Lịch sử Quân sự Việt Nam

Thảo luận Lịch sử bảo vệ Tổ quốc => Quyết tử cho Tổ quốc... => Tác giả chủ đề:: satthat trong 04 Tháng Bảy, 2008, 01:50:27 pm



Tiêu đề: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 04 Tháng Bảy, 2008, 01:50:27 pm


Tiêu đề: Re: NHÂN VẬT LỊCH SỬ 64 TỈNH THÀNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
Gửi bởi: satthat trong 04 Tháng Bảy, 2008, 01:51:13 pm
Dương Văn Dương: vị thiếu tướng quân đội đầu tiên ở Nam bộ (tiếp theo)
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chánh Pháp. Tại Nhà Bè, được sự hướng dẫn của các đảng viên cộng sản, Ba Dương vận động, tập hợp và thống nhất nhiều băng nhóm giang hồ như Mười Lực, Chín Hiệp, Sáu Thơ, bắt đầu hoạt động bằng cách lập tiệm cơm, quán nhậu thu hút lính Pháp, lính Nhật để gạ mua hoặc dùng mưu và sức mạnh tước vũ khí trang bị cho mình, đột nhập vào nhà tay sai, ác bá trừng trị và tước súng.

Từ tháng 5-1945 đến tháng 8-1945, được sự chỉ dẫn của đảng viên, Ba Dương đã phối hợp với lực lượng “Thanh niên tiền phong” và các nhóm giang hồ khống chế, thủ tiêu hàng trăm mật thám, chỉ điểm, cảnh sát của địch ở địa phương. Đầu tháng 8-1945, nhóm vũ trang Ba Dương đã quy tụ được 70 anh em, trang bị 50 súng, có cả trọng liên 13,2 ly và đại bác nòng đôi 20 ly, trở thành nhóm vũ trang mạnh nhất ở vùng Sài Gòn lúc bấy giờ.

Nhận được chủ trương của Xứ Ủy về Tổng khởi nghĩa qua Chi bộ Đảng ở Nhà Bè, Ba Dương bí mật tập họp toàn bộ thủ lĩnh các băng nhóm giang hồ ở Nhà Bè, phổ biến kế hoạch và phân công phối hợp hoạt động. Các nhóm trên đã hoàn thành việc chiếm lĩnh các mục tiêu được phân công như Tòa án, Khám lớn Sài Gòn, Bót số 6, …giải thoát được các tù nhân bị Pháp, Nhật giam giữ.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Ba Dương lập “Thanh niên cảm tử đoàn” toàn dân “anh chị" tại Tân Quy (Nhà Bè). Nhóm Ba Dương bỏ hãng đóng tàu Ni-chi-năn để về Tân Quy tiếp tục chiêu mộ binh mã. Với tư cách là đàn anh trong vùng, Ba Dương tiếp xúc với các nhóm vũ trang lân cận và nhanh chóng thống nhất lực lượng lại thành một khối. Anh em “giang hồ tứ chiếng” liên kết lại lập bộ đội Xóm Cỏ, thống nhất tôn Ba Dương làm thủ lĩnh. Ba Dương thấy tên Xóm Cỏ, Hố Bần nghe không được “oai” cho lắm, nên mới chọn tên ấp Bình Xuyên thuộc làng Chánh Hưng để đặt. Tên này nghe “oai” hơn, vì “Bình là dẹp bằng, Xuyên là ngang dọc”, phù hợp với tôn chỉ của hảo hán. Danh xưng “bộ đội Bình Xuyên” có từ ngày ấy. Xóm cầu Rạch Đỉa trở thành Tổng hành dinh bộ đội Bình Xuyên của Ba Dương. Bộ đội Ba Dương chủ động liên kết với bộ đội Thủ Thiêm của Mười Lực, liên quân với bộ đội Hai Vĩnh đánh nhiều trận gây thanh thế.

Qua một thời xưng hùng, xưng bá, gặp dòng xoáy cách mạng cuốn hút, lực lượng Bình Xuyên đã chuyển hóa, phát triển thành những đơn vị Vệ quốc đoàn. Nhiều thủ lĩnh Bình Xuyên như Dương Văn Dương (Ba Dương), Huỳnh Văn Trí (Mười Trí), Mai Văn Vĩnh (Hai Vĩnh), Dương Văn Hà (Năm Hà, em ruột của Ba Dương)…là những người có uy tín, chân thành học hỏi các chiến sĩ cách mạng và quyết tâm phục vụ đất nước.

Dương Văn Dương kêu gọi binh sĩ Bình Xuyên “hãy tỏ rõ mình là chiến sĩ cách mạng”, tước khí giới những nhóm giang hồ nào chưa chịu từ bỏ giang hồ, đặt hình phạt đối với những người rượu chè, bê tha, ức hiếp quần chúng…

Ngày 23-9-1945, Pháp gây hấn, nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Toàn Nam bộ vùng lên kháng chiến. Phối hợp với hoạt động của các lực lượng vũ trang trong nội thành, xung quanh Sài Gòn hình thành 4 mặt trận bao vây quân địch. Cuối tháng 9-1945, mặt trận phía nam Sài Gòn-Chợ Lớn còn được gọi là mặt trận số 4 được thành lập do đảng viên kỳ cựu Nguyễn Văn Trân được cử làm Ủy trưởng quân sự. Ba Dương trực tiếp chỉ huy bộ đội Nhà Bè, Tân Thuận, Bình Đông kiêm trưởng ban do thám của mặt trận. Đến tháng 11-1945, Ba Dương được cử làm chỉ huy trưởng mặt trận số 4. Pháp tung hết lực lượng quyết chiếm Sài Gòn và vùng phụ cận. Sau khi mặt trận số 4 bị vỡ, lực lượng Bình Xuyên không chạy dài như Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn. Ba Dương lệnh các đơn vị rút về Phước An, Long Thành để chấn chỉnh lực lượng. Tại Ba Doi, Ba Dương thống nhất và củng cố các đơn vị bộ đội Thủ Thiêm, Tân Thuận, Nhà Bè, Phú Nhuận… và chọn Rừng Sác làm căn cứ kháng chiến.

Tình hình chiến sự ngày càng gay go, Pháp quyết tâm chiếm lại Nam bộ. Sài Gòn như chảo dầu sôi, quyết bảo vệ nền độc lập mới giành được. Từ chiến khu Đông Triều – Hải Phòng, Tư lệnh Nguyễn Bình vâng lệnh Bác Hồ vào Nam thống nhất các lực lượng vũ trang. Nguyễn Bình hối hả vượt đường thiên lý vào chiến trường Nam bộ. Trên đường đi, ông cố thu thập tin tức và rất mừng khi biết Bình Xuyên là một lực lượng đáng kể trong số các lực lượng ở miền Đông. Ông nghe tiếng Ba Dương từ trước và tính ngay tới việc liên kết với Ba Dương để có thế lực ngay từ đầu.

Trong khi đó, quân đội Anh-Ấn của tướng Gracey không thực hiện đúng chỉ thị của đồng minh giải giới quân Nhật, mà sử dụng quân Nhật kiềm hãm các hoạt động của dân quân, giúp bọn Pháp ngóc đầu dậy. Quân Nhật chiếm giữ các vị trí quan trọng ở ngoại thành như cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chữ Y, cầu Rạch Ong. Bộ đội của Ba Dương đóng ở hãng Ni-chi-năn phải cấp tốc dời về cầu Rạch Đỉa. Tại đây, Ba Dương vạch kế hoạch đánh chớp nhoáng vào nhiều vị trí quan trọng trong nội thành. Những trận đánh này cùng các trận quấy rối của các cánh quân khác đã làm cho các tướng lĩnh tự cao tự đại của Pháp thấy rõ dân Sài Gòn không bó tay để chúng ngang nhiên cướp nước lần thứ hai.

( còn tiếp)


Tiêu đề: Re: NHÂN VẬT LỊCH SỬ 64 TỈNH THÀNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
Gửi bởi: satthat trong 04 Tháng Bảy, 2008, 01:52:19 pm
Dương Văn Dương: vị thiếu tướng quân đội đầu tiên ở Nam bộ (tt và hết)
Tháng 10-1945, thực hiện chủ trương của đảng bộ, Ba Dương thuyết phục các băng nhóm thống nhất lại thành lực lượng vũ trang Nhà Bè do đích thân ông làm chỉ huy trưởng, Đinh Văn Nhị làm ủy viên chính trị, Từ Văn Ri tham mưu trưởng, quân số lên đến 2.000 người, trang bị 1.300 súng, có 2 đại bác, 7 trọng liên 13,2 ly, 15 trung liên. Khác với quân của Bảy Viễn (Lê Văn Viễn) chỉ lo bảo toàn lực lượng, chạy dài khi đối phương tấn công, bộ đội Nhà Bè chủ động đánh nhiều trận, trong đó có trận Cây Khô do Ba Dương trực tiếp chỉ huy, có sự phối hợp của bộ đội Tám Mạnh, phục kích tiêu diệt gọn đoàn tàu, diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, thu một tàu kéo, một xà lan và 4 ghe đầy lương thực, thực phẩm. Sau trận đánh, Khu bộ trưởng Nguyễn Bình gởi thư khen: “…Toàn quốc nghe tin bộ đội Bình Xuyên đánh giặc dũng cảm. Các anh em xứng đáng với tên Giải phóng quân Nam bộ. Nhân danh Khu bộ trưởng, tôi gởi lời khen và số tiền 3.000 đồng để ủy lạo anh em.” Đồng thời Nguyễn Bình cử Nguyễn Văn Hội, Lương Văn Trọng làm phái viên của Khu 7 tại Ban chỉ huy bộ đội Dương Văn Dương. Bộ đội Ba Dương hoạt động đúng hướng, tích cực, hiệu quả nhất và nổi danh nhờ những trận đánh táo bạo vào nội thành và trên kinh Cây Khô.

Giữa tháng 12-1945, Khu bộ trưởng Khu 7 Nguyễn Bình thăm sở chỉ huy Bình Xuyên tại Phước An, quyết định bổ nhiệm Dương Văn Dương làm Khu bộ phó Khu 7 và giao nhiệm vụ Ba Dương chỉ huy một bộ phận quan trọng lực lượng Bình Xuyên xuống chi viện cho chiến trường Khu 8 ở đồng bằng sông Cửu Long, đánh giặc trên đường đi và thống nhất lực lượng vũ trang nơi đơn vị đến.

Theo yêu cầu chi viện của Khu bộ phó Khu 8 Trương Văn Giàu, đầu năm 1946, Ba Dương triệu tập hội nghị tại Rạch Su trình bày việc đưa quân xuống tăng cường chiến khu Bến Tre, tiếp cứu mặt trận An Hóa – Giao Hòa bị Tây uy hiếp nặng. Thực hiện mệnh lệnh của Khu bộ trưởng Nguyễn Bình, Ba Dương chỉ thị chọn các đơn vị có thành tích lập liên quân gồm 5 đại đội đi Bến Tre, đích thân Ba Dương chỉ huy. Đơn vị liên quân tổ chức ăn tết trước đồng bào 3 ngày. Đêm 30 tết liên quân vượt sông Soài Rạp, xuyên qua Bình Phục Nhất, Chợ Gạo, vượt Cửa Tiểu qua An Hóa. Vừa đi vừa đánh tạo khí thế. Cánh Nhà Bè đánh Cần Giuộc, cánh Tân Thuận đánh Cần Đước, cánh Tân Quy đánh Chợ Trạm. Sau đó hợp quân tại Chợ Gạo trước khi hành quân vào Bến Tre. Nhưng khi đến bờ nam Cửa Tiểu thì được tin mặt trận An Hóa – Giao Hòa đã mất. Bộ chỉ huy quyết định tổ chức đánh đoàn tàu thực phẩm của địch, sau đó kéo quân về xã Châu Bình (Giồng Trôm) cùng hội quân với lực lượng Cộng hòa Vệ binh, Quốc gia Tự vệ cuộc của Trương Văn Giàu và Nguyễn Văn Quạn, bàn kế hoạch mở mặt trận đánh Tây và phối hợp giải tán Đệ Tam Sư đoàn đã có hành động quân phiệt làm nhân dân ta thán.

Đang hội nghị thì được tin Tây sắp tấn công. Đơn vị của Ba Dương ở ấp Bình Khương (Châu Bình) chưa kịp triển khai phòng tuyến thì bị bao vây tứ phía. Nhận thấy tình hình nguy ngập, một cán bộ tham mưu đưa ra một xấp giấy thuế thân để Ba Dương và một số anh em giả dạng thường dân “chém vè” bảo toàn lực lượng. Nhưng tính cách “anh hai” ở con người Nam bộ này vẫn như ngày nào, ông xé giấy thuế thân và trả lời người cận vệ: “Cảm ơn anh đã lo cho tôi, nhưng kẻ làm tướng mà bỏ quân chạy trước là tướng hèn. Tôi quyết không nghe theo lời anh”. Hai chiếc Spitfire bắn phá dọn đường cho bộ binh Pháp. Ba Dương xoay quanh cây rơm sau nhà trú quân, vừa tránh đạn vừa ra lệnh cho đơn vị triển khai chiến đấu. Không may, Ba Dương trúng đạn tử thương lúc 8 giờ 30 phút ngày 16 tháng Giêng năm Bính Tuất (1946), an táng tại Châu Bình và hài cốt được cải táng về nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh sau ngày miền Nam giải phóng.

Khi Ba Dương trở thành người chỉ huy quân đội, ông là vị chỉ huy gương mẫu, dũng cảm, được anh em tin yêu. Nhưng cuộc đời binh nghiệp của ông lại ngắn ngủi, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cán bộ chiến sĩ Bình Xuyên cách mạng và nhiều người ngưỡng mộ ông.

Trong giới “hảo hán” theo cách mạng, có lẽ Ba Dương là người tiêu biểu cho sự tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên và cũng là người đại diện tiêu biểu có đóng góp cho sự thành công của sự nghiệp cách mạng, mà mọi người vẫn gọi là sự nghiệp của quần chúng. Đánh giá chung về con người của Ba Dương, có sách viết “Tuy là dân giang hồ, nhưng Ba Dương có học đến tiểu học, lại có tư cách đạo đức của một thủ lĩnh, có uy tín với đàn em. Chọn Ba Dương làm người phất cao lá cờ giang hồ theo cách mạng là thủ thuật hay nhất để nắm lấy giới giang hồ mã thượng. Ba Dương tử trận, tướng Nguyễn Bình mất một cánh tay đắc lực. Lập tức Nguyễn Bình đánh điện chia buồn cho Dương Văn Hà (em cùng mẹ khác cha với Ba Dương) cùng các Chi đội trong Liên khu Bình Xuyên. Đồng thời Nguyễn Bình cùng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ đề nghị Trung ương và Bác Hồ truy phong Thiếu tướng cho Khu bộ phó Khu 7 Dương Văn Dương đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Bến Tre…”. Ngày 05-8-1948, Dương Văn Dương được truy phong hàm thiếu tướng.

Trong mật điện số 946/TRT năm 1946 gởi Khu 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời chia buồn với gia quyến Dương Văn Dương. Năm 1947, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ quyết định lấy tên Dương Văn Dương đặt cho một con kênh đào dài nhất ở Đồng Tháp Mười (45 km) nối từ huyện Tân Thạnh (Long An) sang tỉnh Đồng Tháp. Kinh Dương Văn Dương thay cho tên Lagrange, nguyên là chủ tỉnh Long An thời Pháp thuộc. Ngoài ra, Trung đoàn 300 – Trung đoàn nam tiến đánh giặc giỏi còn được vinh dự mang tên Dương Văn Dương.

( Báo Bến Tre)


Tiêu đề: Re: NHÂN VẬT LỊCH SỬ 64 TỈNH THÀNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP
Gửi bởi: satthat trong 04 Tháng Bảy, 2008, 02:15:25 pm
TỈNH CÀ MAU
Đồng chí Trần Văn Thời
Trần Văn Thời, sinh năm 1902 ở xã Phong Lạc nay là xã Lý Văn Lâm - Cà Mau, trong một gia đình nông dân yêu nước. Năm 1936 đồng chí cùng các em của mình được đồng chí Phạm Hồng Thám tuyên truyền giác ngộ cách mạng đã tích cực tham gia hoạt động. Năm 1937 đồng chí được kết nạp vào Đảng, sau đó đồng chí hoạt động rất mạnh ở vùng Cà Mau, Cái Nước. Năm 1940  đồng chí được cử làm bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, được xứ ủy chỉ định vào Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Bọn mật thám Pháp biết đồng chí là một cán bộ lãnh đạo của Đảng nên chúng ráo riết truy lùng nhưng với tinh thần cảnh giác, mưu trí, đồng chí nhiều lần thoát khỏi tay giặc.

 Năm 1940 đồng chí cùng Tỉnh ủy chỉ đạo khởi nghĩa Hòn Khoai tiến lên giải phóng toàn tỉnh. Để thi hành nghị quyết này, Tỉnh ủy thành lập Ban chỉ huy quân sự tỉnh do đồng chí phụ trách. Sau khởi nghĩa Hòn Khoai địch khủng bố và truy lùng những chiến sĩ cách mạng, đồng chí tập hợp lực lượng vào rừng U Minh xây dựng căn cứ lập xưởng sản xuất vũ khí tiếp tục chiến đấu. Năm 1941 đồng chí được cấp trên điều về xây dựng lực lượng ở Châu Đốc (lấy tên là Nguyễn Văn Chất), tháng 05/1941 đồng chí bị địch bắt tra tấn dã man nhưng đồng chí quyết bảo vệ tổ chức Đảng kể cả tên thật của mình. Đế quốc Pháp đã kết án đồng chí 20 năm tù, đày ra Côn Đảo.
 Vì bị tra tấn dã man cộng với nhà tù khắc nghiệt, năm 1942 đồng chí đã hy sinh tại nhà tù Côn Đảo.

 Để ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí với cách mạng, Tỉnh ủy đã lấy tên đồng chí đặt tên huyện Trần Văn Thời. Ngày 03/02/1997 tượng Trần Văn Thời đã được long trọng khánh thành đặt tại công viên Hùng Vương thành phố Cà Mau. (A.U).


( Báo Cà Mau)


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 04 Tháng Bảy, 2008, 09:53:05 pm
TỈNH NGHỆ AN
ANH HÙNG LIỆT SĨ TRẦN CAN
Anh hùng Trần Can sinh năm 1931, quê xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; nhập ngũ tháng 5/1951, biên chế vào Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trần Can đã tham gia Chiến dịch Tây Bắc và lập chiến công xuất sắc. Trong trận đánh địch ở Bản Hoa, Trần Can làm nhiệm vụ xung kích, dùng thủ pháo diệt một ụ súng địch để đơn vị tiến công và cùng với tiểu đội khác diệt thêm 3 ụ súng của địch rồi sông thẳng vào sở chỉ huy địch, bắt sống 22 tên địch, thu 17 khẩu súng các loại.

Trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, với chức vụ đại đội phó bộ binh, Trần Can đã chỉ huy đại đội diệt sở chỉ huy cứ điểm, điệt địch trong hầm ngầm, bắt 22 têb địch, thu nhiều vũ khí. Trần Can cũng là người cắm lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" lên trung tâm cứ điểm Him Lam.

Trong đợt tấn công vào cứ điểm 507 (gần trung tâm Mường Thanh), Trần Can cùng đồng đội đã đánh bật 4 đợt phản kích của địch. Tình thế mỗi lúc một gay go, ta và địch phải giành nhau từng tấc đất, có lúc nhảy lên khỏi chiến hào đánh giáp lá cà. Đến đợt phản kích thứ 5, Trần Can bị thương vẫn quyết tâm chiến đấu suốt hơn một ngày, đêm; đồng thời cùng đồng đội củng cố trận địa, chỉnh lại tổ chức đánh bật đợt phản kích của địch, làm chủ điểm cao 507. Trần Can đã anh dũng hy sinh khi cùng đồng đội tiến đánh vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của tướng Đờ-cát vào ngày 6/5/1954.



Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 04 Tháng Bảy, 2008, 09:55:02 pm
TỈNH HÀ TĨNH
Anh hùng liệt sỹ PHAN ĐÌNH GIÓT
Liệt sỹ Phan Đình Giót sinh năm 1920 tại Tam Quan, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh; nhập ngũ năm 1950. Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, Phan Đình Giót đã lập chiến công xuất sắc ở Tràng Bạch, Chùa Tiếng, Ba Vì... trong các chiến dịch: đường 18, Trung Du, Hoà Bình, Tây Bắc. Tham gia đánh cứ điểm Him Lam mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Phan Đình Giót là tiểu đội phó tiểu đội bộc phá thuộc Đại đội 58, Đại đoàn 312. Đại đội 58 được lệnh dùng bộc phá mở rào dây thép gai cho quân ta tiến vào tiêu diệt cứ điểm. Nhận lệnh, Phan Đình Giót cùng đồng đội đi mở đường; bản thân Phan Đình Giót đánh đến quả bộc phá thứ 9 thì bị thương vào đùi nhưng vẫn xung phong đánh quả thứ 10. Địch tại cứ điểm Him Lam tập trung hoả lực bắn vào cửa ta vừa mở làm nhiều chiến sỹ ta bị thương vong. Phan Đình Giót lao lên đánh tiếp 2 quả bộc phá, phá tan đoạn rào cuối cùng, thông cửa mở để đồng đội đánh sập lô cốt đầu tiên. Lợi dụng lúc địch hoang mang, anh vượt lên áp sát lô cốt số 2, ném thủ pháo bắn kiềm chế địch. Từ lô cốt số 2, súng địch tiếp tục nhả đạn, Phan Đình Giót dùng súng tiểu liên bắn yểm trợ cho đồng đội đồng thời lao cả thân mình vào bịt lỗ châu mai, dập tắt hỏa lực lợi hại của địch, tạo điều kiện cho đơn vị diệt gọn cứ điểm Him Lam.


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 04 Tháng Bảy, 2008, 09:57:22 pm
TỈNH THANH HOÁ
Anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện
Tô Vĩnh Diện sinh năm 1924 ở xã Nông Trường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa), nhập ngũ tháng 7/1949. Năm 1953, Tô Vĩnh Diện được điều về làm tiểu đội trưởng pháo cao xạ thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367. Trong quá trình đơn vị hành quân cơ động trên chặng đường hơn 1.000km tới vị trí tập kết, chuẩn bị đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đường kéo pháo hẹp, nhiều đèo dốc, trên cương vị là tiểu đội trưởng, Tô Vĩnh Diện thường xuyên gánh vác những việc nặng nhọc, động viên, giúp đỡ đồng đội đưa pháo tới đích an toàn.

Ngày 26/1/1954, Bộ chỉ huy mặt trận chuyển từ phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" và lệnh kéo pháo ra để chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo chắc thắng. Kéo pháo ra gian nan gấp bội phần so với kéo pháo vào bởi một phần đường kéo pháo đã bị lộ, máy bay trinh sát của địch thường xuyên do thám cho pháo binh bắn vào những vị trí chúng nghi ngờ. Thêm vào đó, sau hơn 10 ngày kéo pháo vào trụ tời đã lung lay, dây thừng đã bị sờn, ải... Qua 5 đêm kéo pháo ra, đến nửa chừng dốc "Chuối", dây tời bị đứt, pháo lao nhanh xuống dốc hất 4 chiến sỹ chèn pháo văng xuống suối. Trước tình thế đó, tiểu đội trưởng Tô Vĩnh Diện buông bánh lái, lao mình vào chèn bánh pháo. Khẩu pháo 37mm bị vướng đổ nghiêng vào sườn núi. Tấm gương hy sinh anh dũng của anh hùng liệt sỹ Tô Vĩnh Diện vào ngày 1/2/1954 đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị vươn lên hoàn thành nhiệm vụ.


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 04 Tháng Bảy, 2008, 10:20:10 pm
TỈNH HẢI DƯƠNG
Anh hùng liệt sỹ MẠC THỊ BƯỞI
Mạc Thị Bưởi là một chiến sỹ du kích, một cán bộ cơ sở, hoạt động ở địa phương. Với lòng căm thù sâu sắc bọn đế quốc, và giai cấp phong kiến áp bức, bóc lột, đồng chí khắc phục khó khăn, kiên trì xây dựng cơ sở, vận động và lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống giặc trong những năm 1946-1947, tham gia công tác phụ nữ ở địa phương. Năm 1949, địch về đóng bốt Trung Hà, tại quê hương, chúng làm hàng rào, tháp canh, càn quét, vây bắt cán bộ. Vì vậy cán bộ ở xã Nam Tân bị bật sang các vùng lân cận. Trong điều kiện khó khăn ấy, một mình đồng chí vẫn bám dân, bám đất, kiên trì hoạt động, giác ngộ nhân dân, xây dựng cơ sở kháng chiến, đào hầm bí mật, đón cán bộ về chỉ đạo kháng chiến. Kết quả, đồng chí đã tổ chức được 3 tổ nữ du kích, xây dựng 35 cơ sở ở ba thôn của xã; vận động quần chúng chống nộp thuế, đi phu cho giặc
   Năm 1950, bộ đội ta đánh bật bốt Thanh Dung(?), Mạc Thị Bưởi làm liên lạc, lúc nổ súng đồng chí đã bò qua 3 hàng rào dây thép gai và ra vào vị trí địch ba bốn lần để truyền lệnh và báo tình hình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều lần đồng chí cùng cán bộ huyện đột nhập vào các xã để diệt tề, trừ gian, bảo vệ cơ sở.
   Năm 1951, Mạc Thị Bưởi làm nhiệm vụ vận động nhân dân vùng tạm chiến chuẩn bị gạo, đường, sữa chuyển ra vùng tự do phục vụ chiến dịch Trần Hưng Đạo, đánh đường 18. Đồng chí đã tổ chức vận chuyển ra vùng tự do chu đáo. Trong chuyến cuối cùng, đồng chí không may bị địch phục kích bắt được. Từ lâu đồng chí đã bị địch theo dõi và chúng treo giải thưởng lớn, nếu ai bắt Mạc Thị Bưởi, nhưng không tìm ra tung tích đồng chí . Khi sa vào tay giặc, chúng đã tra tấn cực kỳ tàn bạo, đồng chí cắn răng chịu đựng không khai một lời, trung thành tuyệt đối với tổ chức. Biết không thể khuất phục được người con gái kiên cường này, giặc đã treo đồng chí lên bụi tre và dùng dao chọc tiết lợn giết đồng chí. Mạc Thị Bưởi hy sinh khi mới 24 tuổi xuân. Nhân dân địa phương và tất cả đồng đội vô cùng thương tiếc. Tấm gương của Mạc Thị Bưởi đã thúc dục các tất cả mọi người dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù để trả thù cho đồng chí và cho đồng bào đã bị giặc giết hại.
Ngày 31-8-1955, Mạc Thị Bưởi được Chủ tịch nước Việt nam Dân chủ Cộng Hoà tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang(LLVT) nhân dân và Huân chương quân công hạng II.
Ngày nay Đảng bộ và nhân huyện Nam Sách đã dựng tượng đài Mạc Thị Bưởi, cạnh quốc lộ 5 và xây nhà tưởng niệm tại khu vực đền thờ Mạc Đĩnh Chi để ghi công và tưởng nhớ người con gái anh hùng của quê hương.
Anh hùng liệt sỹ NGUYỄN ĐỨC TỤNG
Đồng chí Nguyễn đức Tụng, sinh năm 1918. Sinh trú quán tại xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà. Dân tộc Kinh. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hy sinh ngày 15 tháng 2 năm 1951, tại quê hương. Khi hy sinh, đồng chí là xã đội phó xã Liên Mạc.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, là con trai duy nhất trong gia đình có 6 chị em. Từ nhỏ, vốn là người thông minh, ham học, tiếp thu nhanh kiến thức xã hội, sớm có tầm nhìn rộng lớn hơn nhưng thanh niên cùng trang lứa. Năm 1946, đồng chí vào Hội nông dân cứu quốc, tháng 12 năm 1946, vào đội du kích thoát ly của xã. Đồng chí là người hăng say, gương mẫu trong công tác, dũng cảm trong chiến đấu.
Từ năm 1947 đến năm 1950, đồng chí cùng đồng đội đã đánh trả 35 trận càn của địch, tiêu hao nhiều sinh lực địch, làm cho chúng khiếp sợ, không giám thương xuyên càn quét, bảo vệ được tài sản và tính mạng của nhân dân, trấn áp bọn phản động lợi dụng tôn giáo, chống xây bốt, lập tề.
Với thành tích chiến đấu và công tác xuất sắc, năm 1948, đồng chí được kết nạp đảng. Cuối năm 1950, đồng chí được cử làm xã đội phó.
Với cương vị là xã đội phó, đồng chí đã gương mẫu, sáng tạo trong chiến đấu, làm cho phong trào du kích chiến vững mạnh.
Cuối năm 1950, tình hình địch vây ráp, càn quét vô cùng ác liệt, đội du kích xã phải chia làm nhiều nhóm nhỏ, bám dân, bám làng để hoạt động. Là một trong những người lãnh đạo đội du kịch, đồng chí vừa tham gia sản xuất để tự túc cuộc sống, vừa liên hệ với các nhóm, nắm chắc tình hình địch, báo động kịp thời cho cán bộ nằm vùng và du kích chủ động đối phó khi địch càn quét.
Cuối năm 1950, các vùng xung quanh xã địch lần lượt chiếm đóng, vùng địch hậu thu hẹp dần. Các bốt Hương Đại và Cổ Chẩm như hai gọng kìm ép chặt hai bên, nhiều làng xã kế cận bị lập tề, nhiều người dao động, một số phần tử muốn ra hàng giặc, lập tề. Trong điều kiện vô cùng khó khăn đó, đồng chí đã cùng ban chỉ huy bám sát cơ sở, lãnh đạo nhân dân đấu tranh hợp pháp, chống bắt phu, chống lập tề, xây bốt. Từ đầu năm 1951, địch thường xuyên vây ráp, tập kích bất ngờ vào địa bàn xã, lực lượng du kích phải thường xuyên thay đổi vị trí hoạt động. Khoảng 11 giờ đêm 14 tháng 2 năm 1951, Nguyễn Đức Tụng và 2 đồng chí Tiêu Công Năng (tiểu đội trưởng), Phạm Văn Lạc (tiểu đội phó) nhận nhiệm vụ đón bộ đội huyện về hoạt động tại nhà đồng chí Tụng. Do bị lộ, tên Phạm Văn Cù, nguyên là du kích, phản bội, dẫn đường cho bọn địch ở bốt Cổ Chẩm gồm trên 20 tên, do tên sĩ quan Pháp chỉ huy, bất ngờ ập vào nhà đồng chí Tụng, bắt 3 người về nhà bà Nguyễn Thị Lắm, xóm Quang Trung, trói vào gốc mít. Khoảng quá nửa đêm, lợi dụng địch sơ hở, đồng chí Tụng dùng bàn tay bị trói quặt ra phía sau cởi trói cho đồng chí Năng và đồng chí Lạc, rồi ra hiệu cho hai đồng chí trốn thoát.
Sáng 15 tháng 2, chúng cới trói, rồi cởi quần áo đồng chí Tụng, chuẩn bị tra điện vào chỗ hiểm. Trong lúc cởi quần áo, đồng chí Tụng đã quan sát thấy con dao găm đeo bên hông của tên sĩ quan Pháp đứng gần, nhanh như cắt, đồng chí với tay cướp con dao, đâm thẳng vào sường tên sĩ quan Pháp. Tên Cù đứng gần lao tới, bị đồng chí đâm thẳng vào ngực, chết ngay tại chỗ. Sau đó đồng chí chạy được một đoàn thì bị địch xả súng bắn theo. Đồng chí đã anh dũng hy sinh, để lại lòng kính trọng của đồng đội và nhân dân và lỗi kinh hoàng của quân thù. Tên sĩ quan Pháp, trên đường khiêng về bốt cùng đã chết.
Chiến công anh dũng và xuất sắc của đồng chí Tụng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng III.
Ngày 10 tháng 4 năm 2001, Chủ tịch nước đã truy tặng đồng chí danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 18 Tháng Bảy, 2008, 04:26:59 pm
HẢI PHÒNG
Phạm Ngọc Đa quê ở xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Nhà nghèo, Đa phải đi ở cho một nhà giàu. Chính những năm đi ở đấy, cậu bé  Đa 12 tuổi đã vào Đội Thiếu niên để hoạt động du kích.

    Đa bắt cóc buộc vào ống bơ thả vào đồn làm cho giặc ăn không ngon ngủ không yên. Anh đánh trâu lồng húc thẳng vào bọn giặc, cứu anh phụ trách. Đa làm liên lạc theo dõi địch, đặt mìn, vót chông, giấu cán bộ xuống hầm bí mật. Một hôm giặc đi càn. Chúng bắt được anh, hỏi anh có phải là “Thép một” không. Anh trừng mắt trả lời vào mặt chúng: “Tao là người đang muốn giết hết bọn Tây cướp nước và bọn Việt gian bán nước. Tao không biết thép… nào cả. Tất cả chúng tao đều là thép hết!”.

    Chúng bắt anh chỉ hầm bí mật. Chúng chặt một tay rồi hai tay… anh vẫn không khai nửa lời. Biết chẳng khai thác được gì ở con người gan dạ ấy nên chúng đã chặt người anh nát ra từng khúc. Anh đã hi sinh vì quê hương đất nước.

    Anh đã được Đảng và Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 18 Tháng Bảy, 2008, 04:27:56 pm
NAM HÀ
Dương Văn Nội
Dương Văn Nội quê ở Nam Hà, gia đình chuyển ra Hà Nội để kiếm sống; bố mẹ đều làm nghề bốc vác ở ga Hà Nội. Chứng kiến cảnh đánh đập, khủng bố đã man của phát xít Nhật đối với đồng bào ở nhà dầu Shell Khâm Thiên, Nội quyết tâm đi theo cách mạng để tham gia diệt phát xít Nhật, đánh đuổi thực dân Pháp.Dương Văn Nội tham gia Đội Thiếu niên cứu quốc Thủ đô làm liên lạc cho một đại đội tự vệ chiến đấu ở khu Thăng Long.

    Đầu tháng 4 năm 1947, giặc Pháp mở cuộc hành quân lớn gồm nhiều mũi tấn công vào nơi đóng quân của Đội du kích Thủ đô. Nội đã cùng các anh tham gia chiến đấu chống giặc. Với khẩu súng trường trong tay, Nội bình tĩnh ngắm địch nhả đạn. Dương Văn Nội đã giết ba tên Pháp và hi sinh oanh liệt. Hôm ấy là ngày 12-4-1947 Nội vừa bước sang tuổi 15.

    Dương Văn Nội đã được Đảng và Nhà nước ta truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhì và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.



Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 18 Tháng Bảy, 2008, 10:20:53 pm
HÀ NỘI
THIẾU TƯỚNG NGUYỄN SƠN
Họ và tên: Nguyễn Sơn (Tên thật: Vũ Nguyên Bác; bí danh Lý Anh Tự, Hồng Thuỷ)
Năm sinh: Ngày 01 tháng 10 năm 1908; mất ngày 21 tháng 10 năm 1956
Cấp bậc, chức vụ cao nhất: Thiếu tướng - Tư lệnh kiêm Chính uỷ Liên khu 4 Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Phó cục trưởng Cục Điều lệnh, Giám đốc Toà soạn “Tạp chí Huấn luyện Chiến đấu” Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Quê quán: Làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, thành phố Hà Nội.
Trú quán: Thành phố Bắc Kinh Trung Quốc; Thành phố Hà Nội.
Thành phần: Tiểu tư sản.
Năm tham gia cách mạng: Năm 1925.
Năm nhập ngũ: Năm 1945.
Ngày vào Đảng Cộng sản Trung Quốc: Năm 1927.
Năm phong quân hàm cấp tướng: Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam tháng 1 năm 1948; Thiếu tướng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc năm 1955.
 
Phần thưởng được Đảng, Nhà nước Việt Nam trao tặng1. Huân chương Quân công hạng nhì.
Phần thưởng được Đảng, Nhà nước Trung Quốc trao tặng
1. Huân chương Bát nhất hạng nhất.
2. Huân chương Giải phóng hạng nhất.
 
Quá trình tham gia cách mạng
Nguyễn Sơn rời quê hương sang Pháp năm 1923. Năm 1925, đồng chí tham gia Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang Trung Quốc học Trường Võ bị Hoàng Phố.
Tháng 8/1927, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 12 năm 1927, đồng chí tham gia khởi nghĩa ở Quảng Châu.
Năm 1929, đồng chí tham gia Hồng quân Công nông Trung Quốc, lần lượt giữ các chức vụ; Chính trị viên Đại đội, Chính uỷ Trung đoàn, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 34, Quân đoàn 12.
Tháng 1/1934, đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nước Cộng hoà Xô viết Trung Hoa, Uỷ viên Chính phủ Dân chủ Công nông Xô Viết Trung ương.
Từ năm 1934 - 1936, đồng chí tham gia “Vạn lý trường chinh”. Sau đó là Tổng Biên tập báo “Kháng địch” của Biên khu Tấn Sát Ký. Năm 1938, đồng chí là giáo viên chính trị Trường Cán bộ quân chính kháng Nhật, Biên khu Tấn Sát Ký.
Tháng 8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị đồng chí về nước tham gia đấu tranh vũ trang. Về Việt Nam đồng chí lấy tên là Nguyễn Sơn, được bổ nhiệm giữ các chức vụ: Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam. Năm 1946, đồng chí là Hiệu trưởng Trường Lục quân Trung học Quảng Ngãi. Tháng 1/1947, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 7/1947, đồng chí là Khu trưởng kiêm Chính uỷ Liên khu 4. Ngày 19/1/1948, đồng chí được Chủ tịch Chính phủ phong quân hàm thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam theo sắc lệnh số 111/SL.
Tháng 10 năm 1950, đồng chí trở lại Trung Quốc, phụ trách khoa Việt Nam bán Mặt trận thống nhất Trung ương và học tại Học viện Quân sự Nam Ninh. Năm 1954, đồng chí tốt nghiệp loại xuất sắc, được cử đến Bộ Tổng Giám Huấn luyện Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc giữ chức Phó cục trưởng Cục Điều lệnh. Sau đó được bổ nhiệm Giám đốc Toà soạn “Tạp chí Huấn luyện Chiến đấu”.
Ngày 27/9/1955, đồng chí được Nhà nước Trung Quốc phong quân hàm thiếu tướng. Đồng chí là vị tướng duy nhất của Trung Quốc là người nước ngoài.
Năm 1956, do bệnh tình trầm trọng, đồng chí xin về nước và đã từ trần ngày 21/10/1956. Lễ tang được Nhà nước Việt Nam tổ chức trọng thể và an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.
Đồng chí là tác giả của nhiều tác phẩm và bài viết về quân sự và văn học bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc.


(Nguồn: www.btlsqsvn.org.vn (http://www.btlsqsvn.org.vn))
 


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 18 Tháng Bảy, 2008, 10:33:44 pm
BẾN TRE
LIỆT SĨ TRẦN VĂN ƠN

Trần Văn Ơn sinh ngày 14-4-1931 tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Thuở nhỏ, Ơn theo gia đình lên sống tại Sài Gòn, khu Hòa Hưng. Cha Ơn, ông Trần Văn Nghĩa, là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước. Hầu hết các anh chị của Ơn đều tham gia cách mạng, có người là liệt sĩ như chị Trần Thị Lễ, công an xung phong, hy sinh năm 1948. Khi Cách mạng tháng Tám nổ ra thì Ơn đã bước vào tuổi 15 – cái tuổi cũng đã biết nhận thức được một số vấn đề của hiện thực cuộc sống đang diễn ra hàng ngày trước mắt.

   Không khí sôi sục của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, những ngày độc lập ngắn ngủi diễn ra trên thành phố quê hương, rồi giặc Pháp mưu toan trở lại, cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta bắt đầu với những chết chóc, tàn phá diễn ra khắp nơi. Đám bạn bè của Ơn, kẻ bị giặc bắt, đứa bỏ thành ra bưng biền đi theo “các anh”, đứa mất tích ở phương trời nào…

   Tất cả những sự kiện ấy đã gợi lên trong đầu óc non trẻ của cậu học sinh Trần Văn Ơn bao điều suy nghĩ, khi cắp sách trở lại trường trong vùng giặc chiếm đóng. Hơn nữa, Trần Văn Ơn cũng dần dần phát hiện ra rằng, dưới ách thống trị của giặc, thành phố Sài Gòn không phải chỉ có cam chịu mà còn có sự vùng lên bất khuất, được biểu hiện qua các phong trào quần chúng chống lại bạo quyền, bao gồm đông đảo các tầng lớp nhân dân, từ những bác thợ ở xưởng máy đến người tiểu thương ở các chợ, từ những người đạp xích lô đến các ký giả, nhà văn, từ em bé bán báo đến học sinh, sinh viên… Trong cuộc đấu tranh chống bọn xâm lược và tay sai, có không ít tiếng nói của những trí thức tiêu biểu như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, kỹ sư Lưu Văn Lang… và cả một số người Pháp tiến bộ.

