Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thảo luận Lịch sử bảo vệ Tổ quốc => Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước... => Tác giả chủ đề:: baovip trong 12 Tháng Bảy, 2008, 10:11:23 pm



Tiêu đề: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: baovip trong 12 Tháng Bảy, 2008, 10:11:23 pm
bác nào biết thông tin về 2 trận đánh lớn này thì đóng góp nhé!!! ;D
mong được sự góp ý của mấy bác!!! ;D


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: mig21-58 trong 13 Tháng Bảy, 2008, 06:46:14 am
xuân lộc là cửa ngõ phía đông sài gòn,án ngữ đường 20,đường1,người mỹ nói với thiệu rằng'' nếu để mất xuân lộc thì coi như tuyệt vọng'',thiệu nói ''dù có chết tôi cũng giữ cho được xuân lộc'', chuẩn tướng lê minh đảo tư lệnh sư 18 VNCH nói''sẽ đánh một trận oai hùng cho thế giới biết...''.chúng tập trung ở đâybinh lực hoả lưc rất cao,gồm  toàn bộ sư 18,hai tiểu đoàn pháo binh hai chi đoàn xe tăng, trên 3000 dân vệ,quân cảnh,sư đoàn 3 không quân  trưc tiêp chi viện,tuy vậy trong lúc đánh nhau, chúng còn tăng cường thêm nhiều chiến đoàn nữa ,gồm bộ binh,lính dù,thủy quân lục chiến,...sau này chúng còn sử dụng cả bom hơi ngạtném xuông xuân lộc(có lẽ bom này chính là bom mẹ của mỹ).
chúng ta thì sao?sư 341 cùng với sư 7 của quân đoàn 4 đánh xuân lộc .5 giờ40 phùt ngày9 tháng tư 1975 giờ khai tử cho tiểu khu xuân lộc bắt đầu ,/


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: mig21-58 trong 13 Tháng Bảy, 2008, 06:54:32 am
bài viết này lươc lại ''trậntiến công địch ở thị xã xuân lộc của sư đoàn bộ binh 341''.lịch sư quân đoàn4


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Tunguska trong 13 Tháng Bảy, 2008, 09:59:28 am
http://www.quansuvn.net/index.php?topic=235.90 (http://www.quansuvn.net/index.php?topic=235.90)

2. PHÁ VỠ TUYẾN PHÒNG THỦ PHAN RANG - BẮT SỐNG TƯỚNG GIẶC.

Vào một buổi tối ngày 1 tháng 4, khi những người dân Quy Nhơn, Tuy Hòa đang ùa ra đường phố reo mừng đón chào Quân giải phóng thì tại Dinh “Độc lập” ở trung tâm Sài Gòn, sau khi nghe Phú từ Nha Trang báo cáo tình hình, Thiệu tuyệt vọng thở dài nói với Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng: “Mình muốn giữ, nhưng tướng tại trận không giữ nổi, biết làm sao”,  Viên nói: “Chiều hôm qua, Uây-oen có gọi điện thoại nói với tôi rằng: bỏ Nha Trang, Cam Ranh thì bằng mọi giá phải giữ lấy Phan Rang. Còn Phan Rang thì máy bay còn đánh được tới Đà Nẵng. Mất Phan Rang thì Cộng sản có thể dùng sân bay này để tiến công Sài Gòn”.

Thiệu và Viên đều nhất trí phải giữ lấy Phan Rang. Cái sống, cái chết bây giờ là ở chỗ đó, chỉ còn một vài tháng nữa, qua tháng 5 đã là mùa mưa rồi... Thiệu còn nói mồ ma gia tiên hắn ở cả ngoài đó... Thiệu nín lặng hồi lâu trước tấm bản đồ quân khu 2 với 11 tỉnh đã bị bôi đỏ, chỉ còn lại hai tỉnh cuối cùng. Đột nhiên, Thiệu đấm mạnh tay xuống bàn, ra lệnh: “Phải giữ bằng được Phan Rang, lập một cái lá chắn ở đấy để chặn đường bộ, đường biển của Cộng sản. Ông gọi tướng Phú về Sài Gòn và sáp nhập phần đất còn lại của quân khu 2 vào với quân khu 3, ông giao nhiệm vụ cho bộ tư lệnh quân khu 3, bảo họ sáng mai phải ra ngoài đó, đích thân trung tướng Toàn phải đi thị sát...”.

Ngày hôm sau, chấp hành lệnh Thiệu, Nguyễn Văn Toàn vội vã bay ra Phan Rang. Dọc đường, khi dừng lại ở Phan Thiết, Toàn gặp đại tá Trần Thanh Tự, tỉnh trưởng Phan Rang đang di tản. Toàn ra lệnh cho Tự phải quay lại nhiệm sở. Đến phi trường Thành Sơn, chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, tư lệnh sư đoàn 6 không quân ngụy cũng đề nghị với Toàn cho rút, nhưng Toàn đã chỉ thị cho Sang phải ở lại và cử Sang làm chỉ huy trưởng phi trường...

Toàn lập ngay một sở chỉ huy tiền phương của quân khu ở Phan Rang và cử tên trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm chỉ huy trưởng. Y cho rằng bộ tư lệnh phải có mặt ở tiền tuyến mới trấn an được binh sĩ.

10 giờ sáng ngày 4, Nghi và Toàn bay ra Phan Rang. Ngồi trên trực thăng, thấy Nghi có vẻ đăm chiêu, Toàn bảo: “Trung tướng cứ yên tâm, Cộng sản vừa nuốt một thắng lợi quá lớn, còn phải tiêu hóa đã, chưa thể dốc toàn lực vào đánh quân khu 3 được. Sắp tới là mùa mưa rồi...”

Đến Phan Rang, quan sát địa hình, Toàn nhận định Cộng sản có hai đường đánh vô Phan Rang, một theo đường số 11 từ Đà Lạt qua đèo Ngoạn Mục đánh xuống, nhưng hướng này hiện giờ chỉ có trung đoàn 812, không có xe tăng, pháo lớn. Hai là theo đường số 1 từ Nha Trang đánh vào. Hướng này có sư 10, có thể cả sư 320, sư 3 Sao Vàng nữa, rất mạnh, nhưng cả ba sư đoàn này đã đánh suốt tháng 3 chưa chắc đã tiến quân vào Phan Rang ngay  được . . .

Máy bay lướt nhanh qua thị xã Phan Rang rồi ngược lên phía bắc theo đường số 1 nằm kẹp giữa hai dãy núi cao. Toàn thốt lên: “Địa thế này khác gì một cửa ải. Một người địch nổi muôn người”. Ngày hôm đó, Toàn về Biên Hòa còn Nghi ở lại. Càng suy nghĩ, Nghi càng không thống nhất với cách nhận định của Toàn. Cộng sản Bắc Việt không hề dừng lại để “tiêu hóa” thắng lợi mà vẫn ào ạt đánh tới. Nghi cho trực thăng thả nhiều toán biệt kích “Lôi Hổ” ra phía bắc thăm dò và nhận được tin tức rất đáng lo ngại: sư đoàn 10 từ Nha Trang theo đường số 1 đang mở một con đường chéo qua đường số 11. Như vậy có thể sư này sẽ vòng quađường số 11 đánh xuống Phan Rang từ hướng tây-bắc, còn hướng bắc theo đường số 1 sẽ là sư 320 hoặc 304, 325 gì đó. Hắn lại nghe bọn tàn binh quân khu 1, quân khu 2 từ phía bắc chạy về cho biết: có những đoàn quân xa đủ cả xe tăng, thiết giáp, pháo các loại đang chạy suốt ngày đêm về phía nam, nhiều xe giương biểu ngữ: “Quân Tiên phong thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn”, phải chăng đó là sư 308?

Trong khi ấy, trong tay Nghi chỉ có lữ dù 2 gồm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo. Liên đoàn biệt động 31 có đủ ba tiểu đoàn nhưng cộng lại tất cả chưa được 800 lính. Sư đoàn 2 mới khôi phục được hai trung đoàn. Nghi bực bội kêu với Toàn, nhưng Toàn cũng không kiếm đâu ra lực lượng cho hắn.

Ngày 6 tháng 4, Nghi đưa lữ dù 2 và liên đoàn biệt động 31 ra giữ đường số 1, lấy quãng  đường hẻm Du Long làm khu vực chốt chặn, cắm một loạt vị trí ở hai dãy núi kẹp hai bên đường. Bốn tiểu đoàn địa phương quân được lệnh giữ thị xã Phan Rang. Trung đoàn 4 giữ đường số 11, trung đoàn 5 bảo vệ phi trường Thành Sơn. Như vậy chúng đã tập trung cho tuyến phòng thủ Phan Rang một lực lượng gần hai sư đoàn bộ binh và xe tăng có một sư đoàn không quân yểm trợ.

*
*      *

Những tin tức mà các đội thám báo “Lôi Hổ” của Nghi thu lượm được về sự di chuyển lực lượng của các sư đoàn Quân giải phóng ở phía bắc Ninh Thuận là một sự thật. Chúng đã không lầm khi báo cáo với Nghi rằng, một con đường lớn đang gấp rút mở ở chân triền núi phía tây chạy vòng vèo nối với đường số 11 từ Đà Lạt đổ xuống, và các sư đoàn chủ lực ta đang từ phía bắc gấp rút đổ vào phía nam theo đường số 1.

Ở miền Đông, Quân đoàn 4 cùng các lực lượng của Quân khu 6, Quân khu 7 đang áp xuống Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Long Khánh, Bình Tuy, chuẩn bị đánh Xuân Lộc - thị xã cửa ngõ vào Sài Gòn ở phía đông-bắc. Các lực lượng ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đánh thông đường từ Kiến Tường qua Long An lên Tây Ninh, làm bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía nam.

Quân đoàn 2, sau khi giải phóng Đà Nẵng đang cơ động vào phía nam, nhận thêm sư đoàn Sao Vàng của Quân khu 5, lúc đó đang gấp rút củng cố ở ngoại ô Quy Nhơn, thành lập “Cánh quân Duyên Hải”.

Quân đoàn 1 từ hậu phương lớn cùng với các đơn vị xe tăng, pháo binh, tên lửa, không quân, hải quân cũng đang thần tốc trên đường “nam tiến". Cả nước đang chuyển động, đang chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược vào trung tâm Sài Gòn, kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ lâu dài và gian khổ.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Tunguska trong 13 Tháng Bảy, 2008, 10:00:36 am
Nhưng trước khi bước vào trận đánh sau chót đó thì phải đập tan cái lá chắn phòng ngự từ xa của địch ở Phan Rang - tuyến phòng ngự mà đích thân tổng thống Mỹ đã phải cử Uây-oen, cựu tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ ở miền Nam, trở lại Sài Gòn trực tiếp kiểm tra và đôn đốc Thiệu thiết lập cho kỳ được. Nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang ấy chủ yếu đã được bộ tư lệnh “Cánh quân Duyên Hải” trao cho sư đoàn Sao Vàng.

Ngày 4 tháng 4, đảng ủy sư đoàn họp rút kinh nghiệm đợt hoạt động vừa qua và chuẩn bị cho chiến dịch sắp tới. Phần cuối hội nghị, đảng ủy tranh thủ thông qua những đề nghị truy tặng huân chương cho các liệt sĩ có thành tích chiến đấu ở đường số 19. Ngày hôm đó, sư đoàn nhận được điện của quân khu cho biết, sắp tới, hậu phương lớn sẽ gửi tiếp cho sư đoàn 1.000 chiến sĩ mới.

Dưới đơn vị, bộ đội được lệnh huấn luyện, bổ sung chiến thuật đánh thành phố và ôn tập những chiến thuật cơ bản. Trong khi đó, các cơ quan hậu cần sư đoàn, trung đoàn chia nhau, người vào Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, người ra Bồng Sơn, An Khê dựa vào địa phương tìm phương tiện và lái xe để sư đoàn cơ động.

Ngày 5 tháng 4, đoàn cán bộ chuẩn bị chiến trường lên đường. Ngày 8 tháng 4 sư đoàn bắt đầu hành quân. Chính quyền và nhân dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã huy động được 924 lần chiếc xe giúp sư đoàn cơ động. Xe Gát, xe GMC, xe Đốt, xe Giép và nhiều hơn cả là xe đò, xe bơ lua. Những người lái xe cũng đủ thành phần, cả những người hôm qua còn bó mình trong bộ đồ lính đánh thuê, hôm nay xin góp công chuộc tội.

Trên đường số 1 , hàng trăm xe nối nhau chạy hối hả. Xe chở quân, xe kéo pháo, xe chở đạn, chở gạo, cả xe điện ảnh. Bệnh xá ở trên xe, xưởng quân giới cũng ở trên xe...

Bộ đội vừa hành quân vừa sinh hoạt chính trị. Khẩu hiệu hành động của sư đoàn lúc này là: “Tiếp tục phát triển thắng lợi. Sắn sàng đi bất cứ nơi nào còn giặc để giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Chính vì vậy mà mệnh lệnh “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chiến thắng” của Đảng phát ra càng giục giã lòng người. Thời gian và thời cơ lúc này là tất cả. Mới hôm qua họ còn hành quân chạy bộ, hôm nay ngồi trên xe ngây ngất nhìn đất trời Tổ quốc được giải phóng từng ngày. Nơi nào cũng rộn rã tiếng reo, tiếng cười, nơi nào cũng thấy ảnh Bác, bàn thờ Bác. Họ vừa hành quân vừa hát: “Bác đang cùng chúng cháu hành quân..”.

Ngày 11 tháng 4, toàn sư đoàn vào tới bắc Phan Rang. Dọc hai bên đường là những bãi đạn, bãi lương thực, thực phẩm với những lều bạt dựng sơ sài. Dưới các cánh rừng non bắt đầu xuất hiện những căn hầm, những đường dây điện thoại. Đó là khu vực sở chỉ huy của Bộ tư lệnh “Cánh quân Duyên Hải”.

Theo nhiệm vụ trên giao, trận đánh sắp đến, sư đoàn Sao Vàng được tăng cường trung đoàn 25 bộ binh, có sự phối hợp của các lực lượng vũ trang địa phương,  từ ba đến năm ngày, tiến công tiêu diệt toàn bộ lực lượng địch ở Phan Rang, giải phóng hoàn toàn tỉnh Ninh Thuận, thu hồi triệt để cơ sở trang bị kỹ thuật, nhất là không quân, sẵn sàng tiếp tục phát triển vào phía nam.

Về phương án, cơ quan tham mưu cấp trên khêu gợi có thể lấy trục đường số 1 làm hướng tiến công chính, chọc thủng cửa ải Du Long tiến vào thị xã: hướng tiến công quan trọng theo đường số 11 đánh chiếm căn cứ không quân Thành Sơn. Qua nghiên cứu thực địa và xét khả năng đơn vị, sư đoàn đề nghị trên hướng chủ yếu sẽ tiến công hai mũi. Mũi đột phá chính đánh vào ấp Bà Râu nằm sau lưng “cửa ải” Du Long. Đánh vào đây, bộ đội phải vòng qua sườn đông Núi Xanh để thọc xuống, có khó khăn về hành quân tiếp cận nhưng sẽ tạo được bất ngờ vì mất Bà Râu thì cụm phòng ngự chủ yếu của địch ở Du Long sẽ nhanh chóng tan vỡ. Bộ tư lệnh “Cánh quân Duyên - Hải” chấp nhận đề nghị này và để tạo điều kiện cho sư đoàn có đủ thời gian cơ động, quyết định lùi giờ nổ súng thêm một ngày, tức là rạng sáng ngày 14 tháng 4.

Để có một phương án tối ưu như vậy, bộ tư lệnh sư đoàn đã phải vất vả bao nhiêu ngày đêm. Hôm rời Bình Định ra đi, trong tay không có một tấm bản đồ. Lúc nhận nhiệm vụ mới xin cấp trên được một mảnh nhỏ dùng cho cả sư đoàn: Điạ hình chưa ai một lần đặt chân đến. Cũng không đủ thời gian để bắt liên lạc với địa phương, mọi người cứ chiếu bản đồ cho trinh sát đi trước bám địch, cán bộ theo sau nghiên cứu lập kế hoạch. Sư đoàn đã vậy, các trung đoàn, tiểu đoàn còn vất vả hơn. Trung đoàn 2, trung đoàn 68 dựa vào bản đồ chọn được hai vi trí chỉ huy và đặt đài quan sát lý tưởng, nhưng khi bò tới nơi thì đó là chốt địch. Thì giờ không còn nữa. Chỉ còn một cách là đánh hất địch ra để đặt đài, đặt sở chỉ huy.

Căn cứ vào địa hình, sự bố trí của địch, sư đoàn sử dụng lực lượng như sau:

- Trung đoàn 2 đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu, đập vỡ cụm mạnh nhất của địch đang chắn giữ tuyến đầu cầu này, tạo điều kiện nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm thị xã.

- Trung đoàn 141 đảm nhiệm hướng vu hồi, hình thành mũi vây cắt phía đông-nam, chặn toàn bộ hướng rút chạy của chúng về phía biển.

- Trung đoàn 25 tiến công trên hướng quan trọng theo trục đường số 11 đánh chiếm toàn bộ sân bay Thành Sơn.

-Trung đoàn 12 là lực lượng dự bị mạnh, sẵn sàng tung vào bất cứ hướng nào khi cần thiết.

- Trung đoàn pháo binh tổ chức hai cụm pháo 155, 5, 85, H12 và cao xạ 37 chi viện trực tiếp hai hướng bắc và tây-bắc. Ngoài ra dùng hai khẩu 85, một đại đội cao xạ 37 từ đường số 11 đánh vào, khống chế sân bay Thành Sơn triệt cắt đường không của địch.

Chiều ngày 13, sở chỉ huy sư đoàn hành quân vào chiếm lĩnh.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Tunguska trong 13 Tháng Bảy, 2008, 10:01:03 am
Ninh Thuận là một tỉnh ven biển cực nam Trung Bộ, cách Sài Gòn khoảng 300 ki-lô-mét theo trục đường số 1về phía bắc. Tỉnh có năm huyện với 32 vạn dân. Phía tây, phía bắc, phía nam và một phần phía đông có nhiều dãy núi cao, rừng rậm ôm lấy một thung lũng rộng lớn kéo dài từ huyện Du Long ở phía bắc, qua thị xã Phan Rang đến huyện An Phước ở phía nam. Phía đông tỉnh là một dải bờ biển với các cửa biển Thanh Hải, mũi Dinh và Khánh Hội. Ninh Thuận gồm nhiều dân tộc khác nhau, phần lớn là người Kinh, người Chăm sống ở đồng bằng, còn đồng bào các dân tộc, chủ yếu là dân tộc Rắc Lay sống ở vùng rừng núi.

Sở chỉ huy sư đoàn đặt trên Núi Xanh. Từ vị trí này có thể quan sát, chỉ huy được cả hai hướng và có thể bao quát được phần lớn thung lũng Ninh Thuận. Giữa cái thung lũng rộng và dài ấy, những thôn ấp nằm rải rác từng cụm mỗi lúc càng ken dày hơn về phía đông. Thị xã Phan Rang nằm sau dãy núi Cà Đú. Phía tây thị xã là thị trấn Thuộc Chàm, sân bay Thành Sơn. Trên các đường băng, những chiếc trực thăng đen đủi vẫn đáp lên đáp xuống. Thỉnh thoảng, một tốp phản lực lại cất cánh. Chúng lao vút lên bầu trời khi đó còn hết sức yên ả.

Trong sở chỉ huy, ngoài các đồng chí trong bộ tư lệnh sư đoàn còn có đồng chí đại diện thường vụ tỉnh ủy Ninh Thuận. Xung quanh sở chỉ huy là những ngôi nhà ọp ẹp nhưng kiên trung của những người dân Bác ái, quê hương người anh hùng Pi Năng Tắc nổi tiếng. Do sự xúc tát liên miên của địch, đồng bào Rác Lay, một số ít phải xuống núi, sống trong những khu dồn chật chội sát đường số 1, còn phần lớn di chuyển lên cao, vào sâu hơn nữa, tuyên bố thà chịu chết đói còn hơn làm tay sai cho giặc. Nhiều cuộc càn quét của quân chủ lực ngụy đã bị bẻ gãy tại khu căn cứ hiểm trở này. Người dân Bác Ái sống nghèo khổ nhưng trong sáng. Họ đói muối triền miên mặc dù trước mặt họ, chỉ cách vài chục ki-lô mét đường chim bay là biển. Các cán bộ địa phương  thường kể lại cho các chiến sĩ sư đoàn Sao Vàng nghe một câu chuyện cảm động. Vào thời kỳ địch càn quét rừng Bác Ái dai dẳng nhất, cơ quan tỉnh phải di chuyển đi nơi khác, để quên một kho muối lớn. Hai năm trời, đồng bào đi qua kho muối ấy chỉ đứng nhìn nhưng kiên quyết không lấy một hạt. Trong khi đó hầu hết những người già và trẻ em huyện Bác Ái đều mắc bệnh phù thũng, mọc bướu ở cổ vì thiếu gạo, thiếu muối.

Buổi chiều, sở chỉ huy vừa di chuyển đến một triền dốc, đồng bào đã vội vã ra rẫy, vào rừng hái bắp; chôm chôm, chuối, đu đủ, gùi từng gùi đến biếu bộ đội. Khi đồng chí chủ nhiệm chính trị lấy muối ra tặng, đồng bào chỉ cười mà không chịu nhận. Chính ủy sư đoàn cảm động nói với mọi người rằng, chúng ta giải phóng Ninh Thuận, trước hết là giải phóng những người dân Rác Lay khỏi sự nghèo khổ “mà cho đến hôm nay, cái đói ăn, nhạt muối và cái rét vẫn còn đang bám riết lấy họ”.

5 giờ 30 phút _sáng ngày 14 tháng 4, các trận địa pháo binh sư đoàn đã dìm các vị trí Bà Râu, Du Long, suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất, Thành Sơn, Núi Tháp trong biển lửa. Công lao lớn của kết quả này phải kể đến các chiến sĩ trinh sát pháo binh. Kinh nghiệm chiến dịch đường số 19 cho thấy các đài quan sát phải bám sát lấy bộ binh, mặc dù như vậy rất dễ gặp địch. Trận đánh sáng nay là một trường hợp như thế. Sắp đến giờ nổ súng, các chiến sĩ bảo vệ đài quan sát phát hiện cạnh đài chỉ huy có một đại đội biệt động ngụy. Tình huống thật khẩn cấp. Đài này không những phục vụ cho trận đầu mà còn cho những trận đánh phát triển sau đó.

Phó trung đoàn trưởng Đinh Vân Nam ra lệnh không di chuyển đi đâu nữa, bằng mọi cách phải bảo vệ đài. Một trận đánh diễn ra. Bốn chiến sĩ trinh sát Quang, Liên, Lâm, Xốp do Bùi Thế Quang chỉ huy đã vừa đánh vừa nghi binh, hất đại đội biệt động này xuống chân núi.

Mấy phút sau, pháo binh của ta đã gầm lên từ các ngả theo mệnh lệnh của sư đoàn.

Ở hướng tiến công chính, 6 giờ 30 phút, tiểu đoàn 3 tiến công quận Du Long. Đại đội 3, chỉ sau nửa giờ đã chiếm xong điểm cao 105, làm chủ quận ly. Đại đội 1 tiến công ấp Suối Đá, một vị trí phòng ngự mạnh của địch ở phía nam Du Long, nhưng đội hình bị chững lại trước sự chống trả quyết liệt của địch. Lệnh trung đoàn truyền xuống: Tiểu đoàn 3 vây chặt Suối Đá, chờ tiểu đoàn 2 đánh chiếm ấp Bà Râu rồi sẽ dứt điểm sau. Đây là một quyết định chính xác. Bời chiếm được Bà Râu sẽ gây uy hiếp lớn sau lưng Suối Đá. Bọn địch bị ép từ cả hai phía sẽ không thế nào chịu nổi.

7 giờ, sau khi hỏa lực pháo binh cấp tập lần cuối cùng, trung đoàn 2 hình thành hai hướng tràn vào ấp Bà Râu, một ấp chiến lược lớn nằm sát bên đường số 1. Bị tiến công dồn dập, bọn giặc còn lại chạy phá về ấp Kiền Kiến. Nhưng chúng vừa ra khỏi ấp đã bị đại đội công binh chặn đánh, giết chết hàng chục tên, bắt sống 18 tên.

Mất ấp Bà Râu, cụm phòng ngự của địch ở Du Long bắt đầu vỡ ra từng mảng. Cụm quân ở điểm cao 300, Suối Vàng sợ hãi rút chạy về phía đông-nam. Nắm thời cơ, trung đoàn 2 ra lệnh cho tiểu đoàn 3 tiến công ấp Suối Đá Bọn địch trên điểm cao 86 ở gần đó bị cối khống chế, hốt hoảng cùng với bọn tàn binh ở ấp Suối Đá tháo chạy về ấp Kiền Kiền.

Từ sở chỉ huy, sư đoàn trưởng điện cho trung đoàn 2 phải đánh chiếm ngay Kiền Kiền trước khi trời tối để mở rộng đầu cầu đưa pháo cơ giới vào chuẩn bị giải phóng thị xã. Khi đó địch đã dùng máy bay ném bom đánh sập cầu Kiền Kiền và chở thêm quân ra tăng cường cho tuyến phòng thủ ở Kiền Kiền-Ba Tháp.

Ngày 14 kết thúc với hàng loạt trận địa phòng ngự của địch ở phía bắc bị phá vỡ. Ở hướng tây, trung đoàn 25 cũng đánh bại những cuộc nống lấn của địch, áp sát hàng rào sân bay Thành Sơn. Suốt đêm 14, sư đoàn tiếp tục điều chỉnh lực lượng, tung phái viên xuống các đơn vị. Các tiểu đoàn pháo và cao xạ cũng hối hả đưa trận địa vào gần sân bay.

Ngày 15, trung đoàn 2 tiếp tục tổ chức nhiều đợt tiến công đánh bật bọn địch khỏi tuyến ngăn chặn Kiền Kiền -Ba Tháp. Trung đoàn 141 vượt qua đường số 1 tiến về phía đông. Trung đoàn 12 được lệnh đưa tiểu đoàn 6 phối hợp với trung đoàn 25 chuẩn bị đánh vào sân bay Thành Sơn. Trưa hôm đó, khi được thông báo của sở chỉ huy “Cánh quân Duyên Hải” sẽ có lực lượng của trung đoàn 101, sư đoàn 325 Quân đoàn 2 cùng xe tăng vào phối hợp chiến dấu, không khí chuẩn bị của sư đoàn Sao Vàng càng khẩn trương và gấp rút hơn. Sư đoàn đang dốc toàn bộ sức lực cho ngày 16, ngày tiến công dứt điểm Phan Rang.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Tunguska trong 13 Tháng Bảy, 2008, 10:01:31 am
Trước sức tiến công của quân ta, tại sân bay Thành Sơn, Nguyễn Vĩnh Nghi đang sống những giờ phút hết sức căng thẳng. Ngày 8 tháng 4, dinh “Độc lập” vừa bị ném bom thì ngày 9, thị xã Xuân Lộc đã rung chuyển trong “hoả lực trọng pháo của Cộng sản”. Một đoạn đường dài hơn chục ki-lô-mét từ Long Khánh đến Bình Tuy bị cắt đứt. Lữ 3 thiết giáp và trung đoàn 8 tới giải vây đang bị bao vây trở lại. Xuân Lộc trở thành nơi nướng quân của Toàn. Rồi phòng tuyến của Nghi cũng bắt đầu rung chuyển. Sáng ngày 14, các cứ điểm của liên đoàn biệt động 31 ở Du Long bị tiến công. Quân biệt động hốt hoảng bỏ chạy ở một số điểm then chốt. Nghi kêu quân dù lên chiếm lại nhưng quân dù cũng đang mắc kẹt ở Bà Râu, Suối Đá. Nghi cho máy bay trinh sát bay dọc đường số 1 lên tận Tuy Hòa, y ra lệnh cho không quân ném bom phá sập tất cả các cây cầu trên đường số 1 ở phía bắc Du Long.

Nghi sợ xe tăng ta. Nếu xe tăng vượt khỏi Du Long thì Phan Rang không thể nào giữ nổi.

Ngày 15, các trận đánh vẫn diễn ra gay gắt ở phía bắc và phía đường số 11. Buổi trưa, Trần Văn Đôn, phó thủ tướng kiêm tổng trưởng quốc phòng ngụy cùng với Nguyễn Văn Toàn bay ra thăm cái “lá chắn Phan Rang”. Nghi báo cáo là tình hình đang hết sức nguy ngập. Cửa ải Du Long đã nứt toác ra rồi. Quân biệt động không thể tin được. Yêu cầu tăng viện ngay cho một tiểu đoàn dù. Du Long có giữ được thì Phan Rang mới còn.

Toàn không trả lời Nghi mà nói về tình hình Xuân Lộc: Thị xã Xuân Lộc vẫn còn nhưng đang bị bao vây. Mất Xuân Lộc thì Sài Gòn coi như bị bỏ ngỏ. Quân dù bây giờ không thể lấy ra được. Lực lượng tổng dự bị chiến lược không còn nữa. Ta phải ráng giữ cho tới mùa mưa... Mỹ đang lập một, cầu hàng không quân vận khẩn cấp. Mùa mưa sẽ cứu chúng ta.
Toàn và Đôn về, Nghi càng lo lắng hơn. Buổi tối, Nghi họp với chuẩn tướng Sang, chỉ huy sư đoàn không quân, chuẩn tướng Nhật, chỉ huy sư 2, đại tá Lưỡng chỉ huy lữ dù và đại tá Biết chỉ huy liên đoàn biệt động bàn kế hoạch khôi phục hướng Du Long. Nghi dự tính, đối phương có đánh lớn thì ít ra cũng phải một tuần nữa vì lúc này xe tăng. pháo lớn còn đang ở Phú Yên.

Nghi hoạch định một kế hoạch tiến công quy mô vào sáng ngày 16 để chiếm lại Du Long nhưng đã quá muộn. 3 giờ sáng ngày 16, chuẩn tướng Sang hốt hoảng báo cáo với Nghi: “Họ vô tới nơi rồi. Phi công trinh sát nói có khoảng 200 xe trên đường số 1 ở phía bắc. 5 giờ sáng, lính biệt động lại báo cáo có tiếng xe tăng đã vào tới Du Long. Nghi giật mình gọi điện cho Sang, giận dữ hỏi:

- Mới chiều qua anh nói cầu đã bị đánh sập hết. Vậy xe tăng của họ vô bằng cách nào

- Dạ, có thể họ đi quành xuống suối. Nhưng không có lẽ..

Nghi ra lệnh xuất kích một loạt tất cả số máy bay ném bom để đánh chặn xe tăng ta. Nửa giờ sau, đạn pháo ta đã trút xuống sân bay, mỗi lúc một dày đặc.

*
*     *

“Mắt mèo, mặt mèo”. Đó là mật hiệu báo cáo của bọn biệt động quân ở núi Cà Đủ về sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 ngụy vào 5 giờ sáng ngày 16  tháng 4 khi chúng phát hiện được xe tăng của ta đang từ Du Long vào Ba-tháp.

Hôm ấy, do trời nhiều mù nên các chiến sĩ lái đã bật đèn cho xe chạy. Sau khi bắt được liên lạc với sư đoàn Sao Vàng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tăng 4 ra lệnh cho đơn vị tiếp tục xuất kích. Xe chạy như một cơn lốc trên đường số 1. Đó cũng là lúc những chiếc A.37 gầm rú thay nhau trút bom xuống đoàn xe. Vừa cho xe chạy, tiểu đoàn vừa ra lệnh cho trọng liên gắn trên xe nổ súng cùng với những khẩu pháo phòng không 37 của sư đoàn Sao Vàng. Hai chiếc A.37 bốc cháy như hai bó đuốc lớn. Nhưng hai chiếc T.54 của ta cũng bị trúng bom lật nghiêng bên vệ đường. Những chiếc xe còn lại gầm lên tiếp tục thọc thẳng theo đường số 1 vào thị xã.

Ở sở chỉ huy sư đoàn Sao Vàng, sư đoàn trưởng ra lệnh cho toàn sư đoàn bắt đầu tiến công. Trong tiếng nổ ầm ầm của các loại đạn pháo và bom, các chiến sĩ trung đoàn 2 vẫn nhận ra tiếng gầm của những chiếc T.54 xung kích. Trung đoàn trưởng Đoàn Mai Ngữ ra lệnh cho tiểu đoàn 2 nhanh chóng tiến công Phước Nhơn, Mỹ Nhơn tiến sát vào sân bay. Tiểu đoàn 3 lợi dụng kết quả đột phá của xe tăng, vận động đánh chiếm ngã ba Cà Đú. Thừa thắng, các chiến sĩ bộ binh nhảy lên xe tăng, cùng đơn vị bạn đánh thẳng vào trung tâm thị xã. 9 giờ 30 phút, đại đội trưởng Sử báo cáo quân ta đã chiếm dinh tỉnh trưởng. Trung đoàn ra lệnh đánh tiếp vào phía nam, chiếm ấp An Quý dựng lên một chốt chặn ở khu vực đó.
Việc xe tăng và bộ binh của ta đột ngột xuất hiện trong thị xã làm bọn giặc kinh ngạc. Ở một căn phòng lớn trong dinh tỉnh trưởng, một bàn tiệc thịnh soạn với những món ăn sang trọng bày la liệt còn đang bốc hơi. Tại đây, các chiến sĩ bắt được một tên trung tá. Hắn khai: “Sáng nay tôi lên sân bay để đi Sài Gòn. Nhưng chưa đến nơi đã bị pháo cách mạng bắn vào phi trằơng. Tôi quay về Phan Rang thì xe tăng đã chiếm ngã ba chợ. Tôi chạy vào đây nhưng đại tá tỉnh trưởng cũng đã biến đâu mất” - Chỉ vào bàn tiệc hắn cười mỉa, nói tiếp: Chúng tôi không ngờ cách mạng lại đến nhanh như_vậy, tỉnh trưởng định làm bữa tiệc mời các cộng sự. Bữa tiệc cuối cùng của ông ta tại Phan Rang. Nhưng cả chủ và khách đều không kịp ăn thì xe tăng cách mạng đã ập đến...”. Trên hướng trung đoàn 25, ngay sau khi pháo binh của sư đoàn và trung đoàn đang bắn, các chiến sĩ đã dùng mìn liên kết phá lớp rào. Hỏa lực vừa dứt, bộ đội đã tràn vào đường bay chính, chiếm ngay sở chỉ huy sân bay và phát triển sang khu huấn luyện giặc lái.

Khi nghe tin xe tăng của ta vào tới dinh tỉnh trưởng Phan Rang. Nguyễn Vĩnh Nghi gọi điện về quân đoàn 3 báo cáo: “Họ tiến nhanh quá, ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi đã thực sự bị bao vây trong phi trường Thành Sơn. Yêu cầu máy bay thả gấp cho một tiểu đoàn dù”.(Đến lúc ấy Nghi vẫn chỉ xin có lính dù. Không hiểu sao Nghi lại mê lính dù đến thế!).


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Tunguska trong 13 Tháng Bảy, 2008, 10:02:39 am
Đầu máy đằng kia, Toàn vừa nói được một câu: “Tôi cũng đang bị kẹt”. Nghi đã quẳng ống nghe xuống, văng tục. Ngay sau đó, những luồng đạn súng máy đã nổ chát chúa trên nóc những ngôi nhà vòm. Có tiếng thét: “Bọn sư đoàn 2 làm phản! Súng của đại đội trinh sát bắn vô đấy”. Lát sau lại có điện của chuẩn tướng Nhật: “Bộ binh Cộng sản đã chiến được quả đồi của đại đội trinh sát. Họ cũng chiếm kho bom trên phi trường rồi. Đề nghị trung tướng...”.

Sang nôn nóng giục Nghi: “Tôi đã chuẩn bị sẵn một máy bay do trung úy Bút lái, rất tin cẩn. Xin mời trung tướng đi trực thăng lên trời chỉ huy. Tánh mạng của trung tướng...”. Nghi trả lời: “Cám ơn, nhưng chưa nên vội”. Và y vẫn bám chặt lấy ống nghe máy điện thoại. Nửa giờ sau, tư lệnh sư 2 ngụy báo cáo: “Sư 2 không còn sức phản công, họ đã vào chiếm các đồi ở phía bắc. .". Cùng lúc, đại tá Biết, chỉ huy biệt động quân giữ cổng số 2 cũng báo cáo: “Quân biệt động đã tan rã hết. Cổng số 2 đang bị tràn ngập!”.

Nghi ra lệnh: “Tất cả rút chạy”. Y quăng máy. Lúc đó là 9 giờ 30 phút, Nghi, Sang, Lưỡng định chạy ra máy bay lên thẳng nhưng không được. Đạn đại liên từ các quả đồi phía bắc sân bay bắn xuống xối xả, không thể ra đường băng được nữa. Nghi hấp tấp hỏi:

- Đại tá Lưỡng, ông còn bao nhiêu quân ?

- Thưa trung tướng, còn hai đại đội. Rút theo cổng số 1, qua đường số 11. Từ đó tìm cách xuống Cà Ná về Phan Thiết!
Lưỡng chỉ huy lính dù chạy men theo đường phía nam sân bay ra cửa số 1. Tiếp đó là bọn sĩ quan của sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3, sư đoàn 6 không quân... Nghi và Sang đi xe jép đuổi theo sau. Nhưng cổng số 1 đã bị xe tăng đối phương ngăn chặn. Nghi ra lệnh quay lại. .

Từ các hướng, bộ đội ta tràn vào sân bay. Từng tốp lính dù, lính biệt động, lính cộng hòa run rẩy ra hàng. Sân bay bề bộn xác xe, xác lính. Những chiếc A.37 vẫn còn đeo bom. Một kho đạn ở phía đông sân bay vẫn đang nổ. Ở cổng chính, xe cộ nối đuôi nhau, nằm chen chúc, tắc nghẽn. Nhưng lúc các chiến sĩ tiểu đoàn 6 và trung đoàn 25 thọc vào sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 ngụy thì cả Nghi, Sang, Lưỡng không còn ở đó nữa.

Trung đoàn 141 sau khi vượt đường số 1 tiến về hướng đông liên tục phải chiến đấu với bọn tàn quân địch, vì đó là con đường rút chạy của chúng về phía biển. Để bảo đảm tốc độ tiến quân, trung đoàn trưởng Đặng Đình Tương quyết định dùng tiểu đoàn 8 làm nhiệm vụ truy bắt tàn binh, còn tất cả tiến nhanh thọc thẳng xuống núi Quýt, Ninh Hải Chữ. Trung đoàn càng phát triển, mục tiêu địch xuất hiện càng nhiều. Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 9 Giang Đức Chấn, trong tình thế đó quyết định đánh lướt để nhanh chóng đến mũi Dinh. Tiểu đoàn 7 đánh chiếm núi Quýt xong đưa DKZ và 12.8 lên khống chế cửa biển, đã bắn chìm, bắn cháy hai tàu chiến địch.

Cũng như núi Quýt, mũi Dinh là một mỏm núi nhô ra biển lởm chởm đá tai mèo. Bọn địch cố thủ ở mỏm núi này lợi dụng hang đá chống cự suốt hai tiếng đồng hồ nhưng đến 9 giờ 30 phút chúng đã phải bỏ chạy. Từ 10 giờ đến 11 giờ, tiểu đoàn tiến công tiếp vào Ninh Hải Chữ, làm chủ toàn bộ khu vực Dư Khánh, Thanh Hải.

Lúc đó cũng là lúc tàn binh địch ở Phan Rang đang xô nhau chạy về cửa biển Thanh Hải. Tiểu đoàn xe tăng 4, sau khi chiếm Phan Rang, tổ chức một mũi truy kích xuống cửa biển. Hai chiếc trực thăng đậu trên một bãi cát vội vã cất cánh. Những chiếc tàu đang cập vào bến đón bọn lính rút chạy cũng hốt hoảng nhổ neo. Phân đội trưởng Bảng vừa cho xe tiến gấp về phía cửa biển vừa ra lệnh cho các xạ thủ bắn máy bay và tàu chiến. Một chiếc trực thăng bốc cháy tại chỗ. Ba chiếc tàu chở quân bị bắn chìm. Bọn địch còn lại trên bãi biển hầu hết bị các chiến sĩ ta bắt sống.

