trong lúc quân đội hai bên cần phải đứng lại trên vị trí hiện thời, sự chuẩn bị, sự củng cố lực lượng, sự tôn trọng kỉ luật là cần thiết hơn lúc nào hết. Và rồi đây, sau khi hòa bình đã thỏa hiệp được, thì tinh thần phấn đấu của anh em vẫn là những lực lượng quý báu để đảm bảo cho nền độc lập hoàn toàn của nước nhà sau này.

Chúng ta cần phải giữ gìn từng giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc. Sự kiến thiết, sự tranh đấu chưa kết thúc, tinh thần hăng hái của đồng bào sẽ không bao giờ phải e là không có cơ hội hoạt động nữa.

Trong giai đoạn mới của lịch sử nước nhà hiện nay, tinh thần đoàn kết của anh em sẽ đưa lại những kết quả tốt đẹp hơn nữa”(1).

Tại Nam Bộ, đến ngày 5 tháng 3 năm 1946, đơn vị cuối cùng của quân Anh rút khỏi Sài Gòn, để lại cho Pháp nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh. Quân Pháp đã “hoàn thành” việc chiếm đóng và đang ráo riết xúc tiến thành lập hệ thống chính quyền bù nhìn tay sai từ trung ương xuống xã ấp, xây dựng cơ sở xã hội chính trị cho chúng, bước đầu trở lại hoạt động sản xuất khai thác thuộc địa, chủ yếu ở hai ngành kinh tế: cao su ở miền Đông và lúa gạo ở miền Tây.

Tuy kí kết, nhưng thực dân Pháp cố tình không thực hiện Hiệp định 6-3. Cédille Ủy viên cộng hòa Pháp ở Nam Bộ ra tuyên ngôn đại ý: Hiệp định mới được kí kết không dính dấp gì đến Nam Bộ (!). Hội đồng tư vấn do Pháp mới đề cử ra ở Nam Bộ họp phiên đầu tiên chấp thuận bản kiến nghị của thủ tướng ngụy quyền Nguyễn Văn Thinh yêu cầu Pháp “để cho cuộc tự trị của Nam Kì nguyên vẹn” và viện lí do tình hình còn rối ren chưa thể tổ chức cuộc trưng cầu dân ý theo quy định của Hiệp định sơ bộ. Tướng Nyo vừa lên thay Valluy làm tư lệnh quân viễn chinh Pháp tại miền Nam Việt Nam (tháng 3 năm 1946) ra lệnh tăng cường các hoạt động chia rẽ Nam - Bắc, vận động tách Nam Bộ thành một xứ tự trị có chính phủ, nghị viện quân đội và tài chính riêng.

Tại Sài Gòn, đơn vị chuyền tay nhau đọc các bài viết vạch trần âm mưu và thái độ lật lọng của Pháp đăng trên báo Chống Xâm Lăng, Cảm Tử. Nhiều tờ báo xuất bản công khai ở Sài Gòn cũng lên tiếng chỉ trích Pháp, dòi Pháp phải nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định.

Nhằm xoa dịu tình hình, đánh lừa dư luận quần chúng, tạo bầu không khí chính trị có lợi trong việc thành lập chính phủ “Nam Kì tự trị”(2), tướng Nyo đề nghị đàm phán với ta. Biết rõ âm mưu của giặc, nhưng cần tranh thủ thời gian ngừng bắn để củng cố lực lượng và tỏ rõ thiện chí, ta đồng ý đàm phán.


(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, t. 4, tr. 114-115.
(2) Ngày 26 tháng 3 năm 1946, do “thủ tướng” Thinh không lập được nội các, D’Argenlieu cho ra đời cái gọi là “chính phủ lâm thời Nam Kì tự trị” chuẩn bị cho việc thành lập chính thức chính phủ Nam Kì riêng.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Ba, 2012, 02:13:23 pm
Ngày 10 tháng 4 năm 1946, tại miếu Bà Cô, một địa điểm bên bờ sông Đồng Nai (xã Thiện Tân, Vĩnh Cửu, Biên Hòa), cuộc đàm phán bắt đầu. Phía Pháp do đại tá Peyler làm trưởng đoàn. Phía ta gồm Đặng Ngọc Tốt (trưởng đoàn), Phạm Thiều (phái viên chính trị), Lâm Thái Hòa (phái viên quân sự), Lê Đình Chi (phiên dịch). Tại cuộc đàm phán, thực dân Pháp đưa ra luận điểm không công nhận Vệ quốc đoàn Khu 7 là một bộ phận của quân đội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và đòi ta phải giải giới. Phía ta kiên quyết phản bác luận điệu xuyên tạc vô lí của phái đoàn Pháp, chứng minh sự hiện diện hợp pháp của Vệ quốc đoàn, lên án địch vi phạm về điều khoản ngừng bắn và âm mưu của chúng trong việc thành lập chính phủ lâm thời Nam Kì tự trị. Cuộc đàm phán thất bại. Bằng cuộc đấu tranh trực diện, ta chứng minh cho thực dân Pháp và dư luận rộng rãi biết lập trường chính nghĩa, tinh thần sẵn sàng thương lượng nhưng kiên kiên quyết kháng chiến của ta, đồng thời vạc trần bản chất xâm lược phi nghĩa và thủ đoạn chính trị nhằm đánh lừa dư luận của chúng.

Những ngày tháng hai và tháng ba năm 1946, ta gặp nhiều khó khăn. Sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng thiếu sự chặt chẽ, hệ thống, do một số nơi quán triệt không đầy đủ sách lược “giải tán Đảng” (từ tháng 11 năm 1945) và do dời chuyển phân tán căn cứ. Các đồng chí Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn và nhiều cán bộ cao cấp khác ra Hà Nội hoặc do Trung ương triệu tập hoặc tự đi đi để báo cáo tình hình. Dù vậy, những cán bộ ở lại, cấp ủy Đảng địa phương vẫn năng động phân tích tình hình, tiếp nhận sự lãnh đạo của Trung ương qua nhiều con đường khác nhau, đề ra nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị mình một cách linh hoạt thích hợp.

Tranh thủ thời gian hòa hoãn sau ngày 6 tháng 3, các cơ quan kháng chiến và lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định khẩn trương chấn chỉnh tổ chức, củng cố và phát triển lực lượng, đẩy mạnh chiến tranh du kích và phong trào đấu tranh chính trị chống âm mưu của địch.

Trong tháng 3 năm 1946, Thành bộ Việt Minh Sài Gòn được thành lập do Nguyễn Thọ Chân làm bí thư, các ủy viên gồm Tạ Văn Hảo, Hoàng Quốc Tân, Huỳnh Tấn Phát. Như vậy, thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn lúc này có hai tổ chức Đảng dùng song song tồn tại: Thành bộ Việt Minh (vùng Sài Gòn, do Nguyễn Thọ Chân làm bí thư) và Ban cán sự Đảng mặt trận số 4, cũng gọi là Ủy ban Việt Minh (vùng Chợ Lớn, do Trịnh Đình Trọng làm bí thư). Tháng 5 năm 1946, Ủy ban Việt Minh và Thành bộ Việt Minh hợp nhất lại, thành lập Thành ủy lâm thời Sài Gòn - Chợ Lớn. Thành ủy gồm các đồng chí Trịnh Đình Trọng (bí thư), Nguyễn Thọ Chân (phó bí thư) và Nguyễn Văn Chi.

Tại Gia Định vẫn tồn tại hai tỉnh ủy Tiền Phong và Giải Phóng. Tỉnh ủy Tiền Phong đề ra chủ trương: củng cố và phát triển lực lượng vũ trang ở các địa phương, đồng thời đẩy mạnh xây dựng chính quyền các cấp trên cơ sở phải do Đảng lãnh đạo; trong xây dựng lực lượng vũ trang ưu tiên tăng cường cán bộ và phương tiện để tăng cường sức mạnh cho bộ đội; điều một số cán bộ của tỉnh xuống xây dựng củng cố phong trào ở các huyện còn gặp nhiều khó khăn như Thủ Đức, Nhà Bè; tổ chức đường dây liên lạc với cấp lãnh đạo Nam Bộ để nhận chỉ thị trực tiếp của trên. Tháng 9 năm 1946, hai tỉnh ủy Tiền Phong và Giải Phóng tiến hành hội nghị hợp nhất tại xã Tân Thới Hiệp (Gò Vấp). Hội nghị bầu một tỉnh ủy thống nhất của Gia Định gồm 11 người (Phạm Văn Chiêu, Phạm Văn Khung, Tô Kí, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Văn Bảo, Huỳnh Văn Thới, Phạm Văn Năm, Nguyễn Oắng, Phạm Văn Giáo, Võ Văn Thời, Trịnh Thị Miểng), do Trần Văn Thời sau đó vài tháng là Phạm Văn Chiêu làm bí thư.

Từ sau Hiệp định ngày 6 tháng 3, Đảng chủ trương đưa nhân dân và cán bộ quân, dân, chính, đảng trở lại nội thành, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động kháng chiến ngay tại sào huyệt địch.

Lần lượt, đồng bào tản cư ra ngoại ô và các tỉnh trở về thành phố. Lẫn trong đoàn người trở về, nhiều cán bộ, đảng viên, đội viên vũ trang đã trở về từng khu phố, nhà máy, bệnh viện, công sở để tổ chức xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang.

Từng bước ta gầy dựng, củng cố lại tổ chức Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc từ cơ sở đường phố, xí nghiệp lên đến hộ, quận. Các ban chấp hành của Mặt trận Việt Minh và đoàn thể cứu quốc được bầu mới. Nhiều nhân sĩ, trí thức uy tín được mời tham gia. Nhiều tờ báo kháng chiến ra đời và lưu hành đều đặn đến tận cơ sở trong khắp thành phố. Đặc biệt, báo Cảm Tử của Tổng công đoàn Nam Bộ (Lí Chính Thắng làm chủ bút) và báo Thông Tin Kháng Chiến sau đổi là Chống Xâm Lăng của Mặt trận Việt Minh Sài Gòn - Chợ Lớn (Trịnh Đình Trọng làm chủ bút) được nhân dân náo nức đón đọc và quý trọng, trở thành tiếng nói chính thức của cơ quan lãnh đạo kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Ngoài ra, trong thành phố còn lưu hành các tờ báo kháng chiến khác như Vệ Quốc, Tiền Đạo, Kèn Gọi Lính, Tổ Quốc, Tiếng Súng Kháng Địch… từ các tỉnh chuyển về. Các tờ báo nói tên đã kịp thời tuyên truyền về công cuộc kháng chiến, hướng dẫn nhận thức và hành động, khích lệ đồng bào thành phố hang hái ủng hộ và tham gia kháng chiến, đập lại các luận điệu phản động, cơ hội của các tờ báo Pháp cho xuất bản công khai ở Sài Gòn như “Phục Hưng”, “Tương Lai”, “Tiếng Gọi”…

Trong điều kiện thành phố vừa bị chiếm đóng, tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng chưa mạnh và phát triển sâu rộng đến từng cơ sở, báo Cám Tử, Chống Xâm Lăng và nhiều tờ báo kháng chiến khác đã thực sự giữ một vai trò quan trọng trong công tác vận động xây dựng phong trào ở thành phố ngay trong những ngày cuối năm 1945, đầu năm 1946.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Ba, 2012, 02:14:57 pm
Phong trào kháng chiến trong nội thành từng bước được hồi phục. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh, nhân dân lao động, công nhân ổn định cuộc sống, hình thành mạng lưới cơ sở nuôi giấu cán bộ và vận động quyên góp vận chuyển máy móc, dụng cụ y tế, văn phòng ra căn cứ. Mặt khác, ta cảnh giác đấu tranh với địch đang thi hành chinh sách hai mặt: vừa mị dân, lôi kéo trí thức công nhân lành nghề về hợp tác với chúng, vừa củng chố hệ thống đồn bót xây dựng bộ máy tề điệp, tăng cường khủng bố đàn áp những người bị tình nghi và gia đình có người thân đi kháng chiến.

Lực lượng vũ trang chuyên trách hoạt động nội thành phát triển một bước. Sau nhóm trinh sát Quân chính (do khu bộ trưởng Khu 7 Nguyễn Bình thành lập từ tháng 1 năm 1946), các đội trinh sát quân sự, đội cảm tử lần lượt ra đời. Một trung đội vũ trang lấy biệt danh trung đội cảm tử Nguyễn Bình I được phái về hoạt động và gây dựng cơ sở. Tháng 3, Khu bộ trưởng thành lập tiếp một ban trinh sát vũ trang lấy từ số anh em chi đội 1 gốc thành phố tăng cường cho nhóm trinh sát Quân chính và nhóm Hùng Vương thành ban trinh sát vũ trang số 1. Một số chiến sĩ thanh niên Tiền phong đoàn Nguyễn Huệ ở hộ 10 cùng một số chiến sĩ trong tổ chức trinh sát của bộ đội Lê Văn Viễn ở ngoại ô hợp thành ban trinh sát vũ trang số 2. Một số anh em trinh sát của công đoàn xung phong và tự vệ chiến đấu Tân Xuân Hòa hoạt động ở Tân Sơn Nhất hợp thành trung đội cảm tử Nguyễn Bình II. Ban ám sát quận Tân Bình thành lập từ tháng 1 năm 1946 sáp nhập vào trung đội cảm tử Nguyễn Bình I.

Sau khi trực tiếp đi thị sát ở Sài Gòn về, tháng 4 năm 1946, khu bộ trưởng Nguyễn Bình quyết định đổi các loại đơn vị vũ trang nội thành thành các Ban công tác, giải tán tất cả các đơn vị vũ trang tự lập khác, giải thể Đội quốc gia tự vệ Cuộc của chi đội 4, thành lập đội trinh sát quân sự chi đội 4. Các ban Công tác Thành lần lượt ra đời:

Ban trinh sát Quân chính thu nhận thêm các nhóm Hùng Vương, ban Vô hình, ban Ám sát, ban Trừ gian, đội Cảm tử… thành Ban công tác số 1. Ban công tác số 1 do Nguyễn Đình Chính làm chỉ huy trưởng, hoạt động chủ yếu trong nội thành Sài Gòn, tập trung ở khu vực quận I, chợ Bến Thành, Tân Định, Đa Kao, Phú Nhuận.

Ban trinh sát vũ trang số 2 thu nhận thêm đảng Dao găm cùng một số thanh niên ở ngoại ô Sài Gòn thành Ban công tác số 2. Ban công tác số 2 do Nguyễn Văn Tôn (Hai Tôn) chỉ huy, hoạt động chủ yếu ở khu vực chợ Thiếc, Phú Thọ, Cầu Tre, xã Bình Trị Đông.

Ban công tác liên xã Tân Sơn Nhị - Bà Quẹo lấy từ du kích liên xã, lập thành Ban công tác số 3. Ban công tác số 3 do Nguyễn Văn Hâm (Sáu Hâm) làm chỉ huy trưởng, hoạt động trên địa bàn hai xã, sau phát triển ra Tân Sơn Nhất, Tân Bình, Phú Nhuận.

Cùng thời gian này, theo chỉ thị của Khu bộ trưởng Khu 7, cơ quan Ban chỉ huy quân sự Thành Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập. Ban chỉ huy gồm các đồng chí Đặng Kim Thành (chỉ huy trưởng), Nguyễn Xuân Diệu, Vũ Kiều Chinh (Nguyễn Mạnh Liên) và Trịnh Văn Hà, Nguyễn Văn Tư (chỉ huy phó). Các ban công tác Thành được đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của tổ chức này.

Sang táng 5 năm 1946, Ban công tác số 4 được thành lập. Thành phần chủ yếu là công nhân các nghiệp đoàn, thợ thủ công, lao động tự do và anh em tự vệ chiến đấu trong tổ chức Liên hiệp công đoàn Thành. Ban công tác số 4 lúc đầu do Triệu Cải chỉ huy, hoạt động ở khu vực Gò Vấp, Bà Chiểu, Phú Nhuận, Phú Thọ, Chợ Thiếc.

Ban công tác số 5 thành lập trong những ngày đầu tháng 6 năm 1946, gồm lực lượng thuộc ban trinh sát quân sự của chi đội 4 tách ra. Các thanh niên nông dân vùng Hóc Môn, Bà Điểm, công nhân và lao động tự do ở vùng Chợ Lớn, hộ 17, 18. Các đồng chí Nguyễn Văn Phân (Sáu Phân), Nguyễn Văn Xình (Sáu Xình) phụ trách Ban công tác này.

Một bộ phận của Ban công tác số 2 và Ban công tác số 3 tách ra thành lập Ban công tác số 6. Ban công tác số 6 do Nguyễn Văn Nam làm chỉ huy trưởng, hoạt động rải rác ở vùng Trường đua Phú Thọ, Bình Thới, đường Frédéric - Drouhte, cầu Ông Lãnh, Vĩnh Hội…

“Ban công tác” trở thành loại tổ chức vũ trang đặc biệt của Sài Gòn - Chợ Lớn có nhiệm vụ quân sự chính trị rõ ràng, vừa tác chiến đánh địch, đặc biệt là loại trừ các tên tay sai phản động, các tên thực dân Pháp hiểm độc, phá hoại cơ sở vật chất kĩ thuật của địch, vừa tuyên truyền vận động nhân dân, kể cả những người bị địch lôi kéo, giữ vững thanh thế cách mạng, phát triển lực lượng của ta. Tổ chức của mỗi ban công tác thông thường gồm ban chỉ huy và bộ phận văn phòng, tiểu ban bài trừ (có 3 tiểu đội: trinh sát, điều tra, ám sát), tiểu ban phá hoại, tiểu ban liên lạc, tiểu ban quân nhu. Ngoài ra có hai tiểu đội trực thuộc: tiểu đội công tác đặc biệt làm nhiệm vụ tình báo, phản gián và tiểu đội du kích vũ trang làm nhiệm vụ hỗ trợ cho tiểu ban phá hoại và tiểu ban liên lạc. Tất cả 6 ban chịu sự chỉ đạo trực tiếp của khu bộ trưởng Khu 7 thông qua một đại diện: đồng chí Nguyễn Văn Hâm, trưởng ban công tác số 3.

Song song với việc tổ chức các ban công tác Thành, lực lượng tự vệ Thành cũng sớm được triển khai xây dựng theo từng địa bàn dân cư và sĩ nghiệp. Cuối tháng 6 năm 1946, tại một khách sạn tại Chợ Lớn, hơn 20 cán bộ (phần lớn từ trường Quân chính Khu 7 lần lượt về hoạt động nghiên cứu địa bàn và đã từng bước xây dựng được một số lực lượng tự vệ nội thành) họp hội nghị. Hội nghị quyết định sắp xếp những cơ sở lực lượng tự vệ ở các hộ(1), xí nghiệp, công sở lại xây dựng thành 15 khu và đội tự vệ. Mỗi khu (địa bàn dân cư) và đội (đường phố, xí nghiệp) là một trung đội(2) Ngoài ra còn có 2 trung đội nữ là Minh Khai (chiến đấu), Mê Linh (liên lạc) cùng một trung đội thiếu niên mang tên Tiểu Quỷ. Tất cả những khu và đội tự vệ đều trực thuộc và chịu sự chỉ huy thống nhất của Ban chỉ huy quân sự Thành, từ tháng 11 năm 1946 lấy tên là Thành hộ tự vệ.

Ngoài lực lượng các ban công tác và tự vệ Thành, còn có lực lượng các nghiệp đoàn Lê Phụng Hiểu (một tổ chức nửa vũ trang của Liên hiệp công đoàn Thành vừa làm nhiệm vụ vận động công nhân vừa làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền, chiến đấu ở khu vực cầu Chữ Y, nhà đèn Chợ Quán, vùng Khánh Hội, Vĩnh Hội…) và các đội công an xung phong (tổ chức vũ trang chuyên hoạt động quân sự của Ty công an Thành) và các đội hoạt động ven thành phố và trên các chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Cũng trong thời gian này, khu bộ trưởng Khu 7 chính thức công nhận Ban tình báo Sài Gòn - Chợ Lớn - do Cao Văn Tây (tức Ba Cóc) chỉ huy. Ban này tự đặt tên là Ban công tác Đặc biệt, thường gọi tắt là CTĐB, về sau đổi tên là Ban thông tin (cũng gọi tắt là BTT) để tránh bị địch theo dõi.

Đến mùa thu năm 1946, trong nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn đã có một hệ thống tổ chức lực lượng vũ trang khá mạnh và phát triển rộng khắp.


(1) Lúc này nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn có 18 hộ.
(2) - Khu mang các tên gọi: Võ Nhai, Đình Cả, Bắc Sơn, Bạch Đằng, Lạc An, Lam Sơn, Tây Hồ, Hóc Môn.
- Đội mang các tên gọi: Lê Lợi, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Kí Con, Tô Hiệu, Thái Văn Lung.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Ba, 2012, 02:17:30 pm
Ở vùng ngoại thành, tiếp sau chi đôi 2, 3, 4, lần lượt các bộ đội khác được tổ chức lại, phát triển thành các chi đội 6, 12, 13…

Tại tỉnh Gia Định, đầu tháng 3 năm 1946, chấp hành quyết định của khu bộ trưởng Khu 7, Tỉnh và Ủy ban kháng chiến của tỉnh Gia Định đã triệu tập hội nghị quân sự tại chiến khu An Phú Đông nhằm thống nhất lực lượng vũ trang xây dựng thành chi đội. Bộ đội Gò Vấp, Dĩ An, Thủ Đức hợp nhất lại thành chi đội 6. Ban chỉ huy chi đội gồm Nguyễn Văn Dung (chỉ huy trưởng), Phạm Văn Khung (Bí thư tỉnh ủy trực tiếp kiêm chính trị viên), Nguyễn Văn Công (chỉ huy phó). Các chiến sĩ hầu hết là công nhân từ các đội công đoàn xung phong, công nhân nhà máy xe lửa Dĩ An, nông dân ngoại thành vùng Đông Bắc thành phố và học sinh trí thức từng tham gia chiến đấu ở mặt trận tiền tuyến miền Đông. Chi đội gồm 3 đại đội(1), mang phiên hiệu 5, 10, 15. Đại đội 5 do Hứa Văn Yến làm đại đội trưởng, Trần Đình Xu đại đội phó. Đại đội 10 do Trần Thắng Minh làm đại đội trưởng, Đào Sơn Tây đại đội phó. Đại đội 15 do Thái Văn Lung làm đại đội trưởng, Tạ Nhựt Từ làm đại đội phó. Ngoài ra, chi đội 6 còn tổ chức nhiều đội trinh sát vũ trang hoạt động trong nội thành và xây dựng mạng lưới hậu cần, tổ chức “Hội ủng hộ chiến sĩ” có đến hàng trăm cơ sở.

Cùng thời gian này, bộ đội Nguyễn Văn Mạnh (đóng ở chiến khu Rừng Sác xây dựng thành chi đội 7, do Mai Văn Vĩnh làm chi đội trưởng.

Lực lượng vũ trang Cao Đài (đóng ở khu vực Trung Hòa, Củ Chi và Cây Sơn, Trảng Bàng) được sự đồng ý của khu bộ trưởng Khu 7 cũng xây dựng thành chi đội, lấy phiên hiệu chi đội 8. Ban chỉ huy gồm Mười Bạch, Lâm Văn Phát, Đặng Quang Dương(2).

Bộ đội Lê Văn Viễn (đóng ở chiến khu Rừng Sác) xây dựng thành chi đội 9, do Lê Văn Viễn làm chi đội trưởng.

Tại căn cứ Bình Mĩ, lực lượng còn lại của Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa(3) xây dựng thành chi đội 12. Ban chỉ huy chi đội gồm Tô Kí (chỉ huy trưởng), Huỳnh Tấn Chúa (chỉ huy phó), Hoàng Tế Thế (chính trị chỉ đạo viên). Thành phần của chi đội hầu hết là công nhân và nông dân ngoại thành, trong đó có nhiều đảng viên trước Cách mạng Tháng Tám và chiến sĩ tham gia Nam Kì Khởi nghĩa năm 1940. Chi đội gồm 3 đại đội hoạt động ở khu vực Hóc Môn, Gò Vấp, Trảng Bàng.

Chi đội 13 thành lập trên cơ sở lực lượng công đoàn Sài Gòn, do Đặng Văn Thìn (Mười Thìn) làm chi đội trưởng. Hầu hết các chiến sĩ của chi đội là anh em công nhân từng tham gia chiến đấu ngay từ ngày đầu chống Pháp trong mặt trận nội đô, mặt trận tiền tuyến miền Đông và một số ở mặt trận phía Tây.

Tại Cần Giuộc, bộ đội Cần Giuộc xây dựng thành tiểu đoàn lấy phiên hiệu Nguyễn An Ninh. Đây là đơn vị vũ trang đầu tiên được gọi là tiểu đoàn trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Bộ đội Cần Giuộc thành lập ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công do đồng chí Trương Văn Bang (từng giữ chức vụ Bí thư Xứ ủy Nam Kì) chỉ huy. Chiến đấu độc lập trên địa bàn phía Nam thành phố, bộ đội Cần Giuộc ngay từ đầu đã thể hiện bản chất bộ đội cách mạng, vừa chiến đấu vừa tuyên truyền xây dựng chính quyền, đoàn thể kháng chiến, xây dựng tình đoàn kết quân dân, được nhân dân địa phương yêu mến, gọi là “bộ đội Đỏ”. Tiểu đoàn Nguyễn An Ninh gồm 3 đại đội do Trương Văn Bang làm chỉ huy trưởng, Lưu Quang Tuyến làm chính trị viên.

Ngoài ra, xung quanh Sài Gòn có các chi đội 15 (một phần lực lượng Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, hoạt động ở khu vực Trung Huyện, phía Nam Đức Hòa, phía Bắc Cần Đước do Huỳnh Văn Một làm chi đội trưởng); chi đội 21 (đóng ở Lí Nhơn, Rừng Sác, do Nguyễn Văn Hoạnh làm chi đội trưởng); chi đội 25 (đóng ở phía Bắc Đức Hòa, phía Tây Trảng Bàng, do Tư Ti làm chi đội trưởng).

Đến giữa năm 1946, về hình thức, các chi đội đã xây dựng xong trên toàn chiến trường Nam Bộ. Trong số 17 chi đội và một tiểu đoàn ở miền Đông Nam Bộ(4), xung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có 11 chi đội và 1 tiểu đoàn đứng chân hoạt động. Đó là các chi đội 6, 12, 13, 15, tiểu đoàn Nguyễn An Ninh và 7 chi đội thuộc lực lượng Bình Xuyên 2, 3, 4, 7, 9, 21, 25.

Việc hình thành và phát triển các tổ chức vũ trang nội và ngoại thành đã tạo điều kiện đặc biệt quan trọng cho quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tiến hành đấu tranh vũ trang trong bối cảnh đẩy mạnh cuộc chiến tranh du kích toàn dân và toàn diện ngay sau ngày địch vi phạm Hiệp định sơ bộ. Mặc dù thành phần một số đơn vị bộ đội còn phức tạp, chất lượng về chính trị chưa cao, bộ đội thiếu những hiểu biết cơ bản về tri thức quân sự và trang bị vũ khí, sự hình thành các tổ chức vũ trang nói trên đã đặt tiền đề quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang một cách thích hợp, có hiệu quả ở nội thành và vùng ven thành phố, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến.


(1) Mỗi đại đội tương đương một tiểu đoàn ngày nay.
(2) Nhằm tranh thủ, lôi kéo một số đơn vị vũ trang có thành phần phức tạp về hàng ngũ kháng chiến, mở rộng mặt trận đoàn kết toàn dân, thêm bạn bớt thù, khu bộ trưởng Nguyễn Bình chấp thuận và cho phiên hiệu chi đội 8 cùng một số chi đội khác. Nhưng sau khi thành lập không lâu, Bạch, Phát đầu hàng Pháp, biến lực lượng vũ trang Cao Đài thành tay sai cho giặc chống lại kháng chiến.
(3) Tháng 3 năm 1946, đồng chí Lê Duẩn trên đường ra Hà Nội đến sở chỉ huy Giải phóng quân liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa. Tại đây, đồng chí đã phổ biến tình hình và cử đồng chí Trần Văn Trà về Khu 8 xây dựng lực lượng kháng chiến. Đồng chí Trần Văn Trà đưa hai phân đội (lấy từ Giải phóng quân liên quận) về Đồng Tháp Mười. Hai phân đội này trở thành một bộ phận của chi đội 14.
(4) Toàn Nam Bộ có 25 chi đội. 17 chi đội ở miền Đông Nam Bộ. Trừ 11 chi đội kể trên, còn lại gồm: chi đội 1, Thủ Dầu Một), chi đội 10 (Biên Hòa), chi đội 11 (Tây Ninh), chi đội 16 (Bà Rịa), chi đội 5 (Quân khu Đông Thành), chi đội 8 (Cao Đài).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Ba, 2012, 02:19:26 pm
*
*   *

Vừa xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang, ta vừa tích cực đánh địch, dần dần phối hợp gắn bó phong trào nội đô với chiến đấu ở vùng ven thành phố.

Mặc dầu có Hiệp định sơ bộ, từ tháng 3 năm 1946, quân địch vẫn không ngừng tổ chức các cuộc hành quân càn quét quy mô lớn vào các chiến khu của ta. 6 giờ sáng ngày 1 tháng 3 năm 1946 tại An Phú Đông, trong khi các đơn vị bộ đội chi đội 6 chuẩn bị dự lễ thành lập chi đội thì quân địch kéo đến càn quét. Hơn 1000 lính Pháp, đủ binh chủng, bất ngờ bao vây và tấn công ta từ bốn mặt. Hàng chục tàu chiến án ngữ mặt sông Sài Gòn. Các vị trí hiểm yếu bến đò Bến Cát, An Nhơn, đường 13, đường Gò Vấp - Lái Thiêu bị bộ binh và xe thiết giáp khóa chặt. Pháo 105 li đặt ở sân bay Tân Sơn Nhất và súng cối các loại dưới tàu chiến bắn tới tấp vào căn cứ dọn đường cho bộ binh. Trên trời, bốn chiếc máy bay “cồng cộc” (Spitfire) gầm rú nhả đạn như mưa vào các nhà dân ở ven sông từ cầu lớn đến bến đò Phước Bình. Đây là cuộc càn quét lớn nhất của địch vào thời gian này ở khu vực vùng ven thành phố.

Rút kinh nghiệm từ cuộc chống càn lần trước, đồng bào rút xuống các hầm hào đã chuẩn bị sẵn. Các đơn vị Vệ quốc đoàn chi đội 6 bố trí ở các nơi xung yếu như cầu Rạch Giá, cầu Chùa, cầu Rạch Tâm, cầu Kinh… lợi dụng địa hình cây cối rậm rạp, sông rạch chằng chịt, dựa vào hệ thống công sự phòng thủ có sẵn. Bộ đội và du kích chờ địch đến gần sát mới nổ súng, diệt gọn từng toán, vừa chặn đánh địch chính diện, vừa linh hoạt vận động bọc đánh địch xuyên hông, gây cho chúng thiệt hại nặng nề. Càng về chiều, do bị đánh bất ngờ và địa hình phức tạp, đội hình địch bị rối loạn. Các mũi tiến công của chúng đều bị bẻ gãy. Quân địch tránh né đụng độ, tìm cách đánh mở đường đến điểm tập trung để vượt sông Sài Gòn, bỏ mặc số tử vong.

5 giờ chiều cùng ngày, quân địch rút khỏi An Phú Đông, để lại hàng chục xác chết, 30 nhà dân bị đốt, 10 dân thường bị giết, một số phụ nữ bị chúng hãm hiếp và 20 chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh. Mặc dù có tổn thất, cuộc chống càn đã giành được thắng lợi lớn. Nó chứng tỏ tinh thần quyết chiến của quân và dân ta tại địa bàn An Phú Đông, một chiến khu dù nhỏ vẫn tồn tại kiên cường ngay sát nách quân địch. Đây cũng là cuộc chiến đấu ra quân thắng lợi đầu tiên của lực lượng Vệ quốc đoàn chi đội 6.

Ngày 9 tháng 3 năm 1946, địch huy động trên 1000 quân có tàu chiến, máy bay và pháo binh yểm trợ mở cuộc tấn công lớn xuống Rừng Sác, khu vực Phước An, Phước Thọ, Phước Long. Chi đội 7 do Mai Văn Vĩnh chỉ huy vận động ra lộ 19 chặn đánh đại đội Âu Phi hành quân bằng xe GMC tại cầu Lò Rèn. Sau hơn 2 tiếng giao tranh quyết liệt, trước sự phản kích có hỏa lực mạnh của địch, quân ta rút lui, củng cố lại lực lượng, chờ lúc địch loay hoay sửa cầu cho xe qua liền chia làm hai mũi bất ngờ tập kích từ phía sau tới. Quân địch bị đánh bất ngờ không kịp chống cự, bỏ chạy tán loạn. Bộ đội ta truy kích diệt gọn đại đội Âu Phi. Tại Phước Thọ, hơn một trung đội thám sát địch lọt vào trận địa phục kích của ta. Sau lệnh xung phong, bộ đội ào lên mặt đường, bắt sống 5 tên, diệt gần một trung đội Âu Phi. Duy nhất chỉ còn tên Việt gian Nguyễn Văn Rô (Cai Rô) thoát chết, lủi xuống Rừng Sác, đến nửa đêm mới chạy được về đồn Phước Thiền.

Trên đường 15, cánh quân thứ hai bị chi đội 2 Bình Xuyên cùng tự vệ hai xã Tuy Long, Tập Phước chặn đánh. Ta diệt và làm bị thương 35 tên lính Âu Phi, phá hủy hai xe quân sự. Hai cánh quân khác từ Bà Rịa lên và từ Sài Gòn qua phà Cát Lái đều lọt vào trận địa phục kích của liên chi đội 2 - 3 Bình Xuyên. Trận đánh kéo dài suốt ngày 9 tháng 3, tới chiều tối, địch vẫn không tiến được, buộc phải rút quân đem theo nhiều xác chết.

Cuộc hành quân càn quét (ngay sau 5 ngày kí Hiệp định sơ bộ) của địch bị giáng một đòn nặng nề ở chiến khu phía Nam thành phố.

Tại phía Bắc Cần Đước, ngày 11 tháng 3 năm 1946, chi đội 15 bố trí phục kích đánh chìm 1 đoàn tàu địch gồm 1 tàu kéo, 1 xà lan, 3 ghe chài chở quân Pháp và lính ngụy. Ta diệt 17 tên Pháp, thu nhiều vũ khí, đạn dược, lương thực.

Tại khu vực phía Bắc Thủ Đức - Dĩ An, ngày 15 tháng 4 năm 1946, bộ đội đại đội 10 (chi đội 6) phục kích chặn đánh cuộc hành quân của một trung đoàn địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Trong khi tiếng súng đánh địch của các chi đội Vệ quốc đoàn rền vang xung quanh thành phố thì trong nội đô, cùng với việc xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở, các ban công tác, tự vệ Thành, đội trinh sát, công an xung phong đẩy mạnh hoạt động vũ trang tuyên truyền, đánh phá kho tàng, diệt bọn Việt gian phản động, trừng trị bọn gián điệp, phản bội, bọn thực dân gian ác.

Trưa ngày 29 tháng 3 năm 1946, lực lượng công tác Thành đã trừng trị tên Trần Tấn Phát, Ủy viên hội đồng tư vấn Nam Kì, một trong những tên cầm đầu hoạt động tuyên truyền cho thuyết phân li “Nam Kì tự trị”. Báo [/i]Phục Hưng thứ Bảy[/i] ra ngày 30 tháng 3 năm 1946 sau khi đưa tin về cái chết của Phát đã lên tiếng ca ngợi Trần Tấn Phát là một “chiến sĩ chính trị” “đã tận tâm phục vụ cho Pháp quốc”(1).

Đầu tháng 4 năm 1946, đội trinh sát vũ trang chi đội 4 đột nhập nhà tên De Lique ở đường Mac Mahon giết chết 3 tên, bắn nhiều tên khác bị thương trong lúc chúng đang dự tiệc, thu 4 súng và 6 lựu đạn.

Ngày 8 tháng 4 năm 1946, chiến sĩ cảm tử đã đột nhập đốt cháy kho đạn đường Docteur Angier cạnh đài phát thanh. Đây là kho đạn và thuốc súng lớn nhất của Pháp ở Nam Đông Dương lúc bấy giờ, mỗi bề dài vài trăm mét, do lính Âu Phi luân phiên canh gác. 10 giờ sáng, một tiếng nổ long trời phát ra từ kho và làm cả kho đạn nổ đến chập tới ngày 11 tháng 4 mới chấm dứt. Đài phát thanh vá nhiều phố xá kế cận bị sập. Trụ sở bộ chỉ huy của trường Leclerc “nát như cám”. 600 tấn bom đạn, thuốc nổ và 40 tên lính Pháp “thành mây khói”. Phía ta những chiến sĩ đi phá kho bom không ai trở về. Báo Tin Điển ra thứ ba ngày 9 tháng 4 năm 1946 đưa tin: “Một tai nạn dữ dội… kho đạn Sài Gòn (đường Docteru Angier tả ngạn kinh Avalache) phát nổ. Tai nạn có thể kéo dài đến nhiều ngày”(2). Trong một bài diễn văn đọc chiều ngày 8 tháng 4 năm 1946 tại Sài Gòn, Cédille than vãn: “Tôi không ngờ đã có một tai nạn ghê gớm như vậy xảy ra ở Sài Gòn…”(3)


(1) Xem báo Phục Hưng, thứ Bảy ngày 30 tháng 3 năm 1946 - Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
(2) Xem báo Tin Điển ra thứ Ba ngày 9 tháng 4 năm 1946 - Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
(3) Miền Đông Nam Bộ kháng chiến, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, t.1.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Ba, 2012, 02:22:17 pm
Ngày 12 tháng 3 năm 1946, nữ trinh sát quân chinh Nguyễn Thị Lan (biệt danh Lan Mê Linh) bắn gục tên bồi bút Hiền Sĩ, chủ nhiệm gờ báo phản động Phục Hưng giữa ban ngày tại khu vực chợ Bến Thành trên đại lộ Bonard. Phục Hưng là tờ báo phản động, công cụ tuyên truyền đắc lực cho âm mưu chia cắt đất nước, thành lập chính phủ Nam Kì tự trị. Hiền Sĩ đã bị ta cảnh cáo nhiều lần và kết án tử hình vắng mặt. Chị Lan Mê Linh vừa học xong khóa Hồ Chí Minh trường Quân chính Khu 7, mới 17 tuổi, được giao nhiệm vụ thi hành bản án. Sau một thời gian liên tục bám sát theo dõi, chị quyết định giết tên Hiền Sĩ ngay chỗ đông người để trấn áp bọn Việt gian bán nước khác. Khi Hiền Sĩ từ tòa soạn báo đi ra đường chưa kịp lên xe, chị đã chờ sẵn, bình tĩnh rút khẩu súng ngắn 6,35 li bắn liên tiếp 3 phát. Hiền Sĩ ôm ngực bỏ chạy lảo đảo, 2 tên vệ sĩ xông lại chụp bắt chị. Trung đội Âu Phi mũ đỏ đi tuần tra đậu xe bên kia đường, nghe tiếng súng nổ, ập tới khi Lan Mê Linh đang dùng súng đập vào thái dương tên bồi bút. Lan Mê Linh bị bắt, nhưng tiếng súng của chị là một đòn cảnh cáo đối với bọn tay sai bán nước, cổ vũ tinh thần kháng chiến của nhân dân Sài Gòn, đặc biệt trong giới thanh niên học sinh và sinh viên.

Tháng 5 năm 1946, anh Nguyễn Đình Chính (tức Chính Heo) cùng một chiến sĩ thuộc Ban công tác số 1 đột nhập nhà tên Việt gian Nguyễn Thượng Hiền ở số 218 đường Lagrandière, giết chết tên này cùng 5 đồng bọn, sau đó rút lui an toàn. Hiền là một tên phản bội cách mạng chuyên dẫn giặc đi lùng bắt cán bộ của ta. Hắn được Pháp trọng dụng và bố trí canh gác bảo vệ rất chu đáo. Cái chết của Hiền và tay chân, cùng với vụ xử tên Hiền Sĩ đã làm cho bọn Việt gian tay sai chùn lại, không dám ngang nhiên chống phá kháng chiến như trước.

Trước tình hình cuộc kháng chiến của ta ngày càng phát triển và dư luận thúc bách, chính phủ Pháp buộc phải chấp nhận mở cuộc đàm phán chính thức với ta. Cũng dịp này, theo lời mời của chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang thăm Pháp. Trước khi đi, sáng ngày 31 tháng 5 năm 1946 tại Hà Nội, Người gửi thư cho đồng bào Nam Bộ. Trong thư Hồ Chủ tịch khẳng định: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí đó không bao giờ thay đổi”(1).

Trong khi buộc phải nhận đàm phán chính thức với ta, thực dân Pháp vẫn ra sức phá hoại hiệp định đã kí kết, đeo đuổi âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam. Ngày 1 tháng 6 năm 1946, chính phủ Cộng hòa Nam Kì tự trị do bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm thủ tướng ra đời. Trong buổi lễ ra mắt chính phủ tổ chức trước Nhà thờ Đức Bà, các quan chức Pháp, Việt, binh lính và dân thường tổng cộng không quá 100 người đứng nghe thủ tướng Nguyễn Văn Thinh tuyên thệ bằng tiếng Pháp! Để hợp thức hóa chính phủ này, ngày 3 tháng 6, Ủy viên cộng hòa Pháp Cédille kí với Nguyễn Văn Thịnh một “hiệp ước”, theo đó Cédille công nhận ”Nam Kì quốc” là một chính phủ tự trị, một “Nam Kì tự do” có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng, nằm trong Liên bang Đông Dương và trong Liên hiệp Pháp! Thinh cam kết bảo vệ quyền lợi của Pháp ở Nam Bộ.

Tháng 6 năm 1945, đại tá Edward G. Lansdale thuộc tổ chức CIA Mĩ tới Sài Gòn, cầm đầu đội gián điệp “hoạt động bán quân sự” và “chiến tranh tâm lí chính trị” tại Việt Nam.

Nằm trong chương trình bình định vùng đã chiếm đóng, thực dân Pháp ráo riết xúc tiến việc thành lập “Mặt trận quốc gia liên minh” thâu gộp các đảng phái phản động, bọn tay sai đầu hàng phản bội thành một lực lượng chống phá cách mạng tạo cơ sở xã hội cho chính phủ bù nhìn, phá mặt trận đoàn kết dân tộc ta. Từ đầu năm 1946, Bazin, giám đốc Sở mật thám Liên bang Đông Dương đã có kế hoạch từng bước lôi kéo nắm lực lượng giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và Bình Xuyên. Tháng 5 năm 1946, Trần Quang Vinh (một chức sắc cao cấp của Tòa thánh Tây Ninh, Bộ trưởng quốc phòng thời kì phát xít Nhật chiếm đóng Việt Nam) về hàng Pháp. Ngày 28 tháng 8 năm 1946, giáo chủ Cao Đài Phạm Công Tắc được Pháp đưa về nước (trước đó Phạm Công Tắc bị Pháp đày ở Madagascar). 5000 thanh niên Cao Đài được Pháp gấp rút huấn luyện, trang bị, xây dựng thành quân đội, một tổ chức vũ trang, thực chất là ngụy quân.

Tại Chiến khu Rừng Sác, Lại Hữu Tài được cơ quan Phòng Nhì Pháp cài vào chi đội 9, làm nhiệm vụ lung lạc, lôi kéo chi đội trưởng Bảy Viễn. Tài được Bảy Viễn cử giữ chức thư kí văn phòng chi đội trưởng. Lại Hữu Tài cùng anh ruột là Lại Văn Sang ra sức mua chuộc, lôi kéo một số người trong ban chỉ huy chi đội 9 và các chi đội khác. Trung tuần tháng 6 năm 1946, dưới sự đạo diễn của Tài, Lê Văn Viễn nhân danh chi đội trưởng 9 mời chi đội trưởng, chi đội phó các chi đội 2, 3, 4, 7, 21, 25 đến Ba Giồng họp hội nghị bàn việc lập “liên quân các chi đội” nhằm “thống nhất và tăng cường lực lượng đánh Pháp”. Chính trị viên các chi đội là đảng viên cốt cán không được mời họp. Tại hội nghị, các đại biểu đã quyết định thành lập liên khu Bình Xuyên bao gồm lực lượng các chi đội 2, 3, 4, 7, 9, 21, 25 và cử Lê Văn Viễn làm tổng chỉ huy. Danh từ Bình Xuyên vốn chỉ bộ đội Dương Văn Dương (liên chi 2 - 3) và bộ đội Nguyễn Văn Mạnh (chi đội 7) nay được dùng để chỉ luôn cho các chi đội nêu trên. Cuối tháng 6 năm 1946, nhằm “giữ” liên khu Bình Xuyên, khu bộ trưởng Nguyễn Bình ra quyết định chấp thuận kết quả hội nghị Ba Giồng và bổ nhiệm Lê Văn Viễn giữ chức khu bộ phó Khu 7. Từ đây, dưới sự đạo diễn của anh em Tài, Sang và một số nhân viên Phòng Nhì Pháp, “Tổng hành dinh khu bộ phó” Bảy Viễn và “Bộ tham mưu liên khu Bình Xuyên” thường xuyên phát ra những chỉ thị, mệnh lệnh làm phương hại đến công cuộc kháng chiến, từng bước biến chiến khu Rừng Sác thành “chiến khu ma” và trong nội bộ Bình Xuyên bắt đầu nảy sinh sự phân hóa giữa một bên là một số ít quen thói giang hồ hưởng lạc bị địch lợi dụng và một bên là đại đa số cán bộ chiến sĩ một lòng đi theo kháng chiến.


(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, sđd, tr. 139.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Ba, 2012, 02:22:54 pm
Tháng 11 năm 1946, tại Chiến khu Đồng Tháp Mười, theo sáng kiến của đồng chí Ung Văn Khiêm (đại diện Xứ ủy Tiền Phong) và đồng chí Trần Văn Trà (đại diện Xứ ủy Giải Phóng), hội nghị Xứ ủy mở rộng được triệu tập. Hội nghị đã củng cố lại và bổ sung Ban chấp hành Xứ ủy lâm thời Nam Bộ gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Kỉnh, Hoàng Dư Khương, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Thuận, Trần Văn Trà. Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh phụ trách thường trực Xứ ủy. Hội nghị cũng củng cố lại các Liên tỉnh ủy miền Đông, miền Trung, miền Tây Nam Bộ. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận được chỉ định làm Bí thư liên tỉnh ủy miền Đông.

Hội nghị Xứ ủy tháng 1 năm 1946 có ý nghĩa quan trọng: thống nhất sự lãnh đạo của Đảng về một khối và có hệ thống thống nhất từ xứ đến cơ sở, xóa bỏ tình trạng phân liệt Tiền Phong, Giải Phóng, Việt Minh cũ, Việt Minh mới trong tổ chức Đảng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp Nam Bộ tới tỉnh, huyện, xã từ đây được duy trì một cách đều đặn và có hệ thống. Chiến khu Đồng Tháp Mười trở thành “thủ đô kháng chiến” ở Nam Bộ.

Sau Hội nghị Xứ ủy, cuộc kháng chiến của ta trên các chiến trường phát triển có nền nếp và nhịp nhàng hơn. Công tác xây dựng, phát triển Đảng bắt đầu được chú ý. Chính quyền nhân dân và đoàn thể cứu quốc được khôi phục và củng cố. Ủy ban nhân dân Nam Bộ do Phạm Văn Bạch làm Chủ tịch, Phạm Ngọc Thuần giữ chức Phó chủ tịch kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ (thành lập từ tháng 8 năm 1946). Ủy ban được củng cố lại, gồm Ung Văn Khiêm - ủy viên nội vụ, Diệp Ba - ủy viên công an, Phạm Thiều - ủy viên tuyên truyền, Nguyễn Bình - ủy viên quân sự, Kha Vạn Cân - ủy viên kinh tế, Nguyễn Thành Vĩnh - ủy viên tài chính, Nguyễn Văn Hưởng - ủy viên y tế, Huỳnh Phú Sổ - ủy viên đặc biệt.

Cũng trong tháng 11 năm 1946, ngày mùng 7, tại Chiến khu An Phú Đông, một cuộc hội nghị cán bộ của Tổng công đoàn Nam Bộ được triệu tập để bầu lại cơ quan lãnh đạo, đổi tên Tổng công đoàn Nam Bộ thành Liên hiệp nghiệp đoàn Nam Bộ, thống nhất tổ chức theo điều lệ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Lưu được bầu làm thư kí thay đồng chí Lí Chinh Thắng hi sinh ngày 30 tháng 9 năm 1946. Ngày 25 tháng 11 năm 1946, các tổ chức công đoàn ở Sài Gòn và tổ chức công nhân cứu quốc thống nhất lại thành Liên hiệp nghiệp đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn bao gồm gần 200 nghiệp đoàn cơ sở với gần 25.000 đoàn viên. Hệ thống thành công của công đoàn thành phố chia thành các khu:

- Khu Sài Gòn từ hộ 1 đến hộ 6: Về sau chia thành 2 quận: quận 1 gồm hộ 1 đến hộ 3, quận 2 từ hộ 4 đến hộ 6.

- Khu Chợ Lớn từ hộ 7 đến hộ 18, về sau chia thành quận 3, quận 4 và quận 6.

- Liên khu Tân Bình gồm Thị Nghè, Bà Chiểu, Phú Nhuận, nguyên thuộc tỉnh Gia Định được giao sang thành phố. Về sau đổi thành quận 5 gồm hộ 19 (Thị Nghè), hộ 20 (Bình Hòa), hộ 21 (Phú Nhuận), hộ 22 (Bình Lợi Trung). Toàn thành phố có 6 quận, 22 hộ.

Mùa thu năm 1946, lực lượng vũ trang nội thành được chấn chỉnh thêm một bước nữa. Các ban công tác, đội tự vệ Thành, công an xung phong, và đội trinh sát vũ trang các chi đội phân khu vực hoạt động. Các bộ phận vũ trang vùng ven đô của sáu ban công tác Thành phối hợp lại, lập một đơn vị vũ trang lấy tên là “Liên tác chiến đấu quân” do Hoàng Gia Nhi làm chỉ huy trưởng.

Liên tác chiến đấu quân gồm 4 trung đội, được trang bị hỏa lực mạnh, có súng liên thanh, làm nhiệm vụ bảo vệ các khu vực căn cứ bàn đạp, chống giặc càn quét khủng bố, bảo vệ các đường giao thông liên lạc từ thành phố ra vùng ven, yểm trợ cho các tổ chức của ban công tác tác chiến đánh địch trong nội đô.

Phong trào kháng chiến diễn ra khắp các tỉnh Nam Bộ và ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định làm cho địch lâm vào tình thế lúng túng. Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh và bình định Nam Kì trong thời gian ngắn không thực hiện được. Tướng Nyo gặp khó khăn trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa tập trung lực lượng tiến hành các cuộc hành quân tiêu diệt đối phương và dàn trải quân số củng cố các vị trí chiếm đóng thực hành bình định. Ngày 10 tháng 11 năm 1946, Nguyễn Văn Thinh treo cổ tự tử. Pháp đưa Nguyễn Văn Xuân lên làm thủ tướng chính phủ bù nhìn, nhưng sau đó lại đưa Lê Văn Hoạch lên thay. Ngày 13 tháng 11 năm 1946, đại tá Cédille bị bãi chức. Torès thuộc phái bảo hoàng sang thay làm ủy viên cộng hòa Pháp ở Nam Việt Nam. Chính sách Nam Kì tự trị của Pháp chỉ có giá trị trên hình thức. Tuy vậy, thực dân Pháp vẫn ráo riết leo thang chiến tranh, từng bước mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn quốc.

Ngày 17 tháng 12 năm 1946, nắm biết lực lượng chi đội 6 lưu động gồm hai đại đội 5 và 15 đứng chân tại khu vực hai xã Trung Lập và An Nhơn Tây (khu 5 Hóc Môn), địch tổ chức một cuộc càn lớn. Toàn bộ lực lượng bán lữ đoàn Lê dương số 13 (13è DBLE) đóng tại ngã ba Thành Quan Năm (Hóc Môn) và lực lượng chiếm đóng tại sở Mây Sắc và bót Cầu Trắng (Hố Bò) được huy động vào cuộc càn. Ý định của địch là dùng lực lượng ở Mây Sắc, cầu Trắng đánh tan đại đội 1, đại đội 2 của chi đội 12 tại khu vực này, sau đó triển khai đội hình phục kích từ Xóm Trại đến Ba Sòng đón lõng lực lượng chi đội 6; lực lượng bán lữ đoàn Lê dương số 13 có pháo binh bắn yểm trợ và máy bay trinh sát dẫn đường dồn lực lượng chi đội 6 qua đồng ruộng Ba Sòng, hợp với lực lượng Mây Sắc, Cầu Trắng diệt gọn quân ta tại đây. Tất cả đặt dưới sự chỉ huy của tên De Sarigné, đại tá chỉ huy bán lữ đoàn Lê dương 13.

Từ 5 giờ sáng, địch dùng xe cơ giới chở lực lượng 13e DBLE đổ thành 3 cụm trên đường 7. Từ đây, chúng chia làm 3 mũi tiến vào các mục tiêu đã chọn: từ Trung Hòa theo đường đất vào Tầm Lanh, tư ngã tư Trung Huyện băng ruộng vào ấp Trung Hưng, hai mũi này hợp điểm tại Xóm Ràng, nơi chi đội 6 đóng chỉ huy sở. Mũi dự bị từ đường 7 dùng cơ giới cơ động đánh thọc sườn lực lượng của ta từ Xóm Ràng về Bàu Đưng, Rừng Làng.

5 giờ 15 phút, ở hướng Xóm Trại, Ba Sòng, hai đại đội thuộc chi đội 12 do Hai Bứa, Tư Thược chỉ huy chặn đánh lực lượng địch từ sở Mây Sắc và bót Cầu Trắng ra. Bộ đội ta dựa vào các vật che khuất chờ địch đến gần mới nổ súng diệt gọn từng toán. Quân địch không tiến lên được, buộc phải quay đầu rút chạy về bót.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 11 Tháng Ba, 2012, 02:24:31 pm
Ở hướng Trung Lập, Trung Hòa, hai đại đội 5 và 15 thuộc chi đội 6 do Nguyễn Văn Công chỉ huy đã kịp thời triển khai đội hình phục kích địch dọc bìa Xóm Ràng, 5 giờ 30 phút, toán đi đầu của địch vừa vượt qua khu ruộng trốn đã chạm súng với bộ phận trinh sát chặn địch từ xa của ta. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt ngay từ đầu. Quân địch với lực lượng áp đảo (4 tiểu đoàn) trang bị hỏa lực mạnh bắn như vãi đạn vào đội hình ta, vòng vây ngày càng khép chặt. Lực lượng ta chỉ có hai đại đội, chiến đấu sau hai tiếng đồng hồ, đạn cạn dần. Trong tình thế nguy ngập đó, đại đội B thuộc chi đội 11 (Tây Ninh) do Trần Minh Ngọc chỉ huy đóng tại An Tịnh, nghe tiếng súng nổ, liền cấp tốc vận động từ Tịnh Phong qua bàu Cá Chạch thọc vào sở cao su Trung Hưng (qua quãng đường dài 8km) vừa lúc mũi thọc sườn của địch gồm 1 tiểu đoàn trên 14 xe cơ giới đổ xuống. Đại đội B nhanh chóng triển khai đội hình, bất ngờ đánh vào bên sườn phía sau bên quân địch. Đại đội trưởng Ngọc dùng khẩu đại liên bắn hạ chính xác từng tốp lính Lê dương ngoài đồng trống. Bị tập kích bất ngờ, quân địch bỏ chạy tán loạn. Mũi đánh bọc sườn của chúng bị bẻ gãy.

Tại hướng chính diện, quân địch bị hở sườn, núng thế lùi dần và lần lượt rút chạy. Quân ta thừa cơ truy kích, đốt cháy 14 xe vận tải tại Trung Hưng. Bọn địch mất xe bỏ chạy thục mạng từ đó ra đường số 7 chờ xe Hóc Môn lên đón.

Kết thúc trận đánh, ta diệt gần 300 tên địch, đốt cháy 14 xe, thu 2 đại liên 12,7 li, 6 trung liên, gần 300 súng trường và tiểu liên các loại. Hai tiểu đoàn Lê dương bị thiệt hại nặng.

Lần đầu tiên tại vùng ven Sài Gòn, bộ đội ta tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực của địch, làm cho bán lữ đoàn Lê dương 13 - một đơn vị nhà nghề nổi tiếng thiện chiến - và tên quý tộc De Chargnier mất tinh thần không còn dám hống hách nghênh ngang càn phá như trước. Thắng lợi của trận Trung Hưng - Ràng phần nào phản ánh tinh thần chiến đấu kiên cường và khả năng hiệp đồng chiến đấu của bộ đội ta trong những ngày đầu mới xây dựng ở mặt trận phía Bắc thành phố.

Cùng với những hoạt động nội thành, trận chống càn Trung Hưng - Ràng (Bắc Hóc Môn) kết thúc năm 1946, năm đầu “đi trước”, để từ đây, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định bước vào giai đoạn lịch sử mới cùng cả nước kháng chiến!

Tại Bắc Bộ, thực dân Pháp đã ngang nhiên đánh chiếm Hải Phòng - Lạng Sơn, trấn giữ hai cửa ngõ đường biển và đường bộ quan trọng của nước ta. Trưa ngày 12 tháng 12 đến sáng ngày 19 tháng 12 năm 1946, thực dân Pháp liên tiếp gửi tối hậu thư láo xược đến chính phủ ta. Tình thế vô cùng nghiêm trọng. Trưa ngày 19 tháng 12, Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các chiến khu và tỉnh ủy, “Tất cả hãy sẵn sàng”. Và 20 giờ ngày 19 tháng 12 năm 1946, đài tiếng nói Việt Nam truyền đi mệnh lệnh chiến đấu của Bộ Quốc phòng:

“Tổ quốc lâm nguy!

Giờ chiến đấu đã đến!

Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy, tôi hạ lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung - Nam - Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận, giết giặc cứu nước”
(1).

Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu!

Ngày 23 tháng 9 năm 1945 đến ngày 19 tháng 12 năm 1946 là chặng đường lịch sử đặc biệt đầy khó khăn thử thách. Ở đó, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cùng quân và dân Nam Bộ đã “đi trước” và hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ mà lịch sử giao phó.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt và kịp thời của Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch, của Xứ ủy và các cấp ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với quyết tâm sắt đá báo vệ nền độc lập dân tộc vừa giành được, đã đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trong điều kiện không ngang sức với kẻ thù xâm lược, đi từ không đến có, vừa đánh địch vừa gây dựng lực lượng mọi mặt, nhanh chóng khắc phục những mặt sai, yếu, ấu trĩ, từng bước hình thành một phương lối kháng chiến đúng đắn có hiệu quả.

Thắng lợi của 15 tháng đầu kháng chiến ở Sài Gòn và miền Nam miền Nam đã giáng hiệp đầu vào dã tâm thống trị nước ta một lần nữa của thực dân Pháp, làm xáo trộn kế hoạch chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của chúng, buộc chúng phải sử dụng cả lực lượng mà theo dự kiến ban đầu để đánh chiếm toàn Đông Dương vào cuộc chiến tranh bó hẹp ở chỗ Sài Gòn và Nam Bộ. Nó cổ vũ mạnh mẽ lòng yếu nước và tạo ra một khoảng thời gian hết sức quý báu để nhân dân cả nước có điều kiện xây dựng lực lượng mọi mặt, chuẩn bị toàn diện cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

Cuộc kháng chiến của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Nam Bộ đã cống hiến những kinh nghiệm nóng hổi đầu tiên cho nhân dân cả nước về tổ chức và chỉ đạo kháng chiến, về xây dựng và lãnh đạo lực lượng vũ trang, về tiến hành chiến tranh du kích và xây dựng cơ sở chính trị ở vùng tạm bị chiếm đô thị.

15 tháng đầu chiến đấu, củng cố và xây dựng lực lượng mọi mặt đã tạo ra những tiền đề hết sức quan trọng về tinh thần và lực lượng vật chất để quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vững bước vào giai đoạn kháng chiến tiếp theo!


(1) Những tài liệu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy - Bộ Tông tham mưu xuất bản, 1963, T1, tr. 37.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Ba, 2012, 06:41:54 pm
Chương hai

CÙNG CẢ NƯỚC ĐẨY MẠNH CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN DIỆN,
CHỐNG CHÍNH SÁCH BÌNH ĐỊNH CỦA ĐỊCH,
CAO TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
VÀ CAN THIỆP CỦA MĨ NỘI ĐÔ
(Từ tháng 1 năm 1947 đến tháng 8 năm 1950)

I. XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG MỌI MẶT CHO CUỘC KHÁNG CHIẾN

Với trên 90.000 quân viễn chinh được trang bị vũ khí hiện đại, có kinh nghiệm chiến tranh và quen thuộc chiến trường Đông Dương, đang đứng chân tại một số vị trí chiến lược trên đất nước ta, được đế quốc Anh, Mĩ giúp sức, thực dân Pháp đã bất chấp dư luận quốc tế, kể cả dư luận tiến bộ Pháp, quyết mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ra toàn cõi Việt Nam.

Tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), ngày 18 và 19 tháng 12 năm 1946, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định phát động cuộc kháng chiến trong cả nước và đề ra những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến.

Sáng ngày 20 tháng 10 năm 1946, Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn trong đêm 19 tháng 12.

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hi sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước…”
(1)

Trước ngày toàn quốc kháng chiến, Xứ ủy lâm thời Nam Bộ đã nhận được thư và điện của Trung ương Đảng. Trong thư “Gửi các đồng chí Nam Bộ”, Trung ương Đảng chỉ rõ:

“Nam Bộ là căn cứ của Pháp thực dân để lấy nhân, vật, tài lực chiến tranh với cả toàn quốc của ta và Đông Dương… Những ý định lấy Sài Gòn làm trung tâm chính trị đã biểu lộ, tất nhiên chúng ta phải có chính sách không những làm cho chúng không thể lấy Nam Bộ dùng đánh Trung, Bắc mà lại là Nam Bộ cản trở thêm khó khăn nguy hại cho chúng. Cho nên công tác phá hoại, bất hợp tác về mọi phương diện là công tác chính và chính sách này muốn thực hành đầy đủ phải làm cho toàn dân có ý thức giác ngộ, hiểu rõ mọi người đều có thể làm và phải làm để cứu nước… Không quên có những đội cảm tử xung phong, phải hợp tác công tác xung phong cảm tử với quảng đại quần chúng bằng phương pháp lãn công, đình công, đòi quyền lợi kinh tế trong các công xưởng, các sở với những hình thức đấu tranh chính trị chung, tẩy chay chính phủ bù nhìn, đòi các quyền lợi tự do dân chủ, chống khủng bố, trong lúc này cũng cần rất quan trọng nghĩa là phải kết hợp những cuộc đấu tranh không bạo lực với những cuộc chiến đấu bằng lực lượng, võ khí.

Những cuộc tác chiến đánh úp trong những du kích có thể dùng võ lực bảo vệ tài sản, sinh mạng dân chúng đi đôi với các cuộc giết bọn Việt gian, tay sai lợi hại của chúng

Một điều đáng chú ý là luôn luôn bảo vệ và xây đắp chính quyền chúng ta ở khắp thôn quê, thành thị, phải có những cơ quan hành chính bí mật hay công khai, bao giờ cũng tiêu biểu chính quyền của ta vẫn có ở Nam Bộ.

Muốn thực hành những nhiệm vụ này, Đảng ta cần phải mạnh và thống nhất. Không có một Đảng thống nhất và mạnh mẽ không thể đương đầu với tình thế hiện tại được. Thống nhất, củng cố Đảng, phát triển Đảng thành một Đảng quần chúng đủ oai quyền đầy đủ năng lực lãnh đạo là điều kiện cốt yếu để kháng chiến kiến quốc…”(2)

Gần sát ngày toàn quốc kháng chiến, bức điện ngày 16 tháng 12 năm 1946 của Trung ương Đảng gửi Xứ ủy lâm thời Nam Bộ nhấn mạnh: “Nhiệm vụ Nam Bộ là không để cho Pháp đem hết tải sản chiếm được ở Nam Bộ ra đánh Trung, Bắc. Việc hành binh phải tìm cách có ý thức uy hiếp Sài Gòn. Nhất là phá quân nhu, đạn dược ở Sài Gòn…”

Ngày 22 tháng 12 năm 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn quốc kháng chiến”, trình bày ngắn gọn những nội dung cốt lõi về đường lối kháng chiến của Đảng.

Trong bối cảnh quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định bước vào giai đoạn cùng cả nước kháng chiến, lời kêu gọi của Bác Hồ và các chỉ thị của Trung ương Đảng có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí quyết chiến chống xâm lược, vạch ra đường hướng cơ bản về cuộc kháng chiến, khẳng định và phát triển những khởi nghĩa tiến hành kháng chiến ở Sài Gòn và Nam Bộ trong thời gian hơn một năm trước đó.

Mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, “tách Nam Kì ra khỏi cuộc chiến tranh”, biến Bắc Bộ thành chiến trường chính, Bộ tham mưu của tướng Valluy đã vạch kế hoạch bình định Nam Bộ với tham vọng hoàn thành vào mùa thu 1947. Bình định Nam Bộ trở thành một khâu then chốt trong chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp.

Về chính trị, chúng dùng mọi thủ đoạn lôi kéo tập hợp các phe phái tôn giáo, đảng phái phản động, lập mặt trận quốc gia giả hiệu, các khu quốc gia, khu an ninh nhằm tạo thêm cơ sở xã hội, chia rẽ hàng ngũ kháng chiến, vô hiệu hóa các căn cứ kháng chiến.

Về kinh tế, chúng duy trì, phát triển các cơ sở kinh tế ở Sài Gòn, củng cố và đẩy mạnh hoạt động khai thác cao su ở miền Đông và lúa gạo ở miền Tây.

Về quân sự, Nyo bố trí lại chiến trường, bỏ bớt những đồn bót nhỏ lẻ, tập trung lực lượng chủ yếu ở xung quanh Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ(3), phát triển ngụy quân, phát triển chiến tranh gián điệp, mở các cuộc hành quân lớn và sâu vào vùng căn cứ kháng chiến để tìm diệt lực lượng vũ trang, triệt phá cơ sở địa phương, và thường xuyên đánh phá vùng du kích nhằm diệt lực lượng du kích và chính quyền cách mạng, từng bước mở rộng vùng kiểm soát, dồn lực lượng của ta vào một khu vực, từ đó dùng lực lượng lớn bao vây tìm diệt. Nam Bộ được chia làm 3 tiểu khu và Đặc khu Sài Gòn - Gia Định(4). Cơ quan chỉ huy đặt tại Sài Gòn và Thủ Đức. Riêng Sài Gòn - Gia Định trực thuộc Tổng hành dinh tướng Nyo. Sau đó Nyo lại chia tiểu khu thành 6 tiểu khu không theo ranh giới hành chính mà dựa trên yêu cầu phòng thủ quân sự(5). Theo đó, Chợ Lớn thuộc tiểu khu Vàm Cỏ, Gia Định thuộc tiểu khu Gia Định, Sài Gòn trực thuộc Bộ Tư lệnh quân viễn chinh tại miền Nam.

Ngay đầu năm 1947, đồng thời với việc mở các cuộc hành quân càn quét vào căn cứ và vùng du kích của ta ở xung quanh thành phố, trong nội thành, địch tăng cường canh gác các ngả đường, cửa ô, bố ráp liên tục các xóm lao động nghèo, đặc biệt theo dọc vùng kênh rạch. Chúng còn phát giấy thông hành mới, buộc nhân dân lập tờ khai gia đình, già mật vụ vào theo dõi chỉ điểm ở cổng nhà máy, trường học, đầu đường, góc chợ… gây không khí khủng bố, căng thẳng khắp nơi.

Trước tình hình đó, đáp ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, chỉ thị: “Đẩy mạnh đánh địch ở khắp các mặt trận” của Lâm thời Xứ ủy Nam Bộ, tháng 1 năm 1947, Tư lệnh bộ Khu 7 triệu tập Hội nghị quân sự toàn Khu. Hội nghị đề ra nhiệm vụ năm 1947 với các nội dung chủ yếu: tiếp tục xây dựng phát triển lực lượng vũ trang, chống chính sách địch mua chuộc giáo phái, đánh mạnh vào hậu phương của địch, các cơ sở kinh tế của chúng ở nội thành Sài Gòn, vùng cao su và dọc đường giao thông.


(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, t. 4, tr. 203.
(2) Văn kiện quân sự của Đảng, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, t. 2, tr. 69, 70, 71, 72.
(3) Lực lượng của tướng Nyo tại Nam Bộ có 38.000 quân viễn chinh, ngoài ra có 6.000 lính bảo an và khoảng 10.000 dân vệ.
(4) Tiểu khu 1: Chợ Lớn, Tân An, Mĩ Tho, Gò Công. Tiểu khu 2: Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên. Tiểu khu 3: Biên Hòa, Xuân Lộc, Bà Rịa, Thủ Đức.
(5) Tiểu khu Biên Hòa: Biên Hòa, Bà Rịa. Tiểu khu Thủ Dầu Một: Thủ Dầu Một. Tiểu khu Gia Định: Gia Định, Tây Ninh. Tiểu khu Vàm Cỏ: Chợ Lớn, Tân An, Mĩ Tho. Tiểu khu Vĩnh Long: Tiền Giang, Bến Tre. Tiểu khu Nam: Hậu Giang.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Ba, 2012, 06:43:50 pm
*
*   *

Hòa cùng tiếng súng cả nước, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tiếp tục đẩy mạnh công tác kháng chiến(1).

Trong nội thành, sau khi 6 ban công tác được thống nhất lại, có tổ chức chỉ huy chung và phân chia khu vực hoạt động, công tác xây dựng cơ sở, vũ trang tuyên truyền, điều tra nắm địch, diệt tề, trừ ác diễn ra có trọng điểm hơn và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các tổ, liên tổ, ban công tác và các đơn vị tự vệ, công an xung phong. Ngay trong tháng 1 năm 1947, Ban công tác 6 đột nhập vào nhà hàng La Rosette trên đường Mac Mahon, đặt mìn đánh sập 1/3 ngôi nhà, diệt 7 phi công Pháp.

Cũng trong tháng 7 năm 1947, các chiến sĩ Liên tác chiến đấu quân 2 - 3 - 6 đột nhập trụ sở “Mặt trận bình dân” tại Ngã Sáu, bắn chết tên Cò Ngọc, chủ tịch Mặt trận bình dân Nam Kì và băn gãy chân tên cò Sáu Bé. Ta thu 1 súng và giải tán tổ chức phản động này.

Ngày 16 tháng 2, ta đốt cháy 2 kho hàng ở cảng Nhà Rồng, làm thiệt hại trên 5 triệu đồng tiền Đông Dương ngân hàng.

Ngày 26 tháng 3 năm 1947, anh Võ Hồng Tâm, đội viên tự vệ đội Tây Hồ dùng dao cạo giết chết tên đại tá Hans Impelt, ủy viên cộng hòa Pháp ở Lào mới đến Sài Gòn, tại khách sạn Hotel des Nations đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Sự kiện tên Impelt bị giết chết, gây chấn động mạnh, làm kinh hoàng bọn sĩ quan Pháp tại Sài Gòn và dư luận nước Pháp.

Cũng trong tháng 3 năm 1947, một tổ trừ gian của lực lượng Ban công tác Thành bắn chết tên Lê Văn Hậu và 10 tên tay sai đồng bọn tại hộ 16 Chợ Lớn.

Trong tháng 4 năm 1947, bọn ngụy tổ chức hội chợ ở vườn Beaux Jeux (Tao Đàn). Khu bộ Khu 7 chỉ thị giải tán hội chợ này. Do địch kiểm soát chặt chẽ nên các chiến sĩ của ta không đưa vũ khí vào được. Ban vũ khí tự vệ thành nghiên cứu sản xuất ra hàng loạt lựu đạn ngụy trang giống hộp bật lửa và bút máy. Dựa vào bản đồ đường ống cống do cơ sở nội tuyến cung cấp, các chiến sĩ của ta luân phiên đội nhập hội chợ đánh phá. Lựu đạn tự tạo tuy tiếng nổ nhỏ và sát thương không lớn, nhưng làm cho quân địch rất hoảng sợ. Hội chợ định kéo dài sang tháng 5 đã phải giải tán sau khi khai mạc được ít ngày. Kế đó, trên 100 công nhân hãng Sôđa Khánh Hội biểu tình đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi. Tại Chợ Lớn, lực lượng tự vệ và công tác Thành thực hiện “chiến dịch” phá các nhà máy xay xát, cảnh cáo các chủ nhà máy chế biến cung cấp gạo cho thực dân Pháp. Hàng loạt nhà máy xay bị đốt như Đồng Hưng, Trung Hưng, Thành Hưng Thái, Cảnh Hưng, Kiến Quang bị đốt. Kho gạo của nhà máy Kiến Quang được chuyển ra căn cứ. Sau “chiến dịch” này, các ban công tác Thành nói chung được Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ tuyên dương công trạng toàn Nam Bộ và được Bộ Tổng tư lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba - huân chương đầu tiên của lực lượng 10 ban công tác Thành.

Ở ngoại thành, các đơn vị vũ trang củng cố thêm một bước về tổ chức và đẩy mạnh hoạt động tác chiến tiêu diệt địch. Nhằm xây dựng và bảo vệ căn cứ ở ngoại thành, tạo bàn đạp và bảo vệ đường giao liên vào thành phố. Ban chỉ huy Thành bộ tự vệ quyết định thành lập một tiểu đoàn vũ trang tập trung. Thành phần xây dựng tiểu đoàn gồm 1 trung đội mạnh của chi đội 10, các đội viên chiến đấu ở các khu, đội tự vệ nội thành, cả 1 tiểu đội lính ngụy bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất đi theo kháng chiến. Ngoài sổ riêng chi viện của chi đội 10, Ban chỉ huy tự vệ Thành tổ chức cho các khu, đội chuyển ra căn cứ số vũ khí lấy được của địch (trong đó có cả súng lớn như FM đầu bạc, trọng liên 12,7 li, cối 81 li, và chỉ thị cho ban võ khí tự vệ Thành sản xuất thêm một số súng phóng lựu (tromblon Việt Bắc). Tháng 3 năm 1947, tiểu đoàn vũ trang tập trung của tự vệ Thành lấy phiên hiệu Hoàng Văn Thụ chính thức thành lập. Ban chỉ huy tiểu đoàn Hoàng Văn Thụ gồm Trần Bá Hào (tiểu đoàn trưởng), Lê Lăng (tức Châu Văn Hổ, tiểu đoàn phó) và Phạm Thái Chu (chính trị viên). Ngay sau khi thành lập tiểu đoàn đã ra quân hoạt động đánh địch trên dọc tỉnh lộ 10 Bà Hom đi Đức Hòa, đường xe lửa Sài Gòn - Mĩ Tho, và đánh các đồn bót ở bìa căn cứ như Bà Hom, Bình Trị, ngã năm Vĩnh Lộc, cầu Xáng… Bộ đội các chi đội 6, 12, 13, 2, 3, 7 liên tiếp chặn đánh các cuộc hành quân càn quét của địch, bảo vệ căn cứ đứng chân, chống địch gom dân về các khu vực xung quanh đồn bót làm “hàng rào” của chúng.

Tháng 3 năm 1947, một trung đội của chi đội 6 do Đặng Tri Nhơn chỉ huy đánh tiêu diệt bót Sở Cô Tám ở ấp Tân Thông (Củ Chi). Thủ đoạn đánh được gọi bằng cái tên ngộ nghĩnh: “đánh cu mồi!” Ta sử dụng lính Lê dương (hơn 10 người) và lính Nhật (3 người) ra hàng và đi theo kháng chiến cùng một số chiến sĩ biết tiếng Pháp cải trang thành sĩ quan Pháp. Lính Lê dương và lính Partisan đi theo đường số 1 vào bót, ra lệnh cho xếp bót tập hợp số lính lại để kiểm tra. Bọn lính vừa tập hợp xong, tên xếp bót đứng ra báo cáo thì hàng loạt tiểu liên, trung liên của ta nổ tới tấp, tiêu diệt gọn 31 tên. Ta thu 1 đại liên, 3 tiểu liên, 20 súng trường và nhiều đạn dược. Sau trận này, chi đội 6 thành lập thêm bộ đội Tân Thông (gồm cả số lính Lê dương, lính Nhật đã theo ta) do Tư Thiện chỉ huy. Trong các chi đội Vệ quốc đoàn khác xung quanh thành phố, đều có nhiều binh linh và sĩ quan Pháp, Đức, Nhật, theo ta kháng chiến. Nhiều người có trình độ quân sự giỏi, chiến đấu dũng cảm, lập được thành tích xuất sắc.

Sang tháng 4 năm 1947, ta đánh một trận chớp nhoáng diệt đồn Suối Cụt (xã Phước Hiệp, Củ Chi) trên đường số 1 cách trung tâm Sài Gòn 43km. các chiến sĩ của ta cải trang làm lính ngụy đi càn về chặn lấy xe khách, lên xe chạy đến cửa bót đi vào bót tự nhiên. Trong lúc tên xếp bót và bọn linh còn ngơ ngác thì lực lượng cả ta nhanh chóng tỏa ra, dựa vào các công sự, vật cản, dùng trung liên, tiểu liên và lựu đạn diệt toàn bộ bọn lính đóng giữ bót gồm 30 tên, thu 3 trung liên, 27 súng trường.

Ngày 22 tháng 4 năm 1947, bộ đội liên quân B phục kích tại Phú Mĩ hưng. Phú Mĩ Hưng là một xã thuộc căn cứ khu 5(1) Hóc Môn, nằm về ven sông phía Bắc Sài Gòn, có bến đò nối Bến Súc và đường 15 xuống An Nhơn Tây, nối liền Bùng Binh, là xã ranh giới ngã ba huyện Hóc Môn (Gia Định), án ngữ vị trí tiền tiêu của căn cứ khu 5 - cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn. Đêm 21 rạng ngày 22, địch huy động 200 lính Âu Phi và một đại đội lính Cao Đài phản động chia làm hai cánh tấn công vào khu vực cao su Bót Sắc, Cầu Trắng, Hố Bò nhằm tiêu diệt bộ đội ta. Ở đây ta có một đại đội của chi đội 12, một đại đội của chi đội 6 và một đại đội của chi đội 11 (thuộc liên quân B) đóng rải từ xóm Cầu Trắng vào đến Hố Bò. Được tin trinh sát phát hiện và các trạm gác của dân quân ở Làng Cát, Bờ Cảng đánh mõ báo động, ta đã chuẩn bị sẵn sàng phương án chống càn. Các đơn vị bộ đội nhanh chóng triển khai đội hình phục kích. Trận địa kéo dài từ bìa rừng đến sát lộ 15. 5 giờ sáng, toán quân đi đầu đụng lực lượng du kích ở Bờ Cảng, Làng Cát. Quân địch với lực lượng áp đảo vượt qua điểm chốt chặn từ xa của ta, đến 8 giờ sáng, toàn bộ đội hình lọt vào trận địa phục kích. Quân ta đồng loạt nổ súng, ném lựu đạn, đẩy địch lùi xuống mương và sở cao su, sau đó dùng súng bắn tỉa. Một xạ thủ đại liên của chi đội 6 dùng đại liên quét dọc mương diệt rất nhiều tên địch. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 10 giờ. Địch buộc phải rút lui. Ta thu 1 đại liên.


(1) Thời kì này, Khu 7 trực tiếp chỉ huy các lực lượng công tác Thành và tự vệ Thành. Lực lượng Công an xung phong trực thuộc Thành.
(2) Nay là Bắc Củ Chi.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Ba, 2012, 06:46:00 pm
Trong khi phong trào đánh giặc đang diễn ra sôi nổi, trên khắp cá chiến trường thì ở phía Bắc Hóc Môn, một số lực lượng Cao Đài phản động ngày càng công khai trở mặt, chống phá kháng chiến.

Từ cuối năm 1946, khu ủy Khu 7 và tỉnh ủy Tây Ninh đi chủ trương mở rộng mặt trận đoàn kết dân tộc, nhiều lần tiếp xúc, mời các chức sắc Cao Đài tham gia mặt trận Việt Minh tỉnh, vận động đồng bào tín đồ tham gia kháng chiến, vạch rõ âm mưu chia rẽ tôn giáo, thành lập mặt trận giáo phái phản động của thực dân Pháp và một số chức sắc cao cấp phản động. Nhiều tín đồ Cao Đài hiểu rõ chính sác của Chính phủ Hồ Chí Minh và âm mưu của giặc đã nhiệt tình ủng hộ tham gia kháng chiến. Tuy vậy, một số chức sắc Cao Đài vẫn rắp tâm theo giặc chống lại cách mạng, biến lực lượng thanh niên vũ trang và đồng bào tín đồ thành công cụ đắc lực của thực dân Pháp trong chính sách bình định ở Nam Bộ.

Sau khi được thực dân Pháp trang bị vũ khí, từ tháng 2 năm 1947, quân Cao Đài phản động càn quét, đánh phá và đóng bót khắp nơi. Ở Đức Hòa, Trảng Bàng, Hóc Môn, binh lính Cao Đài tổ chức thành đại đội đi càn quét các vùng căn cứ địa của ta. Đi đến đâu chúng thẳng tay bắn giết nhân dân, đốt nhà cướp của đến đó. Cùng đi với lực lượng quân đội là tín đô Cao Đài bị kích động ồ ạt đi theo sau làm “con hôi” hò hét phụ trợ và chuyên chở những thứ cướp bóc được.

Hành động chống phá của lực lượng Cao Đài phản động gây cho ta rất nhiều khó khăn. Chính quyền cách mạng địa phương, các cán bộ đảng viên và bộ đội gặp nhiều lúng túng trong việc thực hiện chính sách Cao Đài vận, xây dựng mặt trận đoàn kết kháng chiến và chiến đấu, bảo vệ lực lượng, bảo vệ nhân dân.

Trước tình hình đó, tháng 2 năm 1947, Tư lệnh bộ Khu 7 quyết định thanh lập một số liên quân đặc nhiệm làm nhiệm vụ ngăn chặn hành động đánh phá của quân Cao Đài phản động, đồng thời đẩy mạnh tác chiến đánh địch ngay trên các chiến trường. Theo quyết định này, liên quân B được thành lập trên cơ sở hợp nhất một số bộ phận thuộc các chi đội 1, 6, 11, 12, 13, 15 lúc đầu do Huỳnh Kim Trương rồi từ tháng 5 năm 1947 là Tô Kí làm chỉ huy trưởng, hoạt động ở khu vực phía Bắc Hóc Môn, Trảng Bàng, Đức Hòa. Liên quân 17 gồm một bộ phận thuộc các chi đội 1, 6, 10 do Đào Sơn Tây làm chỉ huy trưởng, hoạt động ở khu vực Thủ Đức, Dĩ An, Lái Thiêu, Châu Thành, Tân Uyên. Liên quân 18 gồm một bộ phận thuộc các chi đội 6, 12, do Nguyễn Thược (Lâm Quốc Đăng) làm chỉ huy trưởng, hoạt động ở khu vực Hóc Môn, Bến Cát, Gò Vấp(1).

Các liên quân tỏa ra chủ động đánh địch càn quét, ngăn chặn các đơn vị quân Cao Đài phản động đánh nống vào khu vực xung quanh thành phố.

Cùng thời gian này, Lâm thời Xứ ủy Nam Bộ chỉ thị cho Khu 7 và các tỉnh: hết sức bình tĩnh tranh thủ sự ủng hộ tham gia kháng chiến của đồng bào tín đồ đạo Cao Đài, mặt khác kiên quyết trừng trị những tên manh tâm làm tay sai cho giặc Pháp, đối địch với kháng chiến. Do quán triệt không đầy đủ chỉ thị trên, ở Khu 7, một vài đơn vị bộ đội đã thực hiện một số vụ “Tảo thanh Cao Đài” một cách quá tả, gây cho một số tín đồ Cao Đài mất niềm tin hoặc mang mối hận thù với cách mạng. Có gia đình bỏ chạy về khu Tòa thánh hoặc về xung quanh khu vực đồn bót. Một số ít khác đi theo địch, vào quân đội Cao Đài hoạt động chống phá kháng chiến quyết liệt hơn.

Một số sự kiện “tảo thanh” diễn ra ở Hóc Môn, Trảng Bàng, Thủ Đức cũng như ở một số huyện khác như Đức Hòa, Đông Thành (Chợ Lớn), Mộc Hóa (Tân An)… phản ánh trình độ ấu trĩ tả khuynh của một vài cán bộ và đơn vị bộ đội trong thời gian đầu của cuộc kháng chiến… Ngay sau đó, Khu ủy Khu 7 và tỉnh ủy các tỉnh đã kịp thời chỉ đạo sửa sai, đưa cán bộ về bám địa bàn, giải thích, vận động đồng bào tín đồ, lấy lại lòng dân. Đại đa số đồng bào đã hiểu và thông cảm với tình hình trên, một lòng theo Đảng và Bác Hồ, nhiệt tình tham gia kháng chiến chống Pháp.

Tháng 4 năm 1947, đồng chí Lê Duẩn từ Việt Bắc về đến Nam Bộ. Tại chiến khu Đồng Tháp Mười, Hội nghị Xứ ủy mở rộng được triệu tập. Hội nghị đã kiểm điểm 3 tháng thực hiện “tổng tiến công, khuấy rối, phong tỏa, phá hoại” trên các chiến trường, quán triệt đường lối chỉ đạo chung của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện trường kì và tự lực cánh sinh, đề ra các biện pháp nhằm xây dựng lực lượng kháng chiến về mọi mặt, vừa kháng chiến, vừa xây dựng lực lượng chiến đấu, xây dựng lực lượng quân sự mạnh trên cơ sở xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp. Hội nghị nhấn mạnh cần phải củng cố lại hệ thống tổ chức Đảng từ Xứ tới cơ sở, phát triển thêm nhiều đảng viên mới, đặc biệt trong lực lượng vũ trang, tăng cường chất lượng chính trị trong các tổ chức Đảng. Hội nghị thành lập Xứ ủy chính thức, bổ sung thêm một số ủy viên Xứ ủy mới và bầu đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư.

Kế sau Hội nghị Xứ ủy, hội nghị cán bộ Đảng Sài Gòn - Chợ Lớn được triệu tập tại Bà Vụ (Vườn Thơm). Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Xứ ủy đã tới dự. Hội nghị tập trung bàn về việc xây dựng lực lượng mọi mặt và phương hướng hoạt động trong thành phố. Hội nghị chỉ rõ, Đảng cần đi sâu vào phong trào quần chúng, tiến hành kết hợp đấu tranh chính trị, đấu tranh kinh tế với đấu tranh quân sự, diệt ác, trừ gian, kết hợp hình thức đấu tranh bí mật, công khai với nửa công khai, bất hợp pháp, hợp pháp với nửa hợp pháp. Về xây dựng Đảng, Hội nghị chủ trương tiếp tục phát triển thành một Đảng của quần chúng, nhưng tránh lối phát triển ồ ạt và phải bảo toàn cơ sở, đồng thời cần nghiêm khắc sửa chữa những biểu hiện sai trái trong Đảng như chủ quan, hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: cần phải phát triển cơ sở Việt Minh, tập hợp trí thức vì kháng chiến của ta rất cần, trí thức là tinh hoa của dân tộc. Về hoạt động nội thành, đồng chí nói: “báo chí là người cán bộ tuyên truyền, giải thích những chủ trương của Đảng, đồng thời là người cán bộ hướng dẫn công tác”. Thành phố phải tăng cường và duy trì hoạt động của báo chí. Hội nghị cử Ban chấp hành Thành ủy(2) do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm bí thư(3).

Cũng trong thời gian này, Tỉnh ủy Gia Định tổ chức hội nghị tại chiến khu An Phú Đông. Hội nghị đã kiểm điểm rút kinh nghiệm một năm xây dựng củng cố lực lượng trên địa bàn tỉnh. Riêng về công tác xây dựng chính quyền, hội nghị chỉ rõ: trong tình hình chiến tranh ác liệt, nếu biết dựa vào dân, dựa vào lực lượng vũ trang thì mới xây dựng được cơ sở. Thực tế ở hai huyện Thủ Đức, Nhà Bè cho thấy phải biết kết hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể quần chúng thì mới giữ vững được chính quyền. Phải tăng cường hoạt động của lực lượng công an để trừng trị bọn Việt gian phản động, phân hóa cô lập các đảng phái chính trị chống đối thì chính quyền hoạt động mới có hiệu quả và phát huy được tác dụng. Hội nghị chủ trương tăng cường chất lượng lãnh đạo ở các huyện, xã trên cơ sở cán bộ lãnh đạo phải do cấp ủy Đảng, Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể bầu ra một cách dân chủ. Xây dựng nền kinh tế kháng chiến độc lập, tự chủ trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu ở các khu căn cứ. Tăng cường hoạt động vũ trang, diệt tề trừ gian hỗ trợ cho chính quyền các cấp, chỉ đạo nhân dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng. Về vấn đề Cao Đài, Hội nghị chủ trương chỉ bắt bọn cầm đầu phản động, cử một số cán bộ chiến sĩ làm công tác Cao Đài vận, giải thích cho đồng bào tín đồ hiểu chủ trương của ta, đồng thời vạch trần âm mưu nham hiểm của thực dân Pháp và bọn phản động gây chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Hội nghị đã đề cử, bổ sung thêm một số tỉnh ủy viên. Tỉnh ủy vẫn do đồng chí Phạm Văn Chiêu làm bí thư.

Hội nghị Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định lần này đã đặt ra những vấn đề cơ bản về đường lối và phương pháp đấu tranh cách mạng ở một thành phố lớn và vùng ven tạm bị chiếm. Nó cụ thể hóa đường lối kháng chiến của Đảng ta qua các văn kiện chỉ thị toàn dân kháng chiến, Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 2 và hàng loạt bài giải thích đường lối kháng chiến của đồng chí Trường Chinh(4) vào hoàn cảnh cụ thể ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, xuất phát từ nhu cầu thực tế ở địa phương. Từ đây, công cuộc kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định diễn ra ngày càng có nền nếp, quy củ và hòa nhịp với phong trào kháng chiến toàn quốc.


(1) Tất cả có 5 liên quân: A, B, C, 17, 18. Liên quân A lấy từ chi đội 6, 11 bộ đội Hải ngoại do Nguyễn Văn Dung làm chỉ huy trưởng, hoạt động ở chiến trường biên giới phía Bắc Tây Ninh đến biên giới Việt Nam - Campuchia (tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông). Liên quân C lấy từ chi đội 5, 12, 13 bộ đội Bình Xuyên, hoạt động ở quân khu Đông Thành đến giáp biên giới Việt Nam - Campuchia (bên hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông).
(2) Gồm 15 đồng chí: (13 chính thức, 2 dự bị): Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Thọ Chân, Ngô Sĩ Hùng, Ngô Thị Huệ, Chương Dương, Huỳnh Văn Vàng, Cao Đăng Chiếm, Quế Lâm, Liễu Châu, Lê Tuấn, Lê Bá Hoa, Phùng Lượng, Phạm Văn Chúc, Đào Năng An.
(3) Đến tháng 5 năm 1947, đồng chí Nguyễn Văn Linh về Xứ ủy nhậm nhiệm vụ mới, đồng chí Lê Văn Sĩ được trên bổ sung về thay làm bí thư. Ngày 21 tháng 10 năm 1948, đồng chí Lê Văn Sĩ hi sinh.
(4) Loạt bài này đăng trên báo Sự Thật, đến tháng 9 năm 1947 tập hợp in thành sách xuất bản lần đầu với tiêu đề Kháng chiến nhất định thắng lợi phát hành bí mật ở Sài Gòn - Gia Định.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Ba, 2012, 06:47:14 pm
*
*   *

Tháng 5 năm 1947, giặc Pháp giảm bớt hoạt động càn quét ở miền Tây Nam Bộ, tập trung quân về đánh phá vùng xung quanh Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Để có thêm quân thay thế cho các đơn vị chính quy đã rút ra miền Bắc làm nhiệm vụ bình định lãnh thổ, thực dân Pháp tiến hành tuyển mộ lính ngụy. Đến giữa năm 1947, chúng đã tuyển mộ được 9.000 vệ binh cộng hòa và trên 10.000 quân phụ lực. Trong thành phố, nhằm phỉnh mị dân chúng, lôi kéo tập hợp lực lượng chống đối kháng chiến. Cao ủy Pháp Bollaert ban hành mệnh lệnh bãi bỏ kiểm duyệt báo chí, nới rộng hơn quyền dân sinh dân chủ cho công nhân viên chức ở các nhà máy, công sở.

Dù vậy, phong trào kháng chiến của đồng bào thành phố vẫn đang trên đà phát triển. Để giám sát phong trào, ta chia Sài Gòn - Chợ Lớn thành bốn khu vực chỉ đạo. Khu 1: từ hộ 1 đến hộ 6 do Hồ Bắc làm bí thư. Khu 2: từ hộ 7 đến hộ 12 do Thiếu Hà làm bí thư. Khu 3: từ hộ 13 đến hộ 18 do Việt Hùng làm bí thư. Khu 4: từ hộ 19 đến hộ 21 (ba xã Bình Hòa, Phú Nhuận, Thạnh Mĩ Tây) do Phạm Văn Chức làm bí thư (khu 4 về hành chính thuộc tỉnh Gia Định, nhưng về Đảng thuộc thành phố Sài Gòn quản lí).

Công tác xây dựng và phát triển Đảng được triển khai đều khắp. Các nhân tố nòng cốt trong công nhân viên chức, trong các đơn vị vũ trang, ban công tác, Liên tác chiến đấu quân, công an, tự vệ được chú trọng bồi dưỡng giáo dục và kết nạp Đảng. Lần lượt các chi bộ Đảng ra đời hoặc được củng cố lại. Nhiều chi bộ vừa thành lập đã phát huy tác dụng tốt như các chi bộ hộ 7, hộ 8, hộ 9 ở khu Chợ Lớn nội thành, chi bộ hộ 10, vùng trường đua Phú Thọ, Chợ Thiếc, chi bộ hộ 3 khu vực Khánh Hội, chi bộ hộ 4, hộ 6 vùng Bàn Cờ, bến Tắm Ngựa, Chí Hòa, Hòa Hưng, chi bộ hộ 20 vùng Bình Hòa, Bà Chiểu, chi bộ hộ 21 vùng Phú Nhuận… Đến giữa năm 1947, các chi bộ Đảng đã được thành lập khắp 22 hộ trong nội thành và trong nhiều nhà máy, công sở. Chi bộ tự vệ Thành Sài Gòn ban đầu chỉ có 4 đảng viên đã nhanh chóng phát triển rộng khắp các khu, đội tự vệ.

Trong các đơn vị vũ trang ngoại thành, công tác Đảng cũng được chú trọng đẩy mạnh, đặc biệt trong các chi đội bộ đội Bình Xuyên. Bị bon tay sai phản động và nhân viên Phòng Nhì Pháp nằm trong “Tổng hành dinh”, khu bộ phó và ban tham mưu liên khu Bình Xuyên lũng đoạn, xúi giục, Bảy Viễn thực hiện các biện pháp chống đối, loại trừ các đảng viên cộng sản và chế độ chính trị viên trong nội bộ bộ đội Bình Xuyên. Dù vậy, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Khu 7, nhiều chi bộ Đảng, cán bộ công đoàn ở thành phố đã về các chi đội mở cuộc vận động tuyên truyền về mục tiêu lí tưởng, chủ trương đường lối của Đảng và Chính phủ trong các đơn vị, những chiến sĩ nòng cốt, qua đó lựa chọn những người có đủ điều kiện để bồi dưỡng và kết nạp vào Đảng. Nhiều cuộc kết nạp được tiến hành một cách bí mật, ngăn cắt, nhưng vẫn đầy đủ nghi thức trong các nền rạch Rừng Sác. Trên thực tế, trong hầu hết các đơn vị vũ trang, tổ chức Đảng các cấp đã được hình thành một cách có hệ thống từ trên xuống dưới. Đảng thực sự nắm quyền lãnh đạo hầu hết lực lượng vũ trang(1).

Đi đôi với việc phát triển hệ thống tổ chức Đảng và các đảng viên, ta ra sức củng cố hệ thống chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cứu quốc, dân quân tự vệ, công an các cấp. Đặc biệt trong công nhân, tổ chức công đoàn phát triển một bước mới. Các liên hiệp nghiệp đoàn được củng cố từ hộ, quận lên đến thành phố. Trong công đoàn thành phố có các bộ phận chuyên trách công tác trí thức, viên chức, thanh niên, phụ nữ… Một số công đoàn ngành cấp thành phố được thành lập như liên đoàn thợ nón, liên đoàn thợ mộc, liên đoàn nhân viên ngân hàng, liên đoàn tài xế, liên đoàn công nhân nước đá, liên đoàn công nhân thuốc lá… số lượng đoàn viên công đoàn năm 1947 lên đến 15.000 người. Ở Thị Nghè, tổ chức của những người công giáo yêu nước mang tên “Liên đoàn công giáo kháng chiến” ra đời làm nhiệm vụ vận động bà con giáo dân quyên góp tiền bạc, thuốc men ủng hộ kháng chiến.

Tại Gia Định, tổ chức Mặt trận Việt Minh được hoàn chỉnh từ trên xuống dưới. Bộ máy quyền lực được củng cố. Ủy ban kháng chiến hanh chánh có uy tín trong nhân dân. Số đảng viên toàn tỉnh phát triển lên gần 2.000 (năm 1946 mới có hơn 500 đảng viên).

Hệ thống thành công Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang, mặt trận, đoàn thể vừa được xây dựng và củng cố đã tạo điều kiện quan trọng trong việc thúc đẩy phong trào kháng chiến trong thành phố. Các cuộc đấu tranh chính trị diễn ra dưới nhiều hình thức phong phú. Ngày 19 tháng 5 năm 1947, cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở cổng xe lửa số 10 Phú Nhuận và trên dây cáp điện hãng diệt bao bố ở Vĩnh Hội. Từ đây về sau, cờ đỏ sao vàng, truyền đơn khẩu hiệu xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt trong các ngày lễ lớn. Những khẩu hiệu :”Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Kháng chiến nhất định thắng lợi!” “Đả đảo thực dân Pháp và chính phủ bù nhìn tay sai”… được viết lên tường hay cột báo bay thả lên không, cắm trên bè chuối thả trôi dọc sông. Trong các ngày lễ cách mạng như ngày 19 tháng 5, ngày 25 tháng 8, ngày 2 tháng 9, ngày 23 tháng 3… anh chị em công nhân viên chức ăn mặc trang trọng.


(1) Đảng trong các đơn vị lực lượng vũ trang vẫn trực thuộc hệ thống khu ủy.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Ba, 2012, 06:48:52 pm
Cùng với truyền đơn khẩu hiệu vẽ, in tại chỗ và các tài liệu kháng chiến, báo chí của ta từ các căn cứ chuyển về được chuyền tay xem khá rộng rãi. Ngoài những tờ báo lớn của Nam Bộ, của Khu ủy Khu 7, Thành Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Gia Định, còn có những tờ báo “nhỏ” in bột xù xoa của các chi đội Vệ quốc đoàn, công an, các tổ chức đoàn thể cũng được đồng bào trân trọng chuyền tay nhau đọc. Mua, ủng hộ báo và đọc báo trở thành phong trào, đáp ứng nhu cầu và tình cảm của đặc biệt thành phố vừa để gửi tiền đóng góp kháng chiến, vừa để tìm hiểu diễn biến mọi mặt của công cuộc kháng chiến và nhiệm vụ đấu tranh. Bên cạnh các mục tin vắn, các bài tường thuật, bình luận, xã luận, nhiều bài thơ, truyện ngắn, phóng sự, ghi chép, tùy bút, gây xúc động mạnh mẽ trong lòng người đọc. Đồng bào thành phố bắt đầu quen biết với những tên Xuân Miễn, Khương Minh Ngọc, Phạm Công Binh, Chi Linh (tức Mai Văn Tạo), Phạm Tường Hạnh, Trần Hữu Nghiệp, Đoàn Giỏi, Nguyễn Ngọc Tấn (tức Nguyễn Thi), Trần Vân Anh, Hoàng Văn Bổn, Lí Văn Sâm, Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Bính, Nguyễn Trọng Tuyển, Hoàng Tố Nguyên, Bảo Định Giang, Nguyễn Hải Trừng, Rum Bảo Việt…

Báo chí công khai ở Sài Gòn, bên cạnh những tờ rất phản động như Tiếng Loa, Phục Hưng, Tiếng gọi… bênh vực cho hành động xâm lược của thực dân Pháp và bọn tay sai bán nước, có nhiều tờ biểu hiện khuynh hướng ủng hộ Chính phủ Cụ Hồ, chống phân li, chia cắt đất nước như Tín Điện, Nam Kì, Tân Việt, Kiến Thiết, Tin Mới, Dư Luận, Việt Thanh, Sài Thành, Công Chúng, Echo du Việt Nam, PusFice. Tờ Lendemain của nhóm Văn Hóa Mác xít thiên hẳn khuynh hướng chống chiến tranh xâm lược và chia cắt Việt Nam. Trong số ra ngày 19 tháng 5 năm 1947, tờ Nay Mai dám đăng hinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bai thơ của tác giả Hoàn Châu ca ngợi Đài Tiếng nói Việt Nam(1).

Ngày 22 tháng 5 năm 1947, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ ra Chỉ thị số 4 - NV “Cách đối phó với công chức và nhân viên đương hiệp tác với Pháp trong guồng máy cai trị và các sở tư của Pháp”. Chỉ thị chỉ rõ: “Công cuộc kháng chiến tranh thủ nền độc lập cho nước nhà đã đến giai đoạn quyết liệt. Mỗi công dân nước Việt Nam, không phân biệt đảng phái tôn giáo, đều có nhiệm vụ trực tiếp tham gia đấu tranh hoặc ở tiền tuyến, hoặc ở hậu phương và tuyệt đối không được hiệp tác với giặc hoặc với chính phủ bu nhìn phản quốc Lê Văn Hoạch. Xin các cấp hành chánh, quân sự công an hãy kêu gọi họ trở về với Tổ quốc và truyền rao cho họ hoặc bản thân của họ biết: 1/ Công chức, giáo chức, tư chức hiện còn hiệp tác với thực dân Pháp và chính phủ bù nhìn Lê Văn Hoạch, dẫu trong sở công hay sở tư phải lập tức thoát li, thi hành huấn lệnh của Chánh phủ bất hợp tác với Pháp và “chánh phủ” bù nhìn Lê Văn Hoạch. 2/ Kì hạn một tháng sau khi công bố chỉ thị này, các công chức và tư chức kể trên phải thu xếp trở về với Chánh phủ…”(2)

Kế đó, ngày 21 tháng 6 năm 1947, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ ra chỉ thị số 404/TV “giải rõ chỉ thị 4-NV”, coi chỉ thị 4 -NV là:

1/”Chánh trị:

a/ Gây phong trào mãnh liệt bất hợp tác với giặc của tất cả công dân Việt Nam yêu nước, để biểu dương sự đoàn kết của dân tộc, của các tầng lớp dân chúng từ thôn quê tới thành thị quyết tâm theo đuổi cuộc kháng chiến giành độc lập.

b/ Biểu thị uy tín của Chánh phủ đối với các tầng lớp dân chúng một khi đã ra lệnh cho công nhân mặc dầu đang làm việc dưới bóng cờ của giặc, cũng đáp lại tiếng gọi của Chánh phủ, của Tổ quốc, để hi sanh ra lãnh nhiệm vụ công dân trong lúc nước nhà cần đến.

c/ Có dịp cho anh em công chức chân chính yêu nước ra hi sanh tham gia kháng chiến.

d/ Làm thất bại sự xuyên tạc xảo quyệt của thực dân Pháp cho rằng công chức thành thực hợp tác với chúng và bè lũ bù nhìn chống lại Chính phủ Việt Nam.

2/ Kinh tế:

Làm tê liệt cơ sở kinh tế của giặc ngay trong vùng chúng kiểm soát, phá tan hay làm gián đoạn các đầu mối giao thông của địch để các sự tiếp tế của địch phải bị trở ngại.

3/ Cai trị:

Làm tê liệt guồng máy cai trị của giặc trong khi các công chức bỏ sở…”(3)

Thực hiện chỉ thị 4-NV của Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ, trên 6.000 viên chức và 1.000 thợ chuyên môn rời thành phố ra chiến khu. Trong số này có nhiều trí thức, nhân sĩ danh tiếng như bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, đô trưởng Sài Gòn Phan Văn Chương… Căn cứ Vườn Thơm trở thành “trạm” đón tiếp trung chuyển số viên chức công nhân này về chiến khu Đồng Tháp Mười và tỏa đi các chiến trường Nam Bộ, một phần sung vào các đơn vị chiến đấu, một phần trở thành lực lượng nòng cốt, xây dựng các ngành quân giới, kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục kháng chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn người đồng loạt rời bỏ cuộc sống yên nổ ở Sài Gòn để ra bưng biền biểu thị tấm lòng tha thiết đi theo kháng chiến của nhân dân thành phố. Tuy nhiên, việc ra đi ồ ạt này đã làm xáo trộn không ít đến các tổ chức kháng chiến nội thành; mặt khác, kẻ thù lợi dụng cài một số gián điệp do thám trà trộn trong đoàn người ra bưng biền. Bọn này tìm cách len lỏi vào các cơ quan kháng chiến để phá hoại ta về sau.

Trên mặt trận kinh tế, phong trào đấu tranh của nhân dân thành phố diễn ra không kém phần mạnh mẽ. Công nhân các nhà máy Bastos, Hội Đồng, Denis, Sôđa Khánh Hội, Mic, Côphat, bia Chợ Lớn… đấu tranh đòi tăng lương, cải thiện chế độ làm việc. Giới tiểu thương, thợ thủ công đấu tranh mạnh mẽ chống tăng thuế, ngăn cản thông thương. Nhân dân vùng quanh sân bay Tân Sơn Nhất và vùng cảng Sài Gòn, Khánh Hội, Nhà Bè, nằm trong quy hoạch mở rộng xây dựng sân bay, quân cảng, kho tàng của địch, trì hoãn việc dời chuyển nhà, đòi bồi thường cao hơn mức uy định. Đáng kể nhất là phong trào phá hoại kinh tế địch. Ngoài việc đình công, công nhân tìm cách tháo gỡ máy móc, lấy nguyên liệu, hóa chất, thuốc men, dụng cụ y tế, dụng cụ văn phòng… gửi ra chiến khu. Những thứ không lấy được thì tìm cách đốt phá, làm hư hỏng. Ở Vĩnh Hội, ta đốt cháy 5 kho chứa đầy mủ cao su và đồ hộp, đốt kho Lucia, phá 100 cỗ máy trong hãng Faci bằng cách lấy mạt cưa, cát, nấu thành keo hòa vào dầu đổ vào máy.

Hoạt động phá hoại kinh tế địch trong năm 1947 chưa rầm rộ và đạt kết quả cao, nhưng đã góp phần làm giảm công suất hoạt động các nhà máy, hạn chế nguồn lợi kinh tế của tư bản thực dân Pháp, đồng thời cung ứng một phần quan trọng nhu cầu của ta ở các căn cứ.


(1) Bài thơ có đoạn:
Tiếng nói của cả bốn ngàn năm lịch sử.
Tiếng Đồng Nai, Nhị Thủy, Hương Giang
Tiếng nòi giống, tiếng giang san
Tiếng Tổ quốc, tiếng Việt Nam cộng hòa
Tiếng nguyện vọng, tiếng thiết tha chính đáng
Tiếng tâm hồn tươi sáng thanh cao
Tiếng khí khái, tiếng anh hòa
Tiếng reo độc lập, tiếng gào tự do.

(2) Cập năm 1947, Phòng tư liệu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
(3) Cập năm 1947, Phòng tư liệu, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Ba, 2012, 06:49:43 pm
Trên mặt trận quân sự, lực lượng vũ trang cũng lập được nhiều thành tích. Các đơn vị vũ trang tập trung ngày một lớn mạnh. Từng ban công tác Thành, tự vệ Thành, công an xung phong đều có lực lượng trang bị mạnh (từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội) đứng chân ở ngoại thành vừa để hỗ trợ cho tác chiến trong nội đô vừa để xây dựng và bảo vệ căn cứ cho từng đơn vị. Nhu cầu thống nhất các đơn vị có trang bị mạnh bên ngoài thành một lực lượng tập trung để đẩy mạnh hoạt động phối hợp nhịp nhàng với lực lượng trong nội đô trở nên bức xúc. Trước tình hình ấy, Ủy ban kháng chiến hành chánh thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đề nghị Tư lệnh bộ Khu 7 cho thành lập một trung đoàn bộ đội tập trung chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy và Ủy ban kháng chiến hành chánh Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhiệm vụ của trung đoàn là bảo vệ cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố, bảo vệ khu vực căn cứ Bàu Có, Láng Le, Vườn Thơm, Bà Vụ, đánh các đồn bót ven đô hỗ trợ cho phong trào nội thành. Ngày 19 tháng 5 năm 1947, trung đoàn bộ đội tập trung của Sài Gòn - Chợ Lớn chính thức ra mắt, lấy phiên hiệu Phạm Hồng Thái. Trung đoàn Phạm Hồng Thái có 3 tiểu đoàn: Hoàng Văn Thụ, Kí Con và Ngô Gia Tự. Tiểu đoàn Hoàng Văn Thụ của tự vệ Thành do Trần Bá Hào làm tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn Kí Còn gồm lực lượng Liên tác chiến đấu quân của các ban công tác và một đại đội của Ủy ban kháng chiến miền Nam tăng cường, do Phạm Quang Thuần làm tiểu đoàn trưởng. Tiểu đoàn Ngô Gia Tự gồm lực lượng vũ trang tập trung của Ban công tác số 4 và của Liên hiệp công đoàn Thành đứng chân ở An Phú Đông, Bình Trị Đông, Phú Thọ, do Nguyễn Minh Đức làm tiểu đoàn trưởng. Ban chỉ huy trung đoàn gồm Huỳnh Văn Vàng (trung đoàn trưởng), Nguyễn Văn Hâm (trung đoàn phó), và Hà Ngọc Tiếu (chính trị viên).

Cũng từ giữa năm 1947 trở đi, lực lượng vũ trang Thành được củng cố lại, thay đổi tổ chức, hầu đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quân sự ở nội thành. Tháng 7 năm 1947, Tư Lệnh bộ Khu 7 thành lập thêm Ban công tác số 7 lấy từ số anh em trinh sát của bộ đội Phú Thọ, những chiến sĩ công đoàn xung phong đứt liên lạc và số anh em phát hành báo Vệ Quốc. Do đã có trung đoàn tập trung Phạm Hồng Thái, các ban công tác và tự vệ Thành cần phải tổ chức lại thành địa phương quân, tháng 11 năm 1947, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ ra chỉ thị đổi các ban công tác Thành và tự vệ Thành thành các đại đội du kích trực thuộc Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn. Theo chỉ thị này:

Ban công tác số 1 thành đại đội du kích 1
Ban công tác số 2 thành đại đội du kích 2
Ban công tác số 3 thành đại đội du kích 3
Ban công tác số 4 thành đại đội du kích 4
Ban công tác số 5 thành đại đội du kích 5
Ban công tác số 6 thành đại đội du kích 6
Ban công tác số 7 thành đại đội du kích 7

Riêng lực lượng tự vệ Thành, 15 trung đội của 15 khu và đội tự vệ sáp nhập lại thành Liên đại đội du kích 8 - 9 - 10 (sau này sẽ tách thành từng đại đội du kích 8, 9, 10). Ban chỉ huy liên đại đội là ban chỉ huy tự vệ Thành cũ, gồm Nguyễn Tứ Phương (chỉ huy trưởng), Hoàng Trọng Khải (chỉ huy phó), Nguyễn Hoài Nam (chính trị viên). Trong thời gian biên chế lại tự vệ Thành, hai đồng chí Hoàng Trọng Khải và Nguyễn Hoài Nam hi sinh trong chiến đấu. Đồng chí Đỗ Tân được chỉ định làm chính trị viên.

Đến đây, Sài Gòn - Chợ Lớn có 10 đại đội du kích mang phiên hiệu từ 1 đến 10. Việc đổi tên gọi và tổ chức các đại đội du kích đã thống nhất các lực lượng vũ trang và bán vũ trang hoạt động nội thành, đặt lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cáp ủy và chính quyền địa phương thành phố.

Các lực lượng vũ trang nội thành vẫn tiếp tục vũ trang tuyên truyền, tác chiến đánh địch trong thành phố. Ngày 23 tháng 6 năm 1947, ta phục kích đánh một xe nhà binh ở Chợ Lớn, diệt 2 lính Pháp. Ngày 7 tháng 8 năm 1947, một chiến sĩ dùng lựu đạn tấn công làm bị thương nhiều lính Pháp tại cửa tiệm “Tô Châu” ở đường Lí Thành Nguyên. Đầu tháng 9 năm 1947, các đội viên đại đội du kích 2 bắn ngã gục tên Hiền phản động tại nhà thờ Huyện Sĩ. Hiền là một gián điệp đội lốt công giáo, chuyên lợi dụng các buổi rao giảng ở nhà thờ để nói xấu, xuyên tạc kháng chiến, chia rẽ giáo dân với đồng bào không theo đạo. Ngày 29 tháng 9 năm 1947, anh Trần Công Thành đội viên đại đội du kích 6 đột nhập tòa soạn báo Quốc Hồn, tờ báo phản động của Pháp, chuyên tuyên truyền chống kháng chiến đặt tại số nhà 50 đường Frères Louis. Bọn bồi bút phản động được gọi ra nghe bản án và bị xử tử ngay tại trụ sở. Cũng trong tháng 9 năm 1947, lực lượng ta đột nhập vào nhà tên đại úy Pháp ở đường Charner ngay cạnh dinh Xã Tây, lấy khẩu súng. Ngày 9 tháng 10 năm 1947, tên “Bareau bị bắn chết tại nhà ở Chợ Lớn lối 20 giờ, lúc đang ăn tối, trong miệng còn đang ngậm miếng thịt gà”(1).

Ngày 10 tháng 10, tên Nguyễn Văn Sâm, chủ nhiệm tờ báo Quần Chúng - một tờ báo phản động - bị 5 phát súng vào đầu khi đang ngồi trên ô tô tại góc đường Cây Mai - Tổng Đốc Phương. Ngày 22 tháng 10, một tổ thuộc đại đội du kích 8 cải trang lính ngụy ngồi trên xe nhà binh đột nhập vào trại lính Bà Chiểu, phối hợp với nội tuyến lấy 7 súng và nhiều đạn rồi rút lui an toàn. Cuối tháng 10, ta tổ chức một trận đánh ở đường Catinat, có nhiều nhà hàng, bọn sĩ quan Pháp tập trung đông và được canh gác cẩn mật. Lực lượng của ta cải trang thành dân thường, bí mật tiếp cận từ nhiều hướng, hợp điểm đúng giờ, đồng loạt tấn công bằng lựu đạn, làm chết và bị thương 40 tên Pháp trong các hàng ăn và tiệm nhảy…

Từ giữa năm đến mùa thu năm 1947 là quãng thời gian Sài Gòn - Chợ Lớn củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể kháng chiến và lực lượng vũ trang, đưa mọi mặt hoạt động vào guồng máy kháng chiến một cách toàn diện, đều đặn và thống nhất, có nề nếp. Nó đã tạo ra những tiền đề hết sức quan trọng cho giai đoạn phát triển tiếp theo của cuộc kháng chiến.


(1) Báo Phục Hưng, số ra ngày 10 tháng 10 năm 1947. Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Ba, 2012, 06:51:31 pm
*
*   *

Phối hợp với phong trào nội thành, trên khắp các địa bàn xung quanh thành phố, đi đôi với công tác xây dựng căn cứ địa, xây dựng lực lượng mọi mặt, các đơn vị vũ trang đẩy mạnh hoạt động tác chiến, tổ chức nhiều trận chống càn, phục kích giao thông địch, thu được nhiều thắng lợi quan trọng.

Tại khu Chợ Lớn ven đô, ngoại ô (khu 3 gồm các hộ 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18), Đảng bộ khu và các tổ chức chính quyền liên hộ và hộ, công an, mặt trận, đoàn thể được xây dựng và củng cố. Khu 3 xây dựng 2 khu vực liên hoàn ở Hố Bần thuộc hộ 16 và hộ 17 làm căn cứ đứng chân cho các cơ quan khu, liên hộ. Hai trung đội vũ trang của khu thường xuyên cơ động bảo vệ căn cứ Hố Bần, làm nhiệm vụ chống càn, phục kích tập kích diệt địch trong vùng, lập được nhiều thành tích trong các trận Rạch Năng, bót Bình Đông, Cây Dương, Nhà thương Phú Lâm…

Phía Đông Bắc cách Sài Gòn 9km, ở Thủ Đức có căn cứ Long Phước Thôn(1) và ở Dĩ An có căn cứ Tân Đông Hiệp, Bình An, nơi đứng chân của nhiều đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Thành. Căn cứ Long Phước thôn nằm phía hữu ngạn sông Đồng Nai, phía Tây có sông Tắc chạy vòng qua ấp Phước Khánh đến Long Đại, kéo dài từ Tam Đa, Phú Hữu, Long Trường, Tân Lập đến Tăng Nhơn Phú vòng lên phía Bắc nối liền với Tân Đông Hiệp, Đông Hòa, Dĩ An. Long Phước Thôn còn là nơi đứng chân của một số cơ quan cấp Thành(2), vừa là hậu cứ quan trọng của lực lượng vũ trang biệt động tấn công vào nội thành từ cửa ngõ phía Đông thành phố.

Căn cứ khu 5 Hóc Môn gồm một vùng đất thuộc 5 xã giải phóng(3), chạy cập theo sông Sài Gòn bên hữu ngạn, kéo dài từ Bùng Binh Bến Súc xuống đến Bến Cỏ. Phía Tây Bắc giáp với xã Lộc Hưng, Đôn Thuận, nối liền với căn cứ Trảng Cò, Bời Lời (Trảng Bàng, Tây Ninh) kéo dài lên phía Bắc nối với chiến khu Dương Minh Châu. Phía Đông tiếp giáp căn cứ liên xã An Thành, Phú An, An Điền, Thanh Tuyền, Long Nguyên, Kiến An (Bến Cát, Thủ Dầu Một). Phía Tây là các xã An Tịnh, Phước Hiệp. Phía Tây Nam kéo dài đến quốc lộ 1 đoạn từ Củ Chi đi Trảng Bàng. Địa hình khu 5 Hóc Môn khá phức tạp. Vùng ven dọc sông Sài Gòn là bãi sình lầy lội. Dần sang phía Tây đất cao hơn, là sở cao su xen kẽ rừng chồi như rừng Dòng, rừng Chà Dơ (An Nhơn Tây), rừng Trích (Nhuận Đức), rừng Bàu Đưng, rừng Cây Sộp (Phú Mĩ Hưng)… xóm làng chỉ tập trung theo bìa lộ. Phía Trung Lập đất thấp, ruộng lúa trống trải xen kẽ xóm nhà và vườn tre trúc.

Giữ một vị trí cơ động nối liền với các căn cứ địa quan trọng khác trên chiến trường miền Đông, nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc Sài Gòn, căn cứ khu 5 Hóc Môn với địa danh Hố Bò nổi tiếng trở thành một địa bàn luôn uy hiếp địch. Giặc Pháp đưa quân đóng bót, bao vây xung quanh, ở Bến Cỏ, Bến Mương, Củ Chi, Sở Ba Lăng, Bùng Binh Cầu Ván, Trảng Bàng, Phước Hiệp, Suối Sâu; bên kia sông Sài Gòn là các bót Rạch Bắp, Rạch Kiến, Bến Súc… Từ đây chúng liên tục xuất phát càn quét vào căn cứ của ta.

Lúc đầu mới là căn cứ của chi đội 12, từ nửa cuối năm 1947 trở đi, khi chiến khu An Phú Đông bị địch phong tỏa tấn công ráo riết, khu 5 Hóc Môn trở thanh căn cứ các cơ quan của lãnh đạo tỉnh Gia Định Ninh. Các cơ quan tỉnh ủy, ủy ban kháng chiến, mặt trận, công an, bộ đội lần lượt rút về đây đứng chân hoạt động. Để tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị bộ đội bám trụ, cán bộ chiến sĩ và nhân dân ở đây đã tích cực xây dựng các loại ấp xã chiến đấu, đặc biệt sớm kết hợp ổ chiến đấu với địa đạo và giao thông hào.

Đoạn địa đạo có quy mô đầu tiên ở Củ Chi được đào ở liên xã Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An vào đầu năm 1947, đây là khu vực có nhiều hầm bí mật của anh em du kích. Hầm bí mật có nhiều kiểu, lúc đầu được bố trí thuận tiện và ngụy trang tinh vi để ẩn tránh. Sau đó, xuất phát từ nhu cầu phải bám trụ tại chỗ để bảo tồn lực lượng và tạo điều kiện đánh được địch, anh em du kích đã móc dính các hầm bí mật với nhau trong một khu vực nhỏ. Dần dần, cá chi nhánh địa đạo nối dài ra nhiều khu vực, cả những hướng bố trí chặn đánh địch. Từ đây, các chi nhánh được thiết bị thêm các ụ và hào chiến đấu từ xa kéo đến miệng hầm, xung quanh bố trí cạm bẫy, hầm chông, lựu đạn gài. Khi phải rút xuống hầm, bộ đội du kích có kế hoạch chặn đánh địch chui theo bằng cách rút cầu, bên dưới là hầm chông, cạm bẫy, xung quanh có tên nỏ từ các ống tre bay ra, gươm, lựu đạn rút chốt, cây từ trên đập xuống. Các khe ngách gần miệng hầm được móc “hàm ếch” ẩn được từng người, tránh đạn bắn thẳng của địch, đồng thời phục kích bất ngờ, dùng dao, súng diệt địch khi chúng bước vào. Trong một đoạn địa đạo dài vài trăm mét, một tiểu đội du kích có thể thoái mái chiến đấu liên tục nhiều ngày chống lực lượng địch đông hơn gấp bội.

Giặc Pháp tìm mọi cách để hủy diệt. Chúng dùng mọi cách dồn đuổi nhân dân ta ra các ấp xã chiến đấu, nhưng căn cứ khu 5 Hóc Môn vẫn đứng vững, trở thành “bất khả xâm phạm” trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Kinh nghiệm xây dựng ấp chiến đấu kết hợp hầm bí mật và địa đạo được phổ biến ra nhiều nơi trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Hệ thống địa đạo ở khu 5 Hóc Môn đã đặt bước khởi đầu quan trọng làm nên “đất thép Củ Chi” nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Ở sát phía Tây ven thành phố, cũng sớm có một số đoạn địa đạo ở xã Phú Thọ Hòa. Giữa năm 1947, chi bộ Phú Thọ Hòa chỉ đạo chọn ấp Lộc Hòa, nơi có khu đất cao, cây cối rậm rạp và nhân dân có truyền thống đấu tranh cách mạng cao, làm địa điểm xây dựng địa đạo. 16 người được chọn làm nòng cốt đào địa đạo, trong đó có các cán bộ Lê Thanh, Nguyễn Văn Thược, Trần Văn Bốn, Nguyễn Văn Lự… tự nguyện đứng tên trong dòng họ mới - họ Cù. Họ Củ mang ý nghĩa như con Cù Long đào hang dưới đất, để bảo toàn lực lượng và đánh địch. Phương pháp làm la bàn địa đạo từng khúc giống như đào hầm từng toa xe lửa đứt đoạn. Từ hai điểm, hai tổ (mỗi tổ 2 người) đào dần, gặp nhau ở điểm giữa. Đất đào lên được mang đổ xuống ruộng, thấp, vun thành vồng khoai, vồng sắn hoặc đổ lên bờ hào giao thông đào công khai hoặc rải đều trên mặt đất. Một đường địa đạo ở Phú Thọ Hòa có chiều dai gàn 600 mét, từ Lộc Hòa nối đến ấp Phú Thạnh và Bình Đông, trở thành nơi ém quân hoặc đứng chân của nhiều cán bộ quân dân chính Đảng hoạt động nội thành.

Nằm giữa hành lang ven sông Sài Gòn, từ căn cứ An Phú Đông lên căn cứ khu 5 Hố Bò, còn có các lõm căn cứ chuyển tiếp thuộc các liên xã: Tân Mĩ - Bình Lí, Mĩ Bình - An Sơn - Hòa Phú - An Phú xã (khu 3 Hóc Môn) và lõm dọc đường số 1, liên xã Tân Phú Trung - Phước Vĩnh An - Tân Thông. Vùng này đã có thời gian là căn cứ chỉ đạo của chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn Phạm Ngọc Thạch cho đến năm 1950.

Trong nội thành, lực lượng công an xung phong, các đại đội du kích cùng tổ chức đào hàm bí mật để ém giấu quân. Trong điều kiện hết sức ngặt nghèo, các đơn vị vũ trang nội thành đã đào được nhiều hầm bí mật trong các nhà của gia đình cơ sở, nhiều hầm hàm ếch dựa vào các bụi tre ở ven đô. Đến mùa thu năm 1947, các căn cứ địa xung quanh thành phố được củng cố, xây dựng thành một hệ thống đan nối, liên hoàn hỗ trợ nhau, trở thành nơi đứng chân luân lưu khá ổn định của các cơ quan đầu não, các tổ chức kháng chiến và lực lượng vũ trang. Từ nơi đây, lực lượng vũ trang nội, ngoại thành không ngừng được củng cố, xây dựng trụ bám và xuất phát đánh địch liên tục trên khắp chiến trường ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.


(1) Mật danh khu B.
(2) Thành ủy đã đóng ở đây năm 1948-1949.
(3) Phú Mĩ Hưng, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Trung Lập, Phú Hòa Đông, trong kháng chiến chống Mĩ là vùng phía Bắc Củ Chi, căn cứ của Quân khu Sài Gòn - Gia Định.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 17 Tháng Ba, 2012, 06:52:37 pm
Ngày 8 tháng 6 năm 1947, quân ta đánh một trận chống càn lớn của địch ở Gia Bẹ - Xóm Mới (xã Trung Lập, khu 5 Hóc Môn). Từ đêm 7 tháng 6 năm 1947, quân Pháp huy động lực lượng từ Sài Gòn lên, Trảng Bàng xuống, gồm 500 tên tập kết xung quanh Suốt Cụt, Củ Chi và dọc đường số 1. Suốt đêm, xe nhà binh chạy rầm rập. Lực lượng của ta gồm liên quân B lưu động (đóng tại Gia Bẹ - Xóm Mới) và hai phân đội thuộc chi đội 6 và chi đội 12 (đống tại Bàu Chứa) nhận được tin báo của trinh sát và các vọng gác của dân quân lập tức tổ chức đội hình chiến đấu. Lực lượng liên quân B chia làm 4 cánh A, B, C, D để bố trí thành 4 trận địa chặn đánh địch. 4 giờ sáng, các bộ phận từ các nơi đóng quân triển khai ra vị trí chiến đấu. 7 giờ sáng, súng cối, pháo của Pháp liên tục từ Bến Cỏ bắn vào Xóm Mới, dọn đường cho các cánh quân từ Củ Chi, Suối Cụt, Trung Lập chia ra làm hai mũi tiến vào Gia Bẹ. Mũi thứ nhất hơn 100 lính Pháp theo ngã Bàu Điều vào tới bìa xóm, từ đây chúng cập theo đường đất số 2 dẫn tới trận địa A của ta bố trí ở hướng chính diện chặn quân địch từ Trung Lập, Củ Chi vào. Loạt súng đầu tiên của quân ta hạ 10 lính Pháp, đẩy chúng lùi lại bìa xóm. Sau nhiều lần tổ chức tấn công bị bẻ gãy, quân Pháp để lại một bộ phận nổ súng cầm chừng, còn lại luồn vòng qua phía bên phải hợp với mũi thứ hai. Mũi thứ hai cũng khoảng 100 tên, có sự tăng cường của nhóm thứ nhất vòng qua xóm Gia Bẹ bọc hông lực lượng của ta đang chiến đấu ở trận địa A. Mũi bọc sườn vừa men theo ngọn suối Ba Xa đổ xuống, bất ngờ gặp phải trận địa sẵn sàng của quân ta. Hai khẩu đại liên cùng nhiều loại súng trường, tiểu liên nã đạn xối xả vào quân địch, diệt hàng loạt tên Pháp. Dù vậy, với lực lượng lớn và hỏa lực mạnh, quân Pháp tản ra thành hàng ngang dùng súng quét mạnh vào bên hông lực lượng ta ở trận địa B. Trước áp lực của địch, ta để lại một bộ phận lực lượng ở trận địa A, còn lại chuyển sang trận địa B. Ở trận địa C (cùng với trận địa D bố trí chặn đánh địch ở mặt hậu), một bộ phận lực lượng theo bờ suối vận động lên hợp với lực lượng ở trận địa B hình thành một phòng tuyến hình thước thợ. Bị phản kích bất ngờ, đội hình quân Pháp rối loạn. Quân ta vượt suối xung phong ào ạt. Quân Pháp bỏ chạy về phía đồn Suối Cụt, bỏ lại cả vô tuyến điện, nhiều súng trường và đạn dược. Ở trận địa A, B, quân địch đã tạm lui, nhưng ở phía sau, lực lượng phòng thủ ở trận địa D đã đụng địch và hai bên chiến đấu quyết liệt. Để tránh bị địch phản kích tấn công cả 4 mặt. chỉ huy trưởng trận đánh ra lệnh điều chỉnh trận địa, dồn toàn bộ lực lượng về hướng Đông tạo thành một chiến tuyến kéo dài. Lực lượng ở trận địa A và C tạm ở vị trí cũ yểm trợ cho lực lượng trận địa B di chuyển trước. Khi lực lượng vận động được nửa đường liền gặp đội hình phục kích của địch đã chờ sẵn dọc bờ mương xóm Ông Văn, Ông Mĩ, nhằm chặn đường rút lui của ta về hướng Đông. Lực lượng B lợi dụng bờ ruộng nằm chịu cho quân Pháp bắn xối đạn qua đầu. Trong lúc đó lực lượng A vận động lén bọc qua mé trái đội hình quân Pháp và lực lượng C vòng qua phía tay mặt bắn xuuyên hông chúng Đội hình phục kích của địch bị bao vây cả ba phía, hoảng sợ, chúng tìm cách tháo lui. Bất ngờ, một cánh quân khác của ta gồm lực lượng chi đội 6 và chi đội 12 từ Bàu Chứa tiến lên đánh vào sau lưng bọn chúng. Bị tấn công cả 4 mặt, đội hình quân Pháp nhanh chóng tan rã, quân lính dẫm lên nhau bỏ chạy tán loạn. Trên cánh đồng phía Đông Xóm Mới - Gia Bẹ đã diễn ra trận truy đuổi như một cuộc săn bắn ngoạn mục. Hai giờ chiều, trận đánh kết thúc. Quân Pháp bỏ lại chiến trường 30 xác chết (không kể số mang đi), 1 súng máy, 10 súng trường, 1 vô tuyến điện, 6 thùng đạn và nhiều băng đạn súng máy. Bên ta, một chiến sĩ liên lạc hi sinh.

Lợi dụng cơ hội lúc này, 3 giờ chiều cùng ngày 8 tháng 6 năm 1947, khi lực lượng ta mới vừa từ Bàu Tòn về đến Gò Nổi, một lực lượng Cao Đài phản động khoảng 500 tên từ cuối xóm Ba Sòng kéo lên chặn đánh. Lực lượng của ta tuy mệt, chưa kịp nghỉ ngơi, nhưng đã bình tĩnh bố trí đội hình đánh địch. Quân lính Cao Đài vấp phải sự chống trả quyết liệt của ta. Cánh quân của ta sau một lúc giao chiến, lần lượt rút lui về đóng tại bìa xóm và rừng cao su chặn ngang lối đi An Nhơn Tây. Trời chiều, quân Cao Đài không dám lên theo. Cuộc giao chiến kết thúc.

Ngày 19 tháng 8, kỉ niệm ngày giành chính quyền ở Hà Nội, hai trung đội thuộc chi đội 6 (60 người), 2 trung liên FM, 10 tiểu liên, 40 súng trường) hóa trang đột nhập, tập kích tiêu diệt đồn Thới Hòa huyện Bến Cát (Thủ Dầu Một), sau đó rút nhanh về An Tây Thôn trú quân. Ngay trong đêm 19, quân địch (115 tên gồm 20 lính Pháp, 50 Miên gian, 45 lính ngụy, với 7 trung liên FM, 24 tiểu liên, 60 súng trường, 2 súng cối 50 li) do một viên quan hai Pháp chỉ huy, đuổi theo quân ta. Đến 4 giờ sáng gặp lực lượng canh phòng của ta chặn đánh, chúng rút xuống xóm nhà ấp An Tây dọc mé Đông sông Sài Gòn tạm nghỉ và cướp gà lợn của nhân dân để ăn uống. do ta chia làm 2 cánh triển khai đội hình phục kích chặn đường rút về của chúng. Sau khi lùng sục không tìm thấy đối phương, 10 giờ trưa, bọn Pháp trở về và lọt vào trận địa phục kích của ta. Loạt đạn súng máy đầu tiên của a diệt gọn toán quân đi đầu, trong đó có tên sĩ quan chỉ huy. Quân địch chưa kịp dàn quân đối phó thì từ 2 cánh, bộ đội ta vừa đánh vừa vận động khép chặt vòng vây. Toàn bộ lực lượng của địch bị dồn xuống ruộng lầy ngập tới bắp vế, làm “mục tiêu chết” cho bộ đội ta tiêu diệt và bắt sống. Sau một tiếng đồng hồ chiến đấu, ta diệt 90 tên địch, bắt sống 20 tên (chỉ có 5 tên chạy thoát), thu toàn bộ vũ khí và đồ dùng quân sự.

Tại Thủ Đức, phía Đông thành phố, ngày 22 tháng 9, một trung đội thuộc bộ đội chi đội 6 chặn đánh địch càn vào căn cứ Long Phước Thôn. Quân địch gồm trên 2.000 tên cả lính Pháp, ngụy và quân đội Cao Đài phản động (có 4 máy bay, 14 ca nô tuần tiễn và xà lan đồ bổ, 13 pháo lớn) tập trung bao vây càn quét một khu vực nhỏ ở Cù lao Long Phước Thôn nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta ở đây. Từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, chúng liên tục cho máy bay oanh tạc và pháo kích dữ dội vào căn cứ của ta. 12 giờ rưỡi, dưới sự yểm trợ của máy bay, bộ binh chia làm 3 mặt đổ bộ lên Cù lao. Tiến đến đâu chúng điên cuồng xả súng bắn phá, đốt cháy nhà cửa đến đó. Bộ đội ta chia làm 2 bộ phận, dựa vào địa hình cải tạo sẵn bố trí chặn đánh địch ở hai trận địa Nam và Bắc Cù lao. Tại trận địa hướng Bắc, quân địch khoảng gần 1.000 tên, đội hình hàng ngang, vượt đồng ruộng tiến vào, vừa bị ta chặn đánh chính diện, vừa bị một lực lượng bọc sườn đánh tạt ngang chia cắt đội hình, buộc phải chạy dạt về phía sau, ra ngoài đồng trống, nằm im không dám tiến quân đến 16 giờ 30 phút chiều. Tại trận địa phía Nam, quân địch khoảng 500 tên nhiều lần tổ chức tấn công đều bị bộ đội ta dựa vào công sự đánh trả không tiến lên được… Xác địch nằm ngổn ngang dọc ngoài bìa xóm. Trời sập tối, địch buộc phải rút quân. Đến 12 giờ đêm, chúng mới chuyển hết số bị thương và hàng chục xác chết ra khỏi trận địa. Ta thu 2 trung liên và nhiều quân dụng. Một thời gian khá dài sau trận càn ngày 22 tháng 9 năm 1947, giặc Pháp không dám bén mảng đến Long Phước Thôn. Ta phát huy chiến quả, lấy thêm bót Tân Lập. Du kích bao vây cô lập các đồn bót, phá hoại cầu đường khu vực xung quanh căn cứ. Không có tiếp tế, bọn địch hoảng sợ rút bỏ luôn một loạt bót Phú Hữu, Tam Đa, Ích Thạnh, Trường Lưu. Căn cứ Long Phước Thông mở rộng ra sáu xã(1). Danh từ Bưng Sáu xã ra đời.

Liên tục từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1947, chi đội 6, chi đội 12, phối hợp với các đơn vị bạn thường xuyên đánh địch càn quét ở các địa bàn xung quanh thành phố, đặc biệt ở căn cứ Hố Bò, Phú Mĩ Hưng, An Nhơn Tây, khu 5 Hóc Môn và căn cứ Long Phước Thôn, phía Đông Thủ Đức. Trong vòng tháng, các lực lượng vũ trang ngoại thành diệt hàng trăm tên địch trong đó có nhiều sĩ quan Pháp, thu nhiều súng trung liên, tiểu liên trang bị cho bộ đội tập trung và du kích địa phương. Thắng lợi của các trận chống càn kể trên phản ánh sự trưởng thành của bộ đội tập trung của ta về trình độ kĩ thuật của chiến sĩ, năng lực chỉ huy của cán bộ, về khả năng đánh vận động phục kích, tập kích và hợp đồng tác chiến các thứ quân trong từng khu vực.


(1) Gồm các xã: Long Trường, Long Phước Thôn, Phú Hữu, Tam Đa, Ích Thạnh, Trường Lưu.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 06:45:18 pm
*
*   *

Kỉ niệm hai năm ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 23 tháng 9 năm 1947, Hồ Chủ tịch gửi thư cho đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ. Người viết:

“Hôm nay, cuộc kháng chiến oanh liệt ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ vừa đúng hai năm.

Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và nhân dân cả nước nghiêng mình trước những linh hồn các chiến sĩ và các đồng bào đã hi sinh vì Tổ quốc.

Tôi gửi lời an ủi những chiến sĩ và đồng bào hoặc bị thương, hoặc bị địch giam cầm, hoặc đang bị khổ sở nơi địch chiếm đóng.

Tôi gửi lời thân ái khen ngợi toàn thể đồng bào và chiến sĩ đang hăng hái chiến đấu.

Đã hai năm này, chiến sĩ và đồng bào ta hi sinh nhiều tính mệnh tài sản, chịu nhiều cực khổ gian nan. Song lòng yêu nước ngày càng nồng nàn, chí dũng cảm ngày càng bền chặt, sức chiến đấu ngày càng gia tăng, chí quyết thắng ngày càng vững chắc. Các bạn là đội xung phong của dân tộc, con yêu của nước nhà.

Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý!

Lòng Hồ Chí Minh và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân các nơi luôn ở bên cạnh các bạn, theo dõi các bạn, yêu mến các bạn. Chúng ta hãy cầm tay mạnh dạn tiến lên!”(1)

Cuộc kháng chiến của quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã tròn hai năm! Thư của Bác Hồ đến với Sài Gòn (khi cuộc kháng chiến ở đây đang đà phát triển mạnh mẽ) đã khơi trong lòng mỗi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào niềm tự hào về một chặng đường chiến đấu và trách nhiệm lớn lao phía trước.

Mùa thu năm 1947, sau một thời gian ráo riết chuẩn bị, thực dân Pháp mở cuộc tiến công vào chiến khu Việt Bắc nhằm “bịt kín biên giới, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc… loại trừ mọi sự chi viện từ bên ngoài vào, truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ”(2) đánh một đòn quyết định kết thúc cuộc chiến tranh.

Ngày 1 tháng 10 năm 1947, trả lời bức điện của chi bộ Đảng xã hội Pháp ở Sài Gòn (yêu cầu cho biết về lập trường của Chính phủ Việt Nam), Hồ Chủ tịch viết: “… Bộ chỉ huy Pháp vừa mở cuộc đấu tấn công mùa đông rộng lớn và người ta tìm cách giấu không cho nhân dân Pháp biết rõ sự thật ấy. Chính phủ và nhân dân Việt Nam lúc nào cũng sẵn sàng chấm dứt cuộc xung đột và đặt lại nền hòa bình một khi mà nước Pháp trịnh trọng tuyến bố nhìn nhận nền độc lập và thống nhất của chúng tôi”.

Cuối tháng 10 năm 1947, Tư lệnh bộ Khu 7 phổ biến chỉ thị “phải phá cuộc tiến công mua đông của giặc Pháp”, của Thường vụ Trung ương Đảng xuống các đơn vị và nhấn mạnh các đơn vị, địa phương phải “đánh địch để phối hợp với Việt Bắc”. Riêng Sài Gòn phải “mở một đợt đấu tranh chính trị và quân sự rộng khắp, không cho địch yên tâm để chi viện cho chiến trường chính”(3).

Cùng thời gian này, trên chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có thêm sự phát triển về tổ chức lực lượng vũ trang. Tại Nhà Bè và chiến khu Rừng Sác ở hướng Tây Nam và Đông Nam thành phố, theo chỉ thị của Tư lệnh bộ khu 7, chi đôi 13 cùng với một số phân đội bộ đội Hải ngoại mới về nước và tiểu đoàn Nam tiến Dương Văn Dương(4) hợp nhất xây dựng thành trung đoàn phiên hiệu 300 mang tên liệt sĩ Dương Văn Dương. Ban chỉ huy trung đoàn gồm Đặng Văn Thìn (tức Mười Thìn, trung đoàn trưởng, Nguyễn Chí Sinh (tức Mười Ngọt, trung đoàn phó), Nguyễn Việt Hồng (chính trị viên). Trung đoàn có hai tiểu đoàn mang phiên hiệu Lê Hồng Phong và Lí Chính Thắng.

Chấp hành chỉ thị của Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ và hướng dẫn của Phòng dân quân, tỉnh Gia Định lập Tỉnh đội bộ dân quân. Các quận, xã đều lần lượt lập quân đội bộ, xã đội bộ dân quân, hệ thống dân quân tự vệ Thành lập từ cấp thành xuống hộ và khu phố. Cán bộ phần lớn do cấp phó của bộ đội chuyển sang phụ trách. Tại tỉnh Gia Định, tỉnh Chợ Lớn, các quận đội bộ đều có du kích tập trung quân, lực lượng từ một tiểu đội đến hai trung đội, ở xã trung bình có trên một trung đội dân quân tự vệ. Sự kiện thành lập trung đoàn bộ đội tập trung và thống nhất các ban công tác Thành (thành 10 đại đội du kích) dưới sự lãnh đạo của Thành phố và hệ thống dân quân du kích được xây dựng đánh dấu bước phát triển quan trọng của các lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Nó không chỉ đơn thuần là sự biển đối về mặt tổ chức lực lượng mà phản ánh sự thay đổi về chất của các lực lượng vũ trang, phản ánh sự đòi hỏi trách nhiệm ngày càng cao của cuộc kháng chiến mà các lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định sau hai năm chiến đấu trưởng thành đã có điều kiện để đáp ứng, gánh vác. Từ đây, cũng như toàn chiến trường miền Đông Nam Bộ, ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã xuất hiện 3 “loại” tổ chức vũ trang, tiền đề cơ bản cho sự hình thành tổ chức ba thứ quân: bộ đội tập trung (chi đôi, trung đoàn), đội du kích tập trung quận huyện và dân quân tự vệ không thoát li sản xuất xã ấp.

Phối hợp với chiến dịch thu đông Việt Bắc, trong hơn hai tháng cuối năm 1947, khắp nội và ngoại thành Sài Gòn đã diễn ra một phong trào đấu tranh mạnh mẽ nhịp nhàng giữa các mặt trận quân sự, chính trị và kinh tế.

Ngày 26 tháng 10 năm 1947, một đại đội thuộc chi đội 6 đóng quân tại xóm Gò Nổi xã An Nhơn Tây được tin địch từ bót Trung Hòa có 17 tên Pháp, 22 Miên gian, 30 Việt gian kéo sang. Bộ đội ta liền triển khai địa hình phục kích tại bìa xóm. Chờ địch vượt qua quãng đồng trống tiến gần sát, ta đồng loạt nổ súng diệt tốp đi đầu. Một bộ phận khác lập tức rời khỏi công sự vận động bọc sườn đánh xuyên hông quân địch. Địch bỏ chạy. Ta diệt thêm tốp chạy sau, bắt sống một số tù binh trong đó có 1 sĩ quan Pháp, thu 1 trung liên và 12 súng các loại.

Ngày 28 tháng 10 năm 1947, lúc 4 giờ chiều, trinh sát của ta phát hiện một đại đội địch (gần 100 tên gồm cả lính Pháp, lính Miên, lính ngụy) từ đồn Tân Lập hành quân trên đường 33 (Thủ Đức) quan sát vùng cầu đường bị phá hoại khu vực xung quanh căn cứ Long Phước Thôn và đi khủng bố tàn sát đồng bào ở vùng phía Đông Thủ Đức. Đã có sẵn phương án chống càn, đại đội 15 chi đội 6 do Nguyễn Thế Truyện chỉ huy lập tức triển khai chiếm lĩnh trận địa phục kích. Phân đội 1 bố trí tại Gò Cát thành đội hình chữ L chặn đánh phía chính diện. Phân đội 2 chia làm hai cánh bố trí tại cầu thành đội hình vòng cung chặn đường tiếp vận ở bót Trường Lưu ra. Phân đội 3 sẵn sàng vận động đánh bọc hậu nhằm tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch, không cho chúng rút lui về Tân Lập. Ta vừa chiếm lĩnh xong trận địa thì quân địch đi tới. Phân đôi 1 đồng loạt nổ súng, làm bị thương nhiều tên. Đội hình địch dồn lên. Chúng lợi dụng các mô đất và hố đào phá trên đường để trụ lại chống tra. Hai mươi phút sau, một bộ phận của phân đội 1 vòng ra phía sau lưng địch bắn tới, quân địch bỏ chạy. Bộ phận phục kích hai bên đường bắn xối xả vào hai bên sườn. Phía chính diện, ta đuổi theo truy kích. Kết thúc trận đánh, ta diệt gần 20 tên địch, bắt sống một số tù binh, trong đó có tên quan ba Pháp, thu 1 trung liên, 2 tiểu liên và 14 súng trường.


(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1984, t.4, tr. 423, 424, 425.
(2) Hồi kí của Salan, trích theo Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (tháng 9 năm 1945 - tháng 7 năm 1954), NXB Sự Thật, Hà Nội, 1986, tr. 85.
(3) Hồ sơ LS - 103, Phòng Khoa học lịch sử quân sự Quân khu 7.
(4) Cuối năm 1945, Trung ương thành lập một tiểu đoàn Nam tiến, thành phần nòng cốt là số cán bộ chiến sĩ Bình Xuyên do Dương Văn Dương cử đi học tại trường Quân chinh Trung ương tại Quảng Ngãi. Kết thúc khóa học, tiểu đoàn được bổ sung vũ khí, biên chế lại mang tên liệt sĩ Dương Văn Dương do Nguyễn Chí Sinh và Nguyễn Việt Hồng chỉ huy.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 06:47:05 pm
Ngày 13 tháng 11 năm 1947, một trận chống càn lớn lại diễn ra ở Phú Hữu, gây tiếng vang trong vùng. Phú Hữu là một xã nhỏ nằm bên phía tả ngạn sông Đồng Nai, xung quanh là đồng ruộng với nhiều sông rạch. Phía Tây cách Phú Hữu 2km là bót Tân Lập, phía Bắc cách 3km là bót Trường Lưu, phía Nam là chi khu Cát Lái. Đêm 12 rạng ngày 13, đại đội 10 chi đội 6 do Trần Thắng Minh và Đào Sơn Tây chỉ huy vừa hành quân về đến Gò Thắng thì được tin trinh sát cho biết Pháp đang huy động lực lượng bao vây Phú Hữu. Lực lượng địch gồm 1 trung đoàn Âu Phi, dưới sự yểm trợ và chỉ đường của máy bay, từ bốn mặt tiến vào. Cánh thứ nhất, từ bót Tân Lập hành quân bằng xe cơ giới theo đường 33 tiến công vào Phú Mĩ từ phía Tây. Cánh thứ hai từ bót Trường Lưu theo đường số 3 đánh xuống. Cánh thứ ba trên 3 tàu thủy và 5canô, từ Cát Lái theo sông Đồng Nai đổ quân phong tỏa từ Cát Lái đến Long Tân chặn đường rút lui của ta xuống Rừng Sác. Pháo địch từ phía Nam dội liên tục vào Phú Mĩ để dọn đường và hủy diệt mục tiêu. Trong tình thế khẩn cấp, đại đội 10 cùng với 2 tiểu đội du kích địa phương triển khai bố trí chặn đánh địch trên hướng khu vực cầu Ông Nhiều và dọc ngọn rạch dẫn đến cầu, nhằm mở vòng vây rút ra ngoài bảo tồn lực lượng.

Trời sắp chuyển tối, khi lực lượng của ta vừa triển khai đội hình xong thì quân địch đã tới sát trận địa. Bộ đội ta chủ động nổ súng. Bị chặn đánh bất ngờ, quân địch lúng túng khựng lại rồi dàn đội hình hàng ngang để bắn trả. Trong khi đó, cánh quân bố trí ém dọc ngọn rạch tiến lên nổ súng đánh tạt sườn quân địch. Tên đại úy chỉ huy cánh này bị bắn gục trong loạt đạn đầu. Bọn lính mất tinh thần hò hét nhau vừa bắn vừa lui về sau. Một hồi kèn xung phong vang lên, quân ta nhất loạt nhảy lên mặt đường truy kích. Tốp chạy đầu thoát về bót Tân Lập. Bộ phận còn lại bị ta diệt gọn. Bộ đội và du kích nhanh chóng thu vũ khí, gồm 1 trung liên, 1 súng cối, 1 tiểu liên, 16 súng trường, 1 súng lục.

Theo tài liệu trong chiếc cặp của tên đại úy chỉ huy mà ta thu được, quân địch sẽ hội đủ 4 cánh tại khu vực cầu Ông Nhiều. Thấy không thể ở lại tiếp tục chiến đấu trong điều kiện so sánh lực lượng quá chênh lệch, Ban chỉ huy đại đội lệnh cho bộ đội lấy quần áo của 40 xác chết địch mặc cải trang, tuần tự rút lui khỏi Phú Hữu, hành quân qua đồng trống dưới sự dòm ngó của 4 máy bay địch ra sát trên đầu, về đến Long Tân an toàn

Trong thành phố, cùng với tiếng súng diệt địch vang dội ở ngoại thành, phong trào đấu tranh chính trị dấy lên mạnh mẽ. Đáng kể nhất là cuộc đấu tranh của 400 trí thức Sài Gòn cùng kí tên vào bản tuyên bố gửi chính phủ Pháp, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, đòi chính phủ Pháp phải nghiêm chỉnh đàm phán với Chính phủ Cụ Hồ.

Sang tháng 12 năm 1947, quân và dân miền Đông liên tiếp đánh địch thu được nhiều thắng lợi ở các tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Chợ Lớn, Tân An. Tại Sài Gòn và ven đô, 22 giờ đêm thứ năm, 4 tháng 12, lực lượng các chi đội 4, chi đội 6, chi đội 15, tiểu đoàn Kí Con cùng 10 đại đội du kích Thành, đồng loạt tấn công nhiều mục tiêu khắp nội và ngoại thành, từ Thị Nghè, Bà Chiểu, Gò Vấp, ngã ba Chú Ía, Bà Quẹo, Bà Điểm, Phú Thọ Hòa, Phú Lâm, cầu Chữ Y, Nhà Bè đến các trại lính Pháp, câu lạc bộ, rạp chiếu bóng, công sở, biệt thự nằm ở trung tâm thành phố. Báo Phục Hưng số ra thứ Bảy ngày 6 tháng 12 năm 1947 đưa tin: “Súng, lựu đạn nổ tung đêm thứ năm ngày 4 tháng 12 năm 1947 ở Sài Gòn - Chợ Lớn từ 7 giờ tối đến 12 giờ khuya”. Thực ra tiếng súng tấn công của ta nổ liên tục đến 5 giờ sáng ngày 5 tháng 12 mới chấm dứt.

Ngày 6 tháng 12 năm 1947, ta tổ chức tiêu diệt cái gọi là “chiến khu quốc gia” Bình Quới Tây của địch. Vòng cung Bình Quới Tây nằm biệt lập như một bán đảo ở phía Đông thành phố được bao bọc xung quanh bởi con sông Sài Gòn. Tại đây, chính phủ Lê Văn Hoạch(1) đã lập một chiến khu tập hợp một số đơn vị ngụy quân và những người kháng chiến đầu hàng giặc, dùng làm nơi lôi kéo lực lượng kháng chiến của ta quay trở về làm công cụ đắc lực cho chính sách bình định của thực dân Pháp. Biết được âm mưu của địch, qua tổ chức trinh sát quân báo của mình ở Sài Gòn, chi đội 1 (Thủ Dầu Một) từ tháng 3 năm 1947 đã đưa người cài vào tổ chức của địch, trong đó có Hoàng Của làm đến chức vụ “tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Bình Quới Tây”. Lực lượng của ta tổ chức đưa vào lên đến trên 1 đại đội. 14 giờ chiều ngày 10 tháng 12 năm 1947, ta tổ chức một cuộc đá bóng cùng đại đội địch. Nhân lúc lực lượng của ta đổi sân, dồn sang phía trước doanh trại tiểu đoàn địch, Bộ tham mưu của ta cùng Ban chỉ huy đại đội đã nổ súng bắn chết 5 sĩ quan Ban chỉ huy và tham mưu tiểu đoàn địch ngay tại sở chỉ huy của chúng. Cùng lúc, các chiến sĩ của ta, kể cả số đang đá bóng và đứng xem cổ vũ, nhanh chóng ào lên cướp súng, tiêu diệt bọn lính kháng cự và kêu gọi bọn sống sót đầu hàng. Các “sĩ quan” còn lại cùng đại đội Bình Quới Tây thu toàn bộ vũ khí, tài liệu và đồ dùng quân sự (đủ trang bị cho 1 tiểu đoàn ta). Vững tin có một bộ phận yểm trợ đã ém quân đón rước từ đêm trước, toàn đại đội ung dung thu dọn chiến trường rồi vượt sông Sài Gòn bí mật hành quân về căn cứ Thuận An Hòa (Lái Thiêu) an toàn. Sự kiện Bình Quới Tây làm cho nội bộ địch lủng củng, nghi ngờ lẫn nhau. Kế hoạch “Chiến khu quốc gia” ở Bình Quới Tây bị tan vỡ.

Những ngày cuối cùng năm 1947, tiếng súng đánh địch vẫn vang trong thành phố. Ngày 22 tháng 12 năm 1947, trung đoàn Phạm Hồng Thái phối hợp với lực lượng vũ trang nội thành đánh bót cầu Rạch Chiếc, đồn Chợ Đệm, bót Phú Thọ Hòa và sân bay Tân Sơn Nhất. Các đại đội du kích, công an xung phong dùng lựu đạn đồng loạt tấn công các bót, công sở, khách sạn tập trung nhiều sĩ quan Pháp và sĩ quan ngụy ở hộ 17, 18 Chợ Lớn. Ngày 31 tháng 12 năm 1947, đại đội du kích 1 tấn công nhà hàng La Pagode tọa lạc ở góc đường D’Espagne (nay là đường Lê Thánh Tôn) và Catinat. Đây là nơi bọn sĩ quan Pháp thường lui tới ăn nhậu, xung quanh có thiết bị lưới chắn lựu đạn và lực lượng bảo vệ canh gác cẩn mật. Các chiến sĩ ta cải trang, bất ngờ ập vào ném lựu đạn, diệt 4 thiếu tá, 2 đại úy và nhiều tên Pháp khác.

Thắng lợi của đợt hoạt động phối hợp hơn hai tháng cuối năm 1947 đã góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch thu đông Việt Bắc. Kẻ thù bị tấn công liên miên cả về quân sự lẫn chính trị, kinh tế ngay ở hậu phương của chúng đã không thể hoàn toàn rảnh tay chi viện cho chiến trường chính. Thắng lợi của đợt hoạt động còn biểu thị tấm lòng của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đối với đồng bào cả nước, với thủ đô kháng chiến Việt Bắc, với Bác Hồ. Năm 1947 đánh dấu một bước phát triển quan trọng về xây dựng lực lượng mọi mặt cho cuộc kháng chiến của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Hệ thống Đảng, chính quyền, mặt trận đoàn thể kháng chiến đều được xây dựng khá hoàn chỉnh từ tỉnh thành xuống đến cơ sở. Căn cứ kháng chiến được củng cố và phát triển liên hoàn với nhiều hình thức sáng tạo, độc đáo, tạo thành hệ thống địa bàn đứng chân bao quanh thành phố. Lực lượng vũ trang nội thành có một bước phát triển quan trọng, tạo cơ sở cho sự hình thành ba thứ quân. Phong trào đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế diễn ra ngay tại trung tâm sào huyệt của kẻ thù. Mặc dù chưa nhịp nhàng phối hợp đồng bộ với nhau nhưng đợt hoạt động đã làm cho địch bối rối, gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chiếm đóng bình định trên chiến trường Nam Bộ và chi viện cho chiến trường miền Bắc. Một năm đầu cùng cả nước kháng chiến, các lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã rút được nhiều bài học quý báu về việc tăng cường sự thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền, về tổ chức xây dựng lực lượng, về huấn luyện kĩ thuật tác chiến và hiệp đồng đánh địch trên chiến trường đặc thù nội đô và ven đô.

Nghị quyết hội nghị Trung ương mở rộng (họp từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 1 năm 1948) đánh giá: “Trong Nam Bộ, bộ đội ta sau thời kì tổ chức phức tạp lúc đầu nay đã được chỉnh đốn lại và đã thu được khá nhiều thành tích và kinh nghiệm. Nó đã thật sự có tính chất một đội quân du kích của nhân dân, trưởng thành và rèn luyện trong lò lửa của kháng chiến, từ cuộc kháng chiến gian khổ của nhân dân mọc lên. Từ chủ trương đánh các đồn, chỉ phục kích đánh lẻ cướp vũ khí nay đã tiến lên trình độ đuổi địch ra khỏi các vị trí lẻ, dồn chúng về các thành thị, đánh những trận tiêu hao và tiêu diệt hàng trăm địch, thu được khá nhiều vũ khí và thỉnh thoảng đột kích vào các châu thành.

Cuộc phản công thắng lợi ở Việt Bắc và chiến tranh mạnh mẽ ở miền Nam đã gây thêm tinh thần nỗ lực phấn khởi trong toàn dân, tăng thêm tin tưởng ở tiền đồ kháng chiến vẻ vang của dân tộc(2).


(1) Lê Văn Hoạch lên làm thủ tưởng chính phủ bù nhìn sau khi Nguyễn Văn Thinh tự sát tháng 11 năm 1946. Đêm ngày 29 tháng 9 năm 1947, Lê Văn Hoạch từ chức. Ngày 1 tháng 10 năm 1947, Nguyễn Văn Xuân lên làm thủ tướng.
(2) Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1986, t. 1, tr. 166.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 06:49:03 pm
II. ĐẤU TRANH KINH TẾ, PHÁ ÂM MƯU BIẾN SÀI GÒN
THÀNH TRUNG TÂM DỰ TRỮ CHIẾN TRANH CỦA ĐỊCH.
ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG QUÂN SỰ Ở NGOẠI THÀNH


Sau thất bại ở Việt Bắc thu đông 1947, thực dân Pháp buộc phải xét lại chiến lược chiến tranh ở Việt Nam. Thực tế của một năm thực hành cuộc chiến tranh xâm lược trên phạm vi cả nước chứng tỏ không thể dùng biện pháp quân sự để giải quyết cuộc chiến tranh trong thời gian “chớp nhoáng”. Trong lúc đó, chi phí của một cuộc chiến tranh xâm lược (dốc sức đánh nhanh thắng nhanh ở Đông Dương) đã trở nên quá tải đối với nền kinh tế ốm yếu của nước Pháp đang gượng dậy sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tình hình ấy buộc thực dân Pháp phải chuyển hướng chiến lược chiến tranh, từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh kéo dài, vừa bình định vùng chiếm đóng, vừa lấn chiếm vùng tự do của ta, thực hiện “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt”. Từ dùng biện pháp quân sự là chủ yếu, chúng chuyển trọng tâm hoạt động sang việc đối phó với ta nhằm giữ vững và củng cố vùng tạm chiếm, thực hành chiến tranh tổng lực, đánh phá cơ sở kinh tế, chính trị và lực lượng dự trữ của ta.

Đối với Nam Bộ, trên cơ sở nhận định đây là nơi đông dân, nhiều của, xa trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến, lực lượng vũ trang mới xây dựng, trang bị vũ khí yếu, thực dân Pháp chủ trương biến Nam Bộ mà Sài Gòn là trung tâm thành nơi cung cấp sức người, sức của và dữ trữ chủ yếu cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam và ba nước Đông Dương.

Thực hiện chủ trương bình định, Pháp đưa Blaizot sang thay Valluy cầm đầu bộ máy chiến tranh ở Đông Dương (Từ tháng 10 năm 1948, chúng lại đưa Pignon, viên quan cai trị cũ thay thế Bollaert nhận chức cao ủy). Mùa xuân năm 1948, thực dân Pháp tăng thêm quân, điều chỉnh lại lực lượng, chuyển quân vào chiến trường miền Nam. Ngay trong tháng 1 năm 1948, chúng điều 4 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoàn pháo binh từ miền Bắc vào Sài Gòn, đưa lực lượng địch ở Sài Gòn và các tỉnh khu 7 lên tới 25.438 tên lính Pháp và Lê dương: 5574 tên, lính ngụy: 19.864 tên(1). Chúng liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn vào căn cứ của ta ở xung quanh Sài Gòn và các căn cứ lớn như chiến khu Đồng Tháp Mười, chiến khu Đ, đồng thời thiết lập một hệ thống đồn bót dày đặc(2) nhằm kiểm soát vùng ven đô thị, các trục đường giao thông quan trọng, các cửa rừng cao su, xung quanh căn cứ và dọc hành lang giao thông của ta.

Ngay từ tháng 12 năm 1947, khi tin tức thắng lợi từ Việt Bắc bay về và hoạt động phối hợp đang độ cao trào trên toàn miền, từ ngày 16 đến ngày 20 tháng 12 năm 1947, Xứ ủy Nam Bộ họp hội nghị đánh giá một năm đầu cùng cả nước kháng chiến và đề ra nhiệm vụ cho năm 1948. Hội nghị nhận định: Sang năm 1948, địch sẽ tập trung càn quét và đánh phá Nam Bộ, mở rộng phạm vi chiếm đóng quanh đô thị và dọc các trục đường giao thông, lấn chiếm vùng căn cứ của ta, tiếp tục xây dựng ngụy quân, ngụy quyền, triệt phá dự trữ kinh tế, dùng thủ đoạn chiến tranh gián điệp để đánh phá hậu phương của ta. Từ nhận định trên hội nghị chủ trương ra sức xây dựng lực lượng dân quân du kích rộng khắp, nhất là ở vùng tạm bị chiếm. Đẩy mạnh công tác chống bắt lính và tăng cường địch ngụy vận. Tiếp tục đánh phá giao thông địch. Tổ chức xây dựng bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương chặn đánh bẻ gãy các cuộc càn quét, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch.

Tại Việt Bắc, ngày 15 tháng 1 năm 1948, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng nhằm kiểm điểm tình hình kháng chiến và đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn mới:

“a/ Về quân sự chuyển sang giai đoạn thứ 2, giai đoạn cầm cự, đánh táo bạo, phản công bộ phận nếu nước Pháp có biến cố lớn.

b/ Về chính trị: củng cố toàn dân đoàn kết, phá chính sách “dùng người Việt hại người Việt” của thực dân Pháp, phá mọi chính quyền bù nhìn.

c/ Về kinh tế: phá kinh tế tài chính địch, thực hiện khẩu hiệu tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc, cải thiện dân sinh, tịch thu tài sản của bọn phản quốc cấp cho dân nghèo và bộ đội.

d/ Về hành chính: kiện toàn cơ quan hành chính từ trên xuống dưới.

đ/ Về văn hóa: giáo dục động viên văn hóa thật sự tham gia kháng chiến, ủng hộ kháng chiến, đào tạo nhân tài và cán bộ cung cấp cho các ngành kháng chiến”(3).

Phương châm tác chiến chiến lược được đề ra là “du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ trợ”.


(1) Theo Lịch sử chiến tranh Đông Dương của tướng Yves Grass, bản dịch của Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, đánh máy lưu tại phòng Khoa học lịch sử quân sự Quân khu 7, địch cần xung quanh Sài Gòn - Chợ Lớn 35.000 Âu Phi, 25.000 bảo an và quân đội Cao Đài.
(2) Hệ thống tháp canh De Latour, với tư tưởng chiến thuật là tổ chức phòng vệ trục lộ giao thông các khu trọng yếu, tạo một hệ thống cứ điểm ô vuông nhằm kiểm soát giao thông, chia cắt khống chế hoạt động của đối phương. Mỗi tháp canh có từ 1 bán tiểu đội đến 1 tiểu đội tăng cường do 1 trung hoặc hạ sĩ chỉ huy, được trang bị súng trung liên phóng lựu, vũ khí cá nhân và nhiều lựu đạn. Mỗi tháp canh cách nhau 1km, có thể khoảng cách ngắn hơn nếu địa hình quanh co khuất lấp, tạo thành thế liên hoàn khống chế địa vực và yểm trợ lẫn nhau khi một cứ điểm bị tấn công. Do bị ta tấn xông thường xuyên, tháp được cải tiến ngày càng hoàn thiện hơn: hình vuông, xây gạch, cao khoảng 10 mét, xung quanh có lũy đất cao, bên ngoài có chông tre, hào lũy, kẽm gai, mìn cóc, mìn sáng. Giữa nhiều tháp canh còn có 1 tháp mẹ chỉ huy. Tháp canh mẹ lớn hơn, đóng ở điểm yếu, xây dựng kiên cố, xung quanh có nhiều lô cốt chiến đấu, được trang bị máy vô tuyến, hỏa lực cầu vồng. Hệ thống tháp canh được xây dựng trước hết ở xung quanh đô thị quan trọng, đường giao thông quanh căn cứ ta, sau đó, theo vết dầu loang từng kilômét vuông bung ra từng bước tùy điều kiện cho phép.
(3) Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1986, t. 1, tr. 169-170.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 06:49:52 pm
Nội dung của nghị quyết Hội nghị Xứ ủy và Hội nghị Trung ương mở rộng đã kịp thời phát hiện sự chuyển biến lớn của tình hình, xác định phương hướng quyết tâm đẩy mạnh cuộc kháng chiến phát triển lên một bước mới một cách nhạy bén và thích hợp. Tinh thần của nghị quyết trên đã được phổ biến quán triệt xuống cấp ủy đảng các cấp ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Nhiệm vụ trọng tâm được xác định là đẩy mạnh đấu tranh kinh tế với địch, kết hợp đấu tranh chính trị quân sự, không cho chúng biến Sài Gòn thành trung tâm dự trữ, đấu tranh phá ngụy quân ngụy quyền, tiến hành địch ngụy vận. Đối với tỉnh Gia Định: đẩy mạnh du kích chiến tranh, xây dựng bộ đội, đánh giao thông, chống càn quét lấn chiếm, gia tăng sản xuất, bảo vệ cơ quan, bảo vệ lực lượng, dự trữ của ta.

Thực hiện sự chỉ đạo về chống lại chiến lược của địch, Sài Gòn - Chợ Lớn phát động một phong trào triệt phá kinh tế của địch trong nội đô và vùng nông nghiệp ngoại thành. Bước sang năm 1948, hàng loạt nhà máy xí nghiệp đình công, bãi công. Công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm, đòi tự do nghiệp đoàn. Tiêu biểu nhất là những cuộc đấu tranh của công nhân hãng thuốc lá Mic, nhà máy bia Chợ Lớn, nhà máy rượu Bình Tây, công nhân xe lửa Sài Gòn, công nhân công xưởng Đô Thành, hãng xà bông Việt Nam, nhà đèn, xưởng đắp vỏ xe ô tô Nguyễn Văn Bình, công nhân xe buýt và các hãng Simac, Effel, Faci, Asam…

Các vụ phá hoại máy móc, đốt cháy kho nhiên liệu, đốt cháy thành phẩm của các nhà máy diễn ra liên tục. Chỉ kể riêng trong tháng 3 năm 1948, ngày 8 tháng 3, ta đốt cháy nhà máy xay lúa Thạnh Hưng, làm thiệt hại 7 triệu đồng. Ngày 17 tháng 3, ta đốt cháy nhà máy xay lúa Tha Nam ở Chợ Lớn, báo Sài Gòn Mới đưa tin: “Lửa cháy rực trời, cứ xem sự hư hao, người ta có thể coi nhà máy này bị hư hỏng gần trọn vẹn”. Ngày 20 tháng 3, đốt cháy 2 đầu máy xe lửa ở ga Nancy. Ngày 20 tháng 3 năm 1948, kho đạn tại Bảy Hiền bị tấn công, 300 trái bom phát nổ gây chấn động dữ dội trong thành phố… hầu như ở nhà máy, cơ quan, xí nghiệp nào, công nhân viên chức cũng tìm cách phá hoại tài sản của địch. Công nhân xe lửa Sài Gòn phá hỏng 2 máy cưa, 11 máy khoan, 2 máy tiện và lấy nhiều dụng cụ khác, tự tạo 1 tiểu liên gửi cho công an xưởng Thủ Đức. Công nhân hãng Asam phá 2 máy hàn, công nhân Effel phá hoại 1 máy đục lỗ sắt làm cầu trị giá 15.000 đồng, 1 máy cắt tôn trị giá 18.000 đồng, 1 mô tơ điện trị giá 10.000 đồng, ném xuống sông 1 tấn sắt thành phầm. Công nhân ở xưởng Đô Thành mỗi ngày cho máy chạy không 1 giờ, làm lãng phí nhiên liệu hơi hàn của địch. Công nhân bến tàu trong 3 tháng 8, 9, 10 năm 1948 đã liệng xuống sông tổng số 60 bánh vải, 478 thùng rượu và nhiều thùng thuốc Tây, đồ điện, đồ quân dụng… Các cuộc bãi công, đình công ngấm ngầm hoặc công khai phá hoại máy móc tài sản cùng với phong trào phá hoại cao su diễn ra mạnh mẽ ở ngoại thành và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã làm cho hoạt động sản xuất của tư bản thực dân Pháp giảm sút rõ rệt. Nền kinh tế thuộc địa của chúng bị thiệt hại nặng nề. Bằng hoạt động đấu tranh kinh tế như trên, công nhân và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã góp phần chống lại có hiệu quả âm mưu biến Nam Bộ thành hậu phương dự trữ của địch cho cuộc chiến tranh.

Vừa đấu tranh phá hoại kinh tế địch, ta vừa tích cực xây dựng lực lượng dự trữ cho cuộc kháng chiến Sài Gòn - Chợ Lớn thành hậu phương của ta, nơi cung cấp chủ yếu của cải vật chất, đặc biệt là các loại hàng hóa như nguyên liệu cho các xưởng quân giới, vải vóc thuốc men, dụng cụ văn phòng… ra chiến khu. Các đơn vị bộ đội đều có “Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn” cho đơn vị mình tại thành phố như hội ủng hộ chi đội 1, 6, 12, 13. Các ngành quân nhu, quân giới, quân y, rồi cơ quan kháng chiến của các địa phương, kể cả các tỉnh bạn, huyện bạn của Nam Bộ đều có tổ chức tiếp liệu trong nội thành. Đặc biệt ngành quân nhu đã tổ chức được hệ thống cơ sở tiếp liệu rộng khắp trong các quận, hộ. Các cơ sở tiếp liệu này làm nhiệm vụ khai thác các nhu cầu từ ăn mặc đến công tác sản xuất và chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ bằng cách vận động bà con ủng hộ, tiếp nhận, thu mua để chuyển về căn cứ. Ngoài các cơ sở tiếp liệu này, các cơ quan, tổ chức đoàn thể kháng chiến trong nội thành đều có bộ phận chuyên trách nhiệm vụ cung cấp hàng hóa thiết yếu.

Đồng bào thành phố, từ công nhân viên chức, tiểu thương đến cả một số thương gia lớn, chủ hãng, đều nhiệt tình đóng góp cho kháng chiến. Nhiều hộ ở khu vực Chợ Lớn, Bến Thành, Tân Định tổ chức thành từng ngành, từng giới ủng hộ riêng. Ngành nào, giới nào có khả năng về loại hàng hóa vật phẩm nào thì ủng hộ loại đó. Bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế giúp đỡ thuốc men và dụng cụ y tế. Công nhân ủng hộ máy móc dụng cụ vật liệu kim khí. Thương nhân góp vải vóc, thực phẩm, văn phòng phẩm, dụng cụ văn phòng. Cả học sinh, sinh viên cũng góp gửi cả chiến khu sách vở bút mực. Nhiều gia đình gửi cả lư đồng, mâm thau, bạc trắng. Chị em phụ nữ tham gia cuộc vận động “mùa đông binh sĩ” góp gửi áo ấm, khăn quàng cổ cho bộ đội. Những câu thơ như sau được chị em truyền miệng khá phổ biến:

      Mùa Đông đã đến rồi đây
      Sầu trong gió bắc ngàn cây lạnh lùng
      Lần đầu tiên em sung sướng quá
      Đan ngự hàn gửi tặng phương xa
      Và từ đây những chiến sĩ không nhà
      Sẽ thấu hiểu lòng em qua áo ấm
(1).

Đối với những loại vật phẩm quý hiếm và đặc biệt, như thuốc súng, kim loại, vỏ đạn, hóa chất… đồng bào không có khả năng ủng hộ, ta tổ chức mua thông qua các nhà buôn. Nhiều nhà buôn nhất là thương nhân Hoa kiều có mối giao dịch rộng rãi và ít bị địch theo dõi đã nhiệt tình mua và chuyển giao cho ta. Ngoài ra trong thành phố, một số đơn vị bộ đội, công an, cơ quan địa phương còn tổ chức các cơ sở sản xuất tại chỗ. Cơ sở sửa chữa V.T.Đ chuyên mua máy thu thanh và linh kiện gửi ra chiến khu, đồng thời sửa chữa các máy hỏng từ chiến khu gửi vào. Có những cơ sở như thế trong ngành quân khí, y dược, dệt và may mặc. Về lương thực, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ vận động được nhiều thương gia Hoa kiều dùng giấy tờ của địch cấp, đi mua lúa ở các tỉnh miền Tây, miền Trung Nam Bộ, dùng thuyền chở bằng đường sông về Sài Gòn - Chợ Lớn, xay xong bán lại cho ta.


(1) Truyền thống cách mạng của Phụ nữ Nam Bộ Thành Đồng
Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ xuất bản, 1989, tr. 164-165.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 06:50:32 pm
Lúa gạo, hàng hóa, vật phẩm từ Sài Gòn được chuyển ra vùng căn cứ bằng nhiều hình thức phong phú. Lợi dụng giấy tờ của địch, ta tranh thủ vận tải công khai bằng đường sông với quy mô lớn, hàng hóa xếp sẵn trong kho của các nhà buôn. Trên đường bộ, ta dùng xe lửa của nhà buôn hoặc lấy xe của địch chở hàng ra khỏi thành phố, đến vùng du kích nơi vắng địch, tranh thủ đổ hàng xuống. Ở các bến đó đã có đồng bào chiến sĩ của ta đợi sẵn, tiếp nhận và chuyển tiếp. Ta vận động ngụy binh trong các đồn bót, tháp canh dọc theo các tuyến Sài Gòn - Bà Rịa, Sài Gòn - Nam Vang, Sài Gòn - Tây Nguyên, Sài Gòn - Lộc Ninh, Sài Gòn - Mĩ Tho, Sài Gòn - Phan Thiết, bảo vệ cho ta xuống hàng ở đoạn gần địch. Còn hàng trăm hình thức vận tải có hiệu quả khác như đồng bào ngoại ô đi chợ hằng ngày ra vào nội thành, đồng bào nội thành đi nghỉ mát, lễ chùa, thăm viếng người thân, buôn bán, làm ăn ra ngoại thành, rồi xe ngựa, xe ba gác, xe bò ra vào thành phố đều phối hợp vận chuyển nhỏ. Nhiều người, nhiều chuyến, nhiều ngày tích góp lại đã góp phần chuyên chở khối lượng hàng hóa từ thành phố ra chiến khu.

Trong điều kiện bị địch bao vây phá hoại, sự chi viện tiếp tế của Trung ương xa và gặp khó khăn, nguyên vật liệu ở vùng căn cứ ít phát triển, sự đóng góp nêu trên của đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn có ý nghĩa quan trọng. Nó đã góp phần xây dựng nền hậu cần kháng chiến, làm thất bại âm mưu bao vây phong tỏa kinh tế ta của kẻ thù, đồng thời nói lên tình cảm tha thiết với kháng chiến, một lòng hướng về kháng chiến của nhân dân thành phố.

Công cuộc kháng chiến của quân và dân Nam Bộ sang năm 1948 đang phát triển lên giai đoạn mới. Yêu cầu của tình hình đặt ra nhiệm vụ cần củng cố, tổ chức lại chiến trường, phát triển lực lượng nhằm tiếp tục đưa cuộc kháng chiến tiến tới. Ngày 27 tháng 3 năm 1948, Khu ủy Khu 7 mở hội nghị mở rộng toàn khu. Hầu hết cán bộ Đảng, chính quyền, chỉ huy bộ đội ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các tỉnh trong khu đã về dự. Hội nghị quyết định điều chỉnh chiến trường, xây dựng các trung đoàn tập trung, xử lí trường hợp bọn gián điệp và phản động lũng đoạn phá hoại trong nội bộ một số đơn vị thuộc bộ đội Bình Xuyên (Tổng hành dinh Bảy Viễn, Bộ tham mưu liên khu Bình Xuyên và Ban chỉ huy chi đội 9). Sau Hội nghị Khu ủy cuối tháng 3 năm 1948, Tư lệnh bộ khu 7 cùng Thành bộ đội Sài Gòn - Chợ Lớn triệu tập hội nghị quân sự Thành nhằm tổ chức lại lực lượng các ban công tác Thành và quán triệt chương trình hoạt động quân sự ở Sài Gòn - Chợ Lớn trong tình hình mới.

Chiến trường Khu 7 chia ra 4 địa bàn hoạt động (4 phân khu):

1/ (Phân khu đặc biệt) gồm: Sài Gòn - Chợ Lớn và các quận Gò Vấp, Thủ Đức (tỉnh Gia Định) và Đức Hòa (tỉnh Chợ Lớn.

2/ (Phân khu Duyên Hải) gồm: Bà Rịa, Vũng Tàu và các quận Nhà Bè, Cần Giờ (vùng Rừng Sác tỉnh Gia Định), Cần Giuộc, Cần Đước (tỉnh Chợ Lớn), Long Thành (tỉnh Biên Hòa).

3/ (Phân khu biên giới) gồm: Tây Ninh, quân khu Đông Thành (tỉnh Tân An) và quận Hóc Môn (tỉnh Gia Định).

4/ (Phân khu cao su) gồm: Thủ Dầu Một, Biên Hòa.

Theo quyết định của trung tướng Nguyễn Bình, tháng 4 năm 1948, 10 đại đội du kích Thành đổi trở lại thành 10 Ban công tác và chuyển trực thuộc Bộ Tư lệnh Khu 7.

Đại đội du kích 1 thành Ban công tác 1
Đại đội du kích 2 thành Ban công tác 2
Đại đội du kích 3 thành Ban công tác 3
Đại đội du kích 4 thành Ban công tác 4
Đại đội du kích 5 thành Ban công tác 5
Đại đội du kích 6 thành Ban công tác 6
Đại đội du kích 7 thành Ban công tác 7
Đại đội du kích 8 thành Ban công tác 8
Đại đội du kích 9 thành Ban công tác 9
Đại đội du kích 10 thành Ban công tác 10

Quản lí đầu mối chung 10 ban công tác là một tổ chức mang tên Ban thường vụ (bí số 200/CT) gồm 10 trưởng ban công tác do Nguyễn Tứ Phương làm Tổng thư kí, Phạm Ngọc Thảo (trưởng phòng mật vụ Nam Bộ) làm ủy viên kiểm soát và Phạm Tuân giữ chức vụ ủy viên chính trị. Trực thuộc Ban thường vụ 200/CT có văn phòng, ban liên lạc, đội cảnh vệ.

Việc thành lập lại các ban công tác Thành và chuyển trở về trực thuộc khu đã làm cho cán bộ chiến sĩ các đơn vị vũ trang phấn khởi, hăng hái chiến đấu, do điều kiện đảm bảo hoạt động khá hơn thời kì trực thuộc Thành đội bộ dân quân.

Ngày 20 tháng 5, các chiến sĩ Ban công tác 9 đột nhập nhà tên sĩ quan Pháp ở đường Chasseloup Laubat (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai) giữa ban ngày giết chết tên này, lấy 1 tiểu liên, 4 súng ngắn và 500 viên đạn. Ngày 16 tháng 6 năm 1948, Ban công tác 8 dùng quả moócchiê của địch bị lép chế tạo thành quả mìn nổ chậm đặt tại trụ sở thông tin Sài Gòn. Quả mìn không nổ do dây cháy chậm bị ẩm. Hãng AFP đưa tin trên báo Thời Sự số ra ngày 18 tháng 6 năm 1948: “Nếu trái bom này nổ thì sự thiệt hại không biết đến thế nào!”. Dự luận còn đang xôn xao thi ngày 21 tháng 6 năm 1948, tên phản động đội lốt linh mục Maurrice Thiên ở nhà thờ Huyện Sĩ bị đền tội.

Vang dội nhất là trận tấn công bọn sĩ quan Pháp trong rạp chiếu bóng Majestic trên đường Catinat. Majestic là rạp chiếu bóng sang trọng bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ, chỉ dành riêng cho bọn Pháp và Việt gian phản động cao cấp, giới thượng lưu chính khách ở Sài Gòn. Trước rạp là bến tàu, có nhiều lính địch canh gác và mật thám theo dõi. Riêng trước cửa rạp luôn có một tiểu đội hiến binh làm nhiệm vụ giữ trật tự và chặn xét người Việt Nam vào rạp. Được đội trinh sát báo tin, đêm ngày 10 tháng 6 năm 1948 có 30 sĩ quan Pháp đến rạp Majestic vào xem bộ phim được quảng cáo trước là “Adieu chèrie” (vĩnh biệt em yêu) và tổ trinh sát cũng biết rõ vị trí chỗ ngồi của chúng qua số ghế ghi ở vé, trung đội nữ Minh Khai do chị Dư Thị Lắm chỉ huy quyết định đánh. Một tổ 4 đội viên gồm Bùi Thị Huê, Nguyễn Thị Kim Dung, Hoàng Thị Thanh, Mạc Thị Lan xung phong thực hiện nhiệm vụ. Chính trị viên trung đội Nguyễn Thị Huê trực tiếp chỉ huy trận đánh. Lớn tuổi nhất là chị Huê, thợ may, mới 27 tuổi, chị khác còn rất trẻ, từ 15 đến 16 tuổi. Với 3 trái lựu đạn OG của Mĩ bỏ trong bóp, trong trang phục sang trọng, 4 người đã lọt vào rạp và ung dung vào tại các vị trí đã định sẵn. 20 giờ 45 phút, vừa đến phần chiếu phim chính, chị Bùi Thị Huê ra ám hiệu, cùng lúc, 3 quả lựu đạn được rút chốt và ném thẳng vào trúng khu vực riêng của bọn sĩ quan Pháp, lựu đạn nổ tung. Bọn địch la hét giãy giụa. Người xem náo loạn, chen lấn chạy ào ra cửa. Kết quả 29 tên sĩ quan Pháp, trong đó có 2 quan năm bị chết, 50 tên lính - phần đông là lính Pháp - bị thương nặng. Trận đánh làm cho bọn địch kinh hãi, dư luận báo chí xôn xao bàn tán trong một thời gian dài.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 06:52:08 pm
Liên tục từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1948, các đại đội du kích đã tấn công khá nhiều vị trí địch trong thành phố. Tính riêng 1 tháng từ ngay 15 tháng đến ngày 15 tháng 4 năm 1948, đã tác chiến 135 trận, giết chết và làm bị thương 150 tên Pháp và Việt gian, thu 9 súng, làm thiệt hại cho địch 4 triệu rưỡi đồng tiền Đông Dương ngân hàng. Tạp chí quân sự Guérilla của Pháp coi cách chiến sĩ công tác Thành như những kẻ xuất quỷ nhập thần: “Họ mặc thường phục, trang bị súng ngắn, lựu đạn, dao găm, lúc ẩn, lúc hiện, bất ngờ chớp giật, tấn công vào câu lạc bộ sĩ quan không quân Pháp, đánh vào nơi hội họp, vui chơi giải trí… của quân đội Pháp, rồi tan biến như sương mù không để lại dấu vết”(1).

Ở các tỉnh xung quanh Sài Gòn và khu vực ngoại thành, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Khu ủy Khu 7, ngày 27 tháng 3 năm 1948, các chi đội Vệ quốc lần lượt biên chế lại thành các trung đoàn. Ngoài trung đoàn Phạm Hồng Thái và trung đoàn 300 đã có sẵn, chi đội 1 (Thủ Dầu Một) được chuyển thành trung đoàn 301, biên chế đủ 3 tiểu đoàn 901, 902, 903, 1 đại đội cơ động và cơ quan trung đoàn bộ, do Nguyễn Văn Thi làm trung đoàn trưởng, Lê Đức Anh chính trị viên.

Trung đoàn 302 ra đời trên cơ sở sáp nhập liên chi đội 2 - 3 do Ngô Văn Lực làm trung đoàn trưởng. Sau đó không lâu, trung đoàn 302 sáp nhập với chi đội 9 thành trung đoàn 309 do Mai Văn Vĩnh (Hai Vĩnh) làm chỉ huy trưởng.

Trung đoàn 304 ra đời trên cơ sở sáp nhập chi đội 4 và chi đội 25. Huỳnh Văn Trí làm trung đoàn trưởng.

Trung đoàn 306 Phạm Hồng Thái ra đời, trên cơ sở biên chế lại chi đội 6 thành 2 tiểu đoàn, sáp nhập thêm lực lượng của trung đoàn Phạm Hồng Thái rút gọn còn 1 tiểu đoàn Nguyễn Văn Công, sau đó là Trần Đình Xu làm trung đoàn trưởng, Nguyễn Văn Bảo làm chính trị viên. Trung đoàn có 3 tiểu đoàn mang phiên hiệu 916, 917, 918 (Phạm Hồng Thái).

Trung đoàn 307 ra đời trên cơ sở sáp nhập các chi đội 7, chi đội 25 với lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa do Mai Văn Vĩnh, sau đó Ngô Văn Lực làm trung đoàn trưởng. Từ tháng 7 năm 1948, hai trung đoàn 307 và 309 sáp nhập thành trung đoàn 397, do Hứa Văn Yến làm trung đoàn trưởng.

Trung đoàn 308 ra đời trên cơ sở sáp nhập chi đội 15 và tiểu đoàn “Nguyễn An Ninh” do Huỳnh Văn Một làm trung đoàn trưởng.

Trung đoàn 312 ra đời trên cơ sở phát triển từ chi đội 12. Tô Kí, sau là Nguyễn Văn Bứa làm trung đoàn trưởng, Lê Thanh Kiết làm chính trị viên. Trung đoàn có 3 tiểu đoàn mang phiên hiệu 934, 935, 936.

Trong quá trình thành lập các trung đoàn, tại Chiến khu Rừng Sác, Khu ủy Khu 7 tiến hành thanh lọc và củng cố một số đơn vị và nội bộ Bình Xuyên, loại trừ những phần tử phản động gián điệp, nhân viên Phòng Nhì Pháp.