   Vốn sẵn tư chất thông minh và nhạy cảm, cậu học sinh Trần Văn Ơn không những đứng đầu lớp liên tục trong nhiều niên học, được thầy yêu bạn mến, mà còn là một cột trụ của phong trào học sinh yêu nước của Trường Pétrus Ký. Trong lúc Ơn chuẩn bị thi tú tài, thì ngày 23-11-1949 ở Sài Gòn nổ ra cuộc bãi khóa của học sinh đòi "Trả tự do cho những học sinh bị bắt”, “Phản đối chính sách khủng bố học sinh trong học đường”. Phong trào như một đám cháy lớn đã nhanh chóng lan ra các tỉnh Mỹ Tho, Cần Thơ và được học sinh, sinh viên Huế, Hà Nội hưởng ứng…

   Ngày 9-1-1950, ở Sài Gòn nổ ra một cuộc biểu tình lớn của hàng ngàn học sinh kéo đến dinh của thủ tướng bù nhìn Trần Văn Hữu, đòi phải thả ngay các học sinh, sinh viên bị bắt. Trần Văn Ơn là một thành viên trong Ban lãnh đạo sinh viên, học sinh trong cuộc đấu tranh này. Nhiều phụ huynh học sinh cũng tham gia vào cuộc biểu tình. Trước đòi hỏi chính đáng đó, Trần Văn Hữu không những không đáp ứng, mà còn đe dọa nếu đến 12 giờ trưa không giải tán sẽ bị đàn áp.

   Quá 12 giờ, theo lệnh Pháp, Trần Văn Hữu cho công an, cảnh sát dùng lựu đạn cay, ma trắc, vòi rồng đàn áp tàn nhẫn cuộc biểu tình. Học sinh, sinh viên chống trả quyết liệt. Thấy không có kết quả, bọn chúng nổ súng vào đoàn biểu tình. Nhiều em học sinh ngã gục trước những làn đạn khủng bố. Trần Văn Ơn bị trúng đạn trong lúc đang cùng một người bạn khiêng nữ sinh Tạ Thị Thâu của Trường Gia Long bị bọn cảnh sát ngụy đánh ngất. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 9-1-1950. Xác Trần Văn Ơn được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy, được lực lượng học sinh cùng các y bác sĩ, công nhân ở bệnh viện túc trực canh không cho bọn địch phi tang.

  Cái chết của Trần Văn Ơn đã gây nên một niềm xúc động lớn và một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong học sinh, sinh viên và các tầng lớp đồng bào đô thị.

   Bàn thờ Trần Văn Ơn được đặt ngay tại Trường Pétrus Ký nghi ngút khói hương với dòng người viếng nối nhau liên tục. Hơn 300 vòng hoa của các đoàn thể công nhân, tri thức, công chức, nghệ sĩ, nhà báo, học sinh choáng ngập cả một quãng lớn sân trường. Trong các vòng hoa phúng điếu, đáng chú ý có vòng hoa của một nhóm người Pháp tiến bộ mang dòng chữ "Soldats démocrates" (Chiến sĩ dân chủ).

   Ngày 12-1-1950, đám tang Trần Văn Ơn được cử hành trọng thể. Một biển người đông gần nửa triệu đã kết chặt hàng ngũ tiễn đưa người liệt sĩ trẻ tuổi về nơi an nghỉ cuối cùng. Theo báo Thần chung (số ra ngày 14-1-1950) hưởng ứng đám tang Trần Văn Ơn, các hiệu buôn người Việt, người Hoa, người Ấn, các hãng tư khác hôm ấy đều đóng cửa, các loại xe rước người đi đưa đám tang không lấy tiền, hàng mấy trăm phu xích lô tình nguyện chở hơn 300 vòng hoa. Hai đại biểu học sinh ở Trung và Bắc cũng đáp máy bay vào dự tang lễ.

   Đám tang Trần Văn Ơn, trong thực tế đã trở thành cuộc biểu dương lực lượng của đồng bào yêu nước Sài Gòn - Chợ Lớn, có giá trị làm thức tỉnh mạnh mẽ tinh thần dân tộc. Điếu văn của đại biểu học sinh, sinh viên có đoạn: "Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9 tháng 1, ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã vui lòng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần bạn Trần Văn Ơn bất diệt!”.

  Từ đấy, ngày 9-1 được lấy làm Ngày kỷ niệm của học sinh, sinh viên tranh đấu trong toàn quốc hàng năm. Tháng 3-2000, Trần Văn Ơn được Nhà nước ta truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
( BÁO BẾN TRE)


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 18 Tháng Bảy, 2008, 10:41:45 pm
THÁI BÌNH
LIỆT SĨ TRẦN BÁ GIẢN

Trần Bá Giản sinh năm 1916, trong một gia đình nông dân nghèo, tại thôn Hổ Đội, thuộc tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh, (nay là xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo khó nhưng lại giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, Trần Bá Giản sớm có khí phách của người anh hùng. Bởi Thái Thụy, quê hương ông cũng chính là quê hương của những con người mà tên tuổi của họ gắn liền với những mốc son lịch sử của dân tộc, mà tiêu biểu là người cộng sản trẻ tuổi Nguyễn Đức Cảnh - một trong những lãnh tụ đầu tiên của Đảng ta.

Trần Bá Giản tham gia cách mạng từ năm 1937. Năm 1946, ông vinh dự được  đứng trong hàng ngũ những người cộng sản. Có sức khỏe, mưu trí, dũng cảm, đặc biệt gan dạ, Trần Bá Giản được cấp trên tin tưởng chọn vào đội hành động, có nhiệm vụ diệt tề, trừ gian. Cuối năm 1949, ông là Đội trưởng Đội hành động Công an huyện Thụy Anh.

Tháng 2/1950, quê hương bị giặc Pháp chiếm đóng. Một số kẻ ham sống, sợ chết cam tâm làm tay sai, chỉ điểm, dẫn đường cho quân Pháp càn quét, bắt bớ, sát hại cán bộ kháng chiến và đồng bào yêu nước. Hàng ngày, chứng kiến những cảnh ấy, ông căm hận kẻ thù đến tận xương tủy.

Tháng 8/1950, Trần Bá Giản được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy đội hành động bắt Tổng Quỳnh, một tên phản động khét tiếng gian ác ở thôn Nghĩa Chỉ, xã Hồng Châu (nay là xã Thụy Liên). Y thường dẫn địch về càn quét, đốt phá, bắn giết cán bộ, nhân dân. Nhân dân trong vùng rất căm ghét nhưng cũng rất sợ hắn.

Đánh hơi thấy sự nguy hiểm, đêm đêm, Tổng Quỳnh phải mò lên bốt Diêm Điền, cách nhà y 3 km để ngủ mà không dám nằm nhà. Trần Bá Giản đã trực tiếp xuống địa bàn, gặp gỡ nhân dân, điều tra nắm tình hình, tìm ra quy luật đi lại, sinh hoạt ăn, ở của tên Quỳnh. Ông trực tiếp lên phương án, báo cáo cấp trên và cùng đồng đội thực hiện.

Kế hoạch của đội hành động là bí mật phục kích ở những nơi tên Quỳnh thường qua lại, khi hắn xuất hiện thì xông lên bắt sống. Ba lần phục kích không thành, một số anh em nản chí, muốn thay đổi địa điểm, ông động viên anh em kiên trì chờ đợi nhưng vẫn không thấy Tổng Quỳnh xuất hiện.

Không thể để y nhởn nhơ gây tội ác, Trần Bá Giản nảy ra ý nghĩ táo bạo: đột nhập bốt Diêm Điền. Sau khi đã nắm chắc quy luật đi lại, hoạt động của Tổng Quỳnh, ông đã cùng đồng đội bí mật, bất ngờ đột nhập vào bốt Diêm Điền giữa ban ngày, bắt sống Tổng Quỳnh, dẫn giải y qua chợ huyện đang lúc đông người, nhằm khuếch trương thanh thế, sau đó mới đưa hắn về căn cứ giao cho cách mạng xét xử.

Những người ở chợ hôm đó được tận mắt chứng kiến cảnh Tổng Quỳnh mặt tái mét, người rũ như tàu lá héo, đều thấy hả hê. Hành động quả cảm  của Trần Bá Giản và anh em trong đội hành động còn làm cho kẻ địch vô cùng kinh hãi.

Đêm 1 tết Tân Mão - năm 1951, Trần Bá Giản dũng cảm, bí mật vượt qua vọng gác, đột nhập vào phòng tên Chánh Ky - chỉ huy bọn vệ sĩ ở bốt Thượng Phúc (xã Thụy Sơn). Tên Chánh Ky lúc này đang cùng một số đàn em say sưa rượu chè rồi cờ bạc sát phạt nhau mà không hay biết gì.

Sau khi đặt dao găm và thư cảnh cáo lên bàn làm việc của Chánh Ky, ông bình tĩnh rút ra ngoài. Sáng hôm sau, tỉnh rượu, Chánh Ky và bọn đàn em nhìn thấy dao găm và thư cảnh cáo, thì vô cùng hoảng hốt. Y lệnh cho bọn đàn em không được tiết lộ chuyện Công an Việt Minh lọt vào tận hang ổ, nhưng hành động “xuất quỷ nhập thần” của Trần Bá Giản nhanh chóng được lan truyền trong dân chúng và hàng ngũ địch, đã làm cho bọn phản động hoang mang lo sợ, phải chùn tay không dám hung hăng như trước.

Trần Bá Giản còn chỉ huy nhiều trận chiến đấu ngoan cường, quả cảm như bắt bọn tay sai phản động Lý Thuyết, Lý Riểu, Lý Khanh... ở xã Thụy Sơn; hay những trận tập kích táo bạo, chớp nhoáng, cướp súng địch ở bốt Kha Lý, bốt Diêm Điền, ngay giữa ban ngày làm cho địch càng hoang mang, khiếp sợ.

Phát hiện thấy bọn lính Bảo Hoàng (lính do Chính phủ Bảo Đại tuyển mộ), ban ngày thường xuyên đi lại tuần tra từ bốt Diêm Điền đến khu vực cống Thóc, xã Thụy Trình, ông chọn khu vực cống Thóc làm địa điểm phục kích để cướp súng của bọn chúng. Bọn địch lúc đi thì hàng ngũ chỉnh tề, lúc về thì uể oải, trễ nải. Từ vị trí phục kích, ông bất ngờ xông lên, miệng hô xung phong và nhanh như cắt lao vào cướp súng địch.

Một mình ông giằng co, giật được 2 khẩu súng của bọn lính và chạy. Sau giây phút bất ngờ, hoảng loạn, những tên lính Bảo Hoàng vốn ham sống sợ chết, mới nổ súng, vãi đạn về phía ông, nhưng ông đã kịp khuất sau những bụi cây ven đường cùng với những khẩu súng vừa cướp được.

Cuối tháng 4/1951, quân Pháp mở chiến dịch Meduse (Sứa biển) vào 2 huyện Thụy Anh, Phụ Dực và một phần của huyện Quỳnh Côi. Cả hai huyện bị chiếm đóng, nhân dân bị kìm kẹp, tình hình hết sức khó khăn. Huyện ủy Thụy Anh giao nhiệm vụ cho công an phối hợp với bộ đội địa phương, du kích thực hiện phá tề trừ gian, phá thế kìm kẹp của địch.

Giữa năm 1951, Trần Bá Giản và đội hành động được giao nhiệm vụ phối hợp với bộ đội huyện Thụy Anh phá tề ở thôn Nhạo Sơn, xã Hồng Hưng (nay là xã Thụy Sơn). Đây là địa bàn quan trọng, nên địch cho lập bốt Đồng Hòa ở xã Thụy Phong do quân Pháp đóng; gần đó là bốt vệ sĩ Thượng Phúc xã Thụy Sơn, để án ngữ và khống chế hoạt động của Việt Minh ở khu vực này. Do vậy, nếu xóa được hội tề thôn Nhạo Sơn sẽ gây được tiếng vang, góp phần khôi phục phong trào trong vùng, song đây cũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Trần Bá Giản đã xây dựng phương án cụ thể và cùng anh em trong đội hành động bàn bạc, hạ quyết tâm thực hiện.

Vào một đêm hè, ông nhận nhiệm vụ nặng nề và nguy hiểm là trực tiếp bắt sống tên Tín, một tên xã ủy cực kỳ phản động, gian ác, có nhiều nợ máu với cách mạng và nhân dân trong vùng.

Mặc dù địch canh phòng rất cẩn mật, ông vẫn mưu trí, vượt qua các vọng gác, bí mật tiếp cận mục tiêu. Khi thấy ông đột ngột xuất hiện, tên Tín thoáng chút bất ngờ, song y đã kịp trấn tĩnh tìm cách đối phó. Hai bên vật lộn dữ dội. Ông bị bố con tên Tín vừa hô hoán vừa chống trả quyết liệt. Bọn địch ở bốt Đồng Hòa đang đi tuần và bọn vệ sĩ bốt Thượng Phúc gần đó nghe tiếng kêu cứu của bố con tên Tín liền kéo đến hỗ trợ. Ông bị chúng bắn bị thương và bị bắt.

Bọn địch hân hoan, mừng rỡ vì đã bắt được một chỉ huy Công an Việt Minh tài giỏi. Chúng tìm mọi thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt, từ dùng cực hình, tra tấn dã man, đến mua chuộc, dụ dỗ, nhưng Trần Bá Giản vẫn giữ vững khí tiết người Cộng sản, người chiến sĩ công an cách mạng kiên cường, bất khuất, quyết không khai báo để bảo vệ bí mật cho lực lượng, cho Đảng, cho cách mạng.

Không khuất phục được ông, ngày 17/6/1951, bọn địch đã giết hại ông, chúng treo đầu ông trên cây đa ven đường thôn Nhạo Sơn, nơi có đông người qua lại với tấm biển có dòng chữ “Việt Minh nhìn đây, hãy coi chừng”, hòng uy hiếp tinh thần của cán bộ và nhân dân ta. Địch còn cho quân canh gác đêm ngày, không cho đồng đội và thân nhân của ông đến lấy đầu ông đưa đi chôn, nhưng đến một buổi sáng, đầu của người anh hùng đã biến mất. Địch càng kinh hãi, khiếp sợ.

Gương chiến đấu hy sinh anh dũng và khí tiết cách mạng kiên cường, bất khuất của Trần Bá Giản là biểu tượng cao đẹp của người chiến sĩ CAND tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Trần Bá Giản hy sinh nhưng tấm gương “sống dũng cảm, chết anh hùng” của ông đã được đồng chí, đồng đội và cán bộ nhân dân địa phương học tập, noi theo.

Trần Bá Giản đã được truy tặng Huân chương Chiến công hạng III. Ngày 1/9/2000, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 389KT/CTN, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ CAND Trần Bá Giản.

Ngày nay, dưới gốc đa thôn Nhạo Sơn, xã Thụy Sơn, nơi cách đây 56 năm, kẻ thù hèn hạ đã giết hại và treo đầu ông trên cành đa, vào những ngày Rằm, mồng Một nhân dân trong vùng vẫn tới thắp hương tại một ngôi miếu nhỏ. Mọi người tưởng nhớ đến ông, một người Anh hùng với những chiến công như huyền thoại
( Báo antg)


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 18 Tháng Bảy, 2008, 10:52:02 pm
HƯNG YÊN
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN BÌNH

Nguyễn Bình tên khai sinh là Nguyễn Phương Thảo, quê làng An Phú, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ nhưng sống ở thành phố Hải Phòng.

Ông sinh năm 1908 trong một gia đình trung lưu có 5 người con, ông là thứ 4, vóc dáng khỏe mạnh, khuôn mặt cương nghị, tính tình phóng túng. Từ ông toát ra một sự tự tin, một sức mạnh nội tâm được kiềm chế gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đối thoại. Năm 17 tuổi đang học năm thứ 2 trường Trung học Hải Phòng, ông trốn gia đình vào Nam giao du với nhà văn giang hồ Vương Sơn. Sau ông kết thân với nhà văn, nhà báo Trần Huy Liệu bấy giờ là Đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng và trở thành Đảng viên tích cực của Đảng này, giữ chức Trưởng ban tổ chức. Năm 1928 Xứ bộ Việt Nam Quốc dân Đảng Nam Kỳ được thành lập, hoạt động với tôn chỉ: “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”. Ông được bầu vào Ban chấp hành Xứ bộ, Trần Huy Liệu giữ chức Bí thư.

Năm 1929 ông và Trần Huy Liệu bị bắt, bị kết án 5 năm tù và đày Côn Đảo. Khi ở tù, được tiếp xúc với những đảng viên cộng sản, ông có thiện cảm với Đảng cộng sản. Chính vì vậy mà ông bị bọn cầm đầu Quốc dân Đảng thanh trừng, bị khoét mất mắt trái. Cũng từ đó ông nhận ra rằng khẩu hiệu của chủ nghĩa Tam dân thực chất chỉ là khẩu hiệu suông, còn bọn cầm đầu thì theo mục đích: “Vinh thân thì gia” và không ngần ngại thủ tiêu những đồng đảng khác chính kiến.

Năm 1935 mãn hạn tù, ông trở về quê nhà. Tuy bị quản thúc nhưng ông vẫn nuôi ý chí cách mạng, bí mật xây dựng Đông Triều làm căn cứ chống Pháp. Khoảng năm 1941-1942, ông được tổ chức Đảng và Việt Minh giao cho nhiệm vụ mua vũ khí chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đồng thời còn vận động binh lính các đồn Thủy Nguyên, Cửa Ông, thị xã Kiến An cung cấp vũ khí. Nhờ súng đạn nhiều mà Đông Triều trở thành chiến khu vững vàng và chùa Bắc Mã là tổng hành dinh của quân giải phóng chiến khu Đông Triều.

Đêm 12/3/1945 ông tham gia đánh trận đồn Bần Yên Nhân, thu được nhiều thắng lợi. Trận đánh đồn Bần được coi là trận đánh kiểu mẫu ở đồng bằng. Tháng 4/1945 Hội nghị quân sự Bắc kỳ quyết định cả nước chia làm 7 quân khu, Bắc Bộ có 4, ông giữ chức Tư lệnh Đệ tứ quân khu (tức chiến khu Đông Triều gồm các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Hòn Gai, Móng Cái và Lạng Sơn).

Trong tháng 6, tháng 7 năm 1945 ông chỉ huy nhiều trận đánh lớn, thu được nhiều lương thực và vũ khí, như trận phục kích trên sông Kinh Thầy, trận tấn công đồng loạt 5 đồn Thanh Hà, Kinh Môn, Thuỷ Nguyên, Uông Bí, và Bí Chợ, đặc biệt là trận Quảng Yên. Trong các trận này thu 600 súng trường, 400 trung liên. Thừa thắng ông mang quân đi yểm trợ cuộc khởi nghĩa ở Hải Phòng, sau đó giải phóng Tiên Yên, Ba Chẽ, Hòn Gai, Cẩm Phả, Cát Bà.

Do có biệt tài về quân sự, tháng 9/1945 ông được Hồ Chủ tịch cử vào miền Nam lo việc thống nhất các lực lượng vũ trang tại chiến trường Nam Bộ, được giao giữ chức ủy viên quân sự Nam bộ kiêm khu trưởng khu VII, rồi Tư lệnh mặt trận Nam Bộ với toàn quyền quyết định các việc thuộc lĩnh vực quân sự tại Nam Bộ.

Trong những ngày đầu kháng chiến, tình hình Nam Bộ hết sức rối ren, phức tạp, có thể ví như thời kỳ “Thập nhị sứ quân” - gồm nhiều Đảng phái, anh hùng hảo hán và phải đối diện với một đội quân viễn chinh hùng hậu. Nguyễn Bình đã tìm mọi cách tập hợp các lực lượng kháng chiến dưới sự chỉ huy chung và nhanh chóng tổ chức một cuộc kháng chiến toàn lực, toàn diện. Đây là một công việc cực kỳ phức tạp, khó khăn, nhưng biết dựa vào quần chúng, lấy chính nghĩa thu phục lòng người, ông đã thành công trong sứ mệnh lịch sử này, góp phần thay đổi cục diện chiến trường có lợi cho ta, kìm hãm, đẩy lùi bước chân xâm lược của kẻ thù.

Những chiến công buổi đầu của quân dân Nam Bộ được gắn liền với tên tuổi Nguyễn Bình, khiến các giới chính trị, quân sự Pháp cũng phải kính nể.

Năm 1947, ông được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam.

Ngày 25/1/1948 Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh phong cho ông hàm Trung tướng. Đây là trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 9/1951, theo yêu cầu của Trung ương, ông lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Trên đường đi ông bị giặc phục kích, hy sinh tại biên giới Việt - Miên.