Không còn đường biển để rút chạy, bọn địch ở các khu vực xách súng ra hàng hoặc vất súng, cải trang chạy trốn. Nhưng lác đác vẫn còn những cụm quân địch ngoan cố chống cự. Ở bãi cát Khánh Nhơn, khi được nhân dân báo còn 300 tên lính dù do một tên thiếu tá chỉ huy đang lén lút liên lạc với tàu biển, trung đoàn lệnh cho tiểu đoàn 8 tiến hành bao vây, với ý định kêu gọi đầu hàng là chủ yếu. Nhưng đáp lại lòng bao dung ấy, bọn địch đã điên cuồng chống trả. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Tân ra lệnh tiến công. Giữa một bãi cát với công sự sơ sài làm sao bọn giặc có thể chịu đựng nổi hàng trăm quả đạn cùng giội xuống một lúc. Chúng chết rất nhiều, và đến lúc ấy, những tên sống sót mới lóp ngóp đứng dậy giơ tay xin hàng.

Suốt ngày, sở chỉ huy sư đoàn theo dõi sát diễn biến chiến đấu trên toàn tỉnh.. Các đơn vị liên tiếp báo cáo đã bắt được nhiều tên sĩ quan cấp tá và cấp úy, nhưng chưa thấy đơn vị nào báo cáo bắt được bọn chỉ huy quân đoàn 3 và những tên chỉ huy cao cấp khác. Bọn này không thể rút bằng đường không vì ngay từ đầu sân bay đã bị pháo binh ta khống chế. Còn đường biển thì bị mũi vu hồi của trung đoàn 141 và phân đội xe tăng chặn lại. Đám tàu chiến mon men vào bờ đều bị đánh hất ra ngoài. Bọn chúng cũng không thể kịp rút chạy về phía nam vì đại đội 3 tiểu đoàn 3 có mặt ở khu vực An Quý. Bộ tư lệnh sư đoàn nhận định bọn chỉ huy quân đoàn, các lữ đoàn, trung đoàn địch vẫn còn trốn chạy đâu đó trong địa phận tỉnh Ninh Thuận. Nắm chắc điều đó, sư đoàn trưởng ra lệnh cho các đơn vị tảo trừ kỹ và cho trung đoàn 2 truy lùng ở Bưu Sơn, An Phước.

Trưa hôm đó địch ném bom Thuộc Chàm, một thị trấn lớn nằm ở khoảng giữa sân bay Thành Sơn và Phan Rang. Sư đoàn đặt một dấu hỏi tại sao chúng lại ném bom xuống khu dân cư đông đúc đó?.

Buổi chiều, một tốp trực thăng xuất hiện. Chúng bay rất cao dọc theo bờ biển rồi mất hút. Liệu có phải chúng đang dò tìm tung tích bọn chỉ huy cao cấp hay không?

17 giờ, tiểu đoàn 1 trung đoàn 2 hành quân đến thôn Mỹ Đức cách khu vực địch ném bom mười ki-lô-mét. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Xích từ sở chỉ huy trung đoàn chạy về ra lệnh cho đại đội 3 ra chiếm lĩnh ngay. Mọi người chỉ được phổ biến tóm tắt: Buổi chiều, có hai em bé chăn bò bị bắt giữ ở vườn mía. Dân đi tìm và báo cho biết có một toán địch rất đông từ Thành Sơn chạy về cụm lại ở đó. Có thể đây là bọn chỉ huy mà sư đoàn đang truy tìm. Vì vậy, đại đội 3 phải bao vây thật chặt, không cho chúng chạy thoát.

Trời tối, địa hình rộng, tổ chiến đấu của phó trung đội trưởng Loan có tiểu đội trưởng Mưu và xạ thủ B.40 Quân được giao nhiệm vụ “nhét nút" ở phía sau.

19 giờ, từ hướng đông-bắc, tiếng chính trị viên Long vang lên dõng dạc kêu gọi địch đầu hàng. Im lặng, Long lại gọi tiếp. Vẫn im lặng. Chỉ có tiếng lá mía khua xào xạc và những tiếng động khe khẽ. Không chờ đợi được nữa, đại đội trưởng Thắng ra lệnh nổ súng. Nghe tiếng súng đại liên nổ giòn, khẩu cao xạ 37 bố trí ở một quả đồi gần đó cũng chúc nòng, xả một loạt đạn dài, trong bóng đêm mờ nhạt, những viên đạn 37 đỏ lừ bám đuôi nhau chụp xuống khu vườn mía. Đội hình địch vỡ ra từng mảng, chúng kêu thét, xin ta dừng bắn để ra hàng. Các chiến sĩ dùng đèn pin làm tín hiệu chỉ hướng an toàn cho bọn giặc. Hàng trăm tên nối nhau bước đi run rẩy. Nhiều thằng sụt sịt khóc. Súng, lựu đạn chúng bỏ lại từng đống trong vườn mía.

Khi những loạt đạn 37 nổ chát chúa ở khu vườn mía, bọn giặc ở hướng tổ của Loan định lợi dụng con mương cạn để thoát ra ngoài. Nghe tiếng chúng bước lép nhép trên bùn, Loan biết bọn này khá đông. Quay lại báo đơn vị thì không kịp mà với ba người thì bắt không xuể. Loan nghĩ phải dùng mẹo. Anh bàn với Mưu và Quân rồi bất ngờ hô lớn:

- Hàng sống, chống chết. Các anh bị bao vây rồi! Tiếng động dưới lòng máng im bặt.

- Các trung đội B.40, B.41 chuẩn bị. - Loan hô tiếp, giọng gay gắt.

- Đừng bắn, để bọn tui lên ! Tụi tui xin hàng. Từ dưới lòng mương, bọn giặc bám nhau leo lên bờ. Mưu đếm một, hai, ba, mười, mười lăm, ba mươi, bảy mươi tên đứng chen chúc trên bờ mương. Trong khi đó tổ chỉ có ba người. Loan bỗng chú ý đến một tên cao trội hẳn lên. Anh nhìn kỹ đoán là một tên Mỹ, Loan quát:

- ở dưới mương còn không?

- Dạ hết. Tên Mỹ đáp tiếng Việt gọn lỏn. Loan chưng hửng. Anh tiếp tục nghi binh, ra lệnh cho Quân và Mưu dẫn bọn địch về, còn mình và “các trung đội ở lại tiếp tục tảo trừ.”

Lát sau, không gian trở lại yên lặng. Có tiếng xe chạy trên đường nhựa. Loan nằm đợi Mưu và Quân, lòng dạ bồn chồn. Anh biết dưới mương chưa hết địch. Nhưng vì chỉ còn lại một mình nên chưa biết hành động ra sao. Giữa lúc Loan còn đang tính toán thì dưới lòng mương lại có tiếng động. Không do dự, Loan rút chốt lựu đạn thả xuống. Bọn giặc hốt hoảng xin hàng. Chúng lóp ngóp bước tên. Tám tên cả thảy. Loan hỏi một tên thấp lùn bước lên sau cùng:

- Mày lính gì, dù hay biệt động?

- Dạ, tôi là cấp chỉ huy ở đây? - Nó đáp.

- Cấp gì, đại úy hay đại tá ?

- Dạ tôi Nguyễn Vĩnh Nghi, trung tướng.

Loan giật mình hỏi một tên cao lớn hơn.

- Dạ tôi chuẩn tướng, chỉ huy sư đoàn 6 không quân.

Tên thứ ba là đại tá, còn lại hầu hết là trung tá. Chỉ có một tên lính. Mưu và Quân lúc đó cũng kịp dẫn các chiến sĩ trong đại đội quay lại. Mưu báo cho Loan biết cái tên cao to, mũi khoằm ấy đúng là một tên cố vấn Mỹ.

Tin tiểu đoàn 1 bắt sống được tướng giặc và cố vấn Mỹ chẳng mấy chốc đã truyền đi khắp sư đoàn. Chiều hôm sau (17-4), tiểu đoàn 3 lại bắt được tên đại tá Lưỡng, lữ trưởng lữ dù 2 ở An Quý. Nhiều tên trung tá, thiếu tá trốn trámh trong dân lần lượt ra trình diện, nâng tổng số lính bị bắt lên 1675 tên, trong tổng số 2.584 tên bị loại khỏi vòng chiến đấu. Sư đoàn còn thu được rất nhiều chiến lợi phẩm, trong đó có 40 máy bay và 37 khẩu pháo từ 105 đến 155.

Ngày 18 tháng 4, sư đoàn nhận được bức điện của đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Nhiệt liệt khen ngợi các đơn vị đã lập chiến công lớn, bắt sống tại trận các tên tướng chỉ huy của địch”.

Khi được hỏi cung, tên đại tá cố vấn Mỹ đã khai rằng y được cử đến phòng tuyến Ninh Thuận từ tháng 4. Mỗi ngày, y phải báo cáo về Sài Gòn một lần về tình hình quân khu 3. Y đã từng ở miền Nam, nhiều năm nên rất thông thạo tiếng Việt. Y nói: “Nếu tính tuổi mụ như người Việt thì năm nay tôi 37 tuổi”

Hỏi về những khả năng của Mỹ đối với chính quyền Sài Gòn, y mặc cả: “Nếu các ông bảo đảm sẽ trả tôi về Mỹ, tôi sẽ nói những điều tin chắc các ông đang cần biết”. Và khi được chấp nhận, hắn nói tiếp: “Mặc dù Mỹ lập cầu hàng không quân vận khẩn cấp Nhật Bản -Băng Cốc - Sài Gòn với nửa tỷ đô la viện trợ, nhưng thực chất Mỹ đã thả nổi cuộc chiến tranh ở miền Nam. Dù các ông có đánh tới Sài Gòn, Mỹ cũng không hy vọng gì có thể cứu được chính quyền Thiệu. Nhưng dù sao nên đánh Sài Gòn sớm thì vẫn tốt hơn”.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Tunguska trong 13 Tháng Bảy, 2008, 10:03:39 am
Chiến thắng Ninh Thuận đã mở toang cánh cửa vào Sài Gòn từ phía bắc. Địch ở Phan Thiết, Hàm Tân đang chuẩn bị rút chạy. Các đơn vị xe tăng, pháo binh, bộ binh ta đang ào ạt vượt qua Phan Rang tập kết ở phía nam Cà Ná, chuẩn bị giải phóng Phan Thiết.

Sư đoàn Sao Vàng được dừng lại mấy ngày để rút kinh nghiệm củng cố và giúp nhân dân Ninh Thuận xây dựng chính quyền mới. Ngày 18 tháng 4, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh “Cánh quân Duyên Hải” tổ chức một buổi gặp mặt với các chiến sĩ bắt sống tướng giặc. Đồng chí nói trong niềm vui chung, đồng chí có niềm vui riêng. Đó là lần thứ hai đơn vị đồng chí chỉ huy bắt sống được tướng giặc. Lần trước ở chiến trường Điện Biên Phủ.

Cũng ngày hôm đó, khi đánh giá chiến thắng Phan Rang, Trung tướng Lê Trọng Tấn đã nói về sư đoàn SaoVàng như sau: “Đợt tác chiến vừa qua, sư đoàn 3 được đảm nhận nhiệm vụ chủ yếu, đã chiến đấu trong một điều kiện hết sức khó khăn: Quân số ít, hỏa lực ít, phương tiện cơ động hạn chế, thời gian gấp. Nhưng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đó là một cố gắng, một trưởng thành lớn.

Từ sau ngày 4 tháng 4, ta chưa có trận đánh nào vang dội. Chiến thắng của sư đoàn là một trận thắng lớn trong bước hai của chiến dịch. Trong trận này, sư đoàn đã tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, thu được nhiều phương tiện chiến tranh, thương vong ít. Đặc biệt đã bắt sống được hai tướng giặc và một cố vấn Mỹ”.

Đồng chí còn nói thêm: “Ninh Thuận là một vùng địa bàn trọng yếu nối liền chiến trường Khu 5 với miền Đông Nam Bộ. Chiến thắng của sư đoàn đã tạo ra một hướng tiến công chiến lược rất quan trọng để giải phóng Sài Gòn và những vùng đất đai còn lại của Tổ quốc”.

Riêng với sư đoàn Sao Vàng, chiến thắng Ninh Thuận là một thành công trong tổ chức chỉ huy đánh hợp đồng binh chủng. Việc lập  phương án chặt chẽ với mũi chính diện, thọc sâu của trung đoàn 2, mũi đánh ngang sườn của trung đoàn 25, 12 và mũi vu hồi của trung đoàn 141 ở hướng đông đã khiến cho bọn địch bị bao vây ở cả bốn phía, không còn đường để rút chạy. Dĩ nhiên, mũi thọc sâu bằng xe tăng và bộ binh của Quân đoàn 2 là mũi tiến công hết sức hiểm hóc, mạnh mẽ và bất ngờ lớn đối với địch, khiến chúng nhanh chóng tan rã, nhưng nó chỉ thực hiện thuận lợi khi tất cả những trận địa phòng ngự theo hệ thống chân rết của địch ở cửa ải Du Long và dọc hai bên đường số 1 đã bị trung đoàn 2 đập vỡ.

Một nhân tố khác không kém phần quan trọng quyết định sự thất thủ toàn bộ phòng tuyến Phan Rang của địch là thời điểm và tốc độ tiến công quá nhanh và táo bạo của ta. Không như ở đường số 19, địch phán đoán sai lầm về hướng và quy mô tiến công, ở trận này, chúng biết rõ ta sẽ tiến công ở hướng nào, quy mô nào và đã bố trí lực lượng khá chính xác. Nhưng cái mà bộ chỉ huy địch, từ Thiệu, Viên, Toàn, Nghi và bọn cố vấn Mỹ không lường được là thời điểm và tốc độ tiến công, là sự táo bạo luồn sâu, chia cắt, bao vây các đường rút chạy của chúng. Đến nỗi khi cửa ải Du Long bị vỡ. Nghi vẫn còn xin thêm lính dù để cản lại. Nghi cho rằng đối phương chiếm được Phan Rang cũng phải mất một vài tuần. Nào ngờ, ngay ngày hôm đó, bộ binh, nhất là xe tăng ta đã thọc vào Phan Rang, Thành Sơn, đồng thời vít chặt cửa biển và đường số 1 đi Phan Thiết. Khi thời cơ đến, thời gian và tốc độ tiến công trở thành sức mạnh chính là như thế.

Cũng như chiến đấu ở đường số 19, trong trận này, sư đoàn đã sử dụng triệt để sức mạnh của hỏa lực pháo binh 105, 155, 85, hỏa lực đi cùng và pháo phòng không 37. Những trận địa pháo vừa cơ động vừa bắn. Hầu như pháo binh đã bám sát gót bộ binh, có khi vào sâu cùng với bộ binh như các khẩu 85 vào khống chế sân bay Thành Sơn.

Sức mạnh của các mũi đột phá mạnh lên rất nhiều khi hỏa lực pháo binh chi viện chính xác, vào những thời điểm trọng yếu nhất của trận đánh.

Ngày 23 tháng 4 khi các sư đoàn bạn đã vượt qua Phan Rang, giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân theo đội hình cuốn chiếu, khi lực lượng chủ yếu của quân đoàn 3 ngụy đã bị tiêu diệt ở thị xã Xuân Lộc đổ nát, thì sư đoàn Sao Vàng cũng được lệnh tạm biệt những tòa tháp cổ, tạm biệt những thôn ấp của đồng bào Chăm, đồng bào Kinh đang náo nhiệt trong ngày hội mừng giải phóng để lên đường.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: ChimViet trong 17 Tháng Bảy, 2008, 11:54:31 am
Xin có một ý kiến về Xuân Lộc.
Đây là trân đánh rất ác liệt, ta và địch thương vong nhiều, mặc dù địch đã trên đà thất bại.
Theo tôi, có 2 nguyên nhân chính.

1. Địa bàn này là khu vực "Bắc di cư", rất quyết tử
2. Trận Xuân Lộc có thể phải tách ra 2 giai đoạn:
    Giai đoạn 1 (sư 341 + ...) của Chủ lực miền
    Giai đoạn 2 : Quân đoàn 2 từ Phan Rang vào

Theo một nguồn đáng tin cậy, BTTL từ ngoài Bắc, mặc dù ta đang đà phát triển nhanh, vẫn chỉ thị dừng tấn công Xuân Lộc của chủ lực miền, chờ QĐ2. Nhưng không kịp. Như vậy lực lượng giai đoạn 1 không đủ sức giải quyết, bị khó khăn và thương vong nhiều.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: chiangshan trong 17 Tháng Bảy, 2008, 12:07:20 pm
Giai đoạn 2 thì cũng vẫn ngần đấy thôi, được thêm e95B vào cùng f6 đánh ngã ba Dầu Giây. Chứ QĐ2 cũng không tham chiến.

Lực lượng không đủ sức có lẽ cũng đúng 1 phần. Hồi trước bên TTVN có bác lamkhoc là cựu binh f6 trong trận này (hình như bác ấy cũng có nick bên này nhưng không post bài) kể là mỗi c chỉ còn trên dưới 20 tay súng, cả f gom lại có hơn nghìn người.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Tunguska trong 20 Tháng Bảy, 2008, 04:21:13 pm
CHIẾN DỊCH XUÂN LỘC
 
(tiến công, từ ngày 9 đến ngày 21 tháng 4 năm 1975)
 

Sau khi Đà Nẵng thất thủ, Mỹ - ngụy vội vã tổ chức tuyến phòng thủ mới, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, trong đó Xuân Lộc, một thị xã thuộc tỉnh Long Khánh, cách Sài Gòn 60km về phía đông bắc là điểm trọng tâm, nhằm ngăn chặn quân ta tiến theo đường số 1 và đường số 20 đánh vào Biên Hòa và Sài Gòn. Tướng Mỹ Uây-oen nói với Nguyễn Văn Thiệu và các tướng ngụy phải giữ cho được Xuân Lộc, “mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Từ nhận định như vậy địch đã tập trung một lực lượng lớn phòng thủ Xuân Lộc mà nòng cốt là sư đoàn 18 bộ binh, một đơn vị mạnh của quân đoàn 3 ngụy (Toàn bộ lực lượng địch ở khu vực này có sư đoàn 18 gồm 9 tiểu đoàn, 1 trung đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo, 9 tiểu đoàn bảo an, 1 tiểu đoàn biệt động quân, 3 đại đội biệt lập, 4 trung đội pháo và các lực lượng kìm kẹp khác tương dương 2 sư đoàn bộ binh, 100 xe tặng, xe thiết giáp, 42 khẩu pháo. Địch tổ chức như sau: ở trong thị xã Xuân Lộc có sở chỉ huy sư đoàn 18, trung đoàn 43, sở chỉ huy trung đoàn 5 thiết giáp và chi đoàn 1, tiểu đoàn 82 biệt dộng quân, 4 tiểu đoàn bảo an (346, 364, 365, 33l), 3 đại đội biệt lập cảnh sát dã chiến... Trung đoàn 48 cũng 4 tiểu đoàn bảo an đảm trách khu vực tuyến quốc lộ 1 (Tân Phong - suối Cát) và tuyến lộ 2 (Tân phong - suối Râm). Chiến đoàn 52 cùng 1 tiểu đoàn bảo an ở chi khu Kiên Tân là lực lượng ngăn chặn từ xa trên đoạn Túc Trưng – Dầu Dây). Tuyến phòng ngự của sư đoàn này được xác định trên một chính diện khá rộng (30 đến 40km), từ Túc Trưng qua Dầu Dây, thị xã Xuân Lộc đến ngã ba Tân Phong. 

Về ta, cùng chiến dịch Tây nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nãng, ở miền Đông Nam Bộ, ta đã mở thêm được một số vùng giải phóng lớn nối liền với các căn cứ giải phóng cũ, tạo thế, tạo lực, chuẩn bị một bước quan trọng cho giải phóng Sài Gòn - Gia Định.  Ngày 2 tháng 4 quán triệt tư tưởng chỉ đạo "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng... một mặt cần cơ động nhanh chóng, thần tốc, mặt khác sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động, lông chờ đợi tập trung đầy đủ lực lượng mới làm ăn” (Điện cuả Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 1 tháng 4 năm 1975, gửi các đồng chí chỉ huy ở Mặt trận Sài Gòn.) của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ tư lệnh Miền đã quyết định mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc nhằm tiêu diệt sư đoàn 18 ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự củng cố Sài Gòn của địch, cắt giao thông, cô lập Sài Gòn, tạo thế có lợi để mở đường tiến công Sài Gòn. Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4 (Gồm 2 sư đoàn bộ binh (7, 34l), lữ đoàn phòng không 71, lữ đoàn pháo 24, lữ đoàn công binh 25, lữ đoàn thông tin 26, 1 tiểu đoàn trinh sát và đại đội vận tải) được phối thuộc sư đoàn bộ binh 6, hai tiểu đoàn xe tăng và hai tiểu đoàn bộ đội địa phương. Tham gia Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch gồm có các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 4, Tư lệnh, Chính ủy Quân khu 7. Đồng chí Hoàng Cầm được giao trọng trách làm tư lệnh chiến dịch, đồng chí Bí thư khu ủy Khu 7 làm chính ủy.     

Địa bàn cố định thuộc địa hình trung du, khá thuận lợi cho bộ đội tập kết, triển khai lực lượng. Song do một số điểm cao khống chế địch đang chiếm giữ (như: núi Thị (cao 100 mét), điểm cao 396 án ngữ ngã ba Dầu Dây và tây thị xã, núi Gió án ngữ phía nam thị xã...) nên việc đưa pháo vào gần bắn thẳng chi viện cho bộ binh của ta gặp nhiều khó khăn.   

Ngày 3 tháng 4, tại sở chỉ huy ở đông cầu La Ngà, Bộ tư lệnh chiến dịch bàn phương án tiến công Xuân Lộc. Bộ tư lệnh chiến dịch có đề ra 2 phương án. Phương án 1: tập trung hai sư đoàn tiêu diệt sư đoàn 18 ngụy, giải phóng chi khu Xuân Lộc và từ ngã ba Dầu Dây đến núi Chứa Chan; 1 sư đoàn bao vây chia cắt địch ở Gia Kiệm, Túc Trưng tạo điều kiện diệt quân ứng cứu của địch, nắm thời cơ tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm - Dầu Dây, lộ 20. Phương án 2: Nếu tình huống không có lợi thì tập trung lực lượng tiêu diệt ở bên ngoài, giải phóng hai chi khu Tân Phong và Gia Kiệm, tiêu diệt quân viện của địch tiến tới tiến công dứt điểm Long Khánh và tổ chức đánh địch rút lui. Nhưng trước tình hình địch đang hoang mang dao động, lộ tư lệnh chiến dịch quyết định tiến công thị xả Xuân Lộc theo phương án 1.   

Bộ tư lệnh chiến dịch xác định: sư đoàn 7 (Được tăng cường 12 xe tăng, 2 pháo 85mm, 2 cối l60mm, tiểu đoàn pháo phòng không hỗn hợp (37 và 57mm) được pháo binh quân đoàn  chi viện) tiến công trên hướng chủ yếu từ phía đông thị xã, có nhiệm vụ đánh chiếm hậu cứ trung đoàn 5 thiết giáp, chiến đoàn 43, sở chỉ huy sư đoàn 18 ngụy, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở đông thị xã; sư đoàn 341 (Được tăng cường 1 tiểu đoàn pháo phóng không hỗn hợp (37 và 57mm) và được pháo binh quân đoàn chi viện) tiến công trên hướng thứ yếu từ phía bắc thị xã có nhiệm vụ đánh chiếm ty cảnh sát, khu cố vấn Mỹ, dinh tỉnh trưởng và cùng sư đoàn 7 phát triển xuống phía nam; sư đoàn 6 chia cắt ở đường 1, đoạn ngã ba Dầu Dây, có nhiệm vụ tiêu diệt các chốt địch từ ấp Hưng Lộc  đèo Mẹ Bồng Con, đánh viện binh và đánh địch rút chạy. Quân đoàn tổ chức 4 cụm pháo, 2 cụm cao xạ chi viện và bảo vệ cho các hướng chiến đấu. Sở chỉ huy chiến dịch đặt ở bắc sông La Ngà.   

Sáng ngày 9 tháng 4, trên các hướng ta đồng loạt nổ súng tiến công địch. Trên hướng chủ yếu, trung đoàn 165 của sư đoàn 7 được tăng cường 8 xe tăng tiến đánh căn cứ sư đoàn 18 ngụy, khi đến cách cổng 300 mét bị địch chặn đánh quyết liệt, bắn hỏng 3 xe tăng, trung đoàn phải chuyển hướng tiến công chiếm được một phần hậu cứ chiến đoàn 52 ngụy.   

Trên hướng thứ yếu, trung đoàn 266 của sư đoàn 341 nhanh chóng đánh chiếm khu thông tin, khu cố vấn Mỹ, khu cảnh sát, khu chợ, khu bảo an, nhưng khi tiến vào dinh tỉnh trưởng thì bị địch ngăn chặn quyết liệt, phải dừng lại bên ngoài sở chỉ huy tiểu khu.   

Ở vòng ngoài, trung đoàn 270 sư đoàn 341, trung đoàn 209 sư đoàn 7 đánh bại hai tiểu đoàn và diệt 7 xe tăng của hai chiến đoàn 43 và 48 từ Tân Phong và núi Thị vào cứu viện, giải phóng ấp Bảo Toàn, bắt 174 tên địch. Tiểu đoàn địa phương Bà Rịa tiến công địch ở suối Cát, bắt tù binh thu vũ khí và phát triển về Bảo Toàn. Trên hướng chia cắt, sư đoàn 6 tổ chức diệt 5 chốt của địch trên đường 1 từ Hưng Nghĩa đến đèo Mẹ Bồng Con, thu hai pháo 105mm, buộc chiến đoàn 52 ngụy phải bỏ Túc Trưng co về giữ ngã ba Dầu Dây.

Như vậy, trong ngày đầu ta đã chiếm được một phần hai thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu, đã đưa được ba tiểu đoàn vào bên trong và thực hiện cắt đường 1 ở đoạn ngã ba Dầu Dây - đèo Mẹ Bồng con. Bộ tư lệnh chiến dịch đôn đốc các đơn vị tiếp tục thực hiện quyết tâm.   


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Tunguska trong 20 Tháng Bảy, 2008, 04:23:03 pm
Ngày 10 tháng 4, trên hướng chủ yếu sư đoàn 7 đưa dự bị là trung đoàn 141 cùng 1 tiểu đoàn phòng không đột phá từ chương bắc xuống cùng trung đoàn 165 tiến đánh căn cứ sư đoàn 18 (Theo TK trận Xuân Lộc (TK2396 - VLSQS) đồng chí tham mưu trưởng sư đoàn nắm tình hình không chắc đã báo cáo phát triển thuận lợi và đề nghị đưa dự bị vào chiến đấu), bị địch ở hậu cứ chiến đoàn 52 và trung đoàn 5 thiết giáp phản kích quyết liệt. Đến 11 giờ 30, trung đoàn 141 mở được cửa và đánh chiếm chốt Bảo Vịnh A. Trung đoàn 209 tiến công vào thị xã từ phía nam lên, đánh thiệt hại chiến đoàn 43 ngụy. Khi gặp tuyến phòng thủ dã ngoại của địch ở nam sân bay, trung đoàn phải dừng lại củng cố bàn đạp.   

Trên hướng thứ yếu, sư đoàn 341 dưa trung đoàn 270 vào thị xã cùng trung đoàn 266 đánh địch phản kích và giữ các khu vực đã chiếm. Trung đoàn 2 sử dụng tiểu đoàn 5 và 7 bốn lần tiến công vào sân bay Cáp Rang nhưng không thành công. Các mũi khác đánh vào trại Lê Lợi, hậu cứ chiến đoàn 43 cũng bị địch chặn lại. Trên hướng chia cắt, trung đoàn 33 sư đoàn 6 tiến công và làm chủ chi khu Dầu Dây, đánh bại phản kích của tiểu đoàn 1 thuộc chiến đoàn 52, 1 chi đội thiết giáp và 1 tiểu đoàn biệt động.   

Ngày 11 tháng 4, ở thị xã Xuân Lộc, trên các hướng ta và địch giằng co quyết liệt. Ở hướng chia cắt sư đoàn 6 tổ chức tiến công tiểu đoàn 1 cuả chiến đoàn 52, nhưng diệt không gọn.

Quyết tâm giữ Xuân Lộc, ngày 12 tháng 4, địch vội vã đổ lữ đoàn 1 dù từ Sài Gòn xuống ngã ba Tân Phong, các ngày sau đó bố trí lại đội hình trong thị xã và điều lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, chiến đoàn 318 biệt động đến Trảng Bom, chiến đoàn 322 biệt động ở Bầu Cá, chiến đoàn 315 ở Bầu Hàn, điểm cao 122, trung đoàn 8 thuộc sư đoàn 5 từ Lai Khê sang Bàu Cá. Như vậy địch đa tập trung ở khu vực này 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, xe thiết giáp của quân đoàn 3 cùng lực lượng tổng dự bị tương đương 1 sư đoàn. Không quân ở các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất được huy động trung binh 80 lần/chìếc/ngày để chi việc trực tiếp cho các mũi phản kích. Địch còn sử dụng cả bom CBU, loại bom có sức hủy diệt lớn, thế giới cấm sử dụng dể ngăn chặn ta tiến công.   

Cuộc chiến đấu ở Xuân Lộc diễn ra hết sức quyết liệt. Qua ba ngày chiến dấu, tuy ta đã chiếm được một số mục tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch và giữ được một số bàn đạp quan trọng, nhưng ta chưa diệt gọn được một tiểu đoàn nào của chúng, bộ đội bị thương vong nhiều (sư đoàn 7 thương vong 300, sư đoàn 341 thương vong 1.200, 6 xe tăng bị địch bắn hỏng và cháy, hầu hết pháo 85mm và 57mm bị hỏng vì bom đạn). Xuất phát từ nhận định cơ bản: Xuân Lộc chỉ có giá trị khi được nối với Biên Hòa, Bộ tư lệnh chiến dịch chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Dây, cắt đường số 1, chặn đánh địch từ Tráng Bom lên, đánh chiếm Tân Phong, cắt đường số 2 đi Bà Rịa. Thực hiện chủ trương trên, Bộ tư lệnh đã ra lệnh ngừng tiến công thị xã, mỗi sư đoàn chỉ để lại 1 tiểu đoàn kiềm chế nghi binh địch còn lại lui ra phía sau củng cố làm lực lượng cơ động. Sư đoàn 6 và trung đoàn 95B (vừa được trên tăng cường) tổ chức bao vây tiêu diệt chiến đoàn 52, thực hiện chốt chặn chiến dịch, diệt quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích. Trung đoàn 209 triển khai trên dải ở phía bắc chi khu Tân Phong chặn đánh lữ đoàn 1 không cho chúng vượt qua cầu Gia Liên để phối hợp với trung đoàn 43 trong thị xã. Ngày 13, các đơn vị ta rút khỏi thị xã.   

Trong khi ta chuyển thế trận, địch tưởng rằng chúng dã đẩy lùi được cuộc tiến công của ta. Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu tuyên truyền rùm beng về "chiến thắng Xuân Lộc", về "khả năng chiến đấu của quân lực Việt Nanh Cộng hòa đã được phục hồi" và hy vọng chúng “còn đủ mạnh để giữ vững chế độ".   

Rạng sáng ngày 15 tháng 4, pháo 130mm của chiến dịch bấn dồn dập vào sân bay Biên Hòa, cùng lúc bằng 5 trận tập kích, sư đoàn 6 và trung đoàn 95B đã tiêu diệt chiến đoàn 52, diệt gọn 1 tiểu đoàn pháo, một chi đoàn thiết giáp giải phóng hoàn toàn khi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Dây, cắt đứt đường số 1 đoạn Xuân Lộc - Bầu Cá, đường 20 đoạn Túc Trưng - ngã ba Dầu Dây.   

Trong hai ngày 16 và 17, sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 ngụy ở Tràng Bom đốc thúc lữ đoàn 3 thiết giáp cùng chiến đoàn 8 của sư đoàn 5 với hơn 100 khẩu pháo ở các căn cứ Nước Trong, Hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An và 125 lần chiếc máy bay mỗi ngày chi viện, phản kích hòng chiếm lại khu vực Dầu Dây. Sư đoàn 6 và trung đoàn 95B chặn đánh địch quyết liệt ở Hưng Nghĩa và điểm cao 12 diệt gọn một tiểu đoàn, bắt hơn 100 tên, đẩy lùi quân địch xuống Bầu Cá.   

Cùng thời gian trên, sau khi giải phóng Nha Trang, Cam Ranh, cánh quân duyên hải mà nòng cốt là Quân đoàn 2 đã đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Phan Rang, tiến vào giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân và đã tiến tới rừng lá. Ở khu vực Xuân Lộc, sư đoàn 7 và sư đoàn 341 liên tục quần nhau với địch, đánh thiệt hại nặng hai chiến đoàn 43 và 48 của sư đoàn 18 ngụy và diệt một bộ phận quân dù. Bộ đội địa phương và du kích Xuân Lộc diệt và bức rút nhiều đồn bốt địch trên các trục đường ven thị xã.   

Trước nguy cơ bị tiêu diệt và hơn nữa mất Dầu Dây, Xuân Lộc mất giá trị phòng thủ, địch quyết định rút Khỏi Xuân Lộc để bảo toàn lực lượng. Ngày 20, địch dùng pháo binh bắn vào các trận địa của ta để nghi binh cho cuộn rút lui. 17 giờ, trời mưa tầm tã, phát hiện thấy quân địch đi lại nhiều, phán đoán chúng có thể rút khỏi thị xã theo hướng đường số 2 về Vạn Kiếp, Bà Rịa và sở cao su Ông Quế về Nước Trong hoặc Trảng Bom, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho các đơn vị tiến công và truy kích địch. Sư đoàn 341 tiến đánh vào thị xã rồi phát triển theo đường sở cao su Ông Quế; sư đoàn 7 đánh chiếm Nam Tân Phong, chặn đường số 2, sư đoàn 6 tổ chức chặn địch ở cao su Ông Quế, các tiểu đoàn địa phương chốt chặn và truy kích địch trên dường 2.   

Do phát hiện và tổ chức tiến công, truy kích chậm, tổ chức chốt chặn không tốt, mặt khác do trời tối, mưa to nên ta chỉ diệt được một bộ phận đi sau của địch, bắt sống tên đại tá tỉnh trưởng Long Khánh. Ngày 21 tháng 4, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc.   

Kết quả, ta đã đánh thiệt hại nặng sư đoàn 18, lữ đoàn dù 1, tiêu diệt chiến đoàn 52 (sư đoàn 18), đánh thiệt hại trung đoàn 5 và lữ đoàn 3 thiết giáp, diệt 2.056 tên, bắt 2.785 tên địch, thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 ô tô. Giải phóng Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh.   

Quyết định tiến công Xuân Lộc là đúng và cần thiết, chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan "cánh cử thép" cửa ngõ phía đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của đích ở xung quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh thêm tinh thần chiến đấu của quân ngụy. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công Sài Gòn từ hướng đông, một thế trận mới rất có lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh.   

Chiến dịch tiến công Xuân Lộc cũng để lại những kinh nghiệm, những bài học trong tiến công cụm cứ điểm phòng ngự vừng chắc của địch ở thành phố, về nắm địch, nhận định về địch và xác định hướng tiến công, sử dụng lực lượng và cách đánh chiến dịch.


Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), NXB QĐND, 2003.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Tunguska trong 20 Tháng Bảy, 2008, 04:25:31 pm
Bản đồ trận Xuân Lộc của phía bên kia.

(http://upload.wikimedia.org/wikipedia/vi/7/75/XuanLoc.png)

Trong tác chiến tại Xuân Lộc, Long Khánh và xung quanh, Quân đoàn 4 đã có 1.888 thương vong, trong đó tử vong là 460 (24,36%). Tỷ lệ thương vong so với quân số tác chiến là 8,8%... (Lịch sử quân y Quân đội nhân dân Việt Nam .- T.3 .- H.: Nxb. Quân đội, 1996.- tr. 369)

Làm nên chiến thắng Xuân Lộc, Quân đoàn 4 đã có 460 đồng chí hy sinh, 1530 đồng chí bị thương (Chiến thắng Xuân Lộc- Long Khánh…- Nxb. Đồng Nai, 2004.- tr. 178)

Ta bị thương 6,64%, hy sinh 1,17%. Bảo đảm quân số tác chiến 96,5% ( Chiến thắng Xuân Lộc- Long Khánh….- tr.489)

Trận Xuân Lộc diễn ra 12 ngày đêm ta đã tiêu diệt 2.056 tên địch, bắt 2.731 tên, xoá sổ chiến đoàn 52 nguỵ, đánh thiệt hại nặng sư đoàn 18 bộ binh và Lữ đoàn dù số 1, phá huỷ 48 xe quân sự, 1.500 súng các loại trong đó có 18 khẩu pháo của địch. (Chiến thắng Xuân Lộc- Long Khánh…- Nxb. Đồng Nai, 2004.- 863tr.)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: baovip trong 31 Tháng Bảy, 2008, 09:16:34 pm
mà không biết lính địch ở đâu mà bị bắt nhiêù thế???
tụi nó quyết tử lắm mà??? ???


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: china trong 30 Tháng Mười, 2008, 11:14:37 am
 Quân đoàn 4 có giải phóng được Xuân Lộc đâu, mà đi vòng qua Xuân Lộc đó chớ. Sư 7 và sư 341 thương vong nghiêm trọng khi tấn công Xuân Lộc( sau 3 ngày chiến đấu sư 341 thương vong 1200 chiến sĩ, sư 7 thương vong 300 chiến sĩ-trích hồi ký "Cuộc hành trình 10 ngàn ngày" của thượng tướng Hoàng Cầm") vì chọn hướng đột phá sai. Sau đó quân đoàn 4 vòng qua Xuân Lộc tấn công Tân Phong, Biên Hòa làm cho cánh cửa thép XL mất đi ý nghĩa phòng thủ của nó tự tan vỡ là chính vì sợ bị cắt đứt đường về SG.
Trận XL thể hiện hai tư tưởng chiến thuật trái ngược nhau.Một là khí thế hừng hực của đoàn quân giải phóng đang trên đường truy kích địch, cứ nghĩ là sau một trận pháo kích kinh hoàng(mà kinh hoàng thật) nghe tiến xích xe tăng là tàn quân địch phải tháo chạy, nhưng không ngờ địch không chạy mà tử thủ, thành ra tấn công 2, 3 đợt không thành mà lại thiệt hai lớn. Một bên là tư tưởng rất "binh thư yếu lược" tránh mạnh đánh yếu buộc địch rơi vào cảnh không đánh mà tan.
 Cho nên dùng từ "đập tan" thì chưa chính xác, câu hỏi nên đổi lại là " diễn biến của cuộc tấn công tuyến phòng thủ Xuân Lộc", mod thấy sao?


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lamchung1 trong 08 Tháng Mười Hai, 2008, 10:51:31 am
Quân đoàn 4 có giải phóng được Xuân Lộc đâu , mà đi vòng qua Xuân Lộc đó chớ. Sư 7 và sư 341 thương vong nghiêm trọng khi tấn công Xuân Lộc( sau 3 ngày chiến đấu sư 341 thương vong 1200 chiến sĩ, sư 7 thương vong 300 chiến sĩ-trích hồi ký "Cuộc hành trình 10 ngàn ngày" của thượng tướng Hoàng Cầm") vì chọn hướng đột phá sai. Sau đó quân đoàn 4 vòng qua Xuân Lộc tấn công  Tân Phong, Biên Hòa    làm cho cánh cửa thép XL mất đi ý nghĩa phòng thủ của nó tự tan vỡ là chính vì sợ bị cắt đứt đường về SG.
Trận XL thể hiện hai tư tưởng chiến thuật trái ngược nhau.Một là khí thế hừng hực của đoàn quân giải phóng đang trên đường truy kích địch, cứ nghĩ là sau một trận pháo kích kinh hoàng(mà kinh hoàng thật) nghe tiến xích xe tăng là tàn quân địch phải tháo chạy, nhưng không ngờ địch không chạy mà tử thủ, thành ra tấn công 2, 3 đợt không thành mà lại thiệt hai lớn. Một bên là tư tưởng rất "binh thư yếu lược" tránh mạnh đánh yếu buộc địch rơi vào cảnh không đánh mà tan.
 Cho nên dùng từ "đập tan" thì chưa chính xác, câu hỏi nên đổi lại là " diễn biến của cuộc tấn công tuyến phòng thủ Xuân Lộc", mod thấy sao?
- Quân đoàn 4 không đánh thì địch đâu có tự bỏ chạy?
- Đi vòng ???
- Nếu giáng một búa vào đầu, rồi chọc một cái đinh vào mông nó(Dầu giây-không phải là Tân phong) -Cả một mặt trận phòng ngự tan rã-Không phải là đập tan?
May cho các chú phòng thủ ấy hơi nhanh chân đấy-Nếu không thì Sở di trú Hoa kì ít việc hơn nhiều!