Sau khi nắm được lực lượng Bình Xuyên trong tổ chức “liên khu”, khu bộ phó Lê Văn Viễn (tức Bảy Viễn) bị sự thao túng của các nhân viên Phòng Nhì Pháp như Lại Hữu Tài, Lại Văn Sang, Lâm Ngọc Đường, Maurice Thiên, ngày càng sa đà vào con đường ăn chơi xa hoa trụy lạc, ra rời kháng chiến, biến chiến khu Rừng Sác thành “chiến khu ma, án binh bất động. Nhiều cán bộ đảng viên bị thủ tiêu, khủng bố. Hành động của Bảy Viễn và bọn tay chân đàn em trong ban chỉ huy chi đội 9, Tổng hành dinh Khu bộ phó và Ban tham mưu liên khu gây sự bất bình mạnh mẽ trong đại đa số cán bộ và chiến sĩ Bình Xuyên. Sau một thời gian kiên trì giác ngộ không thu được kết quả, một số cán bộ trong Ban quân sự Nam Bộ và khu ủy Khu 7 thấy cần thiết phải thanh trừng một số phần tử phản động và gián điệp trong nội bộ Bình Xuyên. Nhằm tách Bảy Viễn ra khỏi Rừng Sác, giữ níu Bảy Viễn lại con đường kháng chiến, Ban quân sự Nam Bộ đã đề bạt Lê Văn Viễn lên chức khu bộ trưởng Khu 7 và triệu tập về căn cứ Nam Bộ tại Đồng Tháp Mười để họp hội nghị và dự lễ tấn phong. Trong khi Bảy Viễn cùng đoàn tùy tùng đang ở Đồng Tháp Mười, thì tại Rừng Sác, cuộc thanh trừng bắt đầu. Ba đại đội của trung đoàn 300 (do Trần Sơn Tiêu chỉ huy) phối hợp với 1 đại đội thuộc chi đội 9 (do Trần Công Đức chỉ huy) triển khai đội hình bao vây chặt vòng ngoài, rồi cho một bộ phận đột kích vào 3 mục tiêu: Tổng hành dinh Bảy Viễn, Bộ tham mưu liên khu Bình Xuyên và sở chỉ huy chi đội 9. Trước giờ hợp đồng nổ súng, có lệnh của Xứ ủy Nam Bộ đình chỉ cuộc thanh trừng. Nhưng bức điện đã bị giữ lại lâu ở Khu ủy Khu 7, mặt khác Rừng Sác mênh mông, các đơn vị ém quân bí mật phân tán khắp các kênh rạch chằng chịt, thông tin liên lạc chậm trễ, nên không đến kịp. 4 giờ sáng ngày 24 tháng 5, vòng vây của lực lượng tiến hành thang trừng khép chặt. Các cánh quân thọc sâu bất ngờ tiến thẳng vào ba mục tiêu, bắt hầu hết bọn phản động và nhân viên Phòng Nhì Pháp. Tên Lâm Ngọc Đường dùng ghe riêng chạy trốn, sau 7 ngày đêm bị sa lưới với đầy đủ tang vật trong tay: cặp đứng tài liệu Pháp gửi cho Bảy Viễn, danh sách bọn Phòng Nhì và phản động trong nội bộ Bình Xuyên, nhật kí ghi các vụ việc phá hoại, kế hoạch “chiến khu ma” và một cặp đầy ắp tiền Đông Dương ngân hàng(2).


(1) Xem Bước đường quyết thắng của lực lượng vũ trang nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1985, tr.21.
(2) Trong số tài liệu ta thu lượm được, có 1 văn bản kí kết giữa đại diện quân đội Liên hiệp Pháp tại khu vực Đông Nam Bộ và Tổng chỉ huy liên khu Bình Xuyên Lê Văn Viễn với nội dung: 1/ Quân đội Liên hiệp Pháp (chịu trách nhiệm về tình hình quân sự ở tỉnh Gia Định) cách mạng kết không tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào các lực lượng của liên khu Bình Xuyên trong căn cứ Rừng Sác. 2/ Lực lượng quân sự liên khu Bình Xuyên (và các lực lượng quân sự có liên quan hiệp đồng trong căn cứ Rừng Sác) cam kết không tiến hành các hoạt động quân sự nhằm vào các khu vực thuộc quyền kiểm soát của quân đội Liên hiệp Pháp tại các tỉnh Gia Định - Chợ Lớn… nằm dọc phía Tây hai con sông Nhà Bè và Soài Rạp. 3/ Chỉ huy quân đội Liên hiệp Pháp (chịu trách nhiệm về tình hình quân sự ở tỉnh Gia Định) có trách nhiệm báo cáo toàn bộ tình hình và đệ trình thỏa ước này lên Tư lệnh quân đội Liên hiệp Pháp ở miền Đông Nam phần Việt Nam. Thỏa nước này có hiệu lực từ ngày Tư lệnh quân đội Pháp ở miền Đông Nam phần Việt Nam chuẩn y. Ngoài ra ta còn thu được dự thảo thỏa ước giữa Bảy Viễn và quân đội Pháp, nội dung: 1/ Tổng chỉ huy liên khu Bình Xuyên bảo đảm không để xảy ra các hoạt động quân sự dọc tuyến sông Lòng Tàu, để gây thiệt hại về người và phương tiện vận chuyển thuộc quyền kiểm soát của người Pháp. 2. Đổi lại, Pháp giành cho Liên khu Bình Xuyên các khoản viện trợ về tài chính, hàng tiêu dùng theo ke hằng năm.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 06:54:26 pm
Ngày 31 tháng 5 năm 1948, cuộc thanh trừng kết thúc. Mặc dù phạm một số khuyết điểm như công tác phân loại đối tượng chưa chu đáo, ở một số nơi, một số người bị bắt và xử lí oan, cuộc thanh trừng một số phần tử phản động và gián điệp trong nội bộ Bình Xuyên đã giáng một đòn mạnh mẽ vào âm mưu gây chia rẽ nội bộ, thành lập “chiến khu ma” của thực dân Pháp, thanh lọc được kẻ thù và bọn cơ hội phản động trà trộn trong hàng ngũ kháng chiến.

Sau cuộc thanh trừng, các đơn vị còn lại của bộ đội Bình Xuyên hòa nhập vào các trung đoàn. Trên thực tế không còn bộ đội Bình Xuyên riêng rẽ. Phân khu Duyên Hải thành lập trước thanh trừng nay được củng cố lại, do Dương Văn Hà (vừa được đề bạt chức Khu bộ phó Khu 7 sau khi Lê Văn Viễn bỏ chạy về Sài Gòn theo giặc)(1) làm chỉ huy trưởng, Nguyễn Sơn Xuyên làm chỉ huy phó.

Cũng trong tháng 6 năm 1948, Chính phủ gửi điện công nhận Ban quân sự Nam Bộ và cử trung tướng Nguyễn Bình làm Tư lệnh (trước đó ngày 12 tháng 12 năm 1947, Ban quân sự Nam Bộ được thành lập do Nguyễn Thanh Sơn làm trưởng ban).

Sự kiện làm trong sạch nội bộ, củng cố lại bộ đội Bình Xuyên, và thành lập các trung đoàn đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng đối với lực lượng bộ đội tập trung của Khu 7 nói chung và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng. Nó mở ra thời kì thống nhất của các lực lượng vũ trang trên toàn bộ chiến trường dưới sự chỉ đạo tuyệt đối của Đảng, tạo điều kiện để các đơn vị bộ đội tập trung tổ chức đánh địch những trận lớn và thu được thắng lợi quan trọng trong năm 1948.

Ngày 13 tháng 4 năm 1948, 10 Ban công tác Thành tập kích đồng loạt vào các mục tiêu ở hộ 17 Chợ Lớn và khu vực Phú Nhuận, xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. Ngay sau đó, giặc Pháp liên tục mở các cuộc hành quân càn quét ra xung quanh thành phố, đặc biệt vào các căn cứ của ta ở Thủ Đức, Hóc Môn, Trung Quận (Chợ Lớn).

Ngày 15 tháng 4, chúng huy động 3.000 tên, phần lớn là lính Âu Phi, có pháo binh và máy bay yểm trợ, do một đại tá chỉ huy, tấn công vào Láng Le (căn cứ Vườn Thơm) nhằm diệt cơ quan đầu não kháng chiến và lực lượng vũ trang của Sài Gòn - Chợ Lớn đứng chân ở đây. Từ 6 giờ sáng, máy bay trinh sát địch đã quần đảo trên bầu trời Láng Le. 7 giờ, các cánh quân của địch từ lộ số 10 qua lộ Đông Dương 16 vào và từ sông Vàm Cỏ Đông lên bắt đầu tiến vào Tân Kiên, Tân Tạo, Tân Nhựt và chợ Lí Văn Mạnh - trung tâm căn cứ. Các mũi bộ binh, xây dựng thiết giáp trên bộ, xe lội nước dưới kinh rạch theo đội hình hàng ngang xếp thành một vòng cung từ Phú Lâm - Bình Trị phía Đông Bắc xuống Tân Kiên, Mĩ Tho, bọc xuống phía Nam và Tây Nam đến Lương Phú. Mặt bọc hậu, các loại tàu thủy, tàu lồng cu, xà lan chở lính theo sông Chợ Đệm qua kinh Xáng rải quân tạo thành phòng tuyến khóa đuôi và đánh vào sau lưng quân ta.

Lực lượng của ta gồm có 4 đại đội của trung đoàn 308, 2 tiểu đoàn của trung đoàn Phạm Hồng Thái, 4 tiểu đoàn của trung đoàn 312, cùng du kích vũ trang ban công tác Thành đóng ở khu vực cầu Bà Điểm, rạch Cai Tâm (giữ một kinh Xáng, chợ Đệm), cầu Bà Bộ, Tân Lợi (giữ mặt Bà Hom), Mĩ Phú (giữ mặt Bình Điền). Ngoài ra con có các bộ phận du kích và đơn vị bao vây cơ quan khác đóng giữ rải rác ở các điểm trung tâm căn cứ.

Khi cánh quân của địch ở phía Đông Bắc từ cầu Chùa và Bà Hom vào đến Tân Lợi, liền bị đại đội 3 (trung đoàn 308) và lực lượng trung đoàn 312 chặn đánh. Sau gần một giờ giao tranh quyết liệt, trước thế áp đảo của quân địch, lực lượng ta rút về Láng Le. Tại phía Đông Nam, cánh quân địch đã từ Bình Điền vào đến cầu Mĩ Phú bị lực lượng trung đoàn Phạm Hồng Thái và đại đội 4 (trung đoàn 308) chặn đánh. Một lúc sau, quân ta buộc phải rút lui về Láng Le hợp với lực lượng đại đội 3 triển khai đội hình chặn đánh địch. Tại phía Nam, lực lượng địch chia làm 2 mũi, một theo kinh Bà Tà lên hợp với bộ binh đánh vào Bàu Cỏ, một từ cầu Bà Điểm, theo rạch Cai Tâm lên đánh vào khu vực phòng thủ của đại đội 1, đại đội 2 (trung đoàn 308) ở Tân Nhựt. Quân địch hình thành thế bao vây, khép kín, vùng trung tâm căn cứ. Càng xế trưa, vòng vây càng khép chặt. Lực lượng của ta bố trí dựa lưng vào nhau, lợi dụng địa hình nhiều kinh rạch, làm bụi, làm chướng ngại vật để kiên quyết chặn đánh địch. Các khẩu trung liên, tiểu liên chiếm trước các vị trí thuận tiện liên tục nhả đạn rà quét vào đội hình dày đặc của địch, chặn đứng nhiều đợt xung phong của chúng. Một số bộ phận đơn vị và du kích rời khỏi công sự, vận động di chuyển chia cắt địch thành từng toán nhỏ để tiêu diệt. Các cuộc đánh xen kẽ giáp lá cà diễn ra dọc bờ kinh trong các bụi dừa nước, lùm cỏ năng đưng. Chiến sĩ Nguyễn Hữu Mai với khẩu trung liên Breun đã chiến đấu dũng cảm, diệt hàng chục tên Âu Phi cho đến khi bị trúng đạn ngã gục xuống bờ kinh.

Trời ngả chiều, quân ta tập trung lực lượng đánh phá vây, chuyển về phía Trịnh Khánh Ân, chiếm mé Tây kinh Xáng. Các loại hỏa lực đều được huy động bắn xối xả vào đội hình địch để mở đường. Sau đó, lực lượng ta ào lên đánh giáp lá cà với chúng. Trước sức đột kích mãnh liệt của ta, quân địch không chống cự nổi, quay đầu bỏ chạy. Quân ta thừa thắng quay sang đánh tạt bên sườn và đánh vu hồi sau lưng địch làm cho đội hình của chúng rối loạn. Sau đó, quân ta lần lượt rút về Rạch Rịt, Rạch Chung, đánh trả sự truy đuổi của 3 máy bay địch. Đến 17 giờ chiều, quân ta rút về vùng rừng Bà Vụ an toàn. Trận đánh kết thúc, ta diệt trên 300 tên địch (trong đó có nhiều sĩ quan), bắt sống 30 lính Pháp, làm hỏng và phá hủy 5 xe quân sự, thu 1 vô tuyến điện, 85 súng máy và súng trường, nhiều đạn dược và đồ dùng quân sự khác. Phía ta 32 cán bộ và chiến sĩ hi sinh, 40 người bị thương, 17 người mất tích. Hàng tăm ngôi nhà, lán trại bị đốt phá. Vườn ruộng của đồng bào vùng căn cứ bị xéo nát.

Cuộc chiến đấu bẻ gãy cuộc phản kích quy mô của địch ngày 15 tháng 4 năm 1948 ở Láng Le, Bàu Cỏ là trận thử sức đầu tiên của lực lượng vũ trang Gia Định, Chợ Lớn từ sau khi thành lập các trung đoàn. Thắng lợi của trận đánh thể hiện tinh thần quyết chiến, trụ bám địa bàn bảo vệ căn cứ, tiêu diệt địch, bảo vệ dân, bảo vệ cơ quan lãnh đạo của thành phố. Trận Láng Le vang dội vào nội thành, củng cố thêm niềm tin kháng chiến của đồng bào trong thành phố, đồng thời cổ vũ tinh thần hăng hái chiến đấu của du kích địa phương vùng Trung Quận, Đức Hòa. Thắng lợi của trận đánh còn chứng tỏ sự trưởng thành nhanh chóng của bộ đội ta trong những ngày đầu xây dựng trung đoàn. Tờ Truyền Tin, cơ quan thông tin của Tỉnh Chợ Lớn số ra ngày 23 tháng 4 năm 1948 viết đó là trận đánh “để trả lời cho thực dân Pháp biết Vệ quốc đoàn lúc nào cũng đủ điều kiện nếu cần phải đánh chánh quy khi thình lình đối đầu với quân cướp Pháp”(2). Bộ tư lệnh Khu 7 đã gửi thư khen ngợi các lực lượng tham gia trận đánh. Nhân dân địa phương đặt vè: “Trận Láng Le Tây khóc ngất, trận Tầm Vu Tây mất ca nông”.


(1) Nắm được tin tức về cuộc thanh trừng, bị bọn Phòng Nhì Tài, Sang xúi giục, lôi kéo Bảy Viễn cùng 60 tùy tùng chạy về Sài Gòn đầu hàng Pháp. Trên đường đi, ta đã cử nhiều cán bộ tiếp xúc và thuyết phục Viễn, nhưng y vẫn quyết theo giặc. Biết được ý định đầu hàng của Viễn, 2 tiểu đội trong trung đội tùy tùng do Bảy Cao chỉ huy đã rách ra quay trở lại với kháng chiến.
(2) Tài liệu cặp E 1948, phòng tư liệu Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 06:56:34 pm
Ngay sau “sự kiện Láng Le”, liên tục trong ba ngày 20, 24 và 25 tháng 4 năm 1948, giặc Pháp mở cuộc hành quân càn quét tiếp vào căn cứ Vườn Thơm. Rút kinh nghiệm thất bại lần trước, quân địch không dám ồ ạt xông lên mà thận trọng tiến từng bước một. Đặc biệt, chúng dùng pháo binh bắn phá mãnh liệt vào trận địa của ta. Lực lượng của a có tiểu đoàn 918 (trung đoàn Phạm Hồng Thái biên chế lại), dựa vào công sự nằm im chờ địch tiến đến sát mới nổ súng. 8 giờ sáng, cuộc đụng độ bắt đầu. Sau loạt đạn bắn phủ đầu, một trung đội dự bị của ta vòng ra đánh xuyên hông tiểu đoàn Lê dương Pháp, Marốc. Bị tổn thất nặng, bọn lính Marốc bỏ chạy tán loạn. Các mũi tiến công khác của địch cũng chùn lại và bỏ chạy ra xa, kêu pháo binh bắn vào trận địa ta đến hết đạn mới rút lui. Cuộc càn của địch bị bẻ gãy ngay từ loạt đạn đầu tiên của ta. Nhưng bộ đội tiểu đoàn 917 hi sinh gần 30 người vì bị pháo kích của chúng.

Tháng 5 năm 1947, địch lại tấn công căn cứ Tân Mĩ, Bình Lí, Bình Mĩ nhằm tiêu diệt tiểu đoàn 916 của trung đoàn 306 Phạm Hồng Thái đang đứng chân ở đây. Chúng dùng xe thiết giáp đổ quân ở khu vực cầu Bà Bếp, trên đường số 5 và rải dọc đường số 8 từ ngã tư Tân Quy đến Bình Mĩ. Phía Đông Nam, trên sông Sài Gòn và sông Rạch Tra, tàu chiến địch đi lại như mắc cửi. Từ trong làng nhìn ra, trên các hướng, quân địch đi vàng cả cánh đồng. Tiểu đoàn 916 bố trí chặn đánh địch trên cả 3 hướng chính. Quân giặc bị đánh tan tác. Bên ta 30 chiến sĩ hi sinh. Trời tối, bộ đội ta phá vây, luồn rút về An Phú xã để củng cố lực lượng.

Ngày 3 tháng 6 năm 1948, quân địch càn vào khu vực Long Phước Thôn (phía Đông Thủ Đức) nhằm bao vây tiêu diệt tiểu đoàn 917 (trung đoàn 306). Bộ đội ta thông thạo địa hình chia ra từng phân đội đánh nhỏ lẻ, bất ngờ tập kích hoặc dụ địch từ tốp nhỏ vào sâu trong khu vực địa hình bất lợi để tiêu diệt. Đến trưa, khắp Long Phước Thôn, chỗ nào cũng có quân ta và quân địch xen kẽ, không phân biệt được chiến tuyến. Hết đạn, quân ta đánh giáp lá cà bằng báng súng, lựu đạn, dao găm, dao rựa. Địch bị thiệt hại nặng. Bên ta gần 30 chiến sĩ hi sinh.

Trong vòng không đầy 2 tháng, từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 3 tháng 6 năm 1948, tiến hành càn quét với quy mô lớn không dưới 4 lần xung quanh Sài Gòn, địch bị tiêu hao, tiêu diệt và thương vong gần 1.000 tên các loại. Âm mưu tập trung lực lượng nhằm bao vây càn quét tiêu diệt lực lượng kháng chiến không thực hiện được. Bộ đội ta, đặc biệt trung đoàn 306 Phạm Hồng Thái rút được nhiều bài học kinh nghiệm về tác chiến vận động chống càn quét. Tuy vậy, số cán bộ chiến sĩ hi sinh trong toàn đợt lên tới con số của 1 đại đội.

Thắng lợi của các trận chống càn kể trên có tác dụng quan trọng trong việc bảo vệ và thúc đẩy các phong trào kháng chiến của nhân dân vùng ngoại thành. Phong trào du kích chiến tranh ở cơ sở ngày càng phát triển, đã phối hợp có kết quả với bộ đội chống càn, diệt tề trừ gian và phá hoại kinh tế địch. Nhiều nơi, du kích huyện đã độc lập tác chiến, diệt được bót nhỏ và các toán địch đi lẻ tuần tiễu như Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè. Riêng ở Nhà Bè, du kích sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo như phục kích dùng dây cáp chăng ngang sông buộc tàu dừng lại gỡ, rồi dùng lựu đạn và các loại hỏa lực diệt địch khi chúng đang loay hoay giữa sông, hoặc như đêm đêm dùng súng cối, pháo kích vào đội hình địch làm cho chúng lục đục di chuyển suốt đêm, gây ra tâm lí hoang mang sợ bị tập kích bất ngờ…

Có thể nói rằng, trong hơn nửa năm đầu 1948 là quãng thời gian các lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định chấn chỉnh, tổ chức lại lực lượng, làm trong sạch nội bộ, thống nhất và phát triển một bước các tổ chức vũ trang nội thành (các ban công tác) và ngoại thành (các trung đoàn). Đây cũng là thời gian các trung đoàn tập trung tổ chức đánh những trận chống càn với quy mô lớn và thu được thắng lợi vang dội về mặt quân sự. Nhiều đơn vị đã được Hồ Chủ tịch khen ngợi trong lời kêu gọi các tướng lĩnh ngày 19 tháng 6 năm 1948:

“Nhân dịp kỉ niệm 1.000 ngày kháng chiến, tôi được Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng chỉ huy báo cáo thành tích trong cuộc huấn luyện lập công vừa rồi. Tôi rất vui lòng rằng các bộ đội đều cố gắng tiến bộ.

Những bộ đội đã làm cho giặc Pháp thiệt hại nhiều, đã có thành tích vẻ vang nhất là các bộ đội sau đây:

- Các đơn vị Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định



- Trung đoàn 10, 15, 1 ở Khu 7 Nam Bộ(1)

- Các đơn vị Dương Văn Dương, Mĩ Tho



- Các đơn vị Kí Con



Tôi cũng phải nhắc đến những bộ đội du kích phụ lão và phụ nữ cùng các chú liên lạc đã tỏ ra rất oanh liệt đã làm cho thế giới biết rằng: người già, đàn bà và trẻ con Việt Nam đều là những chiến sĩ yêu nước và dũng cảm tranh đấu hi sinh cho Tổ quốc…”(2)


(1) Tức các trung đoàn 310, 308, 301 (TG).
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Sự thật, Hà Nội, 1985, t. 5, tr. 106-107.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 06:57:16 pm
*
*   *

Cuối tháng 7 năm 1948, giữa chiến khu Đồng Tháp Mười, bên bờ kinh Năm Ngàn, Đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam Bộ được triệu tập. Đông đảo đại biểu Đảng từ cấp tỉnh, cấp trung đoàn trở lên đã về dự. Nhiều cán bộ quân sự, nhân sĩ, tri thức đại diện ủy ban kháng chiến hành chính, Mặt trận Liên Việt cũng tham dự đại hội. Đồng chí Lê Duẩn, bí thư Xứ ủy, thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng chủ trì đại hội.

Đại hội nhận định, từ mùa thu năm 1948 trở đi, thực dân Pháp càng đẩy mạnh chính sách bình định, ráo riết thực hiện chiến thuật bao vây mọi mặt. Nỗ lực của chúng trong giai đoạn tiếp theo nhằm tiến tới tiêu diệt chính quyền và bộ máy kháng chiến của ta, áp đặt bộ máy chính quyền bù nhìn từ Trung ương đến làng xã, phá hoại kinh tế, ngăn cản giao thông tiếp tế của ta, bảo đảm giao thông tiếp tế của chúng, củng cố mở rộng vùng chiếm đóng, đẩy lực lượng kháng chiến ra xa các đô thị, nhất là Sài Gòn, hòng tạo ra một cục diện mới, dứt điểm công cuộc bình định Nam Bộ để tập trung lực lượng trở lại chiến trường miền Bắc. Như vậy “Nam Bộ trở nên trung tâm hoạt động chính trị và cũng là vị trí quân sự quan trọng” và chiến lược của địch nhằm “đánh đòn chính vào dự trữ chiến lược của ta”. Đại hội chủ trương: “Chiến lược của ta nhằm vào chống lại chiến lược giặc, vào sự bảo vệ dự trữ của ta”.

Đại hội cũng đã kiểm điểm công tác xây dựng Đảng trong hơn một năm qua (tính từ hội nghị tháng 4 năm 1947), phê phán những biểu hiện sai trái trong việc đóng cửa hoặc phát triển ồ ạt thiếu chọn lọc đảng viên ở một số địa phương đơn vị, biểu hiện tư tưởng cục bộ địa phương, định kiến hẹp hòi và quân phiệt “anh chị” ở một số ít cán bộ, đồng thời đề ra những biện pháp nhằm củng cố hệ thống tổ chức Đảng từ trên xuống dưới. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ Nam Bộ và trực tiếp bầu đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư Xứ ủy, các đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, Nguyễn Đức Thuận làm Phó Bí thư.

Đại hội đại biểu Xứ Đảng bộ Nam Bộ đã vạch ra những nội dung cơ bản về đường lối tiến hành kháng chiến ở Nam Bộ trong giai đoạn chống chiến lược bình định của địch. Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định quán triệt sâu sắc nhiệm vụ do Đại hội đề ra: “nhằm vào chống chiến lược giặc” ngay tại trung tâm đầu não, cũng là trung tâm dự trữ chiến lược của chúng ở Nam Bộ.

Từ sau Đại hội Xứ ủy cuối tháng 7 năm 1948, các mặt hoạt động của công cuộc kháng chiến ở Nam Bộ đi vào nền nếp và chủ động hơn. Tổ chức các cơ quan lãnh đạo các cấp được chấn chỉnh thêm một bước, hoạt động nhịp nhàng và có hiệu quả thiết thực. Ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, phong trào đấu tranh nội thành tiếp tục phát triển. Trong những tháng cuối năm 1948, các Ban công tác Thành liên tục đánh phá các cơ sở kho tàng dự trữ của địch. Ngày 13 tháng 9 năm 1948, các chiến sĩ của ta đốt cháy kho xăng ở Tân Sơn Nhất, gây cho địch thiệt hại hơn 18.000 lít xăng, 400 công nhân hãng thuốc lá Bastos, 1000 công nhân hãng Faci, phối hợp với công nhân các hãng Effel, Asam, Míc, Caric, Ô tô Sài Gòn đình công đấu tranh đòi tăng lương. Ngày 15 tháng 11 năm 1948, đoàn viên công đoàn hộ 3 đốt cháy tàu Bretel trọng tải 8000 tấn. Ngay 17 tháng 12, lực lượng tự vệ Thành dùng mìn đánh chìm một xà lan chứa xăng dầu làm cháy lan ra một số tàu khác. Cuối năm 1948, lực lượng công tác Thành được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba về thành tích phá hoại dự trữ của địch.

Cùng với việc phá hoại kinh tế địch, các lực lượng vũ trang nội thành tích cực đánh địch, gây cho chúng thiệt hại về người và phương tiện chiến tranh. Tại Hòa Hưng, công nhân đường sắt gài lựu đạn diệt 3 tên Pháp và công an ngụy. Công an xung phong quận 6 xử tử hình tên hội đồng Thiện, một ác ôn khét tiếng. Ngày 15 tháng 8 năm 1948, các chiến sĩ ban công tác Thành đột nhập câu lạc bộ Boule Gauloise dành cho bọn sĩ quan Pháp, ném 2 quả lựu đạn, làm bị thương nhiều tên. Tại Phú Nhuận, nhiều tên tay sai ác ôn gây nhiều nợ máu, như Đội Năng, đội Paul, ách Vân, ách Mĩ, Sáu Ghẻ… bị ta trừng trị. Đáng kể nhất là vụ xử tên đội Trực ở bót Tầm Vông. Hắn thường tổ chức lùng bắt những người bị chúng tình nghi đem xếp hàng ở ngoài đường đầu cầu Kiệu cho bọn chỉ điểm trùm bao bố nhận dạng. Sau một lần bị ta bắt đem xử, bị thương nặng giả chết và lết được về nhà chữa trị, hắn càng điên cuồng trả thù kháng chiến, trở thành “một con quý sống Phú Nhuận”. Tên đội trực bị đền mạng làm cho đồng bào Phú Nhuận rất hả dạ.

Ngày 20 tháng 10 năm 1948, trung tướng Nguyễn Bình triệu tập khởi nghĩa quân sự tuyên bố giải nhiệm Ban thường vụ 200/CT, lập Ban chỉ huy 10 ban công tác Thành, do Nguyễn Văn Công (trung đoàn trưởng trung đoàn 306) kiêm chỉ huy trưởng, Nguyễn Tứ Phương chính trị viên và Nguyễn Xuân Thanh (sau đó hai tháng) làm chỉ huy phó. Ban chỉ huy giữ nguyên các bộ phận trực thuộc có từ trước, như văn phòng, bam tham mưu, ban chính trị, binh công xưởng, trường quân chính, quân y xã, ban sinh sản…


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 06:59:22 pm
Để tạo sự phối hợp nhịp nhàng trong hoạt động tác chiến giữa nội và ngoại vi thành phố, thực hiện “trong đánh, ngoài đánh”, một mặt trận chung được thành lập, lấy tên là Mặt trận quân sự Thành Sài Gòn - Chợ Lớn. “Mặt trận gồm 10 ban công tác Thành trong nội đô và 5 tiểu đoàn bao vây xung quanh thành phố (1 của trung đoàn 306 ở Gò Vấp, 1 của trung đoàn 312 ở Hốc Môn, 1 của trung đoàn 300 ở Cần Giuộc, 1 của trung đoàn 308 ở Trung Huyện và 1 của trung đoàn 306 ở Thủ Đức). Ban chỉ huy Mặt trận quân sự Thành Sài Gòn - Chợ Lớn gồm Nguyễn Văn Công (chỉ huy trưởng, Nguyễn Tứ Phương (chính trị viên) và Nguyễn Chi Sinh (chỉ huy phó). Căn cứ của Ban chỉ huy đặt bên cạnh căn cứ của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Thành Sài Gòn - Chợ Lớn gần Thủ Thừa, bên cạnh sông Vàm Cỏ Tây phía tả ngạn. Nhiệm vụ của Ban chỉ huy là xây dựng kế hoạch tác chiến phối hợp trong và ngoài thành phố, rồi từng người trở về đơn vị mình phổ biến nhiệm vụ và tổ chức thực hiện (Nguyễn Văn Công về trung đoàn 306 - 312, Nguyễn Tứ Phương về 10 ban công tác thành và Nguyễn Chí Sinh về trung đoàn 300).

Ở ngoại thành, các trung đoàn vừa tuyển thêm tân binh, huấn luyện, chấn chỉnh lại lực lượng, vừa tích cực chủ động đánh địch càn quét, bảo vệ vùng căn cứ. Ngày 21 tháng 9 năm 1948, hai đại đội 2752 và 2753 của Trung đoàn 306 Phạm Hồng Thái đánh địch càn quét vào khu căn cứ Vườn Thơm. Quân địch gồm 200 tên cả Pháp và ngụy, chia làm 5 cánh từ Tân Kiên, Tân Bửu, An Thạnh, Lương Hòa, cầu Xáng tiến vào trung tâm căn cứ. Ý định của địch là thực hành bao vây, dồn ép lực lượng của ta vào một khu vực nhỏ và bất lợi về địa hình để tập trung tiêu diệt. Chúng tiến quân một cách dè dặt, thận trọng từ 7 giờ sáng đến 9 giờ 35 phút mới đụng trận địa phòng thủ của đại đội 2752 ở phía Lương Hòa. Bộ đội ta phối hợp với du kích địa phương áp dụng chiến thuật vừa chặn đánh địch vừa tổ chức lực lượng đột phá vây đánh vào bên sườn và sau lưng quân địch, tiêu diệt một bộ phận sinh lực của chúng rồi di chuyển trận địa. Trận đánh kéo dài đến 18 giờ 30 phút. Ta diệt nhiều tên địch. Trong trận chống càn này, đồng chí Lê Văn Sĩ, Bí thư Thành ủy cùng 4 chiến sĩ khác hi sinh.

Hoạt động của lực lượng chính trị, quân sự ở nội thành và lực lượng vũ trang ở ngoại thành trong năm 1948 đã gây cho địch thiệt hại nặng về người, phương tiện chiến tranh và kinh tế, làm cho chúng gặp nhiều lúng túng ngay tại sào huyệt. Phong trào kháng chiến của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ chống lại chiến lược bình định của địch. Tình hình ấy đặt ra nhu cầu cần tổ chức lại chiến trường nhằm bảo đảm sự thống nhất và tiện lợi sâu sát trong việc theo dõi và chỉ đạo địa bàn, bảo đảm sự hoạt động một cách chủ động và kịp thời với đặc điểm chiến trường nội ngoại thành Sài Gòn. Tháng 12 năm 1948, Khu Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập gồm Sài Gòn - Chợ Lớn và các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, một phần tỉnh Tây Ninh tách từ Khu 7 cũ, trực thuộc Bộ Tư lệnh Nam Bộ(1). Bộ tư lệnh Khu Sài Gòn lúc đầu gồm: Tô Kí (quyền tư lệnh), Phan Trọng Tuệ (chính ủy), Huỳnh Văn Một (phó tư lệnh), Lê Đức Anh (tham mưu trưởng, Vũ Huy Xứng (chủ nhiệm chính trị). Sau đó đồng chí Trần Văn Trà về giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy khu.

Lực lượng vũ trang nội thành cũng được chấn chỉnh tổ chức. Mười Ban công tác Thành gom lại thành 5 ban lấy phiên hiệu từ 16 đến 20, trực thuộc Bộ tư lệnh Khu Sài Gòn do đồng chí tham mưu trưởng khu trực tiếp chỉ huy.

Ban 7 và Ban 9 thành ban 16

Ban 1 và Ban 6 thành Ban 17

Ban 8 và Ban 10 thành Ban 18

Ban 2, 3 và Ban 5 thành Ban 19

Ban 4 và Ban 145(2) thành Ban 20

Mỗi ban gồm chủ yếu các bộ phận chiến đấu tại chỗ trong nội thành, đồng thời có những bộ phận đảm bảo và phục vụ chiến đấu ở ngoại thành, vùng ven. Các ban được phân công phụ trách từng phạm vi khu vực xác định, không chồng chéo lên nhau hoặc không để sót kẽ hở giữa các địa bàn.

Hệ thống dân quân Thành (nội đô) tiếp tục phát triển. Công an xung phong được củng cố. Mỗi ngành đều có tổ chức công xưởng để tự chế vũ khí cho thích hợp.

Đầu năm 1949, từ ngay 14 đến 18 tháng 1, Hội nghị cán bộ Trung ương họp đề ra “phương châm chiến lược của giai đoạn mới: a/ Đánh mạnh hơn nữa vào hậu phương địch, đánh vào các vị trí chiến lược, cắt đường giao thông quan trọng, b/ Hướng hoạt động chính là những vùng chiến lược và kinh tế quan trọng mà địch đang ra sức củng cố, c/ Vận động và đánh tan ngụy binh, gây cơ sở du kích ở những vùng Pháp dùng nhân lực làm ngụy binh… d/ Phương châm chính vẫn là du kích chiến là căn bản, vận động chiến là phụ trợ. Nhưng cần mạnh dạn đẩy mạnh đẩy vận động đi tới và khi đủ điều kiện thì kịp thời nâng vận động chiến lên địa vị quan trọng để tiến sang giai đoạn phản công(3). Trước đó ngày 3 tháng 1 năm 1949, hội nghị quân sự mở rộng Nam Bộ cũng đã nhận định: Sang năm 1949, địch sẽ đánh mạnh vào vùng kinh tế của ta, dùng nhân tài, vật lực tại chỗ để bổ sung lực lượng của chúng. Về chính trị, chúng dùng con bài Bảo Đại, đẩy mạnh chiến tranh gián điệp, mở rộng bộ máy tề xã trong vùng chúng kiểm soát. Hội nghị đã đề ra nhiệm vụ cho năm 1949. Riêng về quân sự, “Ra sức phát triển phong trào dân quân, ra sức phát triển du kích chiến tranh ở vùng đô thị và tạm chiếm, nhất là Sài Gòn - Chợ Lớn, tiến tới đánh phá chính sách ngụy quân, ngụy quyền, đánh phục kích giao thông, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch… Chấn chỉnh rèn luyện quân đội, cấp bách xây dựng chủ lực để đáp ứng với yêu cầu tác chiến mới”(4).


(1) Cùng thời gian này, Tư lệnh Khu 7 đổi thành Bộ tư lệnh khu. Khu 7 còn lại các tỉnh: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một.
(2) Là Ban hành động của Phòng Quân báo Khu 7 được tăng cường về Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, do Vũ Hải Sơn làm chỉ huy trưởng, Võ Thái làm chính trị viên.
(3) Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1986, t. 1, tr. 279-280.
(4) Báo cáo của Hội nghị quân sự Xứ ủy Nam Bộ tháng 4 năm 1950 - Hồ sơ Bc-Xu 04, Phòng khoa học lịch sử quân sự Quân khu 7.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 07:03:09 pm
Hội nghị quân sự Nam Bộ đã nhận định đúng âm mưu hành động của địch. Trước cuộc kháng chiến ngày càng phát triển của nhân dân ta, quân Pháp vấp phải những khó khăn nghiêm trọng, nội bộ mâu thuẫn gay gắt. Chúng lúng túng trước mâu thuẫn tập trung và phân tán, giữa tung quân lấn chiếm và co cụm bảo vệ hậu phương lớn Sài Gòn, giữa chiến lược tập trung bình định Nam Bộ và đưa quân ra chiến trường miền Bắc. Trong cuộc hội nghị phòng vệ Đông Dương ngày 4 tháng 2 năm 1949, tại Sài Gòn, chủ trương của cao ủy Pignon thắng thế với nội dung: tập trung mọi nỗ lực bình định Nam Bộ, chờ đợi kết quả sử dụng con bài Bảo Đại. Từ chủ trương này, kế hoạch bình định nam Bộ được hoàn thiện thêm một bước trên cơ sở phát triển kế hoạch của năm 1948, trong đó bổ sung nhấn mạnh việc thực hiện chiến thuật De Latour, theo đó, lực lượng địch được tăng cường hơn ở Nam Bộ. Riêng ở khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - Tây Ninh, tổng số quân địch lên tới 46.000 quân(1) trong đó quân viễn chinh chiếm 58% (toàn Nam Bộ là 114.000 quân). Số đồn bót tháp canh của chúng ở khu Sài Gòn - Chợ Lớn (Chợ Lớn - Gia Định - Tây Ninh) lên tới 707 chiếc(2) (toàn Nam Bộ có 3932 chiếc).

Quán triệt hội nghị cán bộ Trung ương Đảng và hội nghị quân sự Nam Bộ, tháng 2 năm 1949, trong hai ngày 27 và 28, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn họp hội nghị tại Thiên Hộ, Đồng Tháp Mười. Đồng chí Lê Duẩn và Hoàng Dư Khương thay mặt Xứ ủy đến dự. Hội nghị đánh giá phong trào công nhân Sài Gòn trong hai năm 1947-1948, chỉ ra những khó khăn trong đời sống công nhân, những thiếu hổng về cơ sở, tổ chức do việc rút lực lượng công nhân ra chiến khu theo chỉ thị 4/NV mà ta đã chưa xây dựng lại kịp. Hội nghị cũng kiểm điểm việc các tổ chức công đoàn còn nặng về đấu tranh chính trị, chưa chú trọng đúng mức quyền lợi kinh tế của công nhân, cán bộ công đoàn không sát với cơ sở, chỉ huy từ xa nên hiệu quả thấp. Trên cơ sở nhiệm vụ chung của Khu Sài Gòn năm 1949, hội nghị chủ trương: tăng cường hoạt động vũ trang trông nội thành, “Làm cho vùng địch u tối, vùng ta tươi sáng”, tiếp tục bao vây phá hoại kinh tế địch, phát triển dân quân, phá rối trật tự trong lòng địch, mở rộng, phát triển phong trào công nhân. Hội nghị đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ Thành Sài Gòn - Chợ Lớn gồm 15(3) đồng chí do Nguyễn Hộ làm bí thư.

Cũng vào thời gian này, phái đoàn cán bộ Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu được Trung ương Đảng và Chính phủ cử vào Nam đã đến Nam Bộ. Phái đoàn mang theo nhiều thư từ của Hồ Chủ tịch gửi cho đồng bào chiến sĩ miền Nam như “Thư vào Nam”, “Thư gửi các ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, các tỉnh, quận và xã ở Nam Nam Bộ”, “Cùng các chiến sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích Nam Bộ”. Tất cả đều được Người viết trong một ngày 15 tháng 9 năm 1948. Trong thư, Hồ Chủ tịch khen ngợi: “Đã hơn 3 năm đơn vị và chiến sĩ Nam Bộ đang anh dũng kháng chiến để giữ vững nền độc lập, thống nhất và dân chủ mà Cách mạng Tháng Tám đã đưa lại cho nước nhà”(4), Sau hội nghị Thành ủy, công tác tổ chức xây dựng củng cố khu, thành, tỉnh và lực lượng vũ trang nội thành được tiếp tục thực hiện. Đến tháng 4 năm 1949, việc sắp xếp tổ chức các cơ quan khu Sài Gòn đã hoàn tất. Lực lượng vũ trang trong thành phố từ 5 ban công tác tiếp tục được gom lại thành 3 ban, lấy phiên hiệu 18, 19, 20. Ở ngoại thành, khu cũng điều chỉnh lực lượng và phân nhiệm cho 5 tiểu đoàn của các trung đoàn 300, 306, 312, 308 làm nhiệm vụ gắn bó với địa phương, chiến đấu và bảo vệ các địa bàn xung quanh Sài Gòn, đứng chân ở các quận Thủ Đức, Hóc Môn, Trung Huyện, Nhà Bè, Cần Giuộc.

Về lực lượng chính trị, các tổ chức nghiệp đoàn được củng cố lại, quán triệt nhiệm vụ đấu tranh kinh tế, đòi cải thiện dân sinh, dân chủ, nâng cao đời sống cho công nhân. Công nhân các hãng Cofat, sở bưu điện Sài Gòn, xe buýt, hãng Deniss, Frères, Bastos, Faci, Mic, BGI Chợ Lớn, Sôđa Khánh Hội… chuyển hướng đấu tranh đòi chủ hãng, sở nhượng bộ nhiều yêu cầu về tăng lương, bảo đảm ngày nghỉ, bãi bỏ chế độ thầu khoán trung gian.

Từ tháng 3 năm 1949 trở đi, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị việc đưa Bảo Đại về lập chính phủ bù nhìn. Ngày 8 tháng 3 năm 1949, hiệp ước Elysée được kí kết giữa Tổng thống Pháp và Bảo Đại. Khắp thành phố dấy lên phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi chống âm mưu này của địch.

Ngày 19 tháng 4, Pháp và ngụy quyền tay sai khai mạc hội nghị Nam Kì bàn về quy chế Nam Kì. Nhân dân toàn thành cũng ngừng mọi hoạt động 1/2 giờ để biểu thị thái độ tẩy chay việc bỏ phiếu bầu hội đồng lãnh thổ Nam Kì. Chỉ có 593 trong số 4980 đơn vị cử tri đi bỏ phiếu. Ngày 19 tháng 5 năm 1949, kỉ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1000 trí thức, công chức Sài Gòn kí bản kiến nghị ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đả đảo Bảo Đại. Ngày 13 tháng 6 năm 1949, Bảo Đại về tới Sài Gòn.

Ngày 1 tháng 7 năm 1949, chính phủ bù nhìn mới Nam phần Việt Nam được chính thức thành lập do Bảo Đại làm quốc trưởng và Nguyễn Văn Xuân làm thủ tướng. Nhân sĩ, trí thức Sài Gòn một lần nữa, ra tuyên bố tẩy chay chính phủ Nam phần Việt Nam, đòi Pháp phải đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh.


(1) Tài liệu đã dẫn.
(2) Tài liệu đã dẫn.
(3) Gồm: Nguyễn Hộ, Lê Bá Hoạn, Huỳnh Văn Vàng, Nguyễn Kiệm, Lê Duẩn, Nguyễn Việt Hùng, Chương Dương, Phùng Lương, Lê Minh, Tạ Nhựt Từ, Trần Văn Các, Đoàn Văn Bơ, Ngô Sĩ Hùng, Phạm Văn Chức, Hồng Quyên.
(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1985, tập 5, tr. 133, 134, 135.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Ba, 2012, 07:04:32 pm
Cùng với các cuộc đấu tranh kinh tế, chính trị trong thành phố, trên khắp địa bàn Khu Sài Gòn, phong trào dân quân du kích cũng phát triển một bước mới.

Các tổ chức dân quân được phát triển rộng rãi, kể cả trong nội thành Sài Gòn (dân quân nội ứng và tự vệ bí mật) và các quận ngoại thành. Cơ quan quận đội bộ, xã đội bộ được kiện toàn. Nhiều lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ dân quân được mở đã cung cấp nhiều cán bộ cho cơ sở quận, xã. Đến cuối năm 1949, số dân quân ở tỉnh Gia Định lên đến 80.789 người, tỉnh Chợ Lớn 22.128 người, thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn 7.388 người (trong đó 829 ở các xí nghiệp, 5894 ở các khu phố).

Ngoài nhiệm vụ đánh và phá hoại, hoạt động nổi bật nhất của dân quân là tiến hành tuyên truyền, xây dựng cơ sở, vận động đồng bào tham gia kháng chiến và địch ngụy vận. Tính đến cuối năm 1949, dân quân toàn Khu Sài Gòn đã tổ chức 390 lần tuyên truyền xung phong, diễn thuyết, 123 lần phát thanh, 779 cuộc mít tinh, 12 buổi kịch, 1 cuộc tuần hành thị oai, làm và đốt cháy 37 hình nộm, thả 15 con vật ra đường phố mang theo khẩu hiệu, in và rải được 149.406 cờ, truyền đơn, biểu ngữ, thông báo, hiệu triệu, chuyển vào nội thành 5000 tờ báo kháng chiến, 38583 tờ Thông Tin Dân Quân, 420 cuốn sách như Xã Chiến Đấu, Khuyên Dân Quân Canh Gác, Điều Lệ Hội Bảo Trợ Dân Quân… Riêng công tác địch ngụy vận, tỉnh Gia Định đã vận động giác ngộ được 244 lính địch, lấy 46 súng, 2009 viên đạn, 39 lựu đạn, diệt một bót. Tỉnh Chợ Lớn vận động được 43 lính địch (trong đó có 4 Lê dương), lấy 80 súng, 6468 viên đạn, nhổ 3 bót.

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế kháng chiến, tự túc các nhu cầu tối thiểu về ăn mặc, chữa bệnh và chiến đấu, công tác tham gia sản xuất, tự túc lương thực, thực phẩm bắt đầu được chú trọng, phát triển thành phong trào. Riêng quận đội bộ Thủ Đức canh tác hơn 100 ha ruộng. Vụ mùa năm 1949 được mùa lớn, hầu hết các cơ quan kháng chiến ở xã quận đều tự túc được phần lớn lương thực. Gò Vấp có lương thực cung cấp nuôi 1 đại đội độc lập. Tính chung cả 2 tỉnh Gia Định và Chợ Lớn, lực lượng vũ trang vừa chiến đấu vừa sản xuất đã canh tác được 289 ha ruộng lúa, 48 ha hoa màu các loại, trồng 1280 cây chuối, nuôi 2836 con gà vịt, 33 con trâu bò, xây dựng được một lò đường, thu hoạch tổng cổng 9.188 giạ lúa, 36.899 lít gạo và 1.135.620 đồng. Trong nội thành, cơ quan Thành đội bộ tổ chức các xưởng dệt, máy may, thuộc da và làm dịch vụ hớt tóc, sửa xe để lấy tiền tự cung ứng một phần kinh phí.

Cùng thời gian này, tại các vùng căn cứ, vùng độc lập xung quanh Sài Gòn, ta thực hiện chính sách “bao vây kinh tế địch”, không tiêu thụ hàng xa xỉ phẩm mua từ nội thành và không bán các sản phẩm nông nghiệp về nội thành. Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ phát hành giấy bạc Việt Nam. Giấy bạc được tiêu dùng lưu thông rộng rãi trong các vùng căn cứ, vùng du kích tranh chấp. Đồng bào tại vùng bị tạm chiếm xung quanh thành phố và trong nội thành cũng bí mật tiêu tiền giấy Việt Nam vừa để ủng hộ kháng chiến vừa để lưu giữ những tờ giấy bạc có in hình Cụ Hồ làm kỉ niệm.

Để tự túc vũ khí, trực liếp phục vụ nhu cầu đánh địch, các dân quân xưởng, côn an xưởng, công binh xưởng các ban công tác, ban rờsạc (Recharge - nhồi lại đạn) quận, tổ võ khí xã được chú ý xây dựng và phân công trách nhiệm sản xuất, sửa chữa các loại vũ khí phù hợp với khả năng. Tỉnh Gia Định có 1 dân quân xưởng với 45 công nhân, 3 ban rờ sạc ở 3 huyện Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè và 18 xã (trong tổng số 88 xã) có tổ võ khí. Trong năm 1949, đã sản xuất được 1208 lựu đạn gài, 3000 lựu đạn ném, 24 địa lôi, 260 súng thô sơ, nhồi 2442 viên đạn, sửa chữa 97 súng các loại. Thành Sài Gòn - Chợ Lớn có 1 dân quân xưởng và 73 công nhân, một số quận, hộ đều có ban rờ sạc và tổ võ khí. Trong tháng 9 năm 1949, đã sản xuất được 140 lựu đạn gài, 710 lựu đạn ném, 9 địa lôi, nhồi 1400 viên đạn.

Tự vệ Thành có Ban võ khí (thành lập từ năm 1947) phát triển thành Binh công xưởng của 10 ban công tác với 80 công nhân. Binh công xưởng có đủ các bộ phận chuyên môn như tổ rờ sạc, tổ hóa chất, tổ cơ khí… Đây là nơi sản xuất các loại vũ khí thích hợp với chiến đấu nội thành như lựu đạn nhỏ cầm lọt bàn tay, mìn đốt bằng hóa chất, mìn định hướng, định giờ… Tháng 12 năm 1949, Binh công xưởng sáp nhập về Ban Quân giới Nam Bộ.

Cùng với tổ chức dân quân các loại ở đường phố, xí nghiệp, ấp xã, du kích tập trung quận(1) và du kích không thoát li ở xã cũng phát triển cả về số lượng và chất lương. Hầu như ở xã nào cũng có ít nhất 1 tiểu đội du kích võ trang từ 2 tới 6 súng, với nhiều lựu đạn, địa lôi. Riêng ở Gia Định, bình quân mỗi xã có từ 2 đến 4 tiểu đội du kích không thoát li. Đặc biệt các xã dọc đường giao thông của địch, dọc các tuyến hanh lang vận tải của ta, lực lượng du kích có thêm các tổ chuyên môn đánh mìn, gài lựu đạn rất giỏi.

Tính đến cuối năm 1949, toàn Khu Sài Gòn có tổng cộng 3505 đội viên du kích xã, trong đó riêng tỉnh Gia Định có 214 tiểu đội nam, 20 tiểu đội nữ gồm 2031 đội viên. Thành Sài Gòn - Chợ Lớn có 36 đội viên thoát li bám ở bìa ô và ở xóm lao động, 36 đội viên không thoát li. Bên cạnh lực lượng không thoát li ở xã, các quận đều xây dựng du kích tập trung quận Thủ Đức có hai tiểu đội. Nhà Bè, Hóc Môn, Gò Vấp, Trung Quận mỗi nơi có 1 tiểu đội. Các tiểu đội du kích tập trung này làm nhiệm vụ cơ động phối hợp với bộ đội tỉnh và du kích, dân quân xã tác chiến diệt địch, trừ gian, địch vận, phá hoại, xây dựng làng xã chiến đấu.

Các tiểu đội du kích dựa bám vào địa phương, chủ động đánh địch bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, góp phần chống giặc ruồng bố càn quét, bảo vệ mùa màng, bảo vệ căn cứ và giao thông vận tải của ta. Trong năm 1949, lực lượng du kích huyện xã của tỉnh Gia Định đã độc lập tác chiến 207 trận, phối hợp tác chiến 171 trận, đánh khuấy rối 288 trận, diệt 561 tên địch, làm bị thương 301 tên, bắt sống 18 tên, phá hủy 2 bót, 17 xe, 139 căn nhà của bọn Việt gian phản động, thu 66 súng, 38 lựu đạn, 266 viên đạn và nhiều loại tài sản khác. Du kích thành Sài Gòn - Chợ Lớn trong 6 tháng cuối năm 1949 độc lập tác chiến 2 trận, phối hợp tác chiến 6 trận, đánh khuấy rối 2 trận, địa lôi chiến 60 trận, diệt 23 tên địch, làm bị thương 44 tên, bắt sống 24 tên, thu 2 súng.

Du kích còn tổ chức phá hoại các đường giao thông, các cơ sở kinh tế của địch. Đặc biệt dọc con đường số 1 Sài Gòn - Biên Hòa, Sài Gòn - Tây Ninh - Campuchia, đường sắt Sài Gòn - Nha Trang, Sài Gòn - Thủ Dầu Một - Lộc Ninh, Sài Gòn - Mĩ Tho, ta phá hỏng nhiều đoạn, có lúc làm tê liệt đường sắt hàng tháng. Hệ thống tháp canh bảo vệ giao thông bị bao vây, tập kích thường xuyên. Tính chung năm 1949, tỉnh Gia Định đã đào, đắp 8.130m2 đất trên đường giao thông, dựng 41 cản trên sông, cắm 54.708 chông chống nhảy dù, đào hố chống xe cơ giới, làm chướng ngại ghe tàu, xe lửa, cắt 43.003m dây điện thoại, phá 114 trụ dây thép, 49 cầu cống các loại, chặt và vạc vỏ 1076 ha cao su, đập bể, bẻ phá 83.360 chén đựng mủ, kiềng, máng ở các đồn điền cao su của tư bản Pháp. Du kích Thành Sài Gòn - Chợ Lớn phá hủy 622m vải, 905 lít dầu máy, 216kg cao su, 2600 mét dây thép, 17 động cơ máy nổ, 28 đầu đạn, 5 máy in, 2 máy tiện, 4 bộ nhíp xe ôtô, 2 chân vịt tàu và 856 đơn vị các loại dụng cụ máy móc khác. Tổng số ngày lãn công của các nhà máy, hãng sở lên đến 3.070 ngày.

Lực lượng dân quân và du kích còn phối hợp với công an thường xuyên canh phòng, kiểm soát, theo dõi và thi hành các bản án đối với bọn phản động, ác ôn đầu sỏ, góp phần giữ vững trật tự, an ninh ở địa phương. Khắp nơi, công an và du kích xây dựng các chốt điểm canh gác, kiểm soát, mật hộ viên, tổ chức ngũ gia liên bảo, tổ chức lực lượng trinh sát đường dài, mở các lớp huấn luyện “công an làng”. Các sách báo, tài liệu hướng dẫn canh gác, trừ gian diệt ác được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Nhiều vụ gián điệp, buôn lậu, trộm cướp… đã được công an làng phát hiện và xử lí. Tỉnh Gia Định phát hiện được 83 vụ gián điệp, 251 vụ buôn lậu. Du kích công an thành Sài Gòn diệt 76 tên, làm bị thương 24 tên, bắt 94 tên mật thám, lính kín và bọn tề ác Việt gian đủ loại.

Ngoài ra dân quân và du kích các huyện Hóc Môn, Gò Vấp còn tiếp tục xây dựng các làng xã chiến đấu (Hóc Môn 7 xã, Gò Vấp 2 xã). Tính chung tỉnh Gia Định trong năm 1948 đã đào được 70.463m3 địa đạo, rào 223.238 mét xung quanh các xóm ấp, đào vét 24.893m kinh rạch, đắp 6640m đường, làm 75 chiếc càu… xây tạo mới địa hình địa vật, nhằm đánh lạc hướng và chống địch ruồng bố càn quét, bảo vệ xóm ấp, bảo vệ căn cứ của ta.

Hoạt động của dân quân và du kích trong năm 1949 phản ánh sự lớn mạnh của phong trào du kích chiến tranh phản ánh sự phát triển đồng đều lực lượng vũ trang các thứ quân trên chiến trường Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, góp phần quan trọng vào việc làm chuyển đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch.

Từ năm 1948 đến mùa thu năm 1949 là quãng thời gian quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tập trung xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, đẩy mạnh hoạt động tác chiến, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh và đấu tranh kinh tế với chúng; là quãng thời gian ta giành được thắng lợi quan trọng nhất trên mặt trận đấu tranh quân sự và đấu tranh kinh tế, chính trị. Thắng lợi ấy góp phần quan trọng hạn chế và từng bước đánh bại chiến lược bình định của thực dân Pháp ở Nam Bộ.


(1) Lúc này do chưa tổ chức bộ đội địa phương quân, nên tổ chức các đại đội du kích tập trung để hoạt động, tiền thân của các đại đội địa phương, đại đội độc lập, biệt động đội sau này.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Ba, 2012, 07:54:09 am
III. PHÁT TRIỂN ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ,
CAO TRÀO CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ ĐẾ QUỐC MĨ CAN THIỆP


Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc kháng chiến ở Đông Dương cùng với những chuyển biến tích cực của phong trào cách mạng Trung Quốc buộc thực dân Pháp phải tìm cách cứu vãn tình thế bằng một kế hoạch chiến lược mới. Mùa hè 1949, tướng Revers, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp cầm đầu một phái đoàn thanh tra quân sự sang Đông Dương. Revers cùng Bộ tham mưu của y vạch ra một kế hoạch với nội dung chủ yếu tập trung mọi nỗ lực để giữ vững Bắc Bộ, mở rộng phạm vi chiếm đóng vùng đồng bằng và trung du, bao vây căn cứ địa Việt Bắc, phong tỏa biên giới Việt Trung. Để thực hiện kế hoạch này, Revers chủ trương phát triển phạm mẽ quân ngụy, dùng quân ngụy làm nhiệm vụ chiếm đóng để rút quân Âu Phi tập trung lại thành lực lượng cơ động lớn chuẩn bị mở những cuộc tiến công quyết định, củng cố ngụy quyền, tích cực đánh ta về quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa.

Tháng 10 năm 1949, tướng Chanson đến Sài Gòn thay De Latour giữ chức Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở miền Nam. Chúng bắt đầu rút quân ra chiến trường miền Bắc, chỉ giữ lại miền Nam 28 tiểu đoàn quân chính quy. Để có đủ quân số chiếm đóng bình định, địch triển khai bắt lính ồ ạt, xây dựng ngụy quân. Theo kí kết với Pháp, chính phủ Bảo Đại được tổ chức quân đội riêng do sĩ quan ngụy chỉ huy, nhưng vẫn khống chế quân ngụy bằng cách đưa nhân viên kĩ thuật người Pháp vào làm cố vấn, đẻ ra cơ quan phối hợp hoạt động giữa quân đội Pháp và “quân đội các quốc gia liên kết” dưới quyền điều khiển của Pháp. Pháp] “sẻ” cho Bảo Đại một số quyền hạn như chuyển giao sở công an, sở lao động, trại giam… để tăng cường hiệu lực bộ máy ngụy quyền.

Khắp Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, địch triển khai chiến dịch tuyên truyền xây dựng “quân đội quốc gia độc lập trong Liên hiệp Pháp” và ra sức bắt lính. Bảy Viễn (ra đầu hàng Pháp được phong hàm đại tá trong lễ ra mắt của “quân đội Bình Xuyên” ngày 3 tháng 6 năm 1948) lập các ban mộ lính ở chợ Phạm Thế Hiển, Rạch Ông, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Tân Thuận, chiêu tập được 1 tiểu đoàn gồm 500 người do Thái Hoàng Minh làm tiểu đoàn trưởng. “Quân đội Bình Xuyên” do Bảy Viễn làm thủ lĩnh quản lí khu vực Chợ Lớn, ra sức tác oai tác quái, chỉ điểm, bắt bớ các cơ sở và cán bộ cách mạng, tự do thu thuế, mở các sòng bạc, động mãi dâm như Kim Chung, Đại Thế Giới để ăn chơi và hốt bạc. Với sự chi viện tối đa về phương tiện chiến tranh của Pháp, Bảy Viễn mở các cuộc hành quân càn quét vào Rừng Sác, khai thông con đường 15 dài 120km từ Sài Gòn đi Vũng Tàu, tổ chức bảo vệ các đoàn Công voa và độc quyền kinh doanh ngành giao thông vận tải trên tuyến đường này. Hành động của Bảy Viễn làm ô danh tên gọi bộ đội Bình Xuyên, những cán bộ chiến sĩ Bình Xuyên đang chiến đấu trong hàng ngũ Vệ quốc đoàn Nam Bộ, đồng thời gây thêm khó khăn cho kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Cùng với việc xây dựng ngụy quân, chính phủ Bảo Đại ra sức củng cố hệ thống ngụy quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở, phát triển các đảng phái phản động làm hậu thuẫn cho công cuộc bình định. Những tổ chức đảng phái như “Quốc gia liên hiệp”, “Liên minh dân chủ quốc gia”, Việt Nam quốc dân Đảng”, “Việt Nam độc lập dân chủ”, “Liên đoàn thanh niên bảo quốc”, Đại Việt”, rồi các tổ chức nghiệp đoàn công nhân do chúng lập ra như “Tổng liên đoàn lao động”, “Tổng liên đoàn lực lượng thợ thuyền”… lên tiếng ủng hộ chính phủ Bảo Đại, kêu gọi lực lượng kháng chiến trở về xây dựng “quốc gia độc lập”!

Công cuộc kháng chiến của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng, của cả Nam Bộ nói chung đứng trước tình hình mới.

Ngày 18 tháng 8 năm 1949, Ban thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “về xây dựng bộ đội địa phương và phát triển dân quân trong giai đoạn tích cực cầm cự, chuẩn bị tổng phản công”, trong đó chỉ thị: “Cuộc chiến tranh của ta đã sang giai đoạn cầm cự và chuẩn bị tổng phản công! Trong giai đoạn này, Đảng ta lấy du kích chiến làm chính, vận động chiến làm phụ. Nhưng vận động chiến phải nâng lên ngang với du kích chiến và trở nên chủ yếu!”(1)

Ngày 25 tháng 8 năm 1949, Xứ ủy họp hội nghị triển khai nhiệm vụ “tích cực cầm cự chuẩn bị tổng phản công”. Kế đó tháng 9 năm 1949, Xứ ủy triệu tập hội nghị quân sự Nam Bộ. Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy đọc một bảo báo cáo quan trọng nhận định tình hình quân sự trên toàn chiến trường và nêu lên 6 mặt công tác quan trọng trước mắt: chỉnh đốn lại bộ máy quân sự các cấp, xây dựng 3 thứ quân, tổ chức lại bộ máy quân giới quân nhu, gia tăng công tác chính trị, địch ngụy vận, tuyên truyền đẩy mạnh phong trào thi đua giết giặc lập công. Hội nghị đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng khu. Đối với khu Sài Gòn - Chợ Lớn, hội nghị nhấn mạnh đây là chiến trường trọng điểm trong nhiệm vụ chống chiến lược bình định toàn diện của địch. Nhiệm vụ chính trị của khu Sài Gòn - Chợ Lớn là: “Đẩy mạnh phong trào xây dựng cơ sở, tác chiến ngay trong vùng địch, phá các trục giao thông quan trọng từ Sài Gòn ra các tỉnh và vùng cao su, phá chính sách ngụy quyền ngụy quân”. Hội nghị cũng chỉ rõ cần phải tổ chức lại chiến trường, tăng cường thêm cán bộ cho khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tháng 11 năm 1949, tại Long Trường (Thủ Đức), Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn họp hội nghị. Hội nghị đánh giá: mặc dù tình hình thành phố gặp nhiều khó khăn, nhưng phong trào đấu tranh của các tầng lớp quần chúng đang ngày càng phát triển mạnh, khí thế cách mạng của quần chúng lúc này đang lên cao. Trong lúc đó, cán bộ lãnh đạo phong trào các cấp còn thiếu. Hội nghị chủ trương đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp, tranh thủy mọi khả năng công khai, lợi dụng các hình thức bình phong, biến tướng để tiếp tục phát triển phong trào. Hội nghị đã thảo luận các biện pháp cụ thể để thực hiện chủ trương trên, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường cán bộ cho Ban cán sự nội thành.

Ban cán sự nội thành được củng cố lại(2), do đồng chí Nguyễn Kiệm làm bí thư. Hội nghị cũng đã tiến hành bầu Thành ủy nhiệm kì mới, bổ sung thêm nhiều thành ủy viên trẻ(3).

Hội nghị Xứ ủy và hội nghị Thành ủy đã kịp thời chỉ ra những chuyển biến về chính sách bình định của địch, kịp thời quán triệt chỉ thị của Trung ương Đảng trong giai đoạn mới, đề ra nhiệm vụ sát thực với chiến trường, khắc phục tư tưởng coi nhẹ công tác chính trị nội thành, coi nhẹ vai trò dân quân du kích và mối quan hệ hợp lí giữa ba thứ quân.


(1) Văn kiện Đảng về kháng chiến chống thực dân Pháp, NXB Sự Thật, Hà Nội 1986, t. 1, tr. 327.
(2) Gồm: Nguyễn Kiệm, Lê Tuấn, Đoàn Văn Bơ, Trần Minh Quyền, Nguyễn Thị Bình.
(3) Gồm: Phạm Thiều, Nguyễn Việt Hùng, Đặng Văn Bi, Phùng Lương, Phạm Văn Chức, Lê Tuấn, Hoàng Quốc Tân, Nguyễn Kiệm, Đoàn Văn Bơ, Nguyễn Văn Thụ, Phạm Văn Ba, Nguyễn Văn Công, Trần Minh Quyền…


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Ba, 2012, 07:55:05 am
*
*   *

Sau Hội nghị Xứ ủy (tháng 9 năm 1949), Bộ Tư lệnh Nam Bộ ra chỉ thị tổ chức lại chiến trường, củng cố nhân sự cấp khu và tỉnh, giải thể phân khu Duyên Hải của Khu 7. Khu Sài Gòn được mở rộng về phía Tây Bắc, gồm thêm toàn tỉnh Tây Ninh (Khu 7 chỉ còn lại 3 tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa). Đồng chí Trần Văn Trà về trực tiếp giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy khu Sài Gòn. Các tỉnh tiến hành củng cố lại nhân sự các cấp.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Nam Bộ về thành lập các Liên trung đoàn, tiểu đoàn tập trung, đại đội độc lập, ở khu Sài Gòn, Trung đoàn 306 Phạm Hồng Thái và Trung đoàn 312 nhập lại thành Liên trung đoàn 306 - 312. Liên trung đoàn có 1 tiểu đoàn chủ lực và 6 đại đội độc lập hoạt động ở các huyện phía Bắc và Tây thành phố, tỉnh Gia Định. Trung đoàn 300 Dương Văn Dương có 1 tiểu đoàn chủ lực và 2 đại đội độc lập, 1 đại đội “đặc biệt”, 1 đại đội binh chủng chuyên môn hoạt động ở Nhà Bè, Cần Giuộc và khu vực phía Nam Thành phố. Trung đoàn 308 có 1 đại đội chủ lực và 2 đại đội độc lập hoạt động ở tỉnh Chợ Lớn, và khu vực phía Tây thành phố. Trung đoàn 311 có 1 đại đội chủ lực và 2 đại đội độc lập hoạt động ở Tây Ninh. Ngoài ra, khu còn thành lập một tiểu đoàn chủ lực cơ động lấy phiên hiệu 870.

Trong nội thành, ngày 19 tháng 12 năm 1949, các bna công tác cũng biên chế lại, lập tiểu đoàn Quyết tử 950 trực thuộc khu. Tiểu đoàn gồm 3 đại đội mang phiên hiệu 3018, 3019, 3020 Ban chỉ huy tiểu đoàn gồm Nguyễn Xuân Thanh tiểu đoàn trưởng, Nguyễn Ngọc Lộc chính trị viên, Vũ Hải Sơn trưởng ban tham mưu, Trần Anh Linh trưởng ban chính trị.

Hệ thống dân quân và du kích vẫn giữ nguyên như cũ.

Việc bố trí lại chiến trường, tổ chức lại lực lượng nhằm tạo điều kiện để xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, đẩy mạnh hoạt động tác chiến đánh địch phù hợp với giai đoạn “tích cực cầm cự chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công” trên chiến trường chung.

Bước sang đầu năm 1950, cuộc kháng chiến của ta trên chiến trường miền Đông Nam Bộ gặp nhiều khó khăn. Giặc Pháp tuy có điều lực lượng ra Bắc Bộ và Trung Bộ nhưng quân số không giảm do vẫn tiếp tục tăng cường viện binh từ Pháp sang Việt Nam và phát triển thêm ngụy quân tại chỗ. Riêng trong tháng 1 năm 1950, chúng đưa Sài Gòn 16.679 tên, trong đó 395 sĩ quan hải, lục, không quân, gần 370 tấn đạn dược và 174 tấn quân nhu. Lực lượng mới sang kết hợp với số ngụy quân mới tuyển mộ huấn luyện, tổ chức đánh lấn chiếm, đóng tháp canh đồn bót lấn sâu vào vùng du kích và vùng độc lập của ta, càn quét khủng bố liên tục vào các khu vực thuộc quận Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè, Trung Quận nhằm tạo ra một vành đai an toàn xung quanh thành phố.

Tại tỉnh Gia Định, trong tháng 1 năm 1950, địch đóng thêm 13 đồn bót tháp canh, đưa tổng số đồn bót tháp canh lên 285 chiếc. Tổng quân số gồm 14.242 tên (1.816 Pháp, Lê dương, 97 Marốc, 1.703 Việt gian, 1003 Miên gian, 2151 Cao Đài phản động, 171 Công giáo phản động, 6.401 bảo an). Chúng tổ chức 20 trận càn quét lớn, 436 lần hành quân phục kích, cướp bóc nhỏ, tập trung nhất ở các xã Thạnh Lộc, Bình Hưng Hòa, An Hội, Tân Thới Hiệp, Tân Chánh Hiệp (Gò Vấp), Tam Bình, An Phú, Đông Hòa, Khánh Hiệp (Thủ Đức), Tân Phú Trung, Hòa Phú, An Phú xã, Tân Thanh, Tây An, An Nhơn Tây, Tây An Hội, Bình Lí, Tân Mĩ, Tân Thạnh Đông (Hóc Môn), Bình Khánh, An Thới Đông (Nhà Bè). Quân và dân Gia Định đã đánh địch càn quét và phục kích đường giao thông, diệt 131 tên (có 76 Pháp), làm bị thương 60 tên, phá hủy 9 xe cơ giới các loại.

Tại tỉnh Chợ Lớn, cũng trong tháng 1 năm 1950, địch đóng thêm 13 tháp canh, đưa tổng số đồn bót lên 231 chiếc. Tổng số quân gồm 4856 tên (643 Pháp, Lê dương, 2384 Việt gian, 491 Marốc, 729 Miên gian, 609 Cao Đài phản động). Riêng ở Trung Huyện, địch đóng thêm 3 tháp canh cùng với lực lượng chiếm đóng ở Đức Hòa hòng làm chủ đường số 8, 9, 10, Giồng Lốt và dọc đường Bà Hom ở Chợ Đệm, ngăn chặn tuyến giao thông, vận tải tiếp tế của ta ở Khu 8 về Gia Định và lên miền Đông.

Tại thành Sài Gòn - Chợ Lớn, trong tháng 1 năm 1950, các lực lượng vũ trang nội thành đã tổ chức 42 trận tác chiến đánh địch và phá hoại kinh tế (riêng các trung đội của tiểu đoàn Quyết tử 950 tổ chức 30 trận), 7 lần vũ trang tuyên truyền, diệt thêm 35 tên, làm bị thương 46 tên, thiêu hủy 3 xe cơ giới, 6 tàu ghe, 600 vỏ xe hơi, thu 3 súng và nhiều đồ quân dụng, dân dụng khác. Đáng nêu là cuộc tấn công nhà hàng Royal, Bombay, Khánh Hội, rạp chiếu bóng Nam Quang, nhà tên quan ba Mon Bertnard ở số 286 đường Gènèral de Gaulle, cảng Sài Gòn, đường Mac Mahon, đường Hòa Hưng - Chí Hòa, các bót ở Phú lâm, Cây Gõ, cảng Tân Thuận, bùng binh Sài Gòn, nhà sĩ quan Pháp ở 145 đường Arras ngang chợ Thái Bình, ngã Bảy, cầu Mới, ngã tư Bình Hòa, nhà dây thép Sài Gòn và nhiều khu vực ở hộ 17 Chợ Lớn…

Ngày 21 tháng 1 năm 1950, Bộ Tư lệnh Khu Sài Gòn họp hội nghị quân sự chuẩn bị mở chiến dịch Dầu Tiếng - Bến Cát. Trước đó, ngày 29 và 30 tháng 12 năm 1949, Bộ Tư lệnh khu đã quyết định đề nghị mở một chiến dịch phối hợp lực lượng của hai liên trung đoàn 306 - 312 của Khu Sài Gòn và 301 - 310 của Khu 7 trên đường số 7 và đường 14. Đây là con đường vận tải tiếp tế cao su của địch chạy từ Bến Cát lên sở cao su Dầu Tiếng nằm giữa ranh giới căn cứ địa 2 tỉnh Gia Định và Thủ Dầu Một. Chiến dịch nhằm: “1/ Mở rộng khu giải phóng từ đường số 1 (Gia Định) qua tới đường số 13 và đường xe lửa Lộc Ninh - Thủ Dầu Một. 2/ Bảo đảm sự an toàn cho căn cứ An Thành và Hóc Môn là hai căn cứ chủ yếu của Khu Sài Gòn và nhiều cơ quan chính đảng huyện Bến Cát và tỉnh Gia Định. 3/ Chiếm được miền kinh tế phì nhiều từ Rạch Kiến lên tới Bến Súc để làm kho tiếp tế lương thực dồi dào sau này. 4/ Để làm bàn đạp đánh mạnh vào vườn cao su Dầu Tiếng, Hớn Quản và đường số 13 và đường xe lửa Lộc Ninh - Thủ Dầu Một. 5/ Ngưng trệ chương trình lấn chiếm hoàn toàn huyện Hóc Môn của địch”(1).


(1) Biên bản hội nghị ngày 29 tháng 12 năm 1949 dự trữ để mở chiến dịch Bến Cát - Dầu Tiếng. Hồ sơ 58 Phòng Nam Bộ, Kho lưu trữ Bộ Quốc phòng.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Ba, 2012, 07:55:33 am
Đường số 7 và đường số 14 nối nhau chạy dài từ thị trấn Bến Cát lên thị trấn Dầu Tiếng (trụ sở đồn điền cao Dầu Tiếng thuộc công ty Michelin), có chiều dài tổng cộng 36km. Phía Đông là thị trấn Bến Cát, đường số 13 và đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh. Phía Bắc là đồn điền cao su Dầu Tiếng, các sở cao su tư nhân cùng những dải rừng rộng lớn có căn cứ của ta ở Long Nguyên, Thanh Thuyền, Kiến An. Phía Tây, Tây Nam và Nam có sông Sài Gòn chạy song song với đường 14, ruộng vườn và rừng chồi giáp với căn cứ của ta ở Phú Mĩ Hưng, An Nhơn Tây (Gia Định), Bời Lời, Lộc Thuận (Tây Ninh), An Thành, Phú An, An Điền (Thủ Dầu Một).

Ngoài hai vị trí quan trọng là Bến Cát (100 lính, 5 xe tăng thiết giáp, 12 ca nông) và Dầu Tiếng (640 lính, trong đó có 150 lính Lê dương, 12 xe tăng thiết giáp, 2 máy bay, 47 ca nông), dọc đường 7 và đường 14, địch đóng chốt 4 đồn (Rạch Bắp, Rạch Kiến, Bến Súc, Bà Thiện) và 16 tháp canh, với lực lượng 5 trung đội (ở 4 đồn) và 80 tên khác (ở 16 tháp canh), có trang bị hỏa lực mạnh. Mỗi tuần có 2 chuyến công voa, một chạy từ Dầu Tiếng xuống Bến Cát, Sài Gòn (buổi sáng) và một chạy ngược lại (buổi chiều), mỗi chuyến có từ 14 đến 16 xe gồm xe vận tải và xe thiết giáp hộ tống. Ngoài ra còn có các toán quân từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội tuần tiễu thường xuyên bảo đảm an ninh trên tuyến giao thông này.

Hội nghị xác định: mục đích của chiến dịch là mở rộng và nối liền hai căn cứ của ta từ Gia Định sang Thủ Dầu Một, cắt đứt đường vận tải và tiếp tế ở Dầu Tiếng, tiêu diệt và tiêu hao địch, bổ sung lực lượng ta. Mục tiêu của chiến dịch nhằm tiêu diệt các đoàn công voa và lực lượng tiếp vận của địch, tiêu diệt đồn Bến Súc, phá cầu, bao vây bức rút các đồn, tháp canh còn lại (Bến Cát, Suối Dứa, Cần Nôm, Ông Cộ, Xinô, Rạch Kiến, Xóm Bưng), phá đường sá, máy móc, tài sản trong sơ cao su của địch.

Lực lượng tham gia chiến dịch gồm 1 tiểu đoàn chủ lực tăng cường của liên trung đoàn 306 - 312, 1 tiểu đoàn chủ lực và một đại đội độc lập liên trung đoàn 301 - 310, 1 đại đội độc lập của huyện Bến Cát, lực lượng dân quân du kích hai huyện Hóc Môn, Gò Vấp và lực lượng công đoàn cao su đồn điền Dầu Tiếng. Ban chỉ huy chiến dịch gồm Nguyễn Văn Thi (chỉ huy trưởng), Trần Đình Xu (chỉ huy phó), Lê Đức Anh (tham mưu trưởng). Sở chỉ huy đặt tại Thanh Tuyền (đầu chiến dịch) và An Thành (cuối chiến dịch). Ngày mở màn chiến dịch được ấn định: ngày 25 tháng 1 năm 1950).

Ngay sau hội nghị, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành ráo riết. Liên trung đoàn 306 - 312 tuyển chọn huấn luyện bộ đội và thực hành điều nghiên địa bàn và tình hình địch. Phòng chính trị chuẩn bị phương án động viên bộ đội, tuyên truyền địch ngụy vận, động viên nhân dân ủng hộ và tham gia chiến dịch.

Đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và các cơ sở quân nhu của bộ đội tích cực chuẩn bị lương thực và thực phẩm. Hàng ngàn lít gạo, đậu phộng, mè, đường, muối được chuyển về khu vực tập kết bộ đội. Đến ngày 24 tháng 1 năm 1950, mọi chuẩn bị cho chiến dịch đã hoàn tất.

15 giờ 30 phút ngày 25 tháng 1, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công đồn Bến Súc, đồn Rạch Bắp, nổ mìn đánh cầu Bến Cát và chặn đánh đoàn xe tuần tiễu của địch trên con đường 14 từ Bến Súc lên cầu Suối Dứa. Cuộc chiến đấu ngay từ đầu đã diễn ra hết sức quyết liệt. Trên đường 14, cuộc giao tranh kéo dài đến 6 giờ tối. Quân ta diệt được 9 tên địch, phá hủy 1 đại bác và 3 xe thiết giáp. 4 chiến sĩ trong đó có 1 tiểu đội trưởng của ta bị hi sinh, 24 người khác bị thương. Cầu Bến Cát chỉ bị sụt lở, nhưng không sập. Tại các đồn Bến Súc, Bến Cát, Rạch Bắp, quân địch cố thủ trong thành xăng đá dùng hỏa lực mạnh khống chế các mũi tiến công của ta. Quân ta chỉ bắn moócchiê rồi rút lui.

Sang ngày 26, địch dùng 4 xe thiết giáp và 8 xe cam nhông chở đầy lính từ Bến Cát theo đường số 7 hành quân lên Bến Súc và Dầu Tiếng nhằm đánh giải vây các tháp canh. Quân ta tổ chức phục kích chặn đánh địch trên đoạn đường số 7, diệt 41 tên, phá hỏng 3 xe cơ giới của địch. Đêm đến, bộ đội và du kích tiến công đồn Bến Cát, đồn Rạch Kiến, bao vây các tháp canh kế cận, phá cầu Suối Cát, cầu Xinô. Cuộc chiến đấu kéo dài sang ngày 27. Trưa ngày 27 tháng 1, địch huy động lực lượng lớn từ Thủ Dầu Một và Bến Cát lên chi viện cho các đồn bót, tháp canh ở dọc đường 7 và đường 14. Hệ thống phòng thủ của chúng được tăng cường. Yếu tố bất ngờ không còn nữa. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định kết thúc chiến dịch.

Chiến dịch Dầu Tiếng Bến Cát thực chất là đợt hoạt động quân sự trong 3 ngày từ 25 đến 27 tháng 1, trên toàn bộ chiến trường, bộ đội và du kích đã tiêu diệt 61 tên, làm bị thương 23 tên, phá hỏng 3 xe thiết giáp, 3 cầu, thu nhiều súng đạn (trong đó có 6 súng máy) và một số đồ dùng quân sự khác. Mặc dù không đạt được triệt để mục đích đề ra ban đầu, đợt hai hoạt động đã làm gián đoạn giao thông địch trong một thời gian dài (địch phải dùng máy bay tiếp tế cho sở Dầu Tiếng). Quân địch buộc phải bị động đối phó, giảm bớt hoạt động trên đường số 5 Hóc Môn và đoạn đường xe lửa Dĩ An - Lái Thiêu. Với ta, những bộc lộ khuyết nhược điểm về khả năng kĩ thuật chiến đấu, chiến thuật và trình độ thực hành chiến dịch trong đợt hoạt động đã để lại những kinh nghiệm thiết thực cho quá trình tiến hành “vận động chiến tiến tới” về sau. Nó là cuộc diễn tập quan trọng cho chiến dịch Bến Cát diễn ra sau đó.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Ba, 2012, 07:55:56 am
*
*   *

Trên mặt trận chính trị, từ năm 1949 trở đi, nhân dân ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống âm mưu lập chính phủ bù nhìn toàn quốc của Pháp, chống chính phủ Bảo Đại và hành động xâu xé, tranh giành địa vị quyền lợi của các nhóm bù nhìn tay sai. Cùng với đợt hoạt động quân sự diễn ra ở ngoại thành, trong nội thành, cao trào đấu tranh chính trị của công nhân, sinh viên, học sinh, trí thức và các tầng lớp đồng bào đô thị diễn ra mạnh mẽ.

Trong tháng 11 năm 1949, đồng thời với cuộc bãi công bãi thị của công nhân và tiểu thương, học sinh nhiều trường công và tư, đặc biệt là 2 trường Marie Curie và Chasseloup Laubat tổ chức bãi khóa. Kỉ niệm ngày Nam Kì khởi nghĩa, ngày 23 tháng 11 năm 1949, hầu hết học sinh khắp Sài Gòn nghỉ học. Viên Nguyễn thành Duy, giám đốc Nha học chính Nam phần ra lệnh đóng cửa các trường học kể trên và bắt 12 học sinh vì “cuộc bãi khóa mang tính chất chính trị”. Học sinh tổ chức biểu tình kéo lên Nha học chính đòi nhà cầm quyền hủy bỏ lệnh đóng cửa trường và thả số học sinh bị bắt. yêu cầu không được giải quyết, học sinh lại kéo lên Dinh thủ hiến của Trần Văn Hữu đấu tranh.

Phối hợp với cuộc đấu tranh của học sinh, gần 5000 công nhân các hãng SIT, BGI, SEGI, Sidec, Míc, Mélia, Ba Son được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Thành ủy nổi dậy đấu tranh. Công nhân kéo lên trụ sở thanh tra lao động của chính phủ bù nhìn đòi nhà cầm quyền can thiệp với chủ nhà máy đáp ứng các yêu cầu của công nhân.

Khắp các hộ trong thành phố, truyền đơn, khẩu hiệu chống Bảo Đại về làm quốc trưởng, tẩy chay chính phủ bù nhìn được bà con truyền tay nhau đọc và đem dán, rải ở nơi công cộng, các công sở, đồn bót địch. Nhân dân có sáng kiến thả chó, khỉ mang ảnh Bảo Đại và các khẩu hiệu chạy rông khắp thành phố.

Chính phủ bù nhìn vẫn ngoan cố không chịu chấp thuận yêu cầu của học sinh. Ngày 9 tháng 1 năm 1950, hơn 2.000 học sinh, phụ huynh học sinh và giáo viên biểu tình kéo đến Nha học chính. Khi đoàn biểu tình đi ngang qua tòa đô chính Sài Gòn liền bị cảnh sát chặn lại. Học sinh liền lấy đá ném lại cảnh sát và sau đó tập trung ở bãi cỏ rộng trước Dinh thủ hiến ra yêu sách đòi gặp mặt đối chất với Trần Văn Hữu. Nhân dân kéo đến tham gia cuộc biểu tình của học sinh ngày càng đông. Trước áp lực của học sinh, thủ hiến Nam phần Trần Văn Hữu hứa miệng là sẽ mở cửa trường và thả số học sinh bị bắt. Tuy vậy, Chasnon, ủy viên cộng hòa Pháp, không chịu nhượng bộ. Đoàn biểu tình không chịu giải tán, ở lại đòi giải quyết yêu sách. Ba giờ chiều, 500 cảnh sát và binh lính bất ngờ tấn công đoàn biểu tình, từ trong dinh bắn ra rồi xáp lại đánh đập học sinh bằng dùi cui và báng súng. Cuộc đàn áp diễn ra đẫm máu. Hơn 30 học sinh bị thương nặng, một số học sinh bị bắt.

Học sinh Trần Văn Ơn bị thương nặng, được đưa đến bệnh viện Chợ Rẫy và chết tại đây.

Hành động khủng bố dã man của địch và cái chết của trò Ơn gây xúc động mạnh mẽ trong nhân dân thành phố. Ban lễ tang trò Ơn được thành lập do kĩ sư Lưu Văn Lang làm trưởng ban. Hàng trăm học sinh đến bệnh viện Chợ Rẫy giữ xác trò Ơn không để địch cướp đi. Lễ truy điệu trò Ơn được tổ chức liên tiếp khắp nơi trong thành phố.

Ngày 12 tháng 1, toàn thành phố bãi công, bãi thị. Hơn nửa triệu người xuống đường tham gia đám tang Trần Văn Ơn. Từ 5 giờ sáng, các loại phương tiện giao thông từ các ngả chở không lấy tiền số người biểu tình về tập trung tại khu trường Pétrus Kí. Sau phút mặc niệm, đoàn người xếp thành đội ngũ kéo về bệnh viện Chợ Rẫy với băng khẩu hiệu viết bằng máu trên nền vải trắng:

Chết vì Tổ quốc, chết cũng như sống,
Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời.


Nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà báo, thầy tu, có cả người Pháp tiến bộ, tư sản Việt Nam yêu nước đã tham gia đám tang biểu tình. Hai bên đường, nhân dân đặt bàn bày nước, thuốc lá, trầu cau phục vụ mọi người. Những người không đi đưa tang đều đổ ra đứng hai bên đường nghiêm trang cúi đầu tiễn biệt trò Ơn về nơi an nghỉ cuối cùng.

Cuộc biểu tình đưa tang học sinh Trần Văn Ơn là cuộc biểu tình đông nhất, cuộc đấu tranh biểu dương lực lượng chính trị lớn nhất kể từ sau Cách mạng Tháng Tám và quốc khánh ngày 2 tháng 9 năm 1945. Ngày 9 tháng 1 năm 1950 đi vào lịch sử dân tộc như biểu tượng về phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên đô thị, trở thành ngày học sinh, sinh viên toàn quốc.

Sau đám tang Trần Văn Ơn, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn diễn ra sôi động. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của học sinh người Hoa ở Chợ Lớn. Bọn đặc vụ Quốc dân đảng do tên La Uy cầm đầu ra lệnh giải tán các lớp trung học trường Phước Kiến. Dưới sự chỉ đạn của Ban Hoa vận Sài Gòn - Chợ Lớn, học sinh và phụ huynh tổ chức đấu tranh chống lệnh giải tán. Bọn phản động Quốc dân đảng cầu viện ngụy quyền, dùng lực lượng cảnh sát bắt đi 100 học sinh. Chúng dùng cực hình dã man tra tấn số học sinh bị bắt, trong đó có nữ sinh Trần Bội Cơ, 19 tuổi, người đứng đầu cuộc đấu tranh. Sau 1 tuần tra hỏi không có kết quả, chúng sát hại chị. Một lần nữa, cái chết của một nữ sinh đã làm chấn động dư luận trong đồng bào Hoa - Việt ở thành phố. Hội học sinh Hoa - Việt Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức trọng thể cuộc mít tinh truy điệu nữ sinh Trần Bội Cơ, lên án tội ác của bọn đế quốc Pháp, chính quyền bù nhìn tay sai và bọn Quốc dân đảng phản động.

Cùng thời gian này, nhân dân thành phố hưởng ứng rầm rộ phong trào cứu tế đồng bào Bầu Sen. Giặc Pháp và bọn tay sai tổ chức đốt trụi xóm Bàu Sen nhằm đày khu dân cư lao động có nhiều cơ sở cách mạng ra xa thành phố. Được sự cứu trợ kịp thời, ta đã xây dựng lại xóm Bàu Sen, phá tan âm mưu của địch.

Giữa những ngày khí thế đấu tranh của nhân dân đang diễn ra sôi sục khắp thành pố, thì ngày 6 tháng 3, phái đoàn viện trợ Mĩ do tướng Griffins đến Sài Gòn, mở đầu cho quá trình can thiệp trực tiếp của đế quốc Mĩ vào Đông Dương. Mười ngày sau, 1 tàu sân bay chở 71 máy bay chiến đấu tiến vào thả neo ngoài khơi Đà Nẵng. Ngày 17 tháng 3, hai tàu chiến của Mĩ Sticken và Anderson cập quân cảng Sài Gòn kế hoạch của Mĩ là tổ chức một cuộc thao diễn quy mô kết hợp hải, không quân Mĩ trên cảng Sài Gòn và dọc hải phận miền Nam Việt Nam, từ Đà Nẵng đến cửa biển Cần Giờ, nhằm phô trương lực lượng, trấn áp tinh thần đấu tranh của nhân dân ta, hà hơi tiếp sức cho thực dân Pháp và bè lũ tay sai.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Ba, 2012, 07:57:43 am
Trước tình hình đó, Khu ủy Sài Gòn chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở thành phố lên cao hơn, chống đế quốc Mĩ can thiệp. Tinh thần đấu tranh chống đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai của nhân dân thành phố giờ đây như lửa đổ thêm dầu. Cùng với hoạt động đấu tranh chính trị, quân và dân ta biểu thị thái độ chống Mĩ can thiệp bằng hàng loạt hành động quân sư. Ba ngày sau khi đến Sài Gòn, ngày 9 tháng 3, phái đoàn tướng Griffins ở tại khách sạn Continental bị tấn công bằng lựu đạn. Ngày 17 tháng 3, lính Mĩ từ hai tàu chiến lên bờ bị rượt đánh khắp đường Paul Blanchy, Bonard, Catinat, Pallerin. Đêm ngày 18 tháng 3, đơn vị súng cối trung đoàn 300 phối hợp với lực lượng dân quân Thành do Nguyễn Văn Bứa và Lê Tấn Ích chỉ huy mở đợt tấn công quân sự phủ đầu. 22 giờ đêm, trận địa súng cối 82 li của Trần Sơn Tiêu đặt tại Thủ Thiêm nã 20 phát đạn vào tàu chiến Mĩ. Cùng lúc, các lực lượng quyết tử, dân quân, công an xung phong đồng loạt tấn công nhiều vị trí địch trong thành phố.

Sáng ngày 19 tháng 3, 300.000 đồng bào Sài Gòn xuống đường tập trung về sân trường Tôn Thọ Tượng để dự mít tinh chống Mĩ can thiệp.

Bất chấp bọn cảnh sát, hiến binh Pháp kéo đến bao vây đàn áp, đồng bào vẫn bình tĩnh dự lễ mít tinh và sau đó tổ chức cuộc biểu tình diễu qua các đường phố chính ở trung tâm thành phố. Đoàn người đi qua chợ Bến Thành, rồi chia làm 3 cánh, một theo đường Bonarrd, một theo đường d’Espagne, một theo đường Lagrandière rồi hợp điểm ở đường Catinat tiến ra cảng Sài Gòn. Đồng bào giương cao cờ đỏ sao vàng, ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp và bọn bù nhìn tay sai”, “Phản đối Mĩ viện trợ cho Pháp kéo dài chiến tranh ở Đông dương”, “Đế quốc Mĩ cút đi”… Đoàn biểu tình đi đến đâu, ảnh Bảo Đại, cờ Pháp, cờ Mĩ bị hạ xuống, xé nát đến đó. Một số tên mật thám, khiêu khích hòa trộn đám đông tìm cách giựt cờ của ta bị trừng trị ngay lập tức. Tên quan tư Pháp Périeux bị đánh chết ngay trước Dinh Xã Tây. Đến trưa, cuộc biểu tình kết thúc.

Hoảng sợ trước phản ứng của ta, đêm ngày 19 tháng 3, hai chiến hạm Mĩ lặng lẽ kéo neo bỏ chạy.

Cuộc biểu tình chống Mĩ ngày 19 tháng 3 giành được thắng lợi! Nó biểu thị tinh thần đấu tranh bất khuất, biểu thị sức mạnh to lớn của cuộc đấu tranh chính trị của đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào. Thắng lợi của cuộc biểu tình chẳng những có ý nghĩa cổ vũ tinh thần đấu tranh đang lên cao của nhân dân ta mà còn giáng một đòn phủ đầu mạnh mẽ vào ý đồ can thiệp vào Đông Dương của đế quốc Mi, và mưu toan cấu kết với đế quốc Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương của thực dân Pháp. Như lời của luật sư Nguyễn Hữu Thọ: “đây là cuộc đụng độ đầu tiên giữa nhân dân ta và đế quốc Mĩ, và cũng là lần đầu tiên đế quốc Mĩ đầu sỏ bị một vố thất bại nhục nhã ngay khi nó bắt đầu thực hiện âm mưu can thiệp trực tiếp nhằm kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh trên toàn cõi Đông Dương”(1).

Ngày 19 tháng 3 năm 1950 trở thành ngày toàn quốc chống Mĩ.

Phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn trong những tháng đầu năm 1950 gây tiếng vang lớn khắp trong và ngoài nước. Ngay sau ngày 19 tháng 3, Trung ương Đảng gửi điện cho các Liên khu ủy và Xứ ủy Nam Bộ:

Ngày 19 tháng 3 vừa rồi, ở Sài Gòn, xảy ra một cuộc biểu tình lớn của đồng bào và sinh viện, học sinh Việt Nam theo khẩu hiệu “Phản đối sự giúp đỡ của Mĩ cho Bảo Đại”, “Đánh đổ Bảo Đại”, “Hồ Chí Minh muôn năm”, kết quả 40 người bị thương và một số người bị bắn chết.

Để thống nhất phong trào đấu tranh của nhân dân miền tạm bị chiếm và miền tự do, như Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 đã quyết định, đồng thời phát triển phong trào đấu tranh chống đế quốc Mĩ can thiệp vào Đông Dương, các địa phương cần tổ chức nhiều cuộc mít tinh hưởng ứng cuộc biểu tình ở Sài Gòn, tố cáo mưu mô của đế quốc Mĩ, phản đối sự đàn áp dã man của đế quốc Pháp và bọn bù nhìn đối với sinh viên học sinh biểu tình, gửi kiến nghị về cho Chính phủ ta và đăng báo địa phương. Nhân dịp này, nhắc lại vụ thảm án ngày 9 tháng 1 năm 1950 ở Sài Gòn và vạch rõ vai trò chó săn của bọn bù nhìn. Nơi nào có điều kiện nên dùng thêm hình thức vũ trang diệt đồn, phá tề,… để hướng ứng khẩu hiệu: “Tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược”, “Phản đối đế quốc Mĩ can thiệp vào Đông Dương”, “Đả đảo bọn bù nhìn”, “Tinh thần yêu nước của đồng bào Sài Gòn muôn năm”.

Ngoài ra, những nơi nào mà phái đoàn hay chiến hạm của Mĩ đến thì cần tổ chức những cuộc đấu tranh như biểu tình, mít tinh, bãi công, bãi khóa, truyền đơn, áp phích… để phản đối sự can thiệp của Mĩ vào Đông Dương”(2).

Khắp nơi, đặc biệt ở Hà Nội và các đô thị lớn, học sinh, sinh viên và nhân dân tổ chức lễ tang các học sinh đã hi sinh, tiến hành bãi khóa, mít tinh, biểu tình phản đối giặc Pháp và bọn tay sai, phản đối đế quốc Mĩ can thiệp. Nhiều tổ chức xã hội đoàn thể ở nước ngoài cũng lên tiếng biểu thị thái độ đồng tình, khâm phục phong trào học sinh Sài Gòn như sinh viên Trường đại học Sorbone - Paris, Chi hội Liên hiệp Việt Tân Đảo,…


(1) Xem: Địa chí Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, t1, tr. 372.
(2)  Văn kiện quân sự của Đảng, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tập 2, tr. 426-427.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Ba, 2012, 07:58:52 am
*
*   *

Trong suốt mùa xuân và mùa hè năm 1950, cùng với sự kiện đám tang Trần Văn Ơn và hai chiến hạm Mĩ bị đuổi khỏi Sài Gòn, bất chấp hành động ruồng bắt bắn giết của giặc Pháp và bè lũ tay sai, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vẫn tiếp tục đẩy mạnh cao trào đấu tranh cả về chính trị và quân sự trên khắp địa bàn nội ngoại thành.

Đêm 21 rạng ngày 22 tháng 3, hàng loạt tháp canh trên quốc lộ 1 Sài Gòn - Biên Hòa, quốc lộ 15 Sài Gòn - Vũng Tàu bị lực lượng du kích địa phương tấn công. Lực lượng du kích này bị học viên lớp đào tạo đánh tháp canh do Khu 7 tổ chức bằng kĩ thuật đặc công dùng mìn FT. Trận đánh đã làm cho quân địch khiếp sợ, lúng túng đối phó và để lại bài học kinh nghiệm quan trọng để lực lượng vũ trang Khu 7 hoàn thiện phương pháp đánh tháp canh, mở đầu thời kì tiến công có hiệu quả chiến thuật tháp canh De Latour của địch.

Đêm 28 và 30 tháng 3, quân ta tập kích nhiều vị trí của địch ở Thủ Thiêm, sở Ba Son, quân cảng, Kho cầu Ông Lãnh bị đốt, lửa cháy suốt đêm sang nửa hôm sau mới bị dập tắt.

Các đơn vị của tiểu đoàn Quyết tử và thanh niên xung phong trừng trị một số thực dân khét tiếng và tay sai đắc lực của chúng, như De La Chevrotière, Bazin, bộ trưởng giáo dục ngụy quyền Vương Quang Nhường, thủ lĩnh Thanh niên bảo quốc đoàn Đỗ Văn Năng,…

De La Chavrotière là một tên cáo già khét tiếng quỷ quyệt, chủ bút tờ báo phản động bằng tiếng Pháp xuất bản ở Sài Gòn. Hằng ngày y đi xe riêng từ tòa soạn ở gần khách sạn Continental về nhà. Tổ công tác của ta do đồng chí Lê Văn Vinh phụ trách tổ chức đánh cắp chiếc xe jeep của sứ quán Mĩ, rồi lên xe, bám sát xe của y. Đến ngã tư, chiến sĩ của ta lái xe vượt lên ngang với xe của De La Chevrotière, dùng lựu đạn ném lọt vào trong xe. Lựu đạn nổ, xe chạy đâm vào trụ đèn. Tên thực dân bị đền tội tại chỗ. Tên cò Bazin trùm mật thám Đông Dương cũng bị giết vào thời gian này. Ngày 18 tháng 4 ngay tại góc đường Catinat và D’Espagne, tổ công an xung phong gồm các anh Vân, Dinh, dùng súng ngắn khống chế tên quan ba không quân Roger và bắn đuổi theo 5 phát súng vào lưng Bazin. Bazin bị chết tại nhà thường Đồn Đất. Cái chết của những tên đầu sỏ Pháp và ngụy làm cho bọn địch lo sợ, không dám nghênh ngang đi lại vào ban đêm ở những nơi đường vắng như trước.

Đi đôi với hoạt động quân sự, các cuộc đấu tranh chính trị trong nội thành vẫn tiếp tục. Đáng kể nhất là phong trào đấu tranh trên mặt trận báo chí, văn hóa, văn nghệ và đấu tranh của các chính trị phạm trong các nhà tù ở Sài Gòn.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chi bộ Trí vận, giới văn nghệ sĩ Sài Gòn tập hợp trong các tổ chức Nghiệp đoàn kí giả chuyên nghiệp, Liên hiệp báo chí, Liên hiệp văn nhân, do các anh Trúc Chi, Thành Nguyên, Nam Quốc Cang, Dương Tử Giang, Mai Văn Bộ, Vũ Tùng… phụ trách, đã tích cực đấu tranh với địch, khéo léo tuyên truyền chủ trương của Thành ủy trong từng giai đoạn lịch sử. Từ đầu năm 1950, báo chí công khai Sài Gòn đã góp phần đưa cuộc đấu tranh chống Pháp, can thiệp Mĩ và chính phủ bù nhìn lên thành cao trào. Ngày 9 tháng 1 năm 1950, báo Thế giới ra số đặc biệt đăng ảnh Trần Văn Ơn, tố cáo hành động dã man của thực dân Pháp. Ngày 19 tháng 5, tuần báo Thứ Năm đang hình Chủ tịch Hồ Chí Minh trên trang nhất và nhiều tiểu luận mạnh mẽ cổ vũ phong trào đấu tranh của các giới. Ngày 20 tháng 3, giới báo chí tiến hành cuộc đình công quy mô, phản ánh lệnh cấm tường thuật cuộc biểu tình ngày 19 tháng 3…

Nhân dân Sài Gòn thuộc lòng những câu thơ do Viên Hương sáng tác ca ngợi cuộc đấu tranh của thanh niên học sinh đăng trên báo Thế giới ra ngày 27 tháng 3 năm 1950:
Khi đoàn trẻ đi ngang qua hăng hái
Mắt nhìn ngang mà đầu cất cao lên
Mặt hiên ngang và chân nhẹ bước mau
Ai chẳng đứng lại nhìn đầy mến phục.,

và những truyện của Lí Văn Sâm, Bình Nguyên Lộc, Trúc Giang, Bảo Việt, Thanh Nhã; những tiểu luận và kí của Nguyễn Văn Hiếu, Mai Văn Bộ, Bùi Đức Tịnh, Dương Tử Giang, Trần Chi Lăng, Thành Nguyên, Phạm Huy Thông, Trần Văn Khê; những vở kịch có nội dung yêu nước cổ vũ tinh thần đấu tranh của gánh kịch Năm Châu, Con Tằm với các nghệ sĩ Nguyễn Thành Châu, Trần Hữu Trang, Ba Vân, Phùng Há, Thanh Loan, Ngọc Sương, Tư Út…

Những tháng nửa đầu năm 1950 là thời điểm phát triển cao của báo chí, văn nghệ chiến đấu công khai trong thành phố. Cùng với những tác phẩm văn học, báo chí của những nhà văn, nhà báo kháng chiến gửi từ chiến khu về qua các báo Tiếng súng kháng địch, Cứu Quốc, Văn nghệ miền Nam, Lá Lúa, Phụ nữ, Thanh niên, Vệ quốc quân,… văn và báo công khai ở thành phố đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

“Trong khí thế sôi sục đấu tranh đòi hòa bình và độc lập của nhân dân Sài Gòn và Nam Bộ, giữa không khí kháng chiến sôi nổi của toàn dân, Đảng đã tập hợp được một đội ngũ văn báo hùng hậu chiến đấu dũng cảm theo các chủ trương của Đảng bất chấp mọi biện pháp khủng bố kềm kẹp của thực dân Pháp. Tùy theo thế đứng của mình, các nhà văn này đã xây dựng cho thành phố Sài Gòn nói riêng, cho Nam Bộ và cả nước nói chung một vườn hoa văn học kháng chiến phồn thịnh, một sự bùng nổ trong văn học chưa từng có trước đó, với những tác phẩm chiến đấu chính diện mang tính chính trị thời sự của các nhà văn cách mạng và những tác phẩm chiến đấu trắc diện của các nhà văn tiến bộ đánh át những tác phẩm lẻ tẻ của bọn bồi bút phản động, góp phần đắc lực vào cuộc kháng chiến chung. Với loạt thơ và truyện này, dòng văn học yêu nước từ sau Nguyễn Đình Chiểu đã được nâng cao thành một cao trào văn học kháng chiến mạnh mẽ chưa từng có trong văn học yêu nước ở nước ta”(1).

Từ tháng 6 năm 1950 trở đi, địch càng tăng cường khủng bố bắt bớ các cán bộ lãnh đạo, cơ sở cách mạng, các nhân sĩ trí thức tiến bộ, nhà báo nhà văn có tư tưởng kháng chiến. Ở các nhà tù khám lớn Sài Gòn, Chí Hòa, Hạnh Thông Tây, Thủ Đức… chật ních chính trị phạm. Ở trận địa này, cuộc đấu tranh chống địch vẫn tiếp diễn quyết liệt. Một số đảng viên cốt cán liên lạc được với tổ chức Đảng bên ngoài đã đứng ra thành lập các chi bộ Đảng trong nhà tù. Phối hợp với phong trào đấu tranh bên ngoài, anh em trong tù đoàn kết đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù, đòi cải thiện đời sống và tinh thần cho tù nhân chính trị. Chương trình hoạt động của anh chị em trong tù rất phong phú. Cán bộ lãnh đạo, trí thức viết sách lí luận, tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, viết sách giáo khoa, bổ túc văn hóa. “Các lớp học chính trị”, “lớp học văn hóa” được tổ chức thường xuyên có khai giảng, bế giảng và đạt kết quả cao. Anh chị em còn làm báo Cố Gắng, báo Tin Tức, sáng tác văn nghệ, tổ chức liên hoan văn nghệ đều đặn (có đủ tiết mục đơn ca, hợp xướng, diễn kịch, ngâm thơ, ca vọng cổ. Nhiều sách báo được sao gửi ra ngoài làm tài liệu học tập tham khảo).

Các hoạt động trong nhà tù đã góp phần động viên anh chị em giữ vững khí tiết cách mạng, nâng cao trình độ về chính trị văn hóa, kinh nghiệm công tác thực tiễn, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của quân và dân thành phố. Đó là những nơi thử thách và bồi dưỡng quan trọng cho những cán bộ chiến sĩ bị địch bắt giam giữ trở về tiếp tục chiến đấu công tác ở địa bàn thành phố và khắp các chiến trường Nam Bộ sau này.

Đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị và các mặt đấu tranh khác trong thời gian cuối năm 1949 và nửa đầu năm 1950 trên toàn chiến trường đã đưa cuộc kháng chiến của nhân dân ta lên một bước phát triển mới. Đây cũng là giai đoạn cao trào chống thực dân Pháp xâm lược, chống đế quốc Mĩ can thiệp và bè lũ tay sai ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

*
*   *

Từ đầu năm 1947 đến mùa thu năm 1950 là quãng thời gian thực dân Pháp tập trung mọi nỗ lực để bình định Nam Bộ, hòng biến Nam Bộ, mà trung tâm là Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thành hậu phương dự trữ chiến lược cho cuộc chiến tranh xâm lược của chúng ở ba nước Đông Dương. Từ đánh nhanh, thắng nhanh phải chuyển sang đánh kéo dài rồi cầu viện sự can thiệp của đế quốc Mĩ, thực dân Pháp đã áp dụng đủ các thủ đoạn sâu hiểm của một chiến lược bình định toàn diện trên địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định cùng cả nước đã kiên cường bền bỉ tiếp tục tiến hanh cuộc kháng chiến trong điều kiện Sài Gòn ngày càng trở nên một đô thị hoàn toàn bị chiếm đóng và đã được “bình định ổn định” trở thành trung tâm đầu não chính trị kinh tế văn hóa quân sự của địch, từng bước phát triển cuộc tranh đấu liên tục ở mức độ khá toàn diện và mạnh mẽ, có lúc thành cao trào. Phát huy cao độ ý tức tự lực, tự cường, tích cực xây dựng lực lượng mọi mặt, xây dựng lực lượng vũ trang thích hợp, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến toàn diện cả về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa với phương châm và hình thức linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm chiến trường đô thị bị tạm chiếm, trong gần bốn năm qua, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã lập được nhiều thành tích, góp phần xứng đáng của cả nước đánh bại từng bước chiến lược bình định của địch.

Quãng đường gần bốn năm đã để lại nhiều bài học về xây dựng lực lượng chính trị trong các tầng lớp cư dân đô thị, về xây dựng các lực lượng vũ trang ở thành phố và vùng nông thôn ven đô, về việc phát động và duy trì phong trào đấu tranh toàn dân, toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân ở vùng sau lưng địch.


(1) Hoài Anh - Thành Nguyên - Hồ Sĩ Hiệp, Văn học Nam Bộ từ đầu thế kỉ đến giữa thế kỉ XX (1900-1954) , NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr. 292.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Ba, 2012, 08:00:59 am
Chương ba

ĐẤU TRANH GIẰNG CO QUYẾT LIỆT VỚI ĐỊCH,
TỪNG BƯỚC PHỤC HỘI LỰC LƯỢNG VÀ PHÁT TRIỂN
PHONG TRÀO CÁCH MẠNG, GÓP PHẦN KẾT THÚC THẮNG LỢI
CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
(Từ tháng 8 năm 1950 đến tháng 7 năm 1954)

I. ĐƯƠNG ĐẦU VỚI HÀNH ĐỘNG ĐÁNH PHÁ ÁC LIỆT CỦA ĐỊCH,
DUY TRÌ VÀ TỪNG BƯỚC KHÔI PHỤC PHONG TRÀO KHÁNG CHIẾN


Từ năm 1950, tình hình thế giới có những chuyển biến lớn tác động đến cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Hệ thống xã hội chủ nghĩa được củng cố và tăng cường. Phong trào giải phóng dân tộc và bảo vệ hòa bình thế giới tiếp tục phát triển. Trong lúc đó, đế quốc Mĩ tìm mọi cách can thiệp sâu vào Đông Dương. Chúng bắt đầu tăng cường viện trợ cho Pháp ở Đông Dương nhằm duy trì cuộc chiến tranh xâm lược có lợi cho Mĩ(1).

Tại Việt Nam, sau thất bại của chiến dịch Biên Giới, quân xâm lược Pháp lâm vào thế bị động về chiến lược. Tuy vậy, với bản chất ngoan cố hiếu chiến, chúng ra sức tranh thủ viện trợ của Mĩ, tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh. Ngày 6 tháng 2 năm 1950, chính phủ Pháp đưa De Lattre de Tassiginy sang giữ chức Tổng chỉ huy quân viễn chinh kiêm Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Được sự hà hơi tiếp sức của Mĩ, thực dân Pháp dồn mọi nỗ lực cho công cuộc bình định, đẩy cao cường độ chiến tranh xâm lược. Xung quanh Sài Gòn, chúng duy trì và mở rộng thực hiện công thức “cứ điểm nhỏ kết hợp với đội ứng chiến nhỏ”. Hàng loạt tháp canh, đồn bót nhỏ được xây dựng thêm, tạo thành một hệ thống cứ điểm dày đặc, vừa bảo vệ địa bàn, đường giao thông, hình thành thế bao vây chia cắt và ngăn chặn hoạt động của ta, vừa làm chỗ dựa cho bọn tề ngụy địa phương, làm nơi xuất phát các cuộc càn quét nhỏ, đánh phá, cướp bóc, bắt lính. Cùng với các đội biệt kích Commando là các đội ứng chiến nhỏ được thành lập làm nhiệm vụ ứng cứ đồn bót tháp canh khi bị tiến công, đồng thời tổ chức thường xuyên các cuộc hành quân gọn nhẹ, đột kích vào căn cứ đánh úp của cơ quan và phá hoại kho tàng, công xưởng của ta. Bên cạnh đó, chúng ráo riết thi hành những biện pháp về kinh tế, chính trị, nhằm củng cố phát triển hệ thống ngụy quyền đến từng cơ sở ấp xã, chia rẽ nhân dân, vơ vét sức người, sức của cung ứng cho cuộc chiến tranh.

Sau khi loại bọn Việt gian thân Mĩ ra khỏi chính phủ bù nhìn (Trần Văn Hữu thay Nguyễn Phan Long làm thủ tướng, Nguyễn Văn Tâm thay Trần Văn Đây phụ trách công an), địch củng cố lại bộ máy cảnh sát, tăng cường hoạt động mật thám ở nội thành. Chúng đẩy mạnh tấn công các địa phương mà ta có thể dùng làm vị trí chỉ huy ở ngoại thành, triển khai xây dựng kho tàng dự trữ quân sự (kho dầu Khánh Hội), vị trí căn cứ đóng quân (thành Cây Mai - Chợ Lớn, thành Chí Hòa, Petrus Kí), nâng cấp các xí nghiệp sửa chữa quân dụng chiến tranh, mở rộng đầu mối giao thông vận tải, đặc biệt là các sân bay và bến tàu - căn cứ thủy quân (bến tàu Khánh Hội mở rộng xuống Nhà Bè, sân bay Cát Lái v.v…). Để xây dựng Sài Gòn - Chợ Lớn thành trung tâm chính trị và căn cứ quân sự chỉ huy toàn Nam Bộ, địch bắt đầu cho mở rộng phạm vi quản lí của Sài Gòn - Chợ Lớn ra các vùng ven(2).

Bên cạnh việc xây dựng mở rộng các căn cứ quân sự, địch tích cực khai thác nhân tài vật lực tại chỗ để phục vụ cho cuộc chiến tranh. Về nhân lực, chúng kiểm tra dân số, bắt lính, sử dụng các công nhân chuyên môn và các sở quốc phòng phục vụ chiến tranh. Về vật lực, ngoài các xí nghiệp sản xuất và sửa chữa quân cụ, quân dụng như Arsenal, Sở Mộ, các công xưởng, địch vận dụng cả một số nhà máy tư nhân như Caric, Faci, Feel, Nguyễn Văn Dụng… Chúng huy động một số thầu khoán để thuê nhân công sửa chữa, cất nhà, xây doanh trại, tiếp liệu, tiếp tế. Về tài lực, chúng tăng cường thu thuế, phạt vạ (ngân sách địa phương Sài Gòn - Chợ Lớn năm 1944 thu 12,7 triệu, năm 1950 tăng lên 100 triệu, năm 1951: 189,3 triệu), ra sức bóc lột, bần cùng hóa đời sống người lao động, tuyên truyền cuộc sống xa hoa, ăn chơi trụy lac đẩy dân xa rời cuộc kháng chiến, tiếp tục làm tay sai cho chúng.

Trong nội thành, địch bắt đầu thay chính sách mị dân bằng đàn áp khủng bố, phát xít hóa. Chúng tăng cường lực lượng cảnh sát công an và số lượng đông và hoạt động gắt gao (cuối năm 1950 đầu năm 1951, bội chi cho lực lượng công an địa phương 16 triệu đồng). Chúng bố trí các đội công an tuần phòng chặt chẽ, thành lập nhiều bót, nhánh ở trung tâm các xóm lao động để khống chế nhân dân và chống lại hoạt động quân sự của ta. trên các ngả đường chính vào thành phố, chúng đóng thêm đồn bót, tăng cường kiểm tra khám xét, tích cực càn quét để mở rộng hành lang hoạt động ra tới ngoại thành, tạo thành một vành đai an ninh bảo vệ khu trung tâm đầu não Sài Gòn.

Cuộc kháng chiến của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từ đây bước vào thời kì ngày càng khó khăn, quyết liệt hơn.

Để thực hiện chủ trương của ta là tích cực cầm cự nhằm phá tan các âm mưu của địch, ráo riết hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị về mọi mặt để “tiến tới tổng phản công thắng lợi”(3), Hội nghị quân sự Xứ ủy Nam Bộ (họp tháng 4 năm 1950) đề ra nhiều biện pháp tổ chức thực hiện, trong đó có điểm quan trọng là tổ chức lại chiến trường và lực lượng, nâng cao chất lượng chính trị và trình độ quân sự cho các thứ quân, xây dựng nền kinh tế kháng chiến vững mạnh, nhằm tạo ra những điều kiện chuẩn bị cơ bản cho quá trình đưa công cuộc kháng chiến phát triển lên giai đoạn cao hơn.

Chấp hành nghị quyết trên đây, tháng 8 năm 1950, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập gồm Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn và một phần các huyện vùng ven thuộc tỉnh Gia Định như Thủ Đức, Gò Vấp, Trung Huyện, Nhà Bè… do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Đặc khu. Ban chỉ huy quân sự Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn được bổ nhiệm gồm các đồng chí Nguyễn Văn Thi (chỉ huy trưởng), Nguyễn Văn Linh (chính ủy), Đào Tấn Xuân (chỉ huy phó), Lương Đường Minh (Trần Hải Phụng, tham mưu trưởng), Nguyễn Tứ Phương (chủ nhiệm chính trị).

Sau khi thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, Khu 7 được mở rộng do sáp nhập thêm các tỉnh còn lại của Khu Sài Gòn (Chợ Lớn, Gia Định, Tây Ninh). Đông chí Hoàng Dư Khương làm Bí thư Khu ủy. Bộ Tư lệnh gồm các đồng chí Trần Văn Trà (tư lệnh kiêm chính ủy), Tô Kí và Huỳnh Văn Nghệ (phó tư lệnh), Lê Đức Anh (tham mưu trưởng).

Lực lượng vũ trang trực thuộc Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn bao gồm toàn bộ hệ thống dân quân và du kích thuộc thành đội bộ, huyện đội bộ và dân quân tại chô, cùng với tiểu đoàn Quyết tử 950 và các đội biệt động đội 2763, 2768, 2/300 (Quyết tử Dương Văn Dương).

Ngoài một số đại đội chuyển thành các đại đội độc lập huyện trực thuộc các tỉnh Khu 7, phần lớn các trung đoàn, liên trung đoàn còn lại của Khu 7 được tập trung xây dựng thành trung đoàn chủ lực của Nam Bộ mang tên trung đoàn Đồng Nai. Đây là một trong ba trung đoàn chủ lực của Nam Bộ. trung đoàn do Trần Đình Xu giữ chức trung đoàn trưởng, Lê Xuân Lựu chính trị viên, đứng chân và hoạt động trên chiến trường Khu 7 - miền Đông Nam Bộ.

Ngày 21 tháng 8 năm 1950, tại căn cứ Tân Long (thuộc huyện Lái Thiêu - Thủ Dầu Một), Hội nghị cán bộ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn được triệu tập. Hội nghị tiến hành kiểm điểm đánh giá công tác lãnh đạo ở thành phố trong một năm qua, đặc biệt công tác lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị trong nửa năm đầu 1950. Hội nghị đề ra chủ trương: thống nhất sự lãnh đạo của Đảng đối với các ngành quân, dân, chính, Đảng các cấp, giản chính cơ quan lãnh đạo và bộ máy tổ chức quần chúng, tích cực phát triển du kích chiến tranh, tạo cơ sở về quân sự để thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị chuyển sang tổng phản công. Phương châm công tác là phối hợp việc lãnh đạo đấu tranh của quần chúng với việc củng cố tổ chức cơ sở Đảng và quần chúng, coi trọng củng cố và phát triển tổ chức cơ sở khi vận động quần chúng đấu tranh, lấy đấu tranh giành quyền lợi thiết thực làm chính, tránh chạy theo lối đấu tranh hình thức rầm rộ, “không tiêu non lực lượng”, kết hợp chặt chẽ hoạt động bí mật, lợi dụng triệt để khả năng công khai hợp pháp để tuyên truyền, tập hợp và vận động quần chúng đấu tranh.

Hội nghị chính thức thành lập Khu ủy, bầu Ban chấp hành Đảng bộ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, gồm 13 đồng chí(4) do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm bí thư, Trần Quốc Thảo, phó bí thư. Hội nghị cũng bầu ra Ban cán sự nội thành do Nguyễn Kiệm làm bí thư. Hội nghị bế mạc vào ngày 28 tháng 8 năm 1950.

Kế đó, Đặc khu ủy khôi phục lại Ban cán sự nội thành, chia Ban cán sự thành hai bộ phận. Ban cán sự nội thành I do Nguyễn Kiệm phụ trách. Ban cán sự nội thành II do Trần Quốc Thảo phụ trách.

Sự kiện thành lập Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, thành lập Đảng bộ thống nhất cũng như những thay đổi lớn về tổ chức chiến trường, tổ chức lực lượng đã tạo ra những nhân tố quan trọng, đưa quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định bước vào giai đoạn lịch sử mới, đương đầu với nhiều khó khăn hơn.


(1) Tháng 6 năm 1950, chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên của Mĩ cập bến Sài Gòn. Tính đến hết năm 1950, Mĩ viện trợ cho Pháp và bọn tay sai 150 triệu đô la về quân sự, 23 triệu đôla về kinh tế.
(2) Phía Tây Bắc: thêm một phần huyện Đức Hòa. Phía Tây và Tây Nam: sáp nhập thêm Gò Đen vào Chợ Lớn. Phía Nam và Đông Nam: mở rộng khu vực Thành Tuy Hạ (Long Thành). Phía Bắc: gồm Gò Vấp, mở rộng đến phía Nam Hóc Môn.
(3) Nghị quyết hội nghị Xứ ủy Nam Bộ, tài liệu bc/XƯ-04, Phòng Khoa học lịch sử quân sự Quân khu 7.
(4) Nguyễn Văn Linh, Trần Quốc Thảo, Nguyễn Văn Thi, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thọ Chân, Đoàn Văn Bơ, Huỳnh Tấn Phát, Trần Minh Quyên, Đào Tấn Xuân, Nguyễn Việt Hùng, Nguyễn Kiệm…


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Ba, 2012, 08:01:54 am
*
*   *

Ngay sau khi thành lập, Đặc khu ủy chỉ đạo củng cố lại toàn bộ hệ thống cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ sở kháng chiến. Từ tháng 10 năm 1950 đến tháng 2 năm 1951, Đặc khu tiến hành một đợt rà soát lại các cơ sở trong nội thành, tiến hành một số biện pháp nhằm ngăn ngừa sự phá hoại của địch thông qua nội gián. Các cấp, các ngành tập trung thực hiện công tác đột xuất, đối phó với các vụ nội gián đang đánh phá các cơ sở Đảng của ta từ cấp hộ đến cấp thành, như nhanh chóng cắt đứt liên lạc với các bộ phận bị tình nghi, tạm giải tán ban chấp hành thành hội của các đoàn thể, đưa cán bộ về bám sát cơ sở, chỉnh đốn lại các cấp ủy Đảng và các tổ chức cơ sở vùng. Riêng liên hiệp công đoàn không bị ảnh hưởng do các vụ nội gián vẫn giữ tổ chức như cũ nhưng chuyển hướng đấu tranh. Đối với các tổ chức chính trị công khai do địch lập ra (Mặt trận bình dân, Thanh niên bảo quốc đoàn), ta đưa người vào để tuyên truyền, vạch trần hoặc cô lập địch, lôi kéo quần chúng trong các tổ chức này đi theo phương hướng kháng chiến.

Để tuyên truyền sâu rộng chủ trương của cách mạng đối với các tổ chức quần chúng, tháng 12 năm 1950, Đặc khu thành lập Ban thông tin đặc biệt và phát hành tờ báo Cứu Quốc (ra số đầu tiên vào đầu tháng 1 năm 1951). Đặc khu cũng xây dựng một Đài phát thanh mang tên Đài tiếng nói Sài Gòn tự do do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát phụ trách. Đài đặt tại rừng Bàu Cá Trê (Chiến khu Đ), ban đầu phát mỗi tuần 3 buổi, về sau phát hằng ngày vào buổi chiều. Cùng với Đài tiếng nói Nam Bộ, Đài Tiếng nói Sài Gòn tự do đã tuyên truyền chủ trương chinh sách của Đảng và chính phủ kháng chiến, phản ánh tình hình ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và trong cả nước một cách kịp thời, nhanh nhạy. Thực dân Pháp liên tục cho máy bay ném bom và dùng các đội biệt kích lùng sục tìm diệt, nhưng Đài Tiếng nói Sài Gòn tự do vẫn tồn tại và phát sóng đều đặn.

Tháng 10 năm 1950, Khu 7 hoàn thành việc điều về Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn các đơn vị vũ trang, gồm tiểu đoàn Quyết tử 950, các biệt động đội và cơ quan thành đội bộ dân quân. Tiểu đoàn Quyết tử 950 được biên chế lại thành các đại đội Quyết tử độc lập: 3721, 3824, 3927. Trên cơ sở rút một số lực lượng từ các trung đoàn cũ ở xung quanh thành phố về, các đại đội biệt động được xây dựng với các phiên hiệu: 2/300, 2763, 2766.

Thành đội dân quân (cơ sở bị bể nhiều, lực lượng sút kém, khả năng chiến đấu yếu ớt) cũng được tiến hành củng cố lại các quận đội và hộ đội.

Sau khi trực tiếp quản lí lực lượng quân sự nêu trên, Đặc khu chủ trương mở một cuộc chiến đấu thống nhất nhằm biểu dương lực lượng đồng thời đánh giá lại khả năng chiến đấu của từng đơn vị và sự phối hợp hoạt động của phong trào toàn thành.

Ngay từ đầu tháng 11 năm 1950, phong trào đấu tranh dấy lên trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự. Mở đầu là cuộc đấu tranh của công nhân toàn Thành đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Công nhân hãng Caric bãi công đòi chủ hãng tăng lương 25%. Địch đưa người các xưởng khác đến làm việc. Ta vận động công nhân không làm. Cuối cùng, sau 25 ngày bãi công của công nhân, chúng buộc phải nhượng bộ và tăng lương 25% cho công nhân trong hãng. Công nhân các hãng, xưởng khác như Faci, Míc, Effel, Scama cũng hưởng ứng tích cực cuộc đấu tranh và thu được thắng lợi. Ngày 23 tháng 12 năm 1950, ta lại phát động một cuộc đấu tranh thống nhất toàn Thành chống bắt lính. Cuộc đấu tranh chỉ giành được thắng lợi ở một số nơi.

Phối hợp với phong trào đấu tranh chính trị, các lực lượng biệt động, quyết tử liên tiếp đánh vào các cơ sở, kho tàng và vị trí quân sự của địch. Tháng 11 năm 1950, biệt động đội 2766 đột nhập đánh vào khu Thị Nghè. Tháng 12 năm 1950 lại phối hợp với lực lượng nội thành cải trang thành lính ngụy dùng xe jeep, lựu đạn, tiểu liên đánh một loạt các trại lính và bót cảnh sát dọc đường Albert, ném lựu đạn vào nhà hàng Imperial góc đường Catinat. Tháng 12 năm 1950, đơn vị 3721 đánh vào các nhà hàng Mê Kông, vũ trường đường D’Espagne và 1 khách sạn trên đường Galiéni, đơn vị 3927 đánh lựu đạn ở các mục tiêu trên đường Verdun, đơn vị 3824 tấn công bọn Pháp nhà hàng Imperial. Biệt động đội 2/300 đốt cháy chiếc tàu LCI và pháo kích vào bến tàu. Biệt động đội 2763 liên tục đánh lẻ tẻ ngoài bìa ô thành phố, xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất.

Đợt hoạt động nêu trên đã thu được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, do lực lượng vũ trang chuyển về trực thuộc Đặc khu có số lượng tương đối đông (mỗi đơn vị cả chiến đấu viên, làm công tác bao đảm và cơ sở, khoảng 300 đến 400 người) nhưng phần lớn là thành phần dự bị, ngoại vi, cơ sở ủng hộ tài chính, các đơn vị lại là những biệt động đội của các nơi chuyển về, phần công phạm vi hoạt động còn thiếu chặt chẽ, cho nên các cuộc chiến đấu diễn ra còn mang đặc điểm riêng lẻ, phần nhiều dựa vào sự tích cực tự động cá nhân của cán bộ, đội viên.

Đầu năm 1951, các cuộc đấu tranh trong nội thành vẫn tiếp tục nổ ra. Ngày 9 tháng 1 năm 1951, đồng bào thành phố tổ chức lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn. Các hãng xe hơi, thuốc lá Míc, trường Petrus Kí đều tổ chức lễ truy điệu trò Ơn ngày 9 tháng 1 năm 1951. Cùng ngày 12 tháng 1 năm 1951, một tổ quyết tử quân đơn vị 3927 do Lê Văn Vinh chỉ huy lấy một chiếc xe jeep đuổi theo xe tên chủ bút tờ báo phản động Pháp Le Dépêche và hạ sát tên này bằng lựu đạn.

Phong trào cách mạng ở thành phố đang được khôi phục từng bước về mọi mặt, tuy vậy, tình hình nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong khi thực hiện nghị quyết của cấp trên, nhiều nơi bộc lộ một số nhược điểm. Việc chẩn chỉnh tổ chức làm vội vàng, thiếu kế hoạch. Việc giải tán hệ thống các tổ chức đoàn thể quần chúng ở trường học đã tạo ra những khoảng trống lớn làm cho địch dễ dàng kiểm soát. Chủ trương đưa học sinh xuống vùng dân cư đã làm hao hụt số đông đoàn viên mà ta đã nắm được. Số đông đoàn viên học sinh mất liên lạc hoặc tự ý bỏ liên lạc với đoàn thể. Ta chưa đưa được người vào các tổ chức quần chúng công khai như hội tương tế ái hữu, các hội đồng hương, các nhóm đồng nghiệp, các hội đình chùa, hội ám công, hội lân… để vận động họ đoàn kết ủng hộ kháng chiến, và từ đó chọn lọc tổ chức đưa vào hội Cứu quốc của ta.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 24 Tháng Ba, 2012, 08:04:03 am
Tháng 12 năm 1951, Đặc khu ủy triệu tập hội nghị cán bộ toàn Đặc khu để kiểm điểm công tác lãnh đạo phong trào. Đánh giá tình hình nội thành, hội nghị nhận thấy từ khi thành lập Đặc khu đến nay, phong trào đấu tranh của đồng bào thành phố phát triển thuận lợi. Bên cạnh đó, hội nghị cũng nhận thấy rằng “Đáng lẽ phải nặng về bảo vệ cơ sở trong tình hình địch đánh phá nội bộ, nhưng ở nội thành, các đồng chí lãnh đạo vẫn mang tư tưởng chạy theo bộ đội chính quy, thích những cuộc đấu tranh thống nhất toàn thành có tính chất ồ ạt. Do đó lực lượng tiếp tục bộ lộ, nhiều cán bộ bị bắt, cơ sở bị vỡ, làm cho lực lượng ta ngày càng thiếu”(1). Hội nghị đã uốn nắn những quan niệm sai về tổng phản công, khẳng định lại tính chất hoạt động ở nội thành (khác với vùng giải phóng), đặt bộ máy kháng chiến hành chính dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy. Chủ trương của Hội nghị là tập trung củng cố và phát triển các tổ chức cứu quốc, động viên quần chúng tham gia phong trào bằng những hình thức biến tướng, phối hợp với các hình thức đấu tranh bí mật, công khai với bán công khai, tích cực xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang.

Trong khi hội nghị đang họp thì văn phòng Quận ủy quận 1 bị đánh phá. Cán bộ trong quận bị mất liên lạc với cấp trên. Tiếp đó, địch đánh phá ác liệt và kiểm soát gắt gao nhiều nơi trong nội thành. Chúng phát triển nhiều tổ chức cảnh sát, mật vụ, tăng cường hoạt động mật thám nhằm làm tê liệt lực lượng vũ trang và phong trào cách mạng nhân dân ở nội thành và các vùng ven. Nhiều bót cảnh sát mới được lập ở Đa Kao, Bàn Cờ, hộ 19, Thị Nghè, các nơi dân cư đông ở quận 3, quận 4… Chúng còn đưa bọn tay chân tích cực thâm nhập vào hàng ngũ tổ chức kháng chiến, phá hoại các cơ sở cách mạng, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động của cảnh sát và mật thám ra ngoài phạm vi nội thành. Để thực hiện ý đồ ngăn chặn cán bộ kháng chiến xâm nhập vào nội thành, và kiểm soát sâu rộng các tầng lớp nhân dân trong thành phố, chúng tiến hành phong tỏa các đường phố, đầu cầu bằng thủ đoạn chặn dọc đường, kiểm tra lưu động bất thường ở khắp mọi nơi, cho cảnh sát và mật thám nhìn mặt và lục xét, rình rập ở các quãng đường vắng để chộp bắt hoặc ám sát bất ngờ. Trong các xóm lao động ở ngoại ô, chúng đưa lính bao vây chặn các đường ra vào, rình rập đón lõng cán bộ của ta ở ngoài vào để bắt bớ. Bên cạnh đó, chúng dùng chính sách mua chuộc, dụ dỗ tạo nội phản, tra tấn tàn nhẫn những người bị bắt để phát hiện cơ sở và các đầu mối hoạt động của ta.

Sau hội nghị tháng 2 năm 1951, ta chưa kịp ổn định tình hình và triển khai thực hiện nghị quyết thì một số cơ sở lại bị đánh phá. Một tháng sau, nhiều cán bộ quan trọng bị bắt, trong đó có hai Đặc khu ủy viên. Các chủ trương mới của Đặc khu do đó chưa kịp thực hiện một cách đầy đủ, có nơi chưa thực hiện được vì thiếu cán bộ và năng lực hoạt động yếu. Để khắc phục nhược điểm trên, Đặc khu ủy chỉ đạo mở các đợt tập huấn, liên tiếp bồi dưỡng giáo dục, mở các lớp huấn luyện cho cán bộ nội thành (theo định kì hai tháng một lớp). Giữa năm 1951, lớp huấn luyện đầu tiên được khai giảng, mang tên “Lê Văn Sĩ”. Trong một thời gian không dài, ta đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ làm nòng cốt cho phong trào ở cơ sở. Dần dần, các cơ sở Đảng được gầy dựng trở lại. Một số nơi lập lại cấp ủy Đảng. Các đoàn thể quần chúng được khôi phục và có củng cố một bước so với trước. Tuy nhiên, tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên còn lại vẫn rất ít.

Để tiếp tục củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng củng cố cơ sở, Đặc khu ủy quyết định giải thể Ban chỉ huy tiểu đoàn Quyết tử 950, giản chính hết các cơ quan trực thuộc tiểu đoàn, chấn chỉnh các phương tiện chỉ huy (trinh sát, liên lạc), sắp xếp các đơn vị chiến đấu của tiểu đoàn thành các đại đội Quyết tử độc lập (3721, 3824, 3927) trực thuộc Ban chỉ huy quân sự Đặc khu. Hầu hết cán bộ trong ban chỉ huy lên nhận nhiệm vụ ở Ban chỉ huy quân sự Đặc khu. Tổ chức biên chế, địa bàn đứng chân, phạm vi hoạt động và nhiệm vụ cụ thể của từng đại đội Quyết tử độc lập được điều chỉnh lại phủ hợp với khả năng của tình hình cho phép. Lực lượng biệt động đội cũng được chấn chỉnh một bước về thành công và khu vực hoạt động, hầu có điều kiện phối hợp chặt chẽ hơn với tổ chức dân quân các hộ, quận nội thành. Biệt động đội 2763 phụ trách hướng Gò Vấp, sân bay Tân Sơn Nhất và Tân Bình, Phú Nhuận. Biệt động đội 2766 được phân công về đánh địch và xây dựng du kích tại quận 5(2). Biệt động đội 2/300 chia làm hai bộ phận: Bộ phận 1 thành lập độ Quyết tử Dương Văn Dương phụ trách khu bến tàu Khánh Hội, Tân Thuận, kho Nhà Bè; Bộ phận 2 về phụ trách địa bàn và xây dựng chiến tranh du kích quận 6.

Cùng với việc sắp xếp lại lực lượng, Đặc khu tập trung mở các lớp huấn luyện để nâng cao trình độ quản lí chỉ huy và thực hành chiến đấu cho cán bộ chiến sĩ các đơn vị. Trong một thời gian ngắn, Đặc khu đã đào tạo được một lớp cán bộ trinh sát, ba lớp quân chính tiểu đội và đội viên ở tiểu ban quân sự, một khóa trinh sát đặc công, một lớp quân chính tổ và đội viên.

Do phải tập trung củng cố sắp xếp lại lực lượng nên hoạt động chiến đấu quân sự bị giảm sút. Việc vận chuyển vũ khí vào thành phố gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị phải liên tục di chuyển vị trí đứng chân do địch càn quét gắt gao các vùng bàn đạp. Hầu hết các tổ chức chiến đấu bên trong đều nằm im. Một số cán bộ chỉ huy có tư tưởng thụ động, chờ chủ trương hoạt động thống nhất toàn Thành, hoạt động đánh địch của một số đơn vị ở ven đô diễn ra lẻ tẻ, hông phối hợp được với nhau nên chỉ mang tính chất quấy rối, không có hiệu quả lớn (trừ một vài cuộc tấn công đột xuất khá táo bạo, như cuộc đột nhập vào nhà tên chưởng lí Pháp Béziot ở đường Verdun của đơn vị 3721 chiều ngày 15 tháng 3 năm 1951).

Trong lúc các lực lượng kháng chiến của Đặc khu nỗ lực củng cố, gìn giữ phong trào thì thực dân Pháp tăng cường khủng bố, đánh phá ác liệt trong khắp các khu vực nội thành. Tháng 5 năm 1951, quận ủy quận 3 bị địch đánh phá nặng nề, sự hoạt động của quận ủy trở nên tê liệt. Tháng 6 năm 1951, quận 2 cũng bị đánh phá. Từ tháng 5 đến tháng 6 năm 1951, hai đồng chí trong Ban cán sự nội thành, ba bí thư quận, năm quận ủy viên và nhiều cán bộ cơ sở ở hội bị bắt. Từ tháng 5 năm 1951, Liên hiệp công đoàn thành phố - một đoàn thể đang hoạt động khá ổn định, cũng bắt đầu bị địch đánh phá. Nhiều cán bộ lãnh đạo và cán bộ xí nghiệp bị bắt. Tổ chức cơ sở đứt liên lạc. Tờ Cảm Tử, cơ quan tuyên truyền của Liên hiệp công đoàn bị đình bản. Đến tháng 9 năm 1951, Liên hiệp công đoàn chỉ còn liên lạc được với 6 xí nghiệp trong số hơn 20 xí nghiệp. Ban cán sự nội thành không còn đủ người để hoạt động. Các hộ ngoại thành cũng bị địch càn quét gắt gao, nhất là hộ 16.

Trước tình hình khó khăn nêu trên, không ít cán bộ, chiến sĩ, cơ sở cách mạng tại chỗ hoang mang dao động. Một số người xin tạm nghỉ công tác, nằm im hoặc thoái thác nhiệm vụ. Cá biệt có người bỏ ra đầu hàng giặc. Số cán bộ còn hoạt động hoặc buộc phải hạn chế xuất hiện đi lại, hoặc bị địch theo dõi gắt gao phải tránh xa khỏi địa bàn, chuyển vùng, ẩn náu trong các quận hộ bạn, tách khỏi cơ sở, không nắm được quần chúng và tình hình phong trào.

Mặc dù vậy, ngoài các trọng điểm đánh phá của địch, tại nhiều nơi khác trong thành phố, nhất là những nơi giáp với vùng ven đô, phong trào đấu tranh cách mạng của ta vẫn được giữ vững. Ở quận 4, các chi bộ trường học vận động học sinh tổ chức nhiều buổi lễ đoàn kết. Học sinh, sinh viên thành lập các tổ chức biến tướng như hội âm nhạc, nhóm đá banh, nhóm học Việt ngữ thu hút nhiều người tham gia. Đảng bộ Hoa Kiều nối được liên lạc với Đặc khu ủy. Các đoàn thể Hoa Kiều tổ chức sinh hoạt kháng chiến thường xuyên và chặt chẽ hơn. Công nhân, nhân dân các hộ trong quận 2, quận 3 tổ chức nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ, quyền lợi về kinh tế như xây lắp thêm vòi nước, không đuổi nhà, bảo đảm vệ sinh. Sau vụ hỏa hoạn tháng 3 năm 1945, ở xóm Bèo đường Dismnde (nay là đường Đề Thám), quần chúng lao động bị đuổi nhà phát động đấu tranh tố cáo địch trên báo chí, đã đưa lên Tòa đốc lí đòi cứu hộ và ở lại chỗ cũ. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi.


(1) Số đoàn viên cứu quốc và đảng viên tụt xuống còn 1/3 so với tháng 8 năm 1950.
(2) Thị xã Gia Định, Bình Hòa, Bà Chiểu, Thạnh Mĩ Tây và vùng Thị Nghè, Đa Kao.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:41:58 am
*
*   *

Tại tỉnh Gia Định, từ mùa thu 1950, thực dân Pháp tăng quân đóng lại các đồn bót đã mất và thành lập thêm nhiều tháp canh mới. Từ các đồn bót này, chúng bung ra lấn chiếm các vùng ở Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức, Nhà Bè, khống chế, kiểm soát nghiêm ngặt ở các ngã đường giao thông dẫn vào thành phố, đưa quân càn quét mãnh liệt vào các căn cứ Bình Mĩ, Bén Cát, Vườn Thơm, Rừng Sác. Đặc biệt các cuộc hành quân càn quét của địch uy hiếp mạnh căn cứ của ta ở Hóc Môn và Bến Cát, ngăn cắt hành lang vận tải và thông tin liên lạc từ thành phố lên căn cứ Hố Bò, An Nhơn Tây và Long Nguyên.

Tháng 10 năm 1950, phối hợp với chiến dịch biên giới, Bộ tư lệnh Khu 7 mở chiến dịch Bến Cát, nhằm mục đích cắt đứt và giải phóng đường số 7, đường số 14 của địch, mở rộng căn cứ liên hoàn của ta hai bên sông Sài Gòn, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong toàn khu, mở thông đường tiếp tế từ Khu 8 lên Sài Gòn và vùng văn cứ miền Đông Nam Bộ.

Bến Cát nằm về phía Tây Bắc Sài Gòn, kẹp giữa đường 13 về phía Đông và sông Sài Gòn về phía Tây. Với riêng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, chiến dịch Bến Cát sẽ có tác dụng chia cắt đường 5 Hóc Môn, giải tỏa áp lực của địch ở Hóc Môn vào căn cứ của ta, nối thông hành lang từ Sài Gòn lên căn cứ của Đặc khu. Tham gia với lực lượng tiến hành chiến dịch, ngoài số các đơn vị bộ đội chủ lực biên chế trong các tiểu đoàn của trung đoàn Đồng Nai, tỉnh Gia Định có một số đại đội độc lập của huyện Hóc Môn và hàng trăm dân công được huy động sẵn sàng đi vận tải lương thực, vũ khí, tải lương, phá đường. Nhiệm vụ của tỉnh là tập trung lực lượng đánh bót Rạch Kiến, hỗ trợ cho lực lượng của trên tiêu diệt một số mục tiêu khác dọc đường số 7 và đường số 14, đánh quấy rối tiêu hao địch trên các đường giao thông, kềm chân quân địch tại khu vực Hóc Môn.

Rạch Kiến là một bót lớn được địch xây dựng kiên cố (trong hệ thống đồn bót nằm giữa Bến Súc và Rạch Bắp). Nằm sát bờ sông Sài Gòn, đối diện xã Phú Mĩ Hưng. Tại đây có hai trung đội địch được trang bị súng máy và pháo cối. Quan niệm đây là chiến dịch “chính quy” phải có súng lớn tham gia, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Gia Định cho moi một khẩu súng ca nông 75 li (chôn giấu từ năm 1949) để sử dụng trong trận đánh. Theo kế hoạch, đại bác của ta khai hỏa bắn vào bót, yểm trợ cho bộ binh vận động tiếp cận diệt bót.

21 giờ ngày 7 tháng 10 năm 1951, chiến dịch Bến Cát bắt đầu. Quân ta tiến công địch ở tháp canh Sunaud và đồn Bến Súc. Ngày 18 tháng 10, lực lượng vũ trang Gia Định nổ súng tiến công bót Rạch Kiến. Ca nông mới bắn được vài chưa trúng địch thì bị hỏng. Quân địch trong đồn dùng hỏa lực bắn trả mãnh liệt, bộ binh ta không xông vào được. Sau khi chờ sửa ca nông mãi không được, ban chỉ huy trận đánh quyết định cho bộ đội rút lui. Trận đánh không thành công.

Ngày hôm sau, giặc Pháp tổ chức trận càn quét lớn vào căn cứ của ta. Chúng điên cuồng sục sạo cố tìm bằng được khẩu pháo của ta. Nhiều nhà cửa, ruộng vườn bị chúng đốt cháy, phá phách. Ta bảo vệ được khẩu pháo an toàn.

Các lực lượng tham gia chiến dịch của tỉnh Gia Định vẫn tiếp tục chiến đấu, phá hoại giao thông địch và bảo đảm chiến đấu trong cả ba đợt của chiến dịch. Đầu tháng 11, bót Rạch Kiến bị hạ bằng lối đánh đặc công kết hợp xung kích của đơn vị bạn. Ngày 15 tháng 10 năm 1950, chiến dịch Bến Cát kết thúc thắng lợi.

Lần đầu tiên, quân và dân Gia Định tham gia một chiến dịch hợp đồng nhiều đơn vị, cũng là chiến dịch được coi là duy nhất diễn ra trên chiến trường miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp. Ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch không những đạt được cơ bản yêu cầu đề ra ban đầu, mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho quân và dân miền Đông nói chung, tỉnh Gia Định nói riêng về khả năng hợp đồng tác chiến, về đánh đồn bót, sử dụng đặc công và bộ binh, pháo binh, chuẩn bị hậu cần và huy động lực lượng quần chúng tham gia với quy mô lớn.

Sau chiến dịch Bến Cát, địch phản kích đánh phá các khu căn cứ của tỉnh và các huyện. Nhiều vùng du kích của tỉnh trước kia nay trở thành vùng “xôi đậu” hay vùng bị tạm chiếm. An Phú Đông, một căn cứ của tỉnh từ đầu kháng chiến tồn tại trong thế giằng có suốt 5 năm nay bị giặc đóng bót. Vùng Tân Mĩ - Bình Lí, căn cứ của tỉnh trước đây, nay cũng bị đánh phá nặng. Các xã Long Phước Thôn, Tam Đa, Phú Hữu, căn cứ của huyện Thủ Đức, bắt đầu bị lấn chiếm. Các xã phía Nam huyện Hóc Môn, Đông Thạnh, Tân Hiệp, Tân Thạnh Đông, Xuân Thới Sơn cũng bị địch uy hiếp mạnh.

Phát huy thắng lợi chiến dịch Bến Cát, quân và dân Gia Định nỗ lực đánh địch giữ đất, giữ dân, bảo vệ căn cứ địa của tỉnh, của huyện. Cuộc chiến đấu giằng co giữa ta và địch diễn ra hết sức quyết liệt. Tổng kết công tác kháng chiến năm 1950, tỉnh Gia Định được Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ tặng giải nhất về “thành tích du kích chiến tranh, kinh tế tài chính, văn hóa xã hội” và được tuyên dương là một trong những tỉnh đứng đầu của Nam Bộ. Trong cuộc hội nghị dân quân chính của tỉnh, đồng chí Dương Quốc Chính, trưởng phái đoàn quân sự Trung ương nói: “Đồng bào Gia Định rất xứng đáng với truyền thống đấu tranh bất khuất của Mười tám thôn vườn trầu, của Nam Kì khởi nghĩa”.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:43:14 am
Sang năm 1951, địch liên tiếp mở các cuộc đánh phá bình định. Chúng đóng bót sâu vào các vùng căn cứ dọc sông Sài Gòn, đường số 1, 5, 7, 8, 9 và An Phú Đông, Long Phước Thôn, An Nhơn Tây, Phú Hòa Đông, Rạch Bắp, kéo dài tới Dầu Tiếng. Địa bàn căn cứ của tỉnh bị thu hẹp không còn chỗ đứng chân. Vùng khu 5 Hóc Môn nhiều năm là căn cứ kháng chiến vũng chắc của tỉnh nay nằm trong vùng địch kiểm soát. Tỉnh phải dời căn cứ sang An Thành (Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một). Tháng 5 năm 1951, Pháp điều 3 tiểu đoàn có máy bay tàu chiến hỗ trợ mở cuộc càn vào căn cứ khu 5 Hóc Môn. Du kích và bộ đội ta chặn đánh quyết liệt trong ba ngày đêm, gây cho địch một số thiệt hại. Sau khi rút quân, địch để lại một đại đội lính ngụy đóng bót ở chợ An Nhơn Tây. Đại đội đóng bót này thường xuyên bị du kích và bộ đội ta tập kích quấy phá liên miên. Ban ngày, chúng ra khỏi bót thì bị đánh, ban đêm cố thủ trong bót thì bị đột kích. Suốt hai tháng đóng bót, quân địch không dám mở một trận càn nào, ngày đêm lo sợ bị đánh, bị tiêu diệt. Thêm vào đó, việc cung cấp lương thực, thực phẩm bị thiếu thốn do bị động chở tiếp tế của Sài Gòn bằng đường sông. Nhiều chuyến tàu tiếp tế bị bộ đội ta chặn đánh trên dọc đường hoặc khi vừa tới bến.

Đối phó với âm mưu lấn chiếm ra ngoại ô của địch, trong những tháng đầu năm 1951, tỉnh Gia Định tổ chức nhiều trận đánh đồn bót và đưa người về hoạt động ở các vùng sâu giáp ranh Sài Gòn. Bộ đội và du kích đánh bót Cây Bài (Phước Vĩnh An), bót Tân Quy (Tân Thạnh Tây), bót Cây Sộp (Tân An Hội), bót Tân Xuân (cách thị trấn Hóc Môn 2km). Ở Thủ Đức, ta đánh bót Ích Thạnh, bót ông Nhiêu, bót Cái Lơn. Ở Nhà Bè, lực lượng du kích trấn áp bọn tề, điệp ở các xã Phú Xuân, Tân Thuận.

Hoạt động chia cắt, lấn chiếm của địch trên toàn Nam Bộ tạo ra cho ta nhiều khó khăn. Tỉnh nào cũng có một hoặc hai huyện khó liên lạc được với tỉnh mình, buộc phải gắn liền với một tỉnh lân cận để phối hợp về mặt quân sự và tiếp tế. Mặt khác địa bàn hoạt động của tỉnh cũng không tương ứng với yêu cầu hoạt động quân sự. Việc phân chia lại chiến trường và tổ chức lại lực lượng trở nên nhu cầu bức xúc.

Cuối tháng 6 năm 1951, theo chủ trương của Trung ương Cục(1), Nam Bộ được chia làm hai phân liên khu, miền Đông và miền Tây. Các tỉnh miền Đông Nam Bộ tiến hành điều chỉnh lại tổ chức địa giới. Tỉnh Gia Định được chia ra, nhập về ba tỉnh mới. Hai huyện Gò Vấp và Hóc Môn nhập về tỉnh Gia Ninh (gồm tỉnh Tây Ninh, hai huyện Đức Hòa Thành và Trung Huyện của tỉnh Chợ Lớn, hai huyện Gò Vấp và Hóc Môn của tỉnh Gia Định); huyện Thủ Đức nhập vào tỉnh Thủ Biên (Thủ Dầu Một - Biên Hòa); huyện Nhà Bè và Rừng Sác nhập về tỉnh Bà Chợ (Bà Rịa - Chợ Lớn). Việc thành lập tỉnh mới kéo theo sự sắp xếp lại bộ máy hành chính, tổ chức quân sự và xây dựng căn cứ đứng chân của tỉnh, Trung đoàn Đồng Nai giải thể. Các tỉnh xây dựng các tiểu đoàn tập trung mạnh. Tỉnh Gia Ninh có tiểu đoàn 306. Tỉnh Bà Chợ có tiểu đoàn 300. Tỉnh Thủ Biên có tiểu đoàn 303.

Sự sắp xếp lại chiến trường, tổ chức lại lực lượng đã tạo điều kiện khắc phục tinh trạng bị động do địch phong tỏa chia cắt địa bàn, bảo đam sự chỉ đạo thông suốt xuống các chiến trường, các lực lượng, bảo đảm cho mỗi tỉnh có đủ căn cứ đứng chân, lực lượng và cơ sở vật chất đã tiến hành cuộc kháng chiến một cách chủ động, linh hoạt hơn tại địa phương.

Tại tỉnh Gia Ninh, tỉnh ủy mới được chỉ định gồm 13 người (Gia Đinh 9, Tây Ninh 2, Chợ Lớn 2) do đồng chí Phạm Văn Chiêu làm bí thư, đồng chí Tô Ki làm tỉnh đội trưởng. Chiến trường của tỉnh lúc này được mở rộng và chia thành 2 vùng tác chiến rõ rệt:

- Vùng ven đô và các vùng bị tạm chiếm cùng vùng du kích khác (Gò Vấp, Hóc Môn, Đức Hòa Thành, Trung Huyện, Trảng Bàng, Dương Minh Châu, Châu Thành).

- Vùng “Đất thánh Cao Đài” (gồm gần nửa triệu tín đồ Cao Đài sống chung quanh Tòa thánh Tây Ninh và rải rác các vùng lân cận; có quân đội của số chức Cao Đài phản động chống lại kháng chiến.

Từ năm 1951, trên chiến trường Gia Ninh, ta vừa phải đương đầu với giặc Pháp, lại vừa phải đương đầu với quân đội mang danh nghĩa Cao Đài do Pháp tổ chức.

Nhằm tạo ra và khoét sâu mâu thuẫn giữa Cao Đài và lực lượng kháng chiến, từ năm 1951, giặc Pháp dùng quân đội Cao Đài đánh phá các vùng du kích và vùng ta kiểm soát, nhất là khu vực chung quanh căn cứ Dương Minh Châu. Phân liên khu ủy miền Đông đề ra chính sách Cao Đài vận, mục đích làm lính Cao Đài và tín đồ Cao Đài nhận rõ âm mưu thâm độc “dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp. Tỉnh Gia Định Ninh và các đơn vị vũ trang tổ chức nhiều đội vũ trang tuyên truyền đột nhập vào các vùng tập trung tín đồ Cao Đài, các cứ điểm của bộ đội Cao Đài, gọi loa giải thích chính sách của Cách mạng và kêu gọi họ đoàn kết chống kẻ thù xâm lược. Các đơn vị vũ trang được chỉ đạo cố gắng tránh đụng độ, không đánh bộ đội Cao Đài nếu bộ đội Cao Đài không đánh ta và khi đụng đầu với bộ đội Cao Đài thì kêu gọi họ đừng đánh phá vào vùng Cách mạng kiểm soát, đứng làm bia đỡ đạn cho giặc.

Thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt để đẩy quân đội Cao Đài lao vào con đường chống phá kháng chiến quyết liệt. Chúng mở các cuộc càn quét dài ngày và thực hiện đốt sạch, phá sạch, giết sạch. Ngày nào cúng cũng bắn giết hàng chục người và bắt nhiều thanh niên đem chặt đầu, ném xác xuống sông ở cầu Xáng, cầu Bà Bếp. Ngày 10 tháng 8 năm 1951, địch huy động 7 tiểu đoàn bộ binh, 1 đại đội công binh và nhiều xe tăng từ Sài Gòn theo quốc lộ 1 kéo lên đánh phá khu Tân Phú Trung, Tân An Hội, Phước Vĩnh An, một căn cứ du kích nằm ngay phía Bắc Sài Gòn. Địch bao vây liên tục suốt 15 ngày, bắn hàng chục ngàn trái đại bác, dùng hơn 2000kg bộc phá đánh vào địa đạo của ta. Du kích và bộ đội địa phương Hóc Môn kiên cường bám trụ chiến đấu tiêu diệt, tiêu hao hàng trăm tên địch.


(1) Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2 năm 1951), Xứ ủy Nam Bộ đổi thành Trung ương Cục.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:45:24 am
Do phải chấp hành nghiêm chủ trương của trên, bộ đội ta trong nhiều trường hợp buộc phải né tránh hoặc rút lui mỗi khi thấy quân đội Cao Đài đi ngang qua càn quét.

Lợi dụng chủ trương Cao Đài vận của ta, quân Pháp thường bố trí quân đội Cao Đài đi trước trong các cuộc hành quân càn quét. Chúng dùng thủ đoạn ra lệnh cho quân đội Cao Đài không nổ súng chờ cho bộ đội Cao Đài đi qua, sau đó mới quay trở lại phối hợp với bộ phận quân Pháp đi sau bao vây đánh lại ta từ hai phía. Không đánh quân đội Cao Đài, ta đã không đánh được Pháp mà còn bị thiệt hại nặng về người, mất vũ khí, mà bắn lại bộ đội Cao Đài thì sợ sai chính sách. Nhiều cán bộ chỉ huy quân sự hoang mang, chưa tìm ra được biện pháp giải quyết. Trong lúc đó, đồng bào tỏ thái độ rõ ràng: “Lôi kéo thì cứ lôi kéo, còn đánh thì cứ phải đánh và phải đánh mạnh mới lôi kéo được. Các anh sợ bộ đội Cao Đài thì rút đi, giao súng lại cho chúng tôi”(1).

Những biểu hiện hữu khuynh trong thực hiện chủ trương Cao Đài vận đã làm cho tình hình chiến trường ở Gia Ninh ngày càng căng thẳng hơn.

Tại vùng tạm bị chiếm và vùng du kích, địch ráo riết thực hiện “bình định”, lập thêm nhiều trường học để thu hút đồng bào từ vùng du kích và căn cứ về vùng chúng kiểm soát. Hầu hết các huyện phía Nam của tỉnh đều bị đánh phá nặng, nhiều nơi bị lấn chiếm.

Tuy nhiên, trong điều kiện vô cùng khó khăn như vừa nêu phong trào du kích chiến tranh ở Gia Định (cũ) vẫn được duy trì. Các vùng Thủ Đức, Trung Huyện, Hóc Môn vẫn giữ được hoạt động du kích như trước. Đồng bào vùng Đông Hưng Thuận, Vĩnh Lộc, Nhị Hòa (Gò Vấp) nằm sâu trong vùng địch kiểm soát vẫn kiên trì đấu tranh chống đuổi nhà, cướp đất. Chung quanh các thị trấn huyện lị, tiếng súng diệt tề, trừ gian của du kích vẫn tiếp tục nổ ra. Đồng bào trong các huyện vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu, tích cực ủng hộ kháng chiến, góp công, góp của cho cách mạng, đưa con em mình vào du kích, vào bộ đội.

Tại chiến khu Rừng Sác, theo chủ trương của trên, để phát triển chiến tranh du kích và tiếp tục xây dựng căn cứ, trung đoàn 300 chia thành các đại đội và đội biệt động đi hoạt động khắp nơi… Phát huy thắng lợi trận đánh tàu Sai - Loubarbier, các đội binh chủng chuyên môn (ngày càng phát triển về số lượng và được trang bị thêm một số súng SZB, SZA) tổ chức nhiều trận đánh tàu liên tiếp trên sông Lòng Tàu. Ta làm chủ được từng thời gian một số đoạn trên sông Lòng Tàu và sông Thị Vải.

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động đánh tàu địch của các đội binh chủng chuyên môn, trung đoàn còn tổ chức các đội bắn tỉa dọc sông. Bị bắn tỉa thường xuyên, bọn lính hoảng sợ chui hết xuống dưới boong mỗi khi tàu vào đến ngã Bảy hoặc ra đến Nhà Bè. Nhờ đó, các đơn vị binh chủng hoạt động dễ dàng hơn. Trung đoàn còn kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương tổ chức các đội đặc công thủy chuyên làm nhiệm vụ chuyên đánh tàu hàng của địch trên sông Soài Rạp (chủ yếu là số tàu tuyến Nam Vang - Sài Gòn, lục tỉnh - Sài Gòn) lấy lương thực, máy móc cung cấp trang bị cho ta.

Tháng 6 năm 1951, tỉnh Bà Chợ thành lập gồm 4 huyện Long Đất, Vũng Tàu, Long Thành, Liên Huyện, do Võ Văn Khánh làm bí thư tỉnh ủy, Trần Thắng Minh làm tỉnh đội trưởng. Tiểu đoàn 300 được Khu 7 giao về làm tiểu đoàn tập trung của tỉnh Bà Chơ. Khu Rừng Sác nhập vào liên huyện gồm Nhà Bè - Cần Đước - Cần Giuộc do Hồng Vũ làm Bí thư huyện ủy. Huyện ủy xây dựng một đại đội độc lập gồm nhiều binh chủng thủy lôi, bộ binh, biệt động, hoạt động ở hướng Nhà Bè, Cần Giờ.

Phối hợp với tiểu đoàn 300, các lực lượng vũ trang Liên Huyện đẩy mạnh hoạt động đánh địch, đặc biệt đánh tàu và kho tàng của địch trong Rừng Sác. Giặc Pháp dùng máy bay ném bom ven Rừng Sác và dùng pháo bắn sâu vào những nơi chúng nghi có ta đóng quân. Tàu tuần tiễu của chúng rà quét ngày đêm trên sông nhằm ngăn chặn lực lượng ta tấn công vào đất liền. Tuy vậy, nhiều căn cứ kho tàng của địch dọc sông Lòng Tàu vẫn bị ta tấn công, đốt cháy. Tháng 6 năm 1951, tổ chức đặc công của tiểu đoàn 300 đột nhập đánh cháy kho xăng Nhà Bè. Kho xăng Nhà Bè được bảo vệ rất chu đáo, xung quanh có 5 lớp rào kẽm gai kết hợp với mìn và lựu đạn gài. Các lô cốt được dựng lên cách đều nhau, bảo đảm quan sát và báo động liên hoàn trong toàn khu vực, ban đêm có đèn pha chiếu sáng. Ba đại đội Âu Phi thay nhau canh gác suốt ngày đêm. Nửa đêm, tổ đặc công gồm 5 chiến sĩ do Tiến chỉ huy đã bí mật lọt vào khu vực kho và dùng mìn điện gây nổ cháy các bồn xăng. Ngọn lửa của hơn nửa triệu lít xăng bốc cháy kéo dài đến 16 giờ ngày hôm sau mới tắt.

Cùng với việc đánh tàu và căn cứ kho tàng của địch ở Rừng Sác, tại các xã thuộc vùng tự do, công tác “hậu cần tại chỗ” được chú trọng đẩy mạnh. Bước sang năm 1951, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực càng gặp khó khăn, phần do địch kiểm soát gắt gao. Bộ đội ở Rừng Sác phải ăn các loại hải sản như cá, cua, còng và các loại rau rừng, kể cả đọt chà là(2) trừ cơm. Bà con ở các xã có diện tích trồng lúa đã đem phần lớn sản phẩm thu hoạch được ủng hộ kháng chiến và nhận về các “biên lai gạo” do những đơn vị ở Rừng Sác mua chịu hoặc mượn.

Ngoài lương thực, nước ngọt cũng là một vấn đề nóng bỏng, gay gắt giữa một vùng bao la nước mặn. Tạo và trữ nước ngọt được coi là vấn đề then chốt trong đời sống đối với nhân dân và chiến sĩ hoạt động ở Rừng Sác. Để lấy được nước ngọt, ở vùng như An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An… phải vượt hàng chục cây số kênh, rạch, sông ngòi, phải tổ chức lực lượng lấy, vận chuyển và bảo vệ có kế hoạch tác chiến như đi chiến đấu. Trên mặt trận này, thường xuyên xảy ra những trận nổ súng giữa các chiến sĩ ta với các chốt và các toán phục kích của giặc, đôi khi phải hi sinh cả tính mạng.

Mùa thu năm 1951, lực lượng vũ trang Liên Huyện được củng cố, thành lập hai tiểu đoàn, một tiểu đoàn chuyên đánh thủy lôi có trang bị súng không giật 72 li và một tiểu đoàn bộ binh. Ban chỉ huy Liên Huyện (Phạm Văn Binh huyện đội trưởng) điều hai đại đội lên hoạt động trên kinh Bo Bo (Đồng Tháp Mười). Lực lượng còn lại đóng quân ở Rừng Sác, hoạt động ở cả ba huyện cũ, hướng chính vẫn là các xã đất liền thuộc Nhà Bè và vùng bến cảng.

Huyện Thủ Đức được chuyển về tỉnh Thủ Biên từ tháng 6 năm 1951, trở thành vùng tạm bị chiếm ở phía Đông Bắc Sài Gòn. Hoạt động quân sự ở đây vẫn duy trì liên tục, nhưng diễn ra nhỏ lẻ. Bộ đội địa phương phân tán thành các đội công tác lẻ, bám chiến trường, làm nòng cốt cho các bộ phận du kích xã, ấp đánh giặc, xây dựng phong trào chiến tranh du kích.


(1) Về công tác Cao Đài trong kháng chiến chống Pháp - Tài liệu TD 212 Phòng Khoa học lịch sử quân sự Quân khu 7.
(2) Chà Là là một loại cây mọc phổ biến ở vùng rừng ngập mặn ven biển.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:46:19 am
*
*   *

Tháng 8 năm 1951, tướng Bondis đến Sài Gòn thay Chanson làm tư lệnh lục quân Pháp tại Việt Nam. Bondis tiếp tục đường lối bình định cũ, nỗ lực cô lập Sài Gòn với các tỉnh Nam Bộ, phá hoại nền kinh tế kháng chiến của ta.

Cũng từ tháng 6 năm 1951, công việc phân chia sáp nhập tỉnh, tổ chức bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể, vũ trang về cơ bản được hoàn tất ở các huyện ngoại thành.

Trung tuần tháng 8 năm 1951, Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn hội nghị cán bộ quân sự toàn Đặc khu. Hội nghị đã phân tích những bộc lộ nhược điểm trong xây dựng và hoạt động của lực lượng vũ trang như tư tưởng xây dựng bộ đội chính quy đánh lớn, thích tác chiến theo lối hợp đồng lớn, “chính quy”… không phù hợp với điều kiện chiến trường ở Sài Gòn và vùng ven (bị địch kiểm soát và chia cắt mạnh), công tác bảo đảm hậu cần của ta chủ yếu dựa vào sự cung cấp phân tán trong nhân dân. Hội nghị đã đề ra một số biện pháp cụ thể nhằm phát huy hiệu quả thực tế hoạt động của các lực lượng vũ trang trong điều kiện địch kiểm soát đánh phá gắt gao, cơ sở đoàn thể bị vỡ nhiều. Đây là hội nghị chuyên đề công tác quân sự nội thành đầu tiên của Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn… Các cơ quan quân, dân, chính ở ngoại thành cũng được giản chính. Nhiều cán bộ được điều về làm nhiệm vụ củng cố cơ sở. Nghị quyết của hội nghị đã kịp thời uốn nắn những biểu hiện không phù hợp với hoàn cảnh thực tế của chiến trường, tổ chức lại và đẩy mạnh hoạt động lực lượng vũ trang nội thành trong điều kiện cuộc chiến đấu ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Hội nghị quân sự của Đặc khu ủy diễn ra trong lúc địch tăng cường đánh phá các cơ sở trong nội thành. Chính phủ bù nhìn Trần Văn Hữu ra lệnh tổng động viên (theo (Dụ số 12 ngày 15 tháng 7 năm 1951) và chuẩn bị kiểm tra dân số. Các bộ máy tuyên truyền của địch ngày đêm ra rả động viên xây dựng “Quân đội quốc gia”. Hàng trăm thanh niên ở thành phố bị ép buộc nhập ngũ và đưa đi các trại huấn luyện ở Sóc Trăng, Cây Diệp.

Hoạt động của địch gây cho ta nhiều khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị quân sự của Đặc khu ủy. Liên tiếp 9 cán bộ quân sự bị địch bắt giam khi chưa kịp phổ biến tinh thần Nghị quyết xuống các đơn vị. Trước âm mưu và hành động của địch, Đặc khu ủy chỉ đạo cho các đơn vị, địa phương chuyển trọng tâm công tác sang chống bắt lính và phá kế hoạch xây dựng quân đội bù nhìn của địch. Tuy nhiên, do cán bộ của ta lo giữ bí mật, tránh sự kiểm tra của địch nên hoạt động ít thu được kết quả. Trong hai tháng 8 và 9, một số cơ sở của ta bị phá vỡ ở quận 1 và quận 2. Ban Thường vụ Đặc khu ủy mất liên lạc với các quận 1, 2 và 4. Rải rác tại các quận, hộ trong thành phố, thanh niên và những gia đình có con em đến tuổi đăng lính đã tìm mọi biện pháp khôn khéo đấu tranh với địch. Mặc dù các cuộc đấu tranh này không phát triển thành phong trào rộng, nhưng trên thực tế có ảnh hưởng lớn đối với đồng bào, cán bộ, các đoàn viên, đội viên trong thành phố.

Tháng 10 năm 1951, chiến dịch kiểm tra bắt lính của địch lắng xuống. Tình hình trở nên ổn định hơn. Đặc khu bắt đầu triển khai các đội Quyết tử vào phụ trách từng khu vực hỗ trợ cho phong trào nội thành.

Đại đội 3721 hoạt động ở khu quân sự B (phía Sài Gòn - Nancy), khu Chợ Lớn mới, khu kĩ nghệ, hộ 15; lấy Vĩnh Lộc, Bình Trị Đông, Phú Thọ Hòa, hộ 15, chợ Thiếc làm căn cứ bàn đạp.

Đại đội 3824 hoạt động ở khu người Âu, khu hành chính, khu thương mại Hoa - Việt, khu trường bay, Phú Nhuận, Hòa Hưng, Vĩnh Hội; lấy An Phú Đông, Tân Thới Hiệp và vùng Bàn Cờ làm căn cứ bàn đạp.

Đại đội 2763 nặng về củng cố tổ chức, chấn chỉnh từng bộ phận, nâng cao trình độ kĩ thuật chiến đấu của trung đội 60 tập trung (chuẩn bị sau này tách cho các hộ), phát triển trung đội 55 đưa sâu vào quận 3 và các hộ 16, 15, 7, 8 làm nòng cốt cho việc xây dựng dân quân du kích cơ sở.

Do chủ yếu làm nhiệm vụ củng cố, xây dựng lực lượng nên trong thời gian này các đơn vị ít hoạt động tác chiến. Gần cuối năm 1951, chỉ có một số đơn vị bắt đầu chiến đấu lẻ tẻ (tháng 11 năm 1951 ném lựu đạn trước nhà hát Tây và trước dinh Xã Tây). Nhiều cán bộ chiến sĩ trong khi chưa ổn định xong thế đứng chân đã bị địch bắt ngay. Chỉ tính trong 5 tháng cuối năm 1951, ta bị địch bắt và sát hại 25 cán bộ trung đội và 35 cán bộ tiểu đội.

Để tránh bị lộ, vỡ lan rộng và tạo điều kiện phát huy hết khả năng của các ngành chuyên môn, đầu tháng 12 năm 1951, Thường vụ Đặc khu chủ trương tạm thời cắt đứt liên lạc ngang giữa các ngành chuyên môn với các cấp ủy quận, hộ nội thành. Các cơ quan chuyên môn đầu não ở ngoại thành chỉ huy thẳng ngành dọc của mình. Đồng thời, Đặc khu tiến hành tổ chức lại cơ quan Đặc khu ủy, lập ra các Ban cán sự (về Đảng) và cơ quan quân sự Đặc khu, họp nhất hai cơ quan tham mưu, chính trị làm một gọi là Ban tham mưu chính. Toàn bộ cơ quan Đặc khu ủy và cơ quan quân sự Đặc khu được chia thành 3 bộ phận bố trí ở 3 hướng xung quanh thành phố.

Ở hướng Bắc: Ban cán sự 1 do Đào Tấn Xuân chỉ đạo. Ban tham chính I do Nguyễn Chanh phụ trách. Căn cứ đặt tại Tân Long (Thủ Dầu Một).

Ở hướng Đông: Ban cán sự II do Nguyễn Hộ chỉ đạo. Ban tham mưu chính II do Nguyễn Tứ Phương phụ trách. Căn cứ đặt tại Nhơn Trạch (Long Thanh - Biên Hòa).

Ở hướng Tây: Ban cán sự (gồm bộ phận chính của cơ quan Đặc khu ủy) do Trần Quốc Thảo chỉ đạo. Ban tham chính III (cũng là bộ phận chính của cơ quan quân sự Đặc khu do Lương Đường Minh phụ trách. Căn cứ đặt bên sông Vàm Cỏ Đông (Chợ Lớn).

Việc chấn chỉnh lại hệ thống tổ chức Đảng và quân sự ở nội thành theo hướng gọn nhẹ, chia nhỏ đã tạo điều kiện bảo đảm sự chỉ đạo sát thực, làm cho các hoạt động kháng chiến ở từng nơi diễn ra chủ động, kịp thời và linh hoạt phối hợp với nhau.

Nhìn chung, từ tháng 8 năm 1950 đến cuối năm 1951 là giai đoạn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định bị địch bắt khủng bố, đánh phá ác liệt. Phong trào cách mạng bị tổn thất nặng nề. Các cấp ủy Đảng và chính quyền kháng chiến đã nỗ lực điều chỉnh tổ chức chiến trường, lực lượng, cũng như phương thức, biện pháp tiến hành đấu tranh nhằm đối phó với âm mưu và hành động của địch, đấu tranh giằng co quyết liệt với chúng, từng bước khôi phục và gìn giữ phong trào kháng chiến.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:47:11 am
II. THỰC HIỆN PHƯƠNG CHÂM PHƯƠNG THỨC ĐẤU TRANH THÍCH HỢP
TRÊN BA VÙNG KHÁNG CHIẾN, BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO
CÁCH MẠNG NỘI ĐÔ, GÓP PHẦN CÙNG TOÀN MIỀN VÀ CẢ NƯỚC
ĐÁNH THẮNG CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA THỰC DÂN PHÁP


Bước sang năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta trên cả nước đang phát triển thuận lợi. Tại chiến trường Bắc Bộ, giặc Pháp thua đau trong chiến cuộc đông xuân 1951-1952. Riêng ở Nam Bộ, chúng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách bình định, củng cố các vùng chiếm đóng, lấn sâu vào các khu căn cứ của ta hòng tìm cách tiêu hao sức chiến đấu và ngăn chặn hoạt động của lực lượng kháng chiến từ ngoại ô vào thành phố. Chúng tăng cường cướp bóc và tận dụng khả năng về nhân, vật lực tại chỗ nhằm duy trì tiến tới kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược.

Tại Sài Gòn, địch tăng cường thêm quân, mở rộng các căn cứ quân sự và đẩy mạnh đánh phá trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa. Lực lượng ngụy quân trong năm 1952 ở Sài Gòn và các tỉnh xung quanh là 41.866 tên (trong tổng số 77.234 tên trên toàn Nam Bộ), số Âu Phi là 21.165 tên (trong tổng số 33.807 tên trên toàn Nam Bộ). Sân bay Tân Sơn Nhất được mở rộng đến đường quốc lộ 1 đi Phnôm Pênh và qua con đường địa phương số 15 đi Hóc Môn. Một con đường xe lửa được xây dựng mới cùng với một con đường đã rộng 30 mét nối cầu Bình Lợi với Tân Sơn Nhất. Bình Lợi biến thành một quân cảng quan trọng dùng để chuyển tải vũ khí, đạn dược, nguyên liệu và quân dụng chiến tranh của Pháp vào khu vực kho tàng hậu cần lớn vừa được mở rộng ở An Hội và Hạnh Thôn, Gò Vấp. Cùng với việc mở rộng căn cứ quân sự, địch tăng cường hoạt động mật thám, tung do thám chỉ điểm thâm nhập vào nội bộ của ta. Chúng phân chia nhiệm vụ và phạm vi hoạt động giữa các loại tay sai như cảnh sát, mật thám, Bình Xuyên… nhằm tận dụng hết “sở trường” của bọn này trong nhiệm vụ đánh phá cách mạng. Ở ngoại thành, địch tiếp tục bình định khu vực vùng ven, đẩy lực lượng ta ra xa, tăng cường quyền lực cho chính quyền bù nhìn các cấp và ra sức tuyên truyền chia rẽ đường lối kháng chiến, chống phá Mặt trận đoàn kết toàn dân của nhân dân ta.

Để chống âm mưu, hành động của địch, đầu năm 1952, Ban chỉ huy quân sự Đặc khu đề ra nhiệm vụ chung là:

- Chống lại sự phát triển sâu rộng của bọn tai mắt cảnh binh, mật thám, công an, cảnh sát, Bình Xuyên, những hoạt động xâm nhập lấn vào cơ sở tổ chức của ta tích cực trừ gian, duy trì bằng được sự bảo tồn lực lượng và hoạt động kháng chiến của ta ở thành phố.

- Tăng cường ý thức phòng gian, phản gián và công tác bí mật, xây dựng khí tiết cách mạng, tinh thần quyết tử trong lúc bị địch bắt, tra tấn để bảo vệ tổ chức.

- Chỉnh đốn các cơ quan chuyên môn, giản chính triệt để, tăng cường chất lượng cán bộ, phân tán để nắm cho sát các đơn vị và bám sát được địa bàn hoạt động chung quanh thành phố. Đưa biệt động đội 2763 vào thành lập Ban quân sự quận 3 để xây dựng lực lượng vũ trang trong nội thành.

Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn tiếp nhận nhiệm vụ nêu trên trong hoàn cảnh không bớt khó khăn: phải luôn luôn đương đầu với địch mạnh hơn gấp bội về mọi phương diện và luôn tấn công ta hằng ngày hằng giờ, tình trạng thiếu cán bộ, thiếu chủ động và khó khăn trong việc đào tạo bổ tức cán bộ, huấn luyện đội viên, bộ máy chỉ huy lãnh đạo phần nhiều nằm ở ngoại thành, lại thiếu cơ sơ bàn đạp nên việc chỉ huy thường bị động, không sát thực tế và không kịp thời, phương tiện giao thông liên lạc yếu kém, việc phổ biến chủ trương không kịp thời và đúng lúc. Các đơn vị vũ trang của Đặc khu đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, ổn định một bước thế chân, bảo toàn lực lượng và thực hành một số trận chiến đấu đánh địch có hiệu quả.

Đêm tháng 3 năm 1952, đại đội Quyết tử Dương Văn Dương 2/300 phối hợp với một đại đội của tiểu đoàn 300 đánh tàu Lataken trên sông Soài Rạp. Tàu Tataken có trọng tải lớn nhất trong đoàn tàu của hãng SITA, chuyên vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực từ Sài Gòn đi Phnôm Pệnh (bằng đường sông Sài Gòn - Soài Rạp - Vàm Cỏ Đông - Mê Kông). Nhờ bố trí được trinh sát nằm trong hãng SITA, nắm được quy luật hoạt động vận chuyển của địch, đại đội 2/300 quyết tâm đánh tàu. Đơn vị xây dựng một đội đặc công nước gồm những chiến sĩ có khả năng bơi lặn giỏi hàng kilômét trên sông trong điều kiện có sóng gió mạnh. Trận đánh diễn ra nhanh gọn. Các chiến sĩ đặc công nước bơi ra giữa sông, ném móc leo lên tàu Talaken, dùng súng và lựu đạn khống chế bắt tài công và thủy thủ lái tàu vào xóm Rạch Lá, nơi có lực lượng phục kích của ta chờ sẵn. Ta thu 4 ôtô Peugeot, 100 xe đạp Peugeot, nhiều tấn bột mì, nhiều dụng cụ máy phay, máy tiện và các loại hàng hóa khác, sau đó đánh chìm tàu và dùng ghe chở chiến lợi phẩm về căn cứ an toàn. Đây là trận đánh đặc công nước đầu tiên của đại đội 2/300.

Đêm ngày 15 tháng 3 năm 1952, tổ đặc công Lê Văn Thọ cùng nhiều chiến sĩ huyện đột Gò Vấp đột nhập đốt cháy kho bom An Hội. Sau đó đêm 31 tháng 8 năm 1952, đại đội Quyết tử 3721 (chuyển thành đơn vị 205 đặc công) tổ chức một nhóm 3 đồng chí (Cung, Thanh, Liên) dùng mìn làm nổ tung 52000 tấn bom đạn các loại và trên 2000 phuy xăng tại khu vực Phú Thọ Hòa. Tiếng nổ kéo dài hơn một ngày đêm, cả Sài Gòn và vùng lân cận rung chuyển dữ dội. Một đại đội lính Âu Phi canh gác khu vực bị thương vong nặng.

Ngày 18 tháng 9 năm 1952, đơn vị quyết tử Thành lại tổ chức một tổ do Nguyễn Văn Cứng chỉ huy, cùng chiến sĩ Bùi Văn Ba vào nội thành, phối hợp với một chiến sĩ nội tuyến tiến công câu lạc bộ sĩ quan không quân Pháp tại góc đường Mac Mahon - Mayer (Nam Kì khởi nghĩa và Võ Thị Sáu ngày nay), diệt 60 sĩ quan Pháp.

Cuối năm 1952, các đồng chí Nguyễn Văn Linh (Bí thư Đặc khu ủy) và Phạm Ngọc Thạch (Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chánh Đặc khu) và chiến khu Việt Bắc nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Trần Quốc Thảo đảm nhận nhiệm vụ Quyền Bí thư Đặc khu ủy. Tổ chức lãnh đạo và chỉ đạo của Đặc khu vẫn nằm trong tình trạng bị phân tán, mặc dù có sát cơ sở hơn.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:47:59 am
Tại Gia Ninh, từ năm 1952 trở đi, trừ vùng Dương Minh Châu và huyện Châu Thành, còn lại đều trở thành vùng tạm bị chiếm. Địch tăng cường đánh phá, thực hiện âm mưu “tát nước bắt cá”, dồn lực lượng kháng chiến vào thế phải đầu hàng. Sự tranh chấp giữa ta và địch rất quyết liệt. Chúng tăng cường mức độ càn quét gấp nhiều lần so với những năm trước, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương chính sách của ta nhằm gay mất đoàn kết giữa cán bộ, bộ đội với đồng bào, phong tỏa gắt gao vùng ta kiểm soát, hòng không để một hạt gạo, một viên thuốc lọt ra vùng du kích, vùng căn cứ. Máy bay địch ngày đêm đánh phá, ném bom bừa bãi những nơi chúng nghi là cơ quan, chỗ đóng quân của ta. Chúng tung do thám, gián điệp, quân biệt kích vào các cuộc hành quân càn quét. Mặc dù sống trong vùng kìm kẹp ngặt nghèo của địch, đơn vị vùng tạm chiếm vẫn tham gia công tác kháng chiến. Từ những bà má chuyên lo đào hầm bí mật đến các em nhỏ chăn trâu ngoài đồng, tất cả đều biết lợi dụng sơ hở của địch để hoạt động có lợi cho cách mạng. Nhờ rút kinh nghiệm về phương pháp đấu tranh sát hợp và thiết thực, phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh chống bắt lính, chống đuổi nhà, chống tập trung dân, kết hợp với đấu tranh vũ trang được đẩy mạnh. Nhiều tên tề điệp nguy hiểm bị trừng trị ngay giữa thị trấn Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức… Nhiều bản án xử tội bọn Việt gian được đưa tận tay bọn chóng. Du kích bắt đầu đánh những trận bất ngờ, chớp nhoáng vào ngay những nơi mà địch cho là an toàn như Phú Xuân, Tân Thuận (Nhà Bè), Long Bình, Tam Đa (Thủ Đức).

Ở các vùng căn cứ, nhân dân cùng với bộ đội, du kích tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ căn cứ địa, tăng gia sản xuất, từng bước xây dựng nền kinh tế kháng chiến. Nổi bật nhất là hoạt động tạm cấp ruộng đất và đóng thuế nông nghiệp. Đến mùa thu năm 1952, toàn tỉnh Gia Ninh đã cấp được trên một nghìn khẩu phần đất cho nông dân nghèo. Nhân dân hăng hái nộp thuế bằng các sản phẩm tự sản xuất được (hoặc bằng tiền) một cách tự nguyện. Phong trào đóng thuế nông nghiệp cho Chính phủ kháng chiến lan rộng vào cả vùng tranh chấp và tạm bị chiếm. Tại vùng tạm bị chiếm, định mức thuế bằng lúa gạo được tính thay bằng hàng hóa khác, hoặc bằng tiền. Giặc Pháp biết đồng bào có nộp thuế cho cách mạng, nhưng không ngăn chặn được. Bà con nông dân nói thẳng với bọn tề ngụy là phải làm nghĩa vụ cho cả “hai bên”, và không làm như vậy thì vùng tạm chiếm không thể sống “yên” được. Bọn ngụy sợ chết, sợ Việt Minh đánh bất ngờ, phải chịu thua trước lí lẽ của nhân dân.

Tháng 10 năm 1952, một cơn bão ập đến, tàn phá dữ dột, gây nên nạn úng lụt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ. Cả vùng phía Bắc Đặc khu bị chìm trong mưa, bão và ngập nước trong suốt nửa tháng trời. Nhiều nhà cửa, kho tàng bị đổ sập, hàng loạt vườn ruộng đang trồng cây lương thực và hoa màu bị cuốn sạch, hoặc bị thối rữa do chìm dưới 2, 3 mét nước. Hậu quả trực tiếp và nghiêm trọng nhất của bão lụt là gay ra nạn đói. Hàng vạn chiến sĩ đồng bào ở vùng căn cứ lâm vào cảnh thiếu ăn từng ngày. Tiêu chuẩn gạo của bộ đội ngày càng giảm dần, có lúc chỉ còn 2,5kg gạo trong một tháng. Thậm chí có nơi không đủ gạo nấu cháo cho thương binh ăn. Để ổn định đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh, Tỉnh ủy Gia Ninh chủ trương:

- Tắt cả cơ quan, dân, chính đều phải đẩy mạnh sản xuất, trồng cây hoa màu ngắn ngày và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

- Tổ chức đường dây vận tải tiếp tế lấy gạo từ các tỉnh miền Tây về để cứu đói.

- Tập trung thu thuế nông nghiệp ở vùng tranh chấp và vùng giải phóng không bị thiên tai (ở mỗi vùng có biện pháp khác nhau).

- Vận động nhân dân tích cực đóng góp ủng hộ cho cách mạng.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, sau cơn bão lụt, tất cả cán bộ, công nhân cơ quan của tỉnh đều được huy động vào công tác vận tải tiếp tế và sản xuất. Hình ảnh đội quân tải gạo từ kinh Ba Đồng Tháp Mười về các khu căn cứ miền Đông còn ghi lại dấu ấn sâu dậm trong lòng cán bộ và chiến sĩ Sài Gòn - Gia Định. Đó là những đoàn người gánh hoặc đội gạo băng qua “đồng chó ngáp”, suốt đêm không một chỗ nghỉ chân, không một chỗ đất khô để có thể đặt được 20kg gạo đội trên đầu xuống, những cuộc chiến đấu quyết liệt chống lại địch phục kích, tập kích đánh chặn dọc đường vận tải, máu chảy thấm đỏ những bông gạo. Khắp vùng căn cứ, đơn vị cơ quan nào cũng tích cực tham gia sản xuất. Nước rút đến đâu, khoai lang, bắp được trồng ngay đến đấy. Vịt, gà, heo được nhân giống và nuôi rộng rãi khắp các đơn vị cơ quan. Song song với việc khắc phục nạn đói, các mặt công tác văn hóa, xã hội cũng được tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện. Các huyện xây dựng được bệnh viện, xã có nhà bảo sanh để phục vụ nhân dân. Chính quyền cách mạng được củng cố. Ta còn lập các tòa án cách mạng để xét xử bọn Việt gian phản động. Công tác xóa nạn mù chữ được duy trì và phát triển khắp nơi. Hoạt động quân sự bắt đầu có chuyển biến. Tỉnh xây dựng tốt tiểu đoàn tập trung, các đại đội địa phương huyện. Hầu hết các xã đều có tiểu đội du kích. Lực lượng ba thứ quân ngày càng phát triển về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Tại Bà Chợ, bộ đội địa phương Nhà Bè kết hợp với một trung đội của huyện Cần Giuộc và một tiểu đội của huyện Cần Đước thành lập bộ đội địa phương liên huyện. Các đơn vị lựa một số cán bộ chiến sĩ làm nòng cốt xây dựng các đội binh chủng chuyên môn của huyện (trinh sát, đặc công, thủy lôi, hỏa tiễn). Đầu năm 1952, bộ đội địa phương chuẩn bị chiến trường phối hợp với tiểu đoàn 300 đánh chi khu Cầu Giờ. Chi khu này do hai đại đội thân binh (Partisan) đóng giữ, dưới quyền chỉ huy của tên quan hai người Pháp Alséry. Đây là một căn cứ quan trọng nằm trong hệ thống phòng thủ cửa biển ra vào sông Lòng Tàu của Sài Gòn. Lực lượng tiến công của ta gồm 1 đại đội của tiểu đoàn 300 do Nguyễn Văn Bứa chỉ huy và đại đội địa phương Liên Huyện do Trần Minh Tâm chỉ huy. Đêm 29 tháng 1 năm 1952, quân ta ở Long Thạnh và Đồng Hòa được nhân dân địa phương giúp đỡ phương tiện di chuyển bất ngờ đột nhập từ phía biển lên. Sau khi được nhân dân Cần Thạnh cung cấp tin tức chi tiết về lực lượng bố phòng và tình hình nội bộ của địch, nửa đêm ta bất ngờ đột kích (có nôi ứng hợp đồng mở cửa) nổ súng tấn công. Hai đại đội Partisan bị diệt gọn cùng tên trung úy Pháp. Ngay lúc bắt đầu nổ súng vào đồn chính, mũi xung kích đã phát loa kêu gọi làm rã một trung đội lính Cao Đài. Ta phá hủy một tháp canh. Bọn lính trong 5 tháp canh khác phải tháo chạy. Lực lượng ta làm chủ quận lị suốt đêm mồng 3 tết cho tới sáng. Đây là trận tiêu diệt căn cứ cấp huyện đầu tiên ở miền Đông Nam Bộ kể từ sau ngày Nam Bộ kháng chiến. Sáng hôm sau khi chiến trường vừa mới được thu dọn xong, quân Pháp đem 38 tàu chiến và tàu đổ bộ đến phong tỏa lực lượng của ta ở đây. Tàu chiến của địch đến vừa lúc các đơn vị của ta đang vượt sông Đồng Tranh. Địch phát hiện liền cho bủa vây toàn bộ các sông rạch ở vùng này. Một cánh quân lực lượng ta thoát khỏi vòng vây. Riêng hai cánh quân của Ngô Quang Phiếu và Trần Minh Tâm bị kẹt lại. Mười đêm ròng rã thiếu nước, đói cơm, các chiến sĩ phải sống bằng cua biển và bần chua. Đang trong lúc hiểm nghèo thì đơn vị Ngô Quang Phiếu gặp hai cha con ông già bán dưa hấu. Chiếc ghe chở dưa hấu của cha con ông già ở bên kia sông Đồng Tranh bị cuộc vây tỏa của giặc nên bị kẹt lại. Nhờ có dưa hấu, nhiều chiến sĩ trong tình trạng hôn mê được cứu sống. Sau cùng, cô gái tình nguyện ôm một cặp dưa bơi qua sông để báo cho đồng bào bên đó chuẩn bị đón bộ đội về. Riêng ông lão thì dẫn bộ đội qua một ngã mà ông biết giặc bố phòng lỏng lẻo. Ở đó cứ 15 phút có một chiếc tàu tuần tiễu chạy qua. Lợi dụng chiếc tàu tuần vượt qua, chiếc xuồng của ta lao băng qua sông. Cứ như vậy sau hơn 20 chuyến, chiếc xuồng của cha con ông bán dưa hấu đã đưa toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị Ngô Quang Phiếu vượt sông an toàn.