Trung tướng Nguyễn Bình là người chỉ huy mưu lược, quyết đoán và dũng cảm, giữ kỷ luật nghiêm minh, lập nhiều chiến công xuất sắc ở những nơi nguy hiểm vào những thời điểm khó khăn nhất. Ông có công trong việc thống nhất lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ và xây dựng Ban công tác thành (biệt động) Sài Gòn. Tháng 2 năm 1952 Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh 84/SL truy tặng ông Huân chương Quân công hạng nhất. Ông cũng là người đầu tiên trong quân đội được nhận Huân chương cao quý này.

Sau khi ông qua đời, nhiều sách báo đã viết về ông như một hiện tượng đặc biệt về tài năng quân sự những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 2000, Bộ Tư lệnh quân khu VII đã di chuyển hài cốt ông về an táng tại nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
( BÁO HƯNG YÊN)


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 25 Tháng Bảy, 2008, 03:45:50 pm
BÌNH ĐỊNH
Chân dung người anh hùng đánh bom cảm tử Ngô Mây
Ngô Mây – người anh hùng đánh bom cảm tử – là một nhân vật lịch sử nổi tiếng, đặc biệt đối với người dân Bình Định. Ngô Mây sinh năm 1924, quê ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Nhà nghèo, cha mất sớm, năm 1945 Ngô Mây cùng tham gia cướp chính quyền ở huyện lỵ. Tháng 7-1947, Ngô Mây từ biệt mẹ già nhập ngũ. Anh xung phong vào Tiểu đoàn 120, Đại đoàn 305. Ngô Mây hy sinh năm 1947. Tên của anh đã được đặt cho nhiều địa danh: Thị trấn Ngô Mây (Phù cát), phường Ngô Mây, đường Ngô Mây, trường THCS Ngô Mây (TP. Quy Nhơn)…

Tư liệu sau đây của Văn Phong (Báo SGGP) cho ta biết thêm người anh hùng bất tử ấy có một chân dung bình dị rất đời thường và có một tình yêu da diết…

Qua lời kể của đại tá Trần Tiến Lưu (nguyên chính trị viên tiểu đoàn), đại tá Nguyễn Tùng Vân (nguyên Trung đội trưởng Tiểu đoàn 50, hiện nghỉ hưu ở phường 9 – Đà Lạt), đại tá Quách Tử Hấp (nguyên đại đội trưởng) và một số đồng chí khác cùng đơn vị với anh Ngô Mây giúp chúng ta hiểu thêm về người anh hùng.

Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến thần thánh chống quân xâm lược Pháp của nhân dân cả nước bùng nổ. Ở chiến trường Liên khu 5, các trung đoàn chủ lực của quân đội ta ra đời. Giặc Pháp có vũ khí hiện đại, quân đội ta vũ khí còn thô sơ đòi hỏi phải có ý chí chiến đấu kiên cường, mưu trí dũng cảm và trên hết phải có tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết dinh”.

Đại đội quyết tử của Tiểu đoàn 50, trung đoàn 94 (sau đổi thành Trung đoàn 108 – Anh hùng LLVTND) được thành lập trong bối cảnh đó. Việc tuyển chọn rất kỹ lưỡng, đặc biệt là ý chí quyết tử dù thanh niên ta thời đó không ai nao núng – sẵn sàng nhập ngũ. Đại hội tuyển được 160 chiến sĩ, trang bị 12 súng trường, 1 trung liên FM, còn lại là mã tấu, lựu đạn, chai xăng, mìn ba càng và 5 quả bom (mỗi quả 25kg). Sau một thời gian ngắn học tập chính trị, quân sự, mọi người đều khắc sâu hai chữ “quyết tử”. Đêm nào đơn vị cũng sinh hoạt tập thể, bộ đội vừa hát vừa vỗ tay vang dội xóm làng.

Từ khi về đại đội quyết tử, Ngô Mây xung phong nhận một quả bom. Sau một ngày luyện tập lăn lê, bò toài mệt nhoài, tối đến anh vẫn dành thời gian nâng niu lau chùi quả bom chờ ngày xung trận. Đại tá Nguyễn Tùng Vân kể lại: “Anh Ngô Mây là một lực điền cao lớn, da ngăm đen, một tay chơi bóng nhà binh số một của đại đội, táo bạo và có tốc độ nhanh và anh đã được họa sĩ Văn Giác chọn mẫu vẽ Người chiến sĩ Vệ quốc khu V”.

Nhiệm vụ của đại đội Ngô Mây trong trận đánh phục kích địch ngày 24-10-1947 ở Rộc Dứa – Suối Vối trên đường quốc lộ 19 – mặt trận An Khê (đường từ Quy Nhơn đi Gia Lai) là quyết diệt cho được xe tăng, xe bọc thép của giặc Pháp từ An Khê xuống. Cả đại đội đều xung phong nhận nhiệm vụ nhưng cuối cùng, đại đội trưởng Quách Tử Hấp và chính trị viên Đoàn Xảo chỉ huy trận đánh đã chọn Ngô Mây. Có lẽ vì anh là người rất khỏe, tập tành hăng hái lại chất phác. Có một chi tiết khá thú vị nữa là vì biết Ngô Mây “ăn luôn thiếu cơm và thường xuống nhà bếp xin thêm cơm cháy nên mỗi khi đánh nhau, khi hành quân đơn vị đều ưu tiên cho Ngô Mây nắm cơm to nhất” (lời đại tá Tùng Vân).

Chiều 23-10-1947, Ngô Mây kéo anh Phạm Trĩ (tiểu đội phó) ra sau rẫy sắn, trao một khăn lụa có viền chỉ đỏ, một tấm ảnh và 3 bức thư. Mây nói, một thư nhờ anh Trĩ đưa cho mẹ, một thư gửi lại anh em trong đơn vị, và một thư có cả ảnh và chiếc khăn này nhờ anh tìm gặp đưa cho Thu Hà người vợ chưa cuối của Mây. Mây đưa ảnh cho Trĩ xem. Ảnh chụp đôi mà chỉ có một. Đó là một cô gái đôn hậu, có mái tóc dài, còn người ngồi kế bên là Ngô Mây. Nhưng Mây đã dùng tăm hương đốt cháy hình mình, chỉ còn lại một bàn tay đặt trên vai hình ảnh người bạn đời chưa cưới. “Sao lại đốt?” – Trĩ hỏi. Mây đáp: “Mong Thu Hà quên đi. Để nhớ làm gì cho tội!”.

Đêm 23, đơn vị tập kết tại xóm Ké, làm lễ xuất quân. Ngô Mây cổ quàng khăn đỏ (tất cả các chiến sĩ quyết tử lúc đó, khi xung trận đều quàng khăn đỏ) ôm chặt trái bom, đứng trước cờ nghiêm trang tuyên thệ: “Xin thề, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”. 1 giờ sáng ngày 24, đơn vị hành quân chiếm lĩnh trận địa. Đại bộ phận bố trí phía Đông đường 19, có nhiệm vụ nổ súng bắn chặn nhằm thu hút địch. Bộ phận phía Tây (cách đó vài trăm mét), trong đó có Ngô Mây, lợi dụng rừng rậm áp sát đường để đảm bảo tính bất ngờ. Và đúng như dự kiến, khoảng 8 giờ ngày 24-10, một đoàn 4 xe GMC chở đầy lính Âu Phi từ An Khê chạy tới. Vừa thấy cầu bị cháy (đêm 23-10, quân ta đã đốt cầu Suối Vối), tên sĩ quan chỉ huy Pháp cho xe dừng lại. Ở phía Đông đường, quân ta đồng loạt nổ súng. Bọn giặc nhảy xuống xe dùng hỏa lực phản ứng mạnh. Súng trung liên của ta bắn được hai loạt 12 viên thì bị hóc đạn, sửa được bắn tiếp một loạt nữa lại hóc, đạn cũng chỉ còn 6 viên, súng trường mỗi cây 5 viên, cũng hết đạn. Ta tạm thời rút về hướng Đông. Vừa lúc ấy có tiếng xe thiết giáp ầm ầm chạy tới. Một xe AM to lớn đen sì dừng giữa trận địa. Đoàn xe 5 chiếc cụm lại, địch đứng khá đông quanh xe bọc thép. Tất cả chúng đều tập trung chú ý về hướng ta thu quân. Tên chỉ huy đứng trên xe AM quát to: “Việt Minh đâu, Việt Minh đâu?”.

Khi xe thiết giáp giặc nằm ngay trước mặt, giờ quyết định đã đến. Mây cởi đôi dép cao su và chiếc áo may ô còn lại trong người trao cho một đồng đội. Mây nói: “Tôi gửi lại cho anh em dùng vì những thứ này tôi không cần nữa! Tôi đi đây!”. Siết mạnh tay đồng đội, từ trong bụi rậm ở phía Tây đường trước sự ngơ ngác và khiếp đảm của lũ giặc Pháp, Ngô Mây như một mũi tên, bất ngờ lao ra, ôm bom 3 càng lao thẳng vào xe bọc thép giặc. Một tiếng nổ rung trời… Bọn giặc kinh hoàng vội vã tháo chạy. Một xe bọc thép, hai xe GMC và gần một trung đội lính Âu Phi trên xe, dưới đất bị tiêu diệt. Và Ngô Mây, người anh hùng quyết tử chỉ còn lại chiếc khăn quàng đỏ nằm vắt trên ngọn một cây cao. Năm ấy Ngô Mây vừa tròn 23 tuổi.

( Báo Bình Định)


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 25 Tháng Bảy, 2008, 03:50:33 pm
CAO BẰNG
Anh hùng Phùng Văn Khầu
Sinh ra và lớn lên ở Trùng Khánh (Cao Bằng), chàng thanh niên người Tày Phùng Văn Khầu khao khát một ngày được tham gia bảo vệ Tổ quốc. Mẹ mất sớm, nước mất, nhà tan, ông bỏ nhà tham gia quân đội khi chưa tròn 16 tuổi. Vào pháo binh, ông được biên chế vào Binh chủng Pháo binh E675 (trung đoàn 675). Ngày đầu làm quen với khẩu pháo thật khó khăn. Không biết chữ, không biết sử dụng máy ngắm, ông chỉ còn cách ngắm bắn qua nòng bằng mắt thường. Ban đầu ước lượng bằng mắt, ông bắn toàn trượt. Tập mãi rồi cũng quen, ông ngắm qua nòng không thua gì ngắm máy.

Những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là những thời khắc không thể nào quên.  Cả đơn vị của ông có 3 khẩu đội (mỗi khẩu đội 9 người) được cấp ba khẩu pháo 75ly, mỗi khẩu nặng gần 500kg. Thông thường, để di chuyển được một khẩu pháo như thế, người ta phải tháo rời ra từng mảnh và chia cho 27 người khuân nhưng do yêu cầu nhiệm vụ, khẩu đội của Phùng Văn Khầu phải vào trận địa trước. Chỉ với 9 người, ông và các đồng chí trong khẩu đội phải vác nặng gấp 3, chiến đấu gấp 3 bình thường.

Với tinh thần mưu trí và ý chí chiến đấu ngoan cường, ông cùng các đồng đội liên tiếp tiêu diệt thành công các trận địa pháo, lô cốt của địch. 22 quả đạn pháo thì 21 quả trúng mục tiêu quân thù. Đồng đội của ông lần lượt hi sinh. 9 người còn 3, rồi 3 người còn 1. Còn lại một mình, ông quyết tâm trả thù cho đồng đội. Làm thay công việc của 8 người, ông đánh vật với khẩu pháo gần nửa tấn. Tất cả lòng căm thù, ý chí chiến đấu của ông tập trung vào nòng pháo, lần thứ nhất, với khoảng cách 150m, ông bắn trượt. Lần thứ hai, được chỉnh lại khoảng cách, quả pháo "chui tọt vào lỗ châu mai". Những quả sau đó "đã bắn là trúng". Trận đánh ấy, một mình một khẩu pháo 75ly, ông tiêu diệt được 5 khẩu pháo 105ly, 6 khẩu đại liên, 4 lô cốt, 1 kho đạn của địch. Chiến công của ông đã góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên lịch sử của quân và dân Việt Nam trong chiến tranh chống thực dân Pháp. 36 ngày đêm chiến đấu của cả khẩu đội giờ đã trở thành huyền thoại.

Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông vinh dự được gặp Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc. Tháng 5 năm 1955, ông được Quân đội cử đi dự Liên hoan Thanh niên, sinh viên thế giới lần thứ 5 tại Vacsava (thủ đô Ba Lan). Trong năm đó, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng quân đội. Những năm tiếp theo, ông được đi học văn hoá rồi trở thành sĩ quan quân đội, tham gia nhiều trận chiến đấu ác liệt chống Mỹ cứu nước tại Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tà Cơn, Đường 9 nam Lào, Mậu Thân 68...

Cuộc chiến năm xưa đã lùi vào dĩ vãng. Khẩu pháo của đơn vị ông năm xưa trút lửa đạn xuống đầu thù giờ đây đang nằm ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Khẩu pháo như một minh chứng nhắc nhở con cháu hôm nay và thế hệ mai sau giữ vững và phát huy truyền thống của những người đi trước "chiến đấu đến hơi thở cuối cùng".

Sau năm 1954 hàng nghìn người con Cao Bằng đã gia nhập đội quân Nam tiến, nhiều chiến sĩ đã chiến đấu dũng cảm, đạt thành tích vẻ vang, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là những tấm gương sáng chói cho muôn đời sau. Cùng với những tấm gương anh hùng ở mọi miền Tổ quốc, những người con anh hùng ở Cao Bằng đã góp phần vào sự nghiệp to lớn của cả dân tộc, xứng đáng được ghi danh vào lịch sử dân tộc Việt Nam thế kỷ XX./.

( Báo Cao Bằng)


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 25 Tháng Bảy, 2008, 03:54:25 pm
CAO BẰNG
Anh hùng liệt sỹ Bế Văn Đàn
Đồng chí Bế Văn Đàn, sinh năm 1931, dân tộc Tày, quê ở xã Quang Vinh (nay là xã Triệu Ẩu), huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng. Xuất thân trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng, cha làm thợ mỏ, mẹ mất sớm, lớn lên đồng chí tham gia hoạt động du kích. Tháng l năm 1948 đồng chí xung phong vào bộ đội và tham gia nhiều chiến dịch, đồng chí luôn nêu cao tinh thần dũng cảm, tích cực vượt qua mọi khó khăn ác liệt, kiên quyết chấp hành mọi chỉ thị mệnh lệnh nghiêm túc, chính xác kịp thời, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cuộc kháng chiến chống thực đân Pháp đang ở giai đoạn quyết liệt, Đảng ta quyết định mở chiến dịch Đông Xuân năm 1953 - 1954, đơn vị hành quân đi chiến dịch, đồng chí Bế Văn Đàn làm liên lạc tiểu đoàn. Một đại đội của tiểu đoàn được giao nhiệm vụ bao vây giữ địch ở Mường Pồn. Lúc đó, khi thấy lực lượng ta ít, địch tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai lần chúng đều bị quân ta đánh bật. Cuộc chiến đấu diễn ra căng thẳng và quyết liệt. Địch liều chết xông lên. Ta kiên quyết ngăn chặn, chốt giữ. Cần có lệnh cho đại đội quyết tâm giữ ở Mường Pồn bằng bất cứ giá nào, để các đơn vị khác triển khai lực lượng, thực hiện các chủ trương của chiến dịch. Mặc dù đồng chí vừa đi công tác về nhưng khi thấy chỉ huy thông báo đồng chí đã xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, đồng chí đã dũng cảm vượt qua lưới đạn dày đặc của địch, xuống truyền đạt mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chính xác. Trong khi đó, trận chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt hơn, đồng chí được lệnh ở lại đại đội chiến đấu. Địch phản kích lần thứ ba, chúng điên cuồng mở đường tiến, đại đội bị thương vong nhiều, chỉ còn 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương, nhưng đồng chí vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên của đơn vị không bắn được vì xạ thủ hy sinh. Khẩu trung liên của Chu Văn Pù cũng chưa bắn được vì không có chỗ đặt súng, tình thế hết sức khẩn trương, không ngần ngại Bế Văn Đàn chạy lại cầm 2 khẩu trung liên đặt lên vai mình và hô bạn bắn. Đồng chí Pù còn do dự thì Bế Văn Đàn đã nói: ''Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi''. Đồng chí Pù nghiến răng nổ súng vào đội hình quân địch quật ngã hàng chục tên. Địch hoảng hốt bỏ chạy, đợt phản kích này của chúng bị bẻ gãy. Trong lúc lấy thân mình làm giá súng, đồng chí Bế Văn Đàn bị hai vết thương nữa và đã anh dũng hy sinh, hai tay vẫn còn ghì chặt súng trên vai mình. Tấm gương dũng cảm của đồng chí đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận hăng hái thi đua giết giặc lập công, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.

Đồng chí Bế Văn Đàn lúc hy sinh là tiểu đội phó, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Tấm gương chiến đấu dũng cảm, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Do đó, trong đại hội mừng công của đơn vị, đồng chí Bế Văn Đàn được truy tặng Huân chương chiến công hạng nhất và được bình bầu là chiến sĩ thi đua số một của tiểu đoàn. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, ngày 31/8/1955, đồng chí được Quốc hội truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương quân công hạng nhì.

Đồng chí Bế Văn Đàn là một người anh hùng liệt sĩ cùng hàng ngàn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống lúc tuổi đôi mươi, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ''nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng'' và đến Đại thắng mùa xuân năm 1975 lịch sử. Với những cống hiến đó, đồng chí không những là một tấm gương, một niềm tự hào của nhân dân các dân tộc Cao Bằng mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước.

( Báo Cao Bằng)


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 25 Tháng Bảy, 2008, 03:56:10 pm
CAO BẰNG
Thiếu tướng Hoàng Sâm - Người đội trưởng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
Ngày 22/12/2006, Đội Việt Nam tuyền truyền giải phóng quân được thành lập tại Khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Đồng chí Hoàng Sâm là chỉ huy của Đội.

            Đồng chí Hoàng Sâm, tên thật là Trần Văn Kỳ, sinh năm 1915, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Lê Lợi, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình. Năm 1927, khi đồng chí Sâm mới 12 tuổi đã rời làng quê sang Xiêm (Thái Lan sinh sống). Năm 1928-1929, khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Thầu Chín sang hoạt động cách mạng ở Xiêm, Trần Văn Kỳ được chọn làm liên lạc trong suốt thời gian Người hoạt động ở Xiêm. Năm 1933, Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đoàn thanh niên cộng sản, sau đó được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1934, đồng chí Kỳ bị mật thám Thái Lan bắt và giao cho lãnh sự Pháp ở Băng Cốc tra tấn, hỏi cung. Sau gần một năm giam giữ vì không có chứng cớ cụ thể, chúng phải thả và trục xuất ngay sau đó. Rời Thái Lan, ông sang Quảng Tây, Trung Quốc, gặp Phùng Chí Kiên, tham gia “Điền kiểm quế biên khu du kích đội”- một tổ chức kháng Nhật của Đảng cộng sản Trung Quốc hoạt động ở 3 tỉnh biên giới Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu. Giữa năm 1940, ông học quân sự ở Trường Trương Bội Công, được gặp Thầu Chín (Nguyễn Ái Quốc) và được Người đặt cho bí danh là Hoàng Sâm. Sau đó ông cùng 40 cán bộ ở Cao Bằng từ bỏ Trường Trương Bội Công trở về nước hoạt động. Cuối năm 1940, Hoàng Sâm được dự lớp huấn luyện cán bộ về công tác tổ chức các đoàn thể quần chúng nhằm chuẩn bị thành lập mặt trận dân tộc dân chủ rộng rãi, lớp học này do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Vũ Anh trực tiếp giảng dạy.

            Ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc về Pác Bó – Cao Bằng. Tháng 5/1941, Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 tại Khuổi Nặm. Hoàng Sâm được Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ tổ chức đường dây qua Lạng Sơn để đón đại biểu về dự hội nghị quan trọng này. Cuối năm 1941, Hoàng Sâm làm đội phó đội vũ trang Cao Bằng. Thời gian này, ở biên giới Việt – Trung, nạn thổ phỉ hoành hành dữ dội, Trần Sơn Hùng (bí danh của Hoàng Sâm) được chúng kiêng nể bởi sự gan dạ, dũng cảm và tài ba, có biệt tài phi ngựa không cần yên cương, bắn súng ngắn cả hai tay, bọn trùm phỉ khét tiếng như Voòng A Sáng, Voòng An Sính, Lý Xìu… nghe danh “ông Trần” đều phải kiêng nể. Hoàng Sâm không quản nguy hiểm vào tận sào huyệt của chúng thi bắn súng, cưỡi ngựa, ném lừu đạn. Những hoạt động khôn khéo, dũng cảm của Hoàng Sâm cùng với uy tín cá nhân của ông đã hạn chế sự phá phách, lộng hành của các toán phỉ, tạo điều kiện cho các hội cứu quốc ở vùng Lục Khu (Hà Quảng) phát triển. Tháng 7/1943, Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức, bảo vệ các tổ xung phong Nam Tiến. Chỉ huy đội vũ trang “Hộ lương, diệt ác” trừng trị bọn việt gian phản động và các nhóm quân Pháp đang gây tội ác ở Nguyên Bình, Ngân Sơn, Chợ rã. Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, Hoàng Sâm được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn làm Đội trưởng, trực tiếp chỉ huy các trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu và Nà Ngần lần thứ hai. Sau ngày Nhật đảo chính (9/3/1945), Hoàng Sâm chỉ huy giải phóng các châu Ngân Sơn, Chợ rã, phía bắc Bạch Thông, giải tán bộ máy tổng lý, cường hào. Cuối tháng 3/1945, Hoàng Sâm cùng với Đàm Quang Trung chỉ huy các đơn vị đánh Nhật ở Phủ Thông, thành lập chính quyền cách mạng cấp xã ở đây. Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, ông chỉ huy đánh Nhật ở Bắc Kan, Thái Nguyên bảo vệ khu giải phóng Cao, Bắc, Lạng, Thái, Hà, Tuyên. Sau trận đánh Thái Nguyên ông đưa đơn vị về Vĩnh Yên tiêu diệt lực lượng Quốc dân Đảng phản động Đỗ Đình Đạo…

            Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông làm Chỉ huy trưởng mặt trận Tây Tiến, khu trưởng chiến khu II, chiến khu III. Có nhiều câu chuyện như thần thoại về tài năng quân sự của Hoàng Sâm được bộ đội Tây Tiến và bà con các dân tộc Tây Bắc khâm phục truyền tụng. Năm 1948, Hoàng Sâm được phong quân hàm thiếu tướng, sau là đại biểu quốc hội các khoá II và III. Năm 1951-1953, ông là phái viên của Bộ tham gia chiến dịch với các đại đoàn 312, 304. Sau làm Đại đoàn trưởng 304, Chỉ huy trưởng mặt trận Trung – Lào. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông tiếp quản Hải Phòng. Cuối năm 1955, ông làm Tư lệnh quân khu Tả Ngạn, sau đó làm Tư lệnh quân khu Hữu Ngạn, Tư lệnh quân khu III.

            Năm 1962, Hoàng Sâm làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào với bí danh Chăn Di… được các đồng chí lãnh đạo nước Lào hết sức tin cậy và kính trọng. Về nước ông được cử làm Tư lệnh quân khu Trị Thiên Huế. Tháng 12/1968, Thiếu tướng Hoàng Sâm đã hy sinh anh dũng tại chiến trường Bình Trị Thiên. Ông ra đi ở tuổi 53, Hoàng Sâm là tướng tài bà, người học trò được Bác Hồ tin cậy và quý trọng.

( Báo Cao Bằng)


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 26 Tháng Bảy, 2008, 09:50:45 am
CAO BẰNG
Anh hùng lực lượng vũ trang La Văn Cầu
Anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình vốn có mối thù sâu sắc với đế quốc, phong kiến. Khi còn bé, anh chứng kiến cái chết uất ức của cha, hậu quả của những trận đòn tra tấn đánh đập dã man, kiệt sức rồi qua đời. Cuộc đời lam lũ cực khổ như đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của anh từ thuở thiếu thời.

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, được nhiều cán bộ tuyên truyền giác ngộ, anh càng hiểu rõ nguồn gốc sự cực khổ của người nghèo và người dân mất nước, nên hăng hái tham gia vào công cuộc kháng chiến ở quê hương. Với khát khao được cầm súng giết giặc giải phóng đất nước, La Văn Cầu mới 16 tuổi đã khai tăng lên 18 tuổi để được vào bộ đội. Lúc đó là năm 1948, thời kỳ đầu của cuộc kháng Pháp vô cùng gian khổ, thiếu thốn. Nhưng niềm vui và ý chí đã giúp anh vượt qua khó khăn, vươn lên rèn luyện thành một chiến sĩ gương mẫu, giàu lòng nhân ái, nên được anh em đồng đội rất quí mến. Anh đã tham gia chiến đấu 29 trận trong các cương vị chiến sĩ và chỉ huy.

Trong trận phục kích ở đèo Bông Lau năm 1949, anh xung phong vào tổ xung kích đột phá trận đánh. Khi nổ súng, có lệnh xung phong, anh dũng cảm xông lên, phát hiện một tên Pháp ngồi trên xe tăng anh đã bắn hạ, rồi lao lên xe cướp súng. Ngoảnh lại sau, thấy 3 tên Pháp chạy tới, anh liền dùng khẩu súng vừa cướp được, bắn chết cả 3 tên, quyết không để bọn giặc chạy thoát, anh nhảy xuống xe, tiếp tục truy lùng diệt thêm 6 tên nữa.

Trong chiến dịch Biên Giới năm 1950, quân ta đánh đồn Đông Khê lần thứ nhất, anh bị đau chân vẫn kiên quyết xin đi chiến đấu. Trận đánh gặp khó khăn, đơn vị bạn bị thương vong nhiều, anh động viên anh em trong tiểu đội (hầu hết là tân binh), băng bó và cõng hết thương binh về nơi an toàn. Trên đường rút về căn cứ, địch nhảy dù phản kích, mặc dù chân đau và đuối sức, anh vẫn vác khẩu pháo 12 ly 7 thu được của địch, về tới đơn vị.

Trận đánh đồn Đông Khê lần thứ hai (1950), La Văn Cầu được phân công chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu (cửa mở trận đánh). Phá được hai hàng rào thì hai đồng chí xung kích bị thương. Địch tập trung hỏa lực dữ dội và cửa mở, phá hủy mất của ta một số bộc phá ống. anh nghĩ ngay phải dành bộc phá đánh lô cốt, nên động viên anh em trong tổ gỡ mìn của địch và dũng cảm xông lên dùng mìn phá nốt hai hàng rào cuối cùng. Song tình huống diễn ra càng phức tạp hơn, khi tiến đánh lô cốt thì anh em đã bị thương tất cả, chỉ còn lại một mình anh. Không ngần ngại, anh ôm bộc phá xông tới lô cốt đầu cầu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ “đột phá khẩu” của tổ. Nhưng khi vượt rào đến được giao thông hào thứ ba thì anh bị thương, ngất đi. Tỉnh dậy, thấy cánh tay phải của mình bị địch bắn gãy nát, nghĩ đến trọng trách chưa hoàn thành, anh quay trở lại khẩn thiết yêu cầu đồng đội chặt đứt cánh tay cho khỏi vướng víu, rồi tiếp tục xông lên đánh tan lô cốt đầu cầu, mở đường cho đơn vị xung phong diệt gọn đồn địch, kết thúc thắng lợi trận Đông Khê.

Tấm gương của La Văn Cầu đã cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn đại đoàn và trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn, một hình thức chiến thuật mới của quân đội ta mở ra từ chiến dịch Biên Giới năm 1950.

La Văn Cầu được tặng thưởng một Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương kháng chiến hạng nhất, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đại tá La Văn Cầu đã nghỉ hưu, trở về với đời thường, nhưng phẩm chất của người anh hùng mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ Việt Nam./.

( báo Cao Bằng)


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: satthat trong 26 Tháng Bảy, 2008, 09:56:17 am
CAO BẰNG
Đàm Quang Trung, vị tướng tài danh
Thượng tướng Đàm Quang Trung (1921-1995) là một trong những vị tướng tài danh của Quân đội nhân dân Việt Nam

 

Ông tên thật là Đàm Ngọc Lưu, sinh ngày 12/9/1921 tại bản Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 14 tuổi. Năm 1941, ông được Bác Hồ cử đi học ở trường Hoàng Phố (Trung Quốc) cùng các đồng chí Hoàng Văn Thái, Vũ Lập, Hoàng Minh Thảo, Nam Long... Ở trường Hoàng Phố, ông được học in litô. Nhân có đồng chí Phạm Văn Đồng sang, ông mạnh dạn xin đồng chí Đồng báo cáo với Bác được học quân sự. Người đồng ý và căn dặn: Chú Quang Trung phải học tập sử dụng thành thạo tất cả các loại vũ khí hiện có của cả đối phương nữa... sẽ đến lúc mình phải sử dụng tới.

 

Tháng 7/1944, Đàm Quang Trung chỉ huy Đội vệ binh bảo vệ Trung ương và Bác Hồ ở Tân Trào. Có 5 nhân viên tình báo Mỹ nhảy dù xuống Việt Bắc, Bác chỉ định Đàm Quang Trung làm Đại Đội trưởng Đại đội Việt - Mỹ. Ông thưa với Bác: Thiếu tá Thô Mát làm Tham mưu trưởng thì đại đội trưởng là cấp gì ạ? Bác nghiêm nét mặt bảo: Chú phải lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, dù tá hay tướng đã là chiến sỹ cách mạng đều lo phục vụ nhân dân cho tốt. Bác tặng chú một màn cá nhân và chiếc đồng hồ quả quýt để dùng, để chú biết giờ giấc. Trong quân sự kỷ luật rất nghiêm, hiệp đồng chặt chẽ đến từng giây mới có thể đánh thắng được. Bây giờ chú là đại đội trưởng, sau này chú trở thành người chỉ huy cao hơn, vì vậy phải rèn luyện từ bây giờ.

 

Đàm Quang Trung còn được Bác Hồ, Tổng quân uỷ giao cho trọng trách chỉ huy ba cuộc duyệt binh, diễu binh lịch sử: Cuộc duyệt binh lớn, hùng tráng mừng Ngày Quốc khánh 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội. Ngày 29/3/1946, chỉ huy cuộc diễu binh thiện chí giữa quân đội ta và quân đội Pháp ở Vườn hoa Canh Nông (nay là công viên đặt Tượng đài Lê-Nin). Ngày 1/1/1955, chỉ huy cuộc diễu binh đón mừng Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ trở về Thủ đô thân yêu, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

 

Năm 1953-1954, Đàm Quang Trung, Sư đoàn phó Sư đoàn 312 đã giúp bạn đánh nhiều trận, giải phóng Thượng Lào. Tháng 10/1957, Quang Trung là học viên xuất sắc ở Trường Quân sự Frunde ở thủ đô Mát-xcơ-va (Liên Xô cũ) vinh dự được tham gia chủ tịch đoàn cuộc mít tinh trọng thể chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh sang dự lễ 40 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại. Trong những năm đầu kháng chiến chống quân xâm lược Pháp, Đàm Quang Trung làm Tư lệnh Liên khu V. Đồng chí Quang Trung là vị tướng có tài, trí, sáng tạo xây dựng được ba trung đoàn 98 – 108. Trong trận đánh đồn Kông Pơ Long, đồng chí đã làm những xe lăn bằng rơm rạ, có sức vô hiệu hoá đạn súng trường, tiểu liên của địch; mở đột phá khẩu mà không dùng bộc phá hay cách đánh đặc công và đã tiêu diệt căn cứ Kông Pơ Long. Trong thời gian chống Mỹ, đồng chí là Tư lệnh Pháo binh có mặt ở mặt trận đường 9 Quảng Trị (B4) Quân khu IV. Sau là Tư lệnh Tăng thiết giáp, làm tham mưu cho Bộ Tổng Tư Lệnh trong nghệ thuật chiến dịch có pháo binh và xe tăng hiệp đồng tham gia các trận đánh. Ông được giao trọng trách Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Chủ tịch Hội đồng Dân tộc.

Dương Mạc Thạch, người chính trị viên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
Đồng chí Dương Mạc Thạch, sinh năm 1915, quê ở xã Gia Bằng (nay là xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) là người Đảng viên, Bí thư Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của huyện Nguyên Bình và là người chính trị viên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ).

           
Đồng chí Dương Mạc Thạch vốn là người sáng dạ, thông minh, nhanh nhẹn, có hoài bão và chí hướng, năm 1934 đồng chí tham gia cách mạng và được kết nạp vào Đảng. Đồng chí là người cán bộ nhiệt tình với phong trào ở Nguyên Bình, vận động nhiều người theo cách mạng và cũng là một trong những hạt nhân lãnh đạo, là Bí thư Chi bộ đầu tiên của huyện Nguyên Bình. Năm 1940, đồng chí Dương Mạc Thạch là Ủy viên Ban chấp hành lâm thời tỉnh Cao Bằng, vốn là người am hiểu địa bàn, nắm chắc phong trào cách mạng và là người có uy tín ở địa phương, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc, do vậy sau Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Dương Mạc Thạch được tổ chức phân công bám trụ hoạt động ở Nguyên Bình và vùng giáp ranh với Bắc Kạn. Tại những vùng này, đồng chí đã tích cực xây dựng và phát triển cơ sở, vận động đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao vào Hội cứu quốc, tổ chức Mặt trận Việt Minh ở các xã, tổng. Tháng 12/1942, các ban Việt Minh tổng đã họp tại Lũng Dẻ (châu Nguyên Bình) bầu ra Ban Việt Minh châu do đồng chí Dương Mạc Thạch làm chủ nhiệm. Đồng thời, đồng chí còn được Tỉnh uỷ phân công trực tiếp cùng với đồng chí Võ Nguyên Giáp “Nam tiến” xuống vùng Bắc Kạn để phát triển phong trào, tổ chức các đội tự vệ. Nhờ vậy, sau một thời gian các Chi bộ Đảng ở Ngân Sơn, Chợ Rã lần lượt được thành lập. Thời kỳ này, đồng chí Dương Mạc Thạch là Tỉnh uỷ viên Cao - Bắc - Lạng và là người cán bộ chủ chốt chỉ đạo xây dựng và phát triển phong trào khu vực này, vì vậy đồng chí là một đối tượng luôn bị địch săn lùng, truy bắt. Tháng 02/1944, trên đường xuống núi Phja Boóc gặp địch khủng bố gắt gao, đồng chí đã phải ở lại hoạt động ở các xã phía Bắc huyện Ngân Sơn và cũng tại đây, đồng chí đã 2 lần bị địch phục kích nhưng may mắn thoát được.

           
Ngày 22/12/1944, tại buổi lễ thành lập Đội VNTTGPQ, đồng chí Dương Mạc Thạch được cử làm chính trị viên của đội. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp, đã cùng với đội trưởng Hoàng Sâm chỉ huy Đội VNTTGPQ làm nên chiến thắng ngay từ trận đầu. Buổi đầu, đội VNTTGPQ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính (chỉ được cấp 50 đồng bạc Đông Dương), đồng chí đã vận động một số người quyên góp ủng hộ và bàn bạc, vận động gia đình mình ủng hộ Đội 500 đồng.

           
Sau khi đánh đồn Đồng Mu trở về, đầu năm 1945 khi Đội VNTTGPQ đã phát triển thành nhiều đại đội, đồng chí Dương Mạc Thạch được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy một đại đội hoạt động dọc đường 3b, vừa vũ trang tuyên ruyền, vừa chặn đánh quân Nhật ở Nà Phặc, Hà Hiệu, Đèo Giàng… Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, đã cùng đơn vị tham gia giải phóng Thị xã Bắc Kạn, đến năm 1948 có thời kỳ làm Bí thư kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chính kháng chiến Bắc Kạn,… Giữa năm 1948, đồng chí được điều về Bộ Tư lệnh làm đặc phái viên các tỉnh miền núi, đầu năm 1949 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng quốc dân Miền núi của Liên khu I.

           
Từ năm 1950, đồng chí Dương Mạc Thạch được cử đi học trường Chính trị Hà Nam (Trung Quốc), cuối năm 1951 về nước được bổ sung vào Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái sau đó được Trung ương điều lên Hà Giang. Gần 20 năm, đồng chí đã trải qua các chức vụ: Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hà Giang. Tên tuổi của đồng chí đã gắn bó với quê hương nơi đây, đã góp phần xây dựng và phát triển đối với tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn này. Đầu năm 1970 đồng chí Dương Mạc Thạch được điều về làm Bí thư Đảng uỷ Trường Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái, cho đến tháng 8/1978 được nghỉ hưu, trở về sống tại quê hương Cao Bằng và mất một năm sau đó.

           
Sau hơn 40 năm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Dương Mạc Thạch được giao trọng trách trên nhiều cương vị, nhiều vùng quê khác nhau. Trong buổi đầu cách mạng còn nhiều khó khăn, song đồng chí luôn tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, sự quyết đoán của người chỉ huy quân đội, của người lãnh đạo, xứng đáng là một trong những người con ưu tú trên quê hương cách mạng Cao Bằng. Với những công lao to lớn đó, đồng chí Dương Mạc Thạch đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huân chương Hồ Chí Minh, huân chương kháng Pháp hạng nhất và nhiều huân chương khác. Để gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại, mọi cán bộ, Đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng luôn không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương Cao Bằng ngày càng giàu đẹp xứng đáng là nơi thành lập Đội VNTTGPQ, là cái nôi của cách mạng Việt Nam.

( báo Cao Bằng)


Tiêu đề: Re: Cùng đọc & suy ngẫm !
Gửi bởi: motthoang_hn02 trong 19 Tháng Mười, 2008, 07:07:50 pm
Về cội nguồn Chiến khu Việt Bắc

Nguồn : http://www.qdnd.vn/qdnd/baongay.psks.phongsu.44879.qdnd
 

Nắng thu bừng lên rực rỡ dải núi Hồng,rừng cọ, đồi chè, nhà sàn, vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa. Sơn nữ Lý Thị Chiên phụ trách Bảo tàng ATK (An toàn khu) Định Hóa, đưa chúng tôi đến di tích nơi thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương (KTTƯ) Đảng. Từ đường ô tô Quán Vuông-Tân Trào, rẽ phải theo "đường Trường Chinh" độ 2km, đến đồi Pụ Miếu, xanh ngát chè, cọ, bao quanh là cánh đồng lúa vàng óng, giáp núi Hồng thuộc xóm Phủng Hiển, xã Điềm Mặc, Định Hóa (Thái Nguyên). Tại nơi đây còn vật chuẩn - cây Gội cổ thụ, gốc độ 3 người ôm, có 4 nhánh ngọn như cái chạc súng cao su. Cựu chiến binh Mông Chí Đệ kể lại: Vào năm 1948, Trần Đăng Ninh, thường gọi "ông Đỗ", chuyển đến ở cùng gia đình. Bố ông là Mông Chí Bằng dành cả đồi Pụ Miếu, cùng Lường Văn Lược, và mấy người dân dựng nhà, lán cho Ban Kiểm tra Trung ương. Con gái ông Ninh tên là Hạnh, cùng trông em ở nhà sàn, vẫn qua lại chơi với nhau. Vào giờ nghỉ buổi chiều, ông Ninh hay câu ếch ở bờ ao và các chằm lầy, các "đồng chí Trung ương" thả rau muống ở ao Thẩm Pa, hái măng nứa về cải thiện.


Đồng chí Trần Đăng Ninh (tức Nguyễn Tuấn Đáng), Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên của Đảng, sinh năm 1910 ở Quảng Nguyên, Quảng Phú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đồng chí vào Đảng năm 1936, tháng 9-1940, lãnh đạo khởi nghĩa Bắc Sơn; ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng (tháng 5-1941), rồi Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; ngày 21-11-1941 bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, đi đày ở Sơn La, cùng Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu vượt ngục Sơn La (1943)... Ngày 15-5-1945, tại lễ thành lập Việt Nam giải phóng quân ở Định Biên, Định Hóa, đồng chí được cử vào Ban chỉ huy. Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử lên Việt Bắc chọn khu an toàn (11-1946) đặt các cơ quan đầu não. Sau khi lên các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn khảo sát, theo đề xuất của ông, Đảng, Chính phủ quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) xây dựng An toàn khu (ATK). Toàn quốc kháng chiến, huyện Định Hóa trở thành đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ…

Đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra hoạt động của Đảng bộ, chính quyền một số địa phương, Bác viết thư gửi các đồng chí Bắc Bộ và Trung Bộ chỉ rõ những khuyết điểm, quan liêu, hẹp hòi, bè phái, phải tăng cường công tác kiểm tra để uốn nắn, sửa chữa.