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: shmel trong 08 Tháng Mười Hai, 2008, 11:02:41 am
Hình như bác lamchung1 là cựu binh trận Xuân lộc dạo trước cũng tham gia box Giáo dục quốc phòng TTVNOL phải không ạ? Nếu đúng thì hy vọng được nghe chuyện của bác ;)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: ChimViet trong 08 Tháng Mười Hai, 2008, 11:31:29 am
Trận Xuân Lộc rõ ràng đã có đánh giá chủ quan. BTTL đã điện dừng lại chờ lực lượng bổ sung từ ngoài nhưng ko kịp.
Việc này dẫn đến tổn thất nặng về binh lực, ko đạt kết quả như dự định.
Phải có đánh giá thật đúng thì mói rút kinh nghiệm được.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tamking trong 08 Tháng Mười Hai, 2008, 12:16:02 pm
Trận Xuân Lộc rõ ràng đã có đánh giá chủ quan. BTTL đã điện dừng lại chờ lực lượng bổ sung từ ngoài nhưng ko kịp.
Việc này dẫn đến tổn thất nặng về binh lực, ko đạt kết quả như dự định.
Phải có đánh giá thật đúng thì mói rút kinh nghiệm được.
 
  Trong hồi kí " Cuộc chiến 10 000 ngày " của tướng Hoàng Cầm có viết rằng sau khi mất cao nguyên trung phần và quân đoàn 2 đang giải phóng vùng duyên hải thì tinh thần địch ở Xuân Lộc lay động và có hiện tượng tan rã lẻ tẻ - ý kiến của Miền là đánh ngay vào Xuân Lộc-theo ý này thì có người cho rằng sẽ chiếm được XL dễ dàng hơn nhưng trên ra chỉ thị cho quân đoàn 4 tăng cường đánh chiếm các vị trí vòng ngoài hướng Bắc ở khu vực Dầu Tiếng-Tây Ninh - tạo bàn đạp sẵn có cho các quân đoàn bạn đang vào! khi đánh XL thì sư 9 thiện chiến cũng không tham gia mà hành quân về hướng Tây-Nam làm chủ lực cho đoàn 232!
   Chúng ta là người thời nay không thể hiểu rõ tường tận những chi tiết của thời khắc dầu sôi lửa bỏng trong quá khứ- nên cũng đừng đánh giá những người đi trước- có những chi tiết nhạy cảm mà nếu bàn tới bàn lui sẽ ảnh hưởng không tốt cho diễn đàn mà đều đáng nói hơn là Lịch sử đi theo hướng nó phải đi nên làm khác đi chưa chắc đã tốt hơn - Sư đoàn 6 và 341 đã chiến đấu anh dũng kiên cường với thiệt hại lớn nhất kể từ khi thành lập và đã đong vai trò nòng cốt trong cuộc chiến ở Xuân Lộc- nói " đi vòng qua mà không công phá " có thấy tủi thân và phũ phàng cho những người đã ngã xuống không! Quân đoàn 4 đã tạo thế rất thuận lợi cho các mũi tiến công từ hướng Bắc và sư 9 cũng đã đánh rất quyết liệt-lập nhiều chiến công trong đội hình đoàn 232 góp phần cho đại thắng mùa xuân!


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lamchung1 trong 09 Tháng Mười Hai, 2008, 10:00:14 am
Sư đoàn 6 và 341 đã chiến đấu anh dũng kiên cường với thiệt hại lớn nhất kể từ khi thành lập và đã đong vai trò nòng cốt trong cuộc chiến ở Xuân Lộc- nói " đi vòng qua mà không công phá " có thấy tủi thân và phũ phàng cho những người đã ngã xuống không! Quân đoàn 4 đã tạo thế rất thuận lợi cho các mũi tiến công từ hướng Bắc và sư 9 cũng đã đánh rất quyết liệt-lập nhiều chiến công trong đội hình đoàn 232 góp phần cho đại thắng mùa xuân!

[/quote]
Không phải như vậy!Đã là lính nói chung,nếu có hý sinh xương máu chỉ là để hoàn  thành tốt nhiệm vụ của mình,không phải là để kể công,nên họ không quan tâm việc đánh giá cao thấp nhỏ to như thế nào.
Nhưng ở đây là việc thảo luận về vai trò,ý nghĩa chiến thuật,chiến lược của trận chiến.Những ý kiến đánh giá thể là các chuyên gia quân sự cao cấp,có thể chỉ là một anh lính.Góc nhìn khác nhau,ý nghĩa khác nhau.Tôi đánh giá nó theo góc nhìn của 1 anh lính(Các bác chuyên gia xin lượng thứ sự mạo muội).
 Nhiều người sau khi xem kết cục của trận chiến cho rằng không cần phải đánh XL,vì chỉ trận DG là XL tan vỡ,nhưng ai đảm bảo được điều đó khi XL chưa bị F7,F341 giáng cho những đòn choáng váng?
Khi trận chiến XL chưa dứt điểm vì đánh trực diện,có thiệt hại(6-7% thương vong) nhiều người cho rằng quá lớn không cấn thiết,nhưng để lực lượng phòng thủ này nguyên vẹn này kéo về Sài gòn,hoặc hỗ trự các tuyến khác,thì chiến dịch HCM để kết thúc, liệu có khó khăn gì lớn hơn không ?
 Theo tôi được biết thì QĐ4 không hề đi vòng hoặc đánh vòng.
  Sau khi đợt 1 chiến dịch tạm dừng thì F7,F341 không chuyển hướng đánh.
  Đánh Ngã 3 Dầu giây là do f6,một trong những nhiệm vụ từ trước đó,lúc mở màn chiến dịch.F6 quét dọn vòng ngoài ,từ Suối cát-Gia Ray cho đến DG,cùng với chặn viện là tiếp đón các bác địch quân khi rút chạyặyNhưng F6 lúc đó thực sự vừa đói vừa mệt(vì cả một chiến dịch mùa khô trước đó nữa),lại thiếu thốn đủ thứ nên việc tiếp đón không được chu đáo lắm,chắc các bác ấy cũng thông cảm thôi.




Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tamking trong 09 Tháng Mười Hai, 2008, 10:48:40 am
Trong trận Xuân Lộc có một chi tiết đáng chú ý là F6 và E 95B hiệp đồng tấn công chiến đoàn 52 VNCH ở ngã ba Dầu Giây gồm Trung đoàn 52 của Sư đoàn 18, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, và các lực lượng Địa phương quân ở Kiệm Tân-với một lực lượng phòng thủ mãnh mẽ như vậy ta có thể đánh bại mà còn giữ được khi địch phản công và thậm chí uy hiếp sở chỉ huy quân đoàn 3 VNCH ở Trảng Bom buộc họ phải di chuyển sở chỉ huy về sau- đặc biệt là có tài liệu viết toàn bộ cả pháo binh, thiết giáp đều bị tiêu diệt thì tại sao Lữ Đoàn 3 kỵ binh đã cầm chân quân đoàn 4 rất ác liệt ở Hố Nai mà đêm 29/4 Lữ Đoàn này lại còn hành quân về vùng chiến sự hướng Bắc và lập tuyến phòng thủ ở nam cầu Bình Triệu với gần 200 xe tăng-thiết giáp và tại đây đã đụng độ quyết liệt với E 48 của F 312 thuộc quân đoàn 1 rồi mới bị tiêu diệt????


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lamchung1 trong 09 Tháng Mười Hai, 2008, 02:52:21 pm
Hình như bác lamchung1 là cựu binh trận Xuân lộc dạo trước cũng tham gia box Giáo dục quốc phòng TTVNOL phải không ạ? Nếu đúng thì hy vọng được nghe chuyện của bác ;)
Gần đúng nhưng không phải.Đấy là thằng cháu tôi .
.nó bảo tôi kể chuyện để nó giao lưu với bạn nó.Nó bảo nó làm cho tôi cái tên ở màn hình nảy để giao lưu với các bác các chú cựu chiến binh cho vui.Nó hướng dẫn mãi tôi mới biết đánh chữ.Nó cứ phàn nàn vì tôi ấn mạnh làm hỏng máy bàn tính của nó.Mà tôi hay quên mật khẩu nó bảo nó gtự cho vào máy rồi, nhưng cũng không ra được màm hình.Hôm nay nó đi vắng tôi tự làm đấy.!


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: hiephoa2000 trong 09 Tháng Mười Hai, 2008, 05:31:03 pm
trong mặt trận xuân lộc những ngày gần giải phóng sài gòn . có phải lực lượng quân đội sài gòn đã dùng tới loại bom bẩn để hủy diệt hàng loạt kô các bác , khi em di học , 1 thày giáo dạy địa lý đã kể về vấn đề này . lúc ấy thì tin lắm . nhưng giờ càng lớn càng thấy chuyện ấy nó thực thực hư hu thế nào ấy . nói chung là em không rõ . các bác từng choảng nhau ở xuân lộc những ngày ấy có biết  về chuyện này không ạh  >:(


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 09 Tháng Mười Hai, 2008, 06:29:14 pm
Trong trận Xuân Lộc có một chi tiết đáng chú ý là F6 và E 95B hiệp đồng tấn công chiến đoàn 52 VNCH ở ngã ba Dầu Giây gồm Trung đoàn 52 của Sư đoàn 18, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, và các lực lượng Địa phương quân ở Kiệm Tân-với một lực lượng phòng thủ mãnh mẽ như vậy ta có thể đánh bại mà còn giữ được khi địch phản công và thậm chí uy hiếp sở chỉ huy quân đoàn 3 VNCH ở Trảng Bom buộc họ phải di chuyển sở chỉ huy về sau- đặc biệt là có tài liệu viết toàn bộ cả pháo binh, thiết giáp đều bị tiêu diệt thì tại sao Lữ Đoàn 3 kỵ binh đã cầm chân quân đoàn 4 rất ác liệt ở Hố Nai mà đêm 29/4 Lữ Đoàn này lại còn hành quân về vùng chiến sự hướng Bắc và lập tuyến phòng thủ ở nam cầu Bình Triệu với gần 200 xe tăng-thiết giáp và tại đây đã đụng độ quyết liệt với E 48 của F 312 thuộc quân đoàn 1 rồi mới bị tiêu diệt????

Nguồn cho mấy cái chữ tô đậm ở đâu vậy bác?
Chớ bác nói vậy ai chả nói được?????


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: mig21-58 trong 09 Tháng Mười Hai, 2008, 10:13:18 pm
200 tăng và thiết giáp ,lực lương này là rất lớn ,rất mạnh ,nhưng không thấy có tài liệu hay câu chuyện nào nói về việc này ,nếu có đánh nhau thì thương vong lớn lắm ,tôi không tin có chuyện đó ,nếu có câu chuyên đó, thì  có thể mấy ông cấp úy của phía bên kia chuyện phiếm cho bọn trẻ nó nghe thôi


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 09 Tháng Mười Hai, 2008, 10:32:29 pm
Trong trận Xuân Lộc có một chi tiết đáng chú ý là F6 và E 95B hiệp đồng tấn công chiến đoàn 52 VNCH ở ngã ba Dầu Giây gồm Trung đoàn 52 của Sư đoàn 18, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, và các lực lượng Địa phương quân ở Kiệm Tân-với một lực lượng phòng thủ mãnh mẽ như vậy ta có thể đánh bại mà còn giữ được khi địch phản công và thậm chí uy hiếp sở chỉ huy quân đoàn 3 VNCH ở Trảng Bom buộc họ phải di chuyển sở chỉ huy về sau- đặc biệt là có tài liệu viết toàn bộ cả pháo binh, thiết giáp đều bị tiêu diệt thì tại sao Lữ Đoàn 3 kỵ binh đã cầm chân quân đoàn 4 rất ác liệt ở Hố Nai mà đêm 29/4 Lữ Đoàn này lại còn hành quân về vùng chiến sự hướng Bắc và lập tuyến phòng thủ ở nam cầu Bình Triệu với gần 200 xe tăng-thiết giáp và tại đây đã đụng độ quyết liệt với E 48 của F 312 thuộc quân đoàn 1 rồi mới bị tiêu diệt????

Nguồn cho mấy cái chữ tô đậm ở đâu vậy bác?
Chớ bác nói vậy ai chả nói được?????
Ở đây có câu chuyện là 1 lữ đoàn cầm chân cả 1 quân đoàn 4, trong khi cỡ ngày 12-21/4/1975 chính quân đoàn này đã bị 2 trái bom làm tiêu mất 10.000 quân, cùng nhiều đại pháo và chiến xa T54!
Câu chuyện thứ 2 về số lượng gần 200 xe tăng cũng chính của Lữ đoàn đó chiến đấu với E48 F312(Mà sao F312 biên chế E48 hồi nào vậy cà? cơ hữu của nó là các E: 141, 165, 209) và F312 có qua cầu Bình Triệu để chiến đấu với Lữ 3 kỵ binh ko? để rồi xơi tái F5 (một việc không tưởng nếu ở lúc bình thường) để chiếm căn cứ Lai Khê?
 ::)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: mig21-58 trong 10 Tháng Mười Hai, 2008, 09:19:57 am
tôi cho là cấp úy trở xuống của phía bên kia bốc phét cho các  em trẻ tuổi thôi ,chứ tôi tin là cấp tướng của họ cũng không nói câu chuyện như vậy.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: china trong 10 Tháng Mười Hai, 2008, 09:44:52 am
trong mặt trận xuân lộc những ngày gần giải phóng sài gòn . có phải lực lượng quân đội sài gòn đã dùng tới loại bom bẩn để hủy diệt hàng loạt kô các bác , khi em di học , 1 thày giáo dạy địa lý đã kể về vấn đề này . lúc ấy thì tin lắm . nhưng giờ càng lớn càng thấy chuyện ấy nó thực thực hư hu thế nào ấy . nói chung là em không rõ . các bác từng choảng nhau ở xuân lộc những ngày ấy có biết  về chuyện này không ạh  >:(
Bom CBU, loại bom có sức hủy diệt lớn sau bom nguyên tử thời ấy giờ, biến thể của nó là bom Cha, hay bom Mẹ mà Mỹ hay Nga vừa thử nghiệm trong vài năm gần đây.
 Tại Xuân Lộc, đối phương đã dùng 2 quả CBU, khi nổ trên không(nó không nổ chụp, cũng không nổ trên mặt đất) khối hóa chất trong bom cháy rất mạnh nhanh chóng đốt cháy oxy trong một diện tích lớn, gây tình trạng thiếu oxy, và gây bỏng cho đối phương, nên có khi người ta truyền ngôn là bom hơi ngạt. Khi bị dính CBU QĐ4 thương vong cỡ vài trăm người thôi, không đến cả ngàn như ông nào đó nổ đâu, nhưng dù có xài CBU đối phương cũng biết không thể cứu nổi XL, nên không xài nữa, sau giải phóng người ta còn tìm thấy vài quả chưa xài, không biết bây giờ số phận nó ra sao! bạn có thể hỏi thêm anh Huyphuc để hiểu thêm về CBU.
 


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tamking trong 10 Tháng Mười Hai, 2008, 11:31:01 am
 Em xin lỗi có thể em lầm E48 là thuộc F320B và chỉ hơn 144 xe tăng-thiết giáp thôi nhưng các bác cứ đọc ở đây   http://www.quansuvn.net/index.php?topic=4076.60 (http://www.quansuvn.net/index.php?topic=4076.60)
  trích từ "Đại thắng mùa xuân" trong Tài Liệu Tổng kết chiến dịch - chiến thuật" :
"...Càng tiến sâu vào phía trung tâm thành phố, lực lượng địch phòng thủ càng dày đặc. Khi có lực lượng thọc sâu, Trung đoàn 48 phát triển đến khu vực ấp Mai Liên (bắc cầu Bình Triệu) lại bị xe tăng và bộ binh địch ngăn chặn quyết liệt. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Thiều Quang Nông lệnh cho đại đội 6 tiến công địch ở ấp Mai Liên, đại đội 8 triển khai trận địa cối ngay trên mặt đường bắn chặn địch ở cầu ông Đen, không cho chúng ra ứng cứu.  Đại đội 5 phối hợp với lực lượng xe tăng tiến đánh cầu Bình Triệu. Nếu cầu hỏng, bộ đội sẽ vượt sông.

   Trận đánh của đại đội 6 vào ấp Mai Liên gặp khó khăn. Địch chốt giữ ở đây chống trả rất quyết liệt. Chúng lợi dụng các công sự bao cát và thùng phuy đựng đất xếp thành lô cốt cố thủ, bắn ác liệt vào đội hình ta. Mũi tiến công do đại đội trưởng Bộ chỉ huy vẫn chưa phát triển được vào trong ấp.  Phát hiện mấy ổ đề kháng và cụm xe tăng thiết giáp của địch, anh lệnh cho cối 60mm, 120mm tập trung tiêu diệt; cùng lúc đó hỏa lực pháo tăng và súng 12,7mm cũng bắn chế áp các lô cốt, công sự địch. Hai xe bọc thép của địch bị đạn pháo tăng của ta bắn thủng, bốc cháy dữ dội. Các mũi tiến công bộ binh đại đội 6 ào lên đánh chiếm ấp Mai Liên. Một đại đội bộ binh ngụy chốt giữ ở đây đã phải nhanh chóng nộp vũ khí đầu hàng.

   Trong khi đại đội 6 đánh ấp Mai Liên, Tiểu đoàn 3 vận động tiến công trong hành tiến cắt đường số 1 (đoạn giữa Thủ Đức - Bình Lợi), thì đội hình thọc sâu của Trung đoàn 48 nhanh chóng phát triển tiến công qua cầu ông Đen, đánh thẳng vào trận địa địch phòng ngự ở ấp Bình Triệu.
 
   Xe tăng ta vừa tiến công ào ạt, quân ngụy vội vã tăng cường thêm hàng chục xe tăng - thiết giáp chốt chặn ngã tư xa lộ Đại Hàn và lập tuyến co cụm, phòng thủ dày đặc từ nam cầu ông Đen đến bắc cầu Bình Triệu nhằm ngăn chặn ta qua cầu. Trung đoàn trưởng Đoàn Trưng lệnh cho các đơn vị phải kiên quyết đánh bại âm mưu co cụm của địch, đánh chiếm bằng được cầu Bình Triệu. 

   Mũi tiến công của Tiểu đoàn 2 sau khi vượt qua ngã tư đường số 1 và đường 13, vòng bên phải theo đường số 1 đánh thốc vào cụm quân địch phòng ngự ở phía bắc cầu Bình Triệu. Trận chiến đấu diễn ra hết sức quyết liệt. Bộ binh, xe tăng địch dựa vào hệ thống lô cốt bê tông, bao cát và hỏa lực xe tăng bắn dữ dội vào đội hình ta. Đã có một số chiến sĩ ta bị thương nặng. Mũi tiến công của Tiểu đoàn 2 không phát triển được.

   Quyết không để bọn địch làm chậm tốc độ thọc sâu vào Sài Gòn, Trung đoàn 48 quyết định sử dụng lực lượng xe tăng thiết giáp, có bộ binh của Tiểu đoàn 2 ngồi trên xe thọc ngang qua đội hình địch, sau đó bộ binh xuống xe tổ chức thành 3 mũi tiến công.
 
   Mũi thứ nhất: Đại đội bộ binh 6, do đại đội trưởng Nguyễn Trọng Bệ chỉ huy, vòng phía tây đường 13 đột kích thẳng vào giữa đội hình địch.

   Mũi thứ hai: do trung đội 3 đại đội 6 phụ trách (chính trị viên Trần Hạng chỉ huy) vòng sang phía đông đánh vào sườn quân địch.

   Mũi thứ ba: Đại đội bộ binh 5, do đại đội trưởng Lại Đức Lưu chỉ huy phối hợp cùng xe tăng từ phía bắc theo đường 13 đánh chính diện vào đội hình quân địch, dồn ép chúng lại.

   Cả ba mũi cùng đột phá nhanh, tiến công mạnh mẽ, đánh bật địch ra mà chiếm cầu, mở đường tiến công vào thành phố.  Trước giờ phút quyết định, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 48 - đơn vị đã từng lập công xuất sắc, kiên cường dũng cảm vượt qua mưa bom, bão đạn của Mỹ - ngụy, giữ vừng Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm mùa Hè năm 1972; nay lại tỏ rõ phẩm chất anh hùng, dù biết là có thể hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn trong ngày toàn thắng, nhưng quyết không để cho địch phá cầu, không một ai chần chừ, do dự. Nhiều chiến sĩ xung phong vào đội cảm từ đột phá trận địa địch. Một chiến sĩ bị thương, vẫn tiếp tục chiến đấu không chịu về tuyến sau.

   Được hỏa lực cụm pháo binh Quân đoàn trực tiếp chi viện, lực lượng xe tăng - thiết giáp của ta vừa tiến vừa bắn mãnh liệt vào đội hình xe địch. Các chiến sĩ bộ binh trên cả ba mũi tiến công dùng B40, B41 và tiểu liên bắn mãnh liệt vào xe tăng và bộ binh địch. Địch vẫn ngoan cố chống cự. Nhưng trước sức tiến công áp đảo của ta, chúng nhanh chóng bị tan rã và bỏ chạy hết từ vị trí này đến vị trí khác.
Đến 8 giờ ngày 30 tháng 4, sau khi bị ta tiêu diệt thêm 2 xe tăng và 1 khẩu pháo tự hành 175mm, thì toàn bộ quân địch phòng ngự ở bắc cầu Bình Triệu gồm các thiết đoàn 18, 15, 22 của Lữ đoàn kỵ binh 3 cùng  2 tiểu đoàn lính dù, các đại đội linh biệt động và bảo an. . . buộc phải hạ vũ khí đầu hàng. 

   Trận đánh kết thúc thắng lợi, ta thu được 1 44 xe tăng thiết giáp và chiến xa địch; 1 khẩu cao xạ 4 nòng  và gọi hàng 1.500 tên địch.  Điểm “tử thủ” cuối cùng của địch ở bắc Sài Gòn đã bị đập tan. Tranh thủ thời cơ, Trung đoàn 48 sử dụng 8 chiếc xe tăng vừa thu được của địch, bắt lính ngụy lái dẫn đường tiến vào đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy..."

 



Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tuaans trong 10 Tháng Mười Hai, 2008, 11:47:49 am
ta thu được 1 44 xe tăng thiết giáp và chiến xa địch
cộng cả chiến xa nữa mới được 1 44 xe!

Bạn ptlinh là uyennhi xem lại bản scan đê! ;D
(trang 29, bài thứ 7- trên xuống)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tamking trong 10 Tháng Mười Hai, 2008, 11:54:49 am
 Em chỉ thắc mắc là tại sao Lữ 3 kỵ binh đã bị F6 và E95B đánh tan ở Ngã Ba Dầu Giây và cụ thể là ở Bàu Cá thì tại sao nó lại giữ Hố Nai ác liệt đến như vậy và đêm 29 lại còn kéo về hướng Bắc với còn hơn 100 xe để đánh nhau ở cầu Bình Triệu??


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lamchung1 trong 10 Tháng Mười Hai, 2008, 03:04:41 pm
Kết quả, ta đã đánh thiệt hại nặng sư đoàn 18, lữ đoàn dù 1, tiêu diệt chiến đoàn 52 (sư đoàn 18), đánh thiệt hại trung đoàn 5 và lữ đoàn 3 thiết giáp, diệt 2.056 tên, bắt 2.785 tên địch, thu 48 ô tô, 1.499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, 16 ô tô. Giải phóng Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh.   

Quyết định tiến công Xuân Lộc là đúng và cần thiết, chiến dịch tiến công Xuân Lộc thắng lợi đã đập tan "cánh cử thép" cửa ngõ phía đông Sài Gòn, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của đích ở xung quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh thêm tinh thần chiến đấu của quân ngụy. Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn tập kết thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực tiến công Sài Gòn từ hướng đông, một thế trận mới rất có lợi cho chiến dịch Hồ Chí Minh.   

Chiến dịch tiến công Xuân Lộc cũng để lại những kinh nghiệm, những bài học trong tiến công cụm cứ điểm phòng ngự vừng chắc của địch ở thành phố, về nắm địch, nhận định về địch và xác định hướng tiến công, sử dụng lực lượng và cách đánh chiến dịch.


Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), NXB QĐND, 2003.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: codo trong 11 Tháng Mười Hai, 2008, 08:41:20 am

Ở đây có câu chuyện là 1 lữ đoàn cầm chân cả 1 quân đoàn 4, trong khi cỡ ngày 12-21/4/1975 chính quân đoàn này đã bị 2 trái bom làm tiêu mất 10.000 quân, cùng nhiều đại pháo và chiến xa T54!


gần 500 quân QDNDVN, nhưng quân VNCH cũng bị thiệt hại lây khá nặng nề do họ cố thủ trong hầm hào và loại bom này tiêu diệt tốt nhưng người phòng ngự trong hầm.

Cái này em đọc trong Vietnam Factbook. Sách cũ xì nên không biết có chính xác không.

10.000 người chắc họ nhầm với Hiroshima.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lamchung1 trong 11 Tháng Mười Hai, 2008, 09:21:15 am


gần 500 quân QDNDVN, nhưng quân VNCH cũng bị thiệt hại lây khá nặng nề do họ cố thủ trong hầm hào và loại bom này tiêu diệt tốt nhưng người phòng ngự trong hầm.

Cái này em đọc trong Vietnam Factbook. Sách cũ xì nên không biết có chính xác không.

10.000 người chắc họ nhầm với Hiroshima.
[/quote]
-Bán kính sát thương của bom này khoảng 500m,nếu "quân VNCH cũng bị thiệt hại lây khá nặng nề do họ cố thủ trong hầm hào và loại bom này tiêu diệt tốt nhưng người phòng ngự trong hầm" thì có thể  xác định vị trí bom nổ.
Nó tại điểm,thời gian nào vậy,đơn vị nào của VNCH bị thiệt hại?,tạm cứ căn cứ vào Vietnam Factbook đi .


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: codo trong 11 Tháng Mười Hai, 2008, 09:49:22 am


gần 500 quân QDNDVN, nhưng quân VNCH cũng bị thiệt hại lây khá nặng nề do họ cố thủ trong hầm hào và loại bom này tiêu diệt tốt nhưng người phòng ngự trong hầm.

Cái này em đọc trong Vietnam Factbook. Sách cũ xì nên không biết có chính xác không.

10.000 người chắc họ nhầm với Hiroshima.
-Bán kính sát thương của bom này khoảng 500m,nếu "quân VNCH cũng bị thiệt hại lây khá nặng nề do họ cố thủ trong hầm hào và loại bom này tiêu diệt tốt nhưng người phòng ngự trong hầm" thì có thể  xác định vị trí bom nổ.
Nó tại điểm,thời gian nào vậy,đơn vị nào của VNCH bị thiệt hại?,tạm cứ căn cứ vào Vietnam Factbook đi .

[/quote]

Bác hỏi như vậy thì cháu chỉ giơ tay mà kêu trời: Chịu! Cháu sinh năm 74, Dầu Giây chỉ ghé uống cà fee khi từ ĐL về SG là hết .

Nguyên văn đây ạ:

Q: The NVA suffered a heavy loss at Dau Giay perimeter when Huong ordered to drop 02 CBU blasters. True or false?
A: True. A casualties of approximately 500 NVA deaths was reported later. However, due to the original design of anti-entrenched troops, the ARVN defenders who were well dug-in also suffered enormously.


Đấy, cháu chỉ thấy nó viết thế, đúng sai cháu cũng không rành và cũng khôgn có ý định tranh luận (biết gì đâu mà nói.) Sách bỏ túi, dạng trả lời câu hỏi nên nó cũng chả viết thêm để cháu trả lời các câu hỏi của chú.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lamchung1 trong 11 Tháng Mười Hai, 2008, 10:46:05 am


gần 500 quân QDNDVN, nhưng quân VNCH cũng bị thiệt hại lây khá nặng nề do họ cố thủ trong hầm hào và loại bom này tiêu diệt tốt nhưng người phòng ngự trong hầm.

Cái này em đọc trong Vietnam Factbook. Sách cũ xì nên không biết có chính xác không.

10.000 người chắc họ nhầm với Hiroshima.
-Bán kính sát thương của bom này khoảng 500m,nếu "quân VNCH cũng bị thiệt hại lây khá nặng nề do họ cố thủ trong hầm hào và loại bom này tiêu diệt tốt nhưng người phòng ngự trong hầm" thì có thể  xác định vị trí bom nổ.
Nó tại điểm,thời gian nào vậy,đơn vị nào của VNCH bị thiệt hại?,tạm cứ căn cứ vào Vietnam Factbook đi .


Bác hỏi như vậy thì cháu chỉ giơ tay mà kêu trời: Chịu! Cháu sinh năm 74, Dầu Giây chỉ ghé uống cà fee khi từ ĐL về SG là hết .

Nguyên văn đây ạ:

Q: The NVA suffered a heavy loss at Dau Giay perimeter when Huong ordered to drop 02 CBU blasters. True or false?
A: True. A casualties of approximately 500 NVA deaths was reported later. However, due to the original design of anti-entrenched troops, the ARVN defenders who were well dug-in also suffered enormously.


Đấy, cháu chỉ thấy nó viết thế, đúng sai cháu cũng không rành và cũng khôgn có ý định tranh luận (biết gì đâu mà nói.) Sách bỏ túi, dạng trả lời câu hỏi nên nó cũng chả viết thêm để cháu trả lời các câu hỏi của chú.
[/quote]
Không nên hiểu nhầm đây là câu hỏi tranh luận hay ggiì  ..gì ... đó.Bởi vì chúng ta đang tìm hiểu sự thật.Nó bao gồm tất cả các tư liệu từ các nguồn khác nhau để tham khảo,kiểm chứng.
Nhiều ngừoi cũng hỏi tôi rằng anh cũng ở đó anh có biết ... không?Nhưng tôi cũng không biết(tôi ở khu vực DG từ khỏang 9 đến 26 /3/75),chỉ vì nó không rơi trúng vào vị trí nào của các điểm chốt hay đóng quân của đơn vị tôi(f6).Vì vậy tôi cũng quan tâm tìm hiểu về nó như chính các bạn vậy.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 12 Tháng Bảy, 2009, 09:38:00 am
EM có mấy thắc mắc về trận chiến XUân Lộc

1. Thời gian, địa điểm thả 2 trái CBU.
Điểm này mấy ảnh lưu vong ở bển suốt ngày ra rả, nhưng cũng không đưa ra đuợc thời gian, địa điểm thả 2 trái bom  ;D

2. Đơn vị nào của Quân đội nhân dân Việt Nam bị dính 2 trái bom đó? THuơng vong của đơn vị đó ra sao?
Điểm này thì lại cực kỳ hài. Mấy ảnh lưu vong ở bển suốt ngày ra rả là con số thiệt haị là 10.000 nguời, xe tăng T54 và đại pháo. Tuy nhiên các ảnh cũng chỉ biết ông ổng lên như vậy, nhưng hỏi chi tiết hơn thì cũng chịu  ;D, không trả lời được hoặc không dám trả lời, kể cả những "nhà nghiên cứu" có "uy tín" như anh tín, em tướng hiếu ;D

3. ĐIểm cuối cùng: Tổng số thuơng vong của các đơn vị QUân đội nhân dân Việt Nam (trực tiếp là Quân đoàn 4 và Quân khu 7) trong trận chiến Xuân Lộc là bao nhiêu? Con số thuơng vong khoảng 300 của F7, 1200 của F341 trong 3 ngày đầu trận chiến (ngày 9 đến 11/4) tuơng đối phổ biến. Nhưng trận chiến XUân Lộc diễn ra từ ngày 9/4 đến/4.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lixeta trong 12 Tháng Bảy, 2009, 06:00:11 pm
Về bom CBU55 thì ở wiki có đấy các quê ạ! Mình trích nhé:

"...Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, [2], CBU-55 là loại "bom chùm hàng không dạng cát-xét, kiểu nổ xon khí đầu tiên của Mỹ. Dài 2,3m, đường kính 0,36mm, sải cánh đuôi 0,72m, khối lượng 235kg, chứa 3 bom con BLU-73, dọc thân từ lỗ lắp ngòi hẹn giờ tới nắp đáy, có đặt một dây nổ, đảm bảo mở cát xét ở trên không. Mỗi bom con có khối lượng 45kg, nạp 32,6kg ôxít êtylen lỏng, có dù hãm để giảm tốc độ rơi xuống còn 33m/s. Khi chạm đất, ngòi nổ hoạt động gây nổ ống thuốc đặt giữa trục bom, phá vỡ vỏ bom, làm văng ôxít êtylen thành các giọt, tạo thành đám mây xon khí (nhiên liệu - không khí) có đường kính 25 - 17m; cao 2,5 - 3m. Đám mây này được một trạm nổ kích thích ở độ cao 1m sau khi hình thành 0,125s. Bán kính sát thương của mỗi bom con là 50m. Bom CBU - 55 được thiết kế cho loại máy bay tốc độ dưới âm (như A-37, OV-10 và máy bay trực thăng UH=1 ở độ cao bay 600m, tốc độ bay 120km/giờ)."

Sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam

Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, CBU-55 đã được sử dụng lần đầu tiên trong chiến dịch Quảng Trị (1972) để tiêu diệt sinh lực và dọn bãi đổ bộ.

Theo trang web của tỉnh Bến Tre, Việt Nam, có hai quả bom CBU-55 khác đã được ném xuống Bến Tre, một quả xuống ấp 1, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, vào tháng 8-1972, quả thứ hai xuống xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm vào giữa năm 1973. Hai vỏ bom mang dòng chữ "BOMB... CBU - 55, US ARMY" được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bến Tre. [3].

Một trong các sự kiện nổi bật nhất là vụ ném bom CBU-55 xuống ngã ba Dầu Giây, Long Khánh, trong trận Xuân Lộc, vào ngày 21 tháng 4 năm 1975. Từ đầu tháng 4 năm 1975, một quả bom CBU-55 đã được chở bằng máy bay từ Thái Lan tới căn cứ không quân Biên Hòa. Được sự chuẩn y của tướng Homer Smith cho phép chính phủ Việt Nam Cộng hòa sử dụng loại vũ khí này, một máy bay vận tải C-130 lượn vòng trên bầu trời Xuân Lộc tại độ cao 6.000m, rồi thả quả bom. Bom nổ tạo một quầng lửa che phủ một vùng rộng 2 mẫu Anh (khoảng 0,8 hécta). Các chuyên gia ước lượng rằng khoảng 250 người lính đã bị thiệt mạng, chủ yếu do bị ngạt ô-xy thay vì bị bỏng[4][5]. CBU-55 đã không được sử dụng thêm lần nào nữa trong chiến tranh".


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tuaans trong 12 Tháng Bảy, 2009, 08:05:10 pm
Ừm, bác lixeta lại lôi wiki ra đây sao? hehe. Bạn rongxanh (và 1 số anh em khác) đang mong được xem tài liệu mà từ đó người ta đưa lên wiki đấy bác ạ!


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 12 Tháng Bảy, 2009, 08:16:52 pm
COn số 250 đó xuất phát từ phía Mỹ (hình như là Frank Snep - Cuộc tháo chạy tán loạn), đó là tài liệu nước ngoài.

Trong cuốn Tổng Hành dinh trong mùa xuân đại thắng của bác Võ Nguyên Giáp có nói chi tiết đêm 23/4 đài phuơng Tây có đưa tin về vụ ném bom này.

Tuy nhiên tài liệu của phía ta đưa ra rất ít về vụ này (tài liệu công khai đến thời điểm này, ví dụ trên báo...). Có chăng chỉ nêu chung chung là có chuyện 2 trái bom đó được ném xuống XL, tuy nhiên không hề đề cập đến thời gian, địa điểm, số lượng người thương vong.

Đó cũng là điều lạ, mà sao vẫn nhắc đi nhắc lại đựoc  ???


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: danngoc trong 12 Tháng Bảy, 2009, 08:28:47 pm
Ainha81c đi nhắc lại ở đây hả rong?


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 12 Tháng Bảy, 2009, 08:35:12 pm
Ý em nói, báo đài ... khi nhắc đến trận chiến XL, đều nói chung chung về chuyện ném bom CBU ấy, không có thời gian, địa điểm, thương vong....


EM đồ rằng cả đến anh em mình trên này chắc cũng chưa biết được các chi tiết đó (thời gian, địa điểm, thuơng vong...)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lixeta trong 12 Tháng Bảy, 2009, 09:41:17 pm
Ừm, bác lixeta lại lôi wiki ra đây sao? hehe. Bạn rongxanh (và 1 số anh em khác) đang mong được xem tài liệu mà từ đó người ta đưa lên wiki đấy bác ạ!


Quê à!
Ngay trong các trích đoạn trên đều chỉ rõ nguồn: "Từ điển bách khoa QS Việt Nam" rôi.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tuaans trong 12 Tháng Bảy, 2009, 09:45:04 pm
"Từ điển bách khoa QS Việt Nam" thì cũng viết dựa trên 1 tài liệu nào đó. Tức là nó là tài liệu thứ cấp, bác ạ!


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: _new trong 12 Tháng Bảy, 2009, 10:04:15 pm
Anh hùng hào kiệt QSVN và TTVNOL vốn xưa nay không coi mảng quân sự Việt Nam của wiki ra cái gì ;), chú Lixeta ạ.  ;D


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: altus trong 12 Tháng Bảy, 2009, 10:15:04 pm
Bạn rongxanh (và 1 số anh em khác) đang mong được xem tài liệu mà từ đó người ta đưa lên wiki đấy bác ạ!

Tại không để ý thôi. ;) Đây này

http://www.quansuvn.net/index.php?topic=501.msg58501#msg58501

Trang 185



Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 12 Tháng Bảy, 2009, 10:21:26 pm
Theo sách của bác Tút dẫn, thì trận chiến Xuân Lộc phía bên kia sử dụng cả bom CBU 55 lẫn Daisy Cluster 15.000 pounds?

Bác Tút có xem đuợc về thời gian ném 2 quả/loại bom đó không? (Từ tài liệu nuớc ngoài)?


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: altus trong 12 Tháng Bảy, 2009, 10:42:31 pm
Theo sách của bác Tút dẫn, thì trận chiến Xuân Lộc phía bên kia sử dụng cả bom CBU 55 lẫn Daisy Cluster 15.000 pounds?

Có vẻ như thế. Tuy nhiên thấy bọn wiki tiếng Anh bọn nó cho thằng BLU-82 Daisy Cutter (http://en.wikipedia.org/wiki/BLU-82) này là một kiểu CBU-55 đời đầu (http://en.wikipedia.org/wiki/CBU-55), nên cũng không loại trừ có sự nhầm lẫn.

Trích dẫn
Bác Tút có xem đuợc về thời gian ném 2 quả/loại bom đó không? (Từ tài liệu nuớc ngoài)?

Mới thấy có ngày thôi, chứ chưa có giờ.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lixeta trong 13 Tháng Bảy, 2009, 09:49:27 am
"Từ điển bách khoa QS Việt Nam" thì cũng viết dựa trên 1 tài liệu nào đó. Tức là nó là tài liệu thứ cấp, bác ạ!

Các quê thân mến!
Nghi ngờ tất cả đúng là một phẩm chất cần thiết của những người làm công tác nghiên cứu. Và ở các quê hình như phẩm chất này rất phong phú. Đó là một điều đáng quý. Tuy nhiên, theo mình nó cũng nên có một giới hạn nào đó. Theo quan điểm của mình thì những sách vở nào thuộc loại "Từ điển" hay "Từ điển bách khoa"... là có độ tin cậy khá cao rồi. Thường thì để làm những cuốn sách này người ta tiến hành rất công phu, các Hội đồng biên soạn có thể do các Bộ chuyên ngành hoặc Nhà nước đứng ra chủ trì, bao gồm nhiều trí thức khả kính tham gia. Kinh phí thì cực lớn. Tư liệu thì cực kỳ phong phú v.v... Vì vậy, với mình- mình tin vào các TL loại này.
Còn tất nhiên, các quê có quyền nghi ngờ. Nhưng như thế thì thế nào là TL gốc?

@_new: Ở đây, mặc dù là wiki nhưng vì mình đã nhìn thấy nguồn TĐBKQSVN rồi mới trích chứ ;D.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tuaans trong 13 Tháng Bảy, 2009, 09:57:56 am
Em không nghi ngờ độ chính xác của "các loại từ điển bách khoa" mà chỉ nói nó là tài liệu thứ cấp thôi bác ạ! Bản thân em cũng phải xem các từ điển bách khoa, wiki nọ để xem người ta nói về cái đó ra sao trước!