Cánh quân của Trần Minh Tâm chạm địch và chiến đấu quyết liệt trên sông Lò Vôi. Do địch đông và hỏa lực mạnh nên 150 người của ta phải phá vây thoát ra biển. Cả đại đội lạc vào rừng bốn bề là nước mặn, mọi người phải bắt sò hút nước và ăn đọt chà là để sống. Đến ngày thứ 9, cả đại đội men theo sông lên hướng Bắc để tìm dân, nhưng giữa chừng phải nằm lại vì bị tàu giặc chặn sông. Đến ngày thứ 10, gặp một người dân đi lấy củi, được người này đưa đường cắt rừng vượt vòng vây của giặc về căn cứ an toàn.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:48:59 am
Sau thắng lợi trận đánh chi khu Cần Giờ, bộ đội địa phương Liên huyện chấn chỉnh lại tổ chức, học tập rút kinh nghiệm cho những trận đánh sau. Tháng 7 năm 1952, lại tiến công bót Bà Nghĩa, tiêu diệt hai tiểu đội Âu Phi, thu toàn bộ vũ khí. Sau trận đánh, địch huy động 2 tiểu đoàn do một quan năm Pháp chỉ huy càn quét trả đũa, ta diệt thêm một trung đội địch. Ngày 23 tháng 9 năm 1952, phối hợp với đặc công, đội binh chủng chuyên môn Liên Huyện tiêu diệt bót Bình Thạnh, diệt gần một trung đội lính Cao Đài. Liên tiếp trong các ngày 25, 26 tháng 9, ta chống địch càn quét, đánh chìm ba tàu trên sông Chàng Hảng và Bà Nghĩa, bẻ gẫy đợt càn quét của địch (có cả lính Âu Phi), một tên quan ba, một tên quan tư và nhiều hạ sĩ quan Pháp. Trong những tháng cuối năm 1952, lực lượng vũ trang Liên Huyện phối hợp với các bộ phận trinh sát, đặc công diệt bót Mĩ Khánh (giết chết hai tiểu đội lính Cao Đài), đánh tiêu hao nặng tiểu khu Cần Đước (diệt hầu hết số sĩ quan chỉ huy và hơn một trung đội lính địch).

Hơn một năm thành lập, lực lượng vũ trang Liên Huyện được nhân dân giúp đỡ đã tích cực bám sát địa phương, linh hoạt chiến đấu, tiêu diệt tiêu hao nhiều sinh lực địch, thu nhiều vũ khí, bảo vệ chính quyền cách mạng cơ sở, góp phần đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh trên địa bàn sát phía Nam thành phố. Cuối năm 1952, lực lượng vũ trang Liên Huyện được Bộ Tư lệnh phân liên khu miền Đông đề nghị Bộ Tổng tư lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba.

Sang năm 1953, diễn biến thực tế trên chiến trường chung có nhiều thay đổi có lợi cho ta. Giặc Pháp đang ở thế bị động. Do phải đưa lực lượng ở Nam Bộ ra chi viện cho chiến trường Trung và Bắc Bộ, các đơn vị tinh nhuệ của địch phần lớn được rút lui; số quân viễn chinh Pháp giảm xuống rõ rệt. Để bù vào chỗ thiếu hụt, chính phủ bù nhìn Bảo Đại ban hành lệnh động viên, ra sức bắt lính, xây dựng gấp rút các đơn vị ngụy quân. Với lực lượng còn lại rất mỏng, địch tập trung vào củng cố các đô thị và các nơi trọng yếu gần vùng căn cứ kháng chiến của ta.

Tại Sài Gòn, đầu năm 1953, hoạt động bắt lính của địch ở nội thành và các nơi đông dân diễn ra ráo riết. Các cuộc lùng sục vây ráp lục soát sảy ra thường xuyên cả ngày lẫn đêm. Địch bắt được một số lượng thanh niên đánh kể đưa vào phục vụ trong các đơn vị ngụy quân mới được thành lập. Do địch vây ráp ác liệt, một số ít cán bộ chiến sĩ và cơ sở của ta nao núng ra đầu hàng. Địch lợi dụng tin tức khai thác được, ra sức đánh phá các cơ sở của ta còn lại trong nội thành. Với trên hai vạn cảnh sát, công an, chúng ngăn chặn được phần lớn sự hoạt động đi lại của ta, gây cho ta rất nhiều khó khăn. Đánh giá về tình hình bảo đảm an ninh ở Sài Gòn - Chợ Lớn, địch huênh hoang khẳng định: đã ngăn chặn được mọi sự phá hoại, ám sát và các hoạt động chính trị của Việt Minh (!)

Tình hình thiếu cán bộ lãnh đạo chỉ huy ở nội thành vẫn diễn ra. Một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đặc khu được điều động đi nhận công tác khác từ cuối năm 1952. Một số bị địch bắt, một số được rút đi học, số lượng cán bộ của Đặc khu còn lại rất ít, hoạt động phân tán, địa bàn cách xa nên không đủ sức để chỉ đạo trực tiếp phong trào nội thành.

Trước tình hình đó, Đặc khu ủy chủ trương: 1) Giải thế các ban tham chính, tập trung một số cán bộ cốt cán về một đầu mối để hoạt động có hiệu quả hơn. 2) Rút một số cán bộ trong nội thành và các ban tham chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đặc khu ra ngoài chiến khu để học lớp chỉnh huấn mang tên Trường Chinh của Trung ương Cục. 3) Đặc khu ủy phân công đầu mối trực tiếp chỉ đạo ở nội thành.

Thực hiện chủ trương của Đặc khu ủy, đa số các đồng chí lãnh đạo chủ chốt được triệu tập ra chiến khu để học tập. Cho đến cuối năm 1953, Đặc khu ủy chỉ còn lại hai đồng chí. Mặc dù thiếu cán bộ, cơ sở bị lộ vỡ và đứt liên lạc nhiều, nhưng đồng bào thành phố, đặc biệt công nhân trong các hãng xưởng, vẫn chủ động đấu tranh. Đáng kể là những trận đấu tranh của 3000 công nhân lao động dịch vụ ở các trại nhà binh (tháng 9 năm 1953), công nhân các nhà in Danh, Viễn Đông ấn quán (tháng 10 năm 1953), công nhân hãng dầu Shell (tháng 10 năm 1953), công nhân ô tô buýt, công nhân dệt (tháng 11 năm 1953). Cùng với các cuộc đấu tranh của công nhân, xí nghiệp, đồng bào lao động vùng Xóm Chiếu, cầu Cống (Khánh Hội) đấu tranh đòi chính quyền phải sửa chợ, xây dựng trường học, nhà bảo sanh… Lúc đầu hình thức làm đơn kí tên, phân công từ 10 đến 20 chị em phụ nữ đón gặp các “ông nghị” để đưa đơn. Về sau địch cho lính đuổi bắt, ta tổ chức đồng bào biểu tình để vạch mặt chúng. Trước tinh thần đấu tranh của đồng bào, địch không dám cho cảnh sát xuống đuổi chợ nữa và cho sửa lại chợ Xóm Chiếu, đồng thời cho dọn về sinh ở các khu lao động. Cuộc đấu tranh giành được thắng lợi.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:49:59 am
Tại Gia Định, cuối năm 1952 sang đầu năm 1953, tình hình trong tỉnh vẫn trong tình trạng hết sức khó khăn. Tuy địch có rút bớt lính Âu Phi, song khu vực xung quanh Sài Gòn, ngụy quân, ngụy quyền và các loại tay sai phản động còn dày đặc. Chúng mở các đợt đánh ta quyết liệt, triền miên ở nhiều nơi, có trận rất nặng nề. Trong lúc đó, chúng ta vẫn chưa chuyển kịp phương châm đấu tranh trên từng vùng cho phù hợp với hoàn cảnh. Việc tổ chức chống lại địch do đó thường bị động, lúng túng, ít hiệu quả, và bị tổn thất nặng. Riêng ở Gò Vấp trong ba tháng cuối năm 1952 và đầu năm 1953, giặc giết gần 200 cán bộ quân dân chính huyện, xã. Ở Trung Huyện, 2 tháng, cán bộ ta chết gần 1000 người. Một bộ phận lớn nhân dân buộc phải bỏ ra vùng tạm bị chiếm. Số cán bộ chiến sĩ ta dao động bỏ ngũ ngày một đông hơn. Đặc biệt ở Đức Hòa Thành, trong thời gian 3 tháng đã có gần 400 cán bộ, đội viên, nhân viên cơ quan bỏ ngũ (trong đó có 1 ủy viên thường vụ huyện ủy và 1 huyện ủy viên). Trong một vài xã căn cứ (Đông Thành cũ), dân bỏ đi đến 80-92%.

Trước tình hình khó khăn trên, tháng 4 năm 1953, tỉnh ủy họp hội nghị cán bộ, uốn nắn biểu hiện tư tưởng giảm sút ý chí chiến đấu, bồi dưỡng nhiệt tình và phương pháp đấu tranh cách mạng. Hội nghị đã quán triệt nhiệm vụ và phương thức chuyển hướng hoạt động theo phương châm ba vùng của Trung ương Đảng, tạo lại thế đấu tranh mới, nhằm giữ vững phong trào du kích chiến trong lòng địch, chuyển vùng tạm bị chiếm sang vùng du kích, tiến tới giải phóng từng nơi.

Đa số cán bộ trong tỉnh hiểu không đầy đủ nội dung chuyển hướng phương pháp công tác của trên đã có những biểu hiện hữu khuynh trong chỉ đạo phong trào ở các địa phương. Tỉnh ủy lại bận lo sắp xếp thu hẹp lại tổ chức cán bộ để tránh bị tổn thất. Một số cán bộ có tư tưởng thúc thủ, chịu chấp nhận cho địch lấn chiếm các vùng du kích, vùng bàn đạp để bảo vệ người, bảo vệ cơ sở.

Việc triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh tại các địa phương thiếu sự thống nhất, đồng bộ. Đến mùa hè năm 1953, phong trào du kích chiến tranh trên toàn tỉnh bị giảm sút rõ rệt. Địch chiếm được một số vùng căn cứ bàn đạp của ta ở Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp. Mọi hoạt động kháng chiến ở vùng tạm bị chiếm gần như ngừng hẳn. Tại các căn cứ, bộ đội, cán bộ gặp nhiều khó khăn về lương thực, thực phẩm và các loại hàng hóa cần thiết khác.

Tháng 10 năm 1953, Tỉnh ủy Gia Ninh triệu tập Hội nghị cán bộ kiểm điểm tình hình thực hiện sự chuyển hướng. Tỉnh ủy đã tự kiểm điểm về những khuyết nhược điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo 6 tháng vừa qua và đề ra một số biện pháp nhằm kịp thời chỉ đạo uốn nắn lệch lạc ở các địa phương, từng bước đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh ở cả ba vùng kháng chiến, đẩy mạnh tiến công ở vùng sau lưng địch. Sau hội nghị, Tỉnh ủy Gia Ninh thận trọng sắp xếp lại cán bộ Đảng và chính quyền các cấp, cử cán bộ phối hợp với các đội đặc phái, đội vũ trang tuyên truyền tỏa về cơ sở vùng du kích và vùng tạm bị chiếm hoạt động khôi phục và xây dựng mới các cơ sở, phát triển lực lượng du kích. Lực lượng vũ trang tỉnh và huyện đẩy mạnh tiến công địch trở lại. Cuối năm 1953, ta chủ động tấn công vào các căn cứ của quân đội Cao Đài phản động ở bót cầu Ván, bót cầu Xe, An Tịnh (Trảng Bàng), đánh những trận giao thông chiến trên đường 22 (Tây Ninh), đường số 10 (Đức Hòa)… Ngoài lực lượng địa phương tỉnh, tiểu đoàn chủ lực của phân liên khu miền Đông 302 phối hợp lưu động đánh một số trận lớn. Tháng 8 năm 1953, đại đội 80/302 đã chặn đánh tiểu đoàn 61BVN ngụy càn vào căn cứ Đức Hòa, diệt 105 tên. Tiếp đó, ngày 13 tháng 9, tiểu đoàn 302 lại đánh gãy cuộc càn quét của một tiểu đoàn Lê dương, tiêu diệt 70 tên, làm bị thương 33 tên, bắt sống 25 tên khác. Những trận đánh lớn trên đây làm tăng thêm tin tưởng của nhân dân đối với cách mạng. Tinh thần của quần chúng lên cao. Trong vùng địch kiểm soát, quần chúng tự động bao vây đồn bót địch, bao vây bọn tề điệp, trừng trị bọn ác ôn, làm tê liệt mọi hoạt động của chúng. Những tên có nợ máu với nhân dân buộc phải chuyển vùng, chạy ra thành thị. Phong trào kháng chiến phát triển rầm rộ trở lại. Nhiều người dân trước kia bỏ ruộng vườn đi nơi khác nay trở về quê cũ làm ăn. Hàng rào ngăn cách giữa đồng bào vùng địch tạm chiếm, vùng thành thị với đồng bào vùng căn cứ, vùng nông thôn do ta kiểm soát bị phá vỡ. Chính sách phong tỏa bao vây kinh tế của địch mất dần tác dụng. Không khí phấn khởi lạc quan lan nhanh trên cả hai vùng: vùng ta kiểm soát và vùng giặc tạm chiếm.

Tại chiến trường Rừng Sác, quân địch do bị giảm quân số nên ít tổ chức tấn công, càn quét bằng bộ binh. Thay vào đó chúng cho máy bay, pháo binh bắn phá vào căn cứ của ta. Song song với việc bắn phá, địch tăng cường công tác do thám, gián điệp và điều tra cán bộ, nhân viên ta cho về hoặc đào ngũ để khai thác tài liệu, giúp các đội biệt kích đột kích đánh phá. Riêng trong tháng 4 năm 1953, liên tiếp trong 20 ngày liền, máy bay địch ném hàng trăm trái bom xuống Rừng Sác ở Rạch Cát. Chúng tập trung hàng chục khẩu đại bác ngày đêm nhả đạn vào nơi nghi vấn. Các đơn vị vũ trang của Liên Huyện vẫn giữ vững tinh thần, tiếp tục bám địa bàn, tăng gia sản xuất để tự cấp, tự túc. Tháng 8 năm 1953, hai trung đội của Liên Huyện đánh tan hai trung đội biệt kích của địch, bảo vệ an toàn các cơ quan dân chính đảng của huyện và các xã. Tháng 11 năm 1953, bộ đội Liên Huyện phối hợp với lực lượng binh chủng chuyên môn đánh chìm hai tàu địch, diệt hơn một trung đội biệt kích. Tiểu đoàn 300 của tỉnh cũng liên tiếp đánh vào địch trên sông Lòng Tàu, Soài Rạp, Bà Nghĩa, Đồng Tranh. Chỉ tính từ tháng 6 năm 1953 đến tháng 7 năm 1954, tiểu đoàn 300 cùng với lực lượng vũ trang Liên Huyện đã đánh chìm 32 tàu giặc, diệt hàng trăm tên địch, trong đó có 1 trung tá, 1 thiếu tá, 4 đại úy và nhiều sĩ quan Pháp khác.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:50:37 am
*
*   *

Cuối năm 1953, cuộc kháng chiến của quân và dân ta đang có những bước phát triển quan trọng. Tại Nam Bộ, Trung ương Cục điều một số cán bộ từ các nơi về bổ sung cho Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn để tăng cường khả năng lãnh đạo phong trào nội thành. Phần lớn số cán bộ của Đặc khu ra vùng giải phóng chỉnh huấn xong cũng được đưa về nội thành tiếp tục hoạt động. Đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh về làm bí thư Đặc khu ủy. Trên cơ sở đó, Đặc khu thành lập hai ban cán sự nội thành:

- Ban cán sự A phụ trách công tác chỉ đạo phong trào trong giới công nhân lao động, bao gồm cả lao động ở địa bàn dân cư, do Huỳnh Văn Tâm (Hai Lợi) làm bí thư.

- Ban cán sự B phụ trách vận động các tầng lớp trí thức lớp trên và học sinh, sinh viên, công chức, do Huỳnh Tấn Phát làm bí thư.

Để có đủ cán bộ chỉ đạo phong trào nội thành đáp ứng với nhu cầu trong tình hình mới, sang năm 1954, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn cử Huỳnh Văn Tâm đưa một số cán bộ ra ngoài chiến khu mở lớp tập huấn công tác, đồng thời đề nghị Trung ương Cục cho thêm một số cán bộ ở tỉnh về học tập để bổ sung cho thành phố. Vừa tập huấn, vừa tranh thủ củng cố lại tổ chức Đảng, Đặc khu ủy xây dựng kế hoạch thành lập các chi bộ từ ngoài chiến khu từng bước đưa về bố trí hoạt động trong nội thành. Mặt khác, Đặc khu còn cử Trần Quốc Thảo trực tiếp vào nội thành xây dựng các chi bộ hoàn toàn mới nhằm tránh bị lộ hoặc bị địch cài gián điệp vào phá hoại. Toàn bộ công tác sắp xếp phát triển lực lượng nêu trên được thực hiện chuẩn bị cho hai khả năng có thể xảy ra:

1/ Nếu có hiệp định hòa bình, phải chuẩn bị gấp cho phong trào ra hoạt động công khai.

2/ Xây dựng các tổ chức hoàn toàn mới để phù hợp với tình hình diễn biến có thể xấu đi.

Bước sang năm 1954, nhờ có lực lượng cán bộ hùng hậu, tổ chức chặt chẽ và hợp lí, phong trào ở Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn từng bước được củng cố, ổn định và phát triển trở lại.

Tại Gia Ninh, sang năm 1954, phong trào kháng chiến cũng có những bước phát triển mới. Du kích chiến tranh phát triển đều và khá rộng khắp. Nhiều nơi, quần chúng tự động nổi dậy cướp đồn bót địch. Ban đêm, nông dân tay cầm dao, tay cầm cuốc xông vào bao vây bót, kêu gọi địch đầu hàng, thiêu hủy đồn bót. Phong trào bao vây đồn bót địch nổi lên khắp toàn tỉnh. Chỉ trong tháng 3 năm 1954, gần 20 đồn bót địch đã bị nhân dân tiêu diệt. Cùng với phong trào lấy bót giặc, tiểu đoàn 306 liên tục chống càn và tiến công địch khắp mọi nơi. Ngày 10 tháng 3 năm 1954, tiêu diệt gọn một đơn vị địch từ bót Lí Văn Mạnh hành quân vào cầu Xáng (Trung Huyện). Cũng trong tháng 3, tiểu đoàn đã tiêu diệt một trung đội Cao Đài phản động ứng chiến liên khu vực đi bắt xâu tại ấp Lộc Vinh. Ngày 21 tháng 5 năm 1954, tiêu diệt gần 1 đại đội Cao Đài trên đường số 6 phía Nam Trảng Bàng…

Tại Liên Huyện, theo chủ trương của Tỉnh ủy Bà Chợ, sau một thời gian dài chiến đấu trên chiến trường Rừng Sác, các đơn vị thay nhau lần lượt rút về hậu cứ một thời gian ngắn để củng cố rồi trở lại địa bàn giúp dân đấu tranh với địch, hỗ trợ cơ sở tại chỗ diệt tề, trừ gian, phá thế kềm kẹp. Tháng 2 năm 1954, tại chợ Mới Long Định, lực lượng vũ trang Liên Huyện bắt sống tên Cai Tổng, một Việt gian khét tiếng độc ác. Sau đó, các trung đội tỏa về phía Nam huyện đánh mạnh vào các cứ điểm của địch và đẩy mạnh phong trào quần chúng nổi dậy trừ gian, diệt tề. Từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1954, lực lượng vũ trang huyện đã tiêu diệt 4 bót, 4 tháp canh và đánh 5 trận lớn nhỏ, tiêu hao nặng 5 bót khác, diệt 150 tên, bắt sống trên 100 tên và thu nhiều vũ khí.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:51:11 am
*
*   *

Nhịp độ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra mau lẹ, khẩn trương trong những ngày đầu mùa hè 1954. Ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Tin tức từ Điện Biên Phủ và hội nghị Genève bay về làm nức lòng đồng bào Nam Bộ, thúc dục đồng bào Nam Bộ tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh một cách toàn diện công cuộc kháng chiến, giành những thắng lợi cao nhất.

Trong nội thành Sài Gòn, phong trào đấu tranh chính trị của các giới diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các báo tiếng Việt, tiếng Pháp xuất bản ở Sài Gòn đưa tin thất bại thảm hại của Pháp ở Điện Biên Phủ và diễn biến cuộc hòa đàm ở Genève. Công nhân ở các nhà máy, học sinh ở các trường học bãi công, bãi khóa hàng loạt. 352 trí thức Sài Gòn kí vào bản tuyên ngôn đòi quân đội Pháp ngừng cuộc chiến tranh xâm lược. Cơ sở của ta phục hồi và phát triển rộng khắp trong các quận, hộ nội đô. Các lõm du kích hình thành và lấn sâu vào sát thành phố. Tinh thần quân Pháp và ngụy quân, ngụy quyền ở Sài Gòn lung lay, có nơi đã bộc lộ sự rệu rã. Hệ thống đồn bót xung quanh thành phố bị co rút lại. Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Nam Bộ, tướng Bondis phải kêu lên: “Nguy cơ có thể mất Sài Gòn”.

Ỏ vùng ngoại ô thuộc tỉnh Gia Định và Bà Chợ, Thủ Biên, phong trào du kích chiến tranh phát triển đều khắp. Bộ đội kết hợp với du kích địa phương vừa chống càn, phục kích, tập kích, vừa cùng nhân dân “làm địch ngụy vận”, diệt được nhiều địch, bức rút hàng chục đồn bót, làm tan rã phần lớn lực lượng tề ngụy. Nhiều vùng nông thôn ở Hóc Môn, Trung Huyện, Liên Huyện, Thủ Đức, Nhà Bè được giải phóng. Các căn cứ địa, lõm du kích bàn đạp được mở rộng, trở thành một hệ thống thông nối khá liên hoàn xung quanh thành phố, làm chỗ dựa cho các lực lượng nội thành đẩy mạnh hoạt động vũ trang.

Chỉ hơn ba tuần sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Quyết Tử quân Sài Gòn đã đánh bồi cho quân Pháp một đòn choáng váng, vào đêm 31 tháng 5 rạng ngày 1 tháng 6 năm 1954. Đó là “sự kiện kho bom Phú Thọ Hòa”. Kho Phú Thọ Hòa nằm trong một cánh rừng cao su rộng trên 3km2 ở phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất. Kho bom chia làm ba khu vực, gồm nhiều dãy nhà kho lớn chứa bom đạn các loại và xăng dầu của quân viễn chinh Pháp. Nó được mệnh danh là “dạ dày của cuộc chiến tranh” của quân đội Pháp ở Nam Bộ. Để bảo vệ kho, địch tổ chức một hệ thống phòng thủ kiên cố, nghiêm ngặt. Xung quanh khu vực kho có những bót gác (cách nhau 100 mét) và các trụ điện (cách nhau 25 mét) có gắn đèn pha cực mạnh, đường giao thông giành cho xe cơ giới qua lại tuần tiễu thường xuyên, 6 lớp rào gai và đường mương (rộng 5 mét) già mìn dày đặc. Một đại đội lính Âu Phi và chó bécgiê làm nhiệm vụ túc trực canh gác trong kháng chiến kho. Lính ngụy tuần tiễu vùng ngoài hàng rào và thường xuyên lùng sục càn quét ở các khu vực xóm ấp xung quanh.

Từ cuối tháng 5 năm 1954, Ban chỉ huy đội đặc công Quyết tử 205 của Đặc khu đã cài được hai chiến sĩ trinh sát viên vào làm cu li khuân vác trong khu vực kho. Hai chiến sĩ đã tiến hành nghiên cứu mục tiêu suốt gần một năm và hướng dẫn các bộ phận chiến đấu của ta nhiều lần đột nhập và xác định các điểm đánh. Tháng 2 năm 1954, một tổ đặc công gồm Bùi Văn Ba, Phạm Văn Hai, Tạ Ninh Dục được nội tuyến hướng dẫn đường đã đột nhập khu kho, rà lại một lần nữa kế hoạch tiến công trên thực địa. Công việc chuẩn bị cho trận đánh được tiến hành rất khẩn trương dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ huy quân sự Đặc khu và Ban chỉ huy đại đội 205. Đêm ngày 29 tháng 5 năm 1954, 12 chiến sĩ do chính đại đội trưởng Nguyễn Văn Cự (Ba Huỳnh) chỉ huy rời vừng bàn đạp xuống chiến trường. Đêm ngày 30 tháng 5 năm 1954, lực lượng luồn vào ém bí mật trong một đường hầm dài 200 mét gần mục tiêu. Tối ngày 31 tháng 5 năm 1954, đột nhập vào khu vực kho. Vượt qua toàn bộ hệ thống phòng thủ dày đặc của địch, các chiến sĩ chia thành 3 tổ tiếp cận từng mục tiêu đã phân công, lắp kíp vào mìn hẹn giờ, đặt trái vào từng kho, và lẹ làng rút lui an toàn. Mìn nổ gần như đồng loạt. Toàn bộ khu vực kho bom chìm trong biển lửa và âm thanh dữ dội của tiếng bom nổ. Hơn một triệu lít xăng dầu, 10.000 tấn bom đạn, 1 đại đội lính Âu Phi biến thành tro bụi.

Ngày 1 và 2 tháng 6, tất cả các báo ở Sài Gòn và Hà Nội đều đưa tin kho bom Phú Thọ Hòa bị “Việt Minh tấn công”. Thắng lợi của trận đánh gây một tiếng vang lớn, càng làm tăng thêm tinh thần náo nức, phấn chấn trong các giới đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Đây là trận đánh đặc công xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Đông Nam Bộ. Nó cũng là tiếng nổ thắng lợi kết thúc một chặng đường chiến đấu oanh liệt ở nội thành của Quyết tử quân Sài Gòn trong 9 năm kháng chiến. Đơn vị tham gia trận đánh được Chính phủ tặng Huân chương Quân công hạng hai.

Ở phía Nam thành phố, tại chiến khu Rừng Sác, lực lượng đặc công nước và công binh cũng lập được nhiều thành tích trong đánh tàu, diệt sinh lực địch, chặn con đường giao thông thủy huyết mạch từ thành phố ra biển. Trong tháng 6, các chiến sĩ đặc công Rừng Sác đánh chìm 3 tàu chiến chở toàn quân Pháp trên sông Lòng Tàu.

Tiếng nổ ở kho bom Phú Thọ Hòa và trên dọc sông Lòng Tàu Rừng Sác cũng là những nốt nhạc cuối cùng của bản đại hợp xướng kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được kí kết. Ngày 22 tháng 7 năm 1954, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam!

Ở thành phố Sài Gòn, đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh, bí thư Đặc khu ủy, được Trung ương điều đi nhận nhiệm vụ mới. Đặc khu ủy còn lại ba đồng chí do Trần Quốc Thảo giữ chức vụ Quyền Bí thư, tiếp tục lãnh đạo nhân dân thành phố cùng các bộ phận cán bộ chiến sĩ ở lại thực hiện Hiệp định Genève. Bộ phận cán bộ chiến sĩ được phân công tập kết ra miền Bắc tập hợp thành một tiểu đoàn lưu luyến chia tay đồng bào thành phố với lời hứa hẹn sớm trở về.

Tỉnh Gia Định tách ra thành hai tỉnh như cũ: Tây Ninh và Gia Định. Tỉnh ủy Gia Định khôi phục lại phạm vi cũ của tỉnh, nhanh chóng kiểm tra lực lượng, và chia làm hai bộ phận. Một bộ phận cùng với số cán bộ chiến sĩ tổ chức lại thành trung đoàn 5 đi tập kết ra Bắc. Bộ phận ở lại, do Phan Khải làm bí thư, tiếp tục điều chỉnh tổ chức, bố trí lực lượng xuống tận các xã ấp, lãnh đạo nhân dân bước vào thời kì đấu tranh mới.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:51:45 am
*
*   *

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, kể từ ngày 23 tháng 9 năm 1954 khi lớp lớp nhân dân “nóp với giáo, mang ngang vai” ra đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến”, đến đây đã trải qua hơn 3.000 ngày đêm. Hơn 3.000 ngày đêm, Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã vượt qua muôn vàn gian khổ hi sinh, kiên cường kháng chiến, liên tiếp giành được những thành tích không nhỏ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Máu của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào thấm đẫm khắp mọi góc phố nội đô, mọi vùng quê ngoại ô thành phố đã vun bồi thêm truyền thống chống ngoại xâm bất khuất của đồng bào Nam Bộ nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung.

Hơn 3.000 ngày đêm kháng chiến ấy đã tinh cất nhiều bài học lịch sử quý báu về tổ chức và chỉ đạo đấu tranh, về xây dựng và lãnh đạo lực lượng vũ trang ba thứ quân ở thành phố và vùng ven đô, về xây dựng lực lượng chính trị trong các tầng lớp cư dân đô thị, về tiến hành chiến tranh du kích, phát động và duy trì phong trào đấu tranh toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính ở vùng sau lưng địch, vận dụng thích hợp đường lối chiến tranh của nhân dân của Đảng tại một trong những sào huyệt lớn của kẻ thù.

Cuộc kháng chiến của cả nước chống thực dân Pháp xâm lược đã kết thúc thắng lợi vẻ vang. Nhưng nửa phía Nam của Tổ quốc còn do quân thù chiếm đóng. Đế quốc Mĩ ra sức phá hoại Hiệp định Genève, nhảy vào miền Nam lập chính quyền và quân đội bù nhìn tay sai, lấy Sài Gòn làm thủ đô, thực hiện chính sách xâm lược thực dân mới.

Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một thời kì mới. Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với hành trang kinh nghiệm trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tiếp bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ và bè lũ tay sai, nhằm hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước!

(http://img268.imageshack.us/img268/9081/44091904.jpg)

Cuộc biểu dương lực lượng khởi nghĩa ở Sài Gòn sáng ngày 25-8-1945

(http://img171.imageshack.us/img171/236/61272068.jpg)

Lực lượng vũ trang thành phố tại chiến khu An Phú Đông (12-1946)

(http://img714.imageshack.us/img714/4268/78487582.jpg)

Vệ quốc đoàn Gia Định tại chiến khu Vườn Thơm (người ngồi giữa là đồng chí Trần Hải Phụng - Tham mưu trưởng Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn)


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 25 Tháng Ba, 2012, 08:52:46 am
(http://img705.imageshack.us/img705/5121/39494624.jpg)

Cuộc đấu tranh của học sinh - sinh viên Sài Gòn ngày 9-1-1950

(http://img337.imageshack.us/img337/5386/13670205.jpg)

Cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn chống Mĩ (ngày 19-3-1950)

(http://img201.imageshack.us/img201/2913/95242184.jpg)

Du kích ngoại thành chuẩn bị chống quân Pháp càn quét

(http://img263.imageshack.us/img263/2249/78438320.jpg)

Thủy lôi quân ta đánh chìm tàu St. Loubrie của Pháp trên sông Lòng Tàu


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:34:34 am
Phần thứ hai

KHÁNG CHIẾN CHỐNG ĐẾ QUỐC MĨ
(1954-1975)

Chương bốn

TỪ ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ ĐẾN KHỞI NGHĨA VŨ TRANG,
TẠO THẾ TẠO LỰC CHUYỂN GIAI ĐOẠN
(Từ 20 tháng 7 năm 1954 đến tháng 3 năm 1961)

I. TỪ CAO TRÀO ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ
ĐẾN THOÁI TRÀO CÓ VŨ TRANG TỰ VỆ


Hiệp định Genève thừa nhận những yêu cầu cơ bản mà nhân dân ta đã đổ bao nhiêu xương máu để giành cho được qua chín năm kháng chiến: hòa bình, độc lập, hai năm sau sẽ tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Tuy nhiên, một ngày sau khi cắm cờ chiến thắng trên nóc hầm De Castrie ở Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã nhắc: “Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bước đầu” (Thư chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ). Bên cạnh nỗi vui mừng, phấn khởi và lòng tin vào Đảng, vào Bác Hồ, vào sự tất thắng trước sau như một, đồng bào, chiến sĩ Sài Gòn - Gia Định không tránh khỏi những băn khoăn, những dấu hỏi đang đặt ra trước một thực tế thấy trước: rồi đây ở miền Nam sẽ không còn chính quyền cách mạng, không còn lực lượng võ trang nhân dân… “Hai năm sau sẽ tổn tuyển cử” là quy định rõ ràng của hiệp định, nhưng vẫn là điều bấp bênh, khi mà tên trùm sỏ đế quốc thế giới đã từ lâu chực hất Pháp ở Đông Dương, đang phá hoại hiệp định.

Việc chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu mới đã bắt đầu từ những ngày chuyển quân tập kết: những cuộc bàn bạc gấp rút, phân công âm thầm đang diễn ra trong các đảng bộ Sài Gòn - Gia Đinh. Ai bí mật nằm lại phải chuẩn bị cùng đồng bào vượt qua cơn giông bão không tránh khỏi, ai chuyển quân ra Bắc thì học tập rèn luyện sẵn sàng chiến đấu…

Bao nhiêu việc bộn bề: vũ khí, hầm hố, cơ sở bí mật, hình thức đấu tranh, bảo tồn thực lực cách mạng, sắp đặt thế trận… cùng lúc đặt ra phải xác định ngay trước thời điểm lịch sử đã sang trang.

Trụ sở phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cắm cờ đỏ sao vàng đặt ở đường Chi Lăng quận Phú Nhuận, bên cạnh trụ sở Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến.

Mười ngày sau khi hiệp định được kí kết, một tổ chức mang tên “Phong trào Bảo vệ Hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn” đã được sáng lập, đứng đầu là những nhà trí thức yêu nước, trong đó có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kĩ sư Lưu Văn Lang, giáo sư Phạm Huy Thông, giáo sư luật khoa Nguyễn Văn Dưỡng, cựu chính trị phạm Nguyễn Thị Lựu, chủ tịch Hội tăng già Việt Nam Thích Huệ Quang… Dưới chủ tịch đoàn danh dự gồm những người trí thức có uy tín lớn, Ban chấp hành trung ương của phong trào gồm đại biểu các đoàn thể tiến bộ, các tổ chức quần chúng, các xưởng lớn, trường lớn, các khu phố quan trọng. Trong thành phố có 32 ủy ban hòa bình cơ sở. Bản hiệu triệu của phong trào nói lên nguyện vọng, ý chí của nhân dân miền Nam: hòa bình, tự do, dân chủ, tổng tuyển cử thống nhất đất nước… Phong trào nhanh chóng lan ra 21 tỉnh Nam Bộ và Huế. Hàng loạt cuộc biểu tình hoan hô hiệp định diễn ra khắp thị thành, nông thôn.

Ngày 1 tháng 8 năm 1954 là ngày ngừng chiến, theo chủ trương của Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, 50.000 người phần lớn là công nhân các xí nghiệp quan trọng, cơ sở hạ tầng xung yếu như nhà đèn, bến cảng… cả công nhân đang làm việc trong các đơn vị hậu cần quân Pháp (SLOM, Intendence Militaire…) và các tầng lớp khác, biểu tình tại đường Kitchner (Nguyễn Thái Học bây giờ) hoan hô hòa bình, đòi thi hành đúng hiệp định Genève.

Cùng lúc đó, Sài Gòn lại diễn ra một cảnh tượng trái ngược: hết ngay này sang ngày khác, những chiếc tàu há mồm chật ních những người công giáo miền Bắc bị lừa mị và cưỡng ép, di cư vào Nam gọi là “tị nạn cộng sản”, đang nối đuôi nhau cập bến cảng Sài Gòn. Hối hả hốt từ Bắc vĩ tuyến 17 và dồn vào Nam cho được ít ra một triệu dân di cư để tính chuyện lâu dài, bọn tay sai Mĩ đang gây ra bao cảnh li hương, nheo nhóc. Hàng chục vạn người phút chốc rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, gia đình li tán… bị dồn chặt ở các bãi đậu xe chờ đưa đi các trại di cư. Họ lê lết trên vỉa hè, che lều, giăng võng, nhiều người buộc phải ngửa tay xin bố thí.

Trong và sau 300 ngày (thời gian mà Hiệp định Genève quy định hoàn thành việc tập kết, chuyển quân) bọn đầu cơ chính trị, tay sai đế quốc đã lừa gạt, cưỡng ép, lôi kéo hàng chục vạn người từ nhiều tỉnh miền Bắc, đa số là Thiên chúa giáo, di cư có tổ chức hoặc vượt biên vào miền Nam, tổng số lên đến 888.505 người. Sau khi đưa một số đi các tỉnh, số đồng bào thiên chúa giáo còn lại ở Sài Gòn đã lên trên 243.000 người trong số 2 triệu dân Sài Gòn, phân bố thành 22 xứ, 7 hạt, có 517 linh mục (343 mới đi tu). Riêng ở Củ Chi, số mới di cư là 10.000 người. Tờ báo cánh hữu Pháp Le Monde thừa nhận; “Diệm coi giáo dân là một nguồn dự trữ cho quân đội và những tổ chức chính trị của chế độ Sài Gòn”.

Chỉ riêng sự việc này đủ báo trước tính chất quyết liệt của cuộc chiến đấu mới.

Chiến lược ban đần của Mĩ nhằm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, được phác hóa trong bị vong lục của Hội đồng an ninh quốc gia Mĩ số 561/1 ngày 3 tháng 9 năm 1956: “Giúp đỡ nước Việt Nam tự do (Nam Việt Nam) phát triển một chính phủ hợp hiến, ổn định và hùng mạnh, để có thể khẳng định sự tương phản ngày càng hấp dẫn so với các điều kiện trong khu vực hiện nay của cộng sản ở miền Bắc cũng như ở miền Nam Việt Nam, để cuối cùng đi đến thống nhất nước Việt Nam bằng phương pháp hòa bình, thành lập nước Việt Nam tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của chính phủ chống cộng sản”.

Trước ngày kí Hiệp định Genève, tháng 4 năm 1954, cơ quan MAAG (phái đoàn cố vấn viện trợ quân sự - Military Assitance Advisory Group) do O’Daniel cầm đầu đã đến Sài Gòn. Ngày 8 tháng 6 năm 1954, Ngô Đình Diệm, một quan lại phong kiến đã từng làm tay sai cho Pháp, cho Nhật, được Mĩ vun đắp thành một con chủ bài trong âm mưu mới đã được đưa về Sài Gòn. Một tháng sau Diệm lên làm “thủ tướng” (ngày 7 tháng 7 năm 1954) với những công việc cần làm ngay đã vạch sẵn để đi đến thành lập “nước Việt Nam Cộng hòa”, vĩnh viễn chia cắt đất nước, thực thi chiến lược bao trùm là “diệt cộng”. Tháng 11 năm 1954, tướng Mĩ Collins được cử sang Sài Gòn làm đặc sứ cho Ngô Đình Diệm.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:39:16 am
Ngày ở miền Nam chia tay tập kết ra miền Bắc, kẻ ở người đi, quân dân ta chưa lường được cuộc chiến đấu mới sẽ kéo dài đến 21 năm, nhưng đều đã nhìn thấy trước được con đường lịch sử “không đơn giản”. Các đồng chí lãnh đạo đã xác định; Đi, ở đều là nhiệm vụ”. Từ đó coi việc tập kết là một sự bố trí lại lực lượng. Đảng viên, cán bộ nòng cốt có điều kiện hoạt động bí mật thì ở lại. Ở lại Sài Gòn còn khoảng 200 đồng chí, cộng thêm các đồng chí được trên tăng cường tất cả lên 400 đồng chí. Ở Gia Định, số người được giữ lại công với số được tăng cường là 3.700 người, 90 phần trăm số xã có chi bộ.

Tháng 10 năm 1954, cuộc họp Xứ ủy tại Cán Gáo - Biển Bạch (Tây Nam rừng U Minh) chính thức thành lập lại Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn(1). Tỉnh Gia Định vẫn duy trì tỉnh ủy đương nhiệm do đồng chí Phạm Khải (Ba Ka) làm bí thư. Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm bí thư; Nguyễn Ngọc Thanh - phó bí thư, Trần Quốc Thảo - ủy viên thường vụ (một năm sau làm phó bí thư)…

Tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng họp xác định nhiệm vụ cách mạng dân tộc giải phóng của ta chưa hoàn thành, cuộc đấu tranh cứu quốc không vì đình chiến mà kết thúc mà đang tiếp tục, song về phương châm đấu tranh thì “phải thay đổi từ đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị”, mọi hình thức đấu tranh kịch liệt (như kiểu khởi nghĩa và chiến tranh du kích) cần phải thay đổi ngay” (NQ9, BCT).

Tháng 11 năm 1954 Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định đều họp, tiếp thu nghị quyết trên và đề ra nhiệm vụ hai năm tới(2) đẩy mạnh phong trào quần chúng đấu tranh đòi hỏi thi hành Hiệp định Genève, bảo vệ hòa bình, đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đòi các quyền dân sinh, dân chủ; về sách lược, phải khôn khéo, triệt để lợi dụng mâu thuẫn địch, đề ra khẩu hiệu sát hợp với yêu cầu của quần chúng; về tổ chức và hành động: tận dụng cả ba thế: hợp pháp, nửa hợp pháp, không hợp pháp, với ba hình thức: công khai, nửa công khai, bí mật. Theo phương châm đó, thành lập các Ban vận động trong các ngành các giới: công vận, phụ vận, tư sản vận, trí vận, riêng hoa vận do Xứ ủy nắm các Ban báo chí, Văn nghệ, ban học sinh sinh viện; đưa đảng viên vào bám và xây dựng cơ sở ở các trọng điểm; gấp rú đào tạo cán bộ hoạt động đô thị; tổ chức cài cắm người và xây dựng cơ sở nội tuyến trong các cơ quan đầu não địch như: Sở công an Nam phần, Bộ tư lệnh đệ nhất quân khu (Nam Bộ), Phủ tổng thống, Sở Nghiên cứu chính trị, văn hóa xã hội, Bộ tổng tham mưu, sân bay Tân Sơn Nhất… Tỉnh ủy Gia Định chủ trương chống khủng bố kết hợp đòi thi hành hiệp định, giữ ruộng đất mà cách mạng đã tạm cấp cho nông dân, vận động nông dân trở về vườn cũ làm ăn… củng cố các căn cứ cũ, địa đạo, hầm bí mật…

Phong trào hòa bình bắt liên lạc với Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến. Đại biểu của phong trào đi thăm tù chính trị, yêu cầu Ủy ban quốc tế đòi các nhà chức trách Liên hiệp Pháp phải thả người do họ đang cố giữ.

Qua theo dõi, ngày 7 tháng 11 năm 1954, Diệm ra lệnh khám xét trụ sở của phong trào ở đường Galliéni, bắt một số cán bộ của phong trào đưa ra tòa, nhưng không đủ lí để buộc tội, Diệm lại dựng lên “tội lập hội không xin phép”, bắt giam 8 người, trong đó có luật sư Nguyễn Hữu Thọ, giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng(3), giáo sư Phạm Huy Thông, kĩ sư Lưu Văn Lang…

Không kết tội được những người yêu nước, Diệm dựng lên các bằng chứng man trá, như tổ chức rải truyền đơn nói vu là của phong trào Hòa bình, để tiếp tục khủng bố. Số người bị bắt tiếp tục tăng vọt. Cuộc đấu tranh ở tòa án Sài Gòn ngày càng quyết liệt. Các trò gian trá, vu khống liên tiếp bị lật tẩy, nhưng địch thua keo này bày keo khác, cố đưa các vị ra tòa án quân sự, uy hiếp phong trào đấu tranh chính trị đang dâng cao.

Cuộc đấu tranh phản đối hành động phát xít của ngụy quyền trở thành phong trào lớn, thu hút từ lớp nghèo thành thị đến lớp thợ thầy, công thương gia. Các sạp của 50 chợ, mỗi người góp một số tiền để mướn 6 luật sư bênh vực những người bị bắt. Suốt hai tháng 11, 12 năm 1954, Diệm mở phiên tòa xử “Phong trào Hòa binh Sài Gòn - Chợ Lớn”, nhưng các ủy ban cơ sở của phong trào lại càng hoạt động mạnh.

Cuối tháng 12 năm 1954, gần 25.000 công nhân trong 28 cơ sở quân sự của Pháp ở Sài Gòn - Chợ Lớn đình công đòi tăng lương 20%, đòi giảm giá sinh hoạt, đòi thi hành Hiệp định Genève. Cuộc đấu tranh lan ra Thủ Dầu Một, Biên Hòa, kéo dài đên ngày 4 tháng 1 năm 1955 mới tạm dừng, sau khi đạt được một phần yêu sách.

Ba tháng đầu năm 1955, đã có trên 80.000 người dân Sài Gòn - Chợ Lớn, trong đó công nhân lao động giữ vai trò nòng cốt, với 30 cuộc bãi công, đấu tranh đòi giải quyết đời sống, đòi thi hành hiệp định.

Phong trào đấu tranh của nông dân ngoại thành đòi thi hành hiệp định bắt đầu từ huyện Củ Chi lan nhanh đến Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè(4).

Tháng 6 năm 1955, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn họp thường kì tại nhà số 300A đường Ngô Tùng Châu, làng Bình Hòa (nay là quận Bình Thạnh) để kiểm điểm, đánh giá tình hình công tác của đảng bộ trong 3 tháng đầu năm 1955, và đề ra những nhiệm vụ trước mắt. Cũng tại nơi đây, tháng 7 năm 1955, Khu ủy hợp lần thứ hai và định ra chế độ họp thường kì 3 tháng một lân trong hai năm 1955-1956 để chỉ đạo phong trào được liên tục.

Cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân đòi thả những người của “Phong trào Hòa Bình Sài Gòn - Chợ Lớn” và đòi hiệp thương hai miền tiếp tục phát triển mạnh.


(1) Khi kí Hiệp định Genève còn Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh làm bí thư.
(2) Cuộc họp Tỉnh ủy Gia Định tổ chức tại xã Tân Phú Trung, có đại biểu liên tỉnh miền Đông về dự.
(3) Giáo sư Nguyễn Văn Dưỡng đã hi sinh trong nhà giam.
(4) Lúc này huyện Nhà Bè gồm 3 xã Bình Chánh, An Thới Đông, Lí Nhơn, còn các xã ven biển đang thuộc huyện Vũng Tàu.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:40:30 am
Trong lúc đó, các thế lực thân Pháp, từ giới quân sự chóp bu đến các lực lượng thân Pháp - Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia thường gọi là “Cao Hòa Bình” (Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên) đang là mối đe dọa lớn và là chướng ngại trước mắt của Diệm. Diệm quyết thanh toán các lực lượng này để thâu tóm và củng cố quyền lực.

Tháng 3 năm 1955, keo vật hiệp đầu giữa Mĩ - Diệm và Pháp - Hinh đã diễn ra, và tất nhiên là Mĩ Diệm thắng. Diệm thẳng tay tuyên chiến với Cao Hòa Bình. Đại bác, xe tăng, súng ống lớn nhỏ của Diệm và lực lượng “vua sòng bạc Đại thế giới” Bảy Viễn quyết liệt chọi nhau ngay trên đường phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Khỏi lửa ngút trời kéo dài từ Tân Thuận đến Xóm Củi. Tai họa đổ xuống đầu nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, nhưng khốn khổ nhất là những xóm lao động nghèo, nhà gỗ vách lá. Tháng 5 năm 1955, Diệm đuổi được Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn - Chợ Lớn, xuống Rừng Sác; đến tháng 10 mới căn bản thanh toán được, trừ một bộ phận khoảng 200 người (cả người nhà binh sĩ) chủ yếu thuộc lực lượng Bảy Môn được cách mạng giúp đỡ, đưa về Chiến khu Đ tham gia chống Diệm. Trong cuộc hỗn chiến, tướng Cao Đài liên minh đã theo Diệm là Trịnh Minh Thế bị tử vong(1).

Cuộc loại trừ đối thủ của Diệm ở Sài Gòn đã làm 20.000 nhà dân bị thiêu hủy, hàng trăm người lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Vừa đánh với Bình Xuyên, Diệm vừa chống đối quyết liệt với phong trào quần chúng. Phong trào hòa bình tạm lắng sau cao điểm, bị đàn áp tháng 5 năm 1955, sau đó đã linh hoạt chuyển sang “Phong trào cứu tế nạn nhân, bảo vệ sinh mạng và tài sản dân chúng” trong hỗn chiến, tranh ăn giữa các thế lực tay chân Pháp - Mĩ, quy mô tầm vóc không kém. Ủy ban cứu tế ra đời do một nữ đồng chí công khai đứng đầu, được sự đồng tình của nhiều tầng lớp nhân dân. Hội phụ nữ Việt Nam, hội sinh viên, học sinh, nghiệp đoàn giáo dục Việt Nam… tuyên bố gia nhập Ủy ban cứu tế. “Lá lành đùm lá rách”, người có tiền góp tiền, người có của góp của, thầy thuốc đi chích thuốc phòng dịch… Người nghèo góp nồi niêu, thanh niên học sinh góp công dựng lều cho người tị nạn, quét dọn vệ sinh… 30.000 người tham gia ngày lao động cứu trợ. Phong trào lan nhanh ra các tỉnh Gia Định, Bình Dương, Biên Hòa, Tân An, Mĩ Tho. Có 200 tổ chức các ngành, các địa phương tham gia. Mỗi ngày có đến 300 xe tắc xi phục vụ cứu trợ. Chính bản thân việc quần chúng tham gia các việc cứu trợ, mặc nhiên đã vạch mặt bọn phản nước hại dân. Khẩu hiệu đòi bảo vệ tính mạnh, tài sản của nhân dân vẫn gần khẩu hiệu đòi hòa bình và thi hành hiệp định. Quy mô ngày càng lớn của phong trào và sự gắn bó nhau của nhiều tầng lớp trong một việc làm vừa mang tính chất cứu trợ nhân đạo vừa có tính chất tố cáo, làm cho chính quyền Diệm lo sợ. 5 người trong Ủy ban cứu tế đã bị bắt. Chị Ái Lan bị xử tù 5 năm do tội “hăng hái hành động cho Ủy ban cứu tế”. Phong trào chỉ tồn tại 4 tháng, nhưng đã tỏ rõ sự thương yêu đùm bọc của đồng bào ta trước địch họa. Các Ủy ban cứu tế chuyển thành Ủy ban nhân dân của các xóm lao động chống hỏa hoạn, chống đốt nhà đuổi dân. Đảng bộ Sài Gòn tiếp tục phát động đợt đấu tranh tháng 7, tháng 8 năm 1955, mở màn là các cuộc biểu tình ngày 3 tháng 7 đòi thả 5 đại biểu của phong trào cứu tế bị giam giữ. Địch không trả lời, lập tức 7 ngày sau, ngày 10 tháng 7 năm 1955, 70% nhân dân Sài Gòn tổng bãi công, bãi chợ, bãi khóa. Bên cạnh những khẩu hiệu đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất hai miền, trên đường phố xuất hiện những băng trắng mang dòng chữ “đả đảo phát xít”. Chính những ngày này, chị Nguyễn Thị Diệu, nguyên ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ Nam Bộ bị giặc sát hại trong trại giam Catinat, trong lúc chị mang thai 4 tháng (ngày 10 tháng 7 năm 1955). Ngày 15 tháng 7 năm 1955, Diệm “trả lời” những cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn bằng việc chính thức phát động chiến dịch tố cộng giai đoạn 1. Những cuộc vây ráp liên tục xảy ra trong các khu phố chính của Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhưng hành động này không ngăn nổi cuộc biểu tình của 7.000 người ở Ba Son và Nancy đòi hiệp thương hai miền ngày 20 tháng 7 năm 1955, ngày mà đáng lí hai miền phải gặp nhau bàn việc tổng tuyển cử theo quy định của Hiệp định Genève.

Từ cuối năm 1955, Diệm cắt mọi quan hệ với Pháp, trực tiếp nhận viện trợ của Mĩ, không qua trung gian Pháp nữa. Ngày 26 tháng 10 năm 1955 Diệm tuyên bố thành lập “nước Việt Nam Cộng hòa”, lấy Sài Gòn làm “thủ đô”. Đến đây đế quốc Mĩ không qua trung gian thực dân Pháp trực tiếp nắm bộ máy tay sai, thực hiện mưu đồ biến miền Nam Việt Nam thành vùng đất nằm trong quỹ đạo của Mĩ.

Sau việc đăng bài của Max Clos tố cáo các trò gian lận của Diệm biến 450.000 phiếu thành 605.025 phiếu, tờ báo Le Figaro ngày 26 tháng 10 năm 1955 đã đăng bài nói về việc tẩy chay của nhân dân Sài Gòn đối với việc thành lập “nước Việt Nam Cộng hòa”: “Để ăn mừng chính thể cộng hòa được thành lập, nhà cầm quyền miền Nam động viên công chức, người di cư và trẻ em các trường học làm một cuộc biểu tình không lấy gì làm quan trọng. Còn dân chúng thì ai ở nhà nấy, không buồn ra đường… không làm sao so sánh được với những cuộc tuần hành ở Hà Nội…”

Ngay trong những ngày đầu tháng 11 tiếp đó, công nhân nhà đèn Chợ Quán bãi công đòi quyền lợi dân sinh dân chủ, được trên 20.000 công nhân và lao động thành phố hưởng ứng.

Ở ngoại thành, Diệm bắt đầu sớm hơn nội thành cuộc đàn áp những người kháng chiến cũ. Nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt cóc, thủ tiêu. Giữa tháng 9 năm 1955, trong một cuộc càn quét vào ấp Tây xã Tân Sơn Nhì (Tân Bình), địch bắt hai cán bộ kháng chiến (anh Pháo và anh Chờ) đánh đập dã man. Đồng bào đấu tranh buộc chúng phải thả cả hai. Nhưng đến đêm 20 tháng 9, chúng xông vào nhà bắt cả hai anh đem ra cánh đồng Tham Lương cắt cổ, mổ bụng, đồng thời bắn chết một người kháng chiến khác (anh Út Bướm). Tháng 4 năm 1956, cai tổng Cộng, ác ôn khét tiếng ở Củ Chi cho tay chân mổ bụng 16 người dân Phú Hòa Đông vì “tội” đấu tranh đòi thi hành Hiệp định.


(1) Có ý kiến cho rằng đây là âm mưu thanh toán của Diệm.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:42:30 am
Những vụ sát hai dã man nói trên liên tiếp diễn ra đã báo trước yêu cầu sống còn tất yếu của nhân dân miền Nam là phải võ trang, chứ không thể đơn thuần đấu lí với kẻ thù được. Từ đó nhiều tổ chức đảng cơ sở mạnh dạn tự động chủ trương tổ chức những tổ, đội tự vệ mật mang những tên công khai: “đội chống trộm cướp”, “đội phòng cháy chữa cháy”, “đội cứu tế”… ai có gì trang bị nấy. Gia Định trở thành một trong những tỉnh sớm có lực lượng vũ trang. Tối ngày 31 tháng 3 năm 1956, tại Phú Hòa (Củ Chi), một tổ tự vệ 5 người đã dùng dao giết tên cai tổng Công. Ở Duyên Hải, bước đầu ta đã lập ra các tổ chức biến tướng trong đồng bào lao động cho phù hợp với tình hình: các “hội lân”, hội “chài lưới”, hội “đá banh”… để tạo điều kiện gầu gũi, giác ngộ quần chúng chống địch khủng bố, chống cho vay nặng lãi, chống thuế, đoàn kết lương giáo, tiến lên đấu tranh chính trị. Nhờ có các chủ trương kịp thời, đúng đắn trên, suốt những năm 1955, 1956 đảng viên bám được cơ sở, xây dựng đuợc mỗi xã ít nhất một căn cứ, trừ một số xã như An Thới Đông, Bình Khánh bị địch kềm kẹp chặt nên các cơ sở phải rút vào bí mật từ đầu, phong trào có bị hạn chế. Công tác binh vận là một mặt mạnh của Cần Giờ, nòng cốt là hội “Thanh lao” (Thanh niên lao động). Đại úy quận trưởng quận Cần Giờ là Trần Văn Lợi cùng thư kí quận và đồn trưởng đồn Đông Hòa đã được ta giác ngộ.

Cuối tháng 1 năm 1956, Diệm kí một đạo luật công khai khước từ tổng tuyển cử: đạo luật bầu cử quốc hội riêng rẽ. 8 ứng cử viên bị tình nghi tán thành hòa bình thống nhất bị buộc phải rút lui trước. Hãng thông tấn Mĩ thừa nhận, chỉ có “người của Diệm tranh cử với nhau”. Biết địch sẽ khủng bố nếu chống bầu cử, cán bộ ta khuyên dân cứ đi nhưng đi trễ, bỏ phiếu trắng, phiếu không hợp lệ. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn không đi. Diệm đặt giải thưởng một triệu đồng cho ai bắt được người xé áp phích, nhưng chỉ trong 3 ngày, trươc và sau bầu cử (ngày 4 tháng 3 năm 1956), 80% số áp phích quảng cáo bầu cử bị xé. Lần tháng 3 năm nay, người đi bỏ phiếu ít hơn lần tháng 10 năm ngoái từ 15 đến 30 phần trăm, nhưng tất nhiên là phe Diệm “toàn thắng”.

Để nắm chặt quân đội ngụy, Mĩ liên tục tăng cố vấn quân sự và kiện toàn tổ chức MAAG (tổng số cố vấn từ 200 năm 1954 lên 669 tên năm 1956); giải tán “phái bộ huấn luyện hỗn hợp” Pháp - Mĩ (TRIM), tổ chức ra “phái bộ huấn luyện” tác chiến lục quân (CATO: Combat Army Training Organisation) gồm toàn người Mĩ, cho triển khai thêm “phái bộ trang bị và cung cấp” (TERM: Tempory Equipment Recovery Misson). Cả hai tổ chức này đặt dưới quyền của MAAG.

Để “tranh thủ trái tim khối óc người nông dân”, tách nông dân khỏi ảnh hướng cách mạng, chương trình “cải tiến nông thôn” của Diệm được sớm triển khai. Lấy việc thực hiện chính sách “cải cách điền địa” làm khẩu hiệu trung tâm, ngày 8 tháng 1 năm 1955 Diệm ra dụ số 2, tiếp đến ngày 3 tháng 2 năm 1955 ra dụ số 7 “cải cách điền địa” về giảm tô và giao đất bỏ hoang cho tá điền canh tác. Ngày 22 tháng 10 năm 1956 lại ra dụ số 57 về quyền truất hữu ruộng đất của chính phủ và “tiểu điền chủ hóa tá điền”. Những cái gọi là “cải cách” trên quanh đi quẩn lại đã làm cho 650.000 ha mà cách mạng đã cấp cho nông dân miền Nam trong kháng chiến và trước ngày tập kết, bị giặc cướp không rồi lại bán đấu giá ngược trở lại; nhưng người nghèo không có tiền mua, người giàu không đủ đất mua. Thành quả cách mạng bị xóa. Việc này, nông dân không thể nhịn được, do đó “cải cách điền địa” chẳng những đã không “tranh thủ được trái tim khối óc người nông dân” mà còn làm cho mâu thuẫn giữa nông dân và tay sai đế quốc thêm quyết liệt. Nhà sử học Mĩ Gabriel Kolko thừa nhận: “chỉ có 12% tá điền được nhận đất, nhưng phải mua trong khi chính sách của Việt Minh là cho không”(1), do đó, “trước 1955 địa chủ là đối tượng chủ yếu của sự cay đắng của nông dân, bây giờ còn thêm những quan chức hung hăng của Diệm”(2).

Nông dân Gia Định vào cuộc đấu tranh về ruộng đất ngay sau khi “dụ 1” ra đời. Ngày 9 tháng 3 năm 1955 trong một cuộc họp tá điền tại Sài Gòn, có hơn 100 đại biểu nông dân đòi hủy bỏ chế độ đấu giá công điền. Ngày 1 tháng 5 năm 1956, trong cuộc biểu tình lớn tại Sài Gòn, nông dân Gia Định mang khẩu hiệu đòi sửa đổi luật công điền.

Địch lại bắt 96 nông dân các xã Đông Hưng Thuận, Trung Mĩ Tây, Tân Thới Hiệp rời làng để chúng lấy đất xây dựng khu căn cứ quân sự liên hoàn Lê Lợi và Quang Trung, mở xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa. Nông dân hai xã Đông Hưng Thuận và Trung Mĩ Tây cử đại biểu lên tận “quốc hội”, phủ tổng thống Diệm, Bộ quốc phòng phản đối dời làng. Cuộc đấu tranh chống dời làng kéo dài đến hàng năm, có người như chị Trương Ngọc Thanh bị bắt đến cả chục lần, có những nông dân cầm giáo, mác, gậy đuổi cố vấn Mĩ. 96% nông dân các huyện xung quanh Sài Gòn đã nhập cuộc trong cuộc đấu tranh chống “cải cách điền địa”, buộc việc đấu giá công điền phải tạm ngưng. Đến cuối 1956, Diệm mới lấy lại được khoảng một phần ba đất công của nông dân Gia Định.

Ở nội thành, ngày 26 tháng 3 năm 1956, công nhân nhà đèn lại nhất loạt bãi công với các khẩu hiệu dân sinh. Cuộc đấu tranh kéo dài 1 tháng dẫn đến việc cung cấp điện ở Sài Gòn bị ngưng trệ. Công nhân chống trả lực lượng quân đội đến đàn áp, chống việc lính thợ đến làm thay, kiên quyết không nhượng bộ. Ngụy quyền buộc phải hứa giải quyết yêu sách, đồng thời sau vụ này Diệm cho phép được tuần hành, mít tinh trong ngày lễ 1 tháng 5 để lấy lòng công nhân. Không bỏ lỡ thời cơ, Đảng bộ thành phố chủ trương một cuộc biểu dương lực lượng lớn. Hàng ngàn công nhân thành phố cùng đông đảo các tầng lớp đồng bào, kể cả một bộ phận tín đồ đạo Thiên chúa mới di cư, Hoa kiều cùng với 200 xe khách, 200 xe tắc xi, 200 xích lô đạp, 100 xe ngựa, xe ba bánh… rầm rộ biểu tình trên đường phố, hô to cá khẩu hiệu ngoài quy định của ngụy quyền, đòi hòa bình, dân chủ, thống nhất đất nước. Khách vãng lai cũng nhập cuộc. Lần đầu tiên trên đường phố xuất hiện khẩu hiệu chống lệ thuộc thực dân: “không được nhập cảng bừa bãi hàng viện trợ Mĩ”. Cả Sài Gòn sôi động. Cuộc biểu dương lực lượng trở thành một trong những cuộc tập dượt quần chúng đấu tranh quy mô nhất có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng.


(1) Gabriel Kolko, Giải phẫu một cuộc chiến tranh, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1989, tr 123.
(2) Gabrel Konko, Sách đã dẫn.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:46:49 am
Ngày 20 tháng 7 năm 1956, theo quy định của Hiệp định Genève là ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước, ngụy quyền Sài Gòn lại ầm ĩ “20 tháng 7 ngày quốc hận”, “không có hiệp thương với cộng sản”… Trước ngày 20 tháng 7 năm 1956 10 ngày, địch đã bắt đầu chiến dịch đàn áp mang tên Trương Tấn Bửu (từ ngày 10 tháng 7 năm 1956 đến ngày 24 tháng 2 năm 1957) trên phạm vi miền Đông Nam Bộ kể cả phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn, mục tiêu là diệt lực lượng cách mạng cùng tàn dư Bình Xuyên, Cao Đài, do thiếu tướng Mai Hữu Xuân chỉ huy. Trong khi đó Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định đang sục sôi vào một cao điểm đấu tranh mới, với các khẩu hiệu đòi thống nhất đất nước, kết hợp với các khẩu hiệu đòi dân sinh. Tiếp sau cuộc hội thảo công khai là cuộc đình công của 5.000 công nhân xe lửa kéo dài 12 tháng, đến cuộc đình công của 5.500 công nhân bốc xếp của 20 khu cảng Sài Gòn, cuộc đình công 3 ngày của công nhân nhà đèn Chợ Quán… nhiều mặt sinh hoạt của Sài Gòn bị ngưng trệ. Đúng vào ngày 20 tháng 7, một cuộc tuần hành lớn chưa từng có, có phối hợp nội ngoại thành, hầu hết lực lượng nòng cốt tham gia. CIA chỉ đạo Diệm theo dõi lực lượng nòng cốt từ các đợt đấu tranh trước. Hợp điểm quy định của các đoàn biểu tình là Dinh thủ tướng ngụy, nhưng kế hoạch của ta bị lộ, địch đã chực sẵn ở các ngã ba, ngã tư và dùng vũ lực giải tán từng đoàn một. Bọn mật vụ điểm đúng mặt, gọi đúng tên nhiều cán bộ cơ sở, bắt đi hàng trăm người mà chúng đã nắm được qua các cuộc đấu tranh trước kia, qua kiểm tra hành chính, kê khai hộ khẩu. Hàng ngàn đồng bào yêu nước cũng bị bắt với những “tội” đã biểu tình, đã hoan hộ hiệp định, đòi tổng tuyển cử… Các lực lượng cảnh sát, mật vụ tiếp tục lùng sục vào các khu, các xóm lao động bắt bớ hàng loạt. Ở ngoại thành, địch đã khui hầm bí mật bắt được anh Võ Thành Trang (Bảy Trắc), Phó Bí thư Huyện ủy Gò Vấp. Anh đã chấp nhận hi sinh giữ trọn khí tiết người cộng sản. Bọn đầu hàng công khai lộ mặt. Đây là cuộc khủng bố lớn nhất Sài Gòn - Gia Định từ sau Hiệp định Genève do CIA đạo diễn. Sự kiện này đánh dấu sự kết thúc một thời kì cao trào đấu tranh chính trị đòi dân sinh dân chủ, đòi thống nhất đất nước, sau Hiệp định Genève. Qua đó đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn rút ra bài học đầu tiên về sử dụng 3 thế, 3 hình thức(1) sau ngày 20 tháng 7 năm 1954, trong đó có việc bộc lộ lực lượng do chưa lường hết âm mưu kẻ thù, là một bài học xương máu.

Sau cuộc khủng bố tháng 7, phong trào đô thị tiếp tục lan sang giới tiểu thương. Cuối tháng 7 (ngày 29 tháng 7 năm 1956), 160 đại biểu thay mặt 30.000 tiểu thương họp đòi bỏ thuế 4%, bỏ tiền chỗ và thuế môn bài. Trong tháng 1 năm 1956, công nhân hãng Pacific bãi công kéo dài hơn một tháng đòi tăng lương và chống sa thải, được 128 nghiệp đoàn ở Sài Gòn và miền Đông ủng hộ. Cuộc bãi công của 500 công nhân khuân vác ở cảng (ngày 16 tháng 11 năm 1956) đã làm tê liệt bến tàu 3 ngày.

Kế hoạch giải tỏa trên 32.000 căn nhà của Diệm, trong đó tập trung ỏ bến Chương Dương và Vân Đồn (gồm 10.000 nhà), để gọi là “chỉnh trang đô thị” trước hết đánh vào đồng bào lao động ở những xóm nghèo vách lá. Cuộc đấu tranh chống đuổi nhà quyết liệt, kéo dài qua nhiều năm. Ở các bến Chương Dương và Vân Đồn, hai chi bộ đảng lãnh đạo quần chúng xây dựng được hai đội tự vệ lấy tên công khai là “đội cứu hỏa” và hệ thống báo động. Mỗi khi có cảnh sát và lính Diệm đến đuổi nhà, quần chúng gõ thùng thiếc, chậu, mâm… để huy động lực lượng ra đấu tranh. Ngày 4 tháng 2 năm 1956 nổ ra cuộc đấu tranh chống đuổi nhà của 10.000 công nhân lao động và các tầng lớp nhân dân dọc theo hai bờ sông. Đội tự vệ bao vây, đánh nhau giằng co với bọn tháo dở. Ở Phú Thọ Hòa cũng diễn ra những cuộc đấu tranh như vậy.

Qua cao trào đấu tranh chính trị, lực lượng công nhân đã tỏ rõ vai trò nòng cốt. Điều này nói lên tính đúng đắn của các chủ trương của Đảng về công nhân trong hoàn cảnh mới. Để tạo tự do dân chủ, thực chất là để xé lẻ và làm chệch hướng phong trào công nhân, địch thành lập các nghiệp đoàn khác nhau: Tổng liên đoan lao công, Tổng liên đoàn lao động, Liên hiệp các nghiệp đoàn tự do… Do đó ở các nhà máy xuất hiện nhiều nghiệp đoàn cơ sở thuộc các hệ khác nhau song song tồn tại. Hậu quả tất yếu là đã xảy ra hiện tượng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, nghiệp đoàn này đấu tranh, nghiệp đoàn kia phá do tranh chấp nhau về ảnh hưởng như ở hãng dệt Vimytex, hãng pin Con Ó… Mĩ nắm chắc và tập trung đầu tư tiền cho Tổng liên đoàn lao công, ra sức tô vẽ cho tên CIA Trần Quốc Bửu thành “ông Vua lao động” nhằm biến Tổng liên đoàn lao công thành một nghiệp đoàn mạnh nhất, có sức chi phối, lũng đoạn phong trào công nhân trên toàn miền Nam. Chủ nghĩa cải lương, “lí tưởng quốc gia”, chủ nghĩa công đoàn (syndicalism)… đều nhằm vào mục tiêu tối hậu là “mỗi người lao động phải là một chiến sĩ chống cộng”(2).

Không để địch làm chệch hướng đấu tranh và phân tán lực lượng, trong tình thế các tổ chức quần chúng đã giải thể phải chấp nhận phương án “xanh vỏ đỏ lòng”, tức lợi dụng tổ chức địch để tạo thế hợp pháp tập hợp công nhân đấu tranh công khai. Thực hiện phương án đó, ta đã giải thể Liên hiệp công đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn, bố trí cán bộ tranh cử để gài vào tổ chức đầu não Tổng liên đoàn lao công của Bửu và đưa người vào cả hệ thống tổ chức Tổng liên đoàn lao động, gây cơ sở trong các nhà máy, xí nghiệp, hoạt động tại các công đoàn cơ sở.

Năm 1956, đảng “Cần lao nhân vị” ra đời, một đảng hợp pháp duy nhất của chế độ Diệm, lấy “chủ nghĩa nhân vị”, “một mớ hổ lốn không thể nào hiểu được”(3) làm hệ tư tưởng, là “một sự kết hợp của bộ máy chính trị cá nhân với một kiểu hội kín mang tính chất trả thù và hăm dọa kiểu maphia”.

Theo báo cáo của cục An Ninh (1960), đảng Cần lao có 70.000 đảng viên. Thực hiện lí tưởng của nó, bộ máy chính quyền Diệm ngày càng cảnh sát hóa, phát xít hóa theo phương châm mà chính ngoại trưởng Mĩ Dulles đã nói từ sau khi kí kết Hiệp định Genève: “Nam Việt Nam cần có một chính phủ dựa vào lực lượng cảnh sát mới có hiệu lực để loại trừ các phần tử gây rối” (ngày 1 tháng 11 năm 1954). Cùng với việc giám sát từng nhà, từng người thông qua các hình thức “liệu gia” và bộ máy kềm kẹp từ trung ương đến xóm ấp, Diệm - Nhu - Xuân bày ra và làm rùm beng ở các tổ chức Phong trào cách mạng quốc gia, Thanh niên cộng hòa, Phụ nữ liên đới… để gọi là “đoàn ngũ hóa nhân dân”, “đoàn kết quốc gia loại trừ cộng sản”.


(1) 3 thế: hợp pháp, nửa hợp pháp; 3 hình thức: công khai, nửa công khai, bí mật.
(2) Tuyên bố của Trần Quốc Bửu, VTX ngày 17 tháng 1 năm 1973 - Cục lưu trữ thành phố Hồ Chí Minh.
(3) Gabrel Kolko, Giải phẫu một cuộc chiến tranh, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1989.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:49:23 am
Hai năm trôi qua kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1954, ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mĩ thông qua tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm chuyển toàn bộ hệ cơ cấu thực dân cũ, thành cơ cấu thống trị thực dân mới, tạo được thế đứng để tập trung mũi nhọn vào những người cộng sản, những người kháng chiến cũ và lực lượng tiến bộ, thực hiện chiến lược “tố cộng, diệt cộng”, theo phương châm đánh trên diện rộng ban đầu, sau đó đánh vào quần chúng, lấy đánh vào Đảng Cộng sản làm mục tiêu quyết định; đánh vào tổ chức, đồng thời đánh vào tư tưởng; tiêu diệt con người đi đôi với tiêu diệt tinh thần, ý chí… Biện pháp của địch là dùng bạo lực phản cách mạng kết hợp với lừa mị, lấy bạo lực làm chính… thực hiện “từng bước, lâu dài nhưng kiên quyết và triệt để” nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là dồn những người cộng sản và quần chúng cách mạng vào chỗ hoặc chết, hoặc đầu hàng.

Tháng 6 năm 1956, Bộ Chính trị trung ương Đảng ra nghị quyết về “Tình hình nhiệm vụ cách mạng miền Nam”, xác định hình thành đấu tranh phổ biến ở miền Nam trong giai đoạn này là đấu tranh chính trị, không phải đấu tranh vũ trang, nhưng chỉ rõ “như thế không có nghĩa không dùng võ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định”, “cần thiết phải tổ chức các lực lượng vũ trang và bán vũ trang hiện có và xây dựng các căn cứ làm chỗ dựa”. Tuy nhiên việc phổ biến tinh thần Nghị quyết trên xuống tới chi bộ là việc hết sức gay go, thậm chí Nghị quyết không đến được từng khu vực quan trọng của Nam Bộ, trong đó có Sài Gòn - Gia Định.

Trên chiến trường, khi địch đã đi vào các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng”, ta vẫn còn lúng túng tranh cãi giữa hai con đường võ trang hay không võ trang, nhận thức và xử sự mỗi nơi một khác. Một số đảng viên, cấp ủy ở miền Đông được Liên tỉnh ủy miền Đông phê bình “không tin đường lối Đảng”, “manh động”… khi chủ trương có vũ trang tự vệ.

Sau cuộc khủng bố tháng 7 năm 1956, Xứ ủy Nam Bộ chỉ đạo chuyển hướng, nêu khẩu hiệu đấu tranh tập trung vào các mục tiêu đòi dân sinh dân chủ, khi có điều kiện thì đưa thêm khẩu hiệu đòi hòa bình, thống nhất đất nước, đồng thời xác định trong chừng mực nào đó cần phải có lực lượng tự vệ và vũ trang tuyên truyền để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và tiến tói sau này phát triển lực lượng đó để đánh đổ ngụy quyền.

Diệm bày trò bầu cử tổng thống ngày 26 tháng 10 năm 1956. Ta chủ trương chống bầu cử dưới mọi hình thức từ cách tỏ thái độ thờ ơ đến phá thùng phiếu. 15.000 quân ngụy kéo về Sài Gòn làm áp lực, cảnh sát lùng sục buộc mọi người đi bỏ phiếu. Chúng bắt luôn 6000 xe đò, tắc xi phải dán quảng cáo “Ngô chí sĩ, nhà lãnh đạo anh minh”… Nhưng hơn nửa dân Sài Gòn vẫn tẩy chay, không đi bỏ phiếu, 80 phần trăm quảng cáo “Ngô chí sĩ” bị xé. Diệm cứ công bố 90 phần trăm phiếu bầu cho y (đài phát thanh bí mật Lạc Việt nói Sài Gòn chỉ có một phần ba cử tri đi bỏ phiếu).

Tháng 12 năm 1956, tại Phnôm Pênh, Xứ ủy họp nghiên cứu Nghị quyết 6 Bộ chính trị và Đồng chí Lê Duẩn trình bày Đề cương đường lối cách mạng miền Nam(1) để lấy ý kiến chuẩn bị ra trình bày ở Trung ương. Xứ ủy xác định: con đường tất yếu của cách mạng miền Nam là bạo lực, chủ trương tích cực xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền, lập các đội vũ trang bí mật, xây dựng căn cứ rừng núi…

Ngay sau đó Xứ ủy làm việc trực tiếp với từng đồng chí trong Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn trong hơn hai tháng để đánh giá lại toàn bộ phong trào thành phố, rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng tới(2).

Nhìn lại hai năm qua, thấy nổi bật lên trong chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định là sự nhạy bén, nhanh chóng triển khai lực lượng, nắm bắt được nguyện vọng của quần chúng, đề ra khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, sử dụng linh hoạt hai hình thức công khai và nửa công khai, phát động quần chúng đấu tranh chính trị tiến công địch ngay từ đầu, đồng thời được sự tiếp sức và tăng cường của trên và các nơi, đã gây được cao trào đấu tranh chính trị ở thành phố, đưa Sài Gòn - Chợ Lớn lên vị trí trung tâm phong trào đấu tranh chính trị ở các đô thị miền Nam. Từ năm 1954 đến năm 1956, cao trào đấu tranh chính trị bảo vệ hòa bình, đòi thi hành Hiệp định Genève đã lên cao với khí thế rầm rộ, sôi nổi, rộng lớn.

Tuy nhiên, vấn đề xây dựng và giữ gìn lực lượng cách mạng tại chỗ chưa được sớm đặt thành một nhiệm vụ hàng đầu, coi đó trong chỉ đạo còn nóng vội, để lộ và dốc hết lực lượng mà chưa chú ý xây dựng lực lượng nòng cốt như đoàn thanh niên, tổ chức quần chúng, chưa đặt đúng mức yêu cầu bảo vệ cơ sở và lực lượng cách mạng, nhất là ở nội thành. Đảng bộ cũng chưa nhạy bén trong vận dụng sách lược phân hóa kẻ thù, chưa đề ra chính sách cụ thể trong công tác Mặt trận.


(1) Đồng chí Lê Duẩn chuẩn bị tư tưởng ở miền Tây, bắt đầu viết ở các cơ sở ở đường Huỳnh Khương Minh và khu Bàn Cờ Sài Gòn, hoàn thành ở Đà Lạt.
(2) Lúc này khả năng công khai coi như không còn, Khu ủy phải chia 2: nội và ngoại thành, tăng cường các thành công bí mật, chi bộ bí mật. Xứ ủy làm việc với Khu ủy phải gặp từng người một, không có họp chung.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:50:49 am
II. ĐỐI ĐẦU “TỐ CỘNG DIỆT CỘNG”,
KỊP THỜI CHUYỂN TRỌNG TÂM ĐẤU TRANH,
TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN VŨ TRANG TỰ VỆ - DIỆT ÁC


Năm 1956, mở đầu thời kì khủng bố khốc liệt nhất ở miền Nam: Diệm đã giành 42% ngân sách chung của đô thành Sài Gòn cho các cuộc vây ráp, lùng sục, bắt bớ. Ngay ở Sài Gòn - Chợ Lớn, dựa vào chỉ điểm, mật vụ, cảnh sát, Diệm đã bắt hàng ngàn người tình nghi thân cộng sản, hàng nghìn người vô tội bị hành hình. Trong bối cảnh như vậy, dù có thiếu sót, Đảng bộ thành phố vẫn phát triển qua cao trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Đến lúc này toàn thành đã có 86 chi bộ với 750 đảng viên, 500 đoàn viên thanh niên lao động, 300 quần chúng nòng cốt.

Về đấu tranh vũ trang Xứ ủy chỉ đề cập đến việc duy trì các lực lượng vũ trang đã có.

Ở Gia Định, tháng 2 năm 1957, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Tỉnh ủy lần thứ tư được tổ chức tại xã An Nhơn Tây, xác định tiếp tục nhiệm vụ đưa phong trào quần chúng đi lên, trước hết cần giáo dục sâu nhận thức về kẻ thù, về tính lâu dài của cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước, đẩy mạnh công tác binh vận, thực hiện chủ trương “điều lắng”, phân loại chi bộ lộ và không lộ để bảo vệ cho tốt.

Chủ trương, chỉ đạo của Xứ ủy, Tỉnh ủy chưa được triển khai thì địch đã vào đợt đánh phá mới rất mạnh. Lực lượng đảng bị tổn thất nhanh chóng. Địch đang triển khai tổ chức và xây dựng vành đai phòng thủ. Nhiều căn cứ quân sự, sân bay, đường chiến lược mới xây dựng. “Quân khu thủ đô”(1) bao gồm Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập. Ở nông thôn, trong đó Gia Định là một trong những trọng điểm, địch đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng tự vệ.

Trong khi địch đã bắt đầu tập trung đánh vào những người cộng sản và phong trào yêu nước, ta đã kịp thời chuyển hướng trong chỉ đạo đấu tranh, trước hết là làm sao duy trì được phong trào ở nội thành sau thời kì cao trào thứ nhất vừa qua đi.

Mục tiêu dân sinh dân chủ sát hợp với đòi hỏi trước mắt của quần chúng, đồng thời tạo điều kiện tận dụng được khả năng công khai hợp pháp của các tổ chức quần chúng.

Ngày 24 tháng 1 năm 1957, trên 3.500 công nhân cảng Sài Gòn bắt đầu cuộc bãi công đòi tăng lương 30% và không được vô cớ sa thải công nhân. Cuộc đình công làm cho bến tàu Sài Gòn hoàn toàn tê liệt. Ngụy quyền buộc phải chấp nhận tăng lương 15%.

Xuân 1957, nhân dịp Tết Nguyên đán, đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn, kể cả dân di cư, gửi kiến nghị đòi quốc hội Diệm cho gửi thư, nhắn tin ra Bắc. Chỉ trong 15 ngày đầu tháng 2 năm 1957, bưu cục miền Nam đã buộc phải chuyển tới 17.135 bưu thiếp ra Bắc. Đợt đấu tranh tháng 5 năm 1957 được mở màn bằng cuộc xuống đường của 278.000 công nhân lao động nhân ngày Quốc tế lao động 1 tháng 5. Trong cuộc biểu tình này, bên cạnh những khẩu hiệu dân sinh, dân chủ, còn khẩu hiệu đòi thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình. Sau ngày 1 tháng 5 hàng loạt cuộc đấu tranh của công nhân diễn ra quyết liệt - 5.000 công nhân nhà đèn Chợ Quán, sở xe lửa Chí Hòa và Dĩ An bãi công, 3.000 công nhân Ba Son bãi công chiếm xưởng.

Chính vào tháng 5 này, Diệm đưa ra Quốc hội để thông qua dự luật “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”, nhưng nhân dân phản đối nên Quốc hội không dám thông qua.

Suốt tháng 7 và tháng 8 năm 1957, trên 200 cuộc đấu tranh lớn nhỏ của công nhân và nhân dân lao động thành phố chống địch “giải tỏa đô thành”. Cùng trong tháng 7, 20.000 chị em ở 30 chợ họp đại hội đòi chấn chỉnh chợ búa.

Tháng 9 năm 1957 các nhà xuất nhập cảng ở Sài Gòn họp hội nghị kiến nghị ngụy quyền lập “ủy ban nghiên cứu nguyên nhân tình trạng khủng hoảng kinh tế”.

Tháng 10 năm 1957, địch lại bắt đầu khủng bố trắng, nhưng không dập tắt được đấu tranh. Ngày 26 tháng 10, Sài Gòn diễn ra một cuộc biểu tình hàng ngàn người đòi hòa bình thống nhất Tổ quốc. Lần này khẩu hiệu đả đảo Ngô Đình Diệm xuất hiện ngay trên đường phố. 194 đại biểu công nhân thuộc 62 nhà máy, xí nghiệp họp ủng hộ công nhân xe lửa đấu tranh, đồng thời đòi trả tự do cho cán bộ nghiệp đoàn bị bắt.

Nắm bắt được chủ trương của ta về công đoàn, ngày 11 tháng 11 năm 1957 lấy cớ “thanh lọc nghiệp đoàn”, ngụy quyền giải tán một lúc 30 nghiệp đoàn, bắt giam 200 người lãnh đạo nghiệp đoàn. Đây là lần thứ hai sau năm 1956, địch thực hiện chiến dịch “thanh lọc nghiệp đoàn” nhằm trong phạm vi và tinh thần các chiến dịch tố cộng. Cuộc “thanh lọc” còn tiếp diễn quyết liệt, nhiều cơ sở Đảng trong thành phố, trong đó có cơ sở Đảng quận 3 bị vỡ. Trong bối cảnh đó, ngày 15 tháng 12 năm 1957, hàng nghìn công nhân Sài Gòn xuống đường nêu cao khẩu hiệu đòi hủy bỏ dự luật “đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật”. Địch bắt đầu lập hệ thống kềm kẹp “ngũ gia liên bảo (ngày 19 tháng 12 năm 1957) để kiểm soát tận từng hộ cư dân nội thành.

Vượt qua nhiều khó khăn, ta đã đạt một trong những thành công đáng chú ý trong thời kì này là việc xây dựng nội tuyến, trong đó có những nội tuyến nằm trong những cơ quan quan trọng của địch: Phủ đặc ủy công dân vụ (sau đổi thành Bộ chiêu hồi), Nha công binh… Qua những nội tuyến đó, ta đã nắm được nhiều tin về kế hoạch đánh phá nội bộ ta, về những cán bộ bị bắt, về kế hoạch “dinh điền”, “khu trù mật”, về xây dựng, thiết kế các cơ sở quân sự.


(1) Ngày 24 tháng 10 năm 1956, Diệm ra sắc lệnh số 146b - TTP tổ chức đô thành Sài Gòn gồm Sài Gòn và Chợ Lớn thành “quân khu thủ đô”. Đến ngày 16 tháng 4 năm 1959 lại ra sắc lệnh số 98 - QP quy định quân khu thủ đô gồm đô thành Sài Gòn, tỉnh Gia Định và tỉnh Long An.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:53:07 am
Ở nông thôn Gia Định, trong khi những cuộc đấu tranh chống “cải cách điền địa” đang tiếp diễn, địch lại ầm ĩ về “khu dinh điền”. Một trại tập trung ở Củ Chi ra đời dưới cái tên “khu dinh điền”.

Chính sách “khu dinh điền”, “khu trù mật” ra đời tháng 4 năm 1957 nằm trong khuôn khổ “chương trình cải tiến nông thôn” bên cạnh các dụ “cải cách điền địa” đồng thời là một bổ sung cho chiến dịch “tố cộng diệt cộng”. “Cố vấn” Ngô Đình Nhu xác nhận: “Khu dinh điền là biện pháp xẻ đường đưa dân vào chiến khu Việt cộng, dùng dân để đẩy cộng sản ra khỏi vùng đó, là nơi cung cấp tình báo, nơi xuất phát hành quân để ngăn chặn xâm nhập”. Như vậy lập khu dinh điền là “đẩy” dân kháng chiến ra khỏi nơi họ đang sinh sống, là “cấy” dân gọi là “của quốc gia” vào giữa khu kháng chiến cũ. Và cuối cùng “khu dinh điền” là trại tập trung, khu trù mật là điểm dồn dân. Bọn công dân vụ nhai đi nhai lại “cứ làm, làm mãi, làm cho đến khi nông thôn trở nên pháo đài kiên cố của tự do…”. CIA gọi kế hoạch “khu trù mật” là “con ngựa chiến” của Diệm. Kế hoạch “giải tỏa đô thành” nhằm đuổi dân lao động ở các khu Chương Dương, Vân Đồn, Phú Thọ Hòa… ra xa “thủ đô”, tập trung người vào các “khu trù mật”. Cuộc đấu tranh của nông dân lao động chống lập khu dinh điền, khu trù mật cũng quyết liệt như chống “cải cách điền địa”.

Những tháng cuối năm 1957, cơ quan đầu não lãnh đạo Sài Gòn và Gia Định bị tổn thất nặng. Đồng chí Trần Quốc Thảo đương chức Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn bị bắt ngày 16 tháng 10 năm 1957(1). Bị địch cùm chân, đánh đập dã man, đồng chí không hé răng tiết lộ một điều gì, hi sinh ngay tại phòng tra tấn trong ngày bị bắt. Đồng chí Nguyễn Trọng Tuyến, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định bị địch phát hiện hầm bí mật ở Củ Chi. Đồng chí đã anh dũng hi sinh. Toàn bộ Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và tỉnh Gia Định cũng bị thiệt hại nặng do bị bắt và mất liên lạc. Chỉ riêng quận Hóc Môn, cho đến lúc này chỉ còn gần 100 đảng viên có tổ chức trong số hơn 1.000 đảng viên ở đây sau năm 1954. Số 100 đảng viên này đang đứng trước tình thế sẽ tiếp tục bị bắt(2).

Chính quyền Diệm công khai lên tiếng: “Thà bắn oan 1000 người còn hơn để sổng một tên cộng sản!”. Tờ báo Cách Mạng Quốc Gia không cần giữ vẻ chững chạc của cái gọi là “tờ báo”: “Không thể tha thứ cho những thằng ngủ mơ thiên đàng cộng sản, xác bám ở miền Nam, hồn gởi ra đất Bắc”.

Vùng ven Sài Gòn, một trong những trọng điểm địch đang đánh phá quyết liệt với những cuộc “tố cộng”, “cải huấn”, tẩy não”, “cách mạng quốc gia”… Trên mảnh đất Củ Chi ngoại thành đang diễn ra hằng ngày những cuộc moi gan, mổ bụng, bắt người thả bao bố dìm xuống nước… “Chủ nghĩa nhân vị” mà nhà sử học Mĩ Gabriel Kolko gọi là “một mớ hổ lốn, không ai hiểu nổi” bây giờ trở nên dễ hiểu. Đó là nhà tù, mổ bụng, moi gan, máy chém… dành cho tất cả những người không chịu “nhân vị” tức là chịu chế độ phát xít gia đình trị Ngô Đình Diệm. Cho đến cuối năm 1957, nhà tù ở ngay “thủ đô Việt Nam Cộng hòa” chật ních người, không chỉ những người cộng sản, người kháng chiến cũ mà cả những người dân thường trong số bị “bắt lầm hơn bỏ sót”. Trại giam Nha công an nhét trên 50 người trên 42m2, khám đường Gia Định 150 người trên 500m2, trại giam Thủ Đức có những ngày giam đến 4.000 chị em.

Trong hoàn cảnh chưa có một chiến lược hành động mới dứt khoát của Đảng, trước chính sách đàn áp thẳng tay của địch, nhân dân nhiều nơi của Sài Gòn - Gia Định không thể cho bọn ác ôn tự do hoành hành.

Chỉ với một lời khai, một chữ kí “li khai”, một tờ “sám hối” để đổi lấy cái sống phản bội, có biết bao chiến sĩ yêu nước đã kiên quyết không làm, chấp nhận cái chết tròn khí tiết. Trong nhà tù, có những anh chị em bị kẻ thù khoét mắt, lóc thịt, dí điện chết đi sống lại vẫn không hé một bí mật của Đảng, của tổ chức. Giữa địa ngục trần gian kẻ mất người còn, kẻ ra đi người ở lại, những người cộng sản chỉ chọn một trong hai con đường: hoặc chiến thắng hoặc cái chết để cho người còn sống nhớ lấy:

      Người đi ta nhắn mấy lời,
      Người về người nhớ xa vời còn ta
      Nhắn về thưa với “chú, cha”
      Ta về thắng lợi hoặc “ma căm thù”
(3)

Thực hiện chủ trương diệt ác để bảo vệ cán bộ, cơ sở cách mạng, xây dựng phong trào trên đường phố Sài Gòn sau những vụ trừng trị những tên cảnh sát ác ôn Nguyễn Văn Thông, Nguyễn Ngọc Thạch… hồi năm 1956, năm 1957 tiếp tục diễn ra những vụ nổ lựu đạn của những người yêu nước trừng trị bọn tay chân đắc lực của Diệm - Nhu ở các địa điểm: quán rượu Thanh Xuân, Bến Ngô Quyền, Vườn Chuối, đường Cống Quỳnh.

Ở ngoại thành, những cuộc diệt ác diễn ra nhiều nơi như: ở thị xã Gia Định, ở các quận Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn, Duyên Hải.

Ở Củ Chi, một trong những nơi đã diễn ra những cuộc đàn áp khốc liệt nhất của địch, các đội võ trang 3 đến 7 người lần lượt xuất hiện trên khắp các xã. Bọn ác ôn hoảng sợ, một đêm phải dời hai, ba chỗ ngủ. Có các nhóm võ trang hỗ trợ, cuộc đấu tranh của nông dân Phú Hòa Đông đòi địch trả thơn 100 ha vườn cây ăn trái, đòi hạn chế bắn pháo, đạt thắng lợi. Địch còn buộc phải trả lại số thuế cho 172 gia đình ở Bình Mĩ mà chúng đã thu trên danh sách những người đã chết.

Ở Thủ Đức, đến năm 1957 hầu hết mỗi nhà ở xã An Phú đều đã sắm gậy tầm vông và dây trói để chống địch cướp đất.

Có thể nói, sau cao trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn - Chợ Lớn là phong trào trừ gian diệt ác ở tỉnh Gia Định. Về mặt này Gia Định đứng vào những tỉnh hàng đầu ở miền Nam trong những ngày đen tối.


(1) Tại điểm hẹn ở Bình Chánh, hai đồng chí Phan Kiêm, Khu ủy viên và Vũ Hồng Chánh văn phòng khu ủy bị bắt trước. Đồng chí Trần Quốc Thảo đến điểm hẹn bị bắt luôn. Đồng chí Trần Quốc Thảo hi sinh trong khi một bộ phận Khu ủy đang làm việc với Xứ ủy ở Phnompenh. Đồng chí Phó Bí thư Nguyễn Ngọc Thanh về củng cố Khu ủy giữ chức quyền Bí thư, đồng chí Đoàn Văn Bơ làm Phó Bí thư, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bổ sung vào Khu ủy. Sau khi củng cố Khu ủy, đồng chí Thanh trở lên Phompenh báo cáo, nhưng đi ngang Hồng Ngự thì bị bắt, sau đó đồng chí Đoàn Văn Bơ cũng bị bắt.
(2) Đến năm 1959 chỉ còn 1 đảng viên.
(3) Bài thơ trên vách đá nhà tù Mĩ - Diệm.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:54:30 am
Phong trào đấu tranh dân sinh dân chủ ở nội thành Sài Gòn vẫn không giảm vào năm 1958.

Mở đầu là cuộc đấu tranh của công nhân 144 xí nghiệp ở Sài Gòn ngày 28 tháng 1 năm 1958 đòi tiền lương các ngày nghỉ.

Một tháng sau, ngày 28 tháng 2 năm 1958, công nhân hãng dầu Caltex bãi công 10 ngày chống lại việc chủ đánh đập thợ thuyền. Cuộc bãi công này có tiếng vang mạnh mẽ trong các xí nghiệp quan trọng của Mĩ Diệm.

Tháng 3 năm 158 nổ ra phong trào hưởng ứng công hàm ngày 7 tháng 3 của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi chính quyền miền Nam Việt Nam đề nghị trao đổi buôn bán, tạo điều kiện thuận lợi đi đến hòa bình thống nhất đất nước. Chỉ trong một tháng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đã có trên 100 cuộc tọa đàm, mít tinh bàn về quan hệ bình thường Bắc Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ngày 20 tháng 4 năm 1958, khi địch bắt đầu chiến dịch tố cộng “Nguyễn Trãi” (từ ngày 20 tháng 4 năm 1958 đến ngày 20 tháng 11 năm 1958) ở 8 tỉnh miền Đông Nam Bộ song song với chiến dịch “Hồng Châu” càn quét ngoại ô Sài Gòn, thì ở nội thành ngày Quốc tế lao động ngày 1 tháng 5 năm 1958, gần 500.000 công nhân các tầng lớp nhân dân khác rầm rộ xuống đường biểu tình đòi ngụy quyền giải quyết nạn thất nghiệp, đòi “bảo vệ hàng hóa”, sản xuất nội địa…

Trong cơn sóng đàn áp, công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn càng gắn bó với người bạn đồng minh của mình là nông dân. Giữa nhưng ngày chiến dịch “Nguyễn Trãi” và “Hồng Châu” đang diễn ra ác liệt khắp ngoại thành và 8 tỉnh miền Đông, tại diễn đàn đại hội Tổng liên đoàn lao động, có đại diện các nghiệp đoàn về dự để thông qua tuyên bố và nội dung tố cáo chế độ Diệm, đồng chí Đoàn Văn Thới (tức Lê Văn Năm, cán bộ công vận công khai ở Tổng liên đoàn lao động) đã đọc bức thư của nông dân Cà Mau nói lên tình cảnh nông dân Cà Mau bị cướp bóc, bị ức hiếp tồi tệ… Người đọc rơi nước mắt, cả hội trường cũng rơi nước mắt theo(1). Trong cuộc biểu tình ngày 1 tháng 5, những khẩu hiệu đòi giải quyết nạn thất nghiệp, thi hành luật lao động đã xuất hiện bên cạnh khẩu hiệu đòi “Cải cách điền địa như thế nào có lợi cho nông dân”, đòi “giảm tô giảm tức đúng mức”.

Đầu năm 1959, Sài Gòn - Gia Định lại sôi sục biểu tình, mít tinh lên án chế độ Mĩ Diệm gây ra vụ thảm sát thù nhân ở Phú Lợi. Những đợt tố cáo địch liên tiếp diễn ra đến tháng 3 năm 1959, kế tiếp 4 tháng liền (tháng 4 đến tháng 8 năm 1958) nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định chống Diệm chuẩn bị bầu cử “quốc hội” khóa 2.

Phong trào đấu tranh chống văn hóa nô dịch, đòi dùng tiếng Việt ở bậc đại học, đòi sửa đổi chương trình giáo dục, cải cách dân chủ trong nhà trường đã thu hút trên 300.000 học sinh sinh viên của 45 trường học ở Sài Gòn và miền Nam. Nhiều giáo sư, cha mẹ học sinh đã nhập cuộc trong cuộc đấu tranh này.

Với hai chiến dịch khủng bố “Nguyễn Trãi” và “Hồng Châu” nhằm mục tiêu vét đến người cộng sản nằm vùng cuối cùng, quét sạch cơ sở cách mạng tại chỗ ở Gia Định, kẻ thù đã gây tổn thất nặng cho ta, đẩy cách mạng đến thoái trào, tăng thêm thế chủ động của chúng trên trận địa “chiến tranh một phía”. Đến năm 1959, chúng tuyên bố hoàn thành mục tiêu “quốc sách diệt cộng” ở miền Nam Việt Nam. Thế nhưng kẻ thù đã tạo một kết quả trái ngược với ý muốn: nhân dân miền Nam đã nhận rõ rằng, không thể nói chuyện với chúng bằng tay không, mà phải bằng gươm súng, phải dứt khoát dùng bạo lực chống lại chúng. Sự đòi hỏi của quần chúng đã đi trước chủ trương chiến lược của Đảng ta.

Trong tình thế như vậy, giữa những ngày chiến dịch “Nguyễn Trãi”, chiến dịch “Hồng Châu” đang quyết liệt, ngày 11 tháng 8 năm 1958 một bộ phận lực lượng võ trang miền Đông, với những phân đội đầu tiên đã ra đời từ cuối năm 1956, nổ súng tấn công chi khu Dầu Tiếng, cách Sài Gòn chỉ 70km đường chi mbay về phía Tây Bắc. Trong “phiếu trình đặc biệt” gửi Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa đề ngày 12 tháng 8 năm 1958, tên đại tá Lê Khương, Tổng giám đốc bảo an nằm trong phái đoàn quân sự đến khảo sát hiện trường Dầu Tiếng đã thừa nhận “việt cộng” tiến công 8 mục tiêu, làm chủ đồn Cộng Hòa suốt 2 giờ 40 phút.

Sự kiện này góp lời giải đáp của chính Xứ ủy Nam Bộ cho những cuộc bàn cãi nội bộ, bàn cãi giữa cán bộ và nhân dân về võ trang hay không võ trang, đánh hay không đánh.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy cơ sở, trên nhiều vùng nông thôn, các đội võ trang du kích tiếp tục ra đời, bao gồm những cán bộ đảng viên, chiến sĩ cũ, những đoàn viên thanh niên lao động và những nòng cốt trong phong trào đấu tranh chính trị: ngoài dao, gậy, lác đác có súng “ngựa trời” tự tạo hoặc ít “súng thiệt” từ thời chống Pháp để lại. Ở nội thành, các quận 1, 4 và vùng chợ Thiếc, trường đua Phú Thọ thuộc quận 5 (nay thuộc quận 11)… tiếp tục xuất hiện những đội tự vệ núp dưới những tên công khai “đội phòng cháy chữa cháy”, “đội chống trộm cướp”. Ở Thủ Đức, đến đầu năm 1959 tự vệ các xã đã phát triển khá. Linh Xuân, 2 tiểu đội, Tam Bình, 1 tổ 4 người với 2 lựu đạn, 1 “rulô”, Long Thành Mĩ: 1 tiểu đội, Phước Long, Long Trường, An Khánh: cơ sở vũ trang bắt đầu được xây dựng. Huyện ủy lãnh đạo trừ gian diệt ác. Ở xã Tam Bình có tên Lang ác ôn khét tiếng, từng bắt giết khoảng 150 cán bộ và quần chúng cơ sở cách mạng. Chỉ với dao “con chó”, đồng chí Hai Tây đã trừng trị tên này. Để trả thù, giặc hèn hạ bắt cha và anh của đồng chí Hai Tây, kéo lết hai người trên mặt đất, rồi dùng lưỡi lê đâm trước sân nhà, người cha 15 nhát, người anh 22 nhát. Vụ trả thù không làm cho bọn ác ôn Thủ Đức yên tâm. Có những tên cứ chiều tối là trốn vô Sài Gòn. Ở Bình An, Bình Chiêu có 5 tên ác, cầm đầu là Phu, Rút thường xuyên xách dao đi bắt “Việt cộng”. Huyện ủy chủ trương loại trừ cả 5 tên. Các đồng chí tập hợp một số thanh niên trốn lính, cải trang làm lính ngụy, tối đến cùng cán bộ ta đến từng nhà, lần lượt tóm cả 5. Cả bọn bị giải xuống trường học Đông An, một phiên tòa được mở ngay tại chỗ, có dân tham gia. Nghe xong bản an, mọi người có mặt nhất trí xử tử cả 5. Ở Dĩ An, có một tên ác ôn nhà ở trong khu nọ, một ổ vũ trang do đồng chí Tư Hồng chỉ huy khéo léo đột nhập bắt sống tên này, đem ra đường xe lửa, thi hành “án chém”. Tên ác bị xử, phong trào Dĩ An có đà lên; huyện ủy chủ trương xây dựng căn cứ du kích trong rừng. Căn cứ thu hút nhiều thanh niên. Huyện ủy khuyến khích “ai muốn ra căn cứ, cướp súng địch mang ra!”. Con bà Tư Hòa đâm chết tên tổng Mát, lấy một súng ngắn ra căn cứ.


(1) Sau vụ này, địch giải tán Nghiệp đoàn dân cày ở Cà Mau với lí do “Không xin phép”, riêng đồng chí Thới bị 3 năm tù.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:55:09 am
Ở Rừng Sác, ngay trong những ngày đen tối nhất, các cấp ủy tại chỗ đều coi việc bám dân là vấn đề sống còn. Các nghị quyết lãnh đạo đều nhấn mạnh: tất cả các đảng viên không được xa rời quần chúng và sẽ thi hành kỉ luật bất kì đảng viên nào tự ý bỏ cơ sở, bỏ dân, thoái thác nhiệm vụ. Huyện ủy Nhà Bè (quản lí phía trên Rừng Sác) cử các đồng chí Trương Lương Bửu, Đặng Văn Trúc về các xã để xây dựng chi bộ. Có những chi bộ (như Lí Nhơn) rách ra làm hai: chi bộ A vào rừng xây dựng căn cứ bí mật, chi bộ B bám lại trong dân; ở Cần Thạnh, có 2 đảng viên không chịu nổi ác liệt, rủ nhau ra đầu thú, nhưng họ chưa kịp đến trụ sở địch ở quận Cần Giờ thì đã bị quần chúng cơ sở phát hiện và chặn lại. Vừa đấu lí vừa chân tình khuyên nhủ, bà con chí cốt cách mạng đã làm cho 2 người này nhận ra lầm lỗi nghiêm trọng của mình. Do tình hình ngày càng phức tạp, trên đã quyết định cho thành lập Ban cán sự Cần Giờ (vào giữa năm 1957), đồng chí Võ Văn Thiết được chỉ định làm bí thư Ban cán sự. Các nhóm võ trang tự vệ mang những tên biến tướng công khai ở Rừng Sác tiếp tục phát triển. Tổ tự vệ Bình Khánh với 1 cây súng duy nhất của cả xã, đã bắn chết tên Tư cảnh sát ác ôn. Việc này làm rúng động hàng ngũ cảnh sát trong vùng.

Ở Củ Chi, sau những thắng lợi về việc đòi lại đất, đòi trả lại số tiền thuế gian lận mà địch đã thu, đồng bào đấu tranh đòi chúng xử tử một tên ác ôn có nhiều nợ máu. Địch buộc phải chấp nhận để xoa dịu lòng phẫn uất của dân chúng.

Năm 1958, cách mạng miền Nam đang lúc thoái trào, chế độ Diệm tự coi là đã hoàn chỉnh. Tuy nhiên, chế độ khát máu đang tích tụ nguy hiểm cho chính bản thân nó. Trước hết đó là việc lòng người đã không chịu đựng được nữa. Trên chiến trường, kẻ thù đang áp đảo, nhưng các nhóm võ trang cách mạng bây giờ không chỉ giành để tự vệ hay diệt ác ôn ở ấp xã, mà nhiều nhóm đã có căn cứ đứng chân ở cấp tỉnh và miền đã có tiểu đội, trung đội, đại đội bộ đội tập trung thực hiện được những rận tấn công theo kiểu Dầu Tiếng, Minh Thạnh, Bến Củi… Tuy lực lượng chưa lớn, chưa nhiều, những đã là những “Bó đuốc cháy loang” báo trước con đường phát triển tất yếu: chiến tranh cách mạng. Những điều này giải thích tại sao vào đầu năm 1959 trong khi lớn tiếng hô hào “Bắc tiến” để vừa “lấy gân” vừa dòi viện trợ Mĩ, Diệm lại tuyên bố đặt “miền Nam trong tình trạng chiến tranh” (tháng 3 năm 1959). Điều này có lí do giả tạo mà Diệm cố trương ra để đàn áp, nhưng có cái thực của nó. Khi kẻ thù “cực thịnh”, cũng là buộc lộ chỗ yếu của nó.

Tháng 4 năm 1959, “Quốc hộ” của Diệm thông qua luật số 91. Luật được ban hành ngày 6 tháng 5 năm 1959 mang tên “luật 10-59” về thành lập các tòa án quân sự đặc biệt”. Theo luật 10-59, tội xử chỉ có hai mức: tử hình và khổ sai chung thân. Xét xử chỉ được phép kéo dài tối đa 3 ngày, không có giảm khinh, không có kháng cáo, bản án thi hành ngay… Không kể đối với “cộng sản đã ngoài vòng phát luật”, tức không cần xét xử, luật này giành cho tất cả mọi người được quy là “phá rối trị an”. Không lúc nào máy chém thịnh hành hơn lúc này. Máy chém của Diệm lê về tận xã ấp. Máy chém đặt giữa các chợ Trung Hòa, Tân An Hội (Củ Chi), kém theo lời đe dọa của chính quyền Diệm: “Ai liên quan đến cộng sản sẽ mất đầu”. Cái máy chém trở thành biểu tượng của chế độ Diệm. Những tên ác ôn mặc quần áo rằn ri được tổ chức thành từng đội đưa về hoành hành khắp các thôn ấp Củ Chi. Tên quận trưởng Bình khét tiếng tàn bạo, đã chỉ huy mổ bụng, moi gan trên 280 người. Đồng Găng, Mít Nài, Cây Sộp (xã Tân An Hội), Gót Chàng, Cổ Cò, Gò Nổi (An Nhơn Tây)… đã chứng kiến không biết bao vụ chặt đầu, mổ bụng chiến sĩ và đồng bào. Cho đến năm 1959, ở Củ Chi đã có 500 người bị moi gan, mổ bụng, 600 người bị dồn vào bao bố cột đá dìm xuống sông, 150 người bị buộc vào xe ôtô kéo trên đường đá… Toàn bộ số cán bộ ở Củ Chi bị bắt, bị giết lên đến 75%. Có những vụ hành hình gây nên làn sóng đấu tranh mãnh liệt, như vụ mổ bụng anh Từ Văn Sến đã gây nên một cuộc biểu tình, đơn tố cáo lên quận rồi lên tỉnh trưởng Bình Dương. Tiếp đó địch mổ bụng anh Trương Văn Ba ở Phú Hòa Đông. Đồng bào mang xác anh Ba lên thẳng tỉnh Bình Dương để tố cáo. Tỉnh trưởng lánh mặt, binh sĩ ra mở cửa, đồng bào khiêng xác anh Ba vào. Tên tỉnh trưởng buộc phải ra nhận bồi thường và đổi bọn ác ôn đi nơi khác. Những cuộc đấu tranh trực diện của nhân dân Củ Chi lúc này được tổ chức chặt chẽ: phụ nữ tổ chức thành đội ra giáp mặt với địch; thiếu nhi, phụ lão ở nhà lo việc hậu cần và lo tang lễ cho gia đình người bị hại. Thanh niên không ra mặt, tránh địch bắt lính, lo đảm đương các công việc nặng khác. Ngoài đội đấu tranh trực diện, còn có đội dự bị sẵn sàng thay thế hoặc tiếp viện.

Chưa lúc nào đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định bị tổn thất và khó khăn hơn lúc này. Nhiều đồng chí lãnh đạo từ Khu ủy, Tỉnh ủy đến Huyện ủy, Quận ủy bị bắt, hi sinh; các Ban chấp hành đảng bộ Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn… coi như đã lột xác, phải lập đi lập lại nhiều lần. Khu ủy đến năm 1959 còn các đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Võ Văn Trúc, Hai Khánh… thực lực đảng hầu hết còn đơn tuyến. Trên điều động đồng chí Võ Văn Kiệt từ miền Tây lên Sài Gòn làm bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn để khôi phục tổ chức. Đồng chí kiểm tra lại, còn rải rác, lẻ tẻ khoảng 200 đảng viên và quần chúng nòng cốt, không nắm được cấp quận một cách chính xác. Tiếp đến đồng chí Hai Trúc và Hai Khánh lại lần lượt bị bắt, cơ sở tiếp tục bị vỡ. Khu ủy còn các đồng chí Võ Văn Kiệt và Huỳnh Tấn Phát buộc phải đứng chân căn cứ ngoài. Đến lúc này thì toàn bộ số gần 100 đảng viên còn lại sau 1954 tại Hóc Môn, chỉ còn 1. Huyện ủy Gò Vấp bị bắt gần hết chỉ còn lại 2 người. 9 xã của Gò Vấp chỉ còn lại 1 đảng viên bám trụ rồi cũng bị lộ buộc phải giạt qua quận Tân Bình (xã Phú Nhuận). Hàng lạt cơ sở Đảng ở Tân Bình cũng bị vỡ. Hai huyện Gò Vấp, Tân Bình từ 1.000 đảng viên sau hiệp định, sau khi “điều lắng”, chọn lại còn 385, đến lúc này chỉ còn 8. Tỉnh Gia Định chỉ còn 1 chi bộ Tân Phú Trung, những xã khác có thể có đảng viên nhưng không có chi bộ. Ở nội thành, 200 đảng viên và nòng cốt quần chúng như đã nói trên, buộc phải hoạt động đơn tuyến.

Kiểm lại sự giảm sút về thực lực những năm qua, có thể nói rằng: Tổn thất một phần do khuyết điểm bộc lộ lực lượng trong cao trào đấu tranh chính trị, khi địch đã lộ mặt phát xít, ta không kịp chuyển hướng tổ chức và lâm vào thế bị động. Mặt khác, về công tác tổ chức ở nông thôn ta đã thiên về “kiểm điểm”, “phân loại”, “chấn chỉnh”, đã thiếu linh hoạt về chủ trương “điều lắng”. Do thực hiện “điều lắng”, toàn Nam Bộ từ 15.000 đảng viên còn 5.000 theo báo cáo của Trung ương Cục tháng 11 năm 1961 mà thực tế là một kiểu thụ động đối phó. Mặt khác, trong khi địch đã thẳng tay tố cộng lùng diệt, chủ trương vũ trang tự vệ chưa được rõ ràng, thông suốt, thậm chí nội bộ ta vẫn đang bàn cãi, vẫn còn ý kiến “vũ trang là manh động”, nên không ít cán bộ đảng viên đã bị lọt vào nanh vuốt quân thù.

Trước thực trạng tổ chức lực lượng đã sa sút nặng, để tránh những cuộc khủng bố của địch, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn chủ trương tách ra 2 cánh chỉ đạo bí số D1, D2 thay cho một tổ chức tập trung (D1) như từ 1950 về trước. D1 trước đây có lúc do đồng chí Bửu Nguyên (Mười Phải) làm Bí thư. D1 bây giờ phụ trách địa bàn các quận, huyện ven đô thuộc tỉnh Gia Định, do đồng chí Bửu Nguyên tiếp tục làm Bí thư; D2 phụ trách địa bàn các quận nội thành do Đặng Gia Lợi (Ba Bá, Phó Bí thư D1 trước kia) làm Bí thư.

Ngoài D1, D2 chỉ đạo theo địa bàn dân cư, Khu ủy còn hình thành các tổ chức chỉ đạo theo ngành: Liên chi văn nghệ do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu (báo Tiếng Chuông) phụ trách cùng với các đồng chí khác như Trường Xuân Trúc, Mai Thế Đồng, Liên chi văn nghệ chi phối được một số lớn báo chí, các đoàn hát, các đoàn cải lương công khai, thực hiện nội dung của ta: dân tộc, lành mạnh và tiến bộ.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:56:39 am
Nhiệm vụ chủ yếu của 2 cánh D1 và D2 vào lúc này là xây dựng cơ sở trong quần chúng công nhân, lao động trên địa bàn dân cư và xí nghiệp.

Về công đoàn, bọn CIA Trần Quốc Bửu lộ mặt chống cộng đã tuyên bố “cộng sản dùng nghiệp đoàn để gây bất ổn xã hội, lật đổ chính quyền”, chiểu luật 10-59, giải tán tất cả các tổ chức công khai, bán công khai “đã bị cộng sản lợi dụng”. Cái gọi là “tòa án miền Đông” ra đời đưa hàng loạt chiến sĩ cách mạng và công nhân yêu nước lên máy chém.

Nhưng điều mà kẻ thù không làm được là những người cộng sản nằm vùng còn sót lại vẫn cứ “nằm vùng” tại chỗ. Quần chúng cách mạng nhiều mưu trí, sáng tạo nhiều cách bảo vệ cán bộ. Tự thân thực tế trả lời cho mọi đảng bộ: không còn con đường nào khác là phải có võ trang; đến lúc này một nhận thức mới cũng đã rõ dần: không thể chỉ có võ trang tự vệ, chỉ diệt từng tên ác ôn mà có thể giải quyết tình hình. Vấn đề là phải giải quyết toàn bộ chế độ phát xít tay sai.

Tháng 5 năm 1959, theo chủ trương của Tỉnh ủy Gia Định, đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của tỉnh được thành lập trên đất Củ Chi, lấy phiên hiệu là C13 - Phiên của bộ đội địa phương Gò Vấp - Hóc Môn thời chống Pháp, tất cả có 20 người, hầu hết là những cán bộ, đảng viên còn sót lại qua những cuộc truy lùng của giặc. Ban chỉ huy gồm: Mười Phúc, Sáu Lí, Chín Thùng và Sáu Đệ. Vũ khí gồm một số súng trường Pháp, một tiểu liên “xitten”, 1 tiểu liên “tômxông” do một đội viên giật được của địch ở thị trấn Củ Chi và 1 khẩu carbine gãy báng. Theo hướng phát triển, C13 biên chế thành 3 trung đội gọi là các B. “B1: Chín Thùng chỉ huy, hoạt động ở 3 xã căn cứ cũ, Phú Mĩ Hưng, An Nhơn Tây, Nhuận Đức (phía Bắc Củ Chi). “B4”: Sáu Đệ chỉ huy, hoạt động ở các xã ven lộ 1 thuộc địa phận Củ Chi. “B5”: Mười Phước chỉ huy, hoạt động ở khu vực Trung An (phía Nam Củ Chi).

Để xúc tiến nhanh việc khôi phục lực lượng, tháng 7 năm 1959, Tỉnh ủy Gia Định thành lập 2 đoàn cán bộ công tác, phụ trách 2 huyện Gò Vấp và Tân Bình đưa về bám dân xây dựng và củng cố cơ sở Đảng với 3 yêu cầu: bám trụ chặt xã ấp, xây dựng cơ sở Đảng trong quần chúng; lãnh đạo quần chúng đấu tranh với địch. Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn cũng bắt đầu mở các lớp “Rừng Xanh” ở bên ngoài, học viên là các thanh niên được chọn từ trong thành đưa ra huấn luyện.

Nông dân Gia Định đào nhiều hầm bí mật ngay trong nhà, trong vườn, ngoài ruộng để giấu cán bộ. Nhờ vậy, nhiều đồng chí Tỉnh ủy, Huyện ủy vừa được bổ sung và nhiều cán bộ đảng viên đã về bám được xã ấp, móc nối được người đưa ra căn cứ, xây dựng được lực lượng cơ sở trong dân. Cơ sở nội tuyến trong hàng ngũ địch, đào hầm cất giấu vũ khí và vận động thanh niên ra khu học tập, tòng quân xây dựng lực lượng vũ trang.

Hình thức đấu tranh chính trị kết hợp võ trang đã bắt đầu có hiệu quả cụ thể:

Tháng 12 năm 1959, một tổ của C13 do đồng chí Sáu Đệ chỉ huy phục kích trên quốc lộ, chặn đánh một xe Jeep của địch, chém chết tên đại úy và tên lái xe, thu 1 tiểu liên Tomxông và 1 “côn” 12 li, đốt cháy xe. Ít ngày sau, C13 lại phục kích ở sở cao su Bến Đu (An Nhơn Tây) diệt gần 1 trung đội địch từ bót An Nhơn ra lùng sục, thu 14 súng, một số lượng vô cùng quý lúc bấy giờ.

Cũng vào tháng 12 năm 1959, tại Củ Chi, trung đội vũ trang đầu tiên của khu Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập mang tên ngụy trang Cao - Hòa Bình (Cao Đài - Hòa Hảo - Bình Xuyên) thực tế có 2 tiểu đội. Một hầm bí mật 70 súng do đồng chí Nguyễn Hồng Đào, bí thư huyện ủy Hóc Môn, chỉ đạo chôn giấu trước đây tại góc rừng Bà Sòng xã An Nhơn Tây, lúc này được moi lên để trang bị cho lực lượng vũ trang khu. Các xã trong huyện Củ Chi lúc này cũng gấp rút tổ chức tự vệ mật, sắm sửa vũ khí.

Tại Rừng Sác, đại đội mang phiên hiệu 12 cũng được thành lập do đồng chí Trương Huỳnh Hòa phụ trách, quân số 32 người, vũ khí khá mạnh: 3 tômxông, 6 tiểu liên, 6 mat 49, 3 garăng, 4 mát 36, 4 khẩu carbine, 8 súng lục. Lấy Rừng Sác làm căn cứ đứng chân, nhưng hướng hoạt động của đơn vị là Nhà Bè và 5 xã của Nam Bình Chánh, hoạt động bước đầu chủ yếu là võ trang tuyên truyền, uy hiếp địch, phát động quần chúng.

Để thuận tiện trong lãnh đạo, cuối năm 1959, huyện Hóc Môn được tách thành 2 huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi. Huyện ủy Hóc Môn do đồng chí Út Hội làm bí thư, huyện ủy Củ Chi do đồng chí Lê Văn Tất (Bảy Hiền) làm bí thư. Cả hai huyện đều gấp rút thành lập các ban, ngành, củng cố các cơ sở quần chúng, phái cán bộ huyện xuống xã để xây dựng cơ sở.

Thực tế cho đến lúc này, hoạt động vũ trang vẫn còn lẻ tẻ, có tính chất tự vệ trừ gian, diệt ác tự phát, có cản trở cho địch phần nào trong việc củng cố bộ máy kềm kẹp ở cơ sở, có bảo vệ được phần nào cơ sở cách mạng, chưa thể nói là đã chuyển thế chiến trường. Điều quan trọng hơn hết là việc võ trang rất hợp lòng người, cái đà đã có đủ còn phôi thai vẫn làm mầm mống để phát triển. Tuy vậy, vẫn không tránh khỏi một số đảng viên và cấp ủy địa phương còn do dự vì chưa tin quần chúng, coi địch quá cao, sợ tổn thất.

Đến đây có thể nhìn lại, từ sau Hiệp định Genève đến giữa năm 1959, miền Nam và Sài Gòn - Gia Định đã trải qua một thời kì sóng gió do đường lối đấu tranh chưa thật cụ thể rõ ràng. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ đảng viên của thành phố tuy lúc đầu có được chú ý tăng cường, nhưng chưa được chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, nhận thức, cũng như về kinh nghiệm công tác và phương pháp hoạt động ở thành phố; bên cạnh đó còn thiếu ý thức cảnh giác, ảo tưởng pháp lí Hiệp định, hai năm tổng tuyển cử… thiếu ý thức chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, ác liệt, với nhiều khả năng khác nhau. “Đảng bộ đã lấy nhiệm vụ và mục tiêu đấu tranh 2 năm trước mắt thay vào nhiệm vụ chiến lược lâu dài của cách mạng”(1).

Từ cuối năm 1956 khi khủng bố lớn của địch diễn ra, trong chỉ đạo của Đảng bộ vẫn thiếu nhạy bén, kịp thời chuyển hướng tổ chức và phương pháp đấu tranh cho phù hợp với tình hình đã thay đổi. Do đó, việc đối phó với những cuộc tiến công, đánh phá của địch và bảo vệ lực lượng cách mạng rơi vào tình thế bị động, lúng túng.

Tuy vậy, việc ra đời hình thức võ trang tự vệ và các lực lượng võ trang, từ tự vệ đến diệt ác ôn, võ trang tuyên truyền và tấn công địch, chuyển hướng tiến công và phương pháp đấu tranh từ giữa năm 1959 là thể hiện sự sớm tiếp cận tư tưởng tiến công và phương pháp bạo lực cách mạng của đảng, đồng thời là kết quả nhận thức về địch của đảng bộ Sài Gòn - Gia Định.


(1) Trích Bản dự thảo kiểm điểm về sự chỉ đạo của Thành ủy qua các giai đoạn chống Mĩ từ tháng 7 năm 1954 đế ngày 30 tháng 4 năm 1975 - Lưu trữ tại BLS Thành Ủy.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:57:57 am
III. NÔNG DÂN KHỞI NGHĨA GIÀNH QUYỀN LÀM CHỦ TỪNG PHẦN,
NỘI ĐÔ KHÔI PHỤC THỰC LỰC CÁCH MẠNG,
TẠO THẾ TẠO LỰC CHUYỂN GIAI ĐOẠN


Tháng 1 năm 1959, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ 15 về tình hình và nhiệm vụ cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Căn cứ tình hình thực tiễn ở miền Nam, căn cứ tình hình cả nước và quan hệ quốc tế, hội nghị xác định: “Con đường phát triển cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với thực lực võ trang, hoặc nhiều hoặc ít, tùy tình hình, để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.

Ba tháng sau, nội dung Nghị quyết 15 mới đến miền Nam dưới dạng điện văn “tinh thần cơ bản” gửi đồng chí Mười Cúc (tức Nguyễn Văn Linh, đang là bí thư Xứ ủy Nam Bộ). Tháng 9 năm 1959, đoàn đại biểu Xứ ủy Nam Bộ do đồng chí Hai Văn (Phan Văn Đáng) dẫn đầu ra dự Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 mới về tới miền Đông. Xứ ủy từ Phnompenh đã về lập căn cứ ở Tây Ninh.

Tháng 11 năm 1959, tại Trảng Chiên (phía Bắc Tây Ninh), hội nghị Xứ ủy lần thứ 4 (mở rộng đến Bí thư Tỉnh ủy) quán triệt Nghị quyết 15. Hội nghị bàn cãi gay gắt về hình thức, quy mô sử dụng mũi võ trang để đánh đổ ngụy quyền, giành quyền làm chủ sắp tới, từ còn dùng phổ biến là “diệt ác, phá kềm”. Việc đưa nghị quyết xuống cơ sở phải còn một thời gian nữa.

Tuy vẫn xác định “dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu”, nhưng hai chữ “vũ trang” trong nghị quyết: “Kết hợp lực lượng võ trang, hoặc nhiều hoặc ít…” đến với lòng người lúc này như tất cả những gì đã bao năm trông chờ. Có người mừng quá, nói: “Như vừa từ dưới đất độn lên mà nhìn trời cao biển rộng!”

Đầu năm 1960, theo đề nghị của đồng chí Võ Văn Kiệt, để tạo ra một thế trận mới và điều kiện tốt thực hiện nhiệm vụ mới trên cơ sở thống nhất địa bàn trong và ven đô xứ ủy chấp nhận giải thể Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định, hợp nhất thành lập khu Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư, các đồng chí trong Tỉnh ủy Gia Định là Phó Bí thư và thường vụ Khu ủy. Lực lượng võ trang cũng được thống nhất. Đại đội bộ đội tập trung đầu tiên của Khu vẫn mang phiên hiệu C13, gồm 3 tiểu đội, có 3 trung liên, còn lại là tiểu liên, súng trường. Địa bàn hoạt động trước mắt là Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp. Nhân dân ngoại thành phấn khởi tiễn con em đi xây dựng lực lượng vũ trang, lập ấp chiến đấu, làm chông mìn, khôi phục các cơ sở tự chế vũ khí thời chống Pháp… làm các lò rèn dao găm, mã tấu, đinh chông… Các huyện nông thôn khẩn trương khôi phục các chi bộ xã. Trong nội thành, một mặt mạnh dạn đưa cán bộ từ các nơi “cấy” vào, mặt khác chọn người tại chỗ đưa ra ngoài, mở lớp đào tạo cấp tốc.

Tại Củ Chi đến Thủ Đức, Gò Vấp qua Hóc Môn, Bình Tân, Nhà Bè xuống Duyên Hải… cấp huyện, xã lần lượt thành lập ban quân sự để phát triển và củng cố các đội tự vệ ấp, xã.

Cuộc nổi dậy ở Bến Tre (từ ngày 17 tháng 1 năm 1960) tạo ra một khí thế mới trên toàn chiến trường, đặc biệt làm nảy ra hình thức 3 mũi giáp công sử dụng thế hợp pháp rất sinh động. Từ “Đồng Khởi” ra đời và kích thích phong trào các nơi.

Ngày 26 tháng 1 năm 1960, chín ngày sau cuộc đồng khởi Bến Tre, nổ ra trận tấn công bất ngờ ở Tua Hai (Tây Ninh), của lực lượng võ trang bộ phận miền Đông đánh chiếm căn cứ trung đoàn 32 sư đoàn 13 ngụy. Ta loại và bắt sống nhiều tên địch, thu trên 1.200 súng các loại. Trận Tua Hai làm cho địch choáng váng và trở thành tiếng pháo nổi dậy ở miền Đông Nam Bộ.

Gia Định phát động quần chúng nổi dậy trong điều kiện địa bàn cận đô thị. Trước ngày nổi dậy đã xảy ra hàng loạt vụ trừng trị ác ôn ở Tân Tạo, Tân Nhựt (Bình Chánh), Tân An Hội (Củ Chi)…

Hạ tuần tháng 2 năm 1960, một số vùng nông thôn Gia Định nổi dậy, nhưng chưa có tính chất đồng khởi. Huyện ủy Củ Chi phát lệnh: “Nhất tề đứng dậy, phá rã nông thôn”. Tiếng tù và, tiếng trống, tiếng mỏ, tiếng khua mâm thau, thùng thiếc, tiếng ống nói lan truyền khắp nông thôn. Đồng bào xông vào các nhà thông tin đập phá, xé ảnh Diệm, xé cờ ba que, xé khẩu hiệu địch. Hàng ngàn đồng bào biểu tình trên lộ 7, lộ 15. Bọn tề ấp Bàu Tròn bỏ chạy. Truyền đơn, biểu ngữ cách mạng xuất hiện khắp nơi. Ở các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Gò Vấp, Duyên Hải, Thủ Đức, Dĩ An… đều có nổi dậy. Các đội vũ trang đã tiến lên vai trò hỗ trợ đắc lực cho nổi dậy. Một cuộc phục kích ở Củ Chi diệt một tiểu đội dân vệ tại Bến Đu (An Nhơn Tây) thu 10 súng. Tiểu đội võ trang tuyên truyền 12 người của huyện ủy Thủ Đức lưu động hoạt động ở Tân Đông Hiệp, Tăng Nhơn Phú… đang mở rộng ra 5 xã. Tiểu đội vũ trang của huyện Hóc Môn 12 người hoạt động ở Tân Thạnh Đông, Bình Mĩ, Trung An. Ở Duyên Hải có đội C12 do Lê Hoàng chỉ huy phân làm 4 bộ phận chia nhau hoạt động ở Nhà Bè, Duyên Hải: võ trang tuyên truyền, cảnh cáo các tề xã, phá khu trù mật, vận động lương thực…

Du kích đã sáng tạo nhiều mưu mẹo tấn công địch. Tự vệ xóm Cây Bài, ấp Vĩnh Cư, xã Phước Vĩnh An (Củ Chi) cải trang đám rước dâu vào chiếm bót địch. Tự vệ Trung An (Củ Chi), tự vệ thị trấn Cần Giờ chiếm bót bằng tấn công ngoài vào kết hợp nội ứng bên trong. Ở Nhuận Đức và Phú Hòa Tây (Củ Chi), tự vệ hai xã phối hợp uy hiếp bót cầu Bến Mương, tiểu đội dân vệ đóng ở đây hoảng sợ bỏ chạy. Tự vệ Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) được dân hướng dẫn chia từng nhóm truy lùng giặc tại nhà. Tự vệ Cần Thành (Duyên Hải) trà trộn với dân, phục kích chặn xe, bắt gọn bọn ác ôn.

Bộ đội tập trung C13 ở Củ Chi đã đánh được trụ sở, bót lẻ: tháng 12 năm 1960 tập kích diệt đồn An Hòa và đồn Tân Thạnh Tây thu 20 súng. Từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1960 diệt liên tiếp các đồn dân vệ Trung Hòa, An Nhơn Tây, nhà làng Bến Mương.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:58:25 am
Qua đợt đầu nổi dậy bằng lực lượng chính trị là chủ yếu, có lực lượng võ trang quần chúng hỗ trợ, cuối tháng 3 năm 1960 ở nông thôn Gia Định, quần chúng đã giải phóng về cơ bản hai xã Phú Mĩ Hưng, Nhuận Đức và một số ấp của các xã An Nhơn Tây, Trung Lập ở phía Bắc Củ Chi. Ở các huyện khác, ta đã làm chủ từng phần ở nhiều ấp và một số xã hẻo lánh.

Ngày 22 tháng 4 năm 1960, A9 Thường vụ Xứ ủy ra chỉ thị 18-TVA về công tác tuyên truyền động viên quần chúng trong tình hình hiện tại. Chỉ thị đánh giá từ chỗ hoang mang, thấy tương lai mờ mịt, giảm sút lòng tin đường lối đảng trong những ngày địch khủng bố quyết liệt trước đây, cho đến nay, trong quần chúng đang có một chuyển biến nhảy vọt về tư tưởng: mọi người đều thấy rõ chế độ Mĩ - Diệm không thể tồn tại lâu dài được. Tuy nhiên trong nhiều tầng lớp hiện nay đang nảy sinh những nhận thức lệch lạc mới như chưa rõ rồi phải làm gì, hoặc coi là đã đến thời kì trực tiếp cách mạng (tức là khởi nghĩa giành toàn bộ chính quyền), coi địch đang rệu rã, ỷ lại lực lượng võ trang và hoạt động võ trang, coi nhẹ việc tập hợp lực lượng, đấu tranh chính trị…; trái lại cũng có những nơi coi địch quá cao, e ngại bị trả thù nên rụt rè, chờ miền Bắc…

Trong các tầng lớp trung gian khác như một bộ phận đồng bào tôn giáo, đồng bào di cư, các tầng lớp tư sản… đang ghét Diệm, có phấn khởi, tán thành cuộc nổi dậy lật Diệm, nhưng một số ít người cho rằng không nên dùng bạo lực, số khác cho “bất chiến tự nhiên thành”.

Nói chung đây là tầng lớp có khả năng tán thành và hành động cách mạng nhưng chưa được ta tuyên truyền vận động nhiều.

Để uốn nắn những lệch lạc trên, khuếch trương thắng lợi, chỉ thị công tác trước mắt của A9 Xứ ủy tiếp tục phê phán mạnh những biểu hiện chưa nắm vững đường lỗi hiện nay như chưa thấy hết tính chất giằng co quyết liệt của giai đoạn, coi như khởi nghĩa đến nơi nên ra lệnh giải tán toàn bộ và nhất loạt bộ máy chính quyền xã của địch trong vùng kháng chiến cũ, trừ gian bừa bãi, nặng trừng trị, hăm dọa, thiếu thuyết phục, phân hóa địch… ỷ lại vũ trang nên làm mất luôn thế hợp pháp của quần chúng như chủ trương xé thẻ kiểm tra, phô trương, bộc lộ cơ sở…

Chỉ thị chỉ rõ phát triển cơ sở nhận thức đúng tương quan lực lượng, tính chất giai đoạn, khó khăn thuận lợi mà thực hiện đường lối đẩy lùi địch từng bước, giành thắng lợi từng phần, tiến tới đánh bại hoàn toàn kẻ địch khi có điều kiện và thời cơ thuận lợi, từ đó có chương trình hành động kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo, thận trọng, kết hợp nhuần nhuyễn 3 thế, hình thức (hợp pháp, nửa hợp pháp, bất hợp pháp; ba thế công khai, nửa công khai, bí mật). Những nhiệm vụ trước mắt được xác định là: tiếp tục ra sức đẩy mạnh cuộc đấu tranh chính trị một cách toàn diện, quy mô rộng lớn làm cho địch bị dồn vào thất bại chính trị nặng nề hơn nữa; kết hợp hoạt động võ trang tuyên truyền đúng mức để thiết thực hỗ trợ thúc đẩy phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng; ra sức đẩy mạnh công tác dân vận và không ngừng củng cố, mở rộng Mặt trận để xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng dưới sự lãnh đạo của đảng; ra sức củng cố, phát triển chi bộ để đảm bảo sự lãnh đạo của đảng, gắn chặt đảng với quần chúng.

Trong giai đoạn giằng co hiện nay, cần phải đảm bảo cho phong trào quần chúng ở thế hợp pháp thì mới giữ được thế chủ động tấn công địch. Nếu không nắm vững phương châm đó thì sẽ làm cho phong trào lâm vào thế bị động. Đảm bảo hợp pháp ở đây không có nghĩa là êm dịu, hòa hoãn theo kiểu co thủ hợp pháp chủ nghĩa… mà là sự kết hợp nhuần nhuyễn 3 thế, trên cơ sở uy thế của quần chúng được nâng lên.

Giữa năm 1960, Khu ủy mở nhiều lớp đào tạo cán bộ cốt cán trong phong trào đô thị và nông thôn. Tháng 6 năm 1960, khu ủy triệu tập 15 cán bộ thanh niên về học tại vùng căn cứ Rừng Già. Ban vận động thanh niên được chính thức thành lập do đồng chí Trần Quang Cơ (Tám Lượng), khu ủy viên làm bí thư, đồng chí Hồ Hảo Hớn (Hai Nghị) phó bí thư. Hai đồng chí này chịu trách nhiệm trước đảng bộ về phong trào cách mạng của thanh niên Sài Gòn - Gia Định. Sau đó, một lớp huấn luyện mới lại được tổ chức tại căn cứ Rừng Xanh cho hầu hết đảng viên, đoàn viên và cốt cán thanh niên gồm 60 đồng chí. Chính những lớp học này đã đào tạo cho phong trào những cán bộ ưu tú đầu tiên trong thời kì chống Mĩ.

Nội thành Sài Gòn không thể cùng một lúc với nông thôn nổi dậy, do những điều kiện lúc bầy giờ: cơ sở đảng còn quá yếu, lực lượng võ trong mới là những nhóm tự vệ lẻ tẻ, chưa thể có hoạt động võ trang hỗ trợ quần chúng nổi dậy. Tuy nhiên cuộc nổi dậy nông thôn đã có tác động mãnh mẽ đến nội đô Sài Gòn, trước hết là niềm phấn khởi lớn trong mọi tầng lớp nhân dân đang muốn thay đổi chế độ tập đoàn phát xít gia đình trị Ngô Đình Diệm. Tận dụng thuận lợi đó, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chủ trương đẩy mạnh phong trào chính trị nội thành, trung tâm hành động là một chiến dịch tấn công dư luận rộng rãi, chĩa mũi nhọn vào chính quyền độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, trong khi đó vẫn phải nêu cao những khẩu hiệu dân sinh dân chủ, sát đòi hỏi thiết thân của quần chúng lao động.

Tháng 1 năm 1960, thanh niên Sài Gòn treo lá cờ đỏ búa liềm ở chợ Bến Thành để cổ vũ khí thế đồng bào bước vào một năm mới. Ngay từ đầu năm, công nhân các hãng dầu Shell, Standard, Socony, công ty điện nước, Nha công quản chuyên chở công cộng, lái xe Tắcxi, hãng giày Bata, đấu tranh buộc bọn chủ phải trả cho công nhân hàn triệu đồng. Tại hãng giày Bata, công nhân đình công căng bạt tại cổng ra vào hãng; thường xuyên bố trí ở đó một lực lượng để ngăn chặn bọn tay sai cho chủ tìm cách phá hoại cuộc đình công.

Các cuộc đấu tranh của các tầng lớp dân nghèo thành thị, trí thức, học sinh, tiểu chủ, tư sản dân tộc, văn nghệ sĩ, kí giả… không thành từng đợt lớn, nhưng đi sâu vào từng khía cạnh của đời sống hằng ngày, có tác dụng vạch trần chế độ Mĩ Diệm, góp phần đẩy chúng vào thế cô lập. Điển hình như việc chống lệnh cấm đốt pháo vào Tết năm 1960. Diệm cấm, đồng bào cứ đốt, để tỏ ra bất tuân quy định của chính quyền. Diệm tức tối cho bắt trong mấy ngày tết 2.000 người đốt pháo ở nội thành, trong đó có cả công nhân, tri thức, tư sản và giám hộ trong trại tế bần Chánh Hưng. Việc làm này chỉ gây thêm lòng tức giận của nhân dân.

Học sinh, sinh viên chống chế độ thi cử khắc nghiệt, đòi dạy tiếng Việt ở bậc đại học, đòi mở thêm trường lớp cả nội, ngoại thành. 119 trong tổng số 121 luật sư ở Sài Gòn và Huế kí kiến nghị lên án luật 102 của Diệm - dự luật khống chế giới luật sự, hạn chế tự do của họ. 118 giáo sư các trường công tư Sài Gòn phản đối Mĩ - Diệm bắt bỏ giáo sự và đóng cửa nhiều trường tư với lí do “không thi hành đúng luật pháp!”. Hai cuộc đấu tranh này gây xôn xao kéo dài dư luận Sài Gòn và miền Nam.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 31 Tháng Ba, 2012, 10:58:59 am
Cuộc “tấn công dư luận” không chỉ giới hạn ở nội thành Sài Gòn mà còn lan xa ra các vùng Củ Chi, Dầu Tiếng, Lai Khê, Bến Củi, Phú Hòa, Trảng Bom, Xuân Lộc. Ở những nơi này, công nhân cao su và nhiều tầng lớp tổ chức hội thảo, và kiến nghị, phát đơn kiện thanh tra lao động, tố cáo ngụy quyền địa phương và cảnh sát, nhờ đăng báo gửi Ngô Đình Diệm đòi phải trả lời.

Sau “đồng khởi” đợt 1, chỉ thị của Xứ ủy về những việc cấp bách trước mắt xác định: để đẩy mạnh và mở rộng mặt trận đấu tranh đô thị, cần tận dụng mọi khả năng công khai hợp pháp, dựa chặt vào phong trào công nhân và quần chúng lao động nghèo, đồng thời chú ý đúng mức, đẩy mạnh đấu tranh của các tầng lớp tiểu tư sản nhất là phong trào học sinh, sinh viên, trí thức, tư sản.

Một số cán bộ ở miền Đông được cử đi học rút kinh nghiệm đồng khởi ở miền Trung Nam Bộ, ở Bến Tre.

Tháng 7 năm 1960, Xứ ủy mở hội nghị lần thứ 5 đánh giá tình hình, đề ra nhiệm vụ trước mắt là: “Tiếp tục tấn công chính trị làm cho địch thất bại hơn nữa trên mọi mặt nhằm đánh bại từng bước âm mưu, chính sách của địch, tạo điều kiện và thời cơ cho cuộc khởi nghĩa, đánh đổ toàn bộ chính quyền Diệm”. Hội nghị quyết định các khu “đồng khởi” phối hợp với khu 8 trong đợt mở ra từ ngày 24 tháng 9 năm 1960.

Để giữ vững và mở rộng thành quả đợt đầu nổi dậy, các cấp ủy chủ trương đẩy mạnh tốc độ xây dựng lực lượng vũ trang và hoạt động vũ trang để hỗ trợ cho quần chúng tiếp tục vùng lên giành quyền làm chủ.

Ở Bình Tân, nhóm vũ trang tập trung đầu tiên 3 người do Út Đào chỉ huy chỉ có 1 cây carbine hỏng báng (do đồng chí Út Đào nhặt được của bọn lính tập để quên, từ lâu chôn giấu kĩ, nay mới lôi lên). Ba người 1 súng, tổ tự đặt phiên hiệu “Tiểu đoàn 301” để vừa đánh vừa hù dọa địch.

Ở Thủ Đức, Dĩ An, tháng 7 năm 1960, Huyện ủy chọn một số thanh niên ưu tú trong phong trào, thành lập đơn vị tập trung của huyện, đồng thời xây dựng căn cứ ở rừng Bảy Mẫu và ở Bình Hòa. Đơn vị tập trung đầu tiên có 5 người cũng lấy phiên hiệu là “Tiểu đoàn 500”. Theo phương châm đánh nhỏ mà chắc ăn, “Tiểu đoàn 500” đã đánh thắng liên tiếp hai trận thu 5 súng, phát triển lực lượng lẻ.

12 người có súng đầy đủ. Đến lúc này, Huyện ủy giao “Tiểu đoàn 500” diệt đồn Bình Phước. Có 3 đồng chí huyện ủy viên dự trận, bí mật áp sát đồn địch, kiên trì chờ thời cơ hành động. Sau một ngày đêm căng thẳng, thời cơ xuất hiện: một số lính bỏ đồn đi chơi. Lập tức ta tấn công, diệt 3 tên, thu 14 súng. Sau trận này, “Tiểu đoàn 500” phát triển lên trung đội.

Ở Duyên Hải, ban cán sự huyện quyết định chọn một số thanh niên nòng cốt thành lập đơn vị võ trang tập trung của huyện. Đơn vị ra quân trận đầu ở Giồng Ao, sau đó đánh ở Giồng Cháy, thu 6 súng.

Các nơi khác: Gò Vấp, Hóc Môn, Nhà Bè… đều thành lập lực lượng võ trang địa phương, trước mắt làm nhiệm vụ võ trang tuyên truyền, diệt ác.

Xứ ủy quy định đợt 2 bắt đầu vào tháng 9, nhưng nông dân Gia Định (Củ Chi) nổ ra từ tháng 8 năm 1960, kéo dài đến cuối năm. Đợt này rầm rộ, sôi nổi có tính chất “đồng khởi”, và thắng lợi lớn hơn đợt 1.

Đêm mở màn, trên hầu khắp nông thôn Gia Định, nông dân đốt đuốc kéo đi trên đường làng hô khẩu hiệu “đả đảo đế quốc Mĩ”, “Đả đảo Ngô Đình Diệm”. Có nhiều nơi như ở Gò Vấp, Hóc Môn quy định: giờ hành động là 7 giờ tối, nhưng 4 giờ chiều dân chúng đã đánh trống gõ mỏ, khua thùng, nổ khí đá rền thôn xóm. Lực lượng võ trang cùng nhiều nông dân tự võ trang “súng bập dừa”, gậy tầm vông vạt nhọn, đầu quấn dây trói, kéo đi rải truyền đơn, treo cờ, dán khẩu hiệu, đưa thư cách mạng gởi gia đình binh sĩ ngụy, phát loa kêu gọi nhân dân nổi dậy…

Trước khí thế quần chúng, tề xã, tề ấp và cả lính ngụy co rúc trong đồn bót. Nhiều ác ôn bị trừng trị. Nhiều tên van lạy xin tha chết.

Ở Bình Tân, ở nhiều ấp bỏ chạy hoặc xuống nước đi tìm ta xin lỗi, phân trần. Dân vệ ở bót 13 và bót Cầu Chùa bỏ trốn. Nhân dân Tân Nhựt nổi dậy bắt xử tử tên Ranh, một tên ác ôn có nhiều nợ máu, gài mìn giết tên Bảy và bắt sống tên Căng ác ôn. Ta gài được người vào lực lượng thanh niên chiến đấu làm nội ứng, phối hợp trong ngoài bất ngờ tấn công, lực lượng địch tán loạn.

Ở Duyên Hải, nhân dân cùng lực lượng võ trang nổi dậy đốt cháy trụ sở thành chính ngụy ở xã Lí Nhơn, diệt những tên ác ôn có nợ máu: Tựu, Hùng, Việt…

Tuy nhiên, sau những ngày cuối tháng 9, đồng chí Võ Văn Kiệt nhận thấy cách làm ở khu 8 chỉ hợp với Củ Chi, còn ở Hóc Môn, Gò Vấp, Bình Chánh, Thủ Đức… phải làm khác, phải tổ chức du kích mật (bí mật cả với dân), hoạt động theo phương châm đánh đau, đánh hiểm nhưng không có tiếng vang. Do đó, từ sau tháng 9, trừ Củ Chi làm như Khu 8, các huyện ven đô khác hoạt động theo phương châm trên.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:27:09 pm
Tháng 10 năm 1960, Ban quân sự Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được thành lập do đồng chí Nguyễn Hồng Đào phụ trách.

Ở Thủ Đức, tính đến cuối năm 1960 ta đã đánh 11 trận diệt 153 tên địch, nổi bật nhất là trận chống càn Bưng Sáu xã. Hai tiểu đội ta chống chọi hai tiểu đoàn địch, nhưng nhờ biết triệt để lợi dụng tình hình, linh hoạt, thay đổi vị trí, biết tập trung hỏa lực diệt từng bộ phận địch nguy hiểm nhất, anh em đã ngoan cường cầm cự với địch suốt 3 ngày đêm, loại khỏi vòng chiến 72 tên, địch phải rút lui. Bên ta hi sinh 2, thu được 10 súng. Tiếp sang năm 1961 là trận bộ đội cải trang dân thường, bất ngờ đột nhập vào vùng địch bắt sống tên đại tá ngụy Hoàng Thụy Nam và tên cố vấn Mĩ Hetz giữa ban ngày, cách đồn địch chỉ khoảng 100 mét. Vừa tác chiến, “Tiểu đoàn 500”(1) vừa vận động nhân dân đánh du kích, không có súng thì dùng dao, rựa, diệt địch lấy súng. Chỉ một thời gian ngắn, 20 tên ác ôn khét tiếng đền tội. Ngoài đánh quân sự, đơn vị còn hoạt động võ trang tuyên truyền, trên tuyến đường xe lửa, đường xe hơi, đường sông, cửa ngõ vào thành phố. Nghe danh lực lượng, khí thế quần chúng lên cao, kẻ thù lo sợ. Bọn thủy quân lục chiến “Trâu điên” đóng ở Dĩ An có lúc án binh bất động vì không hiểu lực lượng đối phương ra sao. Những tên đứng đầu “liên gia”, “thanh niên bảo vệ hương thôn” đòi nghỉ việc, dân vệ giải tán các trạm gác.

Ở Bình Tân, tháng 10 năm 1960 đã có thêm 1 súng trường Pháp và 1 súng ngắn trên cho, “Tiểu đoàn 301” đánh thắng trận đầu: phục kích tiêu diệt tiểu đội dân vệ gần bót ấp Giồng, xã Xuân Thới Thượng, diệt 6 tên, thu 4 súng trường Pháp. Tiếp đó, đồng chí Tư Râu được ta cài vào hàng ngũ địch ở trại huấn luyện Quang Trung, vận động được một số binh sĩ ngụy mang 4 khẩu carbine nữa. Huyện giữ 2 khẩu, còn 2 khẩu giành cho lực lượng võ trang Hóc Môn. Có thêm súng, “Tiểu đoàn 500” phát triển lên 1 tiểu đội 12 người do đồng chí Phạm Văn Hai làm tiểu đội trưởng, Út Đèo tiểu đội phó. Cuối năm 1960, qua theo dõi, anh em nắm được thói quen của tiểu đội bảo an địch ở khu dinh điền Bà Lác, từ đó hình thành một phương án tác chiến. Tiểu đội giả trang giả vờ đi bắt cá, lân la đến gần chỗ địch thường ngủ sau khi đi tuần trên lộ 10. Khoảng 12 giờ trưa, chúng ngủ say, cả tiểu đội ập vào, đập chết tên lính gác, giật được 8 súng trường rồi nhanh chóng rút lui. Đầu năm 1961, được trên tăng cường hai tiểu đội, “Tiểu đoàn 500” phát triển lên trung đội do Ba Kiểm làm trung đội trưởng, Năm Kiện làm trung đội phó, Chín Ốm chính trị viên. Trận đầu đánh tập trung trung đội, “Tiểu đoàn” đã diệt một trung đội dân vệ ở ấp 3 xã Bình Trị Đông, thu toàn bộ vũ khí. Lúc này, Bình Tân đã tổ chức được du kích mật trong một số vùng sâu, vùng yếu như các ấp ven bưng Vĩnh Lộc, Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông.

Ở Củ Chi đến cuối năm 1960, 4 xã phía Bắc: Phú Mĩ Hưng, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Trung Lập hoàn toàn giải phóng. Bốn xã trở thành căn cứ địa chỉ đạo của Khu Sài Gòn - Gia Định (suốt cuộc kháng chiến chống Mĩ) nối liền với vùng giải phóng của các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương. Các xã Tân An Hội, Phú Hòa Đông, Trung An, Bình Mĩ (Củ Chi), An Phú Đông, Thạnh Lộc (Gò Vấp), Vĩnh Lộc, Tân Hòa, Bình Hưng Hòa (Tân Bình), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Tam Bình, Bình An, Đồng Hòa, Long Phước, Long Trường, Long Bình (Thủ Đức), Lí Nhơn, An Thới Đông, Long Hòa (Duyên Hải), Hiệp Phước (Nhà Bè)… được giải phóng một phần, trở thành các lõm căn cứ du kích xen kẽ với địch, tạo địa bàn cho các lực lượng cách mạng đứng chân sâu trong vùng địch kiểm soát và làm bàn đạp cho hoạt động nội đô. Ở các xã sát Sài Gòn như vùng thị trấn Gò Vấp, vùng quanh sân bay Tân Sơn Nhất… địch không bỏ đồn bót, nhưng bình lính co rúc, không dám lùng sục ra ngoài, hống hách như trước. Nhân dân nổi trống mõ uy hiếp tinh thần chúng với một khí thế mới.

Đại sứ Mĩ ở Sài Gòn đã phải báo cáo về quốc hội Mĩ rằng tình hình đang xấu đi, đối phương mạnh ở ngay ven đô, tề ấp xã bị bắt, bị giết mỗi ngày từ 25 vụ đến 89 vụ mà đang còn tăng lên.

Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mĩ thú nhận: “Đến cuối năm 1960, toàn bộ nông thôn phía Nam và phía Tây Nam Sài Gòn, một số vùng phía Bắc, cộng sản đã kiểm soát và bao vây Sài Gòn”.

Những tháng gần cuối năm 1960, gia đình Ngô Đình Diệm và các thế lực không ăn cánh đã hầm hè thanh toán nhau: Diệm có nguy cơ bị đảo chính. Nắm bắt tình hình này, ta nêu khẩu hiệu đòi “bầu cử lại tổng thống”, “Ngô Đình Diệm phải từ chức”, đây là sách lược cô lập thêm chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, chĩa mũi nhọn vào chế độ tay sai đắc lực của Mĩ. Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam sắp tuyên bố ra đời. Chỉ thị ngày 5 tháng 9 năm 1960 của Miền về khả năng diễn biến tình hình, hướng dẫn nhiệm vụ tích cực, mở rộng tập hợp chính trị trên tinh thần cường lĩnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, xúc tiến ngay việc thành lập các nhóm, các tổ chức tư sản, trí thức với cương lính hành động nhẹ nhàng, tích hợp với quyền lợi hiện nay của các giới.

Chính sách của ta được đồng bào tiếp nhận nhiệt liệt. Đồng bào tuần hành trên các đường phố hô vang khẩu hiệu đả đảo chính quyền Diệm, đòi thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc dân chủ, đòi đế quốc Mĩ cút khỏi miền Nam. Ngày 11 tháng 11 năm 1960, Nguyễn Chánh Thi “đảo chánh hụt” Ngô Đình Diệm. Chớp thời cơ này, nhân dân Sài Gòn rầm rộ biểu tình đả đảo chế độ Diệm, quân đội của Diệm và cả quân đảo chính, đã xả súng bắn vào đoàn biểu tình, nhiều người chết và bị thương.

Hưởng ứng cuộc đấu tranh của đồng bào Sài Gòn, hơn 40.000 nông dân các địa phương ở Gia Định tập hợp kéo về thành phố phản đối Mĩ Diệm tàn sát, khủng bố nhân dân, đòi Diệm phải từ chức. Hàng ngàn công nhân và lao động Sài Gòn lại hưởng ứng đợt đấu tranh này bằng bãi công, bãi thị.


(1) Lực lượng ban đầu chỉ có trên dưới 1 tiểu đội, lấy tên “Tiểu đoàn” để gây thanh thế.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:27:35 pm
Năm 1960, trong lúc nông thôn nổi dậy, nội thành Sài Gòn diễn ra gần 1.500 cuộc đấu tranh với nhiều khẩu hiệu; khí thế cao hơn năm trước. Tuy rằng vẫn còn đơn thuần sử dụng lực lượng quần chúng đấu tranh trực tiếp với địch nhưng điều nổi bật là các khẩu hiệu đã chĩa thẳng vào mục tiêu đòi đánh đổ chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm; và từ phong trào đã xuất hiện một lớp thanh niên nam nữ ưu tú xuất thân từ công nhân lao động, học sinh, sinh viên, đó là nguồn để xây dựng lực lượng vũ trang thành phố. Chế độ Diệm đã vào thời kì khủng hoảng vào cô lập cao độ.

Trên cơ sở thắng lợi to lớn của phong trào “Đồng Khởi” của nhân dân miền Nam, ngày 20 tháng 12 năm 1960, tại một căn cứ cách mạng ở phía Bắc Tây Ninh, đại biểu các giai cấp, đảng phái, các tôn giáo, các dân tộc miền Nam đã họp đại hội thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội thông qua chương trình 10 điểm mà nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mĩ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, nhằm xây dựng một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập tiến tới thống nhất nước nhà.

Ngày 2 tháng 1 năm 1961, nhân dân Sài Gòn và các vùng ven thành phố đã nhất loạt đình công, bãi chợ, xe thuyền không chạy, các tiệm đóng cửa, rải truyền đơn, họp mít tinh chào mừng Mặt trận ra đời.

Thực hiện ý định tạo một trận đánh vũ trang nội thành chào mừng Mặt trận và làm đà cho việc xây dựng lực lượng vũ trang thành phố, từ tháng 10 năm 1960, đồng chí Võ Văn Kiệt, Bí thư Khu ủy chỉ đạo cho Ban quân sự gọi một số cán bộ quân sự trong thời kháng chiến chống Pháp được bố trí ở lại hoạt động, ra căn cứ Khu để làm kế hoạch. Hai đồng chí Đỗ Tấn Phong, Lê Tấn Quốc và nhiều cán bộ khác lần lượt ra nhận nhiệm vụ này. Đồng chí Lê Tấn Quốc cùng đồng chí Mười Lăng là người của ta gài vào làm nhân viên phục vụ trong Golf club gần ngã ba Chú Ía (Gò Vấp), mang hai quả mìn hẹn giờ 14kg bí mật luồn theo một cống nước vào đặt ở nhà ăn câu lạc bộ. Ngày 26 tháng 12 năm 1960, đúng phương án tác chiến, hai quả mìn đã nổ, giết tại chỗ và làm bị thương hàng chục cố vấn Mĩ và chư hầu. Đây là trận đánh Mĩ đầu tiên ở nội đô Sài Gòn. Trận đánh không lớn, nhưng đã chỉ ra khả năng thực hành các hoạt động vũ trang nội thành, triển khai kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang nội thành. Sau trận đánh, tại căn cứ Lộc Thuận (Trảng Bàng, Tây Ninh), đồng chí Đỗ Tấn Phong và Lê Tấn Quốc được chỉ định phụ trách một bộ phận công tác lấy bí số là C10, chuyên trách móc nối với các đoàn thể chính trị chọn một số thanh niên ưu tú đưa ra căn cứ, gấp rút huấn luyện quân sự để làm nòng cốt cho phong trào vũ trang. Tân An Hội (Củ Chi) và Giồng Hòa (Đức Hòa) được chọn làm nơi giao tiếp với các cơ sở từ bên trong ra. Ba thanh niên được chọn đầu tiên, sau một thời gian huấn luyện ngắn đã hình thành một tổ tự vệ vũ trang do đồng chí Hiệp làm tổ trưởng. Ra quân trận đầu, các đồng chí này đã đánh một quả thủ pháo vào tốp lính ngụy đi xe tuần trên đường phố làm sát thương một số tên. Một ngày chủ nhật sau, tổ đã thực hiện một cuộc treo cờ Mặt trận ở một nhà thờ trong thành phố. Leo lên tận nóc, treo được lá cờ 12 mét vuông thì đã hơn 4 giờ sáng. Chưa kịp rút lui thì dân đi lễ sớm đã đến rất đông. Một số đồng chí linh hoạt kêu gọi: “Đồng bào hãy đứng im, nghe tôi nói chuyện”. Đồng chí nói ý nghĩa ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Song “vốn liếng” có hạn, nói vài phút đã cạn ý. Bí quá đồng chí ra lệnh: “Mời tất cả đồng bào quay mặt vào tường”… Đồng bào làm theo, cả tổ tụt xuống, rút êm.

Từ 3 người, tổ phát triển dần lên thành 3 tổ. Lúc đầu vũ khí chỉ có vài quả lựu đạn. Mãi đến khi anh em tuyên truyền được một lính ngụy mang ra một súng trường tự động, đem đổi cho cấp trên lấy một khẩu carbine thì đó mới là khẩu súng đầu tiên của tiểu đội. Các chiến sĩ trong tiểu đội lần lượt được đưa ra căn cứ học tập thêm.

Các đoàn thể khác cũng tích cực chọn người ra để huấn luyện quân sự. Khóa đầu tiên mở tại Giồng Hòa có 5 người, sau đó mở tiếp khóa thứ hai 7 người. Các học viên đều phải mang mặt nạ để không biết nhau, ăn ở trong rừng chổi, thỉnh thoảng ban đêm mới được ra ngoài. Nội dung học tập: đường lối cách mạng miền Nam, 5 công tác cách mạng, phương pháp hoạt động bí mật ở nội thành, cách sử dụng một số loại vũ khí. Sau khi học xong, các học viên được trả về để làm nóng cốt xây dựng lực lượng vũ trang nội thành của các đoàn thể, chuẩn bị vào một thời kì mới của cách mạng.

Ngày 9 tháng 3 năm 1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định ra đời. Buổi lễ ra mắt được tổ chức trọng thể tại xã Phú Mĩ Hưng (Củ Chi) trước hàng chục nghìn người, trong đó có nhiều người trong nội thành ra dự.

*
*   *

Sáu năm sau Hiệp định Genève là sáu năm đấu tranh chính trị trong máu lửa. Dưới sự đàn áp khốc liệt của địch, ta đã không ngừng xây dựng cơ sở, xây dựng thực lực cách mạng từ đô thị ra nông thôn ven đô. Biết bao gian khổ, hi sinh, cao trào rồi thoái trào, nhưng cơ sở cách mạng vẫn tồn tại, thực lực cách mạng vẫn phát triển, phong trào vẫn được duy trì, Sài Gòn đã tiến lên vị trí trung tâm phong trào đô thị miền Nam, nông thôn ven đô cùng miền Nam thực hiện đồng khởi. Sài Gòn - Gia Định đã sẵn sàng chuyển giai đoạn từ đấu tranh chính trị sang chiến tranh cách mạng.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:29:17 pm
Chương năm

PHÁT TRIỂN THỰC LỰC CÁCH MẠNG,
PHỐI HỢP BA VÙNG, KẾT HỢP BA MŨI, TIẾN CÔNG SÀO HUYỆT ĐỊCH,
ĐÁNH BẠI HAI KẾ HOẠCH BÌNH ĐỊNH CỦA ĐỊCH
TRÊN VÙNG NÔNG THÔN VEN ĐÔ SÀI GÒN - GIA ĐỊNH
(Từ ngày 19 tháng 3 năm 1961 đến giữa năm 1965)

I - PHÁT TRIỂN THỰC LỰC CÁCH MẠNG, PHỐI HỢP BA VÙNG
(NỘI ĐÔ, VEN ĐÔ, CĂN CỨ), KẾT HỢP 3 THẾ, BA HÌNH THỨC,
PHÁT HUY VAI TRÒ TRUNG TÂM PHONG TRÀO ĐÔ THỊ,
LÀM THẤT BẠI “KẾ HOẠCH STALEY - TAYLOR”
Ở TRÊN VÙNG VEN VÀ NÔNG THÔN VEN ĐÔ


Tháng 1 năm 1961 Bộ Chính trị ra chỉ thị (đề ngày 31 tháng 1 năm 1961) về phương hướng và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng, nhận định “thời kì tạm ổn của chế độ Mĩ Diệm đã qua và thời kì khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng đã bắt đầu, các hình thái du kích cục bộ, khởi nghĩa từng phần đã xuất hiện mở đầu cho một cao trào cách mạng ngày càng rộng lớn”. Mĩ và ngụy quyền Sài Gòn quyết dùng bạo lực tiêu diệt cách mạng nên con đường tất yếu sẽ dẫn đến là Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa của nhân dân sẽ bùng nổ lật đổ chính quyền Mĩ Diệm, giải phóng miền Nam”.

Về hình thức và phương châm đấu tranh, Bộ chính trị xác định: “Phải đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng cả hi mặt chính trị quân sự, đấu tranh trên cả ba vùng chiến lược”. Song, do đặc điểm phong trào cách mạng miền Nam phát triển không đều, so sánh lực lượng giữa ta và địch ở mỗi vùng khác nhau, nên phải vận dụng phương châm đấu tranh linh hoạt, thích hợp từng vùng: chỉ thị ngày 31 tháng 1 năm 1961 đề ra phương châm ba vùng: vùng rừng núi lấy đấu tranh quân sự làm chủ yếu; vùng nông thôn đồng bằng đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị có thể ngang nhau; vùng đô thị lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu có vũ trang hỗ trợ. Trong đấu tranh phải giữ thế hợp pháp với địch, nhưng tùy lúc cũng dùng cả đấu tranh không hợp pháp.

Về nhiệm vụ cụ thể, Chỉ thị chỉ rõ: “Ra sức xây dựng mau chóng lực lượng ta và cả hai mặt chính trị và quân sự, tập hợp đông đảo lực lượng cách mạng trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng, phát động phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của quần chúng, tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bảo tồn và phát triển lực lượng ta, làm tan rã chính quyền và lực lượng địch trên một phạm vi ngày càng rộng lớn, tiến lên làm chủ núi rừng, giành lại toàn bộ đồng bằng, ra sức xây dựng cơ sở và đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở đô thị, tạo mọi điều kiện và nắm mọi thời cơ thuận lợi để đánh đổ chính quyền Mĩ - Diệm, giải phóng miền Nam.

Chỉ thị Bộ chính trị ngày 31 tháng 1 năm 1961 là sự vận dụng các Nghị quyết của Hội nghị trung ương lần thứ 15 và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ ba của Đảng trong tình hình mới, đề ra những vấn đề cơ bản của đường lối và phương pháp cách mạng, đưa cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam lên giai đoạn mới, giai đoạn kết hợp đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, đánh bại chiến lược mới của đế quốc Mĩ. Về phía địch, chúng tự xác định là đã đến lúc phải thay đổi chiến lược, nhưng chưa dứt khoát về nội dung, biện pháp.

Đánh giá tình hình chiến trường Nam Bộ sau Đồng Khởi địch thừa nhận: Lực lượng vũ trang Việt cộng ở Nam phần có 6.100 người, chiếm 78% lực lượng toàn miền Nam (không kể du kích). Hoạt động vũ trang từ năm 1960 đã phát triển… Cuối năm 1960 toàn bộ vùng nông thôn Nam phần và Tây Nam Sài Gòn, một số vùng phía bắc Sài Gòn bị cộng sản kiểm soát quá một nửa và bao vây Sài Gòn(1). Ngày 16 tháng 9 năm 1960, từ tòa Đại sứ Mĩ ở Sài Gòn, Durbrow điện khẩn cấp về Bộ Ngoại giao Mĩ “Mỗi nguy hiểm còn nghiêm trọng hơn nữa và việc Việt Cộng dần dần mở rộng quyền kiểm soát ở nông thôn. Nếu những tiến bộ hiện nay của Cộng sản cứ tiếp tục thì có nghĩa là sẽ mất Việt Nam vào tay Cộng sản(2).

Do dự, tính toán hơn một năm (từ đầu năm 1960), trước tình hình trên, đế quốc Mĩ buộc phải chuyển chiến lược “tố cộng, diệt cộng”, một chiến lược dựa vào hình thức cảnh sát là chủ yếu, sang chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, còn gọi là “chiến tranh chống lật đổ”, trong khuôn khổ chiến lược chung của Mĩ “phản ứng linh hoạt” nhằm đánh bại phong trào cách mạng đã phát triển thành chiến tranh du kích”. Chiến lược này địch dự định sẽ thực hiện 3 bước, trong đó bước 1 là bước quyết định, hi vọng giành thắng lợi lớn vào năm 1962, trên cơ sở đó sẽ rút bớt lực lượng cố vấn Mĩ, tiếp tục tăng viện trợ cho quân ngụy, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, chiến tranh kết thúc vào năm 1965.

Ngày 13 tháng 5 năm 1961, từ Sài Gòn, Phó tổng thống Mĩ Johnson và Ngô Đình Diệm kí kết bản thông cáo chung mà báo chí Sài Gòn và phương Tây coi là cơ sở đầu tiên của chiến lược chiến tranh đặc biệt.

Ngày 15 tháng 5 năm 1961 chính quyền Kennedy thông qua kế hoạch mang tên NSAM 52, chính thức thực hiện bước 1 chiến lược chiến tranh đặc biệt, quyết giành thắng lợi quyết định trong 18 tháng.

Công thức của chiến lược chiến tranh đặc biệt là: quân ngụy cộng vũ khí Mĩ đặt dưới sự chỉ huy của cố vấn Mĩ. Biện pháp cơ bản của nó là ấp chiến lược.

Từ ngày 14 tháng 6 năm 1961 đến ngày 14 tháng 7 năm 1961 do Staley cầm đầu sang Sài Gòn để vạch kế hoạch bình định. Ngày 18 tháng 10 năm 1961, lại một phái đoàn Mĩ do Taylor cầm đầu sang Sài Gòn nghiên cứu, bổ sung kế hoạch trên. Từ đó kế hoạch 3 bước mang tên Staley - Taylor ra đời, nhằm bình định miền Nam trong 18 tháng (từ giữa năm 1961 đến cuối năm 1962), trong đó phần cốt lõi là phải lập cho được 16.000 khu, ấp chiến lược trên toàn miền Nam.


(1) Báo cáo của Phân cục tình báo CIA tại Sài Gòn.
(2) Tài liệu mật Bộ quốc phòng MĩTập 1, VNTTX phát hành 1971, trang 110.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:30:37 pm
Trong và sau Đồng Khởi, phong trào Sài Gòn - Chợ Lớn ở tình trạng mà Bộ chính trị nhận định “Còn yếu, gần đây mới bắt đầu lên…”(1). Nhìn chung, cả nông thôn, đô thị, lực lượng chính trị của quần chúng lên cao, nhưng lực lượng vũ trang còn yếu, chưa được tổ chức chặt chẽ và thích ứng tình hình, nhiệm vụ mới. Sau chỉ thị tháng 1 năm 1961, Thường vụ Trung ương Cục có chỉ thị uốn nắn những lệch lạc trong và sau đồng khởi, trong đó chỉ rõ tình trạng có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Về khách quan, sau đồng khởi, ta chưa có thời gian để xây dựng thực lực cách mạng; về chủ quan, nhiều đảng viên, cán bộ nhận thức chưa đầy đủ tính chất giai đoạn, về bản chất của địch, về quan điểm bạo lực cách mạng, từ đó sinh ra giản đơn tưởng rằng thời kì tổng khởi nghĩa đã tới… Những lệch lạc đó biểu hiện trong hành động là chỉ nặng mít tinh, biểu tình, biểu dương lực lượng, chưa chú xây dựng cơ sở lâu dài, tiến công mà chưa chú ý tránh bộc lộ lực lượng, phát triển chưa đi đôi với củng cố, nặng hình thức đấu tranh bất hợp pháp, nhẹ tận dụng 3 hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp, bất hợp pháp…

Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chủ trương lọc lại và củng cố các cơ sở đã có, đồng thời đi sâu nhanh chóng xây dựng và phát triển cơ sở mới. Để khai thác khả năng cách mạng và để thích hợp với từng đối tượng ngành, giới Sài Gòn - Gia Định đã thành lập các Ban vận động, tập trung cho việc phát triển thực lực cách mạng và công tác nội thành, các ban Công vận, Thanh vận, Phụ vận, Hoa vận, Tư sản vận, Báo chí văn nghệ, Trí vận, Học sinh - sinh viên… Các ban này có lực lượng và tổ chức chính trị theo hệ thống riêng. Có ban cán sự đảng của ngành, có tổ chức tự vệ võ trang và tự vệ mật. Một số ban vận động có cán bộ phụ trách quân sự hoặc ban Quân sự.

Ngày 26 tháng 3 năm 1961, theo quyết định của Ban cán sự sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định, đội vũ trang quyết tử của học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Định được thành lập từ một số cán bộ, đoàn viên cơ sở trong phong trào đấu tranh chính trị.

Sau khi Mặt trận Dân tộc Giải phóng Sài Gòn - Gia Định ra đời (ngày 19 tháng 3 năm 1961), ngày 27 tháng 4 năm 1961, Hội lao động giải phóng miền Nam Việt Nam, sau này đổi tên là Liên hiệp Công đoàn Giải phóng miền Nam, được thành lập. Tháng 5 năm 1961, Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định thành lập các Quân khu miền Nam và Bộ chỉ huy quân sự miền. Mật danh đầu vào Nam Bộ là R, các Quân khu là T, các tỉnh là U. Miền Đông Nam Bộ có Quân khu Sài Gòn - Gia Định (mật danh T4 hay I4) và Quân khu Miền Đông (T1) gồm 4 tỉnh Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Bà Rịa.

Đoàn cán bộ “khung chỉ huy” của miền và các quân khu (lấy mật danh là “Phương Đông 1”) xuất phát từ Hà Nội ngày 4 tháng 5 năm 1961 vào tới Nam Bộ ngày 15 tháng 8 năm 1961. Số này cùng với số cán bộ tại chỗ thành lập các cơ quan quân khu.

Bộ chỉ huy quân sự Sài Gòn - Gia Định gồm các đồng chí Nguyễn Hồng Đào chính ủy, Trần Hải Phụng chỉ huy trưởng kiêm tham mưu trưởng, Nguyễn Ngọc Lộc, chủ nhiệm chính trị, Nguyễn Văn Thanh, chủ nhiệm hậu cần.

Hệ thống cơ quan quân sự khẩn trương hoàn chỉnh từ Miền xuống xã. Nội thành có các ban quân sự liên quận và ngành: huyện, xã ngoại thành có huyện đội, xã đội.

Đảng ủy quân sự lãnh đạo trực tiếp hệ thống dọc các ban quân sự liên quận (cánh) nội thành và các huyện đội ngoại thành.

Các xã ngoại thành gấp rút xây dựng du kích tập trung và du kích mật. Các huyện củng cố và phát triển các đội du kích liên xã, hoặc bộ đội tập trung địa phương.
Để có lực lượng cơ động, sau khi được các khu khác chi viện vũ khí và trên tăng cường một trung đội, giữa năm 1961, quân khu thành lập một đại đội tập trung cơ động mạnh 160 người, lấy nòng cốt là trung đội tập trung đầu tiên đã có bí số C13.

Đại đội này cũng lấy tên là C13. Trong buổi lễ xuất quân, đồng chí Huỳnh Tấn Phát, Khu ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, trao nhiệm vụ cho đại đội:

- Diệt ác phá kềm, mở rộng vùng giải phóng.

- Tác chiến kết hợp với binh vận.

- Phát động quần chúng, xây dựng chính quyền, tổ chức cơ sở cách mạng và phát triển lực lượng.

- Cơ động hoạt động trên khắp chiến trường quân khu, hỗ trợ cho phong trào chiến tranh du kích phát triển.

Ra quân trận đầu, C13 diệt gọn đồn An Nhơn Tây có hơn 1 trung đội địch.


(1) Trích trong chỉ thị ngày 31 tháng 1 năm 1961 của Bộ chính trị về phương hướng và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:31:43 pm
Chuẩn bị thực hiện kế hoạch bình định 18 tháng (từ giữa năm 1961 đến cuối năm 1962, Diệm ra sắc lệnh bỏ các quân khu, chia lãnh thổ thành các vùng chiến thuật, biệt khu, khu chiến thuật, tiểu khu; chủ yếu kiện toàn cấp tiểu khu (tỉnh) và chi khu (quận) nhằm tạo điều kiện bình định và càn quét có hiệu quả. 8 tỉnh miền Đông Nam Bộ lập thành khu chiến thuật 33 thuộc vùng 3 chiến thuật, bảo vệ vòng ngoài cho khu Sài Gòn - Gia Định với lực lượng tương đương 3 sư đoàn (sư đoàn 5, sư đoàn 25, các trung đoàn tiền thân của sư đoàn 18) và 2 trung đoàn chủ lực, 22 tiểu đoàn và 111 đại đội địa phương quân (bảo an). Riêng đô thành Sài Gòn và tỉnh Gia Định (trừ Củ Chi) lập thành Biệt khu thủ đô theo sắc lệnh 98 - QP ngày 13 tháng 4 năm 1961 trực thuộc vùng 3 chiến thuật; Sau đó, từ tháng 11 năm 1964 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu với lực lượng 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 52, 1 chiến đoàn ứng chiến cơ động (tương đương 1 trung đoàn), 1 tiểu đoàn biệt động quân (số 30), 2 pháo đội, 2 tiểu đoàn khóa sinh Quang Trung và Thủ Đức, 3 tiểu đoàn và 15 đại đội bảo an. Ngoài ra, tại Sài Gòn có lữ đoàn dù ngụy đóng căn cứ ở Bà Quẹo (trại Hoàng Hoa Thám) và lữ đoàn thủy quân lục chiến đóng căn cứ ở Thị Nghè (trại Cửu Long); tuy là lực lượng dự bị cơ động chung cho toàn miền Nam, nhưng thời kì này hoạt động chủ yếu ở Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ.

Địa giới Gia Định (về phía địch) không gồm hết Củ Chi, ở phía Bắc từ kinh Cầu An Hạ (phía Tây quốc lộ số 1) sang kinh Xáng và Rạch Tra. Như vậy trên địa bàn Củ Chi ta phải trực tiếp đối chọi với địch ở cả các tiểu khu Gia Định, Bình Dương và Hậu Nghĩa (tháng 10 năm 1963 địch thành lập thêm tỉnh Hậu Nghĩa trong đó phần đất phía Tây quận Củ Chi, phía Đông gọi là quận Phú Hòa thuộc tỉnh Bình Dương).

Ở nội đô, ta đối đầu trực tiếp với Nha Cảnh sát đô thành và Tổng nha cảnh sát, cùng các cơ quan an ninh, tình báo các loại kết hợp với nhau.

Công nhân lao động Sài Gòn tiếp tục vai trò dẫn đần phong trào đấu tranh ở đô thị. Đảng ta chủ trương phát động các đợt đấu tranh dân sinh dân chủ để tập hợp lực lượng, đồng thời coi các yêu sách dân sinh dân chủ bao giờ cũng tiềm ẩn nội dung chính trị và qua đó hướng đến mục tiêu chính trị.

Ngày 1 tháng 5 năm 1961, mới ra mắt được 4 ngày, Hội lao động giải phóng miền Nam(1), đã phát động được 16.000 công nhân lao động họp mít tinh công khai kỉ niệm ngày Quốc tế lao động và trương khẩu hiệu “Chào mừng Hội lao động giải phóng miền Nam”. Suốt trong 3 tháng liền, từ tháng 7 năm 1961 những cuộc bãi công đòi quyền lợi dân sinh dân chủ liên tiếp nổ ra ở các hãng nước ngọt BGI, xưởng đóng tàu CARIC, nhà đèn Chợ Quán, ôtô buýt, xe lửa, cầu đường, hàng rượu Bình Tây…

Nổi bật là cuộc đấu tranh của công nhân hãng dầu Stanvac, một cuộc đấu tranh dân sinh gây cho kẻ thù tổn thất lớn. Hãng dầu Stanvac còn gọi là hãng “Con ngựa bay”, một hãng dầu lớn có chi nhánh ở hầu khắp Đông Nam Á, độc quyền cung cấp dầu cho các sân bay quân sự, các đơn vị cơ giới của Mĩ ngụy.

Từ ngày 6 đến ngày 22 tháng 9 năm 1961 công nhân đình công để phản đối thái độ ngang ngược của chủ hãng Mĩ đối với công nhân Việt Nam, các hãng Mĩ chịu chấp nhận tăng lương 5% cho công nhân nhưng đồng thời tăng giờ lao động lên 10% và sa thải công nhân hàng loạt. Cuộc đình công được hơn 100 nghiệp đoàn công nhân lao động ở Sài Gòn và các tỉnh ủng hộ tiền bạc, lương thực, thực phẩm. Một số báo chí ở Sài Gòn chỉ trích thái độ của chủ hãng Stanvac. Liên hiệp công đoàn quốc tế hàng đầu cũng viết thư ủng hộ công nhân Stanvac và tỏ thái độ của chủ hãng Việt Nam. Cuộc đấu tranh vì vậy ngày càng trở nên quyết liệt. Công nhân chiếm giữ các kho dầu, không cho Mĩ ngụy tới chở dầu đi. Việc cung ấp dầu cho các máy bay bị tê liệt. Nhiều tàu chở xăng không dám vào cảng Sài Gòn, chủ hãng Stanvac buộc phải thông báo cho các hãng hàng không quốc tế, tự cung cấp lấy xăng dầu trước khi vào Việt Nam. Tính trung bình mỗi ngày Mĩ ngụy thiệt hại từ 3 - 5 triệu đồng Sài Gòn. Kế hoạch quân sự của địch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, ngày 20 tháng 1 năm 1961, chính quyền ngụy buộc chủ hãng Stanvac phải bãi bỏ lệnh sa thải công nhân và buộc chấp nhận tăng lương cho công nhân từ 6 - 12%, hứa sẽ cải thiện chế độ làm việc trong hãng.

Cuộc đấu tranh của công nhân Stanvac thắng lợi, cổ vũ công nhân và lao động Sài Gòn - Gia Định. Suốt năm 1962 diễn ra hàng trăm cuộc đấu tranh khác, trong đó có 10 cuộc đấu tranh quyết liệt, với các hình thức lãn công, đình công và một cuộc đình công kéo về thành phố của 5 vạn công nhân cao su. Nổi bật là cuộc bãi công ngày 12 tháng 2 năm 1962 của công nhân hãng dệt Vimytex đòi sửa đổi chế độ làm việc đúng luật lao động, và cuộc đình công chiếm xưởng ngày 10 tháng 5 năm 1962 của công nhân hãng thu thanh. Một tên Mĩ trong Ban giám đốc bị đánh trọng thương. Bên cạnh đó một sự kiện đáng chú ý là trong dịp kỉ niệm ngày 1 tháng 5 năm 1962, hàng vạn công nhân xích lô liên minh với chủ, chống dự định của Trần Lệ Xuân nhập cảng xe lam thay thế xe xích lô. Thực tế cho thấy các phong trào đấu tranh dân sinh dân chủ làm cho địch lúng túng đồng thời liên kết được phong trào các giới ở các khu vực thành thị với nhau, liên kết cả phong trào nôn thôn với phong trào đô thị. Trước ngày 1 tháng 5 năm 1962, công nhân của 100 nghiệp đoàn ở Sài Gòn mở đại hội đòi tăng lương, chống sa thải; 5.000 công nhân tắc xi, xích lô họp đại hội, lúc đầu còn mang nội dung dân sinh, sau đó kéo xuống đường, công khai hô khẩu hiệu “đả đảo Mĩ”, “đả đảo Ngô Đình Diệm”.

Đội vũ trang quyết tử của học sinh sinh viên, sau 10 ngày thành lập, ra quân trận đầu; dưới sự chỉ huy của các anh Lê Hồng Tư, Hà Văn Hiền, đã diệt tên William Thomas, chuyên viên cao cấp không quân Mĩ (ngày 6 tháng 4 năm 1961) tại đường Ngô Thời Nhiệm. Ngay hôm sau (ngày 7 tháng 4 năm 1961) đội lại tấn công bằng lựu đạn vào trụ sở cơ quan USOM (United Sates Operation Mission) của Mĩ tại đường Trần Hưng Đạo. Đặc biệt đội đã nhận nhiệm vụ đánh tên đại sứ Mĩ Nolting bằng thủ pháo. Nolting chết hụt, nhưng bị một đòn cảnh cáo nghiêm khắc. Sự kiện này cổ vũ khí thế chống Mĩ của thanh niên và đồng bào thành phố. Chính vào những ngày này, lực lượng của ban cán sự Thành đoàn thực hiện một đợt tuyên truyền xuất kích, gây tiếng nổ trong thành phố, tập trung ở các thùng phiếu trong đợt bầu cử tổng thống ngụy nhiệm kì 2.

Địch phản kích điên cuồng cả trong thành và ven đô nhất là sau vụ Nolting chết hụt. Chúng đã bắt anh Lê Hồng Tư và một số đồng chí khác do sơ suất ở cơ sở.


(1) Vẫn tiếp tục có cán bộ giữ thế hợp pháp hoạt động trong các tổ chức công nhân công khai như Tổng liên đoàn lao động, Tổng liên đoàn lao cộng, và các nghiệp đoàn…


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:32:10 pm
Tháng 8 năm 1961 địch lại phát hiện và đánh vào căn cứ Ban cán sự Thành đoàn ở xã Mĩ Hạnh huyện Đức Hòa. Đồng chí Trần Quang Cơ (Tám Lượng), bí thư Ban cán sự anh dũng hi sinh, các anh Lê Quang Vịnh, Lê Văn Dung bị bắt. Chúng tiếp tục mở đợt khủng bố tập trung vào phong trào cách mạng của quần chúng. Trên 200 cơ sở cách mạng và quần chúng có liên quan bị bắt và giam trong các trại giam Sài Gòn.

Trên vùng Củ Chi, ngày 4 tháng 4 năm 1961 huyện tổ chức một cuộc đấu tranh thống nhất toàn huyện, trực diện với tề xã, đòi dân sinh dân chủ. “Đội quân tóc dài” hình thành. Đoàn quần chúng xã Phước Thạnh gồm trên 3000 người, phần lớn là các má, các chị, biểu tình kéo dọc theo quốc lộ số 1 đến nhà làng Suối Cụt, đột ngũ chỉnh tề, hai bên có lực lượng tự vệ. Đoàn xe quân sự địch tuần tra, bắn uy hiếp, đoàn biểu tình nằm xuống, xe qua, tất cả lại đứng dậy đi tiếp. Toán dân vệ gác cản đường. Một tên ác ôn ném lựu đạn vào đoàn biểu tình làm 5 người chết, 59 người bị thương, mọi người vô cùng căm phẫn. Cuộc đấu tranh chuyển sang mục tiêu đòi địch chấm dứt khủng bố, chôn cất những người bị giết, chữa chạy và bồi thường cho người bị thương, bị chết.

Đoàn An Nhơn Tây gồm 200 chị em các xã An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Phú Mĩ Hưng, Phú Hòa Đông… do chị Hai Bằng lãnh đạo, tuần hành kéo về nhà láng xã Phú Hòa Đông, nơi tập trung Ban hội tề 4 xã lưu vong sau Đồng Khởi, đấu tranh đòi trừng trị tên “Đội Chó” ác ôn. 5 thanh niên trong đoàn bị chúng bắt đi, ta đưa thêm lực lượng dự bị ra đấu tranh, địch buộc phải băng bó cho 5 người bị thương và thả 5 thanh niên bị bắt.