Ông Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc) nguyên bí thư Đảng ủy khối kinh tế Trung ương, nay đã 85 tuổi kể lại: Tôi làm ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị, cuối tháng 7-1947 ra học lớp chính trị Tô Hiệu ở ATK Định Hóa. Khi quân Pháp vây riết, đánh lên Việt Bắc, tôi cùng Lê Khánh, Đặng Việt Lâm được đồng chí Lê Đức Thọ giữ lại làm công tác kiểm tra Đảng. Ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương do Tổng bí thư Trường Chinh ký, gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Khu ủy (sau là Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, mất 2008) và Hà Xuân Mỹ. Đồng chí Trần Đăng Ninh được cử làm Trưởng ban kiểm tra Trung ương chuyên trách đầu tiên của Đảng. Các phái viên kiểm tra, lúc đông nhất 23 người được điều động từ các Ban thường vụ tỉnh ủy từ Liên khu V trở ra: Lê Thanh, Đặng Việt Lâm, Hoàng Phú, Mai Công Thiệp, Trần Tấn, Trần Linh, Nguyễn Thành Tân, Nguyễn Danh Phan, Trần Thọ… Gần Ban KTTƯ ở (đồi B) có: Tổng bí thư Trường Chinh cùng Văn phòng Trung ương Đảng ở Khuổi Khê (đồi A), Ban Tài chính quản trị Trung ương do "anh Cả" (Nguyễn Lương Bằng), hơn chục cán bộ ở, làm việc ở đồi B, biên tập, phóng viên Báo Sự Thật do Hoàng Tùng phụ trách ở đồi C… Tổng bí thư Trường Chinh, các đồng chí: Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng…, từng đến làm việc với anh Cả và Trần Đăng Ninh ở đồi Pụ Miếu. Vào mùa đông, độ tháng 10, tháng 11 năm 1949, Bác Hồ đến làm việc. Người hỏi: Chú Ninh là Trưởng ban thì ai là phó? Rồi Người hỏi thăm sức khỏe, đời sống của cán bộ và trao đổi công việc với Trưởng ban…

Trụ sở ngày đầu thành lập Ban Kiểm tra Trung ương là "nhà dài" 20m, cột gỗ, vách vầu, lợp cọ, bàn ghế, giát nằm bằng cây mai, ngăn thành từng phòng. Ban thực hiện nhiệm vụ theo phương thức Phái viên. Trưởng ban Trần Đăng Ninh, cùng các phái viên lúc đi ngựa, khi đi xe đạp, cuốc bộ, luồn qua vùng Tề, vùng địch tạm chiếm, có mặt trên khắp nẻo đường kháng chiến, làm công tác "thanh - kiểm tra", giám sát, từ các Liên khu, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Có chuyến đi một tuần, có chuyến từ 1 đến 3 tháng. Các cuộc kiểm tra, thanh tra thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, hoặc do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị... Trần Đăng Ninh kiêm Phó tổng thanh tra Chính phủ.

Ông Lê Ánh, nguyên phát ngôn viên Văn phòng Chính phủ (1948-1954), cho biết: Hồi ấy Chính phủ có 2 đặc phái viên là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Trần Đăng Ninh. Anh Ninh còn là phái viên của Bác Hồ. Ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về chỉ đạo chiến tranh, chuẩn bị kháng chiến; chính sách tôn giáo, dân tộc, trí thức, chính sách mặt trận, cán bộ và quân đội…; công tác phòng, chống lãng phí, tham ô của các tỉnh ủy thuộc các Liên khu; việc thực hiện huy động nhân dân kháng chiến ở Bắc Giang, Bắc Ninh chuẩn bị hội nghị chiến tranh vùng trung du; kiểm tra nội bộ cơ quan "Hoa kiều vụ", vụ án gián điệp H122 ở Liên khu Việt Bắc; vụ "Hóa chất miền Nam" ở Liên khu V; thuyết phục giám mục Lê Hữu Từ ở Bùi Chu, Phát Diệm. Trần Đăng Ninh đi ngựa cùng Tô Quang Đẩu lên Đồng Văn (Hà Giang), thuyết phục "Vua Mèo" Vương Chí Sình ủng hộ Chính phủ kháng chiến; đi Sơn La, Hòa Bình làm nhiệm vụ Kiểm tra Đảng. Các Liên khu, tỉnh, có cấp ủy viên phụ trách kiểm tra. Liên khu Việt Bắc có Khu ủy viên Phan Lang. Ở Liên khu III có Khu ủy viên Vũ Oanh. Từ Ban kiểm tra Trung ương ở ATK Việt Bắc phát đi nhiều chủ trương, chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ quan kiểm tra Đảng xuống các cấp bộ Đảng. Tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát giúp Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ chỉ đạo kháng chiến, kiến quốc, gây được lòng tin của nhân dân, chiến sĩ, củng cố thêm mối quan hệ công tác giữa Trung ương và địa phương.

Vào năm 1949, Chủ tịch Liên khu IV Hồ Tùng Mậu (tức Hồ Bá Cự) ra làm Tổng thanh tra ở đồi Pụ Miếu. Hà Xuân Mỹ cưới vợ Trần Thị Vinh (tức Lê Tâm), Bí thư Văn phòng phụ nữ Khu Việt Bắc, vào đúng ngày 19-8 nên có thịt bò ăn tươi. Cụ Hồ Tùng Mậu làm chủ hôn. Dự đám cưới có các anh Hoàng Tùng, Tô Quang Đẩu; các chị Đinh Thị Cẩn, Hoàng Thị Ái, Hà Giang…

Ông Lường Văn Lược, 86 tuổi từng làm lán cho Ban Kiểm tra Trung ương năm 1948, cho biết: Hồi ấy Phủng Hiển có 5-7 nóc nhà rải rác. Lứa chúng tôi vẫn vào chơi, thấy ông Ninh cùng anh em ăn ngô bung, cơm độn sắn. Vào ngày rằm, ngày tết vẫn mời các anh về, uống rượu, xôi bảy màu, thịt lợn, thịt gà... Dân được dặn không biết, không nghe, không thấy… để bảo vệ cơ quan, cán bộ. Gia đình ông Đệ còn giữ chiếc áo dạ capốt, nặng hơn 3kg do Trần Đăng Ninh tặng. Ông Đệ đã hiến tặng Bảo tàng ATK Định Hóa kỷ vật gắn với một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Chính phủ, quân đội với những cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngày 20-9-2008, đoàn cán bộ lão thành trở về cội nguồn, trồng cây ở đồi Pụ Miếu. Chúng tôi được ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nay đã 94 tuổi, kể lại: Sau Đại hội II một thời gian, Ban Kiểm tra Trung ương từ Phủng Hiển chuyển sang Thác Dẫng ở Sơn Dương, tôi và anh Nguyễn Chánh làm phó giúp việc cụ Hồ Tùng Mậu. Cơ quan có anh Tô Quang Đẩu, anh Nam, anh Tân, Quang Bụt, Nguyễn Văn Nho, anh Thiếp, anh Nhiên, anh Hoạch, anh Khiết, anh Hà…; có 4-5 cái nhà. Cụ Mậu ở tập thể cùng anh em trồng rau, nuôi gà… Cụ Hồ Tùng Mậu là bậc tiền bối, chúng tôi rất kính trọng đức, tài. Tôi từ bí thư, Chủ tịch Liên khu III, lên Việt Bắc, công tác thanh tra, kiểm tra còn mới mẻ, bỡ ngỡ, được cụ Mậu chỉ dẫn, giúp đỡ tận tình. Chúng tôi ghi nhớ lời dặn của Bác: Kiểm tra, giám sát, cũng là trị bệnh, cứu người, chứ không phải là dìm cho chết, xuống các địa phương phải giúp đỡ tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Cụ Hồ Tùng Mậu vừa là trưởng ban vừa kiêm Tổng thanh tra Chính phủ, chia ngọt, sẻ bùi rất tâm huyết xây dựng ngành kiểm tra Đảng và tổ chức chỉ đạo thực thi nhiệm vụ của Bác Hồ và Trung ương giao để đẩy mạnh tổng phản công. Cụ cùng chúng tôi đi các khu, các tỉnh, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết, Chủ trương, Chính sách của Đảng, thực hiện dân chủ, đặc biệt là công tác huy động nhân dân đóng góp sức người, của, vật chất cho tổng phản công. Tôi dẫn đoàn xuống Khu III. Anh Tô Quang Đẩu đi khu Việt Bắc. Cụ Mậu dẫn đoàn đi Khu IV, bị hy sinh vì máy bay giặc Pháp, ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) còn Nguyễn Văn Nho biết chuyện. Ông Nho, người cán bộ bảo vệ, giúp việc cụ Hồ Tùng Mậu ở ATK Việt Bắc, khi kể lại chuyện không ngăn được nước mắt:

- Vào mùa hè, sau khi đoàn của cụ Hồ Tùng Mậu có hơn chục người, làm việc xong ở Thanh Hóa, trên đường vào Nghệ An. Khoảng 5-6 giờ chiều ngày 27-7-1951 đến thị trấn "Còng" (nay thuộc Tĩnh Gia) thì bị máy bay Pháp từ biển vào bắn phá. Cụ Hồ Tùng Mậu cùng một đồng chí hy sinh, một số bị thương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đưa thi hài cụ Hồ Tùng Mậu về quê, làng Quỳnh Đôi, mai táng. Đoàn của Chính phủ từ Việt Bắc mang bài điếu văn của Bác Hồ về làm lễ truy điệu vào một đêm tháng 8-1951. Còn tại Việt Bắc, ông Lê Ánh nhớ lại, lễ truy điệu cụ Hồ Tùng Mậu, tại hội trường Hội đồng Chính phủ ở Thác Dẫng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng ban; dự có anh Phạm Văn Đồng, Phan Mỹ, Bùi Công Trừng… Đồng chí La Quý Ba, Đại sứ đặc mệnh đầu tiên của Trung Quốc tại Việt Nam mang vòng hoa, cùng cán bộ "giao tế xứ" đến viếng. Bác Hồ đọc điếu văn mà không ngăn nổi dòng nước mắt:

Chú Tùng Mậu ơi

Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng?

Về tình nghĩa riêng tôi với chú là đồng chí, lại thân thiết hơn anh em ruột… đã bao phen chúng ta đã đồng cam cộng khổ như tay với chân…

Mất chú, đồng bào mất đi một người lãnh đạo tận trung. Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết…
 

Ban Kiểm tra Trung ương chuyển cơ quan sang Yên Lãng, ở dưới chân Đèo Khế, thuộc Đại Từ (Thái Nguyên). Đồng chí Nguyễn Văn Trân là Phó ban phụ trách, còn Nguyễn Chánh được Trung ương điều sang quân đội. Vào đầu tháng 12-1953, đồng chí Nguyễn Văn Trân làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Cung cấp Trung ương lo tổ chức vận tải, tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng đi có Tô Quang Đẩu và đa số cán bộ Ban chuyển lên tận Còi Nòi đứng chân, lập tuyến tiếp tế lên Tuần Giáo, Điện Biên. Công tác kiểm tra do Tổng bí thư Trường Chinh chỉ đạo.

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng UBND xã Điềm Mặc làm lễ đón bằng xếp hạng cấp Quốc gia Địa điểm di tích thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khánh thành nhà bia di tích tại đồi Pụ Miếu và nhà văn hóa cộng đồng, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành kiểm tra Đảng (16-10-1948/16-10-2008). Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tâm sự: Đó không chỉ là tấm lòng, sự tri ân với đồng bào các dân tộc vùng chiến khu xưa mà còn ghi dấu cội nguồn, giáo dục, phát huy truyền thống ngành Kiểm tra Đảng trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước
 


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: lexuantuong1972 trong 27 Tháng Mười, 2012, 09:45:19 am

TỰ HỌC TRỞ THÀNH TƯỚNG GIỎI

QĐND - Thứ Năm, 25/10/2012, 17:46 (GMT+7)

QĐND - Cuối tháng 9-1945, thực dân Pháp núp bóng quân Anh, quay lại tái chiếm Sài Gòn, âm mưu biến Việt Nam thành thuộc địa lần nữa. Đồng chí Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ gợi ý đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, lúc đó là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến miền Đông quay về quê nhà Tân Uyên, lập chiến khu.

 Tháng 11-1945, tướng Nguyễn Bình vâng lệnh Bác Hồ vào Nam, tìm gặp Huỳnh Văn Nghệ, trao ông chức Chỉ huy trưởng quân giải phóng Biên Hòa. Và tháng 12-1945, tướng Nguyễn Bình cũng về chiến khu này đặt Tổng hành dinh khu 7 tại Lạc An. Đến giữa năm 1946, chiến khu Tân Uyên được đổi tên thành chiến khu Đ, gắn liền với tên tuổi Huỳnh Văn Nghệ.

(http://image.qdnd.vn/Upload/hoangha/2012/10/25/370257920121025163235266.jpg)
Tướng Huỳnh Văn Nghệ tại Chiến khu Đ. Ảnh tư liệu

Lúc này mới 31 tuổi, Huỳnh Văn Nghệ không chỉ đảm nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng quân sự mà còn là phó chủ tịch kiêm ủy viên quân sự Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hòa. Thời cơ ấy cũng là thuận lợi để ông tổ chức các quận quân sự, thực chất là các cụm quân sự liên xã. Vào thời điểm ấy, sau khi thành lập các chi khu Tân Uyên, Cây Đào... giặc Pháp bắt đầu đánh nống ra, mở rộng lấn chiếm, thực hiện bao vây, chia cắt lực lượng của ta. Nhờ tổ chức quận quân sự, việc chỉ đạo xuống xã vẫn thông suốt, các hoạt động quân sự ở cơ sở vẫn được duy trì, tổ chức du kích vẫn giữ vững và lực lượng ngày càng phát triển.

Tháng 6-1946, Vệ quốc đoàn Biên Hòa mang phiên hiệu Chi đội 10. Chỉ trong vòng nửa năm, tất cả các LLVT trong tỉnh đã được quy về một mối. Huỳnh Văn Nghệ có thêm Nguyễn Văn Lung, Chi đội phó từ Long Thành về hỗ trợ. Rồi Phan Đình Công, từ Phòng chính trị khu 7 xuống, với chức danh Chính trị viên chi đội. Đến tháng 8-1946, các cơ quan tham mưu-chính trị của chi đội hình thành.

Là thủ lĩnh quân sự địa phương, do "thế thời phải thế", đồng chí Huỳnh Văn Nghệ chưa được đào tạo qua một trường quân sự nào. Ông học kinh nghiệm từ tướng Nguyễn Bình, nguyên Tư lệnh Đệ tứ chiến khu Đông Triều thời kỳ tiền khởi nghĩa. Ông học qua các tài liệu tự tìm kiếm như “Binh pháp Tôn Tử”, “Kinh nghiệm du kích Tàu”, “Cách huấn luyện cán bộ quân sự”. Ông học ngay từ thực tiễn chiến trường. Khi Chi khu Cây Đào cho đóng bót Võ Sa (nay là xã Lợi Hòa, huyện Vĩnh Cửu), ông cử hai đồng chí Ba Trợn, Tư Bạch và một số chiến sĩ  trá hàng, đến khi có thời cơ thì bót Võ Sa nổi dậy phản chiến, thu hết vũ khí, đạn dược và kéo hết quân ra, trở về với kháng chiến. Đòn "lấy gậy ông đập lưng ông" này làm rúng động hàng ngũ thân binh Pháp. Giặc Pháp từ đó cũng nghi ngờ, dè dặt trong việc tuyển mộ thân binh và ta có điều kiện thu hút thêm nhiều thanh niên trở thành  tân binh Vệ quốc đoàn...

Huỳnh Văn Nghệ còn nổi danh là một thi tướng với vần thơ nổi tiếng làm nức lòng chí trai của một thời dựng nước và giữ nước:

"...Từ thủa mang gươm đi dựng nước
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long..."  
KIM CHUNG

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/301/302/302/212647/Default.aspx


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: qtdc trong 19 Tháng Mười Một, 2012, 11:27:20 am
Người Thừa Thiên-Huế:
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20121117/nguoi-viet-tai-tri-giao-su-penicillin.aspx
Người Việt tài trí: Giáo sư Penicillin
18/11/2012 3:35
Những cơn mất ngủ vì lo lắng cuối cùng lại tình cờ mách cho GS Đặng Văn Ngữ cách gây lại chủng nấm penicillin…

(http://www.thanhnien.com.vn/Pictures201211/Hoang%20Nam/1a/gs-dang-van-ngu.jpg)

Cách đây hơn 60 năm, vị khách kỳ cục Đặng Văn Ngữ khiến một cán bộ sinh nghi khi làm khách ở Thông tấn xã VN tại Bangkok (Thái Lan) chờ ngày về nước theo kháng chiến. “Ông khách từ khi vào phòng, đóng cửa lục đục suốt buổi. Mời đi ăn trưa cũng không mở cửa, nói vọng ra là không ăn... Gõ cửa rất lâu cửa mới mở. Cả gian phòng toàn chai lọ, dụng cụ bày lung tung. Đồng chí nhận định thế nào, là ta hay là địch” - cán bộ ấy ngay lập tức báo cáo với đại diện Chính phủ ta tại Bangkok.

Ban Cán sự Trung ương hải ngoại sau đó điện hỏa tốc về Bộ Chính trị xin ý kiến. Chỉ sau 24 giờ, điện sang có câu đầu tiên: “Hồ Chủ tịch gửi lời chúc mừng bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã trở về Tổ quốc”. Suốt trên chặng đường, ông Ngữ chỉ nói đến một việc - trở về để sản xuất kháng sinh Penicillin.

Tới chiến khu, bác sĩ Ngữ phải chọn rất kỹ nơi lưu trữ chủng nấm chiết xuất ra kháng sinh Penicillin mang từ Nhật Bản về này. Thế nhưng, điều ông không mong muốn vẫn xảy ra. “Về đến nhà, mở gói nấm dùng để làm Penicillin ra xem lại thì thấy nấm không còn công hiệu nữa”, sau này ông Ngữ viết trong hồi ký.

“Những nấm khác ở ngoài đã lẫn lộn vào. Thật là một sự bất ngờ và rất đau đớn cho tôi. Trước khi đi tôi đã chú ý để giống nấm vào phòng sạch sẽ nhất Việt Bắc, là phòng mổ của anh Tùng (GS Tôn Thất Tùng - NV), thế mà vẫn bị tạp nấm rơi vào. Có người đã bảo ở VN nhiều tạp nấm lắm, nên không nghiên cứu về nấm được. Ngay ở Viện Pasteur có đủ phương tiện như vậy, bọn Pháp cũng không đặt vấn đề nghiên cứu nấm được huống hồ là ở Việt Bắc”.

Sự cố nấm lẫn tạp chủng lừng lững như bức tường chặn công việc mà đích thân Bác Hồ giao cho ông - sản xuất nước lọc Penicillin để cứu chữa thương binh trong kháng chiến. Những ngày sau đó với ông Ngữ chỉ còn là đêm nghĩ về nấm, ngày loay hoay với nấm. “Ngày ngày tôi cấy hàng trăm cái nấm lấy ở ống giống ra để thử với vi trùng. Nhưng ngày nào cũng như ngày nào, vi trùng đều mọc quanh cái nấm chứng tỏ rằng nấm không còn có tác dụng nữa. Đêm đến, vấn đề nấm đeo đuổi tôi mãi không ngủ được”, ông Ngữ nhớ lại.

Rồi trong một lần thức giấc vào 3 giờ sáng, điều kỳ diệu đã đến khi ông lấy nấm ra xem. Ông mừng đến trào nước mắt khi thấy tất cả các con nấm đều có công hiệu, vi trùng không con nào mọc. Như thế nghĩa là nấm chưa hoàn toàn mất. Một tuần theo dõi nấm mọc hàng giờ sau đó, ông đã có lại nấm tốt như cũ.

Sau đó ông đã tìm ra được một thứ nước nuôi nấm rất tốt và rẻ tiền là nước thân ngô. Đúng hơn, nguyên liệu đó tìm đâu cũng thấy và hoàn toàn không mất tiền mua. Phương pháp nuôi để lấy nước lọc Penicillin được thực hành ở nhiều trạm, thậm chí có bác sĩ quân y tuyên bố đã dư dùng để chữa bệnh cho thương binh. “Những thành tích xán lạn của nước lọc Penicillin qua các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám và gần đây, kết quả rực rỡ của nước lọc Penicillin trong chiến dịch Lý Thường Kiệt càng làm phấn khởi anh em dược tá Penicillin đang cần cù và hăng hái góp sức xây dựng một ngành mới của y học trong khi phục vụ tiền tuyến”, BS Hồ Đắc Di, Giám đốc Trường đại học Y bấy giờ, đánh giá.