Bác xem mấy bài viết về Bùi Tín thì rõ. Phải tìm được đúng bài viết của BT đăng trên báo QĐND nó mới thú!  ;D Chứ ông này nói, ông kia trích lại, bà nọ sao ra ... ai cũng nói là đúng nhưng người ta to mồm hơn, người ta già mồm hơn, người ta nói từ năm này sang năm khác thì cũng có thể là người ta đúng chăng?


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: panphilov trong 13 Tháng Bảy, 2009, 02:23:33 pm
Em xin có ý kiến ạ!

Em cũng không đồng tình với ý kiến là 'Quân đoàn 4 vòng qua Xuân Lộc và Xuân Lộc mất đi vị trí phòng thủ cho nên tự tan rã đâu. Thứ nhất là ngay trong các phương án tác chiến đưa ra bởi cơ quan tham mưu chiến dịch có đến 2 phương án:

Phương án 1: (thực tế là ta đã chọn phương án này) tập trung hai sư đoàn tiêu diệt sư đoàn 18 ngụy, giải phóng chi khu Xuân Lộc và từ ngã ba Dầu Dây đến núi Chứa Chan; 1 sư đoàn bao vây chia cắt địch ở Gia Kiệm, Túc Trưng tạo điều kiện diệt quân ứng cứu của địch, nắm thời cơ tiến công giải phóng chi khu Gia Kiệm - Dầu Dây, lộ 20.

Phương án 2: Nếu tình huống không có lợi thì tập trung lực lượng tiêu diệt địch ở bên ngoài, giải phóng hai chi khu Tân Phong và Gia Kiệm, tiêu diệt quân viện của địch tiến tới tiến công dứt điểm Long Khánh và tổ chức đánh địch rút lui.

Mặt khác, trước khi rút lui, quân ngụy ở Xuân Lộc đang bị quần cho tơi tả bới Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 làm 2 chiến đoàn 43 và 48 bị thiệt hại nặng nề. Như vậy nguyên nhân buộc quân ngụy phòng thủ phải rút khỏi Xuân Lộc chính xác phải là: bị mất giá trị phòng thủ + có nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn.

Do đó, em đồng tình với ý kiến cho rằng đợt 2 của chiến dịch là sự chuyến hướng, điều chỉnh của chiến dịch cho với tình hình.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: panphilov trong 13 Tháng Bảy, 2009, 02:37:21 pm
Ý kiến cho rằng không đánh Xuân Lộc cũng không đúng, bởi:

- Xuân Lộc có ý nghĩa về tư tưởng rất lớn với quân ngụy vào thời điểm đó, vì mất Xuân Lộc là mất tất cả. Cho nên, nếu nhổ được nó thì sẽ làm cho tinh thần quân ngụy vốn suy sụp sau một loạt chiến dịch Tây Nguyên, Huế Đà Nẵng.. càng suy sụp nhanh hơn.

- Vị trí Xuân Lộc như vậy cho nên nếu bị đánh mạnh nhất định quân ngụy sẽ phải tăng cường để cố giữ đến cùng. Sự thật thì nó như thế này: ''Quyết tâm giữ Xuân Lộc, ngày 12 tháng 4, địch vội vã đổ lữ đoàn 1 dù từ Sài Gòn xuống ngã ba Tân Phong, các ngày sau đó bố trí lại đội hình trong thị xã và điều lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, chiến đoàn 318 biệt động đến Trảng Bom, chiến đoàn 322 biệt động ở Bầu Cá, chiến đoàn 315 ở Bầu Hàn, điểm cao 122, trung đoàn 8 thuộc sư đoàn 5 từ Lai Khê sang Bầu Cá. Như vậy địch đã tập trung ở khu vực này 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, xe thiết giáp của quân đoàn 3 cùng lực lượng tổng dự bị tương đương 1 sư đoàn. Không quân ở các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất được huy động trung bình 80 lần chiếc ngày để chi viện trực tiếp cho các mũi phản kích."

Như vậy đánh Xuân Lộc ta đã thu hút vào đây một lực lượng chủ yếu của Quân đoàn 3 ngụy. Nhắc lại rằng, vào thời điểm Xuân Lộc sắp bị đập tan thì cánh quân Duyên hải mới đập tan tuyến phòng thủ từ xa Phan Rang Phan Thiết. Như vậy câu hỏi đặt ra là nếu ngụy không tập trung Quân đoàn 3 của mình vào Xuân Lộc thì liệu cánh quân Duyên hải có làm tròn nhiệm vụ của mình vào thời điểm đó được không, chưa kể không quân ngụy mà không phải huy động mạnh để bảo vệ Xuân Lộc thì chắc chắn sẽ chi viện mạnh hơn cho tuyến phòng thủ từ xa Phan Rang Phan Thiết. Vậy liệu tin chờ Quân đoàn 2 vào rồi mới đánh có cơ sở?!

Lính dù của ngụy phải điều từ Sài gòn ra ứng cứu, vậy nếu không thì quá trình tiến vào giải phóng Sài gòn chắc còn khó khăn hơn chút. Cái quan trọng ở đây là chúng ta bàn đến cách đánh Xuân Lộc như thế nào cho đúng mới là quan trọng.



Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DepTraiDeu trong 13 Tháng Bảy, 2009, 02:47:38 pm
Ý kiến cho rằng không đánh Xuân Lộc cũng không đúng, bởi:

- Xuân Lộc có ý nghĩa về tư tưởng rất lớn với quân ngụy vào thời điểm đó, vì mất Xuân Lộc là mất tất cả. Cho nên, nếu nhổ được nó thì sẽ làm cho tinh thần quân ngụy vốn suy sụp sau một loạt chiến dịch Tây Nguyên, Huế Đà Nẵng.. càng suy sụp nhanh hơn.

- Vị trí Xuân Lộc như vậy cho nên nếu bị đánh mạnh nhất định quân ngụy sẽ phải tăng cường để cố giữ đến cùng. Sự thật thì nó như thế này: ''Quyết tâm giữ Xuân Lộc, ngày 12 tháng 4, địch vội vã đổ lữ đoàn 1 dù từ Sài Gòn xuống ngã ba Tân Phong, các ngày sau đó bố trí lại đội hình trong thị xã và điều lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, chiến đoàn 318 biệt động đến Trảng Bom, chiến đoàn 322 biệt động ở Bầu Cá, chiến đoàn 315 ở Bầu Hàn, điểm cao 122, trung đoàn 8 thuộc sư đoàn 5 từ Lai Khê sang Bầu Cá. Như vậy địch đã tập trung ở khu vực này 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, xe thiết giáp của quân đoàn 3 cùng lực lượng tổng dự bị tương đương 1 sư đoàn. Không quân ở các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất được huy động trung bình 80 lần chiếc ngày để chi viện trực tiếp cho các mũi phản kích."

Như vậy đánh Xuân Lộc ta đã thu hút vào đây một lực lượng chủ yếu của Quân đoàn 3 ngụy. Nhắc lại rằng, vào thời điểm Xuân Lộc sắp bị đập tan thì cánh quân Duyên hải mới đập tan tuyến phòng thủ từ xa Phan Rang Phan Thiết. Như vậy câu hỏi đặt ra là nếu ngụy không tập trung Quân đoàn 3 của mình vào Xuân Lộc thì liệu cánh quân Duyên hải có làm tròn nhiệm vụ của mình vào thời điểm đó được không, chưa kể không quân ngụy mà không phải huy động mạnh để bảo vệ Xuân Lộc thì chắc chắn sẽ chi viện mạnh hơn cho tuyến phòng thủ từ xa Phan Rang Phan Thiết. Vậy liệu tin chờ Quân đoàn 2 vào rồi mới đánh có cơ sở?!

Lính dù của ngụy phải điều từ Sài gòn ra ứng cứu, vậy nếu không thì quá trình tiến vào giải phóng Sài gòn chắc còn khó khăn hơn chút. Cái quan trọng ở đây là chúng ta bàn đến cách đánh Xuân Lộc như thế nào cho đúng mới là quan trọng.



Bác coi lại giúp em chỗ đo đỏ, theo em biết thì không có lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến. TQLC VNCH đánh số thứ tự các lữ đoàn như sau: 147, 258, 369, 4xx


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 13 Tháng Bảy, 2009, 06:28:34 pm
Theo sách của bác Tút dẫn, thì trận chiến Xuân Lộc phía bên kia sử dụng cả bom CBU 55 lẫn Daisy Cluster 15.000 pounds?

Có vẻ như thế. Tuy nhiên thấy bọn wiki tiếng Anh bọn nó cho thằng BLU-82 Daisy Cutter (http://en.wikipedia.org/wiki/BLU-82) này là một kiểu CBU-55 đời đầu (http://en.wikipedia.org/wiki/CBU-55), nên cũng không loại trừ có sự nhầm lẫn.

Trích dẫn
Bác Tút có xem đuợc về thời gian ném 2 quả/loại bom đó không? (Từ tài liệu nuớc ngoài)?

Mới thấy có ngày thôi, chứ chưa có giờ.

Ngày bao nhiêu vậy bác?


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tuaans trong 13 Tháng Bảy, 2009, 06:31:54 pm
Ngày trong cái đoạn bôi vàng đó, RX!    ???


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 13 Tháng Bảy, 2009, 06:39:03 pm
Ngày trong cái đoạn bôi vàng đó, RX!    ???

Em thấy rồi, ngày 21 (http://www.quansuvn.net/avatars/iconym/1.gif)
Nhân đây em làm 1 câu hỏi về vụ 2 trái bom này dưới topic 100 câu hỏi về chiến tranh VN (http://www.quansuvn.net/avatars/iconttvn/2.gif)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: altus trong 13 Tháng Bảy, 2009, 08:14:44 pm
Chú lixeta kính mến,

Tuy nhiên, theo mình nó cũng nên có một giới hạn nào đó. Theo quan điểm của mình thì những sách vở nào thuộc loại "Từ điển" hay "Từ điển bách khoa"... là có độ tin cậy khá cao rồi.

Vâng lý thuyết là thế ạ. Tuy nhiên hình thức của các loại tài liệu này chú trọng về ngắn gọn, nên thường không phong phú về thông tin. Chẳng hạn trong khuôn khổ vụ CBU-55 ở Xuân Lộc thì cái bài trên wiki chỉ viện từ điển phần thông tin cơ bản vể CBU-55, hay ném lần đầu ở đâu (mà trong trường hợp cụ thể này thì thông tin của từ điển có lẽ cũng chưa đúng hẳn), chứ chẳng có gì về sự kiện ở Xuân Lộc. Vì vậy lấy chú dẫn từ điển ở phần trên để làm "bảo kê" cho thông tin ở phần dưới thì cũng không có ý nghĩa lắm ạ.

Trích dẫn
Thường thì để làm những cuốn sách này người ta tiến hành rất công phu, các Hội đồng biên soạn có thể do các Bộ chuyên ngành hoặc Nhà nước đứng ra chủ trì, bao gồm nhiều trí thức khả kính tham gia. Kinh phí thì cực lớn. Tư liệu thì cực kỳ phong phú v.v... Vì vậy...

Dạ, đúng ạ, với giả thiết ..."thường thì" ạ, tuy nhiên thực tế ở ta thì sinh động hơn giả thiết nhiều ạ...

Trích dẫn
Nhưng như thế thì thế nào là TL gốc?

Theo cháu hiểu thì thỉnh thoảng báo QĐND hay thư khố QG lại đăng một bài thuộc thể loại "nhân chứng-sự kiện", phần chú thích thỉnh thoảng có "Báo cáo số 12345/AB/TC/BTTM, phông xyz", hay đăng lại bản gốc bức điện, hay bản viết tay nhật ký liệt sỹ...cái này là tài liệu gốc. Ở ta thì những thứ này ít khi được công bố, còn ở nước ngoài như bọn Mỹ thì cứ sau 30-40 năm gì đấy thì những thứ này (trừ những thứ liên quan đến tình báo, phản gián, đại loại thế) đều chuyển qua lưu trữ quốc gia, ai muốn xem cũng được. Chẳng hạn trong vụ trận Chư Tan Kra (http://www.quansuvn.net/index.php?topic=6470.0), chú có thể tìm đọc không chỉ báo cáo sau trận đánh, mà cả bản gốc rất nhiều nhật ký tác chiến của các đơn vị Mỹ tham gia, ví dụ ở đây (http://www.ivydragoons.org/Files/Logs/), chi tiết đại loại lúc 19 giờ 27 phút trung đội 2 ở tọa độ XYZ nhìn thấy hai con trâu tưởng là xe bọc thép nên dùng M-79 bắn hạ rồi rút về phía tây nam...

Ở ta thì tất nhiên không mơ tới những thứ như thế, tuy nhiên báo cáo sau trận đánh của các đơn vị cấp tiểu đoàn trở lên chắc là còn, và đấy có thể xem là tài liệu gốc. Báo cáo tổng kết, rút kinh nghiệm do các cấp cao hơn soạn trong cùng giai đoạn trên cơ sở các báo cáo ấy cũng có thể xem là tài liệu gốc.

Tài liệu, sách vở tổng kết, đúc rút truyền thống viết sau vài hay vài chục năm, như đa số các tài liệu số hóa của quansuvn, là tài liệu cấp 2. Số liệu trong đó cũng là số liệu cấp 2. Số liệu gốc phải là các bảng biểu trong các báo cáo gốc ạ.

Từ điển, biên niên v.v. hay các bài báo, dù có soạn thảo công phu thì cũng chỉ là tài liệu cấp 3 ạ.

Ở ta thì vì hoàn cảnh khách quan, có cái nào tốt cái nấy, ta tìm hiểu đến mức kỹ nhất trong khuôn khổ cho phép thôi, nhưng chắc không nên vì thế mà cào bằng, cho tài liệu cấp 2 là tài liệu gốc ạ.



Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: altus trong 13 Tháng Bảy, 2009, 10:32:36 pm
Thường thì để làm những cuốn sách này người ta tiến hành rất công phu, các Hội đồng biên soạn có thể do các Bộ chuyên ngành hoặc Nhà nước đứng ra chủ trì, bao gồm nhiều trí thức khả kính tham gia. Kinh phí thì cực lớn. Tư liệu thì cực kỳ phong phú v.v...

Vừa viết xong thì mới đọc được ngay vụ SGK văn học (và tiếp theo là đề thi) lấy tác phẩm lưu hành trên mạng bảo là thư của ông Linh-côn, và ông chủ biên thì chống chế "hồi đó biết thế này thì đã không đưa vào"  ;)

Bọn Mỹ cũng lưu hành nhiều "phát biểu" của cụ Giáp, đại khái bảo sao năm 68 chúng mày mà đánh cố tí nữa thì bọn tao đứt cổ rồi...gúc thử thì ra hàng vạn chỗ chứ chả ít.

Cho nên cái gì tìm hiểu được càng kỹ càng tốt các bác bác nhỉ?  ;)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: 5tan trong 15 Tháng Bảy, 2009, 12:31:37 pm
trong mặt trận xuân lộc ... nhưng dù có xài CBU đối phương cũng biết không thể cứu nổi XL, nên không xài nữa, sau giải phóng người ta còn tìm thấy vài quả chưa xài, không biết bây giờ số phận nó ra sao! bạn có thể hỏi thêm anh Huyphuc để hiểu thêm về CBU.
 

Không phải là không xài mà là không có cơ hội xài được nữa, nó mà xài được thì nó không tha đâu. Bác Cựu binh cạnh nhà em nói ta đã có tối hậu thư với Mỹ là nếu chúng tiếp tục dùng loại bom bẩn này gây thương vong cho cả dân thường thì bọn cố vấn Mỹ sẽ không còn cơ hội được di tản về Mỹ đâu (cũng muốn cho chúng rút đi trong danh dự mà). Ông Vũ Ngọc Nhạ và mạng lưới của ông ấy có công rất lớn trong việc ngăn cản Mỹ-Ngụy sử dụng những loại "hàng hiếm" có tính hủy diệt; Nhiều trận đánh khác Mỹ -VNCH cay cú quá cũng đã mấy lần định mang CBU ra rồi.
Tổng Kho Long Bình là kho duy nhất chứa bom CBU. Giang hồ đồn đoán là ta vẫn chưa mở được cửa vào kho Long Bình, chắc CBU các loại vẫn còn trong đó.

Quyết không vào Quân lao.



Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: HienTM trong 15 Tháng Bảy, 2009, 04:02:32 pm
trong mặt trận xuân lộc ... nhưng dù có xài CBU đối phương cũng biết không thể cứu nổi XL, nên không xài nữa, sau giải phóng người ta còn tìm thấy vài quả chưa xài, không biết bây giờ số phận nó ra sao! bạn có thể hỏi thêm anh Huyphuc để hiểu thêm về CBU.
 

Không phải là không xài mà là không có cơ hội xài được nữa, nó mà xài được thì nó không tha đâu. Bác Cựu binh cạnh nhà em nói ta đã có tối hậu thư với Mỹ là nếu chúng tiếp tục dùng loại bom bẩn này gây thương vong cho cả dân thường thì bọn cố vấn Mỹ sẽ không còn cơ hội được di tản về Mỹ đâu (cũng muốn cho chúng rút đi trong danh dự mà). Ông Vũ Ngọc Nhạ và mạng lưới của ông ấy có công rất lớn trong việc ngăn cản Mỹ-Ngụy sử dụng những loại "hàng hiếm" có tính hủy diệt; Nhiều trận đánh khác Mỹ -Ngụy cay cú quá cũng đã mấy lần định mang CBU ra rồi.
Tổng Kho Long Bình là kho duy nhất chứa bom CBU. Giang hồ đồn đoán là ta vẫn chưa mở được cửa vào kho Long Bình, chắc CBU các loại vẫn còn trong đó.

Quyết không vào Quân lao.


lại mở đầu 1 chu kỳ Long Bình !!!
bạn ah, cái màu vàng, và cái màu đỏ... nó...ấy ấy !!  :P


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Tmct trong 15 Tháng Bảy, 2009, 04:34:47 pm
Trong cuốn Tổng Hành dinh trong mùa xuân đại thắng của bác Võ Nguyên Giáp có nói chi tiết đêm 23/4 đài phuơng Tây có đưa tin về vụ ném bom này.

Tuy nhiên tài liệu của phía ta đưa ra rất ít về vụ này (tài liệu công khai đến thời điểm này, ví dụ trên báo...). Có chăng chỉ nêu chung chung là có chuyện 2 trái bom đó được ném xuống XL, tuy nhiên không hề đề cập đến thời gian, địa điểm, số lượng người thương vong.

Alan Dawson, 55 days: The fall of South Vietnam, Chương 12 có nói Hà Nội phản đối trong 2 ngày liền
Snepp, (Decent Interval) tr. 327 nói Trung Quốc cũng phản đối ầm ĩ

Ầm ĩ cỡ đó thì có thể có trên báo Quân đội Nhân dân? (Bác Đoành ơi!)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: 5tan trong 16 Tháng Bảy, 2009, 12:12:15 pm
- Em có hỏi ông chú (nguyên là lính trinh sát sư 1, QĐ 4) thì ông ấy nói: Khi quân chủ lực vào thì bộ đội địa phương đã giải phóng gần hết những vùng ven xung quanh Long Khánh, XL; địch chủ yếu co cụm trong nội ô, chúng trà trộn trong nhà dân bắn ra(nhiều nhà dân có người nhà là lính ngụy mà).  Lúc oánh nhau chẳng ai để ý là bom gì, chỉ biết tiến và đánh thôi; chẳng có khái niệm CBU gì cả; sau ngày 30/4 thì ông ấy mới biết là địch thả CBU.
- Tổng kho Long Bình có diện tích khoảng 24 km2, là khu kho dự trữ quan trọng, ngoài bom, đạn, xăng dầu còn tập trung nhiều loại thiết bị và phương tiện chiến tranh khác; bảo vệ nó thường xuyên có 2.000 lính Mỹ, bao quanh có từ 7-9 hàng rào thép gai có gài mìn, lựu đạn. Bảo vệ kho Long Bình còn có căn cứ Nước Trong, quân đoàn 3 VNCH, sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất sẵn sàng chi viện…
Tôi đã 02 lần đi ăn thịt chuột đồng ở cạnh khu kho này rồi (ở đây có nhiều thịt chuột đồng đưa ở Miền Tây về ngon lém các Bác ợ), tôi ngồi gần 1 chú bộ đội (4 sao, 1 gạch nhọn là Đại úy chuyên nghiệp các Bác nhể) liền làm quen hỏi thỉ chú ấy chỉ cười và không thông tin gì cả (chán !); khu này rộng kinh khủng-thấy vẫn còn bí ẩn lắm, không biết bây giờ đơn vị nào tiếp quản nó nữa (có khi ta vẫn chưa mở được cửa thật, khi nào mở được chắc vũ khí dùng 20 năm không hết).
- Bom CBU chỉ có chứa ở Kho Thành Tuy Hạ (Nhơn Trạch, Đồng Nai) thôi các Bác ợ; không phải kho Long Bình (ở trên em nhầm).

"Uy danh lừng lẫy khắp năm châu - Đạn cối tuôn cho Mỹ bể đầu - Thành đồng trống vắng lay Nhà Trắng - Điện Biên, Mỹ chẳng phải chờ lâu"
Quyết không leo cột điện !


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 17 Tháng Bảy, 2009, 10:57:26 pm
Tại cuốn này "The Vietnamese Air Force 1951-1975 an analysis of its role in combat", trang 78 có đề cập đến chi tiết, từ ngày 1 - 19/4, có 153 phi vụ ném bom bằng máy bay C130, bao gồm cả 9 phi vụ ném bom Daisy Cluster 15000 pound (~7,5 Tấn), nhưng không nhắc đến CBU 55  ???.




Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 23 Tháng Bảy, 2009, 08:58:46 pm
Bản đồ sơ bộ về trận chiến Xuân Lộc

(http://farm2.anhso.net/pic/o/27442/3B782ED6065D456BBB684D513F287A445C7F13E28DC03127/5.jpg)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: kimlongkhanh trong 30 Tháng Bảy, 2009, 09:52:12 pm
THỊ XÃ PHAN RANG
Ngày 11-4-1975, bộ phận đi đầu của Quân đoàn 2 vào tới Cam Ranh. Ngày 16-4, toàn Quân đoàn tới cửa ngõ Phan Rang, nơi địch đang dồn sức lập tuyến phòng thủ nhằm ngăn chặn bộ đội ta từ xa, bảo vệ Sài Gòn.
Thị xã Phan Rang ( tỉnh Ninh Thuận ) nằm trên ngã ba đường số 1 và đường số 11 đi Đà Lạt, là một địa bàn quan trọng nối liền Trung Bộ với nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Lực lượng địch ở đây có lữ đoàn 2 dù, sư đoàn 2 bộ binh ( hai trung đoàn ), liên đoàn 31 biệt động quân và sư đoàn 6 không quân. Từ đầu tháng 4 năm 1975, theo kế hoạch phòng thủ của tướng Mĩ Uây-oen, quân nguỵ đã dựa vào các điểm cao có lợi và sân bay Thành Sơn, thiết lập các cụm phòng ngự mạnh. Nguyễn Vĩnh Nghi, trung tướng, tư lệnh tiền phương quân đoàn 3 nguỵ, trực tiếp chỉ huy lực lượng phòng thủ Phan Rang.
Ngày 14 tháng 4 năm 1975, sư đoàn 3 Bộ binh 9 Quân khu 5 ) và Trung đoàn 25 Bộ binh ( mặt trận Tây Nguyên ) được pháo binh chi viện nổ súng tiến công thị xã Phan Rang. Kết hợp đột phá, thọc sâu với vu hồi, bộ đội ta nhanh chóng phá vỡ cụm phòng ngự của địch ở phía bắc thị xã, áp sát sân bay Thành Sơn. Quân nguỵ đựơc hoả lực không quân và pháo từ tàu biển bắn vào chi viện chống trả quyết liệt.
Để đập tan sự phản kháng của địch, nhanh chóng mở đường tiến vào Sài Gòn, một bộ phận lực lượng của Quân đoàn 2 vừa hành quân tới Phan Rang được lệnh bước vào chiến đấu. Ngày 16-4, Trung đoàn 101 ( Sư đoàn 325 ) tổ chức thành mũi nhọn sâu binh chủng hợp thành, xuất phát từ vị trí bàn đạp của sư đoàn 3, tiến theo đường số 1 đánh thẳng vào thị xã. Dẫn đầu đội hình tiến công là tiểu đoàn 1 bộ binh ngồi trên 20 xe tăng, thiết giáp. Tiểu đoàn 2 và 3 ngồi trên xe bánh hơi đi tiếp sau. Một số khẩu pháo nòng dài 85mm và cao xạ 37mm cơ động trong đội hình sẵn sàng ngắm bắn trực tiếp vào các mục tiêu trên mặt đất và bắn máy bay địch. Lữ đoàn 164 pháo binh đi phía sau làm nhiệm vụ chi viện hoả lực cho đội hình thọc sâu. Phối hợp với mũi chính diện, Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 tiến công một số mục tiêu trong thị xã và sân bay Thành Sơn. Trước đòn tiến công mãnh liệt của bộ đội ta, quân địch hoảng loạn, không đủ sức chống cự. Sau hai giờ chiến đấu, bộ đội ta hoàn toàn làm chủ thị xã. Một bộ phận lực lượng nhanh chóng tiến ra chiếm cảng Tân Thành và cảng Ninh Trữ , bịt chặt đường rút chạy của địch ra hướng biển. Một bộ phận phát triển theo đường số 1 đánh chiếm cầu Đạo Long và quận lị Phú Quý, khoá chặt đường bộ, không cho địch chạy về phía Nam. Quân địch đã huy động hàng chục lần chiếc máy bay ném bom vào phía sau đội hình quân ta trên đường số 1; đồng thời đưa quân dù từ sân bay Thành Sơn ra phản kích. Trung đoàn 101 ( Sư đoàn 325 ) và Sư đoàn 3 đã anh dũng đánh lui các đợt phản kích của địch, chiếm sân bay Thành Sơn ( cách Thị xã 10km ). Toàn bộ quân địch ở Phan Rang gồm hơn một vạn tên bị tiêu diệt và tan rã. Hai tướng nguỵ Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Ngọc Sang ( tư lệnh Sư đoàn 6 không quân ) cùng nhiều sĩ quan, binh lính bị bắt. Bộ đội ta thu 36 máy bay, 37 khẩu pháo lớn.
Chiến thắng Phan Rang ghi tiếp một tiến bộ mới của quân đội ta về sức mạnh và nghệ thuật tiến công tập đoàn phòng ngự địch bằng lực lượng binh chủng hợp thành trong hành tiến.
22 giờ ngày 16-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng gửi điện khen toàn thể cán bộ, chiến sĩ đã chiến thắng tại Phan Rang.
( Theo : Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam )   

DIỄN BIẾN CHIẾN DỊCH 12 NGÀY ĐÊM GIẢI PHÓNG LONG KHANH
Chiến dịch Long Khánh mở màn lúc 5 giờ sáng ngày 6-4-1975. Sau loạt đạn pháo của ta bắn vào nội ô Thị xã, Chi khu Tân Phong, khống chế pháo địch đặt tại Núi Thị, đến đúng 10 giờ 30 cùng ngày, các đồng chí Phan Lê Cảnh, Nguyễn Văn Trọng ( Tiểu đoàn 5 ) thuộc mũi Thanh Sơn,  Nguyễn Minh Đức ( tiểu đoàn 7 ) thuộc mũi Xung kích Sư đoàn 341 do đồng chí Đại tá Trần Văn Trân chỉ huy đã cắm cờ trên Toà hành chánh, trung tâm đầu não tỉnh Long Khánh. Đây là cái mốc đánh dấu thắng lợi đầu tiên của chiến dịch quyết định giải phóng hoàn toàn Thị xã Long Khánh.
Sau khi Toà hành chánh bị thất thủ 11 giờ ngày 9-4-1975, Bộ chỉ huy Sư đoàn 18 do tên Chuẩn tướng Lê Minh Đảo chỉ huy không chờ lệnh cấp trên bỏ chạy ra Chi khu Tân Phong.
Cùng thời gian này quân ta chiếm được nhiều mục tiêu quan trọng của địch trong nội ô Thị xã từ 16-18 giờ ngày 15-4-1975 tại khu vực Ngã ba Dầu Giây Sư đoàn 8 do đồng chí Đại tá Đặng Ngọc Sỹ chỉ huy. Kết hợp với Trung đoàn 95B đánh thiệt hại nặng Chiến đoàn 52 thiện chiến nhất Sư đoàn 18 cùng 9 Tiểu đoàn Bảo An giải phóng hoàn toàn khu vực từ Túc Trưng đến Ngã ba Dầu Giây, mở tung cửa ngõ phía Bắc tiến vào Biên Hoà - Sài Gòn.
Như vậy Toà hành chánh đã bị thất thủ. Bộ chỉ huy Sư đoàn 18 bỏ chạy, Chiến đoàn 52 bị đánh tơi tả, đường vào Sài Gòn đã mở, bọn nguỵ lúc này chỉ còn đường duy nhất mở đường máu theo lộ 2 tháo chạy khỏi Long Khánh.
Ngày 20-4-1975 tại Ngã ba Tân Phong Sư đoàn 7 do đồng chí Thiếu tá Lê Nam Phong chỉ huy cùng lực lượng K8 Xuân Lộc đã chốt chặn tiêu diệt một lực lượng quân địch rất lớn gồm : Bộ chỉ huy Sư đoàn 18, Chiến đoàn 48, Chiến đoàn 43, Lữ đoàn Dù số 1 cùng 200 chiếc xe cơ giới trên đường rút chạy theo lộ 2 về Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đúng 20 giờ 30 đêm 21-4-1975 Thị xã Long Khánh được giải phóng hoàn toàn như vậy tuyến hành lang Long Khánh đã bị đập tan, đường vào Sài Gòn đã mở và chỉ 2 ngày nữa các Binh đoàn chủ lực hùng mạnh của ta sẽ làm cuộc hành trình theo cửa ngõ Đông - Đông Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn đánh dấu một bước ngoặt đổi đời có một không hai trong lịch sử chiến tranh 30 năm giải phóng dân tộc.
+ Kết quả ta thu được trong chiến dịch :
- Diệt được 2056 tên địch.
- Bắt sống 2783 tên ( trong đó có tên Đại tá Phúc, Tỉnh trưởng Long Khánh ).
- Tiêu diệt gọn 6 Tiểu đoàn.
- Thu 48 xe vận tải các loại : 1499 súng các loại trong đó có 10 khẩu pháo 105 ly, 4 khẩu 155 ly và 100 viên đạn pháo.
- Phá huỷ 16 xe GMC, 42 xe tăng thiết giáp, 3 máy bay và nhiều đạn dược.
( Theo : Những bài lịch Sử Địa phương - Giảng dạy trong trường PTCS Huyện Xuân Lộc )


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 30 Tháng Bảy, 2009, 09:59:36 pm


DIỄN BIẾN CHIẾN DỊCH 12 NGÀY ĐÊM GIẢI PHÓNG LONG KHANH
Chiến dịch Long Khánh mở màn lúc 5 giờ sáng ngày 6-4-1975. Sau loạt đạn pháo của ta bắn vào nội ô Thị xã, Chi khu Tân Phong, khống chế pháo địch đặt tại Núi Thị, đến đúng 10 giờ 30 cùng ngày, các đồng chí Phan Lê Cảnh, Nguyễn Văn Trọng ( Tiểu đoàn 5 ) thuộc mũi Thanh Sơn,  Nguyễn Minh Đức ( tiểu đoàn 7 ) thuộc mũi Xung kích Sư đoàn 341 do đồng chí Đại tá Trần Văn Trân chỉ huy đã cắm cờ trên Toà hành chánh, trung tâm đầu não tỉnh Long Khánh. Đây là cái mốc đánh dấu thắng lợi đầu tiên của chiến dịch quyết định giải phóng hoàn toàn Thị xã Long Khánh.
Sau khi Toà hành chánh bị thất thủ 11 giờ ngày 9-1-1975, Bộ chỉ huy Sư đoàn 18 do tên Chuẩn tướng Lê Minh Đảo chỉ huy không chờ lệnh cấp trên bỏ chạy ra Chi khu Tân Phong.
Cùng thời gian này quân ta chiếm được nhiều mục tiêu quan trọng của địch trong nội ô Thị xã từ 16-18 giờ ngày 15-4-1975 tại khu vực Ngã ba Dầu Giây Sư đoàn 8 do đồng chí Đại tá Đặng Ngọc Sỹ chỉ huy. Kết hợp với Trung đoàn 95B đánh thiệt hại nặng Chiến đoàn 52 thiện chiến nhất Sư đoàn 18 cùng 9 Tiểu đoàn Bảo An giải phóng hoàn toàn khu vực từ Túc Trưng đến Ngã ba Dầu Giây, mở tung cửa ngõ phía Bắc tiến vào Biên Hoà - Sài Gòn.
Như vậy Toà hành chánh đã bị thất thủ. Bộ chỉ huy Sư đoàn 18 bỏ chạy, Chiến đoàn 52 bị đánh tơi tả, đường vào Sài Gòn đã mở, bọn nguỵ lúc này chỉ còn đường duy nhất mở đường máu theo lộ 2 tháo chạy khỏi Long Khánh.
Ngày 2-4-1975 tại Ngã ba Tân Phong Sư đoàn 7 do đồng chí Thiếu tá Lê Nam Phong chỉ huy cùng lực lượng K8 Xuân Lộc đã chốt chặn tiêu diệt một lực lượng quân địch rất lớn gồm : Bộ chỉ huy Sư đoàn 18, Chiến đoàn 48, Chiến đoàn 43, Lữ đoàn Dù số 1 cùng 200 chiếc xe cơ giới trên đường rút chạy theo lộ 2 về Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đúng 20 giờ 30 đêm 21-4-1975 Thị xã Long Khánh được giải phóng hoàn toàn như vậy tuyến hành lang Long Khánh đã bị đập tan, đường vào Sài Gòn đã mở và chỉ 2 ngày nữa các Binh đoàn chủ lực hùng mạnh của ta sẽ làm cuộc hành trình theo cửa ngõ Đông - Đông Bắc tiến vào giải phóng Sài Gòn đánh dấu một bước ngoặt đổi đời có một không hai trong lịch sử chiến tranh 30 năm giải phóng dân tộc.
+ Kết quả ta thu được trong chiến dịch :
- Diệt được 2056 tên địch.
- Bắt sống 2783 tên ( trong đó có tên Đại tá Phúc, Tỉnh trưởng Long Khánh ).
- Tiêu diệt gọn 6 Tiểu đoàn.
- Thu 48 xe vận tải các loại : 1499 súng các loại trong đó có 10 khẩu pháo 105 ly, 4 khẩu 155 ly và 100 viên đạn pháo.
- Phá huỷ 16 xe GMC, 42 xe tăng thiết giáp, 3 máy bay và nhiều đạn dược.
( Theo : Những bài lịch Sử Địa phương - Giảng dạy trong trường PTCS Huyện Xuân Lộc )



- Thời gian lộn xộn, hết 9/1/1975, lại mửo màn ngày 6/4/1975 .....

- Hạ cấp bác Lê Nam Phong Sư trưởng Sư 7 xuống Thiếu tá.

- Hài quá!!!!!!


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: kimlongkhanh trong 31 Tháng Bảy, 2009, 09:04:53 pm
- Cám ơn phần góp ý của bạn Rong Xanh.
- Do sơ ý, tôi ghi nhầm thời gian 9-4-1975 thành 9-1- 1975 ( đúng ra là sách in nhầm ). Nay xin lỗi bạn đọc điều chỉnh lại.
- Chức vụ của bác Lê Nam Phong thì tôi không biết, chỉ ghi y như trong sách mà tôi có chú thích nguồn. Nói chung tất cả những ý tôi ghi ra trong các câu giải đáp về lịch sử đều xuất phát từ sách ghi ra.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: kimlongkhanh trong 31 Tháng Bảy, 2009, 11:11:01 pm
Do Sách tài liệu bài viết trước đã lâu nên mức độ thông tin còn hạn chế, nay tôi ghi thêm bài này để các bạn tham khảo.
CHIẾN DỊCH XUÂN LỘC GIẢI PHÓNG THỊ XÃ LONG KHANH, MỞ “ CÁNH CỬA THÉP” PHÍA ĐÔNG TIẾN VÀO GIẢI PHÓNG SAIGON
TỪ 9-4-1975 ĐẾN 21-4-1975
Vào những ngày cuối tháng 3-1975, trước sức tiến công thần tốc của quân giải phóng, quân đoàn I và II của chế độ Sai Gòn hoàn toàn bị tiêu diệt và tan rã. Ngày 28-3 tướng Mĩ Uây-en và đại sứ Mĩ ở Sài Gòn Ma-tin đã chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng tuyến đường phòng thủ mới từ thị xã Phan Rang tới Xuân Lộc là căn cứ Trung tâm. Mong muốn của địch là tổ chức Xuân Lộc thành “ tuyến phòng thủ thép” ở phía Đông Sài Gòn, nhằm ngăn chặn đại quân ta từ miền Trung vào để tạo cơ sở cho một giải pháp chính trị cuối cùng, không để mất tất cả. Tướng Uây-en nhấn mạnh: “ Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Lực lượng giữ Xuân Lộc gồm có Sư đoàn bộ binh nguỵ số 18, thiết đoàn kị binh số 22, một tiểu đoàn biệt động quân .... Địch tăng cường nhiều lực lượng chủ lực dự trữ của Quân đoàn III khi chiến dịch nổ ra.
Đánh giá vị trí quan trọng của Xuân Lộc và thị xã Long Khánh, Khu Uỷ miền Đông nhận định “ Thị xã Long Khánh là một trong những nơi ta dứt điểm cuối cùng, nơi Đảng bộ miền Đông hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của mình”. Trên cơ sở này Bộ Tư lệnh Trung Ương Cục quyết định mở chiến dịch Xuân Lộc giải phóng thị xã Long Khánh nhằm tiêu diệt thật nhiều sinh lực, đặc biệt là quân tổng trù bị, mở cửa vào Sài Gòn ở phía Đông, không cho chúng tổ chức tuyến phòng thủ mới.
Lực lượng ta tham gia chiến dịch Xuân Lộc gồm 3 Sư đoàn : 2 Sư đoàn của Quân đoàn 4 ( Sư đoàn 7; Sư đoàn 341 ); Sư đoàn 6 của Quân khu 7 phối thuộc và trung đoàn 95b cùng lực lượng bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa - Long Khánh.
Rạng sáng ngày 9-4-1975, chiến dịch Xuân Lộc mở màn bằng những loạt pháo cấp tập vào các mục tiêu trong thị xã Long Khánh.
7 giờ 30 phút cùng ngày, Sư đoàn 341 và Sư đoàn 7 tiến công hai hướng Đông Bắc và Tây Bắc thị xã, chiếm lĩnh và treo cờ Mặt trận trên hầu hết các căn cứ của địch như trại biệt động quân, trụ sở tình báo CIA Mĩ, toà hành chánh, tỉnh đoàn bảo an.
Trưa ngày 9 đến 12-4, từ các hầm ngầm, địch phản kích quyết liệt với hoả lực chi viện tối đa của không quân và quân nhảy dù ( lữ đoàn I ). Lực lượng ta phải rút ra ngoài để củng cố, tạo thế bao vây địch trong thị xã, tiếp tục làm chủ khu vực ven thị xã và các đoạn quốc lộ 1, quốc lộ 20.
Ngày 15-4, ta tiếp tục tiến công tiến địch ở thị xã. Hướng Tây Bắc và Đông Bắc, địch rút bỏ các chốt ở ngoại vi, lui về cố thủ ở các điểm cao trong thị xã. Cùng ngày, tại cầu Gia Liêu, ta đánh thiệt hại nặng lữ dù I nguỵ; Sư đoàn 6 của ta đánh diệt chiến đoàn 52 của sư đoàn 18 nguỵ trên quốc lộ 20, giải phóng từ ấp Nguyễn Thái Học đến Ngã ba Dầu Giây, làm chủ phía Tây thị xã.
Trong hai ngày 15 và 16-4, địch liên tục tăng cường lực lượng chi viện lên Xuân Lộc như chiến đoàn 8 của Sư đoàn 5, liên đoàn 7 biệt động quân, các thiết đoàn 315, 318, 322. Đồng thời đưa bộ chỉ huy quân đoàn III nguỵ từ Biên Hoà lên Trảng Bom để chỉ huy phản kích. Nhưng các mũi phản kích của địch đều bị chặn đứng và bẻ gãy.
Từ 16 đến 19-4, các loạt pháo của ta phá huỷ công sự địch trong thị xã đồng thời các cơ sở cách mạng trong nội ô tiến công binh vận làm tan rã các đơn vị bảo an, dân vệ địch.
Đêm 20-4, đại quân ta mở đợt tiến công cuối cùng trên 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Xe tăng và pháo binh quân giải phóng tiến vào thị xã. Hầu hết các căn cứ quân sự và cơ quan địch đều tung bay cờ Mặt trận.
22 giờ ngày 20-4-1975, hơn 220 xe cơ giới địch rút chạy theo liên tỉnh lộ số 2 về Bà Rịa.
Sáng 21-4-1975, “ tuyến phòng thủ thép” của địch ở Xuân Lộc bị đập tan. Thị xã Long Khánh hoàn toàn được giải phóng.
Tuyệt vọng, ngay tối 21-4, Tổng thống nguỵ  quyền Sai Gòn Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức và chuẩn bị trốn chạy ra nước ngoài. Cùng lúc với thất bại ở Xuân Lộc, tổng thống Hoa Kì tuyên bố : “ Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc với Mĩ”,
Giải phong thị xã Long Khánh, quân dân Đồng Nai cùng với chủ lực quân giải phóng đã mở ra một hậu phương lớn, tạo điều kiện cho các binh đoàn tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
( Theo : Những ngày kỉ niệm và lịch sử - Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đồng Nai )
 



Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: 5tan trong 01 Tháng Tám, 2009, 06:03:37 pm
Em xin phát biểu ạ:
Bác kimlonggkhanh chắc ở Long Khánh- ĐN xem lại cái này hộ em cái ạ:

“… Sư đoàn 6 của ta đánh diệt chiến đoàn 52 của sư đoàn 18 nguỵ trên quốc lộ 20, giải phóng từ ấp Nguyễn Thái Học đến Ngã ba Dầu Giây, làm chủ phía Tây thị xã…. “
- ở bài viết trên thì lại: “…Kết hợp với Trung đoàn 95B đánh thiệt hại nặng Chiến đoàn 52 thiện chiến nhất Sư đoàn 18 cùng 9 Tiểu đoàn Bảo An giải phóng hoàn toàn khu vực từ Túc Trưng đến Ngã ba Dầu Giây… “.