Tháng 6 năm 1961, huyện ủy Củ Chi lại tổ chức cuộc đấu tranh lớn lần thứ 2 trên toàn huyện. 13.000 người đấu tranh trực diện, 2000 người phía sau làm giao liên, hậu cần và dự bị. Lực lượng phía trước chia làm 5 mũi tiến vào quận lị, mũi chính diện là Tân An Hội và Phước Hiệp. Có nhiều đợt quần chúng bị địch đàn áp, đánh đập, tạm lui để tập hợp thêm, tiếp tục cuộc đấu tranh với các khẩu hiệu đòi: chấm dứt khủng bố, giết người, bồi thường nhân mạng, chống bắt lính, hoãn miễn quân dịch… Cuộc đấu tranh được nhiều binh sĩ địch đồng tình, hạ uy thế địch, hạn chế khủng bố.

Cùng với mũi đấu tranh chính trị, mũi quân sự đang đà phát triển, nổi bật là phong trào làm vũ khí thô sơ, tự tạo mìn, trái đánh địch, mạnh nhất là ở xã Phú Mĩ Hưng. Ở Xóm Huế, 10 thanh niên tự tạo bán xe đạp, mua sắm dụng cụ và ống sắt, làm được 10 súng tự chế để diệt ác và biểu dương lực lượng, em ruột tên đội Bắc ác ôn cũng tham gia. Công trường vũ khí huyện do đồng chí Ba Nì phụ trách, phát triển nhanh.

Cuối tháng 7 năm 1961, địch càn quét hai xã An Nhơn Tây, Phú Mĩ Hưng, giết 23 người và bắt đi một số dân. Lập tức nhân dân các xã xung quanh tập trung kéo biểu tình lên quận, buộc tên quận trưởng Bình phải ra tiếp và hứa chuyển yêu sách đoàn biểu tình lên tỉnh Bình Dương. Nhiều trận đánh có kết hợp hầm chông, hố đinh, địa đạo đã đẩy lùi hoặc chặn đứng cả tiểu đoàn địch, như các trận ở các xã Phú Hòa Đông, Phú Mĩ Hưng, Nhuận Đức, Trung An.

Việc giáo dục các gia đình binh sĩ vận động chồng, con, em trở về kết hợp với các hình thức kêu gọi ở đồn bót cũng thu được kết quả. Nhiều binh sĩ địch bỏ ngũ trở về nhà làm ăn, hoặc theo du kích.

Lực lượng cách mạng ở Củ Chi phát triển khá trong năm đầu của chiến tranh cách mạng: số đảng viên từ 200 lên gần 500; gần một trăm phần trăm phụ nữ vùng giải phóng vào Hội phụ nữ giải phóng; vùng gần địch có du kích mật, trên 1000 thanh niên xung phong tòng quân vào các lực lượng cấp trên, vùng giải phóng bắt đầu có trường học, trạm y tế…

Bắt đầu “kế hoạch Staley - Taylor” trên vùng đất ngoại thành, chủ lực ngụy từ các nơi kéo về càng đông xung quanh Sài Gòn. Một mặt, địch mở những cuộc hành quân càn quét vào các căn cứ, các vùng giải phóng, các khu vực có phong trào cách mạng nhằm triệt phá và tiêu diệt lực lượng cách mạng, mặt khác sử dụng các thứ quân địa phương kết hợp với các đoàn bình định, tình báo, gián điệp, liên tục mở những cuộc hành quân cảnh sát quy mô nhỏ, chà đi sát lại nhiều ngày trong từng thôn ấp, phường khóm nhằm thanh lọc cơ sở cách mạng và đồn dân vào các ấp chiến lược.

Ngày 20 tháng 9 năm 1961, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định mở hội nghị quân sự lần thứ nhất tại xã Lộc Thuận, có mặt trên 60 cán bộ tạ chỗ của Sài Gòn - Gia Định cùng một số cán bộ mới bổ sung về. Để tạo điều kiện thực hiện sát hợp phương châm đấu tranh, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang một cách có hiệu quả, hội nghị chia địa bàn Sài Gòn - Gia Định thành 3 “vùng”: vùng căn cứ giải phóng, vùng tranh chấp ven đô và vùng nội thành, mỗi vùng có phương châm, hình thức và nội dung thích hợp với tình hình so sánh lực lượng ta và địch, với hoàn cảnh địa lí và khả năng tập hợp, huy động lực lượng quần chúng.

Vùng căn cứ bao gồm các khu vực đã được giải phóng ở Củ Chi và các huyện khác, lấy vũ trang làm chính, có kết hợp với đấu tranh chính trị nhằm giữ thế hợp pháp của quần chúng và mở rộng vùng giải phóng, tạo thêm nhiều “lõm căn cứ” giữ các địa bàn làm chủ trên các hướng ven đô, vây ép nội đô, tạo thế sẵn sàng tấn công địch.

Vùng tranh chấp ven đô: đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang đi đôi với nhau, hỗ trợ nhau nhằm từng ước đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của địch, tiến lên giành chính quyền làm chủ với các mức độ khác nhau, tạo thành những lõm du kích sát đô thị.

Vùng nội thành lấy đấu tranh chính trị làm chính có kết hợp với đấu tranh vũ trang từng mức độ. Đấu tranh vũ trang ở nội thành phải nhằm vào những mục tiêu gây tổn thất nặng, có tác dụng phối hợp chiến trường chung, đồng thời mở rộng diện phá hoại, quấy rối, trừ gian, diệt ác, phá kềm, làm mất an ninh ổn định của địch, hỗ trợ, phục vụ đấu tranh chính trị, tạo thế cho phong trào quần chúng phát triển, tạo điều kiện cho việc xây dựng các lõm chính trị ngay trong lòng Sài Gòn.

Hội nghị ra nghị quyết quân sự đầu tiên của quân khu, nội dung liên quan đến từng vùng cụ thể.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:33:33 pm
Tháng 10 và tháng 11 năm 1961, Khu ủy mở hội nghị tổ chức các cánh và lực lượng đô thị tại một căn cứ ở một góc Đồng Tháp Mười, mật danh là căn cứ “Thái Bình Dương”(1).

Được tổ chức ngăn cách để bảo đảm nguyên tắc bí mật ở đô thị, nhưng hội nghị có đông đủ cán bộ quân sự, cán bộ lãnh đạo ngành, giới, quận và bán cán sự liên quận. Nội dung chính của hội nghị là bàn thống nhất và ra nghị quyết về tổ chức lực lượng chính trị, quân sự, nhiệm vụ đấu tranh và tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch ở nội đô Sài Gòn.

Chỉ đạo nội đô được chia thành 5 cánh (liên quận) gồm có quận nội thành gần với các xã vùng ven và vùng đô thị hóa, có Ban cán sự đảng và Ban quân sự để lãnh đạo, chỉ huy mọi mặt cả về phong trào, lực lượng và hoạt động. Cánh 154 gồm quận 2 và 4, Trị Đông, An Lạc, Phú Định, Phú Thọ Hòa, cánh 158 gồm quận 3, quận 5, cánh 159 gồm quận 1, xã Thạnh Mĩ Tây, Bình Hòa, Phú Nhuận, Tân Hòa.

Ngay trong thời gian hội nghị, 3 lớp huấn luyện quân sự đô thị được tranh thủ mở ngay trên vùng hậu cứ “Thái Bình Dương”. Thành phần học viên là những cơ sở nội đô đã trải qua thử thách, được rút ra để xây dựng những phân đội võ trang làm nòng cốt cho từng ngành, từng cánh, lớp huấn luyện thứ nhất có 8 học viên: hớp huấn luyện thứ hai cho một tiểu đội của lực lượng thanh niên, học sinh, sinh viên. Bãi tập phải móc đất đắp thành nền, lấy củi phải lặn xuống móc những cây tràm lâu năm dưới đáy nước. Học viên học quân sự mang mặt nạ, học chính trị mỗi người một ngăn riêng không ai được biết mặt ai. Kết thúc mỗi lớp, học viên trở về các ngành.

Tại căn cứ “Thái Bình Dương”, một bộ phận cán bộ quân sự quân khu (lấy bí số C50) sau đó C10) đi xuống quan hệ trực tiếp với cơ quan tiền phương của khu ủy phụ trách nội thành, chuyên trách biên soạn tài liệu tổ chức lực lượng, giáo dục chính trị và huấn luyện quân sự cho các lực lượng vũ trang, bán vũ trang đô thị gồm các môn bắn súng, sử dụng chất nổ, võ thuật, kĩ thuật trinh sát mục tiêu, cách tổ chức các trận đánh ở nội thành.

Phong trào vũ trang nội đô từng bước được gây dựng, tạo điều kiện lần lượt hình thành các đơn vị chiến đấu. Sau hội nghị tháng 10, 11 năm 1961, những cán bộ nòng cốt các cánh được huấn luyện quân sự và nhiều chiến sĩ được các ngành, giới… tuyển chọn, thành lập các đội biệt động 159, 65, 66, 67A, 67B, 68, 69… Thành đoàn xây dựng đôi biệt động thanh niên. Ban Hoa vận xây dựng đội biệt động Hoa kiều, quân báo quân khu xây dựng hệ thống trinh sát quân báo cơ động và địa phương. Hậu cần tổ chức công tác bảo đảm. Tham mưu xây dựng hệ thống quân bưu và giao thông liên lạc kết hợp nội ngoại thành.

Cuối năm 1961, Bộ chỉ huy quân khu Sài Gòn - Gia Định đã tổ chức cơ quan chỉ đạo hai bộ phận: một bộ phận chuyên trách theo dõi, chỉ đạo phong trào chiến tranh nhân dân ngoại thành, một bộ phận đặc trách bám sát việc xây dựng và hoạt động của các lực lượng tự vệ vũ trang nội thành, các đội biệt động, quan hệ, giúp đỡ các ban quân sự cánh nội đô.

Trên toàn quân khu bắt đầu triển khai một cách đồng bộ các mặt công tác nhằm vào các việc chủ yếu: nghiên cứu toàn diện chiến trường cả đô thị, nông thôn, củng cố cơ quan tác chiến, quân báo, trực tiếp giúp đỡ các cấp ủy quận, huyện, hình thành hệ thống chỉ đạo - chỉ huy quân sự xuống đến xã, tạo thế du kích chiến tranh lan dần từ các vùng làm chủ (sau Đồng Khởi) đến các vùng sâu, vùng yếu, áp vào đô thị.

Từ sau Đồng Khởi của ta, địch đã rút ra nguyên nhân không thành công của công tác bình định dưới các hình thức “khu dinh điền”, “khu trù mật”, “ấp tự vệ” là do “hoạt động quân sự thiếu toàn diện, không có kế hoạch bảo vệ ấp xã lâu dài, khai thác nhân lực tại ấp quá sớm, cán bộ tham nhũng”. Trên cơ sở một chương trình nghiên cứu cẩn thận và tổng kết những kinh nghiệm trên, một “chương trình xây dựng hương thôn” mà cốt lõi là kế hoạch “ấp chiến lược” đã ra đời và trách nhiệm ngay trước khi nâng thành “quốc sách”.

Ở Gia Định, chương trình “ấp chiến lược” của địch được triển khai vào tháng 8 năm 1961, trong đó có xã Tân An Hội (Củ Chi) là nơi thí điểm. Từ tháng 11 năm 1961 diện thí điểm được mở rộng ra các nơi khác: ấp Đôn, ấp Nhất, xã An Phú Đông (Gò Môn), xã Long Kiển (Nhà Bè), xã Hiệp Bình (Thủ Đức), các xã Tân Hòa, Tân Nhật, Vĩnh Lộc (Bình Tân)… Cuối năm 1961, Ngô Đình Diệm, nhân danh “Tổng thống” đích thân về dự lễ khánh thành hai ấp thí điểm ở An Phú Đông và Long Kiểng.

Trước Tết âm lịch đầu năm 1962, địch ầm ĩ tuyên truyền về ấp chiến lược, đi giăng dây, cắm cọc… Sau Tết, chúng triển khai một cách quyết liệt quy mô trên toàn nông thôn Gia Định việc “bứng”, “hốt”, “gom”, “khoanh dân”. Lực lượng hỗ trợ bình định là các đơn vị chủ lực(2). Lực lượng chủ yếu trực tiếp gom dân là bảo an, dân vệ và cán bộ “bình định”. Những tên cao bồi, lưu manh, côn đồ được chọn vào những đội đi cào nhà. Nhiều thanh niên, học sinh, viên chức trong đô thị cũng bị bắt ra làm ấp chiến lược. Xe ủi đất, xe cơ giới được huy động để san ủi, đắp đê. Quần chúng bị bắt đốn tre làm hàng rào, vót chông…

Riêng ở nông thôn, địch chia 3 vùng, áp dụng 3 cách xây dựng ấp chiến lược: ven đô và vùng sâu để kiểm soát, thủ đoạn chủ yếu là khoanh tại chỗ, vùng tranh chấp thì vừa gom vừa khoanh, vùng căn cứ du kích thì dùng vũ lực để xúc hót, đồng thời triệt phá nhà cửa ruộng vườn để dân không thể trở lại sinh sống.

Từng bộ máy tổ ấp đã được sắp sẵn, ấp lập đến đâu có sẵn tề ngay đến đó. Các lực lượng bán vũ trang như thanh niên chiến đấu, phụ nữ cộng hòa là lực lượng trực tiếp bảo vệ ấp đồng thời để đôn lên thành bảo an hoặc tổ chức thành lực lượng cơ động ở xã, liên xã, quận.


(1) Một trấp trũng mênh mông ở đầu ngọn kênh Ba Ren, giồng Manh Manh, giồng Ông Bạn, tiếp giáp Đồng Tháp Mười, và vùng Mỏ Vẹt của Campuchia, nhà là những mái chòi có thể tháo lắp nhanh chóng, cơ động, nép trong các chùm dứa dại, lau sậy, nền ngấp nghé mặt nước. Mọi di chuyển đều phải bằng xuồng hoặc “quần đùi, lưng trần” long mình dưới nước.
(2) 2 tiểu đoàn của sư đoàn 7 ngụy xuống Bình Tân, một tiểu đoàn thuộc biệt khu thủ đô và lực lượng thuộc tiểu khu Bình Dương xuống Củ Chi, một trung đoàn của sư đoàn 5 ngụy xuống Thủ Đức, Dĩ An, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy xuống Nhà Bè.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:34:56 pm
Trong khi địch đã triển khai chủ trương, lập ấp chiến lược rất khẩn trương và tàn bạo thì về phía ta, lãnh đạo và chỉ đạo chưa nhận rõ âm mưu thủ đoạn của địch nên không kịp thời và cụ thể. Tuy nhiên, chính sách phản dân hại nước của chúng đã gặp sức chống trả hết sức quyết liệt của nhân dân ngay từ đầu.

Những cuộc đấu tranh chống địch cào nhà, gom dân, phá hại tài sản diễn ra từng ngày ở Củ Chi, Bình Tân, Thủ Đức, Nhà Bè… nhiều đồng bào căm giận, tự đốt nhà mình trước mặt quân giặc. Nhiều bác nông dân xách dao, vác búa, vùng gậy, rượt lính, chém cán bộ bình định. Giằng co, xô xát, đổ máu.

Huyện Củ Chi là nơi địch gặp sức chống trả mạnh nhất nên việc triển khai ấp chiến lược có chậm hơn các nơi khác. Ở Phú Hòa Đông nổ ra cuộc biểu dương 500 người vây bót địch 2 ngày liền, đòi địch không được càn quét, bắn phá bừa bãi, để nhân dân đi lại làm ăn, đòi thường nhân mạng, thiệt hại cho người chết và người bị hương trong các vụ đàn áp. Hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, các lực lượng vũ trang địa phương đánh thiệt hại 3 đoàn “bình định hương thôn”, buộc chúng phải co lại ở Phước Hiệp, An Nhơn Tây, Cây Bài, đánh tiêu hao 1 đại đội bảo an ở Trung An (tháng 6 năm 1961), đánh thiệt hại đồn An Nhơn Tây (ngày 30 tháng 8 năm 1961)… Nhiều tên tay sai đắc lực nhất ở các ban trị sự ấp chiến lược ở Củ Chi bị trừng trị. Số còn lại bỏ trốn hoặc hoang mang, co thủ. Để lấp chỗ trống và mị dân, địch tổ chức bầu cử tề xã ấp, nhưng không ai chịu ra làm. Bí quá, chúng chỉ định người bắt buộc phải làm và dùng mưu mẹo cài người của chúng vào làm nòng cốt. Có nơi ban trị sự liên tiếp bị trừng trị, địch đối phó bằng các bắt buộc người trong gia đình cách mạng ra làm.

Ở Bình Tân, một xe lộ nước và một máy bay lên thẳng của địch bị bắn cháy trong cuộc càn bình định tháng 6 năm 1961. Cuộc đấu tranh chống địch càn phá bình định ngày 7, ngày 8 tháng 8 năm 1961 của trên 1000 đồng bào xã Vinh Lộc diễn ra quyết liệt, được đồng bào các xã xung quanh hỗ trợ. Địch bắt bớ, trấn nước hàng trăm người, xua chó berger cắn xé chị em, nhưng không moi được những người lãnh đạo cuộc đấu tranh. Cuối cùng, trước áp lực của quần chúng đang tập hợp mỗi lúc một đông và có nguy cơ lan rộng, địch buộc phải thả hết người bị bắt và hứa giảm bớt bắn phá, lùng sục.

Cùng với việc lập “ấp chiến lược” ở nông thôn, từ tháng 2 năm 1962, địch bắt đầu thí điểu “khóm chiến lược” ở đô thị với ý định trong vòng một năm sẽ chia khoanh 1.700.000 dân nội thành Sài Gòn vào hơn 764 khóm. Theo kế hoạch này 8 quận nội đô vẫn được duy trì để kềm chặt dân chúng hơn nửa, chúng chia nhỏ phường, khóm, liên gia, nâng số phường từ 47 lên 65, số khóm T3 674 đến 764 và số liên gia từ 10.132 lên 10.672. Thêm 1 đại đội hoạt vụ và 4 biệt đoàn cảnh sát dã chiến được thành lập cùng với lực lượng cảnh sát và mạng lưới mật vụ tăng cường khống chế quần chúng, di dân, đánh phá, diệt cơ sở cách mạng.

Việc phòng thủ Sài Gòn - Gia Định của địch ngày càng chặt chẽ bằng các tiểu khu vùng ven, các căn cứ quân sự, các khu công giáo, các trại gia binh, lực lượng dân phòn… Liên kết các hoạt động của công an, mật vụ, cảnh sát nội đô với các tiểu khu vùng ven. Đường sá được mở rộng, đồn bót ken dày.

Tháng 2 năm 1962, tại Sài Gòn, Bộ tư lệnh Mĩ ở Nam Việt Nam MACV (Military Assistance Command Vietnam) do đại tướng Paul Harkins cầm đầu được thành lập thay cho cơ quan viện trợ quân sự Mĩ MAAG. Quân Mĩ trực tiếp chi viện cho quân ngụy về hậu cần, hỏa lực và cơ động. Các cố vấn Mĩ được phái xuống từng tiểu đoàn bộ binh và từng đại đội binh chủng kĩ thuật Mĩ(1).

13 phi đội máy bay lên thẳng và những thiết đoàn đầu tiên của Mĩ đến Sài Gòn. Chiến trường xuất hiện những chiến thuật “tân kì” của Mĩ: trực thăng vận, thiết xa vận. Tháng 2 năm 1962, trực thăng và và thiết giáp M.113 ra quân những trận đầu ở vùng Vườn Thơm (Bình Tân) và Củ Chi. Đồng bào chiến sĩ gặp bất ngờ, lúng túng. Ở Vươn Thơm, khi những chiếc máy bay lên thẳng sà thấp, chiến sĩ ta còn đứng nhìn, đến khi lính Mĩ và bọn công dân vụ nhảy xuống mới vội nhảy vào công sự chiến đấu.

Tháng 4 năm 1962 những kinh nghiệm và nguyên tắc cơ bản của “chiến dịch xây dựng hương thôn” được nâng lên thành “quốc sách chiến lược” và trong tháng 8 năm 1962, Diệm chính thức thông qua một “chương trình ấp chiến lược” do Robert Thompson, một chuyên gia người Anh làm cố vấn. Một bộ máy chỉ đạo từ trung ương xuống quận xã được hình thành bên cạnh Phòng ấp chiến lược của cơ quan quân sự MACV và Ủy ban viện trợ ấp chiến lược của tòa đại sứ Mĩ tại Sài Gòn. Quốc sách ấp chiến lược “là một mũi tên nhằm vào 3 mục tiêu nhưng địch xác định điều tối hậu của nó là làm sao cho mọi người dân trở thành thù địch của cộng sản”. “Quốc sách” mang tính toan diện với ảo tưởng giành dân, chiếm đất theo kiểu thực dân mới, không phải chiếm đất giành dân theo kiểu thực dân cũ đã lỗi thời; giành dân là “giành trái tim khối óc”… Cán bộ bình định cũng “ba cùng”, cũng giảng giải, lên lớp… hô hào “ấp chiến lược là thực hiện dân chủ pháp trị - dân tự quản, được hiến pháp bảo đảm, cộng đồng, đồng tiến, thực thi, xã hội công bằng, cải thiện dân sinh, tách cộng sản ra khỏi dân, xây dựng hạ tầng cơ sở Việt Nam Cộng hòa…”(2), nhưng rồi mọi việc lại diễn ra bằng súng đạn, xúc hốt thô bạo do cái gốc phản dân hại nước của “quốc sách”. Tuy nhiên, với quyết tâm và thủ đoạn bạo lực tập trung, bước đầu địch thu được những kết quả đáng kể. Cách mạng gặp khó khăn, lúng túng trước đòn phản kích mới của chúng sau Đồng Khởi.


(1) Năm 1960, cố vấn quân sự Mĩ ở miền Nam là 1077. Năm 1962 lên 10.906 tên, địch đã có 13 đại đội trực thăng, 5 đại đội máy bay trinh sát, oanh tạc, vận tải, 4 phi đội phản lực chiến đấu, tổng cộng 257 máy bay các loại, 45 thiết giáp. Năm 1963, số cố vấn Mĩ lên 16.300 tên.
(2) Trích trong tài liệu biên soạn của địch. Lưu trữ tại Phân viện lịch sử quân sự.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:36:14 pm
Tháng 9 năm 1962, Diệm rêu rao một phần tư trong số 113.00 ấp ở miền nam đã được tổ chức và sau đó địch còn đánh giá “Chương trình ấp chiến lược đã cho phép giành lại quyền chủ động từ tay cộng sản tại nông thôn và đạt tới tột đỉnh”(1).

Sau khi hình thành bộ máy kềm kẹp, địch bắt buộc tất cả các gia đình và cá nhân ntrong ấp chiến lược khai lí lịch, chụp hình và làm thẻ kiểm tra, trên cơ sở đó phân loại, phân biệt đối xử, khống chế những gia đình có liên quan đến kháng chiến, tiếp tục “đoàn ngũ hóa nhân dân” bằng các tổ chức phản động chủ yếu là “chi đoàn nhân dân”. Chúng bóp rồi lại xoa bằng cách nới lỏng một số luật lệ, “sinh hoạt văn hóa văn nghệ” ma thực chất là trụy lạc hóa lối sống, trước hết nhằm vào thanh niên nam nữ.

Trong thành phố, địch tổ chức tay chân lén lút đốt hàng loạt nhà ở các khu dân nghèo: Xóm Chiến, Khánh Hội, Bàn Cờ, Thị Nghè… rồi cho xây cất lại những khu nhà theo ý định của chúng vừa gọi là “ơn chánh phủ”, vừa kiểm soát được quần chúng lao động.

Sau Hội nghị mở rộng của Thường vụ Khu Ủy Sài Gòn - Gia Định (tháng 4 năm 1962), tháng 7 năm 1962 Khu ủy mở hội nghị chuyên đề về vấn đề chống phá ấp chiến lược. Hội nghị bàn bạc những việc quan trọng trong chỉ đạo: bám đất, bám dân, kết hợp ba mũi giáp công, kết họp trong ngoài để phá ấp chiến lược: xác định chống phá ấp chiến lược là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, giằng co, quyết liệt, liên tục. Về biện pháp, hội nghị chỉ rõ, phải dựa chắc vào dân bằng cách “mang nắp hầm bí mật vào trong ấp chiến lược”, ra sức tranh thủ, phân hóa dân vệ, tề, binh sĩ địch và các gia đình binh lính địch, cài nòng cốt ta vào lực lượng xuất kích nhân dân tự vệ; hết sức chú ý phát triển tự vệ ngầm, du kích mật, bằng mọi cách làm tê liệt tai mắt địch; tạo và giữ mối liên hệ trong ngoài ấp, phối hợp lực lượng chính trị quần chúng với lực lượng võ trang, phối hợp đấu tranh trong ấp với tấn côn quân sự ngoài vào, đẩy mạnh mũi vũ trang bằng hoạt động ba thứ quân, kết hợp khéo léo với chính trị và binh vận.

Giữa hai hội nghị trên, tháng 3 năm 1962 đơn vị bộ đội tập trung quân khu K17 được bổ sung, quân số lên trên 300 và biên chế thành đoàn Quyết Thắng(2), phương hướng xây dựng tuyền thống “đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”. Hơn 1 tháng sau, vào ngày 7 tháng 7 năm 1962 một bộ phận đoàn Quyết Thắng tiêu diệt 1 đại đội bảo an ở Rạch Mía (Củ Chi), thu 10 súng.

Thực hiện quyết tâm “mang nắp hầm bí mật vào tận ấp chiến lược”, các Đảng bộ, cấp ủy đều có kế hoạch phát triển thực lực cách mạng tại chỗ, kể cả lực lượng võ trang bí mật bên trong ấp chiến lược. Ở Tân Thạnh Tây (Củ Chi), chi ủy phân công 2 chi ủy viên và 1 du kích trang bị 3 súng về bám sát khu địch tập trung dân, 7 đêm liền các đồng chí bò vào sát bót địch, phục kích bắn tỉa. Địch buộc phải phân tán đi nằm rải rác bên ngoài. Lợi dụng cơ hội đó, các đồng chí đột nhập vào ấp chiến lược, móc nối với một cơ sở cũ của ta bị địch lùa vào ấp trước kia, hướng dẫn cách đào hầm bí mật. Đã có hầm, các đồng chí bám luôn trong ấp, tiếp tục móc nối với các cơ sở cũ khác, phát triển cơ sở mới, tổ chức tự vệ mật chỉ đạo mọi việc ngay tại chỗ. Thực tế việc chống phá ấp chiến lược đã diễn ra như điều đã dự đoán: giằng co, lâu dài, quyết liệt. Địch xây ta phá, địch lại xây… Quyết liệt nhất là ở các địa bàn xung yếu: Bình Mĩ, Xuân Thới Thượng, Tân Xuân, Thạnh Lộc, Tân Nhựt, Hiệp Phước, Phước Lộc, Tân Thạnh, Tân Kì Một, Tân Kì Hai, Tân Đồng Hiệp, Long Trường, Phú Hữu… Nhiều đêm, có lực lượng vũ trang đột nhập vào ấp, quần chúng nổi mõ khua thùng, bí mật chỉ bắt tề, điệp, ác ôn rồi hè nhau cắt rào kẽm gai, nhổ cọc sắt, đốt bãi chông, cuốc vỡ bờ đê…, sáng ra lại chủ động kéo đi giáp mặt đấu lí với địch. Chúng lại tung quân dồn đồng bào trở vô ấp, dựng lại hàng rào, đắp lại bờ đê. Ta lại tổ chức đột ấp, lực lượng tại chỗ lại nổi dậy phá ấp. Ở An Bình, Long Bình, Tam Bình, Long Trường, Long Phước (Thủ Đức), lực lượng du kích vào ấp, hàng nghìn đồng bào xé bỏ giấy kê khai gia đình, đốt giấy căn cước, rồi kéo lên quận “báo cáo” “Việt Cộng về cưỡng bức, các ông không giữ được an toàn cho ấp, chúng tôi phải trở về vườn cũ…”. Địch muốn thẳng tay đối phó bằng súng đạn, bằng còng trói, nhưng lí lẽ sắc bén, ứng phó linh hoạt của đồng bào đã làm cho chúng lúng túng, bất lực. Ở Củ Chi, nhân dân sống chết quyết không rời đất rời nhà của mình, điển hình như các ấp Xóm Trại, Giàn Bầu, Gò Nổi, Ba Sòng, Gò Trảng, Gò Bình, Bàng, Sa Nhỏ, Đồng Lớn… Ở Tân Thạnh Tây và nhiều nơi khác đồng bào nằm cản xe ủi đất của địch. Ông Hai Long ở ấp Đồng Lớn nhà bị địch đốt hơn chục lần vẫn không chịu vào ấp chiến lược Trung Hòa mà khoét một hầm sâu dưới gốc tre làm chỗ ở, cùng du kích sống chết tại chỗ. Hai ông lão ở Trung Lập nói với bọn lính đi cào nhà: “Ở đây làm đã không đủ ăn, vô ấp chiến lược lấy gì mà ăn? Nói thiệt với mấy chú, già này không đi đâu cả. Nếu mấy chú dỡ nhà thì xin nói trước… đứng trách chúng tôi!”. Bọn lính vẫn cứ leo lên dỡ, hai ông liền bật quẹt châm lửa. Chúng từ trên nóc vội vàng tuột xuống, chạy luôn. Đồng bào xã Bình Lợi (Bình Tây) tổ chức biểu tình lên dinh quận trưởng Đức Hòa (Hậu Nghĩa) đòi chấm dứt bắn phá bừa bãi, bắt bớ vô cớ. Địch lấy sơn viết lên áo, lên nón của đồng bào hai chữ “chống cộng”, đồng bào cởi áo, vứt nón rồi tràn vào dinh quận. Chúng buộc phải hứa chấn nhận yêu sách.

Ở ấp chiến lược Mũi Chùa (Củ Chi) du kích bên ngoài phối hợp với lực lượng vũ trang mật bên trong đánh tan đội dân vệ và một bộ phận bảo an, nhân dân nổi dậy phá ấp trở về quê cũ.

Đồng bào xã Vĩnh Lộc (Bình Tân), được chi bộ lãnh đạo tại chỗ, đấu tranh chống gom dân giằng co, quyết liệt, lúc ngấm ngầm rồi bùng nổ kéo dài suốt năm 1962 dẫn đến đổ máu; địch vẫn không làm sao dồn dân được, dù cái còn lại chỉ là những cái chòi, những cái hầm.

Trong đấu tranh giằng co, quyết liệt, du kích mật, tự vệ mật đã phát triển và có vai trò lớn trong diệt ác, phá kềm, một nội dung lớn trong đấu tranh “phá ruỗng ấp chiến lược”. Hầu hết các xã có tiểu đội tập trung. Phối hợp với địa phương, lực lượng tập trung quân khu có khả năng diệt đại đội địch.


(1) Hồi kí 30 năm CIA của W. Colby, cựu giám đốc tình báo Mĩ.
(2) Cuối năm 1961, quân khu đổi tên C13 thành C62 với hàm ý chuẩn bị cho nhiệm vụ quân sự năm 1962, sau đó để giữ bí mạt phiên hiệu, lấy bí danh là K17. Từ C13 đến đoàn K17 Quyết Thắng, đơn vị đã đánh 33 trận từ cấp tiểu đội đến cấp đại đội, diệt và làm bị thương 1564 tên địch, bắt sống 20 tên, vận động trên 1000 thanh niên tòng quân


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:37:24 pm
Tháng 9 năm 1962, du kích, bộ đội địa phương Củ Chi vũ trang tuyên truyền 7 lần, 3 lần tập kích đồn bót, 9 lần phục kích giao thông, hai lần đánh càn, diệt và làm bị thương 108 tên địch (cố vấn Mĩ), bắt sống 10 tên, phá 7 ấp chiến lược. Du kích Nhuận Đức bắt sống một tàu giặc chở hàng trên sông Sài Gòn.

Trong thế giằng co và địch đang cố lấn tới, những chủ trương và biện pháp đúng đắn của Khu ủy về xây dựng lực lượng và chống phá ấp chiến lược đã tạo được một bước chuyển cả về thế và lực ở vùng nông thôn Gia Định ngoại thành Sài Gòn. Cho đến khi địch tự cho là đã đạt kế hoạch bình định lập “ấp chiến lược” thì trên cục diện toàn miền Nam cũng như trên chiến trường, ven đô Sài Gòn đã xuất hiện những dấu hiệu chựng lại.

Ngày 20 tháng 11 năm 1962, Thường vụ Khu ủy có chỉ thị bổ sung về chống phá ấp chiến lược. Chỉ thị xác định đây là một cuộc đấu tranh toàn diện, phải kết hợp chặt chẽ các mũi đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận, kinh tế; kết hợp các hình thức hợp pháp, nửa hợp pháp, bất hợp pháp, công khai, nửa công khai, bí mật; kết hợp phong trào nông thôn và phong trào ở đô thị, phong trào ở vùng ta và phong trào vùng địch. Trong chỉ đạo phải nắm vững quan điểm vừa cấp bách vừa lâu dài, tính chất giằng co ác liệt, không được chủ quan nôn nóng, đánh địch từng bước, từng mặt, làm chủ từng phần, từng thời gian, đi đến làm thất bại hoàn toàn âm mưu của địch. Chống phá ấp chiến lược không thể tách rời nhiệm vụ đưa phong trào vùng yếu lên; yêu cầu chủ yếu là phá thế kềm kẹp của địch, phải đưa vào lực lượng võ trang chính trị quần chúng bên trong là cơ bản, lực lượng bên ngoài và bên trong phối hợp hỗ trợ nhau; chống và phá là hai mặt của một vấn đề có quan hệ khăng khít, càn quét và lập ấp chiến lược là hai âm mưu song song và khăng khít nhau của địch, vì vậy đánh càn và chống phá ấp chiến lược là hai mặt kết hợp hỗ trợ nhau; tấn công phải đi đôi với xây dựng, tấn công làm thất bại âm mưi địch đồng thời phát triển thực lực chính trị, quân sự của ta. Chỉ thị phân ra 3 loại ấp chiến lược để vận dụng biện pháp, nhiệm vụ, yêu cầu chống phá thích hợp: loại 1 gồm những ấp thuộc vùng địa bàn chiến lược của địch, loại 2 gồm những ấp thuộc vùng không phải địa bàn chiến lược của địch; loại 3 gồm các ấp ở sâu trong nông thôn đã phá thế kềm kẹp.

Thấm thoát kế hoạch Staley - Taylor 18 tháng đã hết hạn. Mặc dù thu được những kết quả đáng kể, nhưng trên toàn cục kế hoạch đó không đạt được trên cả hai mặt “bình định” và “tác chiến, vận dụng chiến thuật”. Trong khi đó thì năm 1963 tại xã Tân Phú huyện Cai Lậy tỉnh Mĩ Tho. Trong tài liệu “kế hoạch AN 16” năm 1963, địch thừa nhận “trận Ấp Bắc cùng các trận đánh lớn của cộng sản đã gây thiệt hại quan trọng cho quân đội Việt Nam Cộng hòa về người và trực thăng, đã tạo được tiếng vang trên quốc tế và chứng tỏ cộng sản đang phát triển mạnh”. Trận Ấp Bắc không chỉ gây thiệt hại cho quân đội Sài Gòn về người, trực thăng, thiết giáp, điều quan trọng hơn là nó chứng minh khả năng các lực lượng võ trang giải phóng đánh bại ngay từ đầu chiến thuật tân kì của Mĩ “trực thăng vận” và “thiết xa vận”. Trận Ấp Bắc là dấu hiệu phá sản của chiến lược chiến tranh đặc biệt. Trên từng khu vực, quyền chủ động chiến trường đã lần lần thuộc về các lực lượng cách mạng. Bộ chỉ huy MACV buộc phải bổ sung, kéo dài kế hoạch bình định miền Nam 18 tháng bằng một kế hoạch “tổng tấn công” giành thắng lợi quyết định trong năm 1963. Bộ Tổng tham mưu ngụy cụ thể hóa và bắt đầu thực hiện từ tháng 2 năm 1963. Mục tiêu của kế hoạch này là huy động mọi lực lượng và phương tiện của bộ máy chiến tranh trong đó gồm cả bộ máy kềm kẹp các cấp, mở hoạt động dài ngày, toàn diện nhằm “bình định” cho được nông thôn, “tiêu diệt toàn bộ tổ chức quân sự và chính trị của cộng sản, kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa”. Trong toàn bộ kế hoạch thì biệt khu Sài Gòn được giành ưu tiên xây dựng các ấp chiến lược vành đai. Đúng là kế hoạch lớn, quyết tâm cao, xây dựng trên cơ sở nhận thức, đánh giá cao về khả năng của đối phương của chính MACV lúc đó: Cộng sản còn có thể tiếp tục mức độ chiến tranh như hiện nay bằng cách tiếp tục du kích chiến xen kẽ đánh tập trung, làm chậm trễ chương trình ấp chiến lược và xâm nhập thêm người và vũ khí để phát triển lực lượng, khai thác một cuộc chính biến (theo tài liệu kế hoạch “tổng tấn công” của MACV). Kế hoạch “tổng tấn công” được triển khai lại đụng ngay một cao trào “Thi đua Ấp Bắc” mà Trung ương Cục miền Nam vừa phát động. Thường vụ Khu ủy kêu gọi mọi địa phương, mọi đơn vị, mọi người học Ấp Bắc và ra quân với khí thế Ấp Bắc. Cho đến lúc này, trong hầu hết các ấp chiến lược ở nông thôn Gia Định đều có đảng viên, đoàn viên, lực lượng nòng cốt, hội viên giải phóng và lực lượng vũ trang mật của cách mạng.

Với cố gắng rất lớn, trong 3 tháng đầu năm 1963, địch có hạn chế sự phát triển thế và lực của đối phương trên chiến trường, có thu được một phần kết quả của chương trình bình định lập ấp chiến lược. Nhưng “bên ngoài chương trình bình định lập ấp chiến lược có vẻ tiến triển tốt” thì bên trong “có vài dấu hiện rạn nứt đáng ngại”(1).

Ở Tân Bình, Mĩ Diệm cho tên tình báo CIA Đinh Xuân Hảo đội lốt linh mục dẫn quân ngụy vào cướp đất của nhân dân tại chỗ để đem dân công giáo từ Cái Sắn, Hố Nai về chiếm ngụ tạo thành hàng rào thịt bảo vệ sân bay Tân Sơn Nhất. Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương, cuộc đấu tranh chống địch đuổi nhà chiếm đất thu hút cả đồng bào Lương, giáo, gia đình binh sĩ ngụy. Cứ ban ngày địch càn ủi, dựng nhà, ban đêm đồng bào lại phá đốt. Sự việc như vậy diễn ra đến hàng chục lần. Ở Tân Sơn Nhất, đồng bào chống trả, xô xát với hàng trăm binh lính, nhân viên ngụy quyền đến đuổi nhà. Cuộc biểu tình chống đuổi nhà ngày 4 tháng 1 năm 1963 (gần Tết âm lịch) tập trung hàng ngàn người gồm cả đồng bào di cư năm 1954, một số linh mục và gia đình binh sĩ ngụy. Những người bị đuổi nằm lăn ra đường, gào khóc, cản xe địch. Một cụ già di cư uất đến mất trí, dồn cả vợ con vô nhà châm lửa đốt và cầm dao xông vào đám giặc chém tới… Bước đầu địch không thực hiện được ý định.

Lực lượng du kích bên ngoài và du kích mật đều phát triển đến cuối tháng 4 năm 1962, riêng ở Bình Tân, Củ Chi, Thủ Đức, Gò Môn số du kích mật đã lên đến 575 người. Trung bình mỗi ấp có từ 1-2 tổ, cao nhất đến 6, 7 tổ. Lúc cao nhất ở ấp chiến lược Trung Hòa có 7 tổ, 20 người, ấp chiến lược Bàu Tre có 6 tổ 16 người. Mỗi tổ thường có 3 người, mỗi đội viên chỉ được biết tổ trưởng, trang bị gọn nhẹ. Khi có triệu chứng đội viên nào bị lộ thì lập tức đội viên đó được bố trí đưa ngay ra vùng căn cứ làm nhiệm vụ mới. Sự phối hợp trong ngoài tấn công địch hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược ngày càng phát triển. Năm 1963, ở Hóc Môn, du kích mật phối hợp lực lượng vũ trang bên ngoài tấn công địch hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá rã các ấp chiến lược Xuân Thới Đông, Xuân Thới Thượng. Đội quân tóc dài không chỉ là lực lượng đấu tranh chính trị mà còn là một bộ phận quan trọng của lực lượng võ trang bí mật tại chỗ. Năm 1963 huyện nào cũng có lực lượng nữ du kích. Tiểu đội du kích đầu tiên của Củ Chi lập năm 1963 do chị Nguyễn Thị Nhỡ chỉ huy, được giao nhiệm vụ hoạt động trong vùng địch kiểm soát. Trẻ em cũng rất hăng hái đánh giặc. Ở Vĩnh Lộc (Bình Tân), Trung An (Củ Chi), mỗi xã có một đội du kích thiếu niên. Em Chàng để lựu đạn trong lon sữa bò treo ở cổ trâu giả làm chuông, bất ngờ “giật chuông” ném chết hai tên ác ôn. Em Thông thường giấu lựu đạn trong giỏ bắt cá, “ra quân” nhiều lần giết chết và làm bị thương hàng chục tên giặc. Em Trần Văn Châm với khẩu “côn” trừng trị tên ác ôn Chưng giữa ban ngày tại chợ Phước Vĩnh An…

Các lão ông, lão bà lực lượng hăng hái nhất trong các công việc vót chông, đào hầm, rào làng, đặt cạm bẫy, hậu cần tại chỗ…


(1) Nhận xét của Dave Richard Palmer trong cuốn Tiếng kèn gọi quân - NXB Thông tin lí luận Hà Nội, 1987 - tr. 55.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:37:57 pm
Theo đà chiến tranh nhân dân đang phát triển, các lõm du kích, tiếp tục hình thành và mở rộng trên địa bàn nhiều huyện căn cứ du kích áp sát đô thị như Vườn Thơm bà Vụ, Tam Tân (Bình Tân), Hiệp Phước (Nhà Bè), Bưng Sáu xã (Thủ Đức), Trung An, Tân Phú Trung (Củ Chi), Hố Bần (Quận 8), Rừng Sác (Quảng Xuyên)…

Ban quân báo (mật danh H2) của quân Sài Gòn - Gia Định (mật danh T4 bao gồm cả nội ngoại thành Sài Gòn - Gia Định) được xây dựng từ năm 1961 đang phát triển thành tổ chức nắm địch rất đắc lực song song với phát triển lực lượng chiến đấu. Đến giữa năm 1962 ở nội thành, các cánh và quân khu đã xây dựng được 40 tổ võ trang làm nguồn tổ chức và bổ sung cho các đội biệt động. Việc tăng cường kềm kẹp của địch không làm giảm được số lực lượng các cuộc đấu tranh của công nhân và lao động lẫn số người tham gia. Theo sơ kết của Bộ lao động Sài Gòn, so với năm 1961 các cuộc đấu tranh năm 1962 (324) đã tăng lên 37, số người tham gia tăng lên 20.802 (103.032 người năm 1961, 123.834 người năm 1962). Những trận đánh lẻ diệt cố vẫn Mĩ trên đường phố gia tăng theo đà gia tăng của cố vẫn Mĩ vào miền Nam, 9 tháng đầu năm 1962 có 25 cố vấn Mĩ bị giết và bị thương cả bằng lựu đạn, dao cạo, búa, miểng ve chai… Các nữ chiêu đãi viên, công nhân lái xe tắc xi, xích lô trừng trị Mĩ trong quán rượu, trên xe, trong rạp hát, ngoài đường. Một anh xích lô tự chế kim tẩm độc giết chết 4 cố vấn Mĩ. Địch phòng vệ ngày càng nghiêm ngặt, đánh Mĩ tại sào huyệt không dễ, nhưng quyết tâm của chiến sĩ ta rất cao. Trước trận tấn công nhằm diệt 4 cố vấn Mĩ ở khách sạn gần rạp Nguyễn Văn Hảo, một chiến sĩ biệt động 4 lần xuất trận về không, lần thứ 5 có cán bộ kèm mới thực hiện ý định. Từ đó, chiến sĩ ta ngày càng dạn dày. Chính người đội viên 4 lần ra quân hụt đã tham gia đáng thẳng vào một cơ quan quân sự Mĩ ở Sài Gòn, gây thối động lớn.

Ngày 24 tháng 5 năm 1962, tại Sài Gòn, Mĩ Diệm mở phiên tòa xét xử các anh Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Thành và 9 đội viên quyết tử độ vũ trang Thành đoàn. Sau một thời gian tra tấn không khai thác được gì, địch dùng phiên tòa này để uy hiếp tinh thần của giới trí thức và kềm kẹp chặt hơn nữa đối với học sinh, sinh viên, vì vậy chúng mời rất nhiều hiệu trưởng, giáo sư các trường trung học, đại học Sài Gòn đến dự. Trước phiên tòa, đại tá Lê Văn Khoa, “ủy viên chính phủ” răn đe: “nếu các anh còn để học sinh, sinh viên hoạt động thì lần sau, tôi mời các anh đến đây không phải với tư cách nhân chứng!”. Các anh Lê Văn Thành, Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh đã biến phiên tòa thành diễn đàn vạch tội kẻ thù trước 15.000 quần chúng Sài Gòn - Gia Định đang có mặt. Địch tuyên án tử hình anh Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Thành, Huỳnh Văn Chính. Lập tức trên vành móng ngựa, 8 cánh tay giơ cao, vang lên tiếng hô “đả đảo luật phát xít của ngụy quyền miền Nam”, “đả đảo phát xít”, “đả đào đàn áp”. Bọn quân cảnh ập vào, đẩy các anh lên xe. Trên suốt các đường phố Sài Gòn mà xe đi qua, các anh hát vang bài ca “Giải phóng miền Nam”. Những người dự phiên tòa và nhân dân Sài Gòn vô cùng khâm phục những người thanh niên yêu nước.

Ngay sau đó, phong trào chống “Vụ án 24-5” phát triển mạnh và rộng. Suốt một tuần lễ, truyền đơn xuất hiện khắp các trường Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Khuê, Hồng Lạc, Việt Nam học đường và nhất là ở trường Văn Lang, nơi anh Lê Hồng Tư đã học. 8.000 học sinh và đồng bào Tân An - Chợ Lớn biểu tình phản đối vụ án.

Trước khí thế mạnh mẽ của phong trào chống “Vụ án 24-5”, ngụy quyền phải giảm án tử hình cho các anh Lê Quang Vịnh, Lê Văn Thành, Huỳnh Văn Chính. Riêng với anh Lê Hồng Tư địch vẫn giữ nguyên án, nhưng không dám thi hành, sau đó chúng đày tất cả ra Côn Đảo.

Ngày 26 tháng 10 năm 1962 nhân dịp “quốc khánh” nền “đệ nhất cộng hòa”, địch tổ chức một cuộc hội chợ, triển lãm “thành tích của quân lực Việt Nam Cộng hòa” trước tòa đô chính Sài Gòn. 3 chiến sĩ biệt động đội 139, trong đó có 1 nữ cải trang thực hiện trận đánh lựu đạn xuất sắc ngay tại hội chợ. Tên thiếu tá ác ôn Phan Bội Ngọc đang thuyết trình chết tại chỗ, hai tên ngụy khác bị thương nặng, trong đó có trưởng phòng mật vụ. Địch dẹp luôn cuộc triển lãm ngay ngày hôm ấy.

Cuối tháng 12 năm 1962 đầu năm 1963 là những ngày cao điểm của những đợt đánh lẻ diệt Mĩ của biệt động ở nội thành; nổi bật có các trận diệt 6 cố vấn Mĩ ở bến Bạch Đằng, trận tấn công bằng lựu đạn diệt 6 cố vấn Mĩ ở gần viện Ung thư và Ngã tư Bảy Hiền, trận diệt 10 cố vấn Mĩ ở biệt thự góc đường Trương Tấn Bửu - Ngô Đình Khôi, trận diệt 7 cố vấn Mĩ ở biệt thự góc đường Võ Tánh - Thoại Ngọc Hầu… Mỗi trận ra quân chỉ một vài chiến sĩ nhưng luôn luôn gây bất ngờ và căng thẳng đối với cố vấn Mĩ ở Sài Gòn.

Một chiến sĩ của đội biệt động 65 làm công nhân trong sân bay Tân Sơn Nhất bí mật đặt chất nổ vào 9 trong 10 bồn xăng (bồn thứ 10 anh không đặt vì nghĩ đến sinh mạng của số công nhân ngủ cạnh đó), thiêu hủy gần nửa triệt lít xăng.

Tháng 2 năm 1963 quân ta đánh vào trại lính Mĩ ở số 31 đường Cao Thắng. Xung quanh trại có tường cao bao bọc, một chiến sĩ đội 65 bí mật trèo lên một lầu cao kế cận, từ đó ném lựu đạn vào. Lựu đạn rơi trúng cụm 5 sĩ quan Mĩ đang ngồi trò chuyện, không tên nào sống sót. Nghe tiếng nổ, chị chủ nhà vừa bước ra đã thấy một người từ trên lầu cao leo ống dẫn nước tụt xuống… Thế là đã rõ, chị chỉ mìm cười rồi một tay chỉ về hướng ngõ phía sau, một tay thọc vào túi lấy 50 đồng đưa cho người chiến sĩ thầm bảo: mau mau ra thuê xe mà thoát khỏi khu vực này. Không có hành động “tự nhiên mà nhập cuộc” như vậy của bất kì người dân bình thường nào, chiến sĩ ta sẽ rất khó thoát khỏi vòng vây của địch sau tiếng nổ.

Cho đến lúc này, tác chiến của biệt động vẫn còn ở hình thức “ăn lẻ” chủ yếu bằng lựu đạn, nhưng đó là cơ sở để nâng lên những trận đánh bằng chất nổ với khối lượng tập trung.

Bước chuyển đó cũng phải trả bao nhiêu lần “đi có về không”. Lần thứ nhất diễn ra ở quán Bamboo - nơi tụ tập ăn uống của giặc Mĩ gần sân bay Tây Sơn Nhất, do thiết kế khối nổ không đạt yêu cầu kĩ thuật. Lần thứ hai diễn ra ở một nơi tập trung nhiều cố vấn quân sự Mĩ trong bộ chỉ huy của viên tướng Harkins. Người lái xe cho một sĩ quan cao cấp trong bộ chỉ huy này - cơ sở của ta - có nhiệm vụ được giao đã lái chiếc xe có thiết bị hàng chục kí thuốc nổ vào đậu giữa tầng dưới của cư xá, chen giữa những chiếc xe khác. Sau khi bóp ngồi nổ hẹn giờ, anh ra ngoài “tìm chỗ ăn tối”. Nhưng “giờ G” đã lặng lẽ trôi qua! Lại một lần nữa lỗi do thiết bị. sĩ quan Mĩ chết hụt nhưng ta cũng rút được bài học.

Vượt qua những cuộc kiểm tra, lùng sục và hệ thống ngăn chặn gủa địch giữa trong và ngoài, các chiến sĩ biệt động đặc công vẫn bám chặt trận địa đường phố, bám chặt vùng ven, dựa chắc vào trong dân. Các lớp tập huấn bí mật mang tên “Rừng xanh”, “Rừng già”… năm bảy ngày, sáu đến mười người, liên tiếp được mở, có lớp ở ngay trong nhà dân. Cán bộ, chiến sĩ từ nội thành ra vùng ven bàn bạc công việc trong vài giờ, một buổi, một ngày rồi trở vô. Nhiều mẹ, nhiều chị, nhiều em gái ở nông thôn, ở nội thành được huấn luyện tại vùng ven để trở thành những chiến sĩ giao liên, được gọi là những “tên lửa” với nhiệm vụ “phóng” vào, “xẹt” ra. Chỉ thị, mệnh lệnh, thư từ, báo cáo, vũ khí và người theo đó qua mạng lưới công an, mật thám và các trạm gác của địch từ ngoài vào, trong ra.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:38:40 pm
Trong điều kiện địch quyết tâm theo dõi, ngăn chặn, giữ được thế liên hoàn trong ngoài thành làm một cuộc chiến đấu rát dũng cảm, gian khổ, mạo hiểm của các chiến sĩ liên lạc, trinh sát. Nhằm đảm bảo sự chỉ đạo kịp thời và phát triển thực lực cách mạng nôi đô, một hệ thống giao liên vận chuyển công khai và mạng giao bưu vận du kích (sau chuyển thành quân bưu) được thiết lập rất công phu và thông minh sáng tạo.

Tháng 3 năm 1963, ta bố trí cho một nữ trinh sát thường xuyên ra vào thăm “người yêu” là đồng chí Mười Luân (Tư Bảng), cơ sở nội tuyến đội 65 trong vai nhân viên của bộ phận điều khiển phi hành trong sân bay Tân Sơn Nhất để nắm tình hình và tiếp cận mục tiêu. Sau khi nắm chắc được quy luật địch, ngày 29 tháng 3 năm 1963, nữ đồng chí này khéo léo ngụy trang, đã đem được cho đồng chí Mười Luân một trái mìn hẹn giờ. Hai người với cái túi du lịch đựng trái mìn, sóng đôi đến khu vực cố vấn Mĩ đang ngồi trong phòng đợi, chuẩn bị lên chiếc máy bay Honolulu đi San Francisco, bí mật đánh tráo một chiếc túi du lịch. Chiếc túi du lịch “đặc biệt” đã theo đoàn cố vấn Mĩ khoảng 100 tên lên chiếc máy bay Boeing. Theo chỉ số đồng hồ đã được điểm hỏa, mìn sẽ nổ khi chiếc máy bay đang băng trên biển, và như vậy địch sẽ coi đó là một tai nạn để những trận đánh tương tự sẽ còn tiếp diễn. Tiếc thay, máy bay đã xuống sân bay San Francisco, hai phút sau mìn mới nổ. Theo tin phương Tây: máy bay cháy, 2 tên Mĩ chết, một số bị thương, phần đông các sĩ quan đã rời khỏi máy bay nên thoát chết. Sau này ta mới biết nguyên nhân của sự trục trặc là vì ta không tính đến việc áp suất hạ thấp ở trên cao, do không khí loãng, đồng hồ tạm “chết” cho đến lúc máy bay xuống thấp. Mặc dù vậy, sau trận đánh này, biệt động Sài Gòn được ca ngợi là chẳng những đánh Mĩ trên quê hương mình mà còn “truy kích” chúng xuống tận sào huyệt.

Ngày 25 tháng 4 năm 1963, lúc 10 giờ sáng, 4 chiến sĩ biệt dộng 159 (có 1 nữ) trong các vai sĩ quan ngụy, gái làng chơi và chủ bán bánh mì tiến công một cơ quan quân sự Mĩ ở cuối đường Trần Hưng Đạo. Từ hai hướng, 2 quả mìn định hướng “thổi” vào mục tiêu, diệt một số sĩ quan cao cấp Mĩ. Trận này, lần đầu tiên ta cho xuất trận những đội viên được huấn luyện công phu gọi là những “chim cắt” từ vùng ven vào kết hợp với cơ sở bên trong. Trận đánh dấu một bước phát triển mới của tác chiến biệt động, mở ra khả năng đánh những trận thối động trong đô thị bằng những tổ biệt động có trình độ kĩ thuật cao.

Hoạt động võ trang nội đô phát triển, làm cho quần chúng phấn khởi, tự tin; lực lượng đấu tranh chính trị tăng. Đặc biệt là lực lượng biệt động, tự vệ võ trang phát triển từ nguồn thanh niên tại chỗ.

Chế độ độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm ngày càng lung lay trước phong trào cách mạng, thêm vào đó là cuộc đấu đá tranh ăn giữa các đầu sỏ tay sai bột phát mạnh từ cuộc đảo chính hụt năm 1961 đến cuộc ném bom “dinh tổng thống” của một nhóm sĩ quan ngụy. Trước nguy cơ sụp đổ không thể tránh khỏi, chế độ Diệm lại tự thúc đẩy nguy cơ đó thành hiện thực nhanh hơn qua chính sách đối lập với Phật giáo. Từ năm 1959, đã có phát triển chống Diệm, chống Mĩ trong Phật giáo. Sau khi củng cố được địa vị, Diệm càng tỏ ra thù địch với Phật giáo qua việc cho tay chân phá phách chùa chiền, bắt bớ tăng ni Phật tử, vu cáo Phật giáo “tiếp tay cho cộng sản” để chuẩn bị đặt Phật giáo ra ngoài vòng pháp luật như đã làm đối với Cộng sản, trong khi Thiên chúa giáo lại được đưa lên hàng quốc đạo. Mâu thuẫn giữa Phật giáo và Mĩ Diệm xuất phát từ mâu thuẫn dân tộc vì đa số nhân dân ta theo đạo Phật. Tuy nhiên, Phật tử ở Sài Gòn chưa có dịp thể hiện được sức mạnh của mình bởi một số người lãnh đạo ở Viện hóa đạo có phần nào trông chờ sự thay đổi chính sách của người Mĩ. Một đám lửa đang âm ỉ, chỉ chờ có dịp là bùng cháy. Ngày 6 tháng 5 năm 1963, trước lễ Phật đản 2 ngày, Diệm đã làm một việc đổ dầu vào đám lửa đỏ: “tổng thống” Diệm điện khẩn cấp ra Huế bắt hạ cờ Phật giáo và cấm treo cờ Phật giáo trên toàn miền Nam trong ngày Phật đản ngày 8 tháng 5 năm 1963 với lí do “quá sát với kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ của Cộng sản!”.

Ngày 8 tháng 5 năm 1963, ngụy quyền tại Thừa Thiên lại cho cảnh sát nổ súng vào các tín đồ Phật giáo đang tập trung ở khu vực đài phát thanh Huế, làm 8 người chết, 14 người bị thương. Thế là “trận lửa Phật giáo” đã bùng cháy, bắt đầu từ Huế, nhanh chóng lan vào Sài Gòn và nhiều đô thị, nông thôn khác ở miền Nam.

Ngày 13 tháng 5 năm 1963, một phái đoàn Phật giáo gồm tăng ni, tu sĩ cao cấp kéo đến dinh Gia Long, giáp mặt Diệm, yêu cầu rút bỏ lệnh cấm treo cờ Phật. Ngày 21 tháng 5 năm 1963, tại chùa Ấn Quang, các vị thượng tọa tổ chức lễ cầu siêu cho những Phật tử bỏ mình ở Huế ngày 8 tháng 5 năm 1963. Sau đó gần 1.000 tăng ni rước linh cữu từ chùa Ấn Quang đến chùa Xá Lợi và lần lượt tới các chùa khác trong thành phố. Ngày 26 tháng 5 năm 1963 Tổng hội Phật giáo đề xuất 5 yêu cầu và tỏ thái độ nếu Diệm không chấp nhận thì những người lãnh đạo Phật giáo cùng toàn thể tăng ni sẽ tuyệt thực 48 giờ, bắt đầu từ 14 giờ ngày 30 tháng 5 năm 1963. Năm yêu cầu đó là: bãi bỏ lệnh cấm treo cờ Phật giáo; thừa nhận đạo Phật; Phật giáo và các tín đồ Phật giáo có địa vị như Thiên chúa giáo; cho phép các tín đồ Phật giáo được tự do truyền giáo; phải bồi thường cho nạn nhân và các gia đình của họ trong cuộc khủng bố ở Huế ngày 8 tháng 5; trừng trị các quan chức chịu trách nhiệm việc xảy ra ngày 8 tháng 5.

Diệm - Nhu từ chối tất cả.

Ngày 30 tháng 5 năm 1963 hàng nghìn sư sãi ở Sài Gòn tuyệt thực.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:39:55 pm
Trong phong trào Phật giáo, nhất là trong số đứng đầu vẫn có người trông chờ sự ủng hộ của Mĩ nhưng Đảng ta nhận thức đây là cơ hội để lồng sự lãnh đạo của mình nhằm hướng dẫn quần chúng chĩa mũi nhọn đấu tranh vào mặt trận chống Mĩ Diệm. Tuy nhiên, vì ta không gây được ảnh hưởng ở Viện hóa đạo nên trong lúc cuộc đấu tranh của quần chúng đang phát triển, không khoan nhượng với ngụy quyền thì những người đứng đầu Phật giáo đi vào thương lượng với thái độ rụt rè, do dự. Nắm bắt được chỗ yếu đó, Diệm lệnh cho cảnh sát thẳng tay đàn áp. Một lần nữa Diệm lại đổ thêm dầu vào đám lửa đang cháy! Ngày 10 tháng 6 năm 1963 xảy ra vụ tự thiêu của nhà sư Thích Quảng Đức ở ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng (nay là Cách mạng Tháng Tám - Nguyễn Đình Chiểu) làm chấn động dư luận trong và ngoài nước. Phong trào đấu tranh của Phật giáo tiến lên một cao điểm mới. Vụ tự thiêu có chuẩn bị của cả một tập thể lớn tăng ni, Phật tử, nên sự vụ bao gồm cả một buổi lễ cầu siêu trước ở chùa Xá Lợi, một cuộc biểu tình của khoảng 1.000 tăng ni, sư sãi đưa Hòa thượng Thích Quảng Đức đến nơi châm lửa và một lễ tang lớn được cử hành ngay tại chỗ có nội dung tố cáo chế độ Diệm.

Bức ảnh Thích Quảng Đức ngồi trong ngọn lửa lập tức xuất hiện trên trang nhất của nhiều tờ báo Sài Gòn và thế giới. Sự kiện này dã là một bản án nghiêm khắc đối với chế độ độc tài phát xít Ngô Đình Diệm; nhưng cái chết vô cùng thảm thương của thượng tọa Thích Quảng Đức - cùng với những lời tụng kinh ảo não, những tiếng rên rỉ của các nhà sư và ni cô trong lễ tang lại làm cho Trần Lệ Xuân hoan hỉ, một kiểu phản ứng làm cho sự bùng nổ phong trào Phật giáo chống Diệm thêm trầm trọng.

Trong mùa hè và mùa thu năm 1963, có đến 6 tín đồ Phật giáo nữa tự thiêu theo gương Thích Quảng Đức.

Đảng Nhân dân cách mạng miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, ủng hộ phong trào Phật giáo chống Mĩ Diệm. Nhân ngày hỏa táng Hòa thượng Thích Quảng Đức, ngày 16 tháng 6 năm 1963, Mặt trận Dân tộc Giải phóng có lời kêu gọi và động viên, cổ vũ 700.000 nhân dân Sài Gòn xuống đường biểu tình. Cảm sát Diệm lại đàn áp. Đồng bào dùng gậy gộc, gạch đá đánh trả. Cả thành phố náo động.

Trước tình hình chính trị đang phát triển có lợi, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chủ trương các cơ sở của ta ở Sài Gòn lãnh đạo quần chúng “tấp vô”(1) để hướng phong trào theo những khẩu hiệu cách mạng, đồng thời qua đó mà giác ngộ quần chúng, xác lập và mở rộng vai trò lãnh đạo của Đảng trong phong trào đấu tranh chính trị nội đô. Ủy ban thanh niên - sinh viên - học sinh chống chế độ độc tài phát xít và Ủy ban chỉ đạo học sinh liên trường công tư Sài Gòn - Gia Định được thành lập. Ta đã chi phối và nắm được ủy ban chỉ đạo học sinh liên trường. Hàng vạn học sinh các trường Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Văn Lang, Văn Hiến, Petrus Kí, Chu Văn An, Võ Trường Toản, Nguyễn Khuyến, Trường Sơn… đã bãi khóa và cùng với công nhân lao động, Phật tử các giới xuống đường.

Hưởng ứng chủ trương của Khu ủy, đông đảo công nhân, lao động, học sinh, sinh viên, phụ nữ… dưới danh nghĩa “Phật tử” đã “nhập cuộc” với những khẩu hiệu tích cực. Ngày 20 tháng 8 năm 1963, ngụy quyền buộc phải tuyên bố tình trạng thiết quân luật trên toàn miền Nam để lập lại an ninh, trật tự. Quân đội ngụy được lệnh cấm trại. Ngay sau đó, ở Sài Gòn, từ 1 giờ sáng ngày 21 tháng 8 năm 1963, những chiếc xe quân sự chở đầy cảnh sát, mật vụ và binh lính của lực lượng đặc biệt, lồng lộn tiến về những trung tâm lớn của phong trào Phật giáo như chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang, Viện hóa đạo, xông vào chùa, Viện sục sạo, bắt tất cả những nhà sư, Phật tử dồn lên những chiếc xe bịt bùng chở đi trong đêm tối. Những người chống lại bị đàn áp thẳng tay, hàng chục người bị thương. Ở chùa Ấn Quang có trên 400 tăng ni bị bắt đưa về Rạch Cát giam giữ trong một trại hẻo lánh ở ngoại ô Chợ Lớn. Cùng lúc, những cuộc bắt bớ như vậy diễn ra ở Huế, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác, trên toàn miền Nam, trên 1.400 sư sãi và Phật tử bị bắt, trong đó có Hòa thượng Thích Tịnh Khiết đứng đầu Ủy ban liên phái Phật giáo miền Nam.

Mất người đứng đầu, phong trào Phật giáo tạm lắng. Song các cuộc đấu tranh của các tầng lớp nhân dân khác vẫn tiếp diễn.

Ngày 24 tháng 8 năm 1963, học sinh, sinh viên phối hợp với công nhân và lao động thành phố tổ chức đình công, bãi khóa. Nhiều cuộc mít tinh biểu tình đã nổ ra ở bến tàu, đường Hai Bà Trưng, vườn Bách thú, trước Nha giám đốc tiểu học, trường Petrus Kí, công trường Diên Hồng. Diệm lại xua quân đàn áp. Hàng ngàn Phật tử, học sinh, sinh viên lại bị bắt. Khoảng 200 người bị thương.

Ngày 25 tháng 8 năm 1963 đông đảo đồng bào lao động và 500 sinh viên học sinh biểu tình trước chợ Bến Thành.

Sinh viên học sinh với truyền đơn, biểu ngữ giấu sẵn, từng người một trà trộn vào nhà hàng, chợ. Đúng giờ đã hẹn, họ tràn ra đường, trương biểu ngữ lên tiến về phía nhà quốc hội ngụy. Đi đầu là tốp nữ sinh áo trắng, cảnh sát dã chiến dàn quân, phát loa yêu cầu giải tán. Đoàn biểu tình vẫn cứ tiến. Nữ sinh trường Trường Sơn, Quách Thị Trang, 15 tuổi, vừa hô “đả đảo đàn áp” thì bị trúng đạn cảnh sát, gục tại chỗ. Nhiều người khác bị thương. Quần chúng tổ chức ngay một đáng tang khổng lồ, biến thành một cuộc biểu tình thị uy. Suốt từ 25 đến 28 tháng 8 năm 1963 ngụy quyền bắt giam trên 4.000 người. Tưởng nhớ Quách Thị Trang, anh chị em học sinh sinh viên tạc tượng và dựng tại quảng trường chợ Bến Thành, nơi cô đã hô vang lời hô đả đảo và trút hơi thở cuối cùng. Ngày 7 tháng 9 năm 1963 nữ sinh Gia Long đánh nhau với cảnh sát dã chiến bằng bàn, ghế, dép, lọ mực… trong cuộc xuống đường của 4.000 học sinh. Trong hàng triệu lượt người đấu tranh từ tháng 5 đến giữa tháng 9 năm 1963 có đến 6 vạn lượt sư sãi, Phật tử, học sinh, sinh viên. Sự chỉ đạo “tấp vô” phong trào Phật giáo đã đưa phong trào đấu tranh chính trị nói chung lên một cao trào thực sự. Thái độ “cứng đầu” của Diệm trước sức ép hạn chế gia đình trị độc tài do Mĩ đạo diễn, những lục đục trong nội bộ tay sai, bất ổn về chính trị ở Sài Gòn đã đẩy Mĩ đến xu hướng thay Diệm, bộc lộ từ tháng 6 năm 1963 khi đại sứ Mĩ Nolting bị cách chức, Cabot Lodge sang thay. Cao trào đấu tranh Phật giáo và đấu tranh chính trị hè - thu năm 1963 càng thôi thúc Mĩ phải hành động sớm việc này.


(1) Chữ dùng trong bản dự thảo kiểm định sự lãnh đạo của Thành ủy từ tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:40:29 pm
Bên cạnh tác động chính trị, cao trào đấu tranh chính trị nội thành mùa hè - thu năm 1963 buộc địch tập trung lực lượng về quanh Sài Gòn, tạo thuận lợi cho phong trào chống phá ấp chiến lược ở vùng nông thôn sâu. Để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị nội đô đang phát triển, Khu ủy chỉ đạo đẩy mạnh tấn công vũ trang tại sào huyệt kẻ thù lên nhanh, trúng đối tượng hơn nữa, diệt nhiều ác ôn, mật vụ, nhiều sinh lực cao cấp Mĩ ngụy.

Ngày 21 tháng 9 năm 1963, một tổ 3 chiến sĩ đội biệt động 65 tấn công rạp chiếu bóng Kinh Đô trên đường Lê Văn Duyệt, nơi giành riêng cho binh lính, sĩ quan Mĩ đến xem. Tuy mìn có bị hạn chế về uy lực sát thương, đến giờ sắp đánh ta lại phải lách trái nổ khổ chỗ đã chọn (để tránh thương vong cho một số dân bất ngờ chọn điểm đặt mìn của ta làm nơi tụ tập giải trí), nhưng số thương vong của Mĩ vẫn cao (31 tên chết và bị thương). Trận đánh gây tác động lớn về tâm lí.

Trong lúc phải đương đầu với phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị diễn ra ngày càng quyết liệt, thì trên chiến trường, cuộc “tổng tiến công giành thắng lợi quyết định trong năm 1963” của địch ngày càng lộ rõ chiều hướng thất bại. Với thế và lực mới sau Ấp Bắc, nhất là sau mùa hè, quân dân miền Nam tích cực phản công đẩy lùi địch trên từng khu vực. Tại chiến trường nông thôn Gia Định, nơi địch ưu tiên dồn sức để lập các “ấp chiến lược vành đai”, việc khoanh gom của chúng khó khăn hơn nhiều so với thời kì cuối năm 1961 đầu năm 1962; trên nhiều chỗ chúng không thực hiện được.

Trước sức chống trả của đồng bào, thủ đoạn chủ yếu của địch vẫn là đàn áp, khủng bố. Ở Tân Bình, chúng bắt bớ, hành hạ tất cả những ai bị nghi là có quan hệ với cộng sản. Có chị có mang bị đánh đập đến chết. Chúng lập các ấp chiến lược ở Tân Thạnh, Tân Kì 1, Tân Kì 2, dồn dân xã Tân Sơn Nhì phía Tây Nam sân bay Tây Sơn Nhất vào các ấp này. Được chi bộ xã tại chỗ lãnh đạo, đồng bào liên tục đấu tranh, cuối cùng phần lớn nhân dân vẫn ở bên ngoài ấp, cán bộ, đảng viên vẫn bám được tại chỗ.

Ở Vĩnh Lộc, địch dùng lựu đạn, lưỡi lê bức dân vào 6 ấp chiến lược. Nhưng ngay từ những ngày đầu mới vào ấp, đồng bào đã chống đào hào, chống đắp bờ đê, chống rào kẽm gai, chống vót chông. Cuối cùng, mọi việc phải dùng sức lính ngụy, nhưng ban ngày chúng làm, ban đêm dân phá. Sáu ấp chiến lược ở đây chưa bao giờ hoàn chỉnh.

Cuộc đấu tranh chống phá ấp chiến lược của nhân dân diễn ra thật nhiều cách, nhiều vẻ, tùy cơ ứng biến: không chấp nhận các tổ chức của địch lập ra, không nhận vũ khí của địch hoặc nhận để chờ dịp “gậy ông đập lưng ông”, nhận để bứt bỏ hoặc theo luôn khi lực lượng cách mạng xuất hiện; đòi ra ấp từng giờ, từng buổi để về đất cũ sản xuất, rồi cất chòi ở ban ngày dần dần ở lại luôn trên vườn đất cũ; đào hầm nuôi chứa cán bộ, du kích, làm trinh sát mật… Ở vùng du kích, các ấp xã chiến đấu gấp rút hình thành. Đồng bào Củ Chi nạo vét, sửa chữa khôi phục địa đạo cũ, đào thêm địa đạo mới, phát triển rất mạnh hầm chông, cạm bẫy, hàng rào, hào giao thông. Chỉ trong 1 năm từ cuối năm 1961 đến cuối năm 1963, các ấp chiến lược ở Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn đã làm 4.887 hầm chông, 3.515 hố đinh, 43 ụ chiến đấu… nhân dân Củ Chi đào được 6500 mét hào chiến đấu và trên 3.000 mét địa đạo. Thời gian đó ở Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, 44 tên địch đã chết và 170 tên bị thương vì bị sụp hầm chông. Riêng ở Củ Chi, 3 tháng đầu năm 1963 đã có 88 tên sụp hầm chông, hố đinh. Điều rất quan trọng là hầm chông hố đinh, cạm bẫy ai cũng làm được và gây ra tác động lớn về tâm lí và cả hiệu quả thực tế: địch rất sợ những cái bất ngờ, khủng khiếp đó, không dám lùng sục, thậm chí buộc phải đi theo hành lang mà hàng rào quy định, tức nhân dân quy định! Trên thế trận làng xã chiến đấu, du kích có thể phản kích, tấn công lực lượng địch đông hơn hẳn.

Du kích xã Phước Vĩnh An liên tục bao vây tấn công uy hiếp 1 tiểu đoàn địch vừa đến đóng, buộc tiểu đoàn này rút đi. Du kích xã Phú Hòa Đông chặn đánh và buộc một đại đội địch bỏ dở cuộc càn vào ấp Phú Nhuận… Tháng 6 năm 1963, một tiểu đoàn địch và một đội bình định vào xã Trung Lập để cào nhà gom dân. Du kích tiếp tục đánh. Nhân dân giáp mặt địch đấu lí, giải thích, phân hóa chủ lực và cán bộ bình định. Cuối cùng, chúng bị loại gần cả trăm tên mà không gom được, tiểu đoàn rút lui, đoàn bình định rã đám. Du kích Phước Hiệp được đồng bào trong ấp chiến lược giúp đỡ, cải trang làm lính “biệt động quân”, bất ngờ tấn công hai trung đội lính bảo an vừa mới tới định cào nhà, gom dân. Thừa cơ, đồng bào trong ấp Phước Hiệp nổi dậy phá rào, phá bờ thành, hè nhau khiêng nhà về đất cũ. Cũng vào lúc này, địch mở cuộc càn lớn vào xã Trung Lập, Nhuận Đức. Quân dân Củ Chi đánh trả suốt 19 ngày đêm. Địch buộc phải rút lui.

Ngày 15 tháng 9 năm 1963, địch càn vào An Nhơn Tây (Củ Chi), tại hai ấp Xóm Mới và Bàu Đưng, 9 du kích ấp chặn đứng đại đội địch, loại khỏi vòng chiến 17 tên.

Hơn 1 tháng sau, ngày 20 tháng 10 năm 1963, địch lại tập trung 5000 quân, có xe bọc thép M113, tàu xuồng chiến đấu và máy bay yểm trợ, mở cuộc càn quét lớn vào An Nhơn Tây với ý định chiếm đất, gom dân. Du kích bám đánh chúng ngay từ đầu, sau 12 ngày đêm chiến đấu, giết và làm bị thương 71 tên, bắn rơi 1 máy bay lên thẳng, thu nhiều súng. Ta hi sinh 5, bị thương 8. Chia lửa An Nhơn Tây, nhiều xã thuộc Củ Chi dồn dập tấn công địch: Tân Thông Hội diệt đồn Tiền và đồn Hậu. Tân An Hội diệt đồn Bàu Tre, Tân Thạnh Tây vây đồn buộc 13 tên địch ra hàng: Phước Vĩnh An, Thái Mĩ, Tân Phú Trung, thị trấn Củ Chi… loại khỏi vòng chiến trên trăm tên địch.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 01 Tháng Tư, 2012, 04:41:40 pm
Ngày 27 tháng 8 năm 1963, Trung ương Cục có chỉ thị tiếp về đẩy mạnh chống phá ấp chiến lược, gom dân. Nhìn lại có một năm trên toàn Nam Bộ, tuy chưa đạt yêu cầu đề ra(1) nhưng ta đã làm cho địch không thực hiện được ý đồ mà chúng đã dự định. Phần lớn các khu, ấp chiến lược không ổn định, địch chưa dựng được bộ máy kềm kẹp hoặc dựng lên có hình thức mà chưa khống chế được quần chúng như chúng mong muốn. Nhưng điều ta đạt được lớn nhất là đã củng cố, xây dựng, phát triển được cơ sở và đưa phong trào đấu tranh của quần chúng bên trong lên (tuy chưa mạnh) bằng mọi hình thức ở phần lớn các khu, ấp chiến lược; nhiều cơ sở của ta bị địch đánh bật lúc đầu, nay trở lại bám được ngay trong lòng các khu, ấp chiến lược; qua quá trình chống phá, quần chúng đã có được nhiều kinh nghiệm đấu tranh và ta rút được nhiều kinh nghiệm chỉ đạo.

Tuy nhiên, trong lúc địch quyết tâm tập trung toàn lực đến độ coi là việc sống còn, thì đối phó của ta lại chưa thật tập trung, chưa tương xứng nhiều mặt nên trong hơn 1 năm địch đã thu được kết quả khá lớn: làm được 5.000 khu ấp chiến lược, khoanh gom 6.000.000 dân ở khắp 3 vùng, trong tổng số dự tính của chúng là 8.000 khu, ấp chiến lược của Nam Bộ. Thực tế chúng có giành được dân, lấn được đất, vơ vét được tài lực, vật lực, nhân lực… Phong trào chống phá ấp chiến lược của ta chưa đều, chưa mạnh, chỉ đạt đến mức giằng co. Do đó chỉ hạn chế hoặc làm cho địch không ổn định, không kềm kẹp chặt được quần chúng, chớ chưa chặn đứng được địch. Trên thế chung, địch còn đang lấn tới tuy không mạnh như trước.

Địch đã xây dựng được khu, ấp chiến lược trên một diện rộng, đồng thời cũng bộc lộ sơ hở phía sau lưng chúng. Một số nơi ta đã bước đầu chống phá có hiệu quả, bước đầu làm cho địch bị động, lúng túng và khả năng này đang đã phát triển.

Từ đánh giá như trên, Trung ương Cục đề ra nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cả giai đoạn dài sắp tới là: “Quyết tâm đánh bại âm mưu lập khu, ấp chiến lược, nội dung chủ yếu của kế hoạch bình định của địch”. Để thực hiện nhiệm vụ ấy, Trung ương Cục chỉ rõ: “Ra sức đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, đặc biệt là đẩy mạnh phong trào nhân dân chiến tranh, ra sức chống càn quét, chống phá khu ấp chiến lược, tiêu hao tiêu diệt, làm tan rã sinh lực địch, đi đôi với khẩn trương xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng chính trị, vũ trang bên ngoài cũng như bên trong khu, ấp chiến lược; tập trung và kết hợp chặt chẽ mọi lực lượng, mọi mặt công tác nhằm tấn công địch để chặn đứng, đẩy lùi, làm thất bại từng bước, tiến lên làm thất bại hoàn toàn âm mưu xây dựng khu, ấp chiến lược, gom dân của chúng”.

Chỉ thị nhắc lại những quan điểm của “chỉ thị về chống phá ấp chiến lược” của Trung ương Cục ngày 20 tháng 1 năm 1962, đồng thời có bổ sung nhiều kinh nghiệm cụ thể trong chỉ đạo.

9 năm cầm quyền, chế độ độc tài gia đình trị của Diệm đã bộc lộ những chỗ yếu nghiêm trọng: nhân dân các đô thị càng bị đàn áp càng sôi sục đấu tranh, nội bộ chúng tranh ăn chống đối nhau mạnh mẽ nhưng Diệm khăng khăng không chịu chia sớt quyền hành cho các tay sai khác theo lệnh Mĩ. Trong khi đó, phong trào chiến tranh nhân dân của ta ngày càng phát triển ở nông thôn, vùng du kích và cả vùng sát Sài Gòn. Phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân đô thị sôi sục. Tình hình đó thôi thúc Mĩ dứt khoát “thay ngựa giữa dòng”, đưa bọn tướng tá đối lập lên. Đứng đầu phe đảo chính là Dương Văn Minh, dưới là những tên ác ôn vừa mới thẳng tay đàn áp Phật giáo, sinh viên, học sinh và nhân dân Sài Gòn như tướng Tôn Thất Đính. Đại sứ Mĩ Cablot Lodge giữ vai trò chủ mưu, nhưng giấu mặt.

Ngày 1 tháng 11 năm 1963 Diệm Nhu bị giết. Một hội đồng quân nhân do Dương Văn Minh làm chủ tịch lên thay đầu não ngụy quyền.

Mặc dù có lệnh giới nghiêm, đồng bào Sài Gòn - Chợ Lớn thừa cơ đảo chánh xuống đường. Ngày 2 tháng 11 năm 1963, mấy chục vạn dân họp thành 20 đoàn biểu tình cuồn cuộn diễu qua các phố hô khẩu hiệu chống chế độ độc tài phát xít quân phiệt các loại, đòi dự do dân chủ, chống đế quốc Mĩ xâm lược, đòi thành lập chính phủ liên hiệp dân tộc dân chủ. Quần chúng xông vào các nhà giam thả tù chính trị, phá nhiều bót, lùng bắt tay chân chế độ Diêm. Sinh viên học sinh biểu tình phản đối nhóm quân nhân đảo chính đã thả và dùng các tên Nguyễn Văn Y (giám đốc trại cải huấn), Trần Văn Tư (giám đốc cảnh sát đô thành), Bùi Văn Lương (Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Dần dần, cả những người ảo tưởng về một chế độ “dễ thở” sau Diệm cũng hiểu ra, một chế độ độc tài phát xít tay sai Mĩ đã bị lật đổ không có nghĩa là một cuộc cách mạng đã được thực hiện. Diệm đổ cũng không có nghĩa một thời kì ổn định của chế độ tay sai đã bắt đầu. Trái lại, cuộc đảo chính ngày 1 tháng 11 năm 1963 lại mở màn một thời kì khủng hoảng mới của chế độ tai sai Mĩ với những cuộc đảo chính liên miên, đảo chính nhiều hơn bất kì lúc nào trước đây. Trong cuốn Nước Mĩ và Đông Dương từ Roosevelt đến Nixon, Mr. A. Pulo nhận định: “Sau 9 năm tập trung một cách mù quáng vào việc duy trì Diệm nắm quyền hành, việc thay đổi bất ngờ này đã bộc lộ sự nghèo nàn và bất lực trong chính sách của Mĩ”.

Ở nông thôn, quanh Sài Gòn, sau khi Diệm bị giết chết, khoảng 167 ấp bị phá hoặc mất hiệu lực. Số ấp còn lại xây dựng dở dang, kém hiệu lực, ta làm chủ ban đêm. Thắng lợi ở nông thôn kích thích phong trào đô thị duy trì và phát triển.

Tuy nhiên so với phong trào đô thị trước và sau đảo chính Diệm, lãnh đạo của ta chưa theo kịp yêu cầu. Báo cáo cuối năm 1963 của Trung ương Cục nhận định: “Các phong trào quần chúng trong các đô thị phần nhiều là do quần chúng tự động, chứ sự lãnh đạo của Đảng ta còn ít, nhất là phong trào của quần chúng cơ bản, phong trào của công nhân và nhân dân lao động chưa làm nòng cốt được cho phong trào chung nên phong trào đô thị chưa có cơ sở vững chắc, tuy rằng hiện nay cơ sở Đảng tại Sài Gòn tiếp tục giữ được và có củng cố, nâng lên”.


(1) Trên toàn Nam Bộ, ta đã phá được cả hình thức và phá nội dung kềm kẹp từ 1 đến 40 lần ở 2.500 trên tổng số 5.000 khu, ấp chiến lược mà địch đã làm được, còn trên hàng ngàn khu, ấp chưa phá được hình thức lần nào, nhưng ta đã phá được nội dung ở nhiều mức độ khác nhau; phá dứt điểm và địch chưa làm lại được trên 30 khu, ấp; trên 50 ngàn dân bị gom đã bung ra về đất cũ làm ăn (Hình thức kềm kẹp: bộ máy, tổ chức kềm kẹp; nội dung kềm kẹp: quy định, cách thức kềm kẹp).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2012, 05:13:31 pm
II. PHÁT TRIỂN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN TRONG VÀ NGOÀI ĐÔ THỊ,
GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT CỦA ĐẾ QUỐC MĨ


Kế hoạch “tấn công giành thắng lợi quyết định” trong năm 1963 của địch thất bại. Sau việc thay tay sai tháng 11 năm 1963, tháng 12 năm 1963 Nhà trắng chuẩn bị thay tướng, qua việc cử sang miền Nam Việt Nam đại tướng William C. Westmoreland - người được báo chí Mĩ ca tụng là “một vị chỉ huy lỗi lạc, tự tin, có tri thức quân sự, có kinh nghiệm chiến đấu, có tác phong xông xáo…”. Trước mắt Westmoreland làm phó cho Harkins và sau đó (tháng 6 năm 1964) thay luôn Harkins làm tổng tư lệnh các lực lượng viễn chinh Mĩ ở miền Nam Việt Nam.

Tháng 3 năm 1964 MacNamara, Bộ trưởng quốc phòng Mĩ - người được mệnh danh là “có bộ óc điện tử”, cùng đại tướng Maxell Taylor - người mà dư luận báo chí Mĩ đánh giá là “một nhà chiến lược tầm cỡ quốc tế, thông minh, sắc sảo, có tầm nhìn xa trông rộng, có quan điểm táo bạo, độc đáo”, sang kiểm tra tình hình Nam Việt Nam, chủ trương “bình định có trọng tâm” nhằm vào các tỉnh vành đai quanh Sài Gòn và các tỉnh Tây Nam Bộ. Đây là bước lùi sau bước lùi lớn hơn là kí hiệp định ngừng bắn ở Lào (tháng 7 năm 1962) để tập trung nỗ lực vào chiến trường Nam Việt Nam, đẩy chiến tranh đặc biệt lên đỉnh cao giành thắng lợi quyết định trong 2 năm tới, gọi là “kế hoạch Johnson(1) - MacNamara nhằm tiếp nối và bổ sung cho kế hoạch Staley - Taylor.

Kế hoạch 2 năm này được thực hiện bằng những hành động leo thang chiến tranh: khẩn trương phát triển quân ngụy(2), tiếp tục đưa lực lượng yểm trợ Mĩ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam(3), mở chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc để cứu vãn tình thế ở miền Nam Việt Nam.

Tháng 12 năm 1963, Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương vạch ra nhiệm vụ trước mắt cho cách mạng miền Nam là: “… ra sức phấn đấu xây dựng lực lượng chính trị và vũ trang (nhất là lực lượng vũ trang)… tiến lên đánh tiêu diệt và làm tan rã từng bộ phận quân đội địch, phá phần lớn các ấp chiến lược, làm chủ rừng núi và phần lớn xã, thôn vùng đồng bằng, tạo điều kiện cho phong trào quần chúng ở đô thị nổi dậy mạnh mẽ, đẩy chế độ Mĩ và tay sai đến chỗ khủng hoảng sâu sắc hơn và mau suy sụp hơn, giành được thế chủ động về chiến lược, tạo ra thời cơ tốt để giành những thắng lợi quyết định về ta”.

Trung ương Cục ra chỉ thị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 9, xác định nhiệm vụ năm 1964, quyết tâm tạo điều kiện cần thiết để sang năm sau có thể mở ra cục diện to lớn của phong trào, tiến lên giành thắng lợi quyết định.

Thường vụ Trung ương Cục ra chỉ thị ngày 18 tháng 3 năm 1964 về đẩy mạnh tấn công địch sau khi Diệm bị lật đổ. Chỉ thị vạch rõ kế hoạch mới của địch là tiếp tục kế hoạch Staley - Taylor trong tình hình ta mạnh lên và địch suy yếu hơn, là một bước thụt lùi trong thế bị động chiến lược, nhưng cần thấy hết tính chất quỷ quyệt và quyết tâm cao của chúng nhằm phản kích phong trào cách mạng miền Nam; trong thế bị động về chiến lược địch đang cố giành chủ động về chiến thuật, giành chủ động trên một số chiến trường, trên một số địa bàn trọng điểm hòng ngăn chặn sự tan rã, giữ vững chân đứng, tạo thế chờ bầu cử tổng thống Mĩ mới có quyết định dứt khoát… Nhiệm vụ trước mắt của ta là chủ động đẩy mạnh tấn công chính trị, quân sự, binh vận đều khắp trên cả ba vùng, đặc biệt tập trung sức chống bình định, chống càn quét, chống lập ấp chiến lược, tiêu hao tiêu diệt thật nhiều địch, chống chính sách lợi dụng giáo phái của địch, kiên quyết giành thêm nhiều thắng lợi to lớn hơn về quân sự, chính trị, làm cho địch thất bại hoàn toàn trong âm mưu mới. Trong chỉ đạo, cần nắm vững phương châm dốc toàn lực, tấn công mạnh mẽ, liên tục, dồn địch vào thế bị động, tan rã, phát huy cao độ khí thế quần chúng, mở rộng thế làm chủ của ta đồng thời ra sức xây dựng, tăng cường thực lực ta mọi mặt… kết hợp chặt chẽ tấn công - xây dựng, củng cố - phát triển.

Chỉ thị xác định phong trào đô thị đóng vai trò rất quan trọng trong việc quần chúng chống lai các âm mưu của địch, cần đẩy mạnh các hoạt động ở đô thị, đưa quần chúng đấu tranh mạnh mẽ, liên tục, dưới mọi hình thức thích hợp, gây cho địch lúng túng, bị động ngay trong lòng của chúng, nội dung các khẩu hiệu đấu tranh của quần chúng ở đô thị là chống đế quốc Mĩ xâm lược, đòi hòa bình, độc lập, trung lập, chống đàn áp, khủng bố, đòi dân sinh dân chủ.

Đánh giá cao tầm quan trọng của phong trào đô thị, Trung ương Cục điều động nhiều đảng viên, cán bộ hoạt động hợp pháp từ các nơi về tăng cường cho các tổ chức chính trị ở Sài Gòn.

Chấp hành Nghị quyết của Trung ương và Trung ương Cục, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chủ trương: tích cực xây dựng 3 thứ quân cả về số lượng và chất lượng, chú trọng chất lượng; phát triển phong trào du kích chiến tranh, đẩy mạnh tác chiến tiêu hao, tiêu diệt từng đơn vị nhỏ của địch, đối tượng là lực lượng kềm kẹp xã ấp phường khóm và lực lượng bảo an dân vệ; phối hợp các hoạt động giữa nông thôn và đô thị, thực hiện kềm địch để diệt địch; kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang tạo thành sức mạnh tổng hợp tiến công địch liên tục, đều khắp; phá thế kềm kẹp của địch ở các ấp chiến lược, bung dân về vườn đất cũ sản xuất; phát triển thực lực cách mạng, đồng thời ra sức chuẩn bị mọi mặt một cách khẩn trương, chu đáo, sẵn sàng đáp ứng khi có thời cơ.

Khu ủy được tăng cường nhiều cán bộ, kể cả cán bộ vừa thoát khỏi nhà tù sau ngày 1 tháng 11 năm 1963, tăng cường cho các ấp, các giới, các ngành trong nội thành, cho các đội biệt động và các lực lượng vũ trang nội đô.

Sài Gòn sau cuộc lật đổ Diệm, nổi lên phong trào đấu tranh của công nhân ngành Dệt, đặc biệt ở hai xưởng Vimytex và Vinatexco.

Chủ hai xưởng này là người Đài Loan, kĩ sư, nhân viên kĩ thuật và công nhân phần lớn là người Hoa. Dưới thời Mĩ ngụy, mỗi xưởng dệt này cũng như mỗi xí nghiệp nhà máy ở Sài Gòn, thực chất chẳng khác nào một ấp chiến lược. Chủ tư sản cài mật vụ vào tất cả các bộ phận để khống chế công nhân, đặc biệt ngăn chặn ảnh hưởng cách mạng vào công nhân. Người công nhân bị kềm kẹp bởi những luật lệ hà khắc. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Hoa vận, công nhân ở hai xưởng trên đã nhiều lần đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Đầu tháng 1 năm 1964 công nhân hãng Vinatexco đưa yêu sách cho chủ xưởng đòi tăng lương 30%, đòi cải thiện đời sống và điều kiện làm việc. Chủ phớt lờ, ngày 14 tháng 1 năm 1964, 2.000 nam nữ công nhân đình công, chiếm xưởng. Sáng ngày 17 tháng 1 năm 1964 chính quyền Sài Gòn đưa hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ cùng hàng trăm cảnh sát do hai tên Mĩ chỉ huy đến đàn áp, giết chết một số người, làm bị thương trên 200 người khác, bắt một số đại diện công nhân. Hành động này của ngụy quyền gây làn sóng căm phẫn trong công nhân và lao động thành phố. Hơn 20 nghiệp đoàn cùng trên 2 vạn công nhân ngành dệt, 7.000 công nhân khuân vác bến tàu, 6.000 công nhân đường sắt, 2.000 công nhân lái xe ôtô buýt, tắcxi và hàng vạn công nhân cao su Tây Ninh, Thủ Dầu Một họp mít tinh, biểu tình ra kiến nghị, quyên góp tiền bạc ủng hộ công nhân Vinatexco. Dưới áp lực đấu tranh của công nhân và dư luận, địch buộc phải trả tự do cho những người bị bắt và cuối cùng, chủ xưởng buộc phải chấp nhận phần lớn yêu sách của công nhân.


(1) Johnson, phó tổng thống Mĩ lên làm tổng thống thay Kennedy bị ám sát ngày 22 tháng 11 năm 1963.
(2) Quân chủ lực ngụy từ 200.000 tên năm 1962 lên 245.000 tên cuối năm 1964, bảo an, dân vệ ừ 150.000 tên năm 1962 phát triển lên 262.000 tên cuối năm 1964.
(3) Từ 163.00 cố vấn, lực lượng yểm trợ Mĩ năm 1963 lên 26.000 tên cuối năm 1964. Cuối năm 1964, Mĩ đưa vào miền Nam 955 máy bay (gấp 3 lần số máy bay ngụy) đảm nhiệm chủ yếu về chi viện hỏa lực và cơ động trong các cuộc hành quân ngụy.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2012, 05:14:38 pm
Ngày 30 tháng 1 năm 1964, sau khi Diệm đổ 3 tháng, trung tướng ngụy quyền Nguyễn Khánh lại đảo chính lật đổ Dương Văn Minh, mở đầu “thời kì thay đổi chính phủ hằng tháng”.

Cuộc “phản đảo chính” này bắt nguồn từ việc Mĩ không tin ở sự trung thành của tướng Dương Văn Minh là người do Pháp đào tạo và có phần không ưa Mĩ, mặt khác Mĩ chọn Khánh với ý định để y sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn, quyết liệt hơn trong chống phá cách mạng. Một “hội đồng quân sự cách mạng lật đổ” đã thay thế cho “hội đồng quân nhân cách mạng” do Minh làm chủ tịch, Khánh trở thành một nhà độc tài mới giữ hàng loạt chức: chủ tịch hội đồng quân sự, tổng tư lệnh quân đội, tổng tham mưu trưởng kiêm thủ tướng chính phủ. Phó thủ tướng thứ nhất của Khánh là bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, nhân vật cầm đầu Đại Việt - một tổ chức chính trị gồm những quan lại, viên chức cao cấp cũ của Pháp và một số trí thức, trong đó có nhiều người thân Mĩ. Vừa mới nhậm chức, Hoàn đã hò hét: “Việc quan trọng trước mắt là tiến hành chiến tranh chống Cộng sản vì thế giới tự do!”. Ngày 1 tháng 2 năm 1964 Khánh kí ngay sắc luật 093-LS-CT đặt Cộng sản và thuyết trung lập ra ngoài vòng pháp luật. Tiếp sau đó kí lệnh bắt giam hơn 100 sĩ quan, cách chức, giáng chức một loạt tỉnh trưởng, quận trưởng và gần 1.000 viên chức cao cấp tay chân của Minh. Xe tăng diễu võ dương oai trên đường phố. Thái độ hung hăng của tên độc tài mới khơi sâu thêm thời kì khủng hoảng của ngụy quyền sau Diệm. Khánh chưa yên chỗ, làn sóng đòi vãn hồi hòa bình, đòi thực hiện trung lập, đòi không để ngoại bang thống trị đã lan từ Sài Gòn ra khắp các đô thị miền Nam. Ngày 5 tháng 2 năm 1964 xảy ra vụ lính Mĩ giết hại anh lái xe tắcxi Nguyễn Văn Bảy và hai công nhân lái xe tắcxi khác. Lập tức 12.000 công nhân ngành tắcxi và xích lô máy ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định biểu tình tuần hành trên nhiều đường phố hô khẩu hiệu: “Đả đảo Nguyễn Khánh”, “đả đảo bọn Mĩ xâm lược”. Công nhân tổ chức tuần lễ “tẩy chay Mĩ”, đòi “trừng trị những tên giết người”, đón đánh lính Mĩ trên đường phố, công nhân tắcxi từ chối chở Mĩ. Cuộc đấu tranh lan rộng ra các tầng lớp nhân dân lao động khác, đặc biệt là giới xích lô đạp. Một số tiệm treo biển “không tiếp người Mĩ”.

Bế tắc trong “con đường hầm không lối thoát”(1) trước mắt là tình hình chính trị Sài Gòn ngày một tồi tệ, đại sứ Mĩ Cabot Logde xin từ chức. Maxwell Taylor được cử sang thay. Nhưng “nhà chiến lược số 1 của nước Mĩ” này không có cách nào để dập tắt dịch đảo chính do chính Mĩ khơi ngòi.

Taylor sang Sài Gòn trong lúc cuộc đấu tranh dai dẳng của công nhân hãng dệt Vinatexco chống chủ đuổi 151 công nhân (bắt đầu từ ngày 17 tháng 4 năm 1964) đang diễn ra quyết liệt. Ngày 10 tháng 5 năm 1964 ngụy quyền cho bảo an và lính dù do phó tỉnh trưởng Gia Định chỉ huy đến đàn áp. Hơn 100 công nhân bị thương và bị bắt. Cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn đến tháng 7 năm 1964, được các nghiệp đoàn công nhân, Nha công chính, cảng, Tavixio, ximăng tuyên bố ủng hộ. Công nhân ôtô buýt, công nhân cao su cũng gởi tiền ủng hộ công nhân Vimytex.

Ngày 16 tháng 7 năm 1964 Khánh ra sắc luật 18-1964 cấm biểu tình, đình công, hội họp. Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chủ trương phát động ngay một cuộc tổng đình công vào ngày 21 tháng 7 năm 1964 để chống sắc luật 18-1964 và ủng hộ công nhân Vimytex. Ngay hôm đó, 20 vạn công nhân các ngành dệt, điện, nước, xăng dầu, xích lô, tắcxi, xe buýt… của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đều nghỉ việc và xuống đường tuần hành bất chấp lệnh thiết quân luật của ngụy quyền. Đoàn biểu tình trương các khẩu hiệu đòi tự do dân chủ, đòi hủy bỏ sắc luật 18-1964, đòi tự do nghiệp đoàn, đòi Mĩ cút về nước cùng các khẩu hiệu ủng hộ công nhân Vimytex và Vinatexcô từ trụ sở tổng liên đoàn lao động ở số 14 Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám), tiến qua nhiều đường phố lớn, kéo về phủ thủ tướng của Khánh và Bộ kinh tế ngụy. 30.000 công nhân có mặt trước dinh Nguyễn Khánh, sáu vạn công nhân cao su các đồn điền xung quanh thành phố cũng đình công và tuyên bố và sẵn sàng tiến về Sài Gòn ủng hộ những người anh em cùng giai cấp. Cuộc tổng đình công đã làm cho cả Sài Gòn tê liệt. Suốt ngày hôm ấy, thành phố không điện, không nước, giao thông ngừng trệ, nhiều nhà hàng đóng cửa. Có những đường dây liên lạc giữa Sài Gòn và nước ngoài bị gián đoạn. Trước tình hình nghiêm trọng đó, Nguyễn Khánh buộc phải công bố cho tự do hội họp, hứa sẽ giải quyết các yêu sách của công nhân Vimytiex như trả tự do cho các cán bộ nghiệp đoàn bị bắt, trừng trị phó tỉnh trưởng Gia Định, thu hồi vô điều kiện số công nhân Vimytex bị thải, có báo trước 12 ngày.

Tháng 8 1964 cuộc đấu tranh chống sa thải công nhân Vimytex chưa dứt, Sài Gòn lại sôi động vụ “Hiến chương Vũng Tàu”.

Để tránh sự chống đối có thể xảy ra, hội đồng quân sự của Khánh kéo nhau xuống họp ở Vũng Tàu; ngày 16 tháng 8 kí cái gọi là “Hiến chương Vũng Tàu” âm mưu mở đường cho Mĩ can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Nhưng khi Khánh vừa công bố “hiến chương” kèm “trưng cầu dân ý” việc y làm quốc trường thì ngay hôm sau, ngày 18 tháng 8 năm 1964 các cuộc biểu tình đã nổ ra không chỉ ở Sài Gòn mà ở hầu khắp đô thị lớn miền Nam. Từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 8 năm 1964, thanh niên, học sinh, sinh viên tổ chức hội thảo tại số 4 Duy Tân đòi xé bỏ “Hiến chương Vũng Tàu”, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi Mĩ không được xen vào công việc nội bộ của người Việt Nam. Cuộc hội thảo ngày 22 tháng 8 có mặt đến 4.000 người. Tiếp đó là cuộc xuống đường, phát động tuần lễ đấu tranh chống “Hiến chương Vũng Tàu”. Thanh niên, học sinh, sinh viên cùng đồng bào kéo đến Bộ thông tin đập phá Đài phát thanh Sài Gòn…

Sáng ngày 25 tháng 8 dưới trời mưa tầm tã, trong lúc cả ngàn học sinh, sinh viên tập trung trước chợ Bến Thành tưởng niệm Quách Thị Trang năm ngoái bị cảnh sát Diệm giết, 30.000 học sinh, sinh viên khác tập hợp trước dinh Nguyễn Khánh ở đường Thống Nhất, hô đả đảo Nguyễn Khánh, đòi Khánh ra giáp mặt. Khánh đi xe ra. Quần chúng bao vây xe, đòi y xuống xe và phải tự mình hứa chấp nhận y sách của nhân dân… phải tự hô “đả đảo độc tài quân phiệt”. Khánh răm rắp hô theo, quần chúng mới cho đi! Nhưng học sinh, sinh viên không chịu giải tán, tiếp tục ngồi trước dinh Khánh, từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều để chờ “chính phủ” trả lời chính thức. Người tràn ngập vỉa hè, đường phố, công viên đến tận Sở thú. Đồng bào lao động ở các chợ Bến Thành, Cầu Muối, cầu Ông Lãnh mang thức ăn, nước uống đến tiếp tế cho lực lượng đấu tranh. 14 giờ, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Oánh và quốc vụ khanh Nghiêm Xuân Hồng ra trước quần chúng, đọc bản tuyên cáo của “hội đồng quân sự”, đồng ý thủ tiêu “Hiến chương Vũng Tàu”, rút chức “quốc trưởng Việt Nam Cộng hòa” do Nguyễn Khánh tự phong và chấp nhận nhiều yêu sách của quần chúng. Quần chúng đắc thắng, tuần hành luôn trên các đường phố trung tâm Sài Gòn. Hãng thông tấn Mĩ UPI cho rằng đây là một sự đầu hàng hoàn toàn của Khánh trước yêu sách của sinh viên và Phật tử li khai.


(1) Lời Kennedy về chiến tranh Việt Nam.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2012, 05:15:59 pm
Tháng 9 năm 1964, hai lần Khánh bị đảo chính hụt, Mĩ lúng túng vì đã chọn lầm tay sai, nhưng chưa có cách xoay sở, buộc phải tiếp tục dùng Khánh, nhưng buộc vào bộ ba Minh - Khánh - Khiêm gọi là “tam đầu chế” để xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng… Tuy vậy, “ba người cai trị cũng không hơn gì một người”. Những nhượng bộ của Khánh và “tam đầu chế” không làm cho Sài Gòn yên ổn, trái lại “tình hình Sài Gòn hết sức hỗn loạn…” (hãng tin Anh Reuter).

Ngày 4 tháng 11 năm 1964, Khánh bị loại chức “quốc trưởng” để Phan Khắc Sửu lên thay làm “quốc trưởng”, Trần Văn Hương làm “thủ tướng” cho có vẻ dân sự. Nhưng “nhà giáo” Hương vừa nhận chức đã gào thét “đưa chính trị ra khỏi học đường”. “Chính phủ dân sự” lộ mặt tay sai đắc lực của Mĩ lại đứng trước làn sóng phản kháng quyết liệt mới. Hàng vạn học sinh các trường Gia Long, Petrus Kí, Văn Lang, Cao Thắng, Đại Đức, Hưng Đạo, Bồ Đề, Phan Sào Nam, Hồng Lạc, Lê Quý Đôn bãi khóa, chiếm trường, dùng gậy gộc gạch đá đánh trả bọn cảnh sát đến đàn áp. Công nhân và đồng bào lao động ở các khu chợ Bến Thành, Cầu Muối, Bàn Cờ, Ngã Bảy, Lí Thái Tổ lăn ống cống ra đường làm chướng ngại vật cản trở bọn đi đàn áp. Ngày 25 tháng 11 năm 1964, thanh niên, học sinh, sinh viên Sài Gòn thành công hội thảo đòi lật đổ Trần Văn Hương, đòi Mĩ không được can thiệp vào miền Nam Việt Nam. Sau đó anh chị em kéo đi vận động học sinh các trường Nguyễn Thượng Hiền, Âu Lạc, Nguyễn Công Trứ cùng tham gia. Đến trường Gia Long, đoàn vận động bị địch bao vây. Tin truyền lan nhanh. Hàng ngàn học sinh ở các Bồ Đề, Hồng Lạc, Cao Thắng, Tân Văn, Văn Lang và thanh niên các khu vực Bàn Cờ, Ngã Bảy… kịp thời kéo đến giải vây. Anh chị em lại kéo về tập trung ở Viện hóa đạo. Không giải tán nổi, địch điều thêm lực lượng đàn áp bằng dùi cui, lựu đạn, hơi cay. Các toán xuất kích của thanh niên, học sinh, sinh viên ngoan cường chống trả. Địch xả súng bắn chết em Lê Văn Ngọc. Tối ngày 26 tháng 11 Ban cán sự Đoàn chủ trương phát động đợt căm thù sâu rộng. Lễ tang em Ngọc được tổ chức ngay trong khuôn viên Viện hóa đạo. Bất chấp vòng rào cảnh sát, mật vụ, công an dầy đặc, trong 2 ngày liền, hàng vạn đồng bào các giới, các trường học, nghiệp đoàn, công nhân, nhân sĩ, trí thức đến dự lễ viếng. Sáng ngày 29 tháng 11 năm 1964 đám tang em Ngọc biến thành cuộc xuống đường của hàng chục vạn học sinh, sinh viên và đồng bào thành phố lên án hành động sát nhân của Mĩ ngụy và đòi lật đổ Trần Văn Hương. “Nội các” Trần Văn Hương lại thêm một hành động tự sát: ra lệnh đàn áp. Em Loan, nữ sinh Gia Long bị bắn chết, nhiều người bị bắt trong ngày đưa tang, sau đó thêm 20 học sinh, sinh viên, thanh niên bị bắt.

Một lần nữa, nhân dân Sài Gòn lật đổ một “nội các” tay sai Mĩ, Trần Văn Hương buộc phải rời ghế. Phan Huy Quát lên thay, đụng ngay sự đối lập của Phật giáo, sinh viên. Phật tử biểu tình, sư sãi lại tuyệt thực để phản đối “nội các” mới. Mĩ không thể tìm được một bộ mặt nào sạch sẽ, có sức thuyết phục hơn.

Phối hợp với các phong trào của công nhân lao động, thanh niên, học sinh, sinh viên, cánh Hoa vận đẩy mạnh võ trang tuyên truyền ở các xóm lao động Lò Gạch, Lò Gốm, Lò Siêu, chợ Thiếc, các rạp Đô Thành, Đại Quang Minh, các xí nghiệp, nhà máy, trường học, ngay trên những chuyến xe buýt chở công nhân. Anh chị em Hoa vận rải truyền đơn, căng biểu ngữ, treo cờ Mặt trận, cổ động đồng bào đứng lên chống ngụy đuổi Mĩ.

Hoạt động vũ trang nội thành tiếp tục đà tăng của năm 1963, hình thành mũi tấn công hỗ trợ đấu tranh chính trị nhằm vào sinh lực cao cấp và phương tiện chiến tranh quan trọng của địch.

Trận đầu của năm 1964 diễn ra lúc 11 giờ trưa ngày 9 tháng 1 tại nhà hàng Bamboo ở khu vực Lăng Cha Cả gần sân bay Tân Sơn Nhất. Trên “trận địa” năm trước, với 1 quả mìn lõm 4kg đặt trong 1 giỏ cần xé buộc sau xe gắn máy dựng sát nhà hàng, chiến sĩ Đúng đội biệt động 67 giết chết và làm bị thương 15 Mĩ.

Vài ngày sau, cũng trên quãng đường này, một chiến sĩ khác ném lựu đạn trúng 1 xe Mĩ, diệt 5 tên.

Ngày 24 tháng 1 năm 1964, hội nghị quân sự đô thành lần thứ 2 khai mạc, có mặt đông đủ cán bộ các đội biệt động thực thuộc quân khu. Hội nghị đánh giá hoạt động võ trang nội thành năm 1963, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 1964, phân công khu vực hoạt động… Các cán bộ quân sự đô thị đều hạ quyết tâm cao trước khi ra về.

Vừa tròn nửa tháng sau, biệt động thực hiện một trận đánh xuất sắc tại sân dã cầu Tân Sơn Nhất. Sân này nằm kế bên sân bay, ở đường Ngô Đình Khôi - Võ Tánh, xung quanh có tường cao 2m, có hệ thống đèn chiếu sáng phục vụ cho các buổi chơi ban đêm của sĩ quan Mĩ. Sát sân dã cầu, bên ngoài tường có một nghĩa trang, ban ngày có nhiều người vào viếng mộ, tối đóng cửa, có người gác. Đó là nơi mà 2 chiến sĩ biệt động 67 khéo lợi dụng, cải trang xâm nhập chôn quả mìn hẹn giờ dưới khán đài chính. 20 giờ ngày 9 tháng 2 năm 1964, đúng vào lúc sân chơi rộp rịp sĩ quan Mĩ, mìn nổ, nhiều sĩ quan Mĩ có cả đại tá, trung tá, thiếu tá… chết và bị thương.

Một tuần sau, ngày 16 tháng 2 năm 1964, đúng mồng 4 Tết âm lịch, một chiếc xe của đội 159 lao trên đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám), tiếp cận rạp chiếu bóng Kinh Đô giành riêng cho quân Mĩ. Đồng chí Tám Bền rút súng ngắn hạ ngay những quân cảnh đang gác cửa. Đồng chí Mười Bông ôm khối thuốc nổ lao vào rạp, giật nụ xòe, nhanh chóng trở ra đóng ập cánh cửa sắt lại. Mìn nổ, sĩ quan, cố vấn Mĩ chết, bị thương nhiều hơn tất cả các trận trước ở Sài Gòn(1). Nghe tiếng nổ lớn, đồng bào ùn lại làm nghẽn lối thoát của cá chiến sĩ biệt động. Các đồng chí hô lớn: “Chúng tôi là giải phóng đánh Mĩ!”. Đồng bào liền giạt ra hai bên đường. Các chiến sĩ vừa chạy qua, dòng người đã khép kín, cảnh sát đến chỉ thấy người chen người!

Ở cảng Sài Gòn, sau nhiều thời gian theo dõi, chiều ngày 30 tháng 4 năm 1964 được cơ sở báo cáo có chiến hạm Mĩ U.S.A Card trọng tải 16.000 tấn chở nhiều máy bay và hàng quân sự vừa cập bến, đội biệt động 65 quyết định “chớp ngay thời cơ có một không hai”, không được chậm trễ. Ngay đêm 1 tháng 5 năm 1964, hai đội viên biệt động Lâm Sơn Náo và Nguyễn Phi Hùng ra trận cùng với 2 khối 80kg thuốc nổ mạnh có gắn kíp hẹn giờ. Hai anh bơi xuồng dọc theo rạch Kinh Tẻ, băng qua sông Sài Gòn, cập bờ Thủ Thiêm quan sát, từ đó đâm xuồng sang đường cống ngầm dưới cầu cảng… Thuốc nổ được áp vào mạn tàu, họ lại theo đường cống ngầm trở ra… Máy bay địch trên tàu chưa kịp đưa lên bờ. Mìn nổ lúc gần rạng sáng 2 tháng 5 năm 1964. Chiếc tàu Card bị nhận chìm kéo theo 21 máy bay lên thẳng HU-1A, 2 máy bay trinh sát L19 và 1 máy bay khu trục cánh quạt AD6, 55 tên Mĩ chết và bị thương. Do lỗ thủng quá rộng (1 chiều 1,5m, 1 chiều 1,2m) nên sau khi trục lên, chiếc tàu chỉ được vá víu sơ bộ để cố kéo về cảng Subic (Philippin) sửa chữa. Đây là một trong những chiến công đánh Mĩ xuất sắc nhất của biệt động Sài Gòn. Nhà văn, nhà sử học Pháp Charles Fourniau viết: “… Đó là một trong những chiến hạm lớn nhất của Mĩ hồi Chiến tranh thế giới thứ hai, trọng tải 15.000 tấn, nay dùng để chuyển dụng cụ chiến tranh sang Việt Nam. Làm thế nào mà một khối lượng rất lớn chất nổ được đặt ở ngoài hay ở trong tàu, bất chấp cả hệ thống phòng thủ các bến và hải cảng. Những cơ quan của Mĩ thì không hề hé răng chút nào về việc này. Về phần Mặt trận Giải phóng thì đã cho biết hai chiến sĩ D và H của một đơn vị quân giải phóng đã được thưởng huân chương chiến công hạng ba…

… Sự kiện chiếc tàu Card cho thấy là bất kì ở đâu, các lực lượng Mĩ cũng không tránh khỏi những cuộc tiến công của Mặt trận. Sự xâm nhập vào quân cảng của Mĩ ở Sài Gòn và bao nhiêu những trận đánh bom khác vào trụ sở của quân xâm lược đã chứng minh điều đó”(2).


(1) Báo cáo lúc đó: 150 tên chết và bị thương.
(2) Trong “Le Vietnam face à la guerre”, Charles Fournia, NXB Editions Sociales, 1967.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2012, 05:17:09 pm
Chiều ngày 2 tháng 5 năm 1964 cũng tại bến cảng, binh lính, sĩ quan Mĩ còn đang bàng hoàng về trận đánh ban sáng, đồng chí Sáu Bằng, chiến sĩ biệt động đội 67, chạy xích lô ngang chỗ chúng đang tập trung, ném 1 quả lựu đạn, 8 tên chết và bị thương.

Cũng chính ngày 2 tháng 5 năm 1964 ấy, một sự kiện khác làm náo động dư luận Sài Gòn và thế giới: tại cầu Công Lí (trên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất vào Sài Gòn), theo kế hoạch chuẩn bị sẵn, chiến sĩ Nguyễn Văn Trỗi (đội biệt động 65) gài trái bom định giết chết Bộ trưởng quốc phòng Mĩ Mac Namara vừa mới đặt chân xuống máy bay Tân Sơn Nhất. Do bị lộ trước giờ xe Mac Namara chạy qua, anh bị bắt. Trận đánh không thành, nhưng đã là một đòn cảnh cáo đối với những hoạt động chuẩn bị leo thang chiến tranh của đế quốc Mĩ. Mac Namara không dám ngồi ôtô vào Sài Gòn mà đi bằng trực thăng.

Địch tăng cường đối phó, đề phòng cẩn mật về những trận đánh biệt dộng tấn công người Mĩ cả trong nhà, ngoài đường, tuy nhiên chưa tỏ ra có hiệu quả. Khó khăn lớn nhất của địch là không thể phân biệt một chiến sĩ biệt động với một người dân thường hay một nhân viên ngụy quyền, một người lính… và ngay cả nhân viên đang phục vụ cho chính người Mĩ. Họ có mặt ở bất kì chỗ nào và ở đâu cũng có sẵn những người dân “tự nhiên mà nhập cuộc” che chở cho họ.

Ngày 26 tháng 6 năm 1964, Nguyễn Văn Cẩm (Sáu E), thợ hàn ở sân bay Tân Sơn Nhất, đội viên đội biệt động 67, đánh mìn hẹn giờ tại phòng chờ của sân bay, diệt 13 lính Mĩ.

Hai tháng sau, sáng 25 tháng 8 năm 1964, chiến sĩ trinh sát quân báo Nguyễn Thanh Xuân và nữ giao liên Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cải trang sĩ quan ngụy và nhân tình sĩ quan Mĩ, đánh mìn hẹn giờ khách sạn Caravelle 9 tầng giành cho sĩ quan Mĩ.

Thực ra, một trận đánh như vậy không đơn giản, dù nó có thể xảy ra trong tích tắc. Từ năm 1961 đến năm 1964, ban quân báo quân khu Sài Gòn hình thành tổ chức nắm địch ở địa phương tương đối hoàn chỉnh. Ngoài cá tổ chức quân báo của các huyện nông thôn vùng ven, quận nội thành, ta đã tổ chức được các mạng lưới quân báo khu vực và mục tiêu lưới điệp báo đi vào một số cơ quan quân sự quan trọng của địch, các đội trinh sát hợp pháp và đội trinh sát hành động. Một tiếng nổ tại sào huyệt Mĩ ở Sài Gòn trực tiếp hoặc gián tiếp có phần chiến công quan trọng của các lực lượng này.

Việc đánh khách sạn Caravelle được đề xuất từ tháng 3 năm 1964. Đồng chí Nguyễn Nông (5 Bắc) làm quản lí tại khách sạn, là một cán bộ từ thời chống Pháp, đã nắm chắc tình hình tại chỗ lâu nay; nhà đồng chí cũng là một trạm cất giấu chất nổ sẵn. Do yêu cầu phối hợp và hỗ trợ cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh, quân khu Sài Gòn giao cho ban quân báo thực hiện trận đánh phối hợp. Hai đồng chí ở bộ phận trinh sát hợp pháp được giao nhiệm vụ chiến đấu. Ban quân báo quân khu Sài Gòn - Gia Định không kể đại đội trinh sát võ trang ở ngoại thành có khoảng gần 300 cán bộ, nhân viên và các cơ sở cách mạng trực thuộc các loại, đủ các lứa tuổi, trình độ, làm đủ các loại nghề nghiệp bình phong, được ngăn cách đối với nhau nằm rải rác khắp nội đô và ven đô. Nhờ vậy, ta mới có thể chủ động chọn mục tiêu và đối tượng để đánh vào các thời cơ nhất định.

Không kém những biến động trên chiến trường hay những rối ren chính trị tại Sài Gòn, thật khó lường được tầm tác động tâm lí đến mức nào về những sĩ quan binh lính Mĩ bị trừng trị ngay tại sào huyệt. Một báo cáo của đại sứ Mĩ Taylor gửi tổng thống Johnson có đoạn:

“… Ở đây chúng tôi phải đương đầu với một tình hình xấu đi nghiêm trọng mà đặc điểm của nó là sự rối ren chính trị liên tục, thái độ vô trách nhiệm và tình trạng chia rẽ trong quân đội, sự trì trệ trong chương trình bình định, tâm lí chống Mĩ ngày càng phát triển, những dấu hiệu khủng bố ngày càng tăng của Việt cộng, chĩa vào nhân viên người Mĩ, sự thất vọng sâu sắc và sự mất tinh thần trên hầu khắp miền Nam Việt Nam”.

Tháng 10 năm 1964, trong nước, ngoài nước xúc động về sự kiện chiến sĩ biệt động Nguyễn Văn Trối, người đã giết hụt Bộ trưởng quốc phòng Mĩ Mac Namara hồi tháng 5 năm 1964 tại cầu Công Lí, bị địch đưa ra pháp trường và về cái chết lẫm liệt của anh.

Suốt 5 tháng trong nhà lao dịch, anh chiến thắng mọi cực hình tra tấn, dụ dỗ của chúng. Trước kẻ thù, câu trả lời duy nhất của anh là: “Tôi nói với mấy người, tôi làm việc phải, tôi giết bọn cướp nước thì dù nguy hiểm, thương tật, hay hi sinh, tôi cũng vui lòng. Tôi không thể sống như bọn tay sai mong được an thân để làm hại đồng bào!”. Chấp nhận thất bại và tỏ rõ lòng trung thành với quan thầy, ngụy quyền tuyên án tử hình Nguyễn Văn Trỗi. Được tin này, phong trào cách mạng Vénézuela tuyên bố, nếu tử hình anh Nguyễn Văn Trỗi, họ sẽ trừng trị ngay tên trung tá Mĩ mà họ đang bắt giữ. Mĩ buộc phải cam kết không tử hình anh. Nhưng khi tên trung tá Mi vừa được thả ra thì chúng trở mặt. Ngày 15 tháng 1 năm 1964, bọn đao phủ Mĩ ngụy đưa anh Trỗi ra pháp trường tại bãi bắn sau nhà lao Chí Hòa. Chính phút cuối cùng của đời mình, anh giật phắt mảnh băng mà kẻ thù bịt mặt, dõng dạc nói: “Không, phải để tôi nhìn mảnh đất này, mảnh đất thân yêu của tôi!”. Anh hô to: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo đế quốc Mĩ!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Súng đã nổ, dòng máu loang đỏ ngực, anh vẫn hô to: “Việt Nam muôn năm!”.

Lời anh vọng lên khắp nước, vang lên trên thế giới, lưu mãi ngàn năm. Một cái chết đã hóa thành bất tử!(1).

Nói về anh, Bác Hồ viết: “Vi Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mĩ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập”(2).


(1) Nguyễn Văn Trỗi quê ở Thanh Quýt, xã Quyết Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, vào Sài Gòn làm thợ điện và tham gia đội biệt động Sài Gòn - Gia Định đầu năm 1964.
(2) Ghi trên đầu quyển sách “Sống Như Anh” của Trần Đình Vân.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2012, 05:19:06 pm
Trả thù và noi gương anh, đồng đội của anh ở Sài Gòn - Gia Định đang tiếp tục những ngày tháng tấn công vào sào huyệt Mĩ quyết liệt nhất.

Bên sông Nhà Bè, ngày 7 tháng 10 năm 1964 đặc công Rừng Sác đánh 3 tàu chở xăng dầu của Mĩ, hủy 10 vạn lít. Ngày 18 tháng 11 năm 1964 chiến sĩ biệt dộng 67 Nguyễn Văn Cẩm, người đã thực hiện trận đánh ở phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất, lại đánh một trận xuất sắc tại câu lạc bộ sĩ quan không quân đúng vào lúc địch đang mở cuộc càn “Phóng hỏa!” với lực lượng 15 tiểu đoàn do đích thân trung tướng Tôn Thất Đính chỉ huy đánh vào hậu cứ quân khu Sài Gòn - Gia Định. Theo kế hoạch đã chuẩn bị sẵn, chớp thời cơ phối hợp chiến trường, Cẩm bí mật gài trái mìn lõm 4kg thuốc nổ chứa 500 viên bi xe đạp trên trần nhà. Vài giờ sau mìn nổ chụm xuống đầu giặc lái trực thăng Mĩ vừa thực hiện cuộc đổ quân ngụy trở về; hàng chục tên chết và bị thương. Sợ ta tấn công sân bay hoặc có đảo chính, Mĩ ngụy vội vã dùng xe hơi rút quân, bỏ dở cuộc càn.

Hơn một tháng sau, một “trận đấu trí tài” vang dội lại diễn ra ở khách sạn Brink. Đây là khách sạn 6 tầng lầu giành riêng cho sĩ quan Mĩ, nằm trong khu vực có nhiều cơ quan và cư xá quan trọng: Nhà hạ nghị viên (nay là Nhà hát Thành phố), Tòa đô chính ngụy (nay là trụ sở UBND Thành phố), các khách sạn Continental, Caravelle… Thường trú ở đây có khoảng 200 sĩ quan Mĩ, hơn phân nửa là cấp tá, trong đó có 1 đại tá cố vấn tình báo. Điều chúng lo sợ nhất ở đây là “Việt cộng đưa chất nổ vào hoặc người trong cư xá ăn cắp đồ mang ra” (nguyên là năm 1962 ta đã có đánh bộc phá nổ chậm vào tầng trệt cư xá). Với tiền lệ đã có, ở đây đang trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với phương tiện và lực lượng cả chìm lẫn nổi. Nhưng niềm tin của ta là: kẽ hở bao giờ cũng tiềm tàng ở ngay trong bản chất của địch… Cái bất ngờ thường bao giờ cũng phải tạo nên trong cái không bất ngờ. Người rạch ra phương án và kế hoạch tác chiến là đồng chí Nguyễn Đức Hùng, trưởng ban quân báo. Do ta quyết định đánh trận quan trọng này vào trước giờ Noel năm 1964 nên chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng quân khu Sài Gòn - Gia Định trực tiếp thông qua và báo cáo Khu ủy. Bộ phận trinh sát quân báo chiến đấu nhận trách nhiệm thực hiện.

Phương án tác chiến là cải trang sĩ quan ngụy vào quan hệ với cố vấn Mĩ, dùng xe du lịch đổi biển số chở khối thuốc nổ 200kg gắn ngòi cháy chậm, khéo léo qua mặt bọn gác cổng, vào đậu dưới bụng cư xá Brink(1). Hai nhân vật chủ động gồm một “ông đại tá” và người lái xe, hai đồng chí được chọn vai là: Nguyễn Hóa và Nguyễn Thanh Xuân(2).. Một số đồng chí khác làm các công tác bảo đảm rất quan trọng gồm có: Nguyễn Thông thuộc lưới điệp báo làm nhiệm vụ tìm hiểu chiều sâu về địch ở cư xá, Nguyễn Nông trinh sát làm nhiệm vụ nắm quy luật địch ở cư xá, Nguyễn Thị Minh Nguyệt áp tải vũ khí trên xe của ông Sáu Mía (chủ một đồn điền cao su nhỏ ở Củ Chi). Đỗ Hán và gia đình cất giấu chất nổ, chị Năm Lành người đứng tên chủ xe du lịch, Nguyễn Văn Việt một chiến đấu viên được tăng cường để yểm trợ(3).

Mặc dù có chút trục trặc về xe do kĩ thuật, các chiến đấu viên ta đóng kịch rất khéo, mọi việc diễn ra y phương án. Đúng 17 giờ 55 phút, lúc mà tại cư xá Brink, các sĩ quan Mĩ đang tập trung chờ đoàn BopHop (đoàn này đến trễ), một tiếng nổ long trời phát ra từ bụng cư xá kèm một trận lửa vì ở đây có bồn xăng 2500 lít.

Cư xá bị sập 3 tầng, 3 tầng còn lại phía trên bị rạn nứt. Địch báo động, ngăn chặn các ngã ba, ngã tư đường. Xe chữa cháy phóng như điên về phía khách sạn Brink.

Quả đấm thốn óc Nhà Trắng này làm hả lòng hả dạ nhân dân ta, nhiều đồng bào trong thành phố kể cả đồng bào di cư (ở quận 4) tổ chức ăn mừng. Đây là câu trả lời nghiêm khắc của ta trước hành động leo thang chiến tranh của Mĩ: ném bom miền Bắc, chuẩn bị đưa quân chiến đấu vào miền Nam trước nguy cơ sụp đổ của chiến lược chiến tranh đặc biệt.

Liên tiếp mấy ngày, báo chí trong nước đưa tin trên trang đầu: Việt cộng chơi Mĩ”, “Cư xá Brink tan hoang”… trong Hồi kí “Tương trình người lính”, Westmoreland thừa nhận “hơn 100 mười Mĩ chết và bị thương, đây là một vụ nổ kinh hoàng”(4)


(1) Cụ thể như sau; 17 giờ ngày Chúa giáng sinh 24 tháng 12 năm 1964 (theo dự kiến có đoàn tài tử BopHop từ Mĩ sang phục vụ cư xá Brink), một sĩ quan cấp tá thuộc Bộ tổng tham mưu ngụy đi xe du lịch đến gặp đại tá cố vấn Mĩ tên William Johnson nào đó, nhưng ông này “đi vắng”, “sĩ quan ngụy” bực dọc bỏ về, nhưng giao cho người lái xe mình vào dưới bụng cư xá (xe chở chất nổ) để chờ đón đại tá Mí về, lái xe ở lại nhưng kiếm cớ đi bộ ra ngoài uống cà phê…
(2) Nguyễn Hóa (Tư Mập), người Sài Gòn, biết tiếng Pháp, tiếng Anh và nhập vai “đại tá”, nhưng cuối cùng vì anh quá trẻ nên phải “hạ cấp” làm “thiếu tá”. - Nguyễn Thanh Xuân tức Bảy Bê người đã thành công trong vai phụ tá tình báo Mĩ trong trận đánh khách sạn Caravellle.
(3) Nguyễn Thị Minh Nguyệt, người đã tham gia đánh trận Caravelle trong vai “nhân tình đại tá cố vấn Mĩ”, lần nay lại nhận vai con bà chủ áp tải cao su để áp tải chất nổ trên xe chở cao su. Ông Sáu Mía chủ xe chở cao su là người cảm tinh của cách mạng. - Đỗ Hán (Mười Hán) tín đồ đạo Thiên chúa, người miền Bắc, nhà ở Cầu Bông, vợ cũng là một cơ sở cách mạng. - Chị Năm Lành, người Bến Tre từng tham gia Đồng Khởi, bị địch truy nã, lên Chợ Lớn buôn bán sạp vải, lần này đứng tên cho chiếc xe hiệu “NASH” do đồng chí Chín Bông làm chủ gara tìm mua. - Nguyễn Văn Việt (Tư Việt) có căn cước giả gi tên Nguyễn Văn Hai.
(4) Hồi kí “Tường trình người lính của Westmorrland. Theo báo cáo của cơ sở ta lúc đó: loại trên 100 Mĩ trong đó có: 2 đại tá, 9 trung tá, 5 thiếu tá. Theo Josep Ampter trong cuốn “Phán quyết”: 52 sĩ quan Mĩ chết, bị thương.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2012, 05:19:40 pm
Đại sứ Mĩ Taylor cùng đại tá Kuntze phụ trách bảo vệ cư xá Mĩ ở Sài Gòn đến xem xét hiện trường đã chua xót thốt lên: “Tôi cho chỗ này là an toàn nhất rồi!”. Trong một báo cáo gửi Tổng thống Johnson sau đó, Taylor viết: “Để người Mĩ đảm bảo an ninh cho chính mình, đòi hỏi phải có 75.000 lính Mĩ, và cho dù như vậy cũng không ai đảm bảo sẽ không có những vụ Biên Hòa (đêm 31 tháng 10 rạng ngày 1 tháng 11 năm 1964 ta pháo kích sân bay Biên Hòa, loại 20 máy bay phản lực trong đó có 13 máy bay B57 Mĩ mới đưa vào miền Nam, 11 khu trục cánh quạt Skyraider, 3 trực thăng…), khách sạn Brink xảy ra nữa”. Hãng thông tin Mĩ UPly 9 tháng 12 năm 1965, một năm sau còn nói về tình trạng tâm lí người Mĩ ở Sài Gòn: “Những người gan dạn mấy cũng giật mình khi nghe tiếng chó sủa cách xa 100 mét! Họ lẩn tránh khi nghe tiếng nổ và họ thấy lạnh người khi nghe cảnh sát thổi còi. Bởi vì Việt cộng có thể xuất hiện bất kì lúc nào, khắp mọi nơi, và vũ khí của họ là một quả bom đặt trong một túi giấy ở một đống rác ngoài phố, để ở cột đèn, hoặc giấu trong chiếc tắc xi nào đó trong nhiều chiếc tắc xi chạy trong Sài Gòn…”

Ngoài Mĩ, mật vụ, cảnh sát, ác ôn ngụy cũng là đối tượng hàng đầu của đặc công biệt động Sài Gòn. Nhiều mục tiêu bị đánh: bót cảnh sát quận 6 (ngày 12 tháng 1 năm 1964, bót ác ôn đường Ngô Đình Khôi (ngày 7 tháng 2 năm 1964), cảnh sát ở đài truyền tin Phú Thọ, bọn mật vụ CIA của Thích Tâm Châu (CIA đội lốt thầy tu) đang họp ở quán cơm chay giả hiệu ở đường Yên Đổ (tháng 5 năm 1964).

Một đội võ trang tuyên truyền của đoàn thanh niên mang tên Nguyễn Văn Trỗi trừng trị tên ác ôn giám đốc khám Chí Hòa Nguyễn Văn Chiêu và các tên bồi bút báo Chính luận phản động Từ Chung, Chu Tử; đột vào các khu xóm lao động tuyên truyền, vận động nhân dân chống địch bắt lính, đánh phá các chốt địch chặn bắt lính ở Phú Thọ Hòa, các đường Trần Quốc Toản, Cao Thắng, Trương Minh Kí, cư xá Đỗ Thành, cầu chữ Y… có nơi như ở đường Lê Quang Định (Bà Chiểu - Gò Vấp) địch buộc phải bỏ luôn chốt chặn bắt lính. Đầu năm 1965, đội lại đột nhập sau khám Chí Hòa dựng bia tưởng niệm anh hùng Nguyễn Văn Trỗi tại chính nơi anh hi sinh. Địch hoàn toàn bất ngờ về việc này.

Trên vùng nông thôn Gia Định, các cuộc đấu tranh chính trị quần chúng có kết hợp hoạt động của các lực lượng võ trang chặn đứng, bẻ gãy nhiều cuộc càn của địch vào các vùng Đông An (Dĩ An), Lò Lu (Thủ Đức), Truông Viết, Bình Mĩ, Tân Thạnh Đông, Trung An (Củ Chi)… Ở Tân Thạnh Tây (Củ Chi), đồng bào giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh đòi bồi thường thiệt hại do địch gây nên. Số tiền được bồi thường, đồng bào ủng hộ cho du kích. Ở Nhuận Đức (Củ Chi), nhân dân vây bót cầu Bến Mương, địch hoảng sợ tháo chạy. Đồng bào tiếp tục kéo ra thị trấn Củ Chi biểu tình chống địch bắn phá bừa bãi (tháng 7 năm 1964).

Ở Bình Chánh tháng 7 năm 1964, Du kích Hưng Long đánh 1 đại đội bảo an đi càn có tàu chiến yểm trợ, đẩy lùi 22 đợt xung phong của chúng, diệt 7 tên, làm bị thương 20 tên, địch bỏ cuộc. Ngày 20 tháng 8 năm 1964 lực lượng võ trang địa phương tiêu diệt 2 đồn Hưng long cấp đại đội và đồn Tân Quy cấp trung đội.

Ở Củ Chi, bộ đội địa phương và du kích chiếm, làm chủ đồn Cây Bài, đồn Chợ và trụ sở tề xã Phước Hiệp, tiêu diệt tiểu đoàn bảo an địch đến ứng cứu, tập kích địch ở Cây Trôm, bao vây đồn Phú Hòa, phối hợp với bộ đội quân khu bức rút bót An Nhơn Tây (tháng 6 năm 1964)…

Tháng 5 năm 1964, Quân khu Ủy quyết định chính thức đổi tên đoàn K17 Quyết Thắng thành tiểu đoàn chủ lực Quyết Thắng. Ngay trong tháng, tiểu đoàn phối hợp với trung đoàn 761 chủ lực Miền, phục kích trên tỉnh lộ 7 ở khu vực Gót Càng (Củ Chi), tiêu diệt tiểu đoàn biệt động quân “Cọp đen” ngụy, bẻ gãy cuộc hành quân gom dân của chúng.

Tháng 6 năm 1964, tiểu đoàn Quyết Thắng lại phối hợp với trung đoàn 762 chủ lực Miền đánh địch trên lộ 7, tiêu diệt 1 chi đoàn thiết giáp ngụy. Đây là chi đoàn cơ giới địch bị tiêu diệt đầu tiên trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định. Ta bắt sống 1 xe M113.

Tiểu đoàn tiếp tục độc lập tác chiến nâng nhanh hiệu suất diệt địch, tháng 7 dựa vào thế trận các ấp xã chiến đấu phục kích đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn bảo an ngụy ở Bầu Tràm - Trung An, sau đó lại đánh thiệt hại hai tiểu đoàn khác đến tiếp viện, giải phóng thị tứ Ba Ri - Tân Quy (Củ Chi). Từ tháng 8 đến cuối năm 1964, tiểu đoàn ra quân hàng chục trận nổi bật các trận: Phối hợp với lực lượng vũ trang Củ Chi bao vây đồn Phú Hòa Đông diệt và làm rã ngũ 40 tên địch, bắn rơi 1 máy bay đến tiếp tế; phối hợp với trung đoàn 761 chủ lực Miền đánh tan một tiểu đoàn ngụy ở Bàu Cúc (Củ Chi); phục kích đánh 1 đại đội ngụy quân trên lộ 1 ở khu vực Đồng Chùa (Củ Chi), diệt 2 trung đội, bắt sống 8 tên, thu 15 súng.

Mùa thu năm 1964, trên cơ sở nhận định chiến trường miền Nam đang phát triển theo hướng có lợi cho ta, chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mĩ đang trên đường phá sản, đồng thời xuất hiện khả năng Mĩ sẽ thay đổi chiến lược, Trung ương cục miền Nam vạch ra một kế hoạch chuẩn bị đón thời cơ thực hiện tổng công kích tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định mang mật danh là “kế hoạch X”. Nội dung kế hoạch dựa trên tinh thần Nghị quyết tháng 1 năm 1961 của Bộ Chính trị trong đó xác định: “Cuộc tổng công kích tổng khởi nghĩa của nhân dân ta sẽ bùng nổ để lật đổ chính quyền Mĩ Diệm, giải phóng miền Nam”. Địa bàn trung tâm của “Kế hoạch X” là Sài Gòn - Gia Định.

Từ quý 3 năm 1964, một bộ phận chuyên trách xây dựng kế hoạch này đã được hình thành gồm các đồng chí trong Quân ủy Miền và chỉ huy trưởng Quân khu Sài Gòn - Gia Định, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục.

Trong khi sắp xếp cán bộ, sắp xếp thành công, xây dựng lực lượng theo “Kế hoạch X”, tất cả nhiệm vụ khác đã đề ra vẫn được triển khai thực hiện.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2012, 05:22:20 pm
Năm 1964, chiến tranh cách mạng miền Nam tạo được những bước chuyển biến lớn, đẩy địch lún sâu thêm vào thế bị sa lầy. Trên sân khấu chính trị Sài Gòn, đầu sỏ ngụy quyền rối ren, địch đảo chính làm đảo lộn cả ý đồ của Mĩ trong việc chọn tay sai. Trên chiến trường thế thua của ngụy quân hiện rõ. Đông xuân 1964-1965, miền Đông Nam Bộ phối hợp chiến trường chung vào mùa chiến dịch lớn đầu tiên trong chiến tranh chống Mĩ, đạt thắng lợi.

Những chiến thắng lịch sử Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài cùng với cao trào phá ấp chiến lược trên toàn miền Nam đang làm phá sản “kế hoạch hai năm Johnson - M.Namara”, đẩy chiến lược chiến tranh đặc biệt vào thời kì phá sản. Washington đang ở tình thế “Chỉ có một sự lựa chọn là can thiếp hoặc chấp nhận thất bại. Nhưng chấp nhận thất bại là điều mà không bao giờ người ta nghĩ đến, nên điều còn lại chỉ là can thiệp…”(1)

Bức thông điệp đầu năm của Tổng thống Mĩ Johnson để lộ một ý định mới trước một chiến lược Mĩ đã đến hồi cáo chung: “Mĩ phải có mặt ở Nam Việt Nam vì nước bạn yêu cầu, vì đã cam kết 10 năm trước đây, vì an ninh của bạn thân nước Mĩ và hòa bình châu Âu…”

Trả lời câu hỏi “can thiệp thế nào”, ngày 6 tháng 3 năm 1965, bốn ngày sau khi cuộc ném bom dài ngày xuống miền Bắc bắt đầu, tổng thống Mĩ ra lệnh cho 2.500 lính thủy đánh bộ đổ lên Đà Nẵng núp dưới danh nghĩa để “bảo vệ căn cứ Mĩ ở đó”. Thực ra là một cuộc “leo thang” toàn diện của Mĩ đã bắt đầu từ trước và đang tăng đà chiến tranh trên bộ ở miền Nam, chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

Đụng đến miền Bắc, đế quốc Mĩ đang đổ thêm dầu vào lửa. “Miền Bắc gọi, miền Nam trả lời” trở thành tiếng gọi thiêng liêng, một hồi kèn giục giã quân dân miền Nam ra trận.

Ngày 29 tháng 1 năm 1965, các chiến sĩ đội biệt động 65 tấn công cơ quan quân sự MACV làm bị thương nhiều sĩ quan Mĩ, trong đó có sí quan cấp cao(2). Tiểu đoàn Quyết thắng sau khi thành lập thêm một đại đội trợ chiến (có cối 81mm, ĐKZ 75, súng máy 12,7mm) tháng 1 năm 1965 tổng kết tất niên (vào mồng một Tết âm lịch), tổ chức ra mắt đồng bào ở sở cao su xóm Chùa, xã An Nhơn Tây, hàng ngàn đồng bào vùng giải phóng, vùng ấp chiến lược và ở nội thành Sài Gòn ra dự. Đồng chí Trần Hải Phụng thay mặt Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định giao cho tiểu đoàn nhiệm vụ giữ vai trò “Quả đấm cơ động đầu tiên của Quân khu” và trao cây đuốc truyền thống cho đơn vị. Tiểu đoàn hạ quyết tâm “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm”. Sau lễ ra mắt, cán bộ chiến sĩ, khẩn trương vào đợt huấn luyện quân sự, chính trị, chuẩn bị nhận những nhiệm vụ nặng nề mới. Theo kế hoạch X, riêng quân khu Sài Gòn - Gia Định cần gấp rút xây dựng các đơn vị biệt động đủ sức đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu trong nôi thành, xây dựng các đội vũ trang chiến đấu, đội tự vệ của các ngành làm nòng cốt cho phong trào nổi dậy của quần chúng,đồng thời xây dựng 5 tiểu đoàn mũi nhọn bố trí ở 5 hướng ven đô, có khả năng thọc sâu 5 hướng, kịp thời phối hợp với các đội biệt động chiếm giữ các mục tiêu, cho đại quân vào và trợ lực quần chúng nổi dậy. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị này phải là những người am hiểu cả vùng ven và đô thị, phải được huấn luyện thành thục. Quân khu hình thành trung đoàn cơ động và các đại đội đảm bảo, chỉ huy.

Thực hiện kế hoạch xây dựng các tiểu đoàn mũi nhọn, tháng 1 năm 1965 Bộ chỉ huy Miền giúp quân khu Sài Gòn - Gia Định tổ chức kín đáo một trung tâm huấn luyện ở Lò Gò - Tân Biên (Tây Ninh), lấy mật danh là đoàn 165A(3). Cán bộ, chiến sĩ được cọn từ bộ đội địa phương, du kích các huyện ven đô nội thành đưa ra, nói là bổ sung lên Miền. yêu cầu xây dựng huấn luyện xong và lần lượt triển khai bí mật về các địa bàn ven đô từ tháng 4 cho đến tháng 6 năm 1965. Trong thời gian này, bộ máy chỉ huy quân sự và cơ quan cấp ủy lãnh đạo năm cánh (quân khu) cũng đã được hoàn chỉnh. Quân khu cũng đã có bộ phận chuyên trách nội đô.

Tháng 3 năm 1965, trên cơ sở phân tích khả năng phát triển của tình hình, Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 11 chủ trương “tích cực kềm và thắng địch trong chiến tranh đặc biệt… đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam nếu địch gây ra”.

Dấu hiệu leo thang chiến tranh của Mĩ ngày càng rõ. Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kêu gọi các lực lượng vũ trang giải phóng đánh mạnh, đánh đau cảnh cáo giặc Mĩ leo thang chiến tranh. Bộ chỉ huy quân khu Sài Gòn - Gia Định thông qua quyết tâm về một “trận dằn mặt”. “Miền Bắc gọi, miền Nam trả lời”, trận “dằn mặt” này phải hơn cả các đòn Card, Caravelle, Brink… Bộ chỉ huy xét không còn mục tiêu nào hơn là “Tòa đại sứ Mĩ” - “Nhà trắng phương Đông”. Mục tiêu và phương án được Trung ương Cục chấp nhận.

Tòa Đại sứ Mĩ là ngôi nhà 5 tầng, chiếm một góc ngã 3 đường Hàm Nghi và Võ Di Nguy (số 49 Hàm Nghi). Hằng ngày có 195 cán bộ nhân viên Mĩ làm việc. Tầng 5 là nơi làm việc của đại sứ và phó đại sứ. “Chủ nhân” hiện tại của nó chính là Maxwell Taylor, cha đẻ của chiến lược “phản ứng linh hoạt” tác giả cuốn sách diều hâu về chiến tranh Việt Nam Trách nhiệm và đáp ứng. So với tất cả các sào huyệt khác của Mĩ ở Sài Gòn, tòa đại sứ Mĩ là nơi được bảo vệ rất cẩn mật.


(1) Trích trong Tiếng kèn gọi quân của Dave Richard Palmer, NXB Thông tin lí luận, Hà Nội 1987, tr. 82.
(2) Báo cáo lúc đó: 55 Mĩ bị thương trong đó có 2 cấp tướng.
(3) Ý nghĩa: đơn vị xây dựng tháng 1 năm 1965 cho kế hoạch nội thành A.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2012, 05:25:13 pm
Thời điểm chính trị không cho phép thực hiện phương án “đóng kịch” mất nhiều thời gian nghiên cứu, tập dượt. Bộ chỉ huy quân khu quyết định chọn một kiểu “tập kích áp đảo” táo bạo, cần ít thời gian chuẩn bị nhất: dùng sức mạnh bất ngờ, bắn gục lính bảo vệ cổng, cho xe có khối lượng lớn thuốc nổ lao thảng vào cửa mục tiêu rồi giật nụ xè gây nổ… Cách này đòi hỏi ở các chiến đấu viên một bản lãnh ngoan cường, dũng cảm, mưu trí… một cách đánh đối với biệt động Sài Gòn còn rất mới mẻ. Trận tấn công rạp Kinh Đô được coi là trận đầu theo kiểu này, nhưng được thực hiện vào ban đêm, phòng bị của địch còn đơn giản… và còn bất ngờ đối với chúng.

Ba chiến đấu viên có vai trò trực tiếp chiến đấu được chọn lần này là: Nguyễn Thanh Xuân (tức Bảy Bê), Lê Văn Việt (tức Tư Việt, căn cước giả mang tên Nguyễn Văn Hai) và Trần Văn Thế.

150kg chất nổ TNT và C4 cùng với kíp gây nổ, nụ xòe, dây cháy chậm… đã được ông Tư Sao, chủ một cơ sở cao su (cơ sở quân báo) cùng nữ giao liên trinh sát Nguyễn Thị Minh Nguyệt áp tải trên chiếc “xe buôn cao su hôi hám” đến nhà ông Mười Vĩnh Long(1) ở số 68/168B Trần Quang Khải (quận 1) và anh Nguyễn Nông (Năm Bắc) ở số 194/5/5 đường Bạch Đằng - Gia Định.

Nguyễn Thị Minh Nguyệt cũng là người chuyển 3 súng ngắn từ ngoài vào thành phố và là trinh sát lộ trình. Anh Năm Bắc tàng trữ thuốc nổ, kiêm nhiệm vụ nghiên cứu cấu trúc mục tiêu, kiểm tra, trinh sát lộ trình. Một trung úy trong quân đội Sài Gòn là nhân viên trong tòa đại sứ Pháp, cơ sở ta, làm nhiệm vụ nắm địch trong tòa đại sứ Mĩ. Trần Văn Thế, chiến đấu viên có nhiệm vụ hỗ trợ Lê Văn Việt.

Chiếc xe chở chất nổ là một chiếc Frégate màu đen.

9 giờ 40 phút ngày 30 tháng 3 năm 1965, cuộc “hành quân cơ giới” bắt đầu xuất phát từ quán cà phê Văn Hoa (số 85 đường Trần Quang Khải) đến góc đường Phan Thanh Giản, hình thành đội hình tiếp cận mục tiêu và chiến đấu: ba chiếc xe gắn máy lần lượt nối tiếp gồm có anh Năm Bắc trinh sát lộ trình, Trần Văn Thế bảo vệ xuất kích, Lê Văn Việt xuất kích, chiếc xe Frégate đi hàng thứ tư do Nguyễn Thanh Xuân lái làm nhiệm vụ thọc sâu, sau cùng là Nguyễn Thị Minh Nguyệt trên chiếc mobylette có nhiệm vụ “coi chừng cái đuôi”.

Đầu chiếc Frégate vừa chạm vạch đi bộ xuyên Võ Di Nguy, Bảy Bê trông thấy Tư Việt đã rút súng ngắm bắn bục hai tên quân cảnh trước tòa đại sứ Mĩ, lập tức anh lao xe cập sát barrière gỗ, hông tòa đại sứ, thắng đột ngột, cài số, giật nụ xòe gây nổ 20 giây… Vừa lách mình ra khỏi xe thì thấy 2 cảnh sát súng cầm tay lao về phía Tư Việt đang bị bọn mật thám từ các quán cà phê, hủ tiếu ùa ra bủa vây. Bảy Bê rút súng hạ hai tên giặc giải vây cho đồng đội, một chết, một bị thương rồi lao nhanh về phía đường Hàm Nghi. Trong lúc đó Trần Văn Thế nhằm vào bọn cảnh sát chìm đang bao vây Tư Việt, nổ súng giải vây, trong lúc xe gắn máy tiếp tục lao đi.

Khu vực súng nổ trở nên hỗn loạn. Đồng bào từ các ngả đường ùn lại.

Quan chức, nhân viên sứ quán Mĩ nghe tiếng nổ dưới đường, thò đầu qua cửa sổ quan sát. Thấy xe không người lái lao vào, chúng hô hoán, đạp nhau nhảy bổ vào thang máy để thoát. Nhưng thang máy chưa tụt xuống tới tầng trệt thì khối thuốc nổ 150kg hình lõm đã phát nổ. Lúc đó là 10 giờ 55 phút giờ Sài Gòn.

Vượt qua ngã tư Tôn Thất Đạm - Hàm Nghi, Bảy Bê gọi được một chiếc xe tắc xi không quen biết. Anh lên xe trong lúc cây súng ngắn còn cộm trong lưng quần.

Tư Việt đã hạ 2 tên giặc, làm bị thương 2 tên nhưng chưa thoát vòng vây cảnh sát chìm. Lợi dụng lúc địch nằm xuống do tiếng nổ trong tòa đại sứ, anh bắn gục 2 tên nữa và leo lên chiếc xe gắn máy, vọt dọc đường Nguyễn Công Trứ và Phó Đức Chính. Mô tô quân cảnh của giặc bám sát. Có một tắc xi trắng chắn đường cho anh thoát, nhưng giặc bắn đuổi dữ dội. Một phát đạn xuyên qua bụng đẩy anh xuống đường, Việt một tay nhét ruột vào bụng, một tay cầm súng với 2 viên đạn cuối cùng và 1 trái lựu đạn “quyết tử”, nhưng không còn sức để rút chốt. Anh vạt lộn với địch cho đến khi kiệt sức và bị bắt cách tòa đại sứ Mĩ 750m, trong lúc khẩu đại liên ở đây từ trên cao đang nhả đạn bừa bãi.

Tiếng nổ “nhấc bổng lên cả người” (báo Lẽ Sống) thu hút đồng bào Sài Gòn đến xem “Nhà trắng phương Đông” sụp đổ. Ai cũng muốn được nhìn tận mắt một cảnh tượng “bi thảm” của quân xâm lược: Tòa đại sứ rỗng lên đến lầu 4, song cửa sắt lầu 5 cong queo, 30 xe của sứ quán cháy rụi, lá cờ 50 sao bị hất xuống đất, gạch ngói, li cốc, giấy tờ bay tơi tả… từng đoàn xe cứu hỏa lao đến, nhưng không còn gì để mà chữa. Từ trong hoang tàn, hỗn loạn, nhiều cán bộ, nhân viên sứ quán Hoa Kì chui ra, mình bê bết máu. Phó đại sứ Mĩ Alexis Johnson bị thương ở đầu.

Đại sứ Taylor mới về Washington trước đó mấy ngày(2) nên thoát chết.

Bốn ngày sau đó ở cư xá Rex BOQ (Bachelor Officer Quarter) giành cho sĩ quan Mĩ độc thân, ở gần rạp Rex lại có một cuộc tháo chạy tán loạn của các sĩ quan Mĩ đang trú trên các tầng lầu chỉ vì có 2 chiếc xe tải xi măng “tiếp cận”.

Ở Washington, Tổng thống Mĩ Johnson bỏ dở bữa tiệc tiếp đãi Tổng thống nước Thượng Volta vì cái tin Sứ quán Hoa Kì ở Sài Gòn sụp đổ.

Một tháng sau, chính phủ Mĩ chuẩn bị 1 triệu đô la để xây Sứ quán mới, bỏ hẳn Sứ quán cũ. Báo chí Mĩ tiết lộ trận này Sứ quán chết và bị thương 190 quan chức, nhân viên(3) trong đó phó đại sứ A. Johnson bị thương ở mặt, 1 cán bộ cao cấp tình báo CIA ở Việt Nam chết.


(1) Chị Mười cũng là người Vĩnh Long, cơ sở ta làm nghề nấu ăn cho Mĩ, bị địch theo dõi và bị bắt, bị đánh đến bệnh chết, chị được công nhận là liệt sĩ năm 1965.
(2) Trước khi đánh, ta biết tin này, nhưng thời điểm chính trị không cho phép chờ y trở lại.
(3) Trước đó ta được tin cơ sở báo là 169 tên.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2012, 05:26:33 pm
Tám hôm sau trận đánh, trước tòa án quân sự, Lê Văn Việt với thân hình tàn tạ sau bao nhiêu đoàn tra tấn và vết thương bụng, đã ung dung mỉm cười khi tòa tuyên án “tử hình khẩn cấp”. Phóng viên báo chí nước ngoài, những người có mặt vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục.

Được tin này, lập tức Bộ chỉ huy quân khu Sài Gòn - Gia Định đề nghị lên Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng một phương án cứu Lê Văn Việt. Ngay sau đó, Đài phát thanh giải phóng phát đi công bố của ăn phòng Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng - sẽ xử bắn trung tá tình báo Mĩ Gustave Hertz(1) nếu Lê Văn Việt bị xử tử.

Dư luận khuấy lên một lần nữa về tin này. Địch không thể lật lọng một lần nữa như vụ Nguyễn Văn Trỗi.

Lê Hồng Tư là người đã chứng kiến 19 tháng cuối đời của Lê Văn Việt từ phòng giam P3 B11 ở khám lớn Chí Hòa đến nhà lao Côn Đảo, cho biết: anh sinh hoạt Đảng đều đặn, đã bàn chuyện vượt ngục từ P3 B11; vượt ngục không thành ở Côn Đảo (cùng với Lê Hồng Tư và 2 đồng chí nữa), anh bị bắt lại, bị đánh đập tàn bạo và hi sinh đêm 31 tháng 10 năm 1966 tại Côn Đảo, lúc 26 tuổi.

Tài liệu mật Lầu Năm góc thừa nhận trận đánh tòa đại sứ Mĩ là “hành động táo bạo nhất và trực tiếp nhất của Cộng sản chống lại Mĩ”.

Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 1965, lực lượng vũ trang nội đô đã đánh mấy chục trận, từ sào huyệt Mĩ đến bọn kềm kẹp ác ôn: tiểu đoàn bảo vệ đài phát thanh, cảnh sát dã chiến ở sân bia Bình Thới, bót cảnh sát quận 3…

Đầu năm 1965, phong trào công nhân về mặt công khai tuy chưa mạnh như các phong trào khác, nhưng bên trong, cơ sở bí mật đang có những chuyển biến quan trọng. Những tháng đầu năm 1965, Khu ủy mở đợt chỉ đạo tập trung công tác dân vận lấy tên là “công tác đột xuất”, không chỉ Ban công vận mà cả các ngành: thanh niên, phụ nữ, các liên quận đều phải đẩy mạnh công tác dân vận, đối tượng hàng đầu là công nhân và lao động, địa bàn là “xóm” và “xí” (tức là xóm lao động và nhà máy xí nghiệp). Các tổ chức vũ trang và các đội vũ trang tuyên truyền của công nhân hình thành và bước đầu hoạt động có hiệu quả như trừng trị những tên thám báo, những tên ác ôn kềm kẹp đồng bào xóm lao động trong đó có hai tên đặc vụ rất nguy hiểm ở nhà máy dệt Vimytex từng đánh phá và gây thiệt hại lớn cho phong trào công nhân ở đó.

Nhận định về phong trào công nhân, Nghị quyết công vận của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định năm 1965 đánh giá: “Mặc dù bị đế quốc Mĩ và chính quyền tay sai tìm mọi thủ đoạn khủng bố, đàn áp, lừa mị, mua chuộc, đánh lạc hướng, khi xoa dịu, khi gay gắt, phong trào đấu tranh của công nhân và lao động đòi quyền lợi thiết thân vẫn phát triển liên tục, từ lẻ tẻ đến quy mô rộng lớn, bằng nhiều hình thức, từ êm dịu nhẹ nhàng đến sôi nổi, quyết liệt với nhiều mức độ khác nhau… đình công chiếm xưởng, tuần hành thị uy trong lúc địch ra lệnh cấm đình công, biểu tình. Có những cuộc đấu tranh phải đổ máu (Vimytex, Vinatexco, Nam Thành…), nhìn chung phong trào công nhân và lao động Sài Gòn trước sự lãnh đạo của Đảng vẫn được duy trì, giữ vững và phát triển trong điều kiện gay go phức tạp của Sài Gòn, đã làm cho địch tiếp tục không ổn định về chính trị”.

Lực lượng học sinh, sinh viên luôn luôn tỏ ra là lực lượng khơi ngòi đấu tranh. Đầu năm 1965, trong hàng chục cuộc biểu tình, bãi khóa, tuyệt thực… của học sinh, sinh viên, Phật tử không chấp nhận “tam đầu chế”, “nội các” Phan Huy Quát, “quốc trưởng” Phan Khắc Sửu… và chống ngay sự có mặt của Mĩ ở Việt Nam, nổi bật nhất là cuộc biểu tình ngày 22 tháng 1 năm 1965 của hàng ngàn đồng bào, học sinh, sinh viên, sư sãi kéo đến tiến công cơ quan USIS (Sở thông tin Mĩ: United States Information Service), đòi Mĩ cút về nước, giải tán “nội các” Phan Huy Quát. Để tỏ rõ lòng trung với Mĩ, ngày 27 tháng 1 ngụy quyền mở tòa xử án các học sinh biểu tình, tuyên án xử tử 3 em. Hai ngày sau, chúng đã thi hành án.

“Phong trào hòa bình” lại được thành lập gồm nhiều tri thức, nhân sĩ. Ngày 25 tháng 2, tổ chức này đưa kiến nghị có 471 chữ kí phản đối Mĩ xâm lược Việt Nam. Ngay hôm sau, ngày 26 tháng 2 năm 1965, 100 đại biểu giáo sư, phụ huynh học sinh và học sinh, sinh viên họp tại trụ sở số 4 Duy Tân, phản đối Mĩ và chư hầu can thiệp vào Việt Nam.

Nghị quyết Công vận nêu lên 6 mục tiêu trước mắt như phát động công nhân, lao động sẵn sàng làm nhiệm vụ tiền phong; mở rộng và nâng cao hơn nữa phong trào đấu tranh, nỗ lực xây dựng thực lực cách mạng, xây dựng các loại lực lượng và hoạt động vũ trang, xây dựng cơ sở Đảng, Đoàn vững mạnh và chuẩn bị sẵn sàng hành động khi có thời cơ.

Đặc biệt Nghị quyết giành một chuyên mục để nói về xóm lao động với yêu cầu xây dựng xóm lao động thành những căn cứ địa cách mạng trong nội thành.

Năm 1965, địch đảo chính ở Sài Gòn vẫn là nỗi đau đầu của tòa Đại sứ Mĩ. Sau 2 lần đảo chính hụt Nguyễn Khánh, hồi tháng 9 năm 1964, ngày 19 tháng 2 năm 1965, Lâm Văn Phát lại đảo chính lật Nguyễn Khánh nhưng thất bại. Mĩ buộc phải hạ bệ Nguyễn Khánh trong hai ngày sau, đưa đi làm “đại sứ lưu động”. Ngày 3 tháng 3 năm 1965, cái gọi là “Ủy ban thường vụ hội đồng quân lực” của Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu lại ra đời. Sân khấu chính trị Sài Gòn đang tiếp tục cuồng quay.

Trong khi tiếng nổ tòa Đại sứ Mĩ vang dội thì trên đất vùng ven, các lực lượng tập trung địa phương thực hiện những trận đánh hiệu suất lớn. Trên quốc lộ 1 đoạn Cây Trôm - Suối Cụt, tiểu đoàn Quyết Thắng diệt 2 đại đội địch, thu 100 súng. Tiểu đoàn 6 Bình Tân sau 4 tháng xây dựng vừa về đến chiến trường ngày 31 tháng 4 năm 1965 đã đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 61 ngụy đổ quân xuống trận địa phục kích của tiểu đoàn 6 trên lộ 10 tại cầu An Hạ (Bình Chánh). Ta thu nhiều súng. Sau đó tiểu đoàn 6 yểm trợ tiểu đoàn 8 pháo cối của quân khu để tổ chức một trận pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất gây cho địch nhiều thiệt hại.

Ngày 7 tháng 5 năm 1965, tại quán Chuối, lực lượng vũ trang Bình Chánh đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 30 biệt động quân ngụy.


(1) Bị ta bắt ở Thủ Đức trước kia.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2012, 05:27:54 pm
Chiến sự tháng 5 năm 1965 trên vùng đất Củ Chi đang quyết liệt với cuộc càn của trung đoàn 8 Vòong A Sáng, sư đoàn 5 ngụy và lần đầu tiên có lực lượng chiến đấu Mĩ tung ra chiến trường.

Được lệnh của quân khu, tiểu đoàn Quyết Thắng triển khai đánh càn ở vùng giải phóng Bàu Lách, xã Nhuận Đức, Củ Chi. 10 giờ sáng ngày 9 tháng 9 năm 1965 trung đoàn 8 ngụy tiến vào Bàu Lách. Quân ta đánh tạt sườn của chúng. Địch dự vào các chiến hào bao quanh chống trả mạnh. Tiểu đoàn Quyết Thắng tập trung lực lượng đánh chiếm từng đoạn hào, từng công sự. Địch dội bom và nã pháo cấp tập để chặn bước tiến của đối phương, nhưng các chiến sĩ Quyết Thắng vượt qua bom pháo, áp sát địch làm vô hiệu hóa hỏa lực của chúng. Trận đánh tiếp tục kéo dài. Ta cho xuất trận những đội dự bị cuối cùng, đồng thời tập trung súng cối của tiểu đoàn bắn trúng sở chỉ huy trung đoàn địch. Sức chống đỡ của địch mỗi lúc một yếu. Cuối cùng trung đoàn trưởng Vòong A Sáng bật công sự dẫn đám tàn quân tháo chạy. Lúc đó là 17 giờ. Ta diệt gần 500 giặc, bắt sống 250 tên, thu hàng trăm súng các loại, 30 máy thông tin, nhiều quân trang, quân dụng. Ta giáo dục và thả tại chỗ 200 tên, dẫn về trại 50 tên.

Như vậy là một tiểu đoàn ta đã đánh thiệt hại nặng 1 trung đoàn địch. Trận Bàu Lách góp phần giữ vững vùng căn cứ Nhuận Đức đồng thời đánh dấu việc chấm dứt các cuộc càn của quân ngụy vào vùng giải phóng quân khu Sài Gòn - Gia Định trong “chiến tranh đặc biệt”. Quân Mĩ bắt đầu thay quân ngụy trong các cuộc hành quân thăm dò vào vùng căn cứ Củ Chi.

Lần đầu tiên một trung đội Mĩ ra quân đánh vào căn cứ ở xã Phước Hiệp huyện Củ Chi, nơi có một bộ phận quân khu ủy đóng. Đơn vị bảo vệ dựa vào công sự đánh diệt 27 tên, hủy 4 xe bọc thép M113. Du kích xã Nhuận Đức đánh Mĩ trận đầu ở Bàu Lách. Ngày 30 tháng 5 bộ đội địa phương Củ Chi đánh một bộ phận Mĩ ở ấp Trung Hòa.

Cục diện toàn chiến trường tiếp tục biến chuyển nhanh theo chiều hướng thuận lợi cho ta đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mĩ. Thế trận vùng ven đang phát triển theo hướng ta áp đảo địch, ta đã tiêu diệt, bứt rút nhiều đồn bót, phá banh, phá rã từng mảng ngụy quyền cơ sỏ, giải phóng hàng chục ngàn dân. Vùng giải phóng không những được giữ vững mà còn mở rộng, thêm một số vùng tranh chấp mới. Có nơi vốn là vùng sâu, vùng yếu như Thái Mĩ (Củ Chi) và nhiều ấp dọc đường số 1 trở thành nơi đứng chân và bàn đạp quan trọng của lực lượng biệt động để từ đó xâm nhập người, vũ khí vào Sài Gòn và tiếp nhận vũ khí từ Tây Ninh, Hậu Nghĩa xuống. Theo chủ trương của quân khu về việc xây dựng các cơ sở ém người, vũ khí và các lõm chính trị, nội thành, trong mấy tháng cuối năm 1965 đầu năm 1966, ta đã xây dựng được 10 địa điểm. Những hầm ém quan trọng như hầm ở số nhà 65 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, hầm số 189/4 đường Trần Quốc Toản… nhiều lõm du kích được mở rộng, tạo điều kiện cho lực lượng cách mạng áp sát đô thị, áp sát địch như Phong Đước (Nhà Bè), An Nhơn, An Phú Đông (Gò Môn), Tam Bình, Hiệp Bình (Dĩ An), Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức), Vĩnh Lộc (Bình Chánh)…

Trên vùng ven dưới bom đạn ác liệt, nhân dân vùng giải phóng đẩy mạnh sản xuất, phục vụ chiến đấu và hậu cần tại chỗ.

Tháng 4 năm 1965, tại Suối Dây (Tây Ninh), Khu ủy Sài Gòn - Gia Định họp triển khai nhiệm vụ theo tinh thần “Kế hoạch X” và Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11, tức vừa khẩn trương chuẩn bị tổng công kích, tổng khởi nghĩa thắng địch trong chiến tranh đặc biệt, đồng thời sẵn sàng đánh Mĩ trong trường hợp chúng đưa quân chiến đấu vào chiến trường thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ. Phương hướng biên chế mới là các Bộ chỉ huy và Phân Khu ủy sẽ hình thành ứng theo 5 cánh (5 phân khu) tiến vào Sài Gòn. Trước mắt quân khu sẽ tổ chức bộ phận chuyên trách quân sự nội đô. Cùng với việc bổ sung nhiều cán bộ cho Khu ủy, trên tăng cường đồng chí Trần Đình Xu làm chỉ huy quân sự, phụ trách chung, đồng chí Nguyễn Văn Bảo làm chính ủy. Đồng chí Trần Hải Phụng làm chỉ huy phó tham mưu trưởng phụ trách công tác đô thị và các lực lượng nội thành. Hàng loạt công việc về tổ chức chỉ huy, phát triển lực lượng được thực hiện theo hướng chuẩn bị đón thời cơ tổng công kích, tổng khởi nghĩa thắng địch trong chiến tranh đặc biệt. Đồng chí Đặng Quang Long được bổ sung về làm chủ nhiệm chính trị để đồng chí Nguyễn Ngọc Lộc làm phó chủ nhiệm phụ trách công tác chính trị đô thị.

Trên đất miền Đông Nam Bộ, tháng 5 năm 1965 những đơn vị đầu tiên của Lữ đoàn dù 173 đổ lên Vũng Tàu, tiến lên Biên Hòa và bắt đầu thực hiện các cuộc hành quân thăm dò, giải tỏa ở ven đô Sài Gòn. Sau trận tấn công Đại sứ Mĩ, lực lượng biệt động duy trì cao nhịp độ hoạt động võ trang. Ngày 16 tháng 6 xảy ra vụ nổ ở phòng khách sân bay Tân Sơn Nhất (diệt và làm bị thương 46 tên giặc, trong đó có 36 tên Mĩ).

Tháng 6 năm 1965, Sài Gòn chấn động về vụ án Trần Văn Đang. Nguyên là ngày 20 tháng 3 năm 1965, do có một nội gián, chiến sĩ biệt động Trần Văn Đang bị bắt với kíp nổ còn giấu trong người và 10kg chất nổ trong chiếc Vespa lúc anh vừa dừng xe áp sát tường cư xá sĩ quan Mĩ ở số 3 đường Võ Tánh (quận Tân Bình, cạnh sân bay Tân Sơn Nhất). Sau 1 tháng tra tấn, dụ dỗ không khai thác được gì, ngày 9 tháng 4 năm 1965 địch tuyên bố tử hình Trần Văn Đang. Trước tòa, anh dõng dạc nói thẳng vào mặt kẻ thù: “Tao chỉ tiếc không có lựu đạn để giết sạch bọn Mĩ và tay sai… Tao chết đi, nhưng nhiều người khác sẽ chống lại chúng mày…”. Sáng sớm ngày 22 tháng 6 năm 1965, địch lập pháp trường cát tại bùng binh chợ Bến Thành để xử bắn Trần Văn Đang. Vừa trên xe bước xuống, anh đã hô to nhiều lần: “Hỡi đồng bào thành phố Sài Gòn! Tôi là Trần Văn Đang, chiến sĩ giải phóng quân, tôi đánh Mĩ để giải phóng dân tộc. Đồng bào hãy đoàn kết lại để đập tan bè lũ bán nước!”. Địch đưa anh tới cọc bắn và định bịt mắt anh, anh hô lớn: “Phải để tôi trông thấy đồng bào tôi. Phải để tôi trông thấy đồng bào tôi!”. Anh vùng vẫy tới cùng không cho địch bịt mắt và hô to nhiều lần: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Đả đảo đế quốc Mĩ” cho đến khi trúng đạn. Lúc đó là 5 giờ 50 phút ngày 22 tháng 5 năm 1965, Trần Văn Đang mới 21 tuổi(1).

Gần 20 tờ nhật báo tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa tại Sài Gòn đều đăng ảnh và đưa tin tỉ mỉ về cái chết bất tử của Trần Văn Đang. Tờ Chính Luận két tiếng chống Cộng sản cũng phải viết: “… Trên xe bước xuống, y mặc sơ mi màu nước biển, chân đi dép và miệng còn phì phèo thuốc lá. Đang không để cho quân cảnh bịt mắt. Đang còn lớn tiếng hô to những khẩu hiệu “đả đảo Mĩ” và “ủng hộ Hồ Chí Minh”.

Hơn 2 ngày sau, ngày 25 tháng 6 năm 1965 một tổ 3 người của đội biệt động 67 gồm có Phi Long, Bảy và Tám Sâm thực hiện cuộc tấn công nhà hàng Mĩ Cảnh. Đây là một nhà hàng nổi thiết lập trên một chiếc tàu đậu, có cầu nối cách bờ 20m ở bến Bạch Đăng, nơi sĩ quan tình báo Mĩ ngụy hay đến ăn nhậu. Nhiều tên giặc bị thương và chết(2).

Cùng ngày 25 tháng 6 năm 1965 lại xảy ra vụ nổ ở phòng khách sân bay Tân Sơn Nhất, 30 sĩ quan lính Mĩ bị thương và chết. Đây là trận thứ ba của chiến sĩ biệt động Trần Văn Cẩm trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Các lực lượng biệt động nội thành đang được lần lượt điều chỉnh, củng cố và xây dựng theo yêu cầu của kế hoạch X cho cấp quân khu, cấp cánh (phân khu) và cho các ngành trực thuộc khu ủy.


(1) Trần Văn Đang quê ở xã Long Hồ, huyện Châu Thành Tây, tỉnh Vĩnh Long lên Sài Gòn làm thợ điện rồi tham gia biệt động thành.
(2) Một quả mìn định hướng gắn trên xe đạp của Bảy, một quả khác gắn trên xe gắn máy chở Phi Long, hai xe dựng trên bờ, hướng mìn vào 2 mục tiêu: nhà hàng và cầu tàu. Quả trên xe đạp nổ, chiếc tàu chòng chành, địch trên tàu xô đẩy chen lấn nhau chạy lên chiếc cầu độc nhất nối vào bờ để thoát thân. Ngay lúc đó quả trên xe gắn máy nổ bồi, thổi thẳng vào cầu. Theo báo cáo lúc đó: gần 100 tên giặc chết và bị thương.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 06 Tháng Tư, 2012, 05:28:35 pm
Đối với lực lượng biệt động trực thuộc quân khu, tháng 6 năm 1965 Khu ủy và Quân khu quyết định thành lập một Đoàn biệt động, nhằm vào các mục tiêu, lấy mật danh là F100 do đồng chí Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) làm chỉ huy trưởng, đồng chí Bảy Dũng chính trị viên, Sáu Thành, Năm Hát chỉ huy phó, Bảy Sơn tham mưu trưởng. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu thường xuyên, để rèn luyện, F100 phải chuẩn bị sẵn sàng trinh sát mục tiêu để khi thời cơ đến thì đánh chiếm và giữ cho được các mục tiêu đầu não của địch, phối hợp cùng các tiểu đoàn mũi nhọn từ ngoài đánh vào. Đơn vị có thêm bộ phận quân bổ sung và đơn vị huấn luyện. Để thực hiện ý định này, quân khu thành lập một đơn vị bảo đảm chuyên lo việc xây dựng cơ sở hầm bí mật cất giấu vũ khí và trú ém người cho từng mục tiêu, tổ chức đường dây liên lạc và vận chuyển thiết bị vũ khí vào nội thành do các đồng chí Ba Phong, Ba Đen, Hai Sang, Hai Trí phụ trách. Chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập, F100 đã thành công được 9 đội biệt động nội đô (3, 4, 5,6, 7, 8, 9, 10, 11) mỗi đội từ 15-20 người, 3 đội đặc công biệt động ven đô. Đội 1 đứng chân ở Gò Vấp - Hóc Môn, hướng hoạt động vào khu vực chợ Bà Chiểu và thị trấn Gò Vấp; Đội 2 đứng chân ở Bình Tân, hướng hoạt động vào sân bay Tân Sơn nhất và vùng ngoại ô quận 10, quận 11. Đội 3 đặc công nước đứng chân ở Thủ Đức, Nhà Bè, hướng hoạt động là quân cảng và sông Sài Gòn. Đơn vị bảo đảm đã tạo được một số hầm và đưa vào được một số lượng vũ khí quan trọng.

Nói chung trong đội hình F100 có 12 đơn vị chiến đấu và hai đơn vị bảo đảm phục vụ ý định chiến lược là A20 và A30. A20 là đơn vị vận chuyển vũ khí vào nội thành, do đồng chí Ba Phong chỉ huy, Hai Sang làm chính trị viên.

A30 là đơn vị xây dựng các hầm ém vũ khí và ém quân do Ba Đen phụ trách, các đồng chí Sáu Thành, Tư Đỉnh lần lượt làm chính trị viên.

Cùng với lực lượng biệt động trực thuộc quân khu, lực lượng biệt động 5 cánh (phân khu) vùng ven cũng được tăng cường đội 65 Bình Tân, đội 66 Dĩ An, đội 67 Hóc Môn - Gò Vấp, đội 68 Nhà Bè - quận 4, đội 69 Thủ Đức.

Các đồng chí Trần Hải Phụng, Nguyễn Ngọc Lộc (Tư Quỳ), Nguyễn Văn Cường (Bảy Nam) được phân công ở bộ phận đặc trách nội đô, cùng các cán bộ am hiểu đô thị theo dõi xây dựng kế hoạch và phối hợp giữa tất cả các lực lượng sẽ chiến đấu ở đô thị của Thành, cánh và ngành.

Ở ngoại thành, lực lượng du kích tập trung và bộ đội địa phương nông thôn được kiện toàn theo phương hướng đủ sức đánh trả các cuộc hành quân tảo thanh của bảo an và dân vệ ngụy. Lực lượng du kích tập trung xã: Gò Vấp - Hóc Môn có 6 đội 53 người, Bình Tân có 9 đội 82 người, nhà Bè có 29 người, Thủ Đức có 4 đội 24 người.

Lực lượng biệt động các ngành, đặc biệt của Hoa vận và Thành đoàn, các độ vũ trang tự vệ các ngành khác cũng được củng cố và phân công nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể.

“Kế hoạch X” đang được triển khai thì đến giữa năm 1965, việc chuyển chiến lược của Mĩ đã hiện rõ. Tháng 5 năm 1965, đơn vị chiến đấu đầu tiên của Mĩ đã vào chiến trường Đông Nam Bộ (lữ dù 173). Đầu năm 1966 Khu ủy Sài Gòn - Gia Định mở hội nghị về tình hình, nhiệm vụ và xác định: trong điều kiện Mĩ vào ta vẫn giữ quyết tâm đẩy mạnh tấn công chính trị và tấn công vũ trang, tích lũy lực lượng lượng, chuẩn bị tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa.

Mặc dù phương án kết thúc chiến tranh giải phóng miền Nam trong kế hoạch đặc biệt không thực hiện được, kế hoạch X đã tạo được cho ta thêm điều kiện sẵn sàng đánh Mĩ trong suốt 2 năm 1966-1967, đồng thời sẵn sàng chớp thời cơ thực hiện những nhiệm vụ xuân Mậu Thân 1968.

*
*   *

Trong bối cảnh từ đấu tranh chính trị bước vào thời kì chiến tranh cách mạng trên địa bàn đô thị đầu não địch và nông thôn ven đô, hàng loạt vấn đề mới mẻ, phức tạp nảy ra, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã bám sát đường lối, chủ trương trên, đồng thời phát huy tính năng động cách mạng, đã đề ra được phương thức tổ chức và đấu tranh sát hợp thực tiễn. Thành công nổi bật trong lãnh đạo, chỉ đạo trong thời kì này là một mặt nắm vững khâu cơ bản quyết định thường xuyên là ra sức khôi phục, phát triển lực lượng cả ở nông thôn lẫn nội thành, một mặt phân chia chiến trường Sài Gòn - Gia Định ra làm 3 loại địa bàn chỉ đạo (căn cứ du kích, vùng nông thôn ven tranh chấp và nội thành), từ đó xác định thích hợp phương châm về các hình thức đấu tranh giành thế làm chủ ở từng địa bàn và liều lượng kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang ở từng nơi, từng thời kì. Phương thức xây dựng lực lượng được đề ra một cách thích hợp, công phu, có sáng tạo; lực lượng chính trị được xây dựng theo ngành, giới và theo cả địa bàn cư trú, chú ý mở rộng mặt trận cả bên dưới lẫn bên trên; lực lượng vũ trang không chỉ có số trực thuộc quân khu, mà các ngành, các giới, các cáp đều có lực lượng tự vệ, biệt động của mình, nhờ vậy mà trong một thời gian tương đối ngắn, Sài Gòn - Gia Định đã tạo được thế và lực khá tốt trên cả địa bàn đô thị và nông tôn ven đô. Về phương thức đấu tranh, những bài học của thời kì đấu tranh chính trị đã được phát huy trong chỉ đạo các mặt, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, vận dụng linh hoạt, khéo léo, nhuần nhuyễn trong kết hợp giữa các hình thức đấu tranh công khai, bí mật, hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp. Các khẩu hiệu đưa ra khá độc đáo và đa dạng nhằm tập hợp quần chúng vào các mặt trận đấu tranh, từng bước giành quyền lãnh đạo các phong trào quần chúng.

Mặc dầu vậy, trước những vấn đề mới mẻ và phức tạp, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã vấp phải những thiếu sót khó tránh: buổi đầu có đơn giản, chủ quan trước thủ đoạn mới của địch về bình định, về “ấp chiến lược” dẫn đến những khó khăn cho phong trào cuối năm 1961 và đầu năm 1962; mặt khác về mặt xây dựng lực lượng dù có nhiều cố gắng, đạt kết quả lớn, nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu tình hình, do đó bỏ lỡ thời cơ đưa phong trào lên mạnh hơn nữa trong một số trường hợp như lúc Diệm đổ cuối năm 1963, lúc chiến tranh đặc biệt có nguy cơ phá sản vào cuối 1964 đầu năm 1965.

Trên một địa bàn vốn phức tạp, nhiều vẻ, tập trung mâu thuẫn, cọ sát quyết liệt, nhưng có những điểm mạnh rất cơ bản trên, Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định đã lãnh đạo quân dân Sài Gòn - Gia Định hoàn thành nhiệm vụ trong chặng đường đầu đánh bại hai chiến lược của địch, sẵn sàng bước vào một giai đoạn chiến tranh quyết liệt mới, trực tiếp đương đầu với quân viễn chinh xâm lược Mĩ, chuẩn bị mọi điều kiện cho một trận quyết chiến, chiến lược mới sẽ ra ở đây.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Tư, 2012, 07:05:12 am
Chương sáu

CAO TRÀO CHỐNG MĨ CỨU NƯỚC TIẾN LÊN
TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY,
TẬP KÍCH SÀO HUYỆT ĐỊCH - CÙNG CẢ NƯỚC
ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC CHIẾN TRANH CỤC BỘ CỦA MĨ
(Từ giữa năm 1965 đến giữa năm 1968)

I. TIẾN CÔNG CHÍNH TRỊ VÀ VŨ TRANG NỘI ĐÔ,
KẾT HỢP CAO TRÀO TOÀN DÂN ĐÁNH MĨ Ở NÔNG THÔN NGOẠI THÀNH,
ĐÁNH BẠI HAI CUỘC PHẢN CÔNG CHIẾN LƯỢC CỦA MĨ
TRÊN CHIẾN TRƯỜNG SÀI GÒN - GIA ĐỊNH


Chiến lược chiến tranh đặc biệt bị đánh bại, nhưng đế quốc Mĩ vẫn ngoan cố lao vào “con đường hầm không có lối thoát”. Tháng 7 năm 1965, Tổng thống Mĩ Johnson quyết định “vượt qua ngưỡng cửa, chính thức bước vào cuộc chiến tranh trên bộ”(1) của Mĩ ở miền Nam Việt Nam: đưa quân chiến đấu Mĩ vào miền Nam Việt Nam thực hiện kế hoạch “3 giai đoạn” theo chiến lược “tìm diệt”(2) của tư lệnh MACV(3).

Một giai đoạn mới của chiến tranh ở miền Nam đã bắt đầu: Chiến tranh cục bộ.

Trên chiến trường B2, trong khi coi đồng bằng Sông Cửu Long là chiến trường chủ yếu của chương trình bình định giành dân, vơ vét nhân lực vật lực làm nguồn cung ứng tại chỗ cho cuộc chiến tranh, địch lấy miền Đông Nam Bộ làm chiến trường chủ yếu thực hiện chiến lược “tìm diệt” để tiêu diệt khối chủ lực nòng cốt của B2 cùng bộ máy trực tiếp chỉ đạo chiến tranh giải phóng miền Nam, nhằm “bẻ gãy xương sống Việt cộng” và tê liệt hóa “bộ não” chiến tranh cách mạng ở B2. Trong khi đó, cũng trên chiến trường này, việc đảm bảo an toàn “thủ đô” Sài Gòn, nơi đặt 32 cơ quan đầu não của địch, bao gồm cả “Nhà Trắng phương Đông”, “Lầu Năm Góc phương Đông” lại có tầm quan trọng sống còn đối với chúng. Tất cả việc huy động và bố trí lực lượng của địch đều thể hiện tinh thần trên.

Ngoài một tiểu đoàn quân cảnh Mĩ vào Sài Gòn theo quyết định thành 16 tháng 7 năm 1965, tháng 5 năm 1965 lữ đoàn dù 172 Mĩ đã đổ bộ lên Vũng Tàu. Năm tháng sau trên chiến trường miền Đông đã có hai lữ đoàn, một sư đoàn Mĩ và một số đơn vị chư hầu(4).

Đi đôi với việc đưa quân viễn chinh Mĩ vào miền Nam Việt Nam, địch tổ chức lại chiến trường, thành lập các cơ quan chỉ huy quân sự Mĩ và miền Nam, gấp rút xây dựng các cơ sở hậu cần, sân bay, đảm bảo trước mắt phục vụ cho 20 vạn quân xâm lược(5).

Lấy Sài Gòn làm trung tâm, địch hình thành thế bố trí chiến lược ở miền Đông theo tinh thần quân ngụy giữ vai trò bình định, quân Mĩ và chư hầu làm nhiệm vụ “tìm và diệt”. Biệt khu thủ đô được đổi thành Quân khu thủ đô trực thuộc Bộ Tổng tham mưu (theo sắc lệnh 124/QP ngày 2 tháng 7 năm 1965).

Đến cuối năm 1965, lực lượng địch bảo vệ an ninh vòng trong Sài Gòn có một trung đoàn bộ binh (thiếu) của sư đoàn 25 ngụy, 10 chiến đoàn ứng chiến, một liên đoàn an ninh thủ đô, 3 tiểu đoàn và 10 đại đội bảo an, 50 trung đội dân vệ và một đại đội quân cảnh. Ngoài ra, quân khu thủ đô còn được tăng cường tiểu đoàn 30 biệt động quân, tiểu đoàn 2 thủy quân lục chiến, tiểu đoàn khóa sinh, một chi đội cơ giới và 2 pháo đội 105 milimét.

Phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn ngoài các đơn vị Mĩ và chư hầu ở Lai Khê, Bến Cát, Phước Vĩnh, Phú Lợi (Bình Dương), Long Bình (Biên Hòa), Dĩ An, Núi Đất (Bà Rịa)… còn có các đơn vị chủ lực ngụy: sư 25 bộ binh (thiếu) hoạt động trên hướng Đông và Đông Nam thành phố. Cơ động về hướng Đông, Đông Bắc có sư đoàn 5 và sư đoàn 18 ngụy.

Địch chia Sài Gòn - Gia Định thành 4 vùng: vùng A (địch kiểm soát) là vùng phát triển, vùng B (vùng tranh chấp yếu của ta) là vùng trọng điểm bình định, vùng C (vùng có căn cứ du kích) tranh chấp mạnh, vùng D (vùng giải phóng và căn cứ của ta) là vùng “tìm diệt”, tự do oanh kích.

Đầu não ngụy Sài Gòn đang rối loạn qua 11 cuộc đảo chính (kể cả “đảo chính hụt”) đầu sỏ tay sai lật nhau. Mĩ dựa vào đám tướng tá trong quân đội ngụy dựng lên một nội các quân phiệt mới do Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tịch “Ủy ban lãnh đạo quốc gia” (cương vị quốc trưởng), thiếu tướng Nguyễn Cao Kì làm chủ tịch “Ủy ban hành pháp Trung ương” (thủ tướng).


(1) Bình luận trong tài liệu mật của BQP Hoa Kì trước việc ngày 17 tháng 7 năm 1965 Jonhson chấp nhận đưa 44 tiểu đoàn chiến đấu Mĩ vào miền Nam Việt Nam, thông qua chiến lược “tìm và diệt” của Westmoreland.
(2) Gia đoạn 1 (tháng 7 năm 1965 đến cuối năm 1965): Ngăn chặn tiến công mùa mưa của ta, ngăn chặn chiều hướng thua, triển khai lực lượng Mĩ trên chiến trường - Giai đoạn 2 phản công chiến lược, giành chủ động diệt chủ lực ta, tiến hành bình định, kiểm soát nông thôn (từ đầu đến giữa năm 1966) - Gia đoạn 3 (từ tháng 7 năm 1966 đến giữa hoặc cuối năm 1965) hoàn thành tiêu diệt chủ lực và căn cứ đối phương, bình định miền Nam, bắt đầu rút quân Mĩ, giao cho quân ngụy tiếp tục bình định.
(3) Bộ chỉ huy viện trợ quân sự trùm lên phái đoàn cố vấn viện trợ MAAG, tháng 5 năm 1962 được chính thức nới rộng quyền hạn với tính chất một bộ tư lệnh tiền phương của Mĩ ở Đông Nam Á.
(4) Lữ đoàn 173 Mĩ cơ động, một lữ đoàn thuộc sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” ở Củ Chi, sư đoàn bộ binh “Anh cả đỏ” Mĩ đóng Bộ chỉ huy ở Lai Khê, một bộ phận lữ đoàn hoàng gia Úc ở Dĩ An, Bà Rịa cùng một số phân đội pháo binh Tân Tây Lan…
(5) Trong đó có hệ thống cảng Sài Gòn - Vũng Tàu - Cam Ranh - Đà Nẵng, lập 6 quân cảng trên sông Sài Gòn - Nhà Bè, nâng cấp các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất… Thành lập các căn cứ không quân…


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Tư, 2012, 07:06:43 am
*
*   *

Trước việc quân viễn chinh Mĩ ồ ạt đổ vào miền Nam, hàng loạt dấu hỏi lớn đang đặt ra cho nhân dân ta: phải thắng một đối thủ hơn ta gấp bội về tiềm lực kinh tế và quân sự như thế nào? Về chiến lược, ta tiếp tục tiến công hay chuyển sang phòng ngự?