Sau này, cháu nội của GS Đặng Văn Ngữ là BS Đặng Phương Lan đã có  kỷ niệm thú vị liên quan đến nghiên cứu của ông mình khi theo học tại Đại học Y khoa Budapest (Hungary). Được thầy khen về một công trình nghiên cứu trong trường, chị vui vẻ nói với thầy hướng dẫn đại ý nghiên cứu này đâu có thấm thía gì so với ông nội chị - nhà bác học đầu tiên tìm ra giống nấm nhả Penicillin ở châu Á, chỉ sau Flemming ở châu Âu ít lâu. Vị giáo sư ngạc nhiên quá đỗi vì cho tới lúc ấy phần lớn người Hung chỉ biết Việt Nam có chiến tranh, đất nước kém phát triển chứ không có thêm khái niệm gì khác. “Từ lần đó, không biết có phải do nể ông nội tôi hay không, thầy hướng dẫn tôi rất nhiệt tình, bài luận án của tôi được giải nhất trong cuộc thi sinh viên”, chị Lan nhớ lại.

“Tôi không đi theo con đường nghiên cứu của ông nội nhưng cả gần chục năm học trên trường y giúp cho tôi trân trọng, tôn kính những người làm khoa học”, chị Lan viết. “Bên cạnh đó, tôi cũng biết được rằng trong xã hội hiện nay, không phải cứ ai học nhiều đều trở thành bác học cũng như nhiều người ít học mà vẫn sống ung dung. Chỉ có điều, con người ta cần đến kiến thức để phân biệt được đâu là những giá trị thật và giả trong cuộc sống. Tấm gương về cuộc đời và sự nghiệp của ông nội tôi sẽ giúp tất cả những ai muốn hiểu ra điều đó. Tôi rất hãnh diện vì ông nội của mình, một người ông chưa bao giờ được gặp mặt nhưng lại luôn ở trong trái tim tôi”.

GS Đặng Văn Ngữ (1910-1967)  sinh trong một gia đình nhà nho nghèo. Năm 1930, ông đỗ cả tú tài bản xứ và tú tài Pháp, nhờ vậy có học bổng khi theo học tại Đại học Y Dược. Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937. Năm 1943, ông được chọn đi nghiên cứu về y khoa tại Nhật Bản. Năm 1949, ông về nước tham gia kháng chiến.

Ông đã tổ chức sản xuất được “Nước lọc Penicillin” nổi tiếng trong kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, ông xây dựng ngành ký sinh trùng Việt Nam. Năm 1957, ông sáng lập Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và côn trùng.

Ông hy sinh khi đang nghiên cứu sốt rét ở Trường Sơn. GS Đặng Văn Ngữ được tặng thưởng 2 Huân chương Kháng chiến, truy tặng Huân chương Lao động hạng nhất và danh hiệu Anh hùng. Năm 1996 ông được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật.

Trinh Nguyễn


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: qtdc trong 28 Tháng Mười Một, 2012, 10:07:39 pm
Người Nghệ An: Đặng Văn Việt
http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Dang-Van-Viet-va-nhung-nguoi-dong-trang-lua-ky-1/201211/244951.datviet
http://quocphong.baodatviet.vn/Home/QPCN/Dang-Van-Viet-va-nhung-nguoi-dong-trang-lua-ky-2/201211/245135.datviet

Đặng Văn Việt và những người đồng trang lứa (kỳ 1)

Cập nhật lúc :6:29 AM, 26/11/2012

Ông Đặng Văn Việt, trung đoàn trưởng trung đoàn 174 khi 27 tuổi, quê xã Diễn Tân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

(ĐVO) Ông sinh năm 1920, đầu năm 1945 là sinh viên trường Y. Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, ông tham gia giải quyết hậu quả nạn đói do Nhật gây ra ở Hà Nội rồi về làm học viên trường Thanh niên tiền tuyến ở Huế; tham gia giành chính quyền ở kinh đô, trở thành một trong những cán bộ chiến sĩ đầu tiên của Giải phóng quân Huế.

Chiến đấu trên đất bạn Lào

Trước tháng Tám 1945, anh Đặng Văn Việt hoạt động bí mật trong một tổ Việt Minh ở trường Thanh niên tiền tuyến của luật sư Phan Anh, giữ liên lạc thường xuyên với Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế. Sáng ngày 20/8/1945, nhận lệnh từ đồng chí Trần Hữu Dực (thường vụ tỉnh ủy, sau là Chủ tịch ủy ban Khởi nghĩa Trung Bộ, trước khi qua đời là Phó Thủ tướng Chính phủ) cùng Nguyễn Thế Lương (sau là Thiếu tướng tình báo Cao Pha) treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ Huế trước cửa Ngọ Môn sáng 21/8/1945. Ngày 23/8, Cách mạng tháng Tám bùng nổ ở Huế. Những hoạt động sôi nổi của anh Việt và lớp Tiến tuyến bắt đầu, bảo vệ Huế, chi viện cho phía Nam, cho mặt trận Lào.

Sau khi phân đội 1 của giải phóng quân Huế vào Nam chiến đấu, anh Việt ở lại Huế làm hiệu trưởng trường Quân chính Trung Bộ. Cuối năm 1945, anh được giao lên Mặt trận đường số 9 (Hạ Lào) làm chỉ huy trưởng. Từ Huế, anh lên Đông Hà (Quảng Trị) đến Khe Sanh, rồi sang Sê Pôn (Tdrepone) sở chỉ huy của Mặt trận đường 9. Sê Pôn là thị trấn nhỏ, cách Khe Sanh chừng 40 km đường chim bay, bên cạnh dòng sông Thạc Thôn, quân số của ông có ba đại đội nhưng hơn nửa đang chống chọi dịch sốt rét vốn rất phổ biến thời ấy ở trung du, nhất là vùng núi.

Quân Pháp đang xiết chặt vòng vây Sê Pôn, chúng có một tiểu đoàn trang bị hiện đại, tấn công từ ba mũi. Anh khẩn trương họp bàn cán bộ chủ chốt, phân tích địch ta, chủ động tiến công địch trước, không đợi địch đến gần mới đánh. Ta gom quân được hơn một đại đội, đón địch ở bản Keng Khang Bắc Sê Pôn 15 km. 22h30 phút, ta nổ súng vào nhà chỉ huy địch. trong vòng 30 phút, quân ta làm chủ chiến trường, thu hơn 100 súng các loại và nhiều đạn dược, trang bị.

Sau trận này, ban tham mưu Mặt trận đường 9 nghiên cứu đánh thị trấn Mường Phìn cách Sê Pôn 30 km. Phía ta có thêm hai đại đội từ Huế lên.

Ở Mặt trận đường 7 Thượng Lào, anh Việt làm Tham mưu trưởng, chỉ huy sở đóng ở Mường Xén, nơi nổi tiếng “ma thiêng nước độc”. Đường 7 nối ngã ba Diễm Châu (Nghệ An0 qua Anh Sơn, Cửa Rào, Con Cuông, Mường Xén, Nọng Hét, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa. Pháp đã chiếm Nọng Hét, Xiêng Khoảng, Sầm Nưa... nhưng không thể vượt biên giới vào Việt Nam từ hướng này được vì Mặt trận đường 7 của ta ngăn trở hiệu quả.

Người chỉ huy trung đoàn

Năm 1947 anh Việt phụ trách Ban nghiên cứu, phòng tác chiến Bộ Tổng tham mưu. Thu Đông 1947, tướng Salan, tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương huy động 12.000 quân, mở cuộc tấn công lớn vào căn cứ Việt Bắc với mục đích: tấn công vào cơ quan đầu não của ta, tiêu diệt quân chủ lực ta, phá hủy cơ sở kinh tế quân sự của ta. Nhưng kế hoạch “to lớn” của chúng thảm bại! Địch không chịu thua, chiếm Cao Bằng, Đông Khê, Thất Khê, Bắc Kạn. Ta chủ trương thành lập các đại đội độc lập và tiểu đoàn tập trung ở các tỉnh để phát triển chiến tranh du kích, kết hợp đánh du kích và đánh vận động. Mặt trận đường 4 hình thành. Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ định Đặng Văn Việt làm trung đoàn phó rồi trung đoàn trưởng trung đoàn 28 (Lạng Sơn).

Anh Việt tổ chức đánh trận Bố Củng-Lũng Vài lần 1, trận Bản Nằm lần 1, diệt 200 địch, trận Bông Lau-Lũng Phầy lần 1... các trận đều thắng lợi. Những trận này đã tích lũy kinh nghiệm quý báu, làm kim chỉ nam tác chiến cho trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt ở đường 4-con đường huyết mạch tiếp tế cho quân Pháp ở Cao Bằng, Bắc Kạn. Và cũng trên đoạn đường này, ta và Pháp đánh đi đánh lại nhiều lần như các trận: Bông Lau-Lũng Phầy lần 1,2,3,4; Bản Nằm lần 1,2,3; Bố Củng-Lũng Vài lần 1,2,3; Đông Khê lần 1,2.

Với phương châm bám thắt lưng địch mà đánh, tích cực chủ động, chủ động tấn công, quân ta đã làm xoay chuyển tình thế. Địch phải bỏ đường 3, cụm lại ở Lạng Sơn, Đồng Đăng, Thất Khê, Đông Khê, Cao Bằng. Thế và lực giữa ta và địch có sự thay đổi.

Đường 4 anh hùng rực lửa

Trung đoàn 174, một trong những trung đoàn chủ lực mạnh đầu tiên của quân đội ta, thành lập ngày 19/8/1949, trung đoàn trưởng là Đặng Văn Việt, chính ủy là Chu Huy Mân. Ông Việt đã chỉ huy trung đoàn đến năm 1953, đánh thắng các trận Bông Lau-Lũng Phầy trên quốc lộ 4 (3/9/1949), lập chiến công diệt 97 xe quân sự (có một đại đội xe tăng) và một tiểu đoàn quân Pháp trong trận phục kích tại đoạn đèo Bông Lau-Lũng Phầy (nay thuộc huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Đây là trận Bông Lau-Lũng Phầy lần thứ 4, được xem là một trong những trận phục kích tiêu biểu.

Ngày 25-26/5/1950, trung đoàn tham gia trận Đông Khê 1, Đông Khê nay là thị trấn của huyện Thạch An tỉnh Cao Bằng, lúc dó là một trong những cứ điểm quan trọng trên đường số 4, do 2 đại đội lính Ma-rốc và một đại đội ngụy quân chiếm giữ. Ta diệt và bắt hơn 300 địch, thu và phá hủy 6 pháo. Trận Đông Khê 1 thể hiện sự trưởng thành của bộ đội chủ lực Việt Nam về trình độ kỹ thuật, chiến thuật và tác chiến hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh trong đánh công sự vững chắc.

Trận Đông Khê 2 (16-18/9/1950), trận tiến công của hai trung đoàn bộ binh 174 và 209 được tăng cường hai tiểu đoàn bộ binh, pháo, ĐKZ để mở đầu chiến dịch Biên Giới (16/9-14/10/1950). Chiến dịch Biên Giới được vinh dự đón Bác Hồ ra trận. Đại tướng Tổng tư lệnh chỉ huy toàn chiến dịch, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái chỉ huy trận Đông Khê 2. Trung đoàn 74 là mũi chủ công, đột phá từ hướng Đông Bắc, còn trung đoàn 209 cho một mũi đột kích tại hướng Nam. La Văn Cầu là một bộc phá viên, đã nát một cánh tay. Trần Cừ chỉ huy một đại đội của trung đoàn 209 cùng vào pháo đài. Đến 10h sáng, ngày 18/9 ta đã làm chủ Đông Khê, loại khỏi chiến đấu 300 địch, phần lớn là lính Âu-Phi, bắn rơi một máy bay, thu toàn bộ vũ khí-đây là trận then chốt mở màn chiến dịch, tạo thế cho ta phát triển, buộc địch phải rút khỏi Cao Bằng.

Năm 1952, trong đội hình của đại đoàn 316, trung đoàn 174 có nhiệm vụ đánh đồn Mộc Châu, một vị trí quan trọng ở ngã ba: qua Lào (Pắc Hán), lên Sơn La về Hòa Bình, trên đường số 6. Đồn Mộc Châu có một tiểu đoàn lính và một đại đội biệt kích, có hai đại bác, hai cối và hơn 30 súng liên thanh từ trung liên trở lên. 23h ngày 29/11/1952 trận đánh bắt đầu, 2h30 sáng 20/11 trận đánh kết thúc, ta loại khỏi vòng chiến đấu 450 địch, thu toàn bộ vũ khí.

(còn tiếp)

Văn Tuấn


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: qtdc trong 28 Tháng Mười Một, 2012, 10:11:02 pm
Đặng Văn Việt và những người đồng trang lứa (kỳ 2)

Cập nhật lúc :8:12 AM, 27/11/2012

Ông Đặng Văn Việt, trung đoàn trưởng trung đoàn 174 khi 27 tuổi, quê xã Diễn Tân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm 1920, đầu năm 1945 là sinh viên trường Y.

Nhiệm vụ đặc biệt

Hai năm 1949-1950, một phần lực lượng nòng cốt của trung đoàn 174 còn tiến hành những nhiệm vụ đặc biệt, trong đó tháng 4/1950, trung đoàn nhận nhiệm vụ bảo vệ một phái đoàn của trung ương ra nước ngoài. Ông Việt và ông Mân (chính ủy) phân công một đại đội đầy đủ quân số, vũ khí trang bị kèm theo một trung đội trinh sát làm nhiệm vụ này. Chỉ huy đại đội là tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu An (sau này là Thượng tướng).

Trung đoàn trưởng trực tiếp chỉ đạo. Trung đoàn chỉ được liên lạc với một người đó là đồng chí Trần Đăng Ninh (năm 1950-1955 là Chủ nhiệm Tổng cục cung cấp của Quân đội ta), ủy viên dự khuyết trung ương Đảng từ 1941. Đoàn xuất phát từ Nà Phặc, cách Cao Bằng khoảng 30 km, vòng qua Tào Hồ Xìn về Nước Hai, Mỏ Sắt rồi qua Mã Phục, Quảng Yên, xuống Phục Hòa, Tà Lùng. Đấy là đoàn do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu.

Những chiến sĩ trong lớp tiền tuyến

Thiếu tướng nguyễn Thế Lâm, sau này là Tư lệnh binh chủng tăng-thiết giáp (1970-1974), tháng 8/1945 ủy viên Mặt trận Việt Minh và ủy viên quân sự tỉnh Thừa Thiên. Tháng 10/1945, đại đội trưởng bộ đội Nam tiến...

Anh Lê Quang long chiến đấu ở Lào, tham gia nhiều trận ở Viên Chăn, Thà Khét. Nay là giáo sư về sinh học.

Anh Hà Đỗng trưởng ban nghiên cứu Không quân thời chống Pháp, đã thử nghiệm một máy bay cũ của Bảo Đại trên bãi cát sông Lô.

Thiếu tướng Cao Pha (Nguyễn Thế Lương): ông phụ trách quân báo trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, là Cục phó Cục nghiên cứu của Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II Bộ Quốc phòng), từng là Phó Tư lệnh bộ đội đặc công khi binh chủng này ra đời, nhiều năm làm công tác tổng kết. Khi Mỹ đánh Iraq lần 2 (2003), ông là một trong những người dự báo Mỹ sa lầy ở đây.

Anh Lê Thiệu Huy (con giáo sư Lê Thước) sinh viên số 1 của trường ĐH Hà Nội, cử nhân khoa học, vảo vệ hoàng thân Souphenuvong vượt sông Mê Kông khi Pháp đánh Savannakhet, đã anh dũng hy sinh.

Thiếu tướng Đào Hữu Liêu trưởng thành từ kỹ sư công chính rồi trở thành sĩ quan công binh, chuyên gia thiết kế, thi công các sân bay.

Nhiều anh em trong lớp “tiền tuyến” tham gia Cục quân giới do kỹ sư, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa làm Cục trưởng như Hoàng Đình Phu (sau là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước), Phạm Đồng Điện (Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa).

Lớp thanh niên trên đã hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao lên cột cờ Huế trước cửa Ngọ Môn, đã bắt gọn và tước vũ khí một toán nhảy dù của Pháp xuống Hiền Sĩ (Bắc Huế) hòng lập lại chính quyền thuộc địa ở Trung Bộ. 6 sĩ quan dù Pháp bị bắt. Ta thu 12 súng các loại, 2 điện đài, nhiều tài liệt, vật chất giá trị.

Đồng chí Trần Hữu Dực nói: “Chỉ cần ta bị chậm 1-2 ngày là bạn Pháp nhảy dù xuống Hiền Sĩ có thể liên lạc được với Lực lượng Pháp, Việt của họ ở đây. Pháp có 500 người đang bị giam ở trường Prondence, Nhật ở Mang Cá có 4.500 người, chỉ cần một đêm là chúng có thể trợ lại các công sở, nắm trong tay lực lượng vũ trang, lực lượng phản động”.

Trong số lớp “tiền tuyến” do luật sư - Bộ trưởng Phan Anh sáng lập, có nhiều người đã hy sinh vì nước: Lê Thiệu Huy, Lương Phan Ngọc, Võ Ngân, Nguyễn Văn Tài, Nguyễn Trung lập. Có 8 người trở thành tướng quân đội: Trung tướng Phó Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Khánh, các Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, Phan Hàm, Cao Pha, Mai Xuân Tần, Võ Quang Hồ, Đào Hữu Liêu, Đoàn Huyên. Còn Đặng Văn Việt, địch gọi ông là Hùm Xám đường số 4, Vua đường số 4...

Tự họa, tự viết, tự sống

Từ 1960, Đặng Văn Việt chuyển sang Bộ xây dựng. Ông xác định: “Ở đâu đất nước cần, thì mình sẵn sàng ở đấy”. Và ông đã trong 5 năm liền, theo học ban đêm Kỹ sư xây dựng từ 1961-1965. Rồi ông lại về làm Cục phó Cục xây dựng Tổng cục Thủy sản, tham gia đắp đập ở Hạ Long, Quảng Ninh, chặn dòng chảy của 5 con sông để vùng đầm lầy rộng 600 ha thành hồ chứa nước mênh mông bát ngát, tạo nguồn thủy sản dồi dào.

Cùng với công trình thủy điện Thác Bà, ngành thủy sản có nhiệm vụ tái tạo lòng hồ để thả và đánh bắt cá. Tiếp theo, ngành thủy sản xây dựng 16 nhà máy đông lạnh để đưa thủy sản thành mũi nhọn xuất khẩu. Cục của ông phải xây dựng 12 nhà máy từ Móng Cái, theo ven biển đến Cà Mau, Kiên Giang. Chỉ trong hai năm đã hoàn thành kế hoạch, đến năm 2000, ngành thủy sản xuất khẩu được 1,75 tỷ USD.

Ông tâm sự, trận chiến trường lúc đánh Pháp cũng như 20 năm tham gia xây dựng kinh tế (1960-1980), ông luôn nhớ lời Bác Hồ dạu: “Mỗi khi các chú làm một việc gì đều phải nghỉ việc này có lợi hay có hại cho cách mạng, cho nhân dân. Nếu chỉ có lợi cho cá nhân mà có hại cho cách mạng, cho nhân dân thì các chú không làm. Nếu việc gì có lợi cho cách mạng, cho nhân dân thì các chú cứ làm và không bao giờ sai phạm về quan điểm, lập trường...”.

Ông còn viết sách, rèn luyện thân thể. Được sự động viên của nhà văn Nguyễn Tuân, cụ Phạm Khắc Hòe, ông nhiều lần thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ đồng đội, nhân dân vùng Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn... để viết cuốn sách đầu tiên: “Đường số 4 rực lửa”, đã in đi in lại nhiều lần với 9 vạn bản, được dư luận trong nước, ngoài nước chú ý, đón đọc.

Tự viết để rèn trí óc, tập thể dục thể thao đều đặn để rèn luyện sức khỏe và gắn bó với cộng đồng.

E174 - "Trung đoàn của tôi"

Ông luôn coi trung đoàn là cái nôi của mình. Suốt từ ngày thành lập đến nay, đơn vị đã tham gia chiến đấu ở 3 miền, ở Lào, ở Campuchia và biên giới phía Bắc, đã hai lần được nhận danh hiệu Anh hùng (1976 và 1979). Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trung đoàn đánh trận đồi A1. Trong chiến dịch tây Nguyên, 1975, trong đội hình sư đoàn 316, đánh sư đoàn 23, giải phóng Buôn Ma Thuột, đã tiêu diệt quân Mẹo Vàng Pao, bảo vệ và làm chủ Cánh đồng Chum (1969-1970). Ông Việt tâm sự: “Tôi hằng nhớ các cán bộ, chiến sĩ đã bỏ mình nơi chiến địa trên khắp các nẻo đường Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Tôi ghi nhớ công ơn to lớn của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các nơi trung đoàn đã sống, chiến đấu, đã đùm bọc giúp đỡ trung đoàn hoàn thành mọi nhiệm vụ”.