- Không biết khoảng cách từ ấp Nguyễn Thái Học đến Ngã 3 Dầu Giây và khoảng cách từ Túc Trưng đến Ngã 3 Dầu Giây có tương đương nhau không hở Bác ? em nhớ Túc Trưng hình như ở H.Định Quán, còn Nguyễn Thái Học ở H.Thống Nhất tỉnh ĐN đấy Bác ạ.
Có gì mâu thuẫn ở đây không nhỉ ? cũng là 1 sự kiện nhưng có nhiều cách diễn giải?
- Mà Không thấy nói đến bom CBU bác nhể ?

- Em cũng có 1 cuốn: “Lịch sử giai cấp công nhân ở ĐN” xuất bản năm 2003; Tại đoạn 3, Trang 214 viết như này mới hoành tráng chứ (xin trích nguyên văn): “5 giờ 30 phút sáng ngày 09/4/1975, Quân đoàn 4 cùng bộ đội địa phương Bà Rịa-Long Khánh tấn công vào Thị xã Long Khánh, một trong 3 tuyến phòng thủ chủ yếu của địch. Cuộc đọ sức diễn ra quyết liệt. Nhiều vị trí ta và địch giành đi giật lại nhiều lần. Tại dinh Tỉnh trưởng cờ giải phóng đã tung bay trong khói lửa mấy ngày liền. Bọn địch điên cuồng phản kích, chúng đã dùng đến bom hơi ngạt CBU-55 định huỷ diệt tất cả. Chiến dịch vẫn ngày càng quyết liệt…”

Hì, hì. Vậy là bom CBU được thả ngày 09/4/1975 mở màn chiến dịch ? cờ giải phóng cũng đã tung bay ở dinh Tỉnh trưởng ngay trong ngày mở màn ? viết sử kiểu này, em sợ thế hệ hậu sinh sau này khen cha ông ta ngày xưa tài quá; mở màn chiến dịch là cắm cờ giải phóng được luôn. Hic.



Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: kimlongkhanh trong 02 Tháng Tám, 2009, 11:58:05 am
- Bạn 5 tan ơi ạ, cái này thì phải hỏi mấy ông viết sách thôi, cứ sách thì tôi ghi ra thôi, không phải là người trong cuộc nên cũng chưa biết sách nào ghi đúng ghi sai ( Bài viết đầu lấy nguồn từ sách dùng trong nhà trường đấy, có thể do sách in ấn từ giai đoạn mới giải phóng, thông tin cũng như kĩ thuật in ấn còn hạn chế, cũng không chừng sau này họ có những điều chỉnh mà mình không biết ). Riêng tôi thì khi làm bài thi về Sử do Đồng Nai tổ chức bao giờ cũng dựa vào sách của Tỉnh Ủy Đồng Nai và Lịch sử Chiến Khu Đ. Sách sử thì tôi có khá nhiều, nhất là ở Đồng Nai, nhưng chưa có thời gian để kiểm chứng lại sự kiện bạn đưa ra. Khi nào có thời gian, chắc phải ngồi đối chiếu lại nhân vật và sự kiện lịch sử ở các sách quá, có cơ hội sẽ trở lại vấn đề này bạn nhá ! Dù sao cũng cám ơn ý kiến bạn. Chúc vui.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: kimlongkhanh trong 02 Tháng Tám, 2009, 03:36:18 pm
Bổ sung thêm cho bạn 5 tan.
Sau khi tra cứu thêm sách Sử liên qua đến vấn đề bạn nêu ra, tôi ghi lại để bạn “ rút ra” được gì nha !
- Sách “ Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam” có viết:
“ .... Sư đoàn 6 ( Quân khu 7 ) và Trung đoàn 95 đánh chiếm Chi khu Túc Trưng, Kiện Tân, tiêu diệt trung đoàn 52 ( Sư đoàn 18 ), sau đó phát triển theo đường số 20 đánh lui lữ đoàn 3 kị binh từ Biên Hoà ra phản kích, chiếm Ngã ba Dầu Giây...”.
Như vậy, theo tôi hiểu thì có thể trên đường phát triển giải phóng, những địa danh trên được giải phóng  (Chiếm Túc Trưng trước rồi trên đà phát triển theo đường 20, giải phóng từ ấp Nguyễn Thái Học đến Ngã ba Dầu Giây ), như vậy cũng không có gì mâu thuẫn, do cách diễn giải của tác giả ngắn gọn.
- Về CBU, không thấy tài liệu nhắc đến, chỉ có một đoạn trong “ Biên Hoà Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển” có nhắc đến là :
“ ... Liên tục trong các ngày từ 16 đến 19-4, quân ta bắn hàng ngàn quả đạn pháo vào các mục tiêu quân sự của địch trong thị xã. Đảng viên, cơ sở cốt cán và quần chúng đã vận động làm tan rã hàng trăm binh lính địch.
Trong cơn tuyệt vọng , địch càng tỏ ra điên cuồng, chúng cho máy bay trút bom đạn vào thị xã và vùng ven ( trong đó có hai quả bom ngạt CBU ). Thế cùng, bọn đầu sỏ chỉ huy lập kế họach rút chạy ....”.
- Về chi tiết cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng mà bạn đọc ở sách mà bạn nêu ra đó, trong quyển " Thị trấn Xuân Lộc Những chặng đường đấu tranh Cách mạng vẻ vang" cũng có nói đến, " ... Đúng 7 giờ 40 ngày 9-4-1975, ta đã cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng Long Khánh và làm chủ một loạt các căn cứ khác như ty cảnh sát, khu cố vấn Mĩ, khu tình báo CIA, căn cứ biệt động quân, ga xe lửa ... Hàng chục tự vệ mật, cơ sở mật dưới làn mưa bom pháo của địch, đã dũng cảm leo lên cắm cờ trên những mục tiêu đã chiếm, bám sát các đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ dẫn đường, tải thương, cung cấp hậu cần cho bộ đội ..."
( Cũng cần nói thêm bạn rõ dinh tỉnh trưởng cũng giống như nhà tỉnh trưởng và gia đình ở. Nơi đó không phải khu quân sự, ít lính gác ).
Thôi nhá, tôi chỉ tìm được vậy thôi. Có thể các bạn khác giúp giải thích thêm. Chúc vui.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 02 Tháng Tám, 2009, 03:58:36 pm
- Cám ơn phần góp ý của bạn Rong Xanh.
- Do sơ ý, tôi ghi nhầm thời gian 9-4-1975 thành 9-1- 1975 ( đúng ra là sách in nhầm ). Nay xin lỗi bạn đọc điều chỉnh lại.
- Chức vụ của bác Lê Nam Phong thì tôi không biết, chỉ ghi y như trong sách mà tôi có chú thích nguồn. Nói chung tất cả những ý tôi ghi ra trong các câu giải đáp về lịch sử đều xuất phát từ sách ghi ra.

Hiện giờ bác có ở Xuân Lộc/ hoặc bác có biết về vùng này không?


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: kimlongkhanh trong 03 Tháng Tám, 2009, 07:07:25 pm
Xin chào bạn rongxanh. Vâng, tôi hiện đang ở tại thị xã Long Khánh ( trước 1975 thường hay gọi là Xuân Lộc ), Sau 1975, Long Khánh đổ nát điêu tàn, bây giờ thì Long Khánh trên đà phát triển, được xây dựng lại rất đẹp, là một trong những tiềm năng du lịch của tỉnh Đồng Nai. Chúc vui.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 03 Tháng Tám, 2009, 08:20:12 pm
Xin chào bạn rongxanh. Vâng, tôi hiện đang ở tại thị xã Long Khánh ( trước 1975 thường hay gọi là Xuân Lộc ), Sau 1975, Long Khánh đổ nát điêu tàn, bây giờ thì Long Khánh trên đà phát triển, được xây dựng lại rất đẹp, là một trong những tiềm năng du lịch của tỉnh Đồng Nai. Chúc vui.

Vậy thì bác có biết thông tin gì về vùng XUân Lộc thời điểm tháng 4/1975 trở lại không?

Ví dụ như bác có biết 2 trái bom CBU ném ở khu vực nào dịp tháng 4/1975 không?


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tuaans trong 03 Tháng Tám, 2009, 11:10:21 pm
Xin chào bạn rongxanh. Vâng, tôi hiện đang ở tại thị xã Long Khánh ( trước 1975 thường hay gọi là Xuân Lộc ), Sau 1975, Long Khánh đổ nát điêu tàn, bây giờ thì Long Khánh trên đà phát triển, được xây dựng lại rất đẹp, là một trong những tiềm năng du lịch của tỉnh Đồng Nai. Chúc vui.

Em hỏi khí không phải chớ TX Long Khánh có tiềm năng du lịch gì vậy bác? Bác nói cho anh em biết ạ. Chứ em thường chạy qua thị xã LX suốt mà không ghé lại ... chỉ dừng lại ở Núi Le ăn thịt rừng ướp lạnh thôi!


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: 5tan trong 04 Tháng Tám, 2009, 08:45:57 am
Em hỏi khí không phải chớ TX Long Khánh có tiềm năng du lịch gì vậy bác? Bác nói cho anh em biết ạ. Chứ em thường chạy qua thị xã LX suốt mà không ghé lại ... chỉ dừng lại ở Núi Le ăn thịt rừng ướp lạnh thôi!

Em cũng đã tới Long Khánh nhiều lần rồi. Có nhiều đặc sản lắm ạ. Có khu du lịch Suối tre (được mệnh danh là Đà Lạt của Miền Đông). Có cái tượng đài chiến thắng và nghĩa trang liệt sĩ rất to. Mà các Bác có biết khu K4 không ạ ? (HIC).

Đề nghị Bác Kimlongkhanh tiến hành 1 cuộc khảo sát (hỏi các cựu binh hay người dân đã sống ở vùng đất đó để biết thêm thông tin về CBU như đề nghị của Bác Rongxanh) để cung cấp thông tin cho anh em quansuvn. Anh em ở đây vẫn còn mù mờ thông tin 2 quả CBU lắm.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tai_lienson trong 05 Tháng Tám, 2009, 08:41:07 am
 Cách đây mấy ngày tôi được nói chuyện cùng bác Luyến nguyên f phó f325  bác kể khi đánh Phan rang e 101 của bác đánh địch trong hành tiến bằng bộ binh cơ giới đồng bộ , địch chống cự rất yếu  nên bị lạc đường , đến một cái chợ vẫn có người đang buôn bán họ chỉ đường quay lại 1-2km mới đánh  sân bay Thành sơn ,như vậy chiếm thị xã không ác liệt lắm mà chỉ khi đánh vòng ngoài ác liệt hơn


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: kimlongkhanh trong 05 Tháng Tám, 2009, 10:17:10 am
Xin chào các bạn rongxanh, tuaans và 5tan . Rất vui vì các bạn đã quan tâm đến Long Khánh - quê hương tôi - Tôi xin cung cấp một số thông tin mà tôi ghi nhận được:
- Theo sách “ Thị trấn Xuân Lộc những chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang” thì ngày 12-4-1975 hàng đoàn máy bay phản lực F 111 có máy bay L19 chỉ điểm ném hàng trăm trái bom xuống khu vực quanh thị xã ( trong đó có cả bom chiến thuật CBU và Daisy Cutter) được chúng ném xuống một địa điểm cách thị xã khoảng 800m về phía Bắc.
- Những quyển sách viết về Long Khánh tôi có, không có tài liệu nào ghi cụ thể về bom CBU, tuy nhiên theo thông tin trên mạng, tôi ghi lại để các bạn tham khảo:
CBU-55
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
CBU-55 là một loại bom cháy dạng chùm (cluster bomb incendiary device) được quân đội Mỹ phát triển trong Chiến tranh Việt Nam, với mục đích tiêu diệt sinh lực địch, dọn bãi cho trực thăng đổ bộ, cũng gọi là bom chân không, bom nổ khối, bom nhiên liệu - không khí, bom phát quang.
Trong khi hầu hết các loại bom cháy khác chứa na-pan hoặc phốt-pho, quả bom CBU-55 nặng 750 cân Anh (khoảng 340 kg) chứa nhiên liệu chủ yếu là prô-pan. Được mô tả là "vũ khí phi hạt nhân khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của Mỹ"[1], loại bom này đã là một trong những vũ khí truyền thống mạnh nhất được thiết kế cho chiến tranh. Quả bom có 3 ngăn chứa prô-pan, một hỗn hợp gồm các khí khác, và một ngòi nổ.
Theo Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, [2], CBU-55 là loại "bom chùm hàng không dạng cát-xét, kiểu nổ xon khí đầu tiên của Mỹ. Dài 2,3m, đường kính 0,36mm, sải cánh đuôi 0,72m, khối lượng 235kg, chứa 3 bom con BLU-73, dọc thân từ lỗ lắp ngòi hẹn giờ tới nắp đáy, có đặt một dây nổ, đảm bảo mở cát xét ở trên không. Mỗi bom con có khối lượng 45kg, nạp 32,6kg ôxít êtylen lỏng, có dù hãm để giảm tốc độ rơi xuống còn 33m/s. Khi chạm đất, ngòi nổ hoạt động gây nổ ống thuốc đặt giữa trục bom, phá vỡ vỏ bom, làm văng ôxít êtylen thành các giọt, tạo thành đám mây xon khí (nhiên liệu - không khí) có đường kính 25 - 17m; cao 2,5 - 3m. Đám mây này được một trạm nổ kích thích ở độ cao 1m sau khi hình thành 0,125s. Bán kính sát thương của mỗi bom con là 50m. Bom CBU - 55 được thiết kế cho loại máy bay tốc độ dưới âm (như A-37, OV-10 và máy bay trực thăng UH=1 ở độ cao bay 600m, tốc độ bay 120km/giờ)."
[sửa] Sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam
Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, CBU-55 đã được sử dụng lần đầu tiên trong chiến dịch Quảng Trị (1972) để tiêu diệt sinh lực và dọn bãi đổ bộ.
Theo trang web của tỉnh Bến Tre, Việt Nam, có hai quả bom CBU-55 khác đã được ném xuống Bến Tre, một quả xuống ấp 1, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, vào tháng 8-1972, quả thứ hai xuống xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm vào giữa năm 1973. Hai vỏ bom mang dòng chữ "BOMB... CBU - 55, US ARMY" được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bến Tre. [3].
Một trong các sự kiện nổi bật nhất là vụ ném bom CBU-55 xuống ngã ba Dầu Giây, Long Khánh, trong trận Xuân Lộc, vào ngày 21 tháng 4 năm 1975. Từ đầu tháng 4 năm 1975, một quả bom CBU-55 đã được chở bằng máy bay từ Thái Lan tới căn cứ không quân Biên Hòa. Được sự chuẩn y của tướng Homer Smith cho phép chính phủ Việt Nam Cộng hòa sử dụng loại vũ khí này, một máy bay vận tải C-130 lượn vòng trên bầu trời Xuân Lộc tại độ cao 6.000m, rồi thả quả bom. Bom nổ tạo một quầng lửa che phủ một vùng rộng 2 mẫu Anh (khoảng 0,8 hécta). Các chuyên gia ước lượng rằng khoảng 250 người lính đã bị thiệt mạng, chủ yếu do bị ngạt ô-xy thay vì bị bỏng[4][5]. CBU-55 đã không được sử dụng thêm lần nào nữa trong chiến tranh.
Bảo tàng tội ác chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh cũng trưng bày loại bom này.
_ Về Long Khánh ngày nay, xin trích một đoạn bài viết sau đây - thấy có ghi + 5EXP, không biết có phải là tên tác giả không -
 ... Bước vào thời kỳ đổi mới từ sau Đại hội VI của Đảng (1986). Long Khánh cũng như bao địa phương khác, đã có sự chuyển hình mạnh mẽ trong phát triển nền kinh tế thị trường, theo định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước. Mặc dù thời kỳ này về sau, Long Khánh đã có những thay đổi lớn về địa giới hành chính, dân cư (tháng 7/1991 chia tách thành 2 huyện Long Khánh, Xuân Lộc. Đầu năm 2004 chia tách thành lập huyện Cẩm Mỹ và Long Khánh được nâng lên Thị xã). Với truyền thống anh hùng, kiên cường bất khuất trong chiến đấu; dũng cảm trong lao động sáng tạo, tích cực đổi mới trong xây dựng phát triển kinh tế, và tiến hành hiệu quả công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đường lối Đại hội IX của Đảng đã đề ra.
Tăng trưởng kinh tế hàng năm trong cả hai giai đoạn 2001 – 1005 luôn ở mức từ 10 đến 13,2% thu nhập bình quân đầu người năm 2004 đã đạt mức trên tám triệu đồng/người/năm, tăng hơn 1,65% lần so với năm 2000: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng CNH – HĐH, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng trong GDP là 27,7% (năm 2000 chỉ 21,1%), thương mại dịch vụ 46,5% (năm 2000 chỉ 30,4%), nông nghiệp giảm còn 25,8% (năm 2000 là 49,9%).
Kinh tế phát triển, đời sống vật chất – tinh thần của nhân dân được ổn định và cải thiện rõ nét. Đến cuối năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,8%, không còn hộ đói. Tỷ lệ nhà tôn, ngói hóa trên 96%, tỷ lệ hộ dùng điện, sử dụng nước hợp vệ sinh đều trên mức 95%, hơn 80% số hộ có xe gắn máy, trên 85% có phương tiện nghe nhìn, cứ 100 dân đã có gần 15 người có máy điện thoại…. Việc học hành, chăm sóc y tế, đời sống tinh thần, phúc lợi xã hội, được Đảng, Nhà nước quan tâm chăm lo và có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đến nay không những xóa được mù chữ, mà 100% xã, phường đều hoàn thành phổ cập trung học cơ sở, 4/15 phường xã phổ cập bậc trung học. Toàn dân được đảm bảo chăm sóc y tế, 100% trạm y tế xã, phường có Bác sĩ và nữ hộ sinh trung cấp. Đời sống văn hóa tinh thần khởi sắc, thể dục thể thao phát triển; đời sống gia đình đối tượng chính sách và đối tượng xã hội được quan tâm chăm lo, đời sống chính trị – xã hội ổn định, lành mạnh.
Năm 2006, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại Hội I Đảng bộ Thị xã Long Khánh nhiệm kỳ 2005-2010, Long Khánh đã có sự phát triển đáng kể;
Kinh tế ổn định và phát triển, tăng trưởng kinh tế 13,6% đạt mục tiêu Nghị quyết (Nghị quyết là 13,5 – 14%): trong đó thương mại dịch vụ tăng 17,6%; công nghiệp xây dựng tăng 12,96%; nông nghiệp tăng 5,8%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: tăng tỉ trọng thương mại dịch vụ và công nghiệp xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 362 tỉ 455 triệu đồng, đạt 99,3% kế hoạch. Giá trị sản xuất xã hội đạt 1.911 tỷ 700 triệu đồng (giá cố định năm 1994). Thu nhập bình quân đầu người 11.340.000đồng.
Những thành tựu về kinh tế – xã hội của Long Khánh qua 31 năm xây dựng, phát triển là hết sức to lớn, hết sức đặc biệt. Bởi vì, khởi điểm của những chỉ số trên vào những ngày đầu giải phóng gần như là “con số không” hậu quả của hơn 20 năm chiến tranh ác liệt, và nhất là sau sự tàn phá của hàng ngàn tấn bom đạn trong chiến dịch 12 ngày đêm của tháng 4/1975 lịch sử.
Những thành quả Long Khánh 31 năm qua là biểu tượng của ý chí, lòng dũng cảm, sự gắn bó máu thịt giữa vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự quản lý điều hành năng động sáng tạo của chính quyền, với sự thống nhất ý chí nguyện vọng của toàn thể nhân dân thông qua Mặt trận và các tổ chức đoàn thể của mình. Đó cũng là sức mạnh tổng hợp để làm cho “Ý Đảng” trở thành “Lòng dân”, làm cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” ngày càng trở thành hiện thực sinh động trên quê hương Long Khánh anh hùng.
Với nhiều tiềm năng kinh tế xã hội chưa được khai thác, Long Khánh đang mời gọi sự đầu tư về mọi mặt của các tổ chức trong và ngoài nước để liên tục phát triển tương xứng với điều kiện tự nhiên vốn có của một Long Khánh Đất và Người anh hùng và giàu lòng quả cảm.
Thị xã Long Khánh đã từng có một quá khứ anh hùng, trong cuộc chiến đấu giành độc lập cho dân tộc; từng có một thời kỳ phát triển vẻ vang qua 31 năm xây dựng và trưởng thành, chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp xứng đáng với tầm vóc vốn có của mình
+5 EXP
- Long Khánh hiện có vài địa điểm du lịch, tuy chưa được đông đảo khách tham quan chú ý nhưng nếu được đầu tư và phát huy hơn thì trong tương lai sẽ là điểm hẹn của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Long Khánh có những khu du lịch như: Suối Tre, Công viên Hoà Bình ( Trước 1975, nơi đây thường được mọi người gọi là vườn Thống tướng - hoặc đại tướng - Lê Văn Tỵ. Lúc còn đi học nghỉ tiết tôi có cùng các bạn viếng vườn. Vườn thiên nhiên rất rộng, cảnh đẹp, nên thơ. Sau 1975, nơi đây có lính Quốc gia học tập, nên đổi tên gọi là Ka Tư, cảnh vườn đa dạng, phong phú hơn nhờ bàn tay nhân tạo. Hiện là khu du lịch Hoà Bình, có khách sạn, nhà hàng để tổ chức sinh nhật, đám cưới ), Khu Văn hoá Đồi Sơn Thuỷ Nông trường cao su Cẩm Mỹ ( cách thị xã Long Khánh 20km về phía Nam, hướng đi Bà Rịa - Vũng Tàu, Quốc lộ 56 ) ...
Tôi giới thiệu các bạn bài viết sau để biết thêm về địa điểm du lịch của Long Khánh :
Du lịch vườn Long Khánh - Tỉnh Đồng Nai
Long Khánh là vùng đất nổi tiếng về trái cây của tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh việc phát triển du lịch miệt vườn, nơi đây còn có nhiều di tích văn hóa của miền Đông Nam Bộ. Từ thành phố Hồ Chí Minh đi theo quốc lộ 1A khoảng chừng 80 km về hướng đông bắc, qua khỏi đèo Mẹ Bồng Con là tới vùng Long Khánh (Đồng Nai).
Du lịch vườn ở Long Khánh hằng năm diễn ra nhộn nhịp, nhất vào khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch. Thời điểm này là lúc chôm chôm, sầu riêng đã cho trái chín. Đi trong vườn cây rợp bóng xanh mát dịu, du khách sẽ cảm thấy thích thú ngắm nhìn những chùm chôm chôm chín đỏ lơ lửng trên đỉnh đầu, những chùm dâu màu vàng mơ đeo lủng lẳng từ trên cành xuống tận gốc, và thoang thoảng trong gió, mùi thơm của sầu riêng đầy quyến rũ. Đến với du lịch vườn Long Khánh, bạn sẽ được tận hưởng một không gian trong lành, mắt được ngắm nhìn những sắc mầu của cây trái, mũi được ngửi mùi thơm và sẽ được nếm các hương vị ngọt ngào của những loại trái cây.
Điều thú vị nhất của du lịch vườn là bạn có thể trèo lên cây tự tay mình hái trái đem xuống cân, trả tiền và ăn thoải mái. Nếu đi thành đoàn đông người thì du khách có thể mua nguyên cả cây để ăn. Sau khi ăn no, nhà vườn có trách nhiệm cắt hết những trái còn lại cho khách đem về. Ngoài ra, các nhà vườn còn mở dịch vụ... "bao bụng", nghĩa là bạn ăn cho đến chán chê thì thôi. Tùy theo giá cả mỗi năm và tùy từng loại trái cây mà giá "bao bụng" khoảng chừng 20.000 đến 80.000 đồng cho một người ăn. Bên cạnh du lịch vườn, Long Khánh còn có những điểm tham quan hấp dẫn mà bạn có thể ghé thăm. Đó là Khu Văn hóa Suối Tre, mộ cổ Hàng Gòn, tượng đài chiến thắng Long Khánh...
Khu Văn hóa Suối Tre nằm cách thị trấn Xuân Lộc, huyện Long Khánh chừng 3 km về hướng tây bắc. Nơi đây vốn là nơi nghỉ mát của người Pháp, thuộc các đồn điền cao-su SIPH được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Suối Tre ở giữa những cánh rừng cao-su mát dịu, xen lẫn là những ngọn đồi nhấp nhô và cả những cổ thụ xòe tán, khiến nơi đây có cảnh quan như một Đà Lạt thu nhỏ, gợi nên nét đẹp riêng. Cả khu vực này rộng trên chục héc-ta, với nhiều đồi cỏ nhấp nhô, những hàng dương bóng mát, và nhiều cây cao cổ thụ cả 100 tuổi. Đặc biệt con suối uốn quanh bao bọc bên những bờ tre xanh ngắt tạo nơi đây thành một bức tranh thơ mộng và hữu tình. Suối Tre đã được mệnh danh là "Đà Lạt của miền Đông"!
Từ thị trấn Xuân Lộc ngược về phía tây nam khoảng chừng 5 km là đến một di tích kiến trúc cổ, mang dấu ấn lịch sử hình thành và phát triển vùng đất phương Nam, đó là ngôi mộ cổ Hàng Gòn (còn gọi là mộ Cự Thạch, hay mả Ông Đá). Đây là một kiến trúc độc đáo nằm trong lòng đất, có niên đại cách đây hơn 2.500 năm. Ngôi mộ được phát hiện vào năm 1927 và được trùng tu vào năm 1992. Di tích là một hầm mộ được làm bởi những tấm đá hoa cương lớn, lắp ghép theo hình hộp chữ nhật, chiều dài 4,2m, ngang 2,7m, cao 1,6m, bề mặt được bào khá nhẵn. Bốn tấm đá thẳng đứng dùng làm vách, hai tấm nằm ngang dùng làm mặt đáy và nắp đậy. Liên kết giữa các tấm đá nhờ vào hệ thống rãnh dọc, trông đơn giản nhưng thật vững chắc. Chung quanh mộ có nhiều trụ đá hoa cương cao 7,5m, đầu khoét lõm hình yên ngựa. Năm 1984, Bộ Văn hóa xếp hạng mộ cổ Hàng Gòn là di tích quốc gia, một trong mười di tích quan trọng ở Nam Bộ. Đây là một di tích độc đáo cả về nghệ thuật lẫn kỹ thuật của người Việt cổ.
Nếu còn thời gian, bạn có thể tham quan tượng đài chiến thắng Long Khánh, là nơi được xem như một biểu tượng rất đáng tự hào của quân và dân Long Khánh trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Nguồn tin: Báo Nhân Dân
 




Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: chiangshan trong 05 Tháng Tám, 2009, 10:29:22 am
Xin chào các bạn rongxanh, tuaans và 5tan . Rất vui vì các bạn đã quan tâm đến Long Khánh - quê hương tôi - Tôi xin cung cấp một số thông tin mà tôi ghi nhận được:
- Theo sách “ Thị trấn Xuân Lộc những chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang” thì ngày 12-4-1975 hàng đoàn máy bay phản lực F 111 có máy bay L19 chỉ điểm ném hàng trăm trái bom xuống khu vực quanh thị xã ( trong đó có cả bom chiến thuật CBU và Daisy Cutter) được chúng ném xuống một địa điểm cách thị xã khoảng 800m về phía Bắc.

Sách với chả báo, không biết nên dùng từ gì để nói nữa.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: 5tan trong 05 Tháng Tám, 2009, 10:44:16 am
- Theo sách “ Thị trấn Xuân Lộc những chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang” thì ngày 12-4-1975 hàng đoàn máy bay phản lực F 111 có máy bay L19 chỉ điểm ném hàng trăm trái bom xuống khu vực quanh thị xã ( trong đó có cả bom chiến thuật CBU và Daisy Cutter) được chúng ném xuống một địa điểm cách thị xã khoảng 800m về phía Bắc.

Sách với chả báo, không biết nên dùng từ gì để nói nữa.
[/quote]
Tôi có đọc ở đâu đó nói: Loại F111 không thể mang được CBU-55 bạn kimlongkhanh ạ, nó mà đeo 2 quả 2 bên thì có mà ... gãy cánh (chuyện thường ngày ở huyện mà Bác chiangshan)
Nhưng mà cảm ơn Bác Kim đã chịu khó sưu tầm tài liệu và trả lời khá đầy đủ các câu hỏi của tôi (lại còn giới thiệu về quê hương LK khá là hoành tráng, nghe là tôi muốn trở lại Suối Tre tắm táp cho mát rồi.. hà.. hà).
- Khu K4 Bác giới thiệu chưa đầy đủ lắm. Hic. bởi vì em biết ở đây còn có món đặc sản "gà ta" ngon lắm (em có ông bạn làm ở Thị đội mời nhậu ở đây 2 lần rồi).
- Nếu theo tài liệu của Bác Kim thì mọi thảo luận của các Bác ở quansuvn về CBU-55 đổ bể hết. Về địa điểm lại có thêm cả ở Dầu Giây nữa (mà Dầu Giây thì giải phóng trước ngày mở màn chiến dịch XL); còn nhiều nơi khác: Quảng Trị, Bến tre ... vậy là dân ta đã được thưởng thức loại bom này từ lâu rồi hả bạn ?

P/S: Bác chiếm nhiều "tài nguyên" quá. Bác chỉ cần trích nguồn của Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Thế này thì Bác DepTraiDeu lại nhăn nhó anh em mình.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tuaans trong 05 Tháng Tám, 2009, 11:13:56 am
Món gà ta ấy đã bị cấm rồi bác 5tấn ơi!

F111 mang CBU-55 bay từ nước khác qua Long Khánh tốt, đ/c PTS chỉ được cái khó tính! ;D


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: mig21-58 trong 05 Tháng Tám, 2009, 11:29:58 am
cũng có câu là  tầu bay ov 10 mang bom cbu 55 ,ov 10 nó là tầu bay trinh sát chứ ,các bác


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 19 Tháng Hai, 2010, 10:24:32 pm


- Những quyển sách viết về Long Khánh tôi có, không có tài liệu nào ghi cụ thể về bom CBU, tuy nhiên theo thông tin trên mạng, tôi ghi lại để các bạn tham khảo:
CBU-55
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bước tới: menu, tìm kiếm
CBU-55 là một loại bom cháy dạng chùm (cluster bomb incendiary device) được quân đội Mỹ phát triển trong Chiến tranh Việt Nam, với mục đích tiêu diệt sinh lực địch, dọn bãi cho trực thăng đổ bộ, cũng gọi là bom chân không, bom nổ khối, bom nhiên liệu - không khí, bom phát quang.

[sửa] Sử dụng trong Chiến tranh Việt Nam
Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, CBU-55 đã được sử dụng lần đầu tiên trong chiến dịch Quảng Trị (1972) để tiêu diệt sinh lực và dọn bãi đổ bộ.
Theo trang web của tỉnh Bến Tre, Việt Nam, có hai quả bom CBU-55 khác đã được ném xuống Bến Tre, một quả xuống ấp 1, xã Tam Phước, huyện Châu Thành, vào tháng 8-1972, quả thứ hai xuống xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm vào giữa năm 1973. Hai vỏ bom mang dòng chữ "BOMB... CBU - 55, US ARMY" được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bến Tre. [3].
Một trong các sự kiện nổi bật nhất là vụ ném bom CBU-55 xuống ngã ba Dầu Giây, Long Khánh, trong trận Xuân Lộc, vào ngày 21 tháng 4 năm 1975. Từ đầu tháng 4 năm 1975, một quả bom CBU-55 đã được chở bằng máy bay từ Thái Lan tới căn cứ không quân Biên Hòa. Được sự chuẩn y của tướng Homer Smith cho phép chính phủ Việt Nam Cộng hòa sử dụng loại vũ khí này, một máy bay vận tải C-130 lượn vòng trên bầu trời Xuân Lộc tại độ cao 6.000m, rồi thả quả bom. Bom nổ tạo một quầng lửa che phủ một vùng rộng 2 mẫu Anh (khoảng 0,8 hécta). Các chuyên gia ước lượng rằng khoảng 250 người lính đã bị thiệt mạng, chủ yếu do bị ngạt ô-xy thay vì bị bỏng[4][5]. CBU-55 đã không được sử dụng thêm lần nào nữa trong chiến tranh.
Bảo tàng tội ác chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh cũng trưng bày loại bom này.


KHoảng 0.8 ha tương đuơng 80x100m. Với 1 khoảng như vậy, không thể tập trung đuợc hàng nghìn nguời.

Số luợng cán bộ chiến sỹ Quân đội nhân dân VN bị thuơng vong do trái bom CBU55/ Daisy Cluster là 811 nguời, đã nằm trong tổng số thuơng vong của QGP tại trận chiến XUân Lộc tháng 4/1975.

VÌ vậy có thể suy luận:

- Địch quân sử dụng cả 2 loại bom trên trong trận chiến XL.
- Thuơng vong 811 nguời rất có thể do trái bom Daisy cluster gây ra, loại này có bán kính sát thuơng cao hơn.
- TRái bom CBU55 rất có thể chỉ gây ra thuơng vong cho thường dân tại XL.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: rongxanh trong 19 Tháng Hai, 2010, 11:46:20 pm
TRái bom CBU55 gây ra thuơng vong cho hơn 200 người dân xã Xuân VInh.

Bác Kimlongkhanh có biết thông tin gì thêm không?

(RX đính chính)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: kimlongkhanh trong 05 Tháng Ba, 2010, 03:39:12 pm
Trước năm 1975, Long Khánh ( Xuân Lộc ), xã Xuân Vinh chưa có bạn ạ. Sau này, sát nhập Bình Lộc Ấp, Bảo Vinh A, B ... thành xã Xuân Vinh.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: chiangshan trong 21 Tháng Tư, 2010, 03:07:04 pm
http://vietnamnet.vn/chinhtri/201004/Bac-nhip-cau-xoa-ho-sau-ngan-cach-905613/

Đó là ý kiến của Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, tại Hội thảo "Đại thắng mùa Xuân 1975 - Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thời đại Hồ Chí Minh".

Theo Đại tướng, trước giờ khi nói đến cuộc tổng tiến công  và nổi dậy Xuân 1975, ta thường nhắc đến chiến dịch miền Trung, Tây Nguyên, chiến dịch Thừa Thiên - Huế, chiến dịch Hồ Chí Minh v.v... mà không nhắc tới chiến dịch miền Đông với những trận chiến vô cùng ác liệt ở Xuân Lộc, Nước Trong, Đồng Dù nhằm mở cửa ngõ vào Sài Gòn.

Ông cho rằng chiến dịch miền Đông là tiền đề của chiến dịch Hồ Chí Minh, và trong chiến dịch này, quân ta bị tổn thất, thương vong khá lớn.

"Không nói đến chiến dịch miền Đông, sẽ không thấy hết cái giá phải trả cho ngày chiến thắng 30/4/1975 lớn đến thế nào. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để chọc thủng phòng tuyến Xuân Lộc khi chỉ còn 10 ngày nữa là chiến thắng.

Chúng ta sẽ còn nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều hội thảo khoa học để đánh giá cho hết và chính xác ý nghĩa, giá trị của đại thắng mùa Xuân 1975. Vì thế, tôi đề nghị phải xem xét và ghi nhận lại chiến dịch miền Đông này".


?? ?? ??


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: macbupda trong 21 Tháng Tư, 2010, 08:44:59 pm
Theo Đại tướng, trước giờ khi nói đến cuộc tổng tiến công  và nổi dậy Xuân 1975, ta thường nhắc đến chiến dịch miền Trung, Tây Nguyên, chiến dịch Thừa Thiên - Huế, chiến dịch Hồ Chí Minh v.v... mà không nhắc tới chiến dịch miền Đông với những trận chiến vô cùng ác liệt ở Xuân Lộc, Nước Trong, Đồng Dù nhằm mở cửa ngõ vào Sài Gòn.


Đồng Dù có ở phía đông đâu nhỉ? Căn cứ này nằm ở Tây Bắc Sài Gòn chứ!


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Hungnt_E1F2 trong 21 Tháng Tư, 2010, 09:12:43 pm
Theo Đại tướng, trước giờ khi nói đến cuộc tổng tiến công  và nổi dậy Xuân 1975, ta thường nhắc đến chiến dịch miền Trung, Tây Nguyên, chiến dịch Thừa Thiên - Huế, chiến dịch Hồ Chí Minh v.v... mà không nhắc tới chiến dịch miền Đông với những trận chiến vô cùng ác liệt ở Xuân Lộc, Nước Trong, Đồng Dù nhằm mở cửa ngõ vào Sài Gòn.


Đồng Dù có ở phía đông đâu nhỉ? Căn cứ này nằm ở Tây Bắc Sài Gòn chứ!
Hiểu là Miền Đông của Nam bộ bác ạ. Ý Cụ Trà nói là các chiến dịch ở Miền Đông Nam bộ.
Lúc đó lực lượng QĐ4 (có thêm f341 của Bộ) đánh khu vực Xuân lộc, đoàn 232 cắt đường 4, nam SG.
Còn lại là các QĐ2, QĐ3 đánh mục tiêu quan trọng, chiếm các mục tiêu chính ở Nội đô SG. Còn f3 chiếm Vũng tàu.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: macbupda trong 22 Tháng Tư, 2010, 06:31:41 am
Hiểu là Miền Đông của Nam bộ bác ạ. Ý Cụ Trà nói là các chiến dịch ở Miền Đông Nam bộ.
Lúc đó lực lượng QĐ4 (có thêm f341 của Bộ) đánh khu vực Xuân lộc, đoàn 232 cắt đường 4, nam SG.
Còn lại là các QĐ2, QĐ3 đánh mục tiêu quan trọng, chiếm các mục tiêu chính ở Nội đô SG. Còn f3 chiếm Vũng tàu.

Em nghĩ hơi khác. Nếu như vậy thì là chính là chiến dịch Hồ Chí Minh rồi còn gì. Em đoán (không biết có sai không) ý đại tướng muốn nhấn mạnh đến một loạt các trận đánh của Quân đoàn 4 và quân khu 7 ngay từ Phước Long, đến Dầu Tiếng, Định Quán, rồi Xuân Lộc, Trảng Bom, Hố Nai đều nhằm mở đường vào Sài Gòn. Nước Trong thì cũng nằm ở phía đông, nằm trong hướng tiến quân của Quân đoàn 2, cũng gần với Quân đoàn 4. Còn Đồng Dù thì có lẽ do cũng là trận đánh mở đường vào Sài Gòn nên ông cũng đề cập đến, nhưng em nghĩ nó không xếp vào "chiến dịch miền Đông" như bản ý của đại tướng.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lonesome trong 25 Tháng Tư, 2010, 11:52:49 am
Cụ Trà nói thế làm thằng bạn em đang bảo: "Mỗi ngày đánh XL chết 1000 quân". Em hỏi lại: "Nếu thế đánh chục ngày là giải thể cả 1 Sư rồi à?"
Các Cụ bây giờ hay phát ngôn kiểu đó nhiều khi đưa con cháu vào thế kẹt quá.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Hannoi trong 26 Tháng Tư, 2010, 10:25:18 am
Theo tôi thương vong ở Xuân Lộc là rất lớn. Tuy nhiên chưa có nguồn tin kiểm chứng rõ. Trong bài Trận Chiến Xuân Lộc (Battle of Xuan Loc - http://www.vnafmamn.com/xuanloc_battle.html) sau đây có nói:

Lịch sử Quân Đội Nhân Dân Việt Nam: "Trong ba ngày đầu chiến đấu, sư đoàn 7 bị thương vong 300 và sư đoàn 341 bị thương vong 1200 bộ đội. Hầu hết pháo 85 và 37mm bị phá hủy" - The History of the People's Army: "During the first three days of the battle 7th Division suffered 300 casualties and the 341st Division suffered 1,200 casualties. Virtually all of our 85mm and 37 mm artillery pieces had been destroyed."