Giải đáp những băn khoăn này, Bộ chính trị nhận định trong thư ngày 6 tháng 11 năm 1965 gửi Trung ương Cục và khu ủy Khu 5: Mĩ phải đưa quân chiến đấu vào chiến trường trong thế thua và thế bị động về chiến lược. Cuộc phản công lớn nhằm cứu vãn thế thua và cố giắng giành chủ động của Mĩ chắc chắn sẽ xảy ra. Bức thư nêu rõ: “Trong giai đoạn hiện nay, nắm thế chủ động là phải giữ và phát triển hơn nữa quyền làm chủ rừng núi, đồng bằng chung quanh đô thị và tiến tới cả từng vùng của đô thị nữa”.

Nhận rõ vị trí đặc biệt của Sài Gòn trong giai đoạn mới, từ sau Hội nghị Khu ủy ở Suối Dây (tháng 4 năm 1965), Trung ương Đảng và Trung ương Cục quyết định lần lượt tăng cường cho Sài Gòn - Gia Định nhiều cán bộ.

Cơ quan đầu não của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định được bố trí lại; đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Bí thư; Trần Bạch Đằng (Tư Ánh), Ủy viên thường vụ, trưởng ban tuyên huấn; Mai Chí Thọ (Năm Xuân), Ủy viên thường vụ phụ trách an ninh; Trần Đình Xu (Ba Đình), Ủy viên thường vụ, Tư lệnh quân khu; Đoàn Công Chánh (Năm Bảo), Ủy viên thường vụ, phụ trách nông thôn; Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình) Ủy viên thường vụ, trưởng ban tổ chức, Phan Văn Hân (Hai Sang), phụ trách binh vận và nhiều đồng chí khu ủy viên phụ trách các ngành khác…

Ban công vận Sài Gòn - Gia Định xuất bản bí mật tờ Công Nhân lưu hành đến tận cơ sở nội thành. Ta còn có các tờ báo công khai Tin Vắn, Hồn Trẻ, Trí Thức cho các giới khác.

Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1965, địch thực hiện “giai đoạn 1” của kế hoạch Westmoreland nhằm đạt hại mục tiêu lớn: ngăn chặn hoạt động mùa mưa của đối phương, quân ngụy Sài Gòn không tan rã thêm; tổ chức lại chiến trường, triển khai quân viễn chinh trên toàn miền Nam.

Quân dân miền Nam đã thắng Mĩ những trận đầu: Núi Thành (ngày 28 tháng 5 năm 1965), Vạn Tường (ngày 18 tháng 8 năm 1965), Playme (tháng 10 năm 1965)… bước đầu chứng minh khả năng đánh được Mĩ cả trong và ngoài căn cứ của chúng.

Tại Sài Gòn, sau những trận “dằn mặt”, các trận của đội trinh sát quân báo quân khu, suốt 10 ngày liền, các cuộc biểu tình nổ ra từ một hai vạn đến 10 vạn người chống Mĩ đưa quân vào miền Nam, chống khủng bố, chống mị dân với những trận đánh trên đường phố nhằm vào lính Mĩ đang tăng lên rõ rệt. Sang các tháng 5 và 6 năm 1965, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã triển khai một bước mới. Các lực lượng biệt động nộ thành được sắp xếp thành các đội phụ trách các mục tiêu chiến lược. Đưa đoàn F100 trực thuộc quân khu (tháng 6 năm 1965) để chuẩn bị đón thời cơ. Các Ban chỉ huy quân sự 5 cánh (cả nông thôn đô thị) xung quanh thành phố được củng cố và tăng cường để đủ sức làm nhiệm vụ ở 5 hướng.

Trước áp lực ngày càng tăng về chính trị, quân sự ở ngay “thủ đô”, địch tăng cường mạnh mẽ bộ máy cảnh sát. Tổng nha cảnh sát quốc gia phối hợp với Nha cảnh sát đô thành quyết liệt đánh phá phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn. Ngoài mạng lưới cảnh sát, cảnh sát nổi, bủa ra khắp Sài Gòn - Gia Định, địch tổ chức tay sai chui và các tổ chức, hiệp hội công khai của quần chúng và các phe đối lập để theo dõi và phá hoại phong trào từ bên trong. Qua số du học chuyên tu ở Mĩ, Nhật, Đài Loan… nhất là qua huấn luyện trực tiếp tại chức của các cố vấn Hoa Kì, địch đã biến lực lượng cảnh sát miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn thành đội quân cực kì tàn bạo và thâm độc, kềm kẹp chặt dân thành phố đến tận gia đình, đến từng khu phố, qua hệ thống “ngũ gia liên bảo”.

Sau trận đánh tòa Đại sứ Mĩ ngày 30 tháng 3 năm 1965, Nha cảnh sát đô thành đột ngột thay đổi một số quy định về chiều của đường, bọc hàng rào lưới sắt quanh các vị trí Mĩ, bủa nhiều lớn rào kẽm gai ngang dọc trên một số đại lộ, xe jeép gắn súng đại liên 30 túc trực các khu trọng yếu, cảnh sát công lộ được quyền nổ súng và các loại xe vi phạm luật lệ giao thông. Chúng lập hàng rào cảnh sát chung quanh các khu vực có nhiều Mĩ ở, không cho xe cộ tiếp cận các cơ quan, cư xá Mĩ, bắn bỏ những người lai vãng, bất thần chụp xét trên nhiều đường phố, rượt bắt xe cộ khả nghi… Những cuộc bố ráp, thường xuyên hoặc tổng lục soát theo tin tức tình báo diễn ra bất ngờ ban đêm.

Bên cạnh cảnh sát ngụy, còn có mặt hàng ngàn quân cảnh thuộc các đơn vị đại đội 66, tiểu đoàn 176, các biệt đội 560, 175, làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, sào huyệt Mĩ. Quân cảnh Mĩ tuần tiễu trên các đường phố Sài Gòn, tập trung ở các quận 1, 2, 3, 5 là những nơi có nhiều Mĩ đóng quân.

Biệt động Sài Gòn gặp khó khăn trước hệ thống và biện pháp phòng thủ mới của địch, tuy nhiên những trận tấn công địch trên đường phố và tại sào huyệt vẫn tiếp diễn, nhiều trận gây thối động lớn.

Ngày 16 tháng 8 năm 1965, đội 5 phối hợp đội 7 biệt động thuộc F100 tấn công Tổng nha cảnh sát ngụy, đúng vào lúc địch đang làm lễ chào cờ buổi sáng(1) (Nguyễn Thanh Xuân chỉ huy).

Ngày 14 tháng 12 năm 1965, đội biệt động lại thực hiện cuộc tấn công khách sạn 7 tầng Metropole giành cho giặc lái Mĩ và chư hầu ở góc đường Nguyễn Cư Trinh - Trần Hưng Đạo. Đồng chí Nguyễn Thanh Xuân (Bảy Bê) chỉ huy một đoàn xe gắn máy và xe hơi, trang bị tiểu liên, chất nổ, đột nhập chớp nhoáng. Khối thuốc nổ C4 400 kg làm chết và bị thương nhiều giặc lái Mĩ và nhân viên kĩ thuật(2).

Ngay hôm sau, trên đoạn sông Sài Gòn - Bình Dương, các chiến sĩ đặc công Sài Gòn - Gia Định vật lộn với sóng nước, đánh chìm tại chỗ một đội tàu tuần tiễu của quân ngụy.


(1) Các chiến sĩ biệt động võ trang tư lệnh ngồi trên xe gắn máy yểm trợ cho đội trưởng Nguyễn Thanh Xuân tức Bảy Bê lái xe hơi chứa chất nổ lao thẳng vào cổng, điểm hỏa rồi thoát.
(2) Báo cáo lúc đó: diệt và làm bị thương 137 tên Mĩ và chư hầu.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Tư, 2012, 07:07:56 am
Đội biệt động vũ trang của thanh niên công nhân Hoa Kiều vừa mới thành lập, ra quân vào những tháng cuối năm 1965. Từ những trận đầu chỉ có dao, chất nổ, a xít… tiến lên những trận sau có súng ngắn, chất nổ, mìn định hướng… đội đã trừng trị nhiều tên tay sai ác ôn, đặc vụ Đài Loan như Tô Văn Phiên, Giảng Tứ Sơn… nhiều tên phòng vệ dân sự khét tiếng gian ác ở phường, khóm và cả những sĩ quan, binh lính Đại Hàn.

Đội biệt động Thành đoàn và đội vũ trang mang tên Nguyễn Văn Trỗi được Thành đoàn thành lập đầu năm 1965 thực hiện hàng loạt trận đánh nhỏ lẻ trên đường phố, các bót cảnh sát khắp nội thành: Chợ Bà Chiểu, Tân Định, đường Cộng Hòa; Tân Sơn Nhất, Hai Bà Trưng, ngã tư Bảy Hiền, đường Trần Quốc Toản. Đối tượng biệt động Thành là cảnh sát, ác ôn ngụy, lính Mĩ.

Đêm 30 tháng 12 năm 1965, 12 chiến sĩ đội 2 biệt động F100 tập kích khu hậu cần Mĩ vừa mới triển khai ở ngã tư Bảy Hiền, phá hủy nhiều xe quân sự, loại nhiều tên giặc.

Vào một ngày đầu năm 1966, trên đường Hai Bà Trưng, một xe “cam nhông” chở đầy nữ công nhân đi làm, tình cờ vừa đến ngang cư xá Brink - nơi ở của các sĩ quan Mĩ độc thân - thì chết máy. Quân cảnh Mĩ đang gác, thổi còi, nhưng xe chưa chạy được. Lập tức, chúng nhằm vào xe xả đạn. Tất cả 45 chị em đang chen chúc trên thùng xe đều ngã gục. Máu chảy xuống mặt đường, nhuộm đỏ cả những nắm cơm chị em mang theo ăn trưa. Tin này lan đi làm chi cho cả Sài Gòn bàng hoàng và vô cùng tức giận.

Trên vùng ven và cận Sài Gòn, Củ Chi, Đức Hòa đã có phong trào đăng kí diệt Mĩ ngay trước khi quân Mĩ đến. Quân dân các vùng căn cứ, vùng tranh chấp khẩn trương củng cố lực lượng du kích và dân quân tự vệ, sửa chữa và xây dựng các ụ chiến đấu và hệ thống địa đạo, hình thành các “bãi tử địa”, rào làng, đào đắp công sự chống phi pháo theo các hành lang xom, ấp, liên xã, hình thành một thế trận liên hoàn từ vùng căn cứ giải phóng đến các vùng sâu, vùng yếu.

Ngoài các cuộc hành quân cảnh sát, Mĩ ngụy liên tục mở các cuộc hành quân đánh thọc vào các lõm căn cứ cách mạng xung quanh Sài Gòn để yểm trợ cho công cuộc bình định, đồng thời để thăm dò khả năng của đối phương. Các cuộc hành quân quy mô vừa này, sẽ phối hợp “các lực lượng đồng minh” đặc biệt đánh lên vành đai Tây Bắc - Bắc, Đông Sài Gòn(1). Từ những trận đầu, các lực lượng chiến tranh nhân dân vùng ven Sài Gòn đã chứng minh là diệt được Mĩ. Trên mặt trận Dĩ An, trong năm ngày từ khi Mĩ đến, bộ đội địa phương diệt và làm bị thương 150 tên. Ở Rừng Cò Mi, 3 du kích xã Bình Hòa, đương đầu một tiểu đoàn Mĩ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 40 tên, thu 2 súng.

Các lực lượng vũ trang Củ Chi, Thủ Đức tổ chức ngay các buổi rút kinh nghiệm qua những trận đầu giáp chiến quân Mĩ, tăng lòng tự tin “đánh được”.

Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1965, các tiểu đoàn bộ binh quân khu Sài Gòn - Gia Định được huấn luyện ở đoàn 165A theo “phương án X” lần lượt được đưa về chiến trường ven Sài Gòn: Tiểu đoàn 2 về Hóc Môn - Gò Vấp, tiểu đoàn 3 về Dĩ An, tiểu đoàn 4 về Thủ Đức, tiểu đoàn 5 về Nhà Bè, tiểu đoàn 6 về Bình Tân, tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 8 (pháo binh) ở Củ Chi cùng với tiểu đoàn 1 (tăng cường) cơ động.

Trên đất miền Đông, những trận đầu thắng Mĩ đang cố vũ khí thế “tìm Mĩ mà diệt”, ngày 10 tháng 10 năm 1965 tại An Điền (Bến Cát), lần đầu tiên 4 du kích bày thế trận diệt trung đội Mĩ bằng súng, mìn và lựu đạn.

Lần đầu tiên trên chiến trường B2, ngày 8 tháng 11 năm 1965 tại Đất Cuốc (Chiến khu Đ), tiểu đoàn 3 trung đoàn 1, sư đoàn 9 quân giải phóng và các lực lượng địa phương Tân Uyên, tiêu diệt tiểu đoàn Mĩ. Ngày 12 tháng 11 năm 1965 tại Bàu Bàng, sư đoàn 9 (thiếu), lần đầu tiên ở miền Nam vận động tập kích tiêu diệt một tiểu đoàn Mĩ đóng quân dã chiến trên bên quốc lộ 13.

Đây là những mẫu hình về khả năng tiêu diệt phân đội và đơn vị nhỏ Mĩ của các lực lượng chiến tranh nhân dân trên đất miền Đông. Nhưng trong khi phong trào diệt Mĩ đang sôi nổi trên chiến trường thì nhiều địa phương lại xem nhẹ việc đánh ngụy. Bộ chỉ huy Miền đã phát động phong trào “tìm Mĩ mà diệt, lùng ngụy mà đánh”. Trận Dầu Tiếng (ngày 27 tháng 11 năm 1965) lần đầu tiên diệt chiến đoàn ngụy ở miền Nam, cổ vũ phong trào “tìm ngụy mà đánh”.

Ngày 20 tháng 11 năm 1965, Bộ chỉ huy Miền lại phát động thi đua giành danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mĩ”. Cục chính trị Miền cụ thể hóa các cấp danh hiệu dũng sĩ, phát triển thêm các danh hiệu “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dúng sĩ diệt máy bay”, “Dũng sĩ diệt ngụy”…

Tháng 12 năm 1965 sang tháng 1 năm 1966, bom đạn Mĩ trút xuống ven đô thành ngày càng nhiều, những loạt bom B5 đã rải thảm ở Rừng Làng, An Nhơn Tây (Củ Chi).. làm rung cửa kính thành phố. Báo chí Hoa Kì gọi B52 là “thần mưa bom khủng khiếp” và rêu rao “chỉ cần một cái bấm nút, một vùng quê sẽ tan biến dưới con lốc lửa…”

Ở chiến trường ven đô đã xuất hiện cùng một lúc xe tăng bầy, pháo bầy, trực thăng bầy, B52 bầy… không tránh khỏi có nhiều người lo lắng. Ta quyết thắng, nhưng khó khăn nhiều, hàng loạt câu hỏi đặt ra.

Tháng 12 năm 1965, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 12 ra Nghị quyết về tình hình, nhiệm vụ của thời kì Mĩ đã chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Nghị quyết đánh giá “mặc dù Mĩ đưa vào miền Nam Việt Nam hàng chục vạn quân viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn” và xác định “phải giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công”, phương châm chiến lược là “đánh lâu dài”, nhưng phấn đấu tích cực “tập trung lực lượng cả hai miền, tranh thủ thời cơ giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn”.


(1) Ngày 2 tháng 9 năm 1965, lữ đoàn dù 175 Mĩ phối hợp với quân ngụy hành quân trực thăng vận đánh Hố Bò (phía Bắc Củ Chi), ngày 10 tháng 10 năm 1965, lữ 2 sư bộ binh 1 Mĩ đánh vào xóm Chùa Củ Chi; ngày 6 tháng 10 năm 1965, sư bộ binh 5 ngụy hành quân tảo thanh vùng Trung An (phía Nam Củ Chi), suốt tháng 11 năm 1965 một tiểu đoàn Mĩ thực hiện cuộc hành quân ủi phá rừng Cò Mi (Thủ Đức)…


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Tư, 2012, 07:10:04 am
Đầu năm 1966, tám tháng sau hội nghị Suối Dây (tháng 4 năm 1965), nghiên cứu tình hình, nhiệm vụ mới, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định lại mở cuộc hội nghị về tình hình nhiệm vụ của khu trong thời kì chiến tranh cục bộ. Qua phân tích thực tiễn chiến trường, hội nghị xác định trong điều kiện có quân chiến đấu Mĩ, ta vẫn giữ quyết tâm đẩy mạnh đấu tranh chính trị, gắn với đấu tranh vũ trang, không ngừng tích lũy lực lượng, chuẩn bị tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Khu ủy nhất trí Mĩ vào là thời cơ để phát động mạnh tinh thần dân tộc. Mĩ gây ra chiến tranh cục bộ, ta chuyển toàn lực đánh Mĩ, từ nông thôn, vùng ven, đến nội đô, phát động một phong trào toàn dân diệt Mĩ cả ngay trong nội đô, chỉ đạo lực lượng biệt động đánh những trận thối động lớn: ở ngoại thành phố thì đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, phát động cao trào du kích diệt Mĩ.

Củ Chi trở thành nơi tập trung mũi nhọn của Mĩ. Các đồng chí lãnh đạo Củ Chi xác định trong Nghị quyết Đảng bộ mình: “Đây là chiến tranh ăn cướp nêu dù có là kiểu gì cũng phải đánh. Đánh Mĩ để cứu nước, cứu nhà. Ta và giặc Mĩ không thể cùng tồn tại mà phải một còn một mất trên đất này”.

Tháng 12 năm 1965, Westmoreland đánh giá là đã hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu chuyển sang giai đoạn 2 “phản công chiến lược” gồm 2 bước: phản công lần 1 (tháng 1 năm 1966 đến giữa năm 1966), phản công lần 2 (từ tháng 10 năm 1966 đến giữa năm 1967) (“Counter offensive phase I” và “Counter offensive phase II”).

Với lực lượng 70 vạn quân “đồng minh”, địch vào mùa phản công I với chiến lược “tìm diệt” tập trung trên hai hướng chính là miền Đông Nam Bộ và khu 5. Mục tiêu bước này là “bẻ gãy xương sống Việt cộng”, tức là đánh bại chủ lực đối phương, giành lại thế chủ động trên chiến trường, qua đó củng cố ngụy quân, ngụy quyền.

Ở miền Đông Nam Bộ, vùng giải phóng phía Bắc Củ Chi là một trong những mục tiêu hàng đầu mà địch ưu tiên sử dụng lực lượng nhằm tiêu diệt chủ lực giải phóng, triệt phá căn cứ đầu não Quân khu Sài Gòn - Gia Định, giải tỏa áp lực “Việt cộng” và mở rộng vành đai an toàn quanh Sài Gòn. Cuộc hành quân đánh vào phía Bắc Củ Chi của Mĩ mang tên Crimp là cuộc hành quân mà “cả Chiến tranh thế giới thứ hai không có một kế hoạch tác chiến nào hoàn hảo như thế”(1). Với lực lượng được huy động đến 12.000 quân (gồm 2 lữ đoàn 2 và 3 thuộc sư đoàn bộ binh 1 Mĩ, 1 tiểu đoàn Úc, 8 tiểu đoàn ngụy), 300 máy bay chiến đấu và máy bay lên thẳng, 600 pháo, cối, 600 xe cơ giới… được không quân chiến lược B52 yểm trợ dọn bãi (24 lượt chiếc), có cả chó berger lùng sục…

Chuẩn bị vào trận lớn với quân Mĩ, quân dân Củ Chi đã củng cố hệ thống hầm chống pháo 175mm, 203mm, bom tấn.

Làng chiến đấu có thể vừa phòng thủ vừa tiến công, có thể đánh kẻ thù từ trên trời xuống, trong ra, ngoài vào.

Ngày 8 tháng 1 năm 1966, sau khi cho máy bay B52 và không quân chiến thuật, pháo binh vằm mặt đất, từng bày máy bay lên thẳng Mĩ ồ ạt đổ quân xuống phía Nam lộ 7 trong lúc từng bầy xe tăng, thiết giáp từ căn cứ ngụy Trung Hòa chia làm nhiều mũi tiến thẳng vào 2 xã An Phú, Phú Mĩ Hưng, vùng căn cứ Quân khu Sài Gòn - Gia Định, dưới sự yểm trợ của không quân và pháo binh. Từng toán chó berger đi trước, các phân đội lính Mĩ theo sau. Quân “đồng minh” sục vào nhà nông dân, dùng lưỡi lê rạch nát những bao gạo, đá tung tóe ra đất. Từng đống lúa, từng ngôi nhà bị súng phun lửa biến thành tro tàn. Xe ủi làm nhiệm vụ “bóc vỏ mặt đất”, không trừ nhà cửa, vườn tược.

Trước tình hình một chọi mười, chọi trăm, nhân dân Củ Chi quyết chiến trên thế trận đã dàn sẵn. Đồng chí Bảy Di, xã đội trưởng xã Trung Lập Hạ đưa du kích ra chiến hào tuyên bố: “Đây là vị trí của chúng ta, hãy đánh đến cùng, nếu có phải hi sinh thì hi sinh trên chiến hào này!”.

Ở Hố Bò xã Phú Mĩ Hưng, 1 tiểu đoàn Mĩ có 37 xe tăng và xe bọc thép yểm trợ từ hướng Đông Nam theo lộ 15 tiến vào. Một tiểu đội du kích và bộ đội địa phương với 5 súng trường, 1 carbine, nhiều lựu đạn và mìn các loại, chờ đánh tiểu đoàn này ở khu vực ngã bay Cây Gõ. Dựa vào các ụ chiến đấu, địa đạo và địa hình có lợi, để cho địch đến thật gần “lọt vào bãi tử địa”, du kích linh hoạt cơ động, thoắt ẩn, thoắt hiện, đánh phía trước, phía sau, bên sườn… qua một ngày chiến đấu, tiểu đoàn đã loại 107 tên Mĩ và 6 xe tăng, xe bọc thép. Trên một hướng khác cũng xã này, tại ấp Phú Bình, trên một diện tích nhỏ hơn 1, một tiểu đoàn 9 du kích với hệ thống hầm hào khi ẩn khi hiện, đã cầm chân 400 tên lĩnh Mĩ và 60 xe M113 suốt 8 ngày liền. Ở Trung Lập Hạ, trên một trận địa hẹp, không còn một bóng cây, trong 10 giờ liền, lực lượng vũ trang ta đánh lui 7 đợt đột kích của Mĩ, loại khỏi vòng chiến 118 tên. Nhiều tên bỏ xác trong đường hầm vì đuổi theo du kích. Ở Phước Hiệp chỉ trong 2 đợt đầu đánh địch đổ quân, du kích bắn cháy 3 máy bay lên thẳng.

Đoạn ghi chép sau đây của chiến sĩ Trần Bàn, đề ngày 11 tháng 1 năm 1966 trong rừng Hố Bò, mà hai nhà văn Anh (đã dẫn ở trên) viết lại trong “câu chuyện khó tin về cuộc chiến tranh trong lòng đất Việt Nam”, một trong tám nghìn đồ vật mà quân Đồng Minh thu được trong địa đạo Củ Chi(2) đã nói lên ý chí sắt thép của du kích Củ Chi trong cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt:

“… Nhiều hầm đổ sụp. Nhiều bạn đồng đội bị chẹn trong hầm, chưa ra được, chưa rõ số phận của các cô Ba, Bảy, Hồng Hạnh và Tám Hà ở trong hầm ra sao. Các cô Tám và Út đã tử trận vì bảo vệ đường dây. Chưa kịp chôn cất các cô, thân thế các cô bị thối rữa. Buổi chiều, một du kích trong ấp đi trinh sát, cố lần mò đến địch, đã bị giết. Chưa lấy xác ra được.

… Nhà cửa đổ sụp, cây cối tan hoang. Mình đang nói chuyện thì một trái rốc két nổ cách mình khoảng hai trăm mét và bom bắt đầu rơi như mưa

Những ngày ở trong lòng đất thật khủng khiếp. Ăn cơm nguội với muối rang, uống nước lã. Nhưng ở đây tự do và thoải mái.

Phải chiến đấu, tiêu diệt chúng. Chúng mày (bọn Mĩ) không thể thoát được. Trước lúc rạng đông trời bao giờ cũng tối. Sau mưa trời sẽ tạnh… Phải quyết tâm thắng giặc Mĩ xâm lược”.

Người ghi đoạn nhật kí này đã hi sinh ngay dưới hầm. Người đã thu được một chiến lược “vô giá” này là một tên lính thuộc trung đội 3 công binh Úc.


(1) Nhận xét của hai nhà văn Anh Jonh Penycate và Tom Mangold trong cuốn “Câu chuyện khó tin về cuộc chiến tranh trong lòng đất Việt Nam”.
(2) Theo sách đã dẫn của hai nhà văn Anh John Pnycate và Tom Mangold đã nói ở trên.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Tư, 2012, 07:11:33 am
Hơn 10 ngày, cuộc hành quân Crimp đã tỏ ra là không đạt mục tiêu tiêu diệt cơ quan đầu não và đơn vị chủ lực quân giải phóng. Đến ngày 19 tháng 1 năm 1966 địch buộc phải kết thúc. Các lữ đoàn “Anh cả đỏ” kéo xuống Nam Củ Chi, và lập căn cứ tại Đồng Dù.

Sau 12 ngày đêm (từ ngày 8 đến ngày 19 tháng 1 năm 1966), quân và dân Bắc Củ Chi đã đánh 200 trận lớn nhỏ, diệt và làm bị thương trên 100 Mĩ ngụy, bắt sống 1 thiếu tá, bắn rơi 84 máy bay các loại (có loại 79HU1A), phá hủy và phá hỏng 77 xe quân sự (có 56 xe bọc thép M113), 2 pháo 105 li. Chỉ có một mục tiêu mà coi như cuộc hành quân Crimp đạt được là tàn phá: giặc Mĩ đã san bằng trên 1.000 ngôi nhà, đốt trụi 2.000 ngôi nhà khác, triệt hạ hàng ngàn hécta vườn cây, ruộng lúa, càn nát nhiều giao thông hào, đánh sập một số miệng địa đạo.

Từ tháng 12 năm 1965 đến tháng 4 năm 1966, Westmoreland lần lượt điều các đơn vị thuộc sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”, một sư đoàn đã kinh qua huấn luyện và chuyên tác chiến ở vùng rừng nhiệt đới, chống du kích… đang làm nhiệm vụ ở Kontum vào miền Đông Nam Bộ. Một trong những nhiệm vụ trước mắt của sư đoàn này là thay thế lữ 3 sư đoàn 1 “Anh cả đỏ”, giải tỏa vành đai diệt Mĩ Đồng Dù ở Củ Chi và lập ở đây một căn cứ chỉ huy hoàn chỉnh cấp sư đoàn Mĩ.

Kế hoạch xây dựng căn cứ Bắc Hà (Đồng Dù) đã được vạch ra từ đảo Hawai.

Quân Mĩ chà đi xát lại, tập trung xung quanh Đồng Dù, hủy diệt tất cả các vùng Bàu Cạp, Cây Sộp, Trảng Lâm, Phú Hiệp… san bằng trên 2.000 ngôi nhà, nhiều vườn cây. Sư đoàn 25 Mĩ đã biến vùng đất quanh Đồng Dù và cả vùng lớn phía Bắc Củ Chi thành một vành đai trắng. Cho đến năm 1966, 660 ha, trong đó có 350 ha đồn điền cao su xã Phước Vĩnh An đã trở thành căn cứ của 4.500 lính Mĩ, gồm sư đoàn bộ và lữ đoàn 2 sư đoàn 25 Mĩ(1).

Đêm 20 tháng 1 năm 1966, tiểu đoàn Quyết Thắng bám sát địch rút lui khi chấm dứt trận càn Crimp, thực hiện trận tập kích một tiểu đoàn Mĩ đóng dã ngoại tại lô cao su số 6 Gò Nổi. Lực lượng tấn công chia làm 3 mũi, bí mật tiến cận địch, B40, B41, ĐKZ và cối cấp tập khai hỏa, bộ binh xung phong, tràn vào chỗ địch ngủ mà đánh. Sau 3 giờ chiến đấu, tiểu đoàn Quyết thắng đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn Mĩ. Đây là tiểu đoàn Mĩ đầu tiên bị loại trên chiến trường ngoại thành Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 25 tháng 1 năm 1966, trên mảnh đất Củ Chi còn nóng bỏng khí thế chiến đấu, Bộ chỉ huy quân khu Sài Gòn - Gia Định tổ chức ngay hội nghị tổng kết chiến tranh nhân dân ở Củ Chi. Qua hiệp đầu, nhân dân Củ Chi đã góp phần giải đáp một câu hỏi lớn cho toàn Miền: chiến tranh nhân dân có thể thắng chiến tranh hiện đại của Mĩ.

Ngày 7 tháng 2 năm 1966, Quân khu Sài Gòn - Gia Định mở đại hội dũng sĩ diệt Mĩ ngay trên đất Củ Chi. Đại hội tuyên dương “Dũng sĩ diệt Mĩ” cho 200 cá nhân đã diệt được Mĩ. Trần Thị Gừng, Võ Thị Mô là những nữ dúng sĩ diệt Mĩ đầu tiên của Củ Chi. Bác nông dân Nguyễn Văn Nì được xếp hàng dũng sĩ cấp ưu tú(2). Qua việc đánh bại cuộc hành quân Crimp của địch, qua diễn đàn của các đại biểu, các dũng sĩ, Đại hội rút ra 10 kết luận về khả năng đánh Mĩ của chiến tranh nhân dân địa phương:

1 - Ai cũng đánh Mĩ được.

2 - Vũ khí gì cũng đánh được Mĩ.

3 - Nhiều đánh được, ít cũng đánh được, một ngươi, một tổ đều đánh được.

4 - Ở đâu cũng đánh được Mĩ, chỉ cần tích cực bám địch, tìm địch là đánh được.

5 - Ngày cũng đánh được, đêm cũng đánh được.

6 - Địch phản công là cơ hội để diệt chúng.

7 - Đánh ở phía trước, đánh trong hậu cứ địch. Đánh đều khắp, làm cho địch bị động, bối rối càng dễ đánh hơn.

8 - Đánh địch trong ấp chiến lược và cả ngoài xã, ấp chiến đấu.

9 - Có khả năng thắng tất cả mọi binh chủng của Mĩ, như bộ binh, xe tăng, máy bay, biệt kích.

10 - Đánh bằng vũ trang, bằng chính trị và cả bằng binh vận làm cho địch tan rã nhanh chóng.

Đại hội phát động tiếp tục phong trào thi đua diệt Mĩ trên toàn huyện Củ Chi. Ngày 9 tháng 2 năm 1966, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định lại hợp bàn và ra chỉ thị lập vành đai diệt Mĩ trên vùng phía Nam Củ Chi. Sau cuộc hành quân Crimp, du kích 6 xã phía Bắc Củ Chi bám riết lữ 2, lữ 3 sư đoàn 1 “Anh cả đỏ” Mĩ, xuống tận phía Nam Củ Chi, bao vây căn cứ Mĩ Bắc Hà (Đồng Dù), hình thành một thế trận chiến đấu kiểu vành đai. Từ đó một phần đất của các xã Tân An Hội, Phước Vĩnh An, Trung Lập Hạ, Nhuận Đức, Phú Hòa Đông trở thành tuyến lửa bao vây địch. Toàn bộ vành đai là một trận địa nhiều tuyến, nhiều ổ, cụm chiến đấu, lỗ bắn tỉa, ấp xã chiến đấu liên hoàn, vừa là trận địa vây hãm, ngăn chặn địch nống ra, lại vừa là bàn đạp tiến công đột nhập căn cứ địch. Cấu trúc trận địa linh hoạt theo địa hình, cụ thể từng khu vực: trận địa xã Nhuận Đức gồm 3 tuyến. Tuyến một chỉ cách căn cứ Đồng Dù con suối Bến Mương, kéo dài từ Bàu Chứa tới Bàu Cạp, dài 2km. Phía trước tuyến 1 là bãi mìn và chông. Tuyến 2 và 3 ở phía sau, nối tuyến 1 bằng giao thông hào lộ thiên và ngầm. Trên tuyến 2, tuyến 3, ngoài các ụ chiến đấu chống bộ binh như ở tuyến 1, còn có các ụ bắn máy bay bay thấp.

Trên địa bàn xã Nhuận Đức, 3 du kích đã dựa vào thế trận làng để chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt xung phong của lực lượng Mĩ đông gấp đôi, giữ vững trận địa bắn tỉa.


(1) Trong căn cứ có 90 xe tăng, xe bọc thép, 150 xe vận tải quân sự, 15 pháo hạng nặng, 5 máy bay vận tải, máy bay trinh sát, nhiều máy bay lên thẳng. Đồng Dù còn là căn cứ xuất phát hành quân của trung đoàn 11 thiết giáp Mĩ.
(2) Dũng sĩ diệt Mĩ các cấp do Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền đề xướng, Cục Chính trị B2 bổ sung cụ thể và quy định trên toàn miền Nam: - Cấp 3: diệt được 3 Mĩ hoặc làm chết, bị thương 5 tên. - Cấp 2: giết được 6 tên, hoặc làm chết, bị thương 9 tên. - Cấp 1: giết được 9 tên, hoặc làm chết, bị thương 14 tên. - Cấp ưu tú: giết chết 15 tên Mĩ hoặc làm chết, bị thương 18 tên.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Tư, 2012, 07:11:56 am
Đoạn vành đai xã Trung Lập có 5 tuyến kéo dài từ ấp Bàu Tre đến Trảng Lâm. Mỗi tuyến cách nhau từ 50 đến 70 mét. Tuyến dài nhất 5km, tuyến ngắn nhất 3km. Tuyến một sát địch, các ụ chiến đấu chỉ cách nhau trên dưới 15 mét, có giao thông hào nối ra tận đường làng 2. Tuyến 5 cuối cùng, các ụ chiến đấu được xây dựng vững chắc, có hầm cấp cứu, các hầm ẩn nấp, hầm làm việc.

Đoạn vành đai xã Phú Hòa Đông lại hình thức từ “thế trận thiên nhiên” của khu vực những hầm đá, gò đống, cây tầm vông. Căn cứ “Hầm đá một nước Nước Nhì” và căn cứ “xóm Bà Nhiễm” xây dựng tại ấp Phú An, trên khu đất cây Tầm vông rộng trên 40 hecta. Một chuỗi ổ chiến đấu được bố trí kín đáo giữa những bụi cây, ăn thông ra hệ thống địa đạo chính liên xã. Hai bãi tử địa được thiết lập án ngữ mặt đường 15 vô, Đồng Dù tới. Chính tại xóm Bà Nhiễm, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra từ cuộc càn Crimp, hàng chục xe tăng, xe ủi đất của địch bị đánh gục.

Cuộc chiến đấu trên vành đai diễn ra vô cùng ác liệt. Du kích chỉ cách địch từ ba, bốn chục mét đến vài trăm mét, nhưng thế trận và hình thức tác chiến linh hoạt, có tuyến trước, tuyến sau, đảm bảo trụ bám và tấn công được dài ngày.

Phong trào “đăng kí diệt Mĩ” đã có từ trước khi căn cứ Mĩ hình thành, hằng ngày có hàng trăm người già, trẻ, gái, trai xin thay nhau ra tuyến trước. Con số được chọn có hạn, để tránh so bì, ban chỉ huy vành đai phải chia lịch để cho mọi thành phần, mọi giới đều được ra tuyến lửa.

Chỉ 1 tháng đầu trên vành đai (tính đến ngày 25 tháng 2 năm 1966), các lực lượng Củ Chi đã đánh gần 100 trận lớn nhỏ.

Sau đại hội dũng sĩ, trên vành đai Bắc Hà và cả huyện Củ Chi hưởng ứng một phong trào thi đua mới, giành các danh hiệu dũng sĩ diệt Mĩ. Du kích ở vùng xa căn cứ Mĩ hàng chục kilômét như Phú Mĩ Hưng, An Nhơn Tây cũng xin cấp trên cho đến vành đai để chiến đấu. Đánh ngày, đánh đêm, đánh địch bung ra, đánh địch trong căn cứ. Ở Tân Phú Trung, Trảng Lắm, Phước Vĩnh An, Bình Mĩ hễ địch đi càn là bị tiêu hao. Khẩu hiệu của du kích là “đã vác trái đi, không vác trái về”. Phong trào giành danh hiệu dũng sĩ các cấp càng sôi nổi qua việc “vay mượn” qua lại số Mĩ diệt được, có “trả” sòng phẳng. Các chiến sĩ tiểu đoàn 7 đứng chân trên vành đai tích cực hướng dẫn du kích đánh giặc.

Tháng 3 năm 1966 Hội nghị cán bộ nội thành lần thứ I, tháng 4 năm 1966, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định họp ra nghị quyết 8 quán triệt sự chỉ đạo đánh Mĩ toàn diện của Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 12 (tháng 12 năm 1965). Quân khu tiếp tục phát động một phong trào toàn dân đánh Mĩ cứu nước, thi đua giành các danh hiệu dũng sĩ diệt Mĩ các cấp, ác loại trong các lực lượng vũ trang và nhân dân.

Trong lúc quân Mĩ và một bộ phận quân cơ động ngụy thực hiện phản công ra vùng ngoài để “tìm diệt”, phần lớn quân ngụy làm nhiệm vụ đánh phá hạ tầng cơ sở cách mạng ở vòng trong phục vụ cho việc “bình định” và đảm bảo an ninh phía sau: hành quân “Rạng đông” ở ven đô Sài Gòn - Gia Định, hành quân “An dân” ở Bình Dương, hành quân “Chiến thắng” ở Long An, hành quân “Dân tâm” ở Biên Hòa…

Khu ủy và Bộ chỉ huy quân khu đã chỉ đạo kịp thời các địa phương và các đơn vị ở vùng ven và trong đô thị tích cực đánh phá “gọng kềm” bình định của địch.

Trong hai tháng 3 và 4 năm 1966, tiểu đoàn Quyết Thắng chủ động thực hiện các trận tập kích quân Mĩ ở Phú Mĩ Hưng: diệt một đại đội Mĩ và 3 xe tăng ở Rừng Sến (lần 1); đánh thiệt hại nặng một đại đội Mĩ (lần 2). Tháng 5 năm 1966 tiểu đoàn tiếp tục luồn sâu vào hậu phương địch, tập kích đến Tân Thạnh Tây do một đại đội ác ôn ngụy đóng giữ, diệt 80 tên, bắt sống 20 tên, thu 50 súng, phá vỡ một mảng kềm kẹp của ngụy ở vùng này, tạo địa bàn cho du kích đứng chân sâu trong vùng địch.

Cho đến tháng 7 năm 1968, trên vành đai, các lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã 8 lần (kể cả pháo kích) đánh vào căn cứ đầu não sư đoàn 25 Mĩ, trong đó có 2 trận cuối tháng 7, diệt nhiều Mĩ, phá hủy 20 xe bọc thép.

Cùng với mũi tiến công võ trang, nhân dân Củ Chi tự khẳng định khả năng đấu tranh chính trị trước một đối tượng mới là quân viễn chinh xâm lược. Quân Mĩ gí vào tay người dân Củ Chi văn bản “mời Hoa Kì ở lại 3 năm”, dân trả lời: “Các ông mới vô ít ngày mà đã tan nát làng xóm, nếu các ông ở ba năm thì dân chết hết”. Ở xã Trung Lập, 1 đoàn 5 xe M113 đang tiến vào đồng lúa chín, mấy chục nông dân dang tay tiến đến trước đoàn xe. Hàng tràng súng nổ lướt qua đầu, đoàn người vẫn xông tới. Đoàn xe buộc phải dừng lại.

Các cuộc đấu tranh tay không chặn đầu ngăn cản hàng bốn năm chục xe cơ giới Mĩ liên tiếp diễn ra ở các xã Phước Hiệp, Phước Vĩnh An, và xung quanh căn cứ Đồng Dù, trên các trục đường.

Ngoài trọng điểm Củ Chi, địch liên tục hành quân càn quét trên toàn vùng ven Sài Gòn.

Có nơi như Hóc Môn, Gò Vấp, trung bình trên hai ngày một trặn càn quy mô từ đại đội trở lên. Ở Dĩ An, địch cho xe ủi trắng các vùng rừng Cò Mi, Bình Hòa, Tân Đông, Bình An. Du kích phối hợp tiểu đoàn 3 bám sát, đánh liên tục, diệt hàng trăm tên địch các loại.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Tư, 2012, 07:13:51 am
Tiểu đoàn 6 Bình Tân cùng quân dân Bình Chánh đã đánh nhiều trận có hiệu quả cao như: chặn đánh một tiểu đoàn Mĩ càn quét vùng Láng Le, cầu An Hạ, diệt một đại đội, tiêu hao nặng một đại đội khác, bắn rơi 3 máy bay lên thẳng (ngày 26 tháng 2 năm 1966): diệt một đại đội thủy quân lục chiến ngụy, tiêu hao tiểu đoàn biệt động quân tại ấp 5 Tân Nhật, đánh thiệt hại các tiểu đoàn 30, 33 biệt động quân ngụy tại Gò Xoài và kênh Bà Tàng - cùng biệt động đặc công, diệt đồn cảnh sát Nguyễn Văn Tô trong Quận 6 và đồn cảnh sát ác ôn Phú Hòa, mở rộng vùng căn cứ nông thôn phía Nam thành phố. Nổi bật là trận tiêu diệt gọn đồn Ấp Chùa, xã Xuân Thới Thượng, bắt sống 15 tên, thu 30 súng (ngày 8 tháng 5 năm 1966), trận chống càn ở ngọn Rạch Sàng xã Hưng Long, loại khỏi vòng chiến gần 200 tên địch (ngày 23 tháng 5 năm 1966).

Tiểu đoàn 4 Thủ Đức tấn công địch ở khu vực chợ Nhỏ, loại khỏi vòng chiến gần 300 sĩ quan học viên cảnh sát (ngày 18 tháng 4 năm 1966); tập kích gây thương vong nặng lực lượng hải thuyền ngụy ở Bình Quới Tây.

Tiểu đoàn 2 Gò Vấp - Hóc Môn đánh các bót đóng ở Tân Quy, Bàu Trâm, Hòa Phú, Bầu Giang, tập kích địch đóng dã ngoại ở ấp Hậu Thạnh xã Trung An, ở lộ cao su 40, giữ vững và mở rộng được địa bàn căn cứ ven đô ở hướng này.

Từ năm 1966, địch cố tránh bớt từ “bình định” đã vấy máu và nói nhiều hơn về “tranh thủ trái tim khối óc người Việt Nam” với nội dung 8 điểm cụ thể(1). Nhưng dù như thế nào, nhân dân Việt Nam vẫn coi công cuộc bình định của Mĩ ngụy là một tai họa lớn nhất: các lớp sơn hào nhoáng của công cuộc bình định không che giấu được gốc phản dân hại nước của nó. Chính một người Mĩ đã thừa nhận: “Vì không tìm được một lí thuyết nào phù hợp với thực tế hành động của mình nên Mĩ đã bào chữa cho sự khủng bố ác liệt từ trên không và sự phá hoại cả một đất nước nông thôn bằng những lời hoa mĩ”(2).

Đất vùng ven là đất vườn rộng lâu đời, người nông dân coi việc bỏ đất tổ tiên ông bà là một trường hợp tan gia bại sản lớn nhất. Họ coi những đội bình định là những tên gây tai họa trực tiếp, những tên mật vụ, những tên “lính mặc quần áo bà ba đen”, là đối tượng phải tiêu diệt, trước hết là những tên đội trưởng ác ôn, những tên tâm lí chiến trong đội bình định. Lực lượng vũ trang địa phương liên tục đánh càn quét bên ngoài ấp, đồng thời, thường xuyên tổ chức đột nhập vào các ấp chiến lược cùng lực lượng du kích mật bên trong, trừng trị ác ôn bình định. Năm 1966, chính lúc địch ầm ĩ nhất về “chương trình cải tiến nông thôn” là lúc “nhịp độ bình định” bị tiến công tăng đến 12 lần so với trước đó 1 năm(3). Trong năm 1966, quân dân vùng ven Sài Gòn diệt 217 tên bình định.

Những hoạt động đánh phá bình định của ta hạn chế các cuộc càn của địch, nhiều xã mở được “lõm căn cứ”, một số xã được giải phóng. Nhiều nơi địch chỉ dám hoạt động ban ngày, còn ban đêm thì co rúc, di chuyển chỗ ngủ. Lần lần cán bộ và lực lượng vũ trang ta từ chỗ phải rời địa bàn, hoặc chia nhỏ bám trụ hết sức gian khổ, nằm hầm, ngủ bưng, uống nước ve, ăn cơm vắt, nay trở lại đứng được trên địa bàn cũ, bám được vùng sâu, áp sát địch, tạo thế xâm nhập nội thành. Phối hợp đánh bọn bình định ở nông thôn, ở nội thành, lực lượng vũ trang cánh Hoa vận tập trung vào đối tượng công an mật vụ, phản động người Hoa, trừng trị nhiều tên quan trọng như tên đặc vụ Lê Nghĩa Á, Nghị viên đô thành Trần Kim Thuận. Lực lượng vũ trang an ninh nội đô cũng liên tiếp đánh nhiều trận xuất sắc nhằm vào đối tượng đầu sỏ ngụy quyền, tình báo, cảnh sát, ác ôn, chiêu hồi, chỉ điểm có nợ máu. Cơ sở an ninh nội tuyến của ta với một quả mìn hẹn giờ giết chết và làm bị thương 17 cảnh sát địch tại Bộ tư lệnh cảnh sát Quốc gia. Ngày 1 tháng 6 năm 1966, với 3 phát súng nắn, hai chiến sĩ an ninh khác diệt tên Nguyễn Văn Chử, một ác ôn khét tiếng đã đánh phá cơ sở cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, vừa mới lên làm bộ trưởng chiến tranh tâm lí.

Với sự phát triển lực lượng chính trị và quân sự các ngành, cách đánh nhỏ lẻ của du kích tự vệ được nâng lên, phối hợp hoạt động của biệt động.

Ngày 1 tháng 4 năm 1966, lực lượng biệt động thành do Nguyễn Văn Tăng chỉ huy dùng xe hơi võ trang tiểu liên, thuốc nổ tấn công khách sạn Victoria giành cho sĩ quan Mĩ độc thân tại góc đường Trần Hưng Đạo - Huỳnh Mẫn Đạt, làm sập một tầng lầu khách sạn, giết chết và làm bị thương hàng chục tên Mĩ (thuộc lực lượng không quân).

Mục tiêu chống Mĩ và đòi lật độ Thiệu - Kì trở thành nội dung nổi bật của phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị cuối mùa khô 1965-1966. Tháng 3, tháng 4 năm 1966, phong trào đòi lật đổ Thiệu Kì có sự phối hợp giữa các thành phố lớn Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn… Cùng Huế, Đà Nẵng, nhân dân Sài Gòn thành công “sáu đêm không ngủ”, mỗi đêm hàng vạn người tham gia, đỉnh cao là ngày 7 tháng 4 năm 1966 hàng chục vạn người Sài Gòn bất chấp lệnh cấm và lệnh giới nghiêm, từ bốn phía kéo đến bao vây nơi làm việc của Nguyễn Cao Kì, đòi Thiệu - Kì từ chức. Nhiều ngày liên tiếp có biểu tình, có xung đột với cảnh sát. Trên thực tế nhân dân làm chủ đường phố. Trong chín mười đêm, lực lượng biểu tình ném đuốc vào cảnh sát, quân cảnh ngụy, tước khí giới của chúng, hạ cây, lật xe cản đường, dựng rào giữa phố, đốt bánh xe, chặn xe quân sự.

Trước ngày 1 tháng 5 năm 1966, ngụy quyền đã chuẩn bị chống biểu tình. Sáng sớm ngày 1 tháng 5, trên những đường phố lớn chung quanh trụ sở Tổng liên đoàn lao động, các lực lượng cảnh sát, công an, cảnh sát dã chiến ngụy và một số quân cảnh Mĩ đã rải đều cùng với hàng rào kẽm gai bao vây. Nhưng khi loa phóng thanh vừa lên tiếng yêu cầu trật tự viên dẹp bỏ hàng rào kẽm gai cho đồng bào dự lễ thì hàng ngàn thanh niên công nhân và lao động tay đeo băng đỏ, tay cầm gậy hô “xé rào” đã xông tới dẹp bỏ những vòng kẽm bai bùng nhùng. Bọn ác ôn lồng lộn xông đến, nhưng không làm gì được trước đội ngũ quần chúng đông đến hàng vạn người, với rừng khẩu hiệu đang tràn tới hô: “Phản đối đàn áp biểu tình”. Khi nhìn thấy những khẩu hiệu: “Người Mĩ không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam”, “Chấm dứt rải chất độc tàn phá nông thôn”… các quân cảnh Mĩ và lính Mĩ đã lẻn đi mất. Dân biểu tình ào ạt tiến tới. Cách năm ba mét là một khẩu hiệu trương giữa hai cán cây dài. Những cán cây dài cũng chính là gậy mà quần chúng chuẩn bị để ứng phó khi đàn áp.


(1) 1/ Huấn luyện cán bộ, 2/ xây dựng ấp Tân sinh, 3/ tự lực cánh sinh, 4/ giáo dục công nông, 5/ công chính nông thôn, 6/ phát triển canh nông, 7/ chiêu hồi, 8/ định cư những người Cộng sản.
(2) Gabriel Kolko, trong “giải phẫu một cuộc chiến tranh”, NXB Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984.
(3) Theo Nữu Ước Thới báo ngày 26 tháng 3 năm 1967.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Tư, 2012, 07:15:26 am
Lực lượng gồm công nhân các nghiệp đoàn, xí nghiệp, chợ, xóm, các ngành nghề, học sinh, sinh viên, giáo chức, nông dân ngoại thành: Thủ Đức, Hóc Môn, Nhà Bè, Chợ Đệm… cả gia đình binh sĩ, khi xuất phát đoàn gần hai vạn người, nhưng trên đường tuần hành từ đường Lí Thái Tổ ra Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, bà con dần tấp vô, đến đại sứ quán Mĩ đã lên trên 4 vạn người.

Nguyễn Ngọc Loan, tổng giám đốc công an cảnh sát và Văn Văn Của, đô trưởng Sài Gòn cùng 45 xe cảnh sát chở đầy lính chạy trước, chạy sau, chạy kèm hai bên dòng biểu tình.

Tiếng hô: “đả đảo đế quốc Mĩ”, “quân đội Mĩ cút đi” vang lên trước tòa đại sứ Mĩ. Mong đoàn biểu tình giải tán cho mau, Loan và Của tỏ vẻ hăng hái nhận từng chồng yêu sách của quần chúng. Nhưng đoàn biểu tình đã không giải tán lại bắc loa phóng thanh để các đại biểu lên phát biểu ý kiến. Cuộc biểu tình biến thành cuộc mít tinh, họp báo. Sinh viên vẽ xuống mặt đường trước Sứ quán Mĩ dòng chữ American go home - stop war in Việt Nam. Phóng viên chụp lại và đưa lên mặt báo.

Sau cuộc biểu tình, địch bắt chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động, bao vây trụ sở Tổng liên đoàn, khủng bố hàng loạt nghiệp đoàn cơ sở.

Đánh giá cuộc đấu tranh ngày 1 tháng 5 năm 1966, Hội nghị Thường vụ Khu ủy mở rộng tháng 10 năm 1966 xác định: Trong vòng mấy năm nay, đây là lần đầu tiên quần chúng đô thị biểu thị một khí thế chống Mĩ mạnh mẽ nhất, với nội dung đúng đắn nhất”(1). Hội nghị cho rằng được như vậy là nhờ có chuẩn bị kĩ thông qua các cuộc hội thảo đại hội công nhân và mít tinh quần chúng, nhất là thông qua cuộc đấu tranh cho các yêu sách tăng lương của nhiều xí nghiệp trước đó. Công nhân và nhân dân lao động đã thu hút chung quanh mình nhiều lực lượng như giáo chức, thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên. Do đó cuộc đấu tranh ngày 1 tháng 5 năm 1966 thực tế là cuộc đấu tranh của một mặt trận dân tộc và dân chủ do công nhân làm nòng cốt. “Nó đã chứng tỏ khả năng phát động và tập hợp công nhân, lao động của Đảng ta, khả năng đưa phong trào công nhân, lao động thành nòng cốt của phong trào quần chúng đô thị nói chung”(2).

Chỉ hơn một tuần sau sự kiện ngày 1tháng 5, đến 10 tháng 5 năm 1966, hàng vạn đồng bào lại nổi đuốc biểu tình, áp giải hình nộm Johnson, đến ngã Bảy, lập tòa án rồi “thiêu sống”.

Bên cạnh phong trào công nhân và các giới khác, phong trào Phật giáo lại “tái phát” một cách mạnh mẽ, ngày càng hướng mạnh vào kẻ thù ngoại bang. Cuộc bùng nổ Phạt giáo đã bắt đầu từ miền Trung, Huế, Đà Nẵng vào cuối tháng 3. Tại Huế, Đà Nẵng, đồng bào chiếm đài phát thanh và bao vây một số căn cứ chỉ huy của quân đội Sài Gòn. Thủ tướng ngụy quyền Nguyễn Cao Kì hăm dọa những người lãnh đạo Phật giáo: … Các vị dùng bạo lực để lật đổ tôi thì tôi sẽ không do dự giết chết mọi cấp lãnh đạo Phật tử trước khi tôi rời khỏi chính quyền”. Kì lệnh cho lính thủy đánh bộ, lính dù, xe tăng ra tay. Thế là phong trào Phật giáo lan truyền vào Sài Gòn suốt tháng 4, tháng 5. Giới Phật tử Sài Gòn liên tiếp tổ chức những cuộc biểu tình mít tinh, hội thảo, tuyệt thực để phản đối ngụy quyền đàn áp Phật giáo. Sáng ngày 9 tháng 5 năm 1966, tại Viện hóa đạo, đông đảo tăng ni, Phật tử Sài Gòn - Gia Định tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân đã bỏ mình vì đạo pháp tại miền Trung. Sau lễ cầu siêu là cuộc tuần hành khổng lồ từ Viện hóa đạo đến quảng trường Quách Thị Trang. Trong khoảng 200 biểu ngữ chống chính phủ tay sai, chống Mĩ, nổi bật những dòng chữ “Đại sứ Mĩ hay toàn quyền Lodge”, “giải quyết bằng vũ lực là xâm lược”. Đặc biệt phía sau đoàn biểu tình có trên 100 xích lô đạp của Phật tử xích lô. Những anh em này sẵn sàng chở không lấy tiền những người biểu tình bị thương, bị ngất. Hết dùng lựu đạn cay đến vòi rồng phun nước, địch cho máy bay lên thẳng quần lượn đe dọa, rồi huy động biệt động quân và lính dù đến uy hiếp. Đoàn biểu tình vẫn cứ tiến.

Tháng 6, tháng 7 năm 1966 ở khắp nơi, giới Phật tử bảy bàn thờ Phật giữa đường phố với lí do: “nhà cầm quyền chiếm chùa, không cho thờ Phật trong chùa, phải đem tượng Phật ra đường thờ”. Bàn lớn, bàn nhỏ, lư nhang, hình Phật được đem cả ra đường. Ở đường Nguyễn Thiện Thuật, Phật tử đem cả gạch, xi măng ra xây bàn thờ giữa đường. Ở các vùng ngã bảy, Bàn Cờ… đồng bào hè nhau ra đốn cây hai bên đường xuống làm chướng ngại vật để bảo vệ bàn thờ Phật.

Tháng 6 năm 1966, một cao trào đấu tranh ở các đô thị lại nổi lên, rộng nhất từ trước đến nay: 4 thành phố và 29 thị xã đều náo động; cũng là đợt kéo dài nhất và số quần chúng tham gia đạt kỉ lục tính từ tháng 3 đến giờ. Trong 100 ngày ấy, ở 33 thành phố, thị xã, có 3 triệu 3 mươi vạn lượt người đấu tranh, riêng tại Sài Gòn có 800.000 lượt người gồm các thành phần công nhân, học sinh, sinh viên, trí thức, Phật tử và cả binh lính ngụy, đã biểu tình, mít tinh, hội thảo, bãi công, bãi chợ, bãi khóa với các khẩu hiệu trung tâm: Thiệu, Kì phải từ chức, Mĩ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, hòa bình, dân chủ.

Được Mĩ ủng hộ, Thiệu - Kì không đổ và đàn áp được phong trào, nhưng uy thế chính trị tồi tệ. Từ khi chiến tranh cục bộ bắt đầu, những cuộc đấu tranh dân sinh, dân chủ của công nhân Sài Gòn vào một đợt mới: những cuộc bãi công đòi tăng lương, chống sinh hoạt đặt đỏ, đòi tự do nghiệp đoàn của công nhân các ngành vận tải, giày Ba ta, dầu Esso, xích lô, xưởng dệt Đông Á, điện nước, thuốc lá MIC, MITAC, lốp xe Đại Nam, rượu Bình Tây… Quan trọng hơn hết là cuộc bãi công của 3.000 công nhân khuân vác từ tuyến Bình Đông đến bến tàu Nhà Rồng, đồng thời với cuộc bãi công của 8.000 công nhân xe buýt và hỏa xa.


(1) Báo cáo tình hình đô thị Sài Gòn từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1966, thông qua tại Hội nghị Thường vụ A50 mở rộng tháng 11 năm 1966.
(2) Như trên.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Tư, 2012, 07:16:44 am
3 tháng đầu năm 1966, có 125 cuộc đấu tranh của công nhân trực tiếp đòi tăng lương, nhưng phong trào đấu tranh của công nhân lại đang hướng mạnh vào đối tượng chủ yếu là Mĩ. Tháng 4 năm 1966, giữa cao trào đấu tranh chính trị một trăm ngày, công nhân xây dựng cảng mới cho Mĩ bãi công chống chính sách kì thị chủng tộc và thái độ đối xử tàn tệ của người Mĩ đối với người Việt Nam. Cuộc đấu tranh của công nhân xây dựng cảng kéo theo cuộc tổng bãi công của toàn thể 5.000 công nhân người Việt ở hãng thầu xây dựng RMK, BRJ ở Sài Gòn, bao gồm thợ máy, thợ mộc, thợ đúc, thợ nguội, lái xe, rải rác khắp các cơ sỡ của hãng này.

Các cuộc hội thảo tập trung tại Tổng liên đoàn lao động đã trở thành cuộc phát động từ của công nhân. Hội thảo ở đây (ngày 10 tháng 4) bắt đầu từ nội dung những khó khăn đời sống công nhân đến những đau khổ của người Việt Nam… Cuối cùng mọi người kết luận gốc gác mọi việc chính là do sự có mặt của quân đội Mĩ, muốn thoát khỏi tình trạng này chỉ có cách quân Mĩ cút đi, Mĩ chấm dứt chiến tranh. Công an, mật vụ, cảnh sát chìm nổi ngồi đấy, tùy viên lao công đại sứ quán Mĩ (thực chất là CIA) và cả một số người cầm đầu trong Tổng liên đoàn lao động có mặt đã gây cản trở, nhưng quần chúng bất chấp, phát biểu hăng hái. Các cuộc hộ thảo đúc kết thành 23 khẩu hiệu chống Mĩ, đòi hòa bình, dân chủ, dân sinh.

Từ sau ngày 1 tháng 5 (đến cuối năm 1966), các cuộc đấu tranh của công nhân dưới hình thức hội thảo đưa yêu sách, đến cuộc bãi công của công nhân các xí nghiệp, nghiệp đoàn khuân vác, dệt, xăng dầu, nhà máy xay… ủng hộ cuộc đấu tranh của Hãng dệt Nam Hòa, đòi thả những đại biểu công nhân Nam Hòa bị ngụy bắt giữ, diễn ra suốt tháng 5. Cuộc đấu tranh của công nhân các hãng thầu RMK - BKJ trở nên rộng lớn, 15.000 công nhân xây dựng trên 10 công trường thuộc hãng từ Tân Sơn Nhất, Biên Hòa đến Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Chu Lai, bắt đầu từ cuộc bãi công ngày 21 tháng 6 của 700 công nhân xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn, sân bay Biên Hòa. Cuộc đấu tranh này được công nhân hãng dầu Caltex ủng hộ và được 1000 công nhân người Phi Líp Pin, người Nam Triều Tiên hưởng ứng. Nội dung là đòi tăng lương, chống sa thải, chống kì thị chủng tộc. Cuộc đấu tranh làm tê liệt hàng chục công trường xây dựng công trình quân sự thuộc loại ưu tiên nhất của Mĩ(1).

Cuộc bãi công gây trở ngại lớn đến kế hoạch quân sự và hậu cần của Mĩ, có nguy cơ lan rộng. Đại sứ Mĩ Cabot Lodge(2) và Westmoreland buộc phải đề nghị chủ thầu RMK - BRJ giải quyết các yêu sách của công nhân.

Do thất bại về quân sự và nhiều biến động chính trị, cuộc phản công mùa khô thứ nhất của Mĩ buộc phải chấm dứt trước thời gian quy định của kế hoạch là tháng 6 năm 1966. Trận Bàu Sắn Tây Ninh ngày 17 tháng 5 năm 1966 (gây thương vong lớn 1 chiến đoàn của sư đoàn bộ binh 1 Mĩ) được đánh dấu là trận kết liễu cuộc phản công lần thứ 1 của Mĩ trên chiến trường Đông Nam Bộ.

Ngày 5 tháng 5 năm 1966 đại sứ Mĩ Cabot Lodge bay về Washingon để trình tổng thống Mĩ Johnson báo cáo về cuộc phản công mà sau này tài liệu mật Lầu Năm Góc gọi là ban báo cáo 7 số “0”:

- 1: “0” hao tổn được Việt cộng

- 2: “0” tiêu hao đơn vị chính quy lớn nào của Việt cộng

- 3: “0” ngăn được du kích phát triển

- 4: “0” ổn định được địa phương

- 5: “0” giành được chủ động

- 6: “0” ngăn được đà suy sụp của quân đội Sài Gòn

- 7: “0” tăng cường và bổ sung kịp lực lượng của Mĩ.

Sau đó Cabot Lodge còn bổ sung vào báo cáo của mình: “78% đất đai còn trong tay Việt cộng. Trên 30 phần trăm quân chính quy Nam Việt Nam không tuân lệnh Sài Gòn. Bộ máy chiến tranh kinh khủng của Mĩ ở Sài Gòn gần như co rúm lại nếu không có một sự gia tăng quân số đáng kể nữa!”.

Sau phản công mùa khô thứ nhất thất bại, ý chí xâm lược của Mĩ nao núng, mâu thuẫn nội bộ thêm gay gắt. Bố trí chiến lược của địch trên chiến trường bắt đầu bị đảo lộn. Tuy nhiên, Tổng thống Mĩ vẫn ngoan cố đáp ứng yêu cầu tăng quân Mĩ vào miền Nam, tăng chi phí tới mức cao nhất cho chiến tranh ở Việt Nam.

Trong chuyến về Washington từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 17 tháng 5 năm 1966, đại sứ Mĩ Cabot Lodge đã nhận chỉ thị mới là cố gắng giằng co với đối phương trong mùa mưa, giữ nguyên hiện trạng mùa khô năm 1965-1966, không để tình hình tồi tệ hơn, ổn định tình hình chính trị nội bộ chính quyền Sài Gòn, xúc tiến mạnh mẽ bình định gom dân để đánh bại đối phương trong mùa khô 1966-1967 và 1967-1968 hoặc ít nhất cũng cải thiện được tình hình.


(1) Một đường băng mới cho máy bay phản lực và máy bay vận tải hạng nặng dài 3.045 mét ở sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa. - Một sở thí nghiệm phim ảnh trinh sát. - Một trung tâm tình báo và một trung tâm hành quân chiến thuật ở Tân Sơn Nhất. - Một công trình khai thác trên đường Sài Gòn - Biên Hòa. - Một kho lớn của RMK - BRJ (kho Island). Một tòa nhà mới cho Sứ quán Mĩ. - Một bệnh viện dã chiến Mĩ. - Bến số 1 cảng mới Sài Gòn, nơi lục quân Mĩ đóng Bộ chỉ huy hậu cần. - Một cơ sở chính của RMK - BRJ.
(2) Từ tháng 7 năm 1965 đến năm 1967, Lodge trở lại Sài Gòn làm đại sứ thay Taylor


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Tư, 2012, 07:18:23 am
Trước tình thế Mĩ tiếp tục leo thang chiến tranh trên cả hai miền, ngày 17 tháng 7 năm 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi quân và dân cả nước: “Chiến tranh có thể kéo dài năm năm, mười năm, hai mươi năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp, có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Trên chiến trường, sau chiến thắng mùa khô thứ nhất, quân dân miền Đông Nam Bộ ráo riết chuẩn bị nhiệm vụ kế tiếp với một khí thế mới trên thế trận mới. Ta đã đạt những thắng lợi quan trọng, nhưng trước âm mưu lớn, toàn diện của địch, ta chưa chuyển kịp tình hình cả về nhận thức và biện pháp, lấn xây dựng lực lượng. Đấu tranh chính trị vẫn chưa theo kịp đà thắng lợi về quân sự. Đấu tranh chống bình định chưa được sát hợp với thủ đoạn mới của địch.

Trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, ta đã vừa đánh bại một bước âm mưu của Mĩ định biến Củ Chi thành vành đai trắng, vừa thiết lập được một vành đai du kích rộng lớn, giữ vững vùng giải phóng, sau mùa mưa tiếp tục duy trì áp lực quân sự phía Bắc Sài Gòn và ngay cả trong vùng địch chiếm đóng.

Ở Sài Gòn, tiểu đoàn 8 pháo binh quân khu phối hợp lực lượng biệt động và bộ đội địa phương Bình Tân, thực hiện một trận đánh xuất sắc: đêm 12 tháng 6 năm 1966 pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất 400 trái đạn, nhận xét của một nhà báo Mĩ: rơi “chính xác như để vào từng chiếc máy bay”. Ta phá hủy và phá hỏng 67 máy bay các loại. Đứng trước hiện trường thảm hại, tướng Mĩ Taylor ngậm ngùi than thở: “Đây là trận đánh tệ hại nhất cho quân ta!”

Tiếp đến, đêm 17 tháng 8 năm 1966, đúng một tháng sau ngày Bác Hồ kêu gọi quyết tâm thắng Mĩ, pháo binh Sài Gòn - Gia Định pháo kích căn cứ hậu cần Mĩ ở khu vực ngã tư Bảy Hiền, phá hủy và hỏng gần 100 xe quân sự, giết chết và làm bị thương nhiều nhân viên kĩ thuật Mĩ, Tân Tây Lan và ngụy Sài Gòn(1).

Trên vành đai diệt Mĩ Đồng Dù, đêm 26 tháng 6 năm 1966 lúc 18 giờ 30 phút, đúng lúc trong căn cứ Đồng Dù quân Mĩ đang tập trung chuẩn bị ăn tối và vui chơi, tiểu đoàn 8 thực hiện trận pháo kích. Tiếp đó, lúc 5 giờ 15 phút sáng ngày 27 tháng 6 năm 1966, đúng lúc quân Mĩ vừa thức dậy và rời khỏi công sự, một trận pháo kích thứ hai lại bồi xuống căn cứ. Hai trận đã diệt và làm bị thương nhiều tên Mĩ, hủy 20 xe quân sự, 50 nhà dù và hàng chục nhà kho.

Đêm 23 tháng 7 năm 1966, tiểu đoàn Quyết Thắng tập kích gây thiệt hại nặng một đại đội bảo an ngụy ở Suối Cụt, rồi lui về đóng ở Sa Nhỏ, phía Tây Bắc cách thị trấn Củ Chi 16 km.10 gờ trưa ngày hôm sau 24 tháng 7 năm 1966, 12 trực thăng chở một đại đội Mĩ đổ chụp xuống; theo phương án đã chuẩn bị, tiểu đoàn xuất kích tiêu diệt đại đội này khi vừa chạm đất. Một bầy trực thăng nữa đổ tiếp hai đại đội xuống Cỏ Ống, gần Sa Nhỏ để ứng cứu. Trực thăng vũ trang Mĩ lồng lộn phóng rốc két, vãi đạn 12,7 li dọn bãi. Các chiến sĩ Quyết Thắng không bỏ lỡ cơ hội, nhanh chóng vận động tiếp cận, bám và tấn công lực lượng Mĩ đang đổ xuống. Một bộ phận Mĩ bị tiêu diệt, 5 máy bay bị bắn rơi. Số còn lại phải chạy về Trung Hòa, không kịp thu dọn xác đồng bọn. Trận này thể hiện rõ chiến thuật “nắm thắt lưng Mĩ mà đánh”, một lối đánh mà tiểu đoàn còn xây dựng lâu dài. Lần đầu tiên trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, tại trận địa Sa Nhỏ - Cỏ Ống, quân Mĩ đã bỏ lại xác đồng bọn.

Tháng 6 năm 1966, theo ý định của Quân ủy Trung ương và quyết định của Bộ chỉ huy Miền (tháng 4 năm 1966), ở phía Đông Nam Sài Gòn, một tổ chức quân sự mới của ta ra đời: Đặc khu Rừng Sác, sông Lòng Tàu (chảy qua Rừng Sác) càng hiện rõ là yết hầu của cái dạ dày của chiến tranh xâm lược Mĩ đang leo thang. Westmoreland thừa nhận: Trong chưa đầy hai năm (từ năm 1965), Hoa Kì đã xây dựng một hệ thống hậu cần hiện đại tại một nước kém phát triển, có khả năng chi viện cho trên một triệu rưỡi quân thuộc các nước khác nhau, đồng thời cung cấp những khối lượng hàng lớn tiếp tế cho dân chúng địa phương. Trong hệ thống hậu cần đó, phải kể trước hết là các cảng ở Sài Gòn và các kho ở phía Đông Nam Sài Gòn.

Năm 1966, cảng Sài Gòn được nâng khối lượng hoạt động lên rất lớn. Có thể tồn trữ 486.000 tấn/3 tháng. Quân cảng kéo dài 2km, với 11 cầu tàu. Trên các đoạn sông Lòng Tàu, Nhà Bè còn có những quân cảng lẻ ở Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ, Rạch Dừa… gắn liền với những kho tàng chiến tranh lớn nhất là: Long Bình, Nhà Bè, Cát Lái, Thành Tuy Hạ… Tổng khối lượng chiếm 60% dự trữ hàng chiến tranh của Mĩ ở Việt Nam. Riêng kho xăng Nhà Bè có tổng khối lượng các bể xăng dầu là 63.000 mét khối.

Từ mùa mưa năm 1966, theo báo cáo của các chiến sĩ trinh sát, hằng ngày có đến 30 tàu vận tải 6 tấn đến 13 ngàn tấn ra vào sông Lòng Tàu.

Không đợi đến ngày quân viễn chinh Mĩ vào chiến trường, kẻ thù mới chú ý “dọn bãi” Rừng Sác” để giữ an toàn cho “sân sau” của “thủ đô”. Từ năm 1962, một tổ chức quân sự của chúng được thành lập gọi là “Biệt khu Rừng Sác”. Năm 1963, Bộ Tổng Tham mưu Sài Gòn lại nâng biệt khu Rừng Sác thành Đặc khu Rừng Sác, với ý nghĩa Đặc khu Rừng Sác là yết hầu của thủ đô Sài Gòn. Nếu Việt cộng chủ động và khống chế được thủy lộ quốc tế Lòng Tàu của Đặc khu Rừng Sác, đương nhiên tiềm lực chiến đấu của Việt Nam Cộng hòa trên ba bình diện quân sự, chính trị, kinh tế sẽ suy sụp và chịu ảnh hưởng trầm trọng bởi huyết lộ này(2).


(1) Báo cáo lúc đó: 167 tên bị thương và chết.
(2) Đặc khu Rừng Sác của địch trực thuộc vùng 3, về mặt lãnh thổ, trực thuộc chỉ huy của BTL Hải quân về mặt tác chiến. Đây là lời huấn thị của đô đốc, tư lệnh hải quân ngụy cho thuộc cấp.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 10 Tháng Tư, 2012, 07:20:15 am
Về phía ta, Rừng Sác cũng là một căn cứ nổi tiếng từ thời chống Pháp. Năm 1963, nơi đây đã hình thành một trạm tiếp nhận hàng quân sự từ miền Bắc vào (vòng xuống Bến Tre rồi rở lên) và từ năm 1964 đã có phân đội đánh tàu của Bộ Tham mưu Miền, cắm chốt ở đây (trước chiến dịch Bình Giã), tiếp đó có đội công binh thủy từ miền Bắc vào hợp nhất lấy danh là đoàn 125, rồi đoàn 5001 (Nguyễn Khắc Bảo, Đoàn trưởng, Tư Hải, Chính trị viên). Tháng 1 năm 1966, đoàn 125 phát triển lấy mật danh mới là đoàn 43 (Nguyễn Văn Mây là Đoàn trưởng). Ngày 17 tháng 3 năm 1966, bằng súng ĐKZ, đoàn 43 đánh cháy một tàu chở dầu trọng tải 8.000 tấn trên sông Lòng Tàu.

Trước năm 1968, Đặc khu Rừng Sác của ta là tổ chức quân sự cấp trung đoàn trực thuộc Bộ tham mưu Miền, lực lượng bao gồm chủ lực của Đặc khu, các lực lượng chiến tranh nhân dân tại chỗ, hệ thống dân chính đảng 10 xã ở Rừng Sác(1). Nhiệm vụ của Đặc khu là: “tập trung “chặn cổ” sông Lòng Tàu, đồng thời đánh các quân cảng, kho tàng, góp phần đánh vào “thủ đô” địch, phát triển chiến tranh nhân dân tại chỗ, giữ căn cứ, bàn đạp, đảm bảo hành lang vận chuyển. Chỉ huy trưởng kiêm chính ủy đầu tiên của Đặc khu là Lương Văn Nho tức Hai Nhã.

Sau khi hình thành, Đặc khu Rừng Sác chú trọng ngay việc xây dựng thực lực toàn diện. Chỉ sau một thời gian đã có lực lượng tập trung địa phương (ngoài lực lượng Đặc khu), mỗi xã đều có một tiểu đội du kích.

Mở màn đợt cao điểm đầu tiên của Đặc khu (từ ngay 1 đến ngày 15 tháng 7 năm 1966), ngày 2 tháng 7 năm 1966, đội hai bắn cháy một tàu dầu 10.000 tấn, bắn bị thương hai tàu tuần tiễu trên vàm sông Giàn Xây và sông Lôi Giang.

Qua đợt này, ta diệt được một bộ phận sinh lực địch, nhưng điều quan trọng là rút được kinh nghiệm đánh tàu địch trên sông, đồng thời hiểu rõ hơn về khả năng, quy luật hoạt động của địch.

Ngày 20 tháng 7 năm 1966, hai tiểu đoàn của lữ đoàn 199 Mĩ mở cuộc phản kích ở Rừng Sác. Tại khu vực Đồng Chùa, Rạch Lá, 60 chiến sĩ đội 4 bẻ gãy nhiều đợt xung phong quyết liệt của địch. Ta hi sinh, bị thương một số đồng chí, nhưng giữ vững trận địa, diệt và làm bị thương 135 tên Mĩ.

Tháng 8 năm 1966, Đặc khu Rừng Sác lần đầu sử dụng thủy lôi sừng chạm do Liên Xô chế tạo. Hai trái thủy lôi hiện đại nhưng không có đủ phương tiện kèm theo để ra trận được; chiến sĩ Rừng Sác phải khắc phục những khó khăn tưởng chừng không vượt nổi, trong đó có sáng kiến “cần cẩu đước” (của Ban tham mưu trận đánh), để đưa hai trái thủy lôi xuống những chiếc ghe chài, mỗi trái nặng 1075 kilô để ghếch). 8 giờ sáng ngày 23 tháng 8 năm 1966, tại khúc quanh ngã ba Vàm Cống, chiếc tàu vận tải quân sự 10.000 tấn của Mĩ mang tên Balton Rouger Victory chạm thủy lôi chìm tại chỗ. Chiếc tàu này rời cảng San Franciscô ngày 8 tháng 8 năm 1966, trên tàu có 45 thủy thủ, 100 thiết giáp M.113, 3 máy bay phản lực, một khối lượng lương thực đủ phục vụ cho sư đoàn 4 Mĩ trong một mùa khô. Đây là chiếc tàu quân sự lớn nhất từ trước đến nay của quân xâm lược bị đánh chìm trên đoạn sông Lòng Tàu. Địch phản kích dữ dội một tuần. Mười ngày sau trên ngã ba sông Lôi Giang, ĐKZ 75 của Đặc khu lại bắn cháy chiếc tàu dầu 8.000 tấn. Qua trận đánh tàu Balton Rouger Victory, Đặc khu được tặng thưởng huân chương quân công hạng ba(2).

Tướng Westmoreland phái ngay một tiểu đoàn Mĩ xuống Rừng Sác để “đập tan thế cầm cự của Việt Cộng” cùng với một kế hoạch “mưa dầm chất độc” 15 ngày xuống Rừng Sác. Bộ tư lệnh Hoa Kì cũng quyết định lấy Rừng Sác làm thí điểm và sau đó làm trọng điểm trong chương trình khống chế mặt nước mang tên Game Warden. Cuộc chiến đấu ở Rừng Sác ngày càng quyết liệt.

Năm 1966, một tổn thất cũng là bài học xương máu còn ghi lại trong lịch sử Rừng Sác; trên một trận địa Cù Lao không tên bên sông Lôi Giang, pháo ta hạ một tàu giặc, nhưng sau tiếng nổ, đoàn trực thăng võ trang đến vây chặt Cù Lao suốt một giờ liền. Tiếp đó là một cuộc đổ bộ từ sau lưng đánh tới, đại đội ta coi như bị hất ra phía bờ sông. Anh em chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, trên 30 chiến sĩ hi sinh.

Lịch sử Đặc khu cũng ghi lại bài học ở Thiềng Liềng, xã Thanh An. Địch phát hiện ý định ta phục kích đánh tàu tại đây, chúng ra tay trước. Đơn vị hành quân vừa chặn chân vị trí tập kết, chưa kịp moi hầm, quân Mĩ đã ì xèo trên mặt sông, trên trời. 13 tàu LCM, 40 lượt máy bay HU1B Mĩ bao vây, đổ chụp. Ở thế cù lao cô lập ta đã mất một đại đội bộ binh (về mặt biên chế), một trung đội pháo, gần nửa tiểu đội trinh sát. Địch khênh xuống tàu chiến chiến lợi phẩm trong đó có 4 ĐKZ, 2 cối 82.

Nếu nói địa đạo Củ chi là “căn cứ chìm” thì Rừng Sác là “căn cứ nổi”. Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của một chiến khu trên mặt nước, lại ở vị trí “sân sau” quân thù, để đảm bảo sự tồn tại và tiến công được, lực lượng Đặc khu Rừng Sác phải xây dựng theo hướng đặc công hóa toàn bộ về thành công và hoạt động. Do đó, từ một tổ chức quân sự toàn diện (phụ trách cả quân dân chính đảng địa phương), Đặc khu đi vào chuyên môn hóa (đặc công nước, đặc công bộ, pháo đặc công…) và trở thành một trung đoàn đặc công gọi là “đoàn 10 Rừng Sác”, thực hiện những nhiệm vụ quân sự. Sự tồn tại của một lực lượng quân sự “xuất quỷ nhập thần” ở một chiến khu trên mặt nước đã buộc Westmoreland phải thừa nhận: những người lính Mĩ ở đây gặp phải “một cuộc chiến đấu kì lạ trong một cuộc chiến tranh kì lạ (trong “Tường trình người lính”).


(1) Lực lượng vũ trang tập trung ban đầu của dặc khu gồm 4 đội chiến đấu, hai đội vận chuyển và ba cơ quan đoàn bộ. Địa bàn trách nhiệm 10 xã chia làm hai khu: Khu phía Đông sông Lòng Tàu gọi là Khu A, khu phía Tây sông Lòng Tàu gọi là Khu B.
(2) Trận đánh tàu Baolton Rouger Victory gây cho địch bất ngờ và choáng váng. Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn ra chỉ thị khẩn cấp về việc điều tra, nghiên cứu tổ chức và lực lượng Cộng sản ở Rừng Sác. Tường trình của Bộ tư lệnh hải quân ngụy gửi lên Bộ Tổng tham mưu ghi nhận: “… Cộng sản đã nâng Rừng Sác lên hàng quân khu, ngang hàng với các quân khu khác tại miền Nam (1 quân khu Cộng sản ở miền Nam bao gồm từ 2 đến 5 tỉnh). Trong khi đó Quân khu Rừng Sác chỉ vẻn vẹn 2 quận Quảng Xuyên, Cần Giờ và một phần đất nằm trong vùng liền ranh với Rừng Sác - Nhơn Trạch…”. Điều này giải thích ho sư huy động tối đa lực lượng quân sự cần thiết của địch để tiến công Rừng Sác.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 06:55:19 am
Trên đất liền, các lực lượng võ trang đang đánh những cuộc hành quân chuẩn bị phản công chiến lược mùa khô thứ hai của Mĩ. Ngày 30 tháng 10 năm 1966, trên đất Củ Chi, tiểu đoàn Quyết Thắng phối hợp với bộ đội Miền chặn đánh một tiểu đoàn Mĩ và hai đại đội ngụy hành quân càn quét, diệt 75 Mĩ, 5 ngụy, phá hủy hai xe bọc thép M113.

Tháng 11 năm 1966, quân Mĩ lại mở cuộc càn phối hợp với ngụy vào vùng Nhị Bình, Bình Mĩ. Tiểu đoàn 2 Gò Vấp - Hóc Môn phối hợp với du kích tại chỗ đánh gẫy cuộc càn, bắn rơi 19 máy bay lên thẳng, loại khỏi vòng chiến hàng trăm tên Mĩ ngụy.

Chuẩn bị vào cuộc phản công mùa khô lần thứ hai, 3 đơn vị mới của Mĩ tiếp tục vào chiến trường miền Đông.

Nếu trong đợt phản công lần một, địch đánh đồng thời trên hai hướng chủ yếu là Đông Nam Bộ và Khu 5 với chiến lược “tìm diệt”, hi vọng giành thắng lợi lớn thì trong phản công lần thứ hai, địch tập trung đánh trên một hướng chủ yếu là Đông Nam Bộ với chiến lược “hai gọng kềm” tìm diệt và bình định, nhưng yêu cầu đề ra chỉ là để “cải thiện tình hình” mong tìm một lối thoát cho cuộc chiến tranh. Ý định cụ thể của chúng là: gọng kềm thứ nhất (tìm diệt) tập trung cố gắng trên một hướng Đông Nam Bộ, đánh vào ba nhóm căn cứ ở các tỉnh Tây Ninh - Bình Dương Hậu Nghĩa và Phước Tuy, trọng điểm là Chiến khu Dương Minh Châu, vùng phụ cận Bắc - Tây Bắc Sài Gòn, kết hợp gọng kềm thứ hai (bình định) triển khai mạnh mẽ công tác bình định trên các tỉnh “ưu tiên quốc gia”, mở rộng vành đai an ninh xung quanh Sài Gòn(1).

Tuy hạ thấp mục tiêu, nhưng địch còn tin ở sức mạnh quân đông, vũ khí nhiều. Địch sử dụng 40% quân Mĩ trên toàn miền Nam, kết hợp một trung đoàn Úc và 4 sư đoàn ngụy (kể cả sư đoàn dù thiếu) thành khối chủ lực chung 7 sư đoàn, 5 lữ trên chiến trường miền Đông. Lần này quân Mĩ, chư hầu có giành một phần lực lượng cho “gọng kềm” bình định.

Sau đại hội động viên và rút kinh nghiệm đánh Mĩ được mở rộng trên đất Củ Chi, quân khu Sài Gòn - Gia Định vào mùa khô quyết chiến mới 1966-1967. Tháng 10 năm 1966, hội nghị du kích chiến tranh toàn miền Nam lần thứ ba công nhận Củ Chi là một trong ba lá cờ đầu phong trào chiến tranh du kích.

Sau cuộc hành quân thăm dò, nghi binh “dọn bãi”, ngày 3 tháng 11 năm 1966 địch mở màn cuộc phản công chiến lược lần hai với cuộc hành quân Attelboro (nếu tính cả giai đoạn thăm dò thì từ ngày 14 tháng 9 đến ngày 20 tháng 11 năm 1966) 30.000 quân Mĩ ngụy đánh vào chiến khu Dương Minh Châu.

Đồng thời với cuộc hành quân Attelboro, địch chủ trương tổ chức lễ “Quốc khánh” đệ nghị cộng hòa ngày 1 tháng 11 năm 1966, tại Sài Gòn thật rầm rộ có diễu binh lớn, nhằm phô trương sức mạnh “đồng minh”.

Chớp lấy thời cơ này, ta quyết định thực hiện một trận đánh phủ đầu bắn pháo ĐKZ 75 thẳng vào lễ trường. Đã nhiều lần bị đòn bất ngờ ngay tại sào huyệt nên lần này địch hết sức cảnh giác, công việc bảo đảm an toàn cho buổi lễ chuẩn bị trước cả tháng(2).

Các bộ phận được giao nhiệm vụ lần này gồm có một khẩu đội ĐKZ 75 của tiểu đoàn 6 Bình Tân được điều động xuống Nhà Bè do Trần Minh Tâm chỉ huy, một khẩu đội ĐKZ của đoàn 8 Sài Gòn - Gia Định và một khẩu đội ĐKZ của đặc công Rừng Sác do Nguyễn Văn Tùng phụ trách. Hai Nga chỉ huy khẩu đội, được điều động xuống Thủ Đức, đồng chí Dương Long (Trần Văn Cảm) cánh trưởng cánh 4 đích thân quyết định phần tử bắn. Chỉ huy trận địa là đồng chí Hai Hòa, trợ lí pháo cánh 4 Thủ Đức. Khẩu đội 8 sau 1 tháng hành quân đến địa điểm quy định, có 5 chiến sĩ hi sinh, mất sức chiến đấu. Ngày 31 tháng 10 năm 1966, địch lại càn thủy bộ ở Nhà Bè, đánh bom trúng nơi tập kết của khẩu đội ĐKZ tiểu đoàn 6 Bình Tân, 2 pháo thủ và 6 chiến sĩ bộ binh hi sinh. Cùng ngày ở Rạch Bàng - Long Phước, Thủ Đức, địch vào cách khẩu đội đặc công Rừng Sác chỉ 100m. Tuy nhiên mọi việc vẫn không lộ. Đêm 31 tháng 10, các khẩu đội vào trận địa. Trận địa Thủ Đức đặt cách rạch Bạt Vạt ấp Đông Phú, xã An Phú cách mục tiêu 5375m. Trận địa Nhà Bè đặt tại ấp Chánh Bình, xã Chánh Hưng, cách mục tiêu 6745m. Ngoài ra còn hai khẩu cối 68 dự bị của biệt động đặt trong nội thành đặt tại khúc quanh rạch gầm Trương Minh Giảng do Bá Phong và chị Ba Lài phụ trách. Ngoài ra còn các trận địa mìn gây tiếng nổ thu hút địch.

Lễ trường nhà thờ Đức Bà hôm ấy không vắng một tên đầu sỏ nào từ Cabot Lodge, Westmoreland đến Thiệu, Kì, Hương, “quý quan khách” đại sứ “đồng minh”… Theo chương trình, sau diễn văn của “Chủ tịch ủy ban hành pháp Trung ương” Nguyễn Cao Kì, sẽ diễn ra cuộc diễu binh “lớn chưa từng thấy” gồm hàng ngàn quân đồng minh cùng các tiểu đoàn quân chủng Việt Nam Cộng hòa, các đoàn cơ giới tối tân và cuộc phi diễn của “thần sấm”, “con ma”, “phượng hoàng”… cuối cùng là đội ngũ cán bộ bình định, những người nhái, đoàn nữ binh, và đội quân chó berger. Qua đài bán dẫn, đồng thời khu vực mục tiêu xác định được bằng mắt nhờ nóc chuông nhà thờ Đức Bà, các pháo thủ theo dõi chặt chẽ thời cơ nổ súng.


(1) Tinh thần kế hoạch A8142 tháng 11 năm 1966 của địch, Hồ sơ 16/DT kho lưu trữ Phân viện lịch sử quân sự.
(2) Từ ngày 18 tháng 10 năm 1966, trung tá giám đốc Cảnh sát đô thành Sài Gòn Nguyễn Văn Luận đã ra yết thị; “thưởng 10 ngàn đồng cho nhân viên nào bắt hay giết được một tên Việt cộng có vũ trang để bảo vệ cho ngày quốc khánh 1 tháng 11” còn “đồng bào tự tay hạ sát hoặc bắt Việt cộng sẽ được tặng thưởng từ 50.000 đồng. Những cuộc càn quét, oanh tạc vùng ven diễn ra suốt một tuần lễ trước ngày 1 tháng 11, nguyên là ngày 1 tháng 11 năm 1965 ta tổ chức đánh, nhưng không thành.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 06:56:28 am
Đúng vào lúc Nguyễn Cao Kì vừa lên tiếng, pháo trận địa Nhà Bè lập tức nổ súng. 12 trái đạn liên tục lao vút vào mục tiêu. Lễ trường náo động. Mọi việc ngừng đi hồi lâu. Pháo địch phản kích dồn dập, 15 phút sau, 4 máy bay lên thẳng vũ trang đã lồng lộn, tiểu đoàn 4 thủy quân lục chiến xuất kích phía Nhà Bè. Phản ứng của địch lan về phía Thủ Đức. 5 máy bay lên thẳng dọn bãi đổ 40 lính Mi xuống Gò Đất sau lưng trận địa Rạch Bà Vạt chỉ vài trăm mét. Chiến sĩ ta níu chặt cành cây bình bát, tàu dừa nước, chống chọi sức gió trực thăng đang có khả năng làm lộ trận địa. 8 giờ 25 phút, đài phát thanh ngụy lại lên tướng. Tướng Nguyễn Vĩnh Lộc điều khiển cuộc diễu binh vừa bắt đầu, lập tức khẩu đội Rừng Sác (Thủ Đức) lên tiếng với 12 phát liên tục, phát cuối cùng vừa nổ, đất dưới chân pháo đã sụp lở. Sáu trận địa mìn nghi binh của du kích đều cùng nổ để thu hút địch. Các khẩu đội nhanh chóng tháo pháo ém, cải trang, bắt đầu cuộc rút lui dài ngày, ác liệt, được địa phương và nhân dân hỗ trợ.

Lễ trường địch hai lần hỗn loạn. Đợt một từ đầu sỏ “chính phủ” đến quý “quan khách” chen lấn, đạp nhau chạy. Trên hàng quân danh dự của quân lực Hoa Kì, đại tá Hải quân Mĩ Richard vạt vã trên vũng máu. Đợt hai, cuộc diễu binh tan vỡ. Giám đốc sở cảnh sát quốc gia Nguyễn Ngọc Loan mặc bộ đồ cảnh sát dã chiến đứng ra dẹp loạn ở đường Thống Nhất. Một xe M113 lao vào cứu đại sứ Cabot Lodge. Có một trái rơi cách lễ đài có 4 mét, nhưng tiếc rằng nó không nổ.

Chỉ 24 phát đạn, nhưng tác động tâm lí của nó không lường được.

Hãng AFP nhận xét: “Cuộc pháo kích đã gây ra những cảnh hoảng sợ khủng khiếp và chứng tỏ Việt cộng đã có thể mang vũ khí nặng vào thủ đô Nam Việt Nam”. Một hãng thông tấn phương Tây trong bài “Ngày quốc khánh đẫm máu và nước mắt” cho biết: “Từ lúc xảy ra trận pháo kích cho đến mấy ngày sau đó, những người cầm đầu chính phủ Việt Nam Cộng hào và ngài đại sứ Hoa Kì Cabot Lodge, ngài đại tướng Westmoreland không dám gặp nhau. Họ muốn tránh mặt nhau và tránh mặt tất cả, hình như cả hai bên đều xấu hổ, ngượng ngùng bởi những biện pháp an ninh mà họ nói rằng sẽ đặc biệt hữu hiệu, đã trở thành vô hiệu…”.

Westmoreland thừa nhận trong “Hồi kí tường trình người lính”: “Ngày 1 tháng 11 năm 1966 Việt cộng đã bắn 14 loạt đạn súng không giật trong buổi lễ diễu binh, đủ để nhắc nhở mọi người là còn phải tiếp tục chiến tranh”. “Mọi người” ở đây không ai khác mà chính là Nhà trắng, Lầu Năm góc!...

Địch tiếp tục tăng cường bố phòng Sài Gòn sau trận đòn đau “quốc khánh” nhưng không ngăn chặn nổi hoạt động của các lực lượng vũ trang thành phố diễn ra ngay sau đó(1).

Cuộc hành quân Attelboro của Mĩ bị tổn hao sinh lực và phương tiện chiến tranh nhưng khoàn toàn không đạt mục tiêu “tiêu diệt sư đoàn 9 và 1 trung đoàn của Bắc Việt tại căn cứ Dương Minh Châu” như Westmoreland đã thông báo trước. Tướng De Chanshures bị cách chức, lữ đoàn 196 Mĩ bị đánh quỵ. Ngay khi Attelboro chưa kết thúc, bộ tư lệnh dã chiến 2 Mĩ thành lập ngày 15 tháng 3 năm 1966 để chỉ huy lực lượng chiến đấu Mĩ ở vùng 3 chiến thuật, đã chuẩn bị cuộc hành quân mới lớn nhất ở miền Đông từ trước tới nay nhằm vào phía Bắc Tây Bắc Sài Gòn mang tên Cédar Falls, còn gọi là “hành quân tam giác sắt”.

Trong lúc địch chuẩn bị, bộ chỉ huy quân khu Sài Gòn - Gia Định đã xây dựng phương án tấn công một mục tiêu chiến lược hàng đầu ở phía Nam sân bay Tân Sơn Nhất, thực hiện ý định tạo quả đấm quan trọng phía sau cuộc phản công chiến lược mới của địch.

Sân bay Tân Sơn Nhất đã được Mĩ hiện đại hóa về mặt hàng không và quân sự. Sân bay rộng 1290 ha, qua nhiều trận pháo kích, đã được tăng cường hàng trăm hầm chìm, ụ nổi, chứa được từ 400 đến 500 máy bay các loại, có hàng chục kho bom đạn, nhiên liệu. Ở khu phía Nam sân bay có các cơ quan chỉ huy! Bộ chỉ huy tập đoàn không quân số 7, Bộ tư lệnh quân viễn chinh Mĩ, Bộ tư lệnh không quân ngụy… do bị đánh nhiều lần nên cấu trúc phòng thủ sân bay rất mạnh.

Đơn vị chủ công thực hiện trận này là đội 2 đặc công biệt động quân khu, lực lượng phối hợp là tiểu đoàn 6 Bình Tân. Bộ phận đánh bên trong và cửa mở gồm 3 mũi của đội hai (mỗi mũi 12 chiến đấu viên) và một mũi của trung đội thuộc đại đội 1 tiểu đoàn 6 Bình Tân. Chỉ huy trưởng là Nguyễn Văn Kiệp (Đồng Đen), chính trị viên Bành Văn Trân (Năm Vững), phó chỉ huy Năm Quang và Tư Nành. Bộ phận đánh vòng ngoài là tiểu đoàn 6 Bình Tân tăng cường 6 xã thủ B.40 của đội 2 và du kích Tân Sơn Nhì. Ngoài ra còn 1 hệ thống cơ sở phục vụ trong dân. Ý định chiến thuật là phối hợp giữa các hình thức tập kích xung lực, tập kích hỏa lực, tập kích bằng mìn nổ hẹn giờ.

Chiều ngày N-1, quân Mĩ đột xuất đổ 5.000 quân trong, ngoài sân bay để chuẩn bị hành quân Cédar Falls. Mặc dù vậy toàn bộ chiến sĩ hạ quyết tâm không thay đổi phương án, ngày giờ.

Đêm ngày 3 rạng ngày 4 tháng 12 năm 1966, với kĩ thuật ngụy trang, tiền nhập và dùi sâu điêu luyện, các mũi của các đồng chí Đồng Đen, Năm Vững đã lọt được vào sân bay. Nhưng khi đến đường băng số 2 thì mũi Đồng Đen bị địch phát hiện, buộc phải nổi súng trước hẹn. Tình huống rở nên phức tạp và ác liệt. Các chiến sĩ xuất kích vật lộn với Mĩ và chó Berger. Một tổ 3 người bị chó cắn chết 2 người, còn lại 1 người bị thương, mình đẫm máu vẫn tiếp tục chiến đấu. Một tốp lao vào khu kho bom, đặt ba khối thuốc nổ có gắn kíp hẹn giờ. Số đông lao vào khu để máy bay, dùng pháo tay đánh hết chiếc này sang chiếc khác. Các chiến sĩ hỏa lực đặt cối 60 ngay trên đường băng, bắn vào đài chỉ huy và khu nhà ngủ của giặc lái. Quân Mĩ xông tới, pháo thủ Dũng hết đạn và lựu đạn, tháo đế cối ra đập đầu một tên Mĩ đang vật lộn với chiến sĩ Vĩ. Chiến sĩ biệt động với lựu đạn, pháo tay, B40 tung hoành trên đường băng, đánh đến sào huyệt Nguyễn Cao Kì, tên này lẩn trốn xuống hầm ngầm.


(1) Một số trận có tiếng vang: tháng 12 năm 1966 lực lượng vũ trang quận 7 tập kích một trung đội cảnh sát ngụy ở phường Bến Đá, bắt sống hai tiểu đội đưa về căn cứ. Kỉ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng, đêm 20 tháng 1 năm 1966, du kích phường Rạch Ông, phường Cây Súng cắt đứt toàn bộ dây điện trên đường Âu Dương Lân, căng khẩu hiệu, rải truyền đơn, ném lựu đạn trừng trị địch ở nhiều nơi.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 06:58:25 am
1 giờ 40 phút (sáng ngày 4 tháng 12) các mũi bên trong hoàn thành nhiệm vụ, nhưng bộ binh, xe tăng địch đã bịt kín cửa mở. Lực lượng Tư Nành tại cửa mở chiến đấu quyết liệt, nhưng địch quá đông, vòng vây mỗi lúc càng khép chạt. Lực lượng của ta bị thương vong cao, buộc phải mở đường máu tháo vây sau khi đánh bật hàng chục đợt xung phong của địch, hạ 5 xe bọc thép, 1 xe Jeep. Lúc 4 giờ 30 phút sáng, lực lượng bên trong của ta vẫn chưa ra được, buộc phải luồn trở lại sân bay. Điểm lại quân số, vũ khí, ta hạ quyết tâm cải trang, chiến đấu trở về căn cứ. Đội trưởng Đồng Đen khoác áo sĩ quan địch với một khẩu Colt dẫn đầu. Hầu hết lực lượng của ta ra được. Đội nữ du kích Tân Sơn Nhì làm nhiệm vụ đưa đón. Trên đường lui, nhiều đồng chí tạm ém trong nhà dân ban ngày. Các mẹ, các chị và đồng bào cơ sở tận tình chăm sóc chiến sĩ ta rồi tìm cách đưa ra căn cứ.

Đội 2 biệt động Đồng Đen, cùng lực lượng D6 Bình Tân ở khu vực cửa mở đã loại nhiều tên giặc trong sân bay, trong đó có giặc lái và nhân viên kĩ thuật, đánh hư hại 150 máy bay, hủy một kho bom 200 tấn, bắn cháy 13 xe cơ giới. Ta hi sinh 31 đồng chí, bị thương 36, mất tích 6 (gồm cả biệt động và bộ binh).

Tiểu đoàn 6 Bình Tân chặn viên ở cầu Tham Lương phía Bắc cách sân bay 3 km và ở cầu Sa, phía Tây cách sân ay 3km, loại khỏi vòng chiến 11 đại đội thủy quân lục chiến ngụy, phá hủy và phá hỏng 14 xe tăng, xe bọc thép. Ta hi sinh 10, bị thương 18.

Sáng ngày 6 tháng 12 năm 1966, địch phát hiện một chiến sĩ Mao, trung đội phó trinh sát của tiểu đoàn 6 Bình Tân, chiến đấu trong mũi đánh kho bom và khu vực để máy bay, bị thương nặng, không rút ra được. Mao đã nằm lại trong ụ chứa máy bay hai ngày đêm. Địch gọi hàng, anh dõng dạc trả lời: “Quân giải phóng chúng tao không biết hàng”. Địch bắn anh tại chỗ.

Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất được tặng huân chương Quân công hạng nhất.

Phối hợp trận đánh sân bay, ngay sáng sớm hôm đó, bốn chiến sĩ biệt động 68 (từ đội 67 tác ra) thực hiện cuộc tiến công cư xá cố vấn chiến tranh tâm lí USOM ở đường Lê Văn Duyệt (cạnh rạp chiếu bóng Kinh Đô), diệt 30 tên, thu nhiều tài liệu quan trọng.

Sau trận Tân Sơn Nhất hơn 3 tuần, nổ ra cuộc đấu tranh có tiếng vang lớn: cuộc đình công của hơn 5.000 công nhân cảng Sài Gòn ngày 26 tháng 12 năm 1966, phản đối việc ban giám đốc cảng vô cớ sa thải công nhân. Địch đưa 4 tiểu đoàn vận tải Mĩ đến thay thế để bốc dỡ hàng, nhưng công nhân cảng chống trả quyết liệt, kiên quyết không để Mĩ vào thay vị trí của mình. Cảng Sài Gòn bị tê liệt, hàng chục tàu quân sự không bốc dỡ được hàng nằm lì tại bến. Để ủng hộ cuộc đình công của công nhân Cảng, ngày 30 tháng 12 năm 1966, Liên hiệp nghiệp đoàn đô thành Sài Gòn chỉ thị cho các nghiệp đoàn trực thuộc tổng đình công. Hàng loạt nhà máy, xí nghiệp trong thành phố nhất loạt đình công 12 tiếng đồng hồ ngay trong ngày. Mĩ ngụy buộc phải thu nhận lại số công nhân bị sa thải.

Vùng “Tam giác sắt”, mục tiêu của cuộc hành quân Cédar Falls, trên bản đồ là một hình tam giác và các đỉnh là Bến Súc (thuộc xã Thanh Tuyền - Bến Cát), thị trấn Bến Cát và ngã ba sông Thị Tính gặp sông Sài Gòn. Ban đầu chỉ rộng chừng 50km2, cách Sài Gòn 20-30 dặm về hướng Tây Bắc(1). Về sau, “Tam giác sắt” được hiểu là vùng đất bao gồm cả Củ Chi, Trảng Bàng, Bến Cá (gồm Dầu Tiếng). Chính kẻ thù đặt tên “Tam giác sắt” và cọi là “mũi tên đáng sợ chĩa thẳng vào Sài Gòn”(2). Đây là căn cứ địa mà quân khu Sài Gòn - Gia Định thường đặt cơ quan chỉ huy, các lực lượng võ trang giải phóng gồm cả chủ lực Miền làm bàn đạp tấn công và uy hiếp Sài Gòn. Một người Mĩ thú nhận: “Vị trí này mạnh ở chỗ trên mặt đất thì hầu như không thể xâm nhập được, ở dưới mặt đất thì có một hệ thống hầm hào vô cùng phức tạp”.

Với ý định triệt hạ “Tam giác sắt”, tiêu diệt đầu não quân khu Sài Gòn - Gia Định, “bới tung địa đạo Củ Chi”, xóa Bến Súc trên bản đồ, triệt hạ một vùng du kích chiến tranh mạnh, nhưng thấy trước là không dễ dàng, nên trong cuộc hành quân Cédar Falls, địch huy động trên 30.000 quân gồm hai sư đoàn Mĩ thiếu (sư BB25, sư BB1), 3 chiến đoàn ngụy (tổng cộng 23 tiểu đoàn, trong đó có 15 tiểu đoàn Mĩ), tăng cường trung đoàn 11 kị binh thiết giáp Mĩ, 8 tiểu đoàn pháo 105 li, 2 tiểu đoàn pháo 155 li, chi viện không quân chiến thuật, B.52 phục vụ chiến thuật, giang thuyền, công binh, hóa học, chó berger… Với mục tiêu “bới tung địa đạo Củ Chi”, “giải quyết được địa đạo thì giải quyết được chiến tranh du kích ở đây”, trong cuộc hành quân này, Mĩ rất coi trọng vai trò của công binh. Trung tá Siermer xác định: “Cédar Falls là cuộc hành quân có ý nghĩa nhất về mặt tác chiến công binh trong chiến tranh hiện đại kể từ trước tới giờ”.

Điều đó giải thích tại sao trong cuộc hành quân này, Mĩ huy động một lực lượng đặc nhiệm công binh và hóa học lên đến 600 tên, cộng thêm 300 quân cụm công binh 79.

Nguyên từ sau cuộc hành quân Crimp, địch đã kết luận “hệ thống đường hầm Củ Chi là một trở ngại kinh khủng và nguy hiểm”. Thoạt đầu, chúng nghĩ đường hầm rất đơn giản, tưởng có thể bơm nước diệt được. Nhưng từ Hố Bò, Phú Mĩ Hưng… sau những đợt bơm nước bằng xitec, chúng mới phát hiện ra là không hiệu quả: du kích đã bịt kín cửa, nước bị chặn lại. Từ đó xác định “một thái độ nghiêm túc hơn về sự phân tích tỉ mỉ và có nghề nghiệp…”(1), đối với vấn đề địa đạo, địch tổ chức nghiên cứu, viết tài liệu huấn luyện, tổ chức những đội phá đường hầm, gọi là những đội “chuột cống” (tunnel rat) gồm 8 - 10 đội viên được tuyển chọn trong những binh sĩ tình nguyện dũng cảm nhất được trang bị mặt nạ phòng độc, đèn pin, địa bàn, súng ngắn, lưới lê, gậy, dụng cụ đào hầm, máy thổi, lựu đạn M72, thuốc độc C81, lựu đạn khói màu, thuốc chống sâu bọ…

Ngoài nhiệm vụ “bóc vỏ mặt đất” với 200 xe ủi và những đội “chuột cống”, công binh đã ghép được cầu phao cho xe tăng M48 qua sông Thị Tính, xây dựng bè nổi làm hỏa điểm di động trên sông… Bộ binh, xe tăng, máy bay lên thẳng chụp ảnh, tàu thuyền đổ bộ… nhằm vào các khu vực Long Nguyên, Bến Súc, Bàu Bàng, Củ Chi (Hố Bò)…, thực hiện “bốn mặt bao vây, trên bịt kín”. Hàng trăm xe tăng dàn hàng ngang tiến qua các làng mạc, căn cứ và rừng cao su.


(1) Như vậy cạnh Tây Nam của “Tam giác sắt” là một đoạn sông Sài Gòn và tỉnh lộ 147, cạnh Đông là một đoạn sông Thị Tính và quốc lộ 13, cạnh Bắc là đoạn đường nối Bến Súc thị trấn Bến Cát.
(2) Trích trong Tiếng kèn gọi quân của Dave Richard Pulmer từng tham gia chiến tranh Việt Nam với cương vị đại tá chỉ huy sư đoàn thiết giáp số 2 của lục quân Mĩ.
(3) Phạm Cường viết theo tài liệu địch, đăng trong cuốn “Củ Chi anh hùng”.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 07:01:06 am
Quả thật, so với các cuộc hành quân trước đây, cuộc hành quân Cédar Falls là một trận càn ác liệt, nguy hiểm. Ngoài 200 xe ủi thực hiện “bới tung địa đạo Củ Chi”, địch dùng cả súng phun lửa, bom napan để đốt cháy dưỡng khí trong địa đạo, lại tiếp tục bơm nước, đánh thuốc nổ, bom hơi độc. Theo sau là “đội quân” chó sục sạo miệng hầm, các đội “chuột cống” luồn lách rất tích cực.

Ở ấp An Hòa xã Trung An, quân Mĩ xả hơi độc giết chết một lúc 60 người dân trong một nhánh hầm.

Địch đã thực hiện được một ý định về mặt tàn phá: san bằng 11km2 rừng, triệt hạ hầu hết làng mạc mà trung tâm là Bến Súc, đốt, san ủi 6000 nhà, cướp 5700 tấn lúa, làm chết và bị thương gần 1000 người, gom được 15.000 dân Bến Súc, Củ Chi (phần nhiều đưa về trại tập trung Phú Cường, Thủ Dầu Một). Điều kiện sinh sống của nhân dân bị hủy diệt, nhiều cơ quan địa phương bị bật khỏi căn cứ trước bầy xe tăng vây ráp…

Tuy nhiên, ngoài “thành tích” tàn phá, gom dân thì cuộc hành quân Cédar Falls không đạt được mục tiêu chính yếu nào.

Về việc “bới tung địa đạo Củ Chi”, địch khoe là đã phá hủy được 6 hệ thống hầm ngầm khác nhau, tổng cộng 9445m chiều dài. Dù như vậy, vẫn là quá nhỏ so với con số 2000km địa đạo và 500km chiến hào, giao thông đã được xây dựng từ mấy mươi năm. Du kích bôi xà phòng Mĩ vào miệng hầm ngầm đánh lạc hướng chó berger, bịt từng cửa chặn hầm… và thực hiện địa đạo chiến, một đại đội trưởng Mĩ thừa nhận: “Chúng tôi đốt phá nhà cửa, nhưng chẳng làm gì được với các công sự, chỉ vì công sự được đào quá sâu” - Tướng Mĩ S.I.A Marshall thú nhận trên báo War’s Journal tribune số ra ngày 26 tháng 2 năm 1967: “… sự việc diễn biến hoàn toàn không giống như người ta dự tính. Rất ít quân địch bị bật ra ngoài hoặc bị giết. Hệ thống hầm ngầm không bị triệt phá mà chỉ hư hại…”(1)

Nhân dân Củ Chi, Bến Cát, Hóc Môn, Gò Vấp đứng trước một thử thách lớn hơn mùa khô trước nhiều, nhưng với kinh nghiệm đã có từ những trận đầu đánh Mĩ, họ giữ vững quyết tâm và chủ động đánh Mĩ.

Trên vùng đất xã Thanh An, trung đoàn 2, sư đoàn 9 chủ lực cùng lực lượng quân khu Sài Gòn - Gia Định phối hợp bày thế trận, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn Mĩ. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích chiến đấu trên mặt đất phối hợp chiến hào, công sự và địa đạo, hàng rào. Có nhiều bộ phận bị bao vây, bộ đội tập trung phân tán nhỏ, đánh du kích. Những bộ phận “tróc quân sự” lại tìm cách trở lại, ém từng tổ mấy tuần dưới hầm, ăn rau sống, ăn củ, đêm bò ra lấy nước sông, nước vũng hoặc uống nước tiểu…

Sự ngoan cường của du kích làm những người Mĩ ngạc nhiên. J.P. Harrison nêu trong cuốn “Cuộc chiến đấu triền miên” (xuất bản năm 1982) một hình ảnh trong cuộc hành quân Cédar Falls: “Có một số vùng bị bắn phá phá bình quân 27 trái bom trên 1m2. Thế là tại một làng (An Phú) nằm trong mục tiêu đó, một toán gồm 6 chiến sĩ kháng cự trong 8 ngày chống lại 8000 quân Mĩ trong khoảng đất rộng 1km2 nhờ một hệ thống địa đạo và hầm hố chằng chịt…”.

Sau 18 ngày đêm từ ngày 8 đến ngày 26 tháng 1 năm 1967, bộ đội địa phương và các lực lượng chiến tranh nhân dân Củ Chi, Bến Cát, Gò Môn đã loại khỏi vòng chiến đấu 2500 tên Mĩ, 200 tên ngụy, bắn rơi và bắn bị thương 13 máy bay, phá hủy và phá hỏng 30 xe tăng, xe bọc thép. Trên toàn “tam giác sắt” địch đã bị loại 3.350 tên, hầu hết là Mĩ(2). Nói về mục tiêu cuối cùng là loại Việt cộng ra khỏi vùng, tướng Mĩ S.L.A Marshell thừa nhận: “Cuộc điều tra cho biết: ngay khi quân của chúng ta chưa rút hết khỏi vùng “Tam giác sắt” thì Việt cộng đã đọt nhập vào từ trước rồi”(3).

Sau cuộc hành quân Cédar Falls, lực lượng Mĩ khoảng 3 đại đội và 22 xe tăng cụm dã chiến có hàng rào ụ xe tăng chìm ở Cây Trắc xã Phú Hòa Đông để hỗ trợ cho quân ngụy bình định. Bọn tâm lí chiến đang ầm ĩ: “Cédar Falls đã diệt tiểu đoàn Quyết Thắng” thì tiểu đoàn này phối hợp với tiểu đoàn 7 bộ đội địa phương Củ Chi thực hiện trận tập kích vào cụm Cây Trắc, loại 350 tên Mĩ, hủy 18 xe tăng, thu 70 súng.

Trận này đánh gãy kế hoạch bình định khu vực, đánh thắng chiến thuật xe tăng chìm của Mĩ.

Cuộc hành quân Cédar Falls thất bại, nhưng Mĩ vẫn tuyên bố “Đã tiêu diệt đại bản doanh cộng sản dưới hầm ngầm Củ Chi”.

Báo chí Sài Gòn không ngớt dưa tin “chiến thắng” của “quân đồng minh” ở tam giác sắt. Không ít bà con ở Sài Gòn bị chiến tranh tâm lí của địch tác động, nhất là các gia đình có người đi kháng chiến. Có nhiều người khóc. Đón Tết Đinh Mùi có nhiều bàn thờ cúng vái cho anh em ở chiến khu.

Để kịp thời cảnh báo luận điệu tâm lí chiến của địch, đúng mùng 5 Tết (ngày 13 tháng 2 năm 1967 dương lịch), hòa trong tiếng pháo của đồng bào đốt để mở cửa tiệm, một đơn vị biệt động thành do đồng chí Tám Bền chỉ huy, Trương Văn Lượng (Tám Cứ) phó chỉ huy, đặt một khẩu cối 82 li tại số nhà 8/4, đường Vườn Chuối (Quận Ba), bắn vào sở chỉ huy tướng Westmoreland nằm ở góc đường Phan Thanh Giản - Pasteur nay là góc đường Điện Biên Phủ và Pasteur). Năm trái đạn lọt qua một lỗ hổng trên nóc nhà (nguyên là chỗ lắp kính nhựa cho sáng nhà, đã được dỡ ra) rơi xuống khu vực mục tiêu. Có một trái rơi trúng một chiếc xe chở lính dù đang chạy trên đường Pasteur. Báo chí Sài Gòn đưa tin: tổng hành dinh tướng Westmoreland bị súng cối Việt cộng bắn, đạn rơi trúng đoàn xe nhảy dù đi qua, làm chết 13, bị thương 16 lính Mĩ.

Nhân dân Sài Gòn phấn khởi kéo nhau đi coi chỗ Mĩ chết, bị thương, mặc dù địch đã làm hàng rào chắn. Trong quán, ngoài chợ xôn xáo bàn tán về sự tài tình của quân Giải phóng(4).


(1) Tiếp bài viết trên: Cảnh tượng mặt đất bị đảo tung hết, không những chỉ có hố bom loang lổ, mà hàng mảng đất bị cày xới lên bằng máy xúc. Song không có quả bom nào, không có máy xúc nào khỏe đủ sâu để phá hoại hầm ngầm ấy, nếu như người ta tin những công binh thăm dò nói thật. Họ nói chắc chắn rằng “Không phá hủy được, nếu có thể làm được bằng cách cho nổ mìn phá từng quãng hoặc bơm thật nhiều hơi độc vào thì tốt hơn. Cái khó không phải vì hệ thống hầm ngầm đào sâu quá, mà chính vì nó cứ chạy ngoắt ngoéo, không có một chỗ nào thẳng cả. Những cửa mạch và lỗ thông hơi thì nhiều vô kể, điều đó càng hạn chế khả năng bị phá hủy”.
(2) Riêng số Mĩ chết, Palmer thừa nhận trong Tiếng kèn gọi quân: 72 tên.
(3) Đăng trên báo War’s Journal Tribune ngày 26 tháng 2 năm 1967.
(4) Có được một trận đánh như vậy, từ một năm trước, anh em biệt động đã mua căn nhà số 8/4 với giá nửa triệu đồng tiền Sài Gòn. Đồng chí Tám Cứ đã khéo léo đào một cái hầm ở một gian phòng trung trong, bên trên kê giường ngủ. Sau đó giao lại cho chị Lâm Thị Ân, một cán bộ của tỉnh Tây Ninh được điều về Biệt động thành. Một người mẹ ngoài 30 tuổi, đã có 2 con nhỏ với đầy đủ giấy tờ hơp pháp, chốt giữ và tiếp nhận vũ khí trong suốt nhiều tháng.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 07:05:10 am
*
*   *

Sau cuộc hành quân Cédar Falls, trên đất miền Đông, địch tập trung chuẩn bị vào cuộc hành quân của mùa phản công chiến lược thứ hai, một cuộc hành quân lớn nhất của Mĩ trong chiến tranh Việt Nam mang tên Junction City. Westmoreland dám chắc thắng thông báo trước sẽ “bắt sống những nhà lãnh đạo Việt cộng, bắt đài phát thanh giải phóng câm mồm, xé nát sư đoàn 9…”.

Nhưng rồi suốt hơn 50 ngày đêm (từ ngày 22 tháng 2 đến ngày 15 tháng 4 năm 1907), 45 ngàn quân “đồng minh” với sự chi viện máy bay, xe tăng, hỏa lực tối đa đã dồn lên một vùng 400km2 rừng biên giới, bị loại mất một phần tư mà “không thấy một nhà lãnh đạo Việt cộng nào. Đài phát thanh Giải phóng vẫn nói và nói đúng giờ”(1), sư đoàn 9 và các lực lượng chiến tranh nhân dân tại chỗ vẫn bám quân Mĩ mà đánh đến giờ phút chót.

Thất bại của một cuộc hành quân lớn nhất với những tham vọng lớn nhất đã báo trước sự phá sản của chiến lược chiến tranh cục bộ.

Tháng 5 năm 1967, Trung ương Cục mở hội nghị lần thứ 5 xác định nhiệm vụ sắp tới:đẩy mạnh chủ động tấn công và phản công liên tục, tiêu hao, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tiếp tục đánh bại chiến lược “hai gọng kìm”, tiếp tục đẩy địch vào thế bị động phòng ngự, xây dựng 3 thứ quân của ta vững mạnh, tạo điều kiện giành thắng lợi ngày càng lớn, tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa.

Trong khi chiến trường thắng lớn, thì ở nội thành Sài Gòn, lực lượng và hoạt động vũ trang các quận, ban ngành đang đà tăng nhưng mới chỉ hạn chế ở mức nhỏ lẻ, chưa tương xứng với yêu cầu của tình hình. Lực lượng các quận đã tấn công và các bót cảnh sát như Ngô Quyền, Thị Nghè, Quận 3, Bà Chiểu, Tôn Thất Thuyết… Các trạm kiểm soát Cầu Bồng, Cầu Kiệu, Cầu Phan Thanh Giản… cũng bị ta tấn công.

Các đơn vị vũ trang Hoa vận tăng gấp đôi nhịp độ hoạt động (năm 1966: 10 trận, năm 1967: 21 trận). Lần lượt nhiều tên phản động lợi hại người Hoa, người Việt đã bị trừng trị: cảnh sát ác ôn Phạm Định ở quận 5, đặc vụ Trương Kính Siêu (trưởng phòng tổ chức hãng dệt Vimytex), 2 tên chiêu hồi Lí Xuân Phúc và Đặng Vũ Hoạt, Diệp Cánh Sanh (Hiệu trưởng phản động trường Đồng Khánh), Trương Trung Cát (tổng biên tập nhật báo chống cộng Liên hiệp Á châu vạn quốc), cảnh sát ác ôn quận 6 La Kế Đường, các tên phản động Trần Ngọc An (ở đường Hậu Giang), Nguyễn Hoàn Cầu (ở đường Huỳnh Mẫn Đạt). Nhiều tên phản động quan trọng bị trừng trị ngày 18 tháng 9 năm 1967 là Phương Hành (chủ nhiệm huấn dục trường trung học Tri Dung, Chung Đen (đặc vụ Đài Loan), Trần Cửu Tuân (Phó giám đốc hãng dệt Vimytex). Cũng trong ngày 18 tháng 9 năm 1967, Sứ quán Đài Loan bị đánh sập chỗ làm việc, chết và bị thương 20 nhân viên. Ngày 18 tháng 2 năm 1967, vào lúc tối, tên đặc vụ Lâm Truyền bị bắn chết trên đường Lục Tỉnh (quận 6) thì đến 12 giờ khuya, tên ác ôn Trần Xướng Vinh cũng bị bắn chết ngay trên đường ấy, liền tối hôm sau, tên cảnh sát ác ôn Văn Toàn bị bắn chết trên đường Minh Phụng (quận 6).

Nhiều trận đánh diệt Mĩ của lực lượng vũ trang Hoa vận dạt hiệu suất khá như trận đánh mìn định hướng vào sân tập bắn Bình Trị Đông (quận 7 cũ, nay là quận 8) loại 7 Mĩ, trận đánh chất nổ ở chung cư sĩ quan Mĩ ở đường Gia Phú (quận 6) loại hàng chục tên, trận đánh mìn định hướng vào đám quân cảnh Mĩ ở đường Đồng Khánh diệt 7 tên Mĩ.

Các đội biệt động của khu Sài Gòn - Gia Định đánh hàng chục trận, tập trung vào các mục tiêu doanh trại, cư xá Mĩ, “đồng minh” ở các đường Võ Di Nguy, Trương Minh Giảng, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Văn Thoại, Yên Đổ, cư xá Lam Sơn, kho hậu cần tại cầu chữ Y. Các lực lượng này thực hiện nhiều trận đánh lẻ vào các xe quân sự Mĩ (ở trước sân bay Tân Sơn Nhất), trên các đường Nguyễn Văn Thoại, Tháp Mười, dốc cầu Kiệu…), trừng trị cảnh sát (ở sân banh Cộng Hòa, ở các bót Bà Hòa, Hàng Keo, Ngô Quyền, Nguyễn Văn Tập, Trần Quang Khải…). Kỉ niệm 7 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (ngày 20 tháng 12 năm 1960 - 20 tháng 12 năm 1967) lực lượng vũ trang thành đoàn Sài Gòn - Gia Định(2) phát động đợt hoạt động vũ trang và đã thực hiện dồn dập các trận đánh địch trong thành phố: diệt ác ôn ở các đường Minh Phụng, Lê Văn Duyệt, hương lộ 13, tập kích các bót cảnh sát trên các đường Nguyễn Đình Cường, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Tập, các trụ sở địch ở các đường Lê Văn Duyệt, Nguyễn Cảnh Chân, Trần Hoàng Quân, trại chiêu hồi Huỳnh Mẫn Đạt, đánh xe quân sự Mĩ ở các đường Trương Minh Giảng, Bàn Cờ, Hòa Hưng…

Trong lúc các hoạt động võ trang trong địa bàn thành phố đang đà tăng, tháng 5 năm 1967, Sài Gòn lần nữa nổi lên việc đấu tranh của Phật giáo gây xôn xao dư luận. Ngày 16 tháng 5 năm 1967, ngày Phật đản thứ 2511, nữ sinh viên phật tử Nhất Chi Mai(3) tự châm lửa đốt cháy thân mình tại chùa Từ Nghiêm để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Việt Nam. Những vần thơ chỉ để lại đã làm xúc động quần chúng:

            Xim đem thân làm đuốc
            Xin rọi sáng U Minh
            Xin tình người thức tỉnh
            Xin Việt Nam hòa bình


Trong không khí khủng bố đang bao trùm Sài Gòn, ngọn lửa Nhất Chi Mai làm bùng lên ngọn lửa căm thù và bó đuốc hòa bình, tự do, độc lập của nhân dân thành phố.

Từ đây, hằng năm cứ đến ngày Phật đản, sinh viên Sài Gòn lại phát động “chiến dịch Nhất Chi Mai”, gồm các hình thức biểu tình, mít tinh, hội thảo, gởi tâm thư cho đồng bào vạch trần tội ác Mĩ ngụy, tổ chức những “đêm đốt lửa căm thù”, “đêm không ngủ”, “đêm tủi nhục”, “nung nấu chí hờn căm”, “tìm về dân tộc”.


(1) Francois Can (Đài phát thanh Paris).
(2) Cuối năm 1967 Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định đổi thành Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định.
(3) Nhất Chi Mai quê gốc Hà Tĩnh, sinh ở Tây Ninh, lớn lên theo gia đình ở Sài Gòn.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 07:08:25 am
Trước sự tấn công của lối sống Mĩ, các phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc, bảo vệ quyền lợi và nhân phẩm của phụ nữ, bảo vệ tinh thần thanh thiếu niên, tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia.

Nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, một số viên chức cao cấp tham gia “lực lượng quốc gia tiến bộ”. Phong trào này chĩa mũi nhọn vào sự xâm lược của đế quốc Mĩ, tay sai Thiệu - Kì, đòi hòa bình, đòi quyền dân tộc tự quyết, lên án chiến tranh.

Lo sợ trước nhịp độ hoạt động võ trang nội thành có chiều tăng và đấu tranh chính trị có quy mô, Mĩ - Thiệu ra lệnh “khẩn cấp chống biểu tình, mít tinh”, dựng thêm hàng rào dây thép gai, rải thêm quân đội và cảnh sát trên đường phố, dựng cả “pháp trường cát” ngay trước chợ Bến Thành để đe dọa mọi hành động chống đối.

Nhưng phong trào Phật giáo và đấu tranh chính trị lại bộc phát tại Sài Gòn giữa mùa thu năm 1967.

Từ ngày 9 đến ngày 21 tháng 9, hàng ngàn sinh viên các trường đại học: Văn, Y, Dược, Khoa học, Sư phạm… bỏ thi, xuống đường biểu tình mít tinh, hội thảo tố cáo các cuộc bầu cử tổng thống Sài Gòn ngày 3 tháng 9 năm 1967 là trò hề do Mĩ sắt đặt, đòi Mĩ không được can thiệp vào miền Nam Việt Nam.

Ngày 28 tháng 9 năm 1967, hơn 3.000 nhà sư từ chùa Ấn Quang kéo đến Dinh tổng thống ngụy, đòi Thiệu - Kì hủy bỏ “hiến chương Phật giáo mới” do Thích Tâm Châu đề ra nhằm chia rẽ Phật giáo, chống lại số đông Phật giáo yêu nước. Họ ngồi lại chỗ đấu tranh, đông đảo nhân dân Sài Gòn ủng hộ, tiếp tế, hai ngày sau, thêm 1000 nhà sư và đông đảo sinh viên, Phật tử kéo đến để tăng cường lực lượng đấu tranh.

Liền đó, trong 2 ngày 29 tháng 9 và ngày 30 tháng 9 năm 1967, sinh viên Liên viện đại học Sài Gòn - Vạn Hạnh - Cần Thơ - Đà Lạt liên tiếp tổ chức 2 đại hội sinh viên xác định lập trường đòi rút hết quân đội nước ngoài ra khỏi miền Nam Việt Nam, đòi hòa bình, chấm dứt ném bom miền Bắc, xác định Mĩ là nguồn gốc mọi tai họa cho nhân dân Việt Nam. Đại hội dự thảo thư gởi đến Tổng thống Mĩ Johnson, Tổng thư kí Liên hiệp quốc Uthant với những nội dung trên. Sau các đại hội này là các cuộc xuống đường tuần hành đến trụ sở Quốc hội ngụy đưa kháng thư, đốt thùng phiếu tượng trưng, đập phá bảng công bố kết quả bầu cử tổng thống.

Thiệu hoảng hốt ra lệnh giới nghiêm toàn thành phố và xua quân đàn áp. Trong tháng 10 năm 1967, chúng bắt trên 20 sinh viên và cán bộ lãnh đạo của ta, trong đó có đồng chí Hồ Hảo Hớn (Hai Nghị), Bí thư Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định. Chúng đưa anh về bót Bà Hòa ở quận 6, tra tấn hết sức dã man bằng mọi hình thức hòng truy tìm tổ chức, cơ sở cách mạng. Hồ Hảo Hớn giữ vững khí tiết người Đảng viên cộng sản, anh đã anh dũng hi sinh để giữ bí mật cho Đảng, bảo vệ an toàn tổ chức và cơ sở cách mạng.

Ngày 20 tháng 11 năm 1967, tại các trường đại học Y, Dược, Khoa học, Nông Lâm Súc… và các trường trung học Đức Trí, Bồ Đề, Cao Thắng, Phan Sào Nam, Petrus Kí, Gia Long, Lê Văn Duyệt… các cơ sở đoàn đã treo cờ, viết khẩu hiệu, rải truyền đơn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định kêu gọi đồng bào vùng lên lật đổ Thiệu - Kì, đuổi Mĩ xâm lược. Đội vũ trang tuyên truyền Thành đoàn đột nhập vào Trường đại học Văn khoa trong đêm biểu diễn văn nghệ, kêu gọi thanh niên, học sinh, sinh viên gia nhập lực lượng vũ trang cách mạng và trừng trị Ngô Văn Toại, một tên phản động đội lốt sinh viên ngay trên sân khấu.

Trong tất cả các tổ chức công khai mà Khu đoàn chỉ đạo, ngày càng nổi lên thế đứng vững chắc và vai trò chi phối sâu rộng trong Tổng hội sinh viên Sài Gòn, vốn trước kia còn bị phản động và các phe phái khác chi phối. Bằng những chỉ đạo và tổ chức hình thức đấu tranh phong phú, các đồng chí lãnh đạo đảng đoàn của Tổng hội như Dương Văn Đầy, Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn Mầm… cùng với những nòng cốt của phong trào và lực lượng quần chúng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành được vị trí công khai này. Để trực tiếp lãnh đạo phong trào, Khu ủy tín nhiệm giao cho các đồng chí phụ trách Khu đoàn kiêm nhiệm luôn công tác Đảng và chỉ định Ban thường vụ khu đoàn đảng ủy Thanh vận và Ban thường vụ các đoàn ủy (đồng thời cũng là đảng ủy cơ sở trực tiếp xây dựng chỉ đạo các chi bộ thuộc phạm vi phụ trách). Các lực lượng vũ trang do Khu đoàn trực tiếp phụ trách cũng hình thành đảng ủy và chi bộ lãnh đạo toàn diện công tác quân sự và an ninh. Nhờ có hình thức tổ chức thích hợp này, Đoàn phát huy cao độ tính chủ động sáng tạo trong hoạt động cách mạng ở vùng địch tạm chiếm, qua đó Đoàn có những điều kiện thuận lợi để chuẩn bị đón thời cơ.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 07:08:54 am
* * *

Trên chiến trường ven đô mùa mưa năm 1967, các lực lượng chiến tranh nhân dân giữ vững thế chủ động đánh địch. Trong 3 tháng 7, 8, 9 năm 1967, tiểu đoàn Quyết Thắng phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương Củ Chi liên tiếp đánh nhiều trận, đặc biệt tập trung đánh cơ giới địch: đánh địch ủi phá rừng Làng, rừng Lộc Thuận, rừng Sến, Ba Sòng… phá hủy, phá hỏng 52 xe tăng và 25 xe ủi; tập kích các cụm cơ giới Mĩ ở Bầu Tròn, diệt 25 xe, Mội Nước Nhì (diệt 21 xe), bàu Kính (diệt 18 xe), bàu Mây (diệt 23 xe), bàu Lách (diệt 17 xe).

Tiểu đoàn biệt động quân “Cọp đen” - đơn vị hạng ác ôn nhất của quân ngụy, hai lần nếm đòn của tiểu đoàn Quyết Thắng: lần thứ nhất (tháng 5 năm 1967) bị loại 150 tên, lần thứ hai (ngày 23 tháng 6 năm 1967) bị loại 200 tên.

Thi đua với tiểu đoàn Quyết Thắng, tiểu đoàn 2 Gò Vấp - Hóc Môn lập công xuất sắc ở Trung An. Ngày 8 tháng 5 năm 1967 lữ đoàn 199 Mĩ dùng trực thăng đổ quân xuống Trung An và tàu xuồng càn quét vùng Nhị Bình phía Nam sông Rạch Tra, có pháo binh và không quân yểm trợ.

Tiểu đoàn 2 vốn thông thạo tác chiến trên địa hình đồng nước, tổ chức vận động qua đầm lầy dưới bom đạn, đánh thiệt hại một mũi tiến công của địch, bắn rơi 23 máy bay lên thẳng trong đó có chiếc trực thăng chỉ huy của lữ trưởng, bắn chìm 2 tàu xuồng chiến đấu. Báo Tin Sáng ở Sài Gòn số ra ngày 9 tháng 8 năm 1967 đưa tin viên thiếu tướng chỉ huy cuộc càn bị thương. Sau lần này, mỗi lần cơ động trên sông, giặc Mĩ bắt một số ông già, bà già, phụ nữ và trẻ em đi dưới tàu để làm lá chắn cho chúng. Cũng từ trận này, địch gọi tiểu đoàn 2 Gò Vấp - Hóc Môn là “tiểu đoàn rái nước”.

Tháng 10 năm 1967, tiểu đoàn Quyết Thắng đánh địch ở sở Mây Rắc, phá hủy, phá hỏng 16 xe tăng và một trận địa pháo; tiểu đoàn 8 pháo binh pháo kích Trung Hòa, phá hỏng 3 pháo 105 li và 1 máy bay lên thẳng.

Ở Bình Quới, tiểu đoàn 4 Thủ Đức tấn công diệt 1 đại đội cảnh sát dã chiến và 2 đội bình định.

Trên chiến trường Rừng Sác, tháng 6 năm 1967 địch càn quét vào các khu vực Lò Rèn, Sông Giữa rồi chuyển sang sông Tiền, Lí Nhơn. Đồng chí Cao Thanh Tao chỉ huy trưởng khu B (Tây sông Lòng Tàu) chỉ đạo đại đội 2 pháo binh, tổ chức chặn đánh địch. Với 1 quả ĐH 10 nặng 10kg còn lại duy nhất trong tay, đại đội đã kết hợp với khẩu ĐKZ 75 bố trí thành một cái “bẫy chụp” trên sông Tương và một trận địa phục kích bí mật trên sông Bình Đà. Trái ĐH10 chụp đúng chiếc tàu Võ Đắc chở đầy địch, tàu cháy. Cùng lúc, khẩu ĐKZ 75 bắn hỏng nặng 1 tàu chiến trên sông Bình Đà. Cuộc càn của địch bị bẻ gãy.

Tháng 11 năm 1967, trên sông Lôi Giang ta lại hạ 1 tàu LCM, loại khỏi vòng chiến nhiều tên Mĩ.

Trong khi làm nhiệm vụ chặn cổ sông Lòng Tàu, đặc công Rừng Sác tổ chức xâm nhập đất liền, luồn sâu, bám vào các kho tàng, quân cảng, căn cứ địch. Kho xăng Nhà Bè đã nhiều lần bị pháo kích. Riêng trận ngày 3 tháng 7 năm 1967 (lúc 1 giờ sáng) đã thiêu hủy khoảng 1 triệu lít xăng dầu của hãng Shell và loại 27 tên Mĩ trong căn cứ hải quân. Địch lùng sục dữ dội, nhưng chỉ 2 hôm sau kho xăng Nhà Bè lại bị pháo kích.

Đêm 7 tháng 2 năm 1967 được sự giúp đỡ của đồng bào và du kích địa phương, Đội 4 do đồng chí Võ Nguyên Diệp chỉ huy, tập kích tiêu diệt đồn bảo an của chi khu Quảng Xuyên thu 24 súng và 3 xuồng đạn. Đây là trận công đồn thắng lợi đầu tiên của bộ đội Rừng Sác. Với kinh nghiệm bước đầu về đánh đồn vừa thu được, bộ đội Rừng Sác kết hợp với các lực lượng tại chỗ tập kích các đồn bót ở Đồng Hòa, Long Thạnh, An Thới Đông, Lí Nhơn… nâng thế chiến tranh nhân dân ở Rừng Sác.

Đội 5 đặc công Rừng Sác là đơn vị đặc công nước được huấn luyện từ miền Bắc, có mặt ở Rừng Sác từ tháng 6 năm 1967. Về chiến trường, sốt rét Trường Sơn chưa dứt, anh em đã tình nguyện ra trận, với một quyết tâm đã thành bài hát:

“Lương khô, cơm nắm, gạo rang lên đường

Lòng căm thù giặc sâu sắc, quyết nhận chìm tàu vạn tấn trên đường sông A”


Trước mắt, mục tiêu số 1 của đội 5 là quân cảng Nhà Bè. Trong khi 6 cảng quân sự ở Sông Sài Gòn - Nhà Bè đã thay thế cảng Sài Gòn về mặt tiếp nhận hàng quân sự, thì quân cảng và kho dầu Nhà Bè trở thành nơi tiếp nhận và tàng trữ xăng dầu lớn nhất ở miền Nam. Cảng có thể cùng một lúc tiếp nhận từ 6 đến 8 tàu trên dưới 10.000 tấn cập bến. Toàn bộ căn cứ địch đang ở trong tình trang sẵn sàng chiến đấu rất cao sau một số trận đánh không thành trước kia và ở những trận pháo kích mới nhất của ta. Bên cạnh hải quân ngụy, ở đây vừa được tăng cường hải quân Mĩ.

Đêm ngày 25 tháng 12 năm 1967, sau 3 ngày đêm vật lộn với sông nước, len qua hàng chục chốt địch và nhiều chướng ngại, tổ đặc công đội 3 do Trịnh Xuân Bảng chỉ huy lọt được vào quân cảng, áp khối thuốc nổ 100kg vào mạn 1 tàu dầu 10 ngàn tấn. Sau khi 3 chiến sĩ đã về điểm hẹn, mìn nổ, chiếc tàu 10 ngàn tấn bốc cháy.

Tiếng nổ giữa một căn cứ mà địch thường khoe là bất khả xâm phạm đã làm cho chúng hoang mang, dư luận xôn xao. Báo chí Sài Gòn đưa tin, bình luận về “người nhái Việt cộng xuất quỷ nhập thần”.

Đội 5 trở thành đơn vị đột phá quân cảng của đoàn 10. Trận đánh báo trước sự xuất hiện một đơn vị đặc công anh hùng ở Rừng Sác, đồng thời cũng làm xuất hiện chiến sĩ “người nhái” bản lĩnh, táo bạo, mưu trí, đã bắt đầu quá trình trở thành anh hùng: Trịnh Xuân Bảng.

Trước mùa khô 1967-1967, các vùng du kích và lõm chính trị đã được mở rộng liên hoàn, áp sát đô thị. Ở phía Tây, một xã điển hình như Vĩnh Lộc (Bình Chánh), mất 2 năm 1966-1967, chiến tranh nhân dân địa phương phát triển mạnh, bộ máy kềm kẹp của địch dù được Mĩ hỗ trợ cũng chỉ còn là hình thức. Bắt đầu từ khoảng 2 giờ chiều đến hết đêm, hầu như không một tên lính nào dám bén mảng đến cái áp chiến lược vùng bưng này. Tiểu đoàn 6 Bình Tân đã từng lúc đi vào hoạt động được ở An Lạc, Phú Định, Cầu Tre, ở ngoại ô thành phố. Tại đây, bộ máy kềm kẹp của địch tại hạ tầng cơ sở tan rã hoặc mất hiệu lực. Cán bộ của ta có thể ra vào, đi lại giữa ba ngày.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 07:10:09 am
Trên hướng Đông Bắc, đảng bộ Thủ Đức lãnh đạo quân dân địa phương bám trụ, đương đầu với lữ đoàn 199 của Mĩ và lữ đoàn 1 sư đoàn 1 Anh cả đỏ cùng với các lực lượng ngụy trong vùng, giữ vững vùng du kích và các lõm chính trị áp sát đô thị. Trung bình mỗi xã có 1 tiểu đội du kích mạnh, có xã có trung đội (như Long Trường, Tăng Nhơn Phú), phát triển trên 100 du kích mật. Ta giữ vững hành lang xuyên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa qua vùng Bưng Sáu xã, ăn thông qua Long Phước Thôn, bảo đảm đường dây của quân khu từ Vàm Nước Trong ra Đông Môn (Long Thành).

Ở phía Nam, Tây Nam, các lực lượng võ trang Nhà Bè đã 2 lần bẻ gãy hành quân tìm diệt của địch ở Gò Bàu (Phước Lại) và ở Hiệp Phước.

Lực lượng võ trang các quận bìa 6, 7, 8 đánh trả các cuộc càn của địch và khu vực dân như Hố Bần, Phong Đước, Rạch Bà Tràng, khu cầu sập, Vàm Nước Lên, rạch Lồng Đèn… giữ vững vùng căn cứ quận, bảo vệ được cơ sở cách mạng. Súng cối biệt động đặt ở Hàng Thái bắn Tòa hành chính quận 7. Lực lượng võ trang quận 7, vũ trang tuyên truyền diệt ác suốt hai bên Kênh Đôi, tấn công đồn Bến Đá. Vừa chiến đấu vừa xây dựng, củng cố, đến cuối năm 1967, quận 7, quận 8 đều thành lập được đội vũ trang tập trung của quận. Căn cứ quận trở thành bàn đạp mạnh phía Nam và Tây Nam thành phố để vào nội đô.

Sâu hơn nữa trong thành phố, khu ngã tư Bảy Hiền, Chí Hòa, Bàn Cờ, Nguyễn Thông, Phú Nhuận, Khánh Hội, Bình Thời… cơ sở ta đã chi phối và hình thành được các “ban chính trị làm chủ” có mức độ trong các xóm.

Đêm 30 tháng 10 năm 1967, biệt động thành bắn cối 60 li vào Dinh Độc Lập trúng nơi đang diễn ra bữa tiệc mừng “đăng quang” tổng thống của Nguyễn Văn Thiệu, có mặt phó tổng thống Mĩ Humphrey. Trận đánh có tiếng vang lớn(1).

Bên cạnh cá lực lượng võ trang, ta đã xây dựng được một lực lượng đáng kể trong các tổ chức công khai và bán công khai: Tổng liên đoàn lao động, Liên hiệp các nghiệp đoàn tự do, Tổng hội sinh viên, Tổng đoàn học sinh, Phong trào dân tộc tự quyết, Nghiệp đoàn kí giả., Lực lượng quốc gia tiến bộ, Lực lượng bảo vệ văn hóa dân tộc, Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, Hội ái hữu nghệ sĩ, Nghiệp đoàn giáo chức…

Đi đôi với xây dựng lực lượng và hoạt động tác chiến, các lực lượng biệt động thành còn nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng, tổ chức vận chuyển vũ khí vào nội thành và hệ thống kho cất giấu bí mật để chuẩn bị đón thời cơ.

Chỗ ém vũ khí trong nội thành đã được triển khai xây dựng từ thời chiến tranh đặc biệt nhưng đến tháng 7 năm 1965, bộ chỉ huy quân sự Khu mới tổ chức đơn vị bảo đảm chiến đấu để phục vụ cho thời cơ chiến lược. Cơ sở đầu tiên đã nhận một số lượng vũ khí ở hẻm số 183/4 đường Trần Quốc Toản (nay là đường 3 tháng 2) do đồng chí Võ Văn Căn quản lí. Vũ khí ở đây đủ để tiến công một mục tiêu trọng yếu trong thành phố. Địa điểm này nằm đối diện ngay với cơ quan viện trợ Mĩ (sau là trụ sở ICCS), sát nách Bộ tư lệnh biệt khu thủ đô. Đồng chí Căn đã cùng vợ và 7 con, mười hai năm liền sống trên hầm vũ khí chứa 50kg thuốc nổ và một số kíp, 7 tiểu liên AK với 21000 viên đạn, 50 lựu đạn, 1 súng ngắn với 50 viên đạn và một số quân trang quân dụng khác(2).

Các đơn vị A20, A30 bảo đảm chiến đấu biệt động trực thuộc bộ chỉ huy quân khu Sài Gòn - Gia Định làm nhiệm vụ xây dựng hầm, vận chuyển vũ khí vào cất ở nội thành và tổ chức ém bí mật ở các địa điểm đã chỉ định (cả vũ khí và người dùng) được gấp rút củng cố, tăng cường từ năm 1967.

Rút kinh nghiệm từ cơ sở trên, Bộ chỉ huy quân khu chỉ đạo đơn vị bảo vệ chiến đấu tiếp tục xây dựng cả hầm ém vũ khí và các lõm chính trị ở nội thành, xây dựng tiềm lực vật chất, phương tiện chiến đấu cho quân khu.

Nhiệm vụ hết sức phức tạp, khó khăn, đòi hỏi sẵn sàng hi sinh, cán bộ chiến sĩ A20, A30 dũng cảm, mưu trí, thiết lập được đường dây nối trong ngoài thành và phương tiện vận tải, hệ thống nhà, hầm ém bảo đảm bí mật.

Dựa hẳn vào quần chúng, bám chắc cấp ủy và lực lượng vũ trang địa phương vùng ven, kiên trì thực hiến “bốn hóa”: quần chúng hóa, nghề nghiệp hóa, hợp pháp hóa và phong trào hóa, xem xét cụ thể từng vị trí, nghiên cứu chi li từng biến động của phong trào… cho đến trước năm 1963, không kể tất cả các đơn vị vũ trang của các vùng, cánh tự lực xây dựng kho cất giấu của mình, riêng các đơn vị bảo đảm của quân khu đã xây dựng được 19 lõm chính trị bao gồm 325 gia đình, có 11 cơ sở ém vũ khí và phương tiện di chuyển, làm được 13 hầm vũ khí cho các mục tiêu chiến lược… Riêng hầm ở số nhà 287/70 Trần Quý Cáp (Quận 3) do đồng chí Trần Văn Lai (từ Mai Hồng Quế) xây dựng, chứa 350kg thuốc nổ, 10 tiểu liên AK và 3000 viên đạn, 2 súng B40 và 20 viên đạn, 50 lựu đạn, 1 súng ngắn… ). Hầm do đồng chí Lê Tấn Quốc (Bảy Rau muống) xây dựng ở đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Cách mạng Tháng Tám), chứa hàng chục tấn vũ khí các loại. Hầm ở số 65 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, tức hiệu may Quốc Anh của vợ chồng đồng chí Trần Phú Cương (năm Mộc) chỉ cách Đài phát thanh Sài Gòn khoảng 100 mét.

Trong thành phố ta cũng xây dựng các cơ sở đặt sở chỉ huy, trong đó có số 7 đường Yên Đổ (tiệm phở Bình của đồng chí Ngô Toại, nay là đường Lí Chính Thắng) và nhiều cơ sở trú ém cán bộ khác.

Quá trình xây dựng các cơ sở có tính chất chiến lược ấy chính là quá trình xây dựng con người cụ thể, có đầy đủ trí lực và ý chí sẵn sàng hi sinh không chỉ tính mạng bản thân mà cả gia đình. Nhiều cơ sở đã bán nhà cũ, mua nhà mới gần mục tiêu để xây dựng hầm ém vũ khí. Đương nhiên, khi một khối thuốc nổ, một khẩu súng ra khỏi vùng căn cứ thì “cuộc chiến đấu” đã bắt đầu. “Những người lính” trong cuộc chiến đấu đó bao gồm cả già, trẻ, trai, gái. Những người già đã đóng góp công sức rất lớn như các bác Chín Khổ ở cơ sở cao su Jinet, bác Năm Dây, ông Chín Ten ở Thái Mĩ, Củ Chi…

Tháng 10 năm 1967, miền Nam mở “Đại hội quyết thắng giặc Mĩ xâm lược”. Đại hội đã tuyên dương 471 anh hùng, chiến sĩ thi đua. Các lực lượng võ trang giải phóng được tặng huân chương Tổ quốc, huân chương Thành đồng hạng nhất và lá cờ mang danh hiệu “Trung thành vô hạn, anh dũng tuyệt vời, chiến thắng vẻ vang”.

Tính từ năm 1965 đến nay, Sài Gòn - Gia Định đã có thêm 2 tập thể và 7 cá nhân được tuyên dương anh hùng: đội 5 biệt động quân khu, K20 đội quân y Thủ Đức, Bành Văn Trân (biệt động), Phạm Văn Cội (du kích Củ Chi), Nguyễn Văn Đực (chiến sĩ quân giới Củ Chi), Nguyễn Văn Quỳ (bộ đội địa phương Nhà Bè), Nguyễn Văn Lịch (bộ đội địa phương Dĩ An).

Trong những đơn vị địa phương, lá cờ đầu nổi bật của miền Đông Nam Bộ là “Củ Chi đất thép thành đồng”. Tiểu đoàn Quyết Thắng được công nhận là một trong 5 tiểu đoàn đánh giỏi của miền Nam, được tặng thưởng huân chương Thành Đồng hạng 3 và lá cờ “quyết chiến quyết thắng giặc Mĩ xâm lược”.

Những dũng sĩ diệt Mĩ của Sài Gòn - Gia Định ở đủ mọi lứa tuổi: Bác Ba Nì 68 tuổi ở Củ Chi, dũng sĩ diệt cơ giới, Cô Tiệp 17 tuổi ở Củ Chi, 2 lần dũng sĩ diệt cơ giới, diệt Mĩ…

Qua hai mùa khô phản công chiến lược, từ “tìm diệt” hòng “đánh gãy xương sống Việt cộng” đến “hai gọng kìm” tìm diệt và bình định của địch đã và đang bị phá sản. Nhân dân miền Nam đã và đang đánh bại từng bước chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mĩ.


(1) Khẩu cối đặt tại nhà 142 Tôn Thất Đạm do đồng chí Ba Đảo J9 chuyển đến. Đồng chí Ba Tường tổ chức.
(2) Năm 1964, tại nhà 183/4 Trần Quốc Toản cùng với nhà của đồng chí Năm Lai 287/70 Trần Quý Cáp), đồng chí Nguyễn Thị Lích ở ấp Đông Ba, Quận Phú Nhuận đã giấu các đồng chí cán bộ cao cấp, địch thả từ Chuồng cọp Côn Đảo về như Phạm Quốc Sắc, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Một, Nguyễn Đức Thuận. Sau đó các đồng chí này lần lượt được đưa ra vùng giải phóng cùng với đồng chí Nguyễn Đức Thuận.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 07:11:32 am
II. TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY MẬU THÂN,
TẬP KÍCH SÀO HUYỆT ĐẦU NÃO CỦA ĐỊCH


1. Tổ chức chuẩn bị Tổng công kích - Tổng khởi nghĩa Mậu Thân 1968

Cuộc phản công mùa khô thứ 2 thất bại, Mĩ đứng trước một tình thế bế tắc cả về chiến thuật, chiến lược. Sa lầy ở Việt Nam, kinh tế Mĩ suy thoái, nhân dân Mĩ phản đối chiến tranh, giới cầm quyền Mĩ bắt đầu dao động, chia rẽ… Địch đã thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược chiến tranh cục bộ. Một thất bại về quân sự lúc này của Mĩ sẽ có tác dụng nhanh đến tình hình chính trị của nước Mĩ, nhất là năm 1968 là năm bầu cử Tổng thống.

Từ tình hình trên, Bộ chính trị nhận định: “Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn, đế quốc Mĩ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nam về chiến lược”(1).

Tháng 12 năm 1967, Bộ Chính trị họp và ra nghị quyết lịch sử “chuyển cuộc đấu tranh cách mạng miền Nam của ta sang một thời kì mới - thời kì giành thắng lợi quyết định”.

Sau khi phân tích triển vọng và thời cơ chiến lược hiện tại, Bộ Chính trị xác định: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định” (Nghị quyết được hội nghị Trung ương lần thứ 14 thông qua tháng 1 năm 1968).

Từ đó dự kiến 3 khả năng, nhưng xác định: phải nỗ lực phi thường giành thắng lợi cao nhất theo khả năng 1, nhưng cũng sẵn sàng đối phó với khả năng 2, khả năng 3 tuy có rất ít nhưng phải chuẩn bị đề phòng.

Khả năng một: Ta thắng to ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn và đập tan được mọi âm mưu phản kích của địch, làm cho địch thất bại đến mức không thể gượng dậy được nữa, đè bẹp ý chí xâm lược của chúng, bắt chúng phải chịu thua, phải thương lượng đi đến kết thúc chiến tranh theo mục đích, yêu cầu của ta.

Khả năng hai: Tuy ta giành được thắng lợi ở nhiều nơi, nhưng địch cố gắng tập trung và tung thêm lực lượng từ ngoài vào, giành lại những vị trí quan trọng, các đô thị lớn, nhất là Sài Gòn và dựa vào các căn cứ lớn để tiếp tục chiến đấu với ta.

Khả năng ba: Mĩ động viên và tăng nhiều lực lượng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, sang Lào và Campuchia, hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua của chúng.

Về tính chất cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa, Bộ Chính trị xác định đó “là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất ác liệt và phức tạp…”(2). Về nội dung, đó là “sự tiến công của các lực lượng trên các chiến trường chính và sự nổi dậy của nhân dân ở các đô thị lớn là hai mũi tiến công chính kết hợp chặt chẽ nhau, hỗ trợ nhau và thúc đẩy toàn bộ cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa khắp cả 3 vùng đô thị, nông thôn, rừng núi. Đặc biệt, sự nổi dậy của quần chúng và các cuộc tiến công của các lực lượng quân sự ở các đô thị lớn là mũi nhọn thọc vào yết hầu của địch, có tầm quan trọng quyết định với toàn bộ cuộc chiến tranh”.

So với tình hình thực tế ở chiến trường, các yêu cầu nói trên về tấn công quân sự và sự nổi dậy của quần chúng đều vượt quá sức của ta.

Về quân sự, địch còn trên 1 triệu 2 trăm ngàn quân, còn rất ngoan cố, ta chưa đủ sức chiếm giữ thành phố, nhất là “thủ đô” địch. Với lực lượng quần chúng, thực lực chính trị, Nghị quyết Trung ương Cục tháng 5 năm 1967 đã nhận định: “Thực lực chính trị ở đô thị và vùng nông thôn tạm chiếm của ta còn quá yếu, chưa phát huy hết khả năng của quần chúng cách mạng. Thực tế cuối năm 1967, ở Sài Gòn cơ sở quần chúng có hàng ngàn, nhưng chưa tổ chức được chặt chẽ theo địa bàn, phường, khóm. Phong trào công nhân còn yếu. Nông dân bị càn quét, cuộc sống xáo trộn, nhất là một số vùng vốn đã gặp khó khăn như Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp. Phong trào thanh niên sinh viên, Phật giáo có sôi nổi nhưng bề sâu còn yếu.

Lực lượng Đảng trong nội thành có: Các quận 6, 5, 3 12 chi bộ, 153 đảng viên (trong đó có 18 biệt động), quận 2, 4, 7, 8 có 24 chi bộ, mỗi chi bộ 3-4 đồng chí. Các xí nghiệp có 5 chi bộ, 16 đảng viên và 2 chi bộ cơ quan công vận.

Nghị quyết Bộ Chính trị đề ra tháng 12 năm 1967 và Trung ương Đảng chính thức thông qua tháng 1 năm 1968, nhưng tinh thần của nghị quyết đã đến Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền từ tháng 10 năm 1967. Từ đó Trung ương Cục miền Nam ra nghị quyết về tổng công kích - tổng khởi nghĩa (gọi là “Nghị quyết Quang Trung”), lấy miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn làm trọng điểm, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn. Mục đích của ta là quyết tâm xóa bỏ ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng và thực hiên các nhiệm vụ tiếp theo trên cơ sở đã giành được chính quyền.

Lúc bấy giờ đồng chí Phạm Hùng đã được cử làm Bí thư Trung ương Cục thay cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ trần.

Thời gian cho phép chuẩn bị tính từ ngày Bộ chỉ huy Miền nhận nhiệm vụ (chưa có nghị quyết chính thức), đến ngày nổ súng chỉ có 3 tháng. Mặc dù được kế thừa một phần cơ sở “kế hoạch X” để lại trước chiến tranh cục bộ, nhưng đó là một thời gian hết sức ngắn so với yêu cầu tổ chức lực lượng và chuẩn bị chiến trường, kể cả việc đưa vũ khí, phương tiện và người vào nội thành.

Thi hành Nghị quyết Trung ương Cục tháng 10 năm 1967, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định họp tại chiến khu Dương Minh Châu, hạ quyết tâm động viên mọi lực lượng với khí thế và nỗ lực cao nhất, để thực hiện 2 nhiệm vụ được trên giao:

- Đánh chiếm các cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn.

- Phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền, làm chủ các quận và đưa lực lượng quần chúng có tổ chức vào làm chủ các mục tiêu mà bộ đội đã chiếm lĩnh, đồng thời cùng với lực lượng của Phân khu và Miền từ ngoài vào, tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành chính quyền về tay nhân dân, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mĩ, làm cho chúng không còn khả năng thực hiện được nhiệm vụ chính trị và quân sự ở miền Nam.


(1) Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12 năm 1967.
(2) Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 12 năm 1967, Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước 1954-1975, NXB Hà Nội, 1988, tr. 177.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 07:12:00 am
Ngày 25 tháng 10 năm 1967, Trung ương Cục quyết định giải thể Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định, tổ chức lại chiến trường miền Đông theo yêu cầu, nhiệm vụ mới. “Khu trọng điểm” được thành lập, ban lãnh đạo có các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Trần Văn Trà.

Với ý định hình thành 5 mũi tấn công hướng vào trung tâm Sài Gòn, “khu trọng điểm” được tổ chức thành 6 phân khu, mỗi khu có 1 phân khu ủy và bộ chỉ huy quân sự phân khu.

Phân khu 1, gôm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp, một phần huyện Trảng Bàng và các huyện Bến Cát, Dầu Tiếng. Bí thư phân khu ủy đầu tiên là đồng chí Mai Chí Thọ.

Phân khu 2 gồm huyện Tân Bình (Tân Bình và nửa Bình Chánh), các quận 5, 6, 3 và phía Bắc Long An. Đồng chí Phan Văn Hân (Hai Song) làm Bí thư.

Phân khu 3 gồm huyện Nhà Bè, nửa huyện Bình Chánh phía Nam, các quận 2, 4, 7, 8 và phía Nam Long An. Bí thư đầu tiên là đồng chí Nguyễn Văn Chín (Chín Cần).

Phân khu 4 gồm huyện Thủ Đức, Thạnh Mĩ, các quận 9 và 1. Bí thư đầu tiên là đồng chí Đoàn Công Chánh (Sáu Bảo).

Phân khu 5 gồm Bình Hòa, Dĩ An, Phú Nhuận và các huyện Lái Thiêu, Phú Giáo, Tân Uyên. Bí thư đầu tiên là đồng chí Hoàng Minh Đào (Năm Thu).

Các lực lượng nội thành tổ chức thành phân khu 6 (không có đất), có Ban cán sự Đảng nội thành và Bộ chỉ huy quân sự phân khu chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng biệt động, đặc công ở nội thành và hoạt động của các ngành, các giới nội đô. Bí thư đầu tiên của Ban cán sự là đồng chí Trần Bạch Đằng. Các thành viên Ban cán sự gồm các đồng chí: Nguyễn Thái Sơn, Trần Hải Phụng. Chỉ huy trưởng: Trần Hải Phụng, chính ủy: Võ Văn Thạnh.

Riêng Thành đoàn có sự thay đổi lớn về tổ chức. Đơn vị Thành đoàn không còn, lực lượng Thành đoàn chia làm 3, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự phân khu 6:

- Lực lượng 1 làm chức năng quân sự như biệt động (lực lượng biệt động vũ trang).

- Lực lượng 2 làm chức năng vũ trang tuyên truyền (lực lượng biệt động vũ trang).

- Lực lượng 3 làm chức nặng vận động, tổ chức và hướng dẫn quần chúng nổi dậy, giành chính quyền (lực lượng biệt động vũ trang).

Cán bộ lãnh đạo của Thành đoàn được bố trí vào 3 lực lượng nói trên.

Để chỉ đạo, chỉ huy kịp thời trong tổng công kích - tổng khởi nghĩa, Trung ương Cục quyết định thành lập một Đảng ủy tiền phương và 2 Bộ chỉ huy. Đảng ủy tiền phương gồm các đồng chí Võ Văn Kiệt (phụ trách nổi dậy), Trần Văn Trà (phụ trách quân sự). Bộ chỉ huy tiền phương Bắc (Tiền phương 1) do các đồng chí Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Lê Đức Anh lãnh đạo, phụ trách các mũi phía Đông, phía Bắc và lực lượng chủ lực. bộ chỉ huy tiền phương Nam (tiền phương 2) do các đồng chí Võ Văn Kiệt và Trần Bạch Đằng lãnh đạo, phụ trách các mũi phía Tây, phía Nam và các lực lượng nội thành.

Bộ chỉ huy và phân khu cũng có 2 bộ phận: cơ bản và tiền phương.

Khu ủy và Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn - Gia Định tạm thời giải thể và tăng cường cho các phân khu. Toàn bộ lực lượng vũ trang ở ngoại thành của Sài Gòn - Gia Định: các tiểu đoàn mũi nhọn, đặc công, bộ đội địa phương đều chuyển về thuộc các phân khu trên các hướng.

Về lực lượng, Bộ tư lệnh Miền tổ chức lực lượng thành 3 khối lớn: khối biệt động thành, khối các phân khu 1, 2, 3, 4, 5 và khối chủ lực Miền.

Khối biệt động Thành ngoài các lực lượng bảo đảm có hơn 100 chiến đấu viên của các đội từ đoàn F100 giải thể, tổ chức thành cụm để đánh các mục tiêu chiến lược.

Cụm 3-4-5 gồm các đội 3, 4, 5;

Cụm 6-7-9 gồm các đội 6, 7, 9;

Cum 1-2-8 gồm các đội 1, 2, 8.

Ngoài ra còn các đội lẻ 90C. Ngày 25 tháng 1 có lệnh của Tiền phương 2 thêm mục tiêu tòa Đại sứ Mĩ; do đó lại tổ chức thêm đội 11 để đánh Tòa đại sứ Mĩ. Nhiệm vụ của đội biệt động Thành là đánh chiếm mục tiêu đầu não địch, giữ cho đến khi các tiểu đoàn mũi nhọn đến tiếp sức, chiến đấu luôn tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy. Các mục tiêu đó là:

Dinh Độc lập (đội 5), Đài phát thanh (đội 4), Bộ Tư lệnh hành quân ngụy (đội 3), Bộ tổng tham mưu ngụy (đội 6), Tổng nha cảnh sát (đội 2), Biệt khu Thủ đô (đội 8), cổng Phi Long sân bay Tân Sơn Nhất (đội 9), Khám Chí Hòa (đội 90C), Tòa Đại sứ Mĩ (đội 11). Có 5 mục tiêu trọng yếu nhất trong 9 mục tiêu trên: Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu Thủ đô, Tòa Đại sứ Mĩ (lúc đầu không coi là mục tiêu chủ yếu).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 07:13:03 am
Các tiểu đoàn mũi nhọn có nhiệm vụ sau 30 phút đến tiếp ứng biệt động chiếm luôn các mục tiêu chủ yếu:

- Dinh Độc lập: tiểu đoàn 3 Dĩ An (PK5)

- Đài phát thanh: tiểu đoàn 3 Dĩ An (PK5)

- Tòa Đại sứ Mĩ: tiểu đoàn 3 Dĩ An (PK5)

- Cổng 4 Bộ Tổng tham mưu: tiểu đoàn 2 Gò Môn (PK1)

- Cổng 5 Bộ Tổng tham mưu: tiểu đoàn 267 (PK5)

- Sân bay Tân Sơn Nhất: trung đoàn 16/PK1 + Tiểu đoàn 16 + tiểu đoàn 12 đặc công PK2.

- Biệt khu Thủ đô: tiểu đoàn 6 Bình Tân (PK2)

- Tổng nhà cảnh sát: tiểu đoàn 1 Long An + tiểu đoàn Phú Lợi (PK3)

- Khám Chí Hòa: tiểu đoàn 269/PK2

- Bộ tư lệnh Hải quân: tiểu đoàn 5 Nhà Bèn PK3 (sau chỉnh lại: tiểu đoàn 4 Thủ Đức).

Ngoài ra ở mỗi mục tiêu chủ yếu như Dinh Độc lập, đài phát thanh, tòa Đại sứ Mĩ, Bộ tư lệnh Hải quân sẽ có lực lượng 200 thanh niên - sinh viên đến tiếp ứng trước các tiểu đoàn mũi nhọn, riêng cổng 5 Bộ tổng tham mưu có 5000 thanh niên - sinh viên, Tổng nhà cảnh sát có 1000 thanh niên - sinh viên (cùng lực lượng Phân khu 2), khám Chí Hòa có 100 thanh niên - sinh viên… Các đơn vị đánh chiếm Tổng nhà cảnh sát, khám Chí Hòa, Biệt khu thủ đô, Bộ tổng tham mưu và cổng Phi Long được phối thuộc hẳn cho các Phân khu 2 và 3.

Khối các phân khu gồm các lực lượng bản thân, tăng cường 15 tiểu đoàn và đặc công (gồm cả 4 tiểu đoàn của trung đoàn Quyết Thắng)(1).

Các đội đặc công biệt động do Quân khu Sài Gòn - Gia Định tăng cường cho các phân khu, đứng bên cạnh các tiểu đoàn mũi nhọn có: Bình Tân - đội 2 và đội 65, Dĩ An - đội 66, Gò Môn - đội 1 và 67, Nhà Bè - đội 69 và 25 chiến đấu viên đặc công nước, Thủ Đức: đội 3 đặc công nước và biệt động Thủ Đức.

Từ tháng 10 năm 1967, các đơn vị biệt động Thành đã chính thức nhận được lệnh chuẩn bị điều kiện để ém quân, chuyển và ém vũ khí.

Khối chủ lực Miền có 3 sư đoàn bộ binh thiếu 5, 7, 9, trung đoàn bộ binh 88, 1 sư đoàn pháo binh, một số đơn vị và binh chủng. Nhiệm vụ của chủ lực là: tấn công một số căn cứ địch, không cho chủ lực địch kéo về ứng cứu Sài Gòn.

Ngoài các khối lực lượng nói trên, ở phân khu 6 còn có các đội vũ trang của các cánh Thành đoàn, Hoa vận, An ninh, Tuyên huấn, Công vận, Phụ vận… được giao nhiệm vụ chiến đấu, đánh chiếm một số mục tiêu cấp quận (hành chánh, cảnh sát) trong địa bàn được phân công, ngoài ra lực lượng này còn làm trinh sát, vận động binh lính ngụy làm binh biến, phát động quần chúng nổi dậy cướp chính quyền, phối hợp với các mũi tấn công quân sự làm chủ thành phố. Lực lượng phụ vận cũng có một tiểu đội du kích mật nằm rải rác ở quận 1 và 2 do nữ đồng chí Lê Thị Bạch Cát, Bí thư quận đoàn 2 chỉ huy (Lê Hồng Quân phó chỉ huy). Thành đoàn theo chỉ đạo của Thành ủy đã tổ chức 3 lực lượng, phân bố đều ở các quận trung tâm thành phố 1, 2, 3, 10… để làm nòng cốt.

Ở đặc khu Rừng Sác, các lực lượng của đặc khu được biên chế thành đoàn đặc công cấp trung đoàn, mật danh Đoàn 10 với nhiệm vụ chủ yếu là chặn sông Lòng Tàu, đánh phá quân cảng, kho tàng, diệt đồn bốt, hỗ trợ cho nhân dân phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng trước ngày N. Đoàn 10 vận chuyển 15 chuyến vũ khí, khí tài vượt quốc lộ 15 vào Rừng Sác.

Để đảm bảo phục vụ cho các lực lượng tiến công, đến cuối năm 1967, ở miền Đông Nam Bộ đã hình thành các khu vực hậu cần: 81, 82, 83, 84, 100. Đã sử dụng được đường vận chuyển vũ khí qua cảng Sihanouk Ville.

Ở các huyện vùng trung tuyến như Đức Hòa, Trảng Bàng, đều thành lập đội cung cấp lo lương thực thực phẩm phục vụ tổng công kích. Ở mỗi xã có các chuyên ban: quân lương, cứu thương, chôn cất… đủ sức sơ cứu hoặc nuôi dưỡng hàng trăm chiến thương. Lực lượng tải thương mỗi xã có 1 đại đội nam nữ. Lực lượng dân công được huy động lớn. Mỗi xã vùng “trung tuyến” như An Tịnh (Trảng Bàng) có đến 5000 dân công lên đường. Riêng tỉnh Long An, ngoài lực lượng du kích và các đơn vị địa phương bổ sung lên trên, còn có 500 thanh niên mới tòng quân và được bổ sung ngay cho các phân khu.

Cuối năm 1967 đầu năm 1968, cùng với lực lượng đã đứng chặn từ trước, thêm vào lực lượng tăng cường, địch đang hình thành đội hình dầy đặc xung quanh Sài Gòn.

Vòng ngoài, trên hướng Tây Bắc có căn cứ Đồng Dù gồm lữ 1, lữ 2 và sư đoàn bộ sư đoàn 25 Mĩ, bên cạnh đó có sư đoàn bộ binh 25 ngụy và nhiều tiểu đoàn, biệt động quân, đại đội bảo an. Trên hướng Bắc có căn cứ Lai Khê của sư đoàn 1 bộ binh Mĩ, bên cạnh có sư đoàn bộ binh 5 ngụy, cùng mấy chục tiểu đoàn biệt động quân, đại đội bảo an và lực lượng dân vệ án ngữ từ Bến Cát qua Ba-Ri, Tân Quy đến Lái Thiêu, Tân Uyên. Hướng này còn có trung đoàn 11 thiết giáp Mĩ cơ động đang ở Bàu Khai, Bến Cát. Trên hướng Đông và Đông Bắc, có lực lượng Nam Triều Tiên đóng ở Dĩ An, quân dù Mĩ đóng ở Biên Hòa, quân Úc đóng ở Long Binh, sư đoàn 18 ngụy đóng ở Xuân Lộc. Trên hướng Nam địch dựa chủ yếu vào lực lượng hải quân, dù và thủy quân lục chiến (thuộc lực lượng tổng trù bị) sẵn sàng chi viện. Xa hơn nữa, về phía Tiền Giang và phía Bắc Sông Hậu có 1 lữ đoàn thuộc sư đoàn bộ binh 9 Mĩ sẵn sàng tiến về Long An và bảo vệ phía Nam Sài Gòn.

Vòng trong, ngoài lực lượng bảo vệ trị an lãnh thổ của Biệt khu thủ đô và cảnh sát dã chiến ngụy, địch còn có các lực lượng: 2 tiểu đoàn Mĩ và 1 tiểu đoàn ngụy ở sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng ngụy ở các trại Đống Đa, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Tô Hiến Thành… lực lượng bảo vệ các căn cứ và hậu cứ các Bộ tư lệnh Pháo binh, Thiết giáp ở Gò Vấp.

Tổng cộng, lực lượng địch bảo vệ vòng trong, vòng ngoài Sài Gòn những ngày trước Tết Mậu Thân tương đương 4 sư đoàn Mĩ, 4 sư đoàn ngụy, 8 tiểu đoàn dù và thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn an ninh thủ đô, 20 vạn biệt động quân, bảo an, dân vệ, cảnh sát dã chiến, hàng ngàn khóa sinh quân sự, hàng ngàn thanh niên chiến đấu và nhiều đơn vị cơ giới, binh chủng.


(1) Trung đoàn vừa thành lập cuối năm 1967 gồm Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng, Tiểu đoàn 2 Gò Vấp - Hóc Môn, Tiểu đoàn 3 Dĩ An, Tiểu đoàn 4 đặc công Gia Định.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 15 Tháng Tư, 2012, 07:15:45 am
Giáp Tết Mậu Thân, địch đang có sở hở, đặc biệt là ở nội thành, vì chưa nắm được ý định lớn của đối phương nên nhiều lính còn đi nghỉ phép hoặc bỏ về nhà ăn Tết, nhiều sĩ quan đang tính việc du xuân, giao cấp dưới tự quản, cả tổng thống Thiệu cũng về quê vợ Mĩ Tho ăn Tết. Bộ tư lệnh Mĩ vẫn đang bị “cái bẫy Khe Sanh” thu hút.

Đến tháng 12 năm 1967, quân Mĩ ở miền Nam đã lên tới 48 vạn và đang còn tăng để đạt số 53,5 vạn vào cuối năm 1968(1). Ở miền Đông Nam Bộ, Mĩ đã điều lữ đoàn 196 ra Trị Thiên nhưng lại đưa sư đoàn dù 101 từ Playme vào (tháng 12 năm 1967). Tuy địch có sơ hở và Bộ Tư lệnh Mĩ vãn còn bị “cái bẫy Khe Sanh” thu hút, nhưng địch hơn hẳn ta cả về lực lượng quân sự trong và ngoài thành phố, đặc biệt trong thành phố điều đó càng rõ, ở đây ta đứng trước hệ thống công sự vững chắc và hệ thống bố phòng nghiêm ngặt. Trên sự so sánh này mà nhìn, nhiệm vụ quân sự đề ra như vậy là quá sức.

Mặc dù không đạt được mục tiêu của 2 cuộc phản công chiến lược 1966-1976, nhưng tên cơ sở có quyết định tăng thêm 2 sư đoàn, lại đánh giá không đúng về khả năng, ý định của đối phương(2), Westmoreland quyết định sẽ mở cuộc phản công lần thứ 3; riêng ở miền Đông sử dụng một lực lượng Mĩ tương đương 3 sư đoàn tăng cường(3) được hỗ trợ của 3 sư đoàn cộng 2 lữ đoàn ngụy cùng lữ đoàn, bộ binh Thái Lan (sẽ vào từ tháng 7 năm 1968) và trung đoàn Úc hình thành khối chủ lực tương đương trên 9 sư đoàn, trọng điểm vẫn là hướng Bắc Sài Gòn. Cuộc hành quân chủ yếu của cuộc phản công lần này mang tên “Hòn đá vàng” nhằm vào chiến khu Dương Minh Châu với lực lượng chủ công là sư 25 Mĩ.

Cuối năm 1967 tập trung chuẩn bị tổng công kích - tổng khởi nghĩa, ta chủ trương chỉ sử dụng lực lượng du kích cơ quan và một số bộ phận của chủ lực để đánh địch càn quét vào vùng căn cứ. Mặc dù vậy, trên chiến khu Dương Minh Châu, ta đã loại gần 2500 tên địch các loại (chủ yếu là Mĩ) trong đó có 1 chiến đoàn thuộc sư đoàn 25 Mĩ bị thiệt hại nặng. Trong bối cảnh đó, Bộ chỉ huy Mĩ lại sa vào “cái bẫy Khe Sanh”(4) và phát hiện các đơn vị lớn của miền Đông đang tiếp cận Sài Gòn. Địch phải bỏ dở kế hoạch phản công lần 4 để lo phòng ngự trên hai hướng chính: Sài Gòn và đường 9 Trị Thiên.

Ngày 21 tháng 12 năm 1967, đồng chí Trần Văn Trà báo cáo trước Thường vụ Trung ương Cục kế hoạch tác chiến toàn B2, tập trung trọng điểm Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 25 tháng 12 năm 1967 (ngày N-6), đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phó Bí thư Trung ương Cục, Bí thư “khu trọng điểm”, báo cáo trước Trung ương Cục ý kiến nhắc nhở của Bộ Chính trị, xác định đây là một giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh lâu dài, kiên quyết tiến công giành thắng lợi cao nhất, nhưng phải dài hơi, sẽ gồm nhiều đợt, đợt Tết Mậu Thân là chủ yếu.

Cuộc họp bàn cụ thể các mục tiêu tổng công kích, những việc cụ thể sau khi giành chính quyền.

Ngày 29 tháng 12 năm 1968 (N-2) Hội nghị Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền đánh giá việc chuẩn bị cho đợt Tết Mậu Thân.

Trong điều kiện gấp rút, chuẩn bị, tinh thần xốc tới, niềm tin thắng lợi của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trở thành khí thế xuống đường mạnh mẽ, náo nức chưa từng thấy trong chiến tranh chống Mĩ cứu nước. Trên khắp các nẻo đường từ chiến khu về Sài Gòn, ngày đêm không ngớt những đoàn dân công, bộ đội tiến ra phía trước. Trên hành lang dài hàng trăm kilômét, từ vùng Mỏ Vẹt xuống Trảng Bàng, Hóc Môn, Gò Vấp đêm đêm có hàng trăm xe bò đầy ắp đạn, gạo lăn bánh, luồn qua hàng chục đồn bót địch, 200 tấn vũ khí đã được vận chuyển theo hành lang biên giới qua Long An xuống vành đai phía Tây và phía Nam Sài Gòn.

Từ “khí thế Mậu Thân” đang đi vào lịch sử.

Tuy nhiên, bên cạnh ý thức dồn sức tấn công thành phố, ngay từ đầu ta không coi trọng kế hoạch củng cố phía sau lưng, củng cố nông thôn. Đợt tấn công Đông Xuân 1966-1967 chưa đạt yêu cầu tiêu hao, tiêu diệt địch và chuyển thế mạnh hơn nữa. Lực lượng chính trị tuy đã được tăng cường, khí thế quần chúng cách mạng rất cao nhưng chưa được tổ chức chặt chẽ. Chỗ yếu lớn nhất là lực lượng chính trị đô thị chưa đạt yêu cầu mà một cuộc tổng khởi nghĩa cần có.

Mặc dầu chưa được phổ biến ngày giờ nổ súng, Ban thường vụ Thành đoàn thành công cuộc tập dượt quần chúng thanh niên với quy mô lớn để tập dượt nổi dậy phối hợp tấn công vũ trang. Đêm văn nghệ mừng Tết Quang Trung do Tổng hội sinh viên và Hội đồng đại biểu sinh viên Sài Gòn phối hợp tổ chức ngày 15 tháng 2 năm 1968 (N-2) với sự tham gia của 21 phân khoa đại học 53 trường trung học, đoàn văn nghệ Bừng Sáng của học sinh sinh viên tại sân Trường Quốc gia Hành chánh Sài Gòn, đã quy tụ trên 12 ngàn thanh niên, sinh viên, học sinh. Cả vạn người hát vang bài hát “Lên Đàng” của Lưu Hữu Phước. Hầu hết lực lượng vũ trang thanh niên thành phố đã được sung vào các đội vận chuyển vũ khí, các bộ phận dẫn đường: lực lượng này lần lượt chuyển vào thành phố 100 tiểu liên AK và súng ngắn K54, nhiều đạn, trên 2 tấn chất nổ.


(1) Johnson đã bác bỏ phương án đưa số quân Mĩ ở miền Nam lên 600.000 và dùng bộ binh Mĩ đánh ra miền Bắc.
(2) Theo tài liệu AB14D tháng 11-1967, địch nhận định: “Mặc dù bị tổn thất nặng, cộng sản vẫn còn khả năng tấn công đáng kể, trọng tâm đánh vào chương trình bình định, chưa đủ mạnh để tạo thắng lợi quân sự, chưa có khả năng bước sang giai đoạn tổng phản công, chỉ có khả năng bảo tồn lực lượng chờ khi Mĩ rút sẽ tổng tiến công vào quân lực Việt Nam Cộng hòa”.
(3) FBB1 + FBB2 + dù 101 (vào miền Đông tháng 12 năm 1967) + fKBKV1 (sẽ điều từ vùng chiến thuật 2 vào) + Lữ BB 199 + lữ đoàn BB196 + lữ 1-fBB.
(4) Trước Tết Mậu Thân, để tạo thế bất ngờ về ý định chiến lược mới của ta, ta mở chiến dịch đường 9 - Khe Sanh. Đêm ngày 20 tháng 1 năm 1968, chiến dịch mở màn. Việc này đã thu hút sự chú ý của địch. Chính tổng thống Mĩ Johnson đã chỉ thị cho tướng Taylor thành lập phòng tình hình đặc biệt tại Nhà Trắng để theo dõi chiến sự Khe Sanh và yêu cầu Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mĩ cam kết bảo vệ Khe Sanh với bất cứ giá nào.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:10:33 am
2. Tiến công và nổi dậy đợt 1 Tết Mậu Thân, đánh địch phản kích

Giờ G, ngày N trên toàn miền được quy định là 00 giờ đến 2 giờ ngày 31 tháng 1 năm 1968 tức đêm mùng 1 sáng mùng 2 Tết theo lịch cũ. Các tư lệnh quân khu, các chỉ huy các cụm biệt động đã được phố biến 48 giờ trước giờ G.

Một việc đáng tiếc là do đổi lịch ở miền Bắc, Khu 5 và Tây Nguyên nổ súng trước, theo lịch cũ(1). B2 nhận được lệnh hoãn, nổ súng đúng lịch mới.

Do đó, tuy vẫn còn “cái bẫy Khe Sanh” ám ảnh và chưa nắm được ý định tổng công kích của ta, từ ngày 20 tháng 1 năm 1968 địch đã tăng cường bố phòng ở Sài Gòn. Ở nhiều ngã ba, ngã tư có xe Jeep gắn đại liên chực sẵn, các đội tuần tra nhan nhản trên đường phố.

Mặc dù vậy, từ ngày 29 đến ngày 30 tháng 1 năm 1968 (tức mùng 1 Tết Mậu Thân), theo kế hoạch, các chiến sĩ biệt động, từng người, từng tốp, bằng mọi phương tiện, xe đò, xe hơi nhà, xe lam, xe gắn máy… dưới dạng người đi làm về, người đi ăn Tết… lần lượt vào các vị trí ém quân ở nội thành, gần các mục tiêu.

Tại sở chỉ huy tiền phương phân khu 6 - số nhà 7 - Yên Đổ, tiệm phở Bình do ông bà Ngô Toại làm chủ, trong các ngày 29 và 30 tháng 1 năm 1968 (tức 30 và mùng một Tết), các cán bộ chỉ huy tấn công các mục tiêu nội thành lần lượt đến nhận nhiệm vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Trí - người được phân công phụ trách cơ quan sở chỉ huy tiền phương, đã bào cáo tình hình, động viên, bố trí công việc cho anh chị em tại đây, trao đổi với các cụm, rà soát lại các hầm ém vũ khí, lực lượng tại chỗ và các hợp đồng nhận vũ khí.

Đồng chí Đỗ Tấn Phong chịu trách nhiệm đến ba hầm chứa vũ khí: hầm nhà đồng chí Trần Văn Miêng - Võ Thị Sang, số nhà 348/38B Bác Ái, Bình Hòa, Gia Định (nay là phường 11 quận Bình Thạnh); hầm nhà đồng chí Phan Văn Sự và Phan Trọng Thúy, 99/1C Trương Minh Kí (nay là nhà 281/26/9 Lê Văn Sĩ, quận 3); hầm nhà đồng chí Bùi Thị Lí 246/25 Nguyễn Huỳnh Đức (nay là đường Huỳnh Văn Bành, phường 11, quận Phú Nhuận).

Đêm mùng một Tết Mậu Thân (ngày 30 tháng 1 năm 1968), đồng chí Võ Văn Thạnh, chính ủy phân khu 6, từ cơ sở bí mật nhà đồng chí Nguyễn Nông, số 241/5 đường Bạch Đằng (cầu Long Vân Tự)(2) Bình Thạnh, đến sở chỉ huy số 7 Yên Đổ - tiệm Phở Bình. Trước gần 100 cán bộ, chiến sĩ, cơ sở, các ban chỉ huy cụm các cánh, đồng chí trịnh trọng đọc lời hiệu triệu của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Đồng chí nhắc lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, phổ biến giờ G, phát lệnh cho các cụm biệt động làm nhiệm vụ xuất kích tiến công các mục tiêu đầu não Mĩ ngụy ở Sài Gòn.

Giờ giao thừa Tết Mậu Thân 1968, quân dân miền Nam náo nức đón thư Chúc Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


“Tiến lên, toàn thắng ắt về ta!”


Lời thơ Bác như một hồi kèn xung trận!

Kế hoạch của ta là: biệt động bất ngờ đánh chiếm mục tiêu và giữ trong khoảng 1 giờ chờ các tiểu đoàn mũi nhọn và lực lượng thanh niên xuất kích hoặc lực lượng địch binh biến đến hỗ trợ tăng cường và giữ luôn mục tiêu.

Theo hợp đồng, “giờ G” được báo hiệu bằng những loạt ĐKB bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và bộ chỉ huy MACV, vị trí chỉ huy của tướng Westmoreland, nhưng đã không thực hiện được. Chờ mãi không thấy, 2 giờ sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968 bộ phận phối thuộc cho tiểu đoàn 268 phân khu 2 ở phía Tây Tân Sơn Nhất bắn 8 quả 82 li vào sân bay. Cả thành phố coi đó là hiệu lệnh tấn công.

Cụm biệt động 6-7-9 gồm 27 tay súng do Đỗ Tấn Phong chỉ huy cơ động trên 2 chiếc xe hơi, hình thành 2 mũi tiến công và cổng số 2 hướng Nam Bộ tổng tham mưu ngụy và cổng Phi Long hướng Nam sân bay Tân Sơn Nhất ngay sau loạt cối 82 vừa nổ. Địch quá đông, chống trả quyết liệt, cả hai mũi không vào được bên trong. Sáng ra, địch tung bộ binh và thiết giáp có máy bay yểm trợ liên tục pháo kích. Ở đường Trương Quốc Dung, các chiến sĩ cụm 6-7-9 lợi dụng địa hình, địa vật, anh dũng đánh lui từng đợt xung phong của địch, diệt 2 xe bọc thép, phá hủy 1 đại liên, loại khỏi vòng chiến gần 100 tên địch. Chiến sĩ Phạm Thị Mĩ (Phạm Thị Oanh) vừa làm liên lạc vừa chiến đấu, lúc cầm súng thay đồng đội bị thương vong, lúc trèo lên cao quan sát địch báo cáo cụm trưởng, lúc lại vận chuyển đạn băng qua lưới lửa địch để tiếp tế cho đơn vị. Đồng chí bị thương nhưng vẫn không rời trận địa (các đồng chí Đỗ Tấn Phong và Phạm Thị Oanh đều đã được tuyên dương Anh hùng các lực lượng vũ trang).

Không có tiểu đoàn bộ binh 267 của phân khu 2 và 500 thanh niên sinh viên đến tiếp tế ở hướng này như hiệp đồng. 14 giờ ngày 1 tháng 2 năm 1968 đơn vị hết đạn, cụm 6-7-9 buộc phải nhanh chóng giải quyết hậu quả, phân tán về vị trí quy định, mặc dù ở hướng Bắc Bộ tổng tham mưu ngụy, tiểu đoàn phân khu 1 và đội đặc công đã đánh được cổng số 4, lọt vào trụ lại một góc bên trong, đang đánh phản kích.