Còn nhà nghiên cứu Phan Ngọc viết: “Cuộc đời người lính già Đặng Văn Việt bao giờ cũng nguyện làm tròn nhiệm vụ, bảo vệ những giá trị chân chính”.

Trong miền nhớ từ thời niên thiếu của tôi đã có dấu ấn “cậu ấm Việt”-sinh viên trường Thuốc Đông Dương, đẹp trai, học giỏi, hài hoa. Và từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, rồi qua kháng chiến cứu nước, tên anh, Đặng Văn Việt rực rỡ: “Đệ tử quốc lộ đại vương”. Lúc bấy giờ trung đoàn trưởng trung đoàn 174 Đặng Văn Việt mới ngoài 20 tuổi. Đến ngày 28/6/1986 chiến tranh đã lùi xa, Đại tướng Hoàng Văn Thái, một lần nữa ghi nhận vào tác phẩm “Đường số 4 rực lửa”: “Bạn bè và kẻ địch thường mệnh danh đồng chí (Đặng Văn Việt) là “Đệ tử quốc lộ đại vương”.

Trải qua những biến cố... những chuyển biến, những thăng trầm, Đặng Văn Việt vẫn nhất quán đi theo con đường Hồ Chí Minh vì nước, vì dân... Cuốn sách ông viết “Đường số 4 rực lửa” và ra được đông đảo bạn đọc ghi nhận... Ông, mọt hội tụ của cội nguồn văn hóa truyền thống của ba dòng đại tộc, danh giá-Đặng Văn, Cao Xuân, Hoàng Đạo-trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh”.

Nhà văn Sơn Tùng, Anh hùng lao động


Văn Tuấn


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: hoi_ls trong 17 Tháng Tám, 2015, 01:40:54 pm
Có một người xứ Lạng trong 34 chiến sĩ năm xưa

LSO - Là người Việt Nam chắc không mấy ai không biết đến tấm ảnh 34 chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân trong khu rừng Trần Hưng Đạo làm lễ tuyên thệ. 34 chiến sĩ ấy là tiền thân của quân đội Nhân dân Việt Nam ngày nay. Thế nhưng chắc ít người biết duy nhất có một người xứ Lạng trong tấm ảnh ấy.


(http://baolangson.vn/upload//Thang-12/15-12/clipimage001.jpg)

Ông Lộc Văn Lùng đội mũ nồi ( thứ 6 từ trái sang, theo giới thiệu của bà Lộc Thị Dung)


Tìm người trong ảnh

Rất tình cờ tôi có được tấm ảnh 34 chiến sĩ trong đội Việt Nam tuyên Truyền giải phóng quân do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giao cho Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy. Với nhiều người Việt, chắc không ít người có tấm ảnh này. Nhưng tấm ảnh mà tôi có trên đó nghi rõ tên từng người, đó là điều khác biệt nhất so với những tấm ảnh khác. Hình ảnh mà tôi ấn tượng nhất đó là một chiến sĩ dáng thấp nhỏ được ghi, Lộc Văn Lùng, Cao Lộc, Lạng Sơn. Và tấm ảnh, dòng chữ ấy đã thôi thúc tôi tìm người trong ảnh. Thế là từ đó gặp ai cao tuổi, đã từng đi bộ đội tôi cũng hỏi, nhưng mỗi lần hỏi lại thêm một lần thất vọng. Rồi “không phụ người có lòng”  may mắn đã mỉm cười với tôi, số là anh Đường Văn Hải, con trai bác Đường Thị Kim, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh vô tình kể câu chuyện anh đã được xây nhà cho ông Lộc Văn Lùng. Thế là ngay sau câu chuyện, phần vì tò mò, phần vì có “hoa tiêu” là anh Hải chúng tôi có ngay chuyến ngược đường về quê người chiến sĩ giải phóng quân năm ấy.


(http://baolangson.vn/upload//Thang-12/15-12/lung-2.jpg)

Chân dung ông Lộc Văn Lùng (ảnh do gia đình cung cấp)


Mai Pha (nay thuộc thành phố Lạng Sơn) giờ đây đã đổi khác, những con đường bê tông chạy dài, từng thửa ruộng đã gặt nhưng vẫn vương màu vàng như mật ong báo hiệu một mùa no ấm làm chúng tôi vui với cái vui thôn dã. Là người đã từng công tác ở đây nhưng chính anh Hải cũng không thể nhận ra con đường. Thế là chúng tôi đến đâu hỏi đến đấy. Nhưng hỏi mãi cũng chẳng ai biết ông Lùng. Vòng đi vòng lại mãi, đã có lúc định bỏ cuộc vì trời đang tối dần. Cũng chính lúc đó chị doanh nghiệp đi cùng chúng tôi lên tiếng: “Bác Lùng ở đâu chỉ đường cho cháu với”. Không biết có phải sự hiển linh hay không nhưng khi chúng tôi định bỏ cuộc hẳn thì một người đàn ông hớt hải đuổi theo chúng tôi: “Các anh tìm nhà ông Lùng phải không? Ngay chỗ cây đa ấy”. Nói rồi anh vội vụt đi như khi đến. Theo cánh tay chỉ của anh, chúng tôi tìm đến một ngôi nhà vắng hoe. Đẩy cửa vào thấy trên bàn thờ còn nghi ngút khói hương là một tấm ảnh duy nhất một anh bộ đội đeo quân hàm Đại uý. Lại gần tấm ảnh tôi nhìn thấy một dòng chữ rất mờ Lộc Văn Lùng, chúng tôi như reo lên vì đã tìm đúng nhà, đúng người và trong câu chuyện này có cái gì đấy rất li kỳ mà chính chúng tôi không lý giải nổi.

Cậu bé chăn trâu vượt biên tìm Đảng

Thấy có khách mấy bác hàng xóm cứ nhoay nhoáy gọi điện cho chủ nhà. Chưa đầy 20 phút cả nhà đã có mặt đông đủ. Giới thiệu từng thành viên trong gia đình với khách xong bác Lộc Thị Dung, con gái ông Lộc Văn Lùng đứng trước bàn thờ rành rẽ: “Bố ơi hôm nay có nhà báo Lạng Sơn, anh Hải Tỉnh đội, chị doanh nghiệp đến thắp hương cho bố”. Rồi nước mắt chị chảy thành hàng dù vẫn nói, cười với khách. Chị kể rành rẽ từng chi tiết, kể như chưa bao giờ được kể, sợ chúng tôi không nghe hết. Cũng phải thôi, đã bao năm nhiều người không biết ông Lùng là ai, phải nhớ, phải nói chứ kẻo nữa lại quên. Theo bà Dung, ông Lộc Văn Lùng sinh năm 1903, tại Nà Chuông, Cao Lộc. Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, cậu Lùng rất căm tức nên hay nghĩ ra những trò để trêu trọc chúng. Có lần cậu cùng đám bạn chăn trâu làm cờ ba que cắm lên bãi phân trâu. Hành động ấy được coi là chống lại nhà nước bảo hộ nên mẹ ông bị gọi lên và suýt bị phạt. Năm 1924, nghe tin ở nước ngoài tập hợp thanh niên yêu nước, thế là cậu Lùng khăn gói vượt biên. Trong gần chục năm, từ thanh niên yêu nước, được Đảng soi đường, Lộc Văn Lùng đã trở thành chiến sỹ cộng sản. Thời điểm ấy ngày đi làm, tối ôn luyện, học đủ thứ để về quê hương.


(http://baolangson.vn/upload//Thang-12/15-12/lung-3.jpg)

Bà Lộc Thị Dung, con gái ông Lùng nói chuyện về ông với phóng viên


Năm 1941 khi Bác về nước cậu Lùng cũng cùng những người cộng sản lần lượt về Cao Bằng xây dựng cơ sở. Ngày 22/12/1944,  khi 34 chiến sĩ Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tuyên thệ Lộc Văn Lùng là 1 trong 34 chiến sĩ trong hàng ngũ đó và cũng là người Lạng Sơn duy nhất có mặt trong đội hình quân giải phóng. Ngày đầu mới thành lập, ông được Bác Hồ tin tưởng giao cho 500 đồng Đông Dương để mua sắm hậu cần cho đội. Và ông trở thành người đầu tiên trong ngành hậu cần quân đội. Ngay khi được giao tiền ông ra chợ mua một chiếc chảo để nấu ăn cho anh em trong đội, thế nên khoản chi đầu tiên của ngành tài chính là một chiếc chảo. Với cương vị làm quản lý, lo từng bữa ăn cho đội ông đã làm tròn trọng trách để quân ta đánh thắng đồn Phai Khắt, Nà Ngần lập chiến công đầu. Khi biết tin ông Lộc Văn Lùng theo cách mạng, bọn cường hào địa phương luôn rình mò, làm khó dễ với gia đình ông, có lúc chúng bắt mẹ ông và vợ ông nhốt mấy ngày liền. Những hy sinh cay đắng ấy chắc còn ít người biết.

Năm 1954, khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội ông được phân về một đơn vị tăng gia. Theo bà Dung, con gái ông Lùng sau khi nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đến đơn vị phong quân hàm đại uý và đưa về Bộ Quốc phòng. Với ông đấy là niềm vui nhưng ông còn một nỗi buồn là sau nhiều lần sinh nở mẹ tròn, con không vuông vợ ông không sinh thêm được. Cũng theo bà Dung, cả bà và ông Lộc Văn Niếng (tức Lý A Niếng) được ông nhận làm con nuôi, riêng bà Dung được nhận tại Bệnh viện Bạch Mai khi bà mới lọt lòng, vì bố mẹ đẻ của bà phải đi làm nhiệm vụ tại chiến trường miền Nam. Năm 1963, do sức yếu, ông Lộc Văn Lùng xin về địa phương đoàn tụ gia đình. Từ đó ông luôn là người cha mẫu mực, ông luôn dạy con phải sống sao cho xứng đáng với những người đi trước. Đặc biệt với bà Dung ông vừa là người cha vừa là người bạn. Một chi tiết mà bà Dung còn nhớ mãi: “Khi Bác Hồ mất, bố tôi tự làm khăn tang đội cho tôi, rồi bố tôi nói, có Bác mới có bố con mình hôm nay, con hãy nhớ điều đó”. Cho đến hôm nay khi ông đã đi xa nhưng bà Dung con gái ông vẫn khắc ghi lời bố, một người chiến sĩ cánh mạng trong Đội tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa.


(Bài viết có sử dụng tư liệu của bà Lộc Thị Dung và ông Đường Văn Hải, thuộc Ban chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn)

Bài, ảnh(ST): Nguyễn Đông Bắc

Nguồn: http://baolangson.vn/tin-bai/phong-su/co-mot-nguoi-xu-lang-trong-34-chien-si-nam-xua/30-85-58147


Tiêu đề: Re: Nhân vật lịch sử 64 tình thành trong kháng chiến chống Pháp
Gửi bởi: hoi_ls trong 24 Tháng Mười, 2017, 03:54:47 pm
Thanh gươm của cụ Mét

Ngọn đồi Xu Mông với bạt ngàn cây xà nu (cây thông ba lá), nơi ông A Mét đi đi về về trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đã trở thành nguyên mẫu cụ Mết trong truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc).

(http://baogialai.com.vn/dataimages/201710/original/images2580921_g_1.jpg)

Ông Đinh Rương và thanh gươm, kỷ vật của cụ A Mét

Nhưng mấy ai biết, làng kháng chiến và cuộc đời của người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân A Mét trong đời thực có khác gì truyện.

Khi chúng tôi hỏi đường về làng Xốp Dùi cũ của cụ A Mét, ông A Nghem, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Xốp, H.Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, bảo làng Xốp Dùi đã di cư hàng chục ki lô mét từ làng cũ về trung tâm xã mấy mươi năm nay. Làng cũ bây giờ không còn ai ở nữa. Muốn về phải qua ngọn đồi Xu Mông có rừng xà nu trùng điệp. Ngọn đồi này xưa là chỗ "ưỡn ngực" đỡ đạn pháo khi các đồn binh Pháp bắn vào làng, cũng là nơi đội quân của cụ A Mét trinh sát, canh gác mỗi ngày để đánh lính Pháp và sau này là Mỹ đi càn qua làng.

(http://baogialai.com.vn/dataimages/201710/original/images2580922_g_2.jpg)

Đường về xã Xốp

Tao là Đinh Môn đây!

Chuyện đánh giặc của cụ A Mét vô cùng ly kỳ. “Tui nghe nói cha tui đánh giặc tài lắm, nên nhiều lần hỏi ông A Rin (cùng chỉ huy trong đơn vị với cụ A Mét) và mấy già làng, ai cũng nói chuyện thiệt còn hay hơn chuyện kể. Đi đánh giặc, trải qua hai cuộc kháng chiến, ổng không bao giờ mặc áo, cầm súng mà chuyên đóng khố, khoác tấm dồ, dắt theo thanh gươm”, ông Đinh Rương (66 tuổi, con cụ A Mét, ở TT.Đăk Glei, H.Đăk Glei) kể.

Hồi đó, Pháp thưởng đến 500 con trâu cho ai giúp bắt được Đinh Môn (tên thật của cụ A Mét). Có điều, lính Pháp (kể cả lính Mỹ sau này cũng vậy) không ai biết mặt Đinh Môn ra sao. Có một lần, thấy một người Xê Đăng vào đồn lính Pháp nói sẽ đưa đi bắt "thằng Môn". Đến một con dốc, người Xê Đăng kia hú lên một tiếng rồi lăn xuống dốc, còn cả trung đội lính Pháp thì hứng trọn bẫy đá và mưa tên của quân Đinh Môn mai phục.

Một lần khác, lính Pháp thấy một sĩ quan người Việt phục vụ cho quân đội Pháp bước vào đồn nói: “Chúng mày biết mặt thằng Môn chưa mà đòi bắt? Tao vừa được báo nó ở bên kia, mau theo tao”. Thế là Pháp huy động quân đi ngay. Kết cục, lại rơi vào phục kích của quân Đinh Môn và viên sĩ quan kia chính là Đinh Môn cải trang. Lúc ấy ông hét lớn: “Tao là Đinh Môn đây!”, khiến đám lính Pháp khiếp đảm.

Có lần Đinh Môn bị sốt rét hành nên nằm vật vạ ven đường, lính Pháp đi càn tưởng người đã chết bèn bảo người dân mang đi chôn. Do quan niệm là ma xấu, dân làng đưa xác lên bỏ vào hang đá ở trên núi. Vài hôm sau hết sốt, Đinh Môn về làng, dân làng sợ, tưởng là ma thì ông cười lớn: “Tao Đinh Môn đây, không chết đâu, người thật đấy”.

(http://baogialai.com.vn/dataimages/201710/original/images2580923_g_3.jpg)

Bằng truy tặng Anh hùng LLVT nhân dân của cụ A Mét


(http://baogialai.com.vn/dataimages/201710/original/images2580924_g_4.jpg)

Cụ A Mét

Truy quét, tìm diệt không được, lính Pháp rất sợ Đinh Môn, cho là "có bùa" nên đạn bắn không chết. Sợ nhất là ông cải trang nhiều lần nhưng chẳng lặp lại bao giờ, trong khi đó ông rất khỏe và bắn súng rất thiện xạ. "Sau năm 1975, một hôm ông mang theo súng AR15 dẫn tui vào rừng, đưa nòng súng hướng lên một cây cao 30 - 40 m, bắn rớt con chim bằng một phát súng", ông Đinh Rương kể.

Còn nói về sức khỏe, ông Môn dù cao chỉ hơn 1,6 m nhưng khỏe như một con trâu mộng. Khi thiếu thuốc nổ đánh xe cơ giới của Pháp, Đinh Môn cải trang xin lính Pháp đi làm dân vệ, xung phong đánh bộc phá làm đường. Viên sĩ quan Pháp thấy Đinh Môn nhỏ con, có ý chê, ông liền chỉ đám dân vệ cao to, nói: Tao vật ngã hết đám này. Viên sĩ quan Pháp bảo thử, Đinh Môn làm thật, tất cả nhóm dân vệ to cao đều bại dưới tay ông. Đinh Môn làm dân vệ một thời gian, kiếm được vô số thuốc nổ. Về sau, xe nhà binh Pháp bị cháy đều do bị dính mìn, bộc phá cài ven đường, nhưng đâu biết thuốc nổ này do chính mình vô tình cấp cho Đinh Môn.

Nhận ra con nhờ vết sẹo

Theo ông Đinh Rương, ngày còn nhỏ, một lần ông A Mét đang nướng bắp cho ông Rương ăn thì gặp “con chim sắt” (máy bay) của Pháp bay tạt qua nên bất cẩn để lửa táp vào đầu gối bên phải của ông Rương. Vết phỏng khá nặng nên để lại sẹo. Sau đó, năm 3 tuổi, ông Đinh Rương theo cha mẹ tập kết ra Bắc. Đến năm 1959, ông A Mét cùng anh hùng Núp được gặp Bác Hồ và xin Bác cho về Nam chiến đấu. Ông A Mét gửi Đinh Rương ở lại học tại Trường nội trú thiếu nhi dân tộc ở thủ đô Hà Nội.

Năm 1975, khi đất nước thống nhất, Đinh Rương vội đi tìm cha. Trong bộ quân phục quân giải phóng, Đinh Rương đến tìm cha tại Huyện ủy Đăk Glei khi ông đang họp với lãnh đạo huyện và tỉnh Kon Tum. Nghe thông báo có con trai tìm gặp, ông A Mét bảo với bộ đội bảo vệ: Nếu là thằng Rương thì đầu gối bên phải có vết thương đã lành.

Khi ông Đinh Rương ngồi chờ ở phòng bảo vệ, anh bộ đội vờ như thân mật, khéo léo tìm cách kiểm tra đầu gối ông Rương, thấy đúng như ông A Mét nói. Khi đó ông A Mét cũng vừa rời cuộc họp ra. Gần 20 năm mới gặp lại, hai cha con nhìn nhau rưng rưng rồi dắt nhau đi bộ dọc vỉa hè của TX.Kon Tum để hàn huyên. Ông Đinh Rương kể và chỉ cho tôi xem vết thương ngày nướng bắp ấy. "Nhờ vết thương này, hai cha con mới nhận ngay ra nhau. Bởi biền biệt xa cách gần 20 năm, tui khi ấy còn nhỏ, không thể nào nhớ gương mặt cha được mà cha cũng khó nhận ra tôi vì thay đổi quá nhiều", ông Rương nói.

(http://baogialai.com.vn/dataimages/201710/original/images2580925_g_5.jpg)

Làng Xốp Dùi ở trung tâm xã Xốp ngày nay

Kỷ vật cuối cùng

Chiều Tây nguyên nhạt nắng, hoàng hôn gieo vàng ắp những ngọn đồi. Hôm ấy, ông Đinh Rương đưa tôi lên căn gác nhỏ, nơi thờ cúng cha mình. Ông vào phòng trong cầm ra một thanh gươm dài hơn 0,5 m. "Tục đồng bào Xê Đăng là chôn của theo người chết. Thanh gươm này thì không, bởi khi còn sống, cha dặn tui phải giữ thanh gươm này. Nó là vật tùy thân theo ông qua hai cuộc kháng chiến", ông Rương bùi ngùi.

Sở dĩ ông A Mét bảo lưu giữ là vì, vào năm 1998, những kỷ vật cùng ông đi qua hai cuộc kháng chiến như chiếc dồ dài 12 m, bộ cung tên, chiếc gùi nhỏ và vài vật dụng khác đã bị lửa thiêu rụi theo trận hỏa hoạn ở xã Xốp. Sau vụ cháy ấy, ông A Mét rất buồn, 2 năm sau thì mất.

Hỏi về lai lịch thanh gươm, ông Đinh Rương không biết nó có từ bao giờ. Theo lời nhủ của ông A Mét, nó được rèn ở Quảng Nam, xưa to bản nhưng qua năm tháng, giờ chỉ còn bằng 2 ngón tay, sắc bén lạ thường. Đốc gươm được khảm bằng đồng, còn bao bằng gỗ cây rừng ghép lại. "Bảo tàng và một số đơn vị đặt vấn đề hỏi mua thanh gươm, nhưng gia đình không đồng ý. Bởi đó là kỷ vật cuối cùng của ông cụ", ông Đinh Rương nói.

Phạm Anh

Truy tặng danh hiệu anh hùng

Trải qua hai cuộc kháng chiến, cụ A Mét (Đinh Môn) được thưởng nhiều huân chương cao quý. Năm 2012, cụ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, do có nhiều thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp.

Cụ A Mét mất vì bệnh vào tháng 12.2000, thọ 87 tuổi.



Nguồn: https://thanhnien.vn/doi-song/thanh-guom-cua-cu-met-890757.html