Việt Nam Cộng Hòa đã rút quân vào ngày 22 tháng 4. Sư đoàn 18 VNCH bị tổn thất khoảng 30% lực lượng (chủ yếu là bộ binh) nhưng đã phá hủy 37 xe tăng và tiêu diệt hơn 5000 bộ đội Bắc Việt - ARVN held out until 22 April and then had to withdraw. The 18th ARVN Division lost about 30 percent of its strength (almost all its riflemen) while destroying 37 NVA tanks and killing over 5,000 Communist attackers.

(http://www.vnafmamn.com/untoldpage/xuanloc_map.gif)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: chiangshan trong 26 Tháng Tư, 2010, 11:28:19 am
Cả trận Xuân Lộc chỉ có nhõn 1 tiểu đoàn thiếu với 12 xe T-54 ::)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: saruman trong 27 Tháng Tư, 2010, 08:57:48 am
Cả trận Xuân Lộc chỉ có nhõn 1 tiểu đoàn thiếu với 12 xe T-54 ::)
1 ví dụ khác: trận An Lộc có ta nhõn 48 tăng mà các bạn ở bển vẫn nổ rằng hạ hơn 90 tăng. Nói chung con số 460 hi sinh của QĐ 4 là chuẩn rồi, em đồ là cánh nhà báo đánh thừa số 0


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: fddinh trong 01 Tháng Năm, 2010, 06:44:05 pm
Lần mò đọc bài về 30/4, có 1 bài của bác Ngô Minh, Sư Đoàn 7, Quân Đoàn 4 kể về trận tấn công cứ điểm Xuân Lộc, cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, đúng đêm 1/4/1975 tienphongonline cách nay tròn 2 năm, ngày Thứ Năm, 01/05/2008, 7:47 có đoạn:

Sư Đoàn 7 thuộc Quân Đoàn 4 của chúng tôi hành quân từ Bảo Lộc về ém quân trong một rừng chuối mênh mông, chuẩn bị tấn công cứ điểm Xuân Lộc, cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, đúng đêm 1/4/1975. Sư trưởng Nam Phong lệnh không được ai chặt chuối của dân. Rừng chuối Xuân Lộc rộng đến nỗi có đường ô tô ngang dọc để xe ô tô đi thu hoạch.

Trong thời gian tấn công Xuân Lộc, anh em “làm báo” của sư đoàn như Phùng Khắc Bắc, tôi, Dương Huy... được điều về hầm chỉ huy Sư đoàn để hàng ngày nghe thông tin từ các mũi.

...

 Đợt đánh Xuân Lộc này, anh em cùng nhau ở một chỗ nên rất vui. Đêm đầu tiên đánh cứ điểm Xuân Lộc, bộ đội ta mấy lần ôm bộc phá vào mở cửa mở, nhưng địch bắn rát quá, thương vong nhiều.

Sư trưởng Nam Phong hét vào điện thoại chỉ huy hết mũi tiến công này đến mũi tiến công khác. Ông đang chỉ huy trận đánh mà nói năng rất tếu. Sư trưởng điện cho anh Đình chính trị viên D2 (tiểu đoàn 2): “Cái chốt bằng cái l. trâu ấy mà một ngày rồi các anh không ăn được à? Tôi ra lệnh nội đêm nay phải ăn cho hết cái l. trâu đó, nghe rõ chưa!”. Câu ra lệnh làm mọi người trong hầm chỉ huy ôm bụng mà cười.

Đêm hôm sau, tôi được cử ra chỗ bộ đội tiểu đoàn 2 đang đánh bộc phá mở cửa để tấn công một cứ điểm của địch để viết bài. Mật khẩu được phổ biến là “Sông Hồng”, phải trả lời là “Mê Kông”. Tôi đi một mình trong đêm trăng mờ giữa tháng 4. Bốn bề là rừng chuối và trảng cỏ khô! Tôi đang hoang mang tìm hướng đi thì nghe một tiếng quát “Sông Hồng”.

Thế là tôi quên béng việc trả lời bằng mật khẩu, mà gọi toáng lên: “Tôi là Khôi ở Ban chính trị đây!” Anh chiến sĩ đến chỗ tôi, cười bảo, em được lệnh đi đón nhà báo Sư đoàn từ tối tới giờ, đợi mãi. Biết là anh bị lạc đường. Mà sao anh không trả lời bằng mật khẩu? May em là người đi đón, tiểu đoàn cho biết tên anh, nếu không thì “toi” rồi đấy”!Tôi chui vào hầm tiền tiêu của đại đội Bảy. Ba chiến sĩ ôm bộc phá lên đánh hàng rào bị thương, máu chảy nhiều, được băng bó tạm bằng băng cá nhân, đang nằm rên ở góc hầm, đợi cáng về trạm phẫu thuật tiền phương.

Mấy anh em khác lại đang cười đùa, hò hét đánh bài “tiến lên”, trông mặt mũi anh nào anh nấy điềm nhiên như chẳng có việc chỉ một vài phút nữa thôi ba người trong số họ lại bò lên hàng rào đánh bộc phá, rồi có thể hy sinh và bị thương như đồng đội đang nằm kia! Ở chiến trường miền Đông ác liệt này, không điềm nhiên như thế không sống mà đánh giặc được!

Đêm 20 tháng 4, trước sức tấn công của Quân giải phóng, đường vô Sài Gòn bị chặt đứt ở Dầu Giây, sư đoàn 18 Ngụy Sài Gòn bỏ chạy khỏi Xuân Lộc, sư trưởng sư 18 là tướng Lê Minh Đảo chạy về phía Vũng Tàu bị quân giải phóng bắt. Sau này, đọc hồi ký của Thượng tướng Trần văn Trà, mới biết sáng kiến cắt đứt con đường từ Xuân Lộc nối Sài Gòn ở Dầu Giây là của một đồng chí Trung đoàn trưởng trong cuộc họp giao ban Bộ chỉ huy Miền, chứ không phải của ông tướng chỉ huy nào cả.

Đơn vị tôi hành quân vòng qua thị xã thì đã quá nửa đêm, nên được lệnh nghỉ. Để đảm bảo bí mật, tất cả rờ rẫm mắc võng trong đêm. Nằm lắc lư trên võng, tôi nghe mùi hương quả chín thơm vào trong giấc ngủ. Sáng dậy, trời đất ơi, ngay trên đầu võng tôi, một trái sầu riêng trĩu xuống, thơm lừng. Tôi bật dậy, nâng trái sầu riêng lên mũi...

Những ngày đó đơn vị tôi đóng quân ở rừng cao su Xuân Lộc, học chính trị, điều lệnh dân vận mới để chuẩn bị đánh Sài Gòn. Chúng tôi cắt tóc, cạo râu cho nhau. “Trước một trận đánh lớn vào “Cao điểm cuối cùng”, người chiến sĩ phải đàng hoàng. chững chạc”- Sư trưởng Nam Phong nói như vậy!


http://www.tienphongonline.com/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=120954&ChannelID=13

Cụ  Nam Phong  tiếu thật!


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lixeta trong 17 Tháng Năm, 2010, 02:26:32 pm
Đọc bài này thì ai cũng tưởng chỉ có 1 fBB3 SV giải phóng Phan Rang:

http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/247/247/247/110843/Default.aspx

Đến báo QDND mà còn như vậy :-\


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Hannoi trong 18 Tháng Năm, 2010, 10:08:23 am
Đêm 20 tháng 4, trước sức tấn công của Quân giải phóng, đường vô Sài Gòn bị chặt đứt ở Dầu Giây, sư đoàn 18 Ngụy Sài Gòn bỏ chạy khỏi Xuân Lộc, sư trưởng sư 18 là tướng Lê Minh Đảo chạy về phía Vũng Tàu bị quân giải phóng bắt. Sau này, đọc hồi ký của Thượng tướng Trần văn Trà, mới biết sáng kiến cắt đứt con đường từ Xuân Lộc nối Sài Gòn ở Dầu Giây là của một đồng chí Trung đoàn trưởng trong cuộc họp giao ban Bộ chỉ huy Miền, chứ không phải của ông tướng chỉ huy nào cả.

Theo tôi biết thì ông Lê Minh Đảo về nhà SG hàng chục ngày sau 30/4 mới ra trình diện. Ông bị giam 18 năm? rồi được thả đi Mỹ. Hiện nay ông vẫn còn sống ở Mỹ?
Hồi ký gì mà viết bắt ông Lê Minh Đảo ở Vũng Tầu hả giời.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: nkp trong 18 Tháng Năm, 2010, 10:50:01 am
Cần giúp: Cách đây vài năm, tôi có đọc trong Mỹ Phiêu Lưu Trên Đường 9. Quyển sách này nói về chiến dịch phản công của QĐND trong chiến dịch Đường 9- Nam Lào,năm 1971. Trong quyển sách có ghi những chi tiết như, Bản Đông nằm ở KM số mấy (cây số);Tchepone nằm ở cây số số mấy trên đường 9. Thí dụ như Lao Bảo nằm ở cây số 80 Đường 9, ngay biên giới.  Qúi bạn nào có quyển này trong tay, xin giúp cho tôi biết Bản Đông và Tchepone nằm ở cây số máy. Kính Thư, NKP. 


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: fddinh trong 18 Tháng Năm, 2010, 12:41:51 pm
Đêm 20 tháng 4, trước sức tấn công của Quân giải phóng, đường vô Sài Gòn bị chặt đứt ở Dầu Giây, sư đoàn 18 Ngụy Sài Gòn bỏ chạy khỏi Xuân Lộc, sư trưởng sư 18 là tướng Lê Minh Đảo chạy về phía Vũng Tàu bị quân giải phóng bắt. Sau này, đọc hồi ký của Thượng tướng Trần văn Trà, mới biết sáng kiến cắt đứt con đường từ Xuân Lộc nối Sài Gòn ở Dầu Giây là của một đồng chí Trung đoàn trưởng trong cuộc họp giao ban Bộ chỉ huy Miền, chứ không phải của ông tướng chỉ huy nào cả.

Theo tôi biết thì ông Lê Minh Đảo về nhà SG hàng chục ngày sau 30/4 mới ra trình diện. Ông bị giam 18 năm? rồi được thả đi Mỹ. Hiện nay ông vẫn còn sống ở Mỹ?
Hồi ký gì mà viết bắt ông Lê Minh Đảo ở Vũng Tầu hả giời.

Em nghĩ bác nhầm 2 đoạn xanh đỏ trên, chứ tác giả bài báo không nói hồi ký nào "viết bắt ông Lê Minh Đảo ở Vũng Tầu" cả. Còn chuyện bắt ông Lê Minh Đảo thì là tác giả nghe nói vậy và cho vào bài viết của mình, tác giả lúc đó cũng chỉ đi theo cánh quân mà tác giả phục vụ và chỉ biết những gì mà tác giả chứng kiến, những cánh quân khác thì chỉ là nghe nói mà thôi.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: chientruong_k trong 18 Tháng Năm, 2010, 04:44:13 pm
Trích dẫn
Theo tôi biết thì ông Lê Minh Đảo về nhà SG hàng chục ngày sau 30/4 mới ra trình diện. Ông bị giam 18 năm? rồi được thả đi Mỹ. Hiện nay ông vẫn còn sống ở Mỹ?
Hồi ký gì mà viết bắt ông Lê Minh Đảo ở Vũng Tầu hả giời.
T­ướng Lê Minh Đảo bị bắt tại một nghĩa trang Thủ Đức trong lúc đang bỏ chạy (không có chuyện ra trình diện) Đúng là Lê Minh Đảo có bị giam giữ lâu khoảng trên dưới 20 năm. Nơi bị giam giữ là trại giam ở miền Bắc và sau nay đã chuyển đi Mỹ 


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: vmt trong 22 Tháng Sáu, 2010, 12:20:01 am
trong mặt trận xuân lộc ... nhưng dù có xài CBU đối phương cũng biết không thể cứu nổi XL, nên không xài nữa, sau giải phóng người ta còn tìm thấy vài quả chưa xài, không biết bây giờ số phận nó ra sao! bạn có thể hỏi thêm anh Huyphuc để hiểu thêm về CBU.
 
:Tôi thấy có bác tham gia trận xuân lộc về kể lại là hồi đó đang trên đà thắng lợi nên quân ta cũng có phần chủ quan cộng với đánh địch theo kiểu hành tiến,gặp phải quân địch liểu chết cố thủ và phản công nên quân ta bị nhiều tổn thất vào giai đoan cuối của trận đánh địch còn cho máy bay F5 ném 2 quả bom CBU làm hàng trăm cán bộ và chiến sỹ ta bị hy sinh.






Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: thapbut trong 22 Tháng Sáu, 2010, 12:35:41 am
Góp vui thôi:
Các bác đánh Phan Rang khi TB chưa ra đời. Thế rồi mình đóng góp cho Phan Rang hơn  5 năm tuổi xuân. Nắng, gió chướng, xương rồng, cây rừng hoang đều nhắc chúng tôi nhớ đến quá khứ của cuộc chiến. Giữa sân bay khi bê tông còn tươi đã dấu giày của USA dài gần 50cm lưu lại đến nay. Liên hệ ngay đến sử sách: Giang sơn gấm vóc sao nỡ để quân thù giày xéo!.
Từ trên đồi đóng sở chỉ huy (đồi Chuẩn tướng) nhìn cả căn cứ Phan Rang không khác gì khu công nghiệp hiện đại. Từ khó khăn đứng lên, như tre VN, tôi cũng đã làm được điều đó chính ở đất Phan Rang. Quan trọng phát huy nguồn lực và tiềm năng nội tại.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: mig21-58 trong 23 Tháng Sáu, 2010, 02:32:39 pm
trong mặt trận xuân lộc ... nhưng dù có xài CBU đối phương cũng biết không thể cứu nổi XL, nên không xài nữa, sau giải phóng người ta còn tìm thấy vài quả chưa xài, không biết bây giờ số phận nó ra sao! bạn có thể hỏi thêm anh Huyphuc để hiểu thêm về CBU.
 
:Tôi thấy có bác tham gia trận xuân lộc về kể lại là hồi đó đang trên đà thắng lợi nên quân ta cũng có phần chủ quan cộng với đánh địch theo kiểu hành tiến,gặp phải quân địch liểu chết cố thủ và phản công nên quân ta bị nhiều tổn thất vào giai đoan cuối của trận đánh địch còn cho máy bay F5 ném 2 quả bom CBU làm hàng trăm cán bộ và chiến sỹ ta bị hy sinh.
 họ còn nói việt cộng bị trúng bom đai xi cút lơ chết hàng sư đoàn ,vì đây kà vũ khí tiểu nguyên tử  ;D





Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: minhnam1803 trong 30 Tháng Bảy, 2010, 04:19:21 pm
Thông tấn xã Việt Nam (VNA) ngày 24/4/1975 đã có bài phản đối của Bộ trường ngoại giao chính phủ VNDCH về việc vnch sử dụng bom CBU55 ngày 21/4/1975 tại XUân Lộc.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: vmt trong 31 Tháng Bảy, 2010, 12:11:26 am
Chuyện quân ngụy ném 2 loại  bom cbu va blu-82 xuống mặt trận xuân lộc là có thật ,nếu còn lăn tăn về sự việc này về bộ chỉ huy quân sư tỉnh Đồng nai hỏi là rõ ngay thôi


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 31 Tháng Bảy, 2010, 08:16:09 am

“Mắt mèo, mặt mèo”. Đó là mật hiệu báo cáo của bọn biệt động quân ở núi Cà Đủ về sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 ngụy vào 5 giờ sáng ngày 16  tháng 4 khi chúng phát hiện được xe tăng của ta đang từ Du Long vào Ba-tháp.

Hôm ấy, do trời nhiều mù nên các chiến sĩ lái đã bật đèn cho xe chạy. Sau khi bắt được liên lạc với sư đoàn Sao Vàng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn xe tăng 4 ra lệnh cho đơn vị tiếp tục xuất kích. Xe chạy như một cơn lốc trên đường số 1. Đó cũng là lúc những chiếc A.37 gầm rú thay nhau trút bom xuống đoàn xe. Vừa cho xe chạy, tiểu đoàn vừa ra lệnh cho trọng liên gắn trên xe nổ súng cùng với những khẩu pháo phòng không 37 của sư đoàn Sao Vàng. Hai chiếc A.37 bốc cháy như hai bó đuốc lớn. Nhưng hai chiếc T.54 của ta cũng bị trúng bom lật nghiêng bên vệ đường. Những chiếc xe còn lại gầm lên tiếp tục thọc thẳng theo đường số 1 vào thị xã.


       Hôm nay tôi mới biết chuyên mục này (mở từ 12/7). Thấy bác Tunguska có nhiều thông tin quá. Không biết là bác có trực tiếp đánh trận Phan Rang không hay là lấy tư liệu từ hồi ký của một bác chỉ huy đơn vị . . .

       Tôi có trực tiếp tham gia trận Phan Rang ở hướng tấn công của ta trên đường sô1. Xem các bài viết của các bác thấy rất hay, rất nhiều thông tin mà tôi không biết. Lúc bấy giờ tôi là tiểu đội trưởng trinh sát của sư đoàn 325. Trước lúc đánh vào Phan Rang, chúng tôi chân ướt, chân ráo vừa hành quân bằng ô tô của 559 từ Đà Nẵng vào.

       Chúng tôi vào tới phía bắc Phan Rang vào đêm 14/4/1975. Toán trinh sát sư đoàn chúng tôi do một b trưởng chỉ huy, có thêm một chiến sỹ thông tin và một chiến sỹ trinh sát kỹ thuật mang PRC-25. PRC-25 nghe lén thông tin của địch và lần đầu tiên trinh sát kỹ thuật lại đi kèm với trinh sát bộ binh. Đúng là thần tốc phải có cách mới của thần tốc. Trinh sát bộ binh của sư đoàn cũng chiến theo cách mới. Không có luồn sâu vé sơ đồ, cảnh đồ nữa mà là bám địch và dẫn xe tăng đánh địch.

     Phía bắc Phan Rang lúc bấy giờ sư đoàn 3 đã chiếm được do đánh vận động từ trên núi xuống. Nhìn thấy anh em lính sư 3 vất vả đánh địch để quân đoàn 2 chúng tôi bây giờ mang xe tăng pháo binh và hành quân bằng cơ giới vào với sức mạnh rất to lớn thì tôi nghĩ công đầu trong chiến thắng nhanh chóng ở Phan Rang phải là sư 3 mặc dù họ không trực tiếp đánh vào thị xã Phan Rang.

       Thông tin của bác Tunguska rất phổ quát nhưng hơi thiên lệch về một đơn vị của người viết. Một số chi tiết không chính xác. Tôi chỉ nói là chi tiết thôi nhưng tôi biết chính xác vì trực tiếp là người ở trong chi tiết đó.

       Lại phải xin lỗi ae, gần 8 rưỡi rồi, tôi có việc bận phải đi. Rảnh lúc nào xin viết tiếp ngay !


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 31 Tháng Bảy, 2010, 10:46:25 am

       Sơ đồ tác chiến trận đánh vào thị xã Phan Rang sáng ngày 16/4/1975 của quân đoàn 2, dẫn đầu là xe tăng của lữ 203 (về sau này và hiện nay 203 là biên chế của quân đoàn 2). Lại còn có cả cao xạ 37 nữa. (Xem hình ở dưới)

       Pháo ta bắn vào sân bay Thành Sơn là pháo lệnh mở màn cho trận đánh.

       Dẫn đầu là một xe thiết giáp lội nước của 203 do trinh sát sư đoàn 325 dẫn đường. Trên xe này hỏa lực mạnh nhất là một khẩu 12 ly 7, còn lại là hai tay súng AK của hai thằng trinh sát chúng tôi. Khi đụng độ với địch ở chốt tiền tiêu của chúng trên đường 1. Chúng bắn DKZ sạt qua xe của chúng tôi và đại liên 12 ly 8 bắn rất rát. Xạ thủ 12 ly và tôi nấp sau tấm chắn, anh ấy thì bắn còn tôi thì quan sát. Được một đoạn thì xe chúng tôi chạy nép về một bên nhường đường cho T54 vượt lên bắn chúng nó bằng pháo 100. Riêng tiếng gầm rú của T54 nghe đã kinh. Pháo 100 bắn thẳng thì không thằng nào là không vãi c. . . ra quần mà bỏ chạy.

       Tiếng xe tăng gầm rú, tiếng pháo tăng và tiếng 12 ly 7 thì đùng đùng ngay bên tai khiến tôi và xạ thủ 12 ly 7 có gào lên cũng không nghe thấy nhau. Tôi vỗ vai anh ấy và chỉ lên phia trước, trên đầu. Một tốp A37 bốn chiếc bay rất thấp. Chúng bay rất nhanh có cảm giác như nếu không cúi xuống thì nó đâm vào đầu mất. Xạ thủ 12 ly 7 (có lẽ đêm hôm trước đã hỏi tên anh rồi nhưng mà bây giờ không nhớ. đêm đó chúng tôi cũng bị A37 ném bom nên lúc đầu chúng tôi còn đõ xe trên mặt đường, sau đấy thì cho xe lội xuống ruộng) hướng súng về phía máy bay vừa rê súng vừa giữ cò liên tục.

       Ngoảnh lại phía sau, tôi thấy một đoàn xe rất dài của ta đang hành tiến trên đường. Bọn chúng bay thấp quá chắc là cao xạ 37 không kịp bắn, chỉ thấy toàn 12 ly 7 bắn. Bị bắn rát quá nên sau đó các tốp A37 khác bay lên cao thả bom. Tôi có nghe thấy tiếng liên thanh của cao xạ 37 nhưng không nhìn thấy máy bay rơi vì đang mải quan sát đich ở phía trước.

       Xe tiến được thêm một đoạn nữa thì hai chiếc xe tăng đi trước tôi bị DKZ của địch bắn trúng, bị cháy và dệ sang bên đường. Trận này 203 chỉ bị cháy 2 xe tăng và không phải do bị bom như Tunguska nói. Xe chúng tôi vượt qua hai chiếc tăng cháy. khi đi ngang qua, thấy anh em từ trong xe tăng cháy bật nắp nhảy ra, có anh trên người còn đang cháy, khói nghi ngút. Không rõ sau đó có sao không. Chúng tôi không được phép dừng lại, cứ thế vượt qua. Xe của chúng tôi lại thành ra đi đầu. 12 ly 7 quét liên tục về phía địch. thấy chúng nó bỏ chạy, thằng thì chạy dọc theo đường, thằng thì chạy tản ra phía hai bên cánh đồng. AK của tôi cũng được dịp điểm xạ liên tục. Sao mà điểm xạ ngon thế, đúng hai viên một, không tắc cú phát nào. Nhưng không biết có trúng được phát nào không, thấy chúng ngã xuống thế mà khi chúng tôi đi qua chúng lại vùng chạy tiếp . . . Hì . . . hì  

     (Còn nữa)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Tunguska trong 31 Tháng Bảy, 2010, 05:22:56 pm
       Hôm nay tôi mới biết chuyên mục này (mở từ 12/7). Thấy bác Tunguska có nhiều thông tin quá. Không biết là bác có trực tiếp đánh trận Phan Rang không hay là lấy tư liệu từ hồi ký của một bác chỉ huy đơn vị . . .

Cháu trích trong LS F3 thôi ạ, rất mong được đọc thêm bài của chú :)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 01 Tháng Tám, 2010, 10:59:09 am
       Hôm nay tôi mới biết chuyên mục này (mở từ 12/7). Thấy bác Tunguska có nhiều thông tin quá. Không biết là bác có trực tiếp đánh trận Phan Rang không hay là lấy tư liệu từ hồi ký của một bác chỉ huy đơn vị . . .

Cháu trích trong LS F3 thôi ạ, rất mong được đọc thêm bài của chú :)

       (tiếp theo và hết chuyện đánh Phan Rang)

       Chạy tiếp được một đoạn, xe chúng tôi lại chẹp nép về một bên để nhường đường cho xe tăng. Từ đây chúng tôi vừa chạy tốc độ cao vừa bắn liên tục về phía trước và hai bên đường.

        Không còn sự kháng cự nào trên mặt đất. Tiến quân như chẻ tre. Tuy nhiên, bọn A37 đổ đạn xuống đầu và thả bom. Chúng bị 12 ly 7 từ tất cả cá xe bắn rất rát nên thả bom không trúng. Tôi có cảm giác nóng ran khắp người vì đây là lần đầu tiên đánh nhau trực diện với máy bay địch. 2 trinh sát chúng tôi vừa quan sát và bắn địch trên mặt đất, vừa quan sát trên trời để chỉ điểm cho 12 ly 7 bắn máy bay. Chưa bao giờ được đánh nhau thoải mái như thế này. Không phải chui rúc trong hầm vì bom pháo. Cứ bắn nhau thôi, trúng đạn thì thôi mà không thì cứ xông lên.

       Chắc không đầy nửa tiếng chúng tôi đã tới ngã ba thị xã. Đến đây xe tăng và thiết giáp rẽ thành hai ngả. Mũi bên trái sẽ tiến thẳng vào phố. Mũi bên phải tới ngã ba kế tiếp lại tách đôi thành hai hướng. Một hướng đánh vào phố, một hướng rẽ phải để tiến đánh sân bay Thành Sơn. Không biết pháo của ta bắn sân bay thế nào mà trên đường đánh vào sân bay chúng tôi vẫn phải choang nhau với máy bay.

       Hoàn toàn không phải đánh nhau với địch trên mặt đất. chúng nó đã tan rã hết rồi. Mạnh đứa nào đứa nấy chạy. Nhiều đứa trút bỏ quần áo lính chạy vào các làng xóm vên đường hoặc chạy ra ruộng. AK của chúng tôi cứ bắn ào ào vào những đứa còn đang loay hoay chưa kịp vứt vũ khí và chạy gần xe của chúng tôi.

       Chắc chưa tới 6 giờ sáng thì không thấy còn máy bay của địch nữa. Chúng tôi cũng được thông báo là sân bay Thành Sơn đã có đơn vị khác chiếm được rồi.

       Chúng tôi quay lại thị xã ngay. Khi tới nơi thì mọi việc trong thị xã cũng xong rồi. Cũng mới chỉ có tăng và thiết giáp của 203 ở khu vực trung tâm thị xã. Tiếng súng đã ngừng. Hai trinh sát chúng tôi nhảy ra khỏi xe, súng lăm lăm. Dân từ trong các căn nhà đóng kín cửa đã thò ra nghe ngóng. Một lúc sau thì xe chở bộ binh cũng vào tới nơi. Lúc này dân mới mở cửa. Nhiều người ra khỏi nhà đến gần để nói chuyện với “Giải phóng”, có người còn mang theo nước uống để mời chúng tôi, có người còn mang dừa bổ sẵn ra mời lính uống nước dừa. Trưởng xe, cảnh giác bảo:
-   Đừng uống !
-   Không sao đâu ! – Tôi nói. 
Đón trái dừa từ tay một cậu thanh niên cao gày mặt trứng cá. Tôi uống làm mẫu cho mọi người. Lính tăng không dám rời xe nên mấy người dân phải đưa nước đến mời tận nơi.

       Dân đón bộ đội giải phóng như vậy chứ không có như trong phim ảnh. Trong phim, đoàn chiến xa tiến vào thành phố giữa hai hàng cờ hoa của nhân dân . . . dân vẫy cờ và hoa để chào đón ?!

       Vậy là trận đánh giải phóng thị xã Phan Rang chỉ diễn ra trong vòng có hơn một tiếng đồng hồ. Ta bị cháy 2 xe tăng. Máy bay có làm cho đoàn quân phía sau bị thương vong gì không thì tôi không được rõ vì ngay sau đó tôi gặp lại đại đội trinh sát và được lệnh trinh sát chuẩn bị đánh Phan Thiết.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: qtdc trong 01 Tháng Tám, 2010, 05:55:25 pm
Em tham gia một chút. Lịch sử mình vẫn ghi nhận công đầu cho sư 3 đấy ạ. Nhưng mà không có quyết định sáng suốt thành lập cánh quân duyên hải thì sẽ giải phóng chậm hơn.
Mà bác TTNL tiến nhanh quá nên bỏ mất khoản "ống bơ to"  ;D ;D ;D. Anh em sư 3 tóm được một mớ tướng tá, đã quá.
Trích từ hồi ký chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, tư lệnh sư đoàn 6 KQ VNCH:
"...Thị xã và Phi trường Phan Rang nằm vào phần Nam của cái thung lũng đó. Quốc lộ 1 và đường xe lửa chạy song song xuyên qua đèo Du long về thị xả, tách ra tại Thôn Ba Râu, chạy sát phi trường rồi tiến về Nam không qua thị xã. Từ thị xã đến Du Long khoảng 15 km với Ba Râu khoảng 9 km và với Că Đú khoảng 4 km. Từ Cà Đú đến thị xã, mặt đất bằng phẳng.

Phi trường Phan Rang rất rộng, hình vuông, mỗi cạnh trên dưới 6 km, nằm giữa QL 1 và QL 11 và sát với đường xe lửa về hướng Đông, cách thị xả 5km và Nha Trang khoảng 80km. Có 2 đường bay song song, 1 bằng xi măng cốt sắt vă 1 bằng vĩ nhôm dài 10.000 bộ, rộng 150 bộ. Có đầy đủ cơ sở cho kỷ thuật, tiếp liệu với các bồn xăng và kho bom theo tiêu chuẩn an ninh tối tân. Việc phòng thủ bao gồm 60 chòi gác, với 2 cổng chung quanh căn cứ do 7 đại đội Địa phương quân phụ trâch.

Ngày 4.4.1975, Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi chánh thức đến Phan Rang cùng với toán truyền tin và chuyên viên, nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang, và thiết lập Bộ chỉ huy Tiền Phương trong Căn cứ của Sư đoàn 6 Không quân, nằm vào lối 5km Bắc Tây Bắc của Thị xã Phan Rang. Ông cho biết là đã được Thượng cấp chấp thuận gởi ra một số đơn vị chưa bị ảnh hưởng của việc rút quân để giữ Phan Rang. Bởi tin tưởng vào lời hứa hẹn nầy, nên Ông rất vui lòng đảm nhận chức vụ..."
 

Về cái vụ máy bay A37 vẫn thả bom kể cả khi pháo ta quất vào sân bay Thành Sơn thì dễ hiểu: Lúc ấy, sân bay Biên Hòa địch còn nắm giữ.
trích tiếp:
"Đại tá Lê văn Thảo Không đoàn trưởng Không Đoàn 92 Chiến Thuật với 3 phi đoàn A-37, 524 Thiên Lôi, 534 Kim Ngưu và 548 Ó Đen. đã sát cánh cùng đoàn viên xuất kích đêm ngày rất hữu hiệu.

Trung tá Lê Văn Bút Không đoàn trưởng Không Đoàn 72 Chiến Thuật với 2 phi đoàn trực thăng 229 và 235, 1 phi đoàn Quan sát 118 và một bộ phận của Phi đoàn 530 A-1 với Phi đội tản thương 259 C, đã bay thi hành nhiều công tác khó khăn nguy hiễm.

Trung tá Đổ hữu Sung và đoàn kỷ thuật gan dạ, chu toàn mọi công tác sửa chửa và trang bị dưới làn pháo kích ngày đêm của địch.

Theo tin tức của các quân nhân ta từ các nơi ghé xin phương tiện về Saigon, thì địch đang xuất hiện ở Vườn Dừa, Ba Ngòi. Tôi liền cho phi cơ quan sát bao vùng và chỉ điểm cho phi cơ A-37 đánh phá.

Cộng thêm các khó khăn, việc tiếp tế nhiên liệu đang gặp trở ngại vì xe bồn không cung cấp như bình thường, bởi cảng Cam Ranh đã bị địch chiếm. Vì vậy hàng ngày, tôi phải nhận tiếp tế từ Saigon bằng phi cơ C-130, một số lượng nhiên liệu tối thiểu cho hành quđn mà thôi.

Để tránh hổn loạn khi bị pháo kích dồn dập, tôi cũng phải cho nửa số phi cơ về trú đêm ở Saigon, để sáng hôm sau trở ra với đầy nhiên liệu.

Trong ngày, khi biết có tàu Mỹ đang lảng vảng ngoài vịnh Phan Rang để chở một số người, tôi liền cử Trung tá Lý Văn Bút dùng trực thăng đáp trên một trong những tàu đó để chào hỏi và cho biết hiện tình ở Phan Rang. Tiếp đón và trả lời những điều muốn biết trong lối 1/2 giờ, Hạm trưởng thúc giục Trung tá Bút rời tàu. Xuyên qua lời trình thuật của Trung tá Bút, tôi đê hiểu rỏ ràng là trong cấp thời, Mỹ không còn có ý định dính líu gì nửa đến cuộc chiến đang diễn tiến hiện nay."


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 02 Tháng Tám, 2010, 09:39:56 am
Về cái vụ máy bay A37 vẫn thả bom kể cả khi pháo ta quất vào sân bay Thành Sơn thì dễ hiểu: Lúc ấy, sân bay Biên Hòa địch còn nắm giữ.

       Về máy bay A37 thì không phải như bạn nói là xuất kích ở Biên Hòa đâu mà ở ngay sân bay Phan Thiết (theo tài liệu của địch mà sau này tôi mới biết).


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: lixeta trong 02 Tháng Tám, 2010, 10:05:13 am
Xin đính chính một chút: Xe tăng tham gia đánh Phan Rang không có T54 mà chỉ có K63-85 (PT85) thôi.
Về lực lượng thì có dTTG4 ở thê đội 1, dTTG5 làm dự bị. dTTG4 có cT3- chính là đơn vị cũ của mình, trang bị 6 xe K63- 85. Hôm ấy đúng là bị cháy 2 chiếc (760 và 761), hy sinh 4.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: qtdc trong 02 Tháng Tám, 2010, 05:06:52 pm

      Về máy bay A37 thì không phải như bạn nói là xuất kích ở Biên Hòa đâu mà ở ngay sân bay Phan Thiết (theo tài liệu của địch mà sau này tôi mới biết).[/quote]
Cám ơn bác TTNL đã làm rõ. Như vậy địch sẽ xuất kích rất nhanh. Em chỉ có ý nói rằng từ TSN và BH ra Phan Rang vẫn trong tầm hoạt động của máy bay địch. Chính phi đội Quyết Thắng sau này cũng xuất phát từ sb Phan Rang đi ném bom TSN chiều 28-4-75. Em nhớ là trong hồi ký của cụ VTD hay một cụ nào đó có nói bác Nguyễn Thành Trung khi được hỏi ý kiến, có tham gia góp ý cho ta về cách bắn pháo sao cho khống chế được sân bay BH và TSN một cách hiệu quả nhất. Một sân bay rộng lớn như vậy, việc khống chế hoàn toàn chắc không đơn giản. Về trận Phan Rang, em có cảm tưởng địch có phần chủ quan, đồng thời ở cấp cao lại không hoàn toàn thống nhất với nhau về cách phòng thủ. Việc bố trí lực lượng PK đủ mạnh đi kèm trong hành tiến quả là chính xác.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: TichTuongNhuLe trong 04 Tháng Tám, 2010, 10:59:22 pm


       Chắc chưa tới 6 giờ sáng thì không thấy còn máy bay của địch nữa. Chúng tôi cũng được thông báo là sân bay Thành Sơn đã có đơn vị khác chiếm được rồi.


       Xin được đính chính, khoảng chưa tới 6 giờ sáng, chúng tôi không còn thấy máy bay đich nữa. Lúc đó sân bay Thành Sơn bị ta pháo kích và bị sư đoàn 3 vây ép quá căng chứ ta chưa chiếm được sân bay. Có thể địch tập trung máy bay để đánh chặn ta ở sân bay để cứu một lực lượng lớn của chúng và hai tướng không quân và tướng quân đoàn 3 của địch đang bị vây hãm. Mài 10 giờ sáng hôm đó, sư 3 mới chiếm được sân bay Thành Sơn. Lúc đó thì tôi đã qua cửa Phan Rí và đang tiến về Phan Thiết. Tôi hoàn toàn không biết gì ở phía sau nữa cả. Hôm kia vào trang lịch sử sư 3 mới biết mãi 10 giờ mới chiếm được sân bay, . . . bắt sống 1 trung tướng và một chuẩn tướng. . .


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: minhnam1803 trong 17 Tháng Tám, 2010, 09:34:29 pm
Thông tấn xã Việt Nam (VNA) ngày 24/4/1975 đã có bài phản đối của Bộ trường ngoại giao chính phủ VNDCH về việc vnch sử dụng bom CBU55 ngày 21/4/1975 tại XUân Lộc.

Đây là bài trên báo nhân dân (Có nhầm tháng, đúng là 24/4/1975)



Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: mig21-58 trong 15 Tháng Mười Một, 2010, 10:52:59 pm
  Thứ nhất thương vong lớn trong 1 trận đánh, chiến dịch lớn ,dài ngày và ác liệt là bình thường.
  Thứ 2 trong KCCM,đa số các trận đánh mà lực lượng quan ta tham gia cấp tiểu đoàn trở lên là trong trận ấy Mỹ-nguy dùng máy bay ném bom oanh tạc trận địa của ta.Như trận cao điểm 852 KS Mỹ-ngụy dùng bom B52 oanh tạc trận địa của E95-F325 làm cho hơn 1 /2 số chiến sỹ của trung đoàn hy sinh.Rồi điển hình là trận Xuân Lộc năm 75 mỹ ngụy  dùng bom hơi ngạt CBU-55 ném vào trận địa của ta làm chết hơn 300 chiến sỹ.
  Tôi khẳng định với bác lần cuối là quân ta chưa từng sử dụng chiến thuật biển người.Cái nữa thương vong quan ta nhiều là do địch dùng máy bay ném bom,mà ngày ấy B52 là nỗi khiếp sợ thật sự đối với bộ binh ta(em không nói khoác).
bác có nguồn nào nói về chuyện bom CBU của phía bên kia làm chết 300 bộ đội không ?cho tôi xem với


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: ngoduythiet trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 12:29:46 am
  Về vụ CBU-55 bác chỉ cần vào Google tìm với từ khóa "chiến dịch xuân lộc" hoạc muốn biết chi tiết cấu tạo quả bom thì tìm "CBU-55"là có hêt như cái này này http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Xu%C3%A2n_L%E1%BB%99c (http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Xu%C3%A2n_L%E1%BB%99c)
  Ở đoạn cuối cùng của mục diễn biến có nhắc đến bom hơi ngạt CBU-55.Là đoạn này đây "Tại Xuân Lộc, Không lực Việt Nam Cộng hòa đã sử dụng hai quả bom phát quang BLU-82 "Daisy Cutter" 15000-pound, vô số bom tọa độ 500-pound, và cả bom xăng tự tạo, để ném xuống các đơn vị bộ đội ở quanh thị xã. Với vai trò nỗ lực cuối cùng nhằm ngăn chặn bước tiến quân của đối phương, theo Frank Snepp, sau khi Tổng thống Thiệu từ chức, tướng Nguyễn Văn Toàn Tư lệnh Vùng 3 chiến thuật đã đề nghị Mỹ sử dụng bom B-52 rải thảm lần cuối. Đề nghị này bị tướng Cao Văn Viên từ chối, thay vào đó là gợi ý sử dụng một loại vũ khí khác với sức hủy diệt tương tự. Ngày 21 tháng 4,, với sự trợ giúp của kỹ thuật viên DAO (Mỹ), một máy bay C-130 của KLVNCH đã thả một quả "bom cháy" CBU-55, loại vũ khí phi hạt nhân tàn bạo nhất trong kho vũ khí của Mỹ, xuống khu vực được cho là sở chỉ huy Sư đoàn 341 QĐNDVN. Nó đã đốt ôxy trong một vùng rộng 2 mẫu Anh và giết chết hơn 250 người lính QĐNDVN..Đây là lần đầu tiên và cuối cùng loại vũ khí này được sử dụng trong chiến tranh. Đài Hà Nội đã phản đối trong hai ngày liền, cáo buộc Mỹ và VNCH sử dụng vũ khí sinh học bất hợp pháp. Trung Quốc cũng phản ứng dữ dội không kém, miêu tả vụ ném bom như là cuộc 'giết người hàng loạt' và buộc tội Mỹ đã chỉ huy cuộc tấn công. Đây là chỉ trích mạnh mẽ nhất của Trung Quốc đối với Mỹ trong vòng 2 năm - từ khi hai nước bắt đầu quá trình đặt lại quan hệ ngoại giao.. QĐNDVN đã phản ứng ngay và hiệu quả. Trong vòng vài giờ sau vụ ném bom CBU, pháo binh bắn phá sân bay Biên Hòa được tăng cường đến độ các đường băng gần như không thể sử dụng được nữa. Các máy bay phản lực F-5A được rút nhanh về Sài Gòn, còn các máy bay ném bom nhẹ A-37 rút về Cần Thơ".