Lực lượng tiến công “Phủ tổng thống” (Dinh Độc lập) gồm 15 chiến sĩ đội 5 (có 1 nữ) do Trương Hoàng Thanh chỉ huy. Lúc 1 giờ 30 phút sáng, từ số nhà 280/70 Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), lực lượng xuất phát với 3 xe hơi nhỏ và một hon đa (có 1 xe hơi chứa chất nổ để phá hủy mục tiêu). Gần đến Dinh Độc lập ở phía đường Nguyễn Du, lính gác địch phát hiện bắt dừng lại. Đoàn xe cứ tiến, chúng la lên báo động. Các chiến sĩ trên xe đầu tiên nổ súng diệt mấy tên này và dùng bộc phá để phá cổng cho xe chứa chất nổ lao vào, tiếc rằng bộc phá không nổ do trục trặc kĩ thuật. Tuy vậy, tổ bộc phá đã lọt được vào trong. Địch bắn xổi xả, 2 chiến sĩ hi sinh, số còn lại tạm lui, hai bị thương. Địch từ các phía bên trong ập tới bịt kín các cổng. Các tổ xuất kích buộc phải triển khai đội hình chiến đấu trên đường Nguyễn Du. Từ phía Đông xuất hiện 1 toán 7 tên Mĩ, theo sau có 7 xe Jeep chở đầy lính đang lao tới. Các chiến sĩ dùng B40 bắn cháy cả hai xe và dùng AK quét sạch đám chạy bộ. Ngay sau đó phía trên đường Thủ Khoa Huân lại xuất hiện 1 xe Jeep chở lính cũng đang lao tới. Đợi chúng gần, chiến sĩ ta liên tiếp đánh 5 lựu đạn, diệt tất cả địch trên xe. Như vậy, sau 30 phút, đội 5 diệt 3 xe jeep và khoảng 20 tên. Địch kéo đến mỗi lúc một đông, có cả xe bọc thép. Thêm một số chiến sĩ hi sinh. Đã 3 giờ sáng, không thấy tiểu đoàn bộ binh mũi nhọn và thanh niên, sinh viên kéo đến tiếp sức như kế hoạch. Đến 4 giờ sáng, thêm đội trưởng Trương Hoàng Thanh hi sinh. Gần sáng điểm lại còn 8 người, anh em rút vào số nhà 56 Thủ Khoa Huân và tổ chức cố thủ trên lầu 3. Đói, mệt, giữa vòng vây giặc, 8 chiến sĩ ngoan cường, chiến đấu suốt cả ngày 31 tháng 1 năm 1968 tức mồng 2 Tết (trong đó có nữ y tá Chín Nghĩa). Quân ngụy dùng thang cứu hỏa leo lên lầu. Anh em chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tháo súng, vứt bỏ, lại dùng gạch đá, gỗ chặn địch. Đồng chí Lê Tấn Quốc (Bảy Rau muống), với khẩu AK làm nhiệm vụ chốt chặn ở cầu thang đã anh dũng hi sinh. Mờ sáng hôm sau, 7 chiến sĩ còn lại lên sân thượng chuyển qua nhà kế tiếp và tiếp tục di chuyển. Đến ngôi nhà 108 đường Gia Long (đường Lí Tự Trọng bây giờ), tất cả rơi vào tay giặc (Liệt sĩ Lê Tấn Quốc được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang).


(1) Có nhận được lệnh hoãn, nhưng quân đã ém nên xin đánh trước.
(2) Chủ nhà là Trần Văn Miêng đã từ trần. Nhưng trước khi mất, đồng chí có đưa cho vợ là Vũ Thị Sang một nửa tờ bạc và dặn “nếu sau này có ai đến đưa ra nửa tờ bạc còn lại, ăn khớp thì cho phép người đó nhận vũ khí”. Chị Sang đã làm tròn nhiệm vụ cách mạng mà chồng đã giao lại vào ngày 30 tháng 1 năm 1968.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:11:40 am
Lực lượng tấn công Đài phát thanh Sài Gòn gồm 12 chiến sĩ đội 4 biệt động do Nguyễn Văn Tăng, cụm trưởng cụm 3-4-5, phụ trách chung, Năm Lộc trực tiếp chỉ huy. Vũ khí được ém tại nhà vợ chồng đồng chí Trần Phú Cương (Năm Mộc), Trần Thị Út số 65 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1 (tiệm may Quốc Anh), xuất phát tại đấy là một tổ đi bộ, 2 tổ đi xe (1 xe Toyota và 1 xe honda) lúc 2 giờ 59 phút. Vừa tiếp cận mục tiêu, mới bước xuống xe địch đã nổ súng, đồng chí Trần Phú Cương bị thương nặng, trước khi tắt thở, đồng chí động viên đồng độ tiên lên. Sau 3 phút chiến đấu, ta đã làm chủ Đài phát thanh. Ý định của ta là dập tiếng nói của địch, đồng thời dùng phương tiện của địch vừa chiếm được phát đi tiếng nói của cách mạng động viên tinh thần, sĩ khí của quân dân thành phố và toàn miền Nam tiến lên giành thắng lợi quyết định. Thế nhưng sau khi chiếm, kĩ thuật viên của ta đã bị địch ngăn chặn không đến được, kĩ thuật viên của địch đã bỏ chạy, nên kế hoạch không thực hiện được. Trong khi đó, trực thăng của địch đã xuất hiện và kêu gọi đầu hàng (!), 15 phút sau từ hướng Đa Kao, một đoàn xe thiết giáp địch lao tới. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt đến sáng. Đội 4 đánh thiệt hại 1 đại đội lính dù, 1 trung đội an ninh ngụy. Nhưng nhiều cán bộ chiến sĩ lần lượt hi sinh. Không có lực lượng mũi nhọn Phân khu 5 và lực lượng thiết giáp địch làm binh biến đến tiếp cứu như hiệp đồng. Các chiến sĩ biệt động trước lúc hi sinh, dùng 20kg thuốc nổ phá hủy hệ thống máy móc của đài. Tập thể 4 đồng chí đã hi sinh ở Đài phát thanh: Năm Lộc, Bảy Thân, Nhẹ, Hồng. Sáng hôm ấy, trong dòng người tiến về Đài phát thanh, chị Trần Thị Út, vợ đồng chí Năm Lộc, hết sức bàng hoàng, tận mắt thấy địch khiêng xác chồng mình quăng lên xe, chị cố nén đau thương để không cất lên tiếng khóc. Quay trở lại nhà, chị bình tĩnh và thông minh trước tình huống địch đang bao vây, khám nhà, đặt máy nghe trộm… trong lúc 2 cán bộ ta về được còn trong hầm bí mật. Mãi đến sáng ngày 3 tháng 2 tức mùng 5 Tết, chị mới tổ chức được cho các anh Tư Tăng và Ba Tẻo thoát ra được khỏi nhà về căn cứ an toàn. Đêm hôm đó, chị Út độn bụng giả làm người đi nhà thương sinh để để thoát khỏi ngôi nhà, đến tạm trú nhà người chú ruột là Trần Văn Trổ ở đường Trần Quý Cáp. Ngày 10 tháng 2 năm 1968, địch khám xét, lục nọi nhà chị một lân nữa, phát hiện được hầm bí mật, nhưng mọi việc đã rồi(1).

Cuối năm 1969, với tấm căn cước thật mà địch đã cấp mang tên Trần Thị Liên, chị Út hợp pháp trở lại Sài Gòn với cương vị đội trưởng một đội trinh sát gồm 20 chiến sĩ hoạt động trong thành phố, cho đến ngày Sài Gòn giải phóng.

Trận đánh Đài phát thanh Sài Gòn đã làm câm tiếng nói gọi là “Tiếng nói Việt Nam Cộng hòa” từ những giờ phút đầu ta đồng loạt tấn công Tết Mậu Thân vào Sài Gòn. Đồng chí Trần Phú Cương sau được tuyên dương anh hùng.

Tại Bộ tư lệnh hải quân ngụy, 16 chiến sĩ biệt động của đội 3 do đồng chí Trần Văn Liêm (tức Bảy Lốp) chỉ huy, dùng xe du lịch áp sát mục tiêu, diệt ngay một số lính gác ở cổng trước, phía bến Bạch Đằng. Tổ bộc phá lập tức lao vào trong, dưới sự yểm trợ của tổ hỏa lực. Địch đánh trả mạnh. Các chiến sĩ lần lượt người trước ngã, người sau lao tới. Địch dồn toàn lực bao vây ta. Cuộc chiến đấu kéo dài đến sáng. Không có tiểu đoàn Thủ Đức và 200 thanh niên sinh viên đến tiếp ứng như hiệp đồng. 14 chiến sĩ biệt động anh dũng hi sinh, chỉ còn 1 nữ chiến sĩ trở về được căn cứ và đồng chí Hai Liễu vượt sông Sài Gòn về được cánh 4 Thủ Đức.

Cùng với những trận đánh trên, 17 cán bộ chiến sĩ đội biệt đông 11 (gồm các chiến sĩ đơn vị và cơ quan thuộc phân khu 6) do đồng chí Ngô Thanh Vân (Ba Đen) chỉ huy chung với Phan Văn Sửu (Bảy Tuyển) đốc chiến, Út Nhỏ trực tiếp phụ trách đội đi trên xe du lịch Dauphin và một xe tải nhẹ Peugeot 304, xuất phát từ nhà chị Hai Phê - Nguyễn Thị Huệ, số 59 Phan Thanh Giản (nay là đường Điện Biên Phủ) cách mục tiêu 200 mét chạy theo đường Mạc Đĩnh Chi tiếp cận tòa Đại sứ Mĩ (ở đường Thống Nhất) lúc 2 giờ 45 phút. Sau khi diệt 2 lính Mĩ ở cổng gác và dùng thuốc nổ phá thủng bức tường bao quanh, toàn đội xông vào sâu, tiếp cận tòa nhà dùng hỏa lực nã vào cửa và giao chiến với lính Mĩ bảo vệ. Quân ta lọt vào tòa Đại sứ Mĩ trong lúc đại sứ Mĩ Buner đang ở một cơ quan Mĩ trên đường Pasteur. Tên lính Mĩ gác điện thoại chỉ kịp kêu một tín hiệu cấp cứu đã bị bắn gục ngay tại bàn. Lúc 3 giờ 5 phút, một chiếc xe đi tuần của quân cảnh Mĩ bắt được tín hiệu cấp cứu phát từ sứ quán vội chạy tới, 2 tên quân cảnh vừa nhảy xuống bị diệt tại chỗ. Nhận thấy tiểu đoàn 716 quân cảnh của Mĩ không đủ sức bảo vệ Đại sứ Mĩ, Fred Weyand (tư lệnh các lực lượng dã chiến Mĩ ở vùng 3 chiến thuật) điều một bộ phận lực lượng sư đoàn dù 101 ở miền Đông đổ quân bằng trực thăng xuống nóc nhà tòa Đại sứ Mĩ. Nhưng chiếc trực thăng đầu tiên đã bị bắn quá mạnh, việc đổ quân không thể thực hiện được lúc trời chưa sáng.

5 giờ sáng, giặc đã vây 4 phía bên ngoài, tiếp đến trực thăng của sư đoàn dù 101 lại ồ ạt kéo đến nhưng vẫn bị hỏa lực ta đuổi đi. Không có 200 thanh niên sinh viên đến chi viện đội 11 theo kế hoạch. 7 giờ sáng, quân cảnh Mĩ mang mặt nạ đầu heo xông vào cổng chính, 20 phút sau đó hãng AFP đưa tin do kí giả Peter Arnett từ Sài Gòn điện về New York: “Việt cộng đã chiếm lĩnh bên trong tòa Đại sứ”. 8 giờ trực thăng trở lại đổ quân Mĩ xuống lầu thượng. Chiến sĩ đội 11 độc đảm chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Toàn đội đã dũng cảm hi sinh, bị thương và bị bắt.

Cán bộ, chiến sĩ đội 11 mới được giao nhiệm vụ ngày 27 tháng 1 năm 1968 và trưa ngày 28 tháng 1 năm 1968 mới bắt đầu làm công tác tổ chức tại nhà Bộ Chiêu (Bến Cát). Phần lớn chiến sĩ mãi đến tối ngày 30 tháng 1 năm 1968 mới được biết. Tuy nhiên, anh em đã chiến đấu rất xuất sắc.

Cụm 1-2-8 có 30 súng, có nhiệm vụ tấn công biệt khu tủ đô và Tổng nhà cảnh sát, yêu cầu phải chiếm giữ một thời gian, theo kế hoạch có tiểu đoàn 6 Bình Tân của phân khu 2 và 1000 sinh viên thanh niên đến tiếp sức. Chiều 30 tháng 1 năm 1968 từ địa bàn đứng chân An Tịnh (Trảng Bàng), cụm bắt đầu hành quân.

Nhưng khi toàn thành phố nổ súng, phối hợp với các đơn vị phân khu 2, phân khu 3 chưa chặt, cụm này hãy còn ở ấp 2 Tân Nhựt, cách Sài Gòn 15km về phía Tây Nam, do đó không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Đội biệt động 90C có nhiệm vụ tấn công nhà lao Chí Hòa, giải thoát tù nhân. Đêm 30 tháng 1 năm 1968 đội hành quân từ Sa Nhỏ (Củ Chi), giữa đường gặp địch, anh em nổ súng và rút lui. Đội 90C không hoàn thành nhiệm vụ.

Trong đợt 1, theo kế hoạch, có lực lượng thành đoàn sẽ tổ chức Đại hội liên hoan “Tết Quang Trung” tại vườn Tao Đàn và sau khi biệt động chiếm các mục tiêu trong nội đô, lực lượng học sinh sinh viên sẽ đến phối hợp làm chủ các mục tiêu ấy. Cũng theo kế hoạch, các cơ sở binh vận ở lữ đoàn dù 1, căn cứ thủy quân lục chiến, một đơn vị thiết giáp, cục an ninh quân đội và căn cứ thiết giáp Phù Đổng, sẽ nổi dậy làm binh biến và đưa lực lượng đến tiếp sức cho quân ta ở hai mục tiêu Dinh Độc Lập và Đài phát thanh. Các kế hoạch trên đều không thực hiện được, lí do trực tiếp là các điều kiện đều chưa chín muồi, dưới một nguyên nhân bao trùm là vấn đề tương quan lực lượng. Ngoài ra, thời gian hành động không phổ biến kịp đến cấp thực hiện trực tiếp.

Tại nhà số 7 đường Yên Đổ, nơi đặt sở chỉ huy tiền phương phân khu 6, sáng mồng 3 Tết, lúc Bộ chỉ huy vừa đi, quân cảnh ngụy đến bao vây, xông vào nhà bắt vợ chồng bác Ngô Toại, con gái, con rể và một số cán bộ, chiến sĩ liên lạc còn ở lại theo nhiệm vụ. Tại Tổng nhà cảnh sát, địch bắt bác Ngô Toại lột hết quần áo, trói chặt chân vào ghế rồi dùng gậy đánh, đổ nước vào miệng, xịt dầu lên tóc rồi đốt… chết đi sống lại, bác vẫn một mực không khai điều gì, không nhận là cơ sơ biệt động. Địch đày bác ra Côn Đảo, lại tiếp tục tra tấn đủ kiểu, bác giữ trọn lòng trung với cách mạng cho đến ngày được trao trả (năm 1973).

Với ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm cao, chiến công của các đội biệt động Sài Gòn vang dội trong Tết Mậu Thân, nhưng sự tổn thất cũng không nhỏ (41 đồng chí hi sinh, 26 đồng chí bị bắt trong số 86 đồng chí trực tiếp chiến đấu).


(1) Tuy vậy, chúng vẫn tung tin bịp “đã bắt được thủ phạm Trần Thị Út”, đăng ảnh chị trên các báo kèm theo những lời chị “thú nhận tội lỗi và cầu xin được hưởng lượng khoan hồng”, cùng một bài tường thuật về những phát hiện ỏ số nhà 65 Nguyễn Bỉnh Khiêm mà chúng gọi là “cơ sở may quân phục của Việt cộng”, với đầy đủ hồ sơ chi tiết về căn hầm bí mật và một bản thống kê tỉ mỉ nào vải, máy khâu, dao kéo, kim chỉ… mà chúng tịch thu được. Trong khi đó, chị Út đã được đưa vào vùng căn cứ của Khu Sài Gòn - Gia Định, chính thức trở thành một chiến sĩ biệt động.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:13:05 am
*
*   *

Phối hợp với biệt động nội thành, các tiểu đoàn mũi nhọn, các trung đoàn độc lập khẩn trương bôn tập triển khai đội hình tiến công theo hiệp đồng.

Cùng thời gian, lực lượng biệt động cụm 6-7-9 tiến công Bộ tổng tham mưu ngụy ở cổng 2, tiểu đoàn 2 Gò Vấp, Hóc Môn được tăng cường một bộ phận tiểu đoàn 4 đặc công, thực hiện nhiệm vụ tấn công Bộ Tổng tham mưu từ phía cổng 4.

Đêm trên đường bôn tập tiếp cận mục tiêu, người cán bộ địa phương dẫn đường tự ý tách khỏi đội hình, đơn vị phải mò mẫm, vận động theo sự chỉ dẫn của đồng bào, mãi đến 4 giờ sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968 mới bắt đầu tấn công Bộ Tổng tham mưu từ phía cổng 4. Trong điều kiện không còn bất ngờ, tiểu đoàn 2 phải nổ súng chiến đấu từ bên ngoài. Mặc dù vậy, 7 giờ sáng, một mũi của tiểu đoàn đã chiếm được cổng 4 và phát triển vào bên trong, bắt tù binh dẫn đường chiếm kho đạn, kiềm chế sân trực thăng. 9 giờ sáng, địch tung tiểu đoàn dù 8 có xe tăng M41 yểm trợ, mở cuộc phản công vào cổng 4. Quân ta lợi dụng các công sự có sẵn và lợi dụng các đại liên mới chiếm được đánh trả có hiệu quả. Trong lúc đó, từ các nhà lầu trên đường Võ Di Nguy nối dài, hỏa lực quân ta bắn dồn dập vào đội hình tiểu đoàn dù 8, chúng không sao tiến lên được. Sáng 1 táng 2 năm 1968, địch lại ném thêm tiểu đoàn 2 chiến đoàn thủy quân vừa mới điều từ Cai Lậy (Định Tường) về Sài Gòn ngày 31 tháng 1 năm 1968 đến tiếp sức cho các trận địa đã mất. Địch lại tung thêm tiểu đoàn dù 6 vào trận. Các đơn vị dù chia làm 2 cánh, từ cổng số 3 và số 2 len lỏi tiến về cổng số 4. Tiểu đoàn 2 Gò Môn và đặc công vẫn kiên cường bám vị trí chống trả, sử dụng vũ khí địch đánh địch, giữ vững trận địa suốt ngày hôm đó. Tối 1 tháng 2 năm 1968, tiểu đoàn mới tổ chức rút ra trong điều kiện địch đông ken, đơn vị bị chia cắt, anh em thương vong và thất lạc nhiều, khi về căn cứ còn 28 tay súng(1).

Cùng lúc tiểu đoàn 2 Gò Vấp - Hóc Môn tấn công Bộ Tổng tham mưu, còn nhiều mũi khác của phân khu 1 tấn công các mục tiêu quan trọng: trại pháo binh Cổ Loa, trại thiết giáp Phù Đổng, trung tâm huấn luyện Quang Trung…

Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng từ xã An Nhơn tấn công vào trại pháo binh Cổ Loa và trại tiết giáp Phù Đổng diệt tiểu đoàn địch bảo vệ 2 căn cứ này. Sau đó, tiểu đoàn tiếp tục phát triển đánh chiếm xưởng quân cụ 80, đại đội 80 tiếp vận truyền tin, căn cứ 10 tồn trữ quân trang… phá hủy hủy hầu hết xe pháo, loại khỏi vòng chiến nhiều sĩ quan, binh lính địch. Trong số địch bị diệt có trung tá Tuân chỉ huy trại thiết giáp, trung tá Ngô Ngọc Thọ và đại úy Trần Hạnh, sĩ quan pháo binh, thiếu tá Đoàn Dư Khương. Tiểu đoàn 1 bắn rơi tại chỗ 7 máy bay lên thẳng, 1 máy bay trinh sát L19. Ngày 2 tháng 2 năm 1969, địch điều các tiểu đoàn 1 và 4 thủy quân lục chiến đến phản kích. Tiểu đoàn 1 chiếm giữ khu vực trại Cổ Loa ngoan cường đánh trả, loại khỏi vòng chiến gần 100 tên địch, bắn cháy 5 xe tăng và xe bọc thép. Sau một tuần bám trụ đánh phản kích và tập kích lại địch ở khu vực này, tiểu đoàn rút ra phía An Nhơn cùng các đơn vị bạn tiếp tục trụ lại vùng ven.

Cùng lúc tiểu đoàn 2 Gò Vấp - Hóc Môn và 1 bộ phận tiểu đoàn 4 tiến công Bộ Tổng tham mưu ở phía cổng 4, 1 bộ phận trung đoàn bộ binh 1 sư đoàn 9 chủ lực Miền tiến công trung tâm huấn luyện Quang Trung và vùng phụ cận.

Tiểu đoàn 5 pháo kích ĐKB của Miền và tiểu đoàn 8 pháo binh phân khu pháo kích các căn cứ Đồng Dù, Tân Sơn Nhất, Đồng Chùa, Trung Hòa…


(1) Một số ít lực lượng dạt qua phía nghĩa trang Bắc Việt, phần lớn rút về phía ngã tư Phú Nhuận, theo đường Chi Lăng, đến Hàng Keo đi vào đường Hoàng Hoa Thám, vào các hẻm trở ra ngã ba Cây Thị, đánh phản kích ở dây rồi vào đường Ngô Tùng Châu, cư xá Hiền Vương ở 1 ngày với rất nhiều chiến thương, khi ra lại chạm địch ở khu vực đường sắt buộc phải tạm quay lại cư xá Hiền Vương.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:13:33 am
*
*   *

Trên hướng tiền phương 2, đêm 30 tháng 1 năm 1968 một bộ phận cán bộ sở chỉ huy tiền phương Nam suất phát từ phía Bắc Bình Chánh, dưới sự hướng dẫn của nữ giao liên Đoàn Lê Phong, luồn lách qua nhiều đồn bót địch, bí mật áp sát trường đua Phú Thọ, Chợ Thiếc. Nhưng địch phát hiện được bộ phận này, đồng chí Võ Văn Kiệt lệnh (qua điện đài) cho đoàn cán bộ rút trở lại Cầu Tre, chỉ để lại phân đội an ninh vũ trang với nhiệm vụ kềm chân và tiêu diệt địch để bảo vệ các đồng chí cán bộ chuyển qua khu vực an toàn hơn. 12 chiến sĩ an ninh nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa sẵn sàng chiến đấu.

Trên hướng Tây (hướng PK2), tiểu đoàn bộ binh 268 cùng tiểu đoàn đặc công 12 hợp đồng với trung đoàn bộ binh 16 có nhiệm vụ đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Đêm 30 tháng 1 năm 1968 tiểu đoàn chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công đúng hợp đồng, nhưng chờ mãi đến 2 giờ sáng không thấy có ĐKB làm “pháo lệnh” như hiệp đồng, ban chỉ huy tiểu đoàn 268 quyết định sử dụng 8 quả đạn cối 82 bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất thay pháo lệnh ĐKB. Không chờ các đơn vị bạn đến theo hiệp đồng, tiểu đoàn giữ quyết tâm tiến công đúng giờ đã định. Sau loạt đạn cối, xuất kích xông lên đánh chiếm hai lô cốt đầu cầu phía Tây Bắc sân bay, tiếp đó, vượt qua một bãi trống thọc vào hướng bãi đậu máy bay. Tuy nhiên, địch đã kịp thời xuất trận xe M48, hỏa lực, yểm trợ lực lượng không đoàn 33 và dù phản kích. Địa hình bất lợi, quân ta buộc phải lui trở lại hai lô cốt đầu cầu và lui dần về khu vực Tham Lương. Tại đây, tiểu đoàn 268 trụ lại đánh địch phản kích suốt ngày 31 tháng 1 năm 1968. Cùng các lực lượng ta trong khu vực loại 7 xe bọc thép của địch.

Đêm đó, quân ta di chuyển về hướng Tân Thới Nhất (Hóc Môn), tiếp tục đánh địch nống ra vùng này và những ngày sau.

Các lực lượng phân khu 2 từ các căn cứ Bà Vụ, Vinh Lộc, Lí Văn Mạnh tiến công khu vực phía Tây Sài Gòn theo 3 cánh:

Ở cánh 1, tiểu đoàn 16 chiếm lĩnh hãng dệt VINATEXCO làm bàn đạp tiến công sân bay Tân Sơn Nhất. Chỉ có 1 bộ phận nhỏ vào tới một góc sân bay, nhưng cách đường băng 400m thì bị đẩy lùi ra khu vực hãng dệt. Bộ phận này trụ lại, cùng các đơn vị ở đây đánh địch phản kích từ Tân Sơn Nhất ra, từ Củ Chi, Hóc Môn xuống.

Ở cánh 2, tiểu đoàn 267 tiến về Bộ Tổng tham mưu ngụy nhưng đến ngã tư Bảy Hiền thì bị chặn, lui ra cầu Tham Lương cùng tiểu đoàn 16, tiểu đoàn 12 đặc công và tiểu đoàn 268 đánh địch phản kích (tiểu đoàn 38 và 41 biệt động quân ngụy).

Tiểu đoàn 269 đảm nhiệm cánh 3 tiến công vào khu rada Phú Lâm nhưng không thành công. Lực lượng này vòng qua Cầu Tre đánh vào đường Trần Quốc Thảo, tiến đến chợ Thiếc trụ lại đánh phản kích ở khu vực Bà Hạ, Nhựt Tảo, Chợ Thiếc.

Cùng với các cánh trên, tiểu đoàn 6 Bình Tân có nhiệm vụ thọc sâu để phối hợp với biệt động đánh chiếm biệt khu thủ đô, nhưng suốt 8 giờ hành quân (xuất phát từ Vườn Thơm - Lí Văn Mạnh) không đến được, đơn vị chia nhiều mũi thọc sâu về hướng cánh 2, cùng lực lượng cánh 2 chiến đấu trong khu vực của cánh. Tiểu đoàn tấn công trại cảnh sát ngụy ở cạnh trường đua Phú Thọ, đánh địch ở đường Nguyễn Văn Thoại, đường Trần Quốc Toản, sau đó phát triển tiến công đến các khu vực đường Nguyễn Lâm, Nguyễn Kim, Nguyễn Tri Phương, Triệu Đà, chùa Ấn Quang. Bị đánh bất ngờ, địch ở nhiều nơi trên địa bàn cánh 2 bỏ chạy tán loạn. 6 giờ sáng, địch điều tiểu đoàn 38 biệt động quân cơ động bằng máy bay lên thẳng từ Nhà Bè lên ứng cứu. Tiểu đoàn 6 và lực lượng trên địa bàn cánh 2 chiếm lĩnh một số nhà cao tầng, các ngã ba, ngã từ từ đường và các ngõ hẻm, đánh chặn địch. Địch phải tiến quân rất dè dặt. Một cánh quân địch xông vào nhà đường Nguyễn Tri Phương và đường Nguyễn Tiểu La, bị đại đội 1 tiểu đoàn 6 diệt gọn. Một cánh địch khác, men theo các đường Ba Hạt, Bà Bầu, Vĩnh Viễn, Nhựt Tảo đều bị thiệt hại nặng. Một cánh địch nữa tiến theo các đường Trần Quốc Toản và Lí Thái Tổ, hướng về chợ Cá bị quân ta đánh chặn. Địch tung các toán biệt kích, thám báo xâm nhập vào phòng tuyến quân ta ở khu vực Nguyễn Kim, Nguyễn Văn Thoại, Lê Đại Hành… nhưng đều bị nhân dân phát hiện chỉ cho quân ta bắt. Đặc biệt các khẩu đội đại liên của đại đội trợ chiến đã chiếm lĩnh vị trí lợi hại trên sân thượng tòa nhà cao tầng số 527 đường Trần Quốc Toản, sát cây xăng Esso, khống chế được các khu vực đường Nguyễn Tri Phương, Lê Đại Hành, Lữ Gia, trường đua Phú Thọ… không cho các tốp máy bay lên thẳng của địch đổ quân ứng viện xuống trường đua. Một mũi của cánh 2 tiến vào đường Tô Hiến Thành, nhưng nửa đường bị chặn. Đánh sâu, phát triển rộng, tiểu đoàn 6 bị thương vọng nặng. đêm 31 tháng 1 đại đội 2 và đại đội 3 tăng cường một số cho đại đội 1, còn lại rút về vị trí tập kết ban đầu ở Bình Chánh. 23 giờ cùng ngày, đại đội 1 dưới sự chỉ huy trực tiếp của tiểu đoàn trưởng Lê Minh Xuân, cùng tiểu đội vũ trang thuộc Bộ tư lệnh tiền phương Nam phối hợp với các cán bộ địa phương, phát động quần chúng ở các khu vực ngã Bảy tổ chức mít tinh, huy động được hàng trăm đồng bào đến dự để thông báo các tin chiến thắng và động viên nhân dân cùng bộ đội diệt địch. Sau mít tinh, một số thanh niên nam nữ xin gia nhập quân Giải phóng luôn và được bổ sung ngay cho đại đội 1 để làm nhiệm vụ tải thương, dẫn đường. Trên toàn quận 6, trong đợt Tết có gần 1.000 thanh niên xin gia nhập quân Giải phóng. Những ngày tiếp sau, các chiến sĩ đại đội 1 phân tán thành từng nhóm nhỏ tiếp tục chiến đấu ở khu vực trường đua Phú Thọ, các đường Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Tri Phương, Trần Quốc Toản, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng, Bàn Cờ, Trần Hoàng Quân, Minh Phụng… Sau hơn 1 tuần lễ ngoan cường chiến đấu trong lòng địch, đại đội rút ra Tân Kiên, Tân Nhựt (Bình Chánh) để củng cố.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:14:00 am
Phối hợp với các lực lượng phân khu 2, tại khu vực Nguyễn Kim, Tân Phước, 12 chiến sĩ vũ trang an ninh dựa vào từng căn nhà, từng góc phố, từng con hẻm để chiến đấu, luồn lách, cơ động, chặn đứng hàng chục cuộc tấn công của địch. Địch tung thêm vào hướng này 1 tiểu đoàn biệt động quân và hàng chục xe tăng, xe bọc thép, vây kín các ngả đường, quyết bắt cho được bộ phận cán bộ sở chỉ huy tiền phương Nam. Cuộc chiến đấu mỗi lúc càng lác liệt. Tại góc đường Tân Phước - Lê Đại Hành, chiến sĩ an ninh Nguyễn Minh Hoàng bị thương vẫn bám công sự chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Anh đã anh dũng hi sinh vào chiều ngày 4 tháng 2 năm 1968. Những ngày tiếp theo, cuộc chiến đấu không cân sức càng ác liệt. Các chiến sĩ Nguyễn Văn Lợi, Lê Văn Thìn, Lê Văn ngọc, Nguyễn Đức Oanh, Bùi Văn Đức, Ngô Văn Bạch, Nguyễn Văn Chụp, Bùi Văn Tâm, Nguyễn Hoàng An lần lượt hi sinh, đến ngày 7 tháng 1 chỉ còn lại 2 chiến sĩ Phạm Minh Trung và Lê Văn Tăng lui về trụ lại nghĩa địa Phú Thọ để tiếp tục đương đầu với hàng ngàn quân giặc có máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ, chiến đấu đến kiệt sức, cả hai chiến sĩ đều sa vào tay giặc. Tại phòng điều tra Tổng nhà cảnh sát ngụy, cả hai kiên cường, giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng, địch đã thủ tiêu hai anh. 12 chiến sĩ vũ trang an ninh đều anh dũng hi sinh, song đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ đoàn cán bộ chỉ huy tiền phương.

Trên mặt trận này còn có các lực lượng vũ trang thanh niên sinh viên và một số tổ vũ trang nữ biệt động nội thành Sài Gòn cùng sát cánh chiến đấu với tiểu đoàn 6 Bình Tân và phát động quần chúng nổi dậy ở các khu vực Bình Thới, Phú Thọ, Trần Hoàng Quân, Vườn Lài, Sư Vạn Hạnh, Ngã Bảy, Vườn Chuối, Bàn Cờ… Đồng bào ở quận 5, quận 6 hướng dẫn lực lượng vũ trang truy lùng ác ôn, kêu gọi binh lính ngụy ra hàng. Lực lượng vũ trang cánh Hoa vận vận động quần chúng nổi dậy làm chủ các khu vực chợ Thiếc, Lò Gạch, Lò Gốm, Lò Thiêu, một số khu vực ở đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Huỳnh Đức. Suốt mùng 1 đến mùng 6 Tết, lực lượng Hoa vận tìm diệt ác ôn, phát triển lực lượng chính trị, võ trang, xây dựng cơ sở.

Trên nhiều khu vực chiến sự ác liệt, chiến sĩ ta bị thương hoặc bị lạc đơn vị, đồng bào chấp nhận chịu nguy hiểm, tận tình chăm sóc, nuôi giấu anh em rồi tìm cách đưa ra ngoài thành phố để trở về căn cứ. Gia đình bác Tư Mạnh ở đường Nguyễn Tri Phương băng bó, nuôi giấu một chiến sĩ giải phóng suốt 1 đêm. Sáng hôm sau, anh Thu, người cùng khu vực đưa chiến thương này ra khỏi vòng vây của địch. Gia đình chị Phạm Thị Trang ở đường Minh Mạng nuôi giấu một chiến sĩ trong nhà suốt 2 ngày 4 và 5 tháng 2 năm 1968, sau đó giúp anh một chiếc xe đạp để thoát ra khỏi vòng vây quân thù. Bà Hồ Thị Hương ở phường Nhựt Tảo bình tĩnh, khôn khéo tiếp chuyện với bọn cảnh sát đi lùng sục, cứu được 2 chiến sĩ giải phóng đang ẩn ngay trong nhà bà. Anh Duyên ở khu vực chùa Pháp Hội, ngã Bảy với 2 y tá chích dạo dùng xe gắn máy vượt qua lửa đạn, lần lượt đưa 12 chiến thương về số nhà 98 đường Trần Văn Vân. Tại đây, gia đình bác Nguyễn Quang Tuyến nuôi giấu, che chở anh em suốt 1 tuần lễ. Sau đó, số chiến thương này được đưa sang nhà bác Đào Văn Lễ số 702/87 cùng đường Trần Văn Vân. Ở đây, các chiến thương lại tiếp tục được nuôi dưỡng đến trung tuần tháng 2 năm 1968, anh Duyên mướn được 1 chiếc xe lam đưa cả 12 chiến thương về Long Định. Những chuyện người thành phố “tự nhiên mà nhập cuộc” như vậy không sao kể hết được.

Trên hướng phân khu 3, lực lượng ta từ các khu vực Long Cang - Long Định - Hiệp Phước - Phước Lại tiến vào khu vực phía Nam Sài Gòn theo 3 cánh: Phú Định - Phú Lâm, quận 8, quận 4.

Tiểu đoàn bộ binh 2 Long An tấn công địch trên lộ số 5 đoạn từ ngã ba Phúc Lạc đến cầu Nhị Thiên Đường, phát triển đánh chiếm cầu Hiệp Ân phường Chánh Hưng và phường Binh An quận 8, phối hợp với lực lượng vũ trang quận 7 đánh chiếm cầu Vạn Nguyên, vùng Sân Tro, hãng rượu Bình Tây và cầu Bình Tiên, sau đó phát triển qua đường Minh Phụng, Bình Thới, trường đua Phú Thọ, bắt liên lạc với lực lượng phân khu 2.

Tiểu đoàn bộ binh Long An tiến công địch chốt giữ ở ngã ba Bến Đá, diệt bót Vị Quang, chiếm bến Phạm Thế Hiển từ cầu Hiệp Ân đến nửa đường Bến Đá làm chủ phường Bến Đá, phường Hàng Thái, sau đó đánh địch phản kích ở khu vực này cho đến ngày 7 tháng 2 năm 1968.

Tiểu đoàn bộ binh Phú Lợi đánh chiếm khu vực rạch Lồng Đèn, xóm Chú Quái, phường Bến Đá, vượt sông Bình Điền chiếm Vàm Nước Lên, phát triển qua cống Bà Liêu phường Phú Định, bao vây bót Kiều Công Mười. Sau đó, tiểu đoàn Phú Lợi được lệnh đánh ra Đa Phước, bảo vệ phía Nam tiểu đoàn 1 và 2 Long An đang đánh địch phản kích.

Tiểu đoàn 5 Nhà Bè định tiến vào nội thành qua ngả quận 4 (xóm Chiếu) nhưng khi đến Tân Quy đã gặp địch, buộc phải dừng lại đánh địch phản kích.

Phối hợp với các đơn vị chủ lực, lực lượng vũ trang quận 7 chiếm bến Nguyễn Duy và huy động đồng bào tập trung ghe thuyền để đưa bộ đội vượt sông Kênh Đôi, tiến sâu vào thành phố, đánh chiếm bót Ma Rắc, đánh chiếm cầu Nhà Thương, lùng diệt ác ôn đầu sỏ. Một mình chị Tám Gờ diệt 5 ác ôn ở phường Rạch Cát. Chị Hiếu, công nhân hãng rượu Bình Đông, chỉ còn 1 tay vẫn dùng súng ngắn diệt 3 ác ôn tại cầu số 3 phường Bình Đông. Một đội du kích thuộc phân khu 3 vào được đến quận 2, lối sang quận 4 và trở lại đường Bùi Thị Xuân, quận 2 (tại một quán cà phê). Hàng trăm thanh niên đeo băng đỏ trên cánh tay, hăng hái dẫn đường cho bộ đội tiến công địch, thu gom vũ khí chuyển lên phía trước tiếp tế cho các chiến sĩ đang chiến đấu.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:14:38 am
*
*   *

Trên hướng phân khu 4 và phân khu 5, tiểu đoàn 3 bộ binh mũi nhọn Dĩ An với nhiệm vụ thọc vào tiếp sức cho đội 5 biệt động đánh chiếm dinh Độc Lập, đêm 30 tháng 1 năm 1968 tiếp cận và ém sẵn vùng Cầu Sơn, đúng 2 giờ sáng ngày 31 tháng 1, bất ngờ đánh chiếm Chi cảnh sát Hàng Xanh, làm chủ khu vực này. Địch điều tiểu đoàn 30 biệt động quân hành quân bằng ô tô từ Thủ Đức đến ứng cứu. Đoàn xe lọt vào trận địa phục kích, tiểu đoàn 3 Dĩ An đồng loạt nổ súng, bắn cháy một số xe và xung phong, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 30 biệt động quân, giữ vững trận địa suốt ngày hôm ấy. Sáng 1 tháng 2 năm 1968, một bộ phận của tiểu đoàn 3 phát triển tiến công sang khu vực Tây Cầu Sơn. Cùng ngày, địch điều thêm quân đến, tiếp tục phản kích, giải tỏa, có máy bay lên thẳng vũ trang và máy bay chiến đấu yểm trợ. Chúng bắn bừa bãi vào các khu dân cư, khói lửa ngùn ngụt một vùng trời. Chiến sự diễn ra ác liệt, tiểu đoàn 3 Dĩ An trụ ở khu Hàng Xanh cả ngày 1 tháng 2 năm 1968, đến đêm mới rút.

Trong khi đó tiểu đoàn bộ binh 4 Thủ Đức tiến công cầu xa lộ. Địch phản kích quyết liệt, ta không phá được cầu. Tối 31 tháng 1 năm 1968, đại đội 2 của tiểu đoàn vượt sông sang chiếm ấp 10 xã Bình Quới Tây. Trước đó, từ buổi chiều, đồng chí Hai Chí, bí thư chi bộ cùng du kích giả vờ vào chúc rượu cho lính dân vệ trong bót ấp 10, rồi ngờ bắt sống cả bọn, thu toàn bộ vũ khí, san bằng bót. Ngày 4 tháng 2 năm 1968, đại đội 2 từ ấp 10 phát triển ra ấp 9, diệt bọn Bình An, ngày 5 tháng 2 năm 1968 đánh sập cầu Kinh. Địch để 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến gần ấp 9 và ấp 10 Bình Quới Tây kết hợp với tàu chiến trên sông và 1 đại đội bảo an rải dài trên trục lộ từ ấp 9 đến ấp 10, dưới sự yểm trợ của máy bay, pháo, thực hiện phản kích. Quân ta ngoan cường đánh trả, giữ vững trận địa. Một mình chiến sĩ Lí Hùng dùng súng B40 diệt 5 xe tăng và xe bọc thép. Các nữ chiến sĩ vừa tận tụy phục vụ chiến đấu vừa chiến đấu rất dũng cảm. Nữ chiến sĩ Bé Sáu biệt động vừa vận chuyển trên 100kg thuốc nổ cho đơn vị vừa tổ chức đưa 17 thương binh của tiểu đoàn 3 Dĩ An bị kẹt ở khu vực Cầu Sơn về căn cứ an toàn.

Cùng thời gian trên, trung đoàn bộ binh 3 sư đoàn 9 tấn công chi khu quân sự Thủ Đức, trung đoàn bộ binh 1 sư đoàn 7 đánh địch phản kích ở khu vực Lái Thiêu để giữ địa bàn phía sau.

Nhìn chung các tiểu đoàn mũi nhọn chiến đấu rất dũng cảm nhưng phần lớn không đến được mục tiêu, bị thiệt hại nửa số quân và vũ khí vì địch kịp thời điều lực lượng dự bị từ 4 giờ sáng ngày 31 tháng 1 năm 1968.

*
*   *

Quân các huyện ngoại thành dốc sức phục vụ tổng công kích, đồng thời phối hợp nội thành góp sức tấn công địch.

Chuẩn bị vào trận, nhân dân Gò Vấp, Hóc Môn đã xây dựng hầm xi măng chắc chắn, nhiều tầng, nhiều nhánh, liên hoàn, chứa được đến vài ba tiểu đội, như các hầm ở nhà má Chín Cho, má Tám Hòa, mà Hai Giá… (xã An Nhơn) và các hầm nhà các anh Tám Thiệt, Tám Chà, Ba Sóc, Tư Hớn, Mười Út… (xã Hạnh Thông Tây).

Khi quân ta nổ súng tiến công trong thành phố, nhiều nơi ở xung quanh Sài Gòn đồng bào đánh trống gõ mõ, đập thùng thiếc, đốt khí đá, phát loa, treo cờ, rải truyền đơn kêu gọi binh lính địch bỏ súng trở về với gia đình hoặc chạy sang hàng ngũ cách mạng.

Đồng bào dẫn đường, tải thương, tải đạn, tiếp tế cơm nước cho bộ đội. Ở Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình, Bình Chánh, Thủ Đức… đồng bào tập trung đủ ghe xuồng để chuyển bộ đội, chuyển vũ khí, chuyển thương binh, ngày ngày nấu cơm, nắm cơm đem ra mặt trận. Có người dỡ cả vách nhà ra làm củi nấu cơm phục vụ chiến đấu.

Trong lúc đó các lực lượng địa phương và du kích tiến công tiêu diệt kêu gọi bức hàng, bức rút hàng loạt đồn bót địch, cắt đứt các đường giao thông số 1, số 15…, liên lạc của địch từ Sài Gòn ra các địa phương bị gián đoạn. Nhiều nơi tề tan rã, ta có điều kiện vùng lên giải phóng xã, ấp, nhưng đã không tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ do chỉ hướng vào giải quyết vấn đề nội đô.

Ở Củ Chi, tiểu đoàn 7 bộ đội địa phương và du kích phối hợp với mũi binh vận tập kích chi khu Củ chi, làm chủ 1 ngày, tập kích chi khu Phú Hòa, bắt sống tên chi khu phó và nhiều tay chân; tiêu diệt các đồn Tân Thạnh Tây, Phú Hòa Đông, Tân An Hội, Bình Mĩ, các bót Mĩ Khánh (xã Thái Mĩ), Phước Hưng (xã Phước Thạnh), bức hàng đồn An Nhơn Tây; phát động quần chúng nổi dậy làm chủ ở cơ sở và vận động thanh niên tòng quân. Hàng ngàn thanh niên xin ngay vào lực lượng vũ trang và bán vũ trang. Du kích các xã Nhuận Đức, An Nhơn Tây liên tục tiến công quân Mĩ đang hành quân ở Cây Diệp, xóm Bưng, Sở Đất thịt, hạn chế bọn này về ứng cứu cho Sài Gòn.

Ở Gò Vấp, quân dân địa phương bức rút, bức hàng các bót ở Quới Xuân, Thạnh Lộc, diệt các đồn An Phú Đông, Tân Thới Hiệp, Nhị Bình, Đông Thạnh, Vàm Thuật, đánh chìm 2 xuồng chiến đấu của địch trên sông Vàm Thuật.

Ở Hóc Môn, thừa cơ địch bối rối, nhân dân vùng lên chiếm thị trấn Hóc Môn suốt 3 ngày, sau đó du kích phối hợp với bộ đội địa phương liên tục đánh địch suốt 12 ngày đêm tại thị trấn này.

Ở Tân Bình, lực lượng vũ trang địa phương đánh địch ở Cầu Ván, cầu Sắt, trường Lao động…

Ở Bình Chánh, bằng cách phát loa kêu gọi địch hàng, lực lượng võ trang địa phương lấy được đồn Hưng Long, thu toàn bộ vũ khí mà không tốn một viên đạn…

Ở Duyên Hải, lực lượng vũ trang địa phương tiến công các đồn Đồng Hòa, Long Thạnh, pháo kích chi khu Quảng Xuyên, diệt ác trong ấp chiến lược Giồng Ông Đông, đột nhập thị trấn Cần Giờ, diệt bốt cảnh sát.

Đặc công Rừng Sác tiến công đồn Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch) đồn bảo an xã Lí Nhơn và đánh chiếm 6 ấp chiến lược khác. Tranh thủ thời cơ “thủ đô” địch đang náo động, đêm 14 tháng 2 năm 1968, một tổ đặc công Rừng Sác đột nhập cảnh Nhà Bè, đánh chìm một tàu trọng tải 10.650 tấn. Đêm 25 tháng 2 năm 1968, đội 2 lại phục kích bắn cháy 2 tàu Arizona Patrick và 1 xà lan chở đầy hàng quân sự đang vượt sông Lòng Tàu vào Sài Gòn. Ngày 17 tháng 3 năm 1968 cũng trên sông Long Tàu, đội 1 và đội 2 bắn cháy 3 tàu nữa. Những trận đánh trúng “dạ dày” này gây cho địch thêm nhiều bối rối.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:16:16 am
*
*   *

Sau 2 tuần lễ chiến đấu cực kì anh dũng, đến ngày 13 tháng 2 năm 1968 các lực lượng từ ngoài vào chiến đấu trong nội thành Sài Gòn lần lượt rút ra ngoại ô.

Sau hồi choáng váng, địch nhanh chóng xốc lại lực lượng phản kích quyết liệt. Chúng ầm ĩ tuyên truyền: đây là những cuộc hành quân “lùng và diệt” to lớn nhất trong cuộc chiến và trên 100.000 quân tại các tỉnh quanh Sài Gòn.

Từ tháng 2 năm 1968, cá đơn vị thuộc sư đoàn kị binh bay số 1 Mĩ từ vùng chiến thuật của địch bắt đầu vào miền Đông Nam Bộ.

Sự thực là với quân đông, phương tiện mạnh, địch luồn được vào phía sau của ta nhưng chúng đang gặp phải một đối phương đang chiến đấu với khí thế tổng công kích.

Từ ngày 18 tháng 2 năm 1968, chiến sự quyết liệt diễn ra trên vùng ven ngoại ô. Ở hướng Bắc, quân ta phản kích hàng chục trận ở Ấp Đồng Tiến 5, cầu Sắt, Vườn Cau Đỏ, cầu Đồng Tiến 1, rạch Cây Đa, An Nhơn, quốc lộ 13… loại khỏi vòng chiến hàng ngàn tên. Nổi bật là các trận đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn Mĩ trên nhánh lộ 13 Lái Thiêu - Gò Vấp, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn dù 8 ở Tân Thới Hiệp ngày 18 tháng 2) và Tân Thới Trung (ngày 25 tháng 2).

Bình Chánh là một trong những vùng chiến sự ác liệt nhất. Sáng ngày 20 tháng 2 năm 1968, sau khi bắn phá, dọn bãi, 1 tiểu đoàn ngụy đổ quân bằng máy bay lên thẳng xuống sát bờ kênh ấp 5 xã Hưng Long và triển khai đội hình tiến vào xã, nơi tiểu đoàn Phú Lợi đang trú. Lực lượng ta dựa vào các gò cao, nhiều tổ dùng rơm đội đầu, đợi địch đến thật gần, tốc rơm đánh, địch bất ngờ không tiến được. Đến 11 giờ trưa, sau cuộc “dọn bãi” dữ dội bằng pháo bầy, chúng dốc toàn lực mở đợt tấn công mới, dũi lên được 200m, nhưng đến 1 giờ chiều lại bị đánh bật ra, lui về vị trí xuất phát, tối rút luôn.

Đúng một tuần sau, ngày 27 tháng 2 năm 1968, địch lại tiến công vào Hưng Long. Lần này bộ binh Mĩ có 6 xe tăng dẫn dắt, máy bay, pháo binh yểm trợ tối đa, tiểu đoàn Phú Lợi vẫn giữ vững trận địa, bắn hỏng 1 xe tăng, loại khỏi vòng chiến gần 50 tên Mĩ; 5 giờ chiều địch rút sau khi dùng máy bay chở xác và chiến thương Mĩ.

Địch chuyển hướng về phía Vĩnh Lộc. Ngày 6 tháng 3 năm 1968, một tiểu đoàn bộ binh Mĩ có xe tăng tiến vào xã, bộ đội và dân quân địa phương kiên cường chặn đánh, trận càn bị bẻ gãy. Ngay ngày hôm sau, quân Mĩ lại điên cuồng tung ra 2 trung đoàn bộ binh và 2 chiến đoàn xe bọc thép, quyết san bằng Vinh Lộc. Từ tờ mờ sáng ngày 7 tháng 3 năm 1968, chúng bắn hàng ngàn quả đạn đại bác dọn đường và dùng máy bay oanh tạc, bắn phá những nơi nghi có quân ta phục kích, 7 giờ mới bắt đầu tiến công. Nhưng điều bất ngờ là ngay từ đầu, các mũi tấn công của chúng đều bị đánh. Từ sáng đến chiều, chiến sự ác liệt xảy ra khắp thôn trên ấp dưới. Đụng phải lực lượng quyết chiến, dũng cảm, táo bạo, 4 giờ chiều quân Mĩ buộc phải rút lui. Cả 2 ngày 6 và 7 tháng 3 ở Vĩnh Lộc, quân ta loại gần 300 tên Mĩ, phá hủy và phá hỏng 5 xe tăng, bắn rơi 3 máy bay lên thẳng. Đây là một trong những trận đánh phản kích ác liệt nhất, cũng là trận thua đau nhất của quân Mĩ ở vùng ven sau đợt 1 tổng công kích.

Trong khi đánh địch phản kích, từ ngày 17 đến ngày 28 tháng 2 năm 1968, quân ta thực hiện nhiều trận phản kích vào nhiều mục tiêu quan trọng của địch: sân bay Tân Sơn Nhất, Nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô, kho xăng An Nhơn… Trong lúc đó, ta tiếp tục tổ chức một số trận vào nội đô và ven đô nhưng không thành(1).

Trên toàn bộ vùng ven sau đợt 1, địch gây thiệt hại cho lực lượng ta, chiếm lại một số khu vực quan trọng nhưng phải trả giá.

Trong lúc đó ở nội thành, lực lượng của các ngành, các giới tiếp tục đánh nhỏ lẻ. Đến ngày 28 28 tháng 2 năm 1968, tiếng súng nội thành mới được gọi là dứt, kết thúc đợt 1 cuộc tổng tiến công.

Qua 7 ngày cao điểm tiến công quyết liệt kết hợp với nổi dậy, nhiều ngày đánh phản kích, quân dân miền Nam với quyết tâm cao nhất và sẵn sàng chấp nhận ác liệt, hi sinh đã gây cho địch tổn thất nặng hơn bất kì thời kì nào trước đây cả về quân sự và chính trị. Ý nghĩa lớn lao nhất của đợt 1 Tết Mậu Thân chính là đòn đánh “trúng sọ não” và sự bất ngờ về mọi mặt đối với địch về việc đối phương đã thực hiện đồng loạt cuộc tấn công vào hậu phương sào huyệt của chúng; “đưa chiến tranh vào đô thị”, đó chính là điều choáng váng nhất đối với đế quốc Mĩ trong quá trình xâm lược Đông Dương.

Ngày 9 tháng 2 năm 1968, trái với những tuyên bố huênh hoang mới đầu năm 1968, Westmoreland đã phải báo cáo về Mĩ rằng: “Phải mất một thời gian mới lấy lại sức cho quân đội cộng hòa (quân ngụy) - Nói theo quan điểm thực tế thì chúng ta phải công nhận là đối phương đã đánh cho chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề, họ đã đưa chiến tranh vào các thành phố, các đô thị, đã gây thương vong, thiệt hại…”.

Ngày 1 tháng 3 năm 1968, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mĩ McNamara, người “dao động cực độ” ra đi, Clark Clifford - cố vấn riêng của Johnson về chiến tranh Việt Nam - lên thay. Mới nhận chức, Clark Clifford đã lo lắng nói: “Tôi không biết bao giờ cuộc chiến tranh kết thúc, không biết nó kết thúc bằng các nào… Không biết liệu đến bao giờ quân đội Nam Việt Nam có thể thay thế được quân Mĩ”.

8 ngày sau việc bãi nhiệm MacNamara, thay vì tăng thêm 206.000 quân chiến đấu Mĩ vào miền Nam theo đề nghị của đại tướng Westmoreland, Johnson triệu hồi (thực tế là cách chức) viên tướng “chỉ biết tiến không biết lùi” này về Washington, “nhường” chức tư lệnh chiến trường lại cho tướng Creighton Abrams (ngay 9 tháng 3 năm 1968). Với việc thay tướng và xin tăng thêm mấy chục vạn quân vào lúc này, mặc nhiên Mĩ đã thú nhận thất bại quân sự của chúng trong mùa xuân 1968, thú nhận sự thất bại của chiến lược mà Westmoreland đang thực thi và buộc phải thay thế chiến lược khác. Báo chí Mĩ bình luận đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kì có một vị đại tướng mà ngày 28 tháng 4 năm 1967 vừa được quốc hội Mĩ long trọng tuyên dương công trạng thì đến ngày 23 tháng 3 năm 1968 đã bị cách chức tư lệnh chiến trường và phải ra điều trần trước quốc hội”.

Ngày 31 tháng 3 năm 1968, đế lượt Tổng thống Mĩ Johnson cũng ra trước máy vô tuyến truyền hình tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kì tới, chấp nhận sẽ chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, đồng ý thương lượng với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bắt đầu từ ngày 3 tháng 5 năm 1968 tại thủ đô Paris. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kì, một tổng thống kiêm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang phải “tự cách chức” giữa lúc cuộc chiến tranh đang tiếp diễn.

Đòn Tết Mậu Thân trở thành một sự kiện vang dội trong ngoài nước, mọi phía chính trị trên thế giới qua đó nhìn thấy con đường thất bại tất yếu của Mĩ trong chiến tranh Việt Nam, loài người tiến bộ hiểu thêm về cuộc chiến đấu của nhân dân ta.

Đánh giá ý nghĩa đợt 1 Tết Mậu Thân, Hội nghị Trung ương Cục tháng 3 năm 1968 khẳng định: “… mở ra một cục diện mới trong sự nghiệp chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta”. Hội nghị cũng cho rằng đợt Tết Mậu Thân chưa đạt thắng lợi cao nhất theo khả năng thứ nhất mà Bộ Chính trị đề ra vì ta còn khuyết điểm, nhược điểm mà rõ nét nhất là chủ quan.

Tuy nhiên, một sự thực khách quan có ý nghĩa chiến lược là cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa diễn ra giữa cuộc chiến tranh trong điều kiện địch còn hơn 1 triệu 30 vạn quân và rất ngoan cố, lực lượng chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu của một cuộc tổng khởi nghĩa, trước hết là lực lượng quần chúng có tổ chức chưa đủ mạnh, chưa được lãnh đạo chặt chẽ để đưa lên mức bạo lực vũ trang khởi nghĩa kết hợp tấn công quân sự. Về quân sự, trên chiến trường miền Đông, tính riêng khối chủ lực, 3 sư đoàn ta phải đối đầu với lực lượng tương đương 9 sư đoàn Mĩ, ngụy, “đồng minh”. Nhiều vấn đề rất lớn, rất phức tạp mà ta nhận thức chưa đầy đủ trước ngày phát động, trong khi đó, mọi ý nghĩ, tình cảm, hành động đều dồn vào mục tiêu “dứt điểm” toàn bộ, ngay cả sau khi chưa dứt điểm mục tiêu nào và địch đã bắt đầu bung ra. Đó là lời giải đáp bao trùm cho câu hỏi tại sao đợt Tết chưa đạt thắng lợi cao nhất, tại sao cả 2 mũi tấn công và nổi dậy đều chưa tương xứng với khái niệm “tổng khởi nghĩa - tổng công kích”. Dưới nguyên nhân bao trùm ở trên, ở nội đô ta đã sớm dốc sức bộc lộ lực lượng, ở nông thôn bỏ lỡ cơ hội (tề và các lực lượng tại chỗ của địch đang hoang mang) để phát triển và củng cố vùng giải phóng(2).


(1) Từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 2, lực lượng Phân khu 2 tiến công Phú Lâm không thành. Đêm 18 tháng 2 tiểu đoàn 1 Đồng Nai Dĩ An tấn công cầu Bình Lợi, diệt được 60 tên thủy quân lục chiến ngụy, nhưng không phá được cầu.
(2) Tài liệu tham khảo: - Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 5 năm 1969. - Đề cương báo cáo tổng kết cuộc tiến công Sài Gòn - Gia Định trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy 1968, Viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng (tài liệu dùng trong hội nghị khoa học tổng kết các chiến dịch trong cuộc chiến tranh chống Mĩ) - Dự thảo kiểm điểm sự lãnh đạo của Thành ủy từ tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. - Bài “Đồng chí Lê Đức Thọ nói một số vấn đề về chiến tranh và cách mạng Việt Nam” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử quân sự, số 28 tháng 4 năm 1968). Viện Lịch sử quân sự. - Các bài tham luận về cuộc Tiến công và nổi dậy Mậu Thân - 1986 của các đồng chí Lê Đức Thọ, Hoàng Văn Thái, Trần Văn Trà, Trần Văn Quang, Trần Độ, Trần Bạch Đằng đăng trên Tạp chí nói trên, số kỉ niệm Hai mươi năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1986 (tháng 2 năm 1988).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:16:46 am
*
*   *

Bị đòn choáng váng, địch hèn nhát giết hại hàng loạt người yêu nước đang bị chúng giam giữ.

Ngay đêm 31 tháng 1 năm 1968 mở màn cuộc tổng tấn công, địch đã đưa chị Lê Thị Riêng, Khu ủy viên, ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đang bị chúng giam tại bót biệt kích Bà Hòa, đồng chí Trần Văn Kiều, Khu ủy viên, phụ trách Công vận cùng một số anh em yêu nước khác, lên một chiếc xe lớn chạy ra đường Hồng Bàng rồi dùng súng bắn xối xả. Chị Lê Thị Riêng sinh năm 1925 tại Bạc Liêu, tham gia cách mạng từ năm 1945. Trong một chuyến công tác vào cuối tháng 5 năm 1967 bị sa vào tay giặc. Bị địch tra tấn dã man, tay bị đốt cháy đến lòi xương, chị vẫn giữ thái độ hiên ngang, bất khuất. Trước khi tắt thở, chị đã chửi thẳng vào quân giặc và hô to “Đả đảo bè lũ Mĩ - Thiệu - Kì”, “Mặt trận Dân tộc Giải phóng muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm”.

Về chiến lược quân sự, Nhà Trắng và Lâu Năm Góc đã bãi bỏ chiến lược “tìm và diệt” thay bằng chiến lược “quét và giữ” do Abrams trực tiếp thực thi, tăng cường, củng cố và yểm trợ cho quân ngụy Sài Gòn để cải thiện thế phòng ngự, không thể thua hơn, làm hậu thuẫn cho đàm phán; từng bước phi Mĩ hóa chiến tranh, dần dần chấm dứt sự dính líu trên bộ của quân Mĩ ở miền Nam Việt Nam.

Mục tiêu trước mắt của Abrams là đẩy đối phương ra xa các đô thị, dốc toàn lực và mọi biện pháp không loại trừ việc sử dụng chất đốc hóa học và B52 ném bom rải thám sát đô thị

Từ ngày 11 tháng 3 đến ngày 7 tháng 4 năm 1968, địch mở cuộc hành quân mang tên “Quyết thắng” càn quét Sài Gòn - Gia Định, Long An, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Biên Hòa để giải tỏa ven đô, đánh phá các căn cứ, bàn đạp của đối phương xung quanh Sài Gòn. Từ ngày 9 tháng 4 năm 1968 trở đi, chúng lại mở cuộc hành quân hỗn hợp “Toàn thắng”, huy động trên 50.000 quân càn quét trên toàn lãnh thổ ba vùng chiến thuật nhằm đẩy đối phương ra xa các vùng đông dân cư, tiếp tục đánh phá các căn cứ, bàn đạp, ngăn chặn các cuộc tiến công mới vào thành phố. Trong lúc các sư đoàn Mĩ 1, 9, 25 và các đơn vị chủ lực ngụy đang co về bảo vệ vùng ngoài Sài Gòn - Gia Định.

Các lực lượng chủ lực địch ở ven đô được địch điều chỉnh, bố trí lại như sau:

Chiến đoàn dù 1 và 2 (4 tiểu đoàn) ở Hóc Môn - Gò Vấp.

Chiến đoàn 4 thủy quân lục chiến (3 tiểu đoàn) ở Thủ Đức, chủ yếu là khu vực cầu Bình Lợi, xa lộ.

Liên đoàn 5 biệt động quân (4 tiểu đoàn) ở Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè mà thường xuyên là khu vực Phú Thọ Hòa.

Sư đoàn 9 và sư đoàn 25 Mĩ (12 tiểu đoàn) ở phía Nam thành phố và các khu vực ven đô phía Tây Bắc.

Phản ứng của địch là kịp thời huy động lực lượng vừa phòng ngự vừa tiến công, đang hình thành thế phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp quanh Sài Gòn. Vùng ven đô ban đêm pháo sáng vẫn sáng như ban ngày, tiếng loa tâm lí chiến của địch ầm ĩ.

Các lực lượng ta vừa chiến đấu rất ác liệt để giữa bàn đạp, vừa chuẩn bị vào đợt cao điểm mới. Rất khó khăn. Nhiều đơn vị đang chuẩn bị nhiệm vụ kế tiếp buộc phải tạm xé nhỏ, chọt lúa ra gạo để ăn hoặc ăn gạo sống, rau muống. Có nơi như ở Gò Vấp, lực lượng đứng chân phải lấy mãng cầu sống nấu ăn đỡ đói. Nhân dân lên Lái Thiêu mua gạo về tiếp tế cho bộ đội.

Tính cả Mĩ lẫn ngụy, lực lượng địch quanh Sài Gòn lên đến 200.000 tên (60 tiểu đoàn), hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép do một trung tướng Mĩ chỉ huy. Tuy nhiên còn hướng Nam là hướng mà từ trước đến nay địch hay sơ hở do tin là địa hình bị chia cắt, nhiều sình lầy, đối phương khó xâm nhập, nhất là với lực lượng lớn. Ở đây, quân Mĩ thường đóng tập trung từng tiểu đoàn, công sự dã chiến, cơ động bằng máy bay lên thẳng… nên có những chỗ hợ nhất là ở khu vực cầu chữ Y, Bình Đông, Bình Tây, Phạm Thế Hiển…


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:18:44 am
3. Chuẩn bị và thực hành tiến công nổi dậy đợt 2

Chấp hành chỉ thị ngày 23 tháng 3 năm 1968 của Quân ủy trung ương; “Tập trung lực lượng đẩy mạnh tiến công quân sự và chính trị từ nay đến cuối thu nhằm gây cho địch những tổn thất lớn, đưa chúng vào thế bị động hơn nữa, giành được thắng lợi quân sự, chính trị quan trọng, làm cho tình hình chuyển biến mạnh”, “phải cố gắng cao nhất để giành thắng lợi quyết định, đồng thời chuẩn bị mọi mặt để thắng địch trong điều kiện chiến tranh kéo dài”. Trung ương Cục chủ trương: “Mở đợt tấn công thứ hai nhằm liên tục tiến công địch và phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, ra sức tiêu hao tiêu diệt thật nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mĩ ngụy, duy trì và đẩy mạnh các mặt hoạt động trên địa bàn đô thị, làm chủ các đường giao thông chiến lược, giải phóng toàn bộ nông thôn, đồng bằng, miền núi và tăng cường xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng vũ trang và chính trị, giành thắng lợi liên tiếp và vững chắc, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn với tinh thần hết sức khẩn trương, đồng thời sẵn sàng ứng phó một cách chủ động nếu chiến tranh kéo dài và mở rộng”.

Hội nghị A51 (Thành ủy) (đầu tháng 6 năm 1968) thông qua nghị quyết công tác đô thị Sài Gòn các tháng 3, 4, 5, 6 năm 1968. Trên cơ sở nhận định: “Thời cơ dứt điểm”(1) đang tồn tại sau đợt 1, căn cứ nhiệm vụ trên giao (hội nghị Năm trường lần thứ 60, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ chung trong thời gian tới là: “Tận dụng thời cơ chiến lược, thừa thế tấn công của quân dân ta khắp miền Nam và của quân đội ta trong thành phố, kết hợp chặt chẽ với công kích và chiếm lĩnh của quân đội, tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang của quần chúng giành những thắng lợi to lớn, tạo ra cho kì được một sự chuyển biến lực lượng so sánh giữa ta và địch, chuẩn bị tốt cho phong trào phát triển liên tục, ngày càng mạnh mẽ, tiến lên cùng cả miền Nam đánh gục kẻ thù”(2).

So với tương quan lực lượng và thực tế tình hình lúc bấy giờ, nhận định “thời cơ dứt điểm” đang tồn tại là không phù hợp, từ đó các nhiệm vụ, mục tiêu như “phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền”, “khởi nghĩa vũ trang”, “giải phóng toàn bộ nông thôn”… đều vượt quá khả năng thực tế.

Có dự kiến “ứng phó một cách chủ động nếu chiến tranh kéo dài và mở rộng” nhưng mọi kế hoạch cũng như trong chỉ đạo chuẩn bị chưa thể hiện tinh thần này, trái lại vẫn tập trung vào mục tiêu “dứt điểm”.

Đối với chiến trường Sài Gòn - Gia Định, chấp hành ý định của Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền, Bộ chỉ huy Miền quyết định: sử dụng một bộ phận chủ lực (2 trung đoàn thuộc sư đoàn 9) cùng với các tiểu đoàn mũi nhọn tấn công một số mục tiêu nội thành, chiếm các khu vực dân cư, phát động quần chúng nổi dậy phá rã bộ máy kềm kẹp từ quận trở xuống, xây dựng chính quyền cách mạng trong thành phố; lực lượng biệt động có nhiệm vụ đánh phá nhiều mục tiêu nội đô và làm mũi nhọn kết hợp với bộ binh tiến công trên khu vực phía Tây thành phố; sử dụng một bộ phận chủ lực (sư đoàn 7 thiếu, sư đoàn 5 thiếu và một số đơn vị pháo) đánh địch ở vùng ven về vòng ngoài, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Mĩ ngụy, hỗ trợ cho các lực lượng tấn công nội thành và mở rộng địa bàn giải phóng xung quanh thành phố.

Cán bộ, chiến sĩ còn lại ở các cụm biệt động 1-2-8, 3-4-5, 6-7-9, Hoa vận và một số anh chị em mới bổ sung tổ chức lại thành một cụm mạnh, lấy cụm 6-7-9 làm nòng cốt. Các lực lượng biệt động và vũ trang của thanh niên học sinh, Hoa vận, công vận chưa chiến đấu trong đợt 1, sẵn sàng làm nhiệm vụ ở các mục tiêu đã phân công (tòa hành chính và cảnh sát cấp quận, các bót cảnh sát ác ôn địa phương).

Một bộ phận nữ biệt động của cánh phụ vận lấy tên nghi binh “Tiểu đoàn Lê Thị Riêng”, do chị Lê Thị Bạch Cát (Sáu Xuân) chỉ huy, chị lê Thị Hồng Quân phó chỉ huy, lực lượng ít(3), nhưng rải rác nhiều nơi, gom lại ở khu vực quận 2.

Nhiều bộ phận bộ đội địa phương và du kích xã được rút lên bổ sung cho các đơn vị chủ lực.

Bộ chỉ huy Miền giao cho Đoàn 10 đặc công Rừng Sác nhiệm vụ trong đợt 2 là tham gia đánh các cơ quan đầu não của địch, đồng thời đánh liên tục, đánh chìm, đánh cháy nhiều tàu hơn nữa.

Hạ tuần tháng Tư năm 1968, tuy biết chắc là địch biết được ý định tiến công đợt 2 của ta do nhiều nguyên nhân trong đó có việc đầu hàng phản bội của Trần Văn Đắc, chính ủy Phân Khu 1 (Tám Hà)… nhưng Thường vụ Trung ương Cục và Quân ủy Miền vẫn giữ quyết tâm về mục tiêu, ngày, giờ.

Phần lớn các đơn vị làm nhiệm vụ đánh vào Sài Gòn đều phải hành quân từ xa, đánh địch mở đường. Các đơn vị thọc sâu như tiểu đoàn 2 Long An, tiểu đoàn Phú Lợi, tiểu đoàn Đồng Nai tăng cường cho Phân Khu 3, khi xuất phát, mỗi tiểu đoàn ba bốm trăm, hành quân đến nơi còn một nửa.

Địch biết trước, tình huống đã phức tạp, lòng tin “dứt điểm” có giảm so với đợt 1, nhưng trước nhiệm vụ lịch sử, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ vẫn quyết tâm tất cả cho thắng lợi cao nhất, triệt để chấp hành mệnh lệnh.

Trong không khí náo nức chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy đợt 2, một số nhân sĩ ở Sài Gòn ra vùng giải phóng họp và thành lập Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (ngày 20, 21 tháng 4 năm 1968) do luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch, công bố tuyên ngôn cứu nước và chương trình hành động.


(1) Tư liệu số 12, 106-SY. Số BM, 7727-1. Nguyên văn nhận định tình hình sau đợt 1 như sau; “Thuận lợi lớn nhất và có ý nghĩa chiến lược là thời cơ giành thắng lợi hoàn toàn trong thời gian trước mắt đang mở ra, đó là thời cơ không phải chỉ cho phép ta giành những thắng lợi từng mặt hoặc trong từng chiến dịch, mà đó là thời cơ dứt điểm. “Chưa bao giờ chúng ta nắm trong tay những nhân tố thắng lợi, đầy đủ như hiện nay” (A51).
(2) Tài liệu đã dẫn.
(3) Trên dưới 20 đồng chí. Nay đang có ý kiến khác nhau về lực lượng này, nhưng đều thống nhất là không có “tiểu đoàn”, đó chỉ là tên nghi binh.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:19:20 am
*
*   *

Mở màn cao điểm 1 đợt 2, lúc 0 giờ 30 phút ngày 5 tháng 5 năm 1968 các loạt hỏa tiễn M.12, ĐKB bắn vào các mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu mưu, Sứ quán Mĩ, Dinh Độc Lập, tân cảng Sài Gòn, Bộ Tư lệnh hải quân, Tổng nha cảnh sát… Đạn tản mát nhiều.

Trưa ngày 4 tháng 5 các chiến sĩ biệt động Nguyễn Nhất Hiếu, Nga dùng xe du lịch chở thuốc nổ, có xe gắn máy yểm trợ, tấn công gây thiệt hại nặng đại truyền hình Sài Gòn. Phục vụ trận đánh này có Huỳnh Thị Tờ đứng tên mua xe du lịch, Nguyễn Kim Quang, cơ sở trong đài truyền hình vẽ sơ đồ. Cùng đêm, các tiểu đoàn mũi nhọn, các trung đoàn làm nhiệm vụ thọc sâu xuất phát tấn công các mục tiêu quy định.

Trên hướng Tây - Tây Nam (Phân khu 2): Phân khu 2 được tăng cường trung đoàn 1 sư đoàn 9, các tiểu đoàn của phân khu đã tập hợp lại thành lập trung đoàn 2 phân khu 2.

Đêm 4 tháng 5 tiểu đoàn 6 Bình Tân, trung đoàn bộ binh 2 phân khu 2 theo hướng Phú Lâm tấn công vào khu vực Cầu Tre, phát triển vào trường đua Phú Thọ, đường Trần Quốc Toản, đường Hậu Giang… sâu nhất đến chợ Thiếc.

Trung đoàn 1 sư đoàn 9 phải chống càn liên tục với sư đoàn 25 Mĩ từ Bàu Công (Tây Ninh) xuống đến bưng Vĩnh Lộc. Đêm 4 tháng 5 trung đoàn để lại một bộ phận nhỏ để giữ chân địch ở Vĩnh Lộc, còn toàn bộ trung đoàn tiến vào Sài Gòn; trong đêm 2 tiểu đoàn 1 và 2 mất liên lạc nhau, trên bổ sung tiểu đoàn 4 trung đoàn 2. Rạng sáng ngày 5 tháng 5, vượt kênh Bình Thủy rất ác liệt để vào ngoại ô.

Ngày 6 tháng 5, trung đoàn bộ binh 1 sư đoàn 9 tiến công vào nội ô ở song song phía Bắc trung đoàn 2 phân khu 2 vào đến trường đua Phú Thọ, liên lạc được một bộ phận trung đoàn 2 phân khu 2 đã vào chợ Thiếc. Có một bộ phận biệt động đặc công gặp 1 đại đội của sư đoàn 9 ở sân vận động Cộng Hòa và trụ ở đây.

Tại các khu vực từ ngoài vào, quân ta đã tác chiến ác liệt với các tiểu đoàn biệt động quân 33, 35, 38 có xe tăng, thiết giáp và máy bay yểm trợ.

Từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 5 năm 1968, tại Cầu Tre, đại đội 7, trung đoàn 1, sư đoàn 9 và một bộ phận trung đoàn 2 Phân khu 2 bao vây đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn biệt động quân 33, bắn cháy 2 xe M.133, bắt sống 6 tên giặc. Một bộ phận tiểu đoàn 6 ở Bình Tân chọc thủng từ Cầu Tre qua Bình Thới đánh chiếm bốt cảnh sát Nguyễn Ngọc Châu, làm chủ khu vực Minh Phụng, đường 46, Lạc Long Quân, cầu Cây Gõ. Tại khu vực Minh Phụng, đường 46, các chiến sĩ cùng đồng bào giành giật từng tấc đất với quân thù. Tự vệ bắn rơi 1 máy bay lên thẳng.

Theo mặt trận này, từ vùng ven vào nội đô, có những phóng viên quay phim, nhà văn, nhà báo anh dũng bám sát đơn vị chiến đấu và hi sinh, trong đó có nhà văn Nguyễn Thi tức Nguyễn Ngọc Tấn, các phóng viên quay phim Trung Chánh và Quốc Dũng, nhà thơ Lê Anh Xuân, phóng viên báo Quân Giải Phóng Thân Trọng Hân và Ngọc Châu… Chiến sĩ, đồng bào ta giữ từng thước phim, từng trang ghi chép của các anh hi sinh để lại, sau đó chuyển về vùng căn cứ. Gần 50 chiến sĩ Quân Giải phóng hi sinh tại trận được đồng bào chôn chất chu đáo.

Từ Cây Gõ, đầu đường Minh Phụng, ngày 7 tháng 5 tiểu đoàn bộ binh 4 sư đoàn 9 thọc lên đến ngã tư Bảy Hiền và khu nghĩa địa lính Pháp, uy hiếp sân bay Tân Sơn Nhất. Đại tá Lưu Kim Cương, tư lệnh không đoàn 33, chỉ huy trưởng yếu khu Tân Sơn Nhất đích thân chỉ huy tiểu đoàn 7 dù ra phản kích, bỏ mạng lúc 9 giờ 30 phút ngày 6 tháng 5.

Các đơn vị đánh vào thành phố diệt được nhiều địch song tổn thất nặng. Đêm 7 tháng 5 tiểu đoàn 4 dần rút ra. Đêm 8 và 9 tháng 5 toàn bộ trung đoàn 1 trụ ở ngã ba Bà Quẹo đánh phản kích quyết liệt, đến ngày 12 tháng 5 rút về bưng Vĩnh Lộc (Bình Chánh). Đêm 12 tháng 5 trung đoàn 2 và tiểu đoàn 6 Bình Tân rút sau khi đánh chiếm khu vực Bình Tiên, Chợ Lớn, Minh Phụng, Phú Định, khu vực Trang Tử, bắn rơi 1 máy bay, tiêu hao nặng 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy, đánh lui 1 tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 199 Mĩ đến ứng cứu (từ ngày 9 tháng 5 đến ngày 11 tháng 5 năm 1968), không đánh được Biệt khu thủ đô, trung đoàn 1 Phân khu 2 lui ra Phú Định mở đường ra An Lạc, ngày 12 tháng 5 ra Tân Kiên, Tân Nhựt còn có 50 tay súng, phải mang 25 thương binh của 5 tiểu đoàn. Ban chỉ huy chiến đấu hi sinh đến người cuối cùng (phải thay toàn bộ). Đại đội 2 tiểu đoàn 6 thương vong gần hết, các tiểu đoàn khác còn phân nửa. Trong khi đó trung đoàn bộ binh 1 sư đoàn 9 trên đường hành quân tiếp cận đụng địch liên tiếp, không đến kịp để thay thế trung đoàn 2 Phân khu 2.

Địch phản kích rất mạnh mẽ trên nhiều hướng, nhưng cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên nhiều cao ốc ở các khu vực Bình Tiên, Lò Gốm, Phú Định.

Trên hướng Nam (Phân khu 3): Phân khu 3 vừa được tăng cường 3 tiểu đoàn.

Ngày 8 tháng 5 tiểu đoàn Phú Lợi vượt sông tấn công vào quận 8. Một đại đội của tiểu đoàn vượt Kinh Đôi, tập kích địch ở Lò Heo. Ngày 9 tháng 5 đại đội này rút lui ra Chánh Hưng cùng cả tiểu đoàn đánh địch phản kích.

Cùng ngày 9 tháng 5, tiểu đoàn 1 đi trước và tiểu đoàn 2 Long An tiến theo rạch Cây Khô tiếp tục tiến công vào quận 8 tại các khu vực cầu chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Mật, đường Âu Dương Lân, đường Phạm Thế Hiển… Ta chiếm được khu vực phía Nam cầu chữ Y, địch phản kích dữ dội, chủ công là 1 tiểu đoàn Mĩ thuộc lữ 3 (sư 9 Mĩ). Địch dội bom vào khu dân cư để dọn đường, sau đó bộ binh Mĩ tiến vào có chiến xa, máy bay yểm trợ, chiếm lại được khu vực Phạm Thế Hiển (phía Nam cầu chữ Y), nhưng bị loại 5 xe M113 trước cửa khu chợ. Ở phía Tây Nam cầu chữ Y, chiến sự giằng co quyết liệt từ 5 giờ 30 phút đến 23 giờ 50 phút ngày 10 tháng 5 quân ta vẫn giữ được trận địa trước sức tấn công của 1 tiểu đoàn Mĩ. Trên toàn bộ khu vực cầu chữ Y, ta đã loại 900 tên Mĩ và nhiều ngụy, bắn cháy và bắn hỏng 4 xe M113. Trong các trận đánh ở đây, tiểu đoàn 2 giữ vai trò đương đầu trực tiếp với Mĩ, bảo vệ phía sau cho tiểu đoàn 1.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:20:17 am
Trong lúc đó tiểu đoàn 5 Nhà Bè tiếp cận vào đến rìa phía Nam quận 4, nhưng do không vượt sông được nên không vào quận 4 được, tiểu đoàn chuyển sang đánh phản kích ở cầu Tân Thuận, khu vực Tân Quy, chỉ có 1 bộ phận nhỏ qua sông đánh được 1 bót nhỏ ở phía Đông cầu chữ Y (bót Mồ Côi).

Ngày 1 tháng 5 tiểu đoàn Phú Lợi và tiểu đoàn 5 rút khỏi trận địa. Đêm 11 tháng 5, tiểu đoàn 1 và tiểu đoàn 2 tiếp tục rút.

Nhiệm vụ đánh chiếm tổng nhà cảnh sát và phát triển vào quận 1, quận 2 của Phân khu 3 không thực hiện được.

Ở cao điểm này, các Phân khu 1, 4 bị địch ngăn chặn từ vòng ngoài (PK5 vào được) nên địch bảo vệ phía trong có điều kiện tập trung lực lượng phản ứng trên 2 khu vực Tây Nam và Đông Bắc (PK5) thành phố(1).

Các trận đánh cao điểm 1 đợt 2 ở Phân khu 3 kết thúc vào ngày 12 tháng 5, tuy nhiên vẫn được lệnh bám vùng ven. Lúc này hướng Tây và Nam chỉ còn tiểu đoàn 6, tiểu đoàn 308 của Phân khu 2 còn có thể tấn công được vào Sài Gòn.

Trên hướng Bắc và Tây Bắc (Phân khu 1): Ngày 5 tháng 5 lực lượng của trung đoàn bộ binh 16 và trung đoàn Quyết Thắng tấn công vào hướng Tân Sơn Nhất nhưng đụng địch án ngữ vùng ven, phải chiến đấu ngay từ vùng ngoài Gò Vấp. Ngày 6 tháng 5, các đơn vị trụ lại đánh địch ở các khu vực xóm Mới, cây Xoài, An Nhơn… loại khỏi vòng chiến đấu 200 lính dù ngụy. Ngày 8 tháng 5, quân ta tập kích 2 cụm xe cơ giới địch ở Tân Thới Đông và Tân Thới Trung, phá hủy và phá hỏng 50 xe, diệt và làm bị thương 230 tên địch.

Trên hướng Đông (Phân khu 4): Ngày 5 tháng 5 năm 1968 lực lượng Phân khu 4 và công binh Miền tấn công cầu xa lộ để cắt giao thông từ phía Đông Sài Gòn, nhưng chỗ đặt được có 20kg thuốc nổ nên cầu chỉ hư hại. Ngày 8 tháng 5 năm 1968 một cánh khác đánh chiếm khu vực Thanh Mĩ Lợi, Bình Trung, sau đó liên tục đánh trả chiến đoàn 2 thủy quân lục chiến đến phản kích. Trong lúc đó, một đơn vị đặc công tấn công cầu Rạch Chiếc không thành. Một đơn vị đặc công khác chiếm được xí nghiệp Sico. Địch đóng ở các bót lân cận tháo chạy. Quân tha nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, kêu gọi quần chúng nổi dậy. Du kích cùng cán bộ đánh sập cầu Sụp, cầu Trao Trảo, bao vây, bức hàng các bót Truông Tre, Lò Lu, đồng Ông Nhiều, đồng Xóm Mới làm chủ dài ngày khu vực từ Long Bình vòng lên Bình Trưng và trụ đánh địch trên trục lộ từ Long Bình lên gần cầu Rạch Chiếc.

Trên hướng Đông Bắc (Phân khu 5): Hai tiểu đoàn của Phân khu 5 tấn công vào khu vực cầu Bình Triệu, ngã ba Hàng Xanh và cầu Bình Lợi. Ba giờ sáng ngày 5 tháng 5 năm 1968, một đại đội bộ binh ta dùng xe tải hành quân về hướng quận 1. Đến cầu Phan Thanh Giản (cầu Điện Biên Phủ bây giờ), quân ta bắn B40 vào bót gác của địch, xong vượt qua cầu chiếm các nhà cao tầng ở khu vực cuối đường Tự Đức. Hải quân ngụy đóng ở gần cầu Thị Nghè bỏ chạy tán loạn, chỉ một ít chống cự yếu ớt. 4 giờ 20 phút, 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy mở cuộc bao vây hòng giải tỏa khu vực đường Tự Đức. Chúng bị ghìm đầu tại chỗ. Trong lúc đó, phá ta bắn vào khu vực Tân Cảng, nhiều kho tàng của địch ngùn ngụt bốc cháy. Chiến sự diễn ra mỗi lúc một ác liệt. Chuẩn tướng, giám đốc tổng nha cảnh sát ngụy Nguyễn Ngọc Loan buộc phải đích thân chỉ huy cuộc hành quân giải tỏa.

Sáng ngày 6 tháng 5 năm 1968 địch tung một tiểu đoàn biệt động quân có thiết giáp yểm trợ từ hướng Hàng Xanh đánh vào, một tiểu đoàn thủy quân lục chiến từ hướng Đông Nam Sở thú đánh qua, kết hợp với tâm lí chiến phát loa ầm ĩ. Quân ta dựa vào công sự và các vật kiến trúc bẻ gãy từng đợt phản kích của địch.

Ở phía hẻm Nguyễn Bỉnh Khiêm, địch tiến quân có 2 xe thiết giáp phía trước bắn xối xả. Hai xe bị bắn cháy, bộ binh phía sau quay đầu chạy (9 giờ 35 phút ngày 6 tháng 5 năm 1968). 10 giờ 40 phút cùng ngày, một toán biệt động quân địch định chiếm khẩu cối 60 của ta, nhưng thất bại, khẩu 60 li vẫn tiếp tục rót đạn vào cây xăng Thị Nghè, Ti nông cụ và Đài phát thanh Sài Gòn.

Ở khu vực phía Tây cầu Thị Nghè, quân ta đánh trả tiểu đoàn 5 thủy quân lục chiến “cọp biển”, làm chủ trận địa đường phố nhiều ngày. Tại đây chuẩn tướng Nguyễn Ngọc loan bị bắn gãy chân, buộc phải vào bệnh viện, mất luôn chức giám đốc Tổng nha cảnh sát.

Các lực lượng vũ trang tại chỗ phối hợp với các đơn vị thọc sâu, tích cực tiến công địch.

Một đơn vị vũ trang của Thành đoàn do đồng chí Nguyễn Sơn Hà (Bảy Thép) chỉ huy, các đồng chí Năm Lã, Mười Thu… tấn công xe cảnh sát ngụy trên đường Bàn Cờ, Vườn Chuối. bị địch bao vây, các anh em chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đập phá vũ khí trước khi hi sinh. Các đơn vị khác của Thành đoàn gồm các đồng chí Nguyễn Thị Thu Vân (Bảy Thúy), Chín Trương, Hai Thúy… làm nhiệm vụ dẫn đường và chiến đấu với các đơn vị Phân khu 2. Địch phản kích, các anh chị quyết liệt đánh trả và anh dũng hi sinh.

Đêm ngày 4 tháng 5 năm 1968 các đội viên nam nữ biệt động mang tên Lê Thị Riêng ém ở chợ Cầu Muối, bờ sông cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Công Trứ, khu nhà thờ đường Nguyễn Cư Trinh, chợ Chiều (đường Phạm Ngũ Lão, đường Bùi Viện, hẻm 83 đường Đề Thám, hẻm 4 đường Trần Hưng Đạo, lô nhà Kiến Thiết giữa đường Cô Bắc và đường Cô Giang…) Một số đội viên ém trong các nhà cơ sở, một số khác giả làm người buôn bán trên các vỉa hè. Nhóm trung tâm của đội có 13 người - 6 nữ và 7 nam do chị Sáu Xuân và chị Lê Hồng Quân chỉ huy ém ở hẻm 83 Đề Thám, từ 00 giờ ngày 5 tháng 5 năm 1968 đã chiếm lĩnh khu vực chiến đấu, gom nhiều cảnh sát, nhân viên ngụy quyền trong khu vực, dùng loa phóng thanh hù dọa địch và vận động nhân dân làm công cụ. Nhóm này chiến đấu đánh lui nhiều đợt tấn công của địch. Sáng ra, địch tiếp tục tăng quân, hình thành thế bao vây. Cuộc chiến đấu mỗi lúc một ác liệt. Sau khi thương vong một số và đạn gần hết, chỉ huy cho anh em vượt vòng vây giặc, còn lại chị Sáu Xuân, chị Lê Thị Hồng Quân và em Quang ở lại thu hút, kềm chân địch. Trận đánh ở hẻm 83 Đề Thám kéo dài đến 11 giờ ngày 5 tháng 5 năm 1968 mới kết thúc. Lê Hồng Quân bị gãy tay trái và sa vào tay giặc. Em Quang bị thương nặng, bị địch bắt, về sau bị giết trong tù. Trong khi đó ở nhiều nơi khác, nam nữ đội viên biệt động cùng các đội tự vệ quận 1, quận 2 triển khai đánh địch, truy lùng và trừng trị ác ôn ở các khu vực Cô Giang, Cô Bắc, Đề Thám, Huỳnh Quang Tiên, khu vực cầu Kho, cầu Muối. Địch cho xe tăng xe bọc thép phản kích, ủi sập từng dãy nhà của đồng bào. Các đơn vị tự vệ võ trang ngoan cường chống trả, giữ vững khu vực cầu Kho, cầu Muối trong nhiều ngày liền. Tại mặt trận Cầu Kho, đội viên trinh sát 14 tuổi Nguyễn Văn Dân (Nghĩa) anh dũng hi sinh. Tại đường Cô Giang, chị Lê Thị Bạch Cát Bí thư Đoàn quận 2 hi sinh.


(1) Cho đến lúc PK2, PK3 bám trụ vùng ven thì các tiểu đoàn ở các Phân khu 1, 4 lại vượt qua được tuyến vòng ngoài cùng của địch, lách qua tuyến trung gian, tiến vào nội thành.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:21:16 am
Lực lượng vũ trang quận 7, quận 8 bám trụ đánh địch ở Bến Đá, cầu Sập, Hố Bần, quán cơm, rạch Bà Tàng, cầu Kiệt, đường Âu Dương Lân, đường Phạm Thế Hiển.

Lực lượng vũ trang quận 10 cùng đồng bào lao động nổi dậy chiếm khu vực chợ Thiếc, lùng diệt phản động, tích cực đánh phản kích.

Lực lượng vũ trang biệt động cánh Hoa vận ngay từ giờ đầu đợt 2 (0 giờ ngày 5 tháng 5) đã đánh chiếm một tòa Hành chánh quận 5, cắm cờ và đánh địch giải tỏa; đến 15 giờ chiều mới rút sau khi dùng thuốc nổ đánh sập một phần tòa nhà; những ngày tiếp sau lại tấn công Ty cảnh sát quận 5, Ty thuế vụ quận 5, bót Bà Hoa… cùng nhân dân làm chủ các khu vực lò Gạch, lò Gốm, lò Siêu, khóm 1 phường Trang Tử, khóm 6 phường Phú Lâm, diệt một số tên ác ôn và phản động.

Nếu như trong đợt 1, các đội biệt động Thành đã hoàn thành nhiệm vụ đánh trực tiếp các cơ quan đầu não địch thì trong đợt 2, lực lượng võ trang các ngành, các giới, các quận đã mở được diện tiến công rộng rãi và mạnh mẽ ở các khu phố quan trọng trong khắp nội thành, diệt nhiều cảnh sát, mật vụ, ác ôn và binh lính ngụy.

Cao điểm 1 đợt 2 tạm lắng vào những ngày 12, 13 tháng 5 năm 1968. Cao điểm này làm nổi rõ thành tích thọc sâu diệt địch trong thành phố của bộ đội và hoạt động của lực lượng vũ trang các cánh, đoàn thể. Westmoreland (đã bị triệu hồi về nước) phải thừa nhận về đợt này: Họ đã đạt được mục tiêu là làm cho Mĩ phải đơn phương xuống thang, ngừng ném bom, đình chỉ việc tăng quân và làm hỏng một chiến lược đánh mạnh và trong quá trình đó làm cho người Mĩ phải đến bàn hội nghị, trong khi đó nhiều người Mĩ cứ tưởng là chính phủ Mĩ đã bắt địch đến hội nghị.

Cao điểm 2 đợt 2 bắt đầu từ đêm 24 tháng 5 năm 1968. Trên đường Tây và Nam thành phố, mặc dù chỉ còn 2 tiểu đoàn có sức tấn công vào thành phố (tiểu đoàn 6 Bình Tân và tiểu đoàn 308 Trà Vinh lên), Phân khu 2 vẫn nghiêm chỉnh chấp hành lệnh tấn công cao điểm mới; Phân khu 3 không thể rút chân ra khỏi các cuộc chiến đấu ác liệt với quân Mĩ ở vùng ven nếu không tham gia tấn công nội đô trong cao điểm này. Sau cao điểm 1, trên 2 hướng này địch đã hàn chặt các ngõ tiến vào Sài Gòn của ta, chỉ còn khu vực Phú Định là tương đối sơ hở. Đêm 25 tháng 5, 2 tiểu đoàn 6 và 308, từ An Lạc tiến xuống phía Nam lộ 4. Đêm 26, cùng với tiểu đoàn 8 (trung đoàn 3 sư đoàn 9) tổ chức đánh chiếm ngã tư Phú Định tiến vào cư xá Phú Lâm để giữ xườn phía Bắc cho trục tiến công chính là đường Hậu Giang, bắt được 18 tên địch. Ta phải tiến công ở khu vực này đến ngày 3 tháng 5 mới vượt được sang phía Đông cầu Phú Định. Trong thế giới đó, tiểu đoàn 7 trung đoàn 1 sư đoàn 9 đã thay thế cho tiểu đoàn 8 (ngày 28 tháng 5) để cùng 2 tiểu đoàn của Phân khu 2 tiếp tục tiến công vào quận 6, quận 5. Từ ngày 1 tháng 6, từ phía Đông cầu Phú Định ta phát triển sâu chủ yếu trên trục đường Hậu Giang.

Địch tung hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác ra ngăn chặn nhưng chiến sĩ ta có kinh nghiệm đánh trong thành các đợt trước nên luồn lách, vượt qua được.

Ngày 2 tháng 6 năm 1968 tiểu đoàn 6 và tiểu đoàn 308 cùng các chiến sĩ trinh sát trung đoàn nhẹ Phân khu 2 hoàn thành nhiệm vụ ở vùng cư xá Phú Lâm, các đường 18, 15, 14, đường 446 ở Minh Phụng, Chợ Lớn… được lệnh chuyển về hướng Khổng Tử, Lí Thành Nguyên, Mạnh Tử…

Đôi bên giằng co từng khu phố, từng ngôi nhà. Các chiến sĩ chiếm giữ từng lầu cao, từng cửa sổ trên cao, đục tường, thông nhà này sang nhà khác, phân tán lực lượng ra nhiều phía để đánh phản kích. Chiến đấu liên tục, thương vong cao, nhưng không được bổ sung, sức chiến đấu của bộ đội ta giảm dần. Với lực lượng ít hơn trước, các đơn vị Phân khu 2 lại thọc sâu hơn trước, nhưng chỉ theo một trục đường Hậu Giang vào nên địch có điều kiện hàn phía sau, vây hai bên sườn. Đến ngày 6 tháng 6 ta phát triển đến khu vực Khổng Tử. Đồng Khánh, tiểu đoàn 6 vượt lên đường Nguyễn Trãi thì bị quân địch cắt phía sau. Tiểu đoàn 308 và tiểu đoàn 6 bị chia cắt đến ngày 7 tháng 5 phải vừa đánh vừa lui. Tiểu đoàn biệt động quân 30 của địch có xe tăng yểm trợ nhưng rất thận trọng. Ta phải mở đường bí mật cho một số ra ngoài rồi đánh lại sau lưng địch để yểm trợ phía trong. Địch tung ra từng toán nhỏ biệt động quân, cảnh sát kết hợp xe tăng hạng nặng và cả máy bay lên thẳng bắn phá, thả hơi ngạt. Trong quá trình lui quân, thương vong của ta rất cao. Ban chỉ huy tiểu đoàn 308 hi sinh gần hết, phải thay ban chỉ huy mới, nhưng chiến đấu rất xuất sắc. Đồng chí Hai Hoàng - chính ủy trung đoàn 2 đã chỉ huy 1 bộ phận tiểu đoàn đến khi chỉ một nữ liên lạc thoát ra được (đồng chí Hoàng hi sinh luôn).

Trong thế giằng co cài răng lược (đã có trường hợp đạn địch nện lên đầu địch). Khoảng hơn 17 giờ ngày 2 tháng 6 năm 1968 một máy bay lên thẳng võ trang nhằm vào số 266 đường Khổng Tử tức trường Phước Đức, nơi các sĩ quan thân cận của Kì đang họp bàn cách đối phó ở mặt trận quận 5, quận 6, phóng rốc két. Đạn xuyên xuống lầu 2 làm chết 6 tên và bị thương 3 sĩ quan từ thiếu tá đến đại tá ngụy(1).


(1) + Chết:
- Trung tá Nguyễn Văn Luận, giám đốc cảnh sát đô thành Sài Gòn.
- Trung tá Đào Bá Phước, chỉ huy trưởng Liên đoàn 5 biệt động quân.
- Trung tá Lê Ngọc Trụ, trưởng ty cảnh sát quận 5.
- Trung tá Phó Quốc Chử, giám đốc nhà thương cảng Sài Gòn (anh vợ Kì).
- Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sinh, phụ tá giám đốc cảnh sát đô thành Sài Gòn.
- Thiếu tá Nguyễn Bái Thùy, chánh sứ an ninh đô thành.
+ Bị thương nặng:
- Đại tá Văn Văn Của, đô trưởng Sài Gòn (bị gãy tay mặt, nằm viện, mất chức).
- Đại tá Nguyễn Văn Giám, Tư lệnh biệt khu thủ đô.
- Trung tá Trần Văn Phấn: phụ tá tổng giám đốc cảnh sát quốc gia.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:22:20 am
Sau ngày 7 tháng 8, chiến sự mới tạm lắng ở khu vực nội thành phía Tây. Trên hướng Bắc và Đông Bắc đợt này, cánh Tây của Phân khu 5 gồm trung đoàn Đồng Nai phối hợp với trung đoàn Quyết Thắng của Phân khu 1. Đêm 25 tháng 4, trong lúc trung đoàn Quyết Thắng còn bị quân Mĩ chặn trên tuyến sông Rạch Tra thì một tiểu đoàn của trung đoàn Đồng Nai vượt được sông Bình Quới Tây đến cầu Kênh, tắt sang đồng Ông Cộ.

Ngay từ đầu, trên đường tiến vào Bình Hòa, Bà Chiểu, quân ta đã chạm súng quyết liệt với địch vừa đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngụy ở chùa Tường Quang (An Phú Đông), đánh địch ngăn chặn, phản kích trên khu đường sắt Cầu Hang (Gò Vấp) và cầu Bình Lợi, 2 tiểu đoàn của Phân khu 1 (Trung đoàn Quyết Thắng) chiến đấu vượt cầu Sắt. Trung đoàn trưởng bị thương, hi sinh, chính ủy trung đoàn cầm cờ đứng lên hô “Những người cộng sản tiến lên”, cũng bị trúng đạn gục ngã. Đơn vị đánh bật tiểu đoàn ngụy khỏi đường sắt, vào khu vực nghĩa trang. Từ ngày 25 tháng 5 quân ta liên tục đánh phản kích của các tiểu đoàn thủy quân lục chiến 1 và 6 ngụy.

Đêm 30 tháng 5 thêm 2 tiểu đoàn của Phân khu 1 tiến vào Gò Vấp và liên lạc được với trung đoàn Đồng Nai.

Ngày 31 tháng 5, địch điều thêm các tiểu đoàn 5, 9, ngày 8 tháng 6 thêm Liên đoàn 81 biệt kích đã đến phản kích. Đêm 7 tháng 5, 2 tiểu đoàn của trung đoàn Đồng Nai rút ra An Phú Đông, còn lại 2 tiểu đoàn của Phân khu 1.

Các trận ác chiến diễn ra ở Lò Vôi, đường Ngô Đức Kế, và Tập Thành, chùa Linh Sơn, chùa Trúc Lâm và trung tâm Tịnh xá đường Trần Bình Trọng, đường Ngô Tùng Châu, ngã năm Bình Hòa, ngã ba Cây Thị, ngã tư Xóm Gà… Địch ném bom lửa để yểm trợ cho bộ binh phản kích. Chúng đánh ngày đêm, nhưng tất cả đều bật ra và bị thiệt hại nặng. Tại chùa Trúc Lâm ở đường Trần Bình Trọng, địch dùng đến hàng loạt đạn pháo để dọn bãi mà vẫn không vô được. tại sở rác Cây Thị và đường Ngô Tùng Châu xe tăng bị bắn cháy. Ngày 16 tháng 6 năm 1968, chúng dùng đến hơi độc đánh vào trận địa ta.

Ngày 17 tháng 6 năm 1968 địch bắt được trung đoàn phó trung đoàn Quyết Thắng, một số chiến sĩ hết đạn buộc phải chôn súng.

Ngày 18 tháng 6, những bộ phận còn lại của 2 tiểu đoàn của Phân khu 1 rút ra hết, chiến sự ở khu vực này mới dứt.

Qua 26 ngày đêm chiến đấu (từ mở màn đợt 2) trên mặt trận phía Bắc và Đông Bắc thành phố, quân ta loại khỏi vòng chiến hàng ngàn tên địch, nhưng bị tổn thất nặng. Hai tiểu đoàn của trung đoàn Đồng Nai khi rút ra An Phú Đông chỉ còn 70 tay súng. Một tiểu đoàn của trung đoàn Đồng Nai bị thương vong gần hết. Ban chỉ huy trung đoàn còn 5 cán bộ chiến sĩ bị địch vây ở phía nghĩa địa trước xưởng dệt Nam Á, nhờ sự hỗ trợ của nhân dân trở về được căn cứ(1). Số về được của trung đoàn còn 300 người. Trong cao điểm 2 pháo binh ta pháo kích nhiều mục tiêu địch trong thành phố, trong đó sân bay Tân Sơn Nhất bị pháo kích liên tiếp trong các ngày 5, 6, 7, 8, 10 tháng 5 và 12, 14, 31 tháng 6 năm 1968. Riêng trận ngày 6 tháng 5 năm 1968 có 28 máy bay bị phá hủy và hư hỏng. Trong lúc bộ đội các hướng đánh vào nội đô, trên vùng ven và vùng ngoài quanh Sài Gòn, các đơn vị chủ lực và vũ trang địa phương loại khỏi vòng chiến một lực lượng quan trọng của địch. Ở Trảng Bàng, Củ Chi trung đoàn bộ binh 5 sư đoàn 5 phối hợp với lực lượng tại chỗ tấn công địch ở Trảng Sa, Cầu Xe, đường 15, ở khu vực Búng Lái Thiêu, trung đoàn bộ binh 12 sư đoàn 7 diệt 1 tiểu đoàn ngụy ở Phú Văn và tiếp tục đánh Mĩ phản kích, phá hủy, phá hỏng 1 xe tăng, bắn rơi, bắn bị thương 14 máy bay lên thẳng. Ở Long Thành, trung đoàn 14 sư đoàn 7 đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn Úc và 2 đại đội Mĩ, phá hủy, phá hỏng 15 xe tăng và 5 pháo.

Trên hướng Đông Nam thành phố, để mở màn cao điểm 2, từ 2 vị trí ở Rạch Cá Nhám, Đoàn 10 bắn 50 quả ĐKB vào trận địa pháo binh địch ở Nhà Bè, Bộ tư lệnh hải quân ngụy, Dinh Độc Lập và tòa Đại sứ Mĩ. Máy bay lên thẳng và tàu chiến địch đổ quân bao vây quân ta nhiều tầng, nhiều lớp. Các pháo thủ Đoàn 10 ngoan cường chiến đấu, suốt 3 ngày phá vây, an toàn về căn cứ. Địch lại đổ thêm 1 tiểu đoàn đóng chốt ở khu vực Rạch Cá Nhám, nhưng pháo Đoàn 10 lại chuyển trận địa, tiếp tục nhả đạn vào kho xăng Nhà Bè, kho đạn Cát Lái, kho Rạch Dừa (Vũng Tàu) trong suốt cao điểm 2. Trong lúc đó, trên mặt trận đường sông, pháo bắn thẳng của Đoàn 10 bắn cháy 10 tàu chiến đấu và vận tải của địch trên sông Lòng Tàu. Đặc biệt ngày 10 tháng 5 năm 1968 ta bắn cháy 1 tàu chở dầu 10 ngàn tấn và hư hại 1 tàu chở hàng quân sự 7 ngàn tấn trên đoạn sông Động Hàn - Rạch Bàng, bắn trọng thương 1 tàu LCM và 1 tàu chở dầu 7 ngàn tấn ở ngã ba sông Đồng Tranh - Phước Khánh.


(1) Các đồng chí đào hầm trong nhà dân, được chủ nhà che giấu suốt 5 ngày trước sự lùng sục của cảnh sát địch. Năm đồng chí được chuyển sang nhà chị ruột đồng chí Huỳnh Tấn phát, được giấu trên trần nhà và sau đó chuyển sang nhà anh Ba Lâm (là chị ruột bà Nguyễn Thị Bình, sau là Bộ trưởng Bộ Ngoai giao chính phủ CMLTCHMNVN) được anh Ba Lâm dùng ô tô chuyển về Lai Khê (vòng qua Thủ Đức, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Bến Cát…).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:22:44 am
Tiếp sau đợt 1, ở đợt 2 rất nổi bật hình ảnh “hậu cần nhân dân” phục vụ chiến đấu trong điều kiện địch phản kích rất ác liệt.

Ở Bình Chánh, ngày 15 tháng 6 một đoàn dân công của xã Vinh Lộc bị máy bay địch phát hiện và truy kích. Toàn bộ đoàn 33 người hi sinh trên đồng bưng Vinh Lộc. Hàng loạt người khác lại xung phong lên đường thay thế cho những người vừa hi sinh. Rất nhiều dân công đã hi sinh trong phục vụ chiến đấu.

Ở Gò Vấp, Hóc Môn trong đợt 2, mặc dù bị địch đánh phá hết sức ác liệt, nhân dân ta sơ tán rồi lại trở về chỗ cũ để tiếp tục nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, bộ đội, chiến thương, điển hình như các má Mười Cưu, má Bảy Ty, má Hai, má Bảy…

Trong khi địch phản kích, nhiều nơi đồng bào từng nhóm hai, ba người mang cơm, bánh, xôi, trái cây… giả vờ đi bán rồi len lỏi ra trận để tiếp tế cho quân ta. Có nơi đồng bào nấu cơm vừa chín, chiến sĩ chưa kịp ăn, địch đã đánh tới, quân ta cơ động, chiến đấu, đồng bào gánh cơm chạy theo. Có nơi do quá ác liệt đồng bào phải tản cư, nhưng để lại những thùng gạo, thức ăn kèm theo những dòng chữ “gạo này cho giải phóng”, “các chú giải phóng cứ lấy mà dùng”… Đồng bào vận động con em gia nhập lực lượng vũ trang, bổ sung ngay trong chiến đấu. Ở Tân Thới Nhất, thanh niên tòng quân đủ bù ngay số hi sinh và bị thương cho đơn vị giải phóng đang đứng chân tại xã.

Cứu và nuôi chiến thương vượt quá nhiều lần số lượng đã dự tính và chuẩn bị trước tổng công kích - tổng khởi nghĩa, trong tình thế địch phản kích ác liệt, đồng bào vùng ven cố gắng khắc phục khó khăn, vượt lên ác liệt với khẩu hiệu “thà chết không bỏ thương binh”.

Ở một xã cách xa Sài Gòn 45km như An Tịnh, số chiến thương kể cả Sài Gòn ra trước nổ súng dự tính là 200, sau nổ súng qua các đợt lên đến 700-800. Nhiều gia đình nuôi 4-5 người, lúc căng anh em phải xuống hầm bí mật.

Ở Củ Chi, rất nhiều đồng bào đào hầm hố trong nhà để nuôi thương binh. Có người nuôi đến 5 thương binh. Nhân dân xã Bình Mĩ nuôi toàn bộ thương binh của các cánh quân đánh vào Bộ Tổng tham mưu ngụy. Riêng xã Nhuận Đức, đồng bào nuôi đến 700 thương binh.

Ở Gò Vấp trong đợt 2, chiến sĩ Nguyên thuộc trung đoàn Đồng Nai, quê miền Bắc bị lạc đơn vị bám 45 ngày đêm ở Vũng Bèo (Hạnh Thông) được đồng bào nuôi giấu chu đáo. 15 chiến thương nặng của trung đoàn Quyết Thắng được nhân dân An Phú Đông nuôi giấu, chăm sóc tận tình.

Ở ấp Tân Phước (Tân Bình), má Phan Thị Thêm cùng chồng là Nguyễn Văn Thương đã nuôi giấu tổng cộng hơn 40 trinh sát và biệt động thành, đào hầm giấu hơn 150kg thuốc nổ và hàng trăm tiểu liên AK, đạn dược, truyền đơn, cờ Mặt trận. Địch phát hiện các tang vật. Bị bắt, bị tra tấn dã man, nhưng bác Thương nhất định không khai báo. Bác bị chúng đày ra Côn Đảo. Má Thêm bị chúng đưa đi an trí ở trại Tân Hiệp (Biên Hòa).

Ngày 18 tháng 6 năm 1968, sau 2 cao điểm, đợt 2 tổng tiến công kết thúc.

Mặc dù yếu tố bất ngờ về chiến lược không còn, trong đợt 2, ta đã tiếp tục “đưa chiến tranh vào thủ đô địch”; riêng trong thành phố ta diệt nhiều sinh lực hơn trong đọt 1. Tuy nhiên lực lượng ta lại bị tổn thất thêm trong khi tổn thất đợt 1 chưa bù kịp. Địch vẫn bị một bất ngờ về khả năng thọc sâu của ta. Nhiệm vụ mà trên xác định vẫn còn thể hiện chủ quan, không phù hợp thực tế, nặng “dứt điểm”, nhẹ củng cố phía sau: “chiếm lĩnh nhiều khu vực trong thành phố, tiêu diệt đại bộ phận các lực lượng kềm kẹp từ quận trở xuống, thực hiện quyền làm chủ của quần chúng ở khu vực giải phóng, xây dựng chính quyền cách mạng trong thành phố… đánh lẻ và đánh tập trung diệt mọi tiềm năng chiến lược…”.

Hội nghị Trung ương Cục lần thứ 7 (tháng 6 năm 1968), đánh giá thắng lợi đợt 2 là to lớn, toàn diện, “đặt cơ sở hết sức thuận lợi để giành thắng lợi mới, tiến lên giành thắng lợi quyết định”, tuy nhiên còn nhiều mặt yếu tác chiến, ở trọng điểm nổi bật nhiều điểm không đạt yêu cầu, khởi nghĩa quần chúng còn ì ạch, binh vận quá yếu, việc xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, vũ trang và củng cố hậu phương còn yếu. Nhiệm vụ cụ thể của đợt 2 là “Chiếm lĩnh nhiều khu vực trong thành phố, tiêu diệt đại bộ phận các lực lượng kềm kẹp từ quận trở xuống, thực hiện quyền làm chủ của quần chúng ở các khu vực giải phóng, xây dựng chính quyền cách mạng trong thành phố… đánh lẻ và đánh tập trung diệt mọi tiềm năng chiến lược của địch…”. Tuy nhiên, do tương quan lực lượng, do đợt 1 chưa dứt điểm mục tiêu nào trong thành phố, do tình hình nói chung, khi vào đợt 2 tâm lí của người chỉ huy chiến đấu cũng như của chiến sĩ đã có phân vân: đánh vào Sài Gòn thì mục tiêu chính là gì, là để diệt đầu sỏ địch, hay diệt địch trong thành phố để gây tác động chính trị, hay để chiếm thành phố, xây dựng và tồn tại chính quyền cách mạng trong thành phố như thế nào…?

Thực tế là trong đợt 2 ta đã diệt địch nhiều hơn đợt 1 nếu chỉ tính ở nội đô, làm chủ một số khu phố trong nội đô nhiều ngày, nhưng nhiều đơn vị không đến được mục tiêu theo thời gian và kế hoạch đã quy định, do đó các hướng tiến công không đều, địch có điều kiện lần lượt tập trung đối phó trên từng hướng để đẩy lùi ta ra ngoài..


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 18 Tháng Tư, 2012, 08:24:29 am
Ở vòng ngoài, chủ lực ta chưa có đòn tiêu diệt lớn có tác dụng thối động. Tổn thất của ta trong đợt 2 nặng hơn nhất là lực lượng chủ lực và các phân khu.

Chủ trương của Trung ương Cục trong đợt 2 về hậu phương và nông thôn là: “Giải phóng và làm chủ toàn nông thôn đồng bằng, miền núi và tăng cường xây dựng hậu phương lớn mạnh về mọi mặt…”, nhưng khi vào đợt ta vẫn nặng về cả tâm lí lẫn hành động dồn sức nhằm “dứt điểm” đô thị, coi nhẹ củng cố nông thôn và vùng mới giải phóng. Vì vậy sau đợt 2, ở nông thôn ta chẳng những không đủ sức giữ vững vùng mới giải phóng mà còn không đủ sức giữ nhiều vùng giải phóng cũ, nhất là các vùng giải phóng dân cư.

Mặt khác, trong khi dồn sức tấn công đô thị trong đợt 2, ta lại bộc lộ lực lượng vẫn nặng “dứt điểm” nên đã phá vỡ mọi sự kết hợp: Giữa hợp pháp - không hợp pháp và nửa hợp pháp trong đấu tranh chính trị; giữa sử dụng và tích lũy lực lượng lâu dài cho nên sau các đợt tấn công thì kẻ thù còn số quân hơn hẳn ta, đặc biệt lực lượng tại chỗ của ta trong thành phố gần như không còn gì, cơ sở quần chúng cách mạng bị địch vét, ta phải xây dựng lại gần như từ đầu.

Nhìn lại toàn cục, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm nên một cột mốc lớn trong quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc và đã đạt thắng lợi to lớn, toàn diện(1), mà trước đó chưa có năm nào đạt được. Đối với nước Mĩ, không có đòn đánh nào của ta làm choáng váng nước Mĩ hơn đòn Xuân Mậu Thân. Dù sau sự kiện Xuân Mậu Thân, tình hình ở chiến trường trở nên hết sức phức tạp và ác liệt, nhưng trên xu thế thất bại về chiến lược, đế quốc Mĩ không thoát khỏi con đường tất yếu buộc phải trải qua: xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán, rút quân… Và cuối cùng là chế độ tay sai sụp đổ, miền Nam hoàn toàn được giải phóng.

 Tuy nhiên, do có những sai lầm, ta đã chịu tổn thất lớn về người, đặc biệt phải chịu những hậu quả nặng nề, nghiêm trọng trên chiến trường suốt hai, ba năm sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Sai lầm lớn nhất, quyết định những sai lầm khác của ta là chủ quan, đánh giá quá thấp khả năng của địch, quá cao khả năng của ta, đặc biệt là về phong trào quần chúng nổi dậy và khởi nghĩa đô thị. Từ đó chủ trương lấy tổng tiến công và tổng khởi nghĩa để giành chính quyền trên toàn miền Nam, mà thực ra đó chỉ là một cuộc tập kích chiến lược. Mặt khác, ta đã xem tổng công kích - tổng khởi nghĩa là một giai đoạn, một quá trình nhằm kết thúc chiến tranh, nên cứ nhằm vào đô thị, mở hết đợt tiến công này đến đợt tiến công khác nhằm đạt mục tiêu cuối cùng (của tổng công kích - tổng khởi nghĩa), nhẹ củng cố nông thôn, củng cố hậu phương, nhẹ những việc có tính căn cơ lâu dài ở đô thị… Trong lúc đó địch kịp thời chuyển hướng cả về chủ trương chiến lược và hành động, phản kích một cách có hiệu quả.

Nắm tư tưởng tiến công cách mạng và ý định của trên, khu ủy Sài Gòn - Gia định đã chủ động, tích cực chuẩn bị kế hoạch và lực lượng từ cuối năm 1964 đến giữa năm 1965 để đủ sức đối phó với chiến tranh cục bộ của Mĩ, chuẩn bị thời cơ giành thắng lợi quyết định, đồng thời kiên quyết chấp hành nghị quyết Trung ương Cục, đã thực hiện tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân ngay trong chiến tranh cục bộ, trên địa bàn đầu não địch, đánh vào nhiều mục tiêu chiến lược hàng đầu, góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn và toàn diện của tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân trên toàn miền Nam.

Tuy nhiên, so với sự phát triển của tình hình và yêu cầu của nhiệm vụ, việc xây dựng thực lực của Sài Gòn - Gia Định (lực lượng vũ trang, tổ chức Đảng, tổ chức nòng cốt, tổ chức quần chúng…) vẫn chưa theo kịp; do chưa có những biện pháp sinh động, sáng tạo để nhân nhanh lực lượng, chưa tập trung sức nghiên cứu và tăng cường cán bộ để phát triển thực lực cách mạng trong giai cấp công nhân lao động. Những nhược điểm trên dẫn đến hậu quả là khi thời cơ đến, ta không đủ sức nổi dậy và không chiến đấu được dài hơi.

Trong thiếu sót chung của lãnh đạo, chỉ đạo trong Xuân Mậu Thân 1968, về phần mình sau này (đầu năm 1974), Thành ủy đã tổ chức hội nghị để nhìn lại toàn cục vấn đề, kiểm điểm một cách nghiêm khắc, ra dự thảo nghị quyết kiểm điểm Thành ủy từ Xuân Mậu Thân 1968 đến đầu năm 1974 trong đó có những đoạn về năm 1968 như sau:

“Đánh giá tình hình địch, bộc lộ chủ quan một chiều, không sát đúng với thức tế, do đó đã không sớm đóng góp được với trên về việc kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, mà bản thân mình cũng tiếp tục dấn theo yêu cầu tổng tiến công và nổi dậy, đề ra mục tiêu quá cao, đưa lực lượng và cơ sở đến chỗ bộc lộ, bị tiêu hao không bù đắp được…”.

“Bài học chủ yếu trong giai đoạn này là bài học về khởi nghĩa đô thị, bài học về việc phải luôn luôn đánh giá tình hình một cách hết sức khách quan, nhạy bén, từ đó biết chuyển hướng chỉ đạo một cách kịp thời khi tình thế thay đổi, bài học phải luôn luôn giương cao ngọn cờ tấn công, phát huy các hình thức bạo lực cách mạng, nhưng phải theo một phương châm, phương thức phù hợp với từng giai đoạn và phù hợp với tương quan địch, ta từng nơi, từng lúc”(2). Những thiếu sót trong Xuân Mậu Thân 1968 còn để lại hậu quả khó khăn cho ta suốt những năm 1969, 1970, 1971.

*
*   *

Dù như thế nào, chiến công có tầm vóc cột mốc lịch sử của cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân trong 16 năm chống Mĩ là không phủ nhận được; và đó là một cuộc tổng diễn tập chiến lược, phát huy thành quả Đồng Khởi tám năm trước và tạo điều kiện để cho trận quyết chiến dứt điểm 7 năm sau.


(1) Về quân sự: riêng mặt trận Sài Gòn đã gây cho địch thiệt hại rất lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh. Những con số sau đây (theo báo cáo lúc đó) tính cả phần lực lượng trên tăng cường), tuy còn phải xác minh lại, nhưng vẫn là tài liệu để xử lí: cả đợt 1 và đợt 2 trên mặt trận Sài Gòn - Gia Định ta đã: loại khỏi vòng chiến đấu (giết và làm bị thương, rã ngũ 47000 tên địch (có 20000 Mĩ); bắn rơi, bắn bị thương, phá hủy 500 máy bay các loại; phá hủy và phá hỏng gần 1480 xe quân sự (có 600 xe tăng và se bọc thép); phá hủy 45 kho đạn, xăng dầu; tiêu diệt bức rút bức hàng 150 đồn bót. Trên toàn B2 qua 2 đợt ta loại 131000 tên địch (có 39420 Mĩ, Úc, Thái Lan), giải phóng 567000 dân. Theo số liệu Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, tính chung 6 tháng đầu năm 1968, trên toàn miền Nam, địch thú nhận bị chết, bị thương, mất tích 101.400 tên trong đó có 50.387 tên Mĩ (9301 tên bị chết).
(2) Dự thảo kiểm điểm của Thành ủy từ Xuân Mậu Thân 1968 đến đầu năm 1974. Tài liệu số 168, lưu tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thành phố Hồ Chí Minh.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2012, 09:58:51 am
Chương bảy

VƯỢT KHÓ KHĂN, ÁC LIỆT SAU XUÂN MẬU THÂN,
RA SỨC KHÔI PHỤC THỰC LỰC CÁCH MẠNG,
GIỮ THẾ CHIẾN TRANH NHÂN DÂN, TẠO THẾ CHIẾN LƯỢC MỚI
CHUẨN BỊ ĐÓN THỜI CƠ TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC MỚI
(Từ ngày 19 tháng 6 năm 1968 đến ngày 27 tháng 1 năm 1973)

I. RA SỨC KHÔI PHỤC THỰC LỰC CÁCH MẠNG,
DUY TRÌ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG ĐÔ THỊ,
KHÔI PHỤC THẾ VÀ LỰC CHIẾN TRANH NHÂN DÂN Ở VÙNG VEN


Sau tổng tiến công đợt 2, theo tinh thần “tổng công kích, tổng khởi nghĩa là một giai đoạn”, Hội nghị Trung ương Cục thứ 7 (tháng 6 năm 1968) vẫn xác định nhiệm vụ tiếp tục tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Hai tháng sau đó (tháng 8 năm 1968), Bộ Chính trị đề ra chủ trương chiến lược và nhiệm vụ trước mắt, vẫn xác định: “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa là một quá trình tiến công liên tục, trong đó nổi lên những đợt tấn công liên tiếp ngày càng mạnh” và “ta đang ở thế thắng, thế mạnh và có đủ lực lượng để thực hiện quyết tâm đánh thắng Mĩ trong bất kì tình huống nào”(1).

Vào Tết Mậu Thân 1968, được lệnh tổng công kích, tổng khởi nghĩa, toàn quân, toàn dân ta đã xuống đường với “khí thế Mậu Thân” lịch sử, đã thực hiện nhiệm vụ Xuân 1968, với quyết tâm cao nhất, không chút ngại hi sinh và đã đạt thắng lợi trước nay chưa từng có (sau năm 1954).

Tuy nhiên, sau hai đợt dốc toàn lực, tổn thất lớn, mà chưa làm chủ được Sài Gòn, địch lại đang khôi phục và phản kích quyết liệt, có hiệu quả, nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ta khó tiếp thu sự đánh giá và xác định nhiệm vụ “tiếp tục tổng công kích - tổng khởi nghĩa” của Bộ Chính trị và Trung ương Cục. Nhưng toàn quân, toàn dân ta vẫn kiên quyết và nghiêm chỉnh chấp hành nghị quyết và hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng. Vấn đề bây giờ là tấn công như thế nào trong khi thế chiến trường đang diễn biến phức tạp, lực của ta rất hạn chế, khó khăn đã gay gắt, chẳng những không còn đủ sức tấn công vào Sài Gòn mà còn khó giữ được những địa bàn quan trọng mà ta đang đứng chân.

Việc Mĩ thay tướng giữa chừng ngay những ngày tổn công kích của ta (tháng 3 năm 1968) nói lên thất bại của chiến lược “ba giai đoạn”, “hai gọng kềm”, đồng thời nói lên sự chuyển hướng chiến lược kịp thời của Mĩ trước một tình thế khẩn cấp. Chiến lược “quét và giữ” mang tên Abrams (tên của tướng mới thay Westmoreland) nhằm đạt mấy yêu cầu:

- Giữ cho quân Mĩ khỏi bị tiêu diệt, tiêu hao nặng, có thể tiếp tục làm vai trò nòng cốt trong lực lượng quân sự Mĩ ngụy.

- Giữ cho ngụy quyền “khỏi bị sụp đổ”, đồng thời ra sức tăng cường quân ngụy với hi vọng chuyển dần gánh nặng của quân ngụy trên chiến trường.

- Giữ các thành thị các căn cứ quân sự, các đường giao thông huyết mạch, các vùng đồng bằng trọng điểm, đông dân, nhiều của.

Từ giữa năm 1968, một loạt biện pháp cấp cứu nhằm thực hiện kế hoạch “quét và giữ” được thực hiện: chi thêm 6 tỉ đôla cho chiến tranh xâm lược, tăng quân Mĩ lên 55 vạn, tăng trang bị cho quân ngụy, tổng động viên trên toàn miền Nam nhằm vực quân ngụy dậy, tập trung không quân đánh phá ác liệt từ Nghệ An vào Vĩnh Linh, củng cố bộ máy ngụy quyền các cấp.

Trên chiến trường khi ta chuẩn bị đợt ba, địch đã hình thành nhiều tuyến phòng ngự có chiều sâu xung quanh Sài Gòn: tuyến ngoài 14 đến 16 tiểu đoàn có nhiệm vụ đánh phá hành lang và kho tàng của ta, tập trung trọng điểm phía Bắc và Đông Bắc Sài Gòn trên các hướng Tây Ninh - Bình Long và Phước Long, tuyến trung gian: 64 đến 66 tiểu đoàn có nhiệm vụ chủ yếu là càn quét với mật độ cao phục vụ bình định, xúc tát dân, lập vành đai trắng, thực hiện cái gọi là “vành đai nút chặn”, tuyến ven đô và nội đô; hai mươi đến hai mốt tiểu đoàn, có nhiệm vụ thực hiện hành quân cảnh sát, bịt các mối đường vào Sài Gòn, đảm bảo an ninh nội đô.

Như vậy, địch đã tập trung xung quanh Sài Gòn 40% quân chiến đấu Mĩ và chư hầu cùng 37% quân chủ lực ngụy của toàn Miền bao gồm 38 tiểu đoàn Mĩ, 4 tiểu đoàn chư hầu và 61 tiểu đoàn ngụy, tổng cộng 103 tiểu đoàn thuộc 6 sư đoàn và 9 trung đoàn.

Xa lộ vành đai Sài Gòn đang được khẩn trương xây dựng để bảo vệ nội đô và cơ động lực lượng. Ngày 19 tháng 6 năm 1968, Thiệu kí sắc lệnh tổng động viên nhằm bắt 26 vạn lính mới.

Địch đã tập trung mọi cố gắng và thực tế đang thực hiện được ý định phá vỡ thế bị bao vây, uy hiếp và đẩy chiến tranh ra xa dần các đô thị, các sào huyệt quan trọng của chúng.

Về phía ta sau đợt tổng công kích, tổng khởi nghĩa do địch phản kích mạnh, lực lượng chủ lực trước đây tăng cường hoạt động trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định, đang tạm lùi về phía sau để củng cố. Đối phó trực tiếp với địch ở vùng ven chỉ còn lại lực lượng vũ trang của thành phố, nhưng đang gặp khó khăn về quân số và chất lượng nòng cốt các thứ quân, về thế bố trí lực lượng, về các điều kiện bảo đảm hậu cần chiến đấu… Ta vừa phải củng cố về chính trị, tư tưởng, điều chỉnh lực lượng, bổ sung quân số, tăng cường vật chất bảo đảm, vừa phải thực hiện nhiệm vụ tiếp tục tiến công. Các cơ quan chỉ đạo chỉ huy đang đứng trước đỏi hỏi nỗ lực lớn.

Căn cứ tình hình thực tế ở chiến trường, Trung ương Cục và Quân ủy Miền xin Bộ Chính trị đợt này không tấn công lớn bằng bộ binh vào thành phố, mà chuyển trọng tâm tấn công ra vòng ngoài. Nội dung, phương án đợt 3 mà bộ chỉ huy Miền vạch ra là: mở chiến dịch tấn công trên địa bàn Tây Ninh - Bình Long, hướng chủ yếu là Tây Ninh, hướng thứ yếu là Lộc Ninh, hướng phối hợp là các chiến trường khác trong đó có vùng ven và nội đô Sài Gòn. Lực lượng chủ yếu trên hướng chính và hướng thứ yếu là chủ lực Miền, trên các hướng phối hợp chỉ sử dụng lực lượng phân khu và tỉnh trở xuống. Mục tiêu của đợt này là làm tan rã một bộ phận quân ngụy, nhất là khối bảo an, dân vệ, thanh niên chiến đấu; thu hút lực lượng địch và phi pháo địch ra phía ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quân sự, chính trị ở Sài Gòn và vùng xung quanh. Đây là chỉ tiêu rất cao so với thực lực hiện có.


(1) Trích Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 8 năm 1968.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2012, 10:00:07 am
Lãnh đạo mặt trận Sài Gòn, trong khi chờ sự chỉ đạo chính thức của Trung ương và Trung ương Cục cũng đã chủ động đề nghị không tấn công vào Sài Gòn như 2 đợt trước, và báo cáo sự cần thiết phải chuyển hướng hoạt động để bảo tồn cơ sở, tiếp tục duy trì cuộc chiến đấu tiếp sau. Tháng 7 năm 1968, Bộ chỉ huy Miền quyết định các phân khu giao địa bàn các quận nội thành lại cho Phân khu 6. Thành ủy được thành lập lại do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư. Nhược điểm của Phân khu 6 là không có vùng ven để đứng chân. Tháng 8 năm 1968, tại Ba Thu, hội nghị cán bộ Thành ủy lần thứ nhất ra các quyết định: một mặt phải tiếp tục khí thế tiến công, phát huy các hình thức bạo lực, làm nhiệm vụ tổng công kích - tổng khởi nghĩa, mặt khác phải khẩn trương trở về các hoạt động cơ sở, đi sâu vào công tác vận động quần chúng có tính chất lâu dài, vững chắc. Nghị quyết lần này (gọi là Nghị quyết Bình Giã 1) đã nhấn mạnh một số mặt công tác cơ bản như đẩy mạnh phong trào cứu trợ nạn nhân chiến tranh để thông qua đó mà nắm quần chúng, phát động quần chúng, xây dựng lại cơ sở, củng cố và mở rộng các khu vực quần chúng đã giành được thế làm chủ trong Mậu Thân, khôi phục và phát triển cơ sở cách mạng trong các khu vực xóm lao động, xí nghiệp, chợ, trường học, mở mặt trận liên tiếp hành động với các tầng lớp trung gian và các tầng lớp bên trên.

Đi đôi với chủ trương trên ta cũng làm được một bước chuyển hướng mới về tổ chức. Hai hội nghị trên quyết định thành lập các liên phường, tăng cường cán bộ cho công tác công vận. Từ sau hội nghị này, một số quận nội thành (1, 2, 3, 4) và thị xã Gia Định (trước kia đã chia về cho phân khu này lần lượt sáp nhập lại Phân khu 6) hình thành một đảng bộ vừa có tổ chức cơ sở địa phương vừa có tổ chức ngành, giới, Đảng bộ đô thị có tính chất toàn diện hơn, không phải chỉ phụ trách ngành, giới như hồi Tết Mậu Thân.

Tuy nhiên sự chuyển hướng này chưa toàn diện và dứt khoát vì nghị quyết Bình Giã vẫn xác định khả năng “dứt điểm” do chủ quan trong đánh giá địch - ta.

Chủ trương đợt 3 tổng công kích - tổng khởi nghĩa không đánh vào Sài Gòn đã nẩy ra ngay yêu cầu trả lại các địa bàn, các phân khu cho các tỉnh. Ta chưa làm được việc này thì địch đã chuyển trước, phản kích cả trong và ngoài. Lực lượng ta bị chia cắt, các phân khu không có thời gian để củng cố, lâm vào thế bị động, buộc phải giạt ra xa.

Phân khu 6, Thành ủy mất bàn đạp vùng ven thành phố, chuyên lên Ba Thu (tháng 8 năm 1968), rồi chia hai (tháng 9 năm 1968), một bộ phận hậu cứ ở lại Ba Thu, một bộ phận về Cai Lậy để tổ chức nắm lại nội thành.

Phân khu 1 lên Dầu Tiếng, Núi Cậu. Phân khu 2 lên Campuchia. Phân khu 3 cũng lên Ba Thu. Riêng Phân khu 4 vẫn đứng được ở Bưng Sáu xã, nhưng có lúc chỉ liên lạc được với trên qua điện đài. Phân khu 5 lên chiến khu A.

Thế trận quanh Sài Gòn đã khác so với trước tổng công kích - tổng khởi nghĩa, ưu thế chiến tranh nhân dân của ta ở vùng ven đang mất dần.

Không khí tổng công kích - tổng khởi nghĩa vẫn còn, nhưng có kèm theo tâm lí cay cú ở một số đồng chí muốn lại tấn công vào Sài Gòn như 2 đợt trước. Do đó, vẫn cố xoay xở, thu vén, tập hợp, moi móc cán bộ, chiến sĩ cơ sở còn lại để tổ chức, xây dựng 2 cụm biệt động nội đô N10, và N12, 2 cụm biệt động nội đô N13 và N15, một đại đội pháo và một đại đội đặc công nước, ngoài ra còn được Miền tăng cường cho một tiểu đoàn bộ binh. Sau một thời gian huấn luyện, các đơn vị trên lần lượt xuống chiến trường, đứng chân ở ven đô để tìm cách len vào nội đô, nhưng nội đô đã khác trước, các đơn vị này lại phải trở về căn cứ.

Mặc dù chưa có chủ trương chuyển hướng toàn diện, dứt khoát, nhưng nhờ những chỉ đạo thực tế bước đầu về tổ chức và hoạt động trong điều kiện địch phản kích ác liệt, nhiều cơ sở trong nội thành đã bị rã trong Mậu Thân, đang được phục hồi. Một số cơ sở có phát triển. Hoạt động vũ trang giữ được mức độ nhất định. Đặc biệt công tác vận động các tầng lớp trên đã góp phần tích cực vào việc phát triển Mặt trận và mở rộng ra phạm vi toàn Miền: Liên minh dân tộc, dân chủ và hòa bình được hình thành. Trong lúc này các huyện ngoại thành vẫn đang được trực thuộc các phân khu, không được sự chỉ đạo thống nhất theo phạm vi khu Sài Gòn - Gia Định như trước kia, các Tỉnh ủy chung quanh Sài Gòn cũng không chỉ đạo được được các huyện của mình đang nằm trong các phân khu.

Trong tấn công ở ngoại thành và vùng trung tuyến đợt 3 (từ ngày 17 tháng 8 đến ngày 29 tháng 9 năm 1968) Miền Đông đã loại 13 tiểu đoàn địch (chỉ tiêu là 8 đến 10 tiểu đoàn), 35 đại đội, tiêu hao nặng 7 tiểu đoàn khác. Như vậy ta đã vượt chỉ tiêu về số lượng diệt địch, song vẫn không làm thay đổi được thế trận đang diễn biến phức tạp không có lợi về phía ta. Địch bổ sung quân nhanh. Trên từng khu vực vùng ven, chiến tranh nhân dân còn duy trì nhịp độ khá, nhưng chưa theo kịp yêu cầu tương xứng với quả đấm chủ lực. Thí dụ như ở Phân khu 3, Mĩ tập trung 2 lữ đoàn (1 và 2) của sư đoàn 9 cùng lữ đoàn 196 Mĩ và 7 đến 8 tiểu đoàn biệt động quân ngụy đánh phá, trong lúc tỉnh Long An vẫn còn là 2 Phân khu, Nam Bắc quốc lộ 4 không phối hợp chặt chẽ, lực lượng tỉnh và các tiểu đoàn trên chi viện buộc phải phân tán nhỏ để hỗ trợ cho địa phương dần dần bị địa phương hóa, chia lẻ tăng cường củng cố huyện, gây nhiều vướng mắc trong cán bộ, chiến sĩ. Hiện tượng này nảy sinh do mấy mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa yêu cầu phải ở lại vùng ven để chuẩn bị đợt tổng công kích - tổng khởi nghĩa tiếp, với yêu cầu tác chiến để tồn tại, mâu thuẫn giữa tập trung (thì dễ bị phi pháo địch đánh) và phân tán (thì không đủ sức chống càn). Các tiểu đoàn Phân khu 3 không được rời bàn đạp tấn công vào Sài Gòn, nhưng nông thôn phía sau bàn đạp bị sơ hở, địch có khả năng chiếm được (và thực tế cuối năm 1968 chúng thực hiện được việc đó với kế hoạch “bình định cấp tốc”).

Trên một số địa bàn quan trọng như Củ Chi, Đức Hòa… lực lượng chiến tranh nhân dân duy trì được thế giằng co và đánh phản kích có hiệu quả.

Tháng 8 năm 1968, Phân khu 1 quyết định chia Củ Chi ra làm hai huyện Nam Chi và Bắc Chi cho phù hợp với tình hình và chỉ đạo được sát. Ngay sau đó, nhiều xã mở hội nghị quân sự để nghiên cứu cách đánh địch bằng lực lượng vũ trang thoát li. Kết hợp đánh địch bằng những tổ du kích mật vào tận hang ổ, sào huyệt của chúng. Ngày 27 tháng 10 năm 1968, đồng chí Chín Khánh - huyện đội phó quân báo chỉ huy một tổ du kích mật đánh chất nổ vào câu lạc bộ căn cứ Đồng Dù, làm chết và bị thương nhiều tên Mĩ, trong đó có 8 tên cấp tá. Trong tháng 10 năm 1968, du kích xã Phước Thạnh thực hiện hai trận phục kích trên lộ 22 và lộ 7, diệt 8 xe bọc thép và xe tăng địch. Tính trong tháng 11 năm 1968, du kích các xã Thái Mĩ, Phước Hiệp, Nhuận Đức, Trung Lập, An Nhơn Tây, Phú Mĩ Hưng đã đánh 23 trận, loại trên dưới 200 tên Mĩ, bắn cháy và làm hỏng 9 máy bay, 18 xe tăng… có trận chỉ có 2 du kích và 1 bác nông dân mà đánh diệt gọn 1 toán biệt kích Mĩ 13 tên (An Nhơn Tây ngày 5 tháng 1 năm 1969).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2012, 10:00:55 am
Tháng 12 năm 1968, một trung đoàn bộ binh Mĩ có xe tăng, pháo yểm trợ bao vây tiểu đoàn 7 bộ đội địa phương Củ Chi ở khu vực Vườn Trầu xã Phước Thạnh. Sau hơn một ngày chiến đấu, tiểu đoàn 7 đã loại 2 đại đội Mĩ, mở đường thoát ra khỏi vòng vây, trong khi địch đổ trực thăng thêm 2 tiểu đoàn và viện thêm xe tăng. Từ đó tiểu đoàn 7 được gọi là tiểu đoàn lửa.

Tính cả năm 1968, quân dân Củ Chi loại 11.700 tên địch trong đó có nhiều Mĩ(1), bắt sống một số tù binh và diệt 532 xe cơ giới, hạ và làm bị thương 214 máy bay (chủ yếu là máy bay lên thẳng).

Trung đoàn Quyết Thắng sau khi rút ra khỏi thành phố, vượt sông Sài Gòn sang tác chiến trên khu vực lộ 14 (phía Đông sông Sài Gòn, phía Nam huyện Bến Cát), đánh các trận lớn ở dốc Lâm Vồ, Rạch Kiến, lộ Xi Măng, ngã ba Rạch Kiến. có một trận loại một tiểu đoàn Mĩ. Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 1968, trung đoàn đánh hai trận, loại 450 tên Mĩ.

Trung đoàn 268 hoạt động trên địa bàn huyện Trảng Bàng (Tây Ninh) chủ yếu đánh địch nống ra phản kích và tập kích khi chúng co cụm, đã đánh các trận ở rừng Cây, Lộc Khê, Mộc An, Bàu Mây, Trảng Tròn, Mít Nài, Cỏ Ống, Tầm Đinh, Đồng Lớn, An Tịnh, Trà Nguồn, Lộc Châu… đánh thiệt hại 10 tiểu đoàn địch, bắn cháy và hỏng 200 xe tăng, xe bọc thép.

Mặc dù quân số được bổ sung hết sức hạn chế, trung đoàn 286 đang ở thời kì sung sức nhất, đang đạt bước tiến khá về trình độ chỉ huy và tác chiến, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững vùng trung tuyến hướng Trảng Bàng - Củ Chi.

Trung đoàn 16 hoạt động chủ yếu ở phía Đông sông Sài Gòn, trên địa bàn hai huyện Bến Cát, Dầu Tiếng, đang ở vào thời kì đánh địch phản kích ác liệt nhất. Với khẩu hiệu: “dũng mãnh tiến công, kiên trì bám trụ, linh hoạt phản công, chấp hành mệnh lệnh vô điều kiện”, trung đoàn thực hiện được nhiều trận sản xuất ở Đồng Cỏ Đỏ, Rạch Bắp, Bưng Còng, Đồng Ngỗng…

Ở Rừng Sác, ngày 21 và 22 tháng 8 năm 1968, Đoàn 10 đánh trận hiệp đồng lịch sử, trong khi Dinh Độc Lập bị pháo ĐKB, thì trên sông Lòng Tàu, 5 chiếc tàu hàng quân sự trên dưới 7 ngàn tấn bị đánh cháy, trong đó có một chiếc bị chìm tại cảng Cát Lái. Địch phải đổ một tiểu đoàn Mĩ, 1 tiểu đoàn biệt động quân ngụy xuống Rừng Sác để giải tỏa và đã bị giam chân 1 tháng ở đây.

Ngày 10 tháng 10 và ngày 4 tháng 12 năm 1968, tại cảng Nhà Bè, hai chiếc tàu trên vạn tấn tương đương 30 triệu lít vừa cập bến hãng Caltex bị đặc công Rừng Sác đánh bằng chất nổ, cả hai chiếc chìm tại chỗ.

Ở nội thành, tuy sau Xuân Mậu Thân ta gặp nhiều khó khăn, nhưng uy tín Mĩ và tay sai giảm sút. Ngay trong những ngày địch đánh phá ác liệt, tuy chủ trương kế tiếp của ta chưa được dứt khoát, nhiều tổ chức Đảng vẫn cử cán bộ, đảng viên về bám dân để khôi phục và phát triển cơ sở, xây dựng phong trào theo hướng “căn cơ” lâu dài. Một số thanh niên lao động được giác ngộ đã vào trong các chùa khoác áo nhà sư để hoạt động cách mạng. Một số nữ tín đồ Phật giáo được tổ chức vào Hội Phụ nữ Giải phóng. Nhiều chị em buôn bán nhỏ ở các chợ trở thành cơ sở tốt của ta. Ta còn xây dựng được nội tuyến trong một số trại lính ngụy như trại Triệu Đà, trại Tây Sơn…

Nhờ đó, với những khẩu hiệu phù hợp mà Nghị quyết Bình Giã I đã đề ra, những cuộc đấu tranh chính trị nhỏ lẻ dần tiến lên những cuộc đấu tranh có quy mô lớn, từ những khẩu hiệu hợp pháp tiến lên những khẩu hiệu chính trị, nội dung phong phú.

Xuất hiện sớm là phong trào nữ Phật từ cầu nguyện cho những nạn nhân chiến tranh và tổ chức quyên góp cho những người bị cháy nhà, bị đói thiếu. Phong trào mang tính nhân đạo nên thu hút được đông đảo quần chúng tham gia, kể cả tầng lớp trên, vợ con tướng tá và nhân viên của ngụy quyền. Từ quy mô nhỏ lúc đầu, ta đưa cán bộ phụ vận vào lãnh đạo, tổ chức mở rộng phong trào ra nhiều địa bàn, thành phố và cử nhiều đoàn hành hương đi các tỉnh để cầu nguyện và quyên góp. Ngoài khẩu hiệu “cứu trợ nạn nhân chiến cuộc”, ta còn đưa ra nhiều khẩu hiệu: “cầu nguyện cho hòa bình, chấm dứt chiến tranh”. Ngày 27 tháng 10 năm 1968, 500 đại biểu đại diện cho 20 đoàn thể, tôn giáo, họp tại chùa Ấn Quang đòi hòa bình, đòi lật đổ nội các chiến tranh của Thiệu - Kì - Hương. Cuối tháng 12 năm 1969, lại nổ ra cuộc đấu tranh của sinh viên Phật tử phản đối chính quyền Thiệu bắt giam hòa thượng Thích Thiện Minh và kết án 15 năm tù.

Để bù đắp lại những thiếu hụt do các thứ thuế và các chính sách của chính quyền ngụy gây ra, các chủ nhà máy, xí nghiệp tăng cường các biện pháp bóc lột công nhân và những người làm thuê. Nhiều người mất việc làm, nạn thất nghiệp tăng. Trong khi đó Mĩ - ngụy lại tăng cường các biện pháp kìm kẹp. Chúng cài bọn an ninh, mật vụ vào các xóm, phó, khu cư xá, xí nghiệp theo chỉ tiêu cứ 10 công nhân thì có một mật vụ theo dõi. Tình thế đó dẫn đến ở hầu hết các cơ sở công nghiệp liên tiếp nổ ra các cuộc bãi công đòi cải thiện đời sống, chống bắt lính, vạch mặt Mĩ - ngụy trong việc thực hiện các biện pháp kinh tế thực chất là vơ vét, bóc lột nhân dân để phục vụ chiến tranh.

Tháng 11 năm 1968, đại hội các nghiệp đoàn ra tuyên bố phản đối thuế lương bổng đánh vào đồng lương của công nhân tư chức, những người vốn đã gặp khó khăn trong đời sống bởi nạn lạm phát, đắt đỏ. Tiếp đó (đầu năm 1969), là cuộc bãi công 7 ngày của công nhân, viên chức bệnh viện Đồn Đất để đòi tăng lương và cuộc đình công của công nhân hãng chỉ sợi Sicovina Khánh Hội để phản đối bọn chủ vô cớ sa thải công nhân.

Lực lượng học sinh, sinh viên, vẫn giữ vai trò ngồi pháo của lực lượng đô thị.

Sau sắc lệnh tổng động viên của Thiệu, nổi lên phong trào sinh viên, học sinh đòi “tự trị đại học”, chống “quân sự học đường”, chống bắt học sinh, sinh viên vào phòng vệ dân sự, tiến lên đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh. Khởi đầu từ Trường đại học Văn khoa, phong trào lan nhanh sang các trường khác. Từ tháng 10 đến tháng 12 năm 1968, nhiều cuộc hội thảo diễn ra cùng các cuộc biểu tình đòi hòa bình chấm dứt chiến tranh, đỉnh cao là dịp mừng Chúa giáng sinh năm 1968, trên 1000 sinh viên học sinh, sinh viên tuần hành, rước đuốc hòa bình từ trung tâm thanh niên Thiên chúa giáo Hiền Vương đến nhà thờ Dòng Chúa cứu thế. Cảnh sát ngụy bắt nhiều học sinh, sinh viên tham gia cuộc biểu tình này, nhưng phong trào vẫn tiếp tục phát triển.

Trong khó khăn do địch phong tỏa gắt gao, lực lượng vũ trang các cánh Hoa vận, Thành đoàn, an ninh, biệt động được nhân dân tận tình đùm bọc, che chở và với tinh thần tích cực tiến công đã tổ chức đánh được một số trận. Tuy nhiên, từ sau đợt 2, do nhiều tổn thất, lực lượng vũ trang nội thành giảm hẳn so với trước. Đột xuất có những trận như trận tháng 11 năm 1968, một tổ vũ trang Hoa vận, với 105kg thuốc nổ đặt trên xe lam đánh vào Trường Sinh ngữ của không quân ngụy trên đường Đồng Khánh (quận 5), giết và làm bị thương hàng chục sĩ quan ngụy, hàng chục cố vấn Mĩ, Đại Hàn và Thái Lan. Đầu tháng 2 năm 1968, một tổ vũ trang an ninh dùng mìn và lựu đạn đánh đoàn xe của tên thiếu tướng Kiêm, Tư lệnh biệt bộ phủ Tổng thống, phụ tá tình báo cho Thiệu và được Thiệu quyết định thay tướng Linh Quang phụ trách đặc ủy tình báo. Kiêm bị gẫy chân và một số cận vệ bị thương.

Một loạt mục tiêu mà các lực lượng vũ trang nội thành chú ý là các trụ sở nhân dân tự vệ ở các khu vực Cây Thị, Da Bà Bàu, quận 4, Gia Định… nhưng nơi bắt lính trá hình, quy tụ một số không nhỏ thanh niên hư hỏng, được huấn luyện, đầu độc tâm hồn, được giao súng Mĩ để rồi trở thành những tên ác ôn. Có ngày như ngày 16 tháng 2 năm 1969, liên tiếp 4 trụ sở loại này bị tấn công.


(1) Theo sách Lịch sử Củ Chi: loại 8.500 tên Mĩ.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2012, 10:03:50 am
Sau chủ trương “Phi Mĩ hóa chiến tranh” của Johnson (từ giữa năm 1968), ngày 7 tháng 4 năm 1968, Nixon (Tổng thống Mĩ tiếp sau Johnson) chính thức tuyên bố bắt đầu Việt Nam hóa chiến tranh theo kế hoạch 3 giai đoạn(1), trong đó quyết tâm của giai đoạn 3 là hoàn thành chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, củng cố thành quả đã đạt được, đối phương suy yếu và chiến tranh tàn lụi dần… Báo cáo trước ủy ban quân lực thượng nghị viện Mĩ, Melvin Laird, bộ trưởng bộ quốc phòng Mĩ tuyên bố: “Chính sách Việt Nam hóa có nghĩa vừa kết thức vừa mở đầu… kết thúc sự dính líu của Mĩ vào Việt Nam, mở đầu một chính sách mới của chúng ta về việc họ phải tự lực, tự dựa vào bản thân họ…”.

Địch coi giai đoạn 1 là giai đoạn quyết định của Việt Nam hóa chiến tranh. Nội dung của giai đoạn này gồm có ba bước:

- Bước 1 (đến ngày 30 tháng 6 năm 1970): bình định được nhiều vùng đông dân quan trọng, chủ lực và bộ đội của đối phương không hoạt động được đến cấp đại đội ở vùng ở vùng tranh chấp, hạ tầng cơ sở của đối phương ở các vùng Việt Nam Cộng hòa kiểm soát bị tê liệt, quân của Việt Nam Cộng hòa đủ sức đối phó với cấp tương đương của đối phương, rút được một bộ phận quân Mĩ.

- Bước 2 (đến ngày 30 tháng 6 năm 1971): bình định được tất cả các vùng đông dân quan trọng, chủ lực và bộ đội địa phương của đối phương không còn hoạt động được đến cấp đại đội ngay trong những vùng căn cứ, hậu phương, hậu cần của đối phương bị tê liệt, vùng Việt Nam Cộng hòa bành trướng, quân Sài Gòn đạt trình độ “tối tân hóa” cao, quân Mĩ rút hết lực lượng chiến đấu(2).

Từ tháng 10 năm 1968 đến tháng 1 năm 1969, địch “bình định cấp tốc”, tháng 1 năm 1969 bắt đầu “bình định xây dựng”.

Từ tháng 1 năm 1969 (trước cả tuyên bố của Nixon) đến tháng 2 năm 1972 là thời kì mà 3 vấn đề trung tâm trên được triển khai thực hiện.

Trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, ngoài 3 tuyến phòng thủ (tập trung 47% quân chiến đấu Mĩ, 37% quân chủ lực ngụy so với toàn Miền), đã hình thành từ giữa năm 1968, ở nội thành Sài Gòn, địch tổ chức 9 quận thành 11 đặc khu, bổ nhiệm sĩ quan cấp trung tá là đặc khu trưởng, tăng cường cho mỗi đặc khu một đại đội đặc vụ (công an đặc biệt), hai đại đội cảnh sát dã chiến và từ 1 đến 2 đại đội tuần cảnh. Để kiểm soát chặt chẽ nội thành hơn, các phường, khóm lại được chia nhỏ, nâng số phường từ 56 lên 72, số khóm từ 861 lên 1100. Địch lại bắt đầu đổi thẻ căn cước, phát thẻ liên gia, phân loại dân, lập danh sách gia đình có người tập kết, gia đình theo Việt cộng, chỉ cần có một người tố cáo là có thể bắt ngay không cần chứng cứ.

Sau các sắc lệnh tổng động viên, địch quân sự hóa học đường, quân sự hóa phường, liên gia, công tư sở, công tư chức, ra sắc lệnh cấm hội họp, biểu tình, đình công. Thực hiện tuyên bố: “Bắn bỏ ngay tức khắc bất cứ ai đòi hỏi hòa bình”.

Lực lượng nhân dân tự vệ được đặc biệt coi trọng phát triển không chỉ để đôn quân, bắt lính mà còn để mỗi người dân thành một người lính địch. Chúng thành lập ở mỗi phường một ban và mở mỗi khóm một tiểu ban quân sự.

Nhân dân tự vệ được trang bị súng, phải làm nhiệm vụ canh gác, lùng sục, gây không khí căng thẳng triền miên ở trong dân chúng. Chỉ riêng quận 7 đến cuối năm 1969, địch đã tổ chức trên 6000 nhân dân tự vệ thuộc lứa tuổi từ 14 đến 50, trang bị 2433 súng. Công an, cảnh sát, nhân dân tự vệ… kết hợp liên tục lùng sục, vây ráp trong nội thành gây cho ta rất nhiều khó khăn. Tại Sài Gòn năm 1969 có trên 7000 cuộc hành quân cảnh sát và có đêm như đêm 20 tháng 1 năm 1969 trên 9.700 người bị khám xét, bị bắt giam. Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhiều đảng viên, cán bộ bị bắt. Các căn cứ Rạch Bà Tàng, Hố Bần, Bến Đá, Cầu Sập, Phú Định, Hàng Thái, Chánh Hưng, Rạch Ông, Rạch Cát… bị đánh phá chà đi xát lại liên miên. Đời sống nhân dân lao động điêu đứng, đi lại, làm ăn khó khăn. Trong lúc đó phim ảnh, sách báo Mĩ, văn hóa đồi trụy, dâm dật, tràn ngập đang đầu độc tầng lớp thanh niên, học sinh, gieo rắc tâm lí hưởng thụ, sống gấp, không cần biết lí tưởng, không cần biết tương lai.

Ở ngoại thành, quân Mĩ vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ lá chắn, đẩy lùi chủ lực ta ra xa hơn, đại bộ phận quân ngụy làm nhiệm vụ càn quét với mật độ lớn hơn các năm trước nhằm triệt phá các nhóm căn cứ, các bàn đạp, làm bật gốc các lực lượng ta ra khỏi ven đô.

Trên vòng cung phía Bắc Sài Gòn, chất độc, bom xăng, pháo đạn, xe tăng, xe ủi kết hợp tiếp tục thực hiện xóa trắng vùng đến mức “cây cối cháy rụi, khiến cho du kích không còn nơi ẩn nấp” (trong “Tường trình người lính” của Westmoreland).

Rừng Sác, khu rừng mà trước chiến tranh từng được coi là chưa được khai phá, cho đến cuối năm 1969, chỉ còn là bãi đầm lấy hoang tàn(3).

Ngoài lực lượng Mĩ - ngụy đã có từ trước, địch tăng thêm vào chiến trường này một lực lượng thuộc sư đoàn 18 (nhân dân ven quốc lộ 15 gọi là “bọn cánh dơi”), một tiểu đoàn biệt động quân khét tiếng hung ác, một đơn vị “Mãng xà vương”(4) Thái Lan và một đơn vị lính Úc. Mũi thứ nhất gồm các đơn vị Úc, Thái Lam đảm nhiệm ven quốc lộ 15 cùng với mũi thứ hai gồm quân Mĩ và ngụy ở Nhà Bè, Thủ Đức hình thành hai gọng kìm cùng với hệ thống chốt sông Lòng Tàu, cô lập, bao vây Đoàn 10 để tiêu diệt. Đoàn 10 đang đứng trước một thời kì gian khổ và ác liệt nhất từ trước đến giờ.

Cùng với kế hoạch bình định, một chương trình “Hắc ám” cũng là một thủ đoạn bình định lợi hại kết hợp tình báo, tâm lí chiến, chiêu hồi nhằm nhổ tận gốc hạ tầng cơ sở cách mạng ở nông thôn và thành thị, mang tên “chương trình Phượng Hoàng”. Lực lượng của nó gồm: tiểu đoàn, mật vụ, cảnh sát chìm, tâm lí chiến, an ninh, quân đội, “thiên nga”, chiêu hồi… chuyên hoạt động “hắc ám” man rợ: bắt cóc, ám sát, thủ tiêu, tra tấn, tác động tâm lí… Tổ chức “Phụng hoàng” đã có từ trước, nhưng đến năm 1969 được triển khai hết sức rộng rãi từ các cấp ủy ban Phụng hoàng Trung ương đến tận xã ấp(5).

Hãng thông tấn Mĩ UPI nhận xét: “Các cuộc ám sát và tra tấn là cơm bữa để thực hiện các chương trình bình định “Phụng hoàng”. Theo Joseph Amter trong cuốn Phán quyết cuối cùng: chiến dịch Phụng hoàng bắt đầu từ tháng 3 năm 1968, đã giết ít nhất 20.000 người dân và rất có thể là 50.000 đến 100.000.


(1) - Giai đoạn 1: chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu trên bộ cho ngụy, rút quân chiến đấu Mĩ về nước, làm suy yếu đối phương thông qua bình định nông thôn (dự kiến đến ngày 30 tháng 6 năm 1972). - Gia đoạn 2: chuyển giao nhiệm vụ trên không cho ngụy quân để ngụy giữ được miền Nam và Lào, Campuchia.
(2) Theo tài liệu Kế hoạch chiến lược mật của địch, tài liệu số 56/DT. Kho lưu trữ Phân viện Lịch sử quân sự - Bộ Quốc phòng.
(3) Tài liệu Viện Hàm Lâm Khoa học Hoa Kì (1974) đã thú nhận: “Có gần 57% diện tích Rừng Sác bị phun thuốc diệt cỏ. Khi ngang qua Rừng Sác, người ta có cảm tưởng như một vùng rộng lớn đất trụi hay đồng lầy rải rác vài thân cây hoặc vài lụm cây”.
(4) Thuộc sư đoàn bộ binh Thái Lan Báo Đen đưa vào miền Đông Nam Bộ từ tháng 7 năm 1968, đến tháng 2 năm 1969 mới vào hết.
(5) Xuất xứ của tổ chức Phụng Hoàng là một tổ chức đơn thuần tình báo do Cục tình báo CIA của Mĩ ở Sài Gòn lập ra năm 1967 hoạt động dưới danh hiệu “Văn phòng phụ tá đặc biệt” (OSA) để hỗ trợ cho chương trình bình định. Tháng 7 năm 1968, Mĩ chuyển giao tổ chức này cho ngụy nhưng vẫn tiếp tục điều khiển thông qua 200 cố vấn đặc trách bình định ở các tỉnh, quận. Tổ chức này được chính Mĩ gọi là “Com chim của thần chết” do tính chất dã man, tàn bạo trong hoạt động.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2012, 10:07:05 am
*
*   *

Từ sau đợt 2, nhất là sau đợt 3 tổng công kích - tổng khởi nghĩa, trong cán bộ, bộ đội, nhân dân đã phát sinh luồn tư tưởng phân vân “không biết có còn tổng công kích - tổng khởi nghĩa nữa không”, hoặc “đánh như thế nào là tổng công kích - tổng khởi nghĩa”. Những vướng mắc này không được giải đáp một cách rõ ràng mặc dù những phân vân đó có căn cứ thực tế của nó: tình thế của ta và địch sau đã khác đi nhiều so với đầu năm 1968 và sau đợt 1.

Trong khi đó tháng 3 năm 1969 và sau đó, tháng 7 năm 1969 Thành ủy ra nghị quyết Bình Giã II, Bình Giã III trong đó việc đánh giá tình hình đều còn nặng chủ quan(1).

Đánh giá về Mĩ (trong Nghị quyết Bình Giã III, tháng 7 năm 1969): “Thiệu thất bại có nghĩa là chính sách duy trì bọn tay sai ngoan cố của Mĩ bị thất bại, tức là màn đầu của chiến lược “phi Mĩ hóa” chưa vén lên mà đã có nguy cơ phải hạ xuống sớm, ít nhất về mặt chính trị”. Đánh giá về ta thì “Không xuất phát từ thực tế, thường đánh giá quá cao những biến động chính trị trong quần chúng, không nhìn rõ những mặt ta còn yếu, thậm chí lệch lạc”(2), “đánh giá địch thì lại thường nhấn mạnh quá mức những mặt thất bại, suy yếu mà thiếu nhìn thấy hết những cố gắng mới, chưa nhìn rõ những âm mưu mới của địch để kịp thời đối phó, nâng tầm cảnh giác của cán bộ, quần chúng lên”(3). Từ đó mà đề ra những mục tiêu chiến đấu quá cao. Cho tới Nghị quyết Bình Giã III (tháng 7 năm 1969) vẫn nêu ra yêu cầu “đẩy mạnh công tác chính trị quân sự, binh vận, tạo ra cho được một cao trào có tính chất quần chúng, đánh địch mỗi ngày một mạnh và cao hơn”, đặt ra mục tiêu cho mũi quân sự là phải tiêu hao nhiều sinh lực địch trong thành phố để “hợp đồng chặt chẽ với các mũi tiến công từ nông thôn đánh vào”, thực hiện các cuộc tiến công quy mô lớn và vừa”. Như vậy hình thành tiến công vẫn không khác đợt 1, đợt 2 năm 1968 trong lúc thực lực của ta hiện tại không đủ sức.

Trong thời gian giữa hai Nghị quyết trên, thường vụ Trung ương Cục ra Chỉ thị 71/TVTWC nêu nhiệm vụ cho Đảng bộ quân dân miền Nam: “Đẩy mạnh tổng công kích -tổng kinh nghiệm trên khắp 3 vùng, nhằm tiêu hao tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của Mĩ - ngụy, mở rộng vùng giải phóng nông thôn, giành quyền làm chủ một phần ở đô thị (chủ yếu ở cơ sở)… nhằm giành thắng lợi lớn, làm chuyển thế và lực, tiến lên giành thắng lợi quyết định”.

Tháng 4 năm 1969, Bộ chính trị họp hội nghị về tình hình nhiệm vụ mới. Hội nghị kiểm điểm những sai sót trong chỉ đạo và thực hiện. Nhận định những thất bại lớn của Mĩ, những mâu thuẫn không thể khắc phục được của chiến lượcViệt Nam hóa chiến tranh, Về hai khả năng tùy thuộc vào nỗ lực của ta và khó khăn về quân sự chính trị, tài chánh của Mí do cuộc chiến tranh ở Việt Nam tác động. Trên cơ sở nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ lớn để thừa thắng tiến lên”, hội nghị xác định nhiệm vụ “tiếp tục đẩy mạnh tổng công kích - tổng khởi nghĩa”, “đánh cho Mĩ cút hết quân, đánh cho ngụy phải suy sụp và ta giành thắng lợi quyết định”.

Thi hành các Nghị quyết, Chỉ thị trên, suốt năm 1969, Quân ủy và Bộ chỉ huy Miền liên tục mở 4 đợt hoạt động xuân, hè, thu, đông, với mục tiêu đánh phủ đầu âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của Mĩ, tích cực thực hiện đánh mạnh, đánh đau, đánh hiểm, đánh liên tục, dài hơi, “đợt sau đau hơn đợt trước”… Theo đó, ở Sài Gòn - Gia Định, ta đưa các lực lượng vũ trang tập trung xuống vùng ven để chuẩn bị tiếp tục đánh vào thành phố, nhưng bị thiệt hại nặng. Mặt khác, ta lại huy động một bộ phận trong lực lượng chính trị vào công tác vũ trang làm cho lực lượng này cũng bị tổn thất nặng… Đối với mũi binh vận thì ta yêu cầu phải tạo ra một “lực lượng đối lập trong quân đội ngụy”. Yêu cầu này cũng không thực hiện được.

Về phong trào chính trị ta cũng có một số chủ trương gượng ép mà không phù hợp tương quan lúc đó như việc đẩy một số tổ chức công khai của quần chúng vào phong trào đấu tranh thực hiện các khẩu hiệu đòi Thiệu ra đi, đòi lập nội các hòa bình.

Thực tế qua các đợt hoạt động trên toàn Miền, chủ lực ta thực hiện được tiêu hao, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch trên chiến trường trung tuyến và biên giới, nhưng các địa phương hoạt động không đều và đạt hiệu suất thấp. Trên mặt trận đánh phá bình định, việc mở rộng quyền làm chủ ở nông thôn, củng cố vùng giải phóng, đưa phong trào chính trị, vũ trang ở đô thị liên một bước chưa thực hiện được, trong lúc đó địch vẫn đang ở xu thế lấn tới.

Sau tổ chức Bình Giã I, Thành ủy đã tổ chức các liên quận để gom đầu mối chỉ đạo trực tiếp.

Liên quận I (bí số G22) địa bàn là quận 1 và quận 3, tức gồm các tổ chức trước đây như liên phường 1, quận ủy 3A, 3B nhập lại.

Liên quận 2 (bí số G84) gồm 2 quận 2 và 4.

Liên quận 3 (bí số G138) gồm hai quận 5 và 6.

Liên quận 4 gồm địa bàn quận Gò Vấp cũ và Phú Nhuận(4). Các liên quận tổ chức bộ máy tương đối mạnh ở vùng căn cứ, có ban chuyên môn như tổ chức, tuyên huấn, quân sự, công vận, phụ vận, thanh vận, có hệ thống giao thông liên lạc, bàn đạp, trạm, nút ở nhiều hướng, phục vụ lãnh đạo và chỉ đạo của cấp ủy liên quận đối với phong trào bên trong.


(1) Chẳng hạn như đánh giá về ta (trong Nghị quyết Bình Giã II, III năm 1969): “Ngày nay tính về số lượng, lực lượng cách mạng có tổ chức của Sài Gòn mạnh hơn bất kì thời kì nào trước đây và nó đã trở thành một trong những nhân tố quan trọng trong những nhân tố trọng yếu định đoạt tình hình thành phố và tình hình chung”.
(2), (3) Trích Dự thảo kiểm điểm sự chỉ đạo của Thành ủy từ năm 1968 đến năm 1974.
(4) Đến năm 1970 do yêu cầu mở rộng diện chỉ đạo cho sát hợp với phong trào quần chúng cơ sở, Thành ủy lập thêm hai liên quận: liên quận 5 gồm 2 quận 7 và 8; liên quận 6 gồm các xã Phú Thọ Hòa, Tân Sơn Hòa và một phần Phú Nhuận.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2012, 10:07:35 am
Ngày 20 tháng 5 năm 1969, địch mở cuộc càn quét liên quận Mĩ - ngụy vào vùng căn cứ Thành ủy ở xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy tỉnh Mĩ Tho). Hầu hết cán bộ cơ quan cùng các lực lượng địa phương chiến đấu quyết liệt, nổi bật là gương chiến đấu gan góc, mưu trí của các chiến sĩ: Trần Văn Tám, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Văn Bé và Măng Non. Ba chiến sĩ Tám, Chung, Bé anh dũng hi sinh, diệt 7 tên Mĩ, thu nhiều súng đạn.

Sau trận đánh càn này, Thành ủy và các cơ quan tham mưu dời căn cứ xuống Vũng Liêm - Càng Long (Trà Vinh) đứng chân ở đây một thời gian rồi chuyển tiếp lên Mỏ Cày (Bến Tre).

Trong khó khăn do phản ứng mạnh của địch, công tác phát triển thực lực cách mạng nội thành lúc này được xây dựng theo hệ thống từng chùm cơ sở theo địa bàn phường, khóm hay xí nghiệp, chú trọng nâng chất từ quần chúng tốt đưa lên thành nòng cốt, từ nòng cốt trở thành cơ sở cách mạng và từ cơ sở cách mạng chuyển lên thành đảng viên. Các ban, ngành căn cứ vào nhiệm vụ chiến lược, khả năng cụ thể của mình và phương hướng chỉ đạo của Thành ủy mà chủ động đẩy mạnh công tác phát triển thực lực cách mạng. Để luôn luôn chủ động nắm quần chúng công nhân lao động, Thành ủy chủ trương giành quyền làm chủ ở cơ sở khóm, phường, nhất là các khu lao động đông dân. Đồng chí Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình), phó bí thư Thành ủy chỉ đạo phong trào này.

Tiếp sau phong trào chống lệnh động viên, quân sự hóa học đường, đòi hòa bình, tháng 4 năm 1969, đội vũ trang tuyên truyền học sinh đột nhập trường Huỳnh Khương Ninh, kêu gọi học sinh vùng lên lật đổ Thiệu Kì, gia nhập các lực lượng vũ trang cách mạng.

Vào dịp lễ Phật Đản năm 1969, “Ủy ban thanh niên học sinh, sinh viên tranh thủ dân chủ và hòa bình” được thành lập, phối hợp cùng các giới khác lên án Mĩ ngụy tiến hành chiến tranh hủy diệt, đòi vãn hồi hòa bình.

Nguyễn Văn Thiệu cấm tổ chức lễ Quốc tế Lao động ngày 1 tháng 5 năm 1969, nhưng hơn 500 đại biểu của 118 nghiệp đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn bất tuân lệnh, cứ tổ chức ngày hội lớn của giai cấp công nhân, vạch mặt Thiệu và tay sai, đòi tự do nghiệp đoàn, đòi hòa bình, lập lại quan hệ bình thường Nam - Bắc.

Tháng 5 năm 1969, Đại hội đại biểu các lực lượng thành phố bầu ra Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố do Giáo sư Nguyễn Văn Chi làm chủ tịch.

Sau đợt tiến công tháng 5 trên chiến trường, Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam họp trong các ngày 6, 7, 8 tháng 6 năm 1969 quyết định thành lập chế độ cộng hòa, bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời. Hội đồng cố vấn Chính phủ do luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, làm Chủ tịch và luật sư Trịnh Đình Thảo, Chủ tịch Ủy ban Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, làm Phó Chủ tịch. Đại hội ra lời hiệu triệu quân và dân miền Nam tăng cường đoàn kết, ra sức chiến đấu, dưa sự nghiệp chống Mi cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Vào lúc này ở Sài Gòn, Gia Định xuất hiện hai phong trào mới: phong trào các nghiệp đoàn nông dân, tá điền và phong trào lực lượng quốc gia tiến bộ. Các nghiệp đoàn nông dân và tá điền ở các tỉnh lân cận Sài Gòn, từ trước năm 1968, đã đấu tranh chống dự luật của Hạ nghị viện ngụy về nông dân, nay lại kéo về thành phố tiến hành đại hội.

Lực lượng quốc gia tiến bộ do luật sư Trần Ngọc Liễng làm chủ tịch, với nội dung đấu tranh từ cứu giúp nạn nhân chiến cuộc, tiến lên đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh: tờ nội san Hòa Giải của lực lượng không chỉ phát hành nội bộ mà còn phát hành công khai, đòi hòa bình, lên án chiến tranh.

Tháng 7 năm 1969, công nhân ngành xe buýt đấu tranh chống chủ trương Mĩ - ngụy, giải tán việc công quản xe buýt để cho tư nhân tham gia đấu thầu, thực chất là chúng âm mưu sa thải những công nhân tích cực đấu tranh, chuyển việc quản lí xe buýt cho những tên tay chân ngụy quân, ngụy quyền để dễ bề nắm giữ, thao túng. Toàn thể công nhân xe buýt kiên quyết giữ vững vị trí, dũng cảm chống lại lực lượng cảnh sát dã chiến ngụy đến đàn áp, kiên trì giữ vững yêu sách đòi chính quyền phải hủy bỏ chính sách đấu thầu xe buýt. Cuộc đấu tranh kéo dài trong nhiều tháng, được đại biểu của 118 nghiệp đoàn ra tuyên bố ủng hộ. Công nhân các ngành dầu hỏa, bến cảng, hóa phẩm, các hãng ESSO, Silico, Mic, xưởng Caric, bệnh viện Đồn Đất, các hãng pin Quang Minh, Con Ó, cơ quan USAID… đồng tình hưởng ứng. Một số đồng bào ở các chợ mang cơm gạo, bánh mì, thực phẩm tiếp tế cho công nhân xe buýt.

Các lực lượng vũ trang nội thành đẩy mạnh hoạt động trừ gian, trừng trị nhiều tên tay sai quan trọng như Lê Minh Trứ, tổng trưởng văn hóa giáo dục và thanh niên (ngày 6 tháng 1 năm 1969), Lê Diệu Luận, phó chủ tịch nhân dân tự vệ khóm 24 phường Chợ Quán, Trưởng văn phòng đặc vụ Đài Loan (ngày 6 tháng 4 năm 1969) Văn Điền Quang, nghị viên độ thành (ngày 16 tháng 6 năm 1969), Hà Thành Tín phụ trách Phân cục cảnh sát quận 6 (tháng 7 năm 1969)… Biệt động đã tấn công Phân cục cảnh sát ngụy trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, Phân cục cảnh sát quận 5.

Các xe quân sự Mĩ liên tục bị tấn công, chúng buộc phải tổ chức yểm trợ các cuộc di chuyển quân sự trong thành phố. Một lực lượng đáng kể binh lính địch bị trói chân vào công việc canh gác ở đường phố.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2012, 10:08:03 am
Mùa hè, trên địa bàn vùng ven (đang trực thuộc các phân khu) địch tiếp tục phản kích quyết liệt. Một số đơn vị còn trụ lại, nhưng buộc phải xé lẻ, thụ động chống đỡ hơn là chủ động tìm địch để tấn công, bị tiêu hao vì phi pháo và biệt kích địch.

Tuy nhiên, vùng ven vẫn tồn tại những xã du kích mạnh, những đơn vị tốt.

Xã Phước Hiệp (Củ Chi) trong một tháng (tháng 6 năm 1969) đánh địch càn diệt 17 xe bọc thép, bắn hỏng 14 xe khác.

Trong tháng 7 năm 1969, du kích các xã Trung Lập Thượng, An Nhơn Tây, Trung Lập Hạ bốn lần đột nhập khu gom dân Trung Hòa, phát động quần chúng nổi dậy, phá kềm, giải tán phòng vệ dân sự, diệt 8 tên ác ôn thuộc các thành phần khác nhau.

Bám trụ để đánh địch là truyền thống của quân dân Củ Chi, cán bộ trong tình huống nào cũng quyết tâm bám trụ trong tư thế chiến đấu. Địa đạo vẫn là căn cứ bảo đảm vững chắc nhất của cơ quan lãnh đạo từ trên xuống dưới. Hầu hết ấp chiến lược đều có hầm bí mật. Nổi bật như ở Phú Hòa Đông, Trung Hòa, địch biết ta ban ngày bám trụ, đêm bung ra, chúng liên tục bao vây 10 ngày, ngay trong đêm, nhân dân ở trong ấp chiến lược đào hầm sẵn, nuôi giấu trên 70 cán bộ. Số này thoát khỏi cuộc vây ráp của địch. Quần chúng tìm mọi cách chuyển lương thực thực phẩm cho du kích, bộ đội, cán bộ: độn cơm vào ngực, giấu gạo trong cán cuốc, ống trúm đặt lươn, giả cúng thần, cúng thánh để đem dầu heo, bánh trái ra căn cứ.

Nhân dân Củ Chi có câu “giết một thằng bình định bằng giết ba thằng Mĩ”, bọn tâm lí chiến được xếp vào hàng đầu trong số này. Du kích Tân Thạnh Tây, một lần đột nhập ấp chiến lược Tân Quy diệt một đội bình định 7 tên.

Vào khoảng tháng 8 năm 1969, trước tình thế khó khăn, huyện chủ trương cử một trung đội nữ du kích Củ Chi, về hoạt động bên trong các ấp chiến lược, vào các tổ du kích mật và bổ sung một số chị em cho biệt động thành. Lực lượng này thật sự trở thành lực lượng biệt động tại chỗ, tấn công địch bất kì nơi nào: quán nước, nhà ăn, trụ sở… Các khẩu cối 82 li phân tán cho du kích giấu dưới địa đạo, khi cần lấy lên sử dụng ngay.

Các công trường xã tiếp tục duy trì, phát triển, du kích nghĩ ra nhiều loại mìn gạc, mìn hóa học, “mìn chín nắm”, mìn nylon… chống được máy dò của địch. Những bãi mìn, trái lớn hình thành, có những bãi dài đến hàng nghìn mét như ở Nhuận Đức, An Nhơn Tây, Thái Mĩ. Bãi ở An Nhơn Tây gài đến 900 trái các loại. Có nhiều người rất thành thạo trong sản xuất vũ khí như: Tô Văn Đực, Phạm Văn Cội, Nguyễn Văn An, Lê Văn Đạm…

Ở Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn, lực lượng võ trang tập trung chia nhỏ ra thành từng phân đội cùng du kích bám địa bàn, đánh địch, đánh tiêu hao ở các khu vực Bình Trưng, Phước Long, Long Trường, Tăng Nhơn Phú, Long Thạnh Mĩ, An Phú Đông, Thạnh Lộc, Quới Xuân, Nhị Bình, Tân Thới Hiệp, Đông Thạnh…

Ở Rừng Sác, đại hội Đảng Đoàn 10 lần thứ ba cuối mùa xuân 1969, diễn ra trong tình thế hết sức căng thẳng: Rừng Sác đang bị bao vây, đội 5 vào sinh ra tử quân cảng Nhà Bè trung bình tấn công hơn chục trận mà chỉ hi sinh 1 chiến sĩ, nhưng sau một trận đánh càn số quân còn một nửa, đánh đi đánh lại chỉ còn 9 tay súng. Các đội khác (cấp đại đội) còn 15, hai ba chục tay súng được coi là sung sức. Các chiến sĩ dùi đường về chiến khu Đ lần lượt hi sinh. Hàng loạt DK75, B40, B41 hết đạn. Lần lượt từ đại đội 2 trên sông Ông Kèo, đến các đơn vị khác bắt đầu ăn cháo rau kềm, có nơi luộc trái sú, vẹt ăn thay cơm. Đảng ủy lúc này gồm các đồng chí Bảy Ước (chính ủy), Cao Thanh Tao và đồng chí Hải lãnh đạo, chỉ huy đơn vị vượt thời kì khó khăn nhất.

Hàng loạt câu hỏi đặt ra: lấy gì đánh, lấy gì ăn, đánh rồi lui về đâu, hay tạm lui hết về đất liền?

Trong tình thế đó, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III của Đoàn 10 nêu rõ: “bất cứ giá nào cũng phải đứng lại Rừng Sác”, bằng biện pháp và quyết tâm “Rừng Sác là nhà”. Nghị quyết nêu thành khẩu hiệu lịch sử:

Rừng Sác nà nhà.

Sông Lòng Tàu là trận địa.

Bến cảng, kho tàng, tàu địch là quyết chiến điểm.

Có lệnh là đi, hoàn cảnh nào cũng đánh thắng, đánh phải thắng.


Nghị quyết xuống các đơn vị kèm theo chỉ thị:

Bắt cá, mò cua.

Tại chỗ tùy cơ ứng biến - nghe xã luận đài mà đánh…


Chỉ huy Đoàn nhận được những lá thư quyết tử bám trụ từ phía Tây sông Lòng Tàu. Lá thư viết bằng máu của đội 6: “Chúng tôi một tấc không đi, một li không rời khi chưa có lệnh”; “còn người còn chiến đấu, còn người còn trận địa”. Có biết bao tấm gương về những chiến sĩ Rừng Sác chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, hơi thở cuối cùng, về trận địa một người chống chọi hàng đại đội giặc. Trên một cù lao không tên, đồng chí Kiệt, một cán bộ đại đội là người còn lại cuối cùng, bị địch bắn gãy lìa một khúc chân, còn bò đi gom súng đạn của đồng đội hi sinh để lại, đánh gãy đợt xung phong tiếp của địch. Lịch sử Đoàn 10 đang trải qua những tháng năm gian khổ nhất gọi là thời kì “bắt cá - mò cua - mua gạo - cháo rau kềm”. Gần 200 cơ sở quần chúng gắn bó với Đoàn tập trung lo tiếp tế gạo, thực phẩm, thuốc men. Cán bộ chiến sĩ đội quân giới của Đoàn vào “chiến dịch” truy tìm bom pháo lép (tính đến năm 1971 lấy được 1275 kg thuốc nổ từ trái bom lép). Đội quân giới của đồng chí Tư Tiên và kĩ sư Mười Thiện đã sáng chế, cải tiến ra nhiều loại mìn trong đó có “bom bày” chế từ DKB đánh được tàu 10.000 tán, mìn ngòi phèn chua thay mìn hẹn giờ Liên Xô…

Ngày 18 tháng 5 năm 1969, quyết lập công mừng sinh nhật Bác, trong vòng 30 phút trên sông Lòng Tàu, chiến sĩ Đoàn 10 bắn cháy 2 tàu dầu của giặc, một chiếc 7.000 tấn và và một chiếc 12.000 tấn.

Thấy hiện tượng hoạt động của đặc công ta tăng lên, ngày 24 tháng 6 năm 1969, địch tổ chức trận càn Mĩ - ngụy hỗn hợp quy mô lớn do lữ đoàn 199 Mĩ chủ công, lữ trưởng David chỉ huy, đánh vào khu vực sông Ông Kèo, nơi mà chúng đinh ninh có cơ quan chỉ huy của Đoàn 10.

Qua cơ sở quân báo, ta nắm được ý định của địch nên đã bố trí trận địa đánh địch từ Vàm Ông Kèo vào gồm các chốt: B40, B41, ĐKZ, mìn của đội 1, đội 2, các trận địa bộ binh đại đội 1, đại đội 2.

Chiến sự ác liệt diễn ra từ sáng sớm đến 15 giờ, phía sông Ông Kèo, ta loại đoàn tàu 10 chiếc của Mĩ, nhưng phía sau tiểu đoàn ngụy tràn qua được, gây thiệt hại cho đại đội 2. Ta giết, làm bị thương 200 tên Mĩ - ngụy, bắn chìm cháy 10 tàu. Đặc biệt tại Vàm sông Ông Kèo, ta bắn rơi chiếc máy bay chỉ huy của tướng David lữ trưởng lữ 199, tên này bị thương.

Cũng tháng 6 năm 1969, đặc công Rừng Sác đã tổ chức vượt lên đất liền, liên tiếp pháo kích Bộ tư lệnh Hải quân ngụy và kho xăng Nhà Bè.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2012, 10:09:29 am
Giữa những ngày chiến tranh ác liệt, đêm 3 tháng 9 năm 1969, Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam truyền đi một tin đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi của dân tộc ta: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Không ai tưởng tượng một sự thật đau buồn như vậy có thể đến, dù đó là điều không thể tránh. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người xây dựng nền Cộng hòa Dân chủ và Mặt trận thống nhất, là Bác Hồ, Người Cha thân yêu của dân tộc. Bác ra đi để lại cho toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta bản di chúc lịch sử. Người khẳng định: “Cuộc chống Mĩ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn”.

Sài Gòn - Gia Định đang trong những ngày khó khăn gian khổ nhất. Quân dân Sài Gòn - Gia Định nén đau thương, anh dũng phấn đấu, quyết tâm vượt lên, đạp bằng mọi trở lực, chông gai để đánh thắng hoàn toàn giặc Mĩ xâm lược, giải phóng miền Nam.

Với lòng tiếc thương vô hạn, nhiều đồng bào thành phố bất chấp sự theo dõi của địch đã tổ chức truy điệu Bác bằng nhiều hình thức công khai hoặc bí mật.

Công nhân xe buýt giành cả ngày và đêm 9 tháng 9 làm lễ truy điệu Hồ Chủ Tịch.

Trên 100 thanh niên, sinh viên thuộc đoàn văn nghệ học sinh, sinh viên Sài Gòn kính cẩn mặc niệm Bác trong tiếng hát trang nghiêm của bài “Hồn tử sĩ”.

Tại nhà lao Chí Hòa, anh chị em tù chính trị để tang 7 ngày. Suốt tuần lễ tang, sáng nào 600 anh chị em tù chính trị cũng hát Quốc ca và làm lễ tưởng niệm Người.

Tại Ngã Bảy, anh chị em công nhân và các nghiệp đoàn quanh vùng đó chiếm trụ sở Tổng liên đoàn lao động để tổ chức mít tinh, làm lễ truy điệu Bác.

Tại vùng Hòa Trung 200 Phật tử, nhân sĩ trí thức, sinh viên học sinh tập trung về chùa Khánh Hưng. Đúng 2 giờ chiều ngày 9 tháng 9 năm 1969, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau lễ tang truy điệu Bác Hồ ở quảng trưởng Ba Đình (Hà Nội), lễ truy điệu tại đây bắt đầu.

Thượng tọa Thích Pháp Lan đọc điếu văn ca ngợi công lao và đức độ Bác Hồ. Nhiều người không cầm được nước mắt. Bốn ngày sau, tổng nha cảnh sát gửi giấy mời thượng tọa Thích Pháp Lan đến thẩm vấn suốt từ 8 giờ đến 5 giờ chiều. Trước lí lẽ sắc bén của thượng tọa và khí thế đấu tranh của thành phố, địch buộc phải thả thượng tọa. Trong khi đó, đồng bào ở hẻm 258/5/21A phường Phan Thanh Gian quận 10 làm lễ truy điệu Bác và nghe đọc tiểu sử Bác dưới hình thức một đám giỗ tại nhà chị Biểu. Ở quận 8, chi bộ phường Hưng Phú, sau khi tổ chức canh phòng chu đáo, tập trung đồng bào tại xóm Đầm để truy điệu Bác. Cảnh sát ngụy biết, nhưng không dám xúc phạm để tình cảm của nhân dân.

Nhiều gia đình trong thành phố đốt nhang trên bàn thờ làm lễ tang Bác, đón nghe các buổi phát thanh về Bác trên đài Hà Nội, Giải phóng. Quân dân ngoại thành làm lễ truy điệu Bác ở nhà, ngoài căn cứ, dưới địa đạo. Có nơi cán bộ làm lễ truy điệu Bác dưới hầm bí mật.

Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân nguyện biến đau thương thành hành động cách mạng, thực hiện di chúc Bác để lại: “… Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mĩ đến thắng lợi hoàn toàn…”.

Thực hiện chủ trương của Thành ủy, các đội biệt động tổ chức thành 3 cụm, mỗi cụm có nhiều đội, khẩn trương vừa củng cố vừa xây dựng và hoạt động theo phương châm kết hợp chặt chẽ chính trị với vũ trang, thực hiện “3 mũi giáp công” ở cơ sở.

Các lực lượng vũ trang nội thành cũng đang đứng trước thời kì khó khăn nhất, nhưng không phải không hoạt động được. Địch thú nhận trong vòng 2 tháng cuối năm 1969, trong và xung quanh Sài Gòn (vùng chúng kềm kẹp) xảy ra đến 2.000 vụ nhân viên của chúng bị trừng trị, nhưng không có vụ nào phát hiện được người thực hiện. Những trận nổi bật như trận tấn công tòa báo Chính Luận, tờ báo phản động duy nhất ở miền Nam đã xúc phạm đến thân thế và sự nghiệp Bác Hồ, trụ sở ở đường Võ Tánh (ngày 16 tháng 12 năm 1969(1); trận tấn công tòa hành chánh quận 3 và làm sập 2 căn nhà, thiêu hủy nhiều hồ sơ địch (tháng 1 năm 1970); trận tấn công trung tâm quốc gia báo chí, nơi bọn phản động thường hội họp; trận tấn công cư xá Mĩ bên hông rạp Đại Nam (ngày 20 tháng 1 năm 1970); trận tấn công trụ sở ngụy quyền ở đường Cô Bắc diệt 12 tên (ngày 7 tháng 3 năm 1970); trận tấn công khách sạn Mĩ và sĩ quan ngụy ở gần rạp Eden loại nhiều tên (ngày 17 tháng 3 năm 1970)…

Trong thời kì khó khăn này, nổi lên 2 nữ biệt động xuất sắc là Đoàn Thị Ánh Tuyết và Trần Thị Mai.

Ngày 8 tháng 2 năm 1970, tức mồng 3 Tết âm lịch, Đoàn Thị Ánh Tuyết dùng nữ biệt động Sáu Hạnh thực hiện cuộc tiến công Trung tâm Quốc gia báo chí, loại một số cố vấn tình báo Mĩ và 28 tên mật vụ, cán bộ bình định và sĩ quan tình báo Sài Gòn.

Cũng vào những ngày này, ta đánh chất nổ trong Tổng nha cảnh sát ngụy, do một nữ chiến sĩ an ninh thực hiện, nhiều tên chết và bị thương, phần lớn là thẩm viên cảnh sát, làm cháy trên 100 xe gắn máy. Địch huy động đến máy bay lên thẳng để chữa cháy, đem xe GMC đến lấy xác và đưa số bị thương đi cứu chữa. Trận này làm cho địch nghi ngờ lẫn nhau.