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 12:48:43 am
 Về vụ CBU-55 bác chỉ cần vào Google tìm với từ khóa "chiến dịch xuân lộc" hoạc muốn biết chi tiết cấu tạo quả bom thì tìm "CBU-55"là có hêt như cái này này http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Xu%C3%A2n_L%E1%BB%99c (http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Xu%C3%A2n_L%E1%BB%99c)
   Đề nghị này bị tướng Cao Văn Viên từ chối, thay vào đó là gợi ý sử dụng một loại vũ khí khác với sức hủy diệt tương tự. Ngày 21 tháng 4,, với sự trợ giúp của kỹ thuật viên DAO (Mỹ), một máy bay C-130 của KLVNCH đã thả một quả "bom cháy" CBU-55, loại vũ khí phi hạt nhân tàn bạo nhất trong kho vũ khí của Mỹ, xuống khu vực được cho là sở chỉ huy Sư đoàn 341 QĐNDVN. Nó đã đốt ôxy trong một vùng rộng 2 mẫu Anh và giết chết hơn 250 người lính QĐNDVN..Đây là lần đầu tiên và cuối cùng loại vũ khí này được sử dụng trong chiến tranh. Đài Hà Nội đã phản đối trong hai ngày liền, cáo buộc Mỹ và VNCH sử dụng vũ khí sinh học bất hợp pháp. Trung Quốc cũng phản ứng dữ dội không kém, miêu tả vụ ném bom như là cuộc 'giết người hàng loạt' và buộc tội Mỹ đã chỉ huy cuộc tấn công. Đây là chỉ trích mạnh mẽ nhất của Trung Quốc đối với Mỹ trong vòng 2 năm - từ khi hai nước bắt đầu quá trình đặt lại quan hệ ngoại giao.. QĐNDVN đã phản ứng ngay và hiệu quả. Trong vòng vài giờ sau vụ ném bom CBU, pháo binh bắn phá sân bay Biên Hòa được tăng cường đến độ các đường băng gần như không thể sử dụng được nữa. Các máy bay phản lực F-5A được rút nhanh về Sài Gòn, còn các máy bay ném bom nhẹ A-37 rút về Cần Thơ".
Nó đã đốt ôxy trong một vùng rộng 2 mẫu Anh và giết chết hơn 2500 người lính QĐNDVN.[18][19].Đây là lần đầu tiên và cuối cùng loại vũ khí này được sử dụng trong chiến tranh. Đài Hà Nội đã phản đối trong hai ngày liền, cáo buộc Mỹ và VNCH sử dụng vũ khí sinh học bất hợp pháp.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Xu%C3%A2n_L%E1%BB%99c#Di.E1.BB.85n_bi.E1.BA.BFn
Bác "cất" một số 0 nữa đi đâu mà thành 250 thế?


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: ngoduythiet trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 08:23:51 am
Ừ nhỉ em quên mất :D.Nhưng dù sao thì đây cũng là ví dụ điển hình nhất cho loại bom huy diệt này(chi sếp sau bom nguyên tử mà Mỹ quăng suống Nhật bản năm 45)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: kisilangthang trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 09:10:48 am
Nó đã đốt ôxy trong một vùng rộng 2 mẫu Anh và giết chết hơn 2500 người lính QĐNDVN.[18][19].Đây là lần đầu tiên và cuối cùng loại vũ khí này được sử dụng trong chiến tranh. Đài Hà Nội đã phản đối trong hai ngày liền, cáo buộc Mỹ và VNCH sử dụng vũ khí sinh học bất hợp pháp.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Xu%C3%A2n_L%E1%BB%99c#Di.E1.BB.85n_bi.E1.BA.BFn
Bác "cất" một số 0 nữa đi đâu mà thành 250 thế?
2500 người lính  :o 1 mẫu Anh xấp xỉ 4000m² (http://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%ABu_Anh) 2 mẫu Anh là 8000m² mà chứa 2500 quân vậy chắc lúc đó ta đang hội quân hả các bác ??? em nghĩ chắc chỉ đến 250 quân thôi làm gì đến 2500 quân, người Mĩ thường có trò báo cáo tỉ lệ thương vong 1/10 mà :(


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: ngoduythiet trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 11:41:32 am
   Thứ nhất đây không phải hội quân đâu bạn a`.Bạn chú ý trong bài viết có câu là:"Ngụy ném bom CBU-55 xuống khu vực được cho là sở chỉ huy Sư đoàn 341 QĐNDVN".Vào thời điểm đó sư 341 đang tập trung toàn bộ lực lượng để đánh dứt điểm Xuân Lộc nên mới có nhiều chiến sỹ ta hy sinh đến vậy.
   Thứ 2 đây là thương vong đã được Bộ tư lệnh mặt trận Xuân Lộc báo cáo về cho Bộ tổng tư lệnh quân ta ở Hà Nội xác nhận rồi.Nó nằm trong câu này"Đài Hà Nội đã phản đối trong hai ngày liền, cáo buộc Mỹ và VNCH sử dụng vũ khí sinh học bất hợp pháp. Trung Quốc cũng phản ứng dữ dội không kém, miêu tả vụ ném bom như là cuộc 'giết người hàng loạt' và buộc tội Mỹ đã chỉ huy cuộc tấn công. Đây là chỉ trích mạnh mẽ nhất của Trung Quốc đối với Mỹ trong vòng 2 năm - từ khi hai nước bắt đầu quá trình đặt lại quan hệ ngoại giao.. QĐNDVN đã phản ứng ngay và hiệu quả. Trong vòng vài giờ sau vụ ném bom CBU, pháo binh bắn phá sân bay Biên Hòa được tăng cường đến độ các đường băng gần như không thể sử dụng được nữa. Các máy bay phản lực F-5A được rút nhanh về Sài Gòn, còn các máy bay ném bom nhẹ A-37 rút về Cần Thơ."


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 12:12:35 pm
2500 người lính  :o 1 mẫu Anh xấp xỉ 4000m² (http://vi.wikipedia.org/wiki/M%E1%BA%ABu_Anh) 2 mẫu Anh là 8000m² mà chứa 2500 quân vậy chắc lúc đó ta đang hội quân hả các bác ??? em nghĩ chắc chỉ đến 250 quân thôi làm gì đến 2500 quân, người Mĩ thường có trò báo cáo tỉ lệ thương vong 1/10 mà :(
Em chỉ muốn chứng minh với bác ngoduythiet là đừng bao giờ lôi wiki tiếng Việt và các cuộc tranh luận, nhất là ở các diễn đàn nghiêm túc như ở đây thôi.
Thứ nhất đây không phải hội quân đâu bạn a`.Bạn chú ý trong bài viết có câu là:"Ngụy ném bom CBU-55 xuống khu vực được cho là sở chỉ huy Sư đoàn 341 QĐNDVN".Vào thời điểm đó sư 341 đang tập trung toàn bộ lực lượng để đánh dứt điểm Xuân Lộc nên mới có nhiều chiến sỹ ta hy sinh đến vậy.
Thứ 2 đây là thương vong đã được Bộ tư lệnh mặt trận Xuân Lộc báo cáo về cho Bộ tổng tư lệnh quân ta ở Hà Nội xác nhận rồi.Nó nằm trong câu này
Bác cho em hỏi với: cái màu đỏ số 1 với số 2 bác viết có phải là "đánh" lẫn nhau không?
Thứ 2: màu đỏ thứ 3, bác khẳng định là như vậy, tức là 2500 là con số đúng. Theo bác, 2500 có được gọi là nhiều không? So với tiêu chuẩn của bác có được gọi là biển người không? Hay là chưa đủ?


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: vmt trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 12:18:40 pm
Bác Ngoduythiet@:cái nguồn này cũng không phải là đã hoàn toàn chính xác tất cả đâu bác ạ,tôi nhớ không được cụ thể chi tiết cho lắm tôi đã được nghe là  trong một lần tổng kết mừng kỷ niệm ngày chiến thắng có bài có đoạn :để mở toang cánh cửa thép xuân lộc thần tốc tiến về sài gòn hơn 800 chiếnh sỹ quân giải phóng của ta đã anh dũng chiến đấu và hy sinh tai nơi đậy nên khó có thể có chuyện :( giết chết 2500 người lính QĐND) lắm ,chắc chỉ vài trăm đổ lại thôi.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: fddinh trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 12:28:55 pm
 Về vụ CBU-55 bác chỉ cần vào Google tìm với từ khóa "chiến dịch xuân lộc" hoạc muốn biết chi tiết cấu tạo quả bom thì tìm "CBU-55"là có hêt như cái này này http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Xu%C3%A2n_L%E1%BB%99c (http://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Xu%C3%A2n_L%E1%BB%99c)

Chào bác, nguồn từ wiki, nhất là wiki Việt không được coi trọng gì mấy, chính các bác kỳ cựu trên này chiến đấu mãi trên "Mặt trận Wiki" bao năm nay rồi bác ạ.

Nhà em đào cái mộ cổ này, mời bác tham khảo qua nhé: Mặt trận Xuân Lộc (http://ttvnol.com/gdqp/724070) đoạn về quả bom:
Trích dẫn
   ID bài viết: 4906898  (http://ttvnol.com/gdqp/724070/page-14#post4906898)      
Trích dẫn
Trích bài của bác OV10:

Tự liệu về việc quân đội MNVN néo bom xuống XL cuối tháng 04-1975 có một vài chi tiết không nhất quán.
Thứ nhất: Tên loại bom được sử dụng giữa các nguồn có nhầm lẫn(?) nên không nhất quán, giữa bom phát quang BLU-82B Daisy Cutter hay là bom CBU-55 Fuel/Air Explosive. Trong bảo tàng chứng tích CT thì hiện vật là quả bom rất lớn, với đường kính trên 1m giống như BLU-82 Daisy Cutter (lâu quá không vào xem lại nên không nhớ chi tiết). Còn nếu là loại bom CBU-55 Fuel/Air Explosive dùng để đốt cháy hoá chất để thu hết oxy thì đường kính chỉ khoảng 350 thôi?

Thứ hai: Sau khi quả bom đầu tiên được sử dụng được các hãng thông tấn đưa tin và dư luận thế giới phản đối nên Mỹ buộc phải gây sức ép không cho SG dùng tiếp quả thứ 2 chứ không phải chỉ thuần tuý từ phản đối của HN. Điều đó cho thấy đây là loại bom không có trong danh mục vũ khí quy ước nên nhiều khả năng nó là CBU-55 Fuel/Air Explosive mới đúng. Khi đó thì bảo tàng chứng tích CT phải sửa chữa lại thông tin tư liệu.

Vấn đề này mong mọi người cùng quan tâm.______________________
Bác OV10 chí lý.

Thằng BLU-82B Blast to đùng, dân mình gọi là bom địa chấn, tổng trọng lượng 15,000LBS (khoảng 6,75 tấn). Được máy bay dưới âm triển khai bằng dù, phát nổ trên không, dùng dọn bãi.

Còn thằng CBU-55 thuộc đám Cluster bombs units nhỏ hơn nhiều, chỉ nặng khoảng 235kg, chứa bom con (BLU-73). Nguyên lý: phát tán và kích nổ khối mây bụi nhiên liệu trên không, gây sức ép lớn lên bề mặt bên dưới, rút tiệt khí ô-xy khu vực xung quanh, gây ngạt; bán kính sát thương khoảng 500m. Dĩ nhiên dùng hắn dọn bãi cũng tốt, nhưng tác hại chủ yếu nhằm vào người, bị xếp vào vũ khí huỷ diệt hàng loạt.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM trưng bày cả hai thằng này, bác nào rảnh rỗi, ghé coi chơi.



Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: ngoduythiet trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 01:09:04 pm
Đầu tiên em xin trả lời câu hỏi của đồng chí Đại Úy DesantnhikVDV trước.
   -Từ "hội quân" chỉ dùng khi đã đánh xong chiến dịch và chiến thắng,ví dụ sư đoàn của bác và sư đoàn của em cùng được phân công đánh vào 1 trận địa của địch nhưng ở hai hướng khác nhau.Sau khi đánh xong bộ binh của sư đoàn bác và sư đoàn em gặp nhau trên trận địa của địch thì đó được gọi là hội quân.Còn ở đây là "sư 341 đang tập trung toàn bộ lực lượng để đánh dứt điểm Xuân Lộc" có nghĩa là sư 341 đang tâp trung lực lượng lập trận địa tiến công mới.Bác cũng là lính nên em cũng không cần phải nói thếm cái này nữa.
   -thứ 2 Về việc bác hỏi "màu đỏ thứ 3, bác khẳng định là như vậy, tức là 2500 là con số đúng. Theo bác, 2500 có được gọi là nhiều không? So với tiêu chuẩn của bác có được gọi là biển người không? Hay là chưa đủ?"thì 2500 quân này là tương đối nhiều vì đây là lực lượng cấp sư đoàn.So với tiêu chuẩn của em và tiêu chuẩn chung thì đây không được gọi là biển người vì lực lương VNCH ở Xuân Lộc lúc này còn khá đông, ít nhất là trên 2 trung đoàn.1 sư đoàn so với 2 trung đoàn thì lực lượng không hơn nhau là mấy đâu bác à.Chiến thuật biển người có nhũng đặc thù riêng như em và các bác khác đã post ở một số bài trước.Không thể chỉ dựa vào số quân tham chiến của 1 bên mà đánh giá được.Phải tương quan lực lượng 2 bên trước.VD như trân Beclin năm 45, Hồng quân Liên Xô dùng lực lượng 2,5 triệu quân tấn công,nếu theo các của bác thì LX dùng chiến thuật biển người với phát xit Đức rồi.Nhưng thực tế thì không phải vì lực lương phát xít Đức phòng thủ ở Beclin ngày ấy lên tới 1,5 triệu quân chưa kể các lực lương đoàn thanh niên Hitle có cả trăm ngàn thanh thiếu niên được vũ trang như lính chính quy.Do đó em chốt lại là phải nhìn tương quan lực lượng 2 bên trước rồi hãy đánh giá.
 
 Về câu hỏi của Trung Úy vmt  thì em cũng xin có ý kiến thế này:lúc trước là em có xem 1 tài liệu trên một báo điện tử của Đảng nói là chỉ khoảng 300 lính ta chết trong vụ ném bom này(em có post ở bài trước) nhưng sau đó đưa cái wiki lên thì bác Đại Úy DesantnhikVDV nói với em là  ""Bác "cất" một số 0 nữa đi đâu mà thành 250 thế?"" nên em xem lại trên wiki thấy là đúng 2500 chứ không phải 250.Em cũng ngờ ngợ xem lại các tài liệu khác nhau nhưng nghĩ ông wiki viết chắc tin được nên em theo.Còn thực hư em cũng đang đi tìm tài liệu gốc.
  Nhân tiện bác nào có tài liệu gốc của BTTM về vụ này thì post lên cho em biết với nhé.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 01:56:17 pm
Từ "hội quân" chỉ dùng khi đã đánh xong chiến dịch và chiến thắng
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Thế thì lúc các đơn vị tụ lại một chỗ hay đưa đến tập trung dưới dạng tăng cường cho một hướng hay để tạo cửa mở hoặc hướng đột phá vào trận địa phòng ngự của đối phương có gọi là "hội quân" hay "tập trung quân" không bác?
"Hội quân" hay "tập trung quân" không có nghĩa là ở sau trận hoặc chiến dịch bác ạ.

Dài quá, em không trích dẫn nữa ;D
------------------------------------------------------------------------------------------------------
Dựa trên cơ sở so sánh quân số hai bên không khẳng định được gì bác ạ. Về trận XL, có một số điểm đáng chú ý là thương vong của bộ đội mình, quả CBU-55 gì đó chỉ là 1 phần và không chỉ có 1 trái CBU này mà còn cả BLU nữa thì phải. Cái ttvnol tự nhiên chạy chậm quá, không biết sao, khi nào em đào mộ cho bác cái bài phân tích khá hay về trận này để bác và các bác khác tham kháo nhé.
Bác cho em con số tương quan lực lượng của 2 bên trong từng giai đoạn để so sánh với (không sử dụng nguồn wiki nhé).
Còn về biển người hay không, thì việc có pháo bắn dọn đường, xe tăng và thiết giáp tạo thành những luồng hỏa lực mạnh và vỏ thép che chắn cho bộ binh xung phong thì khác hoàn toàn với chiến thuật "biển người" theo bất cứ nghĩa nào: nghĩa đen chắc chắn là không; nghĩa bóng nếu các bác ở bển mà thích văn hoa thì giải thích thế này: khi đột phá vào trận địa phòng ngự của đối phương, bên tấn công chia thành các mũi theo nhiệm vụ đã phân công. Khi đó, núp trong cái lỗ mà Newton đục đến 2 cái lớn nhỏ như theo một số câu truyện kể mà nhìn ra thì đúng là thấy 3-4, thậm chí có khi cả chục người đang chạy tới thật. Vài lỗ như thế, tính cấp số cộng + thêm cái tư duy "không khôn" thì vống lên thành cấp số nhân => các bác ý kết luận bộ đội ta chơi biển người ;D
Berlin thì lạc đề, không liên quan đên KCCM, em không đá vào ;D

xem lại trên wiki thấy là đúng 2500 chứ không phải 250.Em cũng ngờ ngợ xem lại các tài liệu khác nhau nhưng nghĩ ông wiki viết chắc tin được
----------------------------------------------------------------------------------------------------
Vậy sao lúc trả lời bác Mig-21-58 và các bài trước đó, bác cũng sử dụng con số 250, cũng nguồn của wiki tiếng Việt là sao? Và trước đó, cũng liên tục khẳng định con số này là chính xác?
Có vẻ bác cũng tin vào con số 2500 này thì phải.
Em khẳng định luôn với bác: 2500 là con số bố láo. Bác đọc thêm ở đây nhé: http://www.quansuvn.net/index.php/topic,2403.0.html.
Em vòng vo mấy hôm nay cũng chỉ để chứng minh và khẳng định với bác một lần nữa là đừng bao giờ tin và đưa những con số trong wiki - nhất là tiếng Việt ra để làm con số chính thức và khẳng định cho quan điểm của mình. Wiki chỉ mang tính chất tham khảo và đối chiếu với các tài liệu khác, thậm chí để đọc cho vui.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 04:13:23 pm
Để lát tớ lên wiki sửa thành bom CBU giết 25 chiến sĩ chứ không phải 2500 nhé ;), hay bác muốn 2.5, hay 25000 ??

-----

Nói là làm

(http://img713.imageshack.us/img713/8021/wikir.jpg)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: _new trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 05:47:20 pm
Để lát tớ lên wiki sửa thành bom CBU giết 25 chiến sĩ chứ không phải 2500 nhé ;), hay bác muốn 2.5, hay 25000 ??

-----

Nói là làm

(http://img713.imageshack.us/img713/8021/wikir.jpg)

 :D :D :D Đến chết cười với bác Selene này, dám sửa cả từ điển  :D :D :D. Dẫn luôn cái link nguồn "25 người lính thiệt mạng" về đây cho nó đủ bộ bác ạ.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: ngoduythiet trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 06:06:29 pm
Cái bác selene0802  hay thật người ta đi tìm sự thật chẳng được thì thôi đằng này bác lại sửa cho sự việc càng rối nên.Nhỡ mấy nữa có bác nào phàn nàn lại lôi wiki ra có phải rắc rối thêm không. Đúng là........ >:( >:(


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 06:41:11 pm
Em xin được xác nhận là cái con số 2500 xuất hiện trước khi bài này http://www.quansuvn.net/index.php/topic,1391.msg270537.html#msg270537 của nhà em xuất hiện trong khoản thời gian không quá 10 phút. Người sửa bài có acc là bietkachdu.
"Sự thật" gì ở đây hả bác?


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: ngoduythiet trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 06:50:23 pm
Thế như vậy là còn số 2500 là được sửa đồi từ con số 250 hả bác?
Còn "sự thật" mà em muốn nói ở đây là việc con số 250 hay con số 2500 là thật (vì ông selene0802 đã sửa lại thành con số 25 rồi) nên em có ý kiến như thế.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: ngoduythiet trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 07:21:18 pm
Đại úy DesantnhikVDV à em muốn hỏi là sự thật là quân ta đã chết bao nhiêu chiến sỹ vì cái quả bom CBU-55 đó chứ em có muốn nói là muốn bác sửa con số đó thành bao nhiêu đâu.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 07:58:09 pm
Đại úy DesantnhikVDV à em muốn hỏi là sự thật là quân ta đã chết bao nhiêu chiến sỹ vì cái quả bom CBU-55 đó chứ em có muốn nói là muốn bác sửa con số đó thành bao nhiêu đâu.
Bác không đọc bài của em ở trên thì phải:
@ngoduythiet: theo một số nguồn đối chiếu ngay trong diễn đàn thì quãng 250.
Đoạn sau thì em viết thế để mong bác hiểu là wiki tiếng Việt là tài liệu không có độ tin cậy cao vì nó là từ điển mở, chỉ cần đăng ký 1 cái acc là có thể vào sửa. Sửa đúng, sửa sai, thậm chí là sửa mang tính nghịch ngợm... đều được tuốt.
Thế thôi.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: selene0802 trong 16 Tháng Mười Một, 2010, 10:08:23 pm
Cái bác selene0802  hay thật người ta đi tìm sự thật chẳng được thì thôi đằng này bác lại sửa cho sự việc càng rối nên.Nhỡ mấy nữa có bác nào phàn nàn lại lôi wiki ra có phải rắc rối thêm không. Đúng là........ >:( >:(

Đúng là gì ??

Tớ chỉ muốn cho bác thấy, cái wiki là cái nơi mà ai muốn làm gì cũng được, những thứ trong ấy hoàn toàn có thể do một người nào đó sáng tác lên.

Còn cái số lượng chiến sĩ ta chết vì quả CBU nó là một quá trình lâu dài với hàng loạt các con số. Vào thời hoàng kim của ttvn, các bác ở phía bên kia đưa ra con số 1 sư đoàn bị xóa sổ tương đương 10000 quân bi tiêu diệt (theo hồi kí của một số nhân vật phía bên kia). Một thời gian sau, các vị í hạ xuống còn còn 7000 ( do việc cãi nhau với phe ta về quân số 1 sư đoàn lúc ấy), một thời gian sau nữa, không hiểu sao lại hạ xuống trên 3000, gần đây xuất hiện số 2500...

@Bác new: không lẽ em để nguồn trích dẫn "đầu thằng selene0802 ra" à  ;D ;D ;D


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: trucngon trong 17 Tháng Mười Một, 2010, 09:41:17 am
Bác Ngoduythiet@:cái nguồn này cũng không phải là đã hoàn toàn chính xác tất cả đâu bác ạ,tôi nhớ không được cụ thể chi tiết cho lắm tôi đã được nghe là  trong một lần tổng kết mừng kỷ niệm ngày chiến thắng có bài có đoạn :để mở toang cánh cửa thép xuân lộc thần tốc tiến về sài gòn hơn 800 chiếnh sỹ quân giải phóng của ta đã anh dũng chiến đấu và hy sinh tai nơi đậy nên khó có thể có chuyện :( giết chết 2500 người lính QĐND) lắm ,chắc chỉ vài trăm đổ lại thôi.
Bạn cho cái nguồn nói về số quân nhân ta hy sinh nơi cửa ngõ Xuân Lộc không mà đoan chắc như vậy! Tướng Trà nhà ta đã từng nói đến số thương vong tại mặt trận Xuân Lộc tại một cuộc gặp mặt ở TP Hồ Chí Minh hình như năm ngoái nhiều hơn rất nhiều so với bạn đó!


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: chiangshan trong 17 Tháng Mười Một, 2010, 02:24:48 pm
Cụ Trà nói (chính xác hơn là đám PV bảo là cụ nói) ở Xuân Lộc ta hy sinh 4000 người. Trong khi số liệu chính thức là 460 người.

Giả dụ mà con số 4000 là đúng, thì chiến dịch Xuân Lộc kéo dài 11 ngày đêm có số hy sinh gần gấp đôi chiến dịch đường 9-Nam Lào (2 tháng), tương đương chiến dịch đường 9-Khe Sanh (6 tháng) hoặc Nguyễn Huệ (9 tháng) trong điều kiện quy mô binh hỏa lực của đối phương mạnh hơn nhiều.



Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: ngoduythiet trong 17 Tháng Mười Một, 2010, 06:08:26 pm
Em tìm thấy cái này các bác coi thử xem thật hay giả nhéhttp://www.thuviendongnai.gov.vn/trangtin/30thang4/Lists/Posts/Post.aspx?List=839baf81-c953-410b-a850-220acd95e7bf&ID=43 (http://www.thuviendongnai.gov.vn/trangtin/30thang4/Lists/Posts/Post.aspx?List=839baf81-c953-410b-a850-220acd95e7bf&ID=43)
Trong này có gi đoạn "Chỉ trong 3 ngày đầu chiến đấu đã có 1.500 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 341 và Sư đoàn 7 thuộc quân đoàn 4 bị thương vong. Ngoài ra còn có 3 xe tăng bị bắn cháy, 3 xe bị bắn hỏng. Nghiêm trọng hơn là toàn bộ pháo 85 và 57 ly đều hỏng"


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: kisilangthang trong 17 Tháng Mười Một, 2010, 06:17:44 pm
Cụ Trà nói (chính xác hơn là đám PV bảo là cụ nói) ở Xuân Lộc ta hy sinh 4000 người. Trong khi số liệu chính thức là 460 người.

Giả dụ mà con số 4000 là đúng, thì chiến dịch Xuân Lộc kéo dài 11 ngày đêm có số hy sinh gần gấp đôi chiến dịch đường 9-Nam Lào (2 tháng), tương đương chiến dịch đường 9-Khe Sanh (6 tháng) hoặc Nguyễn Huệ (9 tháng) trong điều kiện quy mô binh hỏa lực của đối phương mạnh hơn nhiều.


Em thấy con số 460 có vẻ đúng hơn vì xét trên tương quan lực lượng cũng như theo đà thắng lợi, toàn dân nổi dậy tiến công của ta so với tâm lý thất trận "tùy nghi di tản" của VNCH, lúc đó binh lính họ còn đang lo di tản vợ con thì làm sao đánh đấm được ;D
@bác ngoduythiet: 1500 thương vong chứ chưa hẳn đã hy sinh, theo hồi ký của bác Phongquang trước đây thì khi ta tấn công vào căn cứ Đồng Dù ban đầu cũng thương vong khá lớn khi đánh vào cửa mở và khi có sư 10 của ta hành quân qua xe pháo chạy ầm àm qua quân địch đã phải bỏ cứ mà chạy, chứng tỏ tâm lý của họ đã rối loạn lắm rồi.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: vmt trong 17 Tháng Mười Một, 2010, 06:27:59 pm

 Bạn cho cái nguồn nói về số quân nhân ta hy sinh nơi cửa ngõ Xuân Lộc không mà đoan chắc như vậy! Tướng Trà nhà ta đã từng nói đến số thương vong tại mặt trận Xuân Lộc tại một cuộc gặp mặt ở TP Hồ Chí Minh hình như năm ngoái nhiều hơn rất nhiều so với bạn đó!
[/quote]:những gì tôi đã được nghe và đọc bây giờ tìm lại cũng khó ,nhưng đơn giản nhất là bác hãy tạm suy xét thế này :bom cbu55 được cho là ném vào sở chỉ huy của F341 ,mà F341 nằm trong đội hình của quân đoàn 4 mà thương vong của quân đoàn 4 thế nào thì bác đọc ngay ở các trang trong chủ đề này cũng rõ .


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: selene0802 trong 17 Tháng Mười Một, 2010, 09:50:21 pm
CBU không phải bom hơi ngạt bác ạ, hình như bác đang rối những định nghĩa này


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: vmt trong 17 Tháng Mười Một, 2010, 11:03:28 pm
CBU không phải bom hơi ngạt bác ạ, hình như bác đang rối những định nghĩa này
:bạn đọc lại đi mục đích của tôi có phải là định nghĩa loại bom này là gì đâu mà rối ? nhưng tôi sẽ xóa hai chữ đó đi vì không muốn thảo luận về định nghĩa loại bom này .Cám ơn bạn.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Shangshai trong 26 Tháng Tư, 2011, 04:48:38 pm
Xin có một ý kiến về Xuân Lộc.
Đây là trân đánh rất ác liệt, ta và địch thương vong nhiều, mặc dù địch đã trên đà thất bại.
Theo tôi, có 2 nguyên nhân chính.

1. Địa bàn này là khu vực "Bắc di cư", rất quyết tử
2. Trận Xuân Lộc có thể phải tách ra 2 giai đoạn:
    Giai đoạn 1 (sư 341 + ...) của Chủ lực miền
    Giai đoạn 2 : Quân đoàn 2 từ Phan Rang vào

Theo một nguồn đáng tin cậy, BTTL từ ngoài Bắc, mặc dù ta đang đà phát triển nhanh, vẫn chỉ thị dừng tấn công Xuân Lộc của chủ lực miền, chờ QĐ2. Nhưng không kịp. Như vậy lực lượng giai đoạn 1 không đủ sức giải quyết, bị khó khăn và thương vong nhiều.
đề nghị đ/c đừng sử dụng cụm từ màu đỏ


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: fddinh trong 26 Tháng Tư, 2011, 06:02:01 pm
Em tìm thấy cái này các bác coi thử xem thật hay giả nhéhttp://www.thuviendongnai.gov.vn/trangtin/30thang4/Lists/Posts/Post.aspx?List=839baf81-c953-410b-a850-220acd95e7bf&ID=43 (http://www.thuviendongnai.gov.vn/trangtin/30thang4/Lists/Posts/Post.aspx?List=839baf81-c953-410b-a850-220acd95e7bf&ID=43)
Trong này có gi đoạn "Chỉ trong 3 ngày đầu chiến đấu đã có 1.500 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 341 và Sư đoàn 7 thuộc quân đoàn 4 bị thương vong. Ngoài ra còn có 3 xe tăng bị bắn cháy, 3 xe bị bắn hỏng. Nghiêm trọng hơn là toàn bộ pháo 85 và 57 ly đều hỏng"

Bác ơi, thương với vong không trùng nhau bác nhé.

Tỷ như bị mảnh (gì đó) làm sứt tí da cũng là thương, con số trên bao gồm cả thương và vong mà, ví dụ bị thương 1.499, vong 1.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: ngoduythiet trong 01 Tháng Năm, 2011, 12:12:15 pm
 Theo minh biết thương vong trên chiến trường sau khi đánh xong trận người chỉ huy đơn vị sẽ ký vào giấy  xác nhận số lượng thương vong của ta.Muốn biết thương vong quan ta bao nhiêu tìm vị chỉ huy cao nhất là biết ngay thôi  ;D


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Đậu Thanh Sơn trong 31 Tháng Ba, 2012, 11:09:52 am
     Bạn China
     Tôi không biết bạn là người VN hay TQ (vì bạn có cái nick china tiếng Anh là Trung Quốc) và cũng chẳng hiểu bạn là người thế nào mà nhận định: "Quân đoàn 4 có giải phóng được Xuân Lộc đâu, mà đi vòng qua Xuân Lộc đó chớ.". Nếu không đánh, thì làm sao địch bỏ chạy khỏi Xuân Lộc? Sư đoàn 341 chúng tôi và sư đoàn 7 (QĐ4) tấn công suốt 12 ngày đêm vào vào mặt trận Xuân Lộc, gây cho địch tổn thất nặng nề, biết không cầm cự được Lê Minh Đảo đã ra lệnh rút chạy.
     Bạn nói vậy là chạm vào lòng tự trọng của chúng tôi những người đang còn sống và hương hồn hàng trăm cán bộ chiến sỹ các đơn vị đã anh dũng hy sinh ở mặt trận Xuân Lộc trong 12 ngày đêm lịch sử. Bạn có thể đọc đoạn trích "Phòng tuyến thị xã Xuân Lộc - Trận đọ sức quyết liệt" trong bài ký của tôi "Từ điểm chốt bắt đầu" để hiểu thêm về trận Xuân Lộc rồi hãy nhận định về thời điểm lịch sử cho chính xác. Trong tháng 4 này tỉnh Đồng Nai chuẩn bị tổ chức hội thảo về chiến thắng Xuân Lộc đấy. Có sự hiện diện của các tướng lĩnh các đơn vị từng chỉ huy trận đánh then chốt Xuân Lộc. bạn theo dõi đi rồi sẽ thấy QĐ4 đánh hay "đi vòng"
     Ngày 21/4 này CCB Sư đoàn 341 chúng tôi sẽ tổ chức họp mặt kỷ niệm 37 năm chiến thắng Xuân Lộc, tại Hội trường Thị Đội Long Khánh, nếu bạn rảnh mời bạn đến giao lưu với những người đã làm nên chiến thắng Xuân Lộc khắp mọi miền đất nước về hội tụ. Đấy là nhân chứng sống trên mặt trận Xuân Lộc đấy china ah.

 Bạn china hãy xem ở đây về mũi tiến công của Sư đoàn 341:
Http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,22547.230.html


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 31 Tháng Ba, 2012, 01:57:44 pm
Cháu thấy bác china nói không phải không có cái đúng

Theo như sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp thì:

Trước tình hình quân địch ở Xuân Lộc còn ngoan cố chống cự, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Miền chỉ thị cho Quân đoàn IV rút kinh nghiệm. Anh Trần Văn Trà đến trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Xuất phát từ nhận định Xuân Lộc chỉ có thể cố thủ khi được nối liền với Biên Hoà, Bộ chỉ huy Miền quyết định thay đổi cách đánh: từ tiến công thẳng vào thị xã chuyển sang đánh các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài, thực hành chia cắt Xuân Lộc với Biên Hoà, cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, chặn quân địch từ Biên Hoà, Trảng Bom lên phản kích.
      Thực hiện quyết tâm mới, Quân đoàn IV vừa được tăng cường lực lượng bộ binh và pháo cỡ lớn, tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52 nguỵ và một chi đoàn thiết giáp, đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 từ Xuân Lộc đến Bàu Cá, làm chủ đoạn cuối cùng của đường 20 từ Túc Trung đến Dầu Giây, chiếm Núi Thị, Túc Trưng, Kiệm Tân, tiêu diệt quân địch phản kích từ Trảng Bom ra. Hai chiến đoàn 43 và 48 của Sư đoàn 18 nguỵ cùng với Lữ đoàn 3 thiết giáp bị đánh thiệt hại nặng. Bộ đội địa phương và du kích diệt và bức rút một số đồn địch trên các trục đường giao thông và ven thị xã Không chiếm lại được ngã ba Dầu Giây, lực lượng bị tổn thất nặng, trước nguy cơ bị bao vây, bị tiêu diệt và sức uy hiếp của cánh quân lớn từ phía đông mới tới, ngày 20-4, địch phải rút chạy khỏi Xuân Lộc.


http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,5133.msg74385.html#msg74385


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: vmt trong 31 Tháng Ba, 2012, 09:10:18 pm
Cháu thấy bác china nói không phải không có cái đúng

Theo như sách của đại tướng Võ Nguyên Giáp thì:

Trước tình hình quân địch ở Xuân Lộc còn ngoan cố chống cự, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Miền chỉ thị cho Quân đoàn IV rút kinh nghiệm. Anh Trần Văn Trà đến trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Xuất phát từ nhận định Xuân Lộc chỉ có thể cố thủ khi được nối liền với Biên Hoà, Bộ chỉ huy Miền quyết định thay đổi cách đánh: từ tiến công thẳng vào thị xã chuyển sang đánh các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài, thực hành chia cắt Xuân Lộc với Biên Hoà, cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, chặn quân địch từ Biên Hoà, Trảng Bom lên phản kích.
      Thực hiện quyết tâm mới, Quân đoàn IV vừa được tăng cường lực lượng bộ binh và pháo cỡ lớn, tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52 nguỵ và một chi đoàn thiết giáp, đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1 từ Xuân Lộc đến Bàu Cá, làm chủ đoạn cuối cùng của đường 20 từ Túc Trung đến Dầu Giây, chiếm Núi Thị, Túc Trưng, Kiệm Tân, tiêu diệt quân địch phản kích từ Trảng Bom ra. Hai chiến đoàn 43 và 48 của Sư đoàn 18 nguỵ cùng với Lữ đoàn 3 thiết giáp bị đánh thiệt hại nặng. Bộ đội địa phương và du kích diệt và bức rút một số đồn địch trên các trục đường giao thông và ven thị xã Không chiếm lại được ngã ba Dầu Giây, lực lượng bị tổn thất nặng, trước nguy cơ bị bao vây, bị tiêu diệt và sức uy hiếp của cánh quân lớn từ phía đông mới tới, ngày 20-4, địch phải rút chạy khỏi Xuân Lộc.


http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,5133.msg74385.html#msg74385
:Rõ ràng là ở đây để đỡ tốn công sức và xương máu ,để giải phóng Xuân lộc ta đã linh hoạt chuyển hướng tấn công mà vẫn đạt được mục đích của mình .Trong chiến tranh nhiều khi không phải cứ oai hùng đi giữa rừng cờ hoa giữa tiếng hô vang dậy chào mừng của nhân dân mới là người có công giải phóng.Đó chỉ là bề nổi thôi còn rất nhiều các yếu tố quan trọng mang tính quyết định khác đóng góp vào mới có được như thế...    


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tamking trong 31 Tháng Ba, 2012, 09:19:26 pm


Trước tình hình quân địch ở Xuân Lộc còn ngoan cố chống cự, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy Miền chỉ thị cho Quân đoàn IV rút kinh nghiệm. Anh Trần Văn Trà đến trực tiếp chỉ đạo tác chiến. Xuất phát từ nhận định Xuân Lộc chỉ có thể cố thủ khi được nối liền với Biên Hoà, Bộ chỉ huy Miền quyết định thay đổi cách đánh: từ tiến công thẳng vào thị xã chuyển sang đánh các lực lượng tiếp viện của địch mới được điều đến còn đứng chân chưa vững ở vòng ngoài, thực hành chia cắt Xuân Lộc với Biên Hoà, cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, chặn quân địch từ Biên Hoà, Trảng Bom lên phản kích.
     


http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,5133.msg74385.html#msg74385

Thật lạ là lạ - đã có Topic " Quân ta tác chiến có cứng nhắc " - nay khi cha anh có tình huống thể hiện được cái sự linh hoạt và bãn lĩnh cứng cựa thì lại có ý kiến bảo là " đi vòng "  :D đọc kĩ các hồi ký của các tướng lĩnh và cả trong trích dẫn trên thì rõ ràng là quân ta trực tiếp đánh Xuân Lộc ngay từ đầu nhưng về sau điều chỉnh lại ý đồ - mà đó cũng là chiến thuật sở trường của cha ông - Vây Thành Diệt Viện - cho mình hỏi tí : giả sử không có đơn vị công thành thì ai tới giải vây cái thành đó để mà ta đánh  ??? Mà hơn nữa nếu không có đơn vị trực tiếp đánh Xuân Lộc thì chưa chắc ngày 20 VNCH rút đâu ( không chừng các đơn vị VNCH trong Xuân Lộc co lại cố thủ  vì không có áp lực trực tiếp - cũng vỡ thôi - nhưng chậm và như thế mất cái yếu tố ta cần - " Thần Tốc " )

Mà thực tế - rõ ràng nhất ý đồ lúc đầu và cả khi thực hiện giai đoạn đầu là đánh công kiên - làm sao phủ nhận - F 7 được Bộ tăng cường cả pháo 130 và nhất là 9 T-54/T-59 vào đánh,  lưu ý là thời điểm đó có nhiều chuyện ngoài lề nhạy cảm - đọc hồi ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng là nếu không phải quyết định thì không cho pháo lớn và tăng đánh đâu ! F 7 đánh xong Xuân Lộc mất hơn một nghìn - có tài liệu là mất 1300, mất 6 tăng , pháo PK 37 và 57 mất gần hết - đi vòng hay đánh " Xương xương " thôi thì không mất nhiều như thế , hồi ký của bên kia còn miêu tả những tình huống đánh giành giật từng căn nhà trong nội ô và VNCH ở trên các kiến trúc bắn M 72 xuống nóc T-54 !


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 01 Tháng Tư, 2012, 01:03:40 am


Thật lạ là lạ - đã có Topic " Quân ta tác chiến có cứng nhắc " - nay khi cha anh có tình huống thể hiện được cái sự linh hoạt và bãn lĩnh cứng cựa thì lại có ý kiến bảo là " đi vòng "  :D đọc kĩ các hồi ký của các tướng lĩnh và cả trong trích dẫn trên thì rõ ràng là quân ta trực tiếp đánh Xuân Lộc ngay từ đầu nhưng về sau điều chỉnh lại ý đồ - mà đó cũng là chiến thuật sở trường của cha ông - Vây Thành Diệt Viện - cho mình hỏi tí : giả sử không có đơn vị công thành thì ai tới giải vây cái thành đó để mà ta đánh  ??? Mà hơn nữa nếu không có đơn vị trực tiếp đánh Xuân Lộc thì chưa chắc ngày 20 VNCH rút đâu ( không chừng các đơn vị VNCH trong Xuân Lộc co lại cố thủ  vì không có áp lực trực tiếp - cũng vỡ thôi - nhưng chậm và như thế mất cái yếu tố ta cần - " Thần Tốc " )

Mà thực tế - rõ ràng nhất ý đồ lúc đầu và cả khi thực hiện giai đoạn đầu là đánh công kiên - làm sao phủ nhận - F 7 được Bộ tăng cường cả pháo 130 và nhất là 9 T-54/T-59 vào đánh,  lưu ý là thời điểm đó có nhiều chuyện ngoài lề nhạy cảm - đọc hồi ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng là nếu không phải quyết định thì không cho pháo lớn và tăng đánh đâu ! F 7 đánh xong Xuân Lộc mất hơn một nghìn - có tài liệu là mất 1300, mất 6 tăng , pháo PK 37 và 57 mất gần hết - đi vòng hay đánh " Xương xương " thôi thì không mất nhiều như thế , hồi ký của bên kia còn miêu tả những tình huống đánh giành giật từng căn nhà trong nội ô và VNCH ở trên các kiến trúc bắn M 72 xuống nóc T-54 !
Rõ ràng ban đầu ý định đánh Xuân Lộc là đánh tiêu diệt gọn bằng lực lượng và hỏa lực áp đảo đây mới là yếu tố tạo nên thần tốc vì khi đó cánh quân chính mới chuẩn bị đánh phan Rang. Khi ta không thực hiện được ý đồ trên dù rất cố gắng thì quân đoàn 4 mới rút kinh nghiệm, thay đổi cách đánh, lúc này mới chia cắt Xuân Lộc khỏi Biên Hòa, làm Xuân Lộc rơi vào thế bị vây kín hoàn toàn. Cái đoạn bạn viết rõ ràng là biện hộ, thất bại là mẹ thành công, phải công nhận một điều là có lẽ do ta quá chủ quan, không lường trước được sức kháng cự của Sư 18 và ta chưa áp chế đủ sân bay Biên Hòa để tránh bi oanh kích đường không nên ta thất bại trong giai đoạn đầu.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tamking trong 01 Tháng Tư, 2012, 10:35:18 am
Cái đoạn bạn viết rõ ràng là biện hộ

Biện hộ cho ai ?  ???

Khi thay đổi cách đánh thì sư 7 vẫn đánh trong Xuân Lộc

phải công nhận một điều là có lẽ do ta quá chủ quan


Tôi thấy đau đớn khi đọc câu nói trên

Dưới góc nhìn của bạn thì thật là không giống như đang thảo luận, cách nói của bạn giống chỉ trích hơn , bạn nghĩ cứ thay đổi chiến thuật  thì đều là do trước đó chủ quan sao, còn đánh công kiên mà không ào lên áp đảo được ngay từ đầu thì bạn xem như không đánh ( hay đi vòng ) - tự hỏi là nếu tràn ngập được với thiệt hại khổng lồ thì liệu bạn có nói là đánh " Biển người "  ???

QĐ 4 không chủ quan, khi Tây Nguyên thất thủ - QĐ 4 thấy Xuân Lộc nao núng mất tinh thần đã xin đánh ngay - nhưng không được chấp thuận - trận Xuân Lộc nổ ra muộn khi Xuân Lộc đã được tăng cường phòng ngự, F 9 điều đi về hướng Tây Nam trong đội hình 232, binh khí kĩ thuật của QĐ 4 thì không nhiều, QĐ 2 chưa vào tới... các yếu tố đó không phải là chủ quan - chỉ là không phải cái gì cũng được như ý thôi, cái không được như ý đó được bạn gọi là chủ quan


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: altus trong 01 Tháng Tư, 2012, 03:01:58 pm
Tôi thì nhận định rằng QĐ 4 và BCH CZ HCM lúc đầu không định đánh Xuân Lộc cấp tốc. Quyết định giải quyết Xuân Lộc nhanh là do QUTW ở Hà Nội đưa vào.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: qtdc trong 01 Tháng Tư, 2012, 05:24:10 pm
Bác altus nói cũng có lý.
Đọc kỹ "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng" em thấy thế này:
"...Ngày 3-4, anh Văn Tiến Dũng cùng Đoàn A.75 vào đến Sở chỉ huy Miền. Anh Đinh Đức Thiện đến liền sau đó. Mấy hôm sau, anh Lê Đức Thọ cũng vào đến nơi. Với tinh thần tích cực, khẩn trương, ngày 7-4-1975, Trung ương Cục duyệt kế hoạch tiến công Sài Gòn - Gia Định.
      Tư liệu sau này cho biết: anh Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục chủ trì cuộc họp. Kế hoạch tác chiến chiến dịch do anh Lê Ngọc Hiền trình bày gồm hai bước:
      Trước mắt, từ ngày 8-4 tiến công chia cắt chiến lược và bao vây đánh trận "rúng động", đánh vùng ven và 8 mục tiêu trong nội thành, chuẩn bị cho tổng tiến công. Nếu thuận lợi địch tan rã, thì phát triển thọc sâu ngay, phối hợp với quần chúng nổi dậy đánh chiếm thành phố.
      Bước hai dự kiến từ ngày 15 đến 20-4, thực hiện đột kích Sài Gòn trên năm hướng. Lực lượng sử dụng từ ba đến năm sư đoàn chủ lực, bảy đoàn đặc công, 60 tổ biệt động, cùng với lực lượng du kích và khoảng 50 ngàn quần chúng nổi dậy tại chỗ. Anh Trần Văn Trà báo cáo thêm về địa hình vùng phụ cận Sài Gòn, về bố trí của địch trong nội thành, lực lượng không quân và hải quân nguỵ, và nêu rõ tiêu diệt được Sư đoàn 18 nguỵ, thực hành bao vây cô lập Sài Gòn, sẽ làm "rúng động" toàn bộ và nảy ra thời cơ mới. Nếu địch co cụm thì chuẩn bị thêm lực lượng, nhưng phải giải quyết xong trong tháng 4.
      Các anh Ba Trần(5), Trần Lương, Hai Xô(6), Hai Văn(7), Đồng Văn Cống, Lê Văn Tưởng, Đinh Đức Thiện biểu thị nhất trí với kế hoạch, đề nghị cần tranh thủ bất ngờ, bảo đảm hậu cần, đẩy mạnh binh vận, chú trọng tổ chức quân quản thành phố. Anh Võ Văn Kiệt tin tưởng nhất định thắng, nhấn mạnh cần đưa ngay chủ lực vào sâu trong thành phố, vận động quần chúng bung ra, giành thắng lợi thật nhanh, thật kịp thời, đỡ vất vả. Anh Nguyễn Văn Linh thấy cần tiến công liên tục, không nên có khoảng cách, làm cho địch không kịp trở tay.
      Hào hứng, phấn khởi, đầy trách nhiệm, các anh phân tích sâu sắc tình hình, đề ra nhiều ý kiến đi sâu vào từng khía cạnh cụ thể.
      Kết luận hội nghị, anh Phạm Hùng nêu rõ sự nhất trí, phấn khởi đối với kế hoạch tiến công. Nếu cắt được đường số 4 và diệt được Sư đoàn 18 thì đột kích ngay, không chờ lực lượng vào đủ. Cần tổ chức hiệp đồng, tập trung lãnh đạo bảo đảm các mặt để giành chiến thắng.
      Về tổ chức chỉ huy, sẽ bàn thêm với anh Lê Đức Thọ.
      Anh Văn Tiến Dũng thay mặt cơ quan tiền phương Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh phát biểu ý kiến. Rất mừng trước việc Trung ương Cục, Quân uỷ Miền biểu thị sự nhất trí về kế hoạch tiến công Sài Gòn, anh nhấn mạnh ta có ưu thế về lực lượng quân sự và lực lượng chính trị, cần dứt điểm càng nhanh càng tốt. Anh nói đã điện ra đề nghị Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương đốc thúc tăng cường lực lượng vào chiến trường trọng điểm...."


Những băn khoăn trước sau trận Xuân Lộc về trận đánh lớn này em thấy cụ Hoàng Cầm đã nghiền ngẫm và viết khá kỹ với một tinh thần rất thẳng thắn trong "Chặng đường 10 nghìn ngày" và cũng đã được các bác nêu lên trong thảo luận rồi.

Trước trận đánh, cụ Cầm có trao đổi với cụ Trần Văn Trà xuống trao nhiệm vụ về những băn khoăn, cụ Trà thông cảm nhưng trả lời: - Bộ điện vào nhắc tụi mình cần chủ động không trông chờ

Xét ra với lực lượng của riêng Quân đoàn 4 tại thời điểm Phan Rang chưa giải phóng, QD2 chưa vào thì ta chưa có ưu thế chắc thắng như trong chỉ thị: "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", vì đơn giản ta chưa đủ lực lượng dự bị sẵn sàng tại trận. Và trong bước trước mắt như nói trên, dẫn theo "Tổng hành dinh..." ngay trận sư đoàn 5 đánh vào Thủ Thừa Long An cũng không thành công như mong đợi.

Nhưng rõ ràng trận Xuân Lộc đã đánh quỵ sư đoàn 18 và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giai đoạn tổng tấn công và đó là công lao của QD 4.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 01 Tháng Tư, 2012, 05:26:25 pm
Cái đoạn bạn viết rõ ràng là biện hộ

Biện hộ cho ai ?  ???

Khi thay đổi cách đánh thì sư 7 vẫn đánh trong Xuân Lộc

phải công nhận một điều là có lẽ do ta quá chủ quan


Tôi thấy đau đớn khi đọc câu nói trên

Dưới góc nhìn của bạn thì thật là không giống như đang thảo luận, cách nói của bạn giống chỉ trích hơn , bạn nghĩ cứ thay đổi chiến thuật  thì đều là do trước đó chủ quan sao, còn đánh công kiên mà không ào lên áp đảo được ngay từ đầu thì bạn xem như không đánh ( hay đi vòng ) - tự hỏi là nếu tràn ngập được với thiệt hại khổng lồ thì liệu bạn có nói là đánh " Biển người "  ???

QĐ 4 không chủ quan, khi Tây Nguyên thất thủ - QĐ 4 thấy Xuân Lộc nao núng mất tinh thần đã xin đánh ngay - nhưng không được chấp thuận - trận Xuân Lộc nổ ra muộn khi Xuân Lộc đã được tăng cường phòng ngự, F 9 điều đi về hướng Tây Nam trong đội hình 232, binh khí kĩ thuật của QĐ 4 thì không nhiều, QĐ 2 chưa vào tới... các yếu tố đó không phải là chủ quan - chỉ là không phải cái gì cũng được như ý thôi, cái không được như ý đó được bạn gọi là chủ quan
Bạn có chắc khi Quân Đoàn 4 đánh Xuân Lộc ngay sau Tây Nguyên, Quân Đoàn 4 trụ được lại đó bao lâu khi mà Cả vùng duyên hải Miền Trung chưa giải phóng, Sài Gòn vẫn còn những đơn vị mạnh chưa bị tan rã ? Sân bay Biên Hòa, Thành Sơn chưa bị áp chế thì phòng thủ Xuân Lộc khi đó sẽ là địa ngục hay thiên đường ???
Không thừa nhận thất bại chính là biện hộ. Tại sao một số đơn vị của sư 7 chiếm được nhiều vị trí rồi phải rút hay mất lại vào tay phía VNCH ? Tại sao đến ngày 20/4, khi cánh quân phía Đông đến, Quân Đoàn 4 được tăng cường thêm trung đoàn 95B và pháo để dứt điểm Xuân Lộc ? Ai cũng phải có sai lầm, chủ yếu là cách khắc phục và sửa chữa.

Tôi chả trách móc ai, bạn nên xem lại thái độ thảo luận của mình.

Bác tus bác qtdc: Em nghĩ chuyện đánh Xuân Lộc trước cả Phan Rang là do ta muốn làm hổng lưng phòng tuyến Phan Rang, quê nhà của Thiệu ngay trước khi nổ súng. 9/4 đánh Xuân Lộc thì 14 mới đánh Phan Rang. Chắc QUTW lo phòng tuyến Phan Rang sẽ khó đánh.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tamking trong 01 Tháng Tư, 2012, 06:18:02 pm
Không thừa nhận thất bại chính là biện hộ.  Tại sao một số đơn vị của sư 7 chiếm được nhiều vị trí rồi phải rút hay mất lại vào tay phía VNCH ? Tại sao đến ngày 20/4, khi cánh quân phía Đông đến, Quân Đoàn 4 được tăng cường thêm trung đoàn 95B và pháo để dứt điểm Xuân Lộc ? Ai cũng phải có sai lầm, chủ yếu là cách khắc phục và sửa chữa.

ý bạn là thất bại - QĐ 4 hay F7 thất bại  ??? - bạn dùng từ đó không hợp đâu !

Chẳng lẻ kế hoạch vạch ra - khi thực thi có đột biến , xảy ra tình huống ngoài dự kiến là thất bại , ý đồ là một chuyện, thế nếu cái thiệt hại đó là do phía bên kia tăng cường phòng thủ và đưa nhiều đơn vị tới thì sao ?  ??? - tình huống trận đánh gặp nhiều khó khăn nên phải tăng cường thì xuất hiện nhiều vô kể - cái đó không thể gọi là thất bại được

Còn chuyện rút - nếu hỏa lực đối phương mạnh hơn nên phải rút mà gọi là thất bại thì ở BGPB có tình huống ta chiếm được nhưng hỏa lực pháo của TQ rất mạnh ( vì họ nhiều hơn ) dập vào nên ta phải rút để bảo toàn...nên ở lại chăng ? - cả trong KCCM - khi Mĩ còn ở miền Nam - Gần như không có trận nào ta tràn ngập được một căn cứ do lính Mĩ cố thủ cả - có chiếm được nhưng phải rút ngay vì ở lại là dính pháo bầy và B-52 - cái đó là chiến thuật hay thất bại ?

Lịch sử chiến tranh có vô số tình huống cần thay đổi chiến thuật so với khi lên phương án - đơn giản là 2 bên chiến tuyến đều cùng nỗ lực thì đó là hình thức đấu tranh tư duy của các chỉ huy thôi và tăng cường là hành động cụ thể , là kết quả của cái tư duy đó thôi

Ngoài ra các thành viên và Mod Altus cũng đã chỉ rõ là đánh gấp với phương án như thế không phải là chủ trương của QĐ 4 - như thế có đủ để bạn nhìn lại chưa ( ý đồ của QUTW là mệnh lệnh - có điều không thành văn và là tối cao - không thể làm khác ) - nếu bạn xem đó là thất bại thì tại vì thực hiện theo đó mà ra nông nỗi đó  ....

Hay bạn có phương án tốt hơn thì nêu ra để mọi người thảo luận


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 01 Tháng Tư, 2012, 07:12:37 pm
Thất bại bước đầu, không làm đúng được mục tiêu đề ra, chiếm được, mà không đủ sức giữ hay bị đánh bật trở ra cũng là thất bại.
Nghiên cứu lịch sử mà duy ý chí, chỉ có ta thắng địch thua, còn ta thua thì bảo là do tình thế ta phải thế này thế kia thì nghiên cứu làm gì ?
Chẳng lẻ kế hoạch vạch ra - khi thực thi có đột biến , xảy ra tình huống ngoài dự kiến là thất bại , ý đồ là một chuyện, thế nếu cái thiệt hại đó là do phía bên kia tăng cường phòng thủ và đưa nhiều đơn vị tới thì sao ?
Một vị tướng khi ra trận luôn phải lường trước được các tình huống tiếp viện, hỏa lực, chỉ huy 1 quân đoàn và 1 chiến dịch không như bạn đánh trận giả bằng mồm.

Ngoài ra các thành viên và Mod Altus cũng đã chỉ rõ là đánh gấp với phương án như thế không phải là chủ trương của QĐ 4 - như thế có đủ để bạn nhìn lại chưa ( ý đồ của QUTW là mệnh lệnh - có điều không thành văn và là tối cao - không thể làm khác ) - nếu bạn xem đó là thất bại thì tại vì thực hiện theo đó mà ra nông nỗi đó  ....
Bạn nên phân biệt rõ ý đồ và kế hoạch tác chiến thực tế nhé. Hai cái ấy là 1 sao ?
Bạn vẫn chưa trả lời tôi nếu QD4 đánh từ ngay sau Tây Nguyên thì hậu quả sẽ thế nào cơ mà  ;)
Không có chữ nếu trong lịch sử, phương án tốt nhất là phương án dành chiến thắng, và phương án đánh từ sau ngày 15/4 đã chứng minh điều đó, dù bản thân nó là thành quả của các trận đánh từ 9/4


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: qtdc trong 01 Tháng Tư, 2012, 08:26:26 pm
Các bác ơi, còn nhiều yếu tố để cấp trên quyết đánh lắm, không đơn giản. Mỹ thế nào? Cụ Hoàng Cầm còn đặt vấn đề với cụ Trà về lính thủy đánh bộ Mỹ vào qua Vũng Tàu. Rồi đánh nhanh để đuổi nó đi sớm chẳng hạn. Đến lúc nó bắt tay được với anh Béo thì sao nào, sắp mùa mưa đến nơi rồi. Những cái đó thì bé tí tì ti như ta đâu biết được. Máy bay Mỹ cho di tản thoải mái, đánh máy bay VNCH thôi. Cả sư đoàn tên lửa vào làm gì mấy đâu. Xem đoạn trích thấy các cụ hy vọng nổi dậy lắm đấy chứ.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: danviet trong 02 Tháng Tư, 2012, 07:38:52 am
phương án tốt nhất là phương án dành chiến thắng,


Chỗ này nghe rất hiển nhiên, nhưng theo mình còn phải kèm theo một loạt những định nghĩa, thông số khác nữa. Chẳng hạn các tỷ lệ nguồn lực/lợi ích/tổn thất/thời gian; tính bộ phận/toàn cục; dài hạn/ngắn hạn nữa.

Không có chữ nếu trong lịch sử,

Câu này cũng có vẻ như một tiên đề mà mọi người hay sử dụng, nghe thì hiển nhiên quá, chả phải cứ lịch sử, mà một việc mới xảy ra hôm qua, vừa xảy ra lúc nãy... thì ta cũng không "nếu" mà thay đổi nó được. Nhưng nói to thì là "nghiên cứu", nói nhỏ thì là "bàn bạc, thảo luận" những câu chuyện lịch sử thì hà cớ gì mà không "nếu". Lật đi lật lại vấn đề chính là một phương pháp tìm hiểu.

Một vị tướng khi ra trận luôn phải lường trước được các tình huống tiếp viện, hỏa lực, chỉ huy 1 quân đoàn và 1 chiến dịch không như bạn đánh trận giả bằng mồm.
Thì mọi người ở đây cũng đang đánh trận bằng bàn phím cả thôi mà bạn. Có điều nếu bên kia cũng lường hết được như thế, không có gì thay đổi thì hai bên bước vào một ván đánh lập trình sẵn, thậm chí biết trước thắng thua trước khi khai cuộc? Hoặc nếu không ta tiên liệu hết, còn đối phương là trẻ nít?

Vài điều ngoài lề, không có gì đóng góp thêm vào chủ đề chính.
 


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 02 Tháng Tư, 2012, 04:14:10 pm
Chỗ này nghe rất hiển nhiên, nhưng theo mình còn phải kèm theo một loạt những định nghĩa, thông số khác nữa. Chẳng hạn các tỷ lệ nguồn lực/lợi ích/tổn thất/thời gian; tính bộ phận/toàn cục; dài hạn/ngắn hạn nữa.
Vậy bác có gì hay hơn là bắt bẻ câu chữ không ;)


Trích dẫn
Câu này cũng có vẻ như một tiên đề mà mọi người hay sử dụng, nghe thì hiển nhiên quá, chả phải cứ lịch sử, mà một việc mới xảy ra hôm qua, vừa xảy ra lúc nãy... thì ta cũng không "nếu" mà thay đổi nó được. Nhưng nói to thì là "nghiên cứu", nói nhỏ thì là "bàn bạc, thảo luận" những câu chuyện lịch sử thì hà cớ gì mà không "nếu". Lật đi lật lại vấn đề chính là một phương pháp tìm hiểu.
Lật đi lật lại không có nghĩa là đưa những giả thiết không có thực vào tìm hiểu. Bác không thể: nếu tao trúng số thì tao giàu, hay: nếu mậu thân mà thắng, thì đã giải phóng từ 1968  ;)

Trích dẫn
Thì mọi người ở đây cũng đang đánh trận bằng bàn phím cả thôi mà bạn. Có điều nếu bên kia cũng lường hết được như thế, không có gì thay đổi thì hai bên bước vào một ván đánh lập trình sẵn, thậm chí biết trước thắng thua trước khi khai cuộc? Hoặc nếu không ta tiên liệu hết, còn đối phương là trẻ nít?

Vài điều ngoài lề, không có gì đóng góp thêm vào chủ đề chính.
Ra trận mà không lường được tối đa khả năng, tình huống xảy ra trên mặt trận để đưa ra nhiều giải pháp tình thế có sẵn, khi cần, áp dụng ngay lập tức là một thất bại trước khi ra trận. Nếu trận đánh là một ván cờ lập trình sẵn, thì em nghĩ đó là mơ ước của các vị tướng, không cho đối phương có cơ hội làm khác những điều mình tiên liệu tức là đưa đối phương vào chỗ chết và có thể xuống tay bất cứ lúc nào. Tình huống ngoài dự kiến không thể không có, nhưng chủ yếu, nó nằm ở mức độ nào chứ không thể trẻ con như kiểu bạn tamking bào chữa :
Chẳng lẻ kế hoạch vạch ra - khi thực thi có đột biến , xảy ra tình huống ngoài dự kiến là thất bại , ý đồ là một chuyện, thế nếu cái thiệt hại đó là do phía bên kia tăng cường phòng thủ và đưa nhiều đơn vị tới thì sao ?  - tình huống trận đánh gặp nhiều khó khăn nên phải tăng cường thì xuất hiện nhiều vô kể - cái đó không thể gọi là thất bại được


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tamking trong 02 Tháng Tư, 2012, 04:38:19 pm
Theo ý  bạn cứ  không thắng là tại chủ quan - kiểu này chắc xử theo quân pháp không biết bao nhiêu chỉ huy

Bạn cực đoan quá !

không cho đối phương có cơ hội làm khác những điều mình tiên liệu tức là đưa đối phương vào chỗ chết và có thể xuống tay bất cứ lúc nào

Nói thì lúc nào cũng dễ - mình không bao giờ dám phê bình hay " xét lại "  lại chuyện chiến thuật đánh nhau của người đi trước - bạn biết tại sao không ? - Vì mình sợ nếu là mình thì mình còn làm tệ hơn - và còn quá nhiều điều trong cuộc không bao giờ mình biết - cái đại cuộc gây sức ép to lớn lên con người thời đó


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 02 Tháng Tư, 2012, 04:43:28 pm
Theo ý  bạn cứ  không thắng là tại chủ quan - kiểu này chắc xử theo quân pháp không biết bao nhiêu chỉ huy

Bạn cực đoan quá !
Phản ứng yếu ớt quá  ;D, thắng bại là chuyện thường tình của binh gia, như tôi đã nói, chủ yếu là cách khắc phục sau này  ;)

Nói thì lúc nào cũng dễ - mình không bao giờ dám phê bình hay " xét lại "  lại chuyện chiến thuật đánh nhau của người đi trước - bạn biết tại sao không ? - Vì mình sợ nếu là mình thì mình còn làm tệ hơn - và còn quá nhiều điều trong cuộc không bao giờ mình biết - cái đại cuộc gây sức ép to lớn lên con người thời đó

A, nhắc vấn đề xét lại, đây chỉ là nhận xét cá nhân, tôi và bạn đang tranh luận, nếu nhận xét của bạn, không đấu lại nhận xét của tôi, bạn không bảo vệ được nhận xét của bạn, thì đương nhiên nhận xét của tôi thắng và tôi tạm thời đúng. Bạn không dám nhận xét hay xét lại, không dám nghĩ mình có thể làm thì bạn nói chuyện đại cục làm gì ? Đừng sa đà vào bắt bẻ câu chữ quá chứ  ;)


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: danviet trong 02 Tháng Tư, 2012, 07:43:28 pm
Vậy bác có gì hay hơn là bắt bẻ câu chữ không ;)

Bắt bẻ câu chữ ư? Câu chữ của bạn có gì sai à? ;D
Ý của mình là chiến thắng nó phải đặt trong tất cả các mối quan hệ đó, vậy thôi. Còn thắng thì có nhiều kiểu thắng lắm.

Lật đi lật lại không có nghĩa là đưa những giả thiết không có thực vào tìm hiểu. Bác không thể: nếu tao trúng số thì tao giàu, hay: nếu mậu thân mà thắng, thì đã giải phóng từ 1968  ;)


Bạn lấy ở đâu những cái "giả thiết không có thực" vậy. Còn đang tranh cãi tìm chân lý thì đừng vội đưa cái gì ra làm chân lý, hay cái gì là giả.
Lấy một ví dụ khác nhé "Nếu trong chiến dịch ABC, nếu nghiên cứu tình hình tốt hơn, nếu phối hợp vũ trang với đấu tranh chính trị, dân vận địch vận.... thì kết quả tốt hơn". Đó là những bài học lịch sử để tiến hành những chiến dịch DEF về sau này vậy. Có khi có thể hiểu một sự kiện lịch sử có một số yếu tố chưa rõ giống như một cái hộp đen ấy, thử phản ứng của nó với các tổ hợp đầu vào khác nhau để xem có thể biết được bản chất bên trong của nó là cái gì. Đồng ý là không phải cái nào cũng nếu-thì, nhưng làm gì có chuyên không có chữ "nếu"...

Ra trận mà không lường được tối đa khả năng,

Bạn hạ cấp xuống "tối đa" rồi nhé. Cái "tối đa" ấy có giới hạn không? Nó có sai số con người, nó phụ thuộc vào đối phương phản ứng ra sao, nó phụ thuộc vào thời tiết, nó phụ thuộc vào cấp trên, vào các đơn vị phối hợp, một quả bom rơi lệch đi vài trăm mét hay một viên đạn lệch đi vài phân... nhiều yếu tố biến thiên chứ. Vậy cái "tối đa" ấy hiểu là "theo khả năng" nhé? Còn khả năng đến đâu thì tùy.

E là rời xa chủ đề không hay. Bạn cứ chốt ý kiến. Mình cũng không có gì nói thêm.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 02 Tháng Tư, 2012, 08:53:59 pm
Suy cho cùng bác muốn nói gì với tôi ? Nếu bác muốn hiểu ý tôi muốn gì thì xem lại từ đầu tranh luận.
Còn thực sự tôi chả hiểu ý bác muốn tôi chốt cái gì ? Chốt cái tối đa à ? Hay tôi hạ cáp ? Tôi nâng cấp cái gì bao giờ mà bảo tôi hạ cấp ? Tốt nhất toi khuyên bác nên xem lại từ đầu, thế thôi


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: vmt trong 02 Tháng Tư, 2012, 09:26:37 pm
 Trận Xuân lộc để lại nhiều bài học mà phải tốn nhiều xương máu ta mới rút ra được .Ta cùng tham khảo bài viết này trên báo quân đội nhân dân
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/4/4/41/2605/Default.aspx


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: hoangdang_hm trong 03 Tháng Tư, 2012, 12:25:51 pm
 Nói tóm lại là mình ủng hộ lập luận của bác Desantnhik. Nếu như trước tiên ở trên nhận định thì có lẽ đã sử dụng phương án vây-lấn từ đầu rồi.
  Các bác cũng nói "đây là một bài học đắt giá" mà:). Đã nói là thất bại thì quyết định của BCH CZ HCM hay QUTW cũng vậy thôi.
 


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: Lý_Lọc_Lừa trong 14 Tháng Tư, 2012, 12:58:16 pm
400 đại biểu bàn về ý nghĩa của chiến dịch Xuân Lộc

Hội thảo khoa học với chủ đề "Mặt trận hướng Đông từ chiến dịch Xuân Lộc đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử" sẽ diễn ra tại hội trường Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai trong ngày 24-25/4.

Hội thảo do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Đồng Nai phối hợp tổ chức. Dự kiến sẽ có hơn 400 khách mời gồm các nhà khoa học, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo đơn vị quân sự các cấp... tham gia.

Theo trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, một số vấn đề, thông tin mới sẽ được công bố từ chính các cựu tướng lĩnh từng là nhân chứng của chiến dịch Xuân Lộc. "Hội thảo cũng sẽ làm rõ tư tưởng chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật quân sự tài tình của quân đội nhân dân Việt Nam đã được đúc kết trong chiến dịch", tướng Dũng nói.

(http://nk1.upanh.com/b5.s13.d5/489b32a6e2dcc59613176b816a6279c6_43408341.hoithao1.jpg) (http://www.upanh.com/hoi-thao-1_upanh/v/4rx33z4wbux.htm)
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo công bố nội dung Hội thảo "Mặt trận hướng Đông - từ chiến dịch Xuân Lộc đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử". Ảnh: Tá Lâm

Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết thêm, hội thảo còn nhằm khẳng định và làm rõ tính đúng đắn, sáng tạo về chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trong chiến dịch này. "Một điều đặc biệt, trong hội thảo này không chỉ có các nhân chứng lịch sử nói về chiến dịch Xuân Lộc mà còn có những đánh giá của các nhà nghiên cứu trên thế giới", tướng Đạo khẳng định.

Đã có hơn 100 bài tham luận được gửi đến hội thảo, trong đó có nhiều nhân chứng lịch sử như trung tướng Lê Nam Phong, Nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1; thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai; Phan Văn Trang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai...

Cách đây 37 năm, Trung ương Cục và Quân ủy Miền đã chỉ huy các lực lượng vũ trang và nhân dân mở chiến dịch tấn công Xuân Lộc (Đồng Nai), phá tan tuyến phòng ngự được mệnh danh là "cánh cửa thép" trên hướng đông Sài Gòn.

Ngày 21/4/1974 chiến dịch Xuân Lộc giành thắng lợi tạo điều kiện cho chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi nhanh chóng, giải phóng miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.



http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/04/400-dai-bieu-ban-ve-y-nghia-cua-chien-dich-xuan-loc/


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: DesantnhikVDV trong 25 Tháng Tư, 2012, 12:45:42 am
http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/04/chien-dich-xuan-loc-qua-goc-nhin-cua-mot-vi-tuong/

Trung tướng Lê Nam Phong nói tiếp, phương án hai là tập trung lực lượng gồm 3 sư đoàn, một lữ đoàn và pháo binh đánh nhanh vào các mục tiêu và vị trí then chốt. "Do đánh giá chưa đúng tương quan lực lượng, tuyến phòng thủ Xuân Lộc và sự ngoan cố của địch nên quân ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất và không hoàn thành được mục tiêu đề ra ngay trong 3 ngày đầu chiến dịch", tướng Phong nói.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: vietcong91 trong 01 Tháng Năm, 2012, 08:21:26 am
Vậy chính xác, con số thương vong của ta ở Xuân Lộc là bao nhiêu các bác ?, 250, 460, 2500 (wiki), 4000 (nguồn Ngụy) hay 5000 (nguồn Mỹ). Một vài "truyền thuyết" còn hô hào diệt 2 sư đoàn VC, trên 10000 mới kinh  :(


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: panphilov trong 01 Tháng Năm, 2012, 08:56:46 am
Vậy chính xác, con số thương vong của ta ở Xuân Lộc là bao nhiêu các bác ?, 250, 460, 2500 (wiki), 4000 (nguồn Ngụy) hay 5000 (nguồn Mỹ). Một vài "truyền thuyết" còn hô hào diệt 2 sư đoàn VC, trên 10000 mới kinh  :(

Họ ước tính con số thương vong dựa trên việc đếm tại một số nơi, rồi dùng phương pháp toán để suy ra. Kết quả tỉ lệ thuận với quân số tham gia của đối phương. Theo tài liệu phía Mỹ và VNCH thì quân số mình trên toàn mặt tuyến Xuân Lộc - Long Khánh là khoảng 40.000 người. Kết quả này là dựa trên việc tính phía mình có "Quân đoàn 4 (thiếu Sư đoàn 9) tăng cường Sư đoàn bộ binh 6 (Quân khu 7), ngoài ra còn một trung đoàn tăng, thiết giáp, một trung đoàn pháo binh, sau còn được tăng cường thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn bộ binh 325) và một đại đội xe tăng" thì tương đương 4 sư đoàn, mỗi sư đoàn 10.000 quân. Nhưng thực tế là thời điểm đánh Xuân Lộc, Quân đoàn 4 bị tiêu hao khá nhiều sau đợt hoạt động từ giữa năm 1974 (chốt chặn đường 13, Phước Long, Dầu Tiếng - Đường 20), cho nên quân số mỗi sư không còn đủ 10.000 đâu. Đại đội 7 (Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư 7) đánh Phước Long chỉ còn 7 tay súng. Cho nên, cứ đem con số 4 hoặc 5.000 chia cho 2 hoặc 3 là ra con số sát.  


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: vietcong91 trong 01 Tháng Năm, 2012, 09:10:17 am
Em cám ơn bác, cái "truyền thyuết xóa xổ 2 sư đoàn VC" là của mấy chú đi nghĩa vụ vài tháng đó mà  ;D, để ý thấy mấy chú đó nói dóc bà cố luôn  ;D (ý cá nhân em). Như nguồn Mỹ nó chỉ ước tính toàn bộ trận là 5000, còn trong sách của ông sử Tây nào đó, ở trang 6 trong vnmilitary nhà ta thì cụ thể hơn là 250 PAVN   :-\. Chứ còn "truyền miệng xóa xổ 2 sư" thế hóa ra ta hội quân ra đồng trơ trọi để mất 20000 à  :-[, kết luận 2500 là con số có thể chấp nhận được  :'(



Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: panphilov trong 01 Tháng Năm, 2012, 12:53:47 pm
Em cám ơn bác, cái "truyền thyuết xóa xổ 2 sư đoàn VC" là của mấy chú đi nghĩa vụ vài tháng đó mà  ;D, để ý thấy mấy chú đó nói dóc bà cố luôn  ;D (ý cá nhân em). Như nguồn Mỹ nó chỉ ước tính toàn bộ trận là 5000, còn trong sách của ông sử Tây nào đó, ở trang 6 trong vnmilitary nhà ta thì cụ thể hơn là 250 PAVN   :-\. Chứ còn "truyền miệng xóa xổ 2 sư" thế hóa ra ta hội quân ra đồng trơ trọi để mất 20000 à  :-[, kết luận 2500 là con số có thể chấp nhận được  :'(

Đánh Xuân Lộc quân số Quân đoàn 4 có khoảng 2/3 tức là tầm 25.000 người, xấp xỉ quân số phía VNCH. Trong thực tế 2 Chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, mình cũng chỉ sử dụng quân số tương đương phía VNCH. Sư đoàn của Mỹ hay VNCH nó có từ 15 đến 20 nghìn quân, cho nên hệ số tỉ lệ nằm giữa 2,5 và 3. Do đó, bộ đội mình hi sinh + thương trong khoảng 1.333 đến 2.000 người, cũng xấp xỉ với phía VNCH. Điều này hợp lí vì trong đợt 1 Chiến dịch, 2 bên ở thế giằng co. Còn nếu mà xóa sổ 2 Sư đoàn thì chắc Quân đoàn 4 không đủ sức làm hiệp 2 đâu.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: thangkt trong 08 Tháng Tám, 2012, 03:18:41 pm
Các bác cho em hỏi!
Lực lượng của VNCH ở Xuân Lộc 1975 là bao nhiêu không?Sư đoàn 18 bộ binh do Lê Minh Đảo chỉ huy có bao nhiêu quân?


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: quangcan trong 08 Tháng Tám, 2012, 03:50:53 pm
Sư đoàn 18 ngụy gồm 9 tiểu đoàn (trung đoàn/chiến đoàn 43, 48 và  52),  trung đoàn 5 thiết giáp , 2 tiểu đoàn pháo, 8 đến 9 tiểu đoàn bảo an (trong đó có các tiểu đoàn 346, 364, 365, 331),  tiểu đoàn 82 biệt động quân , 3 đại đội biệt lập, 4 trung đội pháo và các lực lượng kìm kẹp khác, tương đương 2 Sư đoàn bộ binh, 100 xe tăng, xe thiết giáp, 42 khẩu pháo. Lực lượng ứng cứu trực tiếp có Lữ đoàn thiết giáp 3 ở Biên Hòa và Lữ dù 1 ở Sài Gòn.

Quân số của sư đoàn 18 ngụy thì theo đánh giá của ta lúc đó là còn nguyên vẹn, được trang bị tốt từ tổng kho Long Bình.


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: thangkt trong 09 Tháng Tám, 2012, 09:39:23 am
Em cám ơn bác!
Em vẫn không hiểu là thông thường bảng cấp quân số của 1 sư đoàn bộ binh VNCH là khoảng 10.500 quân (sư đoàn 1 bộ binh thì nhiều hơn, khoảng 13.000 quân), nhưng sư đoàn bộ binh mình thì chắc không đến. Còn 01 tiểu đoàn VNCH thường có 4 - 5 đại đội (01 đại đội chỉ huy, 01 đại dội súng nặng, 03 đại đội chiến đấu), còn mình thì 03 đại đội chiến đấu và quân số lại rất ít (chắc khoảng 300 - 400 quân (thủy quân lục chiến VNCH 01 tiểu đoàn khoảng hơn 900 quân).


Tiêu đề: Re: Phan Rang và Xuân Lộc
Gửi bởi: tamking trong 16 Tháng Tám, 2012, 03:40:32 pm
Em cám ơn bác!
Em vẫn không hiểu là thông thường bảng cấp quân số của 1 sư đoàn bộ binh VNCH là khoảng 10.500 quân (sư đoàn 1 bộ binh thì nhiều hơn, khoảng 13.000 quân), nhưng sư đoàn bộ binh mình thì chắc không đến. Còn 01 tiểu đoàn VNCH thường có 4 - 5 đại đội (01 đại đội chỉ huy, 01 đại dội súng nặng, 03 đại đội chiến đấu), còn mình thì 03 đại đội chiến đấu và quân số lại rất ít (chắc khoảng 300 - 400 quân (thủy quân lục chiến VNCH 01 tiểu đoàn khoảng hơn 900 quân).

Trong chiến tranh thì biên chế ít khi nào giống như cơ bản lúc tổ chức đâu bạn , lúc nào cũng hao hụt sau khi đánh nhau , còn lúc nguy cấp được tăng viện thì lại đông hơn  bình thường :-\

Cái chỗ khó so sánh đó là do Cách tổ chức các đơn vị của Mĩ , Nato - và các quóc gia chịu sự ảnh hưởng của Mĩ nó khác xa cách tổ chức của Liên Xô, Khối warsaw và các đồng minh, quân số của các đơn vị Mĩ thường đông hơn các đơn vị Liên Xô cùng cấp . Khi tham chiến thì luôn nghe phe ta có nhiêu đơn vị hơn nhưng thật ra là tương đương, trừ một vài trận quyết định thì ta huy động để tạo ưu thế tuyệt đối nhưng giai đoạn đầu Xuân Lộc thì không ai hơn ai đâu - F9 bị điều về hướng Tây Nam - không tham chiến