Với ý thức đánh địch để hỗ trợ cho đấu tranh chính trị, cuối tháng 1 năm 1970, nữ chiến sĩ Tư Kiên thuộc lực lượng vũ trang Thành Đoàn, đang bụng mang dạ chửa tự nguyện xin “đi đánh trận nữa để cổ vũ phong trào rồi đi đẻ”. Ngày 30 tháng 4 chị đã cùng các chiến sĩ Lê Phi Hùng, Phạm Văn Triệu thực hiện cuộc tiến công táo bạo vào cư xá Thái Lan thuộc sư đoàn Báo Đen ở phường Phan Thanh Giản (nay là công trình bưu điện II ở phường 14 quận 10) gây thiệt hại cho địch không đáng kể nhưng có ảnh hưởng ngay đến khí thế tiến công chính trị của sinh viên đang diễn ra ở khu vực Bàn Cờ. Cũng chính nơi này địch phát hiện chỗ đặt cối 60 li của biệt động định bắn vào cơ quan MACV. Văn Văn Của đô trưởng Sài Gòn đích thân chỉ huy cuộc lùng sục. Đồng chí Thanh một mình chống chọi một đại đội địch từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng, hi sinh tại trận.

Tại đường Nguyễn Văn Thoại, chị Tám A và nữ đồng chí Ngoạn hi sinh trong trận dùng thuốc nổ đánh nơi tập trung binh lính Đại Hàn.

Tháng 10 năm 1969, chính quyền Thiệu ban hành thuế kiệm ước, đánh vào trên 1.500 mặt hàng, gây xáo trộn đời sống của mọi tầng lớp nhân dân thành thị, trước hết là công nhân lao động. Báo chí Sài Gòn gọi thuế kiệm ước là “một quả bóng khủng khiếp nổ trên đầu dân nghèo”. “Một mụn ghẻ lở làm cho dân chúng nhức nhối thấu xương”. Do đó thuế kiệm ước cùng với các thứ thuế khác như: “thuế dịch vụ”, “thuế thông hành”, “thuế lương bổng”… đã gây một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong nhân dân lao động và nhân dân thành phố.

Ngày 31 tháng 10 năm 1969, gần 100 đại biểu công nhân thuộc liên đoàn vận tải miền Nam mở cuộc hội thảo khẩn cấp tại Sài Gòn, đòi ngụy quyền bãi bỏ thuế kiệm ước.

Công nhân các hãng dầu Shell, Esso, Caltex và công nhân nghiệp đoàn ngân hàng liên tiếp trong các ngày 16, 17, 19 tháng 11 năm 1969 mở hội nghị lên án việc ngụy quyền tăng thuế.

Đầu tháng 12 năm 1969, bắt đầu từ ngày 3 lại nổ ra cuộc đình công của 3.000 công nhân hãng Hàng không Việt Nam đòi tăng lương 50% cùng nhiều yêu sách khác. Cuộc đình công làm cho Mĩ ngụy bị thiệt hại mỗi ngày đến 12 triệu đồng tiền Miền Nam. Lo sợ cuộc đấu tranh có thể bạo động, Tổng thống ngụy buộc phải chỉ thị cho phó của y là Trần Văn Hương trực tiếp tìm mọi cách giải quyết để “tránh bị xáo trộn nhất là trong giai đoạn này”.

Trong lúc đó, 5.000 công nhân bến cảng Sài Gòn bãi công phản đối địch vô cớ sa thải 105 công nhân. Cảng Sài Gòn một lần nữa tê liệt: hàng hóa quân sự Mĩ không được bố cỡ. Địch buộc phải bãi bỏ việc sa thải số công nhân nói trên.


(1) Trận này do hai chiến sĩ Phan Thanh và Nguyễn Văn Thành thực hiện, các chiến sĩ Mười Hưng và Ba Hoàng yểm trợ. Tòa báo Chính Luận bị đánh sập lúc 6 giờ 25 phút ngày 16 tháng 12 năm 1969.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2012, 10:10:15 am
Cho đến lúc này - cuối năm 1969 đầu năm 1970 - cuộc đấu tranh của công nhân ngành xe buýt chống việc đấu thầu vẫn đang tiếp diễn, làm cho hoạt động của nhiều cơ sở công nghiệp, thương nghiệp quan trọng của ngụy quyền như hãng dầu Esso, Caltex, sở hỏa xa, cơ quan viện trợ Mĩ USAID… bị đình trệ. Ngày 7 tháng 1 năm 1970, 38.000 công nhân thuộc 128 nghiệp đoàn ở Sài Gòn - Chợ Lớn đình công để phản đối ngụy quyền, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân xe buýt. Qua đấu tranh kiên trì của công nhân, được lao động thành phố ủng hộ mạnh mẽ, ngụy quyền không những buộc phải chịu trả lương cho công nhân ngay trong những tháng đấu tranh, hứa giải quyết các yêu sách khác, mà còn phải ưu tiên nhận toàn bộ công nhân xe buýt vào làm việc. Như vậy, âm mưu địch định dùng đấu thầu để chia rẽ, phá hoại phong trào đấu tranh của công nhân xe buýt đã bị thất bại.

Tại Trường Đại học Văn khoa, cuối tháng 10 năm 1969, ngay sau khi Thiệu ban hành thuế kiệm ước, Tổng hội sinh viên Sài Gòn tổ chức cuộc hội thảo lên án chính sách thuế khóa của ngụy quyền.

Kết hợp đấu tranh chính trị, đội vũ trang sinh viên đã trừng trị Bùi Hồng Sĩ, một tên cầm đầu sừng sỏ của bọn phản động tại Trường Đại học Văn khoa.

Tháng 12 năm 1969, chính quyền Sài Gòn lại ra quyết định thu một phần học phí các trường công, tăng 100% giá giấy báo. Quyết định này gây phẫn nộ lớn trong giới học sinh, sinh viên và giới báo chí thành phố. Ngày 10 tháng 3 năm 1970, nhiều trường học tổng bãi khóa phối hợp với ngày tổng đình bản tất cả các báo Sài Gòn; Trường Trung học Cao Thắng bị cảnh sát đến bao vây. Lo sợ phong trào học sinh, sinh viên lại bùng dậy, Bộ Giáo dục ngụy buộc phải xoa dịu, công bố ngưng thi hành lệnh thu học phí các trường kĩ thuật. Nhưng ngày 11 tháng 3 năm 1970, địch lại bắt giam 41 học sinh, sinh viên Sài Gòn trong đó có anh Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch Tổng hội sinh viên, dùng nhục hình tra tấn. Địch đã “đổ dầu vào lửa”. Từ ngày 23 tháng 3 năm 1970, sinh viên các Trường Đại học Dược, Y, Nông lâm súc, Khoa học kiến trúc, Sư phạm kĩ thuật Phú Thọ và học sinh các trường trung học Cao Thắng, Pétrus Kí, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ, Gia Long, Bồ Đề, Tân Văn… tổng bãi khóa, đòi Thiệu phải thả ngay số sinh viên bị bắt. Cuộc đấu tranh lan ra nhiều tỉnh khác ở miền Nam. Số học sinh, sinh viên tham gia đến ngày 5 tháng 4 năm 1970 lên 6 vạn ở Sài Gòn, Cần Thơ, Huế, Đà Lạt.

Ngày 19 tháng 4 năm 1970, địch mở tòa án xét xử số học sinh sinh viên bị bắt. Hàng ngàn học sinh, sinh viên và nhân dân thành phố kéo tới bao vây tòa án, tràn vào trụ sở quốc hội ngụy, phản đối xét xử… Trước áp lực mạnh, địch buộc phải hoãn phiên tòa, trả tự do cho 10 học sinh, sinh viên. Không thỏa mãn với kết quả này, cuộc đấu tranh của học sinh, sinh viên tiếp diễn. Ngày 3 tháng 6 năm 1970, ngụy quyền buộc phải trả tự do cho một số học sinh, sinh viên nữa.

Trong lúc đang đấu tranh về vấn đề học phí, chống bắt bớ, ngày 21 tháng 4 năm 1970, học sinh, sinh viên lại phát động cuộc đấu tranh chống bọn phản động Lonnon tàn sát dã man Việt Kiều ở Campuchia. Đại biểu học sinh, sinh viên đến Trần Thiện Khiêm, thủ tướng ngụy lên án thái độ làm ngơ của chính quyền. Lễ truy điệu đồng bào bị giết hại ở Campuchia được tổ chức trọng thể tại Trường Đại học Khoa học. Sau lễ truy điệu, hàng ngàn học sinh, sinh viên, đầu quấn khăn tang tiến chiếm tòa Đại sứ Lonnon tại Sài Gòn. Cảnh sát ngụy kéo đến bao vây đàn áp. Sinh viên học sinh dùng gạch đá, gậy gộc, bàn ghế, chai xăng đánh trả. Cả vùng Bàn Cờ, Vườn Chuối náo động.

Nhân dân lao động xung quanh ủng hộ, tiếp tế cho lực lượng đấu tranh. Phối hợp cuộc đấu tranh chiếm giữ tòa Đại sứ Lonnon, ngày 27 tháng 4 năm 1970, cuộc đấu tranh chiếm trường, bãi khóa nhiều ngày bắt đầu tại trên 20 trường trung học công và tư chức ở thành phố.

Nhìn lại từ sau Tổng tấn công Mậu Thân đến trước hè 1970, ở đô thị, địch đã tập trung mọi biện pháp diệt các lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng nhất là trong công nhân lao động tự coi là “thắng lợi”, chúng tỏ vẻ nới rộng dân chủ đối với tầng lớp trên như trí thức, sinh viên. Còn ta với mọi cố gắng, khôi phục, xây dựng cơ sở, các lực lượng vũ trang nội thành đã giữ được nhịp độ hoạt động nhất định (tuy không bằng trước) phong trào công nhân vẫn duy trì một mức độ liên tục; giới học sinh, sinh viên tỏ ra khá nhạy bén, giữ vững vị trí “ngòi pháo” đấu tranh. Nhưng từ đó có ý kiến đánh giá phong trào sinh viên cũng là “thân pháo”.

Điểm lại, lực lượng lãnh đạo nội thành vẫn đang tiếp tục bị tổn thất lớn sau Mậu Thân. Nhiều cán bộ của Thành ủy, Phân khu ủy, Quận ủy và các ban ngành đoàn thể đảng viên đã hi sinh, bị bắt. Trong thời gian hơn một năm, nhiều đồng chí trong các ban cán sự liên quận lần lượt bị bắt: Phạm Thị Tốt (Thành ủy viên, Bí thư quận 1), Phan Văn Vinh (Chín Kế, Bí thư liên chi quận 11 sau đồng chí Tốt), Nguyễn Hữu Phước (Chú Đấu, ủy viên ban cán sự liên quận 1), Phạm Xuân Ái (Nam Ái, ủy viên cán sự liên quận 1, Ba Bắc (thành ủy viên, Bí thư liên quận 3), Đặng Gia Lợi (Ba Bú, Bí thư liên quận 3 sau đồng chí Bắc)… Chỉ riêng quận 7 đến cuối năm 1969, quận ủy vừa hi sinh vừa bị bắt 11 đồng chí, cán bộ chủ chốt hi sinh trên 20 đồng chí. Quận 8 hi sinh và bị bắt 12 đồng chí trong đó có đồng chí Tư An, Bí thư quận ủy. Cơ sở Đảng bị đánh phá dữ dội. Căn cứ của các cơ quan lãnh đạo phải di chuyển liên tục.

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trong gian nan lòng dân thêm sáng rõ. Bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Rành (Tám Rành) ở Củ Chi có đến 8 người con liệt sĩ (2 hi sinh trong chống Pháp, 4 hi sinh trong chiến tranh cục bộ, 2 hi sinh trong những tháng năm quyết liệt của thời Việt Nam hóa chiến tranh). Cụ Nguyễn Văn Cầm (chồng của má), trước khi mất (1968) thường dạy các con: “Bổn phận làm trai khi đất nước còn có kẻ thù xâm lược là đánh giặc; thà đói ăn đất, khát uống nước ruộng, chứ không vì giàu sang mà cam tâm làm nô lệ!”.

Trong vòng một năm từ cuối năm 1968 đến cuối năm 1969, hoạt động “Phụng hoàng” tại biệt khu thủ đô đã loại 602 hạ tầng cơ sở của ta (cả bị giết, bị bắt và chiêu hồi).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2012, 10:10:41 am
Trên chiến trường chung, xuân hè 1969, quân Mĩ vẫn duy trì mức quân số cao (474.000). Một chiến thuật lợi hại nổi bật của địch lúc này là biệt kích, được chúng coi là chiến thuật “tràn ngập lãnh thổ”. Trên nhiều khu vực dân cư vùng giải phóng, địch đã gom hốt triệt để mức mà từ trước đến nay chúng chưa từng thực hiện được. Vùng giải phóng Dầu Tiếng, Bến Cát coi như không còn dân sau cuộc hành quân “cái nêm Atlas”. Trong năm 1969 ở Củ Chi, địch gom 4.000 nóc nhà vào các ấp chiến lược, còn 31.000 nóc gia khác bị khoanh tại chỗ. Các cơ quan Củ Chi bị thiệt hại nặng: văn phòng huyện ủy hi sinh 8 đồng chí, bị bắt 2 (còn lại bí thư, 2 bảo vệ và 1 thư kí); ban tuyên huấn hi sinh hơn phân nửa; 1 cơ quan an ninh bị lộ hầm bị địch diệt toàn bộ… Từng bộ phận các cơ quan Củ Chi phải phân tán, tự xoay xở, không liên lạc được với nhau; chị em ở căn cứ phải chuyển phần lớn ra hợp pháp ở ấp chiến lược.

Du kích Bắc Củ Chi trước tháng 10 năm 1969 có 533 người đến cuối năm 1969 còn 210, đến quý II năm 1970 còn 182 người; du kích Nam Củ Chi trước tháng 10 năm 1969 có 2000 người, đến cuối năm 1969 còn 112 người, đến quý II năm 1970 còn 106. Vĩnh Lộc (Bình Chánh) cả xã chỉ còn vài du kích. Có chi bộ hầu hết đảng viên bị hi sinh như các chi bộ xã Trung An, Tân An Hội, Phước Hiệp, Bình Mĩ, Vĩnh Lộc. Ở nhiều xã Rừng Sác như Đồng Hòa, Long Thạnh, Long Sơn nhiều lớp du kích thay nhau. Nhiều đơn vị vũ trang quân khu phải chuyển từ chủ lực xuống làm bộ đội địa phương và bộ đội xuống làm du kích xã… Trung đoàn 16 cơ động phân khu phải sang tận Campuchia tải gạo. Địch bám căn cứ Thành ủy rất gắt. Sau cuộc tấn công căn cứ ở Cẩm Sơn tháng 5 năm 1969, địch lại tấn công vào hội nghị Thành ủy mở rộng ở căn cứ Tân Phú (Bến Tre). Cuối năm 1969, chúng lại tấn công các căn cứ Hiệp Đức, Cẩm Sơn, Đức Mĩ (Tiền Giang); tháng 10 năm 1970 bao vây căn cứ Mỏ Cày…

Một bộ phận nhân dân vùng giải phóng chưa bị gom cũng phải lánh về các vùng xa, sống nhờ người quen hoặc sống dã chiến lưu động trên những chiếc xe bò.

Tuy nhiên, trên thực tế, địch chưa xóa nổi nhiều lõm du kích ở vùng tranh chấp xen kẽ, sát nách chúng. Một trận càn đi qua, bình thường từ 15 giờ chiều hằng ngày, vùng du kích làm chủ lại trở lại nếp sống của nó: các cơ quan lại tiếp tục làm việc, bộ đội du kích củng cố trận địa, dân lại ra đồng, lấy đêm làm ngày.

Sự tồn tại của lõm du kích thật nhiều kiểu, xã Thái Mĩ (Củ Chi) là một kiểu độc đáo. Ở đây, mùa mưa, ruộng đồng nước trắng xóa, đầy tràn… lõm du kích tồn tại giữa đồng cỏ băng, đưng, năn trên những bờ dứa dại cao 3, 4 mét đầy gai. Du kích cắm cừ, đắp đầy làm hầm nổi, dưới đáy hầm lát ván, trên là mái nylon, kết lá dứa ngụy trang. Bộ binh địch không tới nổi, chúng cho máy bay lên thẳng đến tốc lá, tốc nylon phát hiện hầm, thò cả bàn tay sắt ra nhổ từng bụi dứa, nhưng không thanh toán nổi cả vùng cây dứa dại. Chiến sĩ ta cắm cọc chèo làm trụ vông và che nylon hoặc gác cây tầm vông lên nhánh dứa để nằm, xúc đất làm mô nấu cơm, ăn cơm đứng dưới nước, đi gặp nhau bằng xuồng, dùng xong dìm xuống nước,… nhưng điều đáng quý, không gì đánh đổi được là vị trí áp sát quân thù.

Trâu bò bị giết hàng chục, hàng trăm con qua một trận càn, cày bừa bị chặt gẫy, nhân dân thiếu nước và thiếu giống, thiếu phân, thiếu người… Trong tình thế như vậy, các đảng bộ địa phương đề ra nhiệm vụ cho cán bộ và dân quân du kích phải đi đầu và tích cực giúp đỡ nhân dân trong sản xuất, coi là khâu quyết định để giữ dân, bám trụ. Có nơi ban đêm cán bộ và du kích bỏ rơm vào mình, bò sát căn cứ Mĩ để cày giúp dân. Ban ngày, họ lấy bùn trát đầy mình, ra đồng cuốc đất, hầm trú ẩn đào sẵn quanh ruộng. Bà con làm theo cán bộ và du kích. Máy bay thấy có người trên ruộng là tấn công. Đã lộ phải chiến đấu ngay trên bờ ruộng. Trồng lúa xong còn phải ngụy trang… Nhưng xét về lâu dài, đây là một kiểu sản xuất không đảm bảo nuôi sống số người bám trụ, cần phải có biện pháp đảm bảo hơn là đấu tranh với địch để dân ấp chiến lược bung ra đất cũ sản xuất trên thế hợp pháp. Bung ra, cũng có nghĩa là quan hệ với tổ chức kháng chiến trong lúc địch luôn luôn cố thu hẹp vùng sản xuất hợp pháp, mở rộng vùng bắn phá, tự do hủy diệt.

Trên thế mới, việc Củ Chi chuyển hướng một bộ phận bán du kích công khai thành du kích bí mật, đặc biệt là du kích nữ là chủ trương thích hợp. Việc này làm cho địch mất ăn, mất ngủ và thấy không còn nơi nào an toàn, từ quán nước, trụ sở… đến ruột ấp chiến lược. Có trận du kích mật Củ Chi đã diệt một lúc 8 tên cảnh sát, làm bị thương 12 tên khác tại quán nước, loại 13 dân vệ ngay trong ấp chiến lược Cây Bài. Có trận tấn công địch trên đường cái, bắn chết những tên giặc ngồi trên xe lam: 1 đại úy, 1 ác ôn (tên Thăng), 1 trung sĩ, tập kích 1 trung đội biệt kích Mĩ, diệt 15 tên. Đội nữ du kích Củ Chi phát huy mạnh lối đánh hóa trang táo bạo, diệt nhiều tên ác ôn khét tiếng.

Trong điều kiện hết sức khó khăn, trung đoàn 268, trung đoàn 16 bám các đoàn xe ủi phá địa hình của địch, tổ chức tập kích khi chúng cụm lại, diệt nhiều cụm xe ở Bời Lời Bảu Nổ, Thanh An, Suốt Cát…

Đoàn 89 pháo binh (do 2 tiểu đoàn 8 và 9 pháo binh hợp nhất) liên tục pháo kích vào căn cứ Chà Rầy, Trung Hòa, Lào Táo, Củ Chi, Đồng Dù…

Tiểu đoàn 4 Gia Định (đặc công) bám trụ vùng sâu, điều khiển đánh phá các đồn bót và kho tàng địch. Chiến sĩ đặc công Mai Dinh đánh kho bom Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) phá hủy 350.000 tấn bom, kho nổ suốt 2 ngày đêm (đầu năm 1970, Mai Dinh được tuyên dương anh hùng quân đội.

Tiểu đoàn 2 trung đoàn Quyết Thắng, trong 1 trận chống càn ở Nhị Bình (Gò Vấp - Hóc Môn), bắn rơi 15 máy bay trực thăng.

Cuối năm 1969, ở Rừng Sác, 3 lần đội 5 Đoàn 10 đột nhập quân cảng Nhà Bè, đánh chìm 3 tàu, đánh hỏng 1 tàu, tổng trọng tải 40.000 tấn (ngày 29 tháng 9, ngày 5 tháng 10, ngày 11 tháng 11 năm 1969).

Các chiến thuật của Mĩ: “Ong ruồi”, “xe”, “quạt” tiếng dùng của chiến sĩ ta chỉ cách đánh của trực thăng OH6, OH58 Mĩ, dùng sức gió cánh quạt thổi lòi cây cỏ, phát hiện nơi đóng quân của ta để dễ tiêu diệt) cũng bị bẻ gãy. Trực thăng vũ trang Mĩ OH6, OH58 làm mưa làm gió trên một chiến khu “nổi” như như Rừng Sác. Hè năm 1969, lần đầu tiên, một tổ hậu cần Đoàn 10 với AK 47 bắn rơi chiếc OH58 trên sông Thị Vải, bước đầu giải quyết được tư tưởng và chiến thuật đối với thứ vũ khí lợi hại này của Mĩ. Từ trận mở màn này, phong trào diệt OH6, OH58 Rừng Sác lan nhanh. Chiến sĩ Đoàn 10 không chỉ chủ động đánh trả mà còn lập trận địa thu hút OH6, OH58 đến để diệt, làm bẫy mìn trên cây…, có ngày 5, 6 OH6, OH58 bị hạ ở Rừng Sác. Đến cuối năm 1969 đã có 27 máy bay loại này bỏ xác trên khu rừng chỉ toàn là những cù lao lúc chìm lúc nổi này.

Đầu tháng 3 năm 1970, trong lúc địch đang càn Rừng Sác thì đội 21 lợi dụng thời cơ chúng sơ hở phía sau đưa một tổ đặc công do đồng chí Châu làm tổ trưởng, đột nhập quân cảng Nhà Bè, đánh chìm 1 tàu dầu 10.000 tấn.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2012, 10:12:02 am
*
*   *

Tháng 1 năm 1970, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra nghị quyết quyết tâm đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mĩ. Nghị quyết này ra đời sau hơn 3 tháng, địch đã đẩy lùi dần cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa của ta (tính từ sau đợt 2) và trên chiến trường ta đang lầm vào tình thế hết sức khó khăn. Mặc dù vậy, xuất phát từ những nhận định: “Thắng lợi về chiến lược hết sức to lớn, tạo ra thế chiến lược mới, giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công, giành thắng lợi toàn diện, đưa cuộc kháng chiến tiến lên vững chắc…”, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ “đánh bại âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của Mĩ, đánh bại âm mưu xuống thang từng bước, kèo dài chiến tranh để tạo thế mạnh… làm thất bại chiến thuật phòng ngự của địch, tạo điều kiện chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh, buộc Mĩ rút quân, đánh cho ngụy phải suy sụp, tạo điều kiện cơ bản để thực hiện miền Nam độc lập dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà”(1).

Chấp hành nghị quyết của Trung ương, Thường vụ Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền chủ trương mở cuộc tấn công Xuân Hè 1970 với những chỉ tiêu rất cao(2).

Những nhận định của Trung ương mang tính chiến lược của một thời kì. Nhưng đã 8 tháng sau tuyên bố Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon (ngày 7 tháng 4 năm 1969), và sau hơn 18 tháng địch chuyển hướng chiến lược, đã qua “bình định cấp tốc” đến “bình định đặc biệt”, những kết quả của chúng tuy là tạm thời nhưng thực tế chung đang lấn tới, tình hình đang diễn biến phức tạp; những nhận định của Trung ương khó nhận thức được đối với người ở chiến trường xung quanh thành phố nơi đang phát sinh luồng tư tưởng “nghe nghị quyết Trung ương thì địch mỏng như lá lúa, về chiến trường thì thấy địch đang dầy hơn da trâu”. Thế và lực bây giờ đã khác thời “dép râu đi trước, chổi chà đi sau” của những năm địch “tố cộng diệt cộng” khốc liệt, nhưng thực tế là ở vùng ven Sài Gòn ta đang trong những năm tháng “ăn cơm vắt, uống nước ve, ngủ hầm”, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”…

Cuộc chiến đấu trên vùng ven hết sức ác liệt. Các đơn vị trên vùng ven, vùng trung tuyến hàng tháng chiến đấu 30/30 ngày, khó khăn chồng chất, sinh lực liên tục bị tiêu hao, không được bổ sung, vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh bám trụ và chiến đấu ở vị trí của mình sau Mậu Thân: Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng, tiểu đoàn 2 Gò Môn, trung đoàn 268, tiểu đoàn 7 Củ Chi, D4 đặc công, tiểu đoàn 6 Bình Tân, tiểu đoàn 5 Nhà Bè, tiểu đoàn 4 Thủ Đức, tiểu đoàn 3 Dĩ An…

Có những đội du kích không còn sức hoạt động, có nơi đội du kích không còn và không khôi phục được như một số xã ở Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức, Hóc Môn và khu vực Nam Củ Chi. Một số đội du kích dạt lên Campuchia tạm lánh rồi tìm cách trở về như du kích xã Trung Lập Thượng.

Quân ngụy vẫn tăng được quân số và trang bị. Riêng nội đô Sài Gòn và tiểu khu Gia Định, số quân ngụy tăng từ 40-50%, pháo binh, máy bay trinh sát, trực thăng đều được bổ sung. Nhờ vậy tháng 11 năm 1969, Mĩ bắt đầu giao được một số địa bàn cho ngụy: lữ dù 3 thuộc sư đoàn dù 82 Mĩ ngụy (trước đó, tháng 7 năm 1969, sư bộ binh 9 Mĩ đã rút khỏi căn cứ Đồng Tâm, giao toàn bộ địa bàn Mĩ Tho cho sư bộ binh 7 ngụy).

Trên cơ sở đánh giá cuộc bình định ở miền Nam đang ở thời kì “hưng thịnh” nhất, địch tiến thêm một bước đánh vào “đất thánh” của đối phương với ảo tưởng “nếu phá được thánh địa Việt Cộng ở Campuchia thì chiến tranh sẽ kết thúc” như tuyên bố của Abrahms tháng 6 năm 1969. Sự thực thì đây chính là sai lầm của địch, một thời cơ để ta giúp cách mạng Campuchia phát triển nhảy vọt đồng thời lợi dụng sơ hở phía sau của địch để từng bước khôi phục lại thế và lực tại chỗ của chiến tranh nhân dân.

Sau cuộc đảo chính Sihanouk ngày 18 tháng 3 năm 1970, từ 30 tháng 4 năm 1970, Mĩ ngụy huy động đại bộ phận quân chủ lực ngụy ở miền Nam kết hợp sư đoàn kị binh không vận và sư bộ binh 25 Mĩ thực hiện cuộc tấn công vượt biên giới lên đất Campuchia.

Mặc dù đang đứng trước khó khăn lớn, trước mắt là về tiếp tế hậu cần, về địa bàn của chủ lực, ảnh hưởng triển khai tiến công Xuân Hè 1970 trên chiến trường miền Nam nhưng ta vẫn kịp thời chớp thời cơ đánh tiêu diệt lớn ở ngoài biên giới, giúp cách mạng Campuchia phát triển nhảy vọt, tạo thế mới “Đông Dương là một chiến trường” đồng thời triển khai thực hiện tiến công “sau lưng” cuộc hành quân địch.

Lợi dụng thời cơ chủ lực địch vắng 50-70% lực lượng trên chiến trường tại chỗ, các Phân khu xung quanh Sài Gòn - Gia Định thực hiện bước đầu khôi phục thế tại chỗ: Phân khu 1 phá kềm 12 ấp chiến lược, một mặt đòi tự do bung ra sản xuất, một mặt tự động rút về đất cũ (như ở Phú Mĩ Hưng, Trung Lâm Thượng) mạng lưới phòng gian bảo mật Củ chi đang phát triển phục vụ đặc công và công an của ta. Phân khu 4 mở thêm 4 xã ở Nhơn Trạch; Phân khu 5 mở thêm nhiều lõm làm chủ trong 4 xã ở Bắc thủ Đức, 3 xã ở Dĩ An, phục hồi thế bám trụ 5 xã ở Lái Thiêu, nâng thế làm chủ 6 xã ở Châu Thành, Tân Uyên. Ở Đức Hòa (Phân khu 2), tuy có bị thiệt hại nặng về lực lượng, nhưng nhờ có sự chuyển hướng về tổ chức và phương thức hoạt động, tiếp tục duy trì các hoạt động quân sự của bộ đội địa phương và du kích: hễ địch bung ra là có du kích nổ súng, hơn nửa số huyện hoạt động đều và mạnh.


(1) Trích Nghị quyết Trung ương Đảng tháng 1 năm 1970 Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước 1954-1975, NXB Hà Nội, 1988 tr. 218.
(2) Như mở mảng mở vùng ở nông thôn đồng bằng… đánh bại về cơ bản âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh, khôi phục vùng giải phóng như trước Mậu Thân, làm thay đổi tương quan lực lượng, biến đối cục diện chiến trường.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2012, 08:17:34 am
II. TIẾP TỤC PHỤC HỒI THỰC LỰC CÁCH MẠNG,
KHOÉT SÂU MÂU THUẪN ĐỊCH, ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH CÁC MẶT,
TẠO THẾ, TẠO LỰC CHUẨN BỊ ĐÓN THỜI CƠ MỚI


Tháng 5 năm 1970, tại Trà Vinh, Thành ủy họp hội nghị lần thứ 4 về tình hình nhiệm vụ. Hội nghị đánh giá Mĩ ngụy đã tạm thời đạt được một số kết quả trong cuộc bình định nông thôn và đẩy lùi chủ lực của ta ra khỏi biên giới, từ đó Mĩ từng bước rút được quân và đi sâu vào chính sách Việt Nam hóa chiến tranh; mặt khác trên cơ sở những kết quả đó, địch cho rằng chúng có thể củng cố chế độ của chúng một bước nữa bằng cách tự phết thêm một “lớp sơn dân chủ”, trước hết là trong cuộc bầu bán “hạ nghị viện” và “tổng thống” năm 1971. Trên cơ sở đánh giá đó, Hội nghị ra Nghị quyết Bình Giã VI, xác định nhiệm vụ cho năm 1970 - 1971 là duy trì và đẩy mạnh tiến công liên tục, ra sức xây dựng về mọi mặt, bảo đảm giành thắng lợi vững chắc trong cuộc đấu tranh lâu dài giữa ta và địch ở đô thị.

Nghị quyết này khác 3 nghị quyết Bình Giã trước là ở chỗ đánh giá tình hình sát thực tế hơn, dự kiến tình hình trước mắt (1970-1971) chưa có gì đột biến xảy ra, từ đó dứt khoát không coi là ta đang ở giai đoạn tổng công kích - tổng khởi nghĩa nữa. Điểm nổi bật khác của nghị quyết này là sớm dự đoán được, ngoài mâu thuẫn cơ bản gay gắt giữa quần chúng nói chung và địch, còn mâu thuẫn phát triển giữa các tầng lớp trung gian và ngụy, giữa nội bộ ngụy với nhau trong thời kì bầu “hạ nghị viện” và “tổng thống” ngụy, từ đó đề ra chủ trương lợi dụng thế hợp pháp, khoét sâu mâu thuẫn địch.

Giữa năm 1970, đồng chí Nguyễn Thái Sơn (Bảy Bình) Phó Bí thư Thành ủy, phụ trách công tác xây dựng cơ sở nội thành hi sinh. Căn cứ Mỏ Cày (Bến Tre) đang nằm trong vùng bình định của địch, mất an toàn. Ban tổ chức Thành ủy trở qua Cầu Ngang - Cầu Kè (Trà Vinh), Thành ủy vẫn trụ ở Thành An (Mỏ Cày) mở nhiều lớp bồi dưỡng chính trị cho đối tượng trung, sơ cấp phụ trách các ngành chuyên môn của liên quận, các đoàn thể công, thanh, phụ và các ban ngành chung quanh Thành ủy.

Cuối năm 1970, từ Trà Vinh (xã Long Vinh, huyện Cầu Ngang), Thành ủy và các cơ quan xung quanh lần lượt chuyển lên vùng sông Sở Thượng giáp tỉnh Preyveng (Campuchia), Thành ủy đang khuyết Bí thư(1), đồng chí Trần Bạch Đằng (Tư Ánh) giữ quyền Bí thư.

Do áp lực tình hình chiến trường, áp lực tại Mĩ, ngày 3 tháng 6 năm 1970, Nixon ra lệnh triệt thoái quân Mĩ ở Campuchia. Ngụy đang vào kế hoạch “bình định đặc biệt” (tháng 7 năm 1970 đến tháng 2 năm 1971), chúng đổi các vùng chiến thuật thành các phân khu, thống nhất hai khái niệm “chiến tranh quân sự” và “chiến tranh bình định” là một và giao toàn quyền cho các tư lệnh quân khu thống nhất chỉ huy tác chiến và bình định. Tháng 3 năm 1971, Tổng nha cảnh sát được cải tổ thành Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia. Trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, địch tiếp tục đưa thêm sĩ quan về phường xã trực tiếp phụ trách công an, tình báo, sử dụng bảo an, cảnh sát, dân vệ có sự hỗ trợ của một bộ phận quân chủ lực mở những cuộc hành quân chà xát vùng ven, tăng cường các ủy ban Phụng hoàng…

Theo phương hướng Nghị quyết Bình Giã IV, khẩu hiệu đấu tranh chính trị tập trung lúc này là đòi Mĩ rút hết quân, chống chính quyền phản động Nguyễn Văn Thiệu, đòi thành lập chính quyền tiến bộ, chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hòa bình, tận dụng các hình thức công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp của học sinh, sinh viên, của công nhân và lao động, của mọi ngành, mọi giới và các tầng lớp trung gian.

Nội dung và hình thức đề ra nói trên rất sát hợp với yêu cầu và tình hình nhân dân Sài Gòn trong tình thế hiện tại.

Học sinh, sinh viên là lực lượng nắm bắt và khơi dậy ngay thành phong trào tiến đến cao trào theo phương hướng khẩu hiệu được phát động, đồng thời tạo được sự hỗ trợ mạnh mẽ của các ngành, các giới, có liên kết các phong trào khác tạo thành sức mạnh tổng hợp của mặt trận chính trị thành phố.

Tháng 6 năm 1970, trong một cuộc biểu tình đòi trả tự do cho tất cả sinh viên, học sinh còn bị giam giữ tại nhà lao Chí Hòa, sinh viên, học sinh xung đột dữ dội với cảnh sát ngụy đến đàn áp, đốt cháy 1 xe, sau đó lại tấn công đốt cháy 1 xe cảnh sát và 1 xe quân cảnh Mĩ, đánh bị thương 2 tên Mĩ đi trên xe, thu cả súng đại liên, dùi cui và mũ sắt.

Phong trào học sinh, sinh viên từ Sài Gòn lan xuống Mĩ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Giờ, Châu Đốc, Rạch Giá, ra Đà Lạt, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế… trở thành cao trào học sinh, sinh viên toàn miền Nam đấu tranh chống Mĩ - Thiệu - Kì, đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, tự do, độc lập.

Cuối tháng 6 năm 1970, sinh viên liên viện đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Vạn Hạnh, tổ chức đại hội nhằm thống nhất khẩu hiệu và hành động của sinh viên trên toàn miền Nam. Một trong những khẩu hiệu hành động chung đó là: chống huấn luyện quân sự học đường với nội dung: không học, không thi, không đi quân trường.

Kết quả suốt các tháng 7, 8, 9 năm 1970, trong các trường đại học, phong trào chống quân sự học đường phát triển rất mạnh mẽ. Có đến 30.000 sinh viên không đi học quân sự, không thi môn quân sự học đường, 450 sinh viên đang học ở quân trường bỏ về. Sinh viên các trường đại học Y, Văn, Vạn Hạnh, Kĩ thuật Phú Thọ, đốt cháy các phòng huấn luyện quân sự học đường.

Đêm 17 tháng 7 năm 1970, học sinh, sinh viên tổ chức đêm văn nghệ “Năm châu đấu tranh cho hòa bình” tại số 240 đường Công Lí, đại diện sinh viên Việt Nam tặng cho phái đoàn sinh viên quốc tế 1 lá cờ vẽ hình chim bồ câu trắng tượng trưng cho khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Đáp lại, các sinh viên Mĩ rút thẻ quân dịch châm lửa đốt và dẫm nát dưới gót giày để biểu hiện tinh thần phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mĩ. Tiếp theo, đêm văn nghệ “Năm châu đấu tranh cho hòa bình” là những đêm “Văn nghệ xung kích”, những đêm “Đốt lửa căm thù”, nhằm “đốt lửa lên để nhận mặt kẻ thù, đốt lửa lên để nung nấu ý chí căm hờn, đốt lửa lên soi sáng niềm tin hi vọng”, để cùng nhau sát cánh đấu tranh.

Bài hát “Dậy mà đi” thôi thúc, giục giã lớp lớp người vùng dậy đấu tranh. Từ tháng 5 đến tháng 10 có đến 24 đêm biểu diễn văn nghệ tập trung, 27 buổi văn nghệ xung kích, 49 tổ báo sinh viên, 66 tập san học sinh, và 26 cuộc đi cắm trại. Hàng trăm đội xung kích thanh niên học sinh, sinh viên tỏa đi các xí nghiệp, các chợ, các xóm lao động và các vùng nông thôn ngoại thành để “nói cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi nói” để “hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi cùng hát” nhằm tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh đòi quyền sống, đòi hòa bình, đòi chấm dứt chiến tranh, đồi lật đổ Thiệu, đòi Mĩ phải rút hết…

Ngày 10 tháng 8 năm 1970, trong một cuộc hội thảo chống quân sự học đường, cảnh sát ngụy bắt giam 117 sinh viên, học sinh, tức thì “Ủy ban đòi quyền sống của đồng bào”, “Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình”, 123 nghiệp đoàn công nhân, 35 nghiệp đoàn những người buôn bán nhỏ Sài Gòn - Gia Định đều công khai ủng hộ Tổng hội sinh viên. Trong nhà lao anh chị em đập phá nhà giam và tuyệt thực để phải đối. Địch buộc phải trả hết số bị bắt.


(1) Tháng 1 năm 1971, đồng chí Võ Văn Kiệt được điều về Trung ương Cục để nhận nhiệm vụ Bí thư Khu ủy miền Tây Nam Bộ.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2012, 08:18:03 am
Ngày 11 tháng 9 năm 1970, một đại đội sinh viên học sinh với các đại biểu trong phong trào sinh viên phản chiến Mĩ, Úc, Nhật, Tân Tây Lan… tham gia, được thành công tại trường đại học Nông Lâm Súc. Sau đại hội, 2.000 thanh niên, sinh viên, học sinh Việt Nam và sinh viên các nước khiêng chiếc quan tài có dòng chữ:

                                                  Căm hờn lại giục căm hờn
                                                  Máu kêu trả máu, đều kêu trả đầu

(Thơ Tố Hữu)

Cùng một số đại biểu tri thức, tu sĩ, phụ nữ xuống đường kéo đến tòa Đại sứ Mĩ, hô các khẩu hiệu: “Đế quốc Mĩ rút khỏi miền Nam Việt Nam”, “Hòa bình tức khắc”… Cảnh sát ngụy đàn áp cuộc biểu tình rất dã man, dùng cả súng phi tiễn bắn vào đoàn người, làm nhiều thanh niên bị thương nặng.

Hơn 3 tháng 3, ngày 18 tháng 12 năm 1970, trên các đường Trương Minh Giảng, Trương Tấn Bửu, các đội xung kích thanh niên, sinh viên cùng đồng bào xung quanh đốt cháy 1 xe Mĩ và đánh suýt chết 2 tên Mĩ.

Sài Gòn lại nổi lên phong trào đốt xe Mĩ. Trong gần 3 tháng, từ tháng 12 năm 1970 đến tháng 2 năm 1971, thanh niên, sinh viên và đồng bào lao động đốt 37 xe Mĩ, rải hàng chục vạn truyền đơn đòi tống cổ quân xâm lược Mĩ, đòi “thái thú” Bunker (đại sứ Mĩ) rút về nước, đòi độc lập, hòa bình, đả đảo Nixon…

Tháng 7 năm 1971, phong trào đấu tranh của sinh viên ở Sài Gòn - Gia Định chống huấn luyện quân sự học đường lại “tái phát” một cách quyết liệt. Ngày 9 tháng 7, 2 đại đội sinh viên phá cổng quân trường, bỏ về, sau khi xô xát với huấn luyện viên.

Ngày 18 tháng 9 năm 1971, ngày cầu siêu cho sinh viên Phạm Hạnh chết tại quân trường Quang Trung, gần 1.000 sinh viên Vạn Hạnh và 2.000 đồng bào khu Trương Minh Giảng xuống đường và đánh nhau dữ dội với cảnh sát suốt buổi sáng. Tại cầu Trương Minh Giảng, 2 xe cảnh sát và một chốt gác của địch bị đốt cháy.

Bên cạnh phong trào chống quân sự học đường, những tháng cuối năm 1971, thanh niên, sinh viên, học sinh thành phố nhập cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn chống trò bầu cử “hạ nghị viện” và Tổng thống tay sai Mĩ, chống “dân chủ giả hiệu”, bầu cử độc diễn, chống Mĩ can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam. Những nội dung đấu tranh này thu hút được sự đồng tình của các tầng lớp trung gian và một số binh sĩ địch. Nội dung chống bầu cử độc diễn làm cho hàng ngũ tay sai phân hóa, Thiệu thêm cô lập và suy yếu về chính trị.

Tháng 3 năm 1972, địch đưa 10 cán bộ lãnh đạo phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh ra tòa án quân sự để xét xử. Trước tòa án giặc, anh chị em bị xử biến vành móng ngựa thành diễn đàn tố cáo đế quốc Mĩ xâm lược, ngụy quyền tay sai. Ngày 29 tháng 3 năm 1972, đông đảo sinh viên lại biểu tình ngay trước trụ sở quốc hội ngụy quyền phản đối vụ án. Ngày 5 tháng 4 năm 1972, toàn thể sinh viên 13 trường đại học bãi khóa đòi Thiệu phải thả hết số sinh viên bị bắt.

Phong trào công nhân những năm 1970-1971 trong khí sắc mới: quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn, mũi nhọn chĩa vào Mĩ ngụy một cách trực tiếp hơn.

Ngày 25 tháng 6 năm 1970, công nhân của 124 nghiệp đoàn ở Sài Gòn - Gia Định nhất loạt bắt đầu đình công để ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân kho tồn trữ Thủ Đức, phản đối cơ quan tiếp vận trung ương vô cớ sa thải 238 công nhân. Sau hơn 2 ngày tổn đình công, từ ngày 27 tháng 6 năm 1970, các nghiệp đoàn tiến hành bãi công theo hình thức thay phiên nhau nhằm kéo dài cuộc đình công, tạo ra áp lực liên tục đối với địch. Cuộc tổng đình công quy mô lớn này gây cho ngụy quyền nhiều thiệt hại. Hàng hóa bị ứ đọng, số lượng gạo cần thiếp không tiếp tế được đầy đủ cho quân đội chúng. Theo thông báo ngày 26 tháng 6 năm 1970 của Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định thì 2.500 tấn hàng đã bị tồn kho và 96.100 tấn hàng cho nhập kho phải để ngoài trời, toàn là loại hàng cần được cấp phát khẩn cấp cho 4 quân khu. Bọn tư sản mại bản cũng bị thiệt hại nửa tỉ đồng Việt Nam.

Tiếp theo là cuộc đấu tranh của các đại biểu công nhân ngày xe lam (ngày 29 tháng 8 năm 1970), của công nhân hãng thầu Mĩ BMK-BRJ (ngày 17 tháng 10 và ngày 26 tháng 10 năm 1970) của 3.000 đại biểu công nhân và nhân dân lao động họp đại hội tố cáo chính sách kinh tế của Mĩ, ngụy làm cho người lao động ngày càng lầm than, đói rách, thất nghiệp (ngày 15 tháng 3 năm 1971).

Cuộc đấu tranh chống “thuế lương bổng” của công nhân và lao động thành phố có quy mô khá lớn và kéo dài. “Thuế lương bổng” đánh vào đời sống vốn đã quá khó khăn cho người lao động, chỉ 1 ngày sau khi ban hành, một Ủy ban vận động yêu sách giảm “thuế lương bổng” đã được thành lập.

Mở đầu đợt đấu tranh này là cuộc đình công ngày 24 tháng 1 năm 1971 của gần 8 vạn công nhân và tư chức. Ngày hôm sau số người tham gia đấu tranh tới gần 10 vạn.

Ngày 29 tháng 4 năm 1971, hơn 4 vạn công nhân thuộc 26 nghiệp đoàn, nắm những cơ sở chủ yếu của Sài Gòn tiếp tục bãi công. Các bến cảng, các ngân hàng trong thành phố hoàn toàn ngưng hoạt động. Các hãng dầu Esso, Caltex bị tê liệt đến 70%. Hãng hàng không bị tê liệt 50%. Mĩ ngụy bị thiệt hại trên 10 tỉ đồng.

Địch vẫn ngoan cố, dây dưa, mãi đến ngày 14 tháng 1 năm 1972 chính quyền ngụy mới buộc phải tuyên bố hủy bỏ chính sách thuế lương bổng và hứa sẽ bồi thường một tỉ đồng cho công nhân lao động, tư chức đã bị thiệt hại do thu thuế này gây ra.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2012, 08:22:09 am
Song song với những cuộc đấu tranh chống thuế lương bổng trong từng nhà máy, xí nghiệp nổ ra những cuộc đấu tranh quy mô nhỏ đòi cải thiện đời sống, hầu hết thu được thắng lợi. Tiêu biểu như cuộc đấu tranh của hãng Pin Con Ó (Vidopin) - Một hãng sản xuất lớn về pin đèn ở miền Nam độc quyền cung cấp pin cho quân đội ngụy. Lúc đầu cuộc đấu tranh của công nhân chủ yếu là đòi chủ giải quyết một số quyền lợi vật chất. Nhưng chủ hãng dựa vào một số tên tai to mặt lớn trong chính quyền ngụy, bác bỏ yêu sách của công nhân và tuyên bố sa thải hàng loạt người tham gia đấu tranh. Song công nhân kiên quyết giữ vững yêu sách của mình. Hãng Pin Con Ó hoàn toàn bị tê liệt. Việc cung cấp pin cho quân đội Sài Gòn bị đình trệ. Trước tình thế đó, chẳng những địch không nhượng bộ, trái lại đưa cảnh sát đến can thiệp, đánh đập dã man nhiều người và bắt đi 30 cán bộ nghiệp đoàn. Công nhân không chùn bước, tiếp tục đấu tranh. Tiếng vang bắt đầu vượt khỏi hãng Vidopin. Ngày 23 tháng 10 năm 1971, các nghiệp đoàn thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam quyết định đình công 12 giờ để phản đối cuộc đàn áp đẫm máu tại hãng Pin Con Ó. Các báo chí tiến bộ, các tổ chức quần chúng tiến bộ, các tầng lớp công nhân lao động và một số linh mục, các liên đoàn công nhân Nha Trang, Cam Rang và thậm chí cả một số nghị viên và dân biểu ngụy quyền ra lời tuyên bố ủng hộ công nhân hãng Pin Con Ó, lên án chủ hãng và phê phán hoạt động dã man của chính quyền Sài Gòn. Tại quốc hội ngụy, một số dân biểu tuyên bố ngừng họp tháng, không dự lễ đăng quang tổng thống và phó tổng thống Thiệu Kì.

Cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của công nhân ở một số xí nghiệp đã trở thành cuộc đụng độ gay gắt, lâu dài giữa một bên đòi tự do dân chủ, đòi dân sinh, dân quyền với một bên là lực lượng ngụy quyền phản tự do dân chủ. Tình hình ấy buộc địch phải nhượng bộ: chịu tăng lương 305 cho công nhân, nhận lại số công nhân bị sa thải và thả hết những người bị bắt.

Phong trào công nhân lao động thành phố tiếp tục giữ vững sang đầu năm 1972, trong 3 tháng đầu năm đã có tới 150 cuộc đấu tranh lớn nhỏ.

Phong trào thanh niên, học sinh, sinh viên và phong trào công nhân lao động đã tác động mạnh đến phong trào các tầng lớp trung gian và cả các tầng lớp trên mà nòng cốt là “lực lượng quốc gia tiến bộ”. Điểm mới của phong trào này là bung ra hỗ trợ các cuộc đấu tranh của công nhân.

Tháng 6 năm 1970, các báo xuất bản ở Sài Gòn nhất loạt đóng cửa đấu tranh chống Thiệu đàn áp báo chí.

Tháng 10 năm 1970, 500 nhân sĩ trí thức tổ chức hội thảo đòi Mĩ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, đòi nhanh chóng lập lại hòa bình.

Tổ chức trí vận đã vận động được 5 ứng cử viên của ta tranh cử vào hạ nghị viện với nhiều bích chương, tuyên truyền, tuyên bố chống độc tài, phát xít, yêu cầu chấm dứt chiến tranh, đòi quân đội Mĩ rút về nước, đòi chủ quyền của người Việt Nam… Cuộc vận động này gây tiếng vang mạnh. Các bích chương đó được công nhân nhiều nơi như nhà máy đèn Chợ Quán, khu công nghiệp Biên Hòa… canh gác bảo vệ suốt thời gian tranh cử và kéo dài cả 2, 3 tháng sau ngày bầu cử (tháng 8 đến tháng 10 năm 1970). Ta còn vận động một số người cảm tình với cách mạng ra ứng cử vào hạ nghị viện để có điều kiện công khai vạch trần bộ mặt xâm lược của Mĩ, bộ mặt độc tải phát xít của Thiệu, vận động Dương Văn Minh không ra ứng cử tổng thống với Thiệu để một mình tên này độc diễn trò bầu cử.

Một số tổ chức đấu tranh đòi quyền lợi cho các giới đồng bào đã được thành lập tại thành phố trong những năm 1970-1971. Tháng 8 năm 1970, “Ủy ban đòi quyền sống của Phụ nữ” ra đời. Tháng 10 năm 19710, tổ chức này họp đại hội. Hơn 500 đại biểu các thị thành miền Nam và các đại biểu nghiệp đoàn, 36 chợ cùng hàng trăm phụ nữ ở Sài Gòn đã tham dự. Đại hội kêu gọi anh chị em đoàn kết đấu tranh cho quyền sống của phụ nữ và phát động phong trào mỗi phụ nữ là một chiến sĩ hòa bình.

Sau đó, nhiều nhóm nữ sinh tỏa về các xóm lao động, các chợ búa, các xưởng máy, bến tàu, nói chuyện với đồng bào, rài truyền đơn, treo biểu ngữ, tố cáo những hành động đàn áp, tra tấn cực hình đối với chị em phụ nữ, lên án đế quốc Mĩ xâm lược, đòi Mĩ rút quân, đòi Thiệu từ chức… Chị em cổ động đấu tranh bằng nhiều hình thức: gắm huy hiệu hòa bình, phân phát các bản nhạc chống chiến tranh, gởi tâm thư cho đồng bào, thả bong bóng mang khẩu hiệu “Mĩ cút về nước”.

Chính vào thời kì này, vụ “chuồng cọp” Côn Đảo, một hình thức giam cầm dã man tù chính trị của ngụy quyền bị phanh phui; ở thành phố lại xuất hiện phong trào đấu tranh công khai mới. Tổ chức diễn đàn, các cuộc hội thảo kết hợp với đấu tranh trên mặt trận báo chí, ta đưa ra khẩu hiệu chống độc tài phát xít, đòi lập nội các hòa bình, chấm dứt chiến tranh, đòi “quân đồng minh cút hết”…

Cuộc đấu tranh của nhân dân thành phố chống chế độ tàn ác được các nhà hoạt động ở nước ngoài có mặt ở Sài Gòn đồng tình ủng hộ. Cuối tháng 7 năm 1970, quảng trường Lam Sơn trước trụ sở quốc hội ngụy, hai giáo sư Pháp là Jean Pierre và André Malgrace dũng cảm leo lên đỉnh đầu hai pho tượng lính giương cao cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng và tung truyền đơn đòi lập lại hòa bình ở miền Nam Việt Nam. Năm 1971, hai linh mục Mĩ là Harol Bory và Willy tự trói mình nằm ngay trước cổng tòa Đại sứ để phản đối chính quyền Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.

Có thể nói sau các đợt tổng tiến công Mậu Thân, từ năm 1969, nhất là những năm 1970-1971, trong khi địch thu được kết quả bình định nhất so với bất kì lúc nào trước đây (dù là tạm thời), chiến trường ven đô và nông thôn đang “tạm lắng dịu” thì phong trào đô thị lại “tái phát” mạnh mẽ với nét mới chủ yếu là sự tác động hỗ trợ hoặc ủng hộ lẫn nhau giữa các phong trào các giới, kể cả các tầng lớp trung gian. Ta đã đánh giá đúng phong trào sinh viên, học sinh là một mũi xung kích và là phong trào “bản lề” nối liền các phong trào khác (công nhân, lao động, nông dân, phụ nữ, báo chí, trí thức, các tầng lớp trung gian…). Lợi dụng được dịp bầu cử hạ nghị viện và Tổng thống ngụy (tháng 9 và 10 năm 1971) đưa ra những khẩu hiệu thích hợp khoét sâu mâu thuẫn địch và đưa phong trào lên là kết quả của một dự đoán đúng về âm mưu địch và đề ra các chủ trương đúng.

Xét về tác động với tình hình chung trên toàn Miền, trong lúc phong trào ở nông thôn đang có khó khăn, phong trào đô thị cùng với những chiến thắng lớn ở Campuchia, đường 9 - Nam Lào(1) tạo ra khả năng góp phần một cách tích cực cùng cả miền Nam tiến lên đánh bại Việt Nam hóa chiến tranh của địch và trực tiếp trước mắt là hình thành thế tiến công chiến lược mới ở miền Nam.

Tuy nhiên có những vấn đề khi xác định căn bản đúng đắn trong nghị quyết Bình Giã IV thì trong thực hiện lại bị sai lệch. “Chính trong giai đoạn này là giai đoạn phát triển cao độ những tư tưởng theo khuynh hướng tiểu tư sản trong Đảng bộ, nhất là một số đồng chí có cương vị lãnh đạo chủ chốt”(2). Những sai lệch này vốn đã có từ trước, đến nay phát triển rõ nét thêm, biểu lộ trong những việc cho rằng phong trào học sinh, sinh viên là phong trào có tính chất vô sản, ngược lại phong trào công nhân là phong trào mang tính chất cải lương; đánh giá phong trào công nhân lao động thiên về những hoạt động công đoàn mà ít chú ý đến đấu tranh lâm râm diễn ra đều khắp, hằng ngày của công nhân lao động trong xóm, xí nghiệp, chợ, mặt khác coi khả năng công khai, hợp pháp quá lớn, coi nhẹ các hình thức hoạt động, các tổ chức bí mật hoặc nửa công khai, biến tướng, tách rời, thậm chí đối lập các mặt này với nhau, coi nhẹ công tác xóm, đề cao “nghệ thuật chỉ đạo”, nhạy bén khai thác những mâu thuẫn trong nội bộ địch để làm bật phong trào mà không chú ý đến xây dựng thực lực.

Do những lệch lạc trên, ta “chưa tập hợp được một lực lượng quần chúng cách mạng bao gồm công nhân, lao động, học sinh, sinh viên, phụ nữ, trí thức, tổ chức và phối hợp chặt chẽ đủ sức làm cơ sở cho một quả đấm chiến lược(3), “phong trào công nhân thì còn, luẩn quẩn mãi trong những mâu thuẫn kinh tế, mâu thuẫn giữa chủ và thợ…, không tập trung mũi nhọn chủ yếu vào kẻ thù Mĩ ngụy, không đưa được đấu tranh lên mức chính trị”(4) “về học sinh, sinh viên, phụ nữ và trí thức thì tuy lực lượng thanh niên xung kích rất dũng cảm, sáng tạo, nhưng lực lượng tập hợp được còn quá ít, hoạt động có tiếng hơn có miếng, ưa huênh hoang, tự do cá nhân…”(5)


(1) Từ tháng 7 năm 1970 đến tháng 11 năm 1971, địch lại liên tiếp thất bại nặng trên hai hướng tấn công chiến lược vượt biên giới (Campuchia và Đường 9 - Nam Lào) nhằm “thử sức” quân ngụy trong công cuộc Việt Nam hóa chiến tranh.
(2) Dự thảo kiểm điểm sự chỉ đạo của Thành ủy từ Mậu Thân đến năm 1974. Lưu trữ tại Ban lịch sử Thành ủy.
(3) Nhận xét của Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong điện số 84-SG gởi Bộ Chính trị tháng 11 năm 1971.
(4) Nhận xét của Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong điện số 84-SG gởi BCT tháng 11 năm 1971.
(5) Nhận xét của Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong điện số 84-SG gởi BCT tháng 11 năm 1971.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2012, 08:22:54 am
*
*   *

Sự phát triển liên tục, rầm rộ của phong trào đấu tranh chính trị công khai hợp pháp những năm 1970-1971 vừa qua có ảnh hưởng đến nhận thức của một số cán bộ, như cho rằng bạo lực công khai của quần chúng có thể thay thế bạo lực vũ trang cách mạng, do đó có xem nhẹ và buông lơi vai trò bạo lực vũ trang trong phương pháp đấu tranh cách mạng. Việc này có hạn chế tới sự phát triển của lực lượng vũ trang đô thị trong thời gian này. Tuy nhiên vẫn còn những cán bộ chủ trương tích cực đi vào xây dựng “căn cơ” thực lực tại chỗ và tổ chức hoạt động vũ trang, đảm bảo một nhịp độ nhất định về mặt tấn công vũ trang ở đô thị.

Đối tượng tấn công của biệt động, an ninh thành lúc này chủ yếu vẫn là những tên tay sai nguy hiểm, sĩ quan, cố vấn Mĩ và lực lượng đàn áp của địch.

Tháng 5 năm 1970, một tổ trinh sát vũ trang biệt động đột nhập quán Nhất Linh, dùng mìn tự tạo đánh chết 14 tên và làm bị thương 17 tên cảnh sát dã chiến do Mĩ đang huấn luyện tại trại A Mắc, số 190 đường Trần Quốc Toản. Trong lúc đó, một số trinh sát vũ trang khác bố trí một quả mìn trên đường Nguyễn Kim giết và làm bị thương 25 tên an ninh quân đội và cảnh sát dã chiến khác.

Tháng 6 năm 1970, tại Tổng nha cảnh sát, nơi vừa xảy ra trận biệt động tấn công tháng 2 năm 1970, một nữ trinh sát cải trang làm người buôn bán, đặt mìn tự tạo, gây nổ tại địa điểm bọn cảnh sát thường tập trung, trước trụ sở Tổng nha, giết và làm bị thương 10 tên.

Tháng 7 năm 1970, phòng làm việc của tên CIA Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động bị mìn phá tung, gần chục chiếc xe du lịch đậu gần đó hư hỏng. Rất tiếc, lúc đó tên Bửu vắng mặt nên thoát chết. Mặc dù vậy, sau trận này, Bửu nơm nớp lo sợ, luôn đề phòng mọi người xung quanh và dè dặt trong mọi cư xử nói năng đối với tay chân bộ hạ. Cùng trong tháng 7 năm 1970, các chiến sĩ Năm Thắng, Ba Hoàng, Phan Thanh, thuộc lực lượng vũ trang thành đoàn, diệt tên Ba Trà, một cán bộ quan trọng của ta đầu hàng phản bội đang tiếp tay cho giặc khám phá nhiều cơ sở cách mạng trong thành phố nhất là trong lực lượng trí vận.

Tối ngày 8 tháng 4 năm 1970, đúng lúc Tổng thống Mĩ đang huênh hoang “Việt Nam hóa đã thành công”, hai chiến sĩ biệt động là Thắng và Thu Trang thực hiện xuất sắc trận đánh nhà hàng Mĩ Phụng, tụ điểm ăn chơi của binh lính, sĩ quan Mĩ ở đầu đường Hai Bà Trưng phía Đông Sài Gòn, làm chết và bị thương 40 tên.

Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 1971, lực lượng biệt động và an ninh đánh 3 trận có hiệu suất cao: trận diệt 32 cảnh sát Hàng Keo trong một quán ăn; trận diệt trên chục tên sĩ quan binh lính Đại Hàn; trận diệt hàng chục sĩ quan ngụy ngày 15 tháng 9 năm 1971 tại khách sạn Tự Do, trận mà báo chí Sài Gòn cho rằng “Trận đánh lớn nhất sau biến cố Mậu Thân”. Riêng nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Thu Trang đã thực hiện 3 trận Mĩ Phụng, cư xá Đại Hàn và khách sạn tự do. Trưa ngày 10 tháng 11 năm 1971, hai chiến sĩ an ninh Vũ Quang Hùng và Lê Văn Châu đã trừng trị tên Nguyễn Văn Bông, tay sai đắc lực của Mĩ - Thiệu, Viện trưởng học viện Quốc gia hành chánh, cố vấn hội đồng quản trị ngân hàng. Chủ tịch phong trào quốc gia cấp tiến, người chuẩn bị trèo lên ghế thủ tướng thay Trần Thiện Khiêm trong nhiệm kì tới.

Trong mấy ngày đó, tên Vũ, thiếu tá cảnh sát đặc biệt, nắm nhiều mạng lưới phản gián, phụ tá tin cẩn của Trần Thanh Phong, đương chức giám đốc Tổng nha cảnh sát cũng bị trừng trị tại nhà riêng, do một cơ sở nội tuyến của ta thực hiện.

Những năm 1970-1971 số xe Mĩ bị lật, bị đốt trên đường phố nhiều hơn bất kì thời kì nào trước đây, đến mức từ tháng 8 đến tháng 9 năm 1971, xe Mĩ không dám chạy vào thành phố và binh lính Mĩ cấm trại.

Hoạt động vũ trang nội đô thời kì này tuy chưa được khôi phục tương xứng với mũi tiến công chính trị, nhưng vẫn giữ được vai trò hỗ trợ và phối hợp đấu tranh chính trị.

Ở nông thôn, vùng ven, từ sau Nghị quyết Bình Giã IV, bắt đầu có chuyển hướng rõ ràng về chỉ đạo: hoạt động quân sự không đặt ra vấn đề tấn công ồ ạt nữa mà chỉ tấn công cục bộ, đánh nhỏ là phổ biến, đánh vừa khi có điều kiện; vừa đánh vừa củng cố xây dựng lực lượng, xây dựng bàn đạp, xây dựng lõm căn cứ; vừa đánh vừa tuyên truyền, vận động nhân dân bung về vườn đất cũ, sản xuất và tiếp tục đấu tranh với địch; đánh địch để giữ đất, giữ dân, giữ chân đứng, tạo thế, tạo lực mới. Từ giữa năm 1971, hậu cứ của Thành ủy và các cơ quan chung quanh chuyển về vùng Chô - Timphơlơn (tỉnh Preyveng). Các tổ chức Thành ủy được chấn chỉnh củng cố và mở rộng để chuyên sâu công tác đồng thời đảm bảo có ngoài có trong ổn định hơn.

Khi mở rộng chiến tranh vượt biên giới, địch giữ nguyên ác mục tiêu nội địa, liên tục thực hiện các chương trình bình định: sau “bình định xây dựng” (đầu năm 1969 đến tháng 6 năm 1970) tiếp tục “bình định đặc biệt” (từ tháng 7 năm 1970 đến tháng 2 năm 1971) rồi “cộng đồng tự vệ” và “phát triển nông thôn” (từ tháng 3 năm 1971 đến tháng 2 năm 1972).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2012, 08:23:28 am
Việc mở rộng chiến tranh của Mĩ ngày càng bộc lộ rõ là sai lầm của chúng: cuộc tiến công tháng 5 năm 1970 sang Campuchia là thời cơ cho cách mạng Campuchia phát triển một bước nhảy vọt: các cuộc hành quân cấp quân đoàn mâng tên “Toàn thắng 01/71-NB” lên miền Đông Campuchia và hành quân đường 9 - Nam Lào năm 1971 chứng tỏ quân chủ lực ngụy không thể làm nòng cốt trên chiến trường Đông Dương, không thay được quân Mĩ như ý định của Mĩ.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn về lực lượng, địa bàn, nhưng với phương hướng chỉ đạo mới, đồng thời lợi dụng được sai lầm của địch, từ mùa hè năm 1971 ta dần dần khôi phục lại thế chiến trường vùng ven.

Bộ đội địa phương và du kích các huyện Bình Chánh, Tân Bình, Nhà Bè, Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Duyên Hải… vừa ra sức khôi phục cơ sở căn cứ lõm, vừa tự tạo vũ khí đánh địch, vừa đánh địch đi càn, vừa luồn sâu đánh địch trong các ấp chiến lược, vừa đánh địch, vừa vận động quần chúng bung ra. Các đội du kích xã, nhiều bộ phận dạt lên Campuchia nay trở về.

Tại Bình Chánh, ở ấp Tân Hòa, hầu hết những tên ác ôn, chỉ sau một thời gian hoành hành đều bị trừng trị. Hội tề ở đây sợ đến nỗi không còn tên nào dám nhận chức. Địch buộc phải điều ác ôn từ nơi khác đến, nhưng rồi được ít lâu số này cũng lần lượt phải đền nợ máu. Địch gọi ấp Vĩnh Hạnh (tên chúng đặt cho ấp Tân Hòa) là ấp “Vĩnh biệt”.

Củ Chi vẫn giữ truyền thống là vùng du kích chiến tranh mạnh.

Du kích Thái Mĩ kết hợp một tổ bộ đội địa phương tập kích diệt gọn trung đội bảo an 166 có 34 tên ngay trong ấp chiến lược Mĩ Khánh (ngày 16 tháng 5 năm 1970), cùng bộ đội địa phương và nội tuyến diệt đồn Bình Thủy gồm 40 tên địch, trong đó có tên đồn trưởng Rô và đội bình định 11 tên.

Du kích An Phú dụ lính trung đoàn 40 lọt vào một bãi mìn ở ấp Phú Trung, diệt 38 tên (có 1 thiếu tá và 1 đại úy) và diệt gọn một trung đội biệt kích Mĩ (tháng 6 năm 1970).

Đặc biệt trong trận Rừng Láng xã An Nhơn Tây, ngày 24 tháng 4 năm 1971 lực lượng vũ trang Củ Chi bắt sống một xe tăng địch, tiếp tục tập kích đồn cảnh sát Trung Hòa diệt 40 tên và diệt một toán bình định đi trên xe ở Phước Hiệp.

Từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 28 tháng 4 năm 1971, địch huy động 240 xe tăng, xe bọc thép và xe ủi, đi ủi phá địa hình ở An Nhơn Tây và Phú Mĩ Hưng. Lực lượng võ trang Củ Chi liên tục chặn đánh, phá hủy và phá hỏng 78 xe.

Trong 2 ngày 21 và 22 tháng 5 năm 1971, địch lại cho xe ủi phá ở Trung Lập Thượng, du kích hai ấp Dân Hàng và Trung Hưng dùng mìn tự tạo phá hủy và phá hỏng 33 xe.

Nhiều địa phương chú trọng xây dựng du kích mật ngay trong hàng ngũ địch và trong vùng du kích, đặc biệt du kích mật trong phòng vệ dân sự. Ở Củ Chi, 6 tháng đầu năm 1971, du kích mật đã đánh 16 trận diệt 48 địch, trong đó có 1 trung đội trưởng an ninh ác ôn, tên đoàn phó bình định và tên ấp trưởng ác ôn ấp Bầu Tre. Nhiều tên ác ôn khác cũng lần lượt bị diệt từ tháng 7 năm 1971: Tên Diệp Chủ tịch xã Phước Vĩnh An, 2 tên ấp trưởng, 7 tên tay sai khác và tên xã trưởng kiêm an ninh xã Tân Thạnh Dũng.

Dù điều kiện chiến trường và khó khăn về quân số, ta phải thu gọn các đơn vị tập trung của Sài Gòn - Gia Định lại. Trung đoàn 268 thu lại còn một tiểu đoàn (vẫn lấy phiên hiệu 268) hoạt động chủ yếu ở vùng Trảng Bàng và Bắc Củ Chi. Trung đoàn Quyết Thắng thu gọn lại thành 2 tiểu đoàn mạnh, hoạt động ở vùng sâu Gò Vấp - Hóc Môn. Đại đội 5 đặc công Miền đưa về vùng ven hoạt động, được bổ sung cho tiểu đoàn Gia Định 4.

Sau những trận đánh địch phá địa hình, các lõm căn cứ sang năm 1972, các đơn vị này mới mở rộng được diện chủ động tấn công địch ở vùng ven và nội đô.

Đoàn 10 qua những tháng ngày “bắt cá - mò cua - mua gạo - bám trụ” cho đến cuối năm 1970, mỗi đội (cấp đại đội) chỉ còn 10 đến 15 người, tương đương không đầy 1/3 quân số ban đầu. Trong tình cảnh đó, giữ được địa bàn đứng chân đã là một điều quý giá. Nhân dân Rừng Sác tích cực hỗ trợ Đoàn 10 tồn tại với hội “Anh chiến sĩ”, những chốt hậu cần sông nước, những chuyến vượt biển đường dài để vận chuyển gạo tiếp tế.

Gian khổ hi sinh, cán bộ chiến sĩ tuyệt đối chấp hành nghị quyết bám trụ đánh địch của Đảng bộ. Một trái thủ lôi ngòi nổ phèn chua được chế biến từ quả bom lép 750 cân Anh được đội 5 kéo vào quân cảng Nhà Bè, đánh chìm một tàu 10 ngàn tấn, làm hư hại một chiếc tàu thứ 2 đậu bên cạnh.

Ngày 8 tháng 11 năm 1971, một tổ của độ 13 vượt qua các tuyến phòng thủ của địch ở ven sông Lòng Tàu, phục kích đánh cháy một tàu dầu 10 ngàn tấn. Ngày 26 tháng 11 năm 1971, địch phản kích trên diện rộng, đánh vào căn cứ Đoàn 10, lại bị diệt thêm 1 tàu LCM chở 1 trung đội bảo an (do đội 12 diệt). Từ sau đó, thế tổ chức dần được khôi phục. Đến cuối năm 1971, lợi dụng nhiều sơ hở của địch, Đoàn 10 phá vỡ thế bị bao vây, và lại nhận được một phần tiếp tế từ đất liền. Thong 3 năm từ 1969 đến 1971, 324 chiến sĩ Đoàn 10 đặc công Rừng Sác hi sinh, tương đương một nửa số liệt sĩ Rừng Sác trong 8 năm (từ năm 1966 đến năm 1975).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2012, 08:24:46 am
*
*   *

Sau những đợt rút quân nhỏ giọt, cuối năm 1970, những đơn vị lớn của Mĩ bắt đầu rời khỏi chiến trường. Tháng 11, 12 năm 1970, sư đoàn bộ binh 25 Mĩ (trừ lữ đoàn 3) rút khỏi Củ Chi, Trảng Bàng, Trảng Lớn. Đến tháng 7 năm 1972, đại bộ phận lực lượng chiến đấu Mĩ ở Nam Bộ mới rút hết.

Về mặt bình định năm 1971, địch đã phát triển tới đỉnh cao nhất so với bất kì lúc nào trước đây, nhưng những yếu tố không vững chắc bộc lộ ngày càng rõ, báo hiệu sự thụt lùi không cưỡng lại được. Bộ Tổng tham mưu ngụy thừa nhận “có 70% số xã hiện nay vẫn còn chi bộ Việt cộng”. Số quân ngụy năm 1970 đạt tới đỉnh cao là 1.000.000 tên; năm 1971 do rã ngũ (nhất là sau các sự kiện đường 9 - Nam Lào, Đông Campuchia) còn 710.000 tên và tiếp tục giảm đến năm 1972 còn 700.000 tên, số các ấp chiến lược loại A, B (theo phân loại của địch) ngày càng giảm.

Trên toàn chiến trường Miền Đông Nam Bộ, ta đã khôi phục được thế tiến công phối hợp 3 thứ quân về quân sự, hỗ trợ quần chúng bung ra: từ mùa khô năm 1970 đến năm 1971 trên nhiều vùng trọng điểm bình định của địch, trong đó có Dầu Tiếng, Bến Cát, Củ Chi… thế chiến tranh nhân dân dần dần được khôi phục tuy rằng hiệu suất chiến đấu của du kích còn rất thấp (trung bình 4 du kích xã, 23 du kích ấp mới diệt được 1 tên địch).

Nghị quyết Trung ương Cục lần thứ 11 (tháng 10 năm 1971) đánh giá: “Mặc dù địch và ta còn giằng co quyết liệt, nhưng tình hình nông thôn đã vượt qua thời kì khó khăn và nghiêm trọng nhất; ta đã chặn địch lại được, đã đánh lùi chúng ở nhiều nơi và đang tạo ra những điều kiện hết sức cơ bản đòi hỏi phải được tiếp tục củng cố một cách khẩn trương, vững chắc để chuyển sang bước 2 đánh phá bình định”.

Trên chiến trường ven đô, nông thôn ngoại thành, bắt đầu từ mùa khô 1971-1972, dần bung về vườn đất cũ làm ăn ngày càng nhiều. Nhiều căn cứ du kích, bàn đạp cho nội thành được khôi phục nhất là ở các vùng Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh.

Từ những căn cứ bàn đạp này, các lực lượng đứng chân đang bắt đầu khôi phục quyền chủ động tấn công địch.

Trên địa bàn Củ Chi, đêm 18 tháng 1 năm 1972, tiểu đoàn 4 Gia Định tấn công khu kho bom Đồng Dù, phá hủy 11 kho lớn nhỏ.

Trên các vùng khác xung quanh Sài Gòn, 3 tháng đầu năm 1972, bộ đội địa phương và du kích đánh trên 50 trận, loại 250 tên địch, diệt nhiều tên bình định và giải tán nhiều đội phòng vệ dân sự.

Trên khắp các quận nội thành, nhiều lõm chính trị mới xuất hiện, tập trung nhất là quận 4, quận 8, Gò Vấp, khu chợ Bà Chiểu, khu Bàn Cờ, khu Hàng Xanh… Riêng khu Thị Nghè có đến hơn 10 lõm. Đầu năm 1972, Ban báo chí Thành ủy cho ra đời tờ Tin Sài Gòn - Gia Định, tiền thân của tờ Sài Gòn giải phóng sau này. Cho đến cuối năm 1970, Sài Gòn - Gia Định đã có 18 tập thể và 20 cán bộ chiến sĩ được công nhận anh hùng(1). Đến năm 1972 có thêm 2 đơn vị và 3 chiến sĩ được công nhận anh hùng(2). Không kể đợt phong anh hùng lần đầu tiên.


(1) 18 Tập thể được công nhận anh hùng: - Lực lượng biệt động thành phố. - Lực lượng vũ trang và nửa vũ trang Củ Chi. - Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng. - Tiểu đoàn 7 trung đoàn 10. - K20 Quân y Thủ Đức. - C2 quân y phòng hậu cần Phân khu 1. - C5 quân y phòng hậu cần Phân khu 1. - Đại đội 1 bộ đội địa phương Bình Chánh. - Dân quân du kích xã Nhuận Đức huyện Củ Chi. - Dân quân du kích xã Tăng Nhơn Phú huyện Thủ Đức. - Dân quân du kích xã Phước Hiệp huyện Củ Chi. - Dân quân du kích xã Phú Mĩ Hưng huyện Củ Chi. Dân quân du kích xã Bình Mĩ huyện Củ Chi. - Dân quân du kích xã Trung Lập huyện Củ Chi. - Dân quân du kích xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn. - Dân quân du kích xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh. - Dân quân du kích xã Vĩnh Lộc huyện Bình Chánh. 20 anh hùng: - Lê Minh Xuân bộ đội địa phương Bình Tân. - Võ Tấn Trạng bộ đội địa phương Dầu Tiếng. - Võ Hoàng Lê bác sĩ phòng hậu cần Phân khu 1. - Lê Văn Thế bộ đội địa phương huyện Củ Chi. - Nguyễn Thị Rang dân quân huyện Củ Chi. - Lê Văn Đạt du kích huyện Củ Chi. - Nguyễn Văn Tây bộ đội địa phương huyện Thủ Đức. - Dương Văn Thi bộ đội địa phương huyện Thủ Đức. - Nguyễn Văn Bá bộ đội địa phương huyện Thủ Đức. - Trần Văn Mười du kích huyện Hóc Môn. - Nguyễn Văn An du kích huyện Củ Chi. - Lê Xuân Sinh trung đoàn 16 Phân khu 1. - Mai Dinh tiểu đoàn đặc công Gia Định 4. - Trịnh Xuân Bảng đặc công trung đoàn 10 Rừng Sác. - Võ Thị Huynh y tá bộ đội địa phương huyện Bến Cát. - Phạm Văn Trọng y sĩ phòng hậu cần Phân khu 1. - Đỗ Tấn Phong biệt động thành phố. - Nguyễn Thị Thanh Tùng biệt động thành phố. - Lê Tấn Quốc biệt động thành phố. - Trần Phú Cương biệt động thành phố.
(2) Hai đơn vị anh hùng: - Đại đội 5 đặc công. - Tiểu đoàn đặc công Gia Định 4; 3 anh hùng biệt động: Nguyễn Thị Thu Trang, Đoàn Thị Anh Tuyến, Trần Thị Mai.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2012, 08:26:23 am
III. KHÔI PHỤC TỔ CHỨC CHIẾN TRƯỜNG THỐNG NHẤT SÀI GÒN - GIA ĐỊNH CŨ
PHỐI HỢP TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC NĂM 1972, HIỆP ĐỊNH PARIS ĐƯỢC KÍ KẾT


Chấp hành chủ trương Bộ Chính trị đề ra trong cuộc họp tháng 5 năm 1971 về việc giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, Quân ủy Trung ương đã vạch ra kế hoạch tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Hướng tiến công chủ yếu là chiến trường Trị Thiên. Các hướng phối hợp quan trọng là chiến trường Tây Nguyên, khu 5 và Miền Đông Nam Bộ.

Bộ Chỉ huy miền B2 hạ quyết tâm mở chiến dịch tương đương cấp quân đoàn trên toàn miền Đông Nam Bộ, mang tên “chiến dịch Nguyễn Huệ”. Hướng chủ yếu của chiến dịch là quốc lộ 13, Sài Gòn - Gia Định nằm trong hướng phối hợp.

Đêm 31 tháng 3 năm 1970, chiến dịch Nguyễn Huệ đã mở màn trên hướng thứ yếu (nghi binh) là quốc lộ 22; từ ngày 31 tháng 3 đến ngày 5 tháng 7 năm 1972 thực hiện trận then chốt và trận quyết chiến chiến dịch, tiêu diệt chi khu Lộc Ninh, giải phóng huyện, phát triển tiến công Bình Long.

Trong lúc đó, từ tháng 2 đến tháng 1 năm 192 tại một địa điểm thuộc vùng Tây Bắc tỉnh Preyveng, Thành ủy họp Hội nghị Bình Giã V, kiểm điểm sự lãnh đạo và chỉ đạo của Thành ủy kể từ đợt 1 tổng công kích 1968, đồng thời giải quyết một số vấn đề về tổ chức như bố trí nhân sự ở cấp Thành ủy và nhiều ban ngành.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Phó Bí thư Trung ương Cục được cử về làm Bí thư Thành ủy, các đồng chí Mai Chí Thọ (Năm Xuân) và Nguyễn Thanh Thơ (Mười Thơ) làm phó bí thơ. Các đồng chí Đoàn Công Chánh (Sáu Báo), Trần Hải Phụng tiếp tục là các ủy viên Ban Thường vụ.

Từ năm 1971 đã có một số phân khu lần lượt giải thể. Đến tháng 4 năm 1972, các phân khu đều giải thể, tổ chức Phân khu Sài Gòn - Gia Định được khôi phục như trước năm 1967, do đồng chí Trần Hải Phụng làm chỉ huy trưởng, Lê Thanh chính ủy(1).

Về các huyện, từ sau năm 1968, cho đến lúc này, lần lượt Gò Môn đã tách ra, trở lại thành Gò Vấp và Hóc Môn; Bình Tân tách ra thành Bắc Bình Chánh và Nam Bình Chánh; Nam Chi, Bắc Chi nhập lại thành Củ Chi như cũ.

Về lực lượng, tiểu đoàn 268 bổ sung quân về nhập với các đại đội địa phương huyện Trảng Bàng. Huyện Củ Chi thành lập 2 đại đội 7 và 25. Hai tiểu đoàn Quyết Thắng 1 và 2 biên chế còn 1 tiểu đoàn. Nhân viên các cơ quan được rút ra thành lập đại đội “Đồng Khởi”(2). Trung đoàn 16 được bổ sung vẫn giữ vai trò “quả đấm chủ lực”. Các tiểu đoàn bộ đội địa phương đều biên chế thành đại đội độc lập. Mặc dù số quân chưa đạt yêu cầu biên chế nhưng các đơn vị quen thuộc và am hiểu chiến trường vùng sâu, trình độ tác chiến cao.

Các lực lượng võ trang nội đô đã khôi phục được các bàn đạp bên ngoài.

Đánh hơi thấy sự chuẩn bị của ta, Nguyễn Văn Thiệu chỉ thị cho mở “đợt hoạt động đặc biệt” trong 2 tháng, từ ngày 1 tháng 1 năm 1972 đến ngày 29 tháng 2 năm 1972 bao gồm “nỗ lực của chủ lực quân, địa phương quân và nghĩa quân, lực lượng cảnh sát quốc gia”, “thực hiện đồng loạt, đều khắp và liên tục trong thời gian 2 tháng và trong thế hỗ trợ liên hoàn chặt chẽ” nhằm “ngăn chặn chiến dịch Xuân 1972 của cộng sản”(3).

Ở Sài Gòn, địch thường xuyên báo động và cấm trại 100%, điều một số đơn vị tin cậy chủ yếu là cảnh sát về tăng cường phòng thủ Sài Gòn.

Chúng bố trí ở nội đô: 8 biệt đội cảnh sát; ở ven đô 16 tiểu đoàn bộ binh, 10 liên đoàn và 47 đại đội bảo an, 251 trung đội dân vệ; ở trung tuyến: 10 tiểu đoàn bộ binh, 1 thiết đoàn và 3 tiểu đoàn pháo binh.

Song địch chưa kịp kiểm nghiệm kết quả đợt “hoạt động đặc biệt” thì ta đã vào đợt 1 chiến dịch Nguyễn Huệ, tạo ngay được thế mới trên chiến trường, quan trọng nhất là việc giải phóng Lộc Ninh - huyện rừng núi, đồng thời đập tan 2 cụm phòng thủ biên giới lớn nhất của địch là Thiện Ngôn - Xa Mát và Lộc Ninh.

Để đối phó với tình thế mới trên chiến trường trung tuyến, từ ngày 6 tháng 4 đến ngày 3 tháng 11 năm 1972, địch mở cuộc hành quân “Toàn Thắng” với lực lượng tương đương 2 sư đoàn thiếu trong mỗi đợt, tập trung trên vùng trọng điểm phía Bắc Sài Gòn, đặc biệt là khu vực quốc lộ 13, Bến Súc, Bến Cát, An Lộc, đường số 8. Ngoài chủ lực quân đoàn 3, địch còn điều thêm sư đoàn bộ binh 21 và 1 trung đoàn của sư đoàn bộ binh 7 từ đồng bằng sông Cửu Long lên thay cho sư đoàn 5 bảo vệ và trục đường 13 và giải tỏa An Lộc. Mặc dù giữ được An Lộc, nhưng do thế và lực đều suy giảm, địch không thoát khỏi được thế bị động và không ngăn được đối phương khôi phục các vùng giải phóng và các bàn đạp, lõm căn cứ ở miền Đông, vùng xung quanh Sài Gòn.


(1) Tuy lập lại Quân khu, nhưng tổ chức Đảng vẫn gọi là Thành ủy.
(2) Đội công tác vũ trang phát động quần chúng vùng ấp chiến lược nổi dậy, phối hợp tấn công của bộ đội.
(3) Tư vấn số OO1/TT/TV/TM ngày 4 tháng 1 năm 1972 của Nguyễn Văn Thiệu gửi Thủ tướng, Trung tướng Tổng trưởng Quốc phòng, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2012, 08:27:15 am
Thực hiện nhiệm vụ phối hợp chiến dịch, đầu tháng 4 năm 1972, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định tổ chức tấn công địch trên nhiều địa bàn ven và trung tuyến.

Ở Củ Chi, Bến Cát, phía Đông sông Sài Gòn, đêm 3 rạng ngày 4 tháng 4 năm 1972, trung đoàn 16 và đại đội “Đồng Khởi” tấn công hệ thống đồn bót địch trên trục lộ 14 từ Rạch Bắp đi Dầu Tiếng. Sau hơn 10 ngày đêm chiến đấu, ta san bằng 12 đồn bót, diệt 2 tiểu đoàn và đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn khác, làm chủ đường 14 và trục sông Sài Gòn, giải phóng trên 15.000 dân bị kềm kẹp trong các ấp chiến lược bến Chùa và Thanh An, cô lập chi khu Dầu Tiếng.

Trong thời gian này, trên sông Sài Gòn, đại đội công binh nước bắn chìm, bắn cháy 53 tàu xuồng chiến đấu của địch, làm chủ thêm đoạn từ sông Trung An đến Dầu Tiếng dài 40km, mở thêm một tuyến hành lang vận chuyển từ phía sa ủa phía trước vào vùng ven đô.

Ở phía Tây sông Sài Gòn, tiểu đoàn Quyết Thắng cùng bộ đội địa phương và du kích các huyện Củ Chỉ, Hóc Môn luồn sâu, đánh địch trong các ấp chiến lược Trung Hòa, Suối Cut, Phú Hòa Đông, Hòa Phú, Tân Thạnh Đông tiêu diệt và bức rút gần 20 đồn bót, đánh thiệt hại các tiểu đoàn 305, 319, 320 bảo an và phá rã toàn bộ lực lượng phòng vệ dân sự ở các nơi này, làm thất bại âm mưu đưa bọn này lên làm lực lượng cơ động. Nổi bật nhất là cuộc tấn công hỗ trợ nhân dân bung ra ở ấp chiến lược Trung Hòa, được gọi là “cuộc đại náo Trung Hòa”.

Khu ấp chiến lược Trung Hòa là một khu dồn dân lớn có từ thời Ngô Đình Diệm với trên dưới 250 gia đình. Sau sự kiện 1968, địch đã gom phần lớn dân 6 xã phía Bắc Củ Chi gồm 1422 gia đình với 7500 người đưa vào đây hình thành một khu dồn dân có 4 ấp. Ngoài các ban hội tề ấp còn có 500 tên đủ các sắc lính chi khu, tiểu khu, những tên chỉ huy ác ôn khét tiếng. Ban ngày tung ra càn quét các lõm du kích, ban đêm phân tán, trà trộn trong nhà dân, kết hợp với phòng vệ dân sự phục kích ngăn chặn lực lượng ta đột nhập. Chúng thẳng tay đàn áp, kiểm soát gắt gao dân trong ấp, có lúc tịch thu cả phương tiện sản xuất của nông dân và cấm đi lại ngoài đồng ruộng. Mặc dù vậy, cách mạng vẫn xây dựng phát triển được lực lượng ngay trong ấp chiến lược. Đến cuối quý 1 năm 1972 đã có 6 chi bộ gồm 47 đảng viên, đoàn thể. Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ mật, dân trong ấp đấu tranh giằng co quyết liệt với địch đòi trở về vườn đất cũ. Đến cuối năm 1971 đầu năm 1972 có tất cả 120 gia đình bung ra được. Người ra trước tạo chỗ dựa cho người ra sau.

Đêm 24 tháng 4 tiểu đoàn Quyết Thắng cùng bộ đội địa phương Củ Chi, du kích và an ninh 6 xã phía Bắc Củ Chi, phối hợp lực lượng binh vận xã, huyện hình thành 3 mũi thực hiện giáp công thu gon dân Trung Hòa.

Mũi một chỉ có du kích từ phía Nam lộ 7 thọc lên, đương đầu lực lượng chủ công của chi khu là đại đội bảo an 132, không vào được.

Mũi 2 hướng Đông Bắc đánh xuống, bóc vỏ từng lớp rào vào được, trụ luôn ban ngày trong khu chiến lược.

Mũi 3 đột nhập vào ấp chiến lược Bàu Điều (gần ngã 3 quốc lộ 1) và đường 7, an toàn.

Ngày 25 tháng 5, chiến sự diễn ra dữ đội. Trong khu Trung Hòa, quân ta đương đầu với 2 đại đội chủ lực và 4 đại đội bản an; ở ấp Bầu Điều, địch đưa thêm 3 đại đội bảo an và chủ lực, 2 chi đoàn thiết giáp, 1 trung đội công binh. Chúng tập trung pháo Chà Rầy, Đồng Dù, bắn yểm trợ phản kích, 10 lượt máy bay oanh tạc, lấy 1 chọi 3, tiểu đoàn Quyết Thắng và du kích đã loại 90 tên địch ngay các ấp. Đêm 25 rạng 26, ta tấn công lần nữa các mục tiêu dồn đại đội bảo an 132 ở Gò Nổi và 2 lô cốt ấp chiến lược Bầu Đồn.

Ngay từ ngày 24 tháng 4, quần chúng đã chôn phần lúa gạo mang ra không hết, phần còn lại và tài sản chất lên xe bò xe trâu, xe đạp, gồng gánh, vượt qua bom đạn mà chạy. Cán bộ chính trị, du kích nhập cuộc, tiếp sức đồng bào. Địch không ngăn nổi hàng trăm người từ các ấp Đồng Gò Nổi, Lào Táo bung ra các khu vực Bầu Tràm (xã An Tịnh), Tầm Đinh, Gò Ông Phật (xã Lộc Hưng). Một số đồng bào về gần vùng căn cứ kháng chiến Đồng Lớn, Sa Nhỏ (xã Trung Lập Thượng), xóm Trại xã Phú Mĩ Hưng. Trong khi bộ đội tác chiến, đảng viên, đoàn viên và các hội giải phóng làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy, truy lùng ác ôn, tải thương, tải đạn, đào công sự, phát lúa…

Đến cuối tháng 5 năm 1972, có thêm 949 gia đình ở khu gom dân Trung Hòa đã mang được 90% tài sản trở về vùng giải phóng. Đặc biệt có 44 thanh niên xung phong vào bộ đội và du kích.

Chiến dịch nổi dậy, bung ra tràn lan. Địch ở Thanh An đã rệu rã từ trước. Ấp chiến lược Thanh An bị phá banh. 243 gia đình với 1115 nam, phụ lão, trẻ em về đất cũ. Thanh An được giải phóng.

Bộ đội địa phương và du kích các huyện Bình Chánh, Tân Bình, Nhà Bè, Thủ Đức,… tấn công địch ở các khu vực Tân Kiên, Tân Nhật, Táo Túc, Bưng Sáu xã… đánh phá giao thông và thọc sâu vào các ấp chiến lược quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.

Các lực lượng võ trang ven thành phố tích cực trừ gian diệt ác, làm mất tác dụng nhiều ban tề ấp, làm lỏng hệ thống kềm kẹp của địch ở cơ sở, thực hiện nhiều trận đánh táo bạo trong lòng địch.

Tháng 7 năm 1972, một tổ vũ trang an ninh cải trang bất ngờ xông vào bót Tân Phú Trung diệt tên đồn trưởng có nhiều nợ máu với nhân dân. Một tổ vũ trang khác đột nhập vào ấp Bà Già xã Tân Thạnh Tây diệt một lúc 7 tên cảnh sát đang tập trung chuẩn bị đi vây ráp. Lúc này, nhiều tên ác ôn không dám lại xã, ấp mà chạy vào các đồn bót để ẩn trú. Do đó, khi diệt đồn bót, ta diệt luôn cả tề, công an, tình báo và chiêu hồi… những tên thoát chết hoang mang dao động. Có tên sợ quá bỏ đi xa hoặc ra đầu thú.

Hoạt động vũ trang Xuân hè 1972 đã hỗ trợ cho 40.000 dân Củ Chi nổi dậy, phá banh nhiều khu gom dân trở về vùng giải phóng và vùng tranh chấp. Các lực lượng vũ trang đã hỗ trợ cho nhân dân Bình Chánh, Hóc Môn, Gò Vấp trở về cất trên 2.000 nhà chòi. Vùng giải phóng Củ Chi mở rộng tới lộ 8, Phú Hòa Đông. Vùng hậu cứ rộng dân và được nối liền với các vùng xung yếu ven độ. Hành lang thông suốt từ sau ra trước từ sông Vàm Cỏ Đông xuống Bình Chánh, tạo thế đứng liên hoàn từ vùng Tam Tân (Bình Chánh) qua Nhà Bè, từ Củ Chi, Dĩ An đến Bưng Sáu xã (Thủ Đức).


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2012, 08:27:44 am
Ở Rừng Sác vào đầu năm 1972, theo chỉ thị của bộ chỉ huy Miền, Bộ tham mưu giao nhiệm vụ cho Đoàn 10: đứng vững trên địa bàn Rừng Sác, dùng lực lượng hiện có liên tục tấn công các mục tiêu bến cảng, sông Lòng Tàu. Chọn đối tượng là tàu hàng quân sự, tàu chở xăng dầu, bom đạn và phương tiện chiến tranh là chủ yếu, đánh trong cảng Nhà Bè, Rạch Dừa, đánh trên sông Lòng Tàu, đánh thường xuyên, liên tục, làm gián đoạn vận chuyển trên sông Lòng Tàu tiến tới có thể làm gián đoạn vận chuyển trong từng thời gian ngắn nhất định.

Đoàn 10 đặc công đã nối lại được hành lang lên đất liền, nhưng lực lượng hiện có đang ở độ thấp nhất. Người, súng đạn lấp vào chỗ này, hở chỗ kia. Đoàn phải khẩn trương dốc lực lượng đi vận chuyển và đảm bảo chiến đấu.

Với tinh thần khẩn trương đó trước chiến dịch, các chiến sĩ pháo đặc công Đoàn 10 hạ 9 tàu vận tải quân sự và tàu chiến đấu trên các sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh và các sông nhánh.

Đặc biệt đêm 23 tháng 3 năm 1972, một tổ người nhái thuộc đội 5 đột nhập cảng Cát Lái đánh chìm một tàu trọng tải 10 ngàn tấn và hai tàu LCM. Cùng lúc đội 13 tấn công tiêu diệt một cụm chốt, phá vỡ một tuyến phòng thủ của địch, tạo điều kiện tiếp cận đánh các mục tiêu trên sông.

Vào chiến dịch, đội 6 đánh chìm một tàu vận tải 8.000 tấn và một tàu quét mìn trên sông Lòng Tàu.

Địch tung quân đánh phá các bàn đạp. Đoàn 10 trên khu vực các xã Phú Hữu, Phước Khánh, Rạch Lá, Ông Kèo… nhưng các mũi tấn công đều bị bẻ gẫy. Trong hơn 15 ngày từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 năm 1972, hơn chục tàu chiến đấu địch bị bắn cháy trên các sông Đồng Tranh, sông Ông Kèo, Tác Đài…

Ngày 18 tháng 5 năm 1972, một tổ đặc công nước thuộc đội 5 lại đột nhập cảng Nhà Bè, đánh chìm 3 tàu chở dầu trọng tải từ 8.000 đến 13.000 tấn.

Phong trào đấu tranh chính trị ở Sài Gòn năm 1972 không có quy mô lớn và sôi động như những năm 1970 và 1971 nhưng đi vào chiều sâu và diễn ra đều khắp, nhất là ở các xóm lao động, xí nghiệp, phường, khóm, xoay quanh các khẩu hiệu đòi dân sinh, dân chủ, đòi Thiệu từ chức, đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình. Nhiều cán bộ, đảng viên âm thầm lặng lẽ đi mua gánh, bán bưng, làm thợ… bám sát các xóm lao động, các chợ… kiên trì tuyên truyền tổ chức phát động quần chúng đấu tranh, xây dựng lực lượng.

Tin chiến thắng từ các chiến trường Trị Thiên, miền Đông tới miền Tây Nam Bộ, gây một sinh khí mới trong phong trào đấu tranh chính trị đô thị.

Ngày 13 tháng 4 năm 1972, nhiều tổ chức và cá nhân tiến bộ ở Sài Gòn ra tuyên bố đòi Thiệu phải từ chức, đòi Nixon họp lại hội nghị Paris, dùng giải pháp chính trị giải quyết vấn đề Việt Nam.

Tháng 7 năm 1972, đế quốc Mĩ tổ chức tay sai hạ sát Nguyễn Thái Bình ngay khi anh vừa từ Mĩ về nước. Anh là một sinh viên Việt Nam xuất sắc tại Mĩ, đồng thời là một chiến sĩ yêu nước. Ngay trên đất Mĩ, anh đã không ngừng đấu tranh cho độc lập tự do, chống chiến tranh xâm lược của Mĩ. Đông đảo sinh viên học sinh cùng đồng bào các giới lên án, tố cáo tội ác Mĩ ngụy, đòi đưa bọn giết người này ra xét xử.

Lo sợ trước phong trào quần chúng và các lực lượng đối lập, Thiệu vội vã ban hành hàng loạt sắc lệnh phát xít, thủ tiêu mọi quyền dân chủ sơ đẳng của người dân.

Để bù đắp cho những tổn thất lớn trên chiến trường, chính quyền Sài Gòn mở rộng quy mô tổng động viên bằng cách nới rộng hạn tuổi đi lính từ 17 đến 43, bắt buộc thanh niên từ 16 tuổi trở lên phải vào phòng vệ dân sự, các tu sĩ tôn giáo cũng phải cầm súng, hạn chế tuổi vào đại học là 18. Việc này dẫn đến việc tái phát mạnh mẽ phong trào chống bắt lính và bảo vệ lính trốn ở thành phố. Từ những cuộc đấu tranh riêng lẻ của từng người, từng gia đình dần dần tiến lên những cuộc đấu tranh tập thể của từng nhóm, từng khu vực và dùng vũ khí để tự vệ. Hàng trăm nhóm thanh niên trốn lính và các lính trốn được hình thành ở khắp nội và ngoại thành. Mỗi phường mỗi xã có đến hàng chục, thậm chí vài trăm người trốn lính và lính trốn. Gần 100 thanh niên trốn lính ở Tân Quy Đông (Nhà Bè), được dân bảo vệ chu đáo. Mấy tháng liền địch chỉ bắt được 3. Ở khu vực Bảy Hiền cũng có hàng trăm thanh niên trốn lính và lính trốn, được đồng bào tích cực bảo vệ, nên mỗi khi càn quét, bắt lính, địch phải huy động đến hàng tiểu đoàn.

Tháng 7 năm 1972, Thường vụ Thành ủy ra chỉ thị số 08/CT-72 về công tác đô thị, theo đó phong trào độ thị đi vào chiều sâu, phát triển cơ sở. Năm 1972, lực lượng cơ sở phát triển và ổn định, có thế liên hoàn trong ngoài. Sau chỉ thị 08/CT-72. các ngành vận và và các quận ủy đều có cố gắng mới trong vận động, thuyết phục và nắm hoặc chi phối các tôn giáo chính trị và đoàn thể quần chúng ở nội thành, chi phối có hiệu quả. Tác dụng công khai và hợp pháp của các tổ chức ấy đưa phong trào quần chúng phát triển rộng về diện, phong phú về hình thức và chất lượng, có sự liên kết chặt chẽ giữa các phong trào. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh chính trị vẫn chưa đạt được một cao trào chính trị, tiến tới cuộc bùng nổ cách mạng như mục tiêu đã đề ra cho Sài Gòn trong nghị quyết của Thành ủy tháng 4 năm 1972 (Nghị quyết Bình Giã V), do vẫn còn đánh giá ta quá cao và đánh giá địch quá thấp. Trong lúc đó, ta chủ trương không đánh lớn vào nội thành để xúc tích lực lượng chuẩn bị thời cơ, nhưng do chỉ nhấn mạnh một chiều là không được làm cộm lên về hoạt động quân sự, nên phong trào vũ trang ở nội đô bị giảm sút đi nhiều, không đạt được tầm song song với mũi chính trị.

Tháng 8 năm 1972, Thường vụ Thành ủy ra tiếp chỉ thị số 09/CT-72 về công tác nông thôn. Chỉ thị này nhấn mạnh các vấn đề trong chỉ thị 21, 26 của Trung ương Cục giữa năm 1970 về chuyển hướng chỉ đạo, về phương châm phương thức, xác định nhiệm vụ hai lực lượng, hai phương thức cho từng xã, ấp ở nông thôn, mà từ ấy đến nay, việc thực hiện còn quá chậm. Thực hiện chỉ thị số 09/CT-72 đòi hỏi phải có thời gian để khắc phục những thiếu sót cố hữu tồn tại dai dẳng, thường biểu hiện khi đánh giá tình hình, nặng phân tích về mặt bố trí, hoạt động của các lực lượng quân sự và kềm kẹp của địch, ít chú ý đến sự áp bức, bóc lột kềm kẹp về chính trị, văn hóa, tư tưởng của địch, ít phân tích mâu thuẫn giữa các tầng lớp quần chúng với địch. Về chủ trương công tác và tổ chức thì nặng về việc sử dụng lực lượng lộ, lực lượng vũ trang mà ít chú ý đến việc xây dựng lực lượng tại chỗ, ít phát huy các hình thức bạo lực của quần chúng, ỷ lại vào các lực lượng vũ trang bên ngoài, nửa công khai và biến tướng ở nông thôn lại bị địch kềm kẹp nặng.

Từ đợt hai chiến dịch Nguyễn Huệ và sau chiến dịch, các lực lượng vũ trang xung quanh Sài Gòn tiếp tục củng cố thế tiến công, liên tiếp tấn công đồn bót bằng nhiều hình thức, kể cả vây hãm, đánh phá giao thông địch trên bộ, dưới sông, đánh càn, trụ bám ở vùng yếu, giữ vững và tiếp tục mở rộng vùng căn cứ bàn đạp.

Đại đội “Đồng Khởi” và lực lượng vũ trang Củ Chi, bao vây tiêu diệt đồn Bố Heo (Trảng Bàng). Tiểu đoàn Quyết Thắng đánh thắng nhiều trận ở Hòa Phú, lộ 1 Làng, Rừng Sác, Bầu Điều, Bầu Trâu, Lào Táo… diệt hàng trăm tên bảo an và chủ lực ngụy, đẩy lùi từng bước lấn chiếm của chúng.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2012, 08:28:37 am
Sơ kết đợt hai chiến dịch, trong vài tháng, Đoàn 10 đã đánh chìm, đánh cháy 62 tàu lớn nhỏ, thiêu hủy 200 triệu lít nhiên liệu. Tuy nhiên chưa có trận thối động trên đất liền nhất là đánh kho tàng. Tháng 9 năm 1972, Bộ chỉ huy Miền chỉ thị cho Đoàn 10 đánh sâu vào căn cứ địch, đánh các kho Rạch Dừa, Cát Lái, lấy nhiệm vụ đánh kho xăng Nhà Bè là mục tiêu số 1, kho thành Tuy Hạ là mục tiêu số 2.

Thực hiện chỉ thị trên, ban chỉ huy Đoàn 10 bố trí lực lượng chuyên trách từng mục tiêu.

Đêm 11 tháng 1 năm 1972, một tổ đặc công do Nguyễn Hữu Hòa phụ trách lọt được vào Thành Tuy Hạ. Đây là kho dự trữ bom đạn và chất nổ lớn nhất của địch, có hai tiểu đoàn lính ngụy và một đội chó berger bảo vệ. Tổ đặc công đã vượt qua hệ thống rào mìn, tường, hào có nước, hệ thống đồn và bót gác dầy đặc, luồn sâu, áp 16 khối thuốc nổ vào các mục tiêu. Khi các chiến sĩ đặc công đang rút ra, hai khu kho trong Thành Tuy Hạ bùng nổ dữ dội, cháy nổ kích thích lan truyền sang nhiều kho khác. 10.000 tấn bom đạn trong 33 nhà kho lớn bị hủy diệt. Địch nổi còi báo động, nhanh chóng bủa vây, nhưng toàn bộ đặc công đã thoát được ra ngoài.

Trên đường thoát ra, anh em đã phát hiện khả năng đột nhập trở lại theo đường này, liền đề xuất với ban chỉ huy xin đánh vào Thành Tuy Hạ lần thứ hai. Đây là một ý kiến thông minh và táo bạo dựa trên ý nghĩ chỗ mà địch tưởng chúng an toàn nhất lại là chỗ địch sơ hở. Tuy nhiên trong khi đó chúng cũng rất kịp thời tăng cường bố phòng, ngoài vật cản, hệ thống chiếu sáng được tăng cường, điều lợi hại nhất là mạng lưới phục kích của địch rải khắp trong ngoài hệ thống hàng rào. Hơn nửa tháng nghiên cứu, dùi không lọt, một chiến sĩ hi sinh trong hàng rào vì mìn, để lại dấu vết. Đêm 8 tháng 12 năm 1972, tổ điều nghiên chọc thủng được hệ thống hàng rào nhưng không ra kịp phải ở lại luôn ban ngày. Đêm 9 ta lại dùi sâu mà không tìm ra được kho bom, nhưng ta đã có cơ sở để thực hiện trận đánh. Sáng 12 tháng 12 năm 1972, tổ chiến đấu 5 người do đồng chí Hai làm mũi trưởng, đồng chí Hòa, mũi phó đã lọt được vào trong thành, nhưng đã 4 giờ sáng vẫn chưa làm được gì, địch đã ủi phá địa hình (giải quyết hậu quả của trận trước), kho bom chưa tìm ra. Toàn bộ tổ táo bạo quyết định ém lại trong một bãi tranh giữa vòng thành khu kho địch. Một ngày căng thẳng lại phải kềm chế tại chỗ một lính lái xe ủi cho đến giờ nổ súng đêm sau. Đêm 13 tháng 12 năm 1972, giữa căn cứ địch, 5 chiến sĩ lại bung ra, tìm được kho bom và đạn trọng pháo, mỗi kho có 8 dãy, mỗi dãy chiều dài xếp 81 trái, chiều cao 6 trái. 1 giờ sáng 13 tháng 12, tất cả 32 khối thuốc nổ đã được áp vào các kho. 2 giờ 55 phút, anh em vừa ra trảng Bàu Sen thì kho bom Thành Tuy Hạ bùng nổ, cháy nổ kích thích kéo dài 3 ngày đêm. Tám mươi dãy nhà kho chứa 10.000 tấn bom bị thiêu hủy hoàn toàn, một tiểu đoàn địch và một bầy chó berger bị thiệt hại nặng.

Trong thời gian 3 tháng 11, 12 năm 1972 và tháng 1 năm 1973 trên mặt trận đường sông, Đoàn 10 tiếp tục hạ nhiều tàu giặc, nâng số tàu bị đánh chìm, đánh cháy, đánh hỏng ở Đoàn 10 trong chiến dịch Nguyễn Huệ lên 122 chiếc lớn nhỏ.

Thực hiện nhiệm vụ “xây dựng bàn đạp, đứng chân vững chắc, hỗ trợ phong trào cách mạng địa phương” mà Bộ chỉ huy Miền giao cho, Đoàn 10 sử dụng một bộ phận lực lượng chia thành tổ nhỏ, vừa đánh vừa vận động nhân dân, xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển phong trào chiến tranh nhân dân tại chỗ. Trong số 37 ấp chiến lược ở Rừng Sác, Đoàn 10 xây dựng được cơ sở ở 12 ấp, trong đó có khu vực Phước Khánh, nơi tập trung đồng bào công giáo và có một đại đội 99 ngụy ác ôn khét tiếng.

Phía Tây Bắc Sài Gòn, lực lượng tập trung Sài Gòn - Gia Định và du kích liên tục trừng trị địch nống ra từ Trung Hòa, Suối Cụt, chốt chặn, cắt đứt lộ 1 nhiều ngày, thọc xuống Nam Củ Chi đánh địch trong các ấp chiến lược. Nổi bật là trận trụ lại trong ấp chiến lược Tân Thạnh Đông của tiểu đoàn Quyết Thắng ngày 27 tháng 12 năm 1972. Sau một ngày đánh phản kích ác liệt, đơn vị đã đánh tan 1 tiểu đoàn ngụy tăng cường, diệt 250 tên, thu nhiều vũ khí. Trong trận này, trung đội phó trinh sát Nguyễn Minh Thắng 19 tuổi, một mình sử dụng 4 khẩu súng, đánh lui 8 đợt xung phong của địch, diệt 27 tên(1).

Năm 1972, trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định (chưa tính Đoàn 10) ta loại khỏi vòng chiến đấu 8.000 tên địch, bắn rơi 35 máy bay, phá hủy và phá hỏng 201 xe quân sự, diệt và bức rút 54 đồn bốt, bắn chìm và cháy 82 tàu xuồng chiến đấu, đánh quỵ giang đoàn 22 và 18 ngụy… đã tuyên truyền phát động 243.000 lượt quần chúng, tổ chức 857 cuộc đấu tranh chính trị trực diện với địch gồm 92./500 lượt người tham gia, vận động làm rã ngũ 2.000 phòng vệ dân sự, 568 linh bảo an, đưa hàng ngàn gia đình trở về vùng giải phóng.

Cho đến cuối năm 1972, trên chiến trường ta đã thực hiện được nhiều yêu cầu mà suốt 3 năm sau 1968 chưa thực hiện được, trước hết là mở mảng, mở vùng, tạo lại vùng giải phóng có dân, giành lại từng ưu thế đã mất trên nhiều địa bàn quan trọng, kể cả xung quanh Sài Gòn.

Mùa xuân 1973, trong khi Hội nghị Paris về Việt Nam đang tiến tới kí kết văn bản về việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam thì Mĩ - Thiệu khẩn trương xúc tiến kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ”, thực hiện khẩu hiệu: “không nhường một tấc đất cho cộng sản” do Thiệu đưa ra từ cuối năm 1972.

Kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” gây cho ta khó khăn nhưng đã đụng đầu kế hoạch “Chồm lên” của ta. Cuộc hành quân “Toàn Thắng” 771 do sư đoàn 5 ngụy chủ công đánh vào căn cứ vùng Tây Bắc Sài Gòn bị đánh bại trong đó có trận Bến Tranh, sư đoàn 7 quân Giải phóng tiêu diệt gọn 2 tiểu đoàn của chiến đoàn 7 sư đoàn 5 ngụy diệt 300 tên, bắt sống 487 tên.

Quân dân Sài Gòn - Gia Định chủ động đánh địch lấn chiếm, giải phóng thêm một số điểm. Đặc biệt ngày 27 tháng 1 năm 1973, ngày Hiệp định Pais được kí kết, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định phối hợp cùng du kích, nhân dân tích cực cắm cờ giữ đất, giành dân với địch trong một số ấp chiến lược Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Đức…, địch phản kích mạnh. Tại Bình Chánh, ngày 27 tháng 1 năm 1973, khi quân ta phối hợp tấn công, nổi dậy giải phóng 5 ấp xã Vĩnh Lộc thì địch điên cuồng dội bom, bắn pháo, hủy diệt hàng loạt nhà cửa ruộng vườn. Ở các nơi khác tình hình cũng diễn ra tương tự. Cuộc chiến đấu giằng co quyết liệt đã xảy ra trước giờ ngừng bắn.

Cho đến khi Hiệp định Paris được công bố, kèm theo những công bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về hòa bình, hòa hợp, đoàn kết dân tộc, một khí thế tấn công chính trị nổi lên khắp các thành thị miền Nam, nhất là ở Sài Gòn.

Trong hiệp định Paris, Mĩ cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, rút hết quân Mĩ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, để cho nhân dân Việt Nam tự định đoạt lấy tương lai chính trị của mình. Đó chính là yêu cầu cơ bản của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, của nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong hiệp định và trên chiến trường vẫn rất khác biệt, bởi âm mưu về Đông Dương của Mĩ đâu phải là chấm hết. Một giai đoạn mới của chiến tranh lại bắt đầu.


(1) Nguyễn Minh Thắng sau này được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2012, 08:29:35 am
*
*   *

Từ tháng 6 năm 1968 cho đến năm 1972 là một trong những thời kì quyết liệt, khó khăn nhất của cuộc đấu tranh chống Mĩ cứu nước. Thành ủy (lãnh đạo phong trào ở nội thành), các phân khu ủy (lãnh đạo phong trào ngoại thành) đã nắm vững tư tưởng kiên trì trong chỉ đạo xây dựng lực lượng và tư tưởng tiến công của Đảng, qua thực tiễn mà điều chỉnh chủ trương cho phù hợp với tình hình).

Nhờ vậy, trong lúc thế quân sự của ta đang sa sút trên chiến trường thì ở Sài Gòn ta đã đẩy lên được một phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ, liên tục, có ảnh hưởng tốt đối với thế cách mạng nói chung. Sài Gòn tiếp tục giữ vững vị trí trung tâm đấu tranh chính trị của toàn miền Nam và có tác dụng to lớn đến dư luận quốc tế, dư luận nước Mĩ.

Ở ngoại thành, trong tình thế địch chiếm ưu thế về lực lượng, ta đã duy trì được nòng cốt vũ trang và chính trị, giữ vững niềm tin của quần chúng để sớm khôi phục thế chiến tranh nhân dân trước khi kí Hiệp định Paris.

Thành ủy đã thể hiện những ưu điểm nội bật trong chỉ đạo;

- Sau đợt hai Mậu Thân, đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo quay về xây dựng củng cố thực lực cơ sở và chuyển sang đấu tranh chính trị bằng nhiều hình thức trong nội đô để tạo lực, tạo thế cho thời cơ mới.

- Nắm vững tư tưởng liên tục tiến công trong điều kiện địch phản kích quyết liệt, lấn lượt về quân sự. Hình thức tấn công linh hoạt, phong phó, sắc bén thể hiện qua các khẩu hiệu và hình thức đấu tranh, cách tập trung lực lượng kết hợp giữa bạo lực chính trị và bạo lực vũ trang. Nhờ vậy trong một thời gian ngắn đã gây được một cao trào đấu tranh chính trị và trong suốt những năm từ năm 1969 đến năm 1972, phong trào chính trị ở nội đô Sài Gòn không bao giờ dứt, thế bám trụ đánh địch ở vùng ven, dù nhỏ vẫn được duy trì liên tục.

Công tác Mặt trận, đặc biệt là công tác trí vận, được Thành ủy luôn coi trọng, nhờ vậy đã tập hợp một lực lượng lớn thuộc tầng lớp trên và đã vận động đưa ra chiến khu được nhiều nhân sĩ, trí thức tiêu biểu về thành lập “Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình” và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ủy ban nhân dân cách mạng thành phố. Ta còn lợi dụng được mâu thuẫn trong nội bộ ngụy, lợi dụng cả trò bầu cử của địch để tổ chức diễn đàn hướng về các khẩu hiệu của ta.

Dù căn cứ bàn đạp rất khó khăn, ta đã xây dựng được hệ thống thông tin, giao thông liên lạc rất công phu và kiên cường, nên mọi quan hệ vẫn luôn giữ thông suốt nội ngoại thành.

Bên cạnh những ưu điểm trên, ta cũng còn những thiếu sót, thậm chí có lúc, có những bộ phận có những thiếu sót nghiêm trọng đáng chú ý:

- Phổ biến là chủ quan trong đánh giá tình hình. Suốt từ Hội nghị Bình Giã I đến Bình Giã II, ta đều đánh giá địch quá thấp, đánh giá quá cao khả năng xảy ra bùng nổ cách mạng. Còn có tình trạng lầm lẫn những sự kiện và yếu tố chưa phải là bản chất của một tình thế cách mạng có thể dẫn đến khởi nghĩa võ trang lật đổ toàn bộ chính quyền. Do vậy đã đề ra khẩu hiệu quá cao, tung lực lượng lớn vào những thời cơ chưa phải quyết định, tiếp tục làm tiêu hao lực lượng trong lúc chưa cần thiết. Mãi tới Hội nghị Bình Giã V (tháng 4 năm 1972) mới kiểm điểm sâu sắc và uốn nắn lại các hiện tượng này.

Nắm chưa chắc và đánh giá chưa đúng các âm mưu thâm độc của Việt Nam hóa chiến tranh, các thủ đoạn thâm độc, ác liệt của chương trình bình định cấp tốc, phát triển chương trình văn hóa xã hội của địch sau Mậu Thân, nên chưa kịp đối phó, do vậy có từng thời gian lúng túng, bị động, phong trào gặp không ít khó khăn trước những âm mưu và thủ đoạn của địch.

- Còn thiếu nhạy bén, chủ động và kiên quyết trong vấn đề lãnh đạo, đấu tranh tư tưởng trong nội bộ Đảng, Đoàn và các phong trào. Có một thời gian trong nội bộ Đảng bộ và các phong trào bị các tư tưởng hoạt động phô trương hình thức xốc nổi chi phối, các bộ phận mắc bệnh hợp pháp, công khai rồi co thủ, hạn chế sử dụng bạo lực vũ trang trong tấn công địch.

- Còn có nhận thức và quan điểm không đúng về đánh giá vị trí, tính chất các tầng lớp, các giai cấp, các phong trào, về vai trò và tác dụng của các ngành, giới và vai trò của địa bàn dân cư nên sự chỉ đạo không tập trung đúng mức, không phát huy được hết sức mạnh tổng hợp của các giai tầng cách mạng, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù, không làm phong phú thêm các hình thức, hiệu quả đấu tranh và phát triển thực lực. Ví như đánh giá không đúng vai trò, vị trí, tính chất các phong trào thanh niên học sinh, sinh viên và phong trào công nhân lao động. Có lúc hoạt động nặng về hợp pháp công khai, coi nhẹ công tác bí mật và xây dựng cơ sở hạ tầng.

- Chậm đề nghị với trên tổ chức lại chiến trường Sài Gòn - Gia Định sau lúc không còn đánh đợt 3 vào Thành phố. Tình trạng tách rời giữa nông thôn và đô thị kéo dài trên 3 năm đã có những ảnh hưởng nhất định đến việc khôi phục lại thế và lực như trước Mậu Thân của bản thân Thành phố, cả đô thị và vùng ven(1).


(1) Các tài liệu tham khảo: - Dự thảo kiểm điểm sự lãnh đạo của Thành ủy từ tháng 7 năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975. - Bài “Đồng chí Lê Đức Thọ nói một số vấn đề về chiến tranh và cách mạng miền Nam” đăng trên Tạp chí nghiên cứu lịch sử quân sự. Số tháng 4-1988 Viện lịch sử quân sự - Thành phố Hồ Chí Minh mười năm. Nguyễn Văn Linh, NXB Sự Thật Hà Nội 1985.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 26 Tháng Tư, 2012, 06:46:14 am
Chương tám

PHẢN CÔNG - TIẾN CÔNG KIÊN QUYẾT GIỮ VỮNG THẾ TRANH CHẤP
VÀ ĐỊA BÀN VÙNG VEN - KHẨN TRƯƠNG XÂY DỰNG THẾ VÀ LỰC MỚI, BƯỚC VÀO TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC GIẢI PHÓNG
SÀI GÒN - GIA ĐỊNH
(Từ ngày 27 tháng 1 năm 1973 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975)

I. PHẢN CÔNG - TIẾN CÔNG GIỮ THẾ TRANH CHẤP
VÀ ĐỊA BÀN VÙNG VEN - KHẨN TRƯƠNG KHÔI PHỤC
VÀ PHÁT TRIỂN THẾ VÀ THỰC LỰC CÁCH MẠNG,
CHUẨN BỊ THỜI CƠ TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC


Hiệp định Paris thực tế là một văn bản trong đó Hoa Kì cam kết chấm dứt mọi dính líu về quân sự, chấm dứt can thiệp vào nội bộ miền Nam Việt Nam. Đối với nhân dân ta, sau 18 năm chống Mĩ đầy gian khổ, hi sinh, đây là một thắng lợi hết sức to lớn, một thuận lợi rất cơ bản để đi tiếp chặng đường cuối cùng toàn thắng.

Tuy nhiên, âm mưu và ý định của Mĩ giữ miền Nam Việt Nam thông qua biện pháp tiếp tục Việt Nam hóa chiến tranh không hề thay đổi.

Từ những bài học xương máu sau Hiệp định Genève năm 1954, ngay khi có Hiệp định Paris, tuy vẫn chưa lường hết được tình hình, Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định đã kịp thời đề phòng và uốn nắn những tư tưởng lệch lạc, mất cảnh giác, xây dựng quan điểm bạo lực, quan điểm tiến công, kiên quyết giữ vững và đưa phong trào cách mạnh của thành phố liên tục đi lên. Tinh thần này thể hiện trong Chỉ thị 02/CT-73 của Thường vụ Thành ủy ngày 20 tháng 1 năm 1973 (sau chỉ thị 02 ngày 9 tháng 1 năm 1973 của Trung ương Cục). Theo chỉ thị đó, trước mắt phải gây khí thế phấn khởi, đưa phong trào quần chúng đi lên, tạo thế và lực mới, làm suy sụp thêm một bước thế và lực của địch, làm thay đổi so sánh lực lượng giữa ta và địch, làm lỏng làm kềm kẹp và giành quyền làm chủ của quần chúng ở cơ sở, tạo điều kiện đưa cách mạng lên cao trào. Phương châm là: Đứng vững trên thế vũ trang, tấn công mạnh về chính trị, binh vận dựa vào pháp lí của Hiệp định; tấn công phải đi đôi với xây dựng, phát triển và bảo toàn lực lượng. Cần phải đề phòng hai khuynh hướng: sử dụng vũ trang bừa bãi hoặc không đứng vũng trên thế vũ trang, không dám dùng lực lượng vũ trang đánh trả địch bung ra lấn chiếm vùng giải phóng, bắt bớ cán bộ, đồng bào.

Trái với quy định của Hiệp định(1), trước và ngay sau khi kí kết, Mĩ thực hiện chiến dịch Inhans Plus nhằm tăng cường viện trợ vũ khí cho Thiệu. Ba tháng trước khi kí hiệp định Mĩ đã tăng gấp cho quân ngụy 626 máy bay các loại, 500 khẩu pháo, 400 xe tăng, xe bọc thép và nhiều tàu chiến, tăng vật tư dự trữ chiến tranh lên 2 triệu tấn. Các quân, binh chủng kĩ thuật ngụy được củng cố và tăng cường để thay thế quân Mĩ. Bộ chỉ huy quân sự Mĩ ở Việt Nam (MACV) được trá hình thành cơ quan tùy viên quốc phòng Mĩ (DAO) do tướng John Murrey đứng đầu.

Từ cuối 1972, chuẩn bị kí Hiệp định Paris, Mĩ và ngụy quyền đã vạch “Kế hoạch Hùng Vương”, chồm lên giành đất, thực hiện “tràn ngập lãnh thổ” trước khi Hiệp định có hiệu lực. Ngay khi kí hiệp định, Nguyễn Văn Thiệu, đã tuyên bố lập trường “bốn không”(2) và nêu “mục tiêu quốc gia” là “chiếm và bảo vệ tối đa lãnh thổ” được cụ thể hóa trong “Kế hoạch Lí Thường Kiệt 1973” với 5 biện pháp chiến lược lớn(2). Mục tiêu cuối cùng của chúng là “chiến tranh tàn lụi” và “Việt cộng chỉ còn như một đảng đối lập” vào năm 1974 hoặc năm 1975.
   
Trong thông điệp tháng 1 năm 1973, Thiệu tuyên bố: “Địa bàn cuộc chiến tranh hiện nay là dân chúng tại các ấp, xã. Nếu giải quyết được cuộc chiến tranh này ở xã, ấp là giải quyết được 75% toàn bộ cuộc chiến tranh”. Thắng ở đây và thua cũng là đây”. Thiệu hung hăng ầm ĩ “Không có hòa bình với cộng sản”, “phải xóa thế da beo”, “bắn bỏ… những ai chứa chấp cộng sản”…, chỉ tiêu cho năm 1973 của Thiệu ở nông thôn ngoại thành Sài Gòn là phải đạt cho được 63% ấp loại A (loại ấp mà chúng cho là hoàn toàn kiểm soát được).

Cũng như trên toàn chiến trường, ở ven Sài Gòn, ngay trước và sau khi Hiệp định Paris được công bố, địch đã ồ ạt tung quân thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” hòng lấn chiếm các vùng tranh chấp, các xã, ấp giải phóng ở Củ Chi, Thủ Đức, Gò Vấp, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè… Nhằm tạo ra thế ban đầu để tiếp đó huy động lực lượng lớn thực hiện kế hoạch “Bình định đặc biệt”. Nhưng khác với khi địch “bình định cấp tốc” cuối năm 1968 đầu năm 1969, chiến trường ven đô nay đã được khôi phục thống nhất thế Sài Gòn - Gia Định, chiến sự giằng co và tính quyết liệt tăng lên ở các khu vực tranh chấp.

Nhận rõ bản chất của kẻ thù, đồng thời không thể không xuất phát từ tình hình chính trị trong và ngoài nước, Đảng ta chủ trương một mặt sẵn sàng đối phó với tình huống xấu, tình huống địch không thi hành và phá hoại hiệp định, một mặt cần phải thi hành và đấu tranh buộc địch thi hành những điều khoản đã kí(4). Tuy nhiên trên toàn chiến trường, trong chỉ đạo cụ thể ban đầu chưa thể hiện đầy đủ tinh thần trên do có ý kiến truyền đạt theo nhận thức riêng, nhấn mạnh hòa bình, hòa hợp và cái gọi là “thế ổn định”, “phân tuyến hai vùng” của một số đồng chí ở Trung ương được phái vào chiến trường để nghiên cứu tình hình cụ thể. Những ý kiến này có ảnh hưởng đến từng khu vực của chiến trường; “Chồm lên” những xử lí tình huống có khác nhau theo nhận thức của mỗi cấp ủy về kẻ thù, về hai khả năng (địch thi hành hay không thi hành Hiệp định), về quan điểm kiên quyết tiến công hay thủ thế giữ nguyên trạng… không tránh khỏi sự xuất hiện tư tưởng “xả hơi”, “hòa bình” ở một số vùng giải phóng, dẫn đến giảm bớt chiến hào, phá bớt hàng rào, cạm bẫy chiến tranh nhân dân. Có người ảo tưởng có Hiệp định, Mĩ rút hết thì địch rệu rã, binh lính bỏ về nhà, dân ào ào bung ra về nhà cũ, từ đó có trường hợp không lường hết sức địch, thọc quá sâu, bị phản kích, tổn thất nặng như lực lượng địa phương Bình Tân ở các ấp Tân Hòa, Vinh Lộc. Ở Lái Thiêu cũng xảy ra trường hợp tương tự.


(1) Trong thời hạn 30 ngày, khi quân Mĩ và chư hầu rút khỏi miền Nam Việt Nam phải mang theo mọi vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh.
(2) Không liên hiệp, không thương lượng với đối phương, không có hoạt động của cộng sản hoặc đối lập ở trong nước, quan trọng hơn hết là không để lọt vào tay đối phương bất cứ lãnh thổ nào, tiền đồn nào do quân đội Việt Nam Cộng hòa giữ.
(3) Lấn chiếm, bình định là biện pháp trung tâm. - Xây dựng cả ngụy quân và ngụy quyền mạnh để làm trụ cột. - Phá hoại Hiệp định Paris về Việt Nam ở những điểm nào không có lợi cho chính quyền Sài Gòn. - Phục hồi kinh tế miền Nam năm 1973-1974, đồng thời bao vây, phong tỏa kinh tế Mặt trận Dân tộc Giải phóng. - Duy trì “lực lượng răn đe” bằng không quân, hải quân Mĩ ở Đông Nam Á.
(4) Thể hiện trong Nghị quyết ngày 9 tháng 1 năm 1973 của Quân ủy trung ương, dự thảo nghị quyết cuối tháng 1 năm 1973 của Bộ Chính trị gửi các khu ủy, quân khu ở miền Nam.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 26 Tháng Tư, 2012, 06:48:25 am
Thực tế là Hiệp định Paris có gây cho ngụy quyền, ngụy quân tâm lí chán nản, sợ Mĩ bỏ rơi, mâu thuẫn Mĩ - Thiệu nảy nở… nhưng tập đoàn tay sai đương quyền vẫn rất ngoan cố, hiếu chiến, nhiều ảo vọng. Chiến trường chỉ diễn ra hai trạng huống: hoặc ta kiên quyết tiến công giữ vững và phát triển vùng giải phóng và vùng tranh chấp, hoặc địch lấn tới, ta lúng túng chống đỡ, mất đất do thiếu cảnh giác, không có cái gọi là “ổn định hai vùng”(1).

Kịp thời uốn nắn một vài lượng sượng lúc đầu, nói chung, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã xử lí tình huống tốt, đúng tinh thần chỉ đạo của Thành ủy: Chỉ một ngày sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, du kích các xã Nhuận Đức, Hòa Phú (Củ Chi) đã chặn đánh địch ở Bàu Tròn, Bến Than. Ở Trung Lập Hạ, tiểu đoàn Quyết Thắng bắn cháy 4 xe tăng trong số 8 xe và một đại đội thuộc sư đoàn 25 ngụy đi càn, buộc chúng phải co về căn cứ (tháng 2 năm 1973). Cuối tháng 3, tiểu đoàn này cùng lực lượng vũ trang Củ Chi đánh lui hai tiểu đoàn bộ binh và một chi đoàn xe tăng thiết giáp thuộc sư đoàn 25 càn vào vùng giải phóng Củ Chi, diệt 40 tên và 2 xe tăng M41 tại ngã tư chợ An Nhơn.

Cùng với hoạt động võ trang, ở một số nơi, nhân dân dựa vào pháp lí Hiệp định đấu tranh buộc địch bồi thường hậu quả những hành động quân sự trái Hiệp định của chúng như cuộc đấu tranh tháng 2 năm 1973 của hàng trăm gia đình ở Vinh Lộc (Bình Chánh) buộc địch bồi thường bằng hiện vật, tiền mặt sau các cuộc ném bom, bắn pháo ngày 27 tháng 1 năm 1973. Đồng bào Phước Thạnh (Củ Chi) tranh thủ tập trung mít tinh tố cáo Thiệu vi phạm hiệp định nhân lúc có mặt các nhà báo phương Tây. Ngay trong ấp chiến lược Trung Hòa, đồng bào cũng họp mít tinh lên án ngụy quyền tay sai không thi hành hiệp định.

Một trong các điều khoản để đảm bảo việc thi hành Hiệp định Paris là thành lập ủy ban liên hiệp quân sự bốn bên, triển khai các trụ sở của ủy ban và các tổ kiểm soát quốc tế (gồm 4 thành phần: Ba Lan, Hungari, Indonesia, Canada).

Sáng ngày 1 tháng 2 năm 1973 phái đoàn quân sự của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do đồng chí Trần Văn Trà dẫn đầu đã rời sân bay Lộc Ninh lên đường vào Sài Gòn. Phái đoàn vào làm việc tại trụ sở Trung tâm của ủy ban liên hợp quân sự bốn bên đặt trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngày 15 tháng 3 năm 1973, Bộ tư lệnh lục quân Mĩ ở Sài Gòn đã cuốn cờ “bằng một buổi cầu nguyện về những sai lầm mà Mĩ có thể đã mắc phải”(2).

Ngày 29 tháng 3 năm 1973, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Mĩ tổ chức lễ cuốn cờ, sau đó Weyand, Tổng tư lệnh quân đội Mĩ ở Nam Việt Nam đến nhập với 2501 lính Mĩ cuối cùng lặng lẽ rời khỏi sân bay. Các đơn vị Mĩ ra đi dưới sự kiểm soát của các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam trong Ban liên hợp quân sự 4 bên. Hơn 18 năm có mặt ở miền Nam Việt Nam, từ cố vấn đến quân chiến đấu, quân đội Mĩ chỉ làm được “một cuộc chiến tranh không có chiến thắng huy hoàng, không sản sinh ra “anh hùng dân tộc” mà là “tấm thảm kịch lớn nhất trong lịch sử quân đội Mĩ”(3). Theo gót quân viễn chinh Mĩ, cùng ngày 29 tháng 3 năm 1973 những tên lính cuối cùng của Nam Triều Tiên và Philippin rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Tính từ 1858 khi quân đội Pháp đặt chân lên đất Sài Gòn, cho đến nay đã 115 năm, đất nước ta mới chấm dứt sự có mặt của các quân đội xâm lược.

Nhìn lại hơn 2 tháng sau Hiệp định Paris trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định, tuy rằng Thành ủy đã chỉ thị ngay từ đầu về ý thức cảnh giác, về quan điểm cách mạng bạo lực, quan điểm tiến công… nhưng về đánh giá âm mưu địch vẫn còn một số mặt chưa đầy đủ, về ngăn ngừa tư tưởng hòa bình chủ nghĩa còn thiếu biện pháp kịp thời, cụ thể, chưa phân tích hết khả năng thuận lợi của tình hình một cách sát đúng nhưng lại có mặt dự đoán quá lạc quan(4), mặt khác có ảnh hưởng do có chỉ đạo thiếu nhất quán từ trên, cho nên từng lúc, từng nơi đã xảy ra hiện tượng thiếu khẩn trương xây dựng lực lượng… có nơi bị tổn thất, phong trào du kích chiến tranh có sa sút, phổ biến là thụ động chống đỡ.

Trước tình hình đó, ngày 15 tháng 4 năm 1973, Thường vụ Thành ủy ra Chỉ thị 03-CT-73 nêu rõ thực chất tình hình, xác định rõ nhiệm vụ và đề ra các phương châm, phương thức đấu tranh trong tình hình mới.

Giữa năm 1973, dựa vào vùng giải phóng Long An - Mĩ Tho đang được mở rộng. Thành ủy chủ trương thành lập cánh Tây Nam đô thị để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đô thị kịp thời hơn. Địa bàn cánh Tây Nam gồm: Quận 7, quân 8, Nhà Bè, quận 10, quận 11, quận 5, quận 6, quận Tân Bình và phần đất liên quận 6. Đồng chí Nguyễn Văn Thuyền (Ba Tôn), thành ủy viên là Bí thư Ban cán sự cánh.

Tháng 6 năm 1973, Quân ủy Miền ra Nghị quyết uốn nắn những lệch lạc sau Hiệp định Paris, xác định nhiệm vụ cụ thể của các lực lượng vũ trang: “Kiên quyết và chủ động thực hành phản công, tiến công đánh những trận tiêu diệt thật đau, thật mạnh, kết hợp với đấu tranh chính trị của quần chúng và pháp lí hiệp định, kết hợp chặt 3 mũi, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu diệt và làm tan rã nhiều địch, nhằm giữ vững và mở rộng, hoàn chỉnh vùng giải phóng, củng cố căn cứ địa, lõm làm chủ, mở rộng diện tranh chấp, làm lỏng, làm rã kềm kẹp, chuyển thế vùng địch kiểm soát thành vùng du kích mạnh để thu hẹp vùng địch, giành dân, giành quyền làm chủ của dân”.


(1) Ở miền Đông Nam Bộ và Khu 6 ta mất 3088 ấp với 29 vạn dân; ở Khu 8, ta mất 24 xã, 129 ấp, 10 vạn dân, địch đóng thêm 287 đồn; ở Khu 9, ta chỉ còn 36 vạn dân được giải phóng.
(2) AFP ngày 15 tháng 4 năm 1973.
(3) Báo Tuần Tin Tức ngày 5 tháng 2 năm 1973.
(4) Như dự đoán trong Hội nghị Thành ủy lần thứ V: sẽ có phong trào rộng mạnh “dân về làng, lính về nhà”, hàng ngũ địch sẽ tan rã lớn…


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 26 Tháng Tư, 2012, 06:49:31 am
Tháng 7 năm 1973, tại Hà Nội, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 21 ra nghị quyết số 227/NQTW(1) đánh giá thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước và đề ra nhiệm vụ cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã điểm qua những mặt làm được đồng thời phân tích sâu sắc việc để mất đất, mất dân ở nhiều địa phương sau Hiệp định Paris “nguyên nhân chính là do ta có khuyết điểm, chứ không phải do địch mạnh”. Trung ương khẳng định: “Con đường cách mạng, bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiếc lược tiến công”.
   
Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Thành ủy, ở Sài Gòn sau khi có Hiệp định Paris, phong trào nhân dân hưởng ứng hòa bình với những nguyện vọng sâu sắc đòi giải quyết đời sống, đòi dân chủ và hòa hợp dân tộc, chống địch không thi hành hiệp định đã lan rộng và nổ ra khắp thành phố với nhiều hình thức phong phú… yêu cầu đòi lật đổ Thiệu ngày càng phổ biến trong dư luận quần chúng. Các phe nhóm chính trị, tôn giáo cũng có những hoạt động chống chính sách phát xít, hiếu chiến của tập đoàn Nguyễn Văn Thiệu.

Nổi bật hơn cả trong phong trào đô thị năm 1973 là phong trào công nhân và lao động thành phố đấu tranh đòi tăng lương, đòi quyền tự do nghiệp đoàn, chống sa thải… các cuộc đấu tranh của công nhân hãng dầu Caltex (ngày 25 tháng 2 năm 1973), công nhân hãng dầu Shell (ngày 24 tháng 3 năm 1973), công nhân hỏa xa (ngày 4 tháng 5 năm 1973), của 40.000 công nhân viên chức và người buôn bán nhỏ đòi bỏ thuế TVA (trị giá gia tăng), của các công nhân viên chức hãng dệt Sicovina (ngày 23 tháng 10 năm 1973), công nhân ngành vận tải (tháng 12 năm 1973).

Sau một số cuộc trao trả tù chính trị ở Lộc Ninh, Thạch Hãn, nhân dân Sài Gòn tố cáo Thiệu còn giữ tù chính trị.

Trong vùng địch, một số nơi quần chúng không chịu vẽ hoặc treo cờ ngụy. Địch hăm dọa, nhưng đồng bào có lí lẽ đấu tranh, bọn công an, cảnh sát chỉ dám nạt nộ rồi bỏ đi.

Nhiều cấp ủy chủ trương mở đợt vận động các gia đình có người đi lính ngụy gọi chồng, con, em về. Các quận 7, 8 vận động được 2.000 lính ngụy đào ngũ. Đồng bào tích cực bảo vệ số anh em này tránh các cuộc lùng sục của địch.

Một số địa phương kết hợp thanh niên trốn linh và lính trốn thành nhóm trong các xóm lao động. Lực lượng này trang bị gạch đá, dao găm, dao phay, thậm chí cả súng, lựu đạn đánh lưu các cuộc bao vây lùng sục của địch.

Tu sĩ ở các chùa đấu tranh chống Thiệu bắt lính cả tu sĩ. Phong trào đấu tranh chống bắt lính nổ ra liên tục hết đợt này đến đợt khác, từ lẻ tẻ đến tập thể, từ trốn tránh đến dùng vũ lực chống cự. Qua phong trào này, nhiều thanh niên đã được đưa ra vùng giải phóng tham gia cách mạng.

Tuy nhiên, trong chỉ đạo đô thị, trước và sau Hội nghị thành ủy lần thứ V, đến khi có Hiệp định Paris, từ việc đấu tranh chống lập trường, quan điểm tiểu tư sản, đánh giá quá cao phong trào học sinh sinh viên và tầng lớp trung gian… nơi này nơi khác, lại vẫn còn có biểu hiện cường điệu lập trường giai cấp một cách hình thức, rồi coi nhẹ phong trào thanh niên, học sinh sinh viên và phong trào các tầng lớp trung gian. Và ngày trong chỉ thị 04/CT-73 về công tác đô thị của Thường vụ Thành ủy cũng có ý cho rằng ta có thể dễ dàng đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định Paris để đi tới ổn định tình hình, đưa phong trào lên.

Những thiếu sót trên đã sớm được nhận ra, Thường vụ Thành ủy uốn nắn ngay bằng 2 công văn 68-CV (tháng 9 năm 1973) và tài liệu “Những vấn đề cần thống nhất”. Những uốn nắn này rất quan trọng, có ảnh hưởng tích cực đến quá trình phát triển phong trào đô thị những tháng, năm tiếp sau. Một lần nữa ý thức cảnh giác và tinh thần tấn công được đề cao, Chỉ thị 09-CT-72 được nhắc lại, nhấn mạnh lần nữa “ba mũi giáp công”.

Đời sống quần chúng vùng ven, nhất là trong các ấp đang ngày càng khó khăn do địch đánh phá quyết liệt, lệnh cấm ra đồng, lệnh bắt đi tập gác của chúng từ tháng 7 năm 1972 lại càng được thực hiện ráo riết. Đồng bào vui mừng, phấn khởi đón Hiệp định Paris thì hàng ngàn nhà cửa ở vùng trung tuyến mới cất lại tiếp tục bị triệt hạ, hơn 300 gia đình bị gom đi xúc lại.

Do các lực lượng võ trang ta đã xác định rõ ý thức chủ động đánh lấn chiếm tấn công địch, tình hình sau đó có dịu đi được chút ít. Quần chúng lại xé rào bung ra sản xuất rất mạnh. Diện tích khai hoang (đất cũ) ở Củ Chi và Thủ Đức tăng thêm 770 hécta. Tuy vậy, cuộc sống của đồng bào vừa khá lên một chút thì địch lại kềm kẹp nặng hơn, mức vơ vét của chúng tăng mạnh, giá sinh hoạt nhảy vọt, kinh tế khốn đốn… Công nhân lao động thất nghiệp ngày càng tăng, 20 đến 30 phần trăm nông dân phải chịu cảnh bữa cơm bữa cháo. Tệ nạn trộm cướp, đĩ điếm, ăn xin… phát triển.

Đối phó với tình hình kinh tế khủng hoảng, ngụy quyền ban hành nhiều biện pháp khẩn cấp rất phản động như tăng và truy thu thuế, kiểm kê và buộc quần chúng phải tập trung lúa gạo vào kho… Đi đôi với biện pháp đó là tăng cường thêm bộ máy kềm kẹp vốn đã nặng. Đến tháng 10 năm 1973 ở vùng ven Sài Gòn, địch đã có 28 tiểu đoàn và 66 đại đội bảo an, 4 đại đội và 248 trung đội dân vệ, 64 cuộc cảnh sát, 13 đại đội cảnh sát các loại, 279 toán và 12 liên đoàn phòng vệ dân sự, 4 trung đội và 15 toán phòng vệ xung kích, 477 tề xã ấp (chưa kể vùng trung tuyến) và một số lực lượng khác. Những chiến dịch Đồng khởi, Phụng hoàng Toàn thắng, Vì dân, chà đi xát lại vừng ven, quyết liệt đánh phá cơ sở cách mạng.


(1) NQ21 đề ngày 31 tháng 1 năm 1973 (tháng 7 năm 1973 ra dự thảo)


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 26 Tháng Tư, 2012, 06:50:34 am
Ý định của địch là tạo vẻ ổn định và phồn vinh “hậu phương để biến nông thôn tạm chiếm, ấp chiến lược thành “pháo đài chống cộng” nhưng chính sách và biện pháp đi từ gốc phản dân hại nước đã dẫn đến kết quả trái ngược. Quần chúng bị dồn đến chân tường, việc chống thuế, cuộc giành giật lại với địch từng chén cơm, hạt gạo và yêu cầu bung ra ngày càng cấp bách. Cuộc đấu tranh này đòi hỏi thái độ dứt khoát phải kiên quyết trừng trị, kiên quyết tiến công địch của các lực lượng vũ trang cách mạng, đồng thời trong chỉ đạo phong trao đô thị và vùng địch kiểm soát, cần giải quyết một thực tế là địch dựa được vào những cá nhân và bộ phận ác ôn bên cạnh nhóm cầu an, lừng chừng, mặc dù không đồng tình với địch, vẫn phải thực hiện các âm mưu, chính sách tàn bạo của địch do bị thúc ép.

Được sự chỉ đạo, uốn nắn của Thành ủy qua từng diễn biến, quân dân vùng ven đang khôi phục thế chủ động ở những nơi vừa mất sau Hiệp định và giữ vững thế chủ động trên toàn chiến trường.

Trên hướng Đông thành phố, địch cố sức lấn chiếm và đóng thêm đồn bốt, chặn hành lang, bao vây các lõm căn cứ. Quân dân Thủ Đức đã kiên quyết đánh trả, giữ vững thế bám trụ, tranh chấp, giằng co. Các xã, ấp tổ chức đánh địch bằng nội tuyến, thành công nhiều trận. Thế tiến công của quân dân Thủ Đức thể hiện rõ vào cuối năm 1973. Với trên 200 lần chiến đấu vừa và nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu gần 600 tên địch, đánh chiếm 15 đồn, bức rút 3 đồn, quân dân Thủ Đức đã buộc quân ngụy trong vùng giảm bớt lùng sục, càn quét, thậm chí có nơi xin “thỏa thuận không bắn nhau”. Phong trào chiến tranh nhân dân phát triển mạnh ở các xã Tăng Nhơn Phú, Long Bình, Phước Long, Bình Trưng…

Ở hướng Nam thành phố, quân dân Nhà Bè giữ thế bám trụ trong điều kiện địa hình không thuận lợi. Ta tấn công hai đồn Long Phước và Long Hậu, buộc địch bỏ hẳn một đồn.

Ở hướng Đông Nam, quân dân Duyên Hải và Đoàn 10 bẻ gãy nhiều trận càn quét, lấn chiếm của địch vào Rừng Sác. Tháng 3 năm 1973 ở khu dân cư Long Sơn, Phước Hòa, Đội 19 và Đội 32 Đoàn 10 đánh bại cuộc càn quét của giang đoàn 21 Vũng Tàu và giang đoàn thuộc đặc khu Rừng Sác của địch, bắn chìm và bắn cháy 3 tàu, bắn bị thương 2 tàu khác, diệt 49 ngụy (có 1 thiếu tá). Một tổ của Đội 2, trong tháng 11 năm 1973 bắn cháy 6 tàu địch. Đoàn 10 tổ chức đặc công lên đất liền, thực hiện nhiều trận tấn công táo bạo.

Từ tháng 6 năm 1973, Đoàn đã nhận được lệnh Bộ chỉ huy Miền đánh lại kho xăng Nhà Bè. Kho Shell cung cấp 60 phần trăm lượng xăng dầu quân sự và dân sự của địch ở miền Nam, được bảo vệ đặc biệt nhiều tầng nhiều lớp, chống đặc công nước, đặc công bộ, có chi viện trên không, trên mặt nước, có chế độ làm việc, tuyển nhân công chặt chẽ… luôn sẵn sàng tư thế chống bị tiến công bằng cách bố trí phòng thủ kết hợp lợi dụng địa hình phức tạp xung quanh.

Suốt 6 tháng trời, cơm nắm, gạo rang, trải qua mưa, năng, khát, rét… đội 5 đặc công bám nghiên cứu cả 4 hướng kho Shell. Có lần địch phát hiện được hầm ếch bí mật trong hàng rào nên chúng hết sức cảnh giác, tình huống càng về sau càng trở nên khó khăn phức tạp. Mặc dù vậy, sau 14 chuyến đột nhập, chiến sĩ ta đã xác định được hướng dùi sâu, “lót ổ”.

Đêm 2 rạng ngày 3 tháng 12 năm 1973, 8 chiến sĩ thuộc đội 5 đặc công trong đó có đại đội phó Hà Quang Vóc, trung đội trưởng Nguyễn Hồng Thế và các chiến sĩ Quân, Rục, Sĩ Bao, Minh, Tiềm đã lọt được vào kho Shell, 0 giờ 20 phút các dũng sĩ đã áp hết trái vào các bồn xăng, butagaz, đúng 4 giờ kho Shell bùng nổ cháy dữ dội. Các chiến sĩ đặc công trên đường rút ra lâm vào thế bị bao vây, hơn 1 ngày sau mới ra hết, trừ 2 đồng chí Bao và Tiềm bị 7 chiếc tàu ngăn chận, đã sẵn sàng hi sinh với 2 trái lựu đạn quyết tử, sau lúc đã hạ nhiều tên giặc. Lửa kho Shell mỗi lúc bùng thêm dữ dội, sáng rực bầu trời Sài Gòn. Trung tướng Phạm Ngọc Thuần, Tư lệnh Quân khu 3 và Quân đoàn 3 ngụy đích thân chỉ huy việc cứu chữa. Ngọn lửa cháy hơn 1 tuần chưa tắt, đến ngày thứ 8 lửa lại bắt sang một bồn 11 triệu lít dầu mazout nữa.

Địch thú nhận (tin các đài UPI, Manila, AFP, Sài Gòn…) kho Shell hoàn toàn bị thiêu hủy, cháy 35 triệu gallon xăng dầu tương đương 140.000.000 lít, 12 bồn butagaz, 1 tàu dầu Hà Lan 12 ngàn tấn, 1 cơ sở lọc dầu, 1 cơ sở trộn nhớt, 1 khu kho lương thực, 1 khu nhà lính… Đối phó với nạn thiếu xăng dầu, Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định phải ra lệnh tạm đóng cửa các trạm bán xăng dầu trong thành phố.

Không kể nỗi thốn óc vì bị mất một khối lượng chất đốt cho chiến tranh quá lớn, chỉ nói riêng về mặt phòng thủ, trận đánh này đã làm đau đầu Bộ tổng tham mưu ngụy trước dấu hỏi: Việt cộng đột nhập bằng cách nào? Một ủy ban điều tra hỗn hợp gồm các thành phần: Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia, Bộ chỉ huy cảnh sát thủ đô, Cục an ninh quân đội do tướng Lê Nguyên Khang cầm đầu, đã được thành lập để điều tra về vụ này. Hồ sơ chưa kết thúc thì một lần nữa 4 chiến sĩ đặc công đội 5 do Trần Ngọc Sĩ chỉ huy lại đột nhập kho Caltex, thiêu hủy 50 triệu lít xăng. Trong 4 tủ sắt hồ sơ về vụ nổ kho Shell ở Bộ quốc phòng ngụy còn để lại một biên bản ghi kết luận còn “bảo lưu”, chỉ đúng một nửa: “Đây là một trận đánh do nội tuyến kết hợp Việt cộng thực hiện”(1).

Trận đánh kho Shell ngày 3 tháng 12 năm 1973 được tặng thưởng huân chương Quân công giải phóng hạng nhì. Kết hợp với nhiều thành tích khác, các đồng chí Hà Quang Vóc, Nguyễn Hồng Thế được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang giải phóng và chiến công đánh phá kho Shell được thưởng Huân chương Chiến công Hạng I. Hai liệt sĩ Nguyễn Công Bao, Phạm Văn Tiềm được tuyên dương hành động anh hùng. Bốn chiến sĩ còn lại được tặng Huân chương chiến công hạng 3.


(1) Biên bản mang kí hiệu 0481-TTLQ - ĐT


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 26 Tháng Tư, 2012, 06:52:33 am
Trên hướng Tây Sài Gòn, quân dân Bình Chánh trong điều kiện bám trụ khó khăn, ác liệt, vẫn chủ động bằng 3 mũi giáp công tấn công tiêu diệt đồn Bình Trị Đông bắt sống toàn bộ quân địch trong đồn, thu 40 súng.

Trên hướng Bắc, quân dân Hóc Môn, Gò Vấp đẩy lùi nhiều cuộc càn quét, ủi phá địa hình ở An Phú Đông, Thạch Lộc, Quới Xuân, Tân Thới Hiệp, Nhị Bình… Ở Tân Bình, ngày 1 tháng 9 năm 1973 du kích diệt gọn một toán lính của biệt khu thủ đô vừa mới đến đóng chốt dã ngoại ở Vĩnh Lộc. Hôm sau địch tổ chức càn quét lớn để trả đũa, du kích Tân Bình bày trận sẵn đã chặn đánh bẻ gãy cuộc càn.

Trên vùng trung tuyến Tây Bắc, quân dân Củ Chi cùng bộ đội chủ lực quân khu liên tục giáng trả địch càn quét, lấn chiếm.

Tiểu đoàn Quyết Thăng đứng chân ở Củ Chi cùng lực lượng võ trang địa phương đối đầu sư đoàn 25 ngụy, thực hiện nhiều trận đánh tốt, giữ vững địa bàn: trận xóm Trại Bà Huệ (tháng 6 năm 1973) đánh trả địch đột kích, bắn rơi 2 máy bay, bắt sồng 4 giặc lái, trận chống càn tiếp theo ở Nhuận Đức, An Nhơn Tây diệt 6 xe tăng, trận chủ động tiến công ra vùng ngoài gây thiệt hại nặng 2 đại đội thuộc sư đoàn 25 ngụy ở Trung Hòa, Tầm Lanh (tháng 9 năm 1973)…

Tuy nhiên các cuộc đánh trả và tiến công của ta chưa chặn đứng được âm mưu tiếp tục lấn chiếm của địch.

Mùa khô 1973-1974, chúng quyết tâm triển khai kế hoạch lấn chiếm 60 lõm căn cứ giải phóng của ta ở miền Đông Nam Bộ, trọng tâm là xung quanh Sài Gòn. Âm mưu của chúng là lập lại tuyến phòng thủ trung gian, chiếm lại đường số 3 Bà Rịa, chiếm vùng Bắc Tân Uyên, chiếm các vùng Dầu Tiếng, Long Nguyên (Thủ Dầu Một), Bời Lời (Tây Ninh) và vùng Hố Bò, An Nhơn Tây (Củ Chi). Cuộc chiến đấu chống lấn chiếm tiếp tục diễn ra quyết liệt. Các lực lượng địa phương vừa đánh càn vừa chủ động tổ chức tiến công sâu vào vùng địch kiểm soát. Tiểu đoàn 4 Gia Định tiêu diệt các đồn Bình Hạ, Cây Trôm (Phước Hiệp), du kích Củ Chi liên lục đánh địch ở các ấp chiến lược Bàu Tre, Thái Mĩ.

Đội nữ vũ trang Củ Chi hóa trang tấn công táo bạo giữa ban ngày trên đường Sài Gòn - Tây Ninh, diệt gọn một tốp sĩ quan địch, thu được súng và xe honda đưa về căn cứ. Phân đội súng cối Củ Chi pháo kích trả đũa nhiều trận vào các căn cứ Đồng Dù, Đồng Chùa, Trung Hòa… đánh trúng nhiều trận địa pháo của địch.

Liên đội đặc công thủy bám chặt sông Sài Gòn đánh chìm và đánh bị thương 22 tàu thuyền chiến đấu của địch, khống chế hoạt động trên sông của chúng.

Ngày 31 tháng 1 năm 1973, quân ngụy bắt đầu tiến công các lõm du kích ở Trung An, 30 du kích Trung An chiến đấu ngoan cường 3 ngày 2 đêm diệt 50 tên. Phối hợp với hoạt động võ trang, nhân dân đấu tranh đòi địch bồi thường những thiệt hại về sinh mạng, hoa màu, tài sản qua các cuộc càn. Địch lúng túng buộc phải nhượng bộ. Bằng lí lẽ, đồng bào thuyết phục được một bộ phận các sắc lính địch đào, rã ngũ. Ngoài hàng trăm vụ cá nhân đào ngũ, tháng 11 năm 1973, toàn bộ trung đội nghĩa quân ở Thái Mĩ và một đại đội chủ lực ngụy đóng ở sở Ba Làng (Củ Chi) rã ngũ.

Trước tâm trạng chán nản ngày càng phát triển trong hàng ngũ địch do Mĩ cắt giảm viện trợ, ta đã tranh thủ xây dựng lực lượng mật trong hàng ngũ địch, nhất là trong lực lượng nghĩa quân và nhân dân tự vệ. Phần lớn các xã đều có du kích mật, ít nhất một tổ, có xã đến tiểu đội. Ở Thủ Đức, thời kì này số du kích mật lên đến gần 500. Đây là lực lượng phối hợp quan trọng trong đấu tranh chính trị, binh vận và là mũi tiến công địch từ trong ra.

Cho đến cuối năm 1973, quân dân Sài Gon - Gia Định đã ổn định được thế bảo vệ và giữ vững được hệ thống lõm du kích và vùng giải phóng, góp phần làm cho kế hoạch lấn chiếm, bình định của địch bị chặn đứng, góp phần buộc địch phải từng bước lui về phòng giữ trọng điểm khu trung tuyến từ Tân Uyên đến các liên tỉnh lộ 16, quốc lộ 1, quốc lộ 4, tỉnh lộ 7, lộ 8 đến Dầu Tiếng(1).

Sau Hiệp định Paris, Cấp ủy và Bộ chỉ huy Quân khu dời căn cứ về vùng “Tam giác sắt”. Lần lượt đến cuối 1973, toàn bộ các cơ quan của Thành từ biên giới Campuchia đã về hết ở Dầu Tiếng, Bến Cát, Củ Chi, và bám lẫn vào vùng ven và ngoại ô thành phố.

Đấu tranh của quần chúng ở các ấp chiến lược đẩy lui địch thêm một bước buộc chúng phải cho một bộ phận quần chúng bung về ruộng vườn cũ làm ăn(2).

Cờ, khẩu hiệu địch lần lượt bị xé bỏ. Từng lúc, từng nơi bộ máy kềm kẹp địch bị tê liệt. 39 tề ác ôn và 1 trung đội dân vệ bị loại, trên 600 tên trong bộ máy kềm kẹp của địch bị cảnh cáo, phải xuống nước, đi thanh minh, thú tội.

Sau gần một năm phá hoại Hiệp định Paris, ngụy quyền đứng trước những khó khăn mới, quân số tụt giảm(3), viện trợ quân sự của Mĩ bị cắt bớt(4), kinh tế đình đốn, ngân sách ngụy quyền 1973-1974 hao hụt 266 tỉ (tiền Sài Gòn), lạm phát tới 200 tỉ, số người thất nghiệp lên tới 1 triệu 32 vạn. Trong thông điệp tháng 6 năm 1974, Thiệu đã phải kêu gọi binh lính “đánh giặc theo kiểu con nhà nghèo”. Trong khi đó cuộc thanh lọc và sa thải công nhân viên chức của Thiệu làm cho nội bộ ngụy quân, ngụy quyền càng lục đục gay gắt(5).


(1) Năm 1973, quân dân Sài Gòn - Gia Định đánh trên 700 trận lớn, nhỏ, loại khỏi vòng chiến 2.375 địch, phá hủy 82 xe quân sự (có 37 xe tăng và xe bọc thép), 29 tàu xuồng chiến đấu, bắn rơi 9 máy bay…
(2) Cất được 311 chòi, nhà, đưa được 300 gia đình về đất cũ.
(3) Từ 1.086.794/năm 1972 tụt xuống 1.033.291/năm 1973 rồi 971.354/năm 1974.
(4) Từ l,614 tỉ đôla/tài khoản 1973 xuống 1.185 tỉ đôla tài khoản 1974.
(5) Trong năm 1973-1974 Thiệu cách chức 2 phụ tá tổng thống, 20 bộ trưởng, 35 tỉnh trưởng, 60 quận trưởng, 35 sĩ quan cấp tướng, 450 cấp tá, 1.000 cấp úy, sa thải 54.000 công nhân viên chức.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 26 Tháng Tư, 2012, 06:53:19 am
Nhưng tập đoàn tay sai Thiệu vẫn còn rất ngoan cố. Ngày 6 tháng 1 năm 1974, Thiệu trắng trợn tuyên bố “… không có hòa bình, không có tổng tuyển cử…”

Y gào thét “phải đẩy mạnh tấn công ngay tại vùng cộng sản kiểm soát”, “phải đánh trước”… và tiếp tục ráo riết thực hiện kế hoạch 2 năm 1973 - 1974, lần lượt tung xuống xã, ấp 40% công chức và 2.400 sĩ quan để tăng cường bộ máy kềm kẹp tại cơ sở.

Đầu năm 1974, địch huy động lực lượng sư đoàn 25 mở cuộc hành quân đánh sâu vào các vùng căn cứ giải phóng Bắc Củ Chi, đồng thời sử dụng một bộ phận chủ lực còn lại kết hợp với bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, cảnh sát và các đoàn bình định mở các cuộc hành quân bình định lấn chiếm vùng ven chung quanh Sài Gòn.

Trong tình hình trên, Hội nghị Thành ủy tháng 1 năm 1974 chủ trương: dưới khẩu hiệu trung tâm là hòa bình, độc lập, dân chủ cải thiện dân sinh, ở nội thành đẩy mạnh phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Paris, ra sức xây dựng lực lượng cơ sở, tạo điều kiện và thời cơ đi tới cao trào, phối hợp chặt chẽ với phong trào nông thôn và mũi tiến công quân sự, tiến lên đánh đổ tập đoàn quân phiệt, phát xít tay sai phản động của đế quốc Mĩ ở miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ.

Phối hợp chặt chẽ với phong trào ở nội thành, ở nông thôn, phải tập trung chống phá bình định của địch, chống phá địa hình, chống phá càn quét, lấn chiếm, chống cướp lúa, gom dân, chống đôn quân bắt lính…

Hội nghị đề ra yêu cầu: phát triển các loại lực lượng lên từ 2 đến 3 lần ở cả thành phố lẫn nông thôn; tăng cường số lượng và chất lượng của lực lượng vũ trang đảm bảo tiêu diệt lực lượng ác ôn, kềm kẹp, lục lượng lùng sục, đánh bại lực lượng càn quét, lấn chiếm; đẩy mạnh đấu tranh phá lồng kềm và giành quyền làm chủ của nhân dân, công tác Xây dựng Đảng, xây dựng thực lực cách mạng đô thị phải đi sâu hơn nữa vào xí nghiệp, xóm lao động và các ngành trọng điểm.

Sinh khí mới về chính trị của các tầng lớp quần chúng sau Hiệp định Paris gặp sự khủng hoảng kinh tế của ngụy và thái độ hiếu chiến của Thiệu hợp thành một phát khởi mới trong phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Kinh nghiệm ngày một dày dạn, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức của Thành ủy với phong trào ngày một chặt chẽ, sắc sảo hơn.

Ngày 14 tháng 2 năm 1974, Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris mà tiền thân của nó là Lực lượng quốc gia tiến bộ, do ông Trần Ngọc Liễng làm chủ tịch ra mắt. Hàng loạt tổ chức khác của các giới cũng được thành lập: Ủy ban chống sa thải, Ủy ban chống đàn áp, bất công, Mặt trận nhân dân cứu đói, Ủy ban bảo vệ các bạn hàng chợ, Ủy ban bảo vệ quyền lợi sinh viên, Ủy ban bảo vệ tự do báo chí…

Theo sự chỉ đạo của ta, một lực lượng chính trị mới, “lực lượng thứ ba” đang hình thành sau Hiệp định Paris bao gồm các nhân sĩ trí thức, binh sĩ, dân biểu, nhà báo, tu sĩ, công thương gia, cựu tướng tá ngụy… có khuynh hướng chống Thiệu, đòi hòa bình, độc lập, dân chủ; nổi bật là các nhân vật như: bà luật sư Ngô Bá Thành, ông Trần Ngọc Liễng, kĩ sư Dương Văn Đại, dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, dân biểu Lí Quý Chung, giáo sư Lí Chánh Trung, linh mục Phan Khắc Từ, thượng tọa Thích Pháp Lan, dân biểu Kiều Mộng Thu, ni sư Huỳnh Liên, nhà báo Nam Đình… Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris đóng vai trò nòng cốt trong hoạt động của lực lượng thứ ba. Cũng trong thời gian này Ủy ban Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và hòa hình khu Sài Gòn - Gia Định ra mắt bao gồm nhiều nhân sĩ, trí thức đã ra vùng giái phóng, do giáo sư Nguyễn Văn Chi làm Chủ tịch. Lực lượng thứ ba tiêu biểu cho xu hướng chính trị của giai cấp tư sản dân tộc, tuy còn những mặt hạn chế, nhưng hoạt động của lực lượng này làm cho đế quốc Mĩ và tập đoàn quan liêu quân phiệt, đại biểu cho giai cấp tư sản mại bản và phong kiến phản động, bị phân hóa, cô lập, tạo ra một thế rất tốt cho phong trào đô thị.

Tháng 4 năm 1974 tất cả các nghiệp đoàn ở Thành phố đã phát động một chiến dịch đấu tranh chống sa thải. Tiêu biểu là những cuộc đấu tranh của 1.000 công nhân hãng MIC, của 1.500 công nhân các hãng bột mì Sakibomi, Viphumiro, của 1.000 công nhân bốc vác Khánh Hội và cuộc đấu tranh của 3.000 công nhân Hàng không Việt Nam. Ngày 30 tháng 4 năm 1974, đại diện 200 nghiệp đoàn họp Hội nghị chống sa thải, kêu gọi công nhân đòi Thiệu phải ban hành về lương tối thiểu, vãn hồi hòa bình.

Cùng với phong trào dân sinh dân chủ của công nhân và lao động, phong trào đấu tranh đòi trả tù chính trị cũng liên tục tiếp diễn đến cuối năm 1974. Tháng 10, tháng 11 có hai cuộc biểu tình hàng ngàn người ở Gia Định và ở Sài Gòn đòi thả tù chính trị, có đông đảo ni sư và phật tử tham gia.

Giới báo chí đã nhập cuộc và trở thành một mũi xung kích công khai chống chế độ độc tài Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 20 tháng 9 năm 1974 các chủ báo và kí giả họp mít tinh, diễu hành trước tòa soạn báo Điện Tín, một trong những tờ báo đối lập chế độ Sài Gòn và do ta chi phối, mở đầu cuộc đấu tranh chống sắc luật 007, sắc luật kềm kẹp báo chí của Thiệu.

Ngày 25 tháng 9 năm 1974 Ủy ban Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Khu Sài Gòn - Gia Định ra lời kêu gọi chống Thiệu, đòi hòa bình, tự do, dân chủ.

Đối phó với phong trào đấu tranh của nhân dân đô thị, ngày 22 tháng 9 năm 1974, Mĩ Thiệu vạch ra “Kế hoạch Sao chổi” nhằm “đàn áp cho kì được các phong trào này”, “thanh toán toàn bộ phản động (cộng sản, thân cộng…)”, “cô lập, chia rẽ nội bộ các phong trào”.

Ngày 1 tháng 10 năm 1974, báo chí lột trần “Kế hoạch Sao chổi” này trước dư luận, gây nên làn sóng căm phẫn lan tràn. Tập đoàn Thiệu hết sức bối rối.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 26 Tháng Tư, 2012, 06:53:50 am
Thừa thắng, ngày 10 tháng 10 năm 1974 lực lượng báo chí được sự hỗ trợ của các lực lượng sinh viên, Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động và Mặt trận nhân dân cứu đói… tổ chức một cuộc xuống đường gọi là “ngày kí giả ăn mày” do nhà báo lão thành Tô Nguyệt Đình đứng đầu. Hàng trăm kí giả mang bị, gậy xuống đường đã thu hút nhiều dân biểu, nghị sĩ đối lập và một “biển đồng bào” trên đoạn đường công trường Lam Sơn đến chợ Bến Thành với khẩu hiệu: “Còn Thiệu, còn chiến tranh”. Một “rừng cảnh sát” đã không làm gì được. Các hãng thông tin UPI (Mĩ), AFP (Pháp), Reuter (Anh) đều cho đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong 9 năm cầm quyền của Thiệu. Tiếp sau đó là 3 cuộc biểu tình lớn nữa vào các ngày 31 tháng 10, ngày 28 tháng 11 và ngày 22 tháng 12 năm 1974 gọi là những “ngày báo chí và công lí thọ nạn”, gây tiếng vang lớn trong ngoài nước. Thiệu phản ứng quyết liệt, nhưng lực lượng quần chúng và giới báo chí vẫn xốc tới.

Cho đến cuối năm 1974, Sài Gòn có đến 30 tổ chức chính trị xã hội chống Thiệu, đòi tổng tuyển cử, đòi tự do dân chủ, đòi cải thiện đời sống. Đáng chú ý là trong phong trào đô thị có cả lực lượng thương phế binh, mà về quan điểm, ta coi là một bộ phận quần chúng đau khổ vì bị ngụy quyền hắt hủi và có thể đấu tranh với chế độ độc tài, phản dân. Ngày 4 tháng 12 năm 1974 Ủy ban hành động cho công bằng xã hội ra đời tập hợp trên 10.000 sinh viên Thiên chúa giáo là một nét mới của phong trào Công giáo chống Thiệu. Đêm Noel ngày 24 tháng 12 năm 1974, tại nhà thờ dòng Chúa cứu thế và nhà thờ Vườn Xoài, hàng trăm thanh niên học sinh và sinh viên Thiên chúa tổ chức mít tinh phản đối ngụy quyền bắt lính.

Tổ chức rất rộng rãi Mặt trận nhân dân cứu đói ra mắt từ tháng 9 năm 1974 do đại đức Thích Hiến Pháp làm Chủ tịch và dân biểu Nguyễn Văn Hàn làm tổng thu kí, thu hút nhiều thành phần có thế lực: tổng vụ trưởng vụ cư sĩ giáo hội Phật giáo thống nhất Thích Quảng Long, ni sư Huỳnh Liên, linh mục Phan Khắc Từ, chủ tịch Ủy ban bảo vệ quyền lợi lao động, các dân biểu đối lập Kiều Mộng Thu, Hồ Ngọc Nhuận, giáo sư Lí ‎Chánh Trung, luật sư Ngô Bá Thành, các nữ nghệ sĩ Kim Cương, Thanh Nga… Ta đưa một số cán bộ tham gia đứng tên vào Mặt trận: Ngọc Trảng, Ba Thép, Xuân Thượng. Với khẩu hiệu “lá lành đùm lá rách”, ẩn giấu nội dung tố cáo chế độ. Hình thức hoạt động của mặt trận thật sáng tạo: biểu tình có ca hát “dậy mà đi”, biểu tình “xa luân chiến” (biểu tình không lớn mà liên miên ngày này qua ngày khác, đêm này qua đêm nọ như bánh xe quay làm cho cảnh sát mất ăn mất ngủ). Phong trào công khai, nhưng ra báo bí mật “Cứu đói” với 10.000 bản được báo công khai cổ vũ (Điện Tín của Lí Chánh Trung, Đại Dân Tộc của Kiều Mộng Thu). Mặt trận còn lập “Khối dân tộc xã hội” đấu tranh nghị trường, tổ chức “báo nói”, “văn nghệ chạy”, “biểu tình ngồi”, “phát chẩn”, có cả dân biểu, ni sư tham gia.

Chưa lúc nào tập đoàn phản dân Thiệu bị cô lập hơn lúc này. Ngày 25 tháng 1 năm 1975, 18 đoàn thể thuộc nhiều khuynh hướng chính trị cùng kí‎ chung một bản kiến nghị đòi Mĩ chấm dứt viện trợ cho Thiệu, đòi Thiệu từ chức. Một tuần sau, ngày 1 tháng 2 năm 1975, 23 tổ chức tiến bộ công bố chung một bản cáo trạng tố cáo Thiệu là sản phẩm của chiến tranh, còn Thiệu là còn chiến tranh…

Thiệu “chữa cháy” bằng con đường phát xít hóa ngày càng trắng trợn. Những trận xô xát của nhân dân với mật vụ, cảnh sát xảy ra hàng ngày trên đường phố.

Ngày 4 tháng 2 năm 1975, các k‎í giả tổ chức mít tinh mừng xuân Ất Mão tại rạp Khải Hoàn. Đêm trước đó, mặc dù bị công an, mật vụ đồng loạt khám xét nhà, bắt giữ một số k‎‎í giả và đóng cửa một loạt các báo đối lập, nhưng cuộc mít tinh vẫn được tiến hành. Lễ đài mừng xuân trở thành diễn đàn tố cáo chế độ phát xít độc tài của Thiệu, lên án việc khủng bố, bắt kí giả, sinh viên và đóng cửa các báo.

Tính ra từ tháng 5 năm 1972 đến đầu năm 1975, Thiệu ban hành 60 sắc lệnh phát xít, thủ tiêu mọi quyền dân chủ sơ đẳng nhất, đặc biệt là sắc lệnh ngày 12 tháng 5 năm 1973 (kí hiệu 009-SLNV) khủng bố tất cả những ai không đồng tình với Thiệu. Trong 2 năm 1973-1974 chúng đã giam cầm 93.340 người… Trong tình thế đó, sự lãnh đạo phong trào đô thị của Thành ủy ngày càng sắc bén, biết tìm ra khẩu hiệu cho từng giới, từng ngành, biết căn cứ vào khả năng và điều kiện cụ thể và từng thời điểm chuyển các khẩu hiệu cho từng giới, từng ngành và từng thời điểm chuyển các khẩu hiệu từ thấp lên cao, chuyển hình thức và quy mô đấu tranh một cách linh hoạt, sát hợp… Nhờ vậy phong trào đô thị không chỉ thu hút quần chúng cơ bản mà còn lôi kéo được nhiều thành phần trung gian, thậm chí tranh thủ được sự đồng tình của một bộ phận sĩ quan, binh lính, nhân viên ngụy quyền giúp phong trào đấu tranh vừa có hiệu quả vừa bảo tồn được lực lượng. Gần 2 năm sau Hiệp định Paris phong trào đô thị vươn lên mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy nhanh sự khủng hoảng toàn diện của ngụy quyền Sài Gòn đồng thời tập dượt quần chúng đô thị tiến lên phối hợp ngày càng chặt chẽ với đòn tấn công quân sự trong cuộc chiến mùa khô 1974-1975.

Thời kì này mũi tấn công vũ trang nội thành cũng dần dần được phục hồi.

Quán triệt Nghị quyết 08, 09 Thành ủy, nhằm đưa quần chúng ở đô thị đứng lên giành quyền làm chủ ở cơ sở, ra sức phát triển thực lực cách mạng, chuẩn bị điều kiện cho tổng tấn công và nổi dậy ở đô thị, qua một thời gian kiên trì công tác, các đoàn thể và lực lượng vũ trang đã gây dựng, củng cố được các lõm chính trị ở nội đô, khôi phục, củng cố và phát triển sắp xếp lại các đội biệt động trong tình hình mới. Đoàn biệt động 19-5 được thành lập gồm các đội 1, 3, 4, 5. Các đội độc lập 7, 8, 9, 11, 15, Z17, V20, V22 cũng được hình thành; mỗi đội tương đương một đại đội. Các đội vũ trang của đoàn thể quần chúng và ban ngành: Thành đoàn, Hoa vận, Tuyên huấn, Công an, Phụ vận, Binh vận cũng được khôi phục.

Ban chỉ huy quân sự các quận nội thành được sắp xếp, củng cố. Tháng 8 năm 1974, Ban chỉ huy Thành đội Sài Gòn thay thế Bộ chỉ huy Quân khu Sài Gòn được giải thể để tăng cường lực lượng mũi nhọn đánh sâu vào hậu phương, sào huyệt địch.

Trước đó, tháng 4 năm 1974 Bộ chỉ huy Miền đã có quyết định thành lập lữ đoàn đặc công biệt động 316 bố trí ở xung quanh và nội đô thành phố. Đơn vị tập hợp nhiều cán bộ tình báo, biệt động đặc công đã dày dạn kinh nghiệm chiến trường Sài Gòn - Gia Định, hình thành các cụm đặc công và biệt động áp sát và dùi sâu vào “thủ đô” ngụy quyền, chuẩn bị tiến công chiến lược. Ngoài ra, 6 trung đoàn đặc công cũng được triển khai trên các hướng xung quanh ven đô, tạo thế đứng phối hợp và bảo đảm cho thời cơ quyết định.

Tháng 9 năm 1974, Thành ủy tổ chức hội nghị đô thị, tổng kết tình hình và phổ biến nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang đô thị trong tình hình mới: tập trung xây dựng lực lượng và hoạt động tác chiến phục vụ yêu cầu tạo địa bàn và hành lang, phối hợp chiến trường chung. Hội nghị đề ra yêu cầu và chỉ tiêu cụ thể phải đạt được; đồng thời phát động phong trào thi đua diệt địch trong nội thành. Từ tháng 9 năm 1974 đến trước tổng tiến công tháng 4 năm 1975, các lực lượng vũ trang đô thị đánh 55 trận, diệt hàng trăm tên địch thuộc lực lượng kềm kẹp cơ sở, lực lượng đàn áp, góp phần đẩy mạnh khí thế quần chúng lên một bước mới, đặc biệt mở thêm và củng cố các lõm làm chủ chính trị vững chắc, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang bên ngoài có điều kiện áp sát, luồn vào thành phố, hỗ trợ quần chúng nổi dậy.

Chiến trường ven đô khắc phục sự chập chờn, lúng túng, đã ổn định về thế, phát triển lực và giữ quyền chủ động tiến công. Trong đợt cao điểm chống địch lấn chiếm mùa khô đầu năm 1974, các lực lượng địa phương đánh địch ở khắp các huyện ngoại thành Củ Chi, Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè; đến tháng 6 năm 1974 đã khôi phục và phát triển thế trước Hiệp định. Trong thời gian này, Bộ chỉ huy Miền đã mở chiến dịch đường 2 Bà Rịa - Long Khánh (tháng 3 năm 1973) và chiến dịch đường 7 Bến Cát - Rạch Bắp (tháng 5 năm 1974) chọc thủng tuyến phòng thủ trung tuyến của địch, tạo ra thế mới trên chiến trường Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến trường phía Bắc Sài Gòn.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 26 Tháng Tư, 2012, 06:54:58 am
Tháng 6 năm 1974, Thiệu đã phải họp Hội đồng tướng lĩnh để cứu xét tình hình. Trong Hội nghị này có nhiều ‎kiến đề cập tới việc cần phải thay đổi bố trí chiến lược, phải thu hẹp đất đai kiểm soát để tập trung sức mạnh giữ các trọng điểm; cả thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ quốc phòng Trần Thiện Khiêm, Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên, Trưởng cơ quan tùy viên quốc phòng Mĩ tại Sài Gòn (DAO) John Murrey, tùy viên quân sự của Đại sứ quán Mĩ Martin, đều tán thành quan điểm quân đội Sài Gòn phải co cụm lại thì mới chống đỡ nổi trước sức tấn công của đối phương.

Giữ năm 1974, đồng chí Nguyễn Văn Linh về Trung ương Cục, đồng chí Mai Chí Thọ làm Bí thư thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Tháng 7 năm 1974 trung đoàn Quyết Thắng Sài Gòn - Gia Định được củng cố mạnh và đổi tên thành trung đoàn Gia Định. Tháng 8 năm 1974, Quân khu Sài Gòn - Gia Định được biên chế lại thành Thành đội và tích cực chuẩn bị chiến trường để phối hợp với lực lượng lớn của trên.

Hội nghị Thành ủy tháng 9 năm 1974, xác định nhiệm vụ đến cuối năm 1975 và quyết định lập 2 cánh chỉ đạo gồm: cánh A đặc trách đô thị, cánh B đặc trách nông thôn.

Trong những tháng 7, 8, 9 năm 1974, hoạt động của các lực lượng vũ trang địa phương tăng lên và có hiệu quả hơn. Trong 3 tháng đã đánh 90 trận, diệt 456 tên địch (có 7 sĩ quan cấp tá). Nổi bật là trận liên đội thủy đánh sập cầu Bông dài 48m ở Hóc Môn và phá hủy 1 tua địch. Hai tháng 9 và 10 năm 1974, lực lượng đặc công Miền và Sài Gòn - Gia Định đã tiến công 82 mục tiêu, trong số 92 mục tiêu được giao ở vùng ven Sài Gòn.

Tháng 10 năm 1974, bộ đội pháo binh Sài Gòn - Gia Định hai lần pháo kích trung tâm huấn luyện Quang Trung. Tháng 10, 11 năm 1974 bộ đội địa phương Bình Chánh đánh nhiều trận xuất sắc như trận đánh điểm diệt viện ở Tân Nhật, diệt nhiều địch trong đó có trung tá quận trưởng Bình Chánh Nguyễn Đức Thuận (ngày 12 tháng 10), trận san bằng phân chi khu Đa Phước (ngày 11 tháng 11 năm 1974).

Ở Củ Chi tiểu đoàn 1 Quyết Thắng cùng lực lượng địa phương và du kích diệt đồn Dân Hàng (ngày 8 tháng 10 năm 1974), bót Đồng Hới (ngày 14 tháng 11 năm 1974) và liên tiếp đánh thắng địch ở Tân Quy, Phước Thạnh, Bắc Hà, Mũi Lớn, Phước Hưng, lộ 7, Bến Đình, Bàu Tre, Bàu Điều, Mít Nài, Truông Viết, Suối Cụt, Đồng Chùa, Suối Cạn, Sa Nhỏ…

Bộ đội Hóc Môn từ vùng Giồng Ông Hòa tiến công phía Tây Hóc Môn, làm chủ lộ 9 tạo điều kiện cho dân các xã Tân Xuân, Xuân Thới Nhất phá thế kềm kẹp của địch. Bộ đội Tân Bình tấn công đồn Bình Hưng Hòa.

Ba tháng cuối 1974 các lực lượng võ trang nhân dân Sài Gòn - Gia Định càng chủ động tấn công, thọc sâu áp sát, đánh địch ngay trong hang ổ, đánh trúng đối tượng kềm kẹp cơ sở như tề ấp, tề xã, phân chi khu cảnh sát, hỗ trợ quần chúng giành quyền làm chủ(1).

Ba đồng chí Phan Trung Kiên (Trung đoàn Gia Định), Nguyễn Đình Khơi (Trung đoàn Gia Định), Trương Văn Hải (Bộ đội địa phương Thủ Đức) được tuyên dương anh hùng.

Cuối tháng 11 đầu tháng 12 năm 1974, Thành đội mở lớp tập huấn chuyên đề chiến thuật đánh đồn bót cho 79 cán bộ các cấp và lựa chọn 161 đồng chí trong số anh em được trao trả sau Hiệp định Paris, đi học các lớp tập huấn quân sự địa phương. Số này được đưa về các quận, huyện làm cán bộ du kích, ấp đội, xã đội… Đến cuối năm 1974, 12 đội biệt động trực thuộc Thành đã xây dựng được 40 lõm chính trị và nhiều cơ sở, kho tàng cất giấu vũ khí ở nội thành. Thành đội phát triển thêm được 218 du kích xã, 58 du kích ấp, 71 trong số 75 xã đã có xã đội, 270 ấp trong số 360 ấp có cơ sở chính trị và vũ trang; khôi phục lại 33 xã bị đứt liên lạc, tổ chức thêm được 14 chi bộ, 15 chi đoàn, 12 tổ hạt nhân.

Cuối năm 1974, “Ủy ban nghiên cứu chiến lược” thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn đã phải thú nhận trong bản “Đánh giá tương quan lực lượng giữa Việt Nam Cộng hòa và Cộng sản”: “Chỉ có thể bảo đảm một cách giới hạn an ninh lãnh thổ và dân chúng nhất là tại nông thôn”. Từ hùng hổ tung quân lấn chiếm, bình định sau Hiệp định Paris, địch đã buộc phải lui về phòng ngự đối phó là chủ yếu và tập trung phòng thủ các vùng trọng điểm.

Sài Gòn - Gia Định là sào huyệt cuối cùng, nơi mà địch dốc sức phòng thủ.

Trên hướng Tây Bắc, chúng đào nhiều chiến hào và mương sâu, rộng hình thành một đường ngăn chặn kéo dài từ Phú Hòa Đông đến Đức Hòa. Chúng ủi trắng địa hình phía Nam Rạch Sơn từ Nhuận Đức đến Phú Hòa Đông; đánh phá ác liệt các vùng Phước Thạnh, Phước Hiệp, liên tục đổ biệt kích xuống vùng phía bắc lộ 7; cắm thêm đồn bót trên các trục lộ 1 và 2; dùng phi pháo ngày đêm uy hiếp các vùng sản xuất của dân, khu căn cứ đầu não của Sài Gòn - Gia Định.

Trên hướng Nam và Tây Nam, Tân Bình - Bình Chánh - Nhà Bè chúng ra sức hủy diệt địa hình, xóa lõm du kích, đóng thêm đồn bót, chặn các hành lang của ta, cố đánh bật các lực lượng vũ trang của ta ra khỏi vùng ven.

Trên hướng Đông và Đông Bắc, chúng tập trung đánh phá vùng Bưng Sáu xã, mở rộng địa bàn oanh kích tự do, làm đường và dựng khu thương phế binh ngụy ở ấp Nam xã Phước Long… nhằm bịt các cửa khẩu lên xuống của ta, trục xuất ta ra khỏi một trong những cửa ngõ xung yếu chỉ cách Sài Gòn có 7km.

Địch vẫn nuôi nhiều tham vọng, nhưng thế và lực đang tụt không cưỡng lại được. Theo “Bản thuyết trình tình trạng quân số, tài khóa 1975” của Bộ tổng tham mưu quân đội ngụy thì năm 1974 có 17 vạn lính Sài Gòn đào rã ngũ. Để bù đắp quân số bị thiếu hụt, ngoài việc dồn quân, bắt lính, chúng còn bắt cả số lao công đào binh, quân phạm đang bị giam giữ để bổ sung, nhưng tính đến ngày 31 tháng 1 năm 1975 cũng chỉ được 961.000 tên, tức chỉ được 87% quân số so với kế hoạch là 1.000.000 tên. Quân số chiến đấu lại càng giảm sút. Nhiều đơn vị chỉ đạt trên dưới 50% quân số tham gia hành quân ngay lực lượng cơ động là dù và thủy quân lục chiến, tuy bao giờ cũng được ưu tiên bổ sung quân số, chúng vận thiếu hụt nghiêm trọng. Sư dù thiếu 2.154 tên, sư thủy quân lục chiến thiếu 2.645 tên.


(1) Trong đợt này, lực lượng võ trang nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã đánh 120 trận (có 5 trận biệt động) diệt 740 tên, làm rã ngũ 174 phòng vệ dân sự, diệt 12 trung đội, 7 ban tề ấp, 1 ban chỉ huy phân chi khu, tiêu hao 2 trung đội bảo an, diệt, san bằng 11 tua bót, hủy 5 tua, bắn cháy 6 xe tăng, 7 xe quân sự khác, phá hủy 14 trụ sở cảnh sát, 2 nhà làng, 2 trụ sở tế, 7 cầu, 1 trạm rađa…


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 26 Tháng Tư, 2012, 06:56:32 am
Từ tháng 10 năm 1974, Bộ Chính trị đã có dự kiến và đến tháng 1 năm 1975 chính thức hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976; nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

Trên chiến trường B2, tháng 11 năm 1974 Quân ủy Miền thông qua kế hoạch mùa khô 1974 - 1975 gồm hai đợt(1); với ‎ định hoàn chỉnh vùng giải phóng, nối liền hành lang chiến lược từ biên giới đến bờ biển phía Đông, xây dựng thành căn cứ địa vững chắc và liên hoàn, tạo thế bao vây Sài Gòn(2) giải phóng đường 14, dự kiến giải phóng Phước Long khi có điều kiện, mở tiếp về hướng lộ 20, Võ Đắc, Tánh Linh, một số đoạn trên quốc lộ 20, lộ 23, lộ 2 và từng lúc cắt quốc lộ 15 (Sài Gòn - Vũng Tàu); giải phóng khu vực Dầu Tiếng, Lộ 26 đến khu vực Suối Đá, Chơn Thành, giải phóng các lõm, chuyển lên thế tranh chấp, giành đại bộ phận dân chúng trong vùng tranh chấp và vùng kềm kẹp hiện tại của miền Đông, giành quyền làm chủ mọi mặt, đặc biệt xung quanh Sài Gòn.

Nhiệm vụ chính của Sài Gòn - Gia Định trong mùa khô 1974 - 1975 là đánh phá bình định của địch, tiếp tục mở nhiều lõm giải phóng, chuyển lên thế tranh chấp ở nhiều mức độ khác nhau trên nhiều hướng, phá lỏng kềm ở vùng nông thôn quanh Sài Gòn, bung dân ra, giành quyền làm chủ, xây dựng bàn đạp đứng chân vững chắc cho các lực lượng vũ trang ven đô, tạo một thế chuyển biến nhanh, chuẩn bị điều kiện cho tấn công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn khi thời cơ xuất hiện.

Bộ chỉ huy Miền chủ trương bố trí tập trung lực lượng đặc công biệt động Miền và Thành phố xung quanh Sài Gòn và vào nội đô như sau:

+ Lực lượng đặc công gồm có:

- Tiểu đoàn 196 hướng Bắc và Tây Bắc Sài Gòn: Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp.

- Tiểu đoàn 197 hướng Tây Tân Bình, Bắc Bình Chánh.

- Tiểu đoàn 198 hướng Tây Nam Nam Bình Chánh, Nhà Bè.

- Tiểu đoàn 199 hướng Đông Thủ Đức.

- Trung đoàn 10 Rừng Sác: Rừng Sác, sông Lòng Tàu.

- Trung đoàn 116 hướng Long Thành, Nước Trong.

- Trung đoàn 113 sân bay Biên Hòa.

- Trung đoàn 119 khu vực Bình Dương.

- Trung đoàn 115 hướng lộ 8, Phú Hòa Đông(3).

- Trung đoàn 429 hướng Nam Nhà Bè, Nam Bình Chánh.

+ Lực lượng biệt động có 3 tiểu đoàn, 11 đại đội (gồm 60 tổ) triển khai trên hai hướng hoạt động chính ở Đông và Tây Sài Gòn, để phát triển vào nội đô.

+ Lữ đoàn 316 đặc công biệt động còn đang tiếp tục tổ chức và huấn luyện ở hậu cứ sẽ làm lực lượng tăng cường xuống thành phố một cách kịp thời theo yêu cầu từng hướng.

Phối hợp chiến trường toàn miền, ngay trước đợt 1, quân dân Sài Gòn - Gia Định và các trung đoàn đặc công 117, 119 đã tấn công địch từ trung tuyến đến ven đô và nội đô.

Ở Củ Chi, đêm 5 tháng 12 năm 1974, các lực lượng võ trang tấn công 8 đồn bót địch ở Truông Việt, Bàu Điều, Bàu Tro… tiêu diệt được 7 mục tiêu, giải phóng vùng, qua đó giải quyết luôn tư tưởng ngại đánh đồn bót có công sự cho cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Ngày 6 tháng 12 đánh địch đến giải tỏa, ta diệt gọn một trung đội và gây thiệt hại một đại đội bảo an. Tiếp theo, ta thực hiện một loạt trận tấn công các bót Mũi Lớn (ngày 9 tháng 12), Bắc Hà 2 (ngày 11 tháng 12), chi khu cảnh sát đặc biệt (ngày 16 tháng 12)…

Ngày 18 tháng 1 năm 1975 cũng trên đất Củ Chi, tiểu đoàn Quyết Thắng cùng bộ đội địa phương phục kích diệt đại đội 3 thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn 50 ngụy. Vùng giải phóng Củ Chi được giữ vững và mở rộng. Ta làm chủ hầu hết các cánh đồng Trung An, Hòa Phú, Tân Thạnh Đông, Bình Mĩ đồng thời mở rộng các vùng từ Phước Thạnh, Phước Hiệp, Thái Mĩ, Tân An Hội sang đến Mĩ Hạnh ở Tây quốc lộ 1 Đức Hòa.

Ở Thủ Đức, từ thế bám trụ xen kẽ và áp sát địch, lực lượng vũ trang địa phương tấn công các bót Vườn Dừa (ngày 5 tháng 12 năm 1974), Mười Chợ (ngày 7 tháng 12 năm 1974), Hàm Rồng (ngày 22 tháng 12 năm 1974), buộc địch ở các bót Mười Chợ, Hàm Rồng cùng một loạt các bót Vàm Xuồng, Ông Tốt, Rạch Bàng, Ngọn Ngay, Ngọn Mương, Bà Liệu, Bà Đỏ phải lần lượt rút chạy. Hành lang của ta được mở rộng, thông suốt khoảng 10km ở vùng bưng phía Nam Thủ Đức. Lực lượng vũ trang Thủ Đức tập kích địch bung ra án ngữ trên sông Đồng Nai (ngày 6 tháng 12 năm 1974 tập kích địch ở ấp chiến lược Phú Hữu (ngày 12 tháng 12 năm 1974 đánh càn ở Long Phước, ở khu vực sông Kinh (ngày 31 tháng 12 năm 1974), tấn công phân chi khu Gò Công (ngày 6 tháng 1 năm 1975).

Ở Hóc Môn, Gò Vấp, quân ta tấn công trụ sở tề ấp, xã diệt Phân chi khu Tân Thới Hiệp và một số đồn bót ở Đông Thạnh, Tân Thới Hiệp, Nhị Bình, giải tán 3 đội phòng vệ dân sự, mở rộng hành lang đến Thạnh Lộc, An Phú Đông, áp sát An Nhơn, Thông Tây Hội (Gò Vấp).

Ở Bình Chánh, lực lượng vũ trang kết hợp với nội tuyến diệt Phân chi khu Tân Tạo (ngày 17 tháng 11 năm 1975) làm chủ cánh đồng từ Tân Tạo qua Tân Túc ở phía Bắc Bình Chánh, sang Hưng Long, Đa Phước, Quy Đức ở Nam Bình Chánh.

Ở Duyên Hải, Đoàn 10 đánh chiếm phân chi khu Đại Phước (ngày 7 tháng 12 năm 1974), phối hợp cùng lực lượng vũ trang địa phương vây ép chi khu Vũng Gấm, đánh bại trận càn của địch vào khu vực này (ngày 4 tháng 1 năm 1975).

Trong thành phố, lực lượng vũ trang tấn công mạnh lực lượng kềm kẹp của ngụy quyền ở cơ sở. Tháng 12 năm 1974 và tháng 1 năm 1975 tấn công các mục tiêu: trụ sở phường Bình Trị (ngày 13 tháng 12 năm 1974), trụ sở Phường Bạch Cát và Phường Phú Thọ (ngày 18 tháng 12 năm 1974), trạm tuyển mộ tân binh sư đoàn 5 ở Bảy Hiền (ngày 9 tháng 1 năm 1975), Phân chi khu cảnh sát Phạm Văn Lợi ở quận 7 (ngày 18 tháng 1 năm 1975), bót cảnh sát Minh Phụng ở quận 11 (ngày 23 tháng 1 năm 1975)… Hàng chục tên ác ôn bị trừng trị, từng mảng bộ máy kềm kẹp cơ sở của địch bị phá vỡ. Nhiều tên ác ôn khét tiếng đã phải co vòi, một số tên xin chuyển địa bàn.


(1) Đợt 1: tháng 12 năm 1974 đến tháng 2 năm 1975: 2 hướng chủ yếu: Đồng bằng sông Cửu Long và đường 14 (Đồng Xoài - Phước Long). Đợt 2: Từ tháng 3 năm 1975: Sẽ giải phóng Dầu Tiếng, lộ 26, Chơn Thành.
(2) Đến đầu năm 1975 con đường chiến lược Đông Trường Sơn đã nối thông đường 9 (Quảng Trị) tới miền Đông Nam Bộ; dọc theo đường là hệ thống 5.000 km đường ống dẫn dầu từ Quảng Trị đến Bình Phước (Lộc Ninh). Đường thông tin hữu tuyến từ Hà Nội cũng đã nối tới Lộc Ninh.
(3) Sau này do yêu cầu tác chiến, 2 trung đoàn 115 và 119 nhập lại thành đoàn 115, tăng cường thêm trung đoàn 429 ở hướng Nam.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 26 Tháng Tư, 2012, 06:57:20 am
Chiến trường Đông Nam Bộ đã vào đợt 1 từ đêm 12 rạng 13 tháng 12 năm 1974. Sau 3 ngày ta đã làm chủ đường 14 từ cây số 12 đến Nam Liễu Đức; đến ngày 25 tháng 12 năm 1974 ta giải phóng hoàn toàn huyện Tánh Linh và 4 xã Hoài Đức; ngày 26 tháng 12 năm 1974 ta chiếm Đồng Xoài, làm chủ lộ 14 từ ngã ba Liễu Đức đến Đồng Xoài. Thời cơ giải phóng Phước Long đã xuất hiện. Phương án giải phóng Phước Long của Bộ chỉ huy Miền được Bộ Chính trị chấp thuận… Thị xã Phước Long cách Sài Gòn 120km về phía Đông Bắc bị quân ta chiếm lúc 19 giờ ngày 6 tháng 1 năm 1975. Toàn tỉnh Phước Long đã được giải phóng.

Sự kiện mất Phước Long làm cho Mĩ và tướng tá ngụy bàng hoàng. Lầu Năm góc đe dọa ném bom miền Bắc trở lại, Hạm đội 7 báo động… nhưng rồi Schlesinger, Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ lại tuyên bố “bỏ qua sự kiện Phước Long” mặc cho Thiệu cầu cứu.

Đợt 1 mùa khô đã đạt phần lớn yêu cầu; điểm gút của những ngày lịch sử này chính là sự kiện Phước Long. Trong quá trình diễn biến cuộc chiến tranh chống Mĩ, lần đầu tiên một tỉnh ở miền Nam được giải phóng mà địch không chiếm lại được. Việc đó cổ vũ lòng tin của quân dân ta rất lớn; ngược lại đối với kẻ thù, đó là dấu hiệu sụp đổ không cưỡng lại được, mặc dù Thiệu từng tuyên bố “không để lọt vào tay cộng sản tấc đất nào của Việt Nam Cộng hòa”. Mặt khác, Mĩ không dám can thiệp trở lại là dấu hiệu báo trước con đường tất yếu phải chấp nhận thua cuộc hoàn toàn như một người Mĩ thừa nhận: “Sự đổ vỡ đầu tiên đã xuất hiện với sự thất thủ Phước Long”(1).

Đó cũng chính là một trong những cơ sở Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta đề ra những quyết tâm mới nhằm sớm kết thúc chiến tranh cách mạng ở miền Nam.

Ngày 20 tháng 1 năm 1975 ngụy quyền Sài Gòn ra lệnh ngừng giải ngũ sĩ quan và binh lính.

Ngày 21 tháng 1 năm 1975 Thiệu kêu gọi Washington tăng cường viện trợ.

Riêng ở nội đô Sài Gòn từ ngày 23 tháng 1 năm 1975 trở đi, địch liên tục báo động, cấm trại 100% và giới nghiêm 24/24 giờ. Chúng tăng thêm các cuộc hành quân càn quét, lập thêm các trạm kiểm soát và xây thêm các ụ chiến đấu trên các trục lộ quan trọng vào thành phố.

Đầu tháng 2 năm 1975 địch điều một số đơn vị tăng cường cho vành đai phòng thủ Sài Gòn: đưa 2 tiểu đoàn dù về đóng ở lộ 8 Củ Chi và lộ 9 Đức Hòa; đưa 2 tiểu đoàn biệt động quân về Bình Chánh và Tân Bình; đưa 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến về đứng ở Liên trường Thủ Đức và nống ra vùng Bưng Sáu xã, Bình Trung, Phú Hữu, Phước Long; đưa một tiểu đoàn biệt động quân về đứng ở Nhà Bè. Chúng liên tục mở các cuộc tập kích quy mô nhỏ vào những nơi nghi ngờ có đối phương trú ém quân: Bình Mĩ, Tân Thạnh Đông, Nhị Bình, Thạnh Lộc, Tân Nhựt, Tân Tạo, Tân Kiên… Nhưng tất cả những hành động trên không ngăn nổi sức tấn công đang có đà của quân dân Sài Gòn - Gia Định.

Trong tháng 2 năm 1975 quân ta tiếp tục tấn công các phân chi khu An Nhơn (Gò Vấp), Long Đại, Phước Bình (Thủ Đức), các bót Bà Bông, bót Cầu Hưng Nhân (Bình Chánh), các ấp chiến lược Trung Hòa, Suối Cụt (Củ Chi)…

Tuy nhiên, các lực lượng vùng ven còn gặp khó khăn nhiều trong vận dụng chiến thuật. Nhược điểm của đợt này là chưa có trận thối động ở hậu cứ địch.

Đầu tháng 2 năm 1975, ở Sài Gòn, 18 đoàn thể thuộc nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau cùng 23 tổ chức quần chúng khác kí chung một bản kiến nghị đòi Mĩ chấm dứt viện trợ cho Thiệu, đòi Thiệu từ chức, đồng thời công bố một bản cáo trạng tố cáo Thiệu là sản phẩm của chiến tranh, Thiệu bán đứng Tổ quốc cho Mĩ.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, vào những ngày này, Thành ủy quyết định lấy ngày 15 tháng 2 năm 1975 tiến hành một cuộc tổng diễn tập khởi nghĩa toàn thành, đồng thời tiếp cận những nhân vật chống Thiệu để tác động họ hòa nhập với phong trào đấu tranh của quần chúng.

Sáng ngày 15 tháng 2 khi các cuộc biểu tình nổ ra, ngụy quyền hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp bố trí cảnh sát dã chiến để đàn áp. Ở chợ Cầu Muối, một số cảnh sát chìm, cảnh sát nổi của quận 2 không kịp mang dùi cui theo, vội giựt mía của những người ngồi bán ở chợ để đánh nhau với những người biểu tình.

Một dân biểu đối lập với Thiệu khi tiếp xúc bí mật với cán bộ ta đã nhận xét: “Thiệu được trang bị tận răng mà nay phải dùng mía để đánh nhau với quần chúng, coi như nó đã bị tước hết vũ khí…”.

Qua đợt 1 mùa khô 1974 - 1975, ta đã mở thông hành lang chiến lược và một bước tạo thế trận lợi hại bao vây Sài Gòn. Trong khi đó trên chiến trường ven đô, ta đã tăng mạnh thế áp sát đô thị: giải phóng hoàn toàn thêm 3 xã 37 ấp, giải phóng về cơ bản thêm 4 xã 17.000 dân, chuyển 63 ấp yếu lên tranh chấp, xây dựng thêm được 19 lõm chính trị trong đó có một số lõm ở các xã đô thị hóa ở Gò Vấp, Hóc Môn, Tân Bình, Bắc Thủ Đức (loại khỏi vòng chiến trên 4.200 tên địch).

Đến lúc này, theo số liệu nắm được, thực lực cách mạng nội đô Sài Gòn - Gia Định đã được tăng cười gấp ba bốn lần sơ với trước, gồm các lực lượng đảng viên, đoàn viên, các chi bộ lộ và mật, các tổ hạt nhân, cơ sở cách mạng, quần chúng cảm tình cánh mạng, các tổ chức công khai, biến tướng và các tổ chức nòng cốt sẵn sàng hành động, các lõm chính trị nội thành, các lực lượng vũ trang, bán vũ trang.


(1) Dave Richard Palmer Tiếng kèn gọi quân. tr.326.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Tư, 2012, 09:28:56 am
*
*   *

Sau khi đã suy xét cụ thể tình hình chiến trường trong hai năm 1973 - 1974, đặc biệt là những diễn biến mới nhất, trong đó có sự kiện Phước Long, Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng tháng 1 năm 1975 đã bổ sung quyết tâm hồi đầu tháng 10 năm 1974 (giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976) bằng việc dự kiến tình hình đó có thể phát triển nhanh, thời cơ chiến lược cụ thể có thể đến sớm và chuẩn bị thêm phương án nhanh chóng nắm thời cơ, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Mặc dù đã mất Phước Long, địch vẫn giữ những nhận định của cuộc họp tư lệnh các quân đoàn tại Dinh Độc Lập hồi tháng 12 năm 1974(1). Do đó Thiệu ra lệnh “Hành động trước” đối phương, trong đó có kế hoạch “bình định cấp tốc lập tức” 3 tháng và duy trì thế bố trí chiến lược cũ; nặng hai đầu (Quân khu 1 và Quân khu 3); ở miền Đông Nam Bộ (Quân khu 3 ngụy), chúng bố trí 4 sư đoàn chủ lực, 7 liên đoàn biệt động quân, 14 tiểu đoàn và một số đại đội trung đội pháo gồm 376 khẩu, 7 thiết đoàn và 15 chi đoàn xe tăng thiết giáp (gồm 655 xe), 2 sư đoàn không quân (có 250 máy bay chiến đấu)… Lục lượng chủ lực được triển khai theo hình cánh cung hướng Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc, bảo vệ Sài Gòn từ xa trên dưới 50km.

Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền họp quán triệt quyết tâm của Bộ Chính trị, từ đó bổ sung, điều chỉnh kế hoạch cụ thể đợt 2 nhằm khẩn trương hoàn chỉnh vùng giải phóng, mở rộng hành lang chiến lược xuống phía Đông Sài Gòn, tạo bàn đạp sát lộ 26, Đồng Dù, Củ Chi… cùng lúc mở 2 chiến dịch: Dầu Tiếng và Lộ 20(2).
   
Địch huy động toàn lực ngăn chặn cuộc tấn công đông - xuân - hè của ta và dự định mở chiến dịch lấn chiếm lấy lại những vùng đã mất, nhưng chưa kịp hành động thì ngày 9 tháng 3 năm 1975 ta đã vào đợt 2 tấn công mùa khô 1974 - 1975 trên toàn Miền. Ngày 10 tháng 3 năm 1975 ở Tây Nguyên chủ lực ta nổ súng tấn công Buôn Mê Thuột thì ở miền Đông Nam Bộ đêm 10 tháng 3 ta vào chiến dịch Dầu Tiếng.
   
Quân dân Sài Gòn - Gia Định phối hợp, đồng loạt tấn công nhiều mục tiêu vùng ven trong đêm 8 rạng ngày 9 tháng 3 năm 1975, kết hợp tiến công và nổi dậy, nhằm chuyển thế, chuyển vùng.

Ở Củ Chi, từ ngày 9 tháng 3 năm 1975, các lực lượng vũ trang vùng ven nổ súng tấn công chi khu Trung Hòa, bót Bình Đông, bót Cây Trôm, bót Cây Bài, phân chi khu Tân Thạnh Đông và bót Tống Khôn, bao vây bót Cây Me… Đồng thời tăng cường đánh địch trên các tuyến giao thông quan trọng, đánh sập một số cầu làm hạn chế khả năng cơ động của địch. Ngày 20 tháng 3 năm 1975, tiểu đoàn Quyết Thắng cùng bộ đội địa phương và du kích Củ Chi phục kích tiêu diệt đoàn xe quân sự của Quân đoàn 3 ngụy trên quốc lộ 1 quãng Bàu Tre - Cây Trôm, hủy 53 xe, diệt gọn 1 đại đội, 2 trung đội địch, đánh thiệt hai 2 đại đội khác. Được quân sự hỗ trợ, đồng bào ở khu vực Trung Hòa và tuyến lộ 2 nổi dậy bung về vùng giải phóng. Nhân dân ở các ấp chiến lược Thái Mĩ, Tân An Hội, Phước Hiệp, Phước Thạnh, Phú Hòa Đông - bãi chợ, rải truyền đơn, treo cờ, băng, khẩu hiệu đắp mô trên tuyến lộ 1 và tuyến lộ 8, đấu tranh đòi giải tán phòng vệ dân sự.

Ở Hóc Môn, tiểu đoàn 4 Gia Định đánh diệt chi cảnh sát đặc biệt và Phân chi khu Thới Tam Thôn (ngày 17 tháng 3 năm 1975), diệt 3 ban tề ấp, bắt một số phòng vệ dân sự, kêu gọi binh lính địch ở Tân Thạnh Đông bỏ đồn bót ra hàng.

Ở Gò Vấp, lực lượng võ trang địa phương kết hợp với lực lượng chính trị quần chúng chiếm 6 trụ sở tề ấp, 3 trụ sở tề xã, 1 trụ sở phòng vệ dân sự, diệt 8 tề ấp, 55 công an, 6 cán bộ “bình định”, diệt bót Cầu Lớn và phá hủy Cầu Lớn trên trục lộ 9.

Ở Tân Bình, lực lượng ta duy trì hoạt động ở các xã Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng Hòa, Tân Sơn Nhất, củng cố các lõm chính trị ở ấp 1 Bình Hưng Hòa.

Ở Thủ Đức, lực lượng vũ trang địa phương đánh thiệt hại Phân chi khu Long Đại và Phước Bình, diệt trụ sở phòng vệ dân sự ở Mĩ Hiếu, diệt ác ở Tây Hóa và Phong Phú; quần chúng hù dọa bức rút 2 chốt Vườn Dừa, Vàm Xuồng, bung về vườn cũ.

Ở Bình Chánh, lực lượng vũ trang địa phương tập kích gây thiệt hai sở chỉ huy tiểu đoàn 86 biệt động quân ở ấp 5 xã Tân Nhựt (ngày 6 tháng 3 năm 1975), đánh bót Chôi Kí và đẩy mạnh hoạt động ở Hưng Long, Quy Đức, Đa Phước. Đồng bào Tân Quy Tây phối hợp với du kích tước súng và giải tán phòng vệ dân sự ở ấp 3, rải truyền đơn trên trục lộ 5. Đồng bào vùng Chợ Đêm phối hợp với lực lượng vũ trang bao vây hù dọa địch trong bót Chợ Đệm. Đồng bào Tân Tạo phá rã phòng vệ dân sự, xé tờ khai gia đình, đập phá khẩu hiệu địch. Nhân dân Bình Trị phối hợp với lực lượng vũ trang tấn công trụ sở tề ấp 2, trụ sở tề xã và phân chi khu Bình Trị.

Ở Duyên Hải, Đoàn 10 đang tập trung phục kích đánh tàu trên sông Lòng Tàu trong lúc nhịp độ tàu ra vào đang tăng lên. Đặc công đánh sập các cầu Mương Chuối, Rạch Đôi, Rạch Miếu… tấn công đồn Ông Kèo và các chi khu, phân chi khu Phú Hữu, Vũng Gấm, Phước Khánh… giải phóng các vùng Nhà Làng, Phước Thái, Gò Dâu và một số ấp chiến lược sông Lòng Tàu.

Những hoạt động trên củng cố vững chắc các vùng giải phóng ven đô, làm lỏng thêm thế kềm kẹp và gây rối loạn hậu phương địch, tạo thêm những địa bàn đứng chân quan trọng áp sát địch ở Củ Chi, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè, Thủ Đức.

Tháng 3 năm 1975, cục diện chiến trường miền Nam thay đổi nhanh chưa từng thấy trong gần 21 năm đánh Mĩ. Chỉ trong một thời gian ngắn, đặc biệt chỉ không đầy một tuần sau đòn tiến công Ban Mê Thuột, ta đã tiêu diệt về cơ bản quân đoàn 2 ngụy, phá rã từng mảng chính quyền địch, giải phóng nhiều vùng đất đai quan trọng, đặc biệt là vùng chiến lược Tây Nguyên, phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của địch ở Tây Nguyên, phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của địch ở Quân khu 2, buộc chúng phải từ phòng ngự chiến lược chuyển sang rút lui co cụm chiến lược. Phía Tây Bắc và Bắc Sài Gòn ta đã giải phóng thêm Dầu Tiếng, hệ đường 26 (Dầu Tiếng, Bến Củi, suối Ông Hùng, Cầu Khởi, ngã ba Đất Sét). Phía Đông Bắc ta chiếm Định Quán, Võ Đắc, giải phóng đường 20, đường 3 và một đoạn quốc lộ 1 (Long Khánh - Rừng Lá), uy hiếp Xuân Lộc… Thời cơ chiến lược đã xuất hiện.

Ngày 18 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch 2 năm giải phóng miền Nam trong năm 1975 và xác định phương hướng tiến công chiến lược chủ yếu sắp tới sẽ là Sài Gòn.


(1) Ngày 9 và 10 tháng 12 năm 1974, tại Dinh Độc Lập, diễn ra cuộc họp tư lệnh các quân đoàn ngụy do Thiệu triệu tập. Cuộc họp dự định trong năm 1975 ta có thể đánh lớn, nhưng không như 1968, không bằng 1972; đối phương chưa đủ sức đánh vào các thị xã và thành phố lớn, chỉ có thể đánh thị xã nhỏ và cô lập như Phước Long, Gia Nghĩa, hướng tấn công chính có thể là Quân khu 3, chủ yếu chiếm Tây Ninh làm thủ phủ, vào trước hoặc sau Tết, có đánh quy mô toàn miền thì cũng phải vào cuối năm 1975…
(2) Ý định lúc đầu là mở chiến dịch lộ 20 trước, nay Trung ương Cục chỉ thị mở 2 chiến dịch song song.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Tư, 2012, 09:29:43 am
II. VÀO TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC CUỐI CÙNG,
CHIẾN DỊCH HỒ CHÍ MINH, GIẢI PHÓNG SÀI GÒN,
KẾT THÚC TOÀN THẮNG CUỘC CHIẾN TRANH 30 NĂM.


Sau cuộc họp ngày 18 tháng 3, ngày 25 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị họp tiếp nhận định về giai đoạn phát triển nhảy vọt hiện tại của cục diện quân sự và chính trị ở miền Nam, từ đó xác định “Thời cơ chiến lược lớn đã tới”, cần “nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng sớm càng tốt”.

Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam trước mùa mưa 1975, với phương hướng chiến lược chủ yếu là tập trung lực lượng của cả nước giải phóng Sài Gòn - Gia Định để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Tiếp sau chiến dịch Tây Nguyên, quân ta tiến như vũ bão trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi từng ngày, từng giờ, dẫn đến những ngày quyết định nhất của cuộc chiến tranh giải phóng.

Dựa trên quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, ngày 20 tháng 3 năm 1975, đúng ngày giải phóng Thành phố Đà Năng, tại căn cứ Bắc Tây Ninh, Trung ương Cục họp phiên toàn thể lần thứ 15 ra Nghị quyết về tổng công kích - tổng khởi nghĩa Xuân 1975.

Ngày 3 tháng 3 năm 1975, sau khi chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc, Bộ Chính trị lại họp phiên bất thường để hạ quyết tâm chiến lược cuối cùng. Văn bản xác định: “Nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích - tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4 năm 1975, không thể để chậm”(1).

Ngày 7 tháng 4 năm 1975, cuộc họp Trung ương Cục và Quân ủy, Bộ tư lệnh Miền, có mặt các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị đang ở chiến trường, quyết định trong khi chuẩn bị cho chiến dịch quy mô lớn, tranh thủ lợi dụng những đột biến mới, tiếp tục tạo thời cơ mở một chiến dịch nhằm chia cắt chiến lược, triệt để bao vây, cô lập Sài Gòn. Nếu địch có hiện tượng tan rã đột biến lớn thì không đợi chủ lực của Bộ vào, mà bằng lực lượng có sẵn, nhanh chóng, táo bạo chọc thẳng vào Sài Gòn, kết hợp với đặc công, biệt động và quần chúng nổi dậy từ bên trong để đánh chiếm Sài Gòn, hoặc ít nhất cũng tạo ra được một thế có lợi cho phương án cơ bản là giải phóng Sài Gòn bằng lực lượng chủ lực với ưu thế áp đảo địch.

Chiều ngày 7 tháng 4, tại Lộc Ninh, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị công bố quyết định của Trung ương thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định.

Bộ chỉ huy gồm:

Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh.

Đồng chí Phạm Hùng - Chính ủy.

Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh (phụ trách cánh quân phía Tây), Trung tướng Lê Trọng Tấn (phụ trách cánh quân phía Đông), trung tướng Đinh Đức Thiện (phụ trách hậu cần) - Phó tư lệnh.

Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền - Quyền tham mưu trưởng (phụ trách tác chiến). Trung tướng Lê Quang Hòa - Phó chính ủy kiêm chủ nhiệm chính trị.

Đồng chí Nguyễn Văn linh - phụ trách công tác nổi dậy của quần chúng.

Đồng chí Võ Văn Kiệt chỉ đạo công tác tiếp quản sau giải phóng.

Căn cứ đầu tiên của Bộ chỉ huy chiến dịch đóng tại Sóc Tà Thiết (phía Tây Lộc Ninh 7 km).

Ngày 8 tháng 4, Nguyễn Thành Trung, một cán bộ nội tuyến binh vận của ta hoạt động trong lực lượng không quân ngụy, lái máy bay F5 xuất phát từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) bay vào ném bom trúng Dinh Độc Lập và hạ cánh an toàn xuống sân bay Phươc Long. Sự kiện này góp phần gây hoang mang cực độ trong giới đầu sỏ ngụy quyền Sài Gòn.
   
Khi nhận được báo cáo của Trung ương Cục và Quân ủy Miền về cuộc họp ngày 7 tháng 4, ngày 9 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị và quân ủy Trung ương điện vào: “Cần chuẩn bị thêm mấy ngày nữa, đợi phần lớn lực lượng của quân đoàn 3 và quân đoàn 1 vào đến nơi hãy bắt đầu tấn công” và “cần bảo đảm một khi đã phát động tiến công thì phải công kích thật mạnh và liên tục, dồn dập cho đến toàn thắng, vừa tiến công ở ngoại vi, vừa nắm kịp thời cơ, thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng tới những lực lượng đã chuẩn bị sẵn”.

Cục hậu cần Miền huy động lực lượng vận chuyển lượng hàng hóa, vũ khí vào các kho, trạm của chiến dịch và tập trung sửa chữa đường, bắc cầu. Trục đường 14 từ Đồng Xoài đi Cây Gáo, Bến Dầu được gấp rút thi công… Các đoàn hậu cần 814 ở hướng Đông và Đông Nam, đoàn 210 ở hướng Bắc và Đông Bắc, đoàn 325 ở hướng Tây Bắc, đoàn 240 ở hướng Tây, đoàn hậu cần tiền phương Quân khu 8 ở hướng Nam, Tây Nam; trong vài tuần lễ củng cố và mở rộng tuyến đường chiến dịch trên các hướng với tổng chiều dài 1790km. Đặc biệt trong những ngày cuối cùng chuẩn bị chiến dịch, hậu cần Miền đã đưa 10.000 người từ tuyến sau lên thành lập 8 tiểu đoàn cơ động, và huy động gần 4.000 xe vận tải các loại, 656 thuyền máy, ca nô, 1736 xe đạp thồ, 63.342 dân công hỏa tuyến, thành lập 15 bệnh viện dã chiến, 17 đội điều trị (tổng số 10.000 giường) để phục vụ bộ đội chiến đấu.


(1) Trích văn bản về quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị ngày 31 tháng 1 năm 1975. Tài liệu số 21 lưu trữ tại Phòng KH - LSQS - QK 7.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Tư, 2012, 09:31:04 am
Cùng với việc đưa khối lượng vật chất, kĩ thuật, lực lượng bổ sung cho mặt trận, những binh đoàn chiến lược có trang bị mạnh của quân đội ta đang hành quân thần tốc vào hướng Sài Gòn.

Tại Sài Gòn - Gia Định, sau khi nhận Nghị quyết 15 của Trung ương Cục, Thành ủy khẩn trương triển khai mọi công tác chuẩn bị. Ngày 12 tháng 4 năm 1975, Thường vụ Thành ủy ra tài liệu hướng dẫn: “Những việc cần làm ngay trong các giai đoạn trước, trong và sau khi Thành phố được giải phóng”. Tài liệu xác định: “Hiện nay chúng ta đang ở vào thời kì trực tiếp cách mạng ở thành thị, là giai đoạn tổng công kích - tổng khởi nghĩa để giành chính quyền về tay nhân dân…”.

Tại một địa điểm thuộc huyện Củ Chi, Thành ủy mở một cuộc hội nghị lớn do đồng chí Mai Chí Thọ chủ trì, có mặt các đồng chí Thường vụ, Thành ủy viên và ngót 300 cán bộ dân, chính, đảng, quân từ cấp quận, huyện đến ban ngành, đoàn thể để học tập và xây dựng phương án thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị về giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Hội nghị tập trung trí tuệ và ‎ chí, xây dựng phương án quân - dân Sài Gòn - Gia Định vào cuộc tổng tiến công chiến lược giải phóng Sài Gòn. Để thực hiện phương án này, Thành ủy điều chỉnh lực lượng tổng hợp và địa bàn 2 cánh A B(1). Cánh A do đồng chí Mai Chí Thọ, Bí thư Thành ủy trực tiếp phụ trách, có nhiệm vụ phát động quần chúng nổi dậy ở nội thành và ở Bình Chánh, Nhà Bè. Cánh này được gọi là bộ phận tiền phương của Thành ủy, bàn đạp là Vườn Thơm, Bình Chánh.

Cánh B do đồng chí Nguyễn Thành Thơ, Phó Bí thư Thành ủy phụ trách, có 500 cán bộ thuộc cơ quan xung quanh Thành ủy, lực lượng an ninh và các ban ngành còn lại, lực lượng các huyện nông thôn ngoại thành và lực lượng của trung đoàn Gia Định 2 khoảng 1500 người, có nhiệm vụ tham gia giải phóng các huyện ngoại thành và sẵn sàng vào chiếm thị xã Gia Định. Cánh này xuất phát từ vùng Nam Củ Chi.

Ngày 14 tháng 4 năm 1975 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm và kế hoạch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, đồng thời chuẩn y đề nghị từ chiến trường, chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Trung ương Cục khẩn trương điều động cán bộ tăng cường cho thành phố. Đến lúc này ở nội thành đã có hơn 700 cán bộ ở ngoại ô có trên 1.000 cán bộ đứng chân trên các lõm chính trị và lõm căn cứ sẵn sàng cùng với các tổ chức đảng hướng dẫn và chỉ đạo các đoàn thể chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy khi chủ lực tiến công. Ngoài ra có 1.300 cán bộ đã tiếp cận Sài Gòn trên dưới 15km cũng đang tư thế sẵn sàng tiến vào thành phố. Ở ngoại thành và vùng ven đến lúc này có 40 lõm chính trị với 7.000 quần chúng cơ sở đã giành được quyền làm chủ với các mức độ khác nhau, 400 tổ chức công khai và biến tướng với gần 25.000 người do ta nắm, 12 cán bộ cấp Thành ủy và tương đương, 60 cán bộ cấp Quận ủy và tương đương, đã và đang nằm sẵn trong nội thành.

Riêng biệt động Thành nắm được một lực lượng quan trọng: 60 tổ biệt động, 301 quần chúng có vũ trang, 340.000 quần chúng sẵn sàng nổi dậy.

Ta còn chuẩn bị 7 nhà in để in tài liệu và hàng chục xe có loa phóng thanh. Các đội tuyên truyền xung phong được thành lập, có trong tay hàng chục ngàn truyền đơn, áp phích.

Các cơ sở quần chúng cách mạng cũng ráo riết chuẩn bị băng, cờ, khẩu hiệu, thuốc men, gạo thóc(2)

Cùng với công tác tuyên truyền, giải thích chính sách, mặt trận, kêu gọi binh lính địch đào ngũ… nhiều cuộc vận động chính trị, tác động ngay đến các chính giới Sài Gòn đang gấp rút thực hiện.

Lực lượng vũ trang trực thuộc thành phố được tổ chức, biên chế lại theo yêu cầu tham gia chiến dịch. Ngoài 3.345 dân quân du kích và trên 30 tự vệ mật - một lực lượng tuy chưa phải lớn nhưng rất quan trọng để thực hiện kết hợp tấn công với nổi dậy cơ sở - lực lượng tập trung của Thành Đội có 2 trung đoàn và 4 tiểu đoàn: trung đoàn 1 Gia Định, trung đoàn 2 Gia Định (mới thành lập) và các tiểu đoàn 195 biệt động thành, tiểu đoàn 4 Thủ Đức, tiểu đoàn 197 và tiểu đoàn 198 đặc công biệt động. Ngoài ra mỗi huyện có từ 1-2 đại đội bộ đội địa phương.

Hậu cần thành đội gấp rút vận chuyển và khi áp sát Thành phố, Sở chỉ huy phía trước của Thành triển khai sát phía Nam Thành phố.

Các trung đoàn đặc công tăng cường đã hoạt động ở vùng ven đang tiếp tục áp sát Sài Gòn (gồm các trung đoàn 10, 113, 115, 116, 117, 429); lữ đoàn đặc công biệt động 316 được bố trí vào các mục tiêu được phân công ở ngoại ô và nội thành. Đến thời điểm cuối cùng của giai đoạn chuẩn bị, nhiệm vụ của các đơn vị đặc công, biệt động và lực lượng vũ trang tại chỗ được xác định dứt khoát như sau:

1/ Đánh chiếm và làm chủ các cầu trên các trục vào thành phố (các cầu quan trọng nhất: cầu Mới, cầu Ghềnh, cầu Xa lộ sông Đồng Nai, cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu, cầu Bông, cầu Xáng…) để tạo điều kiện và hướng dẫn chủ lực ta trên các hướng thọc nhanh vào Thành phố.

2/ Góp phần khống chế các sân bay, các trận địa pháo của địch.

3/ Cùng quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu đã phân công. giữ vững các lõm làm chủ.

4/ Phối hợp với các binh đoàn chủ lực đánh và chiếm giữ tất cả các mục tiêu các cấp, quân sự, chính trị, kinh tế trong thành phố.

Ngoài các lực lượng chiến đấu, các cụm tình báo cài cắm nhiều nơi nội ngoại thành, kể cả trong một số bộ phận quan trọng của ngụy quyền, ngụy quân như tổng nha cảnh sát, các bộ tư lệnh hải quân, không quân, bộ tổng tham mưu, dinh tổng thống, đều được giao nhiệm vụ tham gia chiến dịch.


(1) Hai cánh này đã được tổ chức từ tháng 9 năm 1974.
(2) Riêng lực lượng nữ học sinh sinh viên đã may 12.000 lá cờ, phụ nữ Hóc Môn may 477 cờ, 48 băng, 59 khẩu hiệu… Đồng bào ấp Phú Trung, 3 xã Phú Thọ Hòa, quận Tân Bình quyên góp 3 bao gạo, 735 ngàn đồng (tiền Sài Gòn), đào 4 hầm bí mật để trú ém cán bộ và cất giấu tài liệu, may 200 cờ và 4 băng vải lớn…


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Tư, 2012, 09:32:50 am
Cùng lúc quân dân thành phố khẩn trương chuẩn bị hành động, các binh đoàn chủ lực của ta vừa đánh vừa tiến về Sài Gòn theo các ngả. Các đoàn quân trên 200.000 người cùng 1.000 pháo cối, 500 xe tăng và cơ giới đủ loại… một lực lượng áp đảo địch đang vào vị trí sẵn sàng đồng loạt thần tốc tiến vào Sài Gòn(1).

Theo phương án chiến dịch Hồ Chí Minh, các quân đoàn chủ lực vừa tập trung tiêu diệt các sư đoàn chủ lực địch ở vùng ven, không cho chúng co cụm về Thành phố, vừa hình thành các binh đoàn mạnh thọc sâu tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm nhanh chóng 5 mục tiêu quan trọng nhất là Dinh tổng thống, Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu thủ đô, tổng nha cảnh sát và sân bay Tân Sơn Nhất. Sau đó, tỏa ra phối hợp với các đơn vị đặc công, biệt động và tự vệ, lực lượng an ninh hỗ trợ lực lượng chính trị phát động quần chúng nổi dậy, giải phóng và làm chủ các mục tiêu khác. Cách bày binh bố trận và sử dụng lực lượng đó thể hiện rõ phương án tác chiến của ta là kết hợp tiến công bằng các binh đoàn chủ lực cơ động - lực lượng quyết định tiêu diệt địch, với hoạt động chiến tranh nhân dân địa phương rộng khắp. Trước khi vào chiến dịch, ta đã huy động lực lượng áp đảo địch, hình thành thế bao vây, chia cắt địch, cô lập Sài Gòn, cài răng lược cả bên ngoài với bên trong không cho địch ở vòng ngoài rút về cùng lực lượng bên trong co cụm kéo dài “tử thủ”; phối hợp trong ngoài cùng đánh, cả bằng tiến công và nổi dậy, không cho địch ngăn chặn và làm chậm được tốc độ tiến quân của các mũi đột kích của bộ đội chủ lực ta.

Địch cho rằng sau khi giải phóng Huế và Đà Nẵng, quân ta phải mất ít nhất 3 tháng mới có thể chuẩn bị xong để đánh Sài Gòn. Tuy nhiên, tốc độ tiến quân của ta và sự hỗn loạn của chúng ở miền Trung làm cho cả Mĩ lẫn ngụy hết sức bối rối, hoảng loạn; hết Trần Thiện Khiêm từ chức thủ tướng để cho Nguyễn Bá Cần lên thay (ngày 8 tháng 4 năm 1975), đến Dinh tổng thống bị ném bom (ngày 8 tháng 4) và sự cãi vã gay cấn giữa các quan chức Mĩ, giữa Washington và Đại sứ Mĩ ở Sài Gòn.

Ngày 18 tháng 4 năm 1975 đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị điện cho Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh: “Thời cơ quân sự, chính trị để mở cuộc tấn công vào Sài Gòn đã chín muồi, cần phát triển trên các hướng, không để chậm”.

Lần lượt các bộ tư lệnh quân chủng, binh chủng quân đoàn đến sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tại Tà Thiết (Lộc Ninh) để nhận nhiệm vụ.

Ngày 18 tháng 4 năm 1975, trong lúc cuộc “đánh đố” giữa Đại sứ Mĩ Martin, Nhà trắng và các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng và nhất là giữa các vị đại biểu Quốc hội về số phận của Nam Việt Nam, đang diễn ra gay gắt, chính quyền Ford đã ra quyết định di tản người Mĩ ở Nam Việt Nam, một quyết định mà theo Đại sứ Martin, nó sẽ dẫn đến “lâu đài bằng giấy bìa Sài Gòn sẽ sụp đổ”. Bên cạnh những chuyến “bay đen” được tổ chức giữa Thái Lan, Philippin và Hoa Kì để một số tên cao chạy xa bay trước, ngày 2 tháng 4 năm 1975 tàu chiến Mĩ (có 4 tàu sân bay) cùng hàng trăm máy bay các loại được huy động cho cuộc tháo chạy bắt đầu đúng 24 giờ sau khi Thiệu từ chức (ngày 21 tháng 4 năm 1975).

Bên cạnh kế hoạch di tản ngót 6000 người Mĩ và kế hoạch cho “bám theo” của những người từng cộng tác với Hoa Kì(2) đang hoảng loạn vì một ám ảnh “cuộc tắm máu khi cộng sản chiếm Sài Gòn” do tự họ tưởng tượng, còn một “kế hoạch đen” được Nhà trắng “bật đèn xanh” (theo “sáng kiến” của Martin) núp dưới danh nghĩa “cứu giúp từ thiện” mà Đại sứ Mĩ Martin cho là một “đòn tuyên truyền tuyệt diệu” trong kế hoạch lâu dài sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc(3). Âm mưu này đã dẫn đến một sự kiện thảm khốc tầm lịch sử: trên “cầu hàng không trẻ em”, trong chuyến bay đầu tiên ngày 4 tháng 4 năm 1975, chiếc máy bay vận tải lớn nhất thế giới Galaxy C-5A của không quân Hoa Kì, chở 243 em bé Việt Nam vừa cất cánh khỏi sân bay Tân Sơn Nhất đã phải quay trở lại, đáp xuống (vì một cánh cửa bị hở) và nổ tung trên một thửa ruộng cách sân bay Tân Sơn Nhất 800m về phía Nam. “Hơn 200 trẻ em của phái bộ quân sự đều bỏ mạng”, “tai nạn này trở thành tai nạn máy bay lớn thứ hai, trong lịch sử ngành hàng không”(4).

Cùng này, Lầu Năm góc “bật đèn xanh” cuộc di tản người Mĩ, Trần Văn Đôn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ngụy sau khi kiểm tra một số khu vực phòng thủ đã thừa nhận; “Tình hình nguy ngập thực sự. Sự sống còn chỉ có thể tính từng ngày, từng tuần, không thể tính từng tháng”.


(1) Quân chủ lực được phân công các hướng:
- Hướng Bắc: Quân đoàn 1;
- Hướng Tây Bắc: Quân đoàn 3 và 2 trung đoàn Gia Định;
- Hướng Đông và Đông Nam: Quân đoàn 3 và quân đoàn 4 (sư đoàn 7, sư đoàn 6, sư đoàn 341);
- Hướng Tây Nam: binh đoàn 232 gồm sư đoàn 3, sư đoàn 5, sư đoàn 9, trung đoàn 16, trung đoàn 88, trung đoàn 24 và 2 tiểu đoàn địa phương Long An.
(2) Vấn đề di tản 6000 người Mĩ (kể cả quân nhân và dân thường) khỏi Việt Nam đã được đặt ra từ khi Thiệu có lệnh rút bỏ Tây Nguyên. Bên cạnh đó Mĩ cũng dã định đưa đi số người Việt Nam làm việc trong các cơ quan khác nhau, do sứ quán Mĩ chịu trách nhiệm là 170.000 người, còn phải cộng thêm 93.000 người Việt Nam cộng tác lúc trước với người Mĩ và gia đình họ là 930.000 người, tổng cộng hơn 1 triệu người cần “tị nạn”… Nhưng dựa vào khả năng của Hoa Kì, các viên chức Bộ Ngoại giao Hoa Kì chỉ đòi tổ chức di tản ít nhất khoảng 200.000 người. (Frank Snepp - Cuộc tháo chạy tán loạn).
(3) Sau khi Nhà trắng “bật đèn xanh”, ngày 2 tháng 4 chi nhánh CIA tại Sài Gòn mở “cầu hàng không” trẻ em.
(4) Frank Snepp (một nhân viên cấp cao Cục tình báo CIA) Cuộc tháo chạy tán loạn.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Tư, 2012, 09:35:06 am
 ,Thực vậy, tình hình Xuân Lộc đang dẫn địch vào một tình thế nguy ngập. Ở đấy từ ngày 7 tháng 4 năm 1975, khi phát hiện ta sẽ mở chiến dịch Xuân Lộc và Tân An - Thủ Thừa nhằm chia cắt chiến lược, triệt để bao vây, cô lập Sài Gòn, địch đã hình thành một tuyến phòng ngự, được gọi là “phòng tuyến Weyand”(1), đến ngày 16 tháng 4 chúng đã đưa lực lượng toàn tuyến lên đến 9 chiến đoàn bộ binh và xe tăng, thiết giáp cộng với 8 tiểu đoàn bảo an tại chỗ.

Lực lượng chiến dịch tiến công phòng tuyến Xuân Lộc của ta gồm 2 sư đoàn của quân đoàn 4 (sư đoàn 7, sư đoàn 341) và tăng cường sư đoàn 6 Quân khu 7. Từ ngày 9 tháng 4 sư đoàn 7 và một bộ phận sư đoàn 341 tiến công Xuân Lộc chưa dứt điểm, chuyển sang bao vây và đánh thiệt hại nặng sư đoàn 18 ngụy và lữ đoàn 1 dù đến chi viện, chia cắt phía Tây Nam Xuân Lộc (ngã ba Dầu Giây), tiêu diệt chiến đoàn 52 sư đoàn 18, giải phóng Túc Trưng, Kiệm Tân, Dầu Giây, chia cắt giữa Xuân Lộc và Biên Hòa. Xuân Lộc bị cô lập hoàn toàn. Địch coi phòng tuyến này như một tuyến phòng thủ then chốt nhất, có vai trò quyết định trong toàn bộ hệ thống phòng thủ xung quanh Sài Gòn. Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, sư đoàn trưởng sư đoàn 18 tuyên bố tử thủ. Tuy nhiên, sau khi quân đoàn 2 và Khu 6 giải phóng Phan Rang - Thành Sơn (ngày 15 và 16 tháng 4), Phan Thiết (ngày 19 tháng 4), đập tan tuyến phòng thủ từ xa thì Thiệu buộc phải cho rút bỏ Xuân Lộc. Địch rút chạy trong đêm 20 tháng 4, tiến về hướng Rừng Lá. Weyand than thở sau khi mất Xuân Lộc: “Thế là hết! Tình hình quân sự là tuyệt vọng”.

Trong khi đó, trên hướng Tây Nam, đoàn 232 đã sử dụng sư đoàn 5 và 1 trung đoàn thuộc sư đoàn 3 thọc sâu đánh vào Tân An, Thủ Thừa, tạo thế cắt lộ 4. Cuộc tấn công này không thành, ta chuyển sang củng cố vị trí đứng chân ở phía Tây Tân An, diệt đồn bót, mở hành lang, đưa binh khí kí thuật, đạn dược xuống Bắc lộ 4, làm gián đoạn giao thông từng lúc.

Cùng trong thời gian này, sư đoàn 9 và sư đoàn 3 đoàn 232 khắc phục khó khăn, đưa binh khí xuống vị trí tập kết (Tây Vàm Cỏ Đông) và mở khu An Ninh - Lộc Giang chuẩn bị đầu cầu vượt sông xuống Hậu Nghĩa.

Sáng ngày 2 tháng 4 năm 1975, sau bài diễn văn đọc trước 200 “nhân vật” Nam Việt Nam “vừa nghe vừa ngáp”(2) Thiệu vừa khóc vừa tuyên bố từ chức và giao quyền cho phó tổng thống Trần Văn Hương, một ông già 71 tuổi, liệt, nửa mù. “Tân tổng thống” thề “chiến đấu cho đến lúc quân đội bị tiêu diệt, nước mất”. Lời thề này không “quan trọng” bằng việc “đó là một cái xương cho Nguyễn Cao Kì và phái hữu gặm để ngăn họ xen vào công việc” và cái gốc của sự việc lại là ý của Đại sứ Hoa Kì muốn tìm một con rối “thương lượng” để gỡ gạc phần nào trước giờ phút lâm chung.

Tuy nhiên, ngụy quyền vẫn có chỗ để bấu vào hi vọng cuối cùng, còn nhiều đất đai, lực lượng và vẫn còn Đại sứ Mĩ hà hơi tiếp sức. Để cố thủ sào huyệt cuối cùng của chúng, sau khi phòng tuyến Xuân Lộc bị phá vỡ, địch ra sức củng cố lực lượng, hình thành 3 tuyến phòng thủ Sài Gòn:

Tuyến vòng ngoài có 5 sư đoàn bộ binh (5, 7, 18, 22, 25). Tuyến ngoại vi có 4 lữ đoàn dù và 3 liên đoàn biệt động quân, bố trí trên 4 khu vực: khu Bắc từ Hóc Môn vào đến Tân Sơn Nhát, khu Đông từ Gò Vấp đến quận 9, khu Tây từ Bà Hom đến Bình Chánh, khu Nam là quận Nhà Bè.

Ở nội đô, lực lượng chủ yếu là cảnh sát và phòng vệ dân sự cùng các đơn vị bảo vệ hậu cứ được tổ chức thành 5 liên khu, mỗi liên khu gồm 2 quận nội thành.

Nhìn chung, thế trận phòng thủ Sài Gòn của địch là ngoài mạnh trong yếu, hòng đẩy lùi các mũi tấn công của ta từ xa, nhất là hướng Bắc và Tây Bắc.

Cách bố trí này mang nhược điểm phân tán lực lượng trên nhiều hướng, nhiều cụm nên dễ bị chia cắt, bao vây. Chính Ngô Quang Trưởng, nguyên Trung tướng Tư lệnh Quân khu 1 và quân đoàn 1, cũng thừa nhận; xung quanh Sài Gòn “không có tuyến phòng thủ có phối hợp chặt chẽ”. Nhưng một nhược điểm quyết định khác không thể sửa chữa nổi là “không khí của một vài tuần cuối, không khí mà không còn ai chỉ huy, không còn ai chịu trách nhiệm công việc” (thừa nhận của Nguyễn Cao Kì). Bên cạnh đó là những người hùng từng ầm ĩ “tử thủ” từ Tổng thống trở xuống, lần lượt cao chạy xa bay, trong đó có “cố tổng thống” Thiệu, thủ tướng Khiêm đã hối hả ra sân bay Tân Sơn Nhất trước chiến dịch Hồ Chí Minh 1 ngày, trong cái cảnh cố vấn tình báo Hoa Kì phải luôn nhắc nhở: “Tổng thống ngồi thấp xuống!”. Còn ở tòa Đại sứ Hoa Kì thì mỗi lúc một chật ních người Việt Nam “vì ai cũng biết chúng tôi sắp ra đi” (tường trình của Martin sau này trước quốc hội Mĩ). Đúng là những ngày một chính phủ đang hoang mang, tan rã và một tình thế không thể nào chấn chỉnh lại được nữa”(3).

Ngày 22 tháng 4 năm 1975, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn điện cho Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh xác định thời cơ đã chín muồi để bắt đầu cuộc tổng tiến công: “Kịp hành động lúc này là bảo đảm chắc thắng nhất giành thắng lợi hoàn toàn”. Đồng chí nhắc nhở: “Chú trọng kết hợp tiến công quân sự và nổi dậy đồng loạt giữa các hướng cũng như tiến công và nổi dậy sẽ thực hiện trong quá trình hành động”.

Sáng ngày 26 tháng 4 năm 1975, bộ phận tiền phương Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đã xuống Căm Xe (Bắc Dầu Tiếng). Có mặt ở đây các đồng chí Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà.

Chiều ngày 26 tháng 4, đội hình lực lượng chiến dịch ở các hướng, các cánh đã triển khai, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn thành.


(1) Theo cung khai của các tướng ngụy, tác giải của nó là Weyand, tham mưu trưởng Lục quân Mĩ, nguyên Tổng tư lệnh quân Mĩ ở Việt Nam, từ ngày 7 đến ngày 9 tháng 4 do sư đoàn bộ binh 18 và thiết đoàn 5 phòng giữ. Từ ngày 10 đến ngày 16 tháng 4 tăng thêm lữ đoàn dù 1, liên đoàn BDQ33, trung đoàn 8 sư đoàn 5, thiết đoàn 15 và thiết đoàn 22 đưa tổng số lực lượng ở Xuân Lộc lên 9 chiến đoàn kể cả bộ binh, thiết giáp, xe tăng, chưa kể 8 tiểu đoàn bảo an tại chỗ.
(2) Frank Snepp ”Cuộc tháo chạy tán loạn”
(3) Dve Richard Palmer trong “Tiếng kèn gọi quân”, tr. 328


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Tư, 2012, 09:36:47 am
*
*   *

Từ 17 giờ ngày 26 tháng 4, chiến dịch đã vào giai đoạn (đến 24 giờ ngày 28 tháng 4): tiến công ở hướng Đông và hướng Tây Nam Sài Gòn, cắt đường 4, đường 15, sông Lòng Tàu, khống chế các sân bay (Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ), chiếm khu rút lui cuối cùng của địch ra biển, thực hiện bao vây, cô lập triệt để Sài Gòn, đánh phá các trận địa pháo, tạo thế có lợi cho tiến công toàn mặt trận.

Trên hướng Đông: Quân đoàn 2 được tăng cường sư đoàn 3 Quân khu 5: sư đoàn 3 đánh chiếm Đức Thạnh, Bà Rịa, Phước Tĩnh; đoàn 325 chiếm Long Thành, phát triển theo lộ 25, về hướng Nhơn Trạch, nhưng chưa đặt được trận địa pháo lớn để bắn váo sân bay Tân Sơn Nhất; sư đoàn 304 chiếm được một phần căn cứ Nước Trong, tiếp tục đánh địch ở ngã ba rừng cao su - đường 15; trung đoàn đặc công 116 chiếm được cầu Xa Lộ sông Đồng Nai, nhưng chưa giữ được; các Z23, Z22 lữ 316 và tiểu đoàn 81 (trung đoàn đặc công cơ giới) chiếm được cầu Rạch Chiếc, nhưng địch phản kích, tạm thời lấy lại được. Phối hợp với chủ lực, các lực lượng vũ trang địa phương giải phóng các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và các mảng nông thôn hai bên quốc lộ 15, lộ 25, lộ 19, 1, 2.

Hướng Đông Bắc, quân đoàn 4: sư đoàn 341 và các sư đoàn 6 chiếm được Trảng Bom, Suối Đỉa, Long Lạc, nhưng chưa chiếm được Hố Nai để đánh Biên Hòa theo kế hoạch. Trung đoàn 113 đặc công đánh chiếm được cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát, nhưng không giữ được, chưa chiếm được cầu Mới.

Trận địa Hiếu Liêm của đoàn 75 pháo binh từ ngày 14 tháng 4 đã bắn khống chế liên tục sân bay Biên Hòa. Từ 20 giờ ngày 28 tháng 4 sân bay hoàn toàn bị tê liệt.

Trên hướng Tây và Tây Nam, binh đoàn 232: Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8, có lực lượng địa phương phối hợp từ sáng ngày 27 tháng 4 cắt đứt hoàn toàn lộ 4 từ Bến Lức đến Cai Lậy (chủ yếu đoạn phía Nam Bến Lức - phía Bắc Tân An), làm cho Sài Gòn không quan hệ được với đồng bằng sông Cửu Long bằng đường bộ. Sư đoàn 3 chiếm được An Ninh - Lộc Giang, tạo điều kiện cho sư đoàn 9 vào khu tập kết Vĩnh Lộc - Mĩ Hạnh - Cầu Xáng trên lộ 10 và đưa được một phần lớn binh khí kí thuật qua sông Vàm Cỏ Đông.

Trung đoàn 24 và trung đoàn 88 ở hướng Nam đã vào đến Tây Bắc Cần Giuộc.

Hướng Bắc, quân đoàn 1: Sư đoàn 312 bao vây căn cứ Phú Lợi và chốt đường 13 để chặn sư đoàn 5 ngụy từ Lai Khê - Bến Cát co về Bình Dương, nhưng sư đoàn 320B làm nhiệm vụ thọc sâu chưa đưa được đội hình vào tuyến trung gian như đã định. Lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một phối hợp hoạt động, giải phóng được một số vùng nông thôn ở phía Tây và Nam Bến Cát, Tây Nam Tân Uyên.

Ở Gò Vấp, ngày 27 tháng 4 chi bộ xã Hạnh Thông Tây phát động quần chúng nỏi dậy giành chính quyền.

Trên hướng Tây Bắc, quân đoàn 3: Sư đoàn 316 cùng với lực lượng vũ trang Tây Ninh bao vây, chia cắt từng cụm quân địch trên lộ 22 và lộ 1, kìm chân sư đoàn 25 ngụy không cho rút về tăng cường cho căn cứ Đồng Dù, Hóc Môn; lực lượng địa phương bao vây chặt thị xã Tây Ninh, giải phóng từng mảng nông thôn.

Một số đơn vị lực lượng tại chỗ của Sài Gòn - Gia Định đã vào được nội đô trước ngày 26 tháng 4; đêm 19 tháng 4 tiểu đoàn 197 cùng tiểu đoàn 23 trung đoàn đặc công 429 tấn công trung tâm vô tuyến viễn thông Phú Lâm, gây hư hại và làm mất tác dụng trạm này. Đêm 27 tháng 4, đại đội 2 của tiểu đoàn 4 trung đoàn Gia Định đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất, định phá các kho bom, nhưng địch đã chuyển bom đi nơi khác. Tiếp đêm 28, đại đội 2 bí mật luồn bộc phá liên kết ở hai điểm phía Bắc sân bay, sẵn sàng điểm hỏa để mở đường cho xung kích. Đêm 27 tháng 4 tiểu đoàn 4 Thủ Đức và một đại đội bộ đội địa phương đánh chiếm cầu Xa Lộ Sài Gòn. Qua một ngày chiến đấu, ta làm chủ được phía Đông cầu. Song địch phản kích mạnh, tối 28 tháng 4 quân ta tạm rút về vị trí ém quân để củng cố và tổ chức đánh lại đêm 29 tháng 4, chiếm được nửa cầu phía Bắc.

Trên sông Lòng Tàu, từ ngày 27 tháng 4 các đội 11, 14 của Đoàn 10 đã khống chế được đoạn sông từ Phước Khánh đến ngã ba Đồng Tranh.

Đến 18 giờ ngày 28 tháng 4, toàn bộ các lực lượng võ trang Sài Gòn - Gia Định đã áp sát các mục tiêu quy định.

Lực lượng quần chúng tấn công binh vận từ ngày 26 tháng 4. Trên nhiều đường phố và trong các xóm lao động xuất hiện nhiều cờ, truyền đơn, áp phích cổ vũ khí thế nổi dậy. Đồng bào hù dọa địch: “Quân giải phóng sắp tới, con đường sống là bỏ ngũ, nộp ngay vũ khí…”.

Trên toàn cục, đến cuối ngày 28 tháng 4, ở hầu hết các hướng, các lực lượng chủ lực và tại chỗ đều gặp thuận lợi; chủ lực đã đến trước cửa ngõ Sài Gòn. Chỉ riêng ở hướng Đông, địch ở Nước Trong và Hố Nai còn chống cự và phản kích quyết liệt hòng ngăn cản ta triển khai lực lượng tiến về đô thị.

Ngày 28 tháng 4 năm 1975, Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn đã tẩu thoát sau khi kí lệnh “tử thủ bảo vệ đến cùng phần đất còn lại”. “Tân thủ tướng” Trương Bá Cần cũng chuồn thẳng không cần từ chức. Và rồi, 17 giờ ngày 28 tháng 4 năm 1975 sau một bài diễn văn “không đầu không đuôi, chắp vá, đầy những lời tự khai, tự bào chữa”(1), “tổng thống 8 ngày” Trần Văn Hương thoái vị, trao quyền cho Dương Văn Minh, một vị tướng mà theo Mĩ có màu sắc “trung lập”, có khả năng nói chuyện với đối phương trong cơn bối rối này.

Không đầy 10 phút sau khi Minh chấm dứt diễn văn nhậm chức, 4 chiếc A37 của Mĩ chế tạo, do các chiến sĩ không quân Việt Nam lái, được Nguyễn Thành Trung dẫn đường, đã rời sân bay Thành Sơn (Phan Rang), lượn vòng trên bầu trời Sài Gòn… và đúng 17 giờ 40 phút (ngày 28 tháng 4) sân bay Tân Sơn Nhất bị trúng bom và đạn DK82, 3 máy bay AC-119 và nhiều C47 bị phá hủy. Hai trái bom nổ giữa trung tâm điều khiển và vọng kiểm soát. Máy bay phản kích của địch phải bay mò vì trạm hướng dẫn đã bị hỏng. Cuộc oanh tạc bất ngờ, táo bạo làm “tiêu tan hi vọng thương lượng” của “tân tổng thống”(2) lẫn Hoa Kì, làm tăng thêm sự hoang mang và hỗn loạn của địch.

Từ cuối ngày 28 tháng 4, chỉ huy của Bộ tổng tham mưu ngụy không còn. Các tướng tá ngụy tranh nhau lên các máy bay di tản của Mĩ. Tối 28 thang 4, sở chỉ huy quân đoàn 3 ngụy từ Biên Hòa bỏ chạy về Gò Vấp.

Như vậy đến ngày 28 tháng 4 về cơ bản ta đã thực hiện được ý định bao vây, cô lập Sài Gòn, tạo điều kiện thực hiện bước tiếp.

Đồng chí Lê Duẩn có điện vào, nói ý kiến của Bộ Chính trị là: “Phải công kích thật mạnh và liên tục, dồn dập cho tới toàn thắng, vừa tiến công ở ngoại vi, vừa nắm kịp thời cơ thọc sâu vào trung tâm Sài Gòn từ nhiều hướng… Thực hiện từ ngoài đánh vào, từ trong đánh ra, tạo điều kiện cho đồng bào nổi dậy”(3).

Nhận thấy thời cơ hành động quyết định đã đến, tối ngày 28 tháng 4, sau khi phân tích tình hình, Bộ chỉ huy chiến dịch ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận theo tình huống 2: ngăn chặn và tiêu diệt các đơn vị chủ lực của địch ở bên ngoài, đồng thời thọc sâu vào bên trong, cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm các địa bàn quan trọng, sẵn sàng đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu then chốt ở nội đô.


(1) Nhận xét của Frank Sneep
(2) Qua dây nói, người phát ngôn của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thông báo cho đại diện Hoa Kì: “Chính phủ CMLT không chấp nhận Minh lớn. Hoa Kì phải chấp hành những điều khoản I, IV, IX của Hiệp định Paris, phải tôn trọng ý chí và quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam… Người Mĩ phải rút hoàn toàn rồi mới ngừng bắn… Hoa Kì phải từ bỏ chính quyền Sài Gòn, đó chỉ là một bộ máy chiến tranh và đàn áp. Những lời tuyên bố của Minh lớn không đáp ứng đòi hỏi ấy!”.
(3) Lê Duẩn: Thư vào Nam: NXB Sự Thật, Hà Nội, 1985, trang 389-390.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Tư, 2012, 09:37:58 am
*
*   *

Khi vào giai đoạn 2 chiến dịch Hồ Chí Minh, Bộ chỉ huy chiến dịch nhận được Lời kêu gọi và Chỉ thị của Bộ Chính trị: “Toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, với quyết tâm lớn nhất, hãy nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh nhất của một quân đội trăm trận trăm thắng, đập tan mọi sự đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy, giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định… Nêu cao truyền thống quyết chiến quyết thắng và bản chất quân đội ta, hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại”.

Để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc tiến quân lịch sử, để bớt đổ máu cho những giờ phút chót, để cho một thành phố nguyên vẹn sau cuộc  toàn thắng, ngoài đòn quyết định là tiến công táo bạo, thần tốc của các binh đoàn chủ lực, kết hợp tiến công - nổi dậy của các lực lượng tại chỗ, Đảng ta đã huy động mọi lực lượng, mọi khả năng, kể cả việc huy động một bộ phận lực lượng trong phong trào chính trị đô thị là “lực lượng thứ 3”, tận dụng khả năng vận động, tổ chức người vào cơ quan đầu não địch, trong giờ phút quyết định, để hạn chế hiệu lực bộ máy chính quyền và lực lượng quân sự, đàn áp của địch, tác động đầu hàng từ tổng thống ngụy trở xuống các cấp. Khi Dương Văn Minh, một người mà Mĩ cho là có xu hướng trung lập lên làm tổng thống, các đảng viên ta đang hoạt động trong “lực lượng thứ 3” nhạy bén thấy ngay đây là thời cơ tốt để thực hiện những ý định trên. Qua tác động của ông Trần Ngọc Liễng, nguyên chủ tịch “Tổ chức nhân dân đòi thi hành Hiệp định Paris”, người gần gũi Dương Văn Minh, được Dương Văn Minh chấp nhận, một đảng viên của ta là luật sư Triệu Quốc Mạnh đã được Dương Văn Minh giao chức Giám đốc cảnh sát đô thành vào chiều tối ngày 28 tháng 4 năm 1975. Lập tức, với cương vị vừa được tổng thống bổ nhiệm, Triệu Quốc Mạnh ra lệnh giải tán các phòng cát sát đặc biệt đô thành và ra lệnh thả hết tù chính trị với lí do “để tạo điều kiện thương thuyết theo ý định của tổng thống”. Ngày 29 tháng 4 năm 1975 “Giám đốc cảnh sát đô thành” Triệu Quốc Mạnh nhân danh “theo lệnh tổng thống”, gọi dây nói cho Tổng nha cảnh sát bảo thả hết tù chính trị, lệnh các đồn cảnh sát không được nổ súng và “để đảm bảo tính mạng, gia đình anh em cảnh sát, cho phép ai muốn về nhà để lo việc nhà thì cứ về…”. Lực lượng cảnh sát ở Sài Gòn thực tế đã bị vô hiệu hóa từ ngày 29 tháng 4.

Ông Nguyễn Hữu Hạnh, 29 tuổi quân trong quân đoàn Sài Gòn, nguyên chuẩn tướng mới về hưu năm 1974, đã được tiếp xúc, liên lạc với cán bộ Ban binh vận Trung ương Cục từ năm 1963, lúc này chính là thời cơ để ta đưa ông trở lại chức vị cao để hạn chế hiệu lực chống cự của quân ngụy tại Sài Gòn và tác động Dương Văn Minh sớm đầu hàng quân Giải phóng. Nguyễn Hữu Hạnh đến gặp Dương Văn Minh khi Minh đang trao chức Tổng tham mưu trưởng cho trung tướng Vĩnh Lộc, nhưng tướng này chần chừ. Ông Hạnh khéo léo khuyên Vĩnh Lộc nhận, để mình làm phụ tá tổng tham mưu phó. Với tư cách người thay Tổng tham mưu trưởng khi Vĩnh Lộc đã bỏ chạy và bạn thân của tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh biệt khu thủ đô, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đã ngăn cản Phát điều động hỏa lực, binh lực bằng một lệnh trước khi Phát đầu hàng: “Để khỏi ảnh hưởng đến chủ trương thương thuyết với phía bên kia của Tổng thống, yêu cầu các đơn vị án binh bất động, ở nguyên vị trí của mình”.

Ở Bộ Tồng tham mưu ngụy, ta còn có một số cơ sở lâu dài khác, trong đó có một cơ sở đảng viên ở văn phòng Bộ Tổng tham ngụy.

Việc vận động, tranh thủ lôi kéo, hù dọa không chỉ diễn ra ở phủ tồng thống, ở Bộ Tổng tham mưu, mà còn ở từng sở, trường, phường, khóm, từng gia đình sĩ quan binh lính ngụy.

Trước ngày cáo chung chế độ tay sai ở Sài Gòn, tại Hoa Kì, tổng thống Ford đã quyết định “thỏa hiệp” trao quyền cho Kissinger “nói chuyện” với Hà Nội, còn Đại sứ quán Hoa Kì ở Sài Gòn chỉ còn việc lo sao cho người Mĩ thoát hết khỏi Việt Nam. “Nhà trắng phương Đông” có biết tin Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đã được chỉ thị “đừng đụng đến cầu hàng không di tản”, nhưng tình thế hoảng loạn không kềm lại được. Chiến dịch “người liều mạng” biến thành cuộc tháo chạy tán loạn.

Trên hướng Đông, các đơn vị quân đoàn 2 thực hiện tiến công trước 5 giờ sáng ngày 29 tháng 4. Sư đoàn 3 đóng ở ngoại vi Vũng Tàu. Sư đoàn 325 chiếm xong Nhơn Trạch, Thành Tuy Hạ, phát triển đến bến phà Cát Lái, đặt trận địa pháo ở Nhơn Trạch. Từ trận địa này, lúc 5 giờ sáng, pháo 130mm đã nổ “pháo lệnh”, trong ngày 29 tháng 4 bắn hơn 300 trái đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất(1). Các máy bay địch liều mạng cất cánh di tản. Hai trái đạn nổ gầm trạm gác Moorefield mà Mĩ mới dựng lên, giết chết 2 lính Mĩ - 2 lính Mĩ cuối cùng chết trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam(2). Khu nhà hàng không Mĩ biến thành đống gạch vụn. Một nửa số máy bay trong sân bị phá hủy. Không thể tiếp tục cuộc di tản bằng máy bay có cánh cố định, trong ngày hôm ấy, Mĩ phải tổ chức di tản hoàn toàn bằng máy bay lên thẳng của hạm đội 7, dựa vào các sân thượng các toàn nhà cao ốc trong thành phố, nóc tòa Đại sứ Mĩ, gọi là “chiến dịch móng quặp chặt”.

Sư đoàn 304 vừa tập trung tiêu diệt căn cứ trường thiết giáp Nước Trong, vừa nhanh chóng đưa bộ phận thọc sâu vào đến gần cầu xa lộ Đồng Nai. 24 giờ ngày 29 tháng 4, đơn vị đã bắt được liên lạc với trung đoàn 116, đã chiếm giữ được một đầu cầu xa lộ (từ 16 giờ) và đang đánh địch phản kích quyết liệt, đánh lui nhiều đợt xe tăng địch xung phong, diệt nhiều chiếc, đến 3 giờ sáng ngày 30 tháng 4 mới chiếm được cả hai đầu cầu xa lộ. Một bộ phận khác của trung đoàn 116 đã đánh chiếm một số mục tiêu trong khu Long Bình.

Tại cầu Rạch Chiếc đêm 29 tháng 4, các chiến sĩ lữ đoàn 316 đánh lại để chiếm cầu, chiếm được hai đầu cầu, 30 cán bộ chiến sĩ đã hi sinh tại trận địa.


(1) Theo Hiệp đồng tác chiến, 5 giờ sáng 29 tháng 4 năm 1975, pháo 130 li của quân đoàn 2 bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất mở màn giai đoạn 2.
(2) Theo Frank Sneep trong cuốn “Cuộc tháo chạy tán loạn”, đó là trung sĩ Mac Mahon và binh nhất Judge, lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng bảo vệ Sứ quán Hoa Kì đang làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc di tản.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Tư, 2012, 09:38:23 am
Trên hướng Đông Bắc (hướng quân đoàn 4): sư đoàn 341 phát triển về phía Đông Bắc sân bay Biên Hòa, hậu cứ quân đoàn 3 ngụy, căn cứ Hóc Bà Thức nhưng chưa đột phá vào trong được. Sư đoàn 6 trong ngày giải quyết cụm địch ngăn chặn ở ngã ba Yên Thế (Hố Nai) và tiếp tục phát triển về phía Biên Hòa, nhưng đến đêm thì bị chặn lại ở ngã ba Tam Hiệp, phía Bắc khu Long Bình. Sư đoàn 7, đơn vị thọc sâu, theo quốc lộ 1 qua Hố Nai tiến về Biên Hòa nhưng đến 24 giờ gặp địch chặn trước Suối Máu, Tây Hố Nai 1,5km, phải dừng lại tổ chức đánh phản kích. Trung đoàn đặc công 113 trong đêm 29 tháng 4 đánh chiếm lại và giữ cầu Ghềnh, 50 cán bộ chiến sĩ hi sinh trong quá trình chiếm và giữ cầu Ghềnh.

Hướng Đông Bắc và hướng Đông là 2 trong những cửa ngõ quan trọng nhất vào Sài Gòn. Lực lượng tại chỗ ở Thủ Đức nổi dậy sớm. Từ ngày 23 tháng 4 ở khu vực Giồng Ông Tố, và từ ngày 25 tháng 4 ở khu vực Lò Lu quần chúng kết hợp lực lượng vũ trang nổi dậy giành chính quyền. Đến ngày 29 tháng 4, tất cả các xã ở Thủ Đức, chính quyền đã về tay nhân dân.

Trên hướng Bắc (có quân đoàn 1): sư đoàn 312 tiếp tục vây ép căn cứ Phú Lợi, bộ phận chốt chặn diệt được một bộ phận sư đoàn 5 ngụy từ Phước Vĩnh rút chạy về Bình Dương (trên đường số 2), một bộ phận khác của sư đoàn 5 từ Lai Khê thoát được theo quốc lộ 13. Sư đoàn 320 trên đường thọc sâu giải quyết chi khu Tân Uyên ngoài dự kiến, đến 17 giờ 30 phút mới có trung đoàn 27 (sư 320) đến Búng; trung đoàn 48, đêm 29 tháng 4 còn ở Khánh Vân.

Trong ngày 29, trung đoàn 115 và tiểu đoàn 4 Gia Định chiếm cầu Bình Phước, nhưng không giữ được trước sức phản kích quyết liệt của địch. Hai đơn vị đánh chiếm được một số mục tiêu trên xa lộ Đại Hàn (đoạn cầu Bình Phước đến Quán Tre), một mũi khác tiến đến phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất và giữ luôn, bắn 100 trái ĐKB vào sân bay.

Các lực lượng địa phương Thủ Dầu Một cùng với quần chúng nổi dậy, phối hợp với chủ lực tiến công địch, giải phóng phần lớn nông thôn.

Ở Gò Vấp, phía trước quân đoàn 1, đêm 28 rạng 29 tháng 4 tiểu đoàn 80 đặc công cơ giới và một số đại đội thuộc lữ đoàn 316 đặc công biệt động đánh chiếm căn cứ pháo binh Cổ Loa và căn cứ thiết giáp Phù Đổng.

Ngày 28 tháng 4, đồng bào xã Tân Thới Hiệp cùng lực lượng vũ trang và cơ sở binh vận nổi dậy tước vũ khí phòng vệ dân sự, giải phóng ấp 2, ấp 3, đến sáng 30 tháng 4 giải phóng toàn xã.

Ở xã Phú Nhuận, từ chiều 28 tháng 4 chị Trần Thị Thương (Ba Hà), cán bộ phụ nữ bám trụ ấp Tây Ba, tới nhà một đại tá ngụy đã được chị vận động từ trước, thu xe và súng. Từ chiều 29 tháng 4, đồng chí Thuấn, cán bộ quận lãnh đạo quần chúng nổi dậy chiếm giữ và treo cờ trụ sở phường 12.

Trên hướng Tây Bắc (có quân đoàn 3), sư đoàn 320 tiêu diệt căn cứ Đồng Dù, sở chỉ huy sư đoàn 25 ngụy trong ngày 29 tháng 4. Sư đoàn 316 cùng với lực lượng địa phương chặn đánh diệt các lực lượng còn lại của sư đoàn 25 ngụy và lực lượng biệt động quân trên đường số 1, đường 22 và từ Tây Ninh rút về, chiếm chi khu Trảng Bàng, giải phóng gần hết tỉnh Tây Ninh.

Sư đoàn 10 thọc sâu, sáng sớm ngày 29 đã tiến theo 2 mũi. Phía trước sư đoàn đã có trung đoàn 198 đặc công ém sẵn vào lực lượng trung đoàn 24 của quân đoàn ém trước chiếm và giữ được cầu Bông, cầu Xáng, Hóc Môn nên các mũi thọc sâu trên tiến nhanh. 18 giờ 30 phút ngày 29 tháng 4 trung đoàn 24 đi đầu đã đến Bà Quẹo, sát sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó trung đoàn 28 (mũi 2) đã đến cầu Tham Lương.

Bên sườn phải quân đoàn 3, từ 4 giờ sáng ngày 29 tháng 4 trung đoàn 1 Gia Định được tăng cường tiểu đoàn 195 tập kích gây thiệt hại nặng một đại đội biệt động quân đóng dã ngoại ở Xuân Thới Thượng, đồng thời tiến công các quận, chi khu Xuân Thới Thượng, Tân Thới Nhất (Hóc Môn). Đến 11 giờ ngày 29, ta làm chủ cả hai phân chi khu, giải tán toàn bộ phòng vệ dân sự ở hai xã Xuân Thới Thượng và Tân Thới Nhất, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy làm chủ. Sau đó các tiểu đoàn 1 và 195 phát triển ra quốc lộ 1, làm chủ khu vực Tham Lương, giữ đường và bắt liên lạc với sư đoàn 10 đang thọc vào. Lúc 13 giờ 30 phút, tiểu đoàn 195 tiếp tục tấn công đồn Nhà Tô ở Xuân Thới Thượng, đại đội bảo an ngụy ở đây tháo chạy.

Phối hợp với bộ đội, nhân dân Hóc Môn làm chủ thị trấn, san bằng đồn bót, truy lùng ác ôn, thu dọn chiến trường.

Trung đoàn 2 Gia Định, ngày 29 tháng 4 vây diệt đồn Tống Khôn Tân Thạnh Đông do một đại đội ngụy chiếm giữ bắt 55 tên, đồng thời đánh tan một đại đội chi khu án ngữ bên ngoài, thu 75 súng, bức hàng bót chợ Tân Thạnh Đông, bức rút bót Thằng Mòi, cùng lực lượng địa phương giải phóng hoàn toàn xã Tân Thạnh Đông; chặn đánh một bộ phận của chiến đoàn 50 sư đoàn 25 ngụy từ Đồng Dù chạy về Sài Gòn, theo hướng lộ 8 và lộ 15, diệt trên 170 tên, bắt sống 166 tên, thu 150 súng.

Tiểu đoàn 4 Gia Định hiệp đồng với trung đoàn 115 đặc công mở 2 cửa phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất để quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 27 Tháng Tư, 2012, 09:38:49 am
Ở Củ Chi, các lực lượng tại chỗ và quần chúng tích cực phối hợp với lực lượng trên. Sáng 29 tháng 4, trong khi bộ đội chủ lực đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, quần chúng ở các xã Tân An Hội, Tân Thông Hội, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An, Phước Hiệp, Phước Thạnh, Tân Thạnh Đông, Trung An, Phú Hòa Đông… được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang địa phương, đã nổi dậy chiếm các trụ sở của địch, truy lùng ác ôn, giải tán phòng vệ dân sự. Má Nguyễn Thị Rành, người mẹ của 8 người con và 2 cháu nội là liệt sĩ, tự tay treo lá cờ đỏ sao vàng lên cây điệp đầu ấp Phước Hào, xã Phước Hiệp, nơi 30 năm trước (1945), chính má đã treo lá cờ cách mạng kêu gọi đồng bào đứng lên làm cuộc khởi nghĩa Tháng Tám. Ở xã Trung Lập, đồng bào xông vào chiếm các bót Trung Hưng, Trung Hòa, Lào Táo, cắm cờ chiến thắng. Má Năm tuổi già sức yếu đã phát động trên 200 người vùng lên truy bắt ác ôn, cắm cờ trên bót. Ở các xã khác, nhân dân hù dọa binh lính, chúng bỏ chạy. Ở một vài xã, địch ngoan cố chống cự, du kích và quần chúng có vũ trang phải nổ súng buộc chúng đầu hàng.

Trưa ngày 29 tháng 4 lực lượng vũ trang Củ Chi kết hợp với nhân dân ác xã xung quanh thị trấn tiến vào quận lị Củ Chi. Đồng bào trong thị trấn nổi dậy hỗ trợ lực lượng ngoài vào. Má Nguyễn Thị Lành cùng đồng bào lao động ở thị trấn xông vào chiếm chi cảnh sát Tân An Hội và dinh quận Củ Chi, hạ cờ ba sọc, treo cờ xanh đỏ sao vàng. Nhân dân phối hợp lực lượng vũ trang lùng bắt ác ôn. Quận trưởng và quận phó quận Củ Chi đều bị bắt. Đêm 29 tháng 4 toàn bộ chính quyền và quận đến xã ở Củ Chi đều về tay nhân dân, tuy địch còn nhiều đồn bót.

Trên hướng đoàn 232 (Tây và Tây Nam) ngày 29 tháng 4 sư đoàn 3 đánh chiếm tỉnh lị Hậu Nghĩa, đánh chiếm bức rút thêm một chi khu, 28 đồn bót, 7 tua, cùng địa phương giải phóng toàn huyện Đức Hòa. Sư đoàn 3, đêm 29 đã triển khai đội hình thọc sâu xuống sát ngoại ô. Trung đoàn đặc công thuộc đoàn 117 cùng 1 tiểu đoàn thuộc đoàn 429 đánh chiếm được khu rada Phú Lâm, một phần khu Bà Hom, Tân Tạo trên đường 10, bắn 100 đạn ĐKB vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trung đoàn 16 áp sát cầu An Lạc, cầu Bình Điền trên quốc lộ 4. Bộ đội địa phương Bình Chánh đánh chiếm các chi khu Tân Túc, Tân Hòa và một số xã khác.

Tiểu đoàn 197 đặc công biệt động ém quân tại ấp Hưng Nhơn, xã Tân Kiên (Bình Chánh).

Sư đoàn 5 và sư đoàn 8 tiếp tục cắt hẳn quốc lộ 4, đánh lui nhiều đợt phản kích của địch.

Trung đoàn 88 đã chiếm được lộ 5, bắc cầu Ông Thìn, Trung đoàn 24 tiến về cầu Chữ Y.

Tiểu đoàn 198 và tiểu đoàn 78 của trung đoàn 429 đặc công, sáng 29 tháng 4 đánh chiếm các bót Bình Hưng, làm chủ bót Kí Thủ Ôn và cầu Nhị Thiên Đường (quận 8). Địch phản công chiếm lại được cầu Nhị Thiên Đường và bót Kí Thủ Ôn. Quân ta tạm lui trở ra.

Ở Duyên Hải, ngày 29 tháng 4, nhân dân ấp An Nghĩa nổi trống mõ hò la vang dậy, lính địch ở đây hoảng sợ vứt súng, bỏ chạy.

Ở Nhà Bè, chiều ngày 29 tháng 4, lực lượng vũ trang địa phương cùng nhân dân nổi dậy chiếm trụ sở ấp 5 xã Long Hậu.

Ở quận 11, suốt đêm 28 và ngày 29 tháng 4 lực lượng vũ trang cùng với nhân dân, lùng diệt ác ôn, hù dọa địch gây khí thế nổi dậy ở phường, khóm. Tối ngày 29 tháng 4 tự vệ và nhân dân phường Bình Thới chiếm trụ sở khóm 4 và khóm 6.

Ở quận 6, lực lượng vũ trang quân khu bám trụ trong các phường từ trước, đêm 28 tháng 4 bí mật tập kết ở phường Bình Phú, 6 giừ sáng ngày 29 tháng 4 chặn đánh một đại đội bảo an ngụy từ hãng sơn kéo xuống. Địch lồng lộn, liên tục phản kích, 30 chiến sĩ ta anh dũng đánh trả suốt ngày 29 tháng 4, giữ vững trận địa, đánh tan đại đội ngụy.

Cánh A của Thành ủy tập kết ở bờ sông Vàm Cỏ Tây từ đêm 29 tháng 4 kế tiếp nhau luồn vào thành phố theo ngõ Bà Hom. Trước sáng 30 tháng 4 đã có 32 điểm quần chúng nổi dậy ở ven và trong thành phố Sài Gòn.

Rạng 29 ngày 30 tháng 4 máy bay lên thẳng Mĩ hối hả lao xuống những mái nhà cao tầng trong thành phố chở người Mĩ, sĩ quan và nhân viên ngụy quyền di tản. Ở Bộ Tổng tham mưu ngụy, các đơn vị bảo vệ đã tan rã, các trưởng phòng Bộ Tổng tham mưu ngụy đã chạy, không còn người chỉ huy. Nhiều đơn vị phòng thủ quanh Sài Gòn tan rã, một số đơn vị vẫn ngoan cố như 2 tiểu đoàn dù đang chốt chặn ở ngã tư Bảy Hiền còn chống cự mạnh. Dương Văn Minh ra lệnh cho Vĩnh Lộc phải giữ cho được trung tâm phát tin Phú Lâm, Quán Tre và hi vọng đại sứ Pháp, Thích Trí Quang liên lạc với Mặt trận Dân tộc Giải phóng để tìm giải pháp chính trị…

23 giờ ngày 29, chỉ còn 6 tiếng đồng hồ nữa là đến giờ tổng công kích vào Sài Gòn. Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh sau khi tính toán lại cuộc tiến quân trên các hướng, đã điện bổ sung cho quân đoàn 3 đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy, coi đó là nhiệm vụ chính của quân đoàn, không phải nhiệm vụ hiệp đồng như trước.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 06:47:09 am
*
*   *

Sáng ngày 30 tháng 4, chiến dịch Hồ Chí Minh vào giai đoạn cuối cùng: Hiệp đồng các cánh, các hướng, đánh chiếm các mục tiêu nội đô, giải phóng Sài Gòn.

Trên hướng Bắc - Tây Bắc: Quân đoàn 1 diệt căn cứ Phú Lợi, chặn diệt một bộ phận sư đoàn 5 ngụy tại An Lợi trên đường số 2, đến chiều cùng với với lực lượng địa phương đánh tiêu diệt bộ phận sư đoàn 5 còn lại tại căn cứ Lai Khê. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ, tư lệnh sư đoàn 5 tự sát, toàn bộ cơ quan tham mưu sư đoàn bị tóm gọn. Lực lượng vũ trang địa phương và quần chúng nổi dậy bức địch trong thị xã Thủ Dầu Một đầu hàng, giải phóng thị xã.

8 giờ 30 phút sáng 30 tháng 4, sư đoàn 320 chia 2 mũi: mũi trung đoàn 48 thọc sâu đánh diệt lữ đoàn 3 kị binh tại Bắc cầu Bình Triệu, sau đó tiếp tục phát triển về hướng Bộ Tổng tham mưu ngụy. Mũi trung đoàn 27 sáng ngày 30 tháng 4 cùng với lực lượng địa phương diệt địch ở Lái Thiêu để mở đường phát triển qua cầu Bình Phước (do trung đoàn đặc công 115 đã đánh chiếm lại và đang giữ). Đến 10 giờ 30 phút cùng một bộ phận lữ đoàn đặc công biệt động 316 đánh chiếm các căn cứ Cổ Loa, Phù Đổng (Bộ tư lệnh pháo binh và Bộ tư lệnh thiết giáp) và chiếm cầu An Phú Đông.

Sáng ngày 30 tháng 4, pháo binh quân đoàn 3 bắn vào Bộ tư lệnh quân dù, Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh không quân và Sở chỉ huy sư đoàn 5 không quân, yểm trợ cho bộ binh, xe tăng từ Bà Quẹo tiến vào. Địch dùng quân dù và xe tăng kết hợp với máy bay cất cánh từ sân bay Trà Nóc (Cần Thơ) lên ném bom ngăn chặn ta từ ngã ba Bà Quẹo, ngã tư Bảy Hiền, Lăng Cha Cả. Trung đoàn 24 xe tăng quân đoàn bị thương vong nhiều. Bộ tư lệnh quân đoàn phải tăng cường pháo 85mm cho trung đoàn 24 bắn thẳng diệt các ổ đề kháng và xe tăng địch, yểm trợ cho bộ binh đánh tan lực lượng ngăn chặn của địch. Giữa bom đạn mù mịt, nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Trung Kiên mang AK đeo băng đỏ ra đứng trước đoàn xe tăng trung đoàn 24 phát tín hiệu người dẫn đường và lên xe hướng dẫn trung đoàn 24 tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất, theo 2 cổng số 4 và 5. Trung đoàn lần lượt đánh chiếm khu thông tin, sở chỉ huy sư đoàn 5 không quân. Bộ tư lệnh dù, Bộ tư lệnh không quân… của địch. Đến 11 giờ 30 phút ta đã đè bẹp các ổ chống cự của địch trong sân bay, đến 13 giờ trung đoàn 24 hoàn toàn làm chủ toàn bộ sân bay.

Tại Bộ tổng tham mưu, trước khi đại quân ta vào tới, đội biệt động Z28 (lữ đoàn 316 đặc công biệt động) do đồng chí Bảy Vinh chỉ huy, có đội biệt động Z32 hỗ trợ (do đồng chí Ba Đen chỉ huy), cùng đội trinh sát lữ đoàn 316 tiến vào cổng số 1 không thành công, kịp thời chuyển sang cổng số 3. Địch ở đây bỏ chạy, ta phát triển sâu vào Khu Điện toán. Đại tá giám đốc trung tâm điện toán Chu Văn Hồ nộp nguyên vẹn cơ sở trung tâm cho Z28. Các đơn vị trên tiếp tục tiến vào sân lớn trước nhà chỉ huy Bộ tổng tham mưu. 6 trinh sát lữ đoàn 316 hạ cờ địch treo cờ Cách mạng. trong khi đó trung đoàn 28 và tiểu đoàn 2 xe tăng thuộc trung đoàn 273, 2 đại đội công binh và trinh sát, 1 tiểu đoàn cao xạ đi cùng, diệt các ổ đề kháng của địch, đánh chiếm Bộ tổng tham mưu từ phía cổng chính (cổng số 1) và vượt qua chiếc xe tăng 927 và xe thiết giáp 001 tiến tới đứng chặn trước thềm nhà Bộ tổng tham mưu, chi viện cho 2 xe tăng 819 và 872 tiến công trong khi Z28, Z32 lữ đặc cộng biệt động 316 và trung đoàn 48 sư đoàn 320B (quân đoàn 1) đã làm chủ một bộ phận lớn căn cứ Bộ tổng tham mưu phía cổng 3, cổng 2. 11 giờ 30 phút, Trần Lưu và Nguyễn Duy Tân, Đại đội 10, trung đoàn 28 thuộc sư đoàn 10 thượng lá cờ giải phóng lớn ở cột cờ và trên nhà Bộ tổng tham mưu ngụy. Hạ sĩ Minh (Ba Minh), một đảng viên mà cơ quan tình báo Miền đã cài vào làm việc trong Bộ tổng tham mưu từ trước, đã ra đón quân ta, bàn giao chùm chìa khóa với toàn bộ tài liệu, tài sản còn nguyên vẹn.

Cùng hướng với quân đoàn 1, sáng ngày 30 tháng 4 trung đoàn đặc cộng 115 từ hướng Đông Bắc sân bay Tân Sơn Nhất tiến chiếm xưởng quân cụ, các trại Phan Sáo Nam, cựu chiến binh Phan Chu Trinh, Nguyễn Trường Tộ và phát triển về ngã năm Chuồng Chó. Trong lúc đó, lực lượng tại chỗ đã giải phóng toàn bộ xã Tân Thới Hiệp. Hàng trăm người cùng bộ đội địa phương và du kích bao vây, kêu gọi tề xã phân chia khu Ba Thông và lực lượng bảo an ở Thanh Lộc đầu hàng. Đến 9 giờ sáng, nhân dân làm chủ phường 2 thị trấn Gò Vấp. Ở nhiều xã như An Phú Đông, Nhị Bình, An Nhơn, Đông Tây Hội… chớp thời cơ địch hoang mang, tan rã, đồng bào nổi dây tự giải phóng ấp mình. Ở Phú Nhuận, sáng 30 tháng 4 theo lệnh trên, tiểu đoàn 195 (trung đoàn Gia Định 1) bao vây, bức hàng 3000 tàn quân ngụy binh từ Đồng Dù, Hậu Nghĩa chạy về co cụm ở Phú Tuất giáp Đức Hòa (Long An). Hỏa lực tiểu đoàn 195 sẵn sàng tiêu diệt bọn này nếu chúng chống cự. Đến 15 giờ toàn bộ cụm này đầu hàng (có 13 sĩ quan cấp tá), ta thu trên 2000 súng các loại, 80 máy thông tin… Trong khi đó, phần lớn lực lượng trung đoàn Gia Định 1 đã phát triển về hướng Ngã tư Bảy Hiền. Sau khi để lại 2 đại đội chiếm giữ trại Quang Trung và Thành Quan Năm, lúc 9 giờ 30 ngày 30 tháng 4 trung đoàn tiến chiếm khu vực bệnh viện Vì Dân, phát triển vào nội thành theo đường Lê Văn Duyệt tiến cộng trại Nguyễn Trung Hiếu, đánh tan một tiểu đoàn dù ngụy, thu hàng trăm súng. Trung đoàn Gia Định 2 sáng 30 tháng 4 từ hướng Đông thị trấn Hóc Môn phát triển về hướng Đông Bắc trại Quang Trung, bộ phận đi đầu đụng tao ngộ với địch, diệt, bắt sống, thu chiến lợi phẩm; đến 18 giờ toàn trung đoàn làm chủ và chiếm giữ nhiều mục tiêu thuộc tiểu khu Gia Định.

Quân dân Củ Chi, Tân Bình kịp thời, chủ động phối hợp chủ lực một cách có hiệu quả.

Tại Củ Chi, lực lượng vũ trang địa phương sát cánh với bộ đội quân đoàn 3 tiến cộng truy lùng địch. Chị Lê Thị Sương, chí trị viên đội nữ du kích Củ Chi, đã phát hiện và bắt sống chuẩn tướng Lí Tòng Bá, sư trưởng sư đoàn 25 ngụy, lúc y đang rúc trong một đám ruộng lúa với độc một chiếc quần cộc.

Du kích Tân Phú Trung xung phong dẫn đường cho trung đoàn 198 đánh chiếm cầu Bông, cầu Xáng và chặn đánh tàn binh địch không cho chúng chạy vô Sài Gòn, tước và thu vũ khí hàng ngàn sĩ quan, binh lính ngụy. Du kích Phú Hòa Đông phối hợp với lực lượng an ninh huyện bức hàng, bức rút đồn bót, đến 15 giờ ngày 30 tháng 4 giải phóng toàn bộ xã này, sau đó phát triển qua chiếm Ba Ri, Tân Quy (chi khu Phú Hòa). Du kích Thái Mĩ ngày 28 tháng 4 diệt bót Bình Đông, ngày 30 tháng 4 diệt bót Bính Thượng, bắt 1 trung đội dân vệ, thu 11 súng, giải phóng xã Thái Mĩ. Du kích Phước Vĩnh An kết hợp với nội tuyến, ngày 30 tháng 4 đánh chiếm bót Bà Già thu 4 súng. Du kích Trung Lập Thượng phối hợp với bộ đội Miền, ngày 29 tháng 4 đánh chiếm các bót Trung Hưng và Dân Hàng; ngày 30 tháng 4 đánh địch từ Tây Ninh chạy về, diệt 37 tên, bắt sống 13 tên, thu 29 súng. Cùng ngày 30 tháng 4, phát hiện tàn binh địch tập trung ở Mũi Lớn, bộ đội địa phương và du kích vây ép diệt 4 tên, buộc 297 tên đầu hàng.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 06:47:48 am
Ở Tân Bình, lực lượng vũ trang cùng nhân dân chiếm đồn Cống Lở, chi cục cảnh sát và xã Phú Thọ Hòa, bót Nguyễn Văn Cự, trụ sở ấp Tân Giang, trường Nhân Chủ, trường nữ quân nhân, trụ sở ấp Chí Hòa 2, trụ sở nhân dân tự vệ ấp Tái Thiết, bót cảnh sát ngã tư Bảy Hiền, giành chính quyền các xã Tân Sơn Nhì, Phú Thọ Hòa và khu vực chợ Ông Tạ xã Tân Sơn Hòa. Tại trụ sở nhân dân tự vệ ấp Tái Thiết xã Tân Sơn Hòa, sáng 30 tháng 4, anh thanh niên Nguyễn Tấn Thành (tự Cẩm) đã anh dũng hi sinh sau khi cắm được là cờ Mặt trận trên cao. Lá cờ phất phới bay cổ vũ nhân dân xung quanh nổi dậy.
 
Trên hướng Tây - Tây Nam và Nam: Song song và tiếp theo sau đội hình sư đoàn 10 (quân đoàn 3), sáng ngày 30 tháng 4, sư đoàn 9 thọc sâu, mũi chủ yếu theo trục Tây Bà Quẹo, diệt 1 tiểu đoàn địch, tiến vào ngã tư Bảy Hiền, đến 11 giờ 30 phút đánh chiếm biệt khu thủ đô, tướng Lâm Quang Phát đầu hàng. Mũi thứ yếu phối hợp với đặc công đánh chiếm các mục tiêu Bà Hom, Tân Tạo trên đường 10, 13 giờ 30 phút chiếm trường đua Phú Thọ.

Sư đoàn 3 có xe tăng và hỏa lực pháo binh chiến dịch tăng cường tiến công giải phóng Đức Hòa lúc 6 giờ ngày 30 tháng 4.

Trong khi 1 tiểu đoàn của trung đoàn đặc công 429 đánh chiếm đài rađa Phú Lâm, trung đoàn 117 đặc công đánh chiếm chi khu Bình Chánh (lúc 8 giờ) và căn cứ Thái Văn Minh (Tân Tạo) diệt và đánh tan liên đoàn 8 biệt động quân, giải phóng 2 xã Tân Tạo và Bình Trị Đông. Đồng bào xông và chiếm các kho tàng của địch. Đến trưa 30 tháng 4 huyện Bình Chánh hoàn toàn được giải phóng.

Trung đoàn 16 theo trục lộ 4 đánh chiếm cầu Bình Điền, cầu An Lạc và phát triển vào quận 6, quận 5.

8 giờ sáng 30 tháng 4, tiểu đoàn 197 đặc công trên đường từ ấp Hưng Nhơn tiến ra đã chiếm ngã ba lộ 4 và lộ Đại Hàn, diệt một số tên địch, số còn lại chạy tán loạn, ta chỉ bắt được 14 tên (có 3 đại úy) nhưng thu được 450 súng các loại. Thừa cơ thuận lợi, tiểu đoàn dùng xe chuyển quân thọc sâu vào tận quân 1 theo đường Lục tỉnh, Tổng Đốc Phương, Đồng Khánh, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Tự Do… chiếm trụ sở Hạ nghị viện ngụy và công ti điện lực.

Tiểu đoàn đặc công 198, từ 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4, đã tổ chức đánh chiếm lại bót Kí Thủ Ôn rối cùng lực lượng trên chiếm lại cầu Nhị Thiên Đường, sau đó phát triển qua chiếm một phần quận 7, quận 8, bắt liên lạc với cánh Bắc của trung đoàn 429, chiếm giữ hãng pin Con Ó, kho gạo Trung Hưng, kho súng, kho xăng Chợ Lớn và hãng sản xuất gạo sấy.

Ở quân 7, lực lượng vũ trang địa phương quận chớp thời cơ chủ lực và du kích đánh bót Bình Hưng và bót Kì Thủ Ôn, giữ lộ 5 và cầu Nhị Thiên Đương, phát động nhân dân phường Rạch Ông, Hưng Phú, Chánh Hưng lần lượt nổi dậy. Đến 10 giờ, được lực lượng võ trang hỗ trợ, nhân dân kéo về chiếm tòa hành chánh quận. Đến 11 giờ 30 ngày 30 tháng 4 toàn bộ quận 7 và 8 về tay nhân dân.

Lực lượng vũ trang quận 6 từ địa bàn ém giữ được trong thành, ngày 29 tháng 4 sáng 30 tháng 4 đã cùng đồng bào lao động đánh chiếm các bót Bình Tiên, Phú Lâm, Bình Tây, Phú Định, đồn Cây Mai, buộc tên trưởng khóm 7 phường Bình Tây đầu hàng, chiếm kho vũ khí trang bị cho 50 thanh niên trốn lính, chiếm nhà máy rượu Bình Tây và kho lương thực ở bến đò Lê Quang Liêm. Đến 11 giờ ngày 30 tháng 4, quận 6 hoàn toàn được giải phóng; chủ lực có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển đánh chiếm các mục tiêu nội đô.

Ở quân 11, sáng 30 tháng 4, chị Út Vây và anh Sáu Hoàng, cán bộ Đảng tại chỗ, lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quần ở quận 8; ngay sau đó, lúc 9 giờ 15 phút, chiếm luôn tòa hành chính quận 11 trước khi quân chủ lực ta đến. Trưa ngày 30 tháng 4 khi chủ lực tiến vào, đồng bào dùng xe chở bộ đội đi chiếm các vị trí của địch. 24 giờ sau, chính quyền cách mạng quận 11 ra mắt nhân dân.

Ở quận 5, lực lượng vũ trang ém sẵn của quận chia làm 2 cánh. Cánh 1: chiếm các phường Nguyễn Huỳnh Đức, An Đông, cư xá sĩ quan ngụy ở đường Hồng Bàng và cuối cùng chiếm tòa hành chính ở quận 5, lúc 10 giờ 45 phút ngày 30 tháng 4. Cánh 2: diệt bót Đồng Khánh, tiến chiếm ti cảnh sát quận, 12 giờ trưa ngày 30 tháng 4 giải quyết xong ổ kháng cự cuối cùng ở quận 5. Phối hợp với lực lượng vũ trang, đồng bào người Hoa cùng các đội vũ trang tuyên truyền treo 1500 lá cờ, rải 15000 truyền đơn, tước sung phòng vệ dân sự ở bót Nguyễn Ngọc Thạch, chiếm lĩnh chợ An Đông và các phường Chợ Quán, Trang Tử. Trên địa bàn quận 5, ta thu trên 3000 súng, 2000 lựu đạn. Đến trưa ngày 1 tháng 5 năm 1975, hầu hết các phường trong quận 5 đều đã thành lập chính quyền cách mạng.

Ở quận 10, từ trước khi quân chủ lực ta vào, các tổ chức vũ trang và cơ sở cách mạng đã cắm cờ ở các khu vực ngã Bảy, Chợ Cá, Chùa Pháp Hội, chung cư Minh Mạng và nhiều nơi khác, phát loa kêu gọi binh lính ngụy bỏ súng ra đầu hàng và hô hào cô bác nổi dậy giành chính quyền. Nhân dân chính trụ sở nhân dân tự vệ khóm 2, phường Phan Thanh Giản, trung tâm Pétrus Kí, trụ sở tâm lí chiến Nam Hàn, trụ sở nhân dân tự vệ, các lô chung cư Minh Mạng, trụ sở cảnh sát phường Nhật Tảo… Tại chi cảnh sát quận 10 số 336 đường Nguyễn Tri Phương, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, lực lượng học sinh giáo chức của ta ào ào tới, địch còn lại đã đầu hàng và xin nộp toàn bộ vũ khí cùng hồ sơ lưu trữ. Khi chủ lực ta tiến vào thành phố, nhân dân các khóm 2, 3, 4 phường Chí Hòa và một số nơi nỗi dậy. Lực lượng tù chính trị còn kẹt lại ở khám Chí Hòa phá khám bung ra. Hơn một tiểu đoàn ngụy canh giữ ở vòng ngoài khám Chí Hòa không dám ngăn cản, thậm chí vứt súng bỏ chạy. Ở nhiều nơi khác như trại lính Trần Nguyên Hãn, trại công cụ, quân y viện 115, sân Cộng Hòa … khi các tổ chức vũ trang và nhân dân tiến vào, lính ngụy xin hàng ngay. Tại các điểm nổi dậy, các tổ vũ trang cùng đồng bào thu gom gần 4000 súng các loại trang bị cho thanh niên tiếp tục chiếm lĩnh các cơ sở của địch và làm chủ toàn quận.

Sư đoàn 5 sau khi dứt điểm thị trấn Thủ Thừa và thị xã Tân An diệt và làm tan rã sư đoàn 22 ngụy và liên đoàn 6 biệt động quân, chuyển sang tấn công căn cứ Bến Lức, chiếm cầu Vàm Cỏ Đông và một đoạn lộ 4, cắt đứt giao thông Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long.

Phía nam thành phố, trung đoàn 88 đánh chiếm cầu Ông Thìn, ngã ba An Phú, phát triển sang khu vực Nhà Bè. Trung đoàn 24 theo lộ 5 cùng một bộ phận của trung đoàn đặc công 429 và tiểu đoàn 198 chiếm cầu Nhị Thiên Đường, cầu chữ Y và thọc vào Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia lúc 10 giờ ngày 30 tháng 4. Sáng ngày 30 tháng 4 lực lượng địa phương Nhà Bè và nhân dân xã Long Hậu chiếm trụ sở Nhân Đức. Đồng bào các xã Phước Long, Phước Lộc, Long Kiển, Long Đước khi nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, mặc dù bộ đội chủ lực chưa đến, đã nổi dậy chiếm các trụ sở, hù dọa địch bỏ chạy. Ở xã Tân Quy bọn địch tan rã quá nhanh: khi đồng bào đổ ra đường thu gom vũ khí, giữ gìn chu đáo để giao cho cách mạng thì một số phần tử xấu nguyên là đảng viên đảng Dân chủ của Thiệu lợi dụng tình hình lộn xộn đứng ra thành lập “ủy ban nhân dân cách mạng” ở ấp 3. Nhưng được nhân dân kịp thời phát hiện, ta giải tán ngay tổ chức này. Lực lượng võ trang Nhà Bè cùng nhân dân các ấp 2, 6, 7, xã Phú Xuân tích cực huy động xuồng ghe chở một bộ phận Đoàn 10 sang sông Soài Rạp cùng trung đoàn 88 chiếm giữ cảng và kho Nhà Bè lúc 15 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4, sau đó cùng nhân dân ấp 3 xã Phú Mĩ chiếm quận lị Nhà Bè. Đến 17 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975, toàn bộ chính quyền ở Nhà Bè về tay nhân dân.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 06:49:31 am
Lực lượng trung đoàn 10 còn lại ở Rừng Sác, một mũi tiến lên Hải quân công xưởng, phà Cát Lái; một mũi khác phối hợp với quân dân Duyên Hải tấn công các chi khu Cần Giờ và Quảng Xuyên. Sáng sớm ngày 30 tháng 4 lực lượng vũ trang huyện Duyên Hải cùng du kích và nhân dân phối hợp với lực lượng Đoàn 10 đã bao vây 2 chi khu Quảng Xuyên và Cần Giờ, phát loa kêu gọi binh lính địch đầu hàng. Tên đại úy Mùi, quận phó Cần Giờ cùng toàn bộ sĩ quan và binh lính trong chi khu kéo cờ trắng đầu hàng (thiếu tá quận trưởng Lê Thành Mĩ và đại úy quận phó Năm đã bỏ chạy về Sài Gòn từ hôm trước). 12 giờ ngày 30 tháng 4 ta chiếm lĩnh chi khu Cần Giờ. Ở Quảng Xuyên, tên trung tá quận trưởng Nguyễn Hữu Nghĩa bỏ trốn, sĩ quan và binh lính còn lại xin hàng. 18 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 ta giải phóng hoàn toàn quận Quảng Xuyên (gồm các xã An Thới Đông, Lí Nhơn, Bình Khánh).

Tại cửa sông Lòng Tàu, đội 12 làm nhiệm vụ chốt chặn, bắn chìm 20 tàu thuyền địch trên đường chạy trốn ra biển.

Ở quận 4. Quận đoàn thanh niên làm nòng cốt trong nổi dậy giành chính quyền ở địa phương. Ngày 30 tháng 4, một tổ vũ trang 8 người với 8 súng do đồng chí Tùng phụ trách chiếm trụ sở khóm 2 phường Vĩnh Hội, sau đó phát triển chiếm các khóm khác trong phường. Đồng chí Hoàng cùng 8 cơ sở làm nghề xích lô tiến chiếm trụ sở khóm 6 và trụ sở phường Lí Nhơn. Cơ sở bí mật của ta trong xí nghiệp Visaca do đồng chí Tám Giai và Lê Minh phụ trách chiến ti cảnh sát Trần Văn Cát, Khánh Hội ở đường Tôn Thất Thuyết. Cơ sở cách mạng cùng quần chúng phường Xóm Chiếu chiếm bót cảnh sát khóm 1… Đặc biệt, một nữ cơ sở mật ở phường Lí Nhơn, dũng cảm cầm cờ giải phóng đến bót Dương Ba phường Cây Bài hù dọa địch, bọn địch ở đây hoảng sợ đầu hàng.

Trên hướng Đông và Đông Bắc: Sư đoàn 6 và sư đoàn 341quân đoàn 4 vào Biên Hòa lúc 8 giờ sáng, tiến chiếm căn cứ Bộ tư lệnh quân đoàn 3 ngụy, Bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân, sân bay Biên Hòa, phát triển theo trục đường xe lửa về phía Thủ Đức; do cầu Ghềnh yếu, cơ giới không qua được, lực lượng quân đoàn 4 phải vòng lại theo xa lộ Biên Hòa nên đã phải đi sau lữ đoàn 203 quân đoàn 2. Sư đoàn 7 sau khi đánh địch ngăn chặn ở Tam Hiệp, tiến vào Sài Gòn định đi thẳng về phía Dinh Độc Lập, nhưng đã có đơn vị bạn vào trước nên chuyển sang chiếm Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến, căn cứ Hải quân, Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng, Đài Phát thanh.

Ở quận Bình Thạnh trên hướng quân đoàn 4, ngày 30 tháng 4 chị Ba Liễu lãnh đạo nhân dân nổi dậy chiếm phường 13 xã Thạnh Mĩ Tây lúc 9 giờ sáng. Đến 10 giờ, lực lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng khởi nghĩa quần chúng nổi dậy làm chủ toàn bộ Bình Hòa và Thạnh Mĩ Tây, chiếm giữ vườn ươm Phú Mĩ và kho gạo 42.000 tấn, thu 100 súng. Cùng lúc này, lực lượng học sinh phối hợp với lực lượng đi đầu của trung đoàn Gia Định 2 tiến và chiếm dinh tỉnh trưởng Gia Định. Địch tháo chạy, để lại toàn bộ hồ sơ các tổ chức phản động từ tỉnh đến ấp.

Sư đoàn 325 quân đoàn 2 vượt sông Cát Lái vào giải phóng quận 9, Thủ Thiêm. Ở đây nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Diễm lãnh đạo quần chúng bao vây cướp trụ sở quận 9. Sư đoàn 3 quân khu 5 sau khi giải phóng Vũng Tàu (lúc 9 giờ) đã đưa một bộ phận sang Cần Giờ cùng Đoàn 10 bắt sống xuồng tàu địch.

Bộ phận thọc sâu quân đoàn 2 do sư đoàn 304 đảm nhiệm, sư đoàn đã tổ chức lữ đoàn xe tăng 203 làm lực lượng đột kích nhanh. 4 giờ sáng ngày 30 tháng 4 lữ đoàn xe tăng 203 đã đến cầu Đồng Nai do trung đoàn đặc công 116 đang giữ. Đồng chí Tống Viết Dương chỉ huy trưởng đặc công biệt động cánh đông, đồng chí Sĩ, trung đoàn trưởng trung đoàn đặc công 116 và đồng chí Phạm Duy Đô đại đội trưởng đại đội 1 tiểu đoàn 19 đặc công lên xe tăng cùng các đồng chí chỉ huy lữ đoàn xe tăng 203 theo xa lộ tiến thẳng vào Sài Gòn.

Tại Sài Gòn, sáng ngày 30 tháng 4, chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (tướng Vĩnh Lộc tổng tham mưu trưởng đã bỏ chạy) và Nguyễn Hữu Có, lên gặp Dương Văn Minh báo cáo tình hình quân sự, đã thúc đẩy Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu (thủ tướng) đi đến quyết định đơn phương ngừng bắn, chờ “bàn giao trong vòng trật tự”. Dương Văn Minh họp bộ hạ và đưa ra ý kiến “tuyên bố thành phố bỏ ngỏ”. Sau khi bàn luận, Vũ Văn Mẫu viết bản tuyên bố kêu gọi đơn phương ngừng bắn và bàn giao chính quyền cho cách mạng. Bản tuyên bố được phát trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 9 giờ 30 phút.

Trên tất cả các hướng vào Sài Gòn, quân ta tiếp tục tiến công theo mệnh lệnh của Bộ Chính trị “tiến quân với khí thế hùng mạnh nhất, giải phóng và chiếm lĩnh toàn bộ, tước vũ khí quân đội địch, giải tán chính quyền các cấp của địch, đập tan triệt để mọi sự chống đối của chúng”(1).

Địch dùng pháo từ phía Đông xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa bắn ra cắt đội hình lữ đoàn xe tăng 203. Một phân đội của lữ đoàn rẽ vào đánh diệt chúng ở liên trường Thủ Đức (ở Cây Mai). Tại đây chiếc xe 707 đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và người cuối cùng. 9 giờ 30 phút đoàn xe tăng tiến thuận lợi qua cầu Rạch Chiếc do Z23, lữ đoàn 316 đặc công biệt động đang chiếm giữ. Phía trước là cầu Sài Gòn, ở đây tiểu đoàn 4 Thủ Đức đã chiến đấu quyết liệt, giằng co với địch từ đêm 29 rạng 30 tháng 4, đến 7 giờ sáng ngày 30 tháng 4 mới chiếm lại được đầu cầu phía Đông. Đoàn xe tăng lữ đoàn 203 đến cầu Sài Gòn, 2 xe dẫn đầu đội hình tăng tốc vượt qua được nửa cầu thì bị xe tăng địch ở phía Tây vòm cầu bắn cháy. Đội hình xe tăng ta phải dừng lại ở đầu cầu phía Đông để tổ chức hỏa lực diệt địch ở đầu cầu phía Tây. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tăng Ngô Văn Nhỡ cầm cờ hiệu vả điện đài chỉ huy tốp xe dẫn đầu lại bị trúng đạn địch và hi sinh trên tháp pháo. Lữ đoàn phó Trần Minh Công lên chỉ huy vượt cầu. Địch tiếp tục bắn hỏng thêm hai xe tăng. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận và chính trị viên Vũ Đặng Toàn chỉ huy đại đội 4 vượt qua cầu. Địch lui về ngã tư Hàng Xanh, ta bám xát và bắn cháy một xe tăng của chúng tại đây. Các lực lượng tại chỗ đang bao vây, vận động vô hiệu hóa một số xe khác. Địch ở cầu Thị Nghè ngoan cố chống cự, ta bắn cháy thêm một xe tăng, một xe thiết giáp.

Qua cầu Thị Nghè, nữ chiến sĩ biệt động Nga (lữ đoàn 316) lên xe tăng cùng Phạm Duy Đô làm nhiệm vụ dẫn đường. Lữ đoàn 203 tiến vào Dinh Độc Lập theo đường Hồng Thập Tự và Đại lộ Thống Nhất do xe tăng 483 của trung úy Bùi Quang Thận dẫn đầu. Một số chiến sĩ biệt động đã có mặt trước Dinh Độc Lập. Trong Dinh cũng đã có mặt một số cán bộ tình báo đường dài của ta: Tô Văn Cang, Vũ Ngọc Nhạ, một cơ sở binh vận (chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh). Chiếc xe tăng 843 húc cánh cổng sắt Dinh Độc Lập, tiến thẳng vào cửa Dinh. Ngay tức khắc chiến sĩ lái xe Jeep Bùi Ngọc Vân cầm cờ chạy lên tầng 2 phất mạnh trước dân chúng đang reo vui ở cổng Dinh Độc Lập. Trong lúc đó, Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe, cùng một số chiến sĩ tiến thẳng lên ban công thượng của tòa nhà, giật bỏ lá cờ vàng 3 sọc và kéo lá cờ giải phóng lên cột cờ cao nhất của Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút. Đại đội trưởng Phạm Duy Đô chạy thẳng vào trong Dinh quan sát và trở ra báo cáo với trung tá chính ủy lữ đoàn 203 Bùi Văn Tùng xác nhận sự có mặt của tổng thống và nội các ngụy quyền tại Dinh. Trung tá lữ trưởng Nguyễn Tấn Tài lệnh điều chỉnh đội hình bao vây Dinh đề phòng địch phản kích, đồng thời phái một bộ phận đánh chiếm cảng Sài Gòn.


(1) Trích điện số 149TK-10 giờ ngày 29 tháng 4 năm 1975 Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương gửi Bộ tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, Lưu trữ tại cục cơ yếu Bộ tổng tham mưu. Hồ sơ số 215 - ĐB.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 06:50:20 am
Đại úy trung đoàn phó trung đoàn 66 Phạm Xuân Thệ cùng một số cán bộ, chiến sĩ ta được Nguyễn Hữu Hạnh dẫn đường tiến thẳng vào phòng khánh tiết gặp Dương Văn Minh và nội các Vũ Văn Mẫu. Tiếp đó, các đồng chí Bùi Văn Tùng và Nguyễn Tấn Tài vào phòng khánh tiết. Hai cán bộ tình báo của ta cũng đã có mặt ở đây từ sớm với tư cách là người của lực lượng thứ ba đến vận động Dương Văn Minh sớm đầu hàng: Vũ Ngọc Nhạ, Tô Văn Can. Dương Văn Minh đứng dậy nói: “Chúng tôi đang đợi các ông để bàn giao”. Ta tuyên bố: “Các ông đã bị bắt làm tù binh, các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Các ông không còn gì để bàn giao”.

Dương Văn Minh chấp nhận, trao khẩu súng ngắn cho đại úy Phạm Xuân Thệ và đến đài phát thanh đọc bản tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời chấp nhận đầu hàng của Dương Văn Minh.

Từ sáng 30 tháng 4 cho đến lúc này tại trung tâm Sài Gòn đã có 34 điểm nội dậy của quần chúng và lực lượng tại chỗ.

Sau 11 giờ 30 phút ở 41 điểm chủ lực ta chưa tới, quần chúng và lực lượng tại chỗ tiếp tục nổi dậy.

Ở quận 3, tại phường cư xá Đô Thành, lúc 12 giờ ngày 30 tháng 4 khi lực lượng võ trang ta tiến công quận 3, anh Tư và anh Công, người địa phương, cùng một cán bộ biệt động của Z15 (lữ đoàn 316) dùng loa hô hào nhân dân nổi đậy giành chính quyền, kêu gọi sĩ quan và binh lính địch nộp vũ khí, đầu hàng. Ngay chiều ngày 30 tháng 4 hàng trăm đồng bào xin nhận công tác theo yêu cầu của cách mạng, hàng trăm người khác tự động ra đường thu gom vũ khí, quân trang, quân dụng của địch. Đồng bào treo đầy cờ giải phóng trước nhà riêng, công sở và tự nguyện góp cấp thời lương thực thực phẩm cho bộ đội.

Tại phường Bàn Cờ quận 3, các đồng chí cơ sở mật của ta: chị Bảy, anh Châu, anh Ba Đông, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, chiếm giữ các kho tàng của địch, giữ gìn trật tự, làm vệ sinh đường phố. Đồng bào thu gom được 3000 súng các loại đem nộp cho cách mạng. 16 giờ ngày 30 tháng 4, phường Bàn Cờ tổ chức mít tinh, có 13.000 người dự lễ mừng chiến thắng và giới thiệu những người tốt vào chính quyền mới. Đến 17 giờ, thành lập xong các ban phụ trách phường, khóm và 3 tổ chức chuyên việc đăng kí ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện.

Ở hướng xa lộ Biên Hòa, Z27 sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiếm giữ cầu Rạch Chiếc cho lữ đoàn 203 đi qua, theo lệnh trên, tiến chiếm nhà máy xi măng Hà Tiên, nhà máy Zetcô (nay là liên hợp công trình 4) và giữ nhà máy điện Thủ Đức. Nhờ đó, điện ở thành phố chỉ gián đoạn có vài giờ trong ngày 30 tháng 4.

Tiểu đoàn 4 Thủ Đức, sau khi lữ đoàn xe tăng 203 qua cầu Sài Gòn, tiếp tục đánh chiếm các đồn bót địch trên trục lộ 33 đoạn từ ngã ba Bình Trưng đến ngã ba Phú Hữu, cùng cán bộ địa phương phát động quần chúng nổi dậy trừng trị ác ôn, giải phóng hai xã Bình Trưng và Phú Hữu.

Tại nhà máy nước Thủ Đức, từ những ngày 27 và 28 tháng 4, nòng cốt công nhân đã lập đội bảo vệ nhà máy. Hàng trăm công nhân và kĩ sư liên tục bám giữ máy, không cho địch phá, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước cho thành phố cả trước và sau khi giải phóng. Ngày 30 tháng 4, khi xe tăng ta tiến đến gần, đồng chí Muống, đứng đầu ủy ban khởi nghĩa nhà máy, lãnh đạo công nhân tung tin hù dọa địch và tự mình leo lên nóc nhà máy treo một lá cờ lớn. Địch ở đây rất đông: thường xuyên có một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn cao xạ, 1 đại đội bảo an, và ngày 30 tháng 4, còn kéo về đây thêm khoảng 30 xe tăng thiết giáp,… nhưng trước thế tiến công như vũ bão của ta và khí thế công nhân tại chỗ, tất cả địch ở đây đã phải bỏ chạy.

Toàn bộ lực lượng địch ở Thủ Đức tan rã. Quần chúng xông vào chiếm giữ các căn cứ quân sự của địch, tiến chiếm trụ sở quận. Toàn bộ ngụy quyền quận bỏ chạy.

Với mọi chuẩn bị từ trước, khi đại quân ta tiến vào Sài Gòn, cơ sở cách mạng và quần chúng lao động nội thành kịp thời nổi dậy chiếm lĩnh, làm chủ và bảo vệ các cơ sở kinh tế, chính trị văn hóa quan trọng, đảm bảo mọi mặt sinh hoạt bình thường của một thành phố mới giải phóng.

Ở nhà máy điện Chợ Quán, ngay lúc địch đang tồn tại và thiết quân luật, công nhân đã thay phiên nhau đi sữa chữa đường đây, ổn định dòng điện. Anh em kêu gọi binh lính ngụy quay về với chính nghĩa, ủng hộ hành động nổi dậy của công nhân.

Tại xưởng Ba Son, công nhân tháo gỡ hết chất nổ địch gài, bảo vệ nguyên vẹn nhà máy.

Ở các hãng Esso, Shell, công nhân thành lập các ủy ban công nhân võ trang bảo vệ kho xăng Nhà Bè.

Công nhân các xí nghiệp Vimytex, Sicovina, Vinatexco, Biopharma và hàng loạt hãng, xưởng khác bất chấp công an, mật vụ, đã nổi dậy chiếm xưởng bảo vệ máy móc.

Các cơ sở cách mạng và quần chúng nổi đậy chiếm lĩnh, cắm cờ trụ sở khóm hai phường Huyện Sĩ, ngã ba Thủ Khoa Huân, đường Lê Thánh Tôn, chợ Bến Thành, cư xá Đô Thành, ti cảnh sát quận 3, sở văn hóa… Một trí thức, cơ sở của ta, đã giữ gìn và trao lại nguyên vẹn cho cách mạng toàn bộ phòng báo chí Phủ tổng thống ngụy của Hoàng Đức Nhã (Đặt tại số 116 đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai).

15 giờ ngày 30 tháng 4 tất cả cán bộ Thành ủy cánh A (luồn vào từ đêm 29 tháng 4) đã có mặt trong thành phố, tập kết nhận nhiệm vụ kế tiếp tại khu trường Pétrus Kí.

Cán bộ, chiến sĩ cánh B của Thành ủy có mặt cùng nhân dân thực hiện nổi dậy giành chính quyền, giành quyền làm chủ từ ấp, xã đến thị trấn ngoại thành, cũng đã hội tụ về nhận nhiệm vụ tại dinh tỉnh trưởng Gia Định.

Quần chúng Sài Gòn - Gia Định đã nổi dậy ở 107 khu vực khi chiến dịch Hồ Chí Minh phát pháo lệnh, trong đó có 31 khu vực ngoại thành, 76 khu vực nội thành, 32 khu vực trong ngày 29 đến rạng ngày 30 tháng 4, 34 khu vực trước khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, 41 khu vực sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng nhưng quân chủ lực chưa tới.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 06:53:18 am
*
*   *

“Nhà Trắng phương Đông” rút chạy từ trước khi Dương Văn Minh quyết định tuyên bố “thành phố bỏ ngỏ”.

Trong “cơn lốc kinh hoàng” của cuộc tháo chạy mệnh danh “người liều mạng” rồi “móng quặp chặt”, hàng ngàn người tranh nhau bám càng trực thăng trong cơn hoảng loạn, mặc dù từ ngày 10 tháng 4 năm 1975 Bộ chỉ huy quân giải phóng đã tuyên bố: “Quân giải phóng lúc nào cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho cố vấn Hoa Kì rút về nước bình an vô sự”.

Ngày 30 tháng 4, sau những cơn giận dữ của Bộ trưởng Quốc phòng Mĩ Schlesinger và cố vấn Kissinger ở Wasington vì sự nấn ná quá đáng của Đại sứ Martin ở Sài Gòn để cố tạo ra vẻ “người Mĩ đàng hoàng ra đi”(1), Tổng thống Ford ra lệnh dứt khoát: “Chấm dứt cuộc di tản vào 3 giờ 30 phút, giờ địa phương, sáng 30 tháng 4”. Tuy nhiên, lệnh không thi hành được.

4 giờ 20 phút, tiếp tục cuộc tháo chạy, một máy bay CH-53 đổ xuống lầu thượng tòa Đại sứ, Martin lại nhận được điện của Nhà Trắng: “Tổng thống ra lệnh đại sứ phải đi chuyến này”. Martin vẫn chậm chạp. Một nhân viên cấp dưới tỏ vẻ bực tức: “Lệnh là lệnh, đại sứ phải lên. Mà lên ngay, vì quân đội Bắc Việt Nam đã ở dưới đường. Họ sẽ nổi giận và bắn chúng ta nếu họ thấy chiếc máy bay để ở đây lâu quá”.

Nhà Trắng lại có lệnh rõ ràng: “Cầu hàng không ngừng lúc bản thân Martin đã đi”.

Nhưng khi chiếc CH-53 chở Martin đã rời sân thượng, tòa Đại sứ Mĩ vẫn còn 5 nhân viên, 4 lính thủy đánh bộ người Mĩ và ngót 420 người Việt Nam phần đông là nhân vật cao cấp của Thiệu, nhân viên Sứ quán Nam Triều Tiên, đứng đầu là một thiếu tướng… Tất cả những người này chấp nhận bỏ hành lí để thoát cho được.

Moorefield, người được Martin chọn “giúp cai trị” ở tòa Đại sứ là người Mĩ cuối cùng rời khỏi Sài Gòn lúc 5 giờ 24 phút ngày 30 tháng 4. Ông ta kể lại cảnh tượng Sài Gòn lúc đó, nhìn từ bầu trời xuống: “Bình yên, phẳng lặng. Trừ một vài đám cháy ở đàng xa…”.

Tom Polgar, nhân viên cao cấp ở tòa Đại sứ “Người nguy hiểm nhất đối với Martin” vì những nhận định, báo cáo lên Nhà Trắng cứ trái ngược, nhưng rất “hợp Martin” ở chỗ, “chống cộng kịch liệt và ham thích nghiên cứu”, cùng ngồi với Martin trên chiếc CH-53 trong cuộc tháo chạy tán loạn, đã ghi lại nhận xét của mình ngày hôm ấy: “Đó là một cuộc chiến tranh (chiến tranh Việt Nam) lâu dài và khó khăn mà chúng ta đã thua. Thất bại độc nhất của lịch sử Hoa Kì chắc không báo trước sức mạnh bá chủ toàn cầu của nước Mĩ đã chấm dứt. Nhưng … Ai không học được gì ở lịch sử, bắt buộc sẽ phải nhắc lại lịch sử!”.

Như vậy, sau cuộc cuốn cờ Hoa Kì cùng với việc ra đi của 2501 người Mĩ cuối cùng ở sân bay Tân Sơn Nhất ngày 27 tháng 3 năm 1973 để chấm dứt trên danh nghĩa sự dính líu quân sự và âm mưu chính trị của Hoa Kì ở Việt Nam, hơn hai năm sau còn có cuộc tháo chạy của những người Mĩ ở lại để “đảm bảo” danh dự Hoa Kì trong cuộc thua trận, thật sự là để tiếp tục giữ miền Nam về lâu về dài trong quỹ đạo Hoa Kì.

Cùng với cuộc tấn công thần tốc giải phóng Sài Gòn, quân dân các tỉnh miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long nhất tề tiến công và nỗi dậy làm tan rã ngụy quân, đập tan chính quyền tay sai các cấp, thực hiện phương châm “tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”.

Ngày 30 tháng 4, các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, đảo Phú Quốc đã được giải phóng. Ngày 2 tháng 5 tỉnh Châu Đốc là tỉnh còn lại cuối cùng đã được giải phóng.

*
*   *

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, riêng quân dân Sài Gòn - Gia Định đã diệt và làm tan rã 31.000 tên địch, bắt sống 12.619 tù binh, chiếm 9 căn cứ quân sự, 5 chi khu, 21 phân chi khu và trụ sở tề …thu 12.275 súng và gần như toàn bộ hồ sơ các cơ quan từ Phủ tổng thống trở xuống. Số ngụy quân lần lượt ra trình diện là 40 vạn và số công an cảnh sát là 10 vạn.

17 giờ ngày 30 tháng 4, tiếng súng đã thật sự chấm dứt ở “thủ đô” ngụy quyền, trừ một số mục tiêu quân sự. Thành phố hơn 3 triệu dân vừa trải qua cuộc chiến tranh 30 năm, vẫn nguyên vẹn đã chuyển sang trạng thái bình yên đến độ gây ngạc nhiên cho mọi người trên thế giới đang có mặt: nước vẫn chảy đều trong các đường ống; dòng điện chỉ tạm dừng trong 2 giờ rồi mọi nhà lại sáng; công nhân nhà máy vẫn sẵn sàng cho máy chạy; chợ búa, quán xá vẫn sẵn sàng mở; đường phố vẫn đông người, xe cộ …Người dân Sài Gòn - Gia Định náo nức cắt dán cờ hoa để xuống đường ngày 1-5 mừng cuộc toàn thắng và chờ đêm hội pháo hoa …

Ngoài những yếu tốt có tính chất chiến lược như nắm thời cơ, chọn mục tiêu chiến lược, sử dụng lực lượng, nghệ thuật chỉ đạo…, thắng lợi trọn vẹn đó là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa tiến công táo bạo, thần tốc, của các binh đoàn chủ lực từ ngoài vào với tiến công và nổi dậy tại chỗ của các lực lượng địa phương bao gồm lực lượng vũ trang, cơ sở cách mạng và quần chúng, cùng với việc huy động mọi lực lượng, huy động mọi khả năng tiến công khác. Một bộ phận lực lượng cách mạng không chỉ có mặt trong lòng địch trong những ngày giờ quyết định mà đã “lót ổ” 5 năm, 10 năm, 20 năm,…

Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định luôn bám sát các chủ trương và chỉ đạo của cấp trên đồng thời chủ động trong quá trình triển khai thực hiện. Nhất là từ hội nghị Thành ủy từ tháng 9 năm 1974, mọi việc đã phải chạy đua với thời gian để góp phần tạo thế lực đón thời cơ quyết định.

Việc Thành ủy tổ chức sự chỉ đạo ra cánh A, cánh B từ tháng 9 năm 1974 và điều chỉnh kịp thời hai cánh khi vào chiến dịch Hồ Chí Minh để tăng tính sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, mà không bị xáo trộn, chia cắt, đã giúp cho toàn đảng bộ đảm đương được khối lượng công việc vô cùng to lớn trong thời kì nhảy vọt cách mạng “1 ngày bằng 20 năm”.

Nghệ thuật “ba mũi giáp công” càng về cuối giai đoạn, càng thể hiện sự phối hợp chặt chẽ tiến đến các hình thức khởi nghĩa thích hợp theo khả năng, đã tạo ra được sức mạnh tổng hợp tại chổ lớn nhất để phối hợp tấn công từ ngoài vào, đảm bào thắng lợi trọn vẹn, sớm ổn định mọi sinh hoạt của thành phố ngay từ giờ phút kết thúc chiến tranh.

Công việc và bộ máy tiếp quản Sài Gòn - Gia Định đã được đặt ra và hình thành tổ chức ngay từ trong Sài Gòn còn trong tay địch.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng có điện khen toàn bộ quân dân và Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định:

“Bộ Chính trị nhiệt liệt khen ngợi quân và dân Sài Gòn - Gia Định, khen ngợi toàn bộ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên thuộc các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương, bộ đội tinh nhuệ, dân quân tự vệ đã chiến đấu cực kì anh dũng, lập chiến công chói lọi, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng lớn quân địch, buộc chúng phải đầu hàng không điều kiện, giải phóng thành phố Hồ Chí Minh, đưa chiến dịch lịch sử mang tên Bác Hồ vĩ đại đến toàn thắng…


(1) Frank Snepp viết trong Cuộc tháo chạy tán loạn: “Hoa Kì phải quỳ gối mà bỏ Việt Nam, nhưng phải làm sao gây được ấn tượng là Hoa Kì đàng hoàng rút khỏi nơi đây. Muốn thế, phải có một thầy phù thủy và có nghệ thuật đạo diễn. Martin là bậc thầy trong vấn đề này. (Martin sang Việt Nam làm Đại sứ ngày 24 tháng 6 năm 1973)


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 06:54:26 am
*
*   *

Lịch sử không trùng lặp, nhưng lịch sử có những trùng hợp diệu kì. Năm 1954, với chiến dịch Điện Biên Phủ 55 ngày đêm ta bắt sống 16 ngàn lính Pháp, Lê dương và ngụy quân, kết thúc thắng lợi cuộc đánh Pháp 9 năm; hai mươi mốt năm sau, 1975, với cuộc tiến công mùa xuân 55 ngày đêm, ta tiêu diệt và làm tan rã đội quân tay sai trên 1 triệu tên, kết thúc toàn thắng cuộc chống Mĩ 21 năm.

Cuộc đụng đầu lịch sử 30 năm kết thúc bằng cuộc toàn thắng của dân tộc ta. Sài Gòn, miền Đông và Nam Bộ đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử “đi trước về sau”: mở đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược tại Sài Gòn và 30 năm sau cùng cả nước thực hiên trận quyết chiến cuối cùng, kết thúc toàn thắng cũng chính nơi này.

Hai mươi mốt năm, thua keo này bày keo khác, 4 chiến lược Hoa Kì đã xoay trở từ cố vấn “tố cộng - diệt cộng” đến “chiến tranh hạn chế” rối “leo thang” chiến tranh cục bộ, lại “xuống thang” Việt Nam hóa chiến tranh nhưng chưa lúc nào trúm đế quốc từ bỏ ý định giành thế mạnh và giữ miền Nam trong quỹ đạo của mình, và bất kì với chiến lược nào Sài Gòn - Gia Định vẫn là trọng điểm đầu tư sức mạnh sắt thép, tiền của, thủ đoạn của chúng. Chủ nghĩa thực dân mới lúc đầu có gây mơ hồ cho một số người, nhưng cái vỏ “quốc gia” lừa bịp hào nhoáng của nó không che đậy được mâu thuẫn đối kháng giữa một bên là chính sách xâm lược của đế quốc Mĩ và một bên là yêu cầu độc lập và thống nhất của nhân dân Việt Nam. Dưới mâu thuẫn đó là hàng loạt mâu thuẫn không dung hòa khác trong đó Sài Gòn là nơi biểu hiện đầy đủ, gay gắt: một bên là bóc lột, áp bức giai cấp, một bên là đòi hỏi dân chủ, công bằng; một bên là chiến tranh, một bên là khát vọng hòa bình sau 9 năm đánh Pháp; một bên là tàn bạo, vô luân, sa đọa, một bên là đạo lí dân tộc, phẩm giá con người…

Sáu năm đấu tranh chính trị trong máu lửa và mười lăm năm chiến tranh cách mạng để giải quyết những mâu thuẫn đó, Sài Gòn - Gia Định, do vị trí là thủ đô của kẻ thù, đã đứng ở tuyến đầu không chỉ về tính chất ác liệt mà còn ở tính phức tạp, nhiều vẻ. Những mâu thuẫn không dung hòa là chỗ yếu của kẻ thù đồng thời là cơ sở để ta tập hợp lực lượng tiến công chúng. Nắm vững và vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định đã lãnh đạo, tập hợp hàng triệu con người từ trung tâm đô thị đến nông thôn ngoại thành trong những điều kiện cụ thể đầy phức tạp, đòi hỏi có bản lĩnh, nhiều năng động và sáng tạo.

Hai mươi mốt năm đương đầu với trùm đầu sỏ đế quốc và tay sai, đảng bộ và quân dân Sài Gòn - Gia Định chúng minh thực tiễn là trường học lớn nhất để từng bước hoàn thiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy giành thắng lợi từng phần, đi đến cùng cả nước giành toàn thắng.

Cuộc chiến đấu ác liệt, lâu dài cho thấy việc xác định đúng đắn vị trí, tính chất chiến trường, việc nhận thức kẻ thù và đánh giá địch ta từng giai đoạn luôn luôn là vấn đề nóng hổi và chi phối mọi chủ trương, hành động. Không mơ hồ về đế quốc, tay sai sau mỗi thắng lợi dù to lớn, không nao núng trước những tổn thất nặng nề từng lúc, là bài học lớn, lặp đi lặp lại một cách nghiêm khắc. Đã cảnh giác mà có khi vẫn vấp váp, mơ hồ, nhất là sau những chiến thắng lịch sử, từ Hiệp định Genève cho đến Hiệp định Paris, nhưng sự cảnh giác và kiên trì của đảng bộ Sài Gòn - Gia Định là nhất quán, do đó mỗi lệch lạc luôn luôn được nhìn lại một cách nghiêm khắc và có chủ trương cụ thể để khắc phục.

Bên cạnh việc nhận thức rõ chiến trưởng và kẻ thù, đánh giá đúng đắn địch ta, việc phân tích mâu thuẫn địch ta, và lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ kẻ thù để tập hợp lực lượng và xác định phương án tấn công, phân hóa kẻ thù cũng luôn luôn được đặt ra để linh hoạt trong chủ trương và hành động. Nhưng luôn luôn phải đứng trên ý thức vì nhân dân, xuất phát từ quyền lợi của quần chúng lao động, nhanh nhạy phát hiện những yêu cầu của quần chúng mà đề ra khẩu hiệu và hình thức đấu tranh thích hợp trong từng thời điểm cụ thể vẫn là vấn đề cơ bản.

Tùy từng lúc, từng nơi có những lệch lạc nảy ra vì lập trường giai cấp, về quan điểm bạo lực ở một số cán bộ từng cấp, trong từng thời điểm cụ thể về xây dựng lực lượng, phát động và đánh giá phong trào đô thị, trong chỉ đạo hoạt động chính trị và võ trang của đô thị, nhưng đảng bộ Sài Gòn - Gia Định trước sau vẫn nhất quán về đường lối quần chúng của đảng ta, đồng thời phân tích được các mâu thuẫn, do đó tập hợp được lực lượng, đưa Sài Gòn lên vị trí trung tâm phong trào các đô thị miền Nam ngay từ sau Hiệp định Genève, và khi chuyển sang chiến tranh cách mạng, tạo được thế bao vây uy hiếp đầu não, sào huyệt địch, đồng thời giữ vững vị trí đó trong suốt cuộc đấu tranh lâu dài đầy ác liệt và phức tạp.

Qua những vấn đề có tính chất vừa chung vừa riêng đó, Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định đã tỏ rõ tính năng động, sáng tạo trong vận động phương thức đấu tranh cách mạng “hai chân, ba mũi” trên một địa bàn đô thị đầu não phức tạp: việc tận dụng 3 thế, 3 hình thức tổ chức và hoạt động công khai, nửa công khai, bí mật, hợp pháp, và nửa hợp pháp, không hợp pháp, tùy thời điểm và địa bàn nội đô, ven đô và căn cứ để xác định nhiệm vụ, hình thức đấu tranh sát hợp từng vùng, để vừa đưa được phong trào nội đô lên, vừa giữ được thế tranh chấp và uy hiếp “thủ đô” địch; việc “tấp vô” một phong trào tự phát để biến phong trào từ tự phát lên có lãnh đạo; việc phân hóa kẻ thù qua các cuộc tranh chấp nội bộ của chúng đồng thời tranh thủ tập hợp nhiều lực lượng có xu hướng chính trị khác nhau dưới khẩu hiệu chống Mĩ và đánh đổ tay sai…

Mỗi bài học đều có cái giá, thậm chí ta phải trả bằng xương máu qua thực tiễn, ví như việc vận cụng 3 hình thức, việc giải quyết mối quan hệ giữa giữ gìn và sử dụng lực lượng, việc nhận thức về kẻ thù, đánh giá địch ta, phải qua thực tiễn mới ngày một nhuần nhuyễn, sắc sảo hơn lên. Ta đã lường trước được ngày 20 tháng 7 năm 1956 khó có tổng tuyển cử theo Hiệp định Genève nhưng ta đã phải qua nhiều mất mát trong thời kì địch “tố cộng, diệt cộng” mới đi đến cuộc Đồng Khởi; ta cũng đã lường trước được cuộc tồng tiến công và nổi dậy xuân năm 1968 diễn ra trong điều kiện địch còn trên 1 triệu quân, đế quốc Mĩ giàu tiềm lực còn rất ngoan cố, nhưng qua nhiều đợt dốc toàn lực quyết tâm “dứt điểm” mà không đạt ý muốn cao nhất mới thấm thía là chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa giữ gìn và sử dụng lực lượng, giữa củng cố phía sau và tấn công phía trước do còn chủ quan trong đánh giá địch ta…

Dưới sự lãnh đạo của một Đảng bộ kiên cường, nhân dân Sài Gòn - Gia Định đã phát huy truyền thống bất khuất thực hiện nhiệm vụ mà lịch sử giao phó trong chặng đường 21 năm cuối cùng của cuộc chiến tranh 30 năm; không ngừng kiên trì xây dựng tổ chức, tập hợp lực lượng, linh hoạt tấn công và uy hiếp đầu não, sào huyệt kẻ thù, không ngừng tạo thế và tích lũy lực lượng chuẩn bị thế trận cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của cả nước sẽ diễn ra tại đây.

Mỗi sự kiện chính trị, mỗi tiếng nổ từ Sài Gòn đều có tấm vóc khó lường được. Một cuộc bãi công của công nhân ở đây có thể làm tê liệt một bộ phận phục vụ chiến tranh quan trọng của kẻ thù, một lời hô “đả đảo” của của các chiến sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Trần Văn Đang… trên pháp trường của kẻ thù vang xa ngoài biên giới, một tiếng nổ nhấn chìm tàu Card hay đánh sập tòa đại sứ Hoa Kì sẽ làm cho Nhà Trắng đau đầu… Với đòn Tổng tấn công Mậu Thân tại Sài Gòn, ta không chỉ “đưa chiến tranh vào thủ đô địch” mà còn “đưa chiến tranh vào đất Mĩ”.

Nhưng dù như vậy, phong trào, lực lượng và hoạt động chính trị, vũ trang nội đô không thể tách rời sức mạnh của cả chiến trường miền Nam, chiến trường cả nước.

Quân dân vùng ven và nông thôn ngoại thành Gia Định đã thực hiện cuộc đồng khởi, đánh bại “quốc sách ấp chiến lược”, thực hiện “toàn dân đánh Mĩ”, vận dụng “10 bài học đánh Mĩ” của chiến tranh nhân dân, để tiến lên cùng cả ba thứ quân ở miền Đông, tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1968 đánh thẳng vào “thủ đô địch”; đã từng bước đánh bại bình định Việt Nam hóa chiến tranh để tiến lên đòn quyết chiến chiến lược cuối cùng… Sức mạnh chiến trường, sức mạnh vùng ven rất quyết định đối với sự hình thành sức mạnh nội đô.

Đất vùng ven đã ghi tiếp những tên truyền thống hào hùng mới của Sài Gòn - Gia Định: “Củ Chi đất thép thành đồng”, “quê hương địa đạo”, vành đai diệt Mĩ, chiến khu rừng Sác, Bưng Sáu xã, Vườn Thơm, vùng “Tam giác sắt”… bên cạnh những chiến công lịch sử của thành phố.

Quân dân Sài Gòn - Gia Định đã kết hợp chặt chẽ trong ngoài phối hợp các tầng lớp, giai cấp từ trung tâm đô thị đến nông thôn để hình thành sức mạnh tổng hợp tấn công kẻ thù trên cả hai mặt trận chính trị, quân sự, trên cả ba vùng nội đô, ven đô và nông thôn căn cứ.

Đại thắng mùa xuân 1975 là kết quả của 21 năm chiến đấu và xây dựng sức mạnh của cả nước, chuẩn bị thế và lực đầy hi sinh, gian khổ và có nghệ thuật. Một thành phố trên dưới 3 triệu rưỡi dân được giải phóng gần như nguyên vẹn là một thành công kì lạ hiếm thấy trên thế giới, không có giải thích nào hơn đó là sự chuẩn bị hoàn thiện qua quá trình chiến đấu đầy hi sinh của hàng chục vạn đồng bào đồng chí, của cả nước, trong đó có nhân dân và chiến sĩ Sài Gòn đã đóng góp xứng đáng công sức của mình.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 06:55:13 am
(http://img407.imageshack.us/img407/62/64613876.jpg)

Công nhân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình đấu tranh trong ngày 1-5-1958

(http://img9.imageshack.us/img9/2183/81493556.jpg)

Đồng bào Sài Gòn biểu tình tại chợ Bến Thành phản đối chính sách đàn áp của chế độ Mỹ - Diệm (1-5-1960)

(http://nl5.upanh.com/b4.s26.d2/5a8b9f466e9787c4fff43eaef51b4707_43888925.10.jpg)

Nhân dân Củ Chi đồng khởi phá ấp chiến lược - 1960

(http://nl1.upanh.com/b3.s27.d2/49df42a7ec1848a4f90a54ab7a8ae5a8_43888931.11.jpg)

Đấu tranh chính trị, một trong ba mũi giáp công


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 06:57:17 am
(http://nl6.upanh.com/b5.s28.d3/ab9c0bfa36cbaa1d2e2ff9b729791535_43888936.12.jpg)

Đội nữ du kích Củ Chi nổi tiếng, thường xuyên chiến đấu trên vành đai diệt Mĩ

(http://nl2.upanh.com/b6.s26.d2/f48d76f04fd4a49b6754b933236acc00_43888942.13.jpg)

Biệt động Sài Gòn đánh tào Đại sứ Mĩ ở đường Hàm Nghi (30-5-1965)

(http://nl3.upanh.com/b1.s28.d2/3f64de70bc02530d5bd29c9295fb2f8e_43888953.17.jpg)

Lực lượng vũ trang phục kích tàu địch trên sông Lòng Tàu

(http://nl7.upanh.com/b6.s28.d2/a106191bc5fbddcf7e4ce22922445643_43888957.18.jpg)

Các đồng chí lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn – Gia Định tại cuộc họp bàn kế hoạch Tổng tiến công Xuân 1968


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 06:58:22 am
(http://nl0.upanh.com/b1.s28.d1/b35e6ad645cced5e7816d94360b21c9b_43888960.19.jpg)

Cố Thiếu tướng Lương Văn Nho, nguyên tư lệnh Đặc khu Rừng Sác

(http://nl4.upanh.com/b1.s27.d1/288c12667f696e85c96ae3b438e4be94_43888944.14.jpg)

Đồng chí NGUYỄN VĂN LINH
Bí thư khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, trực tiếp phụ trách Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định thời kì 1965-1972
(Ảnh chụp đồng chí đứng trước hầm tại căn cứ Củ Chi năm 1973)


(http://nl9.upanh.com/b2.s28.d2/a8f6a3955b5535562ef13e7988156e9f_43888949.16.jpg)

Quân ta đánh kho xăng Nhà Bè

(http://nl7.upanh.com/b1.s27.d1/5eb359ac3a0b81321c2f37172ae02a2f_43888947.15.jpg)

Nhân dân quận 1 cùng nhân dân thành phố tưng bừng trong ngày lễ mừng chiến thắng
được tổ chức tại Dinh Độc Lập (nay là Dinh Thống Nhất)


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 07:00:29 am
KẾT LUẬN CHUNG

Nằm trong những đặc điểm chung của chiến trường toàn miền Nam, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có những nét riêng biệt.

Sài Gòn là đô thị lớn nhất ở miền Nam, nằm giữa miền Trung và miền Đông Nam Bộ, là trung tâm các đầu mối giao thông chiến lược cả về đường bộ, đường thủy và đường không. Các vùng nông thôn rừng núi, trung du đồng bằng và ven biển bao xung quanh thành phố có mối quan hệ mật thiết về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa. Trong thành phố, nhà cửa san sát với những cao ốc nhiều tầng, dân cư đông và tập trung ở mật độ cao. Những đặc điểm nêu trên làm cho Sài Gòn giữ một vị trí địa lí đặc biệt quan trọng.

Đối với địch, nhất là trong chiến tranh xâm lược của Mĩ, Sài Gòn là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả miền Nam. Nơi đây là sào huyệt của tổ chức chính quyền trung ương ngụy và các đảng phái chính trị, tôn giáo, văn hóa, nơi tập trung cơ cấu chỉ đạo, chỉ huy quân sự của toàn bộ cuộc chiến tranh tới từng vùng chiến trường, nới phát ra và chỉ đạo thực hiện các chủ trương chiến thuật trên toàn chiến trường miền Nam và Campuchia. Chúng tập trung ở Sài Gòn và vùng phụ cận một bộ phận quan trọng lực lượng, sinh lực và phương tiện chiến tranh cùng hệ thống phòng thủ nhiều tầng, từ xa: tập trung các cơ sở kinh tế công nghiệp, thương mại, đáp ứng phần lớn âm mưu cướp vét sức người sức của “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”; đồng thời xây dựng, bố trí các cơ sở dự trữ vật chất, phương tiện chiến tranh lớn nhất ở Đông Dương. Đối phó với phong trào cách mạng quần chúng, ngoài mạng lưới kềm kẹp đồ sộ và nghiệm ngặt, địch tiến hành đánh phá thường xuyên và ác liệt, tinh vi trên mọi phương diện chính trị, quân sự, văn hóa, kinh tế, nơi chúng thực hiện một cách tập trung, đầy đủ nhất chủ nghĩa thực dân kiểu cũ (từ năm 1945 đến năm 1954) và kiểu mới (từ năm 1954 đến 1975). Thành phố Sài Gòn là nới thực dân Pháp nổ súng tiến công mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược và là nơi đế quốc Mĩ cố giữ đến phút cuối cùng của cuộc chiến, là điểm mở đầu và kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của hai đế quốc Pháp và Mĩ trong 30 năm qua.

Đối với ta, thành phố Sài Gòn là nơi tập trung số lượng dân cư đông đảo nhất ở miền Nam, nơi có lực lượng học sinh sinh viên, nhân sĩ trí thức, tư sản dân tộc và đặc biệt là lực lượng công nhân công nghiệp (vốn có quan hệ huyết thống gần gũi với nông dân vùng nông thôn Nam Bộ và với công nhân các đồn điền cao su). Nhân dân Sài Gòn có truyền thống yêu tự do, bất khuất chống ngoại xâm rất sâu sắc và liên tục trong suốt lịch sử 300 năm của thành phố. Mọi biến động ở thành phố Sài Gòn, do vị trí trung tâm của nó, đều có ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình toàn miền Nam, cả nước và trên thế giới. Sài Gòn trở thành trung tâm đấu tranh chính trị của cả miền Nam trong hai thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, là địa điểm quyết chiến chiến lược cuối cùng của cuộc chiến tranh cách mạng xét về mặt mục tiêu cơ bản của công cuộc giải phóng hoàn toàn đất nước của dân tộc ta.

Những đặc điểm nêu trên tác động sâu sắc đến toàn bộ tiến trình cuộc kháng chiến diễn ra trên địa bàn Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Tiếng súng gây hấn ngày 23 tháng 9 năm 1945 là hành động kết thúc quá trình chuẩn bị trở lại xâm lược Đông Dương của giới tư bản quân phiệt Pháp từ khi nước Pháp còn bị phát xít Đức chiếm đóng. Chuẩn bị và xác định ngay từ đầu quyết tâm kháng chiến, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã đứng dậy tiến hành cuộc đấu tranh toàn dân chống thực dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đồng thời nỗ lực đặt nền móng và phát triển moi nhân tố của một Nhà nước Dân chủ Cộng hòa mới được thành lập. 15 tháng đầu kháng chiến của quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và Nam Bộ. Nam Trung Bộ đã giáng một đòn phủ đầu vào dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, làm xáo trộn kế hoạch của chúng, tạo ra khoản thời gian quý báu để nhân dân cả nước có điều kiện xây dựng lực lượng mọi mặt, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài diễn ra trên phạm vi toàn quốc.

Từ đầu năm 1947, trong điều kiện Sài Gòn bị chiếm đóng hoàn toàn, được bình định, ổn định và ngày càng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của địch, trở thành trung tâm chiến lược xây dựng Nam Bộ thành hậu phương dự trữ của chúng trong cuộc chiến tranh chống xâm lược ở Đông Dương, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã từng bước tiếp tục xây dựng lực lượng mọi mặt, mở rộng phong trào chiến tranh du kích, đẩy mạnh công cuộc kháng chiến toàn diện cả vệ quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, đưa cuộc kháng chiến phát triển thành cao trào vào năm 1950.

Sau năm 1950, được sự chi viện của đế quốc Mĩ, thực dân Pháp ra sức bình định Nam Bộ, trung tâm là Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định, đẩy phong trào cách mạng vào thời kì khó khăn kéo dài. Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định năng động tổ chức lại chiến trường, bố trí lực lượng, kết hợp nhiều hình thức đấu tranh, vượt qua nhiều khó khăn nhằm khôi phục, giữ vững và phát triển phong trào trong điều kiện bị địch bao vây và đánh phá ác liệt. Hoạt động kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã làm suy yếu địch từ trong hậu phương của chúng, cầm chân địch tại chỗ, tạo điều kiện cho quân và dân toàn quốc đẩy mạnh đợt hoạt động hưởng ứng chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Từ sau Hiệp định Genève 1954, đế quốc Mĩ gạt Pháp và các thế lực thân Pháp, từng bước nắm quyền thống trị miền Nam việt Nam, xây dựng ngụy quân ngụy quyền, thi hành chính sách thực dân mới. Sài Gòn trở thành thủ đô của ngụy quyền miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Sài Gòn - Gia Định đã phát động phong trào đấu tranh chính trị tiến công địch ngay từ đầu, phát triển phong trào đấu tranh chính trị tiến công địch ngay từ đầu, phát triển phong trào bảo vệ hòa bình, đòi thi hành hiệp định Genève, đưa Sài Gòn trở thành trung tâm đấu tranh chính trị của toàn miền Nam. Vượt qua khó khăn thử thách trong những năm tiếp sau, đặc biệt trong các năm 1957 - 1958 - 1959, nhân dân Sài Gòn - Gia Định vẫn bền bỉ bảo tồn, gây dựng và duy trì phong trào đấu tranh chính trị liên tục, nhằm bảo vệ quyền dân sinh, dân chủ, chống chính sách tố cộng, diệt cộng, từng bước xây dựng lực lượng tự vệ vũ trang ở vùng nông thôn Gia Định, phối hợp đấu tranh liên kết giữa đô thị và nông thôn ngoại thành, đưa dần đấu tranh chính trị phát triển lên đấu tranh chính trị có tự vệ và vũ trang có hỗ trợ, tiến đến thực hiện nổi dậy từng phần, giành quyền làm chủ ở một số vùng nông thôn ven sào huyệt địch (1960 - 1961).

Chuyển sang thời kì chiến tranh cách mạng, chống chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mĩ ngụy, dân và quân Sài Gòn - Gia Định bám sát được lối chủ trương và phương châm chiến lược đấu tranh cách mạng của trên, phát huy tính năng động cách mạng, đề ra phương thức tổ chức và hình thức đấu tranh cụ thể cho các vùng hoạt động (nội đô, ven đô, nông thôn, ngoại thành, trong xây dựng các loại lực lượng và kết hợp sử dụng các hình thức đấu tranh thích hợp ở từng vùng từng thời kì lịch sử nhất định. Các tầng lớp quần chúng nhân dân ở nội ngoại ô thành phố đều được huy động vào mặt trận đấu tranh chống Mĩ và ngụy quyền tay sai (đặc biệt lực lượng học sinh sinh viên và quần chúng lao động, phật tử) đưa phong trào cách mạng phát triển lên thế chủ động tấn công địch, góp phần làm khủng hoảng sâu sắc chế độ chính trị ngụy quyền tay sai và cùng với lực lượng nhân dân ở vùng nông thôn làm phá sản quốc sách ấp chiến lược của chúng. Giữa năm 1965, đế quốc Mĩ buộc phải thay đổi chiến tranh, ào ạt đưa quân Mĩ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam, tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ. Quân và dân Sài Gòn - Gia Định xác định quyết tâm đánh Mĩ và thắng Mĩ, hình thành mặt trận chống Mĩ cứu nước ngày càng rộng lớn ngay tại Sài Gòn - Gia Định. Cao trào quân sự vang đội trong nội đô và sự phát triển tiến công của Quân giải phóng ở các hướng xung quanh thành phố đã góp phần làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966 - 1967 của Mĩ ngụy. Bước sang năm 1968, ngay tại sào huyệt địch, các lực lượng cách mạng Sài Gòn - Gia Định đã tích cực chuẩn bị và táo bạo cùng lực lượng toàn miền thực hành tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, đánh vào nhiều mục tiêu chiến lược quan trọng bậc nhất của Mĩ ngụy, gây cho chúng những tổn thất nặng nề, góp phần cùng cả nước làm suy sụp ý chí xâm lược của đế quốc Mĩ, buộc Mĩ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đám phán với ta ở Paris.

Sau đợt 2 Tết Mậu Thân 1968, do trong điều kiện bị địch phản kích đánh phá khốc liệt, lực lượng bị tiêu hao giảm sút, cơ sở bị bể vỡ nhiều, nhưng quân và dân Sài Gòn - Gia Định vẫn vững tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, kiên trì bám trụ địa bàn, chịu đựng gian khổ hi sinh, khéo léo chuyển hướng và phương pháp đấu tranh, quay về khôi phục xây dựng cơ sở, thực lực, giữ vững và tiến tới đẩy mạnh cao trào đấu tranh chính trị dưới nhiều hình thức ở nội đô, kiên cường đánh địch càn quét, liên tục chống phá chương trình bình định nông thôn của địch, giành lại và mở nhiều lõm làm chủ, giải phóng, phát triển hệ thống thông tin giao thông liên lạc ở vùng ven, tạo lại thể tiến công mới cho đến Hiệp định Paris.

Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh, quân và dân Sài Gòn - Gia Định kịp thời đề phòng và uốn nắn những biểu hiện hòa bình chủ nghĩa sau ngày kí Hiệp định Paris, tranh thủ thời cơ, tiếp tục phát triển thực lực cách mạng, tạo thế tạo lực mới. Từ cuối năm 1974, khi thời cơ cách mạng chung bắt đầu xuất hiện, đã tích cực xây dựng lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, phát huy hiệu lực ở cả ba mũi chính trị, quân sự, binh vận, đẩy mạnh tiến công địch trên khắp nội ngoại ô thành phố, góp phần thúc đẩy tình thế cách mạng nhanh chóng chín muồi. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Sài Gòn - Gia Định kịp thời đón nhận thời cơ, tham gia tổng tiến công và nổi dậy trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực tiến vào thành phố, đập tan bộ máy ngụy quân ngụy quyền từ cơ sở tới trung ương, làm chủ mọi sinh hoạt của thành phố ngay từ giờ phút đầu giải phóng.

Ba mươi năm chiến tranh ròng rã, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã hoàn thành vẻ vang sứ mạng mà lịch sử giao phó “đi trước về sau”, cùng quân và dân cả nước lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 07:01:02 am
*
*   *

Thắng lợi của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong cuộc chiến tranh giải phóng 30 năm chống xâm lược Pháp, Mĩ xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

Một là, Đảng bộ (Thành ủy, Tỉnh ủy, Khu ủy) Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã vận dụng một cách đúng đắn, linh hoạt đường lối và phương pháp cách mạng sáng suốt của Đảng Cộng sản, của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trực tiếp là Xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam để vạch định chủ trương, nhiệm vụ và có biện pháp tổ chức thực hiện cụ thể, sát hợp với vị trí và đặc điểm của thành phố.

Trong kháng chiến chống Pháp, các tổ chức Đảng, các đảng viên đã chủ động khắc phục mọi sự thiếu nhất trí ban đầu về tư tưởng, tổ chức, chủ động đoàn kết, bám sát cơ sở, bám sát địa bàn, thay đổi hình thức hoạt động để chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công cuộc kháng chiến. Trong những thời điểm lịch sử vô cùng khó khăn (từ những ngày đầu kháng chiến đến trước Hiệp ước sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946, hoặc từ đầu năm 1951 đến nửa đầu năm 1953), các cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng vẫn bám địa bàn, kiên trì khôi phục, giữ và phát triển số lượng chất lượng đảng viên trong lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, trong quần chúng công nhân, nông dân và trong hàng ngũ tri thức. Các tổ chức Đảng đã xuất phát từ đặc điểm và qua thực tiễn đấu tranh sinh động ở địa phương mà luôn nhanh nhạy năng động khắc phục những biểu hiện lệch lạc trong xây dựng lực lượng vũ trang, thực hiện chính sách Cao Đài vận, kêu gọi đồng bào công chức ra bưng biền kháng chiến, trong thực hiện phương châm đấu tranh ba vùng, giải quyết mối quan hệ giữa hoạt động quân sự của các lực lượng vũ trang và hoạt động xây dựng cơ sở chính trị nội thành.

Trong kháng chiến chống Mĩ, cùng với quá trình phát triển của cuộc kháng chiến, các tổ chức, cơ sở Đảng ở Sài Gòn - Gia Định không ngừng được chú trọng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các đảng bộ ở đây đã vận dụng một cách sáng tạo chiến lược tổng hợp với phương châm xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng quân sự, kết hợp đấu tranh chính trị, binh vận với đấu tranh quân sự của cả ba thứ quân ngay tại địa bàn thành phố. Các đảng bộ ở Sài Gòn - Gia Định đã kịp thời rút kinh nghiệm khắc phục ảo tưởng cho là có Hiệp định Genève là có hòa bình, những lúng túng ban đầu sau Hiệp định Paris, cũng như đánh giá không đúng âm mưu và thực lực của địch chưa sát và do đó đề ra các mục tiêu, khẩu hiệu hành động có lúc không sát với tình hình, hoặc đánh giá không đúng tính chất và tổ chức chỉ đạo các phong trào học sinh, sinh viên và phong trào công nhân lao động…

Trong quá trình tổ chức động viên toàn quân, toàn dân thực hành kháng chiến, các đảng bộ ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã không ngừng xây dựng rèn luyện trở thành những đảng bộ ngày càng vững mạnh về tư tướng và tổ chức, có quyết tâm cách mạng cao, có ý thức tổ chức kỉ luật, tự giác, chủ động chấp hành nghị quyết, chỉ thị của cấp trên, nắm vững quan điểm sự nghiệp cách mạng là do quần chúng, hết sức gắn bó với nhân dân, được đồng bào tin yêu, đùm bọc và đi theo.

Hai là, khát khao độc lập và tự do, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định dù kháng chiến lâu dài đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi hi sinh gian khổ, kiên cường chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng đất nước.

Hơn nơi nào hết, trong đội ngũ những người tham gia kháng chiến ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định có đủ mọi thành phần giai cấp, mọi tầng lớp xã hội. Đó là lực lượng công nhân công nghiệp, trong các nhà máy xí nghiệp, lao động khắp phố phường, nông dân ngoại thành, tầng lớp bình dân thành thị, tiểu thương, tiểu chủ, công chức, nhân sĩ, trí thức, học sinh sinh viên, rồi tư sản dân tộc, tu sĩ đạo giáo, những kẻ bụi đời, giang hồ “anh chị”, đến cả những người hoạt động trong hàng ngũ địch… tất cả, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, già trẻ, trai gái, quê quán đề có thể tập hợp lại trong mặt trận thống nhất đấu tranh vì một mục tiêu thống nhất là đánh giặc cứu nước, giành độc lập, tự do, dân sinh dân chủ, hòa bình. Có thể nói, Sài Gòn - Gia Định là hình ảnh thu nhỏ của cả dân tộc Việt Nam kháng chiến, trong đó công nhân công nghiệp và nông dân ngoại thành là lực lượng nòng cốt, cùng với các thành phần khác như lao động tự do, trí thức, học sinh sinh viên, phật tử làm nên một đặc điểm rất Sài Gòn.

Trải suốt 30 năm chiến tranh tàn khốc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định một lòng son sắt với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Bác Hò, kiên cường chịu đựng và vượt qua mọi gian lao thử thách, kiên cường chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng quê hương, giải phóng đất nước. Cả trong những ngày cam go nhất của buổi đầu kháng chiến, giai đoạn từ năm 1951 đến năm 1953, giai đoạn năm 1957 - 1958 - 1959, những ngày địch khủng bố ác liệt sau Tết Mậu Thân, dân và quân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định vẫn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, lần hồi gây dựng cơ sở (có khi đi trở lại từ con số không), sẵn sàng chấp nhận hi sinh vì sự nghiệp chung, lòng không hề vướng bợn mảy may lợi ích riêng tư của bản thân mình. Trên mảnh đất Củ Chi có những căn nhà được dựng đi dựng lại không dưới mươi lần trên nền đất cũ, có những người mẹ chit ngang đầu 8 vành tang trắng. Hàng ngàn đồng bào, chiến sĩ trải hết các nhà tù, nếm đủ các đòn tra tấn dã man và thâm hiểm nhất mà kẻ thù có thể nghĩ ra vẫn một trong trung trinh với sự nghiệp cách mạng. Không thể nào ghi lại được đầy đủ chiến công và sự hi sinh của toàn thể dân, quân, cán bộ, đảng viên Sài Gòn - Gia Định. Máu của họ thấm đẫm trên mọi góc phố, cửa ô, mọi nẻo đường, làng xóm, vườn tược. Không thể nào nhắc lại được đầy đủ lịch sử các địa danh Vườn Thơm, Láng Le, Bàn Cờ, Bình Mĩ, Khu 5 Hóc Môn, Rừng Sác, Bưng Sáu xã, Tam Giác Sắt, Củ Chi… những mảnh đất mà tên gọi và sự tích chắc chắn sẽ lưu lại mãi mãi trong lịch sử cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.

Ba là, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong quá trình tiến hành kháng chiến đã sáng tạo và thực hiện thành công nghệ thuật đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, những hình thức và phương pháp tiến hành chiến tranh đúng đắn, thích hợp ở một chiến trường đô thị đầu não của địch.

Trong kháng chiến chống Pháp, tổ chức kháng chiến các cấp sau thời gian bỡ ngỡ ban đầu, đã tranh thủ củng cố xây dựng lực lượng, thường xuyên tổ chức lại chiến trường, bố trí xây dựng lực lượng vũ trang thích hợp, với điều kiện tác chiến ở địa phương, kết hợp các hình thức đấu tranh đối với từng đối tượng và trong từng thời gian cụ thể. Nhờ đó dần tạo nên sức mạnh tổng hợp và khá đồng bộ trên dưới, nội ngoại thành, từng bước cùng chiến trường chung làm phá sản các thủ đoạn chiến lược của địch.

Trong kháng chiến chống Mĩ, Đảng bộ Sài Gòn - Gia Định đã động viên được đông đảo các tầng lớp nhân dân theo nhiều khẩu hiệu phù hợp, tập hợp nhiều phong trào chống kẻ thù. Trong tổ chức chiến trường đã hình thành được địa bàn thống nhất nội ngoại thành, có đủ hành lang, bàn đạp và căn cứ chỉ đạo kháng chiến. Để chống lại có hiệu quả các chiến lược chiến tranh của địch, đã vận dụng linh hoạt phương châm “ba vùng” (căn cứ du kích, lõm làm chủ vùng ven, lõm chính trị và trong trào nội thành), phát triển lực lượng chính trị (xây dựng theo ngành, giới và địa bàn cư trú), lực lượng vũ trang (không chỉ có ở cấp khu mà các ngành, các giới, các cấp đều có biệt động, tự vệ riêng), thực hiện kết hợp khéo léo các hình thức đấu tranh (công khai - bí mật, hợp pháp - nửa hợp pháp - không hợp pháp). Khi đế quốc Mĩ đưa quân ồ ạt vào miền Nam, ta đã chủ trương và thực hiện mạnh mẽ việc khoét sâu và phát triển mâu thuẫn giữa Mĩ và ngụy, lợi dụng mâu thuẫn nội bộ của chung để làm cho chúng suy yếu từ bên trong. Sau đợt 2 Tết Mậu Thân, nhanh chóng chuyển hướng để xây dựng thực lực cơ sở, đẩy mạnh đấu tranh chính trị dưới nhiều hình thức phong phú. Khi cuộc chiến tranh phát triển đến giai đoạn cuối thì huy động toàn bộ sức mạnh để tạo thế tạo lực, đẩy mạnh tiến công địch bằng cả “ba mũi giáp công”, tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn thúc đẩy thời cơ nhanh chóng chín muồi và đón lấy thời cơ cách mạng khi chúng xuất hiện. Đó chính là sự phát triển cụ thể hóa nghệ thuật đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự của đường lối chiến tranh cách mạng của Đảng ta một cách có hiệu quả và thích ứng với đặc điểm địa bàn, với từng thời điểm lịch sử ở Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

Bốn là: Dù là chiến trường đô thị lớn, bị địch tạm chiếm, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã tạo ra được một hậu phương tại chỗ và tổ chức tiếp nhận tốt sự chi viện to lớn về sức người sức của của đồng bào cả nước cho công cuộc kháng chiến.

Do đặc điểm địa bàn thủ phủ của địch, lại xa sự chi viện của Trung ương, vấn đề căn cứ đứng chân và tự cung ứng cơ sở hậu cần kĩ thuật trở nên nhu cầu hết sức bức xúc. Ngay khi cuộc kháng chiến vừa bùng nổ, từng bước, các vùng nông thôn ngoại thành được xây dựng thành những căn cứ địa kháng chiến. Đó là lõm căn cứ An Phú Đông, Bình Mĩ, Vườn Thơm, Bến Cát, Bưng Sáu xã, Rừng Sác, Củ Chi… liên hoàn với các căn cứ xa hơn. Cùng với quá trình phát triển của cuộc kháng chiến, các căn cứ địa được xây dựng củng cố tạo thành một hệ thống căn cứ địa thông nối, áp sát và bao vây xung quanh thành phố. Đó là nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo kháng chiến, các đơn vị vũ trang, đồng thời là hậu phương tại chỗ, nơi tập kết, dự trữ và cung cấp sức người sức của cho kháng chiến, là “cửa khẩu” của các hành lang vận tải, các đường dây vận tải vận chuyển hàng hóa, tiền bạc từ thành phố ra các tỉnh, và vũ khí, vật liệu từ các tỉnh vào thành phố.

Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định không chỉ tích cực tiết kiệm đóng góp tiền của, cơ sở vật chất cho công cuộc kháng chiến ở tại Sài Gòn mà còn cho các tỉnh lân cận, cho Khu 7 và Nam Bộ. Hàng ngàn vạn công nhân, nông dân, thanh niên học sinh sinh viên, nhân sĩ, trí thức, công chức từ thành phố đã thoát li, tỏa đi khắp các chiến trường tham gia kháng chiến. Có thể nói, nhân dân Sài Gòn đã đóng góp một phần lớn sức người sức của cho công cuộc kháng chiến ở miền Nam.

Tuy nhiên, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định hoàn thành được nhiệm vụ của mình, cũng như sự chi viện to lớn về sức người sức của của đồng bào cả nước. Đó là những đoàn quân Nam tiến, những phân đội vũ trang từ các tỉnh Nam Bộ rầm rập về chiến đấu bao vây quân Pháp trong những ngày đầu kháng chiến. Đó là những cán bộ từ khắp mọi miền của Tổ quốc bí mật về thành phố, âm thầm hoạt động xây dựng cơ sở, đào tạo cán bộ, giữ vững và phát triển phòng trào cách mạng nội đô. Đó là những đội trinh sát, cảm tử, quân đặc công biệt động về hoạt động trong nội thành, những tiểu đoàn, trung đoàn vũ trang cách mạng về hoạt động đánh địch ở vùng ven thành phố. Đó là những sách báo, tài liệu, truyền đơn, súng đạn, thuốc nổ từ ngoài chuyển vào thành phố. Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã tổ chức các tuyến hành lang vận chuyển thông suốt, tổ chức tiếp nhận, bảo quản và quản lí việc phân phối sử dụng có hiệu quả, góp phần làm nên những cuộc, những phong trào đấu tranh chính trị sôi động, những trận đánh vang dội vào căn cứ của địch diễn ra thường xuyên trong quá trình cuộc kháng chiến. Và cuối cùng, đó là những binh đoàn cơ động từ xa tới, đè bẹp mọi đề kháng của kẻ thù, cùng quân và dân Sài Gòn hoàn toàn giải phóng thành phố.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 07:01:34 am
*
*   *

Thắng lợi của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc trong cuộc chiến tranh 30 năm vừa qua, một cuộc chiến tranh “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ hai mươi, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế và có tính thời sự sâu sắc” (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần IV).

Ba mươi năm, xương máu, mồ hôi của hàng vạn hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ thành phố đổ xuống đã vun tưới thêm truyền thống chống ngoại xâm vốn được tinh cất trong suốt chiều dài lịch sử ba trăm năm của cư dân vùng đất Bến Nghé này. Đó là tình yêu quê hương đất nước, yêu độc lập tự do, là trung trung thành vô hạn và ý nguyện dấn thân vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc. Đó là ý chí bất khuất và năng động trước mọi ngáng trở của hoàn cảnh, là tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường và trí tuệ mưu lược thấm đẫm tinh thần thượng võ, nghĩa hiệp, là phẩm chất cần cù lao động sáng tạo xây dựng cuộc sống mới. Đó là tinh thần đoàn kết gắn bó, là tình thương yêu giai cấp, thương yêu đồng loại, là lối ứng xử bật thiệp, hào hiệp, nhân nghĩa, có thủy chung.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được vinh dự mang tên Bác Hồ - Thành phố Hồ Chí Minh. Quân và dân thành phố lại tiếp tục bước vào cuộc đấu tranh mới: khắc phục hậu quả chiến tranh, sửa đổi lệch lạch trong bước đi, đổi mới sự lãnh đạo, khôi phục và phát triển lực lượng sản xuất mới, từng bước đưa thành phố tiến lên theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh, văn minh, đấu tranh giữ vững thành quả cách mạng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tăng cường và củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thành phố thành khi vực phòng thủ vững chắc. Hàng ngàn con người của thành phố đã lên đường chiến đấu anh dũng giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Campuchia.

Lịch sử cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài gần một phần ba thế kỉ đang lùi xa vào quá khứ. Nhưng những giá trị truyền thống và bài học lịch sử của nó thì còn lại mãi mãi với các thế hệ cư dân chủ nhân của thành phố Hồ Chí Minh - thành phố anh hùng!


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 07:02:58 am
PHỤ LỤC

THÀNH TÍCH ĐƯỢC KHEN THƯỞNG

- 1 Huân chương Hồ Chí Minh

- 2 Huân chương Độc lập

- 30 Huân chương Quân công

- 795 Huân chương Chiến công (tính từ năm 1945 đến năm 1990)

CÁC DANH HIỆU ĐƯỢC TẶNG

Quân và dân huyện Củ Chi:

      Củ chi đất thép thành đồng

Tiểu đoàn Quyết Thắng:

      Đi là chiến thắng
      Đánh là dứt điểm


Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định:

      Đoàn kết một lòng
      Mưu trí vô song
      Dũng cảm tuyệt vời
      Trung kiên bất khuất


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 07:03:38 am
ĐƠN VỊ ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

STT   
Tên đơn vị
Thời gian tuyên dương
  1Đại đội 5 (Đoàn F110 biệt động)
9-1967       
  2Đại đội K20 (Quân y Thủ Đức)
9-1967       
  3Đại đội 2 (Quân y phòng Hậu cần)
9-1971       
  4Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 16)
9-1971       
  5Đại đội 31 (Kiểm soát quân sự)
31-12-1972       
  6Đại đội 5 đặc công (Tiểu đoàn 4 Gia Định)
23-9-1973       
  7Đoàn 10 Rừng Sác
23-9-1973       
  8Đại đội 5 (Đoàn 10 Rừng Sác - Lần I)
23-12-1973       
Đại đội 5 (Đoàn 10 Rừng Sác - Lần II
8-9-1975       
  9Tiểu đoàn 1 Quyết Thắng (Quân khu Sài Gòn - Gia Định)
8-9-1975       
  10Đại đội 5 (Quân y phòng Hậu cần)
31-1-1976       
  11Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định
20-10-1976       
  12Huyện Củ Chi Xã Trung An (huyện Củ Chi)
20-10-1976       
  13Xã Nhuận Đức (huyện Củ Chi)
20-10-1976       
  14Xã Tăng Nhơn Phú (huyện Thủ Đức)
20-10-1976       
  15Đại đội 1 (bộ đội huyện Bình Tân)
20-10-1976       
  16Lực lượng vũ trang nhân dân Sài Gòn - Gia Định
20-10-1976       
  17Huyện Thủ Đức
6-11-1978       
  18Xã Bình Mĩ (huyện Củ Chi)
6-11-1978       
  19Xã Phú Mĩ Hưng (huyện Củ Chi)
6-11-1978       
  20Xã Phước Hiệp (huyện Củ Chi)
6-11-1978       
  21Xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi)
6-11-1978       
  22Xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh)
6-11-1978       
  23Xã Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh)
6-11-1978       
  24Xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn)
6-11-1978       
  25Xã Trung An (huyện Củ Chi)
20-10-1976       


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 07:04:25 am
ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

Họ và tên
Thời gian
Họ và tên
Thời gian
 tuyên dương
 tuyên dương
1Lê Văn Thọ (liệt sĩ)
8-1955  
   28Lê Văn Đạm
11-1978  
2Bùi Văn Ba
1-1965  
   29Trần Văn Đang (liệt sĩ)
11-1978  
3Phạm Văn Ri
9-1967  
   30Nguyễn Thị Điểm (Nguyễn Thanh Tùng)
11-1978  
4Nguyễn Văn Trỗi (liệt sĩ)
9-1967  
   31Trương Văn Hải (liệt sĩ)
1-1978  
5Phạm Văn Hai (liệt sĩ)
9-1967  
   32Bùi Quang Hảo
11-1978  
6Phạm Văn Quý (liệt sĩ)
9-1967  
   33Trần Văn Hoàng (liệt sĩ)
11-1978  
7Phạm Văn Cội (liệt sĩ)
9-1967  
   34Phan Trung Kiên
11-1978  
8Tô Văn Đực
9-1971  
   35Nguyễn Văn Kịp (liệt sĩ)
11-1978  
9Nguyễn Văn Lịch (liệt sĩ)
5-1970  
   36Nguyễn Đình Khơi (liệt sĩ)
11-1978  
10Nguyễn Văn Tăng
9-1971  
   37Võ Hoàng Lê
11-1978  
11Bành Văn Trân (liệt sĩ)
9-1971  
   38Trần Thị Mai
11-1978  
12Trịnh Xuân Bảng
9-1971  
   39Trần Văn Mười (liệt sĩ)
11-1978  
13Lê Xuân Sinh
9-1971  
   40Huỳnh Minh Mương (liệt sĩ)
11-1978  
14Mai Dinh
12-1973  
   41Lương Văn Mướt
11-1978  
15Võ Thị Huynh
5-1976  
   42Phạm Thị Mĩ (Oanh)
11-1978  
16Võ Văn Trạng
5-1976  
   43Đỗ Tấn Phong
11-1978  
17Lê Minh Xuân (liệt sĩ)
5-1976  
   44Lê Tấn Quốc (liệt sĩ)
11-1978  
18Nguyễn Minh Thắng
5-1976  
   45Nguyễn Thị Rành
11-1978  
19Nguyễn Hồng Thế
5-1976  
   46Nguyễn Văn Tây
11-1978  
20Nguyễn Thị Thu Trang
11-1978  
   47Đoàn Thị Ánh Tuyết
11-1978  
21Trần Văn Dần (liệt sĩ)
5-1976  
   48Lê Văn Thế (liệt sĩ)
11-1978[  
22Hà Quang Vóc (liệt sĩ)
5-1976  
   49Dương Văn Thi
11-1978  
23Nguyễn Chất Xê (liệt sĩ)
5-1976  
   50Phạm Văn Trọng
11-1978  
24Nguyễn VĂn A
11-1978  
   51Trần Thị Trung
11-1978  
25Nguyễn Văn Bá (liệt sĩ)
11-1978  
   52Võ Văn Vân
11-1978  
26Trần Phú Cương (liệt sĩ)
11-1978  
   53  Lê Hoàng Sơn
12-1979  
27  Tống Viết Dương
11-1978  


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 07:06:39 am
BẢNG THỐNG KÊ CÁC LIỆT SĨ

(Do TP Hồ Chí Minh đang quản lí, tính đến ngày 27-7-1994)
(1)

- Tổng số liệt sĩ trong toàn Thành phố: 38.581 người

- Trong đó, thuộc dân chính: 14.160 người, thuộc lực lượng vũ trang 24.421 người


    Đơn vị hiện đang   
Số liệt sĩ
  Thuộc dân chính 
  Thuộc lực lượng 
    quản lí   
(người)
  (người) 
  vũ trang (người) 
Quận 1
1.685     
587           
1.099           
Quận 2
1.446     
559           
887           
Quận 4
756     
155           
601           
Quận 5
1.167     
526           
641           
Quận 6
1.041     
368           
673           
Quận 8
1.175     
503           
672           
Quận 10
1.233     
541           
692           
Quận 11
924     
405           
518           
Quận Bình Thạnh
1.683     
815           
868           
Quận Phú Nhuận
1.099     
476           
623           
Quận Tân Bình
2.328     
714           
1.614           
Quận Gò Vấp
1.128     
536           
592           
Quận Hóc Môn
4.229     
2.845           
1.384           
Huyện Củ Chi
10.051     
1.537           
8.514           
Huyện Bình Chánh
8.132     
1.308             
2.824           
Huyện Thủ Đức
2.686     
1.504           
1.182           
Huyện Nhà Bè
1.102     
471           
631           
Huyện Cần Giờ
715     
309           
406             


(1) Theo số liệu của Cơ quan chính sách thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của Bộ chỉ huy quân sự Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27-7-151994.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 07:08:17 am
BẢNG THỐNG KÊ CÁC BÀ MẸ
ĐANG ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ NHÀ NƯỚC PHONG TẶNG VÀ TRUY TẶNG
DANH HIỆU “BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG”
(1)

Toàn thành phố có: 649 bà mẹ

Đơn vị cư trú
  Số bà mẹ 
  Có từ 3 con 
  Có 2 con và và bản thân 
  Có 1 con độc nhất và chồng 
hiện nay
  trở lên là liệt sĩ 
  hoặc chồng là liệt sĩ 
  hoặc bản thân là liệt sĩ 
Quận 1
17
12 bà mẹ
5 bà mẹ
1 bà mẹ
Quận 3
12
7 bà mẹ
4 bà mẹ
Quận 4
6
4 bà mẹ
2 bà mẹ
Quận 5
10
6 bà mẹ
4 bà mẹ
Quận 6
7
6 bà mẹ
1 bà mẹ
Quận 8
9
7 bà mẹ
2 bà mẹ
Quận 10
16
11 bà mẹ
4 bà mẹ
1 bà mẹ
Quận 11
10
5 bà mẹ
3 bà mẹ
2 bà mẹ
Quận Bình Thạnh
15
13 bà mẹ
1 bà mẹ
1 bà mẹ
Quận Phú Nhuận
13
6 bà mẹ
7 bà mẹ
3 bà mẹ
Quận Tân Bình
40
28 bà mẹ
9 bà mẹ
1 bà mẹ
Quận Gò Vấp
10
4 bà mẹ
5 bà mẹ
4 bà mẹ
Quận Hóc Môn
58
29 bà mẹ
15 bà mẹ
4 bà mẹ
Huyện Củ Chi
264
222 bà mẹ
38 bà mẹ
1 bà mẹ
Huyện Bình Chánh
115
93 bà mẹ
21 bà mẹ
Huyện Thủ Đức
30
24 bà mẹ
6 bà mẹ
Huyện Nhà Bè
10
9 bà mẹ
1 bà mẹ
Huyện Cần Giờ
7
4 bà mẹ
3 bà mẹ
Cộng
500
131
18


(1) Theo số liệu của Cơ quan chính sách thuộc Sở Lao động – Thương binh Xã hội và Bộ chỉ huy quân sự Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27-7-1994.
Theo số liệu mới nhất (tháng 10-1994) thì toàn Thành phố có 765 bà mẹ được truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.


Tiêu đề: Lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định kháng chiến (1945-1975)
Gửi bởi: macbupda trong 30 Tháng Tư, 2012, 07:09:43 am
Danh sách các bà mẹ có 5 con trở lên
hoặc 4 con và chồng, hoặc bản thân là liệt sĩ
(1)

  STT 
Họ và tên
Ghi chú
Nơi cư trú hiện nay
1
Nguyễn Thị Rành  8 người con  X. Phước Hiệp, H. Củ Chi
2
Nguyễn Thị Ngon  7 người con  X. An Nhơn Tây, H. Củ Chi
3
Nguyễn Thị Nhẹ  5 người con  P. Bến Nghé, Q. 1
4
Lê Thị Bứa  6 người con  X. An Nhơn Tây, H. Củ Chi
5
Lí Thị Len  6 người con  P. 13, Q. Tân Bình
6
Trần Thị Trà  6 người con  P.7 Q. 5
7
Phạm Thị Nhồng  3 người con, bản thân, chồng  P.10 Q. Phú Nhuận
8
Phạm Thị Ba  3 người con, 2 lượt chồng  X. Nhơn Đức, H. Nhà Bè
9
Phạm Thị Cẩm  4 người con, chồng  P. Đa Kao, Q. 1
10
Nguyễn Thị Dư  4 người con, chồng  X. Nhuận Đức, H. Củ Chi
11
Nguyễn Thị Đát  4 người con, chồng  Xã Đông Hưng Thuận, H. Hóc Môn
12
Phạm Thị Đẩy  4 người con, chồng  P. 6, Quận 3
13
Trần Thị Lưỡng  4 người con, chồng  X. Vĩnh Lộc B, H. Bình Chánh
14
Lại Thị Nghê  4 người con, chồng  P. 14, Q. Tân Bình
15
Lê Thị Thà  4 người con, chồng  X. Tân Tạo, H. Bình Chánh
16
Nguyễn Thị Thêm  4 người con, chồng  X. An Phú, H. Củ Chi
17
Nguyễn Thị Chiến  5 người con  X. Xuân Thới Thượng, H. Hóc Môn
18
Huỳnh Thị Chớ  5 người con  X. Tân Nhựt, H. Bình Chánh
19
Võ Thị Dậu  5 người con  X. An Phú, H. Thủ Đức
20
Ngô Thị Khoai  5 người con  P. 11, Q. Tân Bình
21
Phan Thị Mọ  5 người con  X. Vĩnh Lộc B, H. Bình Chánh
22
Trần Thị Mùi  5 người con  Xã An Phú, H. Thủ Đức
23
Trần Thị Nà  5 người con  P. 11, Q. 11
24
Trần Thị Năm  5 người con  X. Tân Thuận Tây, H. Nhà Bè
25
Nguyễn Thị Ớt  5 người con  X. Trung Lập Thượng, H. Củ Chi
26
Nguyễn Thị Rạch  5 người con  X. Phước Hiệp, H. Củ Chi
27
Phan Thị Vẽ  5 người con  X. An Nhơn Tây, H. Củ Chi


(1) Theo số liệu của cơ quan chính sách thuộc sở Lao động – Thương binh Xã hội và Bộ chỉ huy quân sự Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27-7-